SlideShare a Scribd company logo
1 of 227
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
--------o0o-------
NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN
ẨN DỤ Ý NIỆM VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
TRONG TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC
Hà Nội, 2019
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
--------o0o-------
NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN
ẨN DỤ Ý NIỆM VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
TRONG TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT
Ngành, chuyên ngành : Ngôn ngữ học, so sánh đối chiếu
Mã số : 922 20 24
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS HÀ QUANG NĂNG
Hà Nội, 2019
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
TTCK: thị trường chứng khoán
ADYN: ẩn dụ ý niệm
CP: cổ phiếu
CS: chỉ số
v.d. ví dụ
DANH MỤC HÌNH
Hình 1.1: Các tương đồng ánh xạ của ẩn dụ TÌNH YÊU LÀ MỘT CUỘC
HÀNH TRÌNH.........................................................................................................26
Hình 1.2. Ánh xạ ẩn dụ ý niệm (Lakoff&Johnson,1980).....................................27
Hình 1.3. Các nhóm ẩn dụ ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng Anh
và tiếng Việt .............................................................................................................40
Hình 2.1. Ánh xạ ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ ĐỘNG
VẬT ..........................................................................................................................52
Hình 2.2. Ánh xạ ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỰC
VẬT ..........................................................................................................................59
Hình 2.3. Ánh xạ ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ LỬA ..63
Hình 2.4. Các ẩn dụ bậc dưới của ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG
KHOÁN LÀ CỖ MÁY trong bản tin thị trường chứng khoán tiếng Anh và
tiếng Việt…………………………………………………………………………..82
Hình 3.1: Lược đồ “đường đi”...............................................................................91
Hình 3.2: Ánh xạ ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỂ
THAO trong bản tin thị trường chứng khoán tiếng Anh và tiếng Việt ...........105
Hình 4.1. Ánh xạ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CƠ THỂ
NGƯỜI ..................................................................................................................120
Hình 4.2. Sơ đồ các nhóm ẩn dụ ý niệm về THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN
có miền nguồn là KHÔNG GIAN trong bản tin TTCK....................................130
DANH MỤC BẢNG
Bảng 2.1: Các tương đồng ánh xạ ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG
KHOÁN LÀ BIỂN ..................................................................................................44
Bảng 2.2. Các tương đồng ánh xạ của ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG
KHOÁN LÀ THỜI TIẾT .......................................................................................69
Bảng 2.3. Các tương đồng ánh xạ ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG
KHOÁN LÀ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG ...........................................................76
Bảng 2.4. Các tương đồng ánh xạ ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG
KHOÁN LÀ CỖ MÁY............................................................................................82
Bảng 3.1: Ánh xạ ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CUỘC
HÀNH TRÌNH trong bản tin TTCK.....................................................................92
Bảng 3.2: Các tương đồng ánh xạ ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG
KHOÁN LÀ SÂN KHẤU .......................................................................................99
Bảng 3.3: Các tương đồng ánh xạ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ
CHIẾN TRƯỜNG.................................................................................................111
MỤC LỤC
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
DANH MỤC HÌNH
DANH MỤC BẢNG
PHẦN MỞ ĐẦU........................................................................................................1
1. Tính cấp thiết của đề tài .......................................................................................1
2. Mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu...................................................2
2.1. Mục đích nghiên cứu..........................................................................................2
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu..........................................................................................3
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu và ngữ liệu khảo sát ........................................3
3.1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu......................................................................3
3.2. Ngữ liệu khảo sát ................................................................................................4
4. Phương pháp luận và Phương pháp nghiên cứu................................................5
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án...............................................................6
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án.............................................................6
6.1. Về mặt lí luận ......................................................................................................6
6.2. Về mặt thực tiễn ..................................................................................................6
7. Cấu trúc của luận án.............................................................................................6
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ..................................8
VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN...............................................................................................8
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu về ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn kinh tế .8
1.1.1 Tình hình nghiên cứu trên thế giới........................................................................8
1.1.2 Tình hình nghiên cứu tại Việt Nam .....................................................................18
1.2. Cơ sở lý thuyết về ẩn dụ ý niệm............................................................................20
1.2.1. Định nghĩa về ẩn dụ ý niệm................................................................................20
1.2.2. Thuyết ẩn dụ ý niệm (Conceptual Metaphor Theory) ........................................20
1.2.3. Các khái niệm và thuật ngữ liên quan đến ẩn dụ ý niệm...................................23
1.2.4. Ẩn dụ ý niệm và văn hoá......................................................................................31
1.2.5. Một số đặc trưng văn hoá của các nước nói tiếng Anh và của Việt Nam .........37
1.3. Khung cơ sở lý thuyết ............................................................................................37
1.4.Tiểu kết...............................................................................................................42
CHƯƠNG 2. ẨN DỤ Ý NIỆM VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN CÓ
MIỀN NGUỒN LÀ MÔI TRƯỜNG SỐNG TRONG BẢN TIN TIẾNG ANH
VÀ TIẾNG VIỆT ....................................................................................................43
2.1. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ BIỂN trong bản tin tiếng
Anh và tiếng Việt...........................................................................................................43
2.1.1. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ BIỂN trong bản tin tiếng
Anh..................................................................................................................................44
2.1.2. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ BIỂN trong bản tin tiếng
Việt ..................................................................................................................................48
2.1.3. Đối chiếu ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ BIỂN trong bản
tin tiếng Anh và tiếng Việt .............................................................................................50
2.2. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ ĐỘNG VẬT trong bản
tin tiếng Anh và tiếng Việt............................................................................................51
2.2.1. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ ĐỘNG VẬT trong bản tin
tiếng Anh ........................................................................................................................52
2.2.2. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ ĐỘNG VẬT trong bản tin
tiếng Việt.........................................................................................................................55
2.2.3. Đối chiếu ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ ĐỘNG VẬT
trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt ............................................................................56
2.3. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỰC VẬT trong bản tin
tiếng Anh và tiếng Việt .................................................................................................58
2.3.1. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỰC VẬT trong bản tin
tiếng Anh ........................................................................................................................59
2.3.2. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỰC VẬT trong bản tin
tiếng Việt.........................................................................................................................61
2.3.3. Đối chiếu ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỰC VẬT
trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt ............................................................................62
2.4. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ LỬA trong bản tin tiếng
Anh và tiếng Việt...........................................................................................................62
2.4.1. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ LỬA trong bản tin tiếng
Anh..................................................................................................................................64
2.4.2. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ LỬA trong bản tin tiếng
Việt ..................................................................................................................................66
2.4.3. Đối chiếu ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ LỬA trong bản
tin tiếng Anh và tiếng Việt .............................................................................................66
2.5. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỜI TIẾT trong bản tin
tiếng Anh và tiếng Việt .................................................................................................67
2.5.1. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỜI TIẾT trong bản tin
tiếng Anh ........................................................................................................................69
2.5.2. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỜI TIẾT trong bản tin
tiếng Việt.........................................................................................................................72
2.5.3. Đối chiếu ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỜI TIẾT
trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt ............................................................................74
2.6. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CÔNG TRÌNH XÂY
DỰNG trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt.............................................................76
2.6.1. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CÔNG TRÌNH XÂY
DỰNG trong bản tin tiếng Anh.....................................................................................77
2.6.2. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CÔNG TRÌNH XÂY
DỰNG trong bản tin tiếng Việt......................................................................................78
2.6.3. Đối chiếu ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CÔNG TRÌNH
XÂY DỰNG trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt.......................................................80
2.7. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CỖ MÁY trong bản tin
tiếng Anh và tiếng Việt .................................................................................................81
2.7.1. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CỖ MÁY trong bản tin
tiếng Anh ........................................................................................................................83
2.7.2 Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CỖ MÁY trong bản tin
tiếng Việt.........................................................................................................................86
2.7.3. Đối chiếu ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CỖ MÁY trong
bản tin tiếng Anh và tiếng Việt ......................................................................................88
2.8. Tiểu kết..............................................................................................................89
CHƯƠNG 3: ẨN DỤ Ý NIỆM VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN CÓ
MIỀN NGUỒN LÀ HOẠT ĐỘNG TRONG BẢN TIN TIẾNG ANH VÀ
TIẾNG VIỆT...........................................................................................................91
3.1 Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH
trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt..........................................................................91
3.1.1. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH
trong bản tin tiếng Anh..................................................................................................92
3.1.2. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH
trong bản tin tiếng Việt ..................................................................................................96
3.1.3. Đối chiếu ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CUỘC HÀNH
TRÌNH trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt...............................................................98
3.2. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ SÂN KHẤU trong bản tin
tiếng Anh và tiếng Việt .................................................................................................99
3.2.1. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ SÂN KHẤU trong bản tin
tiếng Anh ......................................................................................................................100
3.2.2. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ SÂN KHẤU trong bản tin
tiếng Việt.......................................................................................................................102
3.2.3. Đối chiếu ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ SÂN KHẤU
trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt ..........................................................................103
3.3. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỂ THAO trong bản tin
tiếng Anh và tiếng Việt ...............................................................................................104
3.3.1. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỂ THAO trong bản
tiếng Anh ......................................................................................................................105
3.3.2. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỂ THAO trong bản tin
tiếng Việt.......................................................................................................................108
3.3.3. Đối chiếu ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỂ THAO
trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt ..........................................................................108
3.4. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CHIẾN TRƯỜNG trong
bản tin tiếng Anh và tiếng Việt ..................................................................................110
3.4.1 Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CHIẾN TRƯỜNG trong
bản tin tiếng Anh..........................................................................................................112
3.4.2. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CHIẾN TRƯỜNG trong
bản tin tiếng Việt ..........................................................................................................114
3.4.3. Đối chiếu ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CHIẾN
TRƯỜNG trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt ........................................................117
3.5. Tiểu kết............................................................................................................118
CHƯƠNG 4: ẨN DỤ Ý NIỆM VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN CÓ
MIỀN NGUỒN LÀ CƠ THỂ NGƯỜI VÀ KHÔNG GIAN TRONG BẢN TIN
TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT ..........................................................................120
4.1 Ẩn dụ ý niệm về thị trường chứng khoán có miền nguồn là CƠ THỂ NGƯỜI
trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt........................................................................120
4.1.1 Ẩn dụ ý niệm TÌNH TRẠNG CỦA THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ TÌNH
TRẠNG SỨC KHOẺ SINH LÝ trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt......................121
4.1.2. Ẩn dụ ý niệm TÌNH TRẠNG CỦA THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ TÌNH
TRẠNG SỨC KHOẺ TÂM LÝ trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt.......................127
4.2. Ẩn dụ ý niệm về thị trường chứng khoán có miền nguồn là KHÔNG GIAN
trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt........................................................................129
4.2.1. Ẩn dụ ý niệm có miền nguồn là hướng LÊN-XUỐNG trong bản tin tiếng Anh
và tiếng Việt ..................................................................................................................130
4.2.2. Ẩn dụ ý niệm có miền nguồn là vị trí CAO-THẤP trong bản tin tiếng Anh và
tiếng Việt.......................................................................................................................135
4.2.3. Ẩn dụ ý niệm có miền nguồn là hướng RA-VÀO trong bản tin tiếng Anh và
tiếng Việt.......................................................................................................................139
4.3. Tiểu kết............................................................................................................142
PHẦN KẾT LUẬN................................................................................................144
TÀI LIỆU THAM KHẢO ....................................................................................148
PHỤ LỤC
1
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Ngôn ngữ học tri nhận bắt đầu hình thành từ những công trình nghiên cứu
trong thập kỷ 80 của thế kỷ 20 của các nhà ngôn ngữ học quan tâm tới mối quan hệ
giữa ngôn ngữ và tư duy với các học giả tiêu biểu như Charles Fillmore, George
Lakoff, Mark Johnson, Ronald Langacker, Leonard Talmy, Zoltan Kövecses, Gilles
Fauconnier, Gerard Steen…Với kiệt tác “Metaphor we live by” viết năm 1980,
Lakoff & Johnson đã phát triển Lý thuyết ẩn dụ ý niệm và trên cơ sở đó các nhà
ngôn ngữ học tri nhận phát triển và ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực như nghiên
cứu văn học, nghiên cứu pháp luật, ngôn ngữ học, triết học, kinh tế…Trong lĩnh vực
kinh tế, các nhà kinh tế học và ngôn ngữ học cũng đã tiếp tục chứng minh tầm quan
trọng của ẩn dụ nói chung và ẩn dụ ý niệm nói riêng đối với việc hiểu và truyền tải
các lý thuyết và hiện tượng kinh tế trừu tượng (Henderson [84], [85], [86], [87],
[88], [89]; Mc.Closkey [116], [117], [118]; Charteris-Black [42]; Oberlechner và
các cộng sự [125]; Chung [51], [52], [53]…). Từ khi ngôn ngữ học tri nhận được
đưa vào Việt Nam các nhà nghiên cứu bắt đầu quan tâm và đã có khá nhiều công
trình về ngôn ngữ học tri nhận với các tên tuổi như Lý Toàn Thắng [25], [26], [27],
[28], Trần Văn Cơ [2], Phan Thế Hưng [11]... Ẩn dụ ý niệm trong các lĩnh vực khác
nhau vẫn có sức hấp rất dẫn lớn, về thi ca có Nguyễn Thị Bích Hạnh [6], Phạm Thị
Hương Quỳnh [23]; về thành ngữ tục ngữ có Vi Trường Phúc [21], Trần Bá Tiến
[33], về diễn ngôn chính trị có Nguyễn Tiến Dũng [4] về lĩnh vực kinh tế có Hà
Thanh Hải [5], Phạm Thị Thanh Thuỳ [28]…Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi
có rất ít công trình nghiên cứu chuyên sâu về ẩn dụ ý niệm trong diễn ngôn thị
trường chứng khoán trong khi ngôn ngữ sử dụng để tường thuật, phân tích, bình
luận thị trường chứng khoán lại vô cùng sinh động và phong phú, chứa đựng rất
nhiều biểu thức ẩn dụ ý niệm về thị trường chứng khoán.
Như vậy khảo sát cho thấy lĩnh vực nghiên cứu về ẩn dụ ý niệm vẫn còn
nhiều khoảng trống. Hiện chưa có công trình nào nghiên cứu toàn diện và chuyên
sâu ẩn dụ ý niệm về “thị trường chứng khoán” trên ngữ liệu bản tin thị trường
chứng khoán theo ngày của tất cả các phiên giao dịch trong một năm, mà các nghiên
cứu trên thế giới đa số chỉ xử lý ngữ liệu bản tin tài chính nói chung. Hơn nữa ở
Việt Nam chưa có một nghiên cứu chuyên sâu nào về ẩn dụ ý niệm về “thị trường
chứng khoán” và đối chiếu ẩn dụ ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng Anh
và tiếng Việt. Vì vậy đây là khoảng trống lý luận cần thiết được lấp đầy. Nghiên
2
cứu so sánh đối chiếu của chúng tôi về ADYN trong ngôn ngữ của TTCK trên ngữ
liệu bản tin thị trường chứng khoán theo ngày sẽ là mảnh ghép tiếp theo vào bức
tranh nghiên cứu chung đó.
Về mặt thực tiễn, Việt Nam là nước đang phát triển khá nhanh về kinh tế,
nền tài chính tuy còn non trẻ nhưng đã sôi động với sự ra đời của thị trường chứng
khoán Việt Nam từ năm 2000. Tuy nhiên, ở Việt Nam TTCK hoạt động chuyên
nghiệp chỉ mới 10 năm nay nên có nhiều khái niệm trừu tượng còn khó hiểu với
nhiều người, và không phải ai cũng hiểu được các thuật ngữ cũng như nghĩa ngầm
ẩn của các biểu thức ADYN trong các diễn ngôn về TTCK. Vì vậy việc nghiên cứu
các biểu thức ẩn dụ ý niệm là cần thiết vì nó sẽ giúp hiểu biết đầy đủ và toàn diện về
lĩnh vực thị trường chứng khoán thông qua các ẩn dụ ý niệm.
Ngoài ra, thực tế cũng cho thấy khả năng ngôn ngữ TTCK trong tiếng Việt
chịu ảnh hưởng của tiếng Anh vì TTCK Việt Nam ra đời rất lâu sau TTCK thế giới
trên cơ sở kế thừa. Trên thế giới, TTCK đã hoạt động hàng trăm năm với sự ra đời
và phát triển mạnh mẽ đầu tiên với TTCK Anh và TTCK Mỹ từ thế kỷ 18 nên
tương ứng với nó là sự phát triển lâu đời của ngôn ngữ thị trường chứng khoán
trong tiếng Anh. Do đó khi TTCK Việt Nam ra đời tất yếu có sự tiếp thu các biểu
thức ngôn ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Việt dẫn đến nhiều tương đồng không chỉ
trong ngôn ngữ mà còn cả trong tư duy về TTCK ở hai ngôn ngữ. Mặt khác, cơ chế
tri nhận ngoài tính phổ quát vẫn mang đặc điểm văn hoá cụ thể và các yếu tố văn
hoá có thể gây ra các dị biệt trong việc sử dụng các biểu thức ẩn dụ ý niệm và gây
khó dễ cho người sử dụng ngôn ngữ. Do đó việc đối chiếu ngôn ngữ Anh và ngôn
ngữ Việt sẽ giúp tìm ra sự tương đồng và dị biệt của các biểu thức ẩn dụ ý niệm ở
hai ngôn ngữ, từ đó rõ hơn về mối liên hệ giữa văn hoá, tư duy, và ngôn ngữ giúp
cho độc giả và người sử dụng ngôn ngữ tự tin hơn, đồng thời cũng giúp ích cho việc
nghiên cứu liên văn hoá cũng như ứng dụng giảng dạy và dịch thuật ngôn ngữ thị
trường chứng khoán.
Chính vì những lý do nêu trên trên chúng tôi chọn đề tài “Ẩn dụ ý niệm về
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN trong tiếng Anh và tiếng Việt” cho công trình luận
án của mình nhằm làm sáng tỏ những khoảng trống về lý luận và thực tiễn đó.
2. Mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Luận án đề ra các mục đích nghiên cứu sau:
Trên cơ sở thống kê, miêu tả và phân tích các biểu thức ẩn dụ ý niệm trong
3
ngữ liệu bản tin thị trường chứng khoán tiếng Anh và tiếng Việt, luận án sẽ chỉ ra
những tương đồng và dị biệt của các biểu thức ẩn dụ ý niệm về thị trường chứng
khoán trong hai ngôn ngữ, từ đó tìm ra sự tương đồng và dị biệt về cơ sở tri nhận
của chúng trong tiếng Anh và tiếng Việt.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được các mục đích nghiên cứu trên, luận án cần tập trung giải quyết tốt
các nhiệm vụ sau:
a. Hệ thống hóa các quan điểm lí luận về ẩn dụ nhìn từ lý thuyết ngôn ngữ học
tri nhận trên thế giới và ở Việt Nam, qua đó xác lập cơ sở lí luận cho việc nghiên
cứu.
b. Xác lập các biểu thức ngôn ngữ của ẩn dụ ý niệm về thị trường chứng khoán
có trong ngữ liệu bản tin TTCK tiếng Anh và tiếng Việt, từ đó rút ra các loại ẩn dụ ý
niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng Anh và tiếng Việt.
d. Miêu tả, phân tích, đối chiếu các biểu thức ẩn dụ ý niệm về TTCK có trong
bản tin TTCK tiếng Anh và tiếng Việt trên cả ba bình diện: định lượng; ngữ nghĩa
và tri nhận; giao tiếp.
g. Giải thích các đặc điểm tương đồng và dị biệt dựa trên phương diện văn hoá
dân tộc, phần nào làm rõ mối liên hệ giữa văn hoá, tư duy và ngôn ngữ.
3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu và ngữ liệu khảo sát
3.1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là các biểu thức ẩn dụ ý niệm về thị trường
chứng khoán trong hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt.
Ngữ liệu nghiên cứu giới hạn trong phạm vi văn bản là các bản tin điện tử
hàng ngày về thị trường chứng khoán Mỹ và thị trường chứng khoán Việt Nam; và
trong khoảng thời gian phát hành giới hạn từ 1/1/2017-30/12/2017. Chúng tôi chỉ
khảo sát 762 bản tin tiếng Anh và 219 bản tin tiếng Việt, dựa trên ngữ liệu này với
miền đích xác định trước là THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN chúng tôi tìm được 16
miền nguồn.
Luận án chỉ miêu tả, phân tích, đối chiếu các ẩn dụ ý niệm rút ra từ các biểu
thức ẩn dụ có trong ngữ liệu, trong đó làm rõ cơ chế ánh xạ của từng loại ẩn dụ ý
niệm và cách thức tri nhận, phân tích nghĩa ẩn dụ của các đơn vị từ vựng và bàn
luận chức năng giao tiếp của các ẩn dụ đó.
4
Các tiêu chí đối chiếu hai chiều là ba bình diện của ẩn dụ ý niệm (ngữ nghĩa,
tri nhận, giao tiếp); ngoài ra còn có tiêu chí so sánh định lượng nhằm tìm ra tính nổi
trội của từng loại ADYN.
Vì các biểu thức ngôn ngữ trong tiếng Anh chúng tôi đưa ra minh hoạ được
rút ra nguyên gốc từ bản tin tiếng Anh không có phần dịch sang tiếng Việt nên
những phần dịch được chú trong ngoặc vuông trong các chương 2,3,4 là của tác giả
dịch ra dựa trên ngữ cảnh của toàn văn bản.
3.2. Ngữ liệu khảo sát
Chúng tôi đã tiến hành khảo sát trên 762 bản tin tiếng Anh về TTCK Mỹ
trong chuyên mục “Stock Market Today” (http://www.investors.com); và 219 bản
tin tiếng Việt về TTCK Việt Nam trong chuyên mục “Nhịp đập thị trường”
(http://www.vietstock.com). Đây là hai tờ báo điện tử dành cho các nhà đầu tư tài
chính. Các bản tin được công bố từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 29/12/2017.
Các bản tin được nghiên cứu là bản tin tổng hợp sau mỗi phiên giao dịch
hàng ngày của tất cả các ngày mà TTCK Mỹ và TTCK Việt Nam hoạt động trong
suốt năm 2017. Trong năm 2017 thị trường chứng khoán Việt Nam có 219 ngày
giao dịch, tương đương có 219 bản tin. Tổng số từ của các bản tin tiếng Việt là
267.429 lượt từ. Thị trường chứng khoán Mỹ có 254 ngày giao dịch, tương ứng với
762 bản tin (mỗi ngày 3 bản tin ngắn). Tổng số từ của các bản tin tiếng Anh là
355.842 lượt từ.
Sở dĩ có sự chênh lệch về số lượng bản tin là do cách thức đưa tin của hai
trang web khác nhau. Báo điện tử của Mỹ cho ra trung bình 8 bản tin trong một
ngày, tường thuật diễn biến của từng khoảng thời gian trong phiên giao dịch (mở
cửa, đầu phiên sáng, giữa phiên sáng, trưa, đầu giờ chiều, cuối phiên, đóng cửa), với
dung lượng trung bình khoảng 500 lượt từ/bản tin. Báo điện tử của Việt Nam cho ra
một bản tin cuối ngày tường thuật tình hình cả phiên giao dịch trong ngày cùng với
các mốc thời gian trong phiên như vậy, với dung lượng trung bình khoảng 1.500
từ/bản tin. Do tần suất đưa tin và dung lượng bài viết khác nhau như vậy nên chúng
tôi không thể tìm được kiểu bản tin tương đương nhau cả về nội dung và dung
lượng ở hai ngôn ngữ trên bất kỳ báo điện tử hay trang web tài chính nào mà thoả
mãn được mục tiêu nghiên cứu. Vì vậy chúng tôi chọn phương án là lấy 3 bản tin
tiếng Anh trong một ngày sao cho tổng số từ của 3 bản tin gần tương đương với
tổng số từ của 1 bản tin tiếng Việt; đồng thời nội dung của mỗi bản tin tường thuật
một khoảng thời gian chính là sáng, trưa, chiều nhằm đảm bảo nội dung của cả 3
5
bản tin có đủ diễn biến chính trong cả một ngày giao dịch để tương ứng với nội
dung của 1 bản tin tiếng Việt. Các bản tin được mã hoá theo ngày tháng công bố.
4. Phương pháp luận và Phương pháp nghiên cứu
Luận án kết hợp phương pháp nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính.
Phương pháp nghiên cứu định lượng cho phép luận án thiết lập sự so sánh trực tiếp
các kết quả tìm thấy giữa hai ngữ liệu tiếng Anh và tiếng Việt. Phương pháp phân
tích định tính được dùng để nghiên cứu sâu hơn các ánh xạ ẩn dụ có mặt trong hai
khối ngữ liệu và cách sử dụng các biểu thức ẩn dụ, và làm sáng tỏ cách thức tri nhận
về TTCK, từ đó phát hiện ra các nét tương đồng và dị biệt giữa hai ngôn ngữ Anh
và Việt.
Các phương pháp nghiên cứu cụ thể được sử dụng trong luận án là:
a. Phương pháp miêu tả (của ngôn ngữ học tri nhận): dùng để miêu tả các mô hình
ẩn dụ ý niệm về TTCK trong bản tin TTCK tiếng Anh và tiếng Việt.
b. Phương pháp đối chiếu: Phương pháp đối chiếu hai chiều (cả tiếng Anh và tiếng
Việt đều được coi là ngữ nguồn và ngữ đích) được chọn sử dụng để nghiên cứu vì
phương pháp này có giá trị to lớn cho việc nghiên cứu phân tích hai ngôn ngữ với
nhau; dùng để so sánh và đối chiếu các biểu thức ẩn dụ ý niệm về TTCK có trong
bản tin TTCK tiếng Anh và tiếng Việt, từ đó tìm ra các điểm tương đồng và dị biệt
trong hai ngôn ngữ về cả 3 phương diện là ngữ nghĩa, tri nhận, giao tiếp.
c. Phương pháp phân tích ẩn dụ ý niệm: dùng để phân tích các miền ý niệm và cấu
tạo nghĩa qua ẩn dụ; sau đó nhận xét về mục đích sử dụng chúng trong các bản tin
thị trường chứng khoán thu thập được.
Việc khảo sát ngữ liệu và nhận diện các biểu thức ẩn dụ ý niệm được thực hiện theo
Quy trình nhận dạng ẩn dụ ý niệm (Metaphor Identification Procedure) của nhóm
Pragglejaz [131:3].
Các từ điển sau được dùng để giúp xác định nghĩa của từ.
-Online etymology dictionary (từ điển từ nguyên tiếng Anh)
-Oxford English Dictionary
-Đại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý
d. Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Phương pháp nghiên cứu liên ngành văn
hoá-ngôn ngữ được áp dụng vì chúng tôi sử dụng các đặc trưng văn hoá, và các yếu
tố bối cảnh văn hoá xã hội để giải thích các tương đồng và dị biệt của các biểu thức
ADYN trong tiếng Anh và tiếng Việt.
e. Thủ pháp thống kê, phân loại: dùng để thống kê các dụ dẫn và nhóm theo lĩnh
6
vực nguồn, theo tần xuất xuất hiện của chúng, theo mức độ phổ biến và theo các đặc
điểm ngôn ngữ-văn hoá trên cơ sở dữ liệu các bản tin tiếng Anh và tiếng Việt thu
thập được. Các số liệu thống kê cho thấy mức độ thông dụng của các ẩn dụ về
TTCK trong các bản tin TTCK, và là cơ sở cho các đối chiếu về mặt định lượng
giữa tiếng Anh và tiếng Việt.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
Đây là luận án đầu tiên tại Việt Nam về đề tài ẩn dụ ý niệm trong diễn ngôn
thị trường chứng khoán. Luận án cung cấp thêm kiến thức ngôn ngữ về các ẩn dụ ý
niệm có miền đích là THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN, xác định sự giống nhau và khác
nhau trong cách tri nhận về TTCK giữa cộng đồng nói tiếng Anh và cộng đồng
người Việt Nam, qua đó làm rõ hơn mối quan hệ giữa ngôn ngữ, văn hoá và tư duy
trong lĩnh vực thị trường chứng khoán.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
6.1. Về mặt lí luận
Luận án góp phần củng cố lý thuyết của ngôn ngữ học tri nhận, và làm rõ
thêm một số vấn đề lý thuyết ẩn dụ ý niệm thông qua ngữ liệu bản tin thị trường
chứng khoán.
Luận án cũng tiếp tục khẳng định vai trò tri nhận và giao tiếp của ẩn dụ ý
niệm trong diễn ngôn, và tiếp tục minh hoạ cho tính đa dạng văn hoá của ẩn dụ ý
niệm.
Ở Việt Nam đây là công trình nghiên cứu một cách có hệ thống đầu tiên các
ẩn dụ ý niệm về thị trường chứng khoán trên thể loại bản tin. Nó mở ra hướng
nghiên cứu sâu hơn về thể loại ngôn ngữ tài chính mà hiện còn bỏ ngỏ ở Việt Nam.
6.2. Về mặt thực tiễn
Những kết quả thu được sẽ có ý nghĩa trước hết với những độc giả của bản
tin TTCK, và những người sử dụng ngôn ngữ, đồng thời sẽ đóng góp cho công việc
giảng dạy ngôn ngữ nói chung, và đặc biệt là giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành thị
trường chứng khoán thuộc ngành tài chính.
Đối với lĩnh vực báo chí, kết quả của luận án có thể giúp ích cho công tác
viết tin hoặc dịch tin tức, bình luận về TTCK.
7. Cấu trúc của luận án
Luận án gồm phần mở đầu, 4 chương chính và phần kết luận.
7
Phần mở đầu: Trình bày lý do chọn đề tài, mục đích nghiên cứu, đối tượng
và phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, đóng góp mới của luận án, và ý
nghĩa của luận án.
Chương 1: Trình bày tổng quan tình hình nghiên cứu ẩn dụ ý niệm trong các
diễn ngôn kinh tế, và làm rõ cơ sở lý luận cho việc phân loại, miêu tả và phân tích
các ẩn dụ ý niệm ở các chương sau, và xây dựng khung lý thuyết cho luận án.
Chương 2: Ẩn dụ ý niệm về THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN có miền nguồn là
MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt
Chương 3: Ẩn dụ ý niệm về THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN có miền nguồn là
HOẠT ĐỘNG trong tiếng Anh và tiếng Việt
Chương 4: Ẩn dụ ý niệm về THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN có miền nguồn là
CƠ THỂ NGƯỜI và KHÔNG GIAN trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt
Phần kết luận tóm tắt các kết quả của luận án và đề xuất hướng nghiên cứu
tiếp sau.
8
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu về ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn kinh
tế
1.1.1 Tình hình nghiên cứu trên thế giới
Ngay từ những năm 1994, 1995, McCloskey đã đánh bại quan điểm là trong
diễn ngôn kinh tế hầu như không có ẩn dụ. Nếu như trước đây các nhà kinh tế quan
niệm chỉ dựa vào các mô hình và toán học có thể giải thích toàn bộ các vấn đề kinh
tế thì sau này họ đã nhìn nhận thấy sai lầm của việc sử dụng quá nhiều toán học
trong các bài viết về kinh tế (Quddus & Rashid [132]; Streeten [143]). Các nhà kinh
tế đã chuyển sang tận dụng lợi thế của ngôn ngữ, sử dụng nhiều hơn biện pháp tu từ
trong đó có ẩn dụ, nhất là trong các diễn ngôn ít tính học thuật hơn, ví dụ như diễn
ngôn báo chí, nhằm giúp cho nội dung truyền tải trở nên dễ hiểu hơn đối với đại
chúng, hay nói một cách khác là khiến cho chúng trở thành các câu chuyện đơn giản
hơn (McCloskey [116]). Nhà kinh tế học người Mỹ McCloskey là người tiên phong
nghiên cứu chuyên sâu ẩn dụ trong kinh tế. Bà cho rằng ẩn dụ là phép tu từ quan
trọng nhất và có ý nghĩa đối với việc tư duy kinh tế. Giống như các nhà nghiên cứu
của nhiều ngành khoa học khác, các nhà kinh tế học sử dụng ẩn dụ làm công cụ
phản ánh các hoạt động và khái niệm kinh tế và các ẩn dụ xuất hiện hoàn toàn tự
nhiên trong các diễn ngôn kinh tế. Các nghiên cứu của Henderson [84], [85],
McCloskey [116], [117] và Charteris-Black [46], [47] cũng đều cho thấy rằng ẩn dụ
trong kinh tế đóng vai trò quan trọng đối với việc hiểu các lý thuyết và hiện tượng
kinh tế trừu tượng.
Từ những năm 2000 trở lại đây xuất hiện một xu hướng nghiên cứu tìm hiểu
hiện tượng ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn kinh tế thông qua các phương pháp
phân tích diễn ngôn và phân tích khối liệu. Xu hướng này kết hợp quan điểm tri
nhận về ẩn dụ trong khi xem xét bản chất thường quy của chúng, đồng thời cũng
liên kết chặt chẽ ẩn dụ ý niệm với ẩn dụ ngôn từ trên cả hai bình diện lý thuyết và
thực nghiệm. Tổng quan này nhóm các nghiên cứu thành 3 nhóm (nghiên cứu dưới
góc độ ngữ nghĩa và tri nhận, nghiên cứu dưới góc độ ngữ dụng, nghiên cứu dưới
góc độ xã hội học).
1.1.1.1. Các nghiên cứu dưới góc độ ngữ nghĩa và tri nhận
9
Các nghiên cứu thuộc nhóm này xuất phát ban đầu từ nhu cầu ứng dụng cho
giảng dạy từ vựng kinh tế qua các ẩn dụ.
Theo Henderson [84] sở dĩ ẩn dụ xuất hiện khá phổ biến trong các văn bản
kinh tế vì ẩn dụ là một công cụ ngôn từ được sử dụng trong kinh tế học để (i) thuyết
phục và (ii) giải thích các hiện tượng kinh tế mới thông qua các khái niệm cũ đã
biết.
Henderson trong nghiên cứu sau đó vào năm 1994 đã xác định ba vai trò của
ẩn dụ trong các diễn ngôn kinh tế là:
(i) Sự trang trí cho văn bản hay có thể là công cụ hỗ trợ giảng dạy để minh hoạ
hay lấy ví dụ
(ii) Quy tắc tổ chức tập trung cho tất cả các ngôn ngữ
(iii) Công cụ để tìm hiểu các vấn đề kinh tế và làm cơ sở cho việc mở rộng miền
ý niệm về kinh tế.
Theo đó thì vai trò thứ ba của ẩn dụ là để tìm hiểu sâu các khái niệm kinh tế
và xây dựng các mô hình dự đoán cho các hoạt động kinh tế. Cách chia các vai trò
ẩn dụ như vậy cũng trùng với cách phân loại của Goatly’s [80] và đến Skorczynska
& Deignan [138] họ dán nhãn khác cho các vai trò này là ‘illustrating’ (minh hoạ),
‘generic’ (sản sinh) and ‘modelling’ (tạo khuôn). Đây cũng là cách tạo ra thuật ngữ
cho các ý niệm mới trong kinh tế mà ngôn ngữ tổng quát chưa có.
Gao [68] nghiên cứu về ẩn dụ ý niệm trong bản tin tài chính trên The Economist
năm 2007 và bà phân loại các ẩn dụ thành 3 loại là ẩn dụ có miền nguồn là CHIẾN
TRANH, ẩn dụ có miền nguồn là THỂ THAO, ẩn dụ có miền nguồn là NÔNG NGHIỆP
đồng thời kết luận rằng các thuật ngữ cụ thể từ kinh nghiệm trong thế giới vật lý được
sử dụng để hiểu các khái niệm kinh tế trừu tượng và việc nghiên cứu các ẩn dụ tri nhận
sẽ giúp nuôi dưỡng tư duy mang tính ẩn dụ về các diễn ngôn kinh tế, tức là sử dụng các
thuật ngữ cụ thể một cách ẩn dụ để giúp người đọc hiểu diễn ngôn kinh tế.
Cardini [45] nghiên cứu trên khối liệu 100,000 từ của các văn bản trên tờ
The Economist và The International Economy trong quãng thời gian 2008-2012 và
tìm ra hơn 40 ẩn dụ ý niệm về KINH TẾ miêu tả về cuộc khủng hoảng kinh tế trong
đó loại ẩn dụ coi nền kinh tế như một đồ vật bị phá hủy là phổ biến nhất, và hai tờ
báo khác nhau này có lượng ngôn ngữ ẩn dụ cũng khác nhau. Đây là nghiên cứu mà
đã phân loại được nhiều nhất các ẩn dụ về KINH TẾ.
Ngôn ngữ trong lĩnh vực tài chính cũng đã có nhiều nhà nghiên cứu trên thế
giới quan tâm như Oberlechner và các cộng sự [125], Kovács [100], Morris và các
10
cộng sự [120]…
Oberlechner và các cộng sự [125] nghiên cứu quá trình ý niệm hóa THỊ
TRƯỜNG HỐI ĐOÁI bằng ẩn dụ và xem xét phương thức các ẩn dụ này góp phần cấu
thành nên thị trường tài chính như thế nào. Kết quả nghiên cứu cho thấy quá trình
tri nhận về thị trường của các đối tượng nghiên cứu xoay quanh bảy ẩn dụ, đó là THỊ
TRƯỜNG LÀ SẠP HÀNG, THỊ TRƯỜNG LÀ ĐỘNG CƠ, THỊ TRƯỜNG LÀ CỜ BẠC, THỊ TRƯỜNG
LÀ THỂ THAO, THỊ TRƯỜNG LÀ CHIẾN TRANH, THỊ TRƯỜNG LÀ CƠ THỂ SỐNG và THỊ
TRƯỜNG LÀ ĐẠI DƯƠNG. Mỗi loại ẩn dụ như vậy có chức năng đề cao hoặc che mờ
một số bình diện nào đó của thị trường. Chúng cũng kéo theo một loạt các hàm ý
khác nhau về các phương diện thị trường như vai trò của người tham gia thị trường
hay khả năng đoán trước thị trường. Ông cũng đưa ra sơ đồ về tính chất có thể dự
đoán của các loại ẩn dụ ý niệm về thị trường hối đoái, trong đó các ẩn dụ CHIẾN
TRANH, ẩn dụ CƠ THỂ NGƯỜI thuộc nhóm không thể dự đoán, còn ẩn dụ THỂ THAO,
ẩn dụ CỖ MÁY thuộc nhóm có thể dự đoán. Ẩn dụ BIỂN nằm ở giữa. Đồng thời xét
về tiêu điểm ẩn dụ (metaphor focus) theo sơ đồ đó thì các ẩn dụ BIỂN, ẩn dụ CỖ
MÁY, ẩn dụ CƠ THỂ SỐNG có mục đích là quan sát để hiểu và dự báo; trong khi ẩn
dụ CHIẾN TRANH, ẩn dụ THỂ THAO có tiêu điểm là tham gia thị trường và mục đích
là chiến thắng. (xem hình 1 phụ lục C)
Kovács [100] trong bài báo đăng năm 2006 trên tạp chí The Economist đã
tiếp tục chứng tỏ quan điểm của các nhà tri nhận luận rằng ẩn dụ không chỉ là một
biện pháp tu từ mà nó lan tỏa trong tư duy và ý niệm của con người, do đó nó tồn tại
khắp nơi và có nhiều trong ngôn ngữ thương mại. Tác giả đã hệ thống hóa các ẩn dụ
ý niệm có trong diễn ngôn thương mại và cùng với các công trình khác về so sánh
đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn thương mại ở tiếng Anh, Đức và
Hungari góp phần giúp hiểu rõ hơn về ngôn ngữ kinh tế thương mại tài chính. Tác
giả nhóm các ẩn dụ thành các loại theo miền nguồn như sau:
- KINH TẾ/KINH DOANH LÀ CƠ THỂ NGƯỜI (TÌNH TRẠNG CÔNG TY LÀ TÌNH TRẠNG SỨC
KHOẺ, CÁC KHÓ KHĂN LÀ BỆNH TẬT, CÁC GIẢI PHÁP KINH TẾ LÀ GIẢI PHÁP CHỮA BỆNH,
KINH TẾ PHỤC HỒI LÀ BỆNH NHÂN PHỤC HÔI, KINH TẾ SỤP ĐỔ LÀ BỆNH NHÂN CHẾT)
-KINH TẾ LÀ CHIẾN TRANH
-KINH DOANH LÀ THỂ THAO (KINH DOANH LÀ BÓNG ĐÁ, KINH DOANH LÀ SĂN BẮN, KINH
DOANH LÀ ĐẤM BỐC…)
-KINH DOANH LÀ TRÒ CHƠI
-KINH DOANH LÀ HÔN NHÂN
11
-KINH DOANH LÀ BIỂU DIỄN
Đặc biệt là từ năm 2000 tới nay có rất nhiều nghiên cứu so sánh đối chiếu
văn hoá về ẩn dụ trong diễn ngôn kinh tế nói chung và diễn ngôn tài chính nói riêng.
Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng ẩn dụ ý niệm mang tính đặc trưng văn hoá và giải
thích cách sử dụng ẩn dụ dựa trên các đặc điểm tương đồng và khác biệt về văn hoá,
tự nhiên, vật lý.
Rojo López và Orts Llopis [134] nghiên cứu việc ý niệm hóa bằng ẩn dụ
cuộc khủng hoảng kinh tế trên báo chí tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, thu thập
các bài báo trên The economist và El Economista trong các giai đoạn khác nhau
(tháng 6-tháng 11 năm 2007 và tháng 9-tháng 12 năm 2008). Kết quả nghiên cứu
cho thấy tại giai đoạn năm 2007 khi Tây Ban Nha đang tiến tới cuộc bầu cử trong
nước trong thì trong dữ liệu tiếng Tây Ban Nha có nhiều ẩn dụ với các khung về
tình hình kinh tế bằng các từ ngữ/biểu thức ngôn ngữ mang tính tích cực, trong khi
đó thì ở các bài báo tiếng Anh thì các từ ngữ mang tính tiêu cực lại xuất hiện chủ
yếu, báo hiệu giai đoạn khủng hoảng sau đó.
Trong luận án tiến sĩ của mình, Luporini [113] nghiên cứu việc sử dụng các
ẩn dụ ý niệm miêu tả cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008 trên khối liệu là
các bài báo của The Financial Times (tiếng Anh) và II Sore 24 Ore (tiếng Ý). Kết
quả cho thấy ở cả hai khối liệu đều sử dụng các miền nguồn giống nhau cho các ẩn
dụ và trong cả hai ngôn ngữ, các ẩn dụ thường xuyên nhất đều là các ẩn dụ có miền
nguồn là CƠ THỂ SỐNG, ẨN DỤ VẬT CHỨA, ẨN DỤ SỨC KHỎE (THỂ CHẤT/TINH THẦN), ẨN
DỤ CHIẾN TRANH/XUNG ĐỘT, VÀ ẨN DỤ THỜI TIẾT/LỰC LƯỢNG TỰ NHIÊN. Sự khác biệt
giữa hai khối liệu nằm ở tầng sâu hơn. Nghiên cứu sâu hơn về các biểu thức ngôn
ngữ cho thấy khối liệu tiếng Ý thì có xu hướng miêu tả khủng hoảng bằng các thuật
ngữ mang tính “thảm họa” đặc biệt là trong mô hình ẩn dụ KHỦNG HOẢNG LÀ CHẤT
NỔ, KHỦNG HOẢNG LÀ THIÊN TAI. Trong khối liệu tiếng Ý, tiểu ngữ liệu là các bài
báo trang nhất có sử dụng nhiều nhất các ẩn dụ có miền nguồn CHIẾN TRANH/XUNG
ĐỘT làm nổi bật các đặc tính như “bạo lực” hay “hiếu chiến” ở trong miền đích
KHỦNG HOẢNG. Ngược lại thì trong tiểu khối liệu gồm các bài báo chính thì lại xuất
hiện nhiều các ẩn dụ sức khỏe mà phóng chiếu các đặc tính như “tính không thể
tránh được và sự suy sụp về thể chất/tinh thần” lên miền đích.
Gao [67] so sánh đối chiếu các ẩn dụ ý niệm trong các tiêu đề báo chí kinh tế
trong tiếng Anh và tiếng Trung Quốc và tác giả giải thích sự khác biệt của các ẩn dụ
ý niệm là do các yếu tố môi trường về văn hóa, tự nhiên và thể chất (physical); ví dụ
12
như ở Trung Quốc nông nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nên các ẩn
dụ nông nghiệp xuất hiện nhiều; hay ẩn dụ chiến tranh xuất hiện nhiều trong tiếng
Trung hơn là tiếng Anh vì Trung Quốc có lịch sử gắn với chiến tranh lâu dài hơn.
Cụ thể trong diễn ngôn tài chính thì có thể kể đến các nghiên cứu so sánh đối
chiếu của Charteris-Black & Ennis [46], Semino [135], Chung [50], [51], [52],
Kovács [99], [100].
Charteris-Black & Ennis [46] thực hiện một nghiên cứu khối liệu đối chiếu
các ẩn dụ ý niệm trong các bài tường thuật tài chính trong tiếng Anh và tiếng Tây
Ban Nha tại giai đoạn thị trường chứng khoán sụp đổ năm 1997. Các tác giả đưa ra
kết luận rằng cả hai ngôn ngữ khá tương đồng trong việc lựa chọn các ẩn dụ ý niệm
với các biểu thức ngôn ngữ giống nhau nhưng có sự khác nhau về tần suất, ví dụ
như KINH TẾ LÀ CƠ THỂ SỐNG, CHUYỂN ĐỘNG CỦA THỊ TRƯỜNG LÀ CHUYỂN
ĐỘNG VẬT LÝ, CHUYỂN ĐỘNG XUỐNG CỦA THỊ TRƯỜNG LÀ THIÊN TAI. Họ gắn sự
tương đồng đó với đặc điểm văn hóa chung giữa hai ngôn ngữ đó là hệ thống kinh
tế giống nhau và cùng gốc Latin. Các tác giả cũng giải thích về tần suất xuất hiện
cao hơn của ánh xạ CHUYỂN ĐỘNG CỦA THỊ TRƯỜNG LÀ CHUYỂN ĐỘNG CỦA BIỂN
trong khối liệu tiếng Anh là do sự ảnh hưởng của truyền thống biển do nước Anh là
quần đảo.
Semino [135] trích dẫn trong Deignan [59] so sánh khối liệu là các bài báo
trong tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha để nghiên cứu các ẩn dụ được sử dụng để nói
về đồng Euro lúc bắt đầu ra đời; và tác giả tìm ra những khác biệt trong các miền
nguồn thể hiện sự đồng ý với đồng Euro tại nước Ý và sự nghi ngại tại nước Anh.
Nhà nghiên cứu Đài Loan Siaw-Fong Chung có một loạt nghiên cứu riêng về
ẩn dụ thị trường, so sánh đối chiếu liên ngôn ngữ. Trong công trình [50], Chung so
sánh các ẩn dụ THỊ TRƯỜNG trong tiếng Trung, tiếng Anh và tiếng Malay, và điểm
mới của nghiên cứu này là tác giả phân tích kỹ các ẩn dụ THỊ TRƯỜNG trong ba
ngôn ngữ không chỉ ở mức độ nghĩa mà còn xem xét mối quan hệ giữa ngữ nghĩa
và cú pháp, từ đó đề ra một hướng tiếp cận mang tính chất định tính để so sánh các
góc nhìn nổi và chìm của các cộng đồng khác nhau về nền kinh tế của họ. Nghiên
cứu chỉ ra rằng sự lựa chọn các ẩn dụ thể hiện cách nhìn khác nhau về kinh tế giữa
các dân tộc. Ví dụ như việc ít ẩn dụ THỊ TRƯỜNG LÀ CẠNH TRANH trong tiếng Anh
có thể cho thấy rằng người ta quan tâm tới việc duy trì vị trí trên thị trường hơn là
sự cạnh tranh. Về vị trí cú pháp của từ đích “THỊ TRƯỜNG” thì tác giả kết luận rằng
(i) các vị trí cú pháp của từ đích “THỊ TRƯỜNG” ảnh hưởng tới loại ẩn dụ được lựa
13
chọn, ví dụ khi ẩn dụ THỊ TRƯỜNG LÀ CON NGƯỜI được lựa chọn thì cả ba ngôn
ngữ đều thích đặt từ THỊ TRƯỜNG như là chủ thể gây ra hành động; và (ii) ở ba ngôn
ngữ thì ưu tiên về vị trí cú pháp của từ đích “THỊ TRƯỜNG” là khác nhau, ví dụ
người Trung Quốc thích đặt từ THỊ TRƯỜNG ở vị trí chủ ngữ rồi mới tới bổ ngữ và
tân ngữ trong khi người Malay thích vị trí tân ngữ và người Anh thích vị trí chủ
ngữ. Trong nghiên cứu sử dụng phương pháp khối liệu so sánh ẩn dụ THỊ TRƯỜNG
CHỨNG KHOÁN LÀ NƯỚC BIỂN trong tiếng Mandarin Chinese, tiếng Anh và tiếng
Tây Ban Nha, và với khung lý thuyết Mô hình ánh xạ ý niệm (Conceptual Mapping
Model) của Ahren (2002), Chung và các cộng sự [51] đã tìm ra sự khác nhau về các
biểu thức ngôn ngữ được đồ chiếu và tần suất xuất hiện trong mỗi ngôn ngữ. Các
điểm khác biệt này được thể hiện trong các nguyên tắc ánh xạ cụ thể. Dựa trên các
phân tích về các ẩn dụ thị trường chứng khoán trong các bản tin thị trường chứng
khoán tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, Chung [52] đã nghiên cứu và đưa ra các
chiến thuật dịch đối với ba ẩn dụ phổ biến nhất là các ẩn dụ có miền nguồn là
HƯỚNG LÊN/XUỐNG, DAO ĐỘNG, CHIẾN TRANH. Nghiên cứu chỉ ra rằng mục tiêu
ưu tiên của việc dịch các bản tin thị trường chứng khoán Trung Quốc sang tiếng
Anh là truyền tải thông tin, do đó khi dịch có thể sử dụng chiến lược giữ lại các ẩn
dụ ý niệm gốc đối với các ẩn dụ mà ý niệm của miền đích giống nhau trong hai
ngôn ngữ; và áp dụng chiến lược thay thế bằng các cụm từ ngữ hợp với ngôn ngữ và
văn hóa Anh đối với các ẩn dụ mà ý niệm của miền đích là khác nhau trong hai
ngôn ngữ. Ngoài ra người dịch cũng có thể bỏ các ẩn dụ ý niệm đi miễn là trong
cách dịch của mình vẫn giữ đúng nghĩa.
1.1.1.2. Các nghiên cứu dưới góc độ ngôn ngữ học xã hội
Nghiên cứu của các tác giả liên quan tới ẩn dụ và giới tính như Wilson [152],
Fleischmann [66] cho rằng ẩn dụ KINH TẾ LÀ CHIẾN TRANH đã cho thấy rõ sự phân
biệt giới tính từ xưa vì mô hình ẩn dụ này liên quan tới các hành vi mang tính nam,
và như vậy là coi nhẹ vị trí của phụ nữ trong lĩnh vực kinh doanh. Koller [96] cũng
đã tiến hành một nghiên cứu rất hay về ẩn dụ và giới trong kinh doanh. Tác giả còn
khảo sát các độc giả của các tạp chí kinh doanh và tìm ra 90% họ là nam, điều này
đặt ra các câu hỏi về chức năng liên nhân của ẩn dụ: các nhà báo không chỉ sử dụng
ẩn dụ cụ thể nào đó một cách có chọn lọc để ý niệm hóa các chủ đề theo quan điểm
cụ thể nào đó. Xét trên số liệu nhân khẩu học về độc giả thì mục đích của các nhà
báo ở đây có thể là để phản chiếu các biểu thức ngôn ngữ họ nhận được từ các độc
giả nam hơn là để ảnh hưởng tới việc tri nhận của độc giả.
14
1.1.1.3. Các nghiên cứu dưới góc độ ngữ dụng
Một số nhà nghiên cứu cho rằng ngữ nghĩa học không thể giải thích hiện
tượng ẩn dụ một cách trọn vẹn bởi vì chúng ta không cần xem xét các từ có nghĩa gì
khi chúng tách rời khỏi ngữ cảnh, mà chỉ xem xét người nói muốn nói gì trên
phương diện dụng học khi họ dùng từ trong ngữ cảnh. Một trong những hạn chế của
việc phân tích ẩn dụ tách tri nhận khỏi dụng học là việc giải thích lý do xuất hiện ẩn
dụ chỉ là kinh nghiệm bên trong, tức là phản xạ vô thức. Trong khi đó quan điểm
dụng học cho rằng người nói sử dụng ẩn dụ nhằm mục đích thuyết phục trên cơ sở
những tài nguyên có sẵn về ngôn ngữ và tri nhận, kết nối chúng và sử dụng theo
mục đích của mình.
Charteris-Black [48] cho rằng mục đích thuyết phục có ý thức cần phải được
tích hợp trong một quan điểm tri nhận rộng lớn hơn.
Cameron & Low [42] ủng hộ quan điểm rằng các mặt tri nhận và các mặt xã
hội đều cấu thành nên các ẩn dụ. Các tác giả phân biệt 2 cấp độ phân tích ẩn dụ:
- The Theory Level of Analysis (cấp độ lý thuyết) tập trung và việc xác lập các ẩn dụ,
phân loại chúng và mục đích cũng như logic của việc tạo lập và giải thích các ẩn dụ.
- The Processing Level of Analysis (cấp độ xử lý) nghiên cứu mối quan hệ giữa các
cá nhân và môi trường văn hoá xã hội trong quá trình xử lý ngôn ngữ mang tính ẩn
dụ trong các diễn ngôn cụ thể; và nghiên cứu xem việc xử lý các ẩn dụ có thể thay
đổi các cấu trúc ẩn dụ và làm nghĩa mới bén rễ vào các đơn vị từ vựng.
Như vậy Cameron & Low đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp nhất
các ngữ cảnh văn hoá xã hội cũng như các mục tiêu diễn ngôn tương ứng trong việc
tạo nên các ẩn dụ ý niệm mà tương ứng và có ý nghĩa về mặt văn hoá.
Các nghiên cứu nổi bật sau đó của Cameron [41], Charteris-Black [46];
Charteris-Black & Musolff [49] cũng góp phần làm rõ hơn vai trò ngữ dụng của ẩn
dụ dường như vẫn không quan tâm đúng mức tới chức năng giao tiếp của ẩn dụ cho
tới khi Steen [141] chỉ rõ nghịch lý và đưa ra mô hình ba chiều, khẳng định các
chức năng của ẩn dụ có thể giải thích dựa trên mối liên hệ với ngôn ngữ, tư duy và
giao tiếp và sau đó phát triển thành Lý thuyết ẩn dụ chủ ý (Deliberate Metaphor
Theory). Ba chức năng đó là:
(i) Chức năng ngữ nghĩa: để lấp các khoảng trống trong hệ thống ngôn ngữ (ẩn dụ
trong ngôn ngữ) có thể gọi là “naming” (đặt tên).
(ii) Chức năng tri nhận: tạo ra khung tri nhận cho các ý niệm mà cần ít nhất là được
hiểu gián tiếp cục bộ (ẩn dụ trong tư duy); có thể gọi là “framing” (tạo khung).
15
(iii) Chức năng giao tiếp: tạo ra một khía cạnh khác trên đối tượng hay chủ đề nói
đến trong thông điệp (ẩn dụ trong giao tiếp) và có thể gọi là “changing” (biến đổi).
Như vậy các nhà nghiên cứu ngôn ngữ đã khẳng định tầm quan trọng của
việc nghiên cứu ẩn dụ ý niệm trên cả 3 bình diện ngữ nghĩa, tri nhận và ngữ dụng.
Nhiều nghiên cứu từ những năm 2000 tiếp tục xem xét mặt xã hội của việc
sử dụng ẩn dụ ý niệm và các nhân tố ảnh hưởng tới việc lựa chọn và sử dụng ẩn dụ
trong các diễn ngôn kinh tế.
Kovács [100] tổng kết các chức năng của ẩn dụ trong các diễn ngôn kinh tế
là (i) lấp khoảng trống về thuật ngữ (ii) chức năng liên nhân thể hiện quan điểm của
nhà báo (iii) tạo tính liên kết cho toàn bộ diễn ngôn (iv) chức năng thuyết phục.
Chức năng thuyết phục ở đây cũng chính là chức năng giao tiếp của ẩn dụ. Tuy
nhiên tác giả chưa phân tích và minh hoạ.
Nghiên cứu của Koller [98] cũng cho thấy rằng thông điệp thuyết phục của
diễn ngôn là yếu tố quan trọng quyết định việc lựa chọn các ẩn dụ. Ẩn dụ ý niệm
với vai trò thuyết phục được chỉ ra rất rõ trong các nghiên cứu trên diễn ngôn quảng
cáo của Hidago Downing và Kraljevic Mujic [90], [91].
Smith [139] nghiên cứu các ẩn dụ ý niệm sử dụng trong đàm phán kinh tế và
ông nhận thấy rằng qua cách dùng ẩn dụ thì người nghe có thể phát hiện ra ý định
của đối tác khi đàm phán.
Nghiên cứu của Skorczynska & Deignan [138] tập trung tìm hiểu những
nhân tố ảnh hưởng đến việc chọn và sử dụng các ẩn dụ trong các diễn ngôn kinh tế
khác nhau và nghiên cứu này cho thấy yếu tố độc giả và mục đích bài báo là hai
nhân tố quyết định, ảnh hưởng lớn đến các dạng ẩn dụ được sử dụng, tần suất sử
dụng và chức năng của chúng trong các bài báo.
Chức năng giao tiếp của ẩn dụ cũng được Handford [82] nghiên cứu. Ông tìm
hiểu xem ẩn dụ và thành ngữ được sử dụng như thế nào trong các buổi họp kinh
doanh và thấy rằng các ẩn dụ và thành ngữ được sử dụng với mực đích đánh giá.
Chúng được dùng để đánh giá các ý kiến một cách tích cực và từ đó tạo ra sự đoàn
kết giữa các bên tham gia họp. Còn khi chúng được sử dụng với mục đích tiêu cực
(để phê phán chẳng hạn) thì có thể giảm nhẹ hoặc tăng cường thông điệp tiêu cực đó.
Sun & Du [145] so sánh ẩn dụ trong câu nói về sứ mệnh của các công ty Mỹ
và Trung Quốc để tìm hiểu xem ẩn dụ truyền tải hình ảnh của tổ chức như thế nào.
Họ tìm ra ba loại ẩn dụ là THƯƠNG HIỆU LÀ CON NGƯỜI, KINH DOANH LÀ HỢP TÁC,
KINH DOANH LÀ CẠNH TRANH. Kết quả cho thấy các ẩn dụ KINH DOANH LÀ HỢP
16
TÁC được sử dụng nhiều trong khối liệu về công ty Mỹ hơn, còn ẩn dụ KINH
DOANH LÀ CẠNH TRANH được sử dụng nhiều hơn trong khối liệu về công ty Trung
Quốc. Họ rút ra kết luận rằng các công ty Mỹ thể hiện lý tưởng của họ qua “sứ
mệnh” là các tổ chức mong muốn hợp tác, còn các công ty Trung Quốc thì có thiên
hướng cạnh tranh vượt lên trên các công ty khác, điều mà có vẻ trái với truyền
thống văn hoá Trung Hoa.
Chức năng ngữ dụng của ẩn dụ ý niệm trong ngôn ngữ tài chính cũng được
các nhà nghiên cứu quan tâm.
Cụ thể về diễn ngôn TTCK, các nhà nghiên cứu Cheal (1979), Schmid
(1981), Van Dijk (1998) trích dẫn trong nghiên cứu của O’mara Shimeck và các
cộng sự [123] đã khẳng định vai trò giao tiếp thông tin của ẩn dụ ý niệm mà các nhà
báo sử dụng để mô tả các hiện tượng của thị trường chứng khoán, ], cũng như các
nghiên cứu khác của O’mara Shimeck [127] [128] [129] liên quan tới chức năng
giao tiếp của ẩn dụ trong các bản tin/bình luận tài chính nhìn từ góc độ ngôn ngữ
báo chí đều chỉ ra sự ảnh hưởng của việc sử dụng các ADYN tới hành vi của người
tiếp nhận thông tin. Theo O’mara Shimeck và các cộng sự [127] thì trong bản
tin/bình luận tài chính tư tưởng (ideology) được mô tả thông qua ẩn dụ bằng nhiều
cách: “cái gì đáng đưa lên báo; các sự kiện cụ thể được đóng khung (frame) hoặc
thủ thuật “xoáy” (spin) hay các “thành kiến” có thể được phát hiện ra thông qua các
cơ chế ngôn ngữ, siêu ngôn ngữ và tri nhận-ngữ nghĩa. Những cơ chế này được
dùng để thể hiện thế giới quan hoặc các hệ thống giá trị, được hiểu như là quan
điểm của nhà báo, hay các thủ thuật ảnh hưởng tâm lý (slant), hoặc thành kiến.
Theo Croteau [55] các bản tin kinh tế “mang tính tư tưởng (ideological) sâu sắc” vì
nó khuyến khích phát triển một “thế giới quan về kinh doanh” rất riêng có được
bằng việc mô tả thị trường chứng khoán như là một “phong vũ biểu đo sự ổn định
kinh tế” và bằng việc coi sức khoẻ kinh tế với tương ứng với sự hài lòng của nhà
đầu tư chứng khoán).
Morris và các cộng sự [120] cho rằng trong các bài bình luận TTCK, các tác
giả không chỉ miêu tả xu hướng TTCK mà còn giải thích chúng, hay có thể hiểu
như là những câu chuyện đằng sau các con số. Nghiên cứu của Morris và các cộng
sự [120] tập trung nghiên vào hai loại ẩn dụ trong các bài bình luận về thị trường
chứng khoán. Nghiên cứu chỉ ra rằng các ẩn dụ tác thể (agent) mô tả các quỹ đạo
giá như các hoạt động mang sức mạnh của ý chí còn các ẩn dụ đối thể (object) mô
tả các quỹ đạo giống như các đồ vật vô tri vô giác. Ngoài ra các ẩn dụ tác thể
17
thường xuất hiện nhiều hơn trong các ngày thị trường lên hơn là những ngày thị
trường xuống, và nhiều hơn khi thị trường tương đối ổn định hơn là những khi thị
trường không ổn định. Điều này có thể ảnh hưởng tới các nhận định của các nhà đầu
tư, ví dụ như các bình luận dùng ẩn dụ chủ thể làm tăng kỳ vọng của các nhà đầu tư
vào xu thế tiếp tục tăng.
Về khía cạnh hiệu quả của ngữ dụng thì rất khó để có thể đo được tác động
của các ẩn dụ lên hành vi của đối tượng tiếp nhận thông tin. Nhưng các nhà nghiên
cứu tri nhận đều chứng minh rằng ẩn dụ là biện pháp đóng khung có hiệu quả và có
ảnh hưởng tới niềm tin của con người, và khi con người thường hành động theo
niềm tin của mình thì các diễn biến trên TTCK sẽ ảnh hưởng tới phản ứng của
người tiếp nhận thông tin (với vai trò là nhà đầu tư). Nghiên cứu của William [153]
tìm hiểu mối quan hệ giữa truyền thông và kết quả kinh tế, cụ thể là “hệ quả của
việc đóng khung bằng ẩn dụ lên các quyết định đầu tư tiếp theo”. Kết quả trên hai
nhóm đối tượng (một nhóm là đọc văn bản về một công ty thua lỗ mà có sử dụng ẩn
dụ; hai là nhóm đọc văn bản viết không sử dụng ẩn dụ) cho thấy khi các thông tin
về sự thua lỗ được thuật lại mà có sử dụng ẩn dụ có miền nguồn CÁI CHẾT thì ảnh
hưởng nhiều hơn tới quyết định sẽ đầu tư, hơn là khi thông tin đó không được
truyền tải qua ẩn dụ.
Như vậy các nghiên cứu đều cho thấy ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn kinh tế
nói chung và về diễn ngôn TTCK nói riêng đều có tác dụng lớn giúp truyền tải thông
tin mới, trao đi các thông điệp, cũng như ảnh hưởng tới hành vi của người đọc, người
nghe.
Quy trình nhận diện ẩn dụ ý niệm
Đa số các nhà nghiên cứu trong thập niên 2000 sử dụng phương pháp diễn
dịch - từ tên xuống (top-down approach) để xác lập các ẩn dụ ý niệm trong diễn
ngôn. Một số ít nghiên cứu khác theo phương pháp quy nạp – từ dưới lên ví dụ như
Quy trình quy nạp 5 bước để xác lập các ẩn dụ ý niệm của Steen [140]; Quy trình
nhận diện ẩn dụ MIP (Metaphor Identification Procedure) của nhóm Pragglejaz
[131]. Pragglejaz là một nhóm các nhà nghiên cứu ẩn dụ tiêu biểu thời kỳ đầu
những năm 2000, và tên nhóm này là viết tắt tên của 10 thành viên (Elena Semin,
Gerard Steen, Alan Cienki, Joe Grady, Zoltán Kövecses, Lynne, Alice Deignan,
Graham Low). Họ đề xướng ra Quy trình nhận diện ẩn dụ (Metaphor Identification
Procedure), viết tắt là MIP. MIP là quy trình được sử dụng khá rộng rãi và được
đánh giá là tuyệt vời và vô cùng hữu ích để xác lập các từ ngữ được sử dụng một
18
cách ẩn dụ (metaphorically used words) và từ đó nhận diện các ẩn dụ ý niệm trong
diễn ngôn. Các bước của quy trình này là:
-Bước một là đọc toàn bộ diễn ngôn viết để thiết lập hiểu biết về nghĩa.
-Bước hai là xác định các đơn vị từ vựng (lexical unit) trong diễn ngôn viết.
-Bước ba là nghĩa chính và nghĩa ngữ cảnh phải khớp/tương thích với các yếu tố
của các miền ý niệm khác nhau.
+Xác lập nghĩa ngữ cảnh của các đơn vị từ vựng hoặc cụm từ đã tìm ra
+Đối với mỗi đơn vị từ vựng, xác định xem đơn vị từ vựng (lexical unit) có nghĩa
đương đại trong các ngữ cảnh khác mà cơ bản hơn (có nghĩa là cụ thể hơn, chính
xác hơn, có lịch sử lâu đời hơn…) so với nghĩa trong ngữ cảnh đã cho không.
+Nếu mỗi đơn vị từ vựng (lexical unit) có nghĩa đương đại trong các ngữ cảnh khác
mà cơ bản hơn (có nghĩa là cụ thể hơn, chính xác hơn, có lịch sử lâu đời hơn…) so
với nghĩa trong ngữ cảnh đã cho thì quyết định xem là nghĩa ngữ cảnh có đối lập
với nghĩa cơ bản nhưng lại có thể hiểu được khi so sánh với nó không.
-Bước bốn là nếu câu trả lời là CÓ thì đánh dấu đơn vị từ vựng đó là có tính ẩn dụ.
Phương pháp quy nạp như trên mặc dù tốn công và mất nhiều thời gian nhưng đảm
bảo nghiên cứu viên không bỏ sót ẩn dụ ý niệm có thể xuất hiện trong ngữ liệu.
Thuật ngữ Pragglejaz [131] dùng để chỉ những từ ngữ được sử dụng một
cách ẩn dụ giúp phát hiện ra các ẩn dụ ý niệm là “metaphorically used
words/phrases”. Luận án này sẽ sử dụng thuật ngữ tiếng Việt tương đương với nó là
“dụ dẫn”, phân biệt với thuật ngữ “biểu thức ẩn dụ” là sự biểu đạt ngôn ngữ của ánh
xạ ẩn dụ (metaphorical expressions).
1.1.2 Tình hình nghiên cứu tại Việt Nam
Theo khảo sát của chúng tôi, nghiên cứu tại Việt Nam về lĩnh vực diễn ngôn
kinh tế cho đến nay mới chỉ có một vài nhà nghiên cứu ngôn ngữ làm công việc giới
thiệu khái quát ADYN trong các tài liệu kinh tế tiếng Anh, tiếng Việt bao gồm
Nguyễn Thuỵ Phương Lan [18], Phạm Thị Thanh Thuỳ [29] [30] [31]…; và đáng
chú ý nhất là công trình của Vương Thị Kim Thanh [32] và Hà Thanh Hải [5].
Với nghiên cứu trên 300 tiêu đề báo chí thương mại tiếng Việt, Vương Thị
Kim Thanh [29] đã tìm ra các ADYN về kinh tế và hiệu quả của chúng trong việc
truyền tải thông điệp của bài báo một cách hình ảnh và biểu cảm sâu sắc và nhanh
chóng nhờ cơ chế trải nghiệm khiến ẩn dụ diễn đạt được các khái niệm trừu tượng
một cách dễ dàng.
19
Đặc biệt Hà Thanh Hải [5] trong luận án tiến sĩ của mình đã so sánh đối
chiếu một cách khá toàn diện các ẩn dụ cấu trúc cơ bản trong diễn ngôn kinh tế với
cứ liệu là báo chí kinh tế Anh-Việt. Trong luận án của mình Hà Thanh Hải đã chọn
cách phân loại các ẩn dụ ý niệm dựa trên các lĩnh vực nguồn từ đó tác giả nhóm các
ẩn dụ tìm được thành 4 nhóm lớn là ẩn dụ KHÔNG GIAN, ẩn dụ MÔI TRƯỜNG TỰ
NHIÊN, ẩn dụ HOẠT ĐỘNG CON NGƯỜI, ẩn dụ CƠ THỂ SỐNG, và trong mỗi nhóm ẩn
dụ sẽ có các ẩn dụ bậc thấp hơn. Tác giả nghiên cứu ẩn dụ từ ba bình diện nghĩa
học, dụng học và tri nhận luận và thấy rằng ẩn dụ được người viết sử dụng rất nhiều
trong các bài báo về kinh tế ngoài chức năng tri nhận còn có mục đích chính là
thuyết phục người đọc về các quan điểm đưa ra. Nghiên cứu cũng chỉ ra điểm khác
nhau trong việc ý niệm hóa các hiện tượng kinh tế ở tiếng Anh và tiếng Việt, và có
sự chuyển di các ý niệm từ tiếng Anh sang tiếng Việt mà các tác giả muốn dùng để
giải thích các khái niệm mới; và rằng số lượng ẩn dụ và tần suất xuất hiện trong các
bản tin kinh tế tiếng Anh nhiều hơn trong tiếng Viêt.
*Nhận xét
Tóm lại kể từ khi ngôn ngữ học tri nhận được quan tâm nhiều hơn đã có rất
nhiều nghiên cứu về ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn kinh tế, trong đó đa số là tác
phẩm báo chí thuộc các thể loại bản tin, bài báo, bài tường thuật. Các nghiên cứu
này đã tìm ra và hệ thống hoá các ẩn dụ ý niệm cụ thể xuất hiện trong các diễn ngôn
kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, chỉ ra tầm quan trọng của
việc hiểu ánh xạ ẩn dụ ý niệm trong việc giải thích các khái niệm kinh tế, và các
mục đích giao tiếp (ngữ dụng) của việc sử dụng các loại ẩn dụ ý niệm. Ngoài ra các
nghiên cứu đã so sánh đối chiếu các loại ẩn dụ ý niệm trong các ngôn ngữ khác
nhau và tìm ra những điểm tương đồng và những khác biệt thể hiện đặc trưng văn
hoá của người bản ngữ.
Kết quả khảo sát trên cho thấy hiện chưa có công trình nào nghiên cứu toàn
diện và chuyên sâu ẩn dụ ý niệm về “thị trường chứng khoán” trên ngữ liệu bản tin
thị trường chứng khoán theo ngày của tất cả các phiên giao dịch trong một năm, mà
các nghiên cứu trên thế giới đa số chỉ xử lý ngữ liệu bản tin tài chính nói chung.
Hơn nữa ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu chuyên sâu nào về ẩn dụ ý niệm về
“thị trường chứng khoán” và đối chiếu ẩn dụ ý niệm về thị trường chứng khoán
trong tiếng Anh và tiếng Việt. Đồng thời đây cũng là cơ sở để chúng tôi xác định
khung cơ sở lý thuyết cho việc nghiên cứu, và khung này sẽ được trình bày chi tiết
ở mục 1.3.
20
1.2. Cơ sở lý thuyết về ẩn dụ ý niệm
1.2.1. Định nghĩa về ẩn dụ ý niệm
Trong ngôn ngữ học truyền thống, ẩn dụ được coi là một phương thức
chuyển nghĩa dựa trên sự so sánh ngầm giữa hai sự vật có các đặc điểm giống nhau
hoặc tương đồng, và nó là một biện pháp tu từ. Quan điểm này có từ thời Aristote,
và các nhà ngôn ngữ học ở Việt Nam cũng có chung quan điểm.
Trong khi quan điểm truyền thống coi ẩn dụ như một sự lệch chuẩn khỏi
cách sử dụng ngôn ngữ bình thường, ngôn ngữ sử dụng nghĩa đen có vai trò lớn hơn
so với ngôn ngữ mang tính ẩn dụ thì ngôn ngữ học tri nhận cho rằng ẩn dụ là một
hiện tượng tri nhận hơn là hiện tượng ngôn ngữ. Các biểu thức ẩn dụ xuất hiện
trong các diễn ngôn là cái phản ánh ẩn dụ tồn tại ở tầng bậc ý niệm. Lakoff &
Johnson [108] cho rằng bản chất của ẩn dụ là “hiểu và trải nghiệm một loại vấn đề
theo lối diễn đạt của một loại vấn đề khác” thông qua sự chiếu xạ từ lĩnh vực cụ thể
sang lĩnh vực trừu tượng. Theo Lakoff & Johnson nhờ ẩn dụ mà con người nhận
biết được thế giới khách quan bao gồm thế giới vật chất, thế giới tinh thần và thế
giới cảm xúc. Ẩn dụ gắn liền với đặc trưng văn hóa tinh thần của người bản ngữ.
Lakoff & Johnson [108] định nghĩa ẩn dụ ý niệm là việc hiểu một miền ý
niệm thông qua một miền ý niệm khác. Theo Kövecses [107: 2] thì định nghĩa
chuẩn hơn của ẩn dụ ý niệm là “Một ẩn dụ ý niệm là một tập hợp mang tính hệ
thống các tương đồng, hay các ánh xạ, giữa hai miền của kinh nghiệm”. Định nghĩa
mới nhất này của Kövecses cũng chỉ là mang tính chất kỹ thuật hơn về mặt ngôn từ.
1.2.2. Thuyết ẩn dụ ý niệm (Conceptual Metaphor Theory)
Từ xa xưa, mặc dù phép ẩn dụ đã được nghiên cứu và sử dụng rộng rãi trong
văn học nhưng nó lại chỉ được coi là yếu tổ biểu đạt văn học đơn thuần tách rời khỏi
thực tế và ngôn ngữ thường nhật. Ẩn dụ được xem như vậy hàng thế kỉ mà không
được nhìn từ một góc độ nào khác cho đến khi Lakoff giới thiệu ý niệm mới về ẩn
dụ. Ông được xem là người tiên phong của thuyết ADYN khi chỉ ra rằng những đặc
trưng hoàn toàn mới và cách sử dụng của ẩn dụ không chỉ trong ngôn ngữ văn học
mà còn trong ngôn ngữ nói chung. Ông cho rằng ẩn dụ không chỉ là vấn đề về mặt
ngôn ngữ mà còn là vấn đề tư duy. Ông là người đầu tiên tuyên bố mọi sự tồn tại
của chúng ta đều đơn thuần thuộc ẩn dụ, chúng ta lấp đầy ngôn ngữ của mình với ẩn
dụ một cách không chủ đích, vì đơn giản là bản năng của chúng ta là nhìn mọi thứ
qua lăng kính của ẩn dụ, Lakoff & Johnson cho rằng “…tất cả các ý niệm trừu
tượng như thời gian, trạng thái, biến đổi, nguyên nhân, mục đích hoá ra đều mang
21
tính ẩn dụ” (Lakoff & Johnson 108: 203). Lý thuyết ẩn dụ ý niệm (ADYN) được
Lakoff và Johnson khởi xướng từ năm 1980 và trong gần 40 năm qua đã được các
nhà ngôn ngữ học đánh giá và phát triển thêm.
Nội dung quan trọng thứ nhất của Thuyết ADYN là “Ẩn dụ có mặt ở khắp
nơi”, tức là không chỉ ở một số loại hình mang tính nghệ thuật như văn học mà có
thể nói rằng ngôn ngữ thường ngày phần lớn là có ẩn dụ. Các nhà nghiên cứu ẩn dụ
ý niệm trong thời kỳ đầu đã xác lập được rất nhiều ẩn tụ từ nhiều nguồn như
phương tiện truyền thông, hội thoại, từ điển, sách…Khi nghiên cứu ẩn dụ, G.
Lakoff đã có một số cách tiếp cận mới khi chỉ ra rằng ẩn dụ được coi là ánh xạ
ngang qua các miền ý niệm. Kết quả của nhận thức mới trong lý thuyết cũ cho thấy
ẩn dụ là trung tâm của ngữ nghĩa học và nó bao gồm hàng ngàn ánh xạ qua các
miền ý niệm từ cuộc sống hàng ngày.
Thuyết ADYN chỉ ra rằng con người cấu trúc nên nhiều khái niệm thông qua
việc ánh xạ được hình thành trong trí óc và ánh xạ đó được đặt lên miền nguồn trừu
tượng từ miền nguồn cụ thể. Họ cho rằng các ý niệm trừu tượng như CUỘC ĐỜI,
THỜI GIAN, TRANH LUẬN không thể thông hiểu mà không tham chiếu đến các ý
niệm cụ thể dễ hiểu hơn. Ví dụ ý niệm CUỘC ĐỜI có thể được hiểu thông qua ý
niệm CUỘC HÀNH TRÌNH. Việc ý niệm hoá như vậy tạo nên ẩn dụ ý niệm CUỘC ĐỜI
LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH, trong đó CUỘC ĐỜI là miền đích, và CUỘC HÀNH TRÌNH là
miền nguồn. Ánh xạ ẩn dụ liên quan tới một hệ thống các thuộc tính tương đồng
giữa hai miền nguồn đích, và nó mang tính cục bộ (tức là chỉ một số thuộc tính
được kích hoạt phóng chiếu từ miền nguồn lên miền đích). Thuyết ADYN cũng chỉ
ra rằng khác với quan điểm truyền thống về ẩn dụ, các tương đồng có thể có sẵn tồn
tại từ trước nhưng cũng có thể không có trước mà các tương đồng đó có được nhờ
quá trình cảm nhận một cách ẩn dụ (xem thêm ở mục 1.2.3.4)
Một nội dung quan trọng nữa của thuyết ADYN là ẩn dụ xuất hiện trong tư
duy, theo đó ẩn dụ không chỉ nằm ở ngôn ngữ mà còn nằm trong tư duy. Chúng ta
sử dụng ẩn dụ không chỉ để nói về vấn đề nào đó mà còn là để tư duy về nó. Vì thế
mà thuyết ADYN phân biệt các ẩn dụ ngôn từ (là các từ ngữ được sử dụng một cách
ẩn dụ) với ẩn dụ ý niệm (mô hình ý niệm dùng để tư duy). Ví dụ như ẩn dụ CUỘC
ĐỜI LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH có thể chi phối cách chúng ta suy nghĩ về cuộc đời
(chúng ta có thể đặt ra các mục tiêu mình hướng tới; chúng ra lập kế hoạch để đi tới
đích, chúng ta cần chuẩn bị đối phó với các khó khăn trên đường đi)…Với những
suy nghĩ như vậy thì thực tế là chúng ta đang tư duy về cuộc đời thông qua ẩn dụ ý
22
niệm CUỘC ĐỜI LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH, và do đó chúng ta sử dụng các ngôn ngữ
thuộc miền ý niệm CUỘC HÀNH TRÌNH để nói về cuộc sống.
Trong các nghiên cứu sau đó Lakoff & Johnson đưa ra quan điểm rằng tư
duy không độc lập với thân thể mà mang tính nghiệm thân (embodiment), sau này
phát triển thành Thuyết nghiệm thân. Tính nghiệm thân có thể hiểu là những gì mà
cơ thể chúng ta trải nghiệm trong quá trình tương tác với môi trường, xã hội tạo cơ
sở cho những điều chúng ta suy nghĩ, hiểu biết, ứng xử và giao tiếp. Đây là một quá
trình mang tính hệ thống, trong đó có sự kết hợp của não bộ, các cơ quan cảm giác
và hệ thống thần kinh điều hành các vận động thân thể cũng như điều khiển mọi
hành vi ứng xử của con người cả trong chủ định lẫn trong vô thức.
Sau đó Lakoff cùng với một số nhà nghiên cứu khác điển hình là Kövecses
đã phát triển tư tưởng về vai trò của ẩn dụ trong việc hình thành hệ thống ý niệm
của con người và cấu trúc của ngôn ngữ tự nhiên và lý thuyết ẩn dụ được phát triển
sâu rộng hơn.
Mặc dù lý thuyết ẩn dụ ý niệm được ứng dụng rất nhiều trong các lĩnh vực
như nghiên cứu văn học, nghiên cứu pháp luật, ngôn ngữ học, triết học…góp phần
làm sáng tỏ cách con người tư duy như thế nào, trong 30 năm qua vẫn có rất nhiều
phản biện về lý thuyết ADYN. Một hạn chế của lý thuyết ADYN khởi xướng từ thời
đầu của Lakoff & Johnson [106] là cho rằng ẩn dụ là phép chiếu xạ qua hai miền.
Nhiều nhà lý luận ngôn ngữ đã phản biện rằng quá trình tâm lý diễn ra dưới ẩn dụ là
“tiến hóa” theo cả một quãng đời từ việc so sánh ở những giai đoạn đầu đời tới việc
phân loại khi chúng thành quy ước [Gentner & Bowdle’s, 70:123], cho thấy một mối
quan hệ phức tạp hơn rất nhiều giữa nhận thức và hình thức ngôn ngữ. Fauconnier &
Turner [65] với Thuyết Pha trộn ý niệm (Conceptual blending theory) cũng cho rằng
tư duy về ẩn dụ là tổ chức ở bậc cao chứ không chỉ đơn giản mà phép chiếu xạ từ các
miền lên nhau. Một phê bình nữa về thuyết ADYN là lý thuyết này dựa trên lý luận
vòng quanh (circular reasoning), tức là các nhà ngôn ngữ của lý thuyết ADYN một
mặt thì sử dùng các ẩn dụ ngôn từ để nhận diện ẩn dụ ý niệm nhưng mặt khác lại cho
rằng các ẩn dụ ngôn từ tồn tại bởi những ý niệm có sẵn. Nhưng sau đó các thí nghiệm
ngôn ngữ tâm lý học của một số nhà nghiên cứu như Gibb [72], [75], Gibbs &
Coulston [78] cho thấy rằng các nhà ngôn ngữ không nên phủ nhận sự tồn tại của các
ADYN, mà chỉ nên tập trung nghiên cứu cách thức chúng xuất hiện và chức năng của
chúng trong ngôn ngữ. Phê bình mạnh mẽ nhất về lý thuyết ADYN liên quan tới một
số vấn đề phương pháp, ví dụ như làm thế nào để nhận dạng ẩn dụ trong diễn ngôn,
23
làm thế nào nghiên cứu ẩn dụ dựa trên ngữ liệu thực thay về chỉ có ngữ liệu là từ ngữ
hay trực giác, hay chức năng ngữ dụng của ADYN trong diễn ngôn thực…(Deignan
[59]; Steen [141]…). Những ý kiến phản biện hay phê bình lý thuyết ADYN thường
tập trung vào riêng vào công trình đầu tiên của Lakoff & Johnson mà đây chỉ là bước
đầu của lý thuyết ADYN (Kövecses [106]). Trong cuốn sách “Metaphor wars”
(Chiến tranh ẩn dụ) xuất bản năm 2017, Gibbs [79] bàn về các vấn đề của ẩn dụ ý
niệm, tập hợp nhiều kết quả nghiên cứu của cộng đồng lý thuyết ẩn dụ ý niệm, trong
đó cũng đánh giá các lập luận ủng hộ cũng như các quan điểm phản biện. Theo
chúng tôi những ý kiến phản biện cũng được coi là một phần trong sự phát triển của
thuyết ADYN, hay nói cách khác các nhà ngôn ngữ đã và đang nghiên cứu tiếp các
khía cạnh còn chưa được các nhà theo thuyết ADYN thời đầu để ý.
1.2.3. Các khái niệm và thuật ngữ liên quan đến ẩn dụ ý niệm
1.2.3.1. Ý niệm và sự ý niệm hoá
Theo ngôn ngữ học tri nhận, ý niệm được hình thành trong ý thức con người,
“là đơn vị nội dung của bộ nhớ động, của từ vựng tinh thần và của bộ não, của toàn
bộ bức tranh thế giới được phản ánh trong tâm lý con người” (Trần Văn Cơ [2])
Trong công trình [2], Trần Văn Cơ đã nhận định “Ý niệm chứa đựng ba
thành tố: thành tố khái niệm, thành tố cảm xúc hình tượng và thành tố văn hoá”.
Theo ông, trong các quá trình tư duy con người dựa vào các ý niệm phản ánh nội
dung các kết quả của hoạt động nhận thức thế giới dưới dạng “những lượng tử” của
tri thức. Các ý niệm nảy sinh trong quá trình cấu trúc hoá thông tin về một sự tình
khách quan trong thế giới đó. Cấu trúc này bao gồm nội dung thông tin về thế giới
hiện thực và thế giới tưởng tượng, mang những nét phổ quát. Mặt khác nó bao gồm
những thứ làm nó trở thành sự kiện của văn hoá, chứa đựng những nét đặc trưng
văn hoá dân tộc. Ý niệm mang tính chủ quan, nghĩa là nó là một mảng của bức
tranh thế giới, phản ánh thế giới khách quan qua lăng kính của ý thức ngôn ngữ dân
tộc. Sự phân cắt thế giới thành từng mảnh (ý niệm) từ cách nhìn thế giới khác nhau
của con người gọi là sự “ý niệm hoá”, trên cơ sở đó tạo nên “bức tranh ý niệm về
thế giới” và khi được thể hiện ra bằng ngôn ngữ hình thành nên “bức tranh ngôn
ngữ về thế giới”.
1.2.3.2. Miền nguồn-miền đích
Điều kiện xác định ẩn dụ ý niệm là cả hai thành tố Nguồn và Đích đều phải
là những ý niệm, và ý niệm được cấu trúc hoá theo mô hình trường: TRUNG TÂM-
NGOẠI VI. Vai trò “trung tâm” thường là khái niệm, và đó chỉ là một phần nào đó
24
của khái niệm chứ không phải toàn bộ khái niệm, còn “ngoại vi” là những yếu tố
ngôn ngữ và văn hoá dân tộc.
Trong ngôn ngữ học tri nhận, ẩn dụ ý niệm được định nghĩa như sự thông
hiểu một ý niệm (hay một miền ý niệm) này thông qua một ý niệm (miền ý niệm)
khác. Ví dụ như khi chúng ta nói về “thị trường chứng khoán” thông qua “cuộc
hành trình”, hay “thị trường chứng khoán” thông qua “biển”. Mô hình của ẩn dụ ý
niệm là “A là B” trong đó A là ý niệm Đích và B là ý niệm Nguồn, ý niệm Đích
được hiểu thông qua ý niệm Nguồn. Các ADYN được viết hoa để phân biệt với ẩn
dụ ngôn từ, ví dụ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ BIỂN. Ý niệm ĐÍCH (THỊ
TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN) trừu tượng hơn và ý niệm NGUỒN (BIỂN) cụ thể hơn.
Miền nguồn bao gồm một tập hợp các thuộc tính, các quá trình và các mối quan hệ
được liên kết, lưu giữ với nhau trong tâm trí. Chúng được biểu thị trong ngôn ngữ
thông qua các từ và các biểu thức có quan hệ vốn được nhìn nhận như là sự sắp xếp
theo từng nhóm có sự tương đồng với nhau mà các nhà ngôn ngữ vẫn gọi bằng thuật
ngữ là “các tập hợp từ vựng” hay “các trường từ vựng”. Miền đích mang tính trừu
tượng và mang theo cấu trúc của nó từ miền nguồn, thông qua các mối liên kết ẩn
dụ. Các miền đích có mối quan hệ với các thực thể, thuộc tính và những quá trình
có thể được tìm thấy thông qua sự phản chiếu trong miền nguồn. Vì vậy trong các
ẩn dụ ý niệm miền nguồn và miền đích không thể đảo ngược cho nhau.
Kövecses [104:18-27] đã liệt kê ra các miền nguồn và miền đích phổ biến như
sau:
-Các miền nguồn phổ biến gồm có: human body (cơ thể người), healtth and
illness (sức khoẻ và bệnh tật), animals (động vật), plants (thực vật), building and
construction (toà nhà và xây dựng, máy móc và phương tiện sản xuất), games and
sport (trò chơi và thể thao), money and economics transactions (tiền và các giao
dịch kinh tế), cooking and food (nấu ăn và thức ăn), heat and cold (nóng và lạnh),
light and darkness (sáng và tối), forces (lực đẩy), movements and direction (chuyển
động và hướng)
-Các miền đích phổ biến gồm có: emotion (tình cảm), desire (khao khát),
morality (đạo đức), thought (ý nghĩ), society/nation (xã hội/dân tộc), politics (chính
trị), economy (kinh tế), human relationship (các quan hệ con người),
communication (giao tiếp), time (thời gian), life and death (cuộc sống và cái chết),
religion (tôn giáo), events and actions (sự tình và hoạt động)
1.2.3.3. Lược đồ hình ảnh
25
Để hiểu được ánh xạ ẩn dụ ý niệm thì cần nắm rõ khái niệm lược đồ hình
ảnh. Khái niệm này được bàn luận và phân tích trong các nghiên cứu của Lakoff &
Johnson [108], Lakoff & Tuner [109]. Các nhà nghiên cứu cho rằng lược đồ hình
ảnh vượt ra ngoài phạm vi của lý thuyết ngôn ngữ, theo nghĩa là chúng có thực tạo
về mặt tâm lý mà được chứng minh bằng nghiên cứu thực nghiệm trong ngôn ngữ-
tâm lý học, tâm lý học tri nhận và tâm lý phát triển.
Cũng theo Lakoff & Tuner [109] lược đồ hình ảnh là một cấu trúc có tính
chất lặp đi lặp lại và nó dựa trên kinh nghiệm của con người. Nhiều miền thiếu hình
ảnh, ví dụ như “thời gian, cái chết, sự giác ngộ, sự sống”. Những miền như thế được
gọi là miền trừu tượng hay vô ảnh. Các miền tạo nên hình ảnh thì mang tính nghiệm
thân, mà cũng theo Kövecses [102:57] đó cụ thể là “các trải nghiệm vật lý” ví dụ
như “chuyển động trong không gian, thao tác với các vật thể, hoặc các tiếp xúc
thuộc về tri giác.”
Lược đồ hình ảnh không phải là các hình ảnh cụ thể mà là trừu tượng theo
nghĩa là các lược đồ trong nhận thức, biểu trưng cho các mô hình lược đồ xuất phát
từ các miền hữu ảnh chẳng hạn như “vật chứa, đường đi, khớp nối, lực đẩy, cân
bằng”. Đây là các mô hình tái diễn nhiều trong nhiều miền mang tính nghiệm thân
và cấu trúc nên các trải nghiệm nghiệm thân. Theo Talmy [147], lược đồ cấu trúc
nên các trải nghiệm mang tính nghiệm thân và cả các trải nghiệm không mang tính
nghiệm thân thông qua ẩn dụ. Như vậy các tác giả đã làm sáng tỏ miêu tả có vẻ trái
ngược nhau về lược đồ ánh xạ: tính chất “trừu tượng” hiểu theo một cách đó là sơ
đồ trong tâm trí; hiểu theo cách khác đó là mang tính nghiệm thân. Dưới đây là một
số ví dụ khác về lược đồ hình ảnh:
Lược đồ hình ảnh Các ẩn dụ
In-out (trong-ngoài)
Front-back (trước-sau)
Up-down (lên-xuống)
Contact (tiếp xúc)
Motion (chuyển động)
Lực đẩy (force)
I’m out of money.
He’s an up-front kind of guy.
I’m feeling low.
Hold on, please.
He just went crazy.
You are driving me insane.
Nguồn: Kövecses [92:43]
Lakoff & Johnson [108] và Kövecses [104] đã nhấn mạnh ý nghĩa của lược
đồ hình ảnh vì lược đồ hình ảnh là bằng chứng quan trọng cho luận điểm rằng ánh
xạ ẩn dụ ý niệm là từ các miền cụ thể đến các miền trừu tượng. Do được hình thành
26
dựa trên các kinh nghiệm thân thể và kinh nghiệm không gian nên các lược đồ hình
ảnh có ý nghĩa trực tiếp với con người. Ví dụ như lược đồ “chuyển động” hình
thành từ việc chúng ta thấy các vật thể chuyển động từ nơi này sang nơi khác và từ
các hoạt động của chính bản thân chúng ra khi di chuyển. Đôi khi lược đồ “chuyển
động” còn được dùng để mô tả trạng thái đang thay đổi, ví dụ như “The telephone
went dead”.
Lược đồ hình ảnh được dùng làm cơ sở cho các ý niệm khác, đem lại nguồn
phong phú cho ẩn dụ ý niệm. Ví dụ như lược đồ “chuyển động” là cơ sở của ý niệm
CUỘC HÀNH TRÌNH. CUỘC HÀNH TRÌNH là ý niệm vô ảnh nhưng khi được tạo thành
từ lược đồ chuyển động với các yếu tố “điểm đầu, điểm cuối, sự chuyển động”
tương ứng với các yếu tố “điểm xuất phát, đích đến, chuyến đi” của cuộc hành trình
thì ý niệm CUỘC HÀNH TRÌNH lại trở thành hữu ảnh. Các miền đích của nhiều ẩn dụ
ý niệm như TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH hay HOẠT ĐỘNG CỦA THỊ TRƯỜNG
CHỨNG KHOÁN LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH do đó được xem như là được cấu trúc bằng
lược đồ hình ảnh của miền nguồn.
1.2.3.4. Ánh xạ
Theo Lakoff&Johnson [108] ánh xạ được coi là tập hợp của những thuộc
tính tương đồng và có cấu trúc xác định. G. Lakoff gọi tên ánh xạ theo công thức
“TARGET-DOMAIN IS SOURCE-DOMAIN or TARGET-DOMAIN AS SOURCE-
DOMAIN” (“MIỀN ĐÍCH là MIỀN NGUỒN hoặc MIỀN ĐÍCH như thể MIỀN NGUỒN”). Ý
niệm này được thể hiện rõ ràng trong ví dụ của ánh xạ TÌNH YÊU LÀ MỘT CUỘC
HÀNH TRÌNH. Ông cho rằng tập hợp ẩn dụ tương đồng xuất hiện qua ánh xạ đề cập
bên trên có thể được hiểu như sau.
Các tương đồng ánh xạ của ẩn dụ TÌNH YÊU LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH được miêu
tả như sau:
Miền nguồn (CUỘC HÀNH TRÌNH) Miền đích (TÌNH YÊU)
Người lữ hành Những người liên quan tới
một mối tình
Phương tiện Mối quan hệ giữa những
người yêu nhau
Các điểm đến của cuộc hành
trình.
Mục đích của những người
yêu nhau
Hình 1.1: Các tương đồng ánh xạ của ẩn dụ TÌNH YÊU LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH
Từ đó, các biểu thức ẩn dụ liên quan tới có thể là:
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt
Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt

More Related Content

What's hot

Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng : Luận á...
Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng : Luận á...Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng : Luận á...
Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng : Luận á...nataliej4
 
汉、越味觉词“甜”、“苦”隐喻对比研究 Nghiên cứu đối chiếu ẩn dụ của từ vị giác tían ngọt và ku...
汉、越味觉词“甜”、“苦”隐喻对比研究 Nghiên cứu đối chiếu ẩn dụ của từ vị giác tían ngọt và ku...汉、越味觉词“甜”、“苦”隐喻对比研究 Nghiên cứu đối chiếu ẩn dụ của từ vị giác tían ngọt và ku...
汉、越味觉词“甜”、“苦”隐喻对比研究 Nghiên cứu đối chiếu ẩn dụ của từ vị giác tían ngọt và ku...NuioKila
 
Nghiên cứu đối chiếu các thành ngữ thời tiết trong tiếng Hán và tiếng Việt.pdf
Nghiên cứu đối chiếu các thành ngữ thời tiết trong tiếng Hán và tiếng Việt.pdfNghiên cứu đối chiếu các thành ngữ thời tiết trong tiếng Hán và tiếng Việt.pdf
Nghiên cứu đối chiếu các thành ngữ thời tiết trong tiếng Hán và tiếng Việt.pdfHanaTiti
 
Phân tích hiệu quả sử dụng đòn bẩy tài chính tại công ty tnhh dịch vụ và xây ...
Phân tích hiệu quả sử dụng đòn bẩy tài chính tại công ty tnhh dịch vụ và xây ...Phân tích hiệu quả sử dụng đòn bẩy tài chính tại công ty tnhh dịch vụ và xây ...
Phân tích hiệu quả sử dụng đòn bẩy tài chính tại công ty tnhh dịch vụ và xây ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Luận án: Đối chiếu các đơn vị từ vựng thuộc trường thị giác, HAY - Gửi miễn p...
Luận án: Đối chiếu các đơn vị từ vựng thuộc trường thị giác, HAY - Gửi miễn p...Luận án: Đối chiếu các đơn vị từ vựng thuộc trường thị giác, HAY - Gửi miễn p...
Luận án: Đối chiếu các đơn vị từ vựng thuộc trường thị giác, HAY - Gửi miễn p...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Chuyên đề lợi nhuận và phân phối lợi nhuận thực trạng và giải pháp nâng cao...
Chuyên đề lợi nhuận và phân phối lợi nhuận   thực trạng và giải pháp nâng cao...Chuyên đề lợi nhuận và phân phối lợi nhuận   thực trạng và giải pháp nâng cao...
Chuyên đề lợi nhuận và phân phối lợi nhuận thực trạng và giải pháp nâng cao...Bùi Trang
 
Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...
Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...
Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...nataliej4
 

What's hot (20)

Luận án: Ẩn dụ phạm trù lửa trong tiếng Pháp và tiếng Việt, HAY
Luận án: Ẩn dụ phạm trù lửa trong tiếng Pháp và tiếng Việt, HAYLuận án: Ẩn dụ phạm trù lửa trong tiếng Pháp và tiếng Việt, HAY
Luận án: Ẩn dụ phạm trù lửa trong tiếng Pháp và tiếng Việt, HAY
 
Luận án: Đặc điểm ngôn ngữ của từ ngữ xưng hô trong Phật giáo
Luận án: Đặc điểm ngôn ngữ của từ ngữ xưng hô trong Phật giáoLuận án: Đặc điểm ngôn ngữ của từ ngữ xưng hô trong Phật giáo
Luận án: Đặc điểm ngôn ngữ của từ ngữ xưng hô trong Phật giáo
 
Luận án: Đặc điểm cấu tạo và ngữ nghĩa của thuật ngữ mĩ thuật
Luận án: Đặc điểm cấu tạo và ngữ nghĩa của thuật ngữ mĩ thuậtLuận án: Đặc điểm cấu tạo và ngữ nghĩa của thuật ngữ mĩ thuật
Luận án: Đặc điểm cấu tạo và ngữ nghĩa của thuật ngữ mĩ thuật
 
Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng : Luận á...
Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng : Luận á...Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng : Luận á...
Nghiên cứu thành ngữ tiếng Việt từ bình diện ngôn ngữ học nhân chủng : Luận á...
 
汉、越味觉词“甜”、“苦”隐喻对比研究 Nghiên cứu đối chiếu ẩn dụ của từ vị giác tían ngọt và ku...
汉、越味觉词“甜”、“苦”隐喻对比研究 Nghiên cứu đối chiếu ẩn dụ của từ vị giác tían ngọt và ku...汉、越味觉词“甜”、“苦”隐喻对比研究 Nghiên cứu đối chiếu ẩn dụ của từ vị giác tían ngọt và ku...
汉、越味觉词“甜”、“苦”隐喻对比研究 Nghiên cứu đối chiếu ẩn dụ của từ vị giác tían ngọt và ku...
 
Kính ngữ tiếng Hàn và các phương tiện biểu hiện tương đương, HOT
Kính ngữ tiếng Hàn và các phương tiện biểu hiện tương đương, HOTKính ngữ tiếng Hàn và các phương tiện biểu hiện tương đương, HOT
Kính ngữ tiếng Hàn và các phương tiện biểu hiện tương đương, HOT
 
Luận văn: Nghiên cứu đối chiếu thành ngữ Hàn – việt có yếu tố chỉ tên gọi độn...
Luận văn: Nghiên cứu đối chiếu thành ngữ Hàn – việt có yếu tố chỉ tên gọi độn...Luận văn: Nghiên cứu đối chiếu thành ngữ Hàn – việt có yếu tố chỉ tên gọi độn...
Luận văn: Nghiên cứu đối chiếu thành ngữ Hàn – việt có yếu tố chỉ tên gọi độn...
 
Luận án: Đối chiếu thuật ngữ báo chí Anh - Việt và chuyển dịch thuật ngữ
Luận án: Đối chiếu thuật ngữ báo chí Anh - Việt và chuyển dịch thuật ngữLuận án: Đối chiếu thuật ngữ báo chí Anh - Việt và chuyển dịch thuật ngữ
Luận án: Đối chiếu thuật ngữ báo chí Anh - Việt và chuyển dịch thuật ngữ
 
Nghiên cứu đối chiếu các thành ngữ thời tiết trong tiếng Hán và tiếng Việt.pdf
Nghiên cứu đối chiếu các thành ngữ thời tiết trong tiếng Hán và tiếng Việt.pdfNghiên cứu đối chiếu các thành ngữ thời tiết trong tiếng Hán và tiếng Việt.pdf
Nghiên cứu đối chiếu các thành ngữ thời tiết trong tiếng Hán và tiếng Việt.pdf
 
Phân tích hiệu quả sử dụng đòn bẩy tài chính tại công ty tnhh dịch vụ và xây ...
Phân tích hiệu quả sử dụng đòn bẩy tài chính tại công ty tnhh dịch vụ và xây ...Phân tích hiệu quả sử dụng đòn bẩy tài chính tại công ty tnhh dịch vụ và xây ...
Phân tích hiệu quả sử dụng đòn bẩy tài chính tại công ty tnhh dịch vụ và xây ...
 
Luận văn: Ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn chính trị, HOT
Luận văn: Ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn chính trị, HOTLuận văn: Ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn chính trị, HOT
Luận văn: Ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn chính trị, HOT
 
Luận án: Thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật trong tiếng Hán, HAY
Luận án: Thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật trong tiếng Hán, HAYLuận án: Thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật trong tiếng Hán, HAY
Luận án: Thành ngữ có yếu tố chỉ loài vật trong tiếng Hán, HAY
 
Luận văn: Khả năng tích lũy Coenzyme Q10 của chủng vi khuẩn tía
Luận văn: Khả năng tích lũy Coenzyme Q10 của chủng vi khuẩn tíaLuận văn: Khả năng tích lũy Coenzyme Q10 của chủng vi khuẩn tía
Luận văn: Khả năng tích lũy Coenzyme Q10 của chủng vi khuẩn tía
 
Luận án: Đối chiếu các đơn vị từ vựng thuộc trường thị giác, HAY - Gửi miễn p...
Luận án: Đối chiếu các đơn vị từ vựng thuộc trường thị giác, HAY - Gửi miễn p...Luận án: Đối chiếu các đơn vị từ vựng thuộc trường thị giác, HAY - Gửi miễn p...
Luận án: Đối chiếu các đơn vị từ vựng thuộc trường thị giác, HAY - Gửi miễn p...
 
A study on translation of English terms relating to hotel management
A study on translation of English terms relating to hotel managementA study on translation of English terms relating to hotel management
A study on translation of English terms relating to hotel management
 
Chuyên đề lợi nhuận và phân phối lợi nhuận thực trạng và giải pháp nâng cao...
Chuyên đề lợi nhuận và phân phối lợi nhuận   thực trạng và giải pháp nâng cao...Chuyên đề lợi nhuận và phân phối lợi nhuận   thực trạng và giải pháp nâng cao...
Chuyên đề lợi nhuận và phân phối lợi nhuận thực trạng và giải pháp nâng cao...
 
Luận án: Từ ngữ nghề nghiệp nghề biển ở Thanh Hóa (Từ bình diện ngôn ngữ - vă...
Luận án: Từ ngữ nghề nghiệp nghề biển ở Thanh Hóa (Từ bình diện ngôn ngữ - vă...Luận án: Từ ngữ nghề nghiệp nghề biển ở Thanh Hóa (Từ bình diện ngôn ngữ - vă...
Luận án: Từ ngữ nghề nghiệp nghề biển ở Thanh Hóa (Từ bình diện ngôn ngữ - vă...
 
Phân tích câu về cú pháp dựa vào thuộc tính kết trị của từ, HAY
Phân tích câu về cú pháp dựa vào thuộc tính kết trị của từ, HAYPhân tích câu về cú pháp dựa vào thuộc tính kết trị của từ, HAY
Phân tích câu về cú pháp dựa vào thuộc tính kết trị của từ, HAY
 
Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...
Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...
Luận văn thạc sĩ Đặc điểm du nhập của từ vay mượn gốc ấn âu trong tiếng Việt ...
 
Cấu tạo và phương thức định danh của hệ thống từ ngữ nghề chè
Cấu tạo và phương thức định danh của hệ thống từ ngữ nghề chèCấu tạo và phương thức định danh của hệ thống từ ngữ nghề chè
Cấu tạo và phương thức định danh của hệ thống từ ngữ nghề chè
 

Similar to Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt

Luận văn: Vận dụng các mức độ hiểu để tạo nâng đỡ cho việc học toán có chất l...
Luận văn: Vận dụng các mức độ hiểu để tạo nâng đỡ cho việc học toán có chất l...Luận văn: Vận dụng các mức độ hiểu để tạo nâng đỡ cho việc học toán có chất l...
Luận văn: Vận dụng các mức độ hiểu để tạo nâng đỡ cho việc học toán có chất l...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Ngôn ngữ học đối chiếu
Ngôn ngữ học đối chiếuNgôn ngữ học đối chiếu
Ngôn ngữ học đối chiếuminhhdthvn
 
Luận văn thạc sĩ sư phạm.
Luận văn thạc sĩ sư phạm.Luận văn thạc sĩ sư phạm.
Luận văn thạc sĩ sư phạm.ssuser499fca
 
đảNg cộng sản việt nam lãnh đạo hoạt động đối ngoại giai đoạn 2001 2015
đảNg cộng sản việt nam lãnh đạo hoạt động đối ngoại giai đoạn 2001   2015đảNg cộng sản việt nam lãnh đạo hoạt động đối ngoại giai đoạn 2001   2015
đảNg cộng sản việt nam lãnh đạo hoạt động đối ngoại giai đoạn 2001 2015jackjohn45
 

Similar to Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt (20)

Luận án: Đối chiếu thuật ngữ Dầu khí Anh-Việt, HAY
Luận án: Đối chiếu thuật ngữ Dầu khí Anh-Việt, HAYLuận án: Đối chiếu thuật ngữ Dầu khí Anh-Việt, HAY
Luận án: Đối chiếu thuật ngữ Dầu khí Anh-Việt, HAY
 
Luận án: Đặc điểm trường từ vựng - ngữ nghĩa chỉ trang phục, HAY
Luận án: Đặc điểm trường từ vựng - ngữ nghĩa chỉ trang phục, HAYLuận án: Đặc điểm trường từ vựng - ngữ nghĩa chỉ trang phục, HAY
Luận án: Đặc điểm trường từ vựng - ngữ nghĩa chỉ trang phục, HAY
 
Luận án: Đặc điểm ngữ nghĩa của từ ngữ trong ca dao tình yêu người Việt
Luận án: Đặc điểm ngữ nghĩa của từ ngữ trong ca dao tình yêu người ViệtLuận án: Đặc điểm ngữ nghĩa của từ ngữ trong ca dao tình yêu người Việt
Luận án: Đặc điểm ngữ nghĩa của từ ngữ trong ca dao tình yêu người Việt
 
Kính ngữ tiếng Hàn và biểu hiện tương đương trong tiếng Việt, HAY
Kính ngữ tiếng Hàn và biểu hiện tương đương trong tiếng Việt, HAYKính ngữ tiếng Hàn và biểu hiện tương đương trong tiếng Việt, HAY
Kính ngữ tiếng Hàn và biểu hiện tương đương trong tiếng Việt, HAY
 
Luận văn: Vận dụng các mức độ hiểu để tạo nâng đỡ cho việc học toán có chất l...
Luận văn: Vận dụng các mức độ hiểu để tạo nâng đỡ cho việc học toán có chất l...Luận văn: Vận dụng các mức độ hiểu để tạo nâng đỡ cho việc học toán có chất l...
Luận văn: Vận dụng các mức độ hiểu để tạo nâng đỡ cho việc học toán có chất l...
 
Luận văn: Vận dụng các mức độ hiểu để tạo nâng đỡ cho việc học toán
Luận văn: Vận dụng các mức độ hiểu để tạo nâng đỡ cho việc học toánLuận văn: Vận dụng các mức độ hiểu để tạo nâng đỡ cho việc học toán
Luận văn: Vận dụng các mức độ hiểu để tạo nâng đỡ cho việc học toán
 
Đặc điểm tiếng anh chuyên ngành dược học đối chiếu với tiếng việt
Đặc điểm tiếng anh chuyên ngành dược học đối chiếu với tiếng việtĐặc điểm tiếng anh chuyên ngành dược học đối chiếu với tiếng việt
Đặc điểm tiếng anh chuyên ngành dược học đối chiếu với tiếng việt
 
Ngôn ngữ học đối chiếu
Ngôn ngữ học đối chiếuNgôn ngữ học đối chiếu
Ngôn ngữ học đối chiếu
 
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾ...
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾ...TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾ...
TÊN GỌI CÂY NÔNG NGHIỆP TRONG TIẾNG VIỆT VÀ CÁCH GIẢI THÍCH TRONG TỪ ĐIỂN TIẾ...
 
Đối chiếu phương tiện rào đón trong văn bản khoa học tiếng Việt và Anh
Đối chiếu phương tiện rào đón trong văn bản khoa học tiếng Việt và AnhĐối chiếu phương tiện rào đón trong văn bản khoa học tiếng Việt và Anh
Đối chiếu phương tiện rào đón trong văn bản khoa học tiếng Việt và Anh
 
Luận văn thạc sĩ sư phạm.
Luận văn thạc sĩ sư phạm.Luận văn thạc sĩ sư phạm.
Luận văn thạc sĩ sư phạm.
 
Luận án: Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Thái Nguyên
Luận án: Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Thái NguyênLuận án: Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Thái Nguyên
Luận án: Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Thái Nguyên
 
Luận án: Từ ngữ Công giáo trong các bản kinh nguyện của các Giáo phận Dòng tạ...
Luận án: Từ ngữ Công giáo trong các bản kinh nguyện của các Giáo phận Dòng tạ...Luận án: Từ ngữ Công giáo trong các bản kinh nguyện của các Giáo phận Dòng tạ...
Luận án: Từ ngữ Công giáo trong các bản kinh nguyện của các Giáo phận Dòng tạ...
 
Luận án: Ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn chính trị, HAY
Luận án: Ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn chính trị, HAYLuận án: Ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn chính trị, HAY
Luận án: Ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn chính trị, HAY
 
Đánh giá tài nguyên đất đai phục vụ phát triển cây công nghiệp lâu năm
Đánh giá tài nguyên đất đai phục vụ phát triển cây công nghiệp lâu nămĐánh giá tài nguyên đất đai phục vụ phát triển cây công nghiệp lâu năm
Đánh giá tài nguyên đất đai phục vụ phát triển cây công nghiệp lâu năm
 
Luận văn: Đánh giá tài nguyên đất đai phục vụ cho việc phát triển cây công ng...
Luận văn: Đánh giá tài nguyên đất đai phục vụ cho việc phát triển cây công ng...Luận văn: Đánh giá tài nguyên đất đai phục vụ cho việc phát triển cây công ng...
Luận văn: Đánh giá tài nguyên đất đai phục vụ cho việc phát triển cây công ng...
 
Luận văn: Ngôn ngữ pháp luật trong các bản Hiến pháp của Việt Nam
Luận văn: Ngôn ngữ pháp luật trong các bản Hiến pháp của Việt NamLuận văn: Ngôn ngữ pháp luật trong các bản Hiến pháp của Việt Nam
Luận văn: Ngôn ngữ pháp luật trong các bản Hiến pháp của Việt Nam
 
Luận án: Đặc điểm ngôn ngữ pháp luật trong các bản Hiến pháp
Luận án: Đặc điểm ngôn ngữ pháp luật trong các bản Hiến phápLuận án: Đặc điểm ngôn ngữ pháp luật trong các bản Hiến pháp
Luận án: Đặc điểm ngôn ngữ pháp luật trong các bản Hiến pháp
 
đảNg cộng sản việt nam lãnh đạo hoạt động đối ngoại giai đoạn 2001 2015
đảNg cộng sản việt nam lãnh đạo hoạt động đối ngoại giai đoạn 2001   2015đảNg cộng sản việt nam lãnh đạo hoạt động đối ngoại giai đoạn 2001   2015
đảNg cộng sản việt nam lãnh đạo hoạt động đối ngoại giai đoạn 2001 2015
 
Phát triển ngữ nghĩa của một số từ ngữ chỉ cảm giác trong tiếng Việt
Phát triển ngữ nghĩa của một số từ ngữ chỉ cảm giác trong tiếng ViệtPhát triển ngữ nghĩa của một số từ ngữ chỉ cảm giác trong tiếng Việt
Phát triển ngữ nghĩa của một số từ ngữ chỉ cảm giác trong tiếng Việt
 

More from Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562

Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 

More from Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562 (20)

Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...
Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...
Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...
 
Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...
Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...
Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...
 
Nghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.doc
Nghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.docNghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.doc
Nghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.doc
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
 
Xây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.doc
Xây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.docXây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.doc
Xây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.doc
 
Phát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.doc
Phát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.docPhát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.doc
Phát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.doc
 
Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...
Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...
Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...
 
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
 
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
 
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
 
Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...
Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...
Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...
 
Ánh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.doc
Ánh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.docÁnh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.doc
Ánh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.doc
 
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
 
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
 
Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...
Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...
Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...
 
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
 
Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...
Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...
Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...
 
Diễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.doc
Diễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.docDiễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.doc
Diễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.doc
 

Recently uploaded

SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfSLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfhoangtuansinh1
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...hoangtuansinh1
 
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdfxemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdfXem Số Mệnh
 
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hộiTrắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hộiNgocNguyen591215
 
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfxemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfXem Số Mệnh
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnBài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnpmtiendhti14a5hn
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdfltbdieu
 
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hànhbài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hànhdangdinhkien2k4
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfNguyen Thanh Tu Collection
 
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...ChuThNgnFEFPLHN
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...Nguyen Thanh Tu Collection
 
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgspowerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgsNmmeomeo
 
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.pptAccess: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.pptPhamThiThuThuy1
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng TạoĐề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạowindcances
 
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoiC6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoidnghia2002
 

Recently uploaded (20)

SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfSLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
 
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdfxemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
 
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hộiTrắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
 
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfxemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
 
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnBài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
 
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hànhbài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
 
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
 
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgspowerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
 
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.pptAccess: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
 
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng TạoĐề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
 
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
 
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoiC6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
 

Ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng anh và tiếng việt

  • 1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI --------o0o------- NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN ẨN DỤ Ý NIỆM VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TRONG TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGÔN NGỮ HỌC Hà Nội, 2019
  • 2. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI --------o0o------- NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN ẨN DỤ Ý NIỆM VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TRONG TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT Ngành, chuyên ngành : Ngôn ngữ học, so sánh đối chiếu Mã số : 922 20 24 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS HÀ QUANG NĂNG Hà Nội, 2019
  • 3. DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT TTCK: thị trường chứng khoán ADYN: ẩn dụ ý niệm CP: cổ phiếu CS: chỉ số v.d. ví dụ
  • 4. DANH MỤC HÌNH Hình 1.1: Các tương đồng ánh xạ của ẩn dụ TÌNH YÊU LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH.........................................................................................................26 Hình 1.2. Ánh xạ ẩn dụ ý niệm (Lakoff&Johnson,1980).....................................27 Hình 1.3. Các nhóm ẩn dụ ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng Anh và tiếng Việt .............................................................................................................40 Hình 2.1. Ánh xạ ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ ĐỘNG VẬT ..........................................................................................................................52 Hình 2.2. Ánh xạ ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỰC VẬT ..........................................................................................................................59 Hình 2.3. Ánh xạ ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ LỬA ..63 Hình 2.4. Các ẩn dụ bậc dưới của ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CỖ MÁY trong bản tin thị trường chứng khoán tiếng Anh và tiếng Việt…………………………………………………………………………..82 Hình 3.1: Lược đồ “đường đi”...............................................................................91 Hình 3.2: Ánh xạ ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỂ THAO trong bản tin thị trường chứng khoán tiếng Anh và tiếng Việt ...........105 Hình 4.1. Ánh xạ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CƠ THỂ NGƯỜI ..................................................................................................................120 Hình 4.2. Sơ đồ các nhóm ẩn dụ ý niệm về THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN có miền nguồn là KHÔNG GIAN trong bản tin TTCK....................................130
  • 5. DANH MỤC BẢNG Bảng 2.1: Các tương đồng ánh xạ ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ BIỂN ..................................................................................................44 Bảng 2.2. Các tương đồng ánh xạ của ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỜI TIẾT .......................................................................................69 Bảng 2.3. Các tương đồng ánh xạ ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG ...........................................................76 Bảng 2.4. Các tương đồng ánh xạ ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CỖ MÁY............................................................................................82 Bảng 3.1: Ánh xạ ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH trong bản tin TTCK.....................................................................92 Bảng 3.2: Các tương đồng ánh xạ ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ SÂN KHẤU .......................................................................................99 Bảng 3.3: Các tương đồng ánh xạ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CHIẾN TRƯỜNG.................................................................................................111
  • 6. MỤC LỤC DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT DANH MỤC HÌNH DANH MỤC BẢNG PHẦN MỞ ĐẦU........................................................................................................1 1. Tính cấp thiết của đề tài .......................................................................................1 2. Mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu...................................................2 2.1. Mục đích nghiên cứu..........................................................................................2 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu..........................................................................................3 3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu và ngữ liệu khảo sát ........................................3 3.1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu......................................................................3 3.2. Ngữ liệu khảo sát ................................................................................................4 4. Phương pháp luận và Phương pháp nghiên cứu................................................5 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án...............................................................6 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án.............................................................6 6.1. Về mặt lí luận ......................................................................................................6 6.2. Về mặt thực tiễn ..................................................................................................6 7. Cấu trúc của luận án.............................................................................................6 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ..................................8 VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN...............................................................................................8 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu về ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn kinh tế .8 1.1.1 Tình hình nghiên cứu trên thế giới........................................................................8 1.1.2 Tình hình nghiên cứu tại Việt Nam .....................................................................18 1.2. Cơ sở lý thuyết về ẩn dụ ý niệm............................................................................20 1.2.1. Định nghĩa về ẩn dụ ý niệm................................................................................20 1.2.2. Thuyết ẩn dụ ý niệm (Conceptual Metaphor Theory) ........................................20 1.2.3. Các khái niệm và thuật ngữ liên quan đến ẩn dụ ý niệm...................................23 1.2.4. Ẩn dụ ý niệm và văn hoá......................................................................................31 1.2.5. Một số đặc trưng văn hoá của các nước nói tiếng Anh và của Việt Nam .........37
  • 7. 1.3. Khung cơ sở lý thuyết ............................................................................................37 1.4.Tiểu kết...............................................................................................................42 CHƯƠNG 2. ẨN DỤ Ý NIỆM VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN CÓ MIỀN NGUỒN LÀ MÔI TRƯỜNG SỐNG TRONG BẢN TIN TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT ....................................................................................................43 2.1. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ BIỂN trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt...........................................................................................................43 2.1.1. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ BIỂN trong bản tin tiếng Anh..................................................................................................................................44 2.1.2. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ BIỂN trong bản tin tiếng Việt ..................................................................................................................................48 2.1.3. Đối chiếu ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ BIỂN trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt .............................................................................................50 2.2. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ ĐỘNG VẬT trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt............................................................................................51 2.2.1. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ ĐỘNG VẬT trong bản tin tiếng Anh ........................................................................................................................52 2.2.2. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ ĐỘNG VẬT trong bản tin tiếng Việt.........................................................................................................................55 2.2.3. Đối chiếu ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ ĐỘNG VẬT trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt ............................................................................56 2.3. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỰC VẬT trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt .................................................................................................58 2.3.1. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỰC VẬT trong bản tin tiếng Anh ........................................................................................................................59 2.3.2. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỰC VẬT trong bản tin tiếng Việt.........................................................................................................................61 2.3.3. Đối chiếu ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỰC VẬT trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt ............................................................................62 2.4. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ LỬA trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt...........................................................................................................62
  • 8. 2.4.1. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ LỬA trong bản tin tiếng Anh..................................................................................................................................64 2.4.2. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ LỬA trong bản tin tiếng Việt ..................................................................................................................................66 2.4.3. Đối chiếu ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ LỬA trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt .............................................................................................66 2.5. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỜI TIẾT trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt .................................................................................................67 2.5.1. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỜI TIẾT trong bản tin tiếng Anh ........................................................................................................................69 2.5.2. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỜI TIẾT trong bản tin tiếng Việt.........................................................................................................................72 2.5.3. Đối chiếu ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỜI TIẾT trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt ............................................................................74 2.6. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt.............................................................76 2.6.1. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG trong bản tin tiếng Anh.....................................................................................77 2.6.2. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG trong bản tin tiếng Việt......................................................................................78 2.6.3. Đối chiếu ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt.......................................................80 2.7. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CỖ MÁY trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt .................................................................................................81 2.7.1. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CỖ MÁY trong bản tin tiếng Anh ........................................................................................................................83 2.7.2 Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CỖ MÁY trong bản tin tiếng Việt.........................................................................................................................86 2.7.3. Đối chiếu ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CỖ MÁY trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt ......................................................................................88 2.8. Tiểu kết..............................................................................................................89
  • 9. CHƯƠNG 3: ẨN DỤ Ý NIỆM VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN CÓ MIỀN NGUỒN LÀ HOẠT ĐỘNG TRONG BẢN TIN TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT...........................................................................................................91 3.1 Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt..........................................................................91 3.1.1. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH trong bản tin tiếng Anh..................................................................................................92 3.1.2. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH trong bản tin tiếng Việt ..................................................................................................96 3.1.3. Đối chiếu ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt...............................................................98 3.2. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ SÂN KHẤU trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt .................................................................................................99 3.2.1. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ SÂN KHẤU trong bản tin tiếng Anh ......................................................................................................................100 3.2.2. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ SÂN KHẤU trong bản tin tiếng Việt.......................................................................................................................102 3.2.3. Đối chiếu ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ SÂN KHẤU trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt ..........................................................................103 3.3. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỂ THAO trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt ...............................................................................................104 3.3.1. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỂ THAO trong bản tiếng Anh ......................................................................................................................105 3.3.2. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỂ THAO trong bản tin tiếng Việt.......................................................................................................................108 3.3.3. Đối chiếu ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ THỂ THAO trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt ..........................................................................108 3.4. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CHIẾN TRƯỜNG trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt ..................................................................................110 3.4.1 Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CHIẾN TRƯỜNG trong bản tin tiếng Anh..........................................................................................................112
  • 10. 3.4.2. Ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CHIẾN TRƯỜNG trong bản tin tiếng Việt ..........................................................................................................114 3.4.3. Đối chiếu ẩn dụ ý niệm THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CHIẾN TRƯỜNG trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt ........................................................117 3.5. Tiểu kết............................................................................................................118 CHƯƠNG 4: ẨN DỤ Ý NIỆM VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN CÓ MIỀN NGUỒN LÀ CƠ THỂ NGƯỜI VÀ KHÔNG GIAN TRONG BẢN TIN TIẾNG ANH VÀ TIẾNG VIỆT ..........................................................................120 4.1 Ẩn dụ ý niệm về thị trường chứng khoán có miền nguồn là CƠ THỂ NGƯỜI trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt........................................................................120 4.1.1 Ẩn dụ ý niệm TÌNH TRẠNG CỦA THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ TÌNH TRẠNG SỨC KHOẺ SINH LÝ trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt......................121 4.1.2. Ẩn dụ ý niệm TÌNH TRẠNG CỦA THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ TÌNH TRẠNG SỨC KHOẺ TÂM LÝ trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt.......................127 4.2. Ẩn dụ ý niệm về thị trường chứng khoán có miền nguồn là KHÔNG GIAN trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt........................................................................129 4.2.1. Ẩn dụ ý niệm có miền nguồn là hướng LÊN-XUỐNG trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt ..................................................................................................................130 4.2.2. Ẩn dụ ý niệm có miền nguồn là vị trí CAO-THẤP trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt.......................................................................................................................135 4.2.3. Ẩn dụ ý niệm có miền nguồn là hướng RA-VÀO trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt.......................................................................................................................139 4.3. Tiểu kết............................................................................................................142 PHẦN KẾT LUẬN................................................................................................144 TÀI LIỆU THAM KHẢO ....................................................................................148 PHỤ LỤC
  • 11. 1 PHẦN MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Ngôn ngữ học tri nhận bắt đầu hình thành từ những công trình nghiên cứu trong thập kỷ 80 của thế kỷ 20 của các nhà ngôn ngữ học quan tâm tới mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy với các học giả tiêu biểu như Charles Fillmore, George Lakoff, Mark Johnson, Ronald Langacker, Leonard Talmy, Zoltan Kövecses, Gilles Fauconnier, Gerard Steen…Với kiệt tác “Metaphor we live by” viết năm 1980, Lakoff & Johnson đã phát triển Lý thuyết ẩn dụ ý niệm và trên cơ sở đó các nhà ngôn ngữ học tri nhận phát triển và ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực như nghiên cứu văn học, nghiên cứu pháp luật, ngôn ngữ học, triết học, kinh tế…Trong lĩnh vực kinh tế, các nhà kinh tế học và ngôn ngữ học cũng đã tiếp tục chứng minh tầm quan trọng của ẩn dụ nói chung và ẩn dụ ý niệm nói riêng đối với việc hiểu và truyền tải các lý thuyết và hiện tượng kinh tế trừu tượng (Henderson [84], [85], [86], [87], [88], [89]; Mc.Closkey [116], [117], [118]; Charteris-Black [42]; Oberlechner và các cộng sự [125]; Chung [51], [52], [53]…). Từ khi ngôn ngữ học tri nhận được đưa vào Việt Nam các nhà nghiên cứu bắt đầu quan tâm và đã có khá nhiều công trình về ngôn ngữ học tri nhận với các tên tuổi như Lý Toàn Thắng [25], [26], [27], [28], Trần Văn Cơ [2], Phan Thế Hưng [11]... Ẩn dụ ý niệm trong các lĩnh vực khác nhau vẫn có sức hấp rất dẫn lớn, về thi ca có Nguyễn Thị Bích Hạnh [6], Phạm Thị Hương Quỳnh [23]; về thành ngữ tục ngữ có Vi Trường Phúc [21], Trần Bá Tiến [33], về diễn ngôn chính trị có Nguyễn Tiến Dũng [4] về lĩnh vực kinh tế có Hà Thanh Hải [5], Phạm Thị Thanh Thuỳ [28]…Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi có rất ít công trình nghiên cứu chuyên sâu về ẩn dụ ý niệm trong diễn ngôn thị trường chứng khoán trong khi ngôn ngữ sử dụng để tường thuật, phân tích, bình luận thị trường chứng khoán lại vô cùng sinh động và phong phú, chứa đựng rất nhiều biểu thức ẩn dụ ý niệm về thị trường chứng khoán. Như vậy khảo sát cho thấy lĩnh vực nghiên cứu về ẩn dụ ý niệm vẫn còn nhiều khoảng trống. Hiện chưa có công trình nào nghiên cứu toàn diện và chuyên sâu ẩn dụ ý niệm về “thị trường chứng khoán” trên ngữ liệu bản tin thị trường chứng khoán theo ngày của tất cả các phiên giao dịch trong một năm, mà các nghiên cứu trên thế giới đa số chỉ xử lý ngữ liệu bản tin tài chính nói chung. Hơn nữa ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu chuyên sâu nào về ẩn dụ ý niệm về “thị trường chứng khoán” và đối chiếu ẩn dụ ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng Anh và tiếng Việt. Vì vậy đây là khoảng trống lý luận cần thiết được lấp đầy. Nghiên
  • 12. 2 cứu so sánh đối chiếu của chúng tôi về ADYN trong ngôn ngữ của TTCK trên ngữ liệu bản tin thị trường chứng khoán theo ngày sẽ là mảnh ghép tiếp theo vào bức tranh nghiên cứu chung đó. Về mặt thực tiễn, Việt Nam là nước đang phát triển khá nhanh về kinh tế, nền tài chính tuy còn non trẻ nhưng đã sôi động với sự ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2000. Tuy nhiên, ở Việt Nam TTCK hoạt động chuyên nghiệp chỉ mới 10 năm nay nên có nhiều khái niệm trừu tượng còn khó hiểu với nhiều người, và không phải ai cũng hiểu được các thuật ngữ cũng như nghĩa ngầm ẩn của các biểu thức ADYN trong các diễn ngôn về TTCK. Vì vậy việc nghiên cứu các biểu thức ẩn dụ ý niệm là cần thiết vì nó sẽ giúp hiểu biết đầy đủ và toàn diện về lĩnh vực thị trường chứng khoán thông qua các ẩn dụ ý niệm. Ngoài ra, thực tế cũng cho thấy khả năng ngôn ngữ TTCK trong tiếng Việt chịu ảnh hưởng của tiếng Anh vì TTCK Việt Nam ra đời rất lâu sau TTCK thế giới trên cơ sở kế thừa. Trên thế giới, TTCK đã hoạt động hàng trăm năm với sự ra đời và phát triển mạnh mẽ đầu tiên với TTCK Anh và TTCK Mỹ từ thế kỷ 18 nên tương ứng với nó là sự phát triển lâu đời của ngôn ngữ thị trường chứng khoán trong tiếng Anh. Do đó khi TTCK Việt Nam ra đời tất yếu có sự tiếp thu các biểu thức ngôn ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Việt dẫn đến nhiều tương đồng không chỉ trong ngôn ngữ mà còn cả trong tư duy về TTCK ở hai ngôn ngữ. Mặt khác, cơ chế tri nhận ngoài tính phổ quát vẫn mang đặc điểm văn hoá cụ thể và các yếu tố văn hoá có thể gây ra các dị biệt trong việc sử dụng các biểu thức ẩn dụ ý niệm và gây khó dễ cho người sử dụng ngôn ngữ. Do đó việc đối chiếu ngôn ngữ Anh và ngôn ngữ Việt sẽ giúp tìm ra sự tương đồng và dị biệt của các biểu thức ẩn dụ ý niệm ở hai ngôn ngữ, từ đó rõ hơn về mối liên hệ giữa văn hoá, tư duy, và ngôn ngữ giúp cho độc giả và người sử dụng ngôn ngữ tự tin hơn, đồng thời cũng giúp ích cho việc nghiên cứu liên văn hoá cũng như ứng dụng giảng dạy và dịch thuật ngôn ngữ thị trường chứng khoán. Chính vì những lý do nêu trên trên chúng tôi chọn đề tài “Ẩn dụ ý niệm về THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN trong tiếng Anh và tiếng Việt” cho công trình luận án của mình nhằm làm sáng tỏ những khoảng trống về lý luận và thực tiễn đó. 2. Mục đích nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu Luận án đề ra các mục đích nghiên cứu sau: Trên cơ sở thống kê, miêu tả và phân tích các biểu thức ẩn dụ ý niệm trong
  • 13. 3 ngữ liệu bản tin thị trường chứng khoán tiếng Anh và tiếng Việt, luận án sẽ chỉ ra những tương đồng và dị biệt của các biểu thức ẩn dụ ý niệm về thị trường chứng khoán trong hai ngôn ngữ, từ đó tìm ra sự tương đồng và dị biệt về cơ sở tri nhận của chúng trong tiếng Anh và tiếng Việt. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt được các mục đích nghiên cứu trên, luận án cần tập trung giải quyết tốt các nhiệm vụ sau: a. Hệ thống hóa các quan điểm lí luận về ẩn dụ nhìn từ lý thuyết ngôn ngữ học tri nhận trên thế giới và ở Việt Nam, qua đó xác lập cơ sở lí luận cho việc nghiên cứu. b. Xác lập các biểu thức ngôn ngữ của ẩn dụ ý niệm về thị trường chứng khoán có trong ngữ liệu bản tin TTCK tiếng Anh và tiếng Việt, từ đó rút ra các loại ẩn dụ ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng Anh và tiếng Việt. d. Miêu tả, phân tích, đối chiếu các biểu thức ẩn dụ ý niệm về TTCK có trong bản tin TTCK tiếng Anh và tiếng Việt trên cả ba bình diện: định lượng; ngữ nghĩa và tri nhận; giao tiếp. g. Giải thích các đặc điểm tương đồng và dị biệt dựa trên phương diện văn hoá dân tộc, phần nào làm rõ mối liên hệ giữa văn hoá, tư duy và ngôn ngữ. 3. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu và ngữ liệu khảo sát 3.1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là các biểu thức ẩn dụ ý niệm về thị trường chứng khoán trong hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt. Ngữ liệu nghiên cứu giới hạn trong phạm vi văn bản là các bản tin điện tử hàng ngày về thị trường chứng khoán Mỹ và thị trường chứng khoán Việt Nam; và trong khoảng thời gian phát hành giới hạn từ 1/1/2017-30/12/2017. Chúng tôi chỉ khảo sát 762 bản tin tiếng Anh và 219 bản tin tiếng Việt, dựa trên ngữ liệu này với miền đích xác định trước là THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN chúng tôi tìm được 16 miền nguồn. Luận án chỉ miêu tả, phân tích, đối chiếu các ẩn dụ ý niệm rút ra từ các biểu thức ẩn dụ có trong ngữ liệu, trong đó làm rõ cơ chế ánh xạ của từng loại ẩn dụ ý niệm và cách thức tri nhận, phân tích nghĩa ẩn dụ của các đơn vị từ vựng và bàn luận chức năng giao tiếp của các ẩn dụ đó.
  • 14. 4 Các tiêu chí đối chiếu hai chiều là ba bình diện của ẩn dụ ý niệm (ngữ nghĩa, tri nhận, giao tiếp); ngoài ra còn có tiêu chí so sánh định lượng nhằm tìm ra tính nổi trội của từng loại ADYN. Vì các biểu thức ngôn ngữ trong tiếng Anh chúng tôi đưa ra minh hoạ được rút ra nguyên gốc từ bản tin tiếng Anh không có phần dịch sang tiếng Việt nên những phần dịch được chú trong ngoặc vuông trong các chương 2,3,4 là của tác giả dịch ra dựa trên ngữ cảnh của toàn văn bản. 3.2. Ngữ liệu khảo sát Chúng tôi đã tiến hành khảo sát trên 762 bản tin tiếng Anh về TTCK Mỹ trong chuyên mục “Stock Market Today” (http://www.investors.com); và 219 bản tin tiếng Việt về TTCK Việt Nam trong chuyên mục “Nhịp đập thị trường” (http://www.vietstock.com). Đây là hai tờ báo điện tử dành cho các nhà đầu tư tài chính. Các bản tin được công bố từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 29/12/2017. Các bản tin được nghiên cứu là bản tin tổng hợp sau mỗi phiên giao dịch hàng ngày của tất cả các ngày mà TTCK Mỹ và TTCK Việt Nam hoạt động trong suốt năm 2017. Trong năm 2017 thị trường chứng khoán Việt Nam có 219 ngày giao dịch, tương đương có 219 bản tin. Tổng số từ của các bản tin tiếng Việt là 267.429 lượt từ. Thị trường chứng khoán Mỹ có 254 ngày giao dịch, tương ứng với 762 bản tin (mỗi ngày 3 bản tin ngắn). Tổng số từ của các bản tin tiếng Anh là 355.842 lượt từ. Sở dĩ có sự chênh lệch về số lượng bản tin là do cách thức đưa tin của hai trang web khác nhau. Báo điện tử của Mỹ cho ra trung bình 8 bản tin trong một ngày, tường thuật diễn biến của từng khoảng thời gian trong phiên giao dịch (mở cửa, đầu phiên sáng, giữa phiên sáng, trưa, đầu giờ chiều, cuối phiên, đóng cửa), với dung lượng trung bình khoảng 500 lượt từ/bản tin. Báo điện tử của Việt Nam cho ra một bản tin cuối ngày tường thuật tình hình cả phiên giao dịch trong ngày cùng với các mốc thời gian trong phiên như vậy, với dung lượng trung bình khoảng 1.500 từ/bản tin. Do tần suất đưa tin và dung lượng bài viết khác nhau như vậy nên chúng tôi không thể tìm được kiểu bản tin tương đương nhau cả về nội dung và dung lượng ở hai ngôn ngữ trên bất kỳ báo điện tử hay trang web tài chính nào mà thoả mãn được mục tiêu nghiên cứu. Vì vậy chúng tôi chọn phương án là lấy 3 bản tin tiếng Anh trong một ngày sao cho tổng số từ của 3 bản tin gần tương đương với tổng số từ của 1 bản tin tiếng Việt; đồng thời nội dung của mỗi bản tin tường thuật một khoảng thời gian chính là sáng, trưa, chiều nhằm đảm bảo nội dung của cả 3
  • 15. 5 bản tin có đủ diễn biến chính trong cả một ngày giao dịch để tương ứng với nội dung của 1 bản tin tiếng Việt. Các bản tin được mã hoá theo ngày tháng công bố. 4. Phương pháp luận và Phương pháp nghiên cứu Luận án kết hợp phương pháp nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính. Phương pháp nghiên cứu định lượng cho phép luận án thiết lập sự so sánh trực tiếp các kết quả tìm thấy giữa hai ngữ liệu tiếng Anh và tiếng Việt. Phương pháp phân tích định tính được dùng để nghiên cứu sâu hơn các ánh xạ ẩn dụ có mặt trong hai khối ngữ liệu và cách sử dụng các biểu thức ẩn dụ, và làm sáng tỏ cách thức tri nhận về TTCK, từ đó phát hiện ra các nét tương đồng và dị biệt giữa hai ngôn ngữ Anh và Việt. Các phương pháp nghiên cứu cụ thể được sử dụng trong luận án là: a. Phương pháp miêu tả (của ngôn ngữ học tri nhận): dùng để miêu tả các mô hình ẩn dụ ý niệm về TTCK trong bản tin TTCK tiếng Anh và tiếng Việt. b. Phương pháp đối chiếu: Phương pháp đối chiếu hai chiều (cả tiếng Anh và tiếng Việt đều được coi là ngữ nguồn và ngữ đích) được chọn sử dụng để nghiên cứu vì phương pháp này có giá trị to lớn cho việc nghiên cứu phân tích hai ngôn ngữ với nhau; dùng để so sánh và đối chiếu các biểu thức ẩn dụ ý niệm về TTCK có trong bản tin TTCK tiếng Anh và tiếng Việt, từ đó tìm ra các điểm tương đồng và dị biệt trong hai ngôn ngữ về cả 3 phương diện là ngữ nghĩa, tri nhận, giao tiếp. c. Phương pháp phân tích ẩn dụ ý niệm: dùng để phân tích các miền ý niệm và cấu tạo nghĩa qua ẩn dụ; sau đó nhận xét về mục đích sử dụng chúng trong các bản tin thị trường chứng khoán thu thập được. Việc khảo sát ngữ liệu và nhận diện các biểu thức ẩn dụ ý niệm được thực hiện theo Quy trình nhận dạng ẩn dụ ý niệm (Metaphor Identification Procedure) của nhóm Pragglejaz [131:3]. Các từ điển sau được dùng để giúp xác định nghĩa của từ. -Online etymology dictionary (từ điển từ nguyên tiếng Anh) -Oxford English Dictionary -Đại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý d. Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Phương pháp nghiên cứu liên ngành văn hoá-ngôn ngữ được áp dụng vì chúng tôi sử dụng các đặc trưng văn hoá, và các yếu tố bối cảnh văn hoá xã hội để giải thích các tương đồng và dị biệt của các biểu thức ADYN trong tiếng Anh và tiếng Việt. e. Thủ pháp thống kê, phân loại: dùng để thống kê các dụ dẫn và nhóm theo lĩnh
  • 16. 6 vực nguồn, theo tần xuất xuất hiện của chúng, theo mức độ phổ biến và theo các đặc điểm ngôn ngữ-văn hoá trên cơ sở dữ liệu các bản tin tiếng Anh và tiếng Việt thu thập được. Các số liệu thống kê cho thấy mức độ thông dụng của các ẩn dụ về TTCK trong các bản tin TTCK, và là cơ sở cho các đối chiếu về mặt định lượng giữa tiếng Anh và tiếng Việt. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án Đây là luận án đầu tiên tại Việt Nam về đề tài ẩn dụ ý niệm trong diễn ngôn thị trường chứng khoán. Luận án cung cấp thêm kiến thức ngôn ngữ về các ẩn dụ ý niệm có miền đích là THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN, xác định sự giống nhau và khác nhau trong cách tri nhận về TTCK giữa cộng đồng nói tiếng Anh và cộng đồng người Việt Nam, qua đó làm rõ hơn mối quan hệ giữa ngôn ngữ, văn hoá và tư duy trong lĩnh vực thị trường chứng khoán. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án 6.1. Về mặt lí luận Luận án góp phần củng cố lý thuyết của ngôn ngữ học tri nhận, và làm rõ thêm một số vấn đề lý thuyết ẩn dụ ý niệm thông qua ngữ liệu bản tin thị trường chứng khoán. Luận án cũng tiếp tục khẳng định vai trò tri nhận và giao tiếp của ẩn dụ ý niệm trong diễn ngôn, và tiếp tục minh hoạ cho tính đa dạng văn hoá của ẩn dụ ý niệm. Ở Việt Nam đây là công trình nghiên cứu một cách có hệ thống đầu tiên các ẩn dụ ý niệm về thị trường chứng khoán trên thể loại bản tin. Nó mở ra hướng nghiên cứu sâu hơn về thể loại ngôn ngữ tài chính mà hiện còn bỏ ngỏ ở Việt Nam. 6.2. Về mặt thực tiễn Những kết quả thu được sẽ có ý nghĩa trước hết với những độc giả của bản tin TTCK, và những người sử dụng ngôn ngữ, đồng thời sẽ đóng góp cho công việc giảng dạy ngôn ngữ nói chung, và đặc biệt là giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành thị trường chứng khoán thuộc ngành tài chính. Đối với lĩnh vực báo chí, kết quả của luận án có thể giúp ích cho công tác viết tin hoặc dịch tin tức, bình luận về TTCK. 7. Cấu trúc của luận án Luận án gồm phần mở đầu, 4 chương chính và phần kết luận.
  • 17. 7 Phần mở đầu: Trình bày lý do chọn đề tài, mục đích nghiên cứu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, đóng góp mới của luận án, và ý nghĩa của luận án. Chương 1: Trình bày tổng quan tình hình nghiên cứu ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn kinh tế, và làm rõ cơ sở lý luận cho việc phân loại, miêu tả và phân tích các ẩn dụ ý niệm ở các chương sau, và xây dựng khung lý thuyết cho luận án. Chương 2: Ẩn dụ ý niệm về THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN có miền nguồn là MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt Chương 3: Ẩn dụ ý niệm về THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN có miền nguồn là HOẠT ĐỘNG trong tiếng Anh và tiếng Việt Chương 4: Ẩn dụ ý niệm về THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN có miền nguồn là CƠ THỂ NGƯỜI và KHÔNG GIAN trong bản tin tiếng Anh và tiếng Việt Phần kết luận tóm tắt các kết quả của luận án và đề xuất hướng nghiên cứu tiếp sau.
  • 18. 8 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ LUẬN 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu về ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn kinh tế 1.1.1 Tình hình nghiên cứu trên thế giới Ngay từ những năm 1994, 1995, McCloskey đã đánh bại quan điểm là trong diễn ngôn kinh tế hầu như không có ẩn dụ. Nếu như trước đây các nhà kinh tế quan niệm chỉ dựa vào các mô hình và toán học có thể giải thích toàn bộ các vấn đề kinh tế thì sau này họ đã nhìn nhận thấy sai lầm của việc sử dụng quá nhiều toán học trong các bài viết về kinh tế (Quddus & Rashid [132]; Streeten [143]). Các nhà kinh tế đã chuyển sang tận dụng lợi thế của ngôn ngữ, sử dụng nhiều hơn biện pháp tu từ trong đó có ẩn dụ, nhất là trong các diễn ngôn ít tính học thuật hơn, ví dụ như diễn ngôn báo chí, nhằm giúp cho nội dung truyền tải trở nên dễ hiểu hơn đối với đại chúng, hay nói một cách khác là khiến cho chúng trở thành các câu chuyện đơn giản hơn (McCloskey [116]). Nhà kinh tế học người Mỹ McCloskey là người tiên phong nghiên cứu chuyên sâu ẩn dụ trong kinh tế. Bà cho rằng ẩn dụ là phép tu từ quan trọng nhất và có ý nghĩa đối với việc tư duy kinh tế. Giống như các nhà nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác, các nhà kinh tế học sử dụng ẩn dụ làm công cụ phản ánh các hoạt động và khái niệm kinh tế và các ẩn dụ xuất hiện hoàn toàn tự nhiên trong các diễn ngôn kinh tế. Các nghiên cứu của Henderson [84], [85], McCloskey [116], [117] và Charteris-Black [46], [47] cũng đều cho thấy rằng ẩn dụ trong kinh tế đóng vai trò quan trọng đối với việc hiểu các lý thuyết và hiện tượng kinh tế trừu tượng. Từ những năm 2000 trở lại đây xuất hiện một xu hướng nghiên cứu tìm hiểu hiện tượng ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn kinh tế thông qua các phương pháp phân tích diễn ngôn và phân tích khối liệu. Xu hướng này kết hợp quan điểm tri nhận về ẩn dụ trong khi xem xét bản chất thường quy của chúng, đồng thời cũng liên kết chặt chẽ ẩn dụ ý niệm với ẩn dụ ngôn từ trên cả hai bình diện lý thuyết và thực nghiệm. Tổng quan này nhóm các nghiên cứu thành 3 nhóm (nghiên cứu dưới góc độ ngữ nghĩa và tri nhận, nghiên cứu dưới góc độ ngữ dụng, nghiên cứu dưới góc độ xã hội học). 1.1.1.1. Các nghiên cứu dưới góc độ ngữ nghĩa và tri nhận
  • 19. 9 Các nghiên cứu thuộc nhóm này xuất phát ban đầu từ nhu cầu ứng dụng cho giảng dạy từ vựng kinh tế qua các ẩn dụ. Theo Henderson [84] sở dĩ ẩn dụ xuất hiện khá phổ biến trong các văn bản kinh tế vì ẩn dụ là một công cụ ngôn từ được sử dụng trong kinh tế học để (i) thuyết phục và (ii) giải thích các hiện tượng kinh tế mới thông qua các khái niệm cũ đã biết. Henderson trong nghiên cứu sau đó vào năm 1994 đã xác định ba vai trò của ẩn dụ trong các diễn ngôn kinh tế là: (i) Sự trang trí cho văn bản hay có thể là công cụ hỗ trợ giảng dạy để minh hoạ hay lấy ví dụ (ii) Quy tắc tổ chức tập trung cho tất cả các ngôn ngữ (iii) Công cụ để tìm hiểu các vấn đề kinh tế và làm cơ sở cho việc mở rộng miền ý niệm về kinh tế. Theo đó thì vai trò thứ ba của ẩn dụ là để tìm hiểu sâu các khái niệm kinh tế và xây dựng các mô hình dự đoán cho các hoạt động kinh tế. Cách chia các vai trò ẩn dụ như vậy cũng trùng với cách phân loại của Goatly’s [80] và đến Skorczynska & Deignan [138] họ dán nhãn khác cho các vai trò này là ‘illustrating’ (minh hoạ), ‘generic’ (sản sinh) and ‘modelling’ (tạo khuôn). Đây cũng là cách tạo ra thuật ngữ cho các ý niệm mới trong kinh tế mà ngôn ngữ tổng quát chưa có. Gao [68] nghiên cứu về ẩn dụ ý niệm trong bản tin tài chính trên The Economist năm 2007 và bà phân loại các ẩn dụ thành 3 loại là ẩn dụ có miền nguồn là CHIẾN TRANH, ẩn dụ có miền nguồn là THỂ THAO, ẩn dụ có miền nguồn là NÔNG NGHIỆP đồng thời kết luận rằng các thuật ngữ cụ thể từ kinh nghiệm trong thế giới vật lý được sử dụng để hiểu các khái niệm kinh tế trừu tượng và việc nghiên cứu các ẩn dụ tri nhận sẽ giúp nuôi dưỡng tư duy mang tính ẩn dụ về các diễn ngôn kinh tế, tức là sử dụng các thuật ngữ cụ thể một cách ẩn dụ để giúp người đọc hiểu diễn ngôn kinh tế. Cardini [45] nghiên cứu trên khối liệu 100,000 từ của các văn bản trên tờ The Economist và The International Economy trong quãng thời gian 2008-2012 và tìm ra hơn 40 ẩn dụ ý niệm về KINH TẾ miêu tả về cuộc khủng hoảng kinh tế trong đó loại ẩn dụ coi nền kinh tế như một đồ vật bị phá hủy là phổ biến nhất, và hai tờ báo khác nhau này có lượng ngôn ngữ ẩn dụ cũng khác nhau. Đây là nghiên cứu mà đã phân loại được nhiều nhất các ẩn dụ về KINH TẾ. Ngôn ngữ trong lĩnh vực tài chính cũng đã có nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới quan tâm như Oberlechner và các cộng sự [125], Kovács [100], Morris và các
  • 20. 10 cộng sự [120]… Oberlechner và các cộng sự [125] nghiên cứu quá trình ý niệm hóa THỊ TRƯỜNG HỐI ĐOÁI bằng ẩn dụ và xem xét phương thức các ẩn dụ này góp phần cấu thành nên thị trường tài chính như thế nào. Kết quả nghiên cứu cho thấy quá trình tri nhận về thị trường của các đối tượng nghiên cứu xoay quanh bảy ẩn dụ, đó là THỊ TRƯỜNG LÀ SẠP HÀNG, THỊ TRƯỜNG LÀ ĐỘNG CƠ, THỊ TRƯỜNG LÀ CỜ BẠC, THỊ TRƯỜNG LÀ THỂ THAO, THỊ TRƯỜNG LÀ CHIẾN TRANH, THỊ TRƯỜNG LÀ CƠ THỂ SỐNG và THỊ TRƯỜNG LÀ ĐẠI DƯƠNG. Mỗi loại ẩn dụ như vậy có chức năng đề cao hoặc che mờ một số bình diện nào đó của thị trường. Chúng cũng kéo theo một loạt các hàm ý khác nhau về các phương diện thị trường như vai trò của người tham gia thị trường hay khả năng đoán trước thị trường. Ông cũng đưa ra sơ đồ về tính chất có thể dự đoán của các loại ẩn dụ ý niệm về thị trường hối đoái, trong đó các ẩn dụ CHIẾN TRANH, ẩn dụ CƠ THỂ NGƯỜI thuộc nhóm không thể dự đoán, còn ẩn dụ THỂ THAO, ẩn dụ CỖ MÁY thuộc nhóm có thể dự đoán. Ẩn dụ BIỂN nằm ở giữa. Đồng thời xét về tiêu điểm ẩn dụ (metaphor focus) theo sơ đồ đó thì các ẩn dụ BIỂN, ẩn dụ CỖ MÁY, ẩn dụ CƠ THỂ SỐNG có mục đích là quan sát để hiểu và dự báo; trong khi ẩn dụ CHIẾN TRANH, ẩn dụ THỂ THAO có tiêu điểm là tham gia thị trường và mục đích là chiến thắng. (xem hình 1 phụ lục C) Kovács [100] trong bài báo đăng năm 2006 trên tạp chí The Economist đã tiếp tục chứng tỏ quan điểm của các nhà tri nhận luận rằng ẩn dụ không chỉ là một biện pháp tu từ mà nó lan tỏa trong tư duy và ý niệm của con người, do đó nó tồn tại khắp nơi và có nhiều trong ngôn ngữ thương mại. Tác giả đã hệ thống hóa các ẩn dụ ý niệm có trong diễn ngôn thương mại và cùng với các công trình khác về so sánh đối chiếu ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn thương mại ở tiếng Anh, Đức và Hungari góp phần giúp hiểu rõ hơn về ngôn ngữ kinh tế thương mại tài chính. Tác giả nhóm các ẩn dụ thành các loại theo miền nguồn như sau: - KINH TẾ/KINH DOANH LÀ CƠ THỂ NGƯỜI (TÌNH TRẠNG CÔNG TY LÀ TÌNH TRẠNG SỨC KHOẺ, CÁC KHÓ KHĂN LÀ BỆNH TẬT, CÁC GIẢI PHÁP KINH TẾ LÀ GIẢI PHÁP CHỮA BỆNH, KINH TẾ PHỤC HỒI LÀ BỆNH NHÂN PHỤC HÔI, KINH TẾ SỤP ĐỔ LÀ BỆNH NHÂN CHẾT) -KINH TẾ LÀ CHIẾN TRANH -KINH DOANH LÀ THỂ THAO (KINH DOANH LÀ BÓNG ĐÁ, KINH DOANH LÀ SĂN BẮN, KINH DOANH LÀ ĐẤM BỐC…) -KINH DOANH LÀ TRÒ CHƠI -KINH DOANH LÀ HÔN NHÂN
  • 21. 11 -KINH DOANH LÀ BIỂU DIỄN Đặc biệt là từ năm 2000 tới nay có rất nhiều nghiên cứu so sánh đối chiếu văn hoá về ẩn dụ trong diễn ngôn kinh tế nói chung và diễn ngôn tài chính nói riêng. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng ẩn dụ ý niệm mang tính đặc trưng văn hoá và giải thích cách sử dụng ẩn dụ dựa trên các đặc điểm tương đồng và khác biệt về văn hoá, tự nhiên, vật lý. Rojo López và Orts Llopis [134] nghiên cứu việc ý niệm hóa bằng ẩn dụ cuộc khủng hoảng kinh tế trên báo chí tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, thu thập các bài báo trên The economist và El Economista trong các giai đoạn khác nhau (tháng 6-tháng 11 năm 2007 và tháng 9-tháng 12 năm 2008). Kết quả nghiên cứu cho thấy tại giai đoạn năm 2007 khi Tây Ban Nha đang tiến tới cuộc bầu cử trong nước trong thì trong dữ liệu tiếng Tây Ban Nha có nhiều ẩn dụ với các khung về tình hình kinh tế bằng các từ ngữ/biểu thức ngôn ngữ mang tính tích cực, trong khi đó thì ở các bài báo tiếng Anh thì các từ ngữ mang tính tiêu cực lại xuất hiện chủ yếu, báo hiệu giai đoạn khủng hoảng sau đó. Trong luận án tiến sĩ của mình, Luporini [113] nghiên cứu việc sử dụng các ẩn dụ ý niệm miêu tả cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008 trên khối liệu là các bài báo của The Financial Times (tiếng Anh) và II Sore 24 Ore (tiếng Ý). Kết quả cho thấy ở cả hai khối liệu đều sử dụng các miền nguồn giống nhau cho các ẩn dụ và trong cả hai ngôn ngữ, các ẩn dụ thường xuyên nhất đều là các ẩn dụ có miền nguồn là CƠ THỂ SỐNG, ẨN DỤ VẬT CHỨA, ẨN DỤ SỨC KHỎE (THỂ CHẤT/TINH THẦN), ẨN DỤ CHIẾN TRANH/XUNG ĐỘT, VÀ ẨN DỤ THỜI TIẾT/LỰC LƯỢNG TỰ NHIÊN. Sự khác biệt giữa hai khối liệu nằm ở tầng sâu hơn. Nghiên cứu sâu hơn về các biểu thức ngôn ngữ cho thấy khối liệu tiếng Ý thì có xu hướng miêu tả khủng hoảng bằng các thuật ngữ mang tính “thảm họa” đặc biệt là trong mô hình ẩn dụ KHỦNG HOẢNG LÀ CHẤT NỔ, KHỦNG HOẢNG LÀ THIÊN TAI. Trong khối liệu tiếng Ý, tiểu ngữ liệu là các bài báo trang nhất có sử dụng nhiều nhất các ẩn dụ có miền nguồn CHIẾN TRANH/XUNG ĐỘT làm nổi bật các đặc tính như “bạo lực” hay “hiếu chiến” ở trong miền đích KHỦNG HOẢNG. Ngược lại thì trong tiểu khối liệu gồm các bài báo chính thì lại xuất hiện nhiều các ẩn dụ sức khỏe mà phóng chiếu các đặc tính như “tính không thể tránh được và sự suy sụp về thể chất/tinh thần” lên miền đích. Gao [67] so sánh đối chiếu các ẩn dụ ý niệm trong các tiêu đề báo chí kinh tế trong tiếng Anh và tiếng Trung Quốc và tác giả giải thích sự khác biệt của các ẩn dụ ý niệm là do các yếu tố môi trường về văn hóa, tự nhiên và thể chất (physical); ví dụ
  • 22. 12 như ở Trung Quốc nông nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nên các ẩn dụ nông nghiệp xuất hiện nhiều; hay ẩn dụ chiến tranh xuất hiện nhiều trong tiếng Trung hơn là tiếng Anh vì Trung Quốc có lịch sử gắn với chiến tranh lâu dài hơn. Cụ thể trong diễn ngôn tài chính thì có thể kể đến các nghiên cứu so sánh đối chiếu của Charteris-Black & Ennis [46], Semino [135], Chung [50], [51], [52], Kovács [99], [100]. Charteris-Black & Ennis [46] thực hiện một nghiên cứu khối liệu đối chiếu các ẩn dụ ý niệm trong các bài tường thuật tài chính trong tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha tại giai đoạn thị trường chứng khoán sụp đổ năm 1997. Các tác giả đưa ra kết luận rằng cả hai ngôn ngữ khá tương đồng trong việc lựa chọn các ẩn dụ ý niệm với các biểu thức ngôn ngữ giống nhau nhưng có sự khác nhau về tần suất, ví dụ như KINH TẾ LÀ CƠ THỂ SỐNG, CHUYỂN ĐỘNG CỦA THỊ TRƯỜNG LÀ CHUYỂN ĐỘNG VẬT LÝ, CHUYỂN ĐỘNG XUỐNG CỦA THỊ TRƯỜNG LÀ THIÊN TAI. Họ gắn sự tương đồng đó với đặc điểm văn hóa chung giữa hai ngôn ngữ đó là hệ thống kinh tế giống nhau và cùng gốc Latin. Các tác giả cũng giải thích về tần suất xuất hiện cao hơn của ánh xạ CHUYỂN ĐỘNG CỦA THỊ TRƯỜNG LÀ CHUYỂN ĐỘNG CỦA BIỂN trong khối liệu tiếng Anh là do sự ảnh hưởng của truyền thống biển do nước Anh là quần đảo. Semino [135] trích dẫn trong Deignan [59] so sánh khối liệu là các bài báo trong tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha để nghiên cứu các ẩn dụ được sử dụng để nói về đồng Euro lúc bắt đầu ra đời; và tác giả tìm ra những khác biệt trong các miền nguồn thể hiện sự đồng ý với đồng Euro tại nước Ý và sự nghi ngại tại nước Anh. Nhà nghiên cứu Đài Loan Siaw-Fong Chung có một loạt nghiên cứu riêng về ẩn dụ thị trường, so sánh đối chiếu liên ngôn ngữ. Trong công trình [50], Chung so sánh các ẩn dụ THỊ TRƯỜNG trong tiếng Trung, tiếng Anh và tiếng Malay, và điểm mới của nghiên cứu này là tác giả phân tích kỹ các ẩn dụ THỊ TRƯỜNG trong ba ngôn ngữ không chỉ ở mức độ nghĩa mà còn xem xét mối quan hệ giữa ngữ nghĩa và cú pháp, từ đó đề ra một hướng tiếp cận mang tính chất định tính để so sánh các góc nhìn nổi và chìm của các cộng đồng khác nhau về nền kinh tế của họ. Nghiên cứu chỉ ra rằng sự lựa chọn các ẩn dụ thể hiện cách nhìn khác nhau về kinh tế giữa các dân tộc. Ví dụ như việc ít ẩn dụ THỊ TRƯỜNG LÀ CẠNH TRANH trong tiếng Anh có thể cho thấy rằng người ta quan tâm tới việc duy trì vị trí trên thị trường hơn là sự cạnh tranh. Về vị trí cú pháp của từ đích “THỊ TRƯỜNG” thì tác giả kết luận rằng (i) các vị trí cú pháp của từ đích “THỊ TRƯỜNG” ảnh hưởng tới loại ẩn dụ được lựa
  • 23. 13 chọn, ví dụ khi ẩn dụ THỊ TRƯỜNG LÀ CON NGƯỜI được lựa chọn thì cả ba ngôn ngữ đều thích đặt từ THỊ TRƯỜNG như là chủ thể gây ra hành động; và (ii) ở ba ngôn ngữ thì ưu tiên về vị trí cú pháp của từ đích “THỊ TRƯỜNG” là khác nhau, ví dụ người Trung Quốc thích đặt từ THỊ TRƯỜNG ở vị trí chủ ngữ rồi mới tới bổ ngữ và tân ngữ trong khi người Malay thích vị trí tân ngữ và người Anh thích vị trí chủ ngữ. Trong nghiên cứu sử dụng phương pháp khối liệu so sánh ẩn dụ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ NƯỚC BIỂN trong tiếng Mandarin Chinese, tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, và với khung lý thuyết Mô hình ánh xạ ý niệm (Conceptual Mapping Model) của Ahren (2002), Chung và các cộng sự [51] đã tìm ra sự khác nhau về các biểu thức ngôn ngữ được đồ chiếu và tần suất xuất hiện trong mỗi ngôn ngữ. Các điểm khác biệt này được thể hiện trong các nguyên tắc ánh xạ cụ thể. Dựa trên các phân tích về các ẩn dụ thị trường chứng khoán trong các bản tin thị trường chứng khoán tiếng Anh và tiếng Trung Quốc, Chung [52] đã nghiên cứu và đưa ra các chiến thuật dịch đối với ba ẩn dụ phổ biến nhất là các ẩn dụ có miền nguồn là HƯỚNG LÊN/XUỐNG, DAO ĐỘNG, CHIẾN TRANH. Nghiên cứu chỉ ra rằng mục tiêu ưu tiên của việc dịch các bản tin thị trường chứng khoán Trung Quốc sang tiếng Anh là truyền tải thông tin, do đó khi dịch có thể sử dụng chiến lược giữ lại các ẩn dụ ý niệm gốc đối với các ẩn dụ mà ý niệm của miền đích giống nhau trong hai ngôn ngữ; và áp dụng chiến lược thay thế bằng các cụm từ ngữ hợp với ngôn ngữ và văn hóa Anh đối với các ẩn dụ mà ý niệm của miền đích là khác nhau trong hai ngôn ngữ. Ngoài ra người dịch cũng có thể bỏ các ẩn dụ ý niệm đi miễn là trong cách dịch của mình vẫn giữ đúng nghĩa. 1.1.1.2. Các nghiên cứu dưới góc độ ngôn ngữ học xã hội Nghiên cứu của các tác giả liên quan tới ẩn dụ và giới tính như Wilson [152], Fleischmann [66] cho rằng ẩn dụ KINH TẾ LÀ CHIẾN TRANH đã cho thấy rõ sự phân biệt giới tính từ xưa vì mô hình ẩn dụ này liên quan tới các hành vi mang tính nam, và như vậy là coi nhẹ vị trí của phụ nữ trong lĩnh vực kinh doanh. Koller [96] cũng đã tiến hành một nghiên cứu rất hay về ẩn dụ và giới trong kinh doanh. Tác giả còn khảo sát các độc giả của các tạp chí kinh doanh và tìm ra 90% họ là nam, điều này đặt ra các câu hỏi về chức năng liên nhân của ẩn dụ: các nhà báo không chỉ sử dụng ẩn dụ cụ thể nào đó một cách có chọn lọc để ý niệm hóa các chủ đề theo quan điểm cụ thể nào đó. Xét trên số liệu nhân khẩu học về độc giả thì mục đích của các nhà báo ở đây có thể là để phản chiếu các biểu thức ngôn ngữ họ nhận được từ các độc giả nam hơn là để ảnh hưởng tới việc tri nhận của độc giả.
  • 24. 14 1.1.1.3. Các nghiên cứu dưới góc độ ngữ dụng Một số nhà nghiên cứu cho rằng ngữ nghĩa học không thể giải thích hiện tượng ẩn dụ một cách trọn vẹn bởi vì chúng ta không cần xem xét các từ có nghĩa gì khi chúng tách rời khỏi ngữ cảnh, mà chỉ xem xét người nói muốn nói gì trên phương diện dụng học khi họ dùng từ trong ngữ cảnh. Một trong những hạn chế của việc phân tích ẩn dụ tách tri nhận khỏi dụng học là việc giải thích lý do xuất hiện ẩn dụ chỉ là kinh nghiệm bên trong, tức là phản xạ vô thức. Trong khi đó quan điểm dụng học cho rằng người nói sử dụng ẩn dụ nhằm mục đích thuyết phục trên cơ sở những tài nguyên có sẵn về ngôn ngữ và tri nhận, kết nối chúng và sử dụng theo mục đích của mình. Charteris-Black [48] cho rằng mục đích thuyết phục có ý thức cần phải được tích hợp trong một quan điểm tri nhận rộng lớn hơn. Cameron & Low [42] ủng hộ quan điểm rằng các mặt tri nhận và các mặt xã hội đều cấu thành nên các ẩn dụ. Các tác giả phân biệt 2 cấp độ phân tích ẩn dụ: - The Theory Level of Analysis (cấp độ lý thuyết) tập trung và việc xác lập các ẩn dụ, phân loại chúng và mục đích cũng như logic của việc tạo lập và giải thích các ẩn dụ. - The Processing Level of Analysis (cấp độ xử lý) nghiên cứu mối quan hệ giữa các cá nhân và môi trường văn hoá xã hội trong quá trình xử lý ngôn ngữ mang tính ẩn dụ trong các diễn ngôn cụ thể; và nghiên cứu xem việc xử lý các ẩn dụ có thể thay đổi các cấu trúc ẩn dụ và làm nghĩa mới bén rễ vào các đơn vị từ vựng. Như vậy Cameron & Low đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp nhất các ngữ cảnh văn hoá xã hội cũng như các mục tiêu diễn ngôn tương ứng trong việc tạo nên các ẩn dụ ý niệm mà tương ứng và có ý nghĩa về mặt văn hoá. Các nghiên cứu nổi bật sau đó của Cameron [41], Charteris-Black [46]; Charteris-Black & Musolff [49] cũng góp phần làm rõ hơn vai trò ngữ dụng của ẩn dụ dường như vẫn không quan tâm đúng mức tới chức năng giao tiếp của ẩn dụ cho tới khi Steen [141] chỉ rõ nghịch lý và đưa ra mô hình ba chiều, khẳng định các chức năng của ẩn dụ có thể giải thích dựa trên mối liên hệ với ngôn ngữ, tư duy và giao tiếp và sau đó phát triển thành Lý thuyết ẩn dụ chủ ý (Deliberate Metaphor Theory). Ba chức năng đó là: (i) Chức năng ngữ nghĩa: để lấp các khoảng trống trong hệ thống ngôn ngữ (ẩn dụ trong ngôn ngữ) có thể gọi là “naming” (đặt tên). (ii) Chức năng tri nhận: tạo ra khung tri nhận cho các ý niệm mà cần ít nhất là được hiểu gián tiếp cục bộ (ẩn dụ trong tư duy); có thể gọi là “framing” (tạo khung).
  • 25. 15 (iii) Chức năng giao tiếp: tạo ra một khía cạnh khác trên đối tượng hay chủ đề nói đến trong thông điệp (ẩn dụ trong giao tiếp) và có thể gọi là “changing” (biến đổi). Như vậy các nhà nghiên cứu ngôn ngữ đã khẳng định tầm quan trọng của việc nghiên cứu ẩn dụ ý niệm trên cả 3 bình diện ngữ nghĩa, tri nhận và ngữ dụng. Nhiều nghiên cứu từ những năm 2000 tiếp tục xem xét mặt xã hội của việc sử dụng ẩn dụ ý niệm và các nhân tố ảnh hưởng tới việc lựa chọn và sử dụng ẩn dụ trong các diễn ngôn kinh tế. Kovács [100] tổng kết các chức năng của ẩn dụ trong các diễn ngôn kinh tế là (i) lấp khoảng trống về thuật ngữ (ii) chức năng liên nhân thể hiện quan điểm của nhà báo (iii) tạo tính liên kết cho toàn bộ diễn ngôn (iv) chức năng thuyết phục. Chức năng thuyết phục ở đây cũng chính là chức năng giao tiếp của ẩn dụ. Tuy nhiên tác giả chưa phân tích và minh hoạ. Nghiên cứu của Koller [98] cũng cho thấy rằng thông điệp thuyết phục của diễn ngôn là yếu tố quan trọng quyết định việc lựa chọn các ẩn dụ. Ẩn dụ ý niệm với vai trò thuyết phục được chỉ ra rất rõ trong các nghiên cứu trên diễn ngôn quảng cáo của Hidago Downing và Kraljevic Mujic [90], [91]. Smith [139] nghiên cứu các ẩn dụ ý niệm sử dụng trong đàm phán kinh tế và ông nhận thấy rằng qua cách dùng ẩn dụ thì người nghe có thể phát hiện ra ý định của đối tác khi đàm phán. Nghiên cứu của Skorczynska & Deignan [138] tập trung tìm hiểu những nhân tố ảnh hưởng đến việc chọn và sử dụng các ẩn dụ trong các diễn ngôn kinh tế khác nhau và nghiên cứu này cho thấy yếu tố độc giả và mục đích bài báo là hai nhân tố quyết định, ảnh hưởng lớn đến các dạng ẩn dụ được sử dụng, tần suất sử dụng và chức năng của chúng trong các bài báo. Chức năng giao tiếp của ẩn dụ cũng được Handford [82] nghiên cứu. Ông tìm hiểu xem ẩn dụ và thành ngữ được sử dụng như thế nào trong các buổi họp kinh doanh và thấy rằng các ẩn dụ và thành ngữ được sử dụng với mực đích đánh giá. Chúng được dùng để đánh giá các ý kiến một cách tích cực và từ đó tạo ra sự đoàn kết giữa các bên tham gia họp. Còn khi chúng được sử dụng với mục đích tiêu cực (để phê phán chẳng hạn) thì có thể giảm nhẹ hoặc tăng cường thông điệp tiêu cực đó. Sun & Du [145] so sánh ẩn dụ trong câu nói về sứ mệnh của các công ty Mỹ và Trung Quốc để tìm hiểu xem ẩn dụ truyền tải hình ảnh của tổ chức như thế nào. Họ tìm ra ba loại ẩn dụ là THƯƠNG HIỆU LÀ CON NGƯỜI, KINH DOANH LÀ HỢP TÁC, KINH DOANH LÀ CẠNH TRANH. Kết quả cho thấy các ẩn dụ KINH DOANH LÀ HỢP
  • 26. 16 TÁC được sử dụng nhiều trong khối liệu về công ty Mỹ hơn, còn ẩn dụ KINH DOANH LÀ CẠNH TRANH được sử dụng nhiều hơn trong khối liệu về công ty Trung Quốc. Họ rút ra kết luận rằng các công ty Mỹ thể hiện lý tưởng của họ qua “sứ mệnh” là các tổ chức mong muốn hợp tác, còn các công ty Trung Quốc thì có thiên hướng cạnh tranh vượt lên trên các công ty khác, điều mà có vẻ trái với truyền thống văn hoá Trung Hoa. Chức năng ngữ dụng của ẩn dụ ý niệm trong ngôn ngữ tài chính cũng được các nhà nghiên cứu quan tâm. Cụ thể về diễn ngôn TTCK, các nhà nghiên cứu Cheal (1979), Schmid (1981), Van Dijk (1998) trích dẫn trong nghiên cứu của O’mara Shimeck và các cộng sự [123] đã khẳng định vai trò giao tiếp thông tin của ẩn dụ ý niệm mà các nhà báo sử dụng để mô tả các hiện tượng của thị trường chứng khoán, ], cũng như các nghiên cứu khác của O’mara Shimeck [127] [128] [129] liên quan tới chức năng giao tiếp của ẩn dụ trong các bản tin/bình luận tài chính nhìn từ góc độ ngôn ngữ báo chí đều chỉ ra sự ảnh hưởng của việc sử dụng các ADYN tới hành vi của người tiếp nhận thông tin. Theo O’mara Shimeck và các cộng sự [127] thì trong bản tin/bình luận tài chính tư tưởng (ideology) được mô tả thông qua ẩn dụ bằng nhiều cách: “cái gì đáng đưa lên báo; các sự kiện cụ thể được đóng khung (frame) hoặc thủ thuật “xoáy” (spin) hay các “thành kiến” có thể được phát hiện ra thông qua các cơ chế ngôn ngữ, siêu ngôn ngữ và tri nhận-ngữ nghĩa. Những cơ chế này được dùng để thể hiện thế giới quan hoặc các hệ thống giá trị, được hiểu như là quan điểm của nhà báo, hay các thủ thuật ảnh hưởng tâm lý (slant), hoặc thành kiến. Theo Croteau [55] các bản tin kinh tế “mang tính tư tưởng (ideological) sâu sắc” vì nó khuyến khích phát triển một “thế giới quan về kinh doanh” rất riêng có được bằng việc mô tả thị trường chứng khoán như là một “phong vũ biểu đo sự ổn định kinh tế” và bằng việc coi sức khoẻ kinh tế với tương ứng với sự hài lòng của nhà đầu tư chứng khoán). Morris và các cộng sự [120] cho rằng trong các bài bình luận TTCK, các tác giả không chỉ miêu tả xu hướng TTCK mà còn giải thích chúng, hay có thể hiểu như là những câu chuyện đằng sau các con số. Nghiên cứu của Morris và các cộng sự [120] tập trung nghiên vào hai loại ẩn dụ trong các bài bình luận về thị trường chứng khoán. Nghiên cứu chỉ ra rằng các ẩn dụ tác thể (agent) mô tả các quỹ đạo giá như các hoạt động mang sức mạnh của ý chí còn các ẩn dụ đối thể (object) mô tả các quỹ đạo giống như các đồ vật vô tri vô giác. Ngoài ra các ẩn dụ tác thể
  • 27. 17 thường xuất hiện nhiều hơn trong các ngày thị trường lên hơn là những ngày thị trường xuống, và nhiều hơn khi thị trường tương đối ổn định hơn là những khi thị trường không ổn định. Điều này có thể ảnh hưởng tới các nhận định của các nhà đầu tư, ví dụ như các bình luận dùng ẩn dụ chủ thể làm tăng kỳ vọng của các nhà đầu tư vào xu thế tiếp tục tăng. Về khía cạnh hiệu quả của ngữ dụng thì rất khó để có thể đo được tác động của các ẩn dụ lên hành vi của đối tượng tiếp nhận thông tin. Nhưng các nhà nghiên cứu tri nhận đều chứng minh rằng ẩn dụ là biện pháp đóng khung có hiệu quả và có ảnh hưởng tới niềm tin của con người, và khi con người thường hành động theo niềm tin của mình thì các diễn biến trên TTCK sẽ ảnh hưởng tới phản ứng của người tiếp nhận thông tin (với vai trò là nhà đầu tư). Nghiên cứu của William [153] tìm hiểu mối quan hệ giữa truyền thông và kết quả kinh tế, cụ thể là “hệ quả của việc đóng khung bằng ẩn dụ lên các quyết định đầu tư tiếp theo”. Kết quả trên hai nhóm đối tượng (một nhóm là đọc văn bản về một công ty thua lỗ mà có sử dụng ẩn dụ; hai là nhóm đọc văn bản viết không sử dụng ẩn dụ) cho thấy khi các thông tin về sự thua lỗ được thuật lại mà có sử dụng ẩn dụ có miền nguồn CÁI CHẾT thì ảnh hưởng nhiều hơn tới quyết định sẽ đầu tư, hơn là khi thông tin đó không được truyền tải qua ẩn dụ. Như vậy các nghiên cứu đều cho thấy ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn kinh tế nói chung và về diễn ngôn TTCK nói riêng đều có tác dụng lớn giúp truyền tải thông tin mới, trao đi các thông điệp, cũng như ảnh hưởng tới hành vi của người đọc, người nghe. Quy trình nhận diện ẩn dụ ý niệm Đa số các nhà nghiên cứu trong thập niên 2000 sử dụng phương pháp diễn dịch - từ tên xuống (top-down approach) để xác lập các ẩn dụ ý niệm trong diễn ngôn. Một số ít nghiên cứu khác theo phương pháp quy nạp – từ dưới lên ví dụ như Quy trình quy nạp 5 bước để xác lập các ẩn dụ ý niệm của Steen [140]; Quy trình nhận diện ẩn dụ MIP (Metaphor Identification Procedure) của nhóm Pragglejaz [131]. Pragglejaz là một nhóm các nhà nghiên cứu ẩn dụ tiêu biểu thời kỳ đầu những năm 2000, và tên nhóm này là viết tắt tên của 10 thành viên (Elena Semin, Gerard Steen, Alan Cienki, Joe Grady, Zoltán Kövecses, Lynne, Alice Deignan, Graham Low). Họ đề xướng ra Quy trình nhận diện ẩn dụ (Metaphor Identification Procedure), viết tắt là MIP. MIP là quy trình được sử dụng khá rộng rãi và được đánh giá là tuyệt vời và vô cùng hữu ích để xác lập các từ ngữ được sử dụng một
  • 28. 18 cách ẩn dụ (metaphorically used words) và từ đó nhận diện các ẩn dụ ý niệm trong diễn ngôn. Các bước của quy trình này là: -Bước một là đọc toàn bộ diễn ngôn viết để thiết lập hiểu biết về nghĩa. -Bước hai là xác định các đơn vị từ vựng (lexical unit) trong diễn ngôn viết. -Bước ba là nghĩa chính và nghĩa ngữ cảnh phải khớp/tương thích với các yếu tố của các miền ý niệm khác nhau. +Xác lập nghĩa ngữ cảnh của các đơn vị từ vựng hoặc cụm từ đã tìm ra +Đối với mỗi đơn vị từ vựng, xác định xem đơn vị từ vựng (lexical unit) có nghĩa đương đại trong các ngữ cảnh khác mà cơ bản hơn (có nghĩa là cụ thể hơn, chính xác hơn, có lịch sử lâu đời hơn…) so với nghĩa trong ngữ cảnh đã cho không. +Nếu mỗi đơn vị từ vựng (lexical unit) có nghĩa đương đại trong các ngữ cảnh khác mà cơ bản hơn (có nghĩa là cụ thể hơn, chính xác hơn, có lịch sử lâu đời hơn…) so với nghĩa trong ngữ cảnh đã cho thì quyết định xem là nghĩa ngữ cảnh có đối lập với nghĩa cơ bản nhưng lại có thể hiểu được khi so sánh với nó không. -Bước bốn là nếu câu trả lời là CÓ thì đánh dấu đơn vị từ vựng đó là có tính ẩn dụ. Phương pháp quy nạp như trên mặc dù tốn công và mất nhiều thời gian nhưng đảm bảo nghiên cứu viên không bỏ sót ẩn dụ ý niệm có thể xuất hiện trong ngữ liệu. Thuật ngữ Pragglejaz [131] dùng để chỉ những từ ngữ được sử dụng một cách ẩn dụ giúp phát hiện ra các ẩn dụ ý niệm là “metaphorically used words/phrases”. Luận án này sẽ sử dụng thuật ngữ tiếng Việt tương đương với nó là “dụ dẫn”, phân biệt với thuật ngữ “biểu thức ẩn dụ” là sự biểu đạt ngôn ngữ của ánh xạ ẩn dụ (metaphorical expressions). 1.1.2 Tình hình nghiên cứu tại Việt Nam Theo khảo sát của chúng tôi, nghiên cứu tại Việt Nam về lĩnh vực diễn ngôn kinh tế cho đến nay mới chỉ có một vài nhà nghiên cứu ngôn ngữ làm công việc giới thiệu khái quát ADYN trong các tài liệu kinh tế tiếng Anh, tiếng Việt bao gồm Nguyễn Thuỵ Phương Lan [18], Phạm Thị Thanh Thuỳ [29] [30] [31]…; và đáng chú ý nhất là công trình của Vương Thị Kim Thanh [32] và Hà Thanh Hải [5]. Với nghiên cứu trên 300 tiêu đề báo chí thương mại tiếng Việt, Vương Thị Kim Thanh [29] đã tìm ra các ADYN về kinh tế và hiệu quả của chúng trong việc truyền tải thông điệp của bài báo một cách hình ảnh và biểu cảm sâu sắc và nhanh chóng nhờ cơ chế trải nghiệm khiến ẩn dụ diễn đạt được các khái niệm trừu tượng một cách dễ dàng.
  • 29. 19 Đặc biệt Hà Thanh Hải [5] trong luận án tiến sĩ của mình đã so sánh đối chiếu một cách khá toàn diện các ẩn dụ cấu trúc cơ bản trong diễn ngôn kinh tế với cứ liệu là báo chí kinh tế Anh-Việt. Trong luận án của mình Hà Thanh Hải đã chọn cách phân loại các ẩn dụ ý niệm dựa trên các lĩnh vực nguồn từ đó tác giả nhóm các ẩn dụ tìm được thành 4 nhóm lớn là ẩn dụ KHÔNG GIAN, ẩn dụ MÔI TRƯỜNG TỰ NHIÊN, ẩn dụ HOẠT ĐỘNG CON NGƯỜI, ẩn dụ CƠ THỂ SỐNG, và trong mỗi nhóm ẩn dụ sẽ có các ẩn dụ bậc thấp hơn. Tác giả nghiên cứu ẩn dụ từ ba bình diện nghĩa học, dụng học và tri nhận luận và thấy rằng ẩn dụ được người viết sử dụng rất nhiều trong các bài báo về kinh tế ngoài chức năng tri nhận còn có mục đích chính là thuyết phục người đọc về các quan điểm đưa ra. Nghiên cứu cũng chỉ ra điểm khác nhau trong việc ý niệm hóa các hiện tượng kinh tế ở tiếng Anh và tiếng Việt, và có sự chuyển di các ý niệm từ tiếng Anh sang tiếng Việt mà các tác giả muốn dùng để giải thích các khái niệm mới; và rằng số lượng ẩn dụ và tần suất xuất hiện trong các bản tin kinh tế tiếng Anh nhiều hơn trong tiếng Viêt. *Nhận xét Tóm lại kể từ khi ngôn ngữ học tri nhận được quan tâm nhiều hơn đã có rất nhiều nghiên cứu về ẩn dụ ý niệm trong các diễn ngôn kinh tế, trong đó đa số là tác phẩm báo chí thuộc các thể loại bản tin, bài báo, bài tường thuật. Các nghiên cứu này đã tìm ra và hệ thống hoá các ẩn dụ ý niệm cụ thể xuất hiện trong các diễn ngôn kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, chỉ ra tầm quan trọng của việc hiểu ánh xạ ẩn dụ ý niệm trong việc giải thích các khái niệm kinh tế, và các mục đích giao tiếp (ngữ dụng) của việc sử dụng các loại ẩn dụ ý niệm. Ngoài ra các nghiên cứu đã so sánh đối chiếu các loại ẩn dụ ý niệm trong các ngôn ngữ khác nhau và tìm ra những điểm tương đồng và những khác biệt thể hiện đặc trưng văn hoá của người bản ngữ. Kết quả khảo sát trên cho thấy hiện chưa có công trình nào nghiên cứu toàn diện và chuyên sâu ẩn dụ ý niệm về “thị trường chứng khoán” trên ngữ liệu bản tin thị trường chứng khoán theo ngày của tất cả các phiên giao dịch trong một năm, mà các nghiên cứu trên thế giới đa số chỉ xử lý ngữ liệu bản tin tài chính nói chung. Hơn nữa ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu chuyên sâu nào về ẩn dụ ý niệm về “thị trường chứng khoán” và đối chiếu ẩn dụ ý niệm về thị trường chứng khoán trong tiếng Anh và tiếng Việt. Đồng thời đây cũng là cơ sở để chúng tôi xác định khung cơ sở lý thuyết cho việc nghiên cứu, và khung này sẽ được trình bày chi tiết ở mục 1.3.
  • 30. 20 1.2. Cơ sở lý thuyết về ẩn dụ ý niệm 1.2.1. Định nghĩa về ẩn dụ ý niệm Trong ngôn ngữ học truyền thống, ẩn dụ được coi là một phương thức chuyển nghĩa dựa trên sự so sánh ngầm giữa hai sự vật có các đặc điểm giống nhau hoặc tương đồng, và nó là một biện pháp tu từ. Quan điểm này có từ thời Aristote, và các nhà ngôn ngữ học ở Việt Nam cũng có chung quan điểm. Trong khi quan điểm truyền thống coi ẩn dụ như một sự lệch chuẩn khỏi cách sử dụng ngôn ngữ bình thường, ngôn ngữ sử dụng nghĩa đen có vai trò lớn hơn so với ngôn ngữ mang tính ẩn dụ thì ngôn ngữ học tri nhận cho rằng ẩn dụ là một hiện tượng tri nhận hơn là hiện tượng ngôn ngữ. Các biểu thức ẩn dụ xuất hiện trong các diễn ngôn là cái phản ánh ẩn dụ tồn tại ở tầng bậc ý niệm. Lakoff & Johnson [108] cho rằng bản chất của ẩn dụ là “hiểu và trải nghiệm một loại vấn đề theo lối diễn đạt của một loại vấn đề khác” thông qua sự chiếu xạ từ lĩnh vực cụ thể sang lĩnh vực trừu tượng. Theo Lakoff & Johnson nhờ ẩn dụ mà con người nhận biết được thế giới khách quan bao gồm thế giới vật chất, thế giới tinh thần và thế giới cảm xúc. Ẩn dụ gắn liền với đặc trưng văn hóa tinh thần của người bản ngữ. Lakoff & Johnson [108] định nghĩa ẩn dụ ý niệm là việc hiểu một miền ý niệm thông qua một miền ý niệm khác. Theo Kövecses [107: 2] thì định nghĩa chuẩn hơn của ẩn dụ ý niệm là “Một ẩn dụ ý niệm là một tập hợp mang tính hệ thống các tương đồng, hay các ánh xạ, giữa hai miền của kinh nghiệm”. Định nghĩa mới nhất này của Kövecses cũng chỉ là mang tính chất kỹ thuật hơn về mặt ngôn từ. 1.2.2. Thuyết ẩn dụ ý niệm (Conceptual Metaphor Theory) Từ xa xưa, mặc dù phép ẩn dụ đã được nghiên cứu và sử dụng rộng rãi trong văn học nhưng nó lại chỉ được coi là yếu tổ biểu đạt văn học đơn thuần tách rời khỏi thực tế và ngôn ngữ thường nhật. Ẩn dụ được xem như vậy hàng thế kỉ mà không được nhìn từ một góc độ nào khác cho đến khi Lakoff giới thiệu ý niệm mới về ẩn dụ. Ông được xem là người tiên phong của thuyết ADYN khi chỉ ra rằng những đặc trưng hoàn toàn mới và cách sử dụng của ẩn dụ không chỉ trong ngôn ngữ văn học mà còn trong ngôn ngữ nói chung. Ông cho rằng ẩn dụ không chỉ là vấn đề về mặt ngôn ngữ mà còn là vấn đề tư duy. Ông là người đầu tiên tuyên bố mọi sự tồn tại của chúng ta đều đơn thuần thuộc ẩn dụ, chúng ta lấp đầy ngôn ngữ của mình với ẩn dụ một cách không chủ đích, vì đơn giản là bản năng của chúng ta là nhìn mọi thứ qua lăng kính của ẩn dụ, Lakoff & Johnson cho rằng “…tất cả các ý niệm trừu tượng như thời gian, trạng thái, biến đổi, nguyên nhân, mục đích hoá ra đều mang
  • 31. 21 tính ẩn dụ” (Lakoff & Johnson 108: 203). Lý thuyết ẩn dụ ý niệm (ADYN) được Lakoff và Johnson khởi xướng từ năm 1980 và trong gần 40 năm qua đã được các nhà ngôn ngữ học đánh giá và phát triển thêm. Nội dung quan trọng thứ nhất của Thuyết ADYN là “Ẩn dụ có mặt ở khắp nơi”, tức là không chỉ ở một số loại hình mang tính nghệ thuật như văn học mà có thể nói rằng ngôn ngữ thường ngày phần lớn là có ẩn dụ. Các nhà nghiên cứu ẩn dụ ý niệm trong thời kỳ đầu đã xác lập được rất nhiều ẩn tụ từ nhiều nguồn như phương tiện truyền thông, hội thoại, từ điển, sách…Khi nghiên cứu ẩn dụ, G. Lakoff đã có một số cách tiếp cận mới khi chỉ ra rằng ẩn dụ được coi là ánh xạ ngang qua các miền ý niệm. Kết quả của nhận thức mới trong lý thuyết cũ cho thấy ẩn dụ là trung tâm của ngữ nghĩa học và nó bao gồm hàng ngàn ánh xạ qua các miền ý niệm từ cuộc sống hàng ngày. Thuyết ADYN chỉ ra rằng con người cấu trúc nên nhiều khái niệm thông qua việc ánh xạ được hình thành trong trí óc và ánh xạ đó được đặt lên miền nguồn trừu tượng từ miền nguồn cụ thể. Họ cho rằng các ý niệm trừu tượng như CUỘC ĐỜI, THỜI GIAN, TRANH LUẬN không thể thông hiểu mà không tham chiếu đến các ý niệm cụ thể dễ hiểu hơn. Ví dụ ý niệm CUỘC ĐỜI có thể được hiểu thông qua ý niệm CUỘC HÀNH TRÌNH. Việc ý niệm hoá như vậy tạo nên ẩn dụ ý niệm CUỘC ĐỜI LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH, trong đó CUỘC ĐỜI là miền đích, và CUỘC HÀNH TRÌNH là miền nguồn. Ánh xạ ẩn dụ liên quan tới một hệ thống các thuộc tính tương đồng giữa hai miền nguồn đích, và nó mang tính cục bộ (tức là chỉ một số thuộc tính được kích hoạt phóng chiếu từ miền nguồn lên miền đích). Thuyết ADYN cũng chỉ ra rằng khác với quan điểm truyền thống về ẩn dụ, các tương đồng có thể có sẵn tồn tại từ trước nhưng cũng có thể không có trước mà các tương đồng đó có được nhờ quá trình cảm nhận một cách ẩn dụ (xem thêm ở mục 1.2.3.4) Một nội dung quan trọng nữa của thuyết ADYN là ẩn dụ xuất hiện trong tư duy, theo đó ẩn dụ không chỉ nằm ở ngôn ngữ mà còn nằm trong tư duy. Chúng ta sử dụng ẩn dụ không chỉ để nói về vấn đề nào đó mà còn là để tư duy về nó. Vì thế mà thuyết ADYN phân biệt các ẩn dụ ngôn từ (là các từ ngữ được sử dụng một cách ẩn dụ) với ẩn dụ ý niệm (mô hình ý niệm dùng để tư duy). Ví dụ như ẩn dụ CUỘC ĐỜI LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH có thể chi phối cách chúng ta suy nghĩ về cuộc đời (chúng ta có thể đặt ra các mục tiêu mình hướng tới; chúng ra lập kế hoạch để đi tới đích, chúng ta cần chuẩn bị đối phó với các khó khăn trên đường đi)…Với những suy nghĩ như vậy thì thực tế là chúng ta đang tư duy về cuộc đời thông qua ẩn dụ ý
  • 32. 22 niệm CUỘC ĐỜI LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH, và do đó chúng ta sử dụng các ngôn ngữ thuộc miền ý niệm CUỘC HÀNH TRÌNH để nói về cuộc sống. Trong các nghiên cứu sau đó Lakoff & Johnson đưa ra quan điểm rằng tư duy không độc lập với thân thể mà mang tính nghiệm thân (embodiment), sau này phát triển thành Thuyết nghiệm thân. Tính nghiệm thân có thể hiểu là những gì mà cơ thể chúng ta trải nghiệm trong quá trình tương tác với môi trường, xã hội tạo cơ sở cho những điều chúng ta suy nghĩ, hiểu biết, ứng xử và giao tiếp. Đây là một quá trình mang tính hệ thống, trong đó có sự kết hợp của não bộ, các cơ quan cảm giác và hệ thống thần kinh điều hành các vận động thân thể cũng như điều khiển mọi hành vi ứng xử của con người cả trong chủ định lẫn trong vô thức. Sau đó Lakoff cùng với một số nhà nghiên cứu khác điển hình là Kövecses đã phát triển tư tưởng về vai trò của ẩn dụ trong việc hình thành hệ thống ý niệm của con người và cấu trúc của ngôn ngữ tự nhiên và lý thuyết ẩn dụ được phát triển sâu rộng hơn. Mặc dù lý thuyết ẩn dụ ý niệm được ứng dụng rất nhiều trong các lĩnh vực như nghiên cứu văn học, nghiên cứu pháp luật, ngôn ngữ học, triết học…góp phần làm sáng tỏ cách con người tư duy như thế nào, trong 30 năm qua vẫn có rất nhiều phản biện về lý thuyết ADYN. Một hạn chế của lý thuyết ADYN khởi xướng từ thời đầu của Lakoff & Johnson [106] là cho rằng ẩn dụ là phép chiếu xạ qua hai miền. Nhiều nhà lý luận ngôn ngữ đã phản biện rằng quá trình tâm lý diễn ra dưới ẩn dụ là “tiến hóa” theo cả một quãng đời từ việc so sánh ở những giai đoạn đầu đời tới việc phân loại khi chúng thành quy ước [Gentner & Bowdle’s, 70:123], cho thấy một mối quan hệ phức tạp hơn rất nhiều giữa nhận thức và hình thức ngôn ngữ. Fauconnier & Turner [65] với Thuyết Pha trộn ý niệm (Conceptual blending theory) cũng cho rằng tư duy về ẩn dụ là tổ chức ở bậc cao chứ không chỉ đơn giản mà phép chiếu xạ từ các miền lên nhau. Một phê bình nữa về thuyết ADYN là lý thuyết này dựa trên lý luận vòng quanh (circular reasoning), tức là các nhà ngôn ngữ của lý thuyết ADYN một mặt thì sử dùng các ẩn dụ ngôn từ để nhận diện ẩn dụ ý niệm nhưng mặt khác lại cho rằng các ẩn dụ ngôn từ tồn tại bởi những ý niệm có sẵn. Nhưng sau đó các thí nghiệm ngôn ngữ tâm lý học của một số nhà nghiên cứu như Gibb [72], [75], Gibbs & Coulston [78] cho thấy rằng các nhà ngôn ngữ không nên phủ nhận sự tồn tại của các ADYN, mà chỉ nên tập trung nghiên cứu cách thức chúng xuất hiện và chức năng của chúng trong ngôn ngữ. Phê bình mạnh mẽ nhất về lý thuyết ADYN liên quan tới một số vấn đề phương pháp, ví dụ như làm thế nào để nhận dạng ẩn dụ trong diễn ngôn,
  • 33. 23 làm thế nào nghiên cứu ẩn dụ dựa trên ngữ liệu thực thay về chỉ có ngữ liệu là từ ngữ hay trực giác, hay chức năng ngữ dụng của ADYN trong diễn ngôn thực…(Deignan [59]; Steen [141]…). Những ý kiến phản biện hay phê bình lý thuyết ADYN thường tập trung vào riêng vào công trình đầu tiên của Lakoff & Johnson mà đây chỉ là bước đầu của lý thuyết ADYN (Kövecses [106]). Trong cuốn sách “Metaphor wars” (Chiến tranh ẩn dụ) xuất bản năm 2017, Gibbs [79] bàn về các vấn đề của ẩn dụ ý niệm, tập hợp nhiều kết quả nghiên cứu của cộng đồng lý thuyết ẩn dụ ý niệm, trong đó cũng đánh giá các lập luận ủng hộ cũng như các quan điểm phản biện. Theo chúng tôi những ý kiến phản biện cũng được coi là một phần trong sự phát triển của thuyết ADYN, hay nói cách khác các nhà ngôn ngữ đã và đang nghiên cứu tiếp các khía cạnh còn chưa được các nhà theo thuyết ADYN thời đầu để ý. 1.2.3. Các khái niệm và thuật ngữ liên quan đến ẩn dụ ý niệm 1.2.3.1. Ý niệm và sự ý niệm hoá Theo ngôn ngữ học tri nhận, ý niệm được hình thành trong ý thức con người, “là đơn vị nội dung của bộ nhớ động, của từ vựng tinh thần và của bộ não, của toàn bộ bức tranh thế giới được phản ánh trong tâm lý con người” (Trần Văn Cơ [2]) Trong công trình [2], Trần Văn Cơ đã nhận định “Ý niệm chứa đựng ba thành tố: thành tố khái niệm, thành tố cảm xúc hình tượng và thành tố văn hoá”. Theo ông, trong các quá trình tư duy con người dựa vào các ý niệm phản ánh nội dung các kết quả của hoạt động nhận thức thế giới dưới dạng “những lượng tử” của tri thức. Các ý niệm nảy sinh trong quá trình cấu trúc hoá thông tin về một sự tình khách quan trong thế giới đó. Cấu trúc này bao gồm nội dung thông tin về thế giới hiện thực và thế giới tưởng tượng, mang những nét phổ quát. Mặt khác nó bao gồm những thứ làm nó trở thành sự kiện của văn hoá, chứa đựng những nét đặc trưng văn hoá dân tộc. Ý niệm mang tính chủ quan, nghĩa là nó là một mảng của bức tranh thế giới, phản ánh thế giới khách quan qua lăng kính của ý thức ngôn ngữ dân tộc. Sự phân cắt thế giới thành từng mảnh (ý niệm) từ cách nhìn thế giới khác nhau của con người gọi là sự “ý niệm hoá”, trên cơ sở đó tạo nên “bức tranh ý niệm về thế giới” và khi được thể hiện ra bằng ngôn ngữ hình thành nên “bức tranh ngôn ngữ về thế giới”. 1.2.3.2. Miền nguồn-miền đích Điều kiện xác định ẩn dụ ý niệm là cả hai thành tố Nguồn và Đích đều phải là những ý niệm, và ý niệm được cấu trúc hoá theo mô hình trường: TRUNG TÂM- NGOẠI VI. Vai trò “trung tâm” thường là khái niệm, và đó chỉ là một phần nào đó
  • 34. 24 của khái niệm chứ không phải toàn bộ khái niệm, còn “ngoại vi” là những yếu tố ngôn ngữ và văn hoá dân tộc. Trong ngôn ngữ học tri nhận, ẩn dụ ý niệm được định nghĩa như sự thông hiểu một ý niệm (hay một miền ý niệm) này thông qua một ý niệm (miền ý niệm) khác. Ví dụ như khi chúng ta nói về “thị trường chứng khoán” thông qua “cuộc hành trình”, hay “thị trường chứng khoán” thông qua “biển”. Mô hình của ẩn dụ ý niệm là “A là B” trong đó A là ý niệm Đích và B là ý niệm Nguồn, ý niệm Đích được hiểu thông qua ý niệm Nguồn. Các ADYN được viết hoa để phân biệt với ẩn dụ ngôn từ, ví dụ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ BIỂN. Ý niệm ĐÍCH (THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN) trừu tượng hơn và ý niệm NGUỒN (BIỂN) cụ thể hơn. Miền nguồn bao gồm một tập hợp các thuộc tính, các quá trình và các mối quan hệ được liên kết, lưu giữ với nhau trong tâm trí. Chúng được biểu thị trong ngôn ngữ thông qua các từ và các biểu thức có quan hệ vốn được nhìn nhận như là sự sắp xếp theo từng nhóm có sự tương đồng với nhau mà các nhà ngôn ngữ vẫn gọi bằng thuật ngữ là “các tập hợp từ vựng” hay “các trường từ vựng”. Miền đích mang tính trừu tượng và mang theo cấu trúc của nó từ miền nguồn, thông qua các mối liên kết ẩn dụ. Các miền đích có mối quan hệ với các thực thể, thuộc tính và những quá trình có thể được tìm thấy thông qua sự phản chiếu trong miền nguồn. Vì vậy trong các ẩn dụ ý niệm miền nguồn và miền đích không thể đảo ngược cho nhau. Kövecses [104:18-27] đã liệt kê ra các miền nguồn và miền đích phổ biến như sau: -Các miền nguồn phổ biến gồm có: human body (cơ thể người), healtth and illness (sức khoẻ và bệnh tật), animals (động vật), plants (thực vật), building and construction (toà nhà và xây dựng, máy móc và phương tiện sản xuất), games and sport (trò chơi và thể thao), money and economics transactions (tiền và các giao dịch kinh tế), cooking and food (nấu ăn và thức ăn), heat and cold (nóng và lạnh), light and darkness (sáng và tối), forces (lực đẩy), movements and direction (chuyển động và hướng) -Các miền đích phổ biến gồm có: emotion (tình cảm), desire (khao khát), morality (đạo đức), thought (ý nghĩ), society/nation (xã hội/dân tộc), politics (chính trị), economy (kinh tế), human relationship (các quan hệ con người), communication (giao tiếp), time (thời gian), life and death (cuộc sống và cái chết), religion (tôn giáo), events and actions (sự tình và hoạt động) 1.2.3.3. Lược đồ hình ảnh
  • 35. 25 Để hiểu được ánh xạ ẩn dụ ý niệm thì cần nắm rõ khái niệm lược đồ hình ảnh. Khái niệm này được bàn luận và phân tích trong các nghiên cứu của Lakoff & Johnson [108], Lakoff & Tuner [109]. Các nhà nghiên cứu cho rằng lược đồ hình ảnh vượt ra ngoài phạm vi của lý thuyết ngôn ngữ, theo nghĩa là chúng có thực tạo về mặt tâm lý mà được chứng minh bằng nghiên cứu thực nghiệm trong ngôn ngữ- tâm lý học, tâm lý học tri nhận và tâm lý phát triển. Cũng theo Lakoff & Tuner [109] lược đồ hình ảnh là một cấu trúc có tính chất lặp đi lặp lại và nó dựa trên kinh nghiệm của con người. Nhiều miền thiếu hình ảnh, ví dụ như “thời gian, cái chết, sự giác ngộ, sự sống”. Những miền như thế được gọi là miền trừu tượng hay vô ảnh. Các miền tạo nên hình ảnh thì mang tính nghiệm thân, mà cũng theo Kövecses [102:57] đó cụ thể là “các trải nghiệm vật lý” ví dụ như “chuyển động trong không gian, thao tác với các vật thể, hoặc các tiếp xúc thuộc về tri giác.” Lược đồ hình ảnh không phải là các hình ảnh cụ thể mà là trừu tượng theo nghĩa là các lược đồ trong nhận thức, biểu trưng cho các mô hình lược đồ xuất phát từ các miền hữu ảnh chẳng hạn như “vật chứa, đường đi, khớp nối, lực đẩy, cân bằng”. Đây là các mô hình tái diễn nhiều trong nhiều miền mang tính nghiệm thân và cấu trúc nên các trải nghiệm nghiệm thân. Theo Talmy [147], lược đồ cấu trúc nên các trải nghiệm mang tính nghiệm thân và cả các trải nghiệm không mang tính nghiệm thân thông qua ẩn dụ. Như vậy các tác giả đã làm sáng tỏ miêu tả có vẻ trái ngược nhau về lược đồ ánh xạ: tính chất “trừu tượng” hiểu theo một cách đó là sơ đồ trong tâm trí; hiểu theo cách khác đó là mang tính nghiệm thân. Dưới đây là một số ví dụ khác về lược đồ hình ảnh: Lược đồ hình ảnh Các ẩn dụ In-out (trong-ngoài) Front-back (trước-sau) Up-down (lên-xuống) Contact (tiếp xúc) Motion (chuyển động) Lực đẩy (force) I’m out of money. He’s an up-front kind of guy. I’m feeling low. Hold on, please. He just went crazy. You are driving me insane. Nguồn: Kövecses [92:43] Lakoff & Johnson [108] và Kövecses [104] đã nhấn mạnh ý nghĩa của lược đồ hình ảnh vì lược đồ hình ảnh là bằng chứng quan trọng cho luận điểm rằng ánh xạ ẩn dụ ý niệm là từ các miền cụ thể đến các miền trừu tượng. Do được hình thành
  • 36. 26 dựa trên các kinh nghiệm thân thể và kinh nghiệm không gian nên các lược đồ hình ảnh có ý nghĩa trực tiếp với con người. Ví dụ như lược đồ “chuyển động” hình thành từ việc chúng ta thấy các vật thể chuyển động từ nơi này sang nơi khác và từ các hoạt động của chính bản thân chúng ra khi di chuyển. Đôi khi lược đồ “chuyển động” còn được dùng để mô tả trạng thái đang thay đổi, ví dụ như “The telephone went dead”. Lược đồ hình ảnh được dùng làm cơ sở cho các ý niệm khác, đem lại nguồn phong phú cho ẩn dụ ý niệm. Ví dụ như lược đồ “chuyển động” là cơ sở của ý niệm CUỘC HÀNH TRÌNH. CUỘC HÀNH TRÌNH là ý niệm vô ảnh nhưng khi được tạo thành từ lược đồ chuyển động với các yếu tố “điểm đầu, điểm cuối, sự chuyển động” tương ứng với các yếu tố “điểm xuất phát, đích đến, chuyến đi” của cuộc hành trình thì ý niệm CUỘC HÀNH TRÌNH lại trở thành hữu ảnh. Các miền đích của nhiều ẩn dụ ý niệm như TÌNH YÊU LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH hay HOẠT ĐỘNG CỦA THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN LÀ CUỘC HÀNH TRÌNH do đó được xem như là được cấu trúc bằng lược đồ hình ảnh của miền nguồn. 1.2.3.4. Ánh xạ Theo Lakoff&Johnson [108] ánh xạ được coi là tập hợp của những thuộc tính tương đồng và có cấu trúc xác định. G. Lakoff gọi tên ánh xạ theo công thức “TARGET-DOMAIN IS SOURCE-DOMAIN or TARGET-DOMAIN AS SOURCE- DOMAIN” (“MIỀN ĐÍCH là MIỀN NGUỒN hoặc MIỀN ĐÍCH như thể MIỀN NGUỒN”). Ý niệm này được thể hiện rõ ràng trong ví dụ của ánh xạ TÌNH YÊU LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH. Ông cho rằng tập hợp ẩn dụ tương đồng xuất hiện qua ánh xạ đề cập bên trên có thể được hiểu như sau. Các tương đồng ánh xạ của ẩn dụ TÌNH YÊU LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH được miêu tả như sau: Miền nguồn (CUỘC HÀNH TRÌNH) Miền đích (TÌNH YÊU) Người lữ hành Những người liên quan tới một mối tình Phương tiện Mối quan hệ giữa những người yêu nhau Các điểm đến của cuộc hành trình. Mục đích của những người yêu nhau Hình 1.1: Các tương đồng ánh xạ của ẩn dụ TÌNH YÊU LÀ MỘT CUỘC HÀNH TRÌNH Từ đó, các biểu thức ẩn dụ liên quan tới có thể là: