SlideShare a Scribd company logo
1 of 96
Download to read offline
LUẬN VĂN:
Tranh tụng tại phiên tòa - một số vấn
đề lý luận và thực tiễn
mở đầu
1. Tính cấp thiết của đề tài
Những năm qua, tình hình vi phạm pháp luật ở nước ta xảy ra nghiêm trọng, diễn
biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng ảnh hưởng đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước. Cùng với sự nỗ lực của toàn xã hội, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều
cố gắng trong công tác tư pháp nên đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh -
chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, chất lượng công tác tư pháp nói chung và công
tác xét xử nói riêng còn chưa ngang tầm với yêu cầu và nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao
phó, còn bộc lộ nhiều yếu kém, bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội, xâm phạm đến các
quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của xã hội và công dân (theo số liệu thống kê của
Tòa án nhân dân tối cao, tuy số lượng án oan có giảm dần, nhưng vẫn còn: năm 2002 toàn
bộ ngành Tòa án có 23 trường hợp bị kết tội oan, năm 2003 chỉ còn 7 trường hợp, năm 2004
còn 5 trường hợp), gây nhiều hậu quả đáng tiếc cho người bị kết án oan, người thân và xã
hội. Có người vì bị kết tội oan nên đang là chủ doanh nghiệp tư nhân mà sau khi bị kết án
phải làm thợ mộc để kiếm sống qua ngày, trường hợp khác đã ở tù một thời gian, bị người
thân xa lánh, đầy mặc cảm với xã hội, đến khi kẻ phạm tội đích thực nhận tội mới được trở
về; còn có người vì bị kết án oan nên không biết bao nhiêu năm, tháng miệt mài đưa đơn
đi tìm công lý... Những điều đó đã tạo nên dư luận xã hội không tốt, khiến nhân dân thiếu
lòng tin vào tòa án và nền công lý xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị ra đời vào ngày 02/01/2002 được xem
như sự mở đầu cho công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta. Nghị quyết này đề cập nhiều
nội dung khác nhau của công tác tư pháp từ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử cho đến
việc đào tạo cán bộ tư pháp, nhưng tăng cường yếu tố tranh tụng trong quá trình xét xử
vụ án hình sự được coi là điểm nhấn của cải cách tư pháp và là vấn đề trọng tâm của
Nghị quyết. Theo đó, việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh
tụng tại phiên tòa, phải đảm bảo để bản án, quyết định của Tòa án là hiện thân của công
lý, công bằng xã hội. Như vậy, một vấn đề cấp bách được đặt ra đối với các cơ quan tư
pháp là làm thế nào để đạt được những yêu cầu đó. Trong nỗ lực chung, thì việc nghiên
cứu làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn của hoạt động tranh tụng tại phiên tòa là cần thiết.
Đã có nhiều bài viết, bài nghiên cứu và sách chuyên khảo đề cập đến vấn đề
tranh tụng trong tố tụng hình sự như: "Tranh tụng trong tố tụng hình sự" của tác giả
Nguyễn Đức Mai trong cuốn kỷ yếu: "Những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách của tố
tụng hình sự Việt Nam" - Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 1995; bài "Về tranh tụng
tại phiên tòa hình sự" của tác giả Tống Anh Hào trong Tạp chí Tòa án nhân dân số
5/2003; bài "Bàn về vấn đề tranh tụng trong tố tụng hình sự" đăng trong Tạp chí Kiểm
sát, tháng 9/2003 của tác giả Trần Đại Thắng; bài viết của nhiều tác giả trong Đặc san
nghề luật số 5/2003 về chuyên đề mở rộng tranh tụng; cuốn chuyên khảo "Cải cách tư
pháp ở Việt Nam trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền" do TSKH Lê Cảm và
TS. Nguyễn Ngọc Chí đồng chủ biên, có nhiều bài viết của các tác giả (Nxb Đại học
quốc gia, 2004)... Nhưng những bài viết đó chỉ đề cập đến một số vấn đề nhất định liên
quan tranh tụng và còn khá nhiều ý kiến trái ngược nhau xung quanh ý tưởng đổi mới
hoạt động xét xử của ngành Tòa án Việt Nam theo hướng tranh tụng.
Trước yêu cầu của thực tế, đảm bảo sự dân chủ, bình đẳng trong hoạt động tố
tụng hình sự tránh bỏ lọt tội phạm làm oan người vô tội; đồng thời góp phần làm sáng tỏ
về mặt lý luận, tác giả chọn đề tài: " Tranh tụng tại phiờn tũa - một số vấn đề lý luận và
thực tiễn " làm luận văn thạc sĩ của mình.
2. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn
Nghiên cứu đề tài này, tác giả hướng tới mục đích làm rõ thêm cơ sở lý luận và
thực tiễn, bản chất, nội dung của tranh tụng tại phiên tòa, chỉ ra những bất cập còn tồn tại
của việc tranh tụng tại phiên tòa ở nước ta hiện nay, thông qua đó đề xuất những giải
pháp thiết thực nâng cao hiệu quả hoạt động tranh tụng tại phiên tòa hướng tới xây dựng
một phiên tòa hình sự thực sự công bằng, dân chủ góp phần thực hiện quá trình cải cách
tư pháp.
Để đạt được mục đích nghiên cứu trên, nhiệm vụ của luận văn được đặt ra là:
1- Nghiên cứu cơ sở lý luận của hoạt động tranh tụng tại phiên tòa như: khái
niệm, đặc điểm, điều kiện, yêu cầu của tranh tụng tại phiên tòa; Cơ sở pháp lý quy định
về tranh tụng tại phiên tòa; ý nghĩa của tranh tụng tại phiên tòa.
2- Sơ lược về lịch sử các qui định của luật tố tụng hình sự Việt Nam về tranh
tụng tại phiên tòa.
3- Phân tích, đánh giá thực trạng tranh tụng tại phiên tòa ở Việt Nam những năm
gần đây, qua đó rút ra những mặt tích cực cũng như những tồn tại, hạn chế trong hoạt
động tranh tụng tại phiên tòa.
4- Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và những đánh giá về thực trạng tranh tụng tại
phiên tòa luận văn nêu ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tranh tụng tại phiên
tòa xét xử vụ án hình sự ở nước ta trước yêu cầu cải cách tư pháp.
3. Phạm vi nghiên cứu
Tranh tụng là vấn đề lớn trong hoạt động tố tụng, có nhiều nội dung thể hiện ở
các giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án nên trong phạm vi của một luận văn thạc sĩ
không thể xem xét và giải quyết hết mọi vấn đề mà chỉ dừng lại nghiên cứu vấn đề tranh
tụng tại phiên tòa.
Với phạm vi nghiên cứu này, luận văn nghiên cứu về tranh tụng tại phiên tòa dưới
góc độ lý luận, phân tích những quy định của pháp luật về tranh tụng tại phiên tòa, và chỉ ra
vướng mắc trong hoạt động thực tiễn của những chế định này, trên cơ sở khảo sát thực
trạng xét xử từ ngày 01/01/1989 (ngày có hiệu lực thi hành của Bộ luật tố tụng hình sự
1988) đến hết ngày 31/6/2004 (ngày hết hiệu lực thi hành của Bộ luật tố tụng hình sự
1988) và chất lượng phiên tòa hình sự từ sau ngày Nghị quyết 08/NQ-TW ra đời. Từ đó
đưa ra những quan điểm, kiến nghị góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 08/NQ-TW, nâng
cao chất lượng của hoạt động xét xử nói riêng và của các cơ quan tư pháp nói chung.
4. Phương pháp nghiên cứu của đề tài
Để hoàn thành luận văn, tác giả đã dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ
nghĩa Mác - Lênin (chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử), tư tưởng
Hồ Chí Minh, các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về pháp luật, về cải cách tư pháp.
Đồng thời, luận văn sử dụng một số phương pháp nghiên cứu cụ thể sau: Phương
pháp phân tích, tổng hợp; phương pháp thống kê, so sánh; phương pháp lịch sử; phương
pháp đàm thoại (trao đổi ý kiến với những chuyên gia đầu ngành, những người làm công
tác thực tiễn lâu năm); phương pháp khảo sát thực tiễn tranh tụng tại những phiên tòa
hình sự.
5. Những điểm mới của luận văn
Là công trình đầu tiên đề cập và giải quyết vấn đề tranh tụng tại phiên tòa, luận
văn có những điểm mới sau:
1- Làm sáng tỏ cơ sở lý luận về tranh tụng tại phiên tòa, góp phần nâng cao nhận
thức về nội dung, bản chất của hoạt động tranh tụng tại phiên tòa.
2- Luận văn khảo cứu các quy định pháp luật về tranh tụng tại phiên tòa, đánh giá
thực trạng áp dụng các quy định đó khi xét xử và chỉ ra những hạn chế tồn tại trong hoạt
động tranh tụng tại phiên tòa hình sự, cũng như làm rõ nguyên nhân và điều kiện của tồn
tại đó.
3- Các giải pháp về hoàn thiện pháp luật, về cơ chế tổ chức, về đội ngũ cán bộ..
nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tranh tụng tại phiên tòa hình sự mà luận văn đưa ra sẽ
giúp ích cho các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và Tòa án nói riêng nâng cao hiệu
quả hoạt động tranh tụng tại phiên tòa.
6. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận văn
bao gồm ba chương với kết cấu như sau:
Chương 1: Tranh tụng tại phiên tòa trước yêu cầu cải cách tư pháp ở nước ta
hiện nay.
Chương 2: Thực trạng tranh tụng tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự.
Chương 3: Các giải pháp nâng cao hiệu quả tranh tụng tại phiên tòa.
Chương 1
tranh tụng tại phiên tòa
trước yêu cầu cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay
1.1. tranh tụng tại phiên tòa trong tố tụng tranh tụng
1.1.1. Đặc điểm của tố tụng tranh tụng
Trên thế giới đang tồn tại hai hệ thống tố tụng chủ yếu là: tố tụng tranh tụng và tố
tụng xét hỏi. Tố tụng xét hỏi được sử dụng phổ biến ở các nước theo hệ thống luật CIVIL
LAW (các nước Pháp, Italia, Đức,...), còn tố tụng tranh tụng là thủ tục tố tụng được áp
dụng rộng rãi ở các nước theo hệ thống luật án lệ COMMON LAW (các nước Anh, Mỹ,
ấn Độ, Austraylia, New Zealand...). Theo các nhà nghiên cứu về nhà nước và pháp luật
thì tố tụng tranh tụng đã xuất hiện rất sớm, ngay từ thời Hy Lạp cổ đại, sau đó du nhập
vào La Mã với tên gọi là thủ tục hỏi đáp liên tục (Procédure des questions perpétuelles)
và trở nên phổ biến tại Anh và nhiều nước khác.
Trong tố tụng tranh tụng tùy theo tính chất, mức độ của từng vụ mà có những thủ
tục tố tụng tương ứng: Nếu là vi phạm nhỏ, tội ít nghiêm trọng (thông thường những tội
có mức hình phạt cao nhất dưới 5 năm tù) sau khi phát hiện có vi phạm pháp luật hình sự,
cảnh sát có thể trực tiếp truy tố bị cáo ra tòa chỉ có một Thẩm phán. Nếu là tội nghiêm
trọng và bị cáo nhận tội, vụ án sẽ được chuyển cho cơ quan công tố để truy tố ra tòa xét
xử theo thủ tục rút gọn hoặc thủ tục xét xử không có Bồi thẩm đoàn.
Trường hợp bị cáo không nhận tội và đề nghị xét xử bằng thủ tục có Bồi thẩm
đoàn, vụ án sẽ được cơ quan công tố truy tố ra tòa với một Thẩm phán và Bồi thẩm đoàn.
Tại phiên tòa xét xử, Thẩm phán có nhiệm vụ điều hành mọi hoạt động tố tụng để cho các
bên buộc tội (Công tố viên nhân danh Nhà nước) và gỡ tội (bị cáo, Luật sư bào chữa cho
bị cáo) tự xét hỏi, đưa ra chứng cứ, người làm chứng, tự đối chất, phản bác nhau và tự
bảo vệ quan điểm của mình; đồng thời cũng hướng dẫn cho Bồi thẩm đoàn những quy tắc
tố tụng, chứng cứ và luật nội dung. Đáng chú ý, Thẩm phán có vai trò điều khiển các bên
tham gia phiên tòa để đảm bảo những thông tin về chứng cứ đưa ra không tạo nên định
kiến (prejudice) đối với Bồi thẩm đoàn. Việc quyết định bị cáo có tội hay không hoàn
toàn thuộc quyền hạn của Bồi thẩm đoàn. Nếu bị cáo bị tuyên có tội, lúc đó chỉ có Thẩm
phán tiếp tục vụ án với vai trò là người quyết định hình phạt, lượng hình. Nếu bị cáo
được tuyên vô tội, vụ án sẽ chấm dứt ngay và cơ quan công tố cũng không được quyền
kháng nghị phúc thẩm vì nguyên tắc (Hiến pháp) không cho phép xét xử hai lần (Double
jeopardy) đối với một bị cáo về cùng một tội. Việc phúc thẩm chỉ đặt ra đối với cả hai
bên khi bị cáo bị tuyên có tội liên quan đến việc định tội hoặc lượng hình. Các thủ tục tố
tụng như hỏi cung, khám nghiệm, hay các thủ tục tố tụng tại phiên tòa đều phải được ghi
âm hoặc ghi hình và nếu có tranh chấp hay mâu thuẫn giữa các bên về tính đúng đắn và
chính xác thì các bản ghi âm sẽ được đưa ra để Tòa án và các bên cùng xem lại [39].
Qua nghiên cứu thì tố tụng tranh tụng có những đặc điểm sau:
Thứ nhất, điều tra tại phiên tòa là điều tra chính thức và chủ yếu: Tố tụng tranh
tụng là hệ thống tố tụng mà Tòa án là cơ quan xét xử và tiến hành tố tụng chính, sự tập trung
nhất của hệ thống tố tụng. Các hoạt động khác như điều tra của cảnh sát, truy tố của công tố
viên chỉ là những hoạt động mang tính hành chính - tư pháp không được điều chỉnh bởi Luật
tố tụng hình sự [15, tr. 256]. Chỉ có Tòa án mới là chủ thể tiến hành tố tụng với ý nghĩa đầy
đủ nhất theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Vì vậy, mọi điều tra của Luật sư và của
cảnh sát có thể được tiến hành theo nhiều cách khác nhau, với những phương pháp thu thập
chứng cứ khác nhau, nhưng đều phải được kiểm chứng tại phiên tòa và thông qua sự xem xét
đánh giá của Hội đồng xét xử thì mới được công nhận về mặt pháp lý và được phục vụ cho
vụ án, khi đó chứng cứ do các bên cung cấp mới có ý nghĩa đối với phán quyết của Tòa án.
Chính vì việc điều tra tại phiên tòa là chủ yếu, thông qua việc xem xét đánh giá chứng cứ
do các bên đưa ra nên phiên tòa theo thủ tục tố tụng tranh tụng thường rất dài và triệu tập
nhiều nhân chứng.
Thứ hai, trong tố tụng tranh tụng hình thành hai bên với những lợi ích đối kháng
rõ rệt - bên buộc tội và bên bị buộc tội: Trong tố tụng tranh tụng, Viện công tố và Luật sư
hoàn toàn bình đẳng nhau, họ được pháp luật trao những quyền tương ứng với chức năng
để có thể điều tra độc lập và thu thập chứng cứ phục vụ cho công việc của mình. Viện
công tố dưới danh nghĩa là người đại diện cho quyền lợi của nhà nước đưa ra các quan
điểm, các lập luận, các chứng cứ để buộc tội bị cáo. Còn bên bị buộc tội là bị cáo và
những Luật sư cũng dùng mọi lý lẽ, dùng mọi phương tiện được luật pháp cho phép để
phản bác lại. Hai bên sẽ trực tiếp, liên tục chất vấn và trả lời chất vấn nhau công khai tại
phiên tòa để làm rõ những vấn đề. Khác với tố tụng xét hỏi, tố tụng tranh tụng đặc biệt coi
trọng nguyên tắc bằng miệng, công khai, tất cả các tình tiết, các chứng cứ mà Tòa án áp
dụng để ra bản án đều phải được các bên tranh tụng tại phiên tòa. Với khoa học công
nghệ phát triển như hiện nay các thủ tục tố tụng tại phiên tòa đều phải được ghi âm hoặc
ghi hình, việc xét xử công khai trực tiếp có thể được tiến hành qua điện thoại hội nghị
(Conference call) và cầu truyền hình trực tiếp. Tòa án tiến hành xét xử một vụ án ở một nơi
có thể nghe lời khai trực tiếp của một người làm chứng ở một nơi khác [41, tr. 5-7].
Thứ ba, Thẩm phán giữ vai trò của người trọng tài: Do thủ tục tranh tụng không
có giai đoạn điều tra nên các chứng cứ đều do các bên trực tiếp đưa ra trong quá trình
tranh tụng giữa công tố viên và bị cáo, Luật sư. Thẩm phán ở các nước theo thủ tục này
không có trách nhiệm làm rõ bị cáo phạm tội hay không phạm tội. Đây cũng là điểm khác
so với tố tụng xét hỏi nơi mà trước khi mở phiên tòa các chứng cứ đã được điều tra, thu
thập đầy đủ và thể hiện trong hồ sơ vụ án. Tại phiên tòa, Thẩm phán chỉ kiểm tra lại tính
hợp pháp và tính có căn cứ của các chứng cứ này. Vai trò của Thẩm phán trong tố tụng
xét hỏi không phải là một bên trung lập mà là người có vai trò chính trong việc làm sáng
tỏ nội dung vụ án tại phiên tòa, Thẩm phán có thể sẽ trực tiếp chất vấn nếu như lời khai
của bị cáo còn có mâu thuẫn hay bị cáo chối tội. Trong tố tụng xét hỏi, mọi hành vi của
những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng đều chịu sự điều khiển
của Chủ tọa phiên tòa, các bên muốn đặt câu hỏi cho bên kia hoặc những người tham gia
tố tụng khác đều phải thông qua Chủ tọa phiên tòa. Trong khi đó, tại phiên tòa theo tố
tụng tranh tụng mỗi bên có quyền đặt câu hỏi trực tiếp cho bên kia cũng như cho những
người tham gia tố tụng khác. Trong nhiều trường hợp họ có quyền ngắt lời bên kia, phản
đối lại các ý kiến mà bên kia vừa đưa ra.
Thứ tư, tố tụng tranh tụng có ba hệ quy tắc chi phối toàn bộ các hoạt động tố
tụng: Quy tắc tố tụng (rule of procedures), quy tắc chứng cứ (rule of evidence) và quy tắc
về ứng xử của Luật sư (rule of counsel). Trong ba hệ quy tắc này, quy tắc về chứng cứ có
ảnh hưởng lớn nhất vì nó kiểm soát loại chứng cứ nào có thể được đưa ra trước những
người có thẩm quyền quyết định (decision maker) hay nói cách khác, nó quyết định
chứng cứ có được chấp thuận hay không. Ngay cả Thẩm phán cũng không được tự do lựa
chọn chứng cứ mà họ thấy thích hợp nhất mà phải tuân theo các quy tắc chứng cứ đã
được quy định. Quy tắc về chứng cứ được đặt ra nhằm đảm bảo sự công bằng trong tranh
tụng qua việc cấm sử dụng những nguồn chứng cứ không đáng tin cậy, sai lệch hoặc có
thể dẫn đến định kiến cho những người có thẩm quyền phán quyết. Nếu coi tố tụng tranh
tụng là một cuộc đấu giữa hai bên có tranh chấp, thì nó đòi hỏi các bên tham gia tố tụng,
nhất là cơ quan cảnh sát và công tố phải triệt để tuân thủ các quy tắc đã được luật quy
định đó và trao thẩm quyền cho Tòa án là cơ quan phải đảm bảo yêu cầu đó trong quá
trình xét xử.
Tố tụng tranh tụng được thực hiện trực tiếp, bằng lời nói nên nhiều tài liệu trong
tố tụng xét hỏi được xem là những chứng cứ quan trọng của vụ án thì trong tố tụng tranh
tụng lại không được công nhận là chứng cứ. Tuy nhiên, để làm rõ các tài liệu liên quan
đến vụ án, chủ nhân của nó sẽ được mời tham gia tố tụng và trực tiếp trình bày trước tòa.
Thứ năm, ở tố tụng tranh tụng thường có sự tham gia của Bồi thẩm đoàn: Do
vai trò của Thẩm phán trong tố tụng tranh tụng là người trọng tài nên thông thường phải
có Bồi thẩm đoàn tham gia tố tụng. Đoàn bồi thẩm không tham gia vào quá trình tranh
tụng nhưng họ có quyền biểu quyết bị cáo có tội hay không có tội, trên cơ sở đó Thẩm
phán sẽ quyết định về vụ án. Đây là điểm khác biệt so với tố tụng thẩm vấn, trong tố
tụng thẩm vấn Hội thẩm nhân dân tham gia phiên tòa và quyết định cả về việc bị cáo có
tội hay không có tội, quyết định cả về việc lượng hình đối với bị cáo, ở thủ tục tố tụng
thẩm vấn Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa có địa vị pháp lý ngang với Hội thẩm nhân dân.
Thứ sáu, yếu tố thú tội và thỏa thuận thú tội (pleas of guilty and plea-
bargaining): ở nhiều vụ án cơ quan cảnh sát và công tố không thể tìm ra đủ chứng cứ để
có thể "thắng" tại phiên tòa khi họ muốn truy tố một bị cáo, nên luật pháp có những quy
định khuyến khích bị cáo nhận tội hoặc cho phép cảnh sát và cơ quan công tố thỏa thuận
để bị cáo nhận tội, khai báo hay cung cấp thông tin về bị cáo khác. Đổi lại, bị cáo có thể
được miễn truy tố về một hoặc một số tội hay được giảm hình phạt sau này khi Tòa án
lượng hình (ví dụ, nếu bị cáo nhận tội trong giai đoạn đầu, mức giảm là một phần ba mức
hình phạt thông thường). Việc thỏa thuận thú tội được diễn ra giữa cơ quan cảnh sát, viện
công tố và bị cáo cùng Luật sư của họ. Thông thường, cảnh sát và cơ quan công tố thông
báo cho bị cáo biết đã có những bằng chứng gì về hành vi phạm tội của họ, trên cơ sở đó
bị cáo sẽ tham khảo ý kiến Luật sư và cân nhắc có nhận tội hay tiếp tục không khai báo
hoặc chỉ khai báo trong phạm vi nhất định để sau này ra Tòa sẽ phản bác lại việc buộc
tội. Tòa án không tham gia vào thủ tục này vì Tòa án chỉ có thẩm quyền xét xử những vụ
án và bị cáo do cơ quan công tố hay cảnh sát đưa ra truy tố. Cơ chế này tác động tới trình
tự tố tụng vì khi bị cáo nhận tội dù ở bất cứ giai đoạn tố tụng nào, toàn bộ thủ tục đối với
bị cáo sẽ được thay đổi theo hướng không còn "tranh tụng" nữa và lúc đó chỉ còn là trách
nhiệm của Thẩm phán phải thẩm tra lại hồ sơ vụ án và đưa ra hình phạt thích hợp. Tòa án
không có trách nhiệm đối với việc cơ quan Công tố bỏ lọt người hay lọt tội, không truy tố
một tội phạm mà chỉ xét xử những tội phạm do cơ quan Công tố truy tố ra tòa [39, tr. 26-
29]. Tất nhiên, với vai trò không những là cơ quan áp dụng pháp luật và thực thi pháp
luật mà còn là cơ quan bảo vệ công lý, bảo vệ quyền tự do dân chủ của công dân chống
lại những lạm dụng quyền lực, bất công, đảm bảo niềm tin của công chúng vào công
bằng và bình đẳng Tòa án sẽ có trách nhiệm đối với việc đưa ra các bản án một cách
đúng đắn chứ không chỉ đơn thuần dựa vào tài liệu trong hồ sơ trong các vụ án không xét
xử bằng Bồi thẩm đoàn. Nhưng rõ ràng là ở những trường hợp đó, trách nhiệm của Tòa
án trong thủ tục tố tụng tranh tụng không nặng nề bằng Tòa án ở các nước theo thủ tục tố
tụng xét hỏi với tư cách là khâu phán quyết thẩm tra cuối cùng của giai đoạn tố tụng, Tòa
án ở những nước này có quyền khởi tố ngay tại phiên tòa, có quyền xét xử bị cáo theo
khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một
tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố (ở Việt Nam). Và như vậy,
Tòa án sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm cuối cùng nếu bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người
vô tội.
Hệ tố tụng xét hỏi nhấn mạnh phương pháp điều tra, thẩm vấn trong toàn bộ quá
trình tố tụng từ khi khởi tố đến xét xử. Hệ tranh tụng lại chú trọng vào hoạt động đối tụng
giữa các bên trong giai đoạn xét xử với các quy tắc nghiêm ngặt về chứng cứ để đảm bảo
rằng bị cáo được xét xử một cách công bằng. Nếu như ở hệ tố tụng tranh tụng vai trò của
Tòa án là thụ động, quá trình thẩm vấn của Thẩm phán ngay tại phiên tòa cũng chỉ mang
tính chất gián tiếp thì Tố tụng xét hỏi luôn đề cao vai trò chủ động của Thẩm phán trong
các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử. Trong hệ tố tụng tranh tụng không có sự phân
chia thành các giai đoạn tố tụng rõ rệt như trong hệ tố tụng xét hỏi nên chứng cứ trong tố
tụng tranh tụng phải tuân theo quy tắc chứng cứ (rule of evidence) ngay cả Thẩm phán
cũng không được tự do lựa chọn chứng cứ mà họ thấy thích hợp nhất.
Viện công tố ở những nước theo thủ tục tố tụng tranh tụng có quyền hạn không
lớn bằng ở những nước theo thủ tục tố tụng xét hỏi nên trong quá trình giải quyết vụ án
nghĩa vụ của các bên đặt ra ngang nhau. Phiên tòa trong tố tụng tranh tụng là một cuộc
đấu giữa hai bên buộc tội - bên gỡ tội, Thẩm phán và Bồi thẩm đoàn là trọng tài; nhưng
phiên tòa trong tố tụng xét hỏi nhiều khi rơi vào tình trạng diễn lại những gì đã được thực
hiện trước đó, trên cơ sở đó Hội đồng xét xử khẳng định lại các tình tiết, các chứng cứ để
ra bản án. Các nước theo thủ tục tranh tụng gọi phiên tòa của tố tụng xét hỏi là các phiên
họp. Vai trò của Luật sư và những người tham gia tố tụng khác đều bị chi phối thông qua
vai trò của Thẩm phán [41, tr. 5-7]. Thẩm phán trực tiếp xét hỏi và phát triển sự kiện theo
cách của mình còn các bên chủ yếu chỉ tranh luận để giải thích những gì liên quan đến
các cứ liệu của vụ án.
1.1.2. Tranh tụng tại phiên tòa
1.1.2.1. Đặc điểm phiên tòa trong tố tụng tranh tụng
Tranh tụng tại phiên tòa là quá trình đấu tụng diễn ra giữa hai bên buộc tội và bên
gỡ tội xung quanh việc bảo vệ quan điểm giải quyết vụ án của mình trong quá trình xét
xử từ khi mở phiên tòa cho đến khi kết thúc phiên tòa. Theo đó, dưới sự chủ trì của Hội
đồng xét xử các bên đưa ra những lý lẽ và chứng cứ nhằm bảo vệ quan điểm của mình.
Việc tranh luận được diễn ra công khai trực tiếp, liên tục và bằng miệng. Kết quả của
việc đấu tụng đó có ý nghĩa quyết định đến việc giải quyết vụ án. Vì vậy, so với phiên tòa
của hệ tố tụng xét hỏi thì phiên tòa trong tố tụng tranh tụng có những đặc điểm sau:
Phiên tòa là trung tâm và duy nhất của hoạt động tố tụng: Tố tụng tranh tụng
không chia thành các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà sau khi phát hiện vi
phạm pháp luật hình sự cơ quan công tố sẽ truy tố bị cáo ra tòa với một tội danh, nếu bị
cáo thuê Luật sư bảo vệ quyền lợi thì Luật sư sẽ tham gia tranh tụng khi xét xử. Đây là
giai đoạn duy nhất có sự tham gia đầy đủ của cả bên buộc tội, bên gỡ tội và cơ quan xét
xử có thẩm quyền. Thông qua sự tập trung một cách công khai minh bạch, các chứng cứ,
lý lẽ của hai bên gỡ tội và buộc tội chuẩn bị trước đó mới được Tòa án kiểm chứng và
thừa nhận. Tòa án là cơ quan tiến hành tố tụng duy nhất [15, tr. 256-257], nên mọi hoạt
động tố tụng được tập trung nhất vào phiên tòa. Và như thế, chỉ có thể thông qua quá
trình hỏi đáp, chất vấn, tranh luận tại phiên tòa, Tòa án mới xem xét và đánh giá bị cáo có
tội hay không ở mức độ nào mà có phán quyết.
Hình thành lợi ích đối kháng rõ rệt giữa hai bên tại phiên tòa: Như trên đã phân
tích, tại phiên tòa các bên sẽ phải đưa ra các chứng cứ, lý lẽ để bảo vệ cho luận điểm của
mình. Bên buộc tội là Viện công tố đại diện cho Nhà nước và bên gỡ tội là bị cáo và
người bảo vệ quyền lợi cho họ sẽ phải chất vấn, tranh luận với nhau để Tòa án nhận định.
Bên nào đưa ra được những chứng cứ, lý lẽ thuyết phục hơn thì sẽ được Tòa án chấp
nhận, đây là cuộc đấu theo đúng nghĩa của nó - không có sự nhượng bộ và như thế quyền
lợi của hai bên tại phiên tòa là đối lập nhau.
Tại phiên tòa Thẩm phán giữ vai trò là người trọng tài: Trong cuộc đấu giữa hai
bên buộc tội và gỡ tội, Tòa án sẽ không can thiệp trừ khi việc tranh luận ra ngoài nội
dung của vụ án. Đây là quá trình tranh luận cam go và có tính quyết định nên việc để cho
các bên tranh luận tự do là để đảm bảo cho quyền tranh tụng của họ, đảm bảo mọi tình
tiết của vụ án đều được đề cập đến; Tòa án trực tiếp tham gia xét hỏi sẽ bị coi là thiên vị
một bên nào đó. Vai trò của Tòa án tại phiên tòa là trung lập, xem xét đánh giá những
chứng cứ, lập luận của mỗi bên để có quyết định cụ thể.
Phiên tòa trong tố tụng tranh tụng thường rất dài, triệu tập nhiều nhân chứng:
Trong tố tụng tranh tụng khi đã phải mở phiên tòa có Bồi thẩm đoàn thì cũng có nghĩa là
tính chất phức tạp của vụ án đã thấy rõ. Tại phiên tòa Bồi thẩm đoàn và Thẩm phán mới
được biết chứng cứ, cũng như là các luận chứng mà mỗi bên đưa ra. Vừa do tính phức
tạp, vừa do phải thẩm tra đánh giá chứng cứ một cách tỷ mỉ và công nhận từng phần nên
phiên tòa thường kéo dài, cá biệt có trường hợp phiên tòa tới một năm. Tại phiên tòa việc
điều tra mới chính thức được Tòa án tiến hành nên nhân chứng đã được cảnh sát lấy lời
khai vẫn phải ra tòa làm chứng, đây là những người không thể thiếu trong phiên tòa của
tố tụng tranh tụng, khác hẳn với tố tụng xét hỏi là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thể
căn cứ lời khai của người làm chứng tại cơ quan điều tra để quyết định, vì vậy tại phiên
tòa sự tham gia của người làm chứng thường là đông, có phiên tòa triệu tập tới 600 người
[13, tr. 6].
Bồi thẩm đoàn và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có vị trí ngồi khác nhau cũng
như chức năng công việc: Trong tố tụng xét hỏi, tại phiên tòa Thẩm phán và Hội thẩm
nhân dân ngồi cùng một bàn và họ ngang quyền với nhau khi xét xử cũng như khi đưa ra
những phán quyết. Nhưng trong tố tụng tranh tụng, Bồi thẩm đoàn ngồi ở vị trí khác với
Thẩm phán chủ tọa họ chỉ có quyền nghe và công nhận bị cáo có tội hay không có tội,
còn việc định tội danh và quyết định hình phạt là của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa.
1.1.2.2. Điều kiện để tranh tụng tại phiên tòa
Để xác định sự thật khách quan của vụ án thì phiên tòa phải đảm bảo nguyên tắc
tranh tụng, và như thế cần phải có những cơ chế, điều kiện nhất định để thực hiện:
Trước hết, tham gia vào quá trình tranh tụng bao giờ cũng phải có ba chủ thể
của quan hệ tranh tụng. Một bên là Công tố viên nhân danh Nhà nước thực hành quyền
công tố (bên buộc tội) và một bên là Luật sư, bị cáo (bên gỡ tội) và bên kia là thẩm phán
và bồi thẩm đoàn. Quá trình tranh tụng phải được diễn ra và tiến hành theo đúng những
quy định của pháp luật tố tụng hình sự cả về hình thức, nội dung cũng như về không gian
và thời gian. Trong quá trình này từ khi bắt đầu phiên tòa đến khi kết thúc phiên tòa, vai
trò trung tâm và quyết định luôn luôn thuộc về Hội đồng xét xử, Thẩm phán Chủ tọa phải
đóng vai trò là người điều khiển, không can thiệp vào nội dung tranh tụng nhưng phải
đánh giá, nhận định và xem xét để quyết định chính xác và đúng đắn. Theo tác giả, quá
trình tranh tụng chỉ có ý nghĩa đầy đủ nhất khi có đầy đủ và đồng thời các chủ thể của
quan hệ tranh tụng trong tố tụng hình sự và được thể hiện bằng phán quyết cuối cùng của
Tòa án.
Thứ hai, để việc tranh tụng đạt kết quả cao thì các bên buộc tội và gỡ tội phải có
trình độ năng lực cũng như đạo đức nghề nghiệp, có sự chuẩn bị kỹ càng. Trong quá
trình tranh tụng dân chủ tại phiên tòa, trình độ năng lực của những người tham gia tranh
tụng có ảnh hưởng rất lớn, nếu trình độ năng lực chênh lệch giữa bên buộc tội và bên gỡ
tội thì hiển nhiên tranh tụng không mang lại hiệu quả cao. Công tố viên là bên buộc tội vì
vậy không chỉ việc chuẩn bị chu đáo các tài liệu, nghiên cứu kỹ càng vụ án mà trình độ tư
duy lý luận cao là đòi hỏi quan trọng. Quá trình nghiên cứu hồ sơ cũng chưa hoàn toàn
đánh giá được hết tính chất mức độ vụ án và càng không thể căn cứ vào đó để có lời luận
tội; chỉ có thể qua quá trình thẩm vấn, tranh luận tại phiên tòa mà Kiểm sát viên buộc tội
một cách khách quan, thuyết phục, vì vậy đòi hỏi Kiểm sát viên phải có trình độ cũng
như kinh nghiệm tham gia tranh tụng. Vai trò của Luật sư, người bào chữa trong tranh
luận là hết sức quan trọng, bởi tính chất công việc của Luật sư là một bên trong quá trình
tranh tụng, đồng thời Luật sư có được những quyền tố tụng cho phép để điều tra thu thập
chứng cứ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo. Vì vậy, không chỉ năng lực trình độ của
Luật sư, mà đạo đức nghề nghiệp của họ cũng có ảnh hưởng lớn đến việc tận lực cho
công việc bào chữa, đến quá trình tranh tụng.
Nếu trong suốt quá trình trước khi mở phiên tòa xét xử cả hai bên Công tố viên
và bị cáo - Luật sư bào chữa cho bị cáo không có sự chuẩn bị kỹ, không dự trù trước
những tình huống có thể xảy ra trong quá trình tranh tụng thì đến khi tranh luận họ sẽ
có thể bị đuối lý và tất nhiên phán quyết của Tòa án sẽ trên cơ sở của bên thuyết phục.
Vì vậy, tự bản thân hai phía buộc tội và gỡ tội sẽ phải có sự chuẩn bị cho quá trình
tranh tụng của mình và luật pháp cũng có những quy định để đảm bảo cho quá trình
chuẩn bị thu thập chứng cứ của các bên, đảm bảo cho việc tranh tụng đạt kết quả cao
nhất. Hai bên buộc tội và gỡ tội không chỉ chuẩn bị kỹ càng về lý lẽ, về chứng cứ được
thu thập trong suốt quá trình trước khi mở phiên tòa mà còn tự đánh giá xem những
luận điểm nào còn yếu, dự trù những tình huống có thể xảy đến trong quá trình tranh
luận để đến khi ra tranh tụng đạt được kết quả theo mong muốn.
Thứ ba, để quá trình tranh tụng đạt kết quả tốt thì cần có một hệ thống pháp luật
hoàn chỉnh và các điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo. Hệ thống pháp luật hoàn chỉnh có vai
trò rất lớn trong việc tạo ra điều kiện cho quá trình tranh tụng, ở những nước áp dụng hệ
thống tố tụng tranh tụng - theo nhiều chuyên gia - là những nước có nền văn hóa pháp lý
cao của toàn xã hội [6, tr. 246-251]; và thực tế cũng cho thấy, để áp dụng được tranh tụng
tại phiên tòa cần có sự đồng bộ của các ngành luật riêng lẻ, đầy đủ và chặt chẽ để tạo ra
cơ chế cho tranh tụng.
Bên cạnh đó, về cơ sở vật chất như phòng xử án phải đáp ứng các điều kiện về
tính trang nghiêm, đảm bảo các phương tiện kỹ thuật như ánh sáng, âm thanh, đảm bảo
phòng cách ly nhân chứng, bị cáo, thậm chí có cả Camera để đảm bảo tính công khai dân
chủ. Quá trình chuẩn bị phiên tòa phải tốt, bởi lẽ chỉ khi triệu tập đầy đủ những người
tham gia tố tụng đến phiên tòa thì mới có điều kiện đầy đủ để tiến hành việc tranh tụng
được tốt. Trường hợp vắng mặt một số người tham gia tố tụng sẽ gây nên tốn kém, làm
cho phiên tòa phải hoãn hoặc phải xử dài ngày, làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử.
1.1.2.3. Yêu cầu của tranh tụng tại phiên tòa
Tranh tụng tại phiên tòa phải đảm bảo tính dân chủ, công khai nhưng vẫn thể
hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Đây là yêu cầu xuyên suốt quá trình tranh tụng, nếu
thiếu yêu cầu này thì quá trình tranh tụng không thể đưa đến việc xác định sự thật khách
quan của vụ án. Chỉ đạt được yêu cầu về dân chủ thì mới đảm bảo sự ngang bằng giữa
các bên tham gia đấu tụng, trong đó quyền công tố của Nhà nước được đặt ngang với
quyền bào chữa của bị cáo - Luật sư, họ có toàn quyền tranh luận về mọi vấn đề trong vụ
án để làm sáng tỏ những tình tiết còn chưa rõ, qua đó Hội đồng xét xử và những người
tham gia phiên tòa sẽ xác định được sự thật khách quan của vụ án. Việc tranh tụng đó
phải diễn ra công khai để thể hiện tính minh bạch của pháp luật, của quá trình xét xử vụ
án. Chỉ có những trường hợp pháp luật quy định phải xử kín để đảm bảo bí mật Nhà nước
đảm bảo quyền của công dân, còn mọi trường hợp khác đều phải xử công khai. Tranh
tụng tại phiên tòa phải đạt yêu cầu công khai dân chủ, nhưng vẫn phải theo quy định của
pháp luật. Đó chính là thể hiện sự nghiêm minh cần thiết của pháp luật, nếu thiếu đi sự
nghiêm minh đó thì tranh luận giữa phiên tòa là sự tranh luận vô tổ chức mạnh ai người
ấy nói, phiên tòa trở thành cuộc cãi nhau giữa các bên.
Mục đích của tranh tụng tại phiên tòa là làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ
án thông qua sự cọ xát giữa các lập luận, ý kiến. Vì vậy, yêu cầu của nó là hai bên tranh
luận đi vào từng chi tiết của vụ án, sự đối đáp giữa hai bên phải diễn ra liên tục, Công
tố viên, bị cáo, Luật sư, bị hại và tất cả những người tham gia tố tụng khác phải tranh
luận từng vấn đề rõ ràng, mạch lạc, dứt khoát, không tranh luận chung chung, dàn trải,
lạc đề. Công tố viên là bên buộc tội, Luật sư là bên gỡ tội vì vậy họ phải có sự chủ động
trong tranh luận tại phiên tòa, cần hỏi những người tham gia tố tụng nhiều hơn bất cứ ai
để làm rõ mọi tình tiết của vụ án, đặc biệt là các vấn đề, tình tiết mà bị cáo, người làm
chứng đưa ra tại phiên tòa có mâu thuẫn với những kết quả điều tra trước đó của Viện
công tố để trên cơ sở đó có lời luận tội, lời bào chữa khách quan, chính xác. Trong
tranh luận tại phiên tòa không thể có trường hợp Công tố viên chỉ phát biểu quan điểm
là giữ nguyên quan điểm như đã truy tố mà không đưa ra lý lẽ, dẫn chứng nào khác có
sức thuyết phục để bảo vệ quan điểm đó. Do vậy, đây cũng là vấn đề mà trên thực tế đòi
hỏi Chủ tọa các phiên tòa phải định hướng để các bên tham gia tranh luận chất vấn và
trả lời chất vấn những nội dung chính của vụ án, có như vậy tranh tụng mới đạt hiệu
quả.
1.1.2.4. Nội dung của tranh tụng tại phiên tòa
Xuất phát từ bản chất, mục đích của tố tụng tranh tụng nên tại phiên tòa phải giải
quyết các nội dung sau:
Thứ nhất, dưới sự chủ trì của Chủ tọa phiên tòa các bên hỏi và trả lời câu hỏi để
làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Tại phiên tòa để làm sáng tỏ sự thật vụ án thì
tranh tụng là quá trình quan trọng, nó bao gồm việc chất vấn liên tục, tranh luận giữa một
bên đại diện cho Nhà nước thực hành quyền công tố - bên buộc tội, còn bên kia là bên gỡ
tội - bị cáo và Luật sư, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo. Công tố viên nhân
danh Nhà nước sẽ là người đưa ra những chứng cứ, những lập luận để bảo vệ lời buộc tội
(cáo trạng), và đến lượt bị cáo và người bào chữa thể hiện ngay thái độ của họ đối với lời
buộc tội đó. Sau khi xem xét chứng cứ do bên buộc tội đưa ra, Hội đồng xét xử xem xét
đến chứng cứ do bên gỡ tội đưa ra và những lý lẽ để bào chữa. Đây là quá trình mà mỗi
bên đều dùng những lý lẽ, chứng cứ để chứng minh cho luận điểm của mình nên có thể
nói những lý lẽ đó hoàn toàn trên cơ sở ý chí chủ quan của mỗi bên, và chứng cứ là để
phục vụ cho ý chí đó. Vì vậy, cần thiết phải có người đứng ra là trọng tài giữa việc tranh
tụng đó, chỉ có Tòa án mà ở đây là Hội đồng xét xử đảm nhiệm công việc đó là khách
quan và chính xác nhất xét cả về phương diện lý luận cũng như thực tiễn. Chủ tọa phiên
tòa không chỉ là người điều khiển phiên toà nói chung mà họ cũng là phần quan trọng
không thể thiếu của quá trình tranh tụng. Chủ tọa phiên tòa với vai trò chủ trì, điều khiển
phiên tòa có toàn quyền quyết định nội dung việc xét hỏi, hướng cho hai bên hỏi và trả
lời câu hỏi đi vào trọng tâm của vấn đề, nhằm giải quyết vụ án. Chủ tọa phiên tòa tạo
điều kiện cho các bên tranh luận không hạn chế nhưng cũng tránh cho các bên đi vào
những tình tiết vụn vặt không có giá trị làm sáng tỏ nội dung vụ án hoặc Chủ tọa phiên
tòa dừng việc hỏi và đáp giữa hai bên hướng sang vấn đề khác nếu nội dung đó đã được
làm sáng tỏ. Trong quá trình đó Hội đồng xét xử luôn thể hiện sự khách quan, tập trung
lắng nghe việc tranh tụng của các bên để thấy được sự thật khách quan của vụ án, có tội
hay không có tội ở những chứng cứ nào; nếu có tội thì ở mức độ như thế nào, những tình
tiết, chứng cứ nào thể hiện mức độ tăng nặng, những tình tiết, chứng cứ nào là giảm nhẹ.
Những chứng cứ nào là hợp pháp, những chứng cứ nào không được công nhận là hợp
pháp. Nếu có vật chứng thì xem xét vật chứng để thấy sự phản ánh dấu vết tội phạm trên
đó ở mức độ như thế nào. Từ đó để thấy những tình tiết chứng cứ nào còn chưa rõ những
vấn đề còn mâu thuẫn, Chủ tọa phiên tòa cho hai bên tranh luận rõ hơn, chất vấn nhau
nhiều hơn để thấy bật ra được vấn đề, đồng thời dựa trên sự đánh giá khách quan toàn
diện những chứng cứ, tình tiết, quá trình tranh luận trên mà Hội đồng xét xử sau đó có
phán quyết công bằng.
Để tranh tụng tại phiên tòa đạt được kết quả, Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa có
quyền áp dụng quy định của phát luật tố tụng hình sự điều khiển phiên tòa theo đúng
tiến trình tranh tụng. Cũng trên cơ sở của Luật tố tụng hình sự, họ có thể cho phép mọi
người liên quan đến quá trình tranh tụng được vào phiên tòa; trong trường hợp cần
thiết, Chủ tọa phiên tòa cách ly bị cáo, nhân chứng để đảm bảo việc tranh tụng tại phiên
tòa diễn ra khách quan, có hiệu quả.
Thứ hai, áp dụng những quy định của pháp luật để giải quyết vụ án. Để phục vụ
cho quá trình tranh tụng tại phiên tòa, hai bên buộc tội và gỡ tội đều đã chuẩn bị cho
mình những tài liệu chứng cứ cần thiết để bảo vệ lý lẽ của mình. Trong quá trình đó cả
hai bên đều đã phải vận dụng những quy định của pháp luật không chỉ về luật hình thức
mà còn cả luật nội dung. Đó là quá trình dựa vào chứng cứ đã được thu thập, căn cứ vào
các điều khoản được quy định trong luật và các văn bản khác để đối chiếu so sánh tìm ra
những tình tiết buộc tội và gỡ tội, và như thế bên gỡ tội thì tận dụng tối đa những chi tiết
dù là nhỏ nhất để phản bác lại sự buộc tội của bên kia, còn bên buộc tội sẽ cố gắng truy tố
với những chứng cứ chặt chẽ nhất nhằm không bỏ lọt tội phạm vì vậy họ cũng không bỏ
qua những chi tiết dù là nhỏ nhất.
Tới khi ra phiên tòa, cả hai bên đều trình bày sao cho có sức thuyết phục nhất
trước Hội đồng xét xử và những người tham dự phiên tòa. Vì vậy cả hai bên sẽ cố gắng
đề cập đến mọi tình tiết có lợi nhất của vụ án một cách trực tiếp, liên tục. Họ chất vấn
nhau nhưng không phải vô tổ chức mà dưới sự điều khiển của Thẩm phán - Chủ tọa phiên
tòa. Họ có quyền phản đối quan điểm của bên kia đặt câu hỏi, đưa ra những chứng cứ để
chứng minh cho luận điểm của mình phản bác lại bên kia. Trong quá trình đó họ toàn
quyền tranh luận về những vấn đề để làm sáng tỏ vụ án, việc tranh luận không bị hạn chế
nếu như không đi ra ngoài nội dung vụ án. Có quyền vận dụng những quy định của pháp
luật để đề nghị Chủ tọa phiên tòa có những quyết định tại phiên tòa thuận lợi cho việc
tranh tụng và chứng minh sự thật của vụ án. Đây là cuộc đấu giữa hai bên buộc tội và gỡ
tội nên nó có sự đối kháng rõ rệt và phần thắng sẽ thuộc về bên nào có những chứng cứ
thuyết phục, lý lẽ sắc bén hơn để Hội đồng xét xử và người tham dự phiên tòa chấp nhận.
Thứ ba, đảm bảo việc đưa ra xem xét các chứng cứ, tài liệu minh chứng cho luận
điểm của mỗi bên. Trong quá trình tranh tụng, chứng cứ là căn cứ quan trọng để làm sáng
tỏ sự thật của vụ án. Tranh tụng tại phiên tòa là trung tâm của hoạt động tố tụng, ở thủ tục
tố tụng tranh tụng không chia thành các giai đoạn rõ rệt nên cũng không có giai đoạn điều
tra riêng biệt mà chỉ có sự thu thập chứng cứ chuẩn bị của hai bên buộc tội và gỡ tội.
Trên cơ sở sự chuẩn bị ấy, tranh tụng được diễn ra tại phiên tòa. Thông qua phiên tòa Hội
đồng xét xử có phán quyết đối với bị cáo - có tội hay không có tội, ở mức độ nào, hình
phạt ra sao. Quá trình xem xét đánh giá chứng cứ được xác định qua hoạt động tranh
tụng, chứng cứ được đánh giá không đúng làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật
khách quan của vụ án và như vậy hoạt động tranh tụng không còn ý nghĩa. Chủ tọa phiên
tòa sẽ đảm bảo cho việc đưa ra chứng cứ của mỗi bên, thông qua quá trình hỏi đáp, chất
vấn liên tục giữa hai bên buộc tội và gỡ tội Hội đồng xét xử và những người tham dự
phiên tòa có thể thấy được những điểm còn mâu thuẫn của lý lẽ giữa các bên, thấy được
sự không thuyết phục của chứng cứ mà bên nào đó đưa ra. Từ đó xem xét đánh giá chứng
cứ được chính xác. Đây là một cuộc đấu chủ yếu diễn ra giữa hai bên buộc tội và gỡ tội
nhưng để cuộc đấu đó được khách quan và có chất lượng thì phải đảm bảo được sự minh
bạch khách quan của các chứng cứ thông qua việc đưa ra xem xét công khai tại phiên tòa
theo quy tắc về chứng cứ và được Hội đồng xét xử chấp nhận.
1.2. Cơ sở của việc đổi mới hoạt động tố tụng hình sự nước ta theo hướng
tranh tụng tại phiên tòa
1.2.1. Thực trạng phiên tòa trước khi có Nghị quyết 08/NQ-TW
Theo những đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu xã hội và pháp luật thì trong suốt
những năm tháng của công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, các cơ quan tư pháp
của chúng ta đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh
chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp
của tổ chức, công dân; nhưng hoạt động của các cơ quan đó đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế
mà thể hiện là còn nhiều trường hợp bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội, vi phạm các
quyền tự do, dân chủ của công dân, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với các cơ
quan tư pháp. Những thiếu sót tồn tại đó thể hiện ở tất cả các khâu trong hoạt động tố
tụng, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Những bất cập và hạn chế không chỉ tồn tại
ở các cơ quan tiến hành tố tụng mà các hoạt động bổ trợ tư pháp (bào chữa tư vấn pháp
luật, công chứng, giám định...) cũng chưa đáp ứng yêu cầu.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng công tác xét xử ở nước ta còn có nhiều sai sót
như: xét xử oan do đánh giá không đúng chứng cứ buộc tội. Một số bản án áp dụng
không đúng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, đánh giá không đúng về tính chất, mức độ
nguy hiểm của hành vi phạm tội hoặc nhân thân của bị cáo nên xét xử quá nặng hoặc quá
nhẹ, định sai về tội danh, áp dụng không đúng hình phạt, khung hình phạt và cho hưởng
án treo trái với quy định của pháp luật. Theo báo cáo tổng kết của ngành Tòa án từ năm
1992 đến 2002 thì mặc dù số lượng án oan, hủy có giảm nhưng vẫn còn, việc xét xử tại
phiên tòa còn có lúc có nơi chưa đảm bảo tính dân chủ, công khai, chưa nghiêm minh.
Ngoài những trường hợp oan, sai phát hiện được trong giai đoạn xét xử thì ngay tại hoạt
động điều tra, truy tố vẫn liên tục xảy ra tình trạng lạm dụng bắt khẩn cấp, bắt không đủ
căn cứ, phải trả tự do; chất lượng điều tra, kiểm sát điều tra còn yếu kém, hồ sơ phải trả
đi trả lại nhiều lần dẫn đến giải quyết án quá hạn luật định và đó cũng là nguyên nhân dẫn
đến tình trạng oan, sai trong hoạt động xét xử.
Trong hoạt động của các cơ quan điều tra thì tình trạng vi phạm tố tụng hình sự
nói chung và tình trạng vi phạm quyền lợi chính đáng của bị can, bị cáo nói riêng còn phổ
biến. Việc dùng nhục hình để bức cung người bị tạm giữ, bị can, bị cáo dẫn đến việc bị
can, bị cáo chết trong trại giam vẫn còn. Điều tra viên không đủ năng lực, trình độ hoặc
do thói quen lề lối làm việc nên còn phổ biến việc mớm cung, dụ cung, ép cung.
Theo báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại kì họp thứ 2
Quốc hội khóa XI, trong giải quyết vụ án hình sự vẫn còn hiện tượng để quá hạn điều tra,
truy tố, xét xử; dùng nhục hình và làm sai lệch hồ sơ vụ án. Cũng theo báo cáo này, trong
năm 2002, tội xâm phạm hoạt động tư pháp khởi tố 178 vụ, trong đó có 3 vụ dùng nhục
hình, 2 vụ làm sai lệch hồ sơ vụ án, 2 vụ thiếu trách nhiệm để người bị giam trốn.
Trong hoạt động tố tụng hình sự ở nước ta, tuy không phải là phổ biến nhưng đã
từng tồn tại rất nhiều những vụ việc dùng thủ đoạn phi nhân tính để ép cung bị can, thậm
chí có những trường hợp dùng nhục hình dẫn đến chết người. Vì vậy cho nên ép cung,
dùng nhục hình, không tôn trọng quyền của bị can, bị cáo, không để cho bị can, bị cáo có
cơ hội tự bảo vệ mình cần phải được loại bỏ trong xã hội ngày nay thông qua các quy
định cụ thể của pháp luật và việc tạo ra một cơ chế để triệt tiêu hoàn toàn những khả năng
có thể phát sinh ra những vi phạm đó.
Mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 đã dành hẳn một chương quy định về
vấn đề tranh luận tại phiên tòa, nhưng do nghĩa vụ chứng minh tội phạm vẫn là một trách
nhiệm của Tòa án nên còn có Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa sa đà nhiều quá trong việc
xét hỏi, thẩm vấn mà không dành nhiều thời gian cho việc tranh luận. Nội dung thẩm vấn
và cách đặt câu hỏi của Tòa án chủ yếu dựa vào kết luận điều tra và cáo trạng, ngôn
phong thẩm vấn thể hiện sự truy bức khiến bị cáo vốn đã có địa vị pháp lý thấp kém lại
càng thêm lúng túng khi trình bày trước tòa. Có những trường hợp thay vì phải kiểm tra
tính hợp pháp của các chứng cứ một cách công khai tại tòa, Chủ tọa phiên tòa lại nhắc
hoặc công bố lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra và cho rằng bị cáo không thành khẩn
khai nhận [35, tr. 4-7]. Do việc xét xử phần lớn và chủ yếu vẫn dựa vào những tài liệu do
cơ quan điều tra thu thập, xây dựng vì vậy chất lượng xét xử phụ thuộc rất nhiều vào kết
quả xây dựng hồ sơ của các cơ quan điều tra. Theo báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm
sát nhân dân tối cao tại kì họp thứ 2 Quốc hội khóa XI, công tác điều tra của chúng ta còn
rất nhiều khiếm khuyết và thiếu sót, điều này đã làm cho công tác xét xử gặp rất nhiều
khó khăn, có khi gây ra những tranh luận không đáng có, thậm chí còn có thể dẫn đến
những kết luận về vụ án không đúng bản chất, không đúng thực tế [30, tr. 5]. Quan niệm
án tại hồ sơ là một quan niệm lưu cữu, đã hằn sâu trong nhận thức của nhiều người tiến
hành tố tụng khiến nhiều vụ án đã thoát ly khỏi diễn biến khách quan phát sinh tại phiên
tòa.
Cũng chính vì quan niệm án tại hồ sơ nên việc tranh luận tại phiên tòa rất mờ
nhạt, điều đó đã làm cho các Luật sư chưa thể tạo được chỗ đứng cho mình tại mỗi phiên
tòa. Trên thực tế văn bản pháp luật Việt Nam hiện hành tuy có một pháp lệnh quy định về
cơ chế làm việc của Luật sư và rất nhiều những điều luật quy định về quyền và nghĩa vụ
của Luật sư nhưng trong khi tại phiên tòa Kiểm sát viên dùng những lý lẽ đanh thép để
buộc tội thì Luật sư dường như lại chẳng có gì để nói, hầu hết việc tranh cãi chỉ xoay
quanh quan điểm định tội danh hoặc tìm ra những chỗ chưa hoàn chỉnh của công tác điều
tra để bắt bẻ chứ rất hiếm khi đưa ra được những bằng chứng phản bác đắt giá... chưa kể
sự mâu thuẫn, căng thẳng trong khi tranh cãi thay vì phải xuất phát từ sự cọ xát về chứng
cứ, về luận điểm thì đôi lúc chỉ vì thái độ, ngôn ngữ mang tính hình thức. Nhiều Luật sư
ra đến phiên tòa cũng chẳng đưa ra được những lý lẽ có sức thuyết phục, những chứng cứ
có sức nặng mà chỉ chốt lại ở cuối giai đoạn tranh luận là đề nghị Hội đồng xét xử xem
xét những tình tiết giảm nhẹ thuộc về nhân thân, thái độ khai báo v.v... bị cáo để giảm
nhẹ hình phạt cho bị cáo. Thực tế còn không ít những trường hợp Luật sư có năng lực,
trình độ hạn chế, không đủ khả năng để cãi lý với Kiểm sát viên thì tìm cách giảm nhẹ
hình phạt cho bị cáo bằng con đường không trong sáng.
Những quy định về tranh luận tại phiên tòa đã không được các bên tuân thủ nên
nhiều trường hợp yêu cầu của bị cáo, Luật sư bào chữa đã không được Kiểm sát viên trả
lời. Có không ít trường hợp Kiểm sát viên chẳng thèm cãi lý với Luật sư mà chỉ nhắc đi
nhắc lại mãi cái điệp khúc tôi vẫn bảo lưu quan điểm của mình. Lại có những Kiểm sát
viên ra phiên tòa trong suốt thời gian xét hỏi không xét hỏi một câu nào mà chỉ đọc bản
cáo trạng rồi ngồi xem, đùn đẩy toàn bộ trách nhiệm thẩm vấn lên Hội đồng xét xử, khi
kết thúc phần xét hỏi thì đọc bản luận tội. Có những trường hợp trả lời câu hỏi của Luật
sư thì lại không đi vào trọng tâm vấn đề, khi bác bỏ luận điểm của Luật sư thì không đưa
ra được căn cứ thuyết phục... khiến những phiên tòa với sự đối ứng chan chát, những pha
cãi nhau nảy lửa với những đột biến gay cấn, ly kỳ chỉ có thể được chúng ta mục kích
trên phim ảnh nước ngoài.
Những thiếu sót và sai lầm như trên không khỏi khiến cho những người làm công
tác pháp luật và những chuyên gia nghiên cứu pháp luật phải băn khoăn suy nghĩ.
1.2.2. Đổi mới pháp luật trước yêu cầu hội nhập quốc tế
Cách thức của sự phát triển luôn là sự phủ định cái cũ để tìm đến cái mới ưu việt
hơn, pháp luật cũng vậy những quy định đã lỗi thời cần phải được thay thế bởi những quy
định phù hợp hơn với thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, sự phủ định ấy không phải là sự phủ
định sạch trơn mà trên cơ sở kế thừa cái cũ. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì hiện nay tồn
tại hai hệ thống tố tụng cơ bản đó là hệ thống tố tụng xét hỏi và hệ thống tố tụng tranh
tụng. Hệ thống tố tụng xét hỏi thường tồn tại ở những nước theo hệ thống luật dân sự
Civil Law - Việt Nam chúng ta cũng được nhận định là theo hệ tố tụng này; hệ thống tố
tụng tranh tụng được áp dụng rộng rãi ở các nước theo truyền thống luật án lệ Common
law (Anh là đại diện điển hình). Mỗi hệ thống tố tụng có những đặc điểm riêng với những
ưu điểm và nhược điểm của nó. Khi so sánh giữa các ưu điểm và nhược điểm của hai loại
hình tố tụng, nhiều quan điểm (như Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chí) cho rằng, tố tụng tranh
tụng có nhiều ưu điểm hơn bởi so với các kiểu tố tụng khác thì tố tụng tranh tụng đề cao
quyền con người hơn, và biểu hiện của việc phát huy tối đa tinh thần dân chủ trong hoạt
động tố tụng, cơ chế vận hành của nó hạn chế đến mức tối đa các trường hợp kết án oan
người không có tội, nó là biểu hiện của một nền văn hóa pháp lý cao ở một quốc gia [6].
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải còn cho rằng, theo quá trình lịch sử, tố tụng xét hỏi đã tồn tại
hàng thế kỷ dưới tác động của các tư tưởng tiến bộ đã dần chuyển sang kiểu tố tụng xét
hỏi - tranh tụng và cuối cùng là tố tụng tranh tụng. Như thế tố tụng xét hỏi sẽ tất yếu bị
thay thế bởi hệ thống tố tụng tranh tụng bởi tính ưu việt của nó [15]. Tuy nhiên, Tiến sĩ
Nguyễn Ngọc Chí thì cho rằng, vào thời điểm này chúng ta không thể chuyển hoàn toàn
sang kiểu tố tụng tranh tụng được mà chỉ có thể tiếp thu những điểm tiến bộ, phù hợp với
điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, pháp lý của nước ta. Điều này cũng tương đồng với
những cải cách tư pháp của nhiều nước trên thế giới như Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc....
Cùng với sự hội nhập, giao lưu quốc tế, những giao lưu về kinh tế, chính trị, văn hóa
cũng đã mở ra cho các quốc gia những xu hướng tiếp thu những tinh hoa về mọi mặt của
các quốc gia khác, trong đó có pháp luật. Pháp là một nước điển hình của hệ thống pháp
luật Civil Law với hệ tố tụng thẩm vấn truyền thống nhưng cũng nhận thấy sự lạc hậu của
hệ tố tụng này mà đưa những hạt nhân hợp lý của hệ tố tụng tranh tụng vào hệ tố tụng xét
hỏi từ năm 2000. Trung Quốc thì đã mạnh dạn sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự theo hướng
đưa nội dung của tố tụng tranh tụng vào tố tụng xét hỏi từ năm 1997, và thực tế đã cho
thấy việc giải quyết án của các nước này đã tạo ra sự dân chủ thực sự và hạn chế oan sai
rất nhiều... Như thế xu hướng xích lại gần nhau của các quốc gia trong giai đoạn toàn cầu
hóa đã dẫn đến sự xích lại gần nhau trong lĩnh vực pháp luật mà thể hiện là sự tiếp thu
những nhân tố hợp lý của hệ tố tụng tranh tụng vào hệ tố tụng xét hỏi và ngược lại. Đây
là một xu hướng tất yếu của quá trình phát triển, và chúng ta - một thành viên của ngôi
nhà chung thế giới - cũng cần phải có sự đổi mới phù hợp về mặt pháp luật nói chung và
pháp luật tố tụng hình sự nói riêng.
1.2.3. Nghị quyết 08/ NQ-TW của Bộ Chính trị và vấn đề tranh tụng tại phiên
tòa
1.2.3.1. Bản chất của hệ tố tụng hình sự Việt Nam trước khi có Nghị quyết
08/NQ-TW
Trước khi có Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng
tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới, ở Việt Nam đã có rất nhiều ý kiến của các
chuyên gia khác nhau bàn về bản chất của hệ tố tụng hình sự ở nước ta hiện nay.
Hầu hết ý kiến của các chuyên gia đều thống nhất cho rằng, hệ tố tụng hình sự ở
Việt Nam tuy có chứa đựng yếu tố tranh luận nhưng không mang đặc trưng của tố tụng
tranh tụng bởi lẽ phán quyết của Tòa án không dựa trên kết quả tranh tụng giữa các bên
và quyền lực tại phiên tòa cũng không được san sẻ cho những ngời tham gia tố tụng.
Theo nhận định của tiến sĩ Lê Hữu Thể thì cần phải thống nhất một số vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, hệ tố tụng hiện nay ở nước ta thuộc hệ tố tụng thẩm vấn (tất nhiên là
so với các quốc gia cũng theo hệ tố tụng thẩm vấn khác, thì ở Việt Nam có những đặc thù
riêng).
Thứ hai, mặc dù hệ tố tụng ở nước ta là hệ tố tụng thẩm vấn, nhưng bản thân nó
có chứa đựng những hạt nhân hợp lý của hệ tố tụng tranh tụng.
Tiến sĩ Lê Hữu Thể cho rằng, sẽ là không có cơ sở nếu khẳng định hệ tố tụng
hình sự ở nước ta không phải là hệ tố tụng thẩm vấn mà cũng chẳng phải là hệ tố tụng
tranh tụng [40].
Không đồng tình với quan điểm của tiến sĩ Lê Hữu Thể, thạc sĩ Ngô Huy Cương
lại có một cách nhìn nhận khác về bản chất của hệ tố tụng hình sự tại Việt Nam. Ông cho
rằng, các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử... đều là các tầng nấc khác nhau và
cao hơn liên tiếp của hoạt động buộc tội. Song ở đây cần phải lưu ý rằng, Thẩm phán của
Việt Nam chưa phải là nhân vật quan trọng dẫn đầu như vị thế của các đồng nghiệp của
họ ở các nước theo hệ tố tụng thẩm vấn khác, bởi vì hoạt động của họ bị giám sát hay
kiểm sát bởi Viện kiểm sát - nơi mà các quan chức tư pháp giữ quyền công tố trong phiên
xét xử do chính họ là Chủ tọa. Do vậy, thạc sĩ cho rằng, tố tụng hình sự của Việt Nam
không có các đặc trưng quan trọng của tố tụng tranh tụng và cả tố tụng thẩm vấn mà thực
chất đây là một hệ tố tụng riêng biệt có tên gọi là tố tụng buộc tội [8].
Dung hòa giữa hai quan điểm trên, theo ý kiến của bản thân, tác giả cho rằng nếu
chỉ dựa vào một số điều luật quy định không rõ ràng và quá sơ sài mà đã cho rằng hệ tố
tụng Việt Nam có chứa đựng những hạt nhân hợp lý của hệ tranh tụng thì thực sự là chưa
thỏa đáng và chưa thuyết phục. Bản chất của hệ tố tụng hình sự Việt Nam là hệ tố tụng
thẩm vấn nhưng chỉ có điều biểu hiện của nó lại không hoàn toàn giống như các nước
theo hệ tố tụng thẩm vấn khác, mà thực tiễn xét xử cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng
ở Việt Nam đều có chức năng của một cơ quan buộc tội. Điều này không chỉ được chiêm
nghiệm trong thực tế mà cụ thể hơn nó còn được quy định trong chính các văn bản quy
phạm pháp luật (ví dụ: những quy định trong Hiến pháp về cơ quan Tòa án, Viện kiểm
sát, những quy định về chức năng nhiệm vụ trong Luật tố chức Tòa án, Viện kiểm sát,
Pháp lệnh điều tra hình sự, quy định về nghĩa vụ chứng minh tại Điều 11 Bộ luật tố tụng
hình sự 2003). Cho dù có theo quan điểm nào thì một sự thật mà chúng ta không thể phủ
nhận là trong những năm qua, hệ tố tụng hình sự ở nước ta đã dẫn đến tỉ lệ xét xử oan sai
quá lớn, nhiều bê bối làm nhân dân giảm lòng tin nghiêm trọng với hệ thống tư pháp. Do
đó, việc đổi mới hoạt động xét xử theo nguyên tắc tranh tụng là cần thiết.
1.2.3.2. Vấn đề tranh tụng tại phiên tòa trong Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ
Chính trị
Trong những bất cập của hoạt động tư pháp, ngày 2/1/2002 Bộ Chính trị đã ra
Nghị quyết 08/NQ-TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian
tới. Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị đề cập đến rất nhiều nội dung khác nhau của
công tác tư pháp, từ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử cho đến việc đào tạo cán bộ tư
pháp. Nhưng đúng như TS. Hoàng Thế Liên đã phát biểu, trong Nghị quyết 08/ NQ-TW
đẩy mạnh tranh tụng được coi là điểm nhấn của cải cách tư pháp và là vấn đề trọng tâm của
trọng tâm.
Nói tới vấn đề tranh tụng thì Nghị quyết số 08/NQ-TW đã đề cập đến một số nội
dung như: "Nâng cao chất lượng hoạt động và đề cao trách nhiệm của các cơ quan và
cán bộ tư pháp", trong đó có nhiệm vụ cụ thể là "nâng cao chất lượng công tố của kiểm
sát viên tại phiên tòa, đảm bảo tranh tụng dân chủ với Luật sư, người bào chữa và những
người tham gia tố tụng khác". "Khi xét xử, các Tòa án phải bảo đảm cho mọi công dân
đều bình đẳng trước pháp luật,...., việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào
kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý
kiến của kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và
những người có quyền lợi ích hợp pháp. Các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều
kiện để Luật sư tham gia vào quá trình tố tụng: tham gia hỏi cung bị can, nghiên cứu hồ
sơ vụ án, tranh luận dân chủ tại phiên tòa".
Điều dễ nhận thấy là ngay sau khi Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị được
ban hành, khi đề cập đến hoạt động tư pháp, nhiều nhà khoa học và thực tiễn luật luôn đề
cập đến vấn đề tăng cường tranh tụng trong hoạt động tố tụng nhưng cho đến nay vẫn còn
tồn tại khá nhiều cách hiểu khác nhau về vấn đề tranh tụng được nhắc tới trong Nghị
quyết 08/NQ-TW và tựu trung lại thì các ý kiến đó tập trung vào hai quan điểm sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, để thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 08/ NQ-TW
của Bộ Chính trị thì cần phải chuyển hoạt động xét xử sang hệ tố tụng tranh tụng. Quan
điểm này đã tồn tại mặc dù không thu hút được đông đảo ý kiến đồng tình. Sở dĩ ý kiến
này chỉ chiếm thiểu số vì bản thân các câu chữ của Nghị quyết 08/NQ-TW cũng không
hề đề cập tới việc chúng ta sẽ chuyển sang hệ tố tụng tranh tụng. Mặt khác, nếu chúng ta
thực hiện việc chuyển đổi hoạt động tố tụng hình sự sang hệ tranh tụng thì đòi hỏi phải có
sự thay đổi lớn về hệ tố tụng, về nguyên tắc và thủ tục tố tụng, về tổ chức các cơ quan
điều tra, truy tố, xét xử... Điều này đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và cần có sự nghiên
cứu sâu sắc, đồng bộ chứ không thể một sớm một chiều mà thực hiện ngay được.
Quan điểm thứ hai mà các nhà nghiên cứu đưa ra là Nghị quyết 08/NQ-TW của
Bộ Chính trị yêu cầu nhiệm vụ trung tâm là nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án qua
việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa giữa các chủ thể tiến hành tố tụng và
người tham gia tố tụng nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án, đảm bảo cho việc xét
xử được đúng người, đúng tội; quan điểm này xem ra được đa số các nhà nghiên cứu ủng
hộ vì nó sát với câu chữ của Nghị quyết 08/NQ-TW hơn và có vẻ cũng dễ thực hiện hơn.
Theo tác giả khóa luận thì quan điểm thứ hai hợp lý hơn vì: Như trên đã nêu ngay
trong nghị quyết không hề đề cập đến việc chuyển đổi hệ tố tụng hiện hành sang hệ tố
tụng tranh tụng, đồng thời trong giai đoạn hiện nay với điều kiện kinh tế, chính trị, xã
hội, pháp lý nước ta không thể chuyển sang hoàn toàn kiểu tố tụng tranh tụng được.
Cùng với việc nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án thì Nghị quyết cũng đã đề
cập đến việc nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp
như cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan giám định, tổ chức Luật sư bởi chất lượng
và hiệu quả của việc tranh tụng tại phiên tòa phụ thuộc rất nhiều ở kết quả giám định, thu
thập chứng cứ, điều tra và kiểm sát hoạt động điều tra, hoạt động bào chữa gỡ tội...
Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW như thế nào để đảm bảo thực
sự nâng cao được hiệu quả hoạt động của các cơ quan đó, hay nói một cách khác là cơ
chế để tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong hoạt động của các cơ quan tư pháp mới là vấn
đề quan trọng, và điều này cần có giải pháp đồng bộ từ việc hoàn thiện pháp luật để tạo ra
cơ chế, đến việc nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của những người tham gia vào
quá trình tranh tụng đó như Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư và cả những cơ quan mà
hoạt động nghiệp vụ của họ có liên quan trực tiếp đến việc giải quyết vụ án như cơ quan
điều tra, cơ quan giám định...
* *
*
Tố tụng tranh tụng và tranh tụng tại phiên tòa là những khái niệm rộng và phức
tạp, việc nghiên cứu về nó đã rút ra được những đặc điểm, yêu cầu, điều kiện của tranh
tụng tại phiên tòa. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi thực trạng tư pháp nước ta còn có
những yếu kém nhất định, cần tiếp thu những yếu tố tích cực của tố tụng tranh tụng.
Trong quá trình tố tụng, phiên tòa là giai đoạn trung tâm, chỉ có đến giai đoạn này thì mới
có sự tập hợp đầy đủ và đồng thời của các bên, chỉ có thể thông qua quá trình tranh luận
công khai, minh bạch tại phiên tòa thì mọi tình tiết của vụ án mới được làm sáng tỏ thông
qua sự cọ xát về luận điểm của mỗi bên. Cũng qua đó mà những chứng cứ đã được các
bên thu thập theo quy định của pháp luật được công khai phơi bày và kiểm chứng. Nếu
tranh tụng tại phiên tòa được các bên tham gia nghiêm túc thực hiện thì hiệu quả giải
quyết vụ án sẽ rất cao, khắc phục được việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm, tình trạng
yếu kém của hệ thống tư pháp. Như vậy tranh tụng tại phiên tòa có giá trị rất lớn trong
việc làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo
và những người tham gia tố tụng khác. Cũng chính vì lẽ đó, Bộ Chính trị đã có Nghị
quyết 08/NQ-TW ngày 2/1/2002 "Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong
thời gian tới", trong đó nhiệm vụ nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án là khâu trung
tâm, đột phá, thông qua việc nâng cao tính dân chủ khách quan trong tranh tụng tại phiên
tòa. Đi đôi với nhiệm vụ đó thì việc nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan điều
tra, Viện kiểm sát và các cơ quan bổ trợ tư pháp cũng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu
để sao cho "...nâng cao chất lượng công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm
tranh tụng dân chủ với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác...
khi xét xử các Tòa án phải đảm bảo cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật,
thực sự dân chủ, khách quan; Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo
pháp luật; việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại
phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên,
của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền,
lợi ích hợp pháp...". Tuy nhiên, để nghị quyết đi được vào thực tế áp dụng pháp luật thì
cần có một cơ chế đồng bộ cả về phương diện hoàn thiện pháp luật, ý thức của những
người người tiến hành và tham gia tố tụng, trình độ năng lực của những bên tham gia vào
quá trình tranh tụng... Những đòi hỏi này của thực tiễn không phải là đơn giản, vì vậy
thực tế tranh tụng tại phiên tòa hiện nay phải chăng đã hoàn toàn đáp ứng được những
yêu cầu đó?
Chương 2
Thực trạng tranh tụng
tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự
2.1. Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về tranh tụng tại phiên tòa
2.1.1. Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về tranh tụng tại phiên tòa trước
khi có Nghị quyết 08/NQ-TW
2.1.1.1. Quy định pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về về tranh tụng tại
phiên tòa trước khi có Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988
Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước
Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2/9/1945, nhiều văn bản pháp luật có hàm chứa quy
phạm tố tụng hình sự đã được Nhà nước ban hành, nhưng phải đến những năm 1960 thì
những quy định về pháp luật tố tụng hình sự mới được hình thành một cách cơ bản, trong
đó có hàm chứa những quy định về xét xử tại phiên tòa. Sau khi Nhà nước ta đã thông
qua một số Luật tổ chức các cơ quan có trách nhiệm tiến hành tố tụng như: Luật tổ chức
Tòa án nhân dân ngày 14/7/1960, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ngày 15/7/1960
và Pháp lệnh ngày 16/7/1962 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát nhân dân.
Trong các văn bản đó có rất nhiều quy phạm pháp luật điều chỉnh việc tổ chức phiên tòa
và tiến hành tố tụng tại phiên tòa của Tòa án nhân dân. Nhìn chung các quy phạm tố tụng
trong giai đoạn này chủ yếu điều chỉnh quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan và người
có trách nhiệm tiến hành tố tụng tại phiên tòa, một số nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố
tụng trong việc tiến hành và tổ chức các phiên tòa của Tòa án như: quyền dùng tiếng nói
chữ viết của công dân, quyền bào chữa, việc xét xử công khai và xử kín, việc mở phiên
tòa tại trụ sở hay xử lưu động... Đồng thời các quy phạm pháp luật tố tụng về tổ chức và
tiến hành tố tụng tại phiên tòa trong giai đoạn này thường mang tính đại cương, thiếu cụ
thể. Thực tiễn xét xử mang nặng tính chất thời chiến, tạm thời, thiếu thống nhất giữa các
Tòa án và chịu ảnh hưởng nhiều về hình thức và khuôn mẫu của các phiên tòa trong chế
độ cũ. Nhìn chung thì hình thức tổ chức và việc thực hiện các quy định của pháp luật tố
tụng trong thời kỳ này chỉ có thể chấp nhận trong giai đoạn chiến tranh và thời kỳ mới
độc lập.
Sau khi Nhà nước ta ban hành Hiến pháp 1959 và các luật tổ chức Tòa án nhân
dân và Viện kiểm sát nhân dân, đến năm 1964 căn cứ vào các quy định của pháp luật,
những kinh nghiệm thực tiễn của gần 20 năm thực tiễn tiến hành tố tụng và việc tham
khảo học tập pháp luật tố tụng của Liên Xô và nhiều nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu,
Tòa án nhân dân tối cao đã hệ thống lại các quy định của pháp luật tố tụng lúc bấy giờ
thành Bản đề án về trình tự xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, trong đó có quy định tương đối
cụ thể về hình thức và thủ tục tiến hành tố tụng tại phiên tòa của Tòa án nhân dân, để gửi
về các Tòa án nhân dân địa phương thống nhất áp dụng. Bản đề án đã trở thành tài liệu
hướng dẫn thống nhất áp dụng pháp luật tố tụng tại phiên tòa cho tất cả các Tòa án, xác
định những hành vi tố tụng cần thiết mà Thẩm phán và Hội thẩm phải tiến hành kể từ khi
thụ lý vụ án cho đến khi mở phiên tòa, kết thúc phiên tòa. Tuy nhiên, qua 10 năm thực
hiện Bản đề án, Tòa án nhân dân tối cao đã có báo cáo tổng kết chỉ ra nhiều nhược điểm,
tồn tại của Bản đề án này. Ví dụ như trong việc tổ chức phiên tòa, nhiều Thẩm phán đã
khoán trắng cho Thư ký việc triệu tập và tổ chức phiên tòa, tiến hành mở phiên tòa trong
khi chưa có đủ điều kiện cho phép, tại phiên tòa một số Thẩm phán chưa nắm vững
những yêu cầu của việc xét hỏi là phải kiểm tra lại toàn bộ chứng cứ tại phiên tòa hoặc vi
phạm các nguyên tắc xét xử công khai, trực tiếp và liên tục. Đặc biệt, do Bản đề án chưa
hướng dẫn cụ thể dẫn đến tình trạng một số Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân chỉ tin vào
chứng cứ đã có trong hồ sơ mà coi nhẹ việc thẩm vấn và tranh luận tại phiên toà công
khai, hậu quả là Toà án ra các quyết định không phù hợp với thực tế khách quan.
Để khắc phục nhược điểm này, ngày 27/9/1974 Tòa án nhân dân tối cao đã ban
hành bản hướng dẫn về trình tự tố tụng sơ thẩm (kèm theo Thông tư số 16-TATC), trong
đó có phần thứ 3 quy định về trình tự tố tụng chuẩn bị cho việc xét xử tại phiên tòa và
phần thứ 4 quy định về trình tự tố tụng xét xử tại phiên tòa của Tòa án nhân dân.
Tại phần chuẩn bị cho việc xét xử trước phiên tòa Thông tư số 16-TATC đã hướng
dẫn cụ thể các hoạt động tố tụng của Tòa án trong các khâu nghiên cứu hồ sơ, họp trù bị
với Viện kiểm sát, những việc phải làm để đưa vụ án ra xét xử như: ra quyết định đưa vụ
án ra xét xử, triệu tập bị cáo và những người tham gia phiên tòa, chuẩn bị kế hoạch thẩm
vấn, xử công khai hay xử kín v.v...
Trong phần trình tự tố tụng xét xử tại phiên tòa Thông tư số 16-TATC cũng
hướng dẫn rất chi tiết về việc thực hiện các quy định của pháp luật tố tụng về nguyên tắc
và điều kiện chung về xét xử tại phiên tòa, việc chuẩn bị các điều kiện để xét hỏi và tiến
hành xét hỏi tại phiên tòa, tranh luận tại phiên tòa, nghị án, tuyên án...
Thông tư 16-TATC đã có bước phát triển cao hơn về tri thức hoàn thiện pháp
luật tố tụng so với giai đoạn trước đó, nó đã tổng kết được những kinh nghiệm thực tiễn
của nhiều chục năm trước đây và đặc biệt đã có những quy định thể hiện nội dung tranh
tụng trong quá trình xét xử. Thông tư là sự kết hợp tốt giữa thực tiễn xét xử với việc
nghiên cứu lý luận và làm nền tảng vững chắc, nội dung chủ yếu của Bộ luật tố tụng hình
sự sau này.
Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy với pháp luật ở giai đoạn này: do thời kỳ chiến
tranh, ảnh hưởng của hệ thống pháp luật Pháp và các nước xã hội chủ nghĩa nên khái
niệm tranh tụng trong khoa học pháp lý không có, những quy định mang tính chất tranh
tụng rất ít.
2.1.1.2. Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 với những quy định về tranh tụng
tại phiên tòa
Qua hàng chục năm chuẩn bị Bộ luật tố tụng hình sự của nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam đã được Quốc hội thông qua ngày 28/6/1988, lần đầu tiên những quy
định về xét xử tại phiên tòa được hệ thống hóa và có tính pháp lý cao với tư cách là
những quy phạm của một Bộ luật.
Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam năm 1988 tranh tụng tại phiên tòa chưa được
nhà làm luật nước ta ghi nhận với tính chất là một nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình
sự nhưng những dấu hiệu về tranh tụng cũng đã được quy định rải rác ở một số điều luật.
Ví dụ như một vài điều ở chương XVII quy định về thủ tục tố tụng tại phiên tòa, một số
điều tại chương XVIII thủ tục bắt đầu phiên tòa, chương XX thủ tục xét hỏi tại phiên tòa,
chương XXI tranh luận tại phiên tòa.
Tại Điều 159 quy định về việc xét xử phải trực tiếp, bằng lời nói và liên tục, đây
thực chất cũng là một trong những nội dung của tranh tụng. Theo Điều 159 thì Tòa án
phải trực tiếp xác định các tình tiết của vụ án bằng cách hỏi và nghe ý kiến của bị cáo,
nghe lời bào chữa. Bản án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ đã được xem xét tại
phiên tòa. Và để đảm bảo cho quyền bào chữa của bị cáo, đảm bảo cho việc xét xử được
khách quan Điều 162 quy định bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của
Tòa án, nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì bị áp giải, nếu bị cáo vắng mặt có lý
do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa. Tòa án chỉ xử vắng mặt bị cáo nếu bị cáo trốn
tránh và việc truy nã không có kết quả, bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập
đến phiên tòa, sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử và họ đã được giao
giấy triệu tập hợp lệ. Tránh cho việc thông cung hoặc ảnh hưởng đến quá trình tranh
tụng, bị cáo đang bị tạm giam khi ra phiên tòa chỉ được tiếp xúc với người bào chữa, việc
tiếp xúc với những người khác phải được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa. Tại phiên tòa
bên buộc tội là Kiểm sát viên bắt buộc phải có mặt nếu không phải hoãn phiên tòa theo
điều 164 Bộ luật tố tụng hình sự. Người bào chữa cho bị cáo là bên gỡ tội cũng có nghĩa
vụ phải tham gia phiên tòa trừ trường hợp có gửi trước bản bào chữa. Trong một số trường
hợp người bào chữa vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa theo quy định tại Điều 165 Bộ luật
tố tụng hình sự. Ngoài ra, để đảm bảo cho quá trình tranh luận, xác định sự thật vụ án,
đảm bảo cho phán quyết của Tòa án khách quan sự có mặt của người bị hại, nguyên đơn
dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc những người
đại diện hợp pháp của họ, sự có mặt của người làm chứng, người giám định cũng được
quy định tại các điều 166, 167, 168 Bộ luật tố tụng hình sự.
Bước vào quá trình tranh tụng, trước hết Kiểm sát viên sẽ đọc cáo trạng, sau đó
Hội đồng xét xử sẽ xét hỏi theo thứ tự xét hỏi hợp lý. Khi xét hỏi từng người, Chủ tọa
phiên tòa hỏi trước rồi đến các Hội thẩm nhân dân, sau đó đến Kiểm sát viên, người bào
chữa. Những người tham gia phiên tòa cũng có quyền đề nghị với Chủ tọa phiên tòa hỏi
thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Trong quá trình xét hỏi, Hội đồng xét xử xem
xét những vật chứng có liên quan trong vụ án. Tiếp đó, Kiểm sát viên (bên buộc tội) sẽ
luận tội, bị cáo, người bào chữa cho bị cáo (bên gỡ tội) cũng trình bày quan điểm của
mình, trong quá trình tranh luận đó người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của
người khác nhưng chỉ được phát biểu một lần đối với mỗi ý kiến mà mình không đồng ý.
Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, nhưng có quyền cắt những ý
kiến không liên quan đến vụ án. Sau khi những người tham gia tranh luận không còn
trình bày gì thêm, Chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc tranh luận. Bị cáo được nói lời sau
cùng. Đến đây giai đoạn tranh tụng tại phiên tòa đã cơ bản hoàn thành. Kết quả của quá
trình tranh tụng tại phiên tòa được xác định bởi phán quyết của Hội đồng xét xử và đó
cũng đánh dấu sự kết thúc của quá trình tranh tụng tại phiên tòa.
Như vậy, mặc dù chưa đầy đủ nhưng Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 đã có một
số quy định mà bản chất của nó là tranh tụng. Tuy nhiên, những quy định này vẫn quá sơ
sài vẫn chưa thể tạo ra cơ chế tranh luận dân chủ và khách quan tại phiên tòa, chưa tạo ra
sự bình đẳng giữa Luật sư và Viện kiểm sát với tư cách là hai bên của quá trình tranh
tụng, trách nhiệm chứng minh tội phạm đặt nặng lên vai Hội đồng xét xử, không có quy
định bắt buộc phải tranh luận của Kiểm sát viên v.v... và những hạn chế ảnh hưởng đến
chất lượng xét xử như vậy đã là những cơ sở để Bộ luật tố tụng hình sự mới ra đời.
2.1.2. Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam từ khi có Nghị quyết 08/NQ-TW
ngày 2/1/2002
2.1.2.1. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003
Kể từ khi có Nghị quyết 08/NQ-TW, giới chuyên môn cũng như những người
làm công tác pháp luật chờ đợi sự ra đời của một văn bản pháp luật mà nó là cơ sở pháp
lý quan trọng nhất để những hành vi tố tụng của tất cả những cá nhân và tổ chức có liên
quan phải tuân theo, nhằm đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ
quan tư pháp nói chung và nâng cao hiệu quả tranh tụng tại phiên tòa nói riêng. Bộ luật tố
tụng hình sự mới đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 26/11/2003.
Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã có những quy định mới, theo đó tạo điều
kiện hơn cho việc tranh tụng giữa các bên. Tại điều 50 đã ghi nhận bị cáo có quyền trình
bày ý kiến và tranh luận tại phiên tòa, được giải thích về quyền và nghĩa vụ và để thực
hiện quyền đó thì Bộ luật cũng đã mở rộng hơn các quyền của người bào chữa, tạo điều
kiện cho họ hoàn thành tốt nhiệm vụ bào chữa, gỡ tội. Tại Điều 58 quy định: trường hợp
bắt người theo Điều 81 và 82 thì người bào chữa được tham gia tố tụng từ khi có quyết
định tạm giữ. Luật sư có quyền đề nghị Cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa
điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can. Có quyền thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết
liên quan đến việc bào chữa từ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người thân thích của những
người này hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu không thuộc bí mật nhà nước, bí mật
công tác (đây là những tiền đề để người bào chữa có thể thu thập chứng cứ, chuẩn bị cho
quá trình tranh tụng tại phiên tòa). Điều 209 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 cũng đã
quy định về xét hỏi đối với bị cáo theo hướng cụ thể hơn với các bên tranh tụng: Kiểm
sát viên hỏi về những tình tiết buộc tội, người bào chữa hỏi về tình tiết gỡ tội...
Đặc biệt tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 khi quy định về tranh luận và đối
đáp tại phiên tòa đã có những quy định mới đảm bảo cho việc luận tội của Viện kiểm sát
tại phiên tòa được khách quan - Điều 217: "Luận tội của Kiểm sát viên phải căn cứ vào
những tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên tòa và ý kiến của bị cáo, người bào
chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác tại phiên
tòa". Và để đảm bảo cho quá trình tranh tụng tại phiên tòa được khách quan, sau khi nghe
lời luận tội bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác có quyền:
"Trình bày ý kiến về luận tội của Kiểm sát viên và đưa ra đề nghị của mình, Kiểm sát
viên phải đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý kiến" - Điều 218 Bộ luật tố tụng
hình sự. Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho
những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến. Chủ tọa phiên tòa có quyền đề nghị
Kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa và
những người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được Kiểm sát viên tranh
luận.
Như vậy, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã có những tiến bộ hơn so với Bộ
luật tố tụng hình sự năm 1988 trong việc tạo điều kiện để các bên tranh luận tại phiên
tòa. Theo những quy định đó thì Bộ luật đã bước đầu tạo ra sự khách quan trong quá
trình tranh luận cũng như những tiền đề để quá trình tranh tụng tại phiên tòa đạt hiệu
quả. Tuy nhiên, theo tác giả thì những quy định đó trong Bộ luật tố tụng hình sự 2003
vẫn còn chưa cụ thể và chưa tạo ra cơ chế hoàn toàn đầy đủ cho quá trình tranh tụng
của các bên: trách nhiệm chứng minh tội phạm vẫn đặt nặng lên vai Hội đồng xét xử;
Kiểm sát viên và Luật sư vẫn chưa có vị thế bình đẳng với nhau, những quy định chưa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa
Tranh tung tai phien toa

More Related Content

What's hot

Luận văn: Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự quận Long Biên, Hà Nội - Gửi miễn phí ...
Luận văn: Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự quận Long Biên, Hà Nội - Gửi miễn phí ...Luận văn: Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự quận Long Biên, Hà Nội - Gửi miễn phí ...
Luận văn: Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự quận Long Biên, Hà Nội - Gửi miễn phí ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

What's hot (19)

Luận văn: Giám đốc thẩm vụ án hình sự theo pháp luật tố tụng
Luận văn: Giám đốc thẩm vụ án hình sự theo pháp luật tố tụngLuận văn: Giám đốc thẩm vụ án hình sự theo pháp luật tố tụng
Luận văn: Giám đốc thẩm vụ án hình sự theo pháp luật tố tụng
 
Luận văn: Tranh tụng của luật sư tại phiên tòa hình sự tại Hà Nội
Luận văn: Tranh tụng của luật sư tại phiên tòa hình sự tại Hà NộiLuận văn: Tranh tụng của luật sư tại phiên tòa hình sự tại Hà Nội
Luận văn: Tranh tụng của luật sư tại phiên tòa hình sự tại Hà Nội
 
Luận văn: Hoàn thiện quy định của pháp luật về phiên tòa sơ thẩm
Luận văn: Hoàn thiện quy định của pháp luật về phiên tòa sơ thẩmLuận văn: Hoàn thiện quy định của pháp luật về phiên tòa sơ thẩm
Luận văn: Hoàn thiện quy định của pháp luật về phiên tòa sơ thẩm
 
Đề tài: Pháp luật về quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán
Đề tài: Pháp luật về quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phánĐề tài: Pháp luật về quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán
Đề tài: Pháp luật về quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán
 
Luận văn: Phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm trong tố tụng hình sự
Luận văn: Phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm trong tố tụng hình sựLuận văn: Phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm trong tố tụng hình sự
Luận văn: Phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm trong tố tụng hình sự
 
Luận văn: Tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Hình sự
Luận văn: Tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Hình sựLuận văn: Tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Hình sự
Luận văn: Tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Hình sự
 
Luận văn: Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự quận Long Biên, Hà Nội - Gửi miễn phí ...
Luận văn: Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự quận Long Biên, Hà Nội - Gửi miễn phí ...Luận văn: Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự quận Long Biên, Hà Nội - Gửi miễn phí ...
Luận văn: Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự quận Long Biên, Hà Nội - Gửi miễn phí ...
 
Luận văn: Tái thẩm trong tố tụng dân sự Việt Nam, HOT, HAY
Luận văn: Tái thẩm trong tố tụng dân sự Việt Nam, HOT, HAYLuận văn: Tái thẩm trong tố tụng dân sự Việt Nam, HOT, HAY
Luận văn: Tái thẩm trong tố tụng dân sự Việt Nam, HOT, HAY
 
Luận văn: Giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự Việt Nam, HOT
Luận văn: Giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự Việt Nam, HOTLuận văn: Giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự Việt Nam, HOT
Luận văn: Giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự Việt Nam, HOT
 
Luận án: Án lệ hình sự ở Việt Nam hiện nay, HAY
Luận án: Án lệ hình sự ở Việt Nam hiện nay, HAYLuận án: Án lệ hình sự ở Việt Nam hiện nay, HAY
Luận án: Án lệ hình sự ở Việt Nam hiện nay, HAY
 
Luận văn: Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự trong Luật tố tụng hình sự
Luận văn: Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự trong Luật tố tụng hình sựLuận văn: Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự trong Luật tố tụng hình sự
Luận văn: Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự trong Luật tố tụng hình sự
 
Luận văn: Phiên tòa hình sự sơ thẩm trong luật tố tụng hình sự, HOT
Luận văn: Phiên tòa hình sự sơ thẩm trong luật tố tụng hình sự, HOTLuận văn: Phiên tòa hình sự sơ thẩm trong luật tố tụng hình sự, HOT
Luận văn: Phiên tòa hình sự sơ thẩm trong luật tố tụng hình sự, HOT
 
Luận văn: Tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa Quân khu 4
Luận văn: Tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa Quân khu 4Luận văn: Tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa Quân khu 4
Luận văn: Tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa Quân khu 4
 
Đề tài: So sánh mô hình tố tụng hình sự tranh tụng và thẩm vấn
Đề tài: So sánh mô hình tố tụng hình sự tranh tụng và thẩm vấnĐề tài: So sánh mô hình tố tụng hình sự tranh tụng và thẩm vấn
Đề tài: So sánh mô hình tố tụng hình sự tranh tụng và thẩm vấn
 
Luận văn: Chủ thể buộc tội trong tố tụng hình sự Việt Nam, HOT
Luận văn: Chủ thể buộc tội trong tố tụng hình sự Việt Nam, HOTLuận văn: Chủ thể buộc tội trong tố tụng hình sự Việt Nam, HOT
Luận văn: Chủ thể buộc tội trong tố tụng hình sự Việt Nam, HOT
 
Luận văn: Chức năng buộc tội trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Luận văn: Chức năng buộc tội trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sựLuận văn: Chức năng buộc tội trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Luận văn: Chức năng buộc tội trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
 
Luận văn: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự
Luận văn: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sựLuận văn: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự
Luận văn: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự
 
Luận văn: Bảo đảm tranh tụng trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Luận văn: Bảo đảm tranh tụng trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sựLuận văn: Bảo đảm tranh tụng trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Luận văn: Bảo đảm tranh tụng trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
 
Luận văn: Tố tụng hình sự và vấn đề áp dụng tố tụng tranh tụng
Luận văn: Tố tụng hình sự và vấn đề áp dụng tố tụng tranh tụngLuận văn: Tố tụng hình sự và vấn đề áp dụng tố tụng tranh tụng
Luận văn: Tố tụng hình sự và vấn đề áp dụng tố tụng tranh tụng
 

Viewers also liked

Nd 48 2015 huong dan luat giao duc nghe nghiep
Nd 48 2015 huong dan luat giao duc nghe nghiepNd 48 2015 huong dan luat giao duc nghe nghiep
Nd 48 2015 huong dan luat giao duc nghe nghiepHung Nguyen
 
Giao trinh luat canh tranh
Giao trinh luat canh tranhGiao trinh luat canh tranh
Giao trinh luat canh tranhHung Nguyen
 
Luat doanh nghiep 2014
Luat doanh nghiep 2014Luat doanh nghiep 2014
Luat doanh nghiep 2014Hung Nguyen
 
Từ điển tiếng việt chuyên ngành pháp lý Việt nam
Từ điển tiếng việt chuyên ngành pháp lý Việt namTừ điển tiếng việt chuyên ngành pháp lý Việt nam
Từ điển tiếng việt chuyên ngành pháp lý Việt namHung Nguyen
 
Luat kiem toan nha nuoc 2015
Luat kiem toan nha nuoc 2015Luat kiem toan nha nuoc 2015
Luat kiem toan nha nuoc 2015Hung Nguyen
 
Thuong nhan theo luat thuong mai 2005
Thuong nhan theo luat thuong mai 2005Thuong nhan theo luat thuong mai 2005
Thuong nhan theo luat thuong mai 2005Hung Nguyen
 
Giao trinh luat dan su viet nam ts nguyen ngoc dien
Giao trinh luat dan su viet nam   ts nguyen ngoc dienGiao trinh luat dan su viet nam   ts nguyen ngoc dien
Giao trinh luat dan su viet nam ts nguyen ngoc dienHung Nguyen
 
Giao trinh luat hop dong thuong mai quoc te
Giao trinh luat hop dong thuong mai quoc teGiao trinh luat hop dong thuong mai quoc te
Giao trinh luat hop dong thuong mai quoc teHung Nguyen
 
Dien va hang thua ke
Dien va hang thua keDien va hang thua ke
Dien va hang thua keHung Nguyen
 
So tay tham phan
So tay tham phanSo tay tham phan
So tay tham phanHung Nguyen
 
Trach nhiem boi thuong nha nuoc
Trach nhiem boi thuong nha nuocTrach nhiem boi thuong nha nuoc
Trach nhiem boi thuong nha nuocHung Nguyen
 
Luat kinh doanh bat dong san 2014
Luat kinh doanh bat dong san 2014Luat kinh doanh bat dong san 2014
Luat kinh doanh bat dong san 2014Hung Nguyen
 
Luat ngan hang nnvn 46.2010.qh12
Luat ngan hang nnvn 46.2010.qh12Luat ngan hang nnvn 46.2010.qh12
Luat ngan hang nnvn 46.2010.qh12Hung Nguyen
 
Barack obama hy vong tao bao
Barack obama   hy vong tao baoBarack obama   hy vong tao bao
Barack obama hy vong tao baoHung Nguyen
 
Quy dinh ve_cac_bien_phap_bao_dam
Quy dinh ve_cac_bien_phap_bao_damQuy dinh ve_cac_bien_phap_bao_dam
Quy dinh ve_cac_bien_phap_bao_damHung Nguyen
 
Luat giao duc nghe nghiep 2014
Luat giao duc nghe nghiep 2014Luat giao duc nghe nghiep 2014
Luat giao duc nghe nghiep 2014Hung Nguyen
 
Dieu kien co hieu luc cua di chuc
Dieu kien co hieu luc cua di chucDieu kien co hieu luc cua di chuc
Dieu kien co hieu luc cua di chucHung Nguyen
 
Sach chu quyen tren hai quan dao hoang sa truong sa - gendreau
Sach chu quyen tren hai quan dao hoang sa   truong sa - gendreauSach chu quyen tren hai quan dao hoang sa   truong sa - gendreau
Sach chu quyen tren hai quan dao hoang sa truong sa - gendreauHung Nguyen
 

Viewers also liked (18)

Nd 48 2015 huong dan luat giao duc nghe nghiep
Nd 48 2015 huong dan luat giao duc nghe nghiepNd 48 2015 huong dan luat giao duc nghe nghiep
Nd 48 2015 huong dan luat giao duc nghe nghiep
 
Giao trinh luat canh tranh
Giao trinh luat canh tranhGiao trinh luat canh tranh
Giao trinh luat canh tranh
 
Luat doanh nghiep 2014
Luat doanh nghiep 2014Luat doanh nghiep 2014
Luat doanh nghiep 2014
 
Từ điển tiếng việt chuyên ngành pháp lý Việt nam
Từ điển tiếng việt chuyên ngành pháp lý Việt namTừ điển tiếng việt chuyên ngành pháp lý Việt nam
Từ điển tiếng việt chuyên ngành pháp lý Việt nam
 
Luat kiem toan nha nuoc 2015
Luat kiem toan nha nuoc 2015Luat kiem toan nha nuoc 2015
Luat kiem toan nha nuoc 2015
 
Thuong nhan theo luat thuong mai 2005
Thuong nhan theo luat thuong mai 2005Thuong nhan theo luat thuong mai 2005
Thuong nhan theo luat thuong mai 2005
 
Giao trinh luat dan su viet nam ts nguyen ngoc dien
Giao trinh luat dan su viet nam   ts nguyen ngoc dienGiao trinh luat dan su viet nam   ts nguyen ngoc dien
Giao trinh luat dan su viet nam ts nguyen ngoc dien
 
Giao trinh luat hop dong thuong mai quoc te
Giao trinh luat hop dong thuong mai quoc teGiao trinh luat hop dong thuong mai quoc te
Giao trinh luat hop dong thuong mai quoc te
 
Dien va hang thua ke
Dien va hang thua keDien va hang thua ke
Dien va hang thua ke
 
So tay tham phan
So tay tham phanSo tay tham phan
So tay tham phan
 
Trach nhiem boi thuong nha nuoc
Trach nhiem boi thuong nha nuocTrach nhiem boi thuong nha nuoc
Trach nhiem boi thuong nha nuoc
 
Luat kinh doanh bat dong san 2014
Luat kinh doanh bat dong san 2014Luat kinh doanh bat dong san 2014
Luat kinh doanh bat dong san 2014
 
Luat ngan hang nnvn 46.2010.qh12
Luat ngan hang nnvn 46.2010.qh12Luat ngan hang nnvn 46.2010.qh12
Luat ngan hang nnvn 46.2010.qh12
 
Barack obama hy vong tao bao
Barack obama   hy vong tao baoBarack obama   hy vong tao bao
Barack obama hy vong tao bao
 
Quy dinh ve_cac_bien_phap_bao_dam
Quy dinh ve_cac_bien_phap_bao_damQuy dinh ve_cac_bien_phap_bao_dam
Quy dinh ve_cac_bien_phap_bao_dam
 
Luat giao duc nghe nghiep 2014
Luat giao duc nghe nghiep 2014Luat giao duc nghe nghiep 2014
Luat giao duc nghe nghiep 2014
 
Dieu kien co hieu luc cua di chuc
Dieu kien co hieu luc cua di chucDieu kien co hieu luc cua di chuc
Dieu kien co hieu luc cua di chuc
 
Sach chu quyen tren hai quan dao hoang sa truong sa - gendreau
Sach chu quyen tren hai quan dao hoang sa   truong sa - gendreauSach chu quyen tren hai quan dao hoang sa   truong sa - gendreau
Sach chu quyen tren hai quan dao hoang sa truong sa - gendreau
 

Similar to Tranh tung tai phien toa

CHỨC NĂNG CÔNG TỐ CỦA VIỆN KIỂM SÁT >> TẢI MIỄN PHÍ ZALO: 0777.149.703
 CHỨC NĂNG CÔNG TỐ CỦA VIỆN KIỂM SÁT >> TẢI MIỄN PHÍ ZALO: 0777.149.703 CHỨC NĂNG CÔNG TỐ CỦA VIỆN KIỂM SÁT >> TẢI MIỄN PHÍ ZALO: 0777.149.703
CHỨC NĂNG CÔNG TỐ CỦA VIỆN KIỂM SÁT >> TẢI MIỄN PHÍ ZALO: 0777.149.703OnTimeVitThu
 
Luận văn: Kháng nghị phúc thẩm theo pháp luật tố tụng hình sự - Gửi miễn phí ...
Luận văn: Kháng nghị phúc thẩm theo pháp luật tố tụng hình sự - Gửi miễn phí ...Luận văn: Kháng nghị phúc thẩm theo pháp luật tố tụng hình sự - Gửi miễn phí ...
Luận văn: Kháng nghị phúc thẩm theo pháp luật tố tụng hình sự - Gửi miễn phí ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
ĐỀ TÀI : KHÁNG NGHỊ PHÚC THẨM THEO PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰ...
ĐỀ TÀI : KHÁNG NGHỊ PHÚC THẨM THEO PHÁP LUẬT TỐ TỤNG  HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰ...ĐỀ TÀI : KHÁNG NGHỊ PHÚC THẨM THEO PHÁP LUẬT TỐ TỤNG  HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰ...
ĐỀ TÀI : KHÁNG NGHỊ PHÚC THẨM THEO PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰ...Luận Văn 1800
 
VỊ TRÍ, VAI TRÒ VÀ CHỨC NĂNG CỦA VIỆN KIỂM SÁT TRONG GIAI ĐOẠN XÉT XỬ SƠ THẨ...
 VỊ TRÍ, VAI TRÒ VÀ CHỨC NĂNG CỦA VIỆN KIỂM SÁT TRONG GIAI ĐOẠN XÉT XỬ SƠ THẨ... VỊ TRÍ, VAI TRÒ VÀ CHỨC NĂNG CỦA VIỆN KIỂM SÁT TRONG GIAI ĐOẠN XÉT XỬ SƠ THẨ...
VỊ TRÍ, VAI TRÒ VÀ CHỨC NĂNG CỦA VIỆN KIỂM SÁT TRONG GIAI ĐOẠN XÉT XỬ SƠ THẨ...OnTimeVitThu
 
Bảo đảm tranh tụng trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Bảo đảm tranh tụng trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sựBảo đảm tranh tụng trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Bảo đảm tranh tụng trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sựDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
ĐỀ TÀI : XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ TỪ THỰC TIỄN QUẬN LONG BIÊN, THÀNH PHỐ ...
ĐỀ TÀI : XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ TỪ THỰC TIỄN QUẬN LONG BIÊN, THÀNH PHỐ ...ĐỀ TÀI : XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ TỪ THỰC TIỄN QUẬN LONG BIÊN, THÀNH PHỐ ...
ĐỀ TÀI : XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ TỪ THỰC TIỄN QUẬN LONG BIÊN, THÀNH PHỐ ...Luận Văn 1800
 

Similar to Tranh tung tai phien toa (20)

Luận văn: Tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ án ở tỉnh Bình Định
Luận văn: Tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ án ở tỉnh Bình ĐịnhLuận văn: Tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ án ở tỉnh Bình Định
Luận văn: Tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ án ở tỉnh Bình Định
 
Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm
Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm đối với bản án sơ thẩmThẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm
Thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm
 
Luận văn: Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam, HOT
Luận văn: Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam, HOTLuận văn: Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam, HOT
Luận văn: Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam, HOT
 
Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam và áp dụng tố tụng tranh tụng
Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam và áp dụng tố tụng tranh tụngMô hình tố tụng hình sự Việt Nam và áp dụng tố tụng tranh tụng
Mô hình tố tụng hình sự Việt Nam và áp dụng tố tụng tranh tụng
 
CHỨC NĂNG CÔNG TỐ CỦA VIỆN KIỂM SÁT >> TẢI MIỄN PHÍ ZALO: 0777.149.703
 CHỨC NĂNG CÔNG TỐ CỦA VIỆN KIỂM SÁT >> TẢI MIỄN PHÍ ZALO: 0777.149.703 CHỨC NĂNG CÔNG TỐ CỦA VIỆN KIỂM SÁT >> TẢI MIỄN PHÍ ZALO: 0777.149.703
CHỨC NĂNG CÔNG TỐ CỦA VIỆN KIỂM SÁT >> TẢI MIỄN PHÍ ZALO: 0777.149.703
 
Đề tài: Hoạt động bào chữa của luật sư trong xét xử sơ thẩm, HOT
Đề tài: Hoạt động bào chữa của luật sư trong xét xử sơ thẩm, HOTĐề tài: Hoạt động bào chữa của luật sư trong xét xử sơ thẩm, HOT
Đề tài: Hoạt động bào chữa của luật sư trong xét xử sơ thẩm, HOT
 
Luận văn: Kháng nghị phúc thẩm theo pháp luật tố tụng hình sự - Gửi miễn phí ...
Luận văn: Kháng nghị phúc thẩm theo pháp luật tố tụng hình sự - Gửi miễn phí ...Luận văn: Kháng nghị phúc thẩm theo pháp luật tố tụng hình sự - Gửi miễn phí ...
Luận văn: Kháng nghị phúc thẩm theo pháp luật tố tụng hình sự - Gửi miễn phí ...
 
ĐỀ TÀI : KHÁNG NGHỊ PHÚC THẨM THEO PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰ...
ĐỀ TÀI : KHÁNG NGHỊ PHÚC THẨM THEO PHÁP LUẬT TỐ TỤNG  HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰ...ĐỀ TÀI : KHÁNG NGHỊ PHÚC THẨM THEO PHÁP LUẬT TỐ TỤNG  HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰ...
ĐỀ TÀI : KHÁNG NGHỊ PHÚC THẨM THEO PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM TỪ THỰ...
 
Thời Hạn Tố Tụng Dân Sự.doc
Thời Hạn Tố Tụng Dân Sự.docThời Hạn Tố Tụng Dân Sự.doc
Thời Hạn Tố Tụng Dân Sự.doc
 
Luận văn: Chức năng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Tòa án, HOT
Luận văn: Chức năng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Tòa án, HOTLuận văn: Chức năng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Tòa án, HOT
Luận văn: Chức năng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự của Tòa án, HOT
 
Luận văn: Chức năng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự tại quận Sơn Trà
Luận văn: Chức năng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự tại quận Sơn TràLuận văn: Chức năng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự tại quận Sơn Trà
Luận văn: Chức năng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự tại quận Sơn Trà
 
Thời Hạn Tố Tụng Dân Sự.doc
Thời Hạn Tố Tụng Dân Sự.docThời Hạn Tố Tụng Dân Sự.doc
Thời Hạn Tố Tụng Dân Sự.doc
 
Tranh tụng tại phiên tòa hình sự của các Tòa án quân sự Quân khu 2
Tranh tụng tại phiên tòa hình sự  của các Tòa án quân sự Quân khu 2Tranh tụng tại phiên tòa hình sự  của các Tòa án quân sự Quân khu 2
Tranh tụng tại phiên tòa hình sự của các Tòa án quân sự Quân khu 2
 
Luận văn: Bảo đảm tranh tụng tại phiên tòa hình sự tại TP Đà Nẵng
Luận văn: Bảo đảm tranh tụng tại phiên tòa hình sự tại TP Đà NẵngLuận văn: Bảo đảm tranh tụng tại phiên tòa hình sự tại TP Đà Nẵng
Luận văn: Bảo đảm tranh tụng tại phiên tòa hình sự tại TP Đà Nẵng
 
VỊ TRÍ, VAI TRÒ VÀ CHỨC NĂNG CỦA VIỆN KIỂM SÁT TRONG GIAI ĐOẠN XÉT XỬ SƠ THẨ...
 VỊ TRÍ, VAI TRÒ VÀ CHỨC NĂNG CỦA VIỆN KIỂM SÁT TRONG GIAI ĐOẠN XÉT XỬ SƠ THẨ... VỊ TRÍ, VAI TRÒ VÀ CHỨC NĂNG CỦA VIỆN KIỂM SÁT TRONG GIAI ĐOẠN XÉT XỬ SƠ THẨ...
VỊ TRÍ, VAI TRÒ VÀ CHỨC NĂNG CỦA VIỆN KIỂM SÁT TRONG GIAI ĐOẠN XÉT XỬ SƠ THẨ...
 
Bảo đảm tranh tụng trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Bảo đảm tranh tụng trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sựBảo đảm tranh tụng trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Bảo đảm tranh tụng trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
 
Thi hành phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự, HAY
Thi hành phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự, HAYThi hành phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự, HAY
Thi hành phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự, HAY
 
Luận văn: Thủ tục Thi hành án dân sự huyện Phú Ninh, Quảng Nam
Luận văn: Thủ tục Thi hành án dân sự huyện Phú Ninh, Quảng NamLuận văn: Thủ tục Thi hành án dân sự huyện Phú Ninh, Quảng Nam
Luận văn: Thủ tục Thi hành án dân sự huyện Phú Ninh, Quảng Nam
 
ĐỀ TÀI : XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ TỪ THỰC TIỄN QUẬN LONG BIÊN, THÀNH PHỐ ...
ĐỀ TÀI : XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ TỪ THỰC TIỄN QUẬN LONG BIÊN, THÀNH PHỐ ...ĐỀ TÀI : XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ TỪ THỰC TIỄN QUẬN LONG BIÊN, THÀNH PHỐ ...
ĐỀ TÀI : XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ TỪ THỰC TIỄN QUẬN LONG BIÊN, THÀNH PHỐ ...
 
Luận văn: Tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm tại Nghệ An, 9đ
Luận văn: Tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm tại Nghệ An, 9đLuận văn: Tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm tại Nghệ An, 9đ
Luận văn: Tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm tại Nghệ An, 9đ
 

Tranh tung tai phien toa

  • 1. LUẬN VĂN: Tranh tụng tại phiên tòa - một số vấn đề lý luận và thực tiễn
  • 2. mở đầu 1. Tính cấp thiết của đề tài Những năm qua, tình hình vi phạm pháp luật ở nước ta xảy ra nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng ảnh hưởng đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với sự nỗ lực của toàn xã hội, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều cố gắng trong công tác tư pháp nên đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh - chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, chất lượng công tác tư pháp nói chung và công tác xét xử nói riêng còn chưa ngang tầm với yêu cầu và nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, còn bộc lộ nhiều yếu kém, bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội, xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của xã hội và công dân (theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, tuy số lượng án oan có giảm dần, nhưng vẫn còn: năm 2002 toàn bộ ngành Tòa án có 23 trường hợp bị kết tội oan, năm 2003 chỉ còn 7 trường hợp, năm 2004 còn 5 trường hợp), gây nhiều hậu quả đáng tiếc cho người bị kết án oan, người thân và xã hội. Có người vì bị kết tội oan nên đang là chủ doanh nghiệp tư nhân mà sau khi bị kết án phải làm thợ mộc để kiếm sống qua ngày, trường hợp khác đã ở tù một thời gian, bị người thân xa lánh, đầy mặc cảm với xã hội, đến khi kẻ phạm tội đích thực nhận tội mới được trở về; còn có người vì bị kết án oan nên không biết bao nhiêu năm, tháng miệt mài đưa đơn đi tìm công lý... Những điều đó đã tạo nên dư luận xã hội không tốt, khiến nhân dân thiếu lòng tin vào tòa án và nền công lý xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị ra đời vào ngày 02/01/2002 được xem như sự mở đầu cho công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta. Nghị quyết này đề cập nhiều nội dung khác nhau của công tác tư pháp từ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử cho đến việc đào tạo cán bộ tư pháp, nhưng tăng cường yếu tố tranh tụng trong quá trình xét xử vụ án hình sự được coi là điểm nhấn của cải cách tư pháp và là vấn đề trọng tâm của Nghị quyết. Theo đó, việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, phải đảm bảo để bản án, quyết định của Tòa án là hiện thân của công lý, công bằng xã hội. Như vậy, một vấn đề cấp bách được đặt ra đối với các cơ quan tư
  • 3. pháp là làm thế nào để đạt được những yêu cầu đó. Trong nỗ lực chung, thì việc nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn của hoạt động tranh tụng tại phiên tòa là cần thiết. Đã có nhiều bài viết, bài nghiên cứu và sách chuyên khảo đề cập đến vấn đề tranh tụng trong tố tụng hình sự như: "Tranh tụng trong tố tụng hình sự" của tác giả Nguyễn Đức Mai trong cuốn kỷ yếu: "Những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách của tố tụng hình sự Việt Nam" - Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 1995; bài "Về tranh tụng tại phiên tòa hình sự" của tác giả Tống Anh Hào trong Tạp chí Tòa án nhân dân số 5/2003; bài "Bàn về vấn đề tranh tụng trong tố tụng hình sự" đăng trong Tạp chí Kiểm sát, tháng 9/2003 của tác giả Trần Đại Thắng; bài viết của nhiều tác giả trong Đặc san nghề luật số 5/2003 về chuyên đề mở rộng tranh tụng; cuốn chuyên khảo "Cải cách tư pháp ở Việt Nam trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền" do TSKH Lê Cảm và TS. Nguyễn Ngọc Chí đồng chủ biên, có nhiều bài viết của các tác giả (Nxb Đại học quốc gia, 2004)... Nhưng những bài viết đó chỉ đề cập đến một số vấn đề nhất định liên quan tranh tụng và còn khá nhiều ý kiến trái ngược nhau xung quanh ý tưởng đổi mới hoạt động xét xử của ngành Tòa án Việt Nam theo hướng tranh tụng. Trước yêu cầu của thực tế, đảm bảo sự dân chủ, bình đẳng trong hoạt động tố tụng hình sự tránh bỏ lọt tội phạm làm oan người vô tội; đồng thời góp phần làm sáng tỏ về mặt lý luận, tác giả chọn đề tài: " Tranh tụng tại phiờn tũa - một số vấn đề lý luận và thực tiễn " làm luận văn thạc sĩ của mình. 2. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn Nghiên cứu đề tài này, tác giả hướng tới mục đích làm rõ thêm cơ sở lý luận và thực tiễn, bản chất, nội dung của tranh tụng tại phiên tòa, chỉ ra những bất cập còn tồn tại của việc tranh tụng tại phiên tòa ở nước ta hiện nay, thông qua đó đề xuất những giải pháp thiết thực nâng cao hiệu quả hoạt động tranh tụng tại phiên tòa hướng tới xây dựng một phiên tòa hình sự thực sự công bằng, dân chủ góp phần thực hiện quá trình cải cách tư pháp. Để đạt được mục đích nghiên cứu trên, nhiệm vụ của luận văn được đặt ra là:
  • 4. 1- Nghiên cứu cơ sở lý luận của hoạt động tranh tụng tại phiên tòa như: khái niệm, đặc điểm, điều kiện, yêu cầu của tranh tụng tại phiên tòa; Cơ sở pháp lý quy định về tranh tụng tại phiên tòa; ý nghĩa của tranh tụng tại phiên tòa. 2- Sơ lược về lịch sử các qui định của luật tố tụng hình sự Việt Nam về tranh tụng tại phiên tòa. 3- Phân tích, đánh giá thực trạng tranh tụng tại phiên tòa ở Việt Nam những năm gần đây, qua đó rút ra những mặt tích cực cũng như những tồn tại, hạn chế trong hoạt động tranh tụng tại phiên tòa. 4- Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và những đánh giá về thực trạng tranh tụng tại phiên tòa luận văn nêu ra các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tranh tụng tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự ở nước ta trước yêu cầu cải cách tư pháp. 3. Phạm vi nghiên cứu Tranh tụng là vấn đề lớn trong hoạt động tố tụng, có nhiều nội dung thể hiện ở các giai đoạn của quá trình giải quyết vụ án nên trong phạm vi của một luận văn thạc sĩ không thể xem xét và giải quyết hết mọi vấn đề mà chỉ dừng lại nghiên cứu vấn đề tranh tụng tại phiên tòa. Với phạm vi nghiên cứu này, luận văn nghiên cứu về tranh tụng tại phiên tòa dưới góc độ lý luận, phân tích những quy định của pháp luật về tranh tụng tại phiên tòa, và chỉ ra vướng mắc trong hoạt động thực tiễn của những chế định này, trên cơ sở khảo sát thực trạng xét xử từ ngày 01/01/1989 (ngày có hiệu lực thi hành của Bộ luật tố tụng hình sự 1988) đến hết ngày 31/6/2004 (ngày hết hiệu lực thi hành của Bộ luật tố tụng hình sự 1988) và chất lượng phiên tòa hình sự từ sau ngày Nghị quyết 08/NQ-TW ra đời. Từ đó đưa ra những quan điểm, kiến nghị góp phần thực hiện tốt Nghị quyết 08/NQ-TW, nâng cao chất lượng của hoạt động xét xử nói riêng và của các cơ quan tư pháp nói chung. 4. Phương pháp nghiên cứu của đề tài
  • 5. Để hoàn thành luận văn, tác giả đã dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin (chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử), tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về pháp luật, về cải cách tư pháp. Đồng thời, luận văn sử dụng một số phương pháp nghiên cứu cụ thể sau: Phương pháp phân tích, tổng hợp; phương pháp thống kê, so sánh; phương pháp lịch sử; phương pháp đàm thoại (trao đổi ý kiến với những chuyên gia đầu ngành, những người làm công tác thực tiễn lâu năm); phương pháp khảo sát thực tiễn tranh tụng tại những phiên tòa hình sự. 5. Những điểm mới của luận văn Là công trình đầu tiên đề cập và giải quyết vấn đề tranh tụng tại phiên tòa, luận văn có những điểm mới sau: 1- Làm sáng tỏ cơ sở lý luận về tranh tụng tại phiên tòa, góp phần nâng cao nhận thức về nội dung, bản chất của hoạt động tranh tụng tại phiên tòa. 2- Luận văn khảo cứu các quy định pháp luật về tranh tụng tại phiên tòa, đánh giá thực trạng áp dụng các quy định đó khi xét xử và chỉ ra những hạn chế tồn tại trong hoạt động tranh tụng tại phiên tòa hình sự, cũng như làm rõ nguyên nhân và điều kiện của tồn tại đó. 3- Các giải pháp về hoàn thiện pháp luật, về cơ chế tổ chức, về đội ngũ cán bộ.. nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tranh tụng tại phiên tòa hình sự mà luận văn đưa ra sẽ giúp ích cho các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và Tòa án nói riêng nâng cao hiệu quả hoạt động tranh tụng tại phiên tòa. 6. Kết cấu của luận văn Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận văn bao gồm ba chương với kết cấu như sau: Chương 1: Tranh tụng tại phiên tòa trước yêu cầu cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay. Chương 2: Thực trạng tranh tụng tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự.
  • 6. Chương 3: Các giải pháp nâng cao hiệu quả tranh tụng tại phiên tòa.
  • 7. Chương 1 tranh tụng tại phiên tòa trước yêu cầu cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay 1.1. tranh tụng tại phiên tòa trong tố tụng tranh tụng 1.1.1. Đặc điểm của tố tụng tranh tụng Trên thế giới đang tồn tại hai hệ thống tố tụng chủ yếu là: tố tụng tranh tụng và tố tụng xét hỏi. Tố tụng xét hỏi được sử dụng phổ biến ở các nước theo hệ thống luật CIVIL LAW (các nước Pháp, Italia, Đức,...), còn tố tụng tranh tụng là thủ tục tố tụng được áp dụng rộng rãi ở các nước theo hệ thống luật án lệ COMMON LAW (các nước Anh, Mỹ, ấn Độ, Austraylia, New Zealand...). Theo các nhà nghiên cứu về nhà nước và pháp luật thì tố tụng tranh tụng đã xuất hiện rất sớm, ngay từ thời Hy Lạp cổ đại, sau đó du nhập vào La Mã với tên gọi là thủ tục hỏi đáp liên tục (Procédure des questions perpétuelles) và trở nên phổ biến tại Anh và nhiều nước khác. Trong tố tụng tranh tụng tùy theo tính chất, mức độ của từng vụ mà có những thủ tục tố tụng tương ứng: Nếu là vi phạm nhỏ, tội ít nghiêm trọng (thông thường những tội có mức hình phạt cao nhất dưới 5 năm tù) sau khi phát hiện có vi phạm pháp luật hình sự, cảnh sát có thể trực tiếp truy tố bị cáo ra tòa chỉ có một Thẩm phán. Nếu là tội nghiêm trọng và bị cáo nhận tội, vụ án sẽ được chuyển cho cơ quan công tố để truy tố ra tòa xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc thủ tục xét xử không có Bồi thẩm đoàn. Trường hợp bị cáo không nhận tội và đề nghị xét xử bằng thủ tục có Bồi thẩm đoàn, vụ án sẽ được cơ quan công tố truy tố ra tòa với một Thẩm phán và Bồi thẩm đoàn. Tại phiên tòa xét xử, Thẩm phán có nhiệm vụ điều hành mọi hoạt động tố tụng để cho các bên buộc tội (Công tố viên nhân danh Nhà nước) và gỡ tội (bị cáo, Luật sư bào chữa cho bị cáo) tự xét hỏi, đưa ra chứng cứ, người làm chứng, tự đối chất, phản bác nhau và tự bảo vệ quan điểm của mình; đồng thời cũng hướng dẫn cho Bồi thẩm đoàn những quy tắc tố tụng, chứng cứ và luật nội dung. Đáng chú ý, Thẩm phán có vai trò điều khiển các bên tham gia phiên tòa để đảm bảo những thông tin về chứng cứ đưa ra không tạo nên định
  • 8. kiến (prejudice) đối với Bồi thẩm đoàn. Việc quyết định bị cáo có tội hay không hoàn toàn thuộc quyền hạn của Bồi thẩm đoàn. Nếu bị cáo bị tuyên có tội, lúc đó chỉ có Thẩm phán tiếp tục vụ án với vai trò là người quyết định hình phạt, lượng hình. Nếu bị cáo được tuyên vô tội, vụ án sẽ chấm dứt ngay và cơ quan công tố cũng không được quyền kháng nghị phúc thẩm vì nguyên tắc (Hiến pháp) không cho phép xét xử hai lần (Double jeopardy) đối với một bị cáo về cùng một tội. Việc phúc thẩm chỉ đặt ra đối với cả hai bên khi bị cáo bị tuyên có tội liên quan đến việc định tội hoặc lượng hình. Các thủ tục tố tụng như hỏi cung, khám nghiệm, hay các thủ tục tố tụng tại phiên tòa đều phải được ghi âm hoặc ghi hình và nếu có tranh chấp hay mâu thuẫn giữa các bên về tính đúng đắn và chính xác thì các bản ghi âm sẽ được đưa ra để Tòa án và các bên cùng xem lại [39]. Qua nghiên cứu thì tố tụng tranh tụng có những đặc điểm sau: Thứ nhất, điều tra tại phiên tòa là điều tra chính thức và chủ yếu: Tố tụng tranh tụng là hệ thống tố tụng mà Tòa án là cơ quan xét xử và tiến hành tố tụng chính, sự tập trung nhất của hệ thống tố tụng. Các hoạt động khác như điều tra của cảnh sát, truy tố của công tố viên chỉ là những hoạt động mang tính hành chính - tư pháp không được điều chỉnh bởi Luật tố tụng hình sự [15, tr. 256]. Chỉ có Tòa án mới là chủ thể tiến hành tố tụng với ý nghĩa đầy đủ nhất theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Vì vậy, mọi điều tra của Luật sư và của cảnh sát có thể được tiến hành theo nhiều cách khác nhau, với những phương pháp thu thập chứng cứ khác nhau, nhưng đều phải được kiểm chứng tại phiên tòa và thông qua sự xem xét đánh giá của Hội đồng xét xử thì mới được công nhận về mặt pháp lý và được phục vụ cho vụ án, khi đó chứng cứ do các bên cung cấp mới có ý nghĩa đối với phán quyết của Tòa án. Chính vì việc điều tra tại phiên tòa là chủ yếu, thông qua việc xem xét đánh giá chứng cứ do các bên đưa ra nên phiên tòa theo thủ tục tố tụng tranh tụng thường rất dài và triệu tập nhiều nhân chứng. Thứ hai, trong tố tụng tranh tụng hình thành hai bên với những lợi ích đối kháng rõ rệt - bên buộc tội và bên bị buộc tội: Trong tố tụng tranh tụng, Viện công tố và Luật sư hoàn toàn bình đẳng nhau, họ được pháp luật trao những quyền tương ứng với chức năng để có thể điều tra độc lập và thu thập chứng cứ phục vụ cho công việc của mình. Viện công tố dưới danh nghĩa là người đại diện cho quyền lợi của nhà nước đưa ra các quan
  • 9. điểm, các lập luận, các chứng cứ để buộc tội bị cáo. Còn bên bị buộc tội là bị cáo và những Luật sư cũng dùng mọi lý lẽ, dùng mọi phương tiện được luật pháp cho phép để phản bác lại. Hai bên sẽ trực tiếp, liên tục chất vấn và trả lời chất vấn nhau công khai tại phiên tòa để làm rõ những vấn đề. Khác với tố tụng xét hỏi, tố tụng tranh tụng đặc biệt coi trọng nguyên tắc bằng miệng, công khai, tất cả các tình tiết, các chứng cứ mà Tòa án áp dụng để ra bản án đều phải được các bên tranh tụng tại phiên tòa. Với khoa học công nghệ phát triển như hiện nay các thủ tục tố tụng tại phiên tòa đều phải được ghi âm hoặc ghi hình, việc xét xử công khai trực tiếp có thể được tiến hành qua điện thoại hội nghị (Conference call) và cầu truyền hình trực tiếp. Tòa án tiến hành xét xử một vụ án ở một nơi có thể nghe lời khai trực tiếp của một người làm chứng ở một nơi khác [41, tr. 5-7]. Thứ ba, Thẩm phán giữ vai trò của người trọng tài: Do thủ tục tranh tụng không có giai đoạn điều tra nên các chứng cứ đều do các bên trực tiếp đưa ra trong quá trình tranh tụng giữa công tố viên và bị cáo, Luật sư. Thẩm phán ở các nước theo thủ tục này không có trách nhiệm làm rõ bị cáo phạm tội hay không phạm tội. Đây cũng là điểm khác so với tố tụng xét hỏi nơi mà trước khi mở phiên tòa các chứng cứ đã được điều tra, thu thập đầy đủ và thể hiện trong hồ sơ vụ án. Tại phiên tòa, Thẩm phán chỉ kiểm tra lại tính hợp pháp và tính có căn cứ của các chứng cứ này. Vai trò của Thẩm phán trong tố tụng xét hỏi không phải là một bên trung lập mà là người có vai trò chính trong việc làm sáng tỏ nội dung vụ án tại phiên tòa, Thẩm phán có thể sẽ trực tiếp chất vấn nếu như lời khai của bị cáo còn có mâu thuẫn hay bị cáo chối tội. Trong tố tụng xét hỏi, mọi hành vi của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng đều chịu sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa, các bên muốn đặt câu hỏi cho bên kia hoặc những người tham gia tố tụng khác đều phải thông qua Chủ tọa phiên tòa. Trong khi đó, tại phiên tòa theo tố tụng tranh tụng mỗi bên có quyền đặt câu hỏi trực tiếp cho bên kia cũng như cho những người tham gia tố tụng khác. Trong nhiều trường hợp họ có quyền ngắt lời bên kia, phản đối lại các ý kiến mà bên kia vừa đưa ra. Thứ tư, tố tụng tranh tụng có ba hệ quy tắc chi phối toàn bộ các hoạt động tố tụng: Quy tắc tố tụng (rule of procedures), quy tắc chứng cứ (rule of evidence) và quy tắc về ứng xử của Luật sư (rule of counsel). Trong ba hệ quy tắc này, quy tắc về chứng cứ có ảnh hưởng lớn nhất vì nó kiểm soát loại chứng cứ nào có thể được đưa ra trước những
  • 10. người có thẩm quyền quyết định (decision maker) hay nói cách khác, nó quyết định chứng cứ có được chấp thuận hay không. Ngay cả Thẩm phán cũng không được tự do lựa chọn chứng cứ mà họ thấy thích hợp nhất mà phải tuân theo các quy tắc chứng cứ đã được quy định. Quy tắc về chứng cứ được đặt ra nhằm đảm bảo sự công bằng trong tranh tụng qua việc cấm sử dụng những nguồn chứng cứ không đáng tin cậy, sai lệch hoặc có thể dẫn đến định kiến cho những người có thẩm quyền phán quyết. Nếu coi tố tụng tranh tụng là một cuộc đấu giữa hai bên có tranh chấp, thì nó đòi hỏi các bên tham gia tố tụng, nhất là cơ quan cảnh sát và công tố phải triệt để tuân thủ các quy tắc đã được luật quy định đó và trao thẩm quyền cho Tòa án là cơ quan phải đảm bảo yêu cầu đó trong quá trình xét xử. Tố tụng tranh tụng được thực hiện trực tiếp, bằng lời nói nên nhiều tài liệu trong tố tụng xét hỏi được xem là những chứng cứ quan trọng của vụ án thì trong tố tụng tranh tụng lại không được công nhận là chứng cứ. Tuy nhiên, để làm rõ các tài liệu liên quan đến vụ án, chủ nhân của nó sẽ được mời tham gia tố tụng và trực tiếp trình bày trước tòa. Thứ năm, ở tố tụng tranh tụng thường có sự tham gia của Bồi thẩm đoàn: Do vai trò của Thẩm phán trong tố tụng tranh tụng là người trọng tài nên thông thường phải có Bồi thẩm đoàn tham gia tố tụng. Đoàn bồi thẩm không tham gia vào quá trình tranh tụng nhưng họ có quyền biểu quyết bị cáo có tội hay không có tội, trên cơ sở đó Thẩm phán sẽ quyết định về vụ án. Đây là điểm khác biệt so với tố tụng thẩm vấn, trong tố tụng thẩm vấn Hội thẩm nhân dân tham gia phiên tòa và quyết định cả về việc bị cáo có tội hay không có tội, quyết định cả về việc lượng hình đối với bị cáo, ở thủ tục tố tụng thẩm vấn Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa có địa vị pháp lý ngang với Hội thẩm nhân dân. Thứ sáu, yếu tố thú tội và thỏa thuận thú tội (pleas of guilty and plea- bargaining): ở nhiều vụ án cơ quan cảnh sát và công tố không thể tìm ra đủ chứng cứ để có thể "thắng" tại phiên tòa khi họ muốn truy tố một bị cáo, nên luật pháp có những quy định khuyến khích bị cáo nhận tội hoặc cho phép cảnh sát và cơ quan công tố thỏa thuận để bị cáo nhận tội, khai báo hay cung cấp thông tin về bị cáo khác. Đổi lại, bị cáo có thể được miễn truy tố về một hoặc một số tội hay được giảm hình phạt sau này khi Tòa án lượng hình (ví dụ, nếu bị cáo nhận tội trong giai đoạn đầu, mức giảm là một phần ba mức
  • 11. hình phạt thông thường). Việc thỏa thuận thú tội được diễn ra giữa cơ quan cảnh sát, viện công tố và bị cáo cùng Luật sư của họ. Thông thường, cảnh sát và cơ quan công tố thông báo cho bị cáo biết đã có những bằng chứng gì về hành vi phạm tội của họ, trên cơ sở đó bị cáo sẽ tham khảo ý kiến Luật sư và cân nhắc có nhận tội hay tiếp tục không khai báo hoặc chỉ khai báo trong phạm vi nhất định để sau này ra Tòa sẽ phản bác lại việc buộc tội. Tòa án không tham gia vào thủ tục này vì Tòa án chỉ có thẩm quyền xét xử những vụ án và bị cáo do cơ quan công tố hay cảnh sát đưa ra truy tố. Cơ chế này tác động tới trình tự tố tụng vì khi bị cáo nhận tội dù ở bất cứ giai đoạn tố tụng nào, toàn bộ thủ tục đối với bị cáo sẽ được thay đổi theo hướng không còn "tranh tụng" nữa và lúc đó chỉ còn là trách nhiệm của Thẩm phán phải thẩm tra lại hồ sơ vụ án và đưa ra hình phạt thích hợp. Tòa án không có trách nhiệm đối với việc cơ quan Công tố bỏ lọt người hay lọt tội, không truy tố một tội phạm mà chỉ xét xử những tội phạm do cơ quan Công tố truy tố ra tòa [39, tr. 26- 29]. Tất nhiên, với vai trò không những là cơ quan áp dụng pháp luật và thực thi pháp luật mà còn là cơ quan bảo vệ công lý, bảo vệ quyền tự do dân chủ của công dân chống lại những lạm dụng quyền lực, bất công, đảm bảo niềm tin của công chúng vào công bằng và bình đẳng Tòa án sẽ có trách nhiệm đối với việc đưa ra các bản án một cách đúng đắn chứ không chỉ đơn thuần dựa vào tài liệu trong hồ sơ trong các vụ án không xét xử bằng Bồi thẩm đoàn. Nhưng rõ ràng là ở những trường hợp đó, trách nhiệm của Tòa án trong thủ tục tố tụng tranh tụng không nặng nề bằng Tòa án ở các nước theo thủ tục tố tụng xét hỏi với tư cách là khâu phán quyết thẩm tra cuối cùng của giai đoạn tố tụng, Tòa án ở những nước này có quyền khởi tố ngay tại phiên tòa, có quyền xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố (ở Việt Nam). Và như vậy, Tòa án sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm cuối cùng nếu bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội. Hệ tố tụng xét hỏi nhấn mạnh phương pháp điều tra, thẩm vấn trong toàn bộ quá trình tố tụng từ khi khởi tố đến xét xử. Hệ tranh tụng lại chú trọng vào hoạt động đối tụng giữa các bên trong giai đoạn xét xử với các quy tắc nghiêm ngặt về chứng cứ để đảm bảo rằng bị cáo được xét xử một cách công bằng. Nếu như ở hệ tố tụng tranh tụng vai trò của Tòa án là thụ động, quá trình thẩm vấn của Thẩm phán ngay tại phiên tòa cũng chỉ mang
  • 12. tính chất gián tiếp thì Tố tụng xét hỏi luôn đề cao vai trò chủ động của Thẩm phán trong các giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử. Trong hệ tố tụng tranh tụng không có sự phân chia thành các giai đoạn tố tụng rõ rệt như trong hệ tố tụng xét hỏi nên chứng cứ trong tố tụng tranh tụng phải tuân theo quy tắc chứng cứ (rule of evidence) ngay cả Thẩm phán cũng không được tự do lựa chọn chứng cứ mà họ thấy thích hợp nhất. Viện công tố ở những nước theo thủ tục tố tụng tranh tụng có quyền hạn không lớn bằng ở những nước theo thủ tục tố tụng xét hỏi nên trong quá trình giải quyết vụ án nghĩa vụ của các bên đặt ra ngang nhau. Phiên tòa trong tố tụng tranh tụng là một cuộc đấu giữa hai bên buộc tội - bên gỡ tội, Thẩm phán và Bồi thẩm đoàn là trọng tài; nhưng phiên tòa trong tố tụng xét hỏi nhiều khi rơi vào tình trạng diễn lại những gì đã được thực hiện trước đó, trên cơ sở đó Hội đồng xét xử khẳng định lại các tình tiết, các chứng cứ để ra bản án. Các nước theo thủ tục tranh tụng gọi phiên tòa của tố tụng xét hỏi là các phiên họp. Vai trò của Luật sư và những người tham gia tố tụng khác đều bị chi phối thông qua vai trò của Thẩm phán [41, tr. 5-7]. Thẩm phán trực tiếp xét hỏi và phát triển sự kiện theo cách của mình còn các bên chủ yếu chỉ tranh luận để giải thích những gì liên quan đến các cứ liệu của vụ án. 1.1.2. Tranh tụng tại phiên tòa 1.1.2.1. Đặc điểm phiên tòa trong tố tụng tranh tụng Tranh tụng tại phiên tòa là quá trình đấu tụng diễn ra giữa hai bên buộc tội và bên gỡ tội xung quanh việc bảo vệ quan điểm giải quyết vụ án của mình trong quá trình xét xử từ khi mở phiên tòa cho đến khi kết thúc phiên tòa. Theo đó, dưới sự chủ trì của Hội đồng xét xử các bên đưa ra những lý lẽ và chứng cứ nhằm bảo vệ quan điểm của mình. Việc tranh luận được diễn ra công khai trực tiếp, liên tục và bằng miệng. Kết quả của việc đấu tụng đó có ý nghĩa quyết định đến việc giải quyết vụ án. Vì vậy, so với phiên tòa của hệ tố tụng xét hỏi thì phiên tòa trong tố tụng tranh tụng có những đặc điểm sau: Phiên tòa là trung tâm và duy nhất của hoạt động tố tụng: Tố tụng tranh tụng không chia thành các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử mà sau khi phát hiện vi phạm pháp luật hình sự cơ quan công tố sẽ truy tố bị cáo ra tòa với một tội danh, nếu bị cáo thuê Luật sư bảo vệ quyền lợi thì Luật sư sẽ tham gia tranh tụng khi xét xử. Đây là
  • 13. giai đoạn duy nhất có sự tham gia đầy đủ của cả bên buộc tội, bên gỡ tội và cơ quan xét xử có thẩm quyền. Thông qua sự tập trung một cách công khai minh bạch, các chứng cứ, lý lẽ của hai bên gỡ tội và buộc tội chuẩn bị trước đó mới được Tòa án kiểm chứng và thừa nhận. Tòa án là cơ quan tiến hành tố tụng duy nhất [15, tr. 256-257], nên mọi hoạt động tố tụng được tập trung nhất vào phiên tòa. Và như thế, chỉ có thể thông qua quá trình hỏi đáp, chất vấn, tranh luận tại phiên tòa, Tòa án mới xem xét và đánh giá bị cáo có tội hay không ở mức độ nào mà có phán quyết. Hình thành lợi ích đối kháng rõ rệt giữa hai bên tại phiên tòa: Như trên đã phân tích, tại phiên tòa các bên sẽ phải đưa ra các chứng cứ, lý lẽ để bảo vệ cho luận điểm của mình. Bên buộc tội là Viện công tố đại diện cho Nhà nước và bên gỡ tội là bị cáo và người bảo vệ quyền lợi cho họ sẽ phải chất vấn, tranh luận với nhau để Tòa án nhận định. Bên nào đưa ra được những chứng cứ, lý lẽ thuyết phục hơn thì sẽ được Tòa án chấp nhận, đây là cuộc đấu theo đúng nghĩa của nó - không có sự nhượng bộ và như thế quyền lợi của hai bên tại phiên tòa là đối lập nhau. Tại phiên tòa Thẩm phán giữ vai trò là người trọng tài: Trong cuộc đấu giữa hai bên buộc tội và gỡ tội, Tòa án sẽ không can thiệp trừ khi việc tranh luận ra ngoài nội dung của vụ án. Đây là quá trình tranh luận cam go và có tính quyết định nên việc để cho các bên tranh luận tự do là để đảm bảo cho quyền tranh tụng của họ, đảm bảo mọi tình tiết của vụ án đều được đề cập đến; Tòa án trực tiếp tham gia xét hỏi sẽ bị coi là thiên vị một bên nào đó. Vai trò của Tòa án tại phiên tòa là trung lập, xem xét đánh giá những chứng cứ, lập luận của mỗi bên để có quyết định cụ thể. Phiên tòa trong tố tụng tranh tụng thường rất dài, triệu tập nhiều nhân chứng: Trong tố tụng tranh tụng khi đã phải mở phiên tòa có Bồi thẩm đoàn thì cũng có nghĩa là tính chất phức tạp của vụ án đã thấy rõ. Tại phiên tòa Bồi thẩm đoàn và Thẩm phán mới được biết chứng cứ, cũng như là các luận chứng mà mỗi bên đưa ra. Vừa do tính phức tạp, vừa do phải thẩm tra đánh giá chứng cứ một cách tỷ mỉ và công nhận từng phần nên phiên tòa thường kéo dài, cá biệt có trường hợp phiên tòa tới một năm. Tại phiên tòa việc điều tra mới chính thức được Tòa án tiến hành nên nhân chứng đã được cảnh sát lấy lời khai vẫn phải ra tòa làm chứng, đây là những người không thể thiếu trong phiên tòa của
  • 14. tố tụng tranh tụng, khác hẳn với tố tụng xét hỏi là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có thể căn cứ lời khai của người làm chứng tại cơ quan điều tra để quyết định, vì vậy tại phiên tòa sự tham gia của người làm chứng thường là đông, có phiên tòa triệu tập tới 600 người [13, tr. 6]. Bồi thẩm đoàn và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có vị trí ngồi khác nhau cũng như chức năng công việc: Trong tố tụng xét hỏi, tại phiên tòa Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân ngồi cùng một bàn và họ ngang quyền với nhau khi xét xử cũng như khi đưa ra những phán quyết. Nhưng trong tố tụng tranh tụng, Bồi thẩm đoàn ngồi ở vị trí khác với Thẩm phán chủ tọa họ chỉ có quyền nghe và công nhận bị cáo có tội hay không có tội, còn việc định tội danh và quyết định hình phạt là của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. 1.1.2.2. Điều kiện để tranh tụng tại phiên tòa Để xác định sự thật khách quan của vụ án thì phiên tòa phải đảm bảo nguyên tắc tranh tụng, và như thế cần phải có những cơ chế, điều kiện nhất định để thực hiện: Trước hết, tham gia vào quá trình tranh tụng bao giờ cũng phải có ba chủ thể của quan hệ tranh tụng. Một bên là Công tố viên nhân danh Nhà nước thực hành quyền công tố (bên buộc tội) và một bên là Luật sư, bị cáo (bên gỡ tội) và bên kia là thẩm phán và bồi thẩm đoàn. Quá trình tranh tụng phải được diễn ra và tiến hành theo đúng những quy định của pháp luật tố tụng hình sự cả về hình thức, nội dung cũng như về không gian và thời gian. Trong quá trình này từ khi bắt đầu phiên tòa đến khi kết thúc phiên tòa, vai trò trung tâm và quyết định luôn luôn thuộc về Hội đồng xét xử, Thẩm phán Chủ tọa phải đóng vai trò là người điều khiển, không can thiệp vào nội dung tranh tụng nhưng phải đánh giá, nhận định và xem xét để quyết định chính xác và đúng đắn. Theo tác giả, quá trình tranh tụng chỉ có ý nghĩa đầy đủ nhất khi có đầy đủ và đồng thời các chủ thể của quan hệ tranh tụng trong tố tụng hình sự và được thể hiện bằng phán quyết cuối cùng của Tòa án. Thứ hai, để việc tranh tụng đạt kết quả cao thì các bên buộc tội và gỡ tội phải có trình độ năng lực cũng như đạo đức nghề nghiệp, có sự chuẩn bị kỹ càng. Trong quá trình tranh tụng dân chủ tại phiên tòa, trình độ năng lực của những người tham gia tranh tụng có ảnh hưởng rất lớn, nếu trình độ năng lực chênh lệch giữa bên buộc tội và bên gỡ
  • 15. tội thì hiển nhiên tranh tụng không mang lại hiệu quả cao. Công tố viên là bên buộc tội vì vậy không chỉ việc chuẩn bị chu đáo các tài liệu, nghiên cứu kỹ càng vụ án mà trình độ tư duy lý luận cao là đòi hỏi quan trọng. Quá trình nghiên cứu hồ sơ cũng chưa hoàn toàn đánh giá được hết tính chất mức độ vụ án và càng không thể căn cứ vào đó để có lời luận tội; chỉ có thể qua quá trình thẩm vấn, tranh luận tại phiên tòa mà Kiểm sát viên buộc tội một cách khách quan, thuyết phục, vì vậy đòi hỏi Kiểm sát viên phải có trình độ cũng như kinh nghiệm tham gia tranh tụng. Vai trò của Luật sư, người bào chữa trong tranh luận là hết sức quan trọng, bởi tính chất công việc của Luật sư là một bên trong quá trình tranh tụng, đồng thời Luật sư có được những quyền tố tụng cho phép để điều tra thu thập chứng cứ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo. Vì vậy, không chỉ năng lực trình độ của Luật sư, mà đạo đức nghề nghiệp của họ cũng có ảnh hưởng lớn đến việc tận lực cho công việc bào chữa, đến quá trình tranh tụng. Nếu trong suốt quá trình trước khi mở phiên tòa xét xử cả hai bên Công tố viên và bị cáo - Luật sư bào chữa cho bị cáo không có sự chuẩn bị kỹ, không dự trù trước những tình huống có thể xảy ra trong quá trình tranh tụng thì đến khi tranh luận họ sẽ có thể bị đuối lý và tất nhiên phán quyết của Tòa án sẽ trên cơ sở của bên thuyết phục. Vì vậy, tự bản thân hai phía buộc tội và gỡ tội sẽ phải có sự chuẩn bị cho quá trình tranh tụng của mình và luật pháp cũng có những quy định để đảm bảo cho quá trình chuẩn bị thu thập chứng cứ của các bên, đảm bảo cho việc tranh tụng đạt kết quả cao nhất. Hai bên buộc tội và gỡ tội không chỉ chuẩn bị kỹ càng về lý lẽ, về chứng cứ được thu thập trong suốt quá trình trước khi mở phiên tòa mà còn tự đánh giá xem những luận điểm nào còn yếu, dự trù những tình huống có thể xảy đến trong quá trình tranh luận để đến khi ra tranh tụng đạt được kết quả theo mong muốn. Thứ ba, để quá trình tranh tụng đạt kết quả tốt thì cần có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và các điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo. Hệ thống pháp luật hoàn chỉnh có vai trò rất lớn trong việc tạo ra điều kiện cho quá trình tranh tụng, ở những nước áp dụng hệ thống tố tụng tranh tụng - theo nhiều chuyên gia - là những nước có nền văn hóa pháp lý cao của toàn xã hội [6, tr. 246-251]; và thực tế cũng cho thấy, để áp dụng được tranh tụng tại phiên tòa cần có sự đồng bộ của các ngành luật riêng lẻ, đầy đủ và chặt chẽ để tạo ra cơ chế cho tranh tụng.
  • 16. Bên cạnh đó, về cơ sở vật chất như phòng xử án phải đáp ứng các điều kiện về tính trang nghiêm, đảm bảo các phương tiện kỹ thuật như ánh sáng, âm thanh, đảm bảo phòng cách ly nhân chứng, bị cáo, thậm chí có cả Camera để đảm bảo tính công khai dân chủ. Quá trình chuẩn bị phiên tòa phải tốt, bởi lẽ chỉ khi triệu tập đầy đủ những người tham gia tố tụng đến phiên tòa thì mới có điều kiện đầy đủ để tiến hành việc tranh tụng được tốt. Trường hợp vắng mặt một số người tham gia tố tụng sẽ gây nên tốn kém, làm cho phiên tòa phải hoãn hoặc phải xử dài ngày, làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử. 1.1.2.3. Yêu cầu của tranh tụng tại phiên tòa Tranh tụng tại phiên tòa phải đảm bảo tính dân chủ, công khai nhưng vẫn thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Đây là yêu cầu xuyên suốt quá trình tranh tụng, nếu thiếu yêu cầu này thì quá trình tranh tụng không thể đưa đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Chỉ đạt được yêu cầu về dân chủ thì mới đảm bảo sự ngang bằng giữa các bên tham gia đấu tụng, trong đó quyền công tố của Nhà nước được đặt ngang với quyền bào chữa của bị cáo - Luật sư, họ có toàn quyền tranh luận về mọi vấn đề trong vụ án để làm sáng tỏ những tình tiết còn chưa rõ, qua đó Hội đồng xét xử và những người tham gia phiên tòa sẽ xác định được sự thật khách quan của vụ án. Việc tranh tụng đó phải diễn ra công khai để thể hiện tính minh bạch của pháp luật, của quá trình xét xử vụ án. Chỉ có những trường hợp pháp luật quy định phải xử kín để đảm bảo bí mật Nhà nước đảm bảo quyền của công dân, còn mọi trường hợp khác đều phải xử công khai. Tranh tụng tại phiên tòa phải đạt yêu cầu công khai dân chủ, nhưng vẫn phải theo quy định của pháp luật. Đó chính là thể hiện sự nghiêm minh cần thiết của pháp luật, nếu thiếu đi sự nghiêm minh đó thì tranh luận giữa phiên tòa là sự tranh luận vô tổ chức mạnh ai người ấy nói, phiên tòa trở thành cuộc cãi nhau giữa các bên. Mục đích của tranh tụng tại phiên tòa là làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án thông qua sự cọ xát giữa các lập luận, ý kiến. Vì vậy, yêu cầu của nó là hai bên tranh luận đi vào từng chi tiết của vụ án, sự đối đáp giữa hai bên phải diễn ra liên tục, Công tố viên, bị cáo, Luật sư, bị hại và tất cả những người tham gia tố tụng khác phải tranh luận từng vấn đề rõ ràng, mạch lạc, dứt khoát, không tranh luận chung chung, dàn trải, lạc đề. Công tố viên là bên buộc tội, Luật sư là bên gỡ tội vì vậy họ phải có sự chủ động
  • 17. trong tranh luận tại phiên tòa, cần hỏi những người tham gia tố tụng nhiều hơn bất cứ ai để làm rõ mọi tình tiết của vụ án, đặc biệt là các vấn đề, tình tiết mà bị cáo, người làm chứng đưa ra tại phiên tòa có mâu thuẫn với những kết quả điều tra trước đó của Viện công tố để trên cơ sở đó có lời luận tội, lời bào chữa khách quan, chính xác. Trong tranh luận tại phiên tòa không thể có trường hợp Công tố viên chỉ phát biểu quan điểm là giữ nguyên quan điểm như đã truy tố mà không đưa ra lý lẽ, dẫn chứng nào khác có sức thuyết phục để bảo vệ quan điểm đó. Do vậy, đây cũng là vấn đề mà trên thực tế đòi hỏi Chủ tọa các phiên tòa phải định hướng để các bên tham gia tranh luận chất vấn và trả lời chất vấn những nội dung chính của vụ án, có như vậy tranh tụng mới đạt hiệu quả. 1.1.2.4. Nội dung của tranh tụng tại phiên tòa Xuất phát từ bản chất, mục đích của tố tụng tranh tụng nên tại phiên tòa phải giải quyết các nội dung sau: Thứ nhất, dưới sự chủ trì của Chủ tọa phiên tòa các bên hỏi và trả lời câu hỏi để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Tại phiên tòa để làm sáng tỏ sự thật vụ án thì tranh tụng là quá trình quan trọng, nó bao gồm việc chất vấn liên tục, tranh luận giữa một bên đại diện cho Nhà nước thực hành quyền công tố - bên buộc tội, còn bên kia là bên gỡ tội - bị cáo và Luật sư, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo. Công tố viên nhân danh Nhà nước sẽ là người đưa ra những chứng cứ, những lập luận để bảo vệ lời buộc tội (cáo trạng), và đến lượt bị cáo và người bào chữa thể hiện ngay thái độ của họ đối với lời buộc tội đó. Sau khi xem xét chứng cứ do bên buộc tội đưa ra, Hội đồng xét xử xem xét đến chứng cứ do bên gỡ tội đưa ra và những lý lẽ để bào chữa. Đây là quá trình mà mỗi bên đều dùng những lý lẽ, chứng cứ để chứng minh cho luận điểm của mình nên có thể nói những lý lẽ đó hoàn toàn trên cơ sở ý chí chủ quan của mỗi bên, và chứng cứ là để phục vụ cho ý chí đó. Vì vậy, cần thiết phải có người đứng ra là trọng tài giữa việc tranh tụng đó, chỉ có Tòa án mà ở đây là Hội đồng xét xử đảm nhiệm công việc đó là khách quan và chính xác nhất xét cả về phương diện lý luận cũng như thực tiễn. Chủ tọa phiên tòa không chỉ là người điều khiển phiên toà nói chung mà họ cũng là phần quan trọng không thể thiếu của quá trình tranh tụng. Chủ tọa phiên tòa với vai trò chủ trì, điều khiển
  • 18. phiên tòa có toàn quyền quyết định nội dung việc xét hỏi, hướng cho hai bên hỏi và trả lời câu hỏi đi vào trọng tâm của vấn đề, nhằm giải quyết vụ án. Chủ tọa phiên tòa tạo điều kiện cho các bên tranh luận không hạn chế nhưng cũng tránh cho các bên đi vào những tình tiết vụn vặt không có giá trị làm sáng tỏ nội dung vụ án hoặc Chủ tọa phiên tòa dừng việc hỏi và đáp giữa hai bên hướng sang vấn đề khác nếu nội dung đó đã được làm sáng tỏ. Trong quá trình đó Hội đồng xét xử luôn thể hiện sự khách quan, tập trung lắng nghe việc tranh tụng của các bên để thấy được sự thật khách quan của vụ án, có tội hay không có tội ở những chứng cứ nào; nếu có tội thì ở mức độ như thế nào, những tình tiết, chứng cứ nào thể hiện mức độ tăng nặng, những tình tiết, chứng cứ nào là giảm nhẹ. Những chứng cứ nào là hợp pháp, những chứng cứ nào không được công nhận là hợp pháp. Nếu có vật chứng thì xem xét vật chứng để thấy sự phản ánh dấu vết tội phạm trên đó ở mức độ như thế nào. Từ đó để thấy những tình tiết chứng cứ nào còn chưa rõ những vấn đề còn mâu thuẫn, Chủ tọa phiên tòa cho hai bên tranh luận rõ hơn, chất vấn nhau nhiều hơn để thấy bật ra được vấn đề, đồng thời dựa trên sự đánh giá khách quan toàn diện những chứng cứ, tình tiết, quá trình tranh luận trên mà Hội đồng xét xử sau đó có phán quyết công bằng. Để tranh tụng tại phiên tòa đạt được kết quả, Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa có quyền áp dụng quy định của phát luật tố tụng hình sự điều khiển phiên tòa theo đúng tiến trình tranh tụng. Cũng trên cơ sở của Luật tố tụng hình sự, họ có thể cho phép mọi người liên quan đến quá trình tranh tụng được vào phiên tòa; trong trường hợp cần thiết, Chủ tọa phiên tòa cách ly bị cáo, nhân chứng để đảm bảo việc tranh tụng tại phiên tòa diễn ra khách quan, có hiệu quả. Thứ hai, áp dụng những quy định của pháp luật để giải quyết vụ án. Để phục vụ cho quá trình tranh tụng tại phiên tòa, hai bên buộc tội và gỡ tội đều đã chuẩn bị cho mình những tài liệu chứng cứ cần thiết để bảo vệ lý lẽ của mình. Trong quá trình đó cả hai bên đều đã phải vận dụng những quy định của pháp luật không chỉ về luật hình thức mà còn cả luật nội dung. Đó là quá trình dựa vào chứng cứ đã được thu thập, căn cứ vào các điều khoản được quy định trong luật và các văn bản khác để đối chiếu so sánh tìm ra những tình tiết buộc tội và gỡ tội, và như thế bên gỡ tội thì tận dụng tối đa những chi tiết dù là nhỏ nhất để phản bác lại sự buộc tội của bên kia, còn bên buộc tội sẽ cố gắng truy tố
  • 19. với những chứng cứ chặt chẽ nhất nhằm không bỏ lọt tội phạm vì vậy họ cũng không bỏ qua những chi tiết dù là nhỏ nhất. Tới khi ra phiên tòa, cả hai bên đều trình bày sao cho có sức thuyết phục nhất trước Hội đồng xét xử và những người tham dự phiên tòa. Vì vậy cả hai bên sẽ cố gắng đề cập đến mọi tình tiết có lợi nhất của vụ án một cách trực tiếp, liên tục. Họ chất vấn nhau nhưng không phải vô tổ chức mà dưới sự điều khiển của Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa. Họ có quyền phản đối quan điểm của bên kia đặt câu hỏi, đưa ra những chứng cứ để chứng minh cho luận điểm của mình phản bác lại bên kia. Trong quá trình đó họ toàn quyền tranh luận về những vấn đề để làm sáng tỏ vụ án, việc tranh luận không bị hạn chế nếu như không đi ra ngoài nội dung vụ án. Có quyền vận dụng những quy định của pháp luật để đề nghị Chủ tọa phiên tòa có những quyết định tại phiên tòa thuận lợi cho việc tranh tụng và chứng minh sự thật của vụ án. Đây là cuộc đấu giữa hai bên buộc tội và gỡ tội nên nó có sự đối kháng rõ rệt và phần thắng sẽ thuộc về bên nào có những chứng cứ thuyết phục, lý lẽ sắc bén hơn để Hội đồng xét xử và người tham dự phiên tòa chấp nhận. Thứ ba, đảm bảo việc đưa ra xem xét các chứng cứ, tài liệu minh chứng cho luận điểm của mỗi bên. Trong quá trình tranh tụng, chứng cứ là căn cứ quan trọng để làm sáng tỏ sự thật của vụ án. Tranh tụng tại phiên tòa là trung tâm của hoạt động tố tụng, ở thủ tục tố tụng tranh tụng không chia thành các giai đoạn rõ rệt nên cũng không có giai đoạn điều tra riêng biệt mà chỉ có sự thu thập chứng cứ chuẩn bị của hai bên buộc tội và gỡ tội. Trên cơ sở sự chuẩn bị ấy, tranh tụng được diễn ra tại phiên tòa. Thông qua phiên tòa Hội đồng xét xử có phán quyết đối với bị cáo - có tội hay không có tội, ở mức độ nào, hình phạt ra sao. Quá trình xem xét đánh giá chứng cứ được xác định qua hoạt động tranh tụng, chứng cứ được đánh giá không đúng làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án và như vậy hoạt động tranh tụng không còn ý nghĩa. Chủ tọa phiên tòa sẽ đảm bảo cho việc đưa ra chứng cứ của mỗi bên, thông qua quá trình hỏi đáp, chất vấn liên tục giữa hai bên buộc tội và gỡ tội Hội đồng xét xử và những người tham dự phiên tòa có thể thấy được những điểm còn mâu thuẫn của lý lẽ giữa các bên, thấy được sự không thuyết phục của chứng cứ mà bên nào đó đưa ra. Từ đó xem xét đánh giá chứng cứ được chính xác. Đây là một cuộc đấu chủ yếu diễn ra giữa hai bên buộc tội và gỡ tội nhưng để cuộc đấu đó được khách quan và có chất lượng thì phải đảm bảo được sự minh
  • 20. bạch khách quan của các chứng cứ thông qua việc đưa ra xem xét công khai tại phiên tòa theo quy tắc về chứng cứ và được Hội đồng xét xử chấp nhận. 1.2. Cơ sở của việc đổi mới hoạt động tố tụng hình sự nước ta theo hướng tranh tụng tại phiên tòa 1.2.1. Thực trạng phiên tòa trước khi có Nghị quyết 08/NQ-TW Theo những đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu xã hội và pháp luật thì trong suốt những năm tháng của công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm, các cơ quan tư pháp của chúng ta đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; nhưng hoạt động của các cơ quan đó đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế mà thể hiện là còn nhiều trường hợp bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội, vi phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp. Những thiếu sót tồn tại đó thể hiện ở tất cả các khâu trong hoạt động tố tụng, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Những bất cập và hạn chế không chỉ tồn tại ở các cơ quan tiến hành tố tụng mà các hoạt động bổ trợ tư pháp (bào chữa tư vấn pháp luật, công chứng, giám định...) cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng công tác xét xử ở nước ta còn có nhiều sai sót như: xét xử oan do đánh giá không đúng chứng cứ buộc tội. Một số bản án áp dụng không đúng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, đánh giá không đúng về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội hoặc nhân thân của bị cáo nên xét xử quá nặng hoặc quá nhẹ, định sai về tội danh, áp dụng không đúng hình phạt, khung hình phạt và cho hưởng án treo trái với quy định của pháp luật. Theo báo cáo tổng kết của ngành Tòa án từ năm 1992 đến 2002 thì mặc dù số lượng án oan, hủy có giảm nhưng vẫn còn, việc xét xử tại phiên tòa còn có lúc có nơi chưa đảm bảo tính dân chủ, công khai, chưa nghiêm minh. Ngoài những trường hợp oan, sai phát hiện được trong giai đoạn xét xử thì ngay tại hoạt động điều tra, truy tố vẫn liên tục xảy ra tình trạng lạm dụng bắt khẩn cấp, bắt không đủ căn cứ, phải trả tự do; chất lượng điều tra, kiểm sát điều tra còn yếu kém, hồ sơ phải trả đi trả lại nhiều lần dẫn đến giải quyết án quá hạn luật định và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng oan, sai trong hoạt động xét xử.
  • 21. Trong hoạt động của các cơ quan điều tra thì tình trạng vi phạm tố tụng hình sự nói chung và tình trạng vi phạm quyền lợi chính đáng của bị can, bị cáo nói riêng còn phổ biến. Việc dùng nhục hình để bức cung người bị tạm giữ, bị can, bị cáo dẫn đến việc bị can, bị cáo chết trong trại giam vẫn còn. Điều tra viên không đủ năng lực, trình độ hoặc do thói quen lề lối làm việc nên còn phổ biến việc mớm cung, dụ cung, ép cung. Theo báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại kì họp thứ 2 Quốc hội khóa XI, trong giải quyết vụ án hình sự vẫn còn hiện tượng để quá hạn điều tra, truy tố, xét xử; dùng nhục hình và làm sai lệch hồ sơ vụ án. Cũng theo báo cáo này, trong năm 2002, tội xâm phạm hoạt động tư pháp khởi tố 178 vụ, trong đó có 3 vụ dùng nhục hình, 2 vụ làm sai lệch hồ sơ vụ án, 2 vụ thiếu trách nhiệm để người bị giam trốn. Trong hoạt động tố tụng hình sự ở nước ta, tuy không phải là phổ biến nhưng đã từng tồn tại rất nhiều những vụ việc dùng thủ đoạn phi nhân tính để ép cung bị can, thậm chí có những trường hợp dùng nhục hình dẫn đến chết người. Vì vậy cho nên ép cung, dùng nhục hình, không tôn trọng quyền của bị can, bị cáo, không để cho bị can, bị cáo có cơ hội tự bảo vệ mình cần phải được loại bỏ trong xã hội ngày nay thông qua các quy định cụ thể của pháp luật và việc tạo ra một cơ chế để triệt tiêu hoàn toàn những khả năng có thể phát sinh ra những vi phạm đó. Mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 đã dành hẳn một chương quy định về vấn đề tranh luận tại phiên tòa, nhưng do nghĩa vụ chứng minh tội phạm vẫn là một trách nhiệm của Tòa án nên còn có Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa sa đà nhiều quá trong việc xét hỏi, thẩm vấn mà không dành nhiều thời gian cho việc tranh luận. Nội dung thẩm vấn và cách đặt câu hỏi của Tòa án chủ yếu dựa vào kết luận điều tra và cáo trạng, ngôn phong thẩm vấn thể hiện sự truy bức khiến bị cáo vốn đã có địa vị pháp lý thấp kém lại càng thêm lúng túng khi trình bày trước tòa. Có những trường hợp thay vì phải kiểm tra tính hợp pháp của các chứng cứ một cách công khai tại tòa, Chủ tọa phiên tòa lại nhắc hoặc công bố lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra và cho rằng bị cáo không thành khẩn khai nhận [35, tr. 4-7]. Do việc xét xử phần lớn và chủ yếu vẫn dựa vào những tài liệu do cơ quan điều tra thu thập, xây dựng vì vậy chất lượng xét xử phụ thuộc rất nhiều vào kết quả xây dựng hồ sơ của các cơ quan điều tra. Theo báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm
  • 22. sát nhân dân tối cao tại kì họp thứ 2 Quốc hội khóa XI, công tác điều tra của chúng ta còn rất nhiều khiếm khuyết và thiếu sót, điều này đã làm cho công tác xét xử gặp rất nhiều khó khăn, có khi gây ra những tranh luận không đáng có, thậm chí còn có thể dẫn đến những kết luận về vụ án không đúng bản chất, không đúng thực tế [30, tr. 5]. Quan niệm án tại hồ sơ là một quan niệm lưu cữu, đã hằn sâu trong nhận thức của nhiều người tiến hành tố tụng khiến nhiều vụ án đã thoát ly khỏi diễn biến khách quan phát sinh tại phiên tòa. Cũng chính vì quan niệm án tại hồ sơ nên việc tranh luận tại phiên tòa rất mờ nhạt, điều đó đã làm cho các Luật sư chưa thể tạo được chỗ đứng cho mình tại mỗi phiên tòa. Trên thực tế văn bản pháp luật Việt Nam hiện hành tuy có một pháp lệnh quy định về cơ chế làm việc của Luật sư và rất nhiều những điều luật quy định về quyền và nghĩa vụ của Luật sư nhưng trong khi tại phiên tòa Kiểm sát viên dùng những lý lẽ đanh thép để buộc tội thì Luật sư dường như lại chẳng có gì để nói, hầu hết việc tranh cãi chỉ xoay quanh quan điểm định tội danh hoặc tìm ra những chỗ chưa hoàn chỉnh của công tác điều tra để bắt bẻ chứ rất hiếm khi đưa ra được những bằng chứng phản bác đắt giá... chưa kể sự mâu thuẫn, căng thẳng trong khi tranh cãi thay vì phải xuất phát từ sự cọ xát về chứng cứ, về luận điểm thì đôi lúc chỉ vì thái độ, ngôn ngữ mang tính hình thức. Nhiều Luật sư ra đến phiên tòa cũng chẳng đưa ra được những lý lẽ có sức thuyết phục, những chứng cứ có sức nặng mà chỉ chốt lại ở cuối giai đoạn tranh luận là đề nghị Hội đồng xét xử xem xét những tình tiết giảm nhẹ thuộc về nhân thân, thái độ khai báo v.v... bị cáo để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Thực tế còn không ít những trường hợp Luật sư có năng lực, trình độ hạn chế, không đủ khả năng để cãi lý với Kiểm sát viên thì tìm cách giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo bằng con đường không trong sáng. Những quy định về tranh luận tại phiên tòa đã không được các bên tuân thủ nên nhiều trường hợp yêu cầu của bị cáo, Luật sư bào chữa đã không được Kiểm sát viên trả lời. Có không ít trường hợp Kiểm sát viên chẳng thèm cãi lý với Luật sư mà chỉ nhắc đi nhắc lại mãi cái điệp khúc tôi vẫn bảo lưu quan điểm của mình. Lại có những Kiểm sát viên ra phiên tòa trong suốt thời gian xét hỏi không xét hỏi một câu nào mà chỉ đọc bản cáo trạng rồi ngồi xem, đùn đẩy toàn bộ trách nhiệm thẩm vấn lên Hội đồng xét xử, khi kết thúc phần xét hỏi thì đọc bản luận tội. Có những trường hợp trả lời câu hỏi của Luật
  • 23. sư thì lại không đi vào trọng tâm vấn đề, khi bác bỏ luận điểm của Luật sư thì không đưa ra được căn cứ thuyết phục... khiến những phiên tòa với sự đối ứng chan chát, những pha cãi nhau nảy lửa với những đột biến gay cấn, ly kỳ chỉ có thể được chúng ta mục kích trên phim ảnh nước ngoài. Những thiếu sót và sai lầm như trên không khỏi khiến cho những người làm công tác pháp luật và những chuyên gia nghiên cứu pháp luật phải băn khoăn suy nghĩ. 1.2.2. Đổi mới pháp luật trước yêu cầu hội nhập quốc tế Cách thức của sự phát triển luôn là sự phủ định cái cũ để tìm đến cái mới ưu việt hơn, pháp luật cũng vậy những quy định đã lỗi thời cần phải được thay thế bởi những quy định phù hợp hơn với thực tế cuộc sống. Tuy nhiên, sự phủ định ấy không phải là sự phủ định sạch trơn mà trên cơ sở kế thừa cái cũ. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì hiện nay tồn tại hai hệ thống tố tụng cơ bản đó là hệ thống tố tụng xét hỏi và hệ thống tố tụng tranh tụng. Hệ thống tố tụng xét hỏi thường tồn tại ở những nước theo hệ thống luật dân sự Civil Law - Việt Nam chúng ta cũng được nhận định là theo hệ tố tụng này; hệ thống tố tụng tranh tụng được áp dụng rộng rãi ở các nước theo truyền thống luật án lệ Common law (Anh là đại diện điển hình). Mỗi hệ thống tố tụng có những đặc điểm riêng với những ưu điểm và nhược điểm của nó. Khi so sánh giữa các ưu điểm và nhược điểm của hai loại hình tố tụng, nhiều quan điểm (như Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chí) cho rằng, tố tụng tranh tụng có nhiều ưu điểm hơn bởi so với các kiểu tố tụng khác thì tố tụng tranh tụng đề cao quyền con người hơn, và biểu hiện của việc phát huy tối đa tinh thần dân chủ trong hoạt động tố tụng, cơ chế vận hành của nó hạn chế đến mức tối đa các trường hợp kết án oan người không có tội, nó là biểu hiện của một nền văn hóa pháp lý cao ở một quốc gia [6]. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải còn cho rằng, theo quá trình lịch sử, tố tụng xét hỏi đã tồn tại hàng thế kỷ dưới tác động của các tư tưởng tiến bộ đã dần chuyển sang kiểu tố tụng xét hỏi - tranh tụng và cuối cùng là tố tụng tranh tụng. Như thế tố tụng xét hỏi sẽ tất yếu bị thay thế bởi hệ thống tố tụng tranh tụng bởi tính ưu việt của nó [15]. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chí thì cho rằng, vào thời điểm này chúng ta không thể chuyển hoàn toàn sang kiểu tố tụng tranh tụng được mà chỉ có thể tiếp thu những điểm tiến bộ, phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, pháp lý của nước ta. Điều này cũng tương đồng với
  • 24. những cải cách tư pháp của nhiều nước trên thế giới như Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc.... Cùng với sự hội nhập, giao lưu quốc tế, những giao lưu về kinh tế, chính trị, văn hóa cũng đã mở ra cho các quốc gia những xu hướng tiếp thu những tinh hoa về mọi mặt của các quốc gia khác, trong đó có pháp luật. Pháp là một nước điển hình của hệ thống pháp luật Civil Law với hệ tố tụng thẩm vấn truyền thống nhưng cũng nhận thấy sự lạc hậu của hệ tố tụng này mà đưa những hạt nhân hợp lý của hệ tố tụng tranh tụng vào hệ tố tụng xét hỏi từ năm 2000. Trung Quốc thì đã mạnh dạn sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự theo hướng đưa nội dung của tố tụng tranh tụng vào tố tụng xét hỏi từ năm 1997, và thực tế đã cho thấy việc giải quyết án của các nước này đã tạo ra sự dân chủ thực sự và hạn chế oan sai rất nhiều... Như thế xu hướng xích lại gần nhau của các quốc gia trong giai đoạn toàn cầu hóa đã dẫn đến sự xích lại gần nhau trong lĩnh vực pháp luật mà thể hiện là sự tiếp thu những nhân tố hợp lý của hệ tố tụng tranh tụng vào hệ tố tụng xét hỏi và ngược lại. Đây là một xu hướng tất yếu của quá trình phát triển, và chúng ta - một thành viên của ngôi nhà chung thế giới - cũng cần phải có sự đổi mới phù hợp về mặt pháp luật nói chung và pháp luật tố tụng hình sự nói riêng. 1.2.3. Nghị quyết 08/ NQ-TW của Bộ Chính trị và vấn đề tranh tụng tại phiên tòa 1.2.3.1. Bản chất của hệ tố tụng hình sự Việt Nam trước khi có Nghị quyết 08/NQ-TW Trước khi có Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới, ở Việt Nam đã có rất nhiều ý kiến của các chuyên gia khác nhau bàn về bản chất của hệ tố tụng hình sự ở nước ta hiện nay. Hầu hết ý kiến của các chuyên gia đều thống nhất cho rằng, hệ tố tụng hình sự ở Việt Nam tuy có chứa đựng yếu tố tranh luận nhưng không mang đặc trưng của tố tụng tranh tụng bởi lẽ phán quyết của Tòa án không dựa trên kết quả tranh tụng giữa các bên và quyền lực tại phiên tòa cũng không được san sẻ cho những ngời tham gia tố tụng. Theo nhận định của tiến sĩ Lê Hữu Thể thì cần phải thống nhất một số vấn đề cơ bản sau:
  • 25. Thứ nhất, hệ tố tụng hiện nay ở nước ta thuộc hệ tố tụng thẩm vấn (tất nhiên là so với các quốc gia cũng theo hệ tố tụng thẩm vấn khác, thì ở Việt Nam có những đặc thù riêng). Thứ hai, mặc dù hệ tố tụng ở nước ta là hệ tố tụng thẩm vấn, nhưng bản thân nó có chứa đựng những hạt nhân hợp lý của hệ tố tụng tranh tụng. Tiến sĩ Lê Hữu Thể cho rằng, sẽ là không có cơ sở nếu khẳng định hệ tố tụng hình sự ở nước ta không phải là hệ tố tụng thẩm vấn mà cũng chẳng phải là hệ tố tụng tranh tụng [40]. Không đồng tình với quan điểm của tiến sĩ Lê Hữu Thể, thạc sĩ Ngô Huy Cương lại có một cách nhìn nhận khác về bản chất của hệ tố tụng hình sự tại Việt Nam. Ông cho rằng, các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử... đều là các tầng nấc khác nhau và cao hơn liên tiếp của hoạt động buộc tội. Song ở đây cần phải lưu ý rằng, Thẩm phán của Việt Nam chưa phải là nhân vật quan trọng dẫn đầu như vị thế của các đồng nghiệp của họ ở các nước theo hệ tố tụng thẩm vấn khác, bởi vì hoạt động của họ bị giám sát hay kiểm sát bởi Viện kiểm sát - nơi mà các quan chức tư pháp giữ quyền công tố trong phiên xét xử do chính họ là Chủ tọa. Do vậy, thạc sĩ cho rằng, tố tụng hình sự của Việt Nam không có các đặc trưng quan trọng của tố tụng tranh tụng và cả tố tụng thẩm vấn mà thực chất đây là một hệ tố tụng riêng biệt có tên gọi là tố tụng buộc tội [8]. Dung hòa giữa hai quan điểm trên, theo ý kiến của bản thân, tác giả cho rằng nếu chỉ dựa vào một số điều luật quy định không rõ ràng và quá sơ sài mà đã cho rằng hệ tố tụng Việt Nam có chứa đựng những hạt nhân hợp lý của hệ tranh tụng thì thực sự là chưa thỏa đáng và chưa thuyết phục. Bản chất của hệ tố tụng hình sự Việt Nam là hệ tố tụng thẩm vấn nhưng chỉ có điều biểu hiện của nó lại không hoàn toàn giống như các nước theo hệ tố tụng thẩm vấn khác, mà thực tiễn xét xử cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng ở Việt Nam đều có chức năng của một cơ quan buộc tội. Điều này không chỉ được chiêm nghiệm trong thực tế mà cụ thể hơn nó còn được quy định trong chính các văn bản quy phạm pháp luật (ví dụ: những quy định trong Hiến pháp về cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, những quy định về chức năng nhiệm vụ trong Luật tố chức Tòa án, Viện kiểm sát, Pháp lệnh điều tra hình sự, quy định về nghĩa vụ chứng minh tại Điều 11 Bộ luật tố tụng
  • 26. hình sự 2003). Cho dù có theo quan điểm nào thì một sự thật mà chúng ta không thể phủ nhận là trong những năm qua, hệ tố tụng hình sự ở nước ta đã dẫn đến tỉ lệ xét xử oan sai quá lớn, nhiều bê bối làm nhân dân giảm lòng tin nghiêm trọng với hệ thống tư pháp. Do đó, việc đổi mới hoạt động xét xử theo nguyên tắc tranh tụng là cần thiết. 1.2.3.2. Vấn đề tranh tụng tại phiên tòa trong Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị Trong những bất cập của hoạt động tư pháp, ngày 2/1/2002 Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 08/NQ-TW về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới. Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị đề cập đến rất nhiều nội dung khác nhau của công tác tư pháp, từ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử cho đến việc đào tạo cán bộ tư pháp. Nhưng đúng như TS. Hoàng Thế Liên đã phát biểu, trong Nghị quyết 08/ NQ-TW đẩy mạnh tranh tụng được coi là điểm nhấn của cải cách tư pháp và là vấn đề trọng tâm của trọng tâm. Nói tới vấn đề tranh tụng thì Nghị quyết số 08/NQ-TW đã đề cập đến một số nội dung như: "Nâng cao chất lượng hoạt động và đề cao trách nhiệm của các cơ quan và cán bộ tư pháp", trong đó có nhiệm vụ cụ thể là "nâng cao chất lượng công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa, đảm bảo tranh tụng dân chủ với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác". "Khi xét xử, các Tòa án phải bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật,...., việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền lợi ích hợp pháp. Các cơ quan tư pháp có trách nhiệm tạo điều kiện để Luật sư tham gia vào quá trình tố tụng: tham gia hỏi cung bị can, nghiên cứu hồ sơ vụ án, tranh luận dân chủ tại phiên tòa". Điều dễ nhận thấy là ngay sau khi Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị được ban hành, khi đề cập đến hoạt động tư pháp, nhiều nhà khoa học và thực tiễn luật luôn đề cập đến vấn đề tăng cường tranh tụng trong hoạt động tố tụng nhưng cho đến nay vẫn còn tồn tại khá nhiều cách hiểu khác nhau về vấn đề tranh tụng được nhắc tới trong Nghị quyết 08/NQ-TW và tựu trung lại thì các ý kiến đó tập trung vào hai quan điểm sau:
  • 27. Quan điểm thứ nhất cho rằng, để thực hiện yêu cầu của Nghị quyết 08/ NQ-TW của Bộ Chính trị thì cần phải chuyển hoạt động xét xử sang hệ tố tụng tranh tụng. Quan điểm này đã tồn tại mặc dù không thu hút được đông đảo ý kiến đồng tình. Sở dĩ ý kiến này chỉ chiếm thiểu số vì bản thân các câu chữ của Nghị quyết 08/NQ-TW cũng không hề đề cập tới việc chúng ta sẽ chuyển sang hệ tố tụng tranh tụng. Mặt khác, nếu chúng ta thực hiện việc chuyển đổi hoạt động tố tụng hình sự sang hệ tranh tụng thì đòi hỏi phải có sự thay đổi lớn về hệ tố tụng, về nguyên tắc và thủ tục tố tụng, về tổ chức các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử... Điều này đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và cần có sự nghiên cứu sâu sắc, đồng bộ chứ không thể một sớm một chiều mà thực hiện ngay được. Quan điểm thứ hai mà các nhà nghiên cứu đưa ra là Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị yêu cầu nhiệm vụ trung tâm là nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án qua việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa giữa các chủ thể tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án, đảm bảo cho việc xét xử được đúng người, đúng tội; quan điểm này xem ra được đa số các nhà nghiên cứu ủng hộ vì nó sát với câu chữ của Nghị quyết 08/NQ-TW hơn và có vẻ cũng dễ thực hiện hơn. Theo tác giả khóa luận thì quan điểm thứ hai hợp lý hơn vì: Như trên đã nêu ngay trong nghị quyết không hề đề cập đến việc chuyển đổi hệ tố tụng hiện hành sang hệ tố tụng tranh tụng, đồng thời trong giai đoạn hiện nay với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, pháp lý nước ta không thể chuyển sang hoàn toàn kiểu tố tụng tranh tụng được. Cùng với việc nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án thì Nghị quyết cũng đã đề cập đến việc nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp như cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan giám định, tổ chức Luật sư bởi chất lượng và hiệu quả của việc tranh tụng tại phiên tòa phụ thuộc rất nhiều ở kết quả giám định, thu thập chứng cứ, điều tra và kiểm sát hoạt động điều tra, hoạt động bào chữa gỡ tội... Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW như thế nào để đảm bảo thực sự nâng cao được hiệu quả hoạt động của các cơ quan đó, hay nói một cách khác là cơ chế để tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong hoạt động của các cơ quan tư pháp mới là vấn đề quan trọng, và điều này cần có giải pháp đồng bộ từ việc hoàn thiện pháp luật để tạo ra cơ chế, đến việc nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của những người tham gia vào
  • 28. quá trình tranh tụng đó như Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư và cả những cơ quan mà hoạt động nghiệp vụ của họ có liên quan trực tiếp đến việc giải quyết vụ án như cơ quan điều tra, cơ quan giám định... * * * Tố tụng tranh tụng và tranh tụng tại phiên tòa là những khái niệm rộng và phức tạp, việc nghiên cứu về nó đã rút ra được những đặc điểm, yêu cầu, điều kiện của tranh tụng tại phiên tòa. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi thực trạng tư pháp nước ta còn có những yếu kém nhất định, cần tiếp thu những yếu tố tích cực của tố tụng tranh tụng. Trong quá trình tố tụng, phiên tòa là giai đoạn trung tâm, chỉ có đến giai đoạn này thì mới có sự tập hợp đầy đủ và đồng thời của các bên, chỉ có thể thông qua quá trình tranh luận công khai, minh bạch tại phiên tòa thì mọi tình tiết của vụ án mới được làm sáng tỏ thông qua sự cọ xát về luận điểm của mỗi bên. Cũng qua đó mà những chứng cứ đã được các bên thu thập theo quy định của pháp luật được công khai phơi bày và kiểm chứng. Nếu tranh tụng tại phiên tòa được các bên tham gia nghiêm túc thực hiện thì hiệu quả giải quyết vụ án sẽ rất cao, khắc phục được việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm, tình trạng yếu kém của hệ thống tư pháp. Như vậy tranh tụng tại phiên tòa có giá trị rất lớn trong việc làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Cũng chính vì lẽ đó, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 2/1/2002 "Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới", trong đó nhiệm vụ nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án là khâu trung tâm, đột phá, thông qua việc nâng cao tính dân chủ khách quan trong tranh tụng tại phiên tòa. Đi đôi với nhiệm vụ đó thì việc nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và các cơ quan bổ trợ tư pháp cũng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để sao cho "...nâng cao chất lượng công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm tranh tụng dân chủ với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác... khi xét xử các Tòa án phải đảm bảo cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, thực sự dân chủ, khách quan; Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại
  • 29. phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp...". Tuy nhiên, để nghị quyết đi được vào thực tế áp dụng pháp luật thì cần có một cơ chế đồng bộ cả về phương diện hoàn thiện pháp luật, ý thức của những người người tiến hành và tham gia tố tụng, trình độ năng lực của những bên tham gia vào quá trình tranh tụng... Những đòi hỏi này của thực tiễn không phải là đơn giản, vì vậy thực tế tranh tụng tại phiên tòa hiện nay phải chăng đã hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu đó?
  • 30. Chương 2 Thực trạng tranh tụng tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự 2.1. Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về tranh tụng tại phiên tòa 2.1.1. Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về tranh tụng tại phiên tòa trước khi có Nghị quyết 08/NQ-TW 2.1.1.1. Quy định pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về về tranh tụng tại phiên tòa trước khi có Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 Kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2/9/1945, nhiều văn bản pháp luật có hàm chứa quy phạm tố tụng hình sự đã được Nhà nước ban hành, nhưng phải đến những năm 1960 thì những quy định về pháp luật tố tụng hình sự mới được hình thành một cách cơ bản, trong đó có hàm chứa những quy định về xét xử tại phiên tòa. Sau khi Nhà nước ta đã thông qua một số Luật tổ chức các cơ quan có trách nhiệm tiến hành tố tụng như: Luật tổ chức Tòa án nhân dân ngày 14/7/1960, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ngày 15/7/1960 và Pháp lệnh ngày 16/7/1962 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát nhân dân. Trong các văn bản đó có rất nhiều quy phạm pháp luật điều chỉnh việc tổ chức phiên tòa và tiến hành tố tụng tại phiên tòa của Tòa án nhân dân. Nhìn chung các quy phạm tố tụng trong giai đoạn này chủ yếu điều chỉnh quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan và người có trách nhiệm tiến hành tố tụng tại phiên tòa, một số nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng trong việc tiến hành và tổ chức các phiên tòa của Tòa án như: quyền dùng tiếng nói chữ viết của công dân, quyền bào chữa, việc xét xử công khai và xử kín, việc mở phiên tòa tại trụ sở hay xử lưu động... Đồng thời các quy phạm pháp luật tố tụng về tổ chức và tiến hành tố tụng tại phiên tòa trong giai đoạn này thường mang tính đại cương, thiếu cụ thể. Thực tiễn xét xử mang nặng tính chất thời chiến, tạm thời, thiếu thống nhất giữa các Tòa án và chịu ảnh hưởng nhiều về hình thức và khuôn mẫu của các phiên tòa trong chế độ cũ. Nhìn chung thì hình thức tổ chức và việc thực hiện các quy định của pháp luật tố
  • 31. tụng trong thời kỳ này chỉ có thể chấp nhận trong giai đoạn chiến tranh và thời kỳ mới độc lập. Sau khi Nhà nước ta ban hành Hiến pháp 1959 và các luật tổ chức Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân, đến năm 1964 căn cứ vào các quy định của pháp luật, những kinh nghiệm thực tiễn của gần 20 năm thực tiễn tiến hành tố tụng và việc tham khảo học tập pháp luật tố tụng của Liên Xô và nhiều nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Tòa án nhân dân tối cao đã hệ thống lại các quy định của pháp luật tố tụng lúc bấy giờ thành Bản đề án về trình tự xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, trong đó có quy định tương đối cụ thể về hình thức và thủ tục tiến hành tố tụng tại phiên tòa của Tòa án nhân dân, để gửi về các Tòa án nhân dân địa phương thống nhất áp dụng. Bản đề án đã trở thành tài liệu hướng dẫn thống nhất áp dụng pháp luật tố tụng tại phiên tòa cho tất cả các Tòa án, xác định những hành vi tố tụng cần thiết mà Thẩm phán và Hội thẩm phải tiến hành kể từ khi thụ lý vụ án cho đến khi mở phiên tòa, kết thúc phiên tòa. Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện Bản đề án, Tòa án nhân dân tối cao đã có báo cáo tổng kết chỉ ra nhiều nhược điểm, tồn tại của Bản đề án này. Ví dụ như trong việc tổ chức phiên tòa, nhiều Thẩm phán đã khoán trắng cho Thư ký việc triệu tập và tổ chức phiên tòa, tiến hành mở phiên tòa trong khi chưa có đủ điều kiện cho phép, tại phiên tòa một số Thẩm phán chưa nắm vững những yêu cầu của việc xét hỏi là phải kiểm tra lại toàn bộ chứng cứ tại phiên tòa hoặc vi phạm các nguyên tắc xét xử công khai, trực tiếp và liên tục. Đặc biệt, do Bản đề án chưa hướng dẫn cụ thể dẫn đến tình trạng một số Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân chỉ tin vào chứng cứ đã có trong hồ sơ mà coi nhẹ việc thẩm vấn và tranh luận tại phiên toà công khai, hậu quả là Toà án ra các quyết định không phù hợp với thực tế khách quan. Để khắc phục nhược điểm này, ngày 27/9/1974 Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành bản hướng dẫn về trình tự tố tụng sơ thẩm (kèm theo Thông tư số 16-TATC), trong đó có phần thứ 3 quy định về trình tự tố tụng chuẩn bị cho việc xét xử tại phiên tòa và phần thứ 4 quy định về trình tự tố tụng xét xử tại phiên tòa của Tòa án nhân dân. Tại phần chuẩn bị cho việc xét xử trước phiên tòa Thông tư số 16-TATC đã hướng dẫn cụ thể các hoạt động tố tụng của Tòa án trong các khâu nghiên cứu hồ sơ, họp trù bị với Viện kiểm sát, những việc phải làm để đưa vụ án ra xét xử như: ra quyết định đưa vụ
  • 32. án ra xét xử, triệu tập bị cáo và những người tham gia phiên tòa, chuẩn bị kế hoạch thẩm vấn, xử công khai hay xử kín v.v... Trong phần trình tự tố tụng xét xử tại phiên tòa Thông tư số 16-TATC cũng hướng dẫn rất chi tiết về việc thực hiện các quy định của pháp luật tố tụng về nguyên tắc và điều kiện chung về xét xử tại phiên tòa, việc chuẩn bị các điều kiện để xét hỏi và tiến hành xét hỏi tại phiên tòa, tranh luận tại phiên tòa, nghị án, tuyên án... Thông tư 16-TATC đã có bước phát triển cao hơn về tri thức hoàn thiện pháp luật tố tụng so với giai đoạn trước đó, nó đã tổng kết được những kinh nghiệm thực tiễn của nhiều chục năm trước đây và đặc biệt đã có những quy định thể hiện nội dung tranh tụng trong quá trình xét xử. Thông tư là sự kết hợp tốt giữa thực tiễn xét xử với việc nghiên cứu lý luận và làm nền tảng vững chắc, nội dung chủ yếu của Bộ luật tố tụng hình sự sau này. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy với pháp luật ở giai đoạn này: do thời kỳ chiến tranh, ảnh hưởng của hệ thống pháp luật Pháp và các nước xã hội chủ nghĩa nên khái niệm tranh tụng trong khoa học pháp lý không có, những quy định mang tính chất tranh tụng rất ít. 2.1.1.2. Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 với những quy định về tranh tụng tại phiên tòa Qua hàng chục năm chuẩn bị Bộ luật tố tụng hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được Quốc hội thông qua ngày 28/6/1988, lần đầu tiên những quy định về xét xử tại phiên tòa được hệ thống hóa và có tính pháp lý cao với tư cách là những quy phạm của một Bộ luật. Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam năm 1988 tranh tụng tại phiên tòa chưa được nhà làm luật nước ta ghi nhận với tính chất là một nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự nhưng những dấu hiệu về tranh tụng cũng đã được quy định rải rác ở một số điều luật. Ví dụ như một vài điều ở chương XVII quy định về thủ tục tố tụng tại phiên tòa, một số điều tại chương XVIII thủ tục bắt đầu phiên tòa, chương XX thủ tục xét hỏi tại phiên tòa, chương XXI tranh luận tại phiên tòa.
  • 33. Tại Điều 159 quy định về việc xét xử phải trực tiếp, bằng lời nói và liên tục, đây thực chất cũng là một trong những nội dung của tranh tụng. Theo Điều 159 thì Tòa án phải trực tiếp xác định các tình tiết của vụ án bằng cách hỏi và nghe ý kiến của bị cáo, nghe lời bào chữa. Bản án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa. Và để đảm bảo cho quyền bào chữa của bị cáo, đảm bảo cho việc xét xử được khách quan Điều 162 quy định bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án, nếu vắng mặt không có lý do chính đáng thì bị áp giải, nếu bị cáo vắng mặt có lý do chính đáng thì phải hoãn phiên tòa. Tòa án chỉ xử vắng mặt bị cáo nếu bị cáo trốn tránh và việc truy nã không có kết quả, bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa, sự vắng mặt của bị cáo không trở ngại cho việc xét xử và họ đã được giao giấy triệu tập hợp lệ. Tránh cho việc thông cung hoặc ảnh hưởng đến quá trình tranh tụng, bị cáo đang bị tạm giam khi ra phiên tòa chỉ được tiếp xúc với người bào chữa, việc tiếp xúc với những người khác phải được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa. Tại phiên tòa bên buộc tội là Kiểm sát viên bắt buộc phải có mặt nếu không phải hoãn phiên tòa theo điều 164 Bộ luật tố tụng hình sự. Người bào chữa cho bị cáo là bên gỡ tội cũng có nghĩa vụ phải tham gia phiên tòa trừ trường hợp có gửi trước bản bào chữa. Trong một số trường hợp người bào chữa vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa theo quy định tại Điều 165 Bộ luật tố tụng hình sự. Ngoài ra, để đảm bảo cho quá trình tranh luận, xác định sự thật vụ án, đảm bảo cho phán quyết của Tòa án khách quan sự có mặt của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc những người đại diện hợp pháp của họ, sự có mặt của người làm chứng, người giám định cũng được quy định tại các điều 166, 167, 168 Bộ luật tố tụng hình sự. Bước vào quá trình tranh tụng, trước hết Kiểm sát viên sẽ đọc cáo trạng, sau đó Hội đồng xét xử sẽ xét hỏi theo thứ tự xét hỏi hợp lý. Khi xét hỏi từng người, Chủ tọa phiên tòa hỏi trước rồi đến các Hội thẩm nhân dân, sau đó đến Kiểm sát viên, người bào chữa. Những người tham gia phiên tòa cũng có quyền đề nghị với Chủ tọa phiên tòa hỏi thêm về những tình tiết cần làm sáng tỏ. Trong quá trình xét hỏi, Hội đồng xét xử xem xét những vật chứng có liên quan trong vụ án. Tiếp đó, Kiểm sát viên (bên buộc tội) sẽ luận tội, bị cáo, người bào chữa cho bị cáo (bên gỡ tội) cũng trình bày quan điểm của mình, trong quá trình tranh luận đó người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của
  • 34. người khác nhưng chỉ được phát biểu một lần đối với mỗi ý kiến mà mình không đồng ý. Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, nhưng có quyền cắt những ý kiến không liên quan đến vụ án. Sau khi những người tham gia tranh luận không còn trình bày gì thêm, Chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc tranh luận. Bị cáo được nói lời sau cùng. Đến đây giai đoạn tranh tụng tại phiên tòa đã cơ bản hoàn thành. Kết quả của quá trình tranh tụng tại phiên tòa được xác định bởi phán quyết của Hội đồng xét xử và đó cũng đánh dấu sự kết thúc của quá trình tranh tụng tại phiên tòa. Như vậy, mặc dù chưa đầy đủ nhưng Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 đã có một số quy định mà bản chất của nó là tranh tụng. Tuy nhiên, những quy định này vẫn quá sơ sài vẫn chưa thể tạo ra cơ chế tranh luận dân chủ và khách quan tại phiên tòa, chưa tạo ra sự bình đẳng giữa Luật sư và Viện kiểm sát với tư cách là hai bên của quá trình tranh tụng, trách nhiệm chứng minh tội phạm đặt nặng lên vai Hội đồng xét xử, không có quy định bắt buộc phải tranh luận của Kiểm sát viên v.v... và những hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng xét xử như vậy đã là những cơ sở để Bộ luật tố tụng hình sự mới ra đời. 2.1.2. Pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam từ khi có Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 2/1/2002 2.1.2.1. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 Kể từ khi có Nghị quyết 08/NQ-TW, giới chuyên môn cũng như những người làm công tác pháp luật chờ đợi sự ra đời của một văn bản pháp luật mà nó là cơ sở pháp lý quan trọng nhất để những hành vi tố tụng của tất cả những cá nhân và tổ chức có liên quan phải tuân theo, nhằm đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung và nâng cao hiệu quả tranh tụng tại phiên tòa nói riêng. Bộ luật tố tụng hình sự mới đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 26/11/2003. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã có những quy định mới, theo đó tạo điều kiện hơn cho việc tranh tụng giữa các bên. Tại điều 50 đã ghi nhận bị cáo có quyền trình bày ý kiến và tranh luận tại phiên tòa, được giải thích về quyền và nghĩa vụ và để thực hiện quyền đó thì Bộ luật cũng đã mở rộng hơn các quyền của người bào chữa, tạo điều kiện cho họ hoàn thành tốt nhiệm vụ bào chữa, gỡ tội. Tại Điều 58 quy định: trường hợp bắt người theo Điều 81 và 82 thì người bào chữa được tham gia tố tụng từ khi có quyết
  • 35. định tạm giữ. Luật sư có quyền đề nghị Cơ quan điều tra báo trước về thời gian và địa điểm hỏi cung bị can để có mặt khi hỏi cung bị can. Có quyền thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến việc bào chữa từ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người thân thích của những người này hoặc từ cơ quan, tổ chức, cá nhân nếu không thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác (đây là những tiền đề để người bào chữa có thể thu thập chứng cứ, chuẩn bị cho quá trình tranh tụng tại phiên tòa). Điều 209 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 cũng đã quy định về xét hỏi đối với bị cáo theo hướng cụ thể hơn với các bên tranh tụng: Kiểm sát viên hỏi về những tình tiết buộc tội, người bào chữa hỏi về tình tiết gỡ tội... Đặc biệt tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 khi quy định về tranh luận và đối đáp tại phiên tòa đã có những quy định mới đảm bảo cho việc luận tội của Viện kiểm sát tại phiên tòa được khách quan - Điều 217: "Luận tội của Kiểm sát viên phải căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra tại phiên tòa và ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa". Và để đảm bảo cho quá trình tranh tụng tại phiên tòa được khách quan, sau khi nghe lời luận tội bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác có quyền: "Trình bày ý kiến về luận tội của Kiểm sát viên và đưa ra đề nghị của mình, Kiểm sát viên phải đưa ra những lập luận của mình đối với từng ý kiến" - Điều 218 Bộ luật tố tụng hình sự. Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến. Chủ tọa phiên tòa có quyền đề nghị Kiểm sát viên phải đáp lại những ý kiến có liên quan đến vụ án của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác mà những ý kiến đó chưa được Kiểm sát viên tranh luận. Như vậy, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã có những tiến bộ hơn so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 trong việc tạo điều kiện để các bên tranh luận tại phiên tòa. Theo những quy định đó thì Bộ luật đã bước đầu tạo ra sự khách quan trong quá trình tranh luận cũng như những tiền đề để quá trình tranh tụng tại phiên tòa đạt hiệu quả. Tuy nhiên, theo tác giả thì những quy định đó trong Bộ luật tố tụng hình sự 2003 vẫn còn chưa cụ thể và chưa tạo ra cơ chế hoàn toàn đầy đủ cho quá trình tranh tụng của các bên: trách nhiệm chứng minh tội phạm vẫn đặt nặng lên vai Hội đồng xét xử; Kiểm sát viên và Luật sư vẫn chưa có vị thế bình đẳng với nhau, những quy định chưa