SlideShare a Scribd company logo
1 of 31
E-mail: gxmehangcuugiup@gmail.com Website: www.trungtammucvudcct.com
"ANH NẰM XUỐNG…"
“Em nào mà gặp Soeur này, chắc chắn sẽ xin đi tu
thôi”. Người bạn cùng đi với chúng tôi thốt lên như vậy. Hẳn
tôi không nghĩ như thế nhưng một ngày làm việc với nhau,
người Nữ Tu này đã để lại nơi tôi nhiều cung bậc cảm xúc.
Người bạn cùng đi với chúng tôi nói tiếp: “Con đã rất
quen với các cơ sở từ thiện, đến nhiều nơi, gặp nhiều
người, con muốn nói đến sự quen thuộc, nhưng Soeur này
để lại trong con nhiều ấn tượng mạnh mẽ, quả thật diệu kỳ”.
Đúng vậy, với các “thành tích”: nuôi các chị em mang
thai ngoài ý muốn, nuôi các cháu cô nhi, quy tụ nâng đỡ
người già neo đơn, kẻ nghèo khó, mỗi ngày phục vụ 300 tô cháo ở bệnh viện, chôn cất các thai nhi bị
phá bỏ… là những hình thức bác ái quen thuộc. Khó khăn có, gian lao có, thách thức có, nhất là công
viêc Bảo Vệ Sự Sống những năm khởi đầu khi hiếm có nơi nào làm. Nhưng những khó khăn ấy nhờ ơn
Chúa, với thời gian và lòng quảng đại của nhiều người, sẽ không đến nỗi là những ngăn trở hiểm nguy
cho lắm đối với chị. Trong sứ mạng của chị, chị cũng đã vượt qua.
Nhưng rồi, cách đây vài năm, qua thông tin của dân chúng, chị biết có vài ngôi mộ vùi dập thân
xác những người vượt biển chết trôi dạt vào bờ. Người ta bắt đầu cần đất bờ biển để làm du lịch. Không
ai là thân nhân của những người xấu số, chị đứng ra nhận rồi cải táng về nghĩa trang Giáo Xứ, ngày
ngày thăm viếng, đốt một nén nhang cho ấm áp hương hồn. Tin này truyền đi trong dân chúng quanh
vùng. Và thế là một ngày “duyên nợ” lại đến.
Người ta dẫn chị đến một ngọn đồi với cái tên thật thơ mộng, “Đồi hoa sim”. Hàng trăm ngôi mộ
đất hoàng tàn của những người lính Việt Nam Cộng Hòa năm xưa. Những trận đánh khốc liệt của
những ngày tháng tư năm 75, cuộc tan hàng vội vã bỏ lại phía sau những anh em đồng đội đã gục
ngã… Rồi thất trận ly tán bốn phương, những ngôi mộ đất rơi vào quên lãng, âm thầm lặng lẽ u buồn
theo năm tháng…
Rồi lại một nghĩa trang khác của một trại lính, cũng vậy, lác đác vài chục ngôi mộ, trại lính năm
xưa chỉ còn là cỏ dại, cô quạnh với những cành sim khô khốc…
Rồi lại một trại tù cải tạo, người ta phát hiện ra vài ngôi mộ năm chơ vơ giữa đồng cát. Trại tù đã
giải thể, bỏ lại cánh đồng vắng những kẻ chết rũ tù chẳng biết tự bao giờ !
Chị đã bật khóc nhiều lần khi kể lại cho chúng tôi nghe. Chị dẫn chúng tôi đến từng ngôi mộ, kể
lể chi tiết, rằng khi đào lên bên trong còn những gì. Thật khó, hơn 400 ngôi mộ vô danh, chị ghi lại lý lịch
từng ngôi mộ, cái này xác còn cuốn trong Poncho, cái này đôi giầy còn nguyên vẹn, cái này có răng
vàng, cái này còn cái đinh niken ở ống chân... May mắn có tất cả 74 ngôi mộ bên dưới còn giữ được
chiếc thẻ bài của người lính.
Với các chi tiết có được, chị ghi chép cẩn thận và bày tỏ với chúng tôi nỗi trăn trở làm cách nào
đây để thân nhân từng người lính này biết được nơi an nghỉ của họ, làm cách nào để những con người
đã nằm xuống có ngày nhận được những nén nhang từ tay người thân của mình cắm trên phần mộ...
Chị không mong ước gì hơn và hoàn toàn không có một mục đích nào khác ngoài việc quy tập anh em,
cầu kinh khấn nguyện và cùng anh em ngóng đợi người thân...
Tôi đi dọc theo những hàng mộ xây dựng thẳng tắp ngay ngắn, xin lỗi chị, dưới con mắt của
người biết chút ít về nghệ thuật kiến trúc, tôi thấy việc xây dựng mộ khá thô vụng xét về kiểu dáng, về
chất liệu cũng như mầu sắc, nhưng tôi khâm phục chị và các cộng tác viên vô cùng. Làm sao một phụ
1
NĂM THỨ 15 – SỐ 635 – CHÚA NHẬT 4.1.2015
nữ mỏng manh bình dị như thế, một Nữ Tu lẽ ra bằng lòng với câu kinh tiếng kệ trong bốn bức tường
Tu Viện, chị lại xông pha sương gió làm gì, nhận lấy những gian lao khốn khó làm gì, đối đầu với bao rủi
ro hiểm nguy đến từ một chế độ quá nhiều ác cảm và phân biệt đối xử làm gì, và bởi đâu chị lại kiên trì
âm thầm thực hiện được một công việc quá to lớn như vậy ? Cánh đàn ông chúng tôi có thể biết làm
đấy, nhưng có dám làm, có dám chịu trách nhiệm ? Người ta chỉ bằng lòng dừng lại với việc “cầu cho
các linh hồn mồ côi”, thế thôi, chớ có dại làm gì ảnh hưởng đến các hoạt động mục vụ khác, thậm chí có
khi người ta còn nại đến… vì lợi ích Dân Chúa ! Thật buồn…
Thấy tôi ngạc nhiên về những cành hoa tươi cắm đều trên các phần mộ, chị giải thích: “Có một vị
ân nhân ở Đà Lạt, đôi ba ngày lại gởi xuống một giỏ hoa tươi, chúng con chỉ việc nhặt nhạnh rồi cắm
vào các ngôi mộ, nhang thì chúng con thắp mỗi ngày”. Vùng giáp biển nên gió thổi rất mạnh, một cái
giếng được đào bên rìa nghĩa trang, cứ vài ngày thì các ngôi mộ được bơm nước rửa sạch bụi bặm.
Một bức tường cao được xây dựng để ngăn trâu bò len vào giẫm đạp. Lại có hai người thường xuyên
ngoài nghĩa trang đến để dọn dẹp quang quẻ sạch sẽ cũng như tiếp tục chôn cất các thai nhi.
Một ngày làm việc trôi qua với nhiều cảm xúc, chúng tôi quây quần quanh nhau để lắng đọng tâm
hồn cùng với lời cầu kinh cho những người đã nằm xuống, ráng chiều đã rực lên, gió hoàng hôn đã bắt
đầu những cơn quần quật. Mọi người lặng thinh với không gian và với chính mình. Trên đường về
không ai bảo ai, lòng như trùng xuống ngậm ngùi, chạnh nhớ một bài hát của Trịnh:
“Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây,
Đã vui chơi trong cuộc đời này,
Đã bay cao trong vòm trời đầy,
Rồi nằm xuống, không bạn bè, không có ai,
Không có ai, từng ngày, không có ai đời đời
Ru anh ngủ vùi, mùa mưa tới trong nghĩa trang này có loài chim thôi !
May quá, ở nghĩa trang này, không chỉ có chim trời và hoa dại, mà vẫn luôn có đó một chị Nữ Tu
ân cần tận tụy và những con người tốt bụng chăm sóc gần gũi các anh...
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 26.12.2014
MỤC LỤC TÌM BÀI:
"ANH NẰM XUỐNG…" ( Lm. Vĩnh Sang ) ............................................................................................. 01
THEO ÁNH SAO ( Trầm Thiên Thu ) ..................................................................................................... 02
"THÁNH MARIA, ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI…" ( Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ ) ........................................... 04
TAY TRẮNG LÀM NGƯỜI ( M. Hoàng Thị Thùy Trang ) ...................................................................... 06
KỊCH BẢN: GẶP GỠ KITÔ ( Lm. Giuse Lê Quang Uy ) ........................................................................ 07
PHONG CÁCH PHANXICÔ – BÀI 29: Con đường đến với người vô thần ( Nguyễn Trung ) ................ 14
HÀNH HƯƠNG ĐẦU NĂM ( Việt Quốc ) ............................................................................................... 18
HẠNH PHÚC BỊ TỪ BỎ ( VTKT ) .......................................................................................................... 20
TRÊN CON ĐƯỜNG VỀ QUÊ ( AM. Trần Bình An ) ............................................................................. 21
PHÉP LẠ CỦA MẸ MARIA QUA TRÀNG CHUỖI MAI KHÔI ( Lucia MT ) ............................................. 22
TÌNH YÊU VÀ TÌNH CẢM ( Khuyết Danh ) ............................................................................................ 24
MỘT TẤM LÒNG ( NVD ) ...................................................................................................................... 25
MẸ CHỒNG TÔI ( Phương Lan ) .......................................................................................................... 26
NHỊP CẦU BÁC ÁI PHANXICÔ VÀ QUỸ MẸ HẰNG CỨU GIÚP ( Trung Tâm Mục Vụ DCCT ) ................ 30
THEO ÁNH SAO
Ngày nay gọi là Lễ Hiển Linh, ngày xưa gọi là
lễ Ba Vua. Thực ra không chỉ có 3 người mà nhiều
người, họ không phải là những quốc vương mà là các
đạo sĩ, các nhà thông thái, các chiêm tinh gia, họ từ
Đông phương xa lắc xa lơ đi theo dấu Ánh Sao Lạ
dẫn đường đến Bêlem để diện kiến chính Vương Nhi
Giêsu và Song Thân của Ngài. Ngôi Hai đã hóa thành
2
CÙNG SUY NIỆM
nhục thể, làm người để chia ngọt sẻ bùi với thân phận con người của chúng ta. Quả thật, đó là “độc chiêu”
mà Chúa dùng để tỏ mình ra cho muôn dân.
TÌM CHÚA
Thiên Chúa Cha đã hứa ban Ngôi Con từ mấy ngàn năm trước và nay đã hiện thực đúng lời hứa
đó: Ngôi Hai làm người.
Chúng ta là những người nô lệ tội lỗi, nhưng “nô tì kiếp” của chúng ta được Đức Giêsu đến tháo
gỡ mọi gông cùm của tội lỗi, được thừa nhận là con của Thiên Chúa, vì thế Ngôn Sứ Isaia kêu gọi:
“Đứng lên, bừng sáng lên ! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh
chiếu toả trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi, Đức
Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi” ( Is 60, 1-2 ).
Thật hạnh phúc biết bao! Chúng ta không chỉ được giải thoát và trở nên con cái Thiên Chúa, mà
chúng ta còn được Ngài quan tâm, chăm sóc và nâng niu: “Con trai từ phương xa tới, con gái được ẵm
bên hông” ( Is 60, 4 ). Thế nên chúng ta không thể không vui cười hớn hở, mặt mày rạng rỡ, cõi lòng
rạo rực, vui như ngày hội và vui như tết.
Hài Nhi sinh ra nơi hang chiên lừa hôi tanh trong đêm tối ở cánh đồng hoang vu Bêlem kia lại
chính là Tân Vương Nhi, là Thái Tử của Thiên Hoàng. Ngài đến để giao hòa đất với trời, đồng thời cũng
để “xét xử dân Ngài theo công lý, và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn” ( Tv 72, 6 ). Các vua chúa trần
gian được tiền hô hậu ủng, kẻ hầu người hạ, nhưng Ông Vua Nghèo Giêsu lại đến để phục vụ chứ
không được ai phục vụ, Ngài “đến không để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi sám
hối ăn năn” ( Lc 5, 32 ), Ngài “đến để tìm và cứu những gì đã mất” ( Lc 19, 9 ), và Ngài “đến để cho con
người được sống dồi dào” ( Ga 10, 10 ). Cách làm của Vua Nghèo quá “ngược đời”, nhân loại không thể
hiểu hết, thậm chí là không muốn hiểu ! Tại sao ? Vì Chúa biết tỏng tư tưởng chúng ta thế nào, như
Ngài đã nói “toạc móng heo”: “Tư tưởng của Tôi không phải là tư tưởng của quý vị, và đường lối của quý
vị không phải là đường lối của Tôi” ( Is 55, 8 ).
Thế nhưng triều đại của Vua Nghèo lại “đua nở hoa
công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng
còn” ( Tv 72, 7 ), để rồi “mọi quân vương phủ phục trước bệ
rồng, muôn dân nước thảy đều phụng sự” ( Tv 72, 11 ).
Ngài là Vua các vua, là Chúa các chúa, nhưng Ngài vô
cùng nhân từ, Ngài luôn theo sát đồng bào, Ngài luôn
tận tụy với đám dân nghèo, Ngài cương quyết bảo vệ
công lý, bảo vệ sự thật. Ngài không chỉ tay năm ngón,
Ngài trực ngôn và hành động để “giải thoát bần dân kêu
khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, chạnh lòng
thương ai bé nhỏ khó nghèo. Mạng sống dân nghèo, Ngài
ra tay tế độ” ( Tv 72, 12-13 ).
Các nhà hiền triết từ Đông Phương thấy Ánh Sao
Lạ, họ biết có một “dị nhân” vừa xuất hiện, thế là họ không
quản ngại đường xa hiểm trở, mau mắn và quyết tâm lên
đường tìm cho ra “dị nhân” kia. Và ánh sao dẫn đường đã
dừng lại trên một hang chiên lừa hẻo lánh bốc mùi hôi tanh.
Thấy vậy, nếu là chúng ta, chưa chắc đã bước vào, thậm chí có thể kéo nhau quay về cho nhanh,
thậm chí có thể “chạy mất dép” chứ chẳng chơi đâu ! Các đạo sĩ là những người không chỉ thông thái, có
học thức, mà còn giàu có nữa. Họ thấy Bé Giêsu oe oe ngọ nguậy trong máng cỏ, bên cạnh chỉ có hai Cô
Chú “nhìn thấy thương”, nghèo kiết xác, và lũ chiên lừa “ngu ngơ” chẳng biết ất giáp gì, có lẽ mới đầu họ
cũng “xì xầm” bàn tán với “mắt chữ O, miệng chữ A”, nhưng họ vẫn không hề thất vọng và tin thật rằng
Trẻ Sơ Sinh kia là “dị nhân” mà họ muốn tìm gặp, rồi họ can đảm bước vào triều yết Hàn Vương và kính
chào Hàn Phu Thê. Thật khó tin, y như cổ tích vậy. Tuy nhiên, đó lại là chuyện thật “chăm phần chăm”.
Không chỉ vậy, các đạo sĩ còn dâng những lễ vật cao quý nhất mà họ đã chuẩn bị và đem theo.
Ngày nay, chúng ta được dạy cho biết đó là mầu nhiệm, không thấy cảnh Hàn Gia lúc đó nên
chúng ta đã tin. Chứ nếu tận mắt chứng kiến thì chắc chúng ta không thể và không dám tin Em Bé có
tên là Giêsu kia lại chính là Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế làm người. Vậy là chúng ta may mắn. Thánh
Phaolô viết: “Về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em. Người đã
mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Kitô” ( Ep 3, 2-3 ). Thật đặc biệt, vì “Thiên Chúa đã không cho
những người thuộc các thế hệ trước được biết mầu nhiệm này, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà
mặc khải cho các thánh Tông đồ và ngôn sứ của Người” ( Ep 3, 5 ). Thánh Phaolô giải thích: “Mầu
3
nhiệm đó là: trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với
người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” ( Ep 3, 5-6 ).
Một lần nữa, chúng ta lại thật may mắn và hạnh phúc vì được “thừa kế gia nghiệp” của Thiên
Chúa, nên “một thân thể” và “cùng chia sẻ” với Thiên
Chúa. Vì thế, mỗi chúng ta đều phải “xắn tay áo lên
và hành động”. Đó là…
VÀO ĐỜI
Chúa Giêsu là Thiên Vương, tất nhiên Đức
Maria là Mẫu Hậu và Đức Thánh Giuse là Phụ
Vương – dù ngài là Dưỡng Phụ. Sắp lâm bồn mà tìm
không ra chỗ trọ, Chồng đành đưa Vợ ra “cánh đồng
hoang”, may còn có cái hang để chui vào. Không
người thân thích, không ai giúp đỡ. Chồng vất vả lo
cho Vợ từ A đến Z. Chồng không hề than thở, chỉ
âm thầm hành động. Vợ sinh xong, được Mẹ tròn
Con vuông là mừng húm rồi. Sau đó lại được đám
mục đồng ghé thăm, rồi thêm mấy đạo sĩ ghé thăm.
Cũng đỡ tủi thân và được an ủi phần nào nơi đất khách quê người. Thế nhưng chuyện đời chưa hết, bộ
phim “khổ” kéo dài nhiều tập…
Thời đó là lúc vua Hêrôđê trị vì, thấy mấy nhà chiêm tinh vào hỏi thăm: “Đức Vua dân Do Thái
mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi
đến bái lạy Người” ( Mt 2, 1-2 ). Nghe vậy, vua Hêrôđê tá hỏa, xay xẩm mặt mày, cả thành Giêrusalem
cũng xôn xao. Nhà vua sợ có kẻ nổi loạn để tiếm ngôi, ông liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư
trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: “Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong
sách ngôn sứ, có nói về miền đất Giuđa, nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen sẽ ra đời” ( Mt 2, 6 ). Thế là vua
Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện, phái họ đi
Bêlem và dặn: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy thì về báo lại cho tôi, để
tôi cũng đến bái lạy Người” ( Mt 2, 8 ).
Nghe nhà vua nói thế, họ an tâm ra đi mà không hề biết vua Hêrôđê “khẩu Phật, tâm xà”, mưu
mô và thâm độc, chỉ muốn bảo vệ “cái ghế toàn năng” của mình thôi! Các đạo sĩ tiếp tục đi theo ngôi sao
họ đã thấy ở phương Đông, dẫn đường họ đến tận nơi. Ngôi sao dừng lại, “họ vào nhà, thấy Hài Nhi với
thân mẫu là cô Maria, liền sấp mình thờ lạy Người” ( Mt 2, 11 ). Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ
hương và mộc dược mà dâng tiến.
Sau khi “nựng” Bé Giêsu và trò chuyện với Song Thân của Bé, họ được báo mộng là đừng trở lại
gặp vua Hêrôđê nữa, nên họ đã đi lối khác mà về xứ mình. Các đạo sĩ đã nỗ lực tìm gặp “dị nhân” Giêsu
cho bằng được, gặp rồi thì họ tin, can đảm bước vào đời, họ tránh “ác nhân” Hêrôđê là cách hành động
tích cực và sống tốt. Sống tốt không chỉ là “làm lành, lánh dữ” mà còn phải tích cực hành động để bảo
vệ công lý cho tha nhân.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết noi gương các đạo sĩ là miệt mài tìm Chúa và can
đảm hành động. Xin “ánh sao” Ý Chúa luôn soi đường dẫn lối chúng con suốt hành trình trần
thế, để chúng con thực hiện mọi sự theo đúng Tôn Ý Ngài trong từng nhịp thở. Lạy Mẹ Maria và
Thánh Giuse, xin nguyện giúp cầu thay. Chúng con cầu xin nhân Danh Đấng Thiên Sai, Thiên
Chúa của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
"THÁNH MARIA ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI,
CẦU CHO CHÚNG CON…"
Tám ngày sau Lễ Sinh Nhật của Đức Giêsu, Chúa chúng ta, Giáo Hội mời gọi con cái mình cử
hành Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa với tất cả lòng kính trọng và biết ơn, vì nhờ Mẹ, Đấng Cứu Thế đã
sinh ra cho chúng ta.
Đức Maria đã được các Giáo Phụ ca ngợi, đặc biệt là Thánh Ambrosio thành Milano ( thế kỷ IV )
khi nói: “Đức Maria là Đền Thờ của Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa của Đền Thờ”. Thánh
Ignatiô thành Antiokia ( + 110 ) là người đầu tiên nên tên Đức Maria sau các sách Tin Mừng: “Chúa
chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã được Đức Maria cưu mang trong lòng theo nhiệm cục cứu độ” và “Đức
Giêsu cũng được sinh ra bởi Đức Maria và bởi Thiên Chúa”.
4
Tại Đông phương, kể từ năm 350, người ta đã gán cho Đức Maria tước hiệu là “Mẹ Thiên Chúa”,
tuyên dương Mẹ là “Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể”. Như Thánh Grégoire de Nazianze ( 330 – 390 ) đã
viết: “Đức Kitô sinh bởi một Trinh Nữ, người nữ ấy là Mẹ Chúa Kitô”.
Khi giáo chủ Constantinople là Nestorio công khai chối bỏ thiên chức Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria,
thì Công Đồng Chung Êphêsô ( 431 ) đã đuợc triệu tập và tuyên bố tín điều “Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa”.
Đó là danh xưng cao trọng nhất của Đức Maria, chính phẩm chức cao cả này là nền tảng mỗi đặc ân khác
dành cho Mẹ. Công Đồng Vaticanô II đã trình bày các đặc ân liên kết với phẩm chức Thiên Chúa như sau:
Không có gì lạ, nếu các Giáo Phụ đã thường xưng tụng Mẹ là Đấng toàn thánh, không vương nhiễm một tội
nào, như một thọ tạo mới do Chúa Thánh Thần uốn nắn và tác thành. Tràn đầy thánh thiện, có một không
hai ngay từ lúc thụ thai, Đức Trinh Nữ thành Nadarét được Thiên thần vâng lệnh Chúa đến truyền tin và đã
kính chào là “Đầy ơn phước” ( Lc 1, 28 ). ( GH. 59 ).
Thánh Phaolô viết: “Khi đã đến lúc thời gian đầy đủ, Thiên
Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ, sinh dưới chế độ
Luật, để cứu chuộc những người ở dưới chế độ Luật, hầu cho
chúng ta được nhận làm dưỡng tử… mà nếu là con, tất bạn cũng
là người thừa kế, nhờ ơn Thiên Chúa” ( Gl 4, 4-7 ). Như thế,
chúng ta dưỡng tử của Thiên Chúa và đồng thừa tự với Đức Kitô
nhờ ơn Thiên Chúa. Lại nữa, Hội Thánh là Thân Thể của Chúa
Kitô, Đức Maria đã là Mẹ Chúa Kitô, Đấng là Đầu của Thân Thể,
thì Mẹ cũng là Mẹ của Thân Thể, Mẹ Hội Thánh, Hội Thánh được
cấu thành bởi những con người chúng ta, nên Mẹ cũng là Mẹ của
mỗi người chúng ta. Vì thế trong Giáo Hội, Đức Trinh Nữ Maria
được kêu cầu qua các tước hiệu: trạng sư, vị bảo trợ, Đấng phù
hộ và Đấng Trung gian” ( GH. 62 ).
Ngày 21.11.1964, Đức Phaolô VI long trọng tuyên bố Đức
Maria Là Mẹ Hội Thánh: “Để vinh danh Đức Trinh Nữ và để chúng
ta được an ủi, chúng tôi tuyên bố Rất Thánh Maria là Mẹ Hội
Thánh, tức là Mẹ của toàn thể Dân Kitô Giáo, cả giáo dân lẫn
mục tử, thành phần gọi Người là một Người Mẹ rất yêu dấu; và vì
thế chúng tôi truyền cho toàn thể Dân Kitô Giáo hãy dâng lên Mẹ Thiên Chúa một niềm kính tôn hơn
nữa và hãy nguyện cầu cùng Người bằng tên gọi rất ngọt ngào này”. Và việc Đức Phaolô VI đã “công
bố” và “truyền” làm như thế không phải chỉ bằng một văn kiện, mà là bằng lời nói sống động ngay trước
mặt toàn thể hàng giáo phẩm thế giới đang tham dự Công Đồng Chung bấy giờ, thành phần đại diện
cho toàn thể Dân Chúa.
Đó là những lý do Giáo Hội thúc dục con cái mình cầu nguyện với Mẹ: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa
Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”. Như vậy, long trọng mừng Đức Maria là
Mẹ Thiên Chúa, chúng ta hãy tỏ một niềm tin vững chắc vào vai trò của Mẹ trong chương trình cứu rỗi
nhân loại. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Ngài đã sinh ra cho chúng ta Thiên Chúa cứu chuộc.
Trong ngày đầu năm mới và cũng là Ngày Quốc Tế Hòa Bình, chúng ta vui mừng cử hành lễ
Đức Maria rất thánh, Mẹ Thiên Chúa. Cả hai sự kiện này cùng diễn ra khi chúng ta đang cử hành Chúa
Kitô, Con Thiên Chúa, Vua Thái Bình ( Is 9, 5 ) sinh hạ bởi Đức Trinh Nữ Maria, hòa bình đích thực của
chúng ta! Chúng ta mượn lời sách Dân Số mà cầu chúc cho nhau: “Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và
ban bình an cho anh chị em” ( x. Ds 6, 26 ). Còn món quà nào cao quí hơn là chính Con Thiên Chúa,
Đấng là Hoàng Tử Bình An được Chúa Cha ban tặng cho chúng ta. Vì tình yêu Thiên Chúa đã “ban
Người Con duy nhất của Ngài” cho nhân loại ( Ga 3, 16 ). Thiên Chúa đã nhận lấy dung mạo của một
con người và Thiên Chúa tỏ dung mạo của Ngài trong Người Con của Đức Trinh Nữ Maria.
Thiên Chúa từ trời cao đã giáng trần và cư ngụ trong lòng Mẹ và nhập thể trong Người Con mà
Mẹ đang ẵm trên tay. Mẹ bồng Hài Nhi Giêsu, con nhìn mẹ và mẹ nhìn con âu yếm. Đức Maria trong
thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa, và là Mẹ chúng ta, luôn đồng hành để dẫn chúng ta về với Thiên Chúa.
Bước theo Mẹ trong cuộc sống của lòng tin bằng thái độ tín thác vào Chúa, hoàn toàn vâng phục thánh
ý Ngài, chúng ta sẽ được Mẹ dìu đưa đến với Chúa, đến Nước Trời. Mẹ mời gọi chúng ta mở lòng đón
nhận Chúa Giêsu, cưu mang Người bằng cách lắng nghe và sống theo Lời Người, để thực sự trở nên
người có phúc, người thân của Chúa như Mẹ.
Mừng Lễ Mẹ hôm nay, với trọn niềm tin tưởng, mến yêu, chúng ta hãy phó thác cho Mẹ thế giới
này, đất nước ta, gia đình ta. Hãy để Mẹ hiện diện để yêu thương, chăm sóc và dẫn dắt chúng ta sống
theo ý Chúa. Hãy hết lòng yêu Mẹ bằng tình con thảo hiếu !
5
Nhờ Mẹ cầu bầu, xin cho cuộc đời mỗi nguời chúng ta được đổ đầy bình an của Chúa trong năm
mới này, để chúng ta cũng trở nên những người xây đắp an bình cho gia đình, cho mọi người bằng đời
sống tin yêu phó thác vào Chúa và quên mình phục vụ tha nhân như Mẹ. Ước gì chúng ta không chỉ
thành khẩn thưa lên với Mẹ bằng lời, mà bằng trọn cả con tim và cuộc sống chúng ta: “Thánh Maria
Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con, là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.”
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN ĐỘ
TAY TRẮNG LÀM NGƯỜI
Một đứa trẻ ra đời là thành công của ba mẹ, vì đã đón nhận sự hiện diện của con cái trong gia
đình của mình. Và sự xuất hiện của một miệng ăn là dấu hiệu của sự lao nhọc vất vả. Những gia đình
có nền kinh tế ổn định thì không có gì để nói, nhưng những gia đình khó khăn chật vật, thì đây là một
vấn nạn nan giải, đau đầu không kém.
Gia đình thánh gia chắc chắn không phải là một gia đình giàu có. Vì Tin Mừng hôm nay ghi rõ
Mẹ Maria đã sinh con trong máng cỏ, vì không tìm được nhà trọ: “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc
con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” ( Lc 2, 7 ).
Nếu có ai đó nói rằng gia đình tôi khổ, thì ở đây có thể khẳng định không ai nghèo khổ bằng gia
đình thánh gia. Nhiều em bé ra đời nhưng có mấy bé phải sinh nơi chuồng lừa và đặt nơi máng cỏ như
Hài Nhi Giêsu. Ngày nay, cũng có rất nhiều em bé phải sinh ra trong những nơi không an toàn nhưng
không phải vì gia cảnh khó nghèo mà hơn cả là vì cha mẹ bỏ rơi chúng. Còn đáng thương hơn, có biết
bao nhiêu nghìn em bé bị phá bỏ ngay cả khi chưa hình thành đầy đủ trong lòng mẹ nữa kìa.
Như vậy nghèo đói vẫn không phải là nguyên nhân chính khiến người ta từ chối mầm sống,
quan trọng hơn cả chính là thái độ sống ích kỉ, hưởng thụ đã khiến nhân loại từ chối mầm sống và hủy
diệt nó.
Biết rằng cuộc sống gia đình sẽ không bao giờ thiếu vắng những giây phút phải lao nhọc vất vả,
khổ cực nhưng noi gương thánh gia luôn luôn tin tưởng phó thác tuyệt đối vào tình thương, quyền năng
và sự quan phòng của Thiên Chúa. Đối với Thiên Chúa giàu nghèo có là chi. Tài năng giỏi giang cũng ý
nghĩa gì. Ngài chỉ cần tình yêu và lòng mến đối với Thiên Chúa mà thôi. Những cái đó đều do Ngài tác
tạo nên thì Ngài cần gì phải lệ thuộc vào chúng.
Do vậy, dù nghèo dù đói, dù ốm đau, bệnh tật… cho dù chúng ta là gì đi nữa, thì Thiên Chúa vẫn
luôn yêu thương ta. Ngài yêu ta không phải vì những cái ta đang có, mà là vì chúng ta là con của Ngài.
Đơn giản có thế thôi.
Có lẽ vì nhân loại hiểu sai ý định Thiên Chúa. Có lẽ vì chúng ta nhầm lẫn mục đích của Ngài.
Thế nên qua bao nhiêu ngàn năm qua rồi, con người vẫn cứ mãi lầm lũi đi vào chốn diệt vong, tranh
giành chèm giết lẫn nhau chỉ vì đồng tiền tấm áo. Rồi vì thú vui nhục dục, người ta chỉ còn biết sống cho
thỏa mãn đam mê mà bỏ rơi trách nhiệm đối với con cái.
Con số phá thai trên thế giới ngày càng báo động. Nhưng
một điều may mắn là ai cũng hiểu rằng không phải quá nghèo
khổ mà phá, nhưng sâu xa hơn vẫn là sự hưởng thụ ích kỉ. Nếu
như gia đình thánh gia ngày trước cũng đầy toan tính hơn thiệt
thì ngày nay làm sao nhân loại có được niềm vui cứu độ. Chính
nhờ sự vâng phục, lòng can đảm của các ngài mà chúng ta hoan
hỉ đón nhận ơn giáng sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình
an dưới thế cho loài người Chúa thương” ( Lc 1, 14 ).
Lạy Chúa, cảm ơn Ngài đã làm người vì yêu con. Cảm ơn
Ngài đã chọn cảnh nghèo mà giáng thế, nếu không con sẽ cảm
thấy lạc lõng bơ vơ biết chừng nào khi thế giới con số nghèo đói
không phải ít. Mỗi khi trong đời sống lao đao, vất vả, con tìm
được niềm bình an trong Chúa vì biết rằng đã có Ngài cùng đồng
hành sẻ chia. Là Con Một Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa, là
Con Đấng Tối Cao mà Ngài lại chịu sinh ra trong cảnh cơ hàn,
khiến con vô cùng cảm phục và xúc động. Con có nghèo vậy hay
nghèo nữa vẫn không thể như Chúa. Trong khi con là kẻ nghèo
tự bản chất, còn Ngài là Đấng giàu sang phú quí, tác tạo nên cả
trái đất vũ trụ mà lại cam chịu trở nên nhưng không, tay trắng làm
người để đồng hành, sẻ chia kiếp người với con người. Xin giúp
6
con đừng buồn nếu đang là kẻ nghèo khó và can đảm đón nhận cảnh nghèo nếu có phải vì vinh danh
Cha. Xin giúp con hiểu rằng bản chất con đã là tay trắng, vào đời dẫu có trắng tay thì Thiên Chúa vẫn
luôn mãi yêu con, như thế thì còn sự giàu có nào sánh tày nữa đây.
M. HOÀNG THỊ THÙY TRANG
KỊCH BẢN DÙNG CHO DỊP LỄ HIỂN LINH
GẶP GỠ ĐỨC KITÔ
CÁC VAI DIỄN:
Ba nhà đạo sĩ: Có thể hóa trang theo kiểu y phục cổ xưa thời
Đức Giêsu hoặc theo kiểu y phục thời hiện đại cũng
được.
Đạo sĩ thứ tư: Có thể nhập vai một Tu Sĩ mặc áo dòng.
Người mù: Có thể là nam hoặc nữ ( chú ý đổi cách xưng hô
trong kịch bản ) y phục của người nghèo, mắt đeo kính
đen.
Người hành khất: Có thể là nam hoặc nữ ( chú ý đổi cách
xưng hô trong kịch bản ) gầy gò, y phục rách rưới, nón
lá tả tơi.
Người phong cùi: Nên là nam, dáng vẻ chán đời, cộc cằn, bất
mãn, diễn tả bị bệnh phong cùi cho khéo để không gây
cười, hoặc ghê sợ nơi khán giả, sẽ phản tác dụng.
Cô gái điếm: Y phục lòe loẹt, không đứng đắn, cử chỉ lả lơi nhưng lộ vẻ khinh bạc, bất cần đời.
Nhân viên hộ tịch: Nên là nam, dáng vẻ hách dịch, đeo kính trễ gọng, tay cầm một cuốn sổ to và một
cây bút lớn.
Đức Giêsu: Vai không xuất hiện trên sân khấu, chỉ đứng sau bức màn trắng, giọng nói dõng dạc, trầm
ấm, oai nghiêm và nhân hậu.
CÁC ĐẠO CỤ:
 Ba gói quà gói giấy trang trọng làm lễ vật của ba đạo sĩ.
 Một cây gậy, một ổ bánh mì, một cây nến to, một chiếc bình cổ thon, tất cả bỏ vào một túi xách
làm hành trang cho Đạo Sĩ thứ tư.
 Các đồ cần thiết cho các vai còn lại.
 Một tấm màn trắng lớn căng trước hậu trường, có thể căng ngang cung thánh nếu diễn trong
Nhà Thờ, phía sau màn đặt một đèn rọi ( follow ) để tạo ra bóng của vai Chúa Giêsu dang tay
trên thập giá ( silhouette ).
 Một đèn ngôi sao nhỏ treo trên trần sân khấu, phía trên bức màn trắng lớn.
 Một máy cassette để nhạc đệm, hoặc có một người chơi đàn organ, hoặc đàn guita làm nền nhè
nhẹ suốt vở diễn.
 Hệ thống đèn sân khấu chỉ mở sáng ở phần mở đầu và phần kết thúc của vở kịch.
 Một micro cho vai Đạo Sĩ thứ tư, một micro cho các vai còn lại và một micro cho vai Đức Giêsu
sau hậu trường. Hay nhất là dùng micro sans fil để các vai dễ di chuyển và dễ diễn tả cử điệu.
XIN LƯU Ý:
Kịch bản này chúng tôi soạn theo kiểu nói và âm giọng của người miền Bắc, xin tùy nghi thay đổi
khi diễn tại các vùng, các miền khác nhau. Có thể diễn vào mùa Giáng Sinh hoặc mùa Chay và mùa Phục
Sinh, xin nhớ tùy hoàn cảnh để nhấn mạnh về Mầu Nhiệm Nhập Thể hoặc Mầu Nhiệm Vượt Qua. Có thể
cải biên thành dạng hoạt cảnh với các vai diễn động tác cùng các giọng lồng tiếng sau hậu trường.
PHẦN MỞ:
Kính thưa cộng đoàn,
7
CÙNG CHIA SẺ
Mỗi năm vào dịp Lễ Giáng Sinh, chắc cộng đoàn đều nghe nhắc lại câu chuyện về ba ông vua
cưỡi lạc đà từ phương xa đến thăm hài nhi Giêsu tại Bêlem. Theo Thánh Mátthêu, họ là các nhà chiêm
tinh hoặc còn được gọi là ba nhà đạo sĩ ở phương Đông, bởi vì từ lâu, họ đã theo dõi điềm trời, và phát
hiện ra một ngôi sao lạ chói ngời. Họ biết đó
là dấu hiệu cho biết có một vị vua người Do
Thái mới sinh ra, Người sẽ là Đấng Cứu
Tinh của toàn nhân loại.
Người ta nói có 3 nhà đạo sĩ, có lẽ là
vì người ta muốn chọn tượng trưng cho 3
màu da chính trên thế giới: da vàng, da
trắng và da đen. Thật ra, chính xác mà nói,
trong Kinh Thánh, tác giả Mátthêu chỉ ghi:
“có mấy nhà đạo sĩ” chứ không hề xác định
con số là 3 vị.
Riêng hôm nay, chúng tôi muốn kể
cho cộng đoàn nghe một câu chuyện có tới
4 vị đạo sĩ đã tới thăm Chúa Giêsu.
Chắc cộng đoàn đang thầm bảo
rằng chúng tôi lại bịa chuyện cho vui. Không, thưa cộng đoàn, câu chuyện chúng tôi sắp kể, rất có thể là
câu chuyện có thật ngay trong đời sống của chúng ta, hôm nay, vào những năm cuối cùng của thế kỷ 20
này. Câu chuyện đầu đuôi như thế này. ( Tiếng nói xôn xao, các đạo sĩ xuất hiện cả 4 vị… )
CẢNH MỘT: TẠI NHÀ VỊ ĐẠO SĨ THỨ TƯ
Đạo sĩ 1: Này, anh đã biết gì chưa ?
Đạo sĩ 4: Chuyện gì vậy ?
Đạo sĩ 1: À, hóa ra anh chẳng có biết tý ty gì cả ! Cũng phải thôi, lúc nào anh cũng bận bịu công việc,
nào là giới trẻ, nào là công tác xã hội, nào là tập hát ca đoàn… ôi thôi, đủ thứ chuyện ! Thế
là anh quên bẵng mất rằng anh đã thỏa thuận với ba anh em chúng tôi một việc…
Đạo sĩ 4: Nhưng... chuyện gì mới được chứ ? Nói mau đi cho rồi, người ta đang bận bù đầu đủ thứ
chuyện đây này !
Đạo sĩ 2: Nghe cho rõ đây ( Nhấn mạnh từng chữ ) Một tin vui trọng đại !
Đạo sĩ 4: ( Vẻ kinh ngạc... ) Một tin vui ?
Đạo sĩ 2: Đúng, một tin vui trọng đại ! Vậy chứ anh có nhớ bọn chúng mình từ lâu vẫn nghiên cứu
thiên văn, đã dõi tìm các vì sao lạ để phân tích, tiên đoán vận mệnh thế giới. Mặc cho
người đời chế giễu, xếp bọn mình vào loại khùng khùng hâm hẩm, ta vẫn cứ khao khát
một dấu chỉ, một điềm lạ trên trời khai mở một kỷ nguyên mới, cho thế giới này vơi bớt đi
những tuyệt vọng và bất hạnh… Thì đây này, chiều nay, trời mới vừa xập tối, chúng tôi đã
phát hiện ra ở phương Đông một vì sao lạ tuyệt đẹp và chói lọi kỳ diệu. Tôi xem bản đồ thì
chúng ta hẳn sẽ gặp được Đấng Cứu Tinh ở khu vực các nước Trung Đông như Palestin
chẳng hạn. Ba anh em chúng tôi quyết định đến rủ anh, phải lên đường ngay, không thể
bỏ qua cơ hội ngàn vàng này để tìm đến chiêm ngắm và thờ lạy Đấng Cứu Tinh của nhân
loại. Anh còn chần chừ gì nữa mà không lên đường với chúng tôi ?
Đạo sĩ 4: Trời ơi ! Một vì sao lạ mới xuất hiện ư ? Đúng là Đấng Cứu Tinh đã ra đời rồi ! Phải đi tìm
gặp Người cho bằng được chứ. Tôi vào sửa soạn ngay đây. ( Chạy vội vào trong, nhưng
rồi lại quay ra ngay, dáng vẻ như chần chư đắn đo, nói với ba vị kia ) Ái chà ! Thật là rách
việc ! Lát nữa tôi còn phải dạy một lớp giáo lý ở họ đạo ( Nói rõ tên một họ đạo nhỏ ) Chúa
Nhật này bọn trẻ chịu phép Thêm Sức rồi.
Đạo sĩ 3: Vậy chứ anh không thể lên đường ngay với chúng tôi được sao ?
Đạo sĩ 4: Thôi, các anh cứ việc đi trước đi. Dạy giáo lý xong chiều nay là tôi đi ngay, hy vọng sẽ theo
kịp các anh dọc đường.
Đạo sĩ 3: ( Nói với nhau ) Đây, các anh thấy chưa, tôi đã bảo các anh mà, đâu có sai ! Cái anh
chàng này lúc nào cũng công kia việc nọ. Bận bịu như thế rồi làm sao mà có thời giờ đi tìm
gặp Đấng Cứu Tinh ? Thôi chúng ta đi trước vậy ! ( Nói với Đạo sĩ thứ tư ) Này, anh đi sau
thì nhớ mau mau lên đấy nhé. Chúng tôi sẽ cố đi chậm chậm một chút để đợi anh theo. À,
tý nữa thì quên ! Anh có định mang quà gì dâng cho Đấng Cứu Tinh không ? Ba anh em
8
chúng tôi có mang theo Vàng, Nhũ Hương và Mộc Dược rồi, còn anh tính sao ? Gấp quá
coi chừng đi tay không, kỳ lắm đấy nhé !
Đạo sĩ 4: Được rồi, được rồi, tôi sẽ nhớ mà, yên tâm đi trước đi, tôi xin hứa danh dự với các anh:
dạy giáo lý xong là tôi đi ngay ! ( Ba đạo sĩ ra đi, đạo sĩ thứ tư quay qua làm như phân bua
biện giải với khán giả… ).
Cộng đoàn thấy đó, Đấng Cứu Tinh đã giáng trần, chính tôi cũng đã từng ngày đêm trông
ngóng tin vui trọng đại này. Vậy mà... giờ đây tôi không thể tức tốc ra đi theo các bạn tôi.
Dứt khoát là tôi không thể lỗi hẹn với các học sinh giáo lý của tôi ở họ đạo. Bọn trẻ cũng
đang rất cần tôi, mình là giáo lý viên mà. Kẹt quá nhỉ ! Nhưng mà... tôi tin rằng Chúa Cứu
Thế sẽ không chấp nhất gì tôi về chuyện này. Người sẽ chờ đợi tôi. Thôi, tới giờ rồi, phải
tới điểm dạy giáo lý không thôi trễ ! Rồi, bữa nay, tôi cũng sẽ báo cho bọn trẻ tin vui này:
Đấng Cứu Tinh của toàn nhân loại đã ra đời.
( Đèn tắt, nhạc trổi lên rồi từ từ nhỏ lại... Tại lớp giáo lý, Đạo sĩ thứ 4 đọc Kinh Thánh một
đoạn trong Sách Ngôn sứ Isaia cho các em nghe... Có thể cho một giọng đọc trong hậu
trường thay cho vị đạo sĩ, chậm rãi dõng dạc... )
“Dân đang lần bước giữa tối tăm,
đã thấy một ánh sáng huy hoàng;
Đám người sống trong vùng bóng tối,
nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi ( Is 9, 1 )
Này đây, người trinh nữ sẽ mang thai,
sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen,
nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta....” ( Is 7, 14 )
( Nhạc lại trổi lên rồi nhỏ dần… Đạo sĩ thứ tư trở ra, làm như vừa từ nơi dạy Giáo Lý trở về
nhà… )
Đạo sĩ 4: Bây giờ thì mình đã có thể lên đường được rồi đó. Để xem mình phải mang theo những gì
làm hành trang nào ? Đường xa, lại chắc chắn sẽ rất là khó đi, cần phải có một cây gậy
chống này ! Một ít lương khô nữa, thôi, có ổ bánh mì này cũng được ! Thêm một cây nến
cầm tay. Còn của lễ nữa chứ, đúng rồi, mẹ mình có cho mình một bình dấu thơm loại quý,
mình cất nó từ lâu rồi, bây giờ sẽ dùng để kính dâng Đấng Cứu Tinh, coi như là của ít lòng
nhiều. Đi thôi, quá trễ rồi ( Bước tới, ngước nhìn lên cao, làm như dõi tìm ngôi sao lạ. Nhạc
nhẹ nền trổi lên một lúc... ) Ta cứ nhìn thẳng ngôi sao ở hướng đông mà đi, ba ông bạn
chí cốt của mình chắc là đã đi xa lắm rồi. Chà, đường hôm nay khuya sao mà vắng vẻ quá
nhỉ ? ( Mới dợm bước định đi thì chợt dừng lại lắng nghe,
vẻ quan tâm thắc mắc... ) Ơ kìa, hình như có ai đang đi
tới phía trước mình kìa ! ( Một người mù đang đưa hai
tay về phía trước, quờ quạng bước đi về phía đạo sĩ... )
CẢNH HAI: GẶP NGƯỜI MÙ
Đạo sĩ 4: Này, anh ơi, anh đi đâu một mình giữa đêm hôm khuya
khoắt như thế này ?
Người mù: Tôi... tôi cũng không biết tôi đi đâu bây giờ nữa…
Đạo sĩ 4: Hình như... anh không nhìn thấy đường thì phải ?
Người mù: Dạ, tôi bị mù từ hồi mới sinh. Rồi bố mẹ tôi lần lượt qua
đời, bỏ tôi lại một mình, tứ cố vô thân, nghèo xơ nghèo
xác !
Đạo sĩ 4: Rồi anh có làm nghề gì độ nhật không ?
Người mù: Tôi bán vé số ngoài bến xe thị xã.
Đạo sĩ 4: Vậy chứ anh có đủ sống không ?
Người mù: Kể ra thì cũng tạm nuôi thân. Nhưng hồi chiều này, đang
lúc tôi cầm xấp vé số trên tay thì một thằng du côn nào
đó đã giựt mấp của tôi, lại còn đá văng mất cây gậy của
tôi nữa chứ… Tới giờ, đói quá, tôi không biết tìm cái gì
mà ăn đây… Trời ơi là trời !
Đạo sĩ 4: Anh này, nói thật với anh, tôi cũng chỉ là khách đi đường
thôi, tôi cũng nghèo, nhưng mà tôi cũng muốn giúp anh
9
chút đỉnh. Đây, anh cầm đỡ ít tiền làm vốn và kiếm cái gì ăn lót dạ. Mà nữa, tôi tặng anh
luôn cây gậy của tôi nữa này. Kể ra thì tôi cũng cần đấy, nhưng xem ra anh còn cần nó
hơn tôi nhiều.
Người mù: Ông thì ít cần tới cây gậy hơn tôi, là vì ông còn có ánh sáng. Đối với ông thì có ngày có
đêm, còn với tôi thì…
Đạo sĩ 4: Phần tôi, tôi chỉ có thể cho anh được cây gậy này để dò đường mà đi, chứ làm sao tôi có
thể cho anh ánh sáng ? Nhưng tôi biết có một Đấng sẽ trả lại cho anh ánh sáng đã mất,
mà hơn vậy nữa, Người còn có thể chỉ cho anh một con đường nào đó để anh tìm được
một chỗ nương thân trong bình an hạnh phúc.
Người mù: Ai ? Đấng đó là ai vậy ? Xin hãy cho tôi gặp Người được không ?
Đạo sĩ 4: Đấng ấy mới vừa sinh xuống cõi đời khốn cùng này của chúng ta. Người là Đấng Cứu
Tinh của anh, của tôi và của mọi người chẳng trừ ai. Tôi tin điều đó, và anh, anh cũng hãy
tin và đi tìm cho được gặp Người một lần thôi cũng đủ để đổi đời. Bệnh tật phần xác của
anh sẽ hết và anh sẽ tìm được nơi nương thân tới trọn đời. Trên trời bây giờ hiện đang có
một ngôi sao lạ, sáng rực rỡ một cách kỳ diệu, dọc đường, anh cứ nhờ người ta chỉ hướng
cho, rồi cứ theo đó mà đi tìm gặp Người.
Người mù: Thật vậy sao ? Được rồi, tôi sẽ cố gắng chống cây gậy mà ông đã cho để đi tìm gặp Đấng
Cứu Tinh. Cám ơn ông, ông đã đối xử quá tốt đối với tôi. Tôi hy vọng rất nhiều nơi Đấng
mà ông vừa nói, vì thật tình, tôi cũng chẳng còn biết hy vọng vào ai nữa bây giờ… ( Người
mù chống gậy ra đi. Nhạc trổi lên dần. Vị đạo sĩ tự thoại… )
Đạo sĩ 4: Một người mù đáng thương ! Mình đã chỉ cho anh ta một con đường mà chính mình cũng
đang còn phải đi tìm. Quả thật, chỉ có Lòng Tin mới giúp được anh ta và cả mình nữa, để
cố mà đi cho tới cùng. Lạy Thiên Chúa, xin Ngài hãy dẫn bước con đi. Kìa ánh sao vẫn
ngời chiếu phía trời đông, mình phải tiếp tục đi thôi ( Bước đi một đoạn chầm chậm, nhạc
trổi lên một lúc... Vị đạo sĩ bất chợt dừng lại, nhạc nền tắt ngang, Đạo sĩ thấy một người
hành khất quỳ bên vệ đường, chìa tay cầu khẩn )
CẢNH BA: GẶP CHỊ HÀNH KHẤT
Hàng khất: Lạy ngài, xin đoái thương tôi !
Đạo sĩ 4: Tôi có thể giúp được gì cho chị ? Mà chị đừng có gọi
tôi bằng ngài một cách trang trọng như vậy.
Hành khất: Không, thưa ngài, nếu tôi không lầm, ngài là một Tu
Sĩ, ngài giàu lòng từ bi nhân hậu, xin hãy cho tôi chút
gì để ăn. Tôi đói, tôi khát, tôi lạnh, tôi khổ quá, tôi
chán sống lắm rồi…
Đạo sĩ 4: Chị ơi, tôi cảm thông thật sự với chị trong cái đói khát
giá lạnh, trong cái khổ đau bế tắc của chị, bởi tôi cũng
chẳng giàu có gì hơn chị. Nhưng mà thôi, để xem tôi
có chút gì chia sẻ với chị không. Đây rồi, tôi có mang
theo một ổ bánh mì nhỏ để ăn dọc đường, chị cầm lấy
ăn đỡ nhé ! ( Người hành khất giựt mạnh lấy ổ bánh,
ăn ngấu nghiến… rồi như chợt nhớ ra, chị bẻ một nửa cất vào cái túi rách đeo trên vai.
Đạo sĩ thắc mắc... ) Ơ kìa, sao chị không ăn hết ổ bánh đi mà còn cất làm gì ? Chị đang
đói lắm cơ mà ?!?
Hành khất: Hôm nay tôi may mắn gặp được ngài cho tôi ổ bánh, nhưng biết rồi ngày mai tôi có còn gặp
được ai cho tôi như vậy nữa không, tôi phải để dành vì sợ sẽ còn nhiều lúc đói nữa chứ…
Đạo sĩ 4: Này, tôi nói chị nghe nhé, tôi biết có một Đấng có thể ban cho chị một điều còn quý giá
hơn gấp bội lần cái ăn cái uống đời này nữa.
Hành khất: Đấng đó là ai vậy ? Tôi biết tìm Người ở đâu để gõ cửa để xin Người ban cho điều đó ?
Mà điều đó là gì vậy, thưa ngài ?
Đạo sĩ 4: Người mà tôi vừa nói với chị là một em bé mới chào đời, nhưng rồi một mai kia, Người sẽ
làm vua dân Do Thái, làm vua của muôn dân, trong đó có tôi và có chị. Người sẽ ban cho
chị thứ Bánh Hằng Sống để chị sẽ không bao giờ còn phải lo đói nữa ! Kìa chị nhìn xem,
đó là ánh sao sẽ dẫn chị đến gặp Đấng ấy, chắc chắn Người sẽ thết đãi chị cũng như mọi
kẻ cùng khổ trên thế gian này một bữa đại tiệc. Nào, chị đã bớt đói chưa ? Hãy nghe tôi
mà lên đường tìm gặp Người đi. ( Chị hành khất vội trỗi dậy ra đi... ).
10
Lạy Đấng Cứu Tinh con hằng trông đợi, giờ đây con chẳng còn gì để ăn nữa, con cũng sẽ
rơi vào cảnh đói khát cùng quẫn dọc đường. Nhưng, như con đã nói với chị hành khất, con
tin Ngài cũng đang chờ gặp con để ban cho con Bánh-Hằng-Sống. Thôi mình tiếp tục đi
thôi, trễ lắm rồi ! ( Đạo sĩ dõi nhìn ra xa, nhạc trổi lên nhè nhẹ một lúc rồi nhỏ dần. Vị đạo
sĩ lại chợt thấy có ai bên đầu cây cầu nên tiến tới hỏi thăm... Đó là một người cùi đang ngồi
gục đầu tuyệt vọng... )
CẢNH BỐN: GẶP NGƯỜI PHONG CÙI
Đạo sĩ 4: Này anh ơi, tại sao giờ này mà anh lại còn ngồi đây một mình thế này ? ( Im lặng... Đạo sĩ
tỏ vẻ thắc mắc, tới gần đưa tay lay nhẹ vai người lạ ) Này, anh có nghe tôi hỏi gì không ?
Sao anh lại ngồi đây ?
Người cùi: Ông là ai mà hỏi tôi ? Tôi sống, tôi chết, mặc xác tôi, liên quan gì đến ông mà ông hỏi ! Tôi
đợi nước thủy triều lên rồi nhảy xuống cầu tự tử có được không ?
Đạo sĩ 4: Tại sao anh lại chán đời và có ý muốn kết thúc đời mình một cách oan uổng như thế nhỉ ?
Người cùi: Oan uổng cái nỗi gì ! Còn sống nữa làm gì nữa khi thân xác tôi cùi hủi như thế này ? Ai
cũng ruồng bỏ tôi, kể cả vợ con tôi. Cái xã hội lạnh lùng này không còn chấp nhận tôi nữa,
họ cho rằng trời đất đã nguyền rủa tôi, đã trừng phạt tôi. Họ đối xử với tôi còn hơn là với
một con chó ghẻ !
Đạo sĩ 4: Rồi anh tính dùng cái chết để chấm dứt mọi thứ đau khổ trên đời này phải không ? Nhưng
theo tôi, anh còn có nhiều lý do để sống hơn là chết kiểu đó, anh có biết không ? ( Đạo sĩ
lại gần lay mạnh vai người cùi ) Anh phải sống !
Người cùi: ( Cười khảy... ) Anh phải sống ! Bộ ông định đánh lừa tôi đấy hả ? Hừ ! Cái cuộc đời này là
một bóng đêm tăm tối, chẳng còn chút hy vọng gì dành cho một kẻ khốn nạn như tôi...
Đạo sĩ 4: Đây ! Nếu anh cần ánh sáng, thì tôi trao cho anh ngọn đèn để đi đường của tôi. Anh thấy
đó, chỉ với một chút ánh sáng nhỏ nhoi được thắp lên như thế này thôi, anh đã thấy bớt lẻ
loi và u ám rồi. Anh thử nghe tôi một lần xem nào.
Người cùi: Hừ ! Một ngọn nến leo lét như thế này đâu đã là niềm hy vọng đủ cho tôi tìm lại được cuộc
sống khỏe mạnh và lành lặn như ngày xưa ?
Đạo sĩ 4: Đúng, tôi không thể làm gì cho anh hơn, nhưng tôi lại có thể chỉ cho anh tìm gặp một Đấng
Toàn Năng, không những Người có thể chữa lành được bệnh tật thể xác của anh mà còn
tha thứ hết mọi lỗi lầm của anh bấy lâu nay, kể cả cái ý tưởng định giết đi chính mạng
sống quý giá của anh. Kìa, anh hãy nhìn
lên bầu trời, có một ngôi sao sáng đàng
kia, đó là ngôi sao báo hiệu Đấng đó đã
đến trong cuộc đời này rồi đó. Anh hãy
cố gắng nghe tôi, cầm lấy ngọn nến
sáng này mà lên đường tìm gặp Người,
một Hài Nhi mới giáng sinh, Người sẽ
giải thoát cho anh, cho chúng ta khỏi nỗi
ám ảnh của sự chết. ( Người cùi ngước
nhìn đăm đăm về phía ánh sao như thể
bị thu hút, tay cầm nến lần bước đi… )
Lạy Đấng Cứu Tinh là niềm hy vọng của
mọi người trên trần gian này, lại thêm
một con người đáng thương đã nghe lời
con mà hướng về Ngài. Con mong sẽ gặp được Người cùng với những con người tưởng
như đã tuyệt vọng này, để cuối cùng, con và họ cũng sẽ nhận được ơn giải thoát nơi
Người. ( Nhạc trổi lên nhè nhẹ... Vị đạo sĩ đứng lên, tiếp tục đi mấy bước thì gặp ngay một
cô gái quần áo không đứng đắn và phấn son lòe loẹt đang tiến tới sát bên mình, mở lời với
giọng thật lả lơi mời chào... )
CẢNH NĂM: GẶP CÔ GÁI ĐIẾM
Cô gái: Anh Hai ơi, anh đi đâu giữa đêm hôm khuya khoắt thế này ?
Đạo sĩ 4: ( Đạo sĩ lui lại một bước, hơi ngượng nhưng bình tĩnh ) À, tôi đã lỡ khởi hành khá trễ và tôi
còn cả một lộ trình rất dài phải đi.
Cô gái: Thế... em đi chung với anh Hai một đoạn đường có được không nào ?
11
Đạo sĩ 4: Vâng, có thêm một người làm bạn đồng hành, chắc cũng vui hơn. Xin mời cô cứ tự nhiên.
Cô gái: Mà... lát nữa, chừng nào tới quán trọ dọc đường, anh Hai cũng dừng lại qua đêm với em
nhé ?
Đạo sĩ 4: ( Đạo sĩ chợt hiểu ý cô gái điếm, hơi ấp úng để minh oan ) Ơ... ơ... tôi không hề có ý định như
thế, cô... cô hiểu lầm tôi rồi !
Cô gái: ( Cô gái điếm lùi xa ra một bước, nhìn nhà đạo
sĩ từ đầu tới chân rồi cười rũ rượi, vẻ mỉa mai
khinh bỉ ) Kính thưa quý ông đáng kính, tôi xin lỗi
nhé, tôi đã lầm… Một tu sĩ đạo mạo như ông
vậy mà tôi lại dám quyến rũ sao chứ ? Thôi, tôi
xin ông cút xéo đi chỗ khác cho chị em chúng tôi
làm ăn kiếm sống ! Tôi nói thật với ông, tôi khinh
bỉ tất cả cái bọn đạo đức giả như ông…
Đạo sĩ 4: Còn tôi, ngược lại, tôi không hề có ý khinh bỉ cô
một chút nào cả, cô vẫn là một con người có
phẩm giá !
Cô gái: Phẩm giá ? ( Cười sặc sụa… ) Phải, trước đây
khi tôi còn có chút nhan sắc thì tôi cũng còn
hấp dẫn lôi cuốn được quý ông đáng kính như
ông, còn bây giờ thì tôi chỉ còn là một thứ đồ chơi rẻ tiền không hơn không kém. Phẩm
giá ? Hừ ! Phẩm giá cái chỗ quỷ quái nào bây giờ ? Tôi thật là không còn tin nổi miệng lưỡi
bọn đàn ông các ông một chút nào nữa !
Đạo sĩ 4: Vâng, phần nào đúng là như vậy. Nhưng... dù cho chị không còn tin vào bất cứ người đàn
ông nào trên thế gian, kể cả tôi đi nữa, thì... vẫn còn đó một em bé trai vô tội trong trắng.
Em bé ấy rồi sẽ là một người đàn ông như mọi người đàn ông, nhưng người đàn ông này
sẽ trổi vượt trên tất cả, vì Người sẽ là một Vị Vua Nhân Ái, Người sẽ đón nhận chị như
đón nhận một con người xứng đáng với phẩm giá cao quý, Người sẽ mang lại cho chị một
cuộc sống mới, Người sẽ tha thứ hết mọi lỗi lầm sa ngã đã qua của chị.
Cô gái: ( Bỡ ngỡ lạ lùng, nhưng vẫn còn bán tín bán nghi... ) Thật vậy sao ? Nhưng tôi biết tìm cậu
ấy, cái người đàn ông tuyệt vời ở đâu bây giờ ?
Đạo sĩ 4: Chị hãy cứ theo dấu ánh sao kỳ diệu trên trời đàng kia, rồi chị sẽ tìm gặp được một hài nhi
mới sinh. Tôi tin chị sẽ được tất cả những gì chị mong ước.
Cô gái: Nhưng chẳng lẽ tôi lại mang cái tấm thân đã ô uế như thế này làm của lễ để triều bái một
Đấng Thánh như Người ?
Đạo sĩ 4: Chỉ cần chị thật lòng sám hối và tin vào Người. Đây, tôi tặng chị chiếc bình đựng đầy dầu
thơm rất quý này, để chị kính dâng Người. Thôi, chị hãy lên đường đi kẻo trễ. Chúc chị
gặp được Người. ( Cô gái điếm cầm lấy chiếc bình, đi về hướng có ánh sao... Đạo sĩ nói
một mình ).
Ừ, đã trễ lắm rồi, chắc ba anh bạn của mình đã đến nơi rồi không chừng, còn mình thì lại
cứ mãi bận bịu, dừng lại giúp đỡ người này người kia. Biết sao hơn ? Mình đâu có thể làm
khác được, đâu có thể nhắm mắt làm ngơ trước những thảm kịch cuộc đời như thế. ( Nhìn
lên trời tìm ánh sao, giựt mình... )
Ơ kìa, ánh sao đã biến mất từ lâu rồi sao ? Thôi ta cứ việc theo hướng đông mà tiến, hy
vọng sẽ có người chỉ giúp chỗ Chúa sinh ra cho mình ( Nhạc trổi lên. Vị đạo sĩ bước đi
tiếp... Một người đi ngang qua, tay cầm cuốn sổ lớn, Đạo sĩ chặn lại hỏi thăm... )
CẢNH SÁU: GẶP NHÂN VIÊN HỘ TỊCH
Đạo sĩ 4: Ông ơi, làm ơn cho tôi hỏi thăm một chút.
Nhân viên: Ông cần gì ? Hình như ông là người ở xa mới tới thì phải ?
Đạo sĩ 4: Dạ, xin ông chỉ giúp tôi đường đến nhà một em bé mới sinh ra trong vùng này.
Nhân viên: Chà ! Ông hỏi nhằm đúng người đúng chỗ rồi đó ! Chẳng giấu gì ông, tôi là cán bộ thống
kê dân số. Tất cả những kẻ chết đi hoặc mới được sinh ra đều được tôi ghi chép đầy đủ
và chính xác trong cuốn sổ này. Chẳng hay đứa bé mà ông hỏi, tên là gì ? con cái nhà ai ?
sinh quán tỉnh huyện thôn làng xã ấp nào ?
12
Đạo sĩ 4: Rất tiếc là tôi lại chẳng biết rõ lý lịch em bé thế nào. Tôi chỉ biết là em bé mới sinh ra, lớn
lên sẽ trở thành Vua dân Do Thái và còn là Đấng Cứu Thế nữa.
Nhân viên: Cái ông này nói chuyện tếu sao chứ… Em bé đó sẽ trở thành Vua dân Do Thái hả ? Nếu
vậy, chắc phải là con trai vua Hêrôđê Antipa hiện nay của nước Palestin rồi đó ? Vô lý, mà
không thể nào có chuyện đó được, nếu có thì tôi phải biết chứ ! Ông lầm rồi !
Đạo sĩ 4: Không, tôi xin cam đoan, đó là Vua dân Do Thái mà ! Hơn nữa, đó còn phải là Vua của
toàn nhân loại ! Ông coi kỹ lại sổ sách giúp tôi với.
Nhân viên: Ừ, thì coi lại sổ cho chắc ăn… Thật, chả có em bé nào như ông vừa nói mà lại sinh ra ở
đây, trong những ngày này. Ái chà, hay là ông muốn nói tới một tên tội phạm mới bị kết án
tử hình, ban nãy, nó phải vác thập giá ngang qua đây, đi về hướng ngọn đồi gọi là đồi
Gôngôtha ở đằng kia kìa ! Tôi áng chừng chính là cái tên đó đó, bởi tôi thấy người ta có
đồn rằng: hắn ta dám tự xưng mình tên là “Giêsu, Vua dân Do Thái”.
Đạo sĩ 4: Thôi đúng rồi ! Cám ơn ông, chắc đúng là người đó rồi ! ( Vội quay đi, rảo bước, miệng lẩm
bẩm có vẻ còn bán tín bán nghi ) Giêsu, Vua dân Do Thái, Giêsu đó sao ? Một hài nhi mới
sinh ra cơ mà ? Sao lại là một người đàn ông, lại còn là một người bị quân lính bắt đưa đi
đóng đinh như một tử tội nữa chứ ? Giêsu, Vua dân Do Thái, có thật đúng là Ngài đó chăng ?
Nhân viên: ( Ông cán bộ về dân số lắc đầu ngao ngán... ) Trời đất ơi ! Đúng là một tên khùng ! Sao
dạo này có lắm tên khùng khùng quá vậy nhỉ ? Một tên thợ mộc dám tự nhận mình là Vua
dân Do Thái, rồi bây giờ lại còn thêm một anh coi bộ cũng trí thức, lại khăng khăng bảo tên
thợ mộc đó là Đấng Cứu Thế nữa cơ chứ ? Thật, hết chỗ nói ! Đúng là thời buổi đảo điên
có khác ! ( Anh ta nhún vai bĩu môi bỏ đi. Vị đạo sĩ tiến tới phía có bóng của Đức Giêsu
dang tay trên thập giá in trên tấm màn căng ).
CẢNH CUỐI: GẶP ĐỨC GIÊSU
Đạo sĩ 4: Thưa Ngài, có thật Ngài chính là ông Giêsu, Vua dân
Do Thái không ? ( Đạo sĩ tiến lại gần tấm màn có hình
rọi, nhìn kỹ... ) Nhưng không thể nào được, vì ông là
một người trung niên, còn tôi thì lại đang cần tìm một
em bé sơ sinh, Người đó mới thực sự là Vua dân Do
Thái. Chính ngôi sao lạ trời Đông đã dẫn tôi đến nơi
đây cơ mà...
Đức Giêsu: Này người bạn đáng yêu, anh quên rằng đã hơn 30
năm trôi qua rồi sao ?
Đạo sĩ 4: Trời ơi ! ( đạo sĩ quay lại phía khán giả, tỏ vẻ bàng
hoàng ngẩn ngơ... ) Đã hơn 30 năm tôi đi tìm Người
rồi sao ? Vậy mà tôi cứ ngỡ chỉ mới hôm qua ! Vậy
Hài nhi năm xưa, giờ đây chính là Ngài ư ? ( Đạo sĩ
quay lại phía hình bóng Chúa, quỳ xụp xuống cầu
nguyện ) Lạy Ngài, con đã đến quá trễ, xin tha thứ cho con !
Đức Giêsu: Anh không có lỗi gì cả ! Hôm nay anh đã được gặp chính tôi, nhưng tôi thì đã từng... gặp
anh rất nhiều lần rồi !
Đạo sĩ 4: Thưa Ngài, thật vậy sao ? Ngài mà lại từng gặp con ở đâu đó rồi sao ?
Đức Giêsu: Tôi đói, anh đã cho tôi ăn. Tôi khát, anh đã cho tôi uống. Tôi là khách lạ, anh đã tiếp rước
tôi vào nhà. Tôi mình trần, anh đã cho tôi áo mặc. Tôi ngồi tù, anh đã thăm nuôi tôi...
Đạo sĩ 4: Nhưng thưa Ngài, thiệt ra thì con cũng có đôi lần làm những việc nho nhỏ đó cho người
này người nọ mà con gặp trong họ đạo hoặc con tình cờ gặp dọc đường, thế nhưng...
thực sự con đã bao giờ gặp Ngài và làm cho Ngài như thế đâu ?
Đức Giêsu: Mỗi lần anh làm như thế cho một trong những người anh em đồng loại là anh đã làm cho
chính tôi đó !
Anh đã chỉ đường cho một người mù đến gặp tôi, người ấy đã được tôi chữa cho sáng
mắt. Và để tỏ lòng biết ơn, người ấy đã tặng tôi cây gậy làm kỷ niệm, trên đó tôi thấy có
khắc tên anh...
Rồi một người hành khất tìm đến với tôi, trao cho tôi một mẩu bánh mì mà anh đã chia sẻ
cho chị ấy, chính mẩu bánh nhỏ bé này tôi đã dùng trong bữa Tiệc Ly để hóa nên chính
Thịt Máu của tôi đem Sự Sống vĩnh cửu cho muôn người...
13
Rồi một người phong cùi đã đến với tôi với ngọn nến sáng trong tay, và khi anh ta lành
mạnh rồi, cũng chỉ có một mình anh là quay trở lại tạ ơn tôi, còn chín người bạn đồng cảnh
ngộ với anh ta thì không. Anh ta đã thuật lại đầu đuôi cuộc gặp gỡ với anh trước đó...
Lại còn một chị phụ nữ đã mạnh dạn chạy vào giữa bàn tiệc của một người Pha-ri-sêu
đang thết đãi tôi để quỳ xuống, khóc lóc chân thành, lại còn đổ một bình dầu thơm rồi lấy
tóc mà lau chân tôi...
Tất cả những con người đáng thương ấy đều đã gặp anh và được anh giúp đỡ, được anh
chỉ dẫn cho biết đường mà tìm đến gặp tôi để được đổi đời...
Đạo sĩ 4: Nhưng lạy Ngài, Ngài tốt lành và đầy quyền năng như thế, cớ sao Ngài lại bị đóng đinh
như một phạm nhân nhục nhã như thế này ?
Đức Giêsu: Tôi đã đến nơi nhà của mình, nhưng người nhà lại chẳng muốn đón nhận tôi.
Đạo sĩ 4: Vậy là người ta đã nỡ vu cáo và giết chết Ngài chỉ vì Ngài đã quá đỗi yêu thương họ, vì
Ngài đã muốn đem lại cho họ Sự Sống vĩnh cửu ư ? Vậy, bây giờ con còn có thể làm
được gì cho Ngài đây ?
Đức Giêsu: Anh hãy quay về sống cuộc đời bình thường của mình. Tôi chỉ nhờ anh một việc, anh hãy
thuật lại Tin Mừng trọng đại này cho mọi người anh gặp: đó là Đấng Cứu Thế đã giáng
sinh, đã sống đời con người như mọi người, đã yêu thương hết mọi người chẳng trừ ai,
Người đã chết để làm chứng về Tình Yêu, về mối tình bất diệt muôn thuở ấy, và rồi chắc
chắn Người đã Phục Sinh. Nước Của Người sẽ rộng mở và các dân tộc trên toàn thế giới
này sẽ biết Người và theo Người... ( Nhạc trổi lên vui tươi, hùng mạnh, vị Đạo sĩ cúi lạy
Đức Giêsu rồi bước tới trước khán giả, nói dõng dạc... )
PHẦN KẾT:
Kính thưa cộng đoàn,
Vâng, chính tôi và những anh chị em tật
nguyền, bất hạnh và tội lỗi, chúng tôi đã được gặp
gỡ Đức Giêsu như thế đó.
Chúng tôi tin chắc rằng: chính quý ông bà anh
chị em, chính các bạn trẻ cũng đã hơn một lần gặp gỡ
Đức Giêsu Cứu Chúa ngay trong cuộc sống, bởi vì,
chính cộng đoàn cũng đã đến quây quần nơi đây,
trong ngôi Nhà Thờ thân yêu này ngày hôm nay, như
là một dấu chỉ sống động của Tình Yêu Hiệp Nhất.
Vậy, xin cộng đoàn hãy cùng ngẩng cao đầu
để đón lấy Ánh Sáng của Chúa Kitô Giêsu, Anh sáng ngôi sao lạ ngày Chúa giáng trần, Ánh Sáng vinh
hiển ngày Chúa phục sinh và cũng sẽ là Ánh Sáng cánh chung, ngày Chúa sẽ trở lại đưa chúng ta vào
Nước của Người...
( Đèn cung thánh bật sáng, người đóng vai đạo sĩ tiến ra thắp sáng ngọn nến Phục Sinh trên giá,
mời cộng đoàn đứng lên hát chung bài Gặp Gỡ Đức Kitô của cha Tiến Lộc, hoặc có thể chọn hát một
bài thánh ca nào khác thích hợp với cộng đoàn, miễn là có được bầu khí ấm cúng đỉnh cao của phần kết
thúc. Xin lưu ý: Nên dặn cộng đoàn tránh không vỗ tay khi buổi diễn chấm dứt ).
Lm. LÊ QUANG UY, DCCT
Phóng tác theo một truyện kể tôn giáo dân gian Tiểu Á
PHONG CÁCH PHANXICÔ
Bài 29. Con đường đến với người vô thần
Phần 1. Danh Giêsu Cứu Độ
Vào tháng 4.2013, cựu đại biểu Quốc Hội Nguyễn Minh Thuyết đã từng nêu ý kiến: khi bỏ cụm từ
XHCN, Việt Nam sẽ tranh thủ được cảm tình của quốc tế. http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/doi-lai-ten-
nuoc-la-tro-ve-dung-ban-chat-che-do-2657655.html
14
CÙNG NHẬN ĐỊNH
Nhưng sau đó tên nước ta vẫn là CHXHCN Việt Nam và tổ quốc vẫn được cai trị bởi một đảng
vô thần. Không thể tránh khỏi trong sinh hoạt hàng ngày, tại khắp nơi khắp chốn, ta vẫn luôn phải tiếp
xúc với những cán bộ vô thần tại các cấp các ngành.
Tại Âu Mỹ, vô thần đã trở nên một trào lưu phổ biến. Ngay cả những
người vẫn tin vào Chúa thì chỉ còn một số rất ít còn đến Nhà Thờ lãnh nhận
các Bí Tích. Có kiểu vô thần cá nhân, vì thành thật với lòng mình và do chưa
tìm ra một lời giải đáp thỏa đáng từ phía tôn giáo cho cuộc đời.
Mark Zuckerberg ( sinh năm 1984, hình đính kèm ), người sáng lập và
chủ nhân Facebook là một người vô thần công khai. Ngày 22.9.2010, anh
hiến tặng 100 triệu đôla cho Học khu công lập tại Newark, New York. Ngày
19.12.2013, anh cùng với Bill Gates và Warren Buffett ký cam kết sẽ hiến
tặng từ thiện ít nhất 50% số tài sản khổng lồ lên tới hàng chục tỷ đôla của
mình và kêu gọi những người giầu có khác cũng làm như vậy.
Lại có kiểu vô thần vì tìm quyền lợi riêng khi gia nhập một tập thể vô
thần, do đó không thể có lập trường cá nhân. Lúc không còn ở trong tập thể
đó nữa, nhất là ở tuổi xế chiều, thì nhiều người lại quay về tôn giáo. Bây giờ
ta thường gặp các Tăng Ni đến tụng kinh tại các đám táng một số cán bộ đảng viên đã hưu trí.
Truyền giảng Tin Mừng cho những người vô thần vẫn là một nhiệm vụ bắt buộc đối với mọi Kitô
Hữu. Điều này chỉ khả thi nếu ta có khả năng dùng ngôn ngữ của đời thường để truyền đạt Tin Mừng.
Ta không thể làm được điều này nếu không chỉnh sửa lại một số thuật từ rất lạ lùng ở trong Đạo của ta.
Người có Đạo hay không đều bình đẳng. Mọi người có thể xưng hô với nhau là ông bà cô bác
chú cậu dì anh chị em như mọi người Việt Nam khác. Không phàm
nhân nào còn là “cha” là “đức” là “ngài” ở trên người khác. Mọi
người đều là con của một Cha Chung vì Giêsu chết trên thập giá là
cho tất cả mọi người. Giêsu không bao giờ kết án ai, luôn luôn tha
thứ. Người cần phải được trình bầy với một khuôn mặt thiết thân
và rất đáng yêu mến cho mọi người kể cả những ai vô thần. Không
có sự khác biệt giữa người Do Thái và người Hy Lạp, vì tất cả đều
có cùng một Chúa, là Đấng quảng đại đối với tất cả những ai kêu
cầu Người ( x. Rm 10, 12 ).
Ngày 7.7.2013, nhà báo tiến sĩ Eugenio Scalfari, một người
vô thần công khai, viết trên tờ báo La Repubblica có lập trường vô
thần do chính ông sáng lập, thánh thức Papa Phanxicô giải thích
một số điểm mấu chốt trong Kinh Thánh. Ông viết với tư cách một
người vô thần nhưng lại quan tâm và ái mộ những lời dạy của
Giêsu Nadarét, con của Maria và Giuse, hậu duệ của Đavít. Vấn
nạn của ông Scalfari là: Nếu một người không tin mà phạm vào một điều mà Nhà Thờ gọi là “tội” thì có
được Thiên Chúa của Đạo Kitô tha thứ hay không ? Đây là một câu hỏi rất hóc búa, nếu đem áp dụng ở
nước ta một cách rất cụ thể có thể là: Nếu một cán bộ lợi dụng quy hoạch treo để chiếm ruộng đất của
nông dân nghèo thì có được Đức Chúa tha thứ không ?
Thật bất ngờ, dù bận trăm công nghìn việc, mỗi khi đi đâu cũng có hàng ngàn người vây quanh,
Papa Phanxicô vẫn đã hồi đáp cho ông Scalfari với lá thư gồm 2.500 từ được đăng trên tờ báo vô thần
La Republica vào ngày thứ hai 12.8.2013.
(Trích): Tôi ( Papa Phanxicô ) không nói riêng cho những người tin mà cho tất cả mọi người ( gồm
cả những người vô thần ) về một sự thật tối thượng. Sự thật đó là, theo lòng tin Kitô, tình yêu của Thiên
Chúa dành cho ta được cô đọng nơi Giêsu Kitô. Sự thật đó là một mối liên hệ giữa mỗi người và Giêsu
theo tầm mức đón nhận và diễn tả ra tùy theo hoàn cảnh lịch sử và văn hóa nơi đời riêng của từng cá
nhân. Thiên Chúa tha thứ cho những ai sống theo lương tâm mình.
Đối với tôi, lòng tin được sinh ra từ sự gặp gỡ của cá nhân tôi với Giêsu, người đã đi vào tâm hồn
tôi và ban cho tôi một ý nghĩa mới cho cuộc đời. Nhưng đồng thời, lòng tin chỉ được trở thành hiện thực
nhờ cộng đoàn Kitô, trong đó tôi sống, nhờ đó tôi đón nhận Tin Mừng một cách trung thực, đó là đời
sống mới phát sinh từ nguồn nước Giêsu, qua Bí Tích và tình hiệp thông huynh đệ khi phục vụ người
nghèo, họ là hình ảnh trung thực nhất của Chúa. Không có Nhà Thờ thì tôi không thể gặp gỡ Giêsu,
đây là một ân huệ vô cùng vĩ đại, tức là lòng tin, được gìn giữ trong những chiếc bình gốm dễ vỡ của
bản tính nhân loại ( x. 2 Cr 4, 7 ).
15
Từ cảm nghiệm sống lòng tin trong Nhà Thờ, tôi cảm thấy dạn dĩ lắng nghe các chất vấn của ông
( Scalfari ) và muốn cùng với ông, tìm ra những con đường mà mà chúng ta có thể bắt đầu hành trình
chung với nhau trong chốc lát.
Nhà Thờ, xin hãy tin tôi, dù cho có những trì trệ, bất trung, sai lầm và tội lỗi như đã có và vẫn còn
sẽ có nơi những người con của mình, không mang một ý nghĩa và một mục đích nào khác ngoài việc
sống và làm chứng cho Giêsu, Đấng được Abba sai đến để để “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn,
công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho
người bị áp bức, thông báo một năm hồng ân của Chúa” ( Lc 4, 18-19 ).
Trong tình hiệp thông huynh đệ.
Phanxicô. ( Nguyên văn chỉ có ký tên trống, không kèm chức vụ hay tước hiệu. Các danh xưng ở
trong đạo không có giá trị bao nhiêu đối với người vô thần, vì thế khi gặp gỡ họ nên tránh đề cập )
( Nguồn: http://www.zenit.org/en/articles/popefrancislettertothefounderoflarepubblicaitaliannewspaper )
Vì đây là lá thư gởi cho một người vô thần, được đăng trên một tờ báo vô thần cho những người
vô thần đọc, nên có văn phong đời thường. Ở Phương Tây, khi rất thân
thiết với nhau hoặc có sự cho phép của người trên, người ta mới có
thể gọi trống tên nhau. Trong nguyên văn lá thư, Papa Phanxicô chỉ gọi
một cách đơn giản và thân mật là Giêsu. Truyền giảng Tin Mừng là nói
về danh Giêsu, là kể lại kinh nghiệm mà ta có về Giêsu cho người khác
nghe. Các thủ lãnh Do Thái cho gọi hai ông Phêrô và Gioan vào và
tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh
Giêsu nữa. ( x. Cv 4, 18 ).
Trong tất cả các tôn giáo của thế giới, chỉ riêng có Đạo Kitô,
mới đòi hỏi người tin phải coi Giáo Chủ Giêsu và Cha của Người:
Thiên Chúa Cha, là đối tượng tình yêu lớn nhất của mình. Đây là giới
quan trọng nhất. Giêsu đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên
Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới
răn quan trọng nhất” ( Mt 22, 37-38 ). Giêsu chất vấn Phêrô đến ba lần
trước khi trao cho ông nhiệm vụ chăm sóc chiên: “Này anh Simôn, con
ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?” Ông đáp:
“Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” ( x. Ga 21, 15-19 ).
Trích những lời cuối cùng của một số vị Thánh ngay trước khi chết.
Thánh Tử Đạo Hàn Quốc Andrew Kim Taegon ( hình ): "Chính vì Người mà tôi chịu chết".
Thánh Faustina Kowalska: "Tôi chỉ biết rằng tôi yêu và được yêu. Đối với tôi, điều này đã hoàn
toàn đầy đủ rổi".
Thánh Ignatius of Loyola ( lập Dòng Tên ): "Ôi Chúa của con".
Thánh Jeanne d’Arc: "Giêsu, Giêsu, Giêsu".
Thánh Kateri Tekakwitha: "Giêsu, con yêu mến Người".
Chân Phước Tử Đạo Miguel Pro, Dòng Tên, tự ý dang hai tay ra cho giống Chúa Giêsu Thập
Giá ( hình ) và hô vang: "Đức Kitô là Vua".
Thánh Têphanô Tử Đạo Tiên Khởi: "Ôi Chúa
Giêsu, xin nhận lấy hồn con".
Thánh Têrêsa Calcutta: "Giêsu, con yêu mến
Người. Giêsu, con yêu mến Người".
Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu: "Chúa của con.
Con yêu mến Người".
Thánh Têrêsa Ávila: "Ôi Chúa và Đấng yêu
mến của con, giờ mà con luôn mong đợi đã đến". ( O
my Lord and my Spouse, the hour that I have longed
for has come ).
Một số người có lẽ sẽ dịch Spouse ở đây là Hôn
Phu hay Lang Quân. Khái niệm Đức Kitô trở thành Hôn Phu của một cá nhân không có nguồn gốc trong
Tin Mừng. Hình ảnh này chỉ được Thánh Phaolô dùng để nói lên mối tương quan giữa Đức Kitô và Hội
Thánh: Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì
Hội Thánh… Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh ( Ep 5, 25-32 ).
http://www.catholicvote.org/the-last-words-of-30-saints/
16
Tin Mừng luôn nói về bước đầu tiên thay đổi cuộc sống của mỗi người là gặp gỡ Giêsu như một
con người bình thường.
Hôm sau, ông Gioan lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Giêsu đi
ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Giêsu
( Ga 1, 35-37 ).
Rồi Anrê dẫn em mình là Simôn đến gặp Giêsu. Giêsu nhìn Simôn và nói: “Anh là Simôn, con
ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” ( Ga 1, 42 ).
Rồi trải qua những năm dài lặn lội đi theo Giêsu trên mọi nẻo đường, chứng kiến tận mắt các
phép lạ Giêsu làm, rồi phải tan nát cõi lòng trước cuộc thương khó và tử nạn của Giêsu, khi gặp được
Giêsu Phục Sinh thì Giêsu mới trở thành Chúa, mới là Đức Giêsu và Chúa Giêsu của họ. Vào chiều
ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do
Thái. Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em !” Nói xong, Người cho các ông xem
tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa ( Ga 20, 19-20 ).
Không những thế Người còn phải trở thành Thiên Chúa của họ. Rồi Người bảo Tôma: “Đặt ngón
tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa,
nhưng hãy tin.” Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” Bản tiếng Anh có thể
giúp hiểu rõ câu này hơn: Thomas answered and said to him, “My Lord and my God !”
Tiếng Việt chỉ dùng chung một chữ Chúa cho cả hai nghĩa Chúa trên trần gian ( thủ lãnh mà ta
thần phục như Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn ) và Chúa trên trời ( Đấng tạo dựng nên ta và có toàn quyền
trên số phận đời đời của ta ). Tiếng Anh gọi Chúa trên trần gian là Lord ( thủ lãnh ) và Chúa Trời là God.
Tin Mừng được viết bằng tiếng Hy Lạp, trong đó Chúa trần gian là kurios và Chúa Trời là θεός – theos
nhưng trong tiếng Hy Lạp theos không hẳn là Chúa Trời duy nhất mà có thể là bất kỳ thần linh nào.
Trong tiếng Hoa, Chúa 主 chỉ có nghĩa là thủ lãnh trần gian, Chúa Trời được gọi là 上帝 thượng đế hay
thiên đế. Nhưng Thượng Đế ấy không khác bao nhiêu với một hoàng đế trần gian, không quan tâm mấy
tới người trần, cũng có thiên đình với cung tần mỹ nữ, hay tổ chức yến tiệc linh đình như Hội Bàn Đào,
tiên nữ nào mà lỡ làm bể chén ngọc là bị đầy ngay xuống trần gian làm người !
Mỗi người cần phải đi từ gặp gỡ Giêsu ( một con người ) đến đón nhận Người là Đức Giêsu ( Chúa
trên trần gian ) và sau cùng xưng tụng Người là Chúa Giêsu ( Chúa Trời ). Đó là sự trình bầy tiệm tiến của
Tin Mừng khi mặc khải về Giêsu. Danh Giêsu cô đọng tất cả đặc tính này. Kêu cầu danh Giêsu đã là đầy
đủ. Sứ Thần thông báo cho ông Giuse, chồng bà Maria: “Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con
trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”
Nếu Giêsu thật sự là tất cả tình yêu trong ta thì ta có thể dạn dĩ gọi Người là Giêsu. Bởi thế, ta
hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp
mỗi khi cần ( Dt 4, 16 ). Mắt ta có thể hướng về Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin cho ta ( x.
Dt 12, 2 ). Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi ( 1Ga 4, 18 ). Ngay
đến một tay đầu trộm đuôi cướp vào phút cuối cuộc đời mà cũng có thể thốt lên: “Giêsu ơi, khi ông vào
Nước của ông, xin nhớ đến tôi !” ( Lc 23, 42 ). ( Mt 1, 21 ) Văn
phong của Kinh Thánh nói như thế. Các ngôn ngữ khác trên thế
giới cũng dùng như thế. Chỉ riêng có người Việt Nam mới luôn
phải trịnh trọng xưng là Đức Giêsu, Đức Chúa Giêsu. Cách dịch
Kinh Thánh và ngôn từ trong Đạo ở Việt Nam tuy thích hợp với
truyền thống văn hóa dân tộc nhưng lại không hoàn toàn đúng
với tinh thần của Tin Mừng.
Ngày nay nhiều người Việt Nam thích đọc lời nguyện
vắn gọn: Giêsu, Maria, Giuse, con mến yêu, xin cứu rỗi các
linh hồn. Rất may kinh này đã không được dịch là Lạy Đức
Chúa Giêsu, Lạy Đức Mẹ Maria, Lạy Thánh Cả Giuse. Vì
Giêsu, Maria, Giuse đã các Đấng ta yêu mến hết lòng nên ta
có thể gọi thẳng tên các ngài một cách thân thương. Kinh này
được Tôi tớ Chúa, nữ tu Consolata Betrone ( 1903-1946 ),
Dòng Capuchin ( một nhánh của Phanxicô ), cho biết chính
Chúa Giêsu đã hiện ra dạy cho chị đọc. Kinh được các Tín Hữu
tại Philippines và Bồ Đào Nha đọc chung với chuỗi Mai Khôi,
sau kinh Sáng Danh, cùng với Lời nguyện Fatima do chính Mẹ
Maria dạy cho ba trẻ nhỏ khi hiện ra tại Fatima: Lạy Chúa
17
Giêsu, xin tha tội cho chúng con; xin cứu chúng con khỏi sa hoả ngục; xin đem các linh hồn lên thiên
đàng – nhất là những linh hồn – cần đến lòng Chúa thương xót hơn.
Lạy Chúa Giêsu trong nguyên gốc tiếng Bồ Đào Nha được chính Mẹ Maria nói ra là Ó meu
bom Jesus ( Ôi Giêsu nhân lành của tôi, tức là của từng cá nhân ), được dịch sang tiếng Anh là O My
Jesus ( Ôi Giêsu của con ), tiếng Pháp là O mon Jésus ( Ôi Giêsu của con ), tiếng Hoa là 吾主耶穌 wú
zhǔ Yēsū ( Chúa Giêsu của con ). Trong trường hợp này cụm từ Lạy Chúa Giêsu trong tiếng Việt không
toát lên được tấm thân tình của từng người với Giêsu. Hồng Y Giovanni Saldarini, Tổng Giám Mục
Turin, đã khởi sự tiến trình phong Chân Phước cho chị Consolata Betrone từ năm 1995.
NGUYỄN TRUNG ( Còn tiếp phần 2 )
HÀNH HƯƠNG ĐẦU NĂM
Em tôi là một cô giáo tiểu học nên cũng có một số bé đến nhà xin học thêm. Trong số những cô
cậu bé láu lỉnh nghịch ngợm này tôi đặc biệt chú ý đến một bé. Bé gái này không xinh xắn, không học
giỏi, cũng không có gì nổi bật ngoại trừ việc bé sinh ra trong một gia đình Công Giáo nhưng ba mẹ hiếm
khi đưa bé đi Nhà Thờ. Theo như bé kể thì dạo trước ba mẹ cũng cố gắng đưa bé đi Lễ Chúa Nhật – chỉ
đưa bé đi thôi chứ ba mẹ thì không dự Lễ – nhưng khoảng một năm nay vì lo bận làm ăn nên không còn
đưa bé đi nữa. Vậy là cả gia đình Công Giáo đều không ai dự Lễ Chúa Nhật cả. Và cũng theo lời kể của
bé thì ba mẹ bé luôn chú ý đến vấn đề dinh dưỡng nên những bữa ăn của gia đình bé luôn đầy đủ thức
ăn ngon lành, bổ dưỡng. Gia đình bé ở trọ nên chỉ "thiếu" căn nhà và "thiếu" chuyện… đi Lễ mà thôi.
Tôi không nói gì nhiều vì sợ bé
"chán nghe" nên chỉ tóm tắt là: khi con
cái đến thăm cha mẹ thì cha mẹ rất vui,
Thiên Chúa cũng như cha mẹ mình
vậy, khi chúng ta đến thăm Thiên Chúa
để bày tỏ lòng hiếu thảo của mình thì
Ngài cũng rất vui. Cứ như vậy, mỗi lần
trò chuyện với bé, tôi lại khuyên bảo
một chút với vài thí dụ cho bé dễ hiểu,
tôi lại có ý định đưa bé đi dự Thánh Lễ
một lần, vì như bé nói, đã lâu rồi bé
không được đến Nhà Thờ. Phải làm
sao để ba mẹ bé đồng ý cho bé đi và
chính bản thân bé cũng thích đi nữa.
Trong lúc đang suy nghĩ chưa biết sẽ
đưa bé đi dự Lễ ở đâu thì trí óc tôi mơ
màng trở về thời thơ ấu…
Dạo đó tuổi thơ của tôi may mắn được sống dưới thời được thật sự tự do và hạnh phúc. Lúc đó
nhà tôi ở phía ngã tư Bảy Hiền, Sàigòn, khá xa Thủ Đức nhưng ba má tôi hay đưa mấy chị em tôi đi
Hành Hương Đức Mẹ Fatima Bình Triệu, Thủ Đức, và chuyến Hành Hương nào cũng kết hợp với một
buổi picnic thật vui vẻ và tràn đầy hạnh phúc.
Gia đình tôi luôn đi vào buổi sáng, và khi đến nơi thì vào viếng Mẹ ngay. Ba tôi thì thường im
lặng, cầu nguyện một mình. Má tôi hướng dẫn mấy chị em tôi đọc vài bài kinh chung để cầu nguyện cho
gia đình. Cầu xin cho ba má luôn khỏe mạnh, cầu cho mấy chị em biết vâng lời ba má, ngoan ngoãn và
chăm học. Cầu xin Thiên Chúa và Đức Mẹ chúc lành cho gia đình. Sau khi dặn chị em tôi không được
nói chuyện, làm ồn trong trong Nhà Thờ, má tôi ngồi một mình chiêm niệm, cầu nguyện tiếp.
Chị em tôi bắt đầu nhìn ngắm tượng Đức Mẹ, nhìn ngắm bàn thờ và nhìn ngắm chung quanh.
Mặc dù thường được đi Hành Hương Viếng Mẹ Fatima nhưng lần nào chị em tôi cũng nhìn ngắm toàn
cảnh Nhà Thờ không chán mắt. Có nhiều gia đình cũng từ nơi xa đến viếng Mẹ như gia đình tôi. Trên
gương mặt mọi người tràn đầy vẻ tin tưởng, rạng rỡ, hân hoan.
Sau khi đọc kinh, cầu nguyện khoảng gần một tiếng đồng hồ trong Nhà Thờ xong, gia đình tôi đi
"thăm" các nhà sách đạo ở quanh đó. Các tượng ảnh Chúa và Đức Mẹ cũng như các chuỗi hạt được
bày bán rất nhiều và đẹp. Chị em tôi được tha hồ xem no con mắt và đi mỏi cả chân. Rồi chúng tôi lại
vào viếng Mẹ lần hai. Lần này khoảng ba mươi phút. Rồi gia đình tôi đi dạo một vòng xung quanh Nhà
18
CÙNG BỘC BẠCH
Thờ. Chị em tôi bắt đầu chạy tung tăng trong tiếng la ơi ới của ba má tôi phía đằng sau. Sau khi tóm
được đứa em út của tôi, má tôi trải tấm bạt trên sân hướng ra phía sông và gia đình tôi quây quần dùng
bữa trưa. Bữa picnic của gia đình tôi khi thì là bánh mì patê, thịt, khi là bánh mì bơ, phômai, khi thì bánh
mì kẹp lạp xưởng… và má tôi luôn kèm theo một mớ dưa leo, củ sắn đã gọt vỏ và cắt sẵn từng miếng.
Cũng có những gia đình khác trải bạt để ngồi dùng bữa ăn trưa như gia đình tôi. Tất cả dùng
bữa trong quang cảnh mây trời lồng lộng, sông nước mênh mông, thật thú vị ! Tiếng trò chuyện nho nhỏ
của người lớn, tiếng cười, tiếng khóc, tiếng la hét của mấy em bé tạo thành những âm thanh vui tai,
hạnh phúc của một Đại Gia Đình. Vâng, Đại Gia Đình Công Giáo chúng con đến viếng Mẹ. Tất cả lũ
chúng con đều là con chiên của Chúa, đều ở trong một đàn chiên do Chúa dẫn dắt…
Vậy là ý định đưa cô bé học trò đi hành hương Đức Mẹ Fatima Bình Triệu nảy sinh trong đầu tôi
từ đó. Ba má bé Hạnh – tên cô bé – đều vui lòng cho đi và cô trò chúng tôi khởi hành vào sáng ngày
đầu năm mới dương lịch 2014, ngày mồng một tháng một, Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Chúng tôi phải
đi ba chuyến xe buýt mới đến được Trung Tâm Hành Hương Bình Triệu.
Nhà Thờ đang sửa chữa chưa xong nên chỉ để một phần gần
cung thánh cho Giáo Dân có thể đến kính viếng và cầu nguyện. Một
hang đá rất đẹp mừng Chúa Giáng Sinh cũng được làm gần đó. Cô
trò tôi quỳ ở hàng ghế gần cung thánh và tôi chỉ bảo cho bé Hạnh
cách cầu nguyện và suy niệm, đặc biệt là cầu nguyện cho ba má bé
đừng bỏ Lễ Chúa Nhật nữa. Trên vách trong Nhà Thờ có nhiều bảng
Ta Ơn Mẹ, Hạnh hỏi về ý nghĩa của những bảng Tạ Ơn này. Cái gì
đối với Hạnh cũng lạ lẫm và tôi phải luôn giải thích cho bé hiểu. Tôi
chợt buồn khi nghĩ về sự khô khan nguội lạnh của ba mẹ bé Hạnh, lẽ
ra ba mẹ bé phải là người giải đáp những thắc mắc này cho bé và
phải giải đáp từ lâu rồi chứ không phải để đến tuổi này - mười tuổi
rồi – mà vẫn không biết bảng Tạ Ơn để làm gì.
"Cô ơi ! Gió mát quá cô ơi ! Sông rộng quá cô ơi ! Có mấy cái
ghe kìa cô !" Hạnh reo lên khi chúng tôi ra đến bờ sông, cô bé thích
thú ngắm nhìn những xà lan chở cát nặng nề, những ghe đò chở
người ngang qua… Gió lồng lộng, thổi bay tung tóc của chúng tôi. Tôi
chụp cho Hạnh vài tấm hình ở hang đá trong Nhà Thờ và vài tấm nơi
tượng Đức Mẹ để kỷ niệm. Thật tiếc là hôm nay không có Thánh Lễ !
Tôi cứ tưởng hôm nay là Lễ Mẹ Thiên Chúa thế nào cũng có Thánh
Lễ dành cho khách hành hương. Có lẽ cha Sở lo là đã có Lễ trọng ở
các nơi, sẽ không có đông người dự Lễ buổi sáng ở đây chăng ?
Xin trích đoạn truyện về Đức Mẹ Fatima Bình Triệu Sàigòn trong quyển Kinh Mai Khôi – 100
truyện tích Chuỗi Hạt Mai Khôi của ông Thomas Trần Khắc Khoan – được phép Imprimatur của Đức
Cha Dominic Mai Thanh Lương, Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange, Hoa Kỳ, để kết thúc bài này.
“Tương truyền vào thời kỳ chiến tranh giữa hai bên Quốc Gia và Cộng Sản, ( xin lược bớt một
câu ngắn… ). Để tránh bom đạn, nhiều ghe thuyền đã phải di tản ra vùng ngoại ô theo sông Bình Lợi.
Trong lúc chạy loạn, nhiều ghe thuyền bị bắn chìm, nhiều người bị thương tích trầm trọng. Thêm vào đó
ban đêm tối trời lại xảy ra giông tố, bão táp, nước sông dâng cao cuồn cuộn chảy xiết, làm cho ghe
thuyền tròng trành sắp đổ. Trong lúc hoảng loạn, họ đã phải tìm cách ẩn nấp vào một bãi đất trống sình
lầy để họp nhau cầu nguyện, lần chuỗi Mai Khôi, xin Đức Mẹ rủ lòng thương cho tai qua nạn khỏi. Ngay
khi ấy, Đức Mẹ hiện ra với Giáo Dân, mang hình Đức Mẹ Fatima, yên ủi mọi người và hứa Mẹ sẽ cứu
thoát Giáo Dân qua khỏi tai nạn, ngay trên bãi đất mà họ đang tụ tập cầu nguyện bằng Chuỗi Hạt Mai
Khôi. Tức thì sóng yên gió lặng, mọi người được đi về bằng an.
Để cảm tạ Đức Mẹ, một đài kỷ niệm với một tượng Đức Mẹ Fatima cao 3m đã được dựng lên
ngay trên bãi đất mà chính Đức Mẹ đã hiện ra năm xưa. Càng ngày càng nhiều phái đoàn hành hương
đổ dồn về đây kính viếng Đức Mẹ và cầu nguyện. Nơi đây, Đức Mẹ đã làm nhiều phép lạ ban ơn cho
những ai đến kính viếng và cầu khẩn Thánh Danh Mẹ với tước hiệu Fatima.
Và để thỏa mãn nhu cầu thiêng liêng của Giáo Dân, Tòa Tổng Giám Mục Sàigòn đã cho thiết kế
xây dựng một trung tâm hành hương vĩ đại, bao bọc Thánh tượng Đức Mẹ Fatima mà ngày nay người
ta gọi là Trung Tâm Hành Hương Fatima Bình Triệu, nổi tiếng khắp vùng Đông Nam Á. Ở đây cứ mỗi
ngày 13 hàng tháng, người ta lũ lượt từ khắp nơi đổ dồn về Trung Tâm Hành Hương này để cầu khẩn,
đọc kinh lần chuỗi Mai Khôi kính Đức Mẹ.
Tượng Đức Mẹ rực sáng với chuỗi hạt Mai Khôi trong tay như đang nhắn nhủ con cái xa gần:
Hãy năng lần hạt Mai Khôi kính Đức Mẹ và cầu khẩn thì Mẹ sẽ ban cho tất cả được như ý."
19
VIỆT QUỐC
HẠNH PHÚC BỊ TỪ BỎ
9 giờ 30 tối, tôi rời khuôn viên Nhà Thờ trong khi vẫn còn đông người đang cầu nguyện trước
hang đá Đức Mẹ. Đầu tôi nặng trĩu, tim tôi thắt lại, chân tôi bước mà không biết đi đâu nữa. Tôi đang
muốn chạy trốn khỏi Nhà Thờ để khỏi nghe lời giảng của cha như đâm vào tim tôi đau xé, nhưng làm
sao chạy trốn được... chính tôi ?
Tối nay, tôi nhớ mồn một những năm xa xưa ấy, những năm tôi đã nhúng tay vào tội ác mà trái
tim không hề rung động, còn nếu có thì chắc chỉ thoáng qua trong một vài tích tắc mà thôi.
Ngày ấy tôi còn rất trẻ, sống bồng bột, kết hôn vội vàng và có đứa con đầu lòng rất sớm.
Chưa kịp chuẩn bị để làm mẹ, tôi thấy ngán ngẩm cảnh có con mà chỉ một mình nuôi con. Chồng
tôi cùng một tuổi, cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”, suốt ngày cứ đàn đúm bạn bè, nhậu nhẹt, chẳng
thiết gì đến vợ con, lại còn đang ăn bám cha mẹ. Con gái tôi vừa đúng thôi nôi thì trời ơi, cả gia tài của
tôi ( chỉ gồm những món nữ trang ngày cưới ) cũng theo nhau từ từ bay mất. Giận chồng không biết lo
cho vợ con, tôi bồng con về nhà ngoại, kiếm việc làm để nuôi con.
Giá cứ như thế luôn thì tôi đã đỡ khổ ! Chẳng ngờ, chưa được bao lâu, anh ấy qua nhà tôi thề
sống thề chết, năn nỉ cha mẹ tôi cho rước vợ con về. Nhưng rồi chứng nào tật nấy, càng ngày anh càng
hư đốn. Lại một lần nữa, tôi ôm con trở về nhà cha mẹ ruột sau khi để lại lá đơn ly hôn với chồng tôi.
Một hôm đang làm việc, tôi cảm thấy chóng mặt, đi khám bệnh mới được bác sĩ cho hay là tôi đã
có thai. Nghe như sét đánh ngang tai, tôi thẫn thờ như người mất hồn, không biết tính cách nào đây,
nếu sinh thêm một đứa nữa thì đồng lương của tôi không sao lo nổi. Chẳng lẽ tôi lại mang thêm gánh
nặng về cho cha mẹ ? Ông bà đã khổ vì tôi quá nhiều rồi. Chợt nhớ có cô bạn học đang làm nữ hộ sinh
một bệnh viện phụ sản lớn, tôi đến thăm dò ý kiến. Đã quá quen với cảnh nạo hút thai hằng ngày, bạn
tôi khuyên nên “điều hoà kinh nguyệt” ngay, sẽ không đau đâu, vì thai của tôi hãy còn nhỏ, còn hơn phải
dây dưa với ông chồng vô trách nhiệm suốt đời.
Về nhà, tôi nằm liệt không dám cho ai biết. Nhìn con ngon giấc tôi ôm nó mà khóc. Thức trắng
một đêm, sáng dậy tôi cáo bệnh nghỉ làm. Đưa con đến nhà trẻ xong, tôi đi lang thang trong công viên
chỉ mong được yên tĩnh để suy nghĩ sáng suốt. Thả mình xuống chiếc ghế đá, tôi nhìn chung quanh
thấy có nhiều cặp tình nhân đang tâm sự, chỉ có mình tôi là lạc loài.
Đầu óc tôi rối beng, cứ nghĩ tới cảnh phải tiếp tục sống với anh chồng mà ngao ngán. Nhưng
còn những đứa con tôi… hay là tôi thử tha thứ cho anh ta lần nữa để những đứa con của mình được có
bố có mẹ đầy đủ… Hết giải pháp này đến giải pháp khác, cách nào cũng không ổn, tôi lê bước chân vô
hồn chẳng biết đi đâu.
Trên chiếc ghế đá nọ, đôi tình nhân vội quay mặt đi khi tôi vừa đến gần. Chuyện đó cũng là
thường tình thôi, tôi bước qua họ nhưng chợt nghe bên tai có tiếng đàn ông sao quen quá. Tôi quay lại
và kịp nhận ra đó chính là... chồng mình, còn cô gái nọ là người yêu cũ của anh ấy. Sững sờ và đau
đớn, chân tôi như bị chôn xuống đất, toàn thân toát mồ hôi lạnh.
Không nhớ mình đứng như thế bao lâu nữa, chỉ nhớ sau đó tôi đã chạy, chạy đến lúc té quỵ
xuống là hết ! Rồi phải một hồi lâu, nghe chung quanh có tiếng nhiều người lao xao, tôi lơ mơ mở mắt ra
và thấy những bộ đồng phục màu trắng. Họ là những y tá, bác sĩ đang lo cấp cứu cho tôi. Thấy tôi đã
tỉnh hẳn, bác sĩ cho biết là tôi bị động thai, cần phải dưỡng thì mới giữ được.
Đang cơn chán ngán và gần như bất lực trước những đòn roi tới tấp của nghịch cảnh, tôi buột
miệng nói không suy nghĩ: “Xin bác sĩ lấy cái thai
ra dùm tôi !” Thoáng chút ngạc nhiên, bác sĩ hỏi lại
tôi một lần nữa, nhưng tôi vẫn cương quyết phá
bỏ. Sau đó tôi được đưa sang phòng nghỉ, tiếp
nước biển cho khoẻ để chờ sẽ hút thai vì lúc đó
huyết áp của tôi đang tụt rất thấp.
Tinh thần hoảng loạn, bên cạnh chẳng có
ai thân thích, tôi đành phải gọi cô bạn học nhờ trợ
giúp. Cô ấy đến gởi gấm tôi cho bác sĩ và an ủi,
xoa dịu tôi nhưng vẫn không làm tôi bớt sợ hãi.
Thế rồi chuyện gì đến phải đến. Trèo lên
chiếc giường nạo thai, ý muốn leo xuống cứ trở đi
trở lại trong tôi nhưng không còn kịp nữa, bác sĩ
20
Ephata 635
Ephata 635
Ephata 635
Ephata 635
Ephata 635
Ephata 635
Ephata 635
Ephata 635
Ephata 635
Ephata 635
Ephata 635

More Related Content

What's hot

Obv Newsletter Volume 10 Vietnamese
Obv Newsletter Volume 10 VietnameseObv Newsletter Volume 10 Vietnamese
Obv Newsletter Volume 10 VietnameseOneBodyVillage
 
Mon sup tam linh
Mon sup tam linhMon sup tam linh
Mon sup tam linhco_doc_nhan
 
Ganh xuong trau ho thi hai au
Ganh xuong trau   ho thi hai auGanh xuong trau   ho thi hai au
Ganh xuong trau ho thi hai aukathylaw119
 
Kho sachonline.com thong-diep-cua-nuoc-pdf
Kho sachonline.com thong-diep-cua-nuoc-pdfKho sachonline.com thong-diep-cua-nuoc-pdf
Kho sachonline.com thong-diep-cua-nuoc-pdfvanphuocspkt nguyen
 
Thanh The Mottambanhdacbiet (Pp Tminimizer)
Thanh The Mottambanhdacbiet (Pp Tminimizer)Thanh The Mottambanhdacbiet (Pp Tminimizer)
Thanh The Mottambanhdacbiet (Pp Tminimizer)hoanghaibang
 
Tuần cửu nhật
Tuần cửu nhậtTuần cửu nhật
Tuần cửu nhậtthuyn15
 

What's hot (19)

Ephata 619
Ephata 619Ephata 619
Ephata 619
 
Ephata 611
Ephata 611Ephata 611
Ephata 611
 
Ephata 626
Ephata 626Ephata 626
Ephata 626
 
Ephata 612
Ephata 612Ephata 612
Ephata 612
 
Ephata 615
Ephata 615Ephata 615
Ephata 615
 
So 183
So 183So 183
So 183
 
Obv Newsletter Volume 10 Vietnamese
Obv Newsletter Volume 10 VietnameseObv Newsletter Volume 10 Vietnamese
Obv Newsletter Volume 10 Vietnamese
 
Mon sup tam linh
Mon sup tam linhMon sup tam linh
Mon sup tam linh
 
Ephata 633
Ephata 633Ephata 633
Ephata 633
 
Ephata 638
Ephata 638Ephata 638
Ephata 638
 
Ephata 636
Ephata 636Ephata 636
Ephata 636
 
Ganh xuong trau ho thi hai au
Ganh xuong trau   ho thi hai auGanh xuong trau   ho thi hai au
Ganh xuong trau ho thi hai au
 
Ephata 625
Ephata 625Ephata 625
Ephata 625
 
Ephata 628
Ephata 628Ephata 628
Ephata 628
 
So 144
So 144So 144
So 144
 
Kho sachonline.com thong-diep-cua-nuoc-pdf
Kho sachonline.com thong-diep-cua-nuoc-pdfKho sachonline.com thong-diep-cua-nuoc-pdf
Kho sachonline.com thong-diep-cua-nuoc-pdf
 
Ephata 604
Ephata 604Ephata 604
Ephata 604
 
Thanh The Mottambanhdacbiet (Pp Tminimizer)
Thanh The Mottambanhdacbiet (Pp Tminimizer)Thanh The Mottambanhdacbiet (Pp Tminimizer)
Thanh The Mottambanhdacbiet (Pp Tminimizer)
 
Tuần cửu nhật
Tuần cửu nhậtTuần cửu nhật
Tuần cửu nhật
 

Viewers also liked

Candidatura Premio Nacional Diseno 2010
Candidatura Premio Nacional Diseno 2010Candidatura Premio Nacional Diseno 2010
Candidatura Premio Nacional Diseno 2010Lorenzo Bennassar
 
China micro grid technology progress and prospects forecast report, 2013-2018
China micro grid technology progress and prospects forecast report, 2013-2018China micro grid technology progress and prospects forecast report, 2013-2018
China micro grid technology progress and prospects forecast report, 2013-2018Qianzhan Intelligence
 
114th Partnership Infographic
114th Partnership Infographic114th Partnership Infographic
114th Partnership InfographicKurt Ludwig
 
Ch.1,l1, how living things are alike
Ch.1,l1, how living things are alikeCh.1,l1, how living things are alike
Ch.1,l1, how living things are alikeRadwa83
 
Urban intelligence - June 2012 - Asian cities and the global growth map
Urban intelligence - June 2012 - Asian cities and the global growth mapUrban intelligence - June 2012 - Asian cities and the global growth map
Urban intelligence - June 2012 - Asian cities and the global growth mapMIPIMWorld
 
China coatings industry production & marketing demand and investment forecast...
China coatings industry production & marketing demand and investment forecast...China coatings industry production & marketing demand and investment forecast...
China coatings industry production & marketing demand and investment forecast...Qianzhan Intelligence
 
China coal chemical equipment industry report, extensive market research and ...
China coal chemical equipment industry report, extensive market research and ...China coal chemical equipment industry report, extensive market research and ...
China coal chemical equipment industry report, extensive market research and ...Qianzhan Intelligence
 
China touch screen industry market demand forecast and investment strategy re...
China touch screen industry market demand forecast and investment strategy re...China touch screen industry market demand forecast and investment strategy re...
China touch screen industry market demand forecast and investment strategy re...Qianzhan Intelligence
 
Bank of America Acquiring Countrywide Financial
Bank of America Acquiring Countrywide FinancialBank of America Acquiring Countrywide Financial
Bank of America Acquiring Countrywide FinancialQuarterlyEarningsReports3
 
Paul Dawson - Walking the line: The Role of Product Development.
Paul Dawson - Walking the line: The Role of Product Development.Paul Dawson - Walking the line: The Role of Product Development.
Paul Dawson - Walking the line: The Role of Product Development.UCDUK
 
читалићи 2013
читалићи 2013читалићи 2013
читалићи 2013sastavzapet
 

Viewers also liked (16)

mickey shariff
mickey shariffmickey shariff
mickey shariff
 
Candidatura Premio Nacional Diseno 2010
Candidatura Premio Nacional Diseno 2010Candidatura Premio Nacional Diseno 2010
Candidatura Premio Nacional Diseno 2010
 
China micro grid technology progress and prospects forecast report, 2013-2018
China micro grid technology progress and prospects forecast report, 2013-2018China micro grid technology progress and prospects forecast report, 2013-2018
China micro grid technology progress and prospects forecast report, 2013-2018
 
Erasmus slides
Erasmus slidesErasmus slides
Erasmus slides
 
114th Partnership Infographic
114th Partnership Infographic114th Partnership Infographic
114th Partnership Infographic
 
Ch.1,l1, how living things are alike
Ch.1,l1, how living things are alikeCh.1,l1, how living things are alike
Ch.1,l1, how living things are alike
 
Urban intelligence - June 2012 - Asian cities and the global growth map
Urban intelligence - June 2012 - Asian cities and the global growth mapUrban intelligence - June 2012 - Asian cities and the global growth map
Urban intelligence - June 2012 - Asian cities and the global growth map
 
China coatings industry production & marketing demand and investment forecast...
China coatings industry production & marketing demand and investment forecast...China coatings industry production & marketing demand and investment forecast...
China coatings industry production & marketing demand and investment forecast...
 
China coal chemical equipment industry report, extensive market research and ...
China coal chemical equipment industry report, extensive market research and ...China coal chemical equipment industry report, extensive market research and ...
China coal chemical equipment industry report, extensive market research and ...
 
China touch screen industry market demand forecast and investment strategy re...
China touch screen industry market demand forecast and investment strategy re...China touch screen industry market demand forecast and investment strategy re...
China touch screen industry market demand forecast and investment strategy re...
 
Bank of America Acquiring Countrywide Financial
Bank of America Acquiring Countrywide FinancialBank of America Acquiring Countrywide Financial
Bank of America Acquiring Countrywide Financial
 
Paul Dawson - Walking the line: The Role of Product Development.
Paul Dawson - Walking the line: The Role of Product Development.Paul Dawson - Walking the line: The Role of Product Development.
Paul Dawson - Walking the line: The Role of Product Development.
 
Bharat Employment | Job Analysis | Bharatemployment
Bharat Employment | Job Analysis | Bharatemployment Bharat Employment | Job Analysis | Bharatemployment
Bharat Employment | Job Analysis | Bharatemployment
 
Warrior demos gbg
Warrior demos gbgWarrior demos gbg
Warrior demos gbg
 
читалићи 2013
читалићи 2013читалићи 2013
читалићи 2013
 
Plano Punto Linea
Plano Punto LineaPlano Punto Linea
Plano Punto Linea
 

Similar to Ephata 635

Doc thu-dac-nhan-tam
Doc thu-dac-nhan-tamDoc thu-dac-nhan-tam
Doc thu-dac-nhan-tamhangnguyenhn
 
HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI NGƯỜI KA-TU.docx
HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI NGƯỜI KA-TU.docxHÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI NGƯỜI KA-TU.docx
HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI NGƯỜI KA-TU.docxTOAN Kieu Bao
 
Kỷ yếu ngành Nữ GĐPT Việt Nam 2012 | AoLam.Org
Kỷ yếu ngành Nữ GĐPT Việt Nam 2012 | AoLam.OrgKỷ yếu ngành Nữ GĐPT Việt Nam 2012 | AoLam.Org
Kỷ yếu ngành Nữ GĐPT Việt Nam 2012 | AoLam.OrgDailyf5.com
 
Hoiky cuahanhthien tts
Hoiky cuahanhthien ttsHoiky cuahanhthien tts
Hoiky cuahanhthien ttsHoa Bien
 
Mẫu cầu nguyện Taize 7: Con đường Ngài đi
Mẫu cầu nguyện Taize 7: Con đường Ngài điMẫu cầu nguyện Taize 7: Con đường Ngài đi
Mẫu cầu nguyện Taize 7: Con đường Ngài đigxduchoa
 
Ttdc 2 2010
Ttdc 2 2010Ttdc 2 2010
Ttdc 2 2010Nguyen
 
Những bí ẩn cuộc đời- Dale carnegie
Những bí ẩn cuộc đời- Dale carnegieNhững bí ẩn cuộc đời- Dale carnegie
Những bí ẩn cuộc đời- Dale carnegieOanh Huỳnh Thúy
 
Cuộc hành trình tìm kiếm
Cuộc hành trình tìm kiếmCuộc hành trình tìm kiếm
Cuộc hành trình tìm kiếmminh le
 
Đất Nước.pdf
Đất Nước.pdfĐất Nước.pdf
Đất Nước.pdfngTrang74
 
Nhìn xe tang qua phố
Nhìn xe tang qua phốNhìn xe tang qua phố
Nhìn xe tang qua phốNguyen Nhat
 
GIÁ TRỊ CON NGƯỜI
GIÁ TRỊ CON NGƯỜIGIÁ TRỊ CON NGƯỜI
GIÁ TRỊ CON NGƯỜIVo Hieu Nghia
 
TRONG ĐỘNG TUYẾT SƠN_ Vickie Mackenzie
TRONG ĐỘNG TUYẾT SƠN_ Vickie MackenzieTRONG ĐỘNG TUYẾT SƠN_ Vickie Mackenzie
TRONG ĐỘNG TUYẾT SƠN_ Vickie Mackenzievinhbinh2010
 

Similar to Ephata 635 (20)

Doc thu-dac-nhan-tam
Doc thu-dac-nhan-tamDoc thu-dac-nhan-tam
Doc thu-dac-nhan-tam
 
Ephata 620
Ephata 620Ephata 620
Ephata 620
 
Ephata 610
Ephata 610Ephata 610
Ephata 610
 
Ephata 629
Ephata 629Ephata 629
Ephata 629
 
HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI NGƯỜI KA-TU.docx
HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI NGƯỜI KA-TU.docxHÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI NGƯỜI KA-TU.docx
HÀNH TRÌNH ĐẾN VỚI NGƯỜI KA-TU.docx
 
Thất Chân Nhân Quả.
Thất Chân Nhân Quả.Thất Chân Nhân Quả.
Thất Chân Nhân Quả.
 
Kỷ yếu ngành Nữ GĐPT Việt Nam 2012 | AoLam.Org
Kỷ yếu ngành Nữ GĐPT Việt Nam 2012 | AoLam.OrgKỷ yếu ngành Nữ GĐPT Việt Nam 2012 | AoLam.Org
Kỷ yếu ngành Nữ GĐPT Việt Nam 2012 | AoLam.Org
 
Hoiky cuahanhthien tts
Hoiky cuahanhthien ttsHoiky cuahanhthien tts
Hoiky cuahanhthien tts
 
Mẫu cầu nguyện Taize 7: Con đường Ngài đi
Mẫu cầu nguyện Taize 7: Con đường Ngài điMẫu cầu nguyện Taize 7: Con đường Ngài đi
Mẫu cầu nguyện Taize 7: Con đường Ngài đi
 
Tro lai thien duong
Tro lai thien duongTro lai thien duong
Tro lai thien duong
 
Ttdc 2 2010
Ttdc 2 2010Ttdc 2 2010
Ttdc 2 2010
 
Những bí ẩn cuộc đời- Dale carnegie
Những bí ẩn cuộc đời- Dale carnegieNhững bí ẩn cuộc đời- Dale carnegie
Những bí ẩn cuộc đời- Dale carnegie
 
Cuộc hành trình tìm kiếm
Cuộc hành trình tìm kiếmCuộc hành trình tìm kiếm
Cuộc hành trình tìm kiếm
 
Diem tua cua niem tin 04
Diem tua cua niem tin 04Diem tua cua niem tin 04
Diem tua cua niem tin 04
 
Ephata 608
Ephata 608Ephata 608
Ephata 608
 
Đất Nước.pdf
Đất Nước.pdfĐất Nước.pdf
Đất Nước.pdf
 
Nhìn xe tang qua phố
Nhìn xe tang qua phốNhìn xe tang qua phố
Nhìn xe tang qua phố
 
GIÁ TRỊ CON NGƯỜI
GIÁ TRỊ CON NGƯỜIGIÁ TRỊ CON NGƯỜI
GIÁ TRỊ CON NGƯỜI
 
Ephata 624
Ephata 624Ephata 624
Ephata 624
 
TRONG ĐỘNG TUYẾT SƠN_ Vickie Mackenzie
TRONG ĐỘNG TUYẾT SƠN_ Vickie MackenzieTRONG ĐỘNG TUYẾT SƠN_ Vickie Mackenzie
TRONG ĐỘNG TUYẾT SƠN_ Vickie Mackenzie
 

More from Vu Mai JMV

More from Vu Mai JMV (8)

Ephata 637
Ephata 637Ephata 637
Ephata 637
 
Ephata 634
Ephata 634Ephata 634
Ephata 634
 
Ephata 632
Ephata 632Ephata 632
Ephata 632
 
Ephata 631
Ephata 631Ephata 631
Ephata 631
 
Ephata 630
Ephata 630Ephata 630
Ephata 630
 
Ephata 627
Ephata 627Ephata 627
Ephata 627
 
Ephata 621
Ephata 621Ephata 621
Ephata 621
 
Ephata 609
Ephata 609Ephata 609
Ephata 609
 

Ephata 635

  • 1. E-mail: gxmehangcuugiup@gmail.com Website: www.trungtammucvudcct.com "ANH NẰM XUỐNG…" “Em nào mà gặp Soeur này, chắc chắn sẽ xin đi tu thôi”. Người bạn cùng đi với chúng tôi thốt lên như vậy. Hẳn tôi không nghĩ như thế nhưng một ngày làm việc với nhau, người Nữ Tu này đã để lại nơi tôi nhiều cung bậc cảm xúc. Người bạn cùng đi với chúng tôi nói tiếp: “Con đã rất quen với các cơ sở từ thiện, đến nhiều nơi, gặp nhiều người, con muốn nói đến sự quen thuộc, nhưng Soeur này để lại trong con nhiều ấn tượng mạnh mẽ, quả thật diệu kỳ”. Đúng vậy, với các “thành tích”: nuôi các chị em mang thai ngoài ý muốn, nuôi các cháu cô nhi, quy tụ nâng đỡ người già neo đơn, kẻ nghèo khó, mỗi ngày phục vụ 300 tô cháo ở bệnh viện, chôn cất các thai nhi bị phá bỏ… là những hình thức bác ái quen thuộc. Khó khăn có, gian lao có, thách thức có, nhất là công viêc Bảo Vệ Sự Sống những năm khởi đầu khi hiếm có nơi nào làm. Nhưng những khó khăn ấy nhờ ơn Chúa, với thời gian và lòng quảng đại của nhiều người, sẽ không đến nỗi là những ngăn trở hiểm nguy cho lắm đối với chị. Trong sứ mạng của chị, chị cũng đã vượt qua. Nhưng rồi, cách đây vài năm, qua thông tin của dân chúng, chị biết có vài ngôi mộ vùi dập thân xác những người vượt biển chết trôi dạt vào bờ. Người ta bắt đầu cần đất bờ biển để làm du lịch. Không ai là thân nhân của những người xấu số, chị đứng ra nhận rồi cải táng về nghĩa trang Giáo Xứ, ngày ngày thăm viếng, đốt một nén nhang cho ấm áp hương hồn. Tin này truyền đi trong dân chúng quanh vùng. Và thế là một ngày “duyên nợ” lại đến. Người ta dẫn chị đến một ngọn đồi với cái tên thật thơ mộng, “Đồi hoa sim”. Hàng trăm ngôi mộ đất hoàng tàn của những người lính Việt Nam Cộng Hòa năm xưa. Những trận đánh khốc liệt của những ngày tháng tư năm 75, cuộc tan hàng vội vã bỏ lại phía sau những anh em đồng đội đã gục ngã… Rồi thất trận ly tán bốn phương, những ngôi mộ đất rơi vào quên lãng, âm thầm lặng lẽ u buồn theo năm tháng… Rồi lại một nghĩa trang khác của một trại lính, cũng vậy, lác đác vài chục ngôi mộ, trại lính năm xưa chỉ còn là cỏ dại, cô quạnh với những cành sim khô khốc… Rồi lại một trại tù cải tạo, người ta phát hiện ra vài ngôi mộ năm chơ vơ giữa đồng cát. Trại tù đã giải thể, bỏ lại cánh đồng vắng những kẻ chết rũ tù chẳng biết tự bao giờ ! Chị đã bật khóc nhiều lần khi kể lại cho chúng tôi nghe. Chị dẫn chúng tôi đến từng ngôi mộ, kể lể chi tiết, rằng khi đào lên bên trong còn những gì. Thật khó, hơn 400 ngôi mộ vô danh, chị ghi lại lý lịch từng ngôi mộ, cái này xác còn cuốn trong Poncho, cái này đôi giầy còn nguyên vẹn, cái này có răng vàng, cái này còn cái đinh niken ở ống chân... May mắn có tất cả 74 ngôi mộ bên dưới còn giữ được chiếc thẻ bài của người lính. Với các chi tiết có được, chị ghi chép cẩn thận và bày tỏ với chúng tôi nỗi trăn trở làm cách nào đây để thân nhân từng người lính này biết được nơi an nghỉ của họ, làm cách nào để những con người đã nằm xuống có ngày nhận được những nén nhang từ tay người thân của mình cắm trên phần mộ... Chị không mong ước gì hơn và hoàn toàn không có một mục đích nào khác ngoài việc quy tập anh em, cầu kinh khấn nguyện và cùng anh em ngóng đợi người thân... Tôi đi dọc theo những hàng mộ xây dựng thẳng tắp ngay ngắn, xin lỗi chị, dưới con mắt của người biết chút ít về nghệ thuật kiến trúc, tôi thấy việc xây dựng mộ khá thô vụng xét về kiểu dáng, về chất liệu cũng như mầu sắc, nhưng tôi khâm phục chị và các cộng tác viên vô cùng. Làm sao một phụ 1 NĂM THỨ 15 – SỐ 635 – CHÚA NHẬT 4.1.2015
  • 2. nữ mỏng manh bình dị như thế, một Nữ Tu lẽ ra bằng lòng với câu kinh tiếng kệ trong bốn bức tường Tu Viện, chị lại xông pha sương gió làm gì, nhận lấy những gian lao khốn khó làm gì, đối đầu với bao rủi ro hiểm nguy đến từ một chế độ quá nhiều ác cảm và phân biệt đối xử làm gì, và bởi đâu chị lại kiên trì âm thầm thực hiện được một công việc quá to lớn như vậy ? Cánh đàn ông chúng tôi có thể biết làm đấy, nhưng có dám làm, có dám chịu trách nhiệm ? Người ta chỉ bằng lòng dừng lại với việc “cầu cho các linh hồn mồ côi”, thế thôi, chớ có dại làm gì ảnh hưởng đến các hoạt động mục vụ khác, thậm chí có khi người ta còn nại đến… vì lợi ích Dân Chúa ! Thật buồn… Thấy tôi ngạc nhiên về những cành hoa tươi cắm đều trên các phần mộ, chị giải thích: “Có một vị ân nhân ở Đà Lạt, đôi ba ngày lại gởi xuống một giỏ hoa tươi, chúng con chỉ việc nhặt nhạnh rồi cắm vào các ngôi mộ, nhang thì chúng con thắp mỗi ngày”. Vùng giáp biển nên gió thổi rất mạnh, một cái giếng được đào bên rìa nghĩa trang, cứ vài ngày thì các ngôi mộ được bơm nước rửa sạch bụi bặm. Một bức tường cao được xây dựng để ngăn trâu bò len vào giẫm đạp. Lại có hai người thường xuyên ngoài nghĩa trang đến để dọn dẹp quang quẻ sạch sẽ cũng như tiếp tục chôn cất các thai nhi. Một ngày làm việc trôi qua với nhiều cảm xúc, chúng tôi quây quần quanh nhau để lắng đọng tâm hồn cùng với lời cầu kinh cho những người đã nằm xuống, ráng chiều đã rực lên, gió hoàng hôn đã bắt đầu những cơn quần quật. Mọi người lặng thinh với không gian và với chính mình. Trên đường về không ai bảo ai, lòng như trùng xuống ngậm ngùi, chạnh nhớ một bài hát của Trịnh: “Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây, Đã vui chơi trong cuộc đời này, Đã bay cao trong vòm trời đầy, Rồi nằm xuống, không bạn bè, không có ai, Không có ai, từng ngày, không có ai đời đời Ru anh ngủ vùi, mùa mưa tới trong nghĩa trang này có loài chim thôi ! May quá, ở nghĩa trang này, không chỉ có chim trời và hoa dại, mà vẫn luôn có đó một chị Nữ Tu ân cần tận tụy và những con người tốt bụng chăm sóc gần gũi các anh... Lm. VĨNH SANG, DCCT, 26.12.2014 MỤC LỤC TÌM BÀI: "ANH NẰM XUỐNG…" ( Lm. Vĩnh Sang ) ............................................................................................. 01 THEO ÁNH SAO ( Trầm Thiên Thu ) ..................................................................................................... 02 "THÁNH MARIA, ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI…" ( Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ ) ........................................... 04 TAY TRẮNG LÀM NGƯỜI ( M. Hoàng Thị Thùy Trang ) ...................................................................... 06 KỊCH BẢN: GẶP GỠ KITÔ ( Lm. Giuse Lê Quang Uy ) ........................................................................ 07 PHONG CÁCH PHANXICÔ – BÀI 29: Con đường đến với người vô thần ( Nguyễn Trung ) ................ 14 HÀNH HƯƠNG ĐẦU NĂM ( Việt Quốc ) ............................................................................................... 18 HẠNH PHÚC BỊ TỪ BỎ ( VTKT ) .......................................................................................................... 20 TRÊN CON ĐƯỜNG VỀ QUÊ ( AM. Trần Bình An ) ............................................................................. 21 PHÉP LẠ CỦA MẸ MARIA QUA TRÀNG CHUỖI MAI KHÔI ( Lucia MT ) ............................................. 22 TÌNH YÊU VÀ TÌNH CẢM ( Khuyết Danh ) ............................................................................................ 24 MỘT TẤM LÒNG ( NVD ) ...................................................................................................................... 25 MẸ CHỒNG TÔI ( Phương Lan ) .......................................................................................................... 26 NHỊP CẦU BÁC ÁI PHANXICÔ VÀ QUỸ MẸ HẰNG CỨU GIÚP ( Trung Tâm Mục Vụ DCCT ) ................ 30 THEO ÁNH SAO Ngày nay gọi là Lễ Hiển Linh, ngày xưa gọi là lễ Ba Vua. Thực ra không chỉ có 3 người mà nhiều người, họ không phải là những quốc vương mà là các đạo sĩ, các nhà thông thái, các chiêm tinh gia, họ từ Đông phương xa lắc xa lơ đi theo dấu Ánh Sao Lạ dẫn đường đến Bêlem để diện kiến chính Vương Nhi Giêsu và Song Thân của Ngài. Ngôi Hai đã hóa thành 2 CÙNG SUY NIỆM
  • 3. nhục thể, làm người để chia ngọt sẻ bùi với thân phận con người của chúng ta. Quả thật, đó là “độc chiêu” mà Chúa dùng để tỏ mình ra cho muôn dân. TÌM CHÚA Thiên Chúa Cha đã hứa ban Ngôi Con từ mấy ngàn năm trước và nay đã hiện thực đúng lời hứa đó: Ngôi Hai làm người. Chúng ta là những người nô lệ tội lỗi, nhưng “nô tì kiếp” của chúng ta được Đức Giêsu đến tháo gỡ mọi gông cùm của tội lỗi, được thừa nhận là con của Thiên Chúa, vì thế Ngôn Sứ Isaia kêu gọi: “Đứng lên, bừng sáng lên ! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi. Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi, Đức Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi” ( Is 60, 1-2 ). Thật hạnh phúc biết bao! Chúng ta không chỉ được giải thoát và trở nên con cái Thiên Chúa, mà chúng ta còn được Ngài quan tâm, chăm sóc và nâng niu: “Con trai từ phương xa tới, con gái được ẵm bên hông” ( Is 60, 4 ). Thế nên chúng ta không thể không vui cười hớn hở, mặt mày rạng rỡ, cõi lòng rạo rực, vui như ngày hội và vui như tết. Hài Nhi sinh ra nơi hang chiên lừa hôi tanh trong đêm tối ở cánh đồng hoang vu Bêlem kia lại chính là Tân Vương Nhi, là Thái Tử của Thiên Hoàng. Ngài đến để giao hòa đất với trời, đồng thời cũng để “xét xử dân Ngài theo công lý, và bênh vực quyền lợi kẻ nghèo hèn” ( Tv 72, 6 ). Các vua chúa trần gian được tiền hô hậu ủng, kẻ hầu người hạ, nhưng Ông Vua Nghèo Giêsu lại đến để phục vụ chứ không được ai phục vụ, Ngài “đến không để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” ( Lc 5, 32 ), Ngài “đến để tìm và cứu những gì đã mất” ( Lc 19, 9 ), và Ngài “đến để cho con người được sống dồi dào” ( Ga 10, 10 ). Cách làm của Vua Nghèo quá “ngược đời”, nhân loại không thể hiểu hết, thậm chí là không muốn hiểu ! Tại sao ? Vì Chúa biết tỏng tư tưởng chúng ta thế nào, như Ngài đã nói “toạc móng heo”: “Tư tưởng của Tôi không phải là tư tưởng của quý vị, và đường lối của quý vị không phải là đường lối của Tôi” ( Is 55, 8 ). Thế nhưng triều đại của Vua Nghèo lại “đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt chẳng còn” ( Tv 72, 7 ), để rồi “mọi quân vương phủ phục trước bệ rồng, muôn dân nước thảy đều phụng sự” ( Tv 72, 11 ). Ngài là Vua các vua, là Chúa các chúa, nhưng Ngài vô cùng nhân từ, Ngài luôn theo sát đồng bào, Ngài luôn tận tụy với đám dân nghèo, Ngài cương quyết bảo vệ công lý, bảo vệ sự thật. Ngài không chỉ tay năm ngón, Ngài trực ngôn và hành động để “giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo. Mạng sống dân nghèo, Ngài ra tay tế độ” ( Tv 72, 12-13 ). Các nhà hiền triết từ Đông Phương thấy Ánh Sao Lạ, họ biết có một “dị nhân” vừa xuất hiện, thế là họ không quản ngại đường xa hiểm trở, mau mắn và quyết tâm lên đường tìm cho ra “dị nhân” kia. Và ánh sao dẫn đường đã dừng lại trên một hang chiên lừa hẻo lánh bốc mùi hôi tanh. Thấy vậy, nếu là chúng ta, chưa chắc đã bước vào, thậm chí có thể kéo nhau quay về cho nhanh, thậm chí có thể “chạy mất dép” chứ chẳng chơi đâu ! Các đạo sĩ là những người không chỉ thông thái, có học thức, mà còn giàu có nữa. Họ thấy Bé Giêsu oe oe ngọ nguậy trong máng cỏ, bên cạnh chỉ có hai Cô Chú “nhìn thấy thương”, nghèo kiết xác, và lũ chiên lừa “ngu ngơ” chẳng biết ất giáp gì, có lẽ mới đầu họ cũng “xì xầm” bàn tán với “mắt chữ O, miệng chữ A”, nhưng họ vẫn không hề thất vọng và tin thật rằng Trẻ Sơ Sinh kia là “dị nhân” mà họ muốn tìm gặp, rồi họ can đảm bước vào triều yết Hàn Vương và kính chào Hàn Phu Thê. Thật khó tin, y như cổ tích vậy. Tuy nhiên, đó lại là chuyện thật “chăm phần chăm”. Không chỉ vậy, các đạo sĩ còn dâng những lễ vật cao quý nhất mà họ đã chuẩn bị và đem theo. Ngày nay, chúng ta được dạy cho biết đó là mầu nhiệm, không thấy cảnh Hàn Gia lúc đó nên chúng ta đã tin. Chứ nếu tận mắt chứng kiến thì chắc chúng ta không thể và không dám tin Em Bé có tên là Giêsu kia lại chính là Ngôi Hai Thiên Chúa giáng thế làm người. Vậy là chúng ta may mắn. Thánh Phaolô viết: “Về kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho tôi, liên quan đến anh em. Người đã mặc khải để tôi được biết mầu nhiệm Đức Kitô” ( Ep 3, 2-3 ). Thật đặc biệt, vì “Thiên Chúa đã không cho những người thuộc các thế hệ trước được biết mầu nhiệm này, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông đồ và ngôn sứ của Người” ( Ep 3, 5 ). Thánh Phaolô giải thích: “Mầu 3
  • 4. nhiệm đó là: trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” ( Ep 3, 5-6 ). Một lần nữa, chúng ta lại thật may mắn và hạnh phúc vì được “thừa kế gia nghiệp” của Thiên Chúa, nên “một thân thể” và “cùng chia sẻ” với Thiên Chúa. Vì thế, mỗi chúng ta đều phải “xắn tay áo lên và hành động”. Đó là… VÀO ĐỜI Chúa Giêsu là Thiên Vương, tất nhiên Đức Maria là Mẫu Hậu và Đức Thánh Giuse là Phụ Vương – dù ngài là Dưỡng Phụ. Sắp lâm bồn mà tìm không ra chỗ trọ, Chồng đành đưa Vợ ra “cánh đồng hoang”, may còn có cái hang để chui vào. Không người thân thích, không ai giúp đỡ. Chồng vất vả lo cho Vợ từ A đến Z. Chồng không hề than thở, chỉ âm thầm hành động. Vợ sinh xong, được Mẹ tròn Con vuông là mừng húm rồi. Sau đó lại được đám mục đồng ghé thăm, rồi thêm mấy đạo sĩ ghé thăm. Cũng đỡ tủi thân và được an ủi phần nào nơi đất khách quê người. Thế nhưng chuyện đời chưa hết, bộ phim “khổ” kéo dài nhiều tập… Thời đó là lúc vua Hêrôđê trị vì, thấy mấy nhà chiêm tinh vào hỏi thăm: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu ? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” ( Mt 2, 1-2 ). Nghe vậy, vua Hêrôđê tá hỏa, xay xẩm mặt mày, cả thành Giêrusalem cũng xôn xao. Nhà vua sợ có kẻ nổi loạn để tiếm ngôi, ông liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: “Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có nói về miền đất Giuđa, nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ítraen sẽ ra đời” ( Mt 2, 6 ). Thế là vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện, phái họ đi Bêlem và dặn: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy thì về báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người” ( Mt 2, 8 ). Nghe nhà vua nói thế, họ an tâm ra đi mà không hề biết vua Hêrôđê “khẩu Phật, tâm xà”, mưu mô và thâm độc, chỉ muốn bảo vệ “cái ghế toàn năng” của mình thôi! Các đạo sĩ tiếp tục đi theo ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, dẫn đường họ đến tận nơi. Ngôi sao dừng lại, “họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là cô Maria, liền sấp mình thờ lạy Người” ( Mt 2, 11 ). Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau khi “nựng” Bé Giêsu và trò chuyện với Song Thân của Bé, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên họ đã đi lối khác mà về xứ mình. Các đạo sĩ đã nỗ lực tìm gặp “dị nhân” Giêsu cho bằng được, gặp rồi thì họ tin, can đảm bước vào đời, họ tránh “ác nhân” Hêrôđê là cách hành động tích cực và sống tốt. Sống tốt không chỉ là “làm lành, lánh dữ” mà còn phải tích cực hành động để bảo vệ công lý cho tha nhân. Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết noi gương các đạo sĩ là miệt mài tìm Chúa và can đảm hành động. Xin “ánh sao” Ý Chúa luôn soi đường dẫn lối chúng con suốt hành trình trần thế, để chúng con thực hiện mọi sự theo đúng Tôn Ý Ngài trong từng nhịp thở. Lạy Mẹ Maria và Thánh Giuse, xin nguyện giúp cầu thay. Chúng con cầu xin nhân Danh Đấng Thiên Sai, Thiên Chúa của chúng con. Amen. TRẦM THIÊN THU "THÁNH MARIA ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI, CẦU CHO CHÚNG CON…" Tám ngày sau Lễ Sinh Nhật của Đức Giêsu, Chúa chúng ta, Giáo Hội mời gọi con cái mình cử hành Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa với tất cả lòng kính trọng và biết ơn, vì nhờ Mẹ, Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho chúng ta. Đức Maria đã được các Giáo Phụ ca ngợi, đặc biệt là Thánh Ambrosio thành Milano ( thế kỷ IV ) khi nói: “Đức Maria là Đền Thờ của Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa của Đền Thờ”. Thánh Ignatiô thành Antiokia ( + 110 ) là người đầu tiên nên tên Đức Maria sau các sách Tin Mừng: “Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô đã được Đức Maria cưu mang trong lòng theo nhiệm cục cứu độ” và “Đức Giêsu cũng được sinh ra bởi Đức Maria và bởi Thiên Chúa”. 4
  • 5. Tại Đông phương, kể từ năm 350, người ta đã gán cho Đức Maria tước hiệu là “Mẹ Thiên Chúa”, tuyên dương Mẹ là “Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể”. Như Thánh Grégoire de Nazianze ( 330 – 390 ) đã viết: “Đức Kitô sinh bởi một Trinh Nữ, người nữ ấy là Mẹ Chúa Kitô”. Khi giáo chủ Constantinople là Nestorio công khai chối bỏ thiên chức Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, thì Công Đồng Chung Êphêsô ( 431 ) đã đuợc triệu tập và tuyên bố tín điều “Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa”. Đó là danh xưng cao trọng nhất của Đức Maria, chính phẩm chức cao cả này là nền tảng mỗi đặc ân khác dành cho Mẹ. Công Đồng Vaticanô II đã trình bày các đặc ân liên kết với phẩm chức Thiên Chúa như sau: Không có gì lạ, nếu các Giáo Phụ đã thường xưng tụng Mẹ là Đấng toàn thánh, không vương nhiễm một tội nào, như một thọ tạo mới do Chúa Thánh Thần uốn nắn và tác thành. Tràn đầy thánh thiện, có một không hai ngay từ lúc thụ thai, Đức Trinh Nữ thành Nadarét được Thiên thần vâng lệnh Chúa đến truyền tin và đã kính chào là “Đầy ơn phước” ( Lc 1, 28 ). ( GH. 59 ). Thánh Phaolô viết: “Khi đã đến lúc thời gian đầy đủ, Thiên Chúa đã sai Con Ngài sinh hạ bởi người phụ nữ, sinh dưới chế độ Luật, để cứu chuộc những người ở dưới chế độ Luật, hầu cho chúng ta được nhận làm dưỡng tử… mà nếu là con, tất bạn cũng là người thừa kế, nhờ ơn Thiên Chúa” ( Gl 4, 4-7 ). Như thế, chúng ta dưỡng tử của Thiên Chúa và đồng thừa tự với Đức Kitô nhờ ơn Thiên Chúa. Lại nữa, Hội Thánh là Thân Thể của Chúa Kitô, Đức Maria đã là Mẹ Chúa Kitô, Đấng là Đầu của Thân Thể, thì Mẹ cũng là Mẹ của Thân Thể, Mẹ Hội Thánh, Hội Thánh được cấu thành bởi những con người chúng ta, nên Mẹ cũng là Mẹ của mỗi người chúng ta. Vì thế trong Giáo Hội, Đức Trinh Nữ Maria được kêu cầu qua các tước hiệu: trạng sư, vị bảo trợ, Đấng phù hộ và Đấng Trung gian” ( GH. 62 ). Ngày 21.11.1964, Đức Phaolô VI long trọng tuyên bố Đức Maria Là Mẹ Hội Thánh: “Để vinh danh Đức Trinh Nữ và để chúng ta được an ủi, chúng tôi tuyên bố Rất Thánh Maria là Mẹ Hội Thánh, tức là Mẹ của toàn thể Dân Kitô Giáo, cả giáo dân lẫn mục tử, thành phần gọi Người là một Người Mẹ rất yêu dấu; và vì thế chúng tôi truyền cho toàn thể Dân Kitô Giáo hãy dâng lên Mẹ Thiên Chúa một niềm kính tôn hơn nữa và hãy nguyện cầu cùng Người bằng tên gọi rất ngọt ngào này”. Và việc Đức Phaolô VI đã “công bố” và “truyền” làm như thế không phải chỉ bằng một văn kiện, mà là bằng lời nói sống động ngay trước mặt toàn thể hàng giáo phẩm thế giới đang tham dự Công Đồng Chung bấy giờ, thành phần đại diện cho toàn thể Dân Chúa. Đó là những lý do Giáo Hội thúc dục con cái mình cầu nguyện với Mẹ: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”. Như vậy, long trọng mừng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, chúng ta hãy tỏ một niềm tin vững chắc vào vai trò của Mẹ trong chương trình cứu rỗi nhân loại. Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa vì Ngài đã sinh ra cho chúng ta Thiên Chúa cứu chuộc. Trong ngày đầu năm mới và cũng là Ngày Quốc Tế Hòa Bình, chúng ta vui mừng cử hành lễ Đức Maria rất thánh, Mẹ Thiên Chúa. Cả hai sự kiện này cùng diễn ra khi chúng ta đang cử hành Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, Vua Thái Bình ( Is 9, 5 ) sinh hạ bởi Đức Trinh Nữ Maria, hòa bình đích thực của chúng ta! Chúng ta mượn lời sách Dân Số mà cầu chúc cho nhau: “Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh chị em” ( x. Ds 6, 26 ). Còn món quà nào cao quí hơn là chính Con Thiên Chúa, Đấng là Hoàng Tử Bình An được Chúa Cha ban tặng cho chúng ta. Vì tình yêu Thiên Chúa đã “ban Người Con duy nhất của Ngài” cho nhân loại ( Ga 3, 16 ). Thiên Chúa đã nhận lấy dung mạo của một con người và Thiên Chúa tỏ dung mạo của Ngài trong Người Con của Đức Trinh Nữ Maria. Thiên Chúa từ trời cao đã giáng trần và cư ngụ trong lòng Mẹ và nhập thể trong Người Con mà Mẹ đang ẵm trên tay. Mẹ bồng Hài Nhi Giêsu, con nhìn mẹ và mẹ nhìn con âu yếm. Đức Maria trong thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa, và là Mẹ chúng ta, luôn đồng hành để dẫn chúng ta về với Thiên Chúa. Bước theo Mẹ trong cuộc sống của lòng tin bằng thái độ tín thác vào Chúa, hoàn toàn vâng phục thánh ý Ngài, chúng ta sẽ được Mẹ dìu đưa đến với Chúa, đến Nước Trời. Mẹ mời gọi chúng ta mở lòng đón nhận Chúa Giêsu, cưu mang Người bằng cách lắng nghe và sống theo Lời Người, để thực sự trở nên người có phúc, người thân của Chúa như Mẹ. Mừng Lễ Mẹ hôm nay, với trọn niềm tin tưởng, mến yêu, chúng ta hãy phó thác cho Mẹ thế giới này, đất nước ta, gia đình ta. Hãy để Mẹ hiện diện để yêu thương, chăm sóc và dẫn dắt chúng ta sống theo ý Chúa. Hãy hết lòng yêu Mẹ bằng tình con thảo hiếu ! 5
  • 6. Nhờ Mẹ cầu bầu, xin cho cuộc đời mỗi nguời chúng ta được đổ đầy bình an của Chúa trong năm mới này, để chúng ta cũng trở nên những người xây đắp an bình cho gia đình, cho mọi người bằng đời sống tin yêu phó thác vào Chúa và quên mình phục vụ tha nhân như Mẹ. Ước gì chúng ta không chỉ thành khẩn thưa lên với Mẹ bằng lời, mà bằng trọn cả con tim và cuộc sống chúng ta: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con, là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.” Lm. Antôn NGUYỄN VĂN ĐỘ TAY TRẮNG LÀM NGƯỜI Một đứa trẻ ra đời là thành công của ba mẹ, vì đã đón nhận sự hiện diện của con cái trong gia đình của mình. Và sự xuất hiện của một miệng ăn là dấu hiệu của sự lao nhọc vất vả. Những gia đình có nền kinh tế ổn định thì không có gì để nói, nhưng những gia đình khó khăn chật vật, thì đây là một vấn nạn nan giải, đau đầu không kém. Gia đình thánh gia chắc chắn không phải là một gia đình giàu có. Vì Tin Mừng hôm nay ghi rõ Mẹ Maria đã sinh con trong máng cỏ, vì không tìm được nhà trọ: “Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” ( Lc 2, 7 ). Nếu có ai đó nói rằng gia đình tôi khổ, thì ở đây có thể khẳng định không ai nghèo khổ bằng gia đình thánh gia. Nhiều em bé ra đời nhưng có mấy bé phải sinh nơi chuồng lừa và đặt nơi máng cỏ như Hài Nhi Giêsu. Ngày nay, cũng có rất nhiều em bé phải sinh ra trong những nơi không an toàn nhưng không phải vì gia cảnh khó nghèo mà hơn cả là vì cha mẹ bỏ rơi chúng. Còn đáng thương hơn, có biết bao nhiêu nghìn em bé bị phá bỏ ngay cả khi chưa hình thành đầy đủ trong lòng mẹ nữa kìa. Như vậy nghèo đói vẫn không phải là nguyên nhân chính khiến người ta từ chối mầm sống, quan trọng hơn cả chính là thái độ sống ích kỉ, hưởng thụ đã khiến nhân loại từ chối mầm sống và hủy diệt nó. Biết rằng cuộc sống gia đình sẽ không bao giờ thiếu vắng những giây phút phải lao nhọc vất vả, khổ cực nhưng noi gương thánh gia luôn luôn tin tưởng phó thác tuyệt đối vào tình thương, quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa. Đối với Thiên Chúa giàu nghèo có là chi. Tài năng giỏi giang cũng ý nghĩa gì. Ngài chỉ cần tình yêu và lòng mến đối với Thiên Chúa mà thôi. Những cái đó đều do Ngài tác tạo nên thì Ngài cần gì phải lệ thuộc vào chúng. Do vậy, dù nghèo dù đói, dù ốm đau, bệnh tật… cho dù chúng ta là gì đi nữa, thì Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương ta. Ngài yêu ta không phải vì những cái ta đang có, mà là vì chúng ta là con của Ngài. Đơn giản có thế thôi. Có lẽ vì nhân loại hiểu sai ý định Thiên Chúa. Có lẽ vì chúng ta nhầm lẫn mục đích của Ngài. Thế nên qua bao nhiêu ngàn năm qua rồi, con người vẫn cứ mãi lầm lũi đi vào chốn diệt vong, tranh giành chèm giết lẫn nhau chỉ vì đồng tiền tấm áo. Rồi vì thú vui nhục dục, người ta chỉ còn biết sống cho thỏa mãn đam mê mà bỏ rơi trách nhiệm đối với con cái. Con số phá thai trên thế giới ngày càng báo động. Nhưng một điều may mắn là ai cũng hiểu rằng không phải quá nghèo khổ mà phá, nhưng sâu xa hơn vẫn là sự hưởng thụ ích kỉ. Nếu như gia đình thánh gia ngày trước cũng đầy toan tính hơn thiệt thì ngày nay làm sao nhân loại có được niềm vui cứu độ. Chính nhờ sự vâng phục, lòng can đảm của các ngài mà chúng ta hoan hỉ đón nhận ơn giáng sinh: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” ( Lc 1, 14 ). Lạy Chúa, cảm ơn Ngài đã làm người vì yêu con. Cảm ơn Ngài đã chọn cảnh nghèo mà giáng thế, nếu không con sẽ cảm thấy lạc lõng bơ vơ biết chừng nào khi thế giới con số nghèo đói không phải ít. Mỗi khi trong đời sống lao đao, vất vả, con tìm được niềm bình an trong Chúa vì biết rằng đã có Ngài cùng đồng hành sẻ chia. Là Con Một Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Con Đấng Tối Cao mà Ngài lại chịu sinh ra trong cảnh cơ hàn, khiến con vô cùng cảm phục và xúc động. Con có nghèo vậy hay nghèo nữa vẫn không thể như Chúa. Trong khi con là kẻ nghèo tự bản chất, còn Ngài là Đấng giàu sang phú quí, tác tạo nên cả trái đất vũ trụ mà lại cam chịu trở nên nhưng không, tay trắng làm người để đồng hành, sẻ chia kiếp người với con người. Xin giúp 6
  • 7. con đừng buồn nếu đang là kẻ nghèo khó và can đảm đón nhận cảnh nghèo nếu có phải vì vinh danh Cha. Xin giúp con hiểu rằng bản chất con đã là tay trắng, vào đời dẫu có trắng tay thì Thiên Chúa vẫn luôn mãi yêu con, như thế thì còn sự giàu có nào sánh tày nữa đây. M. HOÀNG THỊ THÙY TRANG KỊCH BẢN DÙNG CHO DỊP LỄ HIỂN LINH GẶP GỠ ĐỨC KITÔ CÁC VAI DIỄN: Ba nhà đạo sĩ: Có thể hóa trang theo kiểu y phục cổ xưa thời Đức Giêsu hoặc theo kiểu y phục thời hiện đại cũng được. Đạo sĩ thứ tư: Có thể nhập vai một Tu Sĩ mặc áo dòng. Người mù: Có thể là nam hoặc nữ ( chú ý đổi cách xưng hô trong kịch bản ) y phục của người nghèo, mắt đeo kính đen. Người hành khất: Có thể là nam hoặc nữ ( chú ý đổi cách xưng hô trong kịch bản ) gầy gò, y phục rách rưới, nón lá tả tơi. Người phong cùi: Nên là nam, dáng vẻ chán đời, cộc cằn, bất mãn, diễn tả bị bệnh phong cùi cho khéo để không gây cười, hoặc ghê sợ nơi khán giả, sẽ phản tác dụng. Cô gái điếm: Y phục lòe loẹt, không đứng đắn, cử chỉ lả lơi nhưng lộ vẻ khinh bạc, bất cần đời. Nhân viên hộ tịch: Nên là nam, dáng vẻ hách dịch, đeo kính trễ gọng, tay cầm một cuốn sổ to và một cây bút lớn. Đức Giêsu: Vai không xuất hiện trên sân khấu, chỉ đứng sau bức màn trắng, giọng nói dõng dạc, trầm ấm, oai nghiêm và nhân hậu. CÁC ĐẠO CỤ:  Ba gói quà gói giấy trang trọng làm lễ vật của ba đạo sĩ.  Một cây gậy, một ổ bánh mì, một cây nến to, một chiếc bình cổ thon, tất cả bỏ vào một túi xách làm hành trang cho Đạo Sĩ thứ tư.  Các đồ cần thiết cho các vai còn lại.  Một tấm màn trắng lớn căng trước hậu trường, có thể căng ngang cung thánh nếu diễn trong Nhà Thờ, phía sau màn đặt một đèn rọi ( follow ) để tạo ra bóng của vai Chúa Giêsu dang tay trên thập giá ( silhouette ).  Một đèn ngôi sao nhỏ treo trên trần sân khấu, phía trên bức màn trắng lớn.  Một máy cassette để nhạc đệm, hoặc có một người chơi đàn organ, hoặc đàn guita làm nền nhè nhẹ suốt vở diễn.  Hệ thống đèn sân khấu chỉ mở sáng ở phần mở đầu và phần kết thúc của vở kịch.  Một micro cho vai Đạo Sĩ thứ tư, một micro cho các vai còn lại và một micro cho vai Đức Giêsu sau hậu trường. Hay nhất là dùng micro sans fil để các vai dễ di chuyển và dễ diễn tả cử điệu. XIN LƯU Ý: Kịch bản này chúng tôi soạn theo kiểu nói và âm giọng của người miền Bắc, xin tùy nghi thay đổi khi diễn tại các vùng, các miền khác nhau. Có thể diễn vào mùa Giáng Sinh hoặc mùa Chay và mùa Phục Sinh, xin nhớ tùy hoàn cảnh để nhấn mạnh về Mầu Nhiệm Nhập Thể hoặc Mầu Nhiệm Vượt Qua. Có thể cải biên thành dạng hoạt cảnh với các vai diễn động tác cùng các giọng lồng tiếng sau hậu trường. PHẦN MỞ: Kính thưa cộng đoàn, 7 CÙNG CHIA SẺ
  • 8. Mỗi năm vào dịp Lễ Giáng Sinh, chắc cộng đoàn đều nghe nhắc lại câu chuyện về ba ông vua cưỡi lạc đà từ phương xa đến thăm hài nhi Giêsu tại Bêlem. Theo Thánh Mátthêu, họ là các nhà chiêm tinh hoặc còn được gọi là ba nhà đạo sĩ ở phương Đông, bởi vì từ lâu, họ đã theo dõi điềm trời, và phát hiện ra một ngôi sao lạ chói ngời. Họ biết đó là dấu hiệu cho biết có một vị vua người Do Thái mới sinh ra, Người sẽ là Đấng Cứu Tinh của toàn nhân loại. Người ta nói có 3 nhà đạo sĩ, có lẽ là vì người ta muốn chọn tượng trưng cho 3 màu da chính trên thế giới: da vàng, da trắng và da đen. Thật ra, chính xác mà nói, trong Kinh Thánh, tác giả Mátthêu chỉ ghi: “có mấy nhà đạo sĩ” chứ không hề xác định con số là 3 vị. Riêng hôm nay, chúng tôi muốn kể cho cộng đoàn nghe một câu chuyện có tới 4 vị đạo sĩ đã tới thăm Chúa Giêsu. Chắc cộng đoàn đang thầm bảo rằng chúng tôi lại bịa chuyện cho vui. Không, thưa cộng đoàn, câu chuyện chúng tôi sắp kể, rất có thể là câu chuyện có thật ngay trong đời sống của chúng ta, hôm nay, vào những năm cuối cùng của thế kỷ 20 này. Câu chuyện đầu đuôi như thế này. ( Tiếng nói xôn xao, các đạo sĩ xuất hiện cả 4 vị… ) CẢNH MỘT: TẠI NHÀ VỊ ĐẠO SĨ THỨ TƯ Đạo sĩ 1: Này, anh đã biết gì chưa ? Đạo sĩ 4: Chuyện gì vậy ? Đạo sĩ 1: À, hóa ra anh chẳng có biết tý ty gì cả ! Cũng phải thôi, lúc nào anh cũng bận bịu công việc, nào là giới trẻ, nào là công tác xã hội, nào là tập hát ca đoàn… ôi thôi, đủ thứ chuyện ! Thế là anh quên bẵng mất rằng anh đã thỏa thuận với ba anh em chúng tôi một việc… Đạo sĩ 4: Nhưng... chuyện gì mới được chứ ? Nói mau đi cho rồi, người ta đang bận bù đầu đủ thứ chuyện đây này ! Đạo sĩ 2: Nghe cho rõ đây ( Nhấn mạnh từng chữ ) Một tin vui trọng đại ! Đạo sĩ 4: ( Vẻ kinh ngạc... ) Một tin vui ? Đạo sĩ 2: Đúng, một tin vui trọng đại ! Vậy chứ anh có nhớ bọn chúng mình từ lâu vẫn nghiên cứu thiên văn, đã dõi tìm các vì sao lạ để phân tích, tiên đoán vận mệnh thế giới. Mặc cho người đời chế giễu, xếp bọn mình vào loại khùng khùng hâm hẩm, ta vẫn cứ khao khát một dấu chỉ, một điềm lạ trên trời khai mở một kỷ nguyên mới, cho thế giới này vơi bớt đi những tuyệt vọng và bất hạnh… Thì đây này, chiều nay, trời mới vừa xập tối, chúng tôi đã phát hiện ra ở phương Đông một vì sao lạ tuyệt đẹp và chói lọi kỳ diệu. Tôi xem bản đồ thì chúng ta hẳn sẽ gặp được Đấng Cứu Tinh ở khu vực các nước Trung Đông như Palestin chẳng hạn. Ba anh em chúng tôi quyết định đến rủ anh, phải lên đường ngay, không thể bỏ qua cơ hội ngàn vàng này để tìm đến chiêm ngắm và thờ lạy Đấng Cứu Tinh của nhân loại. Anh còn chần chừ gì nữa mà không lên đường với chúng tôi ? Đạo sĩ 4: Trời ơi ! Một vì sao lạ mới xuất hiện ư ? Đúng là Đấng Cứu Tinh đã ra đời rồi ! Phải đi tìm gặp Người cho bằng được chứ. Tôi vào sửa soạn ngay đây. ( Chạy vội vào trong, nhưng rồi lại quay ra ngay, dáng vẻ như chần chư đắn đo, nói với ba vị kia ) Ái chà ! Thật là rách việc ! Lát nữa tôi còn phải dạy một lớp giáo lý ở họ đạo ( Nói rõ tên một họ đạo nhỏ ) Chúa Nhật này bọn trẻ chịu phép Thêm Sức rồi. Đạo sĩ 3: Vậy chứ anh không thể lên đường ngay với chúng tôi được sao ? Đạo sĩ 4: Thôi, các anh cứ việc đi trước đi. Dạy giáo lý xong chiều nay là tôi đi ngay, hy vọng sẽ theo kịp các anh dọc đường. Đạo sĩ 3: ( Nói với nhau ) Đây, các anh thấy chưa, tôi đã bảo các anh mà, đâu có sai ! Cái anh chàng này lúc nào cũng công kia việc nọ. Bận bịu như thế rồi làm sao mà có thời giờ đi tìm gặp Đấng Cứu Tinh ? Thôi chúng ta đi trước vậy ! ( Nói với Đạo sĩ thứ tư ) Này, anh đi sau thì nhớ mau mau lên đấy nhé. Chúng tôi sẽ cố đi chậm chậm một chút để đợi anh theo. À, tý nữa thì quên ! Anh có định mang quà gì dâng cho Đấng Cứu Tinh không ? Ba anh em 8
  • 9. chúng tôi có mang theo Vàng, Nhũ Hương và Mộc Dược rồi, còn anh tính sao ? Gấp quá coi chừng đi tay không, kỳ lắm đấy nhé ! Đạo sĩ 4: Được rồi, được rồi, tôi sẽ nhớ mà, yên tâm đi trước đi, tôi xin hứa danh dự với các anh: dạy giáo lý xong là tôi đi ngay ! ( Ba đạo sĩ ra đi, đạo sĩ thứ tư quay qua làm như phân bua biện giải với khán giả… ). Cộng đoàn thấy đó, Đấng Cứu Tinh đã giáng trần, chính tôi cũng đã từng ngày đêm trông ngóng tin vui trọng đại này. Vậy mà... giờ đây tôi không thể tức tốc ra đi theo các bạn tôi. Dứt khoát là tôi không thể lỗi hẹn với các học sinh giáo lý của tôi ở họ đạo. Bọn trẻ cũng đang rất cần tôi, mình là giáo lý viên mà. Kẹt quá nhỉ ! Nhưng mà... tôi tin rằng Chúa Cứu Thế sẽ không chấp nhất gì tôi về chuyện này. Người sẽ chờ đợi tôi. Thôi, tới giờ rồi, phải tới điểm dạy giáo lý không thôi trễ ! Rồi, bữa nay, tôi cũng sẽ báo cho bọn trẻ tin vui này: Đấng Cứu Tinh của toàn nhân loại đã ra đời. ( Đèn tắt, nhạc trổi lên rồi từ từ nhỏ lại... Tại lớp giáo lý, Đạo sĩ thứ 4 đọc Kinh Thánh một đoạn trong Sách Ngôn sứ Isaia cho các em nghe... Có thể cho một giọng đọc trong hậu trường thay cho vị đạo sĩ, chậm rãi dõng dạc... ) “Dân đang lần bước giữa tối tăm, đã thấy một ánh sáng huy hoàng; Đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi ( Is 9, 1 ) Này đây, người trinh nữ sẽ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuen, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta....” ( Is 7, 14 ) ( Nhạc lại trổi lên rồi nhỏ dần… Đạo sĩ thứ tư trở ra, làm như vừa từ nơi dạy Giáo Lý trở về nhà… ) Đạo sĩ 4: Bây giờ thì mình đã có thể lên đường được rồi đó. Để xem mình phải mang theo những gì làm hành trang nào ? Đường xa, lại chắc chắn sẽ rất là khó đi, cần phải có một cây gậy chống này ! Một ít lương khô nữa, thôi, có ổ bánh mì này cũng được ! Thêm một cây nến cầm tay. Còn của lễ nữa chứ, đúng rồi, mẹ mình có cho mình một bình dấu thơm loại quý, mình cất nó từ lâu rồi, bây giờ sẽ dùng để kính dâng Đấng Cứu Tinh, coi như là của ít lòng nhiều. Đi thôi, quá trễ rồi ( Bước tới, ngước nhìn lên cao, làm như dõi tìm ngôi sao lạ. Nhạc nhẹ nền trổi lên một lúc... ) Ta cứ nhìn thẳng ngôi sao ở hướng đông mà đi, ba ông bạn chí cốt của mình chắc là đã đi xa lắm rồi. Chà, đường hôm nay khuya sao mà vắng vẻ quá nhỉ ? ( Mới dợm bước định đi thì chợt dừng lại lắng nghe, vẻ quan tâm thắc mắc... ) Ơ kìa, hình như có ai đang đi tới phía trước mình kìa ! ( Một người mù đang đưa hai tay về phía trước, quờ quạng bước đi về phía đạo sĩ... ) CẢNH HAI: GẶP NGƯỜI MÙ Đạo sĩ 4: Này, anh ơi, anh đi đâu một mình giữa đêm hôm khuya khoắt như thế này ? Người mù: Tôi... tôi cũng không biết tôi đi đâu bây giờ nữa… Đạo sĩ 4: Hình như... anh không nhìn thấy đường thì phải ? Người mù: Dạ, tôi bị mù từ hồi mới sinh. Rồi bố mẹ tôi lần lượt qua đời, bỏ tôi lại một mình, tứ cố vô thân, nghèo xơ nghèo xác ! Đạo sĩ 4: Rồi anh có làm nghề gì độ nhật không ? Người mù: Tôi bán vé số ngoài bến xe thị xã. Đạo sĩ 4: Vậy chứ anh có đủ sống không ? Người mù: Kể ra thì cũng tạm nuôi thân. Nhưng hồi chiều này, đang lúc tôi cầm xấp vé số trên tay thì một thằng du côn nào đó đã giựt mấp của tôi, lại còn đá văng mất cây gậy của tôi nữa chứ… Tới giờ, đói quá, tôi không biết tìm cái gì mà ăn đây… Trời ơi là trời ! Đạo sĩ 4: Anh này, nói thật với anh, tôi cũng chỉ là khách đi đường thôi, tôi cũng nghèo, nhưng mà tôi cũng muốn giúp anh 9
  • 10. chút đỉnh. Đây, anh cầm đỡ ít tiền làm vốn và kiếm cái gì ăn lót dạ. Mà nữa, tôi tặng anh luôn cây gậy của tôi nữa này. Kể ra thì tôi cũng cần đấy, nhưng xem ra anh còn cần nó hơn tôi nhiều. Người mù: Ông thì ít cần tới cây gậy hơn tôi, là vì ông còn có ánh sáng. Đối với ông thì có ngày có đêm, còn với tôi thì… Đạo sĩ 4: Phần tôi, tôi chỉ có thể cho anh được cây gậy này để dò đường mà đi, chứ làm sao tôi có thể cho anh ánh sáng ? Nhưng tôi biết có một Đấng sẽ trả lại cho anh ánh sáng đã mất, mà hơn vậy nữa, Người còn có thể chỉ cho anh một con đường nào đó để anh tìm được một chỗ nương thân trong bình an hạnh phúc. Người mù: Ai ? Đấng đó là ai vậy ? Xin hãy cho tôi gặp Người được không ? Đạo sĩ 4: Đấng ấy mới vừa sinh xuống cõi đời khốn cùng này của chúng ta. Người là Đấng Cứu Tinh của anh, của tôi và của mọi người chẳng trừ ai. Tôi tin điều đó, và anh, anh cũng hãy tin và đi tìm cho được gặp Người một lần thôi cũng đủ để đổi đời. Bệnh tật phần xác của anh sẽ hết và anh sẽ tìm được nơi nương thân tới trọn đời. Trên trời bây giờ hiện đang có một ngôi sao lạ, sáng rực rỡ một cách kỳ diệu, dọc đường, anh cứ nhờ người ta chỉ hướng cho, rồi cứ theo đó mà đi tìm gặp Người. Người mù: Thật vậy sao ? Được rồi, tôi sẽ cố gắng chống cây gậy mà ông đã cho để đi tìm gặp Đấng Cứu Tinh. Cám ơn ông, ông đã đối xử quá tốt đối với tôi. Tôi hy vọng rất nhiều nơi Đấng mà ông vừa nói, vì thật tình, tôi cũng chẳng còn biết hy vọng vào ai nữa bây giờ… ( Người mù chống gậy ra đi. Nhạc trổi lên dần. Vị đạo sĩ tự thoại… ) Đạo sĩ 4: Một người mù đáng thương ! Mình đã chỉ cho anh ta một con đường mà chính mình cũng đang còn phải đi tìm. Quả thật, chỉ có Lòng Tin mới giúp được anh ta và cả mình nữa, để cố mà đi cho tới cùng. Lạy Thiên Chúa, xin Ngài hãy dẫn bước con đi. Kìa ánh sao vẫn ngời chiếu phía trời đông, mình phải tiếp tục đi thôi ( Bước đi một đoạn chầm chậm, nhạc trổi lên một lúc... Vị đạo sĩ bất chợt dừng lại, nhạc nền tắt ngang, Đạo sĩ thấy một người hành khất quỳ bên vệ đường, chìa tay cầu khẩn ) CẢNH BA: GẶP CHỊ HÀNH KHẤT Hàng khất: Lạy ngài, xin đoái thương tôi ! Đạo sĩ 4: Tôi có thể giúp được gì cho chị ? Mà chị đừng có gọi tôi bằng ngài một cách trang trọng như vậy. Hành khất: Không, thưa ngài, nếu tôi không lầm, ngài là một Tu Sĩ, ngài giàu lòng từ bi nhân hậu, xin hãy cho tôi chút gì để ăn. Tôi đói, tôi khát, tôi lạnh, tôi khổ quá, tôi chán sống lắm rồi… Đạo sĩ 4: Chị ơi, tôi cảm thông thật sự với chị trong cái đói khát giá lạnh, trong cái khổ đau bế tắc của chị, bởi tôi cũng chẳng giàu có gì hơn chị. Nhưng mà thôi, để xem tôi có chút gì chia sẻ với chị không. Đây rồi, tôi có mang theo một ổ bánh mì nhỏ để ăn dọc đường, chị cầm lấy ăn đỡ nhé ! ( Người hành khất giựt mạnh lấy ổ bánh, ăn ngấu nghiến… rồi như chợt nhớ ra, chị bẻ một nửa cất vào cái túi rách đeo trên vai. Đạo sĩ thắc mắc... ) Ơ kìa, sao chị không ăn hết ổ bánh đi mà còn cất làm gì ? Chị đang đói lắm cơ mà ?!? Hành khất: Hôm nay tôi may mắn gặp được ngài cho tôi ổ bánh, nhưng biết rồi ngày mai tôi có còn gặp được ai cho tôi như vậy nữa không, tôi phải để dành vì sợ sẽ còn nhiều lúc đói nữa chứ… Đạo sĩ 4: Này, tôi nói chị nghe nhé, tôi biết có một Đấng có thể ban cho chị một điều còn quý giá hơn gấp bội lần cái ăn cái uống đời này nữa. Hành khất: Đấng đó là ai vậy ? Tôi biết tìm Người ở đâu để gõ cửa để xin Người ban cho điều đó ? Mà điều đó là gì vậy, thưa ngài ? Đạo sĩ 4: Người mà tôi vừa nói với chị là một em bé mới chào đời, nhưng rồi một mai kia, Người sẽ làm vua dân Do Thái, làm vua của muôn dân, trong đó có tôi và có chị. Người sẽ ban cho chị thứ Bánh Hằng Sống để chị sẽ không bao giờ còn phải lo đói nữa ! Kìa chị nhìn xem, đó là ánh sao sẽ dẫn chị đến gặp Đấng ấy, chắc chắn Người sẽ thết đãi chị cũng như mọi kẻ cùng khổ trên thế gian này một bữa đại tiệc. Nào, chị đã bớt đói chưa ? Hãy nghe tôi mà lên đường tìm gặp Người đi. ( Chị hành khất vội trỗi dậy ra đi... ). 10
  • 11. Lạy Đấng Cứu Tinh con hằng trông đợi, giờ đây con chẳng còn gì để ăn nữa, con cũng sẽ rơi vào cảnh đói khát cùng quẫn dọc đường. Nhưng, như con đã nói với chị hành khất, con tin Ngài cũng đang chờ gặp con để ban cho con Bánh-Hằng-Sống. Thôi mình tiếp tục đi thôi, trễ lắm rồi ! ( Đạo sĩ dõi nhìn ra xa, nhạc trổi lên nhè nhẹ một lúc rồi nhỏ dần. Vị đạo sĩ lại chợt thấy có ai bên đầu cây cầu nên tiến tới hỏi thăm... Đó là một người cùi đang ngồi gục đầu tuyệt vọng... ) CẢNH BỐN: GẶP NGƯỜI PHONG CÙI Đạo sĩ 4: Này anh ơi, tại sao giờ này mà anh lại còn ngồi đây một mình thế này ? ( Im lặng... Đạo sĩ tỏ vẻ thắc mắc, tới gần đưa tay lay nhẹ vai người lạ ) Này, anh có nghe tôi hỏi gì không ? Sao anh lại ngồi đây ? Người cùi: Ông là ai mà hỏi tôi ? Tôi sống, tôi chết, mặc xác tôi, liên quan gì đến ông mà ông hỏi ! Tôi đợi nước thủy triều lên rồi nhảy xuống cầu tự tử có được không ? Đạo sĩ 4: Tại sao anh lại chán đời và có ý muốn kết thúc đời mình một cách oan uổng như thế nhỉ ? Người cùi: Oan uổng cái nỗi gì ! Còn sống nữa làm gì nữa khi thân xác tôi cùi hủi như thế này ? Ai cũng ruồng bỏ tôi, kể cả vợ con tôi. Cái xã hội lạnh lùng này không còn chấp nhận tôi nữa, họ cho rằng trời đất đã nguyền rủa tôi, đã trừng phạt tôi. Họ đối xử với tôi còn hơn là với một con chó ghẻ ! Đạo sĩ 4: Rồi anh tính dùng cái chết để chấm dứt mọi thứ đau khổ trên đời này phải không ? Nhưng theo tôi, anh còn có nhiều lý do để sống hơn là chết kiểu đó, anh có biết không ? ( Đạo sĩ lại gần lay mạnh vai người cùi ) Anh phải sống ! Người cùi: ( Cười khảy... ) Anh phải sống ! Bộ ông định đánh lừa tôi đấy hả ? Hừ ! Cái cuộc đời này là một bóng đêm tăm tối, chẳng còn chút hy vọng gì dành cho một kẻ khốn nạn như tôi... Đạo sĩ 4: Đây ! Nếu anh cần ánh sáng, thì tôi trao cho anh ngọn đèn để đi đường của tôi. Anh thấy đó, chỉ với một chút ánh sáng nhỏ nhoi được thắp lên như thế này thôi, anh đã thấy bớt lẻ loi và u ám rồi. Anh thử nghe tôi một lần xem nào. Người cùi: Hừ ! Một ngọn nến leo lét như thế này đâu đã là niềm hy vọng đủ cho tôi tìm lại được cuộc sống khỏe mạnh và lành lặn như ngày xưa ? Đạo sĩ 4: Đúng, tôi không thể làm gì cho anh hơn, nhưng tôi lại có thể chỉ cho anh tìm gặp một Đấng Toàn Năng, không những Người có thể chữa lành được bệnh tật thể xác của anh mà còn tha thứ hết mọi lỗi lầm của anh bấy lâu nay, kể cả cái ý tưởng định giết đi chính mạng sống quý giá của anh. Kìa, anh hãy nhìn lên bầu trời, có một ngôi sao sáng đàng kia, đó là ngôi sao báo hiệu Đấng đó đã đến trong cuộc đời này rồi đó. Anh hãy cố gắng nghe tôi, cầm lấy ngọn nến sáng này mà lên đường tìm gặp Người, một Hài Nhi mới giáng sinh, Người sẽ giải thoát cho anh, cho chúng ta khỏi nỗi ám ảnh của sự chết. ( Người cùi ngước nhìn đăm đăm về phía ánh sao như thể bị thu hút, tay cầm nến lần bước đi… ) Lạy Đấng Cứu Tinh là niềm hy vọng của mọi người trên trần gian này, lại thêm một con người đáng thương đã nghe lời con mà hướng về Ngài. Con mong sẽ gặp được Người cùng với những con người tưởng như đã tuyệt vọng này, để cuối cùng, con và họ cũng sẽ nhận được ơn giải thoát nơi Người. ( Nhạc trổi lên nhè nhẹ... Vị đạo sĩ đứng lên, tiếp tục đi mấy bước thì gặp ngay một cô gái quần áo không đứng đắn và phấn son lòe loẹt đang tiến tới sát bên mình, mở lời với giọng thật lả lơi mời chào... ) CẢNH NĂM: GẶP CÔ GÁI ĐIẾM Cô gái: Anh Hai ơi, anh đi đâu giữa đêm hôm khuya khoắt thế này ? Đạo sĩ 4: ( Đạo sĩ lui lại một bước, hơi ngượng nhưng bình tĩnh ) À, tôi đã lỡ khởi hành khá trễ và tôi còn cả một lộ trình rất dài phải đi. Cô gái: Thế... em đi chung với anh Hai một đoạn đường có được không nào ? 11
  • 12. Đạo sĩ 4: Vâng, có thêm một người làm bạn đồng hành, chắc cũng vui hơn. Xin mời cô cứ tự nhiên. Cô gái: Mà... lát nữa, chừng nào tới quán trọ dọc đường, anh Hai cũng dừng lại qua đêm với em nhé ? Đạo sĩ 4: ( Đạo sĩ chợt hiểu ý cô gái điếm, hơi ấp úng để minh oan ) Ơ... ơ... tôi không hề có ý định như thế, cô... cô hiểu lầm tôi rồi ! Cô gái: ( Cô gái điếm lùi xa ra một bước, nhìn nhà đạo sĩ từ đầu tới chân rồi cười rũ rượi, vẻ mỉa mai khinh bỉ ) Kính thưa quý ông đáng kính, tôi xin lỗi nhé, tôi đã lầm… Một tu sĩ đạo mạo như ông vậy mà tôi lại dám quyến rũ sao chứ ? Thôi, tôi xin ông cút xéo đi chỗ khác cho chị em chúng tôi làm ăn kiếm sống ! Tôi nói thật với ông, tôi khinh bỉ tất cả cái bọn đạo đức giả như ông… Đạo sĩ 4: Còn tôi, ngược lại, tôi không hề có ý khinh bỉ cô một chút nào cả, cô vẫn là một con người có phẩm giá ! Cô gái: Phẩm giá ? ( Cười sặc sụa… ) Phải, trước đây khi tôi còn có chút nhan sắc thì tôi cũng còn hấp dẫn lôi cuốn được quý ông đáng kính như ông, còn bây giờ thì tôi chỉ còn là một thứ đồ chơi rẻ tiền không hơn không kém. Phẩm giá ? Hừ ! Phẩm giá cái chỗ quỷ quái nào bây giờ ? Tôi thật là không còn tin nổi miệng lưỡi bọn đàn ông các ông một chút nào nữa ! Đạo sĩ 4: Vâng, phần nào đúng là như vậy. Nhưng... dù cho chị không còn tin vào bất cứ người đàn ông nào trên thế gian, kể cả tôi đi nữa, thì... vẫn còn đó một em bé trai vô tội trong trắng. Em bé ấy rồi sẽ là một người đàn ông như mọi người đàn ông, nhưng người đàn ông này sẽ trổi vượt trên tất cả, vì Người sẽ là một Vị Vua Nhân Ái, Người sẽ đón nhận chị như đón nhận một con người xứng đáng với phẩm giá cao quý, Người sẽ mang lại cho chị một cuộc sống mới, Người sẽ tha thứ hết mọi lỗi lầm sa ngã đã qua của chị. Cô gái: ( Bỡ ngỡ lạ lùng, nhưng vẫn còn bán tín bán nghi... ) Thật vậy sao ? Nhưng tôi biết tìm cậu ấy, cái người đàn ông tuyệt vời ở đâu bây giờ ? Đạo sĩ 4: Chị hãy cứ theo dấu ánh sao kỳ diệu trên trời đàng kia, rồi chị sẽ tìm gặp được một hài nhi mới sinh. Tôi tin chị sẽ được tất cả những gì chị mong ước. Cô gái: Nhưng chẳng lẽ tôi lại mang cái tấm thân đã ô uế như thế này làm của lễ để triều bái một Đấng Thánh như Người ? Đạo sĩ 4: Chỉ cần chị thật lòng sám hối và tin vào Người. Đây, tôi tặng chị chiếc bình đựng đầy dầu thơm rất quý này, để chị kính dâng Người. Thôi, chị hãy lên đường đi kẻo trễ. Chúc chị gặp được Người. ( Cô gái điếm cầm lấy chiếc bình, đi về hướng có ánh sao... Đạo sĩ nói một mình ). Ừ, đã trễ lắm rồi, chắc ba anh bạn của mình đã đến nơi rồi không chừng, còn mình thì lại cứ mãi bận bịu, dừng lại giúp đỡ người này người kia. Biết sao hơn ? Mình đâu có thể làm khác được, đâu có thể nhắm mắt làm ngơ trước những thảm kịch cuộc đời như thế. ( Nhìn lên trời tìm ánh sao, giựt mình... ) Ơ kìa, ánh sao đã biến mất từ lâu rồi sao ? Thôi ta cứ việc theo hướng đông mà tiến, hy vọng sẽ có người chỉ giúp chỗ Chúa sinh ra cho mình ( Nhạc trổi lên. Vị đạo sĩ bước đi tiếp... Một người đi ngang qua, tay cầm cuốn sổ lớn, Đạo sĩ chặn lại hỏi thăm... ) CẢNH SÁU: GẶP NHÂN VIÊN HỘ TỊCH Đạo sĩ 4: Ông ơi, làm ơn cho tôi hỏi thăm một chút. Nhân viên: Ông cần gì ? Hình như ông là người ở xa mới tới thì phải ? Đạo sĩ 4: Dạ, xin ông chỉ giúp tôi đường đến nhà một em bé mới sinh ra trong vùng này. Nhân viên: Chà ! Ông hỏi nhằm đúng người đúng chỗ rồi đó ! Chẳng giấu gì ông, tôi là cán bộ thống kê dân số. Tất cả những kẻ chết đi hoặc mới được sinh ra đều được tôi ghi chép đầy đủ và chính xác trong cuốn sổ này. Chẳng hay đứa bé mà ông hỏi, tên là gì ? con cái nhà ai ? sinh quán tỉnh huyện thôn làng xã ấp nào ? 12
  • 13. Đạo sĩ 4: Rất tiếc là tôi lại chẳng biết rõ lý lịch em bé thế nào. Tôi chỉ biết là em bé mới sinh ra, lớn lên sẽ trở thành Vua dân Do Thái và còn là Đấng Cứu Thế nữa. Nhân viên: Cái ông này nói chuyện tếu sao chứ… Em bé đó sẽ trở thành Vua dân Do Thái hả ? Nếu vậy, chắc phải là con trai vua Hêrôđê Antipa hiện nay của nước Palestin rồi đó ? Vô lý, mà không thể nào có chuyện đó được, nếu có thì tôi phải biết chứ ! Ông lầm rồi ! Đạo sĩ 4: Không, tôi xin cam đoan, đó là Vua dân Do Thái mà ! Hơn nữa, đó còn phải là Vua của toàn nhân loại ! Ông coi kỹ lại sổ sách giúp tôi với. Nhân viên: Ừ, thì coi lại sổ cho chắc ăn… Thật, chả có em bé nào như ông vừa nói mà lại sinh ra ở đây, trong những ngày này. Ái chà, hay là ông muốn nói tới một tên tội phạm mới bị kết án tử hình, ban nãy, nó phải vác thập giá ngang qua đây, đi về hướng ngọn đồi gọi là đồi Gôngôtha ở đằng kia kìa ! Tôi áng chừng chính là cái tên đó đó, bởi tôi thấy người ta có đồn rằng: hắn ta dám tự xưng mình tên là “Giêsu, Vua dân Do Thái”. Đạo sĩ 4: Thôi đúng rồi ! Cám ơn ông, chắc đúng là người đó rồi ! ( Vội quay đi, rảo bước, miệng lẩm bẩm có vẻ còn bán tín bán nghi ) Giêsu, Vua dân Do Thái, Giêsu đó sao ? Một hài nhi mới sinh ra cơ mà ? Sao lại là một người đàn ông, lại còn là một người bị quân lính bắt đưa đi đóng đinh như một tử tội nữa chứ ? Giêsu, Vua dân Do Thái, có thật đúng là Ngài đó chăng ? Nhân viên: ( Ông cán bộ về dân số lắc đầu ngao ngán... ) Trời đất ơi ! Đúng là một tên khùng ! Sao dạo này có lắm tên khùng khùng quá vậy nhỉ ? Một tên thợ mộc dám tự nhận mình là Vua dân Do Thái, rồi bây giờ lại còn thêm một anh coi bộ cũng trí thức, lại khăng khăng bảo tên thợ mộc đó là Đấng Cứu Thế nữa cơ chứ ? Thật, hết chỗ nói ! Đúng là thời buổi đảo điên có khác ! ( Anh ta nhún vai bĩu môi bỏ đi. Vị đạo sĩ tiến tới phía có bóng của Đức Giêsu dang tay trên thập giá in trên tấm màn căng ). CẢNH CUỐI: GẶP ĐỨC GIÊSU Đạo sĩ 4: Thưa Ngài, có thật Ngài chính là ông Giêsu, Vua dân Do Thái không ? ( Đạo sĩ tiến lại gần tấm màn có hình rọi, nhìn kỹ... ) Nhưng không thể nào được, vì ông là một người trung niên, còn tôi thì lại đang cần tìm một em bé sơ sinh, Người đó mới thực sự là Vua dân Do Thái. Chính ngôi sao lạ trời Đông đã dẫn tôi đến nơi đây cơ mà... Đức Giêsu: Này người bạn đáng yêu, anh quên rằng đã hơn 30 năm trôi qua rồi sao ? Đạo sĩ 4: Trời ơi ! ( đạo sĩ quay lại phía khán giả, tỏ vẻ bàng hoàng ngẩn ngơ... ) Đã hơn 30 năm tôi đi tìm Người rồi sao ? Vậy mà tôi cứ ngỡ chỉ mới hôm qua ! Vậy Hài nhi năm xưa, giờ đây chính là Ngài ư ? ( Đạo sĩ quay lại phía hình bóng Chúa, quỳ xụp xuống cầu nguyện ) Lạy Ngài, con đã đến quá trễ, xin tha thứ cho con ! Đức Giêsu: Anh không có lỗi gì cả ! Hôm nay anh đã được gặp chính tôi, nhưng tôi thì đã từng... gặp anh rất nhiều lần rồi ! Đạo sĩ 4: Thưa Ngài, thật vậy sao ? Ngài mà lại từng gặp con ở đâu đó rồi sao ? Đức Giêsu: Tôi đói, anh đã cho tôi ăn. Tôi khát, anh đã cho tôi uống. Tôi là khách lạ, anh đã tiếp rước tôi vào nhà. Tôi mình trần, anh đã cho tôi áo mặc. Tôi ngồi tù, anh đã thăm nuôi tôi... Đạo sĩ 4: Nhưng thưa Ngài, thiệt ra thì con cũng có đôi lần làm những việc nho nhỏ đó cho người này người nọ mà con gặp trong họ đạo hoặc con tình cờ gặp dọc đường, thế nhưng... thực sự con đã bao giờ gặp Ngài và làm cho Ngài như thế đâu ? Đức Giêsu: Mỗi lần anh làm như thế cho một trong những người anh em đồng loại là anh đã làm cho chính tôi đó ! Anh đã chỉ đường cho một người mù đến gặp tôi, người ấy đã được tôi chữa cho sáng mắt. Và để tỏ lòng biết ơn, người ấy đã tặng tôi cây gậy làm kỷ niệm, trên đó tôi thấy có khắc tên anh... Rồi một người hành khất tìm đến với tôi, trao cho tôi một mẩu bánh mì mà anh đã chia sẻ cho chị ấy, chính mẩu bánh nhỏ bé này tôi đã dùng trong bữa Tiệc Ly để hóa nên chính Thịt Máu của tôi đem Sự Sống vĩnh cửu cho muôn người... 13
  • 14. Rồi một người phong cùi đã đến với tôi với ngọn nến sáng trong tay, và khi anh ta lành mạnh rồi, cũng chỉ có một mình anh là quay trở lại tạ ơn tôi, còn chín người bạn đồng cảnh ngộ với anh ta thì không. Anh ta đã thuật lại đầu đuôi cuộc gặp gỡ với anh trước đó... Lại còn một chị phụ nữ đã mạnh dạn chạy vào giữa bàn tiệc của một người Pha-ri-sêu đang thết đãi tôi để quỳ xuống, khóc lóc chân thành, lại còn đổ một bình dầu thơm rồi lấy tóc mà lau chân tôi... Tất cả những con người đáng thương ấy đều đã gặp anh và được anh giúp đỡ, được anh chỉ dẫn cho biết đường mà tìm đến gặp tôi để được đổi đời... Đạo sĩ 4: Nhưng lạy Ngài, Ngài tốt lành và đầy quyền năng như thế, cớ sao Ngài lại bị đóng đinh như một phạm nhân nhục nhã như thế này ? Đức Giêsu: Tôi đã đến nơi nhà của mình, nhưng người nhà lại chẳng muốn đón nhận tôi. Đạo sĩ 4: Vậy là người ta đã nỡ vu cáo và giết chết Ngài chỉ vì Ngài đã quá đỗi yêu thương họ, vì Ngài đã muốn đem lại cho họ Sự Sống vĩnh cửu ư ? Vậy, bây giờ con còn có thể làm được gì cho Ngài đây ? Đức Giêsu: Anh hãy quay về sống cuộc đời bình thường của mình. Tôi chỉ nhờ anh một việc, anh hãy thuật lại Tin Mừng trọng đại này cho mọi người anh gặp: đó là Đấng Cứu Thế đã giáng sinh, đã sống đời con người như mọi người, đã yêu thương hết mọi người chẳng trừ ai, Người đã chết để làm chứng về Tình Yêu, về mối tình bất diệt muôn thuở ấy, và rồi chắc chắn Người đã Phục Sinh. Nước Của Người sẽ rộng mở và các dân tộc trên toàn thế giới này sẽ biết Người và theo Người... ( Nhạc trổi lên vui tươi, hùng mạnh, vị Đạo sĩ cúi lạy Đức Giêsu rồi bước tới trước khán giả, nói dõng dạc... ) PHẦN KẾT: Kính thưa cộng đoàn, Vâng, chính tôi và những anh chị em tật nguyền, bất hạnh và tội lỗi, chúng tôi đã được gặp gỡ Đức Giêsu như thế đó. Chúng tôi tin chắc rằng: chính quý ông bà anh chị em, chính các bạn trẻ cũng đã hơn một lần gặp gỡ Đức Giêsu Cứu Chúa ngay trong cuộc sống, bởi vì, chính cộng đoàn cũng đã đến quây quần nơi đây, trong ngôi Nhà Thờ thân yêu này ngày hôm nay, như là một dấu chỉ sống động của Tình Yêu Hiệp Nhất. Vậy, xin cộng đoàn hãy cùng ngẩng cao đầu để đón lấy Ánh Sáng của Chúa Kitô Giêsu, Anh sáng ngôi sao lạ ngày Chúa giáng trần, Ánh Sáng vinh hiển ngày Chúa phục sinh và cũng sẽ là Ánh Sáng cánh chung, ngày Chúa sẽ trở lại đưa chúng ta vào Nước của Người... ( Đèn cung thánh bật sáng, người đóng vai đạo sĩ tiến ra thắp sáng ngọn nến Phục Sinh trên giá, mời cộng đoàn đứng lên hát chung bài Gặp Gỡ Đức Kitô của cha Tiến Lộc, hoặc có thể chọn hát một bài thánh ca nào khác thích hợp với cộng đoàn, miễn là có được bầu khí ấm cúng đỉnh cao của phần kết thúc. Xin lưu ý: Nên dặn cộng đoàn tránh không vỗ tay khi buổi diễn chấm dứt ). Lm. LÊ QUANG UY, DCCT Phóng tác theo một truyện kể tôn giáo dân gian Tiểu Á PHONG CÁCH PHANXICÔ Bài 29. Con đường đến với người vô thần Phần 1. Danh Giêsu Cứu Độ Vào tháng 4.2013, cựu đại biểu Quốc Hội Nguyễn Minh Thuyết đã từng nêu ý kiến: khi bỏ cụm từ XHCN, Việt Nam sẽ tranh thủ được cảm tình của quốc tế. http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/doi-lai-ten- nuoc-la-tro-ve-dung-ban-chat-che-do-2657655.html 14 CÙNG NHẬN ĐỊNH
  • 15. Nhưng sau đó tên nước ta vẫn là CHXHCN Việt Nam và tổ quốc vẫn được cai trị bởi một đảng vô thần. Không thể tránh khỏi trong sinh hoạt hàng ngày, tại khắp nơi khắp chốn, ta vẫn luôn phải tiếp xúc với những cán bộ vô thần tại các cấp các ngành. Tại Âu Mỹ, vô thần đã trở nên một trào lưu phổ biến. Ngay cả những người vẫn tin vào Chúa thì chỉ còn một số rất ít còn đến Nhà Thờ lãnh nhận các Bí Tích. Có kiểu vô thần cá nhân, vì thành thật với lòng mình và do chưa tìm ra một lời giải đáp thỏa đáng từ phía tôn giáo cho cuộc đời. Mark Zuckerberg ( sinh năm 1984, hình đính kèm ), người sáng lập và chủ nhân Facebook là một người vô thần công khai. Ngày 22.9.2010, anh hiến tặng 100 triệu đôla cho Học khu công lập tại Newark, New York. Ngày 19.12.2013, anh cùng với Bill Gates và Warren Buffett ký cam kết sẽ hiến tặng từ thiện ít nhất 50% số tài sản khổng lồ lên tới hàng chục tỷ đôla của mình và kêu gọi những người giầu có khác cũng làm như vậy. Lại có kiểu vô thần vì tìm quyền lợi riêng khi gia nhập một tập thể vô thần, do đó không thể có lập trường cá nhân. Lúc không còn ở trong tập thể đó nữa, nhất là ở tuổi xế chiều, thì nhiều người lại quay về tôn giáo. Bây giờ ta thường gặp các Tăng Ni đến tụng kinh tại các đám táng một số cán bộ đảng viên đã hưu trí. Truyền giảng Tin Mừng cho những người vô thần vẫn là một nhiệm vụ bắt buộc đối với mọi Kitô Hữu. Điều này chỉ khả thi nếu ta có khả năng dùng ngôn ngữ của đời thường để truyền đạt Tin Mừng. Ta không thể làm được điều này nếu không chỉnh sửa lại một số thuật từ rất lạ lùng ở trong Đạo của ta. Người có Đạo hay không đều bình đẳng. Mọi người có thể xưng hô với nhau là ông bà cô bác chú cậu dì anh chị em như mọi người Việt Nam khác. Không phàm nhân nào còn là “cha” là “đức” là “ngài” ở trên người khác. Mọi người đều là con của một Cha Chung vì Giêsu chết trên thập giá là cho tất cả mọi người. Giêsu không bao giờ kết án ai, luôn luôn tha thứ. Người cần phải được trình bầy với một khuôn mặt thiết thân và rất đáng yêu mến cho mọi người kể cả những ai vô thần. Không có sự khác biệt giữa người Do Thái và người Hy Lạp, vì tất cả đều có cùng một Chúa, là Đấng quảng đại đối với tất cả những ai kêu cầu Người ( x. Rm 10, 12 ). Ngày 7.7.2013, nhà báo tiến sĩ Eugenio Scalfari, một người vô thần công khai, viết trên tờ báo La Repubblica có lập trường vô thần do chính ông sáng lập, thánh thức Papa Phanxicô giải thích một số điểm mấu chốt trong Kinh Thánh. Ông viết với tư cách một người vô thần nhưng lại quan tâm và ái mộ những lời dạy của Giêsu Nadarét, con của Maria và Giuse, hậu duệ của Đavít. Vấn nạn của ông Scalfari là: Nếu một người không tin mà phạm vào một điều mà Nhà Thờ gọi là “tội” thì có được Thiên Chúa của Đạo Kitô tha thứ hay không ? Đây là một câu hỏi rất hóc búa, nếu đem áp dụng ở nước ta một cách rất cụ thể có thể là: Nếu một cán bộ lợi dụng quy hoạch treo để chiếm ruộng đất của nông dân nghèo thì có được Đức Chúa tha thứ không ? Thật bất ngờ, dù bận trăm công nghìn việc, mỗi khi đi đâu cũng có hàng ngàn người vây quanh, Papa Phanxicô vẫn đã hồi đáp cho ông Scalfari với lá thư gồm 2.500 từ được đăng trên tờ báo vô thần La Republica vào ngày thứ hai 12.8.2013. (Trích): Tôi ( Papa Phanxicô ) không nói riêng cho những người tin mà cho tất cả mọi người ( gồm cả những người vô thần ) về một sự thật tối thượng. Sự thật đó là, theo lòng tin Kitô, tình yêu của Thiên Chúa dành cho ta được cô đọng nơi Giêsu Kitô. Sự thật đó là một mối liên hệ giữa mỗi người và Giêsu theo tầm mức đón nhận và diễn tả ra tùy theo hoàn cảnh lịch sử và văn hóa nơi đời riêng của từng cá nhân. Thiên Chúa tha thứ cho những ai sống theo lương tâm mình. Đối với tôi, lòng tin được sinh ra từ sự gặp gỡ của cá nhân tôi với Giêsu, người đã đi vào tâm hồn tôi và ban cho tôi một ý nghĩa mới cho cuộc đời. Nhưng đồng thời, lòng tin chỉ được trở thành hiện thực nhờ cộng đoàn Kitô, trong đó tôi sống, nhờ đó tôi đón nhận Tin Mừng một cách trung thực, đó là đời sống mới phát sinh từ nguồn nước Giêsu, qua Bí Tích và tình hiệp thông huynh đệ khi phục vụ người nghèo, họ là hình ảnh trung thực nhất của Chúa. Không có Nhà Thờ thì tôi không thể gặp gỡ Giêsu, đây là một ân huệ vô cùng vĩ đại, tức là lòng tin, được gìn giữ trong những chiếc bình gốm dễ vỡ của bản tính nhân loại ( x. 2 Cr 4, 7 ). 15
  • 16. Từ cảm nghiệm sống lòng tin trong Nhà Thờ, tôi cảm thấy dạn dĩ lắng nghe các chất vấn của ông ( Scalfari ) và muốn cùng với ông, tìm ra những con đường mà mà chúng ta có thể bắt đầu hành trình chung với nhau trong chốc lát. Nhà Thờ, xin hãy tin tôi, dù cho có những trì trệ, bất trung, sai lầm và tội lỗi như đã có và vẫn còn sẽ có nơi những người con của mình, không mang một ý nghĩa và một mục đích nào khác ngoài việc sống và làm chứng cho Giêsu, Đấng được Abba sai đến để để “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, thông báo một năm hồng ân của Chúa” ( Lc 4, 18-19 ). Trong tình hiệp thông huynh đệ. Phanxicô. ( Nguyên văn chỉ có ký tên trống, không kèm chức vụ hay tước hiệu. Các danh xưng ở trong đạo không có giá trị bao nhiêu đối với người vô thần, vì thế khi gặp gỡ họ nên tránh đề cập ) ( Nguồn: http://www.zenit.org/en/articles/popefrancislettertothefounderoflarepubblicaitaliannewspaper ) Vì đây là lá thư gởi cho một người vô thần, được đăng trên một tờ báo vô thần cho những người vô thần đọc, nên có văn phong đời thường. Ở Phương Tây, khi rất thân thiết với nhau hoặc có sự cho phép của người trên, người ta mới có thể gọi trống tên nhau. Trong nguyên văn lá thư, Papa Phanxicô chỉ gọi một cách đơn giản và thân mật là Giêsu. Truyền giảng Tin Mừng là nói về danh Giêsu, là kể lại kinh nghiệm mà ta có về Giêsu cho người khác nghe. Các thủ lãnh Do Thái cho gọi hai ông Phêrô và Gioan vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Giêsu nữa. ( x. Cv 4, 18 ). Trong tất cả các tôn giáo của thế giới, chỉ riêng có Đạo Kitô, mới đòi hỏi người tin phải coi Giáo Chủ Giêsu và Cha của Người: Thiên Chúa Cha, là đối tượng tình yêu lớn nhất của mình. Đây là giới quan trọng nhất. Giêsu đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là giới răn quan trọng nhất” ( Mt 22, 37-38 ). Giêsu chất vấn Phêrô đến ba lần trước khi trao cho ông nhiệm vụ chăm sóc chiên: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” ( x. Ga 21, 15-19 ). Trích những lời cuối cùng của một số vị Thánh ngay trước khi chết. Thánh Tử Đạo Hàn Quốc Andrew Kim Taegon ( hình ): "Chính vì Người mà tôi chịu chết". Thánh Faustina Kowalska: "Tôi chỉ biết rằng tôi yêu và được yêu. Đối với tôi, điều này đã hoàn toàn đầy đủ rổi". Thánh Ignatius of Loyola ( lập Dòng Tên ): "Ôi Chúa của con". Thánh Jeanne d’Arc: "Giêsu, Giêsu, Giêsu". Thánh Kateri Tekakwitha: "Giêsu, con yêu mến Người". Chân Phước Tử Đạo Miguel Pro, Dòng Tên, tự ý dang hai tay ra cho giống Chúa Giêsu Thập Giá ( hình ) và hô vang: "Đức Kitô là Vua". Thánh Têphanô Tử Đạo Tiên Khởi: "Ôi Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con". Thánh Têrêsa Calcutta: "Giêsu, con yêu mến Người. Giêsu, con yêu mến Người". Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu: "Chúa của con. Con yêu mến Người". Thánh Têrêsa Ávila: "Ôi Chúa và Đấng yêu mến của con, giờ mà con luôn mong đợi đã đến". ( O my Lord and my Spouse, the hour that I have longed for has come ). Một số người có lẽ sẽ dịch Spouse ở đây là Hôn Phu hay Lang Quân. Khái niệm Đức Kitô trở thành Hôn Phu của một cá nhân không có nguồn gốc trong Tin Mừng. Hình ảnh này chỉ được Thánh Phaolô dùng để nói lên mối tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh: Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh… Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh ( Ep 5, 25-32 ). http://www.catholicvote.org/the-last-words-of-30-saints/ 16
  • 17. Tin Mừng luôn nói về bước đầu tiên thay đổi cuộc sống của mỗi người là gặp gỡ Giêsu như một con người bình thường. Hôm sau, ông Gioan lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Giêsu ( Ga 1, 35-37 ). Rồi Anrê dẫn em mình là Simôn đến gặp Giêsu. Giêsu nhìn Simôn và nói: “Anh là Simôn, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” ( Ga 1, 42 ). Rồi trải qua những năm dài lặn lội đi theo Giêsu trên mọi nẻo đường, chứng kiến tận mắt các phép lạ Giêsu làm, rồi phải tan nát cõi lòng trước cuộc thương khó và tử nạn của Giêsu, khi gặp được Giêsu Phục Sinh thì Giêsu mới trở thành Chúa, mới là Đức Giêsu và Chúa Giêsu của họ. Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em !” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa ( Ga 20, 19-20 ). Không những thế Người còn phải trở thành Thiên Chúa của họ. Rồi Người bảo Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Tôma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” Bản tiếng Anh có thể giúp hiểu rõ câu này hơn: Thomas answered and said to him, “My Lord and my God !” Tiếng Việt chỉ dùng chung một chữ Chúa cho cả hai nghĩa Chúa trên trần gian ( thủ lãnh mà ta thần phục như Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn ) và Chúa trên trời ( Đấng tạo dựng nên ta và có toàn quyền trên số phận đời đời của ta ). Tiếng Anh gọi Chúa trên trần gian là Lord ( thủ lãnh ) và Chúa Trời là God. Tin Mừng được viết bằng tiếng Hy Lạp, trong đó Chúa trần gian là kurios và Chúa Trời là θεός – theos nhưng trong tiếng Hy Lạp theos không hẳn là Chúa Trời duy nhất mà có thể là bất kỳ thần linh nào. Trong tiếng Hoa, Chúa 主 chỉ có nghĩa là thủ lãnh trần gian, Chúa Trời được gọi là 上帝 thượng đế hay thiên đế. Nhưng Thượng Đế ấy không khác bao nhiêu với một hoàng đế trần gian, không quan tâm mấy tới người trần, cũng có thiên đình với cung tần mỹ nữ, hay tổ chức yến tiệc linh đình như Hội Bàn Đào, tiên nữ nào mà lỡ làm bể chén ngọc là bị đầy ngay xuống trần gian làm người ! Mỗi người cần phải đi từ gặp gỡ Giêsu ( một con người ) đến đón nhận Người là Đức Giêsu ( Chúa trên trần gian ) và sau cùng xưng tụng Người là Chúa Giêsu ( Chúa Trời ). Đó là sự trình bầy tiệm tiến của Tin Mừng khi mặc khải về Giêsu. Danh Giêsu cô đọng tất cả đặc tính này. Kêu cầu danh Giêsu đã là đầy đủ. Sứ Thần thông báo cho ông Giuse, chồng bà Maria: “Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Nếu Giêsu thật sự là tất cả tình yêu trong ta thì ta có thể dạn dĩ gọi Người là Giêsu. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần ( Dt 4, 16 ). Mắt ta có thể hướng về Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin cho ta ( x. Dt 12, 2 ). Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi ( 1Ga 4, 18 ). Ngay đến một tay đầu trộm đuôi cướp vào phút cuối cuộc đời mà cũng có thể thốt lên: “Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !” ( Lc 23, 42 ). ( Mt 1, 21 ) Văn phong của Kinh Thánh nói như thế. Các ngôn ngữ khác trên thế giới cũng dùng như thế. Chỉ riêng có người Việt Nam mới luôn phải trịnh trọng xưng là Đức Giêsu, Đức Chúa Giêsu. Cách dịch Kinh Thánh và ngôn từ trong Đạo ở Việt Nam tuy thích hợp với truyền thống văn hóa dân tộc nhưng lại không hoàn toàn đúng với tinh thần của Tin Mừng. Ngày nay nhiều người Việt Nam thích đọc lời nguyện vắn gọn: Giêsu, Maria, Giuse, con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn. Rất may kinh này đã không được dịch là Lạy Đức Chúa Giêsu, Lạy Đức Mẹ Maria, Lạy Thánh Cả Giuse. Vì Giêsu, Maria, Giuse đã các Đấng ta yêu mến hết lòng nên ta có thể gọi thẳng tên các ngài một cách thân thương. Kinh này được Tôi tớ Chúa, nữ tu Consolata Betrone ( 1903-1946 ), Dòng Capuchin ( một nhánh của Phanxicô ), cho biết chính Chúa Giêsu đã hiện ra dạy cho chị đọc. Kinh được các Tín Hữu tại Philippines và Bồ Đào Nha đọc chung với chuỗi Mai Khôi, sau kinh Sáng Danh, cùng với Lời nguyện Fatima do chính Mẹ Maria dạy cho ba trẻ nhỏ khi hiện ra tại Fatima: Lạy Chúa 17
  • 18. Giêsu, xin tha tội cho chúng con; xin cứu chúng con khỏi sa hoả ngục; xin đem các linh hồn lên thiên đàng – nhất là những linh hồn – cần đến lòng Chúa thương xót hơn. Lạy Chúa Giêsu trong nguyên gốc tiếng Bồ Đào Nha được chính Mẹ Maria nói ra là Ó meu bom Jesus ( Ôi Giêsu nhân lành của tôi, tức là của từng cá nhân ), được dịch sang tiếng Anh là O My Jesus ( Ôi Giêsu của con ), tiếng Pháp là O mon Jésus ( Ôi Giêsu của con ), tiếng Hoa là 吾主耶穌 wú zhǔ Yēsū ( Chúa Giêsu của con ). Trong trường hợp này cụm từ Lạy Chúa Giêsu trong tiếng Việt không toát lên được tấm thân tình của từng người với Giêsu. Hồng Y Giovanni Saldarini, Tổng Giám Mục Turin, đã khởi sự tiến trình phong Chân Phước cho chị Consolata Betrone từ năm 1995. NGUYỄN TRUNG ( Còn tiếp phần 2 ) HÀNH HƯƠNG ĐẦU NĂM Em tôi là một cô giáo tiểu học nên cũng có một số bé đến nhà xin học thêm. Trong số những cô cậu bé láu lỉnh nghịch ngợm này tôi đặc biệt chú ý đến một bé. Bé gái này không xinh xắn, không học giỏi, cũng không có gì nổi bật ngoại trừ việc bé sinh ra trong một gia đình Công Giáo nhưng ba mẹ hiếm khi đưa bé đi Nhà Thờ. Theo như bé kể thì dạo trước ba mẹ cũng cố gắng đưa bé đi Lễ Chúa Nhật – chỉ đưa bé đi thôi chứ ba mẹ thì không dự Lễ – nhưng khoảng một năm nay vì lo bận làm ăn nên không còn đưa bé đi nữa. Vậy là cả gia đình Công Giáo đều không ai dự Lễ Chúa Nhật cả. Và cũng theo lời kể của bé thì ba mẹ bé luôn chú ý đến vấn đề dinh dưỡng nên những bữa ăn của gia đình bé luôn đầy đủ thức ăn ngon lành, bổ dưỡng. Gia đình bé ở trọ nên chỉ "thiếu" căn nhà và "thiếu" chuyện… đi Lễ mà thôi. Tôi không nói gì nhiều vì sợ bé "chán nghe" nên chỉ tóm tắt là: khi con cái đến thăm cha mẹ thì cha mẹ rất vui, Thiên Chúa cũng như cha mẹ mình vậy, khi chúng ta đến thăm Thiên Chúa để bày tỏ lòng hiếu thảo của mình thì Ngài cũng rất vui. Cứ như vậy, mỗi lần trò chuyện với bé, tôi lại khuyên bảo một chút với vài thí dụ cho bé dễ hiểu, tôi lại có ý định đưa bé đi dự Thánh Lễ một lần, vì như bé nói, đã lâu rồi bé không được đến Nhà Thờ. Phải làm sao để ba mẹ bé đồng ý cho bé đi và chính bản thân bé cũng thích đi nữa. Trong lúc đang suy nghĩ chưa biết sẽ đưa bé đi dự Lễ ở đâu thì trí óc tôi mơ màng trở về thời thơ ấu… Dạo đó tuổi thơ của tôi may mắn được sống dưới thời được thật sự tự do và hạnh phúc. Lúc đó nhà tôi ở phía ngã tư Bảy Hiền, Sàigòn, khá xa Thủ Đức nhưng ba má tôi hay đưa mấy chị em tôi đi Hành Hương Đức Mẹ Fatima Bình Triệu, Thủ Đức, và chuyến Hành Hương nào cũng kết hợp với một buổi picnic thật vui vẻ và tràn đầy hạnh phúc. Gia đình tôi luôn đi vào buổi sáng, và khi đến nơi thì vào viếng Mẹ ngay. Ba tôi thì thường im lặng, cầu nguyện một mình. Má tôi hướng dẫn mấy chị em tôi đọc vài bài kinh chung để cầu nguyện cho gia đình. Cầu xin cho ba má luôn khỏe mạnh, cầu cho mấy chị em biết vâng lời ba má, ngoan ngoãn và chăm học. Cầu xin Thiên Chúa và Đức Mẹ chúc lành cho gia đình. Sau khi dặn chị em tôi không được nói chuyện, làm ồn trong trong Nhà Thờ, má tôi ngồi một mình chiêm niệm, cầu nguyện tiếp. Chị em tôi bắt đầu nhìn ngắm tượng Đức Mẹ, nhìn ngắm bàn thờ và nhìn ngắm chung quanh. Mặc dù thường được đi Hành Hương Viếng Mẹ Fatima nhưng lần nào chị em tôi cũng nhìn ngắm toàn cảnh Nhà Thờ không chán mắt. Có nhiều gia đình cũng từ nơi xa đến viếng Mẹ như gia đình tôi. Trên gương mặt mọi người tràn đầy vẻ tin tưởng, rạng rỡ, hân hoan. Sau khi đọc kinh, cầu nguyện khoảng gần một tiếng đồng hồ trong Nhà Thờ xong, gia đình tôi đi "thăm" các nhà sách đạo ở quanh đó. Các tượng ảnh Chúa và Đức Mẹ cũng như các chuỗi hạt được bày bán rất nhiều và đẹp. Chị em tôi được tha hồ xem no con mắt và đi mỏi cả chân. Rồi chúng tôi lại vào viếng Mẹ lần hai. Lần này khoảng ba mươi phút. Rồi gia đình tôi đi dạo một vòng xung quanh Nhà 18 CÙNG BỘC BẠCH
  • 19. Thờ. Chị em tôi bắt đầu chạy tung tăng trong tiếng la ơi ới của ba má tôi phía đằng sau. Sau khi tóm được đứa em út của tôi, má tôi trải tấm bạt trên sân hướng ra phía sông và gia đình tôi quây quần dùng bữa trưa. Bữa picnic của gia đình tôi khi thì là bánh mì patê, thịt, khi là bánh mì bơ, phômai, khi thì bánh mì kẹp lạp xưởng… và má tôi luôn kèm theo một mớ dưa leo, củ sắn đã gọt vỏ và cắt sẵn từng miếng. Cũng có những gia đình khác trải bạt để ngồi dùng bữa ăn trưa như gia đình tôi. Tất cả dùng bữa trong quang cảnh mây trời lồng lộng, sông nước mênh mông, thật thú vị ! Tiếng trò chuyện nho nhỏ của người lớn, tiếng cười, tiếng khóc, tiếng la hét của mấy em bé tạo thành những âm thanh vui tai, hạnh phúc của một Đại Gia Đình. Vâng, Đại Gia Đình Công Giáo chúng con đến viếng Mẹ. Tất cả lũ chúng con đều là con chiên của Chúa, đều ở trong một đàn chiên do Chúa dẫn dắt… Vậy là ý định đưa cô bé học trò đi hành hương Đức Mẹ Fatima Bình Triệu nảy sinh trong đầu tôi từ đó. Ba má bé Hạnh – tên cô bé – đều vui lòng cho đi và cô trò chúng tôi khởi hành vào sáng ngày đầu năm mới dương lịch 2014, ngày mồng một tháng một, Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Chúng tôi phải đi ba chuyến xe buýt mới đến được Trung Tâm Hành Hương Bình Triệu. Nhà Thờ đang sửa chữa chưa xong nên chỉ để một phần gần cung thánh cho Giáo Dân có thể đến kính viếng và cầu nguyện. Một hang đá rất đẹp mừng Chúa Giáng Sinh cũng được làm gần đó. Cô trò tôi quỳ ở hàng ghế gần cung thánh và tôi chỉ bảo cho bé Hạnh cách cầu nguyện và suy niệm, đặc biệt là cầu nguyện cho ba má bé đừng bỏ Lễ Chúa Nhật nữa. Trên vách trong Nhà Thờ có nhiều bảng Ta Ơn Mẹ, Hạnh hỏi về ý nghĩa của những bảng Tạ Ơn này. Cái gì đối với Hạnh cũng lạ lẫm và tôi phải luôn giải thích cho bé hiểu. Tôi chợt buồn khi nghĩ về sự khô khan nguội lạnh của ba mẹ bé Hạnh, lẽ ra ba mẹ bé phải là người giải đáp những thắc mắc này cho bé và phải giải đáp từ lâu rồi chứ không phải để đến tuổi này - mười tuổi rồi – mà vẫn không biết bảng Tạ Ơn để làm gì. "Cô ơi ! Gió mát quá cô ơi ! Sông rộng quá cô ơi ! Có mấy cái ghe kìa cô !" Hạnh reo lên khi chúng tôi ra đến bờ sông, cô bé thích thú ngắm nhìn những xà lan chở cát nặng nề, những ghe đò chở người ngang qua… Gió lồng lộng, thổi bay tung tóc của chúng tôi. Tôi chụp cho Hạnh vài tấm hình ở hang đá trong Nhà Thờ và vài tấm nơi tượng Đức Mẹ để kỷ niệm. Thật tiếc là hôm nay không có Thánh Lễ ! Tôi cứ tưởng hôm nay là Lễ Mẹ Thiên Chúa thế nào cũng có Thánh Lễ dành cho khách hành hương. Có lẽ cha Sở lo là đã có Lễ trọng ở các nơi, sẽ không có đông người dự Lễ buổi sáng ở đây chăng ? Xin trích đoạn truyện về Đức Mẹ Fatima Bình Triệu Sàigòn trong quyển Kinh Mai Khôi – 100 truyện tích Chuỗi Hạt Mai Khôi của ông Thomas Trần Khắc Khoan – được phép Imprimatur của Đức Cha Dominic Mai Thanh Lương, Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange, Hoa Kỳ, để kết thúc bài này. “Tương truyền vào thời kỳ chiến tranh giữa hai bên Quốc Gia và Cộng Sản, ( xin lược bớt một câu ngắn… ). Để tránh bom đạn, nhiều ghe thuyền đã phải di tản ra vùng ngoại ô theo sông Bình Lợi. Trong lúc chạy loạn, nhiều ghe thuyền bị bắn chìm, nhiều người bị thương tích trầm trọng. Thêm vào đó ban đêm tối trời lại xảy ra giông tố, bão táp, nước sông dâng cao cuồn cuộn chảy xiết, làm cho ghe thuyền tròng trành sắp đổ. Trong lúc hoảng loạn, họ đã phải tìm cách ẩn nấp vào một bãi đất trống sình lầy để họp nhau cầu nguyện, lần chuỗi Mai Khôi, xin Đức Mẹ rủ lòng thương cho tai qua nạn khỏi. Ngay khi ấy, Đức Mẹ hiện ra với Giáo Dân, mang hình Đức Mẹ Fatima, yên ủi mọi người và hứa Mẹ sẽ cứu thoát Giáo Dân qua khỏi tai nạn, ngay trên bãi đất mà họ đang tụ tập cầu nguyện bằng Chuỗi Hạt Mai Khôi. Tức thì sóng yên gió lặng, mọi người được đi về bằng an. Để cảm tạ Đức Mẹ, một đài kỷ niệm với một tượng Đức Mẹ Fatima cao 3m đã được dựng lên ngay trên bãi đất mà chính Đức Mẹ đã hiện ra năm xưa. Càng ngày càng nhiều phái đoàn hành hương đổ dồn về đây kính viếng Đức Mẹ và cầu nguyện. Nơi đây, Đức Mẹ đã làm nhiều phép lạ ban ơn cho những ai đến kính viếng và cầu khẩn Thánh Danh Mẹ với tước hiệu Fatima. Và để thỏa mãn nhu cầu thiêng liêng của Giáo Dân, Tòa Tổng Giám Mục Sàigòn đã cho thiết kế xây dựng một trung tâm hành hương vĩ đại, bao bọc Thánh tượng Đức Mẹ Fatima mà ngày nay người ta gọi là Trung Tâm Hành Hương Fatima Bình Triệu, nổi tiếng khắp vùng Đông Nam Á. Ở đây cứ mỗi ngày 13 hàng tháng, người ta lũ lượt từ khắp nơi đổ dồn về Trung Tâm Hành Hương này để cầu khẩn, đọc kinh lần chuỗi Mai Khôi kính Đức Mẹ. Tượng Đức Mẹ rực sáng với chuỗi hạt Mai Khôi trong tay như đang nhắn nhủ con cái xa gần: Hãy năng lần hạt Mai Khôi kính Đức Mẹ và cầu khẩn thì Mẹ sẽ ban cho tất cả được như ý." 19
  • 20. VIỆT QUỐC HẠNH PHÚC BỊ TỪ BỎ 9 giờ 30 tối, tôi rời khuôn viên Nhà Thờ trong khi vẫn còn đông người đang cầu nguyện trước hang đá Đức Mẹ. Đầu tôi nặng trĩu, tim tôi thắt lại, chân tôi bước mà không biết đi đâu nữa. Tôi đang muốn chạy trốn khỏi Nhà Thờ để khỏi nghe lời giảng của cha như đâm vào tim tôi đau xé, nhưng làm sao chạy trốn được... chính tôi ? Tối nay, tôi nhớ mồn một những năm xa xưa ấy, những năm tôi đã nhúng tay vào tội ác mà trái tim không hề rung động, còn nếu có thì chắc chỉ thoáng qua trong một vài tích tắc mà thôi. Ngày ấy tôi còn rất trẻ, sống bồng bột, kết hôn vội vàng và có đứa con đầu lòng rất sớm. Chưa kịp chuẩn bị để làm mẹ, tôi thấy ngán ngẩm cảnh có con mà chỉ một mình nuôi con. Chồng tôi cùng một tuổi, cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”, suốt ngày cứ đàn đúm bạn bè, nhậu nhẹt, chẳng thiết gì đến vợ con, lại còn đang ăn bám cha mẹ. Con gái tôi vừa đúng thôi nôi thì trời ơi, cả gia tài của tôi ( chỉ gồm những món nữ trang ngày cưới ) cũng theo nhau từ từ bay mất. Giận chồng không biết lo cho vợ con, tôi bồng con về nhà ngoại, kiếm việc làm để nuôi con. Giá cứ như thế luôn thì tôi đã đỡ khổ ! Chẳng ngờ, chưa được bao lâu, anh ấy qua nhà tôi thề sống thề chết, năn nỉ cha mẹ tôi cho rước vợ con về. Nhưng rồi chứng nào tật nấy, càng ngày anh càng hư đốn. Lại một lần nữa, tôi ôm con trở về nhà cha mẹ ruột sau khi để lại lá đơn ly hôn với chồng tôi. Một hôm đang làm việc, tôi cảm thấy chóng mặt, đi khám bệnh mới được bác sĩ cho hay là tôi đã có thai. Nghe như sét đánh ngang tai, tôi thẫn thờ như người mất hồn, không biết tính cách nào đây, nếu sinh thêm một đứa nữa thì đồng lương của tôi không sao lo nổi. Chẳng lẽ tôi lại mang thêm gánh nặng về cho cha mẹ ? Ông bà đã khổ vì tôi quá nhiều rồi. Chợt nhớ có cô bạn học đang làm nữ hộ sinh một bệnh viện phụ sản lớn, tôi đến thăm dò ý kiến. Đã quá quen với cảnh nạo hút thai hằng ngày, bạn tôi khuyên nên “điều hoà kinh nguyệt” ngay, sẽ không đau đâu, vì thai của tôi hãy còn nhỏ, còn hơn phải dây dưa với ông chồng vô trách nhiệm suốt đời. Về nhà, tôi nằm liệt không dám cho ai biết. Nhìn con ngon giấc tôi ôm nó mà khóc. Thức trắng một đêm, sáng dậy tôi cáo bệnh nghỉ làm. Đưa con đến nhà trẻ xong, tôi đi lang thang trong công viên chỉ mong được yên tĩnh để suy nghĩ sáng suốt. Thả mình xuống chiếc ghế đá, tôi nhìn chung quanh thấy có nhiều cặp tình nhân đang tâm sự, chỉ có mình tôi là lạc loài. Đầu óc tôi rối beng, cứ nghĩ tới cảnh phải tiếp tục sống với anh chồng mà ngao ngán. Nhưng còn những đứa con tôi… hay là tôi thử tha thứ cho anh ta lần nữa để những đứa con của mình được có bố có mẹ đầy đủ… Hết giải pháp này đến giải pháp khác, cách nào cũng không ổn, tôi lê bước chân vô hồn chẳng biết đi đâu. Trên chiếc ghế đá nọ, đôi tình nhân vội quay mặt đi khi tôi vừa đến gần. Chuyện đó cũng là thường tình thôi, tôi bước qua họ nhưng chợt nghe bên tai có tiếng đàn ông sao quen quá. Tôi quay lại và kịp nhận ra đó chính là... chồng mình, còn cô gái nọ là người yêu cũ của anh ấy. Sững sờ và đau đớn, chân tôi như bị chôn xuống đất, toàn thân toát mồ hôi lạnh. Không nhớ mình đứng như thế bao lâu nữa, chỉ nhớ sau đó tôi đã chạy, chạy đến lúc té quỵ xuống là hết ! Rồi phải một hồi lâu, nghe chung quanh có tiếng nhiều người lao xao, tôi lơ mơ mở mắt ra và thấy những bộ đồng phục màu trắng. Họ là những y tá, bác sĩ đang lo cấp cứu cho tôi. Thấy tôi đã tỉnh hẳn, bác sĩ cho biết là tôi bị động thai, cần phải dưỡng thì mới giữ được. Đang cơn chán ngán và gần như bất lực trước những đòn roi tới tấp của nghịch cảnh, tôi buột miệng nói không suy nghĩ: “Xin bác sĩ lấy cái thai ra dùm tôi !” Thoáng chút ngạc nhiên, bác sĩ hỏi lại tôi một lần nữa, nhưng tôi vẫn cương quyết phá bỏ. Sau đó tôi được đưa sang phòng nghỉ, tiếp nước biển cho khoẻ để chờ sẽ hút thai vì lúc đó huyết áp của tôi đang tụt rất thấp. Tinh thần hoảng loạn, bên cạnh chẳng có ai thân thích, tôi đành phải gọi cô bạn học nhờ trợ giúp. Cô ấy đến gởi gấm tôi cho bác sĩ và an ủi, xoa dịu tôi nhưng vẫn không làm tôi bớt sợ hãi. Thế rồi chuyện gì đến phải đến. Trèo lên chiếc giường nạo thai, ý muốn leo xuống cứ trở đi trở lại trong tôi nhưng không còn kịp nữa, bác sĩ 20