SlideShare a Scribd company logo
1 of 119
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
Võ Thị Tình
LUẬN VĂN THẠC SĨ GIÁO DỤC HỌC
Thành phố Hồ Chí Minh - 2012
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
Võ Thị Tình
Chuyên ngành : Quản lý giáo dục
Mã số : 60 14 05
LUẬN VĂN THẠC SĨ GIÁO DỤC HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. NGUYỄN ĐỨC DANH
Thành phố Hồ Chí Minh - 2012
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu do chính tôi làm ra dưới sự
hướng dẫn khoa học của TS. Nguyễn Đức Danh, các số liệu và kết quả nghiên cứu
trong luận văn là trung thực, được nghiên cứu và thu thập từ thực tiễn và chưa từng
được công bố trong bất kỳ một công trình nào khác.
Một lần nữa, tôi xin khẳng định về sự trung thực của lời cam đoan trên.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 10 năm 2012
Tác giả luận văn
Võ Thị Tình
LỜI CẢM ƠN
Trước tiên, tác giả xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến TS. Nguyễn Đức Danh,
người đã nhiệt tình hướng dẫn và đồng hành cùng tác giả trong suốt quá trình
nghiên cứu và hoàn thành luận văn này.
Tác giả xin chân thành cảm ơn:
- Quý Thầy/Cô khoa Tâm lý – Giáo dục đã tận tình giảng dạy lớp Quản lý giáo
dục khoá 21 trong suốt 02 năm học vừa qua;
- Quý Thầy/Cô cùng các anh/chị phòng Sau Đại học;
- Quý Thầy/Cô trong các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập ở
thành phố Hồ Chí Minh;
- Các anh chị lớp quản lý giáo dục khoá 21.
Tác giả xin chân thành cảm ơn gia đình và bạn bè của tác giả, những người
luôn đồng hành, giúp đỡ tác giả trong suốt quá trình học tập và hoàn thành luận văn.
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 10 năm 2012
Tác giả
Võ Thị Tình
MỤC LỤC
Trang phụ bìa
Lời cam đoan
Lời cảm ơn
Mục lục
Danh mục các chữ viết tắt
Danh mục các bảng
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1
Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC..........10
1.1. Tổng quan về quản lý hoạt động dạy học.......................................................10
1.2. Một số khái niệm cơ bản liên quan đến quản lý hoạt động giảng dạy ...........13
1.2.1. Khái niệm quản lý ....................................................................................13
1.2.2. Khái niệm về quản lý giáo dục.................................................................13
1.2.3. Các chức năng quản lý giáo dục...............................................................14
1.2.4. Các phương pháp quản lý giáo dục..........................................................17
1.2.5. Khái niệm về quản lý trường học.............................................................17
1.2.6. Khái niệm về hoạt động giảng dạy...........................................................18
1.2.7. Khái niệm về quản lý hoạt động giảng dạy..............................................18
1.3. Khái quát về sứ mạng của trường trung cấp chuyên nghiệp trong hệ thống
giáo dục quốc dân Việt Nam .................................................................................19
1.3.1. Vị trí .........................................................................................................19
1.3.2. Nhiệm vụ và quyền hạn............................................................................19
1.3.3. Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp..........................................................20
1.3.4. Yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục nghề nghiệp ......................21
1.4. Nội dung quản lý hoạt động giảng dạy...........................................................21
1.4.1. Quản lý việc chuẩn bị hoạt động dạy học ................................................21
1.4.2. Quản lý việc lên lớp .................................................................................22
1.4.3.Quản lý việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh ...................27
1.4.4. Quản lý việc sinh hoạt chuyên môn .........................................................28
Tiểu kết chương 1....................................................................................................34
Chương 2: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIẢNG DẠY TRONG
CÁC TRƯỜNG TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP NGOÀI CÔNG LẬP Ở
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ..............................................................................35
2.1. Khái quát tình hình kinh tế, xã hội và giáo dục ở thành phố Hồ Chí Minh ...35
2.2. Khái quát tình hình giáo dục trung cấp chuyên nghiệp tại TP.HCM .............36
2.2.1. Quy mô đào tạo ........................................................................................36
2.2.2. Chất lượng đào tạo TCCN........................................................................36
2.2.3. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ......................................37
2.3. Giới thiệu về 2 trường TCCN trong mẫu khảo sát .........................................37
2.3.1. Trường Trung cấp Âu Việt.......................................................................37
2.3.2. Trường Trung cấp Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.............................38
2.3.3. Số liệu thống kê khái quát về mẫu khảo sát.............................................38
2.4. Thực trạng quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường trung cấp chuyên
nghiệp ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh .................................................39
2.4.1. Nhận định của CBQL và GV về mức độ quan trọng của các nội dung
quản lý HĐGD....................................................................................................40
2.4.2. Thực trạng quản lý việc chuẩn bị hoạt động dạy học...............................43
2.4.3. Thực trạng quản lý việc lên lớp................................................................49
2.4.4. Thực trạng quản lý việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS........55
2.4.5. Thực trạng quản lý việc sinh hoạt chuyên môn .......................................58
2.5. Những yếu tố gây khó khăn trong quản lý hoạt động giảng dạy....................67
Tiểu kết chương 2....................................................................................................70
Chương 3 BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIẢNG DẠY TRONG CÁC
TRƯỜNG TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP NGOÀI CÔNG LẬP Ở THÀNH
PHỐ HỒ CHÍ MINH..............................................................................................72
3.1. Cơ sở đề xuất các biện pháp ...........................................................................72
3.1.1. Cơ sở lý luận.............................................................................................72
3.1.2. Cơ sở pháp lý............................................................................................72
3.1.3. Cơ sở thực tiễn .........................................................................................73
3.2. Một số biện pháp góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động giảng dạy
trong các trường TCCN ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh ......................73
3.2.1. Biện pháp 1: Bồi dưỡng, duy trì và phát triển đội ngũ CBQL phù hợp với
nhiệm vụ và quy mô đào tạo ..............................................................................73
3.2.2. Biện pháp 2: Bồi dưỡng, duy trì và phát triển đội ngũ GV phù hợp với
nhiệm vụ và quy mô đào tạo ..............................................................................76
3.2.3. Biện pháp 3: Nâng cao nhận thức cho CBQL (nhất là Hội đồng quản trị)
và GV về giáo dục nghề nghiệp .........................................................................78
3.2.4. Biện pháp 4: Tăng cường động viên, giám sát, kiểm tra việc thực hiện đổi
mới phương pháp, phương tiện dạy học.............................................................80
3.2.5. Biện pháp 5: Tăng cường quản lý việc sinh hoạt chuyên môn của Khoa,
tổ bộ môn............................................................................................................81
3.2.6. Biện pháp 6: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật phục vụ
cho hoạt động dạy học........................................................................................83
3.3. Kết quả khảo nghiệm ý kiến của cán bộ quản lý và giáo viên về tính cần thiết
và tính khả thi của các biện pháp đã đề xuất .........................................................85
Tiểu kết chương 3....................................................................................................89
KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ ................................................................................90
TÀI LIỆU THAM KHẢO ......................................................................................93
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
Viết đầy đủ Viết tắt
Cán bộ quản lý CBQL
Cơ sở vật chất CSVC
Giáo viên GV
Hoạt động giảng dạy HĐGD
Học sinh HS
Phương pháp dạy học PPDH
Phương tiện dạy học PTDH
Thiết bị dạy học TBDH
Trung cấp chuyên nghiệp TCCN
Thành phố Hồ Chí Minh TP.HCM
DANH MỤC CÁC BẢNG
Bảng 2.1. Thống kê tổng quát số liệu của 2 trường khảo sát.................................38
Bảng 2.2. Nhận định mức độ quan trọng của các nội dung quản lý HĐGD .........40
Bảng 2.3. Thực trạng quản lý việc chuẩn bị hoạt động dạy học............................43
Bảng 2.4. Thực trạng quản lý việc thực hiện mục tiêu, nội dung, chương trình dạy
học .........................................................................................................49
Bảng 2.5. Thực trạng quản lý việc thực hiện đổi mới phương pháp, PTDH.........51
Bảng 2.6. Thực trạng quản lý kết quả dạy học ......................................................53
Bảng 2.7. Thực trạng quản lý việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS.....55
Bảng 2.8. Thực trạng quản lý việc tổ chức thao giảng, dự giờ..............................58
Bảng 2.9. Thực trạng quản lý việc tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.61
Bảng 2.10. Thực trạng quản lý hoạt động nhóm, trao đổi chuyên môn và phối hợp
...............................................................................................................63
Bảng 2.11. Đánh giá của CBQL và GV về những yếu tố gây khó khăn trong quản
lý hoạt động giảng dạy ..........................................................................67
Bảng 3.1. Kết quả khảo nghiệm về tính cần thiết và tính khả thi của các biện pháp
...............................................................................................................85
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, đặc biệt là sự hội nhập về kinh tế, đội ngũ
nhân lực là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia. Để
kích thích và duy trì sự phát triển, đặc biệt là sự lớn mạnh về kinh tế, các quốc gia
phải nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác giáo dục. Tức là, nền giáo dục
quốc gia phải được đầu tư hợp lý để tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp
ứng được yêu cầu của sự tiến bộ khoa học công nghệ, đưa đất nước bước vào nền
kinh tế tri thức và hội nhập với thế giới.
Cùng hòa chung xu thế toàn cầu hóa, Việt Nam đã và đang bước vào hội nhập
với khu vực và quốc tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xem “Giáo dục là quốc
sách”. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục
khẳng định quan điểm chỉ đạo: “Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển
khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho
phát triển” [38]. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI xác định một
trong những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước giai đoạn 2011-2015 là: “Phát
triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; phát
triển khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức” [24] và chỉ tiêu phấn đấu của Đại hội
giai đoạn 2011-2015 là “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của
công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước” [38]. Thủ
tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn
2011-2020 là: “tăng nhanh tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong nền kinh tế dưới các
hình thức, trình độ khác nhau từ mức 40,0% năm 2010 lên mức 70,0% năm 2020…;
Phát triển đồng bộ đội ngũ nhân lực với chất lượng ngày càng cao, đủ mạnh ở mọi
lĩnh vực…; Xây dựng được đội ngũ giáo viên có chất lượng cao để đào tạo nhân lực
có trình độ cho đất nước” [29].
Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IX cũng đã xác
định: “Phát triển giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ” là một trong những
2
nhiệm vụ trọng tâm xây dựng và phát triển thành phố, nâng cao chất lượng nguồn
nhân lực là một trong sáu chương trình đột phá của Đảng bộ thành phố giai đoạn
2011-2015 “xây dựng nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển hội nhập
kinh tế quốc tế” [39].
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị tổng kết thực hiện
nhiệm vụ Giáo dục chuyên nghiệp năm học 2010-2011, cả nước có đến 581 cơ sở
đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và số người học lên đến 673.196 người [7]. Mục
tiêu của Giáo dục nghề nghiệp là “đào tạo người lao động có kiến thức, kỹ năng
thực hành cơ bản của một nghề, có khả năng làm việc độc lập và có tính sáng tạo,
ứng dụng công nghệ vào công việc” [10]. Giáo dục nghề nghiệp có chức năng phục
vụ trực tiếp sản xuất xã hội và mang tính thực hành cao, nó là khâu quan trọng thúc
đẩy trình độ lực lượng sản xuất không ngừng nâng cao. Từ những số liệu trên và
bản chất của giáo dục nghề nghiệp cho thấy, trong những năm qua giáo dục nghề
nghiệp đã cung ứng cho xã hội một lực lượng lớn lao động được qua đào tạo, góp
phần rất lớn trong việc giải quyết tình trạng khủng hoảng thiếu nguồn nhân lực chất
lượng cao cho đất nước.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, tính đến
tháng 6/2011 có 32 trường Trung cấp chuyên nghiệp do thành phố quản lý với tổng
số 63.112 học viên (không tính 59 trường Cao đẳng, Đại học có đào tạo trung cấp
chuyên nghiệp). Trong số 32 trường Trung cấp chuyên nghiệp do thành phố quản lý
có 26 trường ngoài công lập (chiếm 81,3%), tổng số có 52.418 học viên (chiếm
83,1%) và chiếm gần 7,8% số học viên cả nước [30]. Như vậy chỉ tính riêng 26
trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập do thành phố quản lý mỗi năm đã
góp phần rất lớn trong việc cung ứng nguồn nhân lực được qua đào tạo cho thành
phố Hồ Chí Minh nói riêng và cho cả đất nước.
Hội nghị tổng kết Giáo dục chuyên nghiệp năm học 2010-2011cũng đã nêu rõ,
ngoài những kết quả đạt được trong năm học qua, Giáo dục chuyên nghiệp thành phố
Hồ Chí Minh luôn đi đầu trong cả nước về quy mô và chất lượng tuy vẫn còn một số
tồn tại và hạn chế trong công tác quản lý cần được sớm khắc phục. Những tồn tại và
3
hạn chế này chủ yếu ở các trường ngoài công lập, cụ thể: (1) Việc đổi mới nội dung,
chương trình, phương pháp giảng dạy chưa theo kịp đòi hỏi của xã hội. (2) Việc biên
soạn giáo trình, sử dụng giáo trình chưa được quan tâm đúng mức, trình độ chuyên
môn và nghiệp vụ của một bộ phận giáo viên chưa cao nhất là đội ngũ giáo viên
giảng dạy thực hành nên chưa đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới về nội dung và phương
pháp, đội ngũ giáo viên cơ hữu còn thiếu về số lượng, sinh hoạt chuyên môn còn
nhiều hạn chế, nhiều mặt công tác chưa được thực hiện đầy đủ theo kế hoạch đề ra.
(3) Cơ sở vật chất trang thiết bị kỹ thuật một số trường vẫn còn trong tình trạng chấp
vá, thiếu thốn chưa tương thích với chương trình, quy mô đào tạo [30].
Cũng tại Hội nghị này, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chính làm ảnh
hưởng khá nhiều đến chất lượng đào tạo và kéo theo hiệu suất đào tạo thấp
(64,28%) [30] của các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập là công tác
quản lý hoạt động giảng dạy. Nhưng cho đến nay, việc nghiên cứu các biện pháp
quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công
lập ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa được thực hiện.
Từ những lý do trên, chúng tôi nghiên cứu đề tài: “Thực trạng quản lý hoạt
động giảng dạy trong các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập ở
thành phố Hồ Chí Minh”.
2. Mục đích nghiên cứu
Xác định thực trạng quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường trung cấp
chuyên nghiệp ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh, từ đó đề xuất một số biện
pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường trung
cấp chuyên nghiệp ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh.
3. Khách thể và đối tượng nghiên cứu
3.1.Khách thể nghiên cứu
Công tác quản lý trong các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập ở
thành phố Hồ Chí Minh.
4
3.2. Đối tượng nghiên cứu
Thực trạng quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường trung cấp chuyên
nghiệp ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh.
4. Giả thuyết khoa học
Công tác quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường trung cấp chuyên
nghiệp ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh có thể đã đạt hiệu quả tốt trên các
mặt: quản lý việc chuẩn bị hoạt động dạy học, quản lý việc kiểm tra đánh giá kết
quả học tập của học sinh. Tuy nhiên, công tác quản lý vẫn còn những hạn chế trên
các mặt như: quản lý việc lên lớp, quản lý việc sinh hoạt chuyên môn.
5. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Hệ thống hóa cơ sở lý luận quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường
trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).
- Khảo sát thực trạng quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường trung cấp
chuyên nghiệp ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).
- Đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động giảng
dạy trong các trường TCCN ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh.
6. Phạm vi nghiên cứu
Đề tài tập trung nghiên cứu thực trạng quản lý hoạt động giảng dạy của 2
trường TCCN ngoài công lập tại TP.HCM: Trường trung cấp Âu Việt và Trường
trung cấp Tổng hợp TP.HCM.
7. Phương pháp nghiên cứu
7.1. Phương pháp luận
Các quan điểm phương pháp luận được vận dụng ở đề tài này là:
7.1.1. Quan điểm hệ thống – cấu trúc
Quan điểm hệ thống – cấu trúc được vận dụng trong nhóm phương pháp
nghiên cứu lý thuyết và nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn của đề tài. Việc
tiếp cận quan điểm hệ thống – cấu trúc giúp người nghiên cứu tìm hiểu được mối
quan hệ chặt chẽ giữa quản lý hoạt động giảng dạy với quản lý các hoạt động khác
trong các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh,
5
cũng như xem xét công tác quản lý nhà trường là một hệ thống, trong đó công tác
quản lý hoạt động giảng dạy là một hệ thống con bao gồm các yếu tố hợp thành như
quản lý việc chuẩn bị hoạt động dạy học, quản lý việc lên lớp, quản lý việc sinh
hoạt chuyên môn…. Từ đó, quan điểm hệ thống – cấu trúc giúp người nghiên cứu
tìm hiểu chính xác thực trạng công tác quản lý hoạt động giảng dạy trong một số
trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh.
7.1.2. Quan điểm lịch sử
Quan điểm này giúp người nghiên cứu xác định phạm vi không gian, thời gian
và điều kiện hoàn cảnh cụ thể, để điều tra thu thập số liệu chính xác, đúng với mục
đích nghiên cứu đề tài, trình bày công trình nghiên cứu theo một trình tự hợp lý.
7.1.3. Quan điểm thực tiễn
Quan điểm này giúp phát hiện những mâu thuẫn, tồn tại trong công tác quản lý
hoạt động giảng dạy trong các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập ở
thành phố Hồ Chí Minh, từ đó đề xuất các biện pháp quản lý hoạt động giảng dạy
phù hợp với thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động giảng dạy trong
một số trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh.
7.2. Phương pháp nghiên cứu
7.2.1. Nhóm phương pháp nghiên cứu lý thuyết
- Phân tích, tổng hợp các tài liệu lý luận phục vụ cho vấn đề nghiên cứu đề tài
như lý luận về quản lý, quản lý giáo dục, quản lý hoạt động giảng dạy...
- Phân loại hệ thống hóa các tài liệu lý luận có liên quan đến công tác quản lý
hoạt động giảng dạy, đặc biệt là trong các trường TCCN .
7.2.2. Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn
Người nghiên cứu sử dụng kết hợp 2 phương pháp nghiên cứu thực tiễn để thu
thập số liệu bao gồm phương pháp điều tra bằng bảng hỏi và phương pháp phỏng
vấn.
Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi và phương pháp phỏng vấn thường được
sử dụng với nhau trong các nghiên cứu có sự kết hợp nhiều phương pháp nghiên
cứu để điều tra về kết quả các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Trong khi điều tra
6
bằng bảng hỏi có thể thu được số liệu về thực trạng trên một mẫu dân số lớn, số
liệu phỏng vấn định tính thường đem lại những hiểu biết sâu hơn về thái độ, suy
nghĩ, và hành động của người tham gia.
Trong điều tra bằng bảng hỏi, những người tham gia trả lời bằng cách chọn
câu trả lời xác định trước (đáp ứng nhiều lựa chọn), những dữ liệu này thường
được phân tích mang tính định lượng. Trong phỏng vấn, người phỏng vấn bắt đầu
với các câu hỏi mở, nhưng dành thời gian đáng kể để khơi gợi người tham gia trả
lời, khuyến khích họ cung cấp thông tin chi tiết và rõ ràng; những dữ liệu này
thường được phân tích theo hướng định tính. [42]
7.2.2.1. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi
- Mục đích điều tra: Người nghiên cứu sử dụng phương pháp điều tra để thu
thập số liệu, dữ liệu về thực trạng công tác quản lý hoạt động giảng dạy nói chung,
đặc biệt là các biện pháp quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường TCCN ngoài
công lập ở TP.HCM nhằm chứng minh cho giả thuyết nghiên cứu khoa học.
- Nội dung điều tra: Thực trạng công tác quản lý hoạt động giảng dạy tại một
số trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh theo
các nội dung quản lý hoạt động giảng dạy: Quản lý việc chuẩn bị hoạt động dạy
học, quản lý việc lên lớp, quản lý việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học
sinh và quản lý việc sinh hoạt chuyên môn.
- Cách thức điều tra:
Người nghiên cứu sử dụng 2 loại phiếu điều tra: Phiếu trưng cầu ý kiến về thực
trạng quản lý hoạt động giảng dạy trong một số trường TCCN ngoài công lập ở
TP.HCM. Trên cơ sở thực trạng thu được, chúng tôi thiết kế phiếu thăm dò ý kiến
thứ 2 để khảo nghiệm các nhóm biện pháp được đề xuất.
- Cấu trúc của phiếu điều tra:
+ Phiếu trưng cầu ý kiến về thực trạng để tìm hiểu thực trạng về quản lý hoạt
động giảng dạy trong các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập ở thành
phố Hồ Chí Minh, được thiết kế theo 4 nội dung cơ bản: Quản lý việc chuẩn bị hoạt
7
động dạy học; quản lý việc lên lớp; quản lý việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập
của học sinh; quản lý việc sinh hoạt chuyên môn.
Phiếu điều tra 1 gồm có 8 câu:
Câu 1 tìm hiểu về tầm quan trọng của các nội dung quản lý, gồm có 4 mức:
Rất quan trọng, quan trọng, ít quan trọng, không quan trọng.
Câu 2 tìm hiểu về mức độ thực hiện và kết quả thực hiện của quản lý việc
chuẩn bị hoạt động dạy học gồm có 8 nội dung.
Câu 3 tìm hiểu về mức độ thực hiện và kết quả thực hiện của quản lý việc lên
lớp gồm có 9 nội dung.
Câu 4 tìm hiểu về mức độ thực hiện và kết quả thực hiện của quản lý việc
kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh gồm có 5 nội dung.
Câu 5 tìm hiểu về mức độ thực hiện và kết quả thực hiện của quản lý việc sinh
hoạt chuyên môn gồm có 15 nội dung.
Mức độ thực hiện gồm có 4 mức: Thường xuyên, thỉnh thoảng, ít khi, không
thực hiện.
Kết quả thực hiện gồm có 4 mức: tốt, khá, trung bình, yếu.
Câu 6 tìm hiểu về mức độ gây khó khăn của các yếu tố trong quản lý hoạt
động giảng dạy. Mức độ khó khăn: nhiều, vừa, ít, không.
Câu 7 tìm hiểu về những thuận lợi, khó khăn trong thực tiễn quản lý hoạt động
giảng dạy.
Câu 8 tìm hiểu về những đề xuất đối với cấp quản lý giáo dục nhằm thực hiện
tốt công tác quản lý hoạt động giảng dạy.
+ Phiếu thăm dò ý kiến 2 để khảo nghiệm tính cần thiết và tính khả thi của các biện
pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường TCCN
ngoài công lập ở TP.HCM. Tính cần thiết của các biện pháp được khảo sát theo 3
mức: Rất cần thiết, cần thiết, chưa cần thiết. Tính khả thi có 3 mức: Rất khả thi, khả
thi, chưa khả thi.
- Đối tượng điều tra: nhóm CBQL và nhóm GV ở 2 trường TCCN: Trường
trung cấp Âu Việt và Trường trung cấp Tổng hợp TP.HCM.
8
+ Nhóm CBQL gồm Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo, Trưởng
phòng đào tạo, Phó phòng đào tạo, Trưởng khoa, Phó khoa, Trưởng bộ môn trực
thuộc trường, Trưởng bộ môn trực thuộc khoa.
+ Nhóm GV: đội ngũ GV cơ hữu đang tham gia giảng dạy tại hai trường.
Mẫu điều tra: toàn bộ giáo viên đang tham gia quản lý và giảng dạy của 2
trường là 35 CBQL và 226 GV. Cụ thể: Trường trung cấp Âu Việt có 20 CBQL và
171 giáo viên; Trường trung cấp Tổng hợp TP.HCM có 15 CBQL và 55 giáo viên.
Người nghiên cứu đứng độc lập, không tham gia vào mẫu điều tra.
7.2.2.2. Phương pháp phỏng vấn
Phương pháp này được sử dụng để phỏng vấn một số CBQL và một số GV trong
mẫu điều tra nhằm khẳng định những vấn đề được trả lời trong phiếu điều tra và thu
thập thêm thông tin cho những vấn đề còn chưa được trả lời rõ ràng trong số liệu điều
tra viết. Cụ thể, tại mỗi trường, chúng tôi chọn ra 3 đại diện để phỏng vấn: một đại
diện trong BGH, một đại diện của phòng đào tạo và một đại diện trong ban chủ
nhiệm khoa/ tổ bộ môn trực thuộc trường. Về phía GV, tại mỗi trường, chúng tôi
chọn ra 5 GV để tham gia vào mẫu phỏng vấn. Việc chọn mẫu phỏng vấn, chúng tôi
áp dụng hình thức chọn mẫu ngẫu nhiên bằng cách bốc thăm. Sau khi bốc thăm được
số lượng CBQL và GV theo yêu cầu của mẫu phỏng vấn. Chúng tôi liên hệ với các
CBQL và GV để xin ý kiến và thu xếp thời gian cho buổi phỏng vấn. Nếu có CBQL
hoặc GV nào được chọn để phỏng vấn nhưng không thể tham gia thì chúng tôi sẽ tiến
hành bốc thăm trong số CBQL và GV còn lại để lấy đủ số lượng cho mẫu phỏng vấn.
7.2.2.3. Phương pháp thống kê toán học
Sử dụng phần mềm xử lý thống kê SPSS for Windows, phiên bản 17.0 để xử lý
các thông tin thu thập được trong quá trình nghiên cứu.
8. Cấu trúc của luận văn: Luận văn gồm 3 phần:
- Mở đầu: Lý do chọn đề tài, mục đích nghiên cứu, khách thể và đối tượng
nghiên cứu, giả thuyết khoa học, nhiệm vụ nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu,
phương pháp nghiên cứu.
- Nội dung: gồm 3 chương:
9
+ Chương 1: Cơ sở lý luận về quản lý hoạt động giảng dạy
+ Chương 2: Thực trạng quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường TCCN
ngoài công lập ở TP.HCM
+ Chương 3: Biện pháp quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường TCCN
ngoài công lập ở TP.HCM
Kết luận và kiến nghị
Tài liệu tham khảo
Phụ lục
10
Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC
1.1. Tổng quan về quản lý hoạt động dạy học
Hoạt động dạy học là hoạt động đặc trưng nhất trong nhà trường, bao gồm
hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh. Trong hoạt động dạy
học, giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn, điều khiển nhằm giúp học sinh tự
giác nắm vững hệ thống kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo, phát triển năng lực nhận thức,
hình thành thế giới quan và nhân sinh quan đúng đắn. Quản lý hoạt động dạy học
chủ yếu tập trung vào quản lý hoạt động giảng dạy của giáo viên, thông qua hoạt
động dạy của thầy, quản lý hoạt động học của trò [15], [18], [35].
Cho đến nay, có nhiều tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu về công tác
quản lý hoạt động giảng dạy, những nghiên cứu này đã góp phần đáng kể vào việc
đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.
Các nghiên cứu ở nước ngoài về lĩnh vực quản lý giáo dục, quản lý trường học,
quản lý quá trình đào tạo, quản lý các hoạt động dạy học trong nhà trường:
- Cẩm nang về phát triển các chương trình đào tạo theo năng lực thực hiện
(Handbook for Developing Competency – Based Training Programs) của tác giả
William E. Blank (1982) đã nêu các chuẩn đầu ra của quá trình đào tạo làm cơ sở để
lập kế hoạch, thực hiện quá trình đào tạo và đánh giá kết quả học tập.
- Lãnh đạo nhà trường thế kỷ 21 (School Leadership for the 21st
Century) của
tác giả Brent Davies and Linda Ellison (2001) đã nêu được hoạch định chiến lược
phát triển nhà trường, quản lý sự thay đổi, lãnh đạo và quản lý chất lượng, vai trò
của người hiệu trưởng trong việc quản lý và phát triển trường học, quản lý việc
giảng dạy và học tập, vai trò của giáo viên trong việc tổ chức học tập, sử dụng công
nghệ thông tin trong việc đổi mới phương pháp dạy học.
Ở Việt Nam, có các nghiên cứu về quản lý giáo dục: quản lý trường học, quản
lý cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giáo viên… Có thể kể đến một số tác giả sau:
11
Tác giả Trần Kiểm (1997) đã đi sâu nghiên cứu những nhiệm vụ cụ thể của Hiệu
trưởng về quản lý hoạt động dạy và học trong giáo trình: “Quản lý giáo dục và
trường học”. Tác giả đã nêu ra những nhiệm vụ cụ thể của cán bộ quản lý đối với
công tác quản lý hoạt động dạy học và ông cũng đã xây dựng mô hình quản lý hoạt
động dạy và học. Ngoài ra, tác giả còn nghiên cứu đến các lĩnh vực khác thuộc
khoa học quản lý giáo dục như quản lý các hoạt động giáo dục trong nhà trường,
nghiệp vụ quản lý trường học... Có thể nói giáo trình “Quản lý giáo dục và trường
học” là cơ sở khoa học quan trọng cho các tác giả nghiên cứu về công tác quản lý
trong nhà trường.
Tác giả Nguyễn Đức Trí (2011) cũng đã nghiên cứu về phương pháp, phương
tiện, hình thức tổ chức dạy học và tổ chức hướng dẫn thực hành trong các cơ sở
giáo dục nghề nghiệp trong giáo trình: “Giáo dục học nghề nghiệp”. Tác giả đã hệ
thống các nhóm phương pháp dạy học và đã chỉ ra cách lựa chọn phương pháp,
phương tiện dạy học phù hợp cho từng bài giảng, đồng thời ông cũng đưa ra các
hình thức tổ chức dạy học, tổ chức hướng dẫn thực hành và cách lựa chọn, vận dụng
các hình thức này vào thực tế. Ngoài ra tác giả còn nghiên cứu về các vấn đề giáo
dục nghề nghiệp như quá trình dạy học, nội dung dạy học... Vì vậy giáo trình này là
một tài liệu rất quan trọng cho nghiên cứu về giáo dục nghề nghiệp.
Bộ tài liệu “Những vấn đề cơ bản về công tác quản lý trường trung cấp chuyên
nghiệp” của Dự án phát triển giáo viên trung học phổ thông và TCCN, Cục Nhà
giáo và CBQL cơ sở giáo dục, Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào
tạo biên soạn (2010). Bộ tài liệu đã cập nhật những thành tựu lý luận quản lý của
thời đại và phản ánh thực tiễn giáo dục chuyên nghiệp của đất nước. Với 11 chuyên
đề quản lý liên quan trực tiếp đến công tác quản lý trường TCCN như quản lý quá
trình đào tạo, quản lý chất lượng, quản lý phát triển nhân lực, quản lý tài chính và
cơ sở vật chất... nên đây là bộ tài liệu quan trọng giúp cho cán bộ quản lý tự học để
nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý nhà trường.
12
Những nghiên cứu trên mặc dù còn mang tính lý luận, nhưng đây chính là cơ
sở khoa học và cũng là nền tảng để các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý giáo dục
tham khảo và tìm ra cho mình những biện pháp quản lý phù hợp.
Ngoài ra, trong thời gian gần đây đã có một số luận văn thạc sĩ nghiên cứu về
quản lý hoạt động dạy học cho mỗi cấp học khác nhau để góp phần nâng cao chất
lượng dạy học trong nhà trường. Đó là những luận văn:
- Thực trạng và giải pháp quản lý giảng dạy ở các trường trung cấp chuyên
nghiệp của tỉnh Khánh Hoà của tác giả Nguyễn Thị Bích Liên (2007). Luận văn này
đã nghiên cứu thực trạng về xây dựng và quản lý đội ngũ; quản lý việc thực hiện
chương trình, kế hoạch giảng dạy; quản lý việc chuẩn bị giờ lên lớp của giáo viên;
quản lý giờ trên lớp; quản lý việc sinh hoạt khoa và tổ bộ môn trực thuộc; quản lý
việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh; quản lý các điều kiện đảm bảo
việc giảng dạy; quản lý giảng dạy gắn liền với thực tiễn sản xuất, sử dụng, liên kết
đào tạo. Tác giả luận văn đã căn cứ vào kết quả điều tra để phân tích về các thực
trạng trên và đề xuất sáu giải pháp trong đó tác giả cho rằng giải pháp tăng cường
và xây dựng quản lý đội ngũ là giải pháp quan trọng và mang tính khả thi cao nhất.
- Thực trạng công tác quản lý của người hiệu trưởng đối với hoạt động dạy
học của giảng viên trường Cao đẳng Sư Phạm tỉnh Cà Mau của tác giả Thi Văn Trí
(2009). Luận văn này đã nghiên cứu thực trạng về hoạt động dạy học của cán bộ,
giáo viên; hoạt động học tập của sinh viên; quản lý việc thực hiện mục tiêu, chương
trình dạy học; Hiệu trưởng chỉ đạo xây dựng nề nếp hoạt động dạy học; Hiệu trưởng
chỉ đạo hoạt động phát triển và bồi dưỡng đội ngũ; Hiệu trưởng chỉ đạo hoạt động
đổi mới phương pháp dạy học... Tác giả luận văn đã phân tích nguyên nhân thực
trạng quản lý hoạt động dạy học của Hiệu trưởng và đề xuất sáu nhóm biện pháp
nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động dạy học ở trường Cao
đẳng Sư phạm Cà Mau.
Các luận văn trên chủ yếu nghiên cứu cụ thể về thực trạng tại đơn vị và địa
phương mà các tác giả đang công tác nên các biện pháp đưa ra chỉ mang tính đặc
thù để giải quyết những mâu thuẫn, tồn tại tại đơn vị cụ thể của địa phương đó.
13
1.2. Một số khái niệm cơ bản liên quan đến quản lý hoạt động giảng dạy
1.2.1. Khái niệm quản lý
Quản lý là một trong những loại hình lao động quan trọng nhất trong các hoạt
động của con người. Quản lý vừa mang tính khoa học vừa mang tính nghệ thuật [14].
Xuất phát từ những góc độ nghiên cứu khác nhau, nhiều nhà nghiên cứu trong
và ngoài nước đã đưa ra rất nhiều định nghĩa về quản lý. Cho đến nay, vẫn chưa có
một định nghĩa thống nhất về quản lý.
Một số tác giả định nghĩa quản lý như sau:
- Quản lý là sự tác động có tổ chức, có hướng đích của chủ thể quản lý tới đối
tượng quản lý nhằm đạt mục tiêu đề ra [16].
- Quản lý là quá trình lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra công việc
của các thành viên trong tổ chức và sử dụng mọi nguồn lực sẵn có của tổ chức để
đạt những mục tiêu của tổ chức [22].
- Quản lý là tập hợp các hoạt động (bao gồm cả lập kế hoạch, ra quyết định, tổ
chức, lãnh đạo và kiểm tra) nhằm sử dụng tất cả các nguồn lực của tổ chức (con
người, tài chính, vật chất và thông tin) để đạt được những mục tiêu của tổ chức một
cách có hiệu quả [22].
Từ những định nghĩa trên, khái niệm quản lý có thể được khái quát như sau:
Quản lý là một phương thức làm cho các hoạt động hướng tới mục tiêu của tổ
chức với hiệu quả cao thông qua những người khác. Phương thức này bao gồm những
chức năng mà nhà quản lý phải thực hiện: hoạch định, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra.
Quản lý thể hiện mối quan hệ giữa hai bộ phận: chủ thể quản lý - đối tượng
quản lý. Chúng gắn bó hữu cơ và tác động lẫn nhau như một chỉnh thể.
Chủ thể quản lý là cá nhân hoặc tổ chức làm nhiệm vụ quản lý, điều khiển còn
đối tượng quản lý là bộ phận chịu sự quản lý, có tác động phản hồi.
Quản lý là sự tác động mang tính chủ quan dựa trên quy luật khách quan.
1.2.2. Khái niệm về quản lý giáo dục
Ở cấp độ vĩ mô (quản lý hệ thống giáo dục): Quản lý giáo dục là hoạt động tự
giác của chủ thể quản lý nhằm huy động, tổ chức, điều phối, điều chỉnh, giám sát...
14
một cách có hiệu quả các nguồn lực giáo dục (nhân lực, vật lực, tài lực) phục vụ cho
mục tiêu phát triển giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội [19].
Ở cấp độ vi mô (quản lý trường học): Quản lý giáo dục là hệ thống những tác
động tự giác (có ý thức, có mục đích, có kế hoạch, có hệ thống, hợp quy luật) của
chủ thể quản lý đến tập thể giáo viên, công nhân viên, tập thể học sinh, cha mẹ học
sinh và các lực lượng xã hội trong và ngoài nhà trường nhằm thực hiện có chất
lượng và hiệu quả mục tiêu giáo dục của nhà trường [19].
Từ những khái niệm nêu trên, quản lý giáo dục có 4 yếu tố: chủ thể quản lý,
đối tượng quản lý, khách thể quản lý và mục tiêu quản lý. Bốn yếu tố này tạo thành
sơ đồ 1.1 sau:
Sơ đồ 1.1. Sơ đồ khái niệm quản lý [19]
1.2.3. Các chức năng quản lý giáo dục
Chức năng quản lý là hình thái biểu hiện sự tác động có mục đích của chủ thể
quản lý đến đối tượng quản lý. Trong quản lý, chức năng quản lý là một phạm trù
quan trọng, mang tính khách quan, có tính độc lập tương đối. Chức năng quản lý
nảy sinh và là kết quả của quá trình phân công lao động, là bộ phận tạo thành hoạt
động quản lý tổng thể, được tách riêng, có tính chất chuyên môn hoá [19].
Có bốn chức năng quản lý cơ bản: Kế hoạch hoá (hoạch định), tổ chức, chỉ
đạo và kiểm tra.
Để thực hiện hiệu quả các chức năng, người quản lý cần đến yếu tố thông tin.
Thông tin đầy đủ, kịp thời, cập nhật, chính xác là một căn cứ để hoạch định kế
hoạch; thông tin cũng cần cho các bộ phận trong cơ cấu tổ chức, là chất liệu tạo
quan hệ giữa các bộ phận trong tổ chức; thông tin truyền tải mệnh lệnh chỉ đạo
(thông tin xuôi) và phản hồi (thông tin ngược) diễn tiến hoạt động của tổ chức; và
thông tin từ kết quả hoạt động của tổ chức giúp cho người quản lý xem xét mức độ
đạt mục tiêu của tổ chức [19].
Chủ thể
quản lý
Đối tượng
quản lý
Khách thể
quản lý
Mục tiêu
quản lý
15
Các chức năng nêu trên lập thành chu trình quản lý. Chủ thể quản lý khi triển
khai hoạt động quản lý đều thực hiện theo chu trình như sau:
 Chức năng kế hoạch hóa trong quản lý giáo dục
Kế hoạch hóa là chức năng cơ bản nhất của tất cả các chức năng quản lý.
Kế hoạch hóa bao gồm việc xây dựng mục tiêu, chương trình hành động, xác
định từng bước đi, những điều kiện, phương tiện cần thiết trong một thời gian nhất
định của cả hệ thống quản lý và bị quản lý.
Người quản lý cần có những kỹ năng lập các loại kế hoạch trong nhà trường.
Khi xây dựng kế hoạch trong nhà trường, người quản lý cần phân tích thực trạng
nhà trường (đặc điểm tình hình nhà trường như đội ngũ giáo viên, quy mô đào tạo,
cơ sở vật chất, những thuận lợi, khó khăn của nhà trường,...); xác định các mục tiêu;
xác định các nguồn lực cần thiết và các biện pháp huy động, sử dụng chúng; lập kế
hoạch/chương trình hành động; điều chỉnh kế hoạch (nếu cần) [19].
Chức năng tổ chức trong quản lý giáo dục
Chức năng tổ chức trong quản lý là việc thiết kế cơ cấu các bộ phận sao cho
phù hợp với mục tiêu của tổ chức, chú ý đến phương thức hoạt động, đến quyền hạn
của từng bộ phận, tạo điều kiện cho sự liên kết ngang, dọc và đặc biệt chú ý đến
việc bố trí cán bộ - người vận hành các bộ phận của tổ chức.
Theo quan niệm của Ernest Dale, chức năng tổ chức như một quá trình, bao
gồm năm bước sau:
Sơ đồ 1.2. Chu trình quản lý [19]
Chức năng
kế hoạch hoá
Thông tin phục vụ quản lý
Chức năng
tổ chức
Chức năng
chỉ đạo
Chức năng
kiểm tra
16
- Lập danh sách các công việc cần phải hoàn thành để đạt được mục tiêu của
tổ chức;
- Phân chia toàn bộ công việc thành các nhiệm vụ để các thành viên hay bộ
phận trong tổ chức thực hiện một cách thuận lợi và hợp logic. Bước này gọi là phân
công lao động;
- Kết hợp các nhiệm vụ một cách logic và hiệu quả. Việc nhóm gộp nhiệm vụ
cũnh như thành viên trong tổ chức gọi là bước phân chia bộ phận;
- Thiết lập một cơ chế điều phối, tạo thành sự liên kết hoạt động giữa các
thành viên hay bộ phận tạo điều kiện đạt mục tiêu một cách dễ dàng;
- Theo dõi đánh giá tính hiệu nghiệm của cơ cấu tổ chức và tiến hành điều
chỉnh nếu cần [19].
Chức năng chỉ đạo trong quản lý giáo dục
Chỉ đạo là chức năng thể hiện năng lực của người quản lý. Sau khi hoạch định
kế hoạch và sắp xếp tổ chức, người cán bộ quản lý phải điều khiển cho hệ thống
hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu đã đề ra. Đây là quá trình sử dụng quyền lực
quản lý để tác động đến các đối tượng bị quản lý (con người, các bộ phận) một cách
có chủ đích nhằm phát huy hết tiềm năng của họ hướng vào việc đạt mục tiêu chung
của hệ thống. Người điều khiển hệ thống phải là người có tri thức và kỹ năng ra
quyết định và tổ chức thực hiện quyết định [19].
Chức năng kiểm tra trong quản lý giáo dục
Kiểm tra là một chức năng quan trọng của nhà quản lý. Để nó có hiệu quả,
người quản lý phải xây dựng các tiêu chuẩn, đo đạc việc thực hiện và điều chỉnh các
sai lệch nhằm làm cho toàn bộ hệ thống đạt mục tiêu đã định. Qua chức năng kiểm
tra, người quản lý có thể biết họ đạt được mục tiêu đến đâu và lên kế hoạch để thực
hiện tốt mục tiêu đề ra. Mục đích cuối cùng của kiểm tra là điều chỉnh quyết định
quản lý; phát triển tổ chức và cá nhân nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu quản lý
đã đề ra. Chẳng hạn như trong nhà trường, người hiệu trưởng kiểm tra việc giảng
dạy của giáo viên không chỉ xem họ thực hiện chương trình như thế nào, mà bên
cạnh đó còn phải bồi dưỡng, hướng dẫn, phân tích cho họ thấy ưu điểm, thiếu sót để
17
họ làm tốt hơn [19].
1.2.4. Các phương pháp quản lý giáo dục
Phương pháp quản lý giáo dục là tổng thể những cách thức tác động bằng
những phương tiện khác nhau của chủ thể quản lý đến hệ thống bị quản lý nhằm đạt
mục tiêu quản lý. Có 3 loại phương pháp quản lý chủ yếu: phương pháp hành chính
– pháp luật, phương pháp giáo dục – tâm lý và phương pháp kích thích.
Phương pháp hành chính – pháp luật là tổng thể các tác động trực tiếp hoặc
gián tiếp của chủ thể quản lý đến đối tượng bị quản lý dựa trên cơ sở quan hệ tổ
chức và quyền lực nhà nước.
Phương pháp giáo dục – tâm lý là tổng thể những tác động lên trí tuệ, tình
cảm, ý thức và nhân cách của con người.
Phương pháp kích thích là tổng thể những tác động đến con người thông qua
lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần nhằm phát huy ở họ tiềm năng, trí tuệ, tình cảm, ý
chí, trách nhiệm và quyết tâm hành động vì lợi ích chung của tổ chức.
Mỗi phương pháp quản lý đều có những ưu điểm và hạn chế của nó. Nhà quản
lý giáo dục cần lựa chọn và sử dụng phối hợp các phương pháp quản lý trong thực
tiễn quản lý nhà trường một cách phù hợp tùy thuộc vào tình huống cụ thể, đối
tượng cụ thể và đặc điểm cá nhân của người quản lý khi sử dụng chúng [19].
1.2.5. Khái niệm về quản lý trường học
Quản lý trường học là một chuỗi tác động hợp lý (có mục đích, tự giác, hệ
thống, có kế hoạch) mang tính tổ chức – sư phạm của chủ thể quản lý đến tập thể
giáo viên và học sinh, đến những lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường
nhằm huy động họ cùng cộng tác, phối hợp, tham gia vào mọi hoạt động của nhà
trường nhằm làm cho quá trình này vận hành tối ưu tới việc hoàn thành những mục
tiêu dự kiến [19].
Quản lý trường học bao gồm các hoạt động quản lý như quản lý quá trình đào
tạo; quản lý nhân lực; quản lý cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; quản lý tài chính [11].
Tuy nhiên, quản lý trường học chủ yếu là quản lý hoạt động dạy của thầy và hoạt
động học của trò, mọi hoạt động khác đều nhằm phục vụ cho hoạt động dạy và học.
18
1.2.6. Khái niệm về hoạt động giảng dạy
Giảng dạy là hoạt động được xem như điều kiện cần, không thể thiếu đối với
hoạt động học tập, hướng vào việc truyền thụ cho người học những nội dung đáp
ứng được các mục tiêu đề ra và giúp đỡ, chỉ đạo, điều khiển họ trong quá trình lĩnh
hội, góp phần chủ yếu vào việc khơi dậy tiềm năng và hình thành năng lực cho
người học [35].
Như vậy, khi tiến hành hoạt động giảng dạy, người dạy phải tổ chức, hướng
dẫn, điều khiển người học lĩnh hội kinh nghiệm xã hội, hình thành và phát triển
nhân cách.
1.2.7. Khái niệm về quản lý hoạt động giảng dạy
Dạy học là hoạt động đặc trưng nhất, chủ yếu nhất của nhà trường, bao gồm
hoạt động giảng dạy và hoạt động học tập đều là những hoạt động đặc trưng có ý
thức của con người, trong đó học tập là trung tâm, giảng dạy không chỉ là truyền đạt
mà còn là xác định mục đích, tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra và điều khiển hoạt động học
tập [35].
Nếu xét dạy và học như một hệ thống thì quan hệ người hoạt động dạy và hoạt
động học là quan hệ điều khiển. Do đó hành động quản lý (điều khiển hoạt động
dạy và học) của hiệu trưởng chủ yếu tập trung vào hoạt động dạy của thầy, và là
trực tiếp với thầy, gián tiếp với trò; thông qua hoạt động dạy của thầy, quản lý hoạt
động học của trò [18].
Vì vậy, khi quản lý hoạt động dạy học trong nhà trường, nếu CBQL tập trung
quản lý hoạt động giảng dạy của thầy, trực tiếp với thầy, thông qua hoạt động dạy
của giáo viên, thì CBQL có thể quản lý hoạt động học của học sinh. Quản lý hoạt
động giảng dạy được hiểu là quá trình thực hiện các chức năng quản lý giáo dục
như hoạch định, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra hoạt động giảng dạy của giáo viên
nhằm đạt được mục tiêu dạy học đã đề ra.
19
1.3. Khái quát về sứ mạng của trường trung cấp chuyên nghiệp trong hệ thống
giáo dục quốc dân Việt Nam
1.3.1. Vị trí
Trường TCCN là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc
dân. Trường có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng [8].
1.3.2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Tổ chức bộ máy nhà trường, tuyển dụng, quản lý, sử dụng, bồi dưỡng và đãi
ngộ cán bộ, viên chức.
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, chiến lược và kế hoạch phát triển
nhà trường theo từng giai đoạn 5 năm và 10 năm.
3. Xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, tổ chức giảng dạy, học
tập, quản lý người học và các hoạt động giáo dục khác theo mục tiêu, chương trình
giáo dục; công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng, chứng chỉ theo thẩm quyền.
4. Xây dựng và ban hành chương trình đào tạo trên cơ sở quy định về chương
trình khung và chương trình khung các ngành đào tạo trình độ TCCN do Bộ Giáo
dục và Đào tạo ban hành. Trường có quyền chủ động tổ chức biên soạn hoặc lựa
chọn giáo trình của các ngành đào tạo TCCN để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học
tập chính thức trong nhà trường để bảo đảm có đủ giáo trình giảng dạy, học tập.
Việc biên soạn hoặc lựa chọn và duyệt giáo trình các ngành đào tạo TCCN thực
hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
5. Tổ chức nghiên cứu khoa học; ứng dụng, phát triển và chuyển giao công
nghệ; thực hiện các dịch vụ khoa học - kỹ thuật, sản xuất kinh doanh theo quy định
của pháp luật.
6. Tự đánh giá chất lượng giáo dục và chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục
của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng giáo dục. Xây dựng hệ thống
giám sát và đánh giá chất lượng giáo dục.
7. Được nhà nước giao hoặc cho thuê đất, giao hoặc cho thuê cơ sở vật chất;
được miễn, giảm thuế; vay tín dụng; huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực theo
quy định của pháp luật.
20
8. Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật theo yêu cầu chuẩn hoá, hiện đại hoá.
9. Sử dụng nguồn thu từ hoạt động kinh tế để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất
nhà trường, mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và chi cho các hoạt động giáo
dục theo quy định của pháp luật.
10. Phối hợp với gia đình người học, tổ chức, cá nhân, trong hoạt động giáo
dục; tổ chức cho cán bộ, viên chức và người học tham gia các hoạt động xã hội.
11. Liên kết với các tổ chức kinh tế, giáo dục, văn hoá, thể dục, thể thao, y tế,
nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, gắn đào tạo với sử dụng
và việc làm, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, bổ sung nguồn lực cho
nhà trường.
12. Hợp tác với các tổ chức kinh tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao, y tế,
nghiên cứu khoa học của nước ngoài theo quy định.
13. Thực hiện công khai cam kết về chất lượng đào tạo và công khai về chất
lượng đào tạo thực tế, về điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và về thu chi tài
chính. Thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và các nhiệm vụ, quyền hạn
khác theo quy định của pháp luật [8].
1.3.3. Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp
Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp là đào tạo người lao động có kiến thức, kỹ
năng nghề nghiệp ở các trình độ khác nhau, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý
thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, có sức khoẻ nhằm tạo điều kiện cho người lao
động có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học tập nâng cao trình
độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố
quốc phòng, an ninh.
Trung cấp chuyên nghiệp nhằm đào tạo người lao động có kiến thức, kỹ năng
thực hành cơ bản của một nghề, có khả năng làm việc độc lập và có tính sáng tạo,
ứng dụng công nghệ vào công việc [10].
21
1.3.4. Yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục nghề nghiệp
Nội dung giáo dục nghề nghiệp phải tập trung đào tạo năng lực thực hành
nghề nghiệp, coi trọng giáo dục đạo đức, rèn luyện sức khoẻ, rèn luyện kỹ năng
theo yêu cầu đào tạo của từng nghề, nâng cao trình độ học vấn theo yêu cầu đào tạo.
Phương pháp giáo dục nghề nghiệp phải kết hợp rèn luyện kỹ năng thực hành
với giảng dạy lý thuyết để giúp người học có khả năng hành nghề và phát triển nghề
nghiệp theo yêu cầu của từng công việc [10].
1.4. Nội dung quản lý hoạt động giảng dạy
Nội dung quản lý hoạt động giảng dạy trong nhà trường bao gồm các nội dung
cơ bản sau:
- Quản lý việc chuẩn bị hoạt động dạy học
- Quản lý việc lên lớp
- Quản lý việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh
- Quản lý việc sinh hoạt chuyên môn [22]
1.4.1. Quản lý việc chuẩn bị hoạt động dạy học
Quản lý việc chuẩn bị hoạt động dạy học là quản lý các hoạt động chuẩn bị lên
lớp của giáo viên như: kế hoạch dạy học, kế hoạch bài dạy (giáo án), thiết bị dạy
học (đồ dùng dạy học)...
Kế hoạch dạy học là văn bản có nội dung gắn với chương trình giáo dục, xác
định các môn học/ học phần, các hoạt động thực hành, thực tập, ngoại khóa, thi tốt
nghiệp, thời lượng học trong tuần, trong năm học dành cho từng khóa, lớp theo các
chuyên ngành đào tạo nhằm thực hiện mục tiêu, chương trình giáo dục [9].
Một trong những công việc có ảnh hưởng đến chất lượng dạy học trong năm
học là sự chuẩn bị chu đáo ngay từ đầu năm học kế hoạch dạy học cho toàn năm.
Kế hoạch bài dạy (hay giáo án) là bản thiết kế cho tiến trình một tiết học, một
lần lên lớp hay một buổi học mà giáo viên dự định sẽ thực hiện giảng dạy trên lớp
cho nhóm đối tượng học sinh nhất định [9].
22
Tác giả Trần Kiểm (1997) trong giáo trình “Quản lý giáo dục và trường học”
nhận định rằng quản lý việc chuẩn bị hoạt động dạy học, người CBQL cần làm một
số việc sau:
- Hướng dẫn giáo viên lập kế hoạch dạy học.
- Chỉ đạo tổ chuyên môn tổ chức trao đổi phương hướng giảng dạy từng bài,
những bài khó, những tư liệu mới cần bổ sung vào bài giảng, những điều kiện vật
chất, kỹ thuật cần cho bài giảng.
- Xây dựng tiêu chuẩn đánh giá giờ lên lớp cho từng loại bài học đối với từng
môn học [18].
1.4.2. Quản lý việc lên lớp
Quản lý việc lên lớp của giáo viên là quản lý các nội dung: mục tiêu dạy học;
nội dung, chương trình dạy học; phương pháp dạy học; phương tiện dạy học và kết
quả dạy học.
1.4.2.1. Quản lý việc thực hiện mục tiêu, nội dung, chương trình dạy học
Chương trình dạy học quy định mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ
chức dạy học, thời gian dạy học từng môn học nhằm thực hiện yêu cầu, mục tiêu
cấp học. Chương trình dạy học là pháp lệnh của nhà nước do Bộ Giáo dục và Đào
tạo ban hành, là căn cứ pháp lý để Nhà nước tiến hành chỉ đạo giám sát hoạt động
dạy học của nhà trường. Đồng thời nó cũng là căn cứ pháp lý để quản lý nhà giáo
theo yêu cầu của ngành giáo dục đề ra cho từng cấp học [21].
Quản lý việc thực hiện chương trình dạy học của giáo viên là quản lý việc dạy
đúng và đủ chương trình quy định. [18]
Quản lý chương trình dạy học theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo
là nhiệm vụ của Hiệu trưởng. Để nắm vững chương trình dạy học, người hiệu
trưởng cần:
- Hiểu nguyên tắc cấu tạo chương trình của từng môn học và phạm vi kiến
thức chung.
- Nắm vững phương pháp và hình thức dạy học đặc trưng môn học từ đó có kế
hoạch chuẩn bị những phương tiện dạy học phù hợp.
23
- Phổ biến những thay đổi về nội dung, phương pháp giảng dạy bộ môn,
những sửa đổi chương trình sách giáo khoa theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và
Đào tạo.
- Chỉ đạo tổ chuyên môn thảo luận, bàn bạc về những vấn đề nảy sinh trong
thực tiễn giảng dạy ở những năm học trước và những vấn đề mới trong chương trình
dạy học để thống nhất thực hiện trong cả năm học.
- Người quản lý phải nắm vững chương trình, hướng dẫn cho người dạy có ý
thức cao trong việc thực hiện chương trình.
Để quản lý tốt việc thực hiện mục tiêu, nội dung, chương trình dạy học của giáo
viên, người CBQL cần thực hiện một số công việc sau:
- Yêu cầu người dạy lập kế hoạch dạy học môn học.
- Tạo điều kiện về mặt thời gian để cho người dạy thực hiện chương trình.
- Sử dụng các hình thức để quản lý chương trình như kiểm tra việc thực hiện
phân phối chương trình, dự giờ kiểm tra người dạy và người học, sử dụng thời khoá
biểu để kiểm soát chương trình.
- Theo dõi việc thực hiện chương trình hàng tuần, hàng tháng. Sau khi kiểm
tra phải có kế hoạch điều chỉnh, xử lý vi phạm [18, 21].
1.4.2.2. Quản lý việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học
Phương pháp dạy học là hệ thống những cách thức hoạt động thống nhất của
người dạy và người học nhằm thực hiện nội dung dạy học để đạt được mục tiêu dạy
học đã xác định [21].
Phương pháp dạy học bao gồm phương pháp dạy và phương pháp học. Phương
pháp dạy là cách thức hướng dẫn, tổ chức hoạt động nhận thức và rèn luyện cho
người học. Phương pháp học là cách thức hoạt động nhận thức và rèn luyện để hình
thành hệ thống tri thức, kỹ năng và phẩm chất nhân cách của người học. Phương pháp
dạy của thầy và phương pháp học của trò quan hệ biện chứng với nhau.
Cùng với việc thay đổi mục tiêu, đổi mới nội dung chương trình dạy học và
cách đánh giá kết quả học tập của người học, phương pháp dạy học cũng phải thay
đổi. Đổi mới phương pháp dạy học là hết sức cần thiết trong việc nâng cao chất
24
lượng dạy và học. Đổi mới phương pháp dạy thực chất không phải là sự thay thế
các phương pháp dạy học cũ bằng các phương pháp dạy học mới. Về mặt bản chất,
đổi mới phương pháp dạy học là đổi mới cách tiến hành các phương pháp, đổi mới
các phương tiện và hình thức triển khai phương pháp trên cơ sở khai thác triệt để ưu
điểm của các phương pháp truyền thống và vận dụng linh hoạt một số phương pháp
mới nhằm phát huy tối đa tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học. Như
vậy, mục đích cuối cùng của đổi mới phương pháp dạy học là giúp người học phát
triển được nhân cách tích cực, chủ động và sáng tạo để bước vào cuộc sống [21].
 Nội dung của việc đổi mới phương pháp dạy học:
- Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy cao độ tính tích cực, chủ
động và sáng tạo của người học. Người dạy đóng vai trò tổ chức, điều khiển và
hướng dẫn người học. Người học giữ vai trò trung tâm, chủ động tìm kiếm tri thức
và thu nhận kiến thức không chỉ từ thầy mà còn từ rất nhiều nguồn khác nhau.
- Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng kết hợp một cách nhuần nhuyễn
và sáng tạo các phương pháp giảng dạy khác nhau (truyền thống và hiện đại). Giáo
viên cần lựa chọn và vận dụng phối hợp các phương pháp dạy học một cách linh
động và sáng tạo sao cho phù hợp với các đối tượng học đa dạng, chống sự nhàm
chán và tạo ra sự năng động trong cách nghĩ và cách làm của người học.
- Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển khả năng tự học của
người học. Giáo viên cần hình thành cho người học phương pháp tự học, tăng
cường các hoạt động tự tìm kiếm tri thức hay ứng dụng tri thức vào cuộc sống.
- Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng kết hợp hoạt động cá nhân với
hoạt động nhóm và phát huy khả năng của cá nhân. Người dạy phải biết khai thác
lợi thế của tập thể để phát triển từng cá nhân. Phải quan tâm đến hứng thú, xu
hướng, khả năng của từng người trong môi trường tập thể cũng như trong tự học.
- Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tăng cường kỹ năng thực hành. Giáo
viên khuyến khích tính tích cực, tự lực của học sinh, làm cho học gắn liền với hành.
25
- Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng sử dụng phương tiện kỹ thuật hiện
đại vào dạy học. Giáo viên sử dụng phương tiện dạy học đa dạng giúp cho phương
pháp dạy học sinh động hơn, tạo ra được hứng thú và tính tích cực ở người học.
- Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng đổi mới cả phương pháp kiểm tra
và đánh giá kết quả học tập của người học. Đổi mới phương pháp dạy học sẽ phải
đổi mới cách thức kiểm tra và đánh giá. Người dạy giúp người học tự đánh giá kết
quả học tập và rèn luyện của bản thân. Cả thầy và trò cần đánh giá kết quả đạt được
trong hoạt động của mình theo mục tiêu đã đề ra.
- Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng đổi mới cách soạn giáo án, lập kế
hoạch bài học và xây dựng mục tiêu bài học. Trong giáo án, mục đích và mục tiêu
của bài học phải đề ra rõ ràng, có thể lượng hoá, từ đó có thể đo được và đánh giá
được kết quả một cách khách quan [21].
Để quản lý việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học của GV, người
CBQL cần thực hiện một số việc sau:
- Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của giáo viên trong việc lựa chọn
và sử dụng phương pháp dạy học.
- Tác động nhận thức cho giáo viên về việc đổi mới phương pháp dạy học.
- Tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học.
- Tổ chức thao giảng, dự giờ và trao đổi về việc đổi mới phương pháp dạy học.
- Tổ chức các lớp bồi dưỡng, chuyên đề về việc đổi mới phương pháp dạy học.
- Khuyến khích và tăng cường khả năng tự nghiên cứu của giáo viên.
- Phát động phong trào thi đua về việc đổi mới phương pháp dạy học.
- Sử dụng phương tiện dạy học hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới
phương pháp dạy học [21].
1.4.2.3. Quản lý việc sử dụng phương tiện dạy học
Phương tiện dạy học là tập hợp những đối tượng vật chất được giáo viên sử
dụng để tổ chức, điều khiển hoạt động nhận thức của học sinh và được học sinh sử
dụng để tiến hành hoạt động nhận thức của mình, thông qua đó mà thực hiện những
nhiệm vụ dạy học.
26
Phương tiện dạy học có vai trò chủ yếu như sau:
- Làm cho việc giảng dạy trở nên cụ thể hơn. Vì vậy, tăng thêm khả năng của
học sinh tiếp thu những sự vật, hiện tượng và các quá trình phức tạp mà bình
thường học sinh khó đạt được.
- Rút ngắn thời gian giảng dạy mà việc lĩnh hội kiến thức của học sinh lại
nhanh hơn.
- Giải phóng cho giáo viên một khối lượng lớn các công việc tay chân, do đó
làm tăng khả năng nâng cao chất lượng dạy học.
- Dễ dàng gây được cảm tình và sự chú ý của học sinh.
- Cung cấp cho HS các kiến thức một cách chắc chắn và chính xác, vì vậy
nguồn thông tin họ thu nhận được trở nên đáng tin cậy và được nhớ lâu hơn.
- Bằng việc sử dụng phương tiện dạy học, giáo viên có thể kiểm tra một cách
khách quan khả năng tiếp thu kiến thức cũng như hình thành kỹ năng, kỹ xảo của
học sinh.
Để quản lý việc sử dụng phương tiện dạy học một cách hiệu quả, CBQL cần
thực hiện những việc sau:
- Nâng cao nhận thức cho GV về ý thức tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình
độ khai thác và sử dụng các thiết bị dạy học.
- Tổ chức bồi dưỡng cho GV về các kỹ năng quản lý và sử dụng, phát huy hết
tính năng và hiệu quả của từng thiết bị dạy học.
- Tổ chức tập huấn cho GV dạy thực hành sử dụng thiết bị dạy học mới về kỹ
năng sử dụng, an toàn thiết bị khi vận hành, kết quả thí nghiệm/thực hành của thiết bị...
1.4.2.4. Quản lý kết quả dạy học
Thông qua việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học và lấy ý kiến
phản hồi của học sinh về tình hình giảng dạy của giáo viên để làm cơ sở đánh giá
kết quả dạy học.
Hiệu trưởng cần phải quản lý việc kiểm tra của người dạy đối với người học
để đánh giá kết quả học tập của người học và kết quả giảng dạy của người dạy tránh
chỉ dừng lại ở mức độ đo lường bằng điểm số. Hiệu trường cần làm một số việc sau:
27
- Giám sát kế hoạch kiểm tra của GV: kiểm tra giữa học kỳ, cuối học kỳ và hết
năm học; chấm, trả bài đúng thời hạn; phản hồi, thông báo kết quả cho người học;
- Phân công cán bộ tổng hợp tình hình kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo
định kỳ [21].
1.4.3.Quản lý việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh
Kiểm tra là sự đo lường, thu thập thông tin để có được những phán đoán, xác
định xem mỗi người học sau khi học đã tiếp thu được những kiến thức, kỹ năng và
thái độ ở mức độ nào.
Đánh giá là quá trình có hệ thống, bao gồm việc thu thập chứng cứ, phân tích,
giải thích thông tin và đưa ra những lượng giá về bản chất và phạm vi của kết quả
học tập hay thành tích đạt được của người học so với các tiêu chí và tiêu chuẩn thực
hiện đã đề ra, tức là xác định mức độ người học đạt được các mục tiêu dạy học. Từ
đó đề xuất những quyết định thích hợp để cải thiện thực trạng, điều chỉnh nâng cao
chất lượng và hiệu quả công việc.
Kiểm tra đánh giá có một tầm quan trọng đặc biệt là nhằm đo lường, xác định
và đánh giá kết quả học tập của học sinh. Đây là khâu cuối cùng trong mọi quá trình
dạy học ứng với bài học, môđun hoặc toàn khoá học [35].
Thông qua việc kiểm tra nghiêm túc, đánh giá công bằng và khách quan giúp
cho giáo viên điều chỉnh hoạt động giảng dạy của mình, kích thích tính tự giác học
tập của người học.
Nhiệm vụ, nội dung quản lý việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của
học sinh trong đào tạo TCCN:
- Tổ chức việc xây dựng tiêu chuẩn và mục tiêu đào tạo nói chung cũng như
tiêu chuẩn và mục tiêu dạy học – giáo dục cụ thể ở từng môn học, mô đun nói riêng.
- Tổ chức việc thực hiện các bước trong quy trình kiểm tra - đánh giá. Quy
trình tiến hành kiểm tra đánh giá gồm 10 bước được thực hiện trong nhà trường ở
các cấp học khác nhau: Phân tích mục tiêu, nội dung kiểm tra; Chọn các hình thức
kiểm tra phù hợp; Lựa chọn hoặc xây dựng các câu hỏi kiểm tra; Phân tích các câu
hỏi; Chọn các cách chấm và cách cho điểm (cách chấm và cách cho điểm khác nhau
28
thế nào?); Phân tích thống kê số liệu kết quả; Đánh giá câu hỏi; Chuẩn hoá kết quả;
Công bố kết quả; Định các công việc tiếp theo.
- Tổ chức kiểm tra việc ghi chép, lập hồ sơ, sổ sách về kết quả học tập của học
sinh và về việc cấp văn bằng chứng chỉ.
Công việc này khá phức tạp, đòi hỏi nhiều đến sự tỉ mỉ, công phu của giáo
viên cũng như những cán bộ quản lý và làm công tác giáo vụ trong nhà trường [11].
Để quản lý tốt việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh trong đào tạo
TCCN, người quản lý cần làm một số việc sau:
- Cụ thể hóa các văn bản pháp quy của Nhà nước, xây dựng những quy định
riêng của nhà trường về công tác này, phổ biến, hướng dẫn cho cán bộ, GV và HS
quán triệt các văn bản, quy định đó.
- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ GV về các phương pháp kiểm tra,
đánh giá mới, có hiệu quả.
- Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác này một cách chặt chẽ, xây dựng
thành nền nếp ổn định thường xuyên.
- Tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm trong công tác này cũng như lấy thông tin
phản hồi từ HS sau mỗi học kỳ.
1.4.4. Quản lý việc sinh hoạt chuyên môn
Khoa và tổ bộ môn trực thuộc trường đóng vai trò hết sức quan trọng trong
trường TCCN với những nhiệm vụ cụ thể như sau:
Tổ chức quá trình đào tạo, giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục khác
theo chương trình, kế hoạch giảng dạy của nhà trường;
Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; phối hợp
với các tổ chức khoa học, cơ sở sản xuất kinh doanh, gắn đào tạo với nghiên cứu
khoa học, sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội;
Quản lý giáo viên, cán bộ, nhân viên, người học thuộc đơn vị mình theo phân
cấp của Hiệu trưởng;
Tổ chức biên soạn chương trình, giáo trình môn học, tài liệu giảng dạy, biên
soạn đề thi kiểm tra đánh giá do Hiệu trưởng giao. Tổ chức nghiên cứu cải tiến
29
phương pháp giảng dạy, học tập; đề xuất xây dựng kế hoạch bổ sung, bảo trì thiết bị
dạy học, thực hành, thực tập và thực nghiệm khoa học;
Xây dựng kế hoạch và tổ chức đánh giá nhu cầu đào tạo, thực hiện bồi dưỡng
nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên và cán bộ nhân viên thuộc
khoa, tổ bộ môn [8].
Vì thế, để công tác sinh hoạt chuyên môn hoạt động có hiệu quả, người quản
lý cần thực hiện các hoạt động quản lý sau đây:
1.4.4.1. Quản lý việc tổ chức thao giảng, dự giờ
Thao giảng là hoạt động nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa các đồng
nghiệp với nhau. Thông qua thao giảng, CBQL đánh giá được năng lực giảng dạy
của giáo viên, phân loại giáo viên, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, góp ý những giáo
viên năng lực còn hạn chế nhằm nâng cao trình độ, năng lực của mình đáp ứng với
yêu cầu mới.
Dự giờ là một hoạt động thường xuyên mà bất cứ một người giáo viên nào
cũng đã từng trải qua, hoặc là đi dự giờ của đồng nghiệp hoặc là được đồng nghiệp
dự giờ của mình.
Dự giờ giáo viên là hoạt động cần thiết, quan trọng trong quá trình kiểm tra,
đánh giá, giúp giáo viên học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, giúp CBQL nắm bắt tình
hình thực tiễn của hoạt động dạy học.
Để đạt hiệu quả cao trong hoạt động giảng dạy, hoạt động dự giờ giáo viên
phải thực hiện theo đúng quy trình gồm các bước sau đây:
Bước 1: Chuẩn bị dự giờ
- Xác định vị trí của giờ dự trong tiến độ thực hiện chương trình.
- Nắm được mục tiêu, nội dung của bài giảng và những dự kiến thực hiện bài
giảng của giáo viên.
- Nghiên cứu nắm vững tình hình học tập của học sinh lớp sẽ dự.
- Xác định phương pháp kiểm tra kiến thức, kỹ năng của học sinh sau giờ học.
- Xác định mục đích dự giờ.
- Nghiên cứu chuẩn đánh giá.
30
- Thông báo cho giáo viên biết trước từ 15 phút trở lên.
- Phác thảo nội dung cần quan sát trong giờ dạy.
+ Nội dung quan sát hoạt động giảng dạy gồm:
Nội dung dạy học.
Tổ chức hoạt động dạy học.
Sử dụng và phân phối thời gian.
Sử dụng thiết bị dạy học.
+ Nội dung quan sát hoạt động học gồm:
Trình độ lĩnh hội tri thức của học sinh.
Nề nếp học tập của học sinh
Quá trình hình thành kỹ năng - kỹ xảo của học sinh
Sự tiến bộ của học sinh qua tiết dạy.
Phương pháp học tập của học sinh.
+ Nội dung quan sát các mối quan hệ trong hoạt động dạy học gồm:
Mối quan hệ giao tiếp giữa GV-HS; HS-HS.
Ngôn ngữ, phát ngôn của học sinh, giáo viên.
Xử lý tình huống.
Không khí làm việc.
Bước 2: Tiến hành dự giờ
Tiến hành dự giờ là hệ thống những quan sát về diễn biến thực tế của giờ lên
lớp nhằm thu thập những thông tin phục vụ cho mục đích dự giờ. Quá trình quan sát
này thực hiện theo tiến trình các tình huống dạy học, theo các tuyến Thầy - Trò -
Các quan hệ và phản ánh các sự kiện chính của quá trình lên lớp cũng như những
nhận xét tức thời về các sự kiện đó. Người dự phải làm tốt việc ghi chép để sau đó
tái hiện được những tình huống dạy học cơ bản nhằm cho phép đánh giá bài học đó
theo tiếp cận hệ thống.
Khi dự giờ của giáo viên, người dự cần chú ý quan sát những vấn đề sau:
- Quan sát toàn bộ tiết dạy.
- Quan sát hoạt động dạy-học.
31
- Ghi nhận thông tin, tình huống xảy ra trong tiết dạy một cách trung thực (có
thể ghi chú những sự việc cụ thể, những lời nói trọn vẹn…)
Những điều cần chú ý khi dự giờ:
- Đến đúng giờ đã định.
- Vào lớp nhẹ nhàng, chào giáo viên và học sinh.
- Chọn vị trí thích hợp để có thể nhìn thấy giáo viên và học sinh hoạt động.
- Có thái độ, cử chỉ đúng mực, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến GV và HS.
- Ghi chép rõ ràng, khách quan, trung thực, đầy đủ, phản ánh đầy đủ hoạt động
của giáo viên-học sinh và các mối quan hệ.
- Sau khi dự giờ ra khỏi lớp nhẹ nhàng, chào GV và HS, tránh gây xáo động.
Bước 3: Phân tích và đánh giá giờ dạy của giáo viên
Phân tích giờ dạy trên lớp là chỉ ra các ưu khuyết điểm và nguyên nhân của
chúng trong 3 thành tố của nó:
- Hoạt động dạy của giáo viên: Công tác chuẩn bị, nội dung kiến thức, phương
pháp dạy học, sử dụng đồ dùng dạy học, phân phối thời gian;
- Hoạt động học của học sinh: Nề nếp học tập, phương pháp học tập, khả năng
tiếp thu kiến thức kỹ năng, kết quả học tập;
- Quan hệ giao tiếp: Quan hệ thầy – trò; quan hệ trò – trò; việc xử lý tình
huống xảy ra trong giờ học của giáo viên.
- Phân tích kết quả học tập của HS làm cơ sở cho việc trao đổi, góp ý GV.
- Đề ra các giải pháp giúp giáo viên tiến bộ, hoàn thiện trong giảng dạy.
- Dự kiến, thống nhất nội dung trao đổi với giáo viên. (Xác định nội dung trao
đổi, sắp xếp các vấn đề cần trao đổi, chuẩn bị cách tiếp cận, cách trao đổi cho phù
hợp, đúng đối tượng và hiệu quả.)
Bước 4: Trao đổi với giáo viên
- Đưa thông tin giờ dạy đến giáo viên, tư vấn, giúp đỡ giáo viên hoàn thiện
mình hơn trong công việc.
- Tạo cảm giác an toàn cho giáo viên trước, trong và sau khi trao đổi.
32
- Đề nghị giáo viên nêu mục đích, yêu cầu của bài, nội dung, phương pháp,
hình thức tổ chức dạy học đã được thể hiện trong tiết dạy so với dự kiến ban đầu đã
thực hiện đến đâu, có khó khăn, thuận lợi gì trong quá trình thực hiện.
- Nêu nhận xét ưu - khuyết điểm, phân tích những nguyên nhân của những ưu,
khuyết điểm đó.
- Cùng với giáo viên tìm ra phương án để nâng cao chất lượng bài giảng.
- Nêu những lời khen cụ thể, sát thực, khả thi, kinh nghiệm tiên tiến.
Những điểm cần chú ý khi trao đổi với giáo viên:
- Phát hiện những ưu điểm cho dù nhỏ nhất để động viên, khích lệ giáo viên.
Tìm ra những kinh nghiệm tốt để nhân rộng trong đơn vị.
- Với giờ dạy nhiều ưu điểm thì nên nêu những ưu điểm trước, sau đó mới nêu
nhược điểm, phân tích những nguyên nhân của nhược điểm để GV thấy rõ và có
hướng khắc phục.
- Với giờ dạy có nhiều nhược điểm thì đan xen giữa ưu và khuyết điểm trong
quá trình nhận xét, đánh giá.
- Chủ đề chính trong cuộc trao đổi là giảng dạy và học tập chứ không phải là
bản thân giáo viên.
- Tạo không khí thẳng thắn, chân tình, thoải mái trong trao đổi.
- Tránh xúc phạm giáo viên hay gây tâm lý tự vệ cho giáo viên.
- Khuyến khích giáo viên tự đánh giá kết quả giờ dạy.
- Trường hợp bạn và giáo viên bất đồng trong đánh giá xếp loại thì nên cố
gắng thảo luận.
Bước 5: Lưu hồ sơ giáo viên.
Đảm bảo các yêu cầu sau:
- Chính xác, khách quan.
- Đầy đủ, toàn diện.
- Rõ ràng, cụ thể.
- Đảm bảo tính nhân văn.
33
Để quản lý việc tổ chức thao giảng, dự giờ, người quản lý cần làm một số việc sau:
- Lập kế hoạch thao giảng, dự giờ định kỳ theo tháng, học kỳ, năm học cho
GV vào đầu năm học.
- Tổ chức thao giảng, dự giờ theo kế hoạch đã phê duyệt.
- Tổng kết và đánh giá kết quả thực hiện thao giảng, dự giờ sau mỗi đợt.
1.4.4.2. Quản lý việc tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho GV
Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, nhất là trong giai đoạn
hiện nay với nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành là thực hiện việc triển khai giảng
dạy theo chương trình dạy học mới đòi hỏi giáo viên phải có đủ trình độ đáp ứng
yêu cầu mới. Công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ nhà giáo có ý
nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy học. Để bồi dưỡng
người dạy cốt cán từng môn học, từng ngành học, CBQL phải có kế hoạch tạo điều
kiện cho người dạy học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tham dự các lớp bồi
dưỡng theo chuyên đề do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hoặc qua trao đổi kinh
nghiệm giảng dạy với các chuyên viên, giáo viên giỏi ở các trường khác.
Để nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên còn hạn chế trong giảng dạy,
CBQL cần phân công những người dạy có trình độ tay nghề giỏi trực tiếp giúp đỡ
và tạo cho họ có thời gian và tài liệu tự học, tự bồi dưỡng.
Nhà trường cần phải thường xuyên tổ chức kiểm tra trình độ tay nghề của
người dạy, kịp thời phát hiện những người dạy có năng lực tốt để bồi dưỡng học trở
thành nòng cốt, đồng thời nắm bắt được những mặt còn thiếu sót của người dạy để
đề ra biện pháp khắc phục thích hợp.
Để quản lý việc tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên,
người quản lý cần tập trung một số việc sau:
- Dự giờ thăm lớp, kiểm tra hướng dẫn thực hiện kế hoạch bài học.
- Tổ chức chuyên đề về việc dạy các môn học theo chương trình mới.
- Tổ chức thao giảng, hội thi tạo điều kiện cho người dạy có điều kiện học hỏi
kinh nghiệm lẫn nhau.
34
- Tạo điều kiện về tinh thần, vật chất, tài chính cho người dạy tự học, tự bồi
dưỡng, tham dự các lớp bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng chuyên đề, chuẩn hoá
và trên chuẩn [21].
1.4.4.3. Quản lý hoạt động nhóm, trao đổi chuyên môn và phối hợp
Trong hoạt động dạy học người giáo viên không những có năng lực dạy học
mà còn phải có năng lực hợp tác trong dạy học, nghĩa là GV cần có năng lực hợp
tác, phối hợp với đồng nghiệp trong trường và năng lực hợp tác, phối hợp với đồng
nghiệp ngoài trường.
Để quản lý hoạt động nhóm, trao đổi chuyên môn và phối hợp, người quản lý
cần làm một số việc sau:
- Tạo điều kiện cho giáo viên học tập, trao đổi kinh nghiệm, phối hợp, hướng
dẫn, giúp đỡ đồng nghiệp trong việc phát triển năng lực dạy học.
- Tạo điều kiện cho giáo viên học tập, trao đổi kinh nghiệm với giáo viên ở các
cơ sở đào tạo khác, chuyên gia ở các doanh nghiệp trong dạy học.
- Tổ chức các hoạt động hội giảng, hội thảo, tập huấn để GV có cơ hội học tập
lẫn nhau, trao đổi chuyên môn [9].
Tiểu kết chương 1
Quản lý hoạt động giảng dạy là một trong những nội dung quản lý quan trọng
của quản lý quá trình đào tạo ở trường TCCN. Quản lý hoạt động giảng dạy được
thực hiện theo các chức năng như hoạch định, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra của quản
lý giáo dục nói chung.
Từ việc nghiên cứu những nội dung lý luận về quản lý, quản lý giáo dục, quản
lý trường học và quản lý hoạt động giảng dạy trung cấp chuyên nghiệp làm cơ sở
giúp tác giả phân tích và đánh giá đúng thực trạng quản lý hoạt động giảng dạy
trong các trường TCCN ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, điều
này sẽ là cơ sở quan trọng cho việc đề xuất những biện pháp cải tiến công tác quản
lý hoạt động giảng dạy tại các trường TCCN được nghiên cứu.
35
Chương 2: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG
GIẢNG DẠY TRONG CÁC TRƯỜNG TRUNG CẤP
CHUYÊN NGHIỆP NGOÀI CÔNG LẬP
Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
2.1. Khái quát tình hình kinh tế, xã hội và giáo dục ở thành phố Hồ Chí Minh
Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất nước, có vai trò, vị trí trung tâm về
nhiều mặt của cả nước, là trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học – công nghệ và là
đầu mối giao thương quốc tế. Thành phố có điều kiện thuận lợi trong việc thu hút
các nguồn lực đầu tư, phát triển xã hội mở rộng thị trường trong và ngoài nước và
cũng là địa phương có sức thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nghị quyết 20-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng thành phố Hồ Chí Minh
trở thành một thành phố xã hội chủ nghĩa, văn minh hiện đại từ nay đến năm 2015
và tầm nhìn đến năm 2020 đã nhấn mạnh: Thành phố Hồ Chí Minh phải làm tốt vai
trò đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp ngày càng lớn cho đất
nước, từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, giáo dục đào tạo,
khoa học – công nghệ của khu vực Đông Nam Á.
Về kinh tế, thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh theo hướng kinh tế dịch
vụ, công nghiệp xây dựng, với cơ cấu GDP là 1% nông nghiệp, 42% công nghiệp và
57% dịch vụ. Đại hội Đại biểu lần thứ IX của Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh đã
nhấn mạnh: Tiếp tục phát triển và khai thác các nhóm ngành dịch vụ, các ngành
công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ cao và có ưu thế cạnh tranh như:
tài chính – ngân hàng – bảo hiểm, thương mại, công nghệ thông tin – bưu chính
viễn thông, du lịch, y tế, giáo dục đào tạo, dịch vụ thông tin tư vấn khoa học công
nghệ, tỷ trọng kinh tế dịch vụ của thành phố so với cả nước chiếm 25%. Trong
nhiều năm qua kinh tế thành phố phát triển nhanh đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế
bình quân 5 năm giai đoạn 2006 – 2010 là 11% (cả nước là 7,2%), phấn đấu đạt
12% trong suốt giai đoạn 2011 – 2020 (cả nước là 7-8%). GDP bình quân đầu người
của thành phố có bước tăng nhanh đạt 2.843 USD vào năm 2010 (cả nước là 1.168
36
USD), phấn đấu đạt 4.800 USD và 9.500 USD vào năm 2015 và năm 2020 (cả nước
là 2.000 USD và 3.000 USD).
Về giáo dục sau trung học (đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp), thành
phố có hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp phát triển khá
mạnh và đa dạng trên cả 2 loại hình công lập và ngoài công lập. Đến năm 2010 trên
địa bàn thành phố có 105 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trong
đó có 58 trường công lập và 47 trường ngoài công lập. Số sinh viên học sinh theo
học tại các trường năm 2000 là hơn 220.000 sinh viên học sinh và lên đến hơn
441.000 sinh viên học sinh vào năm 2010. Như vậy các trường đại học, cao đẳng,
trung cấp chuyên nghiệp của thành phố đã đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực
không chỉ cho thành phố mà còn cho các vùng kinh tế khác của phía Nam.
2.2. Khái quát tình hình giáo dục trung cấp chuyên nghiệp tại TP.HCM
2.2.1. Quy mô đào tạo
Năm học 2010 – 2011, thành phố có 32 trường TCCN trong đó có 26 trường
TCCN tư thục, 6 trường TCCN công lập và 10 cơ sở đại học, cao đẳng có đào tạo
TCCN thuộc thành phố quản lý. Tính đến tháng 12 năm 2011, toàn ngành giáo dục
chuyên nghiệp thành phố có 87.617 học sinh (trong đó có 78.559 học sinh hệ chính
quy), góp phần đáng kể vào việc cung ứng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn
nghiệp vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế của thành phố và khu vực.
2.2.2. Chất lượng đào tạo TCCN
- Giáo dục TCCN có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt trong việc cung ứng
nhân lực trình độ TCCN có tri thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp tốt để phục vụ
cho yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, vì vậy công tác đảm bảo và nâng cao chất
lượng đào tạo luôn được các trường quan tâm thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sử
dụng lao động của xã hội. Trong năm học 2010 – 2011, nhiều biện pháp tích cực
nhằm tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo như việc đổi mới nội dung
chương trình, phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học … đã được
các trường tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả.
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY
Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY

More Related Content

What's hot

Quản lý hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh trong các trường Tiểu học...
Quản lý hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh trong các trường Tiểu học...Quản lý hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh trong các trường Tiểu học...
Quản lý hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh trong các trường Tiểu học...Nhận Viết Đề Tài Trọn Gói ZALO 0932091562
 
Phát triển năng lực thích ứng nghề cho sinh viên cao đẳng sư phạm
Phát triển năng lực thích ứng nghề cho sinh viên cao đẳng sư phạmPhát triển năng lực thích ứng nghề cho sinh viên cao đẳng sư phạm
Phát triển năng lực thích ứng nghề cho sinh viên cao đẳng sư phạmhttps://www.facebook.com/garmentspace
 
Luận văn: Phát triển năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh t...
Luận văn: Phát triển năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh t...Luận văn: Phát triển năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh t...
Luận văn: Phát triển năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh t...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Phương Pháp Dàn Dựng Chương Trình Ca Múa Nhạc Cho Trẻ Mầm Non
Phương Pháp Dàn Dựng Chương Trình Ca Múa Nhạc Cho Trẻ Mầm NonPhương Pháp Dàn Dựng Chương Trình Ca Múa Nhạc Cho Trẻ Mầm Non
Phương Pháp Dàn Dựng Chương Trình Ca Múa Nhạc Cho Trẻ Mầm NonDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Nghiên cứu sự hài lòng của khách hàng sử dụng dịch vụ truyền hình OneTV của C...
Nghiên cứu sự hài lòng của khách hàng sử dụng dịch vụ truyền hình OneTV của C...Nghiên cứu sự hài lòng của khách hàng sử dụng dịch vụ truyền hình OneTV của C...
Nghiên cứu sự hài lòng của khách hàng sử dụng dịch vụ truyền hình OneTV của C...luanvantrust
 
Quản lý chất lượng đào tạo tại các trường trung cấp chuyên nghiệp thành phố H...
Quản lý chất lượng đào tạo tại các trường trung cấp chuyên nghiệp thành phố H...Quản lý chất lượng đào tạo tại các trường trung cấp chuyên nghiệp thành phố H...
Quản lý chất lượng đào tạo tại các trường trung cấp chuyên nghiệp thành phố H...KhoTi1
 

What's hot (20)

Quản lý hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh trong các trường Tiểu học...
Quản lý hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh trong các trường Tiểu học...Quản lý hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh trong các trường Tiểu học...
Quản lý hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh trong các trường Tiểu học...
 
Quản lý hoạt động bồi dưỡng giáo viên ở các trường THPT huyện Giá Rai, tỉnh ...
 Quản lý hoạt động bồi dưỡng giáo viên ở các trường THPT huyện Giá Rai, tỉnh ... Quản lý hoạt động bồi dưỡng giáo viên ở các trường THPT huyện Giá Rai, tỉnh ...
Quản lý hoạt động bồi dưỡng giáo viên ở các trường THPT huyện Giá Rai, tỉnh ...
 
Luận văn: Quản lý hoạt động giảng dạy tại trường ĐH Nông Lâm
Luận văn: Quản lý hoạt động giảng dạy tại trường ĐH Nông LâmLuận văn: Quản lý hoạt động giảng dạy tại trường ĐH Nông Lâm
Luận văn: Quản lý hoạt động giảng dạy tại trường ĐH Nông Lâm
 
Quản lý chất lượng đội ngũ giáo viên tiểu học Tp Bạc Liêu, HAY
Quản lý chất lượng đội ngũ giáo viên tiểu học Tp Bạc Liêu, HAYQuản lý chất lượng đội ngũ giáo viên tiểu học Tp Bạc Liêu, HAY
Quản lý chất lượng đội ngũ giáo viên tiểu học Tp Bạc Liêu, HAY
 
Luận án: Quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ 5-6 tuổi
Luận án: Quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ 5-6 tuổiLuận án: Quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ 5-6 tuổi
Luận án: Quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ 5-6 tuổi
 
Phát triển năng lực thích ứng nghề cho sinh viên cao đẳng sư phạm
Phát triển năng lực thích ứng nghề cho sinh viên cao đẳng sư phạmPhát triển năng lực thích ứng nghề cho sinh viên cao đẳng sư phạm
Phát triển năng lực thích ứng nghề cho sinh viên cao đẳng sư phạm
 
Luận Văn Nâng Cao Năng Lực Đội Ngũ Cán Bộ, Công Chức Khối Các Phường.
Luận Văn Nâng Cao Năng Lực Đội Ngũ Cán Bộ, Công Chức Khối Các Phường.Luận Văn Nâng Cao Năng Lực Đội Ngũ Cán Bộ, Công Chức Khối Các Phường.
Luận Văn Nâng Cao Năng Lực Đội Ngũ Cán Bộ, Công Chức Khối Các Phường.
 
Đề tài: Phân tích kết quả kinh doanh công ty Tư vấn, Xây dựng, HAY
Đề tài: Phân tích kết quả kinh doanh công ty Tư vấn, Xây dựng, HAYĐề tài: Phân tích kết quả kinh doanh công ty Tư vấn, Xây dựng, HAY
Đề tài: Phân tích kết quả kinh doanh công ty Tư vấn, Xây dựng, HAY
 
Luận văn: Phát triển năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh t...
Luận văn: Phát triển năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh t...Luận văn: Phát triển năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh t...
Luận văn: Phát triển năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh t...
 
Đề tài: công tác quản trị nguồn nhân lực tại Công ty FPT Miền Nam
Đề tài: công tác quản trị nguồn nhân lực tại Công ty FPT Miền NamĐề tài: công tác quản trị nguồn nhân lực tại Công ty FPT Miền Nam
Đề tài: công tác quản trị nguồn nhân lực tại Công ty FPT Miền Nam
 
Đề tài: Văn hóa giao tiếp của viên chức tại Văn phòng Hà Nội, HAY
Đề tài: Văn hóa giao tiếp của viên chức tại Văn phòng Hà Nội, HAYĐề tài: Văn hóa giao tiếp của viên chức tại Văn phòng Hà Nội, HAY
Đề tài: Văn hóa giao tiếp của viên chức tại Văn phòng Hà Nội, HAY
 
Phương Pháp Dàn Dựng Chương Trình Ca Múa Nhạc Cho Trẻ Mầm Non
Phương Pháp Dàn Dựng Chương Trình Ca Múa Nhạc Cho Trẻ Mầm NonPhương Pháp Dàn Dựng Chương Trình Ca Múa Nhạc Cho Trẻ Mầm Non
Phương Pháp Dàn Dựng Chương Trình Ca Múa Nhạc Cho Trẻ Mầm Non
 
Luận văn: Quản lý ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy học
Luận văn: Quản lý ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy họcLuận văn: Quản lý ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy học
Luận văn: Quản lý ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy học
 
Nghiên cứu sự hài lòng của khách hàng sử dụng dịch vụ truyền hình OneTV của C...
Nghiên cứu sự hài lòng của khách hàng sử dụng dịch vụ truyền hình OneTV của C...Nghiên cứu sự hài lòng của khách hàng sử dụng dịch vụ truyền hình OneTV của C...
Nghiên cứu sự hài lòng của khách hàng sử dụng dịch vụ truyền hình OneTV của C...
 
Luận văn: Kỹ năng giao tiếp sư phạm của giáo viên mầm non, 9đ
Luận văn: Kỹ năng giao tiếp sư phạm của giáo viên mầm non, 9đLuận văn: Kỹ năng giao tiếp sư phạm của giáo viên mầm non, 9đ
Luận văn: Kỹ năng giao tiếp sư phạm của giáo viên mầm non, 9đ
 
Đề tài: Nâng cao hiệu quả tuyển dụng nguồn nhân lực tại công ty xây dựng
Đề tài: Nâng cao hiệu quả tuyển dụng nguồn nhân lực tại công ty xây dựngĐề tài: Nâng cao hiệu quả tuyển dụng nguồn nhân lực tại công ty xây dựng
Đề tài: Nâng cao hiệu quả tuyển dụng nguồn nhân lực tại công ty xây dựng
 
Luận văn: Bồi dưỡng năng lực sư phạm cho giáo viên tiểu học, 9đ
Luận văn: Bồi dưỡng năng lực sư phạm cho giáo viên tiểu học, 9đLuận văn: Bồi dưỡng năng lực sư phạm cho giáo viên tiểu học, 9đ
Luận văn: Bồi dưỡng năng lực sư phạm cho giáo viên tiểu học, 9đ
 
Đề tài: Công tác quản trị nhân lực tại công ty ô tô Chiến Thắng, HOT
Đề tài: Công tác quản trị nhân lực tại công ty ô tô Chiến Thắng, HOTĐề tài: Công tác quản trị nhân lực tại công ty ô tô Chiến Thắng, HOT
Đề tài: Công tác quản trị nhân lực tại công ty ô tô Chiến Thắng, HOT
 
Quản lý chất lượng đào tạo tại các trường trung cấp chuyên nghiệp thành phố H...
Quản lý chất lượng đào tạo tại các trường trung cấp chuyên nghiệp thành phố H...Quản lý chất lượng đào tạo tại các trường trung cấp chuyên nghiệp thành phố H...
Quản lý chất lượng đào tạo tại các trường trung cấp chuyên nghiệp thành phố H...
 
Luận văn: Hình thành năng lực giao tiếp và hợp tác cho học sinh bằng phương ...
Luận văn: Hình thành năng lực giao tiếp và hợp tác cho học sinh bằng phương ...Luận văn: Hình thành năng lực giao tiếp và hợp tác cho học sinh bằng phương ...
Luận văn: Hình thành năng lực giao tiếp và hợp tác cho học sinh bằng phương ...
 

Similar to Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY

Khóa Luận Tốt Nghiệp Quản Lý Giáo Dục về Thực Trạng Quản Lý Hoạt Động Định Hư...
Khóa Luận Tốt Nghiệp Quản Lý Giáo Dục về Thực Trạng Quản Lý Hoạt Động Định Hư...Khóa Luận Tốt Nghiệp Quản Lý Giáo Dục về Thực Trạng Quản Lý Hoạt Động Định Hư...
Khóa Luận Tốt Nghiệp Quản Lý Giáo Dục về Thực Trạng Quản Lý Hoạt Động Định Hư...Dịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Ảnh Hưởng Của Văn Hóa Tổ Chức Đến Sự Gắn Kết Của Giảng Viên
Ảnh Hưởng Của Văn Hóa Tổ Chức Đến Sự Gắn Kết Của Giảng ViênẢnh Hưởng Của Văn Hóa Tổ Chức Đến Sự Gắn Kết Của Giảng Viên
Ảnh Hưởng Của Văn Hóa Tổ Chức Đến Sự Gắn Kết Của Giảng ViênHỗ Trợ Viết Đề Tài luanvanpanda.com
 
Phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh thông qua dạy học phần hiđ...
Phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh thông qua dạy học phần hiđ...Phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh thông qua dạy học phần hiđ...
Phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh thông qua dạy học phần hiđ...nataliej4
 
Luận văn thạc sĩ sư phạm.
Luận văn thạc sĩ sư phạm.Luận văn thạc sĩ sư phạm.
Luận văn thạc sĩ sư phạm.ssuser499fca
 
Thuc trang cong_tac_quan_ly_hoat_dong_day_nghe_o_truong_cao_dang_nghe_kinh_te...
Thuc trang cong_tac_quan_ly_hoat_dong_day_nghe_o_truong_cao_dang_nghe_kinh_te...Thuc trang cong_tac_quan_ly_hoat_dong_day_nghe_o_truong_cao_dang_nghe_kinh_te...
Thuc trang cong_tac_quan_ly_hoat_dong_day_nghe_o_truong_cao_dang_nghe_kinh_te...Garment Space Blog0
 
Tich hop noi_dung_giao_duc_moi_truong_trong_cac_bai_giang_hoa_hoc_o_truong_tr...
Tich hop noi_dung_giao_duc_moi_truong_trong_cac_bai_giang_hoa_hoc_o_truong_tr...Tich hop noi_dung_giao_duc_moi_truong_trong_cac_bai_giang_hoa_hoc_o_truong_tr...
Tich hop noi_dung_giao_duc_moi_truong_trong_cac_bai_giang_hoa_hoc_o_truong_tr...Garment Space Blog0
 

Similar to Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY (20)

Luận văn: Quản lý hoạt động học tập của học sinh tại TPHCM, 9đ
Luận văn: Quản lý hoạt động học tập của học sinh tại TPHCM, 9đLuận văn: Quản lý hoạt động học tập của học sinh tại TPHCM, 9đ
Luận văn: Quản lý hoạt động học tập của học sinh tại TPHCM, 9đ
 
Luận văn: Quản lý chất lượng giảng dạy môn Tiếng Việt lớp 5, 9đ
Luận văn: Quản lý chất lượng giảng dạy môn Tiếng Việt lớp 5, 9đLuận văn: Quản lý chất lượng giảng dạy môn Tiếng Việt lớp 5, 9đ
Luận văn: Quản lý chất lượng giảng dạy môn Tiếng Việt lớp 5, 9đ
 
Khóa Luận Tốt Nghiệp Quản Lý Giáo Dục về Thực Trạng Quản Lý Hoạt Động Định Hư...
Khóa Luận Tốt Nghiệp Quản Lý Giáo Dục về Thực Trạng Quản Lý Hoạt Động Định Hư...Khóa Luận Tốt Nghiệp Quản Lý Giáo Dục về Thực Trạng Quản Lý Hoạt Động Định Hư...
Khóa Luận Tốt Nghiệp Quản Lý Giáo Dục về Thực Trạng Quản Lý Hoạt Động Định Hư...
 
Luận văn: Quản lý giáo dục kỹ năng sống của Hiệu trưởng, HOT
Luận văn: Quản lý giáo dục kỹ năng sống của Hiệu trưởng, HOTLuận văn: Quản lý giáo dục kỹ năng sống của Hiệu trưởng, HOT
Luận văn: Quản lý giáo dục kỹ năng sống của Hiệu trưởng, HOT
 
Luận văn: Tiến trình dạy học chương Các định luật bảo toàn, 9đ
Luận văn: Tiến trình dạy học chương Các định luật bảo toàn, 9đLuận văn: Tiến trình dạy học chương Các định luật bảo toàn, 9đ
Luận văn: Tiến trình dạy học chương Các định luật bảo toàn, 9đ
 
Luận văn: Tài liệu hướng dẫn học sinh tự học hóa hữu cơ lớp 11
Luận văn: Tài liệu hướng dẫn học sinh tự học hóa hữu cơ lớp 11Luận văn: Tài liệu hướng dẫn học sinh tự học hóa hữu cơ lớp 11
Luận văn: Tài liệu hướng dẫn học sinh tự học hóa hữu cơ lớp 11
 
Luận văn: Phát triển năng lực tự học cho học sinh trong môn Địa lí lớp 10
Luận văn: Phát triển năng lực tự học cho học sinh trong môn Địa lí lớp 10Luận văn: Phát triển năng lực tự học cho học sinh trong môn Địa lí lớp 10
Luận văn: Phát triển năng lực tự học cho học sinh trong môn Địa lí lớp 10
 
Luận văn: Phát triển năng lực tự học cho học sinh trong môn Địa lí lớp 10 THPT
Luận văn: Phát triển năng lực tự học cho học sinh trong môn Địa lí lớp 10 THPTLuận văn: Phát triển năng lực tự học cho học sinh trong môn Địa lí lớp 10 THPT
Luận văn: Phát triển năng lực tự học cho học sinh trong môn Địa lí lớp 10 THPT
 
Luận văn: Phát triển năng lực hợp tác cho học sinh thông qua việc sử dụng thí...
Luận văn: Phát triển năng lực hợp tác cho học sinh thông qua việc sử dụng thí...Luận văn: Phát triển năng lực hợp tác cho học sinh thông qua việc sử dụng thí...
Luận văn: Phát triển năng lực hợp tác cho học sinh thông qua việc sử dụng thí...
 
Phát triển năng lực hợp tác cho học sinh thông qua việc sử dụng thí nghiệm
Phát triển năng lực hợp tác cho học sinh thông qua việc sử dụng thí nghiệmPhát triển năng lực hợp tác cho học sinh thông qua việc sử dụng thí nghiệm
Phát triển năng lực hợp tác cho học sinh thông qua việc sử dụng thí nghiệm
 
Luận văn: Quản lý thực tập sư phạm của sinh viên mầm non, 9đ
Luận văn: Quản lý thực tập sư phạm của sinh viên mầm non, 9đLuận văn: Quản lý thực tập sư phạm của sinh viên mầm non, 9đ
Luận văn: Quản lý thực tập sư phạm của sinh viên mầm non, 9đ
 
Ảnh Hưởng Của Văn Hóa Tổ Chức Đến Sự Gắn Kết Của Giảng Viên
Ảnh Hưởng Của Văn Hóa Tổ Chức Đến Sự Gắn Kết Của Giảng ViênẢnh Hưởng Của Văn Hóa Tổ Chức Đến Sự Gắn Kết Của Giảng Viên
Ảnh Hưởng Của Văn Hóa Tổ Chức Đến Sự Gắn Kết Của Giảng Viên
 
Phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh thông qua dạy học phần hiđ...
Phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh thông qua dạy học phần hiđ...Phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh thông qua dạy học phần hiđ...
Phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh thông qua dạy học phần hiđ...
 
Luận văn thạc sĩ sư phạm.
Luận văn thạc sĩ sư phạm.Luận văn thạc sĩ sư phạm.
Luận văn thạc sĩ sư phạm.
 
Thuc trang cong_tac_quan_ly_hoat_dong_day_nghe_o_truong_cao_dang_nghe_kinh_te...
Thuc trang cong_tac_quan_ly_hoat_dong_day_nghe_o_truong_cao_dang_nghe_kinh_te...Thuc trang cong_tac_quan_ly_hoat_dong_day_nghe_o_truong_cao_dang_nghe_kinh_te...
Thuc trang cong_tac_quan_ly_hoat_dong_day_nghe_o_truong_cao_dang_nghe_kinh_te...
 
Luận án: Kỹ năng thực hành nghề của sinh viên sư phạm mầm non
Luận án: Kỹ năng thực hành nghề của sinh viên sư phạm mầm nonLuận án: Kỹ năng thực hành nghề của sinh viên sư phạm mầm non
Luận án: Kỹ năng thực hành nghề của sinh viên sư phạm mầm non
 
Tich hop noi_dung_giao_duc_moi_truong_trong_cac_bai_giang_hoa_hoc_o_truong_tr...
Tich hop noi_dung_giao_duc_moi_truong_trong_cac_bai_giang_hoa_hoc_o_truong_tr...Tich hop noi_dung_giao_duc_moi_truong_trong_cac_bai_giang_hoa_hoc_o_truong_tr...
Tich hop noi_dung_giao_duc_moi_truong_trong_cac_bai_giang_hoa_hoc_o_truong_tr...
 
Luận văn: Nâng cao hiệu quả dạy học môn hóa trường THPT, HOT
Luận văn: Nâng cao hiệu quả dạy học môn hóa trường THPT, HOTLuận văn: Nâng cao hiệu quả dạy học môn hóa trường THPT, HOT
Luận văn: Nâng cao hiệu quả dạy học môn hóa trường THPT, HOT
 
Luận văn: Quản lý công tác chủ nhiệm lớp của hiệu trưởng, HOT
Luận văn: Quản lý công tác chủ nhiệm lớp của hiệu trưởng, HOTLuận văn: Quản lý công tác chủ nhiệm lớp của hiệu trưởng, HOT
Luận văn: Quản lý công tác chủ nhiệm lớp của hiệu trưởng, HOT
 
Luận văn: Dạy cụm bài luyện tập thao tác lập luận ở trường THPT
Luận văn: Dạy cụm bài luyện tập thao tác lập luận ở trường THPTLuận văn: Dạy cụm bài luyện tập thao tác lập luận ở trường THPT
Luận văn: Dạy cụm bài luyện tập thao tác lập luận ở trường THPT
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864

Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864 (20)

200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
 
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
 
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhuadanh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
 
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay NhấtKinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
 
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểmKho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại họcKho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
 
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tửKho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhấtKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập KhẩuKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
 

Recently uploaded

Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...ThunTrn734461
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxAnAn97022
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfVyTng986513
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoámyvh40253
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líDr K-OGN
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhvanhathvc
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdfTrnHoa46
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfTrnHoa46
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 

Recently uploaded (20)

Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 

Luận văn: quản lý việc giảng dạy trong các trường trung cấp, HAY

  • 1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Võ Thị Tình LUẬN VĂN THẠC SĨ GIÁO DỤC HỌC Thành phố Hồ Chí Minh - 2012
  • 2. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Võ Thị Tình Chuyên ngành : Quản lý giáo dục Mã số : 60 14 05 LUẬN VĂN THẠC SĨ GIÁO DỤC HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. NGUYỄN ĐỨC DANH Thành phố Hồ Chí Minh - 2012
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu do chính tôi làm ra dưới sự hướng dẫn khoa học của TS. Nguyễn Đức Danh, các số liệu và kết quả nghiên cứu trong luận văn là trung thực, được nghiên cứu và thu thập từ thực tiễn và chưa từng được công bố trong bất kỳ một công trình nào khác. Một lần nữa, tôi xin khẳng định về sự trung thực của lời cam đoan trên. Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 10 năm 2012 Tác giả luận văn Võ Thị Tình
  • 4. LỜI CẢM ƠN Trước tiên, tác giả xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến TS. Nguyễn Đức Danh, người đã nhiệt tình hướng dẫn và đồng hành cùng tác giả trong suốt quá trình nghiên cứu và hoàn thành luận văn này. Tác giả xin chân thành cảm ơn: - Quý Thầy/Cô khoa Tâm lý – Giáo dục đã tận tình giảng dạy lớp Quản lý giáo dục khoá 21 trong suốt 02 năm học vừa qua; - Quý Thầy/Cô cùng các anh/chị phòng Sau Đại học; - Quý Thầy/Cô trong các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh; - Các anh chị lớp quản lý giáo dục khoá 21. Tác giả xin chân thành cảm ơn gia đình và bạn bè của tác giả, những người luôn đồng hành, giúp đỡ tác giả trong suốt quá trình học tập và hoàn thành luận văn. Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 10 năm 2012 Tác giả Võ Thị Tình
  • 5. MỤC LỤC Trang phụ bìa Lời cam đoan Lời cảm ơn Mục lục Danh mục các chữ viết tắt Danh mục các bảng MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1 Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC..........10 1.1. Tổng quan về quản lý hoạt động dạy học.......................................................10 1.2. Một số khái niệm cơ bản liên quan đến quản lý hoạt động giảng dạy ...........13 1.2.1. Khái niệm quản lý ....................................................................................13 1.2.2. Khái niệm về quản lý giáo dục.................................................................13 1.2.3. Các chức năng quản lý giáo dục...............................................................14 1.2.4. Các phương pháp quản lý giáo dục..........................................................17 1.2.5. Khái niệm về quản lý trường học.............................................................17 1.2.6. Khái niệm về hoạt động giảng dạy...........................................................18 1.2.7. Khái niệm về quản lý hoạt động giảng dạy..............................................18 1.3. Khái quát về sứ mạng của trường trung cấp chuyên nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam .................................................................................19 1.3.1. Vị trí .........................................................................................................19 1.3.2. Nhiệm vụ và quyền hạn............................................................................19 1.3.3. Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp..........................................................20 1.3.4. Yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục nghề nghiệp ......................21 1.4. Nội dung quản lý hoạt động giảng dạy...........................................................21 1.4.1. Quản lý việc chuẩn bị hoạt động dạy học ................................................21 1.4.2. Quản lý việc lên lớp .................................................................................22 1.4.3.Quản lý việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh ...................27 1.4.4. Quản lý việc sinh hoạt chuyên môn .........................................................28
  • 6. Tiểu kết chương 1....................................................................................................34 Chương 2: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIẢNG DẠY TRONG CÁC TRƯỜNG TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP NGOÀI CÔNG LẬP Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ..............................................................................35 2.1. Khái quát tình hình kinh tế, xã hội và giáo dục ở thành phố Hồ Chí Minh ...35 2.2. Khái quát tình hình giáo dục trung cấp chuyên nghiệp tại TP.HCM .............36 2.2.1. Quy mô đào tạo ........................................................................................36 2.2.2. Chất lượng đào tạo TCCN........................................................................36 2.2.3. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ......................................37 2.3. Giới thiệu về 2 trường TCCN trong mẫu khảo sát .........................................37 2.3.1. Trường Trung cấp Âu Việt.......................................................................37 2.3.2. Trường Trung cấp Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.............................38 2.3.3. Số liệu thống kê khái quát về mẫu khảo sát.............................................38 2.4. Thực trạng quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh .................................................39 2.4.1. Nhận định của CBQL và GV về mức độ quan trọng của các nội dung quản lý HĐGD....................................................................................................40 2.4.2. Thực trạng quản lý việc chuẩn bị hoạt động dạy học...............................43 2.4.3. Thực trạng quản lý việc lên lớp................................................................49 2.4.4. Thực trạng quản lý việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS........55 2.4.5. Thực trạng quản lý việc sinh hoạt chuyên môn .......................................58 2.5. Những yếu tố gây khó khăn trong quản lý hoạt động giảng dạy....................67 Tiểu kết chương 2....................................................................................................70 Chương 3 BIỆN PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIẢNG DẠY TRONG CÁC TRƯỜNG TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP NGOÀI CÔNG LẬP Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH..............................................................................................72 3.1. Cơ sở đề xuất các biện pháp ...........................................................................72 3.1.1. Cơ sở lý luận.............................................................................................72 3.1.2. Cơ sở pháp lý............................................................................................72
  • 7. 3.1.3. Cơ sở thực tiễn .........................................................................................73 3.2. Một số biện pháp góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường TCCN ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh ......................73 3.2.1. Biện pháp 1: Bồi dưỡng, duy trì và phát triển đội ngũ CBQL phù hợp với nhiệm vụ và quy mô đào tạo ..............................................................................73 3.2.2. Biện pháp 2: Bồi dưỡng, duy trì và phát triển đội ngũ GV phù hợp với nhiệm vụ và quy mô đào tạo ..............................................................................76 3.2.3. Biện pháp 3: Nâng cao nhận thức cho CBQL (nhất là Hội đồng quản trị) và GV về giáo dục nghề nghiệp .........................................................................78 3.2.4. Biện pháp 4: Tăng cường động viên, giám sát, kiểm tra việc thực hiện đổi mới phương pháp, phương tiện dạy học.............................................................80 3.2.5. Biện pháp 5: Tăng cường quản lý việc sinh hoạt chuyên môn của Khoa, tổ bộ môn............................................................................................................81 3.2.6. Biện pháp 6: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật phục vụ cho hoạt động dạy học........................................................................................83 3.3. Kết quả khảo nghiệm ý kiến của cán bộ quản lý và giáo viên về tính cần thiết và tính khả thi của các biện pháp đã đề xuất .........................................................85 Tiểu kết chương 3....................................................................................................89 KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ ................................................................................90 TÀI LIỆU THAM KHẢO ......................................................................................93 PHỤ LỤC
  • 8. DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT Viết đầy đủ Viết tắt Cán bộ quản lý CBQL Cơ sở vật chất CSVC Giáo viên GV Hoạt động giảng dạy HĐGD Học sinh HS Phương pháp dạy học PPDH Phương tiện dạy học PTDH Thiết bị dạy học TBDH Trung cấp chuyên nghiệp TCCN Thành phố Hồ Chí Minh TP.HCM
  • 9. DANH MỤC CÁC BẢNG Bảng 2.1. Thống kê tổng quát số liệu của 2 trường khảo sát.................................38 Bảng 2.2. Nhận định mức độ quan trọng của các nội dung quản lý HĐGD .........40 Bảng 2.3. Thực trạng quản lý việc chuẩn bị hoạt động dạy học............................43 Bảng 2.4. Thực trạng quản lý việc thực hiện mục tiêu, nội dung, chương trình dạy học .........................................................................................................49 Bảng 2.5. Thực trạng quản lý việc thực hiện đổi mới phương pháp, PTDH.........51 Bảng 2.6. Thực trạng quản lý kết quả dạy học ......................................................53 Bảng 2.7. Thực trạng quản lý việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS.....55 Bảng 2.8. Thực trạng quản lý việc tổ chức thao giảng, dự giờ..............................58 Bảng 2.9. Thực trạng quản lý việc tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.61 Bảng 2.10. Thực trạng quản lý hoạt động nhóm, trao đổi chuyên môn và phối hợp ...............................................................................................................63 Bảng 2.11. Đánh giá của CBQL và GV về những yếu tố gây khó khăn trong quản lý hoạt động giảng dạy ..........................................................................67 Bảng 3.1. Kết quả khảo nghiệm về tính cần thiết và tính khả thi của các biện pháp ...............................................................................................................85
  • 10. 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, đặc biệt là sự hội nhập về kinh tế, đội ngũ nhân lực là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia. Để kích thích và duy trì sự phát triển, đặc biệt là sự lớn mạnh về kinh tế, các quốc gia phải nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác giáo dục. Tức là, nền giáo dục quốc gia phải được đầu tư hợp lý để tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu của sự tiến bộ khoa học công nghệ, đưa đất nước bước vào nền kinh tế tri thức và hội nhập với thế giới. Cùng hòa chung xu thế toàn cầu hóa, Việt Nam đã và đang bước vào hội nhập với khu vực và quốc tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn xem “Giáo dục là quốc sách”. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định quan điểm chỉ đạo: “Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển” [38]. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI xác định một trong những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước giai đoạn 2011-2015 là: “Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức” [24] và chỉ tiêu phấn đấu của Đại hội giai đoạn 2011-2015 là “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước” [38]. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là: “tăng nhanh tỷ lệ nhân lực qua đào tạo trong nền kinh tế dưới các hình thức, trình độ khác nhau từ mức 40,0% năm 2010 lên mức 70,0% năm 2020…; Phát triển đồng bộ đội ngũ nhân lực với chất lượng ngày càng cao, đủ mạnh ở mọi lĩnh vực…; Xây dựng được đội ngũ giáo viên có chất lượng cao để đào tạo nhân lực có trình độ cho đất nước” [29]. Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IX cũng đã xác định: “Phát triển giáo dục – đào tạo, khoa học công nghệ” là một trong những
  • 11. 2 nhiệm vụ trọng tâm xây dựng và phát triển thành phố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong sáu chương trình đột phá của Đảng bộ thành phố giai đoạn 2011-2015 “xây dựng nhanh nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển hội nhập kinh tế quốc tế” [39]. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ Giáo dục chuyên nghiệp năm học 2010-2011, cả nước có đến 581 cơ sở đào tạo trung cấp chuyên nghiệp và số người học lên đến 673.196 người [7]. Mục tiêu của Giáo dục nghề nghiệp là “đào tạo người lao động có kiến thức, kỹ năng thực hành cơ bản của một nghề, có khả năng làm việc độc lập và có tính sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào công việc” [10]. Giáo dục nghề nghiệp có chức năng phục vụ trực tiếp sản xuất xã hội và mang tính thực hành cao, nó là khâu quan trọng thúc đẩy trình độ lực lượng sản xuất không ngừng nâng cao. Từ những số liệu trên và bản chất của giáo dục nghề nghiệp cho thấy, trong những năm qua giáo dục nghề nghiệp đã cung ứng cho xã hội một lực lượng lớn lao động được qua đào tạo, góp phần rất lớn trong việc giải quyết tình trạng khủng hoảng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng 6/2011 có 32 trường Trung cấp chuyên nghiệp do thành phố quản lý với tổng số 63.112 học viên (không tính 59 trường Cao đẳng, Đại học có đào tạo trung cấp chuyên nghiệp). Trong số 32 trường Trung cấp chuyên nghiệp do thành phố quản lý có 26 trường ngoài công lập (chiếm 81,3%), tổng số có 52.418 học viên (chiếm 83,1%) và chiếm gần 7,8% số học viên cả nước [30]. Như vậy chỉ tính riêng 26 trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập do thành phố quản lý mỗi năm đã góp phần rất lớn trong việc cung ứng nguồn nhân lực được qua đào tạo cho thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cho cả đất nước. Hội nghị tổng kết Giáo dục chuyên nghiệp năm học 2010-2011cũng đã nêu rõ, ngoài những kết quả đạt được trong năm học qua, Giáo dục chuyên nghiệp thành phố Hồ Chí Minh luôn đi đầu trong cả nước về quy mô và chất lượng tuy vẫn còn một số tồn tại và hạn chế trong công tác quản lý cần được sớm khắc phục. Những tồn tại và
  • 12. 3 hạn chế này chủ yếu ở các trường ngoài công lập, cụ thể: (1) Việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy chưa theo kịp đòi hỏi của xã hội. (2) Việc biên soạn giáo trình, sử dụng giáo trình chưa được quan tâm đúng mức, trình độ chuyên môn và nghiệp vụ của một bộ phận giáo viên chưa cao nhất là đội ngũ giáo viên giảng dạy thực hành nên chưa đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới về nội dung và phương pháp, đội ngũ giáo viên cơ hữu còn thiếu về số lượng, sinh hoạt chuyên môn còn nhiều hạn chế, nhiều mặt công tác chưa được thực hiện đầy đủ theo kế hoạch đề ra. (3) Cơ sở vật chất trang thiết bị kỹ thuật một số trường vẫn còn trong tình trạng chấp vá, thiếu thốn chưa tương thích với chương trình, quy mô đào tạo [30]. Cũng tại Hội nghị này, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chính làm ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng đào tạo và kéo theo hiệu suất đào tạo thấp (64,28%) [30] của các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập là công tác quản lý hoạt động giảng dạy. Nhưng cho đến nay, việc nghiên cứu các biện pháp quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa được thực hiện. Từ những lý do trên, chúng tôi nghiên cứu đề tài: “Thực trạng quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh”. 2. Mục đích nghiên cứu Xác định thực trạng quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh, từ đó đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh. 3. Khách thể và đối tượng nghiên cứu 3.1.Khách thể nghiên cứu Công tác quản lý trong các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh.
  • 13. 4 3.2. Đối tượng nghiên cứu Thực trạng quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh. 4. Giả thuyết khoa học Công tác quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh có thể đã đạt hiệu quả tốt trên các mặt: quản lý việc chuẩn bị hoạt động dạy học, quản lý việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh. Tuy nhiên, công tác quản lý vẫn còn những hạn chế trên các mặt như: quản lý việc lên lớp, quản lý việc sinh hoạt chuyên môn. 5. Nhiệm vụ nghiên cứu - Hệ thống hóa cơ sở lý luận quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). - Khảo sát thực trạng quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). - Đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường TCCN ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh. 6. Phạm vi nghiên cứu Đề tài tập trung nghiên cứu thực trạng quản lý hoạt động giảng dạy của 2 trường TCCN ngoài công lập tại TP.HCM: Trường trung cấp Âu Việt và Trường trung cấp Tổng hợp TP.HCM. 7. Phương pháp nghiên cứu 7.1. Phương pháp luận Các quan điểm phương pháp luận được vận dụng ở đề tài này là: 7.1.1. Quan điểm hệ thống – cấu trúc Quan điểm hệ thống – cấu trúc được vận dụng trong nhóm phương pháp nghiên cứu lý thuyết và nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn của đề tài. Việc tiếp cận quan điểm hệ thống – cấu trúc giúp người nghiên cứu tìm hiểu được mối quan hệ chặt chẽ giữa quản lý hoạt động giảng dạy với quản lý các hoạt động khác trong các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh,
  • 14. 5 cũng như xem xét công tác quản lý nhà trường là một hệ thống, trong đó công tác quản lý hoạt động giảng dạy là một hệ thống con bao gồm các yếu tố hợp thành như quản lý việc chuẩn bị hoạt động dạy học, quản lý việc lên lớp, quản lý việc sinh hoạt chuyên môn…. Từ đó, quan điểm hệ thống – cấu trúc giúp người nghiên cứu tìm hiểu chính xác thực trạng công tác quản lý hoạt động giảng dạy trong một số trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh. 7.1.2. Quan điểm lịch sử Quan điểm này giúp người nghiên cứu xác định phạm vi không gian, thời gian và điều kiện hoàn cảnh cụ thể, để điều tra thu thập số liệu chính xác, đúng với mục đích nghiên cứu đề tài, trình bày công trình nghiên cứu theo một trình tự hợp lý. 7.1.3. Quan điểm thực tiễn Quan điểm này giúp phát hiện những mâu thuẫn, tồn tại trong công tác quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh, từ đó đề xuất các biện pháp quản lý hoạt động giảng dạy phù hợp với thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động giảng dạy trong một số trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh. 7.2. Phương pháp nghiên cứu 7.2.1. Nhóm phương pháp nghiên cứu lý thuyết - Phân tích, tổng hợp các tài liệu lý luận phục vụ cho vấn đề nghiên cứu đề tài như lý luận về quản lý, quản lý giáo dục, quản lý hoạt động giảng dạy... - Phân loại hệ thống hóa các tài liệu lý luận có liên quan đến công tác quản lý hoạt động giảng dạy, đặc biệt là trong các trường TCCN . 7.2.2. Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn Người nghiên cứu sử dụng kết hợp 2 phương pháp nghiên cứu thực tiễn để thu thập số liệu bao gồm phương pháp điều tra bằng bảng hỏi và phương pháp phỏng vấn. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi và phương pháp phỏng vấn thường được sử dụng với nhau trong các nghiên cứu có sự kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu để điều tra về kết quả các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Trong khi điều tra
  • 15. 6 bằng bảng hỏi có thể thu được số liệu về thực trạng trên một mẫu dân số lớn, số liệu phỏng vấn định tính thường đem lại những hiểu biết sâu hơn về thái độ, suy nghĩ, và hành động của người tham gia. Trong điều tra bằng bảng hỏi, những người tham gia trả lời bằng cách chọn câu trả lời xác định trước (đáp ứng nhiều lựa chọn), những dữ liệu này thường được phân tích mang tính định lượng. Trong phỏng vấn, người phỏng vấn bắt đầu với các câu hỏi mở, nhưng dành thời gian đáng kể để khơi gợi người tham gia trả lời, khuyến khích họ cung cấp thông tin chi tiết và rõ ràng; những dữ liệu này thường được phân tích theo hướng định tính. [42] 7.2.2.1. Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi - Mục đích điều tra: Người nghiên cứu sử dụng phương pháp điều tra để thu thập số liệu, dữ liệu về thực trạng công tác quản lý hoạt động giảng dạy nói chung, đặc biệt là các biện pháp quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường TCCN ngoài công lập ở TP.HCM nhằm chứng minh cho giả thuyết nghiên cứu khoa học. - Nội dung điều tra: Thực trạng công tác quản lý hoạt động giảng dạy tại một số trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh theo các nội dung quản lý hoạt động giảng dạy: Quản lý việc chuẩn bị hoạt động dạy học, quản lý việc lên lớp, quản lý việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh và quản lý việc sinh hoạt chuyên môn. - Cách thức điều tra: Người nghiên cứu sử dụng 2 loại phiếu điều tra: Phiếu trưng cầu ý kiến về thực trạng quản lý hoạt động giảng dạy trong một số trường TCCN ngoài công lập ở TP.HCM. Trên cơ sở thực trạng thu được, chúng tôi thiết kế phiếu thăm dò ý kiến thứ 2 để khảo nghiệm các nhóm biện pháp được đề xuất. - Cấu trúc của phiếu điều tra: + Phiếu trưng cầu ý kiến về thực trạng để tìm hiểu thực trạng về quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường trung cấp chuyên nghiệp ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh, được thiết kế theo 4 nội dung cơ bản: Quản lý việc chuẩn bị hoạt
  • 16. 7 động dạy học; quản lý việc lên lớp; quản lý việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; quản lý việc sinh hoạt chuyên môn. Phiếu điều tra 1 gồm có 8 câu: Câu 1 tìm hiểu về tầm quan trọng của các nội dung quản lý, gồm có 4 mức: Rất quan trọng, quan trọng, ít quan trọng, không quan trọng. Câu 2 tìm hiểu về mức độ thực hiện và kết quả thực hiện của quản lý việc chuẩn bị hoạt động dạy học gồm có 8 nội dung. Câu 3 tìm hiểu về mức độ thực hiện và kết quả thực hiện của quản lý việc lên lớp gồm có 9 nội dung. Câu 4 tìm hiểu về mức độ thực hiện và kết quả thực hiện của quản lý việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh gồm có 5 nội dung. Câu 5 tìm hiểu về mức độ thực hiện và kết quả thực hiện của quản lý việc sinh hoạt chuyên môn gồm có 15 nội dung. Mức độ thực hiện gồm có 4 mức: Thường xuyên, thỉnh thoảng, ít khi, không thực hiện. Kết quả thực hiện gồm có 4 mức: tốt, khá, trung bình, yếu. Câu 6 tìm hiểu về mức độ gây khó khăn của các yếu tố trong quản lý hoạt động giảng dạy. Mức độ khó khăn: nhiều, vừa, ít, không. Câu 7 tìm hiểu về những thuận lợi, khó khăn trong thực tiễn quản lý hoạt động giảng dạy. Câu 8 tìm hiểu về những đề xuất đối với cấp quản lý giáo dục nhằm thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động giảng dạy. + Phiếu thăm dò ý kiến 2 để khảo nghiệm tính cần thiết và tính khả thi của các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường TCCN ngoài công lập ở TP.HCM. Tính cần thiết của các biện pháp được khảo sát theo 3 mức: Rất cần thiết, cần thiết, chưa cần thiết. Tính khả thi có 3 mức: Rất khả thi, khả thi, chưa khả thi. - Đối tượng điều tra: nhóm CBQL và nhóm GV ở 2 trường TCCN: Trường trung cấp Âu Việt và Trường trung cấp Tổng hợp TP.HCM.
  • 17. 8 + Nhóm CBQL gồm Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo, Trưởng phòng đào tạo, Phó phòng đào tạo, Trưởng khoa, Phó khoa, Trưởng bộ môn trực thuộc trường, Trưởng bộ môn trực thuộc khoa. + Nhóm GV: đội ngũ GV cơ hữu đang tham gia giảng dạy tại hai trường. Mẫu điều tra: toàn bộ giáo viên đang tham gia quản lý và giảng dạy của 2 trường là 35 CBQL và 226 GV. Cụ thể: Trường trung cấp Âu Việt có 20 CBQL và 171 giáo viên; Trường trung cấp Tổng hợp TP.HCM có 15 CBQL và 55 giáo viên. Người nghiên cứu đứng độc lập, không tham gia vào mẫu điều tra. 7.2.2.2. Phương pháp phỏng vấn Phương pháp này được sử dụng để phỏng vấn một số CBQL và một số GV trong mẫu điều tra nhằm khẳng định những vấn đề được trả lời trong phiếu điều tra và thu thập thêm thông tin cho những vấn đề còn chưa được trả lời rõ ràng trong số liệu điều tra viết. Cụ thể, tại mỗi trường, chúng tôi chọn ra 3 đại diện để phỏng vấn: một đại diện trong BGH, một đại diện của phòng đào tạo và một đại diện trong ban chủ nhiệm khoa/ tổ bộ môn trực thuộc trường. Về phía GV, tại mỗi trường, chúng tôi chọn ra 5 GV để tham gia vào mẫu phỏng vấn. Việc chọn mẫu phỏng vấn, chúng tôi áp dụng hình thức chọn mẫu ngẫu nhiên bằng cách bốc thăm. Sau khi bốc thăm được số lượng CBQL và GV theo yêu cầu của mẫu phỏng vấn. Chúng tôi liên hệ với các CBQL và GV để xin ý kiến và thu xếp thời gian cho buổi phỏng vấn. Nếu có CBQL hoặc GV nào được chọn để phỏng vấn nhưng không thể tham gia thì chúng tôi sẽ tiến hành bốc thăm trong số CBQL và GV còn lại để lấy đủ số lượng cho mẫu phỏng vấn. 7.2.2.3. Phương pháp thống kê toán học Sử dụng phần mềm xử lý thống kê SPSS for Windows, phiên bản 17.0 để xử lý các thông tin thu thập được trong quá trình nghiên cứu. 8. Cấu trúc của luận văn: Luận văn gồm 3 phần: - Mở đầu: Lý do chọn đề tài, mục đích nghiên cứu, khách thể và đối tượng nghiên cứu, giả thuyết khoa học, nhiệm vụ nghiên cứu, phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu. - Nội dung: gồm 3 chương:
  • 18. 9 + Chương 1: Cơ sở lý luận về quản lý hoạt động giảng dạy + Chương 2: Thực trạng quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường TCCN ngoài công lập ở TP.HCM + Chương 3: Biện pháp quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường TCCN ngoài công lập ở TP.HCM Kết luận và kiến nghị Tài liệu tham khảo Phụ lục
  • 19. 10 Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG DẠY HỌC 1.1. Tổng quan về quản lý hoạt động dạy học Hoạt động dạy học là hoạt động đặc trưng nhất trong nhà trường, bao gồm hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh. Trong hoạt động dạy học, giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn, điều khiển nhằm giúp học sinh tự giác nắm vững hệ thống kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo, phát triển năng lực nhận thức, hình thành thế giới quan và nhân sinh quan đúng đắn. Quản lý hoạt động dạy học chủ yếu tập trung vào quản lý hoạt động giảng dạy của giáo viên, thông qua hoạt động dạy của thầy, quản lý hoạt động học của trò [15], [18], [35]. Cho đến nay, có nhiều tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu về công tác quản lý hoạt động giảng dạy, những nghiên cứu này đã góp phần đáng kể vào việc đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Các nghiên cứu ở nước ngoài về lĩnh vực quản lý giáo dục, quản lý trường học, quản lý quá trình đào tạo, quản lý các hoạt động dạy học trong nhà trường: - Cẩm nang về phát triển các chương trình đào tạo theo năng lực thực hiện (Handbook for Developing Competency – Based Training Programs) của tác giả William E. Blank (1982) đã nêu các chuẩn đầu ra của quá trình đào tạo làm cơ sở để lập kế hoạch, thực hiện quá trình đào tạo và đánh giá kết quả học tập. - Lãnh đạo nhà trường thế kỷ 21 (School Leadership for the 21st Century) của tác giả Brent Davies and Linda Ellison (2001) đã nêu được hoạch định chiến lược phát triển nhà trường, quản lý sự thay đổi, lãnh đạo và quản lý chất lượng, vai trò của người hiệu trưởng trong việc quản lý và phát triển trường học, quản lý việc giảng dạy và học tập, vai trò của giáo viên trong việc tổ chức học tập, sử dụng công nghệ thông tin trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Ở Việt Nam, có các nghiên cứu về quản lý giáo dục: quản lý trường học, quản lý cơ sở vật chất, phát triển đội ngũ giáo viên… Có thể kể đến một số tác giả sau:
  • 20. 11 Tác giả Trần Kiểm (1997) đã đi sâu nghiên cứu những nhiệm vụ cụ thể của Hiệu trưởng về quản lý hoạt động dạy và học trong giáo trình: “Quản lý giáo dục và trường học”. Tác giả đã nêu ra những nhiệm vụ cụ thể của cán bộ quản lý đối với công tác quản lý hoạt động dạy học và ông cũng đã xây dựng mô hình quản lý hoạt động dạy và học. Ngoài ra, tác giả còn nghiên cứu đến các lĩnh vực khác thuộc khoa học quản lý giáo dục như quản lý các hoạt động giáo dục trong nhà trường, nghiệp vụ quản lý trường học... Có thể nói giáo trình “Quản lý giáo dục và trường học” là cơ sở khoa học quan trọng cho các tác giả nghiên cứu về công tác quản lý trong nhà trường. Tác giả Nguyễn Đức Trí (2011) cũng đã nghiên cứu về phương pháp, phương tiện, hình thức tổ chức dạy học và tổ chức hướng dẫn thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong giáo trình: “Giáo dục học nghề nghiệp”. Tác giả đã hệ thống các nhóm phương pháp dạy học và đã chỉ ra cách lựa chọn phương pháp, phương tiện dạy học phù hợp cho từng bài giảng, đồng thời ông cũng đưa ra các hình thức tổ chức dạy học, tổ chức hướng dẫn thực hành và cách lựa chọn, vận dụng các hình thức này vào thực tế. Ngoài ra tác giả còn nghiên cứu về các vấn đề giáo dục nghề nghiệp như quá trình dạy học, nội dung dạy học... Vì vậy giáo trình này là một tài liệu rất quan trọng cho nghiên cứu về giáo dục nghề nghiệp. Bộ tài liệu “Những vấn đề cơ bản về công tác quản lý trường trung cấp chuyên nghiệp” của Dự án phát triển giáo viên trung học phổ thông và TCCN, Cục Nhà giáo và CBQL cơ sở giáo dục, Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn (2010). Bộ tài liệu đã cập nhật những thành tựu lý luận quản lý của thời đại và phản ánh thực tiễn giáo dục chuyên nghiệp của đất nước. Với 11 chuyên đề quản lý liên quan trực tiếp đến công tác quản lý trường TCCN như quản lý quá trình đào tạo, quản lý chất lượng, quản lý phát triển nhân lực, quản lý tài chính và cơ sở vật chất... nên đây là bộ tài liệu quan trọng giúp cho cán bộ quản lý tự học để nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý nhà trường.
  • 21. 12 Những nghiên cứu trên mặc dù còn mang tính lý luận, nhưng đây chính là cơ sở khoa học và cũng là nền tảng để các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý giáo dục tham khảo và tìm ra cho mình những biện pháp quản lý phù hợp. Ngoài ra, trong thời gian gần đây đã có một số luận văn thạc sĩ nghiên cứu về quản lý hoạt động dạy học cho mỗi cấp học khác nhau để góp phần nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường. Đó là những luận văn: - Thực trạng và giải pháp quản lý giảng dạy ở các trường trung cấp chuyên nghiệp của tỉnh Khánh Hoà của tác giả Nguyễn Thị Bích Liên (2007). Luận văn này đã nghiên cứu thực trạng về xây dựng và quản lý đội ngũ; quản lý việc thực hiện chương trình, kế hoạch giảng dạy; quản lý việc chuẩn bị giờ lên lớp của giáo viên; quản lý giờ trên lớp; quản lý việc sinh hoạt khoa và tổ bộ môn trực thuộc; quản lý việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh; quản lý các điều kiện đảm bảo việc giảng dạy; quản lý giảng dạy gắn liền với thực tiễn sản xuất, sử dụng, liên kết đào tạo. Tác giả luận văn đã căn cứ vào kết quả điều tra để phân tích về các thực trạng trên và đề xuất sáu giải pháp trong đó tác giả cho rằng giải pháp tăng cường và xây dựng quản lý đội ngũ là giải pháp quan trọng và mang tính khả thi cao nhất. - Thực trạng công tác quản lý của người hiệu trưởng đối với hoạt động dạy học của giảng viên trường Cao đẳng Sư Phạm tỉnh Cà Mau của tác giả Thi Văn Trí (2009). Luận văn này đã nghiên cứu thực trạng về hoạt động dạy học của cán bộ, giáo viên; hoạt động học tập của sinh viên; quản lý việc thực hiện mục tiêu, chương trình dạy học; Hiệu trưởng chỉ đạo xây dựng nề nếp hoạt động dạy học; Hiệu trưởng chỉ đạo hoạt động phát triển và bồi dưỡng đội ngũ; Hiệu trưởng chỉ đạo hoạt động đổi mới phương pháp dạy học... Tác giả luận văn đã phân tích nguyên nhân thực trạng quản lý hoạt động dạy học của Hiệu trưởng và đề xuất sáu nhóm biện pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động dạy học ở trường Cao đẳng Sư phạm Cà Mau. Các luận văn trên chủ yếu nghiên cứu cụ thể về thực trạng tại đơn vị và địa phương mà các tác giả đang công tác nên các biện pháp đưa ra chỉ mang tính đặc thù để giải quyết những mâu thuẫn, tồn tại tại đơn vị cụ thể của địa phương đó.
  • 22. 13 1.2. Một số khái niệm cơ bản liên quan đến quản lý hoạt động giảng dạy 1.2.1. Khái niệm quản lý Quản lý là một trong những loại hình lao động quan trọng nhất trong các hoạt động của con người. Quản lý vừa mang tính khoa học vừa mang tính nghệ thuật [14]. Xuất phát từ những góc độ nghiên cứu khác nhau, nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã đưa ra rất nhiều định nghĩa về quản lý. Cho đến nay, vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về quản lý. Một số tác giả định nghĩa quản lý như sau: - Quản lý là sự tác động có tổ chức, có hướng đích của chủ thể quản lý tới đối tượng quản lý nhằm đạt mục tiêu đề ra [16]. - Quản lý là quá trình lập kế hoạch, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra công việc của các thành viên trong tổ chức và sử dụng mọi nguồn lực sẵn có của tổ chức để đạt những mục tiêu của tổ chức [22]. - Quản lý là tập hợp các hoạt động (bao gồm cả lập kế hoạch, ra quyết định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm tra) nhằm sử dụng tất cả các nguồn lực của tổ chức (con người, tài chính, vật chất và thông tin) để đạt được những mục tiêu của tổ chức một cách có hiệu quả [22]. Từ những định nghĩa trên, khái niệm quản lý có thể được khái quát như sau: Quản lý là một phương thức làm cho các hoạt động hướng tới mục tiêu của tổ chức với hiệu quả cao thông qua những người khác. Phương thức này bao gồm những chức năng mà nhà quản lý phải thực hiện: hoạch định, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra. Quản lý thể hiện mối quan hệ giữa hai bộ phận: chủ thể quản lý - đối tượng quản lý. Chúng gắn bó hữu cơ và tác động lẫn nhau như một chỉnh thể. Chủ thể quản lý là cá nhân hoặc tổ chức làm nhiệm vụ quản lý, điều khiển còn đối tượng quản lý là bộ phận chịu sự quản lý, có tác động phản hồi. Quản lý là sự tác động mang tính chủ quan dựa trên quy luật khách quan. 1.2.2. Khái niệm về quản lý giáo dục Ở cấp độ vĩ mô (quản lý hệ thống giáo dục): Quản lý giáo dục là hoạt động tự giác của chủ thể quản lý nhằm huy động, tổ chức, điều phối, điều chỉnh, giám sát...
  • 23. 14 một cách có hiệu quả các nguồn lực giáo dục (nhân lực, vật lực, tài lực) phục vụ cho mục tiêu phát triển giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội [19]. Ở cấp độ vi mô (quản lý trường học): Quản lý giáo dục là hệ thống những tác động tự giác (có ý thức, có mục đích, có kế hoạch, có hệ thống, hợp quy luật) của chủ thể quản lý đến tập thể giáo viên, công nhân viên, tập thể học sinh, cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội trong và ngoài nhà trường nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả mục tiêu giáo dục của nhà trường [19]. Từ những khái niệm nêu trên, quản lý giáo dục có 4 yếu tố: chủ thể quản lý, đối tượng quản lý, khách thể quản lý và mục tiêu quản lý. Bốn yếu tố này tạo thành sơ đồ 1.1 sau: Sơ đồ 1.1. Sơ đồ khái niệm quản lý [19] 1.2.3. Các chức năng quản lý giáo dục Chức năng quản lý là hình thái biểu hiện sự tác động có mục đích của chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý. Trong quản lý, chức năng quản lý là một phạm trù quan trọng, mang tính khách quan, có tính độc lập tương đối. Chức năng quản lý nảy sinh và là kết quả của quá trình phân công lao động, là bộ phận tạo thành hoạt động quản lý tổng thể, được tách riêng, có tính chất chuyên môn hoá [19]. Có bốn chức năng quản lý cơ bản: Kế hoạch hoá (hoạch định), tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra. Để thực hiện hiệu quả các chức năng, người quản lý cần đến yếu tố thông tin. Thông tin đầy đủ, kịp thời, cập nhật, chính xác là một căn cứ để hoạch định kế hoạch; thông tin cũng cần cho các bộ phận trong cơ cấu tổ chức, là chất liệu tạo quan hệ giữa các bộ phận trong tổ chức; thông tin truyền tải mệnh lệnh chỉ đạo (thông tin xuôi) và phản hồi (thông tin ngược) diễn tiến hoạt động của tổ chức; và thông tin từ kết quả hoạt động của tổ chức giúp cho người quản lý xem xét mức độ đạt mục tiêu của tổ chức [19]. Chủ thể quản lý Đối tượng quản lý Khách thể quản lý Mục tiêu quản lý
  • 24. 15 Các chức năng nêu trên lập thành chu trình quản lý. Chủ thể quản lý khi triển khai hoạt động quản lý đều thực hiện theo chu trình như sau:  Chức năng kế hoạch hóa trong quản lý giáo dục Kế hoạch hóa là chức năng cơ bản nhất của tất cả các chức năng quản lý. Kế hoạch hóa bao gồm việc xây dựng mục tiêu, chương trình hành động, xác định từng bước đi, những điều kiện, phương tiện cần thiết trong một thời gian nhất định của cả hệ thống quản lý và bị quản lý. Người quản lý cần có những kỹ năng lập các loại kế hoạch trong nhà trường. Khi xây dựng kế hoạch trong nhà trường, người quản lý cần phân tích thực trạng nhà trường (đặc điểm tình hình nhà trường như đội ngũ giáo viên, quy mô đào tạo, cơ sở vật chất, những thuận lợi, khó khăn của nhà trường,...); xác định các mục tiêu; xác định các nguồn lực cần thiết và các biện pháp huy động, sử dụng chúng; lập kế hoạch/chương trình hành động; điều chỉnh kế hoạch (nếu cần) [19]. Chức năng tổ chức trong quản lý giáo dục Chức năng tổ chức trong quản lý là việc thiết kế cơ cấu các bộ phận sao cho phù hợp với mục tiêu của tổ chức, chú ý đến phương thức hoạt động, đến quyền hạn của từng bộ phận, tạo điều kiện cho sự liên kết ngang, dọc và đặc biệt chú ý đến việc bố trí cán bộ - người vận hành các bộ phận của tổ chức. Theo quan niệm của Ernest Dale, chức năng tổ chức như một quá trình, bao gồm năm bước sau: Sơ đồ 1.2. Chu trình quản lý [19] Chức năng kế hoạch hoá Thông tin phục vụ quản lý Chức năng tổ chức Chức năng chỉ đạo Chức năng kiểm tra
  • 25. 16 - Lập danh sách các công việc cần phải hoàn thành để đạt được mục tiêu của tổ chức; - Phân chia toàn bộ công việc thành các nhiệm vụ để các thành viên hay bộ phận trong tổ chức thực hiện một cách thuận lợi và hợp logic. Bước này gọi là phân công lao động; - Kết hợp các nhiệm vụ một cách logic và hiệu quả. Việc nhóm gộp nhiệm vụ cũnh như thành viên trong tổ chức gọi là bước phân chia bộ phận; - Thiết lập một cơ chế điều phối, tạo thành sự liên kết hoạt động giữa các thành viên hay bộ phận tạo điều kiện đạt mục tiêu một cách dễ dàng; - Theo dõi đánh giá tính hiệu nghiệm của cơ cấu tổ chức và tiến hành điều chỉnh nếu cần [19]. Chức năng chỉ đạo trong quản lý giáo dục Chỉ đạo là chức năng thể hiện năng lực của người quản lý. Sau khi hoạch định kế hoạch và sắp xếp tổ chức, người cán bộ quản lý phải điều khiển cho hệ thống hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu đã đề ra. Đây là quá trình sử dụng quyền lực quản lý để tác động đến các đối tượng bị quản lý (con người, các bộ phận) một cách có chủ đích nhằm phát huy hết tiềm năng của họ hướng vào việc đạt mục tiêu chung của hệ thống. Người điều khiển hệ thống phải là người có tri thức và kỹ năng ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định [19]. Chức năng kiểm tra trong quản lý giáo dục Kiểm tra là một chức năng quan trọng của nhà quản lý. Để nó có hiệu quả, người quản lý phải xây dựng các tiêu chuẩn, đo đạc việc thực hiện và điều chỉnh các sai lệch nhằm làm cho toàn bộ hệ thống đạt mục tiêu đã định. Qua chức năng kiểm tra, người quản lý có thể biết họ đạt được mục tiêu đến đâu và lên kế hoạch để thực hiện tốt mục tiêu đề ra. Mục đích cuối cùng của kiểm tra là điều chỉnh quyết định quản lý; phát triển tổ chức và cá nhân nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu quản lý đã đề ra. Chẳng hạn như trong nhà trường, người hiệu trưởng kiểm tra việc giảng dạy của giáo viên không chỉ xem họ thực hiện chương trình như thế nào, mà bên cạnh đó còn phải bồi dưỡng, hướng dẫn, phân tích cho họ thấy ưu điểm, thiếu sót để
  • 26. 17 họ làm tốt hơn [19]. 1.2.4. Các phương pháp quản lý giáo dục Phương pháp quản lý giáo dục là tổng thể những cách thức tác động bằng những phương tiện khác nhau của chủ thể quản lý đến hệ thống bị quản lý nhằm đạt mục tiêu quản lý. Có 3 loại phương pháp quản lý chủ yếu: phương pháp hành chính – pháp luật, phương pháp giáo dục – tâm lý và phương pháp kích thích. Phương pháp hành chính – pháp luật là tổng thể các tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của chủ thể quản lý đến đối tượng bị quản lý dựa trên cơ sở quan hệ tổ chức và quyền lực nhà nước. Phương pháp giáo dục – tâm lý là tổng thể những tác động lên trí tuệ, tình cảm, ý thức và nhân cách của con người. Phương pháp kích thích là tổng thể những tác động đến con người thông qua lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần nhằm phát huy ở họ tiềm năng, trí tuệ, tình cảm, ý chí, trách nhiệm và quyết tâm hành động vì lợi ích chung của tổ chức. Mỗi phương pháp quản lý đều có những ưu điểm và hạn chế của nó. Nhà quản lý giáo dục cần lựa chọn và sử dụng phối hợp các phương pháp quản lý trong thực tiễn quản lý nhà trường một cách phù hợp tùy thuộc vào tình huống cụ thể, đối tượng cụ thể và đặc điểm cá nhân của người quản lý khi sử dụng chúng [19]. 1.2.5. Khái niệm về quản lý trường học Quản lý trường học là một chuỗi tác động hợp lý (có mục đích, tự giác, hệ thống, có kế hoạch) mang tính tổ chức – sư phạm của chủ thể quản lý đến tập thể giáo viên và học sinh, đến những lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường nhằm huy động họ cùng cộng tác, phối hợp, tham gia vào mọi hoạt động của nhà trường nhằm làm cho quá trình này vận hành tối ưu tới việc hoàn thành những mục tiêu dự kiến [19]. Quản lý trường học bao gồm các hoạt động quản lý như quản lý quá trình đào tạo; quản lý nhân lực; quản lý cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; quản lý tài chính [11]. Tuy nhiên, quản lý trường học chủ yếu là quản lý hoạt động dạy của thầy và hoạt động học của trò, mọi hoạt động khác đều nhằm phục vụ cho hoạt động dạy và học.
  • 27. 18 1.2.6. Khái niệm về hoạt động giảng dạy Giảng dạy là hoạt động được xem như điều kiện cần, không thể thiếu đối với hoạt động học tập, hướng vào việc truyền thụ cho người học những nội dung đáp ứng được các mục tiêu đề ra và giúp đỡ, chỉ đạo, điều khiển họ trong quá trình lĩnh hội, góp phần chủ yếu vào việc khơi dậy tiềm năng và hình thành năng lực cho người học [35]. Như vậy, khi tiến hành hoạt động giảng dạy, người dạy phải tổ chức, hướng dẫn, điều khiển người học lĩnh hội kinh nghiệm xã hội, hình thành và phát triển nhân cách. 1.2.7. Khái niệm về quản lý hoạt động giảng dạy Dạy học là hoạt động đặc trưng nhất, chủ yếu nhất của nhà trường, bao gồm hoạt động giảng dạy và hoạt động học tập đều là những hoạt động đặc trưng có ý thức của con người, trong đó học tập là trung tâm, giảng dạy không chỉ là truyền đạt mà còn là xác định mục đích, tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra và điều khiển hoạt động học tập [35]. Nếu xét dạy và học như một hệ thống thì quan hệ người hoạt động dạy và hoạt động học là quan hệ điều khiển. Do đó hành động quản lý (điều khiển hoạt động dạy và học) của hiệu trưởng chủ yếu tập trung vào hoạt động dạy của thầy, và là trực tiếp với thầy, gián tiếp với trò; thông qua hoạt động dạy của thầy, quản lý hoạt động học của trò [18]. Vì vậy, khi quản lý hoạt động dạy học trong nhà trường, nếu CBQL tập trung quản lý hoạt động giảng dạy của thầy, trực tiếp với thầy, thông qua hoạt động dạy của giáo viên, thì CBQL có thể quản lý hoạt động học của học sinh. Quản lý hoạt động giảng dạy được hiểu là quá trình thực hiện các chức năng quản lý giáo dục như hoạch định, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra hoạt động giảng dạy của giáo viên nhằm đạt được mục tiêu dạy học đã đề ra.
  • 28. 19 1.3. Khái quát về sứ mạng của trường trung cấp chuyên nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam 1.3.1. Vị trí Trường TCCN là cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trường có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng [8]. 1.3.2. Nhiệm vụ và quyền hạn 1. Tổ chức bộ máy nhà trường, tuyển dụng, quản lý, sử dụng, bồi dưỡng và đãi ngộ cán bộ, viên chức. 2. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, chiến lược và kế hoạch phát triển nhà trường theo từng giai đoạn 5 năm và 10 năm. 3. Xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh, tổ chức giảng dạy, học tập, quản lý người học và các hoạt động giáo dục khác theo mục tiêu, chương trình giáo dục; công nhận tốt nghiệp và cấp văn bằng, chứng chỉ theo thẩm quyền. 4. Xây dựng và ban hành chương trình đào tạo trên cơ sở quy định về chương trình khung và chương trình khung các ngành đào tạo trình độ TCCN do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Trường có quyền chủ động tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn giáo trình của các ngành đào tạo TCCN để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập chính thức trong nhà trường để bảo đảm có đủ giáo trình giảng dạy, học tập. Việc biên soạn hoặc lựa chọn và duyệt giáo trình các ngành đào tạo TCCN thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 5. Tổ chức nghiên cứu khoa học; ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ; thực hiện các dịch vụ khoa học - kỹ thuật, sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật. 6. Tự đánh giá chất lượng giáo dục và chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng giáo dục. Xây dựng hệ thống giám sát và đánh giá chất lượng giáo dục. 7. Được nhà nước giao hoặc cho thuê đất, giao hoặc cho thuê cơ sở vật chất; được miễn, giảm thuế; vay tín dụng; huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực theo quy định của pháp luật.
  • 29. 20 8. Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật theo yêu cầu chuẩn hoá, hiện đại hoá. 9. Sử dụng nguồn thu từ hoạt động kinh tế để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhà trường, mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và chi cho các hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật. 10. Phối hợp với gia đình người học, tổ chức, cá nhân, trong hoạt động giáo dục; tổ chức cho cán bộ, viên chức và người học tham gia các hoạt động xã hội. 11. Liên kết với các tổ chức kinh tế, giáo dục, văn hoá, thể dục, thể thao, y tế, nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, gắn đào tạo với sử dụng và việc làm, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, bổ sung nguồn lực cho nhà trường. 12. Hợp tác với các tổ chức kinh tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao, y tế, nghiên cứu khoa học của nước ngoài theo quy định. 13. Thực hiện công khai cam kết về chất lượng đào tạo và công khai về chất lượng đào tạo thực tế, về điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và về thu chi tài chính. Thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật [8]. 1.3.3. Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp là đào tạo người lao động có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp ở các trình độ khác nhau, có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, có sức khoẻ nhằm tạo điều kiện cho người lao động có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh. Trung cấp chuyên nghiệp nhằm đào tạo người lao động có kiến thức, kỹ năng thực hành cơ bản của một nghề, có khả năng làm việc độc lập và có tính sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào công việc [10].
  • 30. 21 1.3.4. Yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục nghề nghiệp Nội dung giáo dục nghề nghiệp phải tập trung đào tạo năng lực thực hành nghề nghiệp, coi trọng giáo dục đạo đức, rèn luyện sức khoẻ, rèn luyện kỹ năng theo yêu cầu đào tạo của từng nghề, nâng cao trình độ học vấn theo yêu cầu đào tạo. Phương pháp giáo dục nghề nghiệp phải kết hợp rèn luyện kỹ năng thực hành với giảng dạy lý thuyết để giúp người học có khả năng hành nghề và phát triển nghề nghiệp theo yêu cầu của từng công việc [10]. 1.4. Nội dung quản lý hoạt động giảng dạy Nội dung quản lý hoạt động giảng dạy trong nhà trường bao gồm các nội dung cơ bản sau: - Quản lý việc chuẩn bị hoạt động dạy học - Quản lý việc lên lớp - Quản lý việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh - Quản lý việc sinh hoạt chuyên môn [22] 1.4.1. Quản lý việc chuẩn bị hoạt động dạy học Quản lý việc chuẩn bị hoạt động dạy học là quản lý các hoạt động chuẩn bị lên lớp của giáo viên như: kế hoạch dạy học, kế hoạch bài dạy (giáo án), thiết bị dạy học (đồ dùng dạy học)... Kế hoạch dạy học là văn bản có nội dung gắn với chương trình giáo dục, xác định các môn học/ học phần, các hoạt động thực hành, thực tập, ngoại khóa, thi tốt nghiệp, thời lượng học trong tuần, trong năm học dành cho từng khóa, lớp theo các chuyên ngành đào tạo nhằm thực hiện mục tiêu, chương trình giáo dục [9]. Một trong những công việc có ảnh hưởng đến chất lượng dạy học trong năm học là sự chuẩn bị chu đáo ngay từ đầu năm học kế hoạch dạy học cho toàn năm. Kế hoạch bài dạy (hay giáo án) là bản thiết kế cho tiến trình một tiết học, một lần lên lớp hay một buổi học mà giáo viên dự định sẽ thực hiện giảng dạy trên lớp cho nhóm đối tượng học sinh nhất định [9].
  • 31. 22 Tác giả Trần Kiểm (1997) trong giáo trình “Quản lý giáo dục và trường học” nhận định rằng quản lý việc chuẩn bị hoạt động dạy học, người CBQL cần làm một số việc sau: - Hướng dẫn giáo viên lập kế hoạch dạy học. - Chỉ đạo tổ chuyên môn tổ chức trao đổi phương hướng giảng dạy từng bài, những bài khó, những tư liệu mới cần bổ sung vào bài giảng, những điều kiện vật chất, kỹ thuật cần cho bài giảng. - Xây dựng tiêu chuẩn đánh giá giờ lên lớp cho từng loại bài học đối với từng môn học [18]. 1.4.2. Quản lý việc lên lớp Quản lý việc lên lớp của giáo viên là quản lý các nội dung: mục tiêu dạy học; nội dung, chương trình dạy học; phương pháp dạy học; phương tiện dạy học và kết quả dạy học. 1.4.2.1. Quản lý việc thực hiện mục tiêu, nội dung, chương trình dạy học Chương trình dạy học quy định mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, thời gian dạy học từng môn học nhằm thực hiện yêu cầu, mục tiêu cấp học. Chương trình dạy học là pháp lệnh của nhà nước do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, là căn cứ pháp lý để Nhà nước tiến hành chỉ đạo giám sát hoạt động dạy học của nhà trường. Đồng thời nó cũng là căn cứ pháp lý để quản lý nhà giáo theo yêu cầu của ngành giáo dục đề ra cho từng cấp học [21]. Quản lý việc thực hiện chương trình dạy học của giáo viên là quản lý việc dạy đúng và đủ chương trình quy định. [18] Quản lý chương trình dạy học theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là nhiệm vụ của Hiệu trưởng. Để nắm vững chương trình dạy học, người hiệu trưởng cần: - Hiểu nguyên tắc cấu tạo chương trình của từng môn học và phạm vi kiến thức chung. - Nắm vững phương pháp và hình thức dạy học đặc trưng môn học từ đó có kế hoạch chuẩn bị những phương tiện dạy học phù hợp.
  • 32. 23 - Phổ biến những thay đổi về nội dung, phương pháp giảng dạy bộ môn, những sửa đổi chương trình sách giáo khoa theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. - Chỉ đạo tổ chuyên môn thảo luận, bàn bạc về những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn giảng dạy ở những năm học trước và những vấn đề mới trong chương trình dạy học để thống nhất thực hiện trong cả năm học. - Người quản lý phải nắm vững chương trình, hướng dẫn cho người dạy có ý thức cao trong việc thực hiện chương trình. Để quản lý tốt việc thực hiện mục tiêu, nội dung, chương trình dạy học của giáo viên, người CBQL cần thực hiện một số công việc sau: - Yêu cầu người dạy lập kế hoạch dạy học môn học. - Tạo điều kiện về mặt thời gian để cho người dạy thực hiện chương trình. - Sử dụng các hình thức để quản lý chương trình như kiểm tra việc thực hiện phân phối chương trình, dự giờ kiểm tra người dạy và người học, sử dụng thời khoá biểu để kiểm soát chương trình. - Theo dõi việc thực hiện chương trình hàng tuần, hàng tháng. Sau khi kiểm tra phải có kế hoạch điều chỉnh, xử lý vi phạm [18, 21]. 1.4.2.2. Quản lý việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học Phương pháp dạy học là hệ thống những cách thức hoạt động thống nhất của người dạy và người học nhằm thực hiện nội dung dạy học để đạt được mục tiêu dạy học đã xác định [21]. Phương pháp dạy học bao gồm phương pháp dạy và phương pháp học. Phương pháp dạy là cách thức hướng dẫn, tổ chức hoạt động nhận thức và rèn luyện cho người học. Phương pháp học là cách thức hoạt động nhận thức và rèn luyện để hình thành hệ thống tri thức, kỹ năng và phẩm chất nhân cách của người học. Phương pháp dạy của thầy và phương pháp học của trò quan hệ biện chứng với nhau. Cùng với việc thay đổi mục tiêu, đổi mới nội dung chương trình dạy học và cách đánh giá kết quả học tập của người học, phương pháp dạy học cũng phải thay đổi. Đổi mới phương pháp dạy học là hết sức cần thiết trong việc nâng cao chất
  • 33. 24 lượng dạy và học. Đổi mới phương pháp dạy thực chất không phải là sự thay thế các phương pháp dạy học cũ bằng các phương pháp dạy học mới. Về mặt bản chất, đổi mới phương pháp dạy học là đổi mới cách tiến hành các phương pháp, đổi mới các phương tiện và hình thức triển khai phương pháp trên cơ sở khai thác triệt để ưu điểm của các phương pháp truyền thống và vận dụng linh hoạt một số phương pháp mới nhằm phát huy tối đa tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học. Như vậy, mục đích cuối cùng của đổi mới phương pháp dạy học là giúp người học phát triển được nhân cách tích cực, chủ động và sáng tạo để bước vào cuộc sống [21].  Nội dung của việc đổi mới phương pháp dạy học: - Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy cao độ tính tích cực, chủ động và sáng tạo của người học. Người dạy đóng vai trò tổ chức, điều khiển và hướng dẫn người học. Người học giữ vai trò trung tâm, chủ động tìm kiếm tri thức và thu nhận kiến thức không chỉ từ thầy mà còn từ rất nhiều nguồn khác nhau. - Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng kết hợp một cách nhuần nhuyễn và sáng tạo các phương pháp giảng dạy khác nhau (truyền thống và hiện đại). Giáo viên cần lựa chọn và vận dụng phối hợp các phương pháp dạy học một cách linh động và sáng tạo sao cho phù hợp với các đối tượng học đa dạng, chống sự nhàm chán và tạo ra sự năng động trong cách nghĩ và cách làm của người học. - Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển khả năng tự học của người học. Giáo viên cần hình thành cho người học phương pháp tự học, tăng cường các hoạt động tự tìm kiếm tri thức hay ứng dụng tri thức vào cuộc sống. - Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng kết hợp hoạt động cá nhân với hoạt động nhóm và phát huy khả năng của cá nhân. Người dạy phải biết khai thác lợi thế của tập thể để phát triển từng cá nhân. Phải quan tâm đến hứng thú, xu hướng, khả năng của từng người trong môi trường tập thể cũng như trong tự học. - Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tăng cường kỹ năng thực hành. Giáo viên khuyến khích tính tích cực, tự lực của học sinh, làm cho học gắn liền với hành.
  • 34. 25 - Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng sử dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại vào dạy học. Giáo viên sử dụng phương tiện dạy học đa dạng giúp cho phương pháp dạy học sinh động hơn, tạo ra được hứng thú và tính tích cực ở người học. - Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng đổi mới cả phương pháp kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của người học. Đổi mới phương pháp dạy học sẽ phải đổi mới cách thức kiểm tra và đánh giá. Người dạy giúp người học tự đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của bản thân. Cả thầy và trò cần đánh giá kết quả đạt được trong hoạt động của mình theo mục tiêu đã đề ra. - Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng đổi mới cách soạn giáo án, lập kế hoạch bài học và xây dựng mục tiêu bài học. Trong giáo án, mục đích và mục tiêu của bài học phải đề ra rõ ràng, có thể lượng hoá, từ đó có thể đo được và đánh giá được kết quả một cách khách quan [21]. Để quản lý việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học của GV, người CBQL cần thực hiện một số việc sau: - Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của giáo viên trong việc lựa chọn và sử dụng phương pháp dạy học. - Tác động nhận thức cho giáo viên về việc đổi mới phương pháp dạy học. - Tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện việc đổi mới phương pháp dạy học. - Tổ chức thao giảng, dự giờ và trao đổi về việc đổi mới phương pháp dạy học. - Tổ chức các lớp bồi dưỡng, chuyên đề về việc đổi mới phương pháp dạy học. - Khuyến khích và tăng cường khả năng tự nghiên cứu của giáo viên. - Phát động phong trào thi đua về việc đổi mới phương pháp dạy học. - Sử dụng phương tiện dạy học hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học [21]. 1.4.2.3. Quản lý việc sử dụng phương tiện dạy học Phương tiện dạy học là tập hợp những đối tượng vật chất được giáo viên sử dụng để tổ chức, điều khiển hoạt động nhận thức của học sinh và được học sinh sử dụng để tiến hành hoạt động nhận thức của mình, thông qua đó mà thực hiện những nhiệm vụ dạy học.
  • 35. 26 Phương tiện dạy học có vai trò chủ yếu như sau: - Làm cho việc giảng dạy trở nên cụ thể hơn. Vì vậy, tăng thêm khả năng của học sinh tiếp thu những sự vật, hiện tượng và các quá trình phức tạp mà bình thường học sinh khó đạt được. - Rút ngắn thời gian giảng dạy mà việc lĩnh hội kiến thức của học sinh lại nhanh hơn. - Giải phóng cho giáo viên một khối lượng lớn các công việc tay chân, do đó làm tăng khả năng nâng cao chất lượng dạy học. - Dễ dàng gây được cảm tình và sự chú ý của học sinh. - Cung cấp cho HS các kiến thức một cách chắc chắn và chính xác, vì vậy nguồn thông tin họ thu nhận được trở nên đáng tin cậy và được nhớ lâu hơn. - Bằng việc sử dụng phương tiện dạy học, giáo viên có thể kiểm tra một cách khách quan khả năng tiếp thu kiến thức cũng như hình thành kỹ năng, kỹ xảo của học sinh. Để quản lý việc sử dụng phương tiện dạy học một cách hiệu quả, CBQL cần thực hiện những việc sau: - Nâng cao nhận thức cho GV về ý thức tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ khai thác và sử dụng các thiết bị dạy học. - Tổ chức bồi dưỡng cho GV về các kỹ năng quản lý và sử dụng, phát huy hết tính năng và hiệu quả của từng thiết bị dạy học. - Tổ chức tập huấn cho GV dạy thực hành sử dụng thiết bị dạy học mới về kỹ năng sử dụng, an toàn thiết bị khi vận hành, kết quả thí nghiệm/thực hành của thiết bị... 1.4.2.4. Quản lý kết quả dạy học Thông qua việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học và lấy ý kiến phản hồi của học sinh về tình hình giảng dạy của giáo viên để làm cơ sở đánh giá kết quả dạy học. Hiệu trưởng cần phải quản lý việc kiểm tra của người dạy đối với người học để đánh giá kết quả học tập của người học và kết quả giảng dạy của người dạy tránh chỉ dừng lại ở mức độ đo lường bằng điểm số. Hiệu trường cần làm một số việc sau:
  • 36. 27 - Giám sát kế hoạch kiểm tra của GV: kiểm tra giữa học kỳ, cuối học kỳ và hết năm học; chấm, trả bài đúng thời hạn; phản hồi, thông báo kết quả cho người học; - Phân công cán bộ tổng hợp tình hình kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo định kỳ [21]. 1.4.3.Quản lý việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh Kiểm tra là sự đo lường, thu thập thông tin để có được những phán đoán, xác định xem mỗi người học sau khi học đã tiếp thu được những kiến thức, kỹ năng và thái độ ở mức độ nào. Đánh giá là quá trình có hệ thống, bao gồm việc thu thập chứng cứ, phân tích, giải thích thông tin và đưa ra những lượng giá về bản chất và phạm vi của kết quả học tập hay thành tích đạt được của người học so với các tiêu chí và tiêu chuẩn thực hiện đã đề ra, tức là xác định mức độ người học đạt được các mục tiêu dạy học. Từ đó đề xuất những quyết định thích hợp để cải thiện thực trạng, điều chỉnh nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc. Kiểm tra đánh giá có một tầm quan trọng đặc biệt là nhằm đo lường, xác định và đánh giá kết quả học tập của học sinh. Đây là khâu cuối cùng trong mọi quá trình dạy học ứng với bài học, môđun hoặc toàn khoá học [35]. Thông qua việc kiểm tra nghiêm túc, đánh giá công bằng và khách quan giúp cho giáo viên điều chỉnh hoạt động giảng dạy của mình, kích thích tính tự giác học tập của người học. Nhiệm vụ, nội dung quản lý việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh trong đào tạo TCCN: - Tổ chức việc xây dựng tiêu chuẩn và mục tiêu đào tạo nói chung cũng như tiêu chuẩn và mục tiêu dạy học – giáo dục cụ thể ở từng môn học, mô đun nói riêng. - Tổ chức việc thực hiện các bước trong quy trình kiểm tra - đánh giá. Quy trình tiến hành kiểm tra đánh giá gồm 10 bước được thực hiện trong nhà trường ở các cấp học khác nhau: Phân tích mục tiêu, nội dung kiểm tra; Chọn các hình thức kiểm tra phù hợp; Lựa chọn hoặc xây dựng các câu hỏi kiểm tra; Phân tích các câu hỏi; Chọn các cách chấm và cách cho điểm (cách chấm và cách cho điểm khác nhau
  • 37. 28 thế nào?); Phân tích thống kê số liệu kết quả; Đánh giá câu hỏi; Chuẩn hoá kết quả; Công bố kết quả; Định các công việc tiếp theo. - Tổ chức kiểm tra việc ghi chép, lập hồ sơ, sổ sách về kết quả học tập của học sinh và về việc cấp văn bằng chứng chỉ. Công việc này khá phức tạp, đòi hỏi nhiều đến sự tỉ mỉ, công phu của giáo viên cũng như những cán bộ quản lý và làm công tác giáo vụ trong nhà trường [11]. Để quản lý tốt việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh trong đào tạo TCCN, người quản lý cần làm một số việc sau: - Cụ thể hóa các văn bản pháp quy của Nhà nước, xây dựng những quy định riêng của nhà trường về công tác này, phổ biến, hướng dẫn cho cán bộ, GV và HS quán triệt các văn bản, quy định đó. - Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ GV về các phương pháp kiểm tra, đánh giá mới, có hiệu quả. - Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác này một cách chặt chẽ, xây dựng thành nền nếp ổn định thường xuyên. - Tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm trong công tác này cũng như lấy thông tin phản hồi từ HS sau mỗi học kỳ. 1.4.4. Quản lý việc sinh hoạt chuyên môn Khoa và tổ bộ môn trực thuộc trường đóng vai trò hết sức quan trọng trong trường TCCN với những nhiệm vụ cụ thể như sau: Tổ chức quá trình đào tạo, giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục khác theo chương trình, kế hoạch giảng dạy của nhà trường; Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; phối hợp với các tổ chức khoa học, cơ sở sản xuất kinh doanh, gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội; Quản lý giáo viên, cán bộ, nhân viên, người học thuộc đơn vị mình theo phân cấp của Hiệu trưởng; Tổ chức biên soạn chương trình, giáo trình môn học, tài liệu giảng dạy, biên soạn đề thi kiểm tra đánh giá do Hiệu trưởng giao. Tổ chức nghiên cứu cải tiến
  • 38. 29 phương pháp giảng dạy, học tập; đề xuất xây dựng kế hoạch bổ sung, bảo trì thiết bị dạy học, thực hành, thực tập và thực nghiệm khoa học; Xây dựng kế hoạch và tổ chức đánh giá nhu cầu đào tạo, thực hiện bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên và cán bộ nhân viên thuộc khoa, tổ bộ môn [8]. Vì thế, để công tác sinh hoạt chuyên môn hoạt động có hiệu quả, người quản lý cần thực hiện các hoạt động quản lý sau đây: 1.4.4.1. Quản lý việc tổ chức thao giảng, dự giờ Thao giảng là hoạt động nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa các đồng nghiệp với nhau. Thông qua thao giảng, CBQL đánh giá được năng lực giảng dạy của giáo viên, phân loại giáo viên, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, góp ý những giáo viên năng lực còn hạn chế nhằm nâng cao trình độ, năng lực của mình đáp ứng với yêu cầu mới. Dự giờ là một hoạt động thường xuyên mà bất cứ một người giáo viên nào cũng đã từng trải qua, hoặc là đi dự giờ của đồng nghiệp hoặc là được đồng nghiệp dự giờ của mình. Dự giờ giáo viên là hoạt động cần thiết, quan trọng trong quá trình kiểm tra, đánh giá, giúp giáo viên học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, giúp CBQL nắm bắt tình hình thực tiễn của hoạt động dạy học. Để đạt hiệu quả cao trong hoạt động giảng dạy, hoạt động dự giờ giáo viên phải thực hiện theo đúng quy trình gồm các bước sau đây: Bước 1: Chuẩn bị dự giờ - Xác định vị trí của giờ dự trong tiến độ thực hiện chương trình. - Nắm được mục tiêu, nội dung của bài giảng và những dự kiến thực hiện bài giảng của giáo viên. - Nghiên cứu nắm vững tình hình học tập của học sinh lớp sẽ dự. - Xác định phương pháp kiểm tra kiến thức, kỹ năng của học sinh sau giờ học. - Xác định mục đích dự giờ. - Nghiên cứu chuẩn đánh giá.
  • 39. 30 - Thông báo cho giáo viên biết trước từ 15 phút trở lên. - Phác thảo nội dung cần quan sát trong giờ dạy. + Nội dung quan sát hoạt động giảng dạy gồm: Nội dung dạy học. Tổ chức hoạt động dạy học. Sử dụng và phân phối thời gian. Sử dụng thiết bị dạy học. + Nội dung quan sát hoạt động học gồm: Trình độ lĩnh hội tri thức của học sinh. Nề nếp học tập của học sinh Quá trình hình thành kỹ năng - kỹ xảo của học sinh Sự tiến bộ của học sinh qua tiết dạy. Phương pháp học tập của học sinh. + Nội dung quan sát các mối quan hệ trong hoạt động dạy học gồm: Mối quan hệ giao tiếp giữa GV-HS; HS-HS. Ngôn ngữ, phát ngôn của học sinh, giáo viên. Xử lý tình huống. Không khí làm việc. Bước 2: Tiến hành dự giờ Tiến hành dự giờ là hệ thống những quan sát về diễn biến thực tế của giờ lên lớp nhằm thu thập những thông tin phục vụ cho mục đích dự giờ. Quá trình quan sát này thực hiện theo tiến trình các tình huống dạy học, theo các tuyến Thầy - Trò - Các quan hệ và phản ánh các sự kiện chính của quá trình lên lớp cũng như những nhận xét tức thời về các sự kiện đó. Người dự phải làm tốt việc ghi chép để sau đó tái hiện được những tình huống dạy học cơ bản nhằm cho phép đánh giá bài học đó theo tiếp cận hệ thống. Khi dự giờ của giáo viên, người dự cần chú ý quan sát những vấn đề sau: - Quan sát toàn bộ tiết dạy. - Quan sát hoạt động dạy-học.
  • 40. 31 - Ghi nhận thông tin, tình huống xảy ra trong tiết dạy một cách trung thực (có thể ghi chú những sự việc cụ thể, những lời nói trọn vẹn…) Những điều cần chú ý khi dự giờ: - Đến đúng giờ đã định. - Vào lớp nhẹ nhàng, chào giáo viên và học sinh. - Chọn vị trí thích hợp để có thể nhìn thấy giáo viên và học sinh hoạt động. - Có thái độ, cử chỉ đúng mực, tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến GV và HS. - Ghi chép rõ ràng, khách quan, trung thực, đầy đủ, phản ánh đầy đủ hoạt động của giáo viên-học sinh và các mối quan hệ. - Sau khi dự giờ ra khỏi lớp nhẹ nhàng, chào GV và HS, tránh gây xáo động. Bước 3: Phân tích và đánh giá giờ dạy của giáo viên Phân tích giờ dạy trên lớp là chỉ ra các ưu khuyết điểm và nguyên nhân của chúng trong 3 thành tố của nó: - Hoạt động dạy của giáo viên: Công tác chuẩn bị, nội dung kiến thức, phương pháp dạy học, sử dụng đồ dùng dạy học, phân phối thời gian; - Hoạt động học của học sinh: Nề nếp học tập, phương pháp học tập, khả năng tiếp thu kiến thức kỹ năng, kết quả học tập; - Quan hệ giao tiếp: Quan hệ thầy – trò; quan hệ trò – trò; việc xử lý tình huống xảy ra trong giờ học của giáo viên. - Phân tích kết quả học tập của HS làm cơ sở cho việc trao đổi, góp ý GV. - Đề ra các giải pháp giúp giáo viên tiến bộ, hoàn thiện trong giảng dạy. - Dự kiến, thống nhất nội dung trao đổi với giáo viên. (Xác định nội dung trao đổi, sắp xếp các vấn đề cần trao đổi, chuẩn bị cách tiếp cận, cách trao đổi cho phù hợp, đúng đối tượng và hiệu quả.) Bước 4: Trao đổi với giáo viên - Đưa thông tin giờ dạy đến giáo viên, tư vấn, giúp đỡ giáo viên hoàn thiện mình hơn trong công việc. - Tạo cảm giác an toàn cho giáo viên trước, trong và sau khi trao đổi.
  • 41. 32 - Đề nghị giáo viên nêu mục đích, yêu cầu của bài, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học đã được thể hiện trong tiết dạy so với dự kiến ban đầu đã thực hiện đến đâu, có khó khăn, thuận lợi gì trong quá trình thực hiện. - Nêu nhận xét ưu - khuyết điểm, phân tích những nguyên nhân của những ưu, khuyết điểm đó. - Cùng với giáo viên tìm ra phương án để nâng cao chất lượng bài giảng. - Nêu những lời khen cụ thể, sát thực, khả thi, kinh nghiệm tiên tiến. Những điểm cần chú ý khi trao đổi với giáo viên: - Phát hiện những ưu điểm cho dù nhỏ nhất để động viên, khích lệ giáo viên. Tìm ra những kinh nghiệm tốt để nhân rộng trong đơn vị. - Với giờ dạy nhiều ưu điểm thì nên nêu những ưu điểm trước, sau đó mới nêu nhược điểm, phân tích những nguyên nhân của nhược điểm để GV thấy rõ và có hướng khắc phục. - Với giờ dạy có nhiều nhược điểm thì đan xen giữa ưu và khuyết điểm trong quá trình nhận xét, đánh giá. - Chủ đề chính trong cuộc trao đổi là giảng dạy và học tập chứ không phải là bản thân giáo viên. - Tạo không khí thẳng thắn, chân tình, thoải mái trong trao đổi. - Tránh xúc phạm giáo viên hay gây tâm lý tự vệ cho giáo viên. - Khuyến khích giáo viên tự đánh giá kết quả giờ dạy. - Trường hợp bạn và giáo viên bất đồng trong đánh giá xếp loại thì nên cố gắng thảo luận. Bước 5: Lưu hồ sơ giáo viên. Đảm bảo các yêu cầu sau: - Chính xác, khách quan. - Đầy đủ, toàn diện. - Rõ ràng, cụ thể. - Đảm bảo tính nhân văn.
  • 42. 33 Để quản lý việc tổ chức thao giảng, dự giờ, người quản lý cần làm một số việc sau: - Lập kế hoạch thao giảng, dự giờ định kỳ theo tháng, học kỳ, năm học cho GV vào đầu năm học. - Tổ chức thao giảng, dự giờ theo kế hoạch đã phê duyệt. - Tổng kết và đánh giá kết quả thực hiện thao giảng, dự giờ sau mỗi đợt. 1.4.4.2. Quản lý việc tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho GV Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, nhất là trong giai đoạn hiện nay với nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành là thực hiện việc triển khai giảng dạy theo chương trình dạy học mới đòi hỏi giáo viên phải có đủ trình độ đáp ứng yêu cầu mới. Công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ nhà giáo có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy học. Để bồi dưỡng người dạy cốt cán từng môn học, từng ngành học, CBQL phải có kế hoạch tạo điều kiện cho người dạy học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tham dự các lớp bồi dưỡng theo chuyên đề do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hoặc qua trao đổi kinh nghiệm giảng dạy với các chuyên viên, giáo viên giỏi ở các trường khác. Để nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên còn hạn chế trong giảng dạy, CBQL cần phân công những người dạy có trình độ tay nghề giỏi trực tiếp giúp đỡ và tạo cho họ có thời gian và tài liệu tự học, tự bồi dưỡng. Nhà trường cần phải thường xuyên tổ chức kiểm tra trình độ tay nghề của người dạy, kịp thời phát hiện những người dạy có năng lực tốt để bồi dưỡng học trở thành nòng cốt, đồng thời nắm bắt được những mặt còn thiếu sót của người dạy để đề ra biện pháp khắc phục thích hợp. Để quản lý việc tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên, người quản lý cần tập trung một số việc sau: - Dự giờ thăm lớp, kiểm tra hướng dẫn thực hiện kế hoạch bài học. - Tổ chức chuyên đề về việc dạy các môn học theo chương trình mới. - Tổ chức thao giảng, hội thi tạo điều kiện cho người dạy có điều kiện học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
  • 43. 34 - Tạo điều kiện về tinh thần, vật chất, tài chính cho người dạy tự học, tự bồi dưỡng, tham dự các lớp bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng chuyên đề, chuẩn hoá và trên chuẩn [21]. 1.4.4.3. Quản lý hoạt động nhóm, trao đổi chuyên môn và phối hợp Trong hoạt động dạy học người giáo viên không những có năng lực dạy học mà còn phải có năng lực hợp tác trong dạy học, nghĩa là GV cần có năng lực hợp tác, phối hợp với đồng nghiệp trong trường và năng lực hợp tác, phối hợp với đồng nghiệp ngoài trường. Để quản lý hoạt động nhóm, trao đổi chuyên môn và phối hợp, người quản lý cần làm một số việc sau: - Tạo điều kiện cho giáo viên học tập, trao đổi kinh nghiệm, phối hợp, hướng dẫn, giúp đỡ đồng nghiệp trong việc phát triển năng lực dạy học. - Tạo điều kiện cho giáo viên học tập, trao đổi kinh nghiệm với giáo viên ở các cơ sở đào tạo khác, chuyên gia ở các doanh nghiệp trong dạy học. - Tổ chức các hoạt động hội giảng, hội thảo, tập huấn để GV có cơ hội học tập lẫn nhau, trao đổi chuyên môn [9]. Tiểu kết chương 1 Quản lý hoạt động giảng dạy là một trong những nội dung quản lý quan trọng của quản lý quá trình đào tạo ở trường TCCN. Quản lý hoạt động giảng dạy được thực hiện theo các chức năng như hoạch định, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra của quản lý giáo dục nói chung. Từ việc nghiên cứu những nội dung lý luận về quản lý, quản lý giáo dục, quản lý trường học và quản lý hoạt động giảng dạy trung cấp chuyên nghiệp làm cơ sở giúp tác giả phân tích và đánh giá đúng thực trạng quản lý hoạt động giảng dạy trong các trường TCCN ngoài công lập ở thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, điều này sẽ là cơ sở quan trọng cho việc đề xuất những biện pháp cải tiến công tác quản lý hoạt động giảng dạy tại các trường TCCN được nghiên cứu.
  • 44. 35 Chương 2: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIẢNG DẠY TRONG CÁC TRƯỜNG TRUNG CẤP CHUYÊN NGHIỆP NGOÀI CÔNG LẬP Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 2.1. Khái quát tình hình kinh tế, xã hội và giáo dục ở thành phố Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất nước, có vai trò, vị trí trung tâm về nhiều mặt của cả nước, là trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học – công nghệ và là đầu mối giao thương quốc tế. Thành phố có điều kiện thuận lợi trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển xã hội mở rộng thị trường trong và ngoài nước và cũng là địa phương có sức thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Nghị quyết 20-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành một thành phố xã hội chủ nghĩa, văn minh hiện đại từ nay đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 đã nhấn mạnh: Thành phố Hồ Chí Minh phải làm tốt vai trò đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp ngày càng lớn cho đất nước, từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, giáo dục đào tạo, khoa học – công nghệ của khu vực Đông Nam Á. Về kinh tế, thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh theo hướng kinh tế dịch vụ, công nghiệp xây dựng, với cơ cấu GDP là 1% nông nghiệp, 42% công nghiệp và 57% dịch vụ. Đại hội Đại biểu lần thứ IX của Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Tiếp tục phát triển và khai thác các nhóm ngành dịch vụ, các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ cao và có ưu thế cạnh tranh như: tài chính – ngân hàng – bảo hiểm, thương mại, công nghệ thông tin – bưu chính viễn thông, du lịch, y tế, giáo dục đào tạo, dịch vụ thông tin tư vấn khoa học công nghệ, tỷ trọng kinh tế dịch vụ của thành phố so với cả nước chiếm 25%. Trong nhiều năm qua kinh tế thành phố phát triển nhanh đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm giai đoạn 2006 – 2010 là 11% (cả nước là 7,2%), phấn đấu đạt 12% trong suốt giai đoạn 2011 – 2020 (cả nước là 7-8%). GDP bình quân đầu người của thành phố có bước tăng nhanh đạt 2.843 USD vào năm 2010 (cả nước là 1.168
  • 45. 36 USD), phấn đấu đạt 4.800 USD và 9.500 USD vào năm 2015 và năm 2020 (cả nước là 2.000 USD và 3.000 USD). Về giáo dục sau trung học (đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp), thành phố có hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp phát triển khá mạnh và đa dạng trên cả 2 loại hình công lập và ngoài công lập. Đến năm 2010 trên địa bàn thành phố có 105 trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trong đó có 58 trường công lập và 47 trường ngoài công lập. Số sinh viên học sinh theo học tại các trường năm 2000 là hơn 220.000 sinh viên học sinh và lên đến hơn 441.000 sinh viên học sinh vào năm 2010. Như vậy các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp của thành phố đã đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực không chỉ cho thành phố mà còn cho các vùng kinh tế khác của phía Nam. 2.2. Khái quát tình hình giáo dục trung cấp chuyên nghiệp tại TP.HCM 2.2.1. Quy mô đào tạo Năm học 2010 – 2011, thành phố có 32 trường TCCN trong đó có 26 trường TCCN tư thục, 6 trường TCCN công lập và 10 cơ sở đại học, cao đẳng có đào tạo TCCN thuộc thành phố quản lý. Tính đến tháng 12 năm 2011, toàn ngành giáo dục chuyên nghiệp thành phố có 87.617 học sinh (trong đó có 78.559 học sinh hệ chính quy), góp phần đáng kể vào việc cung ứng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế của thành phố và khu vực. 2.2.2. Chất lượng đào tạo TCCN - Giáo dục TCCN có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt trong việc cung ứng nhân lực trình độ TCCN có tri thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp tốt để phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, vì vậy công tác đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo luôn được các trường quan tâm thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Trong năm học 2010 – 2011, nhiều biện pháp tích cực nhằm tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo như việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học … đã được các trường tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả.