SlideShare a Scribd company logo
1 of 30
E-mail: gxmehangcuugiup@gmail.com Website: www.trungtammucvudcct.com
"CẦN CHỨNG NHÂN HƠN CẦN THẦY DẠY"
Chiều nay tôi vừa dâng Thánh Lễ ở Nhà Thờ với một vị Giám Mục, hàng năm ngài vẫn trở về
đây dâng lễ cầu nguyện cho một thầy trong nhà Dòng chúng tôi dù thầy qua đời đã 34 năm. Lý do để
Đức Cha đích thân về là: ngày xưa, cuối thập niên 50 đầu thập niên 60, gia đình ngài sinh sống trong
Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của chúng tôi và là ngài một lễ sinh trong đội ngũ giúp lễ Nhà Thờ, mà
thầy là vị phụ trách các Lễ Sinh.
Đức Cha rất quý mến thầy, một Tu Sĩ gương mẫu, hiền hòa và nhân hậu, ngài kể: “Không bao
giờ thầy la mắng hay đánh chúng tôi”. Ngoài ra, ngài còn nói, truyền thống đạo đức của người Việt mình
là tôn sư trọng đạo, "nhất tự vi sư, bán tự vi sư", một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy, tôn kính và biết
ơn thầy là một nét đạo đức độc đáo của dân tộc chúng ta.
Sự hiện diện của Đức Cha còn có mục đích quy tụ các anh chị em ngày xưa cùng sinh hoạt
chung với nhau, các anh chị nay đã lớn tuổi và bận rộn với những bổn phận riêng. Ngày họp mặt hằng
năm nhân lễ giỗ của thầy luôn là cơ hội để mọi người gặp nhau, nâng đỡ nhau, chia sẻ những niềm vui
nỗi buồn với nhau, củng cố đời sống Đức Tin, tình yêu mến và lòng đạo đức. Đây cũng là cơ hội để Đức
Cha thi hành sứ mạng “làm thầy dạy”, đặc biệt giúp anh chị em đào sâu thêm Kinh Thánh. Ngài cũng
muốn các buổi họp mặt có cả các con cháu của anh chị em để nối kết và truyền đạt tình thương.
Đức Cha nói với chúng tôi cứ để ngài dâng lễ chung với anh em một cách rất bình thường,
không bày ra các lễ nghi đón tiếp, diễn văn, cờ quạt… Hãy tập trung vào Phụng Vụ và giúp anh chị em
Giáo Dân sống Tin Mừng.
Ngôi Nhà Thờ và hang đá Đức Mẹ DCCT là những nơi khó quên trong ký ức của ngài từ thời thơ
ấu. Những buổi đi Nhà Thờ, sinh hoạt chung với nhau, ca hát
và học tập, những hình ảnh của tuổi thơ khó nghèo mãi mãi
không bao giờ phai mờ.
Dạo ấy, hang đá Đức Mẹ là nơi bà mẹ trẻ góa bụa của
ngài, mang trên vai gánh nặng 7 con thơ, vẫn thường lui tới cầu
xin, con đầu 16 tuổi, đứa bé nhất đang ẵm trên tay. Bà nói gì
với Mẹ Maria, ngài không biết, nói lâu lắm, ngài ngồi gần đó
chờ mẹ mình cầu nguyện xong rồi theo mẹ về. Không biết bà
cầu nguyện gì với Đức Mẹ, chỉ biết một điều khi người chồng ra
đi, ông trăn trối xin bà ráng lo cho con cái ăn học nên người,
đừng để đứa nào thất học.
Gánh nặng quá lớn cho người góa phụ trẻ, nghèo, thời
cuộc tao loạn, chiến tranh triền miên, bà mẹ gồng gánh cuộc
đời cùng với lời nguyện cầu thường xuyên bên hang đá Đức
Mẹ. Bà đã đi hết cuộc đời với niềm tự hào đã hoàn thành được
ý nguyện của ông.
Bây giờ mỗi lần về đây, không bao giờ Đức Cha quên
dừng lại trước hang đá, tuổi thơ nghèo khổ, hình ảnh bà mẹ
góa bụa với đứa con côi cút cầu nguyện lâu giờ trước Mẹ
Maria, nỗi nhọc nhằn năm tháng lùa về, và nhất là sự an ủi trìu
mến từ nơi người Mẹ hiền của Hội Thánh năm tháng vẫn nâng
niu gìn giữ đàn con.
1
NĂM THỨ 15 – SỐ 626 – CHÚA NHẬT 21.9.2014
Giữa những bề bộn công việc, những lo toan cho Giáo Phận, những phức tạp trong xã hội,
những liên đới trong Hội Thánh, những bổn phận của một Mục Tử, vị Giám Mục vẫn sống những nét
hồn nhiên của con người, vẫn cố gắng gìn giữ những giá trị đạo đức xã hội, vẫn dừng chân nơi những
cảm xúc ngọt ngào của riêng mình trong xác tín của Đức Tin, vẫn chăm chút các mối tương quan xưa
cũ, vẫn quan tâm đến từng anh em dù là người nhỏ bé nhất.
Tôi viết lại nhưng hình ảnh này như ghi lại những cảm xúc rất chân thành, không muốn ca tụng,
chỉ muốn khắc họa một chứng nhân nhỏ bé, một tấm gương còn tỏa sáng giữa một xã hội đảo điên…
Cuộc sống chúng ta hôm nay, như lời Đức Phaolô VI, luôn “cần chứng nhân hơn cần thầy dạy”…
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 18.9.2014
MỤC LỤC TÌM BÀI:
"CẦN CHỨNG NHÂN HƠN CẦN THẦY DẠY" ( Lm. Vĩnh Sang ) ......................................................... 01
LÝ LẼ CỦA TRÁI TIM ( Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt ) .......................................................................... 02
LÝ NGƯỜI VÀ TÌNH CHÚA ( AM. Trần Bình An ) ................................................................................. 03
LÒNG TỐT CỦA THIÊN CHÚA ( Lm. Giuse Nguyễn Hữu An ) ............................................................. 05
TẤT CẢ ĐỀU LÃNH MỖI NGƯỜI MỘT ĐỒNG ( Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ ) ..................................... 07
PHẢI CHĂNG THIÊN CHÚA QUÁ BẤT CÔNG ? ( Tu Sĩ Jos. Vnc. Ngọc Biển ) ................................... 08
GIÁO HOÀNG LÀ MỤC TIÊU ÁM SÁT CỦA IS ( Trung Anh, theo Independent, báo Dân Trí ) ............. 10
ƯU ĐÃI TỬ THẦN ( Phan Văn Dũng ) .................................................................................................. 10
LUYỆN NGỤC – LẦN ĐẦU TIÊN CON MỞ MẮT CHO TRỌN ( Ron Rolheiser ) .................................. 12
PHONG CÁCH PHANXICÔ – BÀI 20: ĐỨC KITÔ LÀ ĐƯỜNG ĐI CHUNG… ( Nguyễn Trung ) .......... 13
LAO ĐỘNG ĐỨC TIN ( Trầm Thiên Thu ) ............................................................................................. 15
BỨC THƯ CỦA CẬU BÉ HỌC SINH NGHÈO ( Tùng Lâm Đỗ ) ............................................................ 18
HỒI GIÁO, BẠO ĐỘNG VÀ BẢN TÍNH CỦA THIÊN CHÚA ( R. Jared Staudt, bản dịch của Trầm Thiên Thu ) ... 18
WTC, TỪ THÁP ĐÔI CAO NHẤT THẾ GIỚI TỚI GROUND ZERO ( Phan Lê, VnExpress ) ................ 22
10 ĐIỀU ÍT BIẾT VỀ VỤ 11.9 ( Nhật Nam, Telegraph ) ......................................................................... 23
NGƯỜI ĐÀN ÔNG BÍ ẨN TRONG BỨC ẢNH NỔI TIẾNG VỤ 11.9 ( Trương Anh Ngọc ) .................... 24
CHUYẾN BAY DELTA 15, TƯỞNG NIỆM NGÀY 11.9 ( Jerry Brown, bản dịch của Phan Hạnh ) ....... 25
NHỊP CẦU BÁC ÁI PHANXICÔ VÀ VÀ QUỸ MẸ HẰNG CỨU GIÚP ( Trung Tâm Mục Vụ DCCT ) ........... 28
LÝ LẼ CỦA TRÁI TIM
Khi nghe dụ ngôn này có nhiều người thắc mắc:
Chúa có công bằng không khi ban thưởng cho người làm
ít cũng bằng người làm nhiều ? Hỏi như thế là chưa hiểu
rằng đây chỉ là một dụ ngôn. Dụ ngôn không phải là một
chuyện có thật. Nhưng chỉ là một câu chuyện dùng làm
hình ảnh để giải nghĩa giáo lý của Chúa.
Trong dụ ngôn, Chúa không có ý dạy về những
kiến thức trần gian, nhưng muốn nói về những chân lý
Nước Trời.
Những bài học mà Chúa muốn dạy ta qua dụ ngôn
‘Người thợ làm vườn nho giờ thứ mười một’ này là:
Chúa yêu thương hết mọi người và mong muốn mọi người được Ơn Cứu Độ
Vườn nho tượng trưng cho Nước Chúa. Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa. Người được thuê là
người được mời gọi vào Nước Chúa. Tiền lương là sự sống trong Nước Chúa. Hình ảnh ông chủ ngày
ngày ra chợ tìm thuê thợ là hình ảnh của Chúa yêu thương. Không phải ta đi tìm Chúa, nhưng chính
Chúa đi tìm ta. Không phải tìm một lần mà tìm suốt ngày, từ giờ này sang giờ khác. Nếu những người
được thuê vào buổi sáng sớm tượng trưng cho những người có số phận may mắn, có khả năng hơn
người, thì những người được thuê vào cuối ngày tượng trưng cho những người kém may mắn, kém khả
năng, bị thiệt thòi trong xã hội.
Việc Chúa thuê hết mọi người từ sáng sớm cho đến chiều tà, từ người sang đến kẻ hèn, từ
người tài giỏi đến những người kém cỏi, từ người khỏe mạnh đến người yếu kém, tất cả nói lên lòng
2
CÙNG SUY NIỆM
yêu thương của Chúa. Chúa muốn mời gọi hết mọi người, mong muốn hết mọi người được ơn cứu độ,
được hưởng hạnh phúc trong Nước Chúa.
Hạnh phúc Nước Trời là ân huệ Chúa ban
Nếu Chúa không kêu gọi thì không ai có thể được vào vườn nho của Chúa, được vào Nước
Chúa. Nếu Chúa không ban hạnh phúc Nước Trời thì chẳng ai có thể tự mình chiếm lấy được. Việc
Chúa ban thưởng cho những người được thuê mướn cuối cùng trước những người được thuê mướn
đầu tiên làm nổi bật chân lý này: Nước Trời là ân huệ Chúa ban. Ân huệ phát xuất từ tình thương của
Chúa chứ không do công đức của ta. Vì thế chẳng ai có quyền đòi hỏi. Hơn nữa, ơn Chúa ban vượt quá
sức, quá lòng mong ước của ta. Hiểu biết điều này, ta sẽ không ngừng tạ ơn Chúa.
Chúa yêu thương và mong ta biết yêu thương như Chúa
Những người thợ làm từ sáng sớm không có gì để kêu trách Chúa về tiền lương, vì đã được
thỏa thuận từ trước. Họ chỉ kêu trách vì thấy người làm ít cũng được như mình. Họ kêu trách lòng nhân
từ của Chúa. Đó là điều vô lý. Và Chúa đã nêu rõ điểm vô lý đó: Tại sao kêu trách vì tôi tốt bụng ? Phần
mình đã được rồi, tại sao không vui mừng vì những anh em kém cỏi, kém may mắn cũng được ân huệ
vào phút chót.
Qua điều này Chúa muốn dạy ta hãy biết yêu thương những người kém cỏi, bé nhỏ, nghèo hèn.
Một xã hội muốn tốt đẹp phải biết giúp đỡ những người bé nhỏ. Một xã hội chỉ thực sự văn minh khi biết
quan tâm tới những người kém may mắn. Nếu chỉ nghĩ đến bản thân mình ta sẽ thấy cuộc đời chỉ toàn
bất công. Nếu biết nghĩ đến người khác, ta sẽ thấy cuộc đời thật đẹp đẽ vì chan chứa tình người.
Qua dụ ngôn này ta thấy tư tưởng của Chúa khác hẳn tư tưởng của con người. Cách cư xử
của Nước Trời khác hẳn cách cư xử của nước trần gian. Lý luận của Chúa khác hẳn lý luận của
người đời. Không tìm lợi lộc cho bản thân nhưng lo tìm hạnh phúc cho người khác. Không trọng sang
khinh hèn, nhưng để ý yêu thương giúp đỡ những người kém may mắn, bị bỏ rơi trong xã hội. Không
dùng lý lẽ của lý trí nhưng dùng lý lẽ của con tim, một con tim luôn yêu thương, luôn mong muốn hạnh
phúc cho mọi người.
Chúa mong con cái Chúa cũng hãy có tư tưởng của Chúa, cư xử như Chúa và yêu thương như
Chúa. Như thế mới có thể làm cho Nước Chúa mau lan rộng.
Lạy Chúa, xin cho con hiểu được đường lối Chúa và cho con luôn đi trong đường lối của
Chúa. Amen.
Tgm. Giuse NGÔ QUANG KIỆT
LÝ NGƯỜI VÀ TÌNH CHÚA
Vào tối ngày thứ hai, 20.11.2006, khá đông Giáo Dân ở
các Giáo Xứ lân cận đã đến Nhà Thờ Chí Hòa để tham dự giờ
cầu nguyện do nhóm cầu nguyện Đức Mẹ Mễ Du thực hiện.
Đặc biệt có một Linh Mục ở Châu Đốc và nghệ sĩ Lê Vũ Cầu
chia sẻ về ơn của Đức Mẹ đã ban ( Ảnh chụp ).
Chưa tới 19 giờ mà Giáo Xứ đã đặc kín người, rất trật
tự và nghiêm trang. Mở đầu chương trình là phần dâng hoa lên
tượng Đức Mẹ Mễ Du được đặt giữa khán đài. Trong phần
chia sẻ, Linh Mục Giuse Bùi Trung Châu, chính xứ Châu Đốc,
đã nói về một cô gái theo đạo khi lập gia đình, trong khi cầu
nguyện cô cảm nghiệm được lời báo của Đức Mẹ cho biết sẽ
bị liệt và cô được Đức Mẹ cứu chữa giữa sự chứng kiến của nhiều người.
Sôi nổi và sinh động nhất là phần chia sẻ của nghệ sĩ Lê Vũ Cầu. Trước khi chia sẻ, anh đã nói
lên những lời cảm tạ Chúa vì Người đã ban cho anh Đức Tin và nhiều hồng phúc. Anh thấy Chúa đã
đồng hành với anh qua một tình yêu thương hoàn hảo; anh thấy Đức Giêsu là vị Lương Y tuyệt vời nhất
và anh còn thấy có một người Mẹ Hiền là Đức Maria đã đến bên cuộc đời của anh.
Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu đã bị bệnh viêm gan siêu vi, sơ gan cổ chướng thời kỳ thứ ba, bị hôn mê,
không ăn uống, không vệ sinh được. Ở bệnh viện, người ta coi như đã chết lâm sàng, nhiều người
chuẩn bị cái chết cho anh khi thấy bụng sưng to, chân bị phù. Song anh được đẩy xe lăn đến trước
tượng Đức Mẹ mà khấn xin cho được sống hoặc cho chết không đau đớn, an lành. Khấn xong, anh về
nhà vào phòng vắng trốn tránh báo chí và cả những người thân quen.
3
Có một nhóm anh chị em Công Giáo đến thăm, đặt tay lên người anh cầu nguyện; rồi anh được
đưa đến Nhà Thờ cầu nguyện; được Linh Mục và nhiều anh chị em thiện chí nâng đỡ. Bỗng dưng anh ăn
được, ngủ được, bụng và chân trở lại bình thường. Anh phấn khởi, năng lui tới Nhà Thờ và xin ghi danh
học đạo. Khi buổi cầu nguyện này diễn ra thì chỉ còn ít ngày nữa là anh được trở thành người Kitô hữu.
Nhưng đáng phục nhất là lời cầu nguyện đầu tiên của anh với Chúa: “Chúa ơi, xin ban cho con
Đức Tin. Con muốn được ơn tin vào Chúa !” Quả thực, đây là lời cầu nguyện rất chân thành và đáng
khâm phục vì những ai chưa biết Chúa mà có được niềm tin thật sự từ sâu thẳm trong lòng là rất khó.
Và anh còn tâm nguyện từ nay đến cuối cuộc đời sẽ làm nhiều việc lành phúc đức. ( Theo
VietCatholicNews, 22.11.2006 )
Hai năm sau, cơn bệnh tái phát, anh Anrê Dũng Lạc Lê Vũ Cầu về với Chúa tảng sáng ngày
23.9.2008. Lm. An Mai, DCCT, đã khéo léo ví von anh là người thợ giờ thứ mười một, đã vinh dự
hưởng đồng lương khá hậu hĩnh của Chủ Vườn.
Tin Mừng theo Thánh Matthêu hôm nay tường thuật dụ ngôn tuyển thợ làm vườn nho. Những
người thợ được tuyển từ sáng sớm bất bình với chủ vườn, đã trả lương hậu hĩnh những người thợ vào
làm chiều muộn. Thường lòng đố kỵ, ganh tương, ghen tỵ, hiềm khích luôn xuất hiện, khi thấy kẻ khác
được trọng đãi, hay thành đạt, giàu có, giỏi giang hơn mình.
Tình Yêu Thiên Chúa nhân ái, bao dung, quảng đại vô bến bờ, tựa như vòng tròn bất biến vĩ đại bao
phủ lên lý lẽ vuông vắn, sắc cạnh, nhỏ nhen, thấp kém của con người. Trong khi thiên hạ lại thường áp dụng
cái lý lẽ phiến diện, hà khắc và bất định lồng ra bên ngoài cái tình cá nhân tủn mủn, hạn hẹp, tồi tệ.
Lý người
Lý lẽ, luật lệ, phong tục, tập quán đều là những quy ước của nhân gian dễ thay đổi, dễ biến
dạng, thậm chí trái ngược nhau tùy theo dân tộc, thời gian và không gian. Nay hợp lệ, mai thành bất
hợp lệ. Xưa cấm đoán việc này, nay xả láng cho tự do. Thế mà thiên hạ cứ cố chấp viện ra lý lẽ, luật lệ
nhất thời mà vô tư lên án tha nhân, thoải mái đấu tố, hoặc ném đá vô tội vạ.
Bất bình, ganh tỵ, chấp nhất khi thấy người khác được ưu ái hơn mình, thành đạt hơn, tài giỏi
hơn, nổi tiếng hơn, con người còn hay viện dẫn đến sự công bằng mơ hồ, do chính mình áp đặt, mà loại
trừ đi tình người, sự thông cảm, bao dung, độ lượng. Thánh Phaolô đã tìm ra căn nguyên sự bất khoan
dung: “Vì anh em còn là những con người sống theo tính xác thịt. Bao lâu giữa anh em có sự ghen
tương và cãi cọ, thì anh em chẳng phải là những con người sống theo tính xác thịt và theo thói người
phàm sao ?” ( 1 Cr 3, 3 ).
Con người thường nô lệ vào bản ngã, cái tôi ích kỷ, nên tầm nhìn lý lẽ, quan niệm, suy xét chỉ
quanh quẩn bảo vệ, quy hướng lợi ích phục vụ cho chính mình. Do vậy, các lý lẽ, nhận xét, phê phán
thường khó tránh khỏi chủ quan, lệch lạc, phiến diện. Chính vì thế, có sự khác biệt tương phản, sâu xa,
rõ ràng giữa phàm nhân với Thiên Chúa, như lời khẳng định của Ngôn Sứ Isaia: "Tư tưởng của Ta
không phải là tư tưởng các ngươi và đường lối các ngươi không phải là đường lối Ta... Trời cao hơn đất
chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư
tưởng các người chừng ấy” ( Is 55, 8 – 9 ).
Tình Chúa
Thiên Chúa dào dạt yêu thương tạo vật, con người. Dù con người đã bất nghĩa, bất tín, bất
trung, nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương, đã ban Con Một nhập thể cứu chuộc nhân loại. Tình Yêu
Thiên Chúa vượt xa giới hạn lý luận của con người. Khi bỏ lại 99 con chiên, đi tìm một con chiên lạc
mất, Ngài đã bất chấp sự khôn ngoan trần thế, vượt qua lý luận toán học, vượt qua sự tính toán nhỏ
mọn, hơn thiệt của con người, chỉ vì Tình Yêu.
Thánh Phaolô đã lý giải sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Song những gì thế gian cho là điên
dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì
Thiên Chúa đã chọn, để hạ nhục những kẻ hùng mạnh, những gì thế gian cho là hèn mạt, không đáng
kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào
dám tự phụ trước mặt Người” ( 1 Cr 1, 28 – 29 )
Khi tha thứ cho người tử tội cùng chịu đóng đinh, Đức Giêsu chẳng hề tra hỏi về quá khứ,
chẳng hề tính toán bao nhiêu lần vấp phạm. Người quên hết mọi tội lỗi chồng chất, khi phạm nhân biết
sám hối, biết trở về Lòng Thương Xót. “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên
Đàng !” ( Lc 23, 43 ).
Khi trả công cho những người thợ giờ thứ 11, Chủ Vườn chẳng tính toán hơn thiệt, làm được
nhiều hay ít, mà căn cứ vào tấm lòng chân thành, thiện chí, mà hoan hỷ trả công.
Đừng nói nhiều, làm ít, hoạt động dài, cầu nguyện vắn, nhận rộng rãi, cho hẹp hòi, khoan dung
cho mình, khắt khe với người. ( Đường Hy Vọng, số 304 ).
4
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con luôn biết tôn trọng, yêu mến tha nhân, dù họ đức độ,
tài năng giỏi giang, giàu có hơn chúng con. Xin cất đi khỏi lòng chúng con sự tỵ hiềm, ganh
ghét, đố kỵ, chia rẽ, mà biết sống hòa đồng, chan hòa yêu thương, cùng biết cảm tạ Chúa đã ban
cho họ và cho chúng con biết bao hồng ân, nhất là được biết Chúa, tin Chúa và theo Chúa.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ là mẫu gương khiêm nhường và nhân ái, xin dạy chúng con luôn biết
quan tâm, gần gũi, hòa nhã với tất cả mọi người, kể cả những người trổi vượt hơn chúng con
nhiều mặt, để chúng con xứng đáng làm con Chúa. Amen.
AM. TRẦN BÌNH AN
LÒNG TỐT CỦA THIÊN CHÚA
Thánh Gioan Phaolô II đã viết trong Tông
Huấn “Christi Fideles Laici” về ơn gọi và và sứ vụ
của người giáo dân trong Giáo Hội và trong thế
giới: “Những thành phần giáo dân trong dân tín hữu
Chúa Kitô… hình thành nên Dân Chúa có thể được
so sánh với những người làm trong vườn nho được
nhắc tới trong Tin Mừng theo Thánh Mátthêu…
“Anh cũng đi vào vườn nho”… Tiếng gọi là một
quan tâm không những cho các Mục Tử, các Giáo
Sĩ, các nam nữ Tu Sĩ. Tiếng gọi được gởi tới mọi
người; những người giáo dân thường cũng được Chúa kêu gọi đích danh, từ Người họ nhận lãnh một
sứ vụ vì Giáo Hội và vì thế giới” ( số 1 – 2 ).
Dụ ngôn “thợ làm vườn nho” với hình ảnh ông chủ vườn nho năm lần đi kiếm người làm vườn
vào những thời điểm khác nhau chứa đựng một huấn giáo thiêng liêng: lòng quảng đại vượt trên lẽ công
bình,Thiên Chúa kêu gọi mọi người vào hưởng hạnh phúc là do lòng tốt của Ngài.
“Quả thế, về Nước Trời thì cũng như một gia chủ kia, ngay vừa tảng sáng, đã ra thuê thợ cho
vườn nho của ông...” Giữa một “chợ người” ít việc nhiều người, các ông chủ ra thuê thợ làm việc và trả
công nhật. Chúa Giêsu đã quan sát và lấy hình ảnh cụ thể này ở Do Thái để mạc khải mầu nhiệm Nước
Trời. Người kể dụ ngôn ông chủ vườn nho với các thợ làm việc các giờ khác nhau trong ngày. Tiền công
nhật là 1 đồng, giá thỏa thuận đôi bên. Gia chủ thuê thợ làm vườn nho vào các giờ giấc khác nhau.
Ở Do Thái một ngày bắt đầu từ lúc 6 giờ chiều. Giờ thứ ba tức là 9 giờ sáng. Giờ thứ sáu là 12
giờ trưa. Giờ thứ chín là 3 giờ chiều. Còn giờ thứ mười một là 5 giờ chiều, sắp hết ngày để sẽ bắt đầu
một ngày mới.
1. Lòng ghen tị
Theo lệ thường, công nhật sẽ chấm dứt vào giờ thứ mười hai tức là 6 giờ chiều. 5 giờ chiều ông
chủ vẫn còn ra thuê nhân công. Vì thế hững người làm từ giờ thứ mười một chỉ làm việc có một giờ là
đã được nghỉ. Trong khi đó người làm từ sáng, lao động suốt mười hai giờ. Vậy mà cuối ngày, khi trả
lương, ông chủ lại trả bắt đầu từ người sau hết là 1 đồng. Những người làm trước tưởng là được nhiều
hơn, nhưng cũng chỉ được 1 đồng mà thôi.
Họ phản đối, họ trách móc vì họ bị hai lần thiệt thòi: kẻ khác làm có một giờ mà họ đã phải làm
đến mười hai giờ, kẻ khác làm lúc trời đã mát mẻ, còn họ phải làm cả ngày dưới trời nắng gió nóng
của miền Địa Trung Hải. Họ hụt hẫng và khó chịu với chủ. Nếu ông chủ trả lương cho người làm sau ít
hơn, chắc họ chẳng hề tỏ vẻ khó chịu. Nếu họ không hay biết số tiền mà ông chủ trả cho người làm
sau chắc là họ vui vẻ và biết ơn khi trở về nhà. Nhưng vì biết được nên họ giận dữ và ghen tị.
Rõ ràng người ghen tị không vui được với người vui, vì họ không biết yêu thương. Họ coi người
kia là kẻ thù, chứ không còn là bạn. Vì vậy, sự thành công của ai đó đã trở thành mối đe dọa và thiệt
thòi cho họ.
Lòng ghen tị đã xuất hiện từ khởi thuỷ loài người. Cain ghen tị với em trai là Aben chỉ vì lễ vật tốt
đẹp của Aben được Chúa thương chấp nhận, còn lễ vật không tốt đẹp của Cain thì bị khước từ. Lòng
ghen tị đã xui khiến Cain giết em.
Đavít là vị anh hùng tài hoa trẻ tuổi đã lập được chiến công oanh liệt, cứu nguy cho dân quân
Ítraen bằng cách giao chiến một chọi một với tên Gôliát khổng lồ thuộc phe Philitinh, hạ gục y chỉ bằng
một phát ná bắn đá và dùng chính thanh gươm của y mà chặt đầu y. Thế rồi quân Ítraen thừa thắng xông
lên như nước vỡ bờ, tràn lên giết hại rất nhiều quân Philitinh thù nghịch. "Khi Đavít thắng trận trở về, phụ
5
nữ từ hết mọi thành của Ítraen kéo ra, ca hát múa nhảy, đón vua Saun, với trống con, với tiếng reo mừng
và tiếng não bạt. Họ ca hát rằng: "Vua Saun hạ được hàng ngàn, ông Đavít hàng vạn". Thế là từ lúc ấy,
lòng ghen tị sục sôi trong lòng vua Saun, khiến nhà vua phóng giáo vào Đavít đang khi Đavít gảy đàn cho
vua nghe. May thay Đavít kịp né mình thoát chết trong gang tấc. Rồi sau đó, vua Saun lùng sục Đavít tận
thâm sơn cùng cốc, quyết hạ sát cho bằng được vị anh hùng kiệt xuất nầy ( x. 1 Sm 17 – 18 ).
Lòng ghen tị làm xấu đi những tương quan tốt đẹp vốn có giữa anh em bạn bè. Lòng ghen tị còn
xui khiến người ta làm hại nhau, làm cho xã hội chậm tiến và kém phát triển.
2. Lòng tốt
Ông chủ trả lương như vậy có bất công không ? Chắc chắn là không, vì ông trả đủ số tiền đã
thỏa thuận từ trước là 1 đồng. Vì người ghen tị lầm bầm than phiền nên ông chủ bảo họ: "Này bạn, tôi
đâu có xử bất công với bạn, bạn chẳng thỏa thuận với tôi là 1 đồng hay sao ? Cầm lấy phần bạn mà về
đi, còn tôi, tôi muốn cho ai là tùy tôi, chẳng lẽ tôi không có quyền tùy ý định đoạt là những gì của tôi
sao ? Hay vì tôi tốt bụng mà bạn ghen tức ?"
Đây là điểm chính yếu của dụ ngôn. Hành động của ông chủ không phải là do ông bất thường,
bất công, nhưng do ông chủ tốt lành. Tốt ở chỗ là không muốn ai phải thua thiệt sút kém. Ông muốn ai
cũng may mắn, ai cũng có tiền về nuôi gia đình. 1 đồng ông phát cho người làm giờ thứ mười một
không phải là do công bình, mà là do lòng tốt của ông ban tặng.
Gia chủ là Thiên Chúa. Các tay thợ là loài người nhận ra Thiên Chúa qua nhiều thời điểm khác
nhau. Thợ làm giờ thứ mười một là người tội lỗi. Làm vườn nho là vào Nước Trời và thực thi luật pháp
Nước Trời. Các thợ cằn nhằn chính là nhóm Pharisiêu, Luật Sĩ. Họ ghen tương vì Chúa Giêsu đối xử
khoan dung với người tội lỗi, yêu thương dân ngoại. Các thợ làm ít lãnh nhiều là các người ngày hôm
qua sống trong tội lỗi, ngày hôm nay là công dân Nước Trời.
1 đồng là vé vào Nước Trời. Kẻ làm trước người làm sau, tất cả đều được Thiên Chúa ban cho
Nước Trời. Thiên Chúa ban cho ai là do lòng tốt của Ngài. Yếu tố chính mà Đức Giêsu nhấn mạnh
chính là Thiên Chúa rộng rãi vô cùng. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót đối xử rất nhân từ với
mọi người. Đặc biệt đối với dân ngoại là những người được gọi vào Giáo Hội qua những giờ sau hết.
Đối với những người này, Thiên Chúa cũng ban cho mọi quyền lợi và đặc ân như người Do Thái là
những kẻ được gọi từ đầu. Thiên Chúa nhìn nhận sự việc theo lòng lân tuất của Ngài. Con người nhìn
theo quyền lợi, tính toán hơn thiệt. Thiên Chúa ân thưởng, trả công cho ai tùy theo lòng tốt của Ngài.
Thiên Chúa trả công không làm thiệt hại ai, luôn công bằng.
Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu muốn minh chứng rằng: trong cách thức hành động của mình, Thiên
Chúa không đi theo những quy tắc lề luật của sự công bình hạn hẹp, cứng nhắc. Ngài chỉ thực thi theo
sự tốt lành của mình, theo thúc đẩy bởi Tình Yêu của mình. Ngài hào phóng trong tình thương xót và
hoàn toàn tự do trong các việc thiện hảo.
3. Sứ điệp
Dụ ngôn “thợ làm vườn nho”, cho thấy rõ sự
trái ngược giữa lòng tốt của gia chủ và lòng ghen tị
của những người thợ vào vườn nho từ sáng sớm.
Thiên Chúa mở rộng vòng tay đón nhận mọi người,
còn chúng ta thì khép chặt lại không muốn tiếp nhận
ai. Thiên Chúa nhìn thấy sự đáng thương của những
người chưa được làm con cái Ngài, còn chúng ta chỉ
nhìn những người anh chị em này một cách tiêu cực
và vênh vang cho rằng mình tốt hơn họ.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đối xử nhân hậu với người khác. Hãy tránh xa lối nhìn thiển cận
theo cảm tính, theo tính vị kỷ, theo quyền lợi cá nhân. Không nên ghen tị khi người khác có tài đức hơn, giàu
có hơn, xinh đẹp hơn. Hãy bằng lòng với cái mình đang có và cố gắng phát triển nó lên. Ai cũng được Chúa
ban cho những khả năng khác nhau. Người 5 nén, người 2 nén, người 1 nén. Ngày ra trước mặt Chúa,
Chúa không hỏi: con đã làm những gì, làm ông này hay bà nọ. Chúa chỉ hỏi về lòng mến, mến Chúa và yêu
thương tha nhân. Con đã yêu mến Thầy và tha nhân không ? Chính tình yêu trong công việc là thước đo mà
Chúa Giêsu đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta. Đó là cung cách sống đạo đền đáp hồng ân.
Hồng ân là một ơn ban dựa vào lòng tốt của người ban ơn. Hồng ân làm cho người lãnh nhận
tràn đầy lòng biết ơn. Công lao là tính toán dựa trên công sức người làm việc. Công lao thì cần phải đòi
lại điều gì tương xứng bằng tiền lương, bằng đền bù, bằng trả lại theo lẽ công bằng.
6
Như thế, có một sự khác biệt lớn giữa kiểu sống đạo dựa trên hồng ân và kiểu giữ đạo nhằm
vào công trạng. Người ta có thể chấp nhận "giữ đạo" để được "lên thiên đàng". Nhưng người ta cũng có
thể "sống đạo" chỉ vì muốn đền đáp một chút nào hồng ân bao la của Thiên Chúa. Kiểu giữ đạo theo
công trạng sẽ làm cho người Kitô hữư trở thành "nô lệ", thành "kẻ làm công". Cách sống đạo như một
hồng ân làm cho người Kitô hữu trở thành con cái hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha yêu thương. Nhờ đó
Kitô hữu sẽ nhận ra hồng ân của Chúa nơi mọi sự, khắp mọi nơi, trong mọi lúc, tràn ngập cuộc đời, để
biết hân hoan ca tụng Chúa, biết vui mừng vì hồng ân Chúa nơi anh chị em của mình.
Những người thợ được thuê làm vườn nho vào những giờ khác nhau, đó là hình ảnh những người
được mời vào Giáo Hội ngang qua Bí Tích Rửa Tội vào những tuổi đời khác nhau. Sống trong Giáo Hội, mọi
người đều là con cái của Chúa, không phân biệt giàu nghèo sang hèn. Ai cũng được Thiên Chúa yêu
thương. Đã là yêu thương thì không còn đứng trong ranh giới công bình. Thiên Chúa thưởng công cho ai là
tùy lòng tốt của Ngài. Cùng nhau làm việc Tông Đồ Truyền Giáo là bổn phận mỗi người Kitô hữu. Phần
thưởng là do lòng tốt Chúa ban. Như thế chúng ta sẽ xây dựng được Nước Trời giữa trần gian.
Lm. Giuse NGUYỄN HỮU AN
TẤT CẢ ĐỀU LÃNH
MỖI NGƯỜI MỘT ĐỒNG
Hôm nay chúng ta bắt đầu chu kỳ ba dụ
ngôn về vườn nho của Chúa Giêsu. Chúa Nhật 25,
những người thợ sẽ vào làm vườn nho. Chúa Nhật
26, hai người con trai được cha sai đi làm vườn
nho, và Chúa Nhật 27, những người tá điền muốn
giết con ông chủ vườn nho.
Bước vào trong sự thân tình của Chúa
Trong Kinh Thánh, cây nho có một ý nghĩa
sâu sắc. Nó là biểu tượng của giao ước giữa
Thiên Chúa với dân Ngài ( Is 5, 1 – 7; Gr 2, 21; Ed 15, 4 ). Câu "hãy đi làm vườn nho ta" ( Mt 20, 4 )
được Chúa Giêsu lặp đi lặp lại trong ba dụ ngôn, theo truyền thống câu này muốn nói: "Hãy đi vào trong
Giao ước… Hãy đến chia sẻ Giao ước với ta".
Chúa Giêsu tự khẳng định mình là cây nho: "Thầy là cây nho thật" ( Ga 15, 1 – 5 ). Chúng ta
được mời gọi vào làm vườn nho của Chúa, được sẻ chia công việc với Chúa, có ý nói, chúng ta dù sớm
hay muộn cũng bước vào trong thân tình với Chúa, sống với Chúa. "Hãy đi làm vườn nho ta" còn có
nghĩa là "Hãy vào hưởng niềm vui của chủ ngươi" ( Mt 25, 21 ). Từ đây chúng ta mới hiểu được một
đồng mà ông chủ trả cho người đến trước cũng như người đến sau là đồng nào.
Đồng lương yêu thương
Dụ ngôn những người làm thuê được mướn làm việc trong vườn nho qua những giờ khác nhau,
tất cả lãnh lương giống như nhau là một đồng bạc, đã gây nên một khó khăn cho những người đọc Tin
Mừng. Chúa nói với những người làm công: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho
các ngươi xứng đáng" ( Mt 20, 4 ). Có người hỏi: Xứng đáng ở đây là xứng với cái gì ? Khi có hai cái
bằng nhau, hoặc cái này xứng với cái kia được coi là xứng đáng. Vậy đâu là tiêu chuẩn để Chúa Giêsu
trả công xứng đáng ? Nhiều người không khỏi ngạc nhiên, nhất là những người đến làm việc trước hết
vì tiêu chuẩn trả công của ông chủ. Cách hành xử của ông chủ có chấp nhận được không ? Không xúc
phạm đến nguyên tắc đền bù xứng đáng sao ?
Khó khăn phát xuất từ một sự sai lầm. Vấn đề đền bù được qui chiếu về sự đời đời, Thiên Chúa
"sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ làm" ( Rm 2, 6 ). Thiên Chúa nhân lành, Ngài có cách tính
không giống chúng ta: "Tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không
phải là đường lối của Ta" ( Is 55, 8 ). Thiên Chúa ban cho con người cái mà Ngài cho là tốt nhất. Tiêu
chuẩn của Ngài là tấm lòng, tiêu chuẩn của chúng ta thường là lý trí, và dĩ nhiên không luôn luôn đúng.
Trong dụ ngôn, mức lương được trả là một đồng. Đây là đồng đracmơ; hay đồng đờnhê, là thuế
mà mỗi Người Do Thái phải nộp vào Đền Thờ Giêrusalem mỗi năm cho việc bảo trì, hoặc đồng "xtate"
tiền cổ Hy Lạp là đồng được Thánh Phêrô dùng để nộp thuế Đền Thờ, phần của ngài và của Chúa
Giêsu. Mỗi người nhận được một đồng, có ý nói đến mức lương của một ngày làm việc, một cái gì đó
để sống trong ngày như bánh mì chẳng hạn.
7
Để nhận ra "điểm chính" trong dụ ngôn, chúng ta phải để ý đến qui chiếu của Chúa Giêsu ở đây
về một tình huống cụ thể. Đồng bạc duy nhất được trả cho tất cả là nước Chúa, Chúa Giêsu đã mang
xuống thế vì yêu thương thế gian. Dụ ngôn bắt đầu: "Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra
thuê người làm vườn nho mình" ( Mt 20, 1 ). Như vậy, Nước Trời là chủ đề chính và là bối cảnh của dụ
ngôn.
Đồng lương Ơn Cứu Độ phổ quát
Một lần nữa, vấn đề về ơn cứu độ của người Do thái và dân ngoại, hay của kẻ lành và những
người tội lỗi được đặt ra, trước ơn cứu rỗi do Chúa Giêsu mang đến. Mặc dầu chỉ vì nghe huấn giáo
của Chúa Giêsu mà người dân ngoại ( những kẻ tội lỗi, những người thu thuế, những người đĩ điếm
v.v… ) quyết định theo Chúa, trong khi trước lúc đó họ còn đứng đàng xa ( nhàn rỗi ). Vì ý định theo
Chúa mà họ sẽ không có chỗ bậc hai trong vương quốc. Họ cũng sẽ ngồi cùng một bàn như những
người khác và hưởng đầy đủ những của cải thời cứu thế.
Chúa Giêsu không cung cấp chúng ta một bài học về đạo đức xã hội, nhưng là bài học về tình
yêu của Thiên Chúa với hết mọi người: "Từ sáng sớm, cho đến giờ thứ ba, giờ thứ sáu và thứ chín".
Không có ai là quá muộn để vào Nước Trời. Tất cả những ai chưa khám phá ra tình yêu của
Thiên Chúa vẫn được Ngài mời gọi mọi người nam nữ trong mọi giờ và ở mọi lứa tuổi đi làm vườn nho
của Chúa! Đây là lời kêu gọi phổ quát. Đó là vấn đề kêu gọi hơn là vấn đề thưởng. Chúng ta đừng bao
giờ thất vọng về ơn cứu độ đời đời của chúng ta.
Có nhiều người cần cù, chịu khó, luôn sẵn sàng làm việc nhưng "không ai thuê"; họ nhàn rỗi vì
thiếu việc làm và không có người mướn, lòng nhiệt thành đang có sẵn, có tiếng gọi thuê, họ lên đường
mà không có sự mặc cả giá tiền như những người trước. Ông chủ đánh giá công việc của họ cách khôn
ngoan và trả công cho họ bằng những người khác. Ý muốn nói, dù hoán cải vào "buổi sáng, giờ thứ
ba… và thứ mười một giờ" đi chăng nữa, thì hết thảy mọi người đều được đón nhận… anh trộm lành
được lên Thiên Đàng "vào giờ thứ mười một" anh thực sự là người được mời gọi vào giờ sau hết và trở
thành người đầu tiền vào Nước Trời: "Thật hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng với ta" ( Lc
23, 43 ). Chúa không kết án kẻ trộm, Chúa bày tỏ lòng nhân lành của mình; họ đi làm, nhưng "không ai
thuê" ( Mt 20, 7 ), nếu người ta không thuê anh, anh "hãy đi làm vườn nho ta" ( Mt 20, 4 ).
Điều mà chúng ta gán cho Thiên Chúa là không xứng đáng với Thiên Chúa, và điều Thiên Chúa
ban cho chúng ta vượt quá công trạng của chúng ta: "Từ người đến sau hết tới người đến trước hết đều
lãnh mỗi người một đồng". Chúng ta không thể trách lòng tốt của ông chủ, vì không thấy gì sai trái trong
cách ông hành xử. Ông trả cho mỗi người theo như thỏa thuận và thể hiện lòng thương xót như ông
muốn: "Nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao ? "
Một huấn giáo khác có thể rút ra từ dụ ngôn. Ông chủ biết rằng những người làm thuê giờ cuối
cũng có những nhu cầu như bao người khác, họ cũng có con cái phải nuôi ăn, như những nguời làm
thuê giờ thứ nhất. Khi trả cho mọi người đồng lương y nhau, ông chủ chứng tỏ rằng ông không xét theo
công trạng cho bằng theo nhu cầu. Ông chứng tỏ rằng ông không những công bằng, mà còn "tốt lành,"
quảng đại và nhân đạo.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN ĐỘ
PHẢI CHĂNG THIÊN CHÚA
QUÁ BẤT CÔNG ?
Tại Việt Nam chúng ta không có những cách đồng nho như
bên Do Thái. Có chăng thì ở khu vực Cam Ranh Nha Trang, nhưng
cũng không nhiều. Còn đại đa số là những cánh đồng lúa; hoặc
những khu rừng cao su, tiêu, cà phê hay điều... Vì thế, hình ảnh vườn
nho có vẻ hơi xa lạ trong tâm thức đối với đại đa số người dân Việt.
Nhưng dù biết hay không thì cách thức chi trả lương cho
những người làm thuê cũng có nhiều điểm tương đồng với những
người làm công trong vườn nho của người Do Thái.
Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay lại đưa ra một nghịch lý
khi Đức Giêsu kể dụ ngôn ông chủ vườn nho trả lương cho những
người làm công: ông chủ này không tính đến chuyện thợ làm thuê có chuyên môn hay nghiệp dư, cũng
không kể đến chuyện giờ giấc của người làm. Vì thế, dù chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp, kinh
8
nghiệm hay mới vào nghề, và tham gia làm vườn giờ nào... ! Nhưng chiều đến, khi lĩnh lương, tất cả họ
đều giống nhau. Tại sao vậy ? Ông chủ có bất công không ?
Để hiểu được vấn đề này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân tại sao ? Và Đức Giêsu có
lý gì khi kể dụ ngôn này ?
1. Tại sao Đức Giêsu lại dùng dụ ngôn thợ làm vườn nho ?
Trước tiên, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của vườn nho mà Đức Giêsu muốn nói tới ở đây.
Vườn nho được Đức Giêsu kể trong dụ ngôn chính là hình ảnh của Giáo Hội. Vườn nho ấy đến
mùa thu hoạch, chính là sứ mạng truyền giáo đang cấp bách, điều này được bổ túc thêm khi Đức Giêsu
nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặp lại ít”.
Thứ đến, người mời gọi là chính Thiên Chúa. Người gọi hết mọi người, không phân biệt tốt xấu,
giỏi hay dốt, thành phần nào, già hay trẻ... Nhưng Người gọi bất cứ ai Người muốn! Cách thức này Đức
Giêsu muốn thay đổi quan niệm nơi người Do Thái, họ chỉ coi là mình họ được cứu độ, còn những dân
tộc khác thì không, họ tỏ ra khinh bỉ hay ghen tức với cách hành xử của Đức Giêsu với những người
không thuộc Do Thái, vì thế, Đức Giêsu mới nói: "Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về
những gì là của tôi sao ?"; “Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?” Thật vậy, Thiên Chúa
không chỉ dành ơn cứu độ cho dân Do Thái, nhưng là cho muôn dân muôn nước không trừ ai. Hơn nữa,
Người còn tỏ lòng thương xót đặc biệt hơn đối với những ai bị coi là hèn kém.
Tiếp theo, cách thức trả lương. Người không trả lương theo kết quả công việc. Cũng không trả
lương theo kiểu làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Mà Người trả lương cách đồng đều theo sự thỏa thuận lúc
ban đầu. Tức là một đồng cho tất cả mọi người. Người đến sớm cũng kẻ đến muộn, người giỏi cũng như
dốt, người già cũng như trẻ... Cách thức này cho thấy lòng nhân từ, thương xót và bao dung của Thiên
Chúa dành cho hết mọi người chứ không phải chỉ dành cho một số người đặc tuyển. Điều Đức Giêsu muốn
nói ở đây chính là: “Thiên Chúa để ý đến tinh thần của người tham gia vào công việc của vườn nho”.
2. Hiểu và thực hành sứ điệp Lời Chúa
Qua Lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu không muốn ai phải thất
vọng, mọi người đều có chỗ đứng trong Giáo Hội và đều có trách
nhiệm tham gia vào sứ mạng truyền giáo. Thật vậy, tính phổ quát
của của ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho chúng ta người Công
Giáo, nhưng là cho muôn dân muôn nước, không trừ ai. Đồng thời,
Đức Giêsu cũng mặc khải về lòng bao dung, quảng đại và thương
xót của Thiên Chúa.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm,
trung thành, yêu mến và dấn thân vào làm vườn nho của Chúa, bằng
cách sống tốt và chu toàn bổn phận của mình theo thánh ý Chúa dựa
trên tình yêu. Vì thế:
Trước tiên, cần loại bỏ thái độ tự tôn, kiêu hãnh và coi
thường người khác vì nghĩ rằng mình thuộc thành phần đương
nhiên được cứu độ, còn người khác, họ chỉ là đám dân thường, tội
lỗi, dốt nát, nên không cần quan tâm. Cũng cần có sự cảm thông,
cộng tác để cùng nhau làm việc thiện thay vì ganh đua, ghen tỵ khi
thấy người khác tốt lành hơn mình, hoặc người ta làm được nhiều điều hữu ích hơn chúng ta.
Tốt hơn là hãy ý thức mình chỉ là đầy tớ bất tài, vô dụng, nhưng lại được Chúa thương chọn và
gọi để đi làm vườn nho cho Người. Vì thế, hãy dâng lời tạ ơn Chúa và cố gắng với khả năng của mình,
làm sinh lợi nén bạc Chúa trao trong sự yêu mến với lòng nhiệt huyết tông đồ.
Thứ đến, hãy kiên trung, tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, đừng thất vọng vì thấy
mình không giỏi giang hay tội lỗi. Hãy nhớ rằng: Thiên Chúa luôn để ý đến những người “đứng chót”.
Phần còn lại là của chúng ta, nếu chúng ta biết cộng tác với ơn Chúa trong sự khiêm tốn, ắt Chúa sẽ trả
công hậu hĩnh và Người sẽ làm những điều kỳ diệu khi: “Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu,
còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”.
Hiểu được tình thương của Thiên Chúa như thế, hẳn chúng ta thấy Thiên Chúa rất công bằng
do lòng nhân từ của Người chứ không phải bất công như những người Do Thái và ngay cả chúng ta
đã lầm tưởng !
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khiêm tốn và yêu mến Chúa tha thiết. Biết gắn bó với sứ
mạng truyền giáo trong Giáo Hội. Luôn tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa và trung thành
với bổn phận của mình. Amen.
9
Tu Sĩ Jos. Vinc. NGỌC BIỂN
GIÁO HOÀNG LÀ MỤC TIÊU ÁM SÁT CỦA IS
Đại sứ Iraq tại Vatican cảnh báo, phiến quân "Nhà
Nước Hồi Giáo" ( IS ) đang có ý định ám sát Giáo Hoàng
Francis.
Tờ La Nazione của Ý dẫn lời đại sứ Iraq tại tòa thánh
Vatican Habeeb Al-Sadr cho rằng một trong những mục tiêu
của IS là ám sát Giáo Hoàng, và cảnh báo nhóm phiến quân
này "không chỉ dọa nạt".
Tuy cảnh báo của ông Habeeb Al-Sadr không dựa trên
bất kỳ thông tin tình báo cụ thể nào, nhưng ông cho rằng cuộc
thảm sát đối với người Công Giáo Yazidi ở miền Bắc Iraq và
phá hủy những địa điểm linh thiêng ở đây là chỉ dấu cho ý định
của chúng. "Những gì được tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tự
xưng tuyên bố đã rõ. Chúng muốn giết hại Giáo Hoàng", ông
cho biết với tờ La Nazione vào ngày hôm qua 16.9.2014.
Đe dọa về an ninh đối với vị Giáo Hoàng 77 tuổi đã được thảo luận nhiều vào đầu năm nay, khi
ngài ủng hộ việc ngăn chặn IS và sự ngược đãi đối với 40.000 người Công Giáo ở miền bắc Iraq.
Hồi tháng 8, được biết an ninh tại Rome đã được thắt chặt sau khi giới chức Israel cảnh báo về
nguy cơ IS gây hại cho Giáo Hoàng. Tuy nhiên Vatican đã giảm nhẹ nguy cơ này, với người phát ngôn
Reverend Federico Lombardi, SJ, cho biết: "Không có gì nghiêm trọng. Không có mối lo ngại cụ thể nào
ở Vatican. Không có căn cứ nào".
Giáo Hoàng dự định đến thăm quốc gia với phần đa là người Hồi Giáo Albania vào Chúa Nhật
này và sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 11 tới đây. Ngài cũng mong muốn được thăm Tunisia sau cuộc
gặp với Tổng Thống nước này hôm 11.9.2014 tại Vatican.
Tuy nhiên, được biết an ninh trong chuyến thăm Albania sẽ không được củng cố thêm. Giáo
Hoàng sẽ vẫn tiếp tục đi trên chiếc xe jeep mui trần mà ông đã sử dụng trong lễ nhậm chức trên Quảng
trường Thánh Peter hồi năm ngoái.
TRUNG ANH, theo Independent, báo Dân Trí
ƯU ĐÃI TỬ THẦN
Trời đất ơi. Tôi đang nhìn thấy cái gì đây ?
Vâng, đây là một tờ rơi của trang quảng
cáo mà một bạn vừa gửi cho tôi trên Facebook
với một bức xúc ghê gớm. Thú thực, dù cố ngăn
lại nhưng một cảm giác gờn gợn kinh khủng vẫn
cứ trào mãi lên trong lòng tôi không dứt.
Thật không thể hiểu những con người đã
thảo ra nội dung quảng cáo này và những thầy cô
đã tạo điều kiện cho cái trò quảng cáo này xuất hiện
trong sân trường, họ đạt được mục đích nào và
hưởng lợi những gì trên chính sinh mạng và phẩm
giá các thanh thiếu niên là học trò, là con cháu họ ?
Nhiều bậc phụ huynh đã phải bật lên câu hỏi: trường học có còn là nơi an toàn để các em học
hành nghiêm túc và tăng trưởng lành mạnh nữa chăng ? Ngành y hiện nay có thiên chức cao quý là cứu
10
CÙNG CẦU NGUYỆN
CÙNG CẢNH BÁO
người hay có nhiệm vụ giết người hàng loạt một cách hợp pháp như thế này ? Đạo đức luân lý tối thiểu
có còn sót lại chút gì trong xã hội chúng ta nữa hay không ?
Thật chua chát khi nhìn vào cảnh chợ đời hôm nay, có lẽ, phải mượn đến hai câu thơ đắt giá của
nhà thơ Bùi Minh Quốc để diễn tả thực trạng đắng lòng này:
“Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa.
Cả một thời đểu cáng lên ngôi”.
Vâng, nếu nói rằng, tác giả tờ quảng cáo này ngu muội chắc có lẽ không đúng, vì ít ra, để soạn
ra nội dung và chọn hình thức trình bày như thế này, chẳng nhiều thì cũng có vài ba vị mang bằng cấp
bác sĩ hẳn hoi đã nhúng tay vào, cũng không thể thiếu vài người am hiểu về nghệ thuật kinh doanh, Kỹ
thuật marketing, quảng cáo, cuối cùng lại còn được tiếp tay bởi các nhà giáo thâm niên ! Bảo họ vô đạo
đức ư ? Xin thưa rằng: họ đang thực hiện một chương trình được chính Nhà Nước ưu ái quan tâm, tiến
hành kế hoạch hóa gia đình ngay trong nhà trường, ngay từ khi các em học sinh còn trong độ tuổi vị
thành niên ! Cứ đọc kỹ về những ưu đãi miễn phí khám và sẽ còn miễn giảm đến 50-60% khi thực hiện
thủ thuật phá thai !
Nếu vậy, không oan chút nào với câu thơ “thời đểu cáng lên ngôi" ! Ưu đãi lớn khi phá thai cho
đối tượng là học sinh, sinh viên với những lời lẽ giả nhân giả nghĩa trơ trẽn như thế, thì công nhận là…
đểu cáng thật ! Họ là những tên đao phủ giết người chuyên nghiệp trong bộ dạng của một nhà hảo tâm.
Họ thu phí cả bằng sinh mạng những bạn trẻ vô tội. Họ tước đoạt sự trong sáng trong tâm hồn những
học sinh, sinh viên, để rồi các em sẽ phải trả giá bằng cả cuộc đời với nỗi dày vò ray rứt kéo dài, những
vết thương không bao giờ lành sẹo !
Thường ngày, trên đường ngoài phố, tại các ngã tư ngã ba, ai cũng có thể thấy một số quảng
cáo tờ rơi được một số học sinh sinh viên phát tận tay người đi đường. Có nhiều khi tôi cũng thấy rất
khó chịu vì để phát được như thế, có người tràn cả xuống đường, chặn đầu xe, dúi vào tay, vi phạm luật
giao thông và có thể gây nguy hiểm cho chính tính mạng họ và cho người đi đường. Có người chả
muốn nhận nên hờ hững nhìn qua rồi vứt ngay tại chỗ. Chỉ một lúc sau, nơi ấy đã thành một bãi rác
những tờ quảng cáo đủ màu bay như bươm bướm. Lại cũng có nhiều khi họ đi từng nhà, nhét chỗ này,
dúi chỗ nọ hay có khi ném thẳng vào nhà mà chả cần biết gia chủ có muốn nhận hay không.
Bực là thế, nhưng nghĩ lại, họ là những học sinh sinh viên nghèo không đủ tiền học phí nên đành
làm thêm những công việc bán thời gian để mưu sinh. Thôi thì cũng chặc lưỡi cảm thông, lại còn thấy
thương họ nữa, đôi khi lại thấy hình ảnh của mình ngày xưa cần tiền học mà đi làm lơ xe buýt. Dẫu sao,
nội dung những tờ rơi quảng cáo thế này cũng chẳng phạm đến ai, cũng chẳng làm mất nhân cách
người nào. Còn ở đây là quảng cáo… phá thai, khuyến mãi đặc biệt, ưu đãi tối đa !
Cũng trong ngày tôi nhận được tấm hình này, từ Biên Hòa,
tôi nhận được một cuộc gọi khẩn cấp về một ca BVSS từ Sàigòn.
Câu chuyện thực tế vừa xảy ra xin được chia sẻ nơi đây như một
minh chứng cho sự chai đá vô cảm của một số bác sĩ. Một thiếu
phụ còn trẻ chỉ ngoài đôi mươi bị tai nạn, khi ấy thai nhi trong bụng
chị đã được 7 tháng. Lúc xảy ra tai nạn, một số nhân chứng kể lại,
chị chỉ kịp kêu lên: “Xin hãy cứu con tôi” rồi bất tỉnh. Tai nạn ấy đã
làm chị rơi vào hôn mê sống thực vật. Bác sĩ cấp cứu ở bệnh viện
phụ sản bảo chắc chắn chị ấy sẽ chết, nhưng nếu không có ai
nhận đứa bé trong bụng thì họ sẽ để cho nó chết luôn trong bụng
chị ấy ! Ôi, thật nhẫn tâm, dù chị ấy có sao đi nữa thì việc cấp kỳ
trước mắt phải là cứu sống đứa bé chứ, sao lại có thể để cho bé
chết tức tưởi thế được ? May mắn làm sao, sau các lý lẽ thuyết
phục mạnh mẽ của nhóm BVSS, bác sĩ đã phải mổ cứu lấy đứa
bé, còn mẹ cháu thì mất ngay trên bàn mổ !
Xin hãy trao cho nhau những ưu đãi về tình người, trao cho nhau ưu đãi về yêu thương, chứ
đừng trao cho nhau những ưu đãi của tử thần như vậy, đừng có cái kiểu ưu đãi cho các con em của
chúng tôi như thế, chúng cần một môi trường tốt đẹp và có nhân văn để học hỏi và trưởng thành, chúng
cần những thầy cô tử tế đúng với đạo lý để chúng noi gương. Lớp phụ huynh như chúng tôi cũng không
cần những ưu đãi để khuyến khích giết chết con cháu chúng tôi như vậy.
Việt Nam đã quá đủ những mất mát và đau thương, đã quá đủ những thân phận đọa đầy… Đã
có quá nhiều nhà nghỉ, khách sạn, những vũ trường tăm tối theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đã có
quá nhiều bạo lực và bất an, đã có quá nhiều những dối trá lừa lọc lẫn nhau. đã có quá nhiều nghĩa
trang thai nhi… Hãy xem đi, ngày nào mà chẳng có những vụ án kinh hoàng, ngày nào mà chẳng có
11
những bi thương nhét đầy báo chí… Nên, xin hãy thôi đừng ưu ái dành cho nhau những điều bất nhân
tàn bạo đến mức kinh hoàng này.
Đaminh PHAN VĂN DŨNG
LUYỆN NGỤC – LẦN ĐẦU TIÊN CON MỞ MẮT CHO TRỌN
Bạn hãy tưởng tượng, khi sinh ra cho đến khi lớn lên, bạn chưa từng thấy ánh sáng hay màu sắc.
Rồi với khoa học kỳ diệu, các bác sĩ chữa cho bạn được thấy. Bạn cảm nhận điều gì ngay lập tức khi mở
mắt ra ? Kinh ngạc ? Hoang mang ? Say sưa ? Đau đớn ? Hay là tổng hợp các cảm xúc khó tả này ?
Bây giờ thì chúng ta biết câu trả lời này. Loại giải phẫu này đã được thực hiện và chúng ta đã
được nghe một vài phản ứng của các bệnh nhân khi họ được mở mắt và được thấy ánh sáng, màu sắc
lần đầu tiên trong đời. Những cảm giác của họ lúc đó sẽ làm chúng ta vô cùng ngạc nhiên. Tôi đưa ra
đây lời của J.Z. Young, một chuyên gia trong ngành chức năng não bộ mô tả như sau:
“Khi được mở mắt, bệnh nhân chỉ rất ít hoặc hoàn toàn không vui thú gì, thật vậy, họ đối diện với
cảm nghiệm đầu tiên này trong đau đớn. Trước mắt họ chỉ là một đống hỗn độn ánh sáng và màu sắc
quay vòng vòng. Rõ ràng là với thị giác, họ gần như không thể cầm nắm đồ vật, nhận diện và gọi tên
chúng. Họ không có khái niệm về không gian và vật thể, cho dù họ đã biết và xác định được tất cả mọi
vật này bằng xúc giác.
Có thể bạn sẽ nói: ‘Tất nhiên, họ phải mất chút thì giờ để học cách nhận biết chúng bằng thị
giác.” Nhưng cái thì giờ đó không phải là một chút, mà là rất dài, có khi mất cả hàng nhiều năm. Bộ não
của họ không được huấn luyện để tuân theo nguyên lý của thị giác. Chúng ta không ý thức được là có
những nguyên lý như vậy, chúng ta nghĩ, chúng ta thấy, chúng ta nói là chuyện tự nhiên. Nhưng sự thật
là suốt thời thơ ấu, chúng ta đã được học một loạt những nguyên lý như vậy.” ( Xem: Emilie Griffin,
Souls in Full Flight, p. 143-144 )
Có lẽ những gì tôi vừa nói ở trên sẽ cho chúng ta một hình ảnh hữu ích tương đương với luyện
ngục của Đạo Công Giáo Rôma. Có thể nào chúng ta hiểu được luyện ngục chúng ta chịu sau khi chết
theo cách này hay không, cụ thể là xem luyện ngục như việc mở mắt và mở lòng chúng ta với ánh sáng
và tình yêu quá toàn vẹn khiến chúng ta phải tái tiếp thu và tái nhận thức trong đau đớn hệt như người
được chữa sáng ở trên, hay không ?
Luyện ngục chính là lúc chúng ta được
Thiên Chúa ôm trọn và trong hơi ấm cùng ánh
sáng của Ngài, tất cả những khái niệm trần tục
về tình yêu và hiểu biết của chúng ta trở nên
quá tầm thường bé nhỏ, hệt như người mù bẩm
sinh được mở mắt nhìn đời, chúng ta phải đau
đớn đấu tranh trong ánh sáng quá đỗi huyền
diệu đó để đập tan đến tận nền móng và xây
dựng lại một cách sống động toàn bộ lối suy
nghĩ và yêu thương của chúng ta, có thể hiểu
như vậy hay không ? Liệu có thể hiểu luyện
ngục không phải là sự thiếu vắng Thiên Chúa
hay một dạng trừng phạt và trả nợ cho tội chúng
ta phạm, mà là những gì xảy đến khi chúng ta được ôm trọn say sưa trong vòng tay Thiên Chúa, Đấng
là Tình Yêu trọn hảo và Chân Lý toàn vẹn, hay không ?
Quả thật, có phải là ba nhân đức đối thần Tin, Cậy, Mến đã cố để đưa chúng ta đến đời sống
như thế hay sao ? Có phải đức tin là một nhận thức vượt trên những gì chúng ta có thể xác định được
hay không ? Có phải đức cậy là neo giữ chúng ta vào một sự vượt ngoài những gì chúng ta có thể tự
mình điều khiển và bảo đảm hay không ? Và chẳng phải đức mến là vươn mình ra ngoài những gì vốn
nâng đỡ chúng ta hay không ?
Khi mô tả về thân phận con người trên trần thế, Thánh Phaolô đã nói rằng, ở đây, trong đời này,
chúng ta chỉ nhìn thấy “qua một tấm gương mờ tối” nhưng ở đời sau, chúng ta sẽ được thấy “mặt đối
mặt”. Khi mô tả tình trạng trần thế hiện thời của chúng ta, rõ ràng ngài đã nhấn mạnh một sự mù tối nhất
12
CÙNG NGHIỆM SINH
định, một bóng đêm thời còn phôi thai, và sự bất lực – không thể thực sự nhìn thấy mọi vật như chính
bản chất thực của chúng.
Và một điểm quan trọng nữa phải lưu ý đó là những lời trên, ngài đã nói trong văn cảnh muốn chỉ
cho chúng ta rằng ngay trong đời này, đức tin, đức cậy, đức mến giúp chúng ta dần dần khai mở khởi
tấm mạng mù tối đó.
Dĩ nhiên chỉ có những nghi vấn, gây bối rối cho cả Tin Lành lẫn Công Giáo. Nhiều người Tin
Lành và phái Phúc Âm bác bỏ hoàn toàn khái niệm luyện ngục, vì theo Kinh Thánh thì chỉ có hai nơi bất
diệt là thiên đàng và địa ngục.
Ngược lại, nhiều người Công Giáo Rôma lại thấy không ổn khi người ta không nhìn nhận luyện ngục
là một nơi hay một tình trạng tách biệt với thiên đàng. Nhưng khi nhận thức luyện ngục như một cách mở ra
toàn vẹn cho đôi mắt và tâm hồn, đến đỗi làm cho chúng ta tái nhận thức vạn vật trong đau đớn, khi đó
chúng ta có thể có được một khái niệm dễ chấp nhận hơn đối với cả Tin Lành và phái Phúc Âm, đồng thời
cũng giúp thay đổi quan điểm phần nào sai lầm về luyện ngục của các tín hữu Công Giáo Rôma.
Luyện ngục thực sự chỉ có được nhờ tình yêu, vì chỉ khi nào chúng ta cảm nhận được vòng tay
ôm trọn thực sự của tình yêu, lúc đó chúng ta mới nhận ra được tội lỗi của mình, và lần đầu tiên trong
đời, dấn mình vào trong năng quyền để thắng vượt khỏi tội lỗi đó.
Duy chỉ ánh sáng mới xua tan bóng đêm và chỉ có tình yêu mới xóa bỏ tội lỗi.
Thánh nữ Têrêxa thành Lisieux đã cầu nguyện như thế này: ‘‘Xin hãy phạt con bằng một nụ hôn !’’
Chỉ có vòng tay ôm trọn của tình yêu hoàn hảo mới là luyện ngục đích thực của tội lỗi, vì chỉ khi được nằm
trọn trong tình yêu, chúng ta mới thực sự nhận thức được tội của mình, và chỉ khi đó chúng ta mới có
được khát mong, năng thị, và sức mạnh để sống trong tình yêu và chân lý.
Nhưng khi thả mình vào trong tình yêu và ánh sáng đó, thì luôn luôn, chúng ta sẽ cảm nhận
được cùng lúc say mê và hoang mang, ngây ngất và rối bời, thần kỳ và tận khổ, hân hoan và đau đớn.
Thật vậy, chính đó mới là luyện ngục.
RON ROLHEISER, Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm
PHONG CÁCH PHANXICÔ
Bài 20. Đức Kitô là đường đi chung của tất cả mọi người
Vào khoảng cuối thập niên 1930, có 3 chàng trai loai choai ngổ ngáo coi
trời bằng vung nhảy ùa lên một chuyến xe bus vắng người tại thành phố Detroit.
Ngoài họ ra, chỉ có một hành khách ngồi lẻ loi ở hàng ghế cuối. Ngứa tay ngứa
chân họ muốn kiếm chuyện đánh anh ta một trận. Họ chửi rủa khiêu khích
nhưng anh không phản ứng. Được thể, họ càng chửi vung vít hơn nhưng anh
vẫn im thin thít. Khi tới trạm, anh đứng dậy, người cao lớn cuồn cuộn cơ bắp lực
lưỡng vô cùng ấn tượng chứ không phải nhỏ thó mảnh mai yếu đuối mà họ lầm
tưởng như khi còn ngồi tại ghế. Anh trao cho họ danh thiếp và bước xuống xe. 3
chàng trai đã kinh hồn bạt vía với hàng chữ: Joe Louis ( xem hình ), Võ sĩ vô
địch thế giới quyền Anh siêu nặng ( Danh hiệu giữ vững từ 1937 đến 1949 ).
Đây là giai thoại John Dickson, nhà cổ sử học tại Macquarie University,
tác giả tác phẩm Investigating Jesus: An Historian's Quest ( Tìm biết về Đức Giêsu trong vai trò một sử
gia ) thích dùng để ví von sự vững mạnh thầm lặng của Đức Giêsu trước sự huênh hoang ồn ào của
đám sử gia nông cạn thường rêu rao là Người chỉ là sản phẩm hoang tưởng của Đạo Kitô.
Họ giống như ba chàng trai kiêu căng với một ít kiến thức nhỏ nhoi của mình, biết một mà không
biết mười, đi lạc vào thế giới quyền Anh siêu nặng và mù quáng thách đấu với nhà vô địch thế giới, yên
trí rằng ta đây có thể tiêu diệt con người Giêsu lịch sử. Lập luận chính mà họ đưa ra là, nếu Tin Mừng là
một câu chuyện có thật và Đức Giêsu đã là một con người có thật và đã sống trên trần gian này, thì
những sử gia Rôma nổi bật vào thời đó đã phải đề cập ít nhiều về Người.
Richard Dawkins là một sử gia như thế khi đưa ra một luận chứng lịch sử nghiêm túc ( a serious
historical case ) là Giêsu “chưa hề bao giờ sống trên trần gian”. Ông đã nhận được sự hò reo tán đồng
của nhiều người. Michael Cathcart, phóng viên của ABC Radio National, cũng mon men đi vào võ đài
13
CÙNG NHẬN ĐỊNH
siêu nặng khi tuyên bố: “Trong khi không ai dám bàn cãi rằng Mohammed ( người lập ra Hồi Giáo ) là
một nhân vật lịch sử có thật, thì Đức Giêsu có phải là một người thật hay không thì vẫn còn rất mơ hồ.”
Tôi ( John Dickson ) đã đưa ra lời thách thức công khai là nếu bất cứ ai tìm ra được một giáo sư
cổ sử hay Thánh Kinh nào của một trường đại học uy tín ( accredited ) bất kỳ trên khắp thế giới dám cho
rằng Giêsu chưa bao giờ sống trên trần gian này, tôi sẽ ăn hết chương 1 Tin Mừng theo Thánh Mátthêu
trong cuốn Thánh Kinh của tôi.
Một năm sau, dù cho Cathcart gởi lời thách thức của tôi cho 60 ngàn bạn Twitter của ông, cuốn
Thánh Kinh của tôi vẫn còn nguyên vẹn. Dĩ nhiên, có một số lập luận rất mạnh mẽ chống lại Lòng Tin Kitô
như sự phi lý của phép lạ, sự hiện hữu của ma quỷ và hỏa ngục, nguyên nhân của đau khổ... Những điều
này cần đến một tầm nhìn rất sâu sắc và trưởng thành và là phạm trù võ đài quyền Anh siêu nặng. Nhưng
nếu vì thế mà cho rằng Đức Giêsu chỉ là sản phẩm tôn giáo ảo tưởng chứ không phải là một nhân vật có
thật đã sống vào thế kỷ thứ nhất thì đã mặc nhiên công nhận chính mình
là một tay mơ thứ thiệt ( hết trích John Dickson ).
Sau 1975, ta thường gặp vô số bài viết có nội dung hàm hồ
trên báo đài và sách giáo khoa dạy học sinh. Nhà Nước còn lập ra
Ban ( chống ) Tôn Giáo, dịch sang tiếng Anh là Công An Tôn Giáo –
religious police. Đến ngày tận hôm nay người ta còn không tiếc tiền để
lập hẳn nên một số website có tôn chỉ: ( Trích ) Vận động toàn dân trong
nước và hải ngoại quyết tâm cùng quân đội và Nhà Nước Việt Nam hoàn
thành ước mơ dân tộc là chiến thắng Điện Biên văn hóa: giải trừ giặc áo
đen Vatican, giặc áo đen bản địa và giặc Tin Lành ( ngày 15.9.2014
http://dongduongthoibao.net )
Một đàng, muốn bàn về con người Giêsu lịch sử, cần đến cả
cuộc đời miệt mài nghiên cứu cổ sử, khảo cổ, ngôn ngữ và văn hóa
cổ của các dân tộc Do Thái, Hy Lạp, Rôma, Iraq, Iran… phải rất am
tường Thánh Kinh ( cuốn sách dầy hàng ngàn trang, do 40 tác giả viết
bằng 3 ngôn ngữ cổ Hebrew, Aramaic và Hy Lạp trong thời gian kéo dài 2.000 năm ). Càng đi vào cõi
tri thức vô tận này thì lại càng nhận ra sự hiểu biết của mình rất giới hạn giống như một tay mơ đang
mon men bước lên võ đài siêu nặng. Đàng khác, tìm cách tiếp cận Giêsu như một nhà nghiên cứu
khoa học xã hội như thế cũng chẳng bao giờ gặp được Người. Không ai biết rõ người Con, trừ Chúa
Cha ( Mt 11, 27 ). Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy
( Ga 6, 44 ). Nếu có gặp thì cũng chỉ muốn tiếp tục đóng đinh Người.
( Trích ) Khi Công Giáo du nhập vào Việt Nam, tôn giáo này đã mê hoặc được một lớp tín đồ
thuộc thành phần thấp kém nhất của xã hội Việt Nam, nổi tiếng là “đã phi dân tộc thì thể nào cũng phản
dân tộc.” Và sau cùng, một tôn giáo mà các con chiên phải tuyệt đối tuân phục các “bề trên” và được
dạy để mà tin không cần biết, không cần hiểu, có nghĩa là một tôn giáo trong đó lý trí trở nên thừa thãi,
thì không thể gọi là một tôn giáo giúp tín đồ khai sáng tâm linh.
( Nguồn: http://tongiaovadantoc.com/c1043/20140214110229562/giao-su-tran-chung-ngoc-tam-
su-voi-chung-ta-trong-nhung-ngay-cuoi.htm )
Không biết những người khác ra sao, riêng bản thân tôi phải khiêm tốn nhìn nhận hai bên nội ngoại
từ mấy đời trước đúng là thành phần thấp kém nhất, vừa nghèo vừa quê mùa ít học. Nhưng tổ tiên đã theo
Công Giáo đúng là một hồng ân. Thời trước 1954, ở làng quê Bắc Việt làm gì có báo đài để theo dõi thời sự.
Nhà nào cũng chỉ có mái tranh vách đất và vài ba sào ruộng, nguồn nước sinh hoạt chính là nước mưa hoặc
nước kênh. Năm 1995, tôi quay về làng cũ thì không khác gì vào 40 năm trước theo lời cha mẹ kể lại.
Đùng một cái ông bà tôi nghe nói muốn giữ được đạo thì phải di cư vào Miền Nam. Thế là họ bỏ
hết gia nghiệp mà chạy trốn. Rồi ở vùng đất mới lại cũng lập nên làng xóm quây quần bên Nhà Xứ. Đến
năm 1975 gặp lại bà con họ hàng Miền Bắc thì thấy rất tội nghiệp vì không những họ quá nghèo mà tâm
trí rất u mê về nhiều sự.
Rồi rất đông người Công Giáo lại dứt khoát
vượt biên lần thứ hai. Bây giờ họ chiếm đến hơn 30%
số người gốc Việt tại Hoa Kỳ, trong khi tỷ lệ tại Việt
Nam chỉ là 6%. Cứ đến bất kỳ một Giáo Xứ Việt Nam
nào mỗi Chúa Nhật sẽ thấy mọi người đều đi xe hơi,
nhìn bữa ăn của họ mà choáng váng ( con gà làm sẵn
mua về luộc lấy nước nấu phở còn cả con gà thì vất
vào thùng rác không thương tiếc ), nói chuyện với họ
sẽ biết nhiều người có nhà cao cửa rộng ( nhà ở vùng
14
Westminster, California có giá hàng triệu đô ), con cái là bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, giáo sư, manager… với mức
lương hàng trăm ngàn đô trong một năm, mà làm công nhân bình thường hay làm nail đi nữa thì mức sống
cũng cao hơn gấp bội đa số đồng bào trong nước.
Lâu lâu họ lại rủ nhau đi hành hương Jerusalem, Roma, Lourdes. Mỗi chuyến đi tốn tới 5 ngàn
đô. Các Linh Mục Tu Sĩ từ Việt Nam thường xuyên sang lạc quyên ( các cán bộ Nhà Nước sang công
tác thì lại lén lút không dám cho ai biết ). Lợi tức trung bình hàng năm của một gia đình gốc Á là 63.400
USD trong khi mức trung bình toàn quốc chỉ là 49.600 USD. Năm 2013 người Việt hải ngoại, phần lớn
tại Hoa Kỹ, đã gởi về giúp thân nhân 11 tỷ dollars. ( Hình Nhà Thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại
Sacramento, California )
Cá nhân tôi ( chắc chắn nhiều người khác cũng thế ) nhìn lại cuộc đời mình luôn nhận ra có bàn
tay Chúa dẫn đưa phụ trì mình trong mọi chặng đường. Sau 1975, dù rất muốn đi làm đi học nhưng tôi
vẫn ghi vào lý lịch là “Thiên Chúa Giáo”. Mười mấy năm sau vẫn còn ngồi nhà chơi không vì chẳng thể
kiếm được việc làm. Nhưng đám bạn đồng trang lứa nhận mình là “không tôn giáo” và trở thành ông này
bà nọ, nếu chưa chết do ăn nhậu quá nhiều cũng đi tù vì tham nhũng, gia đình tan nát, con cái lâm vào
các tệ nạn và nhiễm vào các bệnh nạn y.
Mỗi Ngày Thánh Mẫu hàng năm do Dòng Đồng Công ( hình kính kèm năm 2014 ) tổ chức tại
bang Missouri quy tụ đến năm bẩy chục ngàn người gốc Việt. Không ai là không nhận ra nhờ lời chuyển
cầu của Mẹ Maria, cá nhân mỗi người và gia đình, đã nhận được Chúa ban cho biết bao hồng ân từ khi
mới sinh cho tới ngày nay. Họ hòa ca rất sốt mến: "Xin chân thành cảm tạ, tình thương Chúa thắng oan
khiên. Xin chân thành cảm mến, hồng ân Chúa thắng nguy nan" ( Hải Linh – Tán Tụng Hồng Ân ).
Tuy nhiên, những công kích gay gắt nhắm vào Công Giáo nhiều khi cũng xác đáng vì, phần nào
đó, cách giữ đạo của ta, ngôn từ trong đạo của ta, dễ tạo
nên hiểu lầm, phản cảm, gây nên phân cách với đồng bào
ta không cùng Lòng Tin. Phải có gì đó thiếu sót nơi ta để
cho sau 400 năm Tin Mừng được loan báo đến Việt Nam,
tỉ lệ Kitô Hữu trong toàn dân vẫn dậm chân tại chỗ là 6%.
Đâu là điểm ta cần thành tâm nhận ra, thống hối, và nhất
là cố gắng cải thiện để Tin Mừng được tỏa sáng ?
Tại Hàn Quốc, với nền văn hóa rất giống Việt
Nam, Tin Mừng được đón về, chứ không phải được loan
báo vì người Hàn Quốc bắt đầu tự tìm hiểu Tin Mừng tại
Trung Quốc và truyền đạt lại cho đồng bào vào năm 1603,
gần với thời gian Tin Mừng được loan báo tại Việt Nam.
Họ cũng gặp những gian nan thử thách không kém gì ta.
Thế mà hiện nay số Tín Hữu đã vượt 20% trong tổng số 50 triệu dân. Họ còn cử đi 16 ngàn người đi
loan báo Tin Mừng tại các nước khác.
NGUYỄN TRUNG ( Còn tiếp nhiều kỳ )
LAO ĐỘNG ĐỨC TIN
Lao động chân chính là dùng sức mình để làm việc có mục đích tốt và có ý thức. Lao động
không chỉ là cách mưu sinh mà còn là cách trau dồi sức khỏe, đặc biệt là tránh dịp tội: “Nhàn cư vi bất
thiện”. Lao động chân tay hoặc lao động trí óc đều cần thiết, có giá trị nhất định, không ai hơn ai. Chỉ có
lòng người xấu chứ không có nghề nào xấu.
Người chịu khó lao động là người biết tự trọng, không ỷ lại vào người khác, tức là không ích kỷ,
là một dạng phục vụ, và cũng là một cách giúp đỡ người khác. Đối với những người lười biếng, Thánh
Phaolô nói thẳng: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn” ( 2 Tx 3, 10 ).
Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ban hành Thông điệp “Rerum Novarum” ( Tân Sự ) của Đức Lêô XIII
( 1810 – 1903 ), ban hành ngày 15.5.1891, Đức Gioan Phaolô 2 ( 1920 – 2005 ) đã có Thông Điệp
“Laborem Exercens” ( Lao Động của Con Người ), ban hành ngày 14.9.1981, nói về Tin Mừng trong sự lao
động, trong công việc. Điều đó cho thấy sự lao động là hoạt động quan trọng, cả thể lý và tâm linh. Thật
vậy, Thiên Chúa đã dạy chúng ta qua cách hoạt động của Ngài: Lao động 6 ngày, chỉ nghỉ 1 ngày cuối
tuần ( x. St 1, 1 – 31 – 2, 1 – 3 ).
15
CÙNG CHIA SẺ
Khi lao động, chúng ta tự hoàn thiện mình bằng cách đi tìm Chân-Thiện-Mỹ, tức là đi tìm chính
Thiên Chúa, vì chỉ có Thiên Chúa là Đấng chí thiện ( x. Mc 10, 18 ). Thật vậy, ngôn sứ Êdêkien đã từng
nhắn nhủ: “Hãy tìm Đức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên” ( Is 55, 6 ). Ở
dưới bầu trời này, cái gì cũng chỉ có một thời mà thôi ( x. Gv 3, 1 – 8 ). Vì thế, đừng lần lữa kẻo lỡ cơ
hội: “Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà
trở về với Đức Chúa, và Người sẽ xót thương, về với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha
thứ” ( Is 55, 7 ). Đừng đợi nước đến chân mới nhảy, nếu không thì sẽ không kịp, ngay cả “Giờ Thương
Xót” cũng đang dần thu ngắn lại, nghĩa là sắp hết rồi đấy !
Đừng chần chừ, đừng ngần ngại, đừng sợ hãi, vì Thiên Chúa hứa: “Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp
lại, lúc ngặt nghèo, có Ta ở kề bên. Ta giải cứu và ban nhiều vinh dự, cho sống lâu, tuổi thọ dư đầy và
hưởng ơn cứu độ Ta ban” ( Tv 91, 15 – 16 ). Ngài không chỉ lắng nghe và đáp lại, mà Ngài còn ban cho
chúng ta hơn cả điều chúng ta mong đợi. Thật là trên cả tuyệt vời, chắc chắn chẳng có thần linh nào
ngoài Thiên Chúa chúng ta tôn thờ!
Phàm nhân chúng ta không thề nào hiểu hết lòng thương xót của Thiên Chúa, ngay cả tình mẫu
tử của người mẹ trần gian mà chúng ta còn chưa hiểu hết thì làm sao có thể hiểu Thiên Chúa: “Thật
vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường
lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư
tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” ( Is 55, 8 – 9 ).
Ngày xưa, người ta so sánh điều không tưởng với chuyện lên cung trăng, tức là chuyện không
thể có. Thế mà ngày nay, người ta đã có thể lên cung trăng, có thể “lên trời”, nhưng đó chỉ là một góc
nhỏ của trời mà thôi. Khoa học tiến bộ vượt mức, người ta tìm mọi cách để “khám phá” bầu trời, nhưng
càng khám phá thì người ta càng thấy thăm thẳm, còn biết bao nơi người ta không biết là gì nên chỉ biết
mô tả là “lỗ đen” ( black holes ).
Thiên Chúa siêu hơn cả siêu việt, tuyệt hơn cả trác tuyệt, hơn cả tuyệt luân. Chúng ta chỉ còn
biết xưng tụng Thiên Chúa: “Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở
muôn đời. Chúa thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng. Người cao cả khôn dò khôn thấu” ( Tv 145, 2 – 3 ).
Càng tìm hiểu vũ trụ, người ta càng nhận biết Thiên Chúa. Càng tìm hiểu Thiên Chúa, chúng ta càng
kính thờ và tạ ơn Thiên Chúa. Đó chính là hành trình Đức Tin, là quá trình lao động Đức Tin, hoặc lao
động tâm linh.
Thiên Chúa cao vời khôn ví, nhưng Ngài lại giàu lòng xót thương với mọi người, ai càng yếu thì
Ngài càng thương: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa nhân ái
đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên” ( Tv 145, 8 – 9 ). Đúng như Thánh
Phaolô đã xác định: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” ( Rm 5, 20 ). Hãy
vững lòng tin tưởng và mau mắn đứng dậy ngay !
Thiên Chúa vô tiền khoáng hậu, vô thủy vô chung, và yêu thương vô bờ bến, nhưng Ngài cũng
rất thẳng thắn: “Chúa công minh trong mọi đường lối Chúa, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.
Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa, mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người” ( Tv 145, 17 – 18 ).
Vấn đề không phải là tội nhiều hay tội ít, vì ai cũng chỉ là tội nhân mà thôi, chẳng ai hơn ai, nhưng vấn
đề là có chân thành sám hối hay không: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì Ta không đến để kêu
gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi ( Mt 9, 13 ). Ngài thực sự chỉ muốn tình yêu chứ không
muốn hy lễ ( x. Hs 6, 6 ). Ước gì không ai trong chúng ta phải nghe lời “nói nặng” của Chúa: “Dân này
tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” ( Mt 15, 8; Mc 7, 6 ).
Người Pháp có câu châm ngôn khá độc đáo: “Đừng vì yêu mến Chúa mà chống đối người khác”.
Vào thời Thánh Phaolô, có những kẻ rao giảng về Đức Kitô chỉ vì lòng ganh tị và tranh chấp, những
cũng có những người làm công việc đó vì ý ngay lành, họ làm vì bác ái và bênh vực Tin Mừng. Lại có
những người loan báo Đức Kitô vì tính ưa tranh giành, không có lòng ngay. Nhưng Thánh Phaolô
vẫn bảo là “không sao”, chỉ cần Đức Kitô được rao giảng. Thánh Phaolô mừng bởi vì điều ấy sẽ giúp
ngài đạt được ơn cứu độ nhờ Thần Khí của Đức Giêsu Kitô phù trợ.
Cuối cùng, Thánh Phaolô nói: “Đó là điều tôi đợi chờ và hy vọng. Sẽ không có gì làm cho tôi phải
hổ thẹn, trái lại tôi hoàn toàn vững tin. Bây giờ cũng như mọi lúc, Đức Kitô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả
của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết: vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối
lợi” (Pl 1:20-21). Ngài lý giải: “Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả thì tôi
không biết phải chọn đàng nào. Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với
Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần: nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em” ( Pl 1, 22 – 24 ).
Vấn đề cốt lõi là miễn sao có lợi cho Thiên Chúa, tức là để tuân phục Thánh Ý Chúa và vinh
danh Chúa” mà thôi. Cũng vì thế mà Thánh Augustinô đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con biết
Chúa, xin cho con biết con – Domine, noverim Te, noverim me”. Biết Chúa là chân nhận Thiên Chúa là
16
Đấng duy nhất và giàu lòng thương xót để mà tôn thờ Ngài hết linh hồn và hết sức lực, biết mình là ý
thức mình yếu đuối và đầy tội lỗi để mà sống khiêm nhường hơn.
Danh nhân Mahatma Gandhi rất thích Tám Mối Phúc của Chúa Giêsu, ông gọi đó là Bản Tuyên
Ngôn Độc Lập đầu tiên của nhân loại. Ông có công giành độc lập cho Ấn Độ bằng con đường bất bạo
động theo tinh thần của Đức Kitô. Ông đã từng xác nhận thẳng thắn: “Tôi yêu mến Đức Kitô nhưng tôi
không phục các Kitô hữu”. Tại sao ? Có lần ông vào một Nhà Thờ Công Giáo, ngoài cửa có ghi: “Cấm
người da đen vào Nhà Thờ”. Thấy vậy, Gandhi quay ra ngay. Là Kitô
hữu, là môn đệ Chúa Giêsu và là con cái Thiên Chúa, chúng ta cảm
thấy thật là xấu hổ, vì chúng ta bảo người ta yêu thương mà mình lại kỳ
thị người khác, chỉ lẻo mép nói hay mà không thực hiện. Nước Chúa
chưa rộng mở là lỗi tại tôi mọi đàng !
Thánh Phaolô nhắn nhủ với cộng đoàn Philíp: “Chỉ có một điều
là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Kitô.
Như thế, dù tôi có đến thăm anh em hay vắng mặt đi nữa, tôi vẫn
muốn được nghe người ta nói về anh em là anh em luôn đứng vững,
cùng chung MỘT tinh thần, MỘT lòng MỘT dạ cùng nhau chiến đấu vì
đức tin mà Tin Mừng mang lại cho anh em” ( Pl 1, 27 ). Và chắc chắn
đó cũng là lời khuyên dành cho mỗi chúng ta hôm nay.
Trên hành trình Đức Tin, ai cũng là người lao động Đức Tin vì
mỗi chúng ta đều là “người thợ làm vườn nho” cho Chúa. Tuy nhiên,
điều cần lưu ý là đừng so đo hoặc ganh tị mà nhìn nhau bằng nửa con
mắt hoặc với “ánh mắt mang hình viên đạn”.
Một hôm, sau khi nói về phần thưởng dành cho ai bỏ mọi sự mà theo Ngài, Đức Giêsu kết luận:
“Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu” ( Mt 19, 30 ).
Thật là đáng “giật mình” lắm ! Rồi Ngài kể chuyện này: Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng
sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày
một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, giờ thứ sáu, giờ thứ chín, rồi giờ
mười một, ông trở ra và thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Với ai ông cũng bảo:
“Hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng” ( Mt 20, 4 ).
Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ
những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất. Những người mới vào làm lúc giờ
mười một tiến lại và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước
nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ
vừa lãnh vừa cằn nhằn ông chủ bất công, họ so kè việc họ đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, nắng
nôi thiêu đốt, thế mà chẳng hơn gì người vào làm muộn.
Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã
chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao ? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho
người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về
những gì là của tôi sao ? Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức ?” ( Mt 20, 13 – 15 ). Trong
cuộc sống, ngay cả trong vấn đề tâm linh và bác ái, chúng ta cũng vẫn thường so đo đủ thứ, ý muốn nói
mình “ngon” hơn người khác. Và nếu Chúa Giêsu đặt vấn đề như vậy với chúng ta về vấn đề này, chắc
chắn chúng ta cũng chỉ còn nước là “câm như hến” mà thôi !
Há miệng mắc quai nón. Càng nói càng dở, càng lý luận càng đuối lý. Thấy họ im như thóc thối,
Chúa Giêsu lặp lại và nhấn mạnh: “Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ
đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót. Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít” ( Mt 20, 16 ).
Không khéo thì rồi sức lao động trở thành công cốc !
Chúa Giêsu đã mời gọi mọi người tin vào Ngài là Đấng Cứu Độ để được sống đời đời, nhưng chỉ
ít người được chọn. Động từ “chọn” ở đây không là “thích ai thì chọn”, mà “chọn” ở đây là tùy vào quyết
định riêng của người được gọi với đầy đủ quyền tự do. Sự tự do này là chính Thiên Chúa ban cho
chúng ta, nhưng có thể có lợi, và cũng có thể bất lợi cho chúng ta. Vì đó là ý muốn của mỗi người, Thiên
Chúa hoàn toàn tôn trọng quyền tự do này.
Phải chăng không nhiều người được vào Nước Trời ? Rất có thể, và đó là lỗi của chúng ta chứ
Thiên Chúa muốn mọi người được hưởng phúc trường sinh với Ngài, không muốn bất cứ một ai phải
hư mất. Mối nguy là chúng ta ỷ lại, tự cho mình là “ngon” hơn người khác, nhận mình là đạo đức, thánh
thiện và công chính, để rồi “liếc xéo” và cho rằng họ là những người tội lỗi, nào ngờ họ lại có Visa Nước
Trời trước chúng ta ( x. Mt 21, 31 – 32 ). Khốn thật !
17
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết miệt mài và cần cù sống Đức Tin một cách cụ
thể, luôn biết khiêm nhường, luôn hết lòng yêu thương và chân thành tha thứ. Chúng con cầu
xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
BỨC THƯ CỦA CẬU BÉ HỌC SINH NGHÈO
“Em viết dòng này trong lúc đợi bàn tay chai sạn
của cha xách xô vữa cuối cùng và đợi bàn tay gầy guộc
của mẹ nhặt nhạnh nốt những túi nylon, những vỏ bia,
vỏ nước ngọt còn sót lại sau những bữa liên hoan…
Thưa thầy cô, mỗi lần cầm giấy báo nộp khoản
tiền này, tiền kia, ánh mắt bố mẹ em chứa đầy ưu tư lo
lắng. Sau những đêm thao thức tính toán, bố mẹ chúng
em như già đi thêm vài tuổi.
Năm nay, đứa em trai của em thi đỗ vào lớp 10
trường mình, gánh nặng ăn học của chúng em lại càng đè
nặng lên đôi vai chín rạn của cha mẹ. Nhiều lúc, thương
cha mẹ, em đã định bỏ học nhưng bố mẹ luôn động viên
em, cho dù phải bán máu của mình cha mẹ cũng lo đủ tiền
cho chúng em đóng góp…
Em xin thầy cô cho em của em không phải đóng
tiền ghế nhựa. Em xin nhường chiếc ghế nhựa em đã đóng tiền hồi lớp 10 cho em. Em xin kê dép ngồi
cũng không sao đâu, thưa thầy cô.
Chúng em xin thầy cô miễn cho chúng em tiền nước uống. Chúng em hứa sẽ uống no nước ở
nhà để không phải uống nước mà mình không có đủ tiền để đóng.
Hàng ngày, vào những lúc ra chơi, chị em em xin phép thầy cô được mang chổi, gầu hót rác đến
trường quét dọn để không phải đóng khoản tiền vệ sinh…”
TÙNG LÂM ĐỖ
HỒI GIÁO, BẠO ĐỘNG, VÀ BẢN TÍNH CỦA THIÊN CHÚA
Mặc dù chủ đề bạo động trong Hồi Giáo là vấn đề gây nhiều tranh cãi, Đức Giáo Hoàng Bênêđitô
XVI đã đặt nó ở trung tâm của cách cư xử đối với việc nhận biết Thiên Chúa trong bài giảng của ngài tại
Regensburg, ngày 12.9.2006, về sự hiểu lầm và trình bày sai. Nói đơn giản, quan niệm sai về bản tính
Thiên Chúa có thể dẫn tới hành động sai trái về tôn giáo, như khủng bố và giết người dã man, ngược
với bản tính và Ý Chúa. Điển hình là vụ khủng bố tòa tháp đôi WTC ( World Trade Center – Trung tâm
Thương Mại Thế Giới ) ngày 11.9.2001, hoặc nhóm quá khích Hồi Giáo ISIS ( Islamic State of Iraq and
Syria ) đã sát hại các Kitô hữu ở Iraq và các nước
khác. Người Công Giáo vẫn luôn cố gắng tìm cách đối
thoại hòa bình và thân thiện với Hồi Giáo.
Các Kitô hữu và các tín đồ Hồi Giáo có tôn thờ
cùng một Thiên Chúa ? Một số các nhà biện giải tôn
giáo ( apologists ) là Kitô hữu và các bloggers cũng đã
nêu lên vấn đề này. Tiểu luận này tóm lược và bình
luận về sự tranh luận này. Hiện nay có một số ý nghĩ
cho rằng vấn đề này đòi hỏi sự trợ giúp của triết học:
18
CÙNG TRĂN TRỞ
CÙNG PHÂN TÍCH
Chúng ta biết đúng về Thiên Chúa bằng cách nào, hoặc nói chính xác hơn, chúng ta hiểu sai về Thiên
Chúa như thế nào ?
CÁC CUỘC TRANH LUẬN
Điểm đầu tiên diễn tả vấn đề này là bài viết của Tim Staples: “Do Muslims Worship the Same
God Catholics Do ?” ( Người Hồi Giáo có Tôn thờ cùng Một Thiên Chúa như Người Công Giáo ? ).
Staples cố gắng chú ý sự cân bằng đúng đắn về những gì Hồi Giáo hiểu đúng và sai. Ông trích dẫn hai
câu quan trọng về chủ đề này, Giáo Lý Công Giáo ( GLCG ) và Tuyên ngôn Nostra Aetate ( Thời Đại
Chúng ta, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, 28.10.1965, Tuyên ngôn về mối quan hệ giữa Giáo Hội và các
Tôn giáo ngoài Kitô Giáo ), có vẻ có sự tranh luận: “Giáo Hội vẫn kính trọng người Hồi Giáo. Họ cũng
tôn thờ một Thiên Chúa, sống và tồn tại trong Ngài; nhân từ và toàn năng, Đấng tạo dựng trời đất và nói
với con người”. Staples biết rằng các tín đồ Hồi Giáo hiểu sai nhiều về Thiên Chúa và ý Ngài dành cho
con người, do đó, họ đưa ra sự thỏa hiệp về Hồi Giáo.
Như vậy, người Công Giáo chúng ta phải cẩn thận phân biệt giữa việc người Hồi Giáo tin vào
một Thiên Chúa, “sống và tồn tại trong Ngài; nhân từ và toàn năng, Đấng tạo dựng trời đất” và việc họ
hiểu sai – rất sai – khi nói rằng Thiên Chúa mặc khải chính Ngài trong Tân ước và các điều Ngài truyền
dạy dân Ngài.
Thiết tưởng rằng Staples rất đúng về cách lý giải này. Nhưng vấn đề dưới đây còn xa hơn điểm
thứ nhất, đặt vấn đề là nếu chúng ta có nên đồng ý với Hồi Giáo hay không. Điểm thứ hai là bài viết của
Mark Shea: “When Better Than the 4th of July to Talk About Religious Liberty” ( Đàm phán về Tự do Tôn
giáo vào lúc nào tốt hơn ngày 4 tháng Bảy ), trong đó ông nói về điểm tương đồng trong niềm tin Kitô
Giáo và Hồi Giáo.
Một sự dối trá nguy hiểm là vụ tấn công khủng bố WTC vào ngày 11.9.2001, nhiều người Công
Giáo vẫn nhớ và cho rằng người Hồi Giáo “tôn thờ một Thiên Chúa khác”, mặc dù giáo huấn của Giáo
Hội Công Giáo nói rõ:
841. QUAN HỆ CỦA GIÁO HỘI VỚI HỒI GIÁO: “Kế hoạch cứu độ cũng bao gồm những người
nhận biết Đấng Tạo Hóa, trong vị trí đầu tiên giữa họ là người Hồi Giáo; những người này tuyên xưng
Đức Tin của Ápraham, và cùng với chúng ta, họ tôn thờ cùng một Thiên Chúa, Đấng nhân từ, Đấng
phán xét nhân loại vào ngày tận thế” [ GLCG, trích dẫn Thông điệp Lumen Gentium, số 16 ].
Nhiều người Công Giáo phản động ( Reactionary Catholics ) phản đối giáo huấn này của Giáo Hội
và cố gắng giả vờ rằng Thiên Chúa và Đấng Allah là “hai Chúa khác nhau”. Vấn đề này gấp đôi. Thứ nhất,
chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, không có hai. Thứ hai… Allah chỉ là từ ngữ Ả Rập để chỉ Thiên Chúa –
như chữ “Dieu” của người Pháp, chữ “Gott” của người Đức, và chữ “Deus” của người Latin.
Một số người cho rằng vì người Hồi Giáo không tin Tam Vị Nhất Thể ( Chúa Ba Ngôi, non-
Trinitarian ), họ không tôn thờ cùng một Thiên Chúa như các Kitô hữu. Vấn đề là người Do Thái cũng
không tin Chúa Giêsu có thần tính. Đó là vì các Kitô hữu như vậy nhận thấy rằng bạn có thể tôn thờ
Thiên Chúa trong khi chưa hiểu về Ngài – nếu bạn là người Do Thái. Nhưng vì sự giận dữ về ngày 11
tháng 9 và các trọng tội khác của Hồi Giáo, họ từ chối người Hồi Giáo – và nói như thể có nhiều Chúa
chứ không chỉ có một Chúa được hiểu theo nhiều cách hiểu.
Tác giả Shea đã chống lại sự phản động là muốn loại bỏ mối quan hệ với Hồi Giáo trong niềm tin
vào Đấng Allah đối với Thiên Chúa thật. Cũng có vấn đề với cách lý luận của tác giả.
Thứ nhất, nếu bạn tôn thờ cùng một Thiên Chúa mà lại hiểu sai bản tính của Thiên Chúa, như
vậy Thiên Chúa có thực sự được tôn thờ ? Chỉ có một Thiên Chúa không có nghĩa là một số người tôn
thờ vị Chúa khác theo hư cấu mà họ tạo ra và gọi là “Thiên Chúa” ( chẳng hạn giáo phái Mormon, tên
chính thức là “Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô của các Thánh ngày sau hết”, đạo này do Joseph Smith lập ra
năm 1829 – phát âm theo Việt ngữ là Mặc Môn ). Thứ hai, chữ “Allah” có thể được dùng để chỉ “Thiên
Chúa” trong tiếng Ả Rập, không có nghĩa là những người dùng từ này có cùng một ý nghĩa. Có thể có,
nhưng từ ngữ phổ thông không bảo đảm điều đó. Thứ ba, có sự khác biệt giữa việc người Do Thái duy
trì sự mặc khải thật và giao ước của Thiên Chúa ưu tiên giới thiệu tín lý về Chúa Ba Ngôi và việc hình
thành Hồi Giáo sau cuộc mặc khải này khi minh nhiên từ chối tín lý này.
Phải nói rằng người Do Thái tin vào Thiên Chúa thật vì chúng ta biết rằng Cựu Ước là sự mặc
khải thật về Thiên Chúa. Cũng có thể nói rằng tin vào Chúa Ba Ngôi là mặc nhiên có trong Cựu ước và
không minh nhiên từ chối tín lý này, người ta có thể mặc nhiên giữ ( như Thánh Thomas Aquinas tranh
luận về các Giáo Phụ trước khi có sự Nhập Thể ). Điều này hơi khác với Hồi Giáo, như Mohammed biết
giáo huấn về Chúa Ba Ngôi và minh nhiên từ chối, như chúng ta thấy ghi trong Kinh Koran: “Vậy hãy tin
vào Thiên Chúa và các giáo huấn của Ngài, và đừng nói về Tam Vị Nhất Thể” ( sura 4 [An-Nisa], ayat 17 ).
19
Ephata 626
Ephata 626
Ephata 626
Ephata 626
Ephata 626
Ephata 626
Ephata 626
Ephata 626
Ephata 626
Ephata 626
Ephata 626

More Related Content

What's hot

Thông Tin Mục Vụ 1 18-15
Thông Tin Mục Vụ 1 18-15Thông Tin Mục Vụ 1 18-15
Thông Tin Mục Vụ 1 18-15Hiep Tran
 
Giantruanchilathuthach
GiantruanchilathuthachGiantruanchilathuthach
GiantruanchilathuthachHoa Bien
 
Trên cả tình yêu
Trên cả tình yêu   Trên cả tình yêu
Trên cả tình yêu Xephang Daihoc
 
Dam song tren bo vuc
Dam song tren bo vucDam song tren bo vuc
Dam song tren bo vucco_doc_nhan
 
Kỷ yếu ngành Nữ GĐPT Việt Nam 2012 | AoLam.Org
Kỷ yếu ngành Nữ GĐPT Việt Nam 2012 | AoLam.OrgKỷ yếu ngành Nữ GĐPT Việt Nam 2012 | AoLam.Org
Kỷ yếu ngành Nữ GĐPT Việt Nam 2012 | AoLam.OrgDailyf5.com
 
Mon sup tam linh
Mon sup tam linhMon sup tam linh
Mon sup tam linhco_doc_nhan
 

What's hot (19)

Ephata 616
Ephata 616Ephata 616
Ephata 616
 
Ephata 613
Ephata 613Ephata 613
Ephata 613
 
Ephata 611
Ephata 611Ephata 611
Ephata 611
 
Ephata 615
Ephata 615Ephata 615
Ephata 615
 
Ephata 628
Ephata 628Ephata 628
Ephata 628
 
Ephata 636
Ephata 636Ephata 636
Ephata 636
 
So 183
So 183So 183
So 183
 
Ephata 624
Ephata 624Ephata 624
Ephata 624
 
Ephata 635
Ephata 635Ephata 635
Ephata 635
 
Ephata 638
Ephata 638Ephata 638
Ephata 638
 
Ephata 604
Ephata 604Ephata 604
Ephata 604
 
Thông Tin Mục Vụ 1 18-15
Thông Tin Mục Vụ 1 18-15Thông Tin Mục Vụ 1 18-15
Thông Tin Mục Vụ 1 18-15
 
Ephata 631
Ephata 631Ephata 631
Ephata 631
 
Giantruanchilathuthach
GiantruanchilathuthachGiantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
 
Trên cả tình yêu
Trên cả tình yêu   Trên cả tình yêu
Trên cả tình yêu
 
Tro lai thien duong
Tro lai thien duongTro lai thien duong
Tro lai thien duong
 
Dam song tren bo vuc
Dam song tren bo vucDam song tren bo vuc
Dam song tren bo vuc
 
Kỷ yếu ngành Nữ GĐPT Việt Nam 2012 | AoLam.Org
Kỷ yếu ngành Nữ GĐPT Việt Nam 2012 | AoLam.OrgKỷ yếu ngành Nữ GĐPT Việt Nam 2012 | AoLam.Org
Kỷ yếu ngành Nữ GĐPT Việt Nam 2012 | AoLam.Org
 
Mon sup tam linh
Mon sup tam linhMon sup tam linh
Mon sup tam linh
 

Viewers also liked

101118 most amazing machine
101118 most amazing machine101118 most amazing machine
101118 most amazing machineKatie Stanton
 
Questionario i1-m
Questionario i1-mQuestionario i1-m
Questionario i1-matirnoget
 
Los chismes en el trabajoo
Los chismes en el trabajooLos chismes en el trabajoo
Los chismes en el trabajooamy Lopez
 
Talenten ontwikkelen informatieavond september 2010
Talenten ontwikkelen informatieavond september 2010Talenten ontwikkelen informatieavond september 2010
Talenten ontwikkelen informatieavond september 2010Patricia Merk
 
Shougongfang ertong maoyi tu'an peise xilie
Shougongfang ertong maoyi tu'an peise xilieShougongfang ertong maoyi tu'an peise xilie
Shougongfang ertong maoyi tu'an peise xilieAnthea Daugherty
 
Larisa katz art couture kragen en manchetten 2010
Larisa katz art couture   kragen en manchetten 2010Larisa katz art couture   kragen en manchetten 2010
Larisa katz art couture kragen en manchetten 2010Privjet
 
手机流媒体培训2003
手机流媒体培训2003手机流媒体培训2003
手机流媒体培训2003smoovip
 
Paper 51 (supplementary file) [sqa days]risk driven testing
Paper 51 (supplementary file)   [sqa days]risk driven testingPaper 51 (supplementary file)   [sqa days]risk driven testing
Paper 51 (supplementary file) [sqa days]risk driven testingAlexei Lupan
 
Проект "Левша"
Проект "Левша"Проект "Левша"
Проект "Левша"Maxim Fedorov
 
серик аязбаев Alatau_it_city_ru
серик аязбаев Alatau_it_city_ruсерик аязбаев Alatau_it_city_ru
серик аязбаев Alatau_it_city_ruSamson Bezmyatezhny
 

Viewers also liked (20)

101118 most amazing machine
101118 most amazing machine101118 most amazing machine
101118 most amazing machine
 
Andrea
AndreaAndrea
Andrea
 
Web Information Systems and Technologies 2009
Web Information Systems and Technologies 2009Web Information Systems and Technologies 2009
Web Information Systems and Technologies 2009
 
Questionario i1-m
Questionario i1-mQuestionario i1-m
Questionario i1-m
 
Los chismes en el trabajoo
Los chismes en el trabajooLos chismes en el trabajoo
Los chismes en el trabajoo
 
Hate groups
Hate groupsHate groups
Hate groups
 
Talenten ontwikkelen informatieavond september 2010
Talenten ontwikkelen informatieavond september 2010Talenten ontwikkelen informatieavond september 2010
Talenten ontwikkelen informatieavond september 2010
 
Texas Realtor Rally
Texas Realtor RallyTexas Realtor Rally
Texas Realtor Rally
 
военнопленные
военнопленныевоеннопленные
военнопленные
 
Visual rhetoricbjan 29th
Visual rhetoricbjan 29thVisual rhetoricbjan 29th
Visual rhetoricbjan 29th
 
Shougongfang ertong maoyi tu'an peise xilie
Shougongfang ertong maoyi tu'an peise xilieShougongfang ertong maoyi tu'an peise xilie
Shougongfang ertong maoyi tu'an peise xilie
 
Larisa katz art couture kragen en manchetten 2010
Larisa katz art couture   kragen en manchetten 2010Larisa katz art couture   kragen en manchetten 2010
Larisa katz art couture kragen en manchetten 2010
 
20150128 七回家-老神在在
20150128 七回家-老神在在20150128 七回家-老神在在
20150128 七回家-老神在在
 
Rodes Fascinante
Rodes FascinanteRodes Fascinante
Rodes Fascinante
 
Onlineradio 101118142424-phpapp01
Onlineradio 101118142424-phpapp01Onlineradio 101118142424-phpapp01
Onlineradio 101118142424-phpapp01
 
Presentacion arte indigena
Presentacion arte indigenaPresentacion arte indigena
Presentacion arte indigena
 
手机流媒体培训2003
手机流媒体培训2003手机流媒体培训2003
手机流媒体培训2003
 
Paper 51 (supplementary file) [sqa days]risk driven testing
Paper 51 (supplementary file)   [sqa days]risk driven testingPaper 51 (supplementary file)   [sqa days]risk driven testing
Paper 51 (supplementary file) [sqa days]risk driven testing
 
Проект "Левша"
Проект "Левша"Проект "Левша"
Проект "Левша"
 
серик аязбаев Alatau_it_city_ru
серик аязбаев Alatau_it_city_ruсерик аязбаев Alatau_it_city_ru
серик аязбаев Alatau_it_city_ru
 

Similar to Ephata 626

Giantruanchilathuthach
GiantruanchilathuthachGiantruanchilathuthach
GiantruanchilathuthachHoa Bien
 
Nội san TSC Thanh Đa 2020 final
Nội san TSC Thanh Đa 2020 final Nội san TSC Thanh Đa 2020 final
Nội san TSC Thanh Đa 2020 final Phuc Dinh
 
Ttdc 2 2010
Ttdc 2 2010Ttdc 2 2010
Ttdc 2 2010Nguyen
 
Man-Coi-fini.pptx
Man-Coi-fini.pptxMan-Coi-fini.pptx
Man-Coi-fini.pptxoVnHip
 
Triduo_Gli sguardi di suor Maria Troncatti vtn
Triduo_Gli sguardi di suor Maria Troncatti vtnTriduo_Gli sguardi di suor Maria Troncatti vtn
Triduo_Gli sguardi di suor Maria Troncatti vtnMaike Loes
 
Dam song tren bo vuc
Dam song tren bo vucDam song tren bo vuc
Dam song tren bo vucLong Do Hoang
 

Similar to Ephata 626 (20)

Thất Chân Nhân Quả.
Thất Chân Nhân Quả.Thất Chân Nhân Quả.
Thất Chân Nhân Quả.
 
Ephata 608
Ephata 608Ephata 608
Ephata 608
 
Giantruanchilathuthach
GiantruanchilathuthachGiantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
 
Ephata 600
Ephata 600Ephata 600
Ephata 600
 
Dao duchieusinh iii_edt - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Dao duchieusinh iii_edt - THẦY THÍCH THÔNG LẠCDao duchieusinh iii_edt - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Dao duchieusinh iii_edt - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
 
Giao an duc hieu sinh tap3- 16-7-2012 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Giao an duc hieu sinh  tap3- 16-7-2012 - THẦY THÍCH THÔNG LẠCGiao an duc hieu sinh  tap3- 16-7-2012 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Giao an duc hieu sinh tap3- 16-7-2012 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
 
Giao an duc hieu sinh tap3- 16-7-2012 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Giao an duc hieu sinh  tap3- 16-7-2012 - THẦY THÍCH THÔNG LẠCGiao an duc hieu sinh  tap3- 16-7-2012 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Giao an duc hieu sinh tap3- 16-7-2012 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
 
Dao duchieusinh iii_edt
Dao duchieusinh iii_edtDao duchieusinh iii_edt
Dao duchieusinh iii_edt
 
Giao an duc hieu sinh tap3- 16-7-2012
Giao an duc hieu sinh  tap3- 16-7-2012Giao an duc hieu sinh  tap3- 16-7-2012
Giao an duc hieu sinh tap3- 16-7-2012
 
Ephata 621
Ephata 621Ephata 621
Ephata 621
 
Ephata 629
Ephata 629Ephata 629
Ephata 629
 
Nội san TSC Thanh Đa 2020 final
Nội san TSC Thanh Đa 2020 final Nội san TSC Thanh Đa 2020 final
Nội san TSC Thanh Đa 2020 final
 
Tâm Bút
Tâm BútTâm Bút
Tâm Bút
 
Ephata 620
Ephata 620Ephata 620
Ephata 620
 
Ephata 625
Ephata 625Ephata 625
Ephata 625
 
Ephata 637
Ephata 637Ephata 637
Ephata 637
 
Ttdc 2 2010
Ttdc 2 2010Ttdc 2 2010
Ttdc 2 2010
 
Man-Coi-fini.pptx
Man-Coi-fini.pptxMan-Coi-fini.pptx
Man-Coi-fini.pptx
 
Triduo_Gli sguardi di suor Maria Troncatti vtn
Triduo_Gli sguardi di suor Maria Troncatti vtnTriduo_Gli sguardi di suor Maria Troncatti vtn
Triduo_Gli sguardi di suor Maria Troncatti vtn
 
Dam song tren bo vuc
Dam song tren bo vucDam song tren bo vuc
Dam song tren bo vuc
 

More from Vu Mai JMV

More from Vu Mai JMV (7)

Ephata 634
Ephata 634Ephata 634
Ephata 634
 
Ephata 633
Ephata 633Ephata 633
Ephata 633
 
Ephata 632
Ephata 632Ephata 632
Ephata 632
 
Ephata 630
Ephata 630Ephata 630
Ephata 630
 
Ephata 627
Ephata 627Ephata 627
Ephata 627
 
Ephata 610
Ephata 610Ephata 610
Ephata 610
 
Ephata 609
Ephata 609Ephata 609
Ephata 609
 

Ephata 626

  • 1. E-mail: gxmehangcuugiup@gmail.com Website: www.trungtammucvudcct.com "CẦN CHỨNG NHÂN HƠN CẦN THẦY DẠY" Chiều nay tôi vừa dâng Thánh Lễ ở Nhà Thờ với một vị Giám Mục, hàng năm ngài vẫn trở về đây dâng lễ cầu nguyện cho một thầy trong nhà Dòng chúng tôi dù thầy qua đời đã 34 năm. Lý do để Đức Cha đích thân về là: ngày xưa, cuối thập niên 50 đầu thập niên 60, gia đình ngài sinh sống trong Giáo Xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp của chúng tôi và là ngài một lễ sinh trong đội ngũ giúp lễ Nhà Thờ, mà thầy là vị phụ trách các Lễ Sinh. Đức Cha rất quý mến thầy, một Tu Sĩ gương mẫu, hiền hòa và nhân hậu, ngài kể: “Không bao giờ thầy la mắng hay đánh chúng tôi”. Ngoài ra, ngài còn nói, truyền thống đạo đức của người Việt mình là tôn sư trọng đạo, "nhất tự vi sư, bán tự vi sư", một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy, tôn kính và biết ơn thầy là một nét đạo đức độc đáo của dân tộc chúng ta. Sự hiện diện của Đức Cha còn có mục đích quy tụ các anh chị em ngày xưa cùng sinh hoạt chung với nhau, các anh chị nay đã lớn tuổi và bận rộn với những bổn phận riêng. Ngày họp mặt hằng năm nhân lễ giỗ của thầy luôn là cơ hội để mọi người gặp nhau, nâng đỡ nhau, chia sẻ những niềm vui nỗi buồn với nhau, củng cố đời sống Đức Tin, tình yêu mến và lòng đạo đức. Đây cũng là cơ hội để Đức Cha thi hành sứ mạng “làm thầy dạy”, đặc biệt giúp anh chị em đào sâu thêm Kinh Thánh. Ngài cũng muốn các buổi họp mặt có cả các con cháu của anh chị em để nối kết và truyền đạt tình thương. Đức Cha nói với chúng tôi cứ để ngài dâng lễ chung với anh em một cách rất bình thường, không bày ra các lễ nghi đón tiếp, diễn văn, cờ quạt… Hãy tập trung vào Phụng Vụ và giúp anh chị em Giáo Dân sống Tin Mừng. Ngôi Nhà Thờ và hang đá Đức Mẹ DCCT là những nơi khó quên trong ký ức của ngài từ thời thơ ấu. Những buổi đi Nhà Thờ, sinh hoạt chung với nhau, ca hát và học tập, những hình ảnh của tuổi thơ khó nghèo mãi mãi không bao giờ phai mờ. Dạo ấy, hang đá Đức Mẹ là nơi bà mẹ trẻ góa bụa của ngài, mang trên vai gánh nặng 7 con thơ, vẫn thường lui tới cầu xin, con đầu 16 tuổi, đứa bé nhất đang ẵm trên tay. Bà nói gì với Mẹ Maria, ngài không biết, nói lâu lắm, ngài ngồi gần đó chờ mẹ mình cầu nguyện xong rồi theo mẹ về. Không biết bà cầu nguyện gì với Đức Mẹ, chỉ biết một điều khi người chồng ra đi, ông trăn trối xin bà ráng lo cho con cái ăn học nên người, đừng để đứa nào thất học. Gánh nặng quá lớn cho người góa phụ trẻ, nghèo, thời cuộc tao loạn, chiến tranh triền miên, bà mẹ gồng gánh cuộc đời cùng với lời nguyện cầu thường xuyên bên hang đá Đức Mẹ. Bà đã đi hết cuộc đời với niềm tự hào đã hoàn thành được ý nguyện của ông. Bây giờ mỗi lần về đây, không bao giờ Đức Cha quên dừng lại trước hang đá, tuổi thơ nghèo khổ, hình ảnh bà mẹ góa bụa với đứa con côi cút cầu nguyện lâu giờ trước Mẹ Maria, nỗi nhọc nhằn năm tháng lùa về, và nhất là sự an ủi trìu mến từ nơi người Mẹ hiền của Hội Thánh năm tháng vẫn nâng niu gìn giữ đàn con. 1 NĂM THỨ 15 – SỐ 626 – CHÚA NHẬT 21.9.2014
  • 2. Giữa những bề bộn công việc, những lo toan cho Giáo Phận, những phức tạp trong xã hội, những liên đới trong Hội Thánh, những bổn phận của một Mục Tử, vị Giám Mục vẫn sống những nét hồn nhiên của con người, vẫn cố gắng gìn giữ những giá trị đạo đức xã hội, vẫn dừng chân nơi những cảm xúc ngọt ngào của riêng mình trong xác tín của Đức Tin, vẫn chăm chút các mối tương quan xưa cũ, vẫn quan tâm đến từng anh em dù là người nhỏ bé nhất. Tôi viết lại nhưng hình ảnh này như ghi lại những cảm xúc rất chân thành, không muốn ca tụng, chỉ muốn khắc họa một chứng nhân nhỏ bé, một tấm gương còn tỏa sáng giữa một xã hội đảo điên… Cuộc sống chúng ta hôm nay, như lời Đức Phaolô VI, luôn “cần chứng nhân hơn cần thầy dạy”… Lm. VĨNH SANG, DCCT, 18.9.2014 MỤC LỤC TÌM BÀI: "CẦN CHỨNG NHÂN HƠN CẦN THẦY DẠY" ( Lm. Vĩnh Sang ) ......................................................... 01 LÝ LẼ CỦA TRÁI TIM ( Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt ) .......................................................................... 02 LÝ NGƯỜI VÀ TÌNH CHÚA ( AM. Trần Bình An ) ................................................................................. 03 LÒNG TỐT CỦA THIÊN CHÚA ( Lm. Giuse Nguyễn Hữu An ) ............................................................. 05 TẤT CẢ ĐỀU LÃNH MỖI NGƯỜI MỘT ĐỒNG ( Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ ) ..................................... 07 PHẢI CHĂNG THIÊN CHÚA QUÁ BẤT CÔNG ? ( Tu Sĩ Jos. Vnc. Ngọc Biển ) ................................... 08 GIÁO HOÀNG LÀ MỤC TIÊU ÁM SÁT CỦA IS ( Trung Anh, theo Independent, báo Dân Trí ) ............. 10 ƯU ĐÃI TỬ THẦN ( Phan Văn Dũng ) .................................................................................................. 10 LUYỆN NGỤC – LẦN ĐẦU TIÊN CON MỞ MẮT CHO TRỌN ( Ron Rolheiser ) .................................. 12 PHONG CÁCH PHANXICÔ – BÀI 20: ĐỨC KITÔ LÀ ĐƯỜNG ĐI CHUNG… ( Nguyễn Trung ) .......... 13 LAO ĐỘNG ĐỨC TIN ( Trầm Thiên Thu ) ............................................................................................. 15 BỨC THƯ CỦA CẬU BÉ HỌC SINH NGHÈO ( Tùng Lâm Đỗ ) ............................................................ 18 HỒI GIÁO, BẠO ĐỘNG VÀ BẢN TÍNH CỦA THIÊN CHÚA ( R. Jared Staudt, bản dịch của Trầm Thiên Thu ) ... 18 WTC, TỪ THÁP ĐÔI CAO NHẤT THẾ GIỚI TỚI GROUND ZERO ( Phan Lê, VnExpress ) ................ 22 10 ĐIỀU ÍT BIẾT VỀ VỤ 11.9 ( Nhật Nam, Telegraph ) ......................................................................... 23 NGƯỜI ĐÀN ÔNG BÍ ẨN TRONG BỨC ẢNH NỔI TIẾNG VỤ 11.9 ( Trương Anh Ngọc ) .................... 24 CHUYẾN BAY DELTA 15, TƯỞNG NIỆM NGÀY 11.9 ( Jerry Brown, bản dịch của Phan Hạnh ) ....... 25 NHỊP CẦU BÁC ÁI PHANXICÔ VÀ VÀ QUỸ MẸ HẰNG CỨU GIÚP ( Trung Tâm Mục Vụ DCCT ) ........... 28 LÝ LẼ CỦA TRÁI TIM Khi nghe dụ ngôn này có nhiều người thắc mắc: Chúa có công bằng không khi ban thưởng cho người làm ít cũng bằng người làm nhiều ? Hỏi như thế là chưa hiểu rằng đây chỉ là một dụ ngôn. Dụ ngôn không phải là một chuyện có thật. Nhưng chỉ là một câu chuyện dùng làm hình ảnh để giải nghĩa giáo lý của Chúa. Trong dụ ngôn, Chúa không có ý dạy về những kiến thức trần gian, nhưng muốn nói về những chân lý Nước Trời. Những bài học mà Chúa muốn dạy ta qua dụ ngôn ‘Người thợ làm vườn nho giờ thứ mười một’ này là: Chúa yêu thương hết mọi người và mong muốn mọi người được Ơn Cứu Độ Vườn nho tượng trưng cho Nước Chúa. Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa. Người được thuê là người được mời gọi vào Nước Chúa. Tiền lương là sự sống trong Nước Chúa. Hình ảnh ông chủ ngày ngày ra chợ tìm thuê thợ là hình ảnh của Chúa yêu thương. Không phải ta đi tìm Chúa, nhưng chính Chúa đi tìm ta. Không phải tìm một lần mà tìm suốt ngày, từ giờ này sang giờ khác. Nếu những người được thuê vào buổi sáng sớm tượng trưng cho những người có số phận may mắn, có khả năng hơn người, thì những người được thuê vào cuối ngày tượng trưng cho những người kém may mắn, kém khả năng, bị thiệt thòi trong xã hội. Việc Chúa thuê hết mọi người từ sáng sớm cho đến chiều tà, từ người sang đến kẻ hèn, từ người tài giỏi đến những người kém cỏi, từ người khỏe mạnh đến người yếu kém, tất cả nói lên lòng 2 CÙNG SUY NIỆM
  • 3. yêu thương của Chúa. Chúa muốn mời gọi hết mọi người, mong muốn hết mọi người được ơn cứu độ, được hưởng hạnh phúc trong Nước Chúa. Hạnh phúc Nước Trời là ân huệ Chúa ban Nếu Chúa không kêu gọi thì không ai có thể được vào vườn nho của Chúa, được vào Nước Chúa. Nếu Chúa không ban hạnh phúc Nước Trời thì chẳng ai có thể tự mình chiếm lấy được. Việc Chúa ban thưởng cho những người được thuê mướn cuối cùng trước những người được thuê mướn đầu tiên làm nổi bật chân lý này: Nước Trời là ân huệ Chúa ban. Ân huệ phát xuất từ tình thương của Chúa chứ không do công đức của ta. Vì thế chẳng ai có quyền đòi hỏi. Hơn nữa, ơn Chúa ban vượt quá sức, quá lòng mong ước của ta. Hiểu biết điều này, ta sẽ không ngừng tạ ơn Chúa. Chúa yêu thương và mong ta biết yêu thương như Chúa Những người thợ làm từ sáng sớm không có gì để kêu trách Chúa về tiền lương, vì đã được thỏa thuận từ trước. Họ chỉ kêu trách vì thấy người làm ít cũng được như mình. Họ kêu trách lòng nhân từ của Chúa. Đó là điều vô lý. Và Chúa đã nêu rõ điểm vô lý đó: Tại sao kêu trách vì tôi tốt bụng ? Phần mình đã được rồi, tại sao không vui mừng vì những anh em kém cỏi, kém may mắn cũng được ân huệ vào phút chót. Qua điều này Chúa muốn dạy ta hãy biết yêu thương những người kém cỏi, bé nhỏ, nghèo hèn. Một xã hội muốn tốt đẹp phải biết giúp đỡ những người bé nhỏ. Một xã hội chỉ thực sự văn minh khi biết quan tâm tới những người kém may mắn. Nếu chỉ nghĩ đến bản thân mình ta sẽ thấy cuộc đời chỉ toàn bất công. Nếu biết nghĩ đến người khác, ta sẽ thấy cuộc đời thật đẹp đẽ vì chan chứa tình người. Qua dụ ngôn này ta thấy tư tưởng của Chúa khác hẳn tư tưởng của con người. Cách cư xử của Nước Trời khác hẳn cách cư xử của nước trần gian. Lý luận của Chúa khác hẳn lý luận của người đời. Không tìm lợi lộc cho bản thân nhưng lo tìm hạnh phúc cho người khác. Không trọng sang khinh hèn, nhưng để ý yêu thương giúp đỡ những người kém may mắn, bị bỏ rơi trong xã hội. Không dùng lý lẽ của lý trí nhưng dùng lý lẽ của con tim, một con tim luôn yêu thương, luôn mong muốn hạnh phúc cho mọi người. Chúa mong con cái Chúa cũng hãy có tư tưởng của Chúa, cư xử như Chúa và yêu thương như Chúa. Như thế mới có thể làm cho Nước Chúa mau lan rộng. Lạy Chúa, xin cho con hiểu được đường lối Chúa và cho con luôn đi trong đường lối của Chúa. Amen. Tgm. Giuse NGÔ QUANG KIỆT LÝ NGƯỜI VÀ TÌNH CHÚA Vào tối ngày thứ hai, 20.11.2006, khá đông Giáo Dân ở các Giáo Xứ lân cận đã đến Nhà Thờ Chí Hòa để tham dự giờ cầu nguyện do nhóm cầu nguyện Đức Mẹ Mễ Du thực hiện. Đặc biệt có một Linh Mục ở Châu Đốc và nghệ sĩ Lê Vũ Cầu chia sẻ về ơn của Đức Mẹ đã ban ( Ảnh chụp ). Chưa tới 19 giờ mà Giáo Xứ đã đặc kín người, rất trật tự và nghiêm trang. Mở đầu chương trình là phần dâng hoa lên tượng Đức Mẹ Mễ Du được đặt giữa khán đài. Trong phần chia sẻ, Linh Mục Giuse Bùi Trung Châu, chính xứ Châu Đốc, đã nói về một cô gái theo đạo khi lập gia đình, trong khi cầu nguyện cô cảm nghiệm được lời báo của Đức Mẹ cho biết sẽ bị liệt và cô được Đức Mẹ cứu chữa giữa sự chứng kiến của nhiều người. Sôi nổi và sinh động nhất là phần chia sẻ của nghệ sĩ Lê Vũ Cầu. Trước khi chia sẻ, anh đã nói lên những lời cảm tạ Chúa vì Người đã ban cho anh Đức Tin và nhiều hồng phúc. Anh thấy Chúa đã đồng hành với anh qua một tình yêu thương hoàn hảo; anh thấy Đức Giêsu là vị Lương Y tuyệt vời nhất và anh còn thấy có một người Mẹ Hiền là Đức Maria đã đến bên cuộc đời của anh. Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu đã bị bệnh viêm gan siêu vi, sơ gan cổ chướng thời kỳ thứ ba, bị hôn mê, không ăn uống, không vệ sinh được. Ở bệnh viện, người ta coi như đã chết lâm sàng, nhiều người chuẩn bị cái chết cho anh khi thấy bụng sưng to, chân bị phù. Song anh được đẩy xe lăn đến trước tượng Đức Mẹ mà khấn xin cho được sống hoặc cho chết không đau đớn, an lành. Khấn xong, anh về nhà vào phòng vắng trốn tránh báo chí và cả những người thân quen. 3
  • 4. Có một nhóm anh chị em Công Giáo đến thăm, đặt tay lên người anh cầu nguyện; rồi anh được đưa đến Nhà Thờ cầu nguyện; được Linh Mục và nhiều anh chị em thiện chí nâng đỡ. Bỗng dưng anh ăn được, ngủ được, bụng và chân trở lại bình thường. Anh phấn khởi, năng lui tới Nhà Thờ và xin ghi danh học đạo. Khi buổi cầu nguyện này diễn ra thì chỉ còn ít ngày nữa là anh được trở thành người Kitô hữu. Nhưng đáng phục nhất là lời cầu nguyện đầu tiên của anh với Chúa: “Chúa ơi, xin ban cho con Đức Tin. Con muốn được ơn tin vào Chúa !” Quả thực, đây là lời cầu nguyện rất chân thành và đáng khâm phục vì những ai chưa biết Chúa mà có được niềm tin thật sự từ sâu thẳm trong lòng là rất khó. Và anh còn tâm nguyện từ nay đến cuối cuộc đời sẽ làm nhiều việc lành phúc đức. ( Theo VietCatholicNews, 22.11.2006 ) Hai năm sau, cơn bệnh tái phát, anh Anrê Dũng Lạc Lê Vũ Cầu về với Chúa tảng sáng ngày 23.9.2008. Lm. An Mai, DCCT, đã khéo léo ví von anh là người thợ giờ thứ mười một, đã vinh dự hưởng đồng lương khá hậu hĩnh của Chủ Vườn. Tin Mừng theo Thánh Matthêu hôm nay tường thuật dụ ngôn tuyển thợ làm vườn nho. Những người thợ được tuyển từ sáng sớm bất bình với chủ vườn, đã trả lương hậu hĩnh những người thợ vào làm chiều muộn. Thường lòng đố kỵ, ganh tương, ghen tỵ, hiềm khích luôn xuất hiện, khi thấy kẻ khác được trọng đãi, hay thành đạt, giàu có, giỏi giang hơn mình. Tình Yêu Thiên Chúa nhân ái, bao dung, quảng đại vô bến bờ, tựa như vòng tròn bất biến vĩ đại bao phủ lên lý lẽ vuông vắn, sắc cạnh, nhỏ nhen, thấp kém của con người. Trong khi thiên hạ lại thường áp dụng cái lý lẽ phiến diện, hà khắc và bất định lồng ra bên ngoài cái tình cá nhân tủn mủn, hạn hẹp, tồi tệ. Lý người Lý lẽ, luật lệ, phong tục, tập quán đều là những quy ước của nhân gian dễ thay đổi, dễ biến dạng, thậm chí trái ngược nhau tùy theo dân tộc, thời gian và không gian. Nay hợp lệ, mai thành bất hợp lệ. Xưa cấm đoán việc này, nay xả láng cho tự do. Thế mà thiên hạ cứ cố chấp viện ra lý lẽ, luật lệ nhất thời mà vô tư lên án tha nhân, thoải mái đấu tố, hoặc ném đá vô tội vạ. Bất bình, ganh tỵ, chấp nhất khi thấy người khác được ưu ái hơn mình, thành đạt hơn, tài giỏi hơn, nổi tiếng hơn, con người còn hay viện dẫn đến sự công bằng mơ hồ, do chính mình áp đặt, mà loại trừ đi tình người, sự thông cảm, bao dung, độ lượng. Thánh Phaolô đã tìm ra căn nguyên sự bất khoan dung: “Vì anh em còn là những con người sống theo tính xác thịt. Bao lâu giữa anh em có sự ghen tương và cãi cọ, thì anh em chẳng phải là những con người sống theo tính xác thịt và theo thói người phàm sao ?” ( 1 Cr 3, 3 ). Con người thường nô lệ vào bản ngã, cái tôi ích kỷ, nên tầm nhìn lý lẽ, quan niệm, suy xét chỉ quanh quẩn bảo vệ, quy hướng lợi ích phục vụ cho chính mình. Do vậy, các lý lẽ, nhận xét, phê phán thường khó tránh khỏi chủ quan, lệch lạc, phiến diện. Chính vì thế, có sự khác biệt tương phản, sâu xa, rõ ràng giữa phàm nhân với Thiên Chúa, như lời khẳng định của Ngôn Sứ Isaia: "Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng các ngươi và đường lối các ngươi không phải là đường lối Ta... Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các người chừng ấy” ( Is 55, 8 – 9 ). Tình Chúa Thiên Chúa dào dạt yêu thương tạo vật, con người. Dù con người đã bất nghĩa, bất tín, bất trung, nhưng Thiên Chúa vẫn yêu thương, đã ban Con Một nhập thể cứu chuộc nhân loại. Tình Yêu Thiên Chúa vượt xa giới hạn lý luận của con người. Khi bỏ lại 99 con chiên, đi tìm một con chiên lạc mất, Ngài đã bất chấp sự khôn ngoan trần thế, vượt qua lý luận toán học, vượt qua sự tính toán nhỏ mọn, hơn thiệt của con người, chỉ vì Tình Yêu. Thánh Phaolô đã lý giải sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn, để hạ nhục những kẻ hùng mạnh, những gì thế gian cho là hèn mạt, không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người” ( 1 Cr 1, 28 – 29 ) Khi tha thứ cho người tử tội cùng chịu đóng đinh, Đức Giêsu chẳng hề tra hỏi về quá khứ, chẳng hề tính toán bao nhiêu lần vấp phạm. Người quên hết mọi tội lỗi chồng chất, khi phạm nhân biết sám hối, biết trở về Lòng Thương Xót. “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng !” ( Lc 23, 43 ). Khi trả công cho những người thợ giờ thứ 11, Chủ Vườn chẳng tính toán hơn thiệt, làm được nhiều hay ít, mà căn cứ vào tấm lòng chân thành, thiện chí, mà hoan hỷ trả công. Đừng nói nhiều, làm ít, hoạt động dài, cầu nguyện vắn, nhận rộng rãi, cho hẹp hòi, khoan dung cho mình, khắt khe với người. ( Đường Hy Vọng, số 304 ). 4
  • 5. Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con luôn biết tôn trọng, yêu mến tha nhân, dù họ đức độ, tài năng giỏi giang, giàu có hơn chúng con. Xin cất đi khỏi lòng chúng con sự tỵ hiềm, ganh ghét, đố kỵ, chia rẽ, mà biết sống hòa đồng, chan hòa yêu thương, cùng biết cảm tạ Chúa đã ban cho họ và cho chúng con biết bao hồng ân, nhất là được biết Chúa, tin Chúa và theo Chúa. Lạy Mẹ Maria, Mẹ là mẫu gương khiêm nhường và nhân ái, xin dạy chúng con luôn biết quan tâm, gần gũi, hòa nhã với tất cả mọi người, kể cả những người trổi vượt hơn chúng con nhiều mặt, để chúng con xứng đáng làm con Chúa. Amen. AM. TRẦN BÌNH AN LÒNG TỐT CỦA THIÊN CHÚA Thánh Gioan Phaolô II đã viết trong Tông Huấn “Christi Fideles Laici” về ơn gọi và và sứ vụ của người giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới: “Những thành phần giáo dân trong dân tín hữu Chúa Kitô… hình thành nên Dân Chúa có thể được so sánh với những người làm trong vườn nho được nhắc tới trong Tin Mừng theo Thánh Mátthêu… “Anh cũng đi vào vườn nho”… Tiếng gọi là một quan tâm không những cho các Mục Tử, các Giáo Sĩ, các nam nữ Tu Sĩ. Tiếng gọi được gởi tới mọi người; những người giáo dân thường cũng được Chúa kêu gọi đích danh, từ Người họ nhận lãnh một sứ vụ vì Giáo Hội và vì thế giới” ( số 1 – 2 ). Dụ ngôn “thợ làm vườn nho” với hình ảnh ông chủ vườn nho năm lần đi kiếm người làm vườn vào những thời điểm khác nhau chứa đựng một huấn giáo thiêng liêng: lòng quảng đại vượt trên lẽ công bình,Thiên Chúa kêu gọi mọi người vào hưởng hạnh phúc là do lòng tốt của Ngài. “Quả thế, về Nước Trời thì cũng như một gia chủ kia, ngay vừa tảng sáng, đã ra thuê thợ cho vườn nho của ông...” Giữa một “chợ người” ít việc nhiều người, các ông chủ ra thuê thợ làm việc và trả công nhật. Chúa Giêsu đã quan sát và lấy hình ảnh cụ thể này ở Do Thái để mạc khải mầu nhiệm Nước Trời. Người kể dụ ngôn ông chủ vườn nho với các thợ làm việc các giờ khác nhau trong ngày. Tiền công nhật là 1 đồng, giá thỏa thuận đôi bên. Gia chủ thuê thợ làm vườn nho vào các giờ giấc khác nhau. Ở Do Thái một ngày bắt đầu từ lúc 6 giờ chiều. Giờ thứ ba tức là 9 giờ sáng. Giờ thứ sáu là 12 giờ trưa. Giờ thứ chín là 3 giờ chiều. Còn giờ thứ mười một là 5 giờ chiều, sắp hết ngày để sẽ bắt đầu một ngày mới. 1. Lòng ghen tị Theo lệ thường, công nhật sẽ chấm dứt vào giờ thứ mười hai tức là 6 giờ chiều. 5 giờ chiều ông chủ vẫn còn ra thuê nhân công. Vì thế hững người làm từ giờ thứ mười một chỉ làm việc có một giờ là đã được nghỉ. Trong khi đó người làm từ sáng, lao động suốt mười hai giờ. Vậy mà cuối ngày, khi trả lương, ông chủ lại trả bắt đầu từ người sau hết là 1 đồng. Những người làm trước tưởng là được nhiều hơn, nhưng cũng chỉ được 1 đồng mà thôi. Họ phản đối, họ trách móc vì họ bị hai lần thiệt thòi: kẻ khác làm có một giờ mà họ đã phải làm đến mười hai giờ, kẻ khác làm lúc trời đã mát mẻ, còn họ phải làm cả ngày dưới trời nắng gió nóng của miền Địa Trung Hải. Họ hụt hẫng và khó chịu với chủ. Nếu ông chủ trả lương cho người làm sau ít hơn, chắc họ chẳng hề tỏ vẻ khó chịu. Nếu họ không hay biết số tiền mà ông chủ trả cho người làm sau chắc là họ vui vẻ và biết ơn khi trở về nhà. Nhưng vì biết được nên họ giận dữ và ghen tị. Rõ ràng người ghen tị không vui được với người vui, vì họ không biết yêu thương. Họ coi người kia là kẻ thù, chứ không còn là bạn. Vì vậy, sự thành công của ai đó đã trở thành mối đe dọa và thiệt thòi cho họ. Lòng ghen tị đã xuất hiện từ khởi thuỷ loài người. Cain ghen tị với em trai là Aben chỉ vì lễ vật tốt đẹp của Aben được Chúa thương chấp nhận, còn lễ vật không tốt đẹp của Cain thì bị khước từ. Lòng ghen tị đã xui khiến Cain giết em. Đavít là vị anh hùng tài hoa trẻ tuổi đã lập được chiến công oanh liệt, cứu nguy cho dân quân Ítraen bằng cách giao chiến một chọi một với tên Gôliát khổng lồ thuộc phe Philitinh, hạ gục y chỉ bằng một phát ná bắn đá và dùng chính thanh gươm của y mà chặt đầu y. Thế rồi quân Ítraen thừa thắng xông lên như nước vỡ bờ, tràn lên giết hại rất nhiều quân Philitinh thù nghịch. "Khi Đavít thắng trận trở về, phụ 5
  • 6. nữ từ hết mọi thành của Ítraen kéo ra, ca hát múa nhảy, đón vua Saun, với trống con, với tiếng reo mừng và tiếng não bạt. Họ ca hát rằng: "Vua Saun hạ được hàng ngàn, ông Đavít hàng vạn". Thế là từ lúc ấy, lòng ghen tị sục sôi trong lòng vua Saun, khiến nhà vua phóng giáo vào Đavít đang khi Đavít gảy đàn cho vua nghe. May thay Đavít kịp né mình thoát chết trong gang tấc. Rồi sau đó, vua Saun lùng sục Đavít tận thâm sơn cùng cốc, quyết hạ sát cho bằng được vị anh hùng kiệt xuất nầy ( x. 1 Sm 17 – 18 ). Lòng ghen tị làm xấu đi những tương quan tốt đẹp vốn có giữa anh em bạn bè. Lòng ghen tị còn xui khiến người ta làm hại nhau, làm cho xã hội chậm tiến và kém phát triển. 2. Lòng tốt Ông chủ trả lương như vậy có bất công không ? Chắc chắn là không, vì ông trả đủ số tiền đã thỏa thuận từ trước là 1 đồng. Vì người ghen tị lầm bầm than phiền nên ông chủ bảo họ: "Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn, bạn chẳng thỏa thuận với tôi là 1 đồng hay sao ? Cầm lấy phần bạn mà về đi, còn tôi, tôi muốn cho ai là tùy tôi, chẳng lẽ tôi không có quyền tùy ý định đoạt là những gì của tôi sao ? Hay vì tôi tốt bụng mà bạn ghen tức ?" Đây là điểm chính yếu của dụ ngôn. Hành động của ông chủ không phải là do ông bất thường, bất công, nhưng do ông chủ tốt lành. Tốt ở chỗ là không muốn ai phải thua thiệt sút kém. Ông muốn ai cũng may mắn, ai cũng có tiền về nuôi gia đình. 1 đồng ông phát cho người làm giờ thứ mười một không phải là do công bình, mà là do lòng tốt của ông ban tặng. Gia chủ là Thiên Chúa. Các tay thợ là loài người nhận ra Thiên Chúa qua nhiều thời điểm khác nhau. Thợ làm giờ thứ mười một là người tội lỗi. Làm vườn nho là vào Nước Trời và thực thi luật pháp Nước Trời. Các thợ cằn nhằn chính là nhóm Pharisiêu, Luật Sĩ. Họ ghen tương vì Chúa Giêsu đối xử khoan dung với người tội lỗi, yêu thương dân ngoại. Các thợ làm ít lãnh nhiều là các người ngày hôm qua sống trong tội lỗi, ngày hôm nay là công dân Nước Trời. 1 đồng là vé vào Nước Trời. Kẻ làm trước người làm sau, tất cả đều được Thiên Chúa ban cho Nước Trời. Thiên Chúa ban cho ai là do lòng tốt của Ngài. Yếu tố chính mà Đức Giêsu nhấn mạnh chính là Thiên Chúa rộng rãi vô cùng. Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót đối xử rất nhân từ với mọi người. Đặc biệt đối với dân ngoại là những người được gọi vào Giáo Hội qua những giờ sau hết. Đối với những người này, Thiên Chúa cũng ban cho mọi quyền lợi và đặc ân như người Do Thái là những kẻ được gọi từ đầu. Thiên Chúa nhìn nhận sự việc theo lòng lân tuất của Ngài. Con người nhìn theo quyền lợi, tính toán hơn thiệt. Thiên Chúa ân thưởng, trả công cho ai tùy theo lòng tốt của Ngài. Thiên Chúa trả công không làm thiệt hại ai, luôn công bằng. Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu muốn minh chứng rằng: trong cách thức hành động của mình, Thiên Chúa không đi theo những quy tắc lề luật của sự công bình hạn hẹp, cứng nhắc. Ngài chỉ thực thi theo sự tốt lành của mình, theo thúc đẩy bởi Tình Yêu của mình. Ngài hào phóng trong tình thương xót và hoàn toàn tự do trong các việc thiện hảo. 3. Sứ điệp Dụ ngôn “thợ làm vườn nho”, cho thấy rõ sự trái ngược giữa lòng tốt của gia chủ và lòng ghen tị của những người thợ vào vườn nho từ sáng sớm. Thiên Chúa mở rộng vòng tay đón nhận mọi người, còn chúng ta thì khép chặt lại không muốn tiếp nhận ai. Thiên Chúa nhìn thấy sự đáng thương của những người chưa được làm con cái Ngài, còn chúng ta chỉ nhìn những người anh chị em này một cách tiêu cực và vênh vang cho rằng mình tốt hơn họ. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta đối xử nhân hậu với người khác. Hãy tránh xa lối nhìn thiển cận theo cảm tính, theo tính vị kỷ, theo quyền lợi cá nhân. Không nên ghen tị khi người khác có tài đức hơn, giàu có hơn, xinh đẹp hơn. Hãy bằng lòng với cái mình đang có và cố gắng phát triển nó lên. Ai cũng được Chúa ban cho những khả năng khác nhau. Người 5 nén, người 2 nén, người 1 nén. Ngày ra trước mặt Chúa, Chúa không hỏi: con đã làm những gì, làm ông này hay bà nọ. Chúa chỉ hỏi về lòng mến, mến Chúa và yêu thương tha nhân. Con đã yêu mến Thầy và tha nhân không ? Chính tình yêu trong công việc là thước đo mà Chúa Giêsu đòi hỏi nơi mỗi người chúng ta. Đó là cung cách sống đạo đền đáp hồng ân. Hồng ân là một ơn ban dựa vào lòng tốt của người ban ơn. Hồng ân làm cho người lãnh nhận tràn đầy lòng biết ơn. Công lao là tính toán dựa trên công sức người làm việc. Công lao thì cần phải đòi lại điều gì tương xứng bằng tiền lương, bằng đền bù, bằng trả lại theo lẽ công bằng. 6
  • 7. Như thế, có một sự khác biệt lớn giữa kiểu sống đạo dựa trên hồng ân và kiểu giữ đạo nhằm vào công trạng. Người ta có thể chấp nhận "giữ đạo" để được "lên thiên đàng". Nhưng người ta cũng có thể "sống đạo" chỉ vì muốn đền đáp một chút nào hồng ân bao la của Thiên Chúa. Kiểu giữ đạo theo công trạng sẽ làm cho người Kitô hữư trở thành "nô lệ", thành "kẻ làm công". Cách sống đạo như một hồng ân làm cho người Kitô hữu trở thành con cái hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha yêu thương. Nhờ đó Kitô hữu sẽ nhận ra hồng ân của Chúa nơi mọi sự, khắp mọi nơi, trong mọi lúc, tràn ngập cuộc đời, để biết hân hoan ca tụng Chúa, biết vui mừng vì hồng ân Chúa nơi anh chị em của mình. Những người thợ được thuê làm vườn nho vào những giờ khác nhau, đó là hình ảnh những người được mời vào Giáo Hội ngang qua Bí Tích Rửa Tội vào những tuổi đời khác nhau. Sống trong Giáo Hội, mọi người đều là con cái của Chúa, không phân biệt giàu nghèo sang hèn. Ai cũng được Thiên Chúa yêu thương. Đã là yêu thương thì không còn đứng trong ranh giới công bình. Thiên Chúa thưởng công cho ai là tùy lòng tốt của Ngài. Cùng nhau làm việc Tông Đồ Truyền Giáo là bổn phận mỗi người Kitô hữu. Phần thưởng là do lòng tốt Chúa ban. Như thế chúng ta sẽ xây dựng được Nước Trời giữa trần gian. Lm. Giuse NGUYỄN HỮU AN TẤT CẢ ĐỀU LÃNH MỖI NGƯỜI MỘT ĐỒNG Hôm nay chúng ta bắt đầu chu kỳ ba dụ ngôn về vườn nho của Chúa Giêsu. Chúa Nhật 25, những người thợ sẽ vào làm vườn nho. Chúa Nhật 26, hai người con trai được cha sai đi làm vườn nho, và Chúa Nhật 27, những người tá điền muốn giết con ông chủ vườn nho. Bước vào trong sự thân tình của Chúa Trong Kinh Thánh, cây nho có một ý nghĩa sâu sắc. Nó là biểu tượng của giao ước giữa Thiên Chúa với dân Ngài ( Is 5, 1 – 7; Gr 2, 21; Ed 15, 4 ). Câu "hãy đi làm vườn nho ta" ( Mt 20, 4 ) được Chúa Giêsu lặp đi lặp lại trong ba dụ ngôn, theo truyền thống câu này muốn nói: "Hãy đi vào trong Giao ước… Hãy đến chia sẻ Giao ước với ta". Chúa Giêsu tự khẳng định mình là cây nho: "Thầy là cây nho thật" ( Ga 15, 1 – 5 ). Chúng ta được mời gọi vào làm vườn nho của Chúa, được sẻ chia công việc với Chúa, có ý nói, chúng ta dù sớm hay muộn cũng bước vào trong thân tình với Chúa, sống với Chúa. "Hãy đi làm vườn nho ta" còn có nghĩa là "Hãy vào hưởng niềm vui của chủ ngươi" ( Mt 25, 21 ). Từ đây chúng ta mới hiểu được một đồng mà ông chủ trả cho người đến trước cũng như người đến sau là đồng nào. Đồng lương yêu thương Dụ ngôn những người làm thuê được mướn làm việc trong vườn nho qua những giờ khác nhau, tất cả lãnh lương giống như nhau là một đồng bạc, đã gây nên một khó khăn cho những người đọc Tin Mừng. Chúa nói với những người làm công: "Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng" ( Mt 20, 4 ). Có người hỏi: Xứng đáng ở đây là xứng với cái gì ? Khi có hai cái bằng nhau, hoặc cái này xứng với cái kia được coi là xứng đáng. Vậy đâu là tiêu chuẩn để Chúa Giêsu trả công xứng đáng ? Nhiều người không khỏi ngạc nhiên, nhất là những người đến làm việc trước hết vì tiêu chuẩn trả công của ông chủ. Cách hành xử của ông chủ có chấp nhận được không ? Không xúc phạm đến nguyên tắc đền bù xứng đáng sao ? Khó khăn phát xuất từ một sự sai lầm. Vấn đề đền bù được qui chiếu về sự đời đời, Thiên Chúa "sẽ thưởng phạt mỗi người tùy theo việc họ làm" ( Rm 2, 6 ). Thiên Chúa nhân lành, Ngài có cách tính không giống chúng ta: "Tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta" ( Is 55, 8 ). Thiên Chúa ban cho con người cái mà Ngài cho là tốt nhất. Tiêu chuẩn của Ngài là tấm lòng, tiêu chuẩn của chúng ta thường là lý trí, và dĩ nhiên không luôn luôn đúng. Trong dụ ngôn, mức lương được trả là một đồng. Đây là đồng đracmơ; hay đồng đờnhê, là thuế mà mỗi Người Do Thái phải nộp vào Đền Thờ Giêrusalem mỗi năm cho việc bảo trì, hoặc đồng "xtate" tiền cổ Hy Lạp là đồng được Thánh Phêrô dùng để nộp thuế Đền Thờ, phần của ngài và của Chúa Giêsu. Mỗi người nhận được một đồng, có ý nói đến mức lương của một ngày làm việc, một cái gì đó để sống trong ngày như bánh mì chẳng hạn. 7
  • 8. Để nhận ra "điểm chính" trong dụ ngôn, chúng ta phải để ý đến qui chiếu của Chúa Giêsu ở đây về một tình huống cụ thể. Đồng bạc duy nhất được trả cho tất cả là nước Chúa, Chúa Giêsu đã mang xuống thế vì yêu thương thế gian. Dụ ngôn bắt đầu: "Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình" ( Mt 20, 1 ). Như vậy, Nước Trời là chủ đề chính và là bối cảnh của dụ ngôn. Đồng lương Ơn Cứu Độ phổ quát Một lần nữa, vấn đề về ơn cứu độ của người Do thái và dân ngoại, hay của kẻ lành và những người tội lỗi được đặt ra, trước ơn cứu rỗi do Chúa Giêsu mang đến. Mặc dầu chỉ vì nghe huấn giáo của Chúa Giêsu mà người dân ngoại ( những kẻ tội lỗi, những người thu thuế, những người đĩ điếm v.v… ) quyết định theo Chúa, trong khi trước lúc đó họ còn đứng đàng xa ( nhàn rỗi ). Vì ý định theo Chúa mà họ sẽ không có chỗ bậc hai trong vương quốc. Họ cũng sẽ ngồi cùng một bàn như những người khác và hưởng đầy đủ những của cải thời cứu thế. Chúa Giêsu không cung cấp chúng ta một bài học về đạo đức xã hội, nhưng là bài học về tình yêu của Thiên Chúa với hết mọi người: "Từ sáng sớm, cho đến giờ thứ ba, giờ thứ sáu và thứ chín". Không có ai là quá muộn để vào Nước Trời. Tất cả những ai chưa khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa vẫn được Ngài mời gọi mọi người nam nữ trong mọi giờ và ở mọi lứa tuổi đi làm vườn nho của Chúa! Đây là lời kêu gọi phổ quát. Đó là vấn đề kêu gọi hơn là vấn đề thưởng. Chúng ta đừng bao giờ thất vọng về ơn cứu độ đời đời của chúng ta. Có nhiều người cần cù, chịu khó, luôn sẵn sàng làm việc nhưng "không ai thuê"; họ nhàn rỗi vì thiếu việc làm và không có người mướn, lòng nhiệt thành đang có sẵn, có tiếng gọi thuê, họ lên đường mà không có sự mặc cả giá tiền như những người trước. Ông chủ đánh giá công việc của họ cách khôn ngoan và trả công cho họ bằng những người khác. Ý muốn nói, dù hoán cải vào "buổi sáng, giờ thứ ba… và thứ mười một giờ" đi chăng nữa, thì hết thảy mọi người đều được đón nhận… anh trộm lành được lên Thiên Đàng "vào giờ thứ mười một" anh thực sự là người được mời gọi vào giờ sau hết và trở thành người đầu tiền vào Nước Trời: "Thật hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng với ta" ( Lc 23, 43 ). Chúa không kết án kẻ trộm, Chúa bày tỏ lòng nhân lành của mình; họ đi làm, nhưng "không ai thuê" ( Mt 20, 7 ), nếu người ta không thuê anh, anh "hãy đi làm vườn nho ta" ( Mt 20, 4 ). Điều mà chúng ta gán cho Thiên Chúa là không xứng đáng với Thiên Chúa, và điều Thiên Chúa ban cho chúng ta vượt quá công trạng của chúng ta: "Từ người đến sau hết tới người đến trước hết đều lãnh mỗi người một đồng". Chúng ta không thể trách lòng tốt của ông chủ, vì không thấy gì sai trái trong cách ông hành xử. Ông trả cho mỗi người theo như thỏa thuận và thể hiện lòng thương xót như ông muốn: "Nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao ? " Một huấn giáo khác có thể rút ra từ dụ ngôn. Ông chủ biết rằng những người làm thuê giờ cuối cũng có những nhu cầu như bao người khác, họ cũng có con cái phải nuôi ăn, như những nguời làm thuê giờ thứ nhất. Khi trả cho mọi người đồng lương y nhau, ông chủ chứng tỏ rằng ông không xét theo công trạng cho bằng theo nhu cầu. Ông chứng tỏ rằng ông không những công bằng, mà còn "tốt lành," quảng đại và nhân đạo. Lm. Antôn NGUYỄN VĂN ĐỘ PHẢI CHĂNG THIÊN CHÚA QUÁ BẤT CÔNG ? Tại Việt Nam chúng ta không có những cách đồng nho như bên Do Thái. Có chăng thì ở khu vực Cam Ranh Nha Trang, nhưng cũng không nhiều. Còn đại đa số là những cánh đồng lúa; hoặc những khu rừng cao su, tiêu, cà phê hay điều... Vì thế, hình ảnh vườn nho có vẻ hơi xa lạ trong tâm thức đối với đại đa số người dân Việt. Nhưng dù biết hay không thì cách thức chi trả lương cho những người làm thuê cũng có nhiều điểm tương đồng với những người làm công trong vườn nho của người Do Thái. Tuy nhiên, bài Tin Mừng hôm nay lại đưa ra một nghịch lý khi Đức Giêsu kể dụ ngôn ông chủ vườn nho trả lương cho những người làm công: ông chủ này không tính đến chuyện thợ làm thuê có chuyên môn hay nghiệp dư, cũng không kể đến chuyện giờ giấc của người làm. Vì thế, dù chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp, kinh 8
  • 9. nghiệm hay mới vào nghề, và tham gia làm vườn giờ nào... ! Nhưng chiều đến, khi lĩnh lương, tất cả họ đều giống nhau. Tại sao vậy ? Ông chủ có bất công không ? Để hiểu được vấn đề này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu nguyên nhân tại sao ? Và Đức Giêsu có lý gì khi kể dụ ngôn này ? 1. Tại sao Đức Giêsu lại dùng dụ ngôn thợ làm vườn nho ? Trước tiên, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của vườn nho mà Đức Giêsu muốn nói tới ở đây. Vườn nho được Đức Giêsu kể trong dụ ngôn chính là hình ảnh của Giáo Hội. Vườn nho ấy đến mùa thu hoạch, chính là sứ mạng truyền giáo đang cấp bách, điều này được bổ túc thêm khi Đức Giêsu nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặp lại ít”. Thứ đến, người mời gọi là chính Thiên Chúa. Người gọi hết mọi người, không phân biệt tốt xấu, giỏi hay dốt, thành phần nào, già hay trẻ... Nhưng Người gọi bất cứ ai Người muốn! Cách thức này Đức Giêsu muốn thay đổi quan niệm nơi người Do Thái, họ chỉ coi là mình họ được cứu độ, còn những dân tộc khác thì không, họ tỏ ra khinh bỉ hay ghen tức với cách hành xử của Đức Giêsu với những người không thuộc Do Thái, vì thế, Đức Giêsu mới nói: "Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao ?"; “Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?” Thật vậy, Thiên Chúa không chỉ dành ơn cứu độ cho dân Do Thái, nhưng là cho muôn dân muôn nước không trừ ai. Hơn nữa, Người còn tỏ lòng thương xót đặc biệt hơn đối với những ai bị coi là hèn kém. Tiếp theo, cách thức trả lương. Người không trả lương theo kết quả công việc. Cũng không trả lương theo kiểu làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Mà Người trả lương cách đồng đều theo sự thỏa thuận lúc ban đầu. Tức là một đồng cho tất cả mọi người. Người đến sớm cũng kẻ đến muộn, người giỏi cũng như dốt, người già cũng như trẻ... Cách thức này cho thấy lòng nhân từ, thương xót và bao dung của Thiên Chúa dành cho hết mọi người chứ không phải chỉ dành cho một số người đặc tuyển. Điều Đức Giêsu muốn nói ở đây chính là: “Thiên Chúa để ý đến tinh thần của người tham gia vào công việc của vườn nho”. 2. Hiểu và thực hành sứ điệp Lời Chúa Qua Lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu không muốn ai phải thất vọng, mọi người đều có chỗ đứng trong Giáo Hội và đều có trách nhiệm tham gia vào sứ mạng truyền giáo. Thật vậy, tính phổ quát của của ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho chúng ta người Công Giáo, nhưng là cho muôn dân muôn nước, không trừ ai. Đồng thời, Đức Giêsu cũng mặc khải về lòng bao dung, quảng đại và thương xót của Thiên Chúa. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, trung thành, yêu mến và dấn thân vào làm vườn nho của Chúa, bằng cách sống tốt và chu toàn bổn phận của mình theo thánh ý Chúa dựa trên tình yêu. Vì thế: Trước tiên, cần loại bỏ thái độ tự tôn, kiêu hãnh và coi thường người khác vì nghĩ rằng mình thuộc thành phần đương nhiên được cứu độ, còn người khác, họ chỉ là đám dân thường, tội lỗi, dốt nát, nên không cần quan tâm. Cũng cần có sự cảm thông, cộng tác để cùng nhau làm việc thiện thay vì ganh đua, ghen tỵ khi thấy người khác tốt lành hơn mình, hoặc người ta làm được nhiều điều hữu ích hơn chúng ta. Tốt hơn là hãy ý thức mình chỉ là đầy tớ bất tài, vô dụng, nhưng lại được Chúa thương chọn và gọi để đi làm vườn nho cho Người. Vì thế, hãy dâng lời tạ ơn Chúa và cố gắng với khả năng của mình, làm sinh lợi nén bạc Chúa trao trong sự yêu mến với lòng nhiệt huyết tông đồ. Thứ đến, hãy kiên trung, tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, đừng thất vọng vì thấy mình không giỏi giang hay tội lỗi. Hãy nhớ rằng: Thiên Chúa luôn để ý đến những người “đứng chót”. Phần còn lại là của chúng ta, nếu chúng ta biết cộng tác với ơn Chúa trong sự khiêm tốn, ắt Chúa sẽ trả công hậu hĩnh và Người sẽ làm những điều kỳ diệu khi: “Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”. Hiểu được tình thương của Thiên Chúa như thế, hẳn chúng ta thấy Thiên Chúa rất công bằng do lòng nhân từ của Người chứ không phải bất công như những người Do Thái và ngay cả chúng ta đã lầm tưởng ! Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khiêm tốn và yêu mến Chúa tha thiết. Biết gắn bó với sứ mạng truyền giáo trong Giáo Hội. Luôn tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa và trung thành với bổn phận của mình. Amen. 9
  • 10. Tu Sĩ Jos. Vinc. NGỌC BIỂN GIÁO HOÀNG LÀ MỤC TIÊU ÁM SÁT CỦA IS Đại sứ Iraq tại Vatican cảnh báo, phiến quân "Nhà Nước Hồi Giáo" ( IS ) đang có ý định ám sát Giáo Hoàng Francis. Tờ La Nazione của Ý dẫn lời đại sứ Iraq tại tòa thánh Vatican Habeeb Al-Sadr cho rằng một trong những mục tiêu của IS là ám sát Giáo Hoàng, và cảnh báo nhóm phiến quân này "không chỉ dọa nạt". Tuy cảnh báo của ông Habeeb Al-Sadr không dựa trên bất kỳ thông tin tình báo cụ thể nào, nhưng ông cho rằng cuộc thảm sát đối với người Công Giáo Yazidi ở miền Bắc Iraq và phá hủy những địa điểm linh thiêng ở đây là chỉ dấu cho ý định của chúng. "Những gì được tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tự xưng tuyên bố đã rõ. Chúng muốn giết hại Giáo Hoàng", ông cho biết với tờ La Nazione vào ngày hôm qua 16.9.2014. Đe dọa về an ninh đối với vị Giáo Hoàng 77 tuổi đã được thảo luận nhiều vào đầu năm nay, khi ngài ủng hộ việc ngăn chặn IS và sự ngược đãi đối với 40.000 người Công Giáo ở miền bắc Iraq. Hồi tháng 8, được biết an ninh tại Rome đã được thắt chặt sau khi giới chức Israel cảnh báo về nguy cơ IS gây hại cho Giáo Hoàng. Tuy nhiên Vatican đã giảm nhẹ nguy cơ này, với người phát ngôn Reverend Federico Lombardi, SJ, cho biết: "Không có gì nghiêm trọng. Không có mối lo ngại cụ thể nào ở Vatican. Không có căn cứ nào". Giáo Hoàng dự định đến thăm quốc gia với phần đa là người Hồi Giáo Albania vào Chúa Nhật này và sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 11 tới đây. Ngài cũng mong muốn được thăm Tunisia sau cuộc gặp với Tổng Thống nước này hôm 11.9.2014 tại Vatican. Tuy nhiên, được biết an ninh trong chuyến thăm Albania sẽ không được củng cố thêm. Giáo Hoàng sẽ vẫn tiếp tục đi trên chiếc xe jeep mui trần mà ông đã sử dụng trong lễ nhậm chức trên Quảng trường Thánh Peter hồi năm ngoái. TRUNG ANH, theo Independent, báo Dân Trí ƯU ĐÃI TỬ THẦN Trời đất ơi. Tôi đang nhìn thấy cái gì đây ? Vâng, đây là một tờ rơi của trang quảng cáo mà một bạn vừa gửi cho tôi trên Facebook với một bức xúc ghê gớm. Thú thực, dù cố ngăn lại nhưng một cảm giác gờn gợn kinh khủng vẫn cứ trào mãi lên trong lòng tôi không dứt. Thật không thể hiểu những con người đã thảo ra nội dung quảng cáo này và những thầy cô đã tạo điều kiện cho cái trò quảng cáo này xuất hiện trong sân trường, họ đạt được mục đích nào và hưởng lợi những gì trên chính sinh mạng và phẩm giá các thanh thiếu niên là học trò, là con cháu họ ? Nhiều bậc phụ huynh đã phải bật lên câu hỏi: trường học có còn là nơi an toàn để các em học hành nghiêm túc và tăng trưởng lành mạnh nữa chăng ? Ngành y hiện nay có thiên chức cao quý là cứu 10 CÙNG CẦU NGUYỆN CÙNG CẢNH BÁO
  • 11. người hay có nhiệm vụ giết người hàng loạt một cách hợp pháp như thế này ? Đạo đức luân lý tối thiểu có còn sót lại chút gì trong xã hội chúng ta nữa hay không ? Thật chua chát khi nhìn vào cảnh chợ đời hôm nay, có lẽ, phải mượn đến hai câu thơ đắt giá của nhà thơ Bùi Minh Quốc để diễn tả thực trạng đắng lòng này: “Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa. Cả một thời đểu cáng lên ngôi”. Vâng, nếu nói rằng, tác giả tờ quảng cáo này ngu muội chắc có lẽ không đúng, vì ít ra, để soạn ra nội dung và chọn hình thức trình bày như thế này, chẳng nhiều thì cũng có vài ba vị mang bằng cấp bác sĩ hẳn hoi đã nhúng tay vào, cũng không thể thiếu vài người am hiểu về nghệ thuật kinh doanh, Kỹ thuật marketing, quảng cáo, cuối cùng lại còn được tiếp tay bởi các nhà giáo thâm niên ! Bảo họ vô đạo đức ư ? Xin thưa rằng: họ đang thực hiện một chương trình được chính Nhà Nước ưu ái quan tâm, tiến hành kế hoạch hóa gia đình ngay trong nhà trường, ngay từ khi các em học sinh còn trong độ tuổi vị thành niên ! Cứ đọc kỹ về những ưu đãi miễn phí khám và sẽ còn miễn giảm đến 50-60% khi thực hiện thủ thuật phá thai ! Nếu vậy, không oan chút nào với câu thơ “thời đểu cáng lên ngôi" ! Ưu đãi lớn khi phá thai cho đối tượng là học sinh, sinh viên với những lời lẽ giả nhân giả nghĩa trơ trẽn như thế, thì công nhận là… đểu cáng thật ! Họ là những tên đao phủ giết người chuyên nghiệp trong bộ dạng của một nhà hảo tâm. Họ thu phí cả bằng sinh mạng những bạn trẻ vô tội. Họ tước đoạt sự trong sáng trong tâm hồn những học sinh, sinh viên, để rồi các em sẽ phải trả giá bằng cả cuộc đời với nỗi dày vò ray rứt kéo dài, những vết thương không bao giờ lành sẹo ! Thường ngày, trên đường ngoài phố, tại các ngã tư ngã ba, ai cũng có thể thấy một số quảng cáo tờ rơi được một số học sinh sinh viên phát tận tay người đi đường. Có nhiều khi tôi cũng thấy rất khó chịu vì để phát được như thế, có người tràn cả xuống đường, chặn đầu xe, dúi vào tay, vi phạm luật giao thông và có thể gây nguy hiểm cho chính tính mạng họ và cho người đi đường. Có người chả muốn nhận nên hờ hững nhìn qua rồi vứt ngay tại chỗ. Chỉ một lúc sau, nơi ấy đã thành một bãi rác những tờ quảng cáo đủ màu bay như bươm bướm. Lại cũng có nhiều khi họ đi từng nhà, nhét chỗ này, dúi chỗ nọ hay có khi ném thẳng vào nhà mà chả cần biết gia chủ có muốn nhận hay không. Bực là thế, nhưng nghĩ lại, họ là những học sinh sinh viên nghèo không đủ tiền học phí nên đành làm thêm những công việc bán thời gian để mưu sinh. Thôi thì cũng chặc lưỡi cảm thông, lại còn thấy thương họ nữa, đôi khi lại thấy hình ảnh của mình ngày xưa cần tiền học mà đi làm lơ xe buýt. Dẫu sao, nội dung những tờ rơi quảng cáo thế này cũng chẳng phạm đến ai, cũng chẳng làm mất nhân cách người nào. Còn ở đây là quảng cáo… phá thai, khuyến mãi đặc biệt, ưu đãi tối đa ! Cũng trong ngày tôi nhận được tấm hình này, từ Biên Hòa, tôi nhận được một cuộc gọi khẩn cấp về một ca BVSS từ Sàigòn. Câu chuyện thực tế vừa xảy ra xin được chia sẻ nơi đây như một minh chứng cho sự chai đá vô cảm của một số bác sĩ. Một thiếu phụ còn trẻ chỉ ngoài đôi mươi bị tai nạn, khi ấy thai nhi trong bụng chị đã được 7 tháng. Lúc xảy ra tai nạn, một số nhân chứng kể lại, chị chỉ kịp kêu lên: “Xin hãy cứu con tôi” rồi bất tỉnh. Tai nạn ấy đã làm chị rơi vào hôn mê sống thực vật. Bác sĩ cấp cứu ở bệnh viện phụ sản bảo chắc chắn chị ấy sẽ chết, nhưng nếu không có ai nhận đứa bé trong bụng thì họ sẽ để cho nó chết luôn trong bụng chị ấy ! Ôi, thật nhẫn tâm, dù chị ấy có sao đi nữa thì việc cấp kỳ trước mắt phải là cứu sống đứa bé chứ, sao lại có thể để cho bé chết tức tưởi thế được ? May mắn làm sao, sau các lý lẽ thuyết phục mạnh mẽ của nhóm BVSS, bác sĩ đã phải mổ cứu lấy đứa bé, còn mẹ cháu thì mất ngay trên bàn mổ ! Xin hãy trao cho nhau những ưu đãi về tình người, trao cho nhau ưu đãi về yêu thương, chứ đừng trao cho nhau những ưu đãi của tử thần như vậy, đừng có cái kiểu ưu đãi cho các con em của chúng tôi như thế, chúng cần một môi trường tốt đẹp và có nhân văn để học hỏi và trưởng thành, chúng cần những thầy cô tử tế đúng với đạo lý để chúng noi gương. Lớp phụ huynh như chúng tôi cũng không cần những ưu đãi để khuyến khích giết chết con cháu chúng tôi như vậy. Việt Nam đã quá đủ những mất mát và đau thương, đã quá đủ những thân phận đọa đầy… Đã có quá nhiều nhà nghỉ, khách sạn, những vũ trường tăm tối theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, đã có quá nhiều bạo lực và bất an, đã có quá nhiều những dối trá lừa lọc lẫn nhau. đã có quá nhiều nghĩa trang thai nhi… Hãy xem đi, ngày nào mà chẳng có những vụ án kinh hoàng, ngày nào mà chẳng có 11
  • 12. những bi thương nhét đầy báo chí… Nên, xin hãy thôi đừng ưu ái dành cho nhau những điều bất nhân tàn bạo đến mức kinh hoàng này. Đaminh PHAN VĂN DŨNG LUYỆN NGỤC – LẦN ĐẦU TIÊN CON MỞ MẮT CHO TRỌN Bạn hãy tưởng tượng, khi sinh ra cho đến khi lớn lên, bạn chưa từng thấy ánh sáng hay màu sắc. Rồi với khoa học kỳ diệu, các bác sĩ chữa cho bạn được thấy. Bạn cảm nhận điều gì ngay lập tức khi mở mắt ra ? Kinh ngạc ? Hoang mang ? Say sưa ? Đau đớn ? Hay là tổng hợp các cảm xúc khó tả này ? Bây giờ thì chúng ta biết câu trả lời này. Loại giải phẫu này đã được thực hiện và chúng ta đã được nghe một vài phản ứng của các bệnh nhân khi họ được mở mắt và được thấy ánh sáng, màu sắc lần đầu tiên trong đời. Những cảm giác của họ lúc đó sẽ làm chúng ta vô cùng ngạc nhiên. Tôi đưa ra đây lời của J.Z. Young, một chuyên gia trong ngành chức năng não bộ mô tả như sau: “Khi được mở mắt, bệnh nhân chỉ rất ít hoặc hoàn toàn không vui thú gì, thật vậy, họ đối diện với cảm nghiệm đầu tiên này trong đau đớn. Trước mắt họ chỉ là một đống hỗn độn ánh sáng và màu sắc quay vòng vòng. Rõ ràng là với thị giác, họ gần như không thể cầm nắm đồ vật, nhận diện và gọi tên chúng. Họ không có khái niệm về không gian và vật thể, cho dù họ đã biết và xác định được tất cả mọi vật này bằng xúc giác. Có thể bạn sẽ nói: ‘Tất nhiên, họ phải mất chút thì giờ để học cách nhận biết chúng bằng thị giác.” Nhưng cái thì giờ đó không phải là một chút, mà là rất dài, có khi mất cả hàng nhiều năm. Bộ não của họ không được huấn luyện để tuân theo nguyên lý của thị giác. Chúng ta không ý thức được là có những nguyên lý như vậy, chúng ta nghĩ, chúng ta thấy, chúng ta nói là chuyện tự nhiên. Nhưng sự thật là suốt thời thơ ấu, chúng ta đã được học một loạt những nguyên lý như vậy.” ( Xem: Emilie Griffin, Souls in Full Flight, p. 143-144 ) Có lẽ những gì tôi vừa nói ở trên sẽ cho chúng ta một hình ảnh hữu ích tương đương với luyện ngục của Đạo Công Giáo Rôma. Có thể nào chúng ta hiểu được luyện ngục chúng ta chịu sau khi chết theo cách này hay không, cụ thể là xem luyện ngục như việc mở mắt và mở lòng chúng ta với ánh sáng và tình yêu quá toàn vẹn khiến chúng ta phải tái tiếp thu và tái nhận thức trong đau đớn hệt như người được chữa sáng ở trên, hay không ? Luyện ngục chính là lúc chúng ta được Thiên Chúa ôm trọn và trong hơi ấm cùng ánh sáng của Ngài, tất cả những khái niệm trần tục về tình yêu và hiểu biết của chúng ta trở nên quá tầm thường bé nhỏ, hệt như người mù bẩm sinh được mở mắt nhìn đời, chúng ta phải đau đớn đấu tranh trong ánh sáng quá đỗi huyền diệu đó để đập tan đến tận nền móng và xây dựng lại một cách sống động toàn bộ lối suy nghĩ và yêu thương của chúng ta, có thể hiểu như vậy hay không ? Liệu có thể hiểu luyện ngục không phải là sự thiếu vắng Thiên Chúa hay một dạng trừng phạt và trả nợ cho tội chúng ta phạm, mà là những gì xảy đến khi chúng ta được ôm trọn say sưa trong vòng tay Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu trọn hảo và Chân Lý toàn vẹn, hay không ? Quả thật, có phải là ba nhân đức đối thần Tin, Cậy, Mến đã cố để đưa chúng ta đến đời sống như thế hay sao ? Có phải đức tin là một nhận thức vượt trên những gì chúng ta có thể xác định được hay không ? Có phải đức cậy là neo giữ chúng ta vào một sự vượt ngoài những gì chúng ta có thể tự mình điều khiển và bảo đảm hay không ? Và chẳng phải đức mến là vươn mình ra ngoài những gì vốn nâng đỡ chúng ta hay không ? Khi mô tả về thân phận con người trên trần thế, Thánh Phaolô đã nói rằng, ở đây, trong đời này, chúng ta chỉ nhìn thấy “qua một tấm gương mờ tối” nhưng ở đời sau, chúng ta sẽ được thấy “mặt đối mặt”. Khi mô tả tình trạng trần thế hiện thời của chúng ta, rõ ràng ngài đã nhấn mạnh một sự mù tối nhất 12 CÙNG NGHIỆM SINH
  • 13. định, một bóng đêm thời còn phôi thai, và sự bất lực – không thể thực sự nhìn thấy mọi vật như chính bản chất thực của chúng. Và một điểm quan trọng nữa phải lưu ý đó là những lời trên, ngài đã nói trong văn cảnh muốn chỉ cho chúng ta rằng ngay trong đời này, đức tin, đức cậy, đức mến giúp chúng ta dần dần khai mở khởi tấm mạng mù tối đó. Dĩ nhiên chỉ có những nghi vấn, gây bối rối cho cả Tin Lành lẫn Công Giáo. Nhiều người Tin Lành và phái Phúc Âm bác bỏ hoàn toàn khái niệm luyện ngục, vì theo Kinh Thánh thì chỉ có hai nơi bất diệt là thiên đàng và địa ngục. Ngược lại, nhiều người Công Giáo Rôma lại thấy không ổn khi người ta không nhìn nhận luyện ngục là một nơi hay một tình trạng tách biệt với thiên đàng. Nhưng khi nhận thức luyện ngục như một cách mở ra toàn vẹn cho đôi mắt và tâm hồn, đến đỗi làm cho chúng ta tái nhận thức vạn vật trong đau đớn, khi đó chúng ta có thể có được một khái niệm dễ chấp nhận hơn đối với cả Tin Lành và phái Phúc Âm, đồng thời cũng giúp thay đổi quan điểm phần nào sai lầm về luyện ngục của các tín hữu Công Giáo Rôma. Luyện ngục thực sự chỉ có được nhờ tình yêu, vì chỉ khi nào chúng ta cảm nhận được vòng tay ôm trọn thực sự của tình yêu, lúc đó chúng ta mới nhận ra được tội lỗi của mình, và lần đầu tiên trong đời, dấn mình vào trong năng quyền để thắng vượt khỏi tội lỗi đó. Duy chỉ ánh sáng mới xua tan bóng đêm và chỉ có tình yêu mới xóa bỏ tội lỗi. Thánh nữ Têrêxa thành Lisieux đã cầu nguyện như thế này: ‘‘Xin hãy phạt con bằng một nụ hôn !’’ Chỉ có vòng tay ôm trọn của tình yêu hoàn hảo mới là luyện ngục đích thực của tội lỗi, vì chỉ khi được nằm trọn trong tình yêu, chúng ta mới thực sự nhận thức được tội của mình, và chỉ khi đó chúng ta mới có được khát mong, năng thị, và sức mạnh để sống trong tình yêu và chân lý. Nhưng khi thả mình vào trong tình yêu và ánh sáng đó, thì luôn luôn, chúng ta sẽ cảm nhận được cùng lúc say mê và hoang mang, ngây ngất và rối bời, thần kỳ và tận khổ, hân hoan và đau đớn. Thật vậy, chính đó mới là luyện ngục. RON ROLHEISER, Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm PHONG CÁCH PHANXICÔ Bài 20. Đức Kitô là đường đi chung của tất cả mọi người Vào khoảng cuối thập niên 1930, có 3 chàng trai loai choai ngổ ngáo coi trời bằng vung nhảy ùa lên một chuyến xe bus vắng người tại thành phố Detroit. Ngoài họ ra, chỉ có một hành khách ngồi lẻ loi ở hàng ghế cuối. Ngứa tay ngứa chân họ muốn kiếm chuyện đánh anh ta một trận. Họ chửi rủa khiêu khích nhưng anh không phản ứng. Được thể, họ càng chửi vung vít hơn nhưng anh vẫn im thin thít. Khi tới trạm, anh đứng dậy, người cao lớn cuồn cuộn cơ bắp lực lưỡng vô cùng ấn tượng chứ không phải nhỏ thó mảnh mai yếu đuối mà họ lầm tưởng như khi còn ngồi tại ghế. Anh trao cho họ danh thiếp và bước xuống xe. 3 chàng trai đã kinh hồn bạt vía với hàng chữ: Joe Louis ( xem hình ), Võ sĩ vô địch thế giới quyền Anh siêu nặng ( Danh hiệu giữ vững từ 1937 đến 1949 ). Đây là giai thoại John Dickson, nhà cổ sử học tại Macquarie University, tác giả tác phẩm Investigating Jesus: An Historian's Quest ( Tìm biết về Đức Giêsu trong vai trò một sử gia ) thích dùng để ví von sự vững mạnh thầm lặng của Đức Giêsu trước sự huênh hoang ồn ào của đám sử gia nông cạn thường rêu rao là Người chỉ là sản phẩm hoang tưởng của Đạo Kitô. Họ giống như ba chàng trai kiêu căng với một ít kiến thức nhỏ nhoi của mình, biết một mà không biết mười, đi lạc vào thế giới quyền Anh siêu nặng và mù quáng thách đấu với nhà vô địch thế giới, yên trí rằng ta đây có thể tiêu diệt con người Giêsu lịch sử. Lập luận chính mà họ đưa ra là, nếu Tin Mừng là một câu chuyện có thật và Đức Giêsu đã là một con người có thật và đã sống trên trần gian này, thì những sử gia Rôma nổi bật vào thời đó đã phải đề cập ít nhiều về Người. Richard Dawkins là một sử gia như thế khi đưa ra một luận chứng lịch sử nghiêm túc ( a serious historical case ) là Giêsu “chưa hề bao giờ sống trên trần gian”. Ông đã nhận được sự hò reo tán đồng của nhiều người. Michael Cathcart, phóng viên của ABC Radio National, cũng mon men đi vào võ đài 13 CÙNG NHẬN ĐỊNH
  • 14. siêu nặng khi tuyên bố: “Trong khi không ai dám bàn cãi rằng Mohammed ( người lập ra Hồi Giáo ) là một nhân vật lịch sử có thật, thì Đức Giêsu có phải là một người thật hay không thì vẫn còn rất mơ hồ.” Tôi ( John Dickson ) đã đưa ra lời thách thức công khai là nếu bất cứ ai tìm ra được một giáo sư cổ sử hay Thánh Kinh nào của một trường đại học uy tín ( accredited ) bất kỳ trên khắp thế giới dám cho rằng Giêsu chưa bao giờ sống trên trần gian này, tôi sẽ ăn hết chương 1 Tin Mừng theo Thánh Mátthêu trong cuốn Thánh Kinh của tôi. Một năm sau, dù cho Cathcart gởi lời thách thức của tôi cho 60 ngàn bạn Twitter của ông, cuốn Thánh Kinh của tôi vẫn còn nguyên vẹn. Dĩ nhiên, có một số lập luận rất mạnh mẽ chống lại Lòng Tin Kitô như sự phi lý của phép lạ, sự hiện hữu của ma quỷ và hỏa ngục, nguyên nhân của đau khổ... Những điều này cần đến một tầm nhìn rất sâu sắc và trưởng thành và là phạm trù võ đài quyền Anh siêu nặng. Nhưng nếu vì thế mà cho rằng Đức Giêsu chỉ là sản phẩm tôn giáo ảo tưởng chứ không phải là một nhân vật có thật đã sống vào thế kỷ thứ nhất thì đã mặc nhiên công nhận chính mình là một tay mơ thứ thiệt ( hết trích John Dickson ). Sau 1975, ta thường gặp vô số bài viết có nội dung hàm hồ trên báo đài và sách giáo khoa dạy học sinh. Nhà Nước còn lập ra Ban ( chống ) Tôn Giáo, dịch sang tiếng Anh là Công An Tôn Giáo – religious police. Đến ngày tận hôm nay người ta còn không tiếc tiền để lập hẳn nên một số website có tôn chỉ: ( Trích ) Vận động toàn dân trong nước và hải ngoại quyết tâm cùng quân đội và Nhà Nước Việt Nam hoàn thành ước mơ dân tộc là chiến thắng Điện Biên văn hóa: giải trừ giặc áo đen Vatican, giặc áo đen bản địa và giặc Tin Lành ( ngày 15.9.2014 http://dongduongthoibao.net ) Một đàng, muốn bàn về con người Giêsu lịch sử, cần đến cả cuộc đời miệt mài nghiên cứu cổ sử, khảo cổ, ngôn ngữ và văn hóa cổ của các dân tộc Do Thái, Hy Lạp, Rôma, Iraq, Iran… phải rất am tường Thánh Kinh ( cuốn sách dầy hàng ngàn trang, do 40 tác giả viết bằng 3 ngôn ngữ cổ Hebrew, Aramaic và Hy Lạp trong thời gian kéo dài 2.000 năm ). Càng đi vào cõi tri thức vô tận này thì lại càng nhận ra sự hiểu biết của mình rất giới hạn giống như một tay mơ đang mon men bước lên võ đài siêu nặng. Đàng khác, tìm cách tiếp cận Giêsu như một nhà nghiên cứu khoa học xã hội như thế cũng chẳng bao giờ gặp được Người. Không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha ( Mt 11, 27 ). Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy ( Ga 6, 44 ). Nếu có gặp thì cũng chỉ muốn tiếp tục đóng đinh Người. ( Trích ) Khi Công Giáo du nhập vào Việt Nam, tôn giáo này đã mê hoặc được một lớp tín đồ thuộc thành phần thấp kém nhất của xã hội Việt Nam, nổi tiếng là “đã phi dân tộc thì thể nào cũng phản dân tộc.” Và sau cùng, một tôn giáo mà các con chiên phải tuyệt đối tuân phục các “bề trên” và được dạy để mà tin không cần biết, không cần hiểu, có nghĩa là một tôn giáo trong đó lý trí trở nên thừa thãi, thì không thể gọi là một tôn giáo giúp tín đồ khai sáng tâm linh. ( Nguồn: http://tongiaovadantoc.com/c1043/20140214110229562/giao-su-tran-chung-ngoc-tam- su-voi-chung-ta-trong-nhung-ngay-cuoi.htm ) Không biết những người khác ra sao, riêng bản thân tôi phải khiêm tốn nhìn nhận hai bên nội ngoại từ mấy đời trước đúng là thành phần thấp kém nhất, vừa nghèo vừa quê mùa ít học. Nhưng tổ tiên đã theo Công Giáo đúng là một hồng ân. Thời trước 1954, ở làng quê Bắc Việt làm gì có báo đài để theo dõi thời sự. Nhà nào cũng chỉ có mái tranh vách đất và vài ba sào ruộng, nguồn nước sinh hoạt chính là nước mưa hoặc nước kênh. Năm 1995, tôi quay về làng cũ thì không khác gì vào 40 năm trước theo lời cha mẹ kể lại. Đùng một cái ông bà tôi nghe nói muốn giữ được đạo thì phải di cư vào Miền Nam. Thế là họ bỏ hết gia nghiệp mà chạy trốn. Rồi ở vùng đất mới lại cũng lập nên làng xóm quây quần bên Nhà Xứ. Đến năm 1975 gặp lại bà con họ hàng Miền Bắc thì thấy rất tội nghiệp vì không những họ quá nghèo mà tâm trí rất u mê về nhiều sự. Rồi rất đông người Công Giáo lại dứt khoát vượt biên lần thứ hai. Bây giờ họ chiếm đến hơn 30% số người gốc Việt tại Hoa Kỳ, trong khi tỷ lệ tại Việt Nam chỉ là 6%. Cứ đến bất kỳ một Giáo Xứ Việt Nam nào mỗi Chúa Nhật sẽ thấy mọi người đều đi xe hơi, nhìn bữa ăn của họ mà choáng váng ( con gà làm sẵn mua về luộc lấy nước nấu phở còn cả con gà thì vất vào thùng rác không thương tiếc ), nói chuyện với họ sẽ biết nhiều người có nhà cao cửa rộng ( nhà ở vùng 14
  • 15. Westminster, California có giá hàng triệu đô ), con cái là bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, giáo sư, manager… với mức lương hàng trăm ngàn đô trong một năm, mà làm công nhân bình thường hay làm nail đi nữa thì mức sống cũng cao hơn gấp bội đa số đồng bào trong nước. Lâu lâu họ lại rủ nhau đi hành hương Jerusalem, Roma, Lourdes. Mỗi chuyến đi tốn tới 5 ngàn đô. Các Linh Mục Tu Sĩ từ Việt Nam thường xuyên sang lạc quyên ( các cán bộ Nhà Nước sang công tác thì lại lén lút không dám cho ai biết ). Lợi tức trung bình hàng năm của một gia đình gốc Á là 63.400 USD trong khi mức trung bình toàn quốc chỉ là 49.600 USD. Năm 2013 người Việt hải ngoại, phần lớn tại Hoa Kỹ, đã gởi về giúp thân nhân 11 tỷ dollars. ( Hình Nhà Thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam tại Sacramento, California ) Cá nhân tôi ( chắc chắn nhiều người khác cũng thế ) nhìn lại cuộc đời mình luôn nhận ra có bàn tay Chúa dẫn đưa phụ trì mình trong mọi chặng đường. Sau 1975, dù rất muốn đi làm đi học nhưng tôi vẫn ghi vào lý lịch là “Thiên Chúa Giáo”. Mười mấy năm sau vẫn còn ngồi nhà chơi không vì chẳng thể kiếm được việc làm. Nhưng đám bạn đồng trang lứa nhận mình là “không tôn giáo” và trở thành ông này bà nọ, nếu chưa chết do ăn nhậu quá nhiều cũng đi tù vì tham nhũng, gia đình tan nát, con cái lâm vào các tệ nạn và nhiễm vào các bệnh nạn y. Mỗi Ngày Thánh Mẫu hàng năm do Dòng Đồng Công ( hình kính kèm năm 2014 ) tổ chức tại bang Missouri quy tụ đến năm bẩy chục ngàn người gốc Việt. Không ai là không nhận ra nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, cá nhân mỗi người và gia đình, đã nhận được Chúa ban cho biết bao hồng ân từ khi mới sinh cho tới ngày nay. Họ hòa ca rất sốt mến: "Xin chân thành cảm tạ, tình thương Chúa thắng oan khiên. Xin chân thành cảm mến, hồng ân Chúa thắng nguy nan" ( Hải Linh – Tán Tụng Hồng Ân ). Tuy nhiên, những công kích gay gắt nhắm vào Công Giáo nhiều khi cũng xác đáng vì, phần nào đó, cách giữ đạo của ta, ngôn từ trong đạo của ta, dễ tạo nên hiểu lầm, phản cảm, gây nên phân cách với đồng bào ta không cùng Lòng Tin. Phải có gì đó thiếu sót nơi ta để cho sau 400 năm Tin Mừng được loan báo đến Việt Nam, tỉ lệ Kitô Hữu trong toàn dân vẫn dậm chân tại chỗ là 6%. Đâu là điểm ta cần thành tâm nhận ra, thống hối, và nhất là cố gắng cải thiện để Tin Mừng được tỏa sáng ? Tại Hàn Quốc, với nền văn hóa rất giống Việt Nam, Tin Mừng được đón về, chứ không phải được loan báo vì người Hàn Quốc bắt đầu tự tìm hiểu Tin Mừng tại Trung Quốc và truyền đạt lại cho đồng bào vào năm 1603, gần với thời gian Tin Mừng được loan báo tại Việt Nam. Họ cũng gặp những gian nan thử thách không kém gì ta. Thế mà hiện nay số Tín Hữu đã vượt 20% trong tổng số 50 triệu dân. Họ còn cử đi 16 ngàn người đi loan báo Tin Mừng tại các nước khác. NGUYỄN TRUNG ( Còn tiếp nhiều kỳ ) LAO ĐỘNG ĐỨC TIN Lao động chân chính là dùng sức mình để làm việc có mục đích tốt và có ý thức. Lao động không chỉ là cách mưu sinh mà còn là cách trau dồi sức khỏe, đặc biệt là tránh dịp tội: “Nhàn cư vi bất thiện”. Lao động chân tay hoặc lao động trí óc đều cần thiết, có giá trị nhất định, không ai hơn ai. Chỉ có lòng người xấu chứ không có nghề nào xấu. Người chịu khó lao động là người biết tự trọng, không ỷ lại vào người khác, tức là không ích kỷ, là một dạng phục vụ, và cũng là một cách giúp đỡ người khác. Đối với những người lười biếng, Thánh Phaolô nói thẳng: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn” ( 2 Tx 3, 10 ). Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ban hành Thông điệp “Rerum Novarum” ( Tân Sự ) của Đức Lêô XIII ( 1810 – 1903 ), ban hành ngày 15.5.1891, Đức Gioan Phaolô 2 ( 1920 – 2005 ) đã có Thông Điệp “Laborem Exercens” ( Lao Động của Con Người ), ban hành ngày 14.9.1981, nói về Tin Mừng trong sự lao động, trong công việc. Điều đó cho thấy sự lao động là hoạt động quan trọng, cả thể lý và tâm linh. Thật vậy, Thiên Chúa đã dạy chúng ta qua cách hoạt động của Ngài: Lao động 6 ngày, chỉ nghỉ 1 ngày cuối tuần ( x. St 1, 1 – 31 – 2, 1 – 3 ). 15 CÙNG CHIA SẺ
  • 16. Khi lao động, chúng ta tự hoàn thiện mình bằng cách đi tìm Chân-Thiện-Mỹ, tức là đi tìm chính Thiên Chúa, vì chỉ có Thiên Chúa là Đấng chí thiện ( x. Mc 10, 18 ). Thật vậy, ngôn sứ Êdêkien đã từng nhắn nhủ: “Hãy tìm Đức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên” ( Is 55, 6 ). Ở dưới bầu trời này, cái gì cũng chỉ có một thời mà thôi ( x. Gv 3, 1 – 8 ). Vì thế, đừng lần lữa kẻo lỡ cơ hội: “Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với Đức Chúa, và Người sẽ xót thương, về với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ” ( Is 55, 7 ). Đừng đợi nước đến chân mới nhảy, nếu không thì sẽ không kịp, ngay cả “Giờ Thương Xót” cũng đang dần thu ngắn lại, nghĩa là sắp hết rồi đấy ! Đừng chần chừ, đừng ngần ngại, đừng sợ hãi, vì Thiên Chúa hứa: “Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại, lúc ngặt nghèo, có Ta ở kề bên. Ta giải cứu và ban nhiều vinh dự, cho sống lâu, tuổi thọ dư đầy và hưởng ơn cứu độ Ta ban” ( Tv 91, 15 – 16 ). Ngài không chỉ lắng nghe và đáp lại, mà Ngài còn ban cho chúng ta hơn cả điều chúng ta mong đợi. Thật là trên cả tuyệt vời, chắc chắn chẳng có thần linh nào ngoài Thiên Chúa chúng ta tôn thờ! Phàm nhân chúng ta không thề nào hiểu hết lòng thương xót của Thiên Chúa, ngay cả tình mẫu tử của người mẹ trần gian mà chúng ta còn chưa hiểu hết thì làm sao có thể hiểu Thiên Chúa: “Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” ( Is 55, 8 – 9 ). Ngày xưa, người ta so sánh điều không tưởng với chuyện lên cung trăng, tức là chuyện không thể có. Thế mà ngày nay, người ta đã có thể lên cung trăng, có thể “lên trời”, nhưng đó chỉ là một góc nhỏ của trời mà thôi. Khoa học tiến bộ vượt mức, người ta tìm mọi cách để “khám phá” bầu trời, nhưng càng khám phá thì người ta càng thấy thăm thẳm, còn biết bao nơi người ta không biết là gì nên chỉ biết mô tả là “lỗ đen” ( black holes ). Thiên Chúa siêu hơn cả siêu việt, tuyệt hơn cả trác tuyệt, hơn cả tuyệt luân. Chúng ta chỉ còn biết xưng tụng Thiên Chúa: “Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời. Chúa thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng. Người cao cả khôn dò khôn thấu” ( Tv 145, 2 – 3 ). Càng tìm hiểu vũ trụ, người ta càng nhận biết Thiên Chúa. Càng tìm hiểu Thiên Chúa, chúng ta càng kính thờ và tạ ơn Thiên Chúa. Đó chính là hành trình Đức Tin, là quá trình lao động Đức Tin, hoặc lao động tâm linh. Thiên Chúa cao vời khôn ví, nhưng Ngài lại giàu lòng xót thương với mọi người, ai càng yếu thì Ngài càng thương: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên” ( Tv 145, 8 – 9 ). Đúng như Thánh Phaolô đã xác định: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” ( Rm 5, 20 ). Hãy vững lòng tin tưởng và mau mắn đứng dậy ngay ! Thiên Chúa vô tiền khoáng hậu, vô thủy vô chung, và yêu thương vô bờ bến, nhưng Ngài cũng rất thẳng thắn: “Chúa công minh trong mọi đường lối Chúa, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm. Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa, mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người” ( Tv 145, 17 – 18 ). Vấn đề không phải là tội nhiều hay tội ít, vì ai cũng chỉ là tội nhân mà thôi, chẳng ai hơn ai, nhưng vấn đề là có chân thành sám hối hay không: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi ( Mt 9, 13 ). Ngài thực sự chỉ muốn tình yêu chứ không muốn hy lễ ( x. Hs 6, 6 ). Ước gì không ai trong chúng ta phải nghe lời “nói nặng” của Chúa: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” ( Mt 15, 8; Mc 7, 6 ). Người Pháp có câu châm ngôn khá độc đáo: “Đừng vì yêu mến Chúa mà chống đối người khác”. Vào thời Thánh Phaolô, có những kẻ rao giảng về Đức Kitô chỉ vì lòng ganh tị và tranh chấp, những cũng có những người làm công việc đó vì ý ngay lành, họ làm vì bác ái và bênh vực Tin Mừng. Lại có những người loan báo Đức Kitô vì tính ưa tranh giành, không có lòng ngay. Nhưng Thánh Phaolô vẫn bảo là “không sao”, chỉ cần Đức Kitô được rao giảng. Thánh Phaolô mừng bởi vì điều ấy sẽ giúp ngài đạt được ơn cứu độ nhờ Thần Khí của Đức Giêsu Kitô phù trợ. Cuối cùng, Thánh Phaolô nói: “Đó là điều tôi đợi chờ và hy vọng. Sẽ không có gì làm cho tôi phải hổ thẹn, trái lại tôi hoàn toàn vững tin. Bây giờ cũng như mọi lúc, Đức Kitô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết: vì đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 1:20-21). Ngài lý giải: “Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần: nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em” ( Pl 1, 22 – 24 ). Vấn đề cốt lõi là miễn sao có lợi cho Thiên Chúa, tức là để tuân phục Thánh Ý Chúa và vinh danh Chúa” mà thôi. Cũng vì thế mà Thánh Augustinô đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con – Domine, noverim Te, noverim me”. Biết Chúa là chân nhận Thiên Chúa là 16
  • 17. Đấng duy nhất và giàu lòng thương xót để mà tôn thờ Ngài hết linh hồn và hết sức lực, biết mình là ý thức mình yếu đuối và đầy tội lỗi để mà sống khiêm nhường hơn. Danh nhân Mahatma Gandhi rất thích Tám Mối Phúc của Chúa Giêsu, ông gọi đó là Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên của nhân loại. Ông có công giành độc lập cho Ấn Độ bằng con đường bất bạo động theo tinh thần của Đức Kitô. Ông đã từng xác nhận thẳng thắn: “Tôi yêu mến Đức Kitô nhưng tôi không phục các Kitô hữu”. Tại sao ? Có lần ông vào một Nhà Thờ Công Giáo, ngoài cửa có ghi: “Cấm người da đen vào Nhà Thờ”. Thấy vậy, Gandhi quay ra ngay. Là Kitô hữu, là môn đệ Chúa Giêsu và là con cái Thiên Chúa, chúng ta cảm thấy thật là xấu hổ, vì chúng ta bảo người ta yêu thương mà mình lại kỳ thị người khác, chỉ lẻo mép nói hay mà không thực hiện. Nước Chúa chưa rộng mở là lỗi tại tôi mọi đàng ! Thánh Phaolô nhắn nhủ với cộng đoàn Philíp: “Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Kitô. Như thế, dù tôi có đến thăm anh em hay vắng mặt đi nữa, tôi vẫn muốn được nghe người ta nói về anh em là anh em luôn đứng vững, cùng chung MỘT tinh thần, MỘT lòng MỘT dạ cùng nhau chiến đấu vì đức tin mà Tin Mừng mang lại cho anh em” ( Pl 1, 27 ). Và chắc chắn đó cũng là lời khuyên dành cho mỗi chúng ta hôm nay. Trên hành trình Đức Tin, ai cũng là người lao động Đức Tin vì mỗi chúng ta đều là “người thợ làm vườn nho” cho Chúa. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là đừng so đo hoặc ganh tị mà nhìn nhau bằng nửa con mắt hoặc với “ánh mắt mang hình viên đạn”. Một hôm, sau khi nói về phần thưởng dành cho ai bỏ mọi sự mà theo Ngài, Đức Giêsu kết luận: “Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu” ( Mt 19, 30 ). Thật là đáng “giật mình” lắm ! Rồi Ngài kể chuyện này: Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, giờ thứ sáu, giờ thứ chín, rồi giờ mười một, ông trở ra và thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Với ai ông cũng bảo: “Hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng” ( Mt 20, 4 ). Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất. Những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn ông chủ bất công, họ so kè việc họ đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, nắng nôi thiêu đốt, thế mà chẳng hơn gì người vào làm muộn. Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao ? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao ? Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức ?” ( Mt 20, 13 – 15 ). Trong cuộc sống, ngay cả trong vấn đề tâm linh và bác ái, chúng ta cũng vẫn thường so đo đủ thứ, ý muốn nói mình “ngon” hơn người khác. Và nếu Chúa Giêsu đặt vấn đề như vậy với chúng ta về vấn đề này, chắc chắn chúng ta cũng chỉ còn nước là “câm như hến” mà thôi ! Há miệng mắc quai nón. Càng nói càng dở, càng lý luận càng đuối lý. Thấy họ im như thóc thối, Chúa Giêsu lặp lại và nhấn mạnh: “Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót. Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít” ( Mt 20, 16 ). Không khéo thì rồi sức lao động trở thành công cốc ! Chúa Giêsu đã mời gọi mọi người tin vào Ngài là Đấng Cứu Độ để được sống đời đời, nhưng chỉ ít người được chọn. Động từ “chọn” ở đây không là “thích ai thì chọn”, mà “chọn” ở đây là tùy vào quyết định riêng của người được gọi với đầy đủ quyền tự do. Sự tự do này là chính Thiên Chúa ban cho chúng ta, nhưng có thể có lợi, và cũng có thể bất lợi cho chúng ta. Vì đó là ý muốn của mỗi người, Thiên Chúa hoàn toàn tôn trọng quyền tự do này. Phải chăng không nhiều người được vào Nước Trời ? Rất có thể, và đó là lỗi của chúng ta chứ Thiên Chúa muốn mọi người được hưởng phúc trường sinh với Ngài, không muốn bất cứ một ai phải hư mất. Mối nguy là chúng ta ỷ lại, tự cho mình là “ngon” hơn người khác, nhận mình là đạo đức, thánh thiện và công chính, để rồi “liếc xéo” và cho rằng họ là những người tội lỗi, nào ngờ họ lại có Visa Nước Trời trước chúng ta ( x. Mt 21, 31 – 32 ). Khốn thật ! 17
  • 18. Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết miệt mài và cần cù sống Đức Tin một cách cụ thể, luôn biết khiêm nhường, luôn hết lòng yêu thương và chân thành tha thứ. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen. TRẦM THIÊN THU BỨC THƯ CỦA CẬU BÉ HỌC SINH NGHÈO “Em viết dòng này trong lúc đợi bàn tay chai sạn của cha xách xô vữa cuối cùng và đợi bàn tay gầy guộc của mẹ nhặt nhạnh nốt những túi nylon, những vỏ bia, vỏ nước ngọt còn sót lại sau những bữa liên hoan… Thưa thầy cô, mỗi lần cầm giấy báo nộp khoản tiền này, tiền kia, ánh mắt bố mẹ em chứa đầy ưu tư lo lắng. Sau những đêm thao thức tính toán, bố mẹ chúng em như già đi thêm vài tuổi. Năm nay, đứa em trai của em thi đỗ vào lớp 10 trường mình, gánh nặng ăn học của chúng em lại càng đè nặng lên đôi vai chín rạn của cha mẹ. Nhiều lúc, thương cha mẹ, em đã định bỏ học nhưng bố mẹ luôn động viên em, cho dù phải bán máu của mình cha mẹ cũng lo đủ tiền cho chúng em đóng góp… Em xin thầy cô cho em của em không phải đóng tiền ghế nhựa. Em xin nhường chiếc ghế nhựa em đã đóng tiền hồi lớp 10 cho em. Em xin kê dép ngồi cũng không sao đâu, thưa thầy cô. Chúng em xin thầy cô miễn cho chúng em tiền nước uống. Chúng em hứa sẽ uống no nước ở nhà để không phải uống nước mà mình không có đủ tiền để đóng. Hàng ngày, vào những lúc ra chơi, chị em em xin phép thầy cô được mang chổi, gầu hót rác đến trường quét dọn để không phải đóng khoản tiền vệ sinh…” TÙNG LÂM ĐỖ HỒI GIÁO, BẠO ĐỘNG, VÀ BẢN TÍNH CỦA THIÊN CHÚA Mặc dù chủ đề bạo động trong Hồi Giáo là vấn đề gây nhiều tranh cãi, Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI đã đặt nó ở trung tâm của cách cư xử đối với việc nhận biết Thiên Chúa trong bài giảng của ngài tại Regensburg, ngày 12.9.2006, về sự hiểu lầm và trình bày sai. Nói đơn giản, quan niệm sai về bản tính Thiên Chúa có thể dẫn tới hành động sai trái về tôn giáo, như khủng bố và giết người dã man, ngược với bản tính và Ý Chúa. Điển hình là vụ khủng bố tòa tháp đôi WTC ( World Trade Center – Trung tâm Thương Mại Thế Giới ) ngày 11.9.2001, hoặc nhóm quá khích Hồi Giáo ISIS ( Islamic State of Iraq and Syria ) đã sát hại các Kitô hữu ở Iraq và các nước khác. Người Công Giáo vẫn luôn cố gắng tìm cách đối thoại hòa bình và thân thiện với Hồi Giáo. Các Kitô hữu và các tín đồ Hồi Giáo có tôn thờ cùng một Thiên Chúa ? Một số các nhà biện giải tôn giáo ( apologists ) là Kitô hữu và các bloggers cũng đã nêu lên vấn đề này. Tiểu luận này tóm lược và bình luận về sự tranh luận này. Hiện nay có một số ý nghĩ cho rằng vấn đề này đòi hỏi sự trợ giúp của triết học: 18 CÙNG TRĂN TRỞ CÙNG PHÂN TÍCH
  • 19. Chúng ta biết đúng về Thiên Chúa bằng cách nào, hoặc nói chính xác hơn, chúng ta hiểu sai về Thiên Chúa như thế nào ? CÁC CUỘC TRANH LUẬN Điểm đầu tiên diễn tả vấn đề này là bài viết của Tim Staples: “Do Muslims Worship the Same God Catholics Do ?” ( Người Hồi Giáo có Tôn thờ cùng Một Thiên Chúa như Người Công Giáo ? ). Staples cố gắng chú ý sự cân bằng đúng đắn về những gì Hồi Giáo hiểu đúng và sai. Ông trích dẫn hai câu quan trọng về chủ đề này, Giáo Lý Công Giáo ( GLCG ) và Tuyên ngôn Nostra Aetate ( Thời Đại Chúng ta, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, 28.10.1965, Tuyên ngôn về mối quan hệ giữa Giáo Hội và các Tôn giáo ngoài Kitô Giáo ), có vẻ có sự tranh luận: “Giáo Hội vẫn kính trọng người Hồi Giáo. Họ cũng tôn thờ một Thiên Chúa, sống và tồn tại trong Ngài; nhân từ và toàn năng, Đấng tạo dựng trời đất và nói với con người”. Staples biết rằng các tín đồ Hồi Giáo hiểu sai nhiều về Thiên Chúa và ý Ngài dành cho con người, do đó, họ đưa ra sự thỏa hiệp về Hồi Giáo. Như vậy, người Công Giáo chúng ta phải cẩn thận phân biệt giữa việc người Hồi Giáo tin vào một Thiên Chúa, “sống và tồn tại trong Ngài; nhân từ và toàn năng, Đấng tạo dựng trời đất” và việc họ hiểu sai – rất sai – khi nói rằng Thiên Chúa mặc khải chính Ngài trong Tân ước và các điều Ngài truyền dạy dân Ngài. Thiết tưởng rằng Staples rất đúng về cách lý giải này. Nhưng vấn đề dưới đây còn xa hơn điểm thứ nhất, đặt vấn đề là nếu chúng ta có nên đồng ý với Hồi Giáo hay không. Điểm thứ hai là bài viết của Mark Shea: “When Better Than the 4th of July to Talk About Religious Liberty” ( Đàm phán về Tự do Tôn giáo vào lúc nào tốt hơn ngày 4 tháng Bảy ), trong đó ông nói về điểm tương đồng trong niềm tin Kitô Giáo và Hồi Giáo. Một sự dối trá nguy hiểm là vụ tấn công khủng bố WTC vào ngày 11.9.2001, nhiều người Công Giáo vẫn nhớ và cho rằng người Hồi Giáo “tôn thờ một Thiên Chúa khác”, mặc dù giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo nói rõ: 841. QUAN HỆ CỦA GIÁO HỘI VỚI HỒI GIÁO: “Kế hoạch cứu độ cũng bao gồm những người nhận biết Đấng Tạo Hóa, trong vị trí đầu tiên giữa họ là người Hồi Giáo; những người này tuyên xưng Đức Tin của Ápraham, và cùng với chúng ta, họ tôn thờ cùng một Thiên Chúa, Đấng nhân từ, Đấng phán xét nhân loại vào ngày tận thế” [ GLCG, trích dẫn Thông điệp Lumen Gentium, số 16 ]. Nhiều người Công Giáo phản động ( Reactionary Catholics ) phản đối giáo huấn này của Giáo Hội và cố gắng giả vờ rằng Thiên Chúa và Đấng Allah là “hai Chúa khác nhau”. Vấn đề này gấp đôi. Thứ nhất, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, không có hai. Thứ hai… Allah chỉ là từ ngữ Ả Rập để chỉ Thiên Chúa – như chữ “Dieu” của người Pháp, chữ “Gott” của người Đức, và chữ “Deus” của người Latin. Một số người cho rằng vì người Hồi Giáo không tin Tam Vị Nhất Thể ( Chúa Ba Ngôi, non- Trinitarian ), họ không tôn thờ cùng một Thiên Chúa như các Kitô hữu. Vấn đề là người Do Thái cũng không tin Chúa Giêsu có thần tính. Đó là vì các Kitô hữu như vậy nhận thấy rằng bạn có thể tôn thờ Thiên Chúa trong khi chưa hiểu về Ngài – nếu bạn là người Do Thái. Nhưng vì sự giận dữ về ngày 11 tháng 9 và các trọng tội khác của Hồi Giáo, họ từ chối người Hồi Giáo – và nói như thể có nhiều Chúa chứ không chỉ có một Chúa được hiểu theo nhiều cách hiểu. Tác giả Shea đã chống lại sự phản động là muốn loại bỏ mối quan hệ với Hồi Giáo trong niềm tin vào Đấng Allah đối với Thiên Chúa thật. Cũng có vấn đề với cách lý luận của tác giả. Thứ nhất, nếu bạn tôn thờ cùng một Thiên Chúa mà lại hiểu sai bản tính của Thiên Chúa, như vậy Thiên Chúa có thực sự được tôn thờ ? Chỉ có một Thiên Chúa không có nghĩa là một số người tôn thờ vị Chúa khác theo hư cấu mà họ tạo ra và gọi là “Thiên Chúa” ( chẳng hạn giáo phái Mormon, tên chính thức là “Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô của các Thánh ngày sau hết”, đạo này do Joseph Smith lập ra năm 1829 – phát âm theo Việt ngữ là Mặc Môn ). Thứ hai, chữ “Allah” có thể được dùng để chỉ “Thiên Chúa” trong tiếng Ả Rập, không có nghĩa là những người dùng từ này có cùng một ý nghĩa. Có thể có, nhưng từ ngữ phổ thông không bảo đảm điều đó. Thứ ba, có sự khác biệt giữa việc người Do Thái duy trì sự mặc khải thật và giao ước của Thiên Chúa ưu tiên giới thiệu tín lý về Chúa Ba Ngôi và việc hình thành Hồi Giáo sau cuộc mặc khải này khi minh nhiên từ chối tín lý này. Phải nói rằng người Do Thái tin vào Thiên Chúa thật vì chúng ta biết rằng Cựu Ước là sự mặc khải thật về Thiên Chúa. Cũng có thể nói rằng tin vào Chúa Ba Ngôi là mặc nhiên có trong Cựu ước và không minh nhiên từ chối tín lý này, người ta có thể mặc nhiên giữ ( như Thánh Thomas Aquinas tranh luận về các Giáo Phụ trước khi có sự Nhập Thể ). Điều này hơi khác với Hồi Giáo, như Mohammed biết giáo huấn về Chúa Ba Ngôi và minh nhiên từ chối, như chúng ta thấy ghi trong Kinh Koran: “Vậy hãy tin vào Thiên Chúa và các giáo huấn của Ngài, và đừng nói về Tam Vị Nhất Thể” ( sura 4 [An-Nisa], ayat 17 ). 19