SlideShare a Scribd company logo
1 of 34
E-mail: gxmehangcuugiup@gmail.com Website: www.trungtammucvudcct.com
"BIỂN NHỚ TÊN EM GỌI VỀ..."
Vào Mùa Chay, Hội Thánh
giới thiệu với chúng ta những
gương mặt, qua đó, tình thương và
quyền năng của Chúa được biểu lộ
một cách rõ rệt trong cuộc đời của
họ. Một trong những gương mặt
tiêu biểu đó, chính là Môsê.
Bài đọc thứ nhất trong Kinh
Sách ngày thứ sáu sau Lễ Tro đã
bắt đầu giới thiệu gương mặt này.
Môsê được nói đến trong sách Xuất
Hành. Ông sinh ra trong một hoàn
cảnh nghiệt ngã, Pharaô đã ra lệnh
giết chết tất cả các bé trai Do Thái
khi chào đời, mẹ ông lén lút nuôi
ông, nhưng không thể kéo dài lâu được nữa, bèn bỏ con mình vào một cái giỏ thả trôi sông, xuôi theo
giòng nước, nơi có công chúa của Ai Cập đang tắm. Cô chị khôn ngoan của em bé vẫn lần mò theo dõi
cái giỏ đang lững lờ trôi trên sông. Công chúa Ai Cập đã vớt được cái giỏ có chú bé nằm trong đó, nàng
nhận bé làm con nuôi, qua trung gian của chị bé, công chúa nhờ chính mẹ bé cho bé bú với tư cách là
người vú nuôi. Tên Môsê của em bé có ý nghĩa là được vớt từ nước lên ( Xh 2, 1 – 10 ).
Câu 11 – 13, chương 2, sách Xuất Hành kể lại rằng: Môsê lớn lên trong triều đình của người Ai
Cập, nhưng lòng ông vẫn nhớ và hướng về đồng bào ruột thịt của mình đang chịu cảnh nô lệ khổ đau,
chính giòng sữa mà mẹ ông cho ông bú đã nuôi tâm hồn ông vẫn mãi là người Do Thái chứ không phải
là người Ai Cập. Kình Thánh nói vỏn vẹn một câu: “Ông ra ngoài thăm anh em đồng bào và thấy
những việc khổ sai họ phải làm” ( c. 11 ), chỉ một câu ấy thôi đủ để diễn tả lòng ông Môsê. Ra ngoài,
ông ra khỏi chăn êm nệm ấm, ra ngoài, ông ra khỏi sự phú quí giàu sang, ra ngoài, ông ra khỏi quyền
cao chức trọng, ra ngoài, ông ra khỏi những đặc ân đặc lợi.
Xướng đáp Kinh Sách còn nhận định như sau: “Nhờ Đức Tin, ông Môsê khi lớn lên đã từ
chối không chịu cho người ta gọi là con của con gái vua Pharaô; ông thà chịu ngược đãi cùng
với dân Thiên Chúa còn hơn được hưởng cái sung sướng chóng qua“. Môsê đã chọn lập trường
khổ chung cái khổ của dân, đau chung cái đau của dân, chia sẻ nỗi đằng cay với dân của mình nhờ đức
tin, cho dù ông đang đầy đủ điều kiện sống trong bình an, sung sướng. Ông không cần tìm, không cần
thỏa hiệp, không cần chạy theo tâng bốc kẻ quyền thế, không cần vào hùa chà đạp người khác, ông vẫn
có đầy đủ điều kiện để sống giàu sang phú quí.
Nhớ cách đây không lâu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ với mọi người về sứ mạng mục tử
của ngài là: “mang lấy mùi chiên”. Chắc chắn mùi chiên không lấy gì là thơm tho, vì hiện nay rất nhiều
chiên bị đọa đày, bị đau khổ, bị hành hạ, bị loại trừ, bị đàn áp. Chẳng có chiên nào bị đọa đày, bị đau
khổ, bị hành hạ, bị loại trừ, bị đàn áp mà lại thơm tho cả, chúng mang đầy thương tích, thân mình bị ứa
máu, lở loét, lấm lem và dơ bẩn. Nhưng mang lấy mùi chiên cũng là mang lấy mùi của Con Chiên Thiên
Chúa, Con Chiên của vinh quang, chiến thắng sự dữ, đem lại sự sống đời dời, Con Chiên thơm mùi cây
gỗ hồng phúc, Con Chiên thơm mùi máu cứu độ, Con Chiên thơm mùi bánh trường sinh. Bánh trường
sinh, máu cứu độ, gỗ hồng phúc từ thân mình đầy những vết thương.
1
NĂM THỨ 14 – SỐ 601 – CHÚA NHẬT 9.3.2014
Ông Môsê không thể nào quên mình từ đâu tới, mình ở đâu ra, nơi nào là cội nguồn của mình,
ông không thể nào quên mà quay lưng với anh em cốt nhục của mình. Tiếng sóng của giòng sông vẫn
vang dội trong ông, trong hồn ông, nhắc ông quay về với đất nước, với dân tộc, với lòng tin, với cội
nguồn. Nhắc ông chấp nhận sự chịu ngược đãi để được đồng hành với cội nguồn của ông. Chính ý
thức này đưa ông tới sứ mạng mà Chúa sẽ chọn ông.
Có tiếng sóng biển của cội nguồn nào thức tỉnh những ai đang tìm thỏa hiệp, đon đả quỵ luỵ, và
cấu kết với sự dữ không nhỉ ?
Lm. VĨNH SANG, DCCT, Chúa Nhật 9.3.2014
MỤC LỤC TÌM BÀI:
"BIỂN NHỚ TÊN EM GỌI VỀ..." ( Lm. Vĩnh Sang ) ............................................................................... 01
SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2014 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ( Bản dịch Lm. Trần Đức Anh ) ....... 02
TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG – Chương 4 ( ĐTC. Phanxicô – Bản dịch Joseph C. Pham ) ... 05
TÊN CÁM DỖ ( Charles Singer, Prier ) .................................................................................................. 08
CHIẾN THẮNG CÁM DỖ ...................................................................................................................... 09
ĐỨNG VỀ PHÍA THIÊN CHÚA ĐỂ CHỐNG LẠI TÊN CÁM DỖ ( Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ ) ............ 11
PHƯƠNG THẾ CHIẾN THẮNG CÁM DỖ ( Lm. Giuse Nguyễn Hữu An ) ............................................. 12
PARAGUAY – TÂM TÌNH MÙA CHAY 2014 ( Lm. Antôn Trần Xuân Sang ) ......................................... 15
CHAY TỊNH THEO NỀN TẢNG KINH THÁNH ( Bản dịch của Trầm Thiên Thu ) .................................. 17
THẦN HỌC VỀ THÂN XÁC VÀ HOẠT ĐỘNG TÍNH DỤC – Kỳ 4 ( Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn ) .......... 20
TẤM GƯƠNG MỤC TỬ ( Trần Mạnh Trác ) .......................................................................................... 24
PHONG CÁCH PHANXICÔ – Bài 6: ( Nguyễn Trung ) .......................................................................... 25
NGƯỜI CÔNG GIÁO TỐT MỌI THỜI ( Phùng Văn Hoá ) .................................................................... 27
“HÃY ĐỒNG HÀNH, ĐỪNG KẾT ÁN NHỮNG NGƯỜI ĐỔ VỠ HÔN NHÂN” ( ĐTC Phanxicô ) .......... 30
TÂM TÌNH VỚI NGƯỜI HỌC TRÒ CŨ ( Hạnh Nguyên ) ...................................................................... 34
SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2014
CỦA ĐỨC THÁNH CHA
"Ngài đã trở nên nghèo để làm cho chúng ta
được giàu có nhờ cái nghèo của Ngài”
( Xc. 2 Cr 8, 9 )
Anh chị em thân mến,
Nhân dịp Mùa Chay, tôi muốn cống hiến anh chị
em vài suy tư có thể giúp anh chị em trong hành trình
hoán cải bản thân và cộng đồng. Tôi lấy hứng từ câu nói
của thánh Phaolô: "Thực vậy, anh chị em biết lòng
quảng đại của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta: Ngài
giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo vì anh chị em, để
anh chị em trở nên giàu sang nhờ cái nghèo của
Ngài” ( 2 Cr 8, 9 ). Thánh Tông Đồ ngỏ lời với các tín hữu
Kitô thành Côrintô để khích lệ họ quảng đại trong việc
giúp đỡ các tín hữu thành Giêrusalem ở trong tình trạng
túng thiếu. Những lời này của Thánh Phaolô nói gì với các Kitô hữu chúng ta ngày nay ? Lời nhắn nhủ trở
nên nghèo khó, sống thanh bần theo tinh thần Tin Mừng có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay ?
Ân sủng của Chúa Kitô
Trước tiên những lời ấy nói với chúng ta đâu là đường lối của Thiên Chúa. Thiên Chúa không tỏ
mình bằng những phương thế quyền lực và giàu sang của trần thế, nhưng bằng những phương thế yếu
đuối và nghèo nàn: "Ngài giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo vì anh chị em..." Chúa Kitô, Con vĩnh cửu
của Thiên Chúa, đồng hàng với Chúa Cha về quyền năng và vinh quang, đã trở nên nghèo; Ngài đã
xuống giữa chúng ta, trở nên gần gũi với mỗi người chúng ta; Ngài đã cởi bỏ, "trở nên trống rỗng", để
trở nên giống chúng ta hoàn toàn ( Xc. Pl 2, 7; Dt 4, 15 ).
2
CÙNG LẮNG NGHE
Mầu nhiệm nhập thể của Thiên Chúa cao cả dường nào ! Chính tình yêu của Thiên Chúa là
nguyên nhân mầu nhiệm ấy, một tình yêu là ân sủng, lòng quảng đại, ước muốn trở nên gần gũi, và
không do dự hiến thân và hy sinh vì những thụ tạo mà Ngài yêu mến. Lòng bác ái, tình yêu, có nghĩa là
chia sẻ trong mọi sự số phận của người mình yêu. Tình yêu làm cho trở nên giống nhau, kiến tạo sự
bình đẳng, phá đổ các bức tường và những ngăn cách. Và đó là điều Thiên Chúa đã làm với chúng ta.
Thực vậy, Chúa Giêsu "đã làm việc bằng đôi bàn tay của con người, đã suy nghĩ với trí thông minh của
con người, đã hành động với ý chí của con người, đã yêu thương với trái tim của con người. Sinh bởi
Đức Trinh Nữ Maria, Ngài đã thực sự trở nên một người trong chúng ta, giống chúng ta trong mọi sự
ngoại trừ tội lỗi" ( Gaudium et Spes, 22, 2 ).
Lý do thúc đẩy Chúa Giêsu trở nên nghèo không phải là sự nghèo nàn tự nó, nhưng, như Thánh
Phaolô đã nói, "...là để anh chị em trở nên giàu sang nhờ cái nghèo của Ngài". Đây không phải là một kiểu
chơi chữ, một kiểu nói để gây ấn tượng ! Trái lại đó là một sự tổng logic của Thiên Chúa, logic yêu thương,
lôgic Nhập Thể và Thập Giá. Thiên Chúa đã không làm cho Ơn Cứu Độ rơi xuống chúng ta từ trên cao, như
kẻ thương người lấy của dư thừa của mình mà làm phúc bố thí. Đó không phải là tình yêu của Chúa Kitô !
Khi Chúa Giêsu bước xuống sông Giođan và chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả, Ngài không hành
động vì thấy cần phải thống hối, hoán cái; Ngài làm như thế để nhập hàng giữa dân chúng là những người
đang cần ơn tha thứ, Ngài ở giữa chúng ta là những người tội lỗi, và gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Đó
chính là con đường Ngài chọn để an ủi chúng ta, cứu thoát chúng ta, giải phóng chúng ta khỏi tình trạng
lầm than. Chúng ta có ấn tượng mạnh vì Thánh Tông Đồ nói rằng chúng ta đã được giải thoát không phải
nhờ sự giàu sang của Chúa Kitô, nhưng nhờ cái nghèo của Ngài. Tuy Thánh Phaolô biết rõ "những sự
phong phú khôn lường của Chúa Kitô" ( Ep 3, 8 ), "là người được thừa tự mọi sự" ( Dt 1, 2 ).
Như thế, cái nghèo mà Chúa Giêsu dùng để giải thoát chúng ta và làm cho chúng ta trở nên giàu
sang, là gì ? Thưa đó chính là cách thức Ngài yêu thương chúng ta, Ngài trở nên người thân cận của
chúng ta như Người Samari nhân lành đến gần người bị bỏ mặc giở sống giở chết bên vệ đường ( Xc.
Lc 10, 25tt ). Điều mang lại cho chúng ta tự do chân thực, Ơn Cứu Độ thực sự và hạnh phúc đích thực
chính là tình yêu thương xót, dịu dàng và chia sẻ của Ngài.
Cái nghèo của Chúa Kitô làm cho chúng ta được giàu sang chính là sự kiện Ngài làm người,
gánh lấy những yếu đuối của chúng ta, tội lỗi của chúng ta, thông truyền cho chúng ta lượng từ bi vô
biên của Thiên Chúa. Cái nghèo của Chúa Kitô là sự giàu sang lớn nhất: Chúa Giêsu giàu lòng tín thác
vô biên nơi Thiên Chúa Cha, tín thác nơi Cha trong mọi lúc, luôn luôn và chỉ tìm kiếm thánh ý và vinh
danh Thiên Chúa. Ngài giàu sang như một trẻ em giàu sang khi cảm thấy được yêu thương và mến yêu
cha mẹ, và không nghi ngờ một giây phút nào về tình thương và sự dịu dàng của cha mẹ.
Sự giàu sang của Chúa Giêsu chính là Con
Thiên Chúa; tương quan có một không ai với Chúa Giêsu
chính là đặc ân cao cả nhất của Đấng Messia nghèo khó
này. Khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy mang lấy "ách
nhẹ nhàng" của Ngài, Ngài mời gọi chúng ta hãy trở nên
giàu có bằng "cái nghèo giàu sang" và "sự giàu sang
nghèo" của Ngài, chia sẻ với Ngài tinh thần con thảo và
huynh đệ, trở nên con cái trong Con của Ngài, là anh em
trong người Anh Trưởng Tử ( Xc. Rm 8, 29 ).
Người ta nói rằng có một điều sầu muộn duy
nhất, đó là sầu muộn vì không được nên thánh ( L. Bloy
); chúng ta cũng có thể nói rằng có một sự lầm than
đích thực duy nhất, đó là: không sống như con cái
Thiên Chúa và như những người em của Chúa Kitô.
Chứng tá của chúng ta
Chúng ta có thể nghĩ rằng "con đường" nghèo như thế là con đường của Chúa Giêsu, trong khi
chúng ta, là những người đến sau Ngài, chúng ta có thể cứu vớt thế giới bằng những phương thế thích
hợp của con người. Không phải như vậy. Trong mọi thời đại và mọi nơi, Thiên Chúa tiếp tục cứu vớt
con người và thế giới nhờ cái nghèo của Chúa Kitô, Đấng trở nên nghèo trong các Bí Tích, trong Lời
Chúa và trong Giáo Hội của Ngài, là một dân tộc gồm những người nghèo. Sự giàu sang của Thiên
Chúa không thể đến với chúng ta qua sự giàu sang của chúng ta, nhưng luôn luôn và chỉ qua cái nghèo
của chúng ta, bản thân và cộng đoàn, được Thần Khí của Chúa Kitô linh hoạt.
Noi gương Thầy Chí Thánh, các Kitô hữu chúng ta được kêu gọi hãy nhìn đến tình cảnh lầm
than của anh chị em chúng ta, động chạm đến, gánh lấy và hoạt động cụ thể để thoa dịu những lầm
3
than ấy. Lầm than ( miseria ) không đồng nghĩa với nghèo ( povertà ); lầm than là sự nghèo nàn không
có lòng tín thác, không có tình liên đới, không có hy vọng.
Chúng ta có thể phân biệt ba loại lầm
than: lầm than vật chất, lầm than luân lý và lầm
than tinh thần. Lầm than vật chất vẫn thường
được gọi chung là sự nghèo khổ và đè nặng trên
những người sống trong hoàn cảnh không xứng
đáng với con người: những người bị thiếu các
quyền cơ bản và nhu yếu phẩm như lương thực,
nước, những điều kiện vệ sinh, công ăn việc làm,
khả năng phát triển và tăng trưởng về văn hóa.
Đứng trước lầm than này, Giáo Hội cống
hiến dịch vụ của mình, diakonia, để đi gặp gỡ
những người túng thiếu và chữa lành những vết
thương làm xấu xí khuôn mặt của nhân loại. Nơi
những người nghèo và những người rốt cùng,
chúng ta nhìn thấy tôn nhan của Chúa Kitô; khi
yêu thương và giúp đỡ những người nghèo, chúng ta yêu mến và phụng sự Chúa Kitô. Sự dấn thân của
chúng ta cũng nhắm làm sao để chấm dứt những vụ vi phạm phẩm giá con người trên thế giới, những
kỳ thị và lạm dụng là nguồn gốc gây ra lầm than trong bao nhiêu trường hợp. Khi quyền lực, sa hoa và
tiền bạc trở thành thần tượng, thì người ta coi chúng quan trọng hơn đòi hỏi phải phân phối công bằng
những của cải. Vì thế, lương tâm cần hoán cải, trở về với công lý, sự bình đẳng, sự điều độ và chia sẻ.
Điều không kém phần gây lo âu chính là lầm than luân lý, nó hệ tại trở nên nô lệ cho những tật
xấu và tội lỗi. Bao nhiêu gia đình lo âu vì có một trong những phần tử của mình, thường là người trẻ,
nghiện ngập rượu, ma túy, cờ bạc và dâm ô ! Bao nhiêu người đã đánh mất ý nghĩa cuộc sống, thiếu
những viễn tượng tương lai và mất hy vọng ! Và bao nhiêu người bị bó buộc sống trong lầm than luân lý
do những điều kiện xã hội bất công, thiếu công ăn việc làm, khiến họ không còn phẩm giá mang cơm
bánh về nhà, thiếu bình đẳng trong các quyền giáo dục và sức khỏe.
Trong những trường hợp ấy, lầm than luân lý có thể được gọi là một sự bắt đầu tự sát. Hình
thức lầm than này cũng là nguyên nhân làm cho nền kinh tế suy sụp, nó luôn gắn liền với lầm than tinh
thần khi chúng ta xa lìa Thiên Chúa và từ khước tình thương của Ngài. Nếu chúng ta cho rằng mình
không cần Thiên Chúa, Đấng đang giơ tay cho chúng ta trong Chúa Kitô, vì chúng ta nghĩ mình tự mãn,
thì chúng ta đang đi vào con đường thất bại. Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể cứu vớt và giải thoát
chúng ta thực sự.
Tin Mừng là thuốc giải độc đích thực chống lại lầm than tinh thần: Kitô hữu được mời gọi mang
vào mọi môi trường lời loan báo giải thoát, theo đó có sự tha thứ tội lỗi đã phạm, Thiên Chúa cao cả
hơn tội lỗi chúng ta và Ngài yêu thương chúng ta một cách nhưng-không, luôn luôn, và chúng ta được
dựng nên để hiệp thông và sống vĩnh cửu. Chúa mời gọi chúng ta hãy trở thành những người hân hoan
loan báo sứ điệp từ bi và hy vọng ấy !
Thật là đẹp khi cảm nghiệm niềm vui loan truyền Tin Mừng đó, chia sẻ kho tàng đã được ủy thác
cho chúng ta, để an ủi những con tim tan vỡ và mang lại hy vọng cho bao nhiêu anh chị em chúng ta
đang bị bóng đêm bao phủ. Vấn đề ở đây là đi theo và noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã đi đến với
người nghèo và tội nhân như một mục tử đi tìm con chiên bị lạc mất, và Ngài đến gặp chúng ta với đầy
tình yêu thương. Khi hiệp nhất với Chúa, chúng ta có thể can đảm mở ra những con đường mới để loan
báo Tin Mừng và thăng tiến con người.
Anh chị em thân mến, ước gì Mùa Chay này thấy được toàn thể Giáo Hội sẵn sàng và mau mắn
làm chứng cho những người đang sống trong tình trạng lầm than vật chất, luân lý và tinh thần: làm
chứng về sứ điệp Tin Mừng, được tóm tắt trong việc loan báo tình thương của Chúa Cha từ bi, sẵn
sàng ôm lấy mỗi người trong Chúa Kitô. Chúng ta có thể thi hành điều ấy theo mức độ chúng ta
được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Đấng đã trở nên nghèo và làm cho chúng ta
được giàu sang bằng cái nghèo của Ngài.
Mùa Chay là mùa thích hợp để cởi bỏ, làm cho chúng ta tự hỏi đâu là điều chúng ta có thể chịu
thiếu để giúp đỡ và làm cho người khác trở nên phong phú nhờ cái nghèo của chúng ta. Chúng ta
đừng quên rằng sự nghèo nàn đích thực gây đau khổ: một sự cởi bỏ mà không có chiều kích thống
hối thì không có giá trị. Tôi không tín nhiệm việc làm phúc mà chẳng làm cho chúng ta mất mát hoặc
không gây đau đớn nào.
4
Xin Chúa Thánh Linh, nhờ Ngài "chúng ta vốn là người nghèo, nhưng có khả năng làm bao
nhiêu điều phong phú: như người không có gì cả, nhưng lại sở hữu tất cả" ( 2 Cr 6, 10 ), nâng đỡ
những quyết tâm trên đây của chúng ta và củng cố trong chúng ta mối quan tâm và trách nhiệm đối với
sự lầm than của con người, để chúng ta trở nên từ bi và là những người thực thi lòng từ bi.
Với lời cầu chúc ấy, tôi hứa cầu nguyện cho anh chị em, để mỗi tín hữu và mỗi cộng đoàn Giáo
Hội tiến bước một cách hiệu quả trong hành trình Mùa Chay, và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.
Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Đức Mẹ gìn giữ anh chị em.
Vatican, 26.12.2013
Lễ Thánh Stephano, Phó Tế và là Vị Tử Đạo tiên khởi
Lm. TRẦN ĐỨC ANH, OP, chuyển ý, nguồn: Vietcatholic.org
TÔNG HUẤN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ – Kỳ 12
"NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG – EVANGELII GAUDIUM"
CHƯƠNG IV – CHIỀU KÍCH XÃ HỘI CỦA VIỆC PHÚC ÂM HOÁ
Nền kinh tế và sự phân bố thu nhập
202. Nhu cầu cần giải quyết các căn nguyên có tính hệ thống về sự nghèo nàn không thể bị trì
hoãn thêm nữa, không chỉ vì lý do thực tế về tính cấp bách của nó cho một trật tự tốt đẹp của xã hội,
nhưng còn do bởi xã hội cần phải được chữa lành khỏi một căn bệnh vốn đang làm suy yếu và băng
hoại xã hội, và vốn chỉ có thể dẫn đến những cuộc khủng khoảng mới.
Các dự án phúc lợi, vốn đáp ứng những nhu cầu cấp bách nhất định, được xem như những đáp
ứng tạm thời. Chừng nào những vấn đề của người nghèo chưa được giải quyết cách triệt để bằng việc
từ chối cơ chế tự động hoá tuyệt đối của các thị trường và việc đầu cơ tài chính và bằng việc đánh đổ
những căn nguyên có tính hệ thống về sự bất bình đẳng, thì không giải pháp nào có thể được tìm ra cho
các vấn đề của thế giới hoặc, cũng vì thế mà chẳng giải quyết được bất kỳ vấn đề nào. Sự bất bình
đẳng là cội rễ của các căn bệnh xã hội.
203. Căn tính của mỗi một người và việc theo đuổi hạnh phúc là những mối quan tâm nên có
trong việc xây dựng tất cả các chính sách kinh tế. Tuy rằng đôi khi chúng có vẻ như là một phần phụ lục
được thêm vào từ bên ngoài để lấp đầy một bài diễn văn mang tính chính trị nhưng lại khiếm khuyết
trong các cách tiếp cận hoặc các kế hoạch cho sự phát triển thực sự và toàn diện. Biết bao nhiêu lời nói
cho thấy sự khó chịu đối với hệ thống này ! Nó trở thành khó chịu khi vấn đề về đạo đức được nêu lên,
khi sự đoàn kết toàn cầu được thỉnh nguyện, khi vấn đề phân bổ hàng hoá được đề cập, khi sự ưu tiên
được tạo ra để bảo vệ người lao động và bảo vệ căn tính của những người thấp cổ bé họng, khi ám chỉ
được tạo nên để nói về Thiên Chúa Đấng đòi hỏi một sự cam kết dấn thân cho công lý.
Ở những thời điểm khác những vấn đề này được khai thác bởi một lối hùng biện nhằm làm hạ
thấp giá trị của chúng. Sự thờ ơ hiện nay khi đối diện với những vấn đề như thế làm cho cuộc sống của
chúng ta trở nên trống rỗng và làm cho ngôn từ của chúng ta mất hết ý nghĩa. Việc kinh doanh là một ơn
5
CÙNG ĐÓN NHẬN
gọi, một ơn gọi cao quý, nếu những người đang làm trong lãnh vực này thấy bản thân họ đang bị thách
đố bởi ý nghĩa quan trọng nhất trong cuộc sống; thì điều này sẽ làm cho họ thật sự phục vụ thiện ích
chung bằng việc nỗ lực để gia tăng của cải trên thế giới này và làm cho những của cải ấy được tiếp
cận dễ dàng hơn.
204. Chúng ta không còn có thể tin vào những thế lực ngầm và bàn tay vô hình của thị trường
nữa. Sự tăng trưởng về sự công bằng thì quan trọng hơn là sự tăng trưởng về kinh tế, mặc dù giả thiết
có sự tăng trưởng như thế này: nó đòi hỏi những quyết định, những chương trình, các cơ chế và tiến
trình đặc biệt hướng tới một sự phân bổ tốt hơn về thu nhập, sự tạo ra các nguồn lao động và một sự
thăng tiến toàn diện dành cho người nghèo vượt ra khỏi não trạng phúc lợi thuần tuý. Tôi tránh xa việc
đề xuất một thứ chủ nghĩa dân tuý vô trách nhiệm, nhưng là một nền kinh tế không hướng về những liệu
pháp vốn là một thứ chất độc mới, sự nỗ lực như thế để làm gia tăng lợi nhuận bằng việc cắt giảm lực
lượng lao động và từ đó gia tăng thêm những con người bị loại trừ.
205. Tôi cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta nhiều hơn nữa các chính trị gia có khả năng đối
thoại chân thành và hiệu quả hướng đến việc chữa lành những căn nguyên sâu xa nhất – và không chỉ
đơn giản là bề mặt – của những tội ác trên thế giới của chúng ta ! Chính trị, mặc dù thường bị phỉ báng,
vẫn có một ơn gọi cao quý và là một trong những hình thức cao nhất của bác ái, vì nó tìm kiếm thiện ích
chung. Chúng ta cần phải tin rằng bác ái "là nguyên lý chứ không chỉ là những mối quan hệ vi mô ( với
bạn hữu, với các thành viên trong gia đình, hoặc trong những nhóm nhỏ ) nhưng còn là những mối quan
hệ vĩ mô ( xã hội, các vấn đề kinh tế và chính trị )".
Tôi khẩn xin Thiên Chúa ban cho chúng ta nhiều hơn nữa các chính trị gia thực sự bị đánh động
bởi tình trạng xã hội, dân tộc, và cuộc sống của người nghèo ! Thật là chính đáng khi các nhà lãnh đạo
chính quyền và các lãnh đạo tài chính biết chú tâm và biết mở rộng các chân trời của họ, làm việc để đảm
bảo rằng tất cả mọi công dân đều có được việc làm, giáo dục, và hưởng sự chăm sóc sức khoẻ theo đúng
phẩm giá của mình. Tại sao lại không hướng về Thiên Chúa và xin Ngài tác động trên các kế hoạch của
họ ? Tôi vững tin rằng sự mở lòng ra với Đấng siêu việt có thể mang lại một tâm thức chính trị và kinh tế
mới sẽ đánh sập bức tường của sự phân cách giữa nền kinh tế và thiện ích chung của xã hội.
206. Kinh tế, đúng như bản chất của từ này, cần phải hiểu là nghệ thuật đạt tới được trình độ
quản trị thích hợp cho ngôi nhà chung của chúng ta, nghĩa là cả thế giới này. Mỗi một quyết sách kinh tế
có ý nghĩa được đưa ra ở một nơi trên thế giới đều có những âm hưởng đến tất cả những nơi khác; do
đó, không một chính phủ nào được hành động mà không xem xét đến trách nhiệm chung.
Theo đó, ngày càng trở nên khó để tìm ra những giải pháp mang tính địa phương cho những vấn
đề lớn lao mang tính toàn cầu vốn đang làm choáng váng các chính trị gia địa phương với hàng mớ khó
khăn cần giải quyết. Nếu chúng ta thật sự muốn đạt tới một nền kinh tế thế giới khoẻ mạnh, thì điều cần
thiết ở ngay tại ngã rẽ lịch sử này là một đường lối hiệu quả hơn của việc tương tác, hướng đến việc tôn
trọng chủ quyền của mỗi quốc gia, đảm bảo sự khoẻ mạnh về kinh tế ở tất cả các quốc gia, chứ không
phải chỉ ở một vài nước.
207. Bất cứ cộng đồng Giáo Hội nào, nếu cộng đồng ấy nghĩ rằng có thể thoải mái đi theo
đường lối của riêng mình mà không có một sự quan tâm mang tính sáng tạo và sự hợp tác hiệu quả
trong việc giúp đỡ người nghèo được sống đúng phẩm giá của họ và mở ra hướng đến với mọi người,
thì sẽ có nguy cơ sụp đổ, bất luận là nó đang nói nhiều bao nhiêu về các vấn đề xã hội hoặc phê phán
các chính phủ nhiều bao nhiêu. Nó sẽ dễ dàng trượt dài vào tinh thần thế tục được nguỵ trang bởi các
việc cử hành tôn giáo, các buổi họp không sinh hoa trái và các bài nói chuyện sáo rỗng.
208. Nếu có ai đó cảm thấy bị xúc phạm bởi những lời của tôi, tôi sẽ trả lời rằng tôi nói những lời
này bằng tất cả lòng trìu mến và bằng những ý ngay lành nhất, chứ không phải bằng những hứng thú
riêng hay một ý thức hệ chính trị. Những lời của tôi không phải là những lời của kẻ thù hoặc của một kẻ
chống đối. Tôi chỉ yêu thích việc giúp những người đang làm nô lệ cho một não trạng duy cá nhân, thờ
ơ, và hướng về bản thân được giải thoát khỏi những xiềng xích không xứng đáng đó và đạt tới một lối
sống và nghĩ mang tính nhân bản, cao quý và sinh hoa trái hơn, và đạt tới điều sẽ mang lại phẩm giá
cho sự hiện hữu của họ trên mặt đất này.
Sự quan tâm dành cho những người yếu thế
209. Chúa Giêsu, nhà truyền giáo tuyệt vời và là Tin Mừng hiện hữu nơi con người cụ thể, đồng
hoá một cách đặc biệt với những kẻ bé mọn ( x. Mt 25, 40 ). Điều này nhắc nhở chúng ta là các Kitô hữu
rằng chúng ta được mời gọi để quan tâm chăm sóc những người yếu thế ở trái đất này. Nhưng khuôn
mẫu hiện tại, với sự đề cao về thành công và sự tự lực, dường như không hứng thú lắm cho việc đầu tư
vào những nỗ lực để giúp người chậm chạp, người yếu đau, hoặc người kém năng lực để có được
những cơ hội trong cuộc sống.
6
210. Thật là chính đáng để đến gần với những hình thức mới
của sự nghèo nàn và yếu thế, ở nơi ấy chúng ta được mời gọi để nhận
ra được nỗi thống khổ của Đức Kitô, ngay cả khi điều này có vẻ như
không mang lại cho chúng ta những lợi ích hữu hình và tức thì. Tôi
nghĩ về những người vô gia cư, những người nghiện, những người tị
nạn, các dân tộc thiểu số, những người già yếu những con người vốn
bị bỏ rơi và bị cô lập ngày càng nhiều và nhiều những con người khác
nữa. Những người di dân đặt ra cho tôi một thách đố đặc biệt, kể từ
khi tôi làm mục tử của một Giáo Hội mà không có biên giới, một Giáo
Hội tự nhìn nhận mình là mẹ của tất cả mọi người.
Vì lý do này, tôi kêu gọi tất cả các quốc gia mở rộng tấm lòng,
thay vì sợ mất đi căn tính địa phương mình, sẽ cho thấy khả năng có
thể tạo ra được những hình thức tổng hợp văn hoá mới. Thật đẹp biết
bao các thành phố vượt thắng được sự ngờ vực làm tê liệt, nối kết mọi
người khác biệt và làm cho sự nối kết rất tuyệt này trở thành một nhân
tố mới cho sự phát triển ! Thật cuốn hút biết bao những thành phố này,
ngay cả trong việc thiết kế kiến trúc hạ tầng của họ, cũng đã đầy tràn
không gian nối kết, liên hệ và hứng thú trong việc nhận ra người khác !
211. Tôi luôn luôn cảm thấy đau buồn về nhiều người là nạn
nhân của nhiều loại buôn bán người khác nhau. Tôi khao khát biết bao nhiêu tất cả chúng ta nghe được
tiếng than khóc của Thiên Chúa: "Em ngươi đâu rồi ?" ( St 4, 9 ). Anh chị em của con đang làm nô lệ
đâu rồi ? Anh chị em con đang bị giết mỗi ngày trong những nhà xưởng ám muội, trong những ổ mại
dâm, nơi những trẻ em bị dùng để xin ăn, và trong việc khai thác lực lượng lao động bất hợp pháp đâu
rồi ? Chúng ta đừng bịt mắt làm ngơ như không có gì xảy ra. Có một sự đồng loã lớn lao hơn chúng ta
tưởng. Mạng lưới tội ác bẩn thỉu này hiện nay đang được thiết lập trong các thành phố của chúng ta, và
nhiều người đã nhuốm máu đôi tay của mình vốn là kết quả của một sự đồng loã trong sự thoải mái và
âm thầm của chính họ.
212. Những người nghèo khổ gấp đôi là những người phụ nữ phải kinh qua những hoàn cảnh
của sự loại trừ, cư xử bất nhân và bạo hành, bởi vì họ là những người thường xuyên là ít có khả năng
để bảo vệ các quyền của họ. Mà ngay cả như thế, chúng ta vẫn cứ luôn là những chứng tá ở giữa họ
bằng những tấm gương ấn tượng từ những công việc anh hùng mỗi ngày trong việc bảo vệ và đấu
tranh cho các gia đình yếu thế của họ.
213. Giữa những người yếu thế mà Giáo Hội đang khao khát chăm sóc bằng một tình yêu và sự
quan tâm đặc biệt là các thai nhi, những con người không có khả năng tự vệ và vô tội nhất trong số
chúng ta. Những nỗ lực ngày nay được thực hiện để chối bỏ căn tính con người của các bé và làm mọi
thứ trên mạng sống của các bé nếu người ta thích, lấy đi sự sống của các bé và thông qua các đạo luật
nhằm ngăn chặn bất kỳ ai ngáng lối đi của họ về việc làm này. Rất thường, như một cách thế của những
nỗ lực ngớ ngẩn của Giáo Hội nhằm bảo vệ sự sống của các bé, những nỗ lực được thực hiện để trình
bày về vị trí của Giáo Hội như là điều gì đó mang tính ý thức hệ, che giấu và bảo thủ.
Tuy nhiên việc bảo vệ sự sống này thì liên hệ gần gũi đến quyền con người của mỗi người và
mọi người. Nó liên quan đến sự xác tín rằng một con người luôn luôn là thánh và bất khả xâm phạm,
trong mọi hoàn cảnh và ở mọi giai đoạn phát triển. Hữu thể con người là cùng đích của chính nó và
chưa bao giờ là những phương tiện để người ta giải quyết các vấn đề khác. Một khi niềm xác tín này
tan biến, thì cũng không còn những nền tảng bền vững và lâu dài về việc bảo vệ quyền con người, vốn
luôn luôn là chủ thể cho những động cơ vô chừng chóng qua của các thế lực quyền bính vốn cứ là như
thế. Chỉ cần lý luận thôi cũng đã đủ để nhận biết giá trị bất khả xâm phạm của mỗi sự sống con người,
nhưng nếu chúng ta cũng nhìn vào vấn đề dưới nhãn quan của Đức Tin thì, "mọi sự xâm phạm đến
phẩm giá mang tính nhân vị của con người đang kêu than lên trong sự báo thù trước nhan Thiên Chúa
và là một tội chống lại Đấng Tạo Thành mỗi nhân vị".
214. Rất rõ ràng là bởi vì điều này liên hệ đến tính nhất quán mang tầm quốc tế của thông điệp
của chúng ta về giá trị con người, nên người ta không được phép mong đợi Giáo Hội thay đổi vị trí của
mình trong vấn đề này. Tôi muốn hoàn toàn trung thực trong việc xem xét này. Đây không phải là một
điều gì đó là chủ thể của những chủ trương cải cách hoặc "những vấn đề hiện đại hoá". Nó cũng không
phải là "tư tưởng cấp tiến" cố gắng để giải quyết các vấn đề bằng việc loại trừ sự sống con người.
Mặt khác, cũng là sự thật rằng chúng ta đã thực hiện quá ít để đồng hành cách đầy đủ cùng
những người phụ nữ trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn, nơi mà sự phá thai dường như là giải
pháp nhanh nhất cho nỗi đau sâu sắc của họ, đặc biệt là khi sự sống đang phát triển trong lòng họ lại là
7
kết quả của nạn hiếp dâm hoặc của một hoàn cảnh quá bĩ cực trong sự nghèo. Ai có thể vẫn bình chân
như vại trước những hoàn cảnh đau đớn thế này ?
215. Cũng có những con người mất khả năng tự vệ và yếu kém khác vốn thường được đặt dưới
sự xót thương của các lợi ích kinh tế và nạn khai thác cách bừa bãi. Tôi đang nói đến toàn thể tạo vật.
Chúng ta là những con người không chỉ là người thừa hưởng nhưng còn là những quản gia của các tạo
vật khác. Nhờ vào thân xác của chúng ta, mà Thiên Chúa đã gắn kết chúng ta cách gần gũi với thế giới
xung quanh chúng ta để chúng ta có thể cảm nhận được tình trạng sa mạc hoá đất đai gần giống như một
căn bệnh thể lý của chúng ta, và nạn diệt chủng các loài giống như một sự mất đi cách đau đớn một phần
vẻ đẹp thân thể của chúng ta. Chúng ta đừng để lại trong cuộc sống của chúng ta những lằn cắt của sự
huỷ diệt và chết chóc vốn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta và của những thế hệ tương lai.
Ở đây tôi muốn mượn lời than
van có tính lay động và tiên tri được nói
lên vài năm về trước bởi Hội Đồng Giám
Mục Philipines: "Một sự phong phú
không thể tin được các loài côn trùng
sống trong rừng và đang bận rộn với rất
nhiều nhiệm vụ... Các loài chim thì bay
trên bầu trời, những bộ lông sặc sỡ của
chúng và những ơn gọi khác nhau của
chúng mang thêm sắc mầu và tiếng ca
cho sắc xanh của các cánh rừng... Thiên
Chúa đã tiền định vùng đất này cho
chúng ta, các thọ tạo đặc biệt của Ngài,
nhưng không phải vì thế mà chúng ta có
thể huỷ diệt nó và biến nó thành một
mảnh đất hoang... Sau một đêm mưa,
hãy nhìn những dòng sông nâu mầu
sôcôla ở địa phương của các bạn và hãy nhớ rằng chúng mang dòng máu sự sống của đất đổ ra biển...
Làm sao cá có thể bơi lội trong các hệ thống thoát nước giống như sông Pasig và nhiều con sông khác
mà chúng ta đã làm ô nhiễm ? Ai đã biến thế giới kỳ diệu của biển cả thành những nghĩa trang dưới
nước bị tước mất màu sắc và sự sống ?" ( Ảnh chụp sông Pasig bị ô nhiễm, lấy từ Google ).
216. Nhỏ bé nhưng mạnh mẽ trong tình yêu của Thiên Chúa, giống như Thánh Phanxicô Assisi,
tất cả chúng ta, là các Kitô Hữu, đều được mời gọi để chăm sóc và bảo vệ thế giới mỏng manh này mà
chúng ta đang sống, và tất cả mọi dân tộc của trái đất này.
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ,
bản dịch của JOSEPH C. PHẠM ( còn tiếp nhiều kỳ )
TÊN CÁM DỖ
Hắn đã đến gặp tôi, chính hắn, TÊN XẢO QUYỆT,
Hắn luôn sục sạo quanh đây, bày mưu lập kế mà lừa gạt mọi người.
Hắn bảo tôi:
“Này anh, người-con-của-nhân-loại,
Anh phải sống cho đúng với địa vị, nhà cao cửa rộng khang trang.
Anh phải có đầy đủ tiện nghi cho bạn bè anh họ thán phục trầm trồ.
Công việc hằng ngày làm chai cứng chân tay thật không xứng với anh.
Anh chẳng là con cái của Thiên Chúa đó sao ?
Anh phải hưởng các lạc thú, phải nếm mọi sự của thế gian.
Anh phải ra sức mà làm giàu, vì nghèo túng thì khó coi lắm.
Nhìn vào cơ nghiệp của anh, người ta sẽ biết anh đang hiện hữu...”
Tôi bèn trả lời hắn:
“Người ta không đánh giá theo tiêu chuẩn giàu nghèo,
Nhưng theo một nguồn sáng trong đôi mắt,
8
CÙNG SUY NIỆM
Nguồn sáng ấy xuất phát từ một cõi khác...”
Hắn lại đến gặp tôi, chính hắn, TÊN LỪA BỊP,
Hắn lê gót khắp mọi nơi, khéo nói, hay nịnh bợ, vô cùng hiểm độc.
Hắn bảo tôi:
“Này anh, người-con-của-nhân-loại,
Anh phải nên cao trọng nhất,
Từ thuở ban đầu, từ ngày khai thiên lập địa,
Tất cả thế giới cùng muôn loài muôn vật đã thuộc trọn về anh,
Đến các thiên thần mà còn phải nâng đỡ anh
Cho đôi gót chân anh không phải mòn chai vì sỏi đá.
Anh chẳng là con cái của Thiên Chúa đó sao ?
Những đức tính của anh phải được người người ca tụng.
Chẳng ai lại đi che giấu ngọn đèn của mình,
Nhưng đặt nó trên giá cao soi sáng cho những kẻ tối dạ.
Chính anh, anh mới là cao trọng nhất.
Kẻ khác ư ? Họ là chiếc ghế cho anh kê chân.
Nhìn vào quyền lực của anh,
người ta sẽ biết anh đang hiện hữu...”
Tôi bảo hắn:
“Người ta không đánh giá theo tiêu chuẩn quyền lực,
Nhưng là theo nguồn lửa thiêng bừng sáng trong tâm hồn,
Ngọn lửa thiêng ấy xuất phát từ một cõi khác...”
Hắn lại tìm đến gặp tôi, chính hắn, TÊN CÁM DỖ.
Chỗ nào hắn cũng có mặt, chuyên dụ dỗ người ta vào con đường sai trái.
Hắn thì thầm với tôi:
“Anh không phải xấp mình thờ lạy ai cả.
Anh biết điều lành điều dữ, chỉ anh mới có quyền phê phán.
Anh tự do, anh có quyền sống phóng túng.
Hãy để Thiên Chúa sang một bên,
Thiên Chúa chỉ là dành cho những kẻ cùng kiếp mạt vận,
Chỉ dành riêng cho hạng người cần có chỗ bám víu mới dám sống.
Còn anh, anh mới là chúa tể, vua cõi địa cầu, thượng đế vũ trụ càn khôn.
Nhìn vào dấu chỉ ấy, người ta sẽ biết anh hiện hữu...”
Tới đây thì tôi mắng vào mặt hắn:
“Ngươi biết gì mà nói, hỡi TÊN DỐI TRÁ !
Mắt ngươi lệch lạc, ngươi chỉ có được cái bộ tịch bề ngoài.
Còn ta đây, hạnh phúc của ta đến từ cõi khác.
Bởi vì có một Đấng là Thiên Chúa đã đến với loài người.
Cùng với anh em đồng loại của ta,
Ta đã được nhập tiệc, ta đã đồng bàn với Ngài...”
CHARLES SINGER, trích trong PRIER
CHIẾN THẮNG CÁM DỖ
Thánh Bênêđitô sinh năm 480 tại Nursia, nước Ý. Thánh nhân là con trai của một gia đình người Ý
giàu có. Khi còn nhỏ, Bênêđitô tới Rôma và học nơi các trường công cộng. Lúc trưởng thành, ngài cảm
thấy phẫn nộ với nếp sống đồi bại của thành Rôma ngoại đạo. Bênêđitô rời bỏ thành phố và đi tìm một nơi
khả dĩ được ở một mình với Thiên Chúa. Và ngài đã tìm thấy một địa điểm tốt. Đó là một cái hang ở trong
núi Subiacô. Một đan sĩ tên là Rômanô đã dạy cho Bênêđitô học biết về đời sống của một ẩn sĩ và trao
cho Bênêđitô một bộ tu phục. Mỗi ngày, Rômanô cũng đem đến cho Bênêđitô một ít thực phẩm.
Thánh Bênêđitô đã trải qua 3 năm sống một mình trong núi. Ma quỷ thường hay cám dỗ ngài trở
về quê nhà với đời sống tiện nghi và thoải mái. Tuy nhiên, thánh nhân đã vượt qua những cám dỗ này
bằng các việc cầu nguyện và đền tội. Một ngày kia, ma quỷ lại tiếp tục cám dỗ Bênêđitô nghĩ tưởng đến
một phụ nữ xinh đẹp mà có lần Bênêđitô đã gặp thấy ở thành Rôma. Ma quỷ cố gắng làm cho thánh
9
nhân trở về tìm lại bà ấy. Bênêđitô dường như sắp nhượng bộ cơn cám dỗ này. Nhưng thay vào đó,
thánh nhân đã sốt sắng cầu nguyện và đền tội nhiều hơn. Và từ đó trở đi, đời sống của Bênêđitô rất
bình an. Bênêđitô không còn cảm thấy những cơn cám dỗ cuồng loạn như thế nữa.
Sau ba năm, người ta nhận biết Bênêđitô sống trong hang núi và họ bắt đầu kéo đến với ngài.
Họ muốn ngài chỉ cho họ cách thức nên thánh. Cũng có vài đan sĩ, mà đan phụ của họ đã qua đời, đến
xin Bênêđitô làm linh hướng cho họ. Nhưng khi thánh nhân bắt họ làm việc đền tội, họ lại bực tức.
Người ta nói rằng thậm chí có lần họ đã đầu độc Bênêđitô. Thánh nhân đã làm dấu Thánh Giá trên ly
rượu có độc và ly rượu đã vỡ tan thành từng mảnh.
Bênêđitô rời bỏ các đan sĩ ấy và quay về lại chiếc hang của ngài. Từ đó, thánh nhân thiết lập
thêm mười hai đan viện nữa. Rồi Bênêđitô trẩy tới núi Cassinô nơi thánh nhân xây cất một Đan Viện rất
danh tiếng. Và chính tại đây Bênêđitô đã viết một bộ luật tuyệt vời cho hội Dòng Bênêđitô. Thánh nhân
về trời ngày 21 tháng 3 năm 547. Đến năm 1966, Đức Thánh Cha Phaolô VI tôn tặng Bênêđitô danh
hiệu thánh Bổn Mạng của Âu Châu. ( Đa Minh Maria Nguyễn Phúc Lộc, CMC, dịch )
Thánh Bênêđitô trung kiên noi gương Đức Giêsu. Người đã chịến thắng ba cơn cám dỗ điển
hình, toàn tâm toàn ý theo Thánh Ý Thiên Chúa. Thánh nhân đã học hỏi nơi Đức Giêsu bí quyết để
chiến thắng những cơn cám dỗ nặng nề. Đó chính là Lời Chúa, cầu nguyện và ăn chay hãm mình.
Bí quyết I: Lời Chúa
Đáp trả lại ba cơn cám dỗ, Đức Giêsu đều viện dẫn đến Lời Chúa trong Kinh Thánh, khiến cho
tên cám dỗ đành phải bó tay chào thua. Bởi chưng: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh
sáng chỉ đường con đi” ( Tv 119, 105 ).
Tuy nhiên tên cám dỗ cũng viện đến Lời Chúa để tấn công Người trong cơn cám dỗ thứ hai, qua
Thánh Vịnh 91, 11 – 12: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ, tay nâng,
cho bạn khỏi vấp chân vào đá”.
Thánh Vịnh 91 vốn được gọi là Nương bóng Thiên Chúa toàn năng. Đây là một Thánh Vịnh tín
nhiệm nói về Thiên Chúa là Đấng bảo vệ tín hữu của Người. Vốn gian trá chuyên lọc lừa, đánh lận con
đen, như thói quen cắt xén, thêm bớt của kẻ bá đạo, tên cám dỗ đánh tráo ý nghĩa của Thánh Vịnh 91.
Thay vì tung hô, ngợi khen sự quan phòng chu đáo của Thiên Chúa, thì hắn biến thành ra cái bẫy êm ái
hòng tìm kiếm hư danh.
Bí quyết II: Cầu nguyện
Thánh Bênêđitô thoát khỏi những cơn cám dỗ ghê hồn chính là nhờ tận tụy noi theo Đức Giêsu
chuyên tâm cầu nguyện. Điều quan trọng này, Đức Giêsu hằng thiết tha nhắn nhủ các môn đệ và cộng
đoàn tín hữu. Chính Người nêu tấm gương cầu nguyện vào mỗi chiều tối, sau một ngày tận tụy giảng
dạy. Người thường lui vào chỗ thánh vắng nguyện cầu. Người luôn cập nhật sự kết hợp chan hòa với
Đức Chúa Cha qua lời cầu nguyện hằng ngày.
Cầu nguyện không chỉ là lắng nghe mà còn là đáp lời. Cầu
nguyện không chỉ là hướng về Chúa, mà còn là đón nhận Chúa đi
vào trong con người và cuộc sống. Cầu nguyện là thú nhận thân
phận yếu hèn ti tiện trước mặt Thiên Chúa vô cùng cao cả siêu việt.
Cầu nguyện là xác nhận chủ quyền tuyệt đối của Chúa trên ta, và ta
hoàn toàn thuộc về Chúa. Cầu nguyện là sẵn sàng và quyết tâm thi
hành ý muốn của Chúa, lời Chúa dạy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào
của cuộc đời. Cầu nguyện là noi gương Trinh Nữ Maria, thưa vâng
với Chúa mỗi ngày trong mọi lúc, và kiên trì thưa vâng với Chúa cho
đến hơi thở cuối đời. ( Lm. Gioan Nguyễn Như Yêng, 40 Bài Tin
Mừng về Cầu Nguyện ).
“Con ngạc nhiên vì sao nhiều người mất ơn Chúa gọi, mất đức
tin, phản bội Hội Thánh ? Trong bao nhiêu lý do, luôn luôn có một lý do
chính: Họ bỏ cầu nguyện từ lâu.“ ( Đường Hy Vọng, số 125 )
Bí quyết III: Chay tịnh
Trong xã hội hiện nay, thiên hạ đang hô hào điều chỉnh chế
độ dinh dưỡng, tránh bớt dầu mỡ, tinh bột, đường, để khỏi béo phì,
những bệnh tim mạch, cũng như chăm sóc, duy trì vóc dáng cân đối
xinh đẹp. Vì sức khỏe và sắc đẹp, người ta đành phải chấp nhận hy
sinh thói tham ăn vô độ, thói sa đọa vô chừng. Thân xác còn đòi hỏi thế, thì tinh thần cũng đòi hỏi hy
sinh vật chất, hy sinh các đam mê, cám dỗ hưởng lạc, cám dỗ hư danh, cám dỗ quyền lực, để thanh
thoát hướng thượng, thăng hoa theo các giá trị muôn đời cao cả, can trường dấn thân theo Chúa.
10
“Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình” ( Mc 8, 34 ). Từ bỏ mình là xả kỷ vị tha, quên mình đi mà
chuyên tâm phục vụ tha nhân. Là ăn chay hãm mình, là hy sinh từng phút, từng giờ, từng ngày để quyết
tâm theo Đường Hy Vọng.
“Không hy sinh, không có nhân đức thánh thiện. Ai chưa”bỏ mình vác thánh giá” thì chưa “theo
Thầy” được. Điều kiện tiên quyết” ( Đường Hy Vọng, số 157 ).
Lạy Chúa Giêsu, Người đã từng nếm trải thân phận con người mỏng dòn yếu đuối, xin
thương xót, giúp chúng con chiến đấu can trường với những chước cám dỗ ngày càng nguy
hiểm và tinh vi. Xin Người luôn nâng đỡ và nhắc nhủ chúng con những bí quyết chiến thắng cám
dỗ, để chúng con luôn được sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Người chiến thắng ác xà. Mẹ đã oanh liệt đạp dập đầu tên cám dổ.
Kính xin Mẹ luôn che chở, bảo vệ chúng con chiến thắng vẻ vang ba thù. Amen.
AM. TRẦN BÌNH AN
ĐỨNG VỀ PHÍA CHÚA GIÊSU ĐỂ CHỐNG LẠI TÊN CÁM DỖ
Bước vào Mùa Chay Thánh, Giáo Hội quen gọi là mùa tập
luyện chiến đấu thiêng liêng với những việc tốt lành theo truyền
thống là ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Chúa Nhật thứ I Mùa Chay
hôm nay, Thánh Matthêu trình bày cho chúng ta cơn cám dỗ của
Chúa Giêsu: "Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang
địa để chịu ma quỷ cám dỗ" ( Mt 4, 1 ), cho thấy dù là Con Thiên
Chúa, Ngài đã nhận lấy thử thách, chiến đấu với chống lại tội lỗi để
cứu chúng ta là kẻ có tội. Sau khi Chúa Giêsu đã nhịn chay bốn
mươi đêm ngày, Ngài cảm thấy đói, ma quỷ bắt đầu cám dỗ ( x. Mt
4, 2 ), nó bắt Ngài lựa chọn giữa những gì có thể. Cảnh đối nghịch
giữa tên cám dỗ và Chúa Giêsu thể hiện rõ căn tính và nguồn gốc
của Chúa Giêsu trong lịch sử Israel.
Ba phen cám dỗ
Trình thuật ghi rõ: "Ma quỷ lìa bỏ Người" ( Mt 4, 11 ) Điều
này muốn nói rằng, cuộc chạm trán giữa Chúa Giêsu và tên cám
dỗ được lặp lại, nhưng chắc chắn kết thúc và phần thắng thuộc
về Chúa Giêsu qua việc thánh hiến, hoàn tất bằng cuộc Khổ Nạn
và Phục Sinh. Ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu theo một trình tự rõ
ràng. Một bên Chúa Giêsu, bên kia là ma quỷ. Cả hai nhân vật
không cần giới thiệu. Chúa Giêsu được độc giả biết đến khi tin vào
Ngài. Ma quỷ là thành phần của thế giới quen thuộc nơi người Do Thái. Ma quỷ tiếng Do Thái là "Satan"
( tiếng Hy Lạp là "Quỷ" ) ám chỉ tên đối phương. Đó là một nhân vật mà bản tính là đối đầu. Nó đối đầu
với ai ? Với Thiên Chúa trước hết.
Phen thứ nhất ( c. 1 – 4 )
Khung cảnh diễn ra tại sa mạc. Sa mạc tự nhiên gợi lên thời Xuất Hành và sự đối diện giữa
Thiên Chúa và dân Ngài. 40 ngày nhắc lại 40 năm trong sa mạc và 40 ngày Môsê ở trên núi. Chúa
Giêsu ăn chay 40 ngày. Chúa Giêsu đang ở trong tình trạng cần thiết "Người cảm thấy đói" ( Mt 4, 2 ).
Ma quỷ đặt vấn đề: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh" ( Mt 4,
3 ). Như là một gợi ý cho Con Thiên Chúa.
- Ma quỷ cám dỗ Chúa về quyền lực: "hãy khiến những hòn đá này..." Đá chỉ đá và bánh chỉ là
bánh, Ma Quỷ yêu cầu Chúa làm trái tự nhiên "khiến đá thành bánh". Khi từ chối khiến đá thành bánh,
Chúa Giêsu mạc khải rõ Ngài là Con Thiên Chúa.
- Chúa ra lệnh: "Có lời chép rằng: ‘Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi’" ( Mt 4, 10 ).
Nó ẩn chứa một cách hành văn theo kiểu Sách Thánh để làm sáng tỏ thái độ. Đây là cả một chương
trình, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, đúng như lời Kinh Thánh, Ngài đã trở nên người vâng lời Thiên
Chúa Cha, chấp nhận đói để mạc khải cho con người biết rằng, cuộc sống của họ còn đói một thứ rất
quan trọng, đó là: đói Lời Chúa. Thật vậy, "Người ta sống không nguyên bởi bánh" ( Mt 4, 4 ).
Phen thứ hai ( c. 5 – 7 )
Ma Quỷ đưa Chúa Giêsu lên nóc Đền Thờ Giêrusalem, đặt Chúa vào một vị trí ngược lại với bản
chất của Ngài: mục tiêu tối hậu của nó là chỉ cho Ngài thấy rõ Đền Thờ Giêrusalem, thử thách Ngài về thực
11
tại quyền lực, yêu cầu Ngài gieo mình từ Đền Thờ xuống để chiếm được ngay lập tức với sự giúp đỡ tuyệt
vời của các Thiên Thần, và qua sự thể hiện uy quyền đó, người Do Thái nhận biết Ngài là Con Thiên Chúa.
Ma Quỷ biện minh rõ về danh tính của nó là kẻ chống đối Thiên Chúa. Lời đề nghị của nó rất thô
thiển. Khi ấy, phải đặt sự cám dỗ vào đâu và tại sao Chúa Giêsu lại đẩy lùi cơn cám dỗ ? Nếu Chúa
Giêsu chịu thua tên cám dỗ, thì Ngài trở về với những niềm mong đợi của dân chúng, họ đi tìm một
Đấng Mêsia huy hoàng và quyền lực. Chúa Giêsu đã từ chối Mêsia theo kiểu trên. Con đường mà Ngài
chọn bao hàm sự chôn vùi trong nhân thế. Thái độ của Chúa Giêsu thật rõ ràng: được mời gọi xác định
căn tính tiên tri của mình. Ngài khẳng định cách từ chối của mình thật tuyệt vời lạ thường khi đặt ra một
khoảng cách căn bản giữa quyền lực thế gian và nước Thiên Chúa .
Phen thứ ba ( c. 8 – 11 )
Cuối cùng ma quỉ đưa Chúa Giêsu lên núi cao. Sau cuộc cám dỗ lần thứ nhất về kinh tế, lần thứ
hai về tôn giáo và lần thứ ba cám dỗ về chính trị. Tư thế ở đây chuyển biến cách đột ngột. Từ trên cao
sấp mình xuống ( trả lại ) sự thống trị cho Ma Quỷ. Ma Quỷ chỉ cho Đức Giêsu xem thấy mọi nước thế
gian và vinh quang trong chốc lát, nó hứa: "Tôi sẽ cho ông tất cả những cái đó, nếu ông sấp mình xuống
thờ lạy tôi" ( Mt 4, 9 ). Nếu ông là con Thiên Chúa ( 4, 3 ). Nếu ông thờ lạy tôi ( 4, 9 ). Ở đây, Ma Quỷ tự
vạch trần trước Con Thiên Chúa mà nó thách thức và mời gọi tôn thờ nó, có nghĩa là bắt Chúa Giêsu
tôn thờ thần tượng thế gian. Với lời đề nghị này, Chúa Giêsu đặt ma quỷ vào đúng vị trí của nó: "Ngươi
phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa người, và chỉ phụng sự một mình Ngài" ( Mt 4, 10 ).
Phần kết:
Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu và tên cám dỗ kết thúc bằng sự chiến thắng của Chúa Giêsu: "Ma
quỷ lìa bỏ Người. Và các thiên thần tiến lại hầu hạ Người".
Đứng về phía Chúa Giêsu
Chúa Giêsu bị Ma Quỷ cám dỗ đủ cả ba phen, đó cũng là những cơn cám dỗ của chúng ta ngày
hôm nay. Chúng ta được Thiên Chúa phú ban cho tự do lựa chọn giữa ý Chúa và ý chúng ta, chúng ta ngần
ngại giữa thiện và ác. Chúa Giêsu hoàn toàn chiến thắng điều ác vì Ngài đã vâng lời Chúa Cha vô điều kiện.
Chúa Nhật này đưa chúng ta vào ngay trung tâm của mầu nhiệm Vượt Qua: "Cũng như do một
người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền tới mọi
người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội" ( Rm 12, 17 ). Và đây, phía sau của mầu nhiệm: Nhưng "Vì
như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thi do đức
vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế" ( Rm 12, 19 ).
Tất cả lịch sử nhân loại trải dài giữa hai sự kiện này: trước là tội nguyên tổ, ảnh hưởng đến
chúng ta; sau là mầu nhiệm cứu chuộc được ban tặng cho chúng ta trong Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế.
Bước vào Mùa Chay Thánh, mùa chiến đấu thiếng liêng, vậy chúng ta đứng về phía nào, đứng
về phía Chúa Giêsu là chắc rồi. Đứng về phía Ngài, lắng nghe lời Ngài để chống lại tội lỗi, đương đầu
với trận chiến thiêng liêng chống lại thần dữ, ba thù: Ma Quỷ, thế gian và xác thịt.
Lạy Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse, xin giúp sức cho chúng con trong suốt Mùa Chay Thánh
này. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN ĐỘ
PHƯƠNG THẾ
CHIẾN THẮNG CÁM DỖ
Phụng Vụ Giáo Hội đã bước vào Mùa
Chay Thánh. Mùa Chay trải dài 40 ngày. Thời
gian này nhắc lại 40 năm của dân Israel trong
sa mạc trước khi đến Đất Hứa, 40 ngày Ngôn
Sứ Êlia ở trên núi Khôrép, 40 ngày Chúa Giêsu
ăn chay cầu nguyện trong hoang địa. Thời gian
40 ngày là con số tượng trưng nói lên thời gian
thử thách và thanh luyện. Trên con đường về
Nước Trời, chúng ta trải qua những thử thách
và thanh luyện. Thời gian 40 ngày chay tịnh thật
quí giá để mỗi người nhìn lại bản thân, đánh giá lại chính mình để sám hối canh tân.
12
Hàng năm, Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Chay đều nói về cám dỗ. Chúa Giêsu vào hoang địa. Sau
40 đêm ngày ăn chay và cầu nguyện, Satan xuất hiện và cám dỗ. Chúa Giêsu đã chiến thắng Satan.
1. Chịu cám dỗ
Làm người ở đời là chấp nhận thân phận chịu cám dỗ. Thánh Kinh đã ghi nhận, từ buổi đầu sáng
tạo đã có cám dỗ. Thụ tạo đầu tiên trong hàng các thiên thần đối diện với cám dỗ là Luxiphe, một thiên
thần sáng láng đã không vượt qua được cơn cám dỗ, và đã trở thành Satan tăm tối. Tiếp đến, thụ tạo
đầu tiên trong con người là Ađam và Evà cũng đã nếm mùi cám dỗ. Nguyên Tổ đã gục ngã thảm
thương trước cám dỗ cho nên đau khổ sự chết đã tràn vào thế gian.
Trong hành trình về Đất Hứa, dân Israel đi trong sa mạc và đã gặp nhiều cám dỗ: cám dỗ trở lại
Ai Cập để có bánh ăn; cám dỗ thờ tượng con bê vàng; cám dỗ thử thách Thiên Chúa. Vua Đavít sa ngã
trước cám dỗ sắc dục nên đã phạm tội cướp vợ của Uria và đã giết chết người anh em này. Giuđa
Iscariốt chỉ vì tham tiền nên đã phản bội Thầy và bán Thầy giá 30 đồng bạc bằng một nụ hôn giả dối…
Các chước cám dỗ của Satan đều chung quy về ba mục tiêu: danh, lợi, thú.
Thiên Chúa cho phép ma quỷ cám dỗ để thử thách xem con người ta có trung tín hay không, và
để cho con người có cơ hội lập công phúc, để họ có thể chứng minh Đức Tin của mình.
Thiên Chúa cho có sự cám dỗ để cho con người phấn đấu thanh luyện mình, và đồng thời, khi
Ngài cho phép như thế, ma quỷ cũng lợi dụng triệt để mà cám dỗ con người. Mỗi ngày, chúng bày ra
những chước độc mưu thâm, mỗi lúc một tinh vi xảo quyệt, lắt léo khôn khéo để cám dỗ người ta.
Thiên Chúa ban ơn thêm sức để con người chúng ta có thể chống lại những cơn cám dỗ ấy.
Không khi nào Chúa để con người phải chịu những cơn cám dỗ quá sức mình chịu đựng được. Như
vậy, chúng ta phải chiến đấu với những cơn cám dỗ. Điều cần thiết là chúng ta phải phân định được ma
quỷ với những hành động cám dỗ xấu xa của nó để chống trả và xa lánh.
2. Ma quỷ thường cám dỗ như thế nào ?
Ma quỷ lừa dối con người. Ai cũng có trí khôn, biết phân biệt điều nào là xấu, là nguy hại và
chẳng nên làm. Nhưng ma quỷ lừa dối cho rằng việc làm đó là có lợi, là cần thiết nên người ta mới dấn
sâu vào. Khi cám dỗ Evà, ma quỷ không nói rằng ăn trái cấm đó là chống lại Thiên Chúa, nó chỉ nói rằng
ăn trái này thì bà sẽ được trở nên thông minh như Thiên Chúa. Có nhiều người bước vào nghiện ngập
bằng những phút giây sảng khoái thăng hoa lừa dối. Nếu người ta biết sự xấu xa của tội thì có lẽ không
ai lại đi phạm tội, nhưng người ta tưởng lầm, hoặc bị cám dỗ coi đó là hạnh phúc. Nếu người ta nhìn
thấy những hình khổ nơi hỏa ngục thì chằng ai dám phạm tội.
Ma quỷ khiến người ta phạm tội bằng cách dẫn người ta một cách từ từ. Không khi nào có ai có
thể phạm tội trọng ngay tức khắc, tội trọng chỉ bắt đầu bằng những tội nhẹ. Người ta thường nói, khi còn
bé ăn trộm một quả trứng, rồi khi lớn lên sẽ ăn trộm cả một con bò. Những tội trọng bắt đầu từ những
nết xấu hay những tội nho nhỏ. Ma quỷ cũng vậy, nó dẫn dắt người ta từ chỗ tưởng chừng vấp phạm
những điều nhỏ tới chỗ phạm vào những điều lớn. Không ai nghiện thuốc ngay từ điếu hút đầu tiên,
không ai nghiện rượu ngay khi uống chén ban đầu. Nhưng dần dần nếu lập đi lập lại nhiều lần sẽ dẫn
đến chỗ nghiện ngập ( x. Buồn vui cùng kiếp người, Đức Tgm. Ngô Quang Kiệt, trang 33 ).
Chuyện kể rằng: khi ông Nôe trồng nho, Satan lấy làm lạ nên tiến lại gần hỏi:
- Ông đang trồng cây gì thế ?
- Cây nho.
- Nó có lợi gì không ?
- Có chứ. Trái nó vừa đẹp mắt, vừa ăn ngon miệng. Từ trái nho ta còn có thể làm ra rượu giúp
lòng người hưng phấn nữa.
- Vậy thì để tôi giúp ông.
Satan liền giết một con chiên, một con sư tử, một con lừa và một con heo. Lấy máu của chúng
tưới gốc cây nho. Thế là cây nho lớn nhanh. Nôe lấy trái nho làm rượu.
Từ đó trở đi khi người ta uống một chút rượu vào thì sẽ vui vẻ dễ thương như con chiên; uống
thêm chút nữa thì mạnh bạo như sư tử; nếu uống thêm thì sẽ ngu như lừa; nếu uống thêm nữa thì...
hoàn toàn như con heo vậy ! ( Truyện cổ Nước Pháp ).
Ma quỷ luôn lừa dối con người. Chúng ta phải luôn cảnh giác.
3. Phương thế chiến thắng cám dỗ
Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta phải biết chống cự lại những cơn cám dỗ. Muốn chống lại, phải
có những phương thế để có thể chiến thắng.
13
a. Lời Chúa
Ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu từ những điều thường nhất là cơm bánh hàng ngày. Chúa nhịn ăn
40 đêm ngày, đói thì cần ăn, đó là điều rất đỗi bình thường. Ma quỷ lợi dụng điều đó để cám dỗ, sau đó
mới cám dỗ những những điều mạnh hơn là thử thách Thiên Chúa và chống lại Ngài. Chúa Giêsu dùng
Lời Chúa để chiến thắng.
Gương của Chúa Giêsu được Tin Mừng theo Thánh Luca kể rõ: mỗi lần ma quỷ đưa ra một
chước cám dỗ thì Chúa Giêsu lại lấy một lời của Kinh Thánh mà đẩy lui chước cám dỗ ấy:
- Có lời chép rằng: người ta không
sống bằng cơm bánh mà còn bằng Lời của
Thiên Chúa nữa ( Lc 4, 5 ).
- Có lời chép rằng: ngươi phải thờ lạy
Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ
một mình Người ( Lc 4, 8 ).
- Có lời chép rằng: ngươi đừng thử
thách Chúa là Thiên Chúa ngươi ( Lc 4, 11 ).
“Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ
Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ". Satan tạm
lánh vào bóng tối, khi có thời cơ thuận tiện sẽ
quay lại tiếp tục tấn công. Có lần, Satan dùng
miệng lưỡi của Phêrô để cám dỗ Chúa đừng
lên Giêrusalem chịu khổ nạn. Chúa quay lại
quát nạt: “Satan, hãy lui ra đằng sau, đừng gây
cớ cho Ta vấp phạm”.
Thời cơ ma quỷ chờ đợi chính là lúc Chúa Giêsu trải qua cuộc Khổ Nạn. Trong vườn
Ghêtsêmani, khi đối diện với cái chết đang cận kề, Chúa Giêsu không khỏi sợ hãi đến nỗi “mồ hôi đổ ra
như máu”. Người đã thân thưa cùng Chúa Cha đến hai lần: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi
phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” ( Mt 26, 39b ); “Lạy Cha, nếu con
cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” ( Mt 26, 42b ).
Cao điểm là khi Chúa bị treo trên thập giá, Satan dùng miệng lưỡi kẻ qua người lại để cám dỗ
Chúa xuống khỏi thập giá: “Ông Kitô vua Israel, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi để chúng ta thấy
và tin”. Trong suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã phải chiến đấu chống lại nhiều cơn cám dỗ.
Người thực sự là Thiên Chúa nhưng đồng thời Người cũng hoàn toàn là con người nên "Người cũng
phải chịu trăm chiều thử thách y như ta" ( Dt 4, 15 ). Chúa Giêsu đã chiến thắng tất cả. Không một cám
dỗ, không một thách thức nào có thể khiến Người lùi bước.
Lời Chúa là sức mạnh tâm linh, là lẽ sống thần linh và là lời ban Sự Sống. Đọc và suy gẫm
Thánh Kinh sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng tội lỗi.
b. Ăn chay cầu nguyện
Ăn chay cầu nguyện giúp con người chế ngự bản thân.Tội lỗi của con người là do không biết chế
ngự bản thân. Ăn chay cầu nguyện giúp chúng ta biết thanh luyện con người mình, chế ngự bản thân,
hãm dẹp dục vọng. 40 ngày Mùa Chay nhắc nhớ về 40 ngày đêm chay tịnh của Chúa Giêsu trong hoang
địa, nhắc lại 40 năm dân Do thái lưu đày trong sa mạc chuẩn bị về Đất hứa. Mùa Chay là mùa tập luyện
chiến đấu thiêng liêng, giúp chúng ta trở nên người thiện chiến, biết chế ngự và làm chủ bản thân.
Cầu nguyện là nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Khi vào hoang địa, khi bị ma quỷ cám dỗ,
Chúa Giêsu cần đến sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần. Người đã dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh
Thần và đã chiến thắng cám dỗ. Khi chúng ta lâm vào những cuộc thử thách, phải đối diện với những
mưu chước của ma quỷ, rất cần ơn Chúa Thánh Thần trợ lực. Chúa Giêsu mà còn cần đến Chúa Thánh
Thần nữa, thì huống hồ là chúng ta !
Cần phải cầu nguyện ( Lc 22, 40; Cv 2, 42; GLGH # 2612, 2742 ). Nhờ cầu nguyện, Chúa Giêsu
đã không cô đơn một mình, nhưng “được Thánh Thần hướng dẫn” ( Mt 4, 1 ). Nhờ cầu nguyện, chúng ta
được liên kết với sức mạnh của Thánh Thần và với Các Thánh trên Trời. Vai trò của Chúa Thánh Thần
thật quan trọng trong đời sống của chúng ta. Những lúc bị cám dỗ, những khi sống trong cô đơn, buồn
chán và thất vọng… hãy cậy trông và khẩn cầu với Chúa Thánh Thần xin ơn phù trợ. Chính Chúa Giêsu
đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy các
con mọi điều” ( Ga 14, 26 ).
Chúng ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều cám dỗ. Một xã hội đầy dẫy các tệ nạn và có
nhiều lối sống buông thả. Đó là môi trường là cơ hội thuận tiện cho ma quỷ ẩn núp và tấn công. Cám dỗ
14
ngày càng nhiều và ngày càng tinh vi dưới muôn hình dáng vẻ. Vì thế, lời dặn dò của Chúa Giêsu ngày
càng khẩn thiết: "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ". Cơn cám dỗ độc hại nhất mà con
người cần phải luôn tỉnh thức canh phòng và trường kỳ chiến đấu bằng mọi cách, chính là lòng ích kỷ,
quan niệm sống hẹp hòi, thiển cận của chính mình, chỉ biết có mình mà quên kẻ khác, chỉ biết thu vén
lợi ích cho riêng mình mà quên quyền lợi kẻ khác.
Để tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta cần sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và ánh
sáng soi dẫn của Lời Chúa, thực thi những việc đạo đức của Mùa Chay.
Chúa Giêsu đã từng căn dặn các Tông Đồ: "Hãy tỉnh thức". Tỉnh thức để nhận ra mưu mô của ma
quỷ, tỉnh thức trước những lôi cuốn của thế gian, tỉnh thức trước những yếu đuối của con người xác thịt.
Mùa Chay là thời gian đặc biệt để sám hối canh tân bản thân dưới ánh sáng Lời Chúa và thực hành ăn chay
cầu nguyện theo gương Chúa Giêsu, nhờ đó mỗi người chúng ta sống đẹp lòng Thiên Chúa hàng ngày.
Lm. Giuse NGUYỄN HỮU AN
PARAGUAY – TÂM TÌNH MÙA CHAY 2014
Nhiều người Công Giáo Việt Nam nói rằng năm nay vào
Chay khá trễ vì thường thì mọi năm thứ Tư Lễ Tro rơi đúng vào
những ngày Tết nên các Giám Mục sở tại rộng phép dời vào một
ngày khác thích hợp để Giáo Dân Công Giáo đón Tết cổ truyền vui
vẻ hơn. Tết Nguyên Đán đã đi qua hơn một tháng nên giờ đây
không ai có thể vịn vào lý do “Tết nhứt” để tránh né việc giữ chay.
Chúng tôi còn nhớ ngày xưa khi còn đi học với chúng bạn
thời Trung Học phổ thông, ngày Thứ Tư Lễ Tro là ngày học trong
tuần nên dễ quên việc giữ chay lắm. Vả lại trong lớp trường chuyên
năm ấy của chúng tôi chỉ có một bạn nữ và tôi là người Công Giáo
nên chẳng ai nhắc đến lễ nghi Công Giáo làm gì. Sau 2 tiết học buổi
sáng chúng tôi có giờ giải lao. Cảm thấy trong bụng cồn cào quá nên
vào căng-tin mua một cái bánh tiêu để lót bụng. Vừa ăn được nửa
cái bánh tiêu thì chợt nhớ hôm nay là Thứ Tư Lễ Tro, giữ chay và
kiêng thịt nên vội chạy ngay vào phòng vệ sinh để nôn ra hết những gì mình mới ăn vào để giữ trọn
ngày chay. Ngày hôm ấy chúng tôi đã giữ chay một cách rất hình thức !
Mãi đến khi chúng tôi bước vào Học Viện Liên Dòng để bắt đầu những năm Triết và Thần, chúng
tôi mới dần khám phá ý nghĩa đích thực của Mùa Chay và việc giữ chay và nhận ra một điều rằng ngày
xưa mình ngốc nghếch thật. Nhưng chính nhờ cái “ngốc nghếch đáng thương” đó mà dần dần Chúa soi
sáng cho chúng tôi để chúng tôi biết cảm thông, yêu thương những người đã từng “ngốc nghếch” như tôi.
Mùa Chay, theo tiếng Tây Ban Nha là “Cuaresma” hay tiếng Latinh “Quadragesimanae” hay còn gọi
là Mùa 40, đây là mùa ăn năn thống hối, cầu nguyện, bố thí, mùa chịu nạn, thương khó, chuẩn bị cho biến
cố Phục Sinh của Chúa Giêsu. Mùa Chay được bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và kết thúc với Chúa Nhật Phục
Sinh. Nó chứa đựng 40 ngày chay tịnh để tưởng nhớ đến biến cố Chúa vào trong hoang địa ăn chay, cầu
nguyện và sau đó chịu sự cám dỗ trong 40 đêm ngày; là thời gian của thương khó và thống hối.
Thực sự là 46 ngày, nếu tính từ Thứ Tư Lễ Tro cho đến Chúa Nhật Phục Sinh, nhưng theo nghĩa
hẹp, Mùa Chay tính từ Chúa Nhật thứ nhất đến chiều Thứ Năm Tuần Thánh, nghĩa là cho tới lúc cử
hành Thánh Lễ Tiệc Ly vào ban chiều "in Caena Domini", trong đó Chúa lập Bí Tích Thánh Thể, rửa
chân cho 12 môn đệ và truyền lại Giới Răn mới. Thời gian 40 ngày cũng để nhớ lại 40 đêm ngày Môsê,
vị thủ lãnh Dân Chúa thời Cựu Ước cầu nguyện trên Núi Sinai và được Chúa trao cho 10 Giới Răn. Rồi
40 ngày còn để nhớ lại cuộc hành trình 40 ngày trong sa mạc của Ngôn Sứ Elia, lúc ông trốn khỏi cơn
thịnh nộ của hoàng hậu Giêsaben, để tiến về núi Khôrép, cũng là núi Sinai, kế Biển Ðỏ và kênh đào
Suez bây giờ, nơi đây Chúa mạc khải và trao cho ông sứ vụ mới ( 1 V 19 ).
Công Đồng Vatican II dạy rằng: “Mùa Chay có hai đặc tính là hồi tưởng lại Bí Tích Rửa Tội và
nhấn mạnh đến tinh thần ăn năn, sám hối. Bởi những ý nghĩa đặc biệt này, Mùa Chay chuẩn bị cho các tín
hữu sẵn sàng cử hành mầu nhiệm Vượt Qua sau thời gian tiếp cận, gần gũi hơn với Lời Chúa và nồng
nhiệt hơn trong sự cầu nguyện. Trong chính bản thân phụng tự và trong những hướng dẩn từ trung tâm
của phụng tự, những chủ đề về rửa tội và thống hối được tuyên bố cách sâu sắc hơn” ( SC 109 ).
15
CÙNG TRUYỀN GIÁO
Như vậy Mùa Chay không có nghĩa là việc giữ chay hình thức như chúng tôi đã từng làm cách
ngốc nghếch thời thơ bé, nhưng là cần một cuộc hoán cải nội tâm để quay về với Chúa. Đối với những
ai lầm đường, lạc lối, Chúa mời gọi qua ngôn sứ Giôen: "Hãy xé lòng, đừng xé áo" ( Ge 2, 13 ). Chúa
muốn chúng ta sống thành thật, đừng sống bề ngoài như những người Pharisêu giả hình, nhưng hãy
hết lòng quay trở về, đổi mới, và tìm gặp Người: "Hãy trở lại với Giavê, Thiên Chúa của người ! Vì
Người nhân thứ, từ tâm, khoan dung và nhân nghĩa bao la”.
Mùa Chay cũng có thể nói là mùa bận
rộn của các vị mục tử vì các ngài phải lo ngồi
tòa cho Giáo Xứ mình cũng như các Giáo Xứ
bạn lân cận để các hối nhân có dịp làm hòa với
Chúa. Tuy nhiên cũng có một số vị mục tử vì
thiếu kiên nhẫn hay vì cách hành xử “quan
liêu” cố hữu, đã đánh mất đi dung mạo của
Chúa Kitô ngay trong tòa giải tội, khi la mắng,
xúc phạm đến các hối nhân. Chúng tôi không
dám bênh vực hay khích bác anh em Linh Mục
đồng môn của mình vì trong đời tu, chúng tôi
đã từng là học trò của rất nhiều Linh Mục uyên
bác và thánh thiện, nhưng bên cạnh đó chúng
tôi cũng đã gặp và tiếp xúc với các Linh Mục
“rất đời” và “rất thường” khiến nhiều Giáo Dân
phải thốt lên: “Ông này mà là Linh Mục à ? ! ?”
Tôi chân thành nhận thấy chính bản thân mình nhiều lúc cũng có nhiều khiếm khuyết nên dễ làm
cho người ta ngộ nhận khuôn mặt của Chúa Kitô cách méo mó qua hình ảnh các Linh Mục chưa tốt ấy.
Chúng tôi có đọc một bài liệt kê về những lời gièm pha, chỉ trích các Linh Mục từ một trang Web tiếng
Tây Ban Nha và muốn chuyển ngữ ra đây đê mọi người thấy được để trở thành Linh Mục của Chúa Kitô
không dễ dàng tí nào và hãy cầu nguyện cho các Linh Mục đặc biệt trong Mùa Chay này:
NHỮNG LỜI CHỈ TRÍCH LINH MỤC
Nếu đẹp trai thì thắc mắc: sao không chịu lấy vợ ?
Nếu xấu quá thì cho là không ma nào thèm lấy mới đi tu !
Nếu ăn mặc đồ thường thì bị cho là quá trần tục, bụi đời.
Nếu lúc nào cũng mặc chùng thâm thì bị cho là quá bảo thủ.
Nếu không tiếp chuyện ân cần với mọi người thì bị cho là lạnh lùng thấy mà gớm !
Nếu nói chuyện ân cần, tử tế thì bị cho là có dụng ý xấu.
Nếu để tóc dài thì bị cho là đang làm cách mạng đây !
Nếu lúc nào cũng để tóc ngắn như quân đội thì bị cho là quá cù lần !
Nếu lúc nào cũng ở nhà xứ thì thắc mắc là sao không thăm viếng các gia đình.
Nếu đang bận đi thăm các gia đình, Giáo Dân đến không gặp
thì lại lớn tiếng là chẳng bao giờ thấy mặt cha ở nhà xứ !
Nếu sửa sang nhà cửa đã xuống cấp thì bị chỉ trích là ném tiền qua cửa sổ.
Nếu không làm gì thì bị cho là để nhà xứ bị bỏ hoang.
Nếu rửa tội và làm đám cưới nhiều thì bị chỉ trích là thích phô trương Bí Tích.
Nếu yêu cầu các thủ tục và hồ sơ nghiêm ngặt thì bị gán là hay làm khó.
Nếu có tổ chức Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ: bị người khác xỏ lỗ mũi mất rồi !
Nếu không có Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ: quá cá nhân chủ nghĩa, muốn thâu tóm tất cả… !
Nếu xây lại Nhà Thờ quá cũ kỹ: Điều gì đang xảy ra đây ?
Nếu vẫn giữ y nguyên Nhà Thờ xập xệ: Giáo Xứ này không bao giờ tiến lên được !
Nếu cha giảng quá 20 phút: Bao giờ nói mới nói xong đây ?
Nếu bài giảng quá ngắn: Cha này chẳng biết giải thích gì cả, quá vội vàng !
Nếu cha giảng với giọng dõng dạc: Cha này thích làm diễn viên.
Nếu cha giảng với cung điệu bình thường:
Chẳng nghe được gì cả, không biết ông cha này đang nói gì !
Nếu đụng đến vấn đề xã hội: Cha này đang xen vào chính trị đây !
Nếu nói nhiều về Chúa: Cha này đang bay và không biết lúc nào hạ cánh đây !
Nếu cha thui thủi một mình: Cha này không chịu chia sẻ với ai cả.
Nếu nói chuyện chỉ với cánh đàn ông: Cha này trọng nam khinh nữ.
Còn nếu hàn huyên với các bà:
Cha này đang có ý đồ và chẳng bao lâu sẽ cởi áo Dòng cho mà xem !
16
Nếu cha quá trẻ: Không có kinh nghiệm, ai mà thèm nghe đây ?
Nếu cha quá già: Xin về hưu và nghỉ ngơi là vừa !
Nhưng… nếu cha sẽ chuyển đi xứ khác hay qua đời:
Tất cả mọi người lúc đó sẽ khóc thương và nói đủ thứ chuyện tốt đẹp về cha.
Anh chị em thân mến ! Linh Mục cũng chỉ là những con người tầm thường như bao người khác
nhưng được Thiên Chúa tuyển chọn để trở thành những người hướng dẫn chúng ta về đời sống tâm linh.
Có những vị rất thánh thiện, tuy nhiên cũng có những vị không được thánh thiện cho lắm. Nhưng nếu
chúng ta muốn làm một điều gì đó để giúp họ, hãy cầu nguyện cho họ và hãy cộng tác với họ trong sứ vụ.
Nếu ai đó biết rõ một Linh Mục đang trong tình trạng tội trọng công khai thì hãy đi gặp cha Bề Trên hay
Giám Mục của Linh Mục đó để các ngài giúp đỡ và giải quyết. Đừng lên án hay xét xử cách bất công khi
chỉ nghe tin đồn hay vì một chút tư thù cá nhân. Chúng ta cảm tạ Chúa vì qua thừa tác vụ Linh Mục của
Chúa Kitô chúng ta có các Linh Mục để thi hành các Bí Tích trong đời sống tinh thần của chúng ta.
( Dịch từ nguồn: http://www.catolico.org/sacramentos/orden_sac/criticas.htm )
Hôm nay là ngày “Thứ Ba Béo” theo cách nói đùa của những Giáo Dân bợm nhậu vì họ cho rằng
ngày mai là thứ Tư Lễ Tro giữ chay và kiêng thịt, nên hôm nay cần chén một bữa cho thật no say.
Chúa cho chúng ta cơ hội hàng năm để chuộc lại lỗi lầm vì Ngài biết chúng ta mỏng dòn, yếu
đuối. Chúa mời gọi chúng ta sám hối nghĩa là chúng ta phải tránh xa tội lỗi mà trở về với Chúa đồng thời
chúng ta phải để Chúa thay đổi thực sự tâm hồn mỗi người chúng ta.
Xin Chúa củng cố Đức Tin còn non yếu của chúng con để chúng con luôn sẵn sàng vâng theo
Lời Chúa và thực hành Lời Chúa trong đời sống của chúng con. Xin Chúa ban cho chúng con Đức Tin
vững mạnh để chúng con biết sống khiêm nhường: "Hãy xé lòng, đừng xé áo”.
Paraguay, Thứ Ba Béo 4.3.2014, Lm. Antôn TRẦN XUÂN SANG, SVD
CHAY TỊNH THEO NỀN TẢNG KINH THÁNH
Đến hẹn lại lên, như mặt trời lặn rồi lại mọc. Mùa Chay lại về. Càng sống lâu càng trải qua nhiều
Mùa Chay. Cứ sám hối lại tái phạm. Con người thật khốn nạn quá ! Vì thế mà chúng ta phải không
ngừng cầu xin: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” ( Lc 18, 13 ).
Mùa Chay về, lòng người chợt tím sắc màu sám hối. Không chỉ ăn chay phần xác mà còn phải ăn
chay tinh thần, thế mới thực sự là chay tịnh. Chúng ta cùng tìm hiểu về chay tịnh theo nền tảng Kinh Thánh.
1. Gương Chúa Giêsu
Không có cách nào tốt hơn là noi gương Con-Chúa-làm-người – Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên
Chúa. Theo truyền thống, chúng ta ghi nhớ phép lạ đầu tiên khởi
đầu sứ vụ của Chúa Giêsu tại tiệc cưới Cana. Nhưng trước đó,
Chúa Giêsu đã lãnh nhận Phép Rửa từ Ngôn Sứ Gioan để “giữ
trọn đức công chính”, trời mở ra và Chúa Ba Ngôi tỏ hiện !
Từ Galilê, Chúa Giêsu đến sông Giođan để Ngôn Sứ
Gioan làm Phép Rửa cho Ngài. Ông Gioan không chịu, nhưng
Chúa Giêsu bảo: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như
vậy để giữ trọn đức công chính” ( Mt 3, 15 ). Sau khi chịu Phép
Rửa, Chúa Giêsu lên khỏi nước, các tầng trời mở ra, Chúa
Thánh Thần có hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài. Có tiếng
phát ra từ trời: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về
Người” ( Mt 3, 17 ). Rồi Chúa Giêsu được Thần Khí dẫn vào
hoang địa và chịu ma quỷ cám dỗ.
Tại đó, Chúa Giêsu ăn chay 40 ngày đêm, sau đó Ngài thấy
đói. Mt 4, 3 – 10 tường thuật chi tiết:
Ma quỷ đến gần Ngài và đặt vấn đề: “Nếu ông là Con Thiên
Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi !” Nhưng Người
đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh,
nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”.
17
CÙNG TÌM HIỂU
Sau đó, ma quỷ đem Ngài đến thành thánh và đặt Ngài trên nóc đền thờ, rồi thách thức: “Nếu
ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi ! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên
sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. Đức Giêsu vặn lại ngay:
“Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”.
Ma quỷ cũng chẳng vừa, nó lại đem Ngài lên một ngọn núi rất cao, chỉ cho thấy tất cả các nước
thế gian và vinh hoa lợi lộc của các nước, rồi nó dụ: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp
mình bái lạy tôi”. Đúng là ma quỷ ranh mãnh ! Nhưng Đức Giêsu liền đuổi thẳng: “Satan kia, xéo đi ! Vì
đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một
mình Người mà thôi”. Ma quỷ cùng đường, câm họng và “bó tay”, nó đành cụp đuôi chạy mất dạng. Và
rồi các thiên thần đến hầu hạ Ngài.
Để chuẩn bị sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã chịu Phép Rửa, dù Ngài không cần làm vậy. Nhưng
sau khi chịu Phép Rửa, Ngài bị ma quỷ cám dỗ đủ kiểu. Chúng ta bắt đầu cuộc sống trong Đức Kitô qua
Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta được Thiên Chúa ban ơn thánh hóa và trở nên công chính. Khác với Đức
Kitô, chúng ta cần lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy làm chúng ta thanh sạch mọi tội lỗi, cả tội nguyên tổ lẫn
tội riêng. Chúng ta thấy Chúa Thánh Thần dẫn Chúa Giêsu vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Khi
chiến thắng mọi cơn cám dỗ, Chúa Giêsu đã cứu dân Ítraen và hoàn tất điều mà họ không hoàn tất. Ân
sủng của Đức Kitô làm cho các Kitô hữu có thể hành động tương tự.
2. Từ khước cơ thể để làm mạnh linh hồn
Trước khi bị cám dỗ, Chúa Giêsu đã ăn chay 40 ngày,
và cơ thể Ngài suy yếu. Kinh Thánh cho biết rằng sau 40 ngày
chay, Ngài cảm thấy đói – đó là lúc Ngài bị cám dỗ. Điều Ngài
cho chúng ta biết là sự đói mà chúng ta trải nghiệm sau khi từ
khước cơ thể, các nhu cầu không còn đủ mạnh để chiến thắng
chúng ta như trước. Mặc dù Chúa Giêsu không phạm tội như
chúng ta, nhưng chúng ta noi gương Ngài để được ơn chống
cơn cám dỗ. Như vậy chúng ta cũng ăn chay để chuẩn bị sứ vụ
công khai của chúng ta với tư cách là Kitô hữu.
3. Cần thiết từ bỏ chính mình
Ăn chay và kiêng thịt không chỉ là biểu hiện sám hối
mà còn tốt cho cơ thể: Giảm béo phì, giảm bệnh tật. Ăn chay
để xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ. Chúa Giêsu muốn các
Kitô hữu nên công chính và hợp tác với ân sủng để nên thánh. Cách hợp tác đó là từ bỏ chính mình.
Có lần Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập
giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình
vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống,
thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ? Vì Con Người sẽ ngự đến trong
vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy
xứng việc họ làm” ( Mt 16, 24 – 27 ).
Tội kiêu ngạo là “cửa ngõ” dẫn tới các tội khác. Người công chính phải khiêm nghường và kiểm
soát nhu cầu và ước muốn của mình để càng ngày càng trưởng thành trong Đức Kitô. Chúng ta phải
nhỏ bé để Ngài lớn lên trong chúng ta. Ăn chay là một dạng “thu nhỏ” mình. Chúa Giêsu đã dùng nhiều
dụ ngôn để giáo huấn chúng ta. Đây là một ví dụ điển hình:
“Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa,
thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm
môn đệ tôi được. Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống
tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không ? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng
làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có
sức làm cho xong việc. Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi
xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến
đánh mình chăng ? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu
hoà.
Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi
được. Muối quả là một cái gì tốt. Nhưng chính muối mà nhạt đi, thì lấy gì ướp nó cho mặn lại ? Dùng
nó để bón ruộng hay trộn phân đều không thích hợp, nên người ta quăng nó ra ngoài. Ai có tai nghe
thì nghe” ( Lc 14, 27 – 35 ).
18
Chúa Giêsu không bảo chúng ta nên vác thập giá, nhưng Ngài bảo đừng né tránh nếu chúng ta
muốn thành công trên đường lữ hành về Nước Trời.
4. Ăn chay và cầu nguyện
Lời cầu nguyện của chúng ta phải khiêm nhường, và lòng khiêm nhường của chúng ta phải là lời
cầu nguyện. Những gì chúng ta làm đều phải là lời cầu nguyện và để đền tội. Ăn chay và các động thái
từ bỏ khác đều phải kết hợp với lời cầu nguyện. Mc 9, 14 – 29 kể câu chuyện này:
Một lần nọ, Chúa Giêsu thấy một đám người rất đông đang vây quanh các ông, và các kinh sư
tranh luận với các ông. Thấy Đức Giêsu, lập tức tất cả đám đông kinh ngạc. Họ chạy lại chào Ngài. Ngài
hỏi các môn đệ: “Anh em tranh luận gì với họ thế ?” Một người trong đám đông trả lời: “Thưa Thầy, tôi
đã đem con trai tôi lại cùng Thầy; cháu bị quỷ câm ám. Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu
xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên
quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi”. Ngài nói: “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin ! Tôi phải ở cùng
các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa ? Đem nó lại đây cho
tôi”.
Người ta đem nó lại cho Ngài. Vừa thấy Ngài, quỷ liền lay nó thật mạnh, nó ngã xuống đất, lăn
lộn, sùi cả bọt mép. Ngài hỏi cha nó: “Cháu bị như thế từ bao lâu rồi ?”. Ông ấy đáp: “Thưa từ thuở bé.
Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì
xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi”. Đức Giêsu nói với ông ta: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể ?
Mọi sự đều có thể đối với người tin”. Lập tức, cha đứa bé kêu lên: “Tôi tin ! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin
yếu kém của tôi !”
Khi thấy đám đông tuôn đến, Đức Giêsu quát mắng tên quỷ: “Thần câm điếc kia, Ta truyền cho
ngươi: ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa !”. Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi.
Đứa bé ra như chết, khiến cho nhiều người nói: “Nó chết rồi !” Nhưng Đức Giêsu cầm lấy tay nó, đỡ nó
dậy, và nó đứng lên.
Khi Ngài vào nhà, các môn đệ mới hỏi nhỏ: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy ?”
Ngài đáp: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi”.
Cầu nguyện được củng cố nhờ ăn chay. Thánh Phaolô nói đến việc cầu nguyện cho người khác
và cầu nguyện cho mình: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử
thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội
Thánh” ( Cl 1, 24 ).
Thánh Phaolô giải thích với cách ví dụ cụ thể: “Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên
thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để
chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt
phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. Vậy tôi đây cũng chạy
như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi đấm như thế, chứ không phải đấm vào không khí. Tôi bắt
thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” ( 1 Cr 9, 24 –
27 ).
Được kết hợp với lời cầu nguyện, đau khổ của Thánh Phaolô
đem lại ơn cứu độ cho ngài và cho Giáo Hội. Đau khổ là điều cần thiết
– đau khổ mang tính cứu độ khi được nối kết với tình yêu vì Đức Kitô,
kết hợp với đau khổ của Đức Kitô vì đời sống tâm linh của chúng ta và
của người khác. Đây là bằng chứng hùng hồn:
“Vậy thưa anh em, chúng ta mang nợ, không phải mang nợ đối
với tính xác thịt, để phải sống theo tính xác thịt. Vì nếu anh em sống
theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh
em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em
sẽ được sống. Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng
dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh
nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa,
nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta
được kêu lên: “Ápba ! Cha ơi !” Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí
chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng
là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, tức là đồng thừa kế với
Đức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng
được hưởng vinh quang với Người” ( Rm 8, 12 – 17 ).
5. Khi nào cần ăn chay ?
19
Ephata 601
Ephata 601
Ephata 601
Ephata 601
Ephata 601
Ephata 601
Ephata 601
Ephata 601
Ephata 601
Ephata 601
Ephata 601
Ephata 601
Ephata 601
Ephata 601
Ephata 601

More Related Content

What's hot

Gmd.097.09 HàNg Giả NgườI Giả
Gmd.097.09   HàNg Giả   NgườI GiảGmd.097.09   HàNg Giả   NgườI Giả
Gmd.097.09 HàNg Giả NgườI Giảmedom
 
Thong Tin Dan Chua - Thang 11/2020
Thong Tin Dan Chua - Thang 11/2020Thong Tin Dan Chua - Thang 11/2020
Thong Tin Dan Chua - Thang 11/2020Tien Nguyen
 
Tông huấn Evangelii Gaudium - Niềm vui của Tin Mừng
Tông huấn Evangelii Gaudium - Niềm vui của Tin MừngTông huấn Evangelii Gaudium - Niềm vui của Tin Mừng
Tông huấn Evangelii Gaudium - Niềm vui của Tin Mừnggxduchoa
 
Gmd.095.09 Duc Maria Mau Guong Yeu Men Va Ton Kinh Thanh The Chua
Gmd.095.09   Duc Maria   Mau Guong Yeu Men Va Ton Kinh Thanh The ChuaGmd.095.09   Duc Maria   Mau Guong Yeu Men Va Ton Kinh Thanh The Chua
Gmd.095.09 Duc Maria Mau Guong Yeu Men Va Ton Kinh Thanh The Chuamedom
 
Tam su voi chua moi ngay tuan 6 phuc sinh
Tam su voi chua moi ngay tuan 6 phuc sinhTam su voi chua moi ngay tuan 6 phuc sinh
Tam su voi chua moi ngay tuan 6 phuc sinhLe Vu
 

What's hot (20)

Ephata 618
Ephata 618Ephata 618
Ephata 618
 
Ephata 617
Ephata 617Ephata 617
Ephata 617
 
Ephata 616
Ephata 616Ephata 616
Ephata 616
 
Tin lanh
Tin lanhTin lanh
Tin lanh
 
So 174
So 174So 174
So 174
 
Gmd.097.09 HàNg Giả NgườI Giả
Gmd.097.09   HàNg Giả   NgườI GiảGmd.097.09   HàNg Giả   NgườI Giả
Gmd.097.09 HàNg Giả NgườI Giả
 
Ephata 622
Ephata 622Ephata 622
Ephata 622
 
Ephata 633
Ephata 633Ephata 633
Ephata 633
 
So 161
So 161So 161
So 161
 
Thong Tin Dan Chua - Thang 11/2020
Thong Tin Dan Chua - Thang 11/2020Thong Tin Dan Chua - Thang 11/2020
Thong Tin Dan Chua - Thang 11/2020
 
So 185
So 185So 185
So 185
 
Ephata 612
Ephata 612Ephata 612
Ephata 612
 
Tông huấn Evangelii Gaudium - Niềm vui của Tin Mừng
Tông huấn Evangelii Gaudium - Niềm vui của Tin MừngTông huấn Evangelii Gaudium - Niềm vui của Tin Mừng
Tông huấn Evangelii Gaudium - Niềm vui của Tin Mừng
 
Ephata 615
Ephata 615Ephata 615
Ephata 615
 
Ephata 613
Ephata 613Ephata 613
Ephata 613
 
Ephata 609
Ephata 609Ephata 609
Ephata 609
 
So 182
So 182So 182
So 182
 
Gmd.095.09 Duc Maria Mau Guong Yeu Men Va Ton Kinh Thanh The Chua
Gmd.095.09   Duc Maria   Mau Guong Yeu Men Va Ton Kinh Thanh The ChuaGmd.095.09   Duc Maria   Mau Guong Yeu Men Va Ton Kinh Thanh The Chua
Gmd.095.09 Duc Maria Mau Guong Yeu Men Va Ton Kinh Thanh The Chua
 
Tam su voi chua moi ngay tuan 6 phuc sinh
Tam su voi chua moi ngay tuan 6 phuc sinhTam su voi chua moi ngay tuan 6 phuc sinh
Tam su voi chua moi ngay tuan 6 phuc sinh
 
Ephata 620
Ephata 620Ephata 620
Ephata 620
 

Similar to Ephata 601

Gmd.089.09 Ngon Su Hom Nay
Gmd.089.09   Ngon Su Hom NayGmd.089.09   Ngon Su Hom Nay
Gmd.089.09 Ngon Su Hom Naymedom
 
Nghe thuat chinh phuc linh hon
Nghe thuat chinh phuc linh honNghe thuat chinh phuc linh hon
Nghe thuat chinh phuc linh honLong Do Hoang
 
Nghe thuat chinh phuc linh hon
Nghe thuat chinh phuc linh honNghe thuat chinh phuc linh hon
Nghe thuat chinh phuc linh honco_doc_nhan
 
Tapsannhodenvoi Chua
Tapsannhodenvoi ChuaTapsannhodenvoi Chua
Tapsannhodenvoi ChuaNguyen
 
Loi song-thang-09.2014
Loi song-thang-09.2014Loi song-thang-09.2014
Loi song-thang-09.2014Minh Thuy
 
Chua oixindaychungconcaunguyen
Chua oixindaychungconcaunguyenChua oixindaychungconcaunguyen
Chua oixindaychungconcaunguyenkhicon038
 
Dan tuan thanh tam nhat vuot qua
Dan tuan thanh tam nhat vuot quaDan tuan thanh tam nhat vuot qua
Dan tuan thanh tam nhat vuot quaHa Dat
 
Ttdc 2 2010
Ttdc 2 2010Ttdc 2 2010
Ttdc 2 2010Nguyen
 
Tông huấn niem vui tin mung
Tông huấn niem vui tin mungTông huấn niem vui tin mung
Tông huấn niem vui tin mungphanthitrucgiang82
 

Similar to Ephata 601 (20)

Ephata 604
Ephata 604Ephata 604
Ephata 604
 
Ephata 626
Ephata 626Ephata 626
Ephata 626
 
Gmd.089.09 Ngon Su Hom Nay
Gmd.089.09   Ngon Su Hom NayGmd.089.09   Ngon Su Hom Nay
Gmd.089.09 Ngon Su Hom Nay
 
Ephata 629
Ephata 629Ephata 629
Ephata 629
 
Ephata 608
Ephata 608Ephata 608
Ephata 608
 
Ephata 636
Ephata 636Ephata 636
Ephata 636
 
Nghe thuat chinh phuc linh hon
Nghe thuat chinh phuc linh honNghe thuat chinh phuc linh hon
Nghe thuat chinh phuc linh hon
 
Nghe thuat chinh phuc linh hon
Nghe thuat chinh phuc linh honNghe thuat chinh phuc linh hon
Nghe thuat chinh phuc linh hon
 
Ephata 635
Ephata 635Ephata 635
Ephata 635
 
Tapsannhodenvoi Chua
Tapsannhodenvoi ChuaTapsannhodenvoi Chua
Tapsannhodenvoi Chua
 
Tong hop
Tong hopTong hop
Tong hop
 
So 145
So 145So 145
So 145
 
Ephata 620
Ephata 620Ephata 620
Ephata 620
 
Loi song-thang-09.2014
Loi song-thang-09.2014Loi song-thang-09.2014
Loi song-thang-09.2014
 
Chua oixindaychungconcaunguyen
Chua oixindaychungconcaunguyenChua oixindaychungconcaunguyen
Chua oixindaychungconcaunguyen
 
Dan tuan thanh tam nhat vuot qua
Dan tuan thanh tam nhat vuot quaDan tuan thanh tam nhat vuot qua
Dan tuan thanh tam nhat vuot qua
 
Ttdc 2 2010
Ttdc 2 2010Ttdc 2 2010
Ttdc 2 2010
 
Tông huấn niem vui tin mung
Tông huấn niem vui tin mungTông huấn niem vui tin mung
Tông huấn niem vui tin mung
 
D3 su phuc hoa
D3 su phuc hoaD3 su phuc hoa
D3 su phuc hoa
 
Ephata 600
Ephata 600Ephata 600
Ephata 600
 

More from Vu Mai JMV

More from Vu Mai JMV (14)

Ephata 638
Ephata 638Ephata 638
Ephata 638
 
Ephata 637
Ephata 637Ephata 637
Ephata 637
 
Ephata 634
Ephata 634Ephata 634
Ephata 634
 
Ephata 632
Ephata 632Ephata 632
Ephata 632
 
Ephata 631
Ephata 631Ephata 631
Ephata 631
 
Ephata 630
Ephata 630Ephata 630
Ephata 630
 
Ephata 627
Ephata 627Ephata 627
Ephata 627
 
Ephata 625
Ephata 625Ephata 625
Ephata 625
 
Ephata 624
Ephata 624Ephata 624
Ephata 624
 
Ephata 621
Ephata 621Ephata 621
Ephata 621
 
Ephata 619
Ephata 619Ephata 619
Ephata 619
 
Ephata 614
Ephata 614Ephata 614
Ephata 614
 
Ephata 611
Ephata 611Ephata 611
Ephata 611
 
Ephata 610
Ephata 610Ephata 610
Ephata 610
 

Ephata 601

  • 1. E-mail: gxmehangcuugiup@gmail.com Website: www.trungtammucvudcct.com "BIỂN NHỚ TÊN EM GỌI VỀ..." Vào Mùa Chay, Hội Thánh giới thiệu với chúng ta những gương mặt, qua đó, tình thương và quyền năng của Chúa được biểu lộ một cách rõ rệt trong cuộc đời của họ. Một trong những gương mặt tiêu biểu đó, chính là Môsê. Bài đọc thứ nhất trong Kinh Sách ngày thứ sáu sau Lễ Tro đã bắt đầu giới thiệu gương mặt này. Môsê được nói đến trong sách Xuất Hành. Ông sinh ra trong một hoàn cảnh nghiệt ngã, Pharaô đã ra lệnh giết chết tất cả các bé trai Do Thái khi chào đời, mẹ ông lén lút nuôi ông, nhưng không thể kéo dài lâu được nữa, bèn bỏ con mình vào một cái giỏ thả trôi sông, xuôi theo giòng nước, nơi có công chúa của Ai Cập đang tắm. Cô chị khôn ngoan của em bé vẫn lần mò theo dõi cái giỏ đang lững lờ trôi trên sông. Công chúa Ai Cập đã vớt được cái giỏ có chú bé nằm trong đó, nàng nhận bé làm con nuôi, qua trung gian của chị bé, công chúa nhờ chính mẹ bé cho bé bú với tư cách là người vú nuôi. Tên Môsê của em bé có ý nghĩa là được vớt từ nước lên ( Xh 2, 1 – 10 ). Câu 11 – 13, chương 2, sách Xuất Hành kể lại rằng: Môsê lớn lên trong triều đình của người Ai Cập, nhưng lòng ông vẫn nhớ và hướng về đồng bào ruột thịt của mình đang chịu cảnh nô lệ khổ đau, chính giòng sữa mà mẹ ông cho ông bú đã nuôi tâm hồn ông vẫn mãi là người Do Thái chứ không phải là người Ai Cập. Kình Thánh nói vỏn vẹn một câu: “Ông ra ngoài thăm anh em đồng bào và thấy những việc khổ sai họ phải làm” ( c. 11 ), chỉ một câu ấy thôi đủ để diễn tả lòng ông Môsê. Ra ngoài, ông ra khỏi chăn êm nệm ấm, ra ngoài, ông ra khỏi sự phú quí giàu sang, ra ngoài, ông ra khỏi quyền cao chức trọng, ra ngoài, ông ra khỏi những đặc ân đặc lợi. Xướng đáp Kinh Sách còn nhận định như sau: “Nhờ Đức Tin, ông Môsê khi lớn lên đã từ chối không chịu cho người ta gọi là con của con gái vua Pharaô; ông thà chịu ngược đãi cùng với dân Thiên Chúa còn hơn được hưởng cái sung sướng chóng qua“. Môsê đã chọn lập trường khổ chung cái khổ của dân, đau chung cái đau của dân, chia sẻ nỗi đằng cay với dân của mình nhờ đức tin, cho dù ông đang đầy đủ điều kiện sống trong bình an, sung sướng. Ông không cần tìm, không cần thỏa hiệp, không cần chạy theo tâng bốc kẻ quyền thế, không cần vào hùa chà đạp người khác, ông vẫn có đầy đủ điều kiện để sống giàu sang phú quí. Nhớ cách đây không lâu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ với mọi người về sứ mạng mục tử của ngài là: “mang lấy mùi chiên”. Chắc chắn mùi chiên không lấy gì là thơm tho, vì hiện nay rất nhiều chiên bị đọa đày, bị đau khổ, bị hành hạ, bị loại trừ, bị đàn áp. Chẳng có chiên nào bị đọa đày, bị đau khổ, bị hành hạ, bị loại trừ, bị đàn áp mà lại thơm tho cả, chúng mang đầy thương tích, thân mình bị ứa máu, lở loét, lấm lem và dơ bẩn. Nhưng mang lấy mùi chiên cũng là mang lấy mùi của Con Chiên Thiên Chúa, Con Chiên của vinh quang, chiến thắng sự dữ, đem lại sự sống đời dời, Con Chiên thơm mùi cây gỗ hồng phúc, Con Chiên thơm mùi máu cứu độ, Con Chiên thơm mùi bánh trường sinh. Bánh trường sinh, máu cứu độ, gỗ hồng phúc từ thân mình đầy những vết thương. 1 NĂM THỨ 14 – SỐ 601 – CHÚA NHẬT 9.3.2014
  • 2. Ông Môsê không thể nào quên mình từ đâu tới, mình ở đâu ra, nơi nào là cội nguồn của mình, ông không thể nào quên mà quay lưng với anh em cốt nhục của mình. Tiếng sóng của giòng sông vẫn vang dội trong ông, trong hồn ông, nhắc ông quay về với đất nước, với dân tộc, với lòng tin, với cội nguồn. Nhắc ông chấp nhận sự chịu ngược đãi để được đồng hành với cội nguồn của ông. Chính ý thức này đưa ông tới sứ mạng mà Chúa sẽ chọn ông. Có tiếng sóng biển của cội nguồn nào thức tỉnh những ai đang tìm thỏa hiệp, đon đả quỵ luỵ, và cấu kết với sự dữ không nhỉ ? Lm. VĨNH SANG, DCCT, Chúa Nhật 9.3.2014 MỤC LỤC TÌM BÀI: "BIỂN NHỚ TÊN EM GỌI VỀ..." ( Lm. Vĩnh Sang ) ............................................................................... 01 SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2014 CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ ( Bản dịch Lm. Trần Đức Anh ) ....... 02 TÔNG HUẤN NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG – Chương 4 ( ĐTC. Phanxicô – Bản dịch Joseph C. Pham ) ... 05 TÊN CÁM DỖ ( Charles Singer, Prier ) .................................................................................................. 08 CHIẾN THẮNG CÁM DỖ ...................................................................................................................... 09 ĐỨNG VỀ PHÍA THIÊN CHÚA ĐỂ CHỐNG LẠI TÊN CÁM DỖ ( Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ ) ............ 11 PHƯƠNG THẾ CHIẾN THẮNG CÁM DỖ ( Lm. Giuse Nguyễn Hữu An ) ............................................. 12 PARAGUAY – TÂM TÌNH MÙA CHAY 2014 ( Lm. Antôn Trần Xuân Sang ) ......................................... 15 CHAY TỊNH THEO NỀN TẢNG KINH THÁNH ( Bản dịch của Trầm Thiên Thu ) .................................. 17 THẦN HỌC VỀ THÂN XÁC VÀ HOẠT ĐỘNG TÍNH DỤC – Kỳ 4 ( Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn ) .......... 20 TẤM GƯƠNG MỤC TỬ ( Trần Mạnh Trác ) .......................................................................................... 24 PHONG CÁCH PHANXICÔ – Bài 6: ( Nguyễn Trung ) .......................................................................... 25 NGƯỜI CÔNG GIÁO TỐT MỌI THỜI ( Phùng Văn Hoá ) .................................................................... 27 “HÃY ĐỒNG HÀNH, ĐỪNG KẾT ÁN NHỮNG NGƯỜI ĐỔ VỠ HÔN NHÂN” ( ĐTC Phanxicô ) .......... 30 TÂM TÌNH VỚI NGƯỜI HỌC TRÒ CŨ ( Hạnh Nguyên ) ...................................................................... 34 SỨ ĐIỆP MÙA CHAY 2014 CỦA ĐỨC THÁNH CHA "Ngài đã trở nên nghèo để làm cho chúng ta được giàu có nhờ cái nghèo của Ngài” ( Xc. 2 Cr 8, 9 ) Anh chị em thân mến, Nhân dịp Mùa Chay, tôi muốn cống hiến anh chị em vài suy tư có thể giúp anh chị em trong hành trình hoán cải bản thân và cộng đồng. Tôi lấy hứng từ câu nói của thánh Phaolô: "Thực vậy, anh chị em biết lòng quảng đại của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta: Ngài giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo vì anh chị em, để anh chị em trở nên giàu sang nhờ cái nghèo của Ngài” ( 2 Cr 8, 9 ). Thánh Tông Đồ ngỏ lời với các tín hữu Kitô thành Côrintô để khích lệ họ quảng đại trong việc giúp đỡ các tín hữu thành Giêrusalem ở trong tình trạng túng thiếu. Những lời này của Thánh Phaolô nói gì với các Kitô hữu chúng ta ngày nay ? Lời nhắn nhủ trở nên nghèo khó, sống thanh bần theo tinh thần Tin Mừng có ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay ? Ân sủng của Chúa Kitô Trước tiên những lời ấy nói với chúng ta đâu là đường lối của Thiên Chúa. Thiên Chúa không tỏ mình bằng những phương thế quyền lực và giàu sang của trần thế, nhưng bằng những phương thế yếu đuối và nghèo nàn: "Ngài giàu sang, nhưng đã trở nên nghèo vì anh chị em..." Chúa Kitô, Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, đồng hàng với Chúa Cha về quyền năng và vinh quang, đã trở nên nghèo; Ngài đã xuống giữa chúng ta, trở nên gần gũi với mỗi người chúng ta; Ngài đã cởi bỏ, "trở nên trống rỗng", để trở nên giống chúng ta hoàn toàn ( Xc. Pl 2, 7; Dt 4, 15 ). 2 CÙNG LẮNG NGHE
  • 3. Mầu nhiệm nhập thể của Thiên Chúa cao cả dường nào ! Chính tình yêu của Thiên Chúa là nguyên nhân mầu nhiệm ấy, một tình yêu là ân sủng, lòng quảng đại, ước muốn trở nên gần gũi, và không do dự hiến thân và hy sinh vì những thụ tạo mà Ngài yêu mến. Lòng bác ái, tình yêu, có nghĩa là chia sẻ trong mọi sự số phận của người mình yêu. Tình yêu làm cho trở nên giống nhau, kiến tạo sự bình đẳng, phá đổ các bức tường và những ngăn cách. Và đó là điều Thiên Chúa đã làm với chúng ta. Thực vậy, Chúa Giêsu "đã làm việc bằng đôi bàn tay của con người, đã suy nghĩ với trí thông minh của con người, đã hành động với ý chí của con người, đã yêu thương với trái tim của con người. Sinh bởi Đức Trinh Nữ Maria, Ngài đã thực sự trở nên một người trong chúng ta, giống chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi" ( Gaudium et Spes, 22, 2 ). Lý do thúc đẩy Chúa Giêsu trở nên nghèo không phải là sự nghèo nàn tự nó, nhưng, như Thánh Phaolô đã nói, "...là để anh chị em trở nên giàu sang nhờ cái nghèo của Ngài". Đây không phải là một kiểu chơi chữ, một kiểu nói để gây ấn tượng ! Trái lại đó là một sự tổng logic của Thiên Chúa, logic yêu thương, lôgic Nhập Thể và Thập Giá. Thiên Chúa đã không làm cho Ơn Cứu Độ rơi xuống chúng ta từ trên cao, như kẻ thương người lấy của dư thừa của mình mà làm phúc bố thí. Đó không phải là tình yêu của Chúa Kitô ! Khi Chúa Giêsu bước xuống sông Giođan và chịu phép rửa của Gioan Tẩy Giả, Ngài không hành động vì thấy cần phải thống hối, hoán cái; Ngài làm như thế để nhập hàng giữa dân chúng là những người đang cần ơn tha thứ, Ngài ở giữa chúng ta là những người tội lỗi, và gánh lấy tội lỗi của chúng ta. Đó chính là con đường Ngài chọn để an ủi chúng ta, cứu thoát chúng ta, giải phóng chúng ta khỏi tình trạng lầm than. Chúng ta có ấn tượng mạnh vì Thánh Tông Đồ nói rằng chúng ta đã được giải thoát không phải nhờ sự giàu sang của Chúa Kitô, nhưng nhờ cái nghèo của Ngài. Tuy Thánh Phaolô biết rõ "những sự phong phú khôn lường của Chúa Kitô" ( Ep 3, 8 ), "là người được thừa tự mọi sự" ( Dt 1, 2 ). Như thế, cái nghèo mà Chúa Giêsu dùng để giải thoát chúng ta và làm cho chúng ta trở nên giàu sang, là gì ? Thưa đó chính là cách thức Ngài yêu thương chúng ta, Ngài trở nên người thân cận của chúng ta như Người Samari nhân lành đến gần người bị bỏ mặc giở sống giở chết bên vệ đường ( Xc. Lc 10, 25tt ). Điều mang lại cho chúng ta tự do chân thực, Ơn Cứu Độ thực sự và hạnh phúc đích thực chính là tình yêu thương xót, dịu dàng và chia sẻ của Ngài. Cái nghèo của Chúa Kitô làm cho chúng ta được giàu sang chính là sự kiện Ngài làm người, gánh lấy những yếu đuối của chúng ta, tội lỗi của chúng ta, thông truyền cho chúng ta lượng từ bi vô biên của Thiên Chúa. Cái nghèo của Chúa Kitô là sự giàu sang lớn nhất: Chúa Giêsu giàu lòng tín thác vô biên nơi Thiên Chúa Cha, tín thác nơi Cha trong mọi lúc, luôn luôn và chỉ tìm kiếm thánh ý và vinh danh Thiên Chúa. Ngài giàu sang như một trẻ em giàu sang khi cảm thấy được yêu thương và mến yêu cha mẹ, và không nghi ngờ một giây phút nào về tình thương và sự dịu dàng của cha mẹ. Sự giàu sang của Chúa Giêsu chính là Con Thiên Chúa; tương quan có một không ai với Chúa Giêsu chính là đặc ân cao cả nhất của Đấng Messia nghèo khó này. Khi Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy mang lấy "ách nhẹ nhàng" của Ngài, Ngài mời gọi chúng ta hãy trở nên giàu có bằng "cái nghèo giàu sang" và "sự giàu sang nghèo" của Ngài, chia sẻ với Ngài tinh thần con thảo và huynh đệ, trở nên con cái trong Con của Ngài, là anh em trong người Anh Trưởng Tử ( Xc. Rm 8, 29 ). Người ta nói rằng có một điều sầu muộn duy nhất, đó là sầu muộn vì không được nên thánh ( L. Bloy ); chúng ta cũng có thể nói rằng có một sự lầm than đích thực duy nhất, đó là: không sống như con cái Thiên Chúa và như những người em của Chúa Kitô. Chứng tá của chúng ta Chúng ta có thể nghĩ rằng "con đường" nghèo như thế là con đường của Chúa Giêsu, trong khi chúng ta, là những người đến sau Ngài, chúng ta có thể cứu vớt thế giới bằng những phương thế thích hợp của con người. Không phải như vậy. Trong mọi thời đại và mọi nơi, Thiên Chúa tiếp tục cứu vớt con người và thế giới nhờ cái nghèo của Chúa Kitô, Đấng trở nên nghèo trong các Bí Tích, trong Lời Chúa và trong Giáo Hội của Ngài, là một dân tộc gồm những người nghèo. Sự giàu sang của Thiên Chúa không thể đến với chúng ta qua sự giàu sang của chúng ta, nhưng luôn luôn và chỉ qua cái nghèo của chúng ta, bản thân và cộng đoàn, được Thần Khí của Chúa Kitô linh hoạt. Noi gương Thầy Chí Thánh, các Kitô hữu chúng ta được kêu gọi hãy nhìn đến tình cảnh lầm than của anh chị em chúng ta, động chạm đến, gánh lấy và hoạt động cụ thể để thoa dịu những lầm 3
  • 4. than ấy. Lầm than ( miseria ) không đồng nghĩa với nghèo ( povertà ); lầm than là sự nghèo nàn không có lòng tín thác, không có tình liên đới, không có hy vọng. Chúng ta có thể phân biệt ba loại lầm than: lầm than vật chất, lầm than luân lý và lầm than tinh thần. Lầm than vật chất vẫn thường được gọi chung là sự nghèo khổ và đè nặng trên những người sống trong hoàn cảnh không xứng đáng với con người: những người bị thiếu các quyền cơ bản và nhu yếu phẩm như lương thực, nước, những điều kiện vệ sinh, công ăn việc làm, khả năng phát triển và tăng trưởng về văn hóa. Đứng trước lầm than này, Giáo Hội cống hiến dịch vụ của mình, diakonia, để đi gặp gỡ những người túng thiếu và chữa lành những vết thương làm xấu xí khuôn mặt của nhân loại. Nơi những người nghèo và những người rốt cùng, chúng ta nhìn thấy tôn nhan của Chúa Kitô; khi yêu thương và giúp đỡ những người nghèo, chúng ta yêu mến và phụng sự Chúa Kitô. Sự dấn thân của chúng ta cũng nhắm làm sao để chấm dứt những vụ vi phạm phẩm giá con người trên thế giới, những kỳ thị và lạm dụng là nguồn gốc gây ra lầm than trong bao nhiêu trường hợp. Khi quyền lực, sa hoa và tiền bạc trở thành thần tượng, thì người ta coi chúng quan trọng hơn đòi hỏi phải phân phối công bằng những của cải. Vì thế, lương tâm cần hoán cải, trở về với công lý, sự bình đẳng, sự điều độ và chia sẻ. Điều không kém phần gây lo âu chính là lầm than luân lý, nó hệ tại trở nên nô lệ cho những tật xấu và tội lỗi. Bao nhiêu gia đình lo âu vì có một trong những phần tử của mình, thường là người trẻ, nghiện ngập rượu, ma túy, cờ bạc và dâm ô ! Bao nhiêu người đã đánh mất ý nghĩa cuộc sống, thiếu những viễn tượng tương lai và mất hy vọng ! Và bao nhiêu người bị bó buộc sống trong lầm than luân lý do những điều kiện xã hội bất công, thiếu công ăn việc làm, khiến họ không còn phẩm giá mang cơm bánh về nhà, thiếu bình đẳng trong các quyền giáo dục và sức khỏe. Trong những trường hợp ấy, lầm than luân lý có thể được gọi là một sự bắt đầu tự sát. Hình thức lầm than này cũng là nguyên nhân làm cho nền kinh tế suy sụp, nó luôn gắn liền với lầm than tinh thần khi chúng ta xa lìa Thiên Chúa và từ khước tình thương của Ngài. Nếu chúng ta cho rằng mình không cần Thiên Chúa, Đấng đang giơ tay cho chúng ta trong Chúa Kitô, vì chúng ta nghĩ mình tự mãn, thì chúng ta đang đi vào con đường thất bại. Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể cứu vớt và giải thoát chúng ta thực sự. Tin Mừng là thuốc giải độc đích thực chống lại lầm than tinh thần: Kitô hữu được mời gọi mang vào mọi môi trường lời loan báo giải thoát, theo đó có sự tha thứ tội lỗi đã phạm, Thiên Chúa cao cả hơn tội lỗi chúng ta và Ngài yêu thương chúng ta một cách nhưng-không, luôn luôn, và chúng ta được dựng nên để hiệp thông và sống vĩnh cửu. Chúa mời gọi chúng ta hãy trở thành những người hân hoan loan báo sứ điệp từ bi và hy vọng ấy ! Thật là đẹp khi cảm nghiệm niềm vui loan truyền Tin Mừng đó, chia sẻ kho tàng đã được ủy thác cho chúng ta, để an ủi những con tim tan vỡ và mang lại hy vọng cho bao nhiêu anh chị em chúng ta đang bị bóng đêm bao phủ. Vấn đề ở đây là đi theo và noi gương Chúa Giêsu, Đấng đã đi đến với người nghèo và tội nhân như một mục tử đi tìm con chiên bị lạc mất, và Ngài đến gặp chúng ta với đầy tình yêu thương. Khi hiệp nhất với Chúa, chúng ta có thể can đảm mở ra những con đường mới để loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người. Anh chị em thân mến, ước gì Mùa Chay này thấy được toàn thể Giáo Hội sẵn sàng và mau mắn làm chứng cho những người đang sống trong tình trạng lầm than vật chất, luân lý và tinh thần: làm chứng về sứ điệp Tin Mừng, được tóm tắt trong việc loan báo tình thương của Chúa Cha từ bi, sẵn sàng ôm lấy mỗi người trong Chúa Kitô. Chúng ta có thể thi hành điều ấy theo mức độ chúng ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Đấng đã trở nên nghèo và làm cho chúng ta được giàu sang bằng cái nghèo của Ngài. Mùa Chay là mùa thích hợp để cởi bỏ, làm cho chúng ta tự hỏi đâu là điều chúng ta có thể chịu thiếu để giúp đỡ và làm cho người khác trở nên phong phú nhờ cái nghèo của chúng ta. Chúng ta đừng quên rằng sự nghèo nàn đích thực gây đau khổ: một sự cởi bỏ mà không có chiều kích thống hối thì không có giá trị. Tôi không tín nhiệm việc làm phúc mà chẳng làm cho chúng ta mất mát hoặc không gây đau đớn nào. 4
  • 5. Xin Chúa Thánh Linh, nhờ Ngài "chúng ta vốn là người nghèo, nhưng có khả năng làm bao nhiêu điều phong phú: như người không có gì cả, nhưng lại sở hữu tất cả" ( 2 Cr 6, 10 ), nâng đỡ những quyết tâm trên đây của chúng ta và củng cố trong chúng ta mối quan tâm và trách nhiệm đối với sự lầm than của con người, để chúng ta trở nên từ bi và là những người thực thi lòng từ bi. Với lời cầu chúc ấy, tôi hứa cầu nguyện cho anh chị em, để mỗi tín hữu và mỗi cộng đoàn Giáo Hội tiến bước một cách hiệu quả trong hành trình Mùa Chay, và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa chúc lành cho anh chị em và xin Đức Mẹ gìn giữ anh chị em. Vatican, 26.12.2013 Lễ Thánh Stephano, Phó Tế và là Vị Tử Đạo tiên khởi Lm. TRẦN ĐỨC ANH, OP, chuyển ý, nguồn: Vietcatholic.org TÔNG HUẤN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ – Kỳ 12 "NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG – EVANGELII GAUDIUM" CHƯƠNG IV – CHIỀU KÍCH XÃ HỘI CỦA VIỆC PHÚC ÂM HOÁ Nền kinh tế và sự phân bố thu nhập 202. Nhu cầu cần giải quyết các căn nguyên có tính hệ thống về sự nghèo nàn không thể bị trì hoãn thêm nữa, không chỉ vì lý do thực tế về tính cấp bách của nó cho một trật tự tốt đẹp của xã hội, nhưng còn do bởi xã hội cần phải được chữa lành khỏi một căn bệnh vốn đang làm suy yếu và băng hoại xã hội, và vốn chỉ có thể dẫn đến những cuộc khủng khoảng mới. Các dự án phúc lợi, vốn đáp ứng những nhu cầu cấp bách nhất định, được xem như những đáp ứng tạm thời. Chừng nào những vấn đề của người nghèo chưa được giải quyết cách triệt để bằng việc từ chối cơ chế tự động hoá tuyệt đối của các thị trường và việc đầu cơ tài chính và bằng việc đánh đổ những căn nguyên có tính hệ thống về sự bất bình đẳng, thì không giải pháp nào có thể được tìm ra cho các vấn đề của thế giới hoặc, cũng vì thế mà chẳng giải quyết được bất kỳ vấn đề nào. Sự bất bình đẳng là cội rễ của các căn bệnh xã hội. 203. Căn tính của mỗi một người và việc theo đuổi hạnh phúc là những mối quan tâm nên có trong việc xây dựng tất cả các chính sách kinh tế. Tuy rằng đôi khi chúng có vẻ như là một phần phụ lục được thêm vào từ bên ngoài để lấp đầy một bài diễn văn mang tính chính trị nhưng lại khiếm khuyết trong các cách tiếp cận hoặc các kế hoạch cho sự phát triển thực sự và toàn diện. Biết bao nhiêu lời nói cho thấy sự khó chịu đối với hệ thống này ! Nó trở thành khó chịu khi vấn đề về đạo đức được nêu lên, khi sự đoàn kết toàn cầu được thỉnh nguyện, khi vấn đề phân bổ hàng hoá được đề cập, khi sự ưu tiên được tạo ra để bảo vệ người lao động và bảo vệ căn tính của những người thấp cổ bé họng, khi ám chỉ được tạo nên để nói về Thiên Chúa Đấng đòi hỏi một sự cam kết dấn thân cho công lý. Ở những thời điểm khác những vấn đề này được khai thác bởi một lối hùng biện nhằm làm hạ thấp giá trị của chúng. Sự thờ ơ hiện nay khi đối diện với những vấn đề như thế làm cho cuộc sống của chúng ta trở nên trống rỗng và làm cho ngôn từ của chúng ta mất hết ý nghĩa. Việc kinh doanh là một ơn 5 CÙNG ĐÓN NHẬN
  • 6. gọi, một ơn gọi cao quý, nếu những người đang làm trong lãnh vực này thấy bản thân họ đang bị thách đố bởi ý nghĩa quan trọng nhất trong cuộc sống; thì điều này sẽ làm cho họ thật sự phục vụ thiện ích chung bằng việc nỗ lực để gia tăng của cải trên thế giới này và làm cho những của cải ấy được tiếp cận dễ dàng hơn. 204. Chúng ta không còn có thể tin vào những thế lực ngầm và bàn tay vô hình của thị trường nữa. Sự tăng trưởng về sự công bằng thì quan trọng hơn là sự tăng trưởng về kinh tế, mặc dù giả thiết có sự tăng trưởng như thế này: nó đòi hỏi những quyết định, những chương trình, các cơ chế và tiến trình đặc biệt hướng tới một sự phân bổ tốt hơn về thu nhập, sự tạo ra các nguồn lao động và một sự thăng tiến toàn diện dành cho người nghèo vượt ra khỏi não trạng phúc lợi thuần tuý. Tôi tránh xa việc đề xuất một thứ chủ nghĩa dân tuý vô trách nhiệm, nhưng là một nền kinh tế không hướng về những liệu pháp vốn là một thứ chất độc mới, sự nỗ lực như thế để làm gia tăng lợi nhuận bằng việc cắt giảm lực lượng lao động và từ đó gia tăng thêm những con người bị loại trừ. 205. Tôi cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta nhiều hơn nữa các chính trị gia có khả năng đối thoại chân thành và hiệu quả hướng đến việc chữa lành những căn nguyên sâu xa nhất – và không chỉ đơn giản là bề mặt – của những tội ác trên thế giới của chúng ta ! Chính trị, mặc dù thường bị phỉ báng, vẫn có một ơn gọi cao quý và là một trong những hình thức cao nhất của bác ái, vì nó tìm kiếm thiện ích chung. Chúng ta cần phải tin rằng bác ái "là nguyên lý chứ không chỉ là những mối quan hệ vi mô ( với bạn hữu, với các thành viên trong gia đình, hoặc trong những nhóm nhỏ ) nhưng còn là những mối quan hệ vĩ mô ( xã hội, các vấn đề kinh tế và chính trị )". Tôi khẩn xin Thiên Chúa ban cho chúng ta nhiều hơn nữa các chính trị gia thực sự bị đánh động bởi tình trạng xã hội, dân tộc, và cuộc sống của người nghèo ! Thật là chính đáng khi các nhà lãnh đạo chính quyền và các lãnh đạo tài chính biết chú tâm và biết mở rộng các chân trời của họ, làm việc để đảm bảo rằng tất cả mọi công dân đều có được việc làm, giáo dục, và hưởng sự chăm sóc sức khoẻ theo đúng phẩm giá của mình. Tại sao lại không hướng về Thiên Chúa và xin Ngài tác động trên các kế hoạch của họ ? Tôi vững tin rằng sự mở lòng ra với Đấng siêu việt có thể mang lại một tâm thức chính trị và kinh tế mới sẽ đánh sập bức tường của sự phân cách giữa nền kinh tế và thiện ích chung của xã hội. 206. Kinh tế, đúng như bản chất của từ này, cần phải hiểu là nghệ thuật đạt tới được trình độ quản trị thích hợp cho ngôi nhà chung của chúng ta, nghĩa là cả thế giới này. Mỗi một quyết sách kinh tế có ý nghĩa được đưa ra ở một nơi trên thế giới đều có những âm hưởng đến tất cả những nơi khác; do đó, không một chính phủ nào được hành động mà không xem xét đến trách nhiệm chung. Theo đó, ngày càng trở nên khó để tìm ra những giải pháp mang tính địa phương cho những vấn đề lớn lao mang tính toàn cầu vốn đang làm choáng váng các chính trị gia địa phương với hàng mớ khó khăn cần giải quyết. Nếu chúng ta thật sự muốn đạt tới một nền kinh tế thế giới khoẻ mạnh, thì điều cần thiết ở ngay tại ngã rẽ lịch sử này là một đường lối hiệu quả hơn của việc tương tác, hướng đến việc tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia, đảm bảo sự khoẻ mạnh về kinh tế ở tất cả các quốc gia, chứ không phải chỉ ở một vài nước. 207. Bất cứ cộng đồng Giáo Hội nào, nếu cộng đồng ấy nghĩ rằng có thể thoải mái đi theo đường lối của riêng mình mà không có một sự quan tâm mang tính sáng tạo và sự hợp tác hiệu quả trong việc giúp đỡ người nghèo được sống đúng phẩm giá của họ và mở ra hướng đến với mọi người, thì sẽ có nguy cơ sụp đổ, bất luận là nó đang nói nhiều bao nhiêu về các vấn đề xã hội hoặc phê phán các chính phủ nhiều bao nhiêu. Nó sẽ dễ dàng trượt dài vào tinh thần thế tục được nguỵ trang bởi các việc cử hành tôn giáo, các buổi họp không sinh hoa trái và các bài nói chuyện sáo rỗng. 208. Nếu có ai đó cảm thấy bị xúc phạm bởi những lời của tôi, tôi sẽ trả lời rằng tôi nói những lời này bằng tất cả lòng trìu mến và bằng những ý ngay lành nhất, chứ không phải bằng những hứng thú riêng hay một ý thức hệ chính trị. Những lời của tôi không phải là những lời của kẻ thù hoặc của một kẻ chống đối. Tôi chỉ yêu thích việc giúp những người đang làm nô lệ cho một não trạng duy cá nhân, thờ ơ, và hướng về bản thân được giải thoát khỏi những xiềng xích không xứng đáng đó và đạt tới một lối sống và nghĩ mang tính nhân bản, cao quý và sinh hoa trái hơn, và đạt tới điều sẽ mang lại phẩm giá cho sự hiện hữu của họ trên mặt đất này. Sự quan tâm dành cho những người yếu thế 209. Chúa Giêsu, nhà truyền giáo tuyệt vời và là Tin Mừng hiện hữu nơi con người cụ thể, đồng hoá một cách đặc biệt với những kẻ bé mọn ( x. Mt 25, 40 ). Điều này nhắc nhở chúng ta là các Kitô hữu rằng chúng ta được mời gọi để quan tâm chăm sóc những người yếu thế ở trái đất này. Nhưng khuôn mẫu hiện tại, với sự đề cao về thành công và sự tự lực, dường như không hứng thú lắm cho việc đầu tư vào những nỗ lực để giúp người chậm chạp, người yếu đau, hoặc người kém năng lực để có được những cơ hội trong cuộc sống. 6
  • 7. 210. Thật là chính đáng để đến gần với những hình thức mới của sự nghèo nàn và yếu thế, ở nơi ấy chúng ta được mời gọi để nhận ra được nỗi thống khổ của Đức Kitô, ngay cả khi điều này có vẻ như không mang lại cho chúng ta những lợi ích hữu hình và tức thì. Tôi nghĩ về những người vô gia cư, những người nghiện, những người tị nạn, các dân tộc thiểu số, những người già yếu những con người vốn bị bỏ rơi và bị cô lập ngày càng nhiều và nhiều những con người khác nữa. Những người di dân đặt ra cho tôi một thách đố đặc biệt, kể từ khi tôi làm mục tử của một Giáo Hội mà không có biên giới, một Giáo Hội tự nhìn nhận mình là mẹ của tất cả mọi người. Vì lý do này, tôi kêu gọi tất cả các quốc gia mở rộng tấm lòng, thay vì sợ mất đi căn tính địa phương mình, sẽ cho thấy khả năng có thể tạo ra được những hình thức tổng hợp văn hoá mới. Thật đẹp biết bao các thành phố vượt thắng được sự ngờ vực làm tê liệt, nối kết mọi người khác biệt và làm cho sự nối kết rất tuyệt này trở thành một nhân tố mới cho sự phát triển ! Thật cuốn hút biết bao những thành phố này, ngay cả trong việc thiết kế kiến trúc hạ tầng của họ, cũng đã đầy tràn không gian nối kết, liên hệ và hứng thú trong việc nhận ra người khác ! 211. Tôi luôn luôn cảm thấy đau buồn về nhiều người là nạn nhân của nhiều loại buôn bán người khác nhau. Tôi khao khát biết bao nhiêu tất cả chúng ta nghe được tiếng than khóc của Thiên Chúa: "Em ngươi đâu rồi ?" ( St 4, 9 ). Anh chị em của con đang làm nô lệ đâu rồi ? Anh chị em con đang bị giết mỗi ngày trong những nhà xưởng ám muội, trong những ổ mại dâm, nơi những trẻ em bị dùng để xin ăn, và trong việc khai thác lực lượng lao động bất hợp pháp đâu rồi ? Chúng ta đừng bịt mắt làm ngơ như không có gì xảy ra. Có một sự đồng loã lớn lao hơn chúng ta tưởng. Mạng lưới tội ác bẩn thỉu này hiện nay đang được thiết lập trong các thành phố của chúng ta, và nhiều người đã nhuốm máu đôi tay của mình vốn là kết quả của một sự đồng loã trong sự thoải mái và âm thầm của chính họ. 212. Những người nghèo khổ gấp đôi là những người phụ nữ phải kinh qua những hoàn cảnh của sự loại trừ, cư xử bất nhân và bạo hành, bởi vì họ là những người thường xuyên là ít có khả năng để bảo vệ các quyền của họ. Mà ngay cả như thế, chúng ta vẫn cứ luôn là những chứng tá ở giữa họ bằng những tấm gương ấn tượng từ những công việc anh hùng mỗi ngày trong việc bảo vệ và đấu tranh cho các gia đình yếu thế của họ. 213. Giữa những người yếu thế mà Giáo Hội đang khao khát chăm sóc bằng một tình yêu và sự quan tâm đặc biệt là các thai nhi, những con người không có khả năng tự vệ và vô tội nhất trong số chúng ta. Những nỗ lực ngày nay được thực hiện để chối bỏ căn tính con người của các bé và làm mọi thứ trên mạng sống của các bé nếu người ta thích, lấy đi sự sống của các bé và thông qua các đạo luật nhằm ngăn chặn bất kỳ ai ngáng lối đi của họ về việc làm này. Rất thường, như một cách thế của những nỗ lực ngớ ngẩn của Giáo Hội nhằm bảo vệ sự sống của các bé, những nỗ lực được thực hiện để trình bày về vị trí của Giáo Hội như là điều gì đó mang tính ý thức hệ, che giấu và bảo thủ. Tuy nhiên việc bảo vệ sự sống này thì liên hệ gần gũi đến quyền con người của mỗi người và mọi người. Nó liên quan đến sự xác tín rằng một con người luôn luôn là thánh và bất khả xâm phạm, trong mọi hoàn cảnh và ở mọi giai đoạn phát triển. Hữu thể con người là cùng đích của chính nó và chưa bao giờ là những phương tiện để người ta giải quyết các vấn đề khác. Một khi niềm xác tín này tan biến, thì cũng không còn những nền tảng bền vững và lâu dài về việc bảo vệ quyền con người, vốn luôn luôn là chủ thể cho những động cơ vô chừng chóng qua của các thế lực quyền bính vốn cứ là như thế. Chỉ cần lý luận thôi cũng đã đủ để nhận biết giá trị bất khả xâm phạm của mỗi sự sống con người, nhưng nếu chúng ta cũng nhìn vào vấn đề dưới nhãn quan của Đức Tin thì, "mọi sự xâm phạm đến phẩm giá mang tính nhân vị của con người đang kêu than lên trong sự báo thù trước nhan Thiên Chúa và là một tội chống lại Đấng Tạo Thành mỗi nhân vị". 214. Rất rõ ràng là bởi vì điều này liên hệ đến tính nhất quán mang tầm quốc tế của thông điệp của chúng ta về giá trị con người, nên người ta không được phép mong đợi Giáo Hội thay đổi vị trí của mình trong vấn đề này. Tôi muốn hoàn toàn trung thực trong việc xem xét này. Đây không phải là một điều gì đó là chủ thể của những chủ trương cải cách hoặc "những vấn đề hiện đại hoá". Nó cũng không phải là "tư tưởng cấp tiến" cố gắng để giải quyết các vấn đề bằng việc loại trừ sự sống con người. Mặt khác, cũng là sự thật rằng chúng ta đã thực hiện quá ít để đồng hành cách đầy đủ cùng những người phụ nữ trong những hoàn cảnh hết sức khó khăn, nơi mà sự phá thai dường như là giải pháp nhanh nhất cho nỗi đau sâu sắc của họ, đặc biệt là khi sự sống đang phát triển trong lòng họ lại là 7
  • 8. kết quả của nạn hiếp dâm hoặc của một hoàn cảnh quá bĩ cực trong sự nghèo. Ai có thể vẫn bình chân như vại trước những hoàn cảnh đau đớn thế này ? 215. Cũng có những con người mất khả năng tự vệ và yếu kém khác vốn thường được đặt dưới sự xót thương của các lợi ích kinh tế và nạn khai thác cách bừa bãi. Tôi đang nói đến toàn thể tạo vật. Chúng ta là những con người không chỉ là người thừa hưởng nhưng còn là những quản gia của các tạo vật khác. Nhờ vào thân xác của chúng ta, mà Thiên Chúa đã gắn kết chúng ta cách gần gũi với thế giới xung quanh chúng ta để chúng ta có thể cảm nhận được tình trạng sa mạc hoá đất đai gần giống như một căn bệnh thể lý của chúng ta, và nạn diệt chủng các loài giống như một sự mất đi cách đau đớn một phần vẻ đẹp thân thể của chúng ta. Chúng ta đừng để lại trong cuộc sống của chúng ta những lằn cắt của sự huỷ diệt và chết chóc vốn sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta và của những thế hệ tương lai. Ở đây tôi muốn mượn lời than van có tính lay động và tiên tri được nói lên vài năm về trước bởi Hội Đồng Giám Mục Philipines: "Một sự phong phú không thể tin được các loài côn trùng sống trong rừng và đang bận rộn với rất nhiều nhiệm vụ... Các loài chim thì bay trên bầu trời, những bộ lông sặc sỡ của chúng và những ơn gọi khác nhau của chúng mang thêm sắc mầu và tiếng ca cho sắc xanh của các cánh rừng... Thiên Chúa đã tiền định vùng đất này cho chúng ta, các thọ tạo đặc biệt của Ngài, nhưng không phải vì thế mà chúng ta có thể huỷ diệt nó và biến nó thành một mảnh đất hoang... Sau một đêm mưa, hãy nhìn những dòng sông nâu mầu sôcôla ở địa phương của các bạn và hãy nhớ rằng chúng mang dòng máu sự sống của đất đổ ra biển... Làm sao cá có thể bơi lội trong các hệ thống thoát nước giống như sông Pasig và nhiều con sông khác mà chúng ta đã làm ô nhiễm ? Ai đã biến thế giới kỳ diệu của biển cả thành những nghĩa trang dưới nước bị tước mất màu sắc và sự sống ?" ( Ảnh chụp sông Pasig bị ô nhiễm, lấy từ Google ). 216. Nhỏ bé nhưng mạnh mẽ trong tình yêu của Thiên Chúa, giống như Thánh Phanxicô Assisi, tất cả chúng ta, là các Kitô Hữu, đều được mời gọi để chăm sóc và bảo vệ thế giới mỏng manh này mà chúng ta đang sống, và tất cả mọi dân tộc của trái đất này. ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ, bản dịch của JOSEPH C. PHẠM ( còn tiếp nhiều kỳ ) TÊN CÁM DỖ Hắn đã đến gặp tôi, chính hắn, TÊN XẢO QUYỆT, Hắn luôn sục sạo quanh đây, bày mưu lập kế mà lừa gạt mọi người. Hắn bảo tôi: “Này anh, người-con-của-nhân-loại, Anh phải sống cho đúng với địa vị, nhà cao cửa rộng khang trang. Anh phải có đầy đủ tiện nghi cho bạn bè anh họ thán phục trầm trồ. Công việc hằng ngày làm chai cứng chân tay thật không xứng với anh. Anh chẳng là con cái của Thiên Chúa đó sao ? Anh phải hưởng các lạc thú, phải nếm mọi sự của thế gian. Anh phải ra sức mà làm giàu, vì nghèo túng thì khó coi lắm. Nhìn vào cơ nghiệp của anh, người ta sẽ biết anh đang hiện hữu...” Tôi bèn trả lời hắn: “Người ta không đánh giá theo tiêu chuẩn giàu nghèo, Nhưng theo một nguồn sáng trong đôi mắt, 8 CÙNG SUY NIỆM
  • 9. Nguồn sáng ấy xuất phát từ một cõi khác...” Hắn lại đến gặp tôi, chính hắn, TÊN LỪA BỊP, Hắn lê gót khắp mọi nơi, khéo nói, hay nịnh bợ, vô cùng hiểm độc. Hắn bảo tôi: “Này anh, người-con-của-nhân-loại, Anh phải nên cao trọng nhất, Từ thuở ban đầu, từ ngày khai thiên lập địa, Tất cả thế giới cùng muôn loài muôn vật đã thuộc trọn về anh, Đến các thiên thần mà còn phải nâng đỡ anh Cho đôi gót chân anh không phải mòn chai vì sỏi đá. Anh chẳng là con cái của Thiên Chúa đó sao ? Những đức tính của anh phải được người người ca tụng. Chẳng ai lại đi che giấu ngọn đèn của mình, Nhưng đặt nó trên giá cao soi sáng cho những kẻ tối dạ. Chính anh, anh mới là cao trọng nhất. Kẻ khác ư ? Họ là chiếc ghế cho anh kê chân. Nhìn vào quyền lực của anh, người ta sẽ biết anh đang hiện hữu...” Tôi bảo hắn: “Người ta không đánh giá theo tiêu chuẩn quyền lực, Nhưng là theo nguồn lửa thiêng bừng sáng trong tâm hồn, Ngọn lửa thiêng ấy xuất phát từ một cõi khác...” Hắn lại tìm đến gặp tôi, chính hắn, TÊN CÁM DỖ. Chỗ nào hắn cũng có mặt, chuyên dụ dỗ người ta vào con đường sai trái. Hắn thì thầm với tôi: “Anh không phải xấp mình thờ lạy ai cả. Anh biết điều lành điều dữ, chỉ anh mới có quyền phê phán. Anh tự do, anh có quyền sống phóng túng. Hãy để Thiên Chúa sang một bên, Thiên Chúa chỉ là dành cho những kẻ cùng kiếp mạt vận, Chỉ dành riêng cho hạng người cần có chỗ bám víu mới dám sống. Còn anh, anh mới là chúa tể, vua cõi địa cầu, thượng đế vũ trụ càn khôn. Nhìn vào dấu chỉ ấy, người ta sẽ biết anh hiện hữu...” Tới đây thì tôi mắng vào mặt hắn: “Ngươi biết gì mà nói, hỡi TÊN DỐI TRÁ ! Mắt ngươi lệch lạc, ngươi chỉ có được cái bộ tịch bề ngoài. Còn ta đây, hạnh phúc của ta đến từ cõi khác. Bởi vì có một Đấng là Thiên Chúa đã đến với loài người. Cùng với anh em đồng loại của ta, Ta đã được nhập tiệc, ta đã đồng bàn với Ngài...” CHARLES SINGER, trích trong PRIER CHIẾN THẮNG CÁM DỖ Thánh Bênêđitô sinh năm 480 tại Nursia, nước Ý. Thánh nhân là con trai của một gia đình người Ý giàu có. Khi còn nhỏ, Bênêđitô tới Rôma và học nơi các trường công cộng. Lúc trưởng thành, ngài cảm thấy phẫn nộ với nếp sống đồi bại của thành Rôma ngoại đạo. Bênêđitô rời bỏ thành phố và đi tìm một nơi khả dĩ được ở một mình với Thiên Chúa. Và ngài đã tìm thấy một địa điểm tốt. Đó là một cái hang ở trong núi Subiacô. Một đan sĩ tên là Rômanô đã dạy cho Bênêđitô học biết về đời sống của một ẩn sĩ và trao cho Bênêđitô một bộ tu phục. Mỗi ngày, Rômanô cũng đem đến cho Bênêđitô một ít thực phẩm. Thánh Bênêđitô đã trải qua 3 năm sống một mình trong núi. Ma quỷ thường hay cám dỗ ngài trở về quê nhà với đời sống tiện nghi và thoải mái. Tuy nhiên, thánh nhân đã vượt qua những cám dỗ này bằng các việc cầu nguyện và đền tội. Một ngày kia, ma quỷ lại tiếp tục cám dỗ Bênêđitô nghĩ tưởng đến một phụ nữ xinh đẹp mà có lần Bênêđitô đã gặp thấy ở thành Rôma. Ma quỷ cố gắng làm cho thánh 9
  • 10. nhân trở về tìm lại bà ấy. Bênêđitô dường như sắp nhượng bộ cơn cám dỗ này. Nhưng thay vào đó, thánh nhân đã sốt sắng cầu nguyện và đền tội nhiều hơn. Và từ đó trở đi, đời sống của Bênêđitô rất bình an. Bênêđitô không còn cảm thấy những cơn cám dỗ cuồng loạn như thế nữa. Sau ba năm, người ta nhận biết Bênêđitô sống trong hang núi và họ bắt đầu kéo đến với ngài. Họ muốn ngài chỉ cho họ cách thức nên thánh. Cũng có vài đan sĩ, mà đan phụ của họ đã qua đời, đến xin Bênêđitô làm linh hướng cho họ. Nhưng khi thánh nhân bắt họ làm việc đền tội, họ lại bực tức. Người ta nói rằng thậm chí có lần họ đã đầu độc Bênêđitô. Thánh nhân đã làm dấu Thánh Giá trên ly rượu có độc và ly rượu đã vỡ tan thành từng mảnh. Bênêđitô rời bỏ các đan sĩ ấy và quay về lại chiếc hang của ngài. Từ đó, thánh nhân thiết lập thêm mười hai đan viện nữa. Rồi Bênêđitô trẩy tới núi Cassinô nơi thánh nhân xây cất một Đan Viện rất danh tiếng. Và chính tại đây Bênêđitô đã viết một bộ luật tuyệt vời cho hội Dòng Bênêđitô. Thánh nhân về trời ngày 21 tháng 3 năm 547. Đến năm 1966, Đức Thánh Cha Phaolô VI tôn tặng Bênêđitô danh hiệu thánh Bổn Mạng của Âu Châu. ( Đa Minh Maria Nguyễn Phúc Lộc, CMC, dịch ) Thánh Bênêđitô trung kiên noi gương Đức Giêsu. Người đã chịến thắng ba cơn cám dỗ điển hình, toàn tâm toàn ý theo Thánh Ý Thiên Chúa. Thánh nhân đã học hỏi nơi Đức Giêsu bí quyết để chiến thắng những cơn cám dỗ nặng nề. Đó chính là Lời Chúa, cầu nguyện và ăn chay hãm mình. Bí quyết I: Lời Chúa Đáp trả lại ba cơn cám dỗ, Đức Giêsu đều viện dẫn đến Lời Chúa trong Kinh Thánh, khiến cho tên cám dỗ đành phải bó tay chào thua. Bởi chưng: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” ( Tv 119, 105 ). Tuy nhiên tên cám dỗ cũng viện đến Lời Chúa để tấn công Người trong cơn cám dỗ thứ hai, qua Thánh Vịnh 91, 11 – 12: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ, tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. Thánh Vịnh 91 vốn được gọi là Nương bóng Thiên Chúa toàn năng. Đây là một Thánh Vịnh tín nhiệm nói về Thiên Chúa là Đấng bảo vệ tín hữu của Người. Vốn gian trá chuyên lọc lừa, đánh lận con đen, như thói quen cắt xén, thêm bớt của kẻ bá đạo, tên cám dỗ đánh tráo ý nghĩa của Thánh Vịnh 91. Thay vì tung hô, ngợi khen sự quan phòng chu đáo của Thiên Chúa, thì hắn biến thành ra cái bẫy êm ái hòng tìm kiếm hư danh. Bí quyết II: Cầu nguyện Thánh Bênêđitô thoát khỏi những cơn cám dỗ ghê hồn chính là nhờ tận tụy noi theo Đức Giêsu chuyên tâm cầu nguyện. Điều quan trọng này, Đức Giêsu hằng thiết tha nhắn nhủ các môn đệ và cộng đoàn tín hữu. Chính Người nêu tấm gương cầu nguyện vào mỗi chiều tối, sau một ngày tận tụy giảng dạy. Người thường lui vào chỗ thánh vắng nguyện cầu. Người luôn cập nhật sự kết hợp chan hòa với Đức Chúa Cha qua lời cầu nguyện hằng ngày. Cầu nguyện không chỉ là lắng nghe mà còn là đáp lời. Cầu nguyện không chỉ là hướng về Chúa, mà còn là đón nhận Chúa đi vào trong con người và cuộc sống. Cầu nguyện là thú nhận thân phận yếu hèn ti tiện trước mặt Thiên Chúa vô cùng cao cả siêu việt. Cầu nguyện là xác nhận chủ quyền tuyệt đối của Chúa trên ta, và ta hoàn toàn thuộc về Chúa. Cầu nguyện là sẵn sàng và quyết tâm thi hành ý muốn của Chúa, lời Chúa dạy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào của cuộc đời. Cầu nguyện là noi gương Trinh Nữ Maria, thưa vâng với Chúa mỗi ngày trong mọi lúc, và kiên trì thưa vâng với Chúa cho đến hơi thở cuối đời. ( Lm. Gioan Nguyễn Như Yêng, 40 Bài Tin Mừng về Cầu Nguyện ). “Con ngạc nhiên vì sao nhiều người mất ơn Chúa gọi, mất đức tin, phản bội Hội Thánh ? Trong bao nhiêu lý do, luôn luôn có một lý do chính: Họ bỏ cầu nguyện từ lâu.“ ( Đường Hy Vọng, số 125 ) Bí quyết III: Chay tịnh Trong xã hội hiện nay, thiên hạ đang hô hào điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, tránh bớt dầu mỡ, tinh bột, đường, để khỏi béo phì, những bệnh tim mạch, cũng như chăm sóc, duy trì vóc dáng cân đối xinh đẹp. Vì sức khỏe và sắc đẹp, người ta đành phải chấp nhận hy sinh thói tham ăn vô độ, thói sa đọa vô chừng. Thân xác còn đòi hỏi thế, thì tinh thần cũng đòi hỏi hy sinh vật chất, hy sinh các đam mê, cám dỗ hưởng lạc, cám dỗ hư danh, cám dỗ quyền lực, để thanh thoát hướng thượng, thăng hoa theo các giá trị muôn đời cao cả, can trường dấn thân theo Chúa. 10
  • 11. “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình” ( Mc 8, 34 ). Từ bỏ mình là xả kỷ vị tha, quên mình đi mà chuyên tâm phục vụ tha nhân. Là ăn chay hãm mình, là hy sinh từng phút, từng giờ, từng ngày để quyết tâm theo Đường Hy Vọng. “Không hy sinh, không có nhân đức thánh thiện. Ai chưa”bỏ mình vác thánh giá” thì chưa “theo Thầy” được. Điều kiện tiên quyết” ( Đường Hy Vọng, số 157 ). Lạy Chúa Giêsu, Người đã từng nếm trải thân phận con người mỏng dòn yếu đuối, xin thương xót, giúp chúng con chiến đấu can trường với những chước cám dỗ ngày càng nguy hiểm và tinh vi. Xin Người luôn nâng đỡ và nhắc nhủ chúng con những bí quyết chiến thắng cám dỗ, để chúng con luôn được sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa. Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Người chiến thắng ác xà. Mẹ đã oanh liệt đạp dập đầu tên cám dổ. Kính xin Mẹ luôn che chở, bảo vệ chúng con chiến thắng vẻ vang ba thù. Amen. AM. TRẦN BÌNH AN ĐỨNG VỀ PHÍA CHÚA GIÊSU ĐỂ CHỐNG LẠI TÊN CÁM DỖ Bước vào Mùa Chay Thánh, Giáo Hội quen gọi là mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng với những việc tốt lành theo truyền thống là ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Chúa Nhật thứ I Mùa Chay hôm nay, Thánh Matthêu trình bày cho chúng ta cơn cám dỗ của Chúa Giêsu: "Chúa Giêsu được Thánh Thần hướng dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ" ( Mt 4, 1 ), cho thấy dù là Con Thiên Chúa, Ngài đã nhận lấy thử thách, chiến đấu với chống lại tội lỗi để cứu chúng ta là kẻ có tội. Sau khi Chúa Giêsu đã nhịn chay bốn mươi đêm ngày, Ngài cảm thấy đói, ma quỷ bắt đầu cám dỗ ( x. Mt 4, 2 ), nó bắt Ngài lựa chọn giữa những gì có thể. Cảnh đối nghịch giữa tên cám dỗ và Chúa Giêsu thể hiện rõ căn tính và nguồn gốc của Chúa Giêsu trong lịch sử Israel. Ba phen cám dỗ Trình thuật ghi rõ: "Ma quỷ lìa bỏ Người" ( Mt 4, 11 ) Điều này muốn nói rằng, cuộc chạm trán giữa Chúa Giêsu và tên cám dỗ được lặp lại, nhưng chắc chắn kết thúc và phần thắng thuộc về Chúa Giêsu qua việc thánh hiến, hoàn tất bằng cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh. Ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu theo một trình tự rõ ràng. Một bên Chúa Giêsu, bên kia là ma quỷ. Cả hai nhân vật không cần giới thiệu. Chúa Giêsu được độc giả biết đến khi tin vào Ngài. Ma quỷ là thành phần của thế giới quen thuộc nơi người Do Thái. Ma quỷ tiếng Do Thái là "Satan" ( tiếng Hy Lạp là "Quỷ" ) ám chỉ tên đối phương. Đó là một nhân vật mà bản tính là đối đầu. Nó đối đầu với ai ? Với Thiên Chúa trước hết. Phen thứ nhất ( c. 1 – 4 ) Khung cảnh diễn ra tại sa mạc. Sa mạc tự nhiên gợi lên thời Xuất Hành và sự đối diện giữa Thiên Chúa và dân Ngài. 40 ngày nhắc lại 40 năm trong sa mạc và 40 ngày Môsê ở trên núi. Chúa Giêsu ăn chay 40 ngày. Chúa Giêsu đang ở trong tình trạng cần thiết "Người cảm thấy đói" ( Mt 4, 2 ). Ma quỷ đặt vấn đề: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy khiến những hòn đá này biến thành bánh" ( Mt 4, 3 ). Như là một gợi ý cho Con Thiên Chúa. - Ma quỷ cám dỗ Chúa về quyền lực: "hãy khiến những hòn đá này..." Đá chỉ đá và bánh chỉ là bánh, Ma Quỷ yêu cầu Chúa làm trái tự nhiên "khiến đá thành bánh". Khi từ chối khiến đá thành bánh, Chúa Giêsu mạc khải rõ Ngài là Con Thiên Chúa. - Chúa ra lệnh: "Có lời chép rằng: ‘Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi’" ( Mt 4, 10 ). Nó ẩn chứa một cách hành văn theo kiểu Sách Thánh để làm sáng tỏ thái độ. Đây là cả một chương trình, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, đúng như lời Kinh Thánh, Ngài đã trở nên người vâng lời Thiên Chúa Cha, chấp nhận đói để mạc khải cho con người biết rằng, cuộc sống của họ còn đói một thứ rất quan trọng, đó là: đói Lời Chúa. Thật vậy, "Người ta sống không nguyên bởi bánh" ( Mt 4, 4 ). Phen thứ hai ( c. 5 – 7 ) Ma Quỷ đưa Chúa Giêsu lên nóc Đền Thờ Giêrusalem, đặt Chúa vào một vị trí ngược lại với bản chất của Ngài: mục tiêu tối hậu của nó là chỉ cho Ngài thấy rõ Đền Thờ Giêrusalem, thử thách Ngài về thực 11
  • 12. tại quyền lực, yêu cầu Ngài gieo mình từ Đền Thờ xuống để chiếm được ngay lập tức với sự giúp đỡ tuyệt vời của các Thiên Thần, và qua sự thể hiện uy quyền đó, người Do Thái nhận biết Ngài là Con Thiên Chúa. Ma Quỷ biện minh rõ về danh tính của nó là kẻ chống đối Thiên Chúa. Lời đề nghị của nó rất thô thiển. Khi ấy, phải đặt sự cám dỗ vào đâu và tại sao Chúa Giêsu lại đẩy lùi cơn cám dỗ ? Nếu Chúa Giêsu chịu thua tên cám dỗ, thì Ngài trở về với những niềm mong đợi của dân chúng, họ đi tìm một Đấng Mêsia huy hoàng và quyền lực. Chúa Giêsu đã từ chối Mêsia theo kiểu trên. Con đường mà Ngài chọn bao hàm sự chôn vùi trong nhân thế. Thái độ của Chúa Giêsu thật rõ ràng: được mời gọi xác định căn tính tiên tri của mình. Ngài khẳng định cách từ chối của mình thật tuyệt vời lạ thường khi đặt ra một khoảng cách căn bản giữa quyền lực thế gian và nước Thiên Chúa . Phen thứ ba ( c. 8 – 11 ) Cuối cùng ma quỉ đưa Chúa Giêsu lên núi cao. Sau cuộc cám dỗ lần thứ nhất về kinh tế, lần thứ hai về tôn giáo và lần thứ ba cám dỗ về chính trị. Tư thế ở đây chuyển biến cách đột ngột. Từ trên cao sấp mình xuống ( trả lại ) sự thống trị cho Ma Quỷ. Ma Quỷ chỉ cho Đức Giêsu xem thấy mọi nước thế gian và vinh quang trong chốc lát, nó hứa: "Tôi sẽ cho ông tất cả những cái đó, nếu ông sấp mình xuống thờ lạy tôi" ( Mt 4, 9 ). Nếu ông là con Thiên Chúa ( 4, 3 ). Nếu ông thờ lạy tôi ( 4, 9 ). Ở đây, Ma Quỷ tự vạch trần trước Con Thiên Chúa mà nó thách thức và mời gọi tôn thờ nó, có nghĩa là bắt Chúa Giêsu tôn thờ thần tượng thế gian. Với lời đề nghị này, Chúa Giêsu đặt ma quỷ vào đúng vị trí của nó: "Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa người, và chỉ phụng sự một mình Ngài" ( Mt 4, 10 ). Phần kết: Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu và tên cám dỗ kết thúc bằng sự chiến thắng của Chúa Giêsu: "Ma quỷ lìa bỏ Người. Và các thiên thần tiến lại hầu hạ Người". Đứng về phía Chúa Giêsu Chúa Giêsu bị Ma Quỷ cám dỗ đủ cả ba phen, đó cũng là những cơn cám dỗ của chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta được Thiên Chúa phú ban cho tự do lựa chọn giữa ý Chúa và ý chúng ta, chúng ta ngần ngại giữa thiện và ác. Chúa Giêsu hoàn toàn chiến thắng điều ác vì Ngài đã vâng lời Chúa Cha vô điều kiện. Chúa Nhật này đưa chúng ta vào ngay trung tâm của mầu nhiệm Vượt Qua: "Cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền tới mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội" ( Rm 12, 17 ). Và đây, phía sau của mầu nhiệm: Nhưng "Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thi do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế" ( Rm 12, 19 ). Tất cả lịch sử nhân loại trải dài giữa hai sự kiện này: trước là tội nguyên tổ, ảnh hưởng đến chúng ta; sau là mầu nhiệm cứu chuộc được ban tặng cho chúng ta trong Chúa Giêsu Đấng Cứu Thế. Bước vào Mùa Chay Thánh, mùa chiến đấu thiếng liêng, vậy chúng ta đứng về phía nào, đứng về phía Chúa Giêsu là chắc rồi. Đứng về phía Ngài, lắng nghe lời Ngài để chống lại tội lỗi, đương đầu với trận chiến thiêng liêng chống lại thần dữ, ba thù: Ma Quỷ, thế gian và xác thịt. Lạy Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse, xin giúp sức cho chúng con trong suốt Mùa Chay Thánh này. Amen. Lm. Antôn NGUYỄN VĂN ĐỘ PHƯƠNG THẾ CHIẾN THẮNG CÁM DỖ Phụng Vụ Giáo Hội đã bước vào Mùa Chay Thánh. Mùa Chay trải dài 40 ngày. Thời gian này nhắc lại 40 năm của dân Israel trong sa mạc trước khi đến Đất Hứa, 40 ngày Ngôn Sứ Êlia ở trên núi Khôrép, 40 ngày Chúa Giêsu ăn chay cầu nguyện trong hoang địa. Thời gian 40 ngày là con số tượng trưng nói lên thời gian thử thách và thanh luyện. Trên con đường về Nước Trời, chúng ta trải qua những thử thách và thanh luyện. Thời gian 40 ngày chay tịnh thật quí giá để mỗi người nhìn lại bản thân, đánh giá lại chính mình để sám hối canh tân. 12
  • 13. Hàng năm, Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Chay đều nói về cám dỗ. Chúa Giêsu vào hoang địa. Sau 40 đêm ngày ăn chay và cầu nguyện, Satan xuất hiện và cám dỗ. Chúa Giêsu đã chiến thắng Satan. 1. Chịu cám dỗ Làm người ở đời là chấp nhận thân phận chịu cám dỗ. Thánh Kinh đã ghi nhận, từ buổi đầu sáng tạo đã có cám dỗ. Thụ tạo đầu tiên trong hàng các thiên thần đối diện với cám dỗ là Luxiphe, một thiên thần sáng láng đã không vượt qua được cơn cám dỗ, và đã trở thành Satan tăm tối. Tiếp đến, thụ tạo đầu tiên trong con người là Ađam và Evà cũng đã nếm mùi cám dỗ. Nguyên Tổ đã gục ngã thảm thương trước cám dỗ cho nên đau khổ sự chết đã tràn vào thế gian. Trong hành trình về Đất Hứa, dân Israel đi trong sa mạc và đã gặp nhiều cám dỗ: cám dỗ trở lại Ai Cập để có bánh ăn; cám dỗ thờ tượng con bê vàng; cám dỗ thử thách Thiên Chúa. Vua Đavít sa ngã trước cám dỗ sắc dục nên đã phạm tội cướp vợ của Uria và đã giết chết người anh em này. Giuđa Iscariốt chỉ vì tham tiền nên đã phản bội Thầy và bán Thầy giá 30 đồng bạc bằng một nụ hôn giả dối… Các chước cám dỗ của Satan đều chung quy về ba mục tiêu: danh, lợi, thú. Thiên Chúa cho phép ma quỷ cám dỗ để thử thách xem con người ta có trung tín hay không, và để cho con người có cơ hội lập công phúc, để họ có thể chứng minh Đức Tin của mình. Thiên Chúa cho có sự cám dỗ để cho con người phấn đấu thanh luyện mình, và đồng thời, khi Ngài cho phép như thế, ma quỷ cũng lợi dụng triệt để mà cám dỗ con người. Mỗi ngày, chúng bày ra những chước độc mưu thâm, mỗi lúc một tinh vi xảo quyệt, lắt léo khôn khéo để cám dỗ người ta. Thiên Chúa ban ơn thêm sức để con người chúng ta có thể chống lại những cơn cám dỗ ấy. Không khi nào Chúa để con người phải chịu những cơn cám dỗ quá sức mình chịu đựng được. Như vậy, chúng ta phải chiến đấu với những cơn cám dỗ. Điều cần thiết là chúng ta phải phân định được ma quỷ với những hành động cám dỗ xấu xa của nó để chống trả và xa lánh. 2. Ma quỷ thường cám dỗ như thế nào ? Ma quỷ lừa dối con người. Ai cũng có trí khôn, biết phân biệt điều nào là xấu, là nguy hại và chẳng nên làm. Nhưng ma quỷ lừa dối cho rằng việc làm đó là có lợi, là cần thiết nên người ta mới dấn sâu vào. Khi cám dỗ Evà, ma quỷ không nói rằng ăn trái cấm đó là chống lại Thiên Chúa, nó chỉ nói rằng ăn trái này thì bà sẽ được trở nên thông minh như Thiên Chúa. Có nhiều người bước vào nghiện ngập bằng những phút giây sảng khoái thăng hoa lừa dối. Nếu người ta biết sự xấu xa của tội thì có lẽ không ai lại đi phạm tội, nhưng người ta tưởng lầm, hoặc bị cám dỗ coi đó là hạnh phúc. Nếu người ta nhìn thấy những hình khổ nơi hỏa ngục thì chằng ai dám phạm tội. Ma quỷ khiến người ta phạm tội bằng cách dẫn người ta một cách từ từ. Không khi nào có ai có thể phạm tội trọng ngay tức khắc, tội trọng chỉ bắt đầu bằng những tội nhẹ. Người ta thường nói, khi còn bé ăn trộm một quả trứng, rồi khi lớn lên sẽ ăn trộm cả một con bò. Những tội trọng bắt đầu từ những nết xấu hay những tội nho nhỏ. Ma quỷ cũng vậy, nó dẫn dắt người ta từ chỗ tưởng chừng vấp phạm những điều nhỏ tới chỗ phạm vào những điều lớn. Không ai nghiện thuốc ngay từ điếu hút đầu tiên, không ai nghiện rượu ngay khi uống chén ban đầu. Nhưng dần dần nếu lập đi lập lại nhiều lần sẽ dẫn đến chỗ nghiện ngập ( x. Buồn vui cùng kiếp người, Đức Tgm. Ngô Quang Kiệt, trang 33 ). Chuyện kể rằng: khi ông Nôe trồng nho, Satan lấy làm lạ nên tiến lại gần hỏi: - Ông đang trồng cây gì thế ? - Cây nho. - Nó có lợi gì không ? - Có chứ. Trái nó vừa đẹp mắt, vừa ăn ngon miệng. Từ trái nho ta còn có thể làm ra rượu giúp lòng người hưng phấn nữa. - Vậy thì để tôi giúp ông. Satan liền giết một con chiên, một con sư tử, một con lừa và một con heo. Lấy máu của chúng tưới gốc cây nho. Thế là cây nho lớn nhanh. Nôe lấy trái nho làm rượu. Từ đó trở đi khi người ta uống một chút rượu vào thì sẽ vui vẻ dễ thương như con chiên; uống thêm chút nữa thì mạnh bạo như sư tử; nếu uống thêm thì sẽ ngu như lừa; nếu uống thêm nữa thì... hoàn toàn như con heo vậy ! ( Truyện cổ Nước Pháp ). Ma quỷ luôn lừa dối con người. Chúng ta phải luôn cảnh giác. 3. Phương thế chiến thắng cám dỗ Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta phải biết chống cự lại những cơn cám dỗ. Muốn chống lại, phải có những phương thế để có thể chiến thắng. 13
  • 14. a. Lời Chúa Ma quỷ cám dỗ Chúa Giêsu từ những điều thường nhất là cơm bánh hàng ngày. Chúa nhịn ăn 40 đêm ngày, đói thì cần ăn, đó là điều rất đỗi bình thường. Ma quỷ lợi dụng điều đó để cám dỗ, sau đó mới cám dỗ những những điều mạnh hơn là thử thách Thiên Chúa và chống lại Ngài. Chúa Giêsu dùng Lời Chúa để chiến thắng. Gương của Chúa Giêsu được Tin Mừng theo Thánh Luca kể rõ: mỗi lần ma quỷ đưa ra một chước cám dỗ thì Chúa Giêsu lại lấy một lời của Kinh Thánh mà đẩy lui chước cám dỗ ấy: - Có lời chép rằng: người ta không sống bằng cơm bánh mà còn bằng Lời của Thiên Chúa nữa ( Lc 4, 5 ). - Có lời chép rằng: ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người ( Lc 4, 8 ). - Có lời chép rằng: ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi ( Lc 4, 11 ). “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ". Satan tạm lánh vào bóng tối, khi có thời cơ thuận tiện sẽ quay lại tiếp tục tấn công. Có lần, Satan dùng miệng lưỡi của Phêrô để cám dỗ Chúa đừng lên Giêrusalem chịu khổ nạn. Chúa quay lại quát nạt: “Satan, hãy lui ra đằng sau, đừng gây cớ cho Ta vấp phạm”. Thời cơ ma quỷ chờ đợi chính là lúc Chúa Giêsu trải qua cuộc Khổ Nạn. Trong vườn Ghêtsêmani, khi đối diện với cái chết đang cận kề, Chúa Giêsu không khỏi sợ hãi đến nỗi “mồ hôi đổ ra như máu”. Người đã thân thưa cùng Chúa Cha đến hai lần: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” ( Mt 26, 39b ); “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” ( Mt 26, 42b ). Cao điểm là khi Chúa bị treo trên thập giá, Satan dùng miệng lưỡi kẻ qua người lại để cám dỗ Chúa xuống khỏi thập giá: “Ông Kitô vua Israel, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi để chúng ta thấy và tin”. Trong suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã phải chiến đấu chống lại nhiều cơn cám dỗ. Người thực sự là Thiên Chúa nhưng đồng thời Người cũng hoàn toàn là con người nên "Người cũng phải chịu trăm chiều thử thách y như ta" ( Dt 4, 15 ). Chúa Giêsu đã chiến thắng tất cả. Không một cám dỗ, không một thách thức nào có thể khiến Người lùi bước. Lời Chúa là sức mạnh tâm linh, là lẽ sống thần linh và là lời ban Sự Sống. Đọc và suy gẫm Thánh Kinh sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng tội lỗi. b. Ăn chay cầu nguyện Ăn chay cầu nguyện giúp con người chế ngự bản thân.Tội lỗi của con người là do không biết chế ngự bản thân. Ăn chay cầu nguyện giúp chúng ta biết thanh luyện con người mình, chế ngự bản thân, hãm dẹp dục vọng. 40 ngày Mùa Chay nhắc nhớ về 40 ngày đêm chay tịnh của Chúa Giêsu trong hoang địa, nhắc lại 40 năm dân Do thái lưu đày trong sa mạc chuẩn bị về Đất hứa. Mùa Chay là mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng, giúp chúng ta trở nên người thiện chiến, biết chế ngự và làm chủ bản thân. Cầu nguyện là nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Khi vào hoang địa, khi bị ma quỷ cám dỗ, Chúa Giêsu cần đến sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần. Người đã dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần và đã chiến thắng cám dỗ. Khi chúng ta lâm vào những cuộc thử thách, phải đối diện với những mưu chước của ma quỷ, rất cần ơn Chúa Thánh Thần trợ lực. Chúa Giêsu mà còn cần đến Chúa Thánh Thần nữa, thì huống hồ là chúng ta ! Cần phải cầu nguyện ( Lc 22, 40; Cv 2, 42; GLGH # 2612, 2742 ). Nhờ cầu nguyện, Chúa Giêsu đã không cô đơn một mình, nhưng “được Thánh Thần hướng dẫn” ( Mt 4, 1 ). Nhờ cầu nguyện, chúng ta được liên kết với sức mạnh của Thánh Thần và với Các Thánh trên Trời. Vai trò của Chúa Thánh Thần thật quan trọng trong đời sống của chúng ta. Những lúc bị cám dỗ, những khi sống trong cô đơn, buồn chán và thất vọng… hãy cậy trông và khẩn cầu với Chúa Thánh Thần xin ơn phù trợ. Chính Chúa Giêsu đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy các con mọi điều” ( Ga 14, 26 ). Chúng ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều cám dỗ. Một xã hội đầy dẫy các tệ nạn và có nhiều lối sống buông thả. Đó là môi trường là cơ hội thuận tiện cho ma quỷ ẩn núp và tấn công. Cám dỗ 14
  • 15. ngày càng nhiều và ngày càng tinh vi dưới muôn hình dáng vẻ. Vì thế, lời dặn dò của Chúa Giêsu ngày càng khẩn thiết: "Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ". Cơn cám dỗ độc hại nhất mà con người cần phải luôn tỉnh thức canh phòng và trường kỳ chiến đấu bằng mọi cách, chính là lòng ích kỷ, quan niệm sống hẹp hòi, thiển cận của chính mình, chỉ biết có mình mà quên kẻ khác, chỉ biết thu vén lợi ích cho riêng mình mà quên quyền lợi kẻ khác. Để tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta cần sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và ánh sáng soi dẫn của Lời Chúa, thực thi những việc đạo đức của Mùa Chay. Chúa Giêsu đã từng căn dặn các Tông Đồ: "Hãy tỉnh thức". Tỉnh thức để nhận ra mưu mô của ma quỷ, tỉnh thức trước những lôi cuốn của thế gian, tỉnh thức trước những yếu đuối của con người xác thịt. Mùa Chay là thời gian đặc biệt để sám hối canh tân bản thân dưới ánh sáng Lời Chúa và thực hành ăn chay cầu nguyện theo gương Chúa Giêsu, nhờ đó mỗi người chúng ta sống đẹp lòng Thiên Chúa hàng ngày. Lm. Giuse NGUYỄN HỮU AN PARAGUAY – TÂM TÌNH MÙA CHAY 2014 Nhiều người Công Giáo Việt Nam nói rằng năm nay vào Chay khá trễ vì thường thì mọi năm thứ Tư Lễ Tro rơi đúng vào những ngày Tết nên các Giám Mục sở tại rộng phép dời vào một ngày khác thích hợp để Giáo Dân Công Giáo đón Tết cổ truyền vui vẻ hơn. Tết Nguyên Đán đã đi qua hơn một tháng nên giờ đây không ai có thể vịn vào lý do “Tết nhứt” để tránh né việc giữ chay. Chúng tôi còn nhớ ngày xưa khi còn đi học với chúng bạn thời Trung Học phổ thông, ngày Thứ Tư Lễ Tro là ngày học trong tuần nên dễ quên việc giữ chay lắm. Vả lại trong lớp trường chuyên năm ấy của chúng tôi chỉ có một bạn nữ và tôi là người Công Giáo nên chẳng ai nhắc đến lễ nghi Công Giáo làm gì. Sau 2 tiết học buổi sáng chúng tôi có giờ giải lao. Cảm thấy trong bụng cồn cào quá nên vào căng-tin mua một cái bánh tiêu để lót bụng. Vừa ăn được nửa cái bánh tiêu thì chợt nhớ hôm nay là Thứ Tư Lễ Tro, giữ chay và kiêng thịt nên vội chạy ngay vào phòng vệ sinh để nôn ra hết những gì mình mới ăn vào để giữ trọn ngày chay. Ngày hôm ấy chúng tôi đã giữ chay một cách rất hình thức ! Mãi đến khi chúng tôi bước vào Học Viện Liên Dòng để bắt đầu những năm Triết và Thần, chúng tôi mới dần khám phá ý nghĩa đích thực của Mùa Chay và việc giữ chay và nhận ra một điều rằng ngày xưa mình ngốc nghếch thật. Nhưng chính nhờ cái “ngốc nghếch đáng thương” đó mà dần dần Chúa soi sáng cho chúng tôi để chúng tôi biết cảm thông, yêu thương những người đã từng “ngốc nghếch” như tôi. Mùa Chay, theo tiếng Tây Ban Nha là “Cuaresma” hay tiếng Latinh “Quadragesimanae” hay còn gọi là Mùa 40, đây là mùa ăn năn thống hối, cầu nguyện, bố thí, mùa chịu nạn, thương khó, chuẩn bị cho biến cố Phục Sinh của Chúa Giêsu. Mùa Chay được bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro và kết thúc với Chúa Nhật Phục Sinh. Nó chứa đựng 40 ngày chay tịnh để tưởng nhớ đến biến cố Chúa vào trong hoang địa ăn chay, cầu nguyện và sau đó chịu sự cám dỗ trong 40 đêm ngày; là thời gian của thương khó và thống hối. Thực sự là 46 ngày, nếu tính từ Thứ Tư Lễ Tro cho đến Chúa Nhật Phục Sinh, nhưng theo nghĩa hẹp, Mùa Chay tính từ Chúa Nhật thứ nhất đến chiều Thứ Năm Tuần Thánh, nghĩa là cho tới lúc cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly vào ban chiều "in Caena Domini", trong đó Chúa lập Bí Tích Thánh Thể, rửa chân cho 12 môn đệ và truyền lại Giới Răn mới. Thời gian 40 ngày cũng để nhớ lại 40 đêm ngày Môsê, vị thủ lãnh Dân Chúa thời Cựu Ước cầu nguyện trên Núi Sinai và được Chúa trao cho 10 Giới Răn. Rồi 40 ngày còn để nhớ lại cuộc hành trình 40 ngày trong sa mạc của Ngôn Sứ Elia, lúc ông trốn khỏi cơn thịnh nộ của hoàng hậu Giêsaben, để tiến về núi Khôrép, cũng là núi Sinai, kế Biển Ðỏ và kênh đào Suez bây giờ, nơi đây Chúa mạc khải và trao cho ông sứ vụ mới ( 1 V 19 ). Công Đồng Vatican II dạy rằng: “Mùa Chay có hai đặc tính là hồi tưởng lại Bí Tích Rửa Tội và nhấn mạnh đến tinh thần ăn năn, sám hối. Bởi những ý nghĩa đặc biệt này, Mùa Chay chuẩn bị cho các tín hữu sẵn sàng cử hành mầu nhiệm Vượt Qua sau thời gian tiếp cận, gần gũi hơn với Lời Chúa và nồng nhiệt hơn trong sự cầu nguyện. Trong chính bản thân phụng tự và trong những hướng dẩn từ trung tâm của phụng tự, những chủ đề về rửa tội và thống hối được tuyên bố cách sâu sắc hơn” ( SC 109 ). 15 CÙNG TRUYỀN GIÁO
  • 16. Như vậy Mùa Chay không có nghĩa là việc giữ chay hình thức như chúng tôi đã từng làm cách ngốc nghếch thời thơ bé, nhưng là cần một cuộc hoán cải nội tâm để quay về với Chúa. Đối với những ai lầm đường, lạc lối, Chúa mời gọi qua ngôn sứ Giôen: "Hãy xé lòng, đừng xé áo" ( Ge 2, 13 ). Chúa muốn chúng ta sống thành thật, đừng sống bề ngoài như những người Pharisêu giả hình, nhưng hãy hết lòng quay trở về, đổi mới, và tìm gặp Người: "Hãy trở lại với Giavê, Thiên Chúa của người ! Vì Người nhân thứ, từ tâm, khoan dung và nhân nghĩa bao la”. Mùa Chay cũng có thể nói là mùa bận rộn của các vị mục tử vì các ngài phải lo ngồi tòa cho Giáo Xứ mình cũng như các Giáo Xứ bạn lân cận để các hối nhân có dịp làm hòa với Chúa. Tuy nhiên cũng có một số vị mục tử vì thiếu kiên nhẫn hay vì cách hành xử “quan liêu” cố hữu, đã đánh mất đi dung mạo của Chúa Kitô ngay trong tòa giải tội, khi la mắng, xúc phạm đến các hối nhân. Chúng tôi không dám bênh vực hay khích bác anh em Linh Mục đồng môn của mình vì trong đời tu, chúng tôi đã từng là học trò của rất nhiều Linh Mục uyên bác và thánh thiện, nhưng bên cạnh đó chúng tôi cũng đã gặp và tiếp xúc với các Linh Mục “rất đời” và “rất thường” khiến nhiều Giáo Dân phải thốt lên: “Ông này mà là Linh Mục à ? ! ?” Tôi chân thành nhận thấy chính bản thân mình nhiều lúc cũng có nhiều khiếm khuyết nên dễ làm cho người ta ngộ nhận khuôn mặt của Chúa Kitô cách méo mó qua hình ảnh các Linh Mục chưa tốt ấy. Chúng tôi có đọc một bài liệt kê về những lời gièm pha, chỉ trích các Linh Mục từ một trang Web tiếng Tây Ban Nha và muốn chuyển ngữ ra đây đê mọi người thấy được để trở thành Linh Mục của Chúa Kitô không dễ dàng tí nào và hãy cầu nguyện cho các Linh Mục đặc biệt trong Mùa Chay này: NHỮNG LỜI CHỈ TRÍCH LINH MỤC Nếu đẹp trai thì thắc mắc: sao không chịu lấy vợ ? Nếu xấu quá thì cho là không ma nào thèm lấy mới đi tu ! Nếu ăn mặc đồ thường thì bị cho là quá trần tục, bụi đời. Nếu lúc nào cũng mặc chùng thâm thì bị cho là quá bảo thủ. Nếu không tiếp chuyện ân cần với mọi người thì bị cho là lạnh lùng thấy mà gớm ! Nếu nói chuyện ân cần, tử tế thì bị cho là có dụng ý xấu. Nếu để tóc dài thì bị cho là đang làm cách mạng đây ! Nếu lúc nào cũng để tóc ngắn như quân đội thì bị cho là quá cù lần ! Nếu lúc nào cũng ở nhà xứ thì thắc mắc là sao không thăm viếng các gia đình. Nếu đang bận đi thăm các gia đình, Giáo Dân đến không gặp thì lại lớn tiếng là chẳng bao giờ thấy mặt cha ở nhà xứ ! Nếu sửa sang nhà cửa đã xuống cấp thì bị chỉ trích là ném tiền qua cửa sổ. Nếu không làm gì thì bị cho là để nhà xứ bị bỏ hoang. Nếu rửa tội và làm đám cưới nhiều thì bị chỉ trích là thích phô trương Bí Tích. Nếu yêu cầu các thủ tục và hồ sơ nghiêm ngặt thì bị gán là hay làm khó. Nếu có tổ chức Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ: bị người khác xỏ lỗ mũi mất rồi ! Nếu không có Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ: quá cá nhân chủ nghĩa, muốn thâu tóm tất cả… ! Nếu xây lại Nhà Thờ quá cũ kỹ: Điều gì đang xảy ra đây ? Nếu vẫn giữ y nguyên Nhà Thờ xập xệ: Giáo Xứ này không bao giờ tiến lên được ! Nếu cha giảng quá 20 phút: Bao giờ nói mới nói xong đây ? Nếu bài giảng quá ngắn: Cha này chẳng biết giải thích gì cả, quá vội vàng ! Nếu cha giảng với giọng dõng dạc: Cha này thích làm diễn viên. Nếu cha giảng với cung điệu bình thường: Chẳng nghe được gì cả, không biết ông cha này đang nói gì ! Nếu đụng đến vấn đề xã hội: Cha này đang xen vào chính trị đây ! Nếu nói nhiều về Chúa: Cha này đang bay và không biết lúc nào hạ cánh đây ! Nếu cha thui thủi một mình: Cha này không chịu chia sẻ với ai cả. Nếu nói chuyện chỉ với cánh đàn ông: Cha này trọng nam khinh nữ. Còn nếu hàn huyên với các bà: Cha này đang có ý đồ và chẳng bao lâu sẽ cởi áo Dòng cho mà xem ! 16
  • 17. Nếu cha quá trẻ: Không có kinh nghiệm, ai mà thèm nghe đây ? Nếu cha quá già: Xin về hưu và nghỉ ngơi là vừa ! Nhưng… nếu cha sẽ chuyển đi xứ khác hay qua đời: Tất cả mọi người lúc đó sẽ khóc thương và nói đủ thứ chuyện tốt đẹp về cha. Anh chị em thân mến ! Linh Mục cũng chỉ là những con người tầm thường như bao người khác nhưng được Thiên Chúa tuyển chọn để trở thành những người hướng dẫn chúng ta về đời sống tâm linh. Có những vị rất thánh thiện, tuy nhiên cũng có những vị không được thánh thiện cho lắm. Nhưng nếu chúng ta muốn làm một điều gì đó để giúp họ, hãy cầu nguyện cho họ và hãy cộng tác với họ trong sứ vụ. Nếu ai đó biết rõ một Linh Mục đang trong tình trạng tội trọng công khai thì hãy đi gặp cha Bề Trên hay Giám Mục của Linh Mục đó để các ngài giúp đỡ và giải quyết. Đừng lên án hay xét xử cách bất công khi chỉ nghe tin đồn hay vì một chút tư thù cá nhân. Chúng ta cảm tạ Chúa vì qua thừa tác vụ Linh Mục của Chúa Kitô chúng ta có các Linh Mục để thi hành các Bí Tích trong đời sống tinh thần của chúng ta. ( Dịch từ nguồn: http://www.catolico.org/sacramentos/orden_sac/criticas.htm ) Hôm nay là ngày “Thứ Ba Béo” theo cách nói đùa của những Giáo Dân bợm nhậu vì họ cho rằng ngày mai là thứ Tư Lễ Tro giữ chay và kiêng thịt, nên hôm nay cần chén một bữa cho thật no say. Chúa cho chúng ta cơ hội hàng năm để chuộc lại lỗi lầm vì Ngài biết chúng ta mỏng dòn, yếu đuối. Chúa mời gọi chúng ta sám hối nghĩa là chúng ta phải tránh xa tội lỗi mà trở về với Chúa đồng thời chúng ta phải để Chúa thay đổi thực sự tâm hồn mỗi người chúng ta. Xin Chúa củng cố Đức Tin còn non yếu của chúng con để chúng con luôn sẵn sàng vâng theo Lời Chúa và thực hành Lời Chúa trong đời sống của chúng con. Xin Chúa ban cho chúng con Đức Tin vững mạnh để chúng con biết sống khiêm nhường: "Hãy xé lòng, đừng xé áo”. Paraguay, Thứ Ba Béo 4.3.2014, Lm. Antôn TRẦN XUÂN SANG, SVD CHAY TỊNH THEO NỀN TẢNG KINH THÁNH Đến hẹn lại lên, như mặt trời lặn rồi lại mọc. Mùa Chay lại về. Càng sống lâu càng trải qua nhiều Mùa Chay. Cứ sám hối lại tái phạm. Con người thật khốn nạn quá ! Vì thế mà chúng ta phải không ngừng cầu xin: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” ( Lc 18, 13 ). Mùa Chay về, lòng người chợt tím sắc màu sám hối. Không chỉ ăn chay phần xác mà còn phải ăn chay tinh thần, thế mới thực sự là chay tịnh. Chúng ta cùng tìm hiểu về chay tịnh theo nền tảng Kinh Thánh. 1. Gương Chúa Giêsu Không có cách nào tốt hơn là noi gương Con-Chúa-làm-người – Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa. Theo truyền thống, chúng ta ghi nhớ phép lạ đầu tiên khởi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu tại tiệc cưới Cana. Nhưng trước đó, Chúa Giêsu đã lãnh nhận Phép Rửa từ Ngôn Sứ Gioan để “giữ trọn đức công chính”, trời mở ra và Chúa Ba Ngôi tỏ hiện ! Từ Galilê, Chúa Giêsu đến sông Giođan để Ngôn Sứ Gioan làm Phép Rửa cho Ngài. Ông Gioan không chịu, nhưng Chúa Giêsu bảo: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” ( Mt 3, 15 ). Sau khi chịu Phép Rửa, Chúa Giêsu lên khỏi nước, các tầng trời mở ra, Chúa Thánh Thần có hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài. Có tiếng phát ra từ trời: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” ( Mt 3, 17 ). Rồi Chúa Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa và chịu ma quỷ cám dỗ. Tại đó, Chúa Giêsu ăn chay 40 ngày đêm, sau đó Ngài thấy đói. Mt 4, 3 – 10 tường thuật chi tiết: Ma quỷ đến gần Ngài và đặt vấn đề: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi !” Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”. 17 CÙNG TÌM HIỂU
  • 18. Sau đó, ma quỷ đem Ngài đến thành thánh và đặt Ngài trên nóc đền thờ, rồi thách thức: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi ! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. Đức Giêsu vặn lại ngay: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. Ma quỷ cũng chẳng vừa, nó lại đem Ngài lên một ngọn núi rất cao, chỉ cho thấy tất cả các nước thế gian và vinh hoa lợi lộc của các nước, rồi nó dụ: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi”. Đúng là ma quỷ ranh mãnh ! Nhưng Đức Giêsu liền đuổi thẳng: “Satan kia, xéo đi ! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”. Ma quỷ cùng đường, câm họng và “bó tay”, nó đành cụp đuôi chạy mất dạng. Và rồi các thiên thần đến hầu hạ Ngài. Để chuẩn bị sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã chịu Phép Rửa, dù Ngài không cần làm vậy. Nhưng sau khi chịu Phép Rửa, Ngài bị ma quỷ cám dỗ đủ kiểu. Chúng ta bắt đầu cuộc sống trong Đức Kitô qua Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta được Thiên Chúa ban ơn thánh hóa và trở nên công chính. Khác với Đức Kitô, chúng ta cần lãnh nhận Bí Tích Thánh Tẩy làm chúng ta thanh sạch mọi tội lỗi, cả tội nguyên tổ lẫn tội riêng. Chúng ta thấy Chúa Thánh Thần dẫn Chúa Giêsu vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Khi chiến thắng mọi cơn cám dỗ, Chúa Giêsu đã cứu dân Ítraen và hoàn tất điều mà họ không hoàn tất. Ân sủng của Đức Kitô làm cho các Kitô hữu có thể hành động tương tự. 2. Từ khước cơ thể để làm mạnh linh hồn Trước khi bị cám dỗ, Chúa Giêsu đã ăn chay 40 ngày, và cơ thể Ngài suy yếu. Kinh Thánh cho biết rằng sau 40 ngày chay, Ngài cảm thấy đói – đó là lúc Ngài bị cám dỗ. Điều Ngài cho chúng ta biết là sự đói mà chúng ta trải nghiệm sau khi từ khước cơ thể, các nhu cầu không còn đủ mạnh để chiến thắng chúng ta như trước. Mặc dù Chúa Giêsu không phạm tội như chúng ta, nhưng chúng ta noi gương Ngài để được ơn chống cơn cám dỗ. Như vậy chúng ta cũng ăn chay để chuẩn bị sứ vụ công khai của chúng ta với tư cách là Kitô hữu. 3. Cần thiết từ bỏ chính mình Ăn chay và kiêng thịt không chỉ là biểu hiện sám hối mà còn tốt cho cơ thể: Giảm béo phì, giảm bệnh tật. Ăn chay để xứng đáng lãnh nhận ơn cứu độ. Chúa Giêsu muốn các Kitô hữu nên công chính và hợp tác với ân sủng để nên thánh. Cách hợp tác đó là từ bỏ chính mình. Có lần Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ? Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm” ( Mt 16, 24 – 27 ). Tội kiêu ngạo là “cửa ngõ” dẫn tới các tội khác. Người công chính phải khiêm nghường và kiểm soát nhu cầu và ước muốn của mình để càng ngày càng trưởng thành trong Đức Kitô. Chúng ta phải nhỏ bé để Ngài lớn lên trong chúng ta. Ăn chay là một dạng “thu nhỏ” mình. Chúa Giêsu đã dùng nhiều dụ ngôn để giáo huấn chúng ta. Đây là một ví dụ điển hình: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không ? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc. Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng ? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được. Muối quả là một cái gì tốt. Nhưng chính muối mà nhạt đi, thì lấy gì ướp nó cho mặn lại ? Dùng nó để bón ruộng hay trộn phân đều không thích hợp, nên người ta quăng nó ra ngoài. Ai có tai nghe thì nghe” ( Lc 14, 27 – 35 ). 18
  • 19. Chúa Giêsu không bảo chúng ta nên vác thập giá, nhưng Ngài bảo đừng né tránh nếu chúng ta muốn thành công trên đường lữ hành về Nước Trời. 4. Ăn chay và cầu nguyện Lời cầu nguyện của chúng ta phải khiêm nhường, và lòng khiêm nhường của chúng ta phải là lời cầu nguyện. Những gì chúng ta làm đều phải là lời cầu nguyện và để đền tội. Ăn chay và các động thái từ bỏ khác đều phải kết hợp với lời cầu nguyện. Mc 9, 14 – 29 kể câu chuyện này: Một lần nọ, Chúa Giêsu thấy một đám người rất đông đang vây quanh các ông, và các kinh sư tranh luận với các ông. Thấy Đức Giêsu, lập tức tất cả đám đông kinh ngạc. Họ chạy lại chào Ngài. Ngài hỏi các môn đệ: “Anh em tranh luận gì với họ thế ?” Một người trong đám đông trả lời: “Thưa Thầy, tôi đã đem con trai tôi lại cùng Thầy; cháu bị quỷ câm ám. Bất cứ ở đâu, hễ quỷ nhập vào là vật cháu xuống. Cháu sùi bọt mép, nghiến răng, cứng đờ người ra. Tôi đã nói với các môn đệ Thầy để họ trừ tên quỷ đó, nhưng các ông không làm nổi”. Ngài nói: “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin ! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa ? Đem nó lại đây cho tôi”. Người ta đem nó lại cho Ngài. Vừa thấy Ngài, quỷ liền lay nó thật mạnh, nó ngã xuống đất, lăn lộn, sùi cả bọt mép. Ngài hỏi cha nó: “Cháu bị như thế từ bao lâu rồi ?”. Ông ấy đáp: “Thưa từ thuở bé. Nhiều khi quỷ xô nó vào lửa hoặc đẩy xuống nước cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể làm được gì, thì xin chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi”. Đức Giêsu nói với ông ta: “Sao lại nói: nếu Thầy có thể ? Mọi sự đều có thể đối với người tin”. Lập tức, cha đứa bé kêu lên: “Tôi tin ! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi !” Khi thấy đám đông tuôn đến, Đức Giêsu quát mắng tên quỷ: “Thần câm điếc kia, Ta truyền cho ngươi: ra khỏi đứa bé và không được nhập vào nó nữa !”. Quỷ thét lên, lay nó thật mạnh, rồi ra khỏi. Đứa bé ra như chết, khiến cho nhiều người nói: “Nó chết rồi !” Nhưng Đức Giêsu cầm lấy tay nó, đỡ nó dậy, và nó đứng lên. Khi Ngài vào nhà, các môn đệ mới hỏi nhỏ: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy ?” Ngài đáp: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi”. Cầu nguyện được củng cố nhờ ăn chay. Thánh Phaolô nói đến việc cầu nguyện cho người khác và cầu nguyện cho mình: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” ( Cl 1, 24 ). Thánh Phaolô giải thích với cách ví dụ cụ thể: “Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi đấm như thế, chứ không phải đấm vào không khí. Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” ( 1 Cr 9, 24 – 27 ). Được kết hợp với lời cầu nguyện, đau khổ của Thánh Phaolô đem lại ơn cứu độ cho ngài và cho Giáo Hội. Đau khổ là điều cần thiết – đau khổ mang tính cứu độ khi được nối kết với tình yêu vì Đức Kitô, kết hợp với đau khổ của Đức Kitô vì đời sống tâm linh của chúng ta và của người khác. Đây là bằng chứng hùng hồn: “Vậy thưa anh em, chúng ta mang nợ, không phải mang nợ đối với tính xác thịt, để phải sống theo tính xác thịt. Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống. Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Ápba ! Cha ơi !” Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, tức là đồng thừa kế với Đức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người” ( Rm 8, 12 – 17 ). 5. Khi nào cần ăn chay ? 19