SlideShare a Scribd company logo
1 of 406
Download to read offline
Hồ Văn Trung
Gian Truân
chỉ là
Thử Thách
Từ chăn trâu đến Chủ tịch tập đoàn
Giantruanchilathuthach
Kính Mẹ,
Vinh danh Em,
Cho các Con yêu quý,
Để lại cho các Bạn trẻ.
LỜI TỰA
"Một cuốn sách của SỰ THẬT. Một đứa trẻ Việt Nam,
trong chiến tranh khốc liệt, trong đói khổ tối tăm, từ
bùn lầy của một làng quê nghèo khó, bằng NGHỊ LỰC
phi thường và sự HỌC HỎI không ngừng, đạt được
những ước mơ, tiến đến đỉnh cao - chủ tịch một tập
đoàn kinh doanh tầm cỡ TOÀN CẦU.
Đem đến những cảm xúc tích cực, cùng những bài học
sống động, cuốn sách đáng để các bạn trẻ Việt Nam
tìm đọc và học tập”.
Cựu Giáo sư Lê Đào Duyến (Mỹ)
“Đây là câu chuyện của một cậu học trò nghèo đến tận
cùng của xã hội, bằng những nỗ lực không tưởng đã
làm nên điều kỳ diệu. Trong câu chuyện ấy, có thể bạn
sẽ bắt gặp chính mình hay phải bật khóc trong khoảnh
khắc nào đó. Nhưng vượt lên trên hết, đây là câu
chuyện có thật về niềm tin, về sự phấn đấu không
ngừng để hướng tới cuộc sống tươi đẹp hơn. Và điều
quan trọng nhất là đừng bao giờ đầu hàng số phận.
Một điều chắc chắn nữa mà tác giả muốn gửi gắm
chính là: Tôi có thể, và bạn cũng vậy!
Chỉ cần có niềm tin và sự cố gắng không ngừng nghỉ,
chắc chắn có ngày hoa sẽ nở trên mảnh đất cằn khô”.
Trương Yến Nhi - sinh viên Trường Đại học
Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM)
Nhìn lại
Giantruanchilathuthach
CHƯƠNG I
HỒI ỨC THỜI THƠẤU
LỜI MỞ ĐẦU
Với tôi, mỗi đứa trẻ hiện diện trong cuộc đời
đều là một phép mầu của tạo hóa. Nhưng đôi lúc phép
mầu ấy lại không như ý muốn. Có những đứa trẻ sinh
ra trong niềm vui khôn xiết và vòng tay yêu thương của
mọi người, cũng có những sinh linh vừa ra đời đã bất
hạnh, gặp sự ghẻ lạnh của những người xung quanh.
Với riêng bản thân tôi, có lẽ đó vừa là niềm vui mà
cũng vừa là nỗi đau với gia đình. Không phải tôi không
được chào đón mà ngược lại, tôi được ấp ủ trong vòng
tay thương yêu của bà nội và mẹ - nhưng trong một
hoàn cảnh thật éo le và bất hạnh: Ngày tôi cất tiếng
khóc chào đời cũng là ngày ba tôi vĩnh viễn không còn
trên cuộc đời này nữa. Vì vậy, ngày sinh nhật của tôi
cũng là ngày giỗ của ba.
Nhà tôi nghèo lắm. Hôm sanh tôi, mẹ nằm trong
căn lều nhỏ cạnh bụi chuối, được mụ Chồn ở gần nhà
đỡ đẻ cho. Đó là một ngày của năm Tân Mão (1951) -
cái ngày mà có lẽ đến hết cuộc đời bà nội và mẹ không
thể nào quên được. Một ngày như định mệnh đã sắp
đặt, một sinh linh nhỏ bé ra đời và một cuộc đời phải
đặt dấu chấm hết. Có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mất
con, mất chồng? Có niềm vui nào lớn hơn niềm vui
được ôm vào lòng đứa cháu, đứa con của mình? Ba tôi
mất vào buổi sáng thì buổi chiều tôi cất tiếng khóc chào
đời. Cũng bởi nỗi đau quá lớn nên sự có mặt của tôi là
niềm vui vô vàn, là nguồn an ủi làm vơi bớt nỗi buồn
mất con, mất chồng của nội và mẹ.
Ba tôi mất rồi lại có thêm tôi ra đời, gánh nặng
đè lên vai hai người phụ nữ. Nhà tôi đã nghèo nay lại
8 Gian Truân chỉ là Thử Thách
neo đơn, thiếu đi người đàn ông làm chỗ dựa. Cũng
chính vì thế, tôi lớn lên trong môi trường nghèo khổ và
thiếu ăn. Nhưng tôi chưa bao giờ oán trách số phận, tôi
luôn tự hào về tuổi thơ và những ngày tháng gian khó
ấy, bởi chính nó đã nuôi nấng, hun đúc và cho tôi
trưởng thành với nhiều trải nghiệm mà ít người may
mắn có được.
Vào giai đoạn ấy, nghèo khổ là mẫu số chung
của rất nhiều người, nhưng trong cảnh nghèo đến mức
không có cơm ăn, thiếu áo mặc, thiếu chăn đắp và đặc
biệt là đất nước đang có chiến tranh mà vẫn kiên trì cắp
sách đến trường, học hành tới nơi tới chốn thì thật là
hiếm có. Chính vì những lý do đó mà tôi mạnh dạn chia
sẻ đến bạn đọc quãng đời mình đã đi qua với hy vọng
có thể truyền cảm hứng để bạn đọc chinh phục những
khát vọng của riêng mình và đừng bao giờ đầu hàng số
phận.
Gian Truân chỉ là Thử Thách 9
1. Mẹ tôi, chị tôi
Mẹ tôi cũng như bao người phụ nữ Việt Nam
khác nhưng trong lòng tôi, đó mãi là người phụ nữ vĩ
đại nhất. Dù cuộc đời mẹ gặp bao nhiêu khó khăn, đau
đớn có lúc tưởng như gục ngã nhưng mẹ chưa bao giờ
đầu hàng. Mẹ đã hy sinh rất nhiều vì chị em tôi. Vì
muốn các con có chữ nghĩa bằng bạn bằng bè, có cuộc
sống tốt đẹp hơn, mẹ không bao giờ nề hà việc gì, từ
dãi nắng dầm sương ngoài đồng ruộng đến làm thuê, ở
đợ cho người ta.
Ông ngoại mất sớm, bà ngoại bỏ đi biệt tăm, mẹ
côi cút giữa dòng đời từ tuổi ấu thơ. Không có anh chị
em ruột thịt, mẹ phải nương nhờ nhà người anh chú bác
mà tôi thường gọi là cậu Thạch, Mẹ con tôi mãi mãi
nhớ ơn và luôn xem cậu Thạch là người thân ruột thịt
đã cưu mang mẹ tôi lúc còn nhỏ. Nhà cậu lúc bấy giờ ở
làng Triều Sơn Trung, hay còn gọi là làng Bàu Đôn, xã
Hương Cần, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên.
Tuổi thơ của mẹ không có những ngày cắp sách
đến trường như bạn bè, vậy nên cả đời mẹ chưa bao giờ
biết cái chữ tròn méo thế nào, đọc ra sao, ghép lại bằng
cách nào. Tuổi thơ của mẹ lấp đầy bằng những tháng
ngày trên ruộng đồng với những công việc đồng áng,
ngày ngày chăn trâu, cắt cỏ, hái rau. Mỗi ngày của mẹ
trôi qua không nhiều những trò vui tuổi thơ; nó hằn sâu
từng giọt mồ hôi và có lúc cả nước mắt của một đứa trẻ
đã sớm phải bươn chải trong cuộc đời mà không một
vòng tay âu yếm, dịu dàng an ủi của đấng sinh thành.
18 tuổi, mẹ lập gia đình, chuyển về sống với ba
ở xóm Rào, làng La Khê, xã Hương Vinh, huyện
Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, cách làng của mẹ một
10 Gian Truân chỉ là Thử Thách
cánh đồng. Sở dĩ xóm có tên Rào là vì ở gần sông (ở
Huế, những con sông nhỏ thường được gọi là “rào”
hoặc “hói”). Những tưởng hôn nhân là trang mới tươi
vui cho đời mẹ, chẳng dè số phận mãi trêu ngươi. Yên
bề gia thất chưa được bao lâu, mẹ nhận hung tin ba mất
vì bệnh lao trong thời gian đi theo Việt Minh. Bầu trời
như đổ sụp. Thêm lần nữa, mẹ bơ vơ giữa cuộc đời, tay
bồng con trai còn đỏ hỏn, tay dắt con gái vừa lên 5.
Mẹ ở vậy nuôi chị em tôi từ đó cho đến bây giờ.
Nay ở tuổi gần 90, bao vất vả, đắng cay, cơ cực trong
đời dường như mẹ đã nếm đủ. Tâm trí tôi vẫn khắc sâu
những tháng ngày mẹ lam lũ nuôi con, chịu bao nhiêu
tủi khổ mà chưa từng có một lời kêu ca hay xem con
cái như nơi trút bỏ những gánh nặng trong lòng.
Trước gian khó, mẹ bình thản đối diện, bình
thản bước qua, và bình thản, dịu dàng trong từng vòng
tay với chị em tôi. Chính điều đó đã ấp ủ tôi trong
những năm tháng tuổi thơ nghèo khổ, khiến tôi không
cảm thấy thiệt thòi dù mồ côi cha ngay từ lúc lọt lòng.
Tôi luôn tự hào khi nhắc đến mẹ. Con xin vinh danh
mẹ! Cảm ơn mẹ đã cho con cuộc đời này!
Ngoài mẹ, tôi còn một người thân nữa không thể
không nhắc đến, đó là người chị hơn tôi 5 tuổi. Nhà chỉ
có hai chị em, lại mất cha, nên chị rất thương tôi. Thuở
nhỏ, chị cũng được đến trường nhưng khi gia đình quá
khốn khó, chị đành dừng đường học để học nghề may,
phụ mẹ trang trải cuộc sống và lo cho tôi ăn học đàng
hoàng.
Gian Truân chỉ là Thử Thách 11
Mẹ tôi và cháu nội Gary vào năm 1994. Ảnh tư
liệu cá nhân của tác giả.
Tuổi mới lớn, chị đã có những nét ưa nhìn, được
nhiều người yêu mến. 18 tuổi, chị kết hôn với một sĩ
quan trong quân đội miền Nam và sống khá sung túc tại
Tam Kỳ, Quảng Tín (nay là tỉnh Quảng Nam). Song
hạnh phúc ngắn chẳng tày gang và “hồng nhan bạc
phận”, những gian truân đời mẹ như lặp lại ở đời chị:
một ngày tết Mậu Thân, anh rể tôi tử nạn, để lại vợ
hiền, con thơ.
Về sau, chị tôi đi bước nữa với một người cùng
quê. Nhờ sự quan tâm và trợ giúp của tôi, sáu đứa con
của chị đều được học tập đến nơi đến chốn và hiện có
cuộc sống ổn định, thậm chí có người khá giả. Vợ
chồng chị tôi giờ đây đang an hưởng tuổi già tại Huế.
12 Gian Truân chỉ là Thử Thách
2. Sự cố ngày khai giảng và “ông Bụt”
của tuổi thơ tôi
Dù gia đình khó khăn trăm bề nhưng mẹ vẫn
cho tôi đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa. Đối
với gia cảnh nhà tôi, vừa nghèo khổ lại neo đơn thì việc
đến trường là cả một vấn đề rất lớn.Tôi chưa bao giờ
thôi biết ơn mẹ vì điều đó. Chính những năm tháng
được đi học đã chắp cánh cho cuộc sống trưởng thành
sau này của tôi.
Khỏi phải nói, tôi đã háo hức đợi chờ biết bao
ngày đầu tiên đi học. Từ đêm hôm trước, tôi đã ríu rít
hỏi mẹ hết cái này đến cái kia về trường lớp khiến mẹ
trả lời không kịp thở. Sáng hôm sau tôi dậy thật sớm
mặc dù tối hôm trước không ngủ được vì hồi hộp và
háo hức. Trong lúc mẹ chuẩn bị thì chân tay tôi cứ líu
ríu, nhất là khi thoáng thấy mấy đứa trẻ nhà bên cạnh
cứ quần áo tíu tít cả lên. Tôi thì không có quần áo đẹp
như các bạn, nhưng chẳng sao, với một đứa trẻ nghèo
như tôi, được đến trường đã là một niềm vui và tự hào
rất lớn rồi.
Đường đến trường cũng chính là con đường làng
thân quen tôi vẫn chạy nhảy vui đùa mỗi ngày, nhưng
hôm nay nó bỗng trở nên vô cùng lạ lẫm vì tâm trí tôi
lấp đầy những suy nghĩ, những tưởng tượng không
ngừng về lớp học, thầy cô, bạn bè. Chà, trường tiểu học
Hương Vinh, làng La Khê sẽ là nơi tôi được học chữ,
được làm những bài tập, được gặp các thầy cô, có thêm
bạn bè, được đánh dấu mốc “trưởng thành” hơn so với
mấy đứa nhóc còn mải lon ton chơi ngoài ruộng đồng
kia... Quá mải mê bồng bềnh với thế giới tưởng tượng
của mình, tôi không nhận ra đã đến trường từ lúc nào.
Gian Truân chỉ là Thử Thách 13
Và rồi trong tích tắc, tôi như lọt từ chín tầng mây
xuống đất bởi tin sét đánh: tôi không đủ điều kiện nhập
học vì… thiếu giấy khai sinh!
Đầu óc tôi tối sầm vì “cú đánh” chí tử ấy, kiểu
như tôi đang cưỡi cả thế giới trên mây bỗng nhiên có
một cơn lốc thổi bay tôi xuống đất. Không thể tin
được! Người ta không cho tôi vào trường, lấy gì mà
học tập, thầy cô hay bạn bè!
Ngày tôi chào đời cũng là ngày ba tôi mất nên
mọi việc trong nhà khi ấy rối rắm vô cùng. Tâm trí bà
nội và mẹ cũng bị xẻ hai bởi những điều bất ngờ quá
đỗi. Tất cả rối tung, trong một ngày mà biết bao sự việc
xảy ra, vừa lo ma chay, vừa lo cho đứa trẻ mới lọt lòng,
lại thêm chị tôi lúc đó còn quá nhỏ để hiểu và giúp
được cho gia đình, hai người phụ nữ dường như điên
người và mất hồn. Ngày đó đối với nội và mẹ dài vô
tận, nhưng không đủ để nghĩ đến những vấn đề khác
nữa. Bởi vậy mà không ai nhớ tới việc làm giấy khai
sinh cho tôi. Thời gian như con nước, tôi hồn nhiên lớn
lên như cỏ cây hoa lá, còn cái giấy khai sinh – tờ giấy
xác nhận về mặt pháp lý sự hiện diện của tôi trong cõi
đời này – dường như chưa bao giờ xuất hiện trong ý
niệm của người thân. Để hôm nay, chính tờ giấy ấy
ngăn tôi bước vào cửa lớp, biến ngày khai giảng đầu
đời của tôi trở thành cơn ác mộng.
Trong khi mẹ nói chuyện, cố giải thích và tìm
cách thuyết phục nhà trường cho tôi vào lớp thì tôi ngồi
thu lu một chỗ và khóc. Tôi nhìn những đứa trẻ khác
đang bước vào lớp, nhìn những ánh mắt, nụ cười hân
hoan kia, nó y như tôi của cách đây ít phút thôi. Đứa trẻ
6 tuổi lúc ấy có biết gì về giấy khai sinh hay chuyện
14 Gian Truân chỉ là Thử Thách
người lớn đang nói với nhau, chỉ là tôi thấy hụt hẫng,
thất vọng và bất công làm sao. Tôi không hiểu giấy
khai sinh quan trọng như thế nào, tôi chỉ biết là mình
không được vào lớp, không được đi học, bao nhiêu giấc
mơ và hi vọng trẻ con đang bị đánh cắp.
Sau một hồi nói mãi vẫn không được chấp nhận,
mẹ đành bảo tôi ra về. Tôi không muốn về. Về thì từ
nay tôi sẽ ở nhà luôn ư? Tôi muốn đi học, muốn được
cắp sách đến trường, tôi phải được đi học. Tôi cố tìm
xem trong đám đông người người vội vàng hồ hởi kia
một ánh mắt nào đó xót thương cứu vớt tôi, mang tôi
vào lớp. Nhưng rồi chẳng có điều kì diệu gì xuất hiện,
dù chỉ là một cái liếc nhẹ. Cuối cùng thì mẹ kéo mãi tôi
cũng đành lủi thủi ra về vì mọi người đã vào lớp hết
rồi, không ai quan tâm đến mẹ con tôi nữa.
Con đường làng mới sáng nay tươi đẹp lạ lẫm
mà giờ sao lại trở về quen thuộc nhưng thật đáng ghét
làm sao. Tại sao cũng một con đường mà lại mang
nhiều sắc thái và cảm xúc cho người ta như vậy? Mới
sáng nay tôi còn bước phấn khởi và tràn trề sức sống,
thế mà giờ cả thế giới như muốn sụp đổ ngay chính
trên con đường này. Trên đường tôi cứ khóc suốt, còn
mẹ thì không giấu được buồn bã nhưng vẫn cố sức an
ủi, xoa dịu tôi.
Bất ngờ tôi gặp một ông Bụt! Thật ra thì ông
Bụt ấy không có râu tóc bạc phơ, không mặc áo dài
trắng xóa, cũng chẳng phe phẩy cây phất trần như trong
chuyện cổ tích, nhưng ông ấy đã cứu vớt đời tôi đúng
như sứ mệnh của ông Bụt.
Ông Bụt đó là một nhân sĩ giàu có, ông tên là
Trần Tiễn Hi hay còn gọi là ông Thị Hi. Nghe ông hỏi
lý do tôi khóc, mẹ kể ông nghe rằng tôi không có giấy
Gian Truân chỉ là Thử Thách 15
khai sinh nên không được đi học. Ông ân cần hỏi tôi
tên gì, sinh ngày tháng năm nào, ba tôi đâu… Mẹ lắc
đầu. Mẹ bảo ba mất rồi, chỉ nhớ ngày sinh âm lịch của
tôi là ngày ba tôi mất thôi, còn ngày theo tuổi đi học thì
chịu, không nhớ nổi. Ngày xưa thì làm gì có internet
hay những tài liệu để tra lịch từ ngày âm ra ngày dương
dễ dàng như bây giờ.
Đến lúc đó tôi mới biết là tôi không có tên họ.
Mẹ nói với ông Thị Hi là từ nhỏ mọi người trong nhà
đã quen gọi tôi là thằng Lọ, mãi đến bây giờ vẫn chưa
đặt cho một cái tên chính thức nào. Gọi là Lọ bởi vì đó
là một cái tên chung mà nhiều người nhà quê thường
đặt cho con trai. Ngoài tên này thì người ta cũng
thường gọi con trai là thằng Cu, thằng Đực, và nếu con
gái thì thường gọi là con Bẹp, con Gái.
Nghe xong đầu đuôi, ông cười xòa và xoa đầu
tôi. Ông bảo sẽ giúp mẹ làm giấy khai sinh cho tôi và
tôi chắc chắc sẽ được đến trường. Tôi nhảy lên vì sung
sướng và ôm lấy mẹ. Ông Thị Hi cười hiền như một
ông tiên. Ông đã mang lại cả thế giới cho tôi!
Sau đó thì ông dắt mẹ con tôi đi làm giấy khai
sinh. Ông hỏi ý kiến mẹ về tên của tôi. Bị hỏi bất ngờ
quá nên mẹ bối rối, không biết nên đặt tên gì, mẹ nói
hay là nhờ ông cứ đặt cho cháu một cái tên nào ông
thấy thuận. Thế là ông nghĩ ra cái tên Trung, Hồ Văn
Trung, và đó chính là cái tên mà đã 63 năm gắn bó với
tôi cho đến bây giờ. Mẹ tôi cũng nhờ ông chọn ngày
sinh cho tôi. Tôi không biết vì sao ông chọn ngày 25-4
và cũng chưa bao giờ có dịp để cảm ơn và hỏi rõ ông
về điều này. Về sau, khi tôi lập gia đình và có con thì
các con tôi vẫn thường tổ chức sinh nhật cho tôi vào
ngày này.
16 Gian Truân chỉ là Thử Thách
Với bản thân tôi thì đây cũng là ngày sinh thật
sự, bởi đó là ngày đặc biệt trong đời: tôi được có tên,
có họ, có giấy khai sinh và được đi học. Ngày sinh nhật
cũng là ngày tôi nhớ đến ông Bụt hiền lành của ngày
xưa. Dù khi lớn lên tôi nhận ra trên đời thật ra không
có ông Bụt, nhưng tôi luôn biết rằng những người tốt
bụng vẫn luôn hiện diện xung quanh chúng ta. Rằng dù
những cái xấu có tồn tại nhiều như thế nào thì vẫn luôn
có những điều tốt đẹp bên cạnh như một điều tất yếu
trong cuộc sống.
***
Sau khi có giấy khai sinh, tôi hiên ngang bước
vào lớp như những đứa trẻ khác. Mỗi ngày tôi đều hân
hoan với niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của một đứa trẻ
nghèo: được cắp sách đến trường!
Sau giờ học ở trường, ngoài những lúc phụ giúp
mẹ và chị, tôi thường tranh thủ thời gian lấy sách vở ra
ôn bài. Những năm tháng tuổi thơ của tôi được mẹ vun
đắp và cố gắng chở che nên không buồn như của mẹ
ngày xưa. Bởi dù nghèo thế nào, ăn uống thiếu thốn ra
sao hay điều kiện học tập không bằng chúng bạn, thì
riêng chuyện được đến trường với tôi đã là một điều vô
cùng thiêng liêng, cao quí. Nó được đánh đổi bằng
những giọt mồ hôi của mẹ, những ngày mẹ thức khuya
dậy sớm làm lụng vất vả để lo cho tôi. Vì vậy tôi luôn
cố gắng học tập thật tốt.
Quê tôi nghèo lắm, người dân sinh sống chủ yếu
bằng việc làm ruộng hay làm thuê trên những cánh
đồng của người khác. Nhưng có lẽ tôi là đứa nghèo
nhất trong đám trẻ con nghèo ở đây. Nhà tôi ở cũng
không phải là một ngôi nhà đúng nghĩa: nó chỉ là một
túp lều được dựng lên trong khuôn viên nhà của ông bà
Gian Truân chỉ là Thử Thách 17
nội bởi gia đình tôi không có ruộng vườn gì. Trong túp
lều nhỏ xíu của ba mẹ con tôi ở không có của cải hay
thứ gì đáng giá, những thứ ít ỏi có trong nhà thì đều cũ
và sờn hết rồi. Những mùa nắng, khi cái nắng gay gắt
đổ lửa của miền Trung kéo đến thì túp lều hệt như cái
lò lửa nung, những ngày đó tôi thường ra góc cây gần
nhà nằm ngủ trưa cho mát. Còn những khi mưa gió thì
ba mẹ con tôi chỉ biết ôm nhau để xua đi cái lạnh giá,
ướt át của những cơn mưa và nỗi buồn ẩn chứa trong
mỗi người mà không ai dám nói ra.
Thật ra, lúc nhỏ tôi hay tủi thân vì nhà mình
nghèo. Không chỉ nghèo về vật chất, đôi lúc tôi còn
cảm thấy mình nghèo cả tình thương. Mẹ rất thương
tôi, chị cũng rất thương tôi, nhưng tôi thấy cần ba vô
cùng. Đối với tôi, mẹ vĩ đại, nhưng ba cũng rất quan
trọng. Mẹ có thể làm mọi thứ cho tôi nhưng không thể
làm ba cho tôi được. Vì chưa bao giờ biết được hình
dáng ba, chưa từng được ba chăm sóc, yêu thương nên
tôi rất ganh tị với nhiều đứa trẻ khác. Có nhiều lúc tôi
ngồi ở một góc khóc vì buồn, vì tủi và muốn có ba
khủng khiếp, mặc dù tôi chẳng biết được bao nhiêu về
ba qua những câu chuyện mẹ kể. Tôi chỉ biết là mình
thấy cần hơi ấm của ba, dù chỉ một chút ít thôi cũng đủ
sưởi ấm trái tim tôi. Nhất là những lúc tụi trẻ con trong
xóm thấy ba đi làm về thì tíu tít gọi, chạy đến, nhảy lên
lưng ba. Tôi cũng đã từng ước mình được ở trên lưng
ba, chắc lúc đó tôi sẽ thấy mình có thể với được đến tận
sao trời, có thể ôm trọn trái đất trong tay và không sợ
bất cứ thứ gì trên cuộc đời này như bao đứa trẻ khác
vẫn thường nói như vậy. Và nhất là tôi không phải
khóc vì tủi và nhớ ba.
Tuy vậy, những lúc như thế tôi càng thương mẹ
hơn. Tôi luôn nung nấu ý nghĩ mình phải cố gắng để là
18 Gian Truân chỉ là Thử Thách
một hiệp sĩ nhỏ anh hùng có thể bảo vệ được cho mẹ
thay ba, có thể thay ba gánh vác bớt phần nào khổ cực
cho những người mình yêu thương nhất trong đời.
Tôi không bao giờ quên những năm tháng ấy
cùng với hình bóng mẹ tôi gầy gò, ốm yếu. So với
những người cùng độ tuổi, mẹ nhìn già và khắc khổ
hơn rất nhiều. Cuộc đời mẹ, gương mặt mẹ, dáng người
mẹ đã bị đánh quật bởi bao nhiêu sóng gió đã trải qua
và phải đầu tắt mặt tối với bộn bề lo toan phải gánh
vác. Mẹ không dám sắm sửa gì cho mình, cũng không
dám ăn uống nhiều, cái gì cũng dành phần cho chị em
tôi, vì vậy mà mẹ gầy nhom và xanh xao lắm. Dù khó
khăn thế nào mẹ cũng bảo sẽ lo cho tôi được, mẹ chỉ
mong tôi cố gắng học chăm chỉ để mai này có cuộc
sống tốt hơn.
Chính vì những lời mẹ nói mà tôi đã cố gắng rất
nhiều, năm học nào tôi cũng luôn là học sinh giỏi của
trường. Mỗi năm tôi đều được nhận bằng khen, phần
thưởng và học bổng dành cho con nhà nghèo hiếu học.
Mỗi lúc tôi mang bằng khen và học bổng về, bao giờ
mẹ cũng rất vui, rất tự hào. Mẹ nói rằng chỉ cần tôi học
giỏi như vậy là mẹ không còn thấy cực khổ nữa.
Những lời nói của mẹ càng hun đúc niềm tin và
mục tiêu cho tôi. Chỉ cần mẹ vui và cười như vậy, tôi
cũng đã thấy quá hạnh phúc rồi. Tôi luôn cố gắng để
mẹ mãi luôn cười như vậy, vì cuộc đời mẹ đã rơi biết
bao nhiêu nước mắt…
Sau khi học xong cấp tiểu học, tôi chuẩn bị bước
vào kỳ thi đệ thất (tương đương lớp 6 ngày nay). Đây là
kỳ thi bắt buộc với tất cả học sinh đã học xong chương
trình tiểu học thời ấy. Nếu thi đậu, học sinh sẽ được
vào học miễn phí tại các trường công lập. Còn nếu thi
Gian Truân chỉ là Thử Thách 19
rớt, học sinh phải vào học trường bán công hoặc tư thục
với học phí rất cao. Học ở trường công lập mà mẹ đã
vất vả như vậy rồi, làm sao tôi dám mơ đến những nơi
tốn kém như trường bán công, tư thục? Vì vậy, tôi chỉ
có lựa chọn duy nhất: phải thi đậu!
3. Kỳ thi “sinh - tử” và ván bài ở đợ
Như đã nói, trong kỳ thi vào đệ thất, những học
trò nghèo như tôi nếu muốn tiếp tục đi học thì chỉ còn
cách duy nhất là phải thi đậu để được học trường công
lập. Nếu thi rớt, tương lai có thể thấy ngay trước mắt là
nghỉ học, đi làm ruộng hoặc học nghề thợ mộc, thợ
hồ… Trong khi đó, các công tử, tiểu thư nhà giàu có
thể nhởn nhơ thi cử vì nếu không học được trường
công thì sang trường tư thục. Đó là sự khác biệt giữa
giàu - nghèo.
Áp lực khủng khiếp của kỳ thi “sinh - tử” ấy đè
cả lên đôi vai gầy của mẹ, bởi hơn ai hết, mẹ hiểu được
khát khao học tập trong tôi, mẹ tin rằng chỉ có con
đường học vấn mới có thể đưa tôi đến tương lai tươi
sáng. Nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền vốn đã nặng trĩu, nay
thêm chuyện học hành, thi cử nên tóc mẹ tôi bắt đầu
điểm bạc dẫu tuổi chưa thật nhiều.
Nhiều hôm bất chợt tỉnh giấc lúc nửa đêm,
thoáng thấy mẹ khóc, tôi chỉ lẳng lặng nhìn, không dám
hỏi nguyên do (thật ra, tôi cũng chẳng biết phải hỏi thế
nào). Trái tim tôi run lên rồi thắt lại khi cảm nhận được
vị mặn chát trong từng giọt nước mắt lăn dài trên gò
20 Gian Truân chỉ là Thử Thách
má xương xẩu của mẹ. Nghèo không phải là tội, nhưng
nó khiến người ta phải khổ đau, phải suy tính, tủi thân
quá nhiều. Trong những phút giây len lén nhìn mẹ khóc
thầm, tôi lại ước ao cháy bỏng rằng ba còn sống để mẹ
có một bờ vai tựa vào. Ba cũng sẽ biết cách an ủi mẹ
chứ không im lặng bất lực như tôi.
Cay đắng hơn, chính kỳ thi ấy là ngọn nguồn
của một “tấn trò đời” mà người mẹ nghèo, mù chữ của
tôi là nạn nhân. Mãi sau này, khi đã trưởng thành và
thật sự vén được những áng mây mù che lấp các “ẩn
số” trong câu chuyện ấy, tôi mới thật sự vỡ lẽ tường tận
về cú lừa này. Lợi dụng sự hy sinh và quyết tâm cho
con ăn học của mẹ tôi, những kẻ giàu có, lắm thế lực đã
bóc lột trần trụi sức lao động của mẹ.
Chuyện là sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ về
tương lai của tôi, mẹ quyết định đi ở đợ không công
để… đảm bảo chắc chắn tôi thi đậu vào đệ thất. Có lẽ
nhiều bạn đọc đang thắc mắc hai việc này có liên quan
gì với nhau. Xin nói rõ ngay, thời điểm đó, mẹ đang ở
đợ cho gia đình mụ Lý ở xóm Thanh Hà, cách xóm tôi
một xóm. Gia đình ấy vốn giàu có, xuất thân từ làng
Bàu Đôn (Triều Sơn Trung) - nơi mẹ từng lớn lên. Vì
quen biết ít nhiều nên mẹ thường gọi mụ là “dì Lý”.
Mụ Lý có người con trai tên là Để và một người cháu
mà mẹ thường gọi là “cậu Chữ” (vì cậu nhỏ tuổi hơn
mẹ). Những người này đều được ăn học đàng hoàng,
giàu có và có chức phận cao trong Sở Giáo dục.
Gian Truân chỉ là Thử Thách 21
Mẹ được mụ Lý giới thiệu đi ở đợ cho ông Để
(ông đang làm việc ở Sở Giáo dục và có người vợ dạy
học). Nhà ông Để ở trong thành nội, gần Trường Hàm
Nghi (tức Trường Quốc Tử Giám thời triều Nguyễn).
Mẹ quyết định lên nhà ông Để ở đợ không lương với
mục đích… nhờ ông gửi gắm cho tôi thi đậu.
Ở nhà ông Để, mẹ được cho một chiếc giường
tre đặt trong nhà bếp để ngủ. Cái giường nhỏ xíu, lần
nào tôi ngồi lên nó cũng oằn xuống, kêu ót ét như thể
sắp sập tới nơi. Vì mẹ bận luôn tay luôn chân nên tôi
không có nhiều thời gian thủ thỉ với mẹ trong mỗi lần
đến thăm. Gà chưa gáy sáng, mẹ đã thức dậy bắt đầu
chuỗi công việc dài dằng dặc. Khi mẹ được ngơi tay thì
trời đã tối mịt. Mỗi ngày của mẹ trôi qua đều giống
nhau: vô vị, khắc khổ, mệt mỏi.
Chứng đau lưng tiếp tục hành hạ mẹ, khiến mỗi
bước chân, mỗi cử động trở nên khó khăn, nặng nề.
Nhưng mỗi khi thấy tôi, mẹ luôn nở nụ cười như thể
mẹ rất hạnh phúc với công việc ấy. Đó là bởi mẹ tin
những việc mẹ đang làm sẽ giúp tôi được tiếp tục đi
học. Chỉ cần tôi được đi học và học giỏi thì mọi khổ
đau, khó khăn với mẹ chẳng là gì. Mẹ gầy gò, ốm yếu,
hay bệnh thế mà phải làm cả những việc nặng nhọc mà
ngay cả đàn ông đôi khi còn không chịu nổi. Quần quật
từ sáng tới tối, đôi tay mẹ vốn đã chai sạn nay càng thô
ráp hơn, mất cả dáng vẻ bàn tay phụ nữ. Những kẽ tay,
kẽ chân nứt nẻ như minh chứng hùng hồn về sự đánh
đổi cho tương lai của đứa con thơ. Mỗi lần nhìn mẹ, tôi
xót xa lắm!
22 Gian Truân chỉ là Thử Thách
Ở đợ tức là không chỉ làm những công việc nhất
định mà còn phải làm cả những gì chủ sai bảo. Đôi lúc
chúng vừa quá sức vừa tủi nhục nhưng vẫn phải cắn
răng chịu đựng. Người đi ở đợ không có quyền ca thán,
không được phản kháng, cũng không có tiếng nói, chỉ
biết lầm lũi làm. Ngày đó, nghề ở đợ chỉ dành cho
những người nghèo khổ nhất, cùng đường nhất chứ
không phải là một nghề được nhiều người chọn và sống
được như thời nay.
Tuy vậy, một điều an ủi tôi là thời gian mẹ ở đợ
cũng là lúc hai mẹ con được ăn uống ngon lành nhất.
Chỉ là cơm thừa, cá cặn của chủ nhưng với tôi, như thế
đã là ngon nhất! Trước đó, may mắn lắm, gia đình tôi
mới có được một bữa ăn có chất một chút với vài con
cá, con tép nhỏ xíu mẹ xúc được ngoài đồng. Gặp mùa
khô hạn, cả nhà chỉ biết húp cháo. Ruộng đồng nhiều
nhưng đa số dân làng nghèo khổ nên ai cũng thường ra
đồng xúc tép, bắt cá để tiết kiệm tiền chợ, do đó mỗi
lần đi xúc, mẹ “thu hoạch” được chẳng bao nhiêu. Rất
ít người đi chợ mua cá hay thịt, ngay cả mua một bó
rau, nhiều người còn đắn đo. Vậy nên mấy con tép bé
xíu đã cứu vớt cho những bữa ăn khắc khổ có chút màu
sắc đẹp đẽ và dinh dưỡng hơn.
Thức ăn không bao nhiêu nên bữa ăn nào mẹ
cũng gắp hết cho hai chị em tôi. Chị cũng đang tuổi ăn
tuổi lớn nhưng luôn nhường phần cho tôi. Tôi tuy nhỏ
nhưng cũng hiểu được phần nào hoàn cảnh nên chẳng
dám ăn. Cả nhà cứ gắp qua gắp lại cho nhau. Những
lúc như vậy mẹ hay bảo: “Con trai phải ăn nhiều mới
Gian Truân chỉ là Thử Thách 23
có sức làm trụ cột cho hai người phụ nữ chứ!”. Nói
xong, mẹ chan miếng nước kho tép vào chén mẹ rồi để
phần tép lại cho tôi. Những ký ức này luôn khiến tôi ứa
nước mắt mỗi khi nhớ về.
Ăn uống thiếu thốn là vậy nên khi qua nhà ông
Để, được ăn nào cá, nào thịt - những thứ là “sơn hào
hải vị” đối với tôi - thì quả là niềm hạnh phúc quá lớn.
Thật ra, thức ăn thừa không còn nhiều và dĩ nhiên
không được thẩm mỹ lắm, nhưng lần nào mẹ cũng bảo
tôi ráng ăn nhiều để có sức học hành, thi cử. Tôi cũng
chẳng để ý, chẳng chê bai điều gì vì với một đứa trẻ
nghèo khổ, được ăn như thế đã là tốt lắm. Vì hôm nào
tôi cũng phải chờ mòn mỏi đến khi ông bà Để ăn xong,
dọn dẹp xong, thì mới được xúc ít cơm cá để ăn nên tôi
luôn ăn rất ngon lành, giống như sắp chết đói vậy.
Có những lúc vợ chồng ông đi chơi về trễ, tôi
ngủ gục lúc nào không hay, đến khi thức dậy, bụng sôi
ùng ục mà vẫn không thấy bóng dáng chủ đâu. Những
món ăn ngon lành trước mắt chẳng khác gì mỡ trước
miệng mèo. Tôi thèm kinh khủng mà không thể ăn. Cái
bụng đang bảo, cái mắt đang thấy, cái tay đang muốn
với tới thức ăn nhưng cái đầu tôi không cho phép. Cảm
giác đó nó thê thảm không tả được. Đến tối mịt, khi
ông bà về thì tôi đã lăn ra ngủ lúc nào không hay, thức
ăn đã lạnh tanh còn ông bà Để thì đã ăn bên ngoài! Mẹ
lay tôi dậy, thế là tôi có một bữa ăn cực kỳ hoành tráng
và tưởng bể bụng đến nơi. Tôi chưa bao giờ được ăn
nhiều và thả sức như vậy. Đó là những bữa ăn no nê,
ngon lành hiếm hoi của tôi.
24 Gian Truân chỉ là Thử Thách
Bận rộn với hàng tá công việc lớn nhỏ ở nhà ông
Để nhưng ngày nào mẹ cũng cố gắng lo cho tôi ăn ngủ
đàng hoàng để có sức khỏe và tinh thần cho kỳ thi.
Đêm nào mẹ cũng dặn tôi rằng: “Mình nghèo hơn
người ta, chỉ còn biết cố gắng học hành cho thật tốt để
sau này không phải khổ nữa”.
Mẹ luôn nhấn mạnh: “Chỉ có học là con đường
duy nhất của con. Con không phải lo bất cứ điều gì, chỉ
cần cố gắng học giỏi là được”. Tôi luôn khắc cốt ghi
tâm câu nói đó. Chỉ vài từ ngắn gọn nhưng chứa đựng
tình thương con vô bờ bến của một người mẹ thất học,
nghèo khổ, bệnh tật.
Thấu hiểu tấm lòng mẹ và giá trị của sự học, đến
bây giờ, tôi luôn hướng giới trẻ đến việc học tập. Dù
nghèo hay giàu, học là con đường duy nhất để hoàn
thiện bản thân, để góp phần xây dựng đất nước. Với
tâm nguyện đó, tôi luôn ủng hộ những tổ chức, cá nhân
quan tâm đến vấn đề giáo dục cho trẻ em, nhất là trẻ
em thiếu may mắn.
***
Thời gian dần trôi, ngày thi quan trọng cũng
đến. Tôi đăng ký thi đệ thất vào Trường trung học Hàm
Nghi, phòng thi đặt tại Trường tiểu học Đoàn Thị
Điểm. Tôi lo lắng một, mẹ lo gấp trăm ngàn lần. Nỗi lo
hiển hiện hết trên gương mặt khắc khổ của mẹ dù mẹ
cố giấu thế nào.
Sáng hôm đó, mẹ dậy sớm hơn thường ngày,
làm hết việc nhà ông Để rồi bồn chồn dẫn tôi đi thi. Mẹ
Gian Truân chỉ là Thử Thách 25
chuẩn bị cho tôi một gói xôi, một chai nước nhỏ và căn
dặn tôi những điều quen thuộc mà bậc cha mẹ nào cũng
dặn con trước buổi thi: nhớ làm bài cẩn thận, nhớ canh
chừng thời gian, nhớ viết rõ ràng... Những lời dặn dò
quen thuộc và bình thường ấy khi được phát ra từ
những người mình yêu thương nhất lại có sức mạnh
thật to lớn.
Đến trước cổng trường thi, mẹ ôm lấy tôi, đặt
một nụ hôn lên trán tôi, nhắn nhủ lần cuối: “Ráng nghe
con!”. Tôi vòng tay ôm chặt mẹ rồi nói lời chào tạm
biệt. Tôi quay lưng nhưng không cất bước được bởi
bàn tay mẹ vẫn siết chặt lấy tay tôi. Tôi cảm nhận được
sức nóng hừng hực, cái run rẩy và những giọt mồ hôi
lạnh từ tay mẹ truyền sang. Tất cả hồi hộp, lo lắng của
mẹ trong thời gian qua dường như cô đặc lại trong cái
siết tay thật chặt ấy. Tôi hiểu mình là niềm hy vọng, là
hạnh phúc lớn nhất của đời mẹ. Tôi không được phép
thất bại. Tôi nhìn mẹ, mỉm cười rồi bước vào trường
với miên man cảm xúc.
Kỳ thi gồm có ba bài kiểm tra: luận văn, toán,
khoa học thường thức. Trong đó, luận văn và toán là
hai bài thi chính. Buổi sáng thi môn luận văn, tôi làm
bài với tâm trạng phấn khởi, những gì đã học được trí
nhớ tôi xâu chuỗi chính xác và áp dụng vào bài làm.
Tôi chỉ mất 2/3 thời gian để hoàn thành bài thi.
Giờ nghỉ trưa, tôi lấy gói xôi mẹ cho lúc sáng ra
ăn, lòng lẫn lộn niềm vui, sự hồi hộp lẫn nỗi tủi thân.
Vui vì làm tốt bài thi luận văn, hồi hộp vì còn hai bài
26 Gian Truân chỉ là Thử Thách
thi vào buổi chiều và hơn hết là tủi vì không có mẹ ở
đây. Tôi chợt nhìn sang những người xung quanh và
bắt đầu chìm vào những luồng suy nghĩ khác. Tôi nhận
ra cuộc sống là sự đan xen các mảng màu tối - sáng,
các thái cực khác nhau. Có thí sinh quần là áo lụa, cũng
có người giống tôi - mặc áo rách lỗ chỗ như không thể
rách thêm. Có người chỉ có gói xôi nhỏ xíu mà nhâm
nhi mãi vì sợ… nhanh hết, lại có người ăn không hết
phải vứt bỏ. Có người cha mẹ đứng trông ngóng, có
người không một người thân ở bên. Mọi thứ xung
quanh muôn màu, muôn vẻ, nhiều sắc thái, tâm trạng.
Khi quan sát như thế, cảm giác buồn tủi, hồi
hộp, lo sợ trong tôi bỗng tan biến. Những mảng màu tối
- sáng luôn hiện hữu cạnh ta, nhưng đôi khi tối hay
sáng là do góc nhìn, suy nghĩ, thái độ của mỗi người.
Và trong chính những mảng màu đó, mình có thể pha
trộn những màu sắc khác. Tôi có một người mẹ nghèo,
ốm yếu, đang vừa quần quật làm việc cho nhà chủ, vừa
bồn chồn lo lắng cho kỳ thi của con. Tình yêu lớn lao
của mẹ đủ khiến mảng màu tưởng như tối trong cuộc
đời tôi chuyển sang sắc màu tươi sáng hơn. Tôi cũng sẽ
xoay chuyển màu sắc cuộc đời tôi, mẹ tôi bằng những
cố gắng của ngày hôm nay.
Nghĩ một hồi, tôi thấy lòng bình yên lạ thường.
Giờ thi buổi chiều đã đến, toán là môn quan trọng nhất,
tôi bước vào phòng thi với tâm trạng thoải mái, tự tin.
Nhờ vậy, tôi hoàn thành bài thi trước giờ quy định
không mấy khó khăn trong khi những thí sinh khác còn
đang cắn bút, loay hoay với những con số, câu hỏi. Rời
Gian Truân chỉ là Thử Thách 27
phòng thi, tôi đã thấy bóng dáng hao gầy của mẹ ẩn
hiện xa xa ngoài cổng trường. Tôi lao thật nhanh rồi
vấp té ngay trước cổng. Mẹ hoảng hồn chạy đến kéo tôi
dậy. Tay chân tôi rướm máu nhưng trái tim tôi như
đang được tiếp thêm hàng ngàn lít máu. Mẹ luôn là
mảng màu sáng nhất đời tôi!
***
Đúng một tuần sau, vào một buổi chiều, hai mẹ
con tôi đang quét dọn ngoài vườn thì ông Để bước tới,
nói: “Thằng Trung đậu rồi! Là nhờ tôi gửi gắm đó!”.
Câu nói ấy đến tận bây giờ vẫn chưa khi nào rời khỏi
trí nhớ tôi. Chính xác là câu đó! Mẹ nghe xong đứng
lặng im như không tin vào tai mình. Mắt mẹ đỏ hoe, từ
khóe mắt nhăn nheo những giọt nước mắt tuôn rơi.
Trước đây mẹ chỉ khóc vì buồn tủi còn ngay
giây phút này, đó là những giọt nước mắt hạnh phúc.
Ước mơ của mẹ đã thành hiện thực! Con mẹ sẽ lại
được đến trường, được đi về phía tương lai tươi sáng.
Những tháng ngày khổ cực bỗng dưng tan biến trong
tâm trí mẹ. Cái lưng gù đau buốt, đôi tay chai sạn hay
những nếp nhăn trên gương mặt mẹ chẳng có nghĩa lý
gì. Thời gian qua mẹ đã chịu đựng quá nhiều. Mẹ như
được hồi sinh trong giây phút hạnh phúc ấy.
Ngay sau hôm ông Để báo tin, tôi đến Trường
trung học Hàm Nghi để dò danh sách thí sinh trúng
tuyển. Dù đã được báo trước kết quả nhưng nỗi hồi hộp
vẫn thổn thức trong lồng ngực và hiển hiện cả trên
gương mặt tôi. Kết quả đúng là tôi trúng cử! Tôi nhớ
28 Gian Truân chỉ là Thử Thách
rõ đã làm bài tốt nhưng vẫn không tin được là mình đã
đậu.
Một điều ngạc nhiên nữa là tôi được chuyển qua
học ở Trường Quốc Học ở phía bên kia sông Hương.
Đó là trường nổi tiếng nhất Việt Nam, chỉ tuyển những
học sinh xuất sắc và chỉ nhận học sinh đệ nhị cấp (tức
lớp Đệ Tam, Đệ Nhị và Đệ Nhất, tương đương lớp 10,
11, 12 ngày nay). Tôi đem câu hỏi này đi hỏi nhiều
người nhưng không ai biết. Khi tôi hỏi ông Để, ông chỉ
nói một câu: “Không biết!” với thái độ lấp lửng.
Tôi rất lo lắng vì Trường Quốc Học xa hơn
Trường trung học Hàm Nghi, liệu đôi chân nhỏ bé của
tôi có đi bộ nổi đến trường mỗi ngày không? Nhiều nỗi
lo khác ùa đến choáng lấy tâm trí tôi, khiến tôi rùng
mình: trường mới, bạn mới, cấp mới, thầy cô mới…Rồi
tôi chợt nhìn xung quanh và thấy rất nhiều bạn bè mặt
mày thất thểu, có đứa khóc thét lên, có đứa bị cha mẹ
đánh đòn vì không thi đậu. Hoàn hồn lại, tôi nhận ra
mình vẫn còn được đi học. Ánh sáng đã mở ra cho cuộc
đời của tôi, gia đình tôi. Mong ước, khát vọng của mẹ
con tôi nay đã thành sự thật. Niềm hạnh phúc lớn nhất
của những đứa trẻ nghèo là tiếp tục được đi học, tiếp
tục được viết tiếp ước mơ đổi đời.
Mọi thứ không hoàn toàn giống như giấc mơ của
tôi, nhưng con đường phía trước đang dần hé mở
những ánh sáng muôn màu hơn. Viễn cảnh ấy khác
hoàn toàn với những đứa bạn của tôi. Các bạn cũng
nghèo khổ, đói rách nhưng không may mắn đậu kỳ thi
Gian Truân chỉ là Thử Thách 29
đệ thất, thế là cuộc đời bước sang trang mới - mờ mịt
hơn, vất vả hơn. Công việc chăn trâu, làm đồng không
còn là để phụ giúp cha mẹ nữa mà sẽ trở thành công
việc chính. Có đứa đi học nghề làm mộc, hớt tóc rồi bắt
đầu bươn chải vào đời khi hãy còn quá nhỏ. Đó là con
đường duy nhất của những học sinh nghèo thi rớt. Rồi
thì cái điệp khúc nghèo - nghèo - nghèo sẽ bám riết lấy
họ đến suốt đời, không cách nào thoát ra được.
Quả thật thực tế buồn ấy kéo dài đến tận bây
giờ. Mỗi khi có dịp về quê cúng Tổ, tôi vẫn gặp lại
những người bạn đó với hoàn cảnh không hề đổi thay.
***
Trong những năm học ở Trường Quốc Học, tôi
dần trưởng thành và bắt đầu làm sáng tỏ được những
điều từng thắc mắc xung quanh việc tôi được vào học
ngôi trường danh tiếng này.
Thời đó, Trường Quốc Học chỉ nhận những học
sinh đệ nhị từ Trường Hàm Nghi và Trường Nguyễn
Tri Phương ở Huế; Trường Nguyễn Hoàng ở Quảng
Trị. Qua những lần trò chuyện với thầy cô và bạn bè,
tôi biết được vào năm tôi thi đệ thất thì Bộ Giáo dục
quyết định cho Trường Quốc Học thành lập thêm đệ
nhất cấp, tức là từ lớp đệ thất đến lớp đệ tứ (lớp 6 tới
lớp 9 ngày nay). Do đó, Sở Giáo dục quyết định chọn
những thí sinh trúng cử cao nhất của Trường Hàm Nghi
và Trường Nguyễn Tri Phương để thành lập bốn lớp đệ
thất. Đây là khóa đầu tiên của hệ đệ nhất cấp tại
Trường Quốc Học.
30 Gian Truân chỉ là Thử Thách
Khi biết được điều này, tôi vô cùng tự hào khi là
học sinh của ngôi trường giàu truyền thống và nổi tiếng
nhất Việt Nam. Nhưng đó cũng là lúc tôi bắt đầu lờ mờ
vén được bức màn bao nhiêu năm vẫn che phủ cuộc đời
mẹ và chi phối cuộc đời tôi. Ngày xưa, mẹ chỉ gửi tôi
thi vào Trường Hàm Nghi, chẳng có lý do gì mẹ gửi tôi
vào học một trường danh giá và khó vào như Trường
Quốc Học. Vậy tại sao tôi đường đường chính chính
được thông báo vào trường này? Nhớ lại sự phấn khởi
khi làm tốt các bài thi, tôi bắt đầu hiểu ra rằng, tôi thi
đậu đệ thất và vào được Trường Quốc Học là do sự cố
gắng của bản thân chứ chẳng hề có sự sắp xếp hay giúp
đỡ nào.
Tôi biết mình không phải học sinh xuất sắc toàn
diện, không phải là người luôn đứng đầu, nhưng chắc
chắn tôi học khá giỏi. Trong lúc nhiều bạn bè dùng tất
cả thời gian rảnh rỗi để mải mê vui chơi, tôi lại thường
vùi đầu vào sách vở. Tôi thích học, thích đọc, thích
nghiên cứu các bài tập, vì vậy kiến thức vào đầu tôi rất
nhanh. Còn một điều chắc chắn nữa: tôi phải xuất sắc
trong kỳ thi đệ thất thì mới được tuyển vào Trường
Quốc Học.
Từ những suy nghĩ đó, tôi mang những thắc mắc
của mình đi hỏi thầy cô, bạn bè hay những người làm
việc trong trường. Sau một thời gian, tôi lần tìm lại
được danh sách thí sinh trúng cử trong kỳ thi đệ thất
năm ấy. Khi cầm danh sách trúng cử trong tay, tôi thấy
tên mình đứng thứ 22 trong tổng số 360 thí sinh trúng
Gian Truân chỉ là Thử Thách 31
tuyển, có 120 thí sinh được tuyển vào Trường Quốc
Học.
Tờ danh sách trúng tuyển rơi khỏi tay tôi từ lúc
nào không biết. Một đứa trẻ đang lớn đủ hiểu chuyện gì
đã xảy ra. Nhiều câu hỏi xoáy quanh đầu tôi: “Ông Để
gửi gắm giúp tôi ư?”, “Nếu ông Để gửi gắm thì chắc
chắn tôi phải đậu áp chót, đậu thứ 359 hoặc đậu vớt
chứ sao lại nằm trong những người điểm cao như
vậy?”, “Nếu thật sự được gửi gắm thì tôi đã học
Trường Hàm Nghi, lý nào lại vào được Trường Quốc
Học?”... Chỉ có đáp án duy nhất cho tất cả câu hỏi ấy!
Câu nói của ông Để vào buổi chiều nào lại vang
vang trong đầu tôi: “Thằng Trung đậu rồi! Là nhờ tôi
gửi gắm đó!”. Câu nói đó giờ đây giống như gáo nước
lạnh tạt thẳng vào mặt tôi. Ngẫm lại thật nực cười. Tôi
cười mà nước mắt cứ ứa ra. Cả khi đã trở thành một
người đàn ông trưởng thành thật sự, tôi vẫn rơi nước
mắt mỗi khi nghĩ về những ngày tháng mẹ đi ở đợ cho
nhà ông Để. Hồi ức ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tôi.
Tôi làm sao quên được bóng dáng mẹ tảo tần thức
khuya dậy sớm làm công không lương. Những giọt mồ
hôi mẹ tôi rơi, làn da mẹ tôi héo hắt, nhăn nheo, cơ thể
hao gầy… Ai trả lại cho mẹ những thứ đã đánh đổi phi
lý đó?
Cuối cùng, ở tuổi đang lớn, tôi đã hiểu được cái
mà người ta hay bảo là sự cay đắng của cuộc đời. Nó
cay nghiệt hơn cả những gì tôi có thể tưởng tượng. Nó
đắng hơn những vị thuốc mà mẹ thường sắc cho tôi
32 Gian Truân chỉ là Thử Thách
mỗi khi ốm đau. Mẹ sẵn sàng làm tất cả mọi thứ vì con,
còn người ta lợi dụng quyết tâm ấy để bòn rút sức lao
động của mẹ.
Tôi nhận ra cuộc đời không chỉ là những bài học
tươi đẹp được viết trong sách vở. Cuộc sống không
phải bức tường màu hồng do ta tự tô vẽ mà đôi lúc trở
nên xám xịt khi những bức màn bí mật bất chợt bị vén
lên. Tôi phải tập cách sống, tập cách nhìn nhận, suy xét
để để có thể bảo vệ những người tôi thương yêu, để
không bị ai lường gạt, bóc lột như mẹ.
Tôi không biết có nên cho mẹ biết sự thật cay
đắng này không. Cuối cùng, tôi quyết định giữ kín bởi
dù sao mọi chuyện đã qua. Nếu mẹ biết, chắc chỉ khổ
sở thêm. Thực tế là tôi đang đi học. Cứ để mẹ nghĩ rằng
những ngày tháng khó khăn, vất vả ở đợ không công
cho người ta, sống tằn tiện, thậm chí không có gì để mà
tằn tiện, đã được đền đáp bằng việc thấy tôi ngày ngày
chăm chỉ đến trường và học hành ngoan ngoãn.
Im lặng với mẹ không có nghĩa là tôi dễ dàng
quên, bỏ qua và tha thứ cho ông Để. Đã nhiều lần tôi cố
tìm một chi tiết hay bất cứ điều gì, dù là nhỏ nhất để
chứng minh ông Để từng tác động đến con đường học
vấn của tôi, cố tìm một lý do để tha thứ và thông cảm
cho ông. Nhưng tất cả vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Đó là
đáp án chính xác nhất cho bài toán tôi phải mất nhiều
năm mới giải ra.
Sau này, khi trưởng thành hơn, đầu óc mở mang
hơn, tôi càng có thêm nhiều cơ sở để chắc chắn cho câu
Gian Truân chỉ là Thử Thách 33
trả lời đó. Câu chuyện nầy cũng khiến tôi bắt đầu nhìn
giới nhà giàu với cái nhìn khác. Tôi không thể khoanh
tay cúi chào ông Để như trước đây, không thể nhìn ông
bằng một sự thán phục đối với một người học cao, có
chức phận trong xã hội. Đơn giản vì ông ta không đáng
để tôi tôn trọng.
Tôi không thể chịu được khi nhìn thấy những kẻ
giàu có, quyền lực ức hiếp những người nghèo khổ
đang trong cơn bĩ cực. Thà họ thể hiện điều đó ra mặt
thì vẫn còn dễ chịu hơn việc mang bộ mặt đạo đức giả,
màu mè, hình thức để tô vẽ bản thân nhưng bên trong
lại bòn rút, bóc lột người khác thậm tệ. Tôi ghét những
kẻ đạo đức giả và vô lương tâm. Nhiều lần tôi tự hỏi, ai
sinh ra cũng có trái tim, mỗi trái tim đều biết đập để
sống, vậy sao có những trái tim chẳng đập như một con
người bình thường mà lại đập những nhịp nhẫn tâm,
tàn bạo trong lớp vỏ bọc nhân văn? Vì thất học, vì
không một tấc đất, những người nghèo rốt cuộc sẽ
không thể thoát khỏi kiếp nghèo. Họ sẽ bị những kẻ vô
lương tâm lợi dụng, bị đẩy vào vòng luẩn quẩn: nghèo -
thất học - bị lợi dụng - tiếp tục nghèo!
Một dịp cách đây gần 40 năm, khi đã ở tuổi
trưởng thành, tôi tình cờ thoáng thấy vợ chồng ông Để
giữa Sài Gòn tấp nập. Lúc đầu, tôi hơi ngỡ ngàng, sau
đó bao hồi ức hiện về, nỗi oán giận sôi lên trong lồng
ngực tôi. Một ý nghĩ đen tối lóe lên trong tôi: tông xe
vào họ để trả thù! Nhưng cuối cùng tôi không làm
được việc ấy vì lương tâm không cho phép. Ở đời mình
nên dùng cái tâm, dùng lòng vị tha để đối đãi, lòng hận
34 Gian Truân chỉ là Thử Thách
thù có thể giết chết ta. Quan trọng nhất vẫn là sống cho
hiện tại, quá khứ chỉ để hồi tưởng.
Ở góc nhìn khác, tôi nghĩ cần phải cảm ơn vợ
chồng ông Để vì đã cho tôi bài học đầu đời đắt giá,
giúp tôi nhận thức được nhiều điều. Đó cũng là tiền đề
cho hiện tại của tôi.
4. Thú đồng quê
Không ai có thể quyết định nơi được sinh ra hay
hoàn cảnh nào sẽ nuôi dưỡng mình. Sinh ra trong hoàn
cảnh éo le, lớn lên trong thiếu ăn, đói khổ, nhưng hơn
hết, tôi thấy mình may mắn. Tuổi thơ khó khăn nơi
làng quê Việt Nam nghèo khổ đã dưỡng nuôi, bồi đắp
trong tôi những kiến thức, kinh nghiệm, những bài học
vô giá về cuộc đời. Đó cũng chính là cơ sở và hành
trang chắp cánh cho tôi trong mỗi thời điểm, mỗi giai
đoạn sau đó. Những thứ đó không phải ai cũng có, nhất
là những người ở thành phố hoặc thuộc thành phần khá
giả.
Nhiều người có thể nói, có thể kể về những gì
được nhìn thấy thoáng qua hay đọc được ở đâu đó về
làng quê Việt Nam, nhưng những trải nghiệm thật sự
thì không dễ có. Có những thứ người ta chỉ nhìn lướt
qua, không kịp hiểu tận tường cốt lõi. Có những thứ
tưởng như dễ dàng nhưng khi đụng vào hóa ra lại vô
cùng khó khăn. Có những thứ tưởng như quen thuộc
nhưng lại chứa đựng bao điều kỳ diệu. Tôi may mắn
được trải nghiệm những thứ như vậy.
Gian Truân chỉ là Thử Thách 35
Như bao đứa trẻ khác ở vùng quê, tôi sớm biết
giúp đỡ gia đình việc đồng áng. Các công việc ấy hoàn
toàn không nhẹ nhàng với những đứa trẻ nhưng chúng
tôi không có lựa chọn nào khác. Những tháng ngày làm
việc vã mồ hôi trên đồng đối với đám trẻ con nhà quê
cũng không hẳn là thiệt thòi hoàn toàn bởi chính điều
ấy tạo nên tuổi thơ sinh động, khắc sâu vào tâm trí mỗi
đứa trẻ. Với tôi, đó là những mùa nước lớn cưỡi trâu,
những mùa khô hạn đi bắt ong, bắn chim hay những
thú tiêu khiển khác như ăn cắp trái cây, đá banh.
Những ký ức sinh động đó thật khó để tìm lại vì cuộc
sống bây giờ đã đổi thay rất nhiều. Ngày nay, vẫn còn
nhiều trẻ em khó khăn ở các vùng quê nhưng cuộc sống
các em có thể đang xoay theo những vòng quay khác.
Còn tôi thì mãi mãi không thể quay về tuổi thơ đẹp đẽ
ấy.
Người ta bảo tuổi già thường gắn với những tiếc
nuối. Dù đã đi qua con dốc bên kia cuộc đời nhưng tôi
chưa bao giờ nuối tiếc tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm bên
đồng ruộng, những bầy trâu, những công việc thôn quê
dân dã và trò nghịch ngợm. Nghĩ về quãng thời gian
ngắn ngủi nghèo khó đầy thơ mộng ấy, chỉ có niềm
hạnh phúc đọng lại trong tôi. Và tôi cũng hiểu, đó có
thể là điều nhiều người mơ ước được trải nghiệm.
Cái nghèo đối với tôi không phải là đường cùng,
cũng không phải vì nghèo mà mình không được phép
sống vui vẻ. Bởi vậy tôi luôn lạc quan với cuộc sống
tuy đói rách về vật chất nhưng rất phong phú về tinh
thần. Tôi chưa hề bỏ qua bất cứ trò vui nào của trẻ thơ
36 Gian Truân chỉ là Thử Thách
để thay vào đó thời gian than vãn với ông trời về số
phận. Những vướng bận của hiện tại gian khổ không
thể ngăn tôi tận hưởng cuộc sống, vui cười và hy vọng
vào tương lai.
* Chăn trâu đâu chỉ có khổ
Tôi lớn lên giữa mênh mông ruộng đồng, sông
nước. Tuổi thơ tôi được đồng ruộng ôm ấp cùng những
con nước hay những ngày nắng chói chang đến đỏ da.
Từ nhỏ, tôi đã ý thức được mình rất nghèo và phải biết
đỡ đần mẹ. Lên 4 tuổi, tôi bắt đầu làm việc để san sẻ
gánh nặng với mẹ. Công việc đầu tiên trong đời tôi là
chăn trâu.
Ngày đó, mẹ con tôi ở trong túp lều nhỏ dựng
trên khoảng đất không rộng mấy của nhà bà nội. Các cô
chú bên nội ở ngay cạnh bên. Đều nghèo cả nên ai cũng
phải lam lũ làm việc đầu tắt mặt tối. Ít ra, các cô chú
còn có vài thửa ruộng để có cái mà phụ thuộc. Khi
được mùa, họ có cái ăn, thậm chí có lúc còn dư dả đôi
chút, lúc trái mùa thì tìm việc lặt vặt để sống qua ngày.
Trong khi đó, mẹ con tôi không có ruộng vườn để cày
cuốc nên chẳng có thứ gì để bấu víu, tìm được việc gì
để làm đã là may lắm. Nắng hay mưa, khô hạn hay lụt
lội, mẹ con tôi vẫn đói, chỉ khác là đói ít hay nhiều.
Ý thức được sự nghèo khổ của mình, tôi chưa
bao giờ dám kêu đói với mẹ mỗi khi bụng rỗng tuếch,
kêu ọt ẹt thảm hại. Tôi cũng chưa bao giờ dám than
Gian Truân chỉ là Thử Thách 37
mệt mỏi hay cực khổ khi phải làm bất cứ việc lớn, việc
nhỏ nào. Chỉ cần nhìn thấy đôi vai gầy rộc của mẹ ngày
càng gù xuống, những lo toan hiển hiện hết trên gương
mặt, làn da mẹ vốn thô ráp nay càng đen thui với quá
nhiều vết nám hay việc chị hai phải sớm nghỉ học để
nhường cho tôi được đến trường - là tôi thấy lòng quặn
thắt. Khi thấy cái nghèo khổ hằn rõ lên cơ thể của
những người phụ nữ thân yêu, tôi thấy mình càng nhỏ
nhoi hơn và tự xác định rằng mình phải cố gắng để
không làm mẹ khổ hơn.
Trong gia đình bên nội, tôi là cháu trai lớn nhất
nên thường được các chú nhờ chăn trâu giúp. “Tiền
công” của tôi chỉ là những bữa ăn trưa hoặc ăn tối. Tuy
những bữa ăn ấy cũng đạm bạc (vì các chú chẳng khá
giả gì) nhưng nhờ đó mà mẹ đỡ phải lo cho tôi vài bữa
ăn. Chỉ bấy nhiêu đó thôi nhưng tôi rất tự hào vì vừa tự
kiếm được bữa cơm cho bản thân, vừa giúp đỡ được
các chú phần nào việc đồng áng khi các em họ còn quá
nhỏ.
Công việc thường ngày của tôi là dẫn trâu ra
đồng ăn cỏ. Tùy theo mùa mà tôi dắt trâu đi sớm hay
muộn. Mỗi sáng, tôi thường phải dậy trước cả khi gà
gáy. Với một đứa trẻ 4 tuổi thì dậy sớm là cả một cực
hình. Thời gian đầu rất khó khăn, tôi nhờ mẹ đánh thức
nhưng lần nào cũng không dậy nổi. Một ngày, hai
ngày, ba ngày, rồi một tuần, không biết từ bao giờ, như
một thói quen, tôi luôn tự bật dậy trước khi mặt trời ló
dạng. Có thể vì hiểu gia cảnh nên tôi chấp nhận và
38 Gian Truân chỉ là Thử Thách
thích ứng được với những điều tưởng chừng thật khó
khăn như vậy. Khoảng thời gian cơ cực đó đã tập cho
tôi thói quen dậy sớm và duy trì điều ấy mãi đến bây
giờ. Dậy sớm đón bình minh, tận hưởng không khí
trong lành, tươi mới giúp tôi có tinh thần thoải mái. Đó
cũng là khoảng thời gian giúp tôi nhìn lại bản thân, gạt
bỏ những lo âu, muộn phiền nếu có và nạp năng lượng
cho ngày mới nhiệt huyết hơn.
Quay lại với công việc chăn trâu hồi nhỏ, vào
những mùa phải dậy sớm hơn, tôi thường hay bị cóng,
tay chân run cầm cập. Buổi sáng giá rét khiến chiếc áo
mỏng manh của tôi càng teo tóp lại. Cái lạnh đó đôi khi
sắp đánh gục tôi. Những hôm lạnh quá, tôi chỉ muốn
rúc mình trong tấm bao bố mà mẹ con tôi thường dùng
làm mền. Tôi không thể nhấc người ra khỏi nó. Nhưng
cuối cùng, dẫu không muốn, tôi cũng phải ngồi dậy, dắt
trâu đi ăn bởi nếu tôi không làm, lũ trâu sẽ đói.
Cái lạnh cắt da khiến những buổi chăn trâu trở
nên đơn độc, buồn tủi hơn. Dù sớm hiểu hoàn cảnh
nhưng tôi vẫn chỉ là đứa trẻ bình thường, không khỏi
có những cảm xúc ngây thơ, tủi thân. Có lúc tôi đã bật
khóc nhưng rồi tôi biết nước mắt chỉ là để giải tỏa
những nỗi buồn trong lòng chứ không thể giải quyết
được mọi chuyện, không thể thay tôi làm việc, không
thể ăn giùm tôi, không thể giải thoát gia đình tôi khỏi
cái nghèo.
Lúc này, những chú trâu như người bạn thân
thiết, tôi thường ôm và ve vuốt chúng để tìm chút ấm
Gian Truân chỉ là Thử Thách 39
áp. Mấy con trâu dường như cũng hiểu được cảm giác
của tôi nên đuôi vẫy vẫy như thể hiện sự đồng cảm,
khiến tôi phần nào thấy được an ủi. Ít ra tôi vẫn còn
những người bạn bốn chân đáng yêu bên cạnh.
Những mùa không phải dắt trâu đi sớm, tôi có
thể ngủ lâu hơn, không bị cái lạnh hành hạ, nhưng lại
kéo theo hệ lụy là đến trường muộn, bị giam ngoài
cổng, năn nỉ mãi mới được cho vào. Vào lớp với bộ
quần áo lôi thôi lếch thếch, tôi bị thầy cô la rầy một
trận và trở thành trò hề cho bạn học.
Hôm nào trời mưa, tôi không dắt trâu ra đồng
nhưng phải đội mưa đi cắt cỏ đem về cho trâu ăn. Mưa
nhỏ thì không nói gì, còn mưa lớn thì không thấy
đường đi, đường sá trơn trượt. Trong màn mưa, tôi thấy
con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên và cũng nhận
ra rằng con người phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên.
Dù cuộc sống tiến bộ và phát triển đến đâu, con người
cũng không thể điều khiển được thiên nhiên mà chỉ có
thể học cách thích nghi. Tương tự, con người không có
quyền lựa chọn nơi được sinh ra nhưng có thể thích
nghi và phát triển từ nền tảng đó.
Dẫu không ít vất vả nhưng tôi phải công
nhận rằng chăn trâu là một thú đồng quê tuyệt vời, là
một trong những ký ức đẹp nhất trong cuộc đời tôi.
Chắc nhiều bạn đọc từng ít nhất một lần nhìn thấy hình
ảnh cậu bé mái tóc ba vá ngồi trên lưng trâu thổi sáo.
Cậu bé ấy có chút chững chạc khi ngồi vững vàng trên
lưng trâu (đây là một độc chiêu, tôi phải luyện tập một
40 Gian Truân chỉ là Thử Thách
thời gian mới ngồi được như thế) nhưng thần thái cũng
rất hồn nhiên, tinh nghịch. Hình ảnh đáng yêu ấy có thể
khiến nhiều người thèm muốn.
Tôi cũng từng là cậu bé hạnh phúc và khiến
người ta thèm muốn như vậy. Cảm giác ngồi trên lưng
trâu tuyệt vời lắm, như thể bạn đang cưỡi cả thế giới
trên lưng, tiếng sáo như thể với tận trời cao. Khi lắc lư
trên lưng trâu, tôi thấy cứ như thể cuộc sống dừng lại,
lắng đọng, chỉ còn mình tôi và đất trời mênh mông.
Trong những giây phút đó, sự nghèo khổ, đói rách đều
tan biến, chỉ còn lại tình yêu bền chặt với đồng ruộng,
với bầy trâu, với từng thớ đất. Cuộc sống bình yên và
Tắm trâu - Ảnh: Trương Văn Hùng
Gian Truân chỉ là Thử Thách 41
tươi đẹp như vậy đó. Đừng bảo nghèo khổ là cái tội,
quan trọng là trong nghèo khổ, ta biết tận hưởng, nâng
niu và gìn giữ những giá trị đẹp nhất. Chính những điều
đó sẽ giúp chúng ta cân bằng và có thêm niềm tin vào
cuộc đời, có động lực phấn đấu cho một tương lai tươi
đẹp hơn, và khi nhìn lại chặng đường đã qua, ta có cái
để tự hào.
Nhiều người vẫn nghĩ chăn trâu tức là cho trâu
đi ăn cỏ và ngồi một chỗ trông nó. Thật ra không đơn
giản vậy. Ngoài việc hiển nhiên là cho trâu ăn cỏ thì
người chăn phải kiêm cả tắm trâu, dẫn trâu đi đạp lúa.
Mỗi trưa hè oi bức hay buổi chiều, tôi phải dẫn
trâu xuống sông để tắm. Tôi phải cọ xát thân trâu như
tắm cho những em bé vậy, chỉ khác là da trâu không
mềm mại như da em bé, thân trâu cũng không thơm
thơm mùi sữa! Còn nữa, trâu to gấp mấy lần tôi nên tôi
phải dùng rất nhiều sức và mất nhiều thời gian mới tắm
xong đàng hoàng cho trâu.
Cảm giác được bơi lội cùng trâu khoan khoái vô
cùng. Tôi thường cùng mấy đứa trẻ chăn trâu khác thi
chà xát cho trâu và đua cưỡi trâu. Vậy nên những lần
tắm trâu trở thành trận thủy chiến: mỗi đứa ngồi trên
lưng trâu, vừa chà vừa làm động tác như vị anh hùng
đang cưỡi rồng đánh giặc. Chưa đuổi được quân địch
thì mấy anh hùng đã lấm lem bùn đất, nhiều khi còn rớt
mất tiêu khỏi lưng trâu! Tắm cho lũ trâu xong, đứa nào
cũng ướt như chuột lột nhưng đều phấn khích ra mặt.
42 Gian Truân chỉ là Thử Thách
Ngoài tắm trâu, tôi còn dẫn trâu đi đạp lúa.
Công việc vất vả này chỉ tồn tại trong những thập niên
1950, 1960. Thời nay không ai dùng trâu đạp lúa nữa vì
đã có máy tuốt lúa, còn thời đó mọi người làm gì biết
tới máy tuốt lúa, và nếu có thì cũng không đủ tiền mua.
Với tôi, công việc này cũng là niềm vui. Lúa sau khi
gặt xong được người nông dân gánh về, chất thành
vòng tròn trên cái cươi nhà (tức cái sân). Trâu được dẫn
đi vòng quanh trên đống lúa đó. Sức nặng cơ thể và
bước đi chậm chạp của trâu sẽ tạo ra lực tách hạt lúa
khỏi thân lúa. Thông thường phải mất khoảng 6 tiếng
trâu mới hoàn thành công việc này. Sau đó, người nông
dân sẽ xới đống lúa lên để lấy hạt lúa. Phần thân lúa bị
tách ra gọi là rơm (hay còn gọi rạ) sẽ được tận dụng
vào những việc khác mà tôi sẽ đề cập sau.
Có một trải nghiệm thú vị trong giai đoạn đạp
lúa này mà tôi muốn chia sẻ với quý bạn đọc. Trong
quá trình dẫn trâu đi vòng vòng 6 tiếng, người dẫn trâu
khi có nhu cầu tiểu tiện hay đại tiện thì sẽ nhờ người
khác thay thế một lúc. Còn khi trâu có nhu cầu tương tự
thì phải giải quyết ra sao? Có thể cho trâu tiểu tự nhiên
trên đống lúa, nhưng đại tiện lại là vấn đề khác vì có
thể nó sẽ làm hư hết lúa, khiến nông dân thua lỗ. Đây
cũng là lúc người chăn trâu thể hiện khả năng và kinh
nghiệm.
Khi trâu muốn đại tiện thì đuôi nó thường vẫy
lên. Người dẫn trâu phải nhanh chân đi lấy đồ hứng
phân và đi theo sau trâu để hứng cho đến khi nó chấm
dứt. Bởi vậy người chăn trâu phải chăm chú canh
Gian Truân chỉ là Thử Thách 43
chừng từng cử chỉ của trâu để kịp thời phát hiện và xử
lý tình huống này. Phân trâu ướt, dẻo, không hôi, có thể
dùng cho rất nhiều việc, nhưng có lẽ những người
không quen với đồng quê chỉ thấy thôi đã gớm, nói chi
đến việc hứng phân.
* Vui như bắt ong, bắn chim, nướng khoai
Bắt ong, bắn chim là những thú vui quen thuộc
của người đồng quê. Với tôi, bắt ong còn liên quan đến
sự sống hằng ngày vì tổ ong thơm ngon là báu vật với
những người nghèo. Chúng có thể tạm thay thế thịt, cá
- những món xa xỉ mà chúng tôi không thể mua.
Ong thường làm tổ ở những bụi rậm kín đáo. Vì
biết cách bắt ong nên rất hiếm khi tôi bị ong chích. Ong
vốn kỵ khói nên có thể lợi dụng chính điểm yếu này để
đuổi chúng ra khỏi tổ. Chắc độc giả sẽ bất ngờ khi biết
phân trâu có thể dùng để tạo khói. Đó là bí quyết mà
chỉ những người sống ở đồng quê mới biết. Phân trâu
không có mùi hôi và khói bung ra rất nhiều, vì thế chỉ
cần lấy một ít phân trâu khô, đốt lên, cầm đi vào tổ ong
thì tự nhiên bầy ong sẽ bay khỏi tổ. Cũng vì tôi đang
cầm phân trâu nên lũ ong không dám lại gần mà chỉ
bay tán loạn, hòng mong thoát khỏi đám khói nghi
ngút. Tôi chỉ việc đợi ong bay đi hết thì lấy tổ ong đem
về nhà và sử dụng như những thức ăn quý giá.
Có hai cách ăn tổ ong. Cách thứ nhất là cần
dùng phân trâu nướng lên nếu muốn ăn ngay ở ngoài
44 Gian Truân chỉ là Thử Thách
đồng. Đến đây, tôi hy vọng quý độc giả đã bớt ngại
ngùng với phân trâu vì như đã nói, nó không hề hôi và
rất có ích trong nhiều trường hợp. Chúng tôi chất phân
trâu thành đống rồi đốt lên giống như bếp than hồng,
rồi cho tổ ong lên nướng. Sau khi nướng xong, chỉ cần
bóc lớp vỏ đen bên ngoài của tổ ong ra là có thể thưởng
thức ngay những con nhộng bên trong. Ngon tuyệt cú
mèo!
Cách thứ hai mà chúng tôi cũng thường làm là
mang tổ ong về nhà để dành hoặc xào với rau quả để
bữa ăn thêm bắt mắt, dinh dưỡng và ngon miệng.
Đi cùng thú bắt ong là trò bắn chim. Những khu
có nhiều ong thì chim chóc cũng không ít, vậy nên khi
đi bắt ong, chúng tôi thường mang theo cái ná làm bằng
cành cây và mấy sợi dây thun để bắn chim. Bọn trẻ
chúng tôi lại được dịp so tài bắn chim nảy lửa. Khi thu
hoạch tổ ong thì chúng tôi cũng đồng thời thu hoạch
được chim - chiến tích của những trận thi đấu đó. Ngay
sau đó, cánh đồng thơm lừng mùi thịt chim nướng và
ríu rít tiếng lũ trẻ con trong làng xúm lại xin ăn.
Đã nhắc đến những món nướng ngay ngoài đồng
thì không thể không nhắc tới khoai nướng. Chúng tôi đi
mót (tức đi lượm) khoai lang, khoai mì ngoài đồng
hoặc ăn cắp ở những thửa khoai nhà người ta. Khoai sẽ
được lùi vào đống trấu (vỏ của hạt lúa) rồi nướng lên.
Nếu dùng phân trâu để nướng thì củ khoai sẽ bùi và
ngon hơn rất nhiều vì phân trâu nóng hơn trấu. Mùi
khoai nướng thơm nồng, phảng phất khiến chúng tôi
Gian Truân chỉ là Thử Thách 45
đứa nào cũng chảy nước dãi nôn nóng chờ khoai chín.
Những ngày đông, khoai nướng còn là thứ sưởi ấm
những bàn tay lạnh giá và cái bụng trống rỗng của bọn
trẻ con nghèo ở quê.
Ăn khoai nướng bằng lửa phân trâu thật tuyệt,
hương vị thơm ngon ấy thật khó diễn tả hết bằng lời.
Có những hôm trẻ con trong làng tụ tập hết ở giữa cánh
đồng, vừa nướng khoai vừa chơi trò đuổi bắt, trò đố
vui. Những nụ cười hồn nhiên đến nghiêng ngả, tiếng
reo hò phấn khích và cả tiếng cãi vã khiến cả đất trời
ruộng đồng bao la như trở nên chật chội mà cũng thân
thương hơn.
* Những phi vụ ăn cắp vặt
Tuổi thơ ai cũng thường nghịch ngợm và bày đủ
trò để chơi. Trong những trò chơi của tôi và bạn bè có
trò ăn cắp vặt. Không chỉ ăn cắp khoai như đã đề cập ở
trên, chúng tôi còn thường ăn cắp trái cây của các nhà
trong làng. Hồi đó, xóm tôi có hai gia đình khá giàu có
với cơ ngơi rộng lớn là nhà bác Phú và nhà ông Hua.
Gia đình bác Phú rất nghiêm túc, lễ nghi, không thích
những trò nghịch ngợm nên cấm không cho con cái họ
chơi với những đứa trẻ nhà nghèo trong làng vì sợ vạ
lây.
Các con của bác Phú đều học cùng trường với
chúng tôi. Tuy vậy, có thể thấy rõ khoảng cách giai
cấp, giàu - nghèo giữa tôi, bạn bè tôi và họ. Họ đi học
46 Gian Truân chỉ là Thử Thách
thường có xe máy đưa rước còn chúng tôi đi bộ mòn
chân. Nhà chúng tôi không có thứ gì quý giá còn họ có
nhà cửa bề thế. Nhà bác Phú trồng rất nhiều trái cây
như nhãn, mít, ổi... còn nhà chúng tôi đến một cái cây
nhỏ xíu cũng không có. Mấy đứa con của bác Phú
thường chỉ kết thân với những đứa con nhà giàu. Học
trò ở trường cũng có sự phân biệt giai cấp rõ rệt và chơi
theo nhóm: nhà nghèo chơi với nhà nghèo, nhà giàu
chơi với nhà giàu, có vài trường hợp giàu - nghèo chơi
với nhau nhưng cũng có những trường hợp lợi dụng lẫn
nhau.
Vì khoảng cách và thái độ phân biệt giàu -
nghèo của họ mà gia đình bác Phú trở thành mục tiêu
để chúng tôi ăn cắp trái cây. Chúng tôi thường canh lúc
cả nhà họ đi ngủ để “hành động”. Mỗi phi vụ, chúng tôi
chỉ hái mỗi thứ một ít, vậy mà lúc kiểm chiến lợi phẩm
thì nhiều cứ như người đi thu hoạch bởi gia đình bác
Phú trồng rất nhiều trái cây.
Gia đình ông Hua thì bình dân hơn, có những
người con nhỏ tuổi hơn và có chơi với chúng tôi. Vườn
nhà ông rộng và cây trái nhiều lắm, vì tính nghịch
ngợm nên chúng tôi luôn canh chừng để trộm trái cây
tại vườn ông Hua. Nhà ông Hua có nuôi chó dữ,
thường cho chó vào các khu vườn để canh kẻ cắp. Mỗi
lần chúng tôi đến là mấy con chó sủa rầm trời. Thế là
chúng tôi tìm ra phương án khác là trèo tường ăn cắp,
có khi kiếm được cả một bọc trái cây giải khát giữa
những ngày nóng nực. Dĩ nhiên, cũng có những khi
Gian Truân chỉ là Thử Thách 47
chúng tôi bị chó rượt chạy tóe khói nhưng dù sao, đó
cũng là những kỷ niệm thật đẹp.
* Tôi là đội trưởng đội bóng
Bóng đá là môn thể thao vua, thời nào cũng
được ưa chuộng. Những đứa con trai từ nhỏ đã biết và
yêu thích đá banh, tôi cũng không ngoại lệ. Tôi thường
đá ở vị trí tiền đạo và đá khá tốt. Ngày đó, tôi thường
được giao băng đội trưởng chỉ huy đội bóng của mình.
Tôi bắt đầu nhận ra khả năng lãnh đạo của mình mỗi
khi đội giao đấu với các xóm hoặc làng khác. Ngay cả
khi chúng tôi chỉ tập đá chơi, tôi cũng làm rất tốt nhiệm
vụ sắp xếp, chỉ huy trận đấu.
Xóm tôi rất nhỏ vì chỉ là một bộ phận của làng.
Tuy vậy tôi vẫn thành lập được một đội bóng cho xóm
để tham gia đá banh giao lưu hay thi đấu cùng các đơn
vị khác. Để đá được khá tốt như vậy, tôi phải tập luyện
và chơi thường xuyên. Mà để được chơi thì tôi phải cố
gắng hoàn thành công việc của mình.
Mỗi chiều, mẹ chỉ cho tôi đi đá bóng khi tôi đã
xay hết mấy cối lúa trong nhà để hôm sau mẹ mang ra
chợ bán. Ở trong nhà xay lúa mà cứ nghe mấy đứa
trong làng í ới hò hét bên ngoài, lòng dạ tôi cứ như có
lửa đốt, thấp thỏm không yên. Tay đang xay mà đôi
mắt tôi cứ hướng ra ngoài đồng, tai tôi không có tiếng
cối xay mà chỉ toàn tiếng đồng bọn ngoài kia tập trận.
Vì tâm hồn ở ngoài đồng hòa nhịp với trái bóng nên
48 Gian Truân chỉ là Thử Thách
không ít lần tôi làm hư lúa và bị mẹ la quá trời. Cũng
có lúc tôi lơ là cho tay vào cối xay, suýt chút nữa tiêu
luôn bàn tay. Vậy mà tôi vẫn không chừa vì đá bóng đã
là niềm đam mê cháy bỏng của tôi lúc ấy.
Những đứa trẻ nhà nghèo chúng tôi chơi với
nhau một cách vô tư, không suy tính, không phân biệt,
chỉ cần có nhiệt tình là đủ. Đó cũng là những thứ tuyệt
vời mà chắc hẳn những đứa trẻ nhà giàu từng đôi lần
bẽn lẽn trộm nhìn và thèm muốn.
Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh những cầu thủ nhí
ngày nào. Những đồng đội chí cốt ấy đã cùng tôi “vào
sinh ra tử” trong những trận quyết đấu với các đội ở
làng khác. Tôi không thể nào quên được tiếng chúng
bạn reo hò cổ vũ, tiếng gọi í ới mỗi buổi chiều, tiếng
bước chạy của từng đứa. Giờ đây, vì những đổi thay
trong cuộc sống, đội bóng ngày xưa mỗi người mỗi
ngả, có người không còn nữa, có người bặt vô âm tín.
Song kỷ niệm về những lúc cả bọn cãi vã, thậm chí
đánh nhau vì trái bóng, những lúc túm tụm ăn khoai
nướng hay bị người ta rượt bắt vì ăn cắp trái cây… -
vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua.
Theo thời gian, con người có thể cách xa, thậm
chí không còn cơ hội gặp lại nhau, nhưng những kỷ
niệm sâu đậm thì còn mãi, nhất là khi chúng ta luôn
trân trọng và muốn gìn giữ. Cũng giống như tuổi thơ,
nó vẫn trong ta. Chúng ta không cần hối tiếc hay ước
mong sống lại thời tươi đẹp đó, bởi nó vẫn luôn trong
Gian Truân chỉ là Thử Thách 49
tâm tưởng, quan trọng là ta có thật sự muốn tìm kiếm
hay không.
5. Tuổi thơ kiếm sống
Không chỉ biết chăn trâu từ thuở 4 tuổi, tôi còn
bắt đầu làm quen với những việc mưu sinh khác để
kiếm tiền, kiếm cái ăn. Đối với những gia đình ở nông
thôn, cuộc sống hầu như phụ thuộc vào đồng ruộng.
Vậy nên không gì thảm bằng việc không có ruộng vườn
như mẹ con tôi. Mùa hè hay mùa gặt thì còn đỡ, đến
mùa bão lũ thì thật sự là cơn ác mộng.
Những người có ruộng thường quanh năm chỉ
biết cắm mặt vào ruộng đồng, cầu mong ông trời
thương tình không gây thiên tai. Mẹ con tôi còn cầu
mong nhiều hơn thế. Tôi thường tham lam mơ ước viển
vông rằng quê mình sẽ luôn rực nắng, không bao giờ có
bão lụt. Trời nắng tức là sẽ có người thuê mẹ con tôi
làm việc, tức là có miếng ăn để sống qua ngày, dẫu
người có đen thui vì nắng đổ lửa. Ám ảnh nhất là mùa
đông và những đợt bão lụt, mọi người chỉ biết nằm nhà
chờ ngày tháng trôi qua trong khắc khoải, phập phồng.
Ngay cả những người có ruộng còn không có việc để
làm thì huống gì những người làm thuê như mẹ con
tôi?
Nhưng rồi tôi cũng phải chấp nhận rằng không
có phép mầu nào có thể thay đổi thiên nhiên. Người
nông dân ở đâu cũng phải biết chấp nhận thực tế và cố
50 Gian Truân chỉ là Thử Thách
gắng. Thêm nữa, vì không phải lúc nào cũng có được
miếng ăn nên người nông dân luôn chắt chiu, trân trọng
từng thành quả lao động, dù là nhỏ nhất, bởi chúng
được tạo ra từ những giọt mồ hôi chân chính.
* Mót lúa, mót khoai và tấm lòng người
thợ gặt
Vào mùa hè và mùa gặt, tôi thường kiếm sống
bằng việc mót lúa, mót khoai. Tôi còn quá nhỏ để được
thuê làm những việc nặng nề, khổ cực như gặt lúa, xay
lúa, phơi lúa. Vả lại, cũng không ai dại gì thuê những
đứa trẻ với năng suất làm việc không thể nào bằng
người lớn Đó là những việc mà người ta thường thuê
mẹ tôi làm. Ngoài những công việc liên quan đến đồng
ruộng thì mẹ tôi cũng thường đi nấu ăn cho các gia
đình trong mùa thu hoạch.
Vào mùa gặt, các hộ nông dân thường huy động
toàn bộ thành viên trong gia đình để làm cho kịp. Vì
làm cả ngày nên họ không có thời gian đi chợ, nấu ăn.
Bên cạnh đó, nhiều chủ điền có nhiều ruộng nên thuê
rất nhiều nhân công và cần lo bữa ăn cho lực lượng
này. Đó cũng là cơ hội để mẹ tôi tận dụng khả năng nấu
nướng kiếm ít tiền nuôi chị em tôi.
Khi nấu ăn thuê, mẹ thường được ăn những bữa
ngon mà ít khi gia đình tôi có được. Mẹ cũng thường
Gian Truân chỉ là Thử Thách 51
xin đồ ăn thừa về cho chị em tôi. Đến cao điểm mùa
gặt, công việc rất nhiều, mọi người thường làm cật lực
nên các bữa ăn được các chủ ruộng đầu tư hơn. Vì vậy,
tôi cũng được hưởng ké những bữa ngon đó.
Mẹ đi làm suốt ngày, còn tôi thì không ai thèm
thuê, vậy là tôi chỉ còn cách đi mót lúa, mót khoai để
tích lũy lương thực cho những ngày đông lạnh giá và
bão lụt để phụ giúp mẹ phần nào. Hơn nữa, vào mùa
gặt, đồng quê vui lắm, nhà ai cũng tất bật, rộn ràng,
gương mặt ai cũng điểm nụ cười dẫu vất vả. Ở nông
thôn, mùa gặt mới là mùa đẹp, mùa vui nhất trong năm.
Thế nên ra đồng làm việc cũng là thú vui của những
đứa trẻ.
Mót lúa, mót khoai đơn giản là nhặt những cành
lúa, những củ khoai còn sót lại trên đồng khi người ta
đã thu hoạch xong. Cánh đồng lúc đó cũng là “thiên
đường” với lũ chim chuột. Vậy nên tôi phải giành giật
với những con vật kia để có cái mang về nhà tích trữ
cho mùa bão lụt. Cuộc chiến ấy không kém phần dữ
dội bởi đó đồng thời là cuộc đấu tranh sinh tồn.
Công việc của tôi thường bắt đầu lúc 3 hay 4 giờ
chiều - khi các chủ ruộng đã thu dọn xong. Tôi đi giữa
cánh đồng khô, tìm nhặt những cành lúa rơi rớt rồi bỏ
vào một cái bọc. Giúp tôi chống chọi với cái nắng hãy
còn gay gắt là cái nón được người ta cho, xài hết năm
này qua tháng khác. Qua mỗi mùa gặt, cái nón càng
ngả màu, càng sờn. Nó vốn có màu trắng, về sau
chuyển hẳn sang màu bạc rồi đen những vết thâm kim.
52 Gian Truân chỉ là Thử Thách
Cái nón như người bạn thân thiết cùng tôi đi qua bao
mùa gặt, bao cánh đồng nóng bức. Tôi quý nó lắm!
Bên cạnh người bạn nón, tôi còn một người bạn
khác không kém phần quan trọng là bạn dép. Bạn dép
giúp chân tôi bớt nóng khi đi lại trên đồng và không bị
những mảnh gai hay hạt lúa đâm chảy máu.
Có lúc những người nông dân làm công thương
cảm những người mót lúa nên cố ý làm không cẩn thận,
để lại vài cành lúa. Những cành lúa khẳng khiu, xấu xí
thì không nói gì nhưng khi nhặt được những cành còn
nguyên vẹn, tôi hiểu ngay đó là sự đồng cảm, sẻ chia
của thợ gặt. Có những hôm tôi đến mà mọi người vẫn
chưa thu hoạch xong, họ cho tôi vài cành lúa vì thấy tôi
tội nghiệp. Khi họ đã nhẵn mặt tôi mỗi ngày, dù tôi đến
khi họ còn hay đã đi về, tôi vẫn mót được kha khá lúa.
Với một đứa trẻ, đó là một đặc ân, một sự trân
trọng. Tôi luôn ghi nhớ và biết ơn những người nông
dân tốt bụng đó. Dù họ giúp tôi chẳng bao nhiêu nhưng
đã đủ làm tôi cảm thấy ấm áp và tin vào những điều tốt
đẹp ở con người.
Việc mót khoai cũng tương tự. Tôi thường đến
những cánh đồng thu hoạch khoai trước khi trời sụp tối
để lượm những củ khoai còn sót lại. Đương nhiên đó là
những củ khoai vụn, khoai sùng hoặc có hình dạng xấu
xí. Như thế đã là tốt lắm với tôi!
Tôi phơi số khoai và lúa mót được trên sân nhà
rồi sau đó đóng vào bao tời (tức bao bố), treo lên trần
nhà để tránh những con nước tràn đến vào mùa lụt. Đó
Gian Truân chỉ là Thử Thách 53
chính là nguồn thức ăn giúp mẹ con tôi đi qua những
ngày bão lụt lạnh giá.
Không phải lúc nào tôi cũng may mắn mót được
nhiều lúa và khoai. Nhiều khi mùa xuân rồi mùa hè đã
đi qua mà lượng thức ăn dự trữ tìm được quá ít. Vậy là
mùa đông ấy gia đình tôi ăn nhín từng chút một. Cũng
có khi túi lương thực quý giá ấy không may rớt xuống
nước lũ, khiến tôi và mẹ chỉ biết kêu trời!
* Tát cá, bắt cá và “thổ dân nhỏ tuổi”
Cá là loại thực phẩm chủ yếu trong đời sống
nông thôn bởi dễ tìm, dễ bắt. Vậy nên tát cá là công
việc kiếm sống của những gia đình nghèo khó ở thôn
quê. Công việc tát cá thì đơn giản lắm nhưng phải…
theo ý ông trời, tức là có sự may rủi. Có những đồng
ruộng khi vào mùa lũ, nước tràn đến, cá theo vào rất
nhiều. Sau mùa lũ, nước rút, cá không kịp rút hết - đó
cũng là khi các ao, hồ, ruộng, hói (con sông nhỏ) xuất
hiện những con cá còn sót lại.
Công việc của người tát cá là dùng bùn đất chặn
dòng chảy để cá khỏi bơi đi, sau đó dùng thau múc hết
nước ra và cuối cùng là bắt cá. Người miền Trung hay
gọi “múc nước” là “tát” nên công việc này mới tên gọi
là “tát cá”. Sỡ dĩ tôi nói có sự may rủi là bởi những con
cá còn sót lại đó có thể rất to, cũng có khi chỉ là những
con cá lòng tong nhỏ xíu, thậm chí có khi chỉ toàn rong
rêu đất đá. Tuy nhiên, trường hợp cuối ít khi xảy ra vì
54 Gian Truân chỉ là Thử Thách
vùng quê thường có rất nhiều ao, hồ, ruộng nên không
có cá ở chỗ này thì cũng có ở chỗ khác. Hơn nữa, nước
lũ tràn vào, chắc chắn ít nhiều sẽ có cá còn sót lại. Bởi
thế mà năm nào cũng vậy, cứ sau khi nước rút, tôi lại
chạy đến các con hói, ao, hồ tìm bắt cá. Dù là cá gì thì
tôi cũng vui. Cá to thì mang ra chợ bán hoặc đổi gạo,
cá nhỏ thì đem về nhà. Khi bắt được những con cá rất
to, những người cùng tát cá thường chia với nhau. Kỷ
niệm đi tát cá còn gắn với những hôm chúng tôi ngồi
tụm lại nướng cá ăn. Cá tuy nhỏ xíu nhưng gương mặt
ai cũng hớn hở sau cả một ngày hì hục tát nước, bắt cá.
Ngoài việc tát cá, tôi cũng thường đi bắt cá trên
sông. Bờ sông nào cũng có bụi rậm hoặc các hang ổ để
cá sinh đẻ hoặc lẩn trốn khi gặp nguy hiểm. Biết được
điều đó nên những người đi bắt cá thường ngâm mình
trong nước rồi đi mò dọc theo các bờ sông. Chúng tôi
phải vừa đi thật nhẹ nhàng, vừa canh chừng lũ rắn rết
trong bụi rậm, đám rong rêu trong nước, vừa phải quan
sát tìm cá và không gây tiếng động làm lũ cá chạy mất.
Cũng có lúc tôi bị rắn, đỉa cắn đau buốt. Những khi
hiếm hoi may mắn, tôi bắt được những con cá nằm
trong bụi rậm hay trong các hang ổ nhỏ. Dù vận may
trong công việc này không nhiều nhưng vì quá nghèo
khó, tôi phải tìm mọi cách để kiếm ăn và tồn tại. Chỉ
cần có cơ hội thì tôi sẽ cố thử, may mắn thì được chút
cá, chút tiền, ngược lại thì đành coi như tốn công.
Vì đi săn lùng cá ở nhiều nơi nên người ngợm
tôi dơ bẩn, cháy nắng, trông không khác gì thổ dân sinh
sống trong rừng rú.
Gian Truân chỉ là Thử Thách 55
* Đẩy đất dưới nắng hè
Hết mùa gặt lúa thì đến mùa hè nắng nóng.
Tranh thủ mùa khô, gia đình nào cũng chuẩn bị đổ đất,
xây cươi (cái sân) để bảo vệ nhà khi mùa lụt sắp tới.
Đổ đất là việc rất cần thiết và quan trọng đối với những
người ở thôn quê, đặc biệt là những vùng thường xuyên
chịu ảnh hưởng của bão lụt như quê tôi.
Đất dùng để xây cươi thường được lấy từ ngoài
ruộng. Vì đang mùa hè nên đất cứng kinh khủng, chủ
nhà thường phải thuê người cuốc (đào). Chỉ những
thanh niên trai tráng lực lưỡng, khỏe mạnh mới làm nổi
công việc nặng nhọc này. Họ dùng cuốc 3 răng (loại
cuốc có 3 cái chỉa) cuốc những khoảng đất cứng ngắc
lên. Tôi và một số bạn cùng trang lứa hoặc phụ nữ
được thuê đi hốt số đất vừa được cuốc lên mang về nhà
chủ. Chúng tôi thường hốt từng mảng đất, mỗi mảng
nặng khoảng 3 - 5kg, bỏ lên xe kéo hai bánh (xe dùng
bò để kéo) cho đến khi xe đầy (nặng khoảng 500kg) thì
cả nhóm bắt đầu kéo đi. Một người được phân công đi
trước cầm hai càng xe để kéo còn chúng tôi đẩy từ phía
sau. Khoảng cách từ ruộng cho tới nhà chủ thường từ
500 - 800 mét. Cứ như thế, chúng tôi vòng ra vòng vào
nhiều chuyến xe đất cho tới khi đầy cươi thì thôi.
Nhiều gia đình có cươi quá rộng nên phải dùng nhiều
đất và tôi phải đi đẩy đất nhiều hôm mới xong.
Công việc đẩy đất cũng rất vất vả. Dưới cái nắng
đổ lửa, những bước chân mệt nhọc in trên từng thớ đất
56 Gian Truân chỉ là Thử Thách
thấm biết bao mồ hôi của những người lao động cực
khổ. Đâu phải ai cũng muốn làm công việc này, có
người vốn không đủ sức, có người không chịu nổi thời
tiết khắc nghiệt nhưng vẫn cắn răng làm vì mưu sinh.
Không ít lần tôi chứng kiến cảnh nhiều người
đang làm thì ngất xỉu vì quá mệt. Nhưng rồi hôm sau
họ vẫn đến làm, có khác là họ mặc thêm một chiếc áo
khoác, đội thêm cái nón lá để phòng thân. Ai cũng cố
gắng làm để kiếm tiền, kiếm miếng ăn. Nếu lúc này
không cố gắng làm thì mùa đông sắp tới không chết vì
cóng thì cũng chết vì đói. Và dĩ nhiên, trẻ con chúng tôi
không đứng ngoài cuộc đấu tranh sinh tồn này..
* Làm “trợ lý” cho mẹ
Mỗi mùa mẹ tôi lại làm những công việc khác
nhau, tùy theo điều kiện thời tiết cũng như đời sống nơi
nông thôn. Tôi thường giúp mẹ một tay để mẹ đỡ cực
và hoàn thành sớm công việc.
Vào mùa hè, tôi thường phụ mẹ làm các việc
đồng áng. Tôi hay theo mẹ ra đồng, làm những việc mẹ
sai.Hết mùa gặt, mẹ chuyển sang nghề bán gạo. Mẹ
mua lúa về, chị em tôi xay lúa để ra hạt gạo. Thời đó
chưa có máy xay nên chúng tôi phải xay lúa bằng tay
với cái cối xay. Chúng tôi phải kéo tới kéo lui cối xay
cho đến khi hạt lúa tróc vỏ mới được. Hạt lúa tróc vỏ
thì thành gạo, còn vỏ của hạt lúa bóc ra được gọi là
trấu. Sau đó, mẹ dùng cái sàng tre tách hạt gạo và trấu
Gian Truân chỉ là Thử Thách 57
ra để dành cho những việc khác nhau. Rồi chị em tôi
bắt đầu giã gạo. Chúng tôi đổ gạo vào một cái cối, sau
đó dùng cái chày gỗ khá nặng để giã. Chúng tôi giã đến
khi hạt gạo không còn cám nữa. Hạt gạo khi chưa giã
được gọi là gạo lức, thứ mà thời nay người ta hay tìm
mua để ăn hay nấu nước uống nhằm chữa bệnh. Cám
sau khi giã xong được dùng cho heo ăn. Mỗi ngày, tôi
đều làm những công việc ấy để sáng hôm sau mẹ gánh
gạo lên phố bán.
Xay lúa - Ảnh: Google
Đến mùa bắp, mẹ chuyển sang bán bắp. Tôi chặt
từng cây bắp trong ruộng, rồi lặt bắp ra, đem về cho mẹ
nấu, thân bắp thì để dành đốt thay củi. Tôi thường dậy
58 Gian Truân chỉ là Thử Thách
rất sớm, phụ mẹ nấu bắp để kịp mang ra chợ bán buổi
sáng.
Ngoài những việc nặng nhọc như xay lúa, giã
gạo, chặt bắp…, tôi còn phụ mẹ những công việc trái
mùa khác như bán bánh mì, bán hột vịt lộn... Mẹ phải
làm nhiều nghề để kiếm cơm nên thường không buôn
bán cố định. Vì đời sống nông thôn còn nhiều khó khăn
nên việc buôn bán không khá khẩm mấy. Mẹ làm việc
cật lực, suy tính mọi đường để kiếm sống nhưng gia
đình tôi vẫn không khá lên, hôm nào đủ ăn là may mắn
lắm rồi!
Tuổi thơ kiếm sống của tôi có rất nhiều kỷ niệm.
Những vất vả song hành cùng những thú vui đồng quê
như hai mặt không thể tách rời. Tôi tìm niềm vui trong
công việc và tôi làm việc bên những thú vui. Đó là
những ký ức không thể phai nhòa trong tôi.
Những ngày tuổi thơ bên mẹ, bên đồng ruộng, là
những ngày tháng gian khổ thức khuya dậy sớm, dãi
nắng dầm mưa, mặn chát những giọt mồ hôi và cả nước
mắt, cả nỗi tủi nhục. Thế nhưng tôi vẫn thấy chừng ấy
chưa thấm vào đâu so với nỗi cực khổ gấp ngàn lần của
mẹ. Tôi không phải suy nghĩ quá nhiều như người lớn,
như mẹ, tôi có thể vô tư làm việc, dù mồ hôi nhễ nhại
nhưng tôi không nề hà vì vẫn còn bạn bè, còn những
thú vui trẻ con làm tôi cười tít mắt.
Thế giới trong tôi lúc bấy giờ như bức tranh
muôn màu mà mỗi ngày tôi có thể tô vẽ lên nó hàng
Gian Truân chỉ là Thử Thách 59
ngàn niềm vui và ước mơ trẻ thơ. Những ngày tháng
gian khổ đó đã giúp tôi hiểu rõ hơn giá trị của sức lao
động và biết cảm thông với mỗi số phận khó khăn.
* Căn nhà ọp ẹp thân thương
Khi tôi vào trung học, đời sống gia đình có phần
đỡ hơn vì chị tôi đã lớn và có chồng. Nhưng tôi vẫn
không thể nào quên được những ngày tháng ba mẹ con
sống trong căn nhà ọp ẹp hệt như túp lều rách nát, được
dựng trên phần đất nhỏ xíu nhà nội mà ba tôi được để
lại.
Căn nhà ấy cũng như bao căn nhà khác của
những gia đình nghèo ở nông thôn. Nhà được dựng lên
bởi bốn cây cột, mái được lợp bằng tranh, tường được
ráp bằng phên. Phên là loại tre được chẻ nhỏ và xếp lại
với nhau. Vào mùa hè, căn nhà nóng như một cái lò
nung với nhiệt độ quá cỡ. Ngược lại, vào mùa đông giá
rét, gió và khí lạnh lùa hết vào nhà qua các khe hở.
Mùa lũ thì căn nhà thường xiêu vẹo, lung lay.
Những ngày mưa, trần nhà thường bị dột, nước
mưa bắn xuống nền nhà như thể đang chơi một khúc
nhạc. Vậy nên cứ vào mùa đông, bốn bức phên phải
được tăng cường bằng tót và phân trâu. Tót là thân
dưới của cây lúa sau khi gặt xong, còn thân lúa được
gọi là rơm (rạ). Tót có thể xin được ở chỗ các chủ
ruộng, thường thì người ta sẵn sàng cho. Tót sau khi
xin về phải dùng liềm (loại dao vòng) để cắt rồi đánh
60 Gian Truân chỉ là Thử Thách
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach

More Related Content

What's hot

Ân tình thầy cô vietvanhoctro.vn
Ân tình thầy cô vietvanhoctro.vnÂn tình thầy cô vietvanhoctro.vn
Ân tình thầy cô vietvanhoctro.vnNhaMatDat
 
Tự truyện diễn giả trần đăng khoa
Tự truyện diễn giả trần đăng khoaTự truyện diễn giả trần đăng khoa
Tự truyện diễn giả trần đăng khoaĐình Tuấn Phạm
 
33 bài văn tả mẹ hay xuất sắc của học sinh giỏi toàn quốc
33 bài văn tả mẹ hay xuất sắc của học sinh giỏi toàn quốc33 bài văn tả mẹ hay xuất sắc của học sinh giỏi toàn quốc
33 bài văn tả mẹ hay xuất sắc của học sinh giỏi toàn quốcluublue
 
Obv Newsletter Volume 10 Vietnamese
Obv Newsletter Volume 10 VietnameseObv Newsletter Volume 10 Vietnamese
Obv Newsletter Volume 10 VietnameseOneBodyVillage
 
Nội san Tâm Việt kỷ niệm sinh nhật 12 tuổi
Nội san Tâm Việt kỷ niệm sinh nhật 12 tuổiNội san Tâm Việt kỷ niệm sinh nhật 12 tuổi
Nội san Tâm Việt kỷ niệm sinh nhật 12 tuổiTâm Việt Group
 
MS23_Hana Totto Chan.ppt2
MS23_Hana Totto Chan.ppt2MS23_Hana Totto Chan.ppt2
MS23_Hana Totto Chan.ppt2Sunsilkvietnam
 
Những khoảng lặng cuộc sống
Những khoảng lặng cuộc sống   Những khoảng lặng cuộc sống
Những khoảng lặng cuộc sống Xephang Daihoc
 
Điểm Tựa Niềm Tin Phần 3
Điểm Tựa Niềm Tin Phần 3Điểm Tựa Niềm Tin Phần 3
Điểm Tựa Niềm Tin Phần 3Mai PM
 
Nội san TSC Thanh Đa 2020 final
Nội san TSC Thanh Đa 2020 final Nội san TSC Thanh Đa 2020 final
Nội san TSC Thanh Đa 2020 final Phuc Dinh
 
Ngày đầu tiên đi học
Ngày đầu tiên đi họcNgày đầu tiên đi học
Ngày đầu tiên đi họcHồng Nguyễn
 
Vo cung tan nhan vo cung yeu thuong sara imas
Vo cung tan nhan vo cung yeu thuong sara imasVo cung tan nhan vo cung yeu thuong sara imas
Vo cung tan nhan vo cung yeu thuong sara imasQuang Đại Phạm
 
Top 10-bai-van-mau-ta-mot-ban-hoc-ma-em-yeu-quy
Top 10-bai-van-mau-ta-mot-ban-hoc-ma-em-yeu-quyTop 10-bai-van-mau-ta-mot-ban-hoc-ma-em-yeu-quy
Top 10-bai-van-mau-ta-mot-ban-hoc-ma-em-yeu-quyNhaMatDat
 
Hay noi-voi-con-rang-con-gioi-lam
Hay noi-voi-con-rang-con-gioi-lamHay noi-voi-con-rang-con-gioi-lam
Hay noi-voi-con-rang-con-gioi-lamHà Thu
 

What's hot (20)

Ân tình thầy cô vietvanhoctro.vn
Ân tình thầy cô vietvanhoctro.vnÂn tình thầy cô vietvanhoctro.vn
Ân tình thầy cô vietvanhoctro.vn
 
Bài dự thi dấu ấn tuổi 20
Bài dự thi dấu ấn tuổi 20Bài dự thi dấu ấn tuổi 20
Bài dự thi dấu ấn tuổi 20
 
Thư gửi bầu trời
Thư gửi bầu trờiThư gửi bầu trời
Thư gửi bầu trời
 
Tự truyện diễn giả trần đăng khoa
Tự truyện diễn giả trần đăng khoaTự truyện diễn giả trần đăng khoa
Tự truyện diễn giả trần đăng khoa
 
Hướng dương tự sự
Hướng dương tự sựHướng dương tự sự
Hướng dương tự sự
 
33 bài văn tả mẹ hay xuất sắc của học sinh giỏi toàn quốc
33 bài văn tả mẹ hay xuất sắc của học sinh giỏi toàn quốc33 bài văn tả mẹ hay xuất sắc của học sinh giỏi toàn quốc
33 bài văn tả mẹ hay xuất sắc của học sinh giỏi toàn quốc
 
Ám ảnh
Ám ảnhÁm ảnh
Ám ảnh
 
Obv Newsletter Volume 10 Vietnamese
Obv Newsletter Volume 10 VietnameseObv Newsletter Volume 10 Vietnamese
Obv Newsletter Volume 10 Vietnamese
 
Dám thất bại
Dám thất bạiDám thất bại
Dám thất bại
 
Nội san Tâm Việt kỷ niệm sinh nhật 12 tuổi
Nội san Tâm Việt kỷ niệm sinh nhật 12 tuổiNội san Tâm Việt kỷ niệm sinh nhật 12 tuổi
Nội san Tâm Việt kỷ niệm sinh nhật 12 tuổi
 
Thay co
Thay coThay co
Thay co
 
MS23_Hana Totto Chan.ppt2
MS23_Hana Totto Chan.ppt2MS23_Hana Totto Chan.ppt2
MS23_Hana Totto Chan.ppt2
 
Những khoảng lặng cuộc sống
Những khoảng lặng cuộc sống   Những khoảng lặng cuộc sống
Những khoảng lặng cuộc sống
 
Điểm Tựa Niềm Tin Phần 3
Điểm Tựa Niềm Tin Phần 3Điểm Tựa Niềm Tin Phần 3
Điểm Tựa Niềm Tin Phần 3
 
Nội san TSC Thanh Đa 2020 final
Nội san TSC Thanh Đa 2020 final Nội san TSC Thanh Đa 2020 final
Nội san TSC Thanh Đa 2020 final
 
Ngày đầu tiên đi học
Ngày đầu tiên đi họcNgày đầu tiên đi học
Ngày đầu tiên đi học
 
Vo cung tan nhan vo cung yeu thuong sara imas
Vo cung tan nhan vo cung yeu thuong sara imasVo cung tan nhan vo cung yeu thuong sara imas
Vo cung tan nhan vo cung yeu thuong sara imas
 
Top 10-bai-van-mau-ta-mot-ban-hoc-ma-em-yeu-quy
Top 10-bai-van-mau-ta-mot-ban-hoc-ma-em-yeu-quyTop 10-bai-van-mau-ta-mot-ban-hoc-ma-em-yeu-quy
Top 10-bai-van-mau-ta-mot-ban-hoc-ma-em-yeu-quy
 
[Sách] Nghệ thuật sống 7
[Sách] Nghệ thuật sống 7[Sách] Nghệ thuật sống 7
[Sách] Nghệ thuật sống 7
 
Hay noi-voi-con-rang-con-gioi-lam
Hay noi-voi-con-rang-con-gioi-lamHay noi-voi-con-rang-con-gioi-lam
Hay noi-voi-con-rang-con-gioi-lam
 

Similar to Giantruanchilathuthach

Noi san thang3.2016
Noi san thang3.2016    Noi san thang3.2016
Noi san thang3.2016 Banmaischool
 
Bong Hong Cai Ao.pdf
Bong Hong Cai Ao.pdfBong Hong Cai Ao.pdf
Bong Hong Cai Ao.pdfVngQuch1
 
Uoc nguyen mua vu lan
Uoc nguyen mua vu lanUoc nguyen mua vu lan
Uoc nguyen mua vu lanDo Trung
 
Me luon-dong-hanh-cung-con-duong-van
Me luon-dong-hanh-cung-con-duong-vanMe luon-dong-hanh-cung-con-duong-van
Me luon-dong-hanh-cung-con-duong-vanHà Thu
 
Cám Ơn Nhiệm Mầu - Nhuận Đạt TMT
Cám Ơn Nhiệm Mầu - Nhuận Đạt TMTCám Ơn Nhiệm Mầu - Nhuận Đạt TMT
Cám Ơn Nhiệm Mầu - Nhuận Đạt TMTFaTaMuTu
 
[Sách] 1001 câu chuyện cảm động 3
[Sách] 1001 câu chuyện cảm động 3[Sách] 1001 câu chuyện cảm động 3
[Sách] 1001 câu chuyện cảm động 3Đặng Phương Nam
 
Chuyện đời tôi - Quỳnh dao
Chuyện đời tôi - Quỳnh daoChuyện đời tôi - Quỳnh dao
Chuyện đời tôi - Quỳnh daoNguyễn Quang
 
Kể lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học - vanmau.net
Kể lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học - vanmau.netKể lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học - vanmau.net
Kể lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học - vanmau.netThùy Linh
 
Tổng hợp thư UPU Việt Nam và Quốc tế qua các năm
Tổng hợp thư UPU Việt Nam và Quốc tế qua các nămTổng hợp thư UPU Việt Nam và Quốc tế qua các năm
Tổng hợp thư UPU Việt Nam và Quốc tế qua các nămNgoc Gia Han Nguyen
 
Cung con-truong-thanh-1
Cung con-truong-thanh-1Cung con-truong-thanh-1
Cung con-truong-thanh-1Hà Thu
 
Suoi nguon yeu thuong
Suoi nguon yeu thuongSuoi nguon yeu thuong
Suoi nguon yeu thuongHung Duong
 
Cung con-truong-thanh-2
Cung con-truong-thanh-2Cung con-truong-thanh-2
Cung con-truong-thanh-2Hà Thu
 
Viết cho con gái
Viết cho con gáiViết cho con gái
Viết cho con gáiHung Duong
 
LƯU DẤU YÊU THƯƠNG - Nội san lớp 5A4 - Banmai School, khóa 2011-2016
LƯU DẤU YÊU THƯƠNG - Nội san lớp 5A4 - Banmai School, khóa 2011-2016LƯU DẤU YÊU THƯƠNG - Nội san lớp 5A4 - Banmai School, khóa 2011-2016
LƯU DẤU YÊU THƯƠNG - Nội san lớp 5A4 - Banmai School, khóa 2011-2016Banmaischool
 
TÂM LÝ TRỊ LIỆU
TÂM LÝ TRỊ LIỆU TÂM LÝ TRỊ LIỆU
TÂM LÝ TRỊ LIỆU nataliej4
 
TÂM LÝ TRỊ LIỆU
TÂM LÝ TRỊ LIỆU TÂM LÝ TRỊ LIỆU
TÂM LÝ TRỊ LIỆU nataliej4
 

Similar to Giantruanchilathuthach (20)

Noi san thang3.2016
Noi san thang3.2016    Noi san thang3.2016
Noi san thang3.2016
 
Bong Hong Cai Ao.pdf
Bong Hong Cai Ao.pdfBong Hong Cai Ao.pdf
Bong Hong Cai Ao.pdf
 
Uoc nguyen mua vu lan
Uoc nguyen mua vu lanUoc nguyen mua vu lan
Uoc nguyen mua vu lan
 
Me luon-dong-hanh-cung-con-duong-van
Me luon-dong-hanh-cung-con-duong-vanMe luon-dong-hanh-cung-con-duong-van
Me luon-dong-hanh-cung-con-duong-van
 
Cám Ơn Nhiệm Mầu - Nhuận Đạt TMT
Cám Ơn Nhiệm Mầu - Nhuận Đạt TMTCám Ơn Nhiệm Mầu - Nhuận Đạt TMT
Cám Ơn Nhiệm Mầu - Nhuận Đạt TMT
 
Người cha
Người chaNgười cha
Người cha
 
Thư gửi Mẹ
Thư gửi MẹThư gửi Mẹ
Thư gửi Mẹ
 
[Sách] 1001 câu chuyện cảm động 3
[Sách] 1001 câu chuyện cảm động 3[Sách] 1001 câu chuyện cảm động 3
[Sách] 1001 câu chuyện cảm động 3
 
Chuyện đời tôi - Quỳnh dao
Chuyện đời tôi - Quỳnh daoChuyện đời tôi - Quỳnh dao
Chuyện đời tôi - Quỳnh dao
 
Kể lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học - vanmau.net
Kể lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học - vanmau.netKể lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học - vanmau.net
Kể lại những kỉ niệm ngày đầu tiên đi học - vanmau.net
 
Tổng hợp thư UPU Việt Nam và Quốc tế qua các năm
Tổng hợp thư UPU Việt Nam và Quốc tế qua các nămTổng hợp thư UPU Việt Nam và Quốc tế qua các năm
Tổng hợp thư UPU Việt Nam và Quốc tế qua các năm
 
Cung con-truong-thanh-1
Cung con-truong-thanh-1Cung con-truong-thanh-1
Cung con-truong-thanh-1
 
Mẹ tôi
Mẹ tôiMẹ tôi
Mẹ tôi
 
Suoi nguon yeu thuong
Suoi nguon yeu thuongSuoi nguon yeu thuong
Suoi nguon yeu thuong
 
Cung con-truong-thanh-2
Cung con-truong-thanh-2Cung con-truong-thanh-2
Cung con-truong-thanh-2
 
Viết cho con gái
Viết cho con gáiViết cho con gái
Viết cho con gái
 
LƯU DẤU YÊU THƯƠNG - Nội san lớp 5A4 - Banmai School, khóa 2011-2016
LƯU DẤU YÊU THƯƠNG - Nội san lớp 5A4 - Banmai School, khóa 2011-2016LƯU DẤU YÊU THƯƠNG - Nội san lớp 5A4 - Banmai School, khóa 2011-2016
LƯU DẤU YÊU THƯƠNG - Nội san lớp 5A4 - Banmai School, khóa 2011-2016
 
TÂM LÝ TRỊ LIỆU
TÂM LÝ TRỊ LIỆU TÂM LÝ TRỊ LIỆU
TÂM LÝ TRỊ LIỆU
 
TÂM LÝ TRỊ LIỆU
TÂM LÝ TRỊ LIỆU TÂM LÝ TRỊ LIỆU
TÂM LÝ TRỊ LIỆU
 
Túi gạo của Mẹ
Túi gạo của MẹTúi gạo của Mẹ
Túi gạo của Mẹ
 

More from Hoa Bien

Sologne faune et_flore_70
Sologne faune et_flore_70Sologne faune et_flore_70
Sologne faune et_flore_70Hoa Bien
 
La syrie que_vous_ne_connaissez_pas
La syrie que_vous_ne_connaissez_pasLa syrie que_vous_ne_connaissez_pas
La syrie que_vous_ne_connaissez_pasHoa Bien
 
One life to live !
One life to live !One life to live !
One life to live !Hoa Bien
 
Le velo solex
Le velo solexLe velo solex
Le velo solexHoa Bien
 
ĐÈN CÙ - Tác giả Trần Đĩnh
ĐÈN CÙ - Tác giả Trần ĐĩnhĐÈN CÙ - Tác giả Trần Đĩnh
ĐÈN CÙ - Tác giả Trần ĐĩnhHoa Bien
 
Nguyen thanh trang
Nguyen thanh trangNguyen thanh trang
Nguyen thanh trangHoa Bien
 
L a-b-c-de-l-amitie-gtx
L a-b-c-de-l-amitie-gtxL a-b-c-de-l-amitie-gtx
L a-b-c-de-l-amitie-gtxHoa Bien
 
1 insect photography
1 insect photography1 insect photography
1 insect photographyHoa Bien
 
Levansam saigonlong
Levansam saigonlongLevansam saigonlong
Levansam saigonlongHoa Bien
 
Thư mời 3
Thư  mời 3Thư  mời 3
Thư mời 3Hoa Bien
 
Thư mời 2
Thư  mời 2Thư  mời 2
Thư mời 2Hoa Bien
 
Thư mời
Thư  mờiThư  mời
Thư mờiHoa Bien
 
Dem tam tinh viet lich su nguyen manh con
Dem tam tinh viet lich su nguyen manh conDem tam tinh viet lich su nguyen manh con
Dem tam tinh viet lich su nguyen manh conHoa Bien
 
Bieu tinh chong Tau Cong tai San Francisongay 10 thang 5nam 2014
Bieu tinh chong Tau Cong tai San Francisongay 10 thang 5nam 2014Bieu tinh chong Tau Cong tai San Francisongay 10 thang 5nam 2014
Bieu tinh chong Tau Cong tai San Francisongay 10 thang 5nam 2014Hoa Bien
 
Bieutinh chong trung cong
Bieutinh chong trung congBieutinh chong trung cong
Bieutinh chong trung congHoa Bien
 
Scape beauty
Scape beautyScape beauty
Scape beautyHoa Bien
 
Giantruanchilathuthach
GiantruanchilathuthachGiantruanchilathuthach
GiantruanchilathuthachHoa Bien
 
Viet Nam trong the gioi Nguyen Hai Binh 1974
Viet Nam trong the gioi Nguyen Hai Binh 1974Viet Nam trong the gioi Nguyen Hai Binh 1974
Viet Nam trong the gioi Nguyen Hai Binh 1974Hoa Bien
 
Airtame vidéo en streaming
Airtame   vidéo en streamingAirtame   vidéo en streaming
Airtame vidéo en streamingHoa Bien
 

More from Hoa Bien (20)

Sologne faune et_flore_70
Sologne faune et_flore_70Sologne faune et_flore_70
Sologne faune et_flore_70
 
La syrie que_vous_ne_connaissez_pas
La syrie que_vous_ne_connaissez_pasLa syrie que_vous_ne_connaissez_pas
La syrie que_vous_ne_connaissez_pas
 
One life to live !
One life to live !One life to live !
One life to live !
 
Le velo solex
Le velo solexLe velo solex
Le velo solex
 
ĐÈN CÙ - Tác giả Trần Đĩnh
ĐÈN CÙ - Tác giả Trần ĐĩnhĐÈN CÙ - Tác giả Trần Đĩnh
ĐÈN CÙ - Tác giả Trần Đĩnh
 
Nguyen thanh trang
Nguyen thanh trangNguyen thanh trang
Nguyen thanh trang
 
L a-b-c-de-l-amitie-gtx
L a-b-c-de-l-amitie-gtxL a-b-c-de-l-amitie-gtx
L a-b-c-de-l-amitie-gtx
 
1 insect photography
1 insect photography1 insect photography
1 insect photography
 
Levansam saigonlong
Levansam saigonlongLevansam saigonlong
Levansam saigonlong
 
Thư mời 3
Thư  mời 3Thư  mời 3
Thư mời 3
 
Thư mời 2
Thư  mời 2Thư  mời 2
Thư mời 2
 
Thư mời
Thư  mờiThư  mời
Thư mời
 
Dem tam tinh viet lich su nguyen manh con
Dem tam tinh viet lich su nguyen manh conDem tam tinh viet lich su nguyen manh con
Dem tam tinh viet lich su nguyen manh con
 
Bieu tinh chong Tau Cong tai San Francisongay 10 thang 5nam 2014
Bieu tinh chong Tau Cong tai San Francisongay 10 thang 5nam 2014Bieu tinh chong Tau Cong tai San Francisongay 10 thang 5nam 2014
Bieu tinh chong Tau Cong tai San Francisongay 10 thang 5nam 2014
 
Bieutinh chong trung cong
Bieutinh chong trung congBieutinh chong trung cong
Bieutinh chong trung cong
 
Scape beauty
Scape beautyScape beauty
Scape beauty
 
Paris tho
Paris thoParis tho
Paris tho
 
Giantruanchilathuthach
GiantruanchilathuthachGiantruanchilathuthach
Giantruanchilathuthach
 
Viet Nam trong the gioi Nguyen Hai Binh 1974
Viet Nam trong the gioi Nguyen Hai Binh 1974Viet Nam trong the gioi Nguyen Hai Binh 1974
Viet Nam trong the gioi Nguyen Hai Binh 1974
 
Airtame vidéo en streaming
Airtame   vidéo en streamingAirtame   vidéo en streaming
Airtame vidéo en streaming
 

Recently uploaded

BÀI TẬP – BÀI GIẢI HÓA HỮU CƠ – TẬP 1 DÙNG BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI TỈNH VÀ QU...
BÀI TẬP – BÀI GIẢI HÓA HỮU CƠ – TẬP 1 DÙNG BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI TỈNH VÀ QU...BÀI TẬP – BÀI GIẢI HÓA HỮU CƠ – TẬP 1 DÙNG BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI TỈNH VÀ QU...
BÀI TẬP – BÀI GIẢI HÓA HỮU CƠ – TẬP 1 DÙNG BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI TỈNH VÀ QU...Nguyen Thanh Tu Collection
 
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 11 CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 2024 HỆ THỐNG BÀI TẬP B...
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 11 CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 2024 HỆ THỐNG BÀI TẬP B...CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 11 CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 2024 HỆ THỐNG BÀI TẬP B...
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 11 CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 2024 HỆ THỐNG BÀI TẬP B...Nguyen Thanh Tu Collection
 
SÁNG KIẾN PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TỰ LÀM MÔ HÌNH KHI TÌM HIỂU KIẾN THỨC “THẠCH QU...
SÁNG KIẾN PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TỰ LÀM MÔ HÌNH KHI TÌM HIỂU KIẾN THỨC “THẠCH QU...SÁNG KIẾN PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TỰ LÀM MÔ HÌNH KHI TÌM HIỂU KIẾN THỨC “THẠCH QU...
SÁNG KIẾN PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TỰ LÀM MÔ HÌNH KHI TÌM HIỂU KIẾN THỨC “THẠCH QU...Nguyen Thanh Tu Collection
 
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
14 CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN VẬT LÝ 8 - NĂM 2024 (4...
14 CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN VẬT LÝ 8 - NĂM 2024 (4...14 CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN VẬT LÝ 8 - NĂM 2024 (4...
14 CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN VẬT LÝ 8 - NĂM 2024 (4...Nguyen Thanh Tu Collection
 
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI THAM KHẢO KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤ...
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI THAM KHẢO KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤ...HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI THAM KHẢO KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤ...
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI THAM KHẢO KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO ÁN KẾ HOẠCH BÀI DẠY MÔN VẬT LÝ 11 CẢ NĂM (SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC) THEO CÔ...
GIÁO ÁN KẾ HOẠCH BÀI DẠY MÔN VẬT LÝ 11 CẢ NĂM (SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC) THEO CÔ...GIÁO ÁN KẾ HOẠCH BÀI DẠY MÔN VẬT LÝ 11 CẢ NĂM (SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC) THEO CÔ...
GIÁO ÁN KẾ HOẠCH BÀI DẠY MÔN VẬT LÝ 11 CẢ NĂM (SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC) THEO CÔ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH LỚP 8 CẢ NĂM CÓ TEST ÔN TẬP ĐỊNH KÌ + NÂNG CAO - FRI...
BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH LỚP 8 CẢ NĂM CÓ TEST ÔN TẬP ĐỊNH KÌ + NÂNG CAO - FRI...BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH LỚP 8 CẢ NĂM CÓ TEST ÔN TẬP ĐỊNH KÌ + NÂNG CAO - FRI...
BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH LỚP 8 CẢ NĂM CÓ TEST ÔN TẬP ĐỊNH KÌ + NÂNG CAO - FRI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
TỔNG HỢP ĐỀ THAM KHẢO TUYỂN SINH 10 NĂM HỌC 2024 - 2025 MÔN TOÁN 9 SỞ GIÁO DỤ...
TỔNG HỢP ĐỀ THAM KHẢO TUYỂN SINH 10 NĂM HỌC 2024 - 2025 MÔN TOÁN 9 SỞ GIÁO DỤ...TỔNG HỢP ĐỀ THAM KHẢO TUYỂN SINH 10 NĂM HỌC 2024 - 2025 MÔN TOÁN 9 SỞ GIÁO DỤ...
TỔNG HỢP ĐỀ THAM KHẢO TUYỂN SINH 10 NĂM HỌC 2024 - 2025 MÔN TOÁN 9 SỞ GIÁO DỤ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
CÁC CHUYÊN ĐỀ SỐ HỌC ÔN THI CHUYÊN – BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI TOÁN LỚP 9 – NĂ...
CÁC CHUYÊN ĐỀ SỐ HỌC ÔN THI CHUYÊN  – BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI TOÁN LỚP 9 – NĂ...CÁC CHUYÊN ĐỀ SỐ HỌC ÔN THI CHUYÊN  – BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI TOÁN LỚP 9 – NĂ...
CÁC CHUYÊN ĐỀ SỐ HỌC ÔN THI CHUYÊN – BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI TOÁN LỚP 9 – NĂ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ĐỀ KIỂM TRA THEO UNIT TIẾNG ANH GLOBAL SUCCESS 11 - HK2 (BẢN HS-GV) (3 TESTS ...
ĐỀ KIỂM TRA THEO UNIT TIẾNG ANH GLOBAL SUCCESS 11 - HK2 (BẢN HS-GV) (3 TESTS ...ĐỀ KIỂM TRA THEO UNIT TIẾNG ANH GLOBAL SUCCESS 11 - HK2 (BẢN HS-GV) (3 TESTS ...
ĐỀ KIỂM TRA THEO UNIT TIẾNG ANH GLOBAL SUCCESS 11 - HK2 (BẢN HS-GV) (3 TESTS ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ MINH HỌA KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤC MÔN...
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ MINH HỌA KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤC MÔN...HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ MINH HỌA KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤC MÔN...
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ MINH HỌA KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤC MÔN...Nguyen Thanh Tu Collection
 
lịch sử đảng cộng sản việt nam chương 1.ppt
lịch sử đảng cộng sản việt nam chương 1.pptlịch sử đảng cộng sản việt nam chương 1.ppt
lịch sử đảng cộng sản việt nam chương 1.pptLinhPham480
 
Day tieng Viet cho nguoi nuoc ngoai.pptx
Day tieng Viet cho nguoi nuoc ngoai.pptxDay tieng Viet cho nguoi nuoc ngoai.pptx
Day tieng Viet cho nguoi nuoc ngoai.pptxngothevinhs6lite
 
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 7 + 8 CHƯƠNG TRÌNH GDPT M...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 7 + 8 CHƯƠNG TRÌNH GDPT M...CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 7 + 8 CHƯƠNG TRÌNH GDPT M...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 7 + 8 CHƯƠNG TRÌNH GDPT M...Nguyen Thanh Tu Collection
 
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...Nguyen Thanh Tu Collection
 

Recently uploaded (16)

BÀI TẬP – BÀI GIẢI HÓA HỮU CƠ – TẬP 1 DÙNG BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI TỈNH VÀ QU...
BÀI TẬP – BÀI GIẢI HÓA HỮU CƠ – TẬP 1 DÙNG BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI TỈNH VÀ QU...BÀI TẬP – BÀI GIẢI HÓA HỮU CƠ – TẬP 1 DÙNG BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI TỈNH VÀ QU...
BÀI TẬP – BÀI GIẢI HÓA HỮU CƠ – TẬP 1 DÙNG BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI TỈNH VÀ QU...
 
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 11 CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 2024 HỆ THỐNG BÀI TẬP B...
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 11 CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 2024 HỆ THỐNG BÀI TẬP B...CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 11 CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 2024 HỆ THỐNG BÀI TẬP B...
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 11 CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 2024 HỆ THỐNG BÀI TẬP B...
 
SÁNG KIẾN PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TỰ LÀM MÔ HÌNH KHI TÌM HIỂU KIẾN THỨC “THẠCH QU...
SÁNG KIẾN PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TỰ LÀM MÔ HÌNH KHI TÌM HIỂU KIẾN THỨC “THẠCH QU...SÁNG KIẾN PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TỰ LÀM MÔ HÌNH KHI TÌM HIỂU KIẾN THỨC “THẠCH QU...
SÁNG KIẾN PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TỰ LÀM MÔ HÌNH KHI TÌM HIỂU KIẾN THỨC “THẠCH QU...
 
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...
 
14 CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN VẬT LÝ 8 - NĂM 2024 (4...
14 CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN VẬT LÝ 8 - NĂM 2024 (4...14 CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN VẬT LÝ 8 - NĂM 2024 (4...
14 CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN VẬT LÝ 8 - NĂM 2024 (4...
 
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI THAM KHẢO KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤ...
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI THAM KHẢO KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤ...HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI THAM KHẢO KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤ...
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI THAM KHẢO KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤ...
 
GIÁO ÁN KẾ HOẠCH BÀI DẠY MÔN VẬT LÝ 11 CẢ NĂM (SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC) THEO CÔ...
GIÁO ÁN KẾ HOẠCH BÀI DẠY MÔN VẬT LÝ 11 CẢ NĂM (SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC) THEO CÔ...GIÁO ÁN KẾ HOẠCH BÀI DẠY MÔN VẬT LÝ 11 CẢ NĂM (SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC) THEO CÔ...
GIÁO ÁN KẾ HOẠCH BÀI DẠY MÔN VẬT LÝ 11 CẢ NĂM (SÁCH KẾT NỐI TRI THỨC) THEO CÔ...
 
BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH LỚP 8 CẢ NĂM CÓ TEST ÔN TẬP ĐỊNH KÌ + NÂNG CAO - FRI...
BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH LỚP 8 CẢ NĂM CÓ TEST ÔN TẬP ĐỊNH KÌ + NÂNG CAO - FRI...BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH LỚP 8 CẢ NĂM CÓ TEST ÔN TẬP ĐỊNH KÌ + NÂNG CAO - FRI...
BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH LỚP 8 CẢ NĂM CÓ TEST ÔN TẬP ĐỊNH KÌ + NÂNG CAO - FRI...
 
TỔNG HỢP ĐỀ THAM KHẢO TUYỂN SINH 10 NĂM HỌC 2024 - 2025 MÔN TOÁN 9 SỞ GIÁO DỤ...
TỔNG HỢP ĐỀ THAM KHẢO TUYỂN SINH 10 NĂM HỌC 2024 - 2025 MÔN TOÁN 9 SỞ GIÁO DỤ...TỔNG HỢP ĐỀ THAM KHẢO TUYỂN SINH 10 NĂM HỌC 2024 - 2025 MÔN TOÁN 9 SỞ GIÁO DỤ...
TỔNG HỢP ĐỀ THAM KHẢO TUYỂN SINH 10 NĂM HỌC 2024 - 2025 MÔN TOÁN 9 SỞ GIÁO DỤ...
 
CÁC CHUYÊN ĐỀ SỐ HỌC ÔN THI CHUYÊN – BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI TOÁN LỚP 9 – NĂ...
CÁC CHUYÊN ĐỀ SỐ HỌC ÔN THI CHUYÊN  – BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI TOÁN LỚP 9 – NĂ...CÁC CHUYÊN ĐỀ SỐ HỌC ÔN THI CHUYÊN  – BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI TOÁN LỚP 9 – NĂ...
CÁC CHUYÊN ĐỀ SỐ HỌC ÔN THI CHUYÊN – BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI TOÁN LỚP 9 – NĂ...
 
ĐỀ KIỂM TRA THEO UNIT TIẾNG ANH GLOBAL SUCCESS 11 - HK2 (BẢN HS-GV) (3 TESTS ...
ĐỀ KIỂM TRA THEO UNIT TIẾNG ANH GLOBAL SUCCESS 11 - HK2 (BẢN HS-GV) (3 TESTS ...ĐỀ KIỂM TRA THEO UNIT TIẾNG ANH GLOBAL SUCCESS 11 - HK2 (BẢN HS-GV) (3 TESTS ...
ĐỀ KIỂM TRA THEO UNIT TIẾNG ANH GLOBAL SUCCESS 11 - HK2 (BẢN HS-GV) (3 TESTS ...
 
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ MINH HỌA KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤC MÔN...
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ MINH HỌA KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤC MÔN...HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ MINH HỌA KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤC MÔN...
HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ MINH HỌA KÌ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 TỪ BỘ GIÁO DỤC MÔN...
 
lịch sử đảng cộng sản việt nam chương 1.ppt
lịch sử đảng cộng sản việt nam chương 1.pptlịch sử đảng cộng sản việt nam chương 1.ppt
lịch sử đảng cộng sản việt nam chương 1.ppt
 
Day tieng Viet cho nguoi nuoc ngoai.pptx
Day tieng Viet cho nguoi nuoc ngoai.pptxDay tieng Viet cho nguoi nuoc ngoai.pptx
Day tieng Viet cho nguoi nuoc ngoai.pptx
 
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 7 + 8 CHƯƠNG TRÌNH GDPT M...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 7 + 8 CHƯƠNG TRÌNH GDPT M...CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 7 + 8 CHƯƠNG TRÌNH GDPT M...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 7 + 8 CHƯƠNG TRÌNH GDPT M...
 
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...
 

Giantruanchilathuthach

  • 1. Hồ Văn Trung Gian Truân chỉ là Thử Thách Từ chăn trâu đến Chủ tịch tập đoàn
  • 3. Kính Mẹ, Vinh danh Em, Cho các Con yêu quý, Để lại cho các Bạn trẻ.
  • 4. LỜI TỰA "Một cuốn sách của SỰ THẬT. Một đứa trẻ Việt Nam, trong chiến tranh khốc liệt, trong đói khổ tối tăm, từ bùn lầy của một làng quê nghèo khó, bằng NGHỊ LỰC phi thường và sự HỌC HỎI không ngừng, đạt được những ước mơ, tiến đến đỉnh cao - chủ tịch một tập đoàn kinh doanh tầm cỡ TOÀN CẦU. Đem đến những cảm xúc tích cực, cùng những bài học sống động, cuốn sách đáng để các bạn trẻ Việt Nam tìm đọc và học tập”. Cựu Giáo sư Lê Đào Duyến (Mỹ) “Đây là câu chuyện của một cậu học trò nghèo đến tận cùng của xã hội, bằng những nỗ lực không tưởng đã làm nên điều kỳ diệu. Trong câu chuyện ấy, có thể bạn sẽ bắt gặp chính mình hay phải bật khóc trong khoảnh khắc nào đó. Nhưng vượt lên trên hết, đây là câu chuyện có thật về niềm tin, về sự phấn đấu không ngừng để hướng tới cuộc sống tươi đẹp hơn. Và điều quan trọng nhất là đừng bao giờ đầu hàng số phận. Một điều chắc chắn nữa mà tác giả muốn gửi gắm chính là: Tôi có thể, và bạn cũng vậy! Chỉ cần có niềm tin và sự cố gắng không ngừng nghỉ, chắc chắn có ngày hoa sẽ nở trên mảnh đất cằn khô”. Trương Yến Nhi - sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM)
  • 7. CHƯƠNG I HỒI ỨC THỜI THƠẤU
  • 8. LỜI MỞ ĐẦU Với tôi, mỗi đứa trẻ hiện diện trong cuộc đời đều là một phép mầu của tạo hóa. Nhưng đôi lúc phép mầu ấy lại không như ý muốn. Có những đứa trẻ sinh ra trong niềm vui khôn xiết và vòng tay yêu thương của mọi người, cũng có những sinh linh vừa ra đời đã bất hạnh, gặp sự ghẻ lạnh của những người xung quanh. Với riêng bản thân tôi, có lẽ đó vừa là niềm vui mà cũng vừa là nỗi đau với gia đình. Không phải tôi không được chào đón mà ngược lại, tôi được ấp ủ trong vòng tay thương yêu của bà nội và mẹ - nhưng trong một hoàn cảnh thật éo le và bất hạnh: Ngày tôi cất tiếng khóc chào đời cũng là ngày ba tôi vĩnh viễn không còn trên cuộc đời này nữa. Vì vậy, ngày sinh nhật của tôi cũng là ngày giỗ của ba. Nhà tôi nghèo lắm. Hôm sanh tôi, mẹ nằm trong căn lều nhỏ cạnh bụi chuối, được mụ Chồn ở gần nhà đỡ đẻ cho. Đó là một ngày của năm Tân Mão (1951) - cái ngày mà có lẽ đến hết cuộc đời bà nội và mẹ không thể nào quên được. Một ngày như định mệnh đã sắp đặt, một sinh linh nhỏ bé ra đời và một cuộc đời phải đặt dấu chấm hết. Có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau mất con, mất chồng? Có niềm vui nào lớn hơn niềm vui được ôm vào lòng đứa cháu, đứa con của mình? Ba tôi mất vào buổi sáng thì buổi chiều tôi cất tiếng khóc chào đời. Cũng bởi nỗi đau quá lớn nên sự có mặt của tôi là niềm vui vô vàn, là nguồn an ủi làm vơi bớt nỗi buồn mất con, mất chồng của nội và mẹ. Ba tôi mất rồi lại có thêm tôi ra đời, gánh nặng đè lên vai hai người phụ nữ. Nhà tôi đã nghèo nay lại 8 Gian Truân chỉ là Thử Thách
  • 9. neo đơn, thiếu đi người đàn ông làm chỗ dựa. Cũng chính vì thế, tôi lớn lên trong môi trường nghèo khổ và thiếu ăn. Nhưng tôi chưa bao giờ oán trách số phận, tôi luôn tự hào về tuổi thơ và những ngày tháng gian khó ấy, bởi chính nó đã nuôi nấng, hun đúc và cho tôi trưởng thành với nhiều trải nghiệm mà ít người may mắn có được. Vào giai đoạn ấy, nghèo khổ là mẫu số chung của rất nhiều người, nhưng trong cảnh nghèo đến mức không có cơm ăn, thiếu áo mặc, thiếu chăn đắp và đặc biệt là đất nước đang có chiến tranh mà vẫn kiên trì cắp sách đến trường, học hành tới nơi tới chốn thì thật là hiếm có. Chính vì những lý do đó mà tôi mạnh dạn chia sẻ đến bạn đọc quãng đời mình đã đi qua với hy vọng có thể truyền cảm hứng để bạn đọc chinh phục những khát vọng của riêng mình và đừng bao giờ đầu hàng số phận. Gian Truân chỉ là Thử Thách 9
  • 10. 1. Mẹ tôi, chị tôi Mẹ tôi cũng như bao người phụ nữ Việt Nam khác nhưng trong lòng tôi, đó mãi là người phụ nữ vĩ đại nhất. Dù cuộc đời mẹ gặp bao nhiêu khó khăn, đau đớn có lúc tưởng như gục ngã nhưng mẹ chưa bao giờ đầu hàng. Mẹ đã hy sinh rất nhiều vì chị em tôi. Vì muốn các con có chữ nghĩa bằng bạn bằng bè, có cuộc sống tốt đẹp hơn, mẹ không bao giờ nề hà việc gì, từ dãi nắng dầm sương ngoài đồng ruộng đến làm thuê, ở đợ cho người ta. Ông ngoại mất sớm, bà ngoại bỏ đi biệt tăm, mẹ côi cút giữa dòng đời từ tuổi ấu thơ. Không có anh chị em ruột thịt, mẹ phải nương nhờ nhà người anh chú bác mà tôi thường gọi là cậu Thạch, Mẹ con tôi mãi mãi nhớ ơn và luôn xem cậu Thạch là người thân ruột thịt đã cưu mang mẹ tôi lúc còn nhỏ. Nhà cậu lúc bấy giờ ở làng Triều Sơn Trung, hay còn gọi là làng Bàu Đôn, xã Hương Cần, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Tuổi thơ của mẹ không có những ngày cắp sách đến trường như bạn bè, vậy nên cả đời mẹ chưa bao giờ biết cái chữ tròn méo thế nào, đọc ra sao, ghép lại bằng cách nào. Tuổi thơ của mẹ lấp đầy bằng những tháng ngày trên ruộng đồng với những công việc đồng áng, ngày ngày chăn trâu, cắt cỏ, hái rau. Mỗi ngày của mẹ trôi qua không nhiều những trò vui tuổi thơ; nó hằn sâu từng giọt mồ hôi và có lúc cả nước mắt của một đứa trẻ đã sớm phải bươn chải trong cuộc đời mà không một vòng tay âu yếm, dịu dàng an ủi của đấng sinh thành. 18 tuổi, mẹ lập gia đình, chuyển về sống với ba ở xóm Rào, làng La Khê, xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, cách làng của mẹ một 10 Gian Truân chỉ là Thử Thách
  • 11. cánh đồng. Sở dĩ xóm có tên Rào là vì ở gần sông (ở Huế, những con sông nhỏ thường được gọi là “rào” hoặc “hói”). Những tưởng hôn nhân là trang mới tươi vui cho đời mẹ, chẳng dè số phận mãi trêu ngươi. Yên bề gia thất chưa được bao lâu, mẹ nhận hung tin ba mất vì bệnh lao trong thời gian đi theo Việt Minh. Bầu trời như đổ sụp. Thêm lần nữa, mẹ bơ vơ giữa cuộc đời, tay bồng con trai còn đỏ hỏn, tay dắt con gái vừa lên 5. Mẹ ở vậy nuôi chị em tôi từ đó cho đến bây giờ. Nay ở tuổi gần 90, bao vất vả, đắng cay, cơ cực trong đời dường như mẹ đã nếm đủ. Tâm trí tôi vẫn khắc sâu những tháng ngày mẹ lam lũ nuôi con, chịu bao nhiêu tủi khổ mà chưa từng có một lời kêu ca hay xem con cái như nơi trút bỏ những gánh nặng trong lòng. Trước gian khó, mẹ bình thản đối diện, bình thản bước qua, và bình thản, dịu dàng trong từng vòng tay với chị em tôi. Chính điều đó đã ấp ủ tôi trong những năm tháng tuổi thơ nghèo khổ, khiến tôi không cảm thấy thiệt thòi dù mồ côi cha ngay từ lúc lọt lòng. Tôi luôn tự hào khi nhắc đến mẹ. Con xin vinh danh mẹ! Cảm ơn mẹ đã cho con cuộc đời này! Ngoài mẹ, tôi còn một người thân nữa không thể không nhắc đến, đó là người chị hơn tôi 5 tuổi. Nhà chỉ có hai chị em, lại mất cha, nên chị rất thương tôi. Thuở nhỏ, chị cũng được đến trường nhưng khi gia đình quá khốn khó, chị đành dừng đường học để học nghề may, phụ mẹ trang trải cuộc sống và lo cho tôi ăn học đàng hoàng. Gian Truân chỉ là Thử Thách 11
  • 12. Mẹ tôi và cháu nội Gary vào năm 1994. Ảnh tư liệu cá nhân của tác giả. Tuổi mới lớn, chị đã có những nét ưa nhìn, được nhiều người yêu mến. 18 tuổi, chị kết hôn với một sĩ quan trong quân đội miền Nam và sống khá sung túc tại Tam Kỳ, Quảng Tín (nay là tỉnh Quảng Nam). Song hạnh phúc ngắn chẳng tày gang và “hồng nhan bạc phận”, những gian truân đời mẹ như lặp lại ở đời chị: một ngày tết Mậu Thân, anh rể tôi tử nạn, để lại vợ hiền, con thơ. Về sau, chị tôi đi bước nữa với một người cùng quê. Nhờ sự quan tâm và trợ giúp của tôi, sáu đứa con của chị đều được học tập đến nơi đến chốn và hiện có cuộc sống ổn định, thậm chí có người khá giả. Vợ chồng chị tôi giờ đây đang an hưởng tuổi già tại Huế. 12 Gian Truân chỉ là Thử Thách
  • 13. 2. Sự cố ngày khai giảng và “ông Bụt” của tuổi thơ tôi Dù gia đình khó khăn trăm bề nhưng mẹ vẫn cho tôi đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa. Đối với gia cảnh nhà tôi, vừa nghèo khổ lại neo đơn thì việc đến trường là cả một vấn đề rất lớn.Tôi chưa bao giờ thôi biết ơn mẹ vì điều đó. Chính những năm tháng được đi học đã chắp cánh cho cuộc sống trưởng thành sau này của tôi. Khỏi phải nói, tôi đã háo hức đợi chờ biết bao ngày đầu tiên đi học. Từ đêm hôm trước, tôi đã ríu rít hỏi mẹ hết cái này đến cái kia về trường lớp khiến mẹ trả lời không kịp thở. Sáng hôm sau tôi dậy thật sớm mặc dù tối hôm trước không ngủ được vì hồi hộp và háo hức. Trong lúc mẹ chuẩn bị thì chân tay tôi cứ líu ríu, nhất là khi thoáng thấy mấy đứa trẻ nhà bên cạnh cứ quần áo tíu tít cả lên. Tôi thì không có quần áo đẹp như các bạn, nhưng chẳng sao, với một đứa trẻ nghèo như tôi, được đến trường đã là một niềm vui và tự hào rất lớn rồi. Đường đến trường cũng chính là con đường làng thân quen tôi vẫn chạy nhảy vui đùa mỗi ngày, nhưng hôm nay nó bỗng trở nên vô cùng lạ lẫm vì tâm trí tôi lấp đầy những suy nghĩ, những tưởng tượng không ngừng về lớp học, thầy cô, bạn bè. Chà, trường tiểu học Hương Vinh, làng La Khê sẽ là nơi tôi được học chữ, được làm những bài tập, được gặp các thầy cô, có thêm bạn bè, được đánh dấu mốc “trưởng thành” hơn so với mấy đứa nhóc còn mải lon ton chơi ngoài ruộng đồng kia... Quá mải mê bồng bềnh với thế giới tưởng tượng của mình, tôi không nhận ra đã đến trường từ lúc nào. Gian Truân chỉ là Thử Thách 13
  • 14. Và rồi trong tích tắc, tôi như lọt từ chín tầng mây xuống đất bởi tin sét đánh: tôi không đủ điều kiện nhập học vì… thiếu giấy khai sinh! Đầu óc tôi tối sầm vì “cú đánh” chí tử ấy, kiểu như tôi đang cưỡi cả thế giới trên mây bỗng nhiên có một cơn lốc thổi bay tôi xuống đất. Không thể tin được! Người ta không cho tôi vào trường, lấy gì mà học tập, thầy cô hay bạn bè! Ngày tôi chào đời cũng là ngày ba tôi mất nên mọi việc trong nhà khi ấy rối rắm vô cùng. Tâm trí bà nội và mẹ cũng bị xẻ hai bởi những điều bất ngờ quá đỗi. Tất cả rối tung, trong một ngày mà biết bao sự việc xảy ra, vừa lo ma chay, vừa lo cho đứa trẻ mới lọt lòng, lại thêm chị tôi lúc đó còn quá nhỏ để hiểu và giúp được cho gia đình, hai người phụ nữ dường như điên người và mất hồn. Ngày đó đối với nội và mẹ dài vô tận, nhưng không đủ để nghĩ đến những vấn đề khác nữa. Bởi vậy mà không ai nhớ tới việc làm giấy khai sinh cho tôi. Thời gian như con nước, tôi hồn nhiên lớn lên như cỏ cây hoa lá, còn cái giấy khai sinh – tờ giấy xác nhận về mặt pháp lý sự hiện diện của tôi trong cõi đời này – dường như chưa bao giờ xuất hiện trong ý niệm của người thân. Để hôm nay, chính tờ giấy ấy ngăn tôi bước vào cửa lớp, biến ngày khai giảng đầu đời của tôi trở thành cơn ác mộng. Trong khi mẹ nói chuyện, cố giải thích và tìm cách thuyết phục nhà trường cho tôi vào lớp thì tôi ngồi thu lu một chỗ và khóc. Tôi nhìn những đứa trẻ khác đang bước vào lớp, nhìn những ánh mắt, nụ cười hân hoan kia, nó y như tôi của cách đây ít phút thôi. Đứa trẻ 6 tuổi lúc ấy có biết gì về giấy khai sinh hay chuyện 14 Gian Truân chỉ là Thử Thách
  • 15. người lớn đang nói với nhau, chỉ là tôi thấy hụt hẫng, thất vọng và bất công làm sao. Tôi không hiểu giấy khai sinh quan trọng như thế nào, tôi chỉ biết là mình không được vào lớp, không được đi học, bao nhiêu giấc mơ và hi vọng trẻ con đang bị đánh cắp. Sau một hồi nói mãi vẫn không được chấp nhận, mẹ đành bảo tôi ra về. Tôi không muốn về. Về thì từ nay tôi sẽ ở nhà luôn ư? Tôi muốn đi học, muốn được cắp sách đến trường, tôi phải được đi học. Tôi cố tìm xem trong đám đông người người vội vàng hồ hởi kia một ánh mắt nào đó xót thương cứu vớt tôi, mang tôi vào lớp. Nhưng rồi chẳng có điều kì diệu gì xuất hiện, dù chỉ là một cái liếc nhẹ. Cuối cùng thì mẹ kéo mãi tôi cũng đành lủi thủi ra về vì mọi người đã vào lớp hết rồi, không ai quan tâm đến mẹ con tôi nữa. Con đường làng mới sáng nay tươi đẹp lạ lẫm mà giờ sao lại trở về quen thuộc nhưng thật đáng ghét làm sao. Tại sao cũng một con đường mà lại mang nhiều sắc thái và cảm xúc cho người ta như vậy? Mới sáng nay tôi còn bước phấn khởi và tràn trề sức sống, thế mà giờ cả thế giới như muốn sụp đổ ngay chính trên con đường này. Trên đường tôi cứ khóc suốt, còn mẹ thì không giấu được buồn bã nhưng vẫn cố sức an ủi, xoa dịu tôi. Bất ngờ tôi gặp một ông Bụt! Thật ra thì ông Bụt ấy không có râu tóc bạc phơ, không mặc áo dài trắng xóa, cũng chẳng phe phẩy cây phất trần như trong chuyện cổ tích, nhưng ông ấy đã cứu vớt đời tôi đúng như sứ mệnh của ông Bụt. Ông Bụt đó là một nhân sĩ giàu có, ông tên là Trần Tiễn Hi hay còn gọi là ông Thị Hi. Nghe ông hỏi lý do tôi khóc, mẹ kể ông nghe rằng tôi không có giấy Gian Truân chỉ là Thử Thách 15
  • 16. khai sinh nên không được đi học. Ông ân cần hỏi tôi tên gì, sinh ngày tháng năm nào, ba tôi đâu… Mẹ lắc đầu. Mẹ bảo ba mất rồi, chỉ nhớ ngày sinh âm lịch của tôi là ngày ba tôi mất thôi, còn ngày theo tuổi đi học thì chịu, không nhớ nổi. Ngày xưa thì làm gì có internet hay những tài liệu để tra lịch từ ngày âm ra ngày dương dễ dàng như bây giờ. Đến lúc đó tôi mới biết là tôi không có tên họ. Mẹ nói với ông Thị Hi là từ nhỏ mọi người trong nhà đã quen gọi tôi là thằng Lọ, mãi đến bây giờ vẫn chưa đặt cho một cái tên chính thức nào. Gọi là Lọ bởi vì đó là một cái tên chung mà nhiều người nhà quê thường đặt cho con trai. Ngoài tên này thì người ta cũng thường gọi con trai là thằng Cu, thằng Đực, và nếu con gái thì thường gọi là con Bẹp, con Gái. Nghe xong đầu đuôi, ông cười xòa và xoa đầu tôi. Ông bảo sẽ giúp mẹ làm giấy khai sinh cho tôi và tôi chắc chắc sẽ được đến trường. Tôi nhảy lên vì sung sướng và ôm lấy mẹ. Ông Thị Hi cười hiền như một ông tiên. Ông đã mang lại cả thế giới cho tôi! Sau đó thì ông dắt mẹ con tôi đi làm giấy khai sinh. Ông hỏi ý kiến mẹ về tên của tôi. Bị hỏi bất ngờ quá nên mẹ bối rối, không biết nên đặt tên gì, mẹ nói hay là nhờ ông cứ đặt cho cháu một cái tên nào ông thấy thuận. Thế là ông nghĩ ra cái tên Trung, Hồ Văn Trung, và đó chính là cái tên mà đã 63 năm gắn bó với tôi cho đến bây giờ. Mẹ tôi cũng nhờ ông chọn ngày sinh cho tôi. Tôi không biết vì sao ông chọn ngày 25-4 và cũng chưa bao giờ có dịp để cảm ơn và hỏi rõ ông về điều này. Về sau, khi tôi lập gia đình và có con thì các con tôi vẫn thường tổ chức sinh nhật cho tôi vào ngày này. 16 Gian Truân chỉ là Thử Thách
  • 17. Với bản thân tôi thì đây cũng là ngày sinh thật sự, bởi đó là ngày đặc biệt trong đời: tôi được có tên, có họ, có giấy khai sinh và được đi học. Ngày sinh nhật cũng là ngày tôi nhớ đến ông Bụt hiền lành của ngày xưa. Dù khi lớn lên tôi nhận ra trên đời thật ra không có ông Bụt, nhưng tôi luôn biết rằng những người tốt bụng vẫn luôn hiện diện xung quanh chúng ta. Rằng dù những cái xấu có tồn tại nhiều như thế nào thì vẫn luôn có những điều tốt đẹp bên cạnh như một điều tất yếu trong cuộc sống. *** Sau khi có giấy khai sinh, tôi hiên ngang bước vào lớp như những đứa trẻ khác. Mỗi ngày tôi đều hân hoan với niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của một đứa trẻ nghèo: được cắp sách đến trường! Sau giờ học ở trường, ngoài những lúc phụ giúp mẹ và chị, tôi thường tranh thủ thời gian lấy sách vở ra ôn bài. Những năm tháng tuổi thơ của tôi được mẹ vun đắp và cố gắng chở che nên không buồn như của mẹ ngày xưa. Bởi dù nghèo thế nào, ăn uống thiếu thốn ra sao hay điều kiện học tập không bằng chúng bạn, thì riêng chuyện được đến trường với tôi đã là một điều vô cùng thiêng liêng, cao quí. Nó được đánh đổi bằng những giọt mồ hôi của mẹ, những ngày mẹ thức khuya dậy sớm làm lụng vất vả để lo cho tôi. Vì vậy tôi luôn cố gắng học tập thật tốt. Quê tôi nghèo lắm, người dân sinh sống chủ yếu bằng việc làm ruộng hay làm thuê trên những cánh đồng của người khác. Nhưng có lẽ tôi là đứa nghèo nhất trong đám trẻ con nghèo ở đây. Nhà tôi ở cũng không phải là một ngôi nhà đúng nghĩa: nó chỉ là một túp lều được dựng lên trong khuôn viên nhà của ông bà Gian Truân chỉ là Thử Thách 17
  • 18. nội bởi gia đình tôi không có ruộng vườn gì. Trong túp lều nhỏ xíu của ba mẹ con tôi ở không có của cải hay thứ gì đáng giá, những thứ ít ỏi có trong nhà thì đều cũ và sờn hết rồi. Những mùa nắng, khi cái nắng gay gắt đổ lửa của miền Trung kéo đến thì túp lều hệt như cái lò lửa nung, những ngày đó tôi thường ra góc cây gần nhà nằm ngủ trưa cho mát. Còn những khi mưa gió thì ba mẹ con tôi chỉ biết ôm nhau để xua đi cái lạnh giá, ướt át của những cơn mưa và nỗi buồn ẩn chứa trong mỗi người mà không ai dám nói ra. Thật ra, lúc nhỏ tôi hay tủi thân vì nhà mình nghèo. Không chỉ nghèo về vật chất, đôi lúc tôi còn cảm thấy mình nghèo cả tình thương. Mẹ rất thương tôi, chị cũng rất thương tôi, nhưng tôi thấy cần ba vô cùng. Đối với tôi, mẹ vĩ đại, nhưng ba cũng rất quan trọng. Mẹ có thể làm mọi thứ cho tôi nhưng không thể làm ba cho tôi được. Vì chưa bao giờ biết được hình dáng ba, chưa từng được ba chăm sóc, yêu thương nên tôi rất ganh tị với nhiều đứa trẻ khác. Có nhiều lúc tôi ngồi ở một góc khóc vì buồn, vì tủi và muốn có ba khủng khiếp, mặc dù tôi chẳng biết được bao nhiêu về ba qua những câu chuyện mẹ kể. Tôi chỉ biết là mình thấy cần hơi ấm của ba, dù chỉ một chút ít thôi cũng đủ sưởi ấm trái tim tôi. Nhất là những lúc tụi trẻ con trong xóm thấy ba đi làm về thì tíu tít gọi, chạy đến, nhảy lên lưng ba. Tôi cũng đã từng ước mình được ở trên lưng ba, chắc lúc đó tôi sẽ thấy mình có thể với được đến tận sao trời, có thể ôm trọn trái đất trong tay và không sợ bất cứ thứ gì trên cuộc đời này như bao đứa trẻ khác vẫn thường nói như vậy. Và nhất là tôi không phải khóc vì tủi và nhớ ba. Tuy vậy, những lúc như thế tôi càng thương mẹ hơn. Tôi luôn nung nấu ý nghĩ mình phải cố gắng để là 18 Gian Truân chỉ là Thử Thách
  • 19. một hiệp sĩ nhỏ anh hùng có thể bảo vệ được cho mẹ thay ba, có thể thay ba gánh vác bớt phần nào khổ cực cho những người mình yêu thương nhất trong đời. Tôi không bao giờ quên những năm tháng ấy cùng với hình bóng mẹ tôi gầy gò, ốm yếu. So với những người cùng độ tuổi, mẹ nhìn già và khắc khổ hơn rất nhiều. Cuộc đời mẹ, gương mặt mẹ, dáng người mẹ đã bị đánh quật bởi bao nhiêu sóng gió đã trải qua và phải đầu tắt mặt tối với bộn bề lo toan phải gánh vác. Mẹ không dám sắm sửa gì cho mình, cũng không dám ăn uống nhiều, cái gì cũng dành phần cho chị em tôi, vì vậy mà mẹ gầy nhom và xanh xao lắm. Dù khó khăn thế nào mẹ cũng bảo sẽ lo cho tôi được, mẹ chỉ mong tôi cố gắng học chăm chỉ để mai này có cuộc sống tốt hơn. Chính vì những lời mẹ nói mà tôi đã cố gắng rất nhiều, năm học nào tôi cũng luôn là học sinh giỏi của trường. Mỗi năm tôi đều được nhận bằng khen, phần thưởng và học bổng dành cho con nhà nghèo hiếu học. Mỗi lúc tôi mang bằng khen và học bổng về, bao giờ mẹ cũng rất vui, rất tự hào. Mẹ nói rằng chỉ cần tôi học giỏi như vậy là mẹ không còn thấy cực khổ nữa. Những lời nói của mẹ càng hun đúc niềm tin và mục tiêu cho tôi. Chỉ cần mẹ vui và cười như vậy, tôi cũng đã thấy quá hạnh phúc rồi. Tôi luôn cố gắng để mẹ mãi luôn cười như vậy, vì cuộc đời mẹ đã rơi biết bao nhiêu nước mắt… Sau khi học xong cấp tiểu học, tôi chuẩn bị bước vào kỳ thi đệ thất (tương đương lớp 6 ngày nay). Đây là kỳ thi bắt buộc với tất cả học sinh đã học xong chương trình tiểu học thời ấy. Nếu thi đậu, học sinh sẽ được vào học miễn phí tại các trường công lập. Còn nếu thi Gian Truân chỉ là Thử Thách 19
  • 20. rớt, học sinh phải vào học trường bán công hoặc tư thục với học phí rất cao. Học ở trường công lập mà mẹ đã vất vả như vậy rồi, làm sao tôi dám mơ đến những nơi tốn kém như trường bán công, tư thục? Vì vậy, tôi chỉ có lựa chọn duy nhất: phải thi đậu! 3. Kỳ thi “sinh - tử” và ván bài ở đợ Như đã nói, trong kỳ thi vào đệ thất, những học trò nghèo như tôi nếu muốn tiếp tục đi học thì chỉ còn cách duy nhất là phải thi đậu để được học trường công lập. Nếu thi rớt, tương lai có thể thấy ngay trước mắt là nghỉ học, đi làm ruộng hoặc học nghề thợ mộc, thợ hồ… Trong khi đó, các công tử, tiểu thư nhà giàu có thể nhởn nhơ thi cử vì nếu không học được trường công thì sang trường tư thục. Đó là sự khác biệt giữa giàu - nghèo. Áp lực khủng khiếp của kỳ thi “sinh - tử” ấy đè cả lên đôi vai gầy của mẹ, bởi hơn ai hết, mẹ hiểu được khát khao học tập trong tôi, mẹ tin rằng chỉ có con đường học vấn mới có thể đưa tôi đến tương lai tươi sáng. Nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền vốn đã nặng trĩu, nay thêm chuyện học hành, thi cử nên tóc mẹ tôi bắt đầu điểm bạc dẫu tuổi chưa thật nhiều. Nhiều hôm bất chợt tỉnh giấc lúc nửa đêm, thoáng thấy mẹ khóc, tôi chỉ lẳng lặng nhìn, không dám hỏi nguyên do (thật ra, tôi cũng chẳng biết phải hỏi thế nào). Trái tim tôi run lên rồi thắt lại khi cảm nhận được vị mặn chát trong từng giọt nước mắt lăn dài trên gò 20 Gian Truân chỉ là Thử Thách
  • 21. má xương xẩu của mẹ. Nghèo không phải là tội, nhưng nó khiến người ta phải khổ đau, phải suy tính, tủi thân quá nhiều. Trong những phút giây len lén nhìn mẹ khóc thầm, tôi lại ước ao cháy bỏng rằng ba còn sống để mẹ có một bờ vai tựa vào. Ba cũng sẽ biết cách an ủi mẹ chứ không im lặng bất lực như tôi. Cay đắng hơn, chính kỳ thi ấy là ngọn nguồn của một “tấn trò đời” mà người mẹ nghèo, mù chữ của tôi là nạn nhân. Mãi sau này, khi đã trưởng thành và thật sự vén được những áng mây mù che lấp các “ẩn số” trong câu chuyện ấy, tôi mới thật sự vỡ lẽ tường tận về cú lừa này. Lợi dụng sự hy sinh và quyết tâm cho con ăn học của mẹ tôi, những kẻ giàu có, lắm thế lực đã bóc lột trần trụi sức lao động của mẹ. Chuyện là sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ về tương lai của tôi, mẹ quyết định đi ở đợ không công để… đảm bảo chắc chắn tôi thi đậu vào đệ thất. Có lẽ nhiều bạn đọc đang thắc mắc hai việc này có liên quan gì với nhau. Xin nói rõ ngay, thời điểm đó, mẹ đang ở đợ cho gia đình mụ Lý ở xóm Thanh Hà, cách xóm tôi một xóm. Gia đình ấy vốn giàu có, xuất thân từ làng Bàu Đôn (Triều Sơn Trung) - nơi mẹ từng lớn lên. Vì quen biết ít nhiều nên mẹ thường gọi mụ là “dì Lý”. Mụ Lý có người con trai tên là Để và một người cháu mà mẹ thường gọi là “cậu Chữ” (vì cậu nhỏ tuổi hơn mẹ). Những người này đều được ăn học đàng hoàng, giàu có và có chức phận cao trong Sở Giáo dục. Gian Truân chỉ là Thử Thách 21
  • 22. Mẹ được mụ Lý giới thiệu đi ở đợ cho ông Để (ông đang làm việc ở Sở Giáo dục và có người vợ dạy học). Nhà ông Để ở trong thành nội, gần Trường Hàm Nghi (tức Trường Quốc Tử Giám thời triều Nguyễn). Mẹ quyết định lên nhà ông Để ở đợ không lương với mục đích… nhờ ông gửi gắm cho tôi thi đậu. Ở nhà ông Để, mẹ được cho một chiếc giường tre đặt trong nhà bếp để ngủ. Cái giường nhỏ xíu, lần nào tôi ngồi lên nó cũng oằn xuống, kêu ót ét như thể sắp sập tới nơi. Vì mẹ bận luôn tay luôn chân nên tôi không có nhiều thời gian thủ thỉ với mẹ trong mỗi lần đến thăm. Gà chưa gáy sáng, mẹ đã thức dậy bắt đầu chuỗi công việc dài dằng dặc. Khi mẹ được ngơi tay thì trời đã tối mịt. Mỗi ngày của mẹ trôi qua đều giống nhau: vô vị, khắc khổ, mệt mỏi. Chứng đau lưng tiếp tục hành hạ mẹ, khiến mỗi bước chân, mỗi cử động trở nên khó khăn, nặng nề. Nhưng mỗi khi thấy tôi, mẹ luôn nở nụ cười như thể mẹ rất hạnh phúc với công việc ấy. Đó là bởi mẹ tin những việc mẹ đang làm sẽ giúp tôi được tiếp tục đi học. Chỉ cần tôi được đi học và học giỏi thì mọi khổ đau, khó khăn với mẹ chẳng là gì. Mẹ gầy gò, ốm yếu, hay bệnh thế mà phải làm cả những việc nặng nhọc mà ngay cả đàn ông đôi khi còn không chịu nổi. Quần quật từ sáng tới tối, đôi tay mẹ vốn đã chai sạn nay càng thô ráp hơn, mất cả dáng vẻ bàn tay phụ nữ. Những kẽ tay, kẽ chân nứt nẻ như minh chứng hùng hồn về sự đánh đổi cho tương lai của đứa con thơ. Mỗi lần nhìn mẹ, tôi xót xa lắm! 22 Gian Truân chỉ là Thử Thách
  • 23. Ở đợ tức là không chỉ làm những công việc nhất định mà còn phải làm cả những gì chủ sai bảo. Đôi lúc chúng vừa quá sức vừa tủi nhục nhưng vẫn phải cắn răng chịu đựng. Người đi ở đợ không có quyền ca thán, không được phản kháng, cũng không có tiếng nói, chỉ biết lầm lũi làm. Ngày đó, nghề ở đợ chỉ dành cho những người nghèo khổ nhất, cùng đường nhất chứ không phải là một nghề được nhiều người chọn và sống được như thời nay. Tuy vậy, một điều an ủi tôi là thời gian mẹ ở đợ cũng là lúc hai mẹ con được ăn uống ngon lành nhất. Chỉ là cơm thừa, cá cặn của chủ nhưng với tôi, như thế đã là ngon nhất! Trước đó, may mắn lắm, gia đình tôi mới có được một bữa ăn có chất một chút với vài con cá, con tép nhỏ xíu mẹ xúc được ngoài đồng. Gặp mùa khô hạn, cả nhà chỉ biết húp cháo. Ruộng đồng nhiều nhưng đa số dân làng nghèo khổ nên ai cũng thường ra đồng xúc tép, bắt cá để tiết kiệm tiền chợ, do đó mỗi lần đi xúc, mẹ “thu hoạch” được chẳng bao nhiêu. Rất ít người đi chợ mua cá hay thịt, ngay cả mua một bó rau, nhiều người còn đắn đo. Vậy nên mấy con tép bé xíu đã cứu vớt cho những bữa ăn khắc khổ có chút màu sắc đẹp đẽ và dinh dưỡng hơn. Thức ăn không bao nhiêu nên bữa ăn nào mẹ cũng gắp hết cho hai chị em tôi. Chị cũng đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng luôn nhường phần cho tôi. Tôi tuy nhỏ nhưng cũng hiểu được phần nào hoàn cảnh nên chẳng dám ăn. Cả nhà cứ gắp qua gắp lại cho nhau. Những lúc như vậy mẹ hay bảo: “Con trai phải ăn nhiều mới Gian Truân chỉ là Thử Thách 23
  • 24. có sức làm trụ cột cho hai người phụ nữ chứ!”. Nói xong, mẹ chan miếng nước kho tép vào chén mẹ rồi để phần tép lại cho tôi. Những ký ức này luôn khiến tôi ứa nước mắt mỗi khi nhớ về. Ăn uống thiếu thốn là vậy nên khi qua nhà ông Để, được ăn nào cá, nào thịt - những thứ là “sơn hào hải vị” đối với tôi - thì quả là niềm hạnh phúc quá lớn. Thật ra, thức ăn thừa không còn nhiều và dĩ nhiên không được thẩm mỹ lắm, nhưng lần nào mẹ cũng bảo tôi ráng ăn nhiều để có sức học hành, thi cử. Tôi cũng chẳng để ý, chẳng chê bai điều gì vì với một đứa trẻ nghèo khổ, được ăn như thế đã là tốt lắm. Vì hôm nào tôi cũng phải chờ mòn mỏi đến khi ông bà Để ăn xong, dọn dẹp xong, thì mới được xúc ít cơm cá để ăn nên tôi luôn ăn rất ngon lành, giống như sắp chết đói vậy. Có những lúc vợ chồng ông đi chơi về trễ, tôi ngủ gục lúc nào không hay, đến khi thức dậy, bụng sôi ùng ục mà vẫn không thấy bóng dáng chủ đâu. Những món ăn ngon lành trước mắt chẳng khác gì mỡ trước miệng mèo. Tôi thèm kinh khủng mà không thể ăn. Cái bụng đang bảo, cái mắt đang thấy, cái tay đang muốn với tới thức ăn nhưng cái đầu tôi không cho phép. Cảm giác đó nó thê thảm không tả được. Đến tối mịt, khi ông bà về thì tôi đã lăn ra ngủ lúc nào không hay, thức ăn đã lạnh tanh còn ông bà Để thì đã ăn bên ngoài! Mẹ lay tôi dậy, thế là tôi có một bữa ăn cực kỳ hoành tráng và tưởng bể bụng đến nơi. Tôi chưa bao giờ được ăn nhiều và thả sức như vậy. Đó là những bữa ăn no nê, ngon lành hiếm hoi của tôi. 24 Gian Truân chỉ là Thử Thách
  • 25. Bận rộn với hàng tá công việc lớn nhỏ ở nhà ông Để nhưng ngày nào mẹ cũng cố gắng lo cho tôi ăn ngủ đàng hoàng để có sức khỏe và tinh thần cho kỳ thi. Đêm nào mẹ cũng dặn tôi rằng: “Mình nghèo hơn người ta, chỉ còn biết cố gắng học hành cho thật tốt để sau này không phải khổ nữa”. Mẹ luôn nhấn mạnh: “Chỉ có học là con đường duy nhất của con. Con không phải lo bất cứ điều gì, chỉ cần cố gắng học giỏi là được”. Tôi luôn khắc cốt ghi tâm câu nói đó. Chỉ vài từ ngắn gọn nhưng chứa đựng tình thương con vô bờ bến của một người mẹ thất học, nghèo khổ, bệnh tật. Thấu hiểu tấm lòng mẹ và giá trị của sự học, đến bây giờ, tôi luôn hướng giới trẻ đến việc học tập. Dù nghèo hay giàu, học là con đường duy nhất để hoàn thiện bản thân, để góp phần xây dựng đất nước. Với tâm nguyện đó, tôi luôn ủng hộ những tổ chức, cá nhân quan tâm đến vấn đề giáo dục cho trẻ em, nhất là trẻ em thiếu may mắn. *** Thời gian dần trôi, ngày thi quan trọng cũng đến. Tôi đăng ký thi đệ thất vào Trường trung học Hàm Nghi, phòng thi đặt tại Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm. Tôi lo lắng một, mẹ lo gấp trăm ngàn lần. Nỗi lo hiển hiện hết trên gương mặt khắc khổ của mẹ dù mẹ cố giấu thế nào. Sáng hôm đó, mẹ dậy sớm hơn thường ngày, làm hết việc nhà ông Để rồi bồn chồn dẫn tôi đi thi. Mẹ Gian Truân chỉ là Thử Thách 25
  • 26. chuẩn bị cho tôi một gói xôi, một chai nước nhỏ và căn dặn tôi những điều quen thuộc mà bậc cha mẹ nào cũng dặn con trước buổi thi: nhớ làm bài cẩn thận, nhớ canh chừng thời gian, nhớ viết rõ ràng... Những lời dặn dò quen thuộc và bình thường ấy khi được phát ra từ những người mình yêu thương nhất lại có sức mạnh thật to lớn. Đến trước cổng trường thi, mẹ ôm lấy tôi, đặt một nụ hôn lên trán tôi, nhắn nhủ lần cuối: “Ráng nghe con!”. Tôi vòng tay ôm chặt mẹ rồi nói lời chào tạm biệt. Tôi quay lưng nhưng không cất bước được bởi bàn tay mẹ vẫn siết chặt lấy tay tôi. Tôi cảm nhận được sức nóng hừng hực, cái run rẩy và những giọt mồ hôi lạnh từ tay mẹ truyền sang. Tất cả hồi hộp, lo lắng của mẹ trong thời gian qua dường như cô đặc lại trong cái siết tay thật chặt ấy. Tôi hiểu mình là niềm hy vọng, là hạnh phúc lớn nhất của đời mẹ. Tôi không được phép thất bại. Tôi nhìn mẹ, mỉm cười rồi bước vào trường với miên man cảm xúc. Kỳ thi gồm có ba bài kiểm tra: luận văn, toán, khoa học thường thức. Trong đó, luận văn và toán là hai bài thi chính. Buổi sáng thi môn luận văn, tôi làm bài với tâm trạng phấn khởi, những gì đã học được trí nhớ tôi xâu chuỗi chính xác và áp dụng vào bài làm. Tôi chỉ mất 2/3 thời gian để hoàn thành bài thi. Giờ nghỉ trưa, tôi lấy gói xôi mẹ cho lúc sáng ra ăn, lòng lẫn lộn niềm vui, sự hồi hộp lẫn nỗi tủi thân. Vui vì làm tốt bài thi luận văn, hồi hộp vì còn hai bài 26 Gian Truân chỉ là Thử Thách
  • 27. thi vào buổi chiều và hơn hết là tủi vì không có mẹ ở đây. Tôi chợt nhìn sang những người xung quanh và bắt đầu chìm vào những luồng suy nghĩ khác. Tôi nhận ra cuộc sống là sự đan xen các mảng màu tối - sáng, các thái cực khác nhau. Có thí sinh quần là áo lụa, cũng có người giống tôi - mặc áo rách lỗ chỗ như không thể rách thêm. Có người chỉ có gói xôi nhỏ xíu mà nhâm nhi mãi vì sợ… nhanh hết, lại có người ăn không hết phải vứt bỏ. Có người cha mẹ đứng trông ngóng, có người không một người thân ở bên. Mọi thứ xung quanh muôn màu, muôn vẻ, nhiều sắc thái, tâm trạng. Khi quan sát như thế, cảm giác buồn tủi, hồi hộp, lo sợ trong tôi bỗng tan biến. Những mảng màu tối - sáng luôn hiện hữu cạnh ta, nhưng đôi khi tối hay sáng là do góc nhìn, suy nghĩ, thái độ của mỗi người. Và trong chính những mảng màu đó, mình có thể pha trộn những màu sắc khác. Tôi có một người mẹ nghèo, ốm yếu, đang vừa quần quật làm việc cho nhà chủ, vừa bồn chồn lo lắng cho kỳ thi của con. Tình yêu lớn lao của mẹ đủ khiến mảng màu tưởng như tối trong cuộc đời tôi chuyển sang sắc màu tươi sáng hơn. Tôi cũng sẽ xoay chuyển màu sắc cuộc đời tôi, mẹ tôi bằng những cố gắng của ngày hôm nay. Nghĩ một hồi, tôi thấy lòng bình yên lạ thường. Giờ thi buổi chiều đã đến, toán là môn quan trọng nhất, tôi bước vào phòng thi với tâm trạng thoải mái, tự tin. Nhờ vậy, tôi hoàn thành bài thi trước giờ quy định không mấy khó khăn trong khi những thí sinh khác còn đang cắn bút, loay hoay với những con số, câu hỏi. Rời Gian Truân chỉ là Thử Thách 27
  • 28. phòng thi, tôi đã thấy bóng dáng hao gầy của mẹ ẩn hiện xa xa ngoài cổng trường. Tôi lao thật nhanh rồi vấp té ngay trước cổng. Mẹ hoảng hồn chạy đến kéo tôi dậy. Tay chân tôi rướm máu nhưng trái tim tôi như đang được tiếp thêm hàng ngàn lít máu. Mẹ luôn là mảng màu sáng nhất đời tôi! *** Đúng một tuần sau, vào một buổi chiều, hai mẹ con tôi đang quét dọn ngoài vườn thì ông Để bước tới, nói: “Thằng Trung đậu rồi! Là nhờ tôi gửi gắm đó!”. Câu nói ấy đến tận bây giờ vẫn chưa khi nào rời khỏi trí nhớ tôi. Chính xác là câu đó! Mẹ nghe xong đứng lặng im như không tin vào tai mình. Mắt mẹ đỏ hoe, từ khóe mắt nhăn nheo những giọt nước mắt tuôn rơi. Trước đây mẹ chỉ khóc vì buồn tủi còn ngay giây phút này, đó là những giọt nước mắt hạnh phúc. Ước mơ của mẹ đã thành hiện thực! Con mẹ sẽ lại được đến trường, được đi về phía tương lai tươi sáng. Những tháng ngày khổ cực bỗng dưng tan biến trong tâm trí mẹ. Cái lưng gù đau buốt, đôi tay chai sạn hay những nếp nhăn trên gương mặt mẹ chẳng có nghĩa lý gì. Thời gian qua mẹ đã chịu đựng quá nhiều. Mẹ như được hồi sinh trong giây phút hạnh phúc ấy. Ngay sau hôm ông Để báo tin, tôi đến Trường trung học Hàm Nghi để dò danh sách thí sinh trúng tuyển. Dù đã được báo trước kết quả nhưng nỗi hồi hộp vẫn thổn thức trong lồng ngực và hiển hiện cả trên gương mặt tôi. Kết quả đúng là tôi trúng cử! Tôi nhớ 28 Gian Truân chỉ là Thử Thách
  • 29. rõ đã làm bài tốt nhưng vẫn không tin được là mình đã đậu. Một điều ngạc nhiên nữa là tôi được chuyển qua học ở Trường Quốc Học ở phía bên kia sông Hương. Đó là trường nổi tiếng nhất Việt Nam, chỉ tuyển những học sinh xuất sắc và chỉ nhận học sinh đệ nhị cấp (tức lớp Đệ Tam, Đệ Nhị và Đệ Nhất, tương đương lớp 10, 11, 12 ngày nay). Tôi đem câu hỏi này đi hỏi nhiều người nhưng không ai biết. Khi tôi hỏi ông Để, ông chỉ nói một câu: “Không biết!” với thái độ lấp lửng. Tôi rất lo lắng vì Trường Quốc Học xa hơn Trường trung học Hàm Nghi, liệu đôi chân nhỏ bé của tôi có đi bộ nổi đến trường mỗi ngày không? Nhiều nỗi lo khác ùa đến choáng lấy tâm trí tôi, khiến tôi rùng mình: trường mới, bạn mới, cấp mới, thầy cô mới…Rồi tôi chợt nhìn xung quanh và thấy rất nhiều bạn bè mặt mày thất thểu, có đứa khóc thét lên, có đứa bị cha mẹ đánh đòn vì không thi đậu. Hoàn hồn lại, tôi nhận ra mình vẫn còn được đi học. Ánh sáng đã mở ra cho cuộc đời của tôi, gia đình tôi. Mong ước, khát vọng của mẹ con tôi nay đã thành sự thật. Niềm hạnh phúc lớn nhất của những đứa trẻ nghèo là tiếp tục được đi học, tiếp tục được viết tiếp ước mơ đổi đời. Mọi thứ không hoàn toàn giống như giấc mơ của tôi, nhưng con đường phía trước đang dần hé mở những ánh sáng muôn màu hơn. Viễn cảnh ấy khác hoàn toàn với những đứa bạn của tôi. Các bạn cũng nghèo khổ, đói rách nhưng không may mắn đậu kỳ thi Gian Truân chỉ là Thử Thách 29
  • 30. đệ thất, thế là cuộc đời bước sang trang mới - mờ mịt hơn, vất vả hơn. Công việc chăn trâu, làm đồng không còn là để phụ giúp cha mẹ nữa mà sẽ trở thành công việc chính. Có đứa đi học nghề làm mộc, hớt tóc rồi bắt đầu bươn chải vào đời khi hãy còn quá nhỏ. Đó là con đường duy nhất của những học sinh nghèo thi rớt. Rồi thì cái điệp khúc nghèo - nghèo - nghèo sẽ bám riết lấy họ đến suốt đời, không cách nào thoát ra được. Quả thật thực tế buồn ấy kéo dài đến tận bây giờ. Mỗi khi có dịp về quê cúng Tổ, tôi vẫn gặp lại những người bạn đó với hoàn cảnh không hề đổi thay. *** Trong những năm học ở Trường Quốc Học, tôi dần trưởng thành và bắt đầu làm sáng tỏ được những điều từng thắc mắc xung quanh việc tôi được vào học ngôi trường danh tiếng này. Thời đó, Trường Quốc Học chỉ nhận những học sinh đệ nhị từ Trường Hàm Nghi và Trường Nguyễn Tri Phương ở Huế; Trường Nguyễn Hoàng ở Quảng Trị. Qua những lần trò chuyện với thầy cô và bạn bè, tôi biết được vào năm tôi thi đệ thất thì Bộ Giáo dục quyết định cho Trường Quốc Học thành lập thêm đệ nhất cấp, tức là từ lớp đệ thất đến lớp đệ tứ (lớp 6 tới lớp 9 ngày nay). Do đó, Sở Giáo dục quyết định chọn những thí sinh trúng cử cao nhất của Trường Hàm Nghi và Trường Nguyễn Tri Phương để thành lập bốn lớp đệ thất. Đây là khóa đầu tiên của hệ đệ nhất cấp tại Trường Quốc Học. 30 Gian Truân chỉ là Thử Thách
  • 31. Khi biết được điều này, tôi vô cùng tự hào khi là học sinh của ngôi trường giàu truyền thống và nổi tiếng nhất Việt Nam. Nhưng đó cũng là lúc tôi bắt đầu lờ mờ vén được bức màn bao nhiêu năm vẫn che phủ cuộc đời mẹ và chi phối cuộc đời tôi. Ngày xưa, mẹ chỉ gửi tôi thi vào Trường Hàm Nghi, chẳng có lý do gì mẹ gửi tôi vào học một trường danh giá và khó vào như Trường Quốc Học. Vậy tại sao tôi đường đường chính chính được thông báo vào trường này? Nhớ lại sự phấn khởi khi làm tốt các bài thi, tôi bắt đầu hiểu ra rằng, tôi thi đậu đệ thất và vào được Trường Quốc Học là do sự cố gắng của bản thân chứ chẳng hề có sự sắp xếp hay giúp đỡ nào. Tôi biết mình không phải học sinh xuất sắc toàn diện, không phải là người luôn đứng đầu, nhưng chắc chắn tôi học khá giỏi. Trong lúc nhiều bạn bè dùng tất cả thời gian rảnh rỗi để mải mê vui chơi, tôi lại thường vùi đầu vào sách vở. Tôi thích học, thích đọc, thích nghiên cứu các bài tập, vì vậy kiến thức vào đầu tôi rất nhanh. Còn một điều chắc chắn nữa: tôi phải xuất sắc trong kỳ thi đệ thất thì mới được tuyển vào Trường Quốc Học. Từ những suy nghĩ đó, tôi mang những thắc mắc của mình đi hỏi thầy cô, bạn bè hay những người làm việc trong trường. Sau một thời gian, tôi lần tìm lại được danh sách thí sinh trúng cử trong kỳ thi đệ thất năm ấy. Khi cầm danh sách trúng cử trong tay, tôi thấy tên mình đứng thứ 22 trong tổng số 360 thí sinh trúng Gian Truân chỉ là Thử Thách 31
  • 32. tuyển, có 120 thí sinh được tuyển vào Trường Quốc Học. Tờ danh sách trúng tuyển rơi khỏi tay tôi từ lúc nào không biết. Một đứa trẻ đang lớn đủ hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nhiều câu hỏi xoáy quanh đầu tôi: “Ông Để gửi gắm giúp tôi ư?”, “Nếu ông Để gửi gắm thì chắc chắn tôi phải đậu áp chót, đậu thứ 359 hoặc đậu vớt chứ sao lại nằm trong những người điểm cao như vậy?”, “Nếu thật sự được gửi gắm thì tôi đã học Trường Hàm Nghi, lý nào lại vào được Trường Quốc Học?”... Chỉ có đáp án duy nhất cho tất cả câu hỏi ấy! Câu nói của ông Để vào buổi chiều nào lại vang vang trong đầu tôi: “Thằng Trung đậu rồi! Là nhờ tôi gửi gắm đó!”. Câu nói đó giờ đây giống như gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt tôi. Ngẫm lại thật nực cười. Tôi cười mà nước mắt cứ ứa ra. Cả khi đã trở thành một người đàn ông trưởng thành thật sự, tôi vẫn rơi nước mắt mỗi khi nghĩ về những ngày tháng mẹ đi ở đợ cho nhà ông Để. Hồi ức ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Tôi làm sao quên được bóng dáng mẹ tảo tần thức khuya dậy sớm làm công không lương. Những giọt mồ hôi mẹ tôi rơi, làn da mẹ tôi héo hắt, nhăn nheo, cơ thể hao gầy… Ai trả lại cho mẹ những thứ đã đánh đổi phi lý đó? Cuối cùng, ở tuổi đang lớn, tôi đã hiểu được cái mà người ta hay bảo là sự cay đắng của cuộc đời. Nó cay nghiệt hơn cả những gì tôi có thể tưởng tượng. Nó đắng hơn những vị thuốc mà mẹ thường sắc cho tôi 32 Gian Truân chỉ là Thử Thách
  • 33. mỗi khi ốm đau. Mẹ sẵn sàng làm tất cả mọi thứ vì con, còn người ta lợi dụng quyết tâm ấy để bòn rút sức lao động của mẹ. Tôi nhận ra cuộc đời không chỉ là những bài học tươi đẹp được viết trong sách vở. Cuộc sống không phải bức tường màu hồng do ta tự tô vẽ mà đôi lúc trở nên xám xịt khi những bức màn bí mật bất chợt bị vén lên. Tôi phải tập cách sống, tập cách nhìn nhận, suy xét để để có thể bảo vệ những người tôi thương yêu, để không bị ai lường gạt, bóc lột như mẹ. Tôi không biết có nên cho mẹ biết sự thật cay đắng này không. Cuối cùng, tôi quyết định giữ kín bởi dù sao mọi chuyện đã qua. Nếu mẹ biết, chắc chỉ khổ sở thêm. Thực tế là tôi đang đi học. Cứ để mẹ nghĩ rằng những ngày tháng khó khăn, vất vả ở đợ không công cho người ta, sống tằn tiện, thậm chí không có gì để mà tằn tiện, đã được đền đáp bằng việc thấy tôi ngày ngày chăm chỉ đến trường và học hành ngoan ngoãn. Im lặng với mẹ không có nghĩa là tôi dễ dàng quên, bỏ qua và tha thứ cho ông Để. Đã nhiều lần tôi cố tìm một chi tiết hay bất cứ điều gì, dù là nhỏ nhất để chứng minh ông Để từng tác động đến con đường học vấn của tôi, cố tìm một lý do để tha thứ và thông cảm cho ông. Nhưng tất cả vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Đó là đáp án chính xác nhất cho bài toán tôi phải mất nhiều năm mới giải ra. Sau này, khi trưởng thành hơn, đầu óc mở mang hơn, tôi càng có thêm nhiều cơ sở để chắc chắn cho câu Gian Truân chỉ là Thử Thách 33
  • 34. trả lời đó. Câu chuyện nầy cũng khiến tôi bắt đầu nhìn giới nhà giàu với cái nhìn khác. Tôi không thể khoanh tay cúi chào ông Để như trước đây, không thể nhìn ông bằng một sự thán phục đối với một người học cao, có chức phận trong xã hội. Đơn giản vì ông ta không đáng để tôi tôn trọng. Tôi không thể chịu được khi nhìn thấy những kẻ giàu có, quyền lực ức hiếp những người nghèo khổ đang trong cơn bĩ cực. Thà họ thể hiện điều đó ra mặt thì vẫn còn dễ chịu hơn việc mang bộ mặt đạo đức giả, màu mè, hình thức để tô vẽ bản thân nhưng bên trong lại bòn rút, bóc lột người khác thậm tệ. Tôi ghét những kẻ đạo đức giả và vô lương tâm. Nhiều lần tôi tự hỏi, ai sinh ra cũng có trái tim, mỗi trái tim đều biết đập để sống, vậy sao có những trái tim chẳng đập như một con người bình thường mà lại đập những nhịp nhẫn tâm, tàn bạo trong lớp vỏ bọc nhân văn? Vì thất học, vì không một tấc đất, những người nghèo rốt cuộc sẽ không thể thoát khỏi kiếp nghèo. Họ sẽ bị những kẻ vô lương tâm lợi dụng, bị đẩy vào vòng luẩn quẩn: nghèo - thất học - bị lợi dụng - tiếp tục nghèo! Một dịp cách đây gần 40 năm, khi đã ở tuổi trưởng thành, tôi tình cờ thoáng thấy vợ chồng ông Để giữa Sài Gòn tấp nập. Lúc đầu, tôi hơi ngỡ ngàng, sau đó bao hồi ức hiện về, nỗi oán giận sôi lên trong lồng ngực tôi. Một ý nghĩ đen tối lóe lên trong tôi: tông xe vào họ để trả thù! Nhưng cuối cùng tôi không làm được việc ấy vì lương tâm không cho phép. Ở đời mình nên dùng cái tâm, dùng lòng vị tha để đối đãi, lòng hận 34 Gian Truân chỉ là Thử Thách
  • 35. thù có thể giết chết ta. Quan trọng nhất vẫn là sống cho hiện tại, quá khứ chỉ để hồi tưởng. Ở góc nhìn khác, tôi nghĩ cần phải cảm ơn vợ chồng ông Để vì đã cho tôi bài học đầu đời đắt giá, giúp tôi nhận thức được nhiều điều. Đó cũng là tiền đề cho hiện tại của tôi. 4. Thú đồng quê Không ai có thể quyết định nơi được sinh ra hay hoàn cảnh nào sẽ nuôi dưỡng mình. Sinh ra trong hoàn cảnh éo le, lớn lên trong thiếu ăn, đói khổ, nhưng hơn hết, tôi thấy mình may mắn. Tuổi thơ khó khăn nơi làng quê Việt Nam nghèo khổ đã dưỡng nuôi, bồi đắp trong tôi những kiến thức, kinh nghiệm, những bài học vô giá về cuộc đời. Đó cũng chính là cơ sở và hành trang chắp cánh cho tôi trong mỗi thời điểm, mỗi giai đoạn sau đó. Những thứ đó không phải ai cũng có, nhất là những người ở thành phố hoặc thuộc thành phần khá giả. Nhiều người có thể nói, có thể kể về những gì được nhìn thấy thoáng qua hay đọc được ở đâu đó về làng quê Việt Nam, nhưng những trải nghiệm thật sự thì không dễ có. Có những thứ người ta chỉ nhìn lướt qua, không kịp hiểu tận tường cốt lõi. Có những thứ tưởng như dễ dàng nhưng khi đụng vào hóa ra lại vô cùng khó khăn. Có những thứ tưởng như quen thuộc nhưng lại chứa đựng bao điều kỳ diệu. Tôi may mắn được trải nghiệm những thứ như vậy. Gian Truân chỉ là Thử Thách 35
  • 36. Như bao đứa trẻ khác ở vùng quê, tôi sớm biết giúp đỡ gia đình việc đồng áng. Các công việc ấy hoàn toàn không nhẹ nhàng với những đứa trẻ nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác. Những tháng ngày làm việc vã mồ hôi trên đồng đối với đám trẻ con nhà quê cũng không hẳn là thiệt thòi hoàn toàn bởi chính điều ấy tạo nên tuổi thơ sinh động, khắc sâu vào tâm trí mỗi đứa trẻ. Với tôi, đó là những mùa nước lớn cưỡi trâu, những mùa khô hạn đi bắt ong, bắn chim hay những thú tiêu khiển khác như ăn cắp trái cây, đá banh. Những ký ức sinh động đó thật khó để tìm lại vì cuộc sống bây giờ đã đổi thay rất nhiều. Ngày nay, vẫn còn nhiều trẻ em khó khăn ở các vùng quê nhưng cuộc sống các em có thể đang xoay theo những vòng quay khác. Còn tôi thì mãi mãi không thể quay về tuổi thơ đẹp đẽ ấy. Người ta bảo tuổi già thường gắn với những tiếc nuối. Dù đã đi qua con dốc bên kia cuộc đời nhưng tôi chưa bao giờ nuối tiếc tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm bên đồng ruộng, những bầy trâu, những công việc thôn quê dân dã và trò nghịch ngợm. Nghĩ về quãng thời gian ngắn ngủi nghèo khó đầy thơ mộng ấy, chỉ có niềm hạnh phúc đọng lại trong tôi. Và tôi cũng hiểu, đó có thể là điều nhiều người mơ ước được trải nghiệm. Cái nghèo đối với tôi không phải là đường cùng, cũng không phải vì nghèo mà mình không được phép sống vui vẻ. Bởi vậy tôi luôn lạc quan với cuộc sống tuy đói rách về vật chất nhưng rất phong phú về tinh thần. Tôi chưa hề bỏ qua bất cứ trò vui nào của trẻ thơ 36 Gian Truân chỉ là Thử Thách
  • 37. để thay vào đó thời gian than vãn với ông trời về số phận. Những vướng bận của hiện tại gian khổ không thể ngăn tôi tận hưởng cuộc sống, vui cười và hy vọng vào tương lai. * Chăn trâu đâu chỉ có khổ Tôi lớn lên giữa mênh mông ruộng đồng, sông nước. Tuổi thơ tôi được đồng ruộng ôm ấp cùng những con nước hay những ngày nắng chói chang đến đỏ da. Từ nhỏ, tôi đã ý thức được mình rất nghèo và phải biết đỡ đần mẹ. Lên 4 tuổi, tôi bắt đầu làm việc để san sẻ gánh nặng với mẹ. Công việc đầu tiên trong đời tôi là chăn trâu. Ngày đó, mẹ con tôi ở trong túp lều nhỏ dựng trên khoảng đất không rộng mấy của nhà bà nội. Các cô chú bên nội ở ngay cạnh bên. Đều nghèo cả nên ai cũng phải lam lũ làm việc đầu tắt mặt tối. Ít ra, các cô chú còn có vài thửa ruộng để có cái mà phụ thuộc. Khi được mùa, họ có cái ăn, thậm chí có lúc còn dư dả đôi chút, lúc trái mùa thì tìm việc lặt vặt để sống qua ngày. Trong khi đó, mẹ con tôi không có ruộng vườn để cày cuốc nên chẳng có thứ gì để bấu víu, tìm được việc gì để làm đã là may lắm. Nắng hay mưa, khô hạn hay lụt lội, mẹ con tôi vẫn đói, chỉ khác là đói ít hay nhiều. Ý thức được sự nghèo khổ của mình, tôi chưa bao giờ dám kêu đói với mẹ mỗi khi bụng rỗng tuếch, kêu ọt ẹt thảm hại. Tôi cũng chưa bao giờ dám than Gian Truân chỉ là Thử Thách 37
  • 38. mệt mỏi hay cực khổ khi phải làm bất cứ việc lớn, việc nhỏ nào. Chỉ cần nhìn thấy đôi vai gầy rộc của mẹ ngày càng gù xuống, những lo toan hiển hiện hết trên gương mặt, làn da mẹ vốn thô ráp nay càng đen thui với quá nhiều vết nám hay việc chị hai phải sớm nghỉ học để nhường cho tôi được đến trường - là tôi thấy lòng quặn thắt. Khi thấy cái nghèo khổ hằn rõ lên cơ thể của những người phụ nữ thân yêu, tôi thấy mình càng nhỏ nhoi hơn và tự xác định rằng mình phải cố gắng để không làm mẹ khổ hơn. Trong gia đình bên nội, tôi là cháu trai lớn nhất nên thường được các chú nhờ chăn trâu giúp. “Tiền công” của tôi chỉ là những bữa ăn trưa hoặc ăn tối. Tuy những bữa ăn ấy cũng đạm bạc (vì các chú chẳng khá giả gì) nhưng nhờ đó mà mẹ đỡ phải lo cho tôi vài bữa ăn. Chỉ bấy nhiêu đó thôi nhưng tôi rất tự hào vì vừa tự kiếm được bữa cơm cho bản thân, vừa giúp đỡ được các chú phần nào việc đồng áng khi các em họ còn quá nhỏ. Công việc thường ngày của tôi là dẫn trâu ra đồng ăn cỏ. Tùy theo mùa mà tôi dắt trâu đi sớm hay muộn. Mỗi sáng, tôi thường phải dậy trước cả khi gà gáy. Với một đứa trẻ 4 tuổi thì dậy sớm là cả một cực hình. Thời gian đầu rất khó khăn, tôi nhờ mẹ đánh thức nhưng lần nào cũng không dậy nổi. Một ngày, hai ngày, ba ngày, rồi một tuần, không biết từ bao giờ, như một thói quen, tôi luôn tự bật dậy trước khi mặt trời ló dạng. Có thể vì hiểu gia cảnh nên tôi chấp nhận và 38 Gian Truân chỉ là Thử Thách
  • 39. thích ứng được với những điều tưởng chừng thật khó khăn như vậy. Khoảng thời gian cơ cực đó đã tập cho tôi thói quen dậy sớm và duy trì điều ấy mãi đến bây giờ. Dậy sớm đón bình minh, tận hưởng không khí trong lành, tươi mới giúp tôi có tinh thần thoải mái. Đó cũng là khoảng thời gian giúp tôi nhìn lại bản thân, gạt bỏ những lo âu, muộn phiền nếu có và nạp năng lượng cho ngày mới nhiệt huyết hơn. Quay lại với công việc chăn trâu hồi nhỏ, vào những mùa phải dậy sớm hơn, tôi thường hay bị cóng, tay chân run cầm cập. Buổi sáng giá rét khiến chiếc áo mỏng manh của tôi càng teo tóp lại. Cái lạnh đó đôi khi sắp đánh gục tôi. Những hôm lạnh quá, tôi chỉ muốn rúc mình trong tấm bao bố mà mẹ con tôi thường dùng làm mền. Tôi không thể nhấc người ra khỏi nó. Nhưng cuối cùng, dẫu không muốn, tôi cũng phải ngồi dậy, dắt trâu đi ăn bởi nếu tôi không làm, lũ trâu sẽ đói. Cái lạnh cắt da khiến những buổi chăn trâu trở nên đơn độc, buồn tủi hơn. Dù sớm hiểu hoàn cảnh nhưng tôi vẫn chỉ là đứa trẻ bình thường, không khỏi có những cảm xúc ngây thơ, tủi thân. Có lúc tôi đã bật khóc nhưng rồi tôi biết nước mắt chỉ là để giải tỏa những nỗi buồn trong lòng chứ không thể giải quyết được mọi chuyện, không thể thay tôi làm việc, không thể ăn giùm tôi, không thể giải thoát gia đình tôi khỏi cái nghèo. Lúc này, những chú trâu như người bạn thân thiết, tôi thường ôm và ve vuốt chúng để tìm chút ấm Gian Truân chỉ là Thử Thách 39
  • 40. áp. Mấy con trâu dường như cũng hiểu được cảm giác của tôi nên đuôi vẫy vẫy như thể hiện sự đồng cảm, khiến tôi phần nào thấy được an ủi. Ít ra tôi vẫn còn những người bạn bốn chân đáng yêu bên cạnh. Những mùa không phải dắt trâu đi sớm, tôi có thể ngủ lâu hơn, không bị cái lạnh hành hạ, nhưng lại kéo theo hệ lụy là đến trường muộn, bị giam ngoài cổng, năn nỉ mãi mới được cho vào. Vào lớp với bộ quần áo lôi thôi lếch thếch, tôi bị thầy cô la rầy một trận và trở thành trò hề cho bạn học. Hôm nào trời mưa, tôi không dắt trâu ra đồng nhưng phải đội mưa đi cắt cỏ đem về cho trâu ăn. Mưa nhỏ thì không nói gì, còn mưa lớn thì không thấy đường đi, đường sá trơn trượt. Trong màn mưa, tôi thấy con người thật nhỏ bé trước thiên nhiên và cũng nhận ra rằng con người phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Dù cuộc sống tiến bộ và phát triển đến đâu, con người cũng không thể điều khiển được thiên nhiên mà chỉ có thể học cách thích nghi. Tương tự, con người không có quyền lựa chọn nơi được sinh ra nhưng có thể thích nghi và phát triển từ nền tảng đó. Dẫu không ít vất vả nhưng tôi phải công nhận rằng chăn trâu là một thú đồng quê tuyệt vời, là một trong những ký ức đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Chắc nhiều bạn đọc từng ít nhất một lần nhìn thấy hình ảnh cậu bé mái tóc ba vá ngồi trên lưng trâu thổi sáo. Cậu bé ấy có chút chững chạc khi ngồi vững vàng trên lưng trâu (đây là một độc chiêu, tôi phải luyện tập một 40 Gian Truân chỉ là Thử Thách
  • 41. thời gian mới ngồi được như thế) nhưng thần thái cũng rất hồn nhiên, tinh nghịch. Hình ảnh đáng yêu ấy có thể khiến nhiều người thèm muốn. Tôi cũng từng là cậu bé hạnh phúc và khiến người ta thèm muốn như vậy. Cảm giác ngồi trên lưng trâu tuyệt vời lắm, như thể bạn đang cưỡi cả thế giới trên lưng, tiếng sáo như thể với tận trời cao. Khi lắc lư trên lưng trâu, tôi thấy cứ như thể cuộc sống dừng lại, lắng đọng, chỉ còn mình tôi và đất trời mênh mông. Trong những giây phút đó, sự nghèo khổ, đói rách đều tan biến, chỉ còn lại tình yêu bền chặt với đồng ruộng, với bầy trâu, với từng thớ đất. Cuộc sống bình yên và Tắm trâu - Ảnh: Trương Văn Hùng Gian Truân chỉ là Thử Thách 41
  • 42. tươi đẹp như vậy đó. Đừng bảo nghèo khổ là cái tội, quan trọng là trong nghèo khổ, ta biết tận hưởng, nâng niu và gìn giữ những giá trị đẹp nhất. Chính những điều đó sẽ giúp chúng ta cân bằng và có thêm niềm tin vào cuộc đời, có động lực phấn đấu cho một tương lai tươi đẹp hơn, và khi nhìn lại chặng đường đã qua, ta có cái để tự hào. Nhiều người vẫn nghĩ chăn trâu tức là cho trâu đi ăn cỏ và ngồi một chỗ trông nó. Thật ra không đơn giản vậy. Ngoài việc hiển nhiên là cho trâu ăn cỏ thì người chăn phải kiêm cả tắm trâu, dẫn trâu đi đạp lúa. Mỗi trưa hè oi bức hay buổi chiều, tôi phải dẫn trâu xuống sông để tắm. Tôi phải cọ xát thân trâu như tắm cho những em bé vậy, chỉ khác là da trâu không mềm mại như da em bé, thân trâu cũng không thơm thơm mùi sữa! Còn nữa, trâu to gấp mấy lần tôi nên tôi phải dùng rất nhiều sức và mất nhiều thời gian mới tắm xong đàng hoàng cho trâu. Cảm giác được bơi lội cùng trâu khoan khoái vô cùng. Tôi thường cùng mấy đứa trẻ chăn trâu khác thi chà xát cho trâu và đua cưỡi trâu. Vậy nên những lần tắm trâu trở thành trận thủy chiến: mỗi đứa ngồi trên lưng trâu, vừa chà vừa làm động tác như vị anh hùng đang cưỡi rồng đánh giặc. Chưa đuổi được quân địch thì mấy anh hùng đã lấm lem bùn đất, nhiều khi còn rớt mất tiêu khỏi lưng trâu! Tắm cho lũ trâu xong, đứa nào cũng ướt như chuột lột nhưng đều phấn khích ra mặt. 42 Gian Truân chỉ là Thử Thách
  • 43. Ngoài tắm trâu, tôi còn dẫn trâu đi đạp lúa. Công việc vất vả này chỉ tồn tại trong những thập niên 1950, 1960. Thời nay không ai dùng trâu đạp lúa nữa vì đã có máy tuốt lúa, còn thời đó mọi người làm gì biết tới máy tuốt lúa, và nếu có thì cũng không đủ tiền mua. Với tôi, công việc này cũng là niềm vui. Lúa sau khi gặt xong được người nông dân gánh về, chất thành vòng tròn trên cái cươi nhà (tức cái sân). Trâu được dẫn đi vòng quanh trên đống lúa đó. Sức nặng cơ thể và bước đi chậm chạp của trâu sẽ tạo ra lực tách hạt lúa khỏi thân lúa. Thông thường phải mất khoảng 6 tiếng trâu mới hoàn thành công việc này. Sau đó, người nông dân sẽ xới đống lúa lên để lấy hạt lúa. Phần thân lúa bị tách ra gọi là rơm (hay còn gọi rạ) sẽ được tận dụng vào những việc khác mà tôi sẽ đề cập sau. Có một trải nghiệm thú vị trong giai đoạn đạp lúa này mà tôi muốn chia sẻ với quý bạn đọc. Trong quá trình dẫn trâu đi vòng vòng 6 tiếng, người dẫn trâu khi có nhu cầu tiểu tiện hay đại tiện thì sẽ nhờ người khác thay thế một lúc. Còn khi trâu có nhu cầu tương tự thì phải giải quyết ra sao? Có thể cho trâu tiểu tự nhiên trên đống lúa, nhưng đại tiện lại là vấn đề khác vì có thể nó sẽ làm hư hết lúa, khiến nông dân thua lỗ. Đây cũng là lúc người chăn trâu thể hiện khả năng và kinh nghiệm. Khi trâu muốn đại tiện thì đuôi nó thường vẫy lên. Người dẫn trâu phải nhanh chân đi lấy đồ hứng phân và đi theo sau trâu để hứng cho đến khi nó chấm dứt. Bởi vậy người chăn trâu phải chăm chú canh Gian Truân chỉ là Thử Thách 43
  • 44. chừng từng cử chỉ của trâu để kịp thời phát hiện và xử lý tình huống này. Phân trâu ướt, dẻo, không hôi, có thể dùng cho rất nhiều việc, nhưng có lẽ những người không quen với đồng quê chỉ thấy thôi đã gớm, nói chi đến việc hứng phân. * Vui như bắt ong, bắn chim, nướng khoai Bắt ong, bắn chim là những thú vui quen thuộc của người đồng quê. Với tôi, bắt ong còn liên quan đến sự sống hằng ngày vì tổ ong thơm ngon là báu vật với những người nghèo. Chúng có thể tạm thay thế thịt, cá - những món xa xỉ mà chúng tôi không thể mua. Ong thường làm tổ ở những bụi rậm kín đáo. Vì biết cách bắt ong nên rất hiếm khi tôi bị ong chích. Ong vốn kỵ khói nên có thể lợi dụng chính điểm yếu này để đuổi chúng ra khỏi tổ. Chắc độc giả sẽ bất ngờ khi biết phân trâu có thể dùng để tạo khói. Đó là bí quyết mà chỉ những người sống ở đồng quê mới biết. Phân trâu không có mùi hôi và khói bung ra rất nhiều, vì thế chỉ cần lấy một ít phân trâu khô, đốt lên, cầm đi vào tổ ong thì tự nhiên bầy ong sẽ bay khỏi tổ. Cũng vì tôi đang cầm phân trâu nên lũ ong không dám lại gần mà chỉ bay tán loạn, hòng mong thoát khỏi đám khói nghi ngút. Tôi chỉ việc đợi ong bay đi hết thì lấy tổ ong đem về nhà và sử dụng như những thức ăn quý giá. Có hai cách ăn tổ ong. Cách thứ nhất là cần dùng phân trâu nướng lên nếu muốn ăn ngay ở ngoài 44 Gian Truân chỉ là Thử Thách
  • 45. đồng. Đến đây, tôi hy vọng quý độc giả đã bớt ngại ngùng với phân trâu vì như đã nói, nó không hề hôi và rất có ích trong nhiều trường hợp. Chúng tôi chất phân trâu thành đống rồi đốt lên giống như bếp than hồng, rồi cho tổ ong lên nướng. Sau khi nướng xong, chỉ cần bóc lớp vỏ đen bên ngoài của tổ ong ra là có thể thưởng thức ngay những con nhộng bên trong. Ngon tuyệt cú mèo! Cách thứ hai mà chúng tôi cũng thường làm là mang tổ ong về nhà để dành hoặc xào với rau quả để bữa ăn thêm bắt mắt, dinh dưỡng và ngon miệng. Đi cùng thú bắt ong là trò bắn chim. Những khu có nhiều ong thì chim chóc cũng không ít, vậy nên khi đi bắt ong, chúng tôi thường mang theo cái ná làm bằng cành cây và mấy sợi dây thun để bắn chim. Bọn trẻ chúng tôi lại được dịp so tài bắn chim nảy lửa. Khi thu hoạch tổ ong thì chúng tôi cũng đồng thời thu hoạch được chim - chiến tích của những trận thi đấu đó. Ngay sau đó, cánh đồng thơm lừng mùi thịt chim nướng và ríu rít tiếng lũ trẻ con trong làng xúm lại xin ăn. Đã nhắc đến những món nướng ngay ngoài đồng thì không thể không nhắc tới khoai nướng. Chúng tôi đi mót (tức đi lượm) khoai lang, khoai mì ngoài đồng hoặc ăn cắp ở những thửa khoai nhà người ta. Khoai sẽ được lùi vào đống trấu (vỏ của hạt lúa) rồi nướng lên. Nếu dùng phân trâu để nướng thì củ khoai sẽ bùi và ngon hơn rất nhiều vì phân trâu nóng hơn trấu. Mùi khoai nướng thơm nồng, phảng phất khiến chúng tôi Gian Truân chỉ là Thử Thách 45
  • 46. đứa nào cũng chảy nước dãi nôn nóng chờ khoai chín. Những ngày đông, khoai nướng còn là thứ sưởi ấm những bàn tay lạnh giá và cái bụng trống rỗng của bọn trẻ con nghèo ở quê. Ăn khoai nướng bằng lửa phân trâu thật tuyệt, hương vị thơm ngon ấy thật khó diễn tả hết bằng lời. Có những hôm trẻ con trong làng tụ tập hết ở giữa cánh đồng, vừa nướng khoai vừa chơi trò đuổi bắt, trò đố vui. Những nụ cười hồn nhiên đến nghiêng ngả, tiếng reo hò phấn khích và cả tiếng cãi vã khiến cả đất trời ruộng đồng bao la như trở nên chật chội mà cũng thân thương hơn. * Những phi vụ ăn cắp vặt Tuổi thơ ai cũng thường nghịch ngợm và bày đủ trò để chơi. Trong những trò chơi của tôi và bạn bè có trò ăn cắp vặt. Không chỉ ăn cắp khoai như đã đề cập ở trên, chúng tôi còn thường ăn cắp trái cây của các nhà trong làng. Hồi đó, xóm tôi có hai gia đình khá giàu có với cơ ngơi rộng lớn là nhà bác Phú và nhà ông Hua. Gia đình bác Phú rất nghiêm túc, lễ nghi, không thích những trò nghịch ngợm nên cấm không cho con cái họ chơi với những đứa trẻ nhà nghèo trong làng vì sợ vạ lây. Các con của bác Phú đều học cùng trường với chúng tôi. Tuy vậy, có thể thấy rõ khoảng cách giai cấp, giàu - nghèo giữa tôi, bạn bè tôi và họ. Họ đi học 46 Gian Truân chỉ là Thử Thách
  • 47. thường có xe máy đưa rước còn chúng tôi đi bộ mòn chân. Nhà chúng tôi không có thứ gì quý giá còn họ có nhà cửa bề thế. Nhà bác Phú trồng rất nhiều trái cây như nhãn, mít, ổi... còn nhà chúng tôi đến một cái cây nhỏ xíu cũng không có. Mấy đứa con của bác Phú thường chỉ kết thân với những đứa con nhà giàu. Học trò ở trường cũng có sự phân biệt giai cấp rõ rệt và chơi theo nhóm: nhà nghèo chơi với nhà nghèo, nhà giàu chơi với nhà giàu, có vài trường hợp giàu - nghèo chơi với nhau nhưng cũng có những trường hợp lợi dụng lẫn nhau. Vì khoảng cách và thái độ phân biệt giàu - nghèo của họ mà gia đình bác Phú trở thành mục tiêu để chúng tôi ăn cắp trái cây. Chúng tôi thường canh lúc cả nhà họ đi ngủ để “hành động”. Mỗi phi vụ, chúng tôi chỉ hái mỗi thứ một ít, vậy mà lúc kiểm chiến lợi phẩm thì nhiều cứ như người đi thu hoạch bởi gia đình bác Phú trồng rất nhiều trái cây. Gia đình ông Hua thì bình dân hơn, có những người con nhỏ tuổi hơn và có chơi với chúng tôi. Vườn nhà ông rộng và cây trái nhiều lắm, vì tính nghịch ngợm nên chúng tôi luôn canh chừng để trộm trái cây tại vườn ông Hua. Nhà ông Hua có nuôi chó dữ, thường cho chó vào các khu vườn để canh kẻ cắp. Mỗi lần chúng tôi đến là mấy con chó sủa rầm trời. Thế là chúng tôi tìm ra phương án khác là trèo tường ăn cắp, có khi kiếm được cả một bọc trái cây giải khát giữa những ngày nóng nực. Dĩ nhiên, cũng có những khi Gian Truân chỉ là Thử Thách 47
  • 48. chúng tôi bị chó rượt chạy tóe khói nhưng dù sao, đó cũng là những kỷ niệm thật đẹp. * Tôi là đội trưởng đội bóng Bóng đá là môn thể thao vua, thời nào cũng được ưa chuộng. Những đứa con trai từ nhỏ đã biết và yêu thích đá banh, tôi cũng không ngoại lệ. Tôi thường đá ở vị trí tiền đạo và đá khá tốt. Ngày đó, tôi thường được giao băng đội trưởng chỉ huy đội bóng của mình. Tôi bắt đầu nhận ra khả năng lãnh đạo của mình mỗi khi đội giao đấu với các xóm hoặc làng khác. Ngay cả khi chúng tôi chỉ tập đá chơi, tôi cũng làm rất tốt nhiệm vụ sắp xếp, chỉ huy trận đấu. Xóm tôi rất nhỏ vì chỉ là một bộ phận của làng. Tuy vậy tôi vẫn thành lập được một đội bóng cho xóm để tham gia đá banh giao lưu hay thi đấu cùng các đơn vị khác. Để đá được khá tốt như vậy, tôi phải tập luyện và chơi thường xuyên. Mà để được chơi thì tôi phải cố gắng hoàn thành công việc của mình. Mỗi chiều, mẹ chỉ cho tôi đi đá bóng khi tôi đã xay hết mấy cối lúa trong nhà để hôm sau mẹ mang ra chợ bán. Ở trong nhà xay lúa mà cứ nghe mấy đứa trong làng í ới hò hét bên ngoài, lòng dạ tôi cứ như có lửa đốt, thấp thỏm không yên. Tay đang xay mà đôi mắt tôi cứ hướng ra ngoài đồng, tai tôi không có tiếng cối xay mà chỉ toàn tiếng đồng bọn ngoài kia tập trận. Vì tâm hồn ở ngoài đồng hòa nhịp với trái bóng nên 48 Gian Truân chỉ là Thử Thách
  • 49. không ít lần tôi làm hư lúa và bị mẹ la quá trời. Cũng có lúc tôi lơ là cho tay vào cối xay, suýt chút nữa tiêu luôn bàn tay. Vậy mà tôi vẫn không chừa vì đá bóng đã là niềm đam mê cháy bỏng của tôi lúc ấy. Những đứa trẻ nhà nghèo chúng tôi chơi với nhau một cách vô tư, không suy tính, không phân biệt, chỉ cần có nhiệt tình là đủ. Đó cũng là những thứ tuyệt vời mà chắc hẳn những đứa trẻ nhà giàu từng đôi lần bẽn lẽn trộm nhìn và thèm muốn. Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh những cầu thủ nhí ngày nào. Những đồng đội chí cốt ấy đã cùng tôi “vào sinh ra tử” trong những trận quyết đấu với các đội ở làng khác. Tôi không thể nào quên được tiếng chúng bạn reo hò cổ vũ, tiếng gọi í ới mỗi buổi chiều, tiếng bước chạy của từng đứa. Giờ đây, vì những đổi thay trong cuộc sống, đội bóng ngày xưa mỗi người mỗi ngả, có người không còn nữa, có người bặt vô âm tín. Song kỷ niệm về những lúc cả bọn cãi vã, thậm chí đánh nhau vì trái bóng, những lúc túm tụm ăn khoai nướng hay bị người ta rượt bắt vì ăn cắp trái cây… - vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua. Theo thời gian, con người có thể cách xa, thậm chí không còn cơ hội gặp lại nhau, nhưng những kỷ niệm sâu đậm thì còn mãi, nhất là khi chúng ta luôn trân trọng và muốn gìn giữ. Cũng giống như tuổi thơ, nó vẫn trong ta. Chúng ta không cần hối tiếc hay ước mong sống lại thời tươi đẹp đó, bởi nó vẫn luôn trong Gian Truân chỉ là Thử Thách 49
  • 50. tâm tưởng, quan trọng là ta có thật sự muốn tìm kiếm hay không. 5. Tuổi thơ kiếm sống Không chỉ biết chăn trâu từ thuở 4 tuổi, tôi còn bắt đầu làm quen với những việc mưu sinh khác để kiếm tiền, kiếm cái ăn. Đối với những gia đình ở nông thôn, cuộc sống hầu như phụ thuộc vào đồng ruộng. Vậy nên không gì thảm bằng việc không có ruộng vườn như mẹ con tôi. Mùa hè hay mùa gặt thì còn đỡ, đến mùa bão lũ thì thật sự là cơn ác mộng. Những người có ruộng thường quanh năm chỉ biết cắm mặt vào ruộng đồng, cầu mong ông trời thương tình không gây thiên tai. Mẹ con tôi còn cầu mong nhiều hơn thế. Tôi thường tham lam mơ ước viển vông rằng quê mình sẽ luôn rực nắng, không bao giờ có bão lụt. Trời nắng tức là sẽ có người thuê mẹ con tôi làm việc, tức là có miếng ăn để sống qua ngày, dẫu người có đen thui vì nắng đổ lửa. Ám ảnh nhất là mùa đông và những đợt bão lụt, mọi người chỉ biết nằm nhà chờ ngày tháng trôi qua trong khắc khoải, phập phồng. Ngay cả những người có ruộng còn không có việc để làm thì huống gì những người làm thuê như mẹ con tôi? Nhưng rồi tôi cũng phải chấp nhận rằng không có phép mầu nào có thể thay đổi thiên nhiên. Người nông dân ở đâu cũng phải biết chấp nhận thực tế và cố 50 Gian Truân chỉ là Thử Thách
  • 51. gắng. Thêm nữa, vì không phải lúc nào cũng có được miếng ăn nên người nông dân luôn chắt chiu, trân trọng từng thành quả lao động, dù là nhỏ nhất, bởi chúng được tạo ra từ những giọt mồ hôi chân chính. * Mót lúa, mót khoai và tấm lòng người thợ gặt Vào mùa hè và mùa gặt, tôi thường kiếm sống bằng việc mót lúa, mót khoai. Tôi còn quá nhỏ để được thuê làm những việc nặng nề, khổ cực như gặt lúa, xay lúa, phơi lúa. Vả lại, cũng không ai dại gì thuê những đứa trẻ với năng suất làm việc không thể nào bằng người lớn Đó là những việc mà người ta thường thuê mẹ tôi làm. Ngoài những công việc liên quan đến đồng ruộng thì mẹ tôi cũng thường đi nấu ăn cho các gia đình trong mùa thu hoạch. Vào mùa gặt, các hộ nông dân thường huy động toàn bộ thành viên trong gia đình để làm cho kịp. Vì làm cả ngày nên họ không có thời gian đi chợ, nấu ăn. Bên cạnh đó, nhiều chủ điền có nhiều ruộng nên thuê rất nhiều nhân công và cần lo bữa ăn cho lực lượng này. Đó cũng là cơ hội để mẹ tôi tận dụng khả năng nấu nướng kiếm ít tiền nuôi chị em tôi. Khi nấu ăn thuê, mẹ thường được ăn những bữa ngon mà ít khi gia đình tôi có được. Mẹ cũng thường Gian Truân chỉ là Thử Thách 51
  • 52. xin đồ ăn thừa về cho chị em tôi. Đến cao điểm mùa gặt, công việc rất nhiều, mọi người thường làm cật lực nên các bữa ăn được các chủ ruộng đầu tư hơn. Vì vậy, tôi cũng được hưởng ké những bữa ngon đó. Mẹ đi làm suốt ngày, còn tôi thì không ai thèm thuê, vậy là tôi chỉ còn cách đi mót lúa, mót khoai để tích lũy lương thực cho những ngày đông lạnh giá và bão lụt để phụ giúp mẹ phần nào. Hơn nữa, vào mùa gặt, đồng quê vui lắm, nhà ai cũng tất bật, rộn ràng, gương mặt ai cũng điểm nụ cười dẫu vất vả. Ở nông thôn, mùa gặt mới là mùa đẹp, mùa vui nhất trong năm. Thế nên ra đồng làm việc cũng là thú vui của những đứa trẻ. Mót lúa, mót khoai đơn giản là nhặt những cành lúa, những củ khoai còn sót lại trên đồng khi người ta đã thu hoạch xong. Cánh đồng lúc đó cũng là “thiên đường” với lũ chim chuột. Vậy nên tôi phải giành giật với những con vật kia để có cái mang về nhà tích trữ cho mùa bão lụt. Cuộc chiến ấy không kém phần dữ dội bởi đó đồng thời là cuộc đấu tranh sinh tồn. Công việc của tôi thường bắt đầu lúc 3 hay 4 giờ chiều - khi các chủ ruộng đã thu dọn xong. Tôi đi giữa cánh đồng khô, tìm nhặt những cành lúa rơi rớt rồi bỏ vào một cái bọc. Giúp tôi chống chọi với cái nắng hãy còn gay gắt là cái nón được người ta cho, xài hết năm này qua tháng khác. Qua mỗi mùa gặt, cái nón càng ngả màu, càng sờn. Nó vốn có màu trắng, về sau chuyển hẳn sang màu bạc rồi đen những vết thâm kim. 52 Gian Truân chỉ là Thử Thách
  • 53. Cái nón như người bạn thân thiết cùng tôi đi qua bao mùa gặt, bao cánh đồng nóng bức. Tôi quý nó lắm! Bên cạnh người bạn nón, tôi còn một người bạn khác không kém phần quan trọng là bạn dép. Bạn dép giúp chân tôi bớt nóng khi đi lại trên đồng và không bị những mảnh gai hay hạt lúa đâm chảy máu. Có lúc những người nông dân làm công thương cảm những người mót lúa nên cố ý làm không cẩn thận, để lại vài cành lúa. Những cành lúa khẳng khiu, xấu xí thì không nói gì nhưng khi nhặt được những cành còn nguyên vẹn, tôi hiểu ngay đó là sự đồng cảm, sẻ chia của thợ gặt. Có những hôm tôi đến mà mọi người vẫn chưa thu hoạch xong, họ cho tôi vài cành lúa vì thấy tôi tội nghiệp. Khi họ đã nhẵn mặt tôi mỗi ngày, dù tôi đến khi họ còn hay đã đi về, tôi vẫn mót được kha khá lúa. Với một đứa trẻ, đó là một đặc ân, một sự trân trọng. Tôi luôn ghi nhớ và biết ơn những người nông dân tốt bụng đó. Dù họ giúp tôi chẳng bao nhiêu nhưng đã đủ làm tôi cảm thấy ấm áp và tin vào những điều tốt đẹp ở con người. Việc mót khoai cũng tương tự. Tôi thường đến những cánh đồng thu hoạch khoai trước khi trời sụp tối để lượm những củ khoai còn sót lại. Đương nhiên đó là những củ khoai vụn, khoai sùng hoặc có hình dạng xấu xí. Như thế đã là tốt lắm với tôi! Tôi phơi số khoai và lúa mót được trên sân nhà rồi sau đó đóng vào bao tời (tức bao bố), treo lên trần nhà để tránh những con nước tràn đến vào mùa lụt. Đó Gian Truân chỉ là Thử Thách 53
  • 54. chính là nguồn thức ăn giúp mẹ con tôi đi qua những ngày bão lụt lạnh giá. Không phải lúc nào tôi cũng may mắn mót được nhiều lúa và khoai. Nhiều khi mùa xuân rồi mùa hè đã đi qua mà lượng thức ăn dự trữ tìm được quá ít. Vậy là mùa đông ấy gia đình tôi ăn nhín từng chút một. Cũng có khi túi lương thực quý giá ấy không may rớt xuống nước lũ, khiến tôi và mẹ chỉ biết kêu trời! * Tát cá, bắt cá và “thổ dân nhỏ tuổi” Cá là loại thực phẩm chủ yếu trong đời sống nông thôn bởi dễ tìm, dễ bắt. Vậy nên tát cá là công việc kiếm sống của những gia đình nghèo khó ở thôn quê. Công việc tát cá thì đơn giản lắm nhưng phải… theo ý ông trời, tức là có sự may rủi. Có những đồng ruộng khi vào mùa lũ, nước tràn đến, cá theo vào rất nhiều. Sau mùa lũ, nước rút, cá không kịp rút hết - đó cũng là khi các ao, hồ, ruộng, hói (con sông nhỏ) xuất hiện những con cá còn sót lại. Công việc của người tát cá là dùng bùn đất chặn dòng chảy để cá khỏi bơi đi, sau đó dùng thau múc hết nước ra và cuối cùng là bắt cá. Người miền Trung hay gọi “múc nước” là “tát” nên công việc này mới tên gọi là “tát cá”. Sỡ dĩ tôi nói có sự may rủi là bởi những con cá còn sót lại đó có thể rất to, cũng có khi chỉ là những con cá lòng tong nhỏ xíu, thậm chí có khi chỉ toàn rong rêu đất đá. Tuy nhiên, trường hợp cuối ít khi xảy ra vì 54 Gian Truân chỉ là Thử Thách
  • 55. vùng quê thường có rất nhiều ao, hồ, ruộng nên không có cá ở chỗ này thì cũng có ở chỗ khác. Hơn nữa, nước lũ tràn vào, chắc chắn ít nhiều sẽ có cá còn sót lại. Bởi thế mà năm nào cũng vậy, cứ sau khi nước rút, tôi lại chạy đến các con hói, ao, hồ tìm bắt cá. Dù là cá gì thì tôi cũng vui. Cá to thì mang ra chợ bán hoặc đổi gạo, cá nhỏ thì đem về nhà. Khi bắt được những con cá rất to, những người cùng tát cá thường chia với nhau. Kỷ niệm đi tát cá còn gắn với những hôm chúng tôi ngồi tụm lại nướng cá ăn. Cá tuy nhỏ xíu nhưng gương mặt ai cũng hớn hở sau cả một ngày hì hục tát nước, bắt cá. Ngoài việc tát cá, tôi cũng thường đi bắt cá trên sông. Bờ sông nào cũng có bụi rậm hoặc các hang ổ để cá sinh đẻ hoặc lẩn trốn khi gặp nguy hiểm. Biết được điều đó nên những người đi bắt cá thường ngâm mình trong nước rồi đi mò dọc theo các bờ sông. Chúng tôi phải vừa đi thật nhẹ nhàng, vừa canh chừng lũ rắn rết trong bụi rậm, đám rong rêu trong nước, vừa phải quan sát tìm cá và không gây tiếng động làm lũ cá chạy mất. Cũng có lúc tôi bị rắn, đỉa cắn đau buốt. Những khi hiếm hoi may mắn, tôi bắt được những con cá nằm trong bụi rậm hay trong các hang ổ nhỏ. Dù vận may trong công việc này không nhiều nhưng vì quá nghèo khó, tôi phải tìm mọi cách để kiếm ăn và tồn tại. Chỉ cần có cơ hội thì tôi sẽ cố thử, may mắn thì được chút cá, chút tiền, ngược lại thì đành coi như tốn công. Vì đi săn lùng cá ở nhiều nơi nên người ngợm tôi dơ bẩn, cháy nắng, trông không khác gì thổ dân sinh sống trong rừng rú. Gian Truân chỉ là Thử Thách 55
  • 56. * Đẩy đất dưới nắng hè Hết mùa gặt lúa thì đến mùa hè nắng nóng. Tranh thủ mùa khô, gia đình nào cũng chuẩn bị đổ đất, xây cươi (cái sân) để bảo vệ nhà khi mùa lụt sắp tới. Đổ đất là việc rất cần thiết và quan trọng đối với những người ở thôn quê, đặc biệt là những vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lụt như quê tôi. Đất dùng để xây cươi thường được lấy từ ngoài ruộng. Vì đang mùa hè nên đất cứng kinh khủng, chủ nhà thường phải thuê người cuốc (đào). Chỉ những thanh niên trai tráng lực lưỡng, khỏe mạnh mới làm nổi công việc nặng nhọc này. Họ dùng cuốc 3 răng (loại cuốc có 3 cái chỉa) cuốc những khoảng đất cứng ngắc lên. Tôi và một số bạn cùng trang lứa hoặc phụ nữ được thuê đi hốt số đất vừa được cuốc lên mang về nhà chủ. Chúng tôi thường hốt từng mảng đất, mỗi mảng nặng khoảng 3 - 5kg, bỏ lên xe kéo hai bánh (xe dùng bò để kéo) cho đến khi xe đầy (nặng khoảng 500kg) thì cả nhóm bắt đầu kéo đi. Một người được phân công đi trước cầm hai càng xe để kéo còn chúng tôi đẩy từ phía sau. Khoảng cách từ ruộng cho tới nhà chủ thường từ 500 - 800 mét. Cứ như thế, chúng tôi vòng ra vòng vào nhiều chuyến xe đất cho tới khi đầy cươi thì thôi. Nhiều gia đình có cươi quá rộng nên phải dùng nhiều đất và tôi phải đi đẩy đất nhiều hôm mới xong. Công việc đẩy đất cũng rất vất vả. Dưới cái nắng đổ lửa, những bước chân mệt nhọc in trên từng thớ đất 56 Gian Truân chỉ là Thử Thách
  • 57. thấm biết bao mồ hôi của những người lao động cực khổ. Đâu phải ai cũng muốn làm công việc này, có người vốn không đủ sức, có người không chịu nổi thời tiết khắc nghiệt nhưng vẫn cắn răng làm vì mưu sinh. Không ít lần tôi chứng kiến cảnh nhiều người đang làm thì ngất xỉu vì quá mệt. Nhưng rồi hôm sau họ vẫn đến làm, có khác là họ mặc thêm một chiếc áo khoác, đội thêm cái nón lá để phòng thân. Ai cũng cố gắng làm để kiếm tiền, kiếm miếng ăn. Nếu lúc này không cố gắng làm thì mùa đông sắp tới không chết vì cóng thì cũng chết vì đói. Và dĩ nhiên, trẻ con chúng tôi không đứng ngoài cuộc đấu tranh sinh tồn này.. * Làm “trợ lý” cho mẹ Mỗi mùa mẹ tôi lại làm những công việc khác nhau, tùy theo điều kiện thời tiết cũng như đời sống nơi nông thôn. Tôi thường giúp mẹ một tay để mẹ đỡ cực và hoàn thành sớm công việc. Vào mùa hè, tôi thường phụ mẹ làm các việc đồng áng. Tôi hay theo mẹ ra đồng, làm những việc mẹ sai.Hết mùa gặt, mẹ chuyển sang nghề bán gạo. Mẹ mua lúa về, chị em tôi xay lúa để ra hạt gạo. Thời đó chưa có máy xay nên chúng tôi phải xay lúa bằng tay với cái cối xay. Chúng tôi phải kéo tới kéo lui cối xay cho đến khi hạt lúa tróc vỏ mới được. Hạt lúa tróc vỏ thì thành gạo, còn vỏ của hạt lúa bóc ra được gọi là trấu. Sau đó, mẹ dùng cái sàng tre tách hạt gạo và trấu Gian Truân chỉ là Thử Thách 57
  • 58. ra để dành cho những việc khác nhau. Rồi chị em tôi bắt đầu giã gạo. Chúng tôi đổ gạo vào một cái cối, sau đó dùng cái chày gỗ khá nặng để giã. Chúng tôi giã đến khi hạt gạo không còn cám nữa. Hạt gạo khi chưa giã được gọi là gạo lức, thứ mà thời nay người ta hay tìm mua để ăn hay nấu nước uống nhằm chữa bệnh. Cám sau khi giã xong được dùng cho heo ăn. Mỗi ngày, tôi đều làm những công việc ấy để sáng hôm sau mẹ gánh gạo lên phố bán. Xay lúa - Ảnh: Google Đến mùa bắp, mẹ chuyển sang bán bắp. Tôi chặt từng cây bắp trong ruộng, rồi lặt bắp ra, đem về cho mẹ nấu, thân bắp thì để dành đốt thay củi. Tôi thường dậy 58 Gian Truân chỉ là Thử Thách
  • 59. rất sớm, phụ mẹ nấu bắp để kịp mang ra chợ bán buổi sáng. Ngoài những việc nặng nhọc như xay lúa, giã gạo, chặt bắp…, tôi còn phụ mẹ những công việc trái mùa khác như bán bánh mì, bán hột vịt lộn... Mẹ phải làm nhiều nghề để kiếm cơm nên thường không buôn bán cố định. Vì đời sống nông thôn còn nhiều khó khăn nên việc buôn bán không khá khẩm mấy. Mẹ làm việc cật lực, suy tính mọi đường để kiếm sống nhưng gia đình tôi vẫn không khá lên, hôm nào đủ ăn là may mắn lắm rồi! Tuổi thơ kiếm sống của tôi có rất nhiều kỷ niệm. Những vất vả song hành cùng những thú vui đồng quê như hai mặt không thể tách rời. Tôi tìm niềm vui trong công việc và tôi làm việc bên những thú vui. Đó là những ký ức không thể phai nhòa trong tôi. Những ngày tuổi thơ bên mẹ, bên đồng ruộng, là những ngày tháng gian khổ thức khuya dậy sớm, dãi nắng dầm mưa, mặn chát những giọt mồ hôi và cả nước mắt, cả nỗi tủi nhục. Thế nhưng tôi vẫn thấy chừng ấy chưa thấm vào đâu so với nỗi cực khổ gấp ngàn lần của mẹ. Tôi không phải suy nghĩ quá nhiều như người lớn, như mẹ, tôi có thể vô tư làm việc, dù mồ hôi nhễ nhại nhưng tôi không nề hà vì vẫn còn bạn bè, còn những thú vui trẻ con làm tôi cười tít mắt. Thế giới trong tôi lúc bấy giờ như bức tranh muôn màu mà mỗi ngày tôi có thể tô vẽ lên nó hàng Gian Truân chỉ là Thử Thách 59
  • 60. ngàn niềm vui và ước mơ trẻ thơ. Những ngày tháng gian khổ đó đã giúp tôi hiểu rõ hơn giá trị của sức lao động và biết cảm thông với mỗi số phận khó khăn. * Căn nhà ọp ẹp thân thương Khi tôi vào trung học, đời sống gia đình có phần đỡ hơn vì chị tôi đã lớn và có chồng. Nhưng tôi vẫn không thể nào quên được những ngày tháng ba mẹ con sống trong căn nhà ọp ẹp hệt như túp lều rách nát, được dựng trên phần đất nhỏ xíu nhà nội mà ba tôi được để lại. Căn nhà ấy cũng như bao căn nhà khác của những gia đình nghèo ở nông thôn. Nhà được dựng lên bởi bốn cây cột, mái được lợp bằng tranh, tường được ráp bằng phên. Phên là loại tre được chẻ nhỏ và xếp lại với nhau. Vào mùa hè, căn nhà nóng như một cái lò nung với nhiệt độ quá cỡ. Ngược lại, vào mùa đông giá rét, gió và khí lạnh lùa hết vào nhà qua các khe hở. Mùa lũ thì căn nhà thường xiêu vẹo, lung lay. Những ngày mưa, trần nhà thường bị dột, nước mưa bắn xuống nền nhà như thể đang chơi một khúc nhạc. Vậy nên cứ vào mùa đông, bốn bức phên phải được tăng cường bằng tót và phân trâu. Tót là thân dưới của cây lúa sau khi gặt xong, còn thân lúa được gọi là rơm (rạ). Tót có thể xin được ở chỗ các chủ ruộng, thường thì người ta sẵn sàng cho. Tót sau khi xin về phải dùng liềm (loại dao vòng) để cắt rồi đánh 60 Gian Truân chỉ là Thử Thách