SlideShare a Scribd company logo
1 of 29
E-mail: gxmehangcuugiup@gmail.com Website: www.trungtammucvudcct.com
HÃY ĐẾN MÀ XEM !
Có lần nghe người ta nhận định. Người Việt mình khi
còn trẻ thì lo làm việc, tiêu tốn thời gian, không chú ý đến
sức khỏe, khi về già bắt đầu bỏ hết mọi sự để lo cho sức
khỏe. Có thể không đúng với chung chung mọi người,
nhưng rất đúng đối với tôi. Những năm gần đây khi khối
lượng công việc dồn dập, sức khỏe của tôi suy giảm, bác sĩ
đã nhắc tôi về những biện pháp để bảo toàn sức khỏe, nâng
cao sức đề kháng và duy trì thể lực. Một vài căn bệnh xuất
hiện, tôi lúng túng một thời gian, may thay kịp kinh nghiệm
rằng tập thể dục mỗi ngày, kết hợp với dinh dưỡng sẽ giúp
cho mình vượt qua bệnh tật và tỉnh táo đối phó với những căng thẳng của cuộc sống.
Kiên trì với việc tập thể dục mỗi ngày là một điều khó, nhiều người mua sắm đủ thứ dụng cụ để
tập, nhưng chỉ một thời gian ngắn thì chán nản và buông xuôi. Tôi nghiệm ra là ý chí chứ không phải
phương tiện, vì thế tôi sử dụng ý chí để luyện tập chứ không tùy thuôc vào phương tiện. Ở đâu cũng tập
được, miễn là thu xếp có 15 phút làm nóng, 1 giờ chạy bộ tại chỗ, nửa giờ nghỉ ngơi trước khi tắm rửa
để tiếp tục công việc. Tôi dùng cách xem phim để 1 giờ chạy bộ tại chỗ trôi nhanh. Sở dĩ tôi phải chạy
tại chỗ vì khi chạy ra ngoài chỉ riêng chuyện chào hỏi người quen thôi cũng hết giờ !
Phim ảnh để phục vụ luyện tập nên tôi phải thật dễ dãi mà
xem, không đòi hỏi nghệ thuật cao, chấp nhận những hạt sạn trong
quá trình theo dõi, xuê xoa với chính mình để khỏi rơi vào bực dọc.
Thế nhưng nhiều phim cũng cuốn hút ghê lắm, kỹ thuật làm phim luôn
là ê a ở đầu tập rồi sẽ tạo hấp dẫn vào cuối tập, đôi khi làm mình nôn
nóng phải theo dõi tiếp tập sau ra sao. Những thước phim tình cảm
ướt át, những cuộc tình bi lụy, lắm khi cũng làm ray rứt lòng mình.
Thường đề tài tình yêu đôi lứa được khai thác triệt để, những éo le
nghiệt ngã, những thổn thức dày vò của những trái tim biết yêu và
khao khát yêu. Có khi tác giả xây dựng những nhân vật vì yêu nên bí
lối cùng đường, vì yêu nên cuộc sống không tìm được lối thoát.
Bài Tin Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay có câu “Thiên Chúa
yêu thế gian đến nỗi ban Con Một của Ngài…” ( Ga 3, 16 – 18 ). Khi
còn ngồi trên ghế nhà trường, cha giáo dạy tôi, ngài nhấn mạnh:
chữ “ban” cùng nghĩa với chữ “thí”, chữ “nộp”. Xem ra Thiên Chúa bi
lụy mối tình dành cho chúng ta một cách quá quắt, ấy vậy, chẳng là
bỏ 99 con chiên để rong ruổi tìm bằng được con chiên lạc đó sao,
hàng ngày vẫn là một lời “đây là mình Thầy bị nộp vì anh em” vang
vọng trong mọi ngôi Giáo Đường. Nhưng mối tình say đắm ấy không bị bí lối cùng đường, nhưng mở ra
cho chúng ta con đường sống và sống dồi dào “để ai tin vào Ngài thì được sống đời đời”.
Ngay từ khi còn bé tôi đã bị cuốn hút vào ánh mắt của Đức Mẹ trong bức Linh ảnh Mẹ Hằng Cứu
Giúp. Ánh mắt tha thiết yêu thương lạ kỳ, hẳn rằng người họa sĩ vẽ bức chân dung ấy đã phải bỏ ra
nhiều ngày giờ để chiêm ngắm tình yêu của Mẹ, phản ánh tình yêu của Thiên Chúa. Tha thiết, say đắm,
xót thương, quảng dại, ân cần, bao dung… Tôi đã chơi trò chơi một mình với Mẹ bằng cách di chuyển
đến nhiều vị trí trong căn phòng để thấy ánh mắt ấy cứ đăm đăm theo dõi mình, không vị trí nào làm
mình xa rời ánh mắt của Mẹ.
1
NĂM THỨ 14 – SỐ 614 – CHÚA NHẬT 15.6.2014
Lớn lên bôn ba mọi nẻo đường đời, sóng gió gian nan càng làm tôi nhận ra ánh mắt yêu thương
đó phủ kín đời mình hơn. Khi còn sinh hoạt trong giới sinh viên Công Giáo trước năm 75, tôi là con cái
của các cha Dòng khác, nhưng khi quyết định dấn thân đời tu, tôi gia nhập DCCT, tôi hiểu lý do tại sao
rồi. Có lần gặp lại vị tuyên úy sinh viên cũ, ngài trêu tôi là “cậy mít sinh trái xoài !” Vì tôi tướng tá khá
nặng nề nên tôi chơi chữ lại với ngài: “Cha ơi ! cây xoài sinh… trái mít chứ !”
Tôi lãnh sứ vụ Linh Mục vào ngày 26 tháng 6. Thánh Lễ đầu tiên của cuộc đời cử hành với tư
cách là chủ tế đúng ngày lễ Mẹ Hằng Cứu Giúp ( 27 tháng 6 ). Biến cố trùng hợp này làm tôi xác tín
rằng mình “mắc nợ” Mẹ Hằng Cứu Giúp quá nhiều, món nợ nhân duyên xuyên suốt cuộc đời.
Tôi viết những dòng chữ này khi cả Nhà Dòng đang rộn ràng với các chương trình mừng lễ Mẹ,
xin mời mọi người… “hãy đến mà xem”.
Lm. VĨNH SANG, DCCT, 14.6.2014
MỤC LỤC TÌM BÀI:
"HÃY ĐẾN MÀ XEM !" ( Lm. Vĩnh Sang ) ........................................................................................... 01
NHÀ CẦM QUYÊN TRUNG QUỐC PHÁ HỦY MỘT THÁNH ĐƯỜNG TẠI ÔN CHÂU ( Đài Vatican ) .. 02
THIÊN CHÚA TÌNH YÊU ( Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt ) ..................................................................... 03
TÌNH YÊU THIÊN GIỚI ( AM. Trần Bình An ) ........................................................................................ 04
TÌNH YÊU BỊ ĐÁNH CẮP ( M. Hoàng Thị Thùy Trang ) ........................................................................ 06
DẤU THÁNH NHIỆM MẦU ( Lm. Giuse guyễn Hữu An ) ....................................................................... 07
SỐNG YÊU THƯƠNG THEO KHUÔN MẪU BA NGÔI ( Tu Sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển ) ......................... 10
TRAO BAN TẤT CẢ VÌ YÊU THƯƠNG ( Lm. Inhatiô Trần Ngà ) .......................................................... 11
NHÂN DANH CHA, VÀ CON, VÀ THÁNH THẦN ( Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ ) ................................... 12
SỰ NGOAN NGOÃN CỦA ÊLIA VÀ BÀ GÓA ( Joseph C. Pham ) ........................................................ 14
DUY TRÌ TÂM LINH ( Trầm Thiên Thu ) ................................................................................................ 15
NGỪA TRÁNH THAI... ( Lm. Shenan J. Boquet, bản dịch của Nguyễn Thế Bài ) ................................. 16
HẠNH PHÚC HAY BẠC PHÚC ? ( Đaminh Phan Văn Dũng ) ............................................................... 18
BỆNH VIỆN ĐA KHOA GIÊSU ( Ephata sưu tầm và biên tập lại ) ......................................................... 19
GÀ TRỐNG NUÔI CON ( Sưu tầm trên mạng ) ..................................................................................... 20
CẢM NGHĨ VỀ "NGƯỜI TRONG HẺM" CỦA NHÀ VĂN LÝ LAN ( Nguyễn Trung ) .............................. 22
NGƯỜI TRONG HẺM ( Truyện ngắn của Lý Lan ) ............................................................................... 22
NGƯỜI VIỆT TRƯỚC MẮT NGƯỜI NHẬT ( Theo Sức Khỏe và Đời Sống ) ....................................... 24
QUỸ MẸ HẰNG CỨU GIÚP CHO CÁC BỆNH NHÂN NGẶT NGHÈO ( TTMV DCCT ) ........................ 25
NHÀ CẦM QUYỀN TRUNG QUỐC PHÁ HỦY
MỘT THÁNH ĐƯỜNG TẠI ÔN CHÂU
Một ngôi Thánh Đường lớn ở Ôn Châu
Trung Quốc đã bị chính quyền dùng xe ủi đất
phá bình điạ hôm thứ hai 1.5.2014. Ôn Châu
là một thành phố ven biển có biệt danh là
"Giêrusalem của phương Đông" vì có đông
người Kitô giáo cư ngụ tại đây.
Thánh Đường bị phá hủy đã được xây
dựng trong 12 năm và tốn vào khoảng 30
triệu nhân dân tệ. Ban đầu chính quyền cho
phép xây dựng ngôi Thánh Đường này và
tháng 9 năm 2013, chính quyền địa phương
còn ca ngợi ngôi Thánh Đường này là một mô
hình kiến trúc tân kỳ.
Khi ra lệnh phá hủy ngôi Thánh Đường, chính quyền cho rằng kiến trúc Thánh Đường đã to hơn
gấp bốn lần diện tích cho phép. Tuy nhiên, anh chị em Giáo Dân ở đây nói rằng chính quyền muốn giới
hạn ảnh hưởng người Thiên Chúa Giáo vì số người tin ở Thiên Chúa đã tăng vọt trong những năm vừa
qua. Số Giáo Dân chiếm 15% trong tổng số dân cư của thành phố.
2
CÙNG THÔNG TIN
Năm quan chức chính quyền địa phương liên
quan đến việc trước đây đã cho phép xây dựng Nhà
Thờ đang bị điều tra và một người đã bị bắt. Các tín
hữu lo rằng việc phá huỷ Nhà Thờ có thể là một dấu
hiệu cho thấy chính phủ đang muốn giới hạn Kitô
giáo ở Trung Quốc. Tỉnh Uỷ Chiết Giang đến thăm
Ôn Châu và Hàng Châu đã phát biểu rằng chính
quyền địa phương đã quá dễ dàng cho phép xây
dựng Thánh Đường.
Theo tin của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew, số
tín hữu Kitô tại Trung Quốc là 67 triệu người vào năm
2010, đứng hàng thứ hai sau Phi Luật Tân trong
phạm vi Châu Á.
Theo Đài Vatican
THIÊN CHÚA TÌNH YÊU
Một bạn trẻ hỏi tôi: “Thưa Cha, tại sao đạo Phật khi xây Chùa thì chọn những nơi rừng núi thâm
u, xa hẳn thị thành, còn đạo Công Giáo khi xây Nhà Thờ lại chọn những nơi dân cư đông đúc, phồn hoa
đô hội?” Tôi trả lời: “Bạn quả là có con mắt nhận xét. Việc xây cất chùa chiền, nhà thờ như vậy, thực ra,
phát xuất từ quan niệm nền tảng của đạo. Đạo Phật là đạo xuất thế. Đức Phật vì thấy những cảnh khổ ở
đời trong sinh, lão, bệnh, tử nên đã tìm môt con đường mong giải thoát chính mình và nhân loại khỏi
cảnh khổ não ở đời. Vì thế Ngài đã từ giã cung đình, rũ sạch bụi trần, xa lánh phồn hoa. Trái lại đạo
Công Giáo là đạo nhập thế. Thiên Chúa thấy con người trầm luân khổ ải nên chạnh lòng thương, đã sai
Con Một là Chúa Giêsu xuống trần để cứu độ chúng sinh. Chúa Giêsu xuống trần không chỉ là nhập thế,
mà còn hoá thân một người nghèo sống giữa người nghèo, người tội lỗi để đưa mọi người về với Chúa,
đó là nhập thể. Có thể nói đạo Công Giáo diễn tả việc Thiên Chúa đi tìm con người.
Thiên Chúa đi tìm con người vì Thiên Chúa yêu thương con người. Không yêu thương thì chẳng
việc gì phải đi tìm. Đi tìm tức là có quan tâm. Xa vắng thì nhớ. Thấy khổ vì thương. Vì thương, vì yêu
nên phải cất bước đi tìm.
Không phải Thiên Chúa chỉ yêu thương khi con người gặp đau khổ. Thực ra Thiên Chúa đã yêu
thương con người từ trước, từ khi chưa có con người. Vì Thiên Chúa là tình yêu thương.
Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình yêu thì không thể sống đơn độc nên phải có Ba Ngôi. Vì yêu thương
không chỉ là cho đi nhưng còn là nhận lãnh. Muốn cho đi, phải có đối tượng để nhận lãnh. Muốn nhận lãnh
cũng đòi phải có người sẵn sàng cho đi. Vì Thiên Chúa là tình yêu, nên Thiên Chúa là Ba Ngôi để có thể cho
đi và nhận lãnh.
Thiên Chúa là tình yêu tuyệt hảo nên sự cho đi và nhận lãnh ở nơi Ba Ngôi Thiên Chúa cũng
đạt đến mức tuyệt hảo. Thiên Chúa Cha trao ban cho Chúa Con tất cả những gì mình có, nên Chúa Con
là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha, đến nỗi Chúa Giêsu có thể nói: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha
Thầy, Thầy và Cha là một”. Vì yêu, Chúa con dâng lại cho Chúa tất cả những gì mình nhận lãnh. Việc
hiến dâng này ta thấy rõ trong thái độ khiêm tốn, tự hạ, vâng phục vô biên của Chúa Giêsu đối với Chúa
Cha. Chúa Giêsu đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Chúa Giêsu đã quả quyết: “Không có
tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu”. Và Người đã vì Chúa
Cha mà hiến mạng sống.
Thiên Chúa là tình yêu tuyệt đối. Tình yêu ấy không chỉ đóng kín nơi bản thân mình. Cũng
không chỉ dừng lại ở một đối tượng hạn hẹp. Nhưng vượt mọi ranh giới, lan toả đến mọi góc biển chân
trời. Ba Ngôi Thiên Chúa là một bầu trời tình yêu hạnh phúc. Nhưng tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa
không chỉ thu gọn trong cộng đoàn Ba Ngôi, mà lan toả đến khắp vũ trụ, ấp ủ cả thế giới, nâng niu cả
sinh linh vạn vật. Ba Ngôi là một lò lửa tình yêu. Lò lửa tinh luyện tình yêu càng ngày càng phong phú, là
nguồn mạch của mọi tình yêu trên đời.
Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi như thế không xa vời. Trái lại rất gần gũi, thiết thân với đời sống
chúng ta, là nguồn mạch sự sống của ta, là khuôn mẫu ta phải noi theo, là cùng đích ta phải đạt tới.
Ta ra đời là do tình yêu của Thiên Chúa. Có thể nói nhân loại là kết tinh của tình yêu Thiên Chúa.
Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã nói: “Ta hãy tạo dựng con người giống hình ảnh Ta”. Thiên
3
CÙNG SUY NIỆM
Chúa là tình yêu. Con người giống Thiên Chúa vì có trái tim biết yêu thương. Cây cỏ không có trái tim
biết yêu thương. Cầm thú không có khả năng yêu thương. Chỉ có con người mới có khả năng yêu
thương vì con người giống Thiên Chúa.
Nhưng tình yêu ở nơi con người chưa hoàn hảo vì còn chen lẫn nhiều ích kỷ, hận thù, ghen ghét.
Vì thế con người còn phải thanh luyện cho tình yêu ngày càng thêm tinh tuyền, thêm quảng đại, thêm
phong phú. Càng yêu thương con người càng nên giống Thiên Chúa. Càng quảng đại con người càng
gần với trái tim Thiên Chúa. Càng quên mình con người càng tham dự vào sự sống Thiên Chúa.
Được sinh ra trong tình yêu nên con người phải sống bằng tình yêu. Như thế con người mới
sống trọn định mệnh đời mình. Như thế con người
mới đạt được cùng đích đời mình là sống hạnh phúc
trong tình yêu muôn đời của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, là nguồn mạch
tình yêu, là sự sống sung mãn, là thiên đàng hạnh
phúc, con đã được sinh ra trong tình yêu của
Chúa. Xin cho con biết sống tình yêu hy sinh theo
gương Chúa Giêsu Kitô, để con được kết hợp với
Chúa, sống chan hoà hạnh phúc trong tình yêu
muôn đời của Chúa.
Tgm. Giuse NGÔ QUANG KIỆT
TÌNH YÊU THIÊN GIỚI
Tommasella Manferrari là một nữ nha sĩ 39 tuổi, con gái duy nhất của một gia đình khá giả tại
miền Reggio Emilia, bắc Italia. Chị tốt nghiệp Nha Khoa hồi năm 1985 với điểm tối ưu và sau hai năm tu
nghiệp, về làm việc tại Trung Tâm Nhi Đồng Thành Phố cùng và có phòng mạch riêng. Tommasella rất
yêu nghề và yêu đời, và không chút bận tâm vì chưa gặp được bạn đời. Năm 1995, sự tình cờ giúp chị
gặp gỡ anh Gianni Bianchini, một kiến trúc sư đảm nhận việc trùng tu căn hộ của Tommasella. Hai
người tiến tới hôn nhân sau đó ít lâu và hạnh phúc ngự trị tràn đầy trong gia đình mới này.
Đầu năm 1998, Tommasella vui mừng khôn tả khi được biết là có thai đứa con đầu lòng. Vì là
con một nên chị rất mong muốn có cả một đàn con đông đảo.
Nhưng những tháng đầu tiên mang thai đã làm cho Tommasella mệt mỏi lạ thường. Linh tính của
một bác sĩ báo trước cho chị biết điều chẳng lành: quả thật, các cuộc thử nghiệm sau đó cho biết là
Tommasella mắc phải chứng bệnh ung thư dưới hình thức hiểm nghèo và độc hại nhất. Để mong chữa
trị và ngăn chặn căn bệnh này, Tommasella phải chạy chữa bằng những phương thức trị liệu mạnh mẽ
và có thể gây nguy hại cho bào thai đang mang trong lòng. Trước và sau khi biết rõ kết quả các cuộc
thử nghiệm, Tommasella đã cương quyết khẳng định trước mặt chồng và cha mẹ cùng các bác sĩ là
muốn bảo vệ Sự Sống trong cung lòng mình và sẵn sàng từ chối mọi cách thức điều trị có thể cứu sống
mạng mình nhưng đe dọa bào thai mỏng manh trứng nước của giọt máu trong bụng.
Tháng 10 năm 1998, Tommasella sinh hạ một bé gái. Đứa con vừa chào đời như mang lại nguồn
sinh lực mới cho Tommasella. Theo quyết định của các bác sĩ điều trị, Tommasella khởi đầu những
phương thức trị liệu hóa học rất mạnh và một thời gian sau, chị cảm thấy khỏe khoắn hơn nhiều.
Nhưng thật đáng buồn, Tommasella chỉ khỏe hơn được vài tháng rồi cơn bệnh lại lan nhanh. Nhưng
cơn mệt mỏi làm tay chân bà rời rã, không bồng bế nổi đứa con yêu. Đêm thứ hai 17.5.1999, Tommasella
nhắm mắt đầu hàng cơn bệnh, bỏ lại đứa con bé bỏng mới 8 tháng. ( La Nazione 22.5.1999 ).
Tấm gương cô Tommasella hy sinh mạng sống để cứu con gái được sống, có thể nhắc nhở Kitô
hữu nhớ đến Chúa Cứu Thế, Đấng chịu hiến tế để cho cả nhân loại được sống. Tất cả đều chỉ vì Tình
Yêu cao vời, tuyệt đỉnh của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Tình Yêu trao ban
Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa ( St 1, 27 ). Ngài mến tặng, trao ban cho
mỗi người thân xác và sự sống qua Thần Khí. Nhưng Adam và Eva cùng con cái sau này đã phạm tội, bất
hiếu, bất nghĩa, bất trung với Ngài, làm hỏng cuộc sống hạnh phúc Địa Đàng. Nhưng Ngài vẫn yêu
thương, mạc khải cho ông Môsê biết: “Thiên Chúa nói Ngài là Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén
giận, giàu ân nghĩa và thành tín” ( Xh 34, 6 ). Ngài hứa sẽ trao ban cho nhân loại Đấng Cứu Chuộc.
Nhưng khi Thiên Chúa trao ban Đấng Cứu Thế, Con Một Chúa, thì thế gian lại phũ phàng từ chối.
“Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các người đã không bao giờ thấy
4
tôn nhan Người. Các ông không giữ lời Người ở lại trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng
Người đã sai đến” ( Ga 5, 37 – 38 ).
Tình Yêu thăng tiến
Mặc dù thế, Đức Giêsu vẫn long trọng công bố cho toàn thể nhân loại biết Tình Yêu vô hạn,
không bến bờ: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi
phải chết, nhưng được sống muôn đời” ( Ga 3, 16 ). Hơn thế nữa, con người còn được sống tốt, sống
đẹp và sống thanh thỏa, hạnh phúc nếu vâng theo Lời Người và giới răn yêu thương: “Ta đến để cho
chiên được sống và sống dồi dào” ( Ga 10, 10 ).
Tình Yêu tha thứ
Khi đến nhà ông Dakêu, Trưởng chi cục thuế, bị mọi người xầm xì chế giễu, Đức Giêsu công khai
bày tỏ Tình Yêu tha thứ chân tình: “Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” ( Lc 19, 10 ).
Đức Giêsu còn mạc khải cho ông Nicôđêmô, một thủ lãnh Pharisiêu, trong đêm khuya như lời
bộc bạch tâm sự: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian,
nhưng là để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ” ( Ga 3, 17 ).
Cao điểm là khi cận kề cái chết sau cuộc khổ nạn, Đức Giêsu còn khẩn khoản cầu nguyện, nài
xin Đức Chúa Cha tha thứ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” ( Lc 23, 34 ).
Tình Yêu hy hiến
“Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta” ( Mc 8, 34 ). Điều kiện tiên quyết
yêu Chúa là từ bỏ bản thân, từ bỏ tánh xác thịt, như chính Đức Giêsu đã làm gương sáng. Người sinh ra
nghèo khó, sống bằng sức lao động, tận tụy rao giảng, không có cơ sở, dinh thự, chẳng có hành trang
rườm rà. “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” ( Mt 8, 20 ).
Người nêu gương xả kỷ vị tha. Phục vụ chính môn đệ của mình. “Con Người đến không phải để
được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người" ( Mc 10, 45 ).
“Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để
thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” ( Dt
10, 7 ). Hoàn toàn vâng lời Đức Chúa Cha, Đức
Giêsu sẵn sàng uống chén đắng theo Thánh Ý Cha,
chỉ vì Tình Yêu tuyệt đỉnh vô song. ”Không có tình
yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng
sống mình vì bạn hữu.” ( Ga 15, 13 ).
Tình Yêu hiệp nhất
Thiên Chúa là Tình Yêu hiệp nhất. Ba Ngôi
kết hợp hài hòa thắm thiết nên một Thiên Chúa duy
nhất. Khi Đức Giê su chịu phép rửa xong, vừa ở
dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người
thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ
câu và ngự trên Người.Và kìa có tiếng từ trời phán
rằng: ”Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về
Người” ( Mt 3, 16 – 17 ).
Con người yêu mến Thiên Chúa thì cũng được hiệp nhất với Ba Ngôi Thiên Chúa. “Ai yêu mến
Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”
( Ga 14, 23 ).
Nhưng con người vốn hay chia rẽ, đố kỵ, ganh ghét nhau, vị kỷ, vì cơm áo, địa vị, quyền lợi, tham,
sân, si, chịu cám dỗ mọi bề, nên Đức Giêsu đã tha thiết khẩn cầu cùng Đức Chúa Cha, xin cho đoàn chiên
hiệp nhất: "Lạy Cha, xin cho chúng nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha" ( Ga 17, 21 ).
“Chúa muốn tất cả lòng con, Chúa không chấp nhận chia sẻ với ai” ( Đường Hy Vọng, số 186 ).
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con tràn đầy hồng ân Đức Chúa Thánh Thần, đốt lửa
Tin Cậy Mến trong lòng chúng con, đổi mới đời sống, biết yêu thương và hiệp nhất với nhau, làm
chứng nhân Tình Yêu.
Lạy Mẹ Maria, kính xin Mẹ dìu dắt chúng con sống trung thành với Tình Yêu của Thiên
Chúa, biết cho đi, dấn thân, hy sinh, phục vụ và hiệp nhất với cộng đoàn, với Giáo Hội, với Ba
Ngôi Thiên Chúa. Amen.
AM. TRẦN BÌNH AN
5
TÌNH YÊU BỊ ĐÁNH CẮP
Có rất nhiều tình yêu, nhưng có một tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Đó chính là tình yêu bất
diệt. Tình yêu không biết bởi đâu mà đến, nhưng chỉ biết do Thiên Chúa mà sinh ra, Thiên Chúa chính
là tình yêu.
Tình yêu có từ bao giờ ? Câu hỏi đó mầu nhiệm như chính Thiên Chúa vậy. Từ thuở rất xa xưa,
xa hơn cả trái đất này, từ rất rất lâu, thật lâu rồi đã có một tình yêu bất diệt. Tình yêu giữa Ngôi Cha,
Ngôi Con và kết tinh là Chúa Thánh Thần, cũng là Ngôi Ba Thiên Chúa. Ba Ngôi hoàn toàn khác biệt
nhưng lại chỉ Một Thiên Chúa. Mỗi ngôi vị một chức vụ nhưng hoàn toàn hiệp nhất trong Một Thiên
Chúa mà thôi.
Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hóa. Ba Ngôi Thiên Chúa chỉ
có một tình yêu duy nhất và mục đích cao cả là yêu thương tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa con người !
Cho dù bạn là ai, thuộc tôn giáo, quốc gia hay chủng tộc
nào, chỉ cần bạn tin rằng có một thần linh tồn tại trong thế giới này
cũng đủ. Bởi Đấng ấy không ai khác ngoài Thiên Chúa. Thật ra,
không cá thế nào tồn tại trong thế giới này phủ nhận dc điều ấy. Ở
một góc khuất nào đó trong cuộc đời, trực tiếp hay gián tiếp, họ đều
tin rằng có một Đấng nào đó, một Đấng thần linh hiện diện trong thế
giới này. Chỉ cần nhìn vạn vật vũ trụ tồn tại và vận hành xung quanh
bạn, cũng đủ minh chứng rằng thế giới này thuộc về Đấng ấy. Nhân
loại cho dù tài giỏi đến đâu cũng hoàn toàn không thể có khả năng
tạo dựng hay làm tan biến thế giới này được.
Có nhiều con đường giúp bạn tìm hiểu Đấng thần linh tuyệt đối
mà nhân loại sùng kính, nhưng không con đường nào hoàn hảo, trọn
vẹn cho bằng con đường của Đức Giêsu. Đức Giêsu chính là Đường
đưa nhân loại về với Thiên Chúa Cha. Ngài đã dùng chính mạng sống
và cái chết của mình để minh chứng mầu nhiệm Nước Trời.
Khi nhân loại được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng giống
hình ảnh Ngài và được phú bẩm cho ý chí, lý trí, tình cảm, lương tâm
và tự do. Trong đó, tự do là phẩm tính tuyệt đối của Thiên Chúa lại bị con người lạm dụng để rồi bất tuân,
phản nghịch với ân nghĩa của Thiên Chúa. Yêu thương tạo dựng con người, đau đớn nhìn thấy con người
phản nghịch, Chúa Cha không đành lòng bỏ rơi họ, nhưng đã ban chính Con Một của mình đến cứu
chuộc, mặc khải cho họ biết Tình Yêu Thiên Chúa, và đưa họ trở về với nơi mình phát xuất ra để được
sống muôn đời: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải
chết nhưng được sống muôn đời” ( Ga 3, 16 ).
Không ai nói về Trời hơn Đấng từ Trời mà đến. Đức Giêsu chính mặc khải trọn vẹn về Thiên
Chúa Cha, Ngài còn là ơn cứu độ của chúng ta. Nhờ Ngôi Hai Thiên Chúa, nhờ tin vào Lời của Ngài mà
chúng ta được Ơn Cứu Độ. Sau khi đã hoàn tất sứ vụ của mình, Đức Giêsu về Trời với Thiên Chúa Cha
và trao ban Thánh Thần cho nhân loại, để Ngài tiếp tục kiện toàn và thánh hóa Hội Thánh. Chỉ cần Đức
Giêsu chết thay cho chúng ta một lần là đủ, đó là ơn cứu chuộc vĩnh cửu cho chúng ta rồi.
Thế giới ngày nay có còn tin Thiên Chúa không ? Có còn loại trừ Đức Giêsu - nhân vật lịch sử
thật hay chối bỏ luôn cả Chúa Thánh Thần ? Câu trả lời rõ mồn một trên đời sống của từng cá vị. Chỉ
biết rằng tin một Thiên Chúa đã khó, để tin rằng Một Chúa Ba Ngôi lại càng khó hơn. Tuy nhiên “Thiên
Chúa sai con của Người đến thế gian không phải lên án thế gian nhưng là để thế gian nhờ Con của
Người mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án, nhưng kẻ không tin thì bị lên án
rồi” ( Ga 3, 17 – 18 ).
Lạy Chúa, tình yêu Ngài ban cho nhân loại cao cả quá. Dường như tình yêu ấy bao dung
quá cho nên nhân loại không nhận ra giá trị vĩnh cửu nó mang lại để rồi thế giới ngày ngày vẫn
sống trong hận thù, chiến tranh, bạo lực… Thế giới một khi vắng bóng tình yêu Ba Ngôi thì hạnh
phúc cũng vụt tắt và bất hạnh không ngừng xảy ra.
Xin Ba Ngôi Thiên Chúa ở mãi trong con, mặc dầu tâm hồn con nhơ nhuốc vì tội lỗi yếu
hèn nhưng đó là nguồn Tình yêu mà con không thể nào đánh mất. Thời gian qua con đã để cho
đam mê, dục vọng cướp mất nguồn sự sống cho nên con đã mất tất cả.
Xin trở lại, cho con một chỗ nhỏ trong cung lòng Ba Ngôi Thiên Chúa, và đừng để cho ác
thù nào có thể đánh mất Tình Yêu vĩnh cửu của con.
M. HOÀNG THỊ THÙY TRANG
6
DẤU THÁNH NHIỆM MẦU
Ca khúc “Làm Dấu” với giai điệu nhẹ nhàng mang tâm tình cầu nguyện, lời ca tuyên xưng niềm
tin Ba Ngôi Thiên Chúa mỗi khi làm dấu thánh giá. Có lẽ nhiều người thuộc lòng và ngân nga bài ca này
hàng ngày.
Con đặt tay lên trán tôn vinh Chúa Cha toàn năng.
Con đưa tay xuống ngực chúc tụng Chúa Con tình yêu.
Đưa tay sang trái phải, vinh danh Chúa Thánh Thần nguồn ơn thánh thiên hồng phúc đời con.
Mỗi lần làm dấu thánh xin ngự đến trong tâm hồn con,
mỗi khi con cầu nguyện xin hãy biến đổi tâm hồn con,
xin cho con giống Ngài trong lời nói việc làm,
ước mong đời con nên dấu chỉ yêu thương của Ngài giữa đời.
Con làm dấu hằng ngày, con làm dấu một đời,
khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con.
Ôi dấu thánh nhiệm mầu, dấu ấn tình yêu nhắc nhở con luôn hướng lòng lên Chúa.
Con làm dấu hằng ngày, con làm dấu một đời,
khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con.
Ôi dấu thánh nhiệm mầu, dấu ấn tình yêu Chúa mãi ở trong con con ở trong Chúa.
Bao lần con quên Chúa khi vô ý hay khi thờ ơ.
Bao phen con ngại ngần lúc làm dấu tuyên xưng niềm tin.
Đã có lúc yếu hèn, không làm dấu giữa đời, Ngài ơi giúp con bừng cháy niềm tin.
Giữa hiểm nguy khốn khó con làm dấu xin ơn bình an,
trong an vui ngập tràn con làm dấu hân hoan tạ ơn.
Khi cô đơn thất vọng, khi mệt mỏi chán chường,
Chúa ơi ở bên con nhé vì con đây luôn cần tới Ngài.
Làm dấu Thánh Giá là lời tuyên xưng Đức Tin, tôn vinh
Chúa Ba Ngôi của người Kitô hữu, là dấu chỉ phân biệt những
người môn đệ của Chúa Giêsu và những người theo đạo khác.
Mùa Phục Sinh kết thúc với đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện
Xuống. Giáo hội nhìn lại chương trình cứu độ được Thiên Chúa
thực hiện trong lịch sử nhân loại và nhận ra rằng: nguồn ơn cứu
độ chính là Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Vì
thế, chúng ta hiểu tại sao ngày Chúa nhật mùa Thường niên tiếp
ngay sau lễ Hiện Xuống, luôn luôn được Giáo hội mừng kính và
suy niệm về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.
Giáo Hội là công trình của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.
Từ Ngài, Giáo Hội sinh ra; nhờ Ngài, Giáo Hội hoạt động; và
hướng tới Ngài, Giáo Hội dấn bước. Chỉ một mình Thiên Chúa
mới nắn đúc nên Giáo Hội theo lòng Ngài mong ước ( Thư
Chung 2011, Số 19 ).
Giáo hội được Chúa Cha tập hợp chung quanh Chúa Giêsu dưới tác động của Chúa Thánh
Thần. Là dân tộc lữ hành, Giáo hội phát xuất từ Chúa Cha, sẽ trở về với Chúa Cha, nhờ trung gian của
Chúa Kitô, dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần. Chính từ mầu nhiệm Ba Ngôi mà Giáo hội được sinh ra
và cũng từ Thiên Chúa mà Giáo hội lãnh nhận sứ mạng để tất cả nhân loại làm thành một Dân Thiên
Chúa, tập họp thành Thân Thể Chúa Kitô, được xây dựng thành Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Giáo
hội như là hình ảnh của mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thần Linh và Giáo hội là dấu chỉ của sự
hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại ( x. GH1; GLCG số 772 ). Ba Ngôi là cội nguồn và là cùng đích
của Giáo hội. Giáo hội là công trình của Ba Ngôi. Giáo hội nuôi sống con cái mình bằng thần lương Ba
Ngôi ban tặng qua các Bí Tích.
1. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của Đức Tin Kitô giáo
Đây là một mầu nhiệm thâm sâu nhất, cao cả nhất mà lý trí con người, ngay cả óc tưởng tượng
của con người, cũng không thể nào thấu hiểu hay hình dung được. Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi không phải
là một vấn đề, càng không phải là một vấn đề toán học. Mầu nhiệm không phải là vấn đề hay bài toán: 3 là
3; 1 là 1. Không tính với bài toán nào mà 1 là 3 hay 3 thành 1 được. Thiên Chúa không phải là những con
số. Không thể làm trò ảo thuật hay lý luận đưa ngón tay ba đốt hay hình tam giác mà ví von được.
7
Vậy ai đã cho chúng ta biết mầu nhiệm này ? Chính Chúa Giêsu Kitô. Nếu Chúa không dạy bảo
thì loài người không thể nào biết được. Cho tới trước khi Chúa Kitô đến, loài người không có một ý niệm
nào. Dân Do thái, dân riêng của Chúa, cũng không biết gì về mầu nhiệm Ba Ngôi. Cựu Ước chỉ nói tới
một Thiên Chúa duy nhất, tạo dựng và làm chủ vũ trụ. Chính Chúa Giêsu, trong đời sống công khai
giảng dạy đã mạc khải dần dần. Ngài đã từng bước vén lên bức màn của mầu nhiệm Ba Ngôi.
Ngài cho biết: Chúa Cha là Thiên Chúa, còn Ngài là Con Một của Chúa Cha. Ngài và Chúa Cha
là một. Ngài ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài, cùng bản tính với Chúa Cha. Ngài cũng là
Thiên Chúa. Ngài với Chúa Cha là một Thiên Chúa.
Ngài cũng cho biết: Chúa Thánh Thần là Đấng mà Chúa Cha sai đến, cũng là Thiên Chúa. Như
vậy, chỉ là một Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi riêng biệt nhau chứ không phải là ba Chúa.
2. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm Tình Yêu
Tại sao Chúa Giêsu lại mạc khải cho chúng ta một mầu nhiệm quá cao siêu như thế ? Chắc chắn
không phải là để thử thách thiện chí của con người, hoặc để xây lên bức tường chặn đứng suy luận và
óc tưởng tượng của con người. Nhưng vì Chúa muốn chúng ta hiểu biết đời sống nội tại của Thiên
Chúa, đó là tình yêu. Thiên Chúa là Tình yêu. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nói lên điều đó.
Thiên Chúa là Tình yêu. Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là một công thức khác để nói về
mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Vì tình yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh
Chúa, ban cho con người được hạnh phúc như Chúa. Nhưng con người đã phạm tội phản nghịch đánh
mất hạnh phúc. Thiên Chúa không từ bỏ con người. Ngài đã quyết định ban Con Một yêu dấu để cứu
chuộc. Và vì yêu thương con người, Đức Kitô đã vâng lời Chúa Cha đến trần gian thực hiện sứ mệnh
yêu thương đó. Và khi hoàn tất, Ngài về trời. Chúa Thánh Thần đến để tiếp tục công việc của Ngài,
công việc yêu thương. Nhờ Chúa Thánh Thần, tình yêu của Thiên Chúa tiếp tục được bày tỏ mãi cho tới
chúng ta hôm nay và mãi về sau nữa.
Vì thế, khi mừng kính mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội không chỉ nhắc nhở chúng ta xác
tín lại tín điều quan trọng này, nhưng còn mời gọi chúng ta hãy sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, là sống
yêu thương và hiệp nhất. Như tình yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa đã trào tràn trên mọi thụ tạo,
thì tình yêu thương của người Kitô hữu cũng vậy, phải mở ra cho hết mọi người. Sống yêu thương là
cách diễn tả đúng và đầy đủ ý nghĩa cuộc sống làm người và làm con Chúa; đồng thời cũng diễn tả
cuộc sống của Chúa Ba Ngôi: yêu thương và hiệp nhất.
3. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm gần gũi nhất trong đời sống đạo
Mầu nhiệm Ba Ngôi thật cao cả và cũng thật gần gũi. Thánh Augustinô đã nói: “Nếu bạn thấy tình
yêu, bạn sẽ thấy Chúa Ba Ngôi”. Tình yêu gắn liền với đời sống con người.
Chúng ta có thấy tình yêu không, và thấy như thế nào ? Tình yêu được nhìn thấy qua những
hành vi yêu thương.
- Yêu thương là ban tặng: khi yêu người ta trái tim của mình cho người yêu. Yêu thương sâu
đậm là cho đi điều quý báu nhất cho người mình yêu, như trường hợp của Chúa Cha mà Chúa Giêsu
nói tới trong Tin Mừng theo Thánh Gioan: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một
mình cho thế gian” ( Ga 3, 16 ). Hay chính trường hợp của Chúa Giêsu: “Không có tình thương nào lớn
hơn tình thương của người dám thí mạng sống vì bạn hữu” ( Ga 15, 13 ). Yêu thương là cho đi chính
mình, là tự hiến chính mình. Vợ chồng yêu thương nhau, dâng hiến bản thân cho nhau, kể cả thân xác
mà không chút e dè, trái lại còn hạnh phúc nữa. Cha mẹ và con cái yêu thương nhau có thể hy sinh
mạng sống mình cho nhau.
- Yêu thương là chia sẻ: yêu nhiều,
người ta chia sẻ cho nhau nhiều, yêu nhau hết
mức thì người ta chia sẻ cho nhau tất cả. Vợ
chồng yêu nhau chia sẻ cho nhau tất cả, từ
của cải vật chất đến gia sản tinh thần, đến cả
tình gia đình. Ông bà cha mẹ của chồng trở
thành ông bà cha mẹ của vợ và ngược lại.
Trong Thiên Chúa cũng thế, Ba Ngôi Thiên
Chúa chia sẻ cùng một sự sống thần linh. Và
chính sự sống thần linh duy nhất làm cho Ba
Ngôi là một. Chúa Cha đã sai Chúa Con mang
sự sống thần linh ấy xuống trần gian chia sẻ
cho nhân loại. Sự sống ấy là Bánh bởi Trời mà
chúng ta nhận lãnh trong Bí Tích Thánh Thể.
8
- Yêu nhau là đón nhận nhau. Đón nhận tình yêu và ý muốn của người mình yêu, đón nhận tất
cả, đón nhận chính bản thân của người yêu. Người được yêu có vị trí quan trọng trong trái tim của
người yêu. Suy nghĩ về tình yêu giữa Chúa Con và Chúa Cha, chúng ta sẽ thấy ở trần gian này, không
có sự đón nhận nào trọn vẹn như thế. Chúa Con đón nhận tất cả từ Chúa Cha: giáo lý, ý muốn, lời nói,
hành động. Chúa Con đón nhận chính bản thân Chúa Cha làm bản thân của mình, vì vậy mà đồng bản
thể với Chúa Cha.
- Yêu nhau còn là gắn bó với nhau. Càng yêu nhau
càng gắn bó mật thiết đến nỗi là một với nhau. Hai vợ chồng
yêu nhau ở mức độ cao nhất thì trở nên một: một xương thịt,
một thân mình. Bấy giờ tình yêu vợ chồng không những là
dấu chỉ hữu hình của tình yêu Chúa Giêsu đối với Giáo Hội,
mà còn là dấu chỉ của tình yêu Ba Ngôi. Ba Ngôi gắn bó với
nhau đến nỗi là Một với nhau. Và chỉ có một Thiên Chúa mà
thôi, Thiên Chúa là Tình Yêu nguồn suối, mẫu mực cho mọi
tình yêu của con người ( Tgm. Phaolô Bùi Văn Đọc ).
Hôm nay chúng ta mừng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi.
Gọi là mầu nhiệm vì đó là điều vượt quá trí hiểu của loài người.
Tuy không thể hiểu thấu mầu nhiệm đó, nhưng may thay qua
Chúa Giêsu, chúng ta thấy được biểu hiện của mầu nhiệm Một
Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm của tình yêu.
Chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa.
Thiên Chúa là tình yêu. Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi
biết yêu thương. Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào
tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng tội lỗi làm cho chúng
ta xa lìa tình yêu của Chúa. Sự ghen ghét hận thù làm cho
khuôn mặt chúng ta lem luốc méo mó, không còn giống khuôn
mặt Thiên Chúa.
Hôm nay ta hãy biết sống theo khuôn mẫu của Chúa Ba Ngôi. Biết sống hiệp nhất với nhau. Biết
dâng hiến bản thân mình, biết cho đi, biết chia sẻ, biết sống chan hoà tình bác ái. Để thực hiện những
điều ấy, ta phải biết bỏ mình, bỏ sở thích riêng, bỏ của cải và nhất là phải biết bỏ ý riêng, hoàn toàn
sống theo thánh ý Thiên Chúa. Khi biết bỏ mình như thế, ta sẽ nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Khi
hoàn toàn quên mình để sống cho tình yêu ta sẽ được kết hiệp với tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là
hạnh phúc thiên đàng. Đó chính là đích điểm của đời chúng ta.
Trước khi dùng cơm, phần lớn trong chúng ta đều làm dấu thánh giá và đọc nhân danh Cha và
Con và Thánh Thần. Khi đọc kinh trong nhà thờ hay tại nhà, chúng ta đều bắt đầu bằng nhân danh Cha
và Con và Thánh Thần. Có những người có thói quen tốt là trước khi làm bất cứ việc gì, họ đều làm dấu
thánh giá. Qua đài truyền hình, thỉnh thoảng chúng ta thấy, có những cầu thủ bóng đá quốc tế làm dấu
Thánh Giá sau khi đá lọt lưới đối phương, hoặc trước khi đá phạt đền.
Làm dấu trên trán, chúng ta tuyên xưng Chúa Cha là Đấng tạo dựng trời đất, muôn vật hữu
hình và vô hình. Làm dấu trên ngực, chúng ta tuyên Chúa Con là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã
từ trời xuống thế nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người. Làm dấu trên hai vai chúng ta
tuyên xưng Chúa Thánh Thần là Chúa và Đấng ban sự sống, Người bởi Chúa Cha và Chúa Con mà
ra, Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Dấu chữ thập mà chúng ta
làm chỉ Thánh Giá của Chúa Giêsu, nơi mạc khải trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa
Thánh Thần đối với nhân loại.
Dấu Thánh Giá là lời tuyên xưng Đức Tin vắn tắt nhất của người Kitô hữu, là dấu chỉ phân biệt
những người môn đệ của Chúa Giêsu và những người theo đạo khác. Lời kinh nhân danh Cha và Con
và Thánh Thần tóm tắt Đức Tin mà chúng ta đã nhận lãnh khi chịu phép rửa tội, mà nội dung là ba điều
khoản lớn của Đức Tin công giáo, điều khoản thứ nhất tuyên xưng Chúa Cha, điều khoản thứ hai tuyên
xưng Chúa Con, điều khoản thứ ba tuyên xưng Chúa Thánh Thần và Hội Thánh.
Dấu Thánh Giá là một công thức ngắn gọn nhất, nhưng lại đầy đủ nhất về Đức Tin vào Một Thiên
Chúa Ba Ngôi. Như vậy cách thực tế và đơn giản nhất để tôn vinh Chúa Ba Ngôi là chúng ta hãy làm
dấu Thánh Giá cách sốt sắng và ý thức, với tất cả lòng yêu mến và kính trọng.
Lạy Chúa, khi làm dấu Thánh Giá, xin cho con biết khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa
trong trái tim con. Ôi dấu thánh nhiệm mầu, dấu ấn tình yêu, Chúa mãi ở trong con, con ở trong
Chúa. Amen.
Lm. Giuse NGUYỄN HỮU AN
9
SỐNG YÊU THƯƠNG THEO KHUÔN MẪU CHÚA BA NGÔI
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm quan trọng nhất trong các mầu nhiệm của Đạo
Công Giáo. Bởi vì mầu nhiệm này là mẹ sinh ra các mầu nhiệm khác, nói cách khác, mầu nhiệm Chúa
Ba Ngôi chính là mầu nhiệm nguồn của mọi mầu nhiệm.
Khi nói đến mầu nhiệm, người ta cảm thấy không thể lý giải được theo sự hiểu biết tự nhiên, vì
thế, nó đã trở nên rào cản và cớ vấp ngã cho những ai mong thỏa mãn sự hiếu tri và đang cố gắng đi
tìm cho được lời giả đáp “Ba Ngôi Một Chúa”; hay “Một Chúa Ba Ngôi”. Nhưng với những người có
niềm tin, qua ánh sáng mặc khải soi chiếu, và luôn khao khát đi tìm ý nghĩa của nó, thì mầu nhiệm Chúa
Ba Ngôi không xa lạ, nhưng lại rất gần gũi, mặc dù cao siêu và vượt quá sức tưởng của con người. Qua
mầu nhiệm này, chúng ta khám phá được sự hiệp nhất, yêu thương nơi Thiên Chúa, và mỗi lần Giáo
Hội cử hành mầu nhiệm này, Giáo Hội luôn mời gọi con cái mình yêu thương nhau theo khuôn mẫu của
Ba Ngôi Thiên Chúa để được cứu độ.
1. Bản chất Thiên Chúa là “Tình Yêu”
Khi nhắc đến Thiên Chúa, hẳn mỗi chúng ta đều có một định nghĩa riêng về Người, tuy nhiên,
thánh Gioan đã cho chúng ta biết một mặc khải rất quan trọng khi nói về Thiên Chúa, đó là: “Thiên Chúa
là tình yêu” ( 1Ga 4, 8 ).
Khi nói đến tình yêu, chúng ta ai cũng hiểu rằng tình yêu thì không “đơn phương độc mã”, không
ích kỷ cũng chẳng bon chen; không quy chiếu về mình mà luôn hướng tha.
Muốn có được tình yêu, ắt phải đón nhận. Khi có cả hai chiều cho và nhận, thì tình yêu mới thực
sự triển nở và ý nghĩa. Như vậy, tình yêu phải có điểm xuất phát, điểm hội tụ và mức độ lan tỏa.
Khi diễn tả ý tưởng trên, Thánh Âutinh đã ví: “Nguồn mạch chính là Chúa Cha, Người chính là
điểm xuất phát tình yêu; Chúa Con chính là điểm hội tụ, là điểm quy chiếu của tình yêu; và Chúa Thánh
Thần là sự liên lạc hai chiều, là mối dây liên kết của tình yêu và làm cho tình yêu được tỏa sáng”.
Trong lối diễn tả của Thánh Âutinh cho thấy tình yêu được khởi đi từ Thiên Chúa Cha, đến với
Chúa Con và qua Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa Cha vì yêu nên đã trao ban tất cả, ngay cả Người Con
duy nhất của mình cho nhân loại. Chúa Con đã hoàn toàn vâng phục Chúa Cha trọn vẹn đến nỗi bằng
lòng chết trên thập giá để thực hiện ý định yêu thương của Chúa Cha cho nhân loại. Chúa Thánh Thần
là mối dây liên lạc, thông hiệp giữa Chúa Cha và Chúa Con nhờ tình yêu.
Như vậy, tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu hướng ra để làm cho lan tỏa.
Thiên Chúa không để dành tình yêu cho chính mình, cho riêng Cha, Con và Thánh Thần, nhưng
chính là cho chúng ta, những tạo vật được dựng nên
theo hình ảnh của Người, bởi vì “Thiên Chúa là tình
yêu” ( 1Ga 4, 8 ); "... nhân hậu và từ bi, hay nén giận,
giàu nhân nghĩa và thành tín” ( Xh 34, 6 ). Như vậy,
Thiên Chúa là tình yêu.
2. Thiên Chúa “yêu” đến cùng
Tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện qua
hành vi tự hiến của Thiên Chúa Cha: “Thiên Chúa yêu
thế gian đến nỗi đã ban Con Một...” ( Ga 3, 16a ). Từ
“đến nỗi” ở đây cho thấy Thiên Chúa yêu đến tột cùng,
yêu “đến nỗi” không còn gì để diễn tả, để trao ban hơn
được nữa, vì thế chỉ còn cách duy nhất là trao ban
chính Con của mình đến để diễn tả tình yêu cho nhân
loại bằng chính cái chết mà thôi.
Tại sao Thiên Chúa lại trao ban Con Một ? Thưa “...để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải
chết, nhưng được sống muôn đời” ( Ga 3, 16b ). Như vậy, Tình yêu chân chính là mong sao người mình
yêu được hạnh phúc hơn cả bản thân mình. Thật vậy, Thiên Chúa yêu thế gian cách tuyệt đối và mong
sao cho chúng ta được hưởng niềm hạnh phúc tuyệt đối là được vào ở trong tình yêu của Thiên Chúa.
Bởi vì: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế
gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” ( Ga 3,17 ).
3. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi mời gọi ta sống yêu thương
Qua mầu nhiệm yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi, mỗi người chúng ta được mời gọi sống
yêu thương, hiệp nhất như Thiên Chúa là tình yêu. Không yêu thương nhau, chúng ta vẫn mãi là người
xa lạ với mầu nhiệm này, bởi vì mầu nhiệm này là mầu nhiệm tình yêu, muốn hiểu được thì phải yêu.
10
Nói như Thánh Gioan: “Thiên Chúa là tình yêu” ( 1Ga 4, 8 ), nên “Ai không yêu thương, thì không biết
Thiên Chúa” ( 1Ga 4, 8 ).
Vì thế, trong đời sống gia đình, mỗi người hãy yêu thương nhau. Chồng phải yêu thương vợ như
Đức Kitô yêu thương Hội Thánh, và như Hội Thánh phục tùng Đức Kitô thế nào, thì người vợ cũng phục
tùng chồng mình trong mọi sự như vậy. Sự xuất hiện của người con trong đời sống hôn nhân chính là kết
quả của tình yêu giữa vợ và chồng, vì thế, như một điều kiện cần để được hạnh phúc, con cái hãy yêu
mến cha mẹ mình và tỏ lòng thảo hiếu với cha mẹ để đáng được hưởng sự chúc lành của Thiên Chúa.
Tình yêu ấy lại không chỉ dừng lại với chính người thân
của mình, mà còn phải hướng ra xa, rộng lớn hơn tới hết mọi
người, kể cả yêu kẻ thù của mình nữa.
Như vậy, để tình yêu có giá trị, cần phải có sự hy sinh,
quên mình và phục vụ lẫn nhau. Yêu nhau mà không chấp
nhận hy sinh, gian khổ vì nhau và với nhau, thì chưa phải là
tình yêu thật sự.
Khi yêu như thế, tình yêu của vợ chồng và con cái cũng
như với tha nhân đang phỏng chiếu tình yêu của Thiên Chúa
Ba Ngôi trong cuộc sống thực tại của mình.
Muốn giữ được tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa nơi
mình, người kitô hữu phải luôn ý thức mình thuộc về Thiên
Chúa, khi thuộc về Người, thì ta cũng sẽ trở nên những người
có: “... lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và
nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau” ( Cl 3,12 – 13 ).
Mong sao, mỗi khi chúng ta đặt tay lên trán, trên ngực và
ngang vai, để tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, thì cũng là lúc chúng ta nhớ đến bản chất của
mầu nhiệm này là tình yêu; đồng thời, chúng ta cũng xin Chúa ban cho chúng ta được sống trong tình yêu
đó của Thiên Chúa để “... đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn
hiệp thông của Thánh Thần” ( 2 Cr 13, 13 ), hầu chúng ta cùng mạnh dạn tuyên xưng: “Sáng danh Đức
Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có
và đời đời chẳng cùng. Amen”.
Tu Sĩ Jos. Vinc. NGỌC BIỂN
TRAO BAN TẤT CẢ VÌ YÊU THƯƠNG
Kinh Thánh ( St 22, 1 – 18 ) cho biết: Sau nhiều tháng năm
chờ đợi mỏi mòn, mãi cho đến trăm tuổi, cụ Ápraham mới được
diễm phúc sinh đứa con nối dõi tông đường. Ixaác chào đời đem
lại niềm vui chan hoà cho cụ Ápraham. Ixaác là lẽ sống, là cây gậy
chống đỡ tuổi già, là tương lai cho giống nòi và là tất cả của cụ già
trăm tuổi.
Thế mà Thiên Chúa truyền cho cụ phải sát tế đứa con yêu
để tế lễ cho Ngài. Trời đất như quay cuồng sụp đổ khi cụ Ápraham
nghe lệnh truyền của Thiên Chúa.
Phải ở trong hoàn cảnh của cụ già trăm tuổi như Ápraham
mới cảm nhận thấm thía nỗi đau thương và mất mát vô cùng lớn lao
của một người cha phải sát tế đứa con một rất đỗi yêu quý của mình.
Nếu không vì tình thương lớn lao đối với Thiên Chúa, cụ Ápraham
không thể nào thực hiện được sự hiến dâng đau lòng đó.
Cụ Ápraham sẵn sàng hy sinh tất cả vì Thiên Chúa là
Đấng mà cụ thần phục và mến yêu. Nhưng Thiên Chúa chỉ thử
lòng cụ Ápraham thôi. Ngài không nỡ để cho một người cha phải
gánh chịu nỗi đau thương lớn lao đến thế.
Trích đoạn Tin Mừng hôm nay cũng đề cập đến một người cha khác đã thực hiện một sự trao ban
triệu lần cao cả hơn. Vì quá yêu thương nhân loại lỗi lầm, vì không muốn cho muôn người phải lâm vào
cảnh đau khổ trầm luân vì tội lỗi ngút ngàn của họ, Thiên Chúa Cha đã trao ban Con Một vô cùng yêu quý
của Ngài, để Con của Ngài chết thay cho nhân loại, để cho những ai tin vào Con Ngài thì được cứu sống
và được sống muôn đời:
11
"Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải
chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để
lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ" ( Ga 3, 16 – 17 ).
Xưa kia, Thiên Chúa không nỡ để cho Ixaác phải chết dưới lưỡi dao run rẩy của cụ Ápraham,
không để cho thân xác của Ixaác phải chịu thiêu đốt trên bàn thờ để làm hy lễ cho Ngài, nhưng đã đến
một thời, Thiên Chúa Cha lại để cho Con Một Ngài, là Ngôi Hai Thiên Chúa, phải chịu đóng đinh, chịu
quằn quại đau thương và chịu chết trên thập giá để đền cho hết tội lỗi chúng ta và ban lại cho chúng ta
sự sống đời đời.
Tôi tớ thấp hèn liều mình chết thay cho chủ nhân quyền quý, dân đen cùng khốn chết cho hàng
vua chúa cao sang hay con chó trung thành liều chết để cứu mạng chủ cũng còn là điều dễ hiểu. Đằng
này Ngôi Hai Thiên Chúa là Chúa Tể đất trời lại hiến thân chết thay cho loài người hèn mọn thì quả là
điều vượt quá trí tưởng tượng con người.
"Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hiến mạng vì bạn hữu mình" ( Ga 15, 13 ),
và không có tình yêu nào sánh ví được với tình yêu khôn vời của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Khi được người khác biếu tặng một món quà, ai trong chúng ta cũng đều nhớ ơn ân nhân và tìm
cách đền đáp lại bằng món quà tương xứng.
Khi được Chúa Trời cao cả ban tặng chính Con Một Ngài để cứu mạng cho chúng ta, khi được
Chúa Giêsu hiến thân chịu chết để cứu ta khỏi chết muôn đời, có bao giờ chúng ta nghĩ đến việc đền
đáp công ơn cao dày đó ?
Để đền đáp phần nào tình thương trời bể của Thiên Chúa Cha, Đấng đã trao ban Con Một mình
cho nhân loại, để đền đáp sinh mạng của Chúa Giêsu đã trao hiến cho bạn và cho tôi, chúng ta hãy
dâng cho Ngài một hiến lễ tương tự, dù vạn lần nhỏ bé hơn. Đó là "hiến dâng thân mình chúng ta làm
của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa" ( Rm 12, 1 ). Đó cũng là nguyện ước của chân
phước Anrê Phú Yên hôm xưa: "đem cuộc sống báo đền cuộc sống; lấy tình yêu đáp trả tình yêu".
Lm. Inhatiô TRẦN NGÀ
NHÂN DANH CHA, VÀ CON, VÀ THÁNH THẦN
Sau Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Phụng Vụ Giáo
Hội mời gọi chúng ta long trọng cử hành Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi
rất Thánh, giúp chúng ta nhận biết và tôn thờ Một Thiên Chúa
trong Ba Ngôi tuy riêng biệt nhưng cùng một bản thể và uy
quyền bằng nhau. Chúa Cha là Thiên Chúa độc nhất. Chúa Con
sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Chúa Thánh Thần
phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con tự đời đời như một Nguyên
lý duy nhất, Ba Ngôi nhưng là Một Thiên Chúa.
Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần hòa quyện
vào nhau một cách hoàn hảo trong Tình Yêu và hành động,
cùng tác động trên thế giới. Đây là Một trong những mầu nhiệm
cao cả nhất của Đức Tin chúng ta. Mục đích của Giáo Hội muốn
rằng, sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống chúng ta phải đi loan
báo Thiên Chúa thật cho mọi người, không kể là Do Thái hay
dân ngoại, cho họ biết Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa Ba
Ngôi hiệp nhất trong Tình Yêu và ca lên: “Chúc tụng Thiên Chúa
là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, vì Người hằng
thương xót chúng ta” ( Ca nhập lễ ).
Một trong những mầu nhiệm người tín hữu phải tin cho được rỗi linh hồn là mầu nhiệm Một Đức
Chúa Trời có Ba Ngôi. Nhưng làm sao chúng ta có thể diễn tả hay thấu hiểu về Thiên Chúa Ba Ngôi
này. Ai có thể giúp ta thấy được khuôn mặt thực của Thiên Chúa? Ai sẽ chỉ cho ta con đường để gặp gỡ
Ngài? Tự sức trí khôn con người là không thể. Phải nại đến Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, qua
Ngài mầu nhiệm Thiên Chúa được vén mở, nhờ Người mà chúng ta biết có một Thiên Chúa duy nhất
trong Ba Ngôi Vị là Cha, Con và Thánh Thần.
Thánh Augustinô viết: “Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu
được”. Đúng, Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vĩ đại, sâu thẳm, chúng ta không thể nào diễn tả
được. Trí tuệ và miệng lưỡi con người không tài nào giải thích được những mối tương quan giữa Chúa
12
Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; tuy nhiên các Giáo Phụ đã tìm cách diễn tả nội dung chính yếu
này và một trong những cách đó là Dấu Thánh Giá: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Thường ngày, chúng ta làm Dấu Thánh Giá rất nhiều lần, khởi đầu ngày mới cho đến khi đi ngủ,
bước vào nhà thờ cho đến lúc nhận lãnh phép lành, trước và sau khi ăn, khi đi ngang qua Thánh Giá,
vườn thánh, trước cơn cám dỗ nguy hiểm… Như vậy, Dấu Thánh Giá bao trùm toàn thể xác và linh hồn;
tất cả con người ta được thánh hiến nhân danh Một Chúa Ba Ngôi. Vì thế, Dấu Thánh Giá gói ghém lời
tuyên xưng Đức Tin và nền tảng cầu nguyện của chúng ta.
Dấu Thánh Giá là dấu của người tin theo Công Giáo
Đức Giêsu đến trần gian nhằm cứu chuộc chúng ta, Người đã chết trên Thánh Giá để trao ban sự
sống cho chúng ta. Chính nhờ hy tế của Người trên Thánh Giá mà chúng ta là những người “kitô hữu”,
nghĩa là thuộc về Đức Kitô. Dấu Thánh Giá là dấu chỉ người kitô hữu. Chính nhờ dấu này mà chúng ta
tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, đã đến thế gian để cứu chuộc chúng ta.
Trong năm Phụng Vụ, có hai thời điểm giúp người kitô hữu ý thức về giá trị của Dấu Thánh Giá.
- Mùa Phục Sinh chỉ cho ra rằng chúng ta được cứu chuộc nhờ cây Thánh Giá.
- Lễ Chúa Ba Ngôi, giúp chúng ta tuyên xưng Một Chúa Ba Ngôi.
Dấu Thánh Giá là dấu của người chịu phép Rửa tội, người thuộc về Chúa. Khi chịu phép Rửa
tội, chúng ta được “vẽ” và “ghi” dấu Thánh Giá. Dấu này bề ngoài không thể thấy được, nhưng in trong
tâm hồn người kitô hữu. Đồng thời cũng là hành động Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.
Hành động Đức Tin
Dấu Thánh Giá tóm lược Ba Mầu Nhiệm
Cả trong đạo Công Giáo.
1. Chúng ta vẽ Dấu Thánh Giá trên mình, vì
Chúa Giêsu đã mặc lấy thân xác người phàm đến
để cứu chuộc ta. Đây là mầu nhiệm Nhập Thể.
2. Dấu Thánh Giá nhắc lại rằng Đức Giêsu,
Con Thiên Chúa, đã chết trên Thánh Giá để cứu
chuộc chúng ta. Đây là mầu nhiệm Cứu Chuộc.
Thánh Giá là chiến thắng của Đức Giêsu trên sự
dữ và ma quỉ. Chúng ta trở nên con cái Thiên
Chúa nhờ hy tế của Chúa Giêsu trên Thánh.
3. Dấu mà chúng ta vẽ trên mình kèm theo
lời đọc: “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”. Chúng ta khẳng định mầu định Thiên Chúa Ba Ngôi.
Hiểu như thế sẽ giúp chúng ta làm dấu Thánh giá nghiêm túc hơn.
Hành động của Đức Cậy
Niềm hy vọng của chúng ta là về Trời như các thánh đã ái mộ những sự trên Trời. Chính vì
Đức Giêsu đã đến trần gian để cứu độ chúng ta, nên chúng ta có thể về Trời. Khi vẽ trên mình Dấu
Thánh Giá, chúng ta nhớ đến cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá để cứu chúng ta, Ngài đã mở
cửa Trời cho chúng ta.
Vậy, chúng ta khẳng định với nhau rằng, cuộc sống lữ hành của chúng ta là đi về Trời nơi chúng
ta hy vọng sẽ tới sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế.
Hành động Đức Mến
Thánh Giá gốm hai thanh gỗ ngang và dọc. Thanh dọc trình bầy tình yêu của chúng ta đối với
Thiên Chúa, thanh ngang diễn tả tình yêu của chúng ta đối với “tha nhân”.
Cần phải ghi nhận rằng khi được đưa lên khỏi đất, thanh dọc của cây Thánh Giá đỡ lấy thanh
ngang: ngụ ý nói rằng tình yêu của chúng ta đối với tha nhân được “nâng đỡ” bởi tình yêu Thiên Chúa.
Nếu thanh dọc của cây Thánh Giá thiếu ( tình yêu Thiên Chúa ), thanh ngang bị bỏ nằm trên đất,
không thể đưa lên khỏi đất. Ý muốn nói, trong hành động của đức Ái: “yêu tha nhân là yêu chính Chúa”.
Nhưng nếu có thanh dọc mà không có thanh ngang, ( yêu tha nhân ), hỏi rằng có còn là cây
Thánh Giá nữa hay không ?
Hai điều cần thiết: là mến Chúa và yêu người”. Mỗi ngày chúng ta làm dấu trên mình nhiều lần:
“Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Ước gì chúng ta cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa Tình
Yêu trong cuộc đời ta, để chúng ta không ngừng kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Amen.
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN ĐỘ
13
SỰ NGOAN NGOÃN CỦA ÊLIA VÀ BÀ GOÁ
Xin cùng đọc lại bài trích sách Các Vua quyển thứ nhất ( 1 V 17, 7 – 16 )
“Hồi đó, chỗ ông Êlia ẩn mình, suối cạn khô, vì trong xứ
không có mưa. Bấy giờ có lời Đức Chúa phán bảo ông: “Ngươi hãy
đứng dậy đi Xarépta, thuộc Xiđôn, và ở lại đấy. Này Ta truyền cho
một bà goá ở đó nuôi ngươi.”
Ông liền đứng dậy đi Xarépta. Khi đến cổng thành, ông thấy có
một bà goá đang lượm củi. Ông gọi bà ấy và nói: “Bà làm ơn đem bình
lấy cho tôi chút nước để tôi uống.” Bà ấy liền đi lấy nước. Ông gọi bà và
nói: “Bà làm ơn lấy cho tôi miếng bánh nữa !” Bà trả lời: “Có Đức Chúa,
Thiên Chúa hằng sống của ông, tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn
nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi,
rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết.”
Ông Êlia nói với bà: “Bà đừng sợ, cứ về làm như bà vừa nói.
Nhưng trước tiên, bà hãy lấy những thứ đó mà làm cho tôi một chiếc
bánh nhỏ, và đem ra cho tôi, rồi sau đó bà sẽ làm cho bà và con bà.
Vì Đức Chúa, Thiên Chúa của Ítraen phán thế này: “Hũ bột sẽ không
vơi, vò dầu sẽ chẳng cạn, cho đến ngày Đức Chúa đổ mưa xuống
trên mặt đất.”
Bà ấy đi và làm như ông Êlia nói; thế là bà ấy cùng với ông
Êlia và con bà có đủ ăn lâu ngày. Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Đức Chúa đã
dùng ông Êlia mà phán...”
Trong thời đại vốn đang tôn vinh chủ nghĩa lý trí và lý lẽ như hiện nay, Chúa lại cho xuất hiện
một vị Giáo Hoàng luôn khuyên dạy đoàn chiên của mình là "hãy ngoan ngoãn với Thần Khí", một sự
ngoan ngoãn mà theo thế gian chắc chắn là điều gì đó ngớ ngẩn và thậm chí là điên rồ. Bởi lẽ, đã sống
và đã là người trưởng thành thì phải có lập trường và có lý lẽ của mình, mỗi người một vẻ, và vì thế,
người ta tự cho mình cái quyền nghe theo sự mách bảo của lý lẽ nhiều hơn là "ngoan ngoãn" hay "tuân
phục" Chúa Thánh Thần như cách thế mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong các bài giảng của Ngài gần
đây thường đề cập đến.
Ngoan ngoãn hay tuân phục trước một ai đó nghĩa là đặt toàn bộ ý muốn và cả căn tính của mình
nơi ý muốn và căn tính của người ấy. Một đứa trẻ, khi nó ngoan ngoãn trước cha mẹ thì đó cũng là lúc
mọi chọn lựa của nó đều hoàn toàn tuỳ thuộc vào chọn lựa và ý muốn của cha mẹ nó, nhưng với những
người khác thì không thể có được đặc quyền này. Như vậy, trong mối tương quan giữa ta và Chúa, nhất
là Chúa Thánh Thần, thái độ cần có duy nhất của ta là sự tuân phục ý muốn của Ngài. Chính Chúa Giêsu
cũng đã chọn việc tuân phục ý muốn của Chúa Cha trở thành lương thực của Ngài ( x. Ga 4, 34 ).
Thế nhưng, điều khó nhất là bởi chúng ta là những con người vốn được ban tặng cho sự tự do
để sống và Thiên Chúa lại không can thiệp vào sự tự do cao quý này, và vì thế, sự ngoan ngoãn tưởng
chừng như dễ thực hiện và đơn giản, hoá ra lại trở nên vô cùng khó khăn đối với mỗi người trưởng
thành. Bởi lẽ, chúng ta khi bắt đầu biết dùng sự tự do của mình, thì cũng là lúc ta cảm thấy quá khó để
vâng phục cha mẹ là những người trước đây khi còn đơn sơ ta vẫn hoàn toàn ngoan ngoãn, huống chi
đến một Thiên Chúa vô hình, vốn là "gió" mà "gió muốn thổi đâu thì thổi" ( Ga 3, 8 ).
Cái khó để tuân phục "Thần Khí Thiên Chúa" mà chúng ta phải đối diện, đó chính là một não
trạng vốn đã bị lập trình và địa phương hoá hoàn toàn cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, và môi
trường sống của mỗi người. Sự tự do cá nhân kèm theo những điều bị lập trình trở thành một sự ngáng
trở vô cùng lớn lao cho những ai muốn hoàn toàn vâng theo ý muốn của Thiên Chúa.
Mặt khác, vì "Thần Khí" cũng là "gió muốn thổi đâu thì thổi" xem ra có vẻ đầy cảm hứng, vô tổ
chức, thiếu định hướng, không chắc chắn, lại càng làm cho ta cảm thấy khó hơn nữa để phân định và
phán đoán. Bởi sự tự do thánh này vô hình chung dễ làm cho chúng ta đồng hoá với tính nổi loạn và vô
kỷ luật đang hiện hữu ở nơi mình, thế nên đó không phải là chuyện một sớm một chiều có thể chấp
nhận và hiểu được, mà cần phải có quá trình và thời gian sống quen với Ngài.
Tiên Tri Êlia là một mẫu gương cho chúng ta trong mối quan hệ thân tình này. Ta thấy, ông nhận
ra được tiếng Chúa phán với ông như thể hai con người thân thiết diện đối diện trò chuyện vậy, trong
14
CÙNG NGHIỆM SINH
khi Ngài hoàn toàn vô hình. Lẽ dĩ nhiên, để ông có thể trở nên rất bén nhạy trước tiếng Chúa thì hẳn
ông phải có một quá trình sống mật thiết với Ngài ngang qua mọi biến cố và hoàn cảnh của cuộc sống
mỗi ngày, và nhất là nên một với Ngài trong cầu nguyện.
Cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng thế, có lúc vui, lúc buồn, có lúc huy hoàng rực rỡ, có
lúc tối tăm ê chề... những điều ấy phải xảy đến để ta được học biết bài học vâng phục Thiên Chúa, bởi
giữa những bấp bênh và thiếu chắc chắn của cuộc sống, ta luôn khao khát một sự an toàn và bình ổn;
song càng lớn lên thì ta càng thấy nơi cuộc sống một sự thật là: không có một sự an toàn và bình ổn
tuyệt đối ngoài Thiên Chúa. Nghĩa là người ta có thể mất mạng, gặp tai hoạ, bệnh hoạn, thất bại,
thương vong... bất cứ lúc nào, ngay cả trong những lúc ta tưởng là đã tuyệt đối an toàn.
Do vậy, một người thật sự khôn ngoan là người biết nhận ra sự thật ấy và từ đó đi đến một thái
độ sống khác trong mối tương quan với Thiên Chúa, thái độ phó thác và vâng phục hoàn toàn.
Tuy nhiên, sự vâng phục hoàn toàn ấy không đảm bảo cho ta một sự bình an tuyệt đối theo kiểu
thế gian, bởi bình an của thế gian thì khác với sự bình an của Thiên Chúa ( x. Ga 14, 27 ), mà có khi
vẫn gặp phải những sự bất trắc bên ngoài như ta thấy trong câu chuyện của ông Êlia và bà goá ở trên.
Nơi ông Êlia ẩn mình – một nơi Thiên Chúa trước đó đã sai ông đến trú ngụ – thì nay suối lại cạn khô vì
trong xứ không có mưa. Trong hoàn cảnh ấy, ông lại nghe tiếng Chúa bảo ông đi đến Xarépta để được
một bà goá nuôi như lời Chúa phán hứa.
Tới nơi, tưởng mọi sự êm xuôi, ai ngờ đâu chính bà goá này cũng không có đủ bột để làm cho ông
một chiếc bánh, mà chỉ còn đủ để cho hai mẹ con bà ăn xong rồi chết như lời bà này nói. Lại là sự bấp
bênh và thiếu chắc chắn. Bản thân bà goá, với lòng hiếu khách ban đầu, cho ông uống nước và tưởng là
chỉ dừng lại ở đó là đã thuận ý Chúa, nào ngờ, Chúa lại đòi nhiều hơn, đến tận nắm bột sau cùng.
Nhìn vào sự vâng phục hoàn toàn của Chúa Giêsu ta cũng đã thấy, sự vâng phục ấy không
miễn trừ cho Ngài khỏi những tai hoạ và những sự ghét bỏ của những giới chức tôn giáo thời bấy giờ,
mà trái lại, dẫn Ngài đến cái chết và chết trên thập giá ( x. Pl 2, 8 ). Chính vì lẽ đó mà Ngài được Thiên
Chúa Cha ban tặng cho Ngài một danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu ( x. Pl 2, 9 ). Cũng vậy,
nhờ vâng phục hoàn toàn mà ông Êlia và bà goá có bánh đủ ăn lâu ngày, hũ bột thì không vơi và dầu
không cạn.
Chúng ta cũng cần có thái độ vâng phục và ngoan ngoãn như thế trước Thánh Ý của Thiên
Chúa trong đời sống của chúng ta. Nhiều khi, ta thấy mình bỗng trở nên bị Chúa đòi quá mức, như thể
không còn gì để đòi, như thể là người vô công rồi nghề, như thể là người vô dụng, như thể là người
hiếm muộn, như thể là người bất hạnh và bị bỏ rơi nhất thế gian này... và ta nghĩ "Chúa đã trừng phạt
và đã bỏ rơi tôi", và rồi ta thất vọng, buồn chán, vùng vẫy...
Thế nhưng thái độ khôn ngoan cần có nhất là, đọc được ý Ngài ngang qua những trái khoáy này
trong cuộc sống của ta, hãy can đảm đối thoại với Chúa như cách thế bà goá đã đối thoại với Êlia, và
sau cùng là hãy vâng phục Ngài. Chắc chắn, sự vâng phục ấy sẽ được ân thưởng xứng đáng hơn mức
ta có thể tưởng tượng và dám cầu xin.
Vậy chúng ta hãy xin Chúa thương ban cho chúng ta ơn biết ngoan ngoãn và vâng phục trước
Chúa Thánh Thần để Ngài hoạt động trong ta và hướng dẫn cuộc sống của ta theo cách thế và đường
lối mà Ngài muốn.
Joseph C. PHAM
DUY TRÌ TÂM LINH
Tâm linh là lĩnh vực Đức Tin, cần phải trau dồi
không ngừng. Nhưng làm sao để có thể trưởng thành tâm
linh trong suốt hành trình Đức Tin ?
Thánh Phêrô đưa ra 8 “cột trụ” để các Kitô hữu khả
dĩ duy trì Đức Tin một cách hiệu quả: “Anh em hãy đem
tất cả nhiệt tình, làm sao để khi đã có lòng tin thì có
thêm đức độ, có đức độ lại thêm hiểu biết, có hiểu biết
lại thêm tiết độ, có tiết độ lại thêm kiên nhẫn, có kiên
nhẫn lại thêm đạo đức, có đạo đức lại thêm tình huynh
đệ, có tình huynh đệ lại thêm bác ái” ( 2 Pr 1, 5 – 7 ).
15
CÙNG NHẬN ĐỊNH
1. NHIỆT TÌNH: Trong mọi điều chúng ta làm, chúng ta phải làm bằng cả nhiệt tình của tình yêu
thương. Tiếp tục phát triển trong lĩnh vực này, chúng ta sẽ trưởng thành và vững bước theo Chúa, dù
có thể gặp chống đối hoặc thất bại, như tác giả Thánh Vịnh tâm sự: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà
con phải thiệt thân” ( Tv 69, 10 ).
2. LÒNG TIN: Không có Đức Tin thì chúng ta không thể làm vui lòng Thiên Chúa, vì bất kỳ ai
muốn đến với Ngài đều phải tin chắc rằng Ngài hiện hữu và sẽ thưởng cho những ai khao khát tìm kiếm
sự công chính của Ngài: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn
tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” ( Mt 6, 33 ). Đức Tin là điều kiện đầu tiên và cần thiết để sống
đời Kitô hữu phong phú.
3. ĐỨC ĐỘ: Người đức độ là người nhân đức, nghĩa là luôn tuân giữ Luật Chúa và nghe theo
Lời Chúa. Người nhân đức không hẳn là người hoàn hảo, vì chẳng có ai công chính trước mặt Chúa,
và ai cũng được “lúc chào đời đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” ( Tv 51 , 7 ). Nhưng
điều đó có nghĩa là hằng ngày chúng ta phải theo đuổi sự công chính, sao cho hôm nay hơn hôm qua,
ngày mai hơn hôm nay, theo ước muốn của
Chúa Giêsu: “Hãy nên hoàn thiện như Cha
trên Trời là Đấng hoàn thiện” ( Mt 5, 48 ).
4. HIỂU BIẾT: Học hỏi Lời Chúa là điều
quan trọng, tìm hiểu Kinh Thánh là việc cần
thiết. Vô tri bất mộ. Để sống Đức Tin có hiệu
quả, chúng ta không chỉ đọc Kinh Thánh mà
còn phải hiểu Kinh Thánh: Đọc bản văn
( lectio ), rồi suy niệm ( mediatio ), sau đó là
chiêm niệm ( contemplatio ) để “thấy” mình
trong đó, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.
5. TIẾT ĐỘ: Kinh Thánh cho mỗi chúng
ta quyền kiểm soát là quyền sử dụng Lời Chúa.
Cách đối xử của chúng ta là sản phẩm của đời sống tâm linh và thời gian chúng ta đầu tư. Phải cố gắng
hiểu cho đúng Lời Chúa chứ không thể hiểu theo ý riêng. Tiết độ còn là tự kiềm chế chính mình, vì
Thánh Phêrô đã cảnh báo: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như
sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” ( 1 Pr 5, 8 ).
6. KIÊN NHẪN: Theo Hán tự, chữ “nhẫn” gồm chữ “đao” ( con dao ) ở trên chữ “tâm” ( trái tim ).
Hàm ý gặp chuyện xấu mà chẳng chịu nhẫn nhịn thì tránh sao được đớn đau, như dao đâm thấu tim.
Sự kiên nhẫn rất cần, nhất là trong những điều nhỏ mọn. Hành trình Kitô giáo là hành trình liên lỉ, nhấn
mạnh vào việc luyện tập nhân đức hằng ngày.
7. ĐẠO ĐỨC: Đạo đức là sự cân bằng giữa sự khiêm nhường và phẩm giá của chúng ta. Chúng
ta được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa ( St 1, 27 ), thế nên chúng ta phải bắt chước tính cách của
Ngài khi chúng ta đối xử với chính mình và với tha nhân.
8. TÌNH HUYNH ĐỆ: Rất cần trau dồi mối quan hệ hàng dọc với Thiên Chúa, nhưng mối quan hệ
đó cũng phải thẫm đẫm trong mối quan hệ hàng ngang với tha nhân, vì tất cả chúng ta đều là anh em
với nhau ( Mt 23, 8 ). Đức ái Kitô giáo bắt buộc chúng ta phải biết động lòng trắc ẩn, chạnh lòng thương
xót và nhạy bén với nhu cầu của người khác.
TRẦM THIÊN THU
NGỪA TRÁNH THAI:
ĐƯỜNG DẪN TỚI SUY ĐỒI LUÂN LÝ ĐẠO ĐỨC
Lời ngỏ: Một sự thật đau lòng: mặc cho Giáo Huấn Giáo Hội về NGỪA TRÁNH THAI, giới trẻ,
đặc biệt các cặp vợ chồng trẻ Công Giáo, vẫn “thoải mái” và không chút áy náy lương tâm khi sử
dụng các phương pháp ngừa tránh thai nhân tạo ( bao cao su, đình triệt sản, đặt vòng… ). Lm.
Shenan J. Boquet, chủ tịch Quốc Tế Sự Sống Con Người, tổ chức lớn nhất thế giới "Vì Sự Sống và
vì Gia Đình", cho chúng ta nhìn rõ HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG THẬT SỰ của việc NGỪA TRÁNH
THAI ( Người dịch: NGUYỄN THẾ BÀI ).
16
CÙNG CẢNH BÁO
Dựa trên tài liệu một cuộc thăm. dò mới đây của Viện Gallup được đưa ra ngày 30 tháng 5, người
Mỹ trở thành dễ chấp nhận hơn về một số vấn đề gây tranh cãi. Đứng đầu danh sách 19 vấn đề của Viện
Gallup là ngừa tránh thai, mà 90% người dân Mỹ chấp nhận, theo sau là ly dị với 69% và tình dục trước
hôn nhân với 66%. Những vấn đề khác nằm trong top 10 là nghiên cứu tế bào mầm phôi thai ( 65% ); sinh
con ngoài giá thú ( 58% ); kết hợp đồng tính ( 58% ); an tử ( 52% ) và nạo phá thai ( 42% ).
Những con số này không nên làm chúng ta ngạc nhiên. Suy cho cùng, dân Mỹ đã đều bác bỏ hệ
thống đạo đức Kitô Giáo – Do Thái Giáo thiên về thuyết tương đối thế tục từ nhiều thập kỷ nay. Trong
cái gọi là cách mạng tình dục của thập niên 1960s, tình dục được tách ra khỏi con người – thân xác và
linh hồn – và thân xác con người đã trở thành thứ được coi là một dụng cụ mà người ta đã có thể nhào
nặn và cả khai thác vì khoái lạc tình dục.
Tất nhiên, điều này phải trở lui lại hơn một ít thập kỷ. Như vẫn thường xảy ra, những gì có vẻ
như là một vụ nổ bất thình lình, thực ra chỉ là kết quả lôgic của hàng trăm năm, sự hỗn loạn ngày càng
tăng về chuyện chúng ta là ai với tư cách là những con người.
René Descartes ( 1596 – 1650 ) là một khoa học gia và triết gia người Pháp, kẻ mà nhiều người tin
giúp tung ra điều mà sau này trở thành nổi tiếng, có chút mỉa mai, là “Thế Kỷ Ánh Sáng”. Trong những
cống hiến của ông này cho con đường mà người ta nghĩ là đặt thân xác và linh hồn đối nghịch nhau, về
sau dẫn tới ý tưởng rằng thân xác con người đơn thuần có thể được coi là một đồ vật mà người ta có thể
nhào nặn theo dục vọng của họ. Được đặt một cách đơn giản, bạn là tinh thần của bạn và bạn có một
thân thể, như đối nghịch với quan điểm Kitô giáo truyền thống cho rằng bạn là thân xác và linh hồn. Trong
điều này, Descartes đã theo chân Francis Bacon ( 1561 – 1626 ), người tin rằng đích nhắm của tri thức
con người phải đạt được thành công không phải là sự quản lý, mà là sự thống trị thiên nhiên.
Phải nói rằng rằng ngày nay điều này nghe chẳng có vẻ gì là gây tranh cãi đối với nhiều người.
Kể cả người ta vẫn khó mà nhìn thấy sự thay đổi này triệt để dường nào, nhưng chúng ta hãy đặt nó
theo cách này: thay vì khởi đầu với ý tưởng rằng chúng ta nắm bắt được thực tại qua các giác quan của
chúng ta và nghĩ về nó, chúng ta sẽ bắt đầu bây giờ với tâm trí riêng của chúng ta như là nền tảng của
tri thức và từ đó giải thích thực tại một cách chủ quan.
Người ta vẫn còn viết sách về điều được biết đến trong triết học như là thuyết nhị nguyên tinh
thần – thể xác, một quan điểm bị Giáo Hội bác bỏ. Quan điểm nhị nguyên này ngày nay được đa số
thừa nhận, ngay dù đa số không nhận thức được điều đó hoặc nhìn thấy nó cho ta biết thế nào ngay cả
những giả định căn bản về thực tại và về những người khác.
Được rồi, triết học đủ rồi. Ta hãy thử xem điều này tác động đến cuộc sống chúng ta thế nào
ngày nay đối với thân thể và các quan hệ của riêng
chúng ta, những kết quả của những điều này đang
được cuộc thăm dò Gallup nói rõ cho chúng ta nghe.
Não trạng ngừa tránh thai, như Giáo Hội nhận
diện, là một ví dụ hoàn hảo của cái xảy đến khi
chúng ta chọn theo thuyết nhị nguyên. Hãy để ý
những người vận động ngừa tránh thai hứa sẽ kiểm
soát để không để lại hậu quả trên cuộc sống chúng
ta, nếu chúng ta có thể kiểm soát khả năng sinh sản
của chúng ta với các thuốc và dụng cụ. Tất cả mọi
thú vui, nhưng lại không có cái thú vui nào trong sự
sinh đẻ phiền phức ấy. Thân xác của tôi không phải
là tôi, chính xác đó là một vật để tôi điều khiển vì bất
cứ lý do gì tôi muốn; do vậy tình dục chính là chuyện
về thú vui của tôi, cũng có thể là của một ai khác.
Không nhất thiết phải là việc trao thân cho một kẻ nào tôi yêu với khả năng tạo nên sự sống mới như là
kết quả của món quà tặng ban ấy.
Theo quan điểm này, tình dục trở thành một chức năng không cần suy xét, vô nghĩa mà vì nó tôi
có thể sử dụng thân xác tôi. Ý tưởng chính tôi như một sự hợp nhất của thân xác và linh hồn tiêu tan.
Và với sự thiếu hiểu biết này, theo sau là sự không biết gì về bản chất tình dục con người như là một sự
hợp nhất của những món quà tặng sinh sản căn bản của con người và mối ràng buộc giữa vợ chồng.
Chính vì vậy mà thế giới đã hết sức tức giận khi Thông Điệp Humanae Vitae ( Sự Sống Con
Người ) đến đúng ngay vào giữa lúc cuộc cách mạng tình dục bùng phát. Trong Thông Điệp về sự sống
con người của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI sắp được phong Chân Phước, Giáo Hội tái khẳng định một
cách rõ ràng tính chất không thể tách lìa giữa ý nghĩa hợp nhất và sinh sản của hành vi vợ chồng. Sử
dụng các phương pháp ngừa tránh thai và đi theo não trạng của nó là hành động nghịch với mục đích
17
Thiên Chúa ban cho tình yêu vợ chồng giữa người nam và người nữ. Hành động như thế cũng bóp méo
những quan hệ khác của con người, đúng như lời tiên đoán của Đức Thánh Cha Phaolô VI.
Nhiều người tin rằng công trình của Đức Phaolô VI trong Humanae Vitae có ảnh hưởng sâu xa của
vị sau đó sẽ trở thành Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II. Trong cuốn “Love and Responsibility” ( Tình
Yêu và Trách Nhiệm ), Đức Tổng Giám Mục Karol Wojtyla bấy giờ đã trình bày trường hợp vì sao mà
quan điểm đúng đắn và đầy đủ về con người như là thân xác và linh hồn lại cần thiết để hiểu chính chúng
ta và hiểu nhau, nhất là trong tình dục của chúng ta: “Trong trật tự tình yêu, một con người chỉ có thể vẫn
giữ đúng được con người mình, bao lâu người đó vẫn trung thành với tự nhiên. Nếu người ấy đi ngược
với tự nhiên, thì cũng xâm phạm chính con người bằng việc làm cho nó thành một vật để hưởng thú vui
hơn là để yêu thương”.
Đi ngược với bản chất đích thực của chúng ta chính là bẻ gãy ý thức trách nhiệm tự nhiên của
chúng ta đối với người khác. Ai mà chẳng nhìn thấy điều này xảy ra ngày nay ?
Hiển nhiên, những ý tưởng xấu một cách nghiêm trọng ắt sẽ có những hậu quả xấu một cách
nghiêm trọng. Cha Paul Marx, người sáng lập "Quốc Tế Sự Sống Con Người" ( Human Life
International ), đã khẳng định ý kiến của Giáo Hội trong cuốn tự truyện của ngài dựa trên kinh nghiệm
phong phú khi ngài du hành khắp thế giới. Ngài viết: “Đã đi và làm việc trong 91 quốc gia, tôi không
thấy có đất nước nào mà ở đó ngừa tránh thai lại không dẫn tới nạo phá thai, tới gian dâm ngày càng
tăng trong giới trẻ, tới ly dị và tới tất cả mọi sự xấu xa khác mà chúng ta nhìn thấy ngày nay, vốn cấu
thành tình trạnh hỗn độn tình dục bẩn thỉu trên toàn thế giới.”
Và quả là một sự hỗn loạn, phải không ? Cuộc thăm dò này của Viện Gallup phải được xem như
là một tiếng kêu thức tỉnh. Nếu chúng ta nghiêm chỉnh trong việc củng cố gia đình, đẩy mạnh hạnh phúc
cho con cái, lật ngược con số đang gia tăng những cuộc hôn nhân đổ vỡ trong đất nước chúng ta, chấm
dứt nạn nạo phá thai, bảo vệ phẩm giá người cao tuổi và người bệnh tật, đề cao đức trong sạch và khiết
tịnh, sau đó chúng ta hãy trung thực để thấy được sự suy sụp luân lý khởi đầu ở đâu.
Nguyên tác “Contraception: The Gateway to Moral Decay”
Lm. SHENAN J. BOQUET, bản dịch của Giuse NGUYỄN THẾ BÀI
HẠNH PHÚC HAY BẠC PHÚC ?
Xin mở đầu bài viết bằng một câu chuyện thế này. Có đôi vợ chồng lấy nhau được ba năm, họ
sống rất hạnh phúc, được lòng cả gia đình đôi bên, kinh tế khá giả, Anh chồng rất tự hào về cô vợ xinh
đẹp, giỏi giang lại khéo cả nết ăn, nết ở, chỉ ngặt một nỗi, mãi họ chả có đứa con nào. Anh chồng vì rất
tin vợ nên tài sản và các loại giấy tờ đều đưa vợ giữ hết, cần gì thì nói với vợ, vơ lo liệu chu đáo.
Cho đến một hôm, người vợ đi vắng. Anh đang cần gấp một loại giấy tờ nên mở tủ, tình cờ, anh
thấy một sổ khám sức khỏe mang tên vợ, tò mò mở ra xem, anh bỗng bàng hoàng khi phát hiện, vợ anh
đã từng phá thai tới ba lần kể từ khi lấy anh. Vậy là anh đã mất ba đứa con !
Choáng váng, anh như ngã quỵ. Gắng gượng để lại mọi thứ y như cũ sau khi đã photo sổ khám
sức khỏe. Khi người vợ về, anh vờ như không biết. Ít hôm sau anh lại bí mật mở tủ, quyển sổ đã biến
mất, niềm hạnh phúc trong anh cũng biến mất theo quyển sổ oan nghiệt kia. Chúng ta không biết được
kết cục của câu chuyện sẽ thế nào, Nhưng chắc rằng, cuộc hôn nhân của anh chị sẽ không còn là một
cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Lại một câu chuyện khác liên quan đến phá thai. Gần đây, tôi có đến thăm một Mái Ấm BVSS,
tình cờ em vừa được đưa về đây tạm lánh chờ sinh, dáng người mảnh khảnh, đôi mắt còn mọng nước
mắt, khuôn mặt tái xanh, mệt mỏi. Tôi đến bên, chào em, chúc mừng em, em là một cô gái được ban
đầy ân phúc. Em ngạc nhiên nhìn tôi: "Sao anh lại nói vậy ?" Tôi trả lời: "Có thể em chưa biết, nhưng rồi
em sẽ biết niềm hạnh phúc sẽ lớn lao thế nào khi em được làm mẹ, lúc đó em sẽ thấy mình được ban
phúc và được Thiên Chúa yêu thương nhiều như thế nào..."
Tôi thấy đôi mắt em như chùng lại. Trong câu chuyện của em, một cô gái có học thức, con nhà
danh giá, yêu và lỡ có thai với người yêu. Thai nhi giờ mới hơn 12 tuần tuổi, nhưng cả cha mẹ hai bên
và anh người yêu đều thúc ép em phải phá thai trước khi cưới, họ vì sĩ diện mà làm thế, nếu không, sẽ
không có đám cưới nào hết, và cha mẹ em sẽ từ em, anh người yêu cũng sẽ bỏ em.
Trong cơn quẫn trí, em nhắm mắt nghe theo, may thay, em được các anh chị BVSS khuyên nhủ
và đưa về đây, giờ cũng chưa biết phải tính sao. Tôi lặng nghe và chỉ kể cho em nghe về tâm sự của
18
CÙNG TRĂN TRỞ
chính mình, cho em biết sự đau đớn tột cùng của một người cha đã từng mất đứa con yêu bé bỏng, dù chỉ
là sảy thai không mong muốn. Tôi cho em biết niềm vui, hạnh phúc tột bậc khi được làm cha làm mẹ, khi
được đón những đứa con chào đời. Nghe xong tâm sự của tôi. Em chỉ nói nhỏ nhẹ, em quyết sẽ tâm làm
mẹ, em nói thế với khuôn mặt bừng sáng. Tôi biết rằng em đã chọn lựa đúng con đường hạnh phúc...
Hạnh phúc, một ước ao của mọi con người. Hạnh phúc không chỉ đòi hỏi sự hy sinh, mà còn đòi
hỏi sự cho đi và từ bỏ chính mình. Con đường kiếm tìm, xây dựng hạnh phúc là con đường thật dài đầy
chông gai, đôi khi phải trả bằng giá máu. Nhiều người trong chúng ta cân đong đo đếm hạnh phúc bằng
những giá trị của đồng tiền, bằng giá trị của công danh, của quyền lực mà quên đi rằng những cái đó chỉ
là một công cụ để hỗ trợ cho con người kiếm tìm hạnh phúc. Mà nghiệt ngã thay, kiếm tìm và xây dựng
thì khó thế nhưng hạnh phúc lại mong manh, dễ vỡ, dễ bị tổn thương, chỉ một quyết định sai lầm là cả
đời ân hận, chỉ một thoáng nghi ngờ và cố chấp là hạnh phúc vụt tan, sẽ mãi mãi bay xa...
Trong cuộc sống hôn nhân, phải nói ngay rằng: được làm cha, làm mẹ là một niềm hạnh phúc
lớn lao, là món quà vô giá mà Thượng đến đã ban cho con người. Tiếc rằng, không phải ai cũng hiểu
được điều đó, rất nhiều bạn trẻ ngày nay sau khi cưới, thường “kế hoạch” kiểu này hay kiểu khác, đặt
dụng cụ tránh thai chữ T ( ảnh chụp kèm theo ), uống thuốc phá thai với lời ngụy biện rằng: Ôi giào, còn
trẻ, lo kinh tế cái đã, vài năm nữa vững chãi một chút, có con cũng không muộn !
Đây hẳn là một quan niệm sai lầm.
Một là: họ không hề ngờ rằng uống thuốc
“ngừa thai” cũng chính là gián tiếp phá thai, còn
đặt dụng cụ “tránh thai” chính phá thai... thường kỳ.
Hai là: họ bị nhồi sọ bằng những mỹ từ để
cho rằng đó chỉ là tránh thai, không có chuyện
giết người ở đây. Chẳng phải vô tình mà khi tạo
dựng Thượng Đế lại ban cho mỗi giai đoạn trong
cuộc sống con người một giai đoạn có đủ khả
năng làm cha làm mẹ, chính vì giai đoạn đó là
giai đoạn tốt nhất và thuận lợi nhất để giữ gìn
hạnh phúc và bảo toàn nòi giống.
Ba là: con cái là một động lực hoàn hảo
nhất giúp chúng ta có thể đứng vững và chống chọi với phong ba bão táp của cuộc đời, gói ghém hết cả
niềm hy vọng tương lai và sẵn sàng từ bỏ bản thân mình mưu cầu hạnh phúc cho con cái để từ đó nhận
ra hạnh phúc cho con cái lại cũng chính là hạnh phúc cho chính bản thân mình, cho vợ chồng mình.
Chẳng phải thế sao, khi mỗi chiều, sau giờ lao động mệt mỏi, chúng ta trở về gia đình, chỉ một
cử chỉ hồn nhiên của con trẻ xà vào lòng hay toét miệng cười, những lo âu và mệt mỏi sẽ tiêu tan nhanh
chóng. Chỉ một cơn sốt cao, chúng ta lại chẳng thảng thốt cả đêm trong lo âu và hy vọng, thậm chí,
nhiều người làm cha mẹ đã hy sinh cả tính mạng mình cho con được sống.
Vậy tại sao, hà cớ gì mà còn có ai đó phải giết con của chính mình ? Hà cớ gì phải loại bỏ việc
sinh con bằng thuốc bằng cách này cách kia ? Hà cớ gì chúng ta lại tìm kiếm một hạnh phúc hư vô bằng
hành động phá thai, trong khi chúng ta hoàn toàn có khả năng chọn lựa cho mình một con đường tìm
được hạnh phúc chắc chắn thông qua việc đón nhận những đứa con của mình.
Cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, cho dù nghịch cảnh có éo le, như trong hai câu chuyện vừa
qua, một cặp thì đầy đủ điều kiện nhưng rồi hạnh phúc lại bay mất, để lại một cuộc đời bạc phúc. Một cô
gái nhỏ trong hoàn cảnh éo le bạc phúc đã tìm được hạnh phúc trong nghĩa vụ làm mẹ, cho dù chưa
vẹn toàn nhưng cô hoàn toàn có quyền hy vọng một ngày nào đó gia đình sẽ trùng phùng hạnh phúc.
Đaminh PHAN VĂN DŨNG, Biên Hòa 6.2014
BỆNH VIỆN ĐA KHOA GIÊSU
Địa chỉ: Tòa nhà số 1 đường Lên Trời, khu phố Bình An,
phường Ánh Sáng, quận Hạnh Phúc, thành phố Tình Yêu, đất nước Tự Do
Khám và chữa bệnh 24/24 giờ kể cả các ngày Lễ nghỉ.
Đặc biệt miễn phí cho mọi đối tượng.
Email: thiendangvinhphuc@thanhthan.com
19
CÙNG NGHIỆM SINH
Ephata 614
Ephata 614
Ephata 614
Ephata 614
Ephata 614
Ephata 614
Ephata 614
Ephata 614
Ephata 614
Ephata 614

More Related Content

What's hot (19)

Ephata 616
Ephata 616Ephata 616
Ephata 616
 
Ephata 611
Ephata 611Ephata 611
Ephata 611
 
Ephata 626
Ephata 626Ephata 626
Ephata 626
 
Ephata 624
Ephata 624Ephata 624
Ephata 624
 
Ephata 628
Ephata 628Ephata 628
Ephata 628
 
Ephata 620
Ephata 620Ephata 620
Ephata 620
 
So 183
So 183So 183
So 183
 
Thông Tin Mục Vụ 1 18-15
Thông Tin Mục Vụ 1 18-15Thông Tin Mục Vụ 1 18-15
Thông Tin Mục Vụ 1 18-15
 
Ephata 638
Ephata 638Ephata 638
Ephata 638
 
Ephata 604
Ephata 604Ephata 604
Ephata 604
 
Mon sup tam linh
Mon sup tam linhMon sup tam linh
Mon sup tam linh
 
Ephata 629
Ephata 629Ephata 629
Ephata 629
 
Ephata 635
Ephata 635Ephata 635
Ephata 635
 
Ephata 625
Ephata 625Ephata 625
Ephata 625
 
Tro lai thien duong
Tro lai thien duongTro lai thien duong
Tro lai thien duong
 
Ephata 636
Ephata 636Ephata 636
Ephata 636
 
[Sách] Mười điều tạo nên số phận
[Sách] Mười điều tạo nên số phận[Sách] Mười điều tạo nên số phận
[Sách] Mười điều tạo nên số phận
 
Thang 10.2011 mail (1)
Thang 10.2011 mail  (1)Thang 10.2011 mail  (1)
Thang 10.2011 mail (1)
 
Nhung bai hoc binh di
Nhung bai hoc binh diNhung bai hoc binh di
Nhung bai hoc binh di
 

Viewers also liked

Technology presantation
 Technology presantation Technology presantation
Technology presantationTamer Yüksel
 
China pharmaceutical excipients industry indepth research and investment stra...
China pharmaceutical excipients industry indepth research and investment stra...China pharmaceutical excipients industry indepth research and investment stra...
China pharmaceutical excipients industry indepth research and investment stra...Qianzhan Intelligence
 
China modern agriculture business model and industrial chain investment strat...
China modern agriculture business model and industrial chain investment strat...China modern agriculture business model and industrial chain investment strat...
China modern agriculture business model and industrial chain investment strat...Qianzhan Intelligence
 
A Day at NEEV Soaps - Lisa & Kishan
A Day at NEEV Soaps - Lisa & KishanA Day at NEEV Soaps - Lisa & Kishan
A Day at NEEV Soaps - Lisa & KishanAnurag Jain
 
How Can I Grow Tall
How Can I Grow TallHow Can I Grow Tall
How Can I Grow Tallwiesneskib
 
태안 일본비자
태안 일본비자태안 일본비자
태안 일본비자gsidjfs
 
WordPress for Beginners
WordPress for BeginnersWordPress for Beginners
WordPress for Beginnersayman diab
 
War1812
War1812War1812
War1812CDO3
 
Project_Completion_12_December_2012
Project_Completion_12_December_2012Project_Completion_12_December_2012
Project_Completion_12_December_2012Enric Vinyes
 
Mar martinez. Case study (portugues)
Mar martinez. Case study (portugues)Mar martinez. Case study (portugues)
Mar martinez. Case study (portugues)Lorenzo Bennassar
 
Cesec2015 - Arduino Designer
Cesec2015 - Arduino DesignerCesec2015 - Arduino Designer
Cesec2015 - Arduino Designermelbats
 
Kablar lucas och kristofer
Kablar   lucas och kristoferKablar   lucas och kristofer
Kablar lucas och kristoferLuckelina
 
휴대폰결제『BU797』.『COM』미니초코볼자판기 봉평
휴대폰결제『BU797』.『COM』미니초코볼자판기 봉평휴대폰결제『BU797』.『COM』미니초코볼자판기 봉평
휴대폰결제『BU797』.『COM』미니초코볼자판기 봉평gsidjfs
 
Presentación videoconferencia Mendoza
Presentación  videoconferencia MendozaPresentación  videoconferencia Mendoza
Presentación videoconferencia MendozaMarisela Valenzuela
 

Viewers also liked (17)

Technology presantation
 Technology presantation Technology presantation
Technology presantation
 
ECUADOR CULTURAL
ECUADOR CULTURALECUADOR CULTURAL
ECUADOR CULTURAL
 
China pharmaceutical excipients industry indepth research and investment stra...
China pharmaceutical excipients industry indepth research and investment stra...China pharmaceutical excipients industry indepth research and investment stra...
China pharmaceutical excipients industry indepth research and investment stra...
 
China modern agriculture business model and industrial chain investment strat...
China modern agriculture business model and industrial chain investment strat...China modern agriculture business model and industrial chain investment strat...
China modern agriculture business model and industrial chain investment strat...
 
A Day at NEEV Soaps - Lisa & Kishan
A Day at NEEV Soaps - Lisa & KishanA Day at NEEV Soaps - Lisa & Kishan
A Day at NEEV Soaps - Lisa & Kishan
 
5 1-control
5 1-control5 1-control
5 1-control
 
How Can I Grow Tall
How Can I Grow TallHow Can I Grow Tall
How Can I Grow Tall
 
태안 일본비자
태안 일본비자태안 일본비자
태안 일본비자
 
WordPress for Beginners
WordPress for BeginnersWordPress for Beginners
WordPress for Beginners
 
War1812
War1812War1812
War1812
 
Project_Completion_12_December_2012
Project_Completion_12_December_2012Project_Completion_12_December_2012
Project_Completion_12_December_2012
 
Mar martinez. Case study (portugues)
Mar martinez. Case study (portugues)Mar martinez. Case study (portugues)
Mar martinez. Case study (portugues)
 
Cesec2015 - Arduino Designer
Cesec2015 - Arduino DesignerCesec2015 - Arduino Designer
Cesec2015 - Arduino Designer
 
Kablar lucas och kristofer
Kablar   lucas och kristoferKablar   lucas och kristofer
Kablar lucas och kristofer
 
휴대폰결제『BU797』.『COM』미니초코볼자판기 봉평
휴대폰결제『BU797』.『COM』미니초코볼자판기 봉평휴대폰결제『BU797』.『COM』미니초코볼자판기 봉평
휴대폰결제『BU797』.『COM』미니초코볼자판기 봉평
 
SDS Amazon RDS
SDS Amazon RDSSDS Amazon RDS
SDS Amazon RDS
 
Presentación videoconferencia Mendoza
Presentación  videoconferencia MendozaPresentación  videoconferencia Mendoza
Presentación videoconferencia Mendoza
 

Similar to Ephata 614

Nội san TSC Thanh Đa 2020 final
Nội san TSC Thanh Đa 2020 final Nội san TSC Thanh Đa 2020 final
Nội san TSC Thanh Đa 2020 final Phuc Dinh
 
Nhân bản là gì
Nhân bản là gìNhân bản là gì
Nhân bản là gìĐan Giang
 
Chính mình phải làm gương
Chính mình phải làm gươngChính mình phải làm gương
Chính mình phải làm gươngcamnanggiaoduc
 
5 phut loi_chua_042014
5 phut loi_chua_0420145 phut loi_chua_042014
5 phut loi_chua_042014gxduchoa
 
Dưới chân thầy
Dưới chân thầyDưới chân thầy
Dưới chân thầyH&N Homemade
 
Mặt Trời Trong Lòng Tay - Nhuận Đạt TMT
Mặt Trời Trong Lòng Tay - Nhuận Đạt TMTMặt Trời Trong Lòng Tay - Nhuận Đạt TMT
Mặt Trời Trong Lòng Tay - Nhuận Đạt TMTFaTaMuTu
 
Cá Tinh Hiển Hóa - Nhân Quả Báo Ứng Của Đắc Kỷ Trụ Vương
Cá Tinh Hiển Hóa - Nhân Quả Báo Ứng Của Đắc Kỷ Trụ VươngCá Tinh Hiển Hóa - Nhân Quả Báo Ứng Của Đắc Kỷ Trụ Vương
Cá Tinh Hiển Hóa - Nhân Quả Báo Ứng Của Đắc Kỷ Trụ VươngPhát Nhất Tuệ Viên
 
Chí cốt sám hối
Chí cốt sám hốiChí cốt sám hối
Chí cốt sám hốilam04dt
 

Similar to Ephata 614 (20)

Nội san TSC Thanh Đa 2020 final
Nội san TSC Thanh Đa 2020 final Nội san TSC Thanh Đa 2020 final
Nội san TSC Thanh Đa 2020 final
 
Nhân bản là gì
Nhân bản là gìNhân bản là gì
Nhân bản là gì
 
Giao ancn cusi-3 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Giao ancn cusi-3 - THẦY THÍCH THÔNG LẠCGiao ancn cusi-3 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Giao ancn cusi-3 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
 
Giao ancn cusi-3
Giao ancn cusi-3Giao ancn cusi-3
Giao ancn cusi-3
 
Thang 6
Thang 6Thang 6
Thang 6
 
Chính mình phải làm gương
Chính mình phải làm gươngChính mình phải làm gương
Chính mình phải làm gương
 
5 phut loi_chua_042014
5 phut loi_chua_0420145 phut loi_chua_042014
5 phut loi_chua_042014
 
Dao duchieusinh iii_edt - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Dao duchieusinh iii_edt - THẦY THÍCH THÔNG LẠCDao duchieusinh iii_edt - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Dao duchieusinh iii_edt - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
 
Giao an duc hieu sinh tap3- 16-7-2012 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Giao an duc hieu sinh  tap3- 16-7-2012 - THẦY THÍCH THÔNG LẠCGiao an duc hieu sinh  tap3- 16-7-2012 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Giao an duc hieu sinh tap3- 16-7-2012 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
 
Giao an duc hieu sinh tap3- 16-7-2012 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Giao an duc hieu sinh  tap3- 16-7-2012 - THẦY THÍCH THÔNG LẠCGiao an duc hieu sinh  tap3- 16-7-2012 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Giao an duc hieu sinh tap3- 16-7-2012 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
 
Dao duchieusinh iii_edt
Dao duchieusinh iii_edtDao duchieusinh iii_edt
Dao duchieusinh iii_edt
 
Giao an duc hieu sinh tap3- 16-7-2012
Giao an duc hieu sinh  tap3- 16-7-2012Giao an duc hieu sinh  tap3- 16-7-2012
Giao an duc hieu sinh tap3- 16-7-2012
 
Dưới chân thầy
Dưới chân thầyDưới chân thầy
Dưới chân thầy
 
duoi chan thay
duoi chan thay duoi chan thay
duoi chan thay
 
Mặt Trời Trong Lòng Tay - Nhuận Đạt TMT
Mặt Trời Trong Lòng Tay - Nhuận Đạt TMTMặt Trời Trong Lòng Tay - Nhuận Đạt TMT
Mặt Trời Trong Lòng Tay - Nhuận Đạt TMT
 
So 181
So 181So 181
So 181
 
So 181
So 181So 181
So 181
 
Cathedral total vhn
Cathedral total vhnCathedral total vhn
Cathedral total vhn
 
Cá Tinh Hiển Hóa - Nhân Quả Báo Ứng Của Đắc Kỷ Trụ Vương
Cá Tinh Hiển Hóa - Nhân Quả Báo Ứng Của Đắc Kỷ Trụ VươngCá Tinh Hiển Hóa - Nhân Quả Báo Ứng Của Đắc Kỷ Trụ Vương
Cá Tinh Hiển Hóa - Nhân Quả Báo Ứng Của Đắc Kỷ Trụ Vương
 
Chí cốt sám hối
Chí cốt sám hốiChí cốt sám hối
Chí cốt sám hối
 

More from Vu Mai JMV

More from Vu Mai JMV (12)

Ephata 637
Ephata 637Ephata 637
Ephata 637
 
Ephata 634
Ephata 634Ephata 634
Ephata 634
 
Ephata 633
Ephata 633Ephata 633
Ephata 633
 
Ephata 632
Ephata 632Ephata 632
Ephata 632
 
Ephata 631
Ephata 631Ephata 631
Ephata 631
 
Ephata 630
Ephata 630Ephata 630
Ephata 630
 
Ephata 627
Ephata 627Ephata 627
Ephata 627
 
Ephata 621
Ephata 621Ephata 621
Ephata 621
 
Ephata 620
Ephata 620Ephata 620
Ephata 620
 
Ephata 610
Ephata 610Ephata 610
Ephata 610
 
Ephata 609
Ephata 609Ephata 609
Ephata 609
 
Ephata 608
Ephata 608Ephata 608
Ephata 608
 

Ephata 614

  • 1. E-mail: gxmehangcuugiup@gmail.com Website: www.trungtammucvudcct.com HÃY ĐẾN MÀ XEM ! Có lần nghe người ta nhận định. Người Việt mình khi còn trẻ thì lo làm việc, tiêu tốn thời gian, không chú ý đến sức khỏe, khi về già bắt đầu bỏ hết mọi sự để lo cho sức khỏe. Có thể không đúng với chung chung mọi người, nhưng rất đúng đối với tôi. Những năm gần đây khi khối lượng công việc dồn dập, sức khỏe của tôi suy giảm, bác sĩ đã nhắc tôi về những biện pháp để bảo toàn sức khỏe, nâng cao sức đề kháng và duy trì thể lực. Một vài căn bệnh xuất hiện, tôi lúng túng một thời gian, may thay kịp kinh nghiệm rằng tập thể dục mỗi ngày, kết hợp với dinh dưỡng sẽ giúp cho mình vượt qua bệnh tật và tỉnh táo đối phó với những căng thẳng của cuộc sống. Kiên trì với việc tập thể dục mỗi ngày là một điều khó, nhiều người mua sắm đủ thứ dụng cụ để tập, nhưng chỉ một thời gian ngắn thì chán nản và buông xuôi. Tôi nghiệm ra là ý chí chứ không phải phương tiện, vì thế tôi sử dụng ý chí để luyện tập chứ không tùy thuôc vào phương tiện. Ở đâu cũng tập được, miễn là thu xếp có 15 phút làm nóng, 1 giờ chạy bộ tại chỗ, nửa giờ nghỉ ngơi trước khi tắm rửa để tiếp tục công việc. Tôi dùng cách xem phim để 1 giờ chạy bộ tại chỗ trôi nhanh. Sở dĩ tôi phải chạy tại chỗ vì khi chạy ra ngoài chỉ riêng chuyện chào hỏi người quen thôi cũng hết giờ ! Phim ảnh để phục vụ luyện tập nên tôi phải thật dễ dãi mà xem, không đòi hỏi nghệ thuật cao, chấp nhận những hạt sạn trong quá trình theo dõi, xuê xoa với chính mình để khỏi rơi vào bực dọc. Thế nhưng nhiều phim cũng cuốn hút ghê lắm, kỹ thuật làm phim luôn là ê a ở đầu tập rồi sẽ tạo hấp dẫn vào cuối tập, đôi khi làm mình nôn nóng phải theo dõi tiếp tập sau ra sao. Những thước phim tình cảm ướt át, những cuộc tình bi lụy, lắm khi cũng làm ray rứt lòng mình. Thường đề tài tình yêu đôi lứa được khai thác triệt để, những éo le nghiệt ngã, những thổn thức dày vò của những trái tim biết yêu và khao khát yêu. Có khi tác giả xây dựng những nhân vật vì yêu nên bí lối cùng đường, vì yêu nên cuộc sống không tìm được lối thoát. Bài Tin Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay có câu “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một của Ngài…” ( Ga 3, 16 – 18 ). Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cha giáo dạy tôi, ngài nhấn mạnh: chữ “ban” cùng nghĩa với chữ “thí”, chữ “nộp”. Xem ra Thiên Chúa bi lụy mối tình dành cho chúng ta một cách quá quắt, ấy vậy, chẳng là bỏ 99 con chiên để rong ruổi tìm bằng được con chiên lạc đó sao, hàng ngày vẫn là một lời “đây là mình Thầy bị nộp vì anh em” vang vọng trong mọi ngôi Giáo Đường. Nhưng mối tình say đắm ấy không bị bí lối cùng đường, nhưng mở ra cho chúng ta con đường sống và sống dồi dào “để ai tin vào Ngài thì được sống đời đời”. Ngay từ khi còn bé tôi đã bị cuốn hút vào ánh mắt của Đức Mẹ trong bức Linh ảnh Mẹ Hằng Cứu Giúp. Ánh mắt tha thiết yêu thương lạ kỳ, hẳn rằng người họa sĩ vẽ bức chân dung ấy đã phải bỏ ra nhiều ngày giờ để chiêm ngắm tình yêu của Mẹ, phản ánh tình yêu của Thiên Chúa. Tha thiết, say đắm, xót thương, quảng dại, ân cần, bao dung… Tôi đã chơi trò chơi một mình với Mẹ bằng cách di chuyển đến nhiều vị trí trong căn phòng để thấy ánh mắt ấy cứ đăm đăm theo dõi mình, không vị trí nào làm mình xa rời ánh mắt của Mẹ. 1 NĂM THỨ 14 – SỐ 614 – CHÚA NHẬT 15.6.2014
  • 2. Lớn lên bôn ba mọi nẻo đường đời, sóng gió gian nan càng làm tôi nhận ra ánh mắt yêu thương đó phủ kín đời mình hơn. Khi còn sinh hoạt trong giới sinh viên Công Giáo trước năm 75, tôi là con cái của các cha Dòng khác, nhưng khi quyết định dấn thân đời tu, tôi gia nhập DCCT, tôi hiểu lý do tại sao rồi. Có lần gặp lại vị tuyên úy sinh viên cũ, ngài trêu tôi là “cậy mít sinh trái xoài !” Vì tôi tướng tá khá nặng nề nên tôi chơi chữ lại với ngài: “Cha ơi ! cây xoài sinh… trái mít chứ !” Tôi lãnh sứ vụ Linh Mục vào ngày 26 tháng 6. Thánh Lễ đầu tiên của cuộc đời cử hành với tư cách là chủ tế đúng ngày lễ Mẹ Hằng Cứu Giúp ( 27 tháng 6 ). Biến cố trùng hợp này làm tôi xác tín rằng mình “mắc nợ” Mẹ Hằng Cứu Giúp quá nhiều, món nợ nhân duyên xuyên suốt cuộc đời. Tôi viết những dòng chữ này khi cả Nhà Dòng đang rộn ràng với các chương trình mừng lễ Mẹ, xin mời mọi người… “hãy đến mà xem”. Lm. VĨNH SANG, DCCT, 14.6.2014 MỤC LỤC TÌM BÀI: "HÃY ĐẾN MÀ XEM !" ( Lm. Vĩnh Sang ) ........................................................................................... 01 NHÀ CẦM QUYÊN TRUNG QUỐC PHÁ HỦY MỘT THÁNH ĐƯỜNG TẠI ÔN CHÂU ( Đài Vatican ) .. 02 THIÊN CHÚA TÌNH YÊU ( Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt ) ..................................................................... 03 TÌNH YÊU THIÊN GIỚI ( AM. Trần Bình An ) ........................................................................................ 04 TÌNH YÊU BỊ ĐÁNH CẮP ( M. Hoàng Thị Thùy Trang ) ........................................................................ 06 DẤU THÁNH NHIỆM MẦU ( Lm. Giuse guyễn Hữu An ) ....................................................................... 07 SỐNG YÊU THƯƠNG THEO KHUÔN MẪU BA NGÔI ( Tu Sĩ Jos. Vinc. Ngọc Biển ) ......................... 10 TRAO BAN TẤT CẢ VÌ YÊU THƯƠNG ( Lm. Inhatiô Trần Ngà ) .......................................................... 11 NHÂN DANH CHA, VÀ CON, VÀ THÁNH THẦN ( Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ ) ................................... 12 SỰ NGOAN NGOÃN CỦA ÊLIA VÀ BÀ GÓA ( Joseph C. Pham ) ........................................................ 14 DUY TRÌ TÂM LINH ( Trầm Thiên Thu ) ................................................................................................ 15 NGỪA TRÁNH THAI... ( Lm. Shenan J. Boquet, bản dịch của Nguyễn Thế Bài ) ................................. 16 HẠNH PHÚC HAY BẠC PHÚC ? ( Đaminh Phan Văn Dũng ) ............................................................... 18 BỆNH VIỆN ĐA KHOA GIÊSU ( Ephata sưu tầm và biên tập lại ) ......................................................... 19 GÀ TRỐNG NUÔI CON ( Sưu tầm trên mạng ) ..................................................................................... 20 CẢM NGHĨ VỀ "NGƯỜI TRONG HẺM" CỦA NHÀ VĂN LÝ LAN ( Nguyễn Trung ) .............................. 22 NGƯỜI TRONG HẺM ( Truyện ngắn của Lý Lan ) ............................................................................... 22 NGƯỜI VIỆT TRƯỚC MẮT NGƯỜI NHẬT ( Theo Sức Khỏe và Đời Sống ) ....................................... 24 QUỸ MẸ HẰNG CỨU GIÚP CHO CÁC BỆNH NHÂN NGẶT NGHÈO ( TTMV DCCT ) ........................ 25 NHÀ CẦM QUYỀN TRUNG QUỐC PHÁ HỦY MỘT THÁNH ĐƯỜNG TẠI ÔN CHÂU Một ngôi Thánh Đường lớn ở Ôn Châu Trung Quốc đã bị chính quyền dùng xe ủi đất phá bình điạ hôm thứ hai 1.5.2014. Ôn Châu là một thành phố ven biển có biệt danh là "Giêrusalem của phương Đông" vì có đông người Kitô giáo cư ngụ tại đây. Thánh Đường bị phá hủy đã được xây dựng trong 12 năm và tốn vào khoảng 30 triệu nhân dân tệ. Ban đầu chính quyền cho phép xây dựng ngôi Thánh Đường này và tháng 9 năm 2013, chính quyền địa phương còn ca ngợi ngôi Thánh Đường này là một mô hình kiến trúc tân kỳ. Khi ra lệnh phá hủy ngôi Thánh Đường, chính quyền cho rằng kiến trúc Thánh Đường đã to hơn gấp bốn lần diện tích cho phép. Tuy nhiên, anh chị em Giáo Dân ở đây nói rằng chính quyền muốn giới hạn ảnh hưởng người Thiên Chúa Giáo vì số người tin ở Thiên Chúa đã tăng vọt trong những năm vừa qua. Số Giáo Dân chiếm 15% trong tổng số dân cư của thành phố. 2 CÙNG THÔNG TIN
  • 3. Năm quan chức chính quyền địa phương liên quan đến việc trước đây đã cho phép xây dựng Nhà Thờ đang bị điều tra và một người đã bị bắt. Các tín hữu lo rằng việc phá huỷ Nhà Thờ có thể là một dấu hiệu cho thấy chính phủ đang muốn giới hạn Kitô giáo ở Trung Quốc. Tỉnh Uỷ Chiết Giang đến thăm Ôn Châu và Hàng Châu đã phát biểu rằng chính quyền địa phương đã quá dễ dàng cho phép xây dựng Thánh Đường. Theo tin của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew, số tín hữu Kitô tại Trung Quốc là 67 triệu người vào năm 2010, đứng hàng thứ hai sau Phi Luật Tân trong phạm vi Châu Á. Theo Đài Vatican THIÊN CHÚA TÌNH YÊU Một bạn trẻ hỏi tôi: “Thưa Cha, tại sao đạo Phật khi xây Chùa thì chọn những nơi rừng núi thâm u, xa hẳn thị thành, còn đạo Công Giáo khi xây Nhà Thờ lại chọn những nơi dân cư đông đúc, phồn hoa đô hội?” Tôi trả lời: “Bạn quả là có con mắt nhận xét. Việc xây cất chùa chiền, nhà thờ như vậy, thực ra, phát xuất từ quan niệm nền tảng của đạo. Đạo Phật là đạo xuất thế. Đức Phật vì thấy những cảnh khổ ở đời trong sinh, lão, bệnh, tử nên đã tìm môt con đường mong giải thoát chính mình và nhân loại khỏi cảnh khổ não ở đời. Vì thế Ngài đã từ giã cung đình, rũ sạch bụi trần, xa lánh phồn hoa. Trái lại đạo Công Giáo là đạo nhập thế. Thiên Chúa thấy con người trầm luân khổ ải nên chạnh lòng thương, đã sai Con Một là Chúa Giêsu xuống trần để cứu độ chúng sinh. Chúa Giêsu xuống trần không chỉ là nhập thế, mà còn hoá thân một người nghèo sống giữa người nghèo, người tội lỗi để đưa mọi người về với Chúa, đó là nhập thể. Có thể nói đạo Công Giáo diễn tả việc Thiên Chúa đi tìm con người. Thiên Chúa đi tìm con người vì Thiên Chúa yêu thương con người. Không yêu thương thì chẳng việc gì phải đi tìm. Đi tìm tức là có quan tâm. Xa vắng thì nhớ. Thấy khổ vì thương. Vì thương, vì yêu nên phải cất bước đi tìm. Không phải Thiên Chúa chỉ yêu thương khi con người gặp đau khổ. Thực ra Thiên Chúa đã yêu thương con người từ trước, từ khi chưa có con người. Vì Thiên Chúa là tình yêu thương. Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình yêu thì không thể sống đơn độc nên phải có Ba Ngôi. Vì yêu thương không chỉ là cho đi nhưng còn là nhận lãnh. Muốn cho đi, phải có đối tượng để nhận lãnh. Muốn nhận lãnh cũng đòi phải có người sẵn sàng cho đi. Vì Thiên Chúa là tình yêu, nên Thiên Chúa là Ba Ngôi để có thể cho đi và nhận lãnh. Thiên Chúa là tình yêu tuyệt hảo nên sự cho đi và nhận lãnh ở nơi Ba Ngôi Thiên Chúa cũng đạt đến mức tuyệt hảo. Thiên Chúa Cha trao ban cho Chúa Con tất cả những gì mình có, nên Chúa Con là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha, đến nỗi Chúa Giêsu có thể nói: “Ai thấy Thầy là xem thấy Cha Thầy, Thầy và Cha là một”. Vì yêu, Chúa con dâng lại cho Chúa tất cả những gì mình nhận lãnh. Việc hiến dâng này ta thấy rõ trong thái độ khiêm tốn, tự hạ, vâng phục vô biên của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha. Chúa Giêsu đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Chúa Giêsu đã quả quyết: “Không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu”. Và Người đã vì Chúa Cha mà hiến mạng sống. Thiên Chúa là tình yêu tuyệt đối. Tình yêu ấy không chỉ đóng kín nơi bản thân mình. Cũng không chỉ dừng lại ở một đối tượng hạn hẹp. Nhưng vượt mọi ranh giới, lan toả đến mọi góc biển chân trời. Ba Ngôi Thiên Chúa là một bầu trời tình yêu hạnh phúc. Nhưng tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa không chỉ thu gọn trong cộng đoàn Ba Ngôi, mà lan toả đến khắp vũ trụ, ấp ủ cả thế giới, nâng niu cả sinh linh vạn vật. Ba Ngôi là một lò lửa tình yêu. Lò lửa tinh luyện tình yêu càng ngày càng phong phú, là nguồn mạch của mọi tình yêu trên đời. Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi như thế không xa vời. Trái lại rất gần gũi, thiết thân với đời sống chúng ta, là nguồn mạch sự sống của ta, là khuôn mẫu ta phải noi theo, là cùng đích ta phải đạt tới. Ta ra đời là do tình yêu của Thiên Chúa. Có thể nói nhân loại là kết tinh của tình yêu Thiên Chúa. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã nói: “Ta hãy tạo dựng con người giống hình ảnh Ta”. Thiên 3 CÙNG SUY NIỆM
  • 4. Chúa là tình yêu. Con người giống Thiên Chúa vì có trái tim biết yêu thương. Cây cỏ không có trái tim biết yêu thương. Cầm thú không có khả năng yêu thương. Chỉ có con người mới có khả năng yêu thương vì con người giống Thiên Chúa. Nhưng tình yêu ở nơi con người chưa hoàn hảo vì còn chen lẫn nhiều ích kỷ, hận thù, ghen ghét. Vì thế con người còn phải thanh luyện cho tình yêu ngày càng thêm tinh tuyền, thêm quảng đại, thêm phong phú. Càng yêu thương con người càng nên giống Thiên Chúa. Càng quảng đại con người càng gần với trái tim Thiên Chúa. Càng quên mình con người càng tham dự vào sự sống Thiên Chúa. Được sinh ra trong tình yêu nên con người phải sống bằng tình yêu. Như thế con người mới sống trọn định mệnh đời mình. Như thế con người mới đạt được cùng đích đời mình là sống hạnh phúc trong tình yêu muôn đời của Thiên Chúa Ba Ngôi. Lạy Ba Ngôi Thiên Chúa, là nguồn mạch tình yêu, là sự sống sung mãn, là thiên đàng hạnh phúc, con đã được sinh ra trong tình yêu của Chúa. Xin cho con biết sống tình yêu hy sinh theo gương Chúa Giêsu Kitô, để con được kết hợp với Chúa, sống chan hoà hạnh phúc trong tình yêu muôn đời của Chúa. Tgm. Giuse NGÔ QUANG KIỆT TÌNH YÊU THIÊN GIỚI Tommasella Manferrari là một nữ nha sĩ 39 tuổi, con gái duy nhất của một gia đình khá giả tại miền Reggio Emilia, bắc Italia. Chị tốt nghiệp Nha Khoa hồi năm 1985 với điểm tối ưu và sau hai năm tu nghiệp, về làm việc tại Trung Tâm Nhi Đồng Thành Phố cùng và có phòng mạch riêng. Tommasella rất yêu nghề và yêu đời, và không chút bận tâm vì chưa gặp được bạn đời. Năm 1995, sự tình cờ giúp chị gặp gỡ anh Gianni Bianchini, một kiến trúc sư đảm nhận việc trùng tu căn hộ của Tommasella. Hai người tiến tới hôn nhân sau đó ít lâu và hạnh phúc ngự trị tràn đầy trong gia đình mới này. Đầu năm 1998, Tommasella vui mừng khôn tả khi được biết là có thai đứa con đầu lòng. Vì là con một nên chị rất mong muốn có cả một đàn con đông đảo. Nhưng những tháng đầu tiên mang thai đã làm cho Tommasella mệt mỏi lạ thường. Linh tính của một bác sĩ báo trước cho chị biết điều chẳng lành: quả thật, các cuộc thử nghiệm sau đó cho biết là Tommasella mắc phải chứng bệnh ung thư dưới hình thức hiểm nghèo và độc hại nhất. Để mong chữa trị và ngăn chặn căn bệnh này, Tommasella phải chạy chữa bằng những phương thức trị liệu mạnh mẽ và có thể gây nguy hại cho bào thai đang mang trong lòng. Trước và sau khi biết rõ kết quả các cuộc thử nghiệm, Tommasella đã cương quyết khẳng định trước mặt chồng và cha mẹ cùng các bác sĩ là muốn bảo vệ Sự Sống trong cung lòng mình và sẵn sàng từ chối mọi cách thức điều trị có thể cứu sống mạng mình nhưng đe dọa bào thai mỏng manh trứng nước của giọt máu trong bụng. Tháng 10 năm 1998, Tommasella sinh hạ một bé gái. Đứa con vừa chào đời như mang lại nguồn sinh lực mới cho Tommasella. Theo quyết định của các bác sĩ điều trị, Tommasella khởi đầu những phương thức trị liệu hóa học rất mạnh và một thời gian sau, chị cảm thấy khỏe khoắn hơn nhiều. Nhưng thật đáng buồn, Tommasella chỉ khỏe hơn được vài tháng rồi cơn bệnh lại lan nhanh. Nhưng cơn mệt mỏi làm tay chân bà rời rã, không bồng bế nổi đứa con yêu. Đêm thứ hai 17.5.1999, Tommasella nhắm mắt đầu hàng cơn bệnh, bỏ lại đứa con bé bỏng mới 8 tháng. ( La Nazione 22.5.1999 ). Tấm gương cô Tommasella hy sinh mạng sống để cứu con gái được sống, có thể nhắc nhở Kitô hữu nhớ đến Chúa Cứu Thế, Đấng chịu hiến tế để cho cả nhân loại được sống. Tất cả đều chỉ vì Tình Yêu cao vời, tuyệt đỉnh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Tình Yêu trao ban Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa ( St 1, 27 ). Ngài mến tặng, trao ban cho mỗi người thân xác và sự sống qua Thần Khí. Nhưng Adam và Eva cùng con cái sau này đã phạm tội, bất hiếu, bất nghĩa, bất trung với Ngài, làm hỏng cuộc sống hạnh phúc Địa Đàng. Nhưng Ngài vẫn yêu thương, mạc khải cho ông Môsê biết: “Thiên Chúa nói Ngài là Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu ân nghĩa và thành tín” ( Xh 34, 6 ). Ngài hứa sẽ trao ban cho nhân loại Đấng Cứu Chuộc. Nhưng khi Thiên Chúa trao ban Đấng Cứu Thế, Con Một Chúa, thì thế gian lại phũ phàng từ chối. “Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các người đã không bao giờ thấy 4
  • 5. tôn nhan Người. Các ông không giữ lời Người ở lại trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến” ( Ga 5, 37 – 38 ). Tình Yêu thăng tiến Mặc dù thế, Đức Giêsu vẫn long trọng công bố cho toàn thể nhân loại biết Tình Yêu vô hạn, không bến bờ: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” ( Ga 3, 16 ). Hơn thế nữa, con người còn được sống tốt, sống đẹp và sống thanh thỏa, hạnh phúc nếu vâng theo Lời Người và giới răn yêu thương: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” ( Ga 10, 10 ). Tình Yêu tha thứ Khi đến nhà ông Dakêu, Trưởng chi cục thuế, bị mọi người xầm xì chế giễu, Đức Giêsu công khai bày tỏ Tình Yêu tha thứ chân tình: “Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” ( Lc 19, 10 ). Đức Giêsu còn mạc khải cho ông Nicôđêmô, một thủ lãnh Pharisiêu, trong đêm khuya như lời bộc bạch tâm sự: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ” ( Ga 3, 17 ). Cao điểm là khi cận kề cái chết sau cuộc khổ nạn, Đức Giêsu còn khẩn khoản cầu nguyện, nài xin Đức Chúa Cha tha thứ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” ( Lc 23, 34 ). Tình Yêu hy hiến “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta” ( Mc 8, 34 ). Điều kiện tiên quyết yêu Chúa là từ bỏ bản thân, từ bỏ tánh xác thịt, như chính Đức Giêsu đã làm gương sáng. Người sinh ra nghèo khó, sống bằng sức lao động, tận tụy rao giảng, không có cơ sở, dinh thự, chẳng có hành trang rườm rà. “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” ( Mt 8, 20 ). Người nêu gương xả kỷ vị tha. Phục vụ chính môn đệ của mình. “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người" ( Mc 10, 45 ). “Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con” ( Dt 10, 7 ). Hoàn toàn vâng lời Đức Chúa Cha, Đức Giêsu sẵn sàng uống chén đắng theo Thánh Ý Cha, chỉ vì Tình Yêu tuyệt đỉnh vô song. ”Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu.” ( Ga 15, 13 ). Tình Yêu hiệp nhất Thiên Chúa là Tình Yêu hiệp nhất. Ba Ngôi kết hợp hài hòa thắm thiết nên một Thiên Chúa duy nhất. Khi Đức Giê su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì kìa các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người.Và kìa có tiếng từ trời phán rằng: ”Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người” ( Mt 3, 16 – 17 ). Con người yêu mến Thiên Chúa thì cũng được hiệp nhất với Ba Ngôi Thiên Chúa. “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy. Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” ( Ga 14, 23 ). Nhưng con người vốn hay chia rẽ, đố kỵ, ganh ghét nhau, vị kỷ, vì cơm áo, địa vị, quyền lợi, tham, sân, si, chịu cám dỗ mọi bề, nên Đức Giêsu đã tha thiết khẩn cầu cùng Đức Chúa Cha, xin cho đoàn chiên hiệp nhất: "Lạy Cha, xin cho chúng nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha" ( Ga 17, 21 ). “Chúa muốn tất cả lòng con, Chúa không chấp nhận chia sẻ với ai” ( Đường Hy Vọng, số 186 ). Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con tràn đầy hồng ân Đức Chúa Thánh Thần, đốt lửa Tin Cậy Mến trong lòng chúng con, đổi mới đời sống, biết yêu thương và hiệp nhất với nhau, làm chứng nhân Tình Yêu. Lạy Mẹ Maria, kính xin Mẹ dìu dắt chúng con sống trung thành với Tình Yêu của Thiên Chúa, biết cho đi, dấn thân, hy sinh, phục vụ và hiệp nhất với cộng đoàn, với Giáo Hội, với Ba Ngôi Thiên Chúa. Amen. AM. TRẦN BÌNH AN 5
  • 6. TÌNH YÊU BỊ ĐÁNH CẮP Có rất nhiều tình yêu, nhưng có một tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Đó chính là tình yêu bất diệt. Tình yêu không biết bởi đâu mà đến, nhưng chỉ biết do Thiên Chúa mà sinh ra, Thiên Chúa chính là tình yêu. Tình yêu có từ bao giờ ? Câu hỏi đó mầu nhiệm như chính Thiên Chúa vậy. Từ thuở rất xa xưa, xa hơn cả trái đất này, từ rất rất lâu, thật lâu rồi đã có một tình yêu bất diệt. Tình yêu giữa Ngôi Cha, Ngôi Con và kết tinh là Chúa Thánh Thần, cũng là Ngôi Ba Thiên Chúa. Ba Ngôi hoàn toàn khác biệt nhưng lại chỉ Một Thiên Chúa. Mỗi ngôi vị một chức vụ nhưng hoàn toàn hiệp nhất trong Một Thiên Chúa mà thôi. Chúa Cha tạo dựng, Chúa Con cứu chuộc và Chúa Thánh Thần thánh hóa. Ba Ngôi Thiên Chúa chỉ có một tình yêu duy nhất và mục đích cao cả là yêu thương tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa con người ! Cho dù bạn là ai, thuộc tôn giáo, quốc gia hay chủng tộc nào, chỉ cần bạn tin rằng có một thần linh tồn tại trong thế giới này cũng đủ. Bởi Đấng ấy không ai khác ngoài Thiên Chúa. Thật ra, không cá thế nào tồn tại trong thế giới này phủ nhận dc điều ấy. Ở một góc khuất nào đó trong cuộc đời, trực tiếp hay gián tiếp, họ đều tin rằng có một Đấng nào đó, một Đấng thần linh hiện diện trong thế giới này. Chỉ cần nhìn vạn vật vũ trụ tồn tại và vận hành xung quanh bạn, cũng đủ minh chứng rằng thế giới này thuộc về Đấng ấy. Nhân loại cho dù tài giỏi đến đâu cũng hoàn toàn không thể có khả năng tạo dựng hay làm tan biến thế giới này được. Có nhiều con đường giúp bạn tìm hiểu Đấng thần linh tuyệt đối mà nhân loại sùng kính, nhưng không con đường nào hoàn hảo, trọn vẹn cho bằng con đường của Đức Giêsu. Đức Giêsu chính là Đường đưa nhân loại về với Thiên Chúa Cha. Ngài đã dùng chính mạng sống và cái chết của mình để minh chứng mầu nhiệm Nước Trời. Khi nhân loại được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng giống hình ảnh Ngài và được phú bẩm cho ý chí, lý trí, tình cảm, lương tâm và tự do. Trong đó, tự do là phẩm tính tuyệt đối của Thiên Chúa lại bị con người lạm dụng để rồi bất tuân, phản nghịch với ân nghĩa của Thiên Chúa. Yêu thương tạo dựng con người, đau đớn nhìn thấy con người phản nghịch, Chúa Cha không đành lòng bỏ rơi họ, nhưng đã ban chính Con Một của mình đến cứu chuộc, mặc khải cho họ biết Tình Yêu Thiên Chúa, và đưa họ trở về với nơi mình phát xuất ra để được sống muôn đời: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” ( Ga 3, 16 ). Không ai nói về Trời hơn Đấng từ Trời mà đến. Đức Giêsu chính mặc khải trọn vẹn về Thiên Chúa Cha, Ngài còn là ơn cứu độ của chúng ta. Nhờ Ngôi Hai Thiên Chúa, nhờ tin vào Lời của Ngài mà chúng ta được Ơn Cứu Độ. Sau khi đã hoàn tất sứ vụ của mình, Đức Giêsu về Trời với Thiên Chúa Cha và trao ban Thánh Thần cho nhân loại, để Ngài tiếp tục kiện toàn và thánh hóa Hội Thánh. Chỉ cần Đức Giêsu chết thay cho chúng ta một lần là đủ, đó là ơn cứu chuộc vĩnh cửu cho chúng ta rồi. Thế giới ngày nay có còn tin Thiên Chúa không ? Có còn loại trừ Đức Giêsu - nhân vật lịch sử thật hay chối bỏ luôn cả Chúa Thánh Thần ? Câu trả lời rõ mồn một trên đời sống của từng cá vị. Chỉ biết rằng tin một Thiên Chúa đã khó, để tin rằng Một Chúa Ba Ngôi lại càng khó hơn. Tuy nhiên “Thiên Chúa sai con của Người đến thế gian không phải lên án thế gian nhưng là để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án, nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi” ( Ga 3, 17 – 18 ). Lạy Chúa, tình yêu Ngài ban cho nhân loại cao cả quá. Dường như tình yêu ấy bao dung quá cho nên nhân loại không nhận ra giá trị vĩnh cửu nó mang lại để rồi thế giới ngày ngày vẫn sống trong hận thù, chiến tranh, bạo lực… Thế giới một khi vắng bóng tình yêu Ba Ngôi thì hạnh phúc cũng vụt tắt và bất hạnh không ngừng xảy ra. Xin Ba Ngôi Thiên Chúa ở mãi trong con, mặc dầu tâm hồn con nhơ nhuốc vì tội lỗi yếu hèn nhưng đó là nguồn Tình yêu mà con không thể nào đánh mất. Thời gian qua con đã để cho đam mê, dục vọng cướp mất nguồn sự sống cho nên con đã mất tất cả. Xin trở lại, cho con một chỗ nhỏ trong cung lòng Ba Ngôi Thiên Chúa, và đừng để cho ác thù nào có thể đánh mất Tình Yêu vĩnh cửu của con. M. HOÀNG THỊ THÙY TRANG 6
  • 7. DẤU THÁNH NHIỆM MẦU Ca khúc “Làm Dấu” với giai điệu nhẹ nhàng mang tâm tình cầu nguyện, lời ca tuyên xưng niềm tin Ba Ngôi Thiên Chúa mỗi khi làm dấu thánh giá. Có lẽ nhiều người thuộc lòng và ngân nga bài ca này hàng ngày. Con đặt tay lên trán tôn vinh Chúa Cha toàn năng. Con đưa tay xuống ngực chúc tụng Chúa Con tình yêu. Đưa tay sang trái phải, vinh danh Chúa Thánh Thần nguồn ơn thánh thiên hồng phúc đời con. Mỗi lần làm dấu thánh xin ngự đến trong tâm hồn con, mỗi khi con cầu nguyện xin hãy biến đổi tâm hồn con, xin cho con giống Ngài trong lời nói việc làm, ước mong đời con nên dấu chỉ yêu thương của Ngài giữa đời. Con làm dấu hằng ngày, con làm dấu một đời, khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con. Ôi dấu thánh nhiệm mầu, dấu ấn tình yêu nhắc nhở con luôn hướng lòng lên Chúa. Con làm dấu hằng ngày, con làm dấu một đời, khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con. Ôi dấu thánh nhiệm mầu, dấu ấn tình yêu Chúa mãi ở trong con con ở trong Chúa. Bao lần con quên Chúa khi vô ý hay khi thờ ơ. Bao phen con ngại ngần lúc làm dấu tuyên xưng niềm tin. Đã có lúc yếu hèn, không làm dấu giữa đời, Ngài ơi giúp con bừng cháy niềm tin. Giữa hiểm nguy khốn khó con làm dấu xin ơn bình an, trong an vui ngập tràn con làm dấu hân hoan tạ ơn. Khi cô đơn thất vọng, khi mệt mỏi chán chường, Chúa ơi ở bên con nhé vì con đây luôn cần tới Ngài. Làm dấu Thánh Giá là lời tuyên xưng Đức Tin, tôn vinh Chúa Ba Ngôi của người Kitô hữu, là dấu chỉ phân biệt những người môn đệ của Chúa Giêsu và những người theo đạo khác. Mùa Phục Sinh kết thúc với đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Giáo hội nhìn lại chương trình cứu độ được Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử nhân loại và nhận ra rằng: nguồn ơn cứu độ chính là Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Vì thế, chúng ta hiểu tại sao ngày Chúa nhật mùa Thường niên tiếp ngay sau lễ Hiện Xuống, luôn luôn được Giáo hội mừng kính và suy niệm về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Giáo Hội là công trình của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Từ Ngài, Giáo Hội sinh ra; nhờ Ngài, Giáo Hội hoạt động; và hướng tới Ngài, Giáo Hội dấn bước. Chỉ một mình Thiên Chúa mới nắn đúc nên Giáo Hội theo lòng Ngài mong ước ( Thư Chung 2011, Số 19 ). Giáo hội được Chúa Cha tập hợp chung quanh Chúa Giêsu dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Là dân tộc lữ hành, Giáo hội phát xuất từ Chúa Cha, sẽ trở về với Chúa Cha, nhờ trung gian của Chúa Kitô, dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần. Chính từ mầu nhiệm Ba Ngôi mà Giáo hội được sinh ra và cũng từ Thiên Chúa mà Giáo hội lãnh nhận sứ mạng để tất cả nhân loại làm thành một Dân Thiên Chúa, tập họp thành Thân Thể Chúa Kitô, được xây dựng thành Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Giáo hội như là hình ảnh của mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thần Linh và Giáo hội là dấu chỉ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại ( x. GH1; GLCG số 772 ). Ba Ngôi là cội nguồn và là cùng đích của Giáo hội. Giáo hội là công trình của Ba Ngôi. Giáo hội nuôi sống con cái mình bằng thần lương Ba Ngôi ban tặng qua các Bí Tích. 1. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của Đức Tin Kitô giáo Đây là một mầu nhiệm thâm sâu nhất, cao cả nhất mà lý trí con người, ngay cả óc tưởng tượng của con người, cũng không thể nào thấu hiểu hay hình dung được. Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một vấn đề, càng không phải là một vấn đề toán học. Mầu nhiệm không phải là vấn đề hay bài toán: 3 là 3; 1 là 1. Không tính với bài toán nào mà 1 là 3 hay 3 thành 1 được. Thiên Chúa không phải là những con số. Không thể làm trò ảo thuật hay lý luận đưa ngón tay ba đốt hay hình tam giác mà ví von được. 7
  • 8. Vậy ai đã cho chúng ta biết mầu nhiệm này ? Chính Chúa Giêsu Kitô. Nếu Chúa không dạy bảo thì loài người không thể nào biết được. Cho tới trước khi Chúa Kitô đến, loài người không có một ý niệm nào. Dân Do thái, dân riêng của Chúa, cũng không biết gì về mầu nhiệm Ba Ngôi. Cựu Ước chỉ nói tới một Thiên Chúa duy nhất, tạo dựng và làm chủ vũ trụ. Chính Chúa Giêsu, trong đời sống công khai giảng dạy đã mạc khải dần dần. Ngài đã từng bước vén lên bức màn của mầu nhiệm Ba Ngôi. Ngài cho biết: Chúa Cha là Thiên Chúa, còn Ngài là Con Một của Chúa Cha. Ngài và Chúa Cha là một. Ngài ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài, cùng bản tính với Chúa Cha. Ngài cũng là Thiên Chúa. Ngài với Chúa Cha là một Thiên Chúa. Ngài cũng cho biết: Chúa Thánh Thần là Đấng mà Chúa Cha sai đến, cũng là Thiên Chúa. Như vậy, chỉ là một Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi riêng biệt nhau chứ không phải là ba Chúa. 2. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm Tình Yêu Tại sao Chúa Giêsu lại mạc khải cho chúng ta một mầu nhiệm quá cao siêu như thế ? Chắc chắn không phải là để thử thách thiện chí của con người, hoặc để xây lên bức tường chặn đứng suy luận và óc tưởng tượng của con người. Nhưng vì Chúa muốn chúng ta hiểu biết đời sống nội tại của Thiên Chúa, đó là tình yêu. Thiên Chúa là Tình yêu. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nói lên điều đó. Thiên Chúa là Tình yêu. Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là một công thức khác để nói về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Vì tình yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, ban cho con người được hạnh phúc như Chúa. Nhưng con người đã phạm tội phản nghịch đánh mất hạnh phúc. Thiên Chúa không từ bỏ con người. Ngài đã quyết định ban Con Một yêu dấu để cứu chuộc. Và vì yêu thương con người, Đức Kitô đã vâng lời Chúa Cha đến trần gian thực hiện sứ mệnh yêu thương đó. Và khi hoàn tất, Ngài về trời. Chúa Thánh Thần đến để tiếp tục công việc của Ngài, công việc yêu thương. Nhờ Chúa Thánh Thần, tình yêu của Thiên Chúa tiếp tục được bày tỏ mãi cho tới chúng ta hôm nay và mãi về sau nữa. Vì thế, khi mừng kính mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội không chỉ nhắc nhở chúng ta xác tín lại tín điều quan trọng này, nhưng còn mời gọi chúng ta hãy sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, là sống yêu thương và hiệp nhất. Như tình yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa đã trào tràn trên mọi thụ tạo, thì tình yêu thương của người Kitô hữu cũng vậy, phải mở ra cho hết mọi người. Sống yêu thương là cách diễn tả đúng và đầy đủ ý nghĩa cuộc sống làm người và làm con Chúa; đồng thời cũng diễn tả cuộc sống của Chúa Ba Ngôi: yêu thương và hiệp nhất. 3. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm gần gũi nhất trong đời sống đạo Mầu nhiệm Ba Ngôi thật cao cả và cũng thật gần gũi. Thánh Augustinô đã nói: “Nếu bạn thấy tình yêu, bạn sẽ thấy Chúa Ba Ngôi”. Tình yêu gắn liền với đời sống con người. Chúng ta có thấy tình yêu không, và thấy như thế nào ? Tình yêu được nhìn thấy qua những hành vi yêu thương. - Yêu thương là ban tặng: khi yêu người ta trái tim của mình cho người yêu. Yêu thương sâu đậm là cho đi điều quý báu nhất cho người mình yêu, như trường hợp của Chúa Cha mà Chúa Giêsu nói tới trong Tin Mừng theo Thánh Gioan: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian” ( Ga 3, 16 ). Hay chính trường hợp của Chúa Giêsu: “Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người dám thí mạng sống vì bạn hữu” ( Ga 15, 13 ). Yêu thương là cho đi chính mình, là tự hiến chính mình. Vợ chồng yêu thương nhau, dâng hiến bản thân cho nhau, kể cả thân xác mà không chút e dè, trái lại còn hạnh phúc nữa. Cha mẹ và con cái yêu thương nhau có thể hy sinh mạng sống mình cho nhau. - Yêu thương là chia sẻ: yêu nhiều, người ta chia sẻ cho nhau nhiều, yêu nhau hết mức thì người ta chia sẻ cho nhau tất cả. Vợ chồng yêu nhau chia sẻ cho nhau tất cả, từ của cải vật chất đến gia sản tinh thần, đến cả tình gia đình. Ông bà cha mẹ của chồng trở thành ông bà cha mẹ của vợ và ngược lại. Trong Thiên Chúa cũng thế, Ba Ngôi Thiên Chúa chia sẻ cùng một sự sống thần linh. Và chính sự sống thần linh duy nhất làm cho Ba Ngôi là một. Chúa Cha đã sai Chúa Con mang sự sống thần linh ấy xuống trần gian chia sẻ cho nhân loại. Sự sống ấy là Bánh bởi Trời mà chúng ta nhận lãnh trong Bí Tích Thánh Thể. 8
  • 9. - Yêu nhau là đón nhận nhau. Đón nhận tình yêu và ý muốn của người mình yêu, đón nhận tất cả, đón nhận chính bản thân của người yêu. Người được yêu có vị trí quan trọng trong trái tim của người yêu. Suy nghĩ về tình yêu giữa Chúa Con và Chúa Cha, chúng ta sẽ thấy ở trần gian này, không có sự đón nhận nào trọn vẹn như thế. Chúa Con đón nhận tất cả từ Chúa Cha: giáo lý, ý muốn, lời nói, hành động. Chúa Con đón nhận chính bản thân Chúa Cha làm bản thân của mình, vì vậy mà đồng bản thể với Chúa Cha. - Yêu nhau còn là gắn bó với nhau. Càng yêu nhau càng gắn bó mật thiết đến nỗi là một với nhau. Hai vợ chồng yêu nhau ở mức độ cao nhất thì trở nên một: một xương thịt, một thân mình. Bấy giờ tình yêu vợ chồng không những là dấu chỉ hữu hình của tình yêu Chúa Giêsu đối với Giáo Hội, mà còn là dấu chỉ của tình yêu Ba Ngôi. Ba Ngôi gắn bó với nhau đến nỗi là Một với nhau. Và chỉ có một Thiên Chúa mà thôi, Thiên Chúa là Tình Yêu nguồn suối, mẫu mực cho mọi tình yêu của con người ( Tgm. Phaolô Bùi Văn Đọc ). Hôm nay chúng ta mừng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Gọi là mầu nhiệm vì đó là điều vượt quá trí hiểu của loài người. Tuy không thể hiểu thấu mầu nhiệm đó, nhưng may thay qua Chúa Giêsu, chúng ta thấy được biểu hiện của mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm của tình yêu. Chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương. Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng tội lỗi làm cho chúng ta xa lìa tình yêu của Chúa. Sự ghen ghét hận thù làm cho khuôn mặt chúng ta lem luốc méo mó, không còn giống khuôn mặt Thiên Chúa. Hôm nay ta hãy biết sống theo khuôn mẫu của Chúa Ba Ngôi. Biết sống hiệp nhất với nhau. Biết dâng hiến bản thân mình, biết cho đi, biết chia sẻ, biết sống chan hoà tình bác ái. Để thực hiện những điều ấy, ta phải biết bỏ mình, bỏ sở thích riêng, bỏ của cải và nhất là phải biết bỏ ý riêng, hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa. Khi biết bỏ mình như thế, ta sẽ nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Khi hoàn toàn quên mình để sống cho tình yêu ta sẽ được kết hiệp với tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là hạnh phúc thiên đàng. Đó chính là đích điểm của đời chúng ta. Trước khi dùng cơm, phần lớn trong chúng ta đều làm dấu thánh giá và đọc nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Khi đọc kinh trong nhà thờ hay tại nhà, chúng ta đều bắt đầu bằng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Có những người có thói quen tốt là trước khi làm bất cứ việc gì, họ đều làm dấu thánh giá. Qua đài truyền hình, thỉnh thoảng chúng ta thấy, có những cầu thủ bóng đá quốc tế làm dấu Thánh Giá sau khi đá lọt lưới đối phương, hoặc trước khi đá phạt đền. Làm dấu trên trán, chúng ta tuyên xưng Chúa Cha là Đấng tạo dựng trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Làm dấu trên ngực, chúng ta tuyên Chúa Con là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã từ trời xuống thế nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người. Làm dấu trên hai vai chúng ta tuyên xưng Chúa Thánh Thần là Chúa và Đấng ban sự sống, Người bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Dấu chữ thập mà chúng ta làm chỉ Thánh Giá của Chúa Giêsu, nơi mạc khải trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đối với nhân loại. Dấu Thánh Giá là lời tuyên xưng Đức Tin vắn tắt nhất của người Kitô hữu, là dấu chỉ phân biệt những người môn đệ của Chúa Giêsu và những người theo đạo khác. Lời kinh nhân danh Cha và Con và Thánh Thần tóm tắt Đức Tin mà chúng ta đã nhận lãnh khi chịu phép rửa tội, mà nội dung là ba điều khoản lớn của Đức Tin công giáo, điều khoản thứ nhất tuyên xưng Chúa Cha, điều khoản thứ hai tuyên xưng Chúa Con, điều khoản thứ ba tuyên xưng Chúa Thánh Thần và Hội Thánh. Dấu Thánh Giá là một công thức ngắn gọn nhất, nhưng lại đầy đủ nhất về Đức Tin vào Một Thiên Chúa Ba Ngôi. Như vậy cách thực tế và đơn giản nhất để tôn vinh Chúa Ba Ngôi là chúng ta hãy làm dấu Thánh Giá cách sốt sắng và ý thức, với tất cả lòng yêu mến và kính trọng. Lạy Chúa, khi làm dấu Thánh Giá, xin cho con biết khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con. Ôi dấu thánh nhiệm mầu, dấu ấn tình yêu, Chúa mãi ở trong con, con ở trong Chúa. Amen. Lm. Giuse NGUYỄN HỮU AN 9
  • 10. SỐNG YÊU THƯƠNG THEO KHUÔN MẪU CHÚA BA NGÔI Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm quan trọng nhất trong các mầu nhiệm của Đạo Công Giáo. Bởi vì mầu nhiệm này là mẹ sinh ra các mầu nhiệm khác, nói cách khác, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm nguồn của mọi mầu nhiệm. Khi nói đến mầu nhiệm, người ta cảm thấy không thể lý giải được theo sự hiểu biết tự nhiên, vì thế, nó đã trở nên rào cản và cớ vấp ngã cho những ai mong thỏa mãn sự hiếu tri và đang cố gắng đi tìm cho được lời giả đáp “Ba Ngôi Một Chúa”; hay “Một Chúa Ba Ngôi”. Nhưng với những người có niềm tin, qua ánh sáng mặc khải soi chiếu, và luôn khao khát đi tìm ý nghĩa của nó, thì mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không xa lạ, nhưng lại rất gần gũi, mặc dù cao siêu và vượt quá sức tưởng của con người. Qua mầu nhiệm này, chúng ta khám phá được sự hiệp nhất, yêu thương nơi Thiên Chúa, và mỗi lần Giáo Hội cử hành mầu nhiệm này, Giáo Hội luôn mời gọi con cái mình yêu thương nhau theo khuôn mẫu của Ba Ngôi Thiên Chúa để được cứu độ. 1. Bản chất Thiên Chúa là “Tình Yêu” Khi nhắc đến Thiên Chúa, hẳn mỗi chúng ta đều có một định nghĩa riêng về Người, tuy nhiên, thánh Gioan đã cho chúng ta biết một mặc khải rất quan trọng khi nói về Thiên Chúa, đó là: “Thiên Chúa là tình yêu” ( 1Ga 4, 8 ). Khi nói đến tình yêu, chúng ta ai cũng hiểu rằng tình yêu thì không “đơn phương độc mã”, không ích kỷ cũng chẳng bon chen; không quy chiếu về mình mà luôn hướng tha. Muốn có được tình yêu, ắt phải đón nhận. Khi có cả hai chiều cho và nhận, thì tình yêu mới thực sự triển nở và ý nghĩa. Như vậy, tình yêu phải có điểm xuất phát, điểm hội tụ và mức độ lan tỏa. Khi diễn tả ý tưởng trên, Thánh Âutinh đã ví: “Nguồn mạch chính là Chúa Cha, Người chính là điểm xuất phát tình yêu; Chúa Con chính là điểm hội tụ, là điểm quy chiếu của tình yêu; và Chúa Thánh Thần là sự liên lạc hai chiều, là mối dây liên kết của tình yêu và làm cho tình yêu được tỏa sáng”. Trong lối diễn tả của Thánh Âutinh cho thấy tình yêu được khởi đi từ Thiên Chúa Cha, đến với Chúa Con và qua Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa Cha vì yêu nên đã trao ban tất cả, ngay cả Người Con duy nhất của mình cho nhân loại. Chúa Con đã hoàn toàn vâng phục Chúa Cha trọn vẹn đến nỗi bằng lòng chết trên thập giá để thực hiện ý định yêu thương của Chúa Cha cho nhân loại. Chúa Thánh Thần là mối dây liên lạc, thông hiệp giữa Chúa Cha và Chúa Con nhờ tình yêu. Như vậy, tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu hướng ra để làm cho lan tỏa. Thiên Chúa không để dành tình yêu cho chính mình, cho riêng Cha, Con và Thánh Thần, nhưng chính là cho chúng ta, những tạo vật được dựng nên theo hình ảnh của Người, bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu” ( 1Ga 4, 8 ); "... nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” ( Xh 34, 6 ). Như vậy, Thiên Chúa là tình yêu. 2. Thiên Chúa “yêu” đến cùng Tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện qua hành vi tự hiến của Thiên Chúa Cha: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một...” ( Ga 3, 16a ). Từ “đến nỗi” ở đây cho thấy Thiên Chúa yêu đến tột cùng, yêu “đến nỗi” không còn gì để diễn tả, để trao ban hơn được nữa, vì thế chỉ còn cách duy nhất là trao ban chính Con của mình đến để diễn tả tình yêu cho nhân loại bằng chính cái chết mà thôi. Tại sao Thiên Chúa lại trao ban Con Một ? Thưa “...để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” ( Ga 3, 16b ). Như vậy, Tình yêu chân chính là mong sao người mình yêu được hạnh phúc hơn cả bản thân mình. Thật vậy, Thiên Chúa yêu thế gian cách tuyệt đối và mong sao cho chúng ta được hưởng niềm hạnh phúc tuyệt đối là được vào ở trong tình yêu của Thiên Chúa. Bởi vì: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” ( Ga 3,17 ). 3. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi mời gọi ta sống yêu thương Qua mầu nhiệm yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi, mỗi người chúng ta được mời gọi sống yêu thương, hiệp nhất như Thiên Chúa là tình yêu. Không yêu thương nhau, chúng ta vẫn mãi là người xa lạ với mầu nhiệm này, bởi vì mầu nhiệm này là mầu nhiệm tình yêu, muốn hiểu được thì phải yêu. 10
  • 11. Nói như Thánh Gioan: “Thiên Chúa là tình yêu” ( 1Ga 4, 8 ), nên “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa” ( 1Ga 4, 8 ). Vì thế, trong đời sống gia đình, mỗi người hãy yêu thương nhau. Chồng phải yêu thương vợ như Đức Kitô yêu thương Hội Thánh, và như Hội Thánh phục tùng Đức Kitô thế nào, thì người vợ cũng phục tùng chồng mình trong mọi sự như vậy. Sự xuất hiện của người con trong đời sống hôn nhân chính là kết quả của tình yêu giữa vợ và chồng, vì thế, như một điều kiện cần để được hạnh phúc, con cái hãy yêu mến cha mẹ mình và tỏ lòng thảo hiếu với cha mẹ để đáng được hưởng sự chúc lành của Thiên Chúa. Tình yêu ấy lại không chỉ dừng lại với chính người thân của mình, mà còn phải hướng ra xa, rộng lớn hơn tới hết mọi người, kể cả yêu kẻ thù của mình nữa. Như vậy, để tình yêu có giá trị, cần phải có sự hy sinh, quên mình và phục vụ lẫn nhau. Yêu nhau mà không chấp nhận hy sinh, gian khổ vì nhau và với nhau, thì chưa phải là tình yêu thật sự. Khi yêu như thế, tình yêu của vợ chồng và con cái cũng như với tha nhân đang phỏng chiếu tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống thực tại của mình. Muốn giữ được tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa nơi mình, người kitô hữu phải luôn ý thức mình thuộc về Thiên Chúa, khi thuộc về Người, thì ta cũng sẽ trở nên những người có: “... lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau” ( Cl 3,12 – 13 ). Mong sao, mỗi khi chúng ta đặt tay lên trán, trên ngực và ngang vai, để tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, thì cũng là lúc chúng ta nhớ đến bản chất của mầu nhiệm này là tình yêu; đồng thời, chúng ta cũng xin Chúa ban cho chúng ta được sống trong tình yêu đó của Thiên Chúa để “... đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần” ( 2 Cr 13, 13 ), hầu chúng ta cùng mạnh dạn tuyên xưng: “Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen”. Tu Sĩ Jos. Vinc. NGỌC BIỂN TRAO BAN TẤT CẢ VÌ YÊU THƯƠNG Kinh Thánh ( St 22, 1 – 18 ) cho biết: Sau nhiều tháng năm chờ đợi mỏi mòn, mãi cho đến trăm tuổi, cụ Ápraham mới được diễm phúc sinh đứa con nối dõi tông đường. Ixaác chào đời đem lại niềm vui chan hoà cho cụ Ápraham. Ixaác là lẽ sống, là cây gậy chống đỡ tuổi già, là tương lai cho giống nòi và là tất cả của cụ già trăm tuổi. Thế mà Thiên Chúa truyền cho cụ phải sát tế đứa con yêu để tế lễ cho Ngài. Trời đất như quay cuồng sụp đổ khi cụ Ápraham nghe lệnh truyền của Thiên Chúa. Phải ở trong hoàn cảnh của cụ già trăm tuổi như Ápraham mới cảm nhận thấm thía nỗi đau thương và mất mát vô cùng lớn lao của một người cha phải sát tế đứa con một rất đỗi yêu quý của mình. Nếu không vì tình thương lớn lao đối với Thiên Chúa, cụ Ápraham không thể nào thực hiện được sự hiến dâng đau lòng đó. Cụ Ápraham sẵn sàng hy sinh tất cả vì Thiên Chúa là Đấng mà cụ thần phục và mến yêu. Nhưng Thiên Chúa chỉ thử lòng cụ Ápraham thôi. Ngài không nỡ để cho một người cha phải gánh chịu nỗi đau thương lớn lao đến thế. Trích đoạn Tin Mừng hôm nay cũng đề cập đến một người cha khác đã thực hiện một sự trao ban triệu lần cao cả hơn. Vì quá yêu thương nhân loại lỗi lầm, vì không muốn cho muôn người phải lâm vào cảnh đau khổ trầm luân vì tội lỗi ngút ngàn của họ, Thiên Chúa Cha đã trao ban Con Một vô cùng yêu quý của Ngài, để Con của Ngài chết thay cho nhân loại, để cho những ai tin vào Con Ngài thì được cứu sống và được sống muôn đời: 11
  • 12. "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ" ( Ga 3, 16 – 17 ). Xưa kia, Thiên Chúa không nỡ để cho Ixaác phải chết dưới lưỡi dao run rẩy của cụ Ápraham, không để cho thân xác của Ixaác phải chịu thiêu đốt trên bàn thờ để làm hy lễ cho Ngài, nhưng đã đến một thời, Thiên Chúa Cha lại để cho Con Một Ngài, là Ngôi Hai Thiên Chúa, phải chịu đóng đinh, chịu quằn quại đau thương và chịu chết trên thập giá để đền cho hết tội lỗi chúng ta và ban lại cho chúng ta sự sống đời đời. Tôi tớ thấp hèn liều mình chết thay cho chủ nhân quyền quý, dân đen cùng khốn chết cho hàng vua chúa cao sang hay con chó trung thành liều chết để cứu mạng chủ cũng còn là điều dễ hiểu. Đằng này Ngôi Hai Thiên Chúa là Chúa Tể đất trời lại hiến thân chết thay cho loài người hèn mọn thì quả là điều vượt quá trí tưởng tượng con người. "Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hiến mạng vì bạn hữu mình" ( Ga 15, 13 ), và không có tình yêu nào sánh ví được với tình yêu khôn vời của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Khi được người khác biếu tặng một món quà, ai trong chúng ta cũng đều nhớ ơn ân nhân và tìm cách đền đáp lại bằng món quà tương xứng. Khi được Chúa Trời cao cả ban tặng chính Con Một Ngài để cứu mạng cho chúng ta, khi được Chúa Giêsu hiến thân chịu chết để cứu ta khỏi chết muôn đời, có bao giờ chúng ta nghĩ đến việc đền đáp công ơn cao dày đó ? Để đền đáp phần nào tình thương trời bể của Thiên Chúa Cha, Đấng đã trao ban Con Một mình cho nhân loại, để đền đáp sinh mạng của Chúa Giêsu đã trao hiến cho bạn và cho tôi, chúng ta hãy dâng cho Ngài một hiến lễ tương tự, dù vạn lần nhỏ bé hơn. Đó là "hiến dâng thân mình chúng ta làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa" ( Rm 12, 1 ). Đó cũng là nguyện ước của chân phước Anrê Phú Yên hôm xưa: "đem cuộc sống báo đền cuộc sống; lấy tình yêu đáp trả tình yêu". Lm. Inhatiô TRẦN NGÀ NHÂN DANH CHA, VÀ CON, VÀ THÁNH THẦN Sau Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Phụng Vụ Giáo Hội mời gọi chúng ta long trọng cử hành Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi rất Thánh, giúp chúng ta nhận biết và tôn thờ Một Thiên Chúa trong Ba Ngôi tuy riêng biệt nhưng cùng một bản thể và uy quyền bằng nhau. Chúa Cha là Thiên Chúa độc nhất. Chúa Con sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời. Chúa Thánh Thần phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con tự đời đời như một Nguyên lý duy nhất, Ba Ngôi nhưng là Một Thiên Chúa. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần hòa quyện vào nhau một cách hoàn hảo trong Tình Yêu và hành động, cùng tác động trên thế giới. Đây là Một trong những mầu nhiệm cao cả nhất của Đức Tin chúng ta. Mục đích của Giáo Hội muốn rằng, sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống chúng ta phải đi loan báo Thiên Chúa thật cho mọi người, không kể là Do Thái hay dân ngoại, cho họ biết Thiên Chúa chúng ta là Thiên Chúa Ba Ngôi hiệp nhất trong Tình Yêu và ca lên: “Chúc tụng Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, vì Người hằng thương xót chúng ta” ( Ca nhập lễ ). Một trong những mầu nhiệm người tín hữu phải tin cho được rỗi linh hồn là mầu nhiệm Một Đức Chúa Trời có Ba Ngôi. Nhưng làm sao chúng ta có thể diễn tả hay thấu hiểu về Thiên Chúa Ba Ngôi này. Ai có thể giúp ta thấy được khuôn mặt thực của Thiên Chúa? Ai sẽ chỉ cho ta con đường để gặp gỡ Ngài? Tự sức trí khôn con người là không thể. Phải nại đến Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, qua Ngài mầu nhiệm Thiên Chúa được vén mở, nhờ Người mà chúng ta biết có một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị là Cha, Con và Thánh Thần. Thánh Augustinô viết: “Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được”. Đúng, Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vĩ đại, sâu thẳm, chúng ta không thể nào diễn tả được. Trí tuệ và miệng lưỡi con người không tài nào giải thích được những mối tương quan giữa Chúa 12
  • 13. Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; tuy nhiên các Giáo Phụ đã tìm cách diễn tả nội dung chính yếu này và một trong những cách đó là Dấu Thánh Giá: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Thường ngày, chúng ta làm Dấu Thánh Giá rất nhiều lần, khởi đầu ngày mới cho đến khi đi ngủ, bước vào nhà thờ cho đến lúc nhận lãnh phép lành, trước và sau khi ăn, khi đi ngang qua Thánh Giá, vườn thánh, trước cơn cám dỗ nguy hiểm… Như vậy, Dấu Thánh Giá bao trùm toàn thể xác và linh hồn; tất cả con người ta được thánh hiến nhân danh Một Chúa Ba Ngôi. Vì thế, Dấu Thánh Giá gói ghém lời tuyên xưng Đức Tin và nền tảng cầu nguyện của chúng ta. Dấu Thánh Giá là dấu của người tin theo Công Giáo Đức Giêsu đến trần gian nhằm cứu chuộc chúng ta, Người đã chết trên Thánh Giá để trao ban sự sống cho chúng ta. Chính nhờ hy tế của Người trên Thánh Giá mà chúng ta là những người “kitô hữu”, nghĩa là thuộc về Đức Kitô. Dấu Thánh Giá là dấu chỉ người kitô hữu. Chính nhờ dấu này mà chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, đã đến thế gian để cứu chuộc chúng ta. Trong năm Phụng Vụ, có hai thời điểm giúp người kitô hữu ý thức về giá trị của Dấu Thánh Giá. - Mùa Phục Sinh chỉ cho ra rằng chúng ta được cứu chuộc nhờ cây Thánh Giá. - Lễ Chúa Ba Ngôi, giúp chúng ta tuyên xưng Một Chúa Ba Ngôi. Dấu Thánh Giá là dấu của người chịu phép Rửa tội, người thuộc về Chúa. Khi chịu phép Rửa tội, chúng ta được “vẽ” và “ghi” dấu Thánh Giá. Dấu này bề ngoài không thể thấy được, nhưng in trong tâm hồn người kitô hữu. Đồng thời cũng là hành động Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến. Hành động Đức Tin Dấu Thánh Giá tóm lược Ba Mầu Nhiệm Cả trong đạo Công Giáo. 1. Chúng ta vẽ Dấu Thánh Giá trên mình, vì Chúa Giêsu đã mặc lấy thân xác người phàm đến để cứu chuộc ta. Đây là mầu nhiệm Nhập Thể. 2. Dấu Thánh Giá nhắc lại rằng Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã chết trên Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta. Đây là mầu nhiệm Cứu Chuộc. Thánh Giá là chiến thắng của Đức Giêsu trên sự dữ và ma quỉ. Chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa nhờ hy tế của Chúa Giêsu trên Thánh. 3. Dấu mà chúng ta vẽ trên mình kèm theo lời đọc: “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”. Chúng ta khẳng định mầu định Thiên Chúa Ba Ngôi. Hiểu như thế sẽ giúp chúng ta làm dấu Thánh giá nghiêm túc hơn. Hành động của Đức Cậy Niềm hy vọng của chúng ta là về Trời như các thánh đã ái mộ những sự trên Trời. Chính vì Đức Giêsu đã đến trần gian để cứu độ chúng ta, nên chúng ta có thể về Trời. Khi vẽ trên mình Dấu Thánh Giá, chúng ta nhớ đến cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá để cứu chúng ta, Ngài đã mở cửa Trời cho chúng ta. Vậy, chúng ta khẳng định với nhau rằng, cuộc sống lữ hành của chúng ta là đi về Trời nơi chúng ta hy vọng sẽ tới sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế. Hành động Đức Mến Thánh Giá gốm hai thanh gỗ ngang và dọc. Thanh dọc trình bầy tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa, thanh ngang diễn tả tình yêu của chúng ta đối với “tha nhân”. Cần phải ghi nhận rằng khi được đưa lên khỏi đất, thanh dọc của cây Thánh Giá đỡ lấy thanh ngang: ngụ ý nói rằng tình yêu của chúng ta đối với tha nhân được “nâng đỡ” bởi tình yêu Thiên Chúa. Nếu thanh dọc của cây Thánh Giá thiếu ( tình yêu Thiên Chúa ), thanh ngang bị bỏ nằm trên đất, không thể đưa lên khỏi đất. Ý muốn nói, trong hành động của đức Ái: “yêu tha nhân là yêu chính Chúa”. Nhưng nếu có thanh dọc mà không có thanh ngang, ( yêu tha nhân ), hỏi rằng có còn là cây Thánh Giá nữa hay không ? Hai điều cần thiết: là mến Chúa và yêu người”. Mỗi ngày chúng ta làm dấu trên mình nhiều lần: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Ước gì chúng ta cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa Tình Yêu trong cuộc đời ta, để chúng ta không ngừng kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Amen. Lm. Antôn NGUYỄN VĂN ĐỘ 13
  • 14. SỰ NGOAN NGOÃN CỦA ÊLIA VÀ BÀ GOÁ Xin cùng đọc lại bài trích sách Các Vua quyển thứ nhất ( 1 V 17, 7 – 16 ) “Hồi đó, chỗ ông Êlia ẩn mình, suối cạn khô, vì trong xứ không có mưa. Bấy giờ có lời Đức Chúa phán bảo ông: “Ngươi hãy đứng dậy đi Xarépta, thuộc Xiđôn, và ở lại đấy. Này Ta truyền cho một bà goá ở đó nuôi ngươi.” Ông liền đứng dậy đi Xarépta. Khi đến cổng thành, ông thấy có một bà goá đang lượm củi. Ông gọi bà ấy và nói: “Bà làm ơn đem bình lấy cho tôi chút nước để tôi uống.” Bà ấy liền đi lấy nước. Ông gọi bà và nói: “Bà làm ơn lấy cho tôi miếng bánh nữa !” Bà trả lời: “Có Đức Chúa, Thiên Chúa hằng sống của ông, tôi thề là tôi không có bánh. Tôi chỉ còn nắm bột trong hũ và chút dầu trong vò. Tôi đang đi lượm vài thanh củi, rồi về nhà nấu nướng cho tôi và con tôi. Chúng tôi sẽ ăn rồi chết.” Ông Êlia nói với bà: “Bà đừng sợ, cứ về làm như bà vừa nói. Nhưng trước tiên, bà hãy lấy những thứ đó mà làm cho tôi một chiếc bánh nhỏ, và đem ra cho tôi, rồi sau đó bà sẽ làm cho bà và con bà. Vì Đức Chúa, Thiên Chúa của Ítraen phán thế này: “Hũ bột sẽ không vơi, vò dầu sẽ chẳng cạn, cho đến ngày Đức Chúa đổ mưa xuống trên mặt đất.” Bà ấy đi và làm như ông Êlia nói; thế là bà ấy cùng với ông Êlia và con bà có đủ ăn lâu ngày. Hũ bột đã không vơi, vò dầu đã chẳng cạn, đúng như lời Đức Chúa đã dùng ông Êlia mà phán...” Trong thời đại vốn đang tôn vinh chủ nghĩa lý trí và lý lẽ như hiện nay, Chúa lại cho xuất hiện một vị Giáo Hoàng luôn khuyên dạy đoàn chiên của mình là "hãy ngoan ngoãn với Thần Khí", một sự ngoan ngoãn mà theo thế gian chắc chắn là điều gì đó ngớ ngẩn và thậm chí là điên rồ. Bởi lẽ, đã sống và đã là người trưởng thành thì phải có lập trường và có lý lẽ của mình, mỗi người một vẻ, và vì thế, người ta tự cho mình cái quyền nghe theo sự mách bảo của lý lẽ nhiều hơn là "ngoan ngoãn" hay "tuân phục" Chúa Thánh Thần như cách thế mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong các bài giảng của Ngài gần đây thường đề cập đến. Ngoan ngoãn hay tuân phục trước một ai đó nghĩa là đặt toàn bộ ý muốn và cả căn tính của mình nơi ý muốn và căn tính của người ấy. Một đứa trẻ, khi nó ngoan ngoãn trước cha mẹ thì đó cũng là lúc mọi chọn lựa của nó đều hoàn toàn tuỳ thuộc vào chọn lựa và ý muốn của cha mẹ nó, nhưng với những người khác thì không thể có được đặc quyền này. Như vậy, trong mối tương quan giữa ta và Chúa, nhất là Chúa Thánh Thần, thái độ cần có duy nhất của ta là sự tuân phục ý muốn của Ngài. Chính Chúa Giêsu cũng đã chọn việc tuân phục ý muốn của Chúa Cha trở thành lương thực của Ngài ( x. Ga 4, 34 ). Thế nhưng, điều khó nhất là bởi chúng ta là những con người vốn được ban tặng cho sự tự do để sống và Thiên Chúa lại không can thiệp vào sự tự do cao quý này, và vì thế, sự ngoan ngoãn tưởng chừng như dễ thực hiện và đơn giản, hoá ra lại trở nên vô cùng khó khăn đối với mỗi người trưởng thành. Bởi lẽ, chúng ta khi bắt đầu biết dùng sự tự do của mình, thì cũng là lúc ta cảm thấy quá khó để vâng phục cha mẹ là những người trước đây khi còn đơn sơ ta vẫn hoàn toàn ngoan ngoãn, huống chi đến một Thiên Chúa vô hình, vốn là "gió" mà "gió muốn thổi đâu thì thổi" ( Ga 3, 8 ). Cái khó để tuân phục "Thần Khí Thiên Chúa" mà chúng ta phải đối diện, đó chính là một não trạng vốn đã bị lập trình và địa phương hoá hoàn toàn cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, và môi trường sống của mỗi người. Sự tự do cá nhân kèm theo những điều bị lập trình trở thành một sự ngáng trở vô cùng lớn lao cho những ai muốn hoàn toàn vâng theo ý muốn của Thiên Chúa. Mặt khác, vì "Thần Khí" cũng là "gió muốn thổi đâu thì thổi" xem ra có vẻ đầy cảm hứng, vô tổ chức, thiếu định hướng, không chắc chắn, lại càng làm cho ta cảm thấy khó hơn nữa để phân định và phán đoán. Bởi sự tự do thánh này vô hình chung dễ làm cho chúng ta đồng hoá với tính nổi loạn và vô kỷ luật đang hiện hữu ở nơi mình, thế nên đó không phải là chuyện một sớm một chiều có thể chấp nhận và hiểu được, mà cần phải có quá trình và thời gian sống quen với Ngài. Tiên Tri Êlia là một mẫu gương cho chúng ta trong mối quan hệ thân tình này. Ta thấy, ông nhận ra được tiếng Chúa phán với ông như thể hai con người thân thiết diện đối diện trò chuyện vậy, trong 14 CÙNG NGHIỆM SINH
  • 15. khi Ngài hoàn toàn vô hình. Lẽ dĩ nhiên, để ông có thể trở nên rất bén nhạy trước tiếng Chúa thì hẳn ông phải có một quá trình sống mật thiết với Ngài ngang qua mọi biến cố và hoàn cảnh của cuộc sống mỗi ngày, và nhất là nên một với Ngài trong cầu nguyện. Cuộc sống của mỗi người chúng ta cũng thế, có lúc vui, lúc buồn, có lúc huy hoàng rực rỡ, có lúc tối tăm ê chề... những điều ấy phải xảy đến để ta được học biết bài học vâng phục Thiên Chúa, bởi giữa những bấp bênh và thiếu chắc chắn của cuộc sống, ta luôn khao khát một sự an toàn và bình ổn; song càng lớn lên thì ta càng thấy nơi cuộc sống một sự thật là: không có một sự an toàn và bình ổn tuyệt đối ngoài Thiên Chúa. Nghĩa là người ta có thể mất mạng, gặp tai hoạ, bệnh hoạn, thất bại, thương vong... bất cứ lúc nào, ngay cả trong những lúc ta tưởng là đã tuyệt đối an toàn. Do vậy, một người thật sự khôn ngoan là người biết nhận ra sự thật ấy và từ đó đi đến một thái độ sống khác trong mối tương quan với Thiên Chúa, thái độ phó thác và vâng phục hoàn toàn. Tuy nhiên, sự vâng phục hoàn toàn ấy không đảm bảo cho ta một sự bình an tuyệt đối theo kiểu thế gian, bởi bình an của thế gian thì khác với sự bình an của Thiên Chúa ( x. Ga 14, 27 ), mà có khi vẫn gặp phải những sự bất trắc bên ngoài như ta thấy trong câu chuyện của ông Êlia và bà goá ở trên. Nơi ông Êlia ẩn mình – một nơi Thiên Chúa trước đó đã sai ông đến trú ngụ – thì nay suối lại cạn khô vì trong xứ không có mưa. Trong hoàn cảnh ấy, ông lại nghe tiếng Chúa bảo ông đi đến Xarépta để được một bà goá nuôi như lời Chúa phán hứa. Tới nơi, tưởng mọi sự êm xuôi, ai ngờ đâu chính bà goá này cũng không có đủ bột để làm cho ông một chiếc bánh, mà chỉ còn đủ để cho hai mẹ con bà ăn xong rồi chết như lời bà này nói. Lại là sự bấp bênh và thiếu chắc chắn. Bản thân bà goá, với lòng hiếu khách ban đầu, cho ông uống nước và tưởng là chỉ dừng lại ở đó là đã thuận ý Chúa, nào ngờ, Chúa lại đòi nhiều hơn, đến tận nắm bột sau cùng. Nhìn vào sự vâng phục hoàn toàn của Chúa Giêsu ta cũng đã thấy, sự vâng phục ấy không miễn trừ cho Ngài khỏi những tai hoạ và những sự ghét bỏ của những giới chức tôn giáo thời bấy giờ, mà trái lại, dẫn Ngài đến cái chết và chết trên thập giá ( x. Pl 2, 8 ). Chính vì lẽ đó mà Ngài được Thiên Chúa Cha ban tặng cho Ngài một danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu ( x. Pl 2, 9 ). Cũng vậy, nhờ vâng phục hoàn toàn mà ông Êlia và bà goá có bánh đủ ăn lâu ngày, hũ bột thì không vơi và dầu không cạn. Chúng ta cũng cần có thái độ vâng phục và ngoan ngoãn như thế trước Thánh Ý của Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta. Nhiều khi, ta thấy mình bỗng trở nên bị Chúa đòi quá mức, như thể không còn gì để đòi, như thể là người vô công rồi nghề, như thể là người vô dụng, như thể là người hiếm muộn, như thể là người bất hạnh và bị bỏ rơi nhất thế gian này... và ta nghĩ "Chúa đã trừng phạt và đã bỏ rơi tôi", và rồi ta thất vọng, buồn chán, vùng vẫy... Thế nhưng thái độ khôn ngoan cần có nhất là, đọc được ý Ngài ngang qua những trái khoáy này trong cuộc sống của ta, hãy can đảm đối thoại với Chúa như cách thế bà goá đã đối thoại với Êlia, và sau cùng là hãy vâng phục Ngài. Chắc chắn, sự vâng phục ấy sẽ được ân thưởng xứng đáng hơn mức ta có thể tưởng tượng và dám cầu xin. Vậy chúng ta hãy xin Chúa thương ban cho chúng ta ơn biết ngoan ngoãn và vâng phục trước Chúa Thánh Thần để Ngài hoạt động trong ta và hướng dẫn cuộc sống của ta theo cách thế và đường lối mà Ngài muốn. Joseph C. PHAM DUY TRÌ TÂM LINH Tâm linh là lĩnh vực Đức Tin, cần phải trau dồi không ngừng. Nhưng làm sao để có thể trưởng thành tâm linh trong suốt hành trình Đức Tin ? Thánh Phêrô đưa ra 8 “cột trụ” để các Kitô hữu khả dĩ duy trì Đức Tin một cách hiệu quả: “Anh em hãy đem tất cả nhiệt tình, làm sao để khi đã có lòng tin thì có thêm đức độ, có đức độ lại thêm hiểu biết, có hiểu biết lại thêm tiết độ, có tiết độ lại thêm kiên nhẫn, có kiên nhẫn lại thêm đạo đức, có đạo đức lại thêm tình huynh đệ, có tình huynh đệ lại thêm bác ái” ( 2 Pr 1, 5 – 7 ). 15 CÙNG NHẬN ĐỊNH
  • 16. 1. NHIỆT TÌNH: Trong mọi điều chúng ta làm, chúng ta phải làm bằng cả nhiệt tình của tình yêu thương. Tiếp tục phát triển trong lĩnh vực này, chúng ta sẽ trưởng thành và vững bước theo Chúa, dù có thể gặp chống đối hoặc thất bại, như tác giả Thánh Vịnh tâm sự: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà con phải thiệt thân” ( Tv 69, 10 ). 2. LÒNG TIN: Không có Đức Tin thì chúng ta không thể làm vui lòng Thiên Chúa, vì bất kỳ ai muốn đến với Ngài đều phải tin chắc rằng Ngài hiện hữu và sẽ thưởng cho những ai khao khát tìm kiếm sự công chính của Ngài: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” ( Mt 6, 33 ). Đức Tin là điều kiện đầu tiên và cần thiết để sống đời Kitô hữu phong phú. 3. ĐỨC ĐỘ: Người đức độ là người nhân đức, nghĩa là luôn tuân giữ Luật Chúa và nghe theo Lời Chúa. Người nhân đức không hẳn là người hoàn hảo, vì chẳng có ai công chính trước mặt Chúa, và ai cũng được “lúc chào đời đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” ( Tv 51 , 7 ). Nhưng điều đó có nghĩa là hằng ngày chúng ta phải theo đuổi sự công chính, sao cho hôm nay hơn hôm qua, ngày mai hơn hôm nay, theo ước muốn của Chúa Giêsu: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên Trời là Đấng hoàn thiện” ( Mt 5, 48 ). 4. HIỂU BIẾT: Học hỏi Lời Chúa là điều quan trọng, tìm hiểu Kinh Thánh là việc cần thiết. Vô tri bất mộ. Để sống Đức Tin có hiệu quả, chúng ta không chỉ đọc Kinh Thánh mà còn phải hiểu Kinh Thánh: Đọc bản văn ( lectio ), rồi suy niệm ( mediatio ), sau đó là chiêm niệm ( contemplatio ) để “thấy” mình trong đó, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. 5. TIẾT ĐỘ: Kinh Thánh cho mỗi chúng ta quyền kiểm soát là quyền sử dụng Lời Chúa. Cách đối xử của chúng ta là sản phẩm của đời sống tâm linh và thời gian chúng ta đầu tư. Phải cố gắng hiểu cho đúng Lời Chúa chứ không thể hiểu theo ý riêng. Tiết độ còn là tự kiềm chế chính mình, vì Thánh Phêrô đã cảnh báo: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” ( 1 Pr 5, 8 ). 6. KIÊN NHẪN: Theo Hán tự, chữ “nhẫn” gồm chữ “đao” ( con dao ) ở trên chữ “tâm” ( trái tim ). Hàm ý gặp chuyện xấu mà chẳng chịu nhẫn nhịn thì tránh sao được đớn đau, như dao đâm thấu tim. Sự kiên nhẫn rất cần, nhất là trong những điều nhỏ mọn. Hành trình Kitô giáo là hành trình liên lỉ, nhấn mạnh vào việc luyện tập nhân đức hằng ngày. 7. ĐẠO ĐỨC: Đạo đức là sự cân bằng giữa sự khiêm nhường và phẩm giá của chúng ta. Chúng ta được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa ( St 1, 27 ), thế nên chúng ta phải bắt chước tính cách của Ngài khi chúng ta đối xử với chính mình và với tha nhân. 8. TÌNH HUYNH ĐỆ: Rất cần trau dồi mối quan hệ hàng dọc với Thiên Chúa, nhưng mối quan hệ đó cũng phải thẫm đẫm trong mối quan hệ hàng ngang với tha nhân, vì tất cả chúng ta đều là anh em với nhau ( Mt 23, 8 ). Đức ái Kitô giáo bắt buộc chúng ta phải biết động lòng trắc ẩn, chạnh lòng thương xót và nhạy bén với nhu cầu của người khác. TRẦM THIÊN THU NGỪA TRÁNH THAI: ĐƯỜNG DẪN TỚI SUY ĐỒI LUÂN LÝ ĐẠO ĐỨC Lời ngỏ: Một sự thật đau lòng: mặc cho Giáo Huấn Giáo Hội về NGỪA TRÁNH THAI, giới trẻ, đặc biệt các cặp vợ chồng trẻ Công Giáo, vẫn “thoải mái” và không chút áy náy lương tâm khi sử dụng các phương pháp ngừa tránh thai nhân tạo ( bao cao su, đình triệt sản, đặt vòng… ). Lm. Shenan J. Boquet, chủ tịch Quốc Tế Sự Sống Con Người, tổ chức lớn nhất thế giới "Vì Sự Sống và vì Gia Đình", cho chúng ta nhìn rõ HẬU QUẢ NGHIÊM TRỌNG THẬT SỰ của việc NGỪA TRÁNH THAI ( Người dịch: NGUYỄN THẾ BÀI ). 16 CÙNG CẢNH BÁO
  • 17. Dựa trên tài liệu một cuộc thăm. dò mới đây của Viện Gallup được đưa ra ngày 30 tháng 5, người Mỹ trở thành dễ chấp nhận hơn về một số vấn đề gây tranh cãi. Đứng đầu danh sách 19 vấn đề của Viện Gallup là ngừa tránh thai, mà 90% người dân Mỹ chấp nhận, theo sau là ly dị với 69% và tình dục trước hôn nhân với 66%. Những vấn đề khác nằm trong top 10 là nghiên cứu tế bào mầm phôi thai ( 65% ); sinh con ngoài giá thú ( 58% ); kết hợp đồng tính ( 58% ); an tử ( 52% ) và nạo phá thai ( 42% ). Những con số này không nên làm chúng ta ngạc nhiên. Suy cho cùng, dân Mỹ đã đều bác bỏ hệ thống đạo đức Kitô Giáo – Do Thái Giáo thiên về thuyết tương đối thế tục từ nhiều thập kỷ nay. Trong cái gọi là cách mạng tình dục của thập niên 1960s, tình dục được tách ra khỏi con người – thân xác và linh hồn – và thân xác con người đã trở thành thứ được coi là một dụng cụ mà người ta đã có thể nhào nặn và cả khai thác vì khoái lạc tình dục. Tất nhiên, điều này phải trở lui lại hơn một ít thập kỷ. Như vẫn thường xảy ra, những gì có vẻ như là một vụ nổ bất thình lình, thực ra chỉ là kết quả lôgic của hàng trăm năm, sự hỗn loạn ngày càng tăng về chuyện chúng ta là ai với tư cách là những con người. René Descartes ( 1596 – 1650 ) là một khoa học gia và triết gia người Pháp, kẻ mà nhiều người tin giúp tung ra điều mà sau này trở thành nổi tiếng, có chút mỉa mai, là “Thế Kỷ Ánh Sáng”. Trong những cống hiến của ông này cho con đường mà người ta nghĩ là đặt thân xác và linh hồn đối nghịch nhau, về sau dẫn tới ý tưởng rằng thân xác con người đơn thuần có thể được coi là một đồ vật mà người ta có thể nhào nặn theo dục vọng của họ. Được đặt một cách đơn giản, bạn là tinh thần của bạn và bạn có một thân thể, như đối nghịch với quan điểm Kitô giáo truyền thống cho rằng bạn là thân xác và linh hồn. Trong điều này, Descartes đã theo chân Francis Bacon ( 1561 – 1626 ), người tin rằng đích nhắm của tri thức con người phải đạt được thành công không phải là sự quản lý, mà là sự thống trị thiên nhiên. Phải nói rằng rằng ngày nay điều này nghe chẳng có vẻ gì là gây tranh cãi đối với nhiều người. Kể cả người ta vẫn khó mà nhìn thấy sự thay đổi này triệt để dường nào, nhưng chúng ta hãy đặt nó theo cách này: thay vì khởi đầu với ý tưởng rằng chúng ta nắm bắt được thực tại qua các giác quan của chúng ta và nghĩ về nó, chúng ta sẽ bắt đầu bây giờ với tâm trí riêng của chúng ta như là nền tảng của tri thức và từ đó giải thích thực tại một cách chủ quan. Người ta vẫn còn viết sách về điều được biết đến trong triết học như là thuyết nhị nguyên tinh thần – thể xác, một quan điểm bị Giáo Hội bác bỏ. Quan điểm nhị nguyên này ngày nay được đa số thừa nhận, ngay dù đa số không nhận thức được điều đó hoặc nhìn thấy nó cho ta biết thế nào ngay cả những giả định căn bản về thực tại và về những người khác. Được rồi, triết học đủ rồi. Ta hãy thử xem điều này tác động đến cuộc sống chúng ta thế nào ngày nay đối với thân thể và các quan hệ của riêng chúng ta, những kết quả của những điều này đang được cuộc thăm dò Gallup nói rõ cho chúng ta nghe. Não trạng ngừa tránh thai, như Giáo Hội nhận diện, là một ví dụ hoàn hảo của cái xảy đến khi chúng ta chọn theo thuyết nhị nguyên. Hãy để ý những người vận động ngừa tránh thai hứa sẽ kiểm soát để không để lại hậu quả trên cuộc sống chúng ta, nếu chúng ta có thể kiểm soát khả năng sinh sản của chúng ta với các thuốc và dụng cụ. Tất cả mọi thú vui, nhưng lại không có cái thú vui nào trong sự sinh đẻ phiền phức ấy. Thân xác của tôi không phải là tôi, chính xác đó là một vật để tôi điều khiển vì bất cứ lý do gì tôi muốn; do vậy tình dục chính là chuyện về thú vui của tôi, cũng có thể là của một ai khác. Không nhất thiết phải là việc trao thân cho một kẻ nào tôi yêu với khả năng tạo nên sự sống mới như là kết quả của món quà tặng ban ấy. Theo quan điểm này, tình dục trở thành một chức năng không cần suy xét, vô nghĩa mà vì nó tôi có thể sử dụng thân xác tôi. Ý tưởng chính tôi như một sự hợp nhất của thân xác và linh hồn tiêu tan. Và với sự thiếu hiểu biết này, theo sau là sự không biết gì về bản chất tình dục con người như là một sự hợp nhất của những món quà tặng sinh sản căn bản của con người và mối ràng buộc giữa vợ chồng. Chính vì vậy mà thế giới đã hết sức tức giận khi Thông Điệp Humanae Vitae ( Sự Sống Con Người ) đến đúng ngay vào giữa lúc cuộc cách mạng tình dục bùng phát. Trong Thông Điệp về sự sống con người của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI sắp được phong Chân Phước, Giáo Hội tái khẳng định một cách rõ ràng tính chất không thể tách lìa giữa ý nghĩa hợp nhất và sinh sản của hành vi vợ chồng. Sử dụng các phương pháp ngừa tránh thai và đi theo não trạng của nó là hành động nghịch với mục đích 17
  • 18. Thiên Chúa ban cho tình yêu vợ chồng giữa người nam và người nữ. Hành động như thế cũng bóp méo những quan hệ khác của con người, đúng như lời tiên đoán của Đức Thánh Cha Phaolô VI. Nhiều người tin rằng công trình của Đức Phaolô VI trong Humanae Vitae có ảnh hưởng sâu xa của vị sau đó sẽ trở thành Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II. Trong cuốn “Love and Responsibility” ( Tình Yêu và Trách Nhiệm ), Đức Tổng Giám Mục Karol Wojtyla bấy giờ đã trình bày trường hợp vì sao mà quan điểm đúng đắn và đầy đủ về con người như là thân xác và linh hồn lại cần thiết để hiểu chính chúng ta và hiểu nhau, nhất là trong tình dục của chúng ta: “Trong trật tự tình yêu, một con người chỉ có thể vẫn giữ đúng được con người mình, bao lâu người đó vẫn trung thành với tự nhiên. Nếu người ấy đi ngược với tự nhiên, thì cũng xâm phạm chính con người bằng việc làm cho nó thành một vật để hưởng thú vui hơn là để yêu thương”. Đi ngược với bản chất đích thực của chúng ta chính là bẻ gãy ý thức trách nhiệm tự nhiên của chúng ta đối với người khác. Ai mà chẳng nhìn thấy điều này xảy ra ngày nay ? Hiển nhiên, những ý tưởng xấu một cách nghiêm trọng ắt sẽ có những hậu quả xấu một cách nghiêm trọng. Cha Paul Marx, người sáng lập "Quốc Tế Sự Sống Con Người" ( Human Life International ), đã khẳng định ý kiến của Giáo Hội trong cuốn tự truyện của ngài dựa trên kinh nghiệm phong phú khi ngài du hành khắp thế giới. Ngài viết: “Đã đi và làm việc trong 91 quốc gia, tôi không thấy có đất nước nào mà ở đó ngừa tránh thai lại không dẫn tới nạo phá thai, tới gian dâm ngày càng tăng trong giới trẻ, tới ly dị và tới tất cả mọi sự xấu xa khác mà chúng ta nhìn thấy ngày nay, vốn cấu thành tình trạnh hỗn độn tình dục bẩn thỉu trên toàn thế giới.” Và quả là một sự hỗn loạn, phải không ? Cuộc thăm dò này của Viện Gallup phải được xem như là một tiếng kêu thức tỉnh. Nếu chúng ta nghiêm chỉnh trong việc củng cố gia đình, đẩy mạnh hạnh phúc cho con cái, lật ngược con số đang gia tăng những cuộc hôn nhân đổ vỡ trong đất nước chúng ta, chấm dứt nạn nạo phá thai, bảo vệ phẩm giá người cao tuổi và người bệnh tật, đề cao đức trong sạch và khiết tịnh, sau đó chúng ta hãy trung thực để thấy được sự suy sụp luân lý khởi đầu ở đâu. Nguyên tác “Contraception: The Gateway to Moral Decay” Lm. SHENAN J. BOQUET, bản dịch của Giuse NGUYỄN THẾ BÀI HẠNH PHÚC HAY BẠC PHÚC ? Xin mở đầu bài viết bằng một câu chuyện thế này. Có đôi vợ chồng lấy nhau được ba năm, họ sống rất hạnh phúc, được lòng cả gia đình đôi bên, kinh tế khá giả, Anh chồng rất tự hào về cô vợ xinh đẹp, giỏi giang lại khéo cả nết ăn, nết ở, chỉ ngặt một nỗi, mãi họ chả có đứa con nào. Anh chồng vì rất tin vợ nên tài sản và các loại giấy tờ đều đưa vợ giữ hết, cần gì thì nói với vợ, vơ lo liệu chu đáo. Cho đến một hôm, người vợ đi vắng. Anh đang cần gấp một loại giấy tờ nên mở tủ, tình cờ, anh thấy một sổ khám sức khỏe mang tên vợ, tò mò mở ra xem, anh bỗng bàng hoàng khi phát hiện, vợ anh đã từng phá thai tới ba lần kể từ khi lấy anh. Vậy là anh đã mất ba đứa con ! Choáng váng, anh như ngã quỵ. Gắng gượng để lại mọi thứ y như cũ sau khi đã photo sổ khám sức khỏe. Khi người vợ về, anh vờ như không biết. Ít hôm sau anh lại bí mật mở tủ, quyển sổ đã biến mất, niềm hạnh phúc trong anh cũng biến mất theo quyển sổ oan nghiệt kia. Chúng ta không biết được kết cục của câu chuyện sẽ thế nào, Nhưng chắc rằng, cuộc hôn nhân của anh chị sẽ không còn là một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Lại một câu chuyện khác liên quan đến phá thai. Gần đây, tôi có đến thăm một Mái Ấm BVSS, tình cờ em vừa được đưa về đây tạm lánh chờ sinh, dáng người mảnh khảnh, đôi mắt còn mọng nước mắt, khuôn mặt tái xanh, mệt mỏi. Tôi đến bên, chào em, chúc mừng em, em là một cô gái được ban đầy ân phúc. Em ngạc nhiên nhìn tôi: "Sao anh lại nói vậy ?" Tôi trả lời: "Có thể em chưa biết, nhưng rồi em sẽ biết niềm hạnh phúc sẽ lớn lao thế nào khi em được làm mẹ, lúc đó em sẽ thấy mình được ban phúc và được Thiên Chúa yêu thương nhiều như thế nào..." Tôi thấy đôi mắt em như chùng lại. Trong câu chuyện của em, một cô gái có học thức, con nhà danh giá, yêu và lỡ có thai với người yêu. Thai nhi giờ mới hơn 12 tuần tuổi, nhưng cả cha mẹ hai bên và anh người yêu đều thúc ép em phải phá thai trước khi cưới, họ vì sĩ diện mà làm thế, nếu không, sẽ không có đám cưới nào hết, và cha mẹ em sẽ từ em, anh người yêu cũng sẽ bỏ em. Trong cơn quẫn trí, em nhắm mắt nghe theo, may thay, em được các anh chị BVSS khuyên nhủ và đưa về đây, giờ cũng chưa biết phải tính sao. Tôi lặng nghe và chỉ kể cho em nghe về tâm sự của 18 CÙNG TRĂN TRỞ
  • 19. chính mình, cho em biết sự đau đớn tột cùng của một người cha đã từng mất đứa con yêu bé bỏng, dù chỉ là sảy thai không mong muốn. Tôi cho em biết niềm vui, hạnh phúc tột bậc khi được làm cha làm mẹ, khi được đón những đứa con chào đời. Nghe xong tâm sự của tôi. Em chỉ nói nhỏ nhẹ, em quyết sẽ tâm làm mẹ, em nói thế với khuôn mặt bừng sáng. Tôi biết rằng em đã chọn lựa đúng con đường hạnh phúc... Hạnh phúc, một ước ao của mọi con người. Hạnh phúc không chỉ đòi hỏi sự hy sinh, mà còn đòi hỏi sự cho đi và từ bỏ chính mình. Con đường kiếm tìm, xây dựng hạnh phúc là con đường thật dài đầy chông gai, đôi khi phải trả bằng giá máu. Nhiều người trong chúng ta cân đong đo đếm hạnh phúc bằng những giá trị của đồng tiền, bằng giá trị của công danh, của quyền lực mà quên đi rằng những cái đó chỉ là một công cụ để hỗ trợ cho con người kiếm tìm hạnh phúc. Mà nghiệt ngã thay, kiếm tìm và xây dựng thì khó thế nhưng hạnh phúc lại mong manh, dễ vỡ, dễ bị tổn thương, chỉ một quyết định sai lầm là cả đời ân hận, chỉ một thoáng nghi ngờ và cố chấp là hạnh phúc vụt tan, sẽ mãi mãi bay xa... Trong cuộc sống hôn nhân, phải nói ngay rằng: được làm cha, làm mẹ là một niềm hạnh phúc lớn lao, là món quà vô giá mà Thượng đến đã ban cho con người. Tiếc rằng, không phải ai cũng hiểu được điều đó, rất nhiều bạn trẻ ngày nay sau khi cưới, thường “kế hoạch” kiểu này hay kiểu khác, đặt dụng cụ tránh thai chữ T ( ảnh chụp kèm theo ), uống thuốc phá thai với lời ngụy biện rằng: Ôi giào, còn trẻ, lo kinh tế cái đã, vài năm nữa vững chãi một chút, có con cũng không muộn ! Đây hẳn là một quan niệm sai lầm. Một là: họ không hề ngờ rằng uống thuốc “ngừa thai” cũng chính là gián tiếp phá thai, còn đặt dụng cụ “tránh thai” chính phá thai... thường kỳ. Hai là: họ bị nhồi sọ bằng những mỹ từ để cho rằng đó chỉ là tránh thai, không có chuyện giết người ở đây. Chẳng phải vô tình mà khi tạo dựng Thượng Đế lại ban cho mỗi giai đoạn trong cuộc sống con người một giai đoạn có đủ khả năng làm cha làm mẹ, chính vì giai đoạn đó là giai đoạn tốt nhất và thuận lợi nhất để giữ gìn hạnh phúc và bảo toàn nòi giống. Ba là: con cái là một động lực hoàn hảo nhất giúp chúng ta có thể đứng vững và chống chọi với phong ba bão táp của cuộc đời, gói ghém hết cả niềm hy vọng tương lai và sẵn sàng từ bỏ bản thân mình mưu cầu hạnh phúc cho con cái để từ đó nhận ra hạnh phúc cho con cái lại cũng chính là hạnh phúc cho chính bản thân mình, cho vợ chồng mình. Chẳng phải thế sao, khi mỗi chiều, sau giờ lao động mệt mỏi, chúng ta trở về gia đình, chỉ một cử chỉ hồn nhiên của con trẻ xà vào lòng hay toét miệng cười, những lo âu và mệt mỏi sẽ tiêu tan nhanh chóng. Chỉ một cơn sốt cao, chúng ta lại chẳng thảng thốt cả đêm trong lo âu và hy vọng, thậm chí, nhiều người làm cha mẹ đã hy sinh cả tính mạng mình cho con được sống. Vậy tại sao, hà cớ gì mà còn có ai đó phải giết con của chính mình ? Hà cớ gì phải loại bỏ việc sinh con bằng thuốc bằng cách này cách kia ? Hà cớ gì chúng ta lại tìm kiếm một hạnh phúc hư vô bằng hành động phá thai, trong khi chúng ta hoàn toàn có khả năng chọn lựa cho mình một con đường tìm được hạnh phúc chắc chắn thông qua việc đón nhận những đứa con của mình. Cho dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, cho dù nghịch cảnh có éo le, như trong hai câu chuyện vừa qua, một cặp thì đầy đủ điều kiện nhưng rồi hạnh phúc lại bay mất, để lại một cuộc đời bạc phúc. Một cô gái nhỏ trong hoàn cảnh éo le bạc phúc đã tìm được hạnh phúc trong nghĩa vụ làm mẹ, cho dù chưa vẹn toàn nhưng cô hoàn toàn có quyền hy vọng một ngày nào đó gia đình sẽ trùng phùng hạnh phúc. Đaminh PHAN VĂN DŨNG, Biên Hòa 6.2014 BỆNH VIỆN ĐA KHOA GIÊSU Địa chỉ: Tòa nhà số 1 đường Lên Trời, khu phố Bình An, phường Ánh Sáng, quận Hạnh Phúc, thành phố Tình Yêu, đất nước Tự Do Khám và chữa bệnh 24/24 giờ kể cả các ngày Lễ nghỉ. Đặc biệt miễn phí cho mọi đối tượng. Email: thiendangvinhphuc@thanhthan.com 19 CÙNG NGHIỆM SINH