SlideShare a Scribd company logo
1 of 80
Download to read offline
1
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
***
TRẦN THỊ MAI DUNG
HỒ CHÍ MINH VỚI CUỘC VẬN ĐỘNG
SỰ ỦNG HỘ QUỐC TẾ TRONG CUỘC KHÁNG
CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP
(1946 - 1954)
LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ
Hà Nội - 2010
2
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
***
TRẦN THỊ MAI DUNG
HỒ CHÍ MINH VỚI CUỘC VẬN ĐỘNG
SỰ ỦNG HỘ QUỐC TẾ TRONG CUỘC KHÁNG
CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP
(1946 - 1954)
Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Đảng
Mã số: 60 22 56
Người hướng dẫn khoa học: PGS, TS. Lê Văn Yên
Hà Nội - 2010
3
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số
liệu, tài liệu được nêu trong luận văn là trung thực, bảo đảm tính khách
quan, khoa học. Các tài liệu tham khảo đều có xuất xứ rõ ràng.
Luận văn có sự kế thừa các công trình nghiên cứu của những người đi
trước, có sự bổ sung thêm những tư liệu mới và chưa được công bố trong bất
kỳ công trình nào khác.
Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2010
Tác giả luận văn
Trần Thị Mai Dung
4
LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành Luận văn, ngoài sự nỗ lực của bản thân, tôi còn nhận
được sự giúp đỡ của rất nhiều người. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới
các thầy, cô giáo trong Khoa Lịch sử - Trường Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn đã nhiệt tình giảng dạy, trang bị những kiến thức rất bổ ích cho tôi.
Các cán bộ, nhân viên Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Hà Nội, Trung
tâm lưu trữ quốc gia III đã tạo điều kiện cho tôi khai thác tài liệu. Đặc biệt,
tôi muốn nói lời cảm ơn tới thầy giáo PGS. TS Lê Văn Yên, người đã trực
tiếp hướng dẫn tôi trong quá trình thực hiện Luận văn.
5
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 1
Chương 1: Hồ Chí Minh với cuộc vận động quốc tế
trong những năm đầu toàn quốc kháng chiến (1946-1949)
1.1. Chủ trương đối ngoại và chính sách tập hợp lực lượng bên ngoài
trong buổi đầu của cuộc kháng chiến 8
1.2. Hoạt động đối ngoại nhằm nối lại đàm phán hòa bình, tranh thủ
sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân Pháp 19
1.3. Hoạt động đối ngoại tăng cường quan hệ quốc tế, phá thế bao vây 33
Chương 2: Hồ Chí Minh với cuộc vận động quốc tế
trong những năm 1950-1954
2.1. Chính sách đối ngoại và vận động quốc tế thời kỳ mới 48
2.2. Hoạt động đối ngoại tranh thủ sự ủng hộ của các nước xã hội chủ
nghĩa và các lực lượng cách mạng thế giới 61
2.3. Hoạt động đối ngoại và vận động quốc tế kết thúc chiến tranh, lập
lại hòa bình ở Việt Nam 81
Chương 3: Bài học kinh nghiệm và ý nghĩa thực tiễn
trong công cuộc đổi mới hiện nay
3.1. Những bài học kinh nghiệm 95
3.2. Vận dụng trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay 110
KẾT LUẬN 119
TÀI LIỆU THAM KHẢO 121
PHỤ LỤC 131
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Nghiên cứu một cuộc cách mạng cần phải chú ý đến nhiều phương diện,
trong đó, đường lối chính trị cùng với phương pháp cách mạng được xem là hai
lĩnh vực chủ yếu quyết định sự thành công và thất bại của cách mạng. Cuộc kháng
chiến chống Pháp giành thắng lợi đã chứng minh cho sự kết hợp tài tình giữa
đường lối đúng đắn và phương pháp cách mạng thích hợp. Góp phần vào thắng lợi
đó, phải kể đến chủ trương vận động, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế mà Chủ tịch
Hồ Chí Minh là người xây dựng những cơ sở đầu tiên và cũng là người hoạt động
tích cực nhất.
Cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp của nhân dân Việt Nam
diễn ra trong bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc, trong xu thế phát
triển của thời đại mới được mở ra từ Cách mạng Tháng Mười Nga. Hệ thống xã
hội chủ nghĩa trên thế giới hình thành và phát triển; phong trào giải phóng dân tộc
lớn mạnh đánh phá hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân đế quốc; phong trào
đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của các
đảng cộng sản ở các nước tư bản tấn công quyết liệt vào chủ nghĩa tư bản độc
quyền. Tất cả các dòng thác cách mạng đó biểu hiện tập trung sức mạnh của thời
đại - một sức mạnh chưa từng có trong lịch sử loài người. Xác định cách mạng
Việt Nam là bộ phận của cách mạng thế giới, đặt cách mạng Việt Nam trong cục
diện chung của thế giới và trong xu thế phát triển của thời đại, Chủ tịch Hồ Chí
Minh luôn chú trọng tăng cường đoàn kết quốc tế, phát huy sức mạnh thời đại, coi
đó là nhân tố quan trọng, góp phần tạo nên thắng lợi của dân tộc Việt Nam. Trong
hoạt động thực tiễn, Người đã tập hợp ngày càng rộng rãi lực lượng cách mạng,
lực lượng tiến bộ thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta, tăng
cường và mở rộng không ngừng hậu phương của ta trên phương diện quốc tế, làm
suy yếu hậu phương địch.
Việc nghiên cứu và làm vai trò của Hồ Chí Minh trong vận động sự ủng hộ
quốc tế đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam có ý nghĩa lý luận và
thực tiễn quan trọng. Không chỉ góp phần tổng kết những kinh nghiệm về nhận
2
thức, tư tưởng trong chỉ đạo và hoạt động vận động quốc tế của Người mà còn tạo
cơ sở cho việc hoạch định đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong sự
nghiệp đổi mới hiện nay: đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động hội nhập kinh tế
khu vực và thế giới, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Với ý nghĩa đó, chúng tôi đã chọn đề tài “Hồ Chí Minh với cuộc vận động
sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954)”
làm luận văn Thạc sĩ của mình.
2. Tình hình nghiên cứu vấn đề
Hồ Chí Minh là nhân vật lịch sử vĩ đại của thế kỷ XX. Ở Việt Nam cũng như
ở nước ngoài đã có nhiều công trình nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp cũng như
những cống hiến của Người đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới
với những khía cạnh và nội dung khác nhau. Các hướng chính cụ thể như sau:
Thứ nhất, những tác phẩm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước chủ
yếu nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp, đánh giá những đóng góp của Người đối
với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Có thể kể đến các tác phẩm, như:
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc (Nxb. Sự thật, H,1986)
của đồng chí Lê Duẩn; Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp
chúng ta (Nxb. Thông tin lý luận, H,1991) của đồng chí Trường Chinh; Hồ Chí
Minh, một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp (Nxb. Sự thật,
H,1990), Hồ Chí Minh quá khứ, hiện tại và tương lai (Nxb. Sự thật, H,1992) của
đồng chí Phạm Văn Đồng; Những năm tháng không thể nào quên (Nxb. Quân đội
nhân dân, H,1974) của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, v.v... Những tác phẩm trên chỉ
mới đề cập đến một cách khái quát hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiến
trình lịch sử, bao gồm những nét lớn về tư tưởng và hoạt động quốc tế của Người.
Thứ hai, công trình nghiên cứu của các cơ quan khoa học như Viện Nghiên
cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện
Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh,... với những tác phẩm tiểu biểu, như:
Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử (10 tập) (Nxb. Chính trị quốc qia, H,2004 và
2009); Hồ Chí Minh - Tiểu sử (Nxb. Chính trị quốc gia, H,2009) trình bày chi tiết
và cụ thể cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Ngoài ra còn
3
có các sách giáo trình, như Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam của Học viện Chính
trị quốc gia Hồ Chí Minh và của Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng đề cập đến hoạt động
của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng trong các thời kỳ cách mạng. Tuy nhiên, với
thể loại là tiểu sử, văn kiện và giáo khoa nên hoạt động quốc tế của Người chưa
được đề cập rõ ràng và hệ thống.
Thứ ba, những hội thảo chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh được tập hợp
trong các kỷ yếu. Hội thảo kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Người tập hợp được 65
công trình; Hội thảo quốc tế nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người được
tuyển chọn trong cuốn Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nxb. Khoa học
xã hội, H,1990); Hội thảo quốc tế năm 1995 về Chủ tịch Hồ Chí Minh do Trung
tâm Khoa học - Xã hội và Nhân văn quốc gia và Ủy ban Quốc gia UNESCO tổ
chức với kỷ yếu Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn
hóa lớn. Gần đây nhất là Hội thảo kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí
Minh do Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì đã thu hút
nhiều các học giả trên thế giới về tham dự với hơn 120 tham luận.
Những bài nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên các tạp chí Lịch sử
Đảng, Cộng sản, Nghiên cứu Lịch sử, Lịch sử quân sự, Thông tin lý luận... đều góp
phần nghiên cứu thân thế và sự nghiệp cách mạng của Người.
Thứ tư, những tác phẩm chuyên khảo về hoạt động quốc tế và ngoại giao của
Hồ Chí Minh, như: Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao (Nxb. Sự thật,
H,1990) của Viện Quan hệ quốc tế - Bộ Ngoại giao; Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí
Minh (Nxb. Chính trị quốc gia, H,2008) của nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn
Dy Niên; Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao (Nxb. Chính trị quốc gia, H,2010)
của nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Khoan; Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh
về một số vấn đề quốc tế (Nxb. Chính trị quốc gia, H,1995), Chiến sĩ quốc tế Hồ
Chí Minh - Hoạt động thực tiễn và lý luận cách mạng (Nxb. Chính trị quốc gia,
H,2010) của GS. Phan Ngọc Liên… Các tác phẩm đã hệ thống hóa rõ nét cuộc đời
hoạt động và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm những nét lớn hoạt
động ngoại giao, vận động quốc tế của Người qua hai cuộc kháng chiến.
4
Thứ năm, những tác phẩm luận án nghiên cứu về vai trò cá nhân Hồ Chí Minh
trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Có thể kể đến các tác phẩm như: Đường lối
kháng chiến chống thực dân Pháp trong giai đoạn 1945-1954 - Vai trò của Hồ Chí
Minh trong việc hoạch định và tổ chức thực hiện của tác giả Nguyễn Minh Đức;
Hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống thực dân
Pháp của tác giả Đặng Văn Thái; Đấu tranh ngoại giao trong kháng chiến chống
thực dân Pháp (1945-1954) của tác giả Nguyễn Văn Sơn... Nhìn chung, các tác
phẩm trên đã làm sáng rõ vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng
chiến chống Pháp. Trong đó, đáng chú ý là hai công trình nghiên cứu về hoạt động
ngoại giao của Người.
Chín năm kháng chiến chống Pháp không phải là một thời gian dài, song lại
có nhiều vấn đề phức tạp về ngoại giao. Trong khuôn khổ một luận án, các tác giả
không có điều kiện đi sâu từng vấn đề.
Trong luận án Đấu tranh ngoại giao trong kháng chiến chống thực dân Pháp
(1945-1954), tác giả Nguyễn Văn Sơn lựa chọn hai mốc thời gian là những năm
đầu sau Cách mạng tháng Tám và những năm cuối của cuộc kháng chiến mà tác
giả cho là hai cao điểm quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh ngoại giao giữa Việt
Nam với Pháp. Trên cơ sở đó, tác giả chia luận án thành ba chương, trong đó,
chương 1 tập trung vào hoạt động của ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và
Đảng từ tháng 9-1945 đến tháng 12-1946; chương 2 tập trung vào cuộc đấu tranh
ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp tại Hội nghị Giơnevơ; chương 3, tác giả rút ra
một số nhận xét về cuộc đấu tranh ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp thời kỳ
1945-1954.
Trong luận án Hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng
chiến chống thực dân Pháp, tác giả Đặng Văn Thái chia luận án thành ba chương.
Trong chương 1, tác giả nghiên cứu hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh cũng
như Đảng và Nhà nước ta trong những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám (1945-
1946) nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc. Chương 2, tác giả nghiên cứu hoạt
động đối ngoại của Hồ Chí Minh trong những năm 1946-1950 với hai với nét lớn:
Hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh nhằm dàn xếp quan hệ Việt - Pháp bằng
5
đàm phán và hoạt động ngoại giao nối lại quan hệ với Liên Xô, Trung Quốc.
Chương 3, tác giả nghiên cứu hoạt động ngoại giao Hồ Chí Minh những năm 1950-
1954 góp phần kết thúc thắng lợi kháng chiến chống thực dân Pháp với hai nét lớn:
Hoạt động ngoại giao tăng cường quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, củng cố
khối Liên minh Việt - Miên - Lào và đấu tranh ngoại giao trong Hội nghị Giơnevơ
góp phần kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Tác phẩm cũng có đề
cập khái quát, ngắn gọn một số nét về tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh.
Do đặc thù của từng đối tượng nghiên cứu, các luận án tập trung nghiên cứu
ở những khía cạnh khác nhau. Khai thác về phương diện vận động quốc tế và dư
luận quốc tế thông qua hoạt động cụ thể của Hồ Chí Minh vẫn còn khá mờ nhạt.
Nhìn chung, nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng
như vai trò cá nhân Hồ Chí Minh nói chung và trong thời kỳ kháng chiến chống
Pháp nói riêng được nhiều cơ quan, giới khoa học và các cá nhân quan tâm. Các
công trình trên tạo điều kiện cho tác giả luận văn kế thừa thành quả của các tác giả
về nội dung và phương pháp. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có công trình chuyên
biệt nào làm rõ vai trò của Hồ Chí Minh trong vận động sự ủng hộ quốc tế thời kỳ
kháng chiến chống Pháp 1946-1954.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Trên cơ sở phân tích sự thay đổi bối cảnh lịch sử thời kỳ 1945-1954, luận văn
làm rõ hoạt động cụ thể của Hồ Chí Minh về vận động quốc tế và sự ủng hộ quốc
tế với tư cách là kết quả của quá trình hoạt động đó. Từ đó, luận văn rút ra những
bài học kinh nghiệm có thể vận dụng trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn
- Tập hợp và hệ thống những tư liệu có liên quan đến bối cảnh quốc tế và
hoạt động quốc tế của Hồ Chí Minh cũng như của Đảng và Nhà nước ta trong
kháng chiến chống Pháp;
- Trình bày những tư liệu đó qua các thời kỳ lịch sử gắn liền với điều kiện
không thời gian lịch sử;
6
- Phân tích chủ trương và hoạt động cơ bản của Hồ Chí Minh trong quá trình
thực hiện vận động quốc tế phục vụ mục tiêu cách mạng Việt Nam;
- Làm rõ dư luận quốc tế và sự ủng hộ quốc tế đối với cuộc kháng chiến của
nhân dân ta.
- Rút ra những bài học kinh nghiệm trong quan hệ quốc tế, vận dụng vào
công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là quan điểm cùng hoạt động của Hồ Chí
Minh trong thực hiện vận động các lực lượng quốc tế ủng hộ cách mạng Việt Nam.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Luận văn tập trung nghiên cứu chủ trương và hoạt động đối ngoại của Hồ Chí
Minh nhằm vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống Pháp
(1946-1954). Những sự kiện được trình bày ở luận văn là những sự kiện quan
trọng, tiểu biểu, thể hiện được quan điểm chiến lược, sách lược trong vận động sự
ủng hộ quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Hồ Chí Minh,
cũng như Đảng và Nhà nước ta.
5. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tài liệu
5.1. Phương pháp nghiên cứu
Trên cơ sở của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, trong quá
trình thực hiện luận văn, chúng tôi đã sử dụng những phương pháp chuyên ngành
của khoa học lịch sử như phương pháp lịch sử, phương pháp lôgic, so sánh, phân
tích, tổng hợp, mô tả,… nhằm tái hiện chân thực và khách quan đối tượng nghiên
cứu; từ đó rút ra những kết luận đúng đắn nhất.
5.2. Nguồn tài liệu nghiên cứu
Trong luận văn, chúng tôi đã sử dụng một số nguồn tài liệu chủ yếu sau:
Thứ nhất, các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bộ Hồ Chí
Minh toàn tập (Xuất bản lần thứ hai) là nguồn tài liệu trực tiếp, quan trọng;
Thứ hai, các văn kiện của Đảng, Nhà nước, các tài liệu lưu trữ là nguồn tài
liệu đáng tin cậy.
7
Thứ ba, các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, các tác giả trong và
ngoài nước; các tài liệu sách báo và các tác phẩm hồi ký là những nguồn tài liệu
tham khảo.
6. Đóng góp của luận văn
- Luận văn, trên cơ sở nguồn tư liệu, khôi phục toàn diện quá trình hoạt động
của Hồ Chí Minh vận động ủng hộ quốc tế nhằm mục tiêu độc lập cho dân tộc, tự
do cho nhân dân;
- Làm rõ sự ủng hộ quốc tế đối cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam;
- Khái quát những vấn đề lý luận cơ bản mang tính chiến lược trong quan hệ
quốc tế; đó là những quan điểm mang tính định hướng, có ý nghĩa thực tiễn trong
giai đoạn ngày nay.
7. Bố cục của luận văn
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, luận văn được chia thành 3 chương:
Chương 1: Hồ Chí Minh với cuộc vận động quốc tế trong những năm
đầu toàn quốc kháng chiến (1946-1949)
Chương 2: Hồ Chí Minh với cuộc vận động quốc tế trong những năm
1950-1954
Chương 3: Bài học kinh nghiệm và ý nghĩa thực tiễn trong công cuộc đổi
mới hiện nay
Mặc dù rất cố gắng trong quá trình thực hiện đề tài, nhưng do trình độ và
kinh nghiệm chưa nhiều nên luận văn không tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong
sự đóng góp ý kiến của thầy cô, bạn bè để luận văn của tôi được hoàn thiện hơn.
8
Chương 1
HỒ CHÍ MINH VỚI CUỘC VẬN ĐỘNG QUỐC TẾ TRONG
NHỮNG NĂM ĐẦU TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN
(1946-1949)
1.1. Chủ trương đối ngoại và chính sách tập hợp lực lượng bên ngoài trong
buổi đầu của cuộc kháng chiến
1.1.1. Bối cảnh lịch sử
1.1.1.1. Tình hình thế giới và thái độ các nước lớn đối với Việt Nam
Tình hình thế giới những năm đầu sau Chiến tranh thế giới thứ hai có những
diễn biến phức tạp, tác động tới cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
Chính sách của Mỹ: Đế quốc Mỹ đứng đầu phe đế quốc triển khai chiến lược
toàn cầu. Tháng 3-1947, Tổng thống Truman đọc diễn văn trước Quốc hội, chính
thức đề ra cái gọi là “sứ mệnh lịch sử” của Mỹ là lãnh đạo thế giới “tự do” và
“giúp đỡ” các dân tộc trên thế giới chống lại sự “bành trướng” của nước Nga, bằng
mọi biện pháp kinh tế, quân sự. Với sự ra đời của chủ nghĩa Truman, mối quan hệ
đồng minh giữa Liên Xô, Mỹ và các nước phương Tây trong thời kỳ chiến tranh
chống phát xít đã tan vỡ, thay vào đó là “Chiến tranh lạnh” với sự đối đầu giữa hai
cực và hai khối Đông - Tây.
Ở châu Á và Đông Nam Á, Mỹ đóng vai trò chi phối hòa bình và an ninh khu
vực bằng chính sách thực dân mới. Mục tiêu của Mỹ là củng cố vai trò lãnh đạo
của mình đối với Nhật Bản và khu vực ảnh hưởng ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á và
Nam Thái Bình Dương, thực hiện chiến lược phong tỏa Liên Xô về phía Đông;
đồng thời đối phó với phong trào đấu tranh cho độc lập dân tộc, thoát khỏi ách
thống trị của chủ nghĩa đế quốc, thực dân.
Chính sách của Mỹ đối với Đông Dương lúc này là từ chối thừa nhận nền
độc lập của Việt Nam và Chính phủ Hồ Chí Minh mà ủng hộ Pháp.
Từ giữa tháng 11-1945 đến tháng 3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần
gửi điện và thư cho Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao, Ủy ban Đối ngoại Thượng
viện Mỹ với những lời khẩn thiết kêu gọi sự ủng hộ chính trị đối với nền độc lập
9
của Việt Nam trên cơ sở Hiến chương Đại Tây Dương, nhưng không nhận được lời
hồi đáp; bởi Mỹ cho rằng “sẽ không có lợi gì trong việc nền cai trị đế quốc thực
dân lại được thay thế bởi nền triết lý và các tổ chức chính trị bắt nguồn từ Kremlin
và do Kremlin kiểm soát” [1, tr. 732]. Bản Chỉ thị gửi các nhà ngoại giao Mỹ ở
Pari, Hà Nội và Sài Gòn ngày 13-5-1947 thể hiện rõ nét chính sách của Chính phủ
Mỹ đối với Đông Dương là“nhất thiết phải cùng thuyền cùng hội với người Pháp”,
bởi “sự liên kết chặt chẽ giữa Pháp và các thành viên trong Liên hiệp Pháp không
phải chỉ có lợi cho các nước liên quân, mà còn có lợi cho chúng ta một cách gián
tiếp” [1, tr. 733].
Thái độ của Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân: Liên Xô và các nước
dân chủ nhân dân đang bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến
tranh, bước đầu giành được những thành tựu quan trọng. Liên Xô thực hiện hoàn
thành vượt mức kế hoạch khôi phục kinh tế trong 4 năm 3 tháng bằng chính nguồn
tài nguyên trong nước. Năm 1949, Liên Xô đã chế tạo thành công bom nguyên tử,
phá vỡ thế độc quyền về bom nguyên tử của Mỹ. Năm 1950, sản lượng công
nghiệp của Liên Xô tăng 73% so với trước chiến tranh. Các nước dân chủ nhân dân
như Anbani, Ba Lan, Bungari, Hunggari, Nam Tư, Rumani, Tiệp Khắc... đã lần
lượt hoàn thành công cuộc cách mạng dân chủ nhân dân và bước vào thời kỳ quá
độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, đạt được những thành tựu lớn trên các phương diện
kinh tế, chính trị, xã hội.
Tuy nhiên, Liên Xô và các lực lượng dân chủ tiến bộ cũng chịu ảnh hưởng
bởi chính sách toàn cầu của Mỹ. Việc phát động Chiến tranh lạnh, triển khai học
thuyết Truman và kế hoạch Marshall, giai cấp tư sản và các thế lực phản động trên
thế giới tiến hành một chiến dịch phản công quyết liệt chống lại Liên Xô, các lực
lượng dân chủ hòa bình và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Mỹ và đồng
minh ra sức gây căng thẳng buộc Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân Đông Âu
phải tham gia vào cuộc chạy đua với Mỹ cả về kinh tế và quân sự.
Để đối phó với âm mưu của Mỹ và các thế lực thù địch, Liên Xô, một mặt,
phải tập trung khôi phục, phát triển kinh tế, tăng cường khả năng quốc phòng; mặt
khác, giúp đỡ các nước Đông Âu - vành đai phía Tây của Liên Xô củng cố chế độ
10
dân chủ nhân dân. Với những vấn đề quan trọng đó ở tuyến đầu, vấn đề Việt Nam và
Đông Dương chưa thể quan tâm đến. Một số tài liệu mới công bố gần đây đã làm rõ
chính sách của Liên Xô đối Việt Nam và Đông Dương trong suốt thời gian dài.
Liên Xô theo dõi sát diễn biến cách mạng ở Đông Dương. Chỉ một tuần sau
Cách mạng Tháng Tám, ngày 20-8-1945, V.G. Đêkanôdôv - Phó Dân ủy ngoại
giao Liên Xô - đã nhận được một bản báo cáo viết tay của A.B. Bôgômôlôv - Đại
sứ Liên Xô tại Pháp - về tình hình Đông Dương. Báo cáo nêu lên âm mưu của
Pháp đối với các nước thuộc địa cũ, đồng thời đề nghị Chính phủ Liên Xô can
thiệp để có thể trao Đông Dương nền độc lập cùng với việc đặt Đông Dương dưới
sự bảo hộ của Ủy ban quốc tế gồm Mỹ, Anh, Liên Xô, Pháp và Trung Quốc. Khi
báo cáo cùng đề xuất nói trên được chuyển về cho C.B. Kôdưrev - Chủ nhiệm văn
phòng châu Âu I, V.G. Đêkanôdôv đã đưa ra ý kiến như sau: “Theo tôi được biết,
chúng ta không giữ lập trường như vậy trong vấn đề này. Đồng chí Môlôtốp, trong
buổi trao đổi với Katơru (Đại sứ Pháp tại Mátxcơva lúc đó) cách đây không lâu đã
đưa ra câu trả lời rõ ràng về vấn đề này” [74, tr. 211].
Sau đó, trong các tháng 9, 10 năm 1945, Mátxcơva liên tiếp nhận được
những bức điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Chính phủ Liên Xô thông báo về
tình hình Việt Nam và cuộc gây hấn của Pháp nhưng câu trả lời của Mátxcơva
trong trường hợp này là không trả lời. Thế là công văn chính thức, khẩn của Chủ
tịch Hồ Chí Minh được đưa vào kho lưu trữ. Những năm tiếp sau đó, Chính phủ
Hồ Chí Minh vẫn không nhận được sự giúp đỡ từ phía Liên Xô cũng như các nước
dân chủ Đông Âu khác. “Không được thế giới cộng sản biết tới”, Hồ Chí Minh
phải chấp nhận những “hiệp định” khá mong manh với Pháp để tranh thủ tối đa
thời gian hòa hoãn, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài.
Thái độ của Trung Quốc: Nước láng giềng phía Bắc của Việt Nam, Trung
Quốc đang trong tình trạng “nước sôi lửa bỏng”. Nội chiến bùng nổ chấm dứt thời
kỳ Quốc - Cộng hợp tác lần thứ hai (1945-1947). Với sự giúp đỡ của Mỹ, Tưởng
Giới Thạch đã huy động mọi lực lượng quyết tâm tiêu diệt Đảng Cộng sản Trung
Quốc, bởi sự lớn mạnh của Cộng sản nước này sẽ là nguy cơ lớn đối với Mỹ. Do
đó, trước khi cách mạng Trung Quốc thành công, Đảng Cộng sản Trung Quốc phải
11
tập trung lực lượng để giành thắng lợi trong cuộc nội chiến nên chưa có điều kiện
giúp cuộc kháng chiến của nhân dân ta.
Tình hình các nước trong khu vực: Các nước trong khu vực như Inđônêxia,
Malayxia, Miến Điện... đều bị các nước thực dân Anh, Hà Lan tái chiếm. Đặc biệt,
hai nước láng giềng phía Tây là Lào và Campuchia bị thực dân Pháp chiếm đóng
trở lại và dùng làm bàn đạp để bao vây, tấn công ta; các vùng biển phía Đông và
phía Nam đều bị hạm đội Anh khống chế.
Nhìn chung, thế giới trong những năm đầu kháng chiến có nhiều bất lợi cho
ta: Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân - lực lượng đấu tranh và ủng hộ hòa
bình, dân chủ thế giới vẫn đang trong quá trình phục hồi, củng cố nội lực; Trung
Quốc và các nước trong khu vực đang tự cố gắng giải quyết vấn đề của mình. Bạn
đồng minh của ta trước kia là Mỹ đã triển khai chiến lược toàn cầu phản cách
mạng, coi Đông Dương là vị trí trọng yếu trong thực hiện chiến lược phòng thủ
chống cộng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chúng đang câu kết và ủng hộ
thực dân Pháp quyết tâm xâm chiếm nước ta một lần nữa. Việt Nam hoàn toàn cô
lập khi bước vào cuộc kháng chiến. Đó là thử thách hết sức gay go, quyết liệt đối
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
1.1.1.2. Chiến tranh bùng nổ và tính chất cuộc kháng chiến
Những cố gắng của Việt Nam trong lựa chọn phương án đàm phán hòa bình
để kết thúc xung đột Việt - Pháp đã bị thực dân Pháp hiếu chiến phá hoại. Ngày 7-
11-1946, D’Argenlieu - Cao ủy Pháp ở Đông Dương - ngang nhiên gửi công hàm
cho Chính phủ ta khẳng định “Nam Bộ là đất của Pháp” và cho rằng “Ủy ban Hành
chính Nam Bộ là bất hợp Pháp”. Ngày 20-11-1946, chúng đồng thời gây hấn ở Hải
Phòng và đánh chiếm các vị trí quan trọng ở Lạng Sơn, đổ bộ vào Đà Nẵng. Ngày
22-11-1946, Valluy - Tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương - đã gửi một bức điện
về Pari nhằm “đánh lạc hướng” Chính phủ Pháp. Bức điện nói rõ “những tin tức
thu nhận được cũng như các tài liệu bắt được xác nhận rằng sự việc này đã được
các nhà chức trách Việt Nam sắp đặt tỷ mỷ và trách nhiệm gây hấn rõ ràng không
nghi ngờ gì nữa thuộc về phía họ” [76, tr. 291]. Tiếp đó, Valluy đã chỉ thị trực tiếp
cho Đại tá Dèbes đang đóng quân ở Hải Phòng “cần thiết phải lợi dụng vụ rắc rối
12
đó để củng cố thêm vị trí Hải Phòng của chúng ta” [76, tr. 292] bằng cách đưa ra
những điều kiện buộc Chính phủ Hồ Chí Minh phải chấp thuận: Toàn bộ lực lượng
chính quy và bán quân sự của ta phải rút khỏi Hải Phòng và quân đội Pháp được tự
do đóng quân trong thành phố.
Từ tháng 12 trở đi, tình hình trở nên căng thẳng. Ngày 16-12-1946, quân
Pháp gây hấn ở Hà Nội, bắn giết dân thường, đánh vào các điểm đề kháng của ta,
tiến công chiếm nhiều trụ sở cơ quan Chính phủ. Ngày 18 và ngày 19-12-1946,
thực dân Pháp đã liên tiếp gửi tối hậu thư đòi ta phải bỏ công sự và đòi để chúng
kiểm soát, giữ trật tự trong thành phố Hà Nội. Chúng tuyên bố sẽ hành động bằng
sức mạnh quân sự nếu chúng ta không thực hiện các yêu sách đó.
Trước tình hình khẩn cấp, từ ngày 11-12-1946, Hội đồng Chính phủ đã họp
điểm lại tình hình quân sự, ngoại giao và nhận định thời kỳ nhân nhượng của Việt
Nam đã chấm dứt. Tuy vậy, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên trì biện
pháp cuối cùng để cứu vãn nền hòa bình. Ngày 18-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh
thông qua J.Sainteny gửi điện khẩn cấp đến Chính phủ và Quốc hội Pháp đề nghị
chấm dứt ngay cuộc xung đột Việt - Pháp. Sáng ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí
Minh còn gửi thư riêng cho J.Sainteny, đề nghị ông ta có cuộc gặp gấp với Bộ
trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám nhằm “tìm một giải pháp để cải thiện bầu
không khí hiện tại” [118, tr. 1] nhưng J.Sainteny từ chối. Ngay ngày hôm đó, Pháp
gửi tối hậu thư (cuối cùng) ngang ngược đòi tước vũ khí lực lượng vũ trang của ta,
đòi những điều kiện phải được thi hành ngay lập tức, chậm nhất là vào sáng ngày
20-12-1946.
20 giờ tối ngày 19-12-1946, sau khi Thường vụ Trung ương Đảng và lãnh
đạo chủ chốt các Bộ họp, đã đi đến quyết định phát động cuộc kháng chiến chống
thực dân Pháp xâm lược trên toàn quốc. Ngay sau tiếng súng báo hiệu toàn quốc
kháng chiến bùng nổ, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã truyền đi khắp cả nước: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân
nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng
quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ không
chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” [64, tr. 480].
13
Rõ ràng, cuộc kháng chiến chỉ được quyết định khi khả năng hòa hoãn không
còn, khi mà mọi nẻo đường hòa bình thương lượng để tránh một cuộc chiến tranh
nhằm bảo vệ độc lập, thống nhất đã bị thực dân Pháp cự tuyệt, vì chúng quyết
dùng vũ lực để xâm lược và đặt ách thống trị thực dân trên đất nước ta và toàn bán
đảo Đông Dương. “Dân tộc Việt Nam nay bị đặt trước hai đường: một là khoanh
tay cúi đầu trở lại nô lệ, hai là đấu tranh đến cùng để giành lấy tự do và độc lập”
[64, 483].
Nguồn gốc sâu sa và nguyên nhân trực tiếp của cuộc chiến tranh hoàn toàn
xuất phát từ dã tâm xâm lược và chính sách thực dân hiếu chiến của bọn phản động
Pháp, có sự đồng tình, ủng hộ của các thế lực đế quốc, phản động khác. Trong Thư
gửi nhân dân Việt Nam, nhân dân Pháp và các nước Đồng minh, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã nêu rõ tội ác của thực dân Pháp, khẳng định tính chất chính nghĩa cuộc
kháng chiến của nhân dân ta và nhấn mạnh “bọn phản động Pháp lại dày xéo lên
những bản Hiến chương Đại Tây Dương và Cựu Kim Sơn. Họ đang gây chiến
tranh xâm lược ở Việt Nam. Họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm” [64, tr. 484].
Có thể nói, chiến đấu vì chính nghĩa, cho độc lập tự do, đó là sức mạnh và
cũng là lợi thế duy nhất khi bước vào cuộc kháng chiến dường như bị cô lập hoàn
toàn với thế giới bên ngoài. Giương cao ngọn cờ chính nghĩa, cuộc kháng chiến
của nhân dân Việt Nam vì thế hòa nhịp vào xu thế chung của thời đại.
1.1.2. Chủ trương đoàn kết quốc tế và chính sách tập hợp lực lượng bên ngoài
Cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược khởi đầu trong vòng vây hãm
của thế lực thù địch và trong một thời gian dài phải chiến đấu đơn độc không được
sự giúp đỡ, ủng hộ của các lực lượng cách mạng bên ngoài, kể cả Liên Xô và
Trung Quốc. Chính lúc này, lãnh đạo Đảng và Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ
Chí Minh luôn vững tin vào sức mạnh của toàn dân tộc với đường lối kháng chiến
tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính. Trước đây, trong Lời hiệu triệu, Hồ
Chí Minh đã phân tích rõ: “…trường kỳ kháng chiến và toàn dân kháng chiến bằng
quân sự (dũng cảm, kỷ luật), bằng chính trị (đoàn kết, trật tự), bằng kinh tế (tăng
gia, sản xuất), bằng ngoại giao (thêm bạn, bớt thù), trước hết là bằng tinh thần: bại
không nản, thắng không kiêu, thua trận này đánh trận khác, được trận này không
14
chểnh mảng, chung sức, đồng tâm, nhất trí, giữ gìn trật tự, tuân theo mệnh lệnh của
Chính phủ. Như thế, mà phải nhất định như thế, thì chúng ta mới được thắng lợi và
giành được độc lập hoàn toàn” [64, tr. 188].
Hồ Chí Minh luôn động viên trong nhân dân niềm tin vào thắng lợi, bởi một
lẽ đơn giản, nhân dân ta vì chính nghĩa mà chiến đấu. Người nói: “Chỉ phe nào vì
chính nghĩa mà chiến đấu, phe ấy mới có đủ điều kiện nhân hòa... Trong khi chiến
đấu, chúng ta được dân chúng ủng hộ, nhất định chúng ta được dư luận thế giới tán
đồng, nhất định chúng ta sẽ thắng” [64, tr. 463].
Vững tin bước vào cuộc chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đặt cuộc kháng
chiến của nhân dân Việt Nam và Đông Dương trong phong trào giải phóng dân
tộc và các trào lưu của nhân loại tiến bộ trên thế giới, nêu cao đường lối đoàn kết
quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới.
Bối cảnh quốc tế và tương quan lực lượng trên thế giới, khu vực được Chủ
tịch Hồ Chí Minh và Đảng phân tích, đánh giá một cách chính xác là cơ sở khách
quan của đường lối trên. Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương ngày 31-7-1946
từng chỉ rõ:
Địa vị Đông Dương hiện nay trở nên rất quan trọng trên trường cách mạng
quốc tế vì:
“a) Bên cạnh nách trung tâm điểm cách mạng Á Châu (Tàu).
b) Trong phạm vi trung tâm điểm những mâu thuẫn giữa các nước đế quốc
chủ nghĩa (trước ở Trung Quốc, nay chuyển xuống Đông Nam Á).
c) Là nơi đế quốc Anh, Mỹ, Pháp chú trọng dàn xếp để bố trí chiến tuyến
chống cộng và uy hiếp phong trào cách mạng giải phóng của các nhược tiểu dân
tộc [24, tr. 99].
Ngay khi chiến tranh nổ ra, ngày 22-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương
Đảng công bố rộng rãi Chỉ thị Toàn dân kháng chiến1
khái quát một cách cơ bản
đường lối kháng chiến để thống nhất chỉ đạo trong toàn Đảng, toàn dân, kịp thời
chuyển sang giai đoạn mới. Chỉ thị nêu rõ:
1. Chỉ thị Toàn dân kháng chiến được viết xong ngày 12-12-1946.
15
Về mục đích kháng chiến: “Đánh phản động thực dân Pháp xâm lược; giành
thống nhất và độc lập”.
Về tính chất kháng chiến: “Trường kỳ kháng chiến, toàn diện kháng chiến”.
Về lực lượng kháng chiến: “Đoàn kết chặt chẽ toàn dân; thực hiện toàn dân
kháng chiến;... phải tự cung, tự cấp về mọi mặt” [24, tr. 150].
Bản Chỉ thị cũng khẳng định đường lối quốc tế của cách mạng với nội dung
cụ thể là: Liên hiệp với dân tộc Pháp, chống bọn thực dân phản động Pháp; Đoàn
kết với hai dân tộc Mên, Lào và các dân tộc bị áp bức trong khối Liên hiệp Pháp;
Thân thiện với các dân tộc Tàu, Xiêm, Ấn Độ, Diến Điện, Nam Dương và các dân
tộc yêu chuộng dân chủ, hòa bình trên thế giới [24, tr. 151].
Tháng 9-1947, trong một lần trả lời phỏng vấn nhà báo S. Elie Maissie - phóng
viên Hãng Thông tấn Mỹ khi được hỏi về những nét lớn trong chính sách đối ngoại
của Việt Nam (theo tình hình quốc tế hiện giờ), Người dõng dạc tuyên bố: “Làm
bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai” [65, tr. 220]. Sau
này, khi trả lời phỏng vấn ông Stanley Harrison - một nhà báo Anh, Người tiếp tục
khẳng định: “Việt Nam sẽ giao dịch với tất cả các nước nào trên thế giới muốn giao
dịch với Việt Nam một cách thật thà” [65, tr. 578]. Những câu trả lời ngắn ngọn của
Người thể hiện thiện chí của Đảng, của nhân dân Việt Nam ước mong chung sống
hòa bình với tất cả các nước, nhân dân thế giới, ngay cả với những kẻ đang dày xéo
đất nước ta, đồng bào ta như thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.
Với chủ trương thêm bạn, bớt thù, nêu cao thiện chí hòa bình, Chủ tịch Hồ
Chí Minh và Đảng luôn chú trọng phân hóa nội bộ kẻ thù, tùy từng đối tượng mà
có chủ trương, biện pháp thích hợp nhằm tranh thủ tối đa lực lượng ủng hộ cuộc
kháng chiến của nhân dân ta.
Đối với Pháp, Hồ Chí Minh luôn phân biệt rõ ràng giữa thực dân Pháp và
nhân dân Pháp. Trong nhiều bài viết của mình, Người khẳng định, nhân dân Việt
Nam không đấu tranh chống lại nước Pháp, nhân dân Pháp, mà chỉ đấu tranh
chống lại bọn thực dân xâm lược Pháp - những kẻ đang xâm chiếm đất nước Việt
Nam, chà đạp lên khẩu hiệu Tự do, Bình đẳng và Bác ái quang vinh của dân tộc
Pháp và nước Pháp.
16
Trong giải quyết xung đột Việt - Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng luôn
thể hiện thiện chí hòa bình. Người nhiều lần khẳng định trước báo giới trong và
ngoài nước, rằng: “Nếu Chính phủ và nhân dân Pháp không để bọn thực dân phản
động phá hoại hòa bình, phá hoại lợi ích và danh dự Pháp, phá hoại tình thân thiện
giữa hai dân tộc Việt - Pháp, nếu chính phủ Pháp dàn xếp theo cách hòa bình, tôn
trọng chủ quyền của ta, thì ta vẫn sẵn sàng đàm phán” [65, tr. 8].
Quan điểm đó của Người được khẳng định trong Nghị quyết Hội nghị Cán bộ
Trung ương (từ 3-4 đến 6-4-1947) như là chủ trương chính thức của Đảng và Nhà
nước ta: Chỉ ngừng bắn khi nào Pháp nhìn nhận độc lập và thống nhất thật sự và
liên minh với nhân dân Pháp xây dựng dân chủ, hòa bình chung trong khuôn khổ
Liên hiệp Pháp [24, tr. 178-179]. Chỉ thị Trung ương ngày 15-9-1947 càng khẳng
định quyết tâm kháng chiến đến cùng của quân và dân ta: “Độc lập và thống nhất
thật sự. Nếu thực dân Pháp không công nhận Việt Nam độc lập và thống nhất thật
sự thì dân tộc Việt Nam còn đánh, mà đánh mạnh. Không thể có hòa bình nếu
Pháp chưa nhận Việt Nam độc lập và thống nhất” [24, tr. 295].
Ta chủ trương tiến hành đàm phán với Pháp, “làm cho cuộc đổ máu Việt -
Pháp rút ngắn lại” [24, tr. 186], song phải trên cơ sở giữ vững những nguyên tắc cơ
bản độc lập và thống nhất thật sự. Nguyên tắc này gồm những nội dung cơ bản sau:
1. Độc lập và thống nhất thật sự.
Độc lập nghĩa là tự điều khiển lấy mọi công việc, không có sự can thiệp ở
ngoài vào. Những tiêu chí của Độc lập, đó là:
- Có Chính phủ riêng, Quốc hội riêng, Hiến pháp riêng, do dân Việt Nam phổ
thông đầu phiếu lập ra.
- Có quân đội riêng.
- Có ngoại giao ở nước ngoài.
- Có tiền tệ và thuế quan riêng.
Thống nhất nghĩa là một chính phủ trung ương, một nghị viện trung ương cho
toàn quốc; Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ sẽ có cơ quan hành chính tự trị riêng do
nhân dân mỗi kỳ bầu lên theo chế độ dân chủ và dưới sự kiểm soát của chính phủ
trung ương.
17
2. Nước Việt Nam muốn được độc lập, thống nhất trong khối Liên hiệp Pháp,
trên tinh thần hợp tác chặt chẽ và thân thiện.
3. Pháp muốn kết thúc chiến tranh, thì chỉ có một cách là đàm phán với Chính
phủ Hồ Chí Minh là đại diện duy nhất của nhân dân Việt Nam, được Quốc hội
thừa nhận. Bất kỳ những thỏa thuận nào với bất cứ tổ chức bù nhìn nào cũng
không được thừa nhận.
Khi chiến tranh đã nổ ra, biết là không thể tránh khỏi, nhưng Chủ tịch Hồ Chí
Minh với tấm lòng yêu thương vô hạn đối với con người, người Pháp cũng như
người Việt Nam, muốn cứu vãn tình thế, để tránh “những cuộc hiến tế hàng loạt
mạng người”, tránh nỗi bi thương cho cả hai dân dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh
thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn khẳng định lòng mong muốn của
nhân dân Việt Nam là cộng tác thân thiện với nhân dân Pháp, muốn có hòa bình
xây dựng đất nước. Người ngỏ ý tin rằng nhân dân Pháp cũng mong muốn hòa
bình, chỉ còn tùy ở Chính phủ Pháp mà thôi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã sớm nhận thức bản chất cũng như âm
mưu của đế quốc Mỹ. Nghị quyết Hội nghị Cán bộ Trung ương họp từ ngày 3-4
đến ngày 6-4-1947 chỉ rõ: “Cầm đầu lực lượng phản dân chủ trên giới hiện nay là
bọn tài phiệt Mỹ”. Chính chúng “nâng đỡ cho bọn phản động ở các nước (Soócsin
ở Anh, Đờ gôn ở Pháp và Tưởng ở Trung Hoa) và gây dựng lại tàn tích phát xít
(Franco ở Tây Ban Nha, Cat dien ở Nhật, Von Paren ở Đức, bọn phong kiến phát
xít Xanđari ở Hy Lạp”. Âm mưu và thủ đoạn của chúng là “tung khẩu hiệu chống
Liên Xô” và đe dọa “dùng bom nguyên tử đánh Liên Xô”, “kỳ thực đó chỉ là tấm
màn che đậy việc Mỹ lấn chiếm thị trường và quyền lợi các nước yếu hơn (Anh,
Pháp, Hà Lan), thâm nhập vào thuộc địa và bán thuộc địa của các nước ấy đặt căn
cứ quân sự khắp nơi để củng cố thế lực”, “biến thế giới tư bản thành thuộc địa và
căn cứ quân sự” [24, tr. 174-175].
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cũng nhận rõ tham vọng và nguy cơ Mỹ có
thể can thiệp trực tiếp vào tình hình Việt Nam, khi đó, chúng ta phải đối phó một
lúc hai kẻ thù Pháp và Mỹ. Do đó, trong sách lược của mình, Chủ tịch Hồ Chí
18
Minh và Trung ương Đảng đã khai thác tối đa những nhân tố khác nhau về lợi ích
trong việc phát động chiến tranh Đông Dương giữa Pháp và Mỹ.
Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Pháp nổ ra vào lúc Mỹ đang hoàn
thành việc rút quân ra khỏi Trung Quốc và cuộc chiến Quốc - Cộng có nguy cơ bùng
lên, gây bất lợi cho Tưởng Giới Thạch. Chính sách của Mỹ ở châu Á lúc này là
trọng điểm vào Liên Xô và các lực lượng cộng sản, mà sự lớn mạnh của lực lượng
này bất lợi cho việc thực hiện chính sách thực dân mới của Mỹ. Với những vấn đề
ưu tiên hàng đầu, Mỹ chưa có điều kiện can thiệp vào chiến tranh Đông Dương,
cũng không muốn Pháp sử dụng quân sự một cách đơn thuần để đặt lại ách thống trị
ở Đông Dương. Bởi Mỹ cho rằng, điều đó dễ đi đến kích động một cuộc nội chiến sẽ
bùng nổ ở Trung Quốc, theo đó sẽ thúc đẩy xu hướng chống thực dân phương Tây
trào dâng trở lại ở châu Á. Do đó, Mỹ muốn có một giải pháp chính trị ôn hòa nhằm
duy trì vị trí của Pháp và phương Tây ở Đông Dương, tránh một cuộc chiến tranh có
nguy cơ lôi kéo Mỹ vào trận trong lúc Mỹ chưa sẵn sàng. Mặt khác, Mỹ không
muốn Pháp sa lầy vào chiến tranh Việt Nam, vì điều đó trái với mục đích của Mỹ
khi viện trợ cho Pháp là nhằm lôi kéo Pháp làm đồng minh của mình trong việc
chống lại chính sách của Liên Xô đối với vấn đề Đức, Đông Âu và Nhật Bản.
Chính vì vậy, ngày 17-6-1947, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ gửi thông
điệp tới Chính phủ Việt Nam tỏ ý “mong có giải pháp hòa bình cho vấn đề Đông
Dương” [45, tr. 102] và Chính phủ Mỹ sẵn sàng làm trung gian giải quyết mâu
thuẫn Việt - Pháp.
Trước tình hình đó, tháng 12-1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra
thông báo nhấn mạnh: Vì nguy cơ Mỹ chưa trực tiếp với ta nên ta vẫn phải lợi
dụng triệt để những mâu thuẫn dù nhỏ đến đến mấy, giữa Pháp và Mỹ; về sách
lược ta vẫn tuyên bố thân thiện với Mỹ và dùng hội Việt - Mỹ làm vũ khí tuyên
truyền quốc tế một phần nào [24, tr. 339].
Như vậy, trên cơ sở đánh giá tổng quan tình hình trong nước và quốc tế, khả
năng cũng như xu hướng vận động của các lực lượng, Hồ Chí Minh đã có nhận
thức cơ bản về đồng minh chiến lược cũng như đồng minh sách lược của cuộc
19
kháng chiến, từ đó có chủ trương, biện pháp thích hợp để vận động các lực lượng
trong cuộc kháng chiến của dân tộc, nhằm mục tiêu độc lập, thống nhất thật sự.
Thời điểm những năm đầu kháng chiến, thế giới đang diễn ra sự phân hóa
quyết liệt. Các nước đều đang say mê vận động trên trục quay của mình và Việt
Nam gần như cô lập trong thế giới đó. Không được Mỹ giúp đỡ, “bị thế giới cộng
sản bỏ rơi”, Việt Nam tự mình giải quyết những vấn đề của chính mình. Chính
trong thời điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng sáng tạo ra đường
lối kháng chiến mới, đảm bảo chắc chắn thắng lợi mà thế giới chưa hề có một tiền
lệ nào như thế. Đó là hình thái chiến tranh nhân dân, kết hợp sức mạnh tự lực tự
cường của dân tộc với sức mạnh đoàn kết quốc tế mà Hồ Chí Minh là người đề
xướng và thực hành, đã thực sự đưa lại sức mạnh ủng hộ to lớn của các lực lượng
dân chủ, hòa bình, tiến bộ trên giới đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Sức
mạnh đó là chỗ dựa tinh thần của quân và dân ta trong những năm đầu kháng chiến
đầy khó khăn, thử thách.
1.2. Hoạt động đối ngoại nhằm nối lại đàm phán hòa bình, tranh thủ sự đồng
tình, ủng hộ của nhân dân Pháp
Từ tháng 12-1946, bầu không khí ngột ngạt bao trùm khắp Đông Dương.
Thực dân phản động Pháp lợi dụng những khoảng trống quyền lực trong chính
trường Pháp cố tình gây xung đột, đặt Chính phủ Pháp vào “thế đã rồi” và đổ trách
nhiệm cho Chính phủ Việt Nam. Cuộc gây hấn ở Hải Phòng ngày 20-11 được xem
là khúc dạo đầu cho các hành động quân sự ngày càng nghiêm trọng hơn do bộ
máy chỉ huy dân sự và quân sự Pháp ở Đông Dương trù tính, nhằm đẩy tình thế
đến bùng nổ xung đột vũ trang trên diện rộng. Tuy nhiên, điểm thuận lợi cho lúc
này là giữa Chính quyền thuộc địa Đông Dương và Chính phủ Pháp chưa hoàn
toàn đồng thuận. Một số nhân vật trong Chính phủ Pháp còn có thái độ do dự, chưa
muốn dứt khoát đoạn tuyệt với Chính phủ Hồ Chí Minh. Đó là cơ hội tuy mong
manh, song chất chứa hy vọng về khả năng hòa bình, chấm dứt xung đột, đổ máu
bằng một cuộc đàm phán hòa bình. Cơ hội càng mong manh hơn khi Thủ tướng
Ramadier cùng Chính phủ Pháp quyết định chọn con đường chiến tranh như là
phương pháp duy nhất giải quyết vấn đề Đông Dương.
20
1.2.1. Những cố gắng nối lại đàm phán với Chính phủ Léon Blum
Đứng đầu nước Pháp bấy giờ là Thủ tướng Léon Blum - ứng cử viên của
Đảng Xã hội. Ông từng tuyên bố về lập trường khá tích cực đối với vấn đề Đông
Dương khi ra tranh cử nhằm tranh thủ lá phiếu của những người cánh tả Pháp:
“Chỉ có một cách duy trì nền văn minh Pháp ở Đông Dương là thỏa hiệp thành thật
trên lập trường độc lập với nhân dân Đông Dương, quyền định đoạt về vấn đề Việt
Nam không phải ở các quân nhân và kiều dân Pháp ở Việt Nam mà phải ở trong
tay Chính phủ Pari” [22, tr. 87].
Nhận thấy thiện chí từ những người đứng đầu Chính phủ Pháp, ngày 18-12-
1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi một bức điện cho Thủ tướng L.Blum, bày tỏ sự tin
tưởng rằng chính sách của ông và Đảng Xã hội sẽ được thực hiện tại Việt Nam là
“xuất phát từ sự tôn trọng các hiệp định hợp tác chân thành và thân ái”. Người cũng
tin tưởng việc cử một phái đoàn Quốc hội Pháp qua Việt Nam nhằm “mang tình hữu
nghị của dân tộc Pháp đến cho dân tộc Việt Nam và để chứng kiến tình hình tại chỗ
sẽ đóng góp nhiều vào việc tạo ra bầu không khí tin cậy và hữu nghị” [76, tr. 343].
Trong bầu không khí chính trị căng thẳng của nước Pháp, vấn đề Đông
Dương là một trong những vấn đề mà L.Blum ưu tiên quan tâm. Ngày 22-12-1946,
Chính phủ đã cử một phái đoàn do Marius Moutet - Bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải
ngoại và Tướng Leclerc dẫn đầu sang thăm tình hình chiến sự ở Đông Dương.
Trước đó, Thủ tướng L.Blum gửi thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh báo trước sự có
mặt của phái đoàn này tại Việt Nam với một thái độ đầy thiện chí: “Trong khi
Marius Moutet, phái viên của Chính phủ sửa soạn sang Đông Dương nhằm đánh
tan những hiểu lầm và tìm cách trở lại trạng thái hòa bình, chúng tôi khẩn thiết yêu
cầu Ngài ra lệnh tức khắc để ngăn chặn ngay chiến sự. Chúng tôi mong muốn duy
trì hòa bình và thực hiện các hiệp định nếu là một nền hòa bình trung thực. Không
thể chấp nhận bất cứ một sự vi phạm nào” [76, tr. 348-349].
Ngày 23-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư trả lời Thủ tướng L.Blum,
tường thuật rõ hành động gây chiến trắng trợn của quân Pháp dưới sự điều hành
của các nhà chức trách Pháp ở Đông Dương và nêu rõ lập trường của Chính phủ ta
là mong muốn duy trì hòa bình và thi hành nghiêm chỉnh các hiệp định đã ký.
21
Những bức điện trao đổi giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh - đại diện cho Chính
phủ và nhân dân Việt Nam và Thủ tướng L.Blum - đại diện cho Chính phủ và nhân
dân Pháp, khi qua những trạm trung chuyển đã bị giới quân sự Pháp ở Đông
Dương, cụ thể là D’Argenlieu - Cao ủy Pháp và Valluy - Tư lệnh quân đội Pháp ở
Đông Dương làm cho thất lạc hoặc xuyên tạc nội dung. Sự kiện phái viên của
Chính phủ Pháp tới điều tra tình hình về Đông Dương là một trở ngại lớn đối với
việc thực hiện âm mưu của giới cầm quyền Pháp ở Đông Dương. Sự cấp thiết phải
tạo tập hồ sơ giả tạo về tình hình chính trị Đông Dương để khơi dậy những cuộc
tranh luận sắp tới của Quốc hội tại Pari, nhằm đập tan “ảo mộng” đàm phán hòa
bình, đẩy xung đột đi đến đỉnh điểm bằng cuộc chiến tranh quân sự theo đúng
nghĩa của nó. “Mưu tính, xảo quyệt, ghê rợn” là miêu tả của nhà sử học Pháp
Philippe Dellivers dành cho bộ ba “D’Argenlieu - Valluy - Pignon”.
Giới cầm quyền Pháp ở Đông Dương càng muốn chiến tranh bao nhiêu, thì
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ ta càng muốn trì hoãn chiến tranh bấy nhiêu.
Trong hoàn cảnh thông tin liên lạc hết sức khó khăn, bằng mọi con đường và
phương tiện có thể được, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên tiếng tố cáo bọn thực dân
hiếu chiến ở Đông Dương, làm cho dư luận thế giới, Chính phủ Pháp và các nước
Đồng minh, nhân dân Pháp hiểu rõ thiện chí hòa bình của nhân dân Việt Nam. Sau
khi phái đoàn thanh tra của Chính phủ Pháp tới Việt Nam, từ những ngày cuối
tháng 12-1946 đến đầu tháng 1-1947, với mong muốn Chính phủ Pháp hiểu tường
tận và cụ thể diễn biến chiến sự ở Đông Dương một cách khách quan, Người đã
gửi tới phái đoàn Pháp nhiều văn kiện quan trọng.
Ngày 1-1-1947, trong Thư gửi Chính phủ và nhân dân Pháp nhân dịp đầu năm
mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh nhân dân Việt Nam không chiến đấu chống
nước Pháp mới và quốc dân Pháp, mà muốn hợp tác thân ái; nhân dân Việt Nam bắt
buộc phải chiến đấu, chống bọn thực dân phản động đang mưu mô xẻ cắt Tổ quốc,
đưa Việt Nam vào vòng nô lệ và gieo rắc sự chia rẽ giữa hai dân tộc Việt - Pháp.
Người kêu gọi “chấm dứt cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn và năm 1947 mang
lại nền hòa bình và tình hữu ái giữa nước Pháp và nước Việt Nam” [65, tr. 3].
22
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi một thư cho Tướng Leclerc - người
mà Hồ Chí Minh biết rõ có thiện chí với Việt Nam. Trong thư, Người nêu lên tính
chất chính nghĩa cuộc đấu tranh cũng như lập trường của Chính phủ Việt Nam:
“Chúng tôi đã nhất quyết ở trong khối Liên hiệp Pháp, cộng tác thành thật với
nước Pháp và tôn trọng quyền lợi kinh tế, văn hóa Pháp trong nước chúng tôi.
Nhưng chúng tôi cũng nhất quyết chiến đấu đến cùng cho độc lập và thống nhất
quốc gia. Tuy nhiên, một sự hòa bình hợp công lý còn có thể cứu vãn được tình thế.
Nước Pháp sẽ không thu lợi được mối lợi gì trong một cuộc chiến tranh thuộc địa”
[65, tr. 6]. Người hy vọng, vị tướng già có thể dùng ảnh hưởng của mình để nối lại
tình hữu nghị hợp tác giữa hai dân tộc.
Tướng Leclerc được cử đến Việt Nam với tư cách là đại diện cá nhân của
Thủ tướng Chính phủ với nhiệm vụ thanh tra tại Đông Dương. Ông sẵn sàng đối
thoại, nhưng ông không thể chủ động tiếp xúc với Chính phủ Hồ Chí Minh được
nếu không có sự đồng ý của Moutet - hiện đang có mặt ở nơi khác. Leclerc sốt ruột:
“Phải tìm gặp Hồ Chí Minh... Không thể bỏ lỡ cơ hội. Moutet đang làm gì? Ta
chẳng thể làm gì được nếu không có sự đồng ý của ông ta.” [74, tr. 368].
Ngày 3-1-1947, khi nghe tin Bộ trưởng Moutet đến Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã viết một bức thư tỏ ý vui mừng vì sự có mặt của ông ở Hà Nội với tư cách
là người đại điện cho nước Pháp mới, sứ giả của hòa bình; đồng thời tỏ ý sẵn sàng
đối thoại với vị đại sứ này để “tỏ rõ ý muốn thành thực hòa bình và cộng tác” và để
chuyển những đề nghị “về việc lập lại sự giao hảo giữa hai nước” [65, tr. 9].
Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua Ban Liên lạc Pháp - Việt, đã
gửi cho Moutet một gói thư từ gồm một bản giác thư dày về mối quan hệ Việt -
Pháp từ tháng 4-1946 cùng 76 văn bản tư liệu và một bức thư viết tay đề nghị:
“a. Chấm dứt ngay chiến sự, quân đội hai bên trở về vị trí đã được quy định
trong Hiệp định ngày 3-4. Thả hết tù binh.
b. Chấm dứt ngay mọi viện quân của Pháp.
c. Gặp gỡ ngay giữa Hồ Chí Minh với Marius Moutet để thông qua, trên cơ sở
các điều khoản của Hiệp định 6-3, một dự thảo chi tiết của một hiệp ước vĩnh viễn.
23
d. Dự án thông qua rồi thì họp hội nghị tại Pari để dự thảo hiệp ước chính
thức” [74, tr. 373].
Rất tiếc, những cố gắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều không được đáp lại.
Bộ ba “D’Argenlieu - Valluy - Pignon” một lần nữa, bằng những thủ đoạn tinh xảo
đã qua mặt phái đoàn thanh tra do Chính phủ Pháp cử tới.
Trước khi phái đoàn tới Hà Nội, ngày 1-1-1947, D’Argenlieu đã gửi tới
Moutet bức điện lưu ý Moutet về “tính chất đặc biệt nghiêm trọng cho tình hình
đang diễn biến ở Đông Dương của những cuộc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với
bất cứ một đại diện nào của Chính phủ Hà Nội” và nhấn mạnh “đáp lại lời kêu gọi
ấy, câu trả lời tốt nhất là sự im lặng” [74, tr. 370].
Tiếp theo lời cảnh báo riêng này, D’Argenlieu đã thực hiện một cuộc vận
động “trực tiếp”, thể hiện thái độ của giới quân sự Pháp đối với quyết định thanh
tra của Chính phủ. Một bức điện do Hãng Truyền thông Pháp (AFP) phát đi nhấn
mạnh: “Nếu phái đoàn Moutet thăm Hà Nội, cũng chỉ là trong khuôn khổ một cuộc
điều tra chứ không phải là bất chấp những lời cầu mong đăng trên một số báo Sài
Gòn, để có những cuộc tiếp xúc tại Hà Nội, càng không phải đi mở những cuộc
điều đình với Chính phủ Hồ Chí Minh” [74, tr. 370].
Ngày 2-1-1947, Moutet đến Hà Nội. Chặng dừng chân của ông ở Hà Nội chỉ
vẻn vẹn 30 tiếng đồng hồ, rồi sau đó bay từng chặng trở vào Sài Gòn; bởi ông cho
rằng “có ở lâu thêm ngày hơn nữa, tôi cũng chẳng biết thêm được gì hơn. Cái âm
mưu đó dự định trước đã quá rõ ràng” [74, tr. 372]. Moutet đã không biết rằng,
trong suốt thời gian ông ở Hà Nội, cơ quan tình báo của D’Argenlieu bằng mọi
biện pháp đã chiếm đoạt mọi công văn, thư từ của Chính phủ Hồ Chí Minh gửi cho
ông với thái độ hữu nghị, hợp tác.
Vở kịch do D’Argenlieu dàn dựng thành công rực rỡ. Vị đô đốc này xứng
đáng là người đạo diễn tài ba. Mọi diễn biến đều theo đúng ý đồ của ông ta. Bức
thư D’Argenlieu gửi cho De Gaulle ngày 14-1-1947 đã thổ lộ điều này: “Nhờ ơn
chúa, Moutet đã không có một cuộc tiếp xúc cá nhân nào với nhóm ông Hồ Chí
Minh... Tất cả đã mở ra cho nước Pháp một thuận lợi vô song trong hành động
24
nhằm tiếp tục và hoàn thành một cách xứng đáng sứ mệnh của nó tại Đông
Dương” [74, tr. 376].
Moutet rời Hà Nội trong tâm trạng mất lòng tin và sự hoài nghi tuyệt đối vào
lòng chân thành của Chính phủ Hồ Chí Minh. Ngày 6-1-1947, sau khi trở lại Sài
Gòn, Moutet đã tuyên bố với giới báo chí những lời tuyên bố “vỡ mộng”: “Cảm
tưởng của tôi đối với Hà Nội là hoàn toàn bi đát. Tôi đã tự mình tìm hiểu lấy tình
hình. Tôi khẳng định với các ông rằng tôi đã có bằng chứng tuyệt đối về cái âm
mưu định trước của Việt Nam trong cuộc tiến công được chuẩn bị lâu ngày”. Cuối
cùng, vị Bộ trưởng đã có quyết định của mình: “Về Pari, tôi sẽ bênh vực cho Bộ
Chỉ huy và các nhà chức trách, những người đã theo đúng chỉ thị của Chính phủ,
đợi đến giới hạn cuối cùng mới chịu can thiệp” [74, tr. 373-374].
Trong suốt thời gian phái viên của Chính phủ Pháp ở Việt Nam, đã không có
một cuộc gặp gỡ chính thức nào giữa hai bên để làm rõ tình hình chiến sự. Biết rõ
bọn phản động Pháp ở Đông Dương giở trò “mưu ma chước quỷ” và phái đoàn trở
về nước với nhận định sai lầm về tình hình Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh
một lần nữa gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp tiếp tục khẳng
định lập trường, nguyện vọng của Chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Trong Thư gửi Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp, ngày 7-1-1947, Chủ
tịch Hồ Chí Minh nêu rõ lập trường của Việt Nam trong việc chấm dứt xung đột:
“Muốn lập lại hòa bình, chỉ cần:
a) Trở lại tình trạng trước ngày 20-11 và 17-12-1946, đình chỉ ngay và đình
chỉ thực sự những cuộc xung đột trong toàn cõi Việt Nam (Nam Kỳ, Bắc Kỳ,
Trung Kỳ).
b) Làm xúc tiến ngay công việc của các Ủy ban đã dự định đặt ra để thi hành
Tạm ước 14-9-1946; các Ủy ban này phải họp ở Sài Gòn và Hà Nội, nhưng không
ở Đà Lạt.
c) Tiếp xúc ngay những cuộc điều đình Phôngtennơblô để giải quyết một
cách vĩnh cửu vấn đề giao thiệp giữa hai nước Pháp, Việt” [65, tr. 12].
Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc lại các vấn đề mà dư luận Pháp
quan tâm về quan hệ Việt - Pháp và khẳng định rằng: “Chính phủ và nhân dân
25
Pháp chỉ cần có một cử chỉ công nhận độc lập và thống nhất của nước Việt Nam là
chấm dứt được những tai biến này; hòa bình và trật tự sẽ được trở lại ngay tức
khắc. Dân tộc Việt Nam đang chờ đợi cử chỉ đó” [65, tr. 12].
Trong Lời kêu gọi Chính phủ và nhân dân Pháp, ngày 10-1-1947, Chủ tịch
Hồ Chí Minh bên cạnh việc phê phán “Bộ trưởng Moutet trở về với những nhận
định sai lầm về tình hình Việt Nam” [65, tr. 18], Người một lần nữa khẳng định
mong muốn hòa bình của Việt Nam để “máu người Pháp và người Việt ngừng
chảy”. Cuối thư, Người nhấn mạnh: “Chúng tôi mong đợi Chính phủ và nhân dân
Pháp một cử chỉ mang lại hòa bình. Nếu không, chúng tôi bắt buộc phải chiến đấu
đến cùng để giải phóng hoàn toàn đất nước. Nước Việt Nam có thể bị tàn phá,
nhưng nước Việt Nam sẽ lại hùng mạnh hơn sau cuộc tàn phá đó. Còn nước nước
Pháp chắc chắn sẽ mất hết và sẽ biến hẳn khỏi cõi Á châu” [65, tr. 19].
Chính phủ Pháp đã không có “điều kiện” quan tâm tới “tấm lòng chân thật”
của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi chính trường Pháp lúc này lại tiếp tục có sự thay
đổi lớn.
1.2.2. Âm mưu của thực dân Pháp và những nỗ lực cuối cùng của Chính
phủ Hồ Chí Minh nhằm cứu vãn nền hòa bình
Ngày 16-1-1947, Vincent Auriol, Chủ tịch Quốc hội được bầu làm Tổng
thống nước Pháp. Chính phủ Blum từ chức. Nước Pháp bước vào nền Cộng hòa
thứ tư. Một tuần sau, Chính phủ của nền Đệ tứ Cộng hòa được thành lập do Paul
Ramadier làm Thủ tướng. Nền Cộng hòa mới thừa kế của Chính phủ lâm thời nước
Cộng hòa Pháp một món gia tài: Cuộc chiến tranh Đông Dương. Ngày 21-1-1947,
Ramadier - Thủ tướng mới nhận chức ra bản tuyên bố lập lờ về vấn đề Đông
Dương: “Cuộc chiến tranh này, người ta đã áp đặt cho chúng tôi, chúng tôi không
muốn nó trước đây, không muốn nó hôm nay. Chúng tôi đã làm tất cả, nhượng bộ
tất cả những hợp lý. Chúng tôi biết nó sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Chúng
tôi sẽ chấm dứt nó ngay khi nào trật tự an ninh được đảm bảo” [74, tr. 397].
Ngày 23-1-1947, M.Moutet - Bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại chỉ thị cho
D’Argenlieu “không được quyết định gì trước khi chính phủ mới cho phương
hướng” [74, tr. 398]. Nhưng D’Argenlieu đã làm ngơ trước những chỉ thị của
26
Chính phủ, tự ý đẩy mạnh chiến tranh xâm lược. Cùng với các hoạt động quân sự,
ngày 1-2-1947, D’Argenlieu đã ban hành một quyết định Liên bang nới rộng rất
nhiều với những quyền hạn của Chính phủ Lê Văn Hoạch và thừa nhận nước Cộng
hòa tự trị Nam Kỳ như “Quốc gia tự do trong khuôn khổ Liên bang Đông Dương
và Liên hiệp Pháp”. Tiếp đó, ngày 4-2-1947, D’Argenlieu gửi một bức điện cho
Chính phủ Pháp yêu cầu câu trả lời của Chính phủ về tuyên bố này và đòi hỏi sự
khẳng định của Chính phủ là không điều đình với Chính phủ Hồ Chí Minh nữa.
Ngày 10-2-1947, Valluy - Tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương tiếp tục gây
sức ép với Chính phủ Pháp. Chủ trương của ông ta là phải duy trì được quân số
mức 115.000 người, trước tiên là bình định Nam Kỳ, sau rồi mở cuộc tấn công quy
mô vào Bắc Kỳ kéo dài cho đến mùa xuân năm 1948. Valluy nhấn mạnh: “Khi đó
và chỉ đến khi đó thôi, thì mới đúng lúc để mở cuộc điều đình” [74, tr. 402].
Ngày 12-2-1947, D’Argenlieu lại đề nghị Chính phủ Pháp cho phép thực hiện
cuộc hành quân bắt sống “Chính phủ Việt Minh” mà người ta đã phát hiện được
nơi ẩn nấp. Moutet phản ứng một cách gay gắt khi nghe kế hoạch này. Ông nói:
Chính phủ Pháp không hành động theo kiểu bọn cướp đường, bọn gangsters.
Thực ra, Chính phủ Pháp lúc này còn đang lúng túng chưa biết chọn con
đường chính trị nào. Thủ tướng Ramadier vẫn giữ thái độ lập lờ, không từ chối mọi
ý định nối lại đàm phán, cũng chẳng hứa hẹn điều gì. Ông đang đợi từ “nhân dân
An Nam” xuất hiện “những phần tử tiêu biểu” mà ông có thể ngồi lại điều đình.
Thấy rõ Chính phủ Pháp còn đang lúng túng chưa quyết định được chính
sách đối với vấn đề Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục tiến hành một chiến
dịch vận động hướng vào dư luận và chính giới Pháp. Liên tục trong các ngày 18,
25 tháng 1, 18 tháng 2 và 5, 8 tháng 3, Người đã gửi những bức điện, thư tới Quốc
hội, Chính phủ và nhân dân Pháp. Người kêu gọi chính giới Pháp hãy có biện pháp
ngăn chặn các nhà đương cục ở Đông Dương chấm dứt các hành động chiến tranh,
nối lại đàm phán hòa bình để giải quyết quan hệ Việt - Pháp.
Trong các ngày 18-1, 25-1, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới Tổng thống Pháp,
Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp những thông điệp hòa bình. Người nhấn mạnh:
“Chính sách “phản bội các thoả hiệp”, chính sách “việc đã rồi” và chính sách vũ lực
27
mà giới cầm quyền Pháp ở Đông Dương áp dụng từ trước đến nay, đã bó buộc dân
tộc Việt Nam phải võ trang tự vệ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong ước hoà bình, một
nền hòa bình hợp công lý và xứng đáng đối với nước Pháp cũng như đối với nước
Việt Nam”[65, tr. 32-33]. Người đề nghị Chính phủ Pháp đình chỉ ngay cuộc chiến
tranh huynh đệ tương tàn này và tin rằng dù có nhiều sự khó khăn song vẫn có thể
giải quyết cơn khủng hoảng một cách hoà bình, hợp đạo lý và công bằng.
Nhân dịp Quốc hội Pháp sắp thảo luận về vấn đề Việt Nam, ngày 5-3-1947,
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Quốc hội và nhân dân Pháp làm rõ sự thật về
vấn đề Việt Nam, vì “những người đại diện Pháp ở Đông Dương sẽ tìm cách trình
bày các sự việc xảy ra theo lối riêng của họ để làm sai lạc dư luận và tránh trách
nhiệm” [65, tr. 82]. Trong thư, Người nêu một cách rõ ràng sự thật diễn biến tình
hình ở Việt Nam, nguyên nhân của cuộc chiến tranh Việt - Pháp, vạch rõ thủ đoạn
của các nhà cầm quyền Pháp ở Việt Nam, hiện trạng xung đột đang diễn ra dẫn tới
nguy cơ một cuộc chiến tranh kéo dài, hao người tốn của. Người nhấn mạnh:
“Chiến tranh không nên kéo dài nữa. Chiến tranh không đưa đến đâu cả. Chúng tôi
sẵn sàng lập lại hoà bình. Chỉ cần Quốc hội và nhân dân Pháp có một cử chỉ thân
thiện” [65, tr. 84].
Ngày 5-3-1947, Chính phủ Pháp đã quyết định cử E.Bollaert - một nghị sĩ xã
hội cấp tiến, cựu Ủy viên Hội đồng kháng chiến dân tộc làm Cao ủy Pháp tại Đông
Dương thay cho D’Argenlieu vì cho rằng, “ông đô đốc không còn đủ tư cách để
lãnh đạo chính sách hợp tác với các nước Đông Dương” [74, tr. 405]. Với việc chỉ
định Bollaert, Tổng thống Auriol và Cựu Thủ tướng L.Blum hy vọng rằng “những
cuộc đàm phán với ông Hồ Chí Minh có thể sẽ được nối lại” [65, 405]. Nhưng họ
đã lầm. Bollaert sang Đông Dương không phải để cứu vãn hòa bình mà đưa nền
hòa bình mong manh đến chỗ diệt vong. Một mưu đồ mới đã được dự tính trong
giới cầm quyền Pháp. Ngày 1-4-1947, Bollaert đến Sài Gòn.
Nhân cơ hội đó, ngày 19-4-1947, Chính phủ Việt Nam gửi công hàm cho
Chính phủ Pháp, một lần nữa kêu gọi Chính phủ Pháp trên cơ sở lợi ích của cả hai
dân tộc Việt - Pháp mà nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Chính phủ Việt Nam hy
vọng với “việc bổ nhiệm ông Cao ủy mới của Pháp tại Đông Dương, Chính phủ
28
Pháp dường như tỏ ra có ý muốn hướng chính sách của mình đối với dân tộc Việt
Nam vào một con đường mới, xứng đáng với nước Pháp mới”, góp phần cải thiện
tình hình Đông Dương theo hướng tích cực hơn bằng cuộc đàm phán nhằm đi đến
một giải pháp hòa bình cho xung đột [74, tr. 408-409].
Nhưng Ramadier đã tìm cách che giấu bản đề nghị này, không chỉ trước công
chúng mà ngay cả đối với những vị bộ trưởng cộng sản trong Chính phủ của ông.
Ramadier đồng ý cho Cao ủy mới Bollaert và tướng Valluy đặt ra những điều kiện
ngưng chiến hết sức hà khắc mà ông biết chắc chắn rằng Chính phủ Hồ Chí Minh
không bao giờ đồng ý.
Ngày 11-5-1947, Cao ủy Bollaert cử Paul Mus đến gặp đại diện Chính phủ ta
ở Thái Nguyên là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hoàng Minh Giám, đưa ra
những điều kiện theo đúng những gì được chỉ thị. Những điều kiện để Pháp công
nhận Việt Nam độc lập và thống nhất, đó là: 1. Nộp vũ khí cho quân đội Pháp; 2.
Để quân Pháp đi lại và đóng quân tự do khắp nơi trên đất nước Việt Nam, quân đội
Việt Nam tập kết tại một số địa điểm do quân đội Pháp quy định; 3. Giao trả lính
Pháp hay lính lê dương đảo ngũ chạy qua phía Việt Nam và những người nước
ngoài khác phục vụ trong quân đội Việt Nam; 4. Thả những người Pháp và người
Việt Nam thân Pháp do Chính phủ Việt Nam giữ; 5. Không có những hành động
trả thù đối với những người thân Pháp.
Như vậy, nhiệm vụ thăm dò của giáo sư Paul Mus biến thành một việc trao
đổi tối hậu thư, để rồi nhận được câu trả lời lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Trong khối Liên hiệp Pháp, không có chỗ cho những kẻ hèn nhát. Tôi sẽ là một
kẻ hèn nhát, nếu tôi chấp nhận” [48, tr. 146].
Ngày 25-5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho nhân dân Pháp, vạch rõ
bọn thực dân Pháp mù quáng trước thế mạnh tạm thời, đã đưa ra những điều kiện
vô lý và nhục nhã để cho hai dân tộc không thể thân thiện với nhau được. Người
vạch rõ thực chất ý đồ của thế lực thực dân hiếu chiến Pháp là muốn tiếp tục chiến
tranh và cảnh báo “máu người Pháp và người Việt sẽ đổ thêm nữa, khối Liên hiệp
Pháp sẽ bị tiêu tan”. Người khẳng định ý chí của nhân dân Việt Nam quyết đấu
tranh đến cùng, “thà chết không làm nô lệ” và kêu gọi: “Các bạn hãy giúp chúng
29
tôi cứu lấy tính mạng của bao nhiêu thanh niên Pháp và Việt, cứu lấy tình thân
thiện giữa hai dân tộc và cứu lấy khối Liên hiệp Pháp” [65, tr. 129].
Cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại diện Paul Mus là cuộc gặp gỡ
chính thức đầu tiên và cuối cùng giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp cho
đến Hội nghị Giơnevơ năm 1954.
Tháng 6-1947, tướng R.Salan (Xalăng), người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp
gỡ nhiều lần trong thời gian ở Pari, được cử trở lại Đông Dương phục vụ trong
quân đội viễn chinh. Người viết thư thăm hỏi, phân tích thiệt hơn về cuộc chiến
tranh đang diễn ra, nhờ chuyển thư cho ông L.Blum. Trong bức thư này, Người
nêu rõ nguyên nhân của cuộc chiến tranh, những thiệt hại đối với quyền lợi kinh tế
của Pháp trong ba năm chiến tranh và đề nghị ông L.Blum cố gắng phấn đấu cho
chính sách mà ông ta tuyên bố ngày 12-12-1946 là “hữu nghị và tin tưởng lẫn nhau,
dựa trên sự thống nhất và độc lập của Việt Nam trong Liên hiệp Pháp” [65, tr. 146].
Cũng trong tháng 8-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua ông Gilbert, Đại
sứ Pháp tại Bangkok đã chuyển tới Tổng thống Pháp bức công hàm với những đề
nghị nghiêm túc và nhất quán của Chính phủ Việt Nam. Tiếc rằng bức công hàm
đã bị giấu đi và không đến tay Tổng thổng nước Cộng hòa Pháp, đúng vào thời
điểm quyết định Chính phủ phải lựa chọn quay trở lại Đông Dương bằng con
đường nào!
Chính phủ Pháp nghiêng hẳn về tả, thực dân Pháp ở Đông Dương lựa chọn
con đường gây ra chiến tranh để kết thúc chiến tranh. Ngày 10-9-1947, tại thị xã
Hà Đông, Cao ủy Bollaert đọc một bài diễn văn mà nội dung cơ bản là không công
nhận Chính phủ Hồ Chí Minh và lộ rõ ý đồ xúc tiến chính sách “dùng người Việt
đánh người Việt”.
Ngày 19-9-1947, Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám gửi điện cho Cao
ủy Bollaert bác bỏ lập trường thực dân của Pháp và nhắc lại lập trường đấu tranh
cho độc lập, thống nhất và sự hợp tác anh em với nhân dân Pháp. Một lần nữa,
Chính phủ ta đề nghị với Chính phủ Pháp lập tức đình chỉ chiến sự và mở cuộc
đàm phán hòa bình nhằm giải quyết vấn đề xung đột.
Ngày 23-9-1947, trong một bức thư gửi nhân dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí
30
Minh đã vạch rõ lập trường phản động trong bài diễn văn của Bollaert là không
chịu công nhận độc lập, thống nhất của Việt Nam, âm mưu gây nội chiến bằng
cách lập chính phủ bù nhìn chống lại chính phủ nhân dân chân chính do Quốc hội
bầu ra một cách hợp pháp. Đồng thời, Người kêu gọi xây dựng hợp tác anh em
trong hòa bình giữa nhân dân hai nước Pháp và Việt Nam trên cơ sở tin cậy lẫn
nhau, bình đẳng và tự do.
Nhưng mọi cố gắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ ta không được
đáp lại. Ngày 7-10-1947, thực dân Pháp mở Chiến dịch thu đông với lực lượng
quân sự quy mô lên tới 20.000 quân, tiến công vào căn cứ địa Việt Bắc. Mục đích
của chúng là bắt sống cơ quan đầu não kháng chiến, phá tan căn cứ địa cách mạng,
tiêu diệt quân chủ lực. Chúng hy vọng dùng thắng lợi quân sự này nhanh chóng kết
thúc chiến tranh, đặt ách thống trị thực dân ở Việt Nam.
Cùng với hoạt động quân sự quyết liệt, thực dân Pháp nhanh chóng dựng lên
chính quyền bù nhìn. Ngày 6 và ngày 7-12-1947, Bollaert gặp Bảo Đại tại Vịnh Hạ
Long và ký kết văn kiện ghi nhận bước đầu tiên Bảo Đại quay lại làm tay sai cho
Pháp. Ngày 23-12-1947, Chính phủ Pháp tuyên bố trao cho Cao ủy Pháp ở Đông
Dương “quyền thương lượng cần thiết để lập lại hòa bình nhưng không phải với
Chính phủ Hồ Chí Minh” [48, tr. 148].
Những hành động trên cùng với cuộc tiến công quân sự đã đóng mọi cánh
cửa đi đến kết thúc chiến tranh bằng cuộc đàm phán hòa bình. Với thái độ dứt
khoát, thực dân Pháp đã bắt đầu một cuộc chiến tranh thật sự, gây ra những thiệt
hại thật sự to lớn đối với cả hai dân tộc Việt - Pháp.
Cùng với việc đấu tranh quân sự với Pháp, trong những năm 1948-1949, Chủ
tịch Hồ Chí Minh vẫn chú trọng triển khai các hoạt động nhằm tranh thủ và vận
động dư luận Pháp. Người nhiều lần gửi thư và thông điệp tới nhân dân Pháp khẳng
định rõ lập trường của Chính phủ Việt Nam đối với các vấn đề có liên quan đến
xung đột Việt - Pháp và kêu gọi nhân dân Pháp có hành động đòi Chính phủ Pháp
chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược vô nghĩa này. Khi trả lời các phóng viên nước
ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhằm làm cho dư luận thế giới hiểu thêm về cuộc
chiến tranh Đông Dương, khẳng định chủ trương của Việt Nam là luôn muốn hợp
31
tác với Pháp. Trả lời phỏng vấn của báo Tribune (4-1949), Người nói rõ: “Việt Nam
sẵn sàng cộng tác thân thiện với nhân dân Pháp. Những người Pháp tư bản hay công
nhân, thương gia hay trí thức, nếu họ muốn thật thà cộng tác với Việt Nam thì sẽ
được nhân dân Việt Nam hoàn nghênh họ như anh em bầu bạn” [65, tr. 587].
1.2.3. Phản ứng ban đầu của dư luận Pháp đối với chiến tranh Đông Dương
Cùng với việc vận động Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú
trọng phối hợp với Đảng Cộng sản Pháp - một đảng tiên tiến của nước Pháp lúc
bấy giờ trong đấu tranh chống thực dân Pháp ở Đông Dương. Chuyến đi Pháp của
Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 đã tạo tiền đề cho mối quan hệ đoàn kết chiến
đấu giữa nhân dân Pháp và nhân dân Việt Nam, khơi thông mối quan hệ giữa Đảng
Cộng sản Pháp và Đảng Cộng sản Đông Dương sau một thời gian gián đoạn do
Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong chuyến đi thăm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
gặp gỡ những đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp vốn là những người bạn
chiến đấu thân thiết của Người như đồng chí M.Thorez (M.Tôrê), J.Duclos
(J.Đuyclô)... Người nói rõ với các đồng chí Pháp về lập trường của Đảng Cộng sản
Đông Dương và Chính phủ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do;
Người đề nghị Đảng Cộng sản Pháp hãy đi tiên phong trong cuộc đấu tranh của
nhân dân Pháp chống bọn thực dân phản động - những kẻ đang phá hoại tình hữu
nghị Pháp - Việt.
Lúc này, Đảng Cộng sản Pháp đã giành được nhiều thắng lợi trong cuộc đấu
tranh nghị trường và có đại diện trong Chính phủ. Khi chiến tranh Pháp - Việt nổ
ra ở Đông Dương, tuy giữa hai Đảng chưa có liên lạc chính thức với nhau nhưng
ngay từ đầu, Đảng Cộng sản Pháp là đảng duy nhất đứng lên chống lại chiến tranh
xâm lược Đông Dương.
Đảng Cộng sản Pháp nhận thức và nêu rõ nguy cơ Mỹ can thiệp vào chiến
tranh Đông Dương và biến Pháp thành phụ thuộc. Phải chấm dứt chiến tranh, cứu
vãn hòa bình khi còn có thể, Nghị quyết ngày 19-3-1947 của Đảng Cộng sản Pháp
nêu rõ: “Sự phát triển của chiến tranh Đông Dương sẽ dẫn đến việc Pháp xin viện
trợ tài chính và quân sự của nước ngoài; điều đó có nghĩa là làm thương tổn đến
độc lập dân tộc của chúng ta” [123, tr. 46]. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng
32
sản Pháp một lần nữa nhấn mạnh đến sự cần thiết tuyệt đối phải chấm dứt xung đột
ở Đông Dương, nối lại đàm phán hòa bình với Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch
Hồ Chí Minh trên cơ sở Hiệp định ngày 6-3-1946, tôn trọng độc lập và thống nhất
của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với tư cách là đảng tham chính, các đảng
viên hiện giữ những chức vụ chủ chốt trong chính quyền đã liên tục đấu tranh cho
đến khi bị gạt ra khỏi Chính phủ vào đầu tháng 5-1947. Đảng Xã hội cùng với các
lực lượng tiến bộ trong nhân dân Pháp cũng lên tiếng đòi Chính phủ phải tôn trọng
Hiến pháp của nước Pháp, chống kiểu đô hộ theo phương thức thực dân cũ, đòi để
người Việt Nam tự định đoạt những vấn đề chính trị của mình, kể cả vấn đề độc
lập và thống nhất trong khối Liên hiệp Pháp.
Những cuộc biểu tình đường phố đầu tiên diễn ra trong các ngày 9-2, 25-3 và
1-5 năm 1947 với khẩu hiệu “Hòa bình ở Việt Nam”, đòi chấm dứt chiến tranh
xung đột. Tuy nhiên, trong những năm đầu chiến tranh (1947-1948), đối với đại đa
số người Pháp, vấn đề Việt Nam không phải là mối quan tâm hàng đầu. Nhân dân
Pháp lúc này vẫn có ý nghĩ cho rằng thực dân là có lợi, rằng sự có mặt của người
Pháp và quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông chủ yếu là để “khai hóa” mặc dầu
còn nhiều khiếm khuyết không thể tránh khỏi. Hơn nữa, một trận chiến ở tận bên
kia thế giới, trong đó quân đội viễn chinh vẫn làm chủ tình thế không phải là cái gì
quá chấn động dư luận Pháp. Từ năm 1948 trở đi, kể từ sau chiến thắng Việt Bắc,
quân và dân Việt Nam bắt đầu có những cuộc tiến công quy mô, làm cho đội quân
viễn chinh Pháp gặp phải những thất bại ban đầu. Trước tình hình đó, Đảng Cộng
sản Pháp một lần nữa đứng đầu lãnh đạo phong trào phản chiến đang nổi lên mạnh
mẽ ở nước Pháp.
Tháng 4-1949, Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp ra quyết nghị đẩy
mạnh phong trào của nhân dân Pháp đòi Chính phủ Pháp phải đình chỉ ngay lập
tức cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam bằng cách đàm phán với Chính phủ Hồ
Chí Minh, chấm dứt trò thề bù nhìn ở Việt Nam.
Tháng 9-1949, Tạp chí Đảng Cộng sản Pháp số ra tháng 9-1949 có đăng bài
của đồng chí Jean Guillan viết: “Cuộc chiến đấu cho hòa bình ở Việt Nam không
thể đứng ở giai đoạn tuyên truyền cổ động, toàn Đảng phải được động viên để lãnh
33
đạo và tổ chức những hành động cụ thể cho việc thiết lập hòa bình ở Việt Nam.
Cần phải cho toàn Đảng thấy rằng, cuộc đấu tranh cho hòa bình ở Việt Nam là một
bộ phận quan trọng trong cuộc đấu tranh của chúng ta” [46, tr. 403].
Tháng 12-1949, Trung ương Đảng Cộng sản Pháp ra lời kêu gọi toàn Đảng
hoạt động mạnh mẽ hơn nữa để đẩy cuộc đấu tranh chống chiến tranh xâm lược
của thực dân Pháp ở Đông Dương.
Từ năm 1949, phong trào phản chiến ngày càng lên cao, tác động vào nội bộ
nước Pháp, thu hút ngày càng nhiều các tầng lớp nhân dân, công nhân, thanh niên,
trí thức tiến bộ với nhiều hình thức đấu tranh phong phú, anh dũng, cảm động vì
nghĩa tình gắn bó với Việt Nam.
1.3. Hoạt động đối ngoại tăng cường quan hệ quốc tế, phá thế bao vây
Trong điều kiện cuộc kháng chiến của nhân dân ta hầu như chưa liên hệ được
với thế giới bên ngoài, ngay từ đầu, cùng với các hoạt động ngoại giao cố gắng nối
lại đàm phán với Chính phủ Pháp, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tiến
bộ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng chú trọng triển khai các hoạt động quốc
tế để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc kháng
chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta.
1.3.1. Khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến, tranh thủ
sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới
Lúc này, cách mạng Trung Quốc chưa thành công. Liên Xô và các nước dân
chủ nhân dân khác ở xa. Ngay từ đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng xác định chỗ
dựa chủ yếu của ta là các lực lượng đấu tranh giải phóng dân tộc Á - Phi, đặc biệt
là các nước trong khu vực Đông Á và Nam Á. Ở khu vực này, nhiều nước đã thoát
khỏi ách thống trị thực dân và lãnh tụ của họ có cảm tình với ta như Nehru (Ấn
Độ), Aung San (Miến Điện)...
Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 13-1-1947, Chủ tịch Hồ Chí
Minh gửi thư đến các lãnh tụ và nhân dân các nước trên thế giới. Trong thư, Người
vạch trần tội ác xâm lược và phá hoại hòa bình của thực dân Pháp, nêu lên tính
chính nghĩa cuộc đấu tranh của nhân dân ta và khẳng định: “Việt Nam chỉ muốn
hòa bình và độc lập, để cộng tác thân thiện với các dân tộc trên thế giới, trước là
34
với dân tộc anh em Á Đông và dân tộc Pháp. Việt Nam chỉ giữ gìn chủ quyền, độc
lập của mình, chứ không hề xâm phạm đến ai” [65, tr. 22]. Người cũng nêu rõ mối
quan hệ khăng khít giữa cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và phong trào đấu
tranh vì hòa bình dân chủ của nhân dân thế giới, trước hết là nhân dân châu Á,
đồng thời, Người kêu gọi: “Vì nhân đạo, vì chính nghĩa, vì hòa bình chung và lợi
ích chung, nhân dân Việt Nam mong các vị giúp đỡ mọi phương diện” [65, tr. 23].
Ngày 15-1-1947, nhân dịp ngày độc lập của Miến Điện, Chủ tịch Hồ Chí
Minh thay mặt nhân dân Việt Nam và nhân danh cá nhân gửi thư tới chúc mừng
nhân dân Miến Điện. Trong thư, Người cũng cảm ơn các vị lãnh tụ châu Á đã tỏ
cảm tình với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Người
một lần nữa nêu lên mối quan hệ mật thiết giữa vận mệnh các dân tộc châu Á với
vận mệnh dân tộc Việt Nam và mong được tất cả các nước giúp đỡ.
Ngày 27-1-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bức điện cá nhân đến ông Aung
San - Phó Chủ tịch Chính phủ Miến Điện, các vị chính khách Ấn Độ - ông Nêru,
Phó Chủ tịch Chính phủ lâm thời Ấn Độ, Sara Săngđra Bôdơ, Bộ trưởng Bộ Công
chính Ấn Độ, Cripalani, Chủ tịch Quốc hội Ấn Độ và Ginna, lãnh tụ Đảng Hồi
giáo Ấn Độ tỏ lòng cảm động trước những cảm tình mật thiết của họ đối với dân
tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp.
Ngày 29-1-1947, nhân ngày Độc lập của Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi
điện chúc mừng tới ông Nêru - Phó Chủ tịch Chính phủ lâm thời Ấn Độ, tỏ rõ “sự
hân hoan với dân tộc Ấn Độ, và rất tin cậy vào sự thắng lợi của các dân tộc Á châu
trong cuộc đấu tranh cho tự do và tiến bộ” [65, tr. 39].
Ngày 22-3-1947, Hội nghị đoàn kết đấu tranh cho độc lập dân tộc của các
nước châu Á họp ở New Delhi (Ấn Độ). Mục tiêu của hội nghị là thúc đẩy sự hiểu
biết lẫn nhau hơn nữa giữa các quốc gia dân tộc châu Á, khuyến khích sự phát triển
văn hóa, kinh tế và giúp các dân tộc bị áp bức giành được tự do, thoát khỏi ách đô
hộ ngoại bang. Nhân cơ hội, Chính phủ Hồ Chí Minh gửi phái đoàn tới tham dự
Hội nghị do giáo sư Trần Văn Giàu làm trưởng đoàn. Phái đoàn Lê Ngọc Châu -
đại điện của Chính phủ bù nhìn Lê Văn Hoạch cũng đến tham dự.
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf
Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf

More Related Content

Similar to Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf

172giao trinh-tu-tuong-ho-chi-minh
172giao trinh-tu-tuong-ho-chi-minh172giao trinh-tu-tuong-ho-chi-minh
172giao trinh-tu-tuong-ho-chi-minhDép Tổ Ong
 
Chương 1, tư tưởng hchinh
Chương 1, tư tưởng hchinhChương 1, tư tưởng hchinh
Chương 1, tư tưởng hchinhmai_mai_yb
 
Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)
Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)
Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)Hung Nguyen
 
Slide , word Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh thời kì 1921-1930
Slide , word  Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh thời kì 1921-1930Slide , word  Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh thời kì 1921-1930
Slide , word Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh thời kì 1921-1930wormblack
 
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HỌC PHẦN: TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HỌC PHẦN: TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINHĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HỌC PHẦN: TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HỌC PHẦN: TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINHPhan Minh Trí
 
Chng1ttnghchinh 121023115826-phpapp02
Chng1ttnghchinh 121023115826-phpapp02Chng1ttnghchinh 121023115826-phpapp02
Chng1ttnghchinh 121023115826-phpapp02Vũ Thanh
 
Tư tưởng HCM
Tư tưởng HCMTư tưởng HCM
Tư tưởng HCMLinh Thuc
 
Duong loi khang chien chong thuc dan Phap xam luoc (1946 - 1954)
Duong loi khang chien chong thuc dan Phap xam luoc (1946 - 1954)Duong loi khang chien chong thuc dan Phap xam luoc (1946 - 1954)
Duong loi khang chien chong thuc dan Phap xam luoc (1946 - 1954)jangvi
 
Đề tài: Vấn đề con đường cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng gi...
Đề tài: Vấn đề con đường cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng gi...Đề tài: Vấn đề con đường cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng gi...
Đề tài: Vấn đề con đường cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng gi...Dịch vụ viết thuê Khóa Luận - ZALO 0932091562
 
Đề cương ôn tập tư tưởng Hồ Chí Minh
Đề cương ôn tập tư tưởng Hồ Chí Minh Đề cương ôn tập tư tưởng Hồ Chí Minh
Đề cương ôn tập tư tưởng Hồ Chí Minh VuKirikou
 
De-cuong-tu-tuong-HCM.docx
De-cuong-tu-tuong-HCM.docxDe-cuong-tu-tuong-HCM.docx
De-cuong-tu-tuong-HCM.docxSnNguyn328613
 
Nguồn gốc tu tuong ho chi minh
Nguồn gốc tu tuong ho chi minhNguồn gốc tu tuong ho chi minh
Nguồn gốc tu tuong ho chi minhVũ Thanh
 
Tiểu luận ý nghĩa lịch sử ra đời đảng cộng sản việt nam
Tiểu luận ý nghĩa lịch sử ra đời đảng cộng sản việt namTiểu luận ý nghĩa lịch sử ra đời đảng cộng sản việt nam
Tiểu luận ý nghĩa lịch sử ra đời đảng cộng sản việt namHeli Sama
 
De tai 1_tu_tuong_hcm_8304
De tai 1_tu_tuong_hcm_8304De tai 1_tu_tuong_hcm_8304
De tai 1_tu_tuong_hcm_8304Giang Cao
 
ttHCM-2919 (1).docx
ttHCM-2919 (1).docxttHCM-2919 (1).docx
ttHCM-2919 (1).docxQuinnAn
 
Dc on tap_tu_tuong_hcm
Dc on tap_tu_tuong_hcmDc on tap_tu_tuong_hcm
Dc on tap_tu_tuong_hcmPhan Binh Minh
 
Dc on tap_tu_tuong_hcm
Dc on tap_tu_tuong_hcmDc on tap_tu_tuong_hcm
Dc on tap_tu_tuong_hcmPhan Binh Minh
 

Similar to Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf (20)

172giao trinh-tu-tuong-ho-chi-minh
172giao trinh-tu-tuong-ho-chi-minh172giao trinh-tu-tuong-ho-chi-minh
172giao trinh-tu-tuong-ho-chi-minh
 
Chương 1, tư tưởng hchinh
Chương 1, tư tưởng hchinhChương 1, tư tưởng hchinh
Chương 1, tư tưởng hchinh
 
Luận án: Đảng lãnh đạo tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế, HAY
Luận án: Đảng lãnh đạo tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế, HAYLuận án: Đảng lãnh đạo tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế, HAY
Luận án: Đảng lãnh đạo tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế, HAY
 
Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)
Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)
Chuong trinh dao tao tham phan chuyen biet hoi nhap quoc te (tap 1)
 
Slide , word Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh thời kì 1921-1930
Slide , word  Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh thời kì 1921-1930Slide , word  Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh thời kì 1921-1930
Slide , word Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh thời kì 1921-1930
 
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HỌC PHẦN: TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HỌC PHẦN: TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINHĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HỌC PHẦN: TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP HỌC PHẦN: TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
 
Chng1ttnghchinh 121023115826-phpapp02
Chng1ttnghchinh 121023115826-phpapp02Chng1ttnghchinh 121023115826-phpapp02
Chng1ttnghchinh 121023115826-phpapp02
 
Tư tưởng HCM
Tư tưởng HCMTư tưởng HCM
Tư tưởng HCM
 
Tiểu Luận Tư Tưởng Hồ Chí Minh Hình Thành Trong Thời Kỳ 1920 – 1930.docx
Tiểu Luận Tư Tưởng Hồ Chí Minh Hình Thành Trong Thời Kỳ 1920 – 1930.docxTiểu Luận Tư Tưởng Hồ Chí Minh Hình Thành Trong Thời Kỳ 1920 – 1930.docx
Tiểu Luận Tư Tưởng Hồ Chí Minh Hình Thành Trong Thời Kỳ 1920 – 1930.docx
 
Ý nghĩa sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam
Ý nghĩa sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam Ý nghĩa sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam
Ý nghĩa sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam
 
Duong loi khang chien chong thuc dan Phap xam luoc (1946 - 1954)
Duong loi khang chien chong thuc dan Phap xam luoc (1946 - 1954)Duong loi khang chien chong thuc dan Phap xam luoc (1946 - 1954)
Duong loi khang chien chong thuc dan Phap xam luoc (1946 - 1954)
 
Đề tài: Vấn đề con đường cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng gi...
Đề tài: Vấn đề con đường cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng gi...Đề tài: Vấn đề con đường cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng gi...
Đề tài: Vấn đề con đường cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng gi...
 
Đề cương ôn tập tư tưởng Hồ Chí Minh
Đề cương ôn tập tư tưởng Hồ Chí Minh Đề cương ôn tập tư tưởng Hồ Chí Minh
Đề cương ôn tập tư tưởng Hồ Chí Minh
 
De-cuong-tu-tuong-HCM.docx
De-cuong-tu-tuong-HCM.docxDe-cuong-tu-tuong-HCM.docx
De-cuong-tu-tuong-HCM.docx
 
Nguồn gốc tu tuong ho chi minh
Nguồn gốc tu tuong ho chi minhNguồn gốc tu tuong ho chi minh
Nguồn gốc tu tuong ho chi minh
 
Tiểu luận ý nghĩa lịch sử ra đời đảng cộng sản việt nam
Tiểu luận ý nghĩa lịch sử ra đời đảng cộng sản việt namTiểu luận ý nghĩa lịch sử ra đời đảng cộng sản việt nam
Tiểu luận ý nghĩa lịch sử ra đời đảng cộng sản việt nam
 
De tai 1_tu_tuong_hcm_8304
De tai 1_tu_tuong_hcm_8304De tai 1_tu_tuong_hcm_8304
De tai 1_tu_tuong_hcm_8304
 
ttHCM-2919 (1).docx
ttHCM-2919 (1).docxttHCM-2919 (1).docx
ttHCM-2919 (1).docx
 
Dc on tap_tu_tuong_hcm
Dc on tap_tu_tuong_hcmDc on tap_tu_tuong_hcm
Dc on tap_tu_tuong_hcm
 
Dc on tap_tu_tuong_hcm
Dc on tap_tu_tuong_hcmDc on tap_tu_tuong_hcm
Dc on tap_tu_tuong_hcm
 

More from NuioKila

Pháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam.pdf
Pháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam.pdfPháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam.pdf
Pháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam.pdfNuioKila
 
BÁO CÁO Kết quả tham vấn cộng đồng về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ...
BÁO CÁO Kết quả tham vấn cộng đồng về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ...BÁO CÁO Kết quả tham vấn cộng đồng về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ...
BÁO CÁO Kết quả tham vấn cộng đồng về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ...NuioKila
 
A study on common mistakes committed by Vietnamese learners in pronouncing En...
A study on common mistakes committed by Vietnamese learners in pronouncing En...A study on common mistakes committed by Vietnamese learners in pronouncing En...
A study on common mistakes committed by Vietnamese learners in pronouncing En...NuioKila
 
[123doc] - thu-nghiem-cai-tien-chi-tieu-du-bao-khong-khi-lanh-cac-thang-cuoi-...
[123doc] - thu-nghiem-cai-tien-chi-tieu-du-bao-khong-khi-lanh-cac-thang-cuoi-...[123doc] - thu-nghiem-cai-tien-chi-tieu-du-bao-khong-khi-lanh-cac-thang-cuoi-...
[123doc] - thu-nghiem-cai-tien-chi-tieu-du-bao-khong-khi-lanh-cac-thang-cuoi-...NuioKila
 
THỬ NGHIỆM CẢI TIẾN CHỈ TIÊU DỰ BÁO KHÔNG KHÍ LẠNH CÁC THÁNG CUỐI MÙA ĐÔNG BẰ...
THỬ NGHIỆM CẢI TIẾN CHỈ TIÊU DỰ BÁO KHÔNG KHÍ LẠNH CÁC THÁNG CUỐI MÙA ĐÔNG BẰ...THỬ NGHIỆM CẢI TIẾN CHỈ TIÊU DỰ BÁO KHÔNG KHÍ LẠNH CÁC THÁNG CUỐI MÙA ĐÔNG BẰ...
THỬ NGHIỆM CẢI TIẾN CHỈ TIÊU DỰ BÁO KHÔNG KHÍ LẠNH CÁC THÁNG CUỐI MÙA ĐÔNG BẰ...NuioKila
 
Nhu cầu lập pháp của hành pháp.pdf
Nhu cầu lập pháp của hành pháp.pdfNhu cầu lập pháp của hành pháp.pdf
Nhu cầu lập pháp của hành pháp.pdfNuioKila
 
KẾ HOẠCH DẠY HỌC CỦA TỔ CHUYÊN MÔN MÔN HỌC SINH HỌC - CÔNG NGHỆ.pdf
KẾ HOẠCH DẠY HỌC CỦA TỔ CHUYÊN MÔN MÔN HỌC SINH HỌC - CÔNG NGHỆ.pdfKẾ HOẠCH DẠY HỌC CỦA TỔ CHUYÊN MÔN MÔN HỌC SINH HỌC - CÔNG NGHỆ.pdf
KẾ HOẠCH DẠY HỌC CỦA TỔ CHUYÊN MÔN MÔN HỌC SINH HỌC - CÔNG NGHỆ.pdfNuioKila
 
KIẾN TRÚC BIỂU HIỆN TẠI VIỆT NAM.pdf
KIẾN TRÚC BIỂU HIỆN TẠI VIỆT NAM.pdfKIẾN TRÚC BIỂU HIỆN TẠI VIỆT NAM.pdf
KIẾN TRÚC BIỂU HIỆN TẠI VIỆT NAM.pdfNuioKila
 
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH NINH THUẬN.pdf
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH NINH THUẬN.pdfQUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH NINH THUẬN.pdf
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH NINH THUẬN.pdfNuioKila
 
NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ...
NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ...NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ...
NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ...NuioKila
 
TIỂU LUẬN Phân tích các loại nguồn của luật tư La Mã và so sánh với các nguồn...
TIỂU LUẬN Phân tích các loại nguồn của luật tư La Mã và so sánh với các nguồn...TIỂU LUẬN Phân tích các loại nguồn của luật tư La Mã và so sánh với các nguồn...
TIỂU LUẬN Phân tích các loại nguồn của luật tư La Mã và so sánh với các nguồn...NuioKila
 
Nuevo enfoque de aprendizajesemi-supervisado para la identificaciónde secuenci...
Nuevo enfoque de aprendizajesemi-supervisado para la identificaciónde secuenci...Nuevo enfoque de aprendizajesemi-supervisado para la identificaciónde secuenci...
Nuevo enfoque de aprendizajesemi-supervisado para la identificaciónde secuenci...NuioKila
 
Inefficiency in engineering change management in kimberly clark VietNam co., ...
Inefficiency in engineering change management in kimberly clark VietNam co., ...Inefficiency in engineering change management in kimberly clark VietNam co., ...
Inefficiency in engineering change management in kimberly clark VietNam co., ...NuioKila
 
An Investigation into culrural elements via linguistic means in New Headway t...
An Investigation into culrural elements via linguistic means in New Headway t...An Investigation into culrural elements via linguistic means in New Headway t...
An Investigation into culrural elements via linguistic means in New Headway t...NuioKila
 
An evaluation of the translation of the film Rio based on Newmarks model.pdf
An evaluation of the translation of the film Rio based on Newmarks model.pdfAn evaluation of the translation of the film Rio based on Newmarks model.pdf
An evaluation of the translation of the film Rio based on Newmarks model.pdfNuioKila
 
Teachers and students views on grammar presentation in the course book Englis...
Teachers and students views on grammar presentation in the course book Englis...Teachers and students views on grammar presentation in the course book Englis...
Teachers and students views on grammar presentation in the course book Englis...NuioKila
 
11th graders attitudes towards their teachers written feedback.pdf
11th graders attitudes towards their teachers written feedback.pdf11th graders attitudes towards their teachers written feedback.pdf
11th graders attitudes towards their teachers written feedback.pdfNuioKila
 
Phân tích tài chính Công ty Cổ phần VIWACO.pdf
Phân tích tài chính Công ty Cổ phần VIWACO.pdfPhân tích tài chính Công ty Cổ phần VIWACO.pdf
Phân tích tài chính Công ty Cổ phần VIWACO.pdfNuioKila
 
Ngói Champa ở di tích Triền Tranh (Duy Xuyên Quảng Nam).pdf
Ngói Champa ở di tích Triền Tranh (Duy Xuyên Quảng Nam).pdfNgói Champa ở di tích Triền Tranh (Duy Xuyên Quảng Nam).pdf
Ngói Champa ở di tích Triền Tranh (Duy Xuyên Quảng Nam).pdfNuioKila
 
ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ VẬN HÀNH LƯỚI ĐIỆN PHÂN PHỐI TÂY NAM ...
ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ VẬN HÀNH LƯỚI ĐIỆN PHÂN PHỐI TÂY NAM ...ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ VẬN HÀNH LƯỚI ĐIỆN PHÂN PHỐI TÂY NAM ...
ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ VẬN HÀNH LƯỚI ĐIỆN PHÂN PHỐI TÂY NAM ...NuioKila
 

More from NuioKila (20)

Pháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam.pdf
Pháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam.pdfPháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam.pdf
Pháp luật về Quỹ trợ giúp pháp lý ở Việt Nam.pdf
 
BÁO CÁO Kết quả tham vấn cộng đồng về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ...
BÁO CÁO Kết quả tham vấn cộng đồng về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ...BÁO CÁO Kết quả tham vấn cộng đồng về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ...
BÁO CÁO Kết quả tham vấn cộng đồng về tính hợp pháp của gỗ và các sản phẩm gỗ...
 
A study on common mistakes committed by Vietnamese learners in pronouncing En...
A study on common mistakes committed by Vietnamese learners in pronouncing En...A study on common mistakes committed by Vietnamese learners in pronouncing En...
A study on common mistakes committed by Vietnamese learners in pronouncing En...
 
[123doc] - thu-nghiem-cai-tien-chi-tieu-du-bao-khong-khi-lanh-cac-thang-cuoi-...
[123doc] - thu-nghiem-cai-tien-chi-tieu-du-bao-khong-khi-lanh-cac-thang-cuoi-...[123doc] - thu-nghiem-cai-tien-chi-tieu-du-bao-khong-khi-lanh-cac-thang-cuoi-...
[123doc] - thu-nghiem-cai-tien-chi-tieu-du-bao-khong-khi-lanh-cac-thang-cuoi-...
 
THỬ NGHIỆM CẢI TIẾN CHỈ TIÊU DỰ BÁO KHÔNG KHÍ LẠNH CÁC THÁNG CUỐI MÙA ĐÔNG BẰ...
THỬ NGHIỆM CẢI TIẾN CHỈ TIÊU DỰ BÁO KHÔNG KHÍ LẠNH CÁC THÁNG CUỐI MÙA ĐÔNG BẰ...THỬ NGHIỆM CẢI TIẾN CHỈ TIÊU DỰ BÁO KHÔNG KHÍ LẠNH CÁC THÁNG CUỐI MÙA ĐÔNG BẰ...
THỬ NGHIỆM CẢI TIẾN CHỈ TIÊU DỰ BÁO KHÔNG KHÍ LẠNH CÁC THÁNG CUỐI MÙA ĐÔNG BẰ...
 
Nhu cầu lập pháp của hành pháp.pdf
Nhu cầu lập pháp của hành pháp.pdfNhu cầu lập pháp của hành pháp.pdf
Nhu cầu lập pháp của hành pháp.pdf
 
KẾ HOẠCH DẠY HỌC CỦA TỔ CHUYÊN MÔN MÔN HỌC SINH HỌC - CÔNG NGHỆ.pdf
KẾ HOẠCH DẠY HỌC CỦA TỔ CHUYÊN MÔN MÔN HỌC SINH HỌC - CÔNG NGHỆ.pdfKẾ HOẠCH DẠY HỌC CỦA TỔ CHUYÊN MÔN MÔN HỌC SINH HỌC - CÔNG NGHỆ.pdf
KẾ HOẠCH DẠY HỌC CỦA TỔ CHUYÊN MÔN MÔN HỌC SINH HỌC - CÔNG NGHỆ.pdf
 
KIẾN TRÚC BIỂU HIỆN TẠI VIỆT NAM.pdf
KIẾN TRÚC BIỂU HIỆN TẠI VIỆT NAM.pdfKIẾN TRÚC BIỂU HIỆN TẠI VIỆT NAM.pdf
KIẾN TRÚC BIỂU HIỆN TẠI VIỆT NAM.pdf
 
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH NINH THUẬN.pdf
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH NINH THUẬN.pdfQUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH NINH THUẬN.pdf
QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG Y TẾ TỈNH NINH THUẬN.pdf
 
NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ...
NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ...NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ...
NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ...
 
TIỂU LUẬN Phân tích các loại nguồn của luật tư La Mã và so sánh với các nguồn...
TIỂU LUẬN Phân tích các loại nguồn của luật tư La Mã và so sánh với các nguồn...TIỂU LUẬN Phân tích các loại nguồn của luật tư La Mã và so sánh với các nguồn...
TIỂU LUẬN Phân tích các loại nguồn của luật tư La Mã và so sánh với các nguồn...
 
Nuevo enfoque de aprendizajesemi-supervisado para la identificaciónde secuenci...
Nuevo enfoque de aprendizajesemi-supervisado para la identificaciónde secuenci...Nuevo enfoque de aprendizajesemi-supervisado para la identificaciónde secuenci...
Nuevo enfoque de aprendizajesemi-supervisado para la identificaciónde secuenci...
 
Inefficiency in engineering change management in kimberly clark VietNam co., ...
Inefficiency in engineering change management in kimberly clark VietNam co., ...Inefficiency in engineering change management in kimberly clark VietNam co., ...
Inefficiency in engineering change management in kimberly clark VietNam co., ...
 
An Investigation into culrural elements via linguistic means in New Headway t...
An Investigation into culrural elements via linguistic means in New Headway t...An Investigation into culrural elements via linguistic means in New Headway t...
An Investigation into culrural elements via linguistic means in New Headway t...
 
An evaluation of the translation of the film Rio based on Newmarks model.pdf
An evaluation of the translation of the film Rio based on Newmarks model.pdfAn evaluation of the translation of the film Rio based on Newmarks model.pdf
An evaluation of the translation of the film Rio based on Newmarks model.pdf
 
Teachers and students views on grammar presentation in the course book Englis...
Teachers and students views on grammar presentation in the course book Englis...Teachers and students views on grammar presentation in the course book Englis...
Teachers and students views on grammar presentation in the course book Englis...
 
11th graders attitudes towards their teachers written feedback.pdf
11th graders attitudes towards their teachers written feedback.pdf11th graders attitudes towards their teachers written feedback.pdf
11th graders attitudes towards their teachers written feedback.pdf
 
Phân tích tài chính Công ty Cổ phần VIWACO.pdf
Phân tích tài chính Công ty Cổ phần VIWACO.pdfPhân tích tài chính Công ty Cổ phần VIWACO.pdf
Phân tích tài chính Công ty Cổ phần VIWACO.pdf
 
Ngói Champa ở di tích Triền Tranh (Duy Xuyên Quảng Nam).pdf
Ngói Champa ở di tích Triền Tranh (Duy Xuyên Quảng Nam).pdfNgói Champa ở di tích Triền Tranh (Duy Xuyên Quảng Nam).pdf
Ngói Champa ở di tích Triền Tranh (Duy Xuyên Quảng Nam).pdf
 
ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ VẬN HÀNH LƯỚI ĐIỆN PHÂN PHỐI TÂY NAM ...
ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ VẬN HÀNH LƯỚI ĐIỆN PHÂN PHỐI TÂY NAM ...ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ VẬN HÀNH LƯỚI ĐIỆN PHÂN PHỐI TÂY NAM ...
ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ VẬN HÀNH LƯỚI ĐIỆN PHÂN PHỐI TÂY NAM ...
 

Recently uploaded

TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoámyvh40253
 
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxAnAn97022
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhvanhathvc
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdfTrnHoa46
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...hoangtuansinh1
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...ThunTrn734461
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfTrnHoa46
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...Nguyen Thanh Tu Collection
 

Recently uploaded (20)

TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
 
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
 

Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954) 6793817.pdf

  • 1. 1 ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN *** TRẦN THỊ MAI DUNG HỒ CHÍ MINH VỚI CUỘC VẬN ĐỘNG SỰ ỦNG HỘ QUỐC TẾ TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1946 - 1954) LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ Hà Nội - 2010
  • 2. 2 ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN *** TRẦN THỊ MAI DUNG HỒ CHÍ MINH VỚI CUỘC VẬN ĐỘNG SỰ ỦNG HỘ QUỐC TẾ TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP (1946 - 1954) Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử Đảng Mã số: 60 22 56 Người hướng dẫn khoa học: PGS, TS. Lê Văn Yên Hà Nội - 2010
  • 3. 3 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, tài liệu được nêu trong luận văn là trung thực, bảo đảm tính khách quan, khoa học. Các tài liệu tham khảo đều có xuất xứ rõ ràng. Luận văn có sự kế thừa các công trình nghiên cứu của những người đi trước, có sự bổ sung thêm những tư liệu mới và chưa được công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2010 Tác giả luận văn Trần Thị Mai Dung
  • 4. 4 LỜI CẢM ƠN Để hoàn thành Luận văn, ngoài sự nỗ lực của bản thân, tôi còn nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới các thầy, cô giáo trong Khoa Lịch sử - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã nhiệt tình giảng dạy, trang bị những kiến thức rất bổ ích cho tôi. Các cán bộ, nhân viên Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Hà Nội, Trung tâm lưu trữ quốc gia III đã tạo điều kiện cho tôi khai thác tài liệu. Đặc biệt, tôi muốn nói lời cảm ơn tới thầy giáo PGS. TS Lê Văn Yên, người đã trực tiếp hướng dẫn tôi trong quá trình thực hiện Luận văn.
  • 5. 5 MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1 Chương 1: Hồ Chí Minh với cuộc vận động quốc tế trong những năm đầu toàn quốc kháng chiến (1946-1949) 1.1. Chủ trương đối ngoại và chính sách tập hợp lực lượng bên ngoài trong buổi đầu của cuộc kháng chiến 8 1.2. Hoạt động đối ngoại nhằm nối lại đàm phán hòa bình, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân Pháp 19 1.3. Hoạt động đối ngoại tăng cường quan hệ quốc tế, phá thế bao vây 33 Chương 2: Hồ Chí Minh với cuộc vận động quốc tế trong những năm 1950-1954 2.1. Chính sách đối ngoại và vận động quốc tế thời kỳ mới 48 2.2. Hoạt động đối ngoại tranh thủ sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa và các lực lượng cách mạng thế giới 61 2.3. Hoạt động đối ngoại và vận động quốc tế kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam 81 Chương 3: Bài học kinh nghiệm và ý nghĩa thực tiễn trong công cuộc đổi mới hiện nay 3.1. Những bài học kinh nghiệm 95 3.2. Vận dụng trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay 110 KẾT LUẬN 119 TÀI LIỆU THAM KHẢO 121 PHỤ LỤC 131
  • 6. 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Nghiên cứu một cuộc cách mạng cần phải chú ý đến nhiều phương diện, trong đó, đường lối chính trị cùng với phương pháp cách mạng được xem là hai lĩnh vực chủ yếu quyết định sự thành công và thất bại của cách mạng. Cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi đã chứng minh cho sự kết hợp tài tình giữa đường lối đúng đắn và phương pháp cách mạng thích hợp. Góp phần vào thắng lợi đó, phải kể đến chủ trương vận động, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người xây dựng những cơ sở đầu tiên và cũng là người hoạt động tích cực nhất. Cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp của nhân dân Việt Nam diễn ra trong bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ hai vừa kết thúc, trong xu thế phát triển của thời đại mới được mở ra từ Cách mạng Tháng Mười Nga. Hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới hình thành và phát triển; phong trào giải phóng dân tộc lớn mạnh đánh phá hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân đế quốc; phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của các đảng cộng sản ở các nước tư bản tấn công quyết liệt vào chủ nghĩa tư bản độc quyền. Tất cả các dòng thác cách mạng đó biểu hiện tập trung sức mạnh của thời đại - một sức mạnh chưa từng có trong lịch sử loài người. Xác định cách mạng Việt Nam là bộ phận của cách mạng thế giới, đặt cách mạng Việt Nam trong cục diện chung của thế giới và trong xu thế phát triển của thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng tăng cường đoàn kết quốc tế, phát huy sức mạnh thời đại, coi đó là nhân tố quan trọng, góp phần tạo nên thắng lợi của dân tộc Việt Nam. Trong hoạt động thực tiễn, Người đã tập hợp ngày càng rộng rãi lực lượng cách mạng, lực lượng tiến bộ thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta, tăng cường và mở rộng không ngừng hậu phương của ta trên phương diện quốc tế, làm suy yếu hậu phương địch. Việc nghiên cứu và làm vai trò của Hồ Chí Minh trong vận động sự ủng hộ quốc tế đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng. Không chỉ góp phần tổng kết những kinh nghiệm về nhận
  • 7. 2 thức, tư tưởng trong chỉ đạo và hoạt động vận động quốc tế của Người mà còn tạo cơ sở cho việc hoạch định đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp đổi mới hiện nay: đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với ý nghĩa đó, chúng tôi đã chọn đề tài “Hồ Chí Minh với cuộc vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954)” làm luận văn Thạc sĩ của mình. 2. Tình hình nghiên cứu vấn đề Hồ Chí Minh là nhân vật lịch sử vĩ đại của thế kỷ XX. Ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài đã có nhiều công trình nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp cũng như những cống hiến của Người đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới với những khía cạnh và nội dung khác nhau. Các hướng chính cụ thể như sau: Thứ nhất, những tác phẩm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước chủ yếu nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp, đánh giá những đóng góp của Người đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Có thể kể đến các tác phẩm, như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc (Nxb. Sự thật, H,1986) của đồng chí Lê Duẩn; Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp chúng ta (Nxb. Thông tin lý luận, H,1991) của đồng chí Trường Chinh; Hồ Chí Minh, một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp (Nxb. Sự thật, H,1990), Hồ Chí Minh quá khứ, hiện tại và tương lai (Nxb. Sự thật, H,1992) của đồng chí Phạm Văn Đồng; Những năm tháng không thể nào quên (Nxb. Quân đội nhân dân, H,1974) của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, v.v... Những tác phẩm trên chỉ mới đề cập đến một cách khái quát hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiến trình lịch sử, bao gồm những nét lớn về tư tưởng và hoạt động quốc tế của Người. Thứ hai, công trình nghiên cứu của các cơ quan khoa học như Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh,... với những tác phẩm tiểu biểu, như: Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử (10 tập) (Nxb. Chính trị quốc qia, H,2004 và 2009); Hồ Chí Minh - Tiểu sử (Nxb. Chính trị quốc gia, H,2009) trình bày chi tiết và cụ thể cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Ngoài ra còn
  • 8. 3 có các sách giáo trình, như Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và của Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng đề cập đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng trong các thời kỳ cách mạng. Tuy nhiên, với thể loại là tiểu sử, văn kiện và giáo khoa nên hoạt động quốc tế của Người chưa được đề cập rõ ràng và hệ thống. Thứ ba, những hội thảo chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh được tập hợp trong các kỷ yếu. Hội thảo kỷ niệm 90 năm ngày sinh của Người tập hợp được 65 công trình; Hội thảo quốc tế nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người được tuyển chọn trong cuốn Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nxb. Khoa học xã hội, H,1990); Hội thảo quốc tế năm 1995 về Chủ tịch Hồ Chí Minh do Trung tâm Khoa học - Xã hội và Nhân văn quốc gia và Ủy ban Quốc gia UNESCO tổ chức với kỷ yếu Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn. Gần đây nhất là Hội thảo kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do Học viện Chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì đã thu hút nhiều các học giả trên thế giới về tham dự với hơn 120 tham luận. Những bài nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên các tạp chí Lịch sử Đảng, Cộng sản, Nghiên cứu Lịch sử, Lịch sử quân sự, Thông tin lý luận... đều góp phần nghiên cứu thân thế và sự nghiệp cách mạng của Người. Thứ tư, những tác phẩm chuyên khảo về hoạt động quốc tế và ngoại giao của Hồ Chí Minh, như: Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao (Nxb. Sự thật, H,1990) của Viện Quan hệ quốc tế - Bộ Ngoại giao; Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh (Nxb. Chính trị quốc gia, H,2008) của nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên; Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao (Nxb. Chính trị quốc gia, H,2010) của nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Khoan; Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về một số vấn đề quốc tế (Nxb. Chính trị quốc gia, H,1995), Chiến sĩ quốc tế Hồ Chí Minh - Hoạt động thực tiễn và lý luận cách mạng (Nxb. Chính trị quốc gia, H,2010) của GS. Phan Ngọc Liên… Các tác phẩm đã hệ thống hóa rõ nét cuộc đời hoạt động và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm những nét lớn hoạt động ngoại giao, vận động quốc tế của Người qua hai cuộc kháng chiến.
  • 9. 4 Thứ năm, những tác phẩm luận án nghiên cứu về vai trò cá nhân Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Có thể kể đến các tác phẩm như: Đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp trong giai đoạn 1945-1954 - Vai trò của Hồ Chí Minh trong việc hoạch định và tổ chức thực hiện của tác giả Nguyễn Minh Đức; Hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống thực dân Pháp của tác giả Đặng Văn Thái; Đấu tranh ngoại giao trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) của tác giả Nguyễn Văn Sơn... Nhìn chung, các tác phẩm trên đã làm sáng rõ vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Pháp. Trong đó, đáng chú ý là hai công trình nghiên cứu về hoạt động ngoại giao của Người. Chín năm kháng chiến chống Pháp không phải là một thời gian dài, song lại có nhiều vấn đề phức tạp về ngoại giao. Trong khuôn khổ một luận án, các tác giả không có điều kiện đi sâu từng vấn đề. Trong luận án Đấu tranh ngoại giao trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), tác giả Nguyễn Văn Sơn lựa chọn hai mốc thời gian là những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám và những năm cuối của cuộc kháng chiến mà tác giả cho là hai cao điểm quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh ngoại giao giữa Việt Nam với Pháp. Trên cơ sở đó, tác giả chia luận án thành ba chương, trong đó, chương 1 tập trung vào hoạt động của ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng từ tháng 9-1945 đến tháng 12-1946; chương 2 tập trung vào cuộc đấu tranh ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp tại Hội nghị Giơnevơ; chương 3, tác giả rút ra một số nhận xét về cuộc đấu tranh ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp thời kỳ 1945-1954. Trong luận án Hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tác giả Đặng Văn Thái chia luận án thành ba chương. Trong chương 1, tác giả nghiên cứu hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh cũng như Đảng và Nhà nước ta trong những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám (1945- 1946) nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc. Chương 2, tác giả nghiên cứu hoạt động đối ngoại của Hồ Chí Minh trong những năm 1946-1950 với hai với nét lớn: Hoạt động ngoại giao của Hồ Chí Minh nhằm dàn xếp quan hệ Việt - Pháp bằng
  • 10. 5 đàm phán và hoạt động ngoại giao nối lại quan hệ với Liên Xô, Trung Quốc. Chương 3, tác giả nghiên cứu hoạt động ngoại giao Hồ Chí Minh những năm 1950- 1954 góp phần kết thúc thắng lợi kháng chiến chống thực dân Pháp với hai nét lớn: Hoạt động ngoại giao tăng cường quan hệ với các nước xã hội chủ nghĩa, củng cố khối Liên minh Việt - Miên - Lào và đấu tranh ngoại giao trong Hội nghị Giơnevơ góp phần kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Tác phẩm cũng có đề cập khái quát, ngắn gọn một số nét về tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Do đặc thù của từng đối tượng nghiên cứu, các luận án tập trung nghiên cứu ở những khía cạnh khác nhau. Khai thác về phương diện vận động quốc tế và dư luận quốc tế thông qua hoạt động cụ thể của Hồ Chí Minh vẫn còn khá mờ nhạt. Nhìn chung, nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như vai trò cá nhân Hồ Chí Minh nói chung và trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp nói riêng được nhiều cơ quan, giới khoa học và các cá nhân quan tâm. Các công trình trên tạo điều kiện cho tác giả luận văn kế thừa thành quả của các tác giả về nội dung và phương pháp. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có công trình chuyên biệt nào làm rõ vai trò của Hồ Chí Minh trong vận động sự ủng hộ quốc tế thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1946-1954. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu Trên cơ sở phân tích sự thay đổi bối cảnh lịch sử thời kỳ 1945-1954, luận văn làm rõ hoạt động cụ thể của Hồ Chí Minh về vận động quốc tế và sự ủng hộ quốc tế với tư cách là kết quả của quá trình hoạt động đó. Từ đó, luận văn rút ra những bài học kinh nghiệm có thể vận dụng trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu của luận văn - Tập hợp và hệ thống những tư liệu có liên quan đến bối cảnh quốc tế và hoạt động quốc tế của Hồ Chí Minh cũng như của Đảng và Nhà nước ta trong kháng chiến chống Pháp; - Trình bày những tư liệu đó qua các thời kỳ lịch sử gắn liền với điều kiện không thời gian lịch sử;
  • 11. 6 - Phân tích chủ trương và hoạt động cơ bản của Hồ Chí Minh trong quá trình thực hiện vận động quốc tế phục vụ mục tiêu cách mạng Việt Nam; - Làm rõ dư luận quốc tế và sự ủng hộ quốc tế đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta. - Rút ra những bài học kinh nghiệm trong quan hệ quốc tế, vận dụng vào công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận văn là quan điểm cùng hoạt động của Hồ Chí Minh trong thực hiện vận động các lực lượng quốc tế ủng hộ cách mạng Việt Nam. 4.2. Phạm vi nghiên cứu Luận văn tập trung nghiên cứu chủ trương và hoạt động đối ngoại của Hồ Chí Minh nhằm vận động sự ủng hộ quốc tế trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954). Những sự kiện được trình bày ở luận văn là những sự kiện quan trọng, tiểu biểu, thể hiện được quan điểm chiến lược, sách lược trong vận động sự ủng hộ quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Hồ Chí Minh, cũng như Đảng và Nhà nước ta. 5. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tài liệu 5.1. Phương pháp nghiên cứu Trên cơ sở của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, trong quá trình thực hiện luận văn, chúng tôi đã sử dụng những phương pháp chuyên ngành của khoa học lịch sử như phương pháp lịch sử, phương pháp lôgic, so sánh, phân tích, tổng hợp, mô tả,… nhằm tái hiện chân thực và khách quan đối tượng nghiên cứu; từ đó rút ra những kết luận đúng đắn nhất. 5.2. Nguồn tài liệu nghiên cứu Trong luận văn, chúng tôi đã sử dụng một số nguồn tài liệu chủ yếu sau: Thứ nhất, các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bộ Hồ Chí Minh toàn tập (Xuất bản lần thứ hai) là nguồn tài liệu trực tiếp, quan trọng; Thứ hai, các văn kiện của Đảng, Nhà nước, các tài liệu lưu trữ là nguồn tài liệu đáng tin cậy.
  • 12. 7 Thứ ba, các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, các tác giả trong và ngoài nước; các tài liệu sách báo và các tác phẩm hồi ký là những nguồn tài liệu tham khảo. 6. Đóng góp của luận văn - Luận văn, trên cơ sở nguồn tư liệu, khôi phục toàn diện quá trình hoạt động của Hồ Chí Minh vận động ủng hộ quốc tế nhằm mục tiêu độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân; - Làm rõ sự ủng hộ quốc tế đối cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam; - Khái quát những vấn đề lý luận cơ bản mang tính chiến lược trong quan hệ quốc tế; đó là những quan điểm mang tính định hướng, có ý nghĩa thực tiễn trong giai đoạn ngày nay. 7. Bố cục của luận văn Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, luận văn được chia thành 3 chương: Chương 1: Hồ Chí Minh với cuộc vận động quốc tế trong những năm đầu toàn quốc kháng chiến (1946-1949) Chương 2: Hồ Chí Minh với cuộc vận động quốc tế trong những năm 1950-1954 Chương 3: Bài học kinh nghiệm và ý nghĩa thực tiễn trong công cuộc đổi mới hiện nay Mặc dù rất cố gắng trong quá trình thực hiện đề tài, nhưng do trình độ và kinh nghiệm chưa nhiều nên luận văn không tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong sự đóng góp ý kiến của thầy cô, bạn bè để luận văn của tôi được hoàn thiện hơn.
  • 13. 8 Chương 1 HỒ CHÍ MINH VỚI CUỘC VẬN ĐỘNG QUỐC TẾ TRONG NHỮNG NĂM ĐẦU TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN (1946-1949) 1.1. Chủ trương đối ngoại và chính sách tập hợp lực lượng bên ngoài trong buổi đầu của cuộc kháng chiến 1.1.1. Bối cảnh lịch sử 1.1.1.1. Tình hình thế giới và thái độ các nước lớn đối với Việt Nam Tình hình thế giới những năm đầu sau Chiến tranh thế giới thứ hai có những diễn biến phức tạp, tác động tới cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Chính sách của Mỹ: Đế quốc Mỹ đứng đầu phe đế quốc triển khai chiến lược toàn cầu. Tháng 3-1947, Tổng thống Truman đọc diễn văn trước Quốc hội, chính thức đề ra cái gọi là “sứ mệnh lịch sử” của Mỹ là lãnh đạo thế giới “tự do” và “giúp đỡ” các dân tộc trên thế giới chống lại sự “bành trướng” của nước Nga, bằng mọi biện pháp kinh tế, quân sự. Với sự ra đời của chủ nghĩa Truman, mối quan hệ đồng minh giữa Liên Xô, Mỹ và các nước phương Tây trong thời kỳ chiến tranh chống phát xít đã tan vỡ, thay vào đó là “Chiến tranh lạnh” với sự đối đầu giữa hai cực và hai khối Đông - Tây. Ở châu Á và Đông Nam Á, Mỹ đóng vai trò chi phối hòa bình và an ninh khu vực bằng chính sách thực dân mới. Mục tiêu của Mỹ là củng cố vai trò lãnh đạo của mình đối với Nhật Bản và khu vực ảnh hưởng ở Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương, thực hiện chiến lược phong tỏa Liên Xô về phía Đông; đồng thời đối phó với phong trào đấu tranh cho độc lập dân tộc, thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, thực dân. Chính sách của Mỹ đối với Đông Dương lúc này là từ chối thừa nhận nền độc lập của Việt Nam và Chính phủ Hồ Chí Minh mà ủng hộ Pháp. Từ giữa tháng 11-1945 đến tháng 3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần gửi điện và thư cho Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ với những lời khẩn thiết kêu gọi sự ủng hộ chính trị đối với nền độc lập
  • 14. 9 của Việt Nam trên cơ sở Hiến chương Đại Tây Dương, nhưng không nhận được lời hồi đáp; bởi Mỹ cho rằng “sẽ không có lợi gì trong việc nền cai trị đế quốc thực dân lại được thay thế bởi nền triết lý và các tổ chức chính trị bắt nguồn từ Kremlin và do Kremlin kiểm soát” [1, tr. 732]. Bản Chỉ thị gửi các nhà ngoại giao Mỹ ở Pari, Hà Nội và Sài Gòn ngày 13-5-1947 thể hiện rõ nét chính sách của Chính phủ Mỹ đối với Đông Dương là“nhất thiết phải cùng thuyền cùng hội với người Pháp”, bởi “sự liên kết chặt chẽ giữa Pháp và các thành viên trong Liên hiệp Pháp không phải chỉ có lợi cho các nước liên quân, mà còn có lợi cho chúng ta một cách gián tiếp” [1, tr. 733]. Thái độ của Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân: Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân đang bước vào thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế sau chiến tranh, bước đầu giành được những thành tựu quan trọng. Liên Xô thực hiện hoàn thành vượt mức kế hoạch khôi phục kinh tế trong 4 năm 3 tháng bằng chính nguồn tài nguyên trong nước. Năm 1949, Liên Xô đã chế tạo thành công bom nguyên tử, phá vỡ thế độc quyền về bom nguyên tử của Mỹ. Năm 1950, sản lượng công nghiệp của Liên Xô tăng 73% so với trước chiến tranh. Các nước dân chủ nhân dân như Anbani, Ba Lan, Bungari, Hunggari, Nam Tư, Rumani, Tiệp Khắc... đã lần lượt hoàn thành công cuộc cách mạng dân chủ nhân dân và bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, đạt được những thành tựu lớn trên các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội. Tuy nhiên, Liên Xô và các lực lượng dân chủ tiến bộ cũng chịu ảnh hưởng bởi chính sách toàn cầu của Mỹ. Việc phát động Chiến tranh lạnh, triển khai học thuyết Truman và kế hoạch Marshall, giai cấp tư sản và các thế lực phản động trên thế giới tiến hành một chiến dịch phản công quyết liệt chống lại Liên Xô, các lực lượng dân chủ hòa bình và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Mỹ và đồng minh ra sức gây căng thẳng buộc Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân Đông Âu phải tham gia vào cuộc chạy đua với Mỹ cả về kinh tế và quân sự. Để đối phó với âm mưu của Mỹ và các thế lực thù địch, Liên Xô, một mặt, phải tập trung khôi phục, phát triển kinh tế, tăng cường khả năng quốc phòng; mặt khác, giúp đỡ các nước Đông Âu - vành đai phía Tây của Liên Xô củng cố chế độ
  • 15. 10 dân chủ nhân dân. Với những vấn đề quan trọng đó ở tuyến đầu, vấn đề Việt Nam và Đông Dương chưa thể quan tâm đến. Một số tài liệu mới công bố gần đây đã làm rõ chính sách của Liên Xô đối Việt Nam và Đông Dương trong suốt thời gian dài. Liên Xô theo dõi sát diễn biến cách mạng ở Đông Dương. Chỉ một tuần sau Cách mạng Tháng Tám, ngày 20-8-1945, V.G. Đêkanôdôv - Phó Dân ủy ngoại giao Liên Xô - đã nhận được một bản báo cáo viết tay của A.B. Bôgômôlôv - Đại sứ Liên Xô tại Pháp - về tình hình Đông Dương. Báo cáo nêu lên âm mưu của Pháp đối với các nước thuộc địa cũ, đồng thời đề nghị Chính phủ Liên Xô can thiệp để có thể trao Đông Dương nền độc lập cùng với việc đặt Đông Dương dưới sự bảo hộ của Ủy ban quốc tế gồm Mỹ, Anh, Liên Xô, Pháp và Trung Quốc. Khi báo cáo cùng đề xuất nói trên được chuyển về cho C.B. Kôdưrev - Chủ nhiệm văn phòng châu Âu I, V.G. Đêkanôdôv đã đưa ra ý kiến như sau: “Theo tôi được biết, chúng ta không giữ lập trường như vậy trong vấn đề này. Đồng chí Môlôtốp, trong buổi trao đổi với Katơru (Đại sứ Pháp tại Mátxcơva lúc đó) cách đây không lâu đã đưa ra câu trả lời rõ ràng về vấn đề này” [74, tr. 211]. Sau đó, trong các tháng 9, 10 năm 1945, Mátxcơva liên tiếp nhận được những bức điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Chính phủ Liên Xô thông báo về tình hình Việt Nam và cuộc gây hấn của Pháp nhưng câu trả lời của Mátxcơva trong trường hợp này là không trả lời. Thế là công văn chính thức, khẩn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đưa vào kho lưu trữ. Những năm tiếp sau đó, Chính phủ Hồ Chí Minh vẫn không nhận được sự giúp đỡ từ phía Liên Xô cũng như các nước dân chủ Đông Âu khác. “Không được thế giới cộng sản biết tới”, Hồ Chí Minh phải chấp nhận những “hiệp định” khá mong manh với Pháp để tranh thủ tối đa thời gian hòa hoãn, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Thái độ của Trung Quốc: Nước láng giềng phía Bắc của Việt Nam, Trung Quốc đang trong tình trạng “nước sôi lửa bỏng”. Nội chiến bùng nổ chấm dứt thời kỳ Quốc - Cộng hợp tác lần thứ hai (1945-1947). Với sự giúp đỡ của Mỹ, Tưởng Giới Thạch đã huy động mọi lực lượng quyết tâm tiêu diệt Đảng Cộng sản Trung Quốc, bởi sự lớn mạnh của Cộng sản nước này sẽ là nguy cơ lớn đối với Mỹ. Do đó, trước khi cách mạng Trung Quốc thành công, Đảng Cộng sản Trung Quốc phải
  • 16. 11 tập trung lực lượng để giành thắng lợi trong cuộc nội chiến nên chưa có điều kiện giúp cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Tình hình các nước trong khu vực: Các nước trong khu vực như Inđônêxia, Malayxia, Miến Điện... đều bị các nước thực dân Anh, Hà Lan tái chiếm. Đặc biệt, hai nước láng giềng phía Tây là Lào và Campuchia bị thực dân Pháp chiếm đóng trở lại và dùng làm bàn đạp để bao vây, tấn công ta; các vùng biển phía Đông và phía Nam đều bị hạm đội Anh khống chế. Nhìn chung, thế giới trong những năm đầu kháng chiến có nhiều bất lợi cho ta: Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân - lực lượng đấu tranh và ủng hộ hòa bình, dân chủ thế giới vẫn đang trong quá trình phục hồi, củng cố nội lực; Trung Quốc và các nước trong khu vực đang tự cố gắng giải quyết vấn đề của mình. Bạn đồng minh của ta trước kia là Mỹ đã triển khai chiến lược toàn cầu phản cách mạng, coi Đông Dương là vị trí trọng yếu trong thực hiện chiến lược phòng thủ chống cộng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chúng đang câu kết và ủng hộ thực dân Pháp quyết tâm xâm chiếm nước ta một lần nữa. Việt Nam hoàn toàn cô lập khi bước vào cuộc kháng chiến. Đó là thử thách hết sức gay go, quyết liệt đối Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam. 1.1.1.2. Chiến tranh bùng nổ và tính chất cuộc kháng chiến Những cố gắng của Việt Nam trong lựa chọn phương án đàm phán hòa bình để kết thúc xung đột Việt - Pháp đã bị thực dân Pháp hiếu chiến phá hoại. Ngày 7- 11-1946, D’Argenlieu - Cao ủy Pháp ở Đông Dương - ngang nhiên gửi công hàm cho Chính phủ ta khẳng định “Nam Bộ là đất của Pháp” và cho rằng “Ủy ban Hành chính Nam Bộ là bất hợp Pháp”. Ngày 20-11-1946, chúng đồng thời gây hấn ở Hải Phòng và đánh chiếm các vị trí quan trọng ở Lạng Sơn, đổ bộ vào Đà Nẵng. Ngày 22-11-1946, Valluy - Tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương - đã gửi một bức điện về Pari nhằm “đánh lạc hướng” Chính phủ Pháp. Bức điện nói rõ “những tin tức thu nhận được cũng như các tài liệu bắt được xác nhận rằng sự việc này đã được các nhà chức trách Việt Nam sắp đặt tỷ mỷ và trách nhiệm gây hấn rõ ràng không nghi ngờ gì nữa thuộc về phía họ” [76, tr. 291]. Tiếp đó, Valluy đã chỉ thị trực tiếp cho Đại tá Dèbes đang đóng quân ở Hải Phòng “cần thiết phải lợi dụng vụ rắc rối
  • 17. 12 đó để củng cố thêm vị trí Hải Phòng của chúng ta” [76, tr. 292] bằng cách đưa ra những điều kiện buộc Chính phủ Hồ Chí Minh phải chấp thuận: Toàn bộ lực lượng chính quy và bán quân sự của ta phải rút khỏi Hải Phòng và quân đội Pháp được tự do đóng quân trong thành phố. Từ tháng 12 trở đi, tình hình trở nên căng thẳng. Ngày 16-12-1946, quân Pháp gây hấn ở Hà Nội, bắn giết dân thường, đánh vào các điểm đề kháng của ta, tiến công chiếm nhiều trụ sở cơ quan Chính phủ. Ngày 18 và ngày 19-12-1946, thực dân Pháp đã liên tiếp gửi tối hậu thư đòi ta phải bỏ công sự và đòi để chúng kiểm soát, giữ trật tự trong thành phố Hà Nội. Chúng tuyên bố sẽ hành động bằng sức mạnh quân sự nếu chúng ta không thực hiện các yêu sách đó. Trước tình hình khẩn cấp, từ ngày 11-12-1946, Hội đồng Chính phủ đã họp điểm lại tình hình quân sự, ngoại giao và nhận định thời kỳ nhân nhượng của Việt Nam đã chấm dứt. Tuy vậy, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên trì biện pháp cuối cùng để cứu vãn nền hòa bình. Ngày 18-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông qua J.Sainteny gửi điện khẩn cấp đến Chính phủ và Quốc hội Pháp đề nghị chấm dứt ngay cuộc xung đột Việt - Pháp. Sáng ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn gửi thư riêng cho J.Sainteny, đề nghị ông ta có cuộc gặp gấp với Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám nhằm “tìm một giải pháp để cải thiện bầu không khí hiện tại” [118, tr. 1] nhưng J.Sainteny từ chối. Ngay ngày hôm đó, Pháp gửi tối hậu thư (cuối cùng) ngang ngược đòi tước vũ khí lực lượng vũ trang của ta, đòi những điều kiện phải được thi hành ngay lập tức, chậm nhất là vào sáng ngày 20-12-1946. 20 giờ tối ngày 19-12-1946, sau khi Thường vụ Trung ương Đảng và lãnh đạo chủ chốt các Bộ họp, đã đi đến quyết định phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên toàn quốc. Ngay sau tiếng súng báo hiệu toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền đi khắp cả nước: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa. Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” [64, tr. 480].
  • 18. 13 Rõ ràng, cuộc kháng chiến chỉ được quyết định khi khả năng hòa hoãn không còn, khi mà mọi nẻo đường hòa bình thương lượng để tránh một cuộc chiến tranh nhằm bảo vệ độc lập, thống nhất đã bị thực dân Pháp cự tuyệt, vì chúng quyết dùng vũ lực để xâm lược và đặt ách thống trị thực dân trên đất nước ta và toàn bán đảo Đông Dương. “Dân tộc Việt Nam nay bị đặt trước hai đường: một là khoanh tay cúi đầu trở lại nô lệ, hai là đấu tranh đến cùng để giành lấy tự do và độc lập” [64, 483]. Nguồn gốc sâu sa và nguyên nhân trực tiếp của cuộc chiến tranh hoàn toàn xuất phát từ dã tâm xâm lược và chính sách thực dân hiếu chiến của bọn phản động Pháp, có sự đồng tình, ủng hộ của các thế lực đế quốc, phản động khác. Trong Thư gửi nhân dân Việt Nam, nhân dân Pháp và các nước Đồng minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ tội ác của thực dân Pháp, khẳng định tính chất chính nghĩa cuộc kháng chiến của nhân dân ta và nhấn mạnh “bọn phản động Pháp lại dày xéo lên những bản Hiến chương Đại Tây Dương và Cựu Kim Sơn. Họ đang gây chiến tranh xâm lược ở Việt Nam. Họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm” [64, tr. 484]. Có thể nói, chiến đấu vì chính nghĩa, cho độc lập tự do, đó là sức mạnh và cũng là lợi thế duy nhất khi bước vào cuộc kháng chiến dường như bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Giương cao ngọn cờ chính nghĩa, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam vì thế hòa nhịp vào xu thế chung của thời đại. 1.1.2. Chủ trương đoàn kết quốc tế và chính sách tập hợp lực lượng bên ngoài Cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược khởi đầu trong vòng vây hãm của thế lực thù địch và trong một thời gian dài phải chiến đấu đơn độc không được sự giúp đỡ, ủng hộ của các lực lượng cách mạng bên ngoài, kể cả Liên Xô và Trung Quốc. Chính lúc này, lãnh đạo Đảng và Chính phủ, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn vững tin vào sức mạnh của toàn dân tộc với đường lối kháng chiến tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính. Trước đây, trong Lời hiệu triệu, Hồ Chí Minh đã phân tích rõ: “…trường kỳ kháng chiến và toàn dân kháng chiến bằng quân sự (dũng cảm, kỷ luật), bằng chính trị (đoàn kết, trật tự), bằng kinh tế (tăng gia, sản xuất), bằng ngoại giao (thêm bạn, bớt thù), trước hết là bằng tinh thần: bại không nản, thắng không kiêu, thua trận này đánh trận khác, được trận này không
  • 19. 14 chểnh mảng, chung sức, đồng tâm, nhất trí, giữ gìn trật tự, tuân theo mệnh lệnh của Chính phủ. Như thế, mà phải nhất định như thế, thì chúng ta mới được thắng lợi và giành được độc lập hoàn toàn” [64, tr. 188]. Hồ Chí Minh luôn động viên trong nhân dân niềm tin vào thắng lợi, bởi một lẽ đơn giản, nhân dân ta vì chính nghĩa mà chiến đấu. Người nói: “Chỉ phe nào vì chính nghĩa mà chiến đấu, phe ấy mới có đủ điều kiện nhân hòa... Trong khi chiến đấu, chúng ta được dân chúng ủng hộ, nhất định chúng ta được dư luận thế giới tán đồng, nhất định chúng ta sẽ thắng” [64, tr. 463]. Vững tin bước vào cuộc chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đặt cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và Đông Dương trong phong trào giải phóng dân tộc và các trào lưu của nhân loại tiến bộ trên thế giới, nêu cao đường lối đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới. Bối cảnh quốc tế và tương quan lực lượng trên thế giới, khu vực được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng phân tích, đánh giá một cách chính xác là cơ sở khách quan của đường lối trên. Nghị quyết Hội nghị cán bộ Trung ương ngày 31-7-1946 từng chỉ rõ: Địa vị Đông Dương hiện nay trở nên rất quan trọng trên trường cách mạng quốc tế vì: “a) Bên cạnh nách trung tâm điểm cách mạng Á Châu (Tàu). b) Trong phạm vi trung tâm điểm những mâu thuẫn giữa các nước đế quốc chủ nghĩa (trước ở Trung Quốc, nay chuyển xuống Đông Nam Á). c) Là nơi đế quốc Anh, Mỹ, Pháp chú trọng dàn xếp để bố trí chiến tuyến chống cộng và uy hiếp phong trào cách mạng giải phóng của các nhược tiểu dân tộc [24, tr. 99]. Ngay khi chiến tranh nổ ra, ngày 22-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng công bố rộng rãi Chỉ thị Toàn dân kháng chiến1 khái quát một cách cơ bản đường lối kháng chiến để thống nhất chỉ đạo trong toàn Đảng, toàn dân, kịp thời chuyển sang giai đoạn mới. Chỉ thị nêu rõ: 1. Chỉ thị Toàn dân kháng chiến được viết xong ngày 12-12-1946.
  • 20. 15 Về mục đích kháng chiến: “Đánh phản động thực dân Pháp xâm lược; giành thống nhất và độc lập”. Về tính chất kháng chiến: “Trường kỳ kháng chiến, toàn diện kháng chiến”. Về lực lượng kháng chiến: “Đoàn kết chặt chẽ toàn dân; thực hiện toàn dân kháng chiến;... phải tự cung, tự cấp về mọi mặt” [24, tr. 150]. Bản Chỉ thị cũng khẳng định đường lối quốc tế của cách mạng với nội dung cụ thể là: Liên hiệp với dân tộc Pháp, chống bọn thực dân phản động Pháp; Đoàn kết với hai dân tộc Mên, Lào và các dân tộc bị áp bức trong khối Liên hiệp Pháp; Thân thiện với các dân tộc Tàu, Xiêm, Ấn Độ, Diến Điện, Nam Dương và các dân tộc yêu chuộng dân chủ, hòa bình trên thế giới [24, tr. 151]. Tháng 9-1947, trong một lần trả lời phỏng vấn nhà báo S. Elie Maissie - phóng viên Hãng Thông tấn Mỹ khi được hỏi về những nét lớn trong chính sách đối ngoại của Việt Nam (theo tình hình quốc tế hiện giờ), Người dõng dạc tuyên bố: “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai” [65, tr. 220]. Sau này, khi trả lời phỏng vấn ông Stanley Harrison - một nhà báo Anh, Người tiếp tục khẳng định: “Việt Nam sẽ giao dịch với tất cả các nước nào trên thế giới muốn giao dịch với Việt Nam một cách thật thà” [65, tr. 578]. Những câu trả lời ngắn ngọn của Người thể hiện thiện chí của Đảng, của nhân dân Việt Nam ước mong chung sống hòa bình với tất cả các nước, nhân dân thế giới, ngay cả với những kẻ đang dày xéo đất nước ta, đồng bào ta như thực dân Pháp và can thiệp Mỹ. Với chủ trương thêm bạn, bớt thù, nêu cao thiện chí hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng luôn chú trọng phân hóa nội bộ kẻ thù, tùy từng đối tượng mà có chủ trương, biện pháp thích hợp nhằm tranh thủ tối đa lực lượng ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Đối với Pháp, Hồ Chí Minh luôn phân biệt rõ ràng giữa thực dân Pháp và nhân dân Pháp. Trong nhiều bài viết của mình, Người khẳng định, nhân dân Việt Nam không đấu tranh chống lại nước Pháp, nhân dân Pháp, mà chỉ đấu tranh chống lại bọn thực dân xâm lược Pháp - những kẻ đang xâm chiếm đất nước Việt Nam, chà đạp lên khẩu hiệu Tự do, Bình đẳng và Bác ái quang vinh của dân tộc Pháp và nước Pháp.
  • 21. 16 Trong giải quyết xung đột Việt - Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng luôn thể hiện thiện chí hòa bình. Người nhiều lần khẳng định trước báo giới trong và ngoài nước, rằng: “Nếu Chính phủ và nhân dân Pháp không để bọn thực dân phản động phá hoại hòa bình, phá hoại lợi ích và danh dự Pháp, phá hoại tình thân thiện giữa hai dân tộc Việt - Pháp, nếu chính phủ Pháp dàn xếp theo cách hòa bình, tôn trọng chủ quyền của ta, thì ta vẫn sẵn sàng đàm phán” [65, tr. 8]. Quan điểm đó của Người được khẳng định trong Nghị quyết Hội nghị Cán bộ Trung ương (từ 3-4 đến 6-4-1947) như là chủ trương chính thức của Đảng và Nhà nước ta: Chỉ ngừng bắn khi nào Pháp nhìn nhận độc lập và thống nhất thật sự và liên minh với nhân dân Pháp xây dựng dân chủ, hòa bình chung trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp [24, tr. 178-179]. Chỉ thị Trung ương ngày 15-9-1947 càng khẳng định quyết tâm kháng chiến đến cùng của quân và dân ta: “Độc lập và thống nhất thật sự. Nếu thực dân Pháp không công nhận Việt Nam độc lập và thống nhất thật sự thì dân tộc Việt Nam còn đánh, mà đánh mạnh. Không thể có hòa bình nếu Pháp chưa nhận Việt Nam độc lập và thống nhất” [24, tr. 295]. Ta chủ trương tiến hành đàm phán với Pháp, “làm cho cuộc đổ máu Việt - Pháp rút ngắn lại” [24, tr. 186], song phải trên cơ sở giữ vững những nguyên tắc cơ bản độc lập và thống nhất thật sự. Nguyên tắc này gồm những nội dung cơ bản sau: 1. Độc lập và thống nhất thật sự. Độc lập nghĩa là tự điều khiển lấy mọi công việc, không có sự can thiệp ở ngoài vào. Những tiêu chí của Độc lập, đó là: - Có Chính phủ riêng, Quốc hội riêng, Hiến pháp riêng, do dân Việt Nam phổ thông đầu phiếu lập ra. - Có quân đội riêng. - Có ngoại giao ở nước ngoài. - Có tiền tệ và thuế quan riêng. Thống nhất nghĩa là một chính phủ trung ương, một nghị viện trung ương cho toàn quốc; Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ sẽ có cơ quan hành chính tự trị riêng do nhân dân mỗi kỳ bầu lên theo chế độ dân chủ và dưới sự kiểm soát của chính phủ trung ương.
  • 22. 17 2. Nước Việt Nam muốn được độc lập, thống nhất trong khối Liên hiệp Pháp, trên tinh thần hợp tác chặt chẽ và thân thiện. 3. Pháp muốn kết thúc chiến tranh, thì chỉ có một cách là đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh là đại diện duy nhất của nhân dân Việt Nam, được Quốc hội thừa nhận. Bất kỳ những thỏa thuận nào với bất cứ tổ chức bù nhìn nào cũng không được thừa nhận. Khi chiến tranh đã nổ ra, biết là không thể tránh khỏi, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh với tấm lòng yêu thương vô hạn đối với con người, người Pháp cũng như người Việt Nam, muốn cứu vãn tình thế, để tránh “những cuộc hiến tế hàng loạt mạng người”, tránh nỗi bi thương cho cả hai dân dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn khẳng định lòng mong muốn của nhân dân Việt Nam là cộng tác thân thiện với nhân dân Pháp, muốn có hòa bình xây dựng đất nước. Người ngỏ ý tin rằng nhân dân Pháp cũng mong muốn hòa bình, chỉ còn tùy ở Chính phủ Pháp mà thôi. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng đã sớm nhận thức bản chất cũng như âm mưu của đế quốc Mỹ. Nghị quyết Hội nghị Cán bộ Trung ương họp từ ngày 3-4 đến ngày 6-4-1947 chỉ rõ: “Cầm đầu lực lượng phản dân chủ trên giới hiện nay là bọn tài phiệt Mỹ”. Chính chúng “nâng đỡ cho bọn phản động ở các nước (Soócsin ở Anh, Đờ gôn ở Pháp và Tưởng ở Trung Hoa) và gây dựng lại tàn tích phát xít (Franco ở Tây Ban Nha, Cat dien ở Nhật, Von Paren ở Đức, bọn phong kiến phát xít Xanđari ở Hy Lạp”. Âm mưu và thủ đoạn của chúng là “tung khẩu hiệu chống Liên Xô” và đe dọa “dùng bom nguyên tử đánh Liên Xô”, “kỳ thực đó chỉ là tấm màn che đậy việc Mỹ lấn chiếm thị trường và quyền lợi các nước yếu hơn (Anh, Pháp, Hà Lan), thâm nhập vào thuộc địa và bán thuộc địa của các nước ấy đặt căn cứ quân sự khắp nơi để củng cố thế lực”, “biến thế giới tư bản thành thuộc địa và căn cứ quân sự” [24, tr. 174-175]. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cũng nhận rõ tham vọng và nguy cơ Mỹ có thể can thiệp trực tiếp vào tình hình Việt Nam, khi đó, chúng ta phải đối phó một lúc hai kẻ thù Pháp và Mỹ. Do đó, trong sách lược của mình, Chủ tịch Hồ Chí
  • 23. 18 Minh và Trung ương Đảng đã khai thác tối đa những nhân tố khác nhau về lợi ích trong việc phát động chiến tranh Đông Dương giữa Pháp và Mỹ. Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Pháp nổ ra vào lúc Mỹ đang hoàn thành việc rút quân ra khỏi Trung Quốc và cuộc chiến Quốc - Cộng có nguy cơ bùng lên, gây bất lợi cho Tưởng Giới Thạch. Chính sách của Mỹ ở châu Á lúc này là trọng điểm vào Liên Xô và các lực lượng cộng sản, mà sự lớn mạnh của lực lượng này bất lợi cho việc thực hiện chính sách thực dân mới của Mỹ. Với những vấn đề ưu tiên hàng đầu, Mỹ chưa có điều kiện can thiệp vào chiến tranh Đông Dương, cũng không muốn Pháp sử dụng quân sự một cách đơn thuần để đặt lại ách thống trị ở Đông Dương. Bởi Mỹ cho rằng, điều đó dễ đi đến kích động một cuộc nội chiến sẽ bùng nổ ở Trung Quốc, theo đó sẽ thúc đẩy xu hướng chống thực dân phương Tây trào dâng trở lại ở châu Á. Do đó, Mỹ muốn có một giải pháp chính trị ôn hòa nhằm duy trì vị trí của Pháp và phương Tây ở Đông Dương, tránh một cuộc chiến tranh có nguy cơ lôi kéo Mỹ vào trận trong lúc Mỹ chưa sẵn sàng. Mặt khác, Mỹ không muốn Pháp sa lầy vào chiến tranh Việt Nam, vì điều đó trái với mục đích của Mỹ khi viện trợ cho Pháp là nhằm lôi kéo Pháp làm đồng minh của mình trong việc chống lại chính sách của Liên Xô đối với vấn đề Đức, Đông Âu và Nhật Bản. Chính vì vậy, ngày 17-6-1947, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ gửi thông điệp tới Chính phủ Việt Nam tỏ ý “mong có giải pháp hòa bình cho vấn đề Đông Dương” [45, tr. 102] và Chính phủ Mỹ sẵn sàng làm trung gian giải quyết mâu thuẫn Việt - Pháp. Trước tình hình đó, tháng 12-1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra thông báo nhấn mạnh: Vì nguy cơ Mỹ chưa trực tiếp với ta nên ta vẫn phải lợi dụng triệt để những mâu thuẫn dù nhỏ đến đến mấy, giữa Pháp và Mỹ; về sách lược ta vẫn tuyên bố thân thiện với Mỹ và dùng hội Việt - Mỹ làm vũ khí tuyên truyền quốc tế một phần nào [24, tr. 339]. Như vậy, trên cơ sở đánh giá tổng quan tình hình trong nước và quốc tế, khả năng cũng như xu hướng vận động của các lực lượng, Hồ Chí Minh đã có nhận thức cơ bản về đồng minh chiến lược cũng như đồng minh sách lược của cuộc
  • 24. 19 kháng chiến, từ đó có chủ trương, biện pháp thích hợp để vận động các lực lượng trong cuộc kháng chiến của dân tộc, nhằm mục tiêu độc lập, thống nhất thật sự. Thời điểm những năm đầu kháng chiến, thế giới đang diễn ra sự phân hóa quyết liệt. Các nước đều đang say mê vận động trên trục quay của mình và Việt Nam gần như cô lập trong thế giới đó. Không được Mỹ giúp đỡ, “bị thế giới cộng sản bỏ rơi”, Việt Nam tự mình giải quyết những vấn đề của chính mình. Chính trong thời điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng sáng tạo ra đường lối kháng chiến mới, đảm bảo chắc chắn thắng lợi mà thế giới chưa hề có một tiền lệ nào như thế. Đó là hình thái chiến tranh nhân dân, kết hợp sức mạnh tự lực tự cường của dân tộc với sức mạnh đoàn kết quốc tế mà Hồ Chí Minh là người đề xướng và thực hành, đã thực sự đưa lại sức mạnh ủng hộ to lớn của các lực lượng dân chủ, hòa bình, tiến bộ trên giới đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Sức mạnh đó là chỗ dựa tinh thần của quân và dân ta trong những năm đầu kháng chiến đầy khó khăn, thử thách. 1.2. Hoạt động đối ngoại nhằm nối lại đàm phán hòa bình, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân Pháp Từ tháng 12-1946, bầu không khí ngột ngạt bao trùm khắp Đông Dương. Thực dân phản động Pháp lợi dụng những khoảng trống quyền lực trong chính trường Pháp cố tình gây xung đột, đặt Chính phủ Pháp vào “thế đã rồi” và đổ trách nhiệm cho Chính phủ Việt Nam. Cuộc gây hấn ở Hải Phòng ngày 20-11 được xem là khúc dạo đầu cho các hành động quân sự ngày càng nghiêm trọng hơn do bộ máy chỉ huy dân sự và quân sự Pháp ở Đông Dương trù tính, nhằm đẩy tình thế đến bùng nổ xung đột vũ trang trên diện rộng. Tuy nhiên, điểm thuận lợi cho lúc này là giữa Chính quyền thuộc địa Đông Dương và Chính phủ Pháp chưa hoàn toàn đồng thuận. Một số nhân vật trong Chính phủ Pháp còn có thái độ do dự, chưa muốn dứt khoát đoạn tuyệt với Chính phủ Hồ Chí Minh. Đó là cơ hội tuy mong manh, song chất chứa hy vọng về khả năng hòa bình, chấm dứt xung đột, đổ máu bằng một cuộc đàm phán hòa bình. Cơ hội càng mong manh hơn khi Thủ tướng Ramadier cùng Chính phủ Pháp quyết định chọn con đường chiến tranh như là phương pháp duy nhất giải quyết vấn đề Đông Dương.
  • 25. 20 1.2.1. Những cố gắng nối lại đàm phán với Chính phủ Léon Blum Đứng đầu nước Pháp bấy giờ là Thủ tướng Léon Blum - ứng cử viên của Đảng Xã hội. Ông từng tuyên bố về lập trường khá tích cực đối với vấn đề Đông Dương khi ra tranh cử nhằm tranh thủ lá phiếu của những người cánh tả Pháp: “Chỉ có một cách duy trì nền văn minh Pháp ở Đông Dương là thỏa hiệp thành thật trên lập trường độc lập với nhân dân Đông Dương, quyền định đoạt về vấn đề Việt Nam không phải ở các quân nhân và kiều dân Pháp ở Việt Nam mà phải ở trong tay Chính phủ Pari” [22, tr. 87]. Nhận thấy thiện chí từ những người đứng đầu Chính phủ Pháp, ngày 18-12- 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi một bức điện cho Thủ tướng L.Blum, bày tỏ sự tin tưởng rằng chính sách của ông và Đảng Xã hội sẽ được thực hiện tại Việt Nam là “xuất phát từ sự tôn trọng các hiệp định hợp tác chân thành và thân ái”. Người cũng tin tưởng việc cử một phái đoàn Quốc hội Pháp qua Việt Nam nhằm “mang tình hữu nghị của dân tộc Pháp đến cho dân tộc Việt Nam và để chứng kiến tình hình tại chỗ sẽ đóng góp nhiều vào việc tạo ra bầu không khí tin cậy và hữu nghị” [76, tr. 343]. Trong bầu không khí chính trị căng thẳng của nước Pháp, vấn đề Đông Dương là một trong những vấn đề mà L.Blum ưu tiên quan tâm. Ngày 22-12-1946, Chính phủ đã cử một phái đoàn do Marius Moutet - Bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại và Tướng Leclerc dẫn đầu sang thăm tình hình chiến sự ở Đông Dương. Trước đó, Thủ tướng L.Blum gửi thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh báo trước sự có mặt của phái đoàn này tại Việt Nam với một thái độ đầy thiện chí: “Trong khi Marius Moutet, phái viên của Chính phủ sửa soạn sang Đông Dương nhằm đánh tan những hiểu lầm và tìm cách trở lại trạng thái hòa bình, chúng tôi khẩn thiết yêu cầu Ngài ra lệnh tức khắc để ngăn chặn ngay chiến sự. Chúng tôi mong muốn duy trì hòa bình và thực hiện các hiệp định nếu là một nền hòa bình trung thực. Không thể chấp nhận bất cứ một sự vi phạm nào” [76, tr. 348-349]. Ngày 23-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư trả lời Thủ tướng L.Blum, tường thuật rõ hành động gây chiến trắng trợn của quân Pháp dưới sự điều hành của các nhà chức trách Pháp ở Đông Dương và nêu rõ lập trường của Chính phủ ta là mong muốn duy trì hòa bình và thi hành nghiêm chỉnh các hiệp định đã ký.
  • 26. 21 Những bức điện trao đổi giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh - đại diện cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam và Thủ tướng L.Blum - đại diện cho Chính phủ và nhân dân Pháp, khi qua những trạm trung chuyển đã bị giới quân sự Pháp ở Đông Dương, cụ thể là D’Argenlieu - Cao ủy Pháp và Valluy - Tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương làm cho thất lạc hoặc xuyên tạc nội dung. Sự kiện phái viên của Chính phủ Pháp tới điều tra tình hình về Đông Dương là một trở ngại lớn đối với việc thực hiện âm mưu của giới cầm quyền Pháp ở Đông Dương. Sự cấp thiết phải tạo tập hồ sơ giả tạo về tình hình chính trị Đông Dương để khơi dậy những cuộc tranh luận sắp tới của Quốc hội tại Pari, nhằm đập tan “ảo mộng” đàm phán hòa bình, đẩy xung đột đi đến đỉnh điểm bằng cuộc chiến tranh quân sự theo đúng nghĩa của nó. “Mưu tính, xảo quyệt, ghê rợn” là miêu tả của nhà sử học Pháp Philippe Dellivers dành cho bộ ba “D’Argenlieu - Valluy - Pignon”. Giới cầm quyền Pháp ở Đông Dương càng muốn chiến tranh bao nhiêu, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ ta càng muốn trì hoãn chiến tranh bấy nhiêu. Trong hoàn cảnh thông tin liên lạc hết sức khó khăn, bằng mọi con đường và phương tiện có thể được, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên tiếng tố cáo bọn thực dân hiếu chiến ở Đông Dương, làm cho dư luận thế giới, Chính phủ Pháp và các nước Đồng minh, nhân dân Pháp hiểu rõ thiện chí hòa bình của nhân dân Việt Nam. Sau khi phái đoàn thanh tra của Chính phủ Pháp tới Việt Nam, từ những ngày cuối tháng 12-1946 đến đầu tháng 1-1947, với mong muốn Chính phủ Pháp hiểu tường tận và cụ thể diễn biến chiến sự ở Đông Dương một cách khách quan, Người đã gửi tới phái đoàn Pháp nhiều văn kiện quan trọng. Ngày 1-1-1947, trong Thư gửi Chính phủ và nhân dân Pháp nhân dịp đầu năm mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh nhân dân Việt Nam không chiến đấu chống nước Pháp mới và quốc dân Pháp, mà muốn hợp tác thân ái; nhân dân Việt Nam bắt buộc phải chiến đấu, chống bọn thực dân phản động đang mưu mô xẻ cắt Tổ quốc, đưa Việt Nam vào vòng nô lệ và gieo rắc sự chia rẽ giữa hai dân tộc Việt - Pháp. Người kêu gọi “chấm dứt cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn và năm 1947 mang lại nền hòa bình và tình hữu ái giữa nước Pháp và nước Việt Nam” [65, tr. 3].
  • 27. 22 Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi một thư cho Tướng Leclerc - người mà Hồ Chí Minh biết rõ có thiện chí với Việt Nam. Trong thư, Người nêu lên tính chất chính nghĩa cuộc đấu tranh cũng như lập trường của Chính phủ Việt Nam: “Chúng tôi đã nhất quyết ở trong khối Liên hiệp Pháp, cộng tác thành thật với nước Pháp và tôn trọng quyền lợi kinh tế, văn hóa Pháp trong nước chúng tôi. Nhưng chúng tôi cũng nhất quyết chiến đấu đến cùng cho độc lập và thống nhất quốc gia. Tuy nhiên, một sự hòa bình hợp công lý còn có thể cứu vãn được tình thế. Nước Pháp sẽ không thu lợi được mối lợi gì trong một cuộc chiến tranh thuộc địa” [65, tr. 6]. Người hy vọng, vị tướng già có thể dùng ảnh hưởng của mình để nối lại tình hữu nghị hợp tác giữa hai dân tộc. Tướng Leclerc được cử đến Việt Nam với tư cách là đại diện cá nhân của Thủ tướng Chính phủ với nhiệm vụ thanh tra tại Đông Dương. Ông sẵn sàng đối thoại, nhưng ông không thể chủ động tiếp xúc với Chính phủ Hồ Chí Minh được nếu không có sự đồng ý của Moutet - hiện đang có mặt ở nơi khác. Leclerc sốt ruột: “Phải tìm gặp Hồ Chí Minh... Không thể bỏ lỡ cơ hội. Moutet đang làm gì? Ta chẳng thể làm gì được nếu không có sự đồng ý của ông ta.” [74, tr. 368]. Ngày 3-1-1947, khi nghe tin Bộ trưởng Moutet đến Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một bức thư tỏ ý vui mừng vì sự có mặt của ông ở Hà Nội với tư cách là người đại điện cho nước Pháp mới, sứ giả của hòa bình; đồng thời tỏ ý sẵn sàng đối thoại với vị đại sứ này để “tỏ rõ ý muốn thành thực hòa bình và cộng tác” và để chuyển những đề nghị “về việc lập lại sự giao hảo giữa hai nước” [65, tr. 9]. Cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua Ban Liên lạc Pháp - Việt, đã gửi cho Moutet một gói thư từ gồm một bản giác thư dày về mối quan hệ Việt - Pháp từ tháng 4-1946 cùng 76 văn bản tư liệu và một bức thư viết tay đề nghị: “a. Chấm dứt ngay chiến sự, quân đội hai bên trở về vị trí đã được quy định trong Hiệp định ngày 3-4. Thả hết tù binh. b. Chấm dứt ngay mọi viện quân của Pháp. c. Gặp gỡ ngay giữa Hồ Chí Minh với Marius Moutet để thông qua, trên cơ sở các điều khoản của Hiệp định 6-3, một dự thảo chi tiết của một hiệp ước vĩnh viễn.
  • 28. 23 d. Dự án thông qua rồi thì họp hội nghị tại Pari để dự thảo hiệp ước chính thức” [74, tr. 373]. Rất tiếc, những cố gắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều không được đáp lại. Bộ ba “D’Argenlieu - Valluy - Pignon” một lần nữa, bằng những thủ đoạn tinh xảo đã qua mặt phái đoàn thanh tra do Chính phủ Pháp cử tới. Trước khi phái đoàn tới Hà Nội, ngày 1-1-1947, D’Argenlieu đã gửi tới Moutet bức điện lưu ý Moutet về “tính chất đặc biệt nghiêm trọng cho tình hình đang diễn biến ở Đông Dương của những cuộc tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với bất cứ một đại diện nào của Chính phủ Hà Nội” và nhấn mạnh “đáp lại lời kêu gọi ấy, câu trả lời tốt nhất là sự im lặng” [74, tr. 370]. Tiếp theo lời cảnh báo riêng này, D’Argenlieu đã thực hiện một cuộc vận động “trực tiếp”, thể hiện thái độ của giới quân sự Pháp đối với quyết định thanh tra của Chính phủ. Một bức điện do Hãng Truyền thông Pháp (AFP) phát đi nhấn mạnh: “Nếu phái đoàn Moutet thăm Hà Nội, cũng chỉ là trong khuôn khổ một cuộc điều tra chứ không phải là bất chấp những lời cầu mong đăng trên một số báo Sài Gòn, để có những cuộc tiếp xúc tại Hà Nội, càng không phải đi mở những cuộc điều đình với Chính phủ Hồ Chí Minh” [74, tr. 370]. Ngày 2-1-1947, Moutet đến Hà Nội. Chặng dừng chân của ông ở Hà Nội chỉ vẻn vẹn 30 tiếng đồng hồ, rồi sau đó bay từng chặng trở vào Sài Gòn; bởi ông cho rằng “có ở lâu thêm ngày hơn nữa, tôi cũng chẳng biết thêm được gì hơn. Cái âm mưu đó dự định trước đã quá rõ ràng” [74, tr. 372]. Moutet đã không biết rằng, trong suốt thời gian ông ở Hà Nội, cơ quan tình báo của D’Argenlieu bằng mọi biện pháp đã chiếm đoạt mọi công văn, thư từ của Chính phủ Hồ Chí Minh gửi cho ông với thái độ hữu nghị, hợp tác. Vở kịch do D’Argenlieu dàn dựng thành công rực rỡ. Vị đô đốc này xứng đáng là người đạo diễn tài ba. Mọi diễn biến đều theo đúng ý đồ của ông ta. Bức thư D’Argenlieu gửi cho De Gaulle ngày 14-1-1947 đã thổ lộ điều này: “Nhờ ơn chúa, Moutet đã không có một cuộc tiếp xúc cá nhân nào với nhóm ông Hồ Chí Minh... Tất cả đã mở ra cho nước Pháp một thuận lợi vô song trong hành động
  • 29. 24 nhằm tiếp tục và hoàn thành một cách xứng đáng sứ mệnh của nó tại Đông Dương” [74, tr. 376]. Moutet rời Hà Nội trong tâm trạng mất lòng tin và sự hoài nghi tuyệt đối vào lòng chân thành của Chính phủ Hồ Chí Minh. Ngày 6-1-1947, sau khi trở lại Sài Gòn, Moutet đã tuyên bố với giới báo chí những lời tuyên bố “vỡ mộng”: “Cảm tưởng của tôi đối với Hà Nội là hoàn toàn bi đát. Tôi đã tự mình tìm hiểu lấy tình hình. Tôi khẳng định với các ông rằng tôi đã có bằng chứng tuyệt đối về cái âm mưu định trước của Việt Nam trong cuộc tiến công được chuẩn bị lâu ngày”. Cuối cùng, vị Bộ trưởng đã có quyết định của mình: “Về Pari, tôi sẽ bênh vực cho Bộ Chỉ huy và các nhà chức trách, những người đã theo đúng chỉ thị của Chính phủ, đợi đến giới hạn cuối cùng mới chịu can thiệp” [74, tr. 373-374]. Trong suốt thời gian phái viên của Chính phủ Pháp ở Việt Nam, đã không có một cuộc gặp gỡ chính thức nào giữa hai bên để làm rõ tình hình chiến sự. Biết rõ bọn phản động Pháp ở Đông Dương giở trò “mưu ma chước quỷ” và phái đoàn trở về nước với nhận định sai lầm về tình hình Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa gửi thư cho Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp tiếp tục khẳng định lập trường, nguyện vọng của Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Trong Thư gửi Chính phủ, Quốc hội và nhân dân Pháp, ngày 7-1-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ lập trường của Việt Nam trong việc chấm dứt xung đột: “Muốn lập lại hòa bình, chỉ cần: a) Trở lại tình trạng trước ngày 20-11 và 17-12-1946, đình chỉ ngay và đình chỉ thực sự những cuộc xung đột trong toàn cõi Việt Nam (Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Trung Kỳ). b) Làm xúc tiến ngay công việc của các Ủy ban đã dự định đặt ra để thi hành Tạm ước 14-9-1946; các Ủy ban này phải họp ở Sài Gòn và Hà Nội, nhưng không ở Đà Lạt. c) Tiếp xúc ngay những cuộc điều đình Phôngtennơblô để giải quyết một cách vĩnh cửu vấn đề giao thiệp giữa hai nước Pháp, Việt” [65, tr. 12]. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc lại các vấn đề mà dư luận Pháp quan tâm về quan hệ Việt - Pháp và khẳng định rằng: “Chính phủ và nhân dân
  • 30. 25 Pháp chỉ cần có một cử chỉ công nhận độc lập và thống nhất của nước Việt Nam là chấm dứt được những tai biến này; hòa bình và trật tự sẽ được trở lại ngay tức khắc. Dân tộc Việt Nam đang chờ đợi cử chỉ đó” [65, tr. 12]. Trong Lời kêu gọi Chính phủ và nhân dân Pháp, ngày 10-1-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh bên cạnh việc phê phán “Bộ trưởng Moutet trở về với những nhận định sai lầm về tình hình Việt Nam” [65, tr. 18], Người một lần nữa khẳng định mong muốn hòa bình của Việt Nam để “máu người Pháp và người Việt ngừng chảy”. Cuối thư, Người nhấn mạnh: “Chúng tôi mong đợi Chính phủ và nhân dân Pháp một cử chỉ mang lại hòa bình. Nếu không, chúng tôi bắt buộc phải chiến đấu đến cùng để giải phóng hoàn toàn đất nước. Nước Việt Nam có thể bị tàn phá, nhưng nước Việt Nam sẽ lại hùng mạnh hơn sau cuộc tàn phá đó. Còn nước nước Pháp chắc chắn sẽ mất hết và sẽ biến hẳn khỏi cõi Á châu” [65, tr. 19]. Chính phủ Pháp đã không có “điều kiện” quan tâm tới “tấm lòng chân thật” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi chính trường Pháp lúc này lại tiếp tục có sự thay đổi lớn. 1.2.2. Âm mưu của thực dân Pháp và những nỗ lực cuối cùng của Chính phủ Hồ Chí Minh nhằm cứu vãn nền hòa bình Ngày 16-1-1947, Vincent Auriol, Chủ tịch Quốc hội được bầu làm Tổng thống nước Pháp. Chính phủ Blum từ chức. Nước Pháp bước vào nền Cộng hòa thứ tư. Một tuần sau, Chính phủ của nền Đệ tứ Cộng hòa được thành lập do Paul Ramadier làm Thủ tướng. Nền Cộng hòa mới thừa kế của Chính phủ lâm thời nước Cộng hòa Pháp một món gia tài: Cuộc chiến tranh Đông Dương. Ngày 21-1-1947, Ramadier - Thủ tướng mới nhận chức ra bản tuyên bố lập lờ về vấn đề Đông Dương: “Cuộc chiến tranh này, người ta đã áp đặt cho chúng tôi, chúng tôi không muốn nó trước đây, không muốn nó hôm nay. Chúng tôi đã làm tất cả, nhượng bộ tất cả những hợp lý. Chúng tôi biết nó sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Chúng tôi sẽ chấm dứt nó ngay khi nào trật tự an ninh được đảm bảo” [74, tr. 397]. Ngày 23-1-1947, M.Moutet - Bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại chỉ thị cho D’Argenlieu “không được quyết định gì trước khi chính phủ mới cho phương hướng” [74, tr. 398]. Nhưng D’Argenlieu đã làm ngơ trước những chỉ thị của
  • 31. 26 Chính phủ, tự ý đẩy mạnh chiến tranh xâm lược. Cùng với các hoạt động quân sự, ngày 1-2-1947, D’Argenlieu đã ban hành một quyết định Liên bang nới rộng rất nhiều với những quyền hạn của Chính phủ Lê Văn Hoạch và thừa nhận nước Cộng hòa tự trị Nam Kỳ như “Quốc gia tự do trong khuôn khổ Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp”. Tiếp đó, ngày 4-2-1947, D’Argenlieu gửi một bức điện cho Chính phủ Pháp yêu cầu câu trả lời của Chính phủ về tuyên bố này và đòi hỏi sự khẳng định của Chính phủ là không điều đình với Chính phủ Hồ Chí Minh nữa. Ngày 10-2-1947, Valluy - Tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương tiếp tục gây sức ép với Chính phủ Pháp. Chủ trương của ông ta là phải duy trì được quân số mức 115.000 người, trước tiên là bình định Nam Kỳ, sau rồi mở cuộc tấn công quy mô vào Bắc Kỳ kéo dài cho đến mùa xuân năm 1948. Valluy nhấn mạnh: “Khi đó và chỉ đến khi đó thôi, thì mới đúng lúc để mở cuộc điều đình” [74, tr. 402]. Ngày 12-2-1947, D’Argenlieu lại đề nghị Chính phủ Pháp cho phép thực hiện cuộc hành quân bắt sống “Chính phủ Việt Minh” mà người ta đã phát hiện được nơi ẩn nấp. Moutet phản ứng một cách gay gắt khi nghe kế hoạch này. Ông nói: Chính phủ Pháp không hành động theo kiểu bọn cướp đường, bọn gangsters. Thực ra, Chính phủ Pháp lúc này còn đang lúng túng chưa biết chọn con đường chính trị nào. Thủ tướng Ramadier vẫn giữ thái độ lập lờ, không từ chối mọi ý định nối lại đàm phán, cũng chẳng hứa hẹn điều gì. Ông đang đợi từ “nhân dân An Nam” xuất hiện “những phần tử tiêu biểu” mà ông có thể ngồi lại điều đình. Thấy rõ Chính phủ Pháp còn đang lúng túng chưa quyết định được chính sách đối với vấn đề Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục tiến hành một chiến dịch vận động hướng vào dư luận và chính giới Pháp. Liên tục trong các ngày 18, 25 tháng 1, 18 tháng 2 và 5, 8 tháng 3, Người đã gửi những bức điện, thư tới Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Pháp. Người kêu gọi chính giới Pháp hãy có biện pháp ngăn chặn các nhà đương cục ở Đông Dương chấm dứt các hành động chiến tranh, nối lại đàm phán hòa bình để giải quyết quan hệ Việt - Pháp. Trong các ngày 18-1, 25-1, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tới Tổng thống Pháp, Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp những thông điệp hòa bình. Người nhấn mạnh: “Chính sách “phản bội các thoả hiệp”, chính sách “việc đã rồi” và chính sách vũ lực
  • 32. 27 mà giới cầm quyền Pháp ở Đông Dương áp dụng từ trước đến nay, đã bó buộc dân tộc Việt Nam phải võ trang tự vệ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong ước hoà bình, một nền hòa bình hợp công lý và xứng đáng đối với nước Pháp cũng như đối với nước Việt Nam”[65, tr. 32-33]. Người đề nghị Chính phủ Pháp đình chỉ ngay cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này và tin rằng dù có nhiều sự khó khăn song vẫn có thể giải quyết cơn khủng hoảng một cách hoà bình, hợp đạo lý và công bằng. Nhân dịp Quốc hội Pháp sắp thảo luận về vấn đề Việt Nam, ngày 5-3-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi Quốc hội và nhân dân Pháp làm rõ sự thật về vấn đề Việt Nam, vì “những người đại diện Pháp ở Đông Dương sẽ tìm cách trình bày các sự việc xảy ra theo lối riêng của họ để làm sai lạc dư luận và tránh trách nhiệm” [65, tr. 82]. Trong thư, Người nêu một cách rõ ràng sự thật diễn biến tình hình ở Việt Nam, nguyên nhân của cuộc chiến tranh Việt - Pháp, vạch rõ thủ đoạn của các nhà cầm quyền Pháp ở Việt Nam, hiện trạng xung đột đang diễn ra dẫn tới nguy cơ một cuộc chiến tranh kéo dài, hao người tốn của. Người nhấn mạnh: “Chiến tranh không nên kéo dài nữa. Chiến tranh không đưa đến đâu cả. Chúng tôi sẵn sàng lập lại hoà bình. Chỉ cần Quốc hội và nhân dân Pháp có một cử chỉ thân thiện” [65, tr. 84]. Ngày 5-3-1947, Chính phủ Pháp đã quyết định cử E.Bollaert - một nghị sĩ xã hội cấp tiến, cựu Ủy viên Hội đồng kháng chiến dân tộc làm Cao ủy Pháp tại Đông Dương thay cho D’Argenlieu vì cho rằng, “ông đô đốc không còn đủ tư cách để lãnh đạo chính sách hợp tác với các nước Đông Dương” [74, tr. 405]. Với việc chỉ định Bollaert, Tổng thống Auriol và Cựu Thủ tướng L.Blum hy vọng rằng “những cuộc đàm phán với ông Hồ Chí Minh có thể sẽ được nối lại” [65, 405]. Nhưng họ đã lầm. Bollaert sang Đông Dương không phải để cứu vãn hòa bình mà đưa nền hòa bình mong manh đến chỗ diệt vong. Một mưu đồ mới đã được dự tính trong giới cầm quyền Pháp. Ngày 1-4-1947, Bollaert đến Sài Gòn. Nhân cơ hội đó, ngày 19-4-1947, Chính phủ Việt Nam gửi công hàm cho Chính phủ Pháp, một lần nữa kêu gọi Chính phủ Pháp trên cơ sở lợi ích của cả hai dân tộc Việt - Pháp mà nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Chính phủ Việt Nam hy vọng với “việc bổ nhiệm ông Cao ủy mới của Pháp tại Đông Dương, Chính phủ
  • 33. 28 Pháp dường như tỏ ra có ý muốn hướng chính sách của mình đối với dân tộc Việt Nam vào một con đường mới, xứng đáng với nước Pháp mới”, góp phần cải thiện tình hình Đông Dương theo hướng tích cực hơn bằng cuộc đàm phán nhằm đi đến một giải pháp hòa bình cho xung đột [74, tr. 408-409]. Nhưng Ramadier đã tìm cách che giấu bản đề nghị này, không chỉ trước công chúng mà ngay cả đối với những vị bộ trưởng cộng sản trong Chính phủ của ông. Ramadier đồng ý cho Cao ủy mới Bollaert và tướng Valluy đặt ra những điều kiện ngưng chiến hết sức hà khắc mà ông biết chắc chắn rằng Chính phủ Hồ Chí Minh không bao giờ đồng ý. Ngày 11-5-1947, Cao ủy Bollaert cử Paul Mus đến gặp đại diện Chính phủ ta ở Thái Nguyên là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Hoàng Minh Giám, đưa ra những điều kiện theo đúng những gì được chỉ thị. Những điều kiện để Pháp công nhận Việt Nam độc lập và thống nhất, đó là: 1. Nộp vũ khí cho quân đội Pháp; 2. Để quân Pháp đi lại và đóng quân tự do khắp nơi trên đất nước Việt Nam, quân đội Việt Nam tập kết tại một số địa điểm do quân đội Pháp quy định; 3. Giao trả lính Pháp hay lính lê dương đảo ngũ chạy qua phía Việt Nam và những người nước ngoài khác phục vụ trong quân đội Việt Nam; 4. Thả những người Pháp và người Việt Nam thân Pháp do Chính phủ Việt Nam giữ; 5. Không có những hành động trả thù đối với những người thân Pháp. Như vậy, nhiệm vụ thăm dò của giáo sư Paul Mus biến thành một việc trao đổi tối hậu thư, để rồi nhận được câu trả lời lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trong khối Liên hiệp Pháp, không có chỗ cho những kẻ hèn nhát. Tôi sẽ là một kẻ hèn nhát, nếu tôi chấp nhận” [48, tr. 146]. Ngày 25-5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho nhân dân Pháp, vạch rõ bọn thực dân Pháp mù quáng trước thế mạnh tạm thời, đã đưa ra những điều kiện vô lý và nhục nhã để cho hai dân tộc không thể thân thiện với nhau được. Người vạch rõ thực chất ý đồ của thế lực thực dân hiếu chiến Pháp là muốn tiếp tục chiến tranh và cảnh báo “máu người Pháp và người Việt sẽ đổ thêm nữa, khối Liên hiệp Pháp sẽ bị tiêu tan”. Người khẳng định ý chí của nhân dân Việt Nam quyết đấu tranh đến cùng, “thà chết không làm nô lệ” và kêu gọi: “Các bạn hãy giúp chúng
  • 34. 29 tôi cứu lấy tính mạng của bao nhiêu thanh niên Pháp và Việt, cứu lấy tình thân thiện giữa hai dân tộc và cứu lấy khối Liên hiệp Pháp” [65, tr. 129]. Cuộc gặp gỡ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại diện Paul Mus là cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên và cuối cùng giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp cho đến Hội nghị Giơnevơ năm 1954. Tháng 6-1947, tướng R.Salan (Xalăng), người mà Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ nhiều lần trong thời gian ở Pari, được cử trở lại Đông Dương phục vụ trong quân đội viễn chinh. Người viết thư thăm hỏi, phân tích thiệt hơn về cuộc chiến tranh đang diễn ra, nhờ chuyển thư cho ông L.Blum. Trong bức thư này, Người nêu rõ nguyên nhân của cuộc chiến tranh, những thiệt hại đối với quyền lợi kinh tế của Pháp trong ba năm chiến tranh và đề nghị ông L.Blum cố gắng phấn đấu cho chính sách mà ông ta tuyên bố ngày 12-12-1946 là “hữu nghị và tin tưởng lẫn nhau, dựa trên sự thống nhất và độc lập của Việt Nam trong Liên hiệp Pháp” [65, tr. 146]. Cũng trong tháng 8-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua ông Gilbert, Đại sứ Pháp tại Bangkok đã chuyển tới Tổng thống Pháp bức công hàm với những đề nghị nghiêm túc và nhất quán của Chính phủ Việt Nam. Tiếc rằng bức công hàm đã bị giấu đi và không đến tay Tổng thổng nước Cộng hòa Pháp, đúng vào thời điểm quyết định Chính phủ phải lựa chọn quay trở lại Đông Dương bằng con đường nào! Chính phủ Pháp nghiêng hẳn về tả, thực dân Pháp ở Đông Dương lựa chọn con đường gây ra chiến tranh để kết thúc chiến tranh. Ngày 10-9-1947, tại thị xã Hà Đông, Cao ủy Bollaert đọc một bài diễn văn mà nội dung cơ bản là không công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh và lộ rõ ý đồ xúc tiến chính sách “dùng người Việt đánh người Việt”. Ngày 19-9-1947, Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám gửi điện cho Cao ủy Bollaert bác bỏ lập trường thực dân của Pháp và nhắc lại lập trường đấu tranh cho độc lập, thống nhất và sự hợp tác anh em với nhân dân Pháp. Một lần nữa, Chính phủ ta đề nghị với Chính phủ Pháp lập tức đình chỉ chiến sự và mở cuộc đàm phán hòa bình nhằm giải quyết vấn đề xung đột. Ngày 23-9-1947, trong một bức thư gửi nhân dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí
  • 35. 30 Minh đã vạch rõ lập trường phản động trong bài diễn văn của Bollaert là không chịu công nhận độc lập, thống nhất của Việt Nam, âm mưu gây nội chiến bằng cách lập chính phủ bù nhìn chống lại chính phủ nhân dân chân chính do Quốc hội bầu ra một cách hợp pháp. Đồng thời, Người kêu gọi xây dựng hợp tác anh em trong hòa bình giữa nhân dân hai nước Pháp và Việt Nam trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, bình đẳng và tự do. Nhưng mọi cố gắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ ta không được đáp lại. Ngày 7-10-1947, thực dân Pháp mở Chiến dịch thu đông với lực lượng quân sự quy mô lên tới 20.000 quân, tiến công vào căn cứ địa Việt Bắc. Mục đích của chúng là bắt sống cơ quan đầu não kháng chiến, phá tan căn cứ địa cách mạng, tiêu diệt quân chủ lực. Chúng hy vọng dùng thắng lợi quân sự này nhanh chóng kết thúc chiến tranh, đặt ách thống trị thực dân ở Việt Nam. Cùng với hoạt động quân sự quyết liệt, thực dân Pháp nhanh chóng dựng lên chính quyền bù nhìn. Ngày 6 và ngày 7-12-1947, Bollaert gặp Bảo Đại tại Vịnh Hạ Long và ký kết văn kiện ghi nhận bước đầu tiên Bảo Đại quay lại làm tay sai cho Pháp. Ngày 23-12-1947, Chính phủ Pháp tuyên bố trao cho Cao ủy Pháp ở Đông Dương “quyền thương lượng cần thiết để lập lại hòa bình nhưng không phải với Chính phủ Hồ Chí Minh” [48, tr. 148]. Những hành động trên cùng với cuộc tiến công quân sự đã đóng mọi cánh cửa đi đến kết thúc chiến tranh bằng cuộc đàm phán hòa bình. Với thái độ dứt khoát, thực dân Pháp đã bắt đầu một cuộc chiến tranh thật sự, gây ra những thiệt hại thật sự to lớn đối với cả hai dân tộc Việt - Pháp. Cùng với việc đấu tranh quân sự với Pháp, trong những năm 1948-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chú trọng triển khai các hoạt động nhằm tranh thủ và vận động dư luận Pháp. Người nhiều lần gửi thư và thông điệp tới nhân dân Pháp khẳng định rõ lập trường của Chính phủ Việt Nam đối với các vấn đề có liên quan đến xung đột Việt - Pháp và kêu gọi nhân dân Pháp có hành động đòi Chính phủ Pháp chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược vô nghĩa này. Khi trả lời các phóng viên nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nhằm làm cho dư luận thế giới hiểu thêm về cuộc chiến tranh Đông Dương, khẳng định chủ trương của Việt Nam là luôn muốn hợp
  • 36. 31 tác với Pháp. Trả lời phỏng vấn của báo Tribune (4-1949), Người nói rõ: “Việt Nam sẵn sàng cộng tác thân thiện với nhân dân Pháp. Những người Pháp tư bản hay công nhân, thương gia hay trí thức, nếu họ muốn thật thà cộng tác với Việt Nam thì sẽ được nhân dân Việt Nam hoàn nghênh họ như anh em bầu bạn” [65, tr. 587]. 1.2.3. Phản ứng ban đầu của dư luận Pháp đối với chiến tranh Đông Dương Cùng với việc vận động Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng phối hợp với Đảng Cộng sản Pháp - một đảng tiên tiến của nước Pháp lúc bấy giờ trong đấu tranh chống thực dân Pháp ở Đông Dương. Chuyến đi Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 đã tạo tiền đề cho mối quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân Pháp và nhân dân Việt Nam, khơi thông mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Pháp và Đảng Cộng sản Đông Dương sau một thời gian gián đoạn do Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong chuyến đi thăm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ những đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp vốn là những người bạn chiến đấu thân thiết của Người như đồng chí M.Thorez (M.Tôrê), J.Duclos (J.Đuyclô)... Người nói rõ với các đồng chí Pháp về lập trường của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chính phủ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do; Người đề nghị Đảng Cộng sản Pháp hãy đi tiên phong trong cuộc đấu tranh của nhân dân Pháp chống bọn thực dân phản động - những kẻ đang phá hoại tình hữu nghị Pháp - Việt. Lúc này, Đảng Cộng sản Pháp đã giành được nhiều thắng lợi trong cuộc đấu tranh nghị trường và có đại diện trong Chính phủ. Khi chiến tranh Pháp - Việt nổ ra ở Đông Dương, tuy giữa hai Đảng chưa có liên lạc chính thức với nhau nhưng ngay từ đầu, Đảng Cộng sản Pháp là đảng duy nhất đứng lên chống lại chiến tranh xâm lược Đông Dương. Đảng Cộng sản Pháp nhận thức và nêu rõ nguy cơ Mỹ can thiệp vào chiến tranh Đông Dương và biến Pháp thành phụ thuộc. Phải chấm dứt chiến tranh, cứu vãn hòa bình khi còn có thể, Nghị quyết ngày 19-3-1947 của Đảng Cộng sản Pháp nêu rõ: “Sự phát triển của chiến tranh Đông Dương sẽ dẫn đến việc Pháp xin viện trợ tài chính và quân sự của nước ngoài; điều đó có nghĩa là làm thương tổn đến độc lập dân tộc của chúng ta” [123, tr. 46]. Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng
  • 37. 32 sản Pháp một lần nữa nhấn mạnh đến sự cần thiết tuyệt đối phải chấm dứt xung đột ở Đông Dương, nối lại đàm phán hòa bình với Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở Hiệp định ngày 6-3-1946, tôn trọng độc lập và thống nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với tư cách là đảng tham chính, các đảng viên hiện giữ những chức vụ chủ chốt trong chính quyền đã liên tục đấu tranh cho đến khi bị gạt ra khỏi Chính phủ vào đầu tháng 5-1947. Đảng Xã hội cùng với các lực lượng tiến bộ trong nhân dân Pháp cũng lên tiếng đòi Chính phủ phải tôn trọng Hiến pháp của nước Pháp, chống kiểu đô hộ theo phương thức thực dân cũ, đòi để người Việt Nam tự định đoạt những vấn đề chính trị của mình, kể cả vấn đề độc lập và thống nhất trong khối Liên hiệp Pháp. Những cuộc biểu tình đường phố đầu tiên diễn ra trong các ngày 9-2, 25-3 và 1-5 năm 1947 với khẩu hiệu “Hòa bình ở Việt Nam”, đòi chấm dứt chiến tranh xung đột. Tuy nhiên, trong những năm đầu chiến tranh (1947-1948), đối với đại đa số người Pháp, vấn đề Việt Nam không phải là mối quan tâm hàng đầu. Nhân dân Pháp lúc này vẫn có ý nghĩ cho rằng thực dân là có lợi, rằng sự có mặt của người Pháp và quân đội viễn chinh Pháp ở Viễn Đông chủ yếu là để “khai hóa” mặc dầu còn nhiều khiếm khuyết không thể tránh khỏi. Hơn nữa, một trận chiến ở tận bên kia thế giới, trong đó quân đội viễn chinh vẫn làm chủ tình thế không phải là cái gì quá chấn động dư luận Pháp. Từ năm 1948 trở đi, kể từ sau chiến thắng Việt Bắc, quân và dân Việt Nam bắt đầu có những cuộc tiến công quy mô, làm cho đội quân viễn chinh Pháp gặp phải những thất bại ban đầu. Trước tình hình đó, Đảng Cộng sản Pháp một lần nữa đứng đầu lãnh đạo phong trào phản chiến đang nổi lên mạnh mẽ ở nước Pháp. Tháng 4-1949, Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp ra quyết nghị đẩy mạnh phong trào của nhân dân Pháp đòi Chính phủ Pháp phải đình chỉ ngay lập tức cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam bằng cách đàm phán với Chính phủ Hồ Chí Minh, chấm dứt trò thề bù nhìn ở Việt Nam. Tháng 9-1949, Tạp chí Đảng Cộng sản Pháp số ra tháng 9-1949 có đăng bài của đồng chí Jean Guillan viết: “Cuộc chiến đấu cho hòa bình ở Việt Nam không thể đứng ở giai đoạn tuyên truyền cổ động, toàn Đảng phải được động viên để lãnh
  • 38. 33 đạo và tổ chức những hành động cụ thể cho việc thiết lập hòa bình ở Việt Nam. Cần phải cho toàn Đảng thấy rằng, cuộc đấu tranh cho hòa bình ở Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong cuộc đấu tranh của chúng ta” [46, tr. 403]. Tháng 12-1949, Trung ương Đảng Cộng sản Pháp ra lời kêu gọi toàn Đảng hoạt động mạnh mẽ hơn nữa để đẩy cuộc đấu tranh chống chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Đông Dương. Từ năm 1949, phong trào phản chiến ngày càng lên cao, tác động vào nội bộ nước Pháp, thu hút ngày càng nhiều các tầng lớp nhân dân, công nhân, thanh niên, trí thức tiến bộ với nhiều hình thức đấu tranh phong phú, anh dũng, cảm động vì nghĩa tình gắn bó với Việt Nam. 1.3. Hoạt động đối ngoại tăng cường quan hệ quốc tế, phá thế bao vây Trong điều kiện cuộc kháng chiến của nhân dân ta hầu như chưa liên hệ được với thế giới bên ngoài, ngay từ đầu, cùng với các hoạt động ngoại giao cố gắng nối lại đàm phán với Chính phủ Pháp, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân tiến bộ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng chú trọng triển khai các hoạt động quốc tế để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta. 1.3.1. Khẳng định tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân thế giới Lúc này, cách mạng Trung Quốc chưa thành công. Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân khác ở xa. Ngay từ đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng xác định chỗ dựa chủ yếu của ta là các lực lượng đấu tranh giải phóng dân tộc Á - Phi, đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Á và Nam Á. Ở khu vực này, nhiều nước đã thoát khỏi ách thống trị thực dân và lãnh tụ của họ có cảm tình với ta như Nehru (Ấn Độ), Aung San (Miến Điện)... Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ngày 13-1-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư đến các lãnh tụ và nhân dân các nước trên thế giới. Trong thư, Người vạch trần tội ác xâm lược và phá hoại hòa bình của thực dân Pháp, nêu lên tính chính nghĩa cuộc đấu tranh của nhân dân ta và khẳng định: “Việt Nam chỉ muốn hòa bình và độc lập, để cộng tác thân thiện với các dân tộc trên thế giới, trước là
  • 39. 34 với dân tộc anh em Á Đông và dân tộc Pháp. Việt Nam chỉ giữ gìn chủ quyền, độc lập của mình, chứ không hề xâm phạm đến ai” [65, tr. 22]. Người cũng nêu rõ mối quan hệ khăng khít giữa cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và phong trào đấu tranh vì hòa bình dân chủ của nhân dân thế giới, trước hết là nhân dân châu Á, đồng thời, Người kêu gọi: “Vì nhân đạo, vì chính nghĩa, vì hòa bình chung và lợi ích chung, nhân dân Việt Nam mong các vị giúp đỡ mọi phương diện” [65, tr. 23]. Ngày 15-1-1947, nhân dịp ngày độc lập của Miến Điện, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt nhân dân Việt Nam và nhân danh cá nhân gửi thư tới chúc mừng nhân dân Miến Điện. Trong thư, Người cũng cảm ơn các vị lãnh tụ châu Á đã tỏ cảm tình với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Người một lần nữa nêu lên mối quan hệ mật thiết giữa vận mệnh các dân tộc châu Á với vận mệnh dân tộc Việt Nam và mong được tất cả các nước giúp đỡ. Ngày 27-1-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bức điện cá nhân đến ông Aung San - Phó Chủ tịch Chính phủ Miến Điện, các vị chính khách Ấn Độ - ông Nêru, Phó Chủ tịch Chính phủ lâm thời Ấn Độ, Sara Săngđra Bôdơ, Bộ trưởng Bộ Công chính Ấn Độ, Cripalani, Chủ tịch Quốc hội Ấn Độ và Ginna, lãnh tụ Đảng Hồi giáo Ấn Độ tỏ lòng cảm động trước những cảm tình mật thiết của họ đối với dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp. Ngày 29-1-1947, nhân ngày Độc lập của Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện chúc mừng tới ông Nêru - Phó Chủ tịch Chính phủ lâm thời Ấn Độ, tỏ rõ “sự hân hoan với dân tộc Ấn Độ, và rất tin cậy vào sự thắng lợi của các dân tộc Á châu trong cuộc đấu tranh cho tự do và tiến bộ” [65, tr. 39]. Ngày 22-3-1947, Hội nghị đoàn kết đấu tranh cho độc lập dân tộc của các nước châu Á họp ở New Delhi (Ấn Độ). Mục tiêu của hội nghị là thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau hơn nữa giữa các quốc gia dân tộc châu Á, khuyến khích sự phát triển văn hóa, kinh tế và giúp các dân tộc bị áp bức giành được tự do, thoát khỏi ách đô hộ ngoại bang. Nhân cơ hội, Chính phủ Hồ Chí Minh gửi phái đoàn tới tham dự Hội nghị do giáo sư Trần Văn Giàu làm trưởng đoàn. Phái đoàn Lê Ngọc Châu - đại điện của Chính phủ bù nhìn Lê Văn Hoạch cũng đến tham dự.