SlideShare a Scribd company logo
1 of 28
E-mail: gxmehangcuugiup@gmail.com Website: www.trungtammucvudcct.com
RANH GIỚI MỎNG MANH CỦA LƯƠNG TÂM…
Gần đây, chúng tôi nhận thấy có nhiều phòng khám, nhiều bệnh viện tư ( có cả một bệnh viện
ngay tại Sàigòn, do một nhóm người Công Giáo điều hành và đầu tư vốn, lấy danh hiệu của Mẹ Maria )
bắt đầu có thêm dịch vụ phá thai công khai, niêm yết rõ ràng giá cả rất chi tiết trong từng phương cách
phá thai rất sớm hay rất muộn. Đáng sợ hơn nữa, các địa chỉ Y Tế ấy bắt đầu nghe ngóng, tìm kiếm về
phía các Giáo Xứ, các Dòng Tu Công Giáo, các Nhà Chùa Phật Giáo, rồi cử người đến "thương thuyết",
đề nghị "cộng tác" để cả… ba bên đều có lợi !
Các "tay thuyết khách" thường được chọn là phụ nữ đứng tuổi, là y sĩ lâu năm, ăn nói giỏi, biết
cách viện dẫn khéo léo những khía cạnh nhạy cảm, rào trước đón sau một hồi rất thân thiện cởi mở, rồi
sau đó vào đề, nhẹ nhàng trình bày chi tiết về một… "gói dịch vụ phá thai" có đầy đủ các yếu tố cần thiết
để phá thai… an toàn, thuận tiện, kín đáo và trọn vẹn. Các phần vụ phía phòng khám và bệnh viện thì
họ bảo đảm các mặt liên quan đến y khoa, còn bên Nhà Thờ ( hoặc Nhà Chùa ) hoặc Nhà Dòng đảm
nhận phần vụ cuối cùng là… lo hậu sự tâm linh cho các thai nhi.
Có thể nói cái bẫy họ giăng ra rất tinh vi, đó là tính nhân đạo. Họ nói đại để như sau:
"Thật ra những người làm nghề y chúng tôi cũng thấy phá thai là không tốt, cũng xót xa vì mức
độ phá thai ngày càng tăng. Tuy nhiên xét về khía cạnh của lòng nhân ái, chúng tôi cảm thông với
những hoàn cảnh không thể khác được, phải chọn giải pháp chấm dứt thai kỳ. Thôi thì… thay vì để chị
em phụ nữ đáng thương có thể phải trả giá quá đắt, hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, thậm chí
mất mạng, khi rơi vào tay những thứ lang băm phá thai chui lủi trong những địa chỉ bất hợp pháp, phòng
khám ( hoặc bệnh viện ) chúng tôi thấy cần phải mở ra dịch vụ nhân đạo này, hỗ trợ hết mình và mọi
mặt cho chị em trong việc khắc phục hậu quả đáng tiếc, hoặc vỡ kế hoạch, ngoài ý muốn…
Chúng tôi được biết là bên Nhà Thờ ( hoặc Nhà Chùa )
lâu nay cũng đã vì nhân đạo, đứng ra lo hậu sự, tiếp nhận và
an táng các thai nhi rất ân cần chu đáo, lại đảm nhận luôn các
dịch vụ cầu siêu cho các bé và cầu an cho người mẹ, người
cha của bé cũng như gia đình họ. Vậy, chúng tôi muốn xin đề
nghị với bên Nhà Thờ ( hoặc Nhà Chùa ) cùng cộng tác với
bên chúng tôi chặt chẽ hơn nữa, chúng ta gộp chung thành
một "gói dịch vụ" có dây chuyền kín kẽ, vừa không để cho kẻ
xấu lợi dụng, vừa đáp ứng các mặt thể lý, tâm lý và tâm linh
cho chị em phụ nữ và gia đình của họ. Các khoản chi phí liên
quan đến việc lo hậu sự, bên Nhà Thờ ( hoặc Nhà Chùa ) có
thể đưa ra ở mức độ hợp lý, chúng tôi sẽ đặt chung trong tổng
chi phí một ca phải xử lý, sau khi khách hàng thanh toán khi
ra viện, chúng tôi sẽ lại chuyển qua tài khoản của Nhà Thờ ( hoặc Nhà Chùa )…
Chúng tôi rất mong quý Linh Mục, Tu Sĩ ( hoặc quý Sư, Thầy ) hiểu tất cả những đề nghị này
hoàn toàn dựa trên tính nhân đạo thiêng liêng, của tình người với nhau giữa lúc các tệ nạn xã hội ngày
một tăng cao. Chúng ta không thể từ chối không đưa tay cứu giúp những hoàn cảnh đáng thương. Việc
phối hợp cộng tác của đôi bên chúng ta lúc này là hết sức khẩn trương và cần thiết. Kính mong quý vị
nghiên cứu và chấp thuận, bước kế tiếp chúng ta sẽ bàn đến các khoản mục cụ thể có liên quan như tài
chánh, nhân sự, phương thức cùng các quy định hợp đồng chi tiết khác…"
Ở trên chúng tôi có nêu lập luận của họ là việc cộng tác chặt chẽ này sẽ có lợi cho cả… ba bên,
nghe phần trình bày của họ xong, chúng tôi mới hiểu tại sao lại bảo là "ba bên đều có lợi": bên người đi
1
NĂM THỨ 15 – SỐ 627 – CHÚA NHẬT 28.9.2014
phá thai, bên phá thai, và bên lo liệu chuyện hậu phá thai. Đúng thật là một "gói dịch vụ" chặt chẽ, kín kẽ
và đầy lý lẽ nhân đạo ! Họ chỉ quên mất một điều quan trọng là chính thai nhi là phải gánh chịu thiệt thòi
vô cùng, các bé không còn được quyền sống, không còn được cơ hội sinh ra đời như mọi người !
Chúng tôi nghe biết ở một vài nơi, sau khi họ lịch sự cáo từ ra về và hẹn sẽ trở lại sau để biết kết
quả, thì phía bên Nhà Thờ ( hoặc Nhà Chùa ) một vài nơi, nội bộ có nổ ra tranh cãi về chuyện quyết
định có nên nhận cộng tác với người ta hay không ! Bên chủ trương cộng tác thì mừng thấy rõ, vì từ nay
sẽ có thêm "nguồn" thu gom xác thai nhi đem về cho mình một cách hợp pháp, lại có thêm các khoản
chi phí để bù đắp nữa chứ, của đáng tội, cha với con trong Giáo Xứ lâu nay phải bỏ tiền túi ra lo, con số
tính ra nhiều năm liền cũng đâu có nhỏ. Ngược lại, bên kia dứt khoát từ chối, lập luận rằng, làm như thế
không khác gì tiếp tay với người ta trong dịch vụ phá thai, tạo ra một sự yên lòng giả tạo cho người
muốn phá thai, khuyến khích họ cứ vô tư phá thai đi, đã có bên tín ngưỡng tâm linh lo liệu chu đáo rồi…
Chúng tôi nhớ lại, bản thân đã có lần trả lời thẳng cho những vị "thuyết khách" tương tự: "Chúng
tôi không thể vì một việc nghĩa là lo hậu sự cho các thai nhi để rồi nhắm mắt thỏa hiệp, đồng lõa tiếp tay
với quý vị trong tội ác phá thai. Xin đừng ngụy biện với các lý lẽ nhân đạo để che đậy cho một việc tàn
nhẫn vô nhân đạo. Nếu quý vị đã nêu cao y đức là nhân đạo cứu giúp mọi người bằng chuyên môn y
khoa, xin làm ngay một nghĩa cử, một điều nhân đạo tuyệt vời, đó là dứt khoát không có dịch vụ nạo phá
thai tại phòng khám ( hoặc bệnh viện ) của quý vị…"
Lại cũng phải nhắc đến một chuyện cảm động xảy ra năm ngoái, 2013. Có một bệnh viện tư ở
Bình Dương, sau một thời gian để ý theo dõi, biết rõ là các y công, y tá của mình đã âm thầm kín đáo
chuyển các thai nhi mỗi ngày cho những anh chị tình nguyện từ Sàigòn đi mấy chục cây số, về thêm
mấy chục cây số nữa để gom xác các cháu về chôn cất, bà bác sĩ giám đốc quyết định bất ngờ gặp trực
tiếp một anh mà họ đoán là người đứng đầu nhóm thiện nguyện BVSS Sàigòn, bà ân cần nói: "Chúng
tôi thấy các em đã làm một nghĩa cử khiến chúng tôi bị đánh động, phải suy nghĩ lại công việc chúng tôi
đã làm từ trước đến giờ. Và hôm nay, chúng tôi xin báo tin là cơ sở của chúng tôi quyết định vì lương
tâm, chấm dứt các dịch vụ liên quan đến nạo phá thai, và vì thế các bạn cũng không còn phải vất vả về
đây để nhận xác các thai nhi nữa…"
Chiều tối hôm ấy, một buổi chiều mưa tầm tã, anh bạn trẻ nhóm BVSS chạy Honda về đến
Sàigòn, vừa vào phòng của chúng tôi đã khóc mếu máo, reo to: "Mừng quá, bố ơi ! Một bệnh viện tư ở
Bình Dương đã thôi không nhận phá thai nữa rồi bố ơi… Con mừng không phải vì từ nay mình không
phải lặn lội nắng mưa đi lấy xác nữa, nhưng mừng vì cuối cùng… sự sống đã chiến thắng sự chết !"
Hóa ra, trong cuộc đời, ranh giới giữa sự sống và sự chết thật mong manh, nó hết sức mảnh
khảnh, chỉ chút xíu nghiêng bên này, một sinh mạng được cứu, chỉ lệch bên kia một ly, tử thần chộp
ngay lấy một em bé vô tội. Thế mà người lớn, lại là những người lớn tự hào mình là rất nhân đạo, tự
nhận mình luôn giữ được y đức đâu ra đấy, lại có thể ngụy biện nhiều cách để cố gắng lấp liếm, xóa
nhòa cái ranh giới tinh tế ấy của lương tâm…
Lm. Giuse QUANG UY, DCCT, thứ năm 25.9.2014
MỤC LỤC TÌM BÀI:
RANH GIỚI MỎNG MANH CỦA LƯƠNG TÂM… ( Lm. Quang Uy ) ..................................................... 01
SÁM HỐI LÀ KHỞI ĐIỂM ( Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt ) .................................................................... 03
AI ĐÁP LẠI LỜI CHA ? ( AM. Trần Bình An ) ........................................................................................ 04
NHỮNG CÔ GÁI ĐIẾM SẼ VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA TRƯỚC ( Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ ) .......... 05
NÓI VÀ LÀM ( Lm. Giuse Nguyễn Hữu An ) .......................................................................................... 07
KHOA HỌC TÌNH YÊU ( Matthew Hanley – Bản dịch của Trầm Thiên Thu ) ........................................ 09
DUY THỨC VÀ CẦU NGUYỆN ( Phùng Văn Hóa ) ............................................................................... 10
CÔNG GIÁO VÀ TÔNG TRUYỀN ( Bài Giáo Lý của Đức Phanxicô, bản dịch của Cao Tấn Tĩnh ) ....... 13
PHONG CÁCH PHANXICÔ – BÀI 21: HAI NGƯỜI MẸ CỦA TA… ( Nguyễn Trung ) ........................... 14
6 DẤU CHỈ THỜI CÁNH CHUNG – CHÚA GIÁNG LÂM ( Jeff Kinley, bản dịch của Trầm Thiên Thu ) ......... 17
NHẬN ĐỊNH VỀ THẢM HỌA "NHÀ NƯỚC HỒI GIÁO" ( Nguyễn Trung ) ............................................. 18
BÌNH LUẬN THÔNG ĐIỆP "HÃY RA ĐI" ( Hà Bắc, báo Calitoday ) ...................................................... 18
5 THÁNH BỔN MẠNG NHỮNG NGƯỜI MẸ ( Trầm Thiên Thu ) .......................................................... 20
NGƯỜI PHỤ NỮ QUAN TRỌNG NHẤT TRONG CUỘC ĐỜI CỦA TÔI… ( Trang Le ) ....................... 21
ĐẲNG CẤP CỦA MỘT DÂN TỘC ( Dương Hoài Linh ) ......................................................................... 22
TÀN NHẪN ( Bs. Đỗ Hồng Ngọc ) ......................................................................................................... 23
CẬY TRÔNG ( Thiên Phúc, Tình yêu mạnh hơn sự chết ) .................................................................... 25
ĐẠO VÀ ĐỜI ( Nguyễn Ninh Thuận ) .................................................................................................... 26
NHỊP CẦU BÁC ÁI PHANXICÔ VÀ VÀ QUỸ MẸ HẰNG CỨU GIÚP ( Trung Tâm Mục Vụ DCCT ) ........... 26
2
SÁM HỐI LÀ KHỞI ĐIỂM
Nói và làm đó là hai thái độ khác nhau. Có người nói mà
không làm. Có người không nói nhưng lại làm. Đó chính là hai
thái độ mà Chúa đề cập đến trong bài dụ ngôn hôm nay. Hạng
người nói mà không làm đó là những người Pharisêu và Luật
Sĩ. Họ tự cho là mình đạo đức, nhưng khi Chúa Giêsu rao
giảng, họ không những không tin mà còn phê phán chỉ trích
những người tin Chúa, chỉ trích chính Chúa đã đón tiếp người
tội lỗi. Hạng người không nói mà lại làm đó là những người thu
thuế và những người tội lỗi. Tuy sống tội lỗi, nhưng khi nghe
Chúa rao giảng, họ đã ăn năn sám hối và tin vào Chúa.
Qua dụ ngôn này Chúa muốn dạy ta những bài học sau.
Bài học thứ nhất: Việc làm trọng hơn lời nói
Trong đời sống, chúng ta gặp không ít những người nói
hay, nói nhiều, nhưng làm chẳng bao nhiêu. Tục ngữ Việt Nam
có câu “Mười voi không được bát nước sáo” là thế. Nhưng trái
lại có những người không nói giỏi, có khi không nói gì cả, nhưng lại làm rất nhiều. Nhất thời ta có thể
thích những người nói hay. Nhưng sống càng lâu, ta càng mến những người nói ít làm nhiều.
Trong đời sống thiêng liêng cũng thế. Chúa yêu chuộng những người làm việc hơn là những
người chỉ biết nói suông. Có lần Chúa đã vạch rõ những giả dối này: “Không phải những ai nói rằng: Lạy
Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời, nhưng là những kẻ làm theo ý Cha Ta trên trời” ( Mt 7, 21 ).
Đức Tin phải biểu lộ bằng việc làm mới là Đức Tin sống động. Như Thánh Giacôbê dạy: “Đức Tin không
có việc làm là Đức Tin chết” ( Gc 2, 17 ). Tình yêu cũng phải có việc làm. Việc làm minh chứng tình yêu
đích thực. Tin yêu Chúa phải được biểu lộ bằng việc làm.
Bài học thứ hai: Con người có thể thay đổi
Con người còn sống ở trần gian là còn thay đổi. Đó là một điều ta phải cảnh giác. Biết đâu ta
đang tốt bỗng trở nên xấu. Cũng như các người Pharisêu và Luật Sĩ tự hào mình tốt, nhưng khi Chúa
Giêsu đến, họ đã trở nên xấu vì không tin vào Chúa, không hoán cải đời sống. Con người có thể thay
đổi. Đó là điều làm cho chúng ta hy vọng. Vì nếu ta tội lỗi yếu hèn, ta vẫn có cơ hội ăn năn trở lại. Ta
không bị kết án trong tội lỗi của ta. Chúa còn cho ta có thời giờ trở lại với Chúa. Miễn là ta nhận biết
mình và quyết tâm đổi mới cuộc đời.
Bài học thứ ba: Sám hối là việc cần thiết của mọi người
Đã là người ai cũng có sai lầm. Vì con người yếu đuối bất toàn. Chúa không đòi ta phải hoàn
hảo, không bao giờ sai lỗi. Nhưng Chúa đòi ta mỗi khi sai lỗi phải biết sám hối ăn năn. Sám hối thật cần
thiết vì có sám hối ta mới được Chúa thứ tha. Chúa yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho những tâm
hồn sám hối như lời Thánh Vịnh: “Một tấm lòng tan nát dày vò, Chúa sẽ chẳng khinh chê” ( Tv 50 ).
Ta hãy xem Chúa Giêsu đã tha thứ cho bà Maria thành Magdala. Nhất là Chúa đã tha thứ cho
người trộm lành, để thấy Chúa nhân từ thương xót biết bao. Nhưng Chúa lại chê ghét những tâm hồn
kiêu căng cứng cỏi không chịu ăn năn sám hối. Trong Phúc Âm, ta thấy Chúa chỉ mắng nhiếc những
người tự xưng mình đạo đức nên kiêu căng khinh miệt người khác và không nghe lời Chúa. Nhưng
Chúa luôn nhân từ, khoan dung, tha thứ cho những tội lỗi thật lòng ăn năn.
Sám hối thật cần thiết vì tất cả chúng ta ai cũng có lầm lỗi trước mặt Chúa, cần được Chúa
khoan hồng thứ tha. Sám hối thật cần thiết vì đó là khởi điểm để nên tốt, nên thánh thiện. Có sám hối ta
mới biết từ bỏ nếp sống cũ. Có sám hối ta mới bắt đầu một nếp sống mới đẹp lòng Chúa.
Như thế, ta đừng chỉ nói suông mà không làm, nhưng hãy biết thực hành điều Chúa dạy. Ta
đừng tự hào vì mình tốt lành mà phê bình chỉ trích người khác. Hãy tự xét mình để thấy mình tội lỗi. Và
khi biết mình tội lỗi, hãy ăn năn sám hối ngay. Có sám hối ta sẽ được Chúa tha thứ. Có sám hối sẽ
được anh chị em yêu thương. Nhất là có sám hối ta mới khởi sự tiến lên trên con đường thánh thiện.
Lạy Chúa xin tha thứ tội con đã phạm đến Chúa và đến anh em. Amen.
Tgm. Giuse NGÔ QUANG KIỆT
3
CÙNG SUY NIỆM
AI ĐÁP LẠI LỜI CHA ?
Tháng 7 năm 1951, sau khi lãnh chức phụ Phó Tế, thầy Giuse Đích
Nguyễn Ngọc Oánh được cử đi du học tại Hoa Kỳ. Tiếp tục học Thần Học
tại Đại Chủng Viện Saint Meinrad, Indiana, thầy được chịu chức Linh Mục
ngày 3.5.1952. Sau đó, cha Giuse Đích Nguyễn Ngọc Oánh, được chuyển
đến Đại Học Loyola tại Chicago để học môn Xã Hội Học. Tháng 6 năm
1954, cha tốt nghiệp master về Xã Hội Học. Đang tiếp tục dọn tiến sĩ thì
ngài nhận được thư của cha Phêrô Nguyễn Huy Mai chuyển đạt lệnh truyền
của Đức Cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê như sau: “Xin cha biên thư cho
các cha Trương, cha Thông, cha Oánh, báo tin cho các cha ấy biết tôi muốn
cho các cha ấy về Bắc. Các cha bỏ đi Nam nhiều, thiếu người làm việc. Tôi
muốn mở lại các Chủng Viện. Tôi để tùy ý các cha, nhưng nếu các cha ấy
về, thì tôi vui mừng lắm.”
Nhận được thư ấy, ngài lo âu suy nghĩ rất nhiều. Vì đang học dở
dang. Vì hoàn cảnh quê nhà đang rối ren và những người thân thiết đều ngăn cản. Nhưng cha Thông
nói với ngài: “Bỏ tất cả mà về, thì được Chúa Thánh Thần.” Thế là hai cha cùng nhau quyết định vâng
lời Bề Trên trở về Giáo Phận dù rất băn khoăn lo lắng vì biết chắc sẽ gặp nhiều khó khăn.
Tháng 9 năm 1955, về đến nhà, ngài lao ngay vào công việc, vừa làm thư ký cho Đức Cha, vừa
dạy học cho Tiểu Chủng Viện Gioan, vừa dạy Giáo Lý cho giới trí thức. Vì lớp Giáo Lý có ảnh hưởng
sâu rộng nên chính quyền ra lệnh đình chỉ. Ngài lại lui vào âm thầm, tổ chức đào tạo Giáo Lý Viên trong
Tòa Giám Mục. Thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của ngài, và vì ngài không ủng hộ Ban Liên Lạc Công Giáo
nên chính quyền quyết định bắt ngài cải tạo tại chỗ. Ngày 16.8.1965, ngài bị quản chế tại Chuôn Trung
với kỷ luật nghiêm ngặt.
Tuy bị quản chế nghiêm ngặt, hằng ngày phải chịu đựng những thái độ, lời lẽ nghi kỵ, nhục mạ,
luôn bị gọi lên thẩm vấn, điều tra, làm kiểm điểm, làm báo cáo liên tục, ngài vẫn luôn vui tươi. Ngài hăng
hái làm việc tay chân như cuốc đất trồng rau, đào giếng. Và nhất là dù bị cấm đoán, ngài vẫn dâng Lễ
vào lúc 2 giờ sáng để Giáo Dân có thể tham dự Thánh Lễ. Ngài dâng Lễ rất sốt sắng.
Trong suốt 20 năm, ngài thường xuyên liên lạc với Đức Cha Khuê bằng thư từ hoặc nhắn gửi.
Đặc biệt trong những ngày lễ ngày tết, không bao giờ ngài quên viết thư chúc mừng Bề Trên Giáo Phận.
Nhận được thư của ngài, Đức cha Khuê đều trả lời với lòng quý mến, rất ưu ái. Ngài cũng thường viết
thư trao đổi với Đức Cha FX. Nguyễn Văn Thuận đang bị quản chế tại Hà Nội. Để trả lời ngài, Đức Cha
Thuận cũng thường viết thư cho “em Oanh Sắc”. ( Đức Ông Giuse Đích Nguyễn Ngọc Oánh, ( 1922-
2007, Chân dung Linh Mục, Tổng Giáo Phận Hà Nội )
Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Thánh Mátthêu thuật dụ ngôn hai người con được người cha gọi
đi làm vườn nho. Người con thứ nhất từ chối, nhưng sau hối hận, đi làm. Người con thứ hai tuy vâng dạ,
nhưng lại không đi làm. Đức Ông Giuse Đích Nguyễn Ngọc Oánh xứng danh người con hiếu thảo, đã
vâng lệnh Bề Trên, về làm vườn nho, dù biết trước bao gian nan, khó khăn, thách đố đang chờ đón ngài.
Trong cuộc sống đạo, với sự yếu đuối cố hữu, bất kỳ Kitô hữu nào cũng có thể nhập vai cả hai
người con, tùy theo lửa mến nhiều hay ít, mà đáp lại lời mời gọi làm vườn của Chúa.
Người con hiếu thảo
Làm vườn nho với tâm hồn khiêm tốn, không tự mãn, không so bì, đố kỵ, mà chân thành ăn năn
sám hối tội lỗi đã vấp phạm, người con thảo hiếu còn luôn tập sống xả kỷ vị tha, biết trân trọng, quan
tâm và phục vụ tha nhân. Thánh Phaolô căn dặn khi vào làm vườn thì: “Đừng làm chỉ vì ganh tị hay vì
hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích
cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” ( Pl 2, 3 – 4 ).
Muốn thế, người con hiếu thảo luôn tha thiết cầu nguyện, gần gũi, đắm say lửa mến, để mặc lấy
tâm tình Thầy Chí Thánh, khiêm nhu, hạ mình, vâng phục Thánh Ý trọn hảo: “Giữa anh em với nhau,
anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu, vốn dĩ là Thiên Chúa…” ( Pl 2, 5 – 11 ).
Đồng thời, làm vườn nho là sống trọn vẹn giây phút hiện tại, có nghĩa đoạn tuyệt, quên đi quá khứ
huy hoàng, thành quả tốt lành, hoặc giã từ những thất bại ê chề, tội lỗi nhám nhúa, để sám hối, canh tân.
"Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Chúa” ( Lc 9, 62 ).
Vì thế, sống giây phút hiện tại cũng là nhật nhật tân, hựu nhật tân, mỗi ngày mỗi đổi mới, mỗi
thêm xả kỷ vị tha. Lời Chúa, Thánh Thể, cùng hồng ân hằng ngày của Người Cha thương ban, như
lương thực dồi dào, bồi dưỡng tâm hồn, tăng sức đề kháng, tăng cường công lực, sẵn sàng dấn thân,
người con thảo mới có thể an tâm lữ hành trên đường hy vọng.
4
Người Cha hằng hiện hữu
Vô thủy vô chung, “Thiên Chúa là Alpha và Omega, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận
Cùng” ( Kh 22, 13 ). Ngài là Đấng Tạo Hóa hằng hiện hữu vượt ra bên ngoài không gian và thời gian,
mà Ngài đã sáng tạo. Trong khi muôn loài thọ tạo thì chịu giới hạn và gắn chặt trong vòng kim cô của
thời gian và không gian. Vì thế, tất cả biến cố, sự kiện diễn ra dưới trần thế, lòng vòng xoay vần như
đèn cù, vẫn luôn mãi là thời hiện tại qua lăng kính kỳ diệu của Thiên Chúa.
Sau khi chịu phép rửa, Đức Giêsu đang cầu nguyện, thì
Trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người, dưới hình dáng
chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con của Cha,
ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” ( Lc 3, 21 – 22 ).
Đức Giêsu cũng luôn dùng thời hiện tại trong rao giảng.
Như tại hội đường Nadarét, sau khi đọc xong một đoạn lời Ngôn
Sứ Isaia, Người nói với cộng đoàn: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời
Kính Thánh quý vị vừa nghe” ( Lc 4, 21 ). Đức Giêsu dạy Kinh
Lạy Cha: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng
ngày…” ( Mt 6, 11 ). Khi Người mời gọi người thu thuế: “Này ông
Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông.” Sau khi
ông Dakêu sám hối, ăn năn hứa đền bù tội, Đức Giêsu hân hoan:
“Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này... Vì Con Người đến
để tìm và cứu những gì đã mất” ( Lc 19, 1 – 10 ).
Người Cha khoan dung hằng hiện hữu không chấp nhất quá
khứ con cái, dù bất hiếu, ngỗ nghịch, bỏ đi hoang đàng, như qua lời
cầu khẩn trong cơn quẫn bách, Vua Đavít đã tán dương, chúc tụng:
“Ngài là Thiên Chúa nhân hậu từ bi, Ngài chậm giận, lại giàu tình
thương và lòng thành tín” ( Tv 86, 16 ).
Người Cha khoan dung, rộng lượng quên ngay tội lỗi đứa con hư đốn, ương ngạnh, đanh đá, cá
cầy, biếng nhác, chối phắt đi làm. Người lại trở nên rạng rỡ vui vẻ ngay, khi đứa con hôm nay biết ăn
năn, hối hận, hoán cải, hiếu đễ, chịu thương chịu khó, hăng hái đi làm vườn. Đó là vì Chúa Giêsu kém
trí nhớ ! một trong mười khuyết điểm vô cùng đáng yêu của Đức Giêsu, mà Ðức Tổng Giám Mục FX.
Nguyễn Văn Thuận đã chia sẻ lần đầu tiên vào sáng thứ bảy, ngày 12.9.1998, tại Nguyện Đường Dòng
Truyền Giáo Ðức Mẹ Vô Nhiễm ( OMI ), Strasbourg, Pháp.
“Con sống giây phút hiện tại cho tràn đầy tình yêu. Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm
thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm
cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh. Ðường Hy Vọng do mỗi chấm hy vọng.
Ðời Hy Vọng do mỗi phút hy vọng” ( Ðường Hy Vọng số 978 ).
Lạy Chúa Giêsu, xin xóa đi niềm tự cao, tự đại trong tâm hồn chúng con, vì lầm tưởng
rằng mình đạo gốc, công chính, đạo đức, dễ ngủ mê trong kiêu căng, tự phụ, đánh mất hết ân
nghĩa của Chúa. Cũng xin Chúa xóa đi nỗi mặc cảm của chúng con tự ti, tội lỗi, xấu xa, gớm
ghiếc, chua chát thất vọng, để có thể tỉnh ngộ, chân thành sám hối, ăn năn và trông cậy, trở về
vòng tay yêu thương của Người Cha Nhân Từ.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ luôn nhắc nhủ, giúp đỡ, cầu bầu cho chúng con sống trọn vẹn giây
phút hiện tại, với tràn đầy tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Amen.
AM. TRẦN BÌNH AN
NHỮNG CÔ GÁI ĐIẾM
SẼ VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA TRƯỚC
Chủ đề nổi bật hơn cả của Chúa Nhật 26 thường niên A là sự thống hối ăn năn của con người
tội lỗi gặp được lòng nhân lành của Thiên Chúa tình thương. Quả thật, Lịch Sử Cứu Độ của Thiên Chúa
đối với con người là một chuỗi dài lịch sử tình thương, tội thì Chúa phạt, hoán cải thì Chúa cứu. Đó là lý
do tại sao Thiên Chúa phán: "Ta muốn lòng nhân từ chứ không cần hy lễ" ( Hs 6, 6; Mt 9, 13 ). "Ta
không muốn kẻ vô đạo chết, mà ( muốn ) kẻ vô đạo bỏ đường nó theo mà trở lại và được sống" ( Ed 33,
11 ). Cánh cửa trái tim nhân từ của Thiên Chúa luôn luôn rộng mở cho hết những ai chân thành hướng
về Thiên Chúa với cả tấm lòng thành, và Ngài sẽ đón nhận họ với niềm vui khôn tả là cả thiên đàng sẽ
vui mừng ( x. Lc 15, 10 ).
5
Chỉ có Thiên Chúa không quy kết tội lỗi mà còn thứ tha. Ngài là "Cha đầy tình thương xót" ( 2 Cr
1, 3 ), là Thiên Chúa nhân lành, đầy lòng từ bi, và là Thiên Chúa mọi nguồn an ủi, luôn kiên nhẫn chờ
đợi kẻ có tội thống hối ăn năn, luôn muốn điều tốt cho con cái. Hoán cải thực sự là dứt khoát từ bỏ tội
lỗi, thống hối vì những tội đã qua và xin Chúa thứ tha. Thiên Chúa thương xót sẵn sàng tha thứ và tuôn
đổ Thánh Thần tẩy xóa mọi tội lỗi quá khứ của hối nhân.
Trách nhiệm của con người
Thiên Chúa muốn chúng ta phải chịu trách nhiệm về những việc chúng ta làm, trả lời về những
kết quả hành động của chúng ta. Nên chúng ta không được hành động nửa vời: vì nếu nửa vời chúng ta
sẽ chết. Ngôn Sứ Edêkien cảnh báo: "Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình
chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không
phải chết" ( Ed 18, 28 ).
Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta rằng, nói "vâng", "tôi biết", "tôi thực hành giáo lý" mà thôi, chưa
đủ, phải hành động, phải lên đường. Chính người con trai đã nói "không" với cha mình, nhưng nó hối
cải và đi làm vườn nho, anh ta đã làm theo ý người cha, như thế, anh bước vào giao ước tình thương
của cha anh, anh đã yêu mến cha trong hành động và chân lý.
Chúa Giêsu lên án các Thượng Tế và Kỳ Lão là những người biết rõ Kinh Torah, Lời Thiên Chúa,
nhưng chỉ biết thôi không làm cho họ nên công chính. Chúa long trọng tuyên bố: "Tôi bảo thật các ông,
những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông" ( Mt 21, 31 ). Các Thượng Tế
và Kỳ Lão hiểu rất rõ sứ điệp trên, nên họ sẽ không dung tha cho Chúa Giêsu: ít ngày sau, chính họ là
những kẻ sẽ lên án tử cho Người. Đúng, sự đồi bại của kẻ công chính sẽ dẫn đến cái chết, thậm chí dẫn
đến cái chết của những người vô tội, như Hêrôđê dẫn đến cái chết của các Thánh Anh Hài !
Những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước
Lời tuyên bố trên của Chúa Giêsu như một ánh hào quang của Tin Mừng được xây dựng chung
quanh hạng nguời đĩ điếm, lý tưởng hoá họ và đối nghịch họ với những kẻ được gọi là công chính là
các thượng tế và các kỳ lão, đã gây sốc cho nhiều người. Không có lời nói nào của Chúa Giêsu bị lạm
dụng cho bằng lời nói: "Những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước" ( Mt 21, 31 ).. Khi lý tưởng
hoá hạng đĩ điếm, người ta cũng lý tưởng hóa luôn cả hạng người thu thuế, luôn đi kèm hạng đi điếm, là
những kẻ cho vay nặng lãi, một loại luôn đồng hành loại gái điếm trong Tin Mừng đã gây lên một sự
hiểu lầm đáng sợ, khi người ta không nhận thức đủ.
Những người thu thuế, là những nhân viên các cơ quan thâu thuế Rôma, tham dự trong những
hành xử bất công của những cơ quan này. Nếu Chúa Giêsu liên kết những gái điếm và những người
thu thuế với nhau, Người làm vậy không phải là không có lý do; vì cả hai đều coi tiền bạc là sự quan
trọng nhất trong cuộc sống.
Nếu Chúa Giêsu tôn trọng các cô gái điếm và người thu thuế hay kẻ tội lỗi, không phải do kiểu
sống của họ, nhưng vì khả năng thay đổi và phục thiện... như Maria thành Magdala, kẻ đã trở lại và đã
theo Chúa Giêsu trên tất cả con đường thánh giá, là một gương mẫu cho sự này ( đặt giả thiết bà là một
cô gái điếm ), Dakêu ( x. Lc 9, 1 – 10 ), người phụ nữ Samari ( Ga 4, 1 – 42 ), người phụ nữ ngoại tình ( x.
Ga 8, 1 – 11 ) và người con trai hoang đàng ( x. Lc 15, 11 và 32 ).
Chúa Giêsu nói rõ lý do sẽ vào Nước Thiên Chúa trước: "Vì Gioan đã đến với các ông trong
đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn
các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà
tin ngài" ( Mt 21, 32 ).
Hoán cải không bao giờ là muộn
Chúng ta được yêu cầu từ bỏ thái độ để ý đến mình hơn là
tha nhân, thậm trí hơn cả Thiên Chúa nữa. Vì không phải mọi kẻ
nói với Ta: "Lạy Chúa, lạy Chúa", là sẽ vào được Nước Trời, nhưng
là kẻ thi hành ý Cha Ta, Ðấng ngự trên Trời" ( Mt 7, 21 ).
Những lời tuyên bố trên của Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu
rõ hơn về dụ ngôn hai người con trai được cha sai đi làm vườn nho
( x. Mt 21, 32 ). Qua đó, Chúa mở mắt những người Do Thái để họ
hiểu rằng khi khép kín lòng mình trong sự bất chính và sai lầm của
chính họ là một sự từ chối Nước Trời.
Họ nói "vâng" với Thiên Chúa. Nhưng trong thực tế, họ lại
ngoan cố khước từ lời Thiên Chúa, gạt bỏ Nước Trời. Rõ ràng là
nói "vâng" nhưng lại không thi hành. Và như một mẫu gương về sự
hoán cải, Chúa Giêsu đặt ra những tình huống trái nghịch: những
6
người thu thuế và gái điếm. Ban đầu, họ nói "không" với Nước Trời và Giao Ước vì họ chưa nhận ra các
yêu cầu phải thi hành để được vào Nước Trời, nhưng họ có đủ khả năng để thích ứng với dấu hiệu
Nước Thiên Chúa. Sau đó, trên hành trình tìm kiếm Nước Trời. Dần dần, họ học cách nói "có", nên
Chúa Giêsu tuyên bố: "Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không
cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi" ( Mt 21, 43 ).
Phần chúng ta, chúng ta cũng phải học cách nói "có"... "Con không đi'. Nhưng sau hối hận và đi
làm" ( Mt 21, 29 ).
Lm. Antôn NGUYỄN VĂN ĐỘ
NÓI VÀ LÀM
Trang Tin Mừng hôm nay trình bày dụ ngôn hai
người con, họ nhận cùng một lời mời gọi của cha nhưng
với hai thái độ khác nhau.
Người con thứ nhất
Lúc đầu từ chối, không vâng lời cha. Nhưng sau
đó nghĩ lại, nó đi làm vườn nho cho cha. Đứa con này
tượng trưng cho các người thu thuế và tội lỗi. Tuy đã
phạm tội, nhưng sau đó đã hồi tâm tin theo Chúa Giêsu
mà quay về với Thiên Chúa.
Người con thứ hai
Lúc đầu ngoan ngoãn vâng lời cha. Nhưng thực tế nó lại không đi làm vườn nho theo ý cha. Đứa
con này có vẻ công chính, tượng trưng cho các Thượng Tế, Kinh Sư, Pharisêu. Tuy giữ luật Môsê trong
từng chi tiết, nhưng họ lại từ chối Gioan Tẩy Giả, người đã đến chỉ đường công chính. “Thưa cha, con
đây”: câu trả lời lễ phép của một đứa con ngoan ngoãn hiếu thảo, sẵn sàng vâng nghe lời cha dạy bảo;
“Nhưng rồi lại không đi”: đứa con này mới chỉ vâng lời cha bằng môi miệng bề ngoài. Sau đó nó không
đi làm vườn nho theo lời cha dạy. Anh ta có thái độ "ngôn hành bất nhất", "nói mà không làm", “nói một
đàng mà làm một nẻo”. Một đời sống vụ hình thức bề ngoài. Một thái độ đạo đức giả.
Người con thứ hai ám chỉ những Thượng Tế, Kinh Sư và Pharisêu. Thời ấy, họ là những bậc vị
vọng, họ tự xưng mình là đạo đức, công chính, trong sạch. Thực tế họ rất giả hình. Nói rất hay nhưng
không thực thi điều mình nói. Họ nói mà không làm.
Giữa lời nói và việc làm thường có một khoảng cách rất lớn. Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Con
người dễ rơi vào thói nói nhiều làm ít, hoặc chỉ nói suông mà không làm, hoặc còn tệ hơn nữa khi việc
làm mâu thuẫn với lời nói.
1. Nói và làm, một tiêu chuẩn để xét định đời sống.
Kể xong dụ ngôn, Chúa Giêsu hỏi: “Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người
cha ?” Họ trả lời: “Người thứ nhất”. Đó là người nói không, nhưng đã hối hận và đi làm việc. Ở đây rõ
ràng có hai loại người: nói ít làm nhiều và nói nhiều làm ít.
Nói ít làm nhiều
Nói ít không phải là “ít nói” vốn thường hiểu theo nghĩa tiêu cực bộc lộ một lòng trí tối tăm hay
lòng dạ mưu mô. Nói ít cũng chẳng phải là không có gì để nói hay không biết nói gì. Trái lại người nói ít
là người biết mình nói gì và cũng là người có khả năng nói nhiều với chính mình bằng ngôn ngữ tư
tưởng, với người bằng ngôn ngữ hành động. Chính vì thế họ dễ trở thành những người “làm nhiều”.
Những người nói ít làm nhiều thường là những người tốt bụng, nhiệt thành với công việc, chu toàn
nhiệm vụ và biết trách nhiệm. Họ không làm phiền người bên cạnh. Họ thích làm tốt cho người khác. Họ
không bận tâm đến tiếng chê, chẳng nặng nợ với lời khen. Họ chăm chỉ làm việc và quan tâm tới từng
việc làm. Với họ, làm là cách nói tốt nhất.
Nói nhiều làm ít
Có những người nói nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu. Họ là những người hay nói. Hay nói
chưa chắc nói hay nhưng chắc chắn một điều: hay nói là một cánh cửa luôn rộng mở cho những
người thích nói hay nói tốt về mình, để làm điều kiện thuận lợi cho việc dèm pha phê bình người khác.
Đây là một nguy cơ của việc nói nhiều. Có biết đâu phê bình người khác lại là một cách bộc lộ lòng dạ
mình ra. Mang kính đen thì phê bình sao người khác đen quá, giống như lưỡi đắng có bao giờ thấy
canh ngọt. ( x. Làm nụ hoa trắng, trang 90-91, Gm. Vũ Duy Thống ).
7
2. Nói và làm, hai thái độ sống
Sau câu hỏi, Chúa Giêsu xác định một câu nghe thật nhức nhối: “Tôi bảo thật các ông: những
người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào nước trời trước các ông”. Những Thượng tế, Kinh sư và
Pharisêu không chịu nghe lời Chúa, không ăn năn sám hối. Những người thu thuế và gái điếm, khi được
mời gọi đã thành tâm sám hối. Có hạng người nói không làm và hạng người làm không nói.
Người nói mà không làm
Họ tự cho là mình đạo đức, nhưng khi Chúa Giêsu rao giảng, họ không những không tin mà còn
phê phán chỉ trích những người tin Chúa, chỉ trích chính Chúa đã đón tiếp người tội lỗi.
Người không nói nhưng lại làm
Đó là những người thu thuế và những cô gái điếm. Tuy sống tội lỗi, nhưng khi nghe Chúa rao
giảng, họ đã ăn năn sám hối và tin vào Chúa.
3. Những bài học
Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta hai bài học quan trọng:
Việc làm quan trọng hơn lời nói
Chính việc làm minh chứng lời nói. Chính việc làm mới có sức thuyết phục. Lý thuyết dù có hay
có đẹp đến đâu nếu không thực hiện được thì cũng vô ích. Trong đời sống, chúng ta gặp không ít
những người nói hay, nói nhiều, nhưng làm chẳng bao nhiêu. Nhưng trái lại, có những người nói không
hay, có khi không nói gì cả, nhưng lại làm rất nhiều. Nhất thời chúng ta có thể thích những người nói
hay. Nhưng sống càng lâu, chúng ta càng mến những người nói ít làm nhiều. Con đường đi từ trái tim
đến đôi tay là một con đường dài và gian khổ. Rung động trước nỗi khổ của người khác là điều tốt, giúp
cho họ bớt khổ là điều tốt hơn. Thánh Gioan khuyên rằng: “Hỡi anh em, đừng yêu mến bằng lời nói
suông, nhưng bằng việc làm thực sự” ( 1 Ga 3, 18 ).
Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy. Chúa yêu chuộng những người làm việc hơn là những
người chỉ biết nói suông. Những Luật Sĩ, Pharisêu, Kinh Sư bị lên án dữ dội vì họ giả hình. Họ nói mà
không làm. Họ đặt gánh nặng lên vai người khác nhưng bản thân lại tránh né. Ngày nay cũng vậy, có
những bậc cha mẹ dạy con cái phải giữ đạo, phải cầu nguyện, dự lễ, nhưng chính mình lại biếng nhác,
không làm gương sáng cho con cái. Chúa đòi hỏi phải thực hành: “Không phải những ai nói rằng: Lạy
Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời, nhưng là những kẻ làm theo ý Cha Ta trên trời” ( Mt 7, 21 ).
Đức Tin phải biểu lộ bằng việc làm mới là Đức Tin sống động. Thánh Giacôbê dạy: “Đức Tin không có
việc làm là Đức Tin chết” ( Gc 2, 17 ). Tình yêu cũng phải có việc làm. Việc làm minh chứng tình yêu
đích thực. Tin yêu Chúa phải được biểu lộ bằng việc làm.
Hãy làm một cách khiêm tốn
Những người Pharisêu làm gì cũng muốn phô trương. Muốn tỏ ra mình đạo đức, họ đeo lề luật trên
trán, trên tay. Ðeo rồi, sợ người khác không nhìn thấy, họ phải "đeo những hộp kinh thật lớn, may những
tua áo thật dài" để cho mọi người biết họ yêu mến lề luật, giữ đạo cặn kẽ. Thói phô trương dễ biến thành tự
phụ tự mãn, hợm hỉnh. Nên những người Pharisêu "ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu
trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là thầy".
Khi phê phán người Pharisêu, Chúa Giêsu muốn cho môn đệ
hãy sống đạo trong kín đáo: "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải
coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy… Vậy khi bố thí, đừng
có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn
trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật
anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng
cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo…
Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng
thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba
ngã tư, cho người ta thấy… Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng,
đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Ðấng hiện diện nơi
kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại
cho anh" ( Mt 6, 1 – 6 ). Kín đáo làm việc đạo đức là dấu chỉ lòng mến
Chúa chân thực. Lòng mến Chúa chân thực sẽ dẫn đến thái độ khiêm
tốn, luôn biết kính trọng người khác và luôn biết phục vụ anh em.
Xin Chúa giúp chúng con biết sống “ngôn hành như nhất” để
lời nói và việc làm của chúng con luôn đẹp lòng Chúa và mưu ích cho tha nhân. Amen.
Lm. Giuse NGUYỄN HỮU AN
8
KHOA HỌC TÌNH YÊU
Một trong những đoạn trong cuốn “Một Tâm Hồn” của Thánh
Têrêsa Hài Đồng Giêsu khiến tôi ấn tượng nhất chính là lúc Chị kể lại
lời Chúa Giêsu từ trên Thánh Giá nói với Thánh Margaret Maria
Alacoque: “Ta muốn con đọc cuốn sách cuộc đời, trong đó có KHOA
HỌC TÌNH YÊU”. Thánh Têrêsa còn được mệnh danh là Bông Hồng
Nhỏ và Tiến sĩ Tình yêu Kitô giáo.
Điều này ảnh hưởng Thánh Têrêsa khá nhiều: “Khoa học Tình
yêu, vâng, từ ngữ này âm vang ngọt ngào trong linh hồn tôi, và tôi chỉ
muốn loại khoa học này”. Ơn gọi yêu thương của Chị được kết tinh.
Khoa học và tình yêu có vẻ không hợp nhau. Chúng ta muốn
kết hợp tình yêu bằng cảm xúc, sự thu hút, và niềm đam mê – không
hẳn là “chất” khoa học, nó hợp với lý lẽ, kinh nghiệm và sự phát triển.
Nhưng tình yêu giống như khoa học không là phép ẩn dụ thần bí vô
căn cứ hoặc lập dị.
Tôi tình cờ gặp được đoạn văn của Thánh Têrêsa ngay sau khi
đọc cuốn “Anh Em Nhà Karamazov” ( Brothers Karamazov ), và Dostoevsky – viết vào khoảng thời gian
như Thánh Têrêsa ( cuối thập niên 1800 ) – cũng sử dụng công thức này. Trong phần đối thoại đầu
cuốn sách, Lm Zossima cố gắng an ủi “người phụ nữ của niềm tin bé nhỏ”, đầu tiên là khuyên phụ nữ
này đừng sợ vì tính nhút nhát khi đạt được tình yêu, rồi chỉ ra rằng tình yêu trong hành động khó so
sánh với tình yêu trong mơ ước: “Tình yêu tích cực là làm việc và chịu đựng, đối với một số người, có
thể đó cũng là một khoa học hoàn hảo”.
Dorothy Day, người sáng lập Phong trào Công Nhân Công Giáo ( JOC ), cũng viết: “Tình yêu là
một dạng khoa học, một dạng kiến thức mà chúng ta thiếu”. Đây là lý do chúng ta luôn cần cầu xin Chúa
Thánh Thần: “Accende lumen sensibus, infunde amorem cordibus” – xin hãy thắp sáng các giác quan,
xin hãy đổ đầy tình yêu vào trong tâm hồn chúng con. Lời nguyện ca thật đẹp đó trong bài thánh ca cổ
“Veni Creator Spiritus” ( Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến ). Chính Chúa Thánh Thần làm cho tâm
hồn chúng ta đầy tràn tình yêu.
Không lâu trước thời Thánh Têrêsa, khái niệm của Chủ Nghĩa Thực Chứng ( Positivism ) cho
rằng không có khoa học hiện hữu trừ những gì nghiên cứu hiện tượng của thế giới tự nhiên, đã bắt đầu
được chú ý. Trong cuốn sách viết năm 1874, cuốn “The Crisis of Western Philosophy: Against the
Positivists” ( Khủng hoảng của Triết học Tây phương ), triết gia lỗi lạc Vladimir Soloviev ( người Nga ) đã
bác bỏ khái niệm của triết gia Auguste Comte ( người Pháp ) cho rằng nhân loại bước vào một kỷ
nguyên nhận thức khoa học là cách phù hợp để thay thế mọi dạng hiểu biết khác, chẳng hạn như kiến
thức thần học hoặc triết học “thô sơ”. Comte cảm thấy những điều đó đã lỗi thời đối với lịch sử của sự
tiến bộ “khoa học”. Phương châm của Comte là “Order and Progress” ( Trật tự và Tiến bộ ) được ghi
trên quốc kỳ Brazil. Châm ngôn này dễ dàng làm theo.
Lịch sử không ghi lại điều đó. Nhưng Thánh Têrêsa, lúc 14 tuổi, đã hiểu những điều mà dân trí
thức không thể hiểu, mặc dù họ dành cả đời để nghiên cứu, đó chính là KHOA HỌC TÌNH YÊU.
Soloviev cảm thấy rằng sự khủng hoảng triết học Tây phương là do sai lầm khi đề cao kiến thức
( lý lẽ ) hơn thứ khác ( Đức Tin ). Ông cho rằng điều này bắt đầu nổi lên trước thời kỳ Khai Sáng ( thế kỷ
18, đề cao lý trí ). Thời kỳ này cũng củng cố tư tưởng cho rằng khoa học nên thay thế cho luân lý truyền
thống hệ thống đạo đức. Cuối cùng, nó bị coi là “phi khoa học”.
Toàn bộ luân lý truyền thống dựa trên những gì Chúa Giêsu xác định là hai giới răn quan trọng
nhất: Mến Chúa và yêu người. Chúng ta có thể nói rằng Chúa Giêsu nói “rất khoa học” – đưa ra kiến
thức đích thực – chứng thực tính ưu việt của tình yêu. Loại bỏ luân lý truyền thống không giải phóng con
người khỏi quy luật, mà lại bao hàm mối nguy có thật là mất tình yêu.
Khoa học phong phú hóa thế giới bằng nhiều cách, nhưng đó không là nền tảng để người Công
Giáo hiểu rằng khoa học là phương cách tự bào chữa về “cuộc tranh luận sinh học đạo đức đương đại”
( contemporary bioethical debates ). Soloviev đã nhận thấy điều nguy hiểm khi loại bỏ kiến thức tôn giáo và
triết học. Ông không cho phép thông báo các tiến bộ khoa học. Ông nhận xét: “Để có kết thúc hợp lý,
nguyên nhân chính của thuyết vị lợi tương đương với sự phủ nhận hoàn toàn đối với luân thường đạo lý”.
9
CÙNG CHIA SẺ
Đức Thánh Cha Benedict XVI nói điều này vẫn như trước đây, ngài nói rằng chỉ có “khoa học
tình yêu” mới là “dạng khoa học cao cấp nhất”. Theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, “khoa học tình
yêu” có thể bảo vệ nhân loại khỏi các hệ lụy xói mòn do thói vị lợi ngày nay, và “chỉ có tình yêu mới có
thể ngăn ngừa người này lợi dụng người kia” [ cuốn “Tình yêu và Trách nhiệm” của Đức Giám Mục
Karol Wojtyla ( sau là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ), năm 1960 ]. Chỉ có tình yêu mới có thể kéo
chúng ta ra khỏi sự vô nghĩa mà chủ nghĩa duy vật truyền bá.
Không lâu trước khi qua đời tại Auschwitz, Edith Stein đã viết bài nghiên cứu chi tiết về triết học
của tư tưởng theo Thánh Gioan Thánh Giá, với tựa đề là “Khoa học Thánh Giá” ( Science of Cross ). Tài
liệu này là đỉnh cao của sự khôn ngoan. Trong đó, bà cho biết rằng bà gọi là “khoa học của các thánh”
với “sự thật của các niềm tin” ( không bao giờ trái ngược với khoa học hoặc lý lẽ ).
Tôi nghĩ rằng thuật ngữ này có sức mạnh lôi cuốn cả người tin lẫn người không tin, nó mời gọi
chúng ta xem lại những gì chúng ta ngụ ý bằng khoa học – và bằng tình yêu, điều mà Thánh Gioan
Phaolô II gọi là “ơn gọi nền tảng và bẩm sinh của mọi người”.
Các Thánh theo đuổi các ơn gọi khác nhau của tình yêu bằng cách theo “phương pháp khoa
học” mà Chúa Giêsu khuyên: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” ( Mt 11, 29 ).
Chúng ta còn tìm kiếm gì xứng đáng hơn Thánh Tâm Chúa – “Lò Lửa Tình Yêu” ?
Thánh Tiến Sĩ Têrêsa Hài Đồng Giêsu nhắc chúng ta nhớ tới “Con Đường Bé Nhỏ” mà không
khoa học gia nào có thể hiểu nổi. Con đường đó chỉ có thể hiểu được nhờ tình yêu, một thực tế sâu sắc
nhất của cuộc sống.
MATTHEW HANLEY, TheCatholicThing.org
Bản dịch của TRẦM THIÊN THU
DUY THỨC VÀ CẦU NGUYỆN
Cầu nguyện là hành vi không thể thiếu trong đời sống tôn giáo. Người gọi là có đạo không cầu
nguyện thì cũng giống như người đi trên đường mà không chịu cất bước. Có đi mới đến, không đi thì
không thể đến. Ví cầu nguyện giống như việc cất bước để cho thấy đó là việc vô cùng hệ trọng không thể
không làm. Tuy nhiên trong thời tục hóa này, việc cầu nguyện
nếu không nói là đã bị phế bỏ thì cũng chẳng còn ý nghĩa gì
nữa. Thực vậy, tục hóa tức cũng là Giải Thiêng, mà đã Giải
Thiêng rồi thì còn cầu nguyện với ai ? Cầu để làm gì ?
Việc cầu nguyện luôn bao gồm hai phần: Một là Cầu,
hai là Nguyện. Cầu là cầu xin với Đấng mà mình phụng thờ.
Còn Nguyện là nguyện về nơi mình muốn đến. Chính bởi tính
chất cầu nguyện là vậy nên trong tất cả các kinh nguyện trước
đây đều thể hiện đầy đủ hai ý này. Cầu là cầu xin với Thiên
Chúa để nói lên lòng Tin Cậy Mến với Ngài. Còn nguyện là
nguyện cho Danh Cha cả sáng, nguyện vâng giữ mọi điều
Chúa truyền dạy, mọi điều Hội Thánh truyền… Tất cả những
lời cầu ấy đều được kết thúc với việc xin cho được về cõi
Thiên Đàng hưởng vinh phúc đời đời.
Còn cầu nguyện thì còn Đức Tin, trái lại không cầu
nguyện thì Đức Tin sẽ mất. Cuộc khủng hoảng của Giáo Hội
hiện nay trước hết là khủng hoảng Đức Tin vì không còn cầu
nguyện cách xứng hợp. Đức cố Hồng Y FX. Nguyễn Văn
Thuận đặt câu hỏi và tự trả lời: “Tại sao Hội Thánh khủng
hoảng ? Vì đã hạ giá việc cầu nguyện” ( Đường Hy Vọng 132 ).
Có hai hình thức hạ giá: Một là đánh đồng việc cầu nguyện với suy luận thần học. Hai là cho đó
chỉ là một thứ hình thức đạo đức bình dân ( đọc kinh ). Đang khi đó cầu nguyện đích thực là hành vi tâm
linh đòi hỏi cần phải xoay cái Tâm trở vào bên trong: “Còn ngươi khi cầu nguyện hãy vào phòng kín,
đóng cửa lại rồi cầu nguyện với Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ
ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 6).
Cầu nguyện với Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật. Vậy nơi ẩn mật đó có thể là nơi nào nếu đó
không phải là cõi lòng thâm sâu của mỗi người ? Cõi lòng thâm sâu ấy Đức Kitô có khi xưng tụng là Cha
10
CÙNG TÌM HIỂU
có khi gọi là Nước Trời. Chúa dạy chúng ta cầu nguyện bằng cách vào phòng kín đóng cửa lại có nghĩa
phải xoay cái Tâm trở vào bên trong bằng cách đóng cửa giác quan ( mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý ) đừng
để cho nó phóng túng ra bên ngoài nơi thế giới ngoại vật. Chỉ khi nào cầu nguyện bằng cách hướng tâm
như thế mới được Chúa báo đáp, có nghĩa được ban cho ơn sủng dồi dào.
Để có thể kín múc ơn sủng bằng cách xoay tâm trở vào bên trong như thế, đòi hỏi cần phải có
phương pháp cùng với sự kiên trì trong thực hành. Phương pháp và lòng kiên trì luôn bổ túc cho nhau.
Phương pháp giúp ta kiên trì, ngược lại, kiên trì cho ta càng đi sâu vào phương pháp. Phương pháp
được đề cập tới ở đây là môn Duy Thức, một pháp môn Đại Thừa Phật Giáo do Bồ tát Thiên Thân
( Vasubandhu ) thế kỷ thứ 5 tạo lập.
Duy Thức học là một môn rất khó tiếp thu bởi có rất nhiều danh từ chuyên môn ( Bách Pháp )
đồng thời cách phân tích lại chi li cho tới ngọn ngành. Tuy nhiên đó lại là môn vô cùng cần thiết cho tất
cả những ai muốn đi sâu tìm hiểu về Tâm và về thế giới. Riêng trong lãnh vực tôn giáo, Duy Thức Học
giúp cho ta một cơ sở thực hành hết sức quý giá. Ngược lại, không hiểu Duy Thức, thì như cư sĩ Đường
Đại Viên tác giả biên soạn Duy Thức Học nói: “Người học Phật vì không hiểu Duy Thức nên Phật Pháp
suy đồi. Kẻ thế tục vì không học Duy Thức nên khinh báng Phật. Quốc gia vì không hiểu Duy Thức nên
rối loạn. Nhân loại vì không học Duy Thức nên mới đảo điên”.
Bởi đâu không hiểu Duy Thức thì Phật Pháp suy đồi, nhân loại đảo điên ? Lý do là vì không biết
muôn sự muôn vật đều không thật có chỉ là do Thức biến. Phàm phu ai cũng thấy cái nhà là… nhà,
nhưng theo Duy Thức Học thuần túy, đó chỉ là cái tên suông hoàn toàn không có thực chất. Sao nói
không thực chất ? Bởi vì cái gọi là nhà ấy nếu phân tích ra thì gồm bởi nào là gạch, ngói, ximăng, sắt,
thép, gỗ, kính v.v… Tiếp tục đi sâu phân tích cho đến tận cùng bằng khoa vật lý sẽ thấy tất cả những cái
gọi là gạch, ngói, ximăng, sắt, kính… đó chỉ là những nguyên tử.
Theo thuyết vật lý cổ điển Newton thì nguyên tử là đơn vị nhỏ nhất và rắn chắc không thể phân
chia. Thế nhưng với vật lý hiện đại thì nguyên tử chưa phải đơn vị nhỏ nhất bởi nó có thể bị phá vỡ.
Thật sự thì trong không gian vật lý, không hề có cái gọi là đơn vị biệt lập dù là nguyên tử, mà chỉ là một
thứ dạng năng lượng, tức sóng và hạt. Nhà bác học Albert Einstein đưa ra định nghĩa về vật chất bằng
công thức E=MC2
, trong đó C là vận tốc ánh sáng. E là năng lượng và M là khối lượng của vật. Công
thức này cho thấy vật chất sẽ biến thành năng lượng khi nó đạt tới vận tốc ánh sáng. Ngược lại, năng
lượng cô đọng lại tối đa sẽ biến thành vật chất.
Phân tích như thế để cho thấy có sự khác biệt sâu xa giữa cái gọi là nhà của thường nghiệm và
nhà của khoa học. Người đời chỉ thấy cái nhà là… nhà, để rồi từ đó khởi lên những ý niệm khen chê tốt
xấu, mong cầu ghét bỏ này nọ. Đang khi ấy cái nhà theo vật lý học chỉ là một thứ khối lượng và nó sẽ
biến đổi thành năng lượng khi gặp điều kiện, chẳng hạn cháy nhà, nước lụt, chiến tranh tàn phá v.v…
Với khoa học thì vậy còn với Duy Thức thì nhà chỉ là cái tên suông. Mặc dầu chỉ là cái tên suông,
nhưng để nhà có thể là nhà, một nơi chốn cư ngụ thì nó không thể chỉ gồm bởi gạch, ngói, ximăng, sắt,
thép… mà cần phải có các ông kiến trúc sư, các ông thợ xây, thợ hồ v.v… Không có kiến trúc sư, thợ
xây, thợ hồ, thì gạch, ngói, ximăng… vẫn mỗi thứ mỗi nơi làm sao có thể thành ra cái gọi là nhà được ?
Cần có kiến trúc sư, thợ xây, thợ hồ… để làm ra cái nhà. Việc làm ra ấy triết Phật gọi nó là
Duyên Khởi. Gạch phải Duyên với ximăng qua bàn tay người thợ xây mới làm nên bức tường. Kính phải
Duyên với khung cửa mới thành ra cánh cửa, v.v. và v.v… Tính chất Duyên Khởi là trùng trùng bất tận,
bởi đó cho nên không thể có bất cứ một đơn vị nào biệt lập dù nhỏ như nguyên tử. Muôn sự muôn vật
tồn tại là do Duyên Khởi và tính Duyên Khởi ấy thể hiện trong lãnh vực tâm linh chính là việc Huân Tập.
Huân Tập nghĩa của nó là chứa nhóm. Hễ
chứa nhóm cái gì thì sẽ có cái ấy, anh cứ tơ tưởng về
quân bài quân bạc thì thế nào cũng sà vào sòng bài
để ăn thua đủ. Anh cứ suốt ngày xem phim con heo,
phim bạo lực đánh đấm súng nổ thì sẽ có ngày không
phạm tội hiếp dâm thì cũng lạm dụng tình dục cách
này cách khác. Trái lại, nếu siêng năng đọc kinh, làm
việc lành phúc đức, tham dự Thánh Lễ hàng ngày thì
tất sẽ có được cuộc sống an vui hạnh phúc đời này
đời sau v.v… Chứa nhóm cái gì sẽ có cái đó và sự
chứa nhóm ấy chính là huân tập các chủng tử.
Có ba loại chủng tử hay còn gọi là chủng tánh
chính yếu:
1. Vô chủng tánh: Đây là hạng người chỉ hay
phát tâm làm những việc thiện ở thế gian như bắc
11
cầu, làm đường, làm việc từ thiện cứu tế v.v… để hưởng phước báu thế gian. Hạng người này chỉ tạo
nghiệp hữu lậu, không có chủng tử vô lậu, nên gọi là vô chủng tánh.
2. Đại Thừa chủng tánh: Đây là hạng phát tâm Phật, rộng tu Lục Độ ( Bố thí, Trì giới, Tinh tấn,
Nhẫn nhục, Thiền định, Trí huệ ). Đoạn trừ cả ngã chấp và pháp chấp quyết định thành Phật, nên gọi là
Phật chủng tánh.
3. Bất định chủng tánh. Đây là hạng người sẵn có cả chủng tử hữu lậu và vô lậu. Nếu gặp được
Đại Thừa giáo hóa thì thành Phật. Còn gặp Nhị thừa giáo hóa thì thành Thinh Văn hoặc Duyên giác. Vì
Tánh bất định như thế, nên gọi là bất định chủng tánh.
Duy Thức Học đưa ra thuyết chủng tử huân tập mục đích cũng là để nói lên tính chất nhân quả
trong việc tạo nghiệp. Nhân nào thì quả ấy. Chủng tử loại nào thì tạo ra nghiệp loại đó, chủng tử hữu lậu
thì tạo nghiệp hữu lậu. Chủng tử vô lậu thì tạo nghiệp vô lậu. Tôn giáo suy cho cùng chỉ là vấn đề tạo
Nhân tối thượng để hưởng Quả lành tối thượng.
Cái Nhân tối thượng của Đạo Phật là thành Phật. Còn của Đạo Chúa là nhận biết mình là Hình
Ảnh Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa. Nhận biết mình là Con Thiên Chúa cũng là nhận biết Sự Thật và chỉ
khi nào nhận biết Sự Thật thì con người mới được giải thoát: “Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì
thật là môn đệ Ta. Các ngươi sẽ nhận biết Sự Thật và Sự Thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 – 32 ).
Nhận biết Sự Thật Con Thiên Chúa ở nơi mình là con đường tạo lập Nhân lành tối thượng và
con đường ấy chỉ dành cho những người có Tâm xuất thế tức hạng người có chủng tánh Đại Thừa.
Đức Kitô đòi hỏi những ai muốn theo Ngài thì phải có Tâm xuất thế. Ngược lại không có Tâm ấy thì
không thể theo.
Chúng ta nhớ lại câu chuyện chàng thanh niên giàu có cũng muốn theo Chúa Giêsu để thực hiện
con đường trọn lành, khi nghe Ngài nói phải về bán hết nhà cửa ruộng vườn thì anh ta bèn thối lui. Sau
khi anh ta đi khỏi, Chúa nói với các môn đệ: “Ta nói cùng các ngươi, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ
hơn người giàu có vào Nước Đức Chúa Trời." Các môn đệ nghe lời ấy thì kinh ngạc quá đỗi mà thưa
rằng: "Thế thì ai có thể được cứu ?" Chúa Giêsu đáp: "Đối với loài người thì việc ấy bất năng nhưng với
Đức Chúa Trời thì mọi sự đều khả năng” ( Mt 19, 16 – 26 ).
Đối với Thiên Chúa mọi sự đều khả năng, vậy khả năng ấy là gì ? Xin thưa đó là cầu nguyện
cùng với Đức Tin và lòng kiên trì: “Vậy bất cứ mọi điều gì các ngươi xin trong khi cầu nguyện, hễ tin thì
chắc chắn nhận được” ( Mt 21, 22 ).
Có tin mới cầu, không tin thì không cầu. Tuy nhiên trong việc cầu xin này chẳng phải khi nào
cũng được Chúa nhậm lời. Bệnh hoạn ốm đau mà cầu xin mãi có được đâu ? Làm lụng vất vả quanh
năm suốt tháng, cầu xin cho khỏi nghèo đói mà có được đâu ? Lời Chúa là lời chân lý không hề dối. Vấn
đề ở chỗ chúng ta cần có Đức Tin như thế nào trong khi cầu nguyện. Cầu nguyện và Đức Tin luôn phải
đi đôi với nhau. Thế nhưng Đức Tin chỉ có thể nảy nở và trưởng thành nếu chúng ta có sự kiên trì trong
cầu nguyện. Đức Kitô trong Vườn Cây Dầu nói với Phêrô: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn kẻo sa
chước cám dỗ. Tâm linh thì sẵn sàng còn xác thịt thì yếu đuối” ( Mt 26, 41 ).
Tỉnh thức nghĩa của nó là Nhớ, trái với Tỉnh là Mê. Chúa nói tỉnh thức và cầu nguyện, điều ấy có
nghĩa cốt yếu việc cầu nguyện là để cho ta được nhớ đến Chúa ở nơi chính mình. Nếu hiểu cầu nguyện
mục đích để cho ta nhớ Chúa thì có thể chẳng cần nhiều lời. Đức cố Hồng Y FX. Nguyễn Văn Thuận
trong “Năm chiếc bánh và hai con cá” có kể một mẩu chuyện rất ý vị về cầu nguyện: Có ông lão tên Jim
hàng ngày cứ đúng 12 giờ trưa vào trong Nhà Thờ không quá hai phút rồi đi ra. Người trông coi Nhà
Thờ thắc mắc hỏi vào Nhà Thờ làm gì mà lại ra nhanh thế. Ông nói: "Vừa già vừa dốt, tôi đọc kinh theo
kiểu của tôi. Giêsu, có Jim đây !”
Cái ông già Jim ấy chẳng biết có dốt thật không, nhưng chắc một điều là ông ta tin và hết lòng
yêu mến Chúa Giesu. Mặc dầu vậy, đối với phần đông chúng ta không có được lòng tin yêu như ông,
nhưng cũng có thể nhớ Chúa bằng cách kiên trì trong việc đọc kinh lần chuỗi Mân Côi trong gia đình,
nơi Thánh Đường cùng với cộng đoàn hoặc bất cứ nơi nào, khi đợi xe, khi rảnh rỗi v.v…
Làm sao để có thể kiên trì trong cầu nguyện, đó là việc khó trong mọi việc khó. Lý do như Chúa
nói “bởi vì tâm linh thì sẵn sàng còn xác thịt thì yếu đuối”. Con người do bởi Tội Nguyên Tổ là tội phân
biệt nên luôn xu hướng ra bên ngoài nơi thế giới ngoại vật ( sắc, thanh, hương, vị, xú,c pháp ). Đọc kinh
thì cứ chia lòng chia trí chuyện này việc kia đến nỗi chán nản bỏ cả đọc kinh. Thế nhưng nếu bỏ đọc
kinh, lần hạt thì cũng chẳng còn phương thế nào để nhớ Chúa nữa.
Sở dĩ việc đọc kinh làm cho ta được nhớ đến Chúa là bởi Kinh là Lời Chúa. Đọc kinh tức là huân
tập Lời Chúa ghi khắc vào trong Tâm. Tâm là cái kho chứa ( Tạng Tâm ) nó có thể chứa đến vô tận đủ
loại chủng tử kể cả vô lậu hữu lậu. Lời Chúa mang giác tánh, tức cái biết sáng suốt chân thật, Thánh
12
Phaolô ví Lời Chúa như gươm bén: “Vì lời Đức Chúa Trời à lời sống, linh động sắc hơn mọi gươm hai
lưỡi, đâm thấu đến nỗi chia hồn linh khớp tủy biện biệt tư tưởng và ý định của lòng người” ( Dt 4, 12 ).
Cầu nguyện với sự kiên tâm bền chí tức là huân tập Lời Chúa để cho ta có thể Nhớ Chúa trong
hết cả mọi thời mọi nơi. Có nhớ Chúa được như thế thì Chúa mới nhớ đến ta. Có đồng thanh mới
tương ứng, có đồng khí mới tương cầu.
PHÙNG VĂN HÓA
CÔNG GIÁO VÀ TÔNG TRUYỀN
Bài Giáo Lý về Giáo Hội của Đức Thánh Cha Phanxicô
Anh chị em thân mến,
Khi chúng ta tuyên xưng Đức Tin của chúng ta, chúng ta xác tín rằng Giáo Hội "Công Giáo" và
"Tông Truyền". Thế nhưng ý nghĩa của hai chữ này, hai đặc tính quá quen thuộc này của Giáo Hội thực
sự là gì ? Và những chữ này có giá trị ra sao đối với cộng đồng Kitô hữu cũng như đối với mỗi một
người chúng ta ?
1. Công Giáo có nghĩa là phổ quát
"Chúng ta có được một định nghĩa đầy đủ và
rõ ràng từ một trong những vị Giáo Phụ của Giáo Hội
là Thánh Cyrilô thành Giêrusalem qua câu phát biểu:
"Thực sự Giáo Hội được tuyên xưng là Công
Giáo, tức là phổ quát, ở chỗ Giáo Hội lan tràn khắp
nơi từ chân trời đến góc biển của trái đất này; và
theo tính chất phổ quát cũng như không lầm lạc Giáo
Hội giảng dạy tất cả mọi chân lý mà con người cần
phải nhận biết liên quan đến những sự trên trời hay
dưới thế" ( 18th Catechesis, 23 ).
Một dấu hiệu rõ ràng về tính chất Công Giáo
của Giáo Hội đó là việc Giáo Hội nói bằng tất cả mọi
ngôn ngữ. Điều này là hoa trái của biến cố Hiện Xuống ( xem sách Công Vụ 2, 1 – 13 ). Thật vậy, chính
Thánh Linh giúp cho các Tông Đồ và toàn thể Giáo Hội âm vang cho đến tận cùng trái đất tất cả Tin
Mừng cứu độ và tình yêu của Thiên Chúa.
Giáo Hội bẩm sinh là Công Giáo, từ gốc đã là những gì "hợp tấu" và không thể là gì khác ngoài
Công Giáo, hướng tới việc truyền bá phúc âm hóa và gặp gỡ tất cả mọi người. Ngày nay Lời
Chúa được đọc bằng tất cả mọi thứ ngôn ngữ, hết mọi người đều có Phúc Âm để đọc theo ngôn ngữ của
mình.
Tôi xin lập lại là bao giờ cũng nên mang theo mình một cuốn Phúc Âm nhỏ, trong túi đựng hay
trong túi xách mà đọc một đoạn trong ngày. Đó là điều thiện ích cho chúng ta. Phúc Âm đã lan tràn nơi
tất cả mọi ngôn ngữ vì Giáo Hội, tác nhân loan truyền Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Chuộc, ở trên toàn
thế giới. Vì lý do đó chúng ta gọi Giáo Hội là Công Giáo vì Giáo Hội thì phổ quát.
2. Nếu Giáo Hội bẩm sinh là Công Giáo thì có nghĩa là Giáo Hội xuất thân "lên đường",
truyền giáo
Nếu các vị Tông Đồ cứ ở trên Căn Thượng Lầu, không ra đi để nguyện cầu Phúc Âm, thì Giáo
Hội chỉ là Giáo Hội của những con người ấy, của thành phố ấy, của nhà tiệc ly ấy. Thế nhưng, tất
cả đều đã đi vào thế giới, từ giây phút Giáo Hội được hạ sinh, từ giây phút Thánh Thần hiện xuống.
Thế nên Giáo Hội bẩm sinh là xuất thân "lên đường", là truyền giáo. Đó là những gì chúng ta
diễn tả khi nhận định Giáo Hội là Tông Truyền. Chữ này nhắc nhở chúng ta rằng Giáo Hội, trên nền tảng
các Tông Đồ, và tiếp tục với các vị được mời gọi để mang đến cho tất cả mọi người việc loan truyền
Phúc Âm, kèm theo những dấu dịu dàng và quyền năng của Thiên Chúa. Điều này cũng xuất phát từ
biến cố Hiện Xuống: thật vậy, chính vì Thánh Linh mà thắng vượt hết mọi đối chọi, thắng vượt khuynh
hướng khép mình lại, trong một số ít tuyển chọn, và coi mình là thành phần lãnh nhận viên duy nhất của
phúc lành Chúa ban...
13
CÙNG HỌC HỎI
Nếu có một nhóm Kitô hữu nào như thế, "Chúng tôi là thành phẩn tuyển chọn, chỉ duy một mình
chúng tôi thôi", thì cuối cùng họ sẽ chết.
Họ chết, trước hết trong linh hồn của họ rồi đến thân xác của họ, vì họ không có sự sống, họ
không có khả năng sản sinh sự sống cho người khác, cho những người khác.
Họ không phải là tông truyền. Chính Thần Linh dẫn chúng ta đến chỗ gặp gỡ anh chị em chúng
ta, bao gồm cả những ai xa cách nhất ở hết mọi ý nghĩa của nó, nhờ đó họ có thể chia sẻ với chúng ta
tình yêu thương, sự bình an và niềm vui là những tặng ân được Chúa Phục Sinh lưu lại cho chúng ta.
3. Đối với các cộng đồng của chúng ta cũng như đối với mỗi người chúng ta thì trong việc
thuộc về một Giáo Hội Công Giáo và Tông Truyền bao gồm những gì ?
Trước hết, có nghĩa là ôm ấp lấy Ơn Cứu Độ của toàn thể nhân loại, đừng cảm thấy dửng dưng
hay xa lạ trước số phận của rất nhiều anh chị em của chúng ta, song hướng về và liên kết với họ.
Hơn nữa, nghĩa là có cái cảm quan trọn vẹn, hoàn toàn và hòa hợp của đời sống Kitô hữu,
luôn loại trừ đi những chủ trương bán phần, riêng lẻ là những gì khép kín chúng ta lại.
Việc thuộc về Giáo Hội Tông Truyền nghĩa là nhận thức rằng Đức Tin của chúng ta được gắn
liền với việc loan truyền và làm chứng của chính các vị tông đồ của Chúa Giêsu, và vì thế, bao giờ cũng
cảm thấy mình được sai đi, trong mối hiệp thông với chư vị thừa kế các Tông Đồ, để loan truyền, bằng
một tấm lòng tràn đầy hân hoan, Chúa Kitô và tình yêu của Người cho toàn thể nhân loại.
Đến đây tôi xin gợi nhớ những đời sống anh hùng của nhiều thật nhiều các nhà truyền giáo đã lìa
bỏ quê hương của mình để ra đi rao giảng Phúc Âm ở các xứ sở khác, ở các châu lục khác. Một vị Hồng
Y Brazil đã từng làm việc ở Amazon có lần đã nói với tôi rằng khi ngài đến một địa điểm, một thành phố ở
miền Amazon, thì bao giờ ngài cũng đến nghĩa trang để viếng thăm các ngôi mộ của những nhà Truyền
Giáo, các vị Linh Mục, các Tu Sĩ nam nữ đã đến đó rao giảng Phúc Âm, các vị Tông Đồ.
Và ngài nghĩ rằng giờ đây có thể phong Thánh cho tất cả những vị này, vì họ đã từ bỏ tất cả để
công bố Chúa Giêsu Kitô.
Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì Giáo Hội của chúng ta đang có nhiều nhà truyền giáo, đã có nhiều vị
thừa sai, nhưng dù sao vẫn cần nhiều hơn nữa ! Chúng con tạ ơn Chúa vì điều ấy. Có lẽ trong số nhiều
giới trẻ, những em trai cũng như em gái đang có mặt ở đây, có người mong muốn trở thành một nhà
truyền giáo: Các con cứ việc nhé ! Thật là một điều tuyệt vời được loan truyền Phúc Âm của Chúa
Giêsu. Hãy hiên ngang và dũng cảm !
Giờ đây chúng ta hãy xin Chúa tái tấu trong chúng ta tặng ân Thần Linh của Người, nhờ đó hết
mọi cộng đồng Kitô hữu và hết mọi người đã lãnh nhận phép rửa đều phản ảnh Mẹ Thánh Giáo Hội
Công Giáo và Tông Truyền.
Bản dịch của Đaminh Maria CAO TẤN TĨNH, BVL,
http://www.zenit.org/en/articles/pope-s-general-audience-the-church-was-born-catholic-and-apostolic
PHONG CÁCH PHANXICÔ
Bài 21. Hai Người Mẹ của ta trên đường Giêsu
Mỗi khi muốn viết về Mẹ Maria tôi lại liên tưởng đến Thomas Merton
( 1915-1968 ) Tu Sĩ OCSO. ( Ordo Cisterciensis Strictioris Observantiae ),
thường được gọi là Dòng Trap, theo tên Tu Viện La Grande Trappe, một nhánh
của Biển Đức. Dù viết ra đến 70 cuốn sách đào sâu chiêm niệm, cha Merton chỉ
dám viết một chương ngắn trong tác phẩm New Seeds of Comtemplation - Tân
Hạt Giống Chiêm Niệm – có tựa đề Người Phụ Nữ Mặc Áo Mặt Trời để nói về
Mẹ Maria. Vào trước 1975, cha Merton thường viết lời giới thiệu cho những tác
phẩm của mình do Thanh Bằng chuyển ngữ sang tiếng Việt.
( Trích ) "Tất cả những gì đã được viết ra về Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên
Chúa chứng minh cho tôi một điều là sự thánh thiện của Mẹ vô cùng chìm
khuất. Những gì người ta có thể tưởng tượng ra để nói về Mẹ nhiều khi lại
nói về chính họ hơn là về Mẹ. Vì Thiên Chúa mặc khải ra vô cùng ít về Mẹ,
cho nên những người không biết một chút gì về con người và tính cách của
14
CÙNG NHẬN ĐỊNH
Mẹ thường có khuynh hướng nói về chính mình khi cố tâm thêm thắt điều gì đó vào những gì Thiên
Chúa đã bộc lộ ra về Mẹ".
( All that has been written about the Virgin Mother of God proves to me that hers is the most
hidden of sanctities. What people find to say about her sometimes tells us more about their own selves
than it does about Our Lady. For since God has revealed very little to us about her, men who know
nothing of who and what she was tend to reveal themselves when they try to add something to what God
has told us about her ).
"Trong khi sự thánh thiện của Thiên Chúa vượt xa khỏi tầm hiểu biết của ta, sự thánh thiện của
Đức Trinh Nữ còn chìm khuất hơn sự thánh thiện của Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa ít ra cũng đã nói cho
ta đôi chút về Người tuy ngôn ngữ nhân loại chỉ diến tả được một phần rất nhỏ. Nhưng về Mẹ Maria,
Người chỉ cho biết rất ít những gì quan trọng. Tuy vậy, ta cũng có thể nhận ra Mẹ nếu ta cũng trở nên
chìm khuất trong Thiên Chúa nơi mà Mẹ đang chìm khuất. Chia sẻ sự khiêm tốn, chìm khuất, khó nghèo,
ẩn mình và cô tịnh của Mẹ là cách tốt nhất để biết về Mẹ. Biết về Mẹ như thế là tìm thấy sự khôn ngoan".
( But the sanctity of God is only darkness in our minds. Yet the sanctity of the Blessed Virgin is in
a way more hidden than the sanctity of God: because he has at least told us something about himself
that is objectively valid when it is put into human language. But about our lady he has told us only a few
important things. And yet I can find her if I too become hidden in God where she is hidden. To share her
humility and hiddeness and poverty, her concealment and solitude is the best way to know her: but to
know her thus is to find wisdom ( hết trích ).
Ngoài mục đích chung là cổ động vinh danh Chúa, Dòng Đồng Công còn có mục đích riêng là
nhờ vào việc hiến toàn thân cho Mẹ Maria, đào tạo những Linh Mục và Tu Sĩ thánh thiện hoàn hảo
(Nguồn http://www.dongcong.net/DongDongCong/LuocSuDong/MucDich.htm ). Trong chuyên mục Mẹ
Maria, website của Dòng sử dụng và phổ biến tác phẩm Cuộc Đời Mẹ Maria của Maria Agrêđa ( 1602-
1666 ), in tại Địa Phận Tây Đàng Ngoài, Lái Thiêu, tháng 5 năm 1882, được coi như một nguồn học hỏi
chính sử về Mẹ Maria.
( Trích ) "Đến ngày 8 tháng 9, bà Anna biết mình sắp sinh ái nữ, bà sấp mình cầu xin Chúa chúc
lành cho mình. Bà được ơn gìn giữ khỏi những cơn đau thông thường nơi các bà mẹ sinh con, nên bà
dâng lời cảm tạ Thiên Chúa. Các Thiên Thần hầu cận Mẹ hát lên những khúc ca thiên đàng. Mẹ xinh
đẹp nằm gọn trên tay thân mẫu mình. Mẹ xin các Thiên Thần ca tụng Chúa với Mẹ và nhân danh Mẹ.
Tổng Thần Gabriel được sai đến ngục Tổ Tông, để báo cho các Thánh tin Mẹ Chúa Cứu Thế đã
sinh ra, một tin mừng làm cho các ngài hoan hỷ và tri ân vô ngần. Thiên Chúa lại sai các Thiên Thần
rước Mẹ về Trời, trước ngai uy linh Thiên Chúa, Mẹ sấp mình thờ lạy Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngôi Lời
nâng Mẹ dạy và đặt ngồi bên hữu mình. Mẹ lãnh nhận nhiều mạc khải mới và lòng Mẹ bừng lên niềm
vinh quang. Mẹ xin Chúa mau thi hành ơn nhập thể để cứu độ trần gian. Thiên Chúa đoan quyết với Mẹ
là sắp được thực hiện. Thiên Chúa còn cho các Thiên Thần biết, Chúa rất hài lòng về danh hiệu Maria
và Giêsu mà từ ngàn đời Ngài đã thỏa lòng".
( Nguồn: http://www.dongcong.net/MeMaria/CuocDoiMeMaria/02.htm )
Có thể đọc tác phẩm này bằng tiếng Anh tại http://www.themostholyrosary.com/mystical-city.htm
trong đó có lời bình luận: Đơn thỉnh cầu phong Thánh cho bà Maria Agrêđa ( Sister Mary of Jesus of
Agreda ) được đệ trình ngày 21.11.1671... Hy vọng rằng khi Hội Thánh Chân Thật vượt thoát được Màn
Đêm Của Quỷ đang bao trùm trên mình, Bà Đáng Kính Maria Agređa sẽ nhận được vinh quang, mà
hiện nay chưa được nhìn nhận đúng mức, để bước lên hàng Chân Phước và, một ngày nào đó trở thành
Hiển Thánh của Công Giáo Rôma. ( The petition for her canonization was offered November 21, 1671
A.D… Hopefully when the True Church overcomes the Evil Eclipse now upon it, Venerable Mary of
Agreda will receive the rare and seldom seen, honor of beatification and then hopefully someday
canonization ( i.e. to be named a Roman Catholic Saint ).
Đa số Kitô Hữu đều có lòng yêu mến Mẹ Maria, nhưng cần thể hiện như thế nào mới đúng là
con thảo hiếu của Mẹ ? Đi hành hương thiên lý hay tin vào những tác phẩm có nội dung như trên có
thiết yếu cho hành trình Lòng Tin của ta không ? ( Trích ) "Nhớ lại chuyến đi Pleiku của một số anh chị
em chúng ta cách đây mới hơn hai tháng. Tại Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Mang Đen, khi thấy một
nhóm khách có người đến từ khá xa như Đồng Nai, Đức Cha Hoàng Đức Oanh, Giám Mục Kontum đã
nói: Thay vì chi một số tiền khá lớn cho một chuyến đi xa, nên chăng để dành tiền đó mua sách Kinh
Thánh giúp cho những tín hữu nghèo không có tiền mua". ( Nguồn: 14.7.2014, Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh,
OFM. http://kinhthanhchomoinguoi.org/entrydetail/135 ).
Cứ theo lời khuyên của Giám Mục Hoàng Đức Oanh, ta nên đặt việc học hỏi và quảng bá Lời
Chúa cho người nghèo bên trên việc đi hành hương. Trước đây Linh Mục Chân Tín cũng từng lên tiếng
15
phê bình phái đoàn Giáo Phận Sàigòn đi hành hương Đất Thánh, cha cho rằng nên dùng thời gian và
tiền bạc tiêu tốn vào chuyến đi để phục vụ người nghèo tại Việt Nam.
( Trích ) Sau khi đứng trên đỉnh núi ngắm toàn cảnh Nadarét, mọi người vào Nhà Thờ viếng
Chúa, rồi quây quần bên nhau tại ngôi lều bên cạnh Nhà Thờ, cùng nhau suy niệm sự kiện Biến Hình,
lần hạt Mân Côi và lắng nghe huấn từ của Đức Hồng Y. Đức Hồng Y gợi ý về Tabo như một trong
những đỉnh cao của Tình Yêu Giêsu. Hãy cho Chúa và cho nhau những đỉnh cao yêu thương như thế. (
Nguồn trích và hình chụp phái đoàn Việt Nam hành hương tại Đất Thánh: http://tgpsaigon.net/baiviet-
tintuc/20120525/16345 )
Theo Radio
Vatican, vào ngày Lễ kính
Mẹ Sầu Bi 15.9.2014 vừa
qua, khi đến dâng Thánh
Lễ tại Casa Santa Marta,
Papa Phanxicô đã giảng:
"Đây là hy vọng
của ta. Ta không phải là
những đứa trẻ mồ côi. Mẹ
Maria là Mẹ ta, nhưng Nhà
Thờ ( Hội Thánh ) cũng là
Mẹ. Mẹ Nhà Thờ được xức
dầu hiến thánh khi bước đi
theo cùng con đường của
Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Đó là đường vâng phục, đường đau khổ, và khi Mẹ kiên trì học hỏi con đường
của Chúa. Mẹ Maria và Mẹ Nhà Thờ mang lại cho ta niềm hy vọng đó là Đức Kitô. Mẹ ban cho ta Đức
Kitô, làm cho Đức Kitô được lớn lên nơi ta. Không có Mẹ Maria thì đã không có Đức Kitô. Không có Mẹ
Nhà Thờ, ta không thể tiến lên ( trên Đường Giêsu ) được.
( And this is our hope. We are not orphans, we have Mothers: Mother Mary. But the Church is Mother
and the Mother Church is anointed when it takes the same path of Jesus and Mary: the path of obedience,
the path of suffering, and when she has that attitude of continually learning the path of the Lord. These two
women - Mary and the Church - carry on the hope that is Christ, they give us Christ, they bring forth Christ in
us. Without Mary, there would be no Jesus Christ; without the Church, we cannot go forward.
( http://en.radiovaticana.va/news/2014/09/15/pope_at_santa_marta_learning_from_our_lady_of_sorrows )
Những lời này của Papa Phanxicô đã lập tức bị chỉ trích mạnh mẽ bởi một số người cho rằng
như thế là đặt Mẹ Maria và Nhà Thờ bên trên Đức Kitô. Geoffrey Grider còn lấy tiêu đề rất giật gân
cho bài công kích là Papa Phanxicô chuẩn bị công bố tín điều mới: Đức Nữ Trinh là thành phần thứ tư
trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Is Pope Francis preparing to declare the ‘Virgin’ Mary to be 4th part of the
trinity ( http://www.nowtheendbegins.com/blog/?p=24994 )
Tỉnh táo và khiêm tốn một tí
thì có lẽ ông Grider và nhiều người
khác phải nhận ra dù rất bất toàn và
phải trải qua muôn vàn sóng gió,
Nhà Thờ vẫn luôn là Thân Thể của
Đức Kitô và chỉ nhờ ân sủng của
Người mà vẫn tồn tại trong hai ngàn
năm qua. Nhờ Nhà Thờ, Thánh Kinh
mới được bảo tồn nguyên vẹn trong
hàng ngàn năm trước khi có phong
trào ly giáo vào năm 1517. Ngay cả
đến Thiên Chúa cũng phải mời gọi
sự cộng tác của Mẹ Maria để Con
Một Thiên Chúa mới có thể trở
thành con người. Nói rằng không có
Mẹ Maria thì không có Đức Kitô và
không có Mẹ Nhà Thờ, ta không thể tiến lên trên đường Giêsu, cũng rất chính xác.
Trong khi cuộc đời mỗi cá nhân lại quá vắn vỏi, Mẹ Nhà Thờ lại có cả hai ngàn năm đào sâu và
đúc kết hoa trái chiêm niệm về Mẹ Maria được cô đọng nơi Tín Điều Mẹ Hồn Xác Lên Trời công bố bởi
Papa Piô XII vào Lễ Các Thánh 1.11.1950. Các Nhà Thờ Chính Thống và Anh Giáo cũng nhìn nhận Mẹ
16
Hồn Xác Lên Trời tuy không coi đây là một Tín Điều buộc phải tin. Đặc ân vô cùng lớn lao này của Mẹ
Maria cũng chính là điều Thiên Chúa sẽ ban cho tất cả Dân Thánh của Người.
NGUYỄN TRUNG ( còn tiếp nhiều kỳ )
THẦN HỌC GIA JEFF KINLEY:
6 DẤU CHỈ THỜI CÁNH CHUNG – CHÚA GIÁNG LÂM
Chúng ta nghe nói nhiều tới thời cánh chung, tận thế hoặc Chúa Giêsu giáng lâm. Nhưng
rồi nghe mãi hóa nhàm nên chúng ta lại cho là bình thường. Đó là động thái nguy hại cho chính
cuộc đời chúng ta. Hãy cảnh giác ! Và liệu Kinh Thánh có cảnh báo chúng ta ?
Thần học gia Jeff Kinley, tác giả cuốn “As It Was In The Days of
Noah: Warnings from Bible Prophecy About the Coming Global Storm” cũng
nghĩ vậy. Kinley nói: “Kinh Thánh cho biết rằng Thiên Chúa sẽ có lúc tái lâm
để xét xử nhân loại. Nhưng khác với Đại Hồng Thủy, ngày đó sẽ là một sự
kiện đơn giản, có thể là một loạt sự kiện xảy ra trên khắp thế giới. Đại Hồng
Thủy cho thấy rằng Thiên Chúa kiên nhẫn, nhưng Ngài đặt ra giới hạn chịu
đựng. Mặc dù hình phạt hủy hoại dữ dội, nhưng Ngài vẫn xét xử công bình
và cho nơi trú ẩn”.
Đối với những người nghi ngờ tính hữu hiệu của Kinh Thánh hoặc
không muốn nhìn nhận văn hóa ngày nay, Kinley chia sẻ 6 dấu chỉ và những
gợi ý cho thấy thế giới đang đi đến ngày phán xét…
1. KHỦNG HOẢNG KINH TẾ
Qua các phương tiện truyền thông, chúng ta biết nhiều về vấn đề này.
Đó là chủ đề nóng về tình trạng kinh tế. Trái khoản quốc gia Hoa Kỳ tiếp tục tăng vọt. Trên khắp thế giới,
các nước lớn và nhỏ đều không thỏa mãn nhu cầu nên lún sâu vào hố nợ nần. Cũng như thời ông Nôê,
người ta phải nhờ vào các nước khác để sinh tồn, và họ phải trở về với Thiên Chúa. Kinh Thánh cho biết:
“Nếu dân Ta, dân vốn kêu cầu Danh Ta, mà biết hạ mình xuống khẩn nguyện và tìm kiếm Nhan Ta, từ bỏ
những con đường xấu xa mà trở lại, thì Ta, từ trời, Ta sẽ nghe và thứ tha tội lỗi nó và sẽ phục hưng xứ sở
của nó” ( 2 Sb 7, 14 ).
2. BẠO LỰC và ÁN MẠNG
Kinley nói rằng có một bệnh dịch không thể kiểm soát là thù hận và bạo lực trong thế giới chúng
ta, đó là điều hiển nhiên trong các loại tội phạm khủng bố vì thù hận, trong các nhóm tôn giáo, giết
người có động lực thúc đẩy, giết những người vô tội và trẻ em trên khắp thế giới – điển hình là những
người bị tàn sát dã man tại Irắc trong những ngày vừa qua ( tháng 8 năm 2014 ). Năm 2011, hơn 1, 2
triệu vụ phạm pháp dữ tợn đã xảy ra tại Hoa Kỳ – mỗi năm có 15.000 vụ giết người. Chúa Giêsu đã nói
trước: “Thời ông Nôê thế nào thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy” ( Mt 24, 37 ). Thời ông
Nôê dầy bạo lực và sự xét xử của Thiên Chúa. Còn hơn là khuyến khích sợ hãi và lo lắng, Kinley động
viên các Kitô hữu tìm hiểu các cách thể hiện tiên tri ngày nay và sống Đức Tin viên mãn là chia sẻ Đức
Giêsu Kitô với người khác.
3. TRỘM CƯỚP
Ngày nay, thông tin cá nhân và tài chính không còn an toàn vì các hacker ( kẻ cắp dữ liệu ). Mối
quan ngại này bao gồm cả mật khẩu của điện thư ( Email passwords ), hình ảnh webcam và điện đàm.
Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng kẻ trộm cắp không làm gì khác hơn là giết người và cướp của.
Chúng ta hiểu thời đại chúng ta theo nghĩa đen, nhưng qua con mắt của Kinh Thánh, kẻ thù đang cố
gắng ăn cắp tính đồng nhất hoặc sự nhân dạng của chúng ta ( giống như trộm cướp thẻ căn cước ).
Kinley khuyên các Kitô hữu “sống khôn ngoan và cứu lấy thời đại của chúng ta”.
4. VÔ LUÂN
Thế hệ này mê tình dục quá độ và coi thường tâm linh. Biên độ luân lý hầu như không còn trong
văn hóa tự do tình dục, thoải mái chia sẻ các hình ảnh “đen”, kể cả âm thanh và văn bản. Các phương tiện
di động ( điện thoại, ipod, ipad, iphone, … ) và mạng lưới xã hội ( facebook, twitter, youtube, … ) đầy
những thứ độc hại. Kinley nhận xét: “Như trong thời ông Nôê, thời đại chúng ta là thế giới ưa tình dục, và
ngày nay người ta dùng để bán đủ thứ – từ chiếc kẹo cao-su tới xe hói. Tình dục xuất hiện khắp nơi”.
17
CÙNG CẢNH BÁO
5. BÁCH HẠI KITÔ GIÁO
Năm 2011, gần 100 triệu Kitô
hữu bị bách hại trên khắp thế giới.
Năm 2012, con số này tăng gần gấp
đôi. Kinley shares that the Bible
reaffirms this as Chúa Giêsu nói: “Bấy
giờ, người ta sẽ nộp anh em, khiến
anh em phải khốn quẫn, và người ta
sẽ giết anh em; anh em sẽ bị mọi dân
tộc thù ghét vì danh Thầy. Bấy giờ
sẽ có nhiều người vấp ngã. Người ta
sẽ nộp nhauvà thù ghét nhau. Sẽ có
nhiều ngôn sứ giả xuất hiện và lừa
gạt được nhiều người. Vì tội ác gia
tăng, nên lòng yêu mến của nhiều
người sẽ nguội đi. Nhưng kẻ nào bền
chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” ( Mt 24, 9 – 13 ).
6. ĐỨC TIN GIẢM SÚT
Thánh Phaolô nói: “Vào những thời cuối cùng, một số người sẽ bỏ Đức Tin mà theo những thần
khí lừa dối và những giáo huấn của ma quỷ; đó là vì trò giả hình của những tên nói dối mà lương tâm như
bị thích dấu sắt nung” ( 1 Tm 4, 1 – 2 ). Thời đại chúng ta có nhiều niềm tin sai lạc, các triết lý thời đại mới,
và các bậc thầy tâm linh. Khi đến ngày tận thế, sẽ có nhiều các tiên tri giả, họ tự xưng là Đức Kitô. Kinley
tin rằng việc phục hưng trong Giáo Hội là cách mới và không được đề cập trong Kinh Thánh.
VĨ NGÔN: “ĐỪNG SỢ, THIÊN CHÚA LUÔN CHE CHỞ BẠN”
Tác giả Kinley nhắc nhở chúng ta rằng trong thời ông Nôê cũng như ngày nay, sự công chính và
thánh thiện của Thiên Chúa luôn đứn vững. Khi các Kitô hữu biết trước sự trở lại của Đức Kitô, thì họ
cũng phải như ông Nôê là biết sống sao cho người khác thấy mà trở về với ơn cứu độ. Hãy sẵn sàng
chiến đấu và can đảm như lời Chúa nói với Ápram trước khi trở thành Tổ phụ Ápraham: “Ta là Thiên
Chúa Toàn Năng. Ngươi hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo. Ta sẽ đặt giao ước của Ta giữa
Ta với ngươi, và Ta sẽ cho ngươi trở nên đông, thật đông. Ông Ápram cúi rạp xuống” ( St 17, 1 – 2 ).
JANA DUCKETT,
Bản dịch của TRẦM THIÊN THU từ Beliefnet.com
NHẬN ĐỊNH VỀ THẢM HỌA "NHÀ NƯỚC HỒI GIÁO"
Trên chuyến phi cơ từ Hàn Quốc trở về sau năm ngày thăm viếng, Papa Phanxicô được báo chí
hỏi Ngài có ủng hộ hành động không tập của Hoa Kỳ tấn công lực lượng Hồi Giáo cực đoan mệnh danh
là “Nhà nước Hồi Giáo” đang bao vây tàn sát người thiểu số Yazidi hay không, Ngài trả lời, nguyên văn
là: “Trong những trường hợp đó, ở nơi nào có sự gây hấn, xâm lược bất công, tôi chỉ có thể nói hành
động chặn đứng những kẻ xâm lược sai trái là hành động chính đáng”. Giới truyền thông quốc tế nhận
định có một sự thay đổi trong lập trường của Vatican thường vẫn phản đối việc sử dụng lực lượng quân
sự. Báo Express đặt câu hỏi ở trang bìa: Hawkish Pope ? Giáo Hoàng diều hâu ?
Cần nói rõ Papa Phanxicô không nói “đánh bom” hay “gây chiến”, chỉ nói “chặn đứng” mà thôi.
Những phương tiện có thể được sủ dụng để chặn đứng kẻ xâm lược phải được lượng định. Vị chủ chăn
của người Công Giáo nói tiếp: “Can thiệp như vậy không nên do một quốc gia quyết định đơn phương;
rất nhiều lần nhiều quốc gia đã dùng cớ ngăn chặn kẻ xâm lược để tung ra một cuộc chiến tranh nhằm
mục đích xâm chiếm”. Suy xét câu trả lời đó, ta thấy không hẳn ngài ủng hộ chiến tranh hay việc sử
dụng quân đội. ( Nguồn http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vatican-ratifies-military-actions-against-
genocide-does-nt-it-08212014142948.html )
NGUYỄN TRUNG
BÌNH LUẬN THÔNG ĐIỆP “HÃY RA ĐI”
Ngày 3.9.2014, cựu Thủ Tướng Úc Julia Gillard gởi một thông điệp đến cộng đồng Hồi Giáo với
nội dung “Hãy Ra Đi”.
18
Ephata 627
Ephata 627
Ephata 627
Ephata 627
Ephata 627
Ephata 627
Ephata 627
Ephata 627
Ephata 627
Ephata 627

More Related Content

Similar to Ephata 627

Những chuyện nhân quả
Những chuyện nhân quảNhững chuyện nhân quả
Những chuyện nhân quảHung Duong
 
Nhân quả bao ung hien doi
Nhân quả bao ung hien doiNhân quả bao ung hien doi
Nhân quả bao ung hien doiLinh Hoàng
 
Tienthaigiao
TienthaigiaoTienthaigiao
Tienthaigiaolam04dt
 
ĐỀ 1. PP9 rất là hay luôn nha, đề có rất
ĐỀ 1. PP9 rất là hay luôn nha, đề có rấtĐỀ 1. PP9 rất là hay luôn nha, đề có rất
ĐỀ 1. PP9 rất là hay luôn nha, đề có rấtMnhThnhCngNguyn
 
Hạt giống tâm hồn 11
Hạt giống tâm hồn 11Hạt giống tâm hồn 11
Hạt giống tâm hồn 11bauloc
 
Thông Tin Mục Vụ 1 18-15
Thông Tin Mục Vụ 1 18-15Thông Tin Mục Vụ 1 18-15
Thông Tin Mục Vụ 1 18-15Hiep Tran
 

Similar to Ephata 627 (20)

430
430430
430
 
Những chuyện nhân quả
Những chuyện nhân quảNhững chuyện nhân quả
Những chuyện nhân quả
 
430
430430
430
 
Nhân quả bao ung hien doi
Nhân quả bao ung hien doiNhân quả bao ung hien doi
Nhân quả bao ung hien doi
 
Ephata 615
Ephata 615Ephata 615
Ephata 615
 
Ephata 621
Ephata 621Ephata 621
Ephata 621
 
Tâm Bút
Tâm BútTâm Bút
Tâm Bút
 
Niem vui that
Niem vui thatNiem vui that
Niem vui that
 
Niem vui that
Niem vui thatNiem vui that
Niem vui that
 
Tienthaigiao
TienthaigiaoTienthaigiao
Tienthaigiao
 
Ephata 626
Ephata 626Ephata 626
Ephata 626
 
Ephata 632
Ephata 632Ephata 632
Ephata 632
 
Ephata 616
Ephata 616Ephata 616
Ephata 616
 
ĐỀ 1. PP9 rất là hay luôn nha, đề có rất
ĐỀ 1. PP9 rất là hay luôn nha, đề có rấtĐỀ 1. PP9 rất là hay luôn nha, đề có rất
ĐỀ 1. PP9 rất là hay luôn nha, đề có rất
 
Hat giong tam hon 11
Hat giong tam hon 11Hat giong tam hon 11
Hat giong tam hon 11
 
Hạt giống tâm hồn 11
Hạt giống tâm hồn 11Hạt giống tâm hồn 11
Hạt giống tâm hồn 11
 
Ephata 613
Ephata 613Ephata 613
Ephata 613
 
Ephata 614
Ephata 614Ephata 614
Ephata 614
 
Đối thoại với Thượng đế-tập 7
Đối thoại với Thượng đế-tập 7Đối thoại với Thượng đế-tập 7
Đối thoại với Thượng đế-tập 7
 
Thông Tin Mục Vụ 1 18-15
Thông Tin Mục Vụ 1 18-15Thông Tin Mục Vụ 1 18-15
Thông Tin Mục Vụ 1 18-15
 

More from Vu Mai JMV (20)

Ephata 638
Ephata 638Ephata 638
Ephata 638
 
Ephata 637
Ephata 637Ephata 637
Ephata 637
 
Ephata 636
Ephata 636Ephata 636
Ephata 636
 
Ephata 635
Ephata 635Ephata 635
Ephata 635
 
Ephata 634
Ephata 634Ephata 634
Ephata 634
 
Ephata 633
Ephata 633Ephata 633
Ephata 633
 
Ephata 631
Ephata 631Ephata 631
Ephata 631
 
Ephata 630
Ephata 630Ephata 630
Ephata 630
 
Ephata 629
Ephata 629Ephata 629
Ephata 629
 
Ephata 628
Ephata 628Ephata 628
Ephata 628
 
Ephata 625
Ephata 625Ephata 625
Ephata 625
 
Ephata 624
Ephata 624Ephata 624
Ephata 624
 
Ephata 623
Ephata 623Ephata 623
Ephata 623
 
Ephata 622
Ephata 622Ephata 622
Ephata 622
 
Ephata 620
Ephata 620Ephata 620
Ephata 620
 
Ephata 619
Ephata 619Ephata 619
Ephata 619
 
Ephata 618
Ephata 618Ephata 618
Ephata 618
 
Ephata 617
Ephata 617Ephata 617
Ephata 617
 
Ephata 612
Ephata 612Ephata 612
Ephata 612
 
Ephata 611
Ephata 611Ephata 611
Ephata 611
 

Ephata 627

  • 1. E-mail: gxmehangcuugiup@gmail.com Website: www.trungtammucvudcct.com RANH GIỚI MỎNG MANH CỦA LƯƠNG TÂM… Gần đây, chúng tôi nhận thấy có nhiều phòng khám, nhiều bệnh viện tư ( có cả một bệnh viện ngay tại Sàigòn, do một nhóm người Công Giáo điều hành và đầu tư vốn, lấy danh hiệu của Mẹ Maria ) bắt đầu có thêm dịch vụ phá thai công khai, niêm yết rõ ràng giá cả rất chi tiết trong từng phương cách phá thai rất sớm hay rất muộn. Đáng sợ hơn nữa, các địa chỉ Y Tế ấy bắt đầu nghe ngóng, tìm kiếm về phía các Giáo Xứ, các Dòng Tu Công Giáo, các Nhà Chùa Phật Giáo, rồi cử người đến "thương thuyết", đề nghị "cộng tác" để cả… ba bên đều có lợi ! Các "tay thuyết khách" thường được chọn là phụ nữ đứng tuổi, là y sĩ lâu năm, ăn nói giỏi, biết cách viện dẫn khéo léo những khía cạnh nhạy cảm, rào trước đón sau một hồi rất thân thiện cởi mở, rồi sau đó vào đề, nhẹ nhàng trình bày chi tiết về một… "gói dịch vụ phá thai" có đầy đủ các yếu tố cần thiết để phá thai… an toàn, thuận tiện, kín đáo và trọn vẹn. Các phần vụ phía phòng khám và bệnh viện thì họ bảo đảm các mặt liên quan đến y khoa, còn bên Nhà Thờ ( hoặc Nhà Chùa ) hoặc Nhà Dòng đảm nhận phần vụ cuối cùng là… lo hậu sự tâm linh cho các thai nhi. Có thể nói cái bẫy họ giăng ra rất tinh vi, đó là tính nhân đạo. Họ nói đại để như sau: "Thật ra những người làm nghề y chúng tôi cũng thấy phá thai là không tốt, cũng xót xa vì mức độ phá thai ngày càng tăng. Tuy nhiên xét về khía cạnh của lòng nhân ái, chúng tôi cảm thông với những hoàn cảnh không thể khác được, phải chọn giải pháp chấm dứt thai kỳ. Thôi thì… thay vì để chị em phụ nữ đáng thương có thể phải trả giá quá đắt, hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, thậm chí mất mạng, khi rơi vào tay những thứ lang băm phá thai chui lủi trong những địa chỉ bất hợp pháp, phòng khám ( hoặc bệnh viện ) chúng tôi thấy cần phải mở ra dịch vụ nhân đạo này, hỗ trợ hết mình và mọi mặt cho chị em trong việc khắc phục hậu quả đáng tiếc, hoặc vỡ kế hoạch, ngoài ý muốn… Chúng tôi được biết là bên Nhà Thờ ( hoặc Nhà Chùa ) lâu nay cũng đã vì nhân đạo, đứng ra lo hậu sự, tiếp nhận và an táng các thai nhi rất ân cần chu đáo, lại đảm nhận luôn các dịch vụ cầu siêu cho các bé và cầu an cho người mẹ, người cha của bé cũng như gia đình họ. Vậy, chúng tôi muốn xin đề nghị với bên Nhà Thờ ( hoặc Nhà Chùa ) cùng cộng tác với bên chúng tôi chặt chẽ hơn nữa, chúng ta gộp chung thành một "gói dịch vụ" có dây chuyền kín kẽ, vừa không để cho kẻ xấu lợi dụng, vừa đáp ứng các mặt thể lý, tâm lý và tâm linh cho chị em phụ nữ và gia đình của họ. Các khoản chi phí liên quan đến việc lo hậu sự, bên Nhà Thờ ( hoặc Nhà Chùa ) có thể đưa ra ở mức độ hợp lý, chúng tôi sẽ đặt chung trong tổng chi phí một ca phải xử lý, sau khi khách hàng thanh toán khi ra viện, chúng tôi sẽ lại chuyển qua tài khoản của Nhà Thờ ( hoặc Nhà Chùa )… Chúng tôi rất mong quý Linh Mục, Tu Sĩ ( hoặc quý Sư, Thầy ) hiểu tất cả những đề nghị này hoàn toàn dựa trên tính nhân đạo thiêng liêng, của tình người với nhau giữa lúc các tệ nạn xã hội ngày một tăng cao. Chúng ta không thể từ chối không đưa tay cứu giúp những hoàn cảnh đáng thương. Việc phối hợp cộng tác của đôi bên chúng ta lúc này là hết sức khẩn trương và cần thiết. Kính mong quý vị nghiên cứu và chấp thuận, bước kế tiếp chúng ta sẽ bàn đến các khoản mục cụ thể có liên quan như tài chánh, nhân sự, phương thức cùng các quy định hợp đồng chi tiết khác…" Ở trên chúng tôi có nêu lập luận của họ là việc cộng tác chặt chẽ này sẽ có lợi cho cả… ba bên, nghe phần trình bày của họ xong, chúng tôi mới hiểu tại sao lại bảo là "ba bên đều có lợi": bên người đi 1 NĂM THỨ 15 – SỐ 627 – CHÚA NHẬT 28.9.2014
  • 2. phá thai, bên phá thai, và bên lo liệu chuyện hậu phá thai. Đúng thật là một "gói dịch vụ" chặt chẽ, kín kẽ và đầy lý lẽ nhân đạo ! Họ chỉ quên mất một điều quan trọng là chính thai nhi là phải gánh chịu thiệt thòi vô cùng, các bé không còn được quyền sống, không còn được cơ hội sinh ra đời như mọi người ! Chúng tôi nghe biết ở một vài nơi, sau khi họ lịch sự cáo từ ra về và hẹn sẽ trở lại sau để biết kết quả, thì phía bên Nhà Thờ ( hoặc Nhà Chùa ) một vài nơi, nội bộ có nổ ra tranh cãi về chuyện quyết định có nên nhận cộng tác với người ta hay không ! Bên chủ trương cộng tác thì mừng thấy rõ, vì từ nay sẽ có thêm "nguồn" thu gom xác thai nhi đem về cho mình một cách hợp pháp, lại có thêm các khoản chi phí để bù đắp nữa chứ, của đáng tội, cha với con trong Giáo Xứ lâu nay phải bỏ tiền túi ra lo, con số tính ra nhiều năm liền cũng đâu có nhỏ. Ngược lại, bên kia dứt khoát từ chối, lập luận rằng, làm như thế không khác gì tiếp tay với người ta trong dịch vụ phá thai, tạo ra một sự yên lòng giả tạo cho người muốn phá thai, khuyến khích họ cứ vô tư phá thai đi, đã có bên tín ngưỡng tâm linh lo liệu chu đáo rồi… Chúng tôi nhớ lại, bản thân đã có lần trả lời thẳng cho những vị "thuyết khách" tương tự: "Chúng tôi không thể vì một việc nghĩa là lo hậu sự cho các thai nhi để rồi nhắm mắt thỏa hiệp, đồng lõa tiếp tay với quý vị trong tội ác phá thai. Xin đừng ngụy biện với các lý lẽ nhân đạo để che đậy cho một việc tàn nhẫn vô nhân đạo. Nếu quý vị đã nêu cao y đức là nhân đạo cứu giúp mọi người bằng chuyên môn y khoa, xin làm ngay một nghĩa cử, một điều nhân đạo tuyệt vời, đó là dứt khoát không có dịch vụ nạo phá thai tại phòng khám ( hoặc bệnh viện ) của quý vị…" Lại cũng phải nhắc đến một chuyện cảm động xảy ra năm ngoái, 2013. Có một bệnh viện tư ở Bình Dương, sau một thời gian để ý theo dõi, biết rõ là các y công, y tá của mình đã âm thầm kín đáo chuyển các thai nhi mỗi ngày cho những anh chị tình nguyện từ Sàigòn đi mấy chục cây số, về thêm mấy chục cây số nữa để gom xác các cháu về chôn cất, bà bác sĩ giám đốc quyết định bất ngờ gặp trực tiếp một anh mà họ đoán là người đứng đầu nhóm thiện nguyện BVSS Sàigòn, bà ân cần nói: "Chúng tôi thấy các em đã làm một nghĩa cử khiến chúng tôi bị đánh động, phải suy nghĩ lại công việc chúng tôi đã làm từ trước đến giờ. Và hôm nay, chúng tôi xin báo tin là cơ sở của chúng tôi quyết định vì lương tâm, chấm dứt các dịch vụ liên quan đến nạo phá thai, và vì thế các bạn cũng không còn phải vất vả về đây để nhận xác các thai nhi nữa…" Chiều tối hôm ấy, một buổi chiều mưa tầm tã, anh bạn trẻ nhóm BVSS chạy Honda về đến Sàigòn, vừa vào phòng của chúng tôi đã khóc mếu máo, reo to: "Mừng quá, bố ơi ! Một bệnh viện tư ở Bình Dương đã thôi không nhận phá thai nữa rồi bố ơi… Con mừng không phải vì từ nay mình không phải lặn lội nắng mưa đi lấy xác nữa, nhưng mừng vì cuối cùng… sự sống đã chiến thắng sự chết !" Hóa ra, trong cuộc đời, ranh giới giữa sự sống và sự chết thật mong manh, nó hết sức mảnh khảnh, chỉ chút xíu nghiêng bên này, một sinh mạng được cứu, chỉ lệch bên kia một ly, tử thần chộp ngay lấy một em bé vô tội. Thế mà người lớn, lại là những người lớn tự hào mình là rất nhân đạo, tự nhận mình luôn giữ được y đức đâu ra đấy, lại có thể ngụy biện nhiều cách để cố gắng lấp liếm, xóa nhòa cái ranh giới tinh tế ấy của lương tâm… Lm. Giuse QUANG UY, DCCT, thứ năm 25.9.2014 MỤC LỤC TÌM BÀI: RANH GIỚI MỎNG MANH CỦA LƯƠNG TÂM… ( Lm. Quang Uy ) ..................................................... 01 SÁM HỐI LÀ KHỞI ĐIỂM ( Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt ) .................................................................... 03 AI ĐÁP LẠI LỜI CHA ? ( AM. Trần Bình An ) ........................................................................................ 04 NHỮNG CÔ GÁI ĐIẾM SẼ VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA TRƯỚC ( Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ ) .......... 05 NÓI VÀ LÀM ( Lm. Giuse Nguyễn Hữu An ) .......................................................................................... 07 KHOA HỌC TÌNH YÊU ( Matthew Hanley – Bản dịch của Trầm Thiên Thu ) ........................................ 09 DUY THỨC VÀ CẦU NGUYỆN ( Phùng Văn Hóa ) ............................................................................... 10 CÔNG GIÁO VÀ TÔNG TRUYỀN ( Bài Giáo Lý của Đức Phanxicô, bản dịch của Cao Tấn Tĩnh ) ....... 13 PHONG CÁCH PHANXICÔ – BÀI 21: HAI NGƯỜI MẸ CỦA TA… ( Nguyễn Trung ) ........................... 14 6 DẤU CHỈ THỜI CÁNH CHUNG – CHÚA GIÁNG LÂM ( Jeff Kinley, bản dịch của Trầm Thiên Thu ) ......... 17 NHẬN ĐỊNH VỀ THẢM HỌA "NHÀ NƯỚC HỒI GIÁO" ( Nguyễn Trung ) ............................................. 18 BÌNH LUẬN THÔNG ĐIỆP "HÃY RA ĐI" ( Hà Bắc, báo Calitoday ) ...................................................... 18 5 THÁNH BỔN MẠNG NHỮNG NGƯỜI MẸ ( Trầm Thiên Thu ) .......................................................... 20 NGƯỜI PHỤ NỮ QUAN TRỌNG NHẤT TRONG CUỘC ĐỜI CỦA TÔI… ( Trang Le ) ....................... 21 ĐẲNG CẤP CỦA MỘT DÂN TỘC ( Dương Hoài Linh ) ......................................................................... 22 TÀN NHẪN ( Bs. Đỗ Hồng Ngọc ) ......................................................................................................... 23 CẬY TRÔNG ( Thiên Phúc, Tình yêu mạnh hơn sự chết ) .................................................................... 25 ĐẠO VÀ ĐỜI ( Nguyễn Ninh Thuận ) .................................................................................................... 26 NHỊP CẦU BÁC ÁI PHANXICÔ VÀ VÀ QUỸ MẸ HẰNG CỨU GIÚP ( Trung Tâm Mục Vụ DCCT ) ........... 26 2
  • 3. SÁM HỐI LÀ KHỞI ĐIỂM Nói và làm đó là hai thái độ khác nhau. Có người nói mà không làm. Có người không nói nhưng lại làm. Đó chính là hai thái độ mà Chúa đề cập đến trong bài dụ ngôn hôm nay. Hạng người nói mà không làm đó là những người Pharisêu và Luật Sĩ. Họ tự cho là mình đạo đức, nhưng khi Chúa Giêsu rao giảng, họ không những không tin mà còn phê phán chỉ trích những người tin Chúa, chỉ trích chính Chúa đã đón tiếp người tội lỗi. Hạng người không nói mà lại làm đó là những người thu thuế và những người tội lỗi. Tuy sống tội lỗi, nhưng khi nghe Chúa rao giảng, họ đã ăn năn sám hối và tin vào Chúa. Qua dụ ngôn này Chúa muốn dạy ta những bài học sau. Bài học thứ nhất: Việc làm trọng hơn lời nói Trong đời sống, chúng ta gặp không ít những người nói hay, nói nhiều, nhưng làm chẳng bao nhiêu. Tục ngữ Việt Nam có câu “Mười voi không được bát nước sáo” là thế. Nhưng trái lại có những người không nói giỏi, có khi không nói gì cả, nhưng lại làm rất nhiều. Nhất thời ta có thể thích những người nói hay. Nhưng sống càng lâu, ta càng mến những người nói ít làm nhiều. Trong đời sống thiêng liêng cũng thế. Chúa yêu chuộng những người làm việc hơn là những người chỉ biết nói suông. Có lần Chúa đã vạch rõ những giả dối này: “Không phải những ai nói rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời, nhưng là những kẻ làm theo ý Cha Ta trên trời” ( Mt 7, 21 ). Đức Tin phải biểu lộ bằng việc làm mới là Đức Tin sống động. Như Thánh Giacôbê dạy: “Đức Tin không có việc làm là Đức Tin chết” ( Gc 2, 17 ). Tình yêu cũng phải có việc làm. Việc làm minh chứng tình yêu đích thực. Tin yêu Chúa phải được biểu lộ bằng việc làm. Bài học thứ hai: Con người có thể thay đổi Con người còn sống ở trần gian là còn thay đổi. Đó là một điều ta phải cảnh giác. Biết đâu ta đang tốt bỗng trở nên xấu. Cũng như các người Pharisêu và Luật Sĩ tự hào mình tốt, nhưng khi Chúa Giêsu đến, họ đã trở nên xấu vì không tin vào Chúa, không hoán cải đời sống. Con người có thể thay đổi. Đó là điều làm cho chúng ta hy vọng. Vì nếu ta tội lỗi yếu hèn, ta vẫn có cơ hội ăn năn trở lại. Ta không bị kết án trong tội lỗi của ta. Chúa còn cho ta có thời giờ trở lại với Chúa. Miễn là ta nhận biết mình và quyết tâm đổi mới cuộc đời. Bài học thứ ba: Sám hối là việc cần thiết của mọi người Đã là người ai cũng có sai lầm. Vì con người yếu đuối bất toàn. Chúa không đòi ta phải hoàn hảo, không bao giờ sai lỗi. Nhưng Chúa đòi ta mỗi khi sai lỗi phải biết sám hối ăn năn. Sám hối thật cần thiết vì có sám hối ta mới được Chúa thứ tha. Chúa yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho những tâm hồn sám hối như lời Thánh Vịnh: “Một tấm lòng tan nát dày vò, Chúa sẽ chẳng khinh chê” ( Tv 50 ). Ta hãy xem Chúa Giêsu đã tha thứ cho bà Maria thành Magdala. Nhất là Chúa đã tha thứ cho người trộm lành, để thấy Chúa nhân từ thương xót biết bao. Nhưng Chúa lại chê ghét những tâm hồn kiêu căng cứng cỏi không chịu ăn năn sám hối. Trong Phúc Âm, ta thấy Chúa chỉ mắng nhiếc những người tự xưng mình đạo đức nên kiêu căng khinh miệt người khác và không nghe lời Chúa. Nhưng Chúa luôn nhân từ, khoan dung, tha thứ cho những tội lỗi thật lòng ăn năn. Sám hối thật cần thiết vì tất cả chúng ta ai cũng có lầm lỗi trước mặt Chúa, cần được Chúa khoan hồng thứ tha. Sám hối thật cần thiết vì đó là khởi điểm để nên tốt, nên thánh thiện. Có sám hối ta mới biết từ bỏ nếp sống cũ. Có sám hối ta mới bắt đầu một nếp sống mới đẹp lòng Chúa. Như thế, ta đừng chỉ nói suông mà không làm, nhưng hãy biết thực hành điều Chúa dạy. Ta đừng tự hào vì mình tốt lành mà phê bình chỉ trích người khác. Hãy tự xét mình để thấy mình tội lỗi. Và khi biết mình tội lỗi, hãy ăn năn sám hối ngay. Có sám hối ta sẽ được Chúa tha thứ. Có sám hối sẽ được anh chị em yêu thương. Nhất là có sám hối ta mới khởi sự tiến lên trên con đường thánh thiện. Lạy Chúa xin tha thứ tội con đã phạm đến Chúa và đến anh em. Amen. Tgm. Giuse NGÔ QUANG KIỆT 3 CÙNG SUY NIỆM
  • 4. AI ĐÁP LẠI LỜI CHA ? Tháng 7 năm 1951, sau khi lãnh chức phụ Phó Tế, thầy Giuse Đích Nguyễn Ngọc Oánh được cử đi du học tại Hoa Kỳ. Tiếp tục học Thần Học tại Đại Chủng Viện Saint Meinrad, Indiana, thầy được chịu chức Linh Mục ngày 3.5.1952. Sau đó, cha Giuse Đích Nguyễn Ngọc Oánh, được chuyển đến Đại Học Loyola tại Chicago để học môn Xã Hội Học. Tháng 6 năm 1954, cha tốt nghiệp master về Xã Hội Học. Đang tiếp tục dọn tiến sĩ thì ngài nhận được thư của cha Phêrô Nguyễn Huy Mai chuyển đạt lệnh truyền của Đức Cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê như sau: “Xin cha biên thư cho các cha Trương, cha Thông, cha Oánh, báo tin cho các cha ấy biết tôi muốn cho các cha ấy về Bắc. Các cha bỏ đi Nam nhiều, thiếu người làm việc. Tôi muốn mở lại các Chủng Viện. Tôi để tùy ý các cha, nhưng nếu các cha ấy về, thì tôi vui mừng lắm.” Nhận được thư ấy, ngài lo âu suy nghĩ rất nhiều. Vì đang học dở dang. Vì hoàn cảnh quê nhà đang rối ren và những người thân thiết đều ngăn cản. Nhưng cha Thông nói với ngài: “Bỏ tất cả mà về, thì được Chúa Thánh Thần.” Thế là hai cha cùng nhau quyết định vâng lời Bề Trên trở về Giáo Phận dù rất băn khoăn lo lắng vì biết chắc sẽ gặp nhiều khó khăn. Tháng 9 năm 1955, về đến nhà, ngài lao ngay vào công việc, vừa làm thư ký cho Đức Cha, vừa dạy học cho Tiểu Chủng Viện Gioan, vừa dạy Giáo Lý cho giới trí thức. Vì lớp Giáo Lý có ảnh hưởng sâu rộng nên chính quyền ra lệnh đình chỉ. Ngài lại lui vào âm thầm, tổ chức đào tạo Giáo Lý Viên trong Tòa Giám Mục. Thấy ảnh hưởng mạnh mẽ của ngài, và vì ngài không ủng hộ Ban Liên Lạc Công Giáo nên chính quyền quyết định bắt ngài cải tạo tại chỗ. Ngày 16.8.1965, ngài bị quản chế tại Chuôn Trung với kỷ luật nghiêm ngặt. Tuy bị quản chế nghiêm ngặt, hằng ngày phải chịu đựng những thái độ, lời lẽ nghi kỵ, nhục mạ, luôn bị gọi lên thẩm vấn, điều tra, làm kiểm điểm, làm báo cáo liên tục, ngài vẫn luôn vui tươi. Ngài hăng hái làm việc tay chân như cuốc đất trồng rau, đào giếng. Và nhất là dù bị cấm đoán, ngài vẫn dâng Lễ vào lúc 2 giờ sáng để Giáo Dân có thể tham dự Thánh Lễ. Ngài dâng Lễ rất sốt sắng. Trong suốt 20 năm, ngài thường xuyên liên lạc với Đức Cha Khuê bằng thư từ hoặc nhắn gửi. Đặc biệt trong những ngày lễ ngày tết, không bao giờ ngài quên viết thư chúc mừng Bề Trên Giáo Phận. Nhận được thư của ngài, Đức cha Khuê đều trả lời với lòng quý mến, rất ưu ái. Ngài cũng thường viết thư trao đổi với Đức Cha FX. Nguyễn Văn Thuận đang bị quản chế tại Hà Nội. Để trả lời ngài, Đức Cha Thuận cũng thường viết thư cho “em Oanh Sắc”. ( Đức Ông Giuse Đích Nguyễn Ngọc Oánh, ( 1922- 2007, Chân dung Linh Mục, Tổng Giáo Phận Hà Nội ) Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Thánh Mátthêu thuật dụ ngôn hai người con được người cha gọi đi làm vườn nho. Người con thứ nhất từ chối, nhưng sau hối hận, đi làm. Người con thứ hai tuy vâng dạ, nhưng lại không đi làm. Đức Ông Giuse Đích Nguyễn Ngọc Oánh xứng danh người con hiếu thảo, đã vâng lệnh Bề Trên, về làm vườn nho, dù biết trước bao gian nan, khó khăn, thách đố đang chờ đón ngài. Trong cuộc sống đạo, với sự yếu đuối cố hữu, bất kỳ Kitô hữu nào cũng có thể nhập vai cả hai người con, tùy theo lửa mến nhiều hay ít, mà đáp lại lời mời gọi làm vườn của Chúa. Người con hiếu thảo Làm vườn nho với tâm hồn khiêm tốn, không tự mãn, không so bì, đố kỵ, mà chân thành ăn năn sám hối tội lỗi đã vấp phạm, người con thảo hiếu còn luôn tập sống xả kỷ vị tha, biết trân trọng, quan tâm và phục vụ tha nhân. Thánh Phaolô căn dặn khi vào làm vườn thì: “Đừng làm chỉ vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” ( Pl 2, 3 – 4 ). Muốn thế, người con hiếu thảo luôn tha thiết cầu nguyện, gần gũi, đắm say lửa mến, để mặc lấy tâm tình Thầy Chí Thánh, khiêm nhu, hạ mình, vâng phục Thánh Ý trọn hảo: “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu, vốn dĩ là Thiên Chúa…” ( Pl 2, 5 – 11 ). Đồng thời, làm vườn nho là sống trọn vẹn giây phút hiện tại, có nghĩa đoạn tuyệt, quên đi quá khứ huy hoàng, thành quả tốt lành, hoặc giã từ những thất bại ê chề, tội lỗi nhám nhúa, để sám hối, canh tân. "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Chúa” ( Lc 9, 62 ). Vì thế, sống giây phút hiện tại cũng là nhật nhật tân, hựu nhật tân, mỗi ngày mỗi đổi mới, mỗi thêm xả kỷ vị tha. Lời Chúa, Thánh Thể, cùng hồng ân hằng ngày của Người Cha thương ban, như lương thực dồi dào, bồi dưỡng tâm hồn, tăng sức đề kháng, tăng cường công lực, sẵn sàng dấn thân, người con thảo mới có thể an tâm lữ hành trên đường hy vọng. 4
  • 5. Người Cha hằng hiện hữu Vô thủy vô chung, “Thiên Chúa là Alpha và Omega, là Đầu và Cuối, là Khởi Nguyên và Tận Cùng” ( Kh 22, 13 ). Ngài là Đấng Tạo Hóa hằng hiện hữu vượt ra bên ngoài không gian và thời gian, mà Ngài đã sáng tạo. Trong khi muôn loài thọ tạo thì chịu giới hạn và gắn chặt trong vòng kim cô của thời gian và không gian. Vì thế, tất cả biến cố, sự kiện diễn ra dưới trần thế, lòng vòng xoay vần như đèn cù, vẫn luôn mãi là thời hiện tại qua lăng kính kỳ diệu của Thiên Chúa. Sau khi chịu phép rửa, Đức Giêsu đang cầu nguyện, thì Trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người, dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” ( Lc 3, 21 – 22 ). Đức Giêsu cũng luôn dùng thời hiện tại trong rao giảng. Như tại hội đường Nadarét, sau khi đọc xong một đoạn lời Ngôn Sứ Isaia, Người nói với cộng đoàn: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kính Thánh quý vị vừa nghe” ( Lc 4, 21 ). Đức Giêsu dạy Kinh Lạy Cha: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày…” ( Mt 6, 11 ). Khi Người mời gọi người thu thuế: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông.” Sau khi ông Dakêu sám hối, ăn năn hứa đền bù tội, Đức Giêsu hân hoan: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này... Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” ( Lc 19, 1 – 10 ). Người Cha khoan dung hằng hiện hữu không chấp nhất quá khứ con cái, dù bất hiếu, ngỗ nghịch, bỏ đi hoang đàng, như qua lời cầu khẩn trong cơn quẫn bách, Vua Đavít đã tán dương, chúc tụng: “Ngài là Thiên Chúa nhân hậu từ bi, Ngài chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín” ( Tv 86, 16 ). Người Cha khoan dung, rộng lượng quên ngay tội lỗi đứa con hư đốn, ương ngạnh, đanh đá, cá cầy, biếng nhác, chối phắt đi làm. Người lại trở nên rạng rỡ vui vẻ ngay, khi đứa con hôm nay biết ăn năn, hối hận, hoán cải, hiếu đễ, chịu thương chịu khó, hăng hái đi làm vườn. Đó là vì Chúa Giêsu kém trí nhớ ! một trong mười khuyết điểm vô cùng đáng yêu của Đức Giêsu, mà Ðức Tổng Giám Mục FX. Nguyễn Văn Thuận đã chia sẻ lần đầu tiên vào sáng thứ bảy, ngày 12.9.1998, tại Nguyện Đường Dòng Truyền Giáo Ðức Mẹ Vô Nhiễm ( OMI ), Strasbourg, Pháp. “Con sống giây phút hiện tại cho tràn đầy tình yêu. Chấm này nối tiếp chấm kia, ngàn vạn chấm thành một đường dài. Phút này nối tiếp phút kia, muôn triệu phút thành một đời sống. Chấm mỗi chấm cho đúng, đường sẽ đẹp. Sống mỗi phút cho tốt, đời sẽ thánh. Ðường Hy Vọng do mỗi chấm hy vọng. Ðời Hy Vọng do mỗi phút hy vọng” ( Ðường Hy Vọng số 978 ). Lạy Chúa Giêsu, xin xóa đi niềm tự cao, tự đại trong tâm hồn chúng con, vì lầm tưởng rằng mình đạo gốc, công chính, đạo đức, dễ ngủ mê trong kiêu căng, tự phụ, đánh mất hết ân nghĩa của Chúa. Cũng xin Chúa xóa đi nỗi mặc cảm của chúng con tự ti, tội lỗi, xấu xa, gớm ghiếc, chua chát thất vọng, để có thể tỉnh ngộ, chân thành sám hối, ăn năn và trông cậy, trở về vòng tay yêu thương của Người Cha Nhân Từ. Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ luôn nhắc nhủ, giúp đỡ, cầu bầu cho chúng con sống trọn vẹn giây phút hiện tại, với tràn đầy tình yêu Thiên Chúa và tha nhân. Amen. AM. TRẦN BÌNH AN NHỮNG CÔ GÁI ĐIẾM SẼ VÀO NƯỚC THIÊN CHÚA TRƯỚC Chủ đề nổi bật hơn cả của Chúa Nhật 26 thường niên A là sự thống hối ăn năn của con người tội lỗi gặp được lòng nhân lành của Thiên Chúa tình thương. Quả thật, Lịch Sử Cứu Độ của Thiên Chúa đối với con người là một chuỗi dài lịch sử tình thương, tội thì Chúa phạt, hoán cải thì Chúa cứu. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa phán: "Ta muốn lòng nhân từ chứ không cần hy lễ" ( Hs 6, 6; Mt 9, 13 ). "Ta không muốn kẻ vô đạo chết, mà ( muốn ) kẻ vô đạo bỏ đường nó theo mà trở lại và được sống" ( Ed 33, 11 ). Cánh cửa trái tim nhân từ của Thiên Chúa luôn luôn rộng mở cho hết những ai chân thành hướng về Thiên Chúa với cả tấm lòng thành, và Ngài sẽ đón nhận họ với niềm vui khôn tả là cả thiên đàng sẽ vui mừng ( x. Lc 15, 10 ). 5
  • 6. Chỉ có Thiên Chúa không quy kết tội lỗi mà còn thứ tha. Ngài là "Cha đầy tình thương xót" ( 2 Cr 1, 3 ), là Thiên Chúa nhân lành, đầy lòng từ bi, và là Thiên Chúa mọi nguồn an ủi, luôn kiên nhẫn chờ đợi kẻ có tội thống hối ăn năn, luôn muốn điều tốt cho con cái. Hoán cải thực sự là dứt khoát từ bỏ tội lỗi, thống hối vì những tội đã qua và xin Chúa thứ tha. Thiên Chúa thương xót sẵn sàng tha thứ và tuôn đổ Thánh Thần tẩy xóa mọi tội lỗi quá khứ của hối nhân. Trách nhiệm của con người Thiên Chúa muốn chúng ta phải chịu trách nhiệm về những việc chúng ta làm, trả lời về những kết quả hành động của chúng ta. Nên chúng ta không được hành động nửa vời: vì nếu nửa vời chúng ta sẽ chết. Ngôn Sứ Edêkien cảnh báo: "Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết" ( Ed 18, 28 ). Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta rằng, nói "vâng", "tôi biết", "tôi thực hành giáo lý" mà thôi, chưa đủ, phải hành động, phải lên đường. Chính người con trai đã nói "không" với cha mình, nhưng nó hối cải và đi làm vườn nho, anh ta đã làm theo ý người cha, như thế, anh bước vào giao ước tình thương của cha anh, anh đã yêu mến cha trong hành động và chân lý. Chúa Giêsu lên án các Thượng Tế và Kỳ Lão là những người biết rõ Kinh Torah, Lời Thiên Chúa, nhưng chỉ biết thôi không làm cho họ nên công chính. Chúa long trọng tuyên bố: "Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông" ( Mt 21, 31 ). Các Thượng Tế và Kỳ Lão hiểu rất rõ sứ điệp trên, nên họ sẽ không dung tha cho Chúa Giêsu: ít ngày sau, chính họ là những kẻ sẽ lên án tử cho Người. Đúng, sự đồi bại của kẻ công chính sẽ dẫn đến cái chết, thậm chí dẫn đến cái chết của những người vô tội, như Hêrôđê dẫn đến cái chết của các Thánh Anh Hài ! Những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước Lời tuyên bố trên của Chúa Giêsu như một ánh hào quang của Tin Mừng được xây dựng chung quanh hạng nguời đĩ điếm, lý tưởng hoá họ và đối nghịch họ với những kẻ được gọi là công chính là các thượng tế và các kỳ lão, đã gây sốc cho nhiều người. Không có lời nói nào của Chúa Giêsu bị lạm dụng cho bằng lời nói: "Những cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước" ( Mt 21, 31 ).. Khi lý tưởng hoá hạng đĩ điếm, người ta cũng lý tưởng hóa luôn cả hạng người thu thuế, luôn đi kèm hạng đi điếm, là những kẻ cho vay nặng lãi, một loại luôn đồng hành loại gái điếm trong Tin Mừng đã gây lên một sự hiểu lầm đáng sợ, khi người ta không nhận thức đủ. Những người thu thuế, là những nhân viên các cơ quan thâu thuế Rôma, tham dự trong những hành xử bất công của những cơ quan này. Nếu Chúa Giêsu liên kết những gái điếm và những người thu thuế với nhau, Người làm vậy không phải là không có lý do; vì cả hai đều coi tiền bạc là sự quan trọng nhất trong cuộc sống. Nếu Chúa Giêsu tôn trọng các cô gái điếm và người thu thuế hay kẻ tội lỗi, không phải do kiểu sống của họ, nhưng vì khả năng thay đổi và phục thiện... như Maria thành Magdala, kẻ đã trở lại và đã theo Chúa Giêsu trên tất cả con đường thánh giá, là một gương mẫu cho sự này ( đặt giả thiết bà là một cô gái điếm ), Dakêu ( x. Lc 9, 1 – 10 ), người phụ nữ Samari ( Ga 4, 1 – 42 ), người phụ nữ ngoại tình ( x. Ga 8, 1 – 11 ) và người con trai hoang đàng ( x. Lc 15, 11 và 32 ). Chúa Giêsu nói rõ lý do sẽ vào Nước Thiên Chúa trước: "Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài" ( Mt 21, 32 ). Hoán cải không bao giờ là muộn Chúng ta được yêu cầu từ bỏ thái độ để ý đến mình hơn là tha nhân, thậm trí hơn cả Thiên Chúa nữa. Vì không phải mọi kẻ nói với Ta: "Lạy Chúa, lạy Chúa", là sẽ vào được Nước Trời, nhưng là kẻ thi hành ý Cha Ta, Ðấng ngự trên Trời" ( Mt 7, 21 ). Những lời tuyên bố trên của Chúa Giêsu giúp chúng ta hiểu rõ hơn về dụ ngôn hai người con trai được cha sai đi làm vườn nho ( x. Mt 21, 32 ). Qua đó, Chúa mở mắt những người Do Thái để họ hiểu rằng khi khép kín lòng mình trong sự bất chính và sai lầm của chính họ là một sự từ chối Nước Trời. Họ nói "vâng" với Thiên Chúa. Nhưng trong thực tế, họ lại ngoan cố khước từ lời Thiên Chúa, gạt bỏ Nước Trời. Rõ ràng là nói "vâng" nhưng lại không thi hành. Và như một mẫu gương về sự hoán cải, Chúa Giêsu đặt ra những tình huống trái nghịch: những 6
  • 7. người thu thuế và gái điếm. Ban đầu, họ nói "không" với Nước Trời và Giao Ước vì họ chưa nhận ra các yêu cầu phải thi hành để được vào Nước Trời, nhưng họ có đủ khả năng để thích ứng với dấu hiệu Nước Thiên Chúa. Sau đó, trên hành trình tìm kiếm Nước Trời. Dần dần, họ học cách nói "có", nên Chúa Giêsu tuyên bố: "Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi" ( Mt 21, 43 ). Phần chúng ta, chúng ta cũng phải học cách nói "có"... "Con không đi'. Nhưng sau hối hận và đi làm" ( Mt 21, 29 ). Lm. Antôn NGUYỄN VĂN ĐỘ NÓI VÀ LÀM Trang Tin Mừng hôm nay trình bày dụ ngôn hai người con, họ nhận cùng một lời mời gọi của cha nhưng với hai thái độ khác nhau. Người con thứ nhất Lúc đầu từ chối, không vâng lời cha. Nhưng sau đó nghĩ lại, nó đi làm vườn nho cho cha. Đứa con này tượng trưng cho các người thu thuế và tội lỗi. Tuy đã phạm tội, nhưng sau đó đã hồi tâm tin theo Chúa Giêsu mà quay về với Thiên Chúa. Người con thứ hai Lúc đầu ngoan ngoãn vâng lời cha. Nhưng thực tế nó lại không đi làm vườn nho theo ý cha. Đứa con này có vẻ công chính, tượng trưng cho các Thượng Tế, Kinh Sư, Pharisêu. Tuy giữ luật Môsê trong từng chi tiết, nhưng họ lại từ chối Gioan Tẩy Giả, người đã đến chỉ đường công chính. “Thưa cha, con đây”: câu trả lời lễ phép của một đứa con ngoan ngoãn hiếu thảo, sẵn sàng vâng nghe lời cha dạy bảo; “Nhưng rồi lại không đi”: đứa con này mới chỉ vâng lời cha bằng môi miệng bề ngoài. Sau đó nó không đi làm vườn nho theo lời cha dạy. Anh ta có thái độ "ngôn hành bất nhất", "nói mà không làm", “nói một đàng mà làm một nẻo”. Một đời sống vụ hình thức bề ngoài. Một thái độ đạo đức giả. Người con thứ hai ám chỉ những Thượng Tế, Kinh Sư và Pharisêu. Thời ấy, họ là những bậc vị vọng, họ tự xưng mình là đạo đức, công chính, trong sạch. Thực tế họ rất giả hình. Nói rất hay nhưng không thực thi điều mình nói. Họ nói mà không làm. Giữa lời nói và việc làm thường có một khoảng cách rất lớn. Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Con người dễ rơi vào thói nói nhiều làm ít, hoặc chỉ nói suông mà không làm, hoặc còn tệ hơn nữa khi việc làm mâu thuẫn với lời nói. 1. Nói và làm, một tiêu chuẩn để xét định đời sống. Kể xong dụ ngôn, Chúa Giêsu hỏi: “Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha ?” Họ trả lời: “Người thứ nhất”. Đó là người nói không, nhưng đã hối hận và đi làm việc. Ở đây rõ ràng có hai loại người: nói ít làm nhiều và nói nhiều làm ít. Nói ít làm nhiều Nói ít không phải là “ít nói” vốn thường hiểu theo nghĩa tiêu cực bộc lộ một lòng trí tối tăm hay lòng dạ mưu mô. Nói ít cũng chẳng phải là không có gì để nói hay không biết nói gì. Trái lại người nói ít là người biết mình nói gì và cũng là người có khả năng nói nhiều với chính mình bằng ngôn ngữ tư tưởng, với người bằng ngôn ngữ hành động. Chính vì thế họ dễ trở thành những người “làm nhiều”. Những người nói ít làm nhiều thường là những người tốt bụng, nhiệt thành với công việc, chu toàn nhiệm vụ và biết trách nhiệm. Họ không làm phiền người bên cạnh. Họ thích làm tốt cho người khác. Họ không bận tâm đến tiếng chê, chẳng nặng nợ với lời khen. Họ chăm chỉ làm việc và quan tâm tới từng việc làm. Với họ, làm là cách nói tốt nhất. Nói nhiều làm ít Có những người nói nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu. Họ là những người hay nói. Hay nói chưa chắc nói hay nhưng chắc chắn một điều: hay nói là một cánh cửa luôn rộng mở cho những người thích nói hay nói tốt về mình, để làm điều kiện thuận lợi cho việc dèm pha phê bình người khác. Đây là một nguy cơ của việc nói nhiều. Có biết đâu phê bình người khác lại là một cách bộc lộ lòng dạ mình ra. Mang kính đen thì phê bình sao người khác đen quá, giống như lưỡi đắng có bao giờ thấy canh ngọt. ( x. Làm nụ hoa trắng, trang 90-91, Gm. Vũ Duy Thống ). 7
  • 8. 2. Nói và làm, hai thái độ sống Sau câu hỏi, Chúa Giêsu xác định một câu nghe thật nhức nhối: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào nước trời trước các ông”. Những Thượng tế, Kinh sư và Pharisêu không chịu nghe lời Chúa, không ăn năn sám hối. Những người thu thuế và gái điếm, khi được mời gọi đã thành tâm sám hối. Có hạng người nói không làm và hạng người làm không nói. Người nói mà không làm Họ tự cho là mình đạo đức, nhưng khi Chúa Giêsu rao giảng, họ không những không tin mà còn phê phán chỉ trích những người tin Chúa, chỉ trích chính Chúa đã đón tiếp người tội lỗi. Người không nói nhưng lại làm Đó là những người thu thuế và những cô gái điếm. Tuy sống tội lỗi, nhưng khi nghe Chúa rao giảng, họ đã ăn năn sám hối và tin vào Chúa. 3. Những bài học Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta hai bài học quan trọng: Việc làm quan trọng hơn lời nói Chính việc làm minh chứng lời nói. Chính việc làm mới có sức thuyết phục. Lý thuyết dù có hay có đẹp đến đâu nếu không thực hiện được thì cũng vô ích. Trong đời sống, chúng ta gặp không ít những người nói hay, nói nhiều, nhưng làm chẳng bao nhiêu. Nhưng trái lại, có những người nói không hay, có khi không nói gì cả, nhưng lại làm rất nhiều. Nhất thời chúng ta có thể thích những người nói hay. Nhưng sống càng lâu, chúng ta càng mến những người nói ít làm nhiều. Con đường đi từ trái tim đến đôi tay là một con đường dài và gian khổ. Rung động trước nỗi khổ của người khác là điều tốt, giúp cho họ bớt khổ là điều tốt hơn. Thánh Gioan khuyên rằng: “Hỡi anh em, đừng yêu mến bằng lời nói suông, nhưng bằng việc làm thực sự” ( 1 Ga 3, 18 ). Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy. Chúa yêu chuộng những người làm việc hơn là những người chỉ biết nói suông. Những Luật Sĩ, Pharisêu, Kinh Sư bị lên án dữ dội vì họ giả hình. Họ nói mà không làm. Họ đặt gánh nặng lên vai người khác nhưng bản thân lại tránh né. Ngày nay cũng vậy, có những bậc cha mẹ dạy con cái phải giữ đạo, phải cầu nguyện, dự lễ, nhưng chính mình lại biếng nhác, không làm gương sáng cho con cái. Chúa đòi hỏi phải thực hành: “Không phải những ai nói rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời, nhưng là những kẻ làm theo ý Cha Ta trên trời” ( Mt 7, 21 ). Đức Tin phải biểu lộ bằng việc làm mới là Đức Tin sống động. Thánh Giacôbê dạy: “Đức Tin không có việc làm là Đức Tin chết” ( Gc 2, 17 ). Tình yêu cũng phải có việc làm. Việc làm minh chứng tình yêu đích thực. Tin yêu Chúa phải được biểu lộ bằng việc làm. Hãy làm một cách khiêm tốn Những người Pharisêu làm gì cũng muốn phô trương. Muốn tỏ ra mình đạo đức, họ đeo lề luật trên trán, trên tay. Ðeo rồi, sợ người khác không nhìn thấy, họ phải "đeo những hộp kinh thật lớn, may những tua áo thật dài" để cho mọi người biết họ yêu mến lề luật, giữ đạo cặn kẽ. Thói phô trương dễ biến thành tự phụ tự mãn, hợm hỉnh. Nên những người Pharisêu "ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là thầy". Khi phê phán người Pharisêu, Chúa Giêsu muốn cho môn đệ hãy sống đạo trong kín đáo: "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy… Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo… Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy… Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh" ( Mt 6, 1 – 6 ). Kín đáo làm việc đạo đức là dấu chỉ lòng mến Chúa chân thực. Lòng mến Chúa chân thực sẽ dẫn đến thái độ khiêm tốn, luôn biết kính trọng người khác và luôn biết phục vụ anh em. Xin Chúa giúp chúng con biết sống “ngôn hành như nhất” để lời nói và việc làm của chúng con luôn đẹp lòng Chúa và mưu ích cho tha nhân. Amen. Lm. Giuse NGUYỄN HỮU AN 8
  • 9. KHOA HỌC TÌNH YÊU Một trong những đoạn trong cuốn “Một Tâm Hồn” của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu khiến tôi ấn tượng nhất chính là lúc Chị kể lại lời Chúa Giêsu từ trên Thánh Giá nói với Thánh Margaret Maria Alacoque: “Ta muốn con đọc cuốn sách cuộc đời, trong đó có KHOA HỌC TÌNH YÊU”. Thánh Têrêsa còn được mệnh danh là Bông Hồng Nhỏ và Tiến sĩ Tình yêu Kitô giáo. Điều này ảnh hưởng Thánh Têrêsa khá nhiều: “Khoa học Tình yêu, vâng, từ ngữ này âm vang ngọt ngào trong linh hồn tôi, và tôi chỉ muốn loại khoa học này”. Ơn gọi yêu thương của Chị được kết tinh. Khoa học và tình yêu có vẻ không hợp nhau. Chúng ta muốn kết hợp tình yêu bằng cảm xúc, sự thu hút, và niềm đam mê – không hẳn là “chất” khoa học, nó hợp với lý lẽ, kinh nghiệm và sự phát triển. Nhưng tình yêu giống như khoa học không là phép ẩn dụ thần bí vô căn cứ hoặc lập dị. Tôi tình cờ gặp được đoạn văn của Thánh Têrêsa ngay sau khi đọc cuốn “Anh Em Nhà Karamazov” ( Brothers Karamazov ), và Dostoevsky – viết vào khoảng thời gian như Thánh Têrêsa ( cuối thập niên 1800 ) – cũng sử dụng công thức này. Trong phần đối thoại đầu cuốn sách, Lm Zossima cố gắng an ủi “người phụ nữ của niềm tin bé nhỏ”, đầu tiên là khuyên phụ nữ này đừng sợ vì tính nhút nhát khi đạt được tình yêu, rồi chỉ ra rằng tình yêu trong hành động khó so sánh với tình yêu trong mơ ước: “Tình yêu tích cực là làm việc và chịu đựng, đối với một số người, có thể đó cũng là một khoa học hoàn hảo”. Dorothy Day, người sáng lập Phong trào Công Nhân Công Giáo ( JOC ), cũng viết: “Tình yêu là một dạng khoa học, một dạng kiến thức mà chúng ta thiếu”. Đây là lý do chúng ta luôn cần cầu xin Chúa Thánh Thần: “Accende lumen sensibus, infunde amorem cordibus” – xin hãy thắp sáng các giác quan, xin hãy đổ đầy tình yêu vào trong tâm hồn chúng con. Lời nguyện ca thật đẹp đó trong bài thánh ca cổ “Veni Creator Spiritus” ( Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến ). Chính Chúa Thánh Thần làm cho tâm hồn chúng ta đầy tràn tình yêu. Không lâu trước thời Thánh Têrêsa, khái niệm của Chủ Nghĩa Thực Chứng ( Positivism ) cho rằng không có khoa học hiện hữu trừ những gì nghiên cứu hiện tượng của thế giới tự nhiên, đã bắt đầu được chú ý. Trong cuốn sách viết năm 1874, cuốn “The Crisis of Western Philosophy: Against the Positivists” ( Khủng hoảng của Triết học Tây phương ), triết gia lỗi lạc Vladimir Soloviev ( người Nga ) đã bác bỏ khái niệm của triết gia Auguste Comte ( người Pháp ) cho rằng nhân loại bước vào một kỷ nguyên nhận thức khoa học là cách phù hợp để thay thế mọi dạng hiểu biết khác, chẳng hạn như kiến thức thần học hoặc triết học “thô sơ”. Comte cảm thấy những điều đó đã lỗi thời đối với lịch sử của sự tiến bộ “khoa học”. Phương châm của Comte là “Order and Progress” ( Trật tự và Tiến bộ ) được ghi trên quốc kỳ Brazil. Châm ngôn này dễ dàng làm theo. Lịch sử không ghi lại điều đó. Nhưng Thánh Têrêsa, lúc 14 tuổi, đã hiểu những điều mà dân trí thức không thể hiểu, mặc dù họ dành cả đời để nghiên cứu, đó chính là KHOA HỌC TÌNH YÊU. Soloviev cảm thấy rằng sự khủng hoảng triết học Tây phương là do sai lầm khi đề cao kiến thức ( lý lẽ ) hơn thứ khác ( Đức Tin ). Ông cho rằng điều này bắt đầu nổi lên trước thời kỳ Khai Sáng ( thế kỷ 18, đề cao lý trí ). Thời kỳ này cũng củng cố tư tưởng cho rằng khoa học nên thay thế cho luân lý truyền thống hệ thống đạo đức. Cuối cùng, nó bị coi là “phi khoa học”. Toàn bộ luân lý truyền thống dựa trên những gì Chúa Giêsu xác định là hai giới răn quan trọng nhất: Mến Chúa và yêu người. Chúng ta có thể nói rằng Chúa Giêsu nói “rất khoa học” – đưa ra kiến thức đích thực – chứng thực tính ưu việt của tình yêu. Loại bỏ luân lý truyền thống không giải phóng con người khỏi quy luật, mà lại bao hàm mối nguy có thật là mất tình yêu. Khoa học phong phú hóa thế giới bằng nhiều cách, nhưng đó không là nền tảng để người Công Giáo hiểu rằng khoa học là phương cách tự bào chữa về “cuộc tranh luận sinh học đạo đức đương đại” ( contemporary bioethical debates ). Soloviev đã nhận thấy điều nguy hiểm khi loại bỏ kiến thức tôn giáo và triết học. Ông không cho phép thông báo các tiến bộ khoa học. Ông nhận xét: “Để có kết thúc hợp lý, nguyên nhân chính của thuyết vị lợi tương đương với sự phủ nhận hoàn toàn đối với luân thường đạo lý”. 9 CÙNG CHIA SẺ
  • 10. Đức Thánh Cha Benedict XVI nói điều này vẫn như trước đây, ngài nói rằng chỉ có “khoa học tình yêu” mới là “dạng khoa học cao cấp nhất”. Theo Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, “khoa học tình yêu” có thể bảo vệ nhân loại khỏi các hệ lụy xói mòn do thói vị lợi ngày nay, và “chỉ có tình yêu mới có thể ngăn ngừa người này lợi dụng người kia” [ cuốn “Tình yêu và Trách nhiệm” của Đức Giám Mục Karol Wojtyla ( sau là Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ), năm 1960 ]. Chỉ có tình yêu mới có thể kéo chúng ta ra khỏi sự vô nghĩa mà chủ nghĩa duy vật truyền bá. Không lâu trước khi qua đời tại Auschwitz, Edith Stein đã viết bài nghiên cứu chi tiết về triết học của tư tưởng theo Thánh Gioan Thánh Giá, với tựa đề là “Khoa học Thánh Giá” ( Science of Cross ). Tài liệu này là đỉnh cao của sự khôn ngoan. Trong đó, bà cho biết rằng bà gọi là “khoa học của các thánh” với “sự thật của các niềm tin” ( không bao giờ trái ngược với khoa học hoặc lý lẽ ). Tôi nghĩ rằng thuật ngữ này có sức mạnh lôi cuốn cả người tin lẫn người không tin, nó mời gọi chúng ta xem lại những gì chúng ta ngụ ý bằng khoa học – và bằng tình yêu, điều mà Thánh Gioan Phaolô II gọi là “ơn gọi nền tảng và bẩm sinh của mọi người”. Các Thánh theo đuổi các ơn gọi khác nhau của tình yêu bằng cách theo “phương pháp khoa học” mà Chúa Giêsu khuyên: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” ( Mt 11, 29 ). Chúng ta còn tìm kiếm gì xứng đáng hơn Thánh Tâm Chúa – “Lò Lửa Tình Yêu” ? Thánh Tiến Sĩ Têrêsa Hài Đồng Giêsu nhắc chúng ta nhớ tới “Con Đường Bé Nhỏ” mà không khoa học gia nào có thể hiểu nổi. Con đường đó chỉ có thể hiểu được nhờ tình yêu, một thực tế sâu sắc nhất của cuộc sống. MATTHEW HANLEY, TheCatholicThing.org Bản dịch của TRẦM THIÊN THU DUY THỨC VÀ CẦU NGUYỆN Cầu nguyện là hành vi không thể thiếu trong đời sống tôn giáo. Người gọi là có đạo không cầu nguyện thì cũng giống như người đi trên đường mà không chịu cất bước. Có đi mới đến, không đi thì không thể đến. Ví cầu nguyện giống như việc cất bước để cho thấy đó là việc vô cùng hệ trọng không thể không làm. Tuy nhiên trong thời tục hóa này, việc cầu nguyện nếu không nói là đã bị phế bỏ thì cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Thực vậy, tục hóa tức cũng là Giải Thiêng, mà đã Giải Thiêng rồi thì còn cầu nguyện với ai ? Cầu để làm gì ? Việc cầu nguyện luôn bao gồm hai phần: Một là Cầu, hai là Nguyện. Cầu là cầu xin với Đấng mà mình phụng thờ. Còn Nguyện là nguyện về nơi mình muốn đến. Chính bởi tính chất cầu nguyện là vậy nên trong tất cả các kinh nguyện trước đây đều thể hiện đầy đủ hai ý này. Cầu là cầu xin với Thiên Chúa để nói lên lòng Tin Cậy Mến với Ngài. Còn nguyện là nguyện cho Danh Cha cả sáng, nguyện vâng giữ mọi điều Chúa truyền dạy, mọi điều Hội Thánh truyền… Tất cả những lời cầu ấy đều được kết thúc với việc xin cho được về cõi Thiên Đàng hưởng vinh phúc đời đời. Còn cầu nguyện thì còn Đức Tin, trái lại không cầu nguyện thì Đức Tin sẽ mất. Cuộc khủng hoảng của Giáo Hội hiện nay trước hết là khủng hoảng Đức Tin vì không còn cầu nguyện cách xứng hợp. Đức cố Hồng Y FX. Nguyễn Văn Thuận đặt câu hỏi và tự trả lời: “Tại sao Hội Thánh khủng hoảng ? Vì đã hạ giá việc cầu nguyện” ( Đường Hy Vọng 132 ). Có hai hình thức hạ giá: Một là đánh đồng việc cầu nguyện với suy luận thần học. Hai là cho đó chỉ là một thứ hình thức đạo đức bình dân ( đọc kinh ). Đang khi đó cầu nguyện đích thực là hành vi tâm linh đòi hỏi cần phải xoay cái Tâm trở vào bên trong: “Còn ngươi khi cầu nguyện hãy vào phòng kín, đóng cửa lại rồi cầu nguyện với Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ ẩn mật sẽ báo đáp cho ngươi” ( Mt 6, 6). Cầu nguyện với Cha ngươi là Đấng ở nơi ẩn mật. Vậy nơi ẩn mật đó có thể là nơi nào nếu đó không phải là cõi lòng thâm sâu của mỗi người ? Cõi lòng thâm sâu ấy Đức Kitô có khi xưng tụng là Cha 10 CÙNG TÌM HIỂU
  • 11. có khi gọi là Nước Trời. Chúa dạy chúng ta cầu nguyện bằng cách vào phòng kín đóng cửa lại có nghĩa phải xoay cái Tâm trở vào bên trong bằng cách đóng cửa giác quan ( mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý ) đừng để cho nó phóng túng ra bên ngoài nơi thế giới ngoại vật. Chỉ khi nào cầu nguyện bằng cách hướng tâm như thế mới được Chúa báo đáp, có nghĩa được ban cho ơn sủng dồi dào. Để có thể kín múc ơn sủng bằng cách xoay tâm trở vào bên trong như thế, đòi hỏi cần phải có phương pháp cùng với sự kiên trì trong thực hành. Phương pháp và lòng kiên trì luôn bổ túc cho nhau. Phương pháp giúp ta kiên trì, ngược lại, kiên trì cho ta càng đi sâu vào phương pháp. Phương pháp được đề cập tới ở đây là môn Duy Thức, một pháp môn Đại Thừa Phật Giáo do Bồ tát Thiên Thân ( Vasubandhu ) thế kỷ thứ 5 tạo lập. Duy Thức học là một môn rất khó tiếp thu bởi có rất nhiều danh từ chuyên môn ( Bách Pháp ) đồng thời cách phân tích lại chi li cho tới ngọn ngành. Tuy nhiên đó lại là môn vô cùng cần thiết cho tất cả những ai muốn đi sâu tìm hiểu về Tâm và về thế giới. Riêng trong lãnh vực tôn giáo, Duy Thức Học giúp cho ta một cơ sở thực hành hết sức quý giá. Ngược lại, không hiểu Duy Thức, thì như cư sĩ Đường Đại Viên tác giả biên soạn Duy Thức Học nói: “Người học Phật vì không hiểu Duy Thức nên Phật Pháp suy đồi. Kẻ thế tục vì không học Duy Thức nên khinh báng Phật. Quốc gia vì không hiểu Duy Thức nên rối loạn. Nhân loại vì không học Duy Thức nên mới đảo điên”. Bởi đâu không hiểu Duy Thức thì Phật Pháp suy đồi, nhân loại đảo điên ? Lý do là vì không biết muôn sự muôn vật đều không thật có chỉ là do Thức biến. Phàm phu ai cũng thấy cái nhà là… nhà, nhưng theo Duy Thức Học thuần túy, đó chỉ là cái tên suông hoàn toàn không có thực chất. Sao nói không thực chất ? Bởi vì cái gọi là nhà ấy nếu phân tích ra thì gồm bởi nào là gạch, ngói, ximăng, sắt, thép, gỗ, kính v.v… Tiếp tục đi sâu phân tích cho đến tận cùng bằng khoa vật lý sẽ thấy tất cả những cái gọi là gạch, ngói, ximăng, sắt, kính… đó chỉ là những nguyên tử. Theo thuyết vật lý cổ điển Newton thì nguyên tử là đơn vị nhỏ nhất và rắn chắc không thể phân chia. Thế nhưng với vật lý hiện đại thì nguyên tử chưa phải đơn vị nhỏ nhất bởi nó có thể bị phá vỡ. Thật sự thì trong không gian vật lý, không hề có cái gọi là đơn vị biệt lập dù là nguyên tử, mà chỉ là một thứ dạng năng lượng, tức sóng và hạt. Nhà bác học Albert Einstein đưa ra định nghĩa về vật chất bằng công thức E=MC2 , trong đó C là vận tốc ánh sáng. E là năng lượng và M là khối lượng của vật. Công thức này cho thấy vật chất sẽ biến thành năng lượng khi nó đạt tới vận tốc ánh sáng. Ngược lại, năng lượng cô đọng lại tối đa sẽ biến thành vật chất. Phân tích như thế để cho thấy có sự khác biệt sâu xa giữa cái gọi là nhà của thường nghiệm và nhà của khoa học. Người đời chỉ thấy cái nhà là… nhà, để rồi từ đó khởi lên những ý niệm khen chê tốt xấu, mong cầu ghét bỏ này nọ. Đang khi ấy cái nhà theo vật lý học chỉ là một thứ khối lượng và nó sẽ biến đổi thành năng lượng khi gặp điều kiện, chẳng hạn cháy nhà, nước lụt, chiến tranh tàn phá v.v… Với khoa học thì vậy còn với Duy Thức thì nhà chỉ là cái tên suông. Mặc dầu chỉ là cái tên suông, nhưng để nhà có thể là nhà, một nơi chốn cư ngụ thì nó không thể chỉ gồm bởi gạch, ngói, ximăng, sắt, thép… mà cần phải có các ông kiến trúc sư, các ông thợ xây, thợ hồ v.v… Không có kiến trúc sư, thợ xây, thợ hồ, thì gạch, ngói, ximăng… vẫn mỗi thứ mỗi nơi làm sao có thể thành ra cái gọi là nhà được ? Cần có kiến trúc sư, thợ xây, thợ hồ… để làm ra cái nhà. Việc làm ra ấy triết Phật gọi nó là Duyên Khởi. Gạch phải Duyên với ximăng qua bàn tay người thợ xây mới làm nên bức tường. Kính phải Duyên với khung cửa mới thành ra cánh cửa, v.v. và v.v… Tính chất Duyên Khởi là trùng trùng bất tận, bởi đó cho nên không thể có bất cứ một đơn vị nào biệt lập dù nhỏ như nguyên tử. Muôn sự muôn vật tồn tại là do Duyên Khởi và tính Duyên Khởi ấy thể hiện trong lãnh vực tâm linh chính là việc Huân Tập. Huân Tập nghĩa của nó là chứa nhóm. Hễ chứa nhóm cái gì thì sẽ có cái ấy, anh cứ tơ tưởng về quân bài quân bạc thì thế nào cũng sà vào sòng bài để ăn thua đủ. Anh cứ suốt ngày xem phim con heo, phim bạo lực đánh đấm súng nổ thì sẽ có ngày không phạm tội hiếp dâm thì cũng lạm dụng tình dục cách này cách khác. Trái lại, nếu siêng năng đọc kinh, làm việc lành phúc đức, tham dự Thánh Lễ hàng ngày thì tất sẽ có được cuộc sống an vui hạnh phúc đời này đời sau v.v… Chứa nhóm cái gì sẽ có cái đó và sự chứa nhóm ấy chính là huân tập các chủng tử. Có ba loại chủng tử hay còn gọi là chủng tánh chính yếu: 1. Vô chủng tánh: Đây là hạng người chỉ hay phát tâm làm những việc thiện ở thế gian như bắc 11
  • 12. cầu, làm đường, làm việc từ thiện cứu tế v.v… để hưởng phước báu thế gian. Hạng người này chỉ tạo nghiệp hữu lậu, không có chủng tử vô lậu, nên gọi là vô chủng tánh. 2. Đại Thừa chủng tánh: Đây là hạng phát tâm Phật, rộng tu Lục Độ ( Bố thí, Trì giới, Tinh tấn, Nhẫn nhục, Thiền định, Trí huệ ). Đoạn trừ cả ngã chấp và pháp chấp quyết định thành Phật, nên gọi là Phật chủng tánh. 3. Bất định chủng tánh. Đây là hạng người sẵn có cả chủng tử hữu lậu và vô lậu. Nếu gặp được Đại Thừa giáo hóa thì thành Phật. Còn gặp Nhị thừa giáo hóa thì thành Thinh Văn hoặc Duyên giác. Vì Tánh bất định như thế, nên gọi là bất định chủng tánh. Duy Thức Học đưa ra thuyết chủng tử huân tập mục đích cũng là để nói lên tính chất nhân quả trong việc tạo nghiệp. Nhân nào thì quả ấy. Chủng tử loại nào thì tạo ra nghiệp loại đó, chủng tử hữu lậu thì tạo nghiệp hữu lậu. Chủng tử vô lậu thì tạo nghiệp vô lậu. Tôn giáo suy cho cùng chỉ là vấn đề tạo Nhân tối thượng để hưởng Quả lành tối thượng. Cái Nhân tối thượng của Đạo Phật là thành Phật. Còn của Đạo Chúa là nhận biết mình là Hình Ảnh Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa. Nhận biết mình là Con Thiên Chúa cũng là nhận biết Sự Thật và chỉ khi nào nhận biết Sự Thật thì con người mới được giải thoát: “Nếu các ngươi cứ ở trong đạo của Ta thì thật là môn đệ Ta. Các ngươi sẽ nhận biết Sự Thật và Sự Thật sẽ giải thoát các ngươi” ( Ga 8, 31 – 32 ). Nhận biết Sự Thật Con Thiên Chúa ở nơi mình là con đường tạo lập Nhân lành tối thượng và con đường ấy chỉ dành cho những người có Tâm xuất thế tức hạng người có chủng tánh Đại Thừa. Đức Kitô đòi hỏi những ai muốn theo Ngài thì phải có Tâm xuất thế. Ngược lại không có Tâm ấy thì không thể theo. Chúng ta nhớ lại câu chuyện chàng thanh niên giàu có cũng muốn theo Chúa Giêsu để thực hiện con đường trọn lành, khi nghe Ngài nói phải về bán hết nhà cửa ruộng vườn thì anh ta bèn thối lui. Sau khi anh ta đi khỏi, Chúa nói với các môn đệ: “Ta nói cùng các ngươi, con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Đức Chúa Trời." Các môn đệ nghe lời ấy thì kinh ngạc quá đỗi mà thưa rằng: "Thế thì ai có thể được cứu ?" Chúa Giêsu đáp: "Đối với loài người thì việc ấy bất năng nhưng với Đức Chúa Trời thì mọi sự đều khả năng” ( Mt 19, 16 – 26 ). Đối với Thiên Chúa mọi sự đều khả năng, vậy khả năng ấy là gì ? Xin thưa đó là cầu nguyện cùng với Đức Tin và lòng kiên trì: “Vậy bất cứ mọi điều gì các ngươi xin trong khi cầu nguyện, hễ tin thì chắc chắn nhận được” ( Mt 21, 22 ). Có tin mới cầu, không tin thì không cầu. Tuy nhiên trong việc cầu xin này chẳng phải khi nào cũng được Chúa nhậm lời. Bệnh hoạn ốm đau mà cầu xin mãi có được đâu ? Làm lụng vất vả quanh năm suốt tháng, cầu xin cho khỏi nghèo đói mà có được đâu ? Lời Chúa là lời chân lý không hề dối. Vấn đề ở chỗ chúng ta cần có Đức Tin như thế nào trong khi cầu nguyện. Cầu nguyện và Đức Tin luôn phải đi đôi với nhau. Thế nhưng Đức Tin chỉ có thể nảy nở và trưởng thành nếu chúng ta có sự kiên trì trong cầu nguyện. Đức Kitô trong Vườn Cây Dầu nói với Phêrô: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn kẻo sa chước cám dỗ. Tâm linh thì sẵn sàng còn xác thịt thì yếu đuối” ( Mt 26, 41 ). Tỉnh thức nghĩa của nó là Nhớ, trái với Tỉnh là Mê. Chúa nói tỉnh thức và cầu nguyện, điều ấy có nghĩa cốt yếu việc cầu nguyện là để cho ta được nhớ đến Chúa ở nơi chính mình. Nếu hiểu cầu nguyện mục đích để cho ta nhớ Chúa thì có thể chẳng cần nhiều lời. Đức cố Hồng Y FX. Nguyễn Văn Thuận trong “Năm chiếc bánh và hai con cá” có kể một mẩu chuyện rất ý vị về cầu nguyện: Có ông lão tên Jim hàng ngày cứ đúng 12 giờ trưa vào trong Nhà Thờ không quá hai phút rồi đi ra. Người trông coi Nhà Thờ thắc mắc hỏi vào Nhà Thờ làm gì mà lại ra nhanh thế. Ông nói: "Vừa già vừa dốt, tôi đọc kinh theo kiểu của tôi. Giêsu, có Jim đây !” Cái ông già Jim ấy chẳng biết có dốt thật không, nhưng chắc một điều là ông ta tin và hết lòng yêu mến Chúa Giesu. Mặc dầu vậy, đối với phần đông chúng ta không có được lòng tin yêu như ông, nhưng cũng có thể nhớ Chúa bằng cách kiên trì trong việc đọc kinh lần chuỗi Mân Côi trong gia đình, nơi Thánh Đường cùng với cộng đoàn hoặc bất cứ nơi nào, khi đợi xe, khi rảnh rỗi v.v… Làm sao để có thể kiên trì trong cầu nguyện, đó là việc khó trong mọi việc khó. Lý do như Chúa nói “bởi vì tâm linh thì sẵn sàng còn xác thịt thì yếu đuối”. Con người do bởi Tội Nguyên Tổ là tội phân biệt nên luôn xu hướng ra bên ngoài nơi thế giới ngoại vật ( sắc, thanh, hương, vị, xú,c pháp ). Đọc kinh thì cứ chia lòng chia trí chuyện này việc kia đến nỗi chán nản bỏ cả đọc kinh. Thế nhưng nếu bỏ đọc kinh, lần hạt thì cũng chẳng còn phương thế nào để nhớ Chúa nữa. Sở dĩ việc đọc kinh làm cho ta được nhớ đến Chúa là bởi Kinh là Lời Chúa. Đọc kinh tức là huân tập Lời Chúa ghi khắc vào trong Tâm. Tâm là cái kho chứa ( Tạng Tâm ) nó có thể chứa đến vô tận đủ loại chủng tử kể cả vô lậu hữu lậu. Lời Chúa mang giác tánh, tức cái biết sáng suốt chân thật, Thánh 12
  • 13. Phaolô ví Lời Chúa như gươm bén: “Vì lời Đức Chúa Trời à lời sống, linh động sắc hơn mọi gươm hai lưỡi, đâm thấu đến nỗi chia hồn linh khớp tủy biện biệt tư tưởng và ý định của lòng người” ( Dt 4, 12 ). Cầu nguyện với sự kiên tâm bền chí tức là huân tập Lời Chúa để cho ta có thể Nhớ Chúa trong hết cả mọi thời mọi nơi. Có nhớ Chúa được như thế thì Chúa mới nhớ đến ta. Có đồng thanh mới tương ứng, có đồng khí mới tương cầu. PHÙNG VĂN HÓA CÔNG GIÁO VÀ TÔNG TRUYỀN Bài Giáo Lý về Giáo Hội của Đức Thánh Cha Phanxicô Anh chị em thân mến, Khi chúng ta tuyên xưng Đức Tin của chúng ta, chúng ta xác tín rằng Giáo Hội "Công Giáo" và "Tông Truyền". Thế nhưng ý nghĩa của hai chữ này, hai đặc tính quá quen thuộc này của Giáo Hội thực sự là gì ? Và những chữ này có giá trị ra sao đối với cộng đồng Kitô hữu cũng như đối với mỗi một người chúng ta ? 1. Công Giáo có nghĩa là phổ quát "Chúng ta có được một định nghĩa đầy đủ và rõ ràng từ một trong những vị Giáo Phụ của Giáo Hội là Thánh Cyrilô thành Giêrusalem qua câu phát biểu: "Thực sự Giáo Hội được tuyên xưng là Công Giáo, tức là phổ quát, ở chỗ Giáo Hội lan tràn khắp nơi từ chân trời đến góc biển của trái đất này; và theo tính chất phổ quát cũng như không lầm lạc Giáo Hội giảng dạy tất cả mọi chân lý mà con người cần phải nhận biết liên quan đến những sự trên trời hay dưới thế" ( 18th Catechesis, 23 ). Một dấu hiệu rõ ràng về tính chất Công Giáo của Giáo Hội đó là việc Giáo Hội nói bằng tất cả mọi ngôn ngữ. Điều này là hoa trái của biến cố Hiện Xuống ( xem sách Công Vụ 2, 1 – 13 ). Thật vậy, chính Thánh Linh giúp cho các Tông Đồ và toàn thể Giáo Hội âm vang cho đến tận cùng trái đất tất cả Tin Mừng cứu độ và tình yêu của Thiên Chúa. Giáo Hội bẩm sinh là Công Giáo, từ gốc đã là những gì "hợp tấu" và không thể là gì khác ngoài Công Giáo, hướng tới việc truyền bá phúc âm hóa và gặp gỡ tất cả mọi người. Ngày nay Lời Chúa được đọc bằng tất cả mọi thứ ngôn ngữ, hết mọi người đều có Phúc Âm để đọc theo ngôn ngữ của mình. Tôi xin lập lại là bao giờ cũng nên mang theo mình một cuốn Phúc Âm nhỏ, trong túi đựng hay trong túi xách mà đọc một đoạn trong ngày. Đó là điều thiện ích cho chúng ta. Phúc Âm đã lan tràn nơi tất cả mọi ngôn ngữ vì Giáo Hội, tác nhân loan truyền Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Chuộc, ở trên toàn thế giới. Vì lý do đó chúng ta gọi Giáo Hội là Công Giáo vì Giáo Hội thì phổ quát. 2. Nếu Giáo Hội bẩm sinh là Công Giáo thì có nghĩa là Giáo Hội xuất thân "lên đường", truyền giáo Nếu các vị Tông Đồ cứ ở trên Căn Thượng Lầu, không ra đi để nguyện cầu Phúc Âm, thì Giáo Hội chỉ là Giáo Hội của những con người ấy, của thành phố ấy, của nhà tiệc ly ấy. Thế nhưng, tất cả đều đã đi vào thế giới, từ giây phút Giáo Hội được hạ sinh, từ giây phút Thánh Thần hiện xuống. Thế nên Giáo Hội bẩm sinh là xuất thân "lên đường", là truyền giáo. Đó là những gì chúng ta diễn tả khi nhận định Giáo Hội là Tông Truyền. Chữ này nhắc nhở chúng ta rằng Giáo Hội, trên nền tảng các Tông Đồ, và tiếp tục với các vị được mời gọi để mang đến cho tất cả mọi người việc loan truyền Phúc Âm, kèm theo những dấu dịu dàng và quyền năng của Thiên Chúa. Điều này cũng xuất phát từ biến cố Hiện Xuống: thật vậy, chính vì Thánh Linh mà thắng vượt hết mọi đối chọi, thắng vượt khuynh hướng khép mình lại, trong một số ít tuyển chọn, và coi mình là thành phần lãnh nhận viên duy nhất của phúc lành Chúa ban... 13 CÙNG HỌC HỎI
  • 14. Nếu có một nhóm Kitô hữu nào như thế, "Chúng tôi là thành phẩn tuyển chọn, chỉ duy một mình chúng tôi thôi", thì cuối cùng họ sẽ chết. Họ chết, trước hết trong linh hồn của họ rồi đến thân xác của họ, vì họ không có sự sống, họ không có khả năng sản sinh sự sống cho người khác, cho những người khác. Họ không phải là tông truyền. Chính Thần Linh dẫn chúng ta đến chỗ gặp gỡ anh chị em chúng ta, bao gồm cả những ai xa cách nhất ở hết mọi ý nghĩa của nó, nhờ đó họ có thể chia sẻ với chúng ta tình yêu thương, sự bình an và niềm vui là những tặng ân được Chúa Phục Sinh lưu lại cho chúng ta. 3. Đối với các cộng đồng của chúng ta cũng như đối với mỗi người chúng ta thì trong việc thuộc về một Giáo Hội Công Giáo và Tông Truyền bao gồm những gì ? Trước hết, có nghĩa là ôm ấp lấy Ơn Cứu Độ của toàn thể nhân loại, đừng cảm thấy dửng dưng hay xa lạ trước số phận của rất nhiều anh chị em của chúng ta, song hướng về và liên kết với họ. Hơn nữa, nghĩa là có cái cảm quan trọn vẹn, hoàn toàn và hòa hợp của đời sống Kitô hữu, luôn loại trừ đi những chủ trương bán phần, riêng lẻ là những gì khép kín chúng ta lại. Việc thuộc về Giáo Hội Tông Truyền nghĩa là nhận thức rằng Đức Tin của chúng ta được gắn liền với việc loan truyền và làm chứng của chính các vị tông đồ của Chúa Giêsu, và vì thế, bao giờ cũng cảm thấy mình được sai đi, trong mối hiệp thông với chư vị thừa kế các Tông Đồ, để loan truyền, bằng một tấm lòng tràn đầy hân hoan, Chúa Kitô và tình yêu của Người cho toàn thể nhân loại. Đến đây tôi xin gợi nhớ những đời sống anh hùng của nhiều thật nhiều các nhà truyền giáo đã lìa bỏ quê hương của mình để ra đi rao giảng Phúc Âm ở các xứ sở khác, ở các châu lục khác. Một vị Hồng Y Brazil đã từng làm việc ở Amazon có lần đã nói với tôi rằng khi ngài đến một địa điểm, một thành phố ở miền Amazon, thì bao giờ ngài cũng đến nghĩa trang để viếng thăm các ngôi mộ của những nhà Truyền Giáo, các vị Linh Mục, các Tu Sĩ nam nữ đã đến đó rao giảng Phúc Âm, các vị Tông Đồ. Và ngài nghĩ rằng giờ đây có thể phong Thánh cho tất cả những vị này, vì họ đã từ bỏ tất cả để công bố Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì Giáo Hội của chúng ta đang có nhiều nhà truyền giáo, đã có nhiều vị thừa sai, nhưng dù sao vẫn cần nhiều hơn nữa ! Chúng con tạ ơn Chúa vì điều ấy. Có lẽ trong số nhiều giới trẻ, những em trai cũng như em gái đang có mặt ở đây, có người mong muốn trở thành một nhà truyền giáo: Các con cứ việc nhé ! Thật là một điều tuyệt vời được loan truyền Phúc Âm của Chúa Giêsu. Hãy hiên ngang và dũng cảm ! Giờ đây chúng ta hãy xin Chúa tái tấu trong chúng ta tặng ân Thần Linh của Người, nhờ đó hết mọi cộng đồng Kitô hữu và hết mọi người đã lãnh nhận phép rửa đều phản ảnh Mẹ Thánh Giáo Hội Công Giáo và Tông Truyền. Bản dịch của Đaminh Maria CAO TẤN TĨNH, BVL, http://www.zenit.org/en/articles/pope-s-general-audience-the-church-was-born-catholic-and-apostolic PHONG CÁCH PHANXICÔ Bài 21. Hai Người Mẹ của ta trên đường Giêsu Mỗi khi muốn viết về Mẹ Maria tôi lại liên tưởng đến Thomas Merton ( 1915-1968 ) Tu Sĩ OCSO. ( Ordo Cisterciensis Strictioris Observantiae ), thường được gọi là Dòng Trap, theo tên Tu Viện La Grande Trappe, một nhánh của Biển Đức. Dù viết ra đến 70 cuốn sách đào sâu chiêm niệm, cha Merton chỉ dám viết một chương ngắn trong tác phẩm New Seeds of Comtemplation - Tân Hạt Giống Chiêm Niệm – có tựa đề Người Phụ Nữ Mặc Áo Mặt Trời để nói về Mẹ Maria. Vào trước 1975, cha Merton thường viết lời giới thiệu cho những tác phẩm của mình do Thanh Bằng chuyển ngữ sang tiếng Việt. ( Trích ) "Tất cả những gì đã được viết ra về Đức Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa chứng minh cho tôi một điều là sự thánh thiện của Mẹ vô cùng chìm khuất. Những gì người ta có thể tưởng tượng ra để nói về Mẹ nhiều khi lại nói về chính họ hơn là về Mẹ. Vì Thiên Chúa mặc khải ra vô cùng ít về Mẹ, cho nên những người không biết một chút gì về con người và tính cách của 14 CÙNG NHẬN ĐỊNH
  • 15. Mẹ thường có khuynh hướng nói về chính mình khi cố tâm thêm thắt điều gì đó vào những gì Thiên Chúa đã bộc lộ ra về Mẹ". ( All that has been written about the Virgin Mother of God proves to me that hers is the most hidden of sanctities. What people find to say about her sometimes tells us more about their own selves than it does about Our Lady. For since God has revealed very little to us about her, men who know nothing of who and what she was tend to reveal themselves when they try to add something to what God has told us about her ). "Trong khi sự thánh thiện của Thiên Chúa vượt xa khỏi tầm hiểu biết của ta, sự thánh thiện của Đức Trinh Nữ còn chìm khuất hơn sự thánh thiện của Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa ít ra cũng đã nói cho ta đôi chút về Người tuy ngôn ngữ nhân loại chỉ diến tả được một phần rất nhỏ. Nhưng về Mẹ Maria, Người chỉ cho biết rất ít những gì quan trọng. Tuy vậy, ta cũng có thể nhận ra Mẹ nếu ta cũng trở nên chìm khuất trong Thiên Chúa nơi mà Mẹ đang chìm khuất. Chia sẻ sự khiêm tốn, chìm khuất, khó nghèo, ẩn mình và cô tịnh của Mẹ là cách tốt nhất để biết về Mẹ. Biết về Mẹ như thế là tìm thấy sự khôn ngoan". ( But the sanctity of God is only darkness in our minds. Yet the sanctity of the Blessed Virgin is in a way more hidden than the sanctity of God: because he has at least told us something about himself that is objectively valid when it is put into human language. But about our lady he has told us only a few important things. And yet I can find her if I too become hidden in God where she is hidden. To share her humility and hiddeness and poverty, her concealment and solitude is the best way to know her: but to know her thus is to find wisdom ( hết trích ). Ngoài mục đích chung là cổ động vinh danh Chúa, Dòng Đồng Công còn có mục đích riêng là nhờ vào việc hiến toàn thân cho Mẹ Maria, đào tạo những Linh Mục và Tu Sĩ thánh thiện hoàn hảo (Nguồn http://www.dongcong.net/DongDongCong/LuocSuDong/MucDich.htm ). Trong chuyên mục Mẹ Maria, website của Dòng sử dụng và phổ biến tác phẩm Cuộc Đời Mẹ Maria của Maria Agrêđa ( 1602- 1666 ), in tại Địa Phận Tây Đàng Ngoài, Lái Thiêu, tháng 5 năm 1882, được coi như một nguồn học hỏi chính sử về Mẹ Maria. ( Trích ) "Đến ngày 8 tháng 9, bà Anna biết mình sắp sinh ái nữ, bà sấp mình cầu xin Chúa chúc lành cho mình. Bà được ơn gìn giữ khỏi những cơn đau thông thường nơi các bà mẹ sinh con, nên bà dâng lời cảm tạ Thiên Chúa. Các Thiên Thần hầu cận Mẹ hát lên những khúc ca thiên đàng. Mẹ xinh đẹp nằm gọn trên tay thân mẫu mình. Mẹ xin các Thiên Thần ca tụng Chúa với Mẹ và nhân danh Mẹ. Tổng Thần Gabriel được sai đến ngục Tổ Tông, để báo cho các Thánh tin Mẹ Chúa Cứu Thế đã sinh ra, một tin mừng làm cho các ngài hoan hỷ và tri ân vô ngần. Thiên Chúa lại sai các Thiên Thần rước Mẹ về Trời, trước ngai uy linh Thiên Chúa, Mẹ sấp mình thờ lạy Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngôi Lời nâng Mẹ dạy và đặt ngồi bên hữu mình. Mẹ lãnh nhận nhiều mạc khải mới và lòng Mẹ bừng lên niềm vinh quang. Mẹ xin Chúa mau thi hành ơn nhập thể để cứu độ trần gian. Thiên Chúa đoan quyết với Mẹ là sắp được thực hiện. Thiên Chúa còn cho các Thiên Thần biết, Chúa rất hài lòng về danh hiệu Maria và Giêsu mà từ ngàn đời Ngài đã thỏa lòng". ( Nguồn: http://www.dongcong.net/MeMaria/CuocDoiMeMaria/02.htm ) Có thể đọc tác phẩm này bằng tiếng Anh tại http://www.themostholyrosary.com/mystical-city.htm trong đó có lời bình luận: Đơn thỉnh cầu phong Thánh cho bà Maria Agrêđa ( Sister Mary of Jesus of Agreda ) được đệ trình ngày 21.11.1671... Hy vọng rằng khi Hội Thánh Chân Thật vượt thoát được Màn Đêm Của Quỷ đang bao trùm trên mình, Bà Đáng Kính Maria Agređa sẽ nhận được vinh quang, mà hiện nay chưa được nhìn nhận đúng mức, để bước lên hàng Chân Phước và, một ngày nào đó trở thành Hiển Thánh của Công Giáo Rôma. ( The petition for her canonization was offered November 21, 1671 A.D… Hopefully when the True Church overcomes the Evil Eclipse now upon it, Venerable Mary of Agreda will receive the rare and seldom seen, honor of beatification and then hopefully someday canonization ( i.e. to be named a Roman Catholic Saint ). Đa số Kitô Hữu đều có lòng yêu mến Mẹ Maria, nhưng cần thể hiện như thế nào mới đúng là con thảo hiếu của Mẹ ? Đi hành hương thiên lý hay tin vào những tác phẩm có nội dung như trên có thiết yếu cho hành trình Lòng Tin của ta không ? ( Trích ) "Nhớ lại chuyến đi Pleiku của một số anh chị em chúng ta cách đây mới hơn hai tháng. Tại Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Mang Đen, khi thấy một nhóm khách có người đến từ khá xa như Đồng Nai, Đức Cha Hoàng Đức Oanh, Giám Mục Kontum đã nói: Thay vì chi một số tiền khá lớn cho một chuyến đi xa, nên chăng để dành tiền đó mua sách Kinh Thánh giúp cho những tín hữu nghèo không có tiền mua". ( Nguồn: 14.7.2014, Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, OFM. http://kinhthanhchomoinguoi.org/entrydetail/135 ). Cứ theo lời khuyên của Giám Mục Hoàng Đức Oanh, ta nên đặt việc học hỏi và quảng bá Lời Chúa cho người nghèo bên trên việc đi hành hương. Trước đây Linh Mục Chân Tín cũng từng lên tiếng 15
  • 16. phê bình phái đoàn Giáo Phận Sàigòn đi hành hương Đất Thánh, cha cho rằng nên dùng thời gian và tiền bạc tiêu tốn vào chuyến đi để phục vụ người nghèo tại Việt Nam. ( Trích ) Sau khi đứng trên đỉnh núi ngắm toàn cảnh Nadarét, mọi người vào Nhà Thờ viếng Chúa, rồi quây quần bên nhau tại ngôi lều bên cạnh Nhà Thờ, cùng nhau suy niệm sự kiện Biến Hình, lần hạt Mân Côi và lắng nghe huấn từ của Đức Hồng Y. Đức Hồng Y gợi ý về Tabo như một trong những đỉnh cao của Tình Yêu Giêsu. Hãy cho Chúa và cho nhau những đỉnh cao yêu thương như thế. ( Nguồn trích và hình chụp phái đoàn Việt Nam hành hương tại Đất Thánh: http://tgpsaigon.net/baiviet- tintuc/20120525/16345 ) Theo Radio Vatican, vào ngày Lễ kính Mẹ Sầu Bi 15.9.2014 vừa qua, khi đến dâng Thánh Lễ tại Casa Santa Marta, Papa Phanxicô đã giảng: "Đây là hy vọng của ta. Ta không phải là những đứa trẻ mồ côi. Mẹ Maria là Mẹ ta, nhưng Nhà Thờ ( Hội Thánh ) cũng là Mẹ. Mẹ Nhà Thờ được xức dầu hiến thánh khi bước đi theo cùng con đường của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Đó là đường vâng phục, đường đau khổ, và khi Mẹ kiên trì học hỏi con đường của Chúa. Mẹ Maria và Mẹ Nhà Thờ mang lại cho ta niềm hy vọng đó là Đức Kitô. Mẹ ban cho ta Đức Kitô, làm cho Đức Kitô được lớn lên nơi ta. Không có Mẹ Maria thì đã không có Đức Kitô. Không có Mẹ Nhà Thờ, ta không thể tiến lên ( trên Đường Giêsu ) được. ( And this is our hope. We are not orphans, we have Mothers: Mother Mary. But the Church is Mother and the Mother Church is anointed when it takes the same path of Jesus and Mary: the path of obedience, the path of suffering, and when she has that attitude of continually learning the path of the Lord. These two women - Mary and the Church - carry on the hope that is Christ, they give us Christ, they bring forth Christ in us. Without Mary, there would be no Jesus Christ; without the Church, we cannot go forward. ( http://en.radiovaticana.va/news/2014/09/15/pope_at_santa_marta_learning_from_our_lady_of_sorrows ) Những lời này của Papa Phanxicô đã lập tức bị chỉ trích mạnh mẽ bởi một số người cho rằng như thế là đặt Mẹ Maria và Nhà Thờ bên trên Đức Kitô. Geoffrey Grider còn lấy tiêu đề rất giật gân cho bài công kích là Papa Phanxicô chuẩn bị công bố tín điều mới: Đức Nữ Trinh là thành phần thứ tư trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Is Pope Francis preparing to declare the ‘Virgin’ Mary to be 4th part of the trinity ( http://www.nowtheendbegins.com/blog/?p=24994 ) Tỉnh táo và khiêm tốn một tí thì có lẽ ông Grider và nhiều người khác phải nhận ra dù rất bất toàn và phải trải qua muôn vàn sóng gió, Nhà Thờ vẫn luôn là Thân Thể của Đức Kitô và chỉ nhờ ân sủng của Người mà vẫn tồn tại trong hai ngàn năm qua. Nhờ Nhà Thờ, Thánh Kinh mới được bảo tồn nguyên vẹn trong hàng ngàn năm trước khi có phong trào ly giáo vào năm 1517. Ngay cả đến Thiên Chúa cũng phải mời gọi sự cộng tác của Mẹ Maria để Con Một Thiên Chúa mới có thể trở thành con người. Nói rằng không có Mẹ Maria thì không có Đức Kitô và không có Mẹ Nhà Thờ, ta không thể tiến lên trên đường Giêsu, cũng rất chính xác. Trong khi cuộc đời mỗi cá nhân lại quá vắn vỏi, Mẹ Nhà Thờ lại có cả hai ngàn năm đào sâu và đúc kết hoa trái chiêm niệm về Mẹ Maria được cô đọng nơi Tín Điều Mẹ Hồn Xác Lên Trời công bố bởi Papa Piô XII vào Lễ Các Thánh 1.11.1950. Các Nhà Thờ Chính Thống và Anh Giáo cũng nhìn nhận Mẹ 16
  • 17. Hồn Xác Lên Trời tuy không coi đây là một Tín Điều buộc phải tin. Đặc ân vô cùng lớn lao này của Mẹ Maria cũng chính là điều Thiên Chúa sẽ ban cho tất cả Dân Thánh của Người. NGUYỄN TRUNG ( còn tiếp nhiều kỳ ) THẦN HỌC GIA JEFF KINLEY: 6 DẤU CHỈ THỜI CÁNH CHUNG – CHÚA GIÁNG LÂM Chúng ta nghe nói nhiều tới thời cánh chung, tận thế hoặc Chúa Giêsu giáng lâm. Nhưng rồi nghe mãi hóa nhàm nên chúng ta lại cho là bình thường. Đó là động thái nguy hại cho chính cuộc đời chúng ta. Hãy cảnh giác ! Và liệu Kinh Thánh có cảnh báo chúng ta ? Thần học gia Jeff Kinley, tác giả cuốn “As It Was In The Days of Noah: Warnings from Bible Prophecy About the Coming Global Storm” cũng nghĩ vậy. Kinley nói: “Kinh Thánh cho biết rằng Thiên Chúa sẽ có lúc tái lâm để xét xử nhân loại. Nhưng khác với Đại Hồng Thủy, ngày đó sẽ là một sự kiện đơn giản, có thể là một loạt sự kiện xảy ra trên khắp thế giới. Đại Hồng Thủy cho thấy rằng Thiên Chúa kiên nhẫn, nhưng Ngài đặt ra giới hạn chịu đựng. Mặc dù hình phạt hủy hoại dữ dội, nhưng Ngài vẫn xét xử công bình và cho nơi trú ẩn”. Đối với những người nghi ngờ tính hữu hiệu của Kinh Thánh hoặc không muốn nhìn nhận văn hóa ngày nay, Kinley chia sẻ 6 dấu chỉ và những gợi ý cho thấy thế giới đang đi đến ngày phán xét… 1. KHỦNG HOẢNG KINH TẾ Qua các phương tiện truyền thông, chúng ta biết nhiều về vấn đề này. Đó là chủ đề nóng về tình trạng kinh tế. Trái khoản quốc gia Hoa Kỳ tiếp tục tăng vọt. Trên khắp thế giới, các nước lớn và nhỏ đều không thỏa mãn nhu cầu nên lún sâu vào hố nợ nần. Cũng như thời ông Nôê, người ta phải nhờ vào các nước khác để sinh tồn, và họ phải trở về với Thiên Chúa. Kinh Thánh cho biết: “Nếu dân Ta, dân vốn kêu cầu Danh Ta, mà biết hạ mình xuống khẩn nguyện và tìm kiếm Nhan Ta, từ bỏ những con đường xấu xa mà trở lại, thì Ta, từ trời, Ta sẽ nghe và thứ tha tội lỗi nó và sẽ phục hưng xứ sở của nó” ( 2 Sb 7, 14 ). 2. BẠO LỰC và ÁN MẠNG Kinley nói rằng có một bệnh dịch không thể kiểm soát là thù hận và bạo lực trong thế giới chúng ta, đó là điều hiển nhiên trong các loại tội phạm khủng bố vì thù hận, trong các nhóm tôn giáo, giết người có động lực thúc đẩy, giết những người vô tội và trẻ em trên khắp thế giới – điển hình là những người bị tàn sát dã man tại Irắc trong những ngày vừa qua ( tháng 8 năm 2014 ). Năm 2011, hơn 1, 2 triệu vụ phạm pháp dữ tợn đã xảy ra tại Hoa Kỳ – mỗi năm có 15.000 vụ giết người. Chúa Giêsu đã nói trước: “Thời ông Nôê thế nào thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy” ( Mt 24, 37 ). Thời ông Nôê dầy bạo lực và sự xét xử của Thiên Chúa. Còn hơn là khuyến khích sợ hãi và lo lắng, Kinley động viên các Kitô hữu tìm hiểu các cách thể hiện tiên tri ngày nay và sống Đức Tin viên mãn là chia sẻ Đức Giêsu Kitô với người khác. 3. TRỘM CƯỚP Ngày nay, thông tin cá nhân và tài chính không còn an toàn vì các hacker ( kẻ cắp dữ liệu ). Mối quan ngại này bao gồm cả mật khẩu của điện thư ( Email passwords ), hình ảnh webcam và điện đàm. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng kẻ trộm cắp không làm gì khác hơn là giết người và cướp của. Chúng ta hiểu thời đại chúng ta theo nghĩa đen, nhưng qua con mắt của Kinh Thánh, kẻ thù đang cố gắng ăn cắp tính đồng nhất hoặc sự nhân dạng của chúng ta ( giống như trộm cướp thẻ căn cước ). Kinley khuyên các Kitô hữu “sống khôn ngoan và cứu lấy thời đại của chúng ta”. 4. VÔ LUÂN Thế hệ này mê tình dục quá độ và coi thường tâm linh. Biên độ luân lý hầu như không còn trong văn hóa tự do tình dục, thoải mái chia sẻ các hình ảnh “đen”, kể cả âm thanh và văn bản. Các phương tiện di động ( điện thoại, ipod, ipad, iphone, … ) và mạng lưới xã hội ( facebook, twitter, youtube, … ) đầy những thứ độc hại. Kinley nhận xét: “Như trong thời ông Nôê, thời đại chúng ta là thế giới ưa tình dục, và ngày nay người ta dùng để bán đủ thứ – từ chiếc kẹo cao-su tới xe hói. Tình dục xuất hiện khắp nơi”. 17 CÙNG CẢNH BÁO
  • 18. 5. BÁCH HẠI KITÔ GIÁO Năm 2011, gần 100 triệu Kitô hữu bị bách hại trên khắp thế giới. Năm 2012, con số này tăng gần gấp đôi. Kinley shares that the Bible reaffirms this as Chúa Giêsu nói: “Bấy giờ, người ta sẽ nộp anh em, khiến anh em phải khốn quẫn, và người ta sẽ giết anh em; anh em sẽ bị mọi dân tộc thù ghét vì danh Thầy. Bấy giờ sẽ có nhiều người vấp ngã. Người ta sẽ nộp nhauvà thù ghét nhau. Sẽ có nhiều ngôn sứ giả xuất hiện và lừa gạt được nhiều người. Vì tội ác gia tăng, nên lòng yêu mến của nhiều người sẽ nguội đi. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” ( Mt 24, 9 – 13 ). 6. ĐỨC TIN GIẢM SÚT Thánh Phaolô nói: “Vào những thời cuối cùng, một số người sẽ bỏ Đức Tin mà theo những thần khí lừa dối và những giáo huấn của ma quỷ; đó là vì trò giả hình của những tên nói dối mà lương tâm như bị thích dấu sắt nung” ( 1 Tm 4, 1 – 2 ). Thời đại chúng ta có nhiều niềm tin sai lạc, các triết lý thời đại mới, và các bậc thầy tâm linh. Khi đến ngày tận thế, sẽ có nhiều các tiên tri giả, họ tự xưng là Đức Kitô. Kinley tin rằng việc phục hưng trong Giáo Hội là cách mới và không được đề cập trong Kinh Thánh. VĨ NGÔN: “ĐỪNG SỢ, THIÊN CHÚA LUÔN CHE CHỞ BẠN” Tác giả Kinley nhắc nhở chúng ta rằng trong thời ông Nôê cũng như ngày nay, sự công chính và thánh thiện của Thiên Chúa luôn đứn vững. Khi các Kitô hữu biết trước sự trở lại của Đức Kitô, thì họ cũng phải như ông Nôê là biết sống sao cho người khác thấy mà trở về với ơn cứu độ. Hãy sẵn sàng chiến đấu và can đảm như lời Chúa nói với Ápram trước khi trở thành Tổ phụ Ápraham: “Ta là Thiên Chúa Toàn Năng. Ngươi hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo. Ta sẽ đặt giao ước của Ta giữa Ta với ngươi, và Ta sẽ cho ngươi trở nên đông, thật đông. Ông Ápram cúi rạp xuống” ( St 17, 1 – 2 ). JANA DUCKETT, Bản dịch của TRẦM THIÊN THU từ Beliefnet.com NHẬN ĐỊNH VỀ THẢM HỌA "NHÀ NƯỚC HỒI GIÁO" Trên chuyến phi cơ từ Hàn Quốc trở về sau năm ngày thăm viếng, Papa Phanxicô được báo chí hỏi Ngài có ủng hộ hành động không tập của Hoa Kỳ tấn công lực lượng Hồi Giáo cực đoan mệnh danh là “Nhà nước Hồi Giáo” đang bao vây tàn sát người thiểu số Yazidi hay không, Ngài trả lời, nguyên văn là: “Trong những trường hợp đó, ở nơi nào có sự gây hấn, xâm lược bất công, tôi chỉ có thể nói hành động chặn đứng những kẻ xâm lược sai trái là hành động chính đáng”. Giới truyền thông quốc tế nhận định có một sự thay đổi trong lập trường của Vatican thường vẫn phản đối việc sử dụng lực lượng quân sự. Báo Express đặt câu hỏi ở trang bìa: Hawkish Pope ? Giáo Hoàng diều hâu ? Cần nói rõ Papa Phanxicô không nói “đánh bom” hay “gây chiến”, chỉ nói “chặn đứng” mà thôi. Những phương tiện có thể được sủ dụng để chặn đứng kẻ xâm lược phải được lượng định. Vị chủ chăn của người Công Giáo nói tiếp: “Can thiệp như vậy không nên do một quốc gia quyết định đơn phương; rất nhiều lần nhiều quốc gia đã dùng cớ ngăn chặn kẻ xâm lược để tung ra một cuộc chiến tranh nhằm mục đích xâm chiếm”. Suy xét câu trả lời đó, ta thấy không hẳn ngài ủng hộ chiến tranh hay việc sử dụng quân đội. ( Nguồn http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vatican-ratifies-military-actions-against- genocide-does-nt-it-08212014142948.html ) NGUYỄN TRUNG BÌNH LUẬN THÔNG ĐIỆP “HÃY RA ĐI” Ngày 3.9.2014, cựu Thủ Tướng Úc Julia Gillard gởi một thông điệp đến cộng đồng Hồi Giáo với nội dung “Hãy Ra Đi”. 18