SlideShare a Scribd company logo
1 of 172
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
HÀ THỊ THUỲ DƯƠNG
ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA TÂM LÝ TIỂU NÔNG
ĐẾN THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ VIỆT NAM
HIỆN NAY
LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC
CHUYÊN NGÀNH CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG
VÀ CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ
HÀ NỘI - 2019
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
HÀ THỊ THUỲ DƯƠNG
ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA TÂM LÝ TIỂU NÔNG
ĐẾN THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ VIỆT NAM
HIỆN NAY
LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC
CHUYÊN NGÀNH CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG
VÀ CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ
Mã số: 62.22.03.02
Người hướng dẫn khoa học: 1. GS, TS. Lê Hữu Nghĩa
2. TS. Trần Sỹ Dương
HÀ NỘI - 2019
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi.
Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực, có nguồn
gốc rõ ràng và được trích dẫn đầy đủ theo quy định.
Tác giả
Hà Thị Thùy Dương
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN
ĐẾN ĐỀ TÀI ............................................................................................6
1.1. Những công trình nghiên cứu về dân chủ ở cơ sở, về tâm lý tiểu nông
trên phương diện lý luận.....................................................................................6
1.2. Những công trình nghiên cứu về thực trạng ảnh hưởng tiêu cực của tâm
lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Việt Nam hiện nay .................16
1.3. Những công trình nghiên cứu về giải pháp để hạn chế những ảnh hưởng
tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở nước ta
hiện nay ............................................................................................................23
1.4. Những giá trị của các công trình được tổng quan và những vấn đề cần
đặt ra cho tác giả luận án cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết..........................29
CHƯƠNG 2: TÂM LÝ TIỂU NÔNG VÀ THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ
- MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN.............................................................33
2.1. Một số vấn đề lý luận về tâm lý tiểu nông.........................................................33
2.2. Một số vấn đề lý luận về thực hiện dân chủ ở cơ sở Việt Nam hiện nay .........50
2.3. Phương thức tác động và sự cần thiết phải hạn chế những ảnh hưởng tiêu
cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở..................................64
CHƯƠNG 3: ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA TÂM LÝ TIỂU NÔNG ĐẾN
THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ VIỆT NAM HIỆN NAY -
THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN...................................................79
3.1. Thực trạng ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân
chủ ở cơ sở Việt Nam hiện nay ........................................................................79
3.2. Nguyên nhân của thực trạng ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông
đến thực hiện dân chủ ở cơ sở........................................................................103
CHƯƠNG 4: MỘT SỐ GIẢI PHÁP HẠN CHẾ ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC
CỦA TÂM LÝ TIỂU NÔNG ĐỐI VỚI VIỆC THỰC HIỆN DÂN
CHỦ Ở CƠ SỞ VIỆT NAM HIỆN NAY..............................................114
4.1. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát
triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - cơ sở vật chất để
hạn chế, xoá bỏ những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông ....................114
4.2. Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao trình độ,
nhận thức, văn hóa của nhân dân....................................................................122
4.3. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó có
pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn ..................................133
4.4. Hoàn thiện công tác cán bộ nhằm đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức ở
cơ sở có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất......................................................139
KẾT LUẬN............................................................................................................150
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN
QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI ĐÃ CÔNG BỐ ..................................................................152
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.............................................................153
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng ta, dân chủ đã được xác
định là một trong hệ mục tiêu của công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở
nước ta. Đến đại hội lần thứ XI, hệ mục tiêu đổi mới của Việt Nam được Đảng ta
xác định là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, như vậy dân chủ
đã được đặt lên trước mục tiêu công bằng. Điều này thể hiện sự phát triển nhận thức
của Đảng về dân chủ, dân chủ là mục tiêu, là yếu tố thể hiện bản chất của chế độ xã
hội chủ nghĩa ở nước ta. Cùng với đó, dân chủ còn được xác định là động lực của
công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, dân chủ có trở thành động lực thực sự cho sự phát
triển đất nước hay không, bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, là chế độ
của dân, do dân và vì dân có được thể hiện hay không tùy thuộc vào mức độ dân
chủ hóa, mức độ thực hành dân chủ trong đời sống xã hội. Trong đó, việc thực hiện
dân chủ ở cơ sở là một nội dung quan trọng và đòi hỏi cấp bách nhất trong quá trình
dân chủ hóa, xây dựng và hoàn hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Nếu
như tại cơ sở, nhân dân chưa được thực sự làm chủ thì khó có thể nói làm chủ ở
những cấp cao hơn, phạm vi rộng hơn.
V.I.Lênin đã từng khẳng định không phải chúng ta tuyên bố dân chủ, ra sắc
lệnh dân chủ là có dân chủ trong thực tế. Việc biến các giá trị dân chủ trở thành hiện
thực cuộc sống là một quá trình lâu dài, phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố như sự hoàn
thiện của cơ chế, pháp luật dân chủ, trình độ, ý thức làm chủ của người dân và năng
lực, thái độ tôn trọng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức… [210]. Với
đặc điểm của một nước nông nghiệp lạc hậu bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đi lên
chủ nghĩa xã hội như ở nước ta thì việc hiện thực hóa các giá trị dân chủ trong thực
tiễn đời sống là vô cùng khó khăn. Những thách thức ấy không chỉ xuất phát từ chỗ
người dân và cán bộ chưa được đào luyện, trưởng thành trong nền dân chủ tư sản mà
còn bị ảnh hưởng bởi những tàn dư về tư tưởng, tâm lý của xã hội phong kiến, xã hội
tiểu nông trước đây. Để thực hiện dân chủ nói chung, thực hiện dân chủ ở cơ sở nói
riêng, điều quan trọng là phải nhận diện rõ những rào cản đối với việc thực hiện dân
2
chủ, trong đó một trở lực rất đáng quan tâm chính là tâm lý tiểu nông. Như tác giả
Hoàng Chí Bảo từng khẳng định:
...muốn thực hiện được vai trò và tác dụng tích cực của dân chủ đối với
sự phát triển của cá nhân và xã hội thì phải thường xuyên phát hiện và
tháo gỡ những rào cản dân chủ, xoá bỏ những phản dân chủ trong xã hội
cả những biểu hiện hữu hình có thể cảm nhận được trong thể chế, trong
bộ máy và con người lẫn những biểu hiện vô hình trong tâm ý, ý thức, lối
sống phong tục, tập quán lạc hậu có trong đời sống hàng ngày của cá
nhân và cộng đồng [9, tr.13].
Xuất phát từ tầm quan trọng đặc biệt của thực hiện dân chủ ở cơ sở với xây
dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, Bộ Chính trị ban hành
chỉ thị 30 năm 1998 về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và đặc biệt
là sự ra đời của pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007, việc
thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã có những chuyển biến tích cực. Người
dân đã có cơ sở pháp lý để thực hiện quyền làm chủ của mình. Tuy nhiên, mức độ
ảnh hưởng của tâm lý tiểu nông đối với việc thực hiện dân chủ ở cấp cơ sở nặng nề
hơn so với các cấp cao hơn. Một phần, do trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, hình
thức dân chủ trực tiếp được phát huy tối đa với sự tham gia của đông đảo người
dân, vì vậy đối tượng tham gia thực hiện dân chủ ở diện rộng. Một phần khác, do
cán bộ ở cơ sở đều là những người quen biết, họ hàng, không hề xa lạ với người dân
nên họ không chỉ bị tác động bởi những quy định của luật pháp mà còn bị chi phối
bởi các mối quan hệ phi quan phương khác. Người dân và cán bộ ở cơ sở, đa số là ở
các xã (Việt Nam có hơn 11.000 xã, phường, thị trấn thì đến hơn 8000 xã), hoạt
động của nhiều người dân vẫn là sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, do đó
những tàn dư của tâm lý tiểu nông ở bộ phận này nặng nề hơn so với các tầng lớp
khác. Vì vậy, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện
dân chủ thì trước hết phải quan tâm đến cấp cơ sở, cấp xã.
Thời gian qua, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị định và pháp lệnh dân
chủ ở xã, phường thị trấn trong thực tế, quyền dân chủ của người dân trên các mặt
kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đã được khẳng định ngày càng tốt hơn. Thông qua
đó, ý thức, năng lực làm chủ của người dân được nâng lên, thái độ, tác phong, tinh
3
thần phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức cấp xã cũng có nhiều chuyển
biến tích cực. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dân chủ ở các xã vẫn còn những bất
cập, tình trạng dân chủ hình thức, độc đoán chuyên quyền vẫn còn tồn tại ở không ít
nơi, một bộ phận người dân cũng chưa tích cực, chủ động hưởng quyền dân chủ của
mình, hoặc thực hiện nhưng không hướng đến lợi ích chung của cộng đồng…
Những hạn chế trong chất lượng thực hiện dân chủ ở cơ sở có nhiều nguyên nhân
khác nhau, trong đó một phần xuất phát từ chính tâm lý tiểu nông đã ăn sâu vào
trong suy nghĩ và hành động của cán bộ và người dân ở cơ sở.
Vì vậy, việc nhận diện rõ những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến
việc thực hiện dân chủ ở cơ sở nước ta là rất cần thiết để chúng ta có những biện
pháp chủ động ngăn ngừa, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông,
góp phần thiết thực vào việc đẩy mạnh thực hành dân chủ ở nước ta, đưa dân chủ
thực sự trở thành động lực để phát triển đất nước và hiện thực hóa các mục tiêu của
sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Với những lý do đó, tôi lựa chọn đề
tài “Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở Việt
Nam hiện nay” làm đề tài nghiên cứu của mình.
2. Mục đích và nhiệm vụ của luận án
2.1. Mục đích
Trên cơ sở phân tích những vấn đề lý luận về tâm lý tiểu nông, về thực hiện
dân chủ ở cơ sở và thực trạng ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến việc
thực hiện dân chủ ở cơ sở Việt Nam hiện nay, luận án đề xuất một số giải pháp để
ngăn ngừa, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến việc thực
hiện dân chủ ở cơ sở Việt Nam trong thời gian tới.
2.2. Nhiệm vụ
- Tổng quan những công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài của luận án;
Làm rõ những vấn đề lý luận về tâm lý tiểu nông và thực hiện dân chủ ở cơ sở Việt
Nam hiện nay; phân tích sự cần thiết phải hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của
tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở, phương thức tác động của tâm lý
tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở.
- Phân tích thực trạng ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến việc thực
hiện dân chủ ở cơ sở Việt Nam hiện nay, nguyên nhân của thực trạng đó.
4
- Đề xuất một số giải pháp hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu
nông đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở Việt Nam hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng của luận án là ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến việc
thực hiện dân chủ ở cơ sở Việt Nam hiện nay.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Về phạm vi nội dung nghiên cứu của luận án là việc thực hiện dân chủ của
nhân dân và cán bộ ở các xã. Nội dung của việc thực hiện dân chủ ở các xã cũng
được khảo sát trên cơ sở nội dung của pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường,
thị trấn.
Phạm vi không gian: các xã trong phạm vi không gian lãnh thổ Việt Nam.
Phạm vi thời gian: từ năm 2007 (khi có Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã,
phường, thị trấn) đến nay.
4. Những đóng góp mới của luận án
- Những vấn đề về tâm lý tiểu nông, về thực hiện dân chủ ở cơ sở đã đươc
nhiều công trình bàn tới nhưng những phương thức tác động của tâm lý tiểu nông
đến thực hiện dân chủ ở cơ sở, đó là thông qua phong tục tập quán và giáo dục gia
đình là nội dung mà chưa công trình nào đề cập tới và sẽ được làm rõ trong luận án.
- Nhận diện và chỉ rõ những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong
thực hiện dân chủ ở cơ sở Việt Nam hiện nay ở cả người dân và cán bộ cơ sở, đánh
giá mức độ tác động của tâm lý này trong thực hiện 4 nhóm quyền cơ bản của người
dân là quyền được biết, quyền được tham gia ý kiến, quyền biểu quyết, quyết định
và quyền kiểm tra, giám sát.
- Đề xuất được một số giải pháp để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của
tâm lý tiểu nông đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở Việt Nam trong thời gian tới,
trong đó đặc biệt là giải pháp xoá bỏ dần phương thức tác động của tâm lý tiểu nông
đến thực hiện dân chủ qua đó nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu
nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bên cạnh đó, giải pháp về hoàn thiện hệ thống
pháp luật về dân chủ ở cơ sở đã có một số công trình nói tới, nhưng hoàn thiện hệ
5
thống pháp luật về dân chủ ở cơ sở nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của
tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở là những đóng góp mới, chưa được
đề cập ở các công trình trước.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
5.1. Cơ sở lý luận
Cơ sở lý luận của luận án là các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh; Quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của
Nhà nước ta về thực hành dân chủ., về ý thức xã hội, ý thức nông dân…
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Trên cơ sở quán triệt phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng
và chủ nghĩa duy vật lịch sử, luận án sử dụng các phương pháp phân tích và tổng
hợp, lịch sử và lôgíc, quy nạp và diễn dịch, phương pháp so sánh, phương pháp
chuyên gia…
6. Ý nghĩa của luận án
- Góp phần cung cấp cơ sở lý luận cho Đảng, Nhà nước trong việc hoạch
định chủ trương, chính sách, pháp luật về phát huy dân chủ cơ sở, hạn chế ảnh
hưởng của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
- Những kết quả nghiên cứu của luận án có thể được sử dụng làm tài liệu
tham khảo cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cũng như nhân dân trong quá trình
thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, làm tài liệu nghiên cứu và giảng dạy trong
các trường chính trị, trường đại học, cao đẳng.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục các công trình khoa học liên quan
đến đề tài luận án của nghiên cứu sinh, Danh mục tài liệu tham khảo, luận án chia
làm 4 chương 13 tiết.
6
Chương 1
TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
1.1. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VỀ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ, VỀ
TÂM LÝ TIỂU NÔNG TRÊN PHƯƠNG DIỆN LÝ LUẬN
1.1.1. Những công trình nghiên cứu về dân chủ ở cơ sở trên phương diện
lý luận
Về những công trình nghiên cứu ở nước ngoài: vấn đề dân chủ ở cơ sở cũng
là một nội dung quan trọng trong thực hiện dân chủ, được nhiều nước quan tâm.
Đặc biệt, quá trình thực hiện dân chủ cơ sở ở Trung Quốc có nhiều điểm tương
đồng với Việt Nam và cũng được giới khoa học của Trung Quốc nghiên cứu khá
sâu sắc ở nhiều góc độ khác nhau.
Ở Trung Quốc, nội dung của dân chủ cơ sở đã được luật hoá bằng các luật và
có những nội dung gần giống như ở Việt Nam mặc dù tên gọi có khác. Vương Đổng
trong Xây dựng dân chủ cơ sở trong 30 năm cải cách mở cửa [59] cho rằng, từ cải
cách mở cửa đến nay, Trung Quốc từng bước thiết lập nên hệ thống tự trị dân chủ ở
cơ sở với nội dung chủ yếu là Ủy bản thôn dân ở nông thôn, Ủy ban cư dân ở đô thị
và Đại hội đại biểu người lao động ở các doanh nghiệp. Nội dung cơ bản của dân
chủ cơ sở ở Trung Quốc chính là bầu cử dân chủ, quản lý dân chủ, quyết sách dân
chủ, giám sát dân chủ. Bầu cử dân chủ người dân trực tiếp bầu ra uỷ ban dân thôn
đại diện cho họ trong thực hiện quyền tự trị ở thôn. Quản lý dân chủ nghĩa là người
dân được biết và cùng nhau quản lý những vấn đề lớn trong phạm vi thôn. Quyết
sách dân chủ là những chính sách lớn thực hiện ở thôn đều phải có sự bàn bạc, biểu
quyết của nhân dân và giám sát dân chủ là người dân được tham gia vào quá trình
giám sát các hoạt động diễn ra ở thôn. Nội dung những quyền này của người dân
cũng đã được thể chế hoá ở Việt Nam.
Nghiên cứu về vai trò, ý nghĩa của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng được
nhiều học giả Trung Quốc chỉ ra. Các tác giả cũng tiếp cận vai trò, ý nghĩa ở nhiều
góc độ khác nhau, vai trò của dân chủ đối với việc xây dựng chế độ chính trị dân
chủ xã hội chủ nghĩa, với việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc cũng như
thực hiện các mục tiêu ở Trung Quốc như xây dựng xã hội hài hoà… Tác giả Lưu
7
Diệp Phong trong bài viết Ý nghĩa của việc tăng cường xây dựng dân chủ cơ sở ở
nông thôn và một số khó khăn hiện thực [145] khẳng định, xây dựng chính trị dân
chủ ở cơ sở lấy tăng cường tự trị thôn dân làm nội dung chủ yếu là một công việc
đặc biệt quan trọng trong tiến trình dân chủ hóa ở Trung Quốc, là thực tiễn quan
trọng của cải cách thể chế chính trị nông thôn Trung Quốc. Đồng thời chỉ ra một số
khó khăn, thách thức trong việc thực hiện tự trị thôn dân ở Trung Quốc hiện nay.
Dương Ái Dân trong cuốn sách Nghiên cứu xây dựng dân chủ chính trị ở cơ sở [31]
đã phân tích giá trị và ý nghĩa của việc xây dựng dân chủ ở cơ sở trên các phương
diện như: xây dựng dân chủ ở cơ sở với việc xây dựng xã hội hài hòa, xây dựng dân
chủ với văn minh chính trị xã hội chủ nghĩa, chế độ chính trị dân chủ xã hội chủ
nghĩa với chính trị dân chủ ở cơ sở; Tác giả cũng khẳng định quần chúng nhân dân
ở cơ sở là chủ thể dân chủ ở cơ sở. Trương Nông An trong Tự trị thôn dân - con
đường tất yếu của xây dựng dân chủ cơ sở ở nông thôn Trung Quốc [1] khẳng định
tự trị thôn dân là một mắt khâu trong tiến trình cải cách thể chế chính trị Trung
Quốc. Thái Đài Hồng trong bài viết Một số suy nghĩ về thúc đẩy xây dựng dân chủ
cơ sở ở nông thôn [79] cho rằng, xây dựng dân chủ ở cơ sở là một bộ phận quan
trọng của xây dựng dân chủ ở Trung Quốc. Thực trạng xây dựng và phát triển dân
chủ ở cơ sở trực tiếp ảnh hưởng đến trình độ phát triển và mức độ thực hiện của dân
chủ xã hội chủ nghĩa. Xây dựng dân chủ cơ sở ở nông thôn là một bộ phận quan
trọng của xây dựng dân chủ ở cơ sở.
Như vậy, dân chủ cơ sở ở Trung Quốc có những nội dung tương đồng với
quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở ở Việt Nam, đồng thời cũng có nhiều sự khác
biệt. Ở Trung Quốc, dân chủ ở cơ sở lấy cấp thôn làm điểm xuất phát, trong khi ở
Việt Nam là cấp xã. Một sự khác biệt nữa trong dân chủ cơ sở ở Việt Nam và
Trung Quốc là ở Trung Quốc, nhân dân trực tiếp bầu và bãi nhiệm uỷ ban thôn
dân (từ 5 đến 7 người), trong khi ở Việt Nam nhân dân trực tiếp bầu và bãi nhiệm
trưởng thôn.
Về tình hình nghiên cứu ở trong nước: nghiên cứu về dân chủ ở cơ sở, đặc
biệt là dân chủ ở xã, phường, thị trấn thu hút sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học
và những người lành đạo thực tiễn ở nước ta từ năm 1998 đến nay. Các công trình
8
này đã góp phần làm rõ những vấn đề lý luận liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ
sở theo nhiều góc độ khác nhau:
Những công trình đi sâu nghiên cứu nội dung của thực hiện dân chủ ở cơ sở
Tác giả Đỗ Quang Tuấn trong bài “Cơ sở lý luận - thực tiễn của phương
châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và mấy vấn đề về xây dựng quy chế
dân chủ ở cơ sở” [202], đã đề cập những nội dung dân biết, dân bàn, dân làm, dân
kiểm tra trong quy chế dân chủ ở cơ sở. Tác giả Đỗ Mười với bài “Phát huy quyền
làm chủ của nhân dân ở cơ sở” [121] cũng chỉ rõ “Quy chế dân chủ ở xã có nội
dung chủ yếu là xác định quyền làm chủ của nhân dân tham gia quản lý nhà nước,
quản lý xã hội ở cơ sở, xác định mối quan hệ giữa nhân dân và chính quyền cơ sở”.
Tác giả Nguyễn Long Khánh với bài “Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo tư tưởng Hồ
Chí Minh” [90] chỉ rõ quan niệm về thực hiện dân chủ ở cơ sở “Thực hiện dân chủ
ở cơ sở là thực hiện các quá trình dân chủ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội một
cách trực tiếp, rộng rãi và liên tục đối với mọi người, đối với mọi giới và mọi lứa
tuổi”. Bên cạnh những tác giả tiếp cận nội dung của thực hiện dân chủ ở xã,
phường, thị trấn trên các nội dung dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân kiểm tra
thì tác giả Lê Thi trong bài “Thực hiện dân chủ ở cơ sở và vấn đề tăng cường ý thức
trách nhiệm của nhà nước” [176] cho rằng, dân chủ ở cơ sở không phải là hình
thức mà là một cấp độ của chế độ dân chủ. Nội dung của dân chủ cơ sở thể hiện
dưới hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp. Tiếp cận nội dung của quyền
dân chủ ở cơ sở theo phương châm dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân kiểm tra,
tác giả Nguyễn Hồng Chuyên trong bài viết “Đổi mới cơ chế dân biết, dân bàn, dân
làm, dân kiểm tra trong thực hiện pháp luật về dân chủ ở cấp xã” [27] đã phân tích
cụ thể nội dung các quyền dân biết, dân bàn, dân quyết định dân kiểm tra theo pháp
luật về dân chủ ở cấp xã là gì và đưa ra những yêu cầu trong thực hiện các nhóm
quyền này.
Như vậy, tiếp cận về nội dung của thực hiện dân chủ ở cơ sở, các tác giả có
nhiều góc độ xem xét khác nhau nhưng đều thống nhất ở các nội dung dân biết, dân
bàn, dân quyết định, dân kiểm tra. Có những tác giả làm rõ mối quan hệ giữa các
quyền này, đồng thời một số nhà nghiên cứu cũng đã bước đầu chỉ ra quyền dân chủ
9
trực tiếp và dân chủ gián tiếp trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Những nội dung này
sẽ được tác giả luận án kế thừa và phát triển trong phân tích những vấn đề lý luận về
dân chủ ở cơ sở.
Những công trình nghiên cứu về sự cần thiết, ý nghĩa, vai trò của việc thực
hiện dân chủ ở cơ sở:
Về sự cần thiết của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhiều nhà khoa học đã có
những lí giải của mình. Tác giả Bùi Ngọc Trinh với bài “Để thực hiện dân chủ trực
tiếp trên địa bàn làng xã” [196] cho rằng, cần thực hiện quyền dân chủ trực tiếp ở
địa bàn làng xã nơi mà mọi người sống khá ổn định, gắn bó về mặt văn hóa, phong
tục, tình cảm, gia đình, dòng họ. Tác giả Đỗ Mười với bài “Phát huy quyền làm chủ
của nhân dân ở cơ sở” [121] chỉ ra thêm 2 lí do phải thực hiện dân chủ ở cơ sở đó
là xã là địa bàn nhân dân sinh sống, lao động, sản xuất công tác, là địa bàn diễn ra
sự tiếp xúc và các mối liên hệ nhiều mặt giữa các tầng lớp nhân dân với đảng bộ và
chính quyền, cán bộ, công chức. Đồng thời đông đảo nhân dân ở cơ sở có những
yêu cầu bức xúc về dân chủ, có những nguyện vọng và lợi ích thiết thân trong đời
sống hàng ngày. Trong bài “Thực hiện dân chủ ở xã, mấy vấn đề đặt ra” [138], tác
giả Trần Quang Nhiếp cũng giải thích rõ lí do tại sao phải quan tâm thực hiện dân
chủ ở xã là do:
Xã là nơi có vị trí quan trọng, là nơi trực tiếp giải quyết mối quan hệ giữa
nhà nước và nhân dân, là địa bàn tổ chức, thực hiện các chủ trương,
đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với lực
lượng đông đảo của xã hội. Xã là cộng đồng dân cư mà mọi người gắn
bó với nhau bởi những kết cấu chặt chẽ, làng xóm, họ tộc lâu bền trải qua
nhiều biến cố lịch sử [138, tr.45]
Nói về vai trò của xã đối với việc thực thi, hoàn thiện chính sách của Nhà nước, tác
giả cũng khẳng định:
Nhân dân ở xã cũng như phường, thị trấn là nơi trực tiếp thực hiện các
chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, vừa
là người kiểm nghiệm, đánh giá, thẩm định tính chuẩn xác, hiệu lực, hiệu
quả của những chủ trương, đường lối, chính sách. Vì thế đây là nơi đưa
10
nghị quyết, chính sách vào cuộc sống và ngược lại, thông qua đây thể
hiện năng lực và trình độ làm chủ của nhân dân trong mỗi thời kỳ, trên
từng lĩnh vực của đời sống xã hội [138, tr. 45].
Tác giả Nguyễn Huy Quý trong bài “Về dân chủ ở cơ sở” [153] chỉ rõ sự cần
thiết phải thực hiện dân chủ ở cơ sở, đó là hầu hết các lợi ích chính trị, văn hóa của
công dân hiện nay đều được thực hiện ở cấp xã, phường, xí nghiệp, đơn vị; Nếu các
đơn vị cơ sở không có dân chủ thực sự thì không thể đưa quyền dân chủ về chính trị
và văn hóa trong Hiến pháp và trong đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước
đến với mọi người dân; Dân chủ ở tất cả các cấp đều quan trọng nhưng dân chủ ở
cơ sở là khâu trực tiếp quyết định hiệu quả của cả hệ thống dân chủ. Bằng nhiều
cách phân tích và lập luận khác nhau, các tác giả đều khẳng định thực hiện dân chủ
ở cơ sở là nhu cầu cấp thiết, bức bách và quan trọng nhất trong thực hiện dân chủ ở
Việt Nam hiện nay. Các tác giả đều khẳng định việc thực hiện dân chủ ở cơ sở là
cần thiết do tầm quan trọng của cơ sở, do nhu cầu và điều kiện thuận lợi cho việc
thực hiện dân chủ. Đây là những nội dung quan trọng, cần thiết mà tác giả luận án
sẽ kế thừa.
Về vai trò, ý nghĩa của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, Tác giả Nguyễn Cúc
(chủ biên) trong cuốn sách “Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong tình hình hiện
nay một số vấn đề lý luận và thực tiễn” [29] đã làm rõ ý nghĩa của việc thực hiện
dân chủ ở cơ sở đối với việc xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở
nước ta hiện nay. Về các bài tạp chí, tác giả Phạm Quang Nghị trong bài “Thực
hiện quy chế dân chủ cơ sở ở Hà Nam” [123] đánh giá quy chế dân chủ ở cơ sở là
“giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể; là chất
keo gắn kết Đảng, Nhà nước với nhân dân; là liều thuốc chữa căn bệnh quan liêu,
tham nhũng, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, góp phần làm lành mạnh và
trong sạch bộ máy và cán bộ, giữ vững và phát huy bản chất của chế độ xã hội chủ
nghĩa, Nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Tác giả Trần Quang Nhiếp trong bài
“Dân chủ ở cơ sở với phát triển cộng đồng” [140] nêu rõ vai trò của thực hiện dân
chủ với phát triển cộng đồng đó là thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm phát huy quyền
làm chủ của nhân dân, thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, khắc phục tư duy “đèn
11
nhà ai nhà ấy rạng” của lối sống cá nhân vị kỷ; Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm
nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của công dân; Thực hiện dân chủ ở cơ sở
đã phát huy tiềm năng trí tuệ sức sáng tạo, sức mạnh vật chất và tinh thần của nhân
dân để phát triển kinh tế - xã hội; Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm giữ vững kỷ
cương, phép nước ngăn chặn tiêu cực, các tệ nạn xã hội, nâng cao năng lực quản lý
của chính quyền; Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm xây dựng niềm tin và mối quan
hệ chặt chẽ giữa dân với Đảng và chính quyền. Trong bài “Khâu đột phá của quá
trình phát huy dân chủ ở nước ta thời kỳ đổi mới” [146], tác giả Tòng Thị Phóng
cũng nêu ý nghĩa của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở là nhận thức về dân chủ của
các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về dân chủ, nhất là dân chủ trực
tiếp của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; Thực hiện dân chủ ở cơ sở góp
phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội;
Thực hiện dân chủ ở cơ sở góp phần vào xây dựng Đảng và chính quyền. Dù có
nhiều cách tiếp cận khác nhau, song các công trình trên đã phân tích ý nghĩa của
thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị,
nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế, văn
hoá, xã hội ở địa phương. Đây cũng là những nội dung hữu ích cần tham khảo cho
tác giả luận án. Tuy nhiên, trong luận án này, tác giả tập trung làm rõ hơn vai trò
của dân chủ ở cơ sở với quá trình dân chủ hoá, xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ
xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Những công trình nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện
dân chủ ở cơ sở:
Tác giả Đỗ Mười trong bài “Phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở”
[121] đã phân tích vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở đối với việc thực hiện quy chế
dân chủ ở cơ sở “Điều quan trọng là phải có được số cán bộ chủ chốt ở cơ sở trong
sạch, liêm khiết, công tâm; nếu số này tiêu cực nặng, tham nhũng mất dân chủ, nhân
dân không tin cậy thì phải kiện toàn cán bộ đã rồi mới triển khai chỉ thị 30. Những
cơ sở trung bình, thậm chí có những mặt yếu kém nếu cán bộ chủ chốt tốt thì vẫn có
thể triển khai chỉ thị 30”. Tác giả Trần Quang Nhiếp trong bài “Thực hiện dân chủ
ở xã, mấy vấn đề đặt ra” [138] chỉ ra 2 yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện dân
12
chủ ở xã, đó là sự lãnh đạo chặt chẽ và hoạt động thống nhất, sáng tạo của hệ thống
chính trị ở xã là yếu tố cơ bản, là điều kiện trực tiếp đảm bảo thực hiện dân biết, dân
bàn, dân làm, dân kiểm tra cùng với đó là sự giác ngộ, năng lực và trình độ làm chủ
của mỗi người dân ở nông thôn. Đây là yếu tố quan trọng, quyết định, tác động
nhiều mặt đến quá trình thực hiện dân chủ ở xã. Đồng tình với quan điểm của nhiều
nhà nghiên cứu, tác giả Nhật Tân với bài “Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng để phát
huy dân chủ ở cơ sở” [167] cũng nêu rõ vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên và
trình độ dân trí, dân sinh của người dân là những yếu tố ảnh hưởng đến việc thực
hiện dân chủ ở cơ sở. Tác giả Lê Thi trong bài “Thực hiện dân chủ ở cơ sở và vấn
đề tăng cường ý thức trách nhiệm của nhà nước” [176] bên cạnh việc chỉ ra 2 yếu
tố cơ bản tác động đến việc thực hiện dân chủ ở xã là người dân và cán bộ, tác giả
còn chỉ ra mối quan hệ tương hỗ giữa hai yếu tố này. Như vậy, các công trình này
đều đánh giá cao vai trò của hai yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến thực hiện dân chủ ở
cơ sở là cán bộ cơ sở và nhân dân - những chủ thể thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây là
gợi ý về mặt phương pháp luận cho tác giả luận án trong khi nghiên cứu về ảnh
hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở. Những biểu
hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong cán bộ cơ sở và nhân dân thông qua hành
động của họ tác động đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
1.1.2. Những công trình nghiên cứu về tâm lý tiểu nông
Những công trình chỉ ra những biểu hiện của tâm lý tiểu nông.
Vì tâm lý tiểu nông, tâm lý nông dân, tâm lý sản xuất nhỏ ở Việt Nam có
điểm tương đồng, giao thoa với nhau bởi sản xuất của Việt Nam trước đây chủ yếu
là sản xuất nông nghiệp nhỏ. Cho nên, tác giả sử dụng các tài liệu này khi nghiên
cứu về tâm lý tiểu nông.
Đỗ Thị Thanh Mai trong luận án tiến sĩ Tâm lý nông dân miền Bắc Việt Nam khi
chuyển sang kinh tế thị trường - đặc trưng và xu hướng biến đổi [108] đã chỉ ra những
đặc trưng tâm lý tiêu cực truyền thống của người nông dân miền Bắc là tâm lý sản xuất
nhỏ manh mún, phân tán, tự cung, tự cấp; Bảo thủ thiên về tư duy kinh nghiệm, trực
giác, hạn chế sự phát triển của tư duy lô gic và khoa học; Tâm lý hẹp hòi, vị kỷ,
phường hội, cục bộ địa phương. Như vậy, tác giả công trình này cho rằng tâm lý sản
13
xuất nhỏ là một biểu hiện trong tâm lý truyền thống tiêu cực của người nông dân.
Trong tâm lý sản xuất nhỏ tác giả chỉ ra 2 nét tâm lý là thiển cận, không nhìn xa “gà
nhà ăn quanh quẩn cối xay”, lối sống cá nhân vị kỷ đèn nhà ai nhà ấy rạng.
Lê Hữu Xanh trong cuốn sách Tác động của tâm lý làng xã trong việc xây
dựng đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ nước ta hiện nay
[223] đã chỉ ra biểu hiện của tâm lý làng xã là tâm lý tiểu nông, tâm lý cộng đồng và
tâm lý trọng tình cảm. Trong tác phẩm này, tác giả xếp tâm lý tiểu nông vào là một
trong những biểu hiện của tâm lý làng xã. Đồng thời tác giả nêu 1 số biểu hiện của
tâm lý tiểu nông đó là tư duy kinh nghiệm chiếm ưu thế trong đời sống nhận thức;
tâm lý an phận, thụ động, trông chờ, ít sáng tạo (sản xuất nhỏ, trình độ lạc hậu, khả
năng chế ngự và chinh phục tự nhiên thấp), tâm lý tư hữu (một nắng hai sương lo
vun vén cho mảnh ruộng, ngôi nhà của mình).
Công trình “Tâm lý người Việt Nam đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa
những điều cần khắc phục” [63] do Phạm Minh Hạc chủ biên là tập hợp các bài viết
của nhiều tác giả, trong đó các tác giả bàn nhiều về tâm lý tiểu nông. Ví dụ như
trong công trình này có bài viết “Một số điều cần khắc phục trong nhân cách người
Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” của tác giả Thái Duy Tuyên đã chỉ
ra những biểu hiện tâm lý tiêu cực đó là tư tưởng dòng họ, bè phái cục bộ, tâm lý dĩ
hòa vi quý, tâm lý bảo thủ, trì trệ. Tác giả Đỗ Long trong công trình này cũng chỉ ra
những biểu hiện của tâm lý tiểu nông là tư duy manh mún, tình cảm dòng họ và tính
cục bộ, tính thụ động, cầu may, ăn xổi, tác phong tùy tiện, ý thức kỷ luật kém, tư
tưởng bình quân chủ nghĩa.
Tác giả Trần Sỹ Dương trong công trình “Ảnh hưởng của tâm lý sản xuất
nhỏ ở đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở đồng bằng Bắc Bộ hiện nay” [39] đã chỉ ra
những đặc trưng tiêu cực của tâm lý sản xuất nhỏ là cục bộ địa phương và tâm lý
bình quân, cào bằng; Tính thu vén cá nhân, tư lợi; Nếp nghĩ theo kinh nghiệm, ngại
thay đổi, tầm nhìn thiển cận; Thói quen tự do tuỳ tiện, vô kỷ luật, chưa có ý thức tôn
trọng pháp luật.
Tác giả Cao Thị Sính trong luận án tiến sĩ “Ảnh hưởng của tâm lý tiểu nông
đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay”
[159] đã phân tích cả những đặc điểm tích cực và tiêu cực của tâm lý tiểu nông. Các
14
đặc trưng tiêu cực là thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, bảo thủ, nếp nghĩ theo
kinh nghiệm, ngại đổi mới; Tâm lý hẹp hòi, vị lợi, cục bộ địa phương, tính tuỳ tiện,
kèm kỷ luật, kỷ cương, chưa có thói quen tôn trọng và chấp hành pháp luật.
Tác giả Lê Thị Thanh Hương (chủ biên) trong cuốn sách Một số yếu tố tâm
lý của người nông dân ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nông thôn mới [83] đã
đưa ra định nghĩa về tâm lý tiểu nông đó là “tâm lý của người nông dân sản xuất
nhỏ mang tính tự phát, manh mún, tự cung, tự cấp”. Đồng thời, tác giả cũng chỉ ra
một số điểm hạn chế của tâm lý tiểu nông là “Về mặt nhận thức và tư duy: nhận
thức dựa vào kinh nghiệm, đậm nét cảm tính và chủ quan, chỉ thấy cái ngắn hạn,
trước mắt, không nhìn xa trông rộng, dễ bảo thủ, ngại đổi mới, ít sáng tạo”; Về đời
sống tình cảm, thích sự bình yên, trọng tình cảm hơn lý trí. Về thói quen và nhu
cầu: có tâm lý an phận thủ thủ thường, sống theo kiểu tiết chế nhu cầu. Từ đó, tác
giả đi đến kết luận: “Những người có tâm lý tiểu nông cũng có tính đố kỵ, ghen ăn
tức ở theo kiểu “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, không muốn ai hơn mình,
không dám làm gì, níu kéo nhau cùng cực khổ, tùy tiện vô nguyên tắc, coi thường
pháp luật. Cùng với đó là tâm lý đóng kín, bế quan tỏa cảng, không giao lưu, quan
hệ rộng mà sống quẩn quanh trong lũy tre làng nên bị hạn chế nhiều về tầm nhìn.
Họ cũng có tâm lý tư hữu, thờ ơ, vô trách nhiệm trước việc công, chỉ lo vun vén cho
mảnh ruộng, ngôi nhà riêng của mình”.
Lê Thị Lan trong bài viết Tư tưởng làng xã ở Việt Nam [95] đã nêu lên một
số nội dung trong tư tưởng làng xã là tư tưởng cố kết cộng đồng, tư tưởng, yên
phận, trọng kinh nghiệm, tư tưởng cục bộ địa phương. Như vậy, tâm lý làng xã cũng
có nhiều nét tâm lý tương đồng với tâm lý tiểu nông.
Đàm Thị Hồng trong bài viết Ảnh hưởng của tâm lý tiểu nông đối với quá
trình xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay [77] đưa ra định nghĩa “Tâm lý
tiểu nông là loại hình tâm lý phổ biến ở nông thôn nước ta, được hình thành trên cơ
sở nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, quy mô nhỏ, khép kín, mang nặng tính tự cấp,
tự túc”. Tác giả cũng nêu những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông là Tư duy
manh mún, phân tán, nhỏ lẻ; Tư tưởng bè phái, dòng họ, cục bộ địa phương; Tâm lý
tư hữu cá nhân; Thiếu ý thức kỷ luật lao động, coi thường pháp luật; Tính thụ động,
yên phận, ỷ lại; Người nông dân tuy một nắng hai sương nhưng lại làm việc tuỳ
15
hứng, tự phát, thiếu tổ chức, kỷ luật chặt chẽ, tác phong lề mề, tuỳ tiện đã trở thành
thói quen phổ biến; Thói quen dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể “Nước trôi thì bèo trôi,
nước nổi thì thuyền nổi”.
Tóm lại, về những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông ở những công
trình cụ thể vẫn có sự khác biệt, có công trình nói biểu hiện này, công trình nói biểu
hiện khác và cách sắp xếp tâm lý tiểu nông với tâm lý làng xã, tâm lý nông dân, tâm
lý truyền thống…có sự giao thoa, bao hàm song nếu khái quát chung tất cả các tài
liệu này thì những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông đã được nhắc tới về cơ
bản đầy đủ. Đây là tài liệu tham khảo rất hữu ích cho tác giả luận án khi nghiên cứu
về những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông.
Những công trình phân tích cơ sở hình thành tâm lý tiểu nông ở nước ta.
Trong công trình “Tâm lý người Việt Nam đi vào công nghiệp hóa, hiện đại
hóa những điều cần khắc phục” [63] do Phạm Minh Hạc chủ biên, trong khi làm rõ
những biểu hiện của tâm lý tiểu nông, tác giả cũng phân tích điều kiện sản xuất sinh
hoạt của người nông dân sản xuất nhỏ trong không gian làng xã đã hình thành nên
tâm lý tiểu nông như thế nào. Tác giả Đỗ Long trong công trình “Quan hệ cộng
đồng và cá nhân trong tâm lý nông dân” [103] phân tích làm rõ tâm lý cộng đồng
và cơ sở hình thành tâm lý cộng đồng đó chính là không gian làng xã. Tác giả Trần
Sỹ Dương trong cuốn sách “Ảnh hưởng của tâm lý sản xuất nhỏ ở đội ngũ cán bộ
chủ chốt cấp cơ sở đồng bằng Bắc Bộ hiện nay” [39] đã chỉ ra những yếu tố tác
động đến sự hình thành tâm lý sản xuất nhỏ là nền sản xuất nhỏ, điều kiện tự nhiên,
yếu tố văn hoá, xã hội đặc biệt là văn hoá làng xã, yếu tố chính trị. Luận án tiến sĩ
“Ảnh hưởng của tâm lý tiểu nông đến xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam
hiện nay” [159] tác giả Cao Thị Sính cũng làm rõ cơ sở hình thành tâm lý tiểu nông
chính là do điều kiện sản xuất, sinh hoạt của người nông dân. Những công trình này
cũng là tài liệu tham khảo có giá trị cho tác giả luận án trong nghiên cứu lý luận về
tâm lý tiểu nông. Tuy nhiên, các công trình này đôi khi trình bày biểu hiện và những
cơ sở hình thành lẫn vào nhau, cách phân chia cơ sở hình thành cũng có nhiều tiếp
cận khác nhau. Ở trong luận án, tác giả sẽ trình bày 3 cơ sở quan trọng nhất để hình
16
thành tâm lý tiểu nông là điều kiện tự nhiên, cơ sở kinh tế và cơ sở văn hoá xã hội.
Tác giả sẽ phân tích cụ thể hơn những cơ sở này sẽ góp phần nảy sinh những biểu
hiện tiêu cực nào của tâm lý tiểu nông.
1.2. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VỀ THỰC TRẠNG ẢNH
HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA TÂM LÝ TIỂU NÔNG ĐẾN THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở
CƠ SỞ TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY
Về tình hình nghiên cứu ở nước ngoài:
Trung Quốc là quốc gia có nền văn hoá có nhiều nét tương đồng với Việt
Nam, một đất nước nông nghiệp và trải qua hàng nghìn năm dưới chế độ phong
kiến. Vì vậy, quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở ở Trung Quốc cũng chịu sự tác
động mạnh mẽ của nhân tố văn hoá truyền thống. Do đó, cũng có nhiều công trình
nghiên cứu ở Trung Quốc phân tích những cản trở của yếu tố tâm lý và văn hoá
truyền thống đối với việc thực hiện dân chủ cơ sở ở đất nước này, đồng thời đề xuất
các giải pháp ngăn chặn, hạn chế. Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu sau:
Quách Ngọc Lan trong công trình Phân tích nhân tố tâm lý và văn hóa cản
trở việc tham gia xây dựng dân chủ cơ sở của nông dân [97] tập trung phân tích
nhân tố tâm lý và văn hóa của nông dân cản trở việc việc nâng cao chất lượng tham
gia của nông dân vào quá trình chính trị ở cơ sở.
Trương Hải Yến trong bài viết Xây dựng dân chủ cơ sở ở nông thôn dưới sự
ảnh hưởng của văn hóa chính trị truyền thống [224] cho rằng, cùng với việc nghiên
cứu xây dựng dân chủ cơ sở ở nông thôn ngày càng phát triển theo chiều sâu, ngày
càng nhiều học giả nhận thức được nhân tố văn hóa đã trở thành một nhân tố ở tầng
sâu chế ước việc xây dựng dân chủ cơ sở ở nông thôn. Điều này chủ yếu được thể
hiện ở thái độ và nhận thức đối với dân chủ, tính nhiệt tình và động cơ tham gia
chính trị, hoạt động bầu cử... Vì thế, để thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa ở nông thôn,
cần phải từng bước khắc phục những cản trở của văn hóa chính trị truyền thống đối
với phát huy dân chủ, tập trung phát triển sức sản xuất xã hội ở nông thôn, tăng
cường xã hội hóa chính trị ở nông thôn, nỗ lực bồi dưỡng văn hóa chính trị phù hợp
với dân chủ hiện đại.
17
Trong bài viết Hạn chế sự ảnh hưởng của văn hóa chính trị truyền thống,
thúc đẩy xây dựng dân chủ ở cơ sở [66], Lý Hồng Hải cho rằng, văn hóa chính trị
thường ảnh hưởng đến tiến trình dân chủ và sự phát triển chính trị của một quốc gia.
Văn hóa chính trị truyền thống Trung Quốc có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với đời
sống chính trị xã hội hiện đại, đặc biệt là sự ảnh hưởng của văn hóa chính trị truyền
thống đối với xây dựng dân chủ chính trị ở cơ sở càng rõ nét. Để thúc đẩy xây dựng
chính trị dân chủ ở cơ sở, cần phải hạn chế sự ảnh hưởng của văn hóa chính trị
truyền thống phong kiến đối với việc xây dựng dân chủ, chú trọng bồi dưỡng công
dân theo mô hình “người công dân tham gia”, tăng cường sự minh bạch chính trị,
xây dựng văn hóa chính trị hiện đại...
Vương Đổng với công trình Xây dựng dân chủ cơ sở trong 30 năm cải cách
mở cửa [59], sau khi trình bày nhiều thành tựu trong thực hiện dân chủ cơ sở ở
Trung Quốc, cũng khẳng định hiện nay, việc xây dựng dân chủ cơ sở ở Trung Quốc
vẫn còn tồn tại nhiều nhân tố cản trở việc phát huy dân chủ bắt nguồn từ lịch sử
2000 năm phong kiến của Trung Quốc.
Lê Học Huy trong bài viết Tố chất văn hóa của nông dân và sự ảnh hưởng
của nó đối với việc xây dựng chính trị dân chủ ở cơ sở [86] đã phân tích sự ảnh
hưởng về tố chất của nông dân đối với quá trình xây dựng chính trị dân chủ ở cơ sở
cũng như việc thực thi dân chủ ở cơ sở.
Như vậy, các công trình nghiên cứu ở Trung Quốc cũng đã bước đầu đặt ra
vấn đề về những trở lực của tâm lý, văn hoá truyền thống với thực hiện dân chủ ở
cơ sở. Đây là những tài liệu tham khảo rất hữu ích cho tác giả trong quá trình
nghiên cứu luận án.
Về tình hình nghiên cứu trong nước:
Các sách nói về thực trạng ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực
hiện dân chủ ở cơ sở, có thể nói đến một số công trình tiêu biểu sau:
Cuốn sách Hương ước trong quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn Việt
Nam hiện nay [204] do Đào Trí Úc chủ biên, là tập hợp của nhiều bài viết nói về vai
trò của hương ước như một công cụ bổ sung cho pháp luật để quản lý xã hội ở nông
thôn hiện nay. Trong quá trình đó, các tác giả có phân tích những mặt tích cực và
18
tiêu cực của hương ước cũ, trong đó có những biểu hiện của tâm lý tiểu nông trong
hương ước, về tính điều chỉnh có hiệu lực, hiệu quả của hương ước cũ đối với hành
vi của mọi cá nhân. Mặc dù thể hiện ở những bài viết cụ thể nhưng rõ ràng qua
những nội dung này cho thấy tâm lý tiểu nông qua hương ước mà ảnh hưởng đến
mọi người dân ở nông thôn.
Trong công trình “Tâm lý xã hội trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở
cơ sở” [94], tác giả Trần Ngọc Khuê và Lê Kim Việt cũng đã chỉ ra những tác động
tiêu cực của tâm lý nông dân đối với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đó là
“Nhiều biểu hiện tâm lý tồn tại như một sức ỳ, một vật cản của quá trình dân chủ
hóa. Biểu hiện rõ nhất là tính duy tình, tự ti, mặc cảm về địa vị xã hội của một bộ
phận dân cư nên họ không dám đấu tranh, bộc lộ chính kiến, muốn dĩ hòa vi quý.
Trong đấu tranh phê bình thì thiếu công tâm, khách quan, cục bộ dòng họ, cục bộ
địa phương”. Bên cạnh tâm lý duy tình, tác giả còn chỉ ra biểu hiện của tư duy manh
mún dẫn tới “Trong bàn bạc, thảo luận, trao đổi quyết định những vấn đề lớn, tư
duy tiểu nông, tư duy cò con, manh mún, tủy tiện biểu hiện rất rõ, không vượt ra
ngoài những nhu cầu hạn hẹp, cá nhân của người nông dân”. Cùng với đó là tác
động của tâm lý dòng họ, cục bộ “Do tác động của tâm lý dòng họ, cục bộ địa
phương nên ở nhiều nơi xảy ra tình trạng cát cứ, bè phái, phân tán, gây chia rẽ, mất
đoàn kết, không tạo ra tính thống nhất, sức mạnh trí tuệ và nội lực của tập thể, cộng
đồng. Nhiều vấn đề đưa ra dân bàn bạc thì bị chi phối bởi quan hệ dòng họ, do vậy
thiếu khách quan, chính xác”. Một biểu hiện nữa là tâm lý bình quân chủ nghĩa
“Yếu tố bình quân, cào bằng ảnh hưởng đến việc triển khai, khi thực hiện dân biết,
dân làm, kiểm tra có biểu hiện đố kỵ, không thích ai hơn mình, cái gì cũng phải đều
nhau, kìm hãm nhân tố tích cực, nảy sinh sự thiếu tin cậy, nghi hoặc lẫn nhau”. Tác
giả tiếp tục chỉ ra tác động tiêu cực của tâm lý cộng đồng đến thực hiện dân chủ
“Tâm lý cộng đồng có mặt tích cực nhưng cũng có mặt tiêu cực, đang trở thành 1
dạng áp lực nhóm, mang tính áp đặt đối với thái độ và chính kiến của cá nhân. Do
tác động của tâm lý cộng đồng, tính trách nhiệm, trí tuệ, sáng kiến cá nhân không
được phát huy đầy đủ. Người nông dân có tâm lý ngại bộc lộ chính kiến của mình.
Tâm lý cộng đồng có ảnh hưởng lớn đến việc giải phóng năng lực, trí tuệ, sự tự do,
19
dân chủ của mỗi cá nhân”. Từ những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông đã
phân tích trên, tác giả đã đi đến kết luận: “Những ảnh hưởng tiêu cực này biểu hiện
cả trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân… Nông dân Việt Nam vốn có bản
chất tư hữu, lối tư duy trực quan, cụ thể, tùy tiện, manh mún. Do vậy, trong nhận
thức và hành vi, họ có tầm nhìn hạn hẹp, khi đụng chạm đến lợi ích, ít có khả năng
vượt khỏi cái cá nhân để vươn tới cái cộng đồng, cái tổng thể, chiến lược. Đây là
nguyên nhân hạn chế hiệu quả việc thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm
tra”.
Lê Kim Hải (chủ biên) trong cuốn sách Những vấn đề đặt ra trong triển khai
quy chế thực hiện dân chủ ở xã [66] đã nêu thực trạng thực hiện quy chế dân chủ ở
xã, những thành công và đặc biệt là những vấn đề đang đặt ra, trong đó có những
nội dung cho thấy ảnh hưởng của tâm lý tiểu nông trong thực hiện quy chế như
không tuân thủ pháp luật.
Tác giả Hoàng Chí Bảo trong cuốn sách Dân chủ và dân chủ ở cơ sở nông
thôn trong tiến trình đổi mới đã khẳng định “những lực cản đối với dân chủ ở Việt
Nam hiện nay có cả trong quá khứ xa xưa để lại, có cả trong hiện tại với những thể
chế thiết chế của nó, trong tổ chức quản lý xã hội” [9]. Lực cản mà quá khứ để lại
với việc thực hiện dân chủ ở Việt Nam hiện nay đó chính là tâm lý làng xã. Cuốn
sách có 1 mục về ảnh hưởng và tác động của tâm lý làng xã đối với việc thực hiện
và phát huy dân chủ hiện nay ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ (từ trang 186 đến
trang 218). Tác giả bàn đến cả những tác động tích cực và tiêu cực. Về những tác
động tiêu cực, tác giả trình bày 3 đặc điểm tâm lý tác động đến thực hiện dân chủ là
tính phân tán, cát cứ, cục bộ địa phương gắn liền với tâm lý phường hội; tâm lý bình
quân cào bằng; tâm lý lệ làng, coi phép vua thua lệ làng.
Tác giả Lê Minh Quân trong cuốn sách Về quá trình dân chủ hoá xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam hiện nay [149] đã nêu một số yếu tố tác động đến quá trình dân
chủ hoá, thực hiện dân chủ ở Việt Nam như xây dựng Nhà nước pháp quyền, kiểm
soát quyền lực Nhà nước… trong đó dân chủ hoá ở cơ sở được coi là 1 hình thức để
thực hiện dân chủ hoá. Ở đây, tác giả có trình bày thành tựu và hạn chế trong quá
trình dân chủ hoá, đặc biệt là những hạn chế có chứa đựng những nội dung về việc
20
cán bộ không tích cực thực hiện pháp lệnh, nhân dân chủ yếu quan tâm đến lợi ích
bản thân… Những hạn chế này thực chất chính là do những ảnh hưởng tiêu cực của
tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, vì là 1 chương nhỏ
trong 9 chương của cuốn sách nên những nội dung này mới chỉ được nhắc đến chứ
chưa được phân tích sâu sắc.
Nguyễn Văn Hiển (chủ biên) trong cuốn sách Về thi hành pháp lệnh thực
hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 [69] đã tập trung phân tích những
thành tựu và hạn chế trong thực hiện pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn với
các nội dung như xây dựng công trình công cộng tại địa phương và hoạt động của
Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, hoạt động bầu trưởng thôn, trưởng tổ dân phố,
hoạt động xây dựng và thực thi hương ước, quy ước văn hoá, hoạt động của ban
thanh tra nhân dân, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm của cán bộ chủ chốt cấp xã,
phường, thị trấn. Mặc dù không nói đến tâm lý tiểu nông nhưng qua phần thực trạng
hạn chế, chúng ta có thể thấy nhiều ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến
thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cuốn sách là tài liệu khảo sát công phu với nhiều số liệu
cụ thể, định lượng là tài liệu tham khảo hữu ích cho tác giả trong quá trình đánh giá
thực trạng về những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ
ở cơ sở.
Về các bài viết nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí, nhiều tác giả đánh giá
thực trạng thực hiện dân chủ ở cấp xã, chỉ ra những bất cập của nó mà những bất
cập đó có liên quan tới ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông, mặc dù có tác giả
không nói rõ điều này. Tác giả Phạm Quang Nghị trong bài “Thực hiện quy chế dân
chủ cơ sở ở Hà Nam” [123] đánh giá trong thực hiện quy chế dân chủ, vẫn có
trường hợp cán bộ thoái hóa, biến chất tham nhũng cố tình làm sai quy chế dân chủ
cơ sở, không thực hiện đúng các quy định. Người dân không hiểu quy chế dân chủ
cơ sở, vụ lợi, bị các phần tử xấu kích động, có những hành động sai trái… Thực
chất những hạn chế này là nói đến sự không tuân theo pháp luật, kỷ cương của cán
bộ và nhân dân trong thực hiện dân chủ ở cấp xã. Tác giả Lê Kim Việt với bài “Qua
3 năm thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở nông thôn” [221] đã bước đầu thấy trong
thực hiện dân chủ cơ sở “Không ít người nhận thức được yêu cầu, nội dung, mục
21
đích và ý nghĩa của quy chế nhưng lại nghiêng về nhận thức được quyền lợi, cảm
nhận thấy quyền lợi là chủ yếu còn trách nhiệm của họ trong việc biết, bàn, làm,
kiểm tra thì chưa được nhận thức đúng đắn”. Tác giả chỉ rõ sự vun vén lợi ích cá
nhân trong nhân dân ảnh hưởng đến thực hiện dân chủ ở cơ sở “Điều đó thể hiện ở
nhiều nơi, nhất là các xã được coi là điểm nóng, có nhiều vụ khiếu kiện chỉ vì quyền
lợi, chỉ đòi quyền lợi cá nhân mà không tính đến trách nhiệm của mình, hoặc không
vì quyền lợi của tập thể cộng đồng. Một bộ phận lợi dụng quy chế để mưu lợi cá
nhân, bị kích động, lôi kéo, gây mất đoàn kết nội bộ. Đặt lợi ích cá nhân lên trên hết
trong 1 bộ phận cán bộ trong thực hiện dân chủ ở cơ sở thể hiện ở chỗ “Một số nơi
viện lý do này, lý do khác để né tránh, trì hoãn việc triển khai mà thực chất là chưa
tích cực, chưa quyết tâm, sợ liên lụy, động chạm đến lợi ích cá nhân”. Thực chất
đây chính là do ảnh hưởng của tâm lý tư hữu, cá nhân đối với cán bộ và người dân
trong thực hiện dân chủ ở xã. Tác giả Nhật Tân trong bài “Tính tất yếu đổi mới sự
lãnh đạo của Đảng để thực hiện dân chủ ở cơ sở” [166] cũng làm rõ những bất cập,
hạn chế trong thực hiện dân chủ ở xã như “Có trường hợp trình độ cán bộ non yếu,
bất cập, không hiểu rõ chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tự
đặt ra những quy định gây phiền hà, tạo kẽ hở cho kẻ xấu nhũng nhiễu nhân dân”.
Cũng “Có trường hợp do nhận thức của cán bộ không đầy đủ, thậm chí nóng vội, sai
lệch. Tình trạng hiểu biết pháp luật không đầy đủ nên trong quá trình điều hành,
quản lý phạm những thiếu sót, không ít cán bộ ở cơ sở có hiện tượng dễ làm, khó
bỏ, thiếu công tâm, chưa thực sự vì dân, còn thiên lệch, nể nang, bênh vực, bao che
cho những việc làm sai trái của người cùng cánh”. Như vậy, ở đây, tác giả đã chỉ rõ
tác động của tâm lý thiếu tôn trọng pháp luật, tư hữu cá nhân, tâm lý nể nang, dòng
họ của đội ngũ cán bộ trong thực hiện dân chủ ở xã. Trong bài “Đà Nẵng phát huy
quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở” [30], Lê Tự Cường cũng chỉ ra những hạn
chế trong thực hiện dân chủ ở cơ sở mà chính là biểu hiện tác động tiêu cực của tâm
lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở, trước hết là trong thực hiện quyền được
bàn bạc, thảo luận “Phần lớn số người tham gia bàn bạc thảo luận ở địa bàn dân cư
là cán bộ hưu trí. Ý thức tự giác, tự nguyện tham gia sinh hoạt hội họp của nhân dân
để bàn bạc còn hạn chế, nhất là không dám đấu tranh phê phán tiêu cực”. Hạn chế
22
còn thể hiện trong thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân “Vấn đề dân
kiểm tra là khâu thực hiện ít nhất và kém hiệu quả nhất. Đại bộ phận nhân dân, cán
bộ chính quyền không dám nói thẳng, không dám phê phán trực tiếp các mặt của
lãnh đạo, họ sợ bị trù dập, bị gây khó khăn, nguy cơ mất việc làm. Nhân dân biết rõ
tiêu cực của cán bộ công chức, người có chức có quyền nhưng không tố giác vì
thiếu tin tưởng vào việc giải quyết công minh, kịp thời của cấp có thẩm quyền, sợ
bè cánh bao che cho nhau”. Qua đó, có thể thấy tác động tiêu cực của tâm lý thụ
động, thiếu tự giác và tâm lý nể nang, dòng họ, bè phái trong thực hiện dân chủ ở
xã. Lê Xuân Huy trong bài viết Ảnh hưởng của tâm lý sản xuất nhỏ đối với việc
thực hiện dân chủ ở nông thôn nước ta hiện nay [87] cũng đã chỉ ra một số ảnh
hưởng của tâm lý sản xuất nhỏ với việc thực hiện dân chủ như hành động cảm tính,
không tuân theo pháp luật nên cán bộ không công khai thông tin đặc biệt là các
khoản thu, chi tài chính trước dân, không phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm.
Tác giả Huỳnh Đảm trong bài “Nhìn lại 10 năm thực hiện quy chế dân chủ ở xã,
phường, thị trấn” [40] cũng đã chỉ ra những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu
nông trong thực hiện dân chủ ở xã “Trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn
hạn chế, ý thức làm chủ chưa được nâng cao, sự hiểu biết về dân chủ và pháp luật
còn chưa đầy đủ, tư tưởng tự do vô tổ chức, bè cánh, dòng họ còn khá nặng nề,
năng lực giám sát của nhân dân còn hạn chế nên nhiều người dân còn thờ ơ với việc
thực hiện quy chế, hoặc chỉ quan tâm đến quyền lợi mà xem nhẹ nghĩa vụ, trách
nhiệm, thậm chí còn xảy ra tình trạng lợi dụng pháp luật, gây rối trật tự”. Tác giả
Chu Thị Trang Vân trong bài “Một số vấn đề đặt ra trong quá trình thực thi pháp
lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn” [217] đã chỉ ra 3 khó khăn, vướng mắc trong
thực hiện dân chủ ở xã đó là những khó khăn xuất phát từ phía cộng đồng, những
khó khăn vướng mắc từ thể chế, cơ chế, và những khó khăn từ phía cán bộ, đảng
viên. Trong những khó khăn xuất phát từ phía cộng đồng, tác giả cũng chỉ ra nhiều
nhân tố trong đó có yếu tố tâm lý làng xã bao gồm tư duy manh mún, tâm lý cộng
đồng, tâm lý dòng họ, bình quân chủ nghĩa, tác động đến việc thực hiện dân chủ ở
xã. Trong khó khăn từ phía cán bộ, đảng viên tác giả cũng chỉ rõ tư tưởng tư hữu, cá
nhân ở đội ngũ cán bộ tác động đến việc thực hiện dân chủ ở xã.
23
Về luận án, Lê Xuân Huy trong công trình Ý thức pháp luật với việc thực
hiện dân chủ ở nông thôn Việt Nam hiện nay [88] đã phân tích những tác động tiêu
cực của lệ làng đối với ý thức pháp luật của người nông dân như tâm lý họ hàng cục
bộ địa phương bè phái, trọng lệ hơn luật trong lệ làng đã tác động tiêu cực đến ý
thực pháp luật của người dân nông thôn. Như vậy, qua sự phân tích về lệ làng, tác
giả cũng cho thấy sự điều chỉnh, chi phối của lệ làng đối với ý thức, hành động của
mỗi người dân. Đây là những gọi mở cho tác giả luận án khi nghiên cứu về phương
thức tác động của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Tóm lại, các công trình nghiên cứu về thực trạng thực hiện dân chủ ở cơ sở,
trong khi chỉ ra những bất cập, hạn chế đã có những nội dung thực chất chính là
những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở, mặc
dù các tác giả có thể chưa chỉ rõ điều này do không phải là đối tượng nghiên cứu
chính của các công trình này. Vì vậy, đây là những dữ liệu, gợi ý cho tác giả luận án
trong đánh giá thực trạng ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện
dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, vì không phải là đối tượng nghiên cứu chính nên các dữ
liệu này được trình bảy rải rác, lẻ tẻ, chưa có sự phân tích sâu sắc, thấu đáo, hệ
thống, cần được tiếp tục bổ sung, làm rõ.
1.3. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VỀ GIẢI PHÁP ĐỂ HẠN CHẾ
NHỮNG ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA TÂM LÝ TIỂU NÔNG ĐẾN THỰC HIỆN
DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ NƯỚC TA HIỆN NAY
Vì đây là vấn đề mới nên không có công trình nào trực tiếp bàn về các giải
pháp để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân
chủ ở cơ sở tại Việt Nam hiện nay song các công trình khi bàn về thực hiện dân chủ
ở cấp xã có đưa ra những giải pháp để thực hiện tốt hơn dân chủ ở cấp xã, trong đó
những giải pháp sẽ góp phần vào việc hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý
tiểu nông đến việc thực hiện dân chủ ở cấp xã. Đồng thời, các công trình nghiên cứu
về các loại hình tâm lý gần gũi với tâm lý tiểu nông trong từng lĩnh vực cụ thể cũng
đề ra các giải pháp để khắc phục tác động tiêu cực của tâm lý này trong các lĩnh
vực. Vì vậy, đây đều là những công trình tham khảo hữu ích trong quá trình nghiên
24
cứu về các giải pháp để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến
thực hiện dân chủ ở cơ sở Việt Nam hiện nay.
Hoàng Chí Bảo (chủ biên) trong cuốn sách Hệ thống chính trị ở cơ sở nông
thôn nước ta hiện nay [10] đã nói về sự tác động của kinh tế thị trường đối với
những biến đổi tâm lý của người nông dân, họ đã biết tính toán hơn, có sự chấp
nhận đổi mới, chấp nhận mạo hiểu phiêu lưu “được ăn cả ngã về không”. Dù chưa
phải là nêu giải pháp nhưng qua sự phân tích tác động này chúng ta thấy rằng kinh
tế thị trường cũng có tác động tích cực đến việc hạn chế những biểu hiện tiêu cực
của tâm lý tiểu nông.
Cuốn sách Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đối với cán bộ lãnh đạo,
quản lý doanh nghiệp nhà nước [222], Lê Hữu Xanh đã đưa ra các giải pháp cơ bản
hạn chế tâm lý tiểu nông ở đội ngũ này là đổi mới nội dung, phương thức đào tạo cán
bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp; Đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng giao lưu hợp tác trong và ngoài nước; Hoàn thiện
cơ chế, chính sách và Luật doanh nghiệp nhà nước; Một số kiến nghị đối với doanh
nghiệp nhà nước hiện nay. Ưu điểm mà tác giả Lê Hữu Xanh đưa ra là bên cạnh giải
pháp nhằm loại bỏ cơ sở vật chất của tâm lý tiểu nông và thay đổi về nhận thức của
chính chủ thể tâm lý tiểu nông giống như nhiều công trình là phát triển kinh tế thị
trường và đổi mới công tác đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý doanh nghiệp nhà nước,
tác giả đã đưa ra đề xuất về thay đổi môi trường hoạt động của chủ thể có tâm lý tiểu
nông, ví dụ như với cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước, tác giả để xuất
các giải pháp về hoàn thiện luật doanh nghiệp nhà nước để hạn chế tâm lý tiểu nông ở
đội ngũ này. Vì vậy, đây là gợi ý quan trọng cho tác giả luận án trong khi đề xuất các
giải pháp hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân
chủ ở cơ sở chắc chắn phải tiếp tục hoàn thiện luật, cơ chế về thực hiện dân chủ nhằm
đảm bảo dân chủ ở cơ sở được thực hiện nghiêm túc, từ đó làm cho những biểu hiện
tiêu cực của tâm lý tiểu nông không có cơ sở để tồn tại, ảnh hưởng.
Cũng theo hướng giải pháp về hoàn thiện hệ thống pháp luật về dân chủ ở cơ
sở, Nguyễn Hồng Chuyên trong cuốn sách Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cấp xã
phục vụ xây dựng nông thôn mới [29] và Nguyễn Tiến Thành trong công trình
25
Hoàn thiện cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ cơ sở ở Việt Nam hiện nay [172] đã
chỉ ra những bất cập của pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, tác giả đưa ra hướng
hoàn thiện thiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở trong đó có pháp lệnh thực hiện dân
chủ ở xã, phường, thị trấn; các giải pháp tuyên truyền phổ biến pháp lệnh trong
nhân dân. Những giải pháp mà các tác giả đưa ra mặc dù không nói gì đến tâm lý
tiểu nông (vì không thuộc đối tượng nghiên cứu của các công trình này) song việc
hoàn thiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở cũng góp phần vào việc hạn chế những ảnh
hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Bên cạnh các công trình gợi mở hướng giải pháp hạn chế ảnh hưởng tiêu cực
của tâm lý tiểu nông bằng biện pháp hoàn thiện pháp luật, hướng giải pháp giáo
dục, tuyên truyền để phát huy tính cực của các chủ thể, giúp các chủ thể chủ động tự
hạn chế dần những ảnh hưởng của tâm lý tiểu nông cũng được một số cuốn sách đề
cập tới.
Nguyễn Hồng Chuyên trong cuốn sách Thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây
dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay [28], đã đề xuất 4
nhóm giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cấp xã là tăng cường sự lãnh
đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đối với việc thực hiện pháp
lệnh; Phát huy tính tích cực chính trị xã hội của cán bộ, đảng viên trong quá trình
thực hiện pháp luật dân chủ ở xã; Nâng cao nhận thức pháp luật, sự tham gia chủ
động, tự giác và tích cực của nhân dân vào hoạt động thực hiện pháp luật về dân
chủ ở xã; Đảm bảo các điều kiện về kinh tế, chính trị, văn hoá, pháp luật cho việc
thực hiện pháp lệnh. Như vậy, trong giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện pháp
luật dân chủ ở xã, tác giả đã chú ý nâng cao chủ thể thực hiện pháp luật là cán bộ cơ
sở và người dân. Mặc dù không nói đến tâm lý tiểu nông của các chủ thể này nhưng
việc nâng cao tích tích cực, chủ động của các chủ thể này trong thực hiện pháp luật
dân chủ cũng góp phần vào việc hạn chế dần những biểu hiện tiểu nông ở họ.
Một số bài tạp chí cũng tiếp cận các giải pháp về nâng cao nhận thức, ý thức
của các chủ thể thực hiện dân chủ ở cơ sở, qua đó nâng cao hiệu quả thực hiện dân
chủ. Theo tác giả luận án, đây cũng là một hướng để hạn chế những ảnh hưởng tiêu
cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
26
Tác giả Trần Quang Nhiếp trong bài “Thực hiện dân chủ ở xã, mấy vấn đề
đặt ra” [138] chỉ ra các giải pháp để thực hiện dân chủ cấp xã là: Đẩy mạnh công
nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế bền vững; Nâng
cao trình độ và năng lực làm chủ của nông dân; Củng cố hệ thống chính trị, các cơ
quan đại diện quyền làm chủ của nhân dân ở nông thôn. Vẫn là tác giả Trần Quang
Nhiếp với bài “Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở sau 2 năm nhìn lại” [139] có
bàn sâu đến giải pháp tuyên truyền, kịp thời sơ kết tổng kết, biểu dương, khen
thưởng, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong bài
“Qua 3 năm thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở nông thôn” [221], tác giả Lê Kim
Việt đã chỉ ra các giải pháp để thực hiện tốt dân chủ ở xã đó là tăng cường công tác
giáo dục, tuyên truyền, vận động; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nông thôn
vững mạnh làm nòng cốt, Củng cố hệ thống chính quyền cơ sở trong sạch, gắn việc
thực hiện quy chế với nâng cao dân trí và phát triển toàn diện kinh tế - văn hóa - xã
hội ở nông thôn. Các giải pháp thực hiện dân chủ ở xã mà tác giả Lê Quang Minh
đưa ra trong bài “Để thực hiện dân chủ ở cơ sở” [120] là Nâng cao nhận thức đúng
đắn đầy đủ về thực hiện dân chủ ở cơ sở hiện nay; Xây dựng hệ thống cơ chế, chính
sách, pháp luật đảm bảo cho việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; Tạo lập các tiền đề, các
yếu tố kinh tế - xã hội để thực hiện dân chủ ở cơ sở… Tác giả Tòng Thị Phóng
trong bài viết “Khâu đột phá của quá trình phát huy dân chủ ở nước ta thời kỳ đổi
mới” [146] cũng nêu các giải pháp để thực hiện dân chủ ở cơ sở tốt hơn bao gồm
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục quán triệt các quan điểm chủ trương của
Đảng về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Không ngừng hoàn chỉnh, nâng cao
tính pháp lý của các quy định được ban hành; Tăng cường vai trò giám sát việc thực
hiện quy chế dân chủ; Đào tạo cán bộ về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Bài
viết “Ảnh hưởng của tâm lý sản xuất nhỏ đối với việc thực hiện dân chủ ở nông
thôn nước ta hiện nay” [87] của Lê Xuân Huy có nội dung gần với đề tài của luận
án. Nhà nghiên cứu này đã đề xuất một số giải pháp khắc phục ảnh hưởng của tâm
lý tiểu nông như tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp,
nông thôn; Không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống
chính trị ở cơ sở; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân
27
dân, nâng cao dân trí, văn hoá. Như vậy, hướng tiếp cận về giải pháp của tác giả
cũng là khắc phục cơ sở vật chất hình thành tâm lý và giáo dục, tuyên truyền để
thay đổi nhận thức, tâm lý của chủ thể. Hướng tiếp cận giải pháp này cũng sẽ được
tác giả luận án tham khảo khi đề xuất các giải pháp
Những công trình nghiên cứu về tâm lý tiểu nông, tâm lý sản xuất nhỏ đối
với từng lĩnh vực cụ thể cũng đưa ra các giải pháp ngăn ngừa, hạn chế những biểu
hiện tiêu cực tâm lý tiểu nông như “Ảnh hưởng của tâm lý sản xuất nhỏ ở đội ngũ
cán bộ chủ chốt cấp cơ sở đồng bằng Bắc Bộ hiện nay” [39] đã đưa ra các giải pháp
như khắc phục tâm lý sản xuất nhỏ thông qua hoạt động lãnh đạo đẩy mạnh công
nghiệp hoá, hiện đại hoá; khắc phục tâm lý sản xuất nhỏ thông qua quá trình lãnh
đạo xây dựng đời sống văn hoá - xã hội mới và đẩy mạnh dân chủ hoá ở cơ sở;
Tăng cường công tác đào tạo nâng cao trình độ mọi mặt với việc khắc phục tâm lý
sản xuất nhỏ ở đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở đồng bằng Bắc Bộ; Nâng cao
phẩm chất đạo đức cách mạnh cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở đồng bằng
Bắc Bộ với việc khắc phục tâm lý sản xuất nhỏ. Nhìn chung, các giải pháp tác giả
đưa ra đã hướng tới việc thay đổi cơ sở vật chất của tâm lý tiểu nông bằng công
nghiệp hoá, hiện đại hoá và các giải pháp hạn chế, xoá bỏ tâm lý tiểu nông ở đội
ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở. Tuy nhiên, vì giới hạn nghiên cứu của tác giả chỉ là
tâm lý sản xuất nhỏ ở đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở đồng bằng Bắc Bộ nên các
giải pháp cũng chỉ hướng đến đội ngũ cán bộ.
Một số công trình nghiên cứu về tâm lý tiểu nông bên cạnh nhiều giải pháp
khác đã chú ý đến các giải pháp về công tác cán bộ.
Trong cuốn sách, “Tâm lý sản xuất nhỏ ở đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở
đồng bằng Bắc Bộ hiện nay” [39], tác giả Trần Sỹ Dương đưa ra nhiều giải pháp,
trong đó có giải pháp thay đổi nhận thức, đạo đức của cán bộ thông qua công tác
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt cấp cơ sở. Luận án tiến sĩ “Ảnh hưởng của tâm
lý tiểu nông đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam hiện nay” [159] của tác giả Cao Thị Sính, các giải pháp mà tác giả đưa ra là:
Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh sự nghiệp
công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước - cơ sở, tiền đề để khắc phục ảnh hưởng tiêu
28
cực của tâm lý tiểu nông; Phát huy vai trò lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng và
đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở nông thôn; Nâng cao đời sống văn hoá đi đôi với cải
biến phong tục, tập quán lạc hậu; Nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân với việc
khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông; Tiếp tục đổi mới công tác đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Như vậy, trong nhiều giải pháp, tác giả Cao Thị
Sính có chú ý đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đây là một hướng tiếp cận
giải pháp đúng đắn mà tác giả luận án sẽ kế thừa. Tuy nhiên, các khâu khác trong
công tác cán bộ cũng góp phần vào việc hạn chế tâm lý tiểu nông ở đội ngũ này,
song các công trình này chỉ tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đây
là điểm khuyết mà luận án sẽ bổ sung.
Tóm lại, những công trình nghiên cứu về dân chủ ở cơ sở khi bàn về các giải
pháp để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện dân chủ ở cơ sở dù tiếp cận ở nhiều góc
độ khác nhau và đưa ra những giải pháp không hoàn toàn giống nhau nhưng khái
quát lại có thể thống nhất ở một số giải pháp đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật về
thực hiện dân chủ ở cơ sở, nâng cao trình độ, năng lực, ý thức tích cực của người
dân và cán bộ cơ sở - những chủ thể thực hiện pháp luật dân chủ ở cơ sở, một số
giải pháp khác về kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật… Những giải pháp này
cũng có ý nghĩa đối với việc hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu
nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, vì không phải là đối tượng nghiên
cứu nên trong các công trình này, chưa có công trình nào chỉ rõ các giải pháp này có
thể hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông như thế nào. Còn những
công trình nghiên cứu về ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong từng lĩnh
vực cụ thể đều đưa ra giải pháp để hạn chế những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu
nông trong những lĩnh vực này là xoá bỏ cơ sở vật chất sản sinh tâm lý tiểu nông,
hạn chế tâm lý tiểu nông trong các chủ thể hành động thông qua giáo dục, đào tạo.
Hoàn thiện pháp luật ở từng lĩnh vực cụ thể để hạn chế những biểu hiện tiêu cực của
tâm lý tiểu nông trong lĩnh vực đó. Đây cũng là hướng tiếp cận của tác giả luận án
khi đề xuất các giải pháp. Tuy nhiên, vì lĩnh vực cụ thể mà tác giả nghiên cứu là ảnh
hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở Việt Nam hiện
nay, một hướng nghiên cứu hoàn toàn mới, nên các giải pháp đưa ra trong luận án
29
không phải là hạn chế tâm lý tiểu nông ở cán bộ cơ sở và nhân dân chung chung mà
trong hoạt động cụ thể là thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tác giả cũng bổ sung các giải
pháp để hạn chế những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong từng chủ thể
thực hiện dân chủ ở cơ sở không chỉ là qua giáo dục, tuyên truyền mà còn thông qua
các cách thức để ngăn chặn những phương thức tác động của tâm lý tiểu nông đến
thực hiện dân chủ ở cơ sở, các giải pháp về công tác cán bộ. Đồng thời, tác giả đề
xuất giải pháp về hoàn thiện cơ chế, pháp luật dân chủ ở cơ sở nhằm hạn chế những
ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ. Đây là những
hướng nghiên cứu mới, mà các công trình trước chưa làm được.
1.4. NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA CÁC CÔNG TRÌNH ĐƯỢC TỔNG QUAN VÀ
NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN ĐẶT RA CHO TÁC GIẢ LUẬN ÁN CẦN TIẾP TỤC
NGHIÊN CỨU, GIẢI QUYẾT
1.4.1. Những giá trị cần tham khảo của các công trình đã tổng quan
Trên cơ sở tổng quan các công trình có liên quan đến đề tài, có thể thấy rằng
các công trình đã đề cập, phân tích được những vấn đề sau:
- Các nhà nghiên cứu trước đó đã làm rõ nội dung của việc thực hiện dân chủ
ở cơ sở trên các nhóm quyền dân biết, dân bàn bạc, quyết định và dân kiểm tra,
giám sát.
- Nhiều nghiên cứu cũng đã phân tích sự cần thiết của việc phải thực hiện
dân chủ ở cơ sở.
- Một số công trình đã làm rõ ý nghĩa, vai trò của việc thực hiện dân chủ ở cơ
sở, những yếu tố tác động đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
- Các công trình trước đó cũng đã chỉ ra những biểu hiện của tâm lý tiểu
nông cũng như cơ sở hình thành tâm lý tiểu nông.
- Một số nhà nghiên cứu khi đánh giá về những hạn chế của thực hiện dân
chủ ở cơ sở ở nước ta thời gian qua, mặc dù không nói đến tâm lý tiểu nông nhưng
những hạn chế trong thực hiện dân chủ ở cơ sở chỉ ra, thực chất chính là do ảnh
hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông. Một số công trình đã nhận thức và chỉ rõ một
số biểu hiện của tâm lý tiểu nông gây cản trở cho việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
30
- Một số nhà nghiên cứu đã đưa ra giải pháp để thực hiện dân chủ ở cơ sở có
hiệu quả hơn và thực chất hơn, trong đó theo tác giả luận án, có một số giải pháp
cũng góp phần vào việc hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến
việc thực hiện dân chủ ở các xã. Một số công trình đưa ra giải pháp về hạn chế ảnh
hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông ở từng chủ thể ở trong một số lĩnh vực, đây là
cũng tài liệu tham khảo rất hữu ích về mặt cơ sở, phương pháp luận tiếp cận vấn đề.
1.4.2. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã làm được đó thì các công trình trên cũng
còn một số mặt chưa làm được, chúng tôi mong sẽ tiếp tục bổ sung, làm sâu sắc hơn
trong công trình của mình ở những nội dung sau:
- Trong phần nội dung của thực hiện dân chủ ở cơ sở, tác giả làm rõ những
nội dung của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, đồng thời có sự phân tích những nội
dung này đã bao hàm các quyền dân chủ trực tiếp và quyền dân chủ gián tiếp, các
quyền dân chủ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân.
- Các công trình trong khi phân tích các biểu hiện của tâm lý tiểu nông thì có
phân tích cơ sở hình thành tâm lý đó. Vì vậy việc trình bày cơ sở hình thành có
phần rải rác, lẻ tẻ, thiếu tập trung. Trong luận án này, tác giả sẽ làm rõ ba cơ sở hình
thành tâm lý tiểu nông là điều kiện tự nhiên, hoạt động sản xuất (kinh tế tiểu nông)
và hoạt động sinh hoạt (làng xã), từng cơ sở ấy góp phần hình thành những biểu
hiện gì của tâm lý tiểu nông.
- Các tác giả trước mặc dù đã có chỉ ra tâm lý tiểu nông có ảnh hưởng không
chỉ ở ngưởi nông dân sản xuất nhỏ mà tới mọi tầng lớp dân cư, nhưng chưa chỉ ra
được lí do tại sao tâm lý tiểu nông lại ảnh hưởng đến việc thực hiện dân chủ ở cơ
sở, nó ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở theo những phương
thức nào, trên các phương diện nào. Trong luận án này, tác giả sẽ làm rõ điều đó.
- Tác giả sẽ tổng hợp phân tích sâu sắc và có tính hệ thống ảnh hưởng tiêu
cực của tâm lý tiểu nông trên 4 nội dung cơ bản của thực hiện dân chủ ở cơ sở là
dân biết, dân tham gia ý kiến, quyền quyết định, biểu quyết quyết định và dân kiểm
tra. Đây là điều mà các nghiên cứu đã có chưa làm được. Các công trình trước dù
chưa phải là đối tượng nghiên cứu chính song đã trình bày rải rác một số biểu hiện
31
tiêu cực của tâm lý tiểu nông đối với thực hiện dân chủ ở cơ sở nhưng thiếu tính hệ
thống và chủ yếu là nêu khái quát, thiếu phân tích cụ thể và dẫn chứng rõ ràng.
- Các giải pháp thực hiện dân chủ ở cơ sở thì có nhiều công trình đề cập đến.
Đồng thời, các công trình nghiên cứu về tâm lý tiểu nông trong từng lĩnh vực, hoạt
động cụ thể có đề xuất các giải pháp hạn chế những tác động tiêu cực của tâm lý tiểu
nông trên từng lĩnh vực cụ thể này. Tuy nhiên, các công trình về dân chủ ở cơ sở chưa
làm rõ được những giải pháp này góp phần vào hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tâm
lý tiểu nông như thế nào. Còn những nghiên cứu về tâm lý tiểu nông, chưa có nghiên
cứu nào về ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở,
nên các giải pháp đưa ra cũng chưa thật sát, chủ yếu có giá trị tham khảo về phương
pháp luận tiếp cận về giải pháp. Vì vậy, luận án này sẽ bổ sung một số giải pháp mới
và kế thừa một số giải pháp mà các công trình đã nêu nhưng làm rõ các giải pháp đó
sẽ hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở
cơ sở như thế nào, các biện pháp cụ thể để thực hiện các giải pháp đó.
Tóm lại, những công trình đã có thời gian qua là những tài liệu tham khảo bổ
ích cho tác giả trong quá trình triển khai đề tài “Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý
tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở Việt Nam hiện nay”. Tuy nhiên, các
nghiên cứu này chưa phân tích một cách hệ thống, sâu sắc, rõ ràng, cụ thể những
vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến nội dung của đề tài. Luận án sẽ kế thừa
những công trình đã có và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.
Tiểu kết chương 1
Trong chương này, tác giả luận án tổng quan các công trình nghiên cứu liên
quan đến đề tài trên 3 nội dung chính là những công trình nghiên cứu về dân chủ ở
cơ sở, về tâm lý tiểu nông trên phương diện lý luận; Những công trình nghiên cứu
về thực trạng ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ
sở; Những công trình nghiên cứu về giải pháp hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực
của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong khi tổng quan các công
trình này, tác giả có đánh giá những giá trị mà tác giả sẽ kế thừa trong khi triển khai
luận án và những điểm cần bổ sung. Sau khi tổng quan các nghiên cứu liên quan
32
đến đề tài luận án, tác giả có đánh giá lại những giá trị mà công trình đã tổng quan
cần phải kế thừa và những điểm cần phải tiếp tục nghiên cứu, giải quyết trên cả 3
nội dung về mặt lý luận, thực tiễn và các giải pháp. Qua tổng quan, tác giả thấy rằng
việc lựa chọn đề tài nghiên cứu là không hề trùng lặp, chưa có công trình nào trực
tiếp nghiên cứu về vấn đề này. Tuy nhiên, những công trình trước đó là tài liệu tham
khảo rất hữu ích và là những gợi mở ban đầu để tác giả tiếp tục nghiên cứu, bổ sung
những điểm còn chưa được bàn tới.
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở
Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở

More Related Content

What's hot

Luận án: Pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc, HAY - Gửi miễn phí q...
Luận án: Pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc, HAY - Gửi miễn phí q...Luận án: Pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc, HAY - Gửi miễn phí q...
Luận án: Pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc, HAY - Gửi miễn phí q...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Luận văn: Quyền tham gia quản lý nhà nước cấp xã tại Nình Thuận - Gửi miễn ph...
Luận văn: Quyền tham gia quản lý nhà nước cấp xã tại Nình Thuận - Gửi miễn ph...Luận văn: Quyền tham gia quản lý nhà nước cấp xã tại Nình Thuận - Gửi miễn ph...
Luận văn: Quyền tham gia quản lý nhà nước cấp xã tại Nình Thuận - Gửi miễn ph...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Kết quả thực tế: Thực trạng văn hóa công sở tại ủy ban nhân dân xã Tiến Hưng
Kết quả thực tế: Thực trạng văn hóa công sở tại ủy ban nhân dân xã Tiến HưngKết quả thực tế: Thực trạng văn hóa công sở tại ủy ban nhân dân xã Tiến Hưng
Kết quả thực tế: Thực trạng văn hóa công sở tại ủy ban nhân dân xã Tiến HưngNhận Viết Đề Tài Trọn Gói ZALO 0932091562
 
THỰC TRẠNG VĂN HÓA CÔNG SỞ TẠI ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ TIẾN HƯNG, THỊ XÃ ĐỒNG XOÀI
THỰC TRẠNG VĂN HÓA CÔNG SỞ TẠI ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ TIẾN HƯNG, THỊ XÃ ĐỒNG XOÀITHỰC TRẠNG VĂN HÓA CÔNG SỞ TẠI ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ TIẾN HƯNG, THỊ XÃ ĐỒNG XOÀI
THỰC TRẠNG VĂN HÓA CÔNG SỞ TẠI ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ TIẾN HƯNG, THỊ XÃ ĐỒNG XOÀIhieu anh
 
Đề tài: Thực trạng văn hóa công sở tại ủy ban nhân dân Xã Tiến Hưng, Thị Xã Đ...
Đề tài: Thực trạng văn hóa công sở tại ủy ban nhân dân Xã Tiến Hưng, Thị Xã Đ...Đề tài: Thực trạng văn hóa công sở tại ủy ban nhân dân Xã Tiến Hưng, Thị Xã Đ...
Đề tài: Thực trạng văn hóa công sở tại ủy ban nhân dân Xã Tiến Hưng, Thị Xã Đ...Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
Đề tài: Nâng Cao Chất Lượng Hoạt Động Của Hội Nông Dân Xã Chương Dương trong ...
Đề tài: Nâng Cao Chất Lượng Hoạt Động Của Hội Nông Dân Xã Chương Dương trong ...Đề tài: Nâng Cao Chất Lượng Hoạt Động Của Hội Nông Dân Xã Chương Dương trong ...
Đề tài: Nâng Cao Chất Lượng Hoạt Động Của Hội Nông Dân Xã Chương Dương trong ...Dịch vụ viết thuê Khóa Luận - ZALO 0932091562
 

What's hot (19)

Luận án: Pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc, HAY - Gửi miễn phí q...
Luận án: Pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc, HAY - Gửi miễn phí q...Luận án: Pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc, HAY - Gửi miễn phí q...
Luận án: Pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc, HAY - Gửi miễn phí q...
 
Đề tài: Pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở, Hà Nội, HOT
Đề tài: Pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở, Hà Nội, HOTĐề tài: Pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở, Hà Nội, HOT
Đề tài: Pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở, Hà Nội, HOT
 
Luận văn: Thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở ở quận Sơn Trà
Luận văn: Thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở ở quận Sơn TràLuận văn: Thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở ở quận Sơn Trà
Luận văn: Thực hiện pháp luật về dân chủ cơ sở ở quận Sơn Trà
 
Luận văn: Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở, HOT
Luận văn: Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở, HOTLuận văn: Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở, HOT
Luận văn: Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở, HOT
 
Luận văn: Đảm bảo quyền của phụ nữ ở nông thôn Việt Nam
Luận văn: Đảm bảo quyền của phụ nữ ở nông thôn Việt NamLuận văn: Đảm bảo quyền của phụ nữ ở nông thôn Việt Nam
Luận văn: Đảm bảo quyền của phụ nữ ở nông thôn Việt Nam
 
Luận văn: Quyền tham gia quản lý nhà nước cấp xã tại Nình Thuận - Gửi miễn ph...
Luận văn: Quyền tham gia quản lý nhà nước cấp xã tại Nình Thuận - Gửi miễn ph...Luận văn: Quyền tham gia quản lý nhà nước cấp xã tại Nình Thuận - Gửi miễn ph...
Luận văn: Quyền tham gia quản lý nhà nước cấp xã tại Nình Thuận - Gửi miễn ph...
 
Kết quả thực tế: Thực trạng văn hóa công sở tại ủy ban nhân dân xã Tiến Hưng
Kết quả thực tế: Thực trạng văn hóa công sở tại ủy ban nhân dân xã Tiến HưngKết quả thực tế: Thực trạng văn hóa công sở tại ủy ban nhân dân xã Tiến Hưng
Kết quả thực tế: Thực trạng văn hóa công sở tại ủy ban nhân dân xã Tiến Hưng
 
THỰC TRẠNG VĂN HÓA CÔNG SỞ TẠI ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ TIẾN HƯNG, THỊ XÃ ĐỒNG XOÀI
THỰC TRẠNG VĂN HÓA CÔNG SỞ TẠI ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ TIẾN HƯNG, THỊ XÃ ĐỒNG XOÀITHỰC TRẠNG VĂN HÓA CÔNG SỞ TẠI ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ TIẾN HƯNG, THỊ XÃ ĐỒNG XOÀI
THỰC TRẠNG VĂN HÓA CÔNG SỞ TẠI ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ TIẾN HƯNG, THỊ XÃ ĐỒNG XOÀI
 
Đề tài: Thực trạng văn hóa công sở tại ủy ban nhân dân Xã Tiến Hưng, Thị Xã Đ...
Đề tài: Thực trạng văn hóa công sở tại ủy ban nhân dân Xã Tiến Hưng, Thị Xã Đ...Đề tài: Thực trạng văn hóa công sở tại ủy ban nhân dân Xã Tiến Hưng, Thị Xã Đ...
Đề tài: Thực trạng văn hóa công sở tại ủy ban nhân dân Xã Tiến Hưng, Thị Xã Đ...
 
Luận văn: Quyền tham gia chính trị ở Việt Nam hiện nay, HAY - Gửi miễn phí qu...
Luận văn: Quyền tham gia chính trị ở Việt Nam hiện nay, HAY - Gửi miễn phí qu...Luận văn: Quyền tham gia chính trị ở Việt Nam hiện nay, HAY - Gửi miễn phí qu...
Luận văn: Quyền tham gia chính trị ở Việt Nam hiện nay, HAY - Gửi miễn phí qu...
 
Chính sách giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, HAY
Chính sách giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, HAYChính sách giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, HAY
Chính sách giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, HAY
 
Luận văn: Vấn đề giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên, HOT
Luận văn: Vấn đề giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên, HOTLuận văn: Vấn đề giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên, HOT
Luận văn: Vấn đề giáo dục ý thức pháp luật cho sinh viên, HOT
 
Luận văn: Vai trò của Ủy ban Mặt trận trong thực hiện quy chế dân chủ
Luận văn: Vai trò của Ủy ban Mặt trận trong thực hiện quy chế dân chủLuận văn: Vai trò của Ủy ban Mặt trận trong thực hiện quy chế dân chủ
Luận văn: Vai trò của Ủy ban Mặt trận trong thực hiện quy chế dân chủ
 
THỰC THI CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP Xà - TẢI FREE Z...
THỰC THI CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP Xà - TẢI FREE Z...THỰC THI CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP Xà - TẢI FREE Z...
THỰC THI CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP Xà - TẢI FREE Z...
 
Luận văn: Bảo vệ lao động nữ theo pháp luật tại TP Đà Nẵng, 9đ
Luận văn: Bảo vệ lao động nữ theo pháp luật tại TP Đà Nẵng, 9đLuận văn: Bảo vệ lao động nữ theo pháp luật tại TP Đà Nẵng, 9đ
Luận văn: Bảo vệ lao động nữ theo pháp luật tại TP Đà Nẵng, 9đ
 
Luận văn: Mối quan hệ giữa tổ chức xã hội và nhà nước pháp quyền
Luận văn: Mối quan hệ giữa tổ chức xã hội và nhà nước pháp quyềnLuận văn: Mối quan hệ giữa tổ chức xã hội và nhà nước pháp quyền
Luận văn: Mối quan hệ giữa tổ chức xã hội và nhà nước pháp quyền
 
Đề tài: Nâng Cao Chất Lượng Hoạt Động Của Hội Nông Dân Xã Chương Dương trong ...
Đề tài: Nâng Cao Chất Lượng Hoạt Động Của Hội Nông Dân Xã Chương Dương trong ...Đề tài: Nâng Cao Chất Lượng Hoạt Động Của Hội Nông Dân Xã Chương Dương trong ...
Đề tài: Nâng Cao Chất Lượng Hoạt Động Của Hội Nông Dân Xã Chương Dương trong ...
 
Luận văn: Xây dựng ý thức pháp luật cho nông dân, HOT
Luận văn: Xây dựng ý thức pháp luật cho nông dân, HOTLuận văn: Xây dựng ý thức pháp luật cho nông dân, HOT
Luận văn: Xây dựng ý thức pháp luật cho nông dân, HOT
 
Đề tài: Tổ chức, hoạt động chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc, HOT
Đề tài: Tổ chức, hoạt động chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc, HOTĐề tài: Tổ chức, hoạt động chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc, HOT
Đề tài: Tổ chức, hoạt động chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc, HOT
 

Similar to Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở

Vai trò của nhân dân trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở tỉnh Hưng Yên hi...
Vai trò của nhân dân trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở tỉnh Hưng Yên hi...Vai trò của nhân dân trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở tỉnh Hưng Yên hi...
Vai trò của nhân dân trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở tỉnh Hưng Yên hi...Dịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Vai trò của nhân dân trong thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, HAY - Gửi miễn ph...
Vai trò của nhân dân trong thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, HAY - Gửi miễn ph...Vai trò của nhân dân trong thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, HAY - Gửi miễn ph...
Vai trò của nhân dân trong thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, HAY - Gửi miễn ph...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Vai trò của hệ thống chính trị trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân - Gử...
Vai trò của hệ thống chính trị trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân - Gử...Vai trò của hệ thống chính trị trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân - Gử...
Vai trò của hệ thống chính trị trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân - Gử...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Vai trò của hệ thống chính trị trong quyền làm chủ của nhân dân, HAY - Gửi mi...
Vai trò của hệ thống chính trị trong quyền làm chủ của nhân dân, HAY - Gửi mi...Vai trò của hệ thống chính trị trong quyền làm chủ của nhân dân, HAY - Gửi mi...
Vai trò của hệ thống chính trị trong quyền làm chủ của nhân dân, HAY - Gửi mi...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Luận văn: Tổ chức, hoạt động chính quyền TP Vĩnh Yên, HAY - Gửi miễn phí qua ...
Luận văn: Tổ chức, hoạt động chính quyền TP Vĩnh Yên, HAY - Gửi miễn phí qua ...Luận văn: Tổ chức, hoạt động chính quyền TP Vĩnh Yên, HAY - Gửi miễn phí qua ...
Luận văn: Tổ chức, hoạt động chính quyền TP Vĩnh Yên, HAY - Gửi miễn phí qua ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

Similar to Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở (20)

Vai trò của nhân dân trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở tỉnh Hưng Yên hi...
Vai trò của nhân dân trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở tỉnh Hưng Yên hi...Vai trò của nhân dân trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở tỉnh Hưng Yên hi...
Vai trò của nhân dân trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở tỉnh Hưng Yên hi...
 
Vai trò của nhân dân trong thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, HAY - Gửi miễn ph...
Vai trò của nhân dân trong thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, HAY - Gửi miễn ph...Vai trò của nhân dân trong thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, HAY - Gửi miễn ph...
Vai trò của nhân dân trong thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, HAY - Gửi miễn ph...
 
BÀI MẪU Luận văn chủ nghĩa xã hội khoa học, HAY
BÀI MẪU Luận văn chủ nghĩa xã hội khoa học, HAYBÀI MẪU Luận văn chủ nghĩa xã hội khoa học, HAY
BÀI MẪU Luận văn chủ nghĩa xã hội khoa học, HAY
 
BÀI MẪU Luận văn thạc sĩ ngành chính sách công, HAY
BÀI MẪU Luận văn thạc sĩ ngành chính sách công, HAYBÀI MẪU Luận văn thạc sĩ ngành chính sách công, HAY
BÀI MẪU Luận văn thạc sĩ ngành chính sách công, HAY
 
Luận văn thạc sĩ Thực Hiện Dân Chủ Ở Xã, Thị Trấn Của Huyện Sơn Hòa, Tỉnh Phú...
Luận văn thạc sĩ Thực Hiện Dân Chủ Ở Xã, Thị Trấn Của Huyện Sơn Hòa, Tỉnh Phú...Luận văn thạc sĩ Thực Hiện Dân Chủ Ở Xã, Thị Trấn Của Huyện Sơn Hòa, Tỉnh Phú...
Luận văn thạc sĩ Thực Hiện Dân Chủ Ở Xã, Thị Trấn Của Huyện Sơn Hòa, Tỉnh Phú...
 
Đề tài: Thu hút sự tham gia của người dân vào hoạt động của phường
Đề tài: Thu hút sự tham gia của người dân vào hoạt động của phườngĐề tài: Thu hút sự tham gia của người dân vào hoạt động của phường
Đề tài: Thu hút sự tham gia của người dân vào hoạt động của phường
 
Thu hút sự tham gia của người dân vào hoạt động QLNN
Thu hút sự tham gia của người dân vào hoạt động QLNNThu hút sự tham gia của người dân vào hoạt động QLNN
Thu hút sự tham gia của người dân vào hoạt động QLNN
 
Pháp luật về dân chủ cơ sở trong cơ quan hành chính tỉnh Thái Nguyên
Pháp luật về dân chủ cơ sở trong cơ quan hành chính tỉnh Thái NguyênPháp luật về dân chủ cơ sở trong cơ quan hành chính tỉnh Thái Nguyên
Pháp luật về dân chủ cơ sở trong cơ quan hành chính tỉnh Thái Nguyên
 
Luận văn: Hoàn thiện quy chế thực hiện dân chủ ở cấp xã, HAY
Luận văn: Hoàn thiện quy chế thực hiện dân chủ ở cấp xã, HAYLuận văn: Hoàn thiện quy chế thực hiện dân chủ ở cấp xã, HAY
Luận văn: Hoàn thiện quy chế thực hiện dân chủ ở cấp xã, HAY
 
Vai trò của hệ thống chính trị trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân - Gử...
Vai trò của hệ thống chính trị trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân - Gử...Vai trò của hệ thống chính trị trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân - Gử...
Vai trò của hệ thống chính trị trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân - Gử...
 
Luận văn: Thực hiện pháp luật tiếp công dân của UBND cấp xã
Luận văn: Thực hiện pháp luật tiếp công dân của UBND cấp xãLuận văn: Thực hiện pháp luật tiếp công dân của UBND cấp xã
Luận văn: Thực hiện pháp luật tiếp công dân của UBND cấp xã
 
Luận văn: Pháp luật tiếp công dân của UBND cấp xã huyện Thường Tín
Luận văn: Pháp luật tiếp công dân của UBND cấp xã huyện Thường TínLuận văn: Pháp luật tiếp công dân của UBND cấp xã huyện Thường Tín
Luận văn: Pháp luật tiếp công dân của UBND cấp xã huyện Thường Tín
 
Cnxh (3)
Cnxh (3)Cnxh (3)
Cnxh (3)
 
Báo cáo thực tập ủy ban nhân dân huyện Như Xuân - TẢI FREE ZALO: 0934 573 149
Báo cáo thực tập ủy ban nhân dân huyện Như Xuân - TẢI FREE ZALO: 0934 573 149Báo cáo thực tập ủy ban nhân dân huyện Như Xuân - TẢI FREE ZALO: 0934 573 149
Báo cáo thực tập ủy ban nhân dân huyện Như Xuân - TẢI FREE ZALO: 0934 573 149
 
Luận văn: Giám sát của Hội đồng nhân dân phường, HAY
Luận văn: Giám sát của Hội đồng nhân dân phường, HAYLuận văn: Giám sát của Hội đồng nhân dân phường, HAY
Luận văn: Giám sát của Hội đồng nhân dân phường, HAY
 
Luận văn: Đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị Quận 3
Luận văn: Đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị  Quận 3Luận văn: Đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị  Quận 3
Luận văn: Đổi mới công tác dân vận của hệ thống chính trị Quận 3
 
Vai trò của hệ thống chính trị trong quyền làm chủ của nhân dân, HAY - Gửi mi...
Vai trò của hệ thống chính trị trong quyền làm chủ của nhân dân, HAY - Gửi mi...Vai trò của hệ thống chính trị trong quyền làm chủ của nhân dân, HAY - Gửi mi...
Vai trò của hệ thống chính trị trong quyền làm chủ của nhân dân, HAY - Gửi mi...
 
Đề tài: Tổ chức, hoạt động chính quyền tp Vĩnh Yên tỉnh Vĩnh Phúc
Đề tài: Tổ chức, hoạt động chính quyền tp Vĩnh Yên tỉnh Vĩnh PhúcĐề tài: Tổ chức, hoạt động chính quyền tp Vĩnh Yên tỉnh Vĩnh Phúc
Đề tài: Tổ chức, hoạt động chính quyền tp Vĩnh Yên tỉnh Vĩnh Phúc
 
Luận văn: Tổ chức, hoạt động chính quyền TP Vĩnh Yên, HAY - Gửi miễn phí qua ...
Luận văn: Tổ chức, hoạt động chính quyền TP Vĩnh Yên, HAY - Gửi miễn phí qua ...Luận văn: Tổ chức, hoạt động chính quyền TP Vĩnh Yên, HAY - Gửi miễn phí qua ...
Luận văn: Tổ chức, hoạt động chính quyền TP Vĩnh Yên, HAY - Gửi miễn phí qua ...
 
Cơ sở lý luận về năng lực công chức cấp xã.docx
Cơ sở lý luận về năng lực công chức cấp xã.docxCơ sở lý luận về năng lực công chức cấp xã.docx
Cơ sở lý luận về năng lực công chức cấp xã.docx
 

More from Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864

Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.docTạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.docDịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 

More from Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864 (20)

Yếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.doc
Yếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.docYếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.doc
Yếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.doc
 
Từ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.doc
Từ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.docTừ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.doc
Từ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.doc
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
 
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
 
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
 
Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...
Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...
Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
 
Tác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.doc
Tác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.docTác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.doc
Tác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.doc
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
 
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
 
Song Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.doc
Song Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.docSong Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.doc
Song Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.doc
 
Ứng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.doc
Ứng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.docỨng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.doc
Ứng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.doc
 
Vai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.doc
Vai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.docVai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.doc
Vai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.doc
 
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
 
Thu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.doc
Thu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.docThu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.doc
Thu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.doc
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
 
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.docTạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
 

Recently uploaded

26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdfltbdieu
 
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docxasdnguyendinhdang
 
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...ChuThNgnFEFPLHN
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhàBài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhàNguyen Thi Trang Nhung
 
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận HạnTử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận HạnKabala
 
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Giáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdf
Giáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdfGiáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdf
Giáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdf4pdx29gsr9
 
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hànhbài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hànhdangdinhkien2k4
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnBài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnpmtiendhti14a5hn
 
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoiC6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoidnghia2002
 
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng TạoĐề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạowindcances
 
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.pptAccess: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.pptPhamThiThuThuy1
 
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hộiTrắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hộiNgocNguyen591215
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...hoangtuansinh1
 
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình PhươngGiáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phươnghazzthuan
 
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...Nguyen Thanh Tu Collection
 

Recently uploaded (20)

26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
 
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
 
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhàBài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
 
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận HạnTử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
Tử Vi Là Gì Học Luận Giải Tử Vi Và Luận Đoán Vận Hạn
 
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Giáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdf
Giáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdfGiáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdf
Giáo trình xây dựng thực đơn. Ths Hoang Ngoc Hien.pdf
 
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hànhbài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
 
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnBài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
 
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoiC6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
 
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng TạoĐề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
 
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.pptAccess: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
 
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hộiTrắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
 
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình PhươngGiáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
 
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
 

Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở

  • 1. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH HÀ THỊ THUỲ DƯƠNG ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA TÂM LÝ TIỂU NÔNG ĐẾN THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ VIỆT NAM HIỆN NAY LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC CHUYÊN NGÀNH CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG VÀ CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ HÀ NỘI - 2019
  • 2. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH HÀ THỊ THUỲ DƯƠNG ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA TÂM LÝ TIỂU NÔNG ĐẾN THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ VIỆT NAM HIỆN NAY LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC CHUYÊN NGÀNH CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG VÀ CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ Mã số: 62.22.03.02 Người hướng dẫn khoa học: 1. GS, TS. Lê Hữu Nghĩa 2. TS. Trần Sỹ Dương HÀ NỘI - 2019
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng và được trích dẫn đầy đủ theo quy định. Tác giả Hà Thị Thùy Dương
  • 4. MỤC LỤC MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI ............................................................................................6 1.1. Những công trình nghiên cứu về dân chủ ở cơ sở, về tâm lý tiểu nông trên phương diện lý luận.....................................................................................6 1.2. Những công trình nghiên cứu về thực trạng ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Việt Nam hiện nay .................16 1.3. Những công trình nghiên cứu về giải pháp để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở nước ta hiện nay ............................................................................................................23 1.4. Những giá trị của các công trình được tổng quan và những vấn đề cần đặt ra cho tác giả luận án cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết..........................29 CHƯƠNG 2: TÂM LÝ TIỂU NÔNG VÀ THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ - MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN.............................................................33 2.1. Một số vấn đề lý luận về tâm lý tiểu nông.........................................................33 2.2. Một số vấn đề lý luận về thực hiện dân chủ ở cơ sở Việt Nam hiện nay .........50 2.3. Phương thức tác động và sự cần thiết phải hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở..................................64 CHƯƠNG 3: ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA TÂM LÝ TIỂU NÔNG ĐẾN THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ VIỆT NAM HIỆN NAY - THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN...................................................79 3.1. Thực trạng ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở Việt Nam hiện nay ........................................................................79 3.2. Nguyên nhân của thực trạng ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở........................................................................103 CHƯƠNG 4: MỘT SỐ GIẢI PHÁP HẠN CHẾ ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA TÂM LÝ TIỂU NÔNG ĐỐI VỚI VIỆC THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ VIỆT NAM HIỆN NAY..............................................114 4.1. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - cơ sở vật chất để hạn chế, xoá bỏ những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông ....................114
  • 5. 4.2. Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao trình độ, nhận thức, văn hóa của nhân dân....................................................................122 4.3. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó có pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn ..................................133 4.4. Hoàn thiện công tác cán bộ nhằm đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất......................................................139 KẾT LUẬN............................................................................................................150 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI ĐÃ CÔNG BỐ ..................................................................152 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.............................................................153
  • 6. 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng ta, dân chủ đã được xác định là một trong hệ mục tiêu của công cuộc đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đến đại hội lần thứ XI, hệ mục tiêu đổi mới của Việt Nam được Đảng ta xác định là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, như vậy dân chủ đã được đặt lên trước mục tiêu công bằng. Điều này thể hiện sự phát triển nhận thức của Đảng về dân chủ, dân chủ là mục tiêu, là yếu tố thể hiện bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Cùng với đó, dân chủ còn được xác định là động lực của công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, dân chủ có trở thành động lực thực sự cho sự phát triển đất nước hay không, bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, là chế độ của dân, do dân và vì dân có được thể hiện hay không tùy thuộc vào mức độ dân chủ hóa, mức độ thực hành dân chủ trong đời sống xã hội. Trong đó, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở là một nội dung quan trọng và đòi hỏi cấp bách nhất trong quá trình dân chủ hóa, xây dựng và hoàn hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Nếu như tại cơ sở, nhân dân chưa được thực sự làm chủ thì khó có thể nói làm chủ ở những cấp cao hơn, phạm vi rộng hơn. V.I.Lênin đã từng khẳng định không phải chúng ta tuyên bố dân chủ, ra sắc lệnh dân chủ là có dân chủ trong thực tế. Việc biến các giá trị dân chủ trở thành hiện thực cuộc sống là một quá trình lâu dài, phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố như sự hoàn thiện của cơ chế, pháp luật dân chủ, trình độ, ý thức làm chủ của người dân và năng lực, thái độ tôn trọng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức… [210]. Với đặc điểm của một nước nông nghiệp lạc hậu bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đi lên chủ nghĩa xã hội như ở nước ta thì việc hiện thực hóa các giá trị dân chủ trong thực tiễn đời sống là vô cùng khó khăn. Những thách thức ấy không chỉ xuất phát từ chỗ người dân và cán bộ chưa được đào luyện, trưởng thành trong nền dân chủ tư sản mà còn bị ảnh hưởng bởi những tàn dư về tư tưởng, tâm lý của xã hội phong kiến, xã hội tiểu nông trước đây. Để thực hiện dân chủ nói chung, thực hiện dân chủ ở cơ sở nói riêng, điều quan trọng là phải nhận diện rõ những rào cản đối với việc thực hiện dân
  • 7. 2 chủ, trong đó một trở lực rất đáng quan tâm chính là tâm lý tiểu nông. Như tác giả Hoàng Chí Bảo từng khẳng định: ...muốn thực hiện được vai trò và tác dụng tích cực của dân chủ đối với sự phát triển của cá nhân và xã hội thì phải thường xuyên phát hiện và tháo gỡ những rào cản dân chủ, xoá bỏ những phản dân chủ trong xã hội cả những biểu hiện hữu hình có thể cảm nhận được trong thể chế, trong bộ máy và con người lẫn những biểu hiện vô hình trong tâm ý, ý thức, lối sống phong tục, tập quán lạc hậu có trong đời sống hàng ngày của cá nhân và cộng đồng [9, tr.13]. Xuất phát từ tầm quan trọng đặc biệt của thực hiện dân chủ ở cơ sở với xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, Bộ Chính trị ban hành chỉ thị 30 năm 1998 về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và đặc biệt là sự ra đời của pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007, việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn đã có những chuyển biến tích cực. Người dân đã có cơ sở pháp lý để thực hiện quyền làm chủ của mình. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của tâm lý tiểu nông đối với việc thực hiện dân chủ ở cấp cơ sở nặng nề hơn so với các cấp cao hơn. Một phần, do trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, hình thức dân chủ trực tiếp được phát huy tối đa với sự tham gia của đông đảo người dân, vì vậy đối tượng tham gia thực hiện dân chủ ở diện rộng. Một phần khác, do cán bộ ở cơ sở đều là những người quen biết, họ hàng, không hề xa lạ với người dân nên họ không chỉ bị tác động bởi những quy định của luật pháp mà còn bị chi phối bởi các mối quan hệ phi quan phương khác. Người dân và cán bộ ở cơ sở, đa số là ở các xã (Việt Nam có hơn 11.000 xã, phường, thị trấn thì đến hơn 8000 xã), hoạt động của nhiều người dân vẫn là sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, do đó những tàn dư của tâm lý tiểu nông ở bộ phận này nặng nề hơn so với các tầng lớp khác. Vì vậy, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ thì trước hết phải quan tâm đến cấp cơ sở, cấp xã. Thời gian qua, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị định và pháp lệnh dân chủ ở xã, phường thị trấn trong thực tế, quyền dân chủ của người dân trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đã được khẳng định ngày càng tốt hơn. Thông qua đó, ý thức, năng lực làm chủ của người dân được nâng lên, thái độ, tác phong, tinh
  • 8. 3 thần phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ công chức cấp xã cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dân chủ ở các xã vẫn còn những bất cập, tình trạng dân chủ hình thức, độc đoán chuyên quyền vẫn còn tồn tại ở không ít nơi, một bộ phận người dân cũng chưa tích cực, chủ động hưởng quyền dân chủ của mình, hoặc thực hiện nhưng không hướng đến lợi ích chung của cộng đồng… Những hạn chế trong chất lượng thực hiện dân chủ ở cơ sở có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó một phần xuất phát từ chính tâm lý tiểu nông đã ăn sâu vào trong suy nghĩ và hành động của cán bộ và người dân ở cơ sở. Vì vậy, việc nhận diện rõ những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở nước ta là rất cần thiết để chúng ta có những biện pháp chủ động ngăn ngừa, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông, góp phần thiết thực vào việc đẩy mạnh thực hành dân chủ ở nước ta, đưa dân chủ thực sự trở thành động lực để phát triển đất nước và hiện thực hóa các mục tiêu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Với những lý do đó, tôi lựa chọn đề tài “Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở Việt Nam hiện nay” làm đề tài nghiên cứu của mình. 2. Mục đích và nhiệm vụ của luận án 2.1. Mục đích Trên cơ sở phân tích những vấn đề lý luận về tâm lý tiểu nông, về thực hiện dân chủ ở cơ sở và thực trạng ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở Việt Nam hiện nay, luận án đề xuất một số giải pháp để ngăn ngừa, hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở Việt Nam trong thời gian tới. 2.2. Nhiệm vụ - Tổng quan những công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài của luận án; Làm rõ những vấn đề lý luận về tâm lý tiểu nông và thực hiện dân chủ ở cơ sở Việt Nam hiện nay; phân tích sự cần thiết phải hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở, phương thức tác động của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở. - Phân tích thực trạng ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở Việt Nam hiện nay, nguyên nhân của thực trạng đó.
  • 9. 4 - Đề xuất một số giải pháp hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở Việt Nam hiện nay. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng của luận án là ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở Việt Nam hiện nay. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Về phạm vi nội dung nghiên cứu của luận án là việc thực hiện dân chủ của nhân dân và cán bộ ở các xã. Nội dung của việc thực hiện dân chủ ở các xã cũng được khảo sát trên cơ sở nội dung của pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Phạm vi không gian: các xã trong phạm vi không gian lãnh thổ Việt Nam. Phạm vi thời gian: từ năm 2007 (khi có Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn) đến nay. 4. Những đóng góp mới của luận án - Những vấn đề về tâm lý tiểu nông, về thực hiện dân chủ ở cơ sở đã đươc nhiều công trình bàn tới nhưng những phương thức tác động của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở, đó là thông qua phong tục tập quán và giáo dục gia đình là nội dung mà chưa công trình nào đề cập tới và sẽ được làm rõ trong luận án. - Nhận diện và chỉ rõ những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở Việt Nam hiện nay ở cả người dân và cán bộ cơ sở, đánh giá mức độ tác động của tâm lý này trong thực hiện 4 nhóm quyền cơ bản của người dân là quyền được biết, quyền được tham gia ý kiến, quyền biểu quyết, quyết định và quyền kiểm tra, giám sát. - Đề xuất được một số giải pháp để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở Việt Nam trong thời gian tới, trong đó đặc biệt là giải pháp xoá bỏ dần phương thức tác động của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ qua đó nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bên cạnh đó, giải pháp về hoàn thiện hệ thống pháp luật về dân chủ ở cơ sở đã có một số công trình nói tới, nhưng hoàn thiện hệ
  • 10. 5 thống pháp luật về dân chủ ở cơ sở nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở là những đóng góp mới, chưa được đề cập ở các công trình trước. 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án 5.1. Cơ sở lý luận Cơ sở lý luận của luận án là các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về thực hành dân chủ., về ý thức xã hội, ý thức nông dân… 5.2. Phương pháp nghiên cứu Trên cơ sở quán triệt phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, luận án sử dụng các phương pháp phân tích và tổng hợp, lịch sử và lôgíc, quy nạp và diễn dịch, phương pháp so sánh, phương pháp chuyên gia… 6. Ý nghĩa của luận án - Góp phần cung cấp cơ sở lý luận cho Đảng, Nhà nước trong việc hoạch định chủ trương, chính sách, pháp luật về phát huy dân chủ cơ sở, hạn chế ảnh hưởng của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. - Những kết quả nghiên cứu của luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cũng như nhân dân trong quá trình thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, làm tài liệu nghiên cứu và giảng dạy trong các trường chính trị, trường đại học, cao đẳng. 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Danh mục các công trình khoa học liên quan đến đề tài luận án của nghiên cứu sinh, Danh mục tài liệu tham khảo, luận án chia làm 4 chương 13 tiết.
  • 11. 6 Chương 1 TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI 1.1. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VỀ DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ, VỀ TÂM LÝ TIỂU NÔNG TRÊN PHƯƠNG DIỆN LÝ LUẬN 1.1.1. Những công trình nghiên cứu về dân chủ ở cơ sở trên phương diện lý luận Về những công trình nghiên cứu ở nước ngoài: vấn đề dân chủ ở cơ sở cũng là một nội dung quan trọng trong thực hiện dân chủ, được nhiều nước quan tâm. Đặc biệt, quá trình thực hiện dân chủ cơ sở ở Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam và cũng được giới khoa học của Trung Quốc nghiên cứu khá sâu sắc ở nhiều góc độ khác nhau. Ở Trung Quốc, nội dung của dân chủ cơ sở đã được luật hoá bằng các luật và có những nội dung gần giống như ở Việt Nam mặc dù tên gọi có khác. Vương Đổng trong Xây dựng dân chủ cơ sở trong 30 năm cải cách mở cửa [59] cho rằng, từ cải cách mở cửa đến nay, Trung Quốc từng bước thiết lập nên hệ thống tự trị dân chủ ở cơ sở với nội dung chủ yếu là Ủy bản thôn dân ở nông thôn, Ủy ban cư dân ở đô thị và Đại hội đại biểu người lao động ở các doanh nghiệp. Nội dung cơ bản của dân chủ cơ sở ở Trung Quốc chính là bầu cử dân chủ, quản lý dân chủ, quyết sách dân chủ, giám sát dân chủ. Bầu cử dân chủ người dân trực tiếp bầu ra uỷ ban dân thôn đại diện cho họ trong thực hiện quyền tự trị ở thôn. Quản lý dân chủ nghĩa là người dân được biết và cùng nhau quản lý những vấn đề lớn trong phạm vi thôn. Quyết sách dân chủ là những chính sách lớn thực hiện ở thôn đều phải có sự bàn bạc, biểu quyết của nhân dân và giám sát dân chủ là người dân được tham gia vào quá trình giám sát các hoạt động diễn ra ở thôn. Nội dung những quyền này của người dân cũng đã được thể chế hoá ở Việt Nam. Nghiên cứu về vai trò, ý nghĩa của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở cũng được nhiều học giả Trung Quốc chỉ ra. Các tác giả cũng tiếp cận vai trò, ý nghĩa ở nhiều góc độ khác nhau, vai trò của dân chủ đối với việc xây dựng chế độ chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa, với việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc cũng như thực hiện các mục tiêu ở Trung Quốc như xây dựng xã hội hài hoà… Tác giả Lưu
  • 12. 7 Diệp Phong trong bài viết Ý nghĩa của việc tăng cường xây dựng dân chủ cơ sở ở nông thôn và một số khó khăn hiện thực [145] khẳng định, xây dựng chính trị dân chủ ở cơ sở lấy tăng cường tự trị thôn dân làm nội dung chủ yếu là một công việc đặc biệt quan trọng trong tiến trình dân chủ hóa ở Trung Quốc, là thực tiễn quan trọng của cải cách thể chế chính trị nông thôn Trung Quốc. Đồng thời chỉ ra một số khó khăn, thách thức trong việc thực hiện tự trị thôn dân ở Trung Quốc hiện nay. Dương Ái Dân trong cuốn sách Nghiên cứu xây dựng dân chủ chính trị ở cơ sở [31] đã phân tích giá trị và ý nghĩa của việc xây dựng dân chủ ở cơ sở trên các phương diện như: xây dựng dân chủ ở cơ sở với việc xây dựng xã hội hài hòa, xây dựng dân chủ với văn minh chính trị xã hội chủ nghĩa, chế độ chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa với chính trị dân chủ ở cơ sở; Tác giả cũng khẳng định quần chúng nhân dân ở cơ sở là chủ thể dân chủ ở cơ sở. Trương Nông An trong Tự trị thôn dân - con đường tất yếu của xây dựng dân chủ cơ sở ở nông thôn Trung Quốc [1] khẳng định tự trị thôn dân là một mắt khâu trong tiến trình cải cách thể chế chính trị Trung Quốc. Thái Đài Hồng trong bài viết Một số suy nghĩ về thúc đẩy xây dựng dân chủ cơ sở ở nông thôn [79] cho rằng, xây dựng dân chủ ở cơ sở là một bộ phận quan trọng của xây dựng dân chủ ở Trung Quốc. Thực trạng xây dựng và phát triển dân chủ ở cơ sở trực tiếp ảnh hưởng đến trình độ phát triển và mức độ thực hiện của dân chủ xã hội chủ nghĩa. Xây dựng dân chủ cơ sở ở nông thôn là một bộ phận quan trọng của xây dựng dân chủ ở cơ sở. Như vậy, dân chủ cơ sở ở Trung Quốc có những nội dung tương đồng với quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở ở Việt Nam, đồng thời cũng có nhiều sự khác biệt. Ở Trung Quốc, dân chủ ở cơ sở lấy cấp thôn làm điểm xuất phát, trong khi ở Việt Nam là cấp xã. Một sự khác biệt nữa trong dân chủ cơ sở ở Việt Nam và Trung Quốc là ở Trung Quốc, nhân dân trực tiếp bầu và bãi nhiệm uỷ ban thôn dân (từ 5 đến 7 người), trong khi ở Việt Nam nhân dân trực tiếp bầu và bãi nhiệm trưởng thôn. Về tình hình nghiên cứu ở trong nước: nghiên cứu về dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là dân chủ ở xã, phường, thị trấn thu hút sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học và những người lành đạo thực tiễn ở nước ta từ năm 1998 đến nay. Các công trình
  • 13. 8 này đã góp phần làm rõ những vấn đề lý luận liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở theo nhiều góc độ khác nhau: Những công trình đi sâu nghiên cứu nội dung của thực hiện dân chủ ở cơ sở Tác giả Đỗ Quang Tuấn trong bài “Cơ sở lý luận - thực tiễn của phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và mấy vấn đề về xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở” [202], đã đề cập những nội dung dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra trong quy chế dân chủ ở cơ sở. Tác giả Đỗ Mười với bài “Phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở” [121] cũng chỉ rõ “Quy chế dân chủ ở xã có nội dung chủ yếu là xác định quyền làm chủ của nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội ở cơ sở, xác định mối quan hệ giữa nhân dân và chính quyền cơ sở”. Tác giả Nguyễn Long Khánh với bài “Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo tư tưởng Hồ Chí Minh” [90] chỉ rõ quan niệm về thực hiện dân chủ ở cơ sở “Thực hiện dân chủ ở cơ sở là thực hiện các quá trình dân chủ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội một cách trực tiếp, rộng rãi và liên tục đối với mọi người, đối với mọi giới và mọi lứa tuổi”. Bên cạnh những tác giả tiếp cận nội dung của thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên các nội dung dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân kiểm tra thì tác giả Lê Thi trong bài “Thực hiện dân chủ ở cơ sở và vấn đề tăng cường ý thức trách nhiệm của nhà nước” [176] cho rằng, dân chủ ở cơ sở không phải là hình thức mà là một cấp độ của chế độ dân chủ. Nội dung của dân chủ cơ sở thể hiện dưới hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp. Tiếp cận nội dung của quyền dân chủ ở cơ sở theo phương châm dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân kiểm tra, tác giả Nguyễn Hồng Chuyên trong bài viết “Đổi mới cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra trong thực hiện pháp luật về dân chủ ở cấp xã” [27] đã phân tích cụ thể nội dung các quyền dân biết, dân bàn, dân quyết định dân kiểm tra theo pháp luật về dân chủ ở cấp xã là gì và đưa ra những yêu cầu trong thực hiện các nhóm quyền này. Như vậy, tiếp cận về nội dung của thực hiện dân chủ ở cơ sở, các tác giả có nhiều góc độ xem xét khác nhau nhưng đều thống nhất ở các nội dung dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân kiểm tra. Có những tác giả làm rõ mối quan hệ giữa các quyền này, đồng thời một số nhà nghiên cứu cũng đã bước đầu chỉ ra quyền dân chủ
  • 14. 9 trực tiếp và dân chủ gián tiếp trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Những nội dung này sẽ được tác giả luận án kế thừa và phát triển trong phân tích những vấn đề lý luận về dân chủ ở cơ sở. Những công trình nghiên cứu về sự cần thiết, ý nghĩa, vai trò của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở: Về sự cần thiết của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhiều nhà khoa học đã có những lí giải của mình. Tác giả Bùi Ngọc Trinh với bài “Để thực hiện dân chủ trực tiếp trên địa bàn làng xã” [196] cho rằng, cần thực hiện quyền dân chủ trực tiếp ở địa bàn làng xã nơi mà mọi người sống khá ổn định, gắn bó về mặt văn hóa, phong tục, tình cảm, gia đình, dòng họ. Tác giả Đỗ Mười với bài “Phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở” [121] chỉ ra thêm 2 lí do phải thực hiện dân chủ ở cơ sở đó là xã là địa bàn nhân dân sinh sống, lao động, sản xuất công tác, là địa bàn diễn ra sự tiếp xúc và các mối liên hệ nhiều mặt giữa các tầng lớp nhân dân với đảng bộ và chính quyền, cán bộ, công chức. Đồng thời đông đảo nhân dân ở cơ sở có những yêu cầu bức xúc về dân chủ, có những nguyện vọng và lợi ích thiết thân trong đời sống hàng ngày. Trong bài “Thực hiện dân chủ ở xã, mấy vấn đề đặt ra” [138], tác giả Trần Quang Nhiếp cũng giải thích rõ lí do tại sao phải quan tâm thực hiện dân chủ ở xã là do: Xã là nơi có vị trí quan trọng, là nơi trực tiếp giải quyết mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân, là địa bàn tổ chức, thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với lực lượng đông đảo của xã hội. Xã là cộng đồng dân cư mà mọi người gắn bó với nhau bởi những kết cấu chặt chẽ, làng xóm, họ tộc lâu bền trải qua nhiều biến cố lịch sử [138, tr.45] Nói về vai trò của xã đối với việc thực thi, hoàn thiện chính sách của Nhà nước, tác giả cũng khẳng định: Nhân dân ở xã cũng như phường, thị trấn là nơi trực tiếp thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, vừa là người kiểm nghiệm, đánh giá, thẩm định tính chuẩn xác, hiệu lực, hiệu quả của những chủ trương, đường lối, chính sách. Vì thế đây là nơi đưa
  • 15. 10 nghị quyết, chính sách vào cuộc sống và ngược lại, thông qua đây thể hiện năng lực và trình độ làm chủ của nhân dân trong mỗi thời kỳ, trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội [138, tr. 45]. Tác giả Nguyễn Huy Quý trong bài “Về dân chủ ở cơ sở” [153] chỉ rõ sự cần thiết phải thực hiện dân chủ ở cơ sở, đó là hầu hết các lợi ích chính trị, văn hóa của công dân hiện nay đều được thực hiện ở cấp xã, phường, xí nghiệp, đơn vị; Nếu các đơn vị cơ sở không có dân chủ thực sự thì không thể đưa quyền dân chủ về chính trị và văn hóa trong Hiến pháp và trong đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đến với mọi người dân; Dân chủ ở tất cả các cấp đều quan trọng nhưng dân chủ ở cơ sở là khâu trực tiếp quyết định hiệu quả của cả hệ thống dân chủ. Bằng nhiều cách phân tích và lập luận khác nhau, các tác giả đều khẳng định thực hiện dân chủ ở cơ sở là nhu cầu cấp thiết, bức bách và quan trọng nhất trong thực hiện dân chủ ở Việt Nam hiện nay. Các tác giả đều khẳng định việc thực hiện dân chủ ở cơ sở là cần thiết do tầm quan trọng của cơ sở, do nhu cầu và điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện dân chủ. Đây là những nội dung quan trọng, cần thiết mà tác giả luận án sẽ kế thừa. Về vai trò, ý nghĩa của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, Tác giả Nguyễn Cúc (chủ biên) trong cuốn sách “Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong tình hình hiện nay một số vấn đề lý luận và thực tiễn” [29] đã làm rõ ý nghĩa của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với việc xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Về các bài tạp chí, tác giả Phạm Quang Nghị trong bài “Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở Hà Nam” [123] đánh giá quy chế dân chủ ở cơ sở là “giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể; là chất keo gắn kết Đảng, Nhà nước với nhân dân; là liều thuốc chữa căn bệnh quan liêu, tham nhũng, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, góp phần làm lành mạnh và trong sạch bộ máy và cán bộ, giữ vững và phát huy bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Tác giả Trần Quang Nhiếp trong bài “Dân chủ ở cơ sở với phát triển cộng đồng” [140] nêu rõ vai trò của thực hiện dân chủ với phát triển cộng đồng đó là thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, khắc phục tư duy “đèn
  • 16. 11 nhà ai nhà ấy rạng” của lối sống cá nhân vị kỷ; Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của công dân; Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã phát huy tiềm năng trí tuệ sức sáng tạo, sức mạnh vật chất và tinh thần của nhân dân để phát triển kinh tế - xã hội; Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm giữ vững kỷ cương, phép nước ngăn chặn tiêu cực, các tệ nạn xã hội, nâng cao năng lực quản lý của chính quyền; Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm xây dựng niềm tin và mối quan hệ chặt chẽ giữa dân với Đảng và chính quyền. Trong bài “Khâu đột phá của quá trình phát huy dân chủ ở nước ta thời kỳ đổi mới” [146], tác giả Tòng Thị Phóng cũng nêu ý nghĩa của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở là nhận thức về dân chủ của các tổ chức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về dân chủ, nhất là dân chủ trực tiếp của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực; Thực hiện dân chủ ở cơ sở góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội; Thực hiện dân chủ ở cơ sở góp phần vào xây dựng Đảng và chính quyền. Dù có nhiều cách tiếp cận khác nhau, song các công trình trên đã phân tích ý nghĩa của thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa phương. Đây cũng là những nội dung hữu ích cần tham khảo cho tác giả luận án. Tuy nhiên, trong luận án này, tác giả tập trung làm rõ hơn vai trò của dân chủ ở cơ sở với quá trình dân chủ hoá, xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Những công trình nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở: Tác giả Đỗ Mười trong bài “Phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở” [121] đã phân tích vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở đối với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở “Điều quan trọng là phải có được số cán bộ chủ chốt ở cơ sở trong sạch, liêm khiết, công tâm; nếu số này tiêu cực nặng, tham nhũng mất dân chủ, nhân dân không tin cậy thì phải kiện toàn cán bộ đã rồi mới triển khai chỉ thị 30. Những cơ sở trung bình, thậm chí có những mặt yếu kém nếu cán bộ chủ chốt tốt thì vẫn có thể triển khai chỉ thị 30”. Tác giả Trần Quang Nhiếp trong bài “Thực hiện dân chủ ở xã, mấy vấn đề đặt ra” [138] chỉ ra 2 yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện dân
  • 17. 12 chủ ở xã, đó là sự lãnh đạo chặt chẽ và hoạt động thống nhất, sáng tạo của hệ thống chính trị ở xã là yếu tố cơ bản, là điều kiện trực tiếp đảm bảo thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra cùng với đó là sự giác ngộ, năng lực và trình độ làm chủ của mỗi người dân ở nông thôn. Đây là yếu tố quan trọng, quyết định, tác động nhiều mặt đến quá trình thực hiện dân chủ ở xã. Đồng tình với quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu, tác giả Nhật Tân với bài “Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng để phát huy dân chủ ở cơ sở” [167] cũng nêu rõ vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên và trình độ dân trí, dân sinh của người dân là những yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tác giả Lê Thi trong bài “Thực hiện dân chủ ở cơ sở và vấn đề tăng cường ý thức trách nhiệm của nhà nước” [176] bên cạnh việc chỉ ra 2 yếu tố cơ bản tác động đến việc thực hiện dân chủ ở xã là người dân và cán bộ, tác giả còn chỉ ra mối quan hệ tương hỗ giữa hai yếu tố này. Như vậy, các công trình này đều đánh giá cao vai trò của hai yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến thực hiện dân chủ ở cơ sở là cán bộ cơ sở và nhân dân - những chủ thể thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây là gợi ý về mặt phương pháp luận cho tác giả luận án trong khi nghiên cứu về ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở. Những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong cán bộ cơ sở và nhân dân thông qua hành động của họ tác động đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. 1.1.2. Những công trình nghiên cứu về tâm lý tiểu nông Những công trình chỉ ra những biểu hiện của tâm lý tiểu nông. Vì tâm lý tiểu nông, tâm lý nông dân, tâm lý sản xuất nhỏ ở Việt Nam có điểm tương đồng, giao thoa với nhau bởi sản xuất của Việt Nam trước đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nhỏ. Cho nên, tác giả sử dụng các tài liệu này khi nghiên cứu về tâm lý tiểu nông. Đỗ Thị Thanh Mai trong luận án tiến sĩ Tâm lý nông dân miền Bắc Việt Nam khi chuyển sang kinh tế thị trường - đặc trưng và xu hướng biến đổi [108] đã chỉ ra những đặc trưng tâm lý tiêu cực truyền thống của người nông dân miền Bắc là tâm lý sản xuất nhỏ manh mún, phân tán, tự cung, tự cấp; Bảo thủ thiên về tư duy kinh nghiệm, trực giác, hạn chế sự phát triển của tư duy lô gic và khoa học; Tâm lý hẹp hòi, vị kỷ, phường hội, cục bộ địa phương. Như vậy, tác giả công trình này cho rằng tâm lý sản
  • 18. 13 xuất nhỏ là một biểu hiện trong tâm lý truyền thống tiêu cực của người nông dân. Trong tâm lý sản xuất nhỏ tác giả chỉ ra 2 nét tâm lý là thiển cận, không nhìn xa “gà nhà ăn quanh quẩn cối xay”, lối sống cá nhân vị kỷ đèn nhà ai nhà ấy rạng. Lê Hữu Xanh trong cuốn sách Tác động của tâm lý làng xã trong việc xây dựng đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ nước ta hiện nay [223] đã chỉ ra biểu hiện của tâm lý làng xã là tâm lý tiểu nông, tâm lý cộng đồng và tâm lý trọng tình cảm. Trong tác phẩm này, tác giả xếp tâm lý tiểu nông vào là một trong những biểu hiện của tâm lý làng xã. Đồng thời tác giả nêu 1 số biểu hiện của tâm lý tiểu nông đó là tư duy kinh nghiệm chiếm ưu thế trong đời sống nhận thức; tâm lý an phận, thụ động, trông chờ, ít sáng tạo (sản xuất nhỏ, trình độ lạc hậu, khả năng chế ngự và chinh phục tự nhiên thấp), tâm lý tư hữu (một nắng hai sương lo vun vén cho mảnh ruộng, ngôi nhà của mình). Công trình “Tâm lý người Việt Nam đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa những điều cần khắc phục” [63] do Phạm Minh Hạc chủ biên là tập hợp các bài viết của nhiều tác giả, trong đó các tác giả bàn nhiều về tâm lý tiểu nông. Ví dụ như trong công trình này có bài viết “Một số điều cần khắc phục trong nhân cách người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” của tác giả Thái Duy Tuyên đã chỉ ra những biểu hiện tâm lý tiêu cực đó là tư tưởng dòng họ, bè phái cục bộ, tâm lý dĩ hòa vi quý, tâm lý bảo thủ, trì trệ. Tác giả Đỗ Long trong công trình này cũng chỉ ra những biểu hiện của tâm lý tiểu nông là tư duy manh mún, tình cảm dòng họ và tính cục bộ, tính thụ động, cầu may, ăn xổi, tác phong tùy tiện, ý thức kỷ luật kém, tư tưởng bình quân chủ nghĩa. Tác giả Trần Sỹ Dương trong công trình “Ảnh hưởng của tâm lý sản xuất nhỏ ở đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở đồng bằng Bắc Bộ hiện nay” [39] đã chỉ ra những đặc trưng tiêu cực của tâm lý sản xuất nhỏ là cục bộ địa phương và tâm lý bình quân, cào bằng; Tính thu vén cá nhân, tư lợi; Nếp nghĩ theo kinh nghiệm, ngại thay đổi, tầm nhìn thiển cận; Thói quen tự do tuỳ tiện, vô kỷ luật, chưa có ý thức tôn trọng pháp luật. Tác giả Cao Thị Sính trong luận án tiến sĩ “Ảnh hưởng của tâm lý tiểu nông đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay” [159] đã phân tích cả những đặc điểm tích cực và tiêu cực của tâm lý tiểu nông. Các
  • 19. 14 đặc trưng tiêu cực là thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, bảo thủ, nếp nghĩ theo kinh nghiệm, ngại đổi mới; Tâm lý hẹp hòi, vị lợi, cục bộ địa phương, tính tuỳ tiện, kèm kỷ luật, kỷ cương, chưa có thói quen tôn trọng và chấp hành pháp luật. Tác giả Lê Thị Thanh Hương (chủ biên) trong cuốn sách Một số yếu tố tâm lý của người nông dân ảnh hưởng đến quá trình xây dựng nông thôn mới [83] đã đưa ra định nghĩa về tâm lý tiểu nông đó là “tâm lý của người nông dân sản xuất nhỏ mang tính tự phát, manh mún, tự cung, tự cấp”. Đồng thời, tác giả cũng chỉ ra một số điểm hạn chế của tâm lý tiểu nông là “Về mặt nhận thức và tư duy: nhận thức dựa vào kinh nghiệm, đậm nét cảm tính và chủ quan, chỉ thấy cái ngắn hạn, trước mắt, không nhìn xa trông rộng, dễ bảo thủ, ngại đổi mới, ít sáng tạo”; Về đời sống tình cảm, thích sự bình yên, trọng tình cảm hơn lý trí. Về thói quen và nhu cầu: có tâm lý an phận thủ thủ thường, sống theo kiểu tiết chế nhu cầu. Từ đó, tác giả đi đến kết luận: “Những người có tâm lý tiểu nông cũng có tính đố kỵ, ghen ăn tức ở theo kiểu “bằng mặt nhưng không bằng lòng”, không muốn ai hơn mình, không dám làm gì, níu kéo nhau cùng cực khổ, tùy tiện vô nguyên tắc, coi thường pháp luật. Cùng với đó là tâm lý đóng kín, bế quan tỏa cảng, không giao lưu, quan hệ rộng mà sống quẩn quanh trong lũy tre làng nên bị hạn chế nhiều về tầm nhìn. Họ cũng có tâm lý tư hữu, thờ ơ, vô trách nhiệm trước việc công, chỉ lo vun vén cho mảnh ruộng, ngôi nhà riêng của mình”. Lê Thị Lan trong bài viết Tư tưởng làng xã ở Việt Nam [95] đã nêu lên một số nội dung trong tư tưởng làng xã là tư tưởng cố kết cộng đồng, tư tưởng, yên phận, trọng kinh nghiệm, tư tưởng cục bộ địa phương. Như vậy, tâm lý làng xã cũng có nhiều nét tâm lý tương đồng với tâm lý tiểu nông. Đàm Thị Hồng trong bài viết Ảnh hưởng của tâm lý tiểu nông đối với quá trình xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay [77] đưa ra định nghĩa “Tâm lý tiểu nông là loại hình tâm lý phổ biến ở nông thôn nước ta, được hình thành trên cơ sở nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu, quy mô nhỏ, khép kín, mang nặng tính tự cấp, tự túc”. Tác giả cũng nêu những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông là Tư duy manh mún, phân tán, nhỏ lẻ; Tư tưởng bè phái, dòng họ, cục bộ địa phương; Tâm lý tư hữu cá nhân; Thiếu ý thức kỷ luật lao động, coi thường pháp luật; Tính thụ động, yên phận, ỷ lại; Người nông dân tuy một nắng hai sương nhưng lại làm việc tuỳ
  • 20. 15 hứng, tự phát, thiếu tổ chức, kỷ luật chặt chẽ, tác phong lề mề, tuỳ tiện đã trở thành thói quen phổ biến; Thói quen dựa dẫm, ỷ lại vào tập thể “Nước trôi thì bèo trôi, nước nổi thì thuyền nổi”. Tóm lại, về những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông ở những công trình cụ thể vẫn có sự khác biệt, có công trình nói biểu hiện này, công trình nói biểu hiện khác và cách sắp xếp tâm lý tiểu nông với tâm lý làng xã, tâm lý nông dân, tâm lý truyền thống…có sự giao thoa, bao hàm song nếu khái quát chung tất cả các tài liệu này thì những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông đã được nhắc tới về cơ bản đầy đủ. Đây là tài liệu tham khảo rất hữu ích cho tác giả luận án khi nghiên cứu về những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông. Những công trình phân tích cơ sở hình thành tâm lý tiểu nông ở nước ta. Trong công trình “Tâm lý người Việt Nam đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa những điều cần khắc phục” [63] do Phạm Minh Hạc chủ biên, trong khi làm rõ những biểu hiện của tâm lý tiểu nông, tác giả cũng phân tích điều kiện sản xuất sinh hoạt của người nông dân sản xuất nhỏ trong không gian làng xã đã hình thành nên tâm lý tiểu nông như thế nào. Tác giả Đỗ Long trong công trình “Quan hệ cộng đồng và cá nhân trong tâm lý nông dân” [103] phân tích làm rõ tâm lý cộng đồng và cơ sở hình thành tâm lý cộng đồng đó chính là không gian làng xã. Tác giả Trần Sỹ Dương trong cuốn sách “Ảnh hưởng của tâm lý sản xuất nhỏ ở đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở đồng bằng Bắc Bộ hiện nay” [39] đã chỉ ra những yếu tố tác động đến sự hình thành tâm lý sản xuất nhỏ là nền sản xuất nhỏ, điều kiện tự nhiên, yếu tố văn hoá, xã hội đặc biệt là văn hoá làng xã, yếu tố chính trị. Luận án tiến sĩ “Ảnh hưởng của tâm lý tiểu nông đến xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay” [159] tác giả Cao Thị Sính cũng làm rõ cơ sở hình thành tâm lý tiểu nông chính là do điều kiện sản xuất, sinh hoạt của người nông dân. Những công trình này cũng là tài liệu tham khảo có giá trị cho tác giả luận án trong nghiên cứu lý luận về tâm lý tiểu nông. Tuy nhiên, các công trình này đôi khi trình bày biểu hiện và những cơ sở hình thành lẫn vào nhau, cách phân chia cơ sở hình thành cũng có nhiều tiếp cận khác nhau. Ở trong luận án, tác giả sẽ trình bày 3 cơ sở quan trọng nhất để hình
  • 21. 16 thành tâm lý tiểu nông là điều kiện tự nhiên, cơ sở kinh tế và cơ sở văn hoá xã hội. Tác giả sẽ phân tích cụ thể hơn những cơ sở này sẽ góp phần nảy sinh những biểu hiện tiêu cực nào của tâm lý tiểu nông. 1.2. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VỀ THỰC TRẠNG ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA TÂM LÝ TIỂU NÔNG ĐẾN THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ TẠI VIỆT NAM HIỆN NAY Về tình hình nghiên cứu ở nước ngoài: Trung Quốc là quốc gia có nền văn hoá có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, một đất nước nông nghiệp và trải qua hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến. Vì vậy, quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở ở Trung Quốc cũng chịu sự tác động mạnh mẽ của nhân tố văn hoá truyền thống. Do đó, cũng có nhiều công trình nghiên cứu ở Trung Quốc phân tích những cản trở của yếu tố tâm lý và văn hoá truyền thống đối với việc thực hiện dân chủ cơ sở ở đất nước này, đồng thời đề xuất các giải pháp ngăn chặn, hạn chế. Có thể kể đến một số công trình tiêu biểu sau: Quách Ngọc Lan trong công trình Phân tích nhân tố tâm lý và văn hóa cản trở việc tham gia xây dựng dân chủ cơ sở của nông dân [97] tập trung phân tích nhân tố tâm lý và văn hóa của nông dân cản trở việc việc nâng cao chất lượng tham gia của nông dân vào quá trình chính trị ở cơ sở. Trương Hải Yến trong bài viết Xây dựng dân chủ cơ sở ở nông thôn dưới sự ảnh hưởng của văn hóa chính trị truyền thống [224] cho rằng, cùng với việc nghiên cứu xây dựng dân chủ cơ sở ở nông thôn ngày càng phát triển theo chiều sâu, ngày càng nhiều học giả nhận thức được nhân tố văn hóa đã trở thành một nhân tố ở tầng sâu chế ước việc xây dựng dân chủ cơ sở ở nông thôn. Điều này chủ yếu được thể hiện ở thái độ và nhận thức đối với dân chủ, tính nhiệt tình và động cơ tham gia chính trị, hoạt động bầu cử... Vì thế, để thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa ở nông thôn, cần phải từng bước khắc phục những cản trở của văn hóa chính trị truyền thống đối với phát huy dân chủ, tập trung phát triển sức sản xuất xã hội ở nông thôn, tăng cường xã hội hóa chính trị ở nông thôn, nỗ lực bồi dưỡng văn hóa chính trị phù hợp với dân chủ hiện đại.
  • 22. 17 Trong bài viết Hạn chế sự ảnh hưởng của văn hóa chính trị truyền thống, thúc đẩy xây dựng dân chủ ở cơ sở [66], Lý Hồng Hải cho rằng, văn hóa chính trị thường ảnh hưởng đến tiến trình dân chủ và sự phát triển chính trị của một quốc gia. Văn hóa chính trị truyền thống Trung Quốc có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống chính trị xã hội hiện đại, đặc biệt là sự ảnh hưởng của văn hóa chính trị truyền thống đối với xây dựng dân chủ chính trị ở cơ sở càng rõ nét. Để thúc đẩy xây dựng chính trị dân chủ ở cơ sở, cần phải hạn chế sự ảnh hưởng của văn hóa chính trị truyền thống phong kiến đối với việc xây dựng dân chủ, chú trọng bồi dưỡng công dân theo mô hình “người công dân tham gia”, tăng cường sự minh bạch chính trị, xây dựng văn hóa chính trị hiện đại... Vương Đổng với công trình Xây dựng dân chủ cơ sở trong 30 năm cải cách mở cửa [59], sau khi trình bày nhiều thành tựu trong thực hiện dân chủ cơ sở ở Trung Quốc, cũng khẳng định hiện nay, việc xây dựng dân chủ cơ sở ở Trung Quốc vẫn còn tồn tại nhiều nhân tố cản trở việc phát huy dân chủ bắt nguồn từ lịch sử 2000 năm phong kiến của Trung Quốc. Lê Học Huy trong bài viết Tố chất văn hóa của nông dân và sự ảnh hưởng của nó đối với việc xây dựng chính trị dân chủ ở cơ sở [86] đã phân tích sự ảnh hưởng về tố chất của nông dân đối với quá trình xây dựng chính trị dân chủ ở cơ sở cũng như việc thực thi dân chủ ở cơ sở. Như vậy, các công trình nghiên cứu ở Trung Quốc cũng đã bước đầu đặt ra vấn đề về những trở lực của tâm lý, văn hoá truyền thống với thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây là những tài liệu tham khảo rất hữu ích cho tác giả trong quá trình nghiên cứu luận án. Về tình hình nghiên cứu trong nước: Các sách nói về thực trạng ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở, có thể nói đến một số công trình tiêu biểu sau: Cuốn sách Hương ước trong quá trình thực hiện dân chủ ở nông thôn Việt Nam hiện nay [204] do Đào Trí Úc chủ biên, là tập hợp của nhiều bài viết nói về vai trò của hương ước như một công cụ bổ sung cho pháp luật để quản lý xã hội ở nông thôn hiện nay. Trong quá trình đó, các tác giả có phân tích những mặt tích cực và
  • 23. 18 tiêu cực của hương ước cũ, trong đó có những biểu hiện của tâm lý tiểu nông trong hương ước, về tính điều chỉnh có hiệu lực, hiệu quả của hương ước cũ đối với hành vi của mọi cá nhân. Mặc dù thể hiện ở những bài viết cụ thể nhưng rõ ràng qua những nội dung này cho thấy tâm lý tiểu nông qua hương ước mà ảnh hưởng đến mọi người dân ở nông thôn. Trong công trình “Tâm lý xã hội trong quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở” [94], tác giả Trần Ngọc Khuê và Lê Kim Việt cũng đã chỉ ra những tác động tiêu cực của tâm lý nông dân đối với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đó là “Nhiều biểu hiện tâm lý tồn tại như một sức ỳ, một vật cản của quá trình dân chủ hóa. Biểu hiện rõ nhất là tính duy tình, tự ti, mặc cảm về địa vị xã hội của một bộ phận dân cư nên họ không dám đấu tranh, bộc lộ chính kiến, muốn dĩ hòa vi quý. Trong đấu tranh phê bình thì thiếu công tâm, khách quan, cục bộ dòng họ, cục bộ địa phương”. Bên cạnh tâm lý duy tình, tác giả còn chỉ ra biểu hiện của tư duy manh mún dẫn tới “Trong bàn bạc, thảo luận, trao đổi quyết định những vấn đề lớn, tư duy tiểu nông, tư duy cò con, manh mún, tủy tiện biểu hiện rất rõ, không vượt ra ngoài những nhu cầu hạn hẹp, cá nhân của người nông dân”. Cùng với đó là tác động của tâm lý dòng họ, cục bộ “Do tác động của tâm lý dòng họ, cục bộ địa phương nên ở nhiều nơi xảy ra tình trạng cát cứ, bè phái, phân tán, gây chia rẽ, mất đoàn kết, không tạo ra tính thống nhất, sức mạnh trí tuệ và nội lực của tập thể, cộng đồng. Nhiều vấn đề đưa ra dân bàn bạc thì bị chi phối bởi quan hệ dòng họ, do vậy thiếu khách quan, chính xác”. Một biểu hiện nữa là tâm lý bình quân chủ nghĩa “Yếu tố bình quân, cào bằng ảnh hưởng đến việc triển khai, khi thực hiện dân biết, dân làm, kiểm tra có biểu hiện đố kỵ, không thích ai hơn mình, cái gì cũng phải đều nhau, kìm hãm nhân tố tích cực, nảy sinh sự thiếu tin cậy, nghi hoặc lẫn nhau”. Tác giả tiếp tục chỉ ra tác động tiêu cực của tâm lý cộng đồng đến thực hiện dân chủ “Tâm lý cộng đồng có mặt tích cực nhưng cũng có mặt tiêu cực, đang trở thành 1 dạng áp lực nhóm, mang tính áp đặt đối với thái độ và chính kiến của cá nhân. Do tác động của tâm lý cộng đồng, tính trách nhiệm, trí tuệ, sáng kiến cá nhân không được phát huy đầy đủ. Người nông dân có tâm lý ngại bộc lộ chính kiến của mình. Tâm lý cộng đồng có ảnh hưởng lớn đến việc giải phóng năng lực, trí tuệ, sự tự do,
  • 24. 19 dân chủ của mỗi cá nhân”. Từ những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông đã phân tích trên, tác giả đã đi đến kết luận: “Những ảnh hưởng tiêu cực này biểu hiện cả trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân… Nông dân Việt Nam vốn có bản chất tư hữu, lối tư duy trực quan, cụ thể, tùy tiện, manh mún. Do vậy, trong nhận thức và hành vi, họ có tầm nhìn hạn hẹp, khi đụng chạm đến lợi ích, ít có khả năng vượt khỏi cái cá nhân để vươn tới cái cộng đồng, cái tổng thể, chiến lược. Đây là nguyên nhân hạn chế hiệu quả việc thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Lê Kim Hải (chủ biên) trong cuốn sách Những vấn đề đặt ra trong triển khai quy chế thực hiện dân chủ ở xã [66] đã nêu thực trạng thực hiện quy chế dân chủ ở xã, những thành công và đặc biệt là những vấn đề đang đặt ra, trong đó có những nội dung cho thấy ảnh hưởng của tâm lý tiểu nông trong thực hiện quy chế như không tuân thủ pháp luật. Tác giả Hoàng Chí Bảo trong cuốn sách Dân chủ và dân chủ ở cơ sở nông thôn trong tiến trình đổi mới đã khẳng định “những lực cản đối với dân chủ ở Việt Nam hiện nay có cả trong quá khứ xa xưa để lại, có cả trong hiện tại với những thể chế thiết chế của nó, trong tổ chức quản lý xã hội” [9]. Lực cản mà quá khứ để lại với việc thực hiện dân chủ ở Việt Nam hiện nay đó chính là tâm lý làng xã. Cuốn sách có 1 mục về ảnh hưởng và tác động của tâm lý làng xã đối với việc thực hiện và phát huy dân chủ hiện nay ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ (từ trang 186 đến trang 218). Tác giả bàn đến cả những tác động tích cực và tiêu cực. Về những tác động tiêu cực, tác giả trình bày 3 đặc điểm tâm lý tác động đến thực hiện dân chủ là tính phân tán, cát cứ, cục bộ địa phương gắn liền với tâm lý phường hội; tâm lý bình quân cào bằng; tâm lý lệ làng, coi phép vua thua lệ làng. Tác giả Lê Minh Quân trong cuốn sách Về quá trình dân chủ hoá xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay [149] đã nêu một số yếu tố tác động đến quá trình dân chủ hoá, thực hiện dân chủ ở Việt Nam như xây dựng Nhà nước pháp quyền, kiểm soát quyền lực Nhà nước… trong đó dân chủ hoá ở cơ sở được coi là 1 hình thức để thực hiện dân chủ hoá. Ở đây, tác giả có trình bày thành tựu và hạn chế trong quá trình dân chủ hoá, đặc biệt là những hạn chế có chứa đựng những nội dung về việc
  • 25. 20 cán bộ không tích cực thực hiện pháp lệnh, nhân dân chủ yếu quan tâm đến lợi ích bản thân… Những hạn chế này thực chất chính là do những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, vì là 1 chương nhỏ trong 9 chương của cuốn sách nên những nội dung này mới chỉ được nhắc đến chứ chưa được phân tích sâu sắc. Nguyễn Văn Hiển (chủ biên) trong cuốn sách Về thi hành pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007 [69] đã tập trung phân tích những thành tựu và hạn chế trong thực hiện pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn với các nội dung như xây dựng công trình công cộng tại địa phương và hoạt động của Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, hoạt động bầu trưởng thôn, trưởng tổ dân phố, hoạt động xây dựng và thực thi hương ước, quy ước văn hoá, hoạt động của ban thanh tra nhân dân, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm của cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn. Mặc dù không nói đến tâm lý tiểu nông nhưng qua phần thực trạng hạn chế, chúng ta có thể thấy nhiều ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở. Cuốn sách là tài liệu khảo sát công phu với nhiều số liệu cụ thể, định lượng là tài liệu tham khảo hữu ích cho tác giả trong quá trình đánh giá thực trạng về những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở. Về các bài viết nghiên cứu khoa học đăng trên tạp chí, nhiều tác giả đánh giá thực trạng thực hiện dân chủ ở cấp xã, chỉ ra những bất cập của nó mà những bất cập đó có liên quan tới ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông, mặc dù có tác giả không nói rõ điều này. Tác giả Phạm Quang Nghị trong bài “Thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở Hà Nam” [123] đánh giá trong thực hiện quy chế dân chủ, vẫn có trường hợp cán bộ thoái hóa, biến chất tham nhũng cố tình làm sai quy chế dân chủ cơ sở, không thực hiện đúng các quy định. Người dân không hiểu quy chế dân chủ cơ sở, vụ lợi, bị các phần tử xấu kích động, có những hành động sai trái… Thực chất những hạn chế này là nói đến sự không tuân theo pháp luật, kỷ cương của cán bộ và nhân dân trong thực hiện dân chủ ở cấp xã. Tác giả Lê Kim Việt với bài “Qua 3 năm thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở nông thôn” [221] đã bước đầu thấy trong thực hiện dân chủ cơ sở “Không ít người nhận thức được yêu cầu, nội dung, mục
  • 26. 21 đích và ý nghĩa của quy chế nhưng lại nghiêng về nhận thức được quyền lợi, cảm nhận thấy quyền lợi là chủ yếu còn trách nhiệm của họ trong việc biết, bàn, làm, kiểm tra thì chưa được nhận thức đúng đắn”. Tác giả chỉ rõ sự vun vén lợi ích cá nhân trong nhân dân ảnh hưởng đến thực hiện dân chủ ở cơ sở “Điều đó thể hiện ở nhiều nơi, nhất là các xã được coi là điểm nóng, có nhiều vụ khiếu kiện chỉ vì quyền lợi, chỉ đòi quyền lợi cá nhân mà không tính đến trách nhiệm của mình, hoặc không vì quyền lợi của tập thể cộng đồng. Một bộ phận lợi dụng quy chế để mưu lợi cá nhân, bị kích động, lôi kéo, gây mất đoàn kết nội bộ. Đặt lợi ích cá nhân lên trên hết trong 1 bộ phận cán bộ trong thực hiện dân chủ ở cơ sở thể hiện ở chỗ “Một số nơi viện lý do này, lý do khác để né tránh, trì hoãn việc triển khai mà thực chất là chưa tích cực, chưa quyết tâm, sợ liên lụy, động chạm đến lợi ích cá nhân”. Thực chất đây chính là do ảnh hưởng của tâm lý tư hữu, cá nhân đối với cán bộ và người dân trong thực hiện dân chủ ở xã. Tác giả Nhật Tân trong bài “Tính tất yếu đổi mới sự lãnh đạo của Đảng để thực hiện dân chủ ở cơ sở” [166] cũng làm rõ những bất cập, hạn chế trong thực hiện dân chủ ở xã như “Có trường hợp trình độ cán bộ non yếu, bất cập, không hiểu rõ chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tự đặt ra những quy định gây phiền hà, tạo kẽ hở cho kẻ xấu nhũng nhiễu nhân dân”. Cũng “Có trường hợp do nhận thức của cán bộ không đầy đủ, thậm chí nóng vội, sai lệch. Tình trạng hiểu biết pháp luật không đầy đủ nên trong quá trình điều hành, quản lý phạm những thiếu sót, không ít cán bộ ở cơ sở có hiện tượng dễ làm, khó bỏ, thiếu công tâm, chưa thực sự vì dân, còn thiên lệch, nể nang, bênh vực, bao che cho những việc làm sai trái của người cùng cánh”. Như vậy, ở đây, tác giả đã chỉ rõ tác động của tâm lý thiếu tôn trọng pháp luật, tư hữu cá nhân, tâm lý nể nang, dòng họ của đội ngũ cán bộ trong thực hiện dân chủ ở xã. Trong bài “Đà Nẵng phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở” [30], Lê Tự Cường cũng chỉ ra những hạn chế trong thực hiện dân chủ ở cơ sở mà chính là biểu hiện tác động tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở, trước hết là trong thực hiện quyền được bàn bạc, thảo luận “Phần lớn số người tham gia bàn bạc thảo luận ở địa bàn dân cư là cán bộ hưu trí. Ý thức tự giác, tự nguyện tham gia sinh hoạt hội họp của nhân dân để bàn bạc còn hạn chế, nhất là không dám đấu tranh phê phán tiêu cực”. Hạn chế
  • 27. 22 còn thể hiện trong thực hiện quyền kiểm tra, giám sát của nhân dân “Vấn đề dân kiểm tra là khâu thực hiện ít nhất và kém hiệu quả nhất. Đại bộ phận nhân dân, cán bộ chính quyền không dám nói thẳng, không dám phê phán trực tiếp các mặt của lãnh đạo, họ sợ bị trù dập, bị gây khó khăn, nguy cơ mất việc làm. Nhân dân biết rõ tiêu cực của cán bộ công chức, người có chức có quyền nhưng không tố giác vì thiếu tin tưởng vào việc giải quyết công minh, kịp thời của cấp có thẩm quyền, sợ bè cánh bao che cho nhau”. Qua đó, có thể thấy tác động tiêu cực của tâm lý thụ động, thiếu tự giác và tâm lý nể nang, dòng họ, bè phái trong thực hiện dân chủ ở xã. Lê Xuân Huy trong bài viết Ảnh hưởng của tâm lý sản xuất nhỏ đối với việc thực hiện dân chủ ở nông thôn nước ta hiện nay [87] cũng đã chỉ ra một số ảnh hưởng của tâm lý sản xuất nhỏ với việc thực hiện dân chủ như hành động cảm tính, không tuân theo pháp luật nên cán bộ không công khai thông tin đặc biệt là các khoản thu, chi tài chính trước dân, không phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm. Tác giả Huỳnh Đảm trong bài “Nhìn lại 10 năm thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn” [40] cũng đã chỉ ra những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở xã “Trình độ dân trí của một bộ phận người dân còn hạn chế, ý thức làm chủ chưa được nâng cao, sự hiểu biết về dân chủ và pháp luật còn chưa đầy đủ, tư tưởng tự do vô tổ chức, bè cánh, dòng họ còn khá nặng nề, năng lực giám sát của nhân dân còn hạn chế nên nhiều người dân còn thờ ơ với việc thực hiện quy chế, hoặc chỉ quan tâm đến quyền lợi mà xem nhẹ nghĩa vụ, trách nhiệm, thậm chí còn xảy ra tình trạng lợi dụng pháp luật, gây rối trật tự”. Tác giả Chu Thị Trang Vân trong bài “Một số vấn đề đặt ra trong quá trình thực thi pháp lệnh dân chủ ở xã, phường, thị trấn” [217] đã chỉ ra 3 khó khăn, vướng mắc trong thực hiện dân chủ ở xã đó là những khó khăn xuất phát từ phía cộng đồng, những khó khăn vướng mắc từ thể chế, cơ chế, và những khó khăn từ phía cán bộ, đảng viên. Trong những khó khăn xuất phát từ phía cộng đồng, tác giả cũng chỉ ra nhiều nhân tố trong đó có yếu tố tâm lý làng xã bao gồm tư duy manh mún, tâm lý cộng đồng, tâm lý dòng họ, bình quân chủ nghĩa, tác động đến việc thực hiện dân chủ ở xã. Trong khó khăn từ phía cán bộ, đảng viên tác giả cũng chỉ rõ tư tưởng tư hữu, cá nhân ở đội ngũ cán bộ tác động đến việc thực hiện dân chủ ở xã.
  • 28. 23 Về luận án, Lê Xuân Huy trong công trình Ý thức pháp luật với việc thực hiện dân chủ ở nông thôn Việt Nam hiện nay [88] đã phân tích những tác động tiêu cực của lệ làng đối với ý thức pháp luật của người nông dân như tâm lý họ hàng cục bộ địa phương bè phái, trọng lệ hơn luật trong lệ làng đã tác động tiêu cực đến ý thực pháp luật của người dân nông thôn. Như vậy, qua sự phân tích về lệ làng, tác giả cũng cho thấy sự điều chỉnh, chi phối của lệ làng đối với ý thức, hành động của mỗi người dân. Đây là những gọi mở cho tác giả luận án khi nghiên cứu về phương thức tác động của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tóm lại, các công trình nghiên cứu về thực trạng thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong khi chỉ ra những bất cập, hạn chế đã có những nội dung thực chất chính là những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở, mặc dù các tác giả có thể chưa chỉ rõ điều này do không phải là đối tượng nghiên cứu chính của các công trình này. Vì vậy, đây là những dữ liệu, gợi ý cho tác giả luận án trong đánh giá thực trạng ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, vì không phải là đối tượng nghiên cứu chính nên các dữ liệu này được trình bảy rải rác, lẻ tẻ, chưa có sự phân tích sâu sắc, thấu đáo, hệ thống, cần được tiếp tục bổ sung, làm rõ. 1.3. NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU VỀ GIẢI PHÁP ĐỂ HẠN CHẾ NHỮNG ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA TÂM LÝ TIỂU NÔNG ĐẾN THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ NƯỚC TA HIỆN NAY Vì đây là vấn đề mới nên không có công trình nào trực tiếp bàn về các giải pháp để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Việt Nam hiện nay song các công trình khi bàn về thực hiện dân chủ ở cấp xã có đưa ra những giải pháp để thực hiện tốt hơn dân chủ ở cấp xã, trong đó những giải pháp sẽ góp phần vào việc hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến việc thực hiện dân chủ ở cấp xã. Đồng thời, các công trình nghiên cứu về các loại hình tâm lý gần gũi với tâm lý tiểu nông trong từng lĩnh vực cụ thể cũng đề ra các giải pháp để khắc phục tác động tiêu cực của tâm lý này trong các lĩnh vực. Vì vậy, đây đều là những công trình tham khảo hữu ích trong quá trình nghiên
  • 29. 24 cứu về các giải pháp để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở Việt Nam hiện nay. Hoàng Chí Bảo (chủ biên) trong cuốn sách Hệ thống chính trị ở cơ sở nông thôn nước ta hiện nay [10] đã nói về sự tác động của kinh tế thị trường đối với những biến đổi tâm lý của người nông dân, họ đã biết tính toán hơn, có sự chấp nhận đổi mới, chấp nhận mạo hiểu phiêu lưu “được ăn cả ngã về không”. Dù chưa phải là nêu giải pháp nhưng qua sự phân tích tác động này chúng ta thấy rằng kinh tế thị trường cũng có tác động tích cực đến việc hạn chế những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông. Cuốn sách Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước [222], Lê Hữu Xanh đã đưa ra các giải pháp cơ bản hạn chế tâm lý tiểu nông ở đội ngũ này là đổi mới nội dung, phương thức đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp; Đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mở rộng giao lưu hợp tác trong và ngoài nước; Hoàn thiện cơ chế, chính sách và Luật doanh nghiệp nhà nước; Một số kiến nghị đối với doanh nghiệp nhà nước hiện nay. Ưu điểm mà tác giả Lê Hữu Xanh đưa ra là bên cạnh giải pháp nhằm loại bỏ cơ sở vật chất của tâm lý tiểu nông và thay đổi về nhận thức của chính chủ thể tâm lý tiểu nông giống như nhiều công trình là phát triển kinh tế thị trường và đổi mới công tác đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý doanh nghiệp nhà nước, tác giả đã đưa ra đề xuất về thay đổi môi trường hoạt động của chủ thể có tâm lý tiểu nông, ví dụ như với cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước, tác giả để xuất các giải pháp về hoàn thiện luật doanh nghiệp nhà nước để hạn chế tâm lý tiểu nông ở đội ngũ này. Vì vậy, đây là gợi ý quan trọng cho tác giả luận án trong khi đề xuất các giải pháp hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở chắc chắn phải tiếp tục hoàn thiện luật, cơ chế về thực hiện dân chủ nhằm đảm bảo dân chủ ở cơ sở được thực hiện nghiêm túc, từ đó làm cho những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông không có cơ sở để tồn tại, ảnh hưởng. Cũng theo hướng giải pháp về hoàn thiện hệ thống pháp luật về dân chủ ở cơ sở, Nguyễn Hồng Chuyên trong cuốn sách Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cấp xã phục vụ xây dựng nông thôn mới [29] và Nguyễn Tiến Thành trong công trình
  • 30. 25 Hoàn thiện cơ chế pháp lý thực hiện dân chủ cơ sở ở Việt Nam hiện nay [172] đã chỉ ra những bất cập của pháp luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, tác giả đưa ra hướng hoàn thiện thiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở trong đó có pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; các giải pháp tuyên truyền phổ biến pháp lệnh trong nhân dân. Những giải pháp mà các tác giả đưa ra mặc dù không nói gì đến tâm lý tiểu nông (vì không thuộc đối tượng nghiên cứu của các công trình này) song việc hoàn thiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở cũng góp phần vào việc hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Bên cạnh các công trình gợi mở hướng giải pháp hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông bằng biện pháp hoàn thiện pháp luật, hướng giải pháp giáo dục, tuyên truyền để phát huy tính cực của các chủ thể, giúp các chủ thể chủ động tự hạn chế dần những ảnh hưởng của tâm lý tiểu nông cũng được một số cuốn sách đề cập tới. Nguyễn Hồng Chuyên trong cuốn sách Thực hiện dân chủ ở cấp xã trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay [28], đã đề xuất 4 nhóm giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cấp xã là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đối với việc thực hiện pháp lệnh; Phát huy tính tích cực chính trị xã hội của cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện pháp luật dân chủ ở xã; Nâng cao nhận thức pháp luật, sự tham gia chủ động, tự giác và tích cực của nhân dân vào hoạt động thực hiện pháp luật về dân chủ ở xã; Đảm bảo các điều kiện về kinh tế, chính trị, văn hoá, pháp luật cho việc thực hiện pháp lệnh. Như vậy, trong giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật dân chủ ở xã, tác giả đã chú ý nâng cao chủ thể thực hiện pháp luật là cán bộ cơ sở và người dân. Mặc dù không nói đến tâm lý tiểu nông của các chủ thể này nhưng việc nâng cao tích tích cực, chủ động của các chủ thể này trong thực hiện pháp luật dân chủ cũng góp phần vào việc hạn chế dần những biểu hiện tiểu nông ở họ. Một số bài tạp chí cũng tiếp cận các giải pháp về nâng cao nhận thức, ý thức của các chủ thể thực hiện dân chủ ở cơ sở, qua đó nâng cao hiệu quả thực hiện dân chủ. Theo tác giả luận án, đây cũng là một hướng để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
  • 31. 26 Tác giả Trần Quang Nhiếp trong bài “Thực hiện dân chủ ở xã, mấy vấn đề đặt ra” [138] chỉ ra các giải pháp để thực hiện dân chủ cấp xã là: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế bền vững; Nâng cao trình độ và năng lực làm chủ của nông dân; Củng cố hệ thống chính trị, các cơ quan đại diện quyền làm chủ của nhân dân ở nông thôn. Vẫn là tác giả Trần Quang Nhiếp với bài “Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở sau 2 năm nhìn lại” [139] có bàn sâu đến giải pháp tuyên truyền, kịp thời sơ kết tổng kết, biểu dương, khen thưởng, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong bài “Qua 3 năm thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở nông thôn” [221], tác giả Lê Kim Việt đã chỉ ra các giải pháp để thực hiện tốt dân chủ ở xã đó là tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở nông thôn vững mạnh làm nòng cốt, Củng cố hệ thống chính quyền cơ sở trong sạch, gắn việc thực hiện quy chế với nâng cao dân trí và phát triển toàn diện kinh tế - văn hóa - xã hội ở nông thôn. Các giải pháp thực hiện dân chủ ở xã mà tác giả Lê Quang Minh đưa ra trong bài “Để thực hiện dân chủ ở cơ sở” [120] là Nâng cao nhận thức đúng đắn đầy đủ về thực hiện dân chủ ở cơ sở hiện nay; Xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật đảm bảo cho việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; Tạo lập các tiền đề, các yếu tố kinh tế - xã hội để thực hiện dân chủ ở cơ sở… Tác giả Tòng Thị Phóng trong bài viết “Khâu đột phá của quá trình phát huy dân chủ ở nước ta thời kỳ đổi mới” [146] cũng nêu các giải pháp để thực hiện dân chủ ở cơ sở tốt hơn bao gồm Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục quán triệt các quan điểm chủ trương của Đảng về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; Không ngừng hoàn chỉnh, nâng cao tính pháp lý của các quy định được ban hành; Tăng cường vai trò giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ; Đào tạo cán bộ về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Bài viết “Ảnh hưởng của tâm lý sản xuất nhỏ đối với việc thực hiện dân chủ ở nông thôn nước ta hiện nay” [87] của Lê Xuân Huy có nội dung gần với đề tài của luận án. Nhà nghiên cứu này đã đề xuất một số giải pháp khắc phục ảnh hưởng của tâm lý tiểu nông như tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; Không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân
  • 32. 27 dân, nâng cao dân trí, văn hoá. Như vậy, hướng tiếp cận về giải pháp của tác giả cũng là khắc phục cơ sở vật chất hình thành tâm lý và giáo dục, tuyên truyền để thay đổi nhận thức, tâm lý của chủ thể. Hướng tiếp cận giải pháp này cũng sẽ được tác giả luận án tham khảo khi đề xuất các giải pháp Những công trình nghiên cứu về tâm lý tiểu nông, tâm lý sản xuất nhỏ đối với từng lĩnh vực cụ thể cũng đưa ra các giải pháp ngăn ngừa, hạn chế những biểu hiện tiêu cực tâm lý tiểu nông như “Ảnh hưởng của tâm lý sản xuất nhỏ ở đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở đồng bằng Bắc Bộ hiện nay” [39] đã đưa ra các giải pháp như khắc phục tâm lý sản xuất nhỏ thông qua hoạt động lãnh đạo đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; khắc phục tâm lý sản xuất nhỏ thông qua quá trình lãnh đạo xây dựng đời sống văn hoá - xã hội mới và đẩy mạnh dân chủ hoá ở cơ sở; Tăng cường công tác đào tạo nâng cao trình độ mọi mặt với việc khắc phục tâm lý sản xuất nhỏ ở đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở đồng bằng Bắc Bộ; Nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạnh cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở đồng bằng Bắc Bộ với việc khắc phục tâm lý sản xuất nhỏ. Nhìn chung, các giải pháp tác giả đưa ra đã hướng tới việc thay đổi cơ sở vật chất của tâm lý tiểu nông bằng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và các giải pháp hạn chế, xoá bỏ tâm lý tiểu nông ở đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở. Tuy nhiên, vì giới hạn nghiên cứu của tác giả chỉ là tâm lý sản xuất nhỏ ở đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở đồng bằng Bắc Bộ nên các giải pháp cũng chỉ hướng đến đội ngũ cán bộ. Một số công trình nghiên cứu về tâm lý tiểu nông bên cạnh nhiều giải pháp khác đã chú ý đến các giải pháp về công tác cán bộ. Trong cuốn sách, “Tâm lý sản xuất nhỏ ở đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở đồng bằng Bắc Bộ hiện nay” [39], tác giả Trần Sỹ Dương đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp thay đổi nhận thức, đạo đức của cán bộ thông qua công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt cấp cơ sở. Luận án tiến sĩ “Ảnh hưởng của tâm lý tiểu nông đối với việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay” [159] của tác giả Cao Thị Sính, các giải pháp mà tác giả đưa ra là: Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước - cơ sở, tiền đề để khắc phục ảnh hưởng tiêu
  • 33. 28 cực của tâm lý tiểu nông; Phát huy vai trò lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng và đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở nông thôn; Nâng cao đời sống văn hoá đi đôi với cải biến phong tục, tập quán lạc hậu; Nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân với việc khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông; Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Như vậy, trong nhiều giải pháp, tác giả Cao Thị Sính có chú ý đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đây là một hướng tiếp cận giải pháp đúng đắn mà tác giả luận án sẽ kế thừa. Tuy nhiên, các khâu khác trong công tác cán bộ cũng góp phần vào việc hạn chế tâm lý tiểu nông ở đội ngũ này, song các công trình này chỉ tập trung vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đây là điểm khuyết mà luận án sẽ bổ sung. Tóm lại, những công trình nghiên cứu về dân chủ ở cơ sở khi bàn về các giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện dân chủ ở cơ sở dù tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau và đưa ra những giải pháp không hoàn toàn giống nhau nhưng khái quát lại có thể thống nhất ở một số giải pháp đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, nâng cao trình độ, năng lực, ý thức tích cực của người dân và cán bộ cơ sở - những chủ thể thực hiện pháp luật dân chủ ở cơ sở, một số giải pháp khác về kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật… Những giải pháp này cũng có ý nghĩa đối với việc hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, vì không phải là đối tượng nghiên cứu nên trong các công trình này, chưa có công trình nào chỉ rõ các giải pháp này có thể hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông như thế nào. Còn những công trình nghiên cứu về ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong từng lĩnh vực cụ thể đều đưa ra giải pháp để hạn chế những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong những lĩnh vực này là xoá bỏ cơ sở vật chất sản sinh tâm lý tiểu nông, hạn chế tâm lý tiểu nông trong các chủ thể hành động thông qua giáo dục, đào tạo. Hoàn thiện pháp luật ở từng lĩnh vực cụ thể để hạn chế những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong lĩnh vực đó. Đây cũng là hướng tiếp cận của tác giả luận án khi đề xuất các giải pháp. Tuy nhiên, vì lĩnh vực cụ thể mà tác giả nghiên cứu là ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở Việt Nam hiện nay, một hướng nghiên cứu hoàn toàn mới, nên các giải pháp đưa ra trong luận án
  • 34. 29 không phải là hạn chế tâm lý tiểu nông ở cán bộ cơ sở và nhân dân chung chung mà trong hoạt động cụ thể là thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tác giả cũng bổ sung các giải pháp để hạn chế những biểu hiện tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong từng chủ thể thực hiện dân chủ ở cơ sở không chỉ là qua giáo dục, tuyên truyền mà còn thông qua các cách thức để ngăn chặn những phương thức tác động của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở, các giải pháp về công tác cán bộ. Đồng thời, tác giả đề xuất giải pháp về hoàn thiện cơ chế, pháp luật dân chủ ở cơ sở nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ. Đây là những hướng nghiên cứu mới, mà các công trình trước chưa làm được. 1.4. NHỮNG GIÁ TRỊ CỦA CÁC CÔNG TRÌNH ĐƯỢC TỔNG QUAN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN ĐẶT RA CHO TÁC GIẢ LUẬN ÁN CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU, GIẢI QUYẾT 1.4.1. Những giá trị cần tham khảo của các công trình đã tổng quan Trên cơ sở tổng quan các công trình có liên quan đến đề tài, có thể thấy rằng các công trình đã đề cập, phân tích được những vấn đề sau: - Các nhà nghiên cứu trước đó đã làm rõ nội dung của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trên các nhóm quyền dân biết, dân bàn bạc, quyết định và dân kiểm tra, giám sát. - Nhiều nghiên cứu cũng đã phân tích sự cần thiết của việc phải thực hiện dân chủ ở cơ sở. - Một số công trình đã làm rõ ý nghĩa, vai trò của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, những yếu tố tác động đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. - Các công trình trước đó cũng đã chỉ ra những biểu hiện của tâm lý tiểu nông cũng như cơ sở hình thành tâm lý tiểu nông. - Một số nhà nghiên cứu khi đánh giá về những hạn chế của thực hiện dân chủ ở cơ sở ở nước ta thời gian qua, mặc dù không nói đến tâm lý tiểu nông nhưng những hạn chế trong thực hiện dân chủ ở cơ sở chỉ ra, thực chất chính là do ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông. Một số công trình đã nhận thức và chỉ rõ một số biểu hiện của tâm lý tiểu nông gây cản trở cho việc thực hiện dân chủ ở cơ sở.
  • 35. 30 - Một số nhà nghiên cứu đã đưa ra giải pháp để thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu quả hơn và thực chất hơn, trong đó theo tác giả luận án, có một số giải pháp cũng góp phần vào việc hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến việc thực hiện dân chủ ở các xã. Một số công trình đưa ra giải pháp về hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông ở từng chủ thể ở trong một số lĩnh vực, đây là cũng tài liệu tham khảo rất hữu ích về mặt cơ sở, phương pháp luận tiếp cận vấn đề. 1.4.2. Những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã làm được đó thì các công trình trên cũng còn một số mặt chưa làm được, chúng tôi mong sẽ tiếp tục bổ sung, làm sâu sắc hơn trong công trình của mình ở những nội dung sau: - Trong phần nội dung của thực hiện dân chủ ở cơ sở, tác giả làm rõ những nội dung của việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, đồng thời có sự phân tích những nội dung này đã bao hàm các quyền dân chủ trực tiếp và quyền dân chủ gián tiếp, các quyền dân chủ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân. - Các công trình trong khi phân tích các biểu hiện của tâm lý tiểu nông thì có phân tích cơ sở hình thành tâm lý đó. Vì vậy việc trình bày cơ sở hình thành có phần rải rác, lẻ tẻ, thiếu tập trung. Trong luận án này, tác giả sẽ làm rõ ba cơ sở hình thành tâm lý tiểu nông là điều kiện tự nhiên, hoạt động sản xuất (kinh tế tiểu nông) và hoạt động sinh hoạt (làng xã), từng cơ sở ấy góp phần hình thành những biểu hiện gì của tâm lý tiểu nông. - Các tác giả trước mặc dù đã có chỉ ra tâm lý tiểu nông có ảnh hưởng không chỉ ở ngưởi nông dân sản xuất nhỏ mà tới mọi tầng lớp dân cư, nhưng chưa chỉ ra được lí do tại sao tâm lý tiểu nông lại ảnh hưởng đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, nó ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở theo những phương thức nào, trên các phương diện nào. Trong luận án này, tác giả sẽ làm rõ điều đó. - Tác giả sẽ tổng hợp phân tích sâu sắc và có tính hệ thống ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trên 4 nội dung cơ bản của thực hiện dân chủ ở cơ sở là dân biết, dân tham gia ý kiến, quyền quyết định, biểu quyết quyết định và dân kiểm tra. Đây là điều mà các nghiên cứu đã có chưa làm được. Các công trình trước dù chưa phải là đối tượng nghiên cứu chính song đã trình bày rải rác một số biểu hiện
  • 36. 31 tiêu cực của tâm lý tiểu nông đối với thực hiện dân chủ ở cơ sở nhưng thiếu tính hệ thống và chủ yếu là nêu khái quát, thiếu phân tích cụ thể và dẫn chứng rõ ràng. - Các giải pháp thực hiện dân chủ ở cơ sở thì có nhiều công trình đề cập đến. Đồng thời, các công trình nghiên cứu về tâm lý tiểu nông trong từng lĩnh vực, hoạt động cụ thể có đề xuất các giải pháp hạn chế những tác động tiêu cực của tâm lý tiểu nông trên từng lĩnh vực cụ thể này. Tuy nhiên, các công trình về dân chủ ở cơ sở chưa làm rõ được những giải pháp này góp phần vào hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông như thế nào. Còn những nghiên cứu về tâm lý tiểu nông, chưa có nghiên cứu nào về ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, nên các giải pháp đưa ra cũng chưa thật sát, chủ yếu có giá trị tham khảo về phương pháp luận tiếp cận về giải pháp. Vì vậy, luận án này sẽ bổ sung một số giải pháp mới và kế thừa một số giải pháp mà các công trình đã nêu nhưng làm rõ các giải pháp đó sẽ hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở như thế nào, các biện pháp cụ thể để thực hiện các giải pháp đó. Tóm lại, những công trình đã có thời gian qua là những tài liệu tham khảo bổ ích cho tác giả trong quá trình triển khai đề tài “Ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông đến thực hiện dân chủ ở cơ sở Việt Nam hiện nay”. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chưa phân tích một cách hệ thống, sâu sắc, rõ ràng, cụ thể những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến nội dung của đề tài. Luận án sẽ kế thừa những công trình đã có và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Tiểu kết chương 1 Trong chương này, tác giả luận án tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài trên 3 nội dung chính là những công trình nghiên cứu về dân chủ ở cơ sở, về tâm lý tiểu nông trên phương diện lý luận; Những công trình nghiên cứu về thực trạng ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; Những công trình nghiên cứu về giải pháp hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tâm lý tiểu nông trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong khi tổng quan các công trình này, tác giả có đánh giá những giá trị mà tác giả sẽ kế thừa trong khi triển khai luận án và những điểm cần bổ sung. Sau khi tổng quan các nghiên cứu liên quan
  • 37. 32 đến đề tài luận án, tác giả có đánh giá lại những giá trị mà công trình đã tổng quan cần phải kế thừa và những điểm cần phải tiếp tục nghiên cứu, giải quyết trên cả 3 nội dung về mặt lý luận, thực tiễn và các giải pháp. Qua tổng quan, tác giả thấy rằng việc lựa chọn đề tài nghiên cứu là không hề trùng lặp, chưa có công trình nào trực tiếp nghiên cứu về vấn đề này. Tuy nhiên, những công trình trước đó là tài liệu tham khảo rất hữu ích và là những gợi mở ban đầu để tác giả tiếp tục nghiên cứu, bổ sung những điểm còn chưa được bàn tới.