SlideShare a Scribd company logo
1 of 98
BỘ QUỐC PHÒNG
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ

ĐỒNG THỊ HẠNH
PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP
Ở TỈNH ĐỒNG NAI
LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ CHÍNH TRỊ
BỘ QUỐC PHÒNG
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ

ĐỒNG THỊ HẠNH
PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP
Ở TỈNH ĐỒNG NAI
CHUYÊN NGÀNH: KINH TẾ CHÍNH TRỊ
MÃ SỐ: 60 31 01 02
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOAHỌC: PGS.TS TRƯƠNG TUẤN BIỂU
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
Chữ viết đầy đủ Chữ viết tắt
Chủ nghĩa xã hội CNXH
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa CNH, HĐH
Khoa học - công nghệ KH - CN
Khoa học - kỹ thuật KH - KT
Kinh tế - xã hội KT - XH
Lực lượng sản xuất LLSX
Quan hệ sản xuất QHSX
Quốc phòng - an ninh QP - AN
Xã hội chủ nghĩa XHCN
Kinh tế nông nghiệp KTNN
Giá trị sản xuất GTSX
Hợp tác xã HTX
MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU
3
Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ PHÁT
TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP 11
1.1. Kinh tế nông nghiệp và vai trò của phát triển kinh tế
nông nghiệp 11
1.2. Những vấn đề lý luận và kinh nghiệm về phát triển
kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai. 22
Chương 2 THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG
NGHIỆP Ở TỈNH ĐỒNG NAI 29
2.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế-xã hội ảnh hưởng đến
phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai 29
2.2. Thực trạng phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh
Đồng Nai những năm qua 32
Chương 3 PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁPPHÁT TRIỂN KINH
TẾ NÔNG NGHIỆP Ở TỈNH ĐỒNG NAI 56
3.1. Phương hướng phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh
Đồng Nai trong những năm tới 56
3.2. Một số giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế nông
nghiệp ở tỉnh Đồng Nai thời gian tới 63
KẾT LUẬN 83
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 85
PHỤ LỤC 88
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, nông nghiệp là một trong hai
ngành sản xuất vật chất cơ bản, có vai trò quan trọng hàng đầu của mọi thời
đại. Nông nghiệp - hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, lâm
nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp. Nông nghiệp cung cấp lương thực, thực
phẩm để duy trì sự tồn tại của con người và sự phát triển của xã hội loài người;
cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và là thị trường rộng lớn của
các ngành công nghiệp, dịch vụ; tạo môi trường sinh thái trong lành, bền vững
và góp phần quan trọng trong tăng cường tiềm lực QP - AN của đất nước.
Trong mối quan hệ với công nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp là tiền đề
của phân công lao động xã hội. C.Mác cho rằng: Trong lịch sử, chỉ đến khi
nông nghiệp cung cấp “đủ” lương thực cho con người thì nền sản xuất xã hội
mới phân chia thành ngành nông nghiệp và công nghiệp. Vì kinh tế nông
nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng như vậy nên những năm qua Đảng, Nhà
nước ta luôn quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, coi phát
triển nông nghiệp là nhiệm vụ kinh tế và nhiệm vụ chính trị - xã hội có ý nghĩa
chiến lược lâu dài. Trong công cuộc đổi mới, đã có nhiều chủ trương và giải
pháp để thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng sản xuất
hàng hóa. Tuy nhiên, chuyển đổi một nền nông nghiệp tự cấp, tự túc lại vận
hành trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang nền nông nghiệp hàng hóa vận
hành theo cơ chế thị trường là một quá trình đòi hỏi có sự thay đổi thực sự
trong tư duy và trong hoạt động thực tiễn.
Là một tỉnh thuộc vùng miền Đông Nam Bộ nằm trong vùng kinh tế trọng
điểm phía Nam, Đồng Nai là tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều tiềm năng
và lợi thế về phát triển kinh tế nông nghiệp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ
tỉnh, sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai có sự phát triển mạnh mẽ và đã đạt
được những thành tựu khá toàn diện. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển
3
dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, nhiều loại hình tổ chức sản xuất kinh
doanh mới ra đời và không ngừng phát triển cả về quy mô, hiệu quả. Kết cấu
hạ tầng KT - XH nông thôn được tăng cường, bộ mặt nhiều vùng quê thay
đổi, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân ngày càng được cải thiện, hệ
thống chính trị được củng cố, dân chủ ở cơ sở được phát huy, an ninh chính
trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Tuy nhiên, những thành tựu trên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế
của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai vẫn mang nặng tính tự cấp đan
xen với sản xuất hàng hóa nhỏ do ruộng đất phân chia manh mún; năng suất,
chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp hàng hóa thấp. Các hình
thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, khả năng xây dựng, khai thác các điểm
kinh tế - kỹ thuật - dịch vụ ở từng huyện, xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng
kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn nhiều hạn chế, thị trường nông thôn hạn hẹp,
nhiều loại nông phẩm hàng hóa sức cạnh tranh thấp, đời sống của người nông
dân - thuần nông, còn nhiều khó khăn... Đây là những vấn đề cấp bách trong
chiến lược phát triển KT - XH của cả nước nói chung và ở tỉnh Đồng Nai
nói riêng, đồng thời là những vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra cần tiếp tục
nghiên cứu và triển khai thực hiện nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp. Từ
những lý do trên, tác giả chọn vấn đề nghiên cứu: “Phát triển kinh tế
nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai” làm đề tài luận văn cao học kinh tế -
chuyên ngành Kinh tế chính trị.
2. Tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài
Nông nghiệp nói chung và phát triển kinh tế nông nghiệp nói riêng là vấn đề
không mới cả về lý luận và thực tiễn. Ở nước ta vấn đề phát triển kinh tế nông
nghiệp đã có nhiều công trình khoa học đề cập dưới các góc độ khác nhau về
phạm vi, cách thức tiếp cận.
4
Những công trình nghiên cứu khoa học đã công bố mà tác giả luận văn sử
dụng làm tài liệu tham khảo gồm:
* Sách tham khảo
“Phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Việt Nam thực trạng và giải
pháp”của Trần Xuân Châu, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003.
“Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn Việt Nam -
con đường và bước đi” của GS.TS Nguyễn Kế Tuấn, Nxb Chính trị Quốc gia,
Hà Nội, 2004.
“Nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam - Hôm nay và mai sau”
của Đặng Kim Sơn, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008.
“Những biện pháp kinh tế tổ chức và quản lý để phát triển kinh tế nông
nghiệp hàng hóa và đổi mới cơ cấu kinh tế nông thôn Bắc bộ” chủ biên GS.
TS Lương Xuân Qùy, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội, 1996.
“Phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn ở Việt Nam” của TS Nguyễn
Hữu Tiến, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội, 2008.
“ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn từ lý luận đến
thực tiễn ở Việt Nam hiện nay” của TS Phạm Ngọc Dũng, Nxb Chính trị
Quốc gia, Hà Nội, 2011 vv...
Những công trình nghiên cứu khoa học trên đã đề cập một cách tương đối
khái quát và có phần sâu sắc về đặc điểm, tính quy luật vận động và phát triển
của kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong quá trình đổi mới, các mô hình kinh
tế trong mở cửa hội nhập gắn với giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH ở nước ta
nói chung và nông nghiệp, nông thôn nói riêng.
* Luận án, luận văn
“Phát triển nông nghiệp hàng hóa trong quá trình công nghiệp hóa,
hiện đại hóa ở nước ta” Mai Văn Bảo, Luận án tiến sĩ kinh tế, Học viện
Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2000.
5
“Phát triển kinh tế hàng hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại
hóa nông nghiệp, nông thôn đồng bằng sông Hồng” Bùi Văn Can, Luận án
tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học kinh tế quốc dân, 2001.
“Phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Việt Nam thực trạng và giải pháp”
Đặng Thị Tố Tâm, Luận văn Thạc sĩ Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội, 2002.
“Phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Lạng Sơn” Nguyễn Thanh Hảo,
Luận văn Thạc sĩ Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010.
“Vai trò của phát triển nông nghiệp trong bảo đảm hậu cần tại chỗ cho
khu vực phòng thủ tỉnh Hà Nam hiện nay” Vũ Văn Khầu, Luận văn Thạc sĩ
Kinh tế, Học viện chính trị, 2010.
“Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp trong quá trình đẩy
mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Thái Bình” Phạm Quang Huy,
Luận văn Thạc sĩ Kinh tế, Học viện chính trị, 2011.
“ Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững ở tỉnh Hải Dương hiện
nay” Lê Văn Điền, Luận văn Thạc sĩ Kinh tế, Học viện Chính trị, 2012.
Các luận án, luận văn trên trực tiếp đề cập một cách cơ bản cơ sở lý luận
và thực tiễn về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH nông
nghiệp, nông thôn. Trong phương hướng và hệ thống giải pháp, các tác giả có
đề cập đến phát triển kinh tế nông nghiệp, tuy nhiên phạm vi khái quát rộng,
với những giải pháp hình thành khung thể chế, giải pháp hỗ trợ, giải pháp xã
hội trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp
hóa, hiện đại hóa; hay nhóm giải pháp liên quan đến LLSX; nhóm giải pháp
liên quan đến QHSX; nhóm giải pháp liên quan đến cơ chế và chính sách vĩ
mô của nhà nước; sự phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH
nông nghiệp, nông thôn nói chung hoặc ở phạm vi một vùng kinh tế, tỉnh...
* Bài báo khoa học
“Vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn ở nước ta trong thời kỳ đổi
mới” Đào Thế Tuấn, Tạp chí Cộng sản, số 771/2007.
6
“ Sự phát triển Nông nghiệp đồng bằng sông Hồng trong những năm đổi
mới ” Nguyễn Sinh Cúc, Tạp chí Kinh tế và dự báo, số 3/2001.
“ 15 năm phát triển nông sản hàng hóa vùng đồng bằn sông Hồng.
Những vấn đề đặt ra trước thế kỷ XXI” Bùi Văn Can, Tạp chí Kinh tế và phát
triển, số11/2001.
“Thị trường sản phẩm nông nghiệp và một số vấn đề cần giải quyết”
Trần Bình Điền - Phạm Thắng, Tạp chí Cộng sản, số 3/1994.
“Chính sách thị trường với phát triển nông nghiệp, nông thôn” Chu
Hữu Quý và Nguyễn Kế Tuấn, Tạp chí Cộng sản, số 20, 10/1998.
“Đẩy mạnh phát triển một số hàng nông sản xuất khẩu có sức cạnh tranh
trên thị trường quốc tế” Lê Huy Ngọ, Tạp chí Kinh tế nông nghiệp, số 2/1998.
“Đầu ra cho sản phẩm, những vấn đề cần giải quyết trong lĩnh vực nông
nghiệp và nông thôn hiện nay ở Việt Nam” Nguyễn Hữu Thảo, Tạp chí Phát triển
kinh tế, số 101, 3/1999.
“Đẩy mạnh chế biến nông sản” Bạch Đình Ninh, Nghiên cứu lý luận số
8/2000.
“Thuận lợi và thách thức của nông nghiệp Việt Nam khi gia nhập WTO”
Đặng Kim Sơn, Tạp chí Cộng sản số 1/2007.
“ Vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn với việc
xóa đói giảm nghèo ở nước ta ” Nguyễn Mai Hồng, Thông báo khoa học, số
5/1999.
“ Phát triển nông sản hàng hóa thực trạng và giải pháp” Nguyễn Sinh
Cúc, Con số và sự kiện số 11/1999.
“ Quan hệ ruộng đất ở nông thôn : 55 năm nhìn lại ” Nguyễn Sinh Cúc,
Nghiên cứu Lý luận, số 9/2000.
Tổng quan nông nghiệp nước ta sau 15 năm đổi mới (1986 - 2000)
Nguyễn Sinh Cúc, Tạp chí Cộng sản, số 5, 3/2000.
7
“Thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hóa để phát triển nông nghiệp” Lê
Huy Ngọ. Hoạt động khoa học, số 8/2008.
Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) “ Về phát triển toàn diện nông nghiệp,
nông dân, nông thôn”. Quyết định số 80/QĐ - TTg, ngày 24/6/2002 của Thủ
tướng Chính phủ về chính sách tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng.
“Vấn đề quan hệ ruộng đất trong nông nghiệp - Thực trạng và giải
pháp” Lê Đình Thắng, Nghiên cứu kinh tế, số 237/1998.
“Công nghệ sinh học và vấn đề phát triển nông nghiệp của Việt Nam”
GS. TS Bùi Chí Bửu, Tạp chí Cộng sản, số 791, 9/2008.
“Thúc đẩy sự phát triển khoa học - công nghệ phục vụ nông nghiệp,
nông thôn” TS Nguyễn Thanh Hà, Tạp chí Cộng sản, số 801, 7/2009.
“Nông dân và nông nghiệp Việt Nam nhìn từ sản xuất - thị trường”
GS.TS Võ Tòng Xuân, Tạp chí Cộng sản, số 812, 6/2010.
“Nông nghiệp Việt Nam sau 4 năm thực hiện cam kết WTO” TS Chu
Tiến Quang, Tạp chí Cộng sản, số 824, 6/2011.
"Phát triển nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020" GS. TS Nguyễn
Trần Trọng, Tạp chí Cộng sản, số 848, /6/2012.
Nội dung các bài viết trên đã đề cập và luận giải ở những góc độ khác nhau
về sự cần thiết, những thành tựu và hạn chế, một số vấn đề đặt ra cho phát triển
kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hoặc những thách thức cho
nông dân, nông nghiệp Việt Nam trong điều kiện nền kinh tế đang CNH, HĐH
mở cửa và hội nhập quốc tế. Sự đóng góp khoa học của các công trình, các bài
viết trên vào sự phát triển nền nông nghiệp và nông thôn, nông dân Việt Nam là
rất hữu ích. Tuy nhiên với Đồng Nai, chưa thấy có công trình nào nghiên cứu về
phát triển kinh tế nông nghiệp dưới góc độ kinh tế chính trị. Vì vậy, đề tài tác
giả lựa chọn nghiên cứu hoàn toàn không trùng lặp với các công trình đã được
công bố.
8
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài
* Mục đích
Luận giải những vấn đề lý luận cơ bản về phát triển kinh tế nông nghiệp.
Đánh giá thực trạng phát triển kinh tế nông nghiệp ở Đồng Nai, trên cở sở đó đề
xuất phương hướng và giải pháp tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp Tỉnh
Đồng Nai thời gian tới.
* Nhiệm vụ
Phân tích làm rõ một số vấn đề lý luận về phát triển kinh tế nông nghiệp.
Đánh giá thực trạng phát triển phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai.
Đề xuất phương hướng và giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế nông
nghiệp ở tỉnh Đồng Nai thời gian tới.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài
* Đối tượng nghiên cứu
Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai
* Phạm vi nghiên cứu
Về không gian: Luận văn tập trung nghiên cứu sự phát triển kinh tế nông
nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Về thời gian: Luận văn tập trung phân tích, nghiên cứu khảo sát số liệu, tư
liệu từ năm 2006 đến nay.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của đề tài
* Phương pháp luận
Luận văn vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt
Nam và thực tiễn phát triển kinh tế nông nghiệp ở nước ta.
Tiếp thu có chọn lọc các kết quả nghiên cứu về phát triển kinh tế nông
nghiệp của các tác giả trong nước để vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của tỉnh
Đồng Nai. Đồng thời, dựa vào các báo cáo tổng kết, số liệu thống kê kinh tế
9
của Uỷ ban nhân dân, Cục Thống kê, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
tỉnh Đồng Nai đã được công bố từ năm 2006 đến nay.
* Phương pháp nghiên cứu
Trên cơ sở phương pháp luận biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác -
Lênin, đề tài sử dụng phương pháp trừu tượng hóa khoa học, kết hợp lô-gic với
lịch sử và một số phương pháp khác như: Thống kê, so sánh, phân tích, tổng
hợp, khảo sát thực tiễn và chuyên gia để giải quyết nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra.
6. Ý nghĩa của đề tài
Luận văn góp phần làm sáng tỏ thêm một số vấn đề lý luận và thực tiễn
về phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai.
Kết quả nghiên cứu của Luận văn có thể làm tài liệu tham khảo trong
nghiên cứu và giảng dạy môn Kinh tế chính trị Mác - Lênin, làm tài liệu tham
khảo để Đồng Nai và các địa phương xây dựng chủ trương, biện pháp phát
triển kinh tế nông nghiệp .
7. Kết cấu của đề tài
Ngoài phần mở đầu luận văn gồm 03 chương (6 tiết), kết luận, danh mục
tài liệu tham khảo và phụ lục.
10
Chương 1
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ KINH
NGHIỆM VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP
1.1. Kinh tế nông nghiệp và vai trò của phát triển kinh tế nông nghiệp
1.1.1. Kinh tế nông nghiệp và phát triển kinh tế nông nghiệp
* Khái niệm nông nghiệp
Nông nghiệp được hiểu theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Nông nghiệp
theo nghĩa rộng, là tổ hợp các ngành gắn liền với các quá trình sinh học bao
gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp (trồng và khai thác bảo vệ tài
nguyên rừng), ngư nghiệp (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản). Thực tiễn cho
thấy, trong một thời gian dài của lịch sử nông nghiệp là một ngành kinh tế chủ
yếu của hầu hết các quốc gia. Nông nghiệp là khu vực duy nhất sản xuất ra
lương thực, thực phẩm nuôi sống con người. Nông nghiệp theo nghĩa rộng
thường được sử dụng trong phân tích mối quan hệ với công nghiệp và dịch
vụ. Theo nghĩa hẹp, nông nghiệp bao gồm trồng trọt và chăn nuôi. Trong trồng
trọt lại bao gồm: trồng cây lượng thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược
liệu, cây thức ăn cho chăn nuôi, cây rau củ…Trong chăn nuôi bao gồm: chăn nuôi
gia súc, gia cầm… Sản phẩm của nông nghiệp thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng hằng
ngày của con người, là nguyên liệu cho công nghiệp và dược liệu cho chữa bệnh,
sức kéo cho sản xuất và vận tải…Trong phạm vi luận văn này, tác giả nghiên cứu
nông nghiệp theo nghĩa rộng.
* Khái niệm kinh tế nông nghiệp
Các nhà kinh điển Mác - Lênin đã nghiên cứu những vấn đề lí luận cơ bản
về phát triển kinh tế nông nghiệp. C.Mác đã chỉ ra rằng việc chuyển xã hội từ nền
kinh tế tự nhiên, sinh tồn, tự cấp, tự túc sang nền kinh tế hàng hóa là một tất yếu.
Chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp tự cấp, tự túc chậm phát triển sang nền kinh tế
11
nông nghiệp hàng hóa phát triển. Trong lý luận của C.Mác về phân công lao động
xã hội và sự hình thành các ngành kinh tế quốc dân, C.Mác khẳng định nông
nghiệp là một ngành sản xuất vật chất. Ông cho rằng sự phân công lao động mà
trước hết là trong nông nghiệp nói riêng và trong các ngành kinh tế nói chung là
cơ sở chung của mọi nền sản xuất hàng hóa. Cơ sở của sự phân công đó là: Sự
tách rời giữa chăn nuôi và trồng trọt, giữa nông nghiệp và công nghiệp, sự xuất
hiện nhiều ngành nghề khác nhau và giữa thành thị với nông thôn. Những sự tách
rời đó xảy ra khi nào? Điều đó chỉ có được khi có sự nâng cao năng suất lao động
xã hội, đặc biệt là trong nông nghiệp, tức nông nghiệp phải đạt tới một trình độ
phát triển nhất định.
V.I.Lênin là người kế thừa học thuyết Mác và phát triển trong điều kiện
lịch sử mới. Trong tác phẩm "Chủ nghĩa tư bản phát triển ở Nga", Ông đã phân
tích sự giải thể của công xã nông thôn dẫn đến một sự phân hóa và phân tầng xã
hội ở nông thôn, tới sự mở rộng sản xuất hàng hóa và do đó tới chủ nghĩa tư bản.
Tư tưởng cơ bản của V.I.Lênin ở đây là nhấn mạnh tới tầm quan trọng của sự giải
thể nền sản xuất truyền thống và sản xuất hàng hóa là con đường dẫn đến sự phát
triển. Ông còn nhấn mạnh đến sự xuất hiện một thứ chủ nghĩa tư bản trong nông
nghiệp tức là phát triển một nền nông nghiệp thương phẩm.
Hồ Chí Minh, người vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực
tiễn Việt Nam cho rằng phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng và cần phải
ưu tiên hàng đầu. Phải có một nền nông nghiệp phát triển thì công nghiệp mới
phát triển mạnh. Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải
lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính. Nếu không phát triển nông
nghiệp thì không có cơ sở để phát triển công nghiệp, vì nông nghiệp cung cấp
nguyên liệu, lương thực cho công nghiệp và tiêu thụ hàng hóa của công nghiệp
làm ra. Do đó,“Phát triển nông nghiệp là cực kỳ quan trọng” [16, tr 554].
12
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao về vị trí, vai trò của nông nghiệp,
nông thôn với phát triển KT-XH nước ta trong thời kỳ quá độ. Vì Việt Nam là
một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế nước ta lấy canh nông làm gốc. Trong
công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy
vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta
thịch thì nước ta thịnh.
Trên cơ sở nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông thôn, Hồ
Chí Minh đặc biệt quan tâm đến phát triển nông nghiệp. Người nói: Người thì có
hai chân. Kinh tế một nước thì có hai bộ phận chính: nông nghiệp và công nghiệp.
Người không thể thiếu một chân, thì nước không thể thiếu một bộ phận kinh tế.
Bác còn nhấn mạnh: “Nông nghiệp không phát triển thì công nghiệp cũng không
phát triển được” [16, tr 619].
Tóm lại, kinh tế nông nghiệp là một ngành sản xuất vật chất đặc biệt quan
trọng với sự phát triển của xã hội loài người nói chung. Với những nước đang
trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông
nghiệp càng có vai trò quan trọng hơn. Phát triển kinh tế nông nghiệp phải phát
triển toàn diện cả những điều kiện kinh tế vật chất và những quan hệ kinh tế - xã
hội của nó.
Từ sự phân tích trên cho thấy, kinh tế nông nghiệp là một ngành kinh tế của
quốc dân, bao gồm toàn bộ các yếu tố vật chất cấu thành lực lượng sản xuất và
quan hệ sản xuất tương ứng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
* Phát triển kinh tế nông nghiệp
Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, phát triển là một quá trình
vận động từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ chưa hoàn thiện đến
ngày càng hoàn thiện. Phát triển kinh tế nông nghiệp là quá trình biến đổi lâu
dài của ngành nông nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội. Thực chất của sự
13
phát triển là khả năng thích ứng của kinh tế nông nghiệp trong mọi kiểu tổ
chức sản xuất xã hội. Do đó, phát triển kinh tế nông nghiệp không chỉ tăng lên
về mặt số lượng, cơ cấu mà điều quan trọng là tăng lên về mặt chất lượng,
trong quá trình phát sinh, phát triển của nó.
Từ sự tiếp cận trên, dưới góc độ kinh tế chính trị, tác giả cho rằng: Phát
triển kinh tế nông nghiệp là tổng thể cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm
hoàn thiện, nâng cao chất lượng toàn diện kinh tế nông nghiệp với quy mô,
cơ cấu sản xuất hợp lý, theo yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của
quốc gia hay địa phương trong từng giai đoạn..
Phát triển kinh tế nông nghiệp ở Đồng Nai là một quá trình tác động có
chủ đích, có định hướng của Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân trong
tỉnh nhằm huy động các nguồn lực phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của
tỉnh làm chuyển biến các yếu tố cấu thành của kinh tế nông nghiệp theo hướng
ngày càng hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động, đóng góp tích cực vào
phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phát triển kinh tế nông nghiệp bao gồm có ba nhân tố cơ bản:
Một là: kinh tế nông nghiệp là một bộ phận của kinh tế hàng hóa, một
kiểu tổ chức kinh tế - xã hội trong nông nghiệp, gắn với trình độ nhất định của
LLSX và phân công lao động xã hội. Đây là nhân tố xác định vị trí của kinh tế
nông nghiệp trong nền kinh tế hàng hóa nói chung.
Hai là: Sản phẩm sản xuất ra dùng để trao đổi, mua bán trên thị trường.
Đây là yếu tố thể hiện tính chất cơ bản của nền kinh tế nông nghiệp, đáp ứng
yêu cầu cơ bản của một nền kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường.
Ba là: Sự trao đổi, mua bán nông phẩm vừa thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng
xã hội, vừa có lợi nhuận cho người sản xuất để tái sản xuất mở rộng và hiện đại
hóa nông nghiệp. Đây là nhân tố nói lên mục đích của sản xuất KTNN.
14
Có thể nói rằng, sự ra đời và phát triển kinh tế nông nghiệp là một tất
yếu, là một bước tiến bộ của lịch sử nhân loại, một nấc thang phát triển mà
mọi quốc gia dù sớm hay muộn đều phải trải qua. Cho nên, với những quốc
gia chủ yếu dựa vào ngành nông nghiệp, trong xu thế hội nhập hiện nay, để
tăng trưởng, việc phát triển nền kinh tế nông nghiệp là một nhiệm vụ quan
trọng và cấp thiết.
Tóm lại, phát triển kinh tế nông nghiệp là trách nhiệm chung của cả hệ thống
chính trị, Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan và trực tiếp là
người nông dân, lực lượng lao động chủ yếu trong nông nghiệp; đối tượng của sự
phát triển bao gồm các yếu tố thuộc LLSX và QHSX tương ứng trong nông nghiệp
mà trước hết là người lao động, nguồn nhân lực trong nông nghiệp, tư liệu sản xuất
trong nông nghiệp và các hình thức tổ sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần
kinh tế trong nông nghiệp; mục đích của hoạt động này nhằm gia tăng về số lượng,
phát triển chất lượng và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp hợp lý .
Đây là nội dung căn bản có quan hệ biện chứng tác động qua lại lẫn nhau
trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong đó sự gia tăng về số lượng là
đòi hỏi khách quan, sự phát triển về chất lượng là yêu cầu then chốt và sự biến đổi
hợp lý về cơ cấu là điều kiện đảm bảo. Chỉ khi nào chúng ta chuẩn bị và bảo đảm
được các nguồn lực tốt nhất cho sự phát triển này một cách đầy đủ, đồng bộ thì
mới có một nền nông nghiệp phát triển đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
đất nước, bảo đảm tăng cường quốc phòng, an ninh.
1.1.2. Nội dung và vai trò phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai
* Nội dung phát triển kinh tế nông nghiêp
Phát triển KTNN là nội dung quan trọng của quá trình CNH, HĐH
nông nghiệp, nông thôn và quá trình thực hiện chủ trương của Chính phủ
trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đông Nai. Căn cứ vào nội
15
dung CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn trong Nghị quyết Trung ương 5
khóa IX về “Đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn trong thời kỳ
2001- 2010”; Nghị quyết trung ương 7 khóa X về “Nông nghiệp, Nông dân,
Nông thôn”; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2006 - 2010 của Đại hội X,
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 của Đại hội XI; căn cứ vào
Định hướng chiến lược phát triển kinh tế ở Việt Nam và căn cứ vào tình hình
điều kiện thực tế ở tỉnh Đồng Nai, cùng hệ thống các tiêu chí về xây dựng
nông thôn mới theo quy định của Chính phủ; nội dung phát triển kinh tế nông
nghiệp Đồng Nai được xác định như sau:
Một là, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế nông nghiệp trên mọi phương diện,
(giá trị gia tăng, sản lượng tuyệt đối, đa dạng, cây trồng vật nuôi…).
Hai là, coi trọng đổi mới, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ trong
nông nghệp.
Ba là, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tiến bộ, hiện đại,
được biểu hiện thông qua tỷ trọng cơ cấu ngành nông - lâm - ngư nghiệp; cơ cấu giữa
chăn nuôi và trồng trọt; giữa khai thác - chế biến - nuôi trồng thủy hải sản; giữa trồng
rừng - khai thác - chế biến; tỷ trọng giá trị nông phẩm xuất khẩu trong cơ cấu giá trị
xuất khẩu.... gắn với phát triển kinh tế nông thôn.
Bốn là, phát triển nền nông nghiệp sạch gắn với bảo vệ tài nguyên môi
trường...
Năm là, coi trọng giải quyết vấn đề xã hội trong quá trình phát triển.
* Vai trò của phát triển kinh tế nông nghiệp
Thứ nhất, phát triển kinh tế nông nghiệp góp phần tạo tiền đề quan trọng
bảo đảm thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH.
16
Nông nghiệp cung cấp lương thực, thực phẩm, bảo đảm nhu cầu ăn, nhu
cầu cơ bản của con người. Bởi vì, như trên đã phân tích, nông nghiệp và công
nghiệp là hai chân của nền kinh tế, một bộ phận cơ thể nằm trong chỉnh thể kinh tế
quốc dân thống nhất bảo đảm cho sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội đất nước
và của mỗi địa phương. Cho dù nước ta, cũng như Đồng Nai có cơ bản trở thành
nước hay địa phương công nghiệp theo hướng hiện đại, và dù có phát triển tới
đâu; dù tỷ lệ lao động trong nông nghiệp giảm xuống do năng suất lao động trong
nông nghiệp tăng lên như thế nào thì nông nghiệp vẫn đóng một vai trò cực kỳ
quan trọng là đáp ứng nhu cầu ăn, nhu cầu cơ bản của con người. Thực tiễn trên
thế giới và nước ta đã khẳng định, đói nghèo, an ninh lương thực là nguy cơ của
mọi cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội. Nông nghiệp ổn định, bền vững
thì đất nước và mỗi địa phương mới phồn vinh, hạnh phúc, ổn định kinh tế, chính
trị; quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc.
Thứ hai, phát triển kinh tế nông nghiệp góp phần thực hiện công nghiệp
hóa, đô thị hóa tại chỗ.
Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình đô thị hóa. Ở
nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới hai quá trình này thường diễn ra đồng
thời, song hành cùng nhau. Trong điều kiện đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp,
nông thôn hiện nay, phát triển kinh tế nông nghiệp sẽ thực hiện được quá trình
CNH, HĐH tại chỗ; gắn bó tại chỗ công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ. Vấn đề
đô thị hóa sẽ được giải quyết theo cách thức đô thị hóa tại chỗ, tạo việc làm tại chỗ
cho người lao động nông nghiệp, nông thôn; hạn chế việc di dân cơ học ra các
thành phố, các trung tâm công nghiệp lớn. Sự phát triển này góp phần giảm sức ép
về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đô thị; giảm sự phân hóa thu
nhập, chênh lệch kinh tế và đời sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, địa
phương trong nước nhất là giữa vùng phát triển và vùng kém phát triển hơn.
17
Thứ ba, phát triển kinh tế nông nghiệp tạo cơ sở vật chất cho phát triển văn
hóa nông thôn.
Kinh tế là cơ sở nền tảng vật chất của văn hóa, chính trị, tinh thần. Trong
mối quan hệ nội tại của nông nghiệp, nông thôn, đời sống văn hóa, tinh thần của
cư dân nông thôn, nông nghiệp chỉ có thể phát triển dựa trên nền tảng phát triển
của kinh tế nông thôn nói chung và kinh tế nông nghiệp nói riêng. Nông thôn,
nông nghiệp nước ta vốn là vùng đan xen của văn hóa, sản xuất và sinh hoạt còn
nhiều phân tán, nhiều hủ tục lạc hậu cùng những giá trị văn hóa truyền thống tốt
đẹp được lưu giữ và phát triển hàng ngàn đời với nền văn minh nông nghiệp lúa
nước. Vì vậy, phát triển kinh tế nông nghiệp sẽ tạo điều kiện để vừa giữ gìn, phát
huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, vừa bài trừ văn hóa lạc hậu, vừa tổ
chức tốt việc xây dựng và phát triển đời sống văn hóa tinh thần góp phần xây
dựng nông thôn mới.
Thứ tư, phát triển kinh tế nông nghiệp góp phần giải quyết việc làm, tăng
thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thực hiện xóa đói giảm nghèo.
Những năm đổi mới vừa qua, nước ta đã dành được nhiều thành tựu trong
phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với sự phát triển đô thị, nông nghiệp,
nông thôn tốc độ phát triển vẫn chậm hơn. Tỷ lệ lao động được đào tạo, nhất là
với những lao động trung tuổi ít, việc áp dụng khoa học - công nghệ trong lĩnh
vực nông nghiệp chậm và khó khăn hơn các ngành kinh tế khác; năng suất lao
động nông nghiệp thường thấp. Vì vậy, phát triển kinh tế nông nghiệp sẽ góp phần
đáng kể vào giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân nông
thôn, thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững.
Thứ năm, phát triển kinh tế nông nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế
khu vực và quốc tế.
18
Toàn cầu hóa kinh tế là một xu thế khách quan, quá trình này đang bị các
nước tư bản phát triển và các tập đoàn tư bản xuyên quốc gia chi phối vừa tác
động tích cực vừa tác động tiêu cực, vừa hợp tác vừa đấu tranh. Trong xu thế ấy,
đòi hỏi đất nước phải tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đi đôi với xây
dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Phát triển kinh tế nông nghiệp ở nước ta cũng
không nằm ngoài xu thế và những yêu cầu chung đó. Cụ thể hơn, trong tiến trình
hội nhập khu vực và quốc tế, nông phẩm của Việt Nam, doanh nghiệp nông
nghiệp và ngành nông nghiệp nước ta phải cạnh tranh rất quyết liệt. Vì vậy, để
đứng vững và phát triển trong hội nhập, phát triển nông nghiệp là con đường tất
yếu để đáp ứng yêu cầu đó.
* Các nhân tố tác động đến phát triển kinh tế nông nghiệp
Một là, công tác quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế
nông nghiệp
Để kinh tế nông nghiệp Đồng Nai phát triển phải dựa vào nhiều thành
tố, trong đó có khung pháp lý hoàn chỉnh. Cụ thể là một chiến lược, quy
hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách không ngừng được bổ xung, hoàn thiện,
sát, đúng với đòi hỏi của thực tiễn bảo đảm sự phát triển bền vững của kinh tế
nông nghiệp cả trước mắt và lâu dài. Công tác quy hoạch phát triển kinh tế
nói chung và công tác quy hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp nói riêng có
vai trò vô cùng quan trọng, nó là quá trình tổng kết kinh nghiệm và vận dụng
lý luận vào thực tiễn sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo hướng sản xuất
hàng hóa lớn. Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, các yếu tố như đất đai,
vốn, thị trường, khoa học và công nghệ, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân
lực... đều được khai thác, sử dụng theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, định
hướng bởi cơ chế, chính sách vĩ mô và đều có tác động trực tiếp đến số lượng,
chất lượng, cơ cấu của kinh tế nông nghiệp theo hai chiều hướng tích cực và
tiêu cực. Cụ thể là, công tác quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách bảo đảm
cho phát triển kinh tế nông nghiệp tiến bộ, khoa học, phù hợp với thực tiễn, sẽ
mở đường, hỗ trợ, hậu thuẫn tích cực cho kinh tế nông nghiệp phát triển; ngược
19
lại công tác quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách bảo đảm cho phát triển kinh
tế nông nghiệp lạc hậu, xa rời thực tiễn không những không làm cho kinh tế
nông nghiệp phát triển mà còn cản trở sự phát triển của kinh tế nông nghiệp.
Hai là, nhận thức về yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp trong hệ
thống chính trị
Hiệu quả của phát triển kinh tế nông nghiệp phụ thuộc vào kết quả hoạt
động thực tiễn của từng cá nhân và mỗi tổ chức trực tiếp hoặc gián tiếp tham
gia hoạt động phát triển kinh tế nông nghiệp. Kết quả hoạt động thực tiễn phụ
thuộc vào nhiều nhân tố, trong đó nhân tố đầu tiên, đóng vai trò quyết định
chính là trình độ nhận thức của mỗi cá nhân và từng tổ chức hoạt động trực
tiếp hoặc gián tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp. Bởi vì, nhận thức đúng là cơ
sở cho hành động đúng. Có nhận thức đúng cùng với thống nhất về nhận thức
thì hệ thống chính trị, nhất là cá nhân và các tổ chức hoạt động kinh tế nông
nghiệp ở Đồng Nai mới thấy hết được vị trí, vai trò và tính chất quan trọng
của phát triển kinh tế nông nghiệp đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội
ở Đồng Nai trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Trên cơ
sở thống nhất về nhận thức đi đến thống nhất về nội dung, biện pháp thực
hiện trong hoạt động thực tiễn. Vì vậy, cần phải nâng cao và thống nhất về
nhận thức trong toàn hệ thống chính trị đối với việc phát triển kinh tế nông
nghiệp nhằm đạt hiệu quả cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở
Đồng Nai và xu thế mở cửa hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế hiện nay.
Ba là, chất lượng nguồn nhân lực và hệ thống kêt cấu hạ tầng kinh tế -
kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 -2020) theo tinh thần
nghị quyết đại hội XI Đảng cộng sản Việt Nam đối với toàn quốc nói chung,
Nghị quyết Đại hội lần thứ IX nhiệm kỳ (2010-2015) Đảng bộ tỉnh Đồng Nai
nói riêng, yêu cầu cần tập trung vào ba khâu đột phá quan trọng đó là: Hoàn
thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo
lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. Phát triển nhanh
20
nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi
mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển
nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Xây dựng hệ
thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào
hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Vì Vậy, nguồn nhân lực và kêt
cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp của
Đồng Nai là điều kiện cần thiết, không thể thiếu được, mang tính chất
quyết định đến sự phát triển kinh tế nông nghiệp cả về số lượng, chất
lượng và cơ cấu. Do đó, kinh tế nông nghiệp Đồng Nai chỉ có thể phát
triển tốt khi yếu tố nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật
trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp không ngừng được nâng cao về mặt
chất lượng, bảo đảm vững chắc cho sự phát triển đó.
Bốn là, hoạt động liên kết “Bốn nhà”: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà
khoa học, nhà nông
Đây là một nhân tố quan trọng tác động đến quá trình phát triển kinh tế
nông nghiệp hiện nay. Thực hiện tốt nội dung này không những góp phần
phát triển số lượng, chất lượng, cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo xu hướng sản
xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, mà còn góp phần giảm thiểu đáng kể những
rủi ro trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp ở Đồng Nai. Trong đó:
Nhà Nước, cụ thể là Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND tỉnh Đồng Nai là chủ
thể ban hành đường lối, chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế nông
nghiệp. Doanh nghiệp, tổ chức thực hiện việc ứng dụng thành tựu của khoa học
và công nghệ vào sản xuất các sản phẩm như máy móc, phân bón, thuốc trừ sâu,
con giống, cây trồng, vật nuôi... cung ứng cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời
tham gia thu mua, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhà khoa học, thực hiện việc
nghiên cứu, chuyển giao những thành tựu của khoa học và công nghệ cho các
chủ thể hoạt động kinh tế nông nghiệp. Nhà nông, với tư cách là các chủ thể trực
tiếp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp. Việc liên kết
bốn nhà cũng diễn ra theo hai xu hướng: xu hướng tích cực sẽ thúc đẩy kinh tế
21
nông nghiệp phát triển. Ngược lại, xu hướng tiêu cực sẽ kìm hãm sự phát triển
của kinh tế nông nghiệp.
Năm là, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội phục vụ cho phát triển kinh
tế nông nghiệp
Sản phẩm của nông nghiệp mang nặng tính tự nhiên, hiệu quả của phát
triển kinh tế nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên, kinh tế -
xã hội của địa phương. Việc khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế về điều kiện
tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương phục vụ cho phát triển kinh tế nông
nghiệp sẽ trở thành lợi thế so sánh của Đồng Nai trong quá trình quảng bá
thương hiệu cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của nông phẩm hàng hóa
trong nền kinh tế thị trường cũng như quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Vì
vậy, vấn đề đặt ra Đồng Nai cần có một cơ chế, chính sách hết sức mềm dẻo,
linh hoạt trong việc khai thác các tiềm năng, lợi thế của mình về tự nhiên, xã
hội phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn phát triển kinh tế nông nghiệp
đang đặt ra hiện nay.
1.2. Kinh nghiệm phát triển kinh tế nông nghiệp ở một số nước và bài
học rút ra cho Đồng Nai
Nước ta phát triển kinh tế nông nghiệp có những điều kiện bên ngoài và
bên trong khác với các nước trên thế giới. Tuy vậy, nghiên cứu những bài học
kinh nghiệm về phát triển kinh tế nông nghiệp của các nước trên thế giới lại trở
nên cần thiết cho sự sáng tạo của nước ta nói chung, Đồng Nai nói riêng tránh
được những giáo điều sao chép và ảnh hưởng của chủ nghĩa kinh nghiệm trong
hoạt động thực tiễn.
1.2.1. Kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp ở các nước châu Á
* Kinh nghiệm Hàn Quốc
Nước này mở đầu công nghiệp hóa vào cuối thập kỷ 50, đầu thập
kỷ 60 của thế kỷ XX và đã hoàn thành công nghiệp hóa khoảng 30 năm. Bài học
tổng quát của Hàn Quốc về chính sách nông nghiệp trong công nghiệp hóa là giải
22
quyết mối quan hệ giữa kinh tế với chính trị ở nông thôn, giữa công nghiệp với
nông nghiệp. Đây cũng là vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập rất nhiều.
Lần thứ nhất, với chính sách "hy sinh" nông nghiệp (kèm giá nông sản
thấp hơn giá thành) để thực hiện công nghiệp hóa, làm cho mức sống nông thôn
giảm sút, nên đã gây ra làn sóng di dân từ nông thôn ra thành thị (khoảng 1,3 triệu
người) từ 1955-1960. Bối cảnh đó đã là nhân tố đưa đến cuộc đảo chính quân sự
của Pắc Chung Hy (5-1961). Chính quyền mới đã thi hành nhiều chính sách có lợi
cho nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu là về tài chính, tín dụng, nên đã ổn định
nông nghiệp, nông thôn và tạo ra thị trường nội địa rộng lớn cho công nghiệp hóa,
cải thiện đời sống cho hàng chục triệu nông dân.
Lần thứ hai, khi Hàn Quốc chuyển hướng thực hiện chiến lược công
nghiệp hóa hướng về xuất khẩu, chính quyền thực hiện trả lương thấp cho công
nhân và trở lại kìm giá nông sản, hạ thấp mức sống của nông dân, nông thôn. Vì
vậy, một làn sóng mới chừng 1,4 triệu cư dân nông thôn lại đổ ra thành thị, gây
nhiều khó khăn cho đô thị. Bối cảnh đó đã thúc đẩy một cuộc nổi dậy tự phát của
dân chúng vào tháng 8-1971. Do sức ép bên trong và bên ngoài (quan hệ Nam -
Bắc Triều Tiên) Chính phủ buộc phải trở lại vấn đề nông nghiệp, nông thôn với
"Chương trình phát triển nông thôn" gồm bốn nội dung chính như: (1) Tăng vốn
vay cho nông dân (từ 1,3 tỷ Won năm 1969 lên 78 tỷ Won năm 1974; (2) Mua
ngũ cốc với giá cao ở nông thôn và bán giá hạ cho thành thị; (3) Thay giống lúa cũ
bằng giống lúa mới năng suất cao; (4) Khuyến khích xây dựng hợp tác xã sản xuất
và đội lao động sửa chữa đường xá, cầu cống, nhà ở. Những chính sách này có
những kết quả tích cực, nhưng sau đó đã bộc lộ nhược điểm trợ giá mua lúa gạo
cao đã gây ra thâm hụt ngân sách lớn, xây dựng hợp tác xã và đội lao động theo
mệnh lệnh hành chính khiến nông dân bất mãn. Đó là bối cảnh gây ra tình hình
chính trị - xã hội căng thẳng, đưa đến cuộc đảo chính quân sự của Chun Đô Hoan
vào 12-1979. Tiếp đó, chịu sức ép của chính sách ngoại thương với Mỹ, đã làm
cho nông nghiệp Hàn Quốc đình đốn. Từ năm 1975-1985 bình quân thu nhập của
23
một hộ nông dân tăng 6,6 lần, trong khi số nợ mà họ đi vay tăng 63 lần. Tình hình
chính trị căng thẳng đã buộc Chính phủ Hàn Quốc phải đưa ra "kế hoạch tổng thể
về phát triển nông nghiệp, nông thôn" tháng 4-1989 và đề ra "Mười năm cải tiến
cơ cấu nông thôn" nhằm công nghiệp hóa nông nghiệp, đào tạo lại nguồn nhân lực
ở nông thôn, mở rộng quy mô các nông trại, nâng cao đời sống dân cư nông thôn
lên ngang với mức bình quân của một hộ làm công ăn lương ở đô thị.
* Kinh nghiệm Thái Lan
Nhìn lại quá trình cải cách, công nghiệp hóa của Thái Lan mấy thập kỷ
qua, có thể rút ra mấy vấn đề: Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất châu Á,
nhưng phần lớn nông dân nhiều thời kỳ lâm vào thiếu đói, vì 85% số hộ nông dân
không có ruộng đất, chịu lĩnh canh và làm thuê. Giai cấp địa chủ chống lại chính
sách hạn chế tập trung ruộng đất của Chính phủ. Thực hiện chiến lược công
nghiệp hóa, Thái Lan đã tập trung 95% nguồn vốn Nhà nước cho xây dựng cơ sở
hạ tầng và công nghiệp, nên coi nhẹ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và
bảo vệ tài nguyên. Tập trung xây dựng công nghiệp ở một số đô thị (80% cơ sở
công nghiệp ở Băng Cốc và phụ cận) đã phá hủy sự cân bằng về bố trí không gian
lãnh thổ, đưa đến mở rộng sự ngăn cách về trình độ phát triển giữa các vùng, nhất
là đô thị với nông thôn. Phần lớn nông dân bị bần cùng hóa, đưa đến phong trào
đấu tranh của nông dân. Tình hình trên là một trong những nhân tố dẫn tới khủng
hoảng chính trị - xã hội (5 Chính phủ thay nhau trong vòng 7 năm từ năm 1973
đến năm 1980). Về sau, nhờ đề xuất của một nhóm nhà khoa học xã hội hàng đầu,
Chính phủ đề ra chiến lược mới "Chiến lược phát triển có lựa chọn", đặt trọng tâm
vào phát triển nông nghiệp, tạo tiền đề vững chắc cho công nghiệp hóa, trong đó
khâu then chốt là phát triển công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm như sợi
dây liên kết công nghiệp với nông nghiệp, nhờ đó đã lấy lại thế cân bằng trong
phát triển kinh tế trong thập kỷ 80.
Như vậy, bài học của Thái Lan cũng xoay quanh mối quan hệ nông
nghiệp với công nghiệp, nông thôn với đô thị. Mối quan hệ này giải quyết như thế
nào tùy thuộc vào giai cấp cầm quyền. Do đó, vấn đề hệ thống chính trị phải trở
24
thành nhân tố bên trong của sự phát triển, chứ không phải là nhân tố đứng bên
trên, bên ngoài.
* Kinh nghiệm Đài Loan
Do vấn đề chính trị đặt ra, đòi hỏi chính quyền Đài Loan tìm ra chính sách
kinh tế - xã hội phù hợp để tồn tại. Sức ép đó có lẽ là động lực quan trọng để Đài
Loan trở thành mô hình giải quyết quan hệ giữa công nghiệp hóa với nông nghiệp,
nông thôn thành công hơn cả trong số những nước công nghiệp mới. Chỉ trong vòng
3 thập kỷ, Đài Loan đã từ một vùng nông nghiệp kém phát triển trở thành một trong
mấy "con rồng" châu Á. Từ năm 1952-1990, sản lượng nông nghiệp tăng 4,5 lần, về
giá trị tăng từ 700 triệu USD lên 12 tỷ USD, riêng nông sản xuất khẩu tăng từ 114
triệu USD lên hơn 4 tỷ USD. Những thành tựu dành được trong phát triển nông
nghiệp của Đài Loan là nhờ vào việc giải quyết đúng đắn, hài hòa các vấn đề như:
Đem lại ruộng đất cho nông dân, tạo điều kiện hình thành các trang trại gia đình quy
mô nhỏ. Đến năm 1991, tổng số trang trại lên đến 823.256 trang trại với quy mô
trung bình là 1,08 ha/trang trại. Đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp và công nghiệp
hóa nông thôn. Nhờ đó nông dân có tích lũy để thực hiện nền nông nghiệp đa
canh, đồng thời mấy chục vạn lao động nông nghiệp đã làm ngành nghề khác.
Nhờ cơ sở nông nghiệp, nông thôn phát triển đã tạo môi trường vì điều kiện cho
sản lượng công nghiệp tăng 50 lần từ 1952-1990. Đầu tư cho kết cấu hạ tầng kỹ
thuật và cả hạ tầng xã hội để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó kinh tế thị
trường nông thôn rộng khắp, điều kiện sản xuất và sinh hoạt ở nông thôn khác
trước, giáo dục bắt buộc từ 6-9 năm, tỷ lệ tăng dân số giảm dần (từ 3,2% năm
1962 xuống 1,5% năm 1985). Chú ý phát triển đồng đều giữa các vùng trong
nước, không tập trung quá mức vào các khu công nghiệp và đô thị. Tính đến đầu
thập kỷ 80, Đài Loan chỉ có 17,7% cơ sở công nghiệp đặt ở 5 thành phố lớn (trái
lại, ở Thái Lan trên 80% cơ sở công nghiệp tập trung ở Băng Cốc...), 42% đặt ở
vùng phụ cận, 32% đặt ở nông thôn. Đó là một không gian hợp lý của công
nghiệp hóa. Nhờ đó, mức thu nhập không chênh lệch lớn: 20% dân số giàu nhất,
dân số nghèo nhất thì năm 1950 tỷ lệ là 15/1 đã giảm xuống còn 4/1 vào những
25
năm 1990. Có nhiều biện pháp sử dụng ruộng đất phù hợp với yêu cầu từng bước
phát triển nông nghiệp. Công nghiệp hóa nông nghiệp đòi hỏi mở rộng quy mô
sản xuất để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mà không đụng chạm đến quyền
sở hữu ruộng đất trang trại, nhưng chuyển quyền sử dụng cho người khác mở rộng
quy mô canh tác. Phương thức này vốn là sáng kiến của nông dân, sau được thể
chế hóa trong "Luật Phát triển Nông nghiệp" (1983). Để mở rộng quy mô sản
xuất, ngoài phương thức ủy thác, nông dân còn áp dụng hình thức làm chung các
công việc như làm đất, thu hoạch, mua bán giữa các hộ, hình thức tổ chức dịch vụ,
hội khuyến nông trở thành phổ biến. Một số nơi đã tổ chức hợp tác xã sản xuất
thử nghiệm, nhưng không được nông dân hưởng ứng.
1.2.2. Bài học kinh nghiệm rút ra cho phát triển kinh tế nông nghiệp ở
Đồng Nai
Một là, cần có sự nhận thức đúng đắn, thống nhất và đồng thuận trong đánh
giá về vị trí, vai trò, ý nghĩa của phát triển kinh tế nông nghiệp trong chiến lược
phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia nói chung, Đồng Nai nói riêng trong toàn
hệ thống chính trị. Trước hết là ở đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và
pháp luật của Nhà nước. Tiếp theo, là cụ thể hóa thành cơ chế, chính sách phù hợp
với thực tiễn. Cần có chính sách đất đai phù hợp; chính sách tài chính, tín dụng
tích cực nhằm khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho phát triển
nông nghiệp; chính sách giá cả hỗ trợ đầu vào và đầu ra cho sản xuất nông nghiệp
đúng đắn; chính sách đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế nông
nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu của phát triển nông nghiệp hàng hóa… Trên
cơ sở đó, thống nhất về nội dung, biện pháp chỉ đạo trong hoạt động thực tiễn.
Hai là, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ
tiên tiến, hiện đại trong phát triển kinh tế nông nghiệp là một trong những điều
kiện để nâng cao hiệu quả của kinh tế nông nghiệp; là tiền đề, cơ sở để nâng
cao năng lực cạnh tranh, hạ giá thành nông phẩm hàng hóa; là cơ sở để nâng
cao năng suất, chất lượng nông phẩm; điều kiện tiên quyết để phát triển kinh
tế nông nghiệp đạt hiệu quả cao đáp ứng xu thế mở cửa hội nhập kinh tế khu
26
vực và quốc tế.
Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế nông
nghiệp. Bởi vì, suy cho cùng, con người, nguồn nhân lực vẫn là nhân tố giữ vai trò
quyết định trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Người lao động là chủ thể của
quá trình sản xuất; bằng thể lực, tri thức, kinh nghiệm của mình người lao động
sử dụng tư liệu lao động trước hết là công cụ lao động tác động vào đối tượng
lao động để sản xuất ra của cải vật chất. Trong quá trình sản xuất, tri thức, kỹ
năng, kinh nghiệm của người lao động ngày càng được nâng cao. Ngày nay
trước sự phát triển của cách mạng khoa học - công nghệ thì lao động trí tuệ
đóng vai trò ngày càng quan trọng. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khai
thác tốt tiềm năng lao động địa phương, bảo đảm tiền công, thu nhập hợp lý
cho người lao động là đòi hỏi bức thiết. Vì ngày nay hoạt động kinh tế nông
nghiệp, không đơn giản chỉ cần lao động phổ thông với công cụ sản xuất thủ
công lạc hậu như trước, mà cần phải có một tỷ lệ thích đáng lao động đã qua
đào tạo có trình độ tay nghề nhất định, để sử dụng có hiệu quả những thiết bị
máy móc trong sản xuất nông nghiệp.
Bốn là, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đặc biệt là cho phát triển công
nghiệp chế biến nông phẩm. Đây chính là lời giải có sức thuyết phục nhất của bài
toán giải quyết đầu ra cho nông phẩm hàng hóa; cùng với nó cần chú trọng giải
quyết phát triển cân đối, hài hòa giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ
không được quá đề cao, tuyệt đối hóa hoặc xem nhẹ bất cứ nghành kinh tế nào
trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiện nay. Đồng thời giải quyết tốt mối
quan hệ giữa phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và đô thị theo phương
châm “ly nông bất ly hương”. Bên cạnh đó, hết sức chú trọng tạo sự liên kết vùng
thành không gian kinh tế thống nhất trong phát triển kinh tế nông nghiệp.
Năm là, phát triển lực lượng sản xuất đi đôi với xây dựng, hoàn thiện quan
hệ sản xuất nông nghiệp phù hợp. Cùng với phát triển nguồn nhân lực và nghiên
cứu, ứng dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ vào phát triển kinh tế
nông nghiệp là quá trình tìm tòi, thử nghiệm vừa làm vừa rút kinh nghiệm trong
27
xây dựng những mô hình mới trong tất cả các phân ngành kinh tế nông nghiệp:
trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… với mục tiêu cuối cùng là khai thác tối đa, huy
động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của địa phương để phát triển kinh tế
nông nghiệp đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài trong xây dựng và phát triển
nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Đồng Nai.
*
* *
CNH, HĐH nông nghiệp là một trong những chủ trương lớn của Đảng
và Nhà nước ta, đồng thời là nội dung quan trọng trong thực hiện định hướng
chiến lược phát triển KTNT bền vững ở Đồng Nai, không chỉ phù hợp với xu
hướng phát triển chung mà còn là một đòi hỏi tất yếu khách quan trong nội tại
tỉnh nhà. Nó cho phép phát huy tối đa mọi nguồn lực và lợi thế so sánh để tất
cả các ngành nghề phát triển một cách hài hòa, vững chắc vừa bảo đảm tăng
trưởng liên tục, ổn định, đồng thời vừa bảo đảm về mặt xã hội và bảo vệ môi
trường sinh thái. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện đường lối CNH, HĐH nông
nghiệp của tỉnh cần tiến hành khảo sát thực tiễn phát triển kinh tế nông nghiệp
một cách khoa học, toàn diện. Trên cơ sở đó, đánh giá thành tựu, hạn chế, chỉ
rõ nguyên nhân của thành tựu, hạn chế cũng như những vấn đề đặt ra cần tiếp
tục nghiên cứu giải quyết trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp của
Đồng Nai thời gian tới.
28
Chương 2
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN
KINH TẾ NÔNG NGHIỆP Ở TỈNH ĐỒNG NAI
2.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến phát triển kinh
tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai
2.1.1. Đặc điểm về điều kiện tự nhiên
Tỉnh Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thuộc
Đông Nam Bộ, có diện tích tự nhiên là 5.862,37 km2
(bằng 1,76% diện tích tự
nhiên cả nước và 25,5% diện tích tự nhiên vùng Đông Nam Bộ). Phía Bắc
giáp tỉnh Lâm Đồng và Bình Dương; phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận; phía
Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh. Đồng Nai có
hệ thống giao thông thuỷ bộ, đường sắt nối liền với các địa phương khác
trong cả nước, có sân bay quân sự Biên Hoà, là địa bàn trọng yếu về kinh tế,
chính trị và an ninh quốc phòng, có vị trí quan trọng trong sự phát triển của
vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gắn kết vùng Đông Nam Bộ với Tây
Nguyên. Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 586.237 ha. Trong tổng diện
tích đất tự nhiên, diện tích đất nông nghiệp chiếm 49,1%, diện tích đất lâm
nghiệp chiếm 30,4%, diện tích đất chuyên dùng chiếm 13%, diện tích đất khu
dân cư chiếm 2,1%, diện tích đất chưa sử dụng chiếm 5,4%.
Chính vị trí địa lý thuận lợi là tiền đề, điều kiện cho phép KT-XH nói
chung, kinh tế nông nghiệp của Đồng Nai nói riêng phát triển mạnh mẽ. Bên
cạnh đó, do tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh dẫn đến đất đai phục vụ
cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, kéo theo đó là những khó khăn,
trở ngại trong tiến hành sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện nay.
năm là điều kiện thích hợp cho phát triển cây trồng nhiệt đới, đặc biệt là các cây
công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao. Điều kiện địa lý, khí hậu thuận lợi là một
29
trong những yếu tố thuận lợi để góp phần vào quá trình phát triển kinh tế nông
nghiệp ở Đồng Nai.
2.1.2. Đặc điểm về kinh tế - xã hội
Tính đến hết tháng 6 năm 2014, dân số toàn tỉnh Đồng Nai đạt gần
2.768.867 người, mật độ dân số đạt 485 người/km² .Trong đó dân số sống tại
thành thị đạt gần 1.000.000 người, dân số sống tại nông thôn đạt gần
2.000.000 ngườihttp://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%93ng_Nai -
cite_note-dsnongthong2011-18. Dân số nam đạt gần 1.400.000 người, trong
khi đó nữ đạt gần 1.600.000 người. Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa
phương tăng 12,0 %. Đồng Nai có tháp dân số trẻ, dân số trong độ tuổi lao
động 65,54% (Khoảng 1,83 triệu lao động), lực lượng lao động có trình độ
văn hoá khá, quen với tác phong công nghiệp, cần cù và cầu tiến. Tỷ lệ lao
động được đào tạo trên tổng số lao động đang làm việc khoảng 53%. Đây
chính là điều kiện thuận lợi để tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng
cao phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung, kinh tế nông nghiệp nói
riêng.
Về kinh tế, tổng sản phẩm quốc nội GDP của tỉnh tăng bình quân
13,2%/năm. Trong đó nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng 4,5%/năm; GDP bình
quân đầu người đến năm 2010 là 29,6 triệu đồng [10, tr.13]; năm 2011, mức tăng
trưởng GDP đạt 13,32%, quy mô GDP theo giá thực tế là 96.820 tỷ đồng, GDP
bình quân đầu người đạt 1.789 USD; năm 2012, tăng trưởng GDP đạt 12,1%, cao
hơn 2,4 lần so với mức tăng GDP 5,03% của cả nước. Đây chính là nguồn lực
quan trọng để tái đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nói chung, kinh tế nông nghiệp
nói riêng.
Riêng khu vực nông thôn, KTNN có sự đóng góp quan trọng trong phát
triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Với 9/11 huyện là khu vực nông thôn, có tăng
30
trưởng kinh tế ổn định, tăng đều qua hằng năm; cơ cấu kinh tế - xã hội khu vực
nông thôn chuyển địch theo hướng CNH, HĐH và bước đầu đi vào xây dựng
nông thôn mới. Các ngành công nghiệp và dịch vụ phát triển mạnh ở khu vực
nông thôn, tạo điều kiện để thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Phát triển KTNN
trên địa bàn Tỉnh gắn liền với phát triển nông nghiệp là chủ yếu và cơ cấu nông
nghiệp đã được phát triển theo hướng hiện đại hoá, tốc độ tăng trưởng của ngành
nông nghiệp ổn định. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các
ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ là chủ yếu, nông - lâm - thủy sản
chiếm tỷ trọng thấp hơn. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo những quy luật của
quá trình công nghiệp hóa. Mức tăng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội có tốc độ
bình quân cao đạt (19,1%/năm). Đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển
kinh tế nông nghiệp của Đồng Nai.
Kết cấu hạ tầng toàn tỉnh khá phát triển và toàn diện. Trong đó, kết cấu
hạ tầng cơ sở khu vực nông thôn có sự phát triển và đầu tư đúng mức. Hệ
thống giao thông có trên 948,4 km đường các loại, đầu tư xây dựng hoàn
thiện các tuyến đường liên xã, 531,8 km. Hệ thống điện và lưới điện khá hoàn
chỉnh, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cung cấp điện an toàn, ổn định và chất
lượng phục vục cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của dân cư. Mạng lưới bưu
chính viễn thông đã thực hiện phủ sóng trên phạm vi toàn tỉnh; 100% thôn, xã
đều có hệ thống điện thoại, 100% xã vùng nông thôn được cáp quang hóa,
cung cấp dịch vụ thông tin di động, internet băng thông rộng và truyền số liệu
tốc độ cao, đảm bảo đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo và liên lạc trực tiếp,
nhanh chóng và thuận lợi cho các vùng, khu vực. Hệ thống cơ sở giáo dục
được phát triển đồng bộ, mạng lưới y tế được tỉnh đầu tư phát triển khá mạnh,
đảm bảo phục vụ tốt việc khám, chữa bệnh cho nhân dân. Có thể khẳng định
rằng, với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật; kinh tế - xã hội thuận lợi
31
sẽ là cơ sở, tiền đề, hậu thuẫn tích cực, có hiệu quả cho phát triển kinh tế nông
nghiệp ở Đồng Nai.
Tóm lại: Những điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội cơ bản tạo thuận lợi
cho tỉnh Đồng Nai khai thác, sử dụng phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp
có hiệu quả.
2.2. Thực trạng phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai những
năm qua
2.2.1. Thành tựu và nguyên nhân phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh
Đồng Nai
* Thành tựu phát triển KTNN ở tỉnh Đồng Nai
Một là, nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng đều và ổn định góp phần giải
quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân,
thực hiện xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đóng góp
to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp mặc dù gặp những khó khăn
do đất sản xuất nông nghiệp thu hẹp dần, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh
phát sinh, giá vật tư tăng nhanh làm cho chi phí đầu vào tăng cao, trong khi giá
tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không ổn định... Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy,
UBND, các cơ quan chức năng sở, ban, ngành đã tập trung chỉ đạo, đề ra các giải
pháp hiệu quả, phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên, đất đai, thổ nhưỡng của
từng địa phương, từng vùng để khắc phục khó khăn, hạn chế thiệt hại và đưa sản
xuất nông nghiệp nói riêng và kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển ổn định, tăng
cả về diện tích, sản lượng và giá trị. Cụ thể:
Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt mức tăng trưởng bình quân là
5,6% trong giai đoạn 2006 - 2011 (kế hoạch tăng là 5,2%); trong đó nông nghiệp
tăng 4,9%, lâm nghiệp tăng 11,7%, thủy sản tăng 12%. [39,Tr.03] Năm từ 2010 -
2013, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp gặp một số khó khăn như dịch bệnh phát
32
sinh, giá tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giảm, trong khi giá vật tư nông nghiệp
(xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu) và giá thức ăn giá súc, gia cầm tăng cao; đất
sản xuất nông nghiệp thu hẹp để chuyển sang phát triển các ngành phi nông
nghiệp. Nhưng nhờ tập trung làm tốt việc phòng chống dịch hại trên cây trồng,
tiêu độc, khử trùng chuồng trại, tiêm phòng cho gia súc gia cầm, đẩy mạnh các
hoạt động dịch vụ phục vụ nông nghiệp; chú trọng thực hiện chương trình phát
triển cây trồng, vật nuôi chủ lực của từng địa phương... nên sản xuất nông nghiệp
tiếp tục phát triển ổn định, góp phần vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế,
nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn tỉnh Đồng Nai.
Sản xuất nông nghiệp và thủy sản dần đi vào chiều sâu với năng suất, chất
lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên. Năm 2010, giá trị sản xuất nông nghiệp
giá thực tế (trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ) thu được trên 1 ha đất sản xuất nông
nghiệp bình quân đạt 57,13 triệu đồng/ha tăng 3,1 lần so với năm 2005, hệ số sử
dụng đất nông nghiệp tăng từ 1,27 lần lên 1,37 lần. Theo đó, giá trị sản xuất nông
- lâm - thủy sản năm 2010 đạt 7.791,820 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất nông
nghiệp là 7.021 tỷ đồng (trồng trọt là 4.564,950 tỷ đồng; chăn nuôi là 2.166,550 tỷ
đồng). Năm 2011 (theo giá cố định 1994) là 8.248,7 tỷ đồng, tăng 4,9% so với
năm 2010. Năm 2012 là 8.561,8 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2011. 6 tháng đầu
năm 2013 là 4.147 tỷ đồng, tăng 3,5% so cùng kỳ; cả năm 2013 là 8.861 tỷ đồng,
tăng 3,5% so với năm 2012. Tốc độ tăng bình quân 3 năm 2011-2013 là 4,1%.
Riêng về nông nghiệp: Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trưởng bình quân
3 năm 2011 - 2012 là 4,2%. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng
sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập của người nông
dân. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi theo lộ trình kế hoạch.
Về trồng trọt, nhiều diện tích trồng lúa đã được chuyển đổi sang trồng bắp
và các cây lương thực khác nhằm thích ứng với điều kiện thiếu nước về mùa khô.
Sâu bệnh hại cây trồng hàng năm có phát sinh nhưng đều được xử lý kịp thời;
33
người nông dân đã thực hành sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, áp dụng
tiến bộ khoa học kỹ thuật như: Viet GAP, tưới nước tiết kiệm, bón phân qua
đường ống…. Do chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, cung ứng kịp
thời phân, thuốc, giống, củng cố hồ đập, tổ chức nạo vét kênh mương và triển khai
sâu rộng công tác khuyến nông nên hầu hết năng suất các loại cây trồng chủ yếu
năm 2012 tăng khá so với năm 2010 như: lúa đạt 50,16 tạ/ha, tăng 7,89%; bắp đạt
64,13 tạ/ha, tăng 8,45%; mỳ đạt 246,04 tạ/ha, tăng 0,87%; rau các loại đạt 246,04
tạ/ha, tăng 4,39%; xoài đạt 94,79 tạ/hạ, tăng 0,3%; sầu riêng đạt 78,98 tạ/ha tăng
12,5%; cà phê đạt 18,43 tạ/ha, tăng 2,4%; tiêu đạt 20,77 tạ/ha, tăng 0,6%; điều đạt
11,01 tạ/ha, tăng 8,9%...
Cơ cấu diện tích gieo trồng thay đổi theo hướng tăng diện tích các cây công
nghiệp lâu năm như điều, hồ tiêu, cà phê... và các cây ăn quả đặc sản như sầu
riêng, xoài, bưởi.... giảm diện tích các cây hàng năm trong đó lúa giảm khoảng 10
nghìn ha. Do năng suất tăng nên sản lượng lúa năm 2011 vẫn được duy trì khá ổn
định ở mức 336.223 tấn. Thực hiện Chương trình phát triển các loại cây trồng, vật
nuôi chủ lực giai đoạn 2006 - 2010, toàn tỉnh đã hình thành một số vùng chuyên
canh cây trồng chủ lực như vùng bưởi Tân Triều (Vĩnh Cửu); xoài La Ngà, Phú
Ngọc (Định Quán), Xuân Hưng, Suối cao (Xuân Lộc); sầu riêng Long Khánh,
Xuân Lộc; cà phê Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Long Khánh; hồ tiêu Xuân Thọ (Xuân
Lộc), Tân Phú. Năm 2011, sản lượng cà phê nhân đạt 31.393 tấn, hạt điều 50.074
tấn, tiêu hạt 13.318 tấn, cao su mủ khô 41.497 tấn.
Về chăn nuôi, những năm qua mặc dù chịu ảnh hưởng của những khó khăn
chung do dịch bệnh phát sinh thường xuyên, giá tiêu thụ sản phẩm giảm, trong khi
giá thức ăn tăng nhanh, nhưng nhờ thực hiện các biện pháp khuyến khích phát
triển các mô hình chăn nuôi đa dạng và tiên tiến, tích cực áp dụng kỹ thuật nên
vẫn duy trì được tổng đàn gia súc, gia cầm. Năm 2011, đàn heo đạt 1.329,32
nghìn con, tăng 56,32 nghìn con (tăng 4,4%) [39, tr.224]. Chăn nuôi cơ bản phát
34
triển theo hướng tập trung, hình thành phương thức chăn nuôi công nghiệp, bán
công nghiệp tăng khả năng giữ gìn vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh
cho gia súc, gia cầm. Chất lượng đàn giống được nâng lên, đa số giống gốc được
ngoại nhập. Chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh, số lượng gia cầm tăng từ gần 4,65
triệu con lên 9,3 triệu con, trong đó gà chiếm 8,9 triệu con. Chăn nuôi trâu, bò có
chiều hướng giảm do giá thức ăn chăn nuôi tăng và diện tích chăn thả thu hẹp, số
lượng trâu, bò giảm từ 92,7 nghìn con xuống 84,6 nghìn con trong đó bò có gần
80,7 nghìn con.
So sánh năm 2010 với năm 2006, sản lượng thịt heo hơi tăng từ 132.613
tấn năm 2006 lên 197.406 tấn năm 2010. Đàn dê tăng lên 47,8 nghìn con. Sản
lượng thịt hơi gia súc xuất chuồng và thịt gia cầm giết bán vẫn tăng bình quân
5,1%/năm, đạt khoảng 201 nghìn tấn trong năm 2010. Tổng sản lượng thịt hơi
xuất chuồng và thịt giết mổ các loại gia súc, gia cầm năm 2011 đạt 222.564 tấn;
năm 2012 đạt 234.935 tấn, đáng chú ý là thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 116 tấn, thịt
bò hơi xuất chuồng đạt 5.541 tấn, thịt heo hơi xuất chuồng 177.871 tấn, thịt gia
cầm giết mổ 51.407 tấn.
Đối với thủy sản, phong trào nuôi trồng thủy sản trong tỉnh phát triển khá
mạnh với các phương thức nuôi phong phú, có sự đầu tư lớn và nhờ thị trường
tiêu thụ thuận lợi nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giá trị sản xuất chủ yếu là
nuôi trồng thủy sản chiếm trên 90% giá trị sản xuất toàn ngành. Diện tích nuôi
trồng thủy sản toàn tỉnh năm 2011 đạt 33.063 ha, tăng không nhiều so với năm
2006 (2528 ha), trong đó chủ yếu là diện tích nuôi nước ngọt với 31.433 ha (tăng
1880 ha). Năm 2010, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và đánh bắt đạt 39,6
nghìn tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng chiếm 91,2% với đối tượng nuôi chủ yếu
là các giống cá nước ngọt có nhu cầu thị trường lớn. Năm 2011, sản lượng thủy
sản nuôi trồng tăng khá nhanh đạt 37.582 tấn, tăng 28% so với năm 2006, trong
đó sản lượng cá đạt 33.134 tấn, tăng 61,2%; sản lượng tôm đạt 4448 tấn, tăng 3,5
35
lần [42, tr.59]. Tính tổng sản lượng thủy sản cả nuôi trồng và đánh bắt năm 2011
đạt 42.758 tấn và năm 2012 đạt 43.933 tấn.
Đối với lâm nghiệp, do thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ
phòng chống cháy rừng và tích cực trồng rừng, trong những năm qua, được sự chỉ
đạo tập trung quyết liệt của tỉnh, sự phối hợp giữa các ngành, địa phương, đơn vị
liên quan trong việc tuyên truyền, giáo dục, tuần tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các
vi phạm đã mang lại kết quả tích cực trong công tác bảo vệ rừng. Diện tích rừng
được quản lý bảo vệ tốt, tình hình vi phạm về quản lý rừng giảm so với trước,
không xảy ra vi phạm có tính chất nghiêm trọng, phức tạp. Hoạt động khai thác,
mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản, gây nuôi động vật hoang đã được hướng
dẫn, kiểm tra ngày càng chặt chẽ, từng bước đi vào nề nếp, trật tự theo quy định.
Công tác phát triển rừng được quan tâm đúng mức, từ năm 2006 đến nằm
2011 đã trồng mới được 10.875 ha rừng tập trung, diện tích rừng trồng phân tán là
3343 ha; diện tích rừng được chăm sóc là 43.960 ha. Tổng diện tích rừng toàn tỉnh
tăng từ 155.225 ha (năm 2006) lên 168.805 ha (năm 2011); trong đó rừng tự nhiên
là 111.633 ha (chiếm 66,13%); rừng trồng là 57.172 ha (chiếm 33,87%). Tỷ lệ che
phủ rừng và che phủ cây xanh được duy trì ổn định, đến năm 2011 tỷ lệ che phủ
rừng toàn tỉnh đạt 29,76%, đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra; tỷ lệ cây xanh đạt
54,5% [19, tr.59].
Về giải quyết việc làm: Xét trên địa bàn toàn tỉnh, từ năm 2008-2010 đã
giải quyết việc làm cho 236.112 lượt lao động. Giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị từ
2,6% cuối năm 2010 xuống mức 2,57% vào cuối năm 2012. Năm 2013 tỷ lệ thất
nghiệp thành thị là 2,54%. Tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn từ
89% vào cuối năm 2010 lên 90,5% vào cuối năm 2013. Năm 2011-2013, tỉnh đã
giải quyết việc làm cho 158.114 lao động ở khu vực nông thôn. Giải quyết việc
làm thông qua các chương trình kinh tế - xã hội là 150.114 người, trong đó có
105.000 lao động từ nông thôn đến các khu công nghiệp làm việc và các dịch vụ
36
phi nông nghiệp, lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội khác 45.114 người.
Chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn vốn Chương trình 120 là
8.000 người. Tính đến tháng 6/2013, đã tổ chức chiêu sinh và dạy nghề cho
29.853 lao động nông thôn, trong đó có 18.201 người học nghề phi nông nghiệp
và 11.652 người học nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Về công tác đào tạo, dạy nghề: Trong năm 2008-2011 đã tuyển mới, đào
tạo, dạy nghề cho 173.449 lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của toàn tỉnh
từ 52% cuối năm 2010 lên 58% vào cuối năm 2012; ước thực hiện năm 2013 tỷ lệ
lao động qua đào tạo là 60%.
dựng nông thôn mới dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí và tỷ lệ
lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn đạt 48,1% vào cuối năm 2013 và có
31/34 xã đã đạt được tỷ lệ này.
Theo kết quả điều tra lao động việc làm năm 2011 cho thấy chất lượng
nguồn nhân lực của tỉnh còn thấp, nhất là khu vực nông thôn, tỷ lệ lao động không
có chuyên môn kỹ thuật chiếm 42% - 50%; lao động nông nhàn còn lớn, chỉ mới
sử dụng 60% quỹ thời gian trong năm. Nhìn chung nguồn lao động ở nông thôn
của tỉnh rất dồi dào, đây là một lợi thế nhưng cũng là sức ép đối với nền kinh tế.
Vì vậy, những kết quả nêu trên là thành tích rất đáng trân trọng. Đóng góp vào
thành tích này phải kể đến sự cố gắng vượt bậc của các cơ sở dạy nghề nhất là các
cơ sở dạy nghề nông thôn trong tỉnh. Đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có 8.284 cơ sở
nghành nghề nông thôn, tăng 4% so với năm 2011, giải quyết công ăn việc làm
cho 30.404 lao động nông thôn tăng 3%, giá trị sản lượng ước đạt 1.945.680 triệu
đồng tăng 6% so với năm 2011. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã Long
Khánh, thành phố Biên Hoà tập trung thực hiện 9 dự án đã được phê duyệt với
tổng vốn đầu tư khoảng 30,890 tỷ đồng như: Đề án khôi phục và phát triển nghề
dệt thổ cẩm của người Châu Mạ huyện Tân Phú; Đề án phát triển nghề gỗ mỹ
37
nghệ trên địa bàn huyện Trảng Bom giai đoạn 2008 - 2013; Đề án phát triển nghề
mây tre đan trên địa bàn huyện Định Quán giai đoạn 2008 - 2013; Đề án khôi
phục và phát triển nghề đúc gang trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu; Đề án khôi phục
và phát triển nghề sản xuất, chế biến nấm các loại trên địa bàn thị xã Long Khánh;
Đề án Duy trì và phát triển nghề tre trúc trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu giai đoạn
2011-2015; Đề án phát triển nghề gỗ mỹ nghệ trên địa bàn huyện Xuân Lộc giai
đoạn 2011-2015; Đề án khuyến công tại các khu tái định cư; Đề án phát triển
nghề dệt lưới xã Suối Nho, huyện Định Quán giai đoạn 2011 - 2015.
Về giảm nghèo: Thực hiện chủ trương giảm nghèo của Ban chấp hành
Đảng bộ tỉnh, năm 2005, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-HĐND
và năm 2011 đã ban hành Nghị quyết số 176/NQ-HĐND về chương trình giảm
nghèo trên địa bàn. Điều này cho thấy, công tác giảm nghèo đã được tỉnh quan
tâm thực hiện từ rất sớm. So với chuẩn nghèo được HĐND tỉnh quy định tại Nghị
quyết số 176/NQ-HĐND áp dụng cho giai đoạn 2011-2015, ở Đồng Nai thì khu
vực thành thị thu nhập từ 850.000 đồng/người/tháng, khu vực nông thôn thu nhập
từ 650.000 đồng/người/tháng trở xuống, toàn tỉnh có 42.520 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ
6,62% so với tổng số hộ dân [39, tr.5-6]; năm 2012 toàn tỉnh có 22.517 hộ nghèo,
chiếm 3,5% so với hộ dân. Đến cuối năm 2012, giảm khoảng 9.160 hộ nghèo (giảm
1,42%), hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,5% vào cuối năm 2012, đạt 100,98% so với kế
hoạch năm. Cụ thể tỉnh đã thực hiện lồng ghép hỗ trợ cho 11.410 lượt lao động hộ
nghèo được tập huấn khuyến nông, biết cách làm ăn phát triển sản xuất, phát triển
ngành nghề với kinh phí thực hiện 11.529 triệu đồng. So với kế hoạch đạt 103% về số
lượt hộ nghèo được hướng dẫn cách làm ăn và 74% về số tiền thực hiện. Trong 4 năm
2006 - 2009, dạy nghề cho 5.591 người nghèo với kinh phí 6.113 triệu đồng; trong đó
dự án dạy nghề riêng cho người nghèo đã dạy nghề cho 350 người nghèo với kinh phí
415 triệu đồng, so với kế hoạch đạt 281% lượt người được đào tạo nghề và 229% kinh
phí thực hiện.
38
Năm 2011- 2013, toàn tỉnh đã tổ chức cho gần 16.755 lượt hộ nghèo vay
vốn, với số tiền 239.783 triệu đồng để phát triển sản xuất; đồng thời đã tổ chức
dạy nghề cho 1.839 người nghèo với kinh phí 4 tỷ đồng; cấp 337.876 thẻ BHYT
miễn phí cho người nghèo với số tiền 148 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện các
giải pháp như: miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp khác, vận động xây
dựng được 1.325 căn nhà tình thương và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả
cho các hộ nghèo. Sau 03 năm thực hiện giảm được 28.286 hộ và đưa tỷ lệ hộ
nghèo từ 6,22% năm 2011 còn 1,9% vào cuối năm 2013 và có 80/136 xã đạt tiêu
chí này.
Hai là, chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng tiến
bộ, hợp lí, tổ chức sản xuất kinh doanh của hợp tác xã và trang trại phát triển, cơ
cấu ngành nghề nông thôn chuyển dịch tích cực.
Trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh, cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp
chiếm tỷ trọng 30,11% trong tổng GDP địa phương, trong đó riêng lâm nghiệp
1,31%, thủy sản 8,58%. Trong nội bộ ngành nông nghiệp, trồng trọt chiếm
65,02%; trong đó, cây hàng năm 22,8%; cây lâu năm, cây ăn trái 42,01%; sản
phẩm phụ trồng trọt 0,20%); chăn nuôi chiếm 30,86% (trong đó, gia súc 22,97%;
gia cầm 5,38%; chăn nuôi khác, sản phẩm không giết mổ và sản phẩm phụ chăn
nuôi 2,5%); dịch vụ chiếm 4,12%.
Chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp tiếp tục theo xu hướng
tích cực, cơ cấu chăn nuôi đã tăng từ 27,35% năm 2006 lên 34,67% năm 2011;
trồng trọt có xu hướng tăng giá trị sản xuất cây lâu năm từ 59,41% lên 63,93%.
Giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản trên 01 ha đất năm 2011 đạt
68,9 triệu đồng, tăng 2,56 lần so với năm 2006, trong đó giá trị trồng trọt đạt 66,05
triệu đồng, tăng 2,52 lần [42, tr.53]. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích (ha)
năm 2013 đạt 85,58 triệu đồng/ha theo giá thực tế; tốc độ tăng bình quân giai đoạn
2010 - 2013 là 18,55%/năm theo giá thực tế; tốc độ tăng bình quân theo giá cố
39
định năm 1994 giai đoạn 2009 - 2013 là 7,7% (năm 2010 đạt 57,13 triệu đồng/ha).
vượt mục tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra (bình quân 4,2%/năm theo giá cố
định năm 1994). Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 ước đạt 32 triệu
đồng/người/năm, tăng 13,5 triệu đồng so với 2010 (năm 2010 đạt 18,5 triệu
đồng/năm).
Đối với các huyện, tốc độ chuyển dịch cơ cấu ngành nghề hộ nông thôn từ
nông - lâm - thủy sản sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ rõ rệt nhất là ở
huyện Trảng Bom và huyện Nhơn Trạch. Hai huyện này, số hộ nông - lâm - thủy
sản đều dưới 40% tổng số hộ nông thôn, đặc biệt huyện Nhơn Trạch chưa đến
30%. Tuy nhiên, ở các huyện Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc tốc độ
chuyển dịch cơ cấu ngành nghề hộ nông thôn từ nông lâm - thủy - sản sang công
nghiệp, xây dựng và dịch vụ qua 5 năm 2006 - 2011 cũng có diễn ra nhưng ở mức
độ không đáng kể.
Cơ cấu hộ nông thôn phân theo thu nhập chính cũng có xu hướng chuyển
dịch tương tự theo ngành, nghề. Năm 2011, tỷ lệ hộ có nguồn thu nhập chính từ
nông - lâm - thủy sản chiếm 36,5% (giảm 14,66% so với năm 2006); tỷ lệ hộ có
nguồn thu nhập chính từ công nghiệp, xây dựng đạt 34,63% (tăng 12,02%); tỷ lệ có
nguồn thu nhập chính từ dịch vụ đạt 25,35% (tăng 2,33%) [39. tr.27]. Xu hướng
này diễn ra ở hầu hết các huyện nhưng với mức độ khác nhau.
Kinh tế nông nghiệp phát triển nên cơ cấu ngành, nghề của lao động nông
nghiệp, nông thôn chuyển dịch nhanh hơn so với cơ cấu ngành, nghề của hộ. Sự
chuyển dịch đó có liên quan trực tiếp đến quy mô và tốc độ chuyển dịch cơ cấu
lao động ở khu vực này. Năm 2011 số người trong độ tuổi có khả năng lao động ở
khu vực nông thôn là 965.772 người, tăng 200.271 người (tăng 26,16%) so với
năm 2006 (cả nước tăng 4,5% và khu vực Đông Nam Bộ tăng 19,13%). Tỷ lệ số
người trong tuổi lao động có khả năng lao động thực tế có làm việc trong 12 tháng
phân theo lao động chính năm 2011 như sau: lao động nông - lâm - thủy sản
40
chiếm 33,24%, giảm đáng kể so với mức 49,11% năm 2006; trong đó riêng ngành
nông nghiệp chiếm 32,16% (năm 2006 là 47,78%); tỷ trọng lao động công nghiệp,
xây dựng lần lượt ở các năm 2011, 2006 là 37,57%, 25,08%; tỷ lệ lao động dịch
vụ là 15,46% và 8,04% ở 2 năm tương ứng [39, tr.27].
Có thể khẳng định, Tỉnh đã xây dựng và hỗ trợ phát triển các hình thức
tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn nhất là phát triển
loại hình kinh tế hợp tác xã. Năm 2011-2013, toàn tỉnh đã thành lập mới 67
HTX, trong đó có 12 HTX thành lập mới trên địa bàn xã 34 xã nông thôn
mới. Củng cố 111 HTX; giải thể 24 HTX. Đến nay, toàn tỉnh có 255 HTX và
2 Liên hiệp HTX, với tổng vốn điều lệ gần 1.192 tỷ đồng với trên 76.100 xã
viên, giải quyết việc làm cho trên 7.100 lao động thường xuyên và lao động
thời vụ, trong đó có 80 hợp tác xã, 01 liên hiệp HTX phục vụ sản xuất nông
nghiệp. Nhiều HTX đã mở rộng quy mô, phát triển đa ngành nghề, chú trọng
đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, xây dựng thương hiệu
cho sản phẩm nhờ đó nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, tăng giá trị
khi tiêu thụ, giúp sản phẩm các HTX thâm nhập vào thị trường thuận lợi. Các
HTX mới thành lập có quy mô lớn, đội ngũ cán bộ quản lý HTX có trình độ
năng lực và kinh nghiệm sản xuất kinh doanh. Hoạt động của Quỹ trợ vốn
HTX đã giải quyết phần nào khó khăn về vốn cho các HTX. Kết quả đánh giá
đến cuối năm 2013, trên toàn tỉnh số hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có
hiệu quả đạt 73%; hợp tác xã trung bình 13% và hợp tác xã yếu, kém 8%; hợp
tác xã chưa xếp loại do mới thành lập chiếm 6% và có 98/136 xã đạt chỉ tiêu
này. Trong đó, đối với 34 xã xây dựng nông thôn mới đến năm 2015 hoàn
thành 19/19 tiêu chí, số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả đạt 74,8% và có
28/34 xã đạt chỉ tiêu này. [42,Tr.10]
Tổ hợp tác và câu lạc bộ trong nông nghiệp được chú trọng phát triển.
Trong 3 năm từ 2011 đến tháng 6/2013 đã thành lập mới 117 tổ hợp tác, giải thể
41
33 tổ hợp tác. Tính đến 31/12/2013 toàn tỉnh có 760 câu lạc bộ và tổ hợp tác với
19.500 thành viên tham gia và có 2.350 lao động làm việc trên diện tích đất sản
xuất đăng ký trên 15.540 ha; vốn góp là 1.745 triệu đồng. Toàn tỉnh hiện có 180 tổ
hợp tác đăng ký theo Nghị định 151/CP chiếm 23,7% trên tổng số câu lạc bộ, tổ
hợp tác của địa phương. Có 338 tổ hợp tác sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm theo
định kỳ; 290 tổ hợp tác sinh hoạt không định kỳ và 95 tổ hợp tác không sinh hoạt.
Trong đó, số tổ hợp tác trên địa bàn 34 xã xây dựng nông thôn mới là 235 tổ,
chiếm 32,5%. Hiện có 31/34 xã có tổ hợp tác chiếm tỷ lệ 91,2 % trên tổng số xã
xây dựng nông thôn mới; còn 3 xã chưa có tổ hợp tác gồm: Trị An (Vĩnh Cửu),
Long Thọ, Long Tân (Nhơn Trạch). Tỷ lệ tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả đạt
68% tăng 13% so với năm 2010 và có 93/136 xã đạt tiêu chí này. Trong đó đối
với 34 xã xây dựng nông thôn mới đến năm 2015 hoàn thành 19/19 tiêu chí, số tổ
hợp tác hoạt động có hiệu quả đạt 85,9% và có 32/34 xã đạt chỉ tiêu này.
Loại hình kinh tế trang trại phát triển khá. Thực hiện chủ trương phát triển
nông nghiệp với nhiều thành phần kinh tế, trong đó khuyến khích phát triển kinh
tế hợp tác xã và kinh tế trang trại. Đến cuối năm 2011, trên toàn tỉnh mới chỉ có
1763 trang trại (theo tiêu chí quy định tại thông tư số 27/2001/TT-BNNPTN),
trong đó trang trại nông nghiệp là chủ yếu với 1177 trang trại chiếm 66,76% tổng
số trang trại toàn tỉnh. Số trang trại trồng trọt là 534, chiếm 30,27%; trang trại nuôi
trồng thủy sản là 20, chiếm 1,13% [42, tr.15]. Tại thời điểm này, tổng số lao động
thường xuyên của các trang trại là 6608 người, bình quân là 4 người/trang trại;
tổng diện tích đất của trang trại là 8381 ha, bình quân 4,75 ha/trang trại; doanh thu
trang trại năm 2011 là 4778 tỷ đồng, bình quân 2716 triệu đồng/trang trại; có 462
câu lạc bộ năng suất cao, với 12.560 thành viên, 174 tổ hợp tác với 4143 thành
viên tham gia.
Đến nay, toàn tỉnh hiện có 2.428 trang trại sản xuất và kinh doanh trong
lĩnh vực nông nghiệp. Tính đến ngày 31/12/2013 toàn tỉnh cấp được 734 giấy
42
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY

More Related Content

What's hot

Kinh tế Việt Nam: Chương 10- Nông Nghiệp
Kinh tế Việt Nam: Chương 10- Nông NghiệpKinh tế Việt Nam: Chương 10- Nông Nghiệp
Kinh tế Việt Nam: Chương 10- Nông NghiệpJendy Phạm
 

What's hot (20)

Kinh tế Việt Nam: Chương 10- Nông Nghiệp
Kinh tế Việt Nam: Chương 10- Nông NghiệpKinh tế Việt Nam: Chương 10- Nông Nghiệp
Kinh tế Việt Nam: Chương 10- Nông Nghiệp
 
Luận văn: Quản lý làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ tại Đà Nẵng
Luận văn: Quản lý làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ tại Đà NẵngLuận văn: Quản lý làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ tại Đà Nẵng
Luận văn: Quản lý làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ tại Đà Nẵng
 
Luận văn: Phát triển làng nghề truyền thống huyện Triệu Phong, HAY!
Luận văn: Phát triển làng nghề truyền thống huyện Triệu Phong, HAY!Luận văn: Phát triển làng nghề truyền thống huyện Triệu Phong, HAY!
Luận văn: Phát triển làng nghề truyền thống huyện Triệu Phong, HAY!
 
Luận văn: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Cần Thơ, HAY
Luận văn: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Cần Thơ, HAYLuận văn: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Cần Thơ, HAY
Luận văn: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Cần Thơ, HAY
 
Luận văn: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp tại huyện Phú Vang
Luận văn: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế  ngành nông nghiệp tại huyện Phú VangLuận văn: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế  ngành nông nghiệp tại huyện Phú Vang
Luận văn: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp tại huyện Phú Vang
 
Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai
Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng NaiPhát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai
Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai
 
Luận án: Phát triển nông nghiệp bền vững tại ĐB sông Cửu Long
Luận án: Phát triển nông nghiệp bền vững tại ĐB sông Cửu LongLuận án: Phát triển nông nghiệp bền vững tại ĐB sông Cửu Long
Luận án: Phát triển nông nghiệp bền vững tại ĐB sông Cửu Long
 
Luận Văn Phát Triển Làng nghề Truyền Thống Huyện Triệu Phong
Luận Văn Phát Triển Làng nghề Truyền Thống Huyện Triệu PhongLuận Văn Phát Triển Làng nghề Truyền Thống Huyện Triệu Phong
Luận Văn Phát Triển Làng nghề Truyền Thống Huyện Triệu Phong
 
Luận văn: Quản lý Nhà nước về giảm nghèo tại Đắk Lắk, HAY
Luận văn: Quản lý Nhà nước về giảm nghèo tại Đắk Lắk, HAYLuận văn: Quản lý Nhà nước về giảm nghèo tại Đắk Lắk, HAY
Luận văn: Quản lý Nhà nước về giảm nghèo tại Đắk Lắk, HAY
 
Luận văn: Giải quyết việc làm cho nông dân trong quá trình đô thị hoá
Luận văn: Giải quyết việc làm cho nông dân trong quá trình đô thị hoá Luận văn: Giải quyết việc làm cho nông dân trong quá trình đô thị hoá
Luận văn: Giải quyết việc làm cho nông dân trong quá trình đô thị hoá
 
Đề tài: Quản lý chi ngân sách Nhà nước cấp huyện tỉnh Thanh Hóa
Đề tài: Quản lý chi ngân sách Nhà nước cấp huyện tỉnh Thanh HóaĐề tài: Quản lý chi ngân sách Nhà nước cấp huyện tỉnh Thanh Hóa
Đề tài: Quản lý chi ngân sách Nhà nước cấp huyện tỉnh Thanh Hóa
 
Luận văn: Xây dựng nông thôn mới về kinh tế. Đề tài luận văn HAY NHẤT
Luận văn: Xây dựng nông thôn mới về kinh tế. Đề tài luận văn HAY NHẤTLuận văn: Xây dựng nông thôn mới về kinh tế. Đề tài luận văn HAY NHẤT
Luận văn: Xây dựng nông thôn mới về kinh tế. Đề tài luận văn HAY NHẤT
 
Luận văn: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố Đà Nẵng, HAY
Luận văn: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố Đà Nẵng, HAYLuận văn: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố Đà Nẵng, HAY
Luận văn: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố Đà Nẵng, HAY
 
Luận văn: Nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế ở Đồng Nai, HOT
Luận văn: Nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế ở Đồng Nai, HOTLuận văn: Nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế ở Đồng Nai, HOT
Luận văn: Nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế ở Đồng Nai, HOT
 
Bài mẫu tiểu luận môn về phát triển kinh tế xã hội, HAY
Bài mẫu tiểu luận môn về phát triển kinh tế xã hội, HAYBài mẫu tiểu luận môn về phát triển kinh tế xã hội, HAY
Bài mẫu tiểu luận môn về phát triển kinh tế xã hội, HAY
 
Luận văn: Giải quyết việc làm cho nông dân trong quá trình đô thị hóa ở quận ...
Luận văn: Giải quyết việc làm cho nông dân trong quá trình đô thị hóa ở quận ...Luận văn: Giải quyết việc làm cho nông dân trong quá trình đô thị hóa ở quận ...
Luận văn: Giải quyết việc làm cho nông dân trong quá trình đô thị hóa ở quận ...
 
Phát triển nông nghiệp tỉnh Hải Dương trong hội nhập kinh tế, HAY
Phát triển nông nghiệp tỉnh Hải Dương trong hội nhập kinh tế, HAYPhát triển nông nghiệp tỉnh Hải Dương trong hội nhập kinh tế, HAY
Phát triển nông nghiệp tỉnh Hải Dương trong hội nhập kinh tế, HAY
 
Luận văn:Quản lý nhà nước về đất đai tại huyện Lệ Thủy,Quảng Bình
Luận văn:Quản lý nhà nước về đất đai tại huyện Lệ Thủy,Quảng BìnhLuận văn:Quản lý nhà nước về đất đai tại huyện Lệ Thủy,Quảng Bình
Luận văn:Quản lý nhà nước về đất đai tại huyện Lệ Thủy,Quảng Bình
 
Luận án: Thực thi chính sách an sinh xã hội ở TP Đà Nẵng, HAY
Luận án: Thực thi chính sách an sinh xã hội ở TP Đà Nẵng, HAYLuận án: Thực thi chính sách an sinh xã hội ở TP Đà Nẵng, HAY
Luận án: Thực thi chính sách an sinh xã hội ở TP Đà Nẵng, HAY
 
Luận văn: Thực hiện chính sách giảm nghèo tại tỉnh Đắk Lắk
Luận văn: Thực hiện chính sách giảm nghèo tại tỉnh Đắk LắkLuận văn: Thực hiện chính sách giảm nghèo tại tỉnh Đắk Lắk
Luận văn: Thực hiện chính sách giảm nghèo tại tỉnh Đắk Lắk
 

Similar to Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY

Đề tài: Xây dựng nông thôn mới về kinh tế ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam hiện nay
Đề tài: Xây dựng nông thôn mới về kinh tế ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam hiện nayĐề tài: Xây dựng nông thôn mới về kinh tế ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam hiện nay
Đề tài: Xây dựng nông thôn mới về kinh tế ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam hiện nayDịch vụ viết thuê Khóa Luận - ZALO 0932091562
 
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh Thanh Hoá.pdf
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh Thanh Hoá.pdfCông nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh Thanh Hoá.pdf
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh Thanh Hoá.pdfTieuNgocLy
 

Similar to Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY (20)

Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAYLuận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY
 
Luận văn: Phát triển nông nghiệp bền vững tại Hà Nội, HAY
Luận văn: Phát triển nông nghiệp bền vững tại Hà Nội, HAYLuận văn: Phát triển nông nghiệp bền vững tại Hà Nội, HAY
Luận văn: Phát triển nông nghiệp bền vững tại Hà Nội, HAY
 
Luận văn: Phát triển nông nghiệp bền vững ở Hà Nội, 9 điểm, HOT!
 Luận văn: Phát triển nông nghiệp bền vững ở Hà Nội, 9 điểm, HOT! Luận văn: Phát triển nông nghiệp bền vững ở Hà Nội, 9 điểm, HOT!
Luận văn: Phát triển nông nghiệp bền vững ở Hà Nội, 9 điểm, HOT!
 
Luận văn: Xây dựng nông thôn mới về kinh tế tỉnh Hà Nam, HAY
Luận văn: Xây dựng nông thôn mới về kinh tế tỉnh Hà Nam, HAYLuận văn: Xây dựng nông thôn mới về kinh tế tỉnh Hà Nam, HAY
Luận văn: Xây dựng nông thôn mới về kinh tế tỉnh Hà Nam, HAY
 
Luận văn: Phát triển kinh tế hộ phi nông nghiệp tại quận Hà Đông
Luận văn: Phát triển kinh tế hộ phi nông nghiệp tại quận Hà ĐôngLuận văn: Phát triển kinh tế hộ phi nông nghiệp tại quận Hà Đông
Luận văn: Phát triển kinh tế hộ phi nông nghiệp tại quận Hà Đông
 
Luận văn: Phát triển kinh tế hộ phi nông nghiệp tại Hà Nội, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế hộ phi nông nghiệp tại Hà Nội, HAYLuận văn: Phát triển kinh tế hộ phi nông nghiệp tại Hà Nội, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế hộ phi nông nghiệp tại Hà Nội, HAY
 
Luận văn HAY, HOT: Phát triển kinh tế hộ phi nông nghiệp trên địa bàn quận Hà...
Luận văn HAY, HOT: Phát triển kinh tế hộ phi nông nghiệp trên địa bàn quận Hà...Luận văn HAY, HOT: Phát triển kinh tế hộ phi nông nghiệp trên địa bàn quận Hà...
Luận văn HAY, HOT: Phát triển kinh tế hộ phi nông nghiệp trên địa bàn quận Hà...
 
Luận văn: Phát triển kinh tế trang trại tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế trang trại tỉnh Đồng Nai, HAYLuận văn: Phát triển kinh tế trang trại tỉnh Đồng Nai, HAY
Luận văn: Phát triển kinh tế trang trại tỉnh Đồng Nai, HAY
 
Đề tài: Giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, HAY
Đề tài: Giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, HAYĐề tài: Giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, HAY
Đề tài: Giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, HAY
 
Đề tài: Xây dựng nông thôn mới về kinh tế ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam hiện nay
Đề tài: Xây dựng nông thôn mới về kinh tế ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam hiện nayĐề tài: Xây dựng nông thôn mới về kinh tế ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam hiện nay
Đề tài: Xây dựng nông thôn mới về kinh tế ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam hiện nay
 
Luận văn: Xây dựng nông thôn mới về kinh tế ở huyện Duy Tiên
Luận văn: Xây dựng nông thôn mới về kinh tế ở huyện Duy TiênLuận văn: Xây dựng nông thôn mới về kinh tế ở huyện Duy Tiên
Luận văn: Xây dựng nông thôn mới về kinh tế ở huyện Duy Tiên
 
Luận văn: Học tập phong cách Hồ Chí Minh của giảng viên, HAY
Luận văn: Học tập phong cách Hồ Chí Minh của giảng viên, HAYLuận văn: Học tập phong cách Hồ Chí Minh của giảng viên, HAY
Luận văn: Học tập phong cách Hồ Chí Minh của giảng viên, HAY
 
Luận văn: Phát triển kinh tế trạng trại tỉnh Đồng Nai, HOT
Luận văn: Phát triển kinh tế trạng trại tỉnh Đồng Nai, HOTLuận văn: Phát triển kinh tế trạng trại tỉnh Đồng Nai, HOT
Luận văn: Phát triển kinh tế trạng trại tỉnh Đồng Nai, HOT
 
Luận văn: Phát triển bền vững nông nghiệp huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi
Luận văn: Phát triển bền vững nông nghiệp huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng NgãiLuận văn: Phát triển bền vững nông nghiệp huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi
Luận văn: Phát triển bền vững nông nghiệp huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi
 
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh Thanh Hoá.pdf
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh Thanh Hoá.pdfCông nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh Thanh Hoá.pdf
Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh Thanh Hoá.pdf
 
Nâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh hiện nay
Nâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh hiện nayNâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh hiện nay
Nâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh hiện nay
 
Đề tài: Nâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp Bắc Ninh, HAY
Đề tài: Nâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp Bắc Ninh, HAYĐề tài: Nâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp Bắc Ninh, HAY
Đề tài: Nâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp Bắc Ninh, HAY
 
Đề tài: Phát triển khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp, HAY
Đề tài: Phát triển khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp, HAYĐề tài: Phát triển khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp, HAY
Đề tài: Phát triển khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp, HAY
 
Phát triển khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai
Phát triển khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp ở tỉnh Đồng NaiPhát triển khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai
Phát triển khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai
 
Luận án: Kinh tế nông thôn phát triển ở huyện phía tây Hà Nội
Luận án: Kinh tế nông thôn phát triển ở huyện phía tây Hà NộiLuận án: Kinh tế nông thôn phát triển ở huyện phía tây Hà Nội
Luận án: Kinh tế nông thôn phát triển ở huyện phía tây Hà Nội
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620 (20)

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 ĐiểmDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý TưởngDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 

Recently uploaded

ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhvanhathvc
 
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdftohoanggiabao81
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...hoangtuansinh1
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxendkay31
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tếMa trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tếngTonH1
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...Nguyen Thanh Tu Collection
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líDr K-OGN
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXHTư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXHThaoPhuong154017
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...ThunTrn734461
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hocBai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hocVnPhan58
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tế
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tếHệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tế
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tếngTonH1
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...Nguyen Thanh Tu Collection
 

Recently uploaded (20)

ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
 
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tếMa trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
Ma trận - định thức và các ứng dụng trong kinh tế
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
BỘ ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO CẤU TRÚC ĐỀ MIN...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXHTư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hocBai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tế
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tếHệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tế
Hệ phương trình tuyến tính và các ứng dụng trong kinh tế
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
 

Luận văn: Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, HAY

  • 1. BỘ QUỐC PHÒNG HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ  ĐỒNG THỊ HẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP Ở TỈNH ĐỒNG NAI LUẬN VĂN THẠC SĨ KINH TẾ CHÍNH TRỊ
  • 2. BỘ QUỐC PHÒNG HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ  ĐỒNG THỊ HẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP Ở TỈNH ĐỒNG NAI CHUYÊN NGÀNH: KINH TẾ CHÍNH TRỊ MÃ SỐ: 60 31 01 02 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOAHỌC: PGS.TS TRƯƠNG TUẤN BIỂU
  • 3. DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT Chữ viết đầy đủ Chữ viết tắt Chủ nghĩa xã hội CNXH Công nghiệp hóa, hiện đại hóa CNH, HĐH Khoa học - công nghệ KH - CN Khoa học - kỹ thuật KH - KT Kinh tế - xã hội KT - XH Lực lượng sản xuất LLSX Quan hệ sản xuất QHSX Quốc phòng - an ninh QP - AN Xã hội chủ nghĩa XHCN Kinh tế nông nghiệp KTNN Giá trị sản xuất GTSX Hợp tác xã HTX MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU 3 Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP 11 1.1. Kinh tế nông nghiệp và vai trò của phát triển kinh tế nông nghiệp 11 1.2. Những vấn đề lý luận và kinh nghiệm về phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai. 22
  • 4. Chương 2 THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP Ở TỈNH ĐỒNG NAI 29 2.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế-xã hội ảnh hưởng đến phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai 29 2.2. Thực trạng phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai những năm qua 32 Chương 3 PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁPPHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP Ở TỈNH ĐỒNG NAI 56 3.1. Phương hướng phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai trong những năm tới 56 3.2. Một số giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai thời gian tới 63 KẾT LUẬN 83 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 85 PHỤ LỤC 88
  • 5. MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, nông nghiệp là một trong hai ngành sản xuất vật chất cơ bản, có vai trò quan trọng hàng đầu của mọi thời đại. Nông nghiệp - hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp. Nông nghiệp cung cấp lương thực, thực phẩm để duy trì sự tồn tại của con người và sự phát triển của xã hội loài người; cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và là thị trường rộng lớn của các ngành công nghiệp, dịch vụ; tạo môi trường sinh thái trong lành, bền vững và góp phần quan trọng trong tăng cường tiềm lực QP - AN của đất nước. Trong mối quan hệ với công nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp là tiền đề của phân công lao động xã hội. C.Mác cho rằng: Trong lịch sử, chỉ đến khi nông nghiệp cung cấp “đủ” lương thực cho con người thì nền sản xuất xã hội mới phân chia thành ngành nông nghiệp và công nghiệp. Vì kinh tế nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng như vậy nên những năm qua Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, coi phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ kinh tế và nhiệm vụ chính trị - xã hội có ý nghĩa chiến lược lâu dài. Trong công cuộc đổi mới, đã có nhiều chủ trương và giải pháp để thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, chuyển đổi một nền nông nghiệp tự cấp, tự túc lại vận hành trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang nền nông nghiệp hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường là một quá trình đòi hỏi có sự thay đổi thực sự trong tư duy và trong hoạt động thực tiễn. Là một tỉnh thuộc vùng miền Đông Nam Bộ nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai là tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển kinh tế nông nghiệp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai có sự phát triển mạnh mẽ và đã đạt được những thành tựu khá toàn diện. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển 3
  • 6. dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, nhiều loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh mới ra đời và không ngừng phát triển cả về quy mô, hiệu quả. Kết cấu hạ tầng KT - XH nông thôn được tăng cường, bộ mặt nhiều vùng quê thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân ngày càng được cải thiện, hệ thống chính trị được củng cố, dân chủ ở cơ sở được phát huy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững... Tuy nhiên, những thành tựu trên chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai vẫn mang nặng tính tự cấp đan xen với sản xuất hàng hóa nhỏ do ruộng đất phân chia manh mún; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp hàng hóa thấp. Các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, khả năng xây dựng, khai thác các điểm kinh tế - kỹ thuật - dịch vụ ở từng huyện, xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn nhiều hạn chế, thị trường nông thôn hạn hẹp, nhiều loại nông phẩm hàng hóa sức cạnh tranh thấp, đời sống của người nông dân - thuần nông, còn nhiều khó khăn... Đây là những vấn đề cấp bách trong chiến lược phát triển KT - XH của cả nước nói chung và ở tỉnh Đồng Nai nói riêng, đồng thời là những vấn đề lý luận, thực tiễn đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu và triển khai thực hiện nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp. Từ những lý do trên, tác giả chọn vấn đề nghiên cứu: “Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai” làm đề tài luận văn cao học kinh tế - chuyên ngành Kinh tế chính trị. 2. Tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài Nông nghiệp nói chung và phát triển kinh tế nông nghiệp nói riêng là vấn đề không mới cả về lý luận và thực tiễn. Ở nước ta vấn đề phát triển kinh tế nông nghiệp đã có nhiều công trình khoa học đề cập dưới các góc độ khác nhau về phạm vi, cách thức tiếp cận. 4
  • 7. Những công trình nghiên cứu khoa học đã công bố mà tác giả luận văn sử dụng làm tài liệu tham khảo gồm: * Sách tham khảo “Phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Việt Nam thực trạng và giải pháp”của Trần Xuân Châu, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003. “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn Việt Nam - con đường và bước đi” của GS.TS Nguyễn Kế Tuấn, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004. “Nông nghiệp, nông thôn, nông dân Việt Nam - Hôm nay và mai sau” của Đặng Kim Sơn, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008. “Những biện pháp kinh tế tổ chức và quản lý để phát triển kinh tế nông nghiệp hàng hóa và đổi mới cơ cấu kinh tế nông thôn Bắc bộ” chủ biên GS. TS Lương Xuân Qùy, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội, 1996. “Phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn ở Việt Nam” của TS Nguyễn Hữu Tiến, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội, 2008. “ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn từ lý luận đến thực tiễn ở Việt Nam hiện nay” của TS Phạm Ngọc Dũng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011 vv... Những công trình nghiên cứu khoa học trên đã đề cập một cách tương đối khái quát và có phần sâu sắc về đặc điểm, tính quy luật vận động và phát triển của kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong quá trình đổi mới, các mô hình kinh tế trong mở cửa hội nhập gắn với giai đoạn đẩy mạnh CNH, HĐH ở nước ta nói chung và nông nghiệp, nông thôn nói riêng. * Luận án, luận văn “Phát triển nông nghiệp hàng hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta” Mai Văn Bảo, Luận án tiến sĩ kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2000. 5
  • 8. “Phát triển kinh tế hàng hóa trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đồng bằng sông Hồng” Bùi Văn Can, Luận án tiến sĩ kinh tế, Trường Đại học kinh tế quốc dân, 2001. “Phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Việt Nam thực trạng và giải pháp” Đặng Thị Tố Tâm, Luận văn Thạc sĩ Kinh tế, Đại học quốc gia Hà Nội, 2002. “Phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Lạng Sơn” Nguyễn Thanh Hảo, Luận văn Thạc sĩ Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2010. “Vai trò của phát triển nông nghiệp trong bảo đảm hậu cần tại chỗ cho khu vực phòng thủ tỉnh Hà Nam hiện nay” Vũ Văn Khầu, Luận văn Thạc sĩ Kinh tế, Học viện chính trị, 2010. “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Thái Bình” Phạm Quang Huy, Luận văn Thạc sĩ Kinh tế, Học viện chính trị, 2011. “ Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững ở tỉnh Hải Dương hiện nay” Lê Văn Điền, Luận văn Thạc sĩ Kinh tế, Học viện Chính trị, 2012. Các luận án, luận văn trên trực tiếp đề cập một cách cơ bản cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Trong phương hướng và hệ thống giải pháp, các tác giả có đề cập đến phát triển kinh tế nông nghiệp, tuy nhiên phạm vi khái quát rộng, với những giải pháp hình thành khung thể chế, giải pháp hỗ trợ, giải pháp xã hội trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; hay nhóm giải pháp liên quan đến LLSX; nhóm giải pháp liên quan đến QHSX; nhóm giải pháp liên quan đến cơ chế và chính sách vĩ mô của nhà nước; sự phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn nói chung hoặc ở phạm vi một vùng kinh tế, tỉnh... * Bài báo khoa học “Vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn ở nước ta trong thời kỳ đổi mới” Đào Thế Tuấn, Tạp chí Cộng sản, số 771/2007. 6
  • 9. “ Sự phát triển Nông nghiệp đồng bằng sông Hồng trong những năm đổi mới ” Nguyễn Sinh Cúc, Tạp chí Kinh tế và dự báo, số 3/2001. “ 15 năm phát triển nông sản hàng hóa vùng đồng bằn sông Hồng. Những vấn đề đặt ra trước thế kỷ XXI” Bùi Văn Can, Tạp chí Kinh tế và phát triển, số11/2001. “Thị trường sản phẩm nông nghiệp và một số vấn đề cần giải quyết” Trần Bình Điền - Phạm Thắng, Tạp chí Cộng sản, số 3/1994. “Chính sách thị trường với phát triển nông nghiệp, nông thôn” Chu Hữu Quý và Nguyễn Kế Tuấn, Tạp chí Cộng sản, số 20, 10/1998. “Đẩy mạnh phát triển một số hàng nông sản xuất khẩu có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế” Lê Huy Ngọ, Tạp chí Kinh tế nông nghiệp, số 2/1998. “Đầu ra cho sản phẩm, những vấn đề cần giải quyết trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn hiện nay ở Việt Nam” Nguyễn Hữu Thảo, Tạp chí Phát triển kinh tế, số 101, 3/1999. “Đẩy mạnh chế biến nông sản” Bạch Đình Ninh, Nghiên cứu lý luận số 8/2000. “Thuận lợi và thách thức của nông nghiệp Việt Nam khi gia nhập WTO” Đặng Kim Sơn, Tạp chí Cộng sản số 1/2007. “ Vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn với việc xóa đói giảm nghèo ở nước ta ” Nguyễn Mai Hồng, Thông báo khoa học, số 5/1999. “ Phát triển nông sản hàng hóa thực trạng và giải pháp” Nguyễn Sinh Cúc, Con số và sự kiện số 11/1999. “ Quan hệ ruộng đất ở nông thôn : 55 năm nhìn lại ” Nguyễn Sinh Cúc, Nghiên cứu Lý luận, số 9/2000. Tổng quan nông nghiệp nước ta sau 15 năm đổi mới (1986 - 2000) Nguyễn Sinh Cúc, Tạp chí Cộng sản, số 5, 3/2000. 7
  • 10. “Thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hóa để phát triển nông nghiệp” Lê Huy Ngọ. Hoạt động khoa học, số 8/2008. Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X) “ Về phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Quyết định số 80/QĐ - TTg, ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. “Vấn đề quan hệ ruộng đất trong nông nghiệp - Thực trạng và giải pháp” Lê Đình Thắng, Nghiên cứu kinh tế, số 237/1998. “Công nghệ sinh học và vấn đề phát triển nông nghiệp của Việt Nam” GS. TS Bùi Chí Bửu, Tạp chí Cộng sản, số 791, 9/2008. “Thúc đẩy sự phát triển khoa học - công nghệ phục vụ nông nghiệp, nông thôn” TS Nguyễn Thanh Hà, Tạp chí Cộng sản, số 801, 7/2009. “Nông dân và nông nghiệp Việt Nam nhìn từ sản xuất - thị trường” GS.TS Võ Tòng Xuân, Tạp chí Cộng sản, số 812, 6/2010. “Nông nghiệp Việt Nam sau 4 năm thực hiện cam kết WTO” TS Chu Tiến Quang, Tạp chí Cộng sản, số 824, 6/2011. "Phát triển nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020" GS. TS Nguyễn Trần Trọng, Tạp chí Cộng sản, số 848, /6/2012. Nội dung các bài viết trên đã đề cập và luận giải ở những góc độ khác nhau về sự cần thiết, những thành tựu và hạn chế, một số vấn đề đặt ra cho phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hoặc những thách thức cho nông dân, nông nghiệp Việt Nam trong điều kiện nền kinh tế đang CNH, HĐH mở cửa và hội nhập quốc tế. Sự đóng góp khoa học của các công trình, các bài viết trên vào sự phát triển nền nông nghiệp và nông thôn, nông dân Việt Nam là rất hữu ích. Tuy nhiên với Đồng Nai, chưa thấy có công trình nào nghiên cứu về phát triển kinh tế nông nghiệp dưới góc độ kinh tế chính trị. Vì vậy, đề tài tác giả lựa chọn nghiên cứu hoàn toàn không trùng lặp với các công trình đã được công bố. 8
  • 11. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài * Mục đích Luận giải những vấn đề lý luận cơ bản về phát triển kinh tế nông nghiệp. Đánh giá thực trạng phát triển kinh tế nông nghiệp ở Đồng Nai, trên cở sở đó đề xuất phương hướng và giải pháp tiếp tục phát triển kinh tế nông nghiệp Tỉnh Đồng Nai thời gian tới. * Nhiệm vụ Phân tích làm rõ một số vấn đề lý luận về phát triển kinh tế nông nghiệp. Đánh giá thực trạng phát triển phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai. Đề xuất phương hướng và giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai thời gian tới. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài * Đối tượng nghiên cứu Phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai * Phạm vi nghiên cứu Về không gian: Luận văn tập trung nghiên cứu sự phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Về thời gian: Luận văn tập trung phân tích, nghiên cứu khảo sát số liệu, tư liệu từ năm 2006 đến nay. 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của đề tài * Phương pháp luận Luận văn vận dụng phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam và thực tiễn phát triển kinh tế nông nghiệp ở nước ta. Tiếp thu có chọn lọc các kết quả nghiên cứu về phát triển kinh tế nông nghiệp của các tác giả trong nước để vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, dựa vào các báo cáo tổng kết, số liệu thống kê kinh tế 9
  • 12. của Uỷ ban nhân dân, Cục Thống kê, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai đã được công bố từ năm 2006 đến nay. * Phương pháp nghiên cứu Trên cơ sở phương pháp luận biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác - Lênin, đề tài sử dụng phương pháp trừu tượng hóa khoa học, kết hợp lô-gic với lịch sử và một số phương pháp khác như: Thống kê, so sánh, phân tích, tổng hợp, khảo sát thực tiễn và chuyên gia để giải quyết nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra. 6. Ý nghĩa của đề tài Luận văn góp phần làm sáng tỏ thêm một số vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai. Kết quả nghiên cứu của Luận văn có thể làm tài liệu tham khảo trong nghiên cứu và giảng dạy môn Kinh tế chính trị Mác - Lênin, làm tài liệu tham khảo để Đồng Nai và các địa phương xây dựng chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế nông nghiệp . 7. Kết cấu của đề tài Ngoài phần mở đầu luận văn gồm 03 chương (6 tiết), kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục. 10
  • 13. Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ KINH NGHIỆM VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP 1.1. Kinh tế nông nghiệp và vai trò của phát triển kinh tế nông nghiệp 1.1.1. Kinh tế nông nghiệp và phát triển kinh tế nông nghiệp * Khái niệm nông nghiệp Nông nghiệp được hiểu theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Nông nghiệp theo nghĩa rộng, là tổ hợp các ngành gắn liền với các quá trình sinh học bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp (trồng và khai thác bảo vệ tài nguyên rừng), ngư nghiệp (đánh bắt và nuôi trồng thủy sản). Thực tiễn cho thấy, trong một thời gian dài của lịch sử nông nghiệp là một ngành kinh tế chủ yếu của hầu hết các quốc gia. Nông nghiệp là khu vực duy nhất sản xuất ra lương thực, thực phẩm nuôi sống con người. Nông nghiệp theo nghĩa rộng thường được sử dụng trong phân tích mối quan hệ với công nghiệp và dịch vụ. Theo nghĩa hẹp, nông nghiệp bao gồm trồng trọt và chăn nuôi. Trong trồng trọt lại bao gồm: trồng cây lượng thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu, cây thức ăn cho chăn nuôi, cây rau củ…Trong chăn nuôi bao gồm: chăn nuôi gia súc, gia cầm… Sản phẩm của nông nghiệp thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng hằng ngày của con người, là nguyên liệu cho công nghiệp và dược liệu cho chữa bệnh, sức kéo cho sản xuất và vận tải…Trong phạm vi luận văn này, tác giả nghiên cứu nông nghiệp theo nghĩa rộng. * Khái niệm kinh tế nông nghiệp Các nhà kinh điển Mác - Lênin đã nghiên cứu những vấn đề lí luận cơ bản về phát triển kinh tế nông nghiệp. C.Mác đã chỉ ra rằng việc chuyển xã hội từ nền kinh tế tự nhiên, sinh tồn, tự cấp, tự túc sang nền kinh tế hàng hóa là một tất yếu. Chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp tự cấp, tự túc chậm phát triển sang nền kinh tế 11
  • 14. nông nghiệp hàng hóa phát triển. Trong lý luận của C.Mác về phân công lao động xã hội và sự hình thành các ngành kinh tế quốc dân, C.Mác khẳng định nông nghiệp là một ngành sản xuất vật chất. Ông cho rằng sự phân công lao động mà trước hết là trong nông nghiệp nói riêng và trong các ngành kinh tế nói chung là cơ sở chung của mọi nền sản xuất hàng hóa. Cơ sở của sự phân công đó là: Sự tách rời giữa chăn nuôi và trồng trọt, giữa nông nghiệp và công nghiệp, sự xuất hiện nhiều ngành nghề khác nhau và giữa thành thị với nông thôn. Những sự tách rời đó xảy ra khi nào? Điều đó chỉ có được khi có sự nâng cao năng suất lao động xã hội, đặc biệt là trong nông nghiệp, tức nông nghiệp phải đạt tới một trình độ phát triển nhất định. V.I.Lênin là người kế thừa học thuyết Mác và phát triển trong điều kiện lịch sử mới. Trong tác phẩm "Chủ nghĩa tư bản phát triển ở Nga", Ông đã phân tích sự giải thể của công xã nông thôn dẫn đến một sự phân hóa và phân tầng xã hội ở nông thôn, tới sự mở rộng sản xuất hàng hóa và do đó tới chủ nghĩa tư bản. Tư tưởng cơ bản của V.I.Lênin ở đây là nhấn mạnh tới tầm quan trọng của sự giải thể nền sản xuất truyền thống và sản xuất hàng hóa là con đường dẫn đến sự phát triển. Ông còn nhấn mạnh đến sự xuất hiện một thứ chủ nghĩa tư bản trong nông nghiệp tức là phát triển một nền nông nghiệp thương phẩm. Hồ Chí Minh, người vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam cho rằng phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng và cần phải ưu tiên hàng đầu. Phải có một nền nông nghiệp phát triển thì công nghiệp mới phát triển mạnh. Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính. Nếu không phát triển nông nghiệp thì không có cơ sở để phát triển công nghiệp, vì nông nghiệp cung cấp nguyên liệu, lương thực cho công nghiệp và tiêu thụ hàng hóa của công nghiệp làm ra. Do đó,“Phát triển nông nghiệp là cực kỳ quan trọng” [16, tr 554]. 12
  • 15. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông thôn với phát triển KT-XH nước ta trong thời kỳ quá độ. Vì Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế nước ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịch thì nước ta thịnh. Trên cơ sở nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông thôn, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến phát triển nông nghiệp. Người nói: Người thì có hai chân. Kinh tế một nước thì có hai bộ phận chính: nông nghiệp và công nghiệp. Người không thể thiếu một chân, thì nước không thể thiếu một bộ phận kinh tế. Bác còn nhấn mạnh: “Nông nghiệp không phát triển thì công nghiệp cũng không phát triển được” [16, tr 619]. Tóm lại, kinh tế nông nghiệp là một ngành sản xuất vật chất đặc biệt quan trọng với sự phát triển của xã hội loài người nói chung. Với những nước đang trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông nghiệp càng có vai trò quan trọng hơn. Phát triển kinh tế nông nghiệp phải phát triển toàn diện cả những điều kiện kinh tế vật chất và những quan hệ kinh tế - xã hội của nó. Từ sự phân tích trên cho thấy, kinh tế nông nghiệp là một ngành kinh tế của quốc dân, bao gồm toàn bộ các yếu tố vật chất cấu thành lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất tương ứng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. * Phát triển kinh tế nông nghiệp Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin, phát triển là một quá trình vận động từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ chưa hoàn thiện đến ngày càng hoàn thiện. Phát triển kinh tế nông nghiệp là quá trình biến đổi lâu dài của ngành nông nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội. Thực chất của sự 13
  • 16. phát triển là khả năng thích ứng của kinh tế nông nghiệp trong mọi kiểu tổ chức sản xuất xã hội. Do đó, phát triển kinh tế nông nghiệp không chỉ tăng lên về mặt số lượng, cơ cấu mà điều quan trọng là tăng lên về mặt chất lượng, trong quá trình phát sinh, phát triển của nó. Từ sự tiếp cận trên, dưới góc độ kinh tế chính trị, tác giả cho rằng: Phát triển kinh tế nông nghiệp là tổng thể cơ chế, chính sách, biện pháp nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng toàn diện kinh tế nông nghiệp với quy mô, cơ cấu sản xuất hợp lý, theo yêu cầu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hay địa phương trong từng giai đoạn.. Phát triển kinh tế nông nghiệp ở Đồng Nai là một quá trình tác động có chủ đích, có định hướng của Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân trong tỉnh nhằm huy động các nguồn lực phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh làm chuyển biến các yếu tố cấu thành của kinh tế nông nghiệp theo hướng ngày càng hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển kinh tế nông nghiệp bao gồm có ba nhân tố cơ bản: Một là: kinh tế nông nghiệp là một bộ phận của kinh tế hàng hóa, một kiểu tổ chức kinh tế - xã hội trong nông nghiệp, gắn với trình độ nhất định của LLSX và phân công lao động xã hội. Đây là nhân tố xác định vị trí của kinh tế nông nghiệp trong nền kinh tế hàng hóa nói chung. Hai là: Sản phẩm sản xuất ra dùng để trao đổi, mua bán trên thị trường. Đây là yếu tố thể hiện tính chất cơ bản của nền kinh tế nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu cơ bản của một nền kinh tế hàng hóa, kinh tế thị trường. Ba là: Sự trao đổi, mua bán nông phẩm vừa thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng xã hội, vừa có lợi nhuận cho người sản xuất để tái sản xuất mở rộng và hiện đại hóa nông nghiệp. Đây là nhân tố nói lên mục đích của sản xuất KTNN. 14
  • 17. Có thể nói rằng, sự ra đời và phát triển kinh tế nông nghiệp là một tất yếu, là một bước tiến bộ của lịch sử nhân loại, một nấc thang phát triển mà mọi quốc gia dù sớm hay muộn đều phải trải qua. Cho nên, với những quốc gia chủ yếu dựa vào ngành nông nghiệp, trong xu thế hội nhập hiện nay, để tăng trưởng, việc phát triển nền kinh tế nông nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Tóm lại, phát triển kinh tế nông nghiệp là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể có liên quan và trực tiếp là người nông dân, lực lượng lao động chủ yếu trong nông nghiệp; đối tượng của sự phát triển bao gồm các yếu tố thuộc LLSX và QHSX tương ứng trong nông nghiệp mà trước hết là người lao động, nguồn nhân lực trong nông nghiệp, tư liệu sản xuất trong nông nghiệp và các hình thức tổ sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế trong nông nghiệp; mục đích của hoạt động này nhằm gia tăng về số lượng, phát triển chất lượng và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp hợp lý . Đây là nội dung căn bản có quan hệ biện chứng tác động qua lại lẫn nhau trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong đó sự gia tăng về số lượng là đòi hỏi khách quan, sự phát triển về chất lượng là yêu cầu then chốt và sự biến đổi hợp lý về cơ cấu là điều kiện đảm bảo. Chỉ khi nào chúng ta chuẩn bị và bảo đảm được các nguồn lực tốt nhất cho sự phát triển này một cách đầy đủ, đồng bộ thì mới có một nền nông nghiệp phát triển đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước, bảo đảm tăng cường quốc phòng, an ninh. 1.1.2. Nội dung và vai trò phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai * Nội dung phát triển kinh tế nông nghiêp Phát triển KTNN là nội dung quan trọng của quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn và quá trình thực hiện chủ trương của Chính phủ trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Đông Nai. Căn cứ vào nội 15
  • 18. dung CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về “Đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn trong thời kỳ 2001- 2010”; Nghị quyết trung ương 7 khóa X về “Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn”; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2006 - 2010 của Đại hội X, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 của Đại hội XI; căn cứ vào Định hướng chiến lược phát triển kinh tế ở Việt Nam và căn cứ vào tình hình điều kiện thực tế ở tỉnh Đồng Nai, cùng hệ thống các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới theo quy định của Chính phủ; nội dung phát triển kinh tế nông nghiệp Đồng Nai được xác định như sau: Một là, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế nông nghiệp trên mọi phương diện, (giá trị gia tăng, sản lượng tuyệt đối, đa dạng, cây trồng vật nuôi…). Hai là, coi trọng đổi mới, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ trong nông nghệp. Ba là, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tiến bộ, hiện đại, được biểu hiện thông qua tỷ trọng cơ cấu ngành nông - lâm - ngư nghiệp; cơ cấu giữa chăn nuôi và trồng trọt; giữa khai thác - chế biến - nuôi trồng thủy hải sản; giữa trồng rừng - khai thác - chế biến; tỷ trọng giá trị nông phẩm xuất khẩu trong cơ cấu giá trị xuất khẩu.... gắn với phát triển kinh tế nông thôn. Bốn là, phát triển nền nông nghiệp sạch gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường... Năm là, coi trọng giải quyết vấn đề xã hội trong quá trình phát triển. * Vai trò của phát triển kinh tế nông nghiệp Thứ nhất, phát triển kinh tế nông nghiệp góp phần tạo tiền đề quan trọng bảo đảm thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH. 16
  • 19. Nông nghiệp cung cấp lương thực, thực phẩm, bảo đảm nhu cầu ăn, nhu cầu cơ bản của con người. Bởi vì, như trên đã phân tích, nông nghiệp và công nghiệp là hai chân của nền kinh tế, một bộ phận cơ thể nằm trong chỉnh thể kinh tế quốc dân thống nhất bảo đảm cho sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội đất nước và của mỗi địa phương. Cho dù nước ta, cũng như Đồng Nai có cơ bản trở thành nước hay địa phương công nghiệp theo hướng hiện đại, và dù có phát triển tới đâu; dù tỷ lệ lao động trong nông nghiệp giảm xuống do năng suất lao động trong nông nghiệp tăng lên như thế nào thì nông nghiệp vẫn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng là đáp ứng nhu cầu ăn, nhu cầu cơ bản của con người. Thực tiễn trên thế giới và nước ta đã khẳng định, đói nghèo, an ninh lương thực là nguy cơ của mọi cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội. Nông nghiệp ổn định, bền vững thì đất nước và mỗi địa phương mới phồn vinh, hạnh phúc, ổn định kinh tế, chính trị; quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc. Thứ hai, phát triển kinh tế nông nghiệp góp phần thực hiện công nghiệp hóa, đô thị hóa tại chỗ. Cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình đô thị hóa. Ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới hai quá trình này thường diễn ra đồng thời, song hành cùng nhau. Trong điều kiện đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn hiện nay, phát triển kinh tế nông nghiệp sẽ thực hiện được quá trình CNH, HĐH tại chỗ; gắn bó tại chỗ công nghiệp với nông nghiệp và dịch vụ. Vấn đề đô thị hóa sẽ được giải quyết theo cách thức đô thị hóa tại chỗ, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động nông nghiệp, nông thôn; hạn chế việc di dân cơ học ra các thành phố, các trung tâm công nghiệp lớn. Sự phát triển này góp phần giảm sức ép về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đô thị; giảm sự phân hóa thu nhập, chênh lệch kinh tế và đời sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, địa phương trong nước nhất là giữa vùng phát triển và vùng kém phát triển hơn. 17
  • 20. Thứ ba, phát triển kinh tế nông nghiệp tạo cơ sở vật chất cho phát triển văn hóa nông thôn. Kinh tế là cơ sở nền tảng vật chất của văn hóa, chính trị, tinh thần. Trong mối quan hệ nội tại của nông nghiệp, nông thôn, đời sống văn hóa, tinh thần của cư dân nông thôn, nông nghiệp chỉ có thể phát triển dựa trên nền tảng phát triển của kinh tế nông thôn nói chung và kinh tế nông nghiệp nói riêng. Nông thôn, nông nghiệp nước ta vốn là vùng đan xen của văn hóa, sản xuất và sinh hoạt còn nhiều phân tán, nhiều hủ tục lạc hậu cùng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được lưu giữ và phát triển hàng ngàn đời với nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Vì vậy, phát triển kinh tế nông nghiệp sẽ tạo điều kiện để vừa giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, vừa bài trừ văn hóa lạc hậu, vừa tổ chức tốt việc xây dựng và phát triển đời sống văn hóa tinh thần góp phần xây dựng nông thôn mới. Thứ tư, phát triển kinh tế nông nghiệp góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, thực hiện xóa đói giảm nghèo. Những năm đổi mới vừa qua, nước ta đã dành được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với sự phát triển đô thị, nông nghiệp, nông thôn tốc độ phát triển vẫn chậm hơn. Tỷ lệ lao động được đào tạo, nhất là với những lao động trung tuổi ít, việc áp dụng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp chậm và khó khăn hơn các ngành kinh tế khác; năng suất lao động nông nghiệp thường thấp. Vì vậy, phát triển kinh tế nông nghiệp sẽ góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân nông thôn, thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững. Thứ năm, phát triển kinh tế nông nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. 18
  • 21. Toàn cầu hóa kinh tế là một xu thế khách quan, quá trình này đang bị các nước tư bản phát triển và các tập đoàn tư bản xuyên quốc gia chi phối vừa tác động tích cực vừa tác động tiêu cực, vừa hợp tác vừa đấu tranh. Trong xu thế ấy, đòi hỏi đất nước phải tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đi đôi với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Phát triển kinh tế nông nghiệp ở nước ta cũng không nằm ngoài xu thế và những yêu cầu chung đó. Cụ thể hơn, trong tiến trình hội nhập khu vực và quốc tế, nông phẩm của Việt Nam, doanh nghiệp nông nghiệp và ngành nông nghiệp nước ta phải cạnh tranh rất quyết liệt. Vì vậy, để đứng vững và phát triển trong hội nhập, phát triển nông nghiệp là con đường tất yếu để đáp ứng yêu cầu đó. * Các nhân tố tác động đến phát triển kinh tế nông nghiệp Một là, công tác quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp Để kinh tế nông nghiệp Đồng Nai phát triển phải dựa vào nhiều thành tố, trong đó có khung pháp lý hoàn chỉnh. Cụ thể là một chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách không ngừng được bổ xung, hoàn thiện, sát, đúng với đòi hỏi của thực tiễn bảo đảm sự phát triển bền vững của kinh tế nông nghiệp cả trước mắt và lâu dài. Công tác quy hoạch phát triển kinh tế nói chung và công tác quy hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp nói riêng có vai trò vô cùng quan trọng, nó là quá trình tổng kết kinh nghiệm và vận dụng lý luận vào thực tiễn sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, các yếu tố như đất đai, vốn, thị trường, khoa học và công nghệ, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực... đều được khai thác, sử dụng theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, định hướng bởi cơ chế, chính sách vĩ mô và đều có tác động trực tiếp đến số lượng, chất lượng, cơ cấu của kinh tế nông nghiệp theo hai chiều hướng tích cực và tiêu cực. Cụ thể là, công tác quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách bảo đảm cho phát triển kinh tế nông nghiệp tiến bộ, khoa học, phù hợp với thực tiễn, sẽ mở đường, hỗ trợ, hậu thuẫn tích cực cho kinh tế nông nghiệp phát triển; ngược 19
  • 22. lại công tác quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách bảo đảm cho phát triển kinh tế nông nghiệp lạc hậu, xa rời thực tiễn không những không làm cho kinh tế nông nghiệp phát triển mà còn cản trở sự phát triển của kinh tế nông nghiệp. Hai là, nhận thức về yêu cầu phát triển kinh tế nông nghiệp trong hệ thống chính trị Hiệu quả của phát triển kinh tế nông nghiệp phụ thuộc vào kết quả hoạt động thực tiễn của từng cá nhân và mỗi tổ chức trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động phát triển kinh tế nông nghiệp. Kết quả hoạt động thực tiễn phụ thuộc vào nhiều nhân tố, trong đó nhân tố đầu tiên, đóng vai trò quyết định chính là trình độ nhận thức của mỗi cá nhân và từng tổ chức hoạt động trực tiếp hoặc gián tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp. Bởi vì, nhận thức đúng là cơ sở cho hành động đúng. Có nhận thức đúng cùng với thống nhất về nhận thức thì hệ thống chính trị, nhất là cá nhân và các tổ chức hoạt động kinh tế nông nghiệp ở Đồng Nai mới thấy hết được vị trí, vai trò và tính chất quan trọng của phát triển kinh tế nông nghiệp đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở Đồng Nai trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Trên cơ sở thống nhất về nhận thức đi đến thống nhất về nội dung, biện pháp thực hiện trong hoạt động thực tiễn. Vì vậy, cần phải nâng cao và thống nhất về nhận thức trong toàn hệ thống chính trị đối với việc phát triển kinh tế nông nghiệp nhằm đạt hiệu quả cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở Đồng Nai và xu thế mở cửa hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế hiện nay. Ba là, chất lượng nguồn nhân lực và hệ thống kêt cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 -2020) theo tinh thần nghị quyết đại hội XI Đảng cộng sản Việt Nam đối với toàn quốc nói chung, Nghị quyết Đại hội lần thứ IX nhiệm kỳ (2010-2015) Đảng bộ tỉnh Đồng Nai nói riêng, yêu cầu cần tập trung vào ba khâu đột phá quan trọng đó là: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính. Phát triển nhanh 20
  • 23. nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn. Vì Vậy, nguồn nhân lực và kêt cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp của Đồng Nai là điều kiện cần thiết, không thể thiếu được, mang tính chất quyết định đến sự phát triển kinh tế nông nghiệp cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Do đó, kinh tế nông nghiệp Đồng Nai chỉ có thể phát triển tốt khi yếu tố nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp không ngừng được nâng cao về mặt chất lượng, bảo đảm vững chắc cho sự phát triển đó. Bốn là, hoạt động liên kết “Bốn nhà”: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông Đây là một nhân tố quan trọng tác động đến quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay. Thực hiện tốt nội dung này không những góp phần phát triển số lượng, chất lượng, cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo xu hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, mà còn góp phần giảm thiểu đáng kể những rủi ro trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp ở Đồng Nai. Trong đó: Nhà Nước, cụ thể là Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND tỉnh Đồng Nai là chủ thể ban hành đường lối, chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế nông nghiệp. Doanh nghiệp, tổ chức thực hiện việc ứng dụng thành tựu của khoa học và công nghệ vào sản xuất các sản phẩm như máy móc, phân bón, thuốc trừ sâu, con giống, cây trồng, vật nuôi... cung ứng cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời tham gia thu mua, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhà khoa học, thực hiện việc nghiên cứu, chuyển giao những thành tựu của khoa học và công nghệ cho các chủ thể hoạt động kinh tế nông nghiệp. Nhà nông, với tư cách là các chủ thể trực tiếp tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp. Việc liên kết bốn nhà cũng diễn ra theo hai xu hướng: xu hướng tích cực sẽ thúc đẩy kinh tế 21
  • 24. nông nghiệp phát triển. Ngược lại, xu hướng tiêu cực sẽ kìm hãm sự phát triển của kinh tế nông nghiệp. Năm là, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội phục vụ cho phát triển kinh tế nông nghiệp Sản phẩm của nông nghiệp mang nặng tính tự nhiên, hiệu quả của phát triển kinh tế nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương. Việc khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương phục vụ cho phát triển kinh tế nông nghiệp sẽ trở thành lợi thế so sánh của Đồng Nai trong quá trình quảng bá thương hiệu cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của nông phẩm hàng hóa trong nền kinh tế thị trường cũng như quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Vì vậy, vấn đề đặt ra Đồng Nai cần có một cơ chế, chính sách hết sức mềm dẻo, linh hoạt trong việc khai thác các tiềm năng, lợi thế của mình về tự nhiên, xã hội phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn phát triển kinh tế nông nghiệp đang đặt ra hiện nay. 1.2. Kinh nghiệm phát triển kinh tế nông nghiệp ở một số nước và bài học rút ra cho Đồng Nai Nước ta phát triển kinh tế nông nghiệp có những điều kiện bên ngoài và bên trong khác với các nước trên thế giới. Tuy vậy, nghiên cứu những bài học kinh nghiệm về phát triển kinh tế nông nghiệp của các nước trên thế giới lại trở nên cần thiết cho sự sáng tạo của nước ta nói chung, Đồng Nai nói riêng tránh được những giáo điều sao chép và ảnh hưởng của chủ nghĩa kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn. 1.2.1. Kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp ở các nước châu Á * Kinh nghiệm Hàn Quốc Nước này mở đầu công nghiệp hóa vào cuối thập kỷ 50, đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX và đã hoàn thành công nghiệp hóa khoảng 30 năm. Bài học tổng quát của Hàn Quốc về chính sách nông nghiệp trong công nghiệp hóa là giải 22
  • 25. quyết mối quan hệ giữa kinh tế với chính trị ở nông thôn, giữa công nghiệp với nông nghiệp. Đây cũng là vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập rất nhiều. Lần thứ nhất, với chính sách "hy sinh" nông nghiệp (kèm giá nông sản thấp hơn giá thành) để thực hiện công nghiệp hóa, làm cho mức sống nông thôn giảm sút, nên đã gây ra làn sóng di dân từ nông thôn ra thành thị (khoảng 1,3 triệu người) từ 1955-1960. Bối cảnh đó đã là nhân tố đưa đến cuộc đảo chính quân sự của Pắc Chung Hy (5-1961). Chính quyền mới đã thi hành nhiều chính sách có lợi cho nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu là về tài chính, tín dụng, nên đã ổn định nông nghiệp, nông thôn và tạo ra thị trường nội địa rộng lớn cho công nghiệp hóa, cải thiện đời sống cho hàng chục triệu nông dân. Lần thứ hai, khi Hàn Quốc chuyển hướng thực hiện chiến lược công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu, chính quyền thực hiện trả lương thấp cho công nhân và trở lại kìm giá nông sản, hạ thấp mức sống của nông dân, nông thôn. Vì vậy, một làn sóng mới chừng 1,4 triệu cư dân nông thôn lại đổ ra thành thị, gây nhiều khó khăn cho đô thị. Bối cảnh đó đã thúc đẩy một cuộc nổi dậy tự phát của dân chúng vào tháng 8-1971. Do sức ép bên trong và bên ngoài (quan hệ Nam - Bắc Triều Tiên) Chính phủ buộc phải trở lại vấn đề nông nghiệp, nông thôn với "Chương trình phát triển nông thôn" gồm bốn nội dung chính như: (1) Tăng vốn vay cho nông dân (từ 1,3 tỷ Won năm 1969 lên 78 tỷ Won năm 1974; (2) Mua ngũ cốc với giá cao ở nông thôn và bán giá hạ cho thành thị; (3) Thay giống lúa cũ bằng giống lúa mới năng suất cao; (4) Khuyến khích xây dựng hợp tác xã sản xuất và đội lao động sửa chữa đường xá, cầu cống, nhà ở. Những chính sách này có những kết quả tích cực, nhưng sau đó đã bộc lộ nhược điểm trợ giá mua lúa gạo cao đã gây ra thâm hụt ngân sách lớn, xây dựng hợp tác xã và đội lao động theo mệnh lệnh hành chính khiến nông dân bất mãn. Đó là bối cảnh gây ra tình hình chính trị - xã hội căng thẳng, đưa đến cuộc đảo chính quân sự của Chun Đô Hoan vào 12-1979. Tiếp đó, chịu sức ép của chính sách ngoại thương với Mỹ, đã làm cho nông nghiệp Hàn Quốc đình đốn. Từ năm 1975-1985 bình quân thu nhập của 23
  • 26. một hộ nông dân tăng 6,6 lần, trong khi số nợ mà họ đi vay tăng 63 lần. Tình hình chính trị căng thẳng đã buộc Chính phủ Hàn Quốc phải đưa ra "kế hoạch tổng thể về phát triển nông nghiệp, nông thôn" tháng 4-1989 và đề ra "Mười năm cải tiến cơ cấu nông thôn" nhằm công nghiệp hóa nông nghiệp, đào tạo lại nguồn nhân lực ở nông thôn, mở rộng quy mô các nông trại, nâng cao đời sống dân cư nông thôn lên ngang với mức bình quân của một hộ làm công ăn lương ở đô thị. * Kinh nghiệm Thái Lan Nhìn lại quá trình cải cách, công nghiệp hóa của Thái Lan mấy thập kỷ qua, có thể rút ra mấy vấn đề: Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất châu Á, nhưng phần lớn nông dân nhiều thời kỳ lâm vào thiếu đói, vì 85% số hộ nông dân không có ruộng đất, chịu lĩnh canh và làm thuê. Giai cấp địa chủ chống lại chính sách hạn chế tập trung ruộng đất của Chính phủ. Thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, Thái Lan đã tập trung 95% nguồn vốn Nhà nước cho xây dựng cơ sở hạ tầng và công nghiệp, nên coi nhẹ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và bảo vệ tài nguyên. Tập trung xây dựng công nghiệp ở một số đô thị (80% cơ sở công nghiệp ở Băng Cốc và phụ cận) đã phá hủy sự cân bằng về bố trí không gian lãnh thổ, đưa đến mở rộng sự ngăn cách về trình độ phát triển giữa các vùng, nhất là đô thị với nông thôn. Phần lớn nông dân bị bần cùng hóa, đưa đến phong trào đấu tranh của nông dân. Tình hình trên là một trong những nhân tố dẫn tới khủng hoảng chính trị - xã hội (5 Chính phủ thay nhau trong vòng 7 năm từ năm 1973 đến năm 1980). Về sau, nhờ đề xuất của một nhóm nhà khoa học xã hội hàng đầu, Chính phủ đề ra chiến lược mới "Chiến lược phát triển có lựa chọn", đặt trọng tâm vào phát triển nông nghiệp, tạo tiền đề vững chắc cho công nghiệp hóa, trong đó khâu then chốt là phát triển công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm như sợi dây liên kết công nghiệp với nông nghiệp, nhờ đó đã lấy lại thế cân bằng trong phát triển kinh tế trong thập kỷ 80. Như vậy, bài học của Thái Lan cũng xoay quanh mối quan hệ nông nghiệp với công nghiệp, nông thôn với đô thị. Mối quan hệ này giải quyết như thế nào tùy thuộc vào giai cấp cầm quyền. Do đó, vấn đề hệ thống chính trị phải trở 24
  • 27. thành nhân tố bên trong của sự phát triển, chứ không phải là nhân tố đứng bên trên, bên ngoài. * Kinh nghiệm Đài Loan Do vấn đề chính trị đặt ra, đòi hỏi chính quyền Đài Loan tìm ra chính sách kinh tế - xã hội phù hợp để tồn tại. Sức ép đó có lẽ là động lực quan trọng để Đài Loan trở thành mô hình giải quyết quan hệ giữa công nghiệp hóa với nông nghiệp, nông thôn thành công hơn cả trong số những nước công nghiệp mới. Chỉ trong vòng 3 thập kỷ, Đài Loan đã từ một vùng nông nghiệp kém phát triển trở thành một trong mấy "con rồng" châu Á. Từ năm 1952-1990, sản lượng nông nghiệp tăng 4,5 lần, về giá trị tăng từ 700 triệu USD lên 12 tỷ USD, riêng nông sản xuất khẩu tăng từ 114 triệu USD lên hơn 4 tỷ USD. Những thành tựu dành được trong phát triển nông nghiệp của Đài Loan là nhờ vào việc giải quyết đúng đắn, hài hòa các vấn đề như: Đem lại ruộng đất cho nông dân, tạo điều kiện hình thành các trang trại gia đình quy mô nhỏ. Đến năm 1991, tổng số trang trại lên đến 823.256 trang trại với quy mô trung bình là 1,08 ha/trang trại. Đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp và công nghiệp hóa nông thôn. Nhờ đó nông dân có tích lũy để thực hiện nền nông nghiệp đa canh, đồng thời mấy chục vạn lao động nông nghiệp đã làm ngành nghề khác. Nhờ cơ sở nông nghiệp, nông thôn phát triển đã tạo môi trường vì điều kiện cho sản lượng công nghiệp tăng 50 lần từ 1952-1990. Đầu tư cho kết cấu hạ tầng kỹ thuật và cả hạ tầng xã hội để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó kinh tế thị trường nông thôn rộng khắp, điều kiện sản xuất và sinh hoạt ở nông thôn khác trước, giáo dục bắt buộc từ 6-9 năm, tỷ lệ tăng dân số giảm dần (từ 3,2% năm 1962 xuống 1,5% năm 1985). Chú ý phát triển đồng đều giữa các vùng trong nước, không tập trung quá mức vào các khu công nghiệp và đô thị. Tính đến đầu thập kỷ 80, Đài Loan chỉ có 17,7% cơ sở công nghiệp đặt ở 5 thành phố lớn (trái lại, ở Thái Lan trên 80% cơ sở công nghiệp tập trung ở Băng Cốc...), 42% đặt ở vùng phụ cận, 32% đặt ở nông thôn. Đó là một không gian hợp lý của công nghiệp hóa. Nhờ đó, mức thu nhập không chênh lệch lớn: 20% dân số giàu nhất, dân số nghèo nhất thì năm 1950 tỷ lệ là 15/1 đã giảm xuống còn 4/1 vào những 25
  • 28. năm 1990. Có nhiều biện pháp sử dụng ruộng đất phù hợp với yêu cầu từng bước phát triển nông nghiệp. Công nghiệp hóa nông nghiệp đòi hỏi mở rộng quy mô sản xuất để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mà không đụng chạm đến quyền sở hữu ruộng đất trang trại, nhưng chuyển quyền sử dụng cho người khác mở rộng quy mô canh tác. Phương thức này vốn là sáng kiến của nông dân, sau được thể chế hóa trong "Luật Phát triển Nông nghiệp" (1983). Để mở rộng quy mô sản xuất, ngoài phương thức ủy thác, nông dân còn áp dụng hình thức làm chung các công việc như làm đất, thu hoạch, mua bán giữa các hộ, hình thức tổ chức dịch vụ, hội khuyến nông trở thành phổ biến. Một số nơi đã tổ chức hợp tác xã sản xuất thử nghiệm, nhưng không được nông dân hưởng ứng. 1.2.2. Bài học kinh nghiệm rút ra cho phát triển kinh tế nông nghiệp ở Đồng Nai Một là, cần có sự nhận thức đúng đắn, thống nhất và đồng thuận trong đánh giá về vị trí, vai trò, ý nghĩa của phát triển kinh tế nông nghiệp trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia nói chung, Đồng Nai nói riêng trong toàn hệ thống chính trị. Trước hết là ở đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tiếp theo, là cụ thể hóa thành cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn. Cần có chính sách đất đai phù hợp; chính sách tài chính, tín dụng tích cực nhằm khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp; chính sách giá cả hỗ trợ đầu vào và đầu ra cho sản xuất nông nghiệp đúng đắn; chính sách đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế nông nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu của phát triển nông nghiệp hàng hóa… Trên cơ sở đó, thống nhất về nội dung, biện pháp chỉ đạo trong hoạt động thực tiễn. Hai là, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại trong phát triển kinh tế nông nghiệp là một trong những điều kiện để nâng cao hiệu quả của kinh tế nông nghiệp; là tiền đề, cơ sở để nâng cao năng lực cạnh tranh, hạ giá thành nông phẩm hàng hóa; là cơ sở để nâng cao năng suất, chất lượng nông phẩm; điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế nông nghiệp đạt hiệu quả cao đáp ứng xu thế mở cửa hội nhập kinh tế khu 26
  • 29. vực và quốc tế. Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Bởi vì, suy cho cùng, con người, nguồn nhân lực vẫn là nhân tố giữ vai trò quyết định trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Người lao động là chủ thể của quá trình sản xuất; bằng thể lực, tri thức, kinh nghiệm của mình người lao động sử dụng tư liệu lao động trước hết là công cụ lao động tác động vào đối tượng lao động để sản xuất ra của cải vật chất. Trong quá trình sản xuất, tri thức, kỹ năng, kinh nghiệm của người lao động ngày càng được nâng cao. Ngày nay trước sự phát triển của cách mạng khoa học - công nghệ thì lao động trí tuệ đóng vai trò ngày càng quan trọng. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, khai thác tốt tiềm năng lao động địa phương, bảo đảm tiền công, thu nhập hợp lý cho người lao động là đòi hỏi bức thiết. Vì ngày nay hoạt động kinh tế nông nghiệp, không đơn giản chỉ cần lao động phổ thông với công cụ sản xuất thủ công lạc hậu như trước, mà cần phải có một tỷ lệ thích đáng lao động đã qua đào tạo có trình độ tay nghề nhất định, để sử dụng có hiệu quả những thiết bị máy móc trong sản xuất nông nghiệp. Bốn là, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đặc biệt là cho phát triển công nghiệp chế biến nông phẩm. Đây chính là lời giải có sức thuyết phục nhất của bài toán giải quyết đầu ra cho nông phẩm hàng hóa; cùng với nó cần chú trọng giải quyết phát triển cân đối, hài hòa giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ không được quá đề cao, tuyệt đối hóa hoặc xem nhẹ bất cứ nghành kinh tế nào trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiện nay. Đồng thời giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và đô thị theo phương châm “ly nông bất ly hương”. Bên cạnh đó, hết sức chú trọng tạo sự liên kết vùng thành không gian kinh tế thống nhất trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Năm là, phát triển lực lượng sản xuất đi đôi với xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất nông nghiệp phù hợp. Cùng với phát triển nguồn nhân lực và nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ vào phát triển kinh tế nông nghiệp là quá trình tìm tòi, thử nghiệm vừa làm vừa rút kinh nghiệm trong 27
  • 30. xây dựng những mô hình mới trong tất cả các phân ngành kinh tế nông nghiệp: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… với mục tiêu cuối cùng là khai thác tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của địa phương để phát triển kinh tế nông nghiệp đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài trong xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Đồng Nai. * * * CNH, HĐH nông nghiệp là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời là nội dung quan trọng trong thực hiện định hướng chiến lược phát triển KTNT bền vững ở Đồng Nai, không chỉ phù hợp với xu hướng phát triển chung mà còn là một đòi hỏi tất yếu khách quan trong nội tại tỉnh nhà. Nó cho phép phát huy tối đa mọi nguồn lực và lợi thế so sánh để tất cả các ngành nghề phát triển một cách hài hòa, vững chắc vừa bảo đảm tăng trưởng liên tục, ổn định, đồng thời vừa bảo đảm về mặt xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Vì vậy, để tiếp tục thực hiện đường lối CNH, HĐH nông nghiệp của tỉnh cần tiến hành khảo sát thực tiễn phát triển kinh tế nông nghiệp một cách khoa học, toàn diện. Trên cơ sở đó, đánh giá thành tựu, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân của thành tựu, hạn chế cũng như những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu giải quyết trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp của Đồng Nai thời gian tới. 28
  • 31. Chương 2 THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP Ở TỈNH ĐỒNG NAI 2.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai 2.1.1. Đặc điểm về điều kiện tự nhiên Tỉnh Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thuộc Đông Nam Bộ, có diện tích tự nhiên là 5.862,37 km2 (bằng 1,76% diện tích tự nhiên cả nước và 25,5% diện tích tự nhiên vùng Đông Nam Bộ). Phía Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng và Bình Dương; phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận; phía Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh. Đồng Nai có hệ thống giao thông thuỷ bộ, đường sắt nối liền với các địa phương khác trong cả nước, có sân bay quân sự Biên Hoà, là địa bàn trọng yếu về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng, có vị trí quan trọng trong sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gắn kết vùng Đông Nam Bộ với Tây Nguyên. Tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh là 586.237 ha. Trong tổng diện tích đất tự nhiên, diện tích đất nông nghiệp chiếm 49,1%, diện tích đất lâm nghiệp chiếm 30,4%, diện tích đất chuyên dùng chiếm 13%, diện tích đất khu dân cư chiếm 2,1%, diện tích đất chưa sử dụng chiếm 5,4%. Chính vị trí địa lý thuận lợi là tiền đề, điều kiện cho phép KT-XH nói chung, kinh tế nông nghiệp của Đồng Nai nói riêng phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, do tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh dẫn đến đất đai phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, kéo theo đó là những khó khăn, trở ngại trong tiến hành sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện nay. năm là điều kiện thích hợp cho phát triển cây trồng nhiệt đới, đặc biệt là các cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao. Điều kiện địa lý, khí hậu thuận lợi là một 29
  • 32. trong những yếu tố thuận lợi để góp phần vào quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp ở Đồng Nai. 2.1.2. Đặc điểm về kinh tế - xã hội Tính đến hết tháng 6 năm 2014, dân số toàn tỉnh Đồng Nai đạt gần 2.768.867 người, mật độ dân số đạt 485 người/km² .Trong đó dân số sống tại thành thị đạt gần 1.000.000 người, dân số sống tại nông thôn đạt gần 2.000.000 ngườihttp://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%93ng_Nai - cite_note-dsnongthong2011-18. Dân số nam đạt gần 1.400.000 người, trong khi đó nữ đạt gần 1.600.000 người. Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương tăng 12,0 %. Đồng Nai có tháp dân số trẻ, dân số trong độ tuổi lao động 65,54% (Khoảng 1,83 triệu lao động), lực lượng lao động có trình độ văn hoá khá, quen với tác phong công nghiệp, cần cù và cầu tiến. Tỷ lệ lao động được đào tạo trên tổng số lao động đang làm việc khoảng 53%. Đây chính là điều kiện thuận lợi để tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung, kinh tế nông nghiệp nói riêng. Về kinh tế, tổng sản phẩm quốc nội GDP của tỉnh tăng bình quân 13,2%/năm. Trong đó nông - lâm nghiệp - thủy sản tăng 4,5%/năm; GDP bình quân đầu người đến năm 2010 là 29,6 triệu đồng [10, tr.13]; năm 2011, mức tăng trưởng GDP đạt 13,32%, quy mô GDP theo giá thực tế là 96.820 tỷ đồng, GDP bình quân đầu người đạt 1.789 USD; năm 2012, tăng trưởng GDP đạt 12,1%, cao hơn 2,4 lần so với mức tăng GDP 5,03% của cả nước. Đây chính là nguồn lực quan trọng để tái đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nói chung, kinh tế nông nghiệp nói riêng. Riêng khu vực nông thôn, KTNN có sự đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Với 9/11 huyện là khu vực nông thôn, có tăng 30
  • 33. trưởng kinh tế ổn định, tăng đều qua hằng năm; cơ cấu kinh tế - xã hội khu vực nông thôn chuyển địch theo hướng CNH, HĐH và bước đầu đi vào xây dựng nông thôn mới. Các ngành công nghiệp và dịch vụ phát triển mạnh ở khu vực nông thôn, tạo điều kiện để thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Phát triển KTNN trên địa bàn Tỉnh gắn liền với phát triển nông nghiệp là chủ yếu và cơ cấu nông nghiệp đã được phát triển theo hướng hiện đại hoá, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp ổn định. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ là chủ yếu, nông - lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng thấp hơn. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo những quy luật của quá trình công nghiệp hóa. Mức tăng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội có tốc độ bình quân cao đạt (19,1%/năm). Đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế nông nghiệp của Đồng Nai. Kết cấu hạ tầng toàn tỉnh khá phát triển và toàn diện. Trong đó, kết cấu hạ tầng cơ sở khu vực nông thôn có sự phát triển và đầu tư đúng mức. Hệ thống giao thông có trên 948,4 km đường các loại, đầu tư xây dựng hoàn thiện các tuyến đường liên xã, 531,8 km. Hệ thống điện và lưới điện khá hoàn chỉnh, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cung cấp điện an toàn, ổn định và chất lượng phục vục cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của dân cư. Mạng lưới bưu chính viễn thông đã thực hiện phủ sóng trên phạm vi toàn tỉnh; 100% thôn, xã đều có hệ thống điện thoại, 100% xã vùng nông thôn được cáp quang hóa, cung cấp dịch vụ thông tin di động, internet băng thông rộng và truyền số liệu tốc độ cao, đảm bảo đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo và liên lạc trực tiếp, nhanh chóng và thuận lợi cho các vùng, khu vực. Hệ thống cơ sở giáo dục được phát triển đồng bộ, mạng lưới y tế được tỉnh đầu tư phát triển khá mạnh, đảm bảo phục vụ tốt việc khám, chữa bệnh cho nhân dân. Có thể khẳng định rằng, với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật; kinh tế - xã hội thuận lợi 31
  • 34. sẽ là cơ sở, tiền đề, hậu thuẫn tích cực, có hiệu quả cho phát triển kinh tế nông nghiệp ở Đồng Nai. Tóm lại: Những điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội cơ bản tạo thuận lợi cho tỉnh Đồng Nai khai thác, sử dụng phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp có hiệu quả. 2.2. Thực trạng phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai những năm qua 2.2.1. Thành tựu và nguyên nhân phát triển kinh tế nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai * Thành tựu phát triển KTNN ở tỉnh Đồng Nai Một là, nông nghiệp có tốc độ tăng trưởng đều và ổn định góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân, thực hiện xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp mặc dù gặp những khó khăn do đất sản xuất nông nghiệp thu hẹp dần, thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh phát sinh, giá vật tư tăng nhanh làm cho chi phí đầu vào tăng cao, trong khi giá tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không ổn định... Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, UBND, các cơ quan chức năng sở, ban, ngành đã tập trung chỉ đạo, đề ra các giải pháp hiệu quả, phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên, đất đai, thổ nhưỡng của từng địa phương, từng vùng để khắc phục khó khăn, hạn chế thiệt hại và đưa sản xuất nông nghiệp nói riêng và kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển ổn định, tăng cả về diện tích, sản lượng và giá trị. Cụ thể: Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt mức tăng trưởng bình quân là 5,6% trong giai đoạn 2006 - 2011 (kế hoạch tăng là 5,2%); trong đó nông nghiệp tăng 4,9%, lâm nghiệp tăng 11,7%, thủy sản tăng 12%. [39,Tr.03] Năm từ 2010 - 2013, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp gặp một số khó khăn như dịch bệnh phát 32
  • 35. sinh, giá tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giảm, trong khi giá vật tư nông nghiệp (xăng dầu, phân bón, thuốc trừ sâu) và giá thức ăn giá súc, gia cầm tăng cao; đất sản xuất nông nghiệp thu hẹp để chuyển sang phát triển các ngành phi nông nghiệp. Nhưng nhờ tập trung làm tốt việc phòng chống dịch hại trên cây trồng, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, tiêm phòng cho gia súc gia cầm, đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ phục vụ nông nghiệp; chú trọng thực hiện chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực của từng địa phương... nên sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, góp phần vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế, nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn tỉnh Đồng Nai. Sản xuất nông nghiệp và thủy sản dần đi vào chiều sâu với năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng lên. Năm 2010, giá trị sản xuất nông nghiệp giá thực tế (trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ) thu được trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 57,13 triệu đồng/ha tăng 3,1 lần so với năm 2005, hệ số sử dụng đất nông nghiệp tăng từ 1,27 lần lên 1,37 lần. Theo đó, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản năm 2010 đạt 7.791,820 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp là 7.021 tỷ đồng (trồng trọt là 4.564,950 tỷ đồng; chăn nuôi là 2.166,550 tỷ đồng). Năm 2011 (theo giá cố định 1994) là 8.248,7 tỷ đồng, tăng 4,9% so với năm 2010. Năm 2012 là 8.561,8 tỷ đồng, tăng 3,8% so với năm 2011. 6 tháng đầu năm 2013 là 4.147 tỷ đồng, tăng 3,5% so cùng kỳ; cả năm 2013 là 8.861 tỷ đồng, tăng 3,5% so với năm 2012. Tốc độ tăng bình quân 3 năm 2011-2013 là 4,1%. Riêng về nông nghiệp: Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trưởng bình quân 3 năm 2011 - 2012 là 4,2%. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập của người nông dân. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi theo lộ trình kế hoạch. Về trồng trọt, nhiều diện tích trồng lúa đã được chuyển đổi sang trồng bắp và các cây lương thực khác nhằm thích ứng với điều kiện thiếu nước về mùa khô. Sâu bệnh hại cây trồng hàng năm có phát sinh nhưng đều được xử lý kịp thời; 33
  • 36. người nông dân đã thực hành sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như: Viet GAP, tưới nước tiết kiệm, bón phân qua đường ống…. Do chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, cung ứng kịp thời phân, thuốc, giống, củng cố hồ đập, tổ chức nạo vét kênh mương và triển khai sâu rộng công tác khuyến nông nên hầu hết năng suất các loại cây trồng chủ yếu năm 2012 tăng khá so với năm 2010 như: lúa đạt 50,16 tạ/ha, tăng 7,89%; bắp đạt 64,13 tạ/ha, tăng 8,45%; mỳ đạt 246,04 tạ/ha, tăng 0,87%; rau các loại đạt 246,04 tạ/ha, tăng 4,39%; xoài đạt 94,79 tạ/hạ, tăng 0,3%; sầu riêng đạt 78,98 tạ/ha tăng 12,5%; cà phê đạt 18,43 tạ/ha, tăng 2,4%; tiêu đạt 20,77 tạ/ha, tăng 0,6%; điều đạt 11,01 tạ/ha, tăng 8,9%... Cơ cấu diện tích gieo trồng thay đổi theo hướng tăng diện tích các cây công nghiệp lâu năm như điều, hồ tiêu, cà phê... và các cây ăn quả đặc sản như sầu riêng, xoài, bưởi.... giảm diện tích các cây hàng năm trong đó lúa giảm khoảng 10 nghìn ha. Do năng suất tăng nên sản lượng lúa năm 2011 vẫn được duy trì khá ổn định ở mức 336.223 tấn. Thực hiện Chương trình phát triển các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực giai đoạn 2006 - 2010, toàn tỉnh đã hình thành một số vùng chuyên canh cây trồng chủ lực như vùng bưởi Tân Triều (Vĩnh Cửu); xoài La Ngà, Phú Ngọc (Định Quán), Xuân Hưng, Suối cao (Xuân Lộc); sầu riêng Long Khánh, Xuân Lộc; cà phê Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Long Khánh; hồ tiêu Xuân Thọ (Xuân Lộc), Tân Phú. Năm 2011, sản lượng cà phê nhân đạt 31.393 tấn, hạt điều 50.074 tấn, tiêu hạt 13.318 tấn, cao su mủ khô 41.497 tấn. Về chăn nuôi, những năm qua mặc dù chịu ảnh hưởng của những khó khăn chung do dịch bệnh phát sinh thường xuyên, giá tiêu thụ sản phẩm giảm, trong khi giá thức ăn tăng nhanh, nhưng nhờ thực hiện các biện pháp khuyến khích phát triển các mô hình chăn nuôi đa dạng và tiên tiến, tích cực áp dụng kỹ thuật nên vẫn duy trì được tổng đàn gia súc, gia cầm. Năm 2011, đàn heo đạt 1.329,32 nghìn con, tăng 56,32 nghìn con (tăng 4,4%) [39, tr.224]. Chăn nuôi cơ bản phát 34
  • 37. triển theo hướng tập trung, hình thành phương thức chăn nuôi công nghiệp, bán công nghiệp tăng khả năng giữ gìn vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Chất lượng đàn giống được nâng lên, đa số giống gốc được ngoại nhập. Chăn nuôi gia cầm phát triển mạnh, số lượng gia cầm tăng từ gần 4,65 triệu con lên 9,3 triệu con, trong đó gà chiếm 8,9 triệu con. Chăn nuôi trâu, bò có chiều hướng giảm do giá thức ăn chăn nuôi tăng và diện tích chăn thả thu hẹp, số lượng trâu, bò giảm từ 92,7 nghìn con xuống 84,6 nghìn con trong đó bò có gần 80,7 nghìn con. So sánh năm 2010 với năm 2006, sản lượng thịt heo hơi tăng từ 132.613 tấn năm 2006 lên 197.406 tấn năm 2010. Đàn dê tăng lên 47,8 nghìn con. Sản lượng thịt hơi gia súc xuất chuồng và thịt gia cầm giết bán vẫn tăng bình quân 5,1%/năm, đạt khoảng 201 nghìn tấn trong năm 2010. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng và thịt giết mổ các loại gia súc, gia cầm năm 2011 đạt 222.564 tấn; năm 2012 đạt 234.935 tấn, đáng chú ý là thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 116 tấn, thịt bò hơi xuất chuồng đạt 5.541 tấn, thịt heo hơi xuất chuồng 177.871 tấn, thịt gia cầm giết mổ 51.407 tấn. Đối với thủy sản, phong trào nuôi trồng thủy sản trong tỉnh phát triển khá mạnh với các phương thức nuôi phong phú, có sự đầu tư lớn và nhờ thị trường tiêu thụ thuận lợi nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giá trị sản xuất chủ yếu là nuôi trồng thủy sản chiếm trên 90% giá trị sản xuất toàn ngành. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh năm 2011 đạt 33.063 ha, tăng không nhiều so với năm 2006 (2528 ha), trong đó chủ yếu là diện tích nuôi nước ngọt với 31.433 ha (tăng 1880 ha). Năm 2010, tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng và đánh bắt đạt 39,6 nghìn tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng chiếm 91,2% với đối tượng nuôi chủ yếu là các giống cá nước ngọt có nhu cầu thị trường lớn. Năm 2011, sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá nhanh đạt 37.582 tấn, tăng 28% so với năm 2006, trong đó sản lượng cá đạt 33.134 tấn, tăng 61,2%; sản lượng tôm đạt 4448 tấn, tăng 3,5 35
  • 38. lần [42, tr.59]. Tính tổng sản lượng thủy sản cả nuôi trồng và đánh bắt năm 2011 đạt 42.758 tấn và năm 2012 đạt 43.933 tấn. Đối với lâm nghiệp, do thực hiện tốt công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ phòng chống cháy rừng và tích cực trồng rừng, trong những năm qua, được sự chỉ đạo tập trung quyết liệt của tỉnh, sự phối hợp giữa các ngành, địa phương, đơn vị liên quan trong việc tuyên truyền, giáo dục, tuần tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm đã mang lại kết quả tích cực trong công tác bảo vệ rừng. Diện tích rừng được quản lý bảo vệ tốt, tình hình vi phạm về quản lý rừng giảm so với trước, không xảy ra vi phạm có tính chất nghiêm trọng, phức tạp. Hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến lâm sản, gây nuôi động vật hoang đã được hướng dẫn, kiểm tra ngày càng chặt chẽ, từng bước đi vào nề nếp, trật tự theo quy định. Công tác phát triển rừng được quan tâm đúng mức, từ năm 2006 đến nằm 2011 đã trồng mới được 10.875 ha rừng tập trung, diện tích rừng trồng phân tán là 3343 ha; diện tích rừng được chăm sóc là 43.960 ha. Tổng diện tích rừng toàn tỉnh tăng từ 155.225 ha (năm 2006) lên 168.805 ha (năm 2011); trong đó rừng tự nhiên là 111.633 ha (chiếm 66,13%); rừng trồng là 57.172 ha (chiếm 33,87%). Tỷ lệ che phủ rừng và che phủ cây xanh được duy trì ổn định, đến năm 2011 tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 29,76%, đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra; tỷ lệ cây xanh đạt 54,5% [19, tr.59]. Về giải quyết việc làm: Xét trên địa bàn toàn tỉnh, từ năm 2008-2010 đã giải quyết việc làm cho 236.112 lượt lao động. Giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị từ 2,6% cuối năm 2010 xuống mức 2,57% vào cuối năm 2012. Năm 2013 tỷ lệ thất nghiệp thành thị là 2,54%. Tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn từ 89% vào cuối năm 2010 lên 90,5% vào cuối năm 2013. Năm 2011-2013, tỉnh đã giải quyết việc làm cho 158.114 lao động ở khu vực nông thôn. Giải quyết việc làm thông qua các chương trình kinh tế - xã hội là 150.114 người, trong đó có 105.000 lao động từ nông thôn đến các khu công nghiệp làm việc và các dịch vụ 36
  • 39. phi nông nghiệp, lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội khác 45.114 người. Chương trình cho vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn vốn Chương trình 120 là 8.000 người. Tính đến tháng 6/2013, đã tổ chức chiêu sinh và dạy nghề cho 29.853 lao động nông thôn, trong đó có 18.201 người học nghề phi nông nghiệp và 11.652 người học nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Về công tác đào tạo, dạy nghề: Trong năm 2008-2011 đã tuyển mới, đào tạo, dạy nghề cho 173.449 lao động; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của toàn tỉnh từ 52% cuối năm 2010 lên 58% vào cuối năm 2012; ước thực hiện năm 2013 tỷ lệ lao động qua đào tạo là 60%. dựng nông thôn mới dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí và tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn đạt 48,1% vào cuối năm 2013 và có 31/34 xã đã đạt được tỷ lệ này. Theo kết quả điều tra lao động việc làm năm 2011 cho thấy chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh còn thấp, nhất là khu vực nông thôn, tỷ lệ lao động không có chuyên môn kỹ thuật chiếm 42% - 50%; lao động nông nhàn còn lớn, chỉ mới sử dụng 60% quỹ thời gian trong năm. Nhìn chung nguồn lao động ở nông thôn của tỉnh rất dồi dào, đây là một lợi thế nhưng cũng là sức ép đối với nền kinh tế. Vì vậy, những kết quả nêu trên là thành tích rất đáng trân trọng. Đóng góp vào thành tích này phải kể đến sự cố gắng vượt bậc của các cơ sở dạy nghề nhất là các cơ sở dạy nghề nông thôn trong tỉnh. Đến cuối năm 2012, toàn tỉnh có 8.284 cơ sở nghành nghề nông thôn, tăng 4% so với năm 2011, giải quyết công ăn việc làm cho 30.404 lao động nông thôn tăng 3%, giá trị sản lượng ước đạt 1.945.680 triệu đồng tăng 6% so với năm 2011. Phối hợp với UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hoà tập trung thực hiện 9 dự án đã được phê duyệt với tổng vốn đầu tư khoảng 30,890 tỷ đồng như: Đề án khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm của người Châu Mạ huyện Tân Phú; Đề án phát triển nghề gỗ mỹ 37
  • 40. nghệ trên địa bàn huyện Trảng Bom giai đoạn 2008 - 2013; Đề án phát triển nghề mây tre đan trên địa bàn huyện Định Quán giai đoạn 2008 - 2013; Đề án khôi phục và phát triển nghề đúc gang trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu; Đề án khôi phục và phát triển nghề sản xuất, chế biến nấm các loại trên địa bàn thị xã Long Khánh; Đề án Duy trì và phát triển nghề tre trúc trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu giai đoạn 2011-2015; Đề án phát triển nghề gỗ mỹ nghệ trên địa bàn huyện Xuân Lộc giai đoạn 2011-2015; Đề án khuyến công tại các khu tái định cư; Đề án phát triển nghề dệt lưới xã Suối Nho, huyện Định Quán giai đoạn 2011 - 2015. Về giảm nghèo: Thực hiện chủ trương giảm nghèo của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, năm 2005, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-HĐND và năm 2011 đã ban hành Nghị quyết số 176/NQ-HĐND về chương trình giảm nghèo trên địa bàn. Điều này cho thấy, công tác giảm nghèo đã được tỉnh quan tâm thực hiện từ rất sớm. So với chuẩn nghèo được HĐND tỉnh quy định tại Nghị quyết số 176/NQ-HĐND áp dụng cho giai đoạn 2011-2015, ở Đồng Nai thì khu vực thành thị thu nhập từ 850.000 đồng/người/tháng, khu vực nông thôn thu nhập từ 650.000 đồng/người/tháng trở xuống, toàn tỉnh có 42.520 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,62% so với tổng số hộ dân [39, tr.5-6]; năm 2012 toàn tỉnh có 22.517 hộ nghèo, chiếm 3,5% so với hộ dân. Đến cuối năm 2012, giảm khoảng 9.160 hộ nghèo (giảm 1,42%), hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,5% vào cuối năm 2012, đạt 100,98% so với kế hoạch năm. Cụ thể tỉnh đã thực hiện lồng ghép hỗ trợ cho 11.410 lượt lao động hộ nghèo được tập huấn khuyến nông, biết cách làm ăn phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề với kinh phí thực hiện 11.529 triệu đồng. So với kế hoạch đạt 103% về số lượt hộ nghèo được hướng dẫn cách làm ăn và 74% về số tiền thực hiện. Trong 4 năm 2006 - 2009, dạy nghề cho 5.591 người nghèo với kinh phí 6.113 triệu đồng; trong đó dự án dạy nghề riêng cho người nghèo đã dạy nghề cho 350 người nghèo với kinh phí 415 triệu đồng, so với kế hoạch đạt 281% lượt người được đào tạo nghề và 229% kinh phí thực hiện. 38
  • 41. Năm 2011- 2013, toàn tỉnh đã tổ chức cho gần 16.755 lượt hộ nghèo vay vốn, với số tiền 239.783 triệu đồng để phát triển sản xuất; đồng thời đã tổ chức dạy nghề cho 1.839 người nghèo với kinh phí 4 tỷ đồng; cấp 337.876 thẻ BHYT miễn phí cho người nghèo với số tiền 148 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện các giải pháp như: miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp khác, vận động xây dựng được 1.325 căn nhà tình thương và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả cho các hộ nghèo. Sau 03 năm thực hiện giảm được 28.286 hộ và đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 6,22% năm 2011 còn 1,9% vào cuối năm 2013 và có 80/136 xã đạt tiêu chí này. Hai là, chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng tiến bộ, hợp lí, tổ chức sản xuất kinh doanh của hợp tác xã và trang trại phát triển, cơ cấu ngành nghề nông thôn chuyển dịch tích cực. Trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh, cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng 30,11% trong tổng GDP địa phương, trong đó riêng lâm nghiệp 1,31%, thủy sản 8,58%. Trong nội bộ ngành nông nghiệp, trồng trọt chiếm 65,02%; trong đó, cây hàng năm 22,8%; cây lâu năm, cây ăn trái 42,01%; sản phẩm phụ trồng trọt 0,20%); chăn nuôi chiếm 30,86% (trong đó, gia súc 22,97%; gia cầm 5,38%; chăn nuôi khác, sản phẩm không giết mổ và sản phẩm phụ chăn nuôi 2,5%); dịch vụ chiếm 4,12%. Chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp tiếp tục theo xu hướng tích cực, cơ cấu chăn nuôi đã tăng từ 27,35% năm 2006 lên 34,67% năm 2011; trồng trọt có xu hướng tăng giá trị sản xuất cây lâu năm từ 59,41% lên 63,93%. Giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản trên 01 ha đất năm 2011 đạt 68,9 triệu đồng, tăng 2,56 lần so với năm 2006, trong đó giá trị trồng trọt đạt 66,05 triệu đồng, tăng 2,52 lần [42, tr.53]. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích (ha) năm 2013 đạt 85,58 triệu đồng/ha theo giá thực tế; tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2010 - 2013 là 18,55%/năm theo giá thực tế; tốc độ tăng bình quân theo giá cố 39
  • 42. định năm 1994 giai đoạn 2009 - 2013 là 7,7% (năm 2010 đạt 57,13 triệu đồng/ha). vượt mục tiêu Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra (bình quân 4,2%/năm theo giá cố định năm 1994). Thu nhập bình quân đầu người năm 2013 ước đạt 32 triệu đồng/người/năm, tăng 13,5 triệu đồng so với 2010 (năm 2010 đạt 18,5 triệu đồng/năm). Đối với các huyện, tốc độ chuyển dịch cơ cấu ngành nghề hộ nông thôn từ nông - lâm - thủy sản sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ rõ rệt nhất là ở huyện Trảng Bom và huyện Nhơn Trạch. Hai huyện này, số hộ nông - lâm - thủy sản đều dưới 40% tổng số hộ nông thôn, đặc biệt huyện Nhơn Trạch chưa đến 30%. Tuy nhiên, ở các huyện Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc tốc độ chuyển dịch cơ cấu ngành nghề hộ nông thôn từ nông lâm - thủy - sản sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ qua 5 năm 2006 - 2011 cũng có diễn ra nhưng ở mức độ không đáng kể. Cơ cấu hộ nông thôn phân theo thu nhập chính cũng có xu hướng chuyển dịch tương tự theo ngành, nghề. Năm 2011, tỷ lệ hộ có nguồn thu nhập chính từ nông - lâm - thủy sản chiếm 36,5% (giảm 14,66% so với năm 2006); tỷ lệ hộ có nguồn thu nhập chính từ công nghiệp, xây dựng đạt 34,63% (tăng 12,02%); tỷ lệ có nguồn thu nhập chính từ dịch vụ đạt 25,35% (tăng 2,33%) [39. tr.27]. Xu hướng này diễn ra ở hầu hết các huyện nhưng với mức độ khác nhau. Kinh tế nông nghiệp phát triển nên cơ cấu ngành, nghề của lao động nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch nhanh hơn so với cơ cấu ngành, nghề của hộ. Sự chuyển dịch đó có liên quan trực tiếp đến quy mô và tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động ở khu vực này. Năm 2011 số người trong độ tuổi có khả năng lao động ở khu vực nông thôn là 965.772 người, tăng 200.271 người (tăng 26,16%) so với năm 2006 (cả nước tăng 4,5% và khu vực Đông Nam Bộ tăng 19,13%). Tỷ lệ số người trong tuổi lao động có khả năng lao động thực tế có làm việc trong 12 tháng phân theo lao động chính năm 2011 như sau: lao động nông - lâm - thủy sản 40
  • 43. chiếm 33,24%, giảm đáng kể so với mức 49,11% năm 2006; trong đó riêng ngành nông nghiệp chiếm 32,16% (năm 2006 là 47,78%); tỷ trọng lao động công nghiệp, xây dựng lần lượt ở các năm 2011, 2006 là 37,57%, 25,08%; tỷ lệ lao động dịch vụ là 15,46% và 8,04% ở 2 năm tương ứng [39, tr.27]. Có thể khẳng định, Tỉnh đã xây dựng và hỗ trợ phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn nhất là phát triển loại hình kinh tế hợp tác xã. Năm 2011-2013, toàn tỉnh đã thành lập mới 67 HTX, trong đó có 12 HTX thành lập mới trên địa bàn xã 34 xã nông thôn mới. Củng cố 111 HTX; giải thể 24 HTX. Đến nay, toàn tỉnh có 255 HTX và 2 Liên hiệp HTX, với tổng vốn điều lệ gần 1.192 tỷ đồng với trên 76.100 xã viên, giải quyết việc làm cho trên 7.100 lao động thường xuyên và lao động thời vụ, trong đó có 80 hợp tác xã, 01 liên hiệp HTX phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhiều HTX đã mở rộng quy mô, phát triển đa ngành nghề, chú trọng đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nhờ đó nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm, tăng giá trị khi tiêu thụ, giúp sản phẩm các HTX thâm nhập vào thị trường thuận lợi. Các HTX mới thành lập có quy mô lớn, đội ngũ cán bộ quản lý HTX có trình độ năng lực và kinh nghiệm sản xuất kinh doanh. Hoạt động của Quỹ trợ vốn HTX đã giải quyết phần nào khó khăn về vốn cho các HTX. Kết quả đánh giá đến cuối năm 2013, trên toàn tỉnh số hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đạt 73%; hợp tác xã trung bình 13% và hợp tác xã yếu, kém 8%; hợp tác xã chưa xếp loại do mới thành lập chiếm 6% và có 98/136 xã đạt chỉ tiêu này. Trong đó, đối với 34 xã xây dựng nông thôn mới đến năm 2015 hoàn thành 19/19 tiêu chí, số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả đạt 74,8% và có 28/34 xã đạt chỉ tiêu này. [42,Tr.10] Tổ hợp tác và câu lạc bộ trong nông nghiệp được chú trọng phát triển. Trong 3 năm từ 2011 đến tháng 6/2013 đã thành lập mới 117 tổ hợp tác, giải thể 41
  • 44. 33 tổ hợp tác. Tính đến 31/12/2013 toàn tỉnh có 760 câu lạc bộ và tổ hợp tác với 19.500 thành viên tham gia và có 2.350 lao động làm việc trên diện tích đất sản xuất đăng ký trên 15.540 ha; vốn góp là 1.745 triệu đồng. Toàn tỉnh hiện có 180 tổ hợp tác đăng ký theo Nghị định 151/CP chiếm 23,7% trên tổng số câu lạc bộ, tổ hợp tác của địa phương. Có 338 tổ hợp tác sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm theo định kỳ; 290 tổ hợp tác sinh hoạt không định kỳ và 95 tổ hợp tác không sinh hoạt. Trong đó, số tổ hợp tác trên địa bàn 34 xã xây dựng nông thôn mới là 235 tổ, chiếm 32,5%. Hiện có 31/34 xã có tổ hợp tác chiếm tỷ lệ 91,2 % trên tổng số xã xây dựng nông thôn mới; còn 3 xã chưa có tổ hợp tác gồm: Trị An (Vĩnh Cửu), Long Thọ, Long Tân (Nhơn Trạch). Tỷ lệ tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả đạt 68% tăng 13% so với năm 2010 và có 93/136 xã đạt tiêu chí này. Trong đó đối với 34 xã xây dựng nông thôn mới đến năm 2015 hoàn thành 19/19 tiêu chí, số tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả đạt 85,9% và có 32/34 xã đạt chỉ tiêu này. Loại hình kinh tế trang trại phát triển khá. Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp với nhiều thành phần kinh tế, trong đó khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác xã và kinh tế trang trại. Đến cuối năm 2011, trên toàn tỉnh mới chỉ có 1763 trang trại (theo tiêu chí quy định tại thông tư số 27/2001/TT-BNNPTN), trong đó trang trại nông nghiệp là chủ yếu với 1177 trang trại chiếm 66,76% tổng số trang trại toàn tỉnh. Số trang trại trồng trọt là 534, chiếm 30,27%; trang trại nuôi trồng thủy sản là 20, chiếm 1,13% [42, tr.15]. Tại thời điểm này, tổng số lao động thường xuyên của các trang trại là 6608 người, bình quân là 4 người/trang trại; tổng diện tích đất của trang trại là 8381 ha, bình quân 4,75 ha/trang trại; doanh thu trang trại năm 2011 là 4778 tỷ đồng, bình quân 2716 triệu đồng/trang trại; có 462 câu lạc bộ năng suất cao, với 12.560 thành viên, 174 tổ hợp tác với 4143 thành viên tham gia. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 2.428 trang trại sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Tính đến ngày 31/12/2013 toàn tỉnh cấp được 734 giấy 42