SlideShare a Scribd company logo
1 of 59
ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN
PHONG TRÀO CÔNG NHÂN Ở CÁC ĐÔ THỊ MIỀN NAM
VIỆT NAM TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ
TỪ NĂM 1954 ĐẾN NĂM 1965
Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số: 62 22 03 13
LUẬN ÁN TIẾN SĨ SỬ HỌC
HUẾ - NĂM 2016
Công trình được hoàn thành tại trường Đại học Sư phạm Huế -
Đại học Huế
Người hướng dẫn khoa học
- PGS.TS LÊ CUNG
Phản biện 1:
Phản biện 2:
Phản biện 3:
Luận án sẽ được bảo vệ tại Hội đồng chấm Luận án
cấp Đại học Huế tại:
Vào hồi giờ...........ngày..........tháng............năm 2016
Có thể tìm hiểu luận án tại thư viện: Đại học Sư phạm
Huế, Đại học Huế
NHỮNG CỤM TỪ VIẾT TẮT
CQNĐD Chính quyền Ngô Đình Diệm
CQSG Chính quyền Sài Gòn
ĐTMN Đô thị miền Nam
HLĐGP Hội Lao động giải phóng
miền Nam Việt Nam
LSQS Lịch sử quân sự
NCLS Nghiên cứu Lịch sử
NXB Nhà xuất bản
PTT Phủ Tổng thống
TPHCM Thành phố Hồ Chí Minh
TTLT Trung tâm Lưu trữ
VNCH Việt Nam Cộng hòa
1
MỞ ĐẦU
1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Trong dòng chảy lịch sử Việt Nam hiện đại, phong trào công nhân ở
các đô thị miền Nam (ĐTMN) (1954-1975) là bộ phận của phong trào
ĐTMN, của phong trào cách mạng Việt Nam, góp phần quan trọng trong
sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Phong trào công nhân ở các ĐTMN từ năm 1954 đến năm 1965
diễn ra liên tục, sôi nổi và quyết liệt, thu hút hầu hết công nhân các
ngành tham gia như công nhân hỏa xa, công nhân thủy điện, công
nhân bến tàu, công nhân ngành dệt, công nhân taxi, công nhân xăng
dầu, công nhân Savon, công nhân vô tuyến viễn thông,... Mặc dầu, bị
Mỹ và chính quyền Sài Gòn (CQSG) dùng mọi âm mưu, thủ đoạn để
kìm kẹp, khủng bố và đàn áp quyết liệt nhưng phong trào công nhân ở
các ĐTMN vẫn luôn được giữ vững và tiếp tục phát triển theo hướng
đi lên của cách mạng miền Nam. Phong trào công nhân ở các ĐTMN
là một trong những nét đặc sắc của tiến trình lịch sử đấu tranh giữ
nước của dân tộc ta, ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện
đại. Phong trào đã chứng minh tinh thần yêu nước và tinh thần đấu
tranh cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam.
Phong trào còn biểu thị sự thống nhất hành động giữa giai cấp
công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động khác ở thành thị, trong
đó công nhân ở các ĐTMN luôn là lực lượng nòng cốt, dẫn đầu và có
tác dụng cổ vũ đồng bào đô thị cũng như nông thôn trong cuộc đấu
tranh chung vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Cùng với phong trào của các tầng lớp nhân dân ĐTMN, phong trào
công nhân ở các ĐTMN đã giáng những đòn mạnh mẽ vào hậu cứ an
toàn của Mỹ, và CQSG. Sự tiến công ở thành thị, nòng cốt là phong
trào công nhân, có tác dụng từng bước phá lỏng thế kìm kẹp của địch ở
đô thị, cô lập địch về chính trị, làm cho hậu phương của địch trở nên
rối loạn, đẩy Mỹ và CQSG từng bước rơi vào tình trạng khủng khoảng
nghiêm trọng. Phong trào công nhân ở các ĐTMN góp phần tạo nên
một thế trận mới, biến các đô thị bị địch tạm chiếm thành tiền phương
của phong trào cách mạng miền Nam, thuận lợi cho việc xây dựng lực
lượng cách mạng ở nội đô, tạo điều kiện tiến đến giải phóng các đô thị,
giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).
Tuy nhiên, cho tới nay, ngoài phong trào công nhân cao su miền
Nam đã được nghiên cứu khá đầy đủ, có tính hệ thống, còn lại một
2
mảng trống phong trào công nhân ở các ĐTMN Việt Nam (1954-1975)
vẫn chưa được giới sử học Việt Nam quan tâm nghiên cứu. Vì vậy, việc
tiến hành nghiên cứu phong trào công nhân ở các ĐTMN (1954-1975),
trước hết là giai đoạn từ sau Hiệp định Genève (21-7-1954) đến thời
điểm cuộc “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ bị phá sản ở miền Nam (6-
1965) là rất cần thiết, vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có ý nghĩa thực tiễn.
Với lý do đó, chúng tôi chọn đề tài: “Phong trào công nhân ở các đô thị
miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ từ năm 1954 đến năm
1965” làm đề tài nghiên cứu cho luận án Tiến sĩ, chuyên ngành Lịch sử
Việt Nam.
Về ý nghĩa khoa học, luận án góp phần làm rõ hơn, đầy đủ hơn về
các giai đoạn lịch sử hết sức vẻ vang của dân tộc trong sự nghiệp giải
phóng miền Nam, thống nhất đất nước; về bản chất của CQSG do Mỹ
điều khiển trong tham vọng tiêu diệt phong trào kháng chiến của nhân
dân miền Nam; về những chủ trương của Đảng các cấp trong việc lãnh
đạo phong trào công nhân ở các ĐTMN; về tính đúng đắn và sáng tạo
của Đảng với phương châm đấu tranh “hai chân, ba mũi”, “ba mũi giáp
công”, “ba vùng chiến lược” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
(1954-1975); hiểu được bản chất của phong trào công nhân ở các ĐTMN,
một phong trào diễn ra trong điều kiện chiến tranh giải phóng dân tộc,
thông qua đó thấy được tính đa dạng, phong phú về hình thức và biện
pháp đấu tranh của phong trào; về những kết quả đạt được của phong
trào trên các lĩnh vực dân sinh, dân chủ; hiểu hơn về phong trào công
nhân ở từng ngành, sự phối hợp chung của công nhân trong toàn
ngành, cũng như sự liên kết giữa phong trào công nhân ở các ĐTMN
với phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân.
Về ý nghĩa thực tiễn, hiện nay trong sự nghiệp đổi mới đất nước do
Đảng khởi xướng, trong đó công nghiệp hóa, hiện đại hóa giữ vị trí then
chốt. Vì vậy, luận án góp thêm một số kinh nghiệm cho các nhà chính trị -
xã hội vận dụng vào việc hoạch định những chính sách đối với công nhân.
Mặt khác, luận án góp phần nâng cao niềm tự hào cho giai cấp công nhân,
giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng cho công nhân để họ làm tốt
nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng và xây dựng đất nước theo đường
lối đổi mới của Đảng mà nhân dân ta đang thực hiện. Luận án góp phần
bổ sung tư liệu về phong trào công nhân miền Nam trong cuộc kháng
chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). Mặt khác, kết quả của luận án có
thể sử dụng làm tài liệu cho giáo viên, sinh viên, học sinh trong các
trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông vận dụng nghiên cứu và
3
giảng dạy lịch sử dân tộc và lịch sử địa phương; góp phần vào việc biên
soạn lịch sử công nhân Việt Nam nói chung, công nhân đô thị trong
kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) nói riêng.
2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng của luận án là phong trào công nhân ở các ĐTMN trong
kháng chiến chống Mỹ từ năm 1954 đến năm 1965, trong đó tập trung
nghiên cứu mục tiêu, diễn biến, hình thức, biện pháp, kết quả các cuộc
đấu tranh của công nhân ở các ĐTMN cũng như làm rõ tính chất, đặc
điểm và ý nghĩa của phong trào công nhân ở các ĐTMN từ năm 1954
đến năm 1965. Để làm rõ những nội dung này, luận án chú ý đến việc
trình bày, phân tích cơ cấu, đội ngũ, đời sống công nhân ở các ĐTMN
dưới chế độ Mỹ và CQSG.
2.2. Phạm vi nghiên cứu
Về không gian, luận án nghiên cứu phong trào công nhân ở các
ĐTMN (1954-1965). Miền Nam ở đây được hiểu theo nghĩa là hai miền
Nam Bắc theo quy định Hiệp định Genève năm 1954. Tuy nhiên, luận
án chỉ tập trung nghiên cứu phong trào công nhân ở các đô thị lớn như
Sài Gòn, Biên Hòa, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, đây là những đô thị tiêu
biểu - nơi tập trung đông đảo công nhân và diễn ra những cuộc đấu
tranh điển hình.
Về thời gian, luận án giới hạn từ năm 1954 đến năm 1965, cụ thể là
từ khi Hiệp định Genève (21-7-1954) được ký kết đến thời điểm cuộc
“Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ bị phá sản với chiến thắng Ba Gia ở
Quảng Ngãi (6-1965). Những vấn đề trình bày trong luận án được sắp
xếp theo quá trình phát triển lịch sử, thể hiện tính liên tục từ năm 1954
đến năm 1965.
3. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
3.1. Mục đích nghiên cứu
Mục đích của luận án là tái hiện bức tranh lịch sử về phong trào
công nhân ở các ĐTMN trong kháng chiến chống Mỹ từ năm 1954 đến
năm 1965 một cách có hệ thống. Kết quả nghiên cứu của luận án góp
phần cung cấp những luận cứ cho các nhà chính trị - xã hội trong việc
hoạch định chính sách đối với công nhân hiện nay.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Một là, làm rõ những chính sách của Mỹ và CQSG, đời sống công
nhân ở các ĐTMN từ năm 1954 đến năm 1965, từ đó lý giải nguồn
gốc của phong trào.
4
Hai là, trình bày và phân tích những chủ trương của Đảng các cấp
đối với công nhân ở các ĐTMN. Quá trình đấu tranh, mục tiêu, hình
thức và biện pháp của phong trào công nhân ở các ĐTMN qua các giai
đoạn: 1954-1960, 1961-1965.
Ba là, phân tích, làm rõ một số tính chất, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử
của phong trào công nhân ở các ĐTMN từ năm 1954 đến năm 1965.
4. NGUỒN TÀI LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
4.1. Nguồn tài liệu
Luận án chủ yếu được xây dựng trên cơ sở các nguồn tài liệu sau đây:
- Các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam, các tác phẩm của
các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam viết về cách mạng
giải phóng dân tộc, về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, về công
nhân và phong trào công nhân.
- Các công trình nghiên cứu về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước của Viện Sử học, Viện Lịch sử Đảng, Viện Lịch sử quân sự và
các chuyên khảo của tập thể các nhà nghiên cứu hoặc riêng từng nhà
nghiên cứu.
- Các tài liệu lưu trữ liên quan tới cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu
nước và phong trào công nhân miền Nam hiện đang lưu trữ tại Trung tâm
Lưu trữ (TTLT) Quốc gia II tại thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), TTLT
của các thành phố Biên Hòa, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế.
- Luận án cũng chú ý tham khảo các công trình luận án Tiến sĩ,
luận văn Thạc sĩ và những bài viết trên các tạp chí có nội dung liên
quan đến đề tài.
- Bên cạnh đó, luận án còn sử dụng một số tư liệu thu thập được
từ việc khảo sát thực địa và phỏng vấn nhân chứng.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, luận án sử dụng phương pháp lịch sử kết hợp
với phương pháp logic là chủ yếu. Bên cạnh đó, luận án còn sử
dụng các phương pháp thống kê, so sánh, phân tích trên cơ sở khảo
cứu các nguồn tài liệu văn bản. Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng
phương pháp liên ngành, kế thừa thành quả của các bộ môn khoa
học khác như chính trị học, kinh tế học,... để nghiên cứu và trình
bày luận án.
5. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN
Một là, luận án là một công trình nghiên cứu tương đối có hệ
thống về phong trào công nhân ở các ĐTMN từ năm 1954 đến năm
5
1965, góp phần bổ sung tư liệu cùng một số luận điểm nhằm làm rõ
hơn về lịch sử phong trào ĐTMN nói riêng và lịch sử Việt Nam cùng
khung thời gian.
Hai là, luận án làm rõ chính sách của Mỹ và CQSG đối với công
nhân ở các ĐTMN, để từ đó giải thích cho sự nảy sinh phong trào đấu
tranh của giai cấp công nhân ở các ĐTMN từ năm 1954 đến năm 1965.
Hiểu được tính dân tộc và đặc điểm phong trào công nhân ở các
ĐTMN - một phong trào diễn ra trong điều kiện chiến tranh giải phóng
dân tộc, thông qua đó thấy được tính đa dạng, phong phú về hình thức
và biện pháp đấu tranh của phong trào.
Ba là, luận án chỉ rõ những mục tiêu đấu tranh của công nhân ở
các ĐTMN và kết quả đạt được của phong trào trên các lĩnh vực dân
sinh, dân chủ,... Hiểu hơn về sự đoàn kết đấu tranh của phong trào
công nhân ở từng ngành, công nhân các ngành, công nhân ở các
ĐTMN với giai cấp nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động trên
toàn miền.
Bốn là, luận án nêu bật tính chất, đặc điểm cùng những đóng góp
của phong trào công nhân ở các ĐTMN trong sự nghiệp giải phóng
miền Nam, thống nhất đất nước. Luận án còn góp phần giáo dục
truyền thống đấu tranh yêu nước, nâng cao niềm tự hào cho giai cấp
công nhân hiện nay, kết quả nghiên cứu của luận án có thể cung cấp
nguồn tư liệu tương đối hoàn chỉnh về phong trào công nhân ở các
ĐTMN (1954-1965).
6. BỐ CỤC CỦA LUẬN ÁN
Ngoài phần mở đầu (6 trang), kết luận (3 trang), tài liệu
tham khảo (26 trang), nội dung luận án gồm 4 chương:
Chương 1: Tổng quan (17 trang)
Chương 2: Phong trào công nhân ở các đô thị miền Nam giai
đoạn 1954-1960 (51 trang).
Chương 3: Phong trào công nhân ở các đô thị miền Nam giai
đoạn 1961-1965 (46 trang).
Chương 4: Tính chất, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của phong trào
công nhân đô thị miền Nam từ năm 1954 đến năm 1965 (27 trang).
6
Chương 1
TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
1.1. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
1.1.1. Nhóm công trình nghiên cứu về công nhân và phong
trào công nhân Việt Nam
Trước năm 1975, nghiên cứu về công nhân và phong trào công
nhân Việt Nam có các công trình sau:
Trần Văn Giàu (1958), Giai cấp công nhân Việt Nam sự hình
thành và phát triển của nó từ giai cấp “tự mình” đến giai cấp “cho
mình”, Nhà xuất bản (NXB) Sự Thật, Hà Nội; Vũ Ngọc Nguyên
(1959), Công nhân Nam Bộ trong khói lửa, NXB Lao Động, Hà Nội;
Hoàng Quốc Việt (1959), Những nét sơ lược về lịch sử phong trào
công nhân và công đoàn Việt Nam 1860-1945, NXB Lao Động, Hà
Nội. Võ Nguyên (1961), Phong trào công nhân miền Nam, NXB Sự
Thật, Hà Nội; Trần Văn Giàu (1962), (1963), Giai cấp công nhân Việt
Nam từ Đảng Cộng sản thành lập đến cách mạng thành công (1930-
1945), (3 tập), NXB Sử Học, Hà Nội; Diệp Liên Anh (1963), Máu
trắng máu đào, NXB Lao Động Mới, Sài Gòn; Lê Nguyên Khôi,
Dương Phẩm (1965), Công nhân miền Nam đấu tranh chống Mỹ -
Diệm, NXB Phổ Thông, Hà Nội; Trần Tử Bình (1965), Phú Riềng đỏ,
NXB Lao Động, Hà Nội,...
Sau năm 1975, nghiên cứu về công nhân và phong trào công nhân
Việt Nam có các công trình sau:
Cao Văn Lượng (1977), Công nhân miền Nam Việt Nam trong
kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), NXB Khoa học Xã
hội, Hà Nội; Một vài ý kiến về đội ngũ công nhân lao động miền Nam
và công tác công đoàn vùng giải phóng (1978), NXB Lao Động, Hà
Nội; Ngô Văn Hoà, Dương Kinh Quốc (1978), Giai cấp công nhân
Việt Nam trước khi thành lập Đảng, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội;
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1995), Phong trào công nhân
lao động và hoạt động công đoàn giải phóng miền Nam Việt Nam
1954-1975, NXB Lao Động; Liên đoàn lao động Quảng Nam - Đà
Nẵng (1996), Lịch sử phong trào đấu tranh cách mạng của công
nhân lao động và hoạt động công đoàn Quảng Nam - Đà Nẵng (1954-
1975), NXB Đà Nẵng; Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên Huế (1998),
Lịch sử phong trào công nhân lao động và công đoàn tỉnh Thừa Thiên
Huế, Tập 1 (1930-1975), NXB Lao động, Hà Nội; Nguyễn Thị Mộng
7
Tuyền (2009), Phong trào đấu tranh của công nhân cao su Thủ Dầu
Một trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1975), luận án Tiến
sĩ, Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ TPHCM; Cao Văn Lượng
(1964), Vấn đề liên minh công nông trong cuộc cách mạng dân tộc dân
chủ ở miền Nam Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử
(NCLS) số 64,...
1.1.2. Nhóm công trình nghiên cứu về công nhân và phong
trào công nhân ở các đô thị miền Nam
Trần Bút (1965), Công nhân Đà Nẵng chĩa thẳng mũi nhọn đấu
tranh vào đầu bọn xâm lược Mỹ, NXB Lao Động, Hà Nội; Hữu Tuấn
(1965), Công nhân đô thị trên tuyến đầu Tổ quốc, NXB Lao Động, Hà
Nội; Lê Thị Quý (1988), Nghiệp đoàn Sài Gòn và phong trào công
nhân, NXB TPHCM; Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động TPHCM
(1993), Công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn trong sự nghiệp giải phóng dân
tộc, NXB Lao Động, TPHCM; Phạm Hồng Thụy, Mỹ Hà, Đinh Thu
Xuân (1998), Lịch sử xí nghiệp liên hợp Ba Son 1863-1998, NXB
Quân đội Nhân dân, Hà Nội; Trần Xuân Thảo (2000), Phong trào đấu
tranh của nữ công nhân Sài Gòn - Gia Định 1954-1975, Luận văn
Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM;
Nguyễn Thị Thu Huyền (2013), Phong trào đấu tranh của công nhân
Sài Gòn (1954-1975), luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm
TPHCM; Về các bài công bố trên các tạp chí NCLS, tạp chí LSQS có
thể kể, Cao Văn Lượng (1974), Bước đầu tìm hiểu về cơ cấu công
nhân, lao động ở các thành thị miền Nam Việt Nam hiện nay, Tạp chí
NCLS, số 159; Lê Cung (2000), Phong trào công nhân Huế những
năm đầu sau Hiệp định Genève 1954, Tạp chí NCLS, số 1; Lê Cung
(2006), Cuộc đấu tranh của công nhân ngành thủy điện miền Nam
những năm đầu sau Hiệp định Genève (1954), Tạp chí Lịch sử quân sự
(LSQS), số 2; Lê Cung (2012), Phong trào công nhân vì mục tiêu dân
sinh ở các ĐTMN Việt Nam giai đoạn 1954-1959, Tạp chí NCLS, số 4.
Tựu trung các công trình nghiên cứu đã giải quyết được những
vấn đề cơ bản sau:
Một là, khái quát lịch sử hình thành và phát triển đội ngũ công
nhân Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử từ trước khi thành lập Đảng
Cộng sản Việt Nam đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-
1954) và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).
Hai là, hầu hết các công trình nghiên cứu cũng chỉ ra những chính
sách thống trị trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã
8
hội của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đối với công nhân Việt Nam; dưới
chính sách thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đời sống công nhân Việt
Nam hết sức cực khổ.
Ba là, các công trình đã trình bày phong trào công nhân Việt Nam
trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và kháng chiến
chống Mỹ, cứu nước (1954-1975); đồng thời, các nghiên cứu đã đưa ra
những nhận xét, đánh giá về đặc điểm phong trào công nhân Việt Nam
qua các thời kỳ.
Bốn là, một số công trình tuy trình bày khá chi tiết một số cuộc đấu
tranh của công nhân ở các ĐTMN thời kháng chiến chống Mỹ nhưng
chỉ giới hạn ở một số ngành, ở một số địa phương hoặc ở khung thời
gian hẹp mà thôi.
1.2. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục được nghiên cứu
Luận án nhằm hướng đến giải quyết một số nội dung sau:
- Phân tích về những âm mưu và biện pháp của Mỹ và CQSG đối
với công nhân ở các ĐTMN từ năm 1954 đến năm 1965.
- Trên cơ sở khai thác nguồn tư liệu từ nhiều phía, luận án luận
giải, tái hiện một cách chi tiết về mục tiêu và diễn biến phong trào
công nhân ở các ĐTMN từ năm 1954 đến 1965.
- Rút ra những tính chất, đặc điểm của phong trào công nhân ở
các ĐTMN.
- Chứng minh và khẳng định vai trò to lớn của phong trào công
nhân ở các ĐTMN trong việc góp phần đánh thắng các chiến lược
chiến tranh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam từ năm 1954 đến 1965. Mặt
khác, rút ra ý nghĩa lịch sử của phong trào công nhân ở các ĐTMN;
trên cơ sở đó có thể giúp các nhà chính trị - xã hội hoạch định những
chính sách đối với giai cấp công nhân hiện nay.
9
Chương 2
PHONG TRÀO CÔNG NHÂN Ở CÁC ĐÔ THỊ MIỀN NAM
(1954-1960)
2.1. Khái quát truyền thống đấu tranh của công nhân miền Nam
trước năm 1954
Phong trào công nhân miền Nam trước năm 1954, thu hút hầu hết
công nhân các ngành và nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, phong trào
công nhân đã gắn mục tiêu đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ với
mục tiêu đấu tranh chống thực dân Pháp, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ
quốc, phong trào đã sử dụng nhiều hình thức đấu tranh phong phú như
bãi công, đình công, lãn công,… với mục tiêu cụ thể như đòi tăng lương,
bớt giờ làm, chống sa thải, chống đánh đập,… thiết thực góp phần đưa
cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi.
2.2. Chính sách của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đối với
công nhân ở các đô thị miền Nam (1954-1960)
2.2.1. Khái quát về tình hình miền Nam Việt Nam (1954-1960)
Thực hiện chủ trương của Mỹ, sau khi nắm lấy chính quyền
ở miền Nam (7-7-1954), một mặt, CQNĐD từ chối hiệp thương
tổng tuyển cử, từ chối việc tái lập quan hệ bình thường giữa hai miền
Nam - Bắc; tổ chức tuyển cử riêng rẽ, bầu cử Quốc hội Lập hiến (4-
3-1956), ban hành Hiến pháp (26-10-1956), lập đảng Cần Lao nhân
vị,… Mặt khác, CQNĐD ra sức khủng bố những người tán thành hòa
bình, những người tham gia kháng chiến và những người đấu tranh
đòi thi hành Hiệp định Genève. Đó là những nguyên nhân sâu xa dẫn
đến phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam.
2.2.2. Chính sách của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đối
với công nhân ở các đô thị miền Nam
2.2.2.1. Về tư tưởng - chính trị
Hệ tư tưởng của CQNĐD là chủ nghĩa nhân vị. Đối với công
nhân ở các ĐTMN, Mỹ và CQNĐD mở các lớp huấn luyện để tuyên
truyền và phổ biến “lý tưởng nghiệp đoàn Thiên Chúa giáo”. Bên
cạnh tuyên truyền tư tưởng Thiên Chúa giáo, Mỹ và CQNĐD còn
tuyên truyền thuyết “lao tư lưỡng đồng, lưỡng lợi”, “hòa hợp giai
cấp”, “dân chủ” hay chủ trương “thăng tiến cần lao”.
Về chính trị, dưới chế độ Mỹ và CQNĐD, quyền tự do của công
nhân bị xâm phạm. Nguy hiểm và thâm độc hơn, Mỹ và CQNĐD
lũng đoạn các tổ chức nghiệp đoàn còn lại, thực hiện chủ trương “lấy
10
phong trào để phá phong trào, nắm nghiệp đoàn để nắm quần
chúng”.
2.2.2.2. Về kinh tế
Cùng với sự phát triển công nghiệp, đội ngũ công nhân ở các
ĐTMN tăng lên nhanh chóng, chủ yếu là ở các ngành công nghiệp
nhẹ (dệt, thực phẩm) hoặc xây dựng, vận tải được kích thích bởi
những đơn đặt hàng của các cơ quan hậu cần Mỹ và CQNĐD.
2.2.2.3. Về văn hoá - xã hội
Mục tiêu của chính sách văn hóa của Mỹ và CQNĐD là tạo ra
mặt “tích cực” để lôi kéo công nhân vào guồng quay của một nền văn
hóa mới - nền văn hóa Mỹ, từ đó biến công nhân ở các ĐTMN thành
công cụ thực hiện chính sách thực dân mới của Mỹ ở Việt Nam.
2.3. Đội ngũ và đời sống công nhân ở các đô thị miền Nam (1954-1960)
2.3.1. Đội ngũ công nhân ở các đô thị miền Nam
Những chính sách về kinh tế của Mỹ và CQNĐD đã tác động
đến công nhân ở các ĐTMN mà trước hết là số lượng công nhân
ngày càng tăng. Sự phát triển đó không theo quy luật kinh tế mà theo
yêu cầu của chiến tranh.
2.3.2. Đời sống công nhân ở các đô thị miền Nam
2.3.2.1. Thời gian và điều kiện lao động
Để bóc lột công nhân lao động, giới chủ thường kéo dài thời
gian làm việc đến mức phải báo động [250; tr. 10]. Không chỉ bị bóc
lột bởi thời gian lao động mà công nhân ở các ĐTMN còn làm việc
với điều kiện hết sức tồi tệ [68; tr. 2].
2.3.2.2. Tình trạng thất nghiệp
Điều dễ nhận thấy ở các ĐTMN sau ngày đình chiến là nạn thất
nghiệp diễn ra khá phổ biến trong các xí nghiệp, nhà máy.
2.3.2.3. Lương công nhân
Thu nhập từ tiền lương không theo kịp giá cả thực phẩm và hàng
tiêu dùng hàng ngày. Bên cạnh đó là thuế má và phạt vạ rất nặng nề.
2.4. Diễn biến phong trào công nhân ở các đô thị miền Nam
(1954-1960)
2.4.1. Chủ trương của Đảng
Trong giai đoạn 1954-1960, Đảng chú ý tập trung vào hướng lợi
dụng các tổ chức nghiệp đoàn công khai, đồng thời phát triển hình
thức rộng rãi bán hợp pháp để vận động, tập hợp công nhân từng
bước đấu tranh chống Mỹ và CQNĐD.
2.4.2. Diễn biến phong trào
11
2.4.2.1. Phong trào công nhân vì mục tiêu dân sinh
Ngay sau Hiệp định Genève (1954), phong trào đấu tranh vì mục
tiêu dân sinh của công nhân ở các ĐTMN diễn ra sôi nổi, đều khắp
các đô thị lớn miền Nam như Sài Gòn - Chợ Lớn, Biên Hòa, Đà
Nẵng, Huế, thu hút công nhân nhiều ngành tham gia.
Mở đầu là cuộc đình công của 30.000 công nhân và thợ thuyền
nhà binh Pháp cuối năm 1954, đòi sửa đổi về lương bổng, đòi trả tiền
truy cấp, tiền Tết và hưởng lương khi bị sa thải. Hưởng ứng cuộc đấu
tranh này, ngày 7-12-1954, công nhân Biên Hòa tổng bãi công ủng hộ
[238; tr. 151]. Ngày 4-1-1955, đại diện chính phủ Pháp phải nhượng
bộ, công nhân được tăng lương và lãnh tiền truy cấp [238; tr. 151].
Song song với cuộc đấu tranh công nhân và thợ thuyền nhà binh
Pháp là cuộc đấu tranh của công nhân lái xe tuyến đường Đông Ba -
Bao Vinh Huế [217; tr. 2].
Ngày 10-11-1955, toàn thể đoàn viên nghiệp đoàn công nhân
hỏa xa Việt Nam địa phương Huế họp phiên bất thường tại ga Huế.
Tiếp theo cuộc đấu tranh của công nhân hỏa xa Huế, ngày 24-11-
1955, toàn thể công nhân Sở thủy điện Đà Nẵng đình công [183; tr.
3]. Cuộc đình công làm cho điện trong thành phố bị cúp 2 ngày. Song
song với cuộc đấu tranh của công nhân ngành thủy điện, ở Sài Gòn,
ngày 23-3-1956, Nghiệp đoàn tài xế taxi cũng tiến hành đại hội phản
đối lệnh đóng thuế đặc biệt về xăng dầu [174; tr. 1].
Khi cuộc đấu tranh của công nhân thủy điện Huế, công nhân tài
xế taxi Sài Gòn chưa kết thúc, ngày 26-3-1956, 800 công nhân Nhà
máy đèn Chợ Quán cũng đình công chống chủ sa thải và khủng bố 3
công nhân. Cuộc bãi công kéo dài 2 ngày làm cho cả thành phố Sài
Gòn - Chợ Lớn, Gia Định, Biên Hòa, không có điện, nước, mọi hoạt
động công nghiệp bị đình đốn; các rạp hát, rạp chiếu bóng phải đóng
cửa; sáu tờ báo hằng ngày không ra được; đài phát thanh phải im lặng
48 tiếng đồng hồ. Trước tình hình đó, Ngô Đình Diệm phải đồng ý
thu nhận những công nhân đã bị sa thải [32; tr. 93].
Ngày 13-5-1956, công nhân khuân vác kho 5 bến tàu Nhà Rồng
đồng loạt đình công đòi hãng Stic điều chỉnh lương [182; tr. 2].
Tiếp theo cuộc đình công của công nhân công nhân khuân vác
kho 5 bến tàu Nhà Rồng là cuộc đấu tranh của công nhân hãng dầu
Standard Vacuum Oil ngày 19-7-1956 yêu cầu Ban Giám đốc giải
quyết các yêu sách: “Chỉnh đốn lương bổng; y tế; trả lương giờ phụ
trội” [140; tr. 12].
12
Khi cuộc đấu tranh của công nhân hỏa xa đang diễn ra quyết liệt
thì cuộc bãi công đòi tăng lương của trên 3.500 công nhân cảng Sài
Gòn ngày 24-1-1957 tiếp diễn. Cuộc đình công làm cho bến tàu Sài
Gòn hoàn toàn tê liệt, buộc chủ hãng phải chấp nhận tăng lương 15%
cho công nhân [178; tr. 115].
Ngày 8-1-1958, Nghiệp đoàn công nhân vô tuyến viễn thông
họp để lấy quyết nghị đình công truy tố Ban Giám đốc đã chặn bớt
lương của công nhân và dùng lời lẽ đàn áp, mạt sát công nhân [112;
tr. 1]. Tiếp theo cuộc đấu tranh của công nhân vô tuyến viễn thông,
ngày 25-5-1958, 170 đại biểu công nhân của 150 xưởng dệt Sài Gòn -
Chợ Lớn và Gia Định.
Tiêu biểu nhất trong năm 1959 là cuộc đấu tranh của công nhân
hãng dầu Shell. Ngày 15-10-1959, hơn 500 công nhân của hãng nhất
loạt đình công để phản đối việc chủ tư bản Mỹ sa thải công nhân.
Sang năm 1960, phong trào vì mục tiêu dân sinh của công nhân
ở các ĐTMN vẫn tiếp tục diễn ra. Một số cuộc đấu tranh tiêu biểu
như ngày 7-1-1960, 200 công nhân hãng Ô tô buýt họp đại hội đấu
tranh đưa yêu sách đòi tiền thưởng, tiền công những giờ làm thêm và
phụ cấp gia đình. Sau bốn ngày đấu tranh, chủ hãng đã đồng ý những
yêu sách của công nhân [178; tr. 140].
2.4.2.2. Phong trào công nhân vì mục tiêu dân chủ
Trước tình trạng Mỹ và CQNĐD bắt bớ, đàn áp, chia rẽ công
nhân, quyền tự do nghiệp đoàn bị vi phạm, công nhân ở các ĐTMN đã
đứng lên đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình. Trong ngày Quốc tế
Lao động 1-5-1955, công nhân các thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, Biên
Hòa, Đà Nẵng, Huế đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh, biểu tình đòi tự do
hội họp, tự do ngôn luận, chống đàn áp, khủng bố [32; tr. 92].
Ngày 1-2-1956, Thường vụ Chi đoàn Hỏa xa ga Sài Gòn đã gởi
công văn đến Thường vụ Liên đoàn Trung ương Công chức Cách
mạng Quốc gia (Sài Gòn) nêu rõ tình trạng Nha Giám đốc hỏa xa độc
quyền, khủng bố đoàn viên, bóp nghẹt đời sống công nhân về tinh
thần [73; tr. 3].
Tiếp theo, ngày 21-6-1956, Liên hiệp nghiệp đoàn địa phương Chợ
Lớn gởi công văn đến CQNĐD vạch rõ quyền tự do nghiệp đoàn đã bị
xâm phạm bởi những hành động trắng trợn, nhục mạ, bắt cóc đàn áp tra
tấn các cán bộ nghiệp đoàn của chính quyền Thủ Dầu Một [138; tr. 1].
Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1957, mặc dù CQNĐD ra lệnh cấm
biểu tình, nhưng tại Sài Gòn, đông đảo quần chúng, trong đó đa phần
13
là công nhân tỏa ra các ngả đường biểu tình, nêu cao khẩu hiệu đòi
quyền lợi, trong đó có quyền “Tự do nghiệp đoàn”.
Ngày 22-10-1958 trong điện tín số 2035 của Tổng Liên đoàn
Lao động Việt Nam (Sài Gòn) yêu cầu Ngô Đình Diệm: “Cứu xét số
đoàn viên Tổng Liên đoàn bị bắt, không có hành động phá hoại an
ninh công cộng Quốc gia mà bị tình nghi hoặc bị khai cử vì tư thù.
Tổng Liên đoàn xin Tổng thống cho họ về, hoặc cho Tổng Liên đoàn
xin lãnh họ về đoàn tụ với gia đình” [230; tr. 2].
2.4.2.3. Phong trào đấu tranh đòi thực hiện Hiệp định
Genève và chống chính sách “tố Cộng”
Tại Sài Gòn - Chợ Lớn ngày 1-8-1954, 50.000 đồng bào, phần đông là
công nhân nhà đèn, bến cảng, công nhân làm việc trong các đơn vị hậu cần
của Pháp và các tầng lớp khác, biểu tình. Đoàn biểu tình vừa đi vừa hoan hô
hòa bình, giương cao các biểu ngữ đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định
Genève. Cũng trong ngày (1-8-1954), tại Đà Nẵng, phong trào đấu tranh đòi
thi hành Hiệp định Genève của công nhân hỏa xa diễn ra sôi nổi [134; tr. 21].
Sang năm 1956, cuộc đấu tranh đòi hiệp thương, tổng tuyển cử của
công nhân ở các ĐTMN vẫn tiếp diễn sôi nổi. Trong tháng 4, 5-1956, ở
Sài Gòn bùng lên đợt đấu tranh công khai đòi hiệp thương tổng tuyển
cử, dẫn đến cuộc mít tinh 200.000 người trong ngày Quốc tế Lao động
1-5-1956 dưới khẩu hiệu “Thống nhất nước nhà bằng phương pháp hòa
bình”, “Nước Việt Nam độc lập và thống nhất vạn tuế” [2].
Đi đôi với phong trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Gèneve,
đòi hiệp thương tổng tuyển cử và đấu tranh đòi quyền lợi về dân sinh
và dân chủ, công nhân ở các ĐTMN tham gia đấu tranh chống chính
sách “tố Cộng” của Mỹ và CQNĐD.
Ở Đà Nẵng, Mỹ và CQNĐD đưa một số phần tử phản động đứng
ra “tố Cộng” hoặc tuyên bố ly khai, xé cờ Đảng hay kêu gọi cán bộ,
đảng viên ra hàng cố làm cho quần chúng hoang mang, dao
động. Nhưng, hầu hết công nhân Đà Nẵng vẫn kiên định lập
trường. Tiêu biểu là công nhân khuân vác cảng Đà Nẵng đào hầm, che
chở các đồng chí đảng viên bám cơ sở, xây dựng phong trào. [134; tr.
40-41].
Tháng 5-1959, khi Mỹ và CQNĐD ban hành Luật “10-59” đặt
cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, ở công xưởng Ba Son, CQNĐD
buộc nghiệp đoàn giải tán, phong trào công nhân tạm thời lắng xuống,
phản ứng của công nhân lúc này là cáo ốm, không dự học, hoặc nếu
14
đến lớp thì gây ồn ào, mất trật tự, một số công nhân lợi dụng sơ hở của
“thuyết trình viên” để chất vấn, đấu lý,… [211; tr. 251- 252].
Chương 3
PHONG TRÀO CÔNG NHÂN Ở CÁC ĐÔ THỊ MIỀN NAM
(1961-1965)
3.1. Chính sách của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đối với công
nhân ở các đô thị miền Nam (1961-1965)
3.1.1. Khái quát về tình hình miền Nam Việt Nam (1961-1965)
Để tiếp tục giữ vững miền Nam trong quỹ đạo của Mỹ, năm
1961, sau khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Kennedy đã
quyết định loại bỏ chiến lược “trả đũa ồ ạt” và chấp nhận chiến lược
quân sự “phản ứng linh hoạt” toàn cầu mới do Maxwell Taylor đề
xướng. “Chiến tranh đặc biệt” là một trong ba loại hình chiến tranh
của chiến lược “phản ứng linh hoạt”. Song những âm mưu và hành
động của Mỹ và CQNĐD không cản được bước tiến của cách mạng
miền Nam. Trên cả hai mặt quân sự và chính trị, quân và dân miền
Nam liên tục tiến công và giành được những thắng lợi có ý nghĩa
chiến lược.
3.1.2. Chính sách của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đối với
công nhân ở các đô thị miền Nam
3.1.2.1. Về tư tưởng - chính trị
Về mặt tư tưởng, CQSG tiếp tục truyền bá tư tưởng cần lao nhân
vị trong công nhân miền Nam. Mỹ và CQSG còn cho bọn tay sai
trong Tổng Liên đoàn Lao công xuất bản thường xuyên nội san báo
chí công nhân để tuyên truyền các luận điệu phản động như: “Tư bản
nhân dân”, “hòa bình giai cấp”, “hợp tác giai cấp”, “hữu sản hóa
vô sản”.
Về chính trị, để mua chuộc công nhân ở các ĐTMN, một mặt,
Mỹ và CQSG đẩy mạnh chính sách lôi kéo công nhân tham gia vào
các tổ chức như đảng Cần lao nhân vị, nghiệp đoàn vàng,... Ngoài ra,
chúng sử dụng một số tay sai trong các tổ chức nghiệp đoàn chui vào
phong trào công nhân để tiến hành những hoạt động chia rẽ, phá hoại,
tiếp tục phương châm “lấy phong trào, phá phong trào, nắm nghiệp
đoàn để nắm quần chúng”.
3.1.2.2. Về kinh tế
Để thực hiện “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ tăng cường viện trợ
cho CQSG với hai hình thức chủ yếu viện trợ kinh tế và viện trợ quân
15
sự. Chỉ trong năm 1963, Mỹ viện trợ kinh tế cho CQSG là 175 triệu
USD. Bên cạnh “viện trợ”, Mỹ và CQSG còn đề ra một số chính
sách nhằm thúc đẩy nền công nghiệp miền Nam phát triển trong
guồng quay của chủ nghĩa thực dân mới và phục vụ trực tiếp cho
cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ.
3.1.2.3. Về văn hóa - xã hội
Sống dưới chế độ Mỹ và CQSG, công nhân miền Nam chịu sự
tác động của thuyết hiện sinh, sống gấp, sống vội, đồi trụy mê hoặc
họ trong môi trường tràn ngập văn hóa Mỹ từ sách báo đến phim ảnh,
hàng nội cũng như hàng ngoại tất cả đều xoay quanh chủ đề cao bồi,
tình ái, nhất là mục tiêu chiến tranh, “chống Cộng”.
3.2. Đội ngũ và đời sống công nhân ở các đô thị miền Nam (1961-1965)
3.2.1. Đội ngũ công nhân ở các đô thị miền Nam
Những chính sách về kinh tế, nhất là những chính sách về công
thương nghiệp làm cho số lượng công nhân ngày càng gia tăng.
3.2.2. Đời sống công nhân ở các đô thị miền Nam
3.2.2.1. Thời gian và điều kiện lao động
Tình trạng bóc lột công nhân tinh vi thông qua việc tăng giờ lao
động đã trở thành hiện tượng phổ biến. Bên cạnh đó, tai nạn lao động
thường xuyên rình rập, đe dọa đến cuộc sống công nhân và đẩy nhiều
gia đình công nhân vào cảnh tang thương, cùng quẫn.
3.2.2.2. Tình trạng giải công, sa thải và thất nghiệp
Tình trạng giải công, sa thải và thất nghiệp là mối đe dọa thường
xuyên đối với đời sống công nhân ở các ĐTMN giai đoạn 1961-1965.
3.2.2.3. Lương công nhân
So với giai đoạn 1954-1960, giai đoạn 1961-1965 lương cơ bản
của công nhân các ĐTMN hầu như không tăng.
3.3. Diễn biến phong trào công nhân ở các đô thị miền Nam (1961-1965)
3.3.1. Chủ trương của Đảng
Một là, Đảng đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng tổ chức, đoàn
ngũ hóa công nhân trước lúc tiến hành các cuộc đấu tranh. Nghị
quyết Hội nghị Trung ương Cục miền Nam lần thứ I (tháng 10-1961)
chỉ rõ: “Tiến hành tổ chức các đoàn thể cách mạng trong công nhân,
nhân dân lao động” và về mặt võ trang: “Xây dựng lực lượng ngầm
ở cơ quan, xí nghiệp” [101; tr. 627-628].
Hai là, Đảng đề ra chủ trương cần thiết phải thành lập Ban Công vận.
Ba là, song song với việc xây dựng, tổ chức HLĐGP và thành
lập Ban Công vận, đối với phong trào công nhân ở các ĐTMN giai
16
đoạn 1961-1965, Đảng đặc biệt chú trọng đến việc đề ra những chủ
trương thích hợp.
3.3.2. Diễn biến phong trào
3.3.2.1. Phong trào công nhân vì mục tiêu dân sinh
Mở đầu là cuộc đình công của 400 công nhân hãng Savon ngày
6-3-1961 đòi thỏa mãn lương bổng và chấm dứt việc sa thải công
nhân vô cớ [163; tr. 4].
Ngày 6-9-1961, công nhân hãng dầu Stanvac đình công. Cuộc
đình công của công nhân hãng dầu Stanvac được sự đồng tình, ủng
hộ của hàng vạn công nhân cao su Biên Hoà, Thủ Dầu Một, trên 100
nghiệp đoàn ở Sài Gòn - Chợ Lớn, 40.000 lái xe và bà con nông dân.
Một số báo chí ở Sài Gòn cũng chỉ trích thái độ của chủ hãng
Stanvac. Nối tiếp cuộc đấu tranh của công nhân hãng Stanvac, ngày
11-11-1961, công nhân tài xế taxi mướn xe của ông Lê Văn Lượm
đình công đòi chủ hãng thâu nhận tài xế Huỳnh Văn Bình bị thu hồi
xe trước đó 3 tháng [60; tr. 3].
Sang năm 1962, phong trào công nhân ở các ĐTMN vì mục tiêu
dân sinh tiếp tục diễn ra. Mở đầu là cuộc đấu tranh của công nhân
xích lô, cuối tháng 2-1962. Trước tinh thần đấu tranh quyết liệt của
công nhân, Đô trưởng Sài Gòn - Chợ Lớn phải thu hồi giấy phép
chuyên chở nói trên của hãng Vinaco [249; tr. 66].
Sang năm 1963, khí thế phong trào công nhân ở các ĐTMN được
nâng lên. Hàng nghìn cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân sinh tiếp tục diễn
ra. Tại Sài Gòn, cuộc đấu tranh của Nghiệp đoàn công nhân Autobus
(thuộc Tổng Liên đoàn Lao công Việt Nam) diễn ra quyết liệt.
Tại Đà Nẵng, ngày 10-11-1963, hòa nhịp cùng với phong trào
của công nhân miền Nam nhất là được kích thích bởi sự sụp đổ của
CQNĐD (1-11-1963), 38 nữ công nhân hãng dệt Sicovina Hòa Thọ
đấu tranh đòi tăng lương. Cuối năm 1963, 1.800 công nhân hãng dệt
Vimytex (thuộc phân bộ của nghiệp đoàn thợ dệt Sài Gòn - Chợ Lớn
và Gia Định trong hệ thống Tổng Liên đoàn Lao công Việt Nam) tiến
hành đình công.
Ngày 7-1-1964, khoảng 300 công nhân hãng dệt Thanh Hòa
(Gia Định) đình công [270; tr. 10]. Khi cuộc đấu tranh của công nhân
dệt Thanh Hòa chưa kết thúc, ngày 14-1-1964, khoảng 2.000 công
nhân hãng dệt Vinatexco và xưởng nhuộm Vinatefinco tiếp tục đình
công [278; tr. 2]. Dưới áp lực đấu tranh của công nhân và dư luận,
Mỹ và CQSG buộc phải trả tự do cho những người bị bắt và chủ hãng
17
phải chấp nhận tăng lương từ 6% đến 8%, đồng thời mở lại cửa
xưởng cho công nhân đi làm. Tại Đà Nẵng, để ủng hộ cuộc đấu tranh
của công nhân Vinatexco, ngày 17-1-1964, 900 công nhân dệt Hòa
Thọ đã liên tiếp đấu tranh đòi tăng lương, đòi tuyển dụng chính thức,
đòi phát tiền trước Tết và tiền phép cuối năm [134; tr. 68].
Hòa trong không khí cuộc đấu tranh của công nhân dệt
Vinatexco, cùng ngày (17-1-1964), toàn thể công nhân tài xế taxi
(thuộc nghiệp đoàn công nhân tài xế taxi Sài Gòn) tổ chức đại hội và
gởi 12 nguyện vọng đến Chính phủ VNCH. Theo phiếu trình ngày
13-10-1964 của Ban Lãnh đạo Lâm thời Quốc gia và Quân lực thì 6
nguyện vọng trên đã được Đô trưởng giải quyết gần như trọn vẹn
thuộc phạm vi Đô Thành [7; tr. 9].
Khi cuộc đấu tranh của công nhân tài xế taxi Sài Gòn chưa kết
thúc, ngày 5-10-1964, nhân lúc chủ nhà máy Dofitex Biên Hòa sa
thải 22 công nhân [238; tr. 178]. Cuộc đấu tranh của công nhân
Dofitex góp phần thúc đẩy phong trào công nhân trong toàn Khu Kỹ
nghệ Biên Hòa.
Sang năm 1965, tuy phong trào công nhân ở các ĐTMN, về mặt
công khai chưa sôi động như các phong trào khác ở miền Nam,
nhưng ngày càng vươn lên trở thành lực lượng nòng cốt trong phong
trào đấu tranh ở ĐTMN, tiếp tục góp phần đánh bại âm mưu thủ đoạn
mới của Mỹ và CQSG. Tiêu biểu là cuộc lãng công ngày 17-1-1965
của công nhân nhà máy xay lúa số 277 Bến Bình Đông đòi chủ hãng
trả 8 ngày nghỉ có lương trong năm 1964.
3.3.2.2. Phong trào công nhân vì mục tiêu dân chủ
Mở đầu là cuộc đấu tranh bảo vệ nghiệp đoàn của anh chị em
công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động quyết giành lại tổ chức và
trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ tay Trần Kim Tuyến,
Lê Đình Cư. Kết quả, Nguyễn Văn Của, Lê Văn Thốt, Đặng Đức
Hào vẫn giành được đại đa số phiếu bầu.
Tiếp theo, ngày 9-10-1961, Nghiệp đoàn công nhân Ô tô buýt
(thuộc công quản chuyên chở công cộng dưới hệ thống Tổng Liên
đoàn Lao công Việt Nam) tổ chức đại hội bất thường tại trụ sở Tổng
Liên đoàn Lao động Việt Nam (197 Lý Thái Tổ, Sài Gòn). Đại hội đã
bầu được Ban Chấp hành mới và chấm dứt lúc 23 giờ 10.
Ngày 17-2-1962, 800 công nhân hãng dệt Vimytex bãi công
chống hành động khủng bố của chủ tư bản và tay sai [249; tr. 69].
18
Cuối tháng 8-1962, cuộc đấu tranh của công nhân Vimytex chống
chủ Mỹ đuổi thợ lại một lần nữa bùng nổ. Ngày 27-8-1962, chủ hãng
buộc phải thu nhận những công nhân đã bị sa thải [249; tr. 70].
Tại Huế, ngày 7-5-1963, khi cảnh sát hạ cờ Phật giáo trong ngày
Lễ Phật Đản, lên án hành động này của CQNĐD ngay lập tức ngày 8-
5-1963, công nhân thành phố Huế cùng với Tăng ni, Phật tử liên tiếp
biểu tình, tuần hành trên các đường phố, đưa yêu sách tới Tòa Tỉnh
trưởng đòi chấm dứt kỳ thị tôn giáo và những hành động chà đạp tín
ngưỡng [135; tr. 149]. Để ủng hộ cuộc đấu tranh của Phật giáo Huế,
tại Đà Nẵng công nhân kết hợp với Tăng ni, Phật tử biểu tình mặc
cho CQNĐD rải lính canh gác, tung mật vụ, cảnh sát ngăn cản [134;
tr. 61].
Sang năm 1964, phong trào công nhân ở các ĐTMN vì mục tiêu
dân chủ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt hơn, đặc biệt là những cuộc
đấu tranh của công nhân ngành vận tải, ngành dệt. Công nhân tổ chức
tuần lễ tẩy chay không chở Mỹ, đón đánh Mỹ trên đường phố, nhiều
quán treo bảng không tiếp Mỹ khiến nhiều lính Mỹ không dám ra đường
[120; tr. 346].
Với mục tiêu dân chủ, công nhân ở các ĐTMN không chỉ dừng
lại đấu tranh với những nội dung đơn thuần, mà phong trào công
nhân ở các ĐTMN giai đoạn 1961-1965 còn thể hiện rõ ý thức dân
tộc, vạch mặt tính chất phản dân tộc của các CQSG và cả “có ý nghĩa
chống Mỹ rõ rệt” [256; tr. 92].
Ngày 30-1-1964, Nguyễn Khánh lên nắm chính quyền, đến ngày
16-8-1964, Nguyễn Khánh cho ra đời “Hiến chương Vũng Tàu”.
Chống “Hiến chương Vũng Tàu”, phong trào công nhân ở các
ĐTMN phản ứng mau lẹ. Tiếp đến, ngày 25-10-1964, Phan Khắc
Sửu được cử giữ chức Quốc Trưởng và Trần Văn Hương được chọn
làm Thủ tướng (31-10-1964). Chính phủ Trần Văn Hương không
tránh khỏi mũi nhọn của phong trào của công nhân ở các ĐTMN, nổi
bật nhất là Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế.
19
Chương 4
TÍNH CHẤT, ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA
PHONG TRÀO CÔNG NHÂN Ở CÁC ĐÔ THỊ MIỀN NAM
(1954-1965)
4.1. Tính chất của phong trào
4.1.1. Tính chất dân tộc
Phong trào công nhân ở các ĐTMN (1954-1965), mang đậm
tính chất dân tộc, thể hiện trước hết là sự tham gia đông đảo của công
nhân nhiều ngành; công nhân đấu tranh hưởng ứng chủ trương của
Trung ương Đảng sau Hội nghị Genève (21-7-1954); khẩu hiệu đấu
tranh nhằm trực tiếp vào Mỹ và CQSG.
4.1.2. Tính chất dân chủ và dân sinh
Trên lĩnh vực dân sinh, nhằm đòi cải thiện đời sống, chống chính
sách bần cùng hóa của Mỹ và CQSG, công nhân ở các ĐTMN đã đấu
tranh xoay quanh các khẩu hiệu thiết thực như: đòi tăng lương, đòi ngày
làm tám giờ, chống sa thải, chống giải công, đòi tiền thưởng Tết, tiền phụ
trội, đòi cải thiện điều kiện làm việc, phản đối tăng thuế và phạt vạ,...
Về mục tiêu dân chủ của phong trào công nhân ở các ĐTMN
(1954-1965) hết sức phong phú, trong đó nổi bật là đòi quyền tự do
nghiệp đoàn; đấu tranh phản đối bắt bớ, tra tấn, đấu tranh bảo vệ
nghiệp đoàn; đấu tranh đòi tách khỏi nghiệp đoàn cũ để thành lập
nghiệp đoàn mới nhằm lành mạnh hóa nghiệp đoàn của mình không
để những phần tử xấu lợi dụng; đấu tranh chống lại luật cấm đình
công và hội họp của CQSG,…[120; tr. 347].
4.2. Đặc điểm của phong trào
4.2.1. Quy mô rộng lớn, sự liên tục và quyết liệt của phong trào
Về quy mô rộng lớn của phong trào, đặc điểm này được thể hiện
trước hết là ở mặt không gian và thời gian; lực lượng tham gia; sự
ủng hộ rộng rãi của nhân dân miền Bắc và nhân dân thế giới; báo chí
tiến bộ miền Nam [178; tr. 112].
Sự liên tục của phong trào công nhân ở các ĐTMN được thể
hiện rõ khi cuộc đấu tranh của công nhân ngành này vừa kết thúc đã
dấy lên cuộc đấu tranh công nhân ngành khác [202; tr. 3], [164;
tr.101]. Có lúc cùng một thời gian nhưng diễn ra cuộc đấu tranh của
công nhân nhiều ngành hoặc nhiều đô thị, có sự hưởng ứng của công
nhân đô thị khác hoặc đấu tranh độc lập. Mặt khác, số lượng các cuộc
đấu tranh năm sau cao hơn năm trước [22].
20
4.2.2. Hình thức và phương pháp đấu tranh phong phú, linh hoạt
Phong trào công nhân ở các ĐTMN (1954-1965) đã xuất hiện
nhiều hình thức đấu tranh khác nhau, có thể kể như: họp đại hội, đưa
yêu sách, kiến nghị, mạn đàm, gây dư luận, lãng công và tiến lên
đình công hoặc kết hợp với bãi công, biểu tình thị uy. Phong trào
công nhân ở các ĐTMN từ năm 1954 đến năm 1965 thể hiện tính
chiến đấu và tính năng động sáng tạo khá cao trong việc lợi dụng thế
công khai hợp pháp cũng như đấu tranh bán hợp pháp và bất hợp
pháp.
4.2.3. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa công nhân các ngành ở
các đô thị; giữa công nhân đô thị với công nhân đồn điền cùng
giai cấp nông dân và các tầng lớp nhân dân miền Nam
Tác dụng của phong trào công nhân ở các ĐTMN (1954-1965)
đối với các phong trào của các tầng lớp nhân dân, từ nông thôn đến
thành thị đã khẳng định vị trí của công nhân ở các ĐTMN trong
phong trào cách mạng miền Nam.
4.3. Ý nghĩa của phong trào
4.3.1. Phong trào chứng minh tinh thần đấu tranh bất khuất
của công nhân ở các đô thị miền Nam trong tinh thần đấu tranh
dân tộc
4.3.2. Phong trào chứng minh tính đúng đắn của phương
châm đấu tranh “hai chân, ba mũi”, “ba mũi giáp công”, “ba
vùng chiến lược” trong cách mạng miền Nam
Xét toàn cục tương quan lực lượng giữa ta và địch, thì về quân
sự địch mạnh hơn ta, nhưng về chính trị thì Mỹ và CQSG yếu hơn ta
rất nhiều, chỗ yếu này không khắc phục được và ngày càng khoét
sâu. Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để chiến thắng một đối thủ
có tiềm lực quân sự và kinh tế đứng đầu các nước tư bản chủ nghĩa,
cách mạng miền Nam (1954-1975), đề ra phương châm đấu tranh
“hai chân, ba mũi”, “ba mũi giáp công”, “ba vùng chiến lược”.
4.3.3. Phong trào công nhân ở các đô thị miền Nam góp phần
làm rối loạn hậu phương của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, tạo
điều kiện cho cách mạng miền Nam phát triển
Phong trào đô thị nói chung, phong trào công nhân nói riêng mỗi
khi diễn ra đã góp phần làm rối loạn hậu phương của Mỹ và CQSG
và một khi như thế, lực lượng cách mạng không chỉ có điều kiện phát
triển ở đô thị mà ngay cả nông thôn đồng bằng và rừng núi.
21
4.3.4. Phong trào góp phần làm phong phú thêm những bài
học kinh nghiệm đối với sự nghiệp giữ nước và dựng nước của
dân tộc
4.3.4.1. Mục tiêu và khẩu hiệu đấu tranh cụ thể
Đối với giai cấp công nhân mục tiêu giải phóng giai cấp là cần
thiết, tuy nhiên, mục tiêu giải phóng giai cấp gắn liền với sự nghiệp
giải phóng dân tộc, lợi ích giai cấp công nhân đặt trong lợi ích tối cao
của dân tộc.
4.3.4.2. Sự đoàn kết, thống nhất, kiên trì đấu tranh
Trong điều kiện Mỹ và CQSG khống chế, kìm kẹp, đàn áp, trong
lúc bản thân công nhân đang gặp nhiều khó khăn trong đời sống. Sỡ
dĩ phong trào công nhân vẫn được duy trì như vậy, trước hết là nhờ
tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong đấu tranh.
4.3.3.3. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ hạn chế của
phong trào
Một là, sau khi Hiệp định Genève ký kết (21-7-1954), một bộ
phận đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đúng về bản chất của Mỹ
và CQNĐD, họ cho rằng có hiệp định Genève tất nhiên sẽ có hòa
bình, do nhận thức như vậy nên có nơi, có lúc trong công tác giáo
dục, vận động và chỉ đạo của tổ chức Đảng các cấp chưa kịp thời nên
phong trào công nhân ở các ĐTMN chưa tạo được sự phối hợp rộng
rãi, chặt chẽ. Một số cuộc đấu tranh diễn ra còn lẻ tẻ, rời rạc chưa
giành được thắng lợi như mục tiêu đã đề ra.
- Hai là, đối với phong trào công nhân, vai trò của tổ chức công
đoàn là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế cho đến năm
1960, tổ chức công đoàn cách mạng chưa được hình thành trên quy
mô toàn miền Nam. Chủ yếu, công đoàn cách mạng mới phát triển
được ở một số đồn điền cao su và một số ít ở đô thị, hoạt động bí
mật.
22
KẾT LUẬN
1. Với âm mưu giữ chặt miền Nam trong quỹ đạo của chủ
nghĩa thực dân mới, biến miền Nam thành “tiền đồn” chống Cộng ở
Đông Nam Á, ngăn chặn sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất
đất nước của nhân dân ta; ngoài những chính sách chung để đối phó
với cách mạng miền Nam, từ năm 1954 đến năm 1965, Mỹ và CQSG
có những chính sách riêng cho từng giai cấp, từng tầng lớp nhân dân
miền Nam, trong đó tập trung nhất là chính sách đối với công nhân
và phong trào công nhân.
Đối với công nhân và phong trào công nhân ở các ĐTMN từ
năm 1954 đến năm 1965, chính sách của Mỹ và CQSG thể hiện trên
nhiều lĩnh vực từ tư tưởng - chính trị; kinh tế đến văn hóa - xã hội;
ngoài bóc lột về kinh tế, cúp phạt, sa thải, giải công… Mỹ và CQSG
thi hành chính sách “chiếc gậy và củ cà rốt”, phá hoại phong trào
công nhân bằng cách lừa bịp và khủng bố, gây chia rẽ nội bộ, lũng
đoạn nghiệp đoàn, khống chế hoạt động nghiệp đoàn. Tất cả nhằm
thủ tiêu tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng của công nhân, kéo họ
ra khỏi quỹ đạo cách mạng.
Trước chính sách hai mặt của Mỹ và CQSG, để đưa phong
trào công nhân ở các ĐTMN phát triển, Đảng, Mặt trận Dân tộc giải
phóng miền Nam Việt Nam, HLĐGP các cấp đã nắm bắt tình hình,
tùy vào từng thời điểm cụ thể, tùy theo chuyển biến, tương quan lực
lượng cách mạng và phản cách mạng mà đề ra chủ trương, biện pháp
đấu tranh kịp thời nhằm lãnh đạo, chỉ đạo công nhân ở các ĐTMN
đấu tranh vì mục tiêu đòi hòa bình theo nội dung của Hiệp định
Genève (21-7-1954), chống chính sách “tố Cộng” của Mỹ và CQSG,
đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ, vừa kiên quyết chống lại âm mưu
lũng đoạn tổ chức nghiệp đoàn, lung lạc và mua chuộc công nhân.
2. Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng
của nhân dân Việt Nam, của phong trào đấu tranh cách mạng, quyết
liệt của công nhân Việt Nam trước năm 1954, phong trào công nhân
ở các ĐTMN từ năm 1954 đến năm 1965 diễn ra liên tục, có lúc sôi
nổi, có lúc trở thành cao trào, nhưng cũng có lúc phong trào tạm lắng
nhưng gắn mục tiêu đấu tranh phổ biến là đòi quyền lợi dân sinh, dân
chủ với mục tiêu dân tộc. Nội dung và khẩu hiệu cụ thể như đòi tăng
lương, đòi tiền thưởng Tết, tiền phụ cấp, đòi khám chữa bệnh kịp thời
cho công nhân ốm đau; đòi quyền tự do hội họp, tự do nghiệp đoàn,
23
quyền đại diện nghiệp đoàn phải được tôn trọng, các Tổng Liên
đoàn phải được phép xuất bản tờ báo hằng ngày như các đoàn thể
chính trị khác, chống chia rẽ nghiệp đoàn, đặc biệt là chống lại
luật cấm đình công, hội họp của CQSG; chống giao dịch buôn bán
với người Mỹ, không chuyên chở người Mỹ, không đón tiếp người
Mỹ; đòi Mỹ không được can thiệp vào nội bộ của người Việt Nam.
Như vậy, có thể khẳng định rằng, phong trào công nhân ở các ĐTMN
từ năm 1954 đến năm 1965 dù tự phát hay tự giác, đều thể hiện rõ
tính chất dân tộc, dân sinh và dân chủ sâu sắc. Mục tiêu đấu tranh của
công nhân ở các ĐTMN thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa hai tính
chất dân tộc và giai cấp, giữa mục tiêu lâu dài với mục tiêu cụ thể
trước mắt trong từng thời điểm cụ thể, góp phần đánh đổ ách thống
trị của đế quốc Mỹ và CQSG, giải phóng miền Nam, thống nhất đất
nước.
3. Phong trào công nhân ở các ĐTMN từ năm 1954 đến năm
1965 diễn ra đều khắp, trước hết là những thành phố lớn như Sài Gòn
- Chợ Lớn, Huế, Đà Nẵng, Biên Hòa; bao gồm hầu hết mọi ngành từ
công nhân thủy điện, hỏa xa, công nhân dệt, công nhân viễn thông,
đến công nhân bến tàu, công nhân taxi,... phong trào công nhân ở các
ĐTMN đã sáng tạo nhiều phương thức đấu tranh phong phú, đa dạng,
từ những cuộc tập hợp lực lượng, tổ chức hội nghị đưa yêu sách, lấy
chữ ký, tổ chức các diễn đàn, rồi lãn công, biểu tình thị uy, đình công
và tiến lên tổng bãi công,… qua đó phong trào đã phát triển nhanh
chóng và thực sự trở thành một mũi xung kích trong các phong trào
đấu tranh yêu nước ở các ĐTMN. Những hình thức, biện pháp đấu
tranh cho thấy phong trào công nhân ở các ĐTMN thể hiện linh hoạt
và sáng tạo, vừa lợi dụng thế công khai hợp pháp, bán hợp pháp và
bất hợp pháp. Sự phong phú và đa dạng về các hình thức và biện
pháp đấu tranh đã tạo điều kiện cho công nhân ở các ĐTMN và các
tầng lớp nhân dân tùy theo điều kiện và hoàn cảnh của mình mà tham
gia phong trào. Mặt khác, chính sự đan xen giữa các hình thức đấu
tranh đó đã tạo cho phong trào có thêm sức mạnh để đương đầu với
Mỹ và CQSG.
4. Đương nhiên, để có được những hình thức, biện pháp đấu
tranh đa dạng, phong phú, phong trào công nhân ở các ĐTMN đã
phải gắn bó chặt chẽ, phải hòa nhập cùng phong trào ĐTMN. Hầu hết
các cuộc đấu tranh của công nhân ở các ĐTMN từ năm 1954 đến
năm 1965, cho dù bộ phận công nhân nào khởi xướng thì cũng có sự
24
tham gia hoặc ủng hộ công nhân các ngành, của công nhân đồn điền,
của giai cấp nông dân và các tầng lớp xã hội miền Nam như học sinh,
sinh viên, Phật tử,… “Một sự hội tụ dân tộc” như thế đã nói lên vai
trò, vị trí, tính “tiền phong” của phong trào công nhân ở các ĐTMN.
Đoàn kết giai cấp, đoàn kết mọi tầng lớp xã hội trong đấu tranh là bài
học kinh nghiệm đắt giá đối phong trào công nhân ở các ĐTMN,
rộng ra là đối với phong trào công nhân miền Nam trong cuộc đấu
tranh rộng lớn vì mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất
nước.
Sự hợp lực giữa phong trào công nhân ở các ĐTMN với công
nhân đồn điền, với giai cấp nông dân và các tầng lớp xã hội đã đưa
phong trào ĐTMN tiến lên cao trào, góp phần làm sa sút ý chí của
quân đội Sài Gòn, từ đó góp phần làm sụp đổ các CQSG nối tiếp nhau,
từ CQNĐD đến Nguyễn Khánh, Trần Văn Hương. Vì vậy, điều khẳng
định là trong phong trào ĐTMN từ năm 1954 đến năm 1965, phong
trào công nhân giữ một vai trò quan trọng, làm cho hậu phương của
địch trở nên rối loạn, mất ổn định, tạo điều kiện cho phong trào cách
mạng miền Nam ở rừng núi, nông thôn đồng bằng phát triển, tiến đến
làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở miền Nam,
góp phần đưa phong trào cách mạng miền Nam không ngừng phát
triển, tiến đến hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất
đất nước (30-4-1975).
5. Phong trào công nhân ở các ĐTMN từ năm 1954 đến năm
1965 chứng minh sự đúng đắn phương châm đấu tranh “hai chân, ba
mũi”, “ba mũi giáp công”, “ba vùng chiến lược” của Đảng trong
cách mạng miền Nam. Đây là nét độc đáo trong phong trào đấu tranh
cách mạng của nhân dân miền Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ
thực tiễn phong trào giúp cho công nhân ở các ĐTMN nhận rõ bản
chất của kẻ thù, đồng thời tích lũy và đúc rút được những bài học
kinh nghiệm quý báu để tiến đến đấu tranh quyết liệt với kẻ thù trong
giai đoạn tiếp theo.
Tự hào về quá khứ là chính đáng, là điều đáng trân trọng,
nhưng niềm tự hào đó chỉ có ý nghĩa khi nó trở thành những hành
động hiện thực, vì một nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh, hiện đại
hơn. Trong sự nghiệp này công nhân Việt Nam phải thực sự là lực
lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước, đó là điều mà giai cấp công nhân Việt Nam luôn luôn ghi nhớ
và quyết tâm thực hiện cho bằng được.
25
DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ
CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
1. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2013), “Sự liên kết, phối hợp giữa
phong trào công nhân và phong trào Phật giáo trong cuộc đấu
tranh chống CQSG (1963-1965)”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học trẻ,
lần thứ VIII, Trường Đại học Khoa học Huế, (T11/2013).
2. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2014), “Phong trào công nhân vì mục
tiêu dân sinh, dân chủ và tự do ở các đô thị miền Nam giai đoạn
1961-1964”, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 283 (6/2014).
3. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2015), “Công nhân Sài Gòn - Gia Định
trong chiến dịch Hồ Chí Minh”, Hội thảo Khoa học: 40 năm thống
nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc (1975-2015), Trường
Đại học Sư phạm, Đại học Huế, (4/2105).
4. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2015), “Cuộc đấu tranh của công nhân
hỏa xa miền Nam những năm đầu sau Hiệp định Genève”, Tạp chí
KH & CN Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, chuyên san
Xã hội và Nhân văn, (7/2015).
5. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2015), “Tìm hiểu phong trào đấu tranh
của công nhân ngành dệt ở miền Nam Việt Nam (1963-1964)”,
Tạp chí Lịch sử Đảng, số 296, (7/2015).
6. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2015), Phong trào công nhân Sài Gòn
- Gia Định (1961-1964) in trong sách “Về phong trào đô thị miền
Nam trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)”, NXB Tổng hợp
TPHCM.
7. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Hoài
Xuân (2015), “Sự đoàn kết giữa giai cấp công nhân và các tầng
lớp nhân dân đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1965”, Hội thảo
Khoa học: Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc với sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh
Thừa Thiên Huế - Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Khoa
học, Đại học Huế, (T9/2015).
8. Nguyễn Thị Thanh Huyền - Lê Cung (2015), “Phong trào công
nhân Sài Gòn - Gia Định trong giai đoạn chống chiến lược “Chiến
tranh đặc biệt” của Mỹ (1961-1965), Tạp chí NCLS, số 473
(9/2015).
26
9. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Thị
Phương (2016), Phong trào vì mục tiêu dân chủ của công nhân đô
thị miền Nam giai đoạn 1954-1960, Tạp chí KH & CN Trường
Đại học Khoa học, Đại học Huế, chuyên san Xã hội và Nhân văn,
(7/2016) (đã nhận đăng).
10. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2016), Phong trào vì mục tiêu dân
sinh của công nhân đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1960, Tạp
chí Khoa học Đại học Huế, chuyên san Xã hội và Nhân văn (đã
nhận đăng).
11. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Nguyễn Thị Thu Hà, Đặng Nữ Hoàng
Quyên (2016), đời sống công nhân đô thị miền Nam giai đoạn
1954-1960, Tạp chí KH & CN Trường Đại học Khoa học, Đại học
Huế, chuyên san Xã hội và Nhân văn, (7/2016) (đã nhận đăng).
27
HUE UNIVERSITY
COLLEGE OF EDUCATION
NGUYEN THI THANH HUYEN
WORKER MOVEMENT IN THE SOUTHERN URBANS OF VIET
NAM IN THE RESISTANCE AGAINST THE UNITED STATES OF
AMERICA FROM 1954 TO 1965
MAJOR: HISTORY OF VIETNAM
CODE: 62 22 03 13
DOCTORIAL THESIS SUMMARY
HUE, 2016
28
Thisthesiswascompletedat:
CollegeofEducation,HueUniversity
Supervisor:
Assoc.Prof.Dr Le Cung, College of Education, Hue University
Reviewer 1:
Reviewer 2:
Reviewer 3:
This thesis will be presented at the Committee to be held by Hue
University at:.........h........../........../........../2016
This thesis can be found at the Library of College of Education, Hue
University.
29
PREFACE
1. The necessity of the research
In flow of modern history of Vietnam, the Worker Movement in
the Southern Urbans (SU) from 1954 to 1975 is part of SU, the
revolutionary movement in Vietnam, an important contribution in the
Southern liberation, unification.
Worker movement in the SU from 1954 to 1965 continuous,
lively and aggressive, attracted most of the workers participating
sectors as rail workers, water-electricity workers, dock workers,
textile workers, taxi workers, petroleum workers, workers of Savon,
wireless telecommunications workers, ... Although, being American
and Saigon Government (SG) used all schemes, tricks to hold
clamps, terror and fierce repression but worker movement in the SU
was always maintained and continued to grow in an upward direction
of the southern revolution. Worker movement in the SU is one of the
distinctive features of the historical process of the national struggle,
an important mark in the modern history of Vietnam. Movement has
demonstrated patriotism and revolutionary spirit of the working class
in Vietnam.
The movement also signifies the unity of action between the
working class and the others in urban areas, in which workers in the
SU were always the key force, led and cheered effect people in urban
and rural ain the common struggle for the cause of liberation of the
South, reunification. Along with the movement of many class of the
SU, worker movement in the SU have dealt strong blows to US
secure rear, and SG. The progress of the movement in urban, core
worker movement, effects gradually break loose in the grip of the
enemy in urban, isolated political enemy, made the enemy's rear
becomes disorder, pushing the United States of America (US) and
SG gradually fall into a serious crisis. Worker movement in the SU
contribute to a new ball, turning the occupied municipality enemy's
forward movement into southern revolution, facilitating the
construction of the revolutionary forces in the inner city, creating
conditions approaching urban liberation, liberation of the South,
reunification (30-4-1975).
30
However, to date, in addition to the rubber worker movement in
South Vietnam were quite adequate research, systematic, the rest from
research on the worker movement in the SU of Vietnam from 1954 to
1975 have not been interested in research. Therefore, the
research on worker movement in the SU (1954-1975), period after the
Genève Agreement (21-7-1954) to the time of the "special war" of the
US bankrupt in the South (6-1965) is essential, and significant
scientific. For that reasons, we have chosen the title: "The worker
movement in the southern urbans of Viet Nam in the resistance against
the United States of America from 1954 to 1965" doing research for a
doctoral thesis, specialized Vietnamese History.
About scientific significance, the thesis contributes to a better,
fuller stages glorious history of the nation in the cause of liberation of
the South, reunification; the nature of the US-controlled SG in
ambition to destroy the resistance movement of the people in South
Vietnam; on the policy of the Communist Party of Vietnam (CPV) at
all levels in the worker movement in the SU; the soundness and
creativity of Party with the motto struggle "two feet, three shots",
"three shots of armor", "three strategic areas" in the resistance against the
US (1954-1975); understand the nature of the worker movement in the
SU, a movement that takes place in conditions of war of national
liberation, through which to see the diversity and richness of forms
and methods of struggle movement; on the achievements of the
movement in the fields of life and democracy; better understanding
of the workers movement in each sector, the overall coordination of
workers across the sector, as well as the link between the worker
movement in the struggle SU and movement of the strata.
On the practical implications, at present in the country's renovation
initiated by the Party, in which industrialization and modernization of
key positions. So add some theses experiences contributed to the
political - social wield in planning policies for workers. On the other
hand, the thesis contribute to raising pride for the working class,
traditional historical education revolution for workers to do a job they
protect the results of the revolution and national construction under way
of change new of CPV and people that we are implementing. The thesis
contributes to additional materials on the worker movement in the
southern urbans of Vietnam in the resistance against the US (1954-
31
1975). Furthermore, the results of the thesis can be used as reference
material for teachers and students in universities, colleges, high school
and applied research teaching national history; contribute to the
compilation of the worker history of Vietnam in general, worker in
urban in the resistance against the US (1954-1975) in particular.
2. Subject matter and scope of research
2.1. Subject matter
The subject of the thesis is the worker movement in the southern
urbans in the resistance against US from 1954 to 1965, which focused
research objectives, events, forms, methods, results of the struggle of
worker movement in SU as well as to clarify the nature, characteristics
and significance of the worker movement in the SU from 1954 to
1965. To clarify this content, pay attention to the thesis presented,
analyzed the structure, staff, life of worker in the SU under the
regime of the US and SG.
2.2. Research scope
About space, dissertation research worker movement in the SU
(1954-1965). South here is understood to mean both South and North
accordance Genève Agreement in 1954. However, the research
focused on worker movement in the big cities like Saigon, Bien Hoa,
Nha Trang, Da Nang, Hue, this is the typical urban - where a large
concentration of workers and place typically struggles.
About time, thesis researchs from 1954 to 1965, in particular since
the Geneva Agreement (21-7-1954) was signed by the time of the
"special war" of the US bankruptcy by war win Ba Gia in
Quang Ngai province (6-1965). The issues presented
in this thesis are arranged in the course of historical
development, showing the continuity from 1954 to
1965.
3. Objective and mission of research
3.1. Objective of research
The aim of the thesis was to reproduce the historical picture of
the worker movement in the SU in the resistance against US from
1954 to 1965 with the systematic way. The research results of the
thesis contribute to providing arguments for politicians - society in
formulating policies for current workers.
32
3.2. Missions of research
First, clarify US policy and SG, life of workers in the SU
workers from 1954 to 1965, which explains the origin of the
movement.
Second, the presentation and analysis CPV's policies for workers
at all levels in the SU. The process of struggle, objectives, forms and
methods of the worker movement in the SU with phases: 1954-1960,
1961-1965.
Third, analyze and clarify some of the properties, characteristics
and historical significance of the worker movement in the SU from 1954
to 1965.
4. Methodology and material resources
4.1. Resources
The thesis is mainly built on the basis of the following sources:
- The documents of CPV, the works of the leaders of CPV to
write about national liberation revolution, resistance against US for
national salvation, the workers and worker movement.
- The study of the resistance against the American invasion of
the Institute of History, Institute of CPV History, Military History
Institute and the collective monograph researchers or individual
researchers.
- The archives related to the resistance against US and worker
movement are currently stored at the National Archives Centre (NAC)
II in Ho Chi Minh City (HCMC), Archives Centre of Bien Hoa, Nha
Trang, Da Nang, Hue.
- The thesis also noted reference works PhD thesis, Master thesis
and articles in magazines with content related to the topic.
- Besides, the thesis also uses a number of material collected
from field surveys and interviews with witnesses.
4.2. Research Methods
Based on the methodology of Marxism - Leninism and Ho
Chi Minh Idea, the thesis uses the historical method associated
with the method are mainly logical. Besides, the thesis also uses
statistical methods, comparison and analysis of research on the
basis of written sources. In addition, we also use interdisciplinary
methods, inherited scientific disciplines such as political science,
economics, ...
5. Scientific contributions of the thesis
33
Firstly, the thesis is a study relative systematic worker
movement in the SU from 1954 to 1965, contributed additional
material and some points to clarify history of worker movement in
particular and history of Vietnam at the same time.
Secondly, the thesis clarify US policy toward workers and SG in
SU, so that explains the movement arose of the working class in the
SU from 1954 to 1965. Understanding ethnic characteristics and
worker movement in the SU - the movement that takes place in
conditions of war of national liberation, through which to see the
diversity and richness of forms and methods of struggle movement.
Thirdly, the thesis specifies the objectives of the struggle of
workers in the SU and achievements of the movement in the areas of
welfare, democracy... Understanding better the solidarity worker
movement in each sector, public sector workers and workers in the
SU with the peasantry and the labor strata across the region.
Finally, thesis highlights the nature, characteristics and
contributions of the worker movement in the SU in southern
liberation, reunification. The thesis also contributes to the education
of traditional patriotic struggle, raising pride for the working class
today, the research results of the thesis can provide resources
relatively complete worker movement in SU (1954-1965).
6. The layout of the thesis
Chapter 1: Research overview (17 pages)
Chapter 2: Worker movement in the southern urbans in the
period 1954-1960 (51 pages).
Chapter 3: Worker movement in the southern urbans in the
period 1961-1965 (46 pages).
Chapter 4: The nature, characteristics and historical significance
of worker movement in the southern urbans from 1954 to 1965 (27
pages).
34
Chapter 1
RESEARCH OVERVIEW
1.1. Researchs related to the thesis
1.1.1. Studies of worker and worker movement of Vietnam
Before 1975, the studies of worker and worker movement
include the following works:
Tran Van Giau (1958), Vietnam working class formation and its
development from class "himself" to class "for himself", Su That
Publishing House, Hanoi; Vu Ngoc Nguyen (1959), the Southern
workers in the war, Lao Dong Publishing House, Ha Noi; Hoang
Quoc Viet (1959), Brief Highlights historical worker movement and
union of Vietnam from 1860 to 1945, Lao Dong Publishing House ,
Hanoi. Vo Nguyen (1961), The worker movement in the southern
urbans, Su That Publishing House, Ha Noi; Tran Van Giau (1962),
(1963), the working class from the establishment of Communist Party
of Vietnam to successful revolution (1930-1945), (3 volumes),
Publishing House of History, Hanoi; Lien Anh Diep ( 1963), white
blood red blood, Lao Dong moi Publishing House, Saigon; Le
Nguyen Khoi, Duong Pham (1965), the southern urban workers’
struggle against US – Diem goverment, Pho Thong Publishing
House, Hanoi; Tran Tu Binh (1965), ed Phu Rieng, Labour
Publishing House, Ha Noi, ...
After 1975, the studies of worker and worker movement
includes the following works:
Cao Van Luong (1977), Workers in the southern urbans of
Vietnam in the resistance against the US (1954-1975), Social
Sciences Publishing House, Ha Noi; A few comments on the working
class in the south and trade union officials liberated areas (1978),
Lao Dong Publishing House, Ha Noi; Ngo Van Hoa, Kinh Duong
Quoc (1978), Vietnam working class before the establishment of
CPV, Social Sciences Publishing House, Ha Noi; Vietnam General
Confederation of Labour (1995), Worker movement and trade union
activities in South Vietnam from 1954 to 1975, Lao Dong Publishing
House; Labor federation Quang Nam - Da Nang (1996), The history
of the revolutionary movement of worker and trade union activities in
Quang Nam - Da Nang (1954-1975), Da Nang Publishing House;
Confederation of Labour of Thua Thien Hue province (1998), History of
35
the worker movement and unions in Thua Thien Hue province, Volume
1 (1930-1975), Lao Dong Publishing House, Ha Noi; Nguyen Thi
Mong Tuyen (2009), Movement of the rubber workers of Thu Dau
Mot in the 30 years war of liberation (1945-1975), PhD thesis,
Institute for Sustainable Development City South area; Cao Van
Luong (1964), Coalition of agricultural issues in the national
democratic revolution in South Vietnam today, Journal of Historical
Research (JHR) No. 64, ...
1.1.2. The studies of worker and worker movement in the
southern urbans
Tran But (1965), Da Nang Workers struggle spearhead pointed
straight at the beginning of the American invaders, Lao Dong
Publishing House, Hanoi; Huu Tuan (1965), Urban workers on the
front lines Fatherland, Lao Dong Publishing House, Hanoi; Le Thi
Quy (1988), Saigon union and worker movement, HCMC Publishing
House; Executive Committee of HCMC Labour Confederation
(1993), Saigon - Cholon worker during the national liberation cause,
Lao Dong Publishing House, HCMC; Pham Hong Thuy, My Ha,
Dinh Thu Xuan (1998), History of the Ba Son ventures from 1863 to
1998, the people's Army Publishing House, Ha Noi; Tran Xuan Thao
(2000), The struggle of woman worker’s movement of Saigon - Gia
Dinh 1954-1975, Master thesis, University of Social Sciences and
Humanities, HCMC; Nguyen Thi Thu Huyen (2013), Worker
movement in Saigon (1954-1975), Master thesis, HCMC University
of Pedagogy; Regarding the article published in the journal JHR,
Journal of Military History (JMH) include, Cao Van Luong (1974),
the first step to learn about the structure of workers, laborers in the
cities of South Vietnam today, JHR, 159; Le Cung (2000), Worker
movement of Hue in the first years after the Genève Agreement 1954,
JHR, No. 1; Le Cung (2006), The struggle of worker of warter-
electricity sector in the south in the first year after the Genève
Agreement (1954), JMH, No. 2; Le Cung (2012), Worker movement
for the purpose of their lives in the southern urbans of Vietnam in the
period 1954-1959, JHR, No. 4.
All in all the work has solved the basic problem:
Firstly, an overview and history of the development of working
class of Vietnam through the historical period before the
establishment of Communist Party of Vietnam to the resistance
36
against the French (1945-1954) and resistance against US (1954-
1975).
Secondly, most of the studies also point out the dominant policy
in all fields of politics, economics, culture - society of French, and
the US against Vietnam workers; under the French colonialists and
the US imperialists policy, the life of worker was extremely hard.
Thirdly, works about the Vietnam worker movement in
resistance against French colonialism (1945-1954) and the resistance
against the US (1954-1975); simultaneously, the researchers came up
with the remarks, assessed feature of Vietnam worker movement
over time
Finally, some of the details but rather to present some of the
struggles of workers in the resistance against US in SU time but
limited in some sectors, in some local or narrow timeframe.
1.2. The issues raised should continue to be studied
The thesis aimed to address some of the following:
- Analysis of the measures and plot of the US and SG for worker
in the SU from 1954 to 1965.
- On the basis of resource extraction from many sides, thesis
treated, reproduced in detail the objectives and changes in the worker
movement from 1954 to 1965 in the SU.
- Draw the nature and characteristics of the worker movement
in the SU.
- Proven and confirmed by a large role of the worker movement
in the SU in contributing defeating the US war strategy in South
Vietnam from 1954 to 1965. On the other hand, draw historical
significance of the worker movement in the SU; on that basis, can
help politicians - sociologist make the policies for the working class
today.
37
Chapter 2
WORKER MOVEMENT IN THE SOUTHERN URBANS IN
THE PERIOD 1954-1960
2.1. Essential tradition of worker movement in the South before
1954
worker movement in the south before 1954 attracted most of the
worker of the sector and many classes of people involved, the worker
movement has fought its associated objectives welfare rights and
democracy with the aim of fighting against the French, protect the
independence and freedom of the Fatherland, the movement has used
various forms of struggle as strike rich, strikes, slowdowns, ... with
specific goals such as higher wages, less hours, anti-fired, anti-beat, ...
practically contribute to the war against the French to victory.
2.2. US and the Ngo Dinh Diem government’s policies for worker
in the southern urbans (1954-1960)
2.2.1. An overview of the situation in South Vietnam (1954-
1960)
Implementing the policy of the United States, after the government
seized in the South (7-7-1954), on the one hand, Ngo Dinh Diem
government (NDDg) refused consultative elections, refused to re-
establish normal relation between the South and the North; elections
held separately, Constituent Assembly elections (4-3-1956),
promulgated the Constitution (26-10-1956), established the Can Lao
party, ... On the other hand, NDDg terrorist who tried to endorse the
peace, who joined the resistance and the struggle for the implementation
of the Genève Agreement. Those are the underlying causes leading to
the revolutionary movement of the people in South Vietnam.
2.2.2. US and the Ngo Dinh Diem government’s policies for
worker in the southern urbans
2.2.2.1. Ideological - political
NDDg’s ideology is humanism. For workers in the SU, US and
NDDg open training courses to promote and disseminate the "ideal
Christian trade unions". Besides propagating the Christian ideology,
also said US and NDDg legend "at the same workplace bisexual,
bisexual interests", "harmony class", "democracy" and advocated
"promotions should work."
38
Politically, under US and NDDg regime, the freedom of workers
to be compromised. US and NDDg rigging the remaining
unions, implementing the policy "taking the movement
to break the movement, unions to hold most of the
people."
2.2.2.2. Economic
Along with the development of industry, workers in the SU
increasing rapidly, mostly in light industries (textiles, food) or
construction, transport is stimulated by these orders of US agencies
and NDDg.
2.2.2.3. Cultural - social
The objective of the cultural policy of the US and NDDg is
creating the "positive" to entice the workers on the treadmill of a new
culture - American culture, which in turn workers into tools in the SU
implementing policies of US colonialism in Vietnam.
2.3. Team and the lives of worker in the southern urbans (1954-1960)
2.3.1. Worker in southern cities
The economic policies of the US and NDDg had affected
workers in SU firstly the number of workers increasing. The
development does not follow economic rules that required by war.
2.3.2. The life of urban worker in the South
2.3.2.1. Time and working conditions
In order for the exploitation of workers, employers often
prolonged work that must alarm [250; page. 10]. Not only exploited
by the labor time that workers in SU also work with very bad
conditions [6 8; page. 2].
2.3.2.2. Unemployment
What we're seeing in the SU after the Armistice that
unemployment was fairly common in the factories, mills.
2.3.2.3. Wages
Income from wages do not keep up the price of food and daily
consumer goods. Besides taxes and heavy penalties.
2.4. Evolution of worker movement in the southern urbans (1954-
1960 )
2.4.1. The policy of the CPV
In the period 1954-1960, the CPV focused attention towards
taking advantage of the public unions, and to develop forms of
39
legally sold widely to mobilize, workers gradually gathers fight
Americans and NDDg.
2.4.2. Evolution of movement
2.4.2.1. Worker movement for welfare objectives
Immediately after the Genève Agreement (1954), worker
movement for the purpose of workers' welfare in the SU lively place,
all over the big cities in the South like Saigon - Cholon, Bien Hoa,
Da Nang, Hue, attracting many industry workers participated.
The opening is a strike of 30,000 workers at the end of 1954,
demanding wage amendments, requires paid access, and money paid
as Tet and fired. In response to this struggle, on 7-12-1954, workers
strike Bien Hoa total support [238; page. 151]. On 4-1-1955,
representing the French government to make concessions, the
workers get a raise and grant consular access money [238; page.
151].
Along with the struggle of workers and workers' French army is
the struggle of workers driving to Dong Ba - Bao Vinh Hue’s route
[217; page. 2].
Date 10-11-1955, unionists whole rail workers union local
Vietnam extraordinary meeting in Hue station. Then the struggle of
rail workers Hue, on 24-11-1955, the whole water-electricity worker
of Danang strikes [183; page. 3]. The strike in the city made the
power outage for 2 days. Along with the struggle of the workers
water-electricity sector, in Saigon, on 23-3-1956, taxi drivers union
congress also conducts taxpayer objected special command
petroleum [174; page.1].
When the struggle of Hue water-electricity worker and taxi
driver worker in Saigon had not ended, on 26-3-1956, 800 workers
Cho Quan Lamp Factory also fired anti-strike and terrorism 3
workers. The strike lasted two days for both the city of Saigon -
Cholon, Gia Dinh, Bien Hoa, no electricity, water, all industrial
activity was brought to a standstill; theaters, cinemas have closed; six
daily newspapers not to be; radio station silenced 48 hours. Under
these circumstances, NDDg to agree to inclusion of workers have
been laid off [32; page. 93].
On 13-5-1956, warehouse workers 5 dock porters Nha Rong
simultaneous strike demanding salary adjustments STIC company
[182; page. 2].
40
Following the strike of workers of 5 workers warehouse dock
porters "The Dragon" is the struggle of workers of oil firm Standard
Vacuum Oil on 19-7-1956 requires the Board of Directors resolved
claims " Alter of wages; medical; overtime pay "[140; page. 12].
When the struggle of the railway workers going on fiercely, then
strike for pay increase of more than 3,500 workers in Saigon Port 24-
1-1957 skinny continue. The strike Saigon pier makes absolutely
paralyzed, forcing employers to accept 15% pay rise for workers
[178; page. 115].
On 8-1-1958, Union Radio telecommunications workers to get a
resolution meeting prosecute strike blocked off the Board of
Directors of the workers wages and repression used words, cursing
workers [112; page 1]. Next struggles of wireless
telecommunications workers, on 25-5-1958, 170 of 150 deputies
textile mill workers of Saigon - Cholon and Gia Dinh.
In 1959 the most typical is the struggle of workers of oil
company Shell. Date 15-10-1959, its more than 500 workers
unanimously strike to protest the US capitalist owners dismiss
workers.
In 1960, the movement for the purpose of workers' welfare in
the SU still continuing. Some struggle 7-1-1960 typical day, 200
workers of Bus Moto company annual meeting of struggling to raise
their requirement bonuses, overtime wages and family allowances.
After four days of fighting, the employer has agreed to the demands
of workers [178; page. 140].
2.4.2.2. Workers' movement for democratic goals
Faced with US and NDDg arrests, suppression, division workers,
union freedoms had been violated, the workers struggle in the SU
stood up to defend their rights. In the International Labour on 1-5-
1955, workers of Saigon - Cholon, Bien Hoa, Da Nang, Hue organized
many rallies, demonstrations demanding freedom of assembly,
freedom of speech, anti-oppression, terrorism [32; page. 92].
On 1-2-1956, Standing Sub-delegation of Saigon Railway
Station has sent a dispatch to the Central Standing Federation
National Revolutionary officers indicating original state rail
monopoly Director, terrible announced unionists, workers suffocate
the life of the spirit [73; page. 3].
41
Next, on 21-6-1956, Union local union official letter sent to
Cholon pointed NDDg union freedoms have been compromised by
the blatant actions, humiliation, abduction torture persecution union
officials of the government of Thu Dau Mot [138; page. 1].
1-5-1957 International Labor Day, although NDDg ban
demonstrations, but in Saigon, the masses, in which the majority of
workers are emanating the streets protesting, slogan is doubtful
rights, including the right to "free unions" .
Date 22-10-1958 in telegram No. 2035 of the Vietnam General
Confederation of Labour requirements Ngo Dinh Diem: "Save at the
Confederation of union members were arrested, no action
undermining public security National public that the suspect or may
be appointed as vindictive. Confederation President would like them
to, or for the Confederation leaders would like to be reunited with
their families" [230; page. 2].
2.4.2.3. Movement fighting for implementing the Genève
Agreement and the policy against "communist elements"
Date 1-8-1954 in Saigon - Cholon, 50,000 people, mostly
workers lighthouse, docks, workers in the logistics unit of France and
other classes, demonstrations. Walk protesters cheered peace, uphold
the banner demanding strictly enforce the Genève Agreement. Also
on (1-8-1954), in Da Nang, the movement fighting for the
implementation of the Genève Agreement of railroad workers took
place lively [134; page. 21].
In April, May-1956, in Saigon fighting erupted publicly
demanding phase consultative elections, leading to 200,000 people
rally in the International Labor on 1-5-1956 under the slogan "Unity
State home by peaceful means "," Vietnam independence and unity
viva "[2].
Along with the movement fighting for the implementation of the
Genève Agreement, demanding consultative elections and fight for
their rights regarding living conditions and democratic, worker in the
SU fighted policies "communist elements" of US and NDDg.
In Da Nang, the US and NDDg put some reactionaries stand out
"communist elements" or declared secession, torn flag or calling party
cadres and Party members out every attempt made for mass confusion,
fluctuating. But, most of the people of Da Nang remained steadfast
stance on. Typically c he's porters Danang port tunneling, protecting
42
comrades grassroots party members listened, building the movement.
[134; page. 40-41].
May-1959, when the US and NDDg enactment "10-59"
communism put out the outlaw, in the Ba Son factory, NDD forced to
disband unions, workers' movements temporarily subsided, reaction
worker's report was then sick, do not attend school, or if attendance is
noisy, disorderly, some workers taking advantage of loopholes
"speakers" for questioning, game management, ... [211 ; pages. 251-
252].
43
Chapter 3
WORKER MOVEMENT IN THE SOUTHERN URBANS IN
THE PERIOD 1961-1965
3.1. US and SG’s policy for worker in the southern urbans (1961-
1965 )
3.1.1. An overview of the situation in South Vietnam (1961-
1965)
To continue to maintain the trajectory of the South in the US, in
1961, after entering the White House, President Kennedy has decided
to eliminate the strategy of "massive retaliation" strategy and accept
the military "response flexibility" by Maxwell Taylor's new global
initiative. "Special War" is one of three forms of strategic war
"flexible response". But the plot and action of the United States and
NDDg not prevent the progress of the southern revolution. On both
militarily and politically, the Southern army and people constantly
advancing and won significant victories strategy.
3.1. 2. US and SG’s policy for worker in the southern urbans
3.1.2.1. Ideological - political
In terms of ideology, SG continue working evangelists of human
needs in southern workers. US and SG also lackeys of the General
Confederation of Labour regularly published newsletter press
workers to propagate the reactionary rhetoric such as "People's
Capitalism", "class peace", "case working class", "proletarian
property owners".
Politically, to buy off workers in SU, on the one hand, the
United States and promoting policies SG entice workers involved in
labor organizations such as the gold unions, ... In addition, we use a
number of minions in the organized labor movement enters the
workers to carry out activities divisive, destructive, continues motto
"movement break the movement, most of the public
unions to hold ".
3.1.2.2. Economic
To implement "special war" , the US increased aid for SG with
two main forms of economic aid and military assistance. Only in
1963, US economic aid for SG is $175 million. In addition , "aid" ,
the US and SG also outlined a number of policies to promote industry
Phong trào công nhân ở miền nam trong kháng chiến chống Mỹ
Phong trào công nhân ở miền nam trong kháng chiến chống Mỹ
Phong trào công nhân ở miền nam trong kháng chiến chống Mỹ
Phong trào công nhân ở miền nam trong kháng chiến chống Mỹ
Phong trào công nhân ở miền nam trong kháng chiến chống Mỹ
Phong trào công nhân ở miền nam trong kháng chiến chống Mỹ
Phong trào công nhân ở miền nam trong kháng chiến chống Mỹ
Phong trào công nhân ở miền nam trong kháng chiến chống Mỹ
Phong trào công nhân ở miền nam trong kháng chiến chống Mỹ
Phong trào công nhân ở miền nam trong kháng chiến chống Mỹ
Phong trào công nhân ở miền nam trong kháng chiến chống Mỹ
Phong trào công nhân ở miền nam trong kháng chiến chống Mỹ

More Related Content

What's hot

Bg duong loi_cm_cua_dang[1]
Bg duong loi_cm_cua_dang[1]Bg duong loi_cm_cua_dang[1]
Bg duong loi_cm_cua_dang[1]Chung Nguyen
 
Tieu luan y nghia lich su ra doi dang cong san viet nam
Tieu luan y nghia lich su ra doi dang cong san viet namTieu luan y nghia lich su ra doi dang cong san viet nam
Tieu luan y nghia lich su ra doi dang cong san viet namThích Hô Hấp
 
Duong loi cmdcs vn
Duong loi cmdcs vnDuong loi cmdcs vn
Duong loi cmdcs vnNengyong Ye
 
Lịch sử 5 - Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời
Lịch sử 5 - Đảng Cộng sản Việt Nam ra đờiLịch sử 5 - Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời
Lịch sử 5 - Đảng Cộng sản Việt Nam ra đờitieuhocvn .info
 
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI QUÁ TRÌNH SÀNG LỌC NGHIÊM KHẮC CỦA LỊCH SỬ & DÂ...
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI QUÁ TRÌNH SÀNG LỌC NGHIÊM KHẮC CỦA LỊCH SỬ & DÂ...ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI QUÁ TRÌNH SÀNG LỌC NGHIÊM KHẮC CỦA LỊCH SỬ & DÂ...
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI QUÁ TRÌNH SÀNG LỌC NGHIÊM KHẮC CỦA LỊCH SỬ & DÂ...Ho Quang Thanh
 
Gt lich su dang - svptit
Gt lich su dang - svptitGt lich su dang - svptit
Gt lich su dang - svptitmrpakapun
 
Luận án: Căn cứ kháng chiến Khu Sài Gòn – Gia Định (1954-1975) - Gửi miễn phí...
Luận án: Căn cứ kháng chiến Khu Sài Gòn – Gia Định (1954-1975) - Gửi miễn phí...Luận án: Căn cứ kháng chiến Khu Sài Gòn – Gia Định (1954-1975) - Gửi miễn phí...
Luận án: Căn cứ kháng chiến Khu Sài Gòn – Gia Định (1954-1975) - Gửi miễn phí...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
CĂN CỨ KHÁNG CHIẾN KHU SÀI GÒN – GIA ĐỊNH TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ (1954-19...
CĂN CỨ KHÁNG CHIẾN KHU SÀI GÒN – GIA ĐỊNH TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ (1954-19...CĂN CỨ KHÁNG CHIẾN KHU SÀI GÒN – GIA ĐỊNH TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ (1954-19...
CĂN CỨ KHÁNG CHIẾN KHU SÀI GÒN – GIA ĐỊNH TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ (1954-19...hanhha12
 
Lịch sử hành chính nhà nước việt nam
Lịch sử hành chính nhà nước việt namLịch sử hành chính nhà nước việt nam
Lịch sử hành chính nhà nước việt namjackjohn45
 

What's hot (15)

Luận án: Khu ủy Trị - Thiên - Huế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
Luận án: Khu ủy Trị - Thiên - Huế trong cuộc kháng chiến chống MỹLuận án: Khu ủy Trị - Thiên - Huế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
Luận án: Khu ủy Trị - Thiên - Huế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ
 
Luận án: Công tác dân vận của Đảng bộ Liên khu Việt Bắc, HAY
Luận án: Công tác dân vận của Đảng bộ Liên khu Việt Bắc, HAYLuận án: Công tác dân vận của Đảng bộ Liên khu Việt Bắc, HAY
Luận án: Công tác dân vận của Đảng bộ Liên khu Việt Bắc, HAY
 
Bg duong loi_cm_cua_dang[1]
Bg duong loi_cm_cua_dang[1]Bg duong loi_cm_cua_dang[1]
Bg duong loi_cm_cua_dang[1]
 
Tieu luan y nghia lich su ra doi dang cong san viet nam
Tieu luan y nghia lich su ra doi dang cong san viet namTieu luan y nghia lich su ra doi dang cong san viet nam
Tieu luan y nghia lich su ra doi dang cong san viet nam
 
Đồng chí cần làm gì, và phấn đấu như thế nào để trở thành Đảng viên!
Đồng chí cần làm gì, và phấn đấu như thế nào để trở thành Đảng viên!Đồng chí cần làm gì, và phấn đấu như thế nào để trở thành Đảng viên!
Đồng chí cần làm gì, và phấn đấu như thế nào để trở thành Đảng viên!
 
Duong loi cmdcs vn
Duong loi cmdcs vnDuong loi cmdcs vn
Duong loi cmdcs vn
 
Luận văn: Quá trình leo thang chiến tranh của Mĩ tại Việt Nam - Gửi miễn phí ...
Luận văn: Quá trình leo thang chiến tranh của Mĩ tại Việt Nam - Gửi miễn phí ...Luận văn: Quá trình leo thang chiến tranh của Mĩ tại Việt Nam - Gửi miễn phí ...
Luận văn: Quá trình leo thang chiến tranh của Mĩ tại Việt Nam - Gửi miễn phí ...
 
Luận án: Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Bắc Trung Bộ, HAY
Luận án: Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Bắc Trung Bộ, HAYLuận án: Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Bắc Trung Bộ, HAY
Luận án: Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Bắc Trung Bộ, HAY
 
Đề tài: Thực hiện chính sách dân tộc thời kỳ đổi mới ở Việt Nam
Đề tài: Thực hiện chính sách dân tộc thời kỳ đổi mới ở Việt NamĐề tài: Thực hiện chính sách dân tộc thời kỳ đổi mới ở Việt Nam
Đề tài: Thực hiện chính sách dân tộc thời kỳ đổi mới ở Việt Nam
 
Lịch sử 5 - Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời
Lịch sử 5 - Đảng Cộng sản Việt Nam ra đờiLịch sử 5 - Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời
Lịch sử 5 - Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời
 
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI QUÁ TRÌNH SÀNG LỌC NGHIÊM KHẮC CỦA LỊCH SỬ & DÂ...
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI QUÁ TRÌNH SÀNG LỌC NGHIÊM KHẮC CỦA LỊCH SỬ & DÂ...ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI QUÁ TRÌNH SÀNG LỌC NGHIÊM KHẮC CỦA LỊCH SỬ & DÂ...
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM RA ĐỜI QUÁ TRÌNH SÀNG LỌC NGHIÊM KHẮC CỦA LỊCH SỬ & DÂ...
 
Gt lich su dang - svptit
Gt lich su dang - svptitGt lich su dang - svptit
Gt lich su dang - svptit
 
Luận án: Căn cứ kháng chiến Khu Sài Gòn – Gia Định (1954-1975) - Gửi miễn phí...
Luận án: Căn cứ kháng chiến Khu Sài Gòn – Gia Định (1954-1975) - Gửi miễn phí...Luận án: Căn cứ kháng chiến Khu Sài Gòn – Gia Định (1954-1975) - Gửi miễn phí...
Luận án: Căn cứ kháng chiến Khu Sài Gòn – Gia Định (1954-1975) - Gửi miễn phí...
 
CĂN CỨ KHÁNG CHIẾN KHU SÀI GÒN – GIA ĐỊNH TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ (1954-19...
CĂN CỨ KHÁNG CHIẾN KHU SÀI GÒN – GIA ĐỊNH TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ (1954-19...CĂN CỨ KHÁNG CHIẾN KHU SÀI GÒN – GIA ĐỊNH TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ (1954-19...
CĂN CỨ KHÁNG CHIẾN KHU SÀI GÒN – GIA ĐỊNH TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ (1954-19...
 
Lịch sử hành chính nhà nước việt nam
Lịch sử hành chính nhà nước việt namLịch sử hành chính nhà nước việt nam
Lịch sử hành chính nhà nước việt nam
 

Similar to Phong trào công nhân ở miền nam trong kháng chiến chống Mỹ

Luận văn: Đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Mỹ ở huyện A Lưới (Thừa T...
Luận văn: Đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Mỹ ở huyện A Lưới (Thừa T...Luận văn: Đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Mỹ ở huyện A Lưới (Thừa T...
Luận văn: Đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Mỹ ở huyện A Lưới (Thừa T...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Luận văn : Tổ chức và hoạt động của Ủy Ban Kháng Chiến hành chính
Luận văn : Tổ chức và hoạt động của Ủy Ban Kháng Chiến hành chínhLuận văn : Tổ chức và hoạt động của Ủy Ban Kháng Chiến hành chính
Luận văn : Tổ chức và hoạt động của Ủy Ban Kháng Chiến hành chínhDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống ...
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống ...Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống ...
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống ...NuioKila
 
Tổ Chức Và Hoạt Động Của Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Tỉnh Khánh Hòa Từ Thán...
Tổ Chức Và Hoạt Động Của Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Tỉnh Khánh Hòa Từ Thán...Tổ Chức Và Hoạt Động Của Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Tỉnh Khánh Hòa Từ Thán...
Tổ Chức Và Hoạt Động Của Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Tỉnh Khánh Hòa Từ Thán...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
đề Thi thử đại học môn sử 2013
đề Thi thử đại học môn sử 2013đề Thi thử đại học môn sử 2013
đề Thi thử đại học môn sử 2013adminseo
 
mau-slide-powerpoint-danh-cho-mon-lich-su_105839.pptx
mau-slide-powerpoint-danh-cho-mon-lich-su_105839.pptxmau-slide-powerpoint-danh-cho-mon-lich-su_105839.pptx
mau-slide-powerpoint-danh-cho-mon-lich-su_105839.pptxGipHong12
 
đề Thi thử đại học môn sử
đề Thi thử đại học môn sửđề Thi thử đại học môn sử
đề Thi thử đại học môn sửadminseo
 
De cuong bai giang mon duong loi cach mang cua dang cong san viet nam 2
De cuong bai giang mon duong loi cach mang cua dang cong san viet nam 2De cuong bai giang mon duong loi cach mang cua dang cong san viet nam 2
De cuong bai giang mon duong loi cach mang cua dang cong san viet nam 2Vinh Xuân
 
Lich su viet_nam[1]
Lich su viet_nam[1]Lich su viet_nam[1]
Lich su viet_nam[1]Wild Wolf
 
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP LỊCH SỬ ĐẢNG.docx
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP LỊCH SỬ ĐẢNG.docxĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP LỊCH SỬ ĐẢNG.docx
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP LỊCH SỬ ĐẢNG.docxThyTrn607023
 

Similar to Phong trào công nhân ở miền nam trong kháng chiến chống Mỹ (20)

Luận văn: Phong trào sinh viên, học sinh ở các đô thị miền Nam trong kháng ch...
Luận văn: Phong trào sinh viên, học sinh ở các đô thị miền Nam trong kháng ch...Luận văn: Phong trào sinh viên, học sinh ở các đô thị miền Nam trong kháng ch...
Luận văn: Phong trào sinh viên, học sinh ở các đô thị miền Nam trong kháng ch...
 
Chiến tranh nhân dân ở Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ
Chiến tranh nhân dân ở Quảng Bình trong kháng chiến chống MỹChiến tranh nhân dân ở Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ
Chiến tranh nhân dân ở Quảng Bình trong kháng chiến chống Mỹ
 
Luận văn: Đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Mỹ ở huyện A Lưới (Thừa T...
Luận văn: Đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Mỹ ở huyện A Lưới (Thừa T...Luận văn: Đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Mỹ ở huyện A Lưới (Thừa T...
Luận văn: Đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Mỹ ở huyện A Lưới (Thừa T...
 
Tổ chức và hoạt động của Ủy ban kháng chiến hành chính Khánh Hòa
Tổ chức và hoạt động của Ủy ban kháng chiến hành chính Khánh HòaTổ chức và hoạt động của Ủy ban kháng chiến hành chính Khánh Hòa
Tổ chức và hoạt động của Ủy ban kháng chiến hành chính Khánh Hòa
 
Luận văn : Tổ chức và hoạt động của Ủy Ban Kháng Chiến hành chính
Luận văn : Tổ chức và hoạt động của Ủy Ban Kháng Chiến hành chínhLuận văn : Tổ chức và hoạt động của Ủy Ban Kháng Chiến hành chính
Luận văn : Tổ chức và hoạt động của Ủy Ban Kháng Chiến hành chính
 
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống ...
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống ...Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống ...
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống ...
 
Duong loi dang csvn
Duong loi dang csvnDuong loi dang csvn
Duong loi dang csvn
 
Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung BộLuận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Luận án: Cách mạng tháng Tám 1945 ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
 
Tổ Chức Và Hoạt Động Của Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Tỉnh Khánh Hòa Từ Thán...
Tổ Chức Và Hoạt Động Của Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Tỉnh Khánh Hòa Từ Thán...Tổ Chức Và Hoạt Động Của Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Tỉnh Khánh Hòa Từ Thán...
Tổ Chức Và Hoạt Động Của Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chính Tỉnh Khánh Hòa Từ Thán...
 
đề Thi thử đại học môn sử 2013
đề Thi thử đại học môn sử 2013đề Thi thử đại học môn sử 2013
đề Thi thử đại học môn sử 2013
 
mau-slide-powerpoint-danh-cho-mon-lich-su_105839.pptx
mau-slide-powerpoint-danh-cho-mon-lich-su_105839.pptxmau-slide-powerpoint-danh-cho-mon-lich-su_105839.pptx
mau-slide-powerpoint-danh-cho-mon-lich-su_105839.pptx
 
đề Thi thử đại học môn sử
đề Thi thử đại học môn sửđề Thi thử đại học môn sử
đề Thi thử đại học môn sử
 
Luận án: Phong trào công nhân ở các nước Tây Âu (1991 - 2011)
Luận án: Phong trào công nhân ở các nước Tây Âu (1991 - 2011)Luận án: Phong trào công nhân ở các nước Tây Âu (1991 - 2011)
Luận án: Phong trào công nhân ở các nước Tây Âu (1991 - 2011)
 
Ý nghĩa sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam
Ý nghĩa sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam Ý nghĩa sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam
Ý nghĩa sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam
 
Luận văn: Phong trào chống, phá ấp chiến lược ở Khánh Hòa (1961 – 1965)
Luận văn: Phong trào chống, phá ấp chiến lược ở Khánh Hòa (1961 – 1965)Luận văn: Phong trào chống, phá ấp chiến lược ở Khánh Hòa (1961 – 1965)
Luận văn: Phong trào chống, phá ấp chiến lược ở Khánh Hòa (1961 – 1965)
 
De cuong bai giang mon duong loi cach mang cua dang cong san viet nam 2
De cuong bai giang mon duong loi cach mang cua dang cong san viet nam 2De cuong bai giang mon duong loi cach mang cua dang cong san viet nam 2
De cuong bai giang mon duong loi cach mang cua dang cong san viet nam 2
 
Lich su viet_nam[1]
Lich su viet_nam[1]Lich su viet_nam[1]
Lich su viet_nam[1]
 
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP LỊCH SỬ ĐẢNG.docx
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP LỊCH SỬ ĐẢNG.docxĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP LỊCH SỬ ĐẢNG.docx
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP LỊCH SỬ ĐẢNG.docx
 
Đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Mỹ ở huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) ...
Đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Mỹ ở huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) ...Đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Mỹ ở huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) ...
Đấu tranh quân sự trong kháng chiến chống Mỹ ở huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) ...
 
Tiểu Luận Tư Tưởng Hồ Chí Minh Hình Thành Trong Thời Kỳ 1920 – 1930.docx
Tiểu Luận Tư Tưởng Hồ Chí Minh Hình Thành Trong Thời Kỳ 1920 – 1930.docxTiểu Luận Tư Tưởng Hồ Chí Minh Hình Thành Trong Thời Kỳ 1920 – 1930.docx
Tiểu Luận Tư Tưởng Hồ Chí Minh Hình Thành Trong Thời Kỳ 1920 – 1930.docx
 

More from Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864

Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.docTạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.docDịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 

More from Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864 (20)

Yếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.doc
Yếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.docYếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.doc
Yếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.doc
 
Từ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.doc
Từ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.docTừ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.doc
Từ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.doc
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
 
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
 
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
 
Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...
Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...
Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
 
Tác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.doc
Tác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.docTác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.doc
Tác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.doc
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
 
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
 
Song Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.doc
Song Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.docSong Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.doc
Song Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.doc
 
Ứng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.doc
Ứng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.docỨng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.doc
Ứng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.doc
 
Vai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.doc
Vai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.docVai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.doc
Vai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.doc
 
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
 
Thu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.doc
Thu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.docThu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.doc
Thu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.doc
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
 
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.docTạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
 

Recently uploaded

GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhvanhathvc
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líDr K-OGN
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...ThunTrn734461
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoámyvh40253
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxAnAn97022
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfTrnHoa46
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...Nguyen Thanh Tu Collection
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfVyTng986513
 

Recently uploaded (20)

GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
 

Phong trào công nhân ở miền nam trong kháng chiến chống Mỹ

  • 1. ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN PHONG TRÀO CÔNG NHÂN Ở CÁC ĐÔ THỊ MIỀN NAM VIỆT NAM TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ TỪ NĂM 1954 ĐẾN NĂM 1965 Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam Mã số: 62 22 03 13 LUẬN ÁN TIẾN SĨ SỬ HỌC HUẾ - NĂM 2016
  • 2. Công trình được hoàn thành tại trường Đại học Sư phạm Huế - Đại học Huế Người hướng dẫn khoa học - PGS.TS LÊ CUNG Phản biện 1: Phản biện 2: Phản biện 3: Luận án sẽ được bảo vệ tại Hội đồng chấm Luận án cấp Đại học Huế tại: Vào hồi giờ...........ngày..........tháng............năm 2016 Có thể tìm hiểu luận án tại thư viện: Đại học Sư phạm Huế, Đại học Huế
  • 3.
  • 4. NHỮNG CỤM TỪ VIẾT TẮT CQNĐD Chính quyền Ngô Đình Diệm CQSG Chính quyền Sài Gòn ĐTMN Đô thị miền Nam HLĐGP Hội Lao động giải phóng miền Nam Việt Nam LSQS Lịch sử quân sự NCLS Nghiên cứu Lịch sử NXB Nhà xuất bản PTT Phủ Tổng thống TPHCM Thành phố Hồ Chí Minh TTLT Trung tâm Lưu trữ VNCH Việt Nam Cộng hòa
  • 5. 1 MỞ ĐẦU 1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI Trong dòng chảy lịch sử Việt Nam hiện đại, phong trào công nhân ở các đô thị miền Nam (ĐTMN) (1954-1975) là bộ phận của phong trào ĐTMN, của phong trào cách mạng Việt Nam, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phong trào công nhân ở các ĐTMN từ năm 1954 đến năm 1965 diễn ra liên tục, sôi nổi và quyết liệt, thu hút hầu hết công nhân các ngành tham gia như công nhân hỏa xa, công nhân thủy điện, công nhân bến tàu, công nhân ngành dệt, công nhân taxi, công nhân xăng dầu, công nhân Savon, công nhân vô tuyến viễn thông,... Mặc dầu, bị Mỹ và chính quyền Sài Gòn (CQSG) dùng mọi âm mưu, thủ đoạn để kìm kẹp, khủng bố và đàn áp quyết liệt nhưng phong trào công nhân ở các ĐTMN vẫn luôn được giữ vững và tiếp tục phát triển theo hướng đi lên của cách mạng miền Nam. Phong trào công nhân ở các ĐTMN là một trong những nét đặc sắc của tiến trình lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta, ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Phong trào đã chứng minh tinh thần yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam. Phong trào còn biểu thị sự thống nhất hành động giữa giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động khác ở thành thị, trong đó công nhân ở các ĐTMN luôn là lực lượng nòng cốt, dẫn đầu và có tác dụng cổ vũ đồng bào đô thị cũng như nông thôn trong cuộc đấu tranh chung vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng với phong trào của các tầng lớp nhân dân ĐTMN, phong trào công nhân ở các ĐTMN đã giáng những đòn mạnh mẽ vào hậu cứ an toàn của Mỹ, và CQSG. Sự tiến công ở thành thị, nòng cốt là phong trào công nhân, có tác dụng từng bước phá lỏng thế kìm kẹp của địch ở đô thị, cô lập địch về chính trị, làm cho hậu phương của địch trở nên rối loạn, đẩy Mỹ và CQSG từng bước rơi vào tình trạng khủng khoảng nghiêm trọng. Phong trào công nhân ở các ĐTMN góp phần tạo nên một thế trận mới, biến các đô thị bị địch tạm chiếm thành tiền phương của phong trào cách mạng miền Nam, thuận lợi cho việc xây dựng lực lượng cách mạng ở nội đô, tạo điều kiện tiến đến giải phóng các đô thị, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975). Tuy nhiên, cho tới nay, ngoài phong trào công nhân cao su miền Nam đã được nghiên cứu khá đầy đủ, có tính hệ thống, còn lại một
  • 6. 2 mảng trống phong trào công nhân ở các ĐTMN Việt Nam (1954-1975) vẫn chưa được giới sử học Việt Nam quan tâm nghiên cứu. Vì vậy, việc tiến hành nghiên cứu phong trào công nhân ở các ĐTMN (1954-1975), trước hết là giai đoạn từ sau Hiệp định Genève (21-7-1954) đến thời điểm cuộc “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ bị phá sản ở miền Nam (6- 1965) là rất cần thiết, vừa có ý nghĩa khoa học, vừa có ý nghĩa thực tiễn. Với lý do đó, chúng tôi chọn đề tài: “Phong trào công nhân ở các đô thị miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ từ năm 1954 đến năm 1965” làm đề tài nghiên cứu cho luận án Tiến sĩ, chuyên ngành Lịch sử Việt Nam. Về ý nghĩa khoa học, luận án góp phần làm rõ hơn, đầy đủ hơn về các giai đoạn lịch sử hết sức vẻ vang của dân tộc trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; về bản chất của CQSG do Mỹ điều khiển trong tham vọng tiêu diệt phong trào kháng chiến của nhân dân miền Nam; về những chủ trương của Đảng các cấp trong việc lãnh đạo phong trào công nhân ở các ĐTMN; về tính đúng đắn và sáng tạo của Đảng với phương châm đấu tranh “hai chân, ba mũi”, “ba mũi giáp công”, “ba vùng chiến lược” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975); hiểu được bản chất của phong trào công nhân ở các ĐTMN, một phong trào diễn ra trong điều kiện chiến tranh giải phóng dân tộc, thông qua đó thấy được tính đa dạng, phong phú về hình thức và biện pháp đấu tranh của phong trào; về những kết quả đạt được của phong trào trên các lĩnh vực dân sinh, dân chủ; hiểu hơn về phong trào công nhân ở từng ngành, sự phối hợp chung của công nhân trong toàn ngành, cũng như sự liên kết giữa phong trào công nhân ở các ĐTMN với phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân. Về ý nghĩa thực tiễn, hiện nay trong sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng, trong đó công nghiệp hóa, hiện đại hóa giữ vị trí then chốt. Vì vậy, luận án góp thêm một số kinh nghiệm cho các nhà chính trị - xã hội vận dụng vào việc hoạch định những chính sách đối với công nhân. Mặt khác, luận án góp phần nâng cao niềm tự hào cho giai cấp công nhân, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng cho công nhân để họ làm tốt nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng và xây dựng đất nước theo đường lối đổi mới của Đảng mà nhân dân ta đang thực hiện. Luận án góp phần bổ sung tư liệu về phong trào công nhân miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). Mặt khác, kết quả của luận án có thể sử dụng làm tài liệu cho giáo viên, sinh viên, học sinh trong các trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông vận dụng nghiên cứu và
  • 7. 3 giảng dạy lịch sử dân tộc và lịch sử địa phương; góp phần vào việc biên soạn lịch sử công nhân Việt Nam nói chung, công nhân đô thị trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) nói riêng. 2. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU 2.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng của luận án là phong trào công nhân ở các ĐTMN trong kháng chiến chống Mỹ từ năm 1954 đến năm 1965, trong đó tập trung nghiên cứu mục tiêu, diễn biến, hình thức, biện pháp, kết quả các cuộc đấu tranh của công nhân ở các ĐTMN cũng như làm rõ tính chất, đặc điểm và ý nghĩa của phong trào công nhân ở các ĐTMN từ năm 1954 đến năm 1965. Để làm rõ những nội dung này, luận án chú ý đến việc trình bày, phân tích cơ cấu, đội ngũ, đời sống công nhân ở các ĐTMN dưới chế độ Mỹ và CQSG. 2.2. Phạm vi nghiên cứu Về không gian, luận án nghiên cứu phong trào công nhân ở các ĐTMN (1954-1965). Miền Nam ở đây được hiểu theo nghĩa là hai miền Nam Bắc theo quy định Hiệp định Genève năm 1954. Tuy nhiên, luận án chỉ tập trung nghiên cứu phong trào công nhân ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Biên Hòa, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, đây là những đô thị tiêu biểu - nơi tập trung đông đảo công nhân và diễn ra những cuộc đấu tranh điển hình. Về thời gian, luận án giới hạn từ năm 1954 đến năm 1965, cụ thể là từ khi Hiệp định Genève (21-7-1954) được ký kết đến thời điểm cuộc “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ bị phá sản với chiến thắng Ba Gia ở Quảng Ngãi (6-1965). Những vấn đề trình bày trong luận án được sắp xếp theo quá trình phát triển lịch sử, thể hiện tính liên tục từ năm 1954 đến năm 1965. 3. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU 3.1. Mục đích nghiên cứu Mục đích của luận án là tái hiện bức tranh lịch sử về phong trào công nhân ở các ĐTMN trong kháng chiến chống Mỹ từ năm 1954 đến năm 1965 một cách có hệ thống. Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần cung cấp những luận cứ cho các nhà chính trị - xã hội trong việc hoạch định chính sách đối với công nhân hiện nay. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Một là, làm rõ những chính sách của Mỹ và CQSG, đời sống công nhân ở các ĐTMN từ năm 1954 đến năm 1965, từ đó lý giải nguồn gốc của phong trào.
  • 8. 4 Hai là, trình bày và phân tích những chủ trương của Đảng các cấp đối với công nhân ở các ĐTMN. Quá trình đấu tranh, mục tiêu, hình thức và biện pháp của phong trào công nhân ở các ĐTMN qua các giai đoạn: 1954-1960, 1961-1965. Ba là, phân tích, làm rõ một số tính chất, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của phong trào công nhân ở các ĐTMN từ năm 1954 đến năm 1965. 4. NGUỒN TÀI LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 4.1. Nguồn tài liệu Luận án chủ yếu được xây dựng trên cơ sở các nguồn tài liệu sau đây: - Các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam, các tác phẩm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam viết về cách mạng giải phóng dân tộc, về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, về công nhân và phong trào công nhân. - Các công trình nghiên cứu về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Viện Sử học, Viện Lịch sử Đảng, Viện Lịch sử quân sự và các chuyên khảo của tập thể các nhà nghiên cứu hoặc riêng từng nhà nghiên cứu. - Các tài liệu lưu trữ liên quan tới cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và phong trào công nhân miền Nam hiện đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ (TTLT) Quốc gia II tại thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), TTLT của các thành phố Biên Hòa, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế. - Luận án cũng chú ý tham khảo các công trình luận án Tiến sĩ, luận văn Thạc sĩ và những bài viết trên các tạp chí có nội dung liên quan đến đề tài. - Bên cạnh đó, luận án còn sử dụng một số tư liệu thu thập được từ việc khảo sát thực địa và phỏng vấn nhân chứng. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, luận án sử dụng phương pháp lịch sử kết hợp với phương pháp logic là chủ yếu. Bên cạnh đó, luận án còn sử dụng các phương pháp thống kê, so sánh, phân tích trên cơ sở khảo cứu các nguồn tài liệu văn bản. Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng phương pháp liên ngành, kế thừa thành quả của các bộ môn khoa học khác như chính trị học, kinh tế học,... để nghiên cứu và trình bày luận án. 5. ĐÓNG GÓP CỦA LUẬN ÁN Một là, luận án là một công trình nghiên cứu tương đối có hệ thống về phong trào công nhân ở các ĐTMN từ năm 1954 đến năm
  • 9. 5 1965, góp phần bổ sung tư liệu cùng một số luận điểm nhằm làm rõ hơn về lịch sử phong trào ĐTMN nói riêng và lịch sử Việt Nam cùng khung thời gian. Hai là, luận án làm rõ chính sách của Mỹ và CQSG đối với công nhân ở các ĐTMN, để từ đó giải thích cho sự nảy sinh phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân ở các ĐTMN từ năm 1954 đến năm 1965. Hiểu được tính dân tộc và đặc điểm phong trào công nhân ở các ĐTMN - một phong trào diễn ra trong điều kiện chiến tranh giải phóng dân tộc, thông qua đó thấy được tính đa dạng, phong phú về hình thức và biện pháp đấu tranh của phong trào. Ba là, luận án chỉ rõ những mục tiêu đấu tranh của công nhân ở các ĐTMN và kết quả đạt được của phong trào trên các lĩnh vực dân sinh, dân chủ,... Hiểu hơn về sự đoàn kết đấu tranh của phong trào công nhân ở từng ngành, công nhân các ngành, công nhân ở các ĐTMN với giai cấp nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động trên toàn miền. Bốn là, luận án nêu bật tính chất, đặc điểm cùng những đóng góp của phong trào công nhân ở các ĐTMN trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Luận án còn góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh yêu nước, nâng cao niềm tự hào cho giai cấp công nhân hiện nay, kết quả nghiên cứu của luận án có thể cung cấp nguồn tư liệu tương đối hoàn chỉnh về phong trào công nhân ở các ĐTMN (1954-1965). 6. BỐ CỤC CỦA LUẬN ÁN Ngoài phần mở đầu (6 trang), kết luận (3 trang), tài liệu tham khảo (26 trang), nội dung luận án gồm 4 chương: Chương 1: Tổng quan (17 trang) Chương 2: Phong trào công nhân ở các đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1960 (51 trang). Chương 3: Phong trào công nhân ở các đô thị miền Nam giai đoạn 1961-1965 (46 trang). Chương 4: Tính chất, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của phong trào công nhân đô thị miền Nam từ năm 1954 đến năm 1965 (27 trang).
  • 10. 6 Chương 1 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU 1.1. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài 1.1.1. Nhóm công trình nghiên cứu về công nhân và phong trào công nhân Việt Nam Trước năm 1975, nghiên cứu về công nhân và phong trào công nhân Việt Nam có các công trình sau: Trần Văn Giàu (1958), Giai cấp công nhân Việt Nam sự hình thành và phát triển của nó từ giai cấp “tự mình” đến giai cấp “cho mình”, Nhà xuất bản (NXB) Sự Thật, Hà Nội; Vũ Ngọc Nguyên (1959), Công nhân Nam Bộ trong khói lửa, NXB Lao Động, Hà Nội; Hoàng Quốc Việt (1959), Những nét sơ lược về lịch sử phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam 1860-1945, NXB Lao Động, Hà Nội. Võ Nguyên (1961), Phong trào công nhân miền Nam, NXB Sự Thật, Hà Nội; Trần Văn Giàu (1962), (1963), Giai cấp công nhân Việt Nam từ Đảng Cộng sản thành lập đến cách mạng thành công (1930- 1945), (3 tập), NXB Sử Học, Hà Nội; Diệp Liên Anh (1963), Máu trắng máu đào, NXB Lao Động Mới, Sài Gòn; Lê Nguyên Khôi, Dương Phẩm (1965), Công nhân miền Nam đấu tranh chống Mỹ - Diệm, NXB Phổ Thông, Hà Nội; Trần Tử Bình (1965), Phú Riềng đỏ, NXB Lao Động, Hà Nội,... Sau năm 1975, nghiên cứu về công nhân và phong trào công nhân Việt Nam có các công trình sau: Cao Văn Lượng (1977), Công nhân miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội; Một vài ý kiến về đội ngũ công nhân lao động miền Nam và công tác công đoàn vùng giải phóng (1978), NXB Lao Động, Hà Nội; Ngô Văn Hoà, Dương Kinh Quốc (1978), Giai cấp công nhân Việt Nam trước khi thành lập Đảng, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1995), Phong trào công nhân lao động và hoạt động công đoàn giải phóng miền Nam Việt Nam 1954-1975, NXB Lao Động; Liên đoàn lao động Quảng Nam - Đà Nẵng (1996), Lịch sử phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân lao động và hoạt động công đoàn Quảng Nam - Đà Nẵng (1954- 1975), NXB Đà Nẵng; Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên Huế (1998), Lịch sử phong trào công nhân lao động và công đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Tập 1 (1930-1975), NXB Lao động, Hà Nội; Nguyễn Thị Mộng
  • 11. 7 Tuyền (2009), Phong trào đấu tranh của công nhân cao su Thủ Dầu Một trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1975), luận án Tiến sĩ, Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ TPHCM; Cao Văn Lượng (1964), Vấn đề liên minh công nông trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (NCLS) số 64,... 1.1.2. Nhóm công trình nghiên cứu về công nhân và phong trào công nhân ở các đô thị miền Nam Trần Bút (1965), Công nhân Đà Nẵng chĩa thẳng mũi nhọn đấu tranh vào đầu bọn xâm lược Mỹ, NXB Lao Động, Hà Nội; Hữu Tuấn (1965), Công nhân đô thị trên tuyến đầu Tổ quốc, NXB Lao Động, Hà Nội; Lê Thị Quý (1988), Nghiệp đoàn Sài Gòn và phong trào công nhân, NXB TPHCM; Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động TPHCM (1993), Công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, NXB Lao Động, TPHCM; Phạm Hồng Thụy, Mỹ Hà, Đinh Thu Xuân (1998), Lịch sử xí nghiệp liên hợp Ba Son 1863-1998, NXB Quân đội Nhân dân, Hà Nội; Trần Xuân Thảo (2000), Phong trào đấu tranh của nữ công nhân Sài Gòn - Gia Định 1954-1975, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM; Nguyễn Thị Thu Huyền (2013), Phong trào đấu tranh của công nhân Sài Gòn (1954-1975), luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm TPHCM; Về các bài công bố trên các tạp chí NCLS, tạp chí LSQS có thể kể, Cao Văn Lượng (1974), Bước đầu tìm hiểu về cơ cấu công nhân, lao động ở các thành thị miền Nam Việt Nam hiện nay, Tạp chí NCLS, số 159; Lê Cung (2000), Phong trào công nhân Huế những năm đầu sau Hiệp định Genève 1954, Tạp chí NCLS, số 1; Lê Cung (2006), Cuộc đấu tranh của công nhân ngành thủy điện miền Nam những năm đầu sau Hiệp định Genève (1954), Tạp chí Lịch sử quân sự (LSQS), số 2; Lê Cung (2012), Phong trào công nhân vì mục tiêu dân sinh ở các ĐTMN Việt Nam giai đoạn 1954-1959, Tạp chí NCLS, số 4. Tựu trung các công trình nghiên cứu đã giải quyết được những vấn đề cơ bản sau: Một là, khái quát lịch sử hình thành và phát triển đội ngũ công nhân Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử từ trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945- 1954) và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975). Hai là, hầu hết các công trình nghiên cứu cũng chỉ ra những chính sách thống trị trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã
  • 12. 8 hội của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ đối với công nhân Việt Nam; dưới chính sách thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đời sống công nhân Việt Nam hết sức cực khổ. Ba là, các công trình đã trình bày phong trào công nhân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975); đồng thời, các nghiên cứu đã đưa ra những nhận xét, đánh giá về đặc điểm phong trào công nhân Việt Nam qua các thời kỳ. Bốn là, một số công trình tuy trình bày khá chi tiết một số cuộc đấu tranh của công nhân ở các ĐTMN thời kháng chiến chống Mỹ nhưng chỉ giới hạn ở một số ngành, ở một số địa phương hoặc ở khung thời gian hẹp mà thôi. 1.2. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục được nghiên cứu Luận án nhằm hướng đến giải quyết một số nội dung sau: - Phân tích về những âm mưu và biện pháp của Mỹ và CQSG đối với công nhân ở các ĐTMN từ năm 1954 đến năm 1965. - Trên cơ sở khai thác nguồn tư liệu từ nhiều phía, luận án luận giải, tái hiện một cách chi tiết về mục tiêu và diễn biến phong trào công nhân ở các ĐTMN từ năm 1954 đến 1965. - Rút ra những tính chất, đặc điểm của phong trào công nhân ở các ĐTMN. - Chứng minh và khẳng định vai trò to lớn của phong trào công nhân ở các ĐTMN trong việc góp phần đánh thắng các chiến lược chiến tranh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam từ năm 1954 đến 1965. Mặt khác, rút ra ý nghĩa lịch sử của phong trào công nhân ở các ĐTMN; trên cơ sở đó có thể giúp các nhà chính trị - xã hội hoạch định những chính sách đối với giai cấp công nhân hiện nay.
  • 13. 9 Chương 2 PHONG TRÀO CÔNG NHÂN Ở CÁC ĐÔ THỊ MIỀN NAM (1954-1960) 2.1. Khái quát truyền thống đấu tranh của công nhân miền Nam trước năm 1954 Phong trào công nhân miền Nam trước năm 1954, thu hút hầu hết công nhân các ngành và nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, phong trào công nhân đã gắn mục tiêu đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ với mục tiêu đấu tranh chống thực dân Pháp, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, phong trào đã sử dụng nhiều hình thức đấu tranh phong phú như bãi công, đình công, lãn công,… với mục tiêu cụ thể như đòi tăng lương, bớt giờ làm, chống sa thải, chống đánh đập,… thiết thực góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi. 2.2. Chính sách của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đối với công nhân ở các đô thị miền Nam (1954-1960) 2.2.1. Khái quát về tình hình miền Nam Việt Nam (1954-1960) Thực hiện chủ trương của Mỹ, sau khi nắm lấy chính quyền ở miền Nam (7-7-1954), một mặt, CQNĐD từ chối hiệp thương tổng tuyển cử, từ chối việc tái lập quan hệ bình thường giữa hai miền Nam - Bắc; tổ chức tuyển cử riêng rẽ, bầu cử Quốc hội Lập hiến (4- 3-1956), ban hành Hiến pháp (26-10-1956), lập đảng Cần Lao nhân vị,… Mặt khác, CQNĐD ra sức khủng bố những người tán thành hòa bình, những người tham gia kháng chiến và những người đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève. Đó là những nguyên nhân sâu xa dẫn đến phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam. 2.2.2. Chính sách của Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đối với công nhân ở các đô thị miền Nam 2.2.2.1. Về tư tưởng - chính trị Hệ tư tưởng của CQNĐD là chủ nghĩa nhân vị. Đối với công nhân ở các ĐTMN, Mỹ và CQNĐD mở các lớp huấn luyện để tuyên truyền và phổ biến “lý tưởng nghiệp đoàn Thiên Chúa giáo”. Bên cạnh tuyên truyền tư tưởng Thiên Chúa giáo, Mỹ và CQNĐD còn tuyên truyền thuyết “lao tư lưỡng đồng, lưỡng lợi”, “hòa hợp giai cấp”, “dân chủ” hay chủ trương “thăng tiến cần lao”. Về chính trị, dưới chế độ Mỹ và CQNĐD, quyền tự do của công nhân bị xâm phạm. Nguy hiểm và thâm độc hơn, Mỹ và CQNĐD lũng đoạn các tổ chức nghiệp đoàn còn lại, thực hiện chủ trương “lấy
  • 14. 10 phong trào để phá phong trào, nắm nghiệp đoàn để nắm quần chúng”. 2.2.2.2. Về kinh tế Cùng với sự phát triển công nghiệp, đội ngũ công nhân ở các ĐTMN tăng lên nhanh chóng, chủ yếu là ở các ngành công nghiệp nhẹ (dệt, thực phẩm) hoặc xây dựng, vận tải được kích thích bởi những đơn đặt hàng của các cơ quan hậu cần Mỹ và CQNĐD. 2.2.2.3. Về văn hoá - xã hội Mục tiêu của chính sách văn hóa của Mỹ và CQNĐD là tạo ra mặt “tích cực” để lôi kéo công nhân vào guồng quay của một nền văn hóa mới - nền văn hóa Mỹ, từ đó biến công nhân ở các ĐTMN thành công cụ thực hiện chính sách thực dân mới của Mỹ ở Việt Nam. 2.3. Đội ngũ và đời sống công nhân ở các đô thị miền Nam (1954-1960) 2.3.1. Đội ngũ công nhân ở các đô thị miền Nam Những chính sách về kinh tế của Mỹ và CQNĐD đã tác động đến công nhân ở các ĐTMN mà trước hết là số lượng công nhân ngày càng tăng. Sự phát triển đó không theo quy luật kinh tế mà theo yêu cầu của chiến tranh. 2.3.2. Đời sống công nhân ở các đô thị miền Nam 2.3.2.1. Thời gian và điều kiện lao động Để bóc lột công nhân lao động, giới chủ thường kéo dài thời gian làm việc đến mức phải báo động [250; tr. 10]. Không chỉ bị bóc lột bởi thời gian lao động mà công nhân ở các ĐTMN còn làm việc với điều kiện hết sức tồi tệ [68; tr. 2]. 2.3.2.2. Tình trạng thất nghiệp Điều dễ nhận thấy ở các ĐTMN sau ngày đình chiến là nạn thất nghiệp diễn ra khá phổ biến trong các xí nghiệp, nhà máy. 2.3.2.3. Lương công nhân Thu nhập từ tiền lương không theo kịp giá cả thực phẩm và hàng tiêu dùng hàng ngày. Bên cạnh đó là thuế má và phạt vạ rất nặng nề. 2.4. Diễn biến phong trào công nhân ở các đô thị miền Nam (1954-1960) 2.4.1. Chủ trương của Đảng Trong giai đoạn 1954-1960, Đảng chú ý tập trung vào hướng lợi dụng các tổ chức nghiệp đoàn công khai, đồng thời phát triển hình thức rộng rãi bán hợp pháp để vận động, tập hợp công nhân từng bước đấu tranh chống Mỹ và CQNĐD. 2.4.2. Diễn biến phong trào
  • 15. 11 2.4.2.1. Phong trào công nhân vì mục tiêu dân sinh Ngay sau Hiệp định Genève (1954), phong trào đấu tranh vì mục tiêu dân sinh của công nhân ở các ĐTMN diễn ra sôi nổi, đều khắp các đô thị lớn miền Nam như Sài Gòn - Chợ Lớn, Biên Hòa, Đà Nẵng, Huế, thu hút công nhân nhiều ngành tham gia. Mở đầu là cuộc đình công của 30.000 công nhân và thợ thuyền nhà binh Pháp cuối năm 1954, đòi sửa đổi về lương bổng, đòi trả tiền truy cấp, tiền Tết và hưởng lương khi bị sa thải. Hưởng ứng cuộc đấu tranh này, ngày 7-12-1954, công nhân Biên Hòa tổng bãi công ủng hộ [238; tr. 151]. Ngày 4-1-1955, đại diện chính phủ Pháp phải nhượng bộ, công nhân được tăng lương và lãnh tiền truy cấp [238; tr. 151]. Song song với cuộc đấu tranh công nhân và thợ thuyền nhà binh Pháp là cuộc đấu tranh của công nhân lái xe tuyến đường Đông Ba - Bao Vinh Huế [217; tr. 2]. Ngày 10-11-1955, toàn thể đoàn viên nghiệp đoàn công nhân hỏa xa Việt Nam địa phương Huế họp phiên bất thường tại ga Huế. Tiếp theo cuộc đấu tranh của công nhân hỏa xa Huế, ngày 24-11- 1955, toàn thể công nhân Sở thủy điện Đà Nẵng đình công [183; tr. 3]. Cuộc đình công làm cho điện trong thành phố bị cúp 2 ngày. Song song với cuộc đấu tranh của công nhân ngành thủy điện, ở Sài Gòn, ngày 23-3-1956, Nghiệp đoàn tài xế taxi cũng tiến hành đại hội phản đối lệnh đóng thuế đặc biệt về xăng dầu [174; tr. 1]. Khi cuộc đấu tranh của công nhân thủy điện Huế, công nhân tài xế taxi Sài Gòn chưa kết thúc, ngày 26-3-1956, 800 công nhân Nhà máy đèn Chợ Quán cũng đình công chống chủ sa thải và khủng bố 3 công nhân. Cuộc bãi công kéo dài 2 ngày làm cho cả thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, Gia Định, Biên Hòa, không có điện, nước, mọi hoạt động công nghiệp bị đình đốn; các rạp hát, rạp chiếu bóng phải đóng cửa; sáu tờ báo hằng ngày không ra được; đài phát thanh phải im lặng 48 tiếng đồng hồ. Trước tình hình đó, Ngô Đình Diệm phải đồng ý thu nhận những công nhân đã bị sa thải [32; tr. 93]. Ngày 13-5-1956, công nhân khuân vác kho 5 bến tàu Nhà Rồng đồng loạt đình công đòi hãng Stic điều chỉnh lương [182; tr. 2]. Tiếp theo cuộc đình công của công nhân công nhân khuân vác kho 5 bến tàu Nhà Rồng là cuộc đấu tranh của công nhân hãng dầu Standard Vacuum Oil ngày 19-7-1956 yêu cầu Ban Giám đốc giải quyết các yêu sách: “Chỉnh đốn lương bổng; y tế; trả lương giờ phụ trội” [140; tr. 12].
  • 16. 12 Khi cuộc đấu tranh của công nhân hỏa xa đang diễn ra quyết liệt thì cuộc bãi công đòi tăng lương của trên 3.500 công nhân cảng Sài Gòn ngày 24-1-1957 tiếp diễn. Cuộc đình công làm cho bến tàu Sài Gòn hoàn toàn tê liệt, buộc chủ hãng phải chấp nhận tăng lương 15% cho công nhân [178; tr. 115]. Ngày 8-1-1958, Nghiệp đoàn công nhân vô tuyến viễn thông họp để lấy quyết nghị đình công truy tố Ban Giám đốc đã chặn bớt lương của công nhân và dùng lời lẽ đàn áp, mạt sát công nhân [112; tr. 1]. Tiếp theo cuộc đấu tranh của công nhân vô tuyến viễn thông, ngày 25-5-1958, 170 đại biểu công nhân của 150 xưởng dệt Sài Gòn - Chợ Lớn và Gia Định. Tiêu biểu nhất trong năm 1959 là cuộc đấu tranh của công nhân hãng dầu Shell. Ngày 15-10-1959, hơn 500 công nhân của hãng nhất loạt đình công để phản đối việc chủ tư bản Mỹ sa thải công nhân. Sang năm 1960, phong trào vì mục tiêu dân sinh của công nhân ở các ĐTMN vẫn tiếp tục diễn ra. Một số cuộc đấu tranh tiêu biểu như ngày 7-1-1960, 200 công nhân hãng Ô tô buýt họp đại hội đấu tranh đưa yêu sách đòi tiền thưởng, tiền công những giờ làm thêm và phụ cấp gia đình. Sau bốn ngày đấu tranh, chủ hãng đã đồng ý những yêu sách của công nhân [178; tr. 140]. 2.4.2.2. Phong trào công nhân vì mục tiêu dân chủ Trước tình trạng Mỹ và CQNĐD bắt bớ, đàn áp, chia rẽ công nhân, quyền tự do nghiệp đoàn bị vi phạm, công nhân ở các ĐTMN đã đứng lên đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình. Trong ngày Quốc tế Lao động 1-5-1955, công nhân các thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn, Biên Hòa, Đà Nẵng, Huế đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh, biểu tình đòi tự do hội họp, tự do ngôn luận, chống đàn áp, khủng bố [32; tr. 92]. Ngày 1-2-1956, Thường vụ Chi đoàn Hỏa xa ga Sài Gòn đã gởi công văn đến Thường vụ Liên đoàn Trung ương Công chức Cách mạng Quốc gia (Sài Gòn) nêu rõ tình trạng Nha Giám đốc hỏa xa độc quyền, khủng bố đoàn viên, bóp nghẹt đời sống công nhân về tinh thần [73; tr. 3]. Tiếp theo, ngày 21-6-1956, Liên hiệp nghiệp đoàn địa phương Chợ Lớn gởi công văn đến CQNĐD vạch rõ quyền tự do nghiệp đoàn đã bị xâm phạm bởi những hành động trắng trợn, nhục mạ, bắt cóc đàn áp tra tấn các cán bộ nghiệp đoàn của chính quyền Thủ Dầu Một [138; tr. 1]. Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1957, mặc dù CQNĐD ra lệnh cấm biểu tình, nhưng tại Sài Gòn, đông đảo quần chúng, trong đó đa phần
  • 17. 13 là công nhân tỏa ra các ngả đường biểu tình, nêu cao khẩu hiệu đòi quyền lợi, trong đó có quyền “Tự do nghiệp đoàn”. Ngày 22-10-1958 trong điện tín số 2035 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Sài Gòn) yêu cầu Ngô Đình Diệm: “Cứu xét số đoàn viên Tổng Liên đoàn bị bắt, không có hành động phá hoại an ninh công cộng Quốc gia mà bị tình nghi hoặc bị khai cử vì tư thù. Tổng Liên đoàn xin Tổng thống cho họ về, hoặc cho Tổng Liên đoàn xin lãnh họ về đoàn tụ với gia đình” [230; tr. 2]. 2.4.2.3. Phong trào đấu tranh đòi thực hiện Hiệp định Genève và chống chính sách “tố Cộng” Tại Sài Gòn - Chợ Lớn ngày 1-8-1954, 50.000 đồng bào, phần đông là công nhân nhà đèn, bến cảng, công nhân làm việc trong các đơn vị hậu cần của Pháp và các tầng lớp khác, biểu tình. Đoàn biểu tình vừa đi vừa hoan hô hòa bình, giương cao các biểu ngữ đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Genève. Cũng trong ngày (1-8-1954), tại Đà Nẵng, phong trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève của công nhân hỏa xa diễn ra sôi nổi [134; tr. 21]. Sang năm 1956, cuộc đấu tranh đòi hiệp thương, tổng tuyển cử của công nhân ở các ĐTMN vẫn tiếp diễn sôi nổi. Trong tháng 4, 5-1956, ở Sài Gòn bùng lên đợt đấu tranh công khai đòi hiệp thương tổng tuyển cử, dẫn đến cuộc mít tinh 200.000 người trong ngày Quốc tế Lao động 1-5-1956 dưới khẩu hiệu “Thống nhất nước nhà bằng phương pháp hòa bình”, “Nước Việt Nam độc lập và thống nhất vạn tuế” [2]. Đi đôi với phong trào đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Gèneve, đòi hiệp thương tổng tuyển cử và đấu tranh đòi quyền lợi về dân sinh và dân chủ, công nhân ở các ĐTMN tham gia đấu tranh chống chính sách “tố Cộng” của Mỹ và CQNĐD. Ở Đà Nẵng, Mỹ và CQNĐD đưa một số phần tử phản động đứng ra “tố Cộng” hoặc tuyên bố ly khai, xé cờ Đảng hay kêu gọi cán bộ, đảng viên ra hàng cố làm cho quần chúng hoang mang, dao động. Nhưng, hầu hết công nhân Đà Nẵng vẫn kiên định lập trường. Tiêu biểu là công nhân khuân vác cảng Đà Nẵng đào hầm, che chở các đồng chí đảng viên bám cơ sở, xây dựng phong trào. [134; tr. 40-41]. Tháng 5-1959, khi Mỹ và CQNĐD ban hành Luật “10-59” đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật, ở công xưởng Ba Son, CQNĐD buộc nghiệp đoàn giải tán, phong trào công nhân tạm thời lắng xuống, phản ứng của công nhân lúc này là cáo ốm, không dự học, hoặc nếu
  • 18. 14 đến lớp thì gây ồn ào, mất trật tự, một số công nhân lợi dụng sơ hở của “thuyết trình viên” để chất vấn, đấu lý,… [211; tr. 251- 252]. Chương 3 PHONG TRÀO CÔNG NHÂN Ở CÁC ĐÔ THỊ MIỀN NAM (1961-1965) 3.1. Chính sách của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đối với công nhân ở các đô thị miền Nam (1961-1965) 3.1.1. Khái quát về tình hình miền Nam Việt Nam (1961-1965) Để tiếp tục giữ vững miền Nam trong quỹ đạo của Mỹ, năm 1961, sau khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Kennedy đã quyết định loại bỏ chiến lược “trả đũa ồ ạt” và chấp nhận chiến lược quân sự “phản ứng linh hoạt” toàn cầu mới do Maxwell Taylor đề xướng. “Chiến tranh đặc biệt” là một trong ba loại hình chiến tranh của chiến lược “phản ứng linh hoạt”. Song những âm mưu và hành động của Mỹ và CQNĐD không cản được bước tiến của cách mạng miền Nam. Trên cả hai mặt quân sự và chính trị, quân và dân miền Nam liên tục tiến công và giành được những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược. 3.1.2. Chính sách của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đối với công nhân ở các đô thị miền Nam 3.1.2.1. Về tư tưởng - chính trị Về mặt tư tưởng, CQSG tiếp tục truyền bá tư tưởng cần lao nhân vị trong công nhân miền Nam. Mỹ và CQSG còn cho bọn tay sai trong Tổng Liên đoàn Lao công xuất bản thường xuyên nội san báo chí công nhân để tuyên truyền các luận điệu phản động như: “Tư bản nhân dân”, “hòa bình giai cấp”, “hợp tác giai cấp”, “hữu sản hóa vô sản”. Về chính trị, để mua chuộc công nhân ở các ĐTMN, một mặt, Mỹ và CQSG đẩy mạnh chính sách lôi kéo công nhân tham gia vào các tổ chức như đảng Cần lao nhân vị, nghiệp đoàn vàng,... Ngoài ra, chúng sử dụng một số tay sai trong các tổ chức nghiệp đoàn chui vào phong trào công nhân để tiến hành những hoạt động chia rẽ, phá hoại, tiếp tục phương châm “lấy phong trào, phá phong trào, nắm nghiệp đoàn để nắm quần chúng”. 3.1.2.2. Về kinh tế Để thực hiện “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ tăng cường viện trợ cho CQSG với hai hình thức chủ yếu viện trợ kinh tế và viện trợ quân
  • 19. 15 sự. Chỉ trong năm 1963, Mỹ viện trợ kinh tế cho CQSG là 175 triệu USD. Bên cạnh “viện trợ”, Mỹ và CQSG còn đề ra một số chính sách nhằm thúc đẩy nền công nghiệp miền Nam phát triển trong guồng quay của chủ nghĩa thực dân mới và phục vụ trực tiếp cho cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ. 3.1.2.3. Về văn hóa - xã hội Sống dưới chế độ Mỹ và CQSG, công nhân miền Nam chịu sự tác động của thuyết hiện sinh, sống gấp, sống vội, đồi trụy mê hoặc họ trong môi trường tràn ngập văn hóa Mỹ từ sách báo đến phim ảnh, hàng nội cũng như hàng ngoại tất cả đều xoay quanh chủ đề cao bồi, tình ái, nhất là mục tiêu chiến tranh, “chống Cộng”. 3.2. Đội ngũ và đời sống công nhân ở các đô thị miền Nam (1961-1965) 3.2.1. Đội ngũ công nhân ở các đô thị miền Nam Những chính sách về kinh tế, nhất là những chính sách về công thương nghiệp làm cho số lượng công nhân ngày càng gia tăng. 3.2.2. Đời sống công nhân ở các đô thị miền Nam 3.2.2.1. Thời gian và điều kiện lao động Tình trạng bóc lột công nhân tinh vi thông qua việc tăng giờ lao động đã trở thành hiện tượng phổ biến. Bên cạnh đó, tai nạn lao động thường xuyên rình rập, đe dọa đến cuộc sống công nhân và đẩy nhiều gia đình công nhân vào cảnh tang thương, cùng quẫn. 3.2.2.2. Tình trạng giải công, sa thải và thất nghiệp Tình trạng giải công, sa thải và thất nghiệp là mối đe dọa thường xuyên đối với đời sống công nhân ở các ĐTMN giai đoạn 1961-1965. 3.2.2.3. Lương công nhân So với giai đoạn 1954-1960, giai đoạn 1961-1965 lương cơ bản của công nhân các ĐTMN hầu như không tăng. 3.3. Diễn biến phong trào công nhân ở các đô thị miền Nam (1961-1965) 3.3.1. Chủ trương của Đảng Một là, Đảng đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng tổ chức, đoàn ngũ hóa công nhân trước lúc tiến hành các cuộc đấu tranh. Nghị quyết Hội nghị Trung ương Cục miền Nam lần thứ I (tháng 10-1961) chỉ rõ: “Tiến hành tổ chức các đoàn thể cách mạng trong công nhân, nhân dân lao động” và về mặt võ trang: “Xây dựng lực lượng ngầm ở cơ quan, xí nghiệp” [101; tr. 627-628]. Hai là, Đảng đề ra chủ trương cần thiết phải thành lập Ban Công vận. Ba là, song song với việc xây dựng, tổ chức HLĐGP và thành lập Ban Công vận, đối với phong trào công nhân ở các ĐTMN giai
  • 20. 16 đoạn 1961-1965, Đảng đặc biệt chú trọng đến việc đề ra những chủ trương thích hợp. 3.3.2. Diễn biến phong trào 3.3.2.1. Phong trào công nhân vì mục tiêu dân sinh Mở đầu là cuộc đình công của 400 công nhân hãng Savon ngày 6-3-1961 đòi thỏa mãn lương bổng và chấm dứt việc sa thải công nhân vô cớ [163; tr. 4]. Ngày 6-9-1961, công nhân hãng dầu Stanvac đình công. Cuộc đình công của công nhân hãng dầu Stanvac được sự đồng tình, ủng hộ của hàng vạn công nhân cao su Biên Hoà, Thủ Dầu Một, trên 100 nghiệp đoàn ở Sài Gòn - Chợ Lớn, 40.000 lái xe và bà con nông dân. Một số báo chí ở Sài Gòn cũng chỉ trích thái độ của chủ hãng Stanvac. Nối tiếp cuộc đấu tranh của công nhân hãng Stanvac, ngày 11-11-1961, công nhân tài xế taxi mướn xe của ông Lê Văn Lượm đình công đòi chủ hãng thâu nhận tài xế Huỳnh Văn Bình bị thu hồi xe trước đó 3 tháng [60; tr. 3]. Sang năm 1962, phong trào công nhân ở các ĐTMN vì mục tiêu dân sinh tiếp tục diễn ra. Mở đầu là cuộc đấu tranh của công nhân xích lô, cuối tháng 2-1962. Trước tinh thần đấu tranh quyết liệt của công nhân, Đô trưởng Sài Gòn - Chợ Lớn phải thu hồi giấy phép chuyên chở nói trên của hãng Vinaco [249; tr. 66]. Sang năm 1963, khí thế phong trào công nhân ở các ĐTMN được nâng lên. Hàng nghìn cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân sinh tiếp tục diễn ra. Tại Sài Gòn, cuộc đấu tranh của Nghiệp đoàn công nhân Autobus (thuộc Tổng Liên đoàn Lao công Việt Nam) diễn ra quyết liệt. Tại Đà Nẵng, ngày 10-11-1963, hòa nhịp cùng với phong trào của công nhân miền Nam nhất là được kích thích bởi sự sụp đổ của CQNĐD (1-11-1963), 38 nữ công nhân hãng dệt Sicovina Hòa Thọ đấu tranh đòi tăng lương. Cuối năm 1963, 1.800 công nhân hãng dệt Vimytex (thuộc phân bộ của nghiệp đoàn thợ dệt Sài Gòn - Chợ Lớn và Gia Định trong hệ thống Tổng Liên đoàn Lao công Việt Nam) tiến hành đình công. Ngày 7-1-1964, khoảng 300 công nhân hãng dệt Thanh Hòa (Gia Định) đình công [270; tr. 10]. Khi cuộc đấu tranh của công nhân dệt Thanh Hòa chưa kết thúc, ngày 14-1-1964, khoảng 2.000 công nhân hãng dệt Vinatexco và xưởng nhuộm Vinatefinco tiếp tục đình công [278; tr. 2]. Dưới áp lực đấu tranh của công nhân và dư luận, Mỹ và CQSG buộc phải trả tự do cho những người bị bắt và chủ hãng
  • 21. 17 phải chấp nhận tăng lương từ 6% đến 8%, đồng thời mở lại cửa xưởng cho công nhân đi làm. Tại Đà Nẵng, để ủng hộ cuộc đấu tranh của công nhân Vinatexco, ngày 17-1-1964, 900 công nhân dệt Hòa Thọ đã liên tiếp đấu tranh đòi tăng lương, đòi tuyển dụng chính thức, đòi phát tiền trước Tết và tiền phép cuối năm [134; tr. 68]. Hòa trong không khí cuộc đấu tranh của công nhân dệt Vinatexco, cùng ngày (17-1-1964), toàn thể công nhân tài xế taxi (thuộc nghiệp đoàn công nhân tài xế taxi Sài Gòn) tổ chức đại hội và gởi 12 nguyện vọng đến Chính phủ VNCH. Theo phiếu trình ngày 13-10-1964 của Ban Lãnh đạo Lâm thời Quốc gia và Quân lực thì 6 nguyện vọng trên đã được Đô trưởng giải quyết gần như trọn vẹn thuộc phạm vi Đô Thành [7; tr. 9]. Khi cuộc đấu tranh của công nhân tài xế taxi Sài Gòn chưa kết thúc, ngày 5-10-1964, nhân lúc chủ nhà máy Dofitex Biên Hòa sa thải 22 công nhân [238; tr. 178]. Cuộc đấu tranh của công nhân Dofitex góp phần thúc đẩy phong trào công nhân trong toàn Khu Kỹ nghệ Biên Hòa. Sang năm 1965, tuy phong trào công nhân ở các ĐTMN, về mặt công khai chưa sôi động như các phong trào khác ở miền Nam, nhưng ngày càng vươn lên trở thành lực lượng nòng cốt trong phong trào đấu tranh ở ĐTMN, tiếp tục góp phần đánh bại âm mưu thủ đoạn mới của Mỹ và CQSG. Tiêu biểu là cuộc lãng công ngày 17-1-1965 của công nhân nhà máy xay lúa số 277 Bến Bình Đông đòi chủ hãng trả 8 ngày nghỉ có lương trong năm 1964. 3.3.2.2. Phong trào công nhân vì mục tiêu dân chủ Mở đầu là cuộc đấu tranh bảo vệ nghiệp đoàn của anh chị em công nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động quyết giành lại tổ chức và trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ tay Trần Kim Tuyến, Lê Đình Cư. Kết quả, Nguyễn Văn Của, Lê Văn Thốt, Đặng Đức Hào vẫn giành được đại đa số phiếu bầu. Tiếp theo, ngày 9-10-1961, Nghiệp đoàn công nhân Ô tô buýt (thuộc công quản chuyên chở công cộng dưới hệ thống Tổng Liên đoàn Lao công Việt Nam) tổ chức đại hội bất thường tại trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (197 Lý Thái Tổ, Sài Gòn). Đại hội đã bầu được Ban Chấp hành mới và chấm dứt lúc 23 giờ 10. Ngày 17-2-1962, 800 công nhân hãng dệt Vimytex bãi công chống hành động khủng bố của chủ tư bản và tay sai [249; tr. 69].
  • 22. 18 Cuối tháng 8-1962, cuộc đấu tranh của công nhân Vimytex chống chủ Mỹ đuổi thợ lại một lần nữa bùng nổ. Ngày 27-8-1962, chủ hãng buộc phải thu nhận những công nhân đã bị sa thải [249; tr. 70]. Tại Huế, ngày 7-5-1963, khi cảnh sát hạ cờ Phật giáo trong ngày Lễ Phật Đản, lên án hành động này của CQNĐD ngay lập tức ngày 8- 5-1963, công nhân thành phố Huế cùng với Tăng ni, Phật tử liên tiếp biểu tình, tuần hành trên các đường phố, đưa yêu sách tới Tòa Tỉnh trưởng đòi chấm dứt kỳ thị tôn giáo và những hành động chà đạp tín ngưỡng [135; tr. 149]. Để ủng hộ cuộc đấu tranh của Phật giáo Huế, tại Đà Nẵng công nhân kết hợp với Tăng ni, Phật tử biểu tình mặc cho CQNĐD rải lính canh gác, tung mật vụ, cảnh sát ngăn cản [134; tr. 61]. Sang năm 1964, phong trào công nhân ở các ĐTMN vì mục tiêu dân chủ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt hơn, đặc biệt là những cuộc đấu tranh của công nhân ngành vận tải, ngành dệt. Công nhân tổ chức tuần lễ tẩy chay không chở Mỹ, đón đánh Mỹ trên đường phố, nhiều quán treo bảng không tiếp Mỹ khiến nhiều lính Mỹ không dám ra đường [120; tr. 346]. Với mục tiêu dân chủ, công nhân ở các ĐTMN không chỉ dừng lại đấu tranh với những nội dung đơn thuần, mà phong trào công nhân ở các ĐTMN giai đoạn 1961-1965 còn thể hiện rõ ý thức dân tộc, vạch mặt tính chất phản dân tộc của các CQSG và cả “có ý nghĩa chống Mỹ rõ rệt” [256; tr. 92]. Ngày 30-1-1964, Nguyễn Khánh lên nắm chính quyền, đến ngày 16-8-1964, Nguyễn Khánh cho ra đời “Hiến chương Vũng Tàu”. Chống “Hiến chương Vũng Tàu”, phong trào công nhân ở các ĐTMN phản ứng mau lẹ. Tiếp đến, ngày 25-10-1964, Phan Khắc Sửu được cử giữ chức Quốc Trưởng và Trần Văn Hương được chọn làm Thủ tướng (31-10-1964). Chính phủ Trần Văn Hương không tránh khỏi mũi nhọn của phong trào của công nhân ở các ĐTMN, nổi bật nhất là Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế.
  • 23. 19 Chương 4 TÍNH CHẤT, ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA PHONG TRÀO CÔNG NHÂN Ở CÁC ĐÔ THỊ MIỀN NAM (1954-1965) 4.1. Tính chất của phong trào 4.1.1. Tính chất dân tộc Phong trào công nhân ở các ĐTMN (1954-1965), mang đậm tính chất dân tộc, thể hiện trước hết là sự tham gia đông đảo của công nhân nhiều ngành; công nhân đấu tranh hưởng ứng chủ trương của Trung ương Đảng sau Hội nghị Genève (21-7-1954); khẩu hiệu đấu tranh nhằm trực tiếp vào Mỹ và CQSG. 4.1.2. Tính chất dân chủ và dân sinh Trên lĩnh vực dân sinh, nhằm đòi cải thiện đời sống, chống chính sách bần cùng hóa của Mỹ và CQSG, công nhân ở các ĐTMN đã đấu tranh xoay quanh các khẩu hiệu thiết thực như: đòi tăng lương, đòi ngày làm tám giờ, chống sa thải, chống giải công, đòi tiền thưởng Tết, tiền phụ trội, đòi cải thiện điều kiện làm việc, phản đối tăng thuế và phạt vạ,... Về mục tiêu dân chủ của phong trào công nhân ở các ĐTMN (1954-1965) hết sức phong phú, trong đó nổi bật là đòi quyền tự do nghiệp đoàn; đấu tranh phản đối bắt bớ, tra tấn, đấu tranh bảo vệ nghiệp đoàn; đấu tranh đòi tách khỏi nghiệp đoàn cũ để thành lập nghiệp đoàn mới nhằm lành mạnh hóa nghiệp đoàn của mình không để những phần tử xấu lợi dụng; đấu tranh chống lại luật cấm đình công và hội họp của CQSG,…[120; tr. 347]. 4.2. Đặc điểm của phong trào 4.2.1. Quy mô rộng lớn, sự liên tục và quyết liệt của phong trào Về quy mô rộng lớn của phong trào, đặc điểm này được thể hiện trước hết là ở mặt không gian và thời gian; lực lượng tham gia; sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân miền Bắc và nhân dân thế giới; báo chí tiến bộ miền Nam [178; tr. 112]. Sự liên tục của phong trào công nhân ở các ĐTMN được thể hiện rõ khi cuộc đấu tranh của công nhân ngành này vừa kết thúc đã dấy lên cuộc đấu tranh công nhân ngành khác [202; tr. 3], [164; tr.101]. Có lúc cùng một thời gian nhưng diễn ra cuộc đấu tranh của công nhân nhiều ngành hoặc nhiều đô thị, có sự hưởng ứng của công nhân đô thị khác hoặc đấu tranh độc lập. Mặt khác, số lượng các cuộc đấu tranh năm sau cao hơn năm trước [22].
  • 24. 20 4.2.2. Hình thức và phương pháp đấu tranh phong phú, linh hoạt Phong trào công nhân ở các ĐTMN (1954-1965) đã xuất hiện nhiều hình thức đấu tranh khác nhau, có thể kể như: họp đại hội, đưa yêu sách, kiến nghị, mạn đàm, gây dư luận, lãng công và tiến lên đình công hoặc kết hợp với bãi công, biểu tình thị uy. Phong trào công nhân ở các ĐTMN từ năm 1954 đến năm 1965 thể hiện tính chiến đấu và tính năng động sáng tạo khá cao trong việc lợi dụng thế công khai hợp pháp cũng như đấu tranh bán hợp pháp và bất hợp pháp. 4.2.3. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa công nhân các ngành ở các đô thị; giữa công nhân đô thị với công nhân đồn điền cùng giai cấp nông dân và các tầng lớp nhân dân miền Nam Tác dụng của phong trào công nhân ở các ĐTMN (1954-1965) đối với các phong trào của các tầng lớp nhân dân, từ nông thôn đến thành thị đã khẳng định vị trí của công nhân ở các ĐTMN trong phong trào cách mạng miền Nam. 4.3. Ý nghĩa của phong trào 4.3.1. Phong trào chứng minh tinh thần đấu tranh bất khuất của công nhân ở các đô thị miền Nam trong tinh thần đấu tranh dân tộc 4.3.2. Phong trào chứng minh tính đúng đắn của phương châm đấu tranh “hai chân, ba mũi”, “ba mũi giáp công”, “ba vùng chiến lược” trong cách mạng miền Nam Xét toàn cục tương quan lực lượng giữa ta và địch, thì về quân sự địch mạnh hơn ta, nhưng về chính trị thì Mỹ và CQSG yếu hơn ta rất nhiều, chỗ yếu này không khắc phục được và ngày càng khoét sâu. Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp để chiến thắng một đối thủ có tiềm lực quân sự và kinh tế đứng đầu các nước tư bản chủ nghĩa, cách mạng miền Nam (1954-1975), đề ra phương châm đấu tranh “hai chân, ba mũi”, “ba mũi giáp công”, “ba vùng chiến lược”. 4.3.3. Phong trào công nhân ở các đô thị miền Nam góp phần làm rối loạn hậu phương của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, tạo điều kiện cho cách mạng miền Nam phát triển Phong trào đô thị nói chung, phong trào công nhân nói riêng mỗi khi diễn ra đã góp phần làm rối loạn hậu phương của Mỹ và CQSG và một khi như thế, lực lượng cách mạng không chỉ có điều kiện phát triển ở đô thị mà ngay cả nông thôn đồng bằng và rừng núi.
  • 25. 21 4.3.4. Phong trào góp phần làm phong phú thêm những bài học kinh nghiệm đối với sự nghiệp giữ nước và dựng nước của dân tộc 4.3.4.1. Mục tiêu và khẩu hiệu đấu tranh cụ thể Đối với giai cấp công nhân mục tiêu giải phóng giai cấp là cần thiết, tuy nhiên, mục tiêu giải phóng giai cấp gắn liền với sự nghiệp giải phóng dân tộc, lợi ích giai cấp công nhân đặt trong lợi ích tối cao của dân tộc. 4.3.4.2. Sự đoàn kết, thống nhất, kiên trì đấu tranh Trong điều kiện Mỹ và CQSG khống chế, kìm kẹp, đàn áp, trong lúc bản thân công nhân đang gặp nhiều khó khăn trong đời sống. Sỡ dĩ phong trào công nhân vẫn được duy trì như vậy, trước hết là nhờ tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong đấu tranh. 4.3.3.3. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ hạn chế của phong trào Một là, sau khi Hiệp định Genève ký kết (21-7-1954), một bộ phận đảng viên và nhân dân chưa nhận thức đúng về bản chất của Mỹ và CQNĐD, họ cho rằng có hiệp định Genève tất nhiên sẽ có hòa bình, do nhận thức như vậy nên có nơi, có lúc trong công tác giáo dục, vận động và chỉ đạo của tổ chức Đảng các cấp chưa kịp thời nên phong trào công nhân ở các ĐTMN chưa tạo được sự phối hợp rộng rãi, chặt chẽ. Một số cuộc đấu tranh diễn ra còn lẻ tẻ, rời rạc chưa giành được thắng lợi như mục tiêu đã đề ra. - Hai là, đối với phong trào công nhân, vai trò của tổ chức công đoàn là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế cho đến năm 1960, tổ chức công đoàn cách mạng chưa được hình thành trên quy mô toàn miền Nam. Chủ yếu, công đoàn cách mạng mới phát triển được ở một số đồn điền cao su và một số ít ở đô thị, hoạt động bí mật.
  • 26. 22 KẾT LUẬN 1. Với âm mưu giữ chặt miền Nam trong quỹ đạo của chủ nghĩa thực dân mới, biến miền Nam thành “tiền đồn” chống Cộng ở Đông Nam Á, ngăn chặn sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân ta; ngoài những chính sách chung để đối phó với cách mạng miền Nam, từ năm 1954 đến năm 1965, Mỹ và CQSG có những chính sách riêng cho từng giai cấp, từng tầng lớp nhân dân miền Nam, trong đó tập trung nhất là chính sách đối với công nhân và phong trào công nhân. Đối với công nhân và phong trào công nhân ở các ĐTMN từ năm 1954 đến năm 1965, chính sách của Mỹ và CQSG thể hiện trên nhiều lĩnh vực từ tư tưởng - chính trị; kinh tế đến văn hóa - xã hội; ngoài bóc lột về kinh tế, cúp phạt, sa thải, giải công… Mỹ và CQSG thi hành chính sách “chiếc gậy và củ cà rốt”, phá hoại phong trào công nhân bằng cách lừa bịp và khủng bố, gây chia rẽ nội bộ, lũng đoạn nghiệp đoàn, khống chế hoạt động nghiệp đoàn. Tất cả nhằm thủ tiêu tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng của công nhân, kéo họ ra khỏi quỹ đạo cách mạng. Trước chính sách hai mặt của Mỹ và CQSG, để đưa phong trào công nhân ở các ĐTMN phát triển, Đảng, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, HLĐGP các cấp đã nắm bắt tình hình, tùy vào từng thời điểm cụ thể, tùy theo chuyển biến, tương quan lực lượng cách mạng và phản cách mạng mà đề ra chủ trương, biện pháp đấu tranh kịp thời nhằm lãnh đạo, chỉ đạo công nhân ở các ĐTMN đấu tranh vì mục tiêu đòi hòa bình theo nội dung của Hiệp định Genève (21-7-1954), chống chính sách “tố Cộng” của Mỹ và CQSG, đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ, vừa kiên quyết chống lại âm mưu lũng đoạn tổ chức nghiệp đoàn, lung lạc và mua chuộc công nhân. 2. Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân Việt Nam, của phong trào đấu tranh cách mạng, quyết liệt của công nhân Việt Nam trước năm 1954, phong trào công nhân ở các ĐTMN từ năm 1954 đến năm 1965 diễn ra liên tục, có lúc sôi nổi, có lúc trở thành cao trào, nhưng cũng có lúc phong trào tạm lắng nhưng gắn mục tiêu đấu tranh phổ biến là đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ với mục tiêu dân tộc. Nội dung và khẩu hiệu cụ thể như đòi tăng lương, đòi tiền thưởng Tết, tiền phụ cấp, đòi khám chữa bệnh kịp thời cho công nhân ốm đau; đòi quyền tự do hội họp, tự do nghiệp đoàn,
  • 27. 23 quyền đại diện nghiệp đoàn phải được tôn trọng, các Tổng Liên đoàn phải được phép xuất bản tờ báo hằng ngày như các đoàn thể chính trị khác, chống chia rẽ nghiệp đoàn, đặc biệt là chống lại luật cấm đình công, hội họp của CQSG; chống giao dịch buôn bán với người Mỹ, không chuyên chở người Mỹ, không đón tiếp người Mỹ; đòi Mỹ không được can thiệp vào nội bộ của người Việt Nam. Như vậy, có thể khẳng định rằng, phong trào công nhân ở các ĐTMN từ năm 1954 đến năm 1965 dù tự phát hay tự giác, đều thể hiện rõ tính chất dân tộc, dân sinh và dân chủ sâu sắc. Mục tiêu đấu tranh của công nhân ở các ĐTMN thể hiện sự kết hợp chặt chẽ giữa hai tính chất dân tộc và giai cấp, giữa mục tiêu lâu dài với mục tiêu cụ thể trước mắt trong từng thời điểm cụ thể, góp phần đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và CQSG, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 3. Phong trào công nhân ở các ĐTMN từ năm 1954 đến năm 1965 diễn ra đều khắp, trước hết là những thành phố lớn như Sài Gòn - Chợ Lớn, Huế, Đà Nẵng, Biên Hòa; bao gồm hầu hết mọi ngành từ công nhân thủy điện, hỏa xa, công nhân dệt, công nhân viễn thông, đến công nhân bến tàu, công nhân taxi,... phong trào công nhân ở các ĐTMN đã sáng tạo nhiều phương thức đấu tranh phong phú, đa dạng, từ những cuộc tập hợp lực lượng, tổ chức hội nghị đưa yêu sách, lấy chữ ký, tổ chức các diễn đàn, rồi lãn công, biểu tình thị uy, đình công và tiến lên tổng bãi công,… qua đó phong trào đã phát triển nhanh chóng và thực sự trở thành một mũi xung kích trong các phong trào đấu tranh yêu nước ở các ĐTMN. Những hình thức, biện pháp đấu tranh cho thấy phong trào công nhân ở các ĐTMN thể hiện linh hoạt và sáng tạo, vừa lợi dụng thế công khai hợp pháp, bán hợp pháp và bất hợp pháp. Sự phong phú và đa dạng về các hình thức và biện pháp đấu tranh đã tạo điều kiện cho công nhân ở các ĐTMN và các tầng lớp nhân dân tùy theo điều kiện và hoàn cảnh của mình mà tham gia phong trào. Mặt khác, chính sự đan xen giữa các hình thức đấu tranh đó đã tạo cho phong trào có thêm sức mạnh để đương đầu với Mỹ và CQSG. 4. Đương nhiên, để có được những hình thức, biện pháp đấu tranh đa dạng, phong phú, phong trào công nhân ở các ĐTMN đã phải gắn bó chặt chẽ, phải hòa nhập cùng phong trào ĐTMN. Hầu hết các cuộc đấu tranh của công nhân ở các ĐTMN từ năm 1954 đến năm 1965, cho dù bộ phận công nhân nào khởi xướng thì cũng có sự
  • 28. 24 tham gia hoặc ủng hộ công nhân các ngành, của công nhân đồn điền, của giai cấp nông dân và các tầng lớp xã hội miền Nam như học sinh, sinh viên, Phật tử,… “Một sự hội tụ dân tộc” như thế đã nói lên vai trò, vị trí, tính “tiền phong” của phong trào công nhân ở các ĐTMN. Đoàn kết giai cấp, đoàn kết mọi tầng lớp xã hội trong đấu tranh là bài học kinh nghiệm đắt giá đối phong trào công nhân ở các ĐTMN, rộng ra là đối với phong trào công nhân miền Nam trong cuộc đấu tranh rộng lớn vì mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sự hợp lực giữa phong trào công nhân ở các ĐTMN với công nhân đồn điền, với giai cấp nông dân và các tầng lớp xã hội đã đưa phong trào ĐTMN tiến lên cao trào, góp phần làm sa sút ý chí của quân đội Sài Gòn, từ đó góp phần làm sụp đổ các CQSG nối tiếp nhau, từ CQNĐD đến Nguyễn Khánh, Trần Văn Hương. Vì vậy, điều khẳng định là trong phong trào ĐTMN từ năm 1954 đến năm 1965, phong trào công nhân giữ một vai trò quan trọng, làm cho hậu phương của địch trở nên rối loạn, mất ổn định, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng miền Nam ở rừng núi, nông thôn đồng bằng phát triển, tiến đến làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở miền Nam, góp phần đưa phong trào cách mạng miền Nam không ngừng phát triển, tiến đến hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975). 5. Phong trào công nhân ở các ĐTMN từ năm 1954 đến năm 1965 chứng minh sự đúng đắn phương châm đấu tranh “hai chân, ba mũi”, “ba mũi giáp công”, “ba vùng chiến lược” của Đảng trong cách mạng miền Nam. Đây là nét độc đáo trong phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ thực tiễn phong trào giúp cho công nhân ở các ĐTMN nhận rõ bản chất của kẻ thù, đồng thời tích lũy và đúc rút được những bài học kinh nghiệm quý báu để tiến đến đấu tranh quyết liệt với kẻ thù trong giai đoạn tiếp theo. Tự hào về quá khứ là chính đáng, là điều đáng trân trọng, nhưng niềm tự hào đó chỉ có ý nghĩa khi nó trở thành những hành động hiện thực, vì một nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh, hiện đại hơn. Trong sự nghiệp này công nhân Việt Nam phải thực sự là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đó là điều mà giai cấp công nhân Việt Nam luôn luôn ghi nhớ và quyết tâm thực hiện cho bằng được.
  • 29. 25 DANH MỤC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 1. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2013), “Sự liên kết, phối hợp giữa phong trào công nhân và phong trào Phật giáo trong cuộc đấu tranh chống CQSG (1963-1965)”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học trẻ, lần thứ VIII, Trường Đại học Khoa học Huế, (T11/2013). 2. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2014), “Phong trào công nhân vì mục tiêu dân sinh, dân chủ và tự do ở các đô thị miền Nam giai đoạn 1961-1964”, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 283 (6/2014). 3. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2015), “Công nhân Sài Gòn - Gia Định trong chiến dịch Hồ Chí Minh”, Hội thảo Khoa học: 40 năm thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc (1975-2015), Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế, (4/2105). 4. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2015), “Cuộc đấu tranh của công nhân hỏa xa miền Nam những năm đầu sau Hiệp định Genève”, Tạp chí KH & CN Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, chuyên san Xã hội và Nhân văn, (7/2015). 5. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2015), “Tìm hiểu phong trào đấu tranh của công nhân ngành dệt ở miền Nam Việt Nam (1963-1964)”, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 296, (7/2015). 6. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2015), Phong trào công nhân Sài Gòn - Gia Định (1961-1964) in trong sách “Về phong trào đô thị miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)”, NXB Tổng hợp TPHCM. 7. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Hoài Xuân (2015), “Sự đoàn kết giữa giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1965”, Hội thảo Khoa học: Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế - Khoa Lý luận Chính trị, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, (T9/2015). 8. Nguyễn Thị Thanh Huyền - Lê Cung (2015), “Phong trào công nhân Sài Gòn - Gia Định trong giai đoạn chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ (1961-1965), Tạp chí NCLS, số 473 (9/2015).
  • 30. 26 9. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Phương (2016), Phong trào vì mục tiêu dân chủ của công nhân đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1960, Tạp chí KH & CN Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, chuyên san Xã hội và Nhân văn, (7/2016) (đã nhận đăng). 10. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2016), Phong trào vì mục tiêu dân sinh của công nhân đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1960, Tạp chí Khoa học Đại học Huế, chuyên san Xã hội và Nhân văn (đã nhận đăng). 11. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Nguyễn Thị Thu Hà, Đặng Nữ Hoàng Quyên (2016), đời sống công nhân đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1960, Tạp chí KH & CN Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế, chuyên san Xã hội và Nhân văn, (7/2016) (đã nhận đăng).
  • 31. 27 HUE UNIVERSITY COLLEGE OF EDUCATION NGUYEN THI THANH HUYEN WORKER MOVEMENT IN THE SOUTHERN URBANS OF VIET NAM IN THE RESISTANCE AGAINST THE UNITED STATES OF AMERICA FROM 1954 TO 1965 MAJOR: HISTORY OF VIETNAM CODE: 62 22 03 13 DOCTORIAL THESIS SUMMARY HUE, 2016
  • 32. 28 Thisthesiswascompletedat: CollegeofEducation,HueUniversity Supervisor: Assoc.Prof.Dr Le Cung, College of Education, Hue University Reviewer 1: Reviewer 2: Reviewer 3: This thesis will be presented at the Committee to be held by Hue University at:.........h........../........../........../2016 This thesis can be found at the Library of College of Education, Hue University.
  • 33. 29 PREFACE 1. The necessity of the research In flow of modern history of Vietnam, the Worker Movement in the Southern Urbans (SU) from 1954 to 1975 is part of SU, the revolutionary movement in Vietnam, an important contribution in the Southern liberation, unification. Worker movement in the SU from 1954 to 1965 continuous, lively and aggressive, attracted most of the workers participating sectors as rail workers, water-electricity workers, dock workers, textile workers, taxi workers, petroleum workers, workers of Savon, wireless telecommunications workers, ... Although, being American and Saigon Government (SG) used all schemes, tricks to hold clamps, terror and fierce repression but worker movement in the SU was always maintained and continued to grow in an upward direction of the southern revolution. Worker movement in the SU is one of the distinctive features of the historical process of the national struggle, an important mark in the modern history of Vietnam. Movement has demonstrated patriotism and revolutionary spirit of the working class in Vietnam. The movement also signifies the unity of action between the working class and the others in urban areas, in which workers in the SU were always the key force, led and cheered effect people in urban and rural ain the common struggle for the cause of liberation of the South, reunification. Along with the movement of many class of the SU, worker movement in the SU have dealt strong blows to US secure rear, and SG. The progress of the movement in urban, core worker movement, effects gradually break loose in the grip of the enemy in urban, isolated political enemy, made the enemy's rear becomes disorder, pushing the United States of America (US) and SG gradually fall into a serious crisis. Worker movement in the SU contribute to a new ball, turning the occupied municipality enemy's forward movement into southern revolution, facilitating the construction of the revolutionary forces in the inner city, creating conditions approaching urban liberation, liberation of the South, reunification (30-4-1975).
  • 34. 30 However, to date, in addition to the rubber worker movement in South Vietnam were quite adequate research, systematic, the rest from research on the worker movement in the SU of Vietnam from 1954 to 1975 have not been interested in research. Therefore, the research on worker movement in the SU (1954-1975), period after the Genève Agreement (21-7-1954) to the time of the "special war" of the US bankrupt in the South (6-1965) is essential, and significant scientific. For that reasons, we have chosen the title: "The worker movement in the southern urbans of Viet Nam in the resistance against the United States of America from 1954 to 1965" doing research for a doctoral thesis, specialized Vietnamese History. About scientific significance, the thesis contributes to a better, fuller stages glorious history of the nation in the cause of liberation of the South, reunification; the nature of the US-controlled SG in ambition to destroy the resistance movement of the people in South Vietnam; on the policy of the Communist Party of Vietnam (CPV) at all levels in the worker movement in the SU; the soundness and creativity of Party with the motto struggle "two feet, three shots", "three shots of armor", "three strategic areas" in the resistance against the US (1954-1975); understand the nature of the worker movement in the SU, a movement that takes place in conditions of war of national liberation, through which to see the diversity and richness of forms and methods of struggle movement; on the achievements of the movement in the fields of life and democracy; better understanding of the workers movement in each sector, the overall coordination of workers across the sector, as well as the link between the worker movement in the struggle SU and movement of the strata. On the practical implications, at present in the country's renovation initiated by the Party, in which industrialization and modernization of key positions. So add some theses experiences contributed to the political - social wield in planning policies for workers. On the other hand, the thesis contribute to raising pride for the working class, traditional historical education revolution for workers to do a job they protect the results of the revolution and national construction under way of change new of CPV and people that we are implementing. The thesis contributes to additional materials on the worker movement in the southern urbans of Vietnam in the resistance against the US (1954-
  • 35. 31 1975). Furthermore, the results of the thesis can be used as reference material for teachers and students in universities, colleges, high school and applied research teaching national history; contribute to the compilation of the worker history of Vietnam in general, worker in urban in the resistance against the US (1954-1975) in particular. 2. Subject matter and scope of research 2.1. Subject matter The subject of the thesis is the worker movement in the southern urbans in the resistance against US from 1954 to 1965, which focused research objectives, events, forms, methods, results of the struggle of worker movement in SU as well as to clarify the nature, characteristics and significance of the worker movement in the SU from 1954 to 1965. To clarify this content, pay attention to the thesis presented, analyzed the structure, staff, life of worker in the SU under the regime of the US and SG. 2.2. Research scope About space, dissertation research worker movement in the SU (1954-1965). South here is understood to mean both South and North accordance Genève Agreement in 1954. However, the research focused on worker movement in the big cities like Saigon, Bien Hoa, Nha Trang, Da Nang, Hue, this is the typical urban - where a large concentration of workers and place typically struggles. About time, thesis researchs from 1954 to 1965, in particular since the Geneva Agreement (21-7-1954) was signed by the time of the "special war" of the US bankruptcy by war win Ba Gia in Quang Ngai province (6-1965). The issues presented in this thesis are arranged in the course of historical development, showing the continuity from 1954 to 1965. 3. Objective and mission of research 3.1. Objective of research The aim of the thesis was to reproduce the historical picture of the worker movement in the SU in the resistance against US from 1954 to 1965 with the systematic way. The research results of the thesis contribute to providing arguments for politicians - society in formulating policies for current workers.
  • 36. 32 3.2. Missions of research First, clarify US policy and SG, life of workers in the SU workers from 1954 to 1965, which explains the origin of the movement. Second, the presentation and analysis CPV's policies for workers at all levels in the SU. The process of struggle, objectives, forms and methods of the worker movement in the SU with phases: 1954-1960, 1961-1965. Third, analyze and clarify some of the properties, characteristics and historical significance of the worker movement in the SU from 1954 to 1965. 4. Methodology and material resources 4.1. Resources The thesis is mainly built on the basis of the following sources: - The documents of CPV, the works of the leaders of CPV to write about national liberation revolution, resistance against US for national salvation, the workers and worker movement. - The study of the resistance against the American invasion of the Institute of History, Institute of CPV History, Military History Institute and the collective monograph researchers or individual researchers. - The archives related to the resistance against US and worker movement are currently stored at the National Archives Centre (NAC) II in Ho Chi Minh City (HCMC), Archives Centre of Bien Hoa, Nha Trang, Da Nang, Hue. - The thesis also noted reference works PhD thesis, Master thesis and articles in magazines with content related to the topic. - Besides, the thesis also uses a number of material collected from field surveys and interviews with witnesses. 4.2. Research Methods Based on the methodology of Marxism - Leninism and Ho Chi Minh Idea, the thesis uses the historical method associated with the method are mainly logical. Besides, the thesis also uses statistical methods, comparison and analysis of research on the basis of written sources. In addition, we also use interdisciplinary methods, inherited scientific disciplines such as political science, economics, ... 5. Scientific contributions of the thesis
  • 37. 33 Firstly, the thesis is a study relative systematic worker movement in the SU from 1954 to 1965, contributed additional material and some points to clarify history of worker movement in particular and history of Vietnam at the same time. Secondly, the thesis clarify US policy toward workers and SG in SU, so that explains the movement arose of the working class in the SU from 1954 to 1965. Understanding ethnic characteristics and worker movement in the SU - the movement that takes place in conditions of war of national liberation, through which to see the diversity and richness of forms and methods of struggle movement. Thirdly, the thesis specifies the objectives of the struggle of workers in the SU and achievements of the movement in the areas of welfare, democracy... Understanding better the solidarity worker movement in each sector, public sector workers and workers in the SU with the peasantry and the labor strata across the region. Finally, thesis highlights the nature, characteristics and contributions of the worker movement in the SU in southern liberation, reunification. The thesis also contributes to the education of traditional patriotic struggle, raising pride for the working class today, the research results of the thesis can provide resources relatively complete worker movement in SU (1954-1965). 6. The layout of the thesis Chapter 1: Research overview (17 pages) Chapter 2: Worker movement in the southern urbans in the period 1954-1960 (51 pages). Chapter 3: Worker movement in the southern urbans in the period 1961-1965 (46 pages). Chapter 4: The nature, characteristics and historical significance of worker movement in the southern urbans from 1954 to 1965 (27 pages).
  • 38. 34 Chapter 1 RESEARCH OVERVIEW 1.1. Researchs related to the thesis 1.1.1. Studies of worker and worker movement of Vietnam Before 1975, the studies of worker and worker movement include the following works: Tran Van Giau (1958), Vietnam working class formation and its development from class "himself" to class "for himself", Su That Publishing House, Hanoi; Vu Ngoc Nguyen (1959), the Southern workers in the war, Lao Dong Publishing House, Ha Noi; Hoang Quoc Viet (1959), Brief Highlights historical worker movement and union of Vietnam from 1860 to 1945, Lao Dong Publishing House , Hanoi. Vo Nguyen (1961), The worker movement in the southern urbans, Su That Publishing House, Ha Noi; Tran Van Giau (1962), (1963), the working class from the establishment of Communist Party of Vietnam to successful revolution (1930-1945), (3 volumes), Publishing House of History, Hanoi; Lien Anh Diep ( 1963), white blood red blood, Lao Dong moi Publishing House, Saigon; Le Nguyen Khoi, Duong Pham (1965), the southern urban workers’ struggle against US – Diem goverment, Pho Thong Publishing House, Hanoi; Tran Tu Binh (1965), ed Phu Rieng, Labour Publishing House, Ha Noi, ... After 1975, the studies of worker and worker movement includes the following works: Cao Van Luong (1977), Workers in the southern urbans of Vietnam in the resistance against the US (1954-1975), Social Sciences Publishing House, Ha Noi; A few comments on the working class in the south and trade union officials liberated areas (1978), Lao Dong Publishing House, Ha Noi; Ngo Van Hoa, Kinh Duong Quoc (1978), Vietnam working class before the establishment of CPV, Social Sciences Publishing House, Ha Noi; Vietnam General Confederation of Labour (1995), Worker movement and trade union activities in South Vietnam from 1954 to 1975, Lao Dong Publishing House; Labor federation Quang Nam - Da Nang (1996), The history of the revolutionary movement of worker and trade union activities in Quang Nam - Da Nang (1954-1975), Da Nang Publishing House; Confederation of Labour of Thua Thien Hue province (1998), History of
  • 39. 35 the worker movement and unions in Thua Thien Hue province, Volume 1 (1930-1975), Lao Dong Publishing House, Ha Noi; Nguyen Thi Mong Tuyen (2009), Movement of the rubber workers of Thu Dau Mot in the 30 years war of liberation (1945-1975), PhD thesis, Institute for Sustainable Development City South area; Cao Van Luong (1964), Coalition of agricultural issues in the national democratic revolution in South Vietnam today, Journal of Historical Research (JHR) No. 64, ... 1.1.2. The studies of worker and worker movement in the southern urbans Tran But (1965), Da Nang Workers struggle spearhead pointed straight at the beginning of the American invaders, Lao Dong Publishing House, Hanoi; Huu Tuan (1965), Urban workers on the front lines Fatherland, Lao Dong Publishing House, Hanoi; Le Thi Quy (1988), Saigon union and worker movement, HCMC Publishing House; Executive Committee of HCMC Labour Confederation (1993), Saigon - Cholon worker during the national liberation cause, Lao Dong Publishing House, HCMC; Pham Hong Thuy, My Ha, Dinh Thu Xuan (1998), History of the Ba Son ventures from 1863 to 1998, the people's Army Publishing House, Ha Noi; Tran Xuan Thao (2000), The struggle of woman worker’s movement of Saigon - Gia Dinh 1954-1975, Master thesis, University of Social Sciences and Humanities, HCMC; Nguyen Thi Thu Huyen (2013), Worker movement in Saigon (1954-1975), Master thesis, HCMC University of Pedagogy; Regarding the article published in the journal JHR, Journal of Military History (JMH) include, Cao Van Luong (1974), the first step to learn about the structure of workers, laborers in the cities of South Vietnam today, JHR, 159; Le Cung (2000), Worker movement of Hue in the first years after the Genève Agreement 1954, JHR, No. 1; Le Cung (2006), The struggle of worker of warter- electricity sector in the south in the first year after the Genève Agreement (1954), JMH, No. 2; Le Cung (2012), Worker movement for the purpose of their lives in the southern urbans of Vietnam in the period 1954-1959, JHR, No. 4. All in all the work has solved the basic problem: Firstly, an overview and history of the development of working class of Vietnam through the historical period before the establishment of Communist Party of Vietnam to the resistance
  • 40. 36 against the French (1945-1954) and resistance against US (1954- 1975). Secondly, most of the studies also point out the dominant policy in all fields of politics, economics, culture - society of French, and the US against Vietnam workers; under the French colonialists and the US imperialists policy, the life of worker was extremely hard. Thirdly, works about the Vietnam worker movement in resistance against French colonialism (1945-1954) and the resistance against the US (1954-1975); simultaneously, the researchers came up with the remarks, assessed feature of Vietnam worker movement over time Finally, some of the details but rather to present some of the struggles of workers in the resistance against US in SU time but limited in some sectors, in some local or narrow timeframe. 1.2. The issues raised should continue to be studied The thesis aimed to address some of the following: - Analysis of the measures and plot of the US and SG for worker in the SU from 1954 to 1965. - On the basis of resource extraction from many sides, thesis treated, reproduced in detail the objectives and changes in the worker movement from 1954 to 1965 in the SU. - Draw the nature and characteristics of the worker movement in the SU. - Proven and confirmed by a large role of the worker movement in the SU in contributing defeating the US war strategy in South Vietnam from 1954 to 1965. On the other hand, draw historical significance of the worker movement in the SU; on that basis, can help politicians - sociologist make the policies for the working class today.
  • 41. 37 Chapter 2 WORKER MOVEMENT IN THE SOUTHERN URBANS IN THE PERIOD 1954-1960 2.1. Essential tradition of worker movement in the South before 1954 worker movement in the south before 1954 attracted most of the worker of the sector and many classes of people involved, the worker movement has fought its associated objectives welfare rights and democracy with the aim of fighting against the French, protect the independence and freedom of the Fatherland, the movement has used various forms of struggle as strike rich, strikes, slowdowns, ... with specific goals such as higher wages, less hours, anti-fired, anti-beat, ... practically contribute to the war against the French to victory. 2.2. US and the Ngo Dinh Diem government’s policies for worker in the southern urbans (1954-1960) 2.2.1. An overview of the situation in South Vietnam (1954- 1960) Implementing the policy of the United States, after the government seized in the South (7-7-1954), on the one hand, Ngo Dinh Diem government (NDDg) refused consultative elections, refused to re- establish normal relation between the South and the North; elections held separately, Constituent Assembly elections (4-3-1956), promulgated the Constitution (26-10-1956), established the Can Lao party, ... On the other hand, NDDg terrorist who tried to endorse the peace, who joined the resistance and the struggle for the implementation of the Genève Agreement. Those are the underlying causes leading to the revolutionary movement of the people in South Vietnam. 2.2.2. US and the Ngo Dinh Diem government’s policies for worker in the southern urbans 2.2.2.1. Ideological - political NDDg’s ideology is humanism. For workers in the SU, US and NDDg open training courses to promote and disseminate the "ideal Christian trade unions". Besides propagating the Christian ideology, also said US and NDDg legend "at the same workplace bisexual, bisexual interests", "harmony class", "democracy" and advocated "promotions should work."
  • 42. 38 Politically, under US and NDDg regime, the freedom of workers to be compromised. US and NDDg rigging the remaining unions, implementing the policy "taking the movement to break the movement, unions to hold most of the people." 2.2.2.2. Economic Along with the development of industry, workers in the SU increasing rapidly, mostly in light industries (textiles, food) or construction, transport is stimulated by these orders of US agencies and NDDg. 2.2.2.3. Cultural - social The objective of the cultural policy of the US and NDDg is creating the "positive" to entice the workers on the treadmill of a new culture - American culture, which in turn workers into tools in the SU implementing policies of US colonialism in Vietnam. 2.3. Team and the lives of worker in the southern urbans (1954-1960) 2.3.1. Worker in southern cities The economic policies of the US and NDDg had affected workers in SU firstly the number of workers increasing. The development does not follow economic rules that required by war. 2.3.2. The life of urban worker in the South 2.3.2.1. Time and working conditions In order for the exploitation of workers, employers often prolonged work that must alarm [250; page. 10]. Not only exploited by the labor time that workers in SU also work with very bad conditions [6 8; page. 2]. 2.3.2.2. Unemployment What we're seeing in the SU after the Armistice that unemployment was fairly common in the factories, mills. 2.3.2.3. Wages Income from wages do not keep up the price of food and daily consumer goods. Besides taxes and heavy penalties. 2.4. Evolution of worker movement in the southern urbans (1954- 1960 ) 2.4.1. The policy of the CPV In the period 1954-1960, the CPV focused attention towards taking advantage of the public unions, and to develop forms of
  • 43. 39 legally sold widely to mobilize, workers gradually gathers fight Americans and NDDg. 2.4.2. Evolution of movement 2.4.2.1. Worker movement for welfare objectives Immediately after the Genève Agreement (1954), worker movement for the purpose of workers' welfare in the SU lively place, all over the big cities in the South like Saigon - Cholon, Bien Hoa, Da Nang, Hue, attracting many industry workers participated. The opening is a strike of 30,000 workers at the end of 1954, demanding wage amendments, requires paid access, and money paid as Tet and fired. In response to this struggle, on 7-12-1954, workers strike Bien Hoa total support [238; page. 151]. On 4-1-1955, representing the French government to make concessions, the workers get a raise and grant consular access money [238; page. 151]. Along with the struggle of workers and workers' French army is the struggle of workers driving to Dong Ba - Bao Vinh Hue’s route [217; page. 2]. Date 10-11-1955, unionists whole rail workers union local Vietnam extraordinary meeting in Hue station. Then the struggle of rail workers Hue, on 24-11-1955, the whole water-electricity worker of Danang strikes [183; page. 3]. The strike in the city made the power outage for 2 days. Along with the struggle of the workers water-electricity sector, in Saigon, on 23-3-1956, taxi drivers union congress also conducts taxpayer objected special command petroleum [174; page.1]. When the struggle of Hue water-electricity worker and taxi driver worker in Saigon had not ended, on 26-3-1956, 800 workers Cho Quan Lamp Factory also fired anti-strike and terrorism 3 workers. The strike lasted two days for both the city of Saigon - Cholon, Gia Dinh, Bien Hoa, no electricity, water, all industrial activity was brought to a standstill; theaters, cinemas have closed; six daily newspapers not to be; radio station silenced 48 hours. Under these circumstances, NDDg to agree to inclusion of workers have been laid off [32; page. 93]. On 13-5-1956, warehouse workers 5 dock porters Nha Rong simultaneous strike demanding salary adjustments STIC company [182; page. 2].
  • 44. 40 Following the strike of workers of 5 workers warehouse dock porters "The Dragon" is the struggle of workers of oil firm Standard Vacuum Oil on 19-7-1956 requires the Board of Directors resolved claims " Alter of wages; medical; overtime pay "[140; page. 12]. When the struggle of the railway workers going on fiercely, then strike for pay increase of more than 3,500 workers in Saigon Port 24- 1-1957 skinny continue. The strike Saigon pier makes absolutely paralyzed, forcing employers to accept 15% pay rise for workers [178; page. 115]. On 8-1-1958, Union Radio telecommunications workers to get a resolution meeting prosecute strike blocked off the Board of Directors of the workers wages and repression used words, cursing workers [112; page 1]. Next struggles of wireless telecommunications workers, on 25-5-1958, 170 of 150 deputies textile mill workers of Saigon - Cholon and Gia Dinh. In 1959 the most typical is the struggle of workers of oil company Shell. Date 15-10-1959, its more than 500 workers unanimously strike to protest the US capitalist owners dismiss workers. In 1960, the movement for the purpose of workers' welfare in the SU still continuing. Some struggle 7-1-1960 typical day, 200 workers of Bus Moto company annual meeting of struggling to raise their requirement bonuses, overtime wages and family allowances. After four days of fighting, the employer has agreed to the demands of workers [178; page. 140]. 2.4.2.2. Workers' movement for democratic goals Faced with US and NDDg arrests, suppression, division workers, union freedoms had been violated, the workers struggle in the SU stood up to defend their rights. In the International Labour on 1-5- 1955, workers of Saigon - Cholon, Bien Hoa, Da Nang, Hue organized many rallies, demonstrations demanding freedom of assembly, freedom of speech, anti-oppression, terrorism [32; page. 92]. On 1-2-1956, Standing Sub-delegation of Saigon Railway Station has sent a dispatch to the Central Standing Federation National Revolutionary officers indicating original state rail monopoly Director, terrible announced unionists, workers suffocate the life of the spirit [73; page. 3].
  • 45. 41 Next, on 21-6-1956, Union local union official letter sent to Cholon pointed NDDg union freedoms have been compromised by the blatant actions, humiliation, abduction torture persecution union officials of the government of Thu Dau Mot [138; page. 1]. 1-5-1957 International Labor Day, although NDDg ban demonstrations, but in Saigon, the masses, in which the majority of workers are emanating the streets protesting, slogan is doubtful rights, including the right to "free unions" . Date 22-10-1958 in telegram No. 2035 of the Vietnam General Confederation of Labour requirements Ngo Dinh Diem: "Save at the Confederation of union members were arrested, no action undermining public security National public that the suspect or may be appointed as vindictive. Confederation President would like them to, or for the Confederation leaders would like to be reunited with their families" [230; page. 2]. 2.4.2.3. Movement fighting for implementing the Genève Agreement and the policy against "communist elements" Date 1-8-1954 in Saigon - Cholon, 50,000 people, mostly workers lighthouse, docks, workers in the logistics unit of France and other classes, demonstrations. Walk protesters cheered peace, uphold the banner demanding strictly enforce the Genève Agreement. Also on (1-8-1954), in Da Nang, the movement fighting for the implementation of the Genève Agreement of railroad workers took place lively [134; page. 21]. In April, May-1956, in Saigon fighting erupted publicly demanding phase consultative elections, leading to 200,000 people rally in the International Labor on 1-5-1956 under the slogan "Unity State home by peaceful means "," Vietnam independence and unity viva "[2]. Along with the movement fighting for the implementation of the Genève Agreement, demanding consultative elections and fight for their rights regarding living conditions and democratic, worker in the SU fighted policies "communist elements" of US and NDDg. In Da Nang, the US and NDDg put some reactionaries stand out "communist elements" or declared secession, torn flag or calling party cadres and Party members out every attempt made for mass confusion, fluctuating. But, most of the people of Da Nang remained steadfast stance on. Typically c he's porters Danang port tunneling, protecting
  • 46. 42 comrades grassroots party members listened, building the movement. [134; page. 40-41]. May-1959, when the US and NDDg enactment "10-59" communism put out the outlaw, in the Ba Son factory, NDD forced to disband unions, workers' movements temporarily subsided, reaction worker's report was then sick, do not attend school, or if attendance is noisy, disorderly, some workers taking advantage of loopholes "speakers" for questioning, game management, ... [211 ; pages. 251- 252].
  • 47. 43 Chapter 3 WORKER MOVEMENT IN THE SOUTHERN URBANS IN THE PERIOD 1961-1965 3.1. US and SG’s policy for worker in the southern urbans (1961- 1965 ) 3.1.1. An overview of the situation in South Vietnam (1961- 1965) To continue to maintain the trajectory of the South in the US, in 1961, after entering the White House, President Kennedy has decided to eliminate the strategy of "massive retaliation" strategy and accept the military "response flexibility" by Maxwell Taylor's new global initiative. "Special War" is one of three forms of strategic war "flexible response". But the plot and action of the United States and NDDg not prevent the progress of the southern revolution. On both militarily and politically, the Southern army and people constantly advancing and won significant victories strategy. 3.1. 2. US and SG’s policy for worker in the southern urbans 3.1.2.1. Ideological - political In terms of ideology, SG continue working evangelists of human needs in southern workers. US and SG also lackeys of the General Confederation of Labour regularly published newsletter press workers to propagate the reactionary rhetoric such as "People's Capitalism", "class peace", "case working class", "proletarian property owners". Politically, to buy off workers in SU, on the one hand, the United States and promoting policies SG entice workers involved in labor organizations such as the gold unions, ... In addition, we use a number of minions in the organized labor movement enters the workers to carry out activities divisive, destructive, continues motto "movement break the movement, most of the public unions to hold ". 3.1.2.2. Economic To implement "special war" , the US increased aid for SG with two main forms of economic aid and military assistance. Only in 1963, US economic aid for SG is $175 million. In addition , "aid" , the US and SG also outlined a number of policies to promote industry