SlideShare a Scribd company logo
1 of 36
Download to read offline
KINH TẾ HỌC THỂ CHẾ
SỞ HỮU, CẠNH TRANH, VÀ CHÍNH SÁCH
Wolfgang Kasper
Giáo sư Kinh tế, Đại học New South Wales, Canberra, Australia
Manfred E. Treit
Giáo sư kinh tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế Max-Plank, Jena, Đức
Peter J. Boettke
Giáo sư kinh tế, Đại học George Mason, Fairfax, Hoa Kì
Người dịch
Đinh Tuấn Minh, Lê Anh Hùng, Nguyễn Tá Hải, Bùi P. Thanh
NỘI DUNG
Lời tựa cho ấn bản thứ hai, có sửa chữa
Lời tựa cho ấn bản thứ nhất
1 Giới thiệu: Tại sao các thể chế lại đóng vai trò quan trọng
1.1 Tại sao các thể chế lại đóng vai trò quan trọng?
1.2 Thành tựu tăng trưởng kinh tế
1.3 Lý giải về tăng trưởng kinh tế
PHẦN I: CƠ SỞ CỦA KINH TẾ HỌC THỂ CHẾ
2 Định nghĩa: Kinh tế học, thể chế, trật tự và chính sách
2.1 Các định nghĩa cơ sở
2.2 Các bậc tiền bối của kinh tế học thể chế đương đại
3 Cách ứng xử của con người
3.1 Bài toán tri thức
3.2 Các kiểu ứng xử, nhận thức và tính duy lý hữu hạn: giải mã thực tại
3.3 Động cơ thúc đẩy: tình yêu, thuyết phục, mệnh lệnh hay tư lợi
3.4 Vấn đề thân chủ - đại diện
4 Những giá trị cơ bản
4.1 Những giá trị cơ bản chung
4.2 Tự do, công bằng và bình đẳng
4.3 An ninh, ổn định, hoà bình và thịnh vượng
4.4 Bảo tồn môi trường
5 Các thể chế: những quy tắc cá nhân
5.1 Tổng quan: Quy tắc và sự áp đặt
5.2 Các thể chế bên trong
5.3 Các thể chế bên ngoài và chính phủ bảo vệ
5.4 Chức năng của các thể chế
5.5 Đặc điểm chủ yếu của các thể chế hữu hiệu
5.6 Chi phí tương tác và phối hợp
6 Các hệ thống thể chế và trật tự xã hội
6.1 Hệ thống xã hội và hệ thống thứ bậc của các quy tắc
6.2 Hai hình thái trật tự xã hội
6.3 Những nhận thức về trật tự ảnh hưởng đến chính sách công
6.4 Các hệ thống quy tắc với tư cách một bộ phận của văn hoá
6.5 Trật tự xã hội và các giá trị con người: pháp trị
PHẦN II: ỨNG DỤNG CỦA KINH TẾ HỌC THỂ CHẾ
7 Nền tảng chế chế của chủ nghĩa tư bản
7.1 Chủ nghĩa tư bản: các quyền tài sản và quyền tự chủ cá nhân
7.2 Đặc điểm chủ yếu của các quyền tài sản
7.3 Sử dụng các quyền tài sản: hợp đồng tự do và chi phí giao dịch
7.4 Các hợp đồng quan hệ, hình thức tự chế tài và bộ máy tư pháp
7.5 Những hệ quả của chủ nghĩa tư bản
7.6 Các thể chế giúp đảm bảo các chức năng của tiền tệ và ngăn ngừa khủng hoảng
8 Động lực của cạnh tranh
8.1 Cạnh tranh: sự ganh đua và quyền lựa chọn
8.2 Cạnh tranh nhìn từ phía nhà cung cấp
8.3 Những hạn chế đối với cạnh tranh kinh tế
8.4 Hệ thống cạnh tranh
9 Các tổ chức kinh tế
9.1 Các tổ chức kinh tế: định nghĩa và mục đích
9.2 Chi phí tổ chức, hợp đồng quan hệ và rủi ro ách tắc
9.3 Quyền sở hữu và sự kiểm soát: vấn đề thân chủ – đại diện trong kinh doanh
10 Hành động tập thể: Chính sách công
10.1 Lựa chọn công đối nghịch với lựa chọn tư
10.2 Các chức năng của chính phủ
10.3 Mô hình chính sách công tự do chủ nghĩa: chính sách trật tự
10.4 Những thất bại của nhà nước phúc lợi
10.5 Hành động chính trị và sự phân bổ thu nhập phi cạnh tranh
10.6 Kiểm soát những người đại diện chính trị: quyền lực, quy tắc và tính mở
10.7 Hiến pháp chính trị và hiến pháp kinh tế
11 Yếu tố quốc tế
11.1 Ý nghĩa ngày càng tăng của yếu quốc tế
11.2 Khung khổ thể chế của hoạt động trao đổi quốc tế
11.3 Các chủ đề chính sách: trật tự kinh tế quốc tế
11.4 Các cuộc dàn xếp tiền tệ quốc tế
11.5 Di cư quốc tế và hội nhập văn hóa
11.6 Bàn về việc củng cố trật tự kinh tế mở
12 Sự tiến hoá của các thể chế
12.1 Hồi ức lịch sử: Điểm lại quá trình thay đổi thể chế theo chiều dài lịch sử
12.2
Các thể chế bên trong: Sự tiến hoá trong phạm vi các giá trị văn hoá và các siêu
quy tắc
12.3 Thay đổi các thể chế bên ngoài: Vai trò doanh nhân chính trị
12.4 Thách thức bên ngoài: cạnh tranh thể chế
12.5 Chủ nghĩa liên bang cạnh tranh
12.6 Bản hiến pháp về tự do với vai trò khung khổ cho tiến hoá
13 Các hệ thống kinh tế khác nhau và sự chuyển đổi hệ thống
13.1 Nhìn lại nhà nước Soviet và sự sụp đổ của nó
13.2 Sự tiến triển của chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc
14 Cải cách các nền kinh tế hỗn hợp
14.1 Một vài so sánh về sự tăng trưởng
14.2 Tự do kinh tế và các hệ quả
14.3 Tự do kinh tế và sự phát triển
14.4 Đông Á: các thể chế và tiến trình hiện đại hóa
14.5 Sự lan tỏa của các cuộc cải cách
14.6 Cải cách kinh tế [thể chế] ở tầm vi mô ở các nước phát triển
14.7 Nền văn minh phương Tây và “tính ưu việt của chính trị học”
Lời bạt: Kinh tế học thể chế đối nghịch với kinh tế học tân cổ điển
Phụ lục: ‘Tôi, cái Bút chì’ của Leonard E. Read
Thư mục khảo cứu
Lời tựa cho ấn bản thứ hai, có sửa chữa
Ấn bản đầu tiên của cuốn “Kinh tế học thể chế” (Institutional Economics), xuất bản cách đây
15 năm, đã nhận được những lời nhận xét đáng quý giá của các nhà kinh tế học lỗi lạc và những
ý kiến phản hồi hữu ích từ phía các giảng viên và sinh viên nghiên cứu học thuật. Chúng tôi
đặc biệt vui mừng về sự hưởng ứng – và cả về doanh số bán sách – của bản dịch tiếng Trung
cùng những ảnh hưởng đáng ngạc nhiên của nó lên tư duy của nhóm các nhà kinh tế học Trung
Quốc đang ngày càng lớn mạnh.
Trong một vài thập niên qua, kinh tế học thể chế và cách tiếp cận tiến hóa, nhận thức cá nhân
chủ nghĩa có tiến triển (evolutionary, individualistic perception) về đời sống kinh tế đã có
những ảnh hưởng rộng rãi hơn lên công tác giảng dạy, nghiên cứu và khuyến nghị chính sách
(Boettke, 2012). Mô hình kinh tế học tân cổ điển đơn giản hóa (simplistic neoclassical model),
vốn dựa vào các giả định phi thực tế về tri thức (knowledge) và động lực (motivation), đã đi
đến hồi thoái trào, ngoại trừ sự tái xuất hiện những hồi đáp thuộc trường phái Keynesian cũ
tiền sử (paleo-Keynesian) và can thiệp chủ nghĩa (interventionist) của gắn với cuộc khủng
hoảng tài chính toàn cầu từ năm 2007. Điểm này sẽ được chúng tôi làm rõ hơn trong phần Lời
bạt.
Sự công nhận phương pháp tiếp cận kinh tế học thể chế ngày một rộng rãi (sẽ được đề cập
trong cuốn sách này) giúp cho việc thấu hiểu nhu cầu phải thúc đẩy sự công khai (openness)cởi
mở, tự do (freedom), và thịnh vượng (prosperity), cũng như nhu cầu điều chỉnh các cấu trúc
kinh tế để thích ứng với những thay đổi của cả hai nền kinh tế công nghiệp cũ và mới:
 Cứ mỗi lần, khi mà nỗi lo sợ lớn nhất của hầu hết công dân ở các nền kinh tế trưởng
thành là anome – một từ Hy Lạp mô tả “sự hỗn loạn và do đó mất dần niềm tin”, nét
nghĩa phổ biến này mới xuất hiện trong cuộc khủng hoảng nợ ở Châu Âu – người ta lại
khuyến nghị nên xem xét lại những thứ có thể xây dựng niềm tin và trật tự xã hội.
Nghiên cứu nghiêm túc kinh tế học thể chế cũng sẽ giúp một thế hệ thanh niên bất mãn
với thực tại thấu hiểu một thế giới quan mà trong quá khứ đã nhiều lần đem đến hy
vọng về tương lai đầy hứa hẹn.
 Những vấn đề kinh tế và tâm lý học xuất hiện ngày một nhiều ở các xã hội Phương Tây
trưởng thành, cùng với tình trạng dân số bị già hóa và các hệ thống an ninh và cơ sở hạ
tầng do chính phủ điều phối, khiến cho việc phải đánh giá lại các hệ thống quy định và
nền tảng văn hóa được thừa hưởng vốn là bệ đỡ cho sự phát triển của Phương Tây trở
nên cấp thiết. Trong suốt ba thế kỷ qua, sự cạnh tranh, chủ nghĩa tư bản, tinh thần tự
chịu trách nhiệm trong phạm vi quy định của pháp luật đã đem đến sự thịnh vượng, tự
do và công bằng mà trước đây chưa từng có. Tuy nhiên, chính các cơ sở của nền văn
minh kỹ thuật-tư bản (technical-capitalist civilization) của chúng ta giờ đây, một lần
nữa, vấp phải sự tấn công từ bên trong và bên ngoài. Chủ nghĩa tập thể Marx-Lenin đã
sụp đổ hoàn toàn (Chương 13.1), song những quan ngại về các vấn đề môi trường cũng
như sự lo sợ thay đổi đã trao cho nhóm ủng hộ chủ nghĩa tập thể kiểu mới một lượng
khán giả lớn. Do đó, chúng tôi cảm thấy thích đáng khi xem xét lại các luận điểm được
nêu ra bởi, chẳng hạn như, David Hume và Adam Smith, những luận điểm hữu ích đối
với một thế hệ cách nay đã 200 năm khi họ phải đối mặt với các vấn đề của cuộc cách
mạng tri thức chớm nở và bước khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp. Chỉ có một
nền kinh tế linh hoạt và cạnh tranh mới có thể điều hòa công việc bảo tồn thiên thiên
vô cùng quan trọng, sự nổi lên của các nước công nghiệp mới và những hiệu chỉnh cấu
trúc mang tính toàn cầu với sự phồn vinh ổn định và rộng khắp.
 Ngay khi nổ ra cuộc khủng hoảng nợ và tài chính toàn cầu năm 2007, cách tiếp cận từ
trên xuống mang tính chất can thiệp chủ nghĩa (interventionist top-down approach)
trong các chính sách công một lần nữa lại tỏ ra hợp thời. Liệu các hệ thống quy định
của chúng ta vốn đã được thời gian kiểm chứng có phải đem ra điều chỉnh hay củng cố
lại? Các biến động dân số, sự nổi lên của các khu công nghiệp mới và những cải tiến
kỹ thuật liên tục có khiến cho việc xem xét lại các cơ sở mang tính thể chế của sự phát
triển vật chất trở nên cần thiết? Động thái in thêm tiền, tổ chức các hội nghị khẩn bao
gồm giới lãnh đạo chính trị nhằm kiểm soát thương mại quốc tế và dòng vốn tư bản, và
sự thống trị của bộ máy quan chức quốc tế khó có thể nhen nhóm lên một giải pháp bền
vững nào. Kinh tế học thể chế, trái lại, cho chúng ta một cái nhìn thấu đáo về cách thức
thiết lập trật tự trên cả phương diện quốc gia và quốc tế. Những kinh nghiệm trước đó
và sự logic của hành vi cá nhân chỉ ra rằng việc kiến thiết kinh tế vĩ mô sẽ thất bại nếu
các động lực vi mô và những quy tắc thiết lập nên các động lực đó bị coi nhẹ.
 Trong một thời gian dài, tính hiện đại và sự phồn vinh là những món sở hữu độc quyền
của các quốc gia phương Tây (với ngoại lệ đáng chú ý là Nhật Bản). Tuy nhiên, trong
một vài thập niên gần đây, khát vọng phồn vinh cũng như chủ nghĩa cá nhân hiện đại
đã lan tỏa rộng rãi đến ngày càng nhiều các cộng đồng và quốc gia thông qua quá trình
toàn cầu hóa. Hệ thống quy tắc của nền kinh tế thị trường – các quyền tư hữu, giá cả,
các động lực khích lệ - giờ đây đã được lồng ghép vào nhiều nền văn hóa và thế giới
quan khác nhau. Chúng ta đã biết rằng không phải truyền thống văn hóa nào cũng tương
thích với các thể chế thị trường tạo ra của cải. Điều cần thiết là – nói một cách hình
tượng – bề mặt velcro văn hóa phải bám dính chặt chẽ với bề mặt velcro của nền kinh
tế thị trường. Ở một số khu vực trên thế giới, đã có những biến chuyển văn hóa tạo
thuận lợi cho sự kết nối này. Chẳng hạn, truyền thống văn hóa lâu đời của luân lý Nho
giáo hay nền kinh tế tạp hóa (bazaar economy) của Ấn Độ đã sẵn sàng thay đổi thể
thích ứng với các thể chế của nền kinh tế thị trường hiện đại (chương 12 và chương 14).
Ở các khu vực khác, chẳng hạn như thế giới Hồi giáo, những biển chuyển văn hóa cần
thiết thực tế lại khó xảy ra hơn. Thứ đang nổi lên ngày nay là tính hiện đại nhiều màu
nhiều vẻ, mà ở đó, các thị trường, sự năng động của khoa học kỹ thuật và sự tiếp thu tri
thức hữu ích gắn kết hoặc chặt chẽ, hoặc lỏng lẻo hơn với nền tảng văn hóa của các nền
văn minh khác nhau. Các khái niệm của kinh tế học thể chế có sự phù hợp để tiếp nhận
những thay đổi lịch sử và khuyến khích các chính sách có lợi.
 Từ sau sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội chuyên chế năm 1989, mô hình kinh tế học tân
cổ điển với giả thiết phi giá trị (value-free) đã không thể đưa ra lời giải đáp hữu ích cho
các thế hệ người Đông Âu, người châu Á và nhiều người khác sau này, những người
chối bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, mong muốn tự do và luôn phấn đấu để được
sống trong một xã hội phồn vinh, hòa bình và công bằng. Đối với nhiều người, điều này
về cơ bản là một vấn đề đạo đức. Họ tâm đắc với kinh tế học thể chế bởi hàm lượng giá
trị cũng như khả năng phân tích các hệ quả quan trọng của các hệ thống quy tắc thay
thế của nó.
 Một khi tỷ lệ tự do trên toàn thế giới suy giảm đều đặn (theo Freedom House, 2011) và
các quy định ngày càng chặt chẽ của chính phủ ràng buộc sự tự do kinh tế của cá nhân
ở nhiều quốc gia, thì việc viện đến kinh tế học thể chế để đánh giá các hệ quả tiềm tàng
của xu hướng này là rất đáng làm.
Những lưu ý này thôi thúc chúng tôi xem xét, sửa chữa lại ấn bản đầu tiên, cũng như chuẩn bị
cho ấn bản thứ hai của cuốn kinh tế học thể chế.
Trong ấn bản mới này, chúng tôi đã thêm vào một bài thảo luận rõ ràng hơn về sự phát triển
kinh tế từng được nhà kinh tế học Peter Bauer nghiên cứu, đồng thời hướng cái nhìn cặn kẽ
hơn đến yếu tố văn hóa, di cư, sự tiến triển và gắn kết xã hội – những vấn đề đã được những
người bạn, chẳng hạn như Tom Sowell và Eric Jones, viết về. Bài thảo luận chi tiết trong ấn
bản đầu tiên về các chiến lược cải cách khác nhau ở các nước Đông Âu hậu Soviet đã được
thay bằng bài phân tích với cái nhìn dài hạn hơn về “guồng máy cải cách Soviet” – hay chính
xác hơn là “phi-cải cách” (non-reform). Chúng tôi cũng giải đáp rõ ràng hơn câu hỏi liệu rằng
chính phủ có thể và nên thực hiện chính sách bình ổn chu kỳ kinh doanh (business cycle) và
mở rộng tổng cầu bằng cách gia tăng nợ công, bất luận những tác động của biến động giá cả,
các xu hướng năng suất và lợi nhuận lên các quyết định cá nhân.
Chúng tôi cũng đã thay thế nhiều trích dẫn ở đầu mỗi chương sách. Những trích dẫn này không
chỉ là món khai vị dẫn nhập vào chủ đề mỗi chương, mà còn là một bằng chứng cho thấy đã có
nhiều người khác trước chúng tôi suy nghĩ về các chủ đề này. Đã có vô số các nhà nghiên cứu
học thuật, các nhà quan sát và các nhà thực thi chính trị và kinh doanh công nhận tầm quan
trọng của các dàn xếp thể chế, cho dù họ không khai phá ra lý thuyết thể chế một cách chi tiết
và có hệ thống.
***
Nhiều năm đã trôi qua, và việc hai tác giả ban đầu của cuốn sách nay đã giữ vị trí giáo sư danh
dự gợi ý chúng tôi hợp tác thêm với một cộng sự thứ ba trẻ trung hơn song vẫn cùng tư duy,
người đã dùng ấn bản đầu tiên của cuốn sách làm chương trình giảng dạy của anh: Peter J.
Boettke. Thêm một đôi vai gánh vác quả là đáng quý, bởi tình trạng sức khỏe kém đã khiến
cho anh Manfred Streit không thể có những đóng tích cực cho ấn bản mới này. Làm việc trong
một nhóm lớn hơn đã đem lại cho chúng tôi một lợi ích to lớn, đó là cuốn sách giờ đây không
chỉ chứa đựng những kinh nghiệm rút ra từ châu Âu, châu Á Thái Bình Dương, mà còn phản
ánh thêm các khía cạnh và dữ liệu của nền kinh tế Mỹ. Ba tác giả của cuốn sách, theo thứ tự,
cư trú ở Australia, châu Âu và Mỹ, do đó, chúng tôi phải liên lạc với nhau qua ba múi giờ khác
nhau. Mạng Internet, quan điểm chung của chúng tôi về triết lý kinh tế nền cơ bản, và động lực
tương tác không chỉ giúp công việc của chúng tôi dễ dàng quản lý, mà còn trở thành một kinh
nghiệm thú vị và hữu ích. Chúng tôi tin rằng độc giả của cuốn sách có thể cảm nhận được điều
này.
***
Chúng tôi xin cảm tạ sự cho phép sao chép dữ liệu, như đã được trích dẫn trong cuốn sách,
đến: Quỹ Giáo dục Kinh tế (Foundation of Economic Education) ở Irving-on-Hudson, New
York; Viện Fraser ở Vancouver, Canada; Trung tâm Nghiên cứu độc lập (Centre for
Independent Studies), Syney, Australia; Viện Công chúng vụ (Institute of Public Affairs),
Melbourne, Australia; và Weidenfeld & Nicolson, một phòng ban của Công ty Orion
Publishing Group Ltd., London (bao gồm các trích đoạn từ Sự khai sinh của thời hiện đại [Birth
of the Modern] của Paul Johnson)
Chúng tôi cũng gửi lời cám ơn đặc biệt đến Giáo sư Nils Karlson thuộc Viện Ratio ở Stockholm
vì sự giúp đỡ của ông liên quan đến những cải cách thể chế ở Thụy Sỹ. Chúng tôi cũng mang
ơn các vị Matthew Boettke, David Currie, David Hebert, Peter Lipsey, Caralynn Reddig, và
Liya Palagashvili thuộc Đại học George Mason, những người đã đọc góp ý bản thảo các chương
sách của chúng tôi. Sau chót nhưng cũng vô cùng quan trọng, chúng tôi xin cảm tạ Elward
Elgar vì những khích lệ, động viên của anh trong suốt thời gian chúng tôi viết cuốn sách này,
cùng với đó là sự hỗ trợ hết mình của nhóm biên tập của anh để cuốn sách có thể ra mắt bạn
đọc.
Theo đó, ấn bản này đã trở thành – hệt như chức danh làm việc của mỗi thành viên trong nhóm
chúng tôi – “ấn bản [Kinh tế học thể chế] tricontinental”. Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc
khắp thế giới.
Wolfgang Kasper, Australia
Manfred E. Streit, Germany
Peter J. Boettke, Hoa Kỳ
Lời tựa cho ấn bản thứ nhất
Cuốn sách này đưa các sinh viên, cùng những người có hiểu biết cơ bản về kinh tế học, đến
với chuyên ngành kinh tế học thể chế (institutional economics) đang trên đà phát triển nhanh
chóng. Nguyên lý chủ đạo của chuyên ngành này là ở chỗ: nền kinh tế hiện đại là một hệ thống
tiến hoá phức hợp mà mức độ hiệu quả của nó trong việc đáp ứng những mục đích đa dạng và
không ngừng thay đổi của con người lại phụ thuộc vào các quy tắc hạn chế cách ứng xử [khả
dĩ] cơ hội chủ nghĩa của họ (chúng tôi gọi những quy tắc này là ‘thể chế’). Các thể chế bảo vệ
phạm vi tự do cá nhân, giúp tránh hoặc giảm mâu thuẫn, đồng thời nâng cao sự phân công lao
động (division of labour) và sự phân hữu tri thức (division of knowledge), qua đó thúc đẩy
thịnh vượng. Quả thực, các quy tắc điều chỉnh sự tương tác của con người đóng vai trò quyết
định đối với tăng trưởng kinh tế đến mức ngay chính sự tồn tại và phồn vinh của nhân loại, mà
dân số chắc chắn sẽ còn tăng trong tương lai, cũng phụ thuộc vào những thể chế đúng đắn cùng
các giá trị con người cơ bản tạo nền tảng cho chúng.1
Kinh tế học thể chế khác biệt rất lớn so với kinh tế học tân cổ điển hiện đại (modern neoclassical
economics), vốn dựa trên những giả thiết hẹp về tính duy lý (rationality) và tri thức đồng thời
ngầm giả thiết về một khung khổ thể chế cố định. Kinh tế học thể chế có mối liên hệ quan trọng
với luật học (jurisprudence), chính trị học (politics), xã hội học (sociology), nhân chủng học
(anthropology), lịch sử (history), khoa học tổ chức (organisation science), quản lý
(management) và đạo đức học (moral philosophy). Vì kinh tế học thể chế sẵn sàng tiếp nhận
ảnh hưởng tri thức từ một loạt chuyên ngành khoa học xã hội nên cuốn sách này không chỉ
được khuyến nghị dành cho các nhà kinh tế học quan tâm đến tăng trưởng, đổi mới, phát triển,
các hệ thống kinh tế so sánh và kinh tế học chính trị, mà còn cho cả các sinh viên thuộc các
chuyên ngành này.
Việc nhận ra vai trò quan trọng của các thể chế đã lan rộng nhanh chóng suốt 20 năm qua. Diễn
tiến này gần đây được một nhà quan sát so sánh với cuộc cách mạng Copernicus1
, bởi nó đã
chuyển trọng tâm của kinh tế học từ những quá trình và kết quả cụ thể sang những quy tắc trừu
tượng, phổ thông (M. Deaglio, chuyên san Biblioteca della libertà, số 134, trang 3). Những
nhà tiên phong trong phương pháp tiếp cận này là các tác gia như Friedrich von Hayek2
cùng
những người theo truyền thống kinh tế học Áo khác, Ronald Coase3
– người khuyến cáo các
nhà kinh tế học về những hệ quả của chi phí giao dịch, James Buchanan4
cùng những người
theo trường phái ‘lựa chọn công’ khác, các sử gia kinh tế như Douglass North5
– người khám
phá ra vai trò quan trọng của các thể chế qua việc phân tích quá trình phát triển kinh tế trong
quá khứ, và các nhà kinh tế học như William Vickery6
– người chỉ ra hệ quả của việc con người
chỉ nắm được những tri thức hạn chế, bất đối xứng. Thực tế là việc các tác gia này được trao
giải Nobel Kinh tế năm 1974 (Hayek), 1986 (Buchanan), 1991 (Coase), 1993 (North) và 1996
(Vickery) đã cho thấy hoạt động nghiên cứu kinh tế học thể chế đang ngày càng tiến triển. Việc
1
Nicolaus Copernicus (1473-1543): Nhà thiên văn học người Ba Lan, người đề xuất lý thuyết thiên văn học cho
rằng mặt trời đứng yên ở gần trung tâm vũ trụ còn trái đất cùng các hành tinh khác chuyển động xung quanh nó.
Lý thuyết này lật đổ lý thuyết thiên văn học của Claudius Ptolemaeus, vốn thịnh hành từ thế kỷ thứ 2, cho rằng
trái đất nằm ở trung tâm vũ trụ còn mặt trời và các hành tinh khác chuyển động xung quanh nó. (ND)
2
Friedrich von Hayek (1899-1992): Nhà kinh tế học và triết gia chính trị người Áo, được trao giải Nobel kinh tế
năm 1974. (ND)
3
Ronald Coase (1910 - ): Nhà kinh tế học người Mỹ gốc Anh, được trao giải Nobel Kinh tế năm 1991 nhờ những
đóng góp mới vào sự hiểu biết về cách thức vận hành của nền kinh tế. (ND)
4
James McGill Buchanan (1919 - ): Nhà kinh tế học người Mỹ, được trao giải Nobel Kinh tế năm 1986 nhờ áp
dụng các lý thuyết kinh tế vào việc phân tích quá trình ra quyết định chính trị. (N.D.)
5
Douglass North (1920 - ): Nhà kinh tế học người Mỹ, được trao giải Nobel Kinh tế năm 1993 nhờ nối lại việc
nghiên cứu lịch sử kinh tế bằng cách áp dụng lý thuyết kinh tế và các phương pháp định tính nhằm giải thích sự
thay đổi về kinh tế và thể chế. (ND)
6
William Vickery (1914-1996): Nhà kinh tế học người Mỹ, được trao giải Nobel Kinh tế năm 1996 nhờ nỗ lực
thúc đẩy việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong khu vực công. (ND)
chuyển tâm điểm nghiên cứu sang kinh tế học thể chế cũng được thúc đẩy hơn nữa qua các lý
thuyết về hệ thống phức hợp, chẳng hạn như lý thuyết tình trạng hỗn mang (chaos theory7
) và
logic mờ (fuzzy logic8
). Các lý thuyết này chỉ ra rằng hành động có thể thường đem đến những
hiệu ứng phụ khó lường, do vậy mà sự can thiệp chính sách vào các quá trình lại tạo ra những
kết cục thấp kém hơn so với việc dựa vào những quy tắc phổ biến và nhất quán.
Mặc dù ngày càng nhiều học giả vật lộn với những hệ quả từ tính phức hợp của đời sống kinh
tế, song nhận thức sâu sắc này vẫn chưa trở thành quan niệm đại chúng ở phần lớn các nước
cũng như chưa hiện diện trong nhiều giáo trình đại học. Chắc chắn, hệ quả từ tính phức hợp
hiện đã được biết đến rộng rãi trong những lĩnh khác như sinh thái học chẳng hạn. Tại nhiều
nước, người dân hiện đã hiểu ra rằng các hệ sinh thái có tính phức hợp và không ngừng tiến
hoá - và trên nhiều phương diện vượt ra ngoài nhận thức của con người - do đó hành vi can
thiệp có thể dẫn đến những hiệu ứng phụ nguy hiểm và khó lường. Song, trong trường hợp sự
can thiệp chính sách vào các hệ thống kinh tế có cùng độ phức hợp và độ mở, thái độ cẩn trọng
tương tự lại hiếm khi được khuyến nghị. Quả thực, những hiệu ứng phụ (side-effect) thường bị
loại trừ trong công tác giảng dạy kinh tế học bởi cái giả thiết ceteris paribus (tất cả các mặt
khác không thay đổi).
Sự thăng tiến gần đây của kinh tế học thể chế cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ các biến cố. Trong
các nền kinh tế công nghiệp phát triển với nền dân chủ bầu cử, trật tự kinh tế truyền thống theo
các thể chế tư bản chủ nghĩa đang dần dần phân rã, thường không thể nhận biết được, dưới
gánh nặng của những hệ luỵ khôn lường phát sinh từ sự can thiệp ngày một sâu sắc cùng quá
trình chính trị hoá ngày càng tăng của đời sống kinh tế. Điều này dẫn đến tốc độ tăng trưởng
kinh tế chậm hơn và gây ra thái độ hoài nghi phổ biến về chính sách công. ‘Trong một phần tư
cuối cùng của thế kỷ 20’, nhà kinh tế học thể chế Thráinn Eggertsson (1997) viết, ‘những khó
khăn khôn lường trong việc điều hành các hệ thống kinh tế phương Tây... đã làm xói mòn tinh
thần lạc quan của những năm đầu kỷ nguyên hậu chiến’ về những gì có thể đạt được thông qua
chính sách công. Song hiện tượng này đồng thời cũng châm ngòi cho những nỗ lực tương đối
nhất quán về cải cách kinh tế (chẳng hạn, quá trình tư nhân hoá và phi điều tiết hoá). Những
dàn xếp pháp lý - thể chế ngày càng đơn giản hoá được coi là đóng vai trò then chốt đối với
thành tựu kinh tế và xã hội. Ngày càng có nhiều nhà hoạch định chính sách thừa nhận sự cần
thiết phải thúc đẩy các thể chế. Giới quan sát ở các nước công nghiệp mới nổi và ở những nước
kém phát triển hơn cũng nhận ra rằng các lý thuyết tăng trưởng kinh tế truyền thống đã loại bỏ
những khía cạnh quan trọng, thực sự thiết yếu, của bài toán phát triển kinh tế, đặc biệt là sự
phát triển thể chế nhằm đạt được tự do, thịnh vượng và an ninh. Vai trò then chốt của các thể
chế chắc chắn sẽ trở nên hiển nhiên khi chúng ta phân tích tại sao kinh nghiệm tăng trưởng,
chẳng hạn giữa các nước Đông Á và các nền kinh tế châu Phi, lại khác nhau đến thế.
Một diễn tiến khác đang thu hút sự chú ý nhằm vào vai trò của các thể chế là quá trình toàn
cầu hoá. Trong những thập niên gần đây, cạnh tranh quốc tế đã gia tăng, ở một mức độ nào đó
đây cũng chính là cạnh tranh giữa các hệ thống thể chế khác nhau. Một số hệ thống quy tắc tỏ
ra thành công trong việc thu hút nguồn vốn và doanh nghiệp giúp thúc đẩy tăng trưởng; và
những nước thất bại đang bắt đầu mô phỏng các thể chế của các quốc gia thành công.
Xung lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy việc tái tích hợp nhiệm vụ nghiên cứu thể chế cùng sự thay
đổi thể chế vào kinh tế học có lẽ là sự thất bại và sụp đổ ngoạn mục của các nền kinh tế kế
hoạch hoá tập trung xã hội chủ nghĩa. Các thể chế của chế độ xã hội chủ nghĩa thường không
khuyến khích người dân khai thác triệt để tri thức của mình. Hệ quả là họ thất bại trong việc
duy trì nhịp độ phát triển cùng với các nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Những thách
thức trong quá trình chuyển đổi các xã hội xã hội chủ nghĩa trước đây hiện đang hướng tâm trí
7
Lý thuyết mô tả sự vận động hay động tính của những hệ thống nhậy cảm với điều kiện ban đầu của chúng.
(ND)
8
Logic cho phép những câu trả lời không chính xác hoặc mơ hồ cho các câu hỏi, hình thành nên cơ sở của lập
trình máy tính, vốn được thiết kế nhằm mô phỏng trí thông minh của con người. (ND)
của nhiều nhà kinh tế học vào tầm quan trọng của các thể chế đối với việc khai thác tri thức
cũng như sự khuyến khích hoạt động kinh doanh và trao đổi. Tương tự, các nền kinh tế với bàn
tay can thiệp mạnh mẽ của chính phủ cùng cam kết sâu sắc về hoạt động tái phân phối và cung
cấp phúc lợi công cộng, chẳng hạn ở Tây Âu, lại đang trải qua hiện tượng chững lại về sự đổi
mới, tăng trưởng và tạo việc làm. Nhiều nhà quan sát ở đây giờ cũng lên tiếng ủng hộ cải cách
thể chế. Để hiểu được luận điểm của họ, trước hết cần phải đưa các thể chế vào lý thuyết kinh
tế một cách dứt khoát. Chẳng hạn, đơn giản là người không thể giải thích được một cách thoả
đáng việc tại sao quá trình (tái) tư nhân hoá nhiều hoạt động kinh tế của chính phủ, ví dụ cung
cấp phúc lợi, lại đem đến lợi ích toàn cục và tại sao việc phi điều tiết hoá (deregulation) lại tạo
ra lợi thế, nếu dứt khoát loại bỏ sự phân tích thể chế ra khỏi công việc nghiên cứu.
Chúng tôi nằm trong số những nhà kinh tế học xem việc tìm kiếm và thử nghiệm tri thức hữu
ích là động lực chủ yếu đằng sau tăng trưởng kinh tế hiện đại. Vì vậy, những công cụ xã hội
hỗ trợ chúng ta trong việc tiết giảm chi phí tìm kiếm tri thức là mối quan tâm chủ yếu của kinh
tế học. Khi bắt tay vào giảng dạy kinh tế học từ quan điểm này, chúng tôi không thể tìm ra nổi
một đoạn văn dẫn nhập nào hoàn toàn thoả đáng. Chắc chắn, các ấn phẩm liên quan thì không
thiếu gì, song phần lớn các cuốn sách giáo khoa vẫn còn chịu tác động tiêu cực từ khiếm khuyết
bẩm sinh của giả thiết ‘tri thức hoàn hảo’. Cuốn sách này là một nỗ lực nhằm lấp đầy lỗ hổng
đó.
Cuốn sách bắt đầu với phần thảo luận dẫn nhập về việc tại sao các thể chế lại có ảnh hưởng.
Chúng tôi sẽ chỉ ra rằng sự tăng trưởng khác thường của dân số thế giới cùng mức sống trong
thế kỷ [20] này, cũng như sự khác biệt to lớn về tốc độ tăng trưởng giữa các quốc gia, có mối
liên hệ sâu sắc với một số loại hình thể chế, giá trị và trật tự xã hội nhất định. Trong Chương
2, chúng tôi định nghĩa những khái niệm then chốt, chẳng hạn như ‘thể chế’, ‘trật tự kinh tế’ ,
‘chi phí phối hợp’, và ‘chính sách công’. Tiếp theo, chúng tôi sẽ bàn về những giả thiết nền
tảng liên quan đến cách ứng xử của con người và thừa nhận rằng những người đóng vai trò đại
diện cho người khác có thể đôi khi hành xử cơ hội chủ nghĩa và đi ngược lại lợi ích của thân
chủ (Chương 3). Mặc dù các cá nhân có xu hướng theo đuổi mục đich riêng, song họ vẫn chia
sẻ những giá trị nền tảng với những người khác trong cộng đồng. Chẳng hạn, họ khao khát tự
do, an ninh và sự phồn vinh vật chất. Các giá trị nền tảng này góp phần củng cố sự cố kết xã
hội. Chúng được đề cập trong Chương 4. Sau đấy chúng tôi sẽ bàn về bản chất và vai trò của
các thể chế cùng cái trật tự mà một số dàn xếp thể chế nhất định tạo thuận lợi cho nó (Chương
5 & Chương 6).
Trong khi mục đích từ Chương 2 đến Chương 6 của cuốn sách là nhằm tạo nền tảng lý thuyết
cho nhận thức về kinh tế học thể chế, các chương khác lại quan tâm nhiều hơn đến các khía
cạnh ứng dụng của kinh tế học thể chế. Trong Chương 7, chúng tôi phân tích nền tảng của hệ
thống tư bản chủ nghĩa, cụ thể là tư hữu và tự do hợp đồng. Chương tiếp theo tập trung vào
vấn đề cạnh tranh, một quá trình năng động mà qua đó các doanh nghiệp mua và bán sẽ khám
phá, phát triển và thử nghiệm tri thức hữu ích. Chúng tôi sẽ phân biệt giữa cạnh tranh kinh tế
của người mua và người bán vì lợi ích của nhóm người có lợi ích đối lập9
với cạnh tranh chính
trị để tranh giành ảnh hưởng chính trị. Tiếp theo, chúng tôi sẽ xem xét những dàn xếp thể chế
hỗ trợ các tổ chức kinh tế, chẳng hạn như doanh nghiệp (Chương 9). Ở Chương 10, chúng tôi
xem xét các chức năng của chính phủ và những khó khăn nảy sinh khi các vấn đề kinh tế lại
được giải quyết bằng hành động chính trị tập thể. Chúng tôi cũng sẽ bàn về những biện pháp
phòng ngừa cần thực thi nhằm ngăn chặn hiện tượng các chính trị gia và quan chức có hành vi
đi ngược lại lại lợi ích của người dân.
Những gì tiếp thu được từ đầu cho đến Chương 10 lại được sử dụng để bàn về hoạt động trao
đổi kinh tế quốc tế, về việc làm thế nào để có thể ngăn ngừa chính phủ khỏi cản trở những
thách thức cạnh tranh, và về phương thức tiến hoá của các hệ thống thể chế (Chương 11 và 12).
Trong hai chương cuối cùng, chúng tôi áp dụng phương pháp tiếp cận kinh tế học thể chế để
9
Tức cạnh tranh giữa người bán vì lợi ích của người mua và ngược lại. (ND)
đề cập đến một số chủ đề thời sự nhất trong kinh tế học đương đại: tại sao chủ nghĩa xã hội lại
thất bại; hệ thống xã hội chủ nghĩa có thể chuyển đổi như thế nào; các nhà nước phúc lợi phát
triển, với bàn tay can thiệp mạnh mẽ của chính phủ, có thể cải cách như thế nào để đương đầu
với thách thức cạnh tranh từ các nước công nghiệp mới nổi; các nước công nghiệp mới nổi,
như ở châu Á chẳng hạn, làm thế nào để có thể tự bảo vệ mình tốt hơn khỏi các cuộc khủng
hoảng phát sinh trong quá trình phát triển; và tại sao sự lan rộng không ngừng của thịnh vượng
trên khắp thế giới cuối cùng lại tùy thuộc vào việc thúc đẩy những thể chế phù hợp.
Trong cuốn sách này, sự khai triển các chủ đề chính từ những tiên đề cơ sở đòi hỏi độc giả phải
kiên nhẫn. Những độc giả nào thiếu kiên nhẫn có thể muốn đi thẳng từ Chương 7 cho đến
Chương 14, nếu họ mong muốn nhanh chóng tìm hiểu lý do tại sao các quyền tài sản và thị
trường tự do lại có ảnh hưởng đến thịnh vượng và đổi mới, điều gì đóng vai trò thiết yếu đối
với sự vận hành của các tổ chức kinh doanh và chính phủ, và kinh tế học thể chế được vận
dụng như thế nào vào các chủ đề chính sách bức thiết. Chúng tôi khuyên những độc giả thiếu
kiên nhẫn này hãy xem lại phần Khái niệm Then chốt (Key Concepts) trong những chương
trước đấy mà chúng tôi lồng vào giữa các phần trình bày nội dung.
Cuốn sách này là dự án chung giữa hai người bạn cùng khởi nghiệp học thuật như những ‘thực
tập sinh’ trong một nhóm thảo luận vào giữa thập niên 1960, là những nghiên cứu sinh tiến sỹ
và phụ tá của Giáo sư Herbert Giersch tại Đại học Saarbruken, Đức, đồng thời là nhân viên
trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế Đức (German Council of Economic Advisers). Suốt 25 năm
qua, nghề nghiệp đã đưa chúng tôi tới những miền đất xa xôi với những trải nghiệm khác nhau:
người thì ở Châu Âu, người thì nếm trải cuộc sống ở khu vực Đông Á - Úc. Dù vậy, phần lớn
các kết luận của chúng tôi, phương thức mà chúng tôi tái định hình các triết lý cơ bản của mình
và thứ kinh tế học mà chúng tôi đã tiếp thu được, lại dịch chuyển theo những lộ trình tương
đồng. Vì thế công việc đàm thoại để đi đến cuốn sách này không gặp quá nhiều khó khăn, bất
chấp thực tế là chúng tôi có lẽ có những kiểu sinh viên rất khác nhau trong trí tưởng tượng của
mình khi thai nghén nên cuốn sách với nhiều chương mục đa dạng này. Chúng tôi rất hài lòng
thừa nhận rằng công việc viết cuốn sách thậm chí còn là một cuộc vui.
Độc giả sẽ nhận thấy việc thảo luận chính sách công nhằm đưa ra những nhận định về giá trị
(value judgement10
) về điều gì đáng và điều gì không đáng mong muốn thường là hữu ích. Vì
thế, chúng tôi cần công bố dứt khoát là chúng tôi có những ưu tiên nhất định mà với chúng một
số độc giả có thể không chia sẻ hoặc dứt khoát không nhất trí. Chúng tôi đề cao tự do cá nhân
(individual freedom) và coi cá nhân như là điểm tham chiếu tối hậu cho mọi chính sách công.
Chúng tôi không quy những mục đích tách rời khỏi cá nhân cho những cộng đồng trừu tượng
chẳng hạn như ‘quốc gia’, hoặc cho những hiện tượng phi con người (non-human) như Tự
nhiên. Chúng tôi cũng thiên về việc gia tăng thịnh vượng thay vì bằng lòng với thành quả vật
chất khiêm tốn, đồng thời quan niệm rằng công bằng và bình đẳng đề cập đến những quy tắc
chính thức liên quan đến việc đối xử với con người trong những hoàn cảnh như nhau một cách
bình đẳng - chứ không phải là kết quả bình đẳng bất chấp nỗ lực hay may mắn.
Đối với chúng tôi, dường như người ta không thể không thừa nhận quan điểm ấy khi quan sát
quá trình chuyển đổi kinh tế và xã hội ở Đông Đức, nơi mà nhiều nội dung của cuốn sách này
được hình dung và khởi thảo. Những hậu quả vật chất và luân lý từ quan niệm tập thể chủ nghĩa
cũng như từ những dàn xếp thể chế mù mờ trở nên hiển nhiên với bao nhức nhối khi chúng tôi
qua lại giữa các quốc gia và xã hội khác nhau. Điều này cũng thể hiện rõ khi so sánh chất lượng
cuộc sống của quảng đại quần chúng ở các nước đang phát triển với những hệ thống kinh tế
khác nhau, hay khi quan sát bầu không khí ở các quốc gia phúc lợi tập thể chủ nghĩa và những
chế độ chủ yếu dựa trên sự tự lực (self-reliance), tinh thần trách nhiệm (responsibility) và năng
10
Đánh giá về giá trị, tính thích đáng, hay vai trò quan trọng của một người hay một sự vật nào đó trên cơ sở niềm
tin, ý kiến hay thiên kiến cá nhân thay vì dữ kiện thực tế (đánh giá chủ quan). (ND)
lực chủ động (initiative). Cố nhiên, những kết luận này cho thấy thiên hướng cá nhân cùng
những nhận định về giá trị (value judgement) của chúng tôi.
Bỏ qua một bên những nhận định về giá trị của mình, chúng tôi cần lưu ý ngay từ đầu rằng các
thể chế phản ảnh những giá trị cụ thể và là công cụ để theo đuổi chúng. Các giá trị vì thế cần
được nhận diện và khám phá với tư cách một bộ phận của kinh tế học thể chế. Điều này sẽ cho
phép chúng tôi đi đến những khẳng định khoa học về những giá trị mà hệ quả của chúng có thể
được đánh giá một cách cẩn trọng - khác với những nhận định về giá trị (value judgements) mà
ai đó có thể đồng ý hay không đồng ý.
Do phần lớn kinh tế học thể chế tuỳ thuộc vào lập luận ngôn từ phức tạp và sự tham chiếu đến
các chuyên ngành đa dạng nên độc giả có thể nhận thấy đây là cuốn sách khó hiểu hơn so với
một tác phẩm chuẩn mực trong lý thuyết kinh tế học chính thống, vốn thường dựa vào toán học
giản đơn. Để cho độc giả dõi theo nội dung cuốn sách một cách mạch lạc, chúng tôi sử dụng
một vài công cụ hướng dẫn như sau:
 ở phần đầu mỗi chương có một phần ‘Dẫn nhập’ ngắn nhằm khơi dậy và thu hút sự chú ý
của độc giả tới những chủ đề chính cùng sự liên can của chúng;
 ở cuối mỗi chương, chúng tôi mời độc giả ôn lại nội dung bằng cách đặt ra một số câu hỏi
kích thích; những câu hỏi này nhằm mục đích giúp độc giả kiểm tra xem mình đã hiểu phần
lớn nội dung quan trọng nhất trong lập luận của chúng tôi hay chưa;
 chúng tôi làm nổi bật các Khái niệm Then chốt (Key Concept) bằng cách lồng ghép rải rác
trong cuốn sách; mục đích không phải là nhằm đưa ra những định nghĩa mang tính bách
khoa toàn thư mà là để đảm bảo độc giả hướng sự chú ý thích đáng vào những ý tưởng then
chốt đã khai triển trong các đoạn trước và là những ý tưởng cấu thành nên những công cụ
chủ yếu của kinh tế học thể chế;
 ở một số điểm, chúng tôi nêu bật những gì đã trình bày trong bài bằng cách đưa ra những
nghiên cứu thực tế (case study).
Một cuốn sách thuộc thể loại này được xây dựng dựa trên công trình của nhiều học giả, và
không phải tất cả họ đều được thừa nhận qua sự trích dẫn. Quả thực, chúng tôi hàm ơn nhiều
nhà trí thức vĩ đại đã đi trước chúng tôi; lý do duy nhất cho nỗ lực viết cuốn sách này là ở chỗ
ngay cả một người lùn cũng có thể nhìn được xa hơn khi đứng trên vai những người khổng lồ.
Trong quá trình viết cuốn sách, chúng tôi chịu ơn đặc biệt nhiều từ một lớp học giả mà chúng
tôi vẫn còn trích dẫn chưa đủ: nhiều nhà phân tích - quá khứ và hiện tại - của truyền thống kinh
tế học Đức, những người chú ý nhiều hơn đến các thể chế so với các nhà kinh tế học chính
thống Anglo-Saxon11
. Những bậc thầy của quá khứ cố nhiên đã được dịch sang tiếng Anh và
có thể trích dẫn. Tuy nhiên, kinh tế học trường phái Đức lại tạo nên một nhánh kinh tế học thể
chế hiện đại phức tạp và khác biệt mà những tìm tòi của nó, cho đến nay, vẫn chưa được đón
nhận đầy đủ trên vũ đài học thuật toàn cầu. Chúng tôi khai thác được cả lợi thế so sánh lẫn lợi
thế tuyệt đối của mình qua khả năng đọc tiếng Đức, song lại không cho rằng độc giả bình
thường của mình hẳn đã tiếp cận được các nguồn tư liệu tiếng Đức và quyết định không công
khai đầy đủ những trợ giúp về học thuật bằng cách trích dẫn nhiều trước tác tiếng Đức.2
Xin dành lời cám ơn đặc biệt cho Quỹ Giáo dục Kinh tế (Foundation for Economic Education)
ở New York vì đã cho phép chúng tôi in lại tác phẩm kinh điển của Leonard Read về sự phân
công lao động và phân hữu tri thức (division of labour and knowledge), ‘Tôi, cái Bút chì’ (‘I,
Pencil’ - được in lại trong phần Phụ lục). Lời cám ơn tương tự cũng xin dành cho Paul Johnson
ở London, Trung tâm Nghiên cứu Độc lập (Centre for Independent Studies) ở Sydney, và Viện
11
Chỉ những người hay quốc gia nói tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ nhất. (ND)
Fraser (Fraser Institute, ở Vancouver), họ đã cho phép chúng tôi sử dụng những trích đoạn và
tư liệu mà họ giữ bản quyền.
Trong một phần thời gian dành cho công việc soạn thảo cuốn sách này, Wolfgang Kasper đã
nhận được sự hỗ trợ từ một chương trình nghiên cứu đặc biệt của cơ quan chủ quản, trường
Đại học New South Wales, giải phóng ông khỏi việc thuyết trình cùng các công việc hành
chính thường lệ và chu cấp chi phí đi lại. Hai lần ông nhận được sự đón tiếp đầy lòng hiếu
khách từ Viện Nghiên cứu các Hệ thống Kinh tế Max Planck (Max Planck Institute for
Research into Economic Systems12
) tại Jena, Đức, nơi mà nhiều nội dung của cuốn sách được
thai nghén và phát triển. Cả hai tác giả đều muốn tỏ lòng biết ơn tới tất cả những học giả của
Viện đã có sự quan tâm tích cực đối với dự án này, đặc biệt là Danial Kiwit, Stefan Voigt,
Oliver Volkart, Antje Funck, née Mangels và Michael Wohlgemuth. Hai người sau cùng đã
hào phóng dành thời gian và kiến thức khi đưa ra nhận xét chi tiết về bản thảo đầu tay. Anna
Kasper ở Sydney, Mathias Drehmann ở London và John W. Wood ở Đại học Lincohn, New
Zealand đã có những lời nhận xét và phê bình hữu ích. Chúng tôi cũng xin gửi lời cám ơn tới
giáo sư Fred Foldvary tại Học viện Kinh doanh Kennedy (Kennedy School of Business) ở
California về những lời nhận xét phê bình bản thảo đầu tay. Ở mức độ thiết thực hơn, cuốn
sách này đã nhận được sự hỗ trợ thành thục và đầy tâm huyết của bà Uta Lange ở Jena và đặc
biệt là bà Firzia Pepper ở Canberra trong việc cho ra đời bản thảo. Cuối cùng, chúng tôi muốn
ghi nhận đóng góp của các biên tập viên tại Nhà xuất bản Edward Elgar (Edward Elgar
Publishing) về vô số thắc mắc có tính chuyên môn cùng những cải thiện về văn phong của cuốn
sách.
Chủ đề chính xuyên suốt cuốn sách là tính hữu hạn của tri thức con người cũng như, cố nhiên,
tri thức của bản thân chúng tôi. Chúng tôi vì thế thừa nhận trách nhiệm thông thường đối với
toàn bộ những sơ sót, nhầm lẫn và diễn giải sai vẫn còn tồn tại trong đó.
Chúng tôi hy vọng rằng độc giả sẽ hứng thú với cuốn sách và vận dụng cách nhìn mới về cuộc
sống từ góc độ các thể chế kinh tế – xã hội.
Wolfgang Kasper
Manfred E. Streit
Ghi chú:
1. Trong suốt cuốn sách, chúng tôi sẽ sử dụng thuật ngữ ‘kinh tế học thể chế’. Trong thập niên 1960 và thập
niên 1970 khi ngày một nhiều tác giả tái khám phá ra tầm quan trọng của các thể chế đối với sự phân tích
kinh tế, thuật ngữ ‘kinh tế học thể chế mới’ (new institutional economics) đã được sử dụng nhằm phân biệt
những nỗ lực đương đại này với sự xem xét ban đầu, thường là mang nặng tính mô tả, đối với các thể chế, cả
trong ‘trường phái lịch sử’ (historical school) của Đức lẫn các nhà kinh tế học thể chế Mỹ cuối thế kỷ 19 và
đầu thế kỷ 20.
2. Những độc giả nào có thể tiếp cận với nguồn tư liệu tiếng Đức trước hết hãy tìm tờ chuyên san Ordo, nơi mà
trong nhiều thập niên liền từng in ấn các tác phẩm theo chủ nghĩa tự do ordo của Đức (German Ordo13
Liberalism).
Bên cạnh Streit (1991 và 1995, trích dẫn trong phần Thư mục), những tác phẩm sau đây hẳn sẽ được trích
dẫn liên tục nếu cuốn sách của chúng tôi được viết cho các độc giả nói tiếng Đức:
W. Eucken ([1952] 1990), Grundsätze der Wirtshaftspolitikm; Tübingen: Mohr-Siebeck; F. Böhm (1980),
Freiheit und Ordnung in der Marktwirtschaft, E.J. Mestmäcker biên tập, Baden-Baden: Nomos; E. Streißler
& C. Watrin chủ biên (1980), Zur Theorie marktwirtschaftlicher Ordnungen, Tübingen: Mohr-Siebeck; W.
Stützel, Ch. Watrin, H. Willgerodt & K. Hohmann chủ biên (1981), Grundtexte der Sozialen Marktwirtschaft,
Stuttgart & New York: Fischer; V. Vanberg (1982), Markt und Organisation, Tübingen: Mohr-Siebeck; A.
12
Ra đời năm 1993, là một trong hơn 80 viện nghiên cứu của Hội Max Planck (Max Planck Society - thành lập
từ năm 1911, tổ chức nghiên cứu cơ bản quan trọng nhất của Đức). Max Planck (1858-1947): Nhà vật lý người
Đức, người đề xướng thuyết lượng tử, được trao giải Nobel Vật lý năm 1918. (ND)
13
Ordo là từ Latin dùng để mô tả trạng thái xã hội mà ở đó những người La Mã tự do có thể cảm thấy tự do và
thoả sức phát triển.
Schüller chủ biên (1983), Property Rights und ökonomische Theorie, München: Vahlen; D. Cassel, B. J.
Ramb & H. J. Thieme chủ biên (1988), Ordnungspolitik, Munchen: Vahlen; G. Radnizky & H. Bouillon chủ
biên (1991), Ordnungstheorie un Ordnungspolitik, Berlin, Heidelberg, New York: Springer; Ernst-Joachim
Mestmäcker (1993), Recht in de offenen Gesellschaft, Baden-Baden: Nomos.
CHƯƠNG I
GIỚI THIỆU: TẠI SAO CÁC THỂ CHẾ LẠI ĐÓNG VAI TRÒ QUAN
TRỌNG
Con người khó có thể sống sót, chưa kể đến việc phát triển lâu dài, mà không có sự tương tác
với những người xung quanh. Họ cũng không thể hợp tác làm việc mà không có một mức độ
tiên đoán nhất định (predictability). Hành vi cá nhân trở nên dễ tiên đoán hơn khi con người
chịu sự ràng buộc của các quy tắc (khái niệm mà từ đây về sau chúng ta sẽ gọi là thể chế -
institution). Quả vậy, loại hình và chất lượng của các thể chế tạo nên sự khác biệt to lớn về
mức độ mà các thành viên của cộng đồng có thể thoả mãn được khát vọng cũng như cải thiện
điều kiện kinh tế của mình. Hay nói cách khác, các thể chế quyết định đáng kể đến tốc độ tăng
trưởng về mức sống.
Bắt đầu từ khía cạnh thực nghiệm, chúng ta hãy xem xét thành tựu tăng trưởng kinh tế toàn cầu
chưa có tiền lệ cùng vai trò của các thể chế trong đó. Trong suốt nửa cuối của thế kỷ 20, thu
nhập thực tế đầu người đã tăng nhanh hơn và sự gia tăng về mức sống đã đến được với nhiều
người trên trái đất hơn so với bất cứ thời kỳ nào trước đấy. Đáng tiếc là sự gia tăng mức sống
đó lại diễn ra không đồng đều. Trong khi một vài cộng đồng xã hội thành công trong việc bắt
kịp đà tăng trưởng, thì ở những xã hội khác, mức sống lại giậm chân tại chỗ trong suốt hàng
trăm năm. Thực tế này gợi lên những câu hỏi lý thú liên quan đến việc điều gì sẽ lý giải sự
khác biệt, chẳng hạn như giữa khu vực Đông Á tăng trưởng nhanh với châu Phi cùng khối
Soviet cũ tăng trưởng chậm hay thậm chí suy thoái: tại sao con người ở những nền kinh tế phát
triển nhanh lại dàn xếp việc sử dụng tài nguyên thành công hơn và lại thể hiện tinh thần doanh
nghiệp cao hơn trong việc đáp ứng những đòi hỏi vật chất? Câu hỏi này là một trong những
vấn đề đầu tiên mà các nhà kinh tế học đã đặt ra: Tại sao một số quốc gia trở nên giàu có, trong
khi số khác nghèo vẫn hoàn nghèo?
Sự khảo sát khái lược các lý thuyết tăng trưởng sẽ chỉ ra rằng tăng trưởng là một hiện tượng
phức hợp. Lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển (neoclassical growth theory) chỉ có thể nhận diện
những điều kiện gần nhất liên quan đến tăng trưởng, chẳng hạn như quá trình tích luỹ tư bản
(capital accumulation) hay sự gia tăng lực lượng lao động. Để giải thích lý do tại sao con người
lại tiết kiệm, đầu tư, học tập và tìm kiếm những tri thức hữu ích, chúng ta phải nhìn vào những
hệ thống thế chế và giá trị khác nhau phía sau những thành công và thất bại. Chúng ta cũng sẽ
nhận thấy có vô số cản trở đối với tăng trưởng và một số loại hình thể chế nhất định có tác
dụng thúc đẩy con người nhiều hơn số khác trong việc vượt qua những rào cản tăng trưởng
hiện hành.
Cách ứng xử của con người trong mối quan hệ thị trường, phản ảnh thiên hướng mua bán và trao đổi,
cùng những biến thái muôn hình muôn vẻ của nó... mà mối quan hệ ấy có thể diễn ra; đấy là những chủ
đề thích đáng cho công việc nghiên cứu của nhà kinh tế học.
(James Buchanan, What should economists do? [Nhà kinh tế học cần phải làm gì?] 1964)
[Sau khi đã gửi một lượng tiền đáng kể vào một ngân hàng ở nước ngoài] Tôi chợt sực tỉnh là mình đã
trao tiền cho một kẻ lạ hoắc lạ huơ ở một ngân hàng hoàn toàn lạ lẫm tại một thành phố mà mình hầu
như chẳng quen biết ai ... chỉ để đổi lấy vỏn vẹn một mảnh giấy với những nét chữ loằng ngoằng mà
mình không sao hiểu nổi. Điều đã đem lại thuận lợi cho tôi, tôi chiêm nghiệm ... là một mạng lưới rộng
lớn của niềm tin vào sự trung thực trong kinh doanh. Nó khiến tôi không sao dằn lòng nổi khi hình dung
ra mức độ những gì mà chúng ta vẫn coi là đương nhiên trong các giao dịch kinh doanh lại như lơ lửng
dưới cái mạng nhện mỏng manh đó.
(Jane Jacobs14
, Systems of Survival [Những hệ thống sinh tồn], 1992)
Tăng trưởng kinh tế sẽ diễn ra nếu các quyền tài sản (property rights) là đáng giá để [con người] thực
hiện những hoạt động sản xuất mang tính xã hội... Chính phủ đảm nhận và thực thi quyền tài sản vì nó
có thể làm điều đó với một mức chi phí thấp hơn so với các nhóm tình nguyện tư nhân. Tuy nhiên, …
nhu cầu của chính phủ lại có thể dẫn đến việc bảo vệ những quyền tài sản nào đó vốn gây cản trở hơn
là thúc đẩy tăng trưởng; vì thế chúng ta không có gì để đảm bảo rằng những dàn xếp thể chế hữu ích sẽ
xuất hiện.
(Douglass North & Robert P. Thomas, The Rise of the Western World [Sự thăng tiến của thế giới
phương Tây], 1973)
Xét qua hàng thập kỷ thì nền kinh tế luôn ở trong trạng thái biến động. Trong vài trăm năm qua, mỗi
một thế hệ đều tìm thấy những phương thức làm việc hiệu quả hơn, và lợi ích tích luỹ là vô cùng to lớn.
Ngày nay, một người dân bình thường được thụ hưởng một cuộc sống tốt hơn nhiều so với những gì
mà tầng lớp quý tộc có được vài thế kỷ trước đây. Thật tuyệt vời khi có được một mảnh đất vua ban,
nhưng còn những tiện dân của ông ta thì sao?
(Bill Gates, The Road Ahead [Con đường phía trước ], 1993)
1.1 Tại sao các thể chế lại đóng vai trò quan trọng
Bạn đọc có thể sẽ rất tò mò về ý nghĩa đằng sau thuật ngữ “kinh tế học thể chế” và hai thành
phần cấu thành nó: “kinh tế học” và “thể chế”.
Kinh tế học là lĩnh vực nghiên cứu đi tìm lời giải cho một thực tiễn cơ bản: con người phải đối
mặt với sự khan hiếm; bởi nhu cầu của con người là vô hạn, nhưng cách thức để thỏa mãn các
nhu cầu đó lại là hữu hạn. Sự khan hiếm đề cập ở đây không liên quan gì đến sự giàu có về mặt
vật chất. Ngay cả Bill Gates đi chăng nữa mỗi ngày cũng vẫn phải đối diện với sự khan hiếm
khi ông đắn đo về những lựa chọn của mình. Sự khan hiếm khiến chúng ta phải cân nhắc khi
chọn lựa, bởi quá trình chọn lựa đã bao hàm cả ý nghĩa kinh tế của chi phí – tức là giá trị của
phương án tốt thứ nhìn bị bỏ qua khi phương án tốt thứ nhất đã được lựa chọn. Nói cách khác,
tất cả các quyết định đều đòi hỏi một sự đánh đổi (trade-offs). Chính vì thế, bất cứ ai khi phân
vân trước nhiều sự lựa chọn đều hướng đến việc tìm kiếm các phương án hỗ trợ khác nhau
nhằm mục đích dàn xếp ổn thỏa những sự đánh đổi đó. Các phương án hỗ trợ đó, tùy từng bối
cảnh kinh tế, chính trị, xã hội, mà biến hóa dưới nhiều dạng thức khác nhau. Riêng đối với nền
kinh tế thị trường, chúng tôi muốn nhắc đến động lực lợi nhuận và thua lỗ trong việc khai thác
các tài sản tư hữu, thông tin về giá cả, những phát minh cải tiến được thực hiện với mong muốn
thu về những món lợi tiềm tàng (trái lại, chính những sáng kiến đổi mới đó cũng có thể gây ra
tình trạng thua lỗ bết bát). Đối với nền chính trị dân chủ, nói một cách bóng bẩy, nếu đồng tiền
là những lá phiếu, thì các giao dịch được thực hiện chủ yếu thông qua các chính sách công.
Tương tự như vậy, ở ngoài xã hội, nếu đồng tiền là lòng tin, thì các giao dịch thường thường
sẽ gắn liền với địa vị xã hội hay mạng lưới bạn bè, cũng như các mối quan hệ giữ vai trò hỗ
trợ trong việc thu xếp những sự đánh đổi và củng cố cuộc sống cộng sinh giữa con người với
nhau (Hayne và cộng sự, 2012).
Các nguồn lực dưới góc nhìn của các nhà kinh tế học không chỉ đơn thuần là các nguồn tài
nguyên thiên nhiên (đất, nước, khí hậu, mỏ khoáng sản), mà bao gồm tất các thành phần khan
hiếm cần thiết để tạo ra hàng hóa hay cung cấp dịch vụ mong muốn. Chẳng hạn như lao động
và tư bản được xem như hai nguồn lực tối quan trọng, còn các tư bản phẩm (capital goods) thì
được coi như phần cứng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, công cụ dụng cụ, máy móc, nhà xưởng
và các cơ sở vật chất khác giúp nâng cao năng suất lao động, nhưng đòi hỏi ở lực lượng lao
động phải có một số vốn liếng kỹ năng nhất định mới có thể sử dụng, vận hành chúng một cách
14
Jane Jacobs (1916 - 2006): tác gia, nhà hoạt động xã hội và nhà đô thị học người Canada gốc Mỹ. (ND)
nhịp nhàng, tức là đòi hỏi nguồn tư bản con người (human capital). Thêm vào đó, một lượng
lớn các kiến thức kỹ thuật hay kiến thức tổ chức hoặc là được tích hợp sẵn, hoặc buộc phải có
sự tích lũy mới có thể quản lý được các tư bản phẩm. Việc nắm bắt được mức độ linh hoạt của
mối tương quan nguồn vốn và nền tảng kỹ năng cũng rất quan trọng: các cấu trúc cứng nhắc
tự thân chúng đã kém thích nghi với sự biến động của nhu cầu và các nguồn lực hơn là các cấu
trúc có sự linh hoạt. Các nhà kinh tế học đôi khi còn coi vốn kiến thức và độ mềm kết cấu
(structural flexibility) là “nhân tố sản xuất thứ ba”, bên cạnh lực lượng lao động và nguồn tư
bản là hai nhân tố đầu.
Có vô vàn các nguồn lực khác nhau được kết hợp lại trong quá trình sản xuất. Nó giống như
những gì xảy ra trong một căn bếp: đầu tiên các nguyên vật liệu được trộn lẫn thành một hỗn
hợp; tiếp theo, hỗn hợp đó được xử lý nhiệt – tất cả các công đoạn này được thực hiện bởi một
bàn tay lành nghề, tức là anh ta phải có một lượng kiến thức nhất định. Do đó, kiến thức ở đây
giữ vai trò then chốt trong việc tạo ra các sản phẩm nấu nướng.
Tuy nhiên, sẽ chẳng có một bữa ăn nào, hay một sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nào lại tự nhiên
mà có. Quá trình sản xuất còn đòi hỏi sự tham gia của đội ngũ những người khởi nghiệp
(entrepreneurs). Họ, với tầm nhìn xa trông rộng và tinh thần nhiệt huyết, sẽ khởi động quá trình
sản xuất, tối ưu hóa các nguồn lực sẵn có và tìm kiếm các nguồn phụ trợ. Đội ngũ khởi nghiệp
thường sáng tạo và đem ứng dụng các cách kết hợp mới lạ các nguyên liệu; họ cũng thường nỗ
lực trong việc kích thích nhu cầu tiêu dùng cá nhân (thông qua việc quảng cáo chẳng hạn), và
thử nghiệm các phương thức sản xuất hoặc các sản phẩm mới (sự cải tiến – innovation).
Việc sản xuất ra một lượng khổng lồ hàng hóa và dịch vụ khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu
của con người ở những nơi chốn và thời đại khác nhau quả là một việc nhiêu khê không tưởng.
Ngay cả một cửa hàng bách hóa bình thường thôi có lẽ cũng phải trữ đến 50,000 món hàng với
kích cỡ và màu sắc khác nhau. Và để một chiếc máy bay dân dụng có thể đi vào hoạt động
được, có đến hàng ngàn bộ phận mà hàng ngàn con người khác nhau phải thiết kế, sản xuất và
vận chuyển đến những nơi cần đến chúng. Ngay cả việc sản xuất ra một chiếc bút chì nhỏ bé
thôi cũng cần sự phối hợp của vô số con người thậm chí còn chẳng bao giờ gặp gỡ hay biết mặt
nhau (Xem phụ lục “I. Bút chì”).
Những con người táo bạo, dám nghĩ dám làm thì thường không can dự vào những việc phức
tạp và rắc rối như vậy, đơn giản là bởi bản chất táo bạo của họ. Họ phải được thúc đẩy, khuyến
khích. Công việc phối hợp hàng triệu con người phần nào vô minh, những người mà thường
thường phải bỏ ra một nỗ lực to lớn mới có thể hiểu được những sự việc có liên quan, làm ra
những thứ mà hàng triệu con người khác mong muốn thì quả là một việc phức tạp khó tưởng
tượng nổi. Thêm vào đó, tất cả các hoạt động này phải vận động để không ngừng thích ứng với
những tình huống luôn luôn biến đổi (sách đã dẫn).
Một khi các thể chế, tức là nền nếp, luật lệ hay những thứ tương tự như vậy, được nhận thức
rõ ràng, thì bất cứ một hành động phá vỡ các quy tắc ứng xử nào đều phải chịu các biện pháp
trừng phạt (sanctions). Đây chính là xuất phát điểm mà từ đó các thể chế phát huy hiệu lực.
Các thể chế giúp cho hành động của mỗi cá nhân trở nên dễ tiên đoán hơn, đồng thời hỗ trợ rất
nhiều trong việc giải quyết bài toán phối hợp vốn nhiêu khê rắc rối. Thêm nữa, các thể chế còn
đặc biệt tỏ ra hữu ích trong những tình huống mà ở đó việc kết hợp thêm các nhân tố sản xuất
mới lạ, các phương pháp sản xuất hay một sản phẩm chưa từng có được những đối tượng táo
bạo mạnh dạn thử nghiệm.
Cuốn sách này được viết ra với mục đích khám phá vai trò và tác động của các loại hình thể
chế khác nhau đến hành vi kinh tế của con người – con người sản xuất cái gì và tiêu thụ cái gì.
Loài người là một thứ sinh vật xã hội (social beings). Để có thể sống sót và phát triển trong bất
cứ khoảng thời gian dài ngắn thế nào, con người cũng đều phải tương tác với những người
xung quanh mình. Tuy thế, Một người không thể tương tác với người khác mà không có những
hiểu biết chung về cách thức mà người kia sẽ phản ứng và một hình phạt nào đó nếu người ấy
phản ứng tuỳ tiện hoặc đi ngược lại thỏa thuận. Các cá nhân và doanh nghiệp chỉ có thể mua,
bán, tuyển dụng lao động, đầu tư và khai phá những bước đổi mới nếu họ có sự tin tưởng nào
đấy rằng kỳ vọng của mình sẽ được đáp ứng.
Nhiều hoạt động trao đổi giữa các cá nhân và doanh nghiệp với nhau dựa trên những nghiệp
vụ lặp đi lặp lại, và chúng ta muốn chúng dễ tiên đoán nhằm giảm thiểu bất đồng và bất trắc.
Hãy thử tưởng tượng là nếu hoá đơn tiếp theo của bạn ở quầy thanh toán siêu thị gấp những
mười lần số tiền mà bạn phải trả cho cùng số hàng đó trong lần shopping gần nhất xem! Hoặc
ngân hàng mà bạn gửi tiền tiết kiệm đột nhiên từ chối bảo chứng séc cho bạn! Hoạt động tương
tác của con người, kể cả tương tác trong đời sống kinh tế, phụ thuộc vào một kiểu niềm tin dựa
trên một trật tự và trật tự đó được tạo thuận lợi nhờ những quy tắc cấm đoán cách ứng xử cơ
hội chủ nghĩa và khôn lường.
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta tương tác với vô số người và tổ chức mà chúng ta hiếm
khi quen biết nhưng chúng ta vẫn đặt niềm tin lớn lao của mình vào cách ứng xử dễ tiên đoán
từ họ. Chúng ta trao những đồng tiền khó nhọc của mình cho một nhân viên thu ngân, người
mà chúng ta có thể quên mặt chỉ sau dăm phút, trong một ngân hàng mà chúng ta không biết
tý gì về mức độ dự trữ hay ban quản trị của nó. Chúng ta cho phép mình được phẫu thuật nhờ
những bác sỹ mà trước đấy chúng ta khó lòng biết mặt, tại những bệnh viện mà chúng ta chưa
hề được tận mắt nhìn thấy cảnh quan bên trong. Chúng ta trả tiền trước để mua một chiếc ô tô
được sản xuất ở nước ngoài bởi những công nhân mà chúng ta sẽ không bao giờ gặp mặt. Song,
trong tất cả những tình huống đó, chúng ta tin tưởng là sẽ nhận được những dịch vụ bõ công
và giao ước giao hàng sẽ được thực hiện. Tại sao vậy? Tại vì tất cả những người này đều có
kiến thức và kỹ năng chuyên môn để đáp ứng và họ chịu sự ràng buộc của các thể chế - những
trói buộc đối với cám dỗ cơ hội chủ nghĩa là không giao hàng hay lừa bịp chúng ta. Chúng ta
có thể thừa nhận rằng hành vi vi phạm ích kỷ đối với hợp đồng mà mình đã ký kết sẽ khiến
chúng ta phải gánh chịu hình phạt theo cách này hay cách khác.
Xét trên phương diện này, đời sống kinh tế hiện đại tuỳ thuộc một cách không chắc chắn vào
vô số quy tắc thành văn và bất thành văn. Nếu chúng bị vi phạm rộng rãi - như khi xã hội sụp
đổ sau thất bại của một cuộc chiến hoặc rơi vào tình trạng hỗn loạn bên trong - thì nhiều mối
tương tác con người mà sự phồn vinh của chúng ta dựa vào đó sẽ không còn khả thi nữa, mức
sống và chất lượng cuộc sống sẽ xuống dốc không phanh. Do vậy, những thể chế nào thường
ngăn ngừa hiện tượng đó sẽ tạo ra nền tảng cho mức sống cũng như cho cảm nhận của chúng
ta về an ninh và cộng đồng.
Khái niệm then chốt
Kinh tế học là môn khoa học nghiên cứu cách thức con người, vốn phải đối mặt với tình
trạng khan hiếm, thỏa mãn các nhu cầu khác nhau thông qua việc tìm kiếm và kiểm nghiệm
các tri thức hữu ích. Sự khan hiếm bắt nguồn từ một thực tiễn rằng trong khi nhu cầu của
con người luôn có xu hướng gia tăng, thì bản thân con người lại không thể tích lũy tri thức
hay các nguồn lực khác với một tốc độ đủ nhanh để thỏa mãn tất cả chúng. Do đó, sự khan
hiếm có thể coi là một nét tiêu biểu cho điều kiện sống của con người.
Thể chế là những quy tắc tương tác do con người tạo ra, nhằm ràng buộc cách ứng xử [khả
dĩ] cơ hội chủ nghĩa và đầy biến động của con người. Các thể chế khiến cho hành động của
các cá nhân trở nên dễ tiên đoán hơn, từ đó tạo thuận lợi cho sự phân công lao động và phân
hữu tri thức, thúc đẩy tiến trình tạo ra của cải. Các thể chế muốn có hiệu lực buộc phải kèm
theo một hình thức xử phạt nào đó dành cho sự bất tuân thủ. Trong cuốn sách này, thuật ngữ
“thể chế” và “quy tắc” sẽ được sử dụng thay thế cho nhau.
Sự khiếm khuyết về mặt thể chế của kinh tế học và chính sách công
Nhìn chung, chủ lưu của kinh tế học tân cổ điển thế kỷ 20 giả định rằng các thể chế đến từ bên
ngoài và các chủ thể [kinh tế] đã điều chỉnh một cách hoàn hảo để thích ứng với chúng. Cùng
lắm chúng cũng chỉ được đối xử như thể là một tác nhân gây thêm phức tạp cho các mô hình
kinh tế; bằng không các nhà kinh tế học sẽ phát triển lý thuyết phi thể chế (institutionally
antiseptic theory). Giả thiết chuẩn tắc là mọi người giao dịch kinh doanh với nhau mà không
nảy sinh bất đồng hay phát sinh chi phí. Để bảo vệ quan điểm này, người ta lập luận rằng mọi
sự lý thuyết hoá đều nhất thiết phải dựa trên sự trừu tượng hoá (abstraction), và rằng điều mà
người ta rút ra từ những hiện tượng đó không gây ảnh hưởng tới những gì mà người ta muốn
phân tích. Mối bận tâm về sự lý thuyết hóa cân bằng đã dẫn đến việc tập trung phân tích vào
trạng thái tận cùng mà ở đó không tồn tại những bất đồng, và các yếu tố kinh tế đã hoàn thiện
vai trò của chúng.
Tuy nhiên, lời biện hộ trên lại hoàn toàn không thoả đáng. Các thể chế giúp tiết giảm chi phí
phối hợp hành động của con người và vì thế chúng chiếm vị trí trung tâm trong hiểu biết của
chúng ta về sự tương tác của con người. Những va chạm thông thường buộc các yếu tố kinh tế
phải vận động để có thể dàn xếp ổn thỏa những mối bất đồng và thực hiện phối hợp các hoạt
động kinh tế. Đời sống kinh tế xoay quanh công việc trao đổi và những thể chế diễn ra sự trao
đổi đó. Chính những bất đồng xích mích trong cuộc sống của con người dẫn đến việc hình
thành các thể chế, và các thể chế này ngược lại sẽ sản sinh ra những kiểu mẫu hành vi có thể
tiên liệu trước, giúp giảm thiểu chi phí phối hợp. Chúng ta có thể chứng minh điều này bằng
những dẫn chứng thuyết phục hàng ngày hoặc bằng cách chỉ ra rằng việc loại bỏ các thể chế sẽ
dẫn tới những khiếm khuyết hệ trọng trong tri thức kinh tế và các chính sách công sai lầm
Trên bình diện cuộc sống thường ngày, các thể chế có ảnh hưởng ngay từ nhà trẻ: khi bọn trẻ
được trao đồ chơi như là tài sản cá nhân của mình, ta có thể nhận thấy là chúng giữ gìn và có
thể được khích lệ hào phóng cho bạn chơi mượn tài sản. Ngược lại, khi mọi thứ thuộc về tất cả
bọn chúng mà không thuộc một đứa trẻ cụ thể nào, chúng có xu hướng sao nhãng tài sản của
mình và tranh giành nhau hòng chiếm giữ những thứ đồ chơi cụ thể nào đó (Alchian15
, trong
tác phẩm do Henderson chủ biên, 2008, trang 424). Một ví dụ khác có thể cho thấy phương
thức mà một thể chế giúp con người đạt được mục đích của mình một cách hữu hiệu hơn chính
là tiền. Khi mọi người phải dựa vào hành vi trao đổi để giành được những thứ hàng hoá và dịch
vụ mà mình muốn tiêu dùng, song lại không sản xuất ra được, họ đối mặt với sự bất trắc là
không hiểu mình có khả năng giành được chúng hay không. Liệu mình có tìm được một người
nhận lấy những thứ rau quả mà mình đã trồng hay không? Mình muốn đổi những thứ rau quả
này để lấy một chương trình máy tính mà mình cần với ai? Quan trọng hơn, họ thậm chí có thể
không nhận ra những gì mà mình có khả năng mua hoặc muốn mua. Ngược lại, nếu tồn tại một
thứ tài sản được thừa nhận chung làm phương tiện trao đổi (tiền) mà sự cung cấp và sử dụng
nó chịu sự ràng buộc của các thể chế, mọi người khả dĩ tin tưởng hơn rất nhiều rằng họ có thể
giành được những thứ mong muốn, đồng thời chi phí tìm kiếm và giao dịch lại thấp hơn rất
nhiều so với hoạt động trao đổi hiện vật lấy hiện vật (barter). Tiền tệ qua đó giúp tiết kiệm chi
phí phối hợp.
Việc bỏ qua các thể chế nhằm mục đích đơn giản hóa đã để lại những hệ quả quan trọng trên
bình diện chính sách kinh tế thực tiễn. Kinh tế học chính thống tân cổ điển chuẩn tắc (standard
neoclassical mainstream economics) trong những năm gần đây liên tiếp thất bại trong việc giải
thích hoặc tiên đoán về những hiện tượng thế giới thực (real-world phenomena) vì nó loại bỏ
khỏi các mô hình của mình các thể chế cùng lý do tồn tại của chúng. Sự nghèo nàn của thứ
kinh tế học chuẩn tắc (standard economics) trở nên rõ ràng, chẳng hạn, trong việc giải thích
quá trình tăng trưởng. Khuyến nghị chính sách ở các nước đang phát triển thường bị đặt nhầm
chỗ, bởi các cố vấn kinh tế vẫn quen giả thiết rằng các thể chế chẳng có vai trò gì. Trên thực
15
Armen Albert Alchian (1914 - ): Nhà kinh tế học người Mỹ, giáo sư kinh tế tại Đại học California, Los Angeles.
(ND)
tế, nhiều quan niệm ngoại nhập không đứng vững được bởi lẽ các thể chế tại các nước đang
phát triển khác biệt rất lớn so với ở các nước phát triển và vì các thể chế sở tại phải được điều
chỉnh nếu muốn một số quan niệm chính sách nào đó phù hợp với tình hình (xem ví dụ trong
Boettke và cộng sự, 2008; Boettke, 2012).
Sau khi cơ chế kế hoạch hóa tập trung kiểu Soviet sụp đổ, để có thể phục hồi lại đời sống kinh
tế và xã hội ở các nước thuộc khối Soviet cũ, điều cốt yếu nhất rõ ràng là phải thiết lập các thể
chế phù hợp, bao gồm cả các thói tục không được quy định trong nhân dân. Rốt cuộc, sự tàn
lụi của chủ nghĩa xã hội lại đặt ra thách thức trong việc tạo dựng và thúc đẩy những thể chế
mang tính nền tảng như quyền tư hữu, pháp luật hợp đồng và pháp trị nói chung. Khung khổ
thể chế mà ở đó nền sản xuất và thương mại hiện đại khả dĩ phát triển lại có thể thường xuyên
bị đánh giá thấp. Và các nhà kinh tế học phương Tây theo truyền thống ấy được chuẩn bị rất
tồi cho việc chẩn đoán tại sao tăng trưởng bền vững lại không hiện thực thực hóa ở một số địa
điểm và nền văn minh nhất định và những gì có thể thực thi nhằm cứu vãn tình hình (Olson,
1996).
Một cách khác để đi đến luận điểm nền tảng trên đây là hướng sự chú ý đến phần chi phí phối
hợp cao và không ngừng gia tăng của quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm quốc dân trong
các nền kinh tế hiện đại. Một phần lớn thuộc khu vực dịch vụ - hiện chiếm trên 66% tổng sản
phẩm của các quốc gia giàu có - quan tâm đến việc tạo thuận lợi cho các giao dịch cũng như
cho việc dàn xếp hoạt động tương tác của con người. ‘Khu vực phối hợp’ (coordination sector)
của nền kinh tế hiện đại là cần thiết nhằm tạo thuận lợi cho sự phân công lao động và phân hữu
tri thức đang không ngừng gia tăng (mà mức sống của chúng ta dựa vào đó). Việc giả định,
như trong kinh tế học tân cổ điển, rằng không tồn tại chi phí giao dịch và vì thế không tồn tại
nhu cầu nào đối với những quy tắc giúp tiết kiệm chi phí này có nghĩa là đã bỏ qua một bên
quá nửa toàn bộ nỗ lực kinh tế của các nền kinh tế tiên tiến, tức là cái cấu phần lớn và đang
tăng trưởng nhanh thuộc khu vực dịch vụ, liên quan đến hoạt động giao dịch và phối hợp, ví
dụ như dịch vụ pháp lý và tài chính, tư vấn và thiết kế. Qua việc đánh giá thấp bài toán phối
hợp, kinh tế học tân cổ điển thiên về phân tích hoạt động sản xuất và hoạt động phân phối vật
chất, và vì thế ít liên can đến nhiều hoạt động kinh doanh hiện đại vốn quan tâm đến việc tổ
chức và phối hợp các quyết định của người bán và người mua.
Tương tự, một điểm mà người ta không nhận ra nữa là nguồn gốc của sự thất bại trong việc
chẩn đoán tại sao các nền kinh tế phúc lợi với bàn tay can thiệp mạnh mẽ của chính phủ lại
đang trải qua hiện tượng suy giảm tốc độ phát triển kinh tế, tình trạng thất nghiệp cao, sự thiếu
tin tưởng ngày càng tăng và thái độ hoài nghi phổ biến của cử tri. Quá trình xói mòn và thoái
hoá dần dần của các thể chế then chốt - chẳng hạn như quyền tài sản, trách nhiệm tự thân và
pháp trị (rule of law) - tại các nền dân chủ mà ở đó các nhóm lợi ích giữ vai trò chi phối thường
diễn ra một cách thầm lặng. Những phương thức phản tiến bộ không dễ dàng phát hiện ra được
ngay bởi lẽ sự thay đổi thể chế không phải là một phần nằm trong những gì mà đa số các nhà
kinh tế học vẫn phân tích.
Các sử gia kinh tế cũng phát hiện ra từ lâu, nếu quả thực họ chưa từng ý thức được điều đó,
rằng sự thay đổi thể chế là một phần quan trọng và lý thú của kinh tế học (Gibbon, [1776-1788]
1996). Sử gia kinh tế từng đoạt giải Nobel Douglass North đã cho thấy rõ ràng khi ông viết:
khung mẫu [kinh tế học] tân cổ điển thiếu vắng các thể chế ... Các mô hình tăng trưởng thời thượng
hiện nay của các nhà kinh tế học lại không đối mặt với cái chủ đề về cấu trúc kích thích nền tảng
(underlying incentive structure) mà họ giả định trong các mô hình của mình. Những khiếm khuyết như
thế trong hiểu biết của chúng ta đã gây sự chú ý của các nhà kinh tế học qua các sự kiện ở Trung và
Đông Âu ... nơi mà thách thức chính là việc tái cấu trúc nền kinh tế ... nhằm tạo dựng môi trường thân
thiện cho tăng trưởng kinh tế. Liệu quá trình tái cấu trúc đó có thể thực hiện được mà không cần lưu ý
thận trọng đến các thể chế hay không? Mô tả đặc điểm thể chế của những thị trường như thế là bước
đầu tiên để đi đến chỗ giải đáp những vấn đề này.
(North, 1994, trang 257; xem thêm North trong tác phẩm do Drobak & Nye chủ biên, 1997, trang 3-
12)
Một thực tế cũng đã trở nên rõ ràng là lý thyết kinh tế học chuẩn tắc chỉ có giá trị hạn chế đối
với kinh tế học kinh doanh (business economics16
). Nhiều người trong giới kinh doanh nhận
thấy một cách chính đáng rằng các lý thuyết kinh tế thật khô khan, trừu tượng và ít liên can
đến mục đích của họ. Hơn nữa, khi các mô hình kinh tế bỏ qua các chi phí và những rủi ro tiềm
tàng trong quá trình phối hợp thì đương nhiên yếu tố luật học và các luật sư cũng sẽ bị loại trừ
khỏi phạm vi nghiên cứu. Từ đó dẫn đến việc rất nhiều khoa luật học trên khắp thế giới đã cắt
môn kinh tế học ra khỏi chương trình giảng dạy, gây phương hại đối với chuyên ngành này.
Sự thiếu hụt những nghiên cứu liên quan đến chi phí và và các vấn đề phối hợp ở các mô hình
kinh tế chủ lưu giải thích tại sao một số mối quan tâm mới hồi sinh gần đây dành cho kinh tế
học thể chế lại đến từ việc nghiên cứu lịch sử kinh doanh (business history), xã hội học kinh tế
(economic sociology17
), khoa học tổ chức mới (new organisation science) và ‘luật pháp và
kinh tế học’ (‘law and economics’18
). Các chuyên ngành này đã dứt khoát tích hợp các thể chế
vào mô hình của chúng nhằm đưa ra những khuyến dụ thực tiễn và thích đáng hơn.
Sự thăng tiến của kinh tế học thể chế
Do sự không thoả mãn ngày càng tăng với kinh tế học chuẩn tắc cùng những mô hình trừu
tượng, khô khan của nó mà nhiều học giả hiện nay (lại) đang tiếp nhận định đề trung tâm của
kinh tế học thể chế, đó là: các thể chế đóng vai trò cốt yếu trong quá trình ổn định những kỳ
vọng, từ đó hỗ trợphối hợp hành động của các cá nhân ra quyết định. Việc phân tích nền tảng,
quá trình tiến hoá, nội dung, tính nhất quán và sự áp đặt của các quy tắc có thể đem lại cho
chúng ta nhiều hiểu biết về những hiện tượng kinh tế chủ yếu, chẳng hạn như tăng trưởng kinh
tế hay các thị trường vận hành như thế nào. Người ta đang ngày càng nhận ra rằng các thể chế
cấu thành nên nguồn vốn xã hội quyết định: có thể nói, chúng là phần mềm (software) dẫn
dắt sự tương tác của con người và quá trình phát triển xã hội. Quả vậy, chúng ta đang phát hiện
ra rằng phần mềm thường quan trọng hơn phần cứng [hardware] (những hiện tượng hữu hình,
như nguồn vốn vật chất chẳng hạn).
Hệ quả của những hiểu biết sâu sắc này là: kể từ thập niên 1970. Ngày nay, có rất ít các nhà
kinh tế học tập trung đơn thuần vào những điều kiện để phân bổ các nguồn lực cố định nhằm
thoả mãn những nhu cầu cố định (mặc dầu vẫn có vô vàn các chương trình giáo dục đại học
vẫn dựa trên giả định phi thực tế này). Như chúng ta sẽ nhận thấy trong Chương 2, phương
pháp tiếp cận của kinh tế học thể chế không coi các nguồn lực hay nhu cầu của con người như
là cố định, mà thay vì thế tập trung vào quá trình tiến hoá và tăng trưởng kinh tế thông qua hoạt
động khám phá và khai thác nhu cầu mới và nguồn lực hữu ích mới.
1.2 Thành tựu tăng trưởng kinh tế
Tầm nhìn dài hạn
Chính bởi các thể chế vô cùng quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, nên trong phần còn lại
của chương sách này, chúng tôi muốn chỉ ra rằng sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ suốt hai thế
hệ qua sẽ không được giải thích thỏa đáng nếu không có sự hiểu biết về các thể chế.
Tuy nhiên, có một điều độc giả cần lưu ý khi theo dõi cuộc luận bàn này là tốc độ tăng trưởng
kinh tế rõ ràng là một chỉ số thay thế không hoàn hảo cho rất nhiều các chỉ số khác nhau đánh
giá chất lượng cuộc sống, chẳng hạn như tuổi thọ trung bình, mức độ phổ cập giáo dục, chất
16
Còn gọi là kinh tế học quản lý (managerial economics), một nhánh của kinh tế học áp dụng phân tích kinh tế
học vi mô (microeconomics) vào các quyết định kinh doanh cụ thể. (ND)
17
Phân tích các hiện tượng kinh tế từ góc độ xã hội học. (ND)
18
Một cách tiếp cận đối với lý thuyết pháp lý (legal theory) vận dụng các phương pháp của kinh tế học vào pháp
luật. Nó bao hàm việc sử dụng các khái niệm kinh tế học để lý giải hiệu lực của pháp luật, để đánh giá những quy
tắc pháp lý nào là hữu hiệu về mặt kinh tế, và để tiên đoán những quy tắc pháp lý nào sẽ được ban bố. (ND)
lượng môi trường sống và tự do cá nhân. Dự án Tự do kinh tế của thế giới (The Economic
Freedom of the World) điều hành bởi hai nhà kinh tế học James Gwartney và Robert Lawson
đã chứng minh rằng – mặc dù chúng ta không thể mang tốc độ tăng trưởng kinh tế ra mà ăn
được – những thể chế đảm bảo cho tự do kinh tế lại tương quan mật thiết và tích cực đến thu
nhập trên đầu người và những điều tốt đẹp trong cuộc sống, như sức khỏe, sự trường thọ hay
cảm giác mãn nguyện chẳng hạn (Gwartney và Lawson, trong rất nhiều tài liệu). Nhiệm vụ của
chúng ta là tường giải những cơ chế đằng sau mối tương quan đó.
Bước đầu tiên trong việc lý giải các cơ chế nền tảng vận động bên dưới sự phát triển kinh tế
trong dài hạn là phải công nhận rằng cách thức duy nhất để gia tăng thu nhập thực tế của một
cộng đồng chính là gia tăng năng suất thực tế của mỗi người trong cộng đồng đó. Theo đó, gia
tăng năng suất lao động đòi hỏi phải có sự cái thiện vốn vật chất (physical capital) (như máy
móc tốt hơn) và vốn con người (human capital) (nguồn nhân lực được trang bị vốn tri thức đầy
đủ hơn); đồng thời các nguyên tắc tương tác giữa con người với con người và giữa con người
với thiên nhiên cũng phải được củng cố. Những quốc gia phát triển thịnh vượng là những quốc
gia mà ở đó có sự gia tăng năng suất lao động; trái lại, những nước đói nghèo vẫn hoàn đói
nghèo là bởi năng suất lao động không hề được cải thiện cho dù tiếp nhận bao nhiêu viện trợ
nước ngoài đi chăng nữa.
Sự tiến bộ rất chậm chạp về năng suất và mức sống là đặc trưng xuyên suốt quá trình phát triển
kinh tế lâu dài của nhân loại. Tăng trưởng dân số phù hợp với tiến bộ kỹ thuật và kinh tế, vì
thế mức sống bình quân vẫn hầu như không thay đổi qua hàng thế kỷ. Những tiêu chuẩn cơ
bản của điều kiện sống vật chất bình quân - chẳng hạn như tuổi thọ, sức khoẻ cơ bản, tỷ suất
tử vong trẻ em, tần suất nạn đói và những đợt dịch bệnh lớn - không thay đổi nhiều đối với một
người dân bình thường từ cuộc cách mạng thời kỳ đồ đá mới (neolithic revolution), báo hiệu
sự khởi nguyên của nền nông nghiệp và chăn nuôi khoảng 12.000năm trước đây, cho đến thế
kỷ 17, khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu diễn ra (Kahn, 1979, trang 7-25; Rostow,
1978). Những người nông dân châu Âu từng sống với cái hiện thực giá rét, bụi bặm, đói khát,
bệnh tật và đoản thọ gần như với cùng mức độ mà cha ông của họ đã trải qua dưới thời La
Mã19
, và điều vẫn còn có thể gây tranh cãi là liệu những người nông dân Trung Quốc bình
thường trong nửa đầu thế kỷ 20 có được hưởng một cuộc sống tốt hơn chút nào so với tổ tiên
của họ trong thời đại nhà Hán 2000 năm trước hay không. Các nhà sử học thường tập trung
vào giới cai trị và số người giàu ít ỏi, song lại không thường xuyên nhắc nhở chúng ta về điều
kiện sống của một người đàn ông hay phụ nữ bình thường.1
Chúng ta phải tự nhắc nhở mình về kinh nghiệm phát triển kinh tế dài hạn của nhân loại để
đánh giá cuộc cách mạng diễn ra gần đây hơn và để nhận ra rằng sự phát triển của những thể
chế tạo thuận lợi cho tăng trưởng đã góp phần cốt yếu vào sự lan toả của thịnh vượng. Đầu tiên
là nước Anh, sau đó là Tây - Bắc Âu và Bắc Mỹ, đã chứng kiến sự gia tăng bền vững về mức
sống của một người dân bình thường. Quá trình này bắt đầu từ cuối thế kỷ 18 và phát triển rực
rỡ trong thế kỷ 19, khi ba nước - Anh, Mỹ và Đức - sản xuất ra hai phần ba toàn bộ sản phẩm
chế tạo của thế giới. Trong suốt thế kỷ 19, hết nước này đến lượt nước khác bắt tay vào quá
trình công nghiệp hoá và tăng trưởng kinh tế bền vững. Cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20,
thu nhập đầu người của các nước nay thuộc OECD, tức là các nước công nghiệp lâu đời với
nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, tăng trưởng bình quân ở mức chưa có tiền lệ 1,4%/năm,
bất chấp mức độ tàn phá của hai cuộc đại chiến thế giới trong nửa đầu thế kỷ 20 (xem Bảng
1.1). Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, hầu hết các nước Đông Á, trải dài cho đến
châu Mỹ Latin, Nam Á, thậm chí cả một số vùng châu Mỹ và Trung Đông, cũng đều trải qua
quá trình tăng trưởng. Một số nền kinh tế lớn hơn, chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ và
Brazil, xem ra đã chuẩn bị sẵn sàng để bắt kịp phương Tây, mở ra cho các nước công nghiệp
lâu đời những thị trường mới với tinh thần cạnh tranh mới. Mặc dầu vậy, theo báo cáo của Quỹ
tiền tệ quốc tế (International Monetary Fund), 1/5 dân số thế giới lại sản xuất ra 4/5 sản lượng
19
Từ thế kỷ 8 TCN đến thế kỷ 15. (ND)
hàng hóa toàn thế giới, vì thế, đa số nhân loại vẫn phải nỗ lực rất nhiều nữa mới bắt kịp những
cộng đồng có năng suất cao nhất.
Bảng 1.1: Tăng trưởng kinh tế hiện đại: thu nhập đầu người được điều chỉnh theo tỷ lệ lạm
phát hàng năm (%)
Thời kỳ
Các nước công nghiệp hoá
lâu đời (OECD)
Các nước kém phát triển
Đến đầu thế kỷ 19
Hầu như đình đốn (chỉ một
số nước cất cánh)
Hầu như đình đốn
1820-1870 +0,6
Hầu như đình đốn
(một số nước cất cánh)
1870-1913 +1,4
1913-1950 +1,3
1950-1973 +3,5 +2,7
(có sự khác biệt lớn)
1973-nay +2.2 +2.9
(có sự khác biệt lớn)
Nguồn: Maddison (2001, 2007) và tự cập nhật
Cuối cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhiều nhà quan sát đã mô tả thành tựu tăng trưởng
của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 như là một hiện tượng đã qua và dự đoán rằng hiện tượng đình
đốn sẽ xuất hiện sau suốt một thế kỷ. Song họ đã lầm. Không chỉ thu nhập đầu người bình quân
ở các nước OECD tăng ở mức chưa có tiền lệ 3,5% từ năm 1950 cho đến khi khởi phát cuộc
khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, mà hiện tượng tăng trưởng kinh tế còn bắt đầu lan rộng ra
phần còn lại của thế giới,. Trước năm 1950, chỉ có một số ít trung tâm công nghiệp nằm ngoài
nền văn minh phương Tây (như Nhật Bản hay Thượng Hải chẳng hạn). Tuy nhiên đến nay đã
có nhiều khu vực mới áp dụng các phương pháp sản xuất hiện đại; các luồng thương mại và
đầu tư cũng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn giữa các vùng công nghiệp lâu đời và vùng mới nổi
(sự toàn cầu hóa – globalization).
Từ 1950 đến 1973, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của các nước đang phát triển (vốn
không đồng đều và vô định hình) là 2,75%; và một nhóm nhỏ, ‘các nền kinh tế công nghiệp
mới nổi’ ở Đông Á tăng trưởng nhanh hơn nhiều, bắt đầu thu hút sự chú ý của các thị trường
trên thế giới đối với sản phẩm xuất khẩu của chúng và thu hẹp khoảng cách với các tiêu chuẩn
châu Âu về công nghệ, năng suất và thu nhập trong một thời gian kỷ lục (Ngân hàng Thế giới,
1993; Kasper,1994). Bắt đầu từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, tốc độ tăng trưởng kinh
tế toàn cầu đã chậm lại đôi chút, xuống mức bình quân 2,5%/năm ở các nước công nghiệp lâu
đời thuộc OECD; tuy nhiên ở một số vùng khác, mà đáng chú ý hơn cả là Trung Quốc, tốc độ
tăng trưởng kinh tế lại gia tăng nhanh hơnTrong các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương
theo định hướng tăng trưởng vật chất, mức thu nhập thực tế bình quân đầu người đã tăng từ
mức rất thấp vào thời điểm kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất, cho đến năm 2010 tăng với
một tốc độ ngoạn mục. Còn các nước khu vực Đông Á, trong vòng chưa đến hai thế hệ, đã đạt
Kinh Tế Học Thể Chế Sở Hữu, Cạnh Tranh, Và Chính Sách
Kinh Tế Học Thể Chế Sở Hữu, Cạnh Tranh, Và Chính Sách
Kinh Tế Học Thể Chế Sở Hữu, Cạnh Tranh, Và Chính Sách
Kinh Tế Học Thể Chế Sở Hữu, Cạnh Tranh, Và Chính Sách
Kinh Tế Học Thể Chế Sở Hữu, Cạnh Tranh, Và Chính Sách
Kinh Tế Học Thể Chế Sở Hữu, Cạnh Tranh, Và Chính Sách
Kinh Tế Học Thể Chế Sở Hữu, Cạnh Tranh, Và Chính Sách
Kinh Tế Học Thể Chế Sở Hữu, Cạnh Tranh, Và Chính Sách
Kinh Tế Học Thể Chế Sở Hữu, Cạnh Tranh, Và Chính Sách
Kinh Tế Học Thể Chế Sở Hữu, Cạnh Tranh, Và Chính Sách
Kinh Tế Học Thể Chế Sở Hữu, Cạnh Tranh, Và Chính Sách
Kinh Tế Học Thể Chế Sở Hữu, Cạnh Tranh, Và Chính Sách

More Related Content

What's hot

Thiet Ke Du An Co Su Tham Gia
Thiet Ke Du An Co Su Tham GiaThiet Ke Du An Co Su Tham Gia
Thiet Ke Du An Co Su Tham Giaforeman
 
Lo au va tram cam
Lo au va tram camLo au va tram cam
Lo au va tram camforeman
 
Bo cam nang dao tao va thong tin ve Phat trien nong thon toan dien
Bo cam nang dao tao va thong tin ve Phat trien nong thon toan dienBo cam nang dao tao va thong tin ve Phat trien nong thon toan dien
Bo cam nang dao tao va thong tin ve Phat trien nong thon toan dienforeman
 
Cong tac xa hoi voi tre em
Cong tac xa hoi voi tre emCong tac xa hoi voi tre em
Cong tac xa hoi voi tre emforeman
 
Chuong Trinh Dao Tao Tieng Anh Kinh Te
Chuong Trinh Dao Tao Tieng Anh   Kinh TeChuong Trinh Dao Tao Tieng Anh   Kinh Te
Chuong Trinh Dao Tao Tieng Anh Kinh Teenglishonecfl
 
TS. BÙI QUANG XUÂN NGHỆ THUẬT LÃNH ĐẠO
TS. BÙI QUANG XUÂN NGHỆ THUẬT LÃNH ĐẠO TS. BÙI QUANG XUÂN NGHỆ THUẬT LÃNH ĐẠO
TS. BÙI QUANG XUÂN NGHỆ THUẬT LÃNH ĐẠO Bùi Quang Xuân
 
TS. BÙI QUANG XUÂN - MÔI TRƯỜNG HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC
TS. BÙI QUANG XUÂN - MÔI TRƯỜNG HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC  TS. BÙI QUANG XUÂN - MÔI TRƯỜNG HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC
TS. BÙI QUANG XUÂN - MÔI TRƯỜNG HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC Bùi Quang Xuân
 
Phuong Phap Nckh
Phuong Phap NckhPhuong Phap Nckh
Phuong Phap Nckhguesta60ae
 
Đại Cương Giáo Dục Đặc Biệt Cho Trẻ Chậm Phát Triển Trí Tuệ
Đại Cương Giáo Dục Đặc Biệt Cho Trẻ Chậm Phát Triển Trí Tuệ Đại Cương Giáo Dục Đặc Biệt Cho Trẻ Chậm Phát Triển Trí Tuệ
Đại Cương Giáo Dục Đặc Biệt Cho Trẻ Chậm Phát Triển Trí Tuệ nataliej4
 
Mpp01 512 Om01 V
Mpp01 512 Om01 VMpp01 512 Om01 V
Mpp01 512 Om01 Vhsplastic
 
báo cáo thực tập tại bưu điện hải phòng
báo cáo thực tập tại bưu điện hải phòngbáo cáo thực tập tại bưu điện hải phòng
báo cáo thực tập tại bưu điện hải phòngnataliej4
 
Tam ly tri lieu la gi?
Tam ly tri lieu la gi?Tam ly tri lieu la gi?
Tam ly tri lieu la gi?foreman
 
Cac buoc xay dung du an
Cac buoc xay dung du anCac buoc xay dung du an
Cac buoc xay dung du anforeman
 
Dân chủ tham gia tại VN
Dân chủ tham gia tại VNDân chủ tham gia tại VN
Dân chủ tham gia tại VNforeman
 
Chuyên đề Thần kinh ở động vật
Chuyên đề Thần kinh ở động vật Chuyên đề Thần kinh ở động vật
Chuyên đề Thần kinh ở động vật nataliej4
 
Hỗ trợ phát trien của LHQ cho VN
Hỗ trợ phát trien của LHQ cho VNHỗ trợ phát trien của LHQ cho VN
Hỗ trợ phát trien của LHQ cho VNforeman
 
Www[1]
Www[1]Www[1]
Www[1]drio
 

What's hot (20)

Thiet Ke Du An Co Su Tham Gia
Thiet Ke Du An Co Su Tham GiaThiet Ke Du An Co Su Tham Gia
Thiet Ke Du An Co Su Tham Gia
 
Gtquyhoachsddat
GtquyhoachsddatGtquyhoachsddat
Gtquyhoachsddat
 
Lo au va tram cam
Lo au va tram camLo au va tram cam
Lo au va tram cam
 
Bo cam nang dao tao va thong tin ve Phat trien nong thon toan dien
Bo cam nang dao tao va thong tin ve Phat trien nong thon toan dienBo cam nang dao tao va thong tin ve Phat trien nong thon toan dien
Bo cam nang dao tao va thong tin ve Phat trien nong thon toan dien
 
Cong tac xa hoi voi tre em
Cong tac xa hoi voi tre emCong tac xa hoi voi tre em
Cong tac xa hoi voi tre em
 
Chuong Trinh Dao Tao Tieng Anh Kinh Te
Chuong Trinh Dao Tao Tieng Anh   Kinh TeChuong Trinh Dao Tao Tieng Anh   Kinh Te
Chuong Trinh Dao Tao Tieng Anh Kinh Te
 
TS. BÙI QUANG XUÂN NGHỆ THUẬT LÃNH ĐẠO
TS. BÙI QUANG XUÂN NGHỆ THUẬT LÃNH ĐẠO TS. BÙI QUANG XUÂN NGHỆ THUẬT LÃNH ĐẠO
TS. BÙI QUANG XUÂN NGHỆ THUẬT LÃNH ĐẠO
 
TS. BÙI QUANG XUÂN - MÔI TRƯỜNG HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC
TS. BÙI QUANG XUÂN - MÔI TRƯỜNG HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC  TS. BÙI QUANG XUÂN - MÔI TRƯỜNG HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC
TS. BÙI QUANG XUÂN - MÔI TRƯỜNG HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC
 
Phuong Phap Nckh
Phuong Phap NckhPhuong Phap Nckh
Phuong Phap Nckh
 
Đại Cương Giáo Dục Đặc Biệt Cho Trẻ Chậm Phát Triển Trí Tuệ
Đại Cương Giáo Dục Đặc Biệt Cho Trẻ Chậm Phát Triển Trí Tuệ Đại Cương Giáo Dục Đặc Biệt Cho Trẻ Chậm Phát Triển Trí Tuệ
Đại Cương Giáo Dục Đặc Biệt Cho Trẻ Chậm Phát Triển Trí Tuệ
 
Mpp01 512 Om01 V
Mpp01 512 Om01 VMpp01 512 Om01 V
Mpp01 512 Om01 V
 
báo cáo thực tập tại bưu điện hải phòng
báo cáo thực tập tại bưu điện hải phòngbáo cáo thực tập tại bưu điện hải phòng
báo cáo thực tập tại bưu điện hải phòng
 
Tam ly tri lieu la gi?
Tam ly tri lieu la gi?Tam ly tri lieu la gi?
Tam ly tri lieu la gi?
 
Cac buoc xay dung du an
Cac buoc xay dung du anCac buoc xay dung du an
Cac buoc xay dung du an
 
Dân chủ tham gia tại VN
Dân chủ tham gia tại VNDân chủ tham gia tại VN
Dân chủ tham gia tại VN
 
Chuyên đề Thần kinh ở động vật
Chuyên đề Thần kinh ở động vật Chuyên đề Thần kinh ở động vật
Chuyên đề Thần kinh ở động vật
 
Dh Uml3
Dh Uml3Dh Uml3
Dh Uml3
 
Dh Uml1
Dh Uml1Dh Uml1
Dh Uml1
 
Hỗ trợ phát trien của LHQ cho VN
Hỗ trợ phát trien của LHQ cho VNHỗ trợ phát trien của LHQ cho VN
Hỗ trợ phát trien của LHQ cho VN
 
Www[1]
Www[1]Www[1]
Www[1]
 

Similar to Kinh Tế Học Thể Chế Sở Hữu, Cạnh Tranh, Và Chính Sách

Chủ nghĩa khoa học xã hội - Cửu Dương Thần Công
Chủ nghĩa khoa học xã hội - Cửu Dương Thần CôngChủ nghĩa khoa học xã hội - Cửu Dương Thần Công
Chủ nghĩa khoa học xã hội - Cửu Dương Thần CôngVuKirikou
 
Ap dung cac chien luoc ho tro
Ap dung cac chien luoc ho troAp dung cac chien luoc ho tro
Ap dung cac chien luoc ho troforeman
 
My hoc Dai cuong
My hoc Dai cuongMy hoc Dai cuong
My hoc Dai cuongSan La
 
Sử dụng trò chơi trong tập huấn
Sử dụng trò chơi trong tập huấnSử dụng trò chơi trong tập huấn
Sử dụng trò chơi trong tập huấnforeman
 
An sinh xa hoi
An sinh xa hoiAn sinh xa hoi
An sinh xa hoiforeman
 
HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP NHÂN CÁCH
HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP NHÂN CÁCH HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP NHÂN CÁCH
HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP NHÂN CÁCH nataliej4
 
Các Lý Thuyết Phát Triển Tâm Lý Người
Các Lý Thuyết Phát Triển Tâm Lý Người Các Lý Thuyết Phát Triển Tâm Lý Người
Các Lý Thuyết Phát Triển Tâm Lý Người nataliej4
 
Suc khoe tam than
Suc khoe tam thanSuc khoe tam than
Suc khoe tam thanforeman
 
Lý LuậN Và PhươNg PháP DạY NgoạI Ngữ
Lý LuậN Và PhươNg PháP DạY NgoạI NgữLý LuậN Và PhươNg PháP DạY NgoạI Ngữ
Lý LuậN Và PhươNg PháP DạY NgoạI Ngữenglishonecfl
 
Hoc thuyet ve su ho tro
Hoc thuyet ve su ho troHoc thuyet ve su ho tro
Hoc thuyet ve su ho troforeman
 
Nghiệp Vụ Văn Phòng Và Nghề Thư Ký
Nghiệp Vụ Văn Phòng Và Nghề Thư Ký Nghiệp Vụ Văn Phòng Và Nghề Thư Ký
Nghiệp Vụ Văn Phòng Và Nghề Thư Ký nataliej4
 
Bài Giảng Phương Pháp Nghiên Cứu Định Tính
Bài Giảng Phương Pháp Nghiên Cứu Định Tính Bài Giảng Phương Pháp Nghiên Cứu Định Tính
Bài Giảng Phương Pháp Nghiên Cứu Định Tính nataliej4
 
Thoat Vi Thanh Bung Ok
Thoat Vi Thanh Bung OkThoat Vi Thanh Bung Ok
Thoat Vi Thanh Bung OkKhoa Dương
 
Tang cuong su tham gia cua dan
Tang cuong su tham gia cua danTang cuong su tham gia cua dan
Tang cuong su tham gia cua danforeman
 
Lập dự án bệnh viện đa khoa quốc tế Việt Anh - Lapduan.net
Lập dự án bệnh viện đa khoa quốc tế Việt Anh - Lapduan.netLập dự án bệnh viện đa khoa quốc tế Việt Anh - Lapduan.net
Lập dự án bệnh viện đa khoa quốc tế Việt Anh - Lapduan.netLap Du An A Chau
 
Vải thái tuấn
Vải thái tuấnVải thái tuấn
Vải thái tuấnSansanluc
 
XÁC NHẬN GIÁ TRN SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP & ƯỚC LƯỢNG ĐỘ KHÔNG ĐẢM BẢO ĐO TRONG PH...
XÁC NHẬN GIÁ TRN SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP & ƯỚC LƯỢNG ĐỘ KHÔNG ĐẢM BẢO ĐO TRONG PH...XÁC NHẬN GIÁ TRN SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP & ƯỚC LƯỢNG ĐỘ KHÔNG ĐẢM BẢO ĐO TRONG PH...
XÁC NHẬN GIÁ TRN SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP & ƯỚC LƯỢNG ĐỘ KHÔNG ĐẢM BẢO ĐO TRONG PH...nataliej4
 
quang tri mang
quang tri mangquang tri mang
quang tri mangLâm Khôi
 
CTXH tai truong hoc
CTXH tai truong hocCTXH tai truong hoc
CTXH tai truong hocforeman
 

Similar to Kinh Tế Học Thể Chế Sở Hữu, Cạnh Tranh, Và Chính Sách (20)

Chủ nghĩa khoa học xã hội - Cửu Dương Thần Công
Chủ nghĩa khoa học xã hội - Cửu Dương Thần CôngChủ nghĩa khoa học xã hội - Cửu Dương Thần Công
Chủ nghĩa khoa học xã hội - Cửu Dương Thần Công
 
Ap dung cac chien luoc ho tro
Ap dung cac chien luoc ho troAp dung cac chien luoc ho tro
Ap dung cac chien luoc ho tro
 
My hoc Dai cuong
My hoc Dai cuongMy hoc Dai cuong
My hoc Dai cuong
 
Tham Dinh Du An 1
Tham Dinh Du An 1Tham Dinh Du An 1
Tham Dinh Du An 1
 
Sử dụng trò chơi trong tập huấn
Sử dụng trò chơi trong tập huấnSử dụng trò chơi trong tập huấn
Sử dụng trò chơi trong tập huấn
 
An sinh xa hoi
An sinh xa hoiAn sinh xa hoi
An sinh xa hoi
 
HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP NHÂN CÁCH
HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP NHÂN CÁCH HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP NHÂN CÁCH
HOẠT ĐỘNG GIAO TIẾP NHÂN CÁCH
 
Các Lý Thuyết Phát Triển Tâm Lý Người
Các Lý Thuyết Phát Triển Tâm Lý Người Các Lý Thuyết Phát Triển Tâm Lý Người
Các Lý Thuyết Phát Triển Tâm Lý Người
 
Suc khoe tam than
Suc khoe tam thanSuc khoe tam than
Suc khoe tam than
 
Lý LuậN Và PhươNg PháP DạY NgoạI Ngữ
Lý LuậN Và PhươNg PháP DạY NgoạI NgữLý LuậN Và PhươNg PháP DạY NgoạI Ngữ
Lý LuậN Và PhươNg PháP DạY NgoạI Ngữ
 
Hoc thuyet ve su ho tro
Hoc thuyet ve su ho troHoc thuyet ve su ho tro
Hoc thuyet ve su ho tro
 
Nghiệp Vụ Văn Phòng Và Nghề Thư Ký
Nghiệp Vụ Văn Phòng Và Nghề Thư Ký Nghiệp Vụ Văn Phòng Và Nghề Thư Ký
Nghiệp Vụ Văn Phòng Và Nghề Thư Ký
 
Bài Giảng Phương Pháp Nghiên Cứu Định Tính
Bài Giảng Phương Pháp Nghiên Cứu Định Tính Bài Giảng Phương Pháp Nghiên Cứu Định Tính
Bài Giảng Phương Pháp Nghiên Cứu Định Tính
 
Thoat Vi Thanh Bung Ok
Thoat Vi Thanh Bung OkThoat Vi Thanh Bung Ok
Thoat Vi Thanh Bung Ok
 
Tang cuong su tham gia cua dan
Tang cuong su tham gia cua danTang cuong su tham gia cua dan
Tang cuong su tham gia cua dan
 
Lập dự án bệnh viện đa khoa quốc tế Việt Anh - Lapduan.net
Lập dự án bệnh viện đa khoa quốc tế Việt Anh - Lapduan.netLập dự án bệnh viện đa khoa quốc tế Việt Anh - Lapduan.net
Lập dự án bệnh viện đa khoa quốc tế Việt Anh - Lapduan.net
 
Vải thái tuấn
Vải thái tuấnVải thái tuấn
Vải thái tuấn
 
XÁC NHẬN GIÁ TRN SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP & ƯỚC LƯỢNG ĐỘ KHÔNG ĐẢM BẢO ĐO TRONG PH...
XÁC NHẬN GIÁ TRN SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP & ƯỚC LƯỢNG ĐỘ KHÔNG ĐẢM BẢO ĐO TRONG PH...XÁC NHẬN GIÁ TRN SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP & ƯỚC LƯỢNG ĐỘ KHÔNG ĐẢM BẢO ĐO TRONG PH...
XÁC NHẬN GIÁ TRN SỬ DỤNG PHƯƠNG PHÁP & ƯỚC LƯỢNG ĐỘ KHÔNG ĐẢM BẢO ĐO TRONG PH...
 
quang tri mang
quang tri mangquang tri mang
quang tri mang
 
CTXH tai truong hoc
CTXH tai truong hocCTXH tai truong hoc
CTXH tai truong hoc
 

More from nataliej4

đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155nataliej4
 
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...nataliej4
 
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279nataliej4
 
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc giaTừ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gianataliej4
 
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngCông tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngnataliej4
 
Bài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcBài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcnataliej4
 
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin họcđề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin họcnataliej4
 
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngGiáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngnataliej4
 
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnLựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnnataliej4
 
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877nataliej4
 
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree towerSổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree towernataliej4
 
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...nataliej4
 
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtBài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtnataliej4
 
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864nataliej4
 
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...nataliej4
 
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngBài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngnataliej4
 
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhBài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhnataliej4
 
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning introGiới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intronataliej4
 
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcLý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcnataliej4
 
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)nataliej4
 

More from nataliej4 (20)

đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
 
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
 
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
 
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc giaTừ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
 
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngCông tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
 
Bài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcBài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốc
 
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin họcđề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
 
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngGiáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
 
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnLựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
 
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
 
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree towerSổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
 
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
 
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtBài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
 
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
 
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
 
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngBài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
 
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhBài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
 
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning introGiới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
 
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcLý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
 
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
 

Recently uploaded

Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...hoangtuansinh1
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líDr K-OGN
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdftohoanggiabao81
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...ThunTrn734461
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhvanhathvc
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...Nguyen Thanh Tu Collection
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxnhungdt08102004
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNguyễn Đăng Quang
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa2353020138
 
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxendkay31
 

Recently uploaded (19)

Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdfNQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
NQA Lợi ích Từ ISO và ESG Tăng Trưởng và Bền Vững ver01.pdf
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
 
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
 

Kinh Tế Học Thể Chế Sở Hữu, Cạnh Tranh, Và Chính Sách

  • 1. KINH TẾ HỌC THỂ CHẾ SỞ HỮU, CẠNH TRANH, VÀ CHÍNH SÁCH Wolfgang Kasper Giáo sư Kinh tế, Đại học New South Wales, Canberra, Australia Manfred E. Treit Giáo sư kinh tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế Max-Plank, Jena, Đức Peter J. Boettke Giáo sư kinh tế, Đại học George Mason, Fairfax, Hoa Kì Người dịch Đinh Tuấn Minh, Lê Anh Hùng, Nguyễn Tá Hải, Bùi P. Thanh
  • 2. NỘI DUNG Lời tựa cho ấn bản thứ hai, có sửa chữa Lời tựa cho ấn bản thứ nhất 1 Giới thiệu: Tại sao các thể chế lại đóng vai trò quan trọng 1.1 Tại sao các thể chế lại đóng vai trò quan trọng? 1.2 Thành tựu tăng trưởng kinh tế 1.3 Lý giải về tăng trưởng kinh tế PHẦN I: CƠ SỞ CỦA KINH TẾ HỌC THỂ CHẾ 2 Định nghĩa: Kinh tế học, thể chế, trật tự và chính sách 2.1 Các định nghĩa cơ sở 2.2 Các bậc tiền bối của kinh tế học thể chế đương đại 3 Cách ứng xử của con người 3.1 Bài toán tri thức 3.2 Các kiểu ứng xử, nhận thức và tính duy lý hữu hạn: giải mã thực tại 3.3 Động cơ thúc đẩy: tình yêu, thuyết phục, mệnh lệnh hay tư lợi 3.4 Vấn đề thân chủ - đại diện 4 Những giá trị cơ bản 4.1 Những giá trị cơ bản chung 4.2 Tự do, công bằng và bình đẳng 4.3 An ninh, ổn định, hoà bình và thịnh vượng 4.4 Bảo tồn môi trường 5 Các thể chế: những quy tắc cá nhân 5.1 Tổng quan: Quy tắc và sự áp đặt 5.2 Các thể chế bên trong 5.3 Các thể chế bên ngoài và chính phủ bảo vệ 5.4 Chức năng của các thể chế 5.5 Đặc điểm chủ yếu của các thể chế hữu hiệu 5.6 Chi phí tương tác và phối hợp 6 Các hệ thống thể chế và trật tự xã hội 6.1 Hệ thống xã hội và hệ thống thứ bậc của các quy tắc 6.2 Hai hình thái trật tự xã hội 6.3 Những nhận thức về trật tự ảnh hưởng đến chính sách công 6.4 Các hệ thống quy tắc với tư cách một bộ phận của văn hoá
  • 3. 6.5 Trật tự xã hội và các giá trị con người: pháp trị PHẦN II: ỨNG DỤNG CỦA KINH TẾ HỌC THỂ CHẾ 7 Nền tảng chế chế của chủ nghĩa tư bản 7.1 Chủ nghĩa tư bản: các quyền tài sản và quyền tự chủ cá nhân 7.2 Đặc điểm chủ yếu của các quyền tài sản 7.3 Sử dụng các quyền tài sản: hợp đồng tự do và chi phí giao dịch 7.4 Các hợp đồng quan hệ, hình thức tự chế tài và bộ máy tư pháp 7.5 Những hệ quả của chủ nghĩa tư bản 7.6 Các thể chế giúp đảm bảo các chức năng của tiền tệ và ngăn ngừa khủng hoảng 8 Động lực của cạnh tranh 8.1 Cạnh tranh: sự ganh đua và quyền lựa chọn 8.2 Cạnh tranh nhìn từ phía nhà cung cấp 8.3 Những hạn chế đối với cạnh tranh kinh tế 8.4 Hệ thống cạnh tranh 9 Các tổ chức kinh tế 9.1 Các tổ chức kinh tế: định nghĩa và mục đích 9.2 Chi phí tổ chức, hợp đồng quan hệ và rủi ro ách tắc 9.3 Quyền sở hữu và sự kiểm soát: vấn đề thân chủ – đại diện trong kinh doanh 10 Hành động tập thể: Chính sách công 10.1 Lựa chọn công đối nghịch với lựa chọn tư 10.2 Các chức năng của chính phủ 10.3 Mô hình chính sách công tự do chủ nghĩa: chính sách trật tự 10.4 Những thất bại của nhà nước phúc lợi 10.5 Hành động chính trị và sự phân bổ thu nhập phi cạnh tranh 10.6 Kiểm soát những người đại diện chính trị: quyền lực, quy tắc và tính mở 10.7 Hiến pháp chính trị và hiến pháp kinh tế 11 Yếu tố quốc tế 11.1 Ý nghĩa ngày càng tăng của yếu quốc tế 11.2 Khung khổ thể chế của hoạt động trao đổi quốc tế 11.3 Các chủ đề chính sách: trật tự kinh tế quốc tế 11.4 Các cuộc dàn xếp tiền tệ quốc tế 11.5 Di cư quốc tế và hội nhập văn hóa 11.6 Bàn về việc củng cố trật tự kinh tế mở 12 Sự tiến hoá của các thể chế 12.1 Hồi ức lịch sử: Điểm lại quá trình thay đổi thể chế theo chiều dài lịch sử
  • 4. 12.2 Các thể chế bên trong: Sự tiến hoá trong phạm vi các giá trị văn hoá và các siêu quy tắc 12.3 Thay đổi các thể chế bên ngoài: Vai trò doanh nhân chính trị 12.4 Thách thức bên ngoài: cạnh tranh thể chế 12.5 Chủ nghĩa liên bang cạnh tranh 12.6 Bản hiến pháp về tự do với vai trò khung khổ cho tiến hoá 13 Các hệ thống kinh tế khác nhau và sự chuyển đổi hệ thống 13.1 Nhìn lại nhà nước Soviet và sự sụp đổ của nó 13.2 Sự tiến triển của chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc 14 Cải cách các nền kinh tế hỗn hợp 14.1 Một vài so sánh về sự tăng trưởng 14.2 Tự do kinh tế và các hệ quả 14.3 Tự do kinh tế và sự phát triển 14.4 Đông Á: các thể chế và tiến trình hiện đại hóa 14.5 Sự lan tỏa của các cuộc cải cách 14.6 Cải cách kinh tế [thể chế] ở tầm vi mô ở các nước phát triển 14.7 Nền văn minh phương Tây và “tính ưu việt của chính trị học” Lời bạt: Kinh tế học thể chế đối nghịch với kinh tế học tân cổ điển Phụ lục: ‘Tôi, cái Bút chì’ của Leonard E. Read Thư mục khảo cứu
  • 5. Lời tựa cho ấn bản thứ hai, có sửa chữa Ấn bản đầu tiên của cuốn “Kinh tế học thể chế” (Institutional Economics), xuất bản cách đây 15 năm, đã nhận được những lời nhận xét đáng quý giá của các nhà kinh tế học lỗi lạc và những ý kiến phản hồi hữu ích từ phía các giảng viên và sinh viên nghiên cứu học thuật. Chúng tôi đặc biệt vui mừng về sự hưởng ứng – và cả về doanh số bán sách – của bản dịch tiếng Trung cùng những ảnh hưởng đáng ngạc nhiên của nó lên tư duy của nhóm các nhà kinh tế học Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh. Trong một vài thập niên qua, kinh tế học thể chế và cách tiếp cận tiến hóa, nhận thức cá nhân chủ nghĩa có tiến triển (evolutionary, individualistic perception) về đời sống kinh tế đã có những ảnh hưởng rộng rãi hơn lên công tác giảng dạy, nghiên cứu và khuyến nghị chính sách (Boettke, 2012). Mô hình kinh tế học tân cổ điển đơn giản hóa (simplistic neoclassical model), vốn dựa vào các giả định phi thực tế về tri thức (knowledge) và động lực (motivation), đã đi đến hồi thoái trào, ngoại trừ sự tái xuất hiện những hồi đáp thuộc trường phái Keynesian cũ tiền sử (paleo-Keynesian) và can thiệp chủ nghĩa (interventionist) của gắn với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu từ năm 2007. Điểm này sẽ được chúng tôi làm rõ hơn trong phần Lời bạt. Sự công nhận phương pháp tiếp cận kinh tế học thể chế ngày một rộng rãi (sẽ được đề cập trong cuốn sách này) giúp cho việc thấu hiểu nhu cầu phải thúc đẩy sự công khai (openness)cởi mở, tự do (freedom), và thịnh vượng (prosperity), cũng như nhu cầu điều chỉnh các cấu trúc kinh tế để thích ứng với những thay đổi của cả hai nền kinh tế công nghiệp cũ và mới:  Cứ mỗi lần, khi mà nỗi lo sợ lớn nhất của hầu hết công dân ở các nền kinh tế trưởng thành là anome – một từ Hy Lạp mô tả “sự hỗn loạn và do đó mất dần niềm tin”, nét nghĩa phổ biến này mới xuất hiện trong cuộc khủng hoảng nợ ở Châu Âu – người ta lại khuyến nghị nên xem xét lại những thứ có thể xây dựng niềm tin và trật tự xã hội. Nghiên cứu nghiêm túc kinh tế học thể chế cũng sẽ giúp một thế hệ thanh niên bất mãn với thực tại thấu hiểu một thế giới quan mà trong quá khứ đã nhiều lần đem đến hy vọng về tương lai đầy hứa hẹn.  Những vấn đề kinh tế và tâm lý học xuất hiện ngày một nhiều ở các xã hội Phương Tây trưởng thành, cùng với tình trạng dân số bị già hóa và các hệ thống an ninh và cơ sở hạ tầng do chính phủ điều phối, khiến cho việc phải đánh giá lại các hệ thống quy định và nền tảng văn hóa được thừa hưởng vốn là bệ đỡ cho sự phát triển của Phương Tây trở nên cấp thiết. Trong suốt ba thế kỷ qua, sự cạnh tranh, chủ nghĩa tư bản, tinh thần tự chịu trách nhiệm trong phạm vi quy định của pháp luật đã đem đến sự thịnh vượng, tự do và công bằng mà trước đây chưa từng có. Tuy nhiên, chính các cơ sở của nền văn minh kỹ thuật-tư bản (technical-capitalist civilization) của chúng ta giờ đây, một lần nữa, vấp phải sự tấn công từ bên trong và bên ngoài. Chủ nghĩa tập thể Marx-Lenin đã sụp đổ hoàn toàn (Chương 13.1), song những quan ngại về các vấn đề môi trường cũng như sự lo sợ thay đổi đã trao cho nhóm ủng hộ chủ nghĩa tập thể kiểu mới một lượng khán giả lớn. Do đó, chúng tôi cảm thấy thích đáng khi xem xét lại các luận điểm được nêu ra bởi, chẳng hạn như, David Hume và Adam Smith, những luận điểm hữu ích đối với một thế hệ cách nay đã 200 năm khi họ phải đối mặt với các vấn đề của cuộc cách mạng tri thức chớm nở và bước khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp. Chỉ có một nền kinh tế linh hoạt và cạnh tranh mới có thể điều hòa công việc bảo tồn thiên thiên vô cùng quan trọng, sự nổi lên của các nước công nghiệp mới và những hiệu chỉnh cấu trúc mang tính toàn cầu với sự phồn vinh ổn định và rộng khắp.  Ngay khi nổ ra cuộc khủng hoảng nợ và tài chính toàn cầu năm 2007, cách tiếp cận từ trên xuống mang tính chất can thiệp chủ nghĩa (interventionist top-down approach) trong các chính sách công một lần nữa lại tỏ ra hợp thời. Liệu các hệ thống quy định
  • 6. của chúng ta vốn đã được thời gian kiểm chứng có phải đem ra điều chỉnh hay củng cố lại? Các biến động dân số, sự nổi lên của các khu công nghiệp mới và những cải tiến kỹ thuật liên tục có khiến cho việc xem xét lại các cơ sở mang tính thể chế của sự phát triển vật chất trở nên cần thiết? Động thái in thêm tiền, tổ chức các hội nghị khẩn bao gồm giới lãnh đạo chính trị nhằm kiểm soát thương mại quốc tế và dòng vốn tư bản, và sự thống trị của bộ máy quan chức quốc tế khó có thể nhen nhóm lên một giải pháp bền vững nào. Kinh tế học thể chế, trái lại, cho chúng ta một cái nhìn thấu đáo về cách thức thiết lập trật tự trên cả phương diện quốc gia và quốc tế. Những kinh nghiệm trước đó và sự logic của hành vi cá nhân chỉ ra rằng việc kiến thiết kinh tế vĩ mô sẽ thất bại nếu các động lực vi mô và những quy tắc thiết lập nên các động lực đó bị coi nhẹ.  Trong một thời gian dài, tính hiện đại và sự phồn vinh là những món sở hữu độc quyền của các quốc gia phương Tây (với ngoại lệ đáng chú ý là Nhật Bản). Tuy nhiên, trong một vài thập niên gần đây, khát vọng phồn vinh cũng như chủ nghĩa cá nhân hiện đại đã lan tỏa rộng rãi đến ngày càng nhiều các cộng đồng và quốc gia thông qua quá trình toàn cầu hóa. Hệ thống quy tắc của nền kinh tế thị trường – các quyền tư hữu, giá cả, các động lực khích lệ - giờ đây đã được lồng ghép vào nhiều nền văn hóa và thế giới quan khác nhau. Chúng ta đã biết rằng không phải truyền thống văn hóa nào cũng tương thích với các thể chế thị trường tạo ra của cải. Điều cần thiết là – nói một cách hình tượng – bề mặt velcro văn hóa phải bám dính chặt chẽ với bề mặt velcro của nền kinh tế thị trường. Ở một số khu vực trên thế giới, đã có những biến chuyển văn hóa tạo thuận lợi cho sự kết nối này. Chẳng hạn, truyền thống văn hóa lâu đời của luân lý Nho giáo hay nền kinh tế tạp hóa (bazaar economy) của Ấn Độ đã sẵn sàng thay đổi thể thích ứng với các thể chế của nền kinh tế thị trường hiện đại (chương 12 và chương 14). Ở các khu vực khác, chẳng hạn như thế giới Hồi giáo, những biển chuyển văn hóa cần thiết thực tế lại khó xảy ra hơn. Thứ đang nổi lên ngày nay là tính hiện đại nhiều màu nhiều vẻ, mà ở đó, các thị trường, sự năng động của khoa học kỹ thuật và sự tiếp thu tri thức hữu ích gắn kết hoặc chặt chẽ, hoặc lỏng lẻo hơn với nền tảng văn hóa của các nền văn minh khác nhau. Các khái niệm của kinh tế học thể chế có sự phù hợp để tiếp nhận những thay đổi lịch sử và khuyến khích các chính sách có lợi.  Từ sau sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội chuyên chế năm 1989, mô hình kinh tế học tân cổ điển với giả thiết phi giá trị (value-free) đã không thể đưa ra lời giải đáp hữu ích cho các thế hệ người Đông Âu, người châu Á và nhiều người khác sau này, những người chối bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, mong muốn tự do và luôn phấn đấu để được sống trong một xã hội phồn vinh, hòa bình và công bằng. Đối với nhiều người, điều này về cơ bản là một vấn đề đạo đức. Họ tâm đắc với kinh tế học thể chế bởi hàm lượng giá trị cũng như khả năng phân tích các hệ quả quan trọng của các hệ thống quy tắc thay thế của nó.  Một khi tỷ lệ tự do trên toàn thế giới suy giảm đều đặn (theo Freedom House, 2011) và các quy định ngày càng chặt chẽ của chính phủ ràng buộc sự tự do kinh tế của cá nhân ở nhiều quốc gia, thì việc viện đến kinh tế học thể chế để đánh giá các hệ quả tiềm tàng của xu hướng này là rất đáng làm. Những lưu ý này thôi thúc chúng tôi xem xét, sửa chữa lại ấn bản đầu tiên, cũng như chuẩn bị cho ấn bản thứ hai của cuốn kinh tế học thể chế. Trong ấn bản mới này, chúng tôi đã thêm vào một bài thảo luận rõ ràng hơn về sự phát triển kinh tế từng được nhà kinh tế học Peter Bauer nghiên cứu, đồng thời hướng cái nhìn cặn kẽ hơn đến yếu tố văn hóa, di cư, sự tiến triển và gắn kết xã hội – những vấn đề đã được những người bạn, chẳng hạn như Tom Sowell và Eric Jones, viết về. Bài thảo luận chi tiết trong ấn bản đầu tiên về các chiến lược cải cách khác nhau ở các nước Đông Âu hậu Soviet đã được thay bằng bài phân tích với cái nhìn dài hạn hơn về “guồng máy cải cách Soviet” – hay chính xác hơn là “phi-cải cách” (non-reform). Chúng tôi cũng giải đáp rõ ràng hơn câu hỏi liệu rằng chính phủ có thể và nên thực hiện chính sách bình ổn chu kỳ kinh doanh (business cycle) và
  • 7. mở rộng tổng cầu bằng cách gia tăng nợ công, bất luận những tác động của biến động giá cả, các xu hướng năng suất và lợi nhuận lên các quyết định cá nhân. Chúng tôi cũng đã thay thế nhiều trích dẫn ở đầu mỗi chương sách. Những trích dẫn này không chỉ là món khai vị dẫn nhập vào chủ đề mỗi chương, mà còn là một bằng chứng cho thấy đã có nhiều người khác trước chúng tôi suy nghĩ về các chủ đề này. Đã có vô số các nhà nghiên cứu học thuật, các nhà quan sát và các nhà thực thi chính trị và kinh doanh công nhận tầm quan trọng của các dàn xếp thể chế, cho dù họ không khai phá ra lý thuyết thể chế một cách chi tiết và có hệ thống. *** Nhiều năm đã trôi qua, và việc hai tác giả ban đầu của cuốn sách nay đã giữ vị trí giáo sư danh dự gợi ý chúng tôi hợp tác thêm với một cộng sự thứ ba trẻ trung hơn song vẫn cùng tư duy, người đã dùng ấn bản đầu tiên của cuốn sách làm chương trình giảng dạy của anh: Peter J. Boettke. Thêm một đôi vai gánh vác quả là đáng quý, bởi tình trạng sức khỏe kém đã khiến cho anh Manfred Streit không thể có những đóng tích cực cho ấn bản mới này. Làm việc trong một nhóm lớn hơn đã đem lại cho chúng tôi một lợi ích to lớn, đó là cuốn sách giờ đây không chỉ chứa đựng những kinh nghiệm rút ra từ châu Âu, châu Á Thái Bình Dương, mà còn phản ánh thêm các khía cạnh và dữ liệu của nền kinh tế Mỹ. Ba tác giả của cuốn sách, theo thứ tự, cư trú ở Australia, châu Âu và Mỹ, do đó, chúng tôi phải liên lạc với nhau qua ba múi giờ khác nhau. Mạng Internet, quan điểm chung của chúng tôi về triết lý kinh tế nền cơ bản, và động lực tương tác không chỉ giúp công việc của chúng tôi dễ dàng quản lý, mà còn trở thành một kinh nghiệm thú vị và hữu ích. Chúng tôi tin rằng độc giả của cuốn sách có thể cảm nhận được điều này. *** Chúng tôi xin cảm tạ sự cho phép sao chép dữ liệu, như đã được trích dẫn trong cuốn sách, đến: Quỹ Giáo dục Kinh tế (Foundation of Economic Education) ở Irving-on-Hudson, New York; Viện Fraser ở Vancouver, Canada; Trung tâm Nghiên cứu độc lập (Centre for Independent Studies), Syney, Australia; Viện Công chúng vụ (Institute of Public Affairs), Melbourne, Australia; và Weidenfeld & Nicolson, một phòng ban của Công ty Orion Publishing Group Ltd., London (bao gồm các trích đoạn từ Sự khai sinh của thời hiện đại [Birth of the Modern] của Paul Johnson) Chúng tôi cũng gửi lời cám ơn đặc biệt đến Giáo sư Nils Karlson thuộc Viện Ratio ở Stockholm vì sự giúp đỡ của ông liên quan đến những cải cách thể chế ở Thụy Sỹ. Chúng tôi cũng mang ơn các vị Matthew Boettke, David Currie, David Hebert, Peter Lipsey, Caralynn Reddig, và Liya Palagashvili thuộc Đại học George Mason, những người đã đọc góp ý bản thảo các chương sách của chúng tôi. Sau chót nhưng cũng vô cùng quan trọng, chúng tôi xin cảm tạ Elward Elgar vì những khích lệ, động viên của anh trong suốt thời gian chúng tôi viết cuốn sách này, cùng với đó là sự hỗ trợ hết mình của nhóm biên tập của anh để cuốn sách có thể ra mắt bạn đọc. Theo đó, ấn bản này đã trở thành – hệt như chức danh làm việc của mỗi thành viên trong nhóm chúng tôi – “ấn bản [Kinh tế học thể chế] tricontinental”. Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc khắp thế giới. Wolfgang Kasper, Australia Manfred E. Streit, Germany
  • 8. Peter J. Boettke, Hoa Kỳ
  • 9. Lời tựa cho ấn bản thứ nhất Cuốn sách này đưa các sinh viên, cùng những người có hiểu biết cơ bản về kinh tế học, đến với chuyên ngành kinh tế học thể chế (institutional economics) đang trên đà phát triển nhanh chóng. Nguyên lý chủ đạo của chuyên ngành này là ở chỗ: nền kinh tế hiện đại là một hệ thống tiến hoá phức hợp mà mức độ hiệu quả của nó trong việc đáp ứng những mục đích đa dạng và không ngừng thay đổi của con người lại phụ thuộc vào các quy tắc hạn chế cách ứng xử [khả dĩ] cơ hội chủ nghĩa của họ (chúng tôi gọi những quy tắc này là ‘thể chế’). Các thể chế bảo vệ phạm vi tự do cá nhân, giúp tránh hoặc giảm mâu thuẫn, đồng thời nâng cao sự phân công lao động (division of labour) và sự phân hữu tri thức (division of knowledge), qua đó thúc đẩy thịnh vượng. Quả thực, các quy tắc điều chỉnh sự tương tác của con người đóng vai trò quyết định đối với tăng trưởng kinh tế đến mức ngay chính sự tồn tại và phồn vinh của nhân loại, mà dân số chắc chắn sẽ còn tăng trong tương lai, cũng phụ thuộc vào những thể chế đúng đắn cùng các giá trị con người cơ bản tạo nền tảng cho chúng.1 Kinh tế học thể chế khác biệt rất lớn so với kinh tế học tân cổ điển hiện đại (modern neoclassical economics), vốn dựa trên những giả thiết hẹp về tính duy lý (rationality) và tri thức đồng thời ngầm giả thiết về một khung khổ thể chế cố định. Kinh tế học thể chế có mối liên hệ quan trọng với luật học (jurisprudence), chính trị học (politics), xã hội học (sociology), nhân chủng học (anthropology), lịch sử (history), khoa học tổ chức (organisation science), quản lý (management) và đạo đức học (moral philosophy). Vì kinh tế học thể chế sẵn sàng tiếp nhận ảnh hưởng tri thức từ một loạt chuyên ngành khoa học xã hội nên cuốn sách này không chỉ được khuyến nghị dành cho các nhà kinh tế học quan tâm đến tăng trưởng, đổi mới, phát triển, các hệ thống kinh tế so sánh và kinh tế học chính trị, mà còn cho cả các sinh viên thuộc các chuyên ngành này. Việc nhận ra vai trò quan trọng của các thể chế đã lan rộng nhanh chóng suốt 20 năm qua. Diễn tiến này gần đây được một nhà quan sát so sánh với cuộc cách mạng Copernicus1 , bởi nó đã chuyển trọng tâm của kinh tế học từ những quá trình và kết quả cụ thể sang những quy tắc trừu tượng, phổ thông (M. Deaglio, chuyên san Biblioteca della libertà, số 134, trang 3). Những nhà tiên phong trong phương pháp tiếp cận này là các tác gia như Friedrich von Hayek2 cùng những người theo truyền thống kinh tế học Áo khác, Ronald Coase3 – người khuyến cáo các nhà kinh tế học về những hệ quả của chi phí giao dịch, James Buchanan4 cùng những người theo trường phái ‘lựa chọn công’ khác, các sử gia kinh tế như Douglass North5 – người khám phá ra vai trò quan trọng của các thể chế qua việc phân tích quá trình phát triển kinh tế trong quá khứ, và các nhà kinh tế học như William Vickery6 – người chỉ ra hệ quả của việc con người chỉ nắm được những tri thức hạn chế, bất đối xứng. Thực tế là việc các tác gia này được trao giải Nobel Kinh tế năm 1974 (Hayek), 1986 (Buchanan), 1991 (Coase), 1993 (North) và 1996 (Vickery) đã cho thấy hoạt động nghiên cứu kinh tế học thể chế đang ngày càng tiến triển. Việc 1 Nicolaus Copernicus (1473-1543): Nhà thiên văn học người Ba Lan, người đề xuất lý thuyết thiên văn học cho rằng mặt trời đứng yên ở gần trung tâm vũ trụ còn trái đất cùng các hành tinh khác chuyển động xung quanh nó. Lý thuyết này lật đổ lý thuyết thiên văn học của Claudius Ptolemaeus, vốn thịnh hành từ thế kỷ thứ 2, cho rằng trái đất nằm ở trung tâm vũ trụ còn mặt trời và các hành tinh khác chuyển động xung quanh nó. (ND) 2 Friedrich von Hayek (1899-1992): Nhà kinh tế học và triết gia chính trị người Áo, được trao giải Nobel kinh tế năm 1974. (ND) 3 Ronald Coase (1910 - ): Nhà kinh tế học người Mỹ gốc Anh, được trao giải Nobel Kinh tế năm 1991 nhờ những đóng góp mới vào sự hiểu biết về cách thức vận hành của nền kinh tế. (ND) 4 James McGill Buchanan (1919 - ): Nhà kinh tế học người Mỹ, được trao giải Nobel Kinh tế năm 1986 nhờ áp dụng các lý thuyết kinh tế vào việc phân tích quá trình ra quyết định chính trị. (N.D.) 5 Douglass North (1920 - ): Nhà kinh tế học người Mỹ, được trao giải Nobel Kinh tế năm 1993 nhờ nối lại việc nghiên cứu lịch sử kinh tế bằng cách áp dụng lý thuyết kinh tế và các phương pháp định tính nhằm giải thích sự thay đổi về kinh tế và thể chế. (ND) 6 William Vickery (1914-1996): Nhà kinh tế học người Mỹ, được trao giải Nobel Kinh tế năm 1996 nhờ nỗ lực thúc đẩy việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong khu vực công. (ND)
  • 10. chuyển tâm điểm nghiên cứu sang kinh tế học thể chế cũng được thúc đẩy hơn nữa qua các lý thuyết về hệ thống phức hợp, chẳng hạn như lý thuyết tình trạng hỗn mang (chaos theory7 ) và logic mờ (fuzzy logic8 ). Các lý thuyết này chỉ ra rằng hành động có thể thường đem đến những hiệu ứng phụ khó lường, do vậy mà sự can thiệp chính sách vào các quá trình lại tạo ra những kết cục thấp kém hơn so với việc dựa vào những quy tắc phổ biến và nhất quán. Mặc dù ngày càng nhiều học giả vật lộn với những hệ quả từ tính phức hợp của đời sống kinh tế, song nhận thức sâu sắc này vẫn chưa trở thành quan niệm đại chúng ở phần lớn các nước cũng như chưa hiện diện trong nhiều giáo trình đại học. Chắc chắn, hệ quả từ tính phức hợp hiện đã được biết đến rộng rãi trong những lĩnh khác như sinh thái học chẳng hạn. Tại nhiều nước, người dân hiện đã hiểu ra rằng các hệ sinh thái có tính phức hợp và không ngừng tiến hoá - và trên nhiều phương diện vượt ra ngoài nhận thức của con người - do đó hành vi can thiệp có thể dẫn đến những hiệu ứng phụ nguy hiểm và khó lường. Song, trong trường hợp sự can thiệp chính sách vào các hệ thống kinh tế có cùng độ phức hợp và độ mở, thái độ cẩn trọng tương tự lại hiếm khi được khuyến nghị. Quả thực, những hiệu ứng phụ (side-effect) thường bị loại trừ trong công tác giảng dạy kinh tế học bởi cái giả thiết ceteris paribus (tất cả các mặt khác không thay đổi). Sự thăng tiến gần đây của kinh tế học thể chế cũng chịu nhiều ảnh hưởng từ các biến cố. Trong các nền kinh tế công nghiệp phát triển với nền dân chủ bầu cử, trật tự kinh tế truyền thống theo các thể chế tư bản chủ nghĩa đang dần dần phân rã, thường không thể nhận biết được, dưới gánh nặng của những hệ luỵ khôn lường phát sinh từ sự can thiệp ngày một sâu sắc cùng quá trình chính trị hoá ngày càng tăng của đời sống kinh tế. Điều này dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn và gây ra thái độ hoài nghi phổ biến về chính sách công. ‘Trong một phần tư cuối cùng của thế kỷ 20’, nhà kinh tế học thể chế Thráinn Eggertsson (1997) viết, ‘những khó khăn khôn lường trong việc điều hành các hệ thống kinh tế phương Tây... đã làm xói mòn tinh thần lạc quan của những năm đầu kỷ nguyên hậu chiến’ về những gì có thể đạt được thông qua chính sách công. Song hiện tượng này đồng thời cũng châm ngòi cho những nỗ lực tương đối nhất quán về cải cách kinh tế (chẳng hạn, quá trình tư nhân hoá và phi điều tiết hoá). Những dàn xếp pháp lý - thể chế ngày càng đơn giản hoá được coi là đóng vai trò then chốt đối với thành tựu kinh tế và xã hội. Ngày càng có nhiều nhà hoạch định chính sách thừa nhận sự cần thiết phải thúc đẩy các thể chế. Giới quan sát ở các nước công nghiệp mới nổi và ở những nước kém phát triển hơn cũng nhận ra rằng các lý thuyết tăng trưởng kinh tế truyền thống đã loại bỏ những khía cạnh quan trọng, thực sự thiết yếu, của bài toán phát triển kinh tế, đặc biệt là sự phát triển thể chế nhằm đạt được tự do, thịnh vượng và an ninh. Vai trò then chốt của các thể chế chắc chắn sẽ trở nên hiển nhiên khi chúng ta phân tích tại sao kinh nghiệm tăng trưởng, chẳng hạn giữa các nước Đông Á và các nền kinh tế châu Phi, lại khác nhau đến thế. Một diễn tiến khác đang thu hút sự chú ý nhằm vào vai trò của các thể chế là quá trình toàn cầu hoá. Trong những thập niên gần đây, cạnh tranh quốc tế đã gia tăng, ở một mức độ nào đó đây cũng chính là cạnh tranh giữa các hệ thống thể chế khác nhau. Một số hệ thống quy tắc tỏ ra thành công trong việc thu hút nguồn vốn và doanh nghiệp giúp thúc đẩy tăng trưởng; và những nước thất bại đang bắt đầu mô phỏng các thể chế của các quốc gia thành công. Xung lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy việc tái tích hợp nhiệm vụ nghiên cứu thể chế cùng sự thay đổi thể chế vào kinh tế học có lẽ là sự thất bại và sụp đổ ngoạn mục của các nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung xã hội chủ nghĩa. Các thể chế của chế độ xã hội chủ nghĩa thường không khuyến khích người dân khai thác triệt để tri thức của mình. Hệ quả là họ thất bại trong việc duy trì nhịp độ phát triển cùng với các nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Những thách thức trong quá trình chuyển đổi các xã hội xã hội chủ nghĩa trước đây hiện đang hướng tâm trí 7 Lý thuyết mô tả sự vận động hay động tính của những hệ thống nhậy cảm với điều kiện ban đầu của chúng. (ND) 8 Logic cho phép những câu trả lời không chính xác hoặc mơ hồ cho các câu hỏi, hình thành nên cơ sở của lập trình máy tính, vốn được thiết kế nhằm mô phỏng trí thông minh của con người. (ND)
  • 11. của nhiều nhà kinh tế học vào tầm quan trọng của các thể chế đối với việc khai thác tri thức cũng như sự khuyến khích hoạt động kinh doanh và trao đổi. Tương tự, các nền kinh tế với bàn tay can thiệp mạnh mẽ của chính phủ cùng cam kết sâu sắc về hoạt động tái phân phối và cung cấp phúc lợi công cộng, chẳng hạn ở Tây Âu, lại đang trải qua hiện tượng chững lại về sự đổi mới, tăng trưởng và tạo việc làm. Nhiều nhà quan sát ở đây giờ cũng lên tiếng ủng hộ cải cách thể chế. Để hiểu được luận điểm của họ, trước hết cần phải đưa các thể chế vào lý thuyết kinh tế một cách dứt khoát. Chẳng hạn, đơn giản là người không thể giải thích được một cách thoả đáng việc tại sao quá trình (tái) tư nhân hoá nhiều hoạt động kinh tế của chính phủ, ví dụ cung cấp phúc lợi, lại đem đến lợi ích toàn cục và tại sao việc phi điều tiết hoá (deregulation) lại tạo ra lợi thế, nếu dứt khoát loại bỏ sự phân tích thể chế ra khỏi công việc nghiên cứu. Chúng tôi nằm trong số những nhà kinh tế học xem việc tìm kiếm và thử nghiệm tri thức hữu ích là động lực chủ yếu đằng sau tăng trưởng kinh tế hiện đại. Vì vậy, những công cụ xã hội hỗ trợ chúng ta trong việc tiết giảm chi phí tìm kiếm tri thức là mối quan tâm chủ yếu của kinh tế học. Khi bắt tay vào giảng dạy kinh tế học từ quan điểm này, chúng tôi không thể tìm ra nổi một đoạn văn dẫn nhập nào hoàn toàn thoả đáng. Chắc chắn, các ấn phẩm liên quan thì không thiếu gì, song phần lớn các cuốn sách giáo khoa vẫn còn chịu tác động tiêu cực từ khiếm khuyết bẩm sinh của giả thiết ‘tri thức hoàn hảo’. Cuốn sách này là một nỗ lực nhằm lấp đầy lỗ hổng đó. Cuốn sách bắt đầu với phần thảo luận dẫn nhập về việc tại sao các thể chế lại có ảnh hưởng. Chúng tôi sẽ chỉ ra rằng sự tăng trưởng khác thường của dân số thế giới cùng mức sống trong thế kỷ [20] này, cũng như sự khác biệt to lớn về tốc độ tăng trưởng giữa các quốc gia, có mối liên hệ sâu sắc với một số loại hình thể chế, giá trị và trật tự xã hội nhất định. Trong Chương 2, chúng tôi định nghĩa những khái niệm then chốt, chẳng hạn như ‘thể chế’, ‘trật tự kinh tế’ , ‘chi phí phối hợp’, và ‘chính sách công’. Tiếp theo, chúng tôi sẽ bàn về những giả thiết nền tảng liên quan đến cách ứng xử của con người và thừa nhận rằng những người đóng vai trò đại diện cho người khác có thể đôi khi hành xử cơ hội chủ nghĩa và đi ngược lại lợi ích của thân chủ (Chương 3). Mặc dù các cá nhân có xu hướng theo đuổi mục đich riêng, song họ vẫn chia sẻ những giá trị nền tảng với những người khác trong cộng đồng. Chẳng hạn, họ khao khát tự do, an ninh và sự phồn vinh vật chất. Các giá trị nền tảng này góp phần củng cố sự cố kết xã hội. Chúng được đề cập trong Chương 4. Sau đấy chúng tôi sẽ bàn về bản chất và vai trò của các thể chế cùng cái trật tự mà một số dàn xếp thể chế nhất định tạo thuận lợi cho nó (Chương 5 & Chương 6). Trong khi mục đích từ Chương 2 đến Chương 6 của cuốn sách là nhằm tạo nền tảng lý thuyết cho nhận thức về kinh tế học thể chế, các chương khác lại quan tâm nhiều hơn đến các khía cạnh ứng dụng của kinh tế học thể chế. Trong Chương 7, chúng tôi phân tích nền tảng của hệ thống tư bản chủ nghĩa, cụ thể là tư hữu và tự do hợp đồng. Chương tiếp theo tập trung vào vấn đề cạnh tranh, một quá trình năng động mà qua đó các doanh nghiệp mua và bán sẽ khám phá, phát triển và thử nghiệm tri thức hữu ích. Chúng tôi sẽ phân biệt giữa cạnh tranh kinh tế của người mua và người bán vì lợi ích của nhóm người có lợi ích đối lập9 với cạnh tranh chính trị để tranh giành ảnh hưởng chính trị. Tiếp theo, chúng tôi sẽ xem xét những dàn xếp thể chế hỗ trợ các tổ chức kinh tế, chẳng hạn như doanh nghiệp (Chương 9). Ở Chương 10, chúng tôi xem xét các chức năng của chính phủ và những khó khăn nảy sinh khi các vấn đề kinh tế lại được giải quyết bằng hành động chính trị tập thể. Chúng tôi cũng sẽ bàn về những biện pháp phòng ngừa cần thực thi nhằm ngăn chặn hiện tượng các chính trị gia và quan chức có hành vi đi ngược lại lại lợi ích của người dân. Những gì tiếp thu được từ đầu cho đến Chương 10 lại được sử dụng để bàn về hoạt động trao đổi kinh tế quốc tế, về việc làm thế nào để có thể ngăn ngừa chính phủ khỏi cản trở những thách thức cạnh tranh, và về phương thức tiến hoá của các hệ thống thể chế (Chương 11 và 12). Trong hai chương cuối cùng, chúng tôi áp dụng phương pháp tiếp cận kinh tế học thể chế để 9 Tức cạnh tranh giữa người bán vì lợi ích của người mua và ngược lại. (ND)
  • 12. đề cập đến một số chủ đề thời sự nhất trong kinh tế học đương đại: tại sao chủ nghĩa xã hội lại thất bại; hệ thống xã hội chủ nghĩa có thể chuyển đổi như thế nào; các nhà nước phúc lợi phát triển, với bàn tay can thiệp mạnh mẽ của chính phủ, có thể cải cách như thế nào để đương đầu với thách thức cạnh tranh từ các nước công nghiệp mới nổi; các nước công nghiệp mới nổi, như ở châu Á chẳng hạn, làm thế nào để có thể tự bảo vệ mình tốt hơn khỏi các cuộc khủng hoảng phát sinh trong quá trình phát triển; và tại sao sự lan rộng không ngừng của thịnh vượng trên khắp thế giới cuối cùng lại tùy thuộc vào việc thúc đẩy những thể chế phù hợp. Trong cuốn sách này, sự khai triển các chủ đề chính từ những tiên đề cơ sở đòi hỏi độc giả phải kiên nhẫn. Những độc giả nào thiếu kiên nhẫn có thể muốn đi thẳng từ Chương 7 cho đến Chương 14, nếu họ mong muốn nhanh chóng tìm hiểu lý do tại sao các quyền tài sản và thị trường tự do lại có ảnh hưởng đến thịnh vượng và đổi mới, điều gì đóng vai trò thiết yếu đối với sự vận hành của các tổ chức kinh doanh và chính phủ, và kinh tế học thể chế được vận dụng như thế nào vào các chủ đề chính sách bức thiết. Chúng tôi khuyên những độc giả thiếu kiên nhẫn này hãy xem lại phần Khái niệm Then chốt (Key Concepts) trong những chương trước đấy mà chúng tôi lồng vào giữa các phần trình bày nội dung. Cuốn sách này là dự án chung giữa hai người bạn cùng khởi nghiệp học thuật như những ‘thực tập sinh’ trong một nhóm thảo luận vào giữa thập niên 1960, là những nghiên cứu sinh tiến sỹ và phụ tá của Giáo sư Herbert Giersch tại Đại học Saarbruken, Đức, đồng thời là nhân viên trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế Đức (German Council of Economic Advisers). Suốt 25 năm qua, nghề nghiệp đã đưa chúng tôi tới những miền đất xa xôi với những trải nghiệm khác nhau: người thì ở Châu Âu, người thì nếm trải cuộc sống ở khu vực Đông Á - Úc. Dù vậy, phần lớn các kết luận của chúng tôi, phương thức mà chúng tôi tái định hình các triết lý cơ bản của mình và thứ kinh tế học mà chúng tôi đã tiếp thu được, lại dịch chuyển theo những lộ trình tương đồng. Vì thế công việc đàm thoại để đi đến cuốn sách này không gặp quá nhiều khó khăn, bất chấp thực tế là chúng tôi có lẽ có những kiểu sinh viên rất khác nhau trong trí tưởng tượng của mình khi thai nghén nên cuốn sách với nhiều chương mục đa dạng này. Chúng tôi rất hài lòng thừa nhận rằng công việc viết cuốn sách thậm chí còn là một cuộc vui. Độc giả sẽ nhận thấy việc thảo luận chính sách công nhằm đưa ra những nhận định về giá trị (value judgement10 ) về điều gì đáng và điều gì không đáng mong muốn thường là hữu ích. Vì thế, chúng tôi cần công bố dứt khoát là chúng tôi có những ưu tiên nhất định mà với chúng một số độc giả có thể không chia sẻ hoặc dứt khoát không nhất trí. Chúng tôi đề cao tự do cá nhân (individual freedom) và coi cá nhân như là điểm tham chiếu tối hậu cho mọi chính sách công. Chúng tôi không quy những mục đích tách rời khỏi cá nhân cho những cộng đồng trừu tượng chẳng hạn như ‘quốc gia’, hoặc cho những hiện tượng phi con người (non-human) như Tự nhiên. Chúng tôi cũng thiên về việc gia tăng thịnh vượng thay vì bằng lòng với thành quả vật chất khiêm tốn, đồng thời quan niệm rằng công bằng và bình đẳng đề cập đến những quy tắc chính thức liên quan đến việc đối xử với con người trong những hoàn cảnh như nhau một cách bình đẳng - chứ không phải là kết quả bình đẳng bất chấp nỗ lực hay may mắn. Đối với chúng tôi, dường như người ta không thể không thừa nhận quan điểm ấy khi quan sát quá trình chuyển đổi kinh tế và xã hội ở Đông Đức, nơi mà nhiều nội dung của cuốn sách này được hình dung và khởi thảo. Những hậu quả vật chất và luân lý từ quan niệm tập thể chủ nghĩa cũng như từ những dàn xếp thể chế mù mờ trở nên hiển nhiên với bao nhức nhối khi chúng tôi qua lại giữa các quốc gia và xã hội khác nhau. Điều này cũng thể hiện rõ khi so sánh chất lượng cuộc sống của quảng đại quần chúng ở các nước đang phát triển với những hệ thống kinh tế khác nhau, hay khi quan sát bầu không khí ở các quốc gia phúc lợi tập thể chủ nghĩa và những chế độ chủ yếu dựa trên sự tự lực (self-reliance), tinh thần trách nhiệm (responsibility) và năng 10 Đánh giá về giá trị, tính thích đáng, hay vai trò quan trọng của một người hay một sự vật nào đó trên cơ sở niềm tin, ý kiến hay thiên kiến cá nhân thay vì dữ kiện thực tế (đánh giá chủ quan). (ND)
  • 13. lực chủ động (initiative). Cố nhiên, những kết luận này cho thấy thiên hướng cá nhân cùng những nhận định về giá trị (value judgement) của chúng tôi. Bỏ qua một bên những nhận định về giá trị của mình, chúng tôi cần lưu ý ngay từ đầu rằng các thể chế phản ảnh những giá trị cụ thể và là công cụ để theo đuổi chúng. Các giá trị vì thế cần được nhận diện và khám phá với tư cách một bộ phận của kinh tế học thể chế. Điều này sẽ cho phép chúng tôi đi đến những khẳng định khoa học về những giá trị mà hệ quả của chúng có thể được đánh giá một cách cẩn trọng - khác với những nhận định về giá trị (value judgements) mà ai đó có thể đồng ý hay không đồng ý. Do phần lớn kinh tế học thể chế tuỳ thuộc vào lập luận ngôn từ phức tạp và sự tham chiếu đến các chuyên ngành đa dạng nên độc giả có thể nhận thấy đây là cuốn sách khó hiểu hơn so với một tác phẩm chuẩn mực trong lý thuyết kinh tế học chính thống, vốn thường dựa vào toán học giản đơn. Để cho độc giả dõi theo nội dung cuốn sách một cách mạch lạc, chúng tôi sử dụng một vài công cụ hướng dẫn như sau:  ở phần đầu mỗi chương có một phần ‘Dẫn nhập’ ngắn nhằm khơi dậy và thu hút sự chú ý của độc giả tới những chủ đề chính cùng sự liên can của chúng;  ở cuối mỗi chương, chúng tôi mời độc giả ôn lại nội dung bằng cách đặt ra một số câu hỏi kích thích; những câu hỏi này nhằm mục đích giúp độc giả kiểm tra xem mình đã hiểu phần lớn nội dung quan trọng nhất trong lập luận của chúng tôi hay chưa;  chúng tôi làm nổi bật các Khái niệm Then chốt (Key Concept) bằng cách lồng ghép rải rác trong cuốn sách; mục đích không phải là nhằm đưa ra những định nghĩa mang tính bách khoa toàn thư mà là để đảm bảo độc giả hướng sự chú ý thích đáng vào những ý tưởng then chốt đã khai triển trong các đoạn trước và là những ý tưởng cấu thành nên những công cụ chủ yếu của kinh tế học thể chế;  ở một số điểm, chúng tôi nêu bật những gì đã trình bày trong bài bằng cách đưa ra những nghiên cứu thực tế (case study). Một cuốn sách thuộc thể loại này được xây dựng dựa trên công trình của nhiều học giả, và không phải tất cả họ đều được thừa nhận qua sự trích dẫn. Quả thực, chúng tôi hàm ơn nhiều nhà trí thức vĩ đại đã đi trước chúng tôi; lý do duy nhất cho nỗ lực viết cuốn sách này là ở chỗ ngay cả một người lùn cũng có thể nhìn được xa hơn khi đứng trên vai những người khổng lồ. Trong quá trình viết cuốn sách, chúng tôi chịu ơn đặc biệt nhiều từ một lớp học giả mà chúng tôi vẫn còn trích dẫn chưa đủ: nhiều nhà phân tích - quá khứ và hiện tại - của truyền thống kinh tế học Đức, những người chú ý nhiều hơn đến các thể chế so với các nhà kinh tế học chính thống Anglo-Saxon11 . Những bậc thầy của quá khứ cố nhiên đã được dịch sang tiếng Anh và có thể trích dẫn. Tuy nhiên, kinh tế học trường phái Đức lại tạo nên một nhánh kinh tế học thể chế hiện đại phức tạp và khác biệt mà những tìm tòi của nó, cho đến nay, vẫn chưa được đón nhận đầy đủ trên vũ đài học thuật toàn cầu. Chúng tôi khai thác được cả lợi thế so sánh lẫn lợi thế tuyệt đối của mình qua khả năng đọc tiếng Đức, song lại không cho rằng độc giả bình thường của mình hẳn đã tiếp cận được các nguồn tư liệu tiếng Đức và quyết định không công khai đầy đủ những trợ giúp về học thuật bằng cách trích dẫn nhiều trước tác tiếng Đức.2 Xin dành lời cám ơn đặc biệt cho Quỹ Giáo dục Kinh tế (Foundation for Economic Education) ở New York vì đã cho phép chúng tôi in lại tác phẩm kinh điển của Leonard Read về sự phân công lao động và phân hữu tri thức (division of labour and knowledge), ‘Tôi, cái Bút chì’ (‘I, Pencil’ - được in lại trong phần Phụ lục). Lời cám ơn tương tự cũng xin dành cho Paul Johnson ở London, Trung tâm Nghiên cứu Độc lập (Centre for Independent Studies) ở Sydney, và Viện 11 Chỉ những người hay quốc gia nói tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ nhất. (ND)
  • 14. Fraser (Fraser Institute, ở Vancouver), họ đã cho phép chúng tôi sử dụng những trích đoạn và tư liệu mà họ giữ bản quyền. Trong một phần thời gian dành cho công việc soạn thảo cuốn sách này, Wolfgang Kasper đã nhận được sự hỗ trợ từ một chương trình nghiên cứu đặc biệt của cơ quan chủ quản, trường Đại học New South Wales, giải phóng ông khỏi việc thuyết trình cùng các công việc hành chính thường lệ và chu cấp chi phí đi lại. Hai lần ông nhận được sự đón tiếp đầy lòng hiếu khách từ Viện Nghiên cứu các Hệ thống Kinh tế Max Planck (Max Planck Institute for Research into Economic Systems12 ) tại Jena, Đức, nơi mà nhiều nội dung của cuốn sách được thai nghén và phát triển. Cả hai tác giả đều muốn tỏ lòng biết ơn tới tất cả những học giả của Viện đã có sự quan tâm tích cực đối với dự án này, đặc biệt là Danial Kiwit, Stefan Voigt, Oliver Volkart, Antje Funck, née Mangels và Michael Wohlgemuth. Hai người sau cùng đã hào phóng dành thời gian và kiến thức khi đưa ra nhận xét chi tiết về bản thảo đầu tay. Anna Kasper ở Sydney, Mathias Drehmann ở London và John W. Wood ở Đại học Lincohn, New Zealand đã có những lời nhận xét và phê bình hữu ích. Chúng tôi cũng xin gửi lời cám ơn tới giáo sư Fred Foldvary tại Học viện Kinh doanh Kennedy (Kennedy School of Business) ở California về những lời nhận xét phê bình bản thảo đầu tay. Ở mức độ thiết thực hơn, cuốn sách này đã nhận được sự hỗ trợ thành thục và đầy tâm huyết của bà Uta Lange ở Jena và đặc biệt là bà Firzia Pepper ở Canberra trong việc cho ra đời bản thảo. Cuối cùng, chúng tôi muốn ghi nhận đóng góp của các biên tập viên tại Nhà xuất bản Edward Elgar (Edward Elgar Publishing) về vô số thắc mắc có tính chuyên môn cùng những cải thiện về văn phong của cuốn sách. Chủ đề chính xuyên suốt cuốn sách là tính hữu hạn của tri thức con người cũng như, cố nhiên, tri thức của bản thân chúng tôi. Chúng tôi vì thế thừa nhận trách nhiệm thông thường đối với toàn bộ những sơ sót, nhầm lẫn và diễn giải sai vẫn còn tồn tại trong đó. Chúng tôi hy vọng rằng độc giả sẽ hứng thú với cuốn sách và vận dụng cách nhìn mới về cuộc sống từ góc độ các thể chế kinh tế – xã hội. Wolfgang Kasper Manfred E. Streit Ghi chú: 1. Trong suốt cuốn sách, chúng tôi sẽ sử dụng thuật ngữ ‘kinh tế học thể chế’. Trong thập niên 1960 và thập niên 1970 khi ngày một nhiều tác giả tái khám phá ra tầm quan trọng của các thể chế đối với sự phân tích kinh tế, thuật ngữ ‘kinh tế học thể chế mới’ (new institutional economics) đã được sử dụng nhằm phân biệt những nỗ lực đương đại này với sự xem xét ban đầu, thường là mang nặng tính mô tả, đối với các thể chế, cả trong ‘trường phái lịch sử’ (historical school) của Đức lẫn các nhà kinh tế học thể chế Mỹ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. 2. Những độc giả nào có thể tiếp cận với nguồn tư liệu tiếng Đức trước hết hãy tìm tờ chuyên san Ordo, nơi mà trong nhiều thập niên liền từng in ấn các tác phẩm theo chủ nghĩa tự do ordo của Đức (German Ordo13 Liberalism). Bên cạnh Streit (1991 và 1995, trích dẫn trong phần Thư mục), những tác phẩm sau đây hẳn sẽ được trích dẫn liên tục nếu cuốn sách của chúng tôi được viết cho các độc giả nói tiếng Đức: W. Eucken ([1952] 1990), Grundsätze der Wirtshaftspolitikm; Tübingen: Mohr-Siebeck; F. Böhm (1980), Freiheit und Ordnung in der Marktwirtschaft, E.J. Mestmäcker biên tập, Baden-Baden: Nomos; E. Streißler & C. Watrin chủ biên (1980), Zur Theorie marktwirtschaftlicher Ordnungen, Tübingen: Mohr-Siebeck; W. Stützel, Ch. Watrin, H. Willgerodt & K. Hohmann chủ biên (1981), Grundtexte der Sozialen Marktwirtschaft, Stuttgart & New York: Fischer; V. Vanberg (1982), Markt und Organisation, Tübingen: Mohr-Siebeck; A. 12 Ra đời năm 1993, là một trong hơn 80 viện nghiên cứu của Hội Max Planck (Max Planck Society - thành lập từ năm 1911, tổ chức nghiên cứu cơ bản quan trọng nhất của Đức). Max Planck (1858-1947): Nhà vật lý người Đức, người đề xướng thuyết lượng tử, được trao giải Nobel Vật lý năm 1918. (ND) 13 Ordo là từ Latin dùng để mô tả trạng thái xã hội mà ở đó những người La Mã tự do có thể cảm thấy tự do và thoả sức phát triển.
  • 15. Schüller chủ biên (1983), Property Rights und ökonomische Theorie, München: Vahlen; D. Cassel, B. J. Ramb & H. J. Thieme chủ biên (1988), Ordnungspolitik, Munchen: Vahlen; G. Radnizky & H. Bouillon chủ biên (1991), Ordnungstheorie un Ordnungspolitik, Berlin, Heidelberg, New York: Springer; Ernst-Joachim Mestmäcker (1993), Recht in de offenen Gesellschaft, Baden-Baden: Nomos.
  • 16. CHƯƠNG I GIỚI THIỆU: TẠI SAO CÁC THỂ CHẾ LẠI ĐÓNG VAI TRÒ QUAN TRỌNG Con người khó có thể sống sót, chưa kể đến việc phát triển lâu dài, mà không có sự tương tác với những người xung quanh. Họ cũng không thể hợp tác làm việc mà không có một mức độ tiên đoán nhất định (predictability). Hành vi cá nhân trở nên dễ tiên đoán hơn khi con người chịu sự ràng buộc của các quy tắc (khái niệm mà từ đây về sau chúng ta sẽ gọi là thể chế - institution). Quả vậy, loại hình và chất lượng của các thể chế tạo nên sự khác biệt to lớn về mức độ mà các thành viên của cộng đồng có thể thoả mãn được khát vọng cũng như cải thiện điều kiện kinh tế của mình. Hay nói cách khác, các thể chế quyết định đáng kể đến tốc độ tăng trưởng về mức sống. Bắt đầu từ khía cạnh thực nghiệm, chúng ta hãy xem xét thành tựu tăng trưởng kinh tế toàn cầu chưa có tiền lệ cùng vai trò của các thể chế trong đó. Trong suốt nửa cuối của thế kỷ 20, thu nhập thực tế đầu người đã tăng nhanh hơn và sự gia tăng về mức sống đã đến được với nhiều người trên trái đất hơn so với bất cứ thời kỳ nào trước đấy. Đáng tiếc là sự gia tăng mức sống đó lại diễn ra không đồng đều. Trong khi một vài cộng đồng xã hội thành công trong việc bắt kịp đà tăng trưởng, thì ở những xã hội khác, mức sống lại giậm chân tại chỗ trong suốt hàng trăm năm. Thực tế này gợi lên những câu hỏi lý thú liên quan đến việc điều gì sẽ lý giải sự khác biệt, chẳng hạn như giữa khu vực Đông Á tăng trưởng nhanh với châu Phi cùng khối Soviet cũ tăng trưởng chậm hay thậm chí suy thoái: tại sao con người ở những nền kinh tế phát triển nhanh lại dàn xếp việc sử dụng tài nguyên thành công hơn và lại thể hiện tinh thần doanh nghiệp cao hơn trong việc đáp ứng những đòi hỏi vật chất? Câu hỏi này là một trong những vấn đề đầu tiên mà các nhà kinh tế học đã đặt ra: Tại sao một số quốc gia trở nên giàu có, trong khi số khác nghèo vẫn hoàn nghèo? Sự khảo sát khái lược các lý thuyết tăng trưởng sẽ chỉ ra rằng tăng trưởng là một hiện tượng phức hợp. Lý thuyết tăng trưởng tân cổ điển (neoclassical growth theory) chỉ có thể nhận diện những điều kiện gần nhất liên quan đến tăng trưởng, chẳng hạn như quá trình tích luỹ tư bản (capital accumulation) hay sự gia tăng lực lượng lao động. Để giải thích lý do tại sao con người lại tiết kiệm, đầu tư, học tập và tìm kiếm những tri thức hữu ích, chúng ta phải nhìn vào những hệ thống thế chế và giá trị khác nhau phía sau những thành công và thất bại. Chúng ta cũng sẽ nhận thấy có vô số cản trở đối với tăng trưởng và một số loại hình thể chế nhất định có tác dụng thúc đẩy con người nhiều hơn số khác trong việc vượt qua những rào cản tăng trưởng hiện hành. Cách ứng xử của con người trong mối quan hệ thị trường, phản ảnh thiên hướng mua bán và trao đổi, cùng những biến thái muôn hình muôn vẻ của nó... mà mối quan hệ ấy có thể diễn ra; đấy là những chủ đề thích đáng cho công việc nghiên cứu của nhà kinh tế học. (James Buchanan, What should economists do? [Nhà kinh tế học cần phải làm gì?] 1964) [Sau khi đã gửi một lượng tiền đáng kể vào một ngân hàng ở nước ngoài] Tôi chợt sực tỉnh là mình đã trao tiền cho một kẻ lạ hoắc lạ huơ ở một ngân hàng hoàn toàn lạ lẫm tại một thành phố mà mình hầu như chẳng quen biết ai ... chỉ để đổi lấy vỏn vẹn một mảnh giấy với những nét chữ loằng ngoằng mà mình không sao hiểu nổi. Điều đã đem lại thuận lợi cho tôi, tôi chiêm nghiệm ... là một mạng lưới rộng lớn của niềm tin vào sự trung thực trong kinh doanh. Nó khiến tôi không sao dằn lòng nổi khi hình dung
  • 17. ra mức độ những gì mà chúng ta vẫn coi là đương nhiên trong các giao dịch kinh doanh lại như lơ lửng dưới cái mạng nhện mỏng manh đó. (Jane Jacobs14 , Systems of Survival [Những hệ thống sinh tồn], 1992) Tăng trưởng kinh tế sẽ diễn ra nếu các quyền tài sản (property rights) là đáng giá để [con người] thực hiện những hoạt động sản xuất mang tính xã hội... Chính phủ đảm nhận và thực thi quyền tài sản vì nó có thể làm điều đó với một mức chi phí thấp hơn so với các nhóm tình nguyện tư nhân. Tuy nhiên, … nhu cầu của chính phủ lại có thể dẫn đến việc bảo vệ những quyền tài sản nào đó vốn gây cản trở hơn là thúc đẩy tăng trưởng; vì thế chúng ta không có gì để đảm bảo rằng những dàn xếp thể chế hữu ích sẽ xuất hiện. (Douglass North & Robert P. Thomas, The Rise of the Western World [Sự thăng tiến của thế giới phương Tây], 1973) Xét qua hàng thập kỷ thì nền kinh tế luôn ở trong trạng thái biến động. Trong vài trăm năm qua, mỗi một thế hệ đều tìm thấy những phương thức làm việc hiệu quả hơn, và lợi ích tích luỹ là vô cùng to lớn. Ngày nay, một người dân bình thường được thụ hưởng một cuộc sống tốt hơn nhiều so với những gì mà tầng lớp quý tộc có được vài thế kỷ trước đây. Thật tuyệt vời khi có được một mảnh đất vua ban, nhưng còn những tiện dân của ông ta thì sao? (Bill Gates, The Road Ahead [Con đường phía trước ], 1993) 1.1 Tại sao các thể chế lại đóng vai trò quan trọng Bạn đọc có thể sẽ rất tò mò về ý nghĩa đằng sau thuật ngữ “kinh tế học thể chế” và hai thành phần cấu thành nó: “kinh tế học” và “thể chế”. Kinh tế học là lĩnh vực nghiên cứu đi tìm lời giải cho một thực tiễn cơ bản: con người phải đối mặt với sự khan hiếm; bởi nhu cầu của con người là vô hạn, nhưng cách thức để thỏa mãn các nhu cầu đó lại là hữu hạn. Sự khan hiếm đề cập ở đây không liên quan gì đến sự giàu có về mặt vật chất. Ngay cả Bill Gates đi chăng nữa mỗi ngày cũng vẫn phải đối diện với sự khan hiếm khi ông đắn đo về những lựa chọn của mình. Sự khan hiếm khiến chúng ta phải cân nhắc khi chọn lựa, bởi quá trình chọn lựa đã bao hàm cả ý nghĩa kinh tế của chi phí – tức là giá trị của phương án tốt thứ nhìn bị bỏ qua khi phương án tốt thứ nhất đã được lựa chọn. Nói cách khác, tất cả các quyết định đều đòi hỏi một sự đánh đổi (trade-offs). Chính vì thế, bất cứ ai khi phân vân trước nhiều sự lựa chọn đều hướng đến việc tìm kiếm các phương án hỗ trợ khác nhau nhằm mục đích dàn xếp ổn thỏa những sự đánh đổi đó. Các phương án hỗ trợ đó, tùy từng bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội, mà biến hóa dưới nhiều dạng thức khác nhau. Riêng đối với nền kinh tế thị trường, chúng tôi muốn nhắc đến động lực lợi nhuận và thua lỗ trong việc khai thác các tài sản tư hữu, thông tin về giá cả, những phát minh cải tiến được thực hiện với mong muốn thu về những món lợi tiềm tàng (trái lại, chính những sáng kiến đổi mới đó cũng có thể gây ra tình trạng thua lỗ bết bát). Đối với nền chính trị dân chủ, nói một cách bóng bẩy, nếu đồng tiền là những lá phiếu, thì các giao dịch được thực hiện chủ yếu thông qua các chính sách công. Tương tự như vậy, ở ngoài xã hội, nếu đồng tiền là lòng tin, thì các giao dịch thường thường sẽ gắn liền với địa vị xã hội hay mạng lưới bạn bè, cũng như các mối quan hệ giữ vai trò hỗ trợ trong việc thu xếp những sự đánh đổi và củng cố cuộc sống cộng sinh giữa con người với nhau (Hayne và cộng sự, 2012). Các nguồn lực dưới góc nhìn của các nhà kinh tế học không chỉ đơn thuần là các nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, khí hậu, mỏ khoáng sản), mà bao gồm tất các thành phần khan hiếm cần thiết để tạo ra hàng hóa hay cung cấp dịch vụ mong muốn. Chẳng hạn như lao động và tư bản được xem như hai nguồn lực tối quan trọng, còn các tư bản phẩm (capital goods) thì được coi như phần cứng của nền kinh tế. Bên cạnh đó, công cụ dụng cụ, máy móc, nhà xưởng và các cơ sở vật chất khác giúp nâng cao năng suất lao động, nhưng đòi hỏi ở lực lượng lao động phải có một số vốn liếng kỹ năng nhất định mới có thể sử dụng, vận hành chúng một cách 14 Jane Jacobs (1916 - 2006): tác gia, nhà hoạt động xã hội và nhà đô thị học người Canada gốc Mỹ. (ND)
  • 18. nhịp nhàng, tức là đòi hỏi nguồn tư bản con người (human capital). Thêm vào đó, một lượng lớn các kiến thức kỹ thuật hay kiến thức tổ chức hoặc là được tích hợp sẵn, hoặc buộc phải có sự tích lũy mới có thể quản lý được các tư bản phẩm. Việc nắm bắt được mức độ linh hoạt của mối tương quan nguồn vốn và nền tảng kỹ năng cũng rất quan trọng: các cấu trúc cứng nhắc tự thân chúng đã kém thích nghi với sự biến động của nhu cầu và các nguồn lực hơn là các cấu trúc có sự linh hoạt. Các nhà kinh tế học đôi khi còn coi vốn kiến thức và độ mềm kết cấu (structural flexibility) là “nhân tố sản xuất thứ ba”, bên cạnh lực lượng lao động và nguồn tư bản là hai nhân tố đầu. Có vô vàn các nguồn lực khác nhau được kết hợp lại trong quá trình sản xuất. Nó giống như những gì xảy ra trong một căn bếp: đầu tiên các nguyên vật liệu được trộn lẫn thành một hỗn hợp; tiếp theo, hỗn hợp đó được xử lý nhiệt – tất cả các công đoạn này được thực hiện bởi một bàn tay lành nghề, tức là anh ta phải có một lượng kiến thức nhất định. Do đó, kiến thức ở đây giữ vai trò then chốt trong việc tạo ra các sản phẩm nấu nướng. Tuy nhiên, sẽ chẳng có một bữa ăn nào, hay một sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nào lại tự nhiên mà có. Quá trình sản xuất còn đòi hỏi sự tham gia của đội ngũ những người khởi nghiệp (entrepreneurs). Họ, với tầm nhìn xa trông rộng và tinh thần nhiệt huyết, sẽ khởi động quá trình sản xuất, tối ưu hóa các nguồn lực sẵn có và tìm kiếm các nguồn phụ trợ. Đội ngũ khởi nghiệp thường sáng tạo và đem ứng dụng các cách kết hợp mới lạ các nguyên liệu; họ cũng thường nỗ lực trong việc kích thích nhu cầu tiêu dùng cá nhân (thông qua việc quảng cáo chẳng hạn), và thử nghiệm các phương thức sản xuất hoặc các sản phẩm mới (sự cải tiến – innovation). Việc sản xuất ra một lượng khổng lồ hàng hóa và dịch vụ khác nhau nhằm đáp ứng nhu cầu của con người ở những nơi chốn và thời đại khác nhau quả là một việc nhiêu khê không tưởng. Ngay cả một cửa hàng bách hóa bình thường thôi có lẽ cũng phải trữ đến 50,000 món hàng với kích cỡ và màu sắc khác nhau. Và để một chiếc máy bay dân dụng có thể đi vào hoạt động được, có đến hàng ngàn bộ phận mà hàng ngàn con người khác nhau phải thiết kế, sản xuất và vận chuyển đến những nơi cần đến chúng. Ngay cả việc sản xuất ra một chiếc bút chì nhỏ bé thôi cũng cần sự phối hợp của vô số con người thậm chí còn chẳng bao giờ gặp gỡ hay biết mặt nhau (Xem phụ lục “I. Bút chì”). Những con người táo bạo, dám nghĩ dám làm thì thường không can dự vào những việc phức tạp và rắc rối như vậy, đơn giản là bởi bản chất táo bạo của họ. Họ phải được thúc đẩy, khuyến khích. Công việc phối hợp hàng triệu con người phần nào vô minh, những người mà thường thường phải bỏ ra một nỗ lực to lớn mới có thể hiểu được những sự việc có liên quan, làm ra những thứ mà hàng triệu con người khác mong muốn thì quả là một việc phức tạp khó tưởng tượng nổi. Thêm vào đó, tất cả các hoạt động này phải vận động để không ngừng thích ứng với những tình huống luôn luôn biến đổi (sách đã dẫn). Một khi các thể chế, tức là nền nếp, luật lệ hay những thứ tương tự như vậy, được nhận thức rõ ràng, thì bất cứ một hành động phá vỡ các quy tắc ứng xử nào đều phải chịu các biện pháp trừng phạt (sanctions). Đây chính là xuất phát điểm mà từ đó các thể chế phát huy hiệu lực. Các thể chế giúp cho hành động của mỗi cá nhân trở nên dễ tiên đoán hơn, đồng thời hỗ trợ rất nhiều trong việc giải quyết bài toán phối hợp vốn nhiêu khê rắc rối. Thêm nữa, các thể chế còn đặc biệt tỏ ra hữu ích trong những tình huống mà ở đó việc kết hợp thêm các nhân tố sản xuất mới lạ, các phương pháp sản xuất hay một sản phẩm chưa từng có được những đối tượng táo bạo mạnh dạn thử nghiệm. Cuốn sách này được viết ra với mục đích khám phá vai trò và tác động của các loại hình thể chế khác nhau đến hành vi kinh tế của con người – con người sản xuất cái gì và tiêu thụ cái gì. Loài người là một thứ sinh vật xã hội (social beings). Để có thể sống sót và phát triển trong bất cứ khoảng thời gian dài ngắn thế nào, con người cũng đều phải tương tác với những người xung quanh mình. Tuy thế, Một người không thể tương tác với người khác mà không có những hiểu biết chung về cách thức mà người kia sẽ phản ứng và một hình phạt nào đó nếu người ấy
  • 19. phản ứng tuỳ tiện hoặc đi ngược lại thỏa thuận. Các cá nhân và doanh nghiệp chỉ có thể mua, bán, tuyển dụng lao động, đầu tư và khai phá những bước đổi mới nếu họ có sự tin tưởng nào đấy rằng kỳ vọng của mình sẽ được đáp ứng. Nhiều hoạt động trao đổi giữa các cá nhân và doanh nghiệp với nhau dựa trên những nghiệp vụ lặp đi lặp lại, và chúng ta muốn chúng dễ tiên đoán nhằm giảm thiểu bất đồng và bất trắc. Hãy thử tưởng tượng là nếu hoá đơn tiếp theo của bạn ở quầy thanh toán siêu thị gấp những mười lần số tiền mà bạn phải trả cho cùng số hàng đó trong lần shopping gần nhất xem! Hoặc ngân hàng mà bạn gửi tiền tiết kiệm đột nhiên từ chối bảo chứng séc cho bạn! Hoạt động tương tác của con người, kể cả tương tác trong đời sống kinh tế, phụ thuộc vào một kiểu niềm tin dựa trên một trật tự và trật tự đó được tạo thuận lợi nhờ những quy tắc cấm đoán cách ứng xử cơ hội chủ nghĩa và khôn lường. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta tương tác với vô số người và tổ chức mà chúng ta hiếm khi quen biết nhưng chúng ta vẫn đặt niềm tin lớn lao của mình vào cách ứng xử dễ tiên đoán từ họ. Chúng ta trao những đồng tiền khó nhọc của mình cho một nhân viên thu ngân, người mà chúng ta có thể quên mặt chỉ sau dăm phút, trong một ngân hàng mà chúng ta không biết tý gì về mức độ dự trữ hay ban quản trị của nó. Chúng ta cho phép mình được phẫu thuật nhờ những bác sỹ mà trước đấy chúng ta khó lòng biết mặt, tại những bệnh viện mà chúng ta chưa hề được tận mắt nhìn thấy cảnh quan bên trong. Chúng ta trả tiền trước để mua một chiếc ô tô được sản xuất ở nước ngoài bởi những công nhân mà chúng ta sẽ không bao giờ gặp mặt. Song, trong tất cả những tình huống đó, chúng ta tin tưởng là sẽ nhận được những dịch vụ bõ công và giao ước giao hàng sẽ được thực hiện. Tại sao vậy? Tại vì tất cả những người này đều có kiến thức và kỹ năng chuyên môn để đáp ứng và họ chịu sự ràng buộc của các thể chế - những trói buộc đối với cám dỗ cơ hội chủ nghĩa là không giao hàng hay lừa bịp chúng ta. Chúng ta có thể thừa nhận rằng hành vi vi phạm ích kỷ đối với hợp đồng mà mình đã ký kết sẽ khiến chúng ta phải gánh chịu hình phạt theo cách này hay cách khác. Xét trên phương diện này, đời sống kinh tế hiện đại tuỳ thuộc một cách không chắc chắn vào vô số quy tắc thành văn và bất thành văn. Nếu chúng bị vi phạm rộng rãi - như khi xã hội sụp đổ sau thất bại của một cuộc chiến hoặc rơi vào tình trạng hỗn loạn bên trong - thì nhiều mối tương tác con người mà sự phồn vinh của chúng ta dựa vào đó sẽ không còn khả thi nữa, mức sống và chất lượng cuộc sống sẽ xuống dốc không phanh. Do vậy, những thể chế nào thường ngăn ngừa hiện tượng đó sẽ tạo ra nền tảng cho mức sống cũng như cho cảm nhận của chúng ta về an ninh và cộng đồng. Khái niệm then chốt Kinh tế học là môn khoa học nghiên cứu cách thức con người, vốn phải đối mặt với tình trạng khan hiếm, thỏa mãn các nhu cầu khác nhau thông qua việc tìm kiếm và kiểm nghiệm các tri thức hữu ích. Sự khan hiếm bắt nguồn từ một thực tiễn rằng trong khi nhu cầu của con người luôn có xu hướng gia tăng, thì bản thân con người lại không thể tích lũy tri thức hay các nguồn lực khác với một tốc độ đủ nhanh để thỏa mãn tất cả chúng. Do đó, sự khan hiếm có thể coi là một nét tiêu biểu cho điều kiện sống của con người. Thể chế là những quy tắc tương tác do con người tạo ra, nhằm ràng buộc cách ứng xử [khả dĩ] cơ hội chủ nghĩa và đầy biến động của con người. Các thể chế khiến cho hành động của các cá nhân trở nên dễ tiên đoán hơn, từ đó tạo thuận lợi cho sự phân công lao động và phân hữu tri thức, thúc đẩy tiến trình tạo ra của cải. Các thể chế muốn có hiệu lực buộc phải kèm theo một hình thức xử phạt nào đó dành cho sự bất tuân thủ. Trong cuốn sách này, thuật ngữ “thể chế” và “quy tắc” sẽ được sử dụng thay thế cho nhau. Sự khiếm khuyết về mặt thể chế của kinh tế học và chính sách công
  • 20. Nhìn chung, chủ lưu của kinh tế học tân cổ điển thế kỷ 20 giả định rằng các thể chế đến từ bên ngoài và các chủ thể [kinh tế] đã điều chỉnh một cách hoàn hảo để thích ứng với chúng. Cùng lắm chúng cũng chỉ được đối xử như thể là một tác nhân gây thêm phức tạp cho các mô hình kinh tế; bằng không các nhà kinh tế học sẽ phát triển lý thuyết phi thể chế (institutionally antiseptic theory). Giả thiết chuẩn tắc là mọi người giao dịch kinh doanh với nhau mà không nảy sinh bất đồng hay phát sinh chi phí. Để bảo vệ quan điểm này, người ta lập luận rằng mọi sự lý thuyết hoá đều nhất thiết phải dựa trên sự trừu tượng hoá (abstraction), và rằng điều mà người ta rút ra từ những hiện tượng đó không gây ảnh hưởng tới những gì mà người ta muốn phân tích. Mối bận tâm về sự lý thuyết hóa cân bằng đã dẫn đến việc tập trung phân tích vào trạng thái tận cùng mà ở đó không tồn tại những bất đồng, và các yếu tố kinh tế đã hoàn thiện vai trò của chúng. Tuy nhiên, lời biện hộ trên lại hoàn toàn không thoả đáng. Các thể chế giúp tiết giảm chi phí phối hợp hành động của con người và vì thế chúng chiếm vị trí trung tâm trong hiểu biết của chúng ta về sự tương tác của con người. Những va chạm thông thường buộc các yếu tố kinh tế phải vận động để có thể dàn xếp ổn thỏa những mối bất đồng và thực hiện phối hợp các hoạt động kinh tế. Đời sống kinh tế xoay quanh công việc trao đổi và những thể chế diễn ra sự trao đổi đó. Chính những bất đồng xích mích trong cuộc sống của con người dẫn đến việc hình thành các thể chế, và các thể chế này ngược lại sẽ sản sinh ra những kiểu mẫu hành vi có thể tiên liệu trước, giúp giảm thiểu chi phí phối hợp. Chúng ta có thể chứng minh điều này bằng những dẫn chứng thuyết phục hàng ngày hoặc bằng cách chỉ ra rằng việc loại bỏ các thể chế sẽ dẫn tới những khiếm khuyết hệ trọng trong tri thức kinh tế và các chính sách công sai lầm Trên bình diện cuộc sống thường ngày, các thể chế có ảnh hưởng ngay từ nhà trẻ: khi bọn trẻ được trao đồ chơi như là tài sản cá nhân của mình, ta có thể nhận thấy là chúng giữ gìn và có thể được khích lệ hào phóng cho bạn chơi mượn tài sản. Ngược lại, khi mọi thứ thuộc về tất cả bọn chúng mà không thuộc một đứa trẻ cụ thể nào, chúng có xu hướng sao nhãng tài sản của mình và tranh giành nhau hòng chiếm giữ những thứ đồ chơi cụ thể nào đó (Alchian15 , trong tác phẩm do Henderson chủ biên, 2008, trang 424). Một ví dụ khác có thể cho thấy phương thức mà một thể chế giúp con người đạt được mục đích của mình một cách hữu hiệu hơn chính là tiền. Khi mọi người phải dựa vào hành vi trao đổi để giành được những thứ hàng hoá và dịch vụ mà mình muốn tiêu dùng, song lại không sản xuất ra được, họ đối mặt với sự bất trắc là không hiểu mình có khả năng giành được chúng hay không. Liệu mình có tìm được một người nhận lấy những thứ rau quả mà mình đã trồng hay không? Mình muốn đổi những thứ rau quả này để lấy một chương trình máy tính mà mình cần với ai? Quan trọng hơn, họ thậm chí có thể không nhận ra những gì mà mình có khả năng mua hoặc muốn mua. Ngược lại, nếu tồn tại một thứ tài sản được thừa nhận chung làm phương tiện trao đổi (tiền) mà sự cung cấp và sử dụng nó chịu sự ràng buộc của các thể chế, mọi người khả dĩ tin tưởng hơn rất nhiều rằng họ có thể giành được những thứ mong muốn, đồng thời chi phí tìm kiếm và giao dịch lại thấp hơn rất nhiều so với hoạt động trao đổi hiện vật lấy hiện vật (barter). Tiền tệ qua đó giúp tiết kiệm chi phí phối hợp. Việc bỏ qua các thể chế nhằm mục đích đơn giản hóa đã để lại những hệ quả quan trọng trên bình diện chính sách kinh tế thực tiễn. Kinh tế học chính thống tân cổ điển chuẩn tắc (standard neoclassical mainstream economics) trong những năm gần đây liên tiếp thất bại trong việc giải thích hoặc tiên đoán về những hiện tượng thế giới thực (real-world phenomena) vì nó loại bỏ khỏi các mô hình của mình các thể chế cùng lý do tồn tại của chúng. Sự nghèo nàn của thứ kinh tế học chuẩn tắc (standard economics) trở nên rõ ràng, chẳng hạn, trong việc giải thích quá trình tăng trưởng. Khuyến nghị chính sách ở các nước đang phát triển thường bị đặt nhầm chỗ, bởi các cố vấn kinh tế vẫn quen giả thiết rằng các thể chế chẳng có vai trò gì. Trên thực 15 Armen Albert Alchian (1914 - ): Nhà kinh tế học người Mỹ, giáo sư kinh tế tại Đại học California, Los Angeles. (ND)
  • 21. tế, nhiều quan niệm ngoại nhập không đứng vững được bởi lẽ các thể chế tại các nước đang phát triển khác biệt rất lớn so với ở các nước phát triển và vì các thể chế sở tại phải được điều chỉnh nếu muốn một số quan niệm chính sách nào đó phù hợp với tình hình (xem ví dụ trong Boettke và cộng sự, 2008; Boettke, 2012). Sau khi cơ chế kế hoạch hóa tập trung kiểu Soviet sụp đổ, để có thể phục hồi lại đời sống kinh tế và xã hội ở các nước thuộc khối Soviet cũ, điều cốt yếu nhất rõ ràng là phải thiết lập các thể chế phù hợp, bao gồm cả các thói tục không được quy định trong nhân dân. Rốt cuộc, sự tàn lụi của chủ nghĩa xã hội lại đặt ra thách thức trong việc tạo dựng và thúc đẩy những thể chế mang tính nền tảng như quyền tư hữu, pháp luật hợp đồng và pháp trị nói chung. Khung khổ thể chế mà ở đó nền sản xuất và thương mại hiện đại khả dĩ phát triển lại có thể thường xuyên bị đánh giá thấp. Và các nhà kinh tế học phương Tây theo truyền thống ấy được chuẩn bị rất tồi cho việc chẩn đoán tại sao tăng trưởng bền vững lại không hiện thực thực hóa ở một số địa điểm và nền văn minh nhất định và những gì có thể thực thi nhằm cứu vãn tình hình (Olson, 1996). Một cách khác để đi đến luận điểm nền tảng trên đây là hướng sự chú ý đến phần chi phí phối hợp cao và không ngừng gia tăng của quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm quốc dân trong các nền kinh tế hiện đại. Một phần lớn thuộc khu vực dịch vụ - hiện chiếm trên 66% tổng sản phẩm của các quốc gia giàu có - quan tâm đến việc tạo thuận lợi cho các giao dịch cũng như cho việc dàn xếp hoạt động tương tác của con người. ‘Khu vực phối hợp’ (coordination sector) của nền kinh tế hiện đại là cần thiết nhằm tạo thuận lợi cho sự phân công lao động và phân hữu tri thức đang không ngừng gia tăng (mà mức sống của chúng ta dựa vào đó). Việc giả định, như trong kinh tế học tân cổ điển, rằng không tồn tại chi phí giao dịch và vì thế không tồn tại nhu cầu nào đối với những quy tắc giúp tiết kiệm chi phí này có nghĩa là đã bỏ qua một bên quá nửa toàn bộ nỗ lực kinh tế của các nền kinh tế tiên tiến, tức là cái cấu phần lớn và đang tăng trưởng nhanh thuộc khu vực dịch vụ, liên quan đến hoạt động giao dịch và phối hợp, ví dụ như dịch vụ pháp lý và tài chính, tư vấn và thiết kế. Qua việc đánh giá thấp bài toán phối hợp, kinh tế học tân cổ điển thiên về phân tích hoạt động sản xuất và hoạt động phân phối vật chất, và vì thế ít liên can đến nhiều hoạt động kinh doanh hiện đại vốn quan tâm đến việc tổ chức và phối hợp các quyết định của người bán và người mua. Tương tự, một điểm mà người ta không nhận ra nữa là nguồn gốc của sự thất bại trong việc chẩn đoán tại sao các nền kinh tế phúc lợi với bàn tay can thiệp mạnh mẽ của chính phủ lại đang trải qua hiện tượng suy giảm tốc độ phát triển kinh tế, tình trạng thất nghiệp cao, sự thiếu tin tưởng ngày càng tăng và thái độ hoài nghi phổ biến của cử tri. Quá trình xói mòn và thoái hoá dần dần của các thể chế then chốt - chẳng hạn như quyền tài sản, trách nhiệm tự thân và pháp trị (rule of law) - tại các nền dân chủ mà ở đó các nhóm lợi ích giữ vai trò chi phối thường diễn ra một cách thầm lặng. Những phương thức phản tiến bộ không dễ dàng phát hiện ra được ngay bởi lẽ sự thay đổi thể chế không phải là một phần nằm trong những gì mà đa số các nhà kinh tế học vẫn phân tích. Các sử gia kinh tế cũng phát hiện ra từ lâu, nếu quả thực họ chưa từng ý thức được điều đó, rằng sự thay đổi thể chế là một phần quan trọng và lý thú của kinh tế học (Gibbon, [1776-1788] 1996). Sử gia kinh tế từng đoạt giải Nobel Douglass North đã cho thấy rõ ràng khi ông viết: khung mẫu [kinh tế học] tân cổ điển thiếu vắng các thể chế ... Các mô hình tăng trưởng thời thượng hiện nay của các nhà kinh tế học lại không đối mặt với cái chủ đề về cấu trúc kích thích nền tảng (underlying incentive structure) mà họ giả định trong các mô hình của mình. Những khiếm khuyết như thế trong hiểu biết của chúng ta đã gây sự chú ý của các nhà kinh tế học qua các sự kiện ở Trung và Đông Âu ... nơi mà thách thức chính là việc tái cấu trúc nền kinh tế ... nhằm tạo dựng môi trường thân thiện cho tăng trưởng kinh tế. Liệu quá trình tái cấu trúc đó có thể thực hiện được mà không cần lưu ý thận trọng đến các thể chế hay không? Mô tả đặc điểm thể chế của những thị trường như thế là bước đầu tiên để đi đến chỗ giải đáp những vấn đề này. (North, 1994, trang 257; xem thêm North trong tác phẩm do Drobak & Nye chủ biên, 1997, trang 3- 12)
  • 22. Một thực tế cũng đã trở nên rõ ràng là lý thyết kinh tế học chuẩn tắc chỉ có giá trị hạn chế đối với kinh tế học kinh doanh (business economics16 ). Nhiều người trong giới kinh doanh nhận thấy một cách chính đáng rằng các lý thuyết kinh tế thật khô khan, trừu tượng và ít liên can đến mục đích của họ. Hơn nữa, khi các mô hình kinh tế bỏ qua các chi phí và những rủi ro tiềm tàng trong quá trình phối hợp thì đương nhiên yếu tố luật học và các luật sư cũng sẽ bị loại trừ khỏi phạm vi nghiên cứu. Từ đó dẫn đến việc rất nhiều khoa luật học trên khắp thế giới đã cắt môn kinh tế học ra khỏi chương trình giảng dạy, gây phương hại đối với chuyên ngành này. Sự thiếu hụt những nghiên cứu liên quan đến chi phí và và các vấn đề phối hợp ở các mô hình kinh tế chủ lưu giải thích tại sao một số mối quan tâm mới hồi sinh gần đây dành cho kinh tế học thể chế lại đến từ việc nghiên cứu lịch sử kinh doanh (business history), xã hội học kinh tế (economic sociology17 ), khoa học tổ chức mới (new organisation science) và ‘luật pháp và kinh tế học’ (‘law and economics’18 ). Các chuyên ngành này đã dứt khoát tích hợp các thể chế vào mô hình của chúng nhằm đưa ra những khuyến dụ thực tiễn và thích đáng hơn. Sự thăng tiến của kinh tế học thể chế Do sự không thoả mãn ngày càng tăng với kinh tế học chuẩn tắc cùng những mô hình trừu tượng, khô khan của nó mà nhiều học giả hiện nay (lại) đang tiếp nhận định đề trung tâm của kinh tế học thể chế, đó là: các thể chế đóng vai trò cốt yếu trong quá trình ổn định những kỳ vọng, từ đó hỗ trợphối hợp hành động của các cá nhân ra quyết định. Việc phân tích nền tảng, quá trình tiến hoá, nội dung, tính nhất quán và sự áp đặt của các quy tắc có thể đem lại cho chúng ta nhiều hiểu biết về những hiện tượng kinh tế chủ yếu, chẳng hạn như tăng trưởng kinh tế hay các thị trường vận hành như thế nào. Người ta đang ngày càng nhận ra rằng các thể chế cấu thành nên nguồn vốn xã hội quyết định: có thể nói, chúng là phần mềm (software) dẫn dắt sự tương tác của con người và quá trình phát triển xã hội. Quả vậy, chúng ta đang phát hiện ra rằng phần mềm thường quan trọng hơn phần cứng [hardware] (những hiện tượng hữu hình, như nguồn vốn vật chất chẳng hạn). Hệ quả của những hiểu biết sâu sắc này là: kể từ thập niên 1970. Ngày nay, có rất ít các nhà kinh tế học tập trung đơn thuần vào những điều kiện để phân bổ các nguồn lực cố định nhằm thoả mãn những nhu cầu cố định (mặc dầu vẫn có vô vàn các chương trình giáo dục đại học vẫn dựa trên giả định phi thực tế này). Như chúng ta sẽ nhận thấy trong Chương 2, phương pháp tiếp cận của kinh tế học thể chế không coi các nguồn lực hay nhu cầu của con người như là cố định, mà thay vì thế tập trung vào quá trình tiến hoá và tăng trưởng kinh tế thông qua hoạt động khám phá và khai thác nhu cầu mới và nguồn lực hữu ích mới. 1.2 Thành tựu tăng trưởng kinh tế Tầm nhìn dài hạn Chính bởi các thể chế vô cùng quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, nên trong phần còn lại của chương sách này, chúng tôi muốn chỉ ra rằng sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ suốt hai thế hệ qua sẽ không được giải thích thỏa đáng nếu không có sự hiểu biết về các thể chế. Tuy nhiên, có một điều độc giả cần lưu ý khi theo dõi cuộc luận bàn này là tốc độ tăng trưởng kinh tế rõ ràng là một chỉ số thay thế không hoàn hảo cho rất nhiều các chỉ số khác nhau đánh giá chất lượng cuộc sống, chẳng hạn như tuổi thọ trung bình, mức độ phổ cập giáo dục, chất 16 Còn gọi là kinh tế học quản lý (managerial economics), một nhánh của kinh tế học áp dụng phân tích kinh tế học vi mô (microeconomics) vào các quyết định kinh doanh cụ thể. (ND) 17 Phân tích các hiện tượng kinh tế từ góc độ xã hội học. (ND) 18 Một cách tiếp cận đối với lý thuyết pháp lý (legal theory) vận dụng các phương pháp của kinh tế học vào pháp luật. Nó bao hàm việc sử dụng các khái niệm kinh tế học để lý giải hiệu lực của pháp luật, để đánh giá những quy tắc pháp lý nào là hữu hiệu về mặt kinh tế, và để tiên đoán những quy tắc pháp lý nào sẽ được ban bố. (ND)
  • 23. lượng môi trường sống và tự do cá nhân. Dự án Tự do kinh tế của thế giới (The Economic Freedom of the World) điều hành bởi hai nhà kinh tế học James Gwartney và Robert Lawson đã chứng minh rằng – mặc dù chúng ta không thể mang tốc độ tăng trưởng kinh tế ra mà ăn được – những thể chế đảm bảo cho tự do kinh tế lại tương quan mật thiết và tích cực đến thu nhập trên đầu người và những điều tốt đẹp trong cuộc sống, như sức khỏe, sự trường thọ hay cảm giác mãn nguyện chẳng hạn (Gwartney và Lawson, trong rất nhiều tài liệu). Nhiệm vụ của chúng ta là tường giải những cơ chế đằng sau mối tương quan đó. Bước đầu tiên trong việc lý giải các cơ chế nền tảng vận động bên dưới sự phát triển kinh tế trong dài hạn là phải công nhận rằng cách thức duy nhất để gia tăng thu nhập thực tế của một cộng đồng chính là gia tăng năng suất thực tế của mỗi người trong cộng đồng đó. Theo đó, gia tăng năng suất lao động đòi hỏi phải có sự cái thiện vốn vật chất (physical capital) (như máy móc tốt hơn) và vốn con người (human capital) (nguồn nhân lực được trang bị vốn tri thức đầy đủ hơn); đồng thời các nguyên tắc tương tác giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên cũng phải được củng cố. Những quốc gia phát triển thịnh vượng là những quốc gia mà ở đó có sự gia tăng năng suất lao động; trái lại, những nước đói nghèo vẫn hoàn đói nghèo là bởi năng suất lao động không hề được cải thiện cho dù tiếp nhận bao nhiêu viện trợ nước ngoài đi chăng nữa. Sự tiến bộ rất chậm chạp về năng suất và mức sống là đặc trưng xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế lâu dài của nhân loại. Tăng trưởng dân số phù hợp với tiến bộ kỹ thuật và kinh tế, vì thế mức sống bình quân vẫn hầu như không thay đổi qua hàng thế kỷ. Những tiêu chuẩn cơ bản của điều kiện sống vật chất bình quân - chẳng hạn như tuổi thọ, sức khoẻ cơ bản, tỷ suất tử vong trẻ em, tần suất nạn đói và những đợt dịch bệnh lớn - không thay đổi nhiều đối với một người dân bình thường từ cuộc cách mạng thời kỳ đồ đá mới (neolithic revolution), báo hiệu sự khởi nguyên của nền nông nghiệp và chăn nuôi khoảng 12.000năm trước đây, cho đến thế kỷ 17, khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu diễn ra (Kahn, 1979, trang 7-25; Rostow, 1978). Những người nông dân châu Âu từng sống với cái hiện thực giá rét, bụi bặm, đói khát, bệnh tật và đoản thọ gần như với cùng mức độ mà cha ông của họ đã trải qua dưới thời La Mã19 , và điều vẫn còn có thể gây tranh cãi là liệu những người nông dân Trung Quốc bình thường trong nửa đầu thế kỷ 20 có được hưởng một cuộc sống tốt hơn chút nào so với tổ tiên của họ trong thời đại nhà Hán 2000 năm trước hay không. Các nhà sử học thường tập trung vào giới cai trị và số người giàu ít ỏi, song lại không thường xuyên nhắc nhở chúng ta về điều kiện sống của một người đàn ông hay phụ nữ bình thường.1 Chúng ta phải tự nhắc nhở mình về kinh nghiệm phát triển kinh tế dài hạn của nhân loại để đánh giá cuộc cách mạng diễn ra gần đây hơn và để nhận ra rằng sự phát triển của những thể chế tạo thuận lợi cho tăng trưởng đã góp phần cốt yếu vào sự lan toả của thịnh vượng. Đầu tiên là nước Anh, sau đó là Tây - Bắc Âu và Bắc Mỹ, đã chứng kiến sự gia tăng bền vững về mức sống của một người dân bình thường. Quá trình này bắt đầu từ cuối thế kỷ 18 và phát triển rực rỡ trong thế kỷ 19, khi ba nước - Anh, Mỹ và Đức - sản xuất ra hai phần ba toàn bộ sản phẩm chế tạo của thế giới. Trong suốt thế kỷ 19, hết nước này đến lượt nước khác bắt tay vào quá trình công nghiệp hoá và tăng trưởng kinh tế bền vững. Cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20, thu nhập đầu người của các nước nay thuộc OECD, tức là các nước công nghiệp lâu đời với nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, tăng trưởng bình quân ở mức chưa có tiền lệ 1,4%/năm, bất chấp mức độ tàn phá của hai cuộc đại chiến thế giới trong nửa đầu thế kỷ 20 (xem Bảng 1.1). Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, hầu hết các nước Đông Á, trải dài cho đến châu Mỹ Latin, Nam Á, thậm chí cả một số vùng châu Mỹ và Trung Đông, cũng đều trải qua quá trình tăng trưởng. Một số nền kinh tế lớn hơn, chẳng hạn như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil, xem ra đã chuẩn bị sẵn sàng để bắt kịp phương Tây, mở ra cho các nước công nghiệp lâu đời những thị trường mới với tinh thần cạnh tranh mới. Mặc dầu vậy, theo báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (International Monetary Fund), 1/5 dân số thế giới lại sản xuất ra 4/5 sản lượng 19 Từ thế kỷ 8 TCN đến thế kỷ 15. (ND)
  • 24. hàng hóa toàn thế giới, vì thế, đa số nhân loại vẫn phải nỗ lực rất nhiều nữa mới bắt kịp những cộng đồng có năng suất cao nhất. Bảng 1.1: Tăng trưởng kinh tế hiện đại: thu nhập đầu người được điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát hàng năm (%) Thời kỳ Các nước công nghiệp hoá lâu đời (OECD) Các nước kém phát triển Đến đầu thế kỷ 19 Hầu như đình đốn (chỉ một số nước cất cánh) Hầu như đình đốn 1820-1870 +0,6 Hầu như đình đốn (một số nước cất cánh) 1870-1913 +1,4 1913-1950 +1,3 1950-1973 +3,5 +2,7 (có sự khác biệt lớn) 1973-nay +2.2 +2.9 (có sự khác biệt lớn) Nguồn: Maddison (2001, 2007) và tự cập nhật Cuối cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhiều nhà quan sát đã mô tả thành tựu tăng trưởng của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 như là một hiện tượng đã qua và dự đoán rằng hiện tượng đình đốn sẽ xuất hiện sau suốt một thế kỷ. Song họ đã lầm. Không chỉ thu nhập đầu người bình quân ở các nước OECD tăng ở mức chưa có tiền lệ 3,5% từ năm 1950 cho đến khi khởi phát cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, mà hiện tượng tăng trưởng kinh tế còn bắt đầu lan rộng ra phần còn lại của thế giới,. Trước năm 1950, chỉ có một số ít trung tâm công nghiệp nằm ngoài nền văn minh phương Tây (như Nhật Bản hay Thượng Hải chẳng hạn). Tuy nhiên đến nay đã có nhiều khu vực mới áp dụng các phương pháp sản xuất hiện đại; các luồng thương mại và đầu tư cũng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn giữa các vùng công nghiệp lâu đời và vùng mới nổi (sự toàn cầu hóa – globalization). Từ 1950 đến 1973, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của các nước đang phát triển (vốn không đồng đều và vô định hình) là 2,75%; và một nhóm nhỏ, ‘các nền kinh tế công nghiệp mới nổi’ ở Đông Á tăng trưởng nhanh hơn nhiều, bắt đầu thu hút sự chú ý của các thị trường trên thế giới đối với sản phẩm xuất khẩu của chúng và thu hẹp khoảng cách với các tiêu chuẩn châu Âu về công nghệ, năng suất và thu nhập trong một thời gian kỷ lục (Ngân hàng Thế giới, 1993; Kasper,1994). Bắt đầu từ cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã chậm lại đôi chút, xuống mức bình quân 2,5%/năm ở các nước công nghiệp lâu đời thuộc OECD; tuy nhiên ở một số vùng khác, mà đáng chú ý hơn cả là Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng kinh tế lại gia tăng nhanh hơnTrong các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương theo định hướng tăng trưởng vật chất, mức thu nhập thực tế bình quân đầu người đã tăng từ mức rất thấp vào thời điểm kết thúc chiến tranh thế giới thứ nhất, cho đến năm 2010 tăng với một tốc độ ngoạn mục. Còn các nước khu vực Đông Á, trong vòng chưa đến hai thế hệ, đã đạt