SlideShare a Scribd company logo
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH
LÊ THỊ QUỲNH LƯU
THƠ NỮ VIỆT NAM THẾ HỆ 197X, 198X
(Diện mạo và đặc điểm)
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN
NGHỆ AN - 2014
2
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH
LÊ THỊ QUỲNH LƯU
THƠ NỮ VIỆT NAM THẾ HỆ 197X, 198X
(Diện mạo và đặc điểm)
Chuyên ngành: Lý luận văn học
Mã số: 60. 22.01.20
LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN
Người hướng dẫn khoa học:
PGS. TS. PHAN HUY DŨNG
NGHỆ AN - 2014
4
MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU 1
1. Lý do chọn đề tài.......................................................................................1
2. Lịch sử vấn đề...........................................................................................2
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.............................................................7
4. Nhiệm vụ nghiên cứu................................................................................8
5. Phương pháp nghiên cứu...........................................................................8
6. Bố cục của luận văn...................................................................................8
Chương 1
NHÌN CHUNG VỀ THƠ NỮ TRONG THƠ VIỆT NAM
ĐƯƠNG ĐẠI
VÀ THƠ NỮ THẾ HỆ 197X, 198X .......................................9
1.1. Tổng quan về thơ Việt Nam đương đại..................................................9
1.1.1. Sự góp mặt của nhiều thế hệ............................................................9
1.1.2. Sự đa dạng của những xu hướng tìm tòi........................................12
1.1.3. Sự phân hóa sâu sắc trong quan niệm về thơ và thực hành thơ.....27
1.2. Thơ nữ trong thơ Việt Nam đương đại.................................................31
1.2.1. Sự hình thành một “quyền lực riêng” của nữ giới trong thơ ........31
1.2.2. Những chủ đề, hình tượng nổi bật.................................................35
1.2.3. Những giới hạn trên một số phương diện......................................41
1.3. Về lớp nhà thơ nữ thế hệ 197x, 198x...................................................45
1.3.1. Điểm danh.....................................................................................45
1.3.2. Điều kiện sáng tạo.........................................................................50
1.3.3. Những thành tựu đã được ghi nhận...............................................52
Chương 2
CÁC ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT CỦA THƠ NỮ THẾ HỆ 197X,
198X.......................................................................................54
2.1. Các đặc điểm nổi bật ở phương diện nội dung.....................................54
2.1.1. Khát khao khẳng định nữ quyền....................................................54
2.1.2. Khẳng định quyền được riêng trong sáng tạo................................61
2.1.3. Cảm hứng đối thoại.......................................................................65
2.2. Các đặc điểm nổi bật ở phương diện hình thức....................................72
2.2.1. Sự “quá khích” của hệ thống hình tượng......................................72
2.2.2. Sự táo bạo của hệ từ vựng.............................................................80
2.2.3. Một số thể nghiệm cực đoan về thể loại .......................................84
2.3. Những nỗ lực cân bằng truyền thống và hiện đại ................................92
2.3.1. Cơ sở của vấn đề...........................................................................92
2.3.2. Nỗ lực tạo sự cân bằng trong cảm hứng sáng tạo..........................95
2.3.3. Nỗ lực tạo sự cân bằng trong các thể nghiệm hình thức...............99
Chương 3
MỘT SỐ GƯƠNG MẶT TIÊU BIỂU
CỦA THƠ NỮ THẾ HỆ 197X, 198X.................................104
3.1. Vi Thuỳ Linh......................................................................................104
3.1.1. Vi Thùy Linh và hành trình sáng tác thơ ca................................104
3.1.2. Quan niệm sáng tạo nghệ thuật...................................................110
3.1.3. Nhìn chung về thế giới nghệ thuật trong thơ Vi Thuỳ Linh........113
3.2. Trang Thanh.......................................................................................116
3.2.1. Vài nét về giải thưởng Lá trầu.....................................................116
3.2.2. Trang Thanh với tập thơ Bay lặng im.........................................117
3.3. Nguyễn Ngọc Tư................................................................................122
3.3.1. Nguyễn Ngọc Tư và hành trình nghệ thuật.................................122
3.3.2. Tập thơ “chấm”...........................................................................125
KẾT LUẬN 130
TÀI LIỆU THAM KHẢO........................................................................132
2
QUY ƯỚC VIẾT TẮT
Trong luận văn, chúng tôi sử dụng một số ký hiệu viết tắt như sau:
1. Nxb: Nhà xuất bản
2. KHXH và NV: Khoa học Xã hội và Nhân văn
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Cách tân là thuộc tính của sáng tạo, là quy luật bản chất, là con đường
sống còn của văn học nghệ thuật. Tìm đến với cái mới là khát vọng của bất cứ
người nghệ sĩ nào. Đó vừa là khát vọng, vừa là thử thách đặt ra cho các nhà
thơ trên bước đường sáng tác, nhất là đối với các nhà thơ trẻ. Những nhà thơ
đương đại coi việc sáng tác của mình như một sự khai phóng, như bứt phá,
như giải thể để làm nên một cuộc cách mạng tâm thức, cách tân thơ để thơ có
địa vị và chức năng sáng tạo, ngoài sự sáng tạo, bản chất thơ còn mang tính
nghệ thuật như những nghệ thuật khác, đôi khi còn vượt xa hơn thế nữa. Mọi
sự cố gắng của họ có khi được tán đồng, có khi bị phê phán kịch liệt, tuy
nhiên họ đã và đang làm nên một cuộc cách mạng mới trong thi ca, đưa thơ
Việt Nam từng bước hoà nhập với thơ ca thế giới.
Trong hành trình hội nhập ấy của thơ ca đương đại, các nhà thơ nữ đã
đóng góp một phần không nhỏ. Thơ nữ là sự phản ánh tâm hồn, tình cảm của
một nửa nhân loại qua lăng kính của chính những người phụ nữ. Những người
phụ nữ làm thơ đã vượt lên những rào cản, định kiến về giới để cất lên tiếng
nói tự trái tim mình cùng những nỗi khát khao, trăn trở... Đặc biệt, các nhà
thơ nữ trẻ thế hệ 7x, 8x đã cố gắng khám phá và thể nghiệm một giọng thơ
riêng, vừa mang hơi thở thời đại, vừa có nét thuần Việt không thể trộn lẫn...
Có thể nói, những nhà thơ nữ muôn đời vẫn gửi gắm vào trang viết của mình
những ước mong, những thông điệp về tình yêu, hạnh phúc nhưng để có một
cái tôi bản thể trỗi dậy mạnh mẽ và dữ dội, thì đến thơ nữ trẻ đương đại mới
bắt đầu trổ những nụ hoa đầu tiên. Họ đang cố gắng tạo dựng cho mình một
phong cách mới trong trào lưu thơ Việt Nam đương đại.
1
Chính sự nỗ lực ấy của các nhà thơ nữ nói chung, thơ nữ thế hệ 7x, 8x
nói riêng đã là động lực thôi thúc chúng tôi chọn đề tài này làm đối tượng
nghiên cứu cho luận văn của mình. Việc góp thêm một tiếng nói về sự khẳng
định giá trị văn học của giới nữ, đặc biệt là thế hệ 7x, 8x, bất cứ lúc nào cũng
cần thiết, và trên hết, thay đổi nhận thức về việc tiếp nhận, sẵn lòng đón nhận
cái mới cũng là một đóng góp cho nền văn hoá, văn học dân tộc.
2. Lịch sử vấn đề
Thơ nữ trẻ đã và đang đạt những bước tiến mới trong dòng chảy chung
của văn học đương đại. Rất nhiều cây bút nữ thế hệ 7x, 8x đã có những tác
phẩm ghi được dấu ấn trong lòng độc giả. Thơ của họ là tiếng nói của thế hệ
biết tận hiến và tận hưởng những vang âm của đời sống. Họ không muốn chỉ
là người biểu hiện cuộc sống trên trang viết mà còn muốn tạo dựng, phơi mở
một thế giới khác trong chính thế giới hiện thực này, thế giới của sự vươn tới
mãnh liệt và đầy khao khát, thế giới của yên bình và tình yêu. "Tâm hồn thi
ca của họ đa cảm, tinh tế, luôn rung lên những nhịp cảm xúc nóng bỏng,
chân thực và đầy liều lĩnh" (Trần Hoàng Thiên Kim).
Vì lẽ đó, thế giới thơ nữ luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới
nghiên cứu. Theo tìm hiểu sơ bộ của chúng tôi, hiện nay, thơ nữ 197x, 198x
thường được đề cập đến dưới hai hình thức:
Một là, các công trình, các bài viết nghiên cứu một cách khái quát, tổng
thể diện mạo và đặc điểm chung của thơ Việt Nam, giai đoạn sau năm 1975,
trong đó, thơ nữ 197x, 198x là một trong những đối tượng được nhắc đến.
Hai là, những bài viết, những công trình nghiên cứu riêng về một vài
tác giả nữ nào đó.
Xin lược thuật về một số ý kiến đánh giá tiêu biểu:
Tác giả Phạm Quốc Ca, trong chuyên luận Mấy vấn đề về thơ 1975 -
2000, Nxb Hội Nhà văn, 2003, khi đề cập lực lượng sáng tác thơ giai đoạn
2
1975 - 2000, có nhắc đến một số nhà thơ nữ 197x, 198x : "Những năm gần
đây đã xuất hiện các tác giả trẻ mà tiêu biểu là: Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh,
Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh… Dư luận công chúng đánh giá về
thơ họ còn rất phân tán". Phạm Quốc Ca dẫn lời nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo:
"Thơ họ thường chứa đựng đầy ắp những trăn trở của tuổi trẻ trước biến
động khôn lường của xã hội. Đọc họ thấy cả tin yêu lẫn chán chường, trinh
bạch bên cạnh xác thịt, cao siêu chứa đựng bỉ ổi, tởm lợm. Họ khiến ta vừa
hy vọng, vừa lo lắng" và đưa ra ý kiến: "Về cơ bản có thể đồng ý với nhận
định này trừ một đôi từ dùng với sắc thái hơi quá như "bỉ ổi", "tởm lợm" [3,
40].
Tác giả Nguyễn Việt Chiến, khi tuyển chọn và giới thiệu Thơ Việt Nam
- Tìm tòi và cách tân 1975-2005, Nxb Hội Nhà văn - Công ty văn hóa trí tuệ
Việt, 2007, đã nói đến lực lượng thơ trẻ thời hậu chiến trong đó có cả các cây
bút nữ như Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Trương Quế Chi
"Họ đã làm nên dòng chảy đầy sức sống sáng tạo và đa dạng của nền thơ
đương đại" [7, 27].
Trong bài viết Cách tân nghệ thuật và thơ trẻ đương đại, PGS.TS. Lưu
Khánh Thơ cũng đề cập đến những cây bút đương đại, trong đó có các nhà
thơ nữ 197x, 198x: "…các tác giả trẻ đang khao khát thể hiện tiếng nói của
thế hệ mình như một giá trị. Giá trị ấy được đảm bảo bằng cái mới, cái hiện
đại trong quan niệm về thơ, trong giọng điệu, bút pháp, hình thức thể hiện…
Dù có thể những tìm tòi, cách tân chưa trở thành xu hướng chủ đạo, chưa dễ
tìm được sự đồng thuận trong đánh giá và tiếp nhận của người đọc nhưng
vẫn có thể cảm nhận được một nguồn sinh lực mới đang tiềm ẩn trong thơ
hiện nay” (http:// vannghetre.net)
3
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu chỉ đưa ra cái nhìn khái quát về thơ
đương đại, các nhà thơ nói chung (cả nam lẫn nữ), chứ chưa có công trình nào
tập trung nghiên cứu về thơ nữ 197x, 198x.
Năm 2010, tác giả Hoàng Thị Xuyên, trong luận văn thạc sĩ Ý thức cá
nhân trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn 1975 - 1995, Trường đại học Vinh, đã
có cái nhìn tương đối hệ thống về thơ nữ nhưng chỉ dừng lại ở giai đoạn 1975
- 1995 với lực lượng các cây bút nữ trưởng thành trong cuộc kháng chiến
chống Mỹ như: Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Ý Nhi, Nguyễn
Thị Hồng Ngát, Dư Thị Hoàn, Phạm Thị Ngọc Liên, Đoàn Thị Lam Luyến…
Rải rác có một số bài viết về thơ nữ, đáng kể như Nhận diện thơ nữ trẻ
đương đại của Trần Hoàng Thiên Kim. Tác giả này viết: “Gần đây, mặc dù
đã bớt đi những ồn ào, nhưng có lẽ chúng ta khó có thể quên một đội ngũ thơ
nữ trẻ đương đại đã từng khuấy động đời sống văn học nữ thời gian qua, có
thể kể những cái tên như như Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Phan Huyền Thư,
Bình Nguyên Trang, Vũ Thị Huyền, Dạ Thảo Phương, Nguyễn Thúy Hằng,
Trương Quế Chi, Trang Thanh, Lê Ngân Hằng, Lynh Bacardy, Nguyệt Phạm,
Thanh Xuân, Phương Lan, Khương Hà, Trần Lê Sơn Ý... Họ là những cây bút
trẻ thuộc thế hệ 7X, 8X, chịu ảnh hưởng của nhiều luồng văn học trên thế
giới, có những nét phá cách và có nhiều thể nghiệm mới mẻ. Tuy họ đã trổ
được những hoa văn, nhưng chưa tạo thành mảng, chưa tạo nên khuôn cửa
để mở ra một thế giới khá” (http:// suckhoevadoisong).
Trong số các nhà thơ nữ 197x, 198x, có lẽ người được nói đến nhiều
nhất là Vi Thùy Linh với những ý kiến đa chiều, có khi trái ngược nhau. Có
những người tích cực ủng hộ giọng thơ này như: Trần Đăng Khoa, Nguyễn
Huy Thiệp, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Xuân Nguyên, Thanh Thảo... Nhưng
cũng có những người chưa mấy tin vào hướng tìm tòi của chị, tiêu biểu là:
Hoàng Xuân Tuyền, Chu Thị Thơm, Nguyễn Thanh Sơn… Trong số đó,
4
chúng tôi rất tâm đắcvới ý kiến của tác giả Chu Văn Sơn trong bài viết: Thi sĩ
Vi Thùy Linh: Bạo chữ và cật lực: “Cuộc dấn thân của Vi Thùy Linh (còn gọi
là ViLi), vậy là, đã mười lăm năm. Để được chấp nhận, thật lắm truân
chuyên. Nhớ hồi mới trồi lên, mầm thơ Linh chưa được nâng niu đã phải
đương đầu. Mưa đá của hoài nghi tới tấp trút xuống. Nếu non bấy, hẳn chồi
mầm kia đã tiêu rồi. May nhờ nội lực, nó đã thách thức những bài bác cay
nghiệt để gắng vượt lên. Mỗi tập mới là một vụ nổ chữ mới. Mười lăm năm,
dẹp sang bên những băng rôn khua chiêng, hàng tít gõ trống, Linh vẫn là
hiện tượng trẻ khuấy được dư luận nhất trong đời sống thơ Việt. Đến nay,
mỗi xuất hiện mới của Linh xem chừng đều muốn làm bận rộn cả người đọc
lẫn giới truyền thông”. Vậy là đã gần hai mươi năm, Linh hiện hữu trong thơ
ca Việt. Không dừng lại ở năm tập thơ mà là bảy tập. Thêm hai tập tùy bút.
Tiếc là chưa có cái nhìn toàn vẹn về Vi Thùy Linh, cho đến thời điểm này.
Trong bài viết Mười khuôn mặt thơ trẻ đương đại, tác giả Bùi Công
Thuấn đã có những nhận xét về thơ Phan Huyền Thư: “Thơ cuả Phan Huyền
Thư cũng không dễ đọc dễ cảm, đó là thơ cuả lý trí. Phan Huyền Thư sử
dụng cách nói ngụ ý, từ đó tứ thơ phát triển thành ẩn dụ. Những liên tưởng
nhiều khi nhảy vọt, đứt đoạn, lắp ghép, khiến cho trí tưởng tượng cuả người
đọc không theo kịp. Mỗi bài thơ là một mảnh cuả suy tư và tâm trạng, vì thế
cần ghép nhiều mảnh lại với nhau mới có thể đọc được tiếng nói trái tim nhà
thơ. Chỉ khi người đọc cùng nhà thơ thâm nhập sâu vào thế giới cảm thức
đằng sau hình ảnh, ngôn từ, lúc ấy mới nhận ra ánh sáng rất riêng trong thơ
Phan Huyền Thư” [59].
Thi sĩ, dịch giả Dương Tường, người đầy tâm huyết với các tác giả trẻ,
đã nói về thơ Lê Ngân Hằng: "Tôi là người rất dễ dãi trong cuộc sống thường
nhật nhưng rất khó tính trong vai trò của một người đọc. Nhưng khi đọc thơ
của Hằng, tôi thấy hài lòng và tin tưởng vào thế hệ trẻ". Và chính ông, khi
5
đọc tập thơ “ORIENT – Trên những vòm cây” đã từng đánh giá: “Chưa phải
là một tác phẩm toàn bích nhưng tôi nhận thấy trong đó một trường lực, một
mỏ quặng mà nếu khéo tinh luyện thì sẽ thành vàng”.
Năm 2007, năm thành công của giải thưởng Lá trầu, cũng là dịp để các
nhà nghiên cứu đánh giá về thơ nữ. Hàng loạt bài viết xoay quanh các nhà thơ
được đánh giá cao như: Trang Thanh, Lê Mỹ Ý, Từ Huy, Trần Lê Sơn Ý,
Trương Thị Kim Dung, Đinh Thị Như Thúy. Ngoài giải cao nhất thuộc về
Trang Thanh, ba dấu ấn thuộc về các nhà thơ nữ 197x, 198x bao gồm: Độc
đáo cho tập Chữ cái của Từ Huy, Ngôn ngữ đẹp cho Căn phòng và bóng tối
của Lê Mỹ Ý, Mới lạ cho Cơn ngạt thở tình cờ của Trần Lê Sơn Ý. Đấy cũng
là ý kiến xác đáng nhất của Hội đồng thẩm định về những giọng thơ nổi bật
tham gia dự giải Lá trầu.
Từng nổi danh với những truyện ngắn đặc sắc, Nguyễn Ngọc Tư vẫn
khiến cho các nhà nghiên cứu tốn nhiều giấy mực khi công bố tập thơ đầu tay
của mình: Chấm. Đến với Tư, sẽ thấy: “những vần thơ giàu tính gợi hình và
mang nặng một nỗi niềm khôn nguôi. Thơ của cô là những khúc buồn của
tâm hồn được lọc qua một lăng kính khác. Có lần, cô bảo, ở thơ, nỗi buồn
của cô như được chắt lại. Với tập thơ Chấm, người đọc sẽ được thử chạm vào
những nỗi buồn ấy của Nguyễn Ngọc Tư, đôi lúc đặc quánh, khiến cổ họng
như thấy nghèn nghẹn, có khi lại mênh mang, thoang thoảng như những cơn
gió chiều vô định...”(Nguồn: internet).
Dự báo phi thời tiết, tập thơ của nhóm Năm con ngựa trời cũng khiến
dư luận hết sức ồn ào. Có người cho là “tập thơ quái đản”. Có người ra sức
tung hô. Cuối cùng, tập sách bị thu hồi. Người ta cũng ít nói về Năm con
ngựa trời hơn. Và giờ đây, có chăng, chỉ còn cái tên Nguyệt Phạm, người
“lành” nhất trong nhóm là được nhắc đến nhiều. Tập thơ Mắt giấy của chị
được Nguyễn Đức Hiệp đánh giá : “Tác giả có ý thức trong việc sáng tạo, tìm
6
tòi lối viết mới, mang lại những hình ảnh, cảm giác và góc nhìn mới cho
ngưòi đọc. Và trong thực tế, Nguyệt Phạm đã dùng nhiều phưong thức để đưa
những tác phẩm của cô đến đông đảo những ngưòi yêu thơ một cách ấn
tưọng và hiệu quả nhất, cụ thể là trình diễn thơ….Hành trình tâm linh qua
thơ của Nguyệt Phạm là một hành trình tiêu biểu của tuổi trẻ ngày nay đang
trên đường tự khám phá mình là ai trong một xã hội càng ngày càng đa dạng
và có lẽ chính xã hội này đang mất đi định hướng, không những ở Việt Nam
mà ở nhiều nơi trên thế giới hiện tại…” (Nguồn:
http://www.vanchuongviet.org/).
Trên đây là những nhận định, đánh giá về thơ nữ đương đại nói
chung, thơ nữ 197x, 198x nói riêng mà chúng tôi đã thu thập được. Tuy
chưa thể liệt kê hết nhưng chúng ta cũng nhận thấy việc nghiên cứu, đánh
giá về thơ nữ 197x, 198x chưa nhiều. Đặc biệt, chưa thấy có một công trình
nào tương đối đầy đủ về thơ nữ 197x, 198x để có cách nhìn nhận và đánh
giá đúng mức sự đóng góp của các chị trong tiến trình thơ ca đương đại.
Tiếp nối hướng ngiên cứu mà những người đi trước đã gợi mở, chúng tôi
muốn đi sâu khám phá thơ nữ 197x, 198x trên hai phương diện nội dung và
hình thức nghệ thuật để có cái nhìn trọn vẹn hơn về một thế hệ thơ nữ trong
văn học nước nhà.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là thơ của các nhà thơ nữ Việt Nam
thế hệ 197x, 198x.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của luận văn là thơ của các nhà thơ nữ như: Vi
Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Phan Huyền Thư, Bình Nguyên Trang, Nguyễn
Thúy Hằng, Trương Quế Chi, Trang Thanh, Trần Hoàng Thiên Kim, Lynh
Bacardy, Nguyệt Phạm, Thanh Xuân, Phương Lan, Khương Hà, Trần Lê Sơn
7
Ý… Đặc biệt là thơ của các nhà thơ nữ sau đây: Vi Thùy Linh với các tập thơ
Linh, Khát, Đồng Tử, Vili in love; Trang Thanh với Bay lặng im; Nguyễn
Ngọc Tư với Chấm.
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
4.1. Khái quát về vị trí của thơ nữ trong thơ Việt Nam đương đại và thơ
nữ thế hệ 197x, 198x.
4.2. Tìm hiểu các đặc điểm nổi bật về nội dung và hình thức của thơ nữ
Việt Nam thế hệ 197x, 198x.
4.3. Nghiên cứu sâu một số hiện tượng tiêu biểu của thơ nữ thế hệ
197x, 198x (Vi Thùy Linh, Trang Thanh, Nguyễn Ngọc Tư).
5. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện những nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra, chúng tôi sử dụng các
phương pháp chính sau đây:
- Phương pháp hệ thống - cấu trúc.
- Phương pháp loại hình.
- Phương pháp so sánh, đối chiếu.
- Phương pháp phân tích, tổng hợp…
6. Bố cục của luận văn
Ngoài Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận
văn gồm 3 chương:
Chương 1. Nhìn chung về thơ nữ trong thơ Việt Nam đương đại và thơ
nữ thế hệ 197x, 198x
Chương 2. Các đặc điểm nổi bật của thơ nữ thế hệ 197x, 198x
Chương 3. Một số gương mặt tiêu biểu của thơ nữ thế hệ 197x, 198x
8
Chương 1
NHÌN CHUNG VỀ THƠ NỮ TRONG THƠ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI
VÀ THƠ NỮ THẾ HỆ 197X, 198X
1.1. Tổng quan về thơ Việt Nam đương đại
Sau thời kỳ Thơ mới (1932-1945), thi ca Việt Nam đi thẳng vào khói
lửa trận mạc ròng rã suốt 30 năm với tên gọi thơ ca kháng chiến (1945-1975).
Và trong suốt 30 năm ấy, thơ Việt Nam đã thăng trầm cùng số phận dân tộc
để vượt lên và tồn tại, làm tròn sứ mệnh thiêng liêng của mình. Chiến tranh đi
qua, thế hệ thơ Hậu chiến đã và đang tiếp nối, hướng tới một cuộc cách tân để
đưa thơ Việt hội nhập với thơ ca thế giới. Đặc biệt, từ sau Đại hội Đảng toàn
quốc lần thứ VI (12/1986), đời sống văn học nghệ thuật nước nhà đã được
thổi một luồng gió mới về không khí dân chủ, tạo điều kiện cho sự cởi mở
trong đời sống cũng như trong sáng tạo nghệ thuật. Thơ Việt từ mốc Đổi mới
này được hiểu là thơ ca đương đại.
1.1.1. Sự góp mặt của nhiều thế hệ
Nhìn lại chặng đường gần 30 năm qua (1986-2014), có thể thấy thơ ca
đương đại vừa có sự tiếp nối gánh nặng văn chương từ thế hệ các nhà thơ đã
hành trình trong suốt 30 năm chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ (1945-
1975), vừa có sự bứt phá ngoạn mục để đưa thơ ca sải những bước dài trên
con đường hiện đại hóa. Và trên hành trình thơ ấy có sự góp mặt của nhiều
thế hệ.
Ấn tượng đầu tiên là thế hệ các nhà thơ đã thành danh trong chiến tranh
vẫn tiếp tục viết và tiếp tục được khẳng định: Lưu Quang Vũ (mất 1988),
Phùng Khắc Bắc, Bế Kiến Quốc, Hoàng Hưng, Thanh Thảo, Trúc Thông, Thi
Hoàng, Ý Nhi, Nguyễn Trọng Tạo… Đây là lớp nhà thơ trưởng thành từ
những năm chiến tranh nhưng vẫn giàu nội lực sáng tạo trong những tìm tòi
9
đổi mới chính thơ mình trong giai đoạn Hậu chiến. Không chỉ cách tân về
hình thức nghệ thuật, lớp nhà thơ kháng chiến đã đổi mới cách phản ánh bản
chất đời sống của thơ bằng chính những cảm nhận về cuộc đời trầm luân khó
nhọc này với những suy tưởng đớn đau và nhân bản về một thế giới đang phải
tự hàn gắn những đổ vỡ sau những đêm dài chiến tranh và bạo lực. Dù căn
bản vẫn là sự cách tân trên nền mỹ học truyền thống, cách tân một phần của
cảm hứng, bút pháp…, một số nhà thơ chống Mỹ vẫn tạo được những dấu ấn
sáng tạo riêng. Một Hoàng Hưng với những thể nghiệm thơ gây khá nhiều
tranh cãi. Một Thi Hoàng với lối nói trạng nửa ỡm ờ, nhấm nhẳng; nửa uyên
thâm, triết lý. Một Thanh Thảo luôn trăn trở với những tìm tòi, thể nghiệm
trên con đường tìm nguồn-nước-thi-ca…
Một điều khá thú vị là một loạt các nhà thơ đã từng xuất hiện trong
phong trào Thơ mới, trong cuộc cách tân lần thứ nhất của thi ca Việt, giờ đây,
chính họ lại là những người đầu tiên đặt nền móng cho ngôi nhà cách tân thơ
lần thứ hai. Không giống như các nhà thơ cách tân nửa vời khác, Trần Dần đã
âm thầm triển khai “cuộc-chơi-thể-nghiệm-thơ” với rất nhiều cung bậc trong
suốt cuộc đời thơ của mình.(Và chính những thể nghiệm ấy đã trở thành ngọn
gió tinh thần cứu rỗi lớn nhất trong những năm tháng hoạn nạn của ông).
Cùng với Trần Dần là Lê Đạt, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, Dương
Tường… Với những tư duy thẩm mỹ hiện đại, đầy mới mẻ, thơ của họ đã
vượt thoát khỏi những khuôn sáo ước lệ của vần điệu để thắp lên những hình
tượng thơ mới. Không gian thơ được mở rộng hơn, đào sâu hơn, vươn tới các
chiều kích của những suy tưởng lớn mang tính khái quát cao. Và trong
trường-thẩm-mỹ này, những vấn đề tưởng chừng lớn lao lại được khái quát
lên từ những cái tầm thường nhỏ bé của đời sống quê hương máu thịt hàng
ngày. Người đọc sẽ không thể nào quên được một Trần Dần - “Thi-sơn-thơ”,
một Hoàng Cầm - “tràng-giang-thơ”, một Lê Đạt -“phu-chữ-thơ”, một Đặng
10
Đình Hưng với bến mê đầy kỳ bí và một Dương Tường với “nẻo-đường-nhạc-
lạ”. Với những cách định danh này, có thể thấy được tâm huyết và tiềm năng
sáng tạo của một thế hệ kỳ tài (chữ dùng của Nguyễn Việt Chiến) trong thơ ca
đương đại.
Song hành với các nhà thơ nói trên là cả một thế hệ thơ mới, họ là
những gương mặt của thời kỳ Hậu chiến nối tiếp đến hôm nay. Họ đã làm nên
dòng chảy đầy sức sáng tạo và đa dạng của nền thơ đương đại.
Trước hết, phải kể đến nhóm tác giả thành danh sau năm 1986. Ấy là:
“một Nguyễn Lương Ngọc bừng cháy và ngạo nghễ trong tìm tòi; một
Nguyễn Quang Thiều đã tạo nên từ-trường-thơ mới; một Dư Thị Hoàn độc
đáo trong sáng tạo thơ; một Nguyễn Khắc Thạch thích sự nguyên khối của ý
tưởng hơn là sự gia công bằng cảm xúc; một Mai Văn Phấn đang hành trình
tới bến bờ của sự cách tân; một Trần Tiến Dũng say mê thử nghiệm các cấu
trúc thơ; một Lãng Thanh kỳ bí và ám ảnh; một Dương Kiều Minh hướng về
bản ngã phương Đông; một cõi thơ lạ đến say đắm của Nguyễn Bình Phương;
một Đỗ Minh Tuấn lập trình thơ bằng những suy tưởng mới; một Đặng Huy
Giang luôn hướng tới tính triết luận; một Trần Anh Thái đang tìm tòi để trở
lại chính mình; một Inrasara cất cánh từ văn hóa Chăm sang chân trời mới;
một Thảo Phương luôn khát vọng đổi mới thơ; một Tấn Phong đang soạn tiếp
những giao-hưởng-thơ; một Nguyễn Linh Khiếu đang mê man trong dạo khúc
phồn sinh, một Phan Thị Vàng Anh đang cố gắng vượt lên bằng một bản lĩnh
thơ mới…” (Nguyễn Việt Chiến). Trong số những gương mặt vừa kể trên, có
thể nói Nguyễn Quang Thiều là một trong những giọng thơ nổi bật nhất. Bằng
những nỗ lực vượt bậc và tài năng xuất sắc của mình, Nguyễn Quang Thiều
đã xác lập được một giọng điệu mới trong thơ Việt. Và giải thưởng của Hội
nhà văn Việt Nam năm 1993 trao cho tập Sự mất ngủ của lửa của Nguyễn
Quang Thiều chính là sự ghi nhận những tìm tòi, đổi mới thơ của anh cho nền
văn học Việt Nam đương đại.
11
Một thế hệ thơ táo bạo và đầy tài năng - đấy là nhận định chung nhất
cho những nhà thơ trẻ đương đại. Điểm nổi bật nhất trong những sáng tác của
họ là ở sự trẻ trung, tươi mới và giàu chất trí tuệ. Những cây bút trẻ đương đại
được nhắc tới nhiều nhất có thể kể đến: Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Ly
Hoàng Ly, Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn
Vĩnh Tiến, Trương Quế Chi, nhóm Mở miệng, nhóm Năm con ngựa trời…
Hầu hết các tác giả này còn rất trẻ, trên dưới 20 tuổi vào thời điểm họ xuất
bản các tập thơ đầu tay của mình (cá biệt có Trương Quế Chi trình làng thơ
khi mới 16 tuổi). Điểm chung nhất ở họ là sự khao khát thể hiện tiếng nói của
thế hệ mình như một giá trị. Và giá trị ấy được đảm bảo bằng cái mới, cái
hiện đại trong quan niệm về thơ, trong giọng điệu, bút pháp, hình thức thể
hiện… Dù có thể những tìm tòi, cách tân chưa dễ tìm dược sự đồng thuận
trong đánh giá và tiếp nhận của người đọc nhưng vẫn có thể cảm nhận được
một nguồn sinh lực mới trong thơ trẻ hôm nay.
Cuối cùng, không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của các nhà
thơ hải ngoại: Nguyễn Đăng Thường, Nguyễn Thị Khánh Minh, Đỗ Kh., Lê
Thị Thẩm Vân, Nguyễn Thị Hoàng Bắc… Nhờ sự hỗ trợ tích cực của những
phương tiện thông tin hiện đại, những cây bút xa quê hương đã thể hiện được
vị thế của mình trong dòng chảy của thơ ca Việt Nam đương đại.
1.1.2. Sự đa dạng của những xu hướng tìm tòi
Có thể nói, đặc điểm bao trùm của văn học đổi mới là tính chất “phi sử
thi hóa” (chữ dùng của GS Trần Đình Sử). Điều đó đồng nghĩa với sự phá vỡ
hệ thống quy phạm chi phối văn học suốt ba mươi năm chiến tranh, thậm chí
còn tiếp tục ảnh hưởng đến văn học mười năm sau đó như một quán tính.
Khuynh hướng phi sử thi hóa đưa văn học thâm nhập sâu hơn những khía
cạnh bộn bề, phức tạp của đời sống và thế giới tinh thần của con người, đặc
biệt là những vấn đề về con người cá nhân. Nó cũng kích thích văn học phát
12
triển nhiều thể nghiệm, tìm tòi đa dạng phong phú về nội dung tư tưởng,
phương pháp sáng tác, giọng điệu… Văn học đổi mới, vì thế, có xu hướng đa
thanh hóa, hội tụ trong mình nhiều dòng mạch. Cốt lõi sâu xa của những
chuyển động ấy là những đổi thay trong ý thức con người, trong cách nhìn
nhận những vấn đề của đời sống. Quan sát những diễn biến trong thơ ca thời
kỳ đổi mới có thể thấy được điều đó.
Thơ ca thời kỳ đổi mới là sự hợp lưu của nhiều dòng chảy khác nhau.
Hầu hết các công trình nghiên cứu về thơ giai đoạn này đều cố gắng nhận
diện, phân loại những xu hướng đáng chú ý của nó. Theo Mai Hương, Phạm
Quốc Ca, ba khuynh hướng tương đối nổi bật của thơ ca thời kỳ đổi mới là:
xu hướng hiện đại chủ nghĩa (Mai Hương gọi là xu hướng hiện đại hóa), xu
hướng tự do hóa hình thức thơ và xu hướng đổi mới trên truyền thống thơ dân
tộc. Theo Nguyễn Đăng Điệp, có thể kể đến các xu hướng: tiếp nối mạch sử
thi, trở về với cái tôi các nhân, hướng về cõi tâm linh, hiện đại chủ nghĩa. Lê
Lưu Oanh trong chuyên luận “Thơ trữ tình 1975-1990” dựa vào đặc điểm loại
hình của cái tôi trữ tình phân chia thơ giai đoạn này thành ba xu hướng chính:
xu hướng sử thi, xu hướng thế sự và đời tư, xu hướng hiện đại chủ nghĩa…
Mỗi cách phân loại đều có cái lý của nhà nghiên cứu, hoặc căn cứ vào cách
ứng xử đối với những chuẩn mực truyền thống (phá vỡ hay kế thừa) hoặc xuất
phát từ nội dung - thể tài. Trong đó, xu hướng hiện đại chủ nghĩa được các
nhà nghiên cứu nhất trí dùng để gọi những thể nghiệm cách tân thơ quyết liệt,
táo bạo, được biểu hiện một cách cực đoan, kịch phát nhằm rũ bỏ ảnh hưởng
của thi pháp truyền thống. Mặt khác, cần nói thêm là các cách phân loại như
trên đang còn bao hàm cả văn học giai đoạn hậu chiến (trước đổi mới) và từ
1986 cho đến năm 2000. Theo ý kiến của chúng tôi, thi đàn hôm nay không
có người “lĩnh xướng” như ở thời kỳ trước mà mỗi người có cách thể hiện
nhãn quan nghệ thuật riêng của mình. Sự gần gũi về quan niệm và phong cách
13
ở mỗi nhà thơ có thể hình thành một xu hướng, một phái nhóm chứ không
xuất phát từ một xu hướng độc tôn nào đó. Cũng như ở mỗi tác giả có những
biểu hiện thuộc nhiều xu hướng khác nhau chứ không thuộc về một xu hướng
sáng tác nhất định. Điều quan trọng nhất là những xu hướng ấy sẽ tạo nên
những đường nét đa dạng trong diện mạo thơ ca của một thời kỳ văn học.
Trong luận văn này, chúng tôi tạm xếp các khuynh hướng tìm tòi vào
hai “ô” nội dung và hình thức như sau:
1.1.2.1. Về phương diện nội dung
a. Tiếp nối mạch nguồn truyền thống
Chiến tranh đã lùi xa, các nhà thơ thời chống Mỹ vẫn hiện diện trong
thơ đương đại với tư cách công dân, mang cảm hứng thời đại, cảm hứng lịch
sử dân tộc. Giọng điệu thơ, dẫu trầm lắng, đầy trăn trở trước sự đổi thay của
thời cuộc nhưng vẫn một lòng thủy chung với cách mạng, vẫn thể hiện niềm
tin tưởng vào tương lai của đất nước.
Với các nhà thơ trẻ như Trang Thanh, Lệ Bình Quan, Phạm Vân Anh,
Quốc Sinh…, cuộc sống hàng ngày hàng giờ hiện đại hóa đến chóng mặt đã
cuốn họ theo những vòng xoay bất tận nhưng từ trong máu thịt và hơi thở vẫn
mãnh liệt sức sống làng quê:
Vẫn thường ám ảnh tôi là chiếc nón mê
Mẹ chông chênh đội cạn mùa giông bão
(Tự dỗ - Bùi Đức Vinh)
Và phía sau những ồn ào của cuộc sống phố phường là những âm thanh
vi diệu vẫn ngân lên trong tâm tưởng mà người ta chỉ có thể cảm nhận bằng
tình yêu, bằng sự tĩnh lặng của tâm hồn:
Trong giai điệu nắng
Gió tấu lên vũ khúc mùa màng
Ngàn mắt nắng nhíu mày băn khoăn trên mái lá
14
Có bài ca nào vang lên trên vòm cây
(Mùa thơm - Phạm Vân Anh)
Và vì thế, những thao thức trở trăn của con người cũng dịu mềm
như cỏ:
Giá vùi mặt xuống đất kia như cỏ
Thì nỗi niềm có dễ chịu hơn không?
(Đom đóm rừng dương - Thụy Anh)
b. Băn khoăn đi tìm cái tôi bản thể
Đất nước qua chiến tranh, nền kinh tế thị trường được chấp nhận, sự kế
thừa và phát triển những tư tưởng tiến bộ, sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy
nghệ thuật, sự tiếp thu các luồng văn hóa văn học khác nhau trên thế giới đã
tạo nên sự trỗi dậy mạnh mẽ ý thức cá nhân trong văn học Việt Nam đương
đại. Vì lẽ đó, xu hướng cơ bản bao trùm nhất vẫn là sự trở về với cái Tôi cá
nhân, đào sâu vào bản ngã của người nghệ sĩ. Trước sự đổi thay mạnh mẽ của
xã hội, con người trở nên hoang mang trước sự phức tạp của đời sống với sự
đảo lộn của những giá trị, những quan hệ, chuẩn mực cũ. Trong thơ xuất hiện
nhu cầu nhận thức lại đời sống, nhận thức lại những nỗi đau, bi kịch của con
người trong điều kiện lịch sử mới. Trong đó có nỗi buồn về thần tượng bị gẫy
đổ, ảo tưởng bị tan vỡ khi nhận ra “Chúa chỉ bằng đất đá” (Nguyễn Trọng
Tạo), có nỗi buồn vì cuộc sống mưu sinh làm cho con người chỉ chú ý chuyện
tồn tại mà “xa dần truyện bớt dần thơ” (Nguyễn Duy) và có những trắc ẩn về
riêng tư, đôi lứa: Em chết trong nỗi buồn - Chết như từng giọt sương - Rơi
không thành tiếng (Lâm Thị Mỹ Dạ). Chất giọng tự thú, tự bạch trở thành
gam giọng phổ biến.
Tôi/ ta là ai? Câu hỏi lớn muôn thuở của kiếp người. Với những người
trẻ, câu hỏi này càng thường trực và đầy bức bối:
Những được mất, có và không có
15
Hạnh phúc, khổ đau, buồn vui
Cứ mãi là câu hỏi
Tôi là ai?
(Sao tôi thấy tôi ngày càng giống họ - Đoàn Văn Mật)
Nỗi khát khao tìm mình, giải đáp chính mình đã thôi thúc họ đi tìm câu
trả lời ở ngoài mình. Họ lao ra biển nhân loại, cuốn vào thế giới vô tận, tìm
mình trong đời sống cả trong cả giấc mơ.
Lọt qua kẽ tay
Tôi muốn nhoài ra biển lớn
Tìm mình
(Sóng sánh mẹ và anh - Trương Gia Hòa)
Vẫn còn đó những câu hỏi đầy nhức nhối:
Em là ai mà chưa chính mình?
(Chữ gọi mùa đam mê - Nguyệt Phạm)
Và còn đó, nỗi khổ sở, đau đớn trên con đường tìm lại chính mình:
Tôi chạy mãi không đuổi kịp bóng mình…
Bóng đuổi tôi ngã dúi dụi vào sa mạc toàn là nắng…
Tôi không nhận ra tôi nữa
(Sự điên rồ của ngày - Hồ Huy Sơn)
Rơi vào trạng thái hoang mang, hoài nghi, bất lực, trống rỗng, cô đơn,
họ luôn cảm thấy mình bị ngăn cách với thế giới:
máu chảy tự khô
vết đau tự liếm láp
cúc tự cài,
hát mình nghe
chưa bao giờ mình mời ai tới đó
16
nơi ấy không mặt nạ
không lời ngọt nhạt lạ xa
chỉ mình thôi với ngọn gió cuối cùng
(Chốn về - Nguyễn Ngọc Tư)
Và đây là nỗi cô đơn lớn nhất khi người ta trẻ:
Giữa thế giới
Con người lấy lại thăng bằng bằng hoang tưởng, diệu vợi
và ngộ nhận
Tất cả chúng ta đều bội thực u buồn
Có những nỗi buồn mặt người không lộ diện
(Huyền tích - Vi Thùy Linh)
Dù có những lúc cô đơn, không được chia sẻ, nhưng họ vẫn không
ngừng khát khao và tin tưởng:
Không thấy, không nghe, không hiểu
là những gì tôi rút ra được từ cuộc sống này
Dưới bầu trời, chiếc gương sẽ thấy, sẽ nghe, sẽ hiểu
những lời không được thốt qua môi
(Bầu trời và chiếc gương soi - Lê Thị Mỹ Ý)
Những nỗi buồn, niềm đau mang nặng tính nhân văn tạo nên một xu
hướng thơ nổi bật luôn là điều khiến người đọc phải suy ngẫm.
c. Hướng tới tình yêu như là chốn cứu rỗi tinh thần
Nếu như trong chiến tranh, tình yêu là nơi bình yên nhất, là sự thanh
thản, là biểu hiện của sự sống bất diệt trong bom đạn; là hậu phương, nơi gửi
gắm, đợi chờ của người ra trận thì tình yêu trong thơ hôm nay là một cõi riêng
tư với rất nhiều dạng vẻ: mất mát, tan vỡ, hờn giận, đớn đau, sự trống rỗng,
day dứt, nồng nàn… phức tạp và đầy trần tục. Viết về tình yêu là xu hướng cơ
bản của thơ ca đương đại. Bởi đó là nơi mà người ta có thể phơi mở mọi ngóc
ngách tâm hồn mình:
17
Anh yêu của em
Em yêu Anh cuồng điên
Yêu đến tan cả em
Ào tung ký ức
………………
Về đi anh!
Cài then tiếng khóc của Em bằng đôi môi Anh
Đưa em vào giấc ngủ nồng nàn, quên đi những đêm chập chờn,
trĩu nặng
………………
Em lặng lẽ dệt hạnh phúc từ những nỗi buồn - những sợi tầm gai
- không ai nhìn thấy
Gai tầm gai đâm em đau đớn
Em chờ Anh mãi……
(Người dệt tầm gai - Vi Thùy Linh)
Không còn nhiều những tiếng nói dịu dàng ca ngợi tình yêu. Bao trùm
hơn là tiếng nói quyết liệt, táo bạo, bột phát từ những hoàn cảnh bức bối, tréo
ngoe, buộc người trong cuộc phải tỉnh táo, nhận diện, cắt nghĩa, bình giá và
cảnh báo:
Em
không là đối tượng anh chiếm đoạt rồi treo bảng coi chừng chó
dữ
là chủ thể bên ngoài anh tham lam thống trị
không là cánh đồng anh lục xục xới đào rồi bỏ quên mùa màng
cho cỏ hoang
………….
Em là mùa xuân, mùa xuân
(Không là cái giống thứ hai - Thanh Tuyền)
18
Và đằng sau những ngôn từ bạo liệt, ẩn nhẫn nỗi đau của những tâm
hồn bị tổn thương khi cay đắng nhận ra:
Không thánh thiện
Không thơ mộng
Tôi yêu
Bằng một trái tim đàn bà
Trái tim nặng nhọc
Một bước đập
Một bước đau
(Ngày thứ ba - Dạ Thảo Phương)
Chính vì lẽ đó, thơ ca nói nhiều về tính dục như một sự giải thoát:
Vú nóng
Người đàn bà dán thân thể nâu bóng vào nỗi đợi
Ngày thứ 22 mẩy cong, phỏng rộp
Nhớ
Bụng tròn
Tiếng thở dài úp mặt thầm thĩ giấu
Đôi má hực sắc đỏ
Rốn hở da căng cánh buồm no gió
Ngày thứ 22 dựng lên trên đỉnh cọc
Đợi
Xé toàng toạc ẩn mật đàn bà đàn bà
Con chim bay vọc vào nỗi ngượng ngùng
Một tấc hai
19
Xa hơn nghìn trùng đường đi ánh sáng
(Ngày thứ 22 - Lam Hạnh)
d. Đi sâu vào cõi tâm linh
Sự trở về với cái tôi cá nhân đã mở đường cho khả năng đi sâu vào
thế giới bên trong của con người với những không gian, thời gian tâm tưởng,
một cõi miền rất sâu, rất xa xôi và đầy bí ẩn bên trong thế giới tinh thần của
con người.
Về thực chất, đây là sự phát triển sâu hơn của khuynh hướng thứ
hai. Nhân thân tiểu vũ trụ, đi sâu vào vũ trụ người, khám phá chiều sâu không
cùng của nó bao giờ cũng là một thách thức đối với nghệ sĩ. Nỗ lực đào sâu
vào cái tôi ẩn giấu, cố gắng phát hiện chiều sâu tâm linh của con người là nét
nổi bật của xu hướng này. Sự khác biệt giữa xu hướng này và xu hướng thứ
hai chủ yếu nằm ở cấp độ và cách khai thác sự đa chiều của cái tôi. Nếu như
xu hướng thứ hai chủ yếu tìm hiểu bản thể cái tôi trong các quan hệ đời sống,
sự tương tác giữa cá nhân với hoàn cảnh thì ở xu hướng thứ tư này, các nhà
thơ tập trung tìm hiểu cấu trúc cái tôi trong quan hệ với chính nó. Tại đây,
tính “tự động tâm lý” đậm màu siêu thực và sự “ú ớ” trong cảm thức nghệ
thuật được đề cao. Muốn thế, nhà thơ, theo cách nói của Đặng Đình Hưng,
phải “nhập - thấy”. Trong trường hợp ấy, thơ là hình ảnh nội tâm về thế giới
nội tâm, là ý thức chống lại các quy tắc có sẵn trong thơ, là sự khước từ sự có
mặt của tư duy duy lý trong nghệ thuật. Về thực chất, các cây bút đi theo
hướng này muốn trình loài người hình ảnh về con người tâm linh. Đây là một
đoạn thơ của Đặng Đình Hưng trong Ô mai:
Cơn thể njiệm đầy triển vọng hoàn thành, thì một hôm (có lẽ tại thời
tiết, jở jời) bỗng phát sinh một số biến chứng, biến chứng từ trong ra. Hôm ấy
trời se se- mùa chuyển, anh lại thấy người gai gai khó nói- như man mác-
như mây trôi- lại như trống trải cô li- như tiếng gọi mùa:
20
xuân hạ thu đông
đi jiữa mùa em jó lộng
thu cùng
đi jiữa mùa xuân
jó lạnh xuân mùa
thay áo
mùa sương em
sương ngượng
ngỡ ngàng
ngấp nghé
Đoạn thơ trên đây không tuân thủ cấu trúc cú pháp thông thường, sự
thay đổi tâm trạng được hình dung như một biến chứng bất thường, kiểu ký
tự của tác giả cũng khác so với từ ngữ quen dùng (jiữa, jó…)… Xu hướng
này có thể tìm thấy trong thơ “vụt hiện” của Hoàng Hưng, một số thi phẩm
của Hoàng Cầm, Lê Đạt, Dương Tường… Tất nhiên không phải nhà thơ nào
chủ trương phải đi sâu vào con người tâm linh và đề cao lối viết tự động, tìm
mọi cách đưa ngôn ngữ thơ ca khỏi phạm trù tiêu dùng cũng đều đều “ú ớ” và
tắc tị như có người lên tiếng phủ nhận. Một số câu thơ của họ khá hay nhưng
nếu đẩy quá xa, xu hướng này rất dễ rơi vào bế tắc như trước đây Xuân thu
nhã tập từng một lần thất bại. Tất nhiên, trên quan điểm lịch sử, đây là những
cách tân cần được tôn trọng vì có những thứ cực đoan còn có ý nghĩa hơn rất
nhiều những cái “đung đúng”, chừng mực đúng nhưng vô hồn và nhàm chán.
Điều đáng nói nhất là việc hướng đến những miền kỳ bí ấy cũng chỉ là để trải
nghiệm, lý giải cho những nỗi đau trần thế của mọi kiếp người.
1.1.2.2. Về phương diện hình thức
a. Khước từ lý trí, tư duy lô gic trong thơ
Xuất phát từ quan niệm thơ là hình ảnh và tiếng nói của tâm linh, vô
thức, xu hướng này muốn khước từ, loại bỏ sự ám ảnh và áp lực của lý trí, của
21
tư duy lôgic trong thơ. Các nhà thơ thuộc xu hướng này đề xuất “lối viết tự
động”, kiểu “thơ vụt hiện”, và một số trường hợp đi theo hướng siêu thực,
tượng trưng. Những nhà thơ lớp trước như Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm đã
đến với xu hướng này ngay từ những năm 50 và những năm 60 ở thế kỷ trước
(riêng Trần Dần đã là thành viên của nhóm Dạ Đài theo khuynh hướng tượng
trưng từ những năm 1945). Hoàng Hưng lại đưa ra lối “thơ vụt hiện” như là
bản tốc ký của những chớp lóe từ tiềm thức, vô thức. Bài thơ là tập hợp của
những câu, những mệnh đề rời, không có mối liên kết nào với nhau, tập hợp
một cách ngẫu nhiên “lời, chữ tự động cuốn nhau đi như bị dẫn dắt bởi một
lực giấu mặt tạo ra một trường gợi tưởng hơn là một trường ý tưởng” (Lời
tác giả Hoàng Hưng). Một ví dụ: “Biển hà hát - tóc mướt. Vòng cong. Ríu rít
cánh bàng bàng. Châm chấm nở. Phanh phanh bay. Núm núm.
Tay vo giấy. Sáng ù xe cộ. Săn tiếng. Trôi dạt. Óc im trơ. Dù giăng
giọng xé. Thét còi. Hồn tiêu tán chở vàng lang thang góc ghế. Xòe tóc nhăm
nhe vứt tưởng lục. Du du”.
Một khi lô gic bị khước từ thì ranh giới thể loại cũng có xu hướng bị
nhòa lẫn. Lê Ngân Hằng với tập thơ ORIENT - Trên những vòm cây là một ví
dụ. Tập thơ chia làm 4 phần. Mỗi phần gồm nhiều bài thơ? (nhưng hình như
không phải thế) được đánh số. Có bài? (số) là một chuỗi con chữ nhiều (cả
đoạn) và ít (chỉ một chữ). Đọc thơ Nguyễn Thúy Hằng, 3 tập thời hôm nay,
khoái cảm và điên rồ hợp lý khó có thể nhớ được bởi đơn vị bài dường như
không tồn tại trong suốt cả tập thơ.
Không thể nói rằng mọi thể nghiệm của xu hướng này đều có thể chấp
nhận được, nhưng cũng không thể không thấy rằng những cách tân theo xu
hướng này đã đem lại cho thơ là rất có ý nghĩa. Đấy là chưa kể, một số thi
phẩm đặc sắc như: Lá diêu bông, Cây tam cúc, Mưa Thuận Thành… của
Hoàng Cầm với dấu ấn siêu thực đã tạo được dấu ấn trong lòng người đọc cho
đến tận hôm nay.
22
b. Khai thác tiềm năng con chữ
Tập quán làm thơ ngàn đời nay đã lấy nghĩa làm chủ sau đó mới là
khách - chữ. Người viết phải có tư tưởng, ý tưởng trước đã rồi mới tìm ngôn
ngữ để thể hiện. Điều này đã trở thành một khuôn thức trong thơ, rộng ra
trong mọi nền văn học mô phỏng/ phản ánh hiện thực.
Với ý muốn thoát ra khỏi những quan niệm và thi pháp thơ truyền
thống, muốn giải phóng thơ ra khỏi những chức năng làm phương tiện biểu
đạt những cái ngoài nó, đưa thơ về với chính nó, những nhà thơ theo xu
hướng này đã đưa ra một quan niệm mới về chữ và nghĩa trong thơ. Họ muốn
Chữ thoát khỏi chức năng ký hiệu thay thế cho những cái được biểu đạt, đọc
thơ không phải là đi tìm nghĩa sau các Chữ và làm thơ chính là “làm chữ”. Lê
Đạt tuyên bố “Chữ bầu lên nhà thơ”, nhà thơ làm chữ chủ yếu không phải
bằng nghĩa tiêu dùng, nghĩa tự vị của nó mà ở diện mạo, âm lượng, độ vang
vọng, sức gợi cảm của chữ trong tương quan với câu thơ, bài thơ. Trần Dần
thì nói “Tôi viết tức là tôi để con chữ tự mình làm nghĩa”. Có thể nói, những
quan niệm này còn xa lạ với số đông người đọc thơ ở nước ta nhưng nó không
phải là mới ở phương Tây. Điều đáng ghi nhận ở các nhà thơ theo xu hướng
này là họ đã rất chú trọng khai thác và làm giàu các giá trị của mỗi chữ trong
tiếng Việt, làm mới những chữ đã quá quen thuộc bằng cách tạo ra những kết
hợp khác với cách thông thường của một trật tự ngữ pháp cứng nhắc. Khuynh
hướng “Thơ dòng chữ” đã xuất hiện và ngày càng khẳng định chỗ đứng của
nó trong tiến trình hiện đại hóa thơ Việt với Chữ làm nghĩa của Trần Dần;
Vân chữ, bóng chữ của Lê Đạt; Con chữ - con âm của Dương Tường, con chữ
giàu giai điệu trong thơ của Nguyễn Trọng Tạo, con chữ - ý niệm trong sáng
tác của Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư… Con chữ đã trở thành những ký
hiệu, lấy vỏ vật chất và hình thức làm cơ sở, trở thành “Thơ chữ cái” - thơ Từ
Huy. Con chữ xoay vần trong một giới hạn tưởng như bất biến, ổn định mà lại
đa chiều kích, liên tục tạo sinh trong Những câu phức của Như Huy…
23
Những câu thơ sau đây là một ví dụ:
Anh đến mùa thu nhà em
Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ
Mà cho đấy rửa lông mày
Nông nỗi heo may từ đó
Mưa đêm tuổi nổi ao đầy
Đồi cốm đường thôn ngõ cỏ
Bướm lượn bay hoa ngày
Tin phấn vàng hay thuở gió
Tóc hong mùi ca dao
Thu rất em
và xanh rất cao
(Bóng chữ - Lê Đạt)
Và đây là cảm nhận của Đặng Tiến: “Câu thơ Tóc hong mùi ca dao chỉ vỏn
vẹn có 5 chữ mà nói lên được năm cảm giác của ngũ quan. Câu cuối cùng
biến từ loại thành từ tính. Chữ rất biến em thành tính từ, trong khi chữ xanh
thành thể từ. Không gian từ hữu thể như tan biến, như thăng hoa thành vô thể
trong “quãng trời hình như không có màu nữa, cao lên và rộng mông mênh”
(Nhất Linh)”.
Với những thể nghiệm mang tính phá cách nêu trên, các nhà thơ đã góp
phần mở ra một đường hướng mới cho sáng tạo nghệ thuật trên con đường
cách tân thơ ca.
c. Kết hợp phương thức biểu đạt quen thuộc của thơ với phương thức
biểu đạt của các ngành nghệ thuật khác
Trước hết là thơ âm thanh (Sound poetry). Thứ thơ này được biểu hiện
dựa trên âm thanh và các tổ hợp âm thanh. Ý tưởng chính của loại thơ này là
từ bỏ hoàn toàn thứ ngôn ngữ mà các tác giả của nó cho là đã bị báo chí và
24
cuộc sống hàng ngày lạm dụng và làm hỏng. Ở đây, các nhà thơ sử dụng âm
thanh như là thứ vật liệu duy nhất để tạo nên ký hiệu nhằm kích hoạt ở độc
giả những ký ức tiềm ẩn liên hệ một cách nào đó với những âm thanh đó.
Nhưng cũng chính vì thế mà loại thơ này bị một số người cho là "vô nghĩa".
Trường hợp sau đây là một ví dụ:
Mưa ngâu
đêm
nghe lâu
buồn thêm…
buồn thêm!
Có trần gian
lắng im
an ủi
Thương tình yêu đắm say
mang tội
Thương con người dễ lầm lỗi
khổ đau…
(Buồn - Nguyễn Bình Phương)
Cấu trúc thơ đã có sự đổi mới tạo nên sự chia cắt, ngắt quãng từ theo nhiều
cách khác nhau để tạo độ vang cho thơ và có thể diễn đạt những điều chất
chứa bên trong đôi khi khó giãi bày trong tâm hồn con người.
Tiếp theo là thơ thị giác. Là sự kết hợp của từ với việc trình bày mang
tính đồ họa của ngôn ngữ. Có thể thấy rõ điều này qua thơ của Nguyễn Thế
Hoàng Linh:
Chim
bay trong nắng huy hoàng
trong mây lộng lẫy bỗng
25
ĐOÀNG
c
h
i
m
r
ơ
i
(chim - Nguyễn Thế Hoàng Linh)
Ấn tượng thị giác rất đậm. Những câu thơ trải dài mở ra một khung cảnh huy
hoàng và tráng lệ. Tiếng nổ xé toang bầu trời, từng chú chim bay xuống cùng
với tiếng kêu thảng thốt, bàng hoàng của con người trước cảnh tượng vô cùng
nghiệt ngã. Cảm xúc thơ hiển hiện, rõ ràng trên trang giấy chứ đâu xa?
Đọc bài Chợt thu 2 của nhà thơ Dương Tường có thể các âm chữ như
vang ngân lên trong một bản nhạc kỳ thú:
Chiều se sẽ hương
Vườn se sẽ sương
Đường se sẽ quạnh
Trời se sẽ lạnh
Người se sẽ buồn
Và trong khúc nhạc mùa thu ấy ta dường như bắt gặp một thứ âm điệu khác
thường, một vẻ đẹp khác thường tạo nên một hiệu ứng khác thường cả về mặt
thị giác và thính giác.
Sự kết hợp giữa ngôn ngữ thơ ca và các ngành nghệ thuật khác thể hiện
rõ nhất là trong loại hình thơ trình diễn. Năm 2001, họa sĩ Như Huy là người
khơi mào cho thơ trình diễn ở Việt Nam, bằng một màn trình diễn thơ trước…
26
ít khán giả. Mãi đến năm 2005, số đông độc giả mới biết đến loại hình thơ này
qua chương trình Chiều buông đầy những tiếng thở dài của nhà thơ Dương
Tường tại L′Espace (Trung tâm văn hóa Pháp). Chỉ từ năm 2007, với sự hỗ
trợ đắc lực của Hội đồng Anh, sau đó là Trung tâm văn hóa Pháp, thơ trình
diễn mới nở rộ. Ý tưởng của các nhà thơ là dùng yếu tố trình diễn (cơ thể, vận
động, biểu cảm của nhà thơ) kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng cùng những vật
thể khác mang tính sắp đặt để tạo nên một cảm quan thơ mới. Nghĩa là các
loại hình nghệ thuật có sự kết hợp với ngôn ngữ thơ để tạo nên một tác phẩm
nghệ thuật mới lạ nhưng vẫn thuộc phạm trù thơ. Thế nhưng hiệu quả nghệ
thuật thực sự từ những hoạt động ấy vẫn chưa cao. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập
đến vấn đề này như một xu hướng cách tân trong thơ ca Việt Nam đương đại.
1.1.3. Sự phân hóa sâu sắc trong quan niệm về thơ và thực hành thơ
1.1.3.1. Quan niệm về thơ
Từ xưa đến nay, khi sáng tạo, người nghệ sĩ tất yếu phải có một quan
niệm về nghệ thuật. Thơ là gì? Là câu hỏi lớn mà mỗi nhà thơ trong suốt hành
trình sáng tạo luôn nung nấu, trăn trở và tìm tòi để có lời giải, nhiều khi đã kết
tinh thành những tuyên ngôn nghệ thuật bất hủ.
Quan sát bức tranh toàn cảnh thơ Việt trong suốt gần 30 năm qua, có
thể thấy khát vọng và nỗ lực cách tân của những người cầm bút. Cách tân đã
trở thành một ý thức tự giác, một nhu cầu khẩn thiết, một cao trào phổ biến,
rộng rãi. Sự chuyển mình đó xuất phát từ những đổi mới về ý thức nghệ thuật
của những người nghệ sĩ.
a. Thơ là… thơ
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thơ là phương
tiện để kêu gọi, tập hợp sức mạnh tinh thần của quần chúng nhân dân. Thơ đã
phát huy được chức năng cải tạo xã hội, đã tham dự trực tiếp vào đời sống
chiến đấu của toàn dân. Nhưng khi cơn binh lửa đã qua đi thì mọi sự đã đổi
27
khác. Thơ tiếp tục được đề cao song không phải là đề cao chức năng xã hội.
Thơ trước hết phải là thơ. Thơ không thể là công cụ. Khả năng to lớn của thơ
ca phải xuất phát từ chính đặc trưng, bản chất nghệ thuật của nó. “Thơ sinh
ra… cốt để chuyển tải nỗi lòng. Bài thơ hay nhiều khi không còn thấy thơ đâu
mà chỉ thấy cuộc đời, tâm trạng, số phận” (Vương Trọng). “Tôi làm thơ để
giải tỏa những mong đợi” (Vi Thùy Linh). Thơ là phương tiện tự thể hiện, đáp
ứng nhu cầu tự khám phá của con người. Thơ xoa dịu nỗi đau, xua tan những
giá lạnh của cuộc đời, đem đến cho con người niềm tin để sống, thậm chí hồi
sinh cho mỗi kiếp người. Đây là sự tiếp nối quan niệm thơ truyền thống: thơ có
những khả năng kỳ diệu, những sứ mệnh cao cả, thơ là một ngôi đền thiêng.
Bên cạnh đó, những người làm thơ cũng đã nhận ra những giới hạn của
thơ ca trong chính sứ mệnh cao cả của nó. Có người cho rằng đây chính là sự
đời thường hóa thơ ca. Ngô Tự Lập từng cho rằng “…chớ nên cường điệu vai
trò của thơ, dù là vai trò thẩm mĩ hay vai trò chính trị xã hội. Nếu thơ làm
rung động hàng triệu trái tim, như thơ Tố Hữu từng làm được, thì đó là điều
hay. Nhưng nếu nó không làm được, thì cũng không vì thế mà dở.” Điều này
xuất phát từ một góc nhìn mới, một cảm quan nghệ thuật mới và một hiện
thực cuộc sống hoàn toàn mới. Hiện thực được phản ánh giờ đây không phải
chỉ ở bề mặt mà còn ở bề sâu, bề xa, những góc khuất, thậm chí cả những xó
tối. Chính vì lẽ đó, những nhà thơ cần phải nhìn nhận cuộc sống với tư cách
chủ thể chủ động, tích cực. “Anh hãy rời bỏ những gì quá xa vời dù có cao
siêu/ để trở lại thế giới thực quanh anh còn những người nhặt rác/ Anh hãy đi
bộ dọc theo những ngõ phố hoàng hôn/ để thấy trái tim mình đau thắt” (Ngô
Thế Oanh).
b. Thơ - một trò chơi
Thực chất, quan niệm thơ - trò chơi chính là hệ quả của quan niệm thơ
là thơ, thơ có khả năng ẩn chứa, khơi mở diệu kỳ… Giờ đây, không còn
28
những trói buộc, không phải gánh vác, lo toan những trọng trách xã hội, thơ
trở về với chức năng đích thực của nó, là khoảng không bao la cho sáng tạo.
Quan niệm này đã đưa đến cho thơ những phẩm chất mới: sự phóng khoáng,
tự do, đối lập với tính hàn lâm, trang trọng, mực thước của thơ truyền thống.
Chơi ở đây là chơi với chữ (nói một cách nghiêm túc hơn là lao động
với chữ). Với nhiều thủ thuật: co kéo chữ, phân mảnh, lai ghép, giãn nở, cắt
xén, sắp đặt, bài trí chữ… họ đã mang lại cho chữ vô số hình dạng khác nhau,
khơi gợi vô số cảm xúc mới mẻ khác nhau. Phát hiện ra trò chơi này là một
minh chứng cho sự nhạy cảm của họ trước những tiềm năng dồi dào của chữ,
của Tiếng Việt.
Trần Dần là một trong những người khởi xướng Thơ dòng chữ đầu tiên
ở Việt Nam, để rồi sau đó, những người cùng chí hướng với ông đã phát triển
theo nhiều cách khác nhau: Lê Đạt- “phu chữ”, chăn dắt, nâng niu “bóng
chữ”; Dương Tường với thủ pháp “thi âm bồi”; Đặng Đình Hưng để cho chữ
“tự hành”… Và càng ngày thơ Việt Nam càng có chiều hướng trở về đúng với
bản chất của một loại hình nghệ thuật đặc thù: nghệ thuật của ngôn từ. Các
nhà thơ trẻ rất có ý thức trong việc xác lập những giá trị đã bị đánh mất của
thơ, trong đó đáng chú ý nhất là ngôn ngữ. Mặc xanh áo em của Trần Nguyễn
Anh là tập thơ mang tính trò chơi rất rõ. Chủ yếu nhà thơ chơi bằng cách cắt
xén, lai ghép một cách không hạn định các từ, chữ, âm; sắp xếp chúng theo
một khuôn hình chủ yếu nào đó; hình thoi, hình tam giác, hình thang, hình
chữ nhật…; chọn một câu thơ chốt rồi sắp xếp, đảo vị trí của chúng một cách
bất định để tạo thành một câu thơ mới mang ý nghĩa mới; hoặc kỳ công tạo ra
những đoạn thơ gồm những từ lấp láy, những dãy từ bắt đầu từ một chữ cái,
có khi là một câu hỏi điệp đi điệp lại sau những dòng thơ chỉ sắc thái như
những ký hiệu chỉ sắc thái ghi trong một bản nhạc. Nguyễn Thị Từ Huy lại
chơi với chữ cái bằng cách sắp xếp các câu, từ thành hình các chữ cái. Người
29
đọc có thể tự do lựa chọn các kết hợp câu bởi trật tự sắp xếp mở của chị. Với
tập thơ Chữ cái, người đọc có thể thấy mỗi chữ cái là một cơ thể, một sinh
thể, một tế bào đang vận động.
1.3.1.2. Quan niệm về nhà thơ
Quan niệm thơ “tải đạo”, thơ đánh giặc, có từ ngàn đời nay tất yếu sẽ
dẫn đến quan niệm nhà thơ - chiến sỹ. Sự thần tượng hóa thơ ca tất yếu sẽ
dẫn đến thần tượng hóa nhà thơ. Nguyễn Hữu Hồng Minh từng phác họa chân
dung nhà thơ:
Kẻ phản kháng và tìm đến những chân trời
Kẻ khát khao những địa hạt mà những mẫu tự thường nhật
không thể đạt tới
Kẻ tìm đến một đoạn tuyệt trong thực tại
Kẻ tới hơi sớm tương lai
(Khoảng 3h sáng)
Nhiều người khác lại cho rằng nhà thơ cũng là những người bình
thường như bao nhiêu người bình thường khác. Nhà thơ vẫn làm thơ nhưng
không thể cứu người, không thể cải tạo xã hội. Lê Minh Quốc tự nhận mình là
nhà thơ “cà trớn”. Nguyễn Duy tuyên bố về tư cách thi nhân của mình - cái tôi
“thảo dân”, cái tôi “cơm bụi”. Quan niệm trên đã rút ngắn khoảng cách giữa
nhà thơ và người đọc. Nhà thơ được cảnh báo rằng: anh ta phải ý thức được
mình là ai, mình có thể và không thể làm được những gì, hiệu ứng tác động
của thơ mình có thể đến đâu để có thể có những ứng xử phù hợp. Ngược lại,
người đọc cũng phải có sự tỉnh táo để đừng quá kỳ vọng vào khả năng cải tạo
xã hội của nhà thơ, anh ta phải tự thân vận động.
Nhưng không phải vì thế mà người làm thơ hôm nay chấp nhận sự dễ
dãi trong ngòi bút. Họ chính là những người có chí hướng cách tân sâu sắc.
Họ sẵn sàng đơn thương độc mã để mình được là mình, mình khác với người
30
khác. “Riêng anh một chân trời/ Riêng anh một tuyên ngôn, một cuộc chơi”
(Sự sống thật - Nguyễn Hữu Hồng Minh). “Tôi không nói bằng chiếc lưỡi
của người khác” (Lời - Trần Quang Quý). Vi Thùy Linh thì quyết liệt: “Tôi
là một nhà thơ solo. Tôi không cần dàn đồng ca. Tôi sẵn sàng là một chiến
binh có thể bị tử đạn để tạo nên một làn sóng mới trong thi ca”. Những lời
tuyên ngôn ấy có thể hơi ồn ào song đấy là một phẩm chất đẹp ở các nhà thơ
trẻ: sự tự tin. Và tất cả chúng ta đều biết rằng để có thể làm thơ, chơi thơ phải
thật sự có tài năng và bản lĩnh.
Như vậy, những quan niệm về thơ (và vị trí của nhà thơ) giờ đây không
đơn thuần là những phát ngôn thuần túy. Các nhà thơ đương đại ý thức rất rõ
mình đang đi về đâu. Vì lẽ đó, quan niệm luôn gắn liền với những thể nghiệm.
Và dẫu cho những quan niệm đó được đánh giá như thế nào đi chăng nữa thì
điều quan trọng nhất là sự phong phú, đa dạng của những tuyên bố và hành
động thơ ấy cũng đã là một thành công của thơ ca Việt Nam đương đại.
1.2. Thơ nữ trong thơ Việt Nam đương đại
1.2.1. Sự hình thành một “quyền lực riêng” của nữ giới trong thơ
Nhân loại được hình thành từ hai giới: nam và nữ. Trong đó, một giới
dường như luôn bị lãng quên, thậm chí bị đè nén. Đó là quy luật của xã hội
chứ không phải quy luật của tự nhiên. Mặc dù, tạo hóa đã ban tặng cho người
phụ nữ những thiên chức đặc biệt mà đàn ông không thể nào có được, trong
đó có thiên chức làm mẹ. Antoinette Fouque (1936, nhà phân tâm học, chính
trị gia, nhà biên tập, người được đánh giá là gương mặt tiêu biểu trong phong
trào phụ nữ cuối thế kỷ XX) từng khẳng định: “Cơ thể người mẹ, bộ phận tử
cung là môi trường đầu tiên của một con người. Dù sinh ra là con gái hay
con trai thì người đàn bà vẫn là nguồn thương yêu đầu tiên”. Cũng như
người đàn ông, phụ nữ cũng phải làm việc để sống, để tồn tại; cơ thể họ
không chỉ là đối tượng gây khoái cảm cho người đàn ông mà còn là nơi chứa
31
đựng và nuôi dưỡng sinh thể con người. Địa vị của người phụ nữ thật cao
quý!
Cho đến hôm nay, phong trào đấu tranh đòi bình quyền cho những
người phụ nữ chưa hề ngừng nghỉ. Riêng trong lĩnh vực văn chương, văn học
viết bởi những người nữ, hẹp hơn là thơ nữ vẫn chưa có được vị trí xứng
đáng, vẫn bị xem là ngoại biên, phi trung tâm. Trong khi, những sáng tạo
nghệ thuật của người nữ chiếm một phần không nhỏ trong kho tàng văn học.
Thơ nữ nói riêng, văn học nữ nói chung vẫn đã và đang cố gắng khẳng định vị
thế của mình, khẳng định một “quyền lực riêng” mà những cây bút nam giới
không thể nào có được.
Thơ nữ, trước hết là thơ viết về những người phụ nữ, những người mà
tạo hóa đã ban tặng cho những phẩm chất đặc biệt: dịu dàng, kín đáo, hy sinh,
yếu đuối, cần được che chở…; những người mà xã hội (cụ thể là nam giới) đã
hoạch định cho họ một không gian riêng biệt: không gian hướng nội, gắn với
gia đình, con cái, tình yêu của người nam…; những người mà trong tư thế và
hành động khó lòng vượt thoát khỏi mấy chữ: chờ đợi, đón nhận, gìn giữ,
nuôi dưỡng, vun trồng… Liệu có ai nữa, ngoài họ, chính những người phụ nữ
ấy, có thể viết một cách trung thực hơn, chân thành hơn thế giới nội tâm của
chính mình?
Ngay từ thuở xa xưa, nghe câu ca dao: Thân em như tấm lụa đào/
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?/ Thân em… bất cứ ai cũng cảm nhận đó
chính là tiếng lòng của những người phụ nữ. Chữ em ngọt ngào và tha thiết
quá, nó đã xác định rõ rệt không gian tâm hồn của những người phụ nữ
trong xã hội cũ. Cho đến hôm nay, có những lúc người nữ không còn xưng
hô như vậy trong thơ thì cá tính nữ, những tố chất đặc biệt của họ vẫn tiếp
tục khẳng định quyền lực của mình trong thơ. Từ những đề tài thường nhật
cho đến những đề tài liên quan đến vận mệnh xã hội, có tính chất thời sự,
32
đều được họ suy tư, chiêm nghiệm, soi chiếu qua lăng kính, cảm quan, cách
nhìn nữ.
Từ những mềm mại, dịu dàng:
Mất hút nỗi đau, riêng mình sâu thẳm
Tôi thấy tôi trong khắp kiếp nhân sinh
Nắng chứa chan Sài Gòn nhật thực
Tôi khát thương yêu dịu ngọt
cỏ hoang tàn…
(Trích Nắng từ những dấu chân - Ngô Thị Hạnh)
Cho đến táo bạo, quyết liệt, đầy nóng bỏng:
Hãy vĩnh biệt cuộc sống tĩnh mịch đơn điệu
Chịu đựng nô lệ giới tính bằng bị động
Hãy yêu nhau đừng chần chừ nữa
Đừng giam đời trong hồn yếu, sợ đàm tiếu điều tiếng lên án từ
những kẻ vô hồn bạc nhược
Nào cùng đi hãy vĩnh biệt cuộc sống tĩnh mịch đơn điệu
Chịu đựng nô lệ giới tính bằng bị động
Hãy yêu nhau, đừng chần chờ nữa
Đừng giam đời trong hèn yếu, sợ đàm tiếu điều tiếng lên án từ
những kẻ vô hồn bạc nhược
Nào cùng đi.
(Bản đồ tình yêu - Vi Thùy Linh)
Dấu ấn của người nữ làm thơ là rất rõ nét, không thể nào trộn lẫn.
Điều đáng nói là “quyền lực riêng” ấy của nữ giới trong thơ đã được
hình thành từ trong lịch sử để hôm nay thơ nữ có thể tự tin tiếp nối nguồn
mạch đáng quý này. Trong văn học dân gian đã từng có những câu ca dao mở
đầu với hai chữ thân em... và hàng loạt những câu hát than thân, những bài ca
33
dao yêu thương tình nghĩa. Những sáng tác dân gian ấy đã cho thấy những
tâm tư, khát vọng thầm kín của người phụ nữ trong xã hội xưa. Đến văn học
trung đại, nếu như nam nhi tập trung thể hiện khí phách của một người anh
hùng: tề gia, trị quốc, bình thiên hạ thì người phụ nữ ra sức thể hiện rõ vai trò
tam tòng, tứ đức, cùng với việc đòi quyền sống, quyền được hạnh phúc cho
riêng mình. Có thể thấy rõ điều này qua bản dịch Chinh phụ ngâm của Đoàn
Thị Điểm (?), thơ Hồ Xuân Hương... Trong phong trào Thơ mới, các nhà thơ
nữ như Anh Thơ, Vân Đài, Hằng Phương, Ngân Giang, Mộng Tuyết... tiếp
tục bộc lộ cảm xúc chân thật của mình qua các chủ đề: thiên nhiên, tình yêu...
Đặc biệt, có một thi nhân xuất hiện với một bút danh khá bí ẩn - T.T.Kh. Nhà
thơ đã gây được ấn tượng cho người đọc qua một loạt bài thơ như: Hai sắc
hoa Tigôn, Đan áo cho chồng, Bài thơ thứ nhất và Bài thơ cuối cùng. Bút
danh ấy chưa thể kết luận là phụ nữ hay nam giới nhưng qua những vần thơ
để lại, người đọc vẫn luôn tin rằng, đó là tiếng lòng của một người phụ nữ
đang buồn đau, nuối tiếc trước sự ra đi của một mối tình đẹp đẽ. Nhưng trên
hết, tác giả đã phần nào mở đường cho các tác giả nữ cùng thời và thế hệ tiếp
theo mạnh dạn phơi mở cõi lòng thầm kín của chính người phụ nữ trước cuộc
đời. Trong thơ ca kháng chiến, mặc dù đích chính là phục vụ kháng chiến,
phục vụ Cách mạng nhưng những người phụ nữ làm thơ vẫn cố gắng giãi bày
những nỗi niềm riêng tư, những tâm sự thầm kín ấp ủ trong lòng họ. Và cho
đến hôm nay, sự phát triển mạnh mẽ của đất nước và những nỗ lực tạo nên sự
bình đẳng về giới kể từ năm 1986 đã tạo nên những tiền đề cơ bản để giúp
người đàn bà thoát khỏi sự áp chế của đàn ông, khiến cho họ có khả năng tồn
tại độc lập và có khả năng tự quyết định số phận của mình. Đem đến cho văn
đàn những tiếng nói mới mẻ, buộc nam giới phải thừa nhận tài năng của
mình, người phụ nữ làm thơ hôm nay tự tìm đến cái tôi của chính mình, viết
về chính mình, tung tẩy, hết sức tự do bằng ý thức phái tính của mình.
34
Chính vì lẽ đó mà thơ ca được viết bởi chính những người phụ nữ đã
tìm được sự đồng cảm của một bộ phận lớn người đọc. Không chỉ là những
độc giả nữ mà cả nam giới, bởi họ biết sự chân thành là một trong những
phẩm chất quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật, là cầu nối cho những người
đàn ông đến với một nửa của nhân loại qua văn thơ.
1.2.2. Những chủ đề, hình tượng nổi bật
Không ai có thể phủ nhận được “quyền lực riêng” của nữ giới trong thơ.
Điều đó đồng nghĩa với việc có những phạm vi đời sống đã trở thành mảnh đất
riêng của họ. Ở luận văn này, chúng tôi chỉ đề cập một vài vấn đề chính -
những chủ đề, hình tượng nổi bật - trong thơ nữ đương đại Việt Nam: sự thể
hiện cái tôi cá nhân độc đáo và sự giãi bày tình yêu thẳng thắn, bộc trực.
1.2.2.1. Cái tôi cá nhân độc đáo
Sau năm 1975, đặc biệt sau năm 1986, được sự hậu thuẫn của điều kiện
kinh tế - xã hội mới, cái tôi cá nhân có những điều kiện thuận lợi để thể hiện
mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Có thể coi khát vọng bộc lộ đời sống tinh
thần, xúc cảm cá nhân là một nhu cầu tất yếu và lớn nhất của thơ ca đương
đại. Trong sáng tác của các nhà thơ nữ, cảm hứng tìm về với đời sống cá
nhân, nhu cầu khắc họa chân dung tinh thần cái tôi… là một nhu cầu rất mạnh
mẽ. Chính nhu cầu thẩm mỹ này đã tạo nên trong thơ họ chân dung một cái
tôi với rất nhiều sắc thái thẩm mỹ riêng biệt, độc đáo.
“Thơ sinh ra không phải để cho người đời chơi chữ mà cốt để chuyển
tải nỗi lòng. Bài thơ hay nhiều khi không còn thấy thơ đâu mà chỉ thấy cuộc
đời, tâm trạng, số phận” (Vương Trọng, Đổi mới nội dung thơ mới khó,
evan.com 9/2006). Đó cũng chính là lý do mà người đọc bắt gặp những trang
thơ với bao nhiêu nỗi niềm tâm sự. Và trong muôn vàn những điều tự bạch
ấy, nỗi buồn sầu, cô đơn được thể hiện rõ nét nhất.
Em nhận ra niềm vui kia mang theo gương mặt của nỗi buồn
Và từ đó nỗi buồn cứ theo em mỗi lần bay lên và rơi xuống
35
Suốt một đời em…
(Bông tuyết - Trần Lê Sơn Ý)
Nếu như các nhà thơ nữ thế hệ trước thường diễn tả nỗi cô đơn bằng
một biểu tượng nào đó, hoặc nói một cách xa vời, ý tại ngôn ngoại… thì các
nhà thơ nữ đương đại giãi bày tâm sự một cách trực diện và đôi khi hơi ồn ã:
Không thấy, không nghe, không hiểu
là những gì tôi rút ra từ cuộc sống này
(Bầu trời và chiếc gương soi - Lê Thị Mỹ Ý)
Rơi vào trạng thái hoang mang, hoài nghi, bất lực, trống rỗng, cô đơn
họ cố tìm cách để lý giải, nhận diện chính mình. Nhu cầu cắt nghĩa trong thơ
với cái tôi đầy suy tư, trăn trở hiện hình từ đó.
Thật ra nỗi buồn đâu có màu sắc gì
Chỉ là màu vàng của ánh đèn vàng đêm đêm soi vào mắt cô gái
trẻ để tìm cho ra nỗi buồn có màu sắc gì
Nhưng mắt quá trong
Khoắng lên cũng vô ích
(Lô lô - Ly Hoàng Ly)
Nhưng trên hết, vẫn là một cái tôi đầy nữ tính, giàu yêu thương, chia sẻ:
Bà già không chốn nương thân, lọ mọ nhặt quanh bãi rác
Chị nông dân nói ngọng xệch mông đạp xe thồ rau từ nửa đêm
kịp đến chợ Long Biên lúc 3h sáng
Cô gái đen đúa đội thúng bánh mì, gầy đen như ngõ tối rao khản gió
Ông bán bóng đói lả phùng má thổi bóng bay lên cắm mặt xuống ho
Những thằng bé còi lăn lóc đánh giày rạc chân rao báo
(Ký họa đen - Vi Thùy Linh)
36
Hướng lòng mình đến những cảnh đời lam lũ, các nhà thơ nữ càng trân
trọng hạnh phúc, cố gắng vun đắp cho tổ ấm của riêng mình. Và lúc ấy thơ nữ
như một khúc hoan ca khi nghĩ về một miền yêu dấu:
Tôi chạy về con đường ngập hoa mẫu đơn
Đánh thức tôi gió rét mưa phùn
Cha chuốt lạt mềm nứa mỏng
Tuổi thơ ngọt vị nếp nương…
(Mưa tượng hình - Trần Hoàng Thiên Kim)
…
mẹ đã thấy nơi thung xanh mặt hồ hoa trái thơm nồng nàn hơi sữa
những chàng ngựa nghênh bờm hý vang
và những cánh tay đàn ông
vạm vỡ gieo
Ánh sáng.
(Sự sống - Bùi Mai Hạnh)
Soi vào mắt con, mẹ thấy cả một trời xanh cứu rỗi
Quỳ xuống và tin, ngây thơ trong trẻo còn tồn tại trên đời
…………….
Con là người lớn, mẹ là trẻ con
Trái đất thoắt vuông, trái đất thoắt tròn
Ta chạy thênh thang đồng lộng lộng gió
Châu chấu, cào cào hoa vàng hoa đỏ
Ta ôm nhau ngủ cùng trăng cùng sao
Hoa vàng hoa đỏ châu chấu cào cào
(Nói cùng con - Nguyễn Phan Quế Mai)
1.2.2.2. Tình yêu mãnh liệt và hạnh phúc lứa đôi
37
Tình yêu thuộc phạm trù vĩnh cửu. Con người còn tồn tại là tình yêu
còn hiện hữu. Song, ở mỗi giai đoạn lịch sử, tình yêu lại có những điểm đặc
thù. Khi chiến tranh đã qua đi, con người trở về với đời sống tự do, tất cả
những gì chất chứa, dồn nén trong lòng thì giờ đây đều được gửi hết vào trong
các trang thơ. Tất cả hạnh phúc, khổ đau, hy vọng, tuyệt vọng, được mất,
thành công hay thất bại… đều đi vào thơ giai đoạn này một cách giản dị, tự
nhiên như tình yêu vốn có trong lòng con người. So với các giai đoạn trước,
thơ nữ viết về tình yêu thời kỳ này càng thể hiện rõ hơn “thiên tính nữ” của
họ. Con người trong tình yêu hôm nay dám chấp nhận những mất mát khổ
đau, họ tự do, công khai thể hiện những lỡ lầm, lỡ dở, dám nói cả những điều
mà trước đây cấm kỵ. Chính vì vậy mà tình yêu trong thơ nữ giai đoạn này
thể hiện với đủ mọi cung bậc, màu sắc và những biến thái tinh vi của nó: có
yêu thương nhưng cũng có những giận hờn, có hạnh phúc những cũng có khổ
đau, có chối từ nhưng cũng có những khát khao, có ồn ào, mạnh mẽ, dữ dội,
nhưng cũng có những dịu êm, nhẹ nhàng, đằm thắm, da diết… Tình yêu ấy
gần gũi với hiện thực cuộc sống của con người hơn nhưng vì vậy mà càng trở
nên phức tạp, đa đoan.
Có khi ngọt ngào, say đắm:
Khi anh nhìn em
………………….
Khi anh gọi tên em
……………………
Khi anh lắng nghe em
Mặt trời nghiêng đợi
Thu xõa tóc vào đông, xuân hồng vào nắng hạ
Lo toan trở dạ, bình yên sinh thành
Nắng úa cuối mùa rạng rỡ màu xanh
38
(Gửi người yêu dấu - Nguyễn Phan Quế Mai)
Có khi mộc mạc đến nao lòng:
Sao anh không về hôn mặt ruộng tím lục bình trôi
Để em giấu anh vào chiều, vào ngực em oi khói bếp
(Không đề cho anh - Huỳnh Thúy Kiều)
Điểm nổi bật trong thơ nữ đương đại là những khát khao nồng ấm trong
tình yêu. Những khát khao ấy ẩn chứa trong ánh sáng mong manh của tình
yêu lứa đôi cùng những tia lóe chớp của số phận. Và chúng quay quắt trong
nỗi cô đơn, sự trống trải, đầy lo toan về hạnh phúc:
không đến được cuối con đường
cùng anh
khi bóng chiều rạn vỡ
sao em cần hơi ấm
đôi khi chỉ thoáng một nụ cười?
(Chiều nay sông khóc - Nguyễn Thị Anh Đào)
Dù thế, người phụ nữ trong thơ vẫn không ngại ngần khi bày tỏ những
mong muốn khát khao của riêng mình:
giữa muôn trùng thăm thẳm nỗi khát khao người đàn bà
trong em luôn tỉnh giấc
nhưng biết lấy gì làm dịu đi cơn khát
khi gối chăn đã lâu không phơi kịp nắng trời
(Khát… - Đặng Thị Thanh Hương)
Tình yêu trong thơ nữ đương đại không chỉ là một chủ đề “thuần túy,
vĩnh viễn” của thơ ca mà còn thể hiện sâu sắc ý thức về tính nữ, khát khao
khẳng định quyền lực riêng của giới nữ.
Trong tập Lô Lô, Ly Hoàng Ly viết:
Đêm là của chúng mình
39
Sao nỡ ngủ hả anh?
Câu thơ như một tuyên ngôn hiện sinh cháy bỏng khao khát yêu đương của
người phụ nữ. Điều ấy có thể gây sốc với những người phụ nữ chịu ảnh hưởng
sâu nặng của quan niệm đạo đức truyền thống nhuốm màu sắc Nho gia. Nhưng
lại phù hợp với những người phụ nữ hiện đại khi họ luôn có ý thức rằng người
phụ nữ vẫn có quyền được yêu và được thụ hưởng tất cả những giá trị của tình
yêu, kể cả những giá trị về phương diện nhục cảm mà đã có thời được xem như
là một điều cấm kỵ trong cuộc sống cũng như trong văn học.
Không chỉ khẳng định quyền được yêu của người phụ nữ, Vi Thùy
Linh còn cho thấy sức mạnh, quyền năng của tình yêu - tình yêu thuần khiết
có thể cứu cả thế giới.
Em giấu anh toàn bộ nước mắt mình
Còn lại tất cả em và tình yêu - Anh thu nạp
Tình yêu cứu vớt chúng ta khỏi đau thương, đớn hèn và tha hoá
Cả thành phố bỗng lộng lẫy nhiệm màu như bài thơ đá trắng
Không solo...
(Solo - Vi Thùy Linh)
Không chỉ dừng lại ở đó, Linh còn đẩy niềm lãng mạn đi xa hơn khi
xem tình yêu là sự hoàn thiện bản thể. Mỗi con người vốn là một bản thể đầy
mâu thuẫn, một bản thể thiếu khuyết: Tôi là tôi / Một bản thể đầy mâu thuẫn.
Cái tôi ấy chỉ trở nên hoàn thiện bởi tình yêu và trong tình yêu: Vào lúc
những kim đồng hồ nhập một / Chúng ta trở thành một bản thể / và khi ấy /
Em nhận ra / Anh là bản đồ thế giới. Tình tự là lúc cảm nhận được sự bình
yên mặt đất, bình yên của phận người: Khi hôn mắt Anh, mắt trong mắt Anh /
Em nhìn thấy sự vận động của thế giới từ những hạt mầm còn nằm trong
ngấn nước / Khi nằm nơi Anh / Em như ở trên hòn đảo bình yên của cuộc đời
mình / Khi áp vào tai Anh / Em nghe thấy muôn tiếng sóng vỗ về miên man
40
như áp con ốc biển / Khi em hòa trong toàn vẹn Anh / Em đã vén được bức
màn bí ẩn về sự sống / Và em biết / Với tình yêu của em /Anh có thể ngẩng
cao, trở thành chính mình.
1.2.3. Những giới hạn trên một số phương diện
Bối cảnh đời sống hậu chiến với nhiều trạng huống nhân sinh, thế sự
phức tạp dễ khiến con người rơi vào trạng thái khủng hoảng, bất an. Mặt trái
của nền kinh tế thị trường làm cho mối quan hệ giữa con người với con người
trở nên lỏng lẻo, khó tìm thấy sự sẻ chia, đồng điệu trong cuộc sống. Vì lẽ đó,
nỗi buồn, sự cô đơn… là cảm xúc thường gặp trong thơ đương đại nói chung,
thơ nữ nói riêng. Mặc dù không hoàn toàn bế tắc nhưng đâu đó vẫn có những
cách ứng xử bất thường.
Có khi họ giải tỏa nỗi cô đơn bằng những liên tưởng và hành động cụ
thể mang tính nhục cảm, những khát khao dâng hiến:
Cái lạnh ngấm dần, em tự ôm em
Em tự sát thương vết đau đang rỉ ra
Nơi cắt rốn cô đơn bằng những giọt lòng
Và lần cởi từng chiếc cúc…
(Tiếng đêm - Vi Thùy Linh)
Có khi sự cô đơn, buồn bã có thể dẫn đến những quan niệm lệch lạc:
Chẳng biết có đêm nào như đêm nay
Bằng một nỗi cô đơn hoàn hảo
Tôi thấy mình chết trong khoảnh khắc
khi nhìn vào gương soi
(Lẩn thẩn - Khương Hà)
Lại có khi cô đơn khiến người nữ trở nên buông xuôi, bất lực:
Nỗi buồn vẫn gặm nhấm con người từng ngày
Nó ngốn của chúng ta sức lực
(Hẳn nhiên, nó làm ta thất vọng)
41
(Một ngày chưa có trong sự thật - Vi Thùy Linh)
“Một nửa nhân loại là phụ nữ”, nhưng không có nghĩa tất cả phụ nữ
đều tán đồng với những cách ứng xử của phụ nữ trong thơ. Vì lẽ đó, thơ
nữ đương đại luôn phải chịu những phán xét rất nghiêm khắc từ số đông
độc giả bởi nữ tính, mẫu tính là những phẩm chất đặc biệt của người phụ
nữ đã mặc nhiên được cộng đồng thừa nhận, khó có thể thay đổi cho dù
thời gian trôi qua.
Viết về tình yêu, thơ nữ đương đại cũng bộc lộ một số hạn chế nhất
định. Được yêu, khát khao được hưởng một cuộc sống hạnh phúc là khát vọng
muôn đời của nhân loại, đặc biệt là của những người phụ nữ. Riêng về điều
này, thơ nữ cũng bộc lộ hai xu hướng rõ nét:
Một là, sự ám ảnh về nỗi đau thân phận quá lớn khiến cho thơ nữ luôn
thấm đẫm nỗi buồn khi viết về tình yêu. Dẫu nỗi buồn là một trạng thái tâm lý
có thực của con người và là một trạng thái thẩm mỹ đích thực nhưng một khi
nỗi buồn đau tràn ngập dễ khiến cho người phụ nữ làm thơ trở nên tội nghiệp,
đáng thương:
Em lúc nào cũng trầm nhược
Tình yêu anh dành cho em không đủ
Em lúc nào cũng nhớ
những nỗi đau người tìm cách rũ đi
cả khuôn mặt anh âm u chiều giông
Em chẳng biết tình yêu là gì
Chỉ thấy tình yêu anh dành cho em không đủ
Em lúc nào cũng trầm nhược
Vẽ khuôn mặt tình yêu
42
ôm ngủ.
(Ám ảnh - Trang Thanh)
bình minh đón ngày bằng giọt sương
tái tê, xon xót
ước có bàn tay nâng
em chỉ là hạt mầm cô đơn
khóc trước sự thành tâm của cỏ
(Mê khúc - Lữ Thị Mai)
Hai là, nỗi khát khao ấy được thể hiện một cách quyết liệt với những
vần thơ phá cách, những ý nghĩ ngông cuồng đã tạo nên sự hoài nghi ở người
đọc về những người làm thơ là phụ nữ khiến đôi khi họ phải chịu búa rìu của
dư luận.
…Người đàn bà si tình khóc rống
Đập vào cái đầu trống rỗng phía bên kia
nghệch ngoạc những nỗi đau không định hình
Người đàn bà vẫn yêu.
Khóc.
Và chửi rủa từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.
(Những người đàn bà trong thành phố(3) - Nguyệt Phạm)
Hay những vần thơ trong sự thể nghiệm ngắt quãng câu thơ, tạo nên những
nét nghĩa bổ sung trong thơ Phương Lan:
Chúm đỏ
Chụm bàn tay nâng đỉnh nụ lên trời
Giữa ngây mượt triền đồi và thung lũng mở phơi…
…Em đã cuồng tín chờ anh
bằng từng khoảnh khắc vừa rên rỉ kêu la vừa rơi xuống giật lùi
43
bằng từng vết chân cố điên cuồng dẫm lên bóng mình trong quá khứ
bằng từng tiếng gọi u u trách hờn nôn nao khát mê
bằng những cơn tháo chạy đào thoát vô vọng mệt lừ
Để rồi cuối cùng lại lao vào yêu anh như chưa từng bao giờ…
…Rướn cong mùa chín mọng trong đêm
Chờ một linh tín để hân hoan giờ khai mở,
Dưới em là rầm rì cỏ mềm
Và những phôi mầm phập phồng cố nén cơn phấn khích
Trong viễn tưởng đồng loạt đội lên
(Đỉnh hoa - Phương Lan)
Ở một góc độ khác, âm hưởng của ý thức nữ quyền trong thơ nữ trong
bối cảnh hiện tại đã đưa đến những vần thơ gây sốc cho độc giả, xóa hết ấn
tượng về người phụ nữ truyền thống trong thơ.
Ví như bài thơ Ngọn cỏ của Nguyễn Thị Hoàng Bắc:
tiếng nước đái
nhỏ giọt
trong bồn cầu tí tách
thứ nước ấm sóng sánh vàng
hổ phách
trong người tôi tuôn ra
phải rồi
tôi là đàn bà
hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ
bây giờ
được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ
44
bây giờ
được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ
tương lai không chừng tôi sẽ
to con mập phệ
tí tách như mưa
ngọn cỏ gió đùa
Và đây là nhận xét của Nhã Thuyên: “Bài thơ này đem lại cho tôi nhiều cảm
xúc: vừa là sự nhạo báng ngạo mạn, vừa có gì thật gần gũi, thậm chí trìu
mến, vừa thách thức, vừa tự khai báo thân phận, giễu cợt lẫn đau xót. Hình
ảnh người phụ nữ tự lắng nghe âm thanh tiếng nước đái tí tách, hình dung
sắc vàng óng ánh tuôn ra từ cơ thể mình, tự miêu tả tư thế “chễm chệ” trên
bồn cầu của mình, và không chút ngượng ngùng biểu diễn lại thao tác của
thân thể đó gây ấn tượng bởi sự đùa bỡn ngang tàng, sự bài bác hài hước và
thông minh những nguyên tắc nữ tính thông thường vốn bị trấn áp bởi cái
nhìn của nam giới và chính phụ nữ thần phục…”
Mặc dù đã có sự lên tiếng bênh vực của giới phê bình, xem như “cú
ngược dòng lộn ngược” song khó có thể nhận được sự đồng cảm của số đông
độc giả.
1.3. Về lớp nhà thơ nữ thế hệ 197x, 198x
1.3.1. Điểm danh
Tiếp nối lực lượng thơ nữ đã được tôi luyện qua chiến tranh như: Xuân
Quỳnh, Ý Nhi, Lâm Thị Mỹ Dạ, Đoàn Thị Lam Luyến, Phan Thị Thanh
Nhàn…; và thế hệ thơ nữ thời hậu chiến như: Tuyết Nga, Thảo Phương,
Giáng Vân, Đặng Thị Thanh Hương, Phan Thị Vàng Anh…; những cây bút
trẻ thế hệ 197x, 198x đã thể hiện rõ nét tiếng thơ mới mẻ với sức sáng tạo dồi
dào, mãnh liệt. Họ sống, học tập và làm việc trên khắp mọi miền đất nước.
Miền Bắc có: Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Lê Thị Mỹ Ý, Trang
Thanh, Phạm Vân Anh, Trương Quế Chi, Lê Ngân Hằng, Huyền Minh…
45
Miền Nam có: Tú Trinh, Ngô Thị Hạnh, Thanh Xuân, Nguyễn Thúy
Hằng, Lynh Barcady, Nguyệt Phạm, Ly Hoàng Ly, Phương Lan, Khương Hà,
Trương Gia Hòa, Trần Lê Sơn Ý, Nguyễn Ngọc Tư…
Miền Trung và Tây Nguyên: Lam Hạnh, Lưu Ly, Lữ Thị Mai, Đông
Hà, Nguyễn Thị Anh Đào…
Các nhà thơ chủ yếu ở độ tuổi 40 (có vài người vừa qua độ tuổi tứ
tuần), tất thảy đều sung sức, tràn đầy nhiệt huyết. Họ thực sự đã và đang là
niềm hy vọng của nền thơ Việt Nam trong thế kỷ này.
Xin điểm qua một vài gương mặt thơ nữ 197x, 198x nổi bật:
Phan Huyền Thư sinh năm 1972, tại Hà Nội. Tốt nghiệp đại học Tổng
hợp khoa Văn năm 1993, Phan Huyền Thư được biết đến với tư cách là nhà
thơ trẻ có các tập thơ hay như Nằm nghiêng (2002), Rỗng ngực (2005). Bên
cạnh sáng tác thơ, Phan Huyền Thư còn được biết đến với vai trò nhà báo,
biên kịch tài năng. Hiện Phan Huyền Thư là nhà biên kịch của Hãng phim tài
liệu và khoa học trung ương. Chị cũng rất thành công khi đảm nhận vai trò
đạo diễn phim tài liệu. Chương trình Một phút có trong sự thật của chị nhận
được sự phản hồi tốt đẹp từ phía dư luận. Thơ Phan Huyền Thư nhiều triết
luận về những bức bối thời cuộc, cưỡng lại sự giả dối, hời hợt, dung tục nảy
sinh trong quá trình đô thị hóa vật chất và “đô thị hóa tâm hồn”. Có lẽ chính
vì vậy mà thơ chị sử dụng ngôn ngữ đời sống một cách đầy chủ ý, bỏ qua sự
mài dũa, quyết liệt từ chối sự đèm đẹp của ngôn từ. Chị đã tạo ra những cấu
trúc lạ, để rồi kỳ ngộ những câu thơ độc đáo, bất ngờ. Sự tách biệt hẳn thơ chị
với những nhà thơ đương thời trên một góc độ nào đó còn là sự diễu nhại,
diễu nhại truyền thống, diễu nhại những cái đã sáng tạo trước chị, khiến câu
thơ thường hay đặt bẫy người đọc, nhịp thơ có vẻ rời rạc, rất khó nắm bắt.
Thêm nữa, thơ Phan Huyền Thư có chút gì đó rất táo bạo, công khai nói
những điều mà các thế hệ trước hoặc không dám hoặc chỉ làm lén lút. Người
đàn bà trong thơ Phan Huyền Thư đầy nữ tính, thứ nữ tính có chút hoang dại,
46
Thơ nữ việt nam thế hệ 197x, 198x (diện mạo và đặc điểm) 2907864
Thơ nữ việt nam thế hệ 197x, 198x (diện mạo và đặc điểm) 2907864
Thơ nữ việt nam thế hệ 197x, 198x (diện mạo và đặc điểm) 2907864
Thơ nữ việt nam thế hệ 197x, 198x (diện mạo và đặc điểm) 2907864
Thơ nữ việt nam thế hệ 197x, 198x (diện mạo và đặc điểm) 2907864
Thơ nữ việt nam thế hệ 197x, 198x (diện mạo và đặc điểm) 2907864
Thơ nữ việt nam thế hệ 197x, 198x (diện mạo và đặc điểm) 2907864
Thơ nữ việt nam thế hệ 197x, 198x (diện mạo và đặc điểm) 2907864
Thơ nữ việt nam thế hệ 197x, 198x (diện mạo và đặc điểm) 2907864
Thơ nữ việt nam thế hệ 197x, 198x (diện mạo và đặc điểm) 2907864
Thơ nữ việt nam thế hệ 197x, 198x (diện mạo và đặc điểm) 2907864
Thơ nữ việt nam thế hệ 197x, 198x (diện mạo và đặc điểm) 2907864
Thơ nữ việt nam thế hệ 197x, 198x (diện mạo và đặc điểm) 2907864
Thơ nữ việt nam thế hệ 197x, 198x (diện mạo và đặc điểm) 2907864
Thơ nữ việt nam thế hệ 197x, 198x (diện mạo và đặc điểm) 2907864
Thơ nữ việt nam thế hệ 197x, 198x (diện mạo và đặc điểm) 2907864
Thơ nữ việt nam thế hệ 197x, 198x (diện mạo và đặc điểm) 2907864

More Related Content

What's hot

THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
nataliej4
 
Xuân diệu về tác gia và tác phẩm
Xuân diệu về tác gia và tác phẩmXuân diệu về tác gia và tác phẩm
Xuân diệu về tác gia và tác phẩm
jackjohn45
 
Luận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quê
Luận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quêLuận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quê
Luận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quê
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdfNghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
HanaTiti
 
[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ
[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ
[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ PhủThanh Cong Ma
 
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đLuận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay, HAY, 9đ
Luận văn: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay, HAY, 9đLuận văn: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay, HAY, 9đ
Luận văn: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay, HAY, 9đ
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Luận văn: Bi cảm trong tiểu thuyết Kawabata Yasunari, HAY
Luận văn: Bi cảm trong tiểu thuyết Kawabata Yasunari, HAYLuận văn: Bi cảm trong tiểu thuyết Kawabata Yasunari, HAY
Luận văn: Bi cảm trong tiểu thuyết Kawabata Yasunari, HAY
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa
Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi IssaPhong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa
Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa
Nguyễn Duy Bình
 
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh ChâuĐề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
Dịch vụ viết thuê Khóa Luận - ZALO 0932091562
 
Luận văn: Số đỏ và kỹ nghệ lấy tây của Vũ Trọng Phụng, HAY, 9đ
Luận văn: Số đỏ và kỹ nghệ lấy tây của Vũ Trọng Phụng, HAY, 9đLuận văn: Số đỏ và kỹ nghệ lấy tây của Vũ Trọng Phụng, HAY, 9đ
Luận văn: Số đỏ và kỹ nghệ lấy tây của Vũ Trọng Phụng, HAY, 9đ
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Quan niệm về tiểu thuyết của Cao Hành Kiện, HAY
Luận văn: Quan niệm về tiểu thuyết của Cao Hành Kiện, HAYLuận văn: Quan niệm về tiểu thuyết của Cao Hành Kiện, HAY
Luận văn: Quan niệm về tiểu thuyết của Cao Hành Kiện, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
TIỂU THUYẾT VÀ HỒI KÍ TÔ HOÀI SAU 1945 DƯỚI GÓC NHÌN THỂ LOẠI. LUẬN ÁN TIẾN S...
TIỂU THUYẾT VÀ HỒI KÍ TÔ HOÀI SAU 1945 DƯỚI GÓC NHÌN THỂ LOẠI. LUẬN ÁN TIẾN S...TIỂU THUYẾT VÀ HỒI KÍ TÔ HOÀI SAU 1945 DƯỚI GÓC NHÌN THỂ LOẠI. LUẬN ÁN TIẾN S...
TIỂU THUYẾT VÀ HỒI KÍ TÔ HOÀI SAU 1945 DƯỚI GÓC NHÌN THỂ LOẠI. LUẬN ÁN TIẾN S...
nataliej4
 
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIXLuận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận án: Nghệ thuật tượng trưng trong sáng tác của trường thơ loạn
Luận án: Nghệ thuật tượng trưng trong sáng tác của trường thơ loạnLuận án: Nghệ thuật tượng trưng trong sáng tác của trường thơ loạn
Luận án: Nghệ thuật tượng trưng trong sáng tác của trường thơ loạn
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đ
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đThế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đ
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đ
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam Bộ
Luận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam BộLuận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam Bộ
Luận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam Bộ
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật ÁnhĐề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Vai trò của nhà văn đối với đời sống văn học.
Vai trò của nhà văn đối với đời sống văn học.Vai trò của nhà văn đối với đời sống văn học.
Vai trò của nhà văn đối với đời sống văn học.
Jackson Linh
 

What's hot (20)

THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
 
Xuân diệu về tác gia và tác phẩm
Xuân diệu về tác gia và tác phẩmXuân diệu về tác gia và tác phẩm
Xuân diệu về tác gia và tác phẩm
 
Luận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quê
Luận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quêLuận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quê
Luận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quê
 
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdfNghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Tô Hoài.pdf
 
[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ
[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ
[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ
 
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
 
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đLuận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
 
Luận văn: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay, HAY, 9đ
Luận văn: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay, HAY, 9đLuận văn: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay, HAY, 9đ
Luận văn: Thể loại phóng sự Việt Nam từ 1975 đến nay, HAY, 9đ
 
Luận văn: Bi cảm trong tiểu thuyết Kawabata Yasunari, HAY
Luận văn: Bi cảm trong tiểu thuyết Kawabata Yasunari, HAYLuận văn: Bi cảm trong tiểu thuyết Kawabata Yasunari, HAY
Luận văn: Bi cảm trong tiểu thuyết Kawabata Yasunari, HAY
 
Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa
Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi IssaPhong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa
Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa
 
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh ChâuĐề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
 
Luận văn: Số đỏ và kỹ nghệ lấy tây của Vũ Trọng Phụng, HAY, 9đ
Luận văn: Số đỏ và kỹ nghệ lấy tây của Vũ Trọng Phụng, HAY, 9đLuận văn: Số đỏ và kỹ nghệ lấy tây của Vũ Trọng Phụng, HAY, 9đ
Luận văn: Số đỏ và kỹ nghệ lấy tây của Vũ Trọng Phụng, HAY, 9đ
 
Luận văn: Quan niệm về tiểu thuyết của Cao Hành Kiện, HAY
Luận văn: Quan niệm về tiểu thuyết của Cao Hành Kiện, HAYLuận văn: Quan niệm về tiểu thuyết của Cao Hành Kiện, HAY
Luận văn: Quan niệm về tiểu thuyết của Cao Hành Kiện, HAY
 
TIỂU THUYẾT VÀ HỒI KÍ TÔ HOÀI SAU 1945 DƯỚI GÓC NHÌN THỂ LOẠI. LUẬN ÁN TIẾN S...
TIỂU THUYẾT VÀ HỒI KÍ TÔ HOÀI SAU 1945 DƯỚI GÓC NHÌN THỂ LOẠI. LUẬN ÁN TIẾN S...TIỂU THUYẾT VÀ HỒI KÍ TÔ HOÀI SAU 1945 DƯỚI GÓC NHÌN THỂ LOẠI. LUẬN ÁN TIẾN S...
TIỂU THUYẾT VÀ HỒI KÍ TÔ HOÀI SAU 1945 DƯỚI GÓC NHÌN THỂ LOẠI. LUẬN ÁN TIẾN S...
 
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIXLuận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
 
Luận án: Nghệ thuật tượng trưng trong sáng tác của trường thơ loạn
Luận án: Nghệ thuật tượng trưng trong sáng tác của trường thơ loạnLuận án: Nghệ thuật tượng trưng trong sáng tác của trường thơ loạn
Luận án: Nghệ thuật tượng trưng trong sáng tác của trường thơ loạn
 
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đ
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đThế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đ
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đ
 
Luận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam Bộ
Luận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam BộLuận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam Bộ
Luận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam Bộ
 
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật ÁnhĐề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
 
Vai trò của nhà văn đối với đời sống văn học.
Vai trò của nhà văn đối với đời sống văn học.Vai trò của nhà văn đối với đời sống văn học.
Vai trò của nhà văn đối với đời sống văn học.
 

Similar to Thơ nữ việt nam thế hệ 197x, 198x (diện mạo và đặc điểm) 2907864

Luận văn: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận văn học, 9 ĐIỂM
Luận văn: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận văn học, 9 ĐIỂMLuận văn: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận văn học, 9 ĐIỂM
Luận văn: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận văn học, 9 ĐIỂM
Viết Thuê Khóa Luận _ ZALO 0917.193.864 default
 
Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...
Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...
Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...
nataliej4
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đLuận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
nataliej4
 
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdfĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
jackjohn45
 
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdfĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
jackjohn45
 
Khoá Luận Tốt Nghiệp Vấn Đề Chủ Nghĩa Hiện Thực Trong Lý Khoá Luận Học Ở Việt...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Vấn Đề Chủ Nghĩa Hiện Thực Trong Lý Khoá Luận Học Ở Việt...Khoá Luận Tốt Nghiệp Vấn Đề Chủ Nghĩa Hiện Thực Trong Lý Khoá Luận Học Ở Việt...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Vấn Đề Chủ Nghĩa Hiện Thực Trong Lý Khoá Luận Học Ở Việt...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Th s33.008 giá trị và vị trí tập thơ việt bắc trong hành trình thơ tố hữu
Th s33.008 giá trị và vị trí tập thơ việt bắc trong hành trình thơ tố hữuTh s33.008 giá trị và vị trí tập thơ việt bắc trong hành trình thơ tố hữu
Th s33.008 giá trị và vị trí tập thơ việt bắc trong hành trình thơ tố hữu
https://www.facebook.com/garmentspace
 
Luận văn: Tản văn Việt Linh và Nguyễn Ngọc Tư – từ đặc trưng thể loại, 9đ
Luận văn: Tản văn Việt Linh và Nguyễn Ngọc Tư – từ đặc trưng thể loại, 9đLuận văn: Tản văn Việt Linh và Nguyễn Ngọc Tư – từ đặc trưng thể loại, 9đ
Luận văn: Tản văn Việt Linh và Nguyễn Ngọc Tư – từ đặc trưng thể loại, 9đ
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Giáo án môn Ngữ văn Lớp 10 (Sách Cánh diều) - Chương trình học kỳ 1
Giáo án môn Ngữ văn Lớp 10 (Sách Cánh diều) - Chương trình học kỳ 1Giáo án môn Ngữ văn Lớp 10 (Sách Cánh diều) - Chương trình học kỳ 1
Giáo án môn Ngữ văn Lớp 10 (Sách Cánh diều) - Chương trình học kỳ 1
Mikayla Reilly
 
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt NamLuận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAYLuận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Luận án: Đặc điểm hồi ký văn học Việt Nam từ 1975 đến 2010
Luận án: Đặc điểm hồi ký văn học Việt Nam từ 1975 đến 2010Luận án: Đặc điểm hồi ký văn học Việt Nam từ 1975 đến 2010
Luận án: Đặc điểm hồi ký văn học Việt Nam từ 1975 đến 2010
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đLuận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, HAY
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, HAYLuận án: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, HAY
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đại
Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đạiThơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đại
Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đại
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Luận văn: Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đại
Luận văn: Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đạiLuận văn: Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đại
Luận văn: Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đại
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm Mắt bão, Ngựa thép, Luật chơi
Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm Mắt bão, Ngựa thép, Luật chơiNghệ thuật tự sự trong tác phẩm Mắt bão, Ngựa thép, Luật chơi
Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm Mắt bão, Ngựa thép, Luật chơi
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và InrasaraLuận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 

Similar to Thơ nữ việt nam thế hệ 197x, 198x (diện mạo và đặc điểm) 2907864 (20)

Luận văn: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận văn học, 9 ĐIỂM
Luận văn: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận văn học, 9 ĐIỂMLuận văn: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận văn học, 9 ĐIỂM
Luận văn: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận văn học, 9 ĐIỂM
 
Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...
Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...
Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đLuận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
 
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
 
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdfĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
 
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdfĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
 
Khoá Luận Tốt Nghiệp Vấn Đề Chủ Nghĩa Hiện Thực Trong Lý Khoá Luận Học Ở Việt...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Vấn Đề Chủ Nghĩa Hiện Thực Trong Lý Khoá Luận Học Ở Việt...Khoá Luận Tốt Nghiệp Vấn Đề Chủ Nghĩa Hiện Thực Trong Lý Khoá Luận Học Ở Việt...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Vấn Đề Chủ Nghĩa Hiện Thực Trong Lý Khoá Luận Học Ở Việt...
 
Th s33.008 giá trị và vị trí tập thơ việt bắc trong hành trình thơ tố hữu
Th s33.008 giá trị và vị trí tập thơ việt bắc trong hành trình thơ tố hữuTh s33.008 giá trị và vị trí tập thơ việt bắc trong hành trình thơ tố hữu
Th s33.008 giá trị và vị trí tập thơ việt bắc trong hành trình thơ tố hữu
 
Luận văn: Tản văn Việt Linh và Nguyễn Ngọc Tư – từ đặc trưng thể loại, 9đ
Luận văn: Tản văn Việt Linh và Nguyễn Ngọc Tư – từ đặc trưng thể loại, 9đLuận văn: Tản văn Việt Linh và Nguyễn Ngọc Tư – từ đặc trưng thể loại, 9đ
Luận văn: Tản văn Việt Linh và Nguyễn Ngọc Tư – từ đặc trưng thể loại, 9đ
 
Giáo án môn Ngữ văn Lớp 10 (Sách Cánh diều) - Chương trình học kỳ 1
Giáo án môn Ngữ văn Lớp 10 (Sách Cánh diều) - Chương trình học kỳ 1Giáo án môn Ngữ văn Lớp 10 (Sách Cánh diều) - Chương trình học kỳ 1
Giáo án môn Ngữ văn Lớp 10 (Sách Cánh diều) - Chương trình học kỳ 1
 
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt NamLuận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
 
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAYLuận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
 
Luận án: Đặc điểm hồi ký văn học Việt Nam từ 1975 đến 2010
Luận án: Đặc điểm hồi ký văn học Việt Nam từ 1975 đến 2010Luận án: Đặc điểm hồi ký văn học Việt Nam từ 1975 đến 2010
Luận án: Đặc điểm hồi ký văn học Việt Nam từ 1975 đến 2010
 
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đLuận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
 
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, HAY
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, HAYLuận án: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, HAY
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, HAY
 
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
 
Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đại
Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đạiThơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đại
Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đại
 
Luận văn: Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đại
Luận văn: Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đạiLuận văn: Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đại
Luận văn: Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đại
 
Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm Mắt bão, Ngựa thép, Luật chơi
Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm Mắt bão, Ngựa thép, Luật chơiNghệ thuật tự sự trong tác phẩm Mắt bão, Ngựa thép, Luật chơi
Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm Mắt bão, Ngựa thép, Luật chơi
 
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và InrasaraLuận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara
 

More from nataliej4

đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
nataliej4
 
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
nataliej4
 
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
nataliej4
 
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc giaTừ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
nataliej4
 
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngCông tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
nataliej4
 
Bài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcBài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốc
nataliej4
 
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin họcđề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
nataliej4
 
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngGiáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
nataliej4
 
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnLựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
nataliej4
 
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
nataliej4
 
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree towerSổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
nataliej4
 
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
nataliej4
 
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtBài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
nataliej4
 
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
nataliej4
 
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
nataliej4
 
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngBài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
nataliej4
 
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhBài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
nataliej4
 
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning introGiới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
nataliej4
 
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcLý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
nataliej4
 
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
nataliej4
 

More from nataliej4 (20)

đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
 
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
 
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
 
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc giaTừ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
 
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngCông tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
 
Bài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcBài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốc
 
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin họcđề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
 
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngGiáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
 
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnLựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
 
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
 
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree towerSổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
 
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
 
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtBài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
 
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
 
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
 
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngBài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
 
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhBài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
 
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning introGiới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
 
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcLý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
 
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
 

Recently uploaded

bài dự thi chính luận 2024 đảng chọn lọc.docx
bài dự thi chính luận 2024 đảng chọn lọc.docxbài dự thi chính luận 2024 đảng chọn lọc.docx
bài dự thi chính luận 2024 đảng chọn lọc.docx
HiYnThTh
 
BÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docx
BÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docxBÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docx
BÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docx
HngL891608
 
100 DẪN CHỨNG NGHỊ LUẬN XÃ HỘiI HAY.docx
100 DẪN CHỨNG NGHỊ LUẬN XÃ HỘiI HAY.docx100 DẪN CHỨNG NGHỊ LUẬN XÃ HỘiI HAY.docx
100 DẪN CHỨNG NGHỊ LUẬN XÃ HỘiI HAY.docx
khanhthy3000
 
PLĐC-chương 1 (1).ppt của trường ĐH Ngoại thương
PLĐC-chương 1 (1).ppt của trường  ĐH Ngoại thươngPLĐC-chương 1 (1).ppt của trường  ĐH Ngoại thương
PLĐC-chương 1 (1).ppt của trường ĐH Ngoại thương
hieutrinhvan27052005
 
BÀI TẬP DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 12 - CẢ NĂM - THEO FORM THI MỚI BGD 2025 (DÙNG C...
BÀI TẬP DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 12 - CẢ NĂM - THEO FORM THI MỚI BGD 2025 (DÙNG C...BÀI TẬP DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 12 - CẢ NĂM - THEO FORM THI MỚI BGD 2025 (DÙNG C...
BÀI TẬP DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 12 - CẢ NĂM - THEO FORM THI MỚI BGD 2025 (DÙNG C...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
[NBV]-CHUYÊN ĐỀ 3. GTLN-GTNN CỦA HÀM SỐ (CÓ ĐÁP ÁN CHI TIẾT).pdf
[NBV]-CHUYÊN ĐỀ 3. GTLN-GTNN CỦA HÀM SỐ (CÓ ĐÁP ÁN CHI TIẾT).pdf[NBV]-CHUYÊN ĐỀ 3. GTLN-GTNN CỦA HÀM SỐ (CÓ ĐÁP ÁN CHI TIẾT).pdf
[NBV]-CHUYÊN ĐỀ 3. GTLN-GTNN CỦA HÀM SỐ (CÓ ĐÁP ÁN CHI TIẾT).pdf
NamNguynHi23
 
Smartbiz_He thong MES nganh may mac_2024june
Smartbiz_He thong MES nganh may mac_2024juneSmartbiz_He thong MES nganh may mac_2024june
Smartbiz_He thong MES nganh may mac_2024june
SmartBiz
 
DANH SÁCH XÉT TUYỂN SỚM_NĂM 2023_học ba DPY.pdf
DANH SÁCH XÉT TUYỂN SỚM_NĂM 2023_học ba DPY.pdfDANH SÁCH XÉT TUYỂN SỚM_NĂM 2023_học ba DPY.pdf
DANH SÁCH XÉT TUYỂN SỚM_NĂM 2023_học ba DPY.pdf
thanhluan21
 
YHocData.com-bộ-câu-hỏi-mô-phôi.pdf đầy đủ
YHocData.com-bộ-câu-hỏi-mô-phôi.pdf đầy đủYHocData.com-bộ-câu-hỏi-mô-phôi.pdf đầy đủ
YHocData.com-bộ-câu-hỏi-mô-phôi.pdf đầy đủ
duyanh05052004
 
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
Văn 7. Truyện ngụ ngôn Rùa và thỏ+ Viết PT nhân vật.docx
Văn 7. Truyện ngụ ngôn Rùa và thỏ+ Viết PT nhân vật.docxVăn 7. Truyện ngụ ngôn Rùa và thỏ+ Viết PT nhân vật.docx
Văn 7. Truyện ngụ ngôn Rùa và thỏ+ Viết PT nhân vật.docx
metamngoc123
 
BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH I-LEARN SMART WORLD 9 CẢ NĂM CÓ TEST THEO UNIT NĂM H...
BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH I-LEARN SMART WORLD 9 CẢ NĂM CÓ TEST THEO UNIT NĂM H...BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH I-LEARN SMART WORLD 9 CẢ NĂM CÓ TEST THEO UNIT NĂM H...
BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH I-LEARN SMART WORLD 9 CẢ NĂM CÓ TEST THEO UNIT NĂM H...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
Halloween vocabulary for kids in primary school
Halloween vocabulary for kids in primary schoolHalloween vocabulary for kids in primary school
Halloween vocabulary for kids in primary school
AnhPhm265031
 
Từ ngữ về con người và chiến tranh trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm.pdf
Từ ngữ về con người và chiến tranh trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm.pdfTừ ngữ về con người và chiến tranh trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm.pdf
Từ ngữ về con người và chiến tranh trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm.pdf
Man_Ebook
 
THONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdf
THONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdfTHONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdf
THONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdf
QucHHunhnh
 
trắc nhiệm ký sinh.docxddddddddddddddddd
trắc nhiệm ký sinh.docxdddddddddddddddddtrắc nhiệm ký sinh.docxddddddddddddddddd
trắc nhiệm ký sinh.docxddddddddddddddddd
my21xn0084
 
Biểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều
Biểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang ThiềuBiểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều
Biểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều
lamluanvan.net Viết thuê luận văn
 

Recently uploaded (17)

bài dự thi chính luận 2024 đảng chọn lọc.docx
bài dự thi chính luận 2024 đảng chọn lọc.docxbài dự thi chính luận 2024 đảng chọn lọc.docx
bài dự thi chính luận 2024 đảng chọn lọc.docx
 
BÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docx
BÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docxBÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docx
BÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docx
 
100 DẪN CHỨNG NGHỊ LUẬN XÃ HỘiI HAY.docx
100 DẪN CHỨNG NGHỊ LUẬN XÃ HỘiI HAY.docx100 DẪN CHỨNG NGHỊ LUẬN XÃ HỘiI HAY.docx
100 DẪN CHỨNG NGHỊ LUẬN XÃ HỘiI HAY.docx
 
PLĐC-chương 1 (1).ppt của trường ĐH Ngoại thương
PLĐC-chương 1 (1).ppt của trường  ĐH Ngoại thươngPLĐC-chương 1 (1).ppt của trường  ĐH Ngoại thương
PLĐC-chương 1 (1).ppt của trường ĐH Ngoại thương
 
BÀI TẬP DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 12 - CẢ NĂM - THEO FORM THI MỚI BGD 2025 (DÙNG C...
BÀI TẬP DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 12 - CẢ NĂM - THEO FORM THI MỚI BGD 2025 (DÙNG C...BÀI TẬP DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 12 - CẢ NĂM - THEO FORM THI MỚI BGD 2025 (DÙNG C...
BÀI TẬP DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 12 - CẢ NĂM - THEO FORM THI MỚI BGD 2025 (DÙNG C...
 
[NBV]-CHUYÊN ĐỀ 3. GTLN-GTNN CỦA HÀM SỐ (CÓ ĐÁP ÁN CHI TIẾT).pdf
[NBV]-CHUYÊN ĐỀ 3. GTLN-GTNN CỦA HÀM SỐ (CÓ ĐÁP ÁN CHI TIẾT).pdf[NBV]-CHUYÊN ĐỀ 3. GTLN-GTNN CỦA HÀM SỐ (CÓ ĐÁP ÁN CHI TIẾT).pdf
[NBV]-CHUYÊN ĐỀ 3. GTLN-GTNN CỦA HÀM SỐ (CÓ ĐÁP ÁN CHI TIẾT).pdf
 
Smartbiz_He thong MES nganh may mac_2024june
Smartbiz_He thong MES nganh may mac_2024juneSmartbiz_He thong MES nganh may mac_2024june
Smartbiz_He thong MES nganh may mac_2024june
 
DANH SÁCH XÉT TUYỂN SỚM_NĂM 2023_học ba DPY.pdf
DANH SÁCH XÉT TUYỂN SỚM_NĂM 2023_học ba DPY.pdfDANH SÁCH XÉT TUYỂN SỚM_NĂM 2023_học ba DPY.pdf
DANH SÁCH XÉT TUYỂN SỚM_NĂM 2023_học ba DPY.pdf
 
YHocData.com-bộ-câu-hỏi-mô-phôi.pdf đầy đủ
YHocData.com-bộ-câu-hỏi-mô-phôi.pdf đầy đủYHocData.com-bộ-câu-hỏi-mô-phôi.pdf đầy đủ
YHocData.com-bộ-câu-hỏi-mô-phôi.pdf đầy đủ
 
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...
 
Văn 7. Truyện ngụ ngôn Rùa và thỏ+ Viết PT nhân vật.docx
Văn 7. Truyện ngụ ngôn Rùa và thỏ+ Viết PT nhân vật.docxVăn 7. Truyện ngụ ngôn Rùa và thỏ+ Viết PT nhân vật.docx
Văn 7. Truyện ngụ ngôn Rùa và thỏ+ Viết PT nhân vật.docx
 
BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH I-LEARN SMART WORLD 9 CẢ NĂM CÓ TEST THEO UNIT NĂM H...
BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH I-LEARN SMART WORLD 9 CẢ NĂM CÓ TEST THEO UNIT NĂM H...BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH I-LEARN SMART WORLD 9 CẢ NĂM CÓ TEST THEO UNIT NĂM H...
BÀI TẬP BỔ TRỢ TIẾNG ANH I-LEARN SMART WORLD 9 CẢ NĂM CÓ TEST THEO UNIT NĂM H...
 
Halloween vocabulary for kids in primary school
Halloween vocabulary for kids in primary schoolHalloween vocabulary for kids in primary school
Halloween vocabulary for kids in primary school
 
Từ ngữ về con người và chiến tranh trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm.pdf
Từ ngữ về con người và chiến tranh trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm.pdfTừ ngữ về con người và chiến tranh trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm.pdf
Từ ngữ về con người và chiến tranh trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm.pdf
 
THONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdf
THONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdfTHONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdf
THONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdf
 
trắc nhiệm ký sinh.docxddddddddddddddddd
trắc nhiệm ký sinh.docxdddddddddddddddddtrắc nhiệm ký sinh.docxddddddddddddddddd
trắc nhiệm ký sinh.docxddddddddddddddddd
 
Biểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều
Biểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang ThiềuBiểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều
Biểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều
 

Thơ nữ việt nam thế hệ 197x, 198x (diện mạo và đặc điểm) 2907864

  • 1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH LÊ THỊ QUỲNH LƯU THƠ NỮ VIỆT NAM THẾ HỆ 197X, 198X (Diện mạo và đặc điểm) LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN
  • 2. NGHỆ AN - 2014 2
  • 3. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH LÊ THỊ QUỲNH LƯU THƠ NỮ VIỆT NAM THẾ HỆ 197X, 198X (Diện mạo và đặc điểm) Chuyên ngành: Lý luận văn học Mã số: 60. 22.01.20 LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. PHAN HUY DŨNG
  • 4. NGHỆ AN - 2014 4
  • 5. MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU 1 1. Lý do chọn đề tài.......................................................................................1 2. Lịch sử vấn đề...........................................................................................2 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu.............................................................7 4. Nhiệm vụ nghiên cứu................................................................................8 5. Phương pháp nghiên cứu...........................................................................8 6. Bố cục của luận văn...................................................................................8 Chương 1 NHÌN CHUNG VỀ THƠ NỮ TRONG THƠ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI VÀ THƠ NỮ THẾ HỆ 197X, 198X .......................................9 1.1. Tổng quan về thơ Việt Nam đương đại..................................................9 1.1.1. Sự góp mặt của nhiều thế hệ............................................................9 1.1.2. Sự đa dạng của những xu hướng tìm tòi........................................12 1.1.3. Sự phân hóa sâu sắc trong quan niệm về thơ và thực hành thơ.....27 1.2. Thơ nữ trong thơ Việt Nam đương đại.................................................31 1.2.1. Sự hình thành một “quyền lực riêng” của nữ giới trong thơ ........31 1.2.2. Những chủ đề, hình tượng nổi bật.................................................35 1.2.3. Những giới hạn trên một số phương diện......................................41 1.3. Về lớp nhà thơ nữ thế hệ 197x, 198x...................................................45 1.3.1. Điểm danh.....................................................................................45 1.3.2. Điều kiện sáng tạo.........................................................................50 1.3.3. Những thành tựu đã được ghi nhận...............................................52 Chương 2 CÁC ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT CỦA THƠ NỮ THẾ HỆ 197X, 198X.......................................................................................54 2.1. Các đặc điểm nổi bật ở phương diện nội dung.....................................54 2.1.1. Khát khao khẳng định nữ quyền....................................................54 2.1.2. Khẳng định quyền được riêng trong sáng tạo................................61 2.1.3. Cảm hứng đối thoại.......................................................................65 2.2. Các đặc điểm nổi bật ở phương diện hình thức....................................72
  • 6. 2.2.1. Sự “quá khích” của hệ thống hình tượng......................................72 2.2.2. Sự táo bạo của hệ từ vựng.............................................................80 2.2.3. Một số thể nghiệm cực đoan về thể loại .......................................84 2.3. Những nỗ lực cân bằng truyền thống và hiện đại ................................92 2.3.1. Cơ sở của vấn đề...........................................................................92 2.3.2. Nỗ lực tạo sự cân bằng trong cảm hứng sáng tạo..........................95 2.3.3. Nỗ lực tạo sự cân bằng trong các thể nghiệm hình thức...............99 Chương 3 MỘT SỐ GƯƠNG MẶT TIÊU BIỂU CỦA THƠ NỮ THẾ HỆ 197X, 198X.................................104 3.1. Vi Thuỳ Linh......................................................................................104 3.1.1. Vi Thùy Linh và hành trình sáng tác thơ ca................................104 3.1.2. Quan niệm sáng tạo nghệ thuật...................................................110 3.1.3. Nhìn chung về thế giới nghệ thuật trong thơ Vi Thuỳ Linh........113 3.2. Trang Thanh.......................................................................................116 3.2.1. Vài nét về giải thưởng Lá trầu.....................................................116 3.2.2. Trang Thanh với tập thơ Bay lặng im.........................................117 3.3. Nguyễn Ngọc Tư................................................................................122 3.3.1. Nguyễn Ngọc Tư và hành trình nghệ thuật.................................122 3.3.2. Tập thơ “chấm”...........................................................................125 KẾT LUẬN 130 TÀI LIỆU THAM KHẢO........................................................................132 2
  • 7. QUY ƯỚC VIẾT TẮT Trong luận văn, chúng tôi sử dụng một số ký hiệu viết tắt như sau: 1. Nxb: Nhà xuất bản 2. KHXH và NV: Khoa học Xã hội và Nhân văn
  • 8. MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Cách tân là thuộc tính của sáng tạo, là quy luật bản chất, là con đường sống còn của văn học nghệ thuật. Tìm đến với cái mới là khát vọng của bất cứ người nghệ sĩ nào. Đó vừa là khát vọng, vừa là thử thách đặt ra cho các nhà thơ trên bước đường sáng tác, nhất là đối với các nhà thơ trẻ. Những nhà thơ đương đại coi việc sáng tác của mình như một sự khai phóng, như bứt phá, như giải thể để làm nên một cuộc cách mạng tâm thức, cách tân thơ để thơ có địa vị và chức năng sáng tạo, ngoài sự sáng tạo, bản chất thơ còn mang tính nghệ thuật như những nghệ thuật khác, đôi khi còn vượt xa hơn thế nữa. Mọi sự cố gắng của họ có khi được tán đồng, có khi bị phê phán kịch liệt, tuy nhiên họ đã và đang làm nên một cuộc cách mạng mới trong thi ca, đưa thơ Việt Nam từng bước hoà nhập với thơ ca thế giới. Trong hành trình hội nhập ấy của thơ ca đương đại, các nhà thơ nữ đã đóng góp một phần không nhỏ. Thơ nữ là sự phản ánh tâm hồn, tình cảm của một nửa nhân loại qua lăng kính của chính những người phụ nữ. Những người phụ nữ làm thơ đã vượt lên những rào cản, định kiến về giới để cất lên tiếng nói tự trái tim mình cùng những nỗi khát khao, trăn trở... Đặc biệt, các nhà thơ nữ trẻ thế hệ 7x, 8x đã cố gắng khám phá và thể nghiệm một giọng thơ riêng, vừa mang hơi thở thời đại, vừa có nét thuần Việt không thể trộn lẫn... Có thể nói, những nhà thơ nữ muôn đời vẫn gửi gắm vào trang viết của mình những ước mong, những thông điệp về tình yêu, hạnh phúc nhưng để có một cái tôi bản thể trỗi dậy mạnh mẽ và dữ dội, thì đến thơ nữ trẻ đương đại mới bắt đầu trổ những nụ hoa đầu tiên. Họ đang cố gắng tạo dựng cho mình một phong cách mới trong trào lưu thơ Việt Nam đương đại. 1
  • 9. Chính sự nỗ lực ấy của các nhà thơ nữ nói chung, thơ nữ thế hệ 7x, 8x nói riêng đã là động lực thôi thúc chúng tôi chọn đề tài này làm đối tượng nghiên cứu cho luận văn của mình. Việc góp thêm một tiếng nói về sự khẳng định giá trị văn học của giới nữ, đặc biệt là thế hệ 7x, 8x, bất cứ lúc nào cũng cần thiết, và trên hết, thay đổi nhận thức về việc tiếp nhận, sẵn lòng đón nhận cái mới cũng là một đóng góp cho nền văn hoá, văn học dân tộc. 2. Lịch sử vấn đề Thơ nữ trẻ đã và đang đạt những bước tiến mới trong dòng chảy chung của văn học đương đại. Rất nhiều cây bút nữ thế hệ 7x, 8x đã có những tác phẩm ghi được dấu ấn trong lòng độc giả. Thơ của họ là tiếng nói của thế hệ biết tận hiến và tận hưởng những vang âm của đời sống. Họ không muốn chỉ là người biểu hiện cuộc sống trên trang viết mà còn muốn tạo dựng, phơi mở một thế giới khác trong chính thế giới hiện thực này, thế giới của sự vươn tới mãnh liệt và đầy khao khát, thế giới của yên bình và tình yêu. "Tâm hồn thi ca của họ đa cảm, tinh tế, luôn rung lên những nhịp cảm xúc nóng bỏng, chân thực và đầy liều lĩnh" (Trần Hoàng Thiên Kim). Vì lẽ đó, thế giới thơ nữ luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu. Theo tìm hiểu sơ bộ của chúng tôi, hiện nay, thơ nữ 197x, 198x thường được đề cập đến dưới hai hình thức: Một là, các công trình, các bài viết nghiên cứu một cách khái quát, tổng thể diện mạo và đặc điểm chung của thơ Việt Nam, giai đoạn sau năm 1975, trong đó, thơ nữ 197x, 198x là một trong những đối tượng được nhắc đến. Hai là, những bài viết, những công trình nghiên cứu riêng về một vài tác giả nữ nào đó. Xin lược thuật về một số ý kiến đánh giá tiêu biểu: Tác giả Phạm Quốc Ca, trong chuyên luận Mấy vấn đề về thơ 1975 - 2000, Nxb Hội Nhà văn, 2003, khi đề cập lực lượng sáng tác thơ giai đoạn 2
  • 10. 1975 - 2000, có nhắc đến một số nhà thơ nữ 197x, 198x : "Những năm gần đây đã xuất hiện các tác giả trẻ mà tiêu biểu là: Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh… Dư luận công chúng đánh giá về thơ họ còn rất phân tán". Phạm Quốc Ca dẫn lời nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: "Thơ họ thường chứa đựng đầy ắp những trăn trở của tuổi trẻ trước biến động khôn lường của xã hội. Đọc họ thấy cả tin yêu lẫn chán chường, trinh bạch bên cạnh xác thịt, cao siêu chứa đựng bỉ ổi, tởm lợm. Họ khiến ta vừa hy vọng, vừa lo lắng" và đưa ra ý kiến: "Về cơ bản có thể đồng ý với nhận định này trừ một đôi từ dùng với sắc thái hơi quá như "bỉ ổi", "tởm lợm" [3, 40]. Tác giả Nguyễn Việt Chiến, khi tuyển chọn và giới thiệu Thơ Việt Nam - Tìm tòi và cách tân 1975-2005, Nxb Hội Nhà văn - Công ty văn hóa trí tuệ Việt, 2007, đã nói đến lực lượng thơ trẻ thời hậu chiến trong đó có cả các cây bút nữ như Ly Hoàng Ly, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Trương Quế Chi "Họ đã làm nên dòng chảy đầy sức sống sáng tạo và đa dạng của nền thơ đương đại" [7, 27]. Trong bài viết Cách tân nghệ thuật và thơ trẻ đương đại, PGS.TS. Lưu Khánh Thơ cũng đề cập đến những cây bút đương đại, trong đó có các nhà thơ nữ 197x, 198x: "…các tác giả trẻ đang khao khát thể hiện tiếng nói của thế hệ mình như một giá trị. Giá trị ấy được đảm bảo bằng cái mới, cái hiện đại trong quan niệm về thơ, trong giọng điệu, bút pháp, hình thức thể hiện… Dù có thể những tìm tòi, cách tân chưa trở thành xu hướng chủ đạo, chưa dễ tìm được sự đồng thuận trong đánh giá và tiếp nhận của người đọc nhưng vẫn có thể cảm nhận được một nguồn sinh lực mới đang tiềm ẩn trong thơ hiện nay” (http:// vannghetre.net) 3
  • 11. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu chỉ đưa ra cái nhìn khái quát về thơ đương đại, các nhà thơ nói chung (cả nam lẫn nữ), chứ chưa có công trình nào tập trung nghiên cứu về thơ nữ 197x, 198x. Năm 2010, tác giả Hoàng Thị Xuyên, trong luận văn thạc sĩ Ý thức cá nhân trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn 1975 - 1995, Trường đại học Vinh, đã có cái nhìn tương đối hệ thống về thơ nữ nhưng chỉ dừng lại ở giai đoạn 1975 - 1995 với lực lượng các cây bút nữ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ như: Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Ý Nhi, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Dư Thị Hoàn, Phạm Thị Ngọc Liên, Đoàn Thị Lam Luyến… Rải rác có một số bài viết về thơ nữ, đáng kể như Nhận diện thơ nữ trẻ đương đại của Trần Hoàng Thiên Kim. Tác giả này viết: “Gần đây, mặc dù đã bớt đi những ồn ào, nhưng có lẽ chúng ta khó có thể quên một đội ngũ thơ nữ trẻ đương đại đã từng khuấy động đời sống văn học nữ thời gian qua, có thể kể những cái tên như như Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Phan Huyền Thư, Bình Nguyên Trang, Vũ Thị Huyền, Dạ Thảo Phương, Nguyễn Thúy Hằng, Trương Quế Chi, Trang Thanh, Lê Ngân Hằng, Lynh Bacardy, Nguyệt Phạm, Thanh Xuân, Phương Lan, Khương Hà, Trần Lê Sơn Ý... Họ là những cây bút trẻ thuộc thế hệ 7X, 8X, chịu ảnh hưởng của nhiều luồng văn học trên thế giới, có những nét phá cách và có nhiều thể nghiệm mới mẻ. Tuy họ đã trổ được những hoa văn, nhưng chưa tạo thành mảng, chưa tạo nên khuôn cửa để mở ra một thế giới khá” (http:// suckhoevadoisong). Trong số các nhà thơ nữ 197x, 198x, có lẽ người được nói đến nhiều nhất là Vi Thùy Linh với những ý kiến đa chiều, có khi trái ngược nhau. Có những người tích cực ủng hộ giọng thơ này như: Trần Đăng Khoa, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Xuân Nguyên, Thanh Thảo... Nhưng cũng có những người chưa mấy tin vào hướng tìm tòi của chị, tiêu biểu là: Hoàng Xuân Tuyền, Chu Thị Thơm, Nguyễn Thanh Sơn… Trong số đó, 4
  • 12. chúng tôi rất tâm đắcvới ý kiến của tác giả Chu Văn Sơn trong bài viết: Thi sĩ Vi Thùy Linh: Bạo chữ và cật lực: “Cuộc dấn thân của Vi Thùy Linh (còn gọi là ViLi), vậy là, đã mười lăm năm. Để được chấp nhận, thật lắm truân chuyên. Nhớ hồi mới trồi lên, mầm thơ Linh chưa được nâng niu đã phải đương đầu. Mưa đá của hoài nghi tới tấp trút xuống. Nếu non bấy, hẳn chồi mầm kia đã tiêu rồi. May nhờ nội lực, nó đã thách thức những bài bác cay nghiệt để gắng vượt lên. Mỗi tập mới là một vụ nổ chữ mới. Mười lăm năm, dẹp sang bên những băng rôn khua chiêng, hàng tít gõ trống, Linh vẫn là hiện tượng trẻ khuấy được dư luận nhất trong đời sống thơ Việt. Đến nay, mỗi xuất hiện mới của Linh xem chừng đều muốn làm bận rộn cả người đọc lẫn giới truyền thông”. Vậy là đã gần hai mươi năm, Linh hiện hữu trong thơ ca Việt. Không dừng lại ở năm tập thơ mà là bảy tập. Thêm hai tập tùy bút. Tiếc là chưa có cái nhìn toàn vẹn về Vi Thùy Linh, cho đến thời điểm này. Trong bài viết Mười khuôn mặt thơ trẻ đương đại, tác giả Bùi Công Thuấn đã có những nhận xét về thơ Phan Huyền Thư: “Thơ cuả Phan Huyền Thư cũng không dễ đọc dễ cảm, đó là thơ cuả lý trí. Phan Huyền Thư sử dụng cách nói ngụ ý, từ đó tứ thơ phát triển thành ẩn dụ. Những liên tưởng nhiều khi nhảy vọt, đứt đoạn, lắp ghép, khiến cho trí tưởng tượng cuả người đọc không theo kịp. Mỗi bài thơ là một mảnh cuả suy tư và tâm trạng, vì thế cần ghép nhiều mảnh lại với nhau mới có thể đọc được tiếng nói trái tim nhà thơ. Chỉ khi người đọc cùng nhà thơ thâm nhập sâu vào thế giới cảm thức đằng sau hình ảnh, ngôn từ, lúc ấy mới nhận ra ánh sáng rất riêng trong thơ Phan Huyền Thư” [59]. Thi sĩ, dịch giả Dương Tường, người đầy tâm huyết với các tác giả trẻ, đã nói về thơ Lê Ngân Hằng: "Tôi là người rất dễ dãi trong cuộc sống thường nhật nhưng rất khó tính trong vai trò của một người đọc. Nhưng khi đọc thơ của Hằng, tôi thấy hài lòng và tin tưởng vào thế hệ trẻ". Và chính ông, khi 5
  • 13. đọc tập thơ “ORIENT – Trên những vòm cây” đã từng đánh giá: “Chưa phải là một tác phẩm toàn bích nhưng tôi nhận thấy trong đó một trường lực, một mỏ quặng mà nếu khéo tinh luyện thì sẽ thành vàng”. Năm 2007, năm thành công của giải thưởng Lá trầu, cũng là dịp để các nhà nghiên cứu đánh giá về thơ nữ. Hàng loạt bài viết xoay quanh các nhà thơ được đánh giá cao như: Trang Thanh, Lê Mỹ Ý, Từ Huy, Trần Lê Sơn Ý, Trương Thị Kim Dung, Đinh Thị Như Thúy. Ngoài giải cao nhất thuộc về Trang Thanh, ba dấu ấn thuộc về các nhà thơ nữ 197x, 198x bao gồm: Độc đáo cho tập Chữ cái của Từ Huy, Ngôn ngữ đẹp cho Căn phòng và bóng tối của Lê Mỹ Ý, Mới lạ cho Cơn ngạt thở tình cờ của Trần Lê Sơn Ý. Đấy cũng là ý kiến xác đáng nhất của Hội đồng thẩm định về những giọng thơ nổi bật tham gia dự giải Lá trầu. Từng nổi danh với những truyện ngắn đặc sắc, Nguyễn Ngọc Tư vẫn khiến cho các nhà nghiên cứu tốn nhiều giấy mực khi công bố tập thơ đầu tay của mình: Chấm. Đến với Tư, sẽ thấy: “những vần thơ giàu tính gợi hình và mang nặng một nỗi niềm khôn nguôi. Thơ của cô là những khúc buồn của tâm hồn được lọc qua một lăng kính khác. Có lần, cô bảo, ở thơ, nỗi buồn của cô như được chắt lại. Với tập thơ Chấm, người đọc sẽ được thử chạm vào những nỗi buồn ấy của Nguyễn Ngọc Tư, đôi lúc đặc quánh, khiến cổ họng như thấy nghèn nghẹn, có khi lại mênh mang, thoang thoảng như những cơn gió chiều vô định...”(Nguồn: internet). Dự báo phi thời tiết, tập thơ của nhóm Năm con ngựa trời cũng khiến dư luận hết sức ồn ào. Có người cho là “tập thơ quái đản”. Có người ra sức tung hô. Cuối cùng, tập sách bị thu hồi. Người ta cũng ít nói về Năm con ngựa trời hơn. Và giờ đây, có chăng, chỉ còn cái tên Nguyệt Phạm, người “lành” nhất trong nhóm là được nhắc đến nhiều. Tập thơ Mắt giấy của chị được Nguyễn Đức Hiệp đánh giá : “Tác giả có ý thức trong việc sáng tạo, tìm 6
  • 14. tòi lối viết mới, mang lại những hình ảnh, cảm giác và góc nhìn mới cho ngưòi đọc. Và trong thực tế, Nguyệt Phạm đã dùng nhiều phưong thức để đưa những tác phẩm của cô đến đông đảo những ngưòi yêu thơ một cách ấn tưọng và hiệu quả nhất, cụ thể là trình diễn thơ….Hành trình tâm linh qua thơ của Nguyệt Phạm là một hành trình tiêu biểu của tuổi trẻ ngày nay đang trên đường tự khám phá mình là ai trong một xã hội càng ngày càng đa dạng và có lẽ chính xã hội này đang mất đi định hướng, không những ở Việt Nam mà ở nhiều nơi trên thế giới hiện tại…” (Nguồn: http://www.vanchuongviet.org/). Trên đây là những nhận định, đánh giá về thơ nữ đương đại nói chung, thơ nữ 197x, 198x nói riêng mà chúng tôi đã thu thập được. Tuy chưa thể liệt kê hết nhưng chúng ta cũng nhận thấy việc nghiên cứu, đánh giá về thơ nữ 197x, 198x chưa nhiều. Đặc biệt, chưa thấy có một công trình nào tương đối đầy đủ về thơ nữ 197x, 198x để có cách nhìn nhận và đánh giá đúng mức sự đóng góp của các chị trong tiến trình thơ ca đương đại. Tiếp nối hướng ngiên cứu mà những người đi trước đã gợi mở, chúng tôi muốn đi sâu khám phá thơ nữ 197x, 198x trên hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật để có cái nhìn trọn vẹn hơn về một thế hệ thơ nữ trong văn học nước nhà. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận văn là thơ của các nhà thơ nữ Việt Nam thế hệ 197x, 198x. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Phạm vi nghiên cứu của luận văn là thơ của các nhà thơ nữ như: Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly, Phan Huyền Thư, Bình Nguyên Trang, Nguyễn Thúy Hằng, Trương Quế Chi, Trang Thanh, Trần Hoàng Thiên Kim, Lynh Bacardy, Nguyệt Phạm, Thanh Xuân, Phương Lan, Khương Hà, Trần Lê Sơn 7
  • 15. Ý… Đặc biệt là thơ của các nhà thơ nữ sau đây: Vi Thùy Linh với các tập thơ Linh, Khát, Đồng Tử, Vili in love; Trang Thanh với Bay lặng im; Nguyễn Ngọc Tư với Chấm. 4. Nhiệm vụ nghiên cứu 4.1. Khái quát về vị trí của thơ nữ trong thơ Việt Nam đương đại và thơ nữ thế hệ 197x, 198x. 4.2. Tìm hiểu các đặc điểm nổi bật về nội dung và hình thức của thơ nữ Việt Nam thế hệ 197x, 198x. 4.3. Nghiên cứu sâu một số hiện tượng tiêu biểu của thơ nữ thế hệ 197x, 198x (Vi Thùy Linh, Trang Thanh, Nguyễn Ngọc Tư). 5. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện những nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra, chúng tôi sử dụng các phương pháp chính sau đây: - Phương pháp hệ thống - cấu trúc. - Phương pháp loại hình. - Phương pháp so sánh, đối chiếu. - Phương pháp phân tích, tổng hợp… 6. Bố cục của luận văn Ngoài Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận văn gồm 3 chương: Chương 1. Nhìn chung về thơ nữ trong thơ Việt Nam đương đại và thơ nữ thế hệ 197x, 198x Chương 2. Các đặc điểm nổi bật của thơ nữ thế hệ 197x, 198x Chương 3. Một số gương mặt tiêu biểu của thơ nữ thế hệ 197x, 198x 8
  • 16. Chương 1 NHÌN CHUNG VỀ THƠ NỮ TRONG THƠ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI VÀ THƠ NỮ THẾ HỆ 197X, 198X 1.1. Tổng quan về thơ Việt Nam đương đại Sau thời kỳ Thơ mới (1932-1945), thi ca Việt Nam đi thẳng vào khói lửa trận mạc ròng rã suốt 30 năm với tên gọi thơ ca kháng chiến (1945-1975). Và trong suốt 30 năm ấy, thơ Việt Nam đã thăng trầm cùng số phận dân tộc để vượt lên và tồn tại, làm tròn sứ mệnh thiêng liêng của mình. Chiến tranh đi qua, thế hệ thơ Hậu chiến đã và đang tiếp nối, hướng tới một cuộc cách tân để đưa thơ Việt hội nhập với thơ ca thế giới. Đặc biệt, từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986), đời sống văn học nghệ thuật nước nhà đã được thổi một luồng gió mới về không khí dân chủ, tạo điều kiện cho sự cởi mở trong đời sống cũng như trong sáng tạo nghệ thuật. Thơ Việt từ mốc Đổi mới này được hiểu là thơ ca đương đại. 1.1.1. Sự góp mặt của nhiều thế hệ Nhìn lại chặng đường gần 30 năm qua (1986-2014), có thể thấy thơ ca đương đại vừa có sự tiếp nối gánh nặng văn chương từ thế hệ các nhà thơ đã hành trình trong suốt 30 năm chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ (1945- 1975), vừa có sự bứt phá ngoạn mục để đưa thơ ca sải những bước dài trên con đường hiện đại hóa. Và trên hành trình thơ ấy có sự góp mặt của nhiều thế hệ. Ấn tượng đầu tiên là thế hệ các nhà thơ đã thành danh trong chiến tranh vẫn tiếp tục viết và tiếp tục được khẳng định: Lưu Quang Vũ (mất 1988), Phùng Khắc Bắc, Bế Kiến Quốc, Hoàng Hưng, Thanh Thảo, Trúc Thông, Thi Hoàng, Ý Nhi, Nguyễn Trọng Tạo… Đây là lớp nhà thơ trưởng thành từ những năm chiến tranh nhưng vẫn giàu nội lực sáng tạo trong những tìm tòi 9
  • 17. đổi mới chính thơ mình trong giai đoạn Hậu chiến. Không chỉ cách tân về hình thức nghệ thuật, lớp nhà thơ kháng chiến đã đổi mới cách phản ánh bản chất đời sống của thơ bằng chính những cảm nhận về cuộc đời trầm luân khó nhọc này với những suy tưởng đớn đau và nhân bản về một thế giới đang phải tự hàn gắn những đổ vỡ sau những đêm dài chiến tranh và bạo lực. Dù căn bản vẫn là sự cách tân trên nền mỹ học truyền thống, cách tân một phần của cảm hứng, bút pháp…, một số nhà thơ chống Mỹ vẫn tạo được những dấu ấn sáng tạo riêng. Một Hoàng Hưng với những thể nghiệm thơ gây khá nhiều tranh cãi. Một Thi Hoàng với lối nói trạng nửa ỡm ờ, nhấm nhẳng; nửa uyên thâm, triết lý. Một Thanh Thảo luôn trăn trở với những tìm tòi, thể nghiệm trên con đường tìm nguồn-nước-thi-ca… Một điều khá thú vị là một loạt các nhà thơ đã từng xuất hiện trong phong trào Thơ mới, trong cuộc cách tân lần thứ nhất của thi ca Việt, giờ đây, chính họ lại là những người đầu tiên đặt nền móng cho ngôi nhà cách tân thơ lần thứ hai. Không giống như các nhà thơ cách tân nửa vời khác, Trần Dần đã âm thầm triển khai “cuộc-chơi-thể-nghiệm-thơ” với rất nhiều cung bậc trong suốt cuộc đời thơ của mình.(Và chính những thể nghiệm ấy đã trở thành ngọn gió tinh thần cứu rỗi lớn nhất trong những năm tháng hoạn nạn của ông). Cùng với Trần Dần là Lê Đạt, Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, Dương Tường… Với những tư duy thẩm mỹ hiện đại, đầy mới mẻ, thơ của họ đã vượt thoát khỏi những khuôn sáo ước lệ của vần điệu để thắp lên những hình tượng thơ mới. Không gian thơ được mở rộng hơn, đào sâu hơn, vươn tới các chiều kích của những suy tưởng lớn mang tính khái quát cao. Và trong trường-thẩm-mỹ này, những vấn đề tưởng chừng lớn lao lại được khái quát lên từ những cái tầm thường nhỏ bé của đời sống quê hương máu thịt hàng ngày. Người đọc sẽ không thể nào quên được một Trần Dần - “Thi-sơn-thơ”, một Hoàng Cầm - “tràng-giang-thơ”, một Lê Đạt -“phu-chữ-thơ”, một Đặng 10
  • 18. Đình Hưng với bến mê đầy kỳ bí và một Dương Tường với “nẻo-đường-nhạc- lạ”. Với những cách định danh này, có thể thấy được tâm huyết và tiềm năng sáng tạo của một thế hệ kỳ tài (chữ dùng của Nguyễn Việt Chiến) trong thơ ca đương đại. Song hành với các nhà thơ nói trên là cả một thế hệ thơ mới, họ là những gương mặt của thời kỳ Hậu chiến nối tiếp đến hôm nay. Họ đã làm nên dòng chảy đầy sức sáng tạo và đa dạng của nền thơ đương đại. Trước hết, phải kể đến nhóm tác giả thành danh sau năm 1986. Ấy là: “một Nguyễn Lương Ngọc bừng cháy và ngạo nghễ trong tìm tòi; một Nguyễn Quang Thiều đã tạo nên từ-trường-thơ mới; một Dư Thị Hoàn độc đáo trong sáng tạo thơ; một Nguyễn Khắc Thạch thích sự nguyên khối của ý tưởng hơn là sự gia công bằng cảm xúc; một Mai Văn Phấn đang hành trình tới bến bờ của sự cách tân; một Trần Tiến Dũng say mê thử nghiệm các cấu trúc thơ; một Lãng Thanh kỳ bí và ám ảnh; một Dương Kiều Minh hướng về bản ngã phương Đông; một cõi thơ lạ đến say đắm của Nguyễn Bình Phương; một Đỗ Minh Tuấn lập trình thơ bằng những suy tưởng mới; một Đặng Huy Giang luôn hướng tới tính triết luận; một Trần Anh Thái đang tìm tòi để trở lại chính mình; một Inrasara cất cánh từ văn hóa Chăm sang chân trời mới; một Thảo Phương luôn khát vọng đổi mới thơ; một Tấn Phong đang soạn tiếp những giao-hưởng-thơ; một Nguyễn Linh Khiếu đang mê man trong dạo khúc phồn sinh, một Phan Thị Vàng Anh đang cố gắng vượt lên bằng một bản lĩnh thơ mới…” (Nguyễn Việt Chiến). Trong số những gương mặt vừa kể trên, có thể nói Nguyễn Quang Thiều là một trong những giọng thơ nổi bật nhất. Bằng những nỗ lực vượt bậc và tài năng xuất sắc của mình, Nguyễn Quang Thiều đã xác lập được một giọng điệu mới trong thơ Việt. Và giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 1993 trao cho tập Sự mất ngủ của lửa của Nguyễn Quang Thiều chính là sự ghi nhận những tìm tòi, đổi mới thơ của anh cho nền văn học Việt Nam đương đại. 11
  • 19. Một thế hệ thơ táo bạo và đầy tài năng - đấy là nhận định chung nhất cho những nhà thơ trẻ đương đại. Điểm nổi bật nhất trong những sáng tác của họ là ở sự trẻ trung, tươi mới và giàu chất trí tuệ. Những cây bút trẻ đương đại được nhắc tới nhiều nhất có thể kể đến: Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Văn Cầm Hải, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Vĩnh Tiến, Trương Quế Chi, nhóm Mở miệng, nhóm Năm con ngựa trời… Hầu hết các tác giả này còn rất trẻ, trên dưới 20 tuổi vào thời điểm họ xuất bản các tập thơ đầu tay của mình (cá biệt có Trương Quế Chi trình làng thơ khi mới 16 tuổi). Điểm chung nhất ở họ là sự khao khát thể hiện tiếng nói của thế hệ mình như một giá trị. Và giá trị ấy được đảm bảo bằng cái mới, cái hiện đại trong quan niệm về thơ, trong giọng điệu, bút pháp, hình thức thể hiện… Dù có thể những tìm tòi, cách tân chưa dễ tìm dược sự đồng thuận trong đánh giá và tiếp nhận của người đọc nhưng vẫn có thể cảm nhận được một nguồn sinh lực mới trong thơ trẻ hôm nay. Cuối cùng, không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của các nhà thơ hải ngoại: Nguyễn Đăng Thường, Nguyễn Thị Khánh Minh, Đỗ Kh., Lê Thị Thẩm Vân, Nguyễn Thị Hoàng Bắc… Nhờ sự hỗ trợ tích cực của những phương tiện thông tin hiện đại, những cây bút xa quê hương đã thể hiện được vị thế của mình trong dòng chảy của thơ ca Việt Nam đương đại. 1.1.2. Sự đa dạng của những xu hướng tìm tòi Có thể nói, đặc điểm bao trùm của văn học đổi mới là tính chất “phi sử thi hóa” (chữ dùng của GS Trần Đình Sử). Điều đó đồng nghĩa với sự phá vỡ hệ thống quy phạm chi phối văn học suốt ba mươi năm chiến tranh, thậm chí còn tiếp tục ảnh hưởng đến văn học mười năm sau đó như một quán tính. Khuynh hướng phi sử thi hóa đưa văn học thâm nhập sâu hơn những khía cạnh bộn bề, phức tạp của đời sống và thế giới tinh thần của con người, đặc biệt là những vấn đề về con người cá nhân. Nó cũng kích thích văn học phát 12
  • 20. triển nhiều thể nghiệm, tìm tòi đa dạng phong phú về nội dung tư tưởng, phương pháp sáng tác, giọng điệu… Văn học đổi mới, vì thế, có xu hướng đa thanh hóa, hội tụ trong mình nhiều dòng mạch. Cốt lõi sâu xa của những chuyển động ấy là những đổi thay trong ý thức con người, trong cách nhìn nhận những vấn đề của đời sống. Quan sát những diễn biến trong thơ ca thời kỳ đổi mới có thể thấy được điều đó. Thơ ca thời kỳ đổi mới là sự hợp lưu của nhiều dòng chảy khác nhau. Hầu hết các công trình nghiên cứu về thơ giai đoạn này đều cố gắng nhận diện, phân loại những xu hướng đáng chú ý của nó. Theo Mai Hương, Phạm Quốc Ca, ba khuynh hướng tương đối nổi bật của thơ ca thời kỳ đổi mới là: xu hướng hiện đại chủ nghĩa (Mai Hương gọi là xu hướng hiện đại hóa), xu hướng tự do hóa hình thức thơ và xu hướng đổi mới trên truyền thống thơ dân tộc. Theo Nguyễn Đăng Điệp, có thể kể đến các xu hướng: tiếp nối mạch sử thi, trở về với cái tôi các nhân, hướng về cõi tâm linh, hiện đại chủ nghĩa. Lê Lưu Oanh trong chuyên luận “Thơ trữ tình 1975-1990” dựa vào đặc điểm loại hình của cái tôi trữ tình phân chia thơ giai đoạn này thành ba xu hướng chính: xu hướng sử thi, xu hướng thế sự và đời tư, xu hướng hiện đại chủ nghĩa… Mỗi cách phân loại đều có cái lý của nhà nghiên cứu, hoặc căn cứ vào cách ứng xử đối với những chuẩn mực truyền thống (phá vỡ hay kế thừa) hoặc xuất phát từ nội dung - thể tài. Trong đó, xu hướng hiện đại chủ nghĩa được các nhà nghiên cứu nhất trí dùng để gọi những thể nghiệm cách tân thơ quyết liệt, táo bạo, được biểu hiện một cách cực đoan, kịch phát nhằm rũ bỏ ảnh hưởng của thi pháp truyền thống. Mặt khác, cần nói thêm là các cách phân loại như trên đang còn bao hàm cả văn học giai đoạn hậu chiến (trước đổi mới) và từ 1986 cho đến năm 2000. Theo ý kiến của chúng tôi, thi đàn hôm nay không có người “lĩnh xướng” như ở thời kỳ trước mà mỗi người có cách thể hiện nhãn quan nghệ thuật riêng của mình. Sự gần gũi về quan niệm và phong cách 13
  • 21. ở mỗi nhà thơ có thể hình thành một xu hướng, một phái nhóm chứ không xuất phát từ một xu hướng độc tôn nào đó. Cũng như ở mỗi tác giả có những biểu hiện thuộc nhiều xu hướng khác nhau chứ không thuộc về một xu hướng sáng tác nhất định. Điều quan trọng nhất là những xu hướng ấy sẽ tạo nên những đường nét đa dạng trong diện mạo thơ ca của một thời kỳ văn học. Trong luận văn này, chúng tôi tạm xếp các khuynh hướng tìm tòi vào hai “ô” nội dung và hình thức như sau: 1.1.2.1. Về phương diện nội dung a. Tiếp nối mạch nguồn truyền thống Chiến tranh đã lùi xa, các nhà thơ thời chống Mỹ vẫn hiện diện trong thơ đương đại với tư cách công dân, mang cảm hứng thời đại, cảm hứng lịch sử dân tộc. Giọng điệu thơ, dẫu trầm lắng, đầy trăn trở trước sự đổi thay của thời cuộc nhưng vẫn một lòng thủy chung với cách mạng, vẫn thể hiện niềm tin tưởng vào tương lai của đất nước. Với các nhà thơ trẻ như Trang Thanh, Lệ Bình Quan, Phạm Vân Anh, Quốc Sinh…, cuộc sống hàng ngày hàng giờ hiện đại hóa đến chóng mặt đã cuốn họ theo những vòng xoay bất tận nhưng từ trong máu thịt và hơi thở vẫn mãnh liệt sức sống làng quê: Vẫn thường ám ảnh tôi là chiếc nón mê Mẹ chông chênh đội cạn mùa giông bão (Tự dỗ - Bùi Đức Vinh) Và phía sau những ồn ào của cuộc sống phố phường là những âm thanh vi diệu vẫn ngân lên trong tâm tưởng mà người ta chỉ có thể cảm nhận bằng tình yêu, bằng sự tĩnh lặng của tâm hồn: Trong giai điệu nắng Gió tấu lên vũ khúc mùa màng Ngàn mắt nắng nhíu mày băn khoăn trên mái lá 14
  • 22. Có bài ca nào vang lên trên vòm cây (Mùa thơm - Phạm Vân Anh) Và vì thế, những thao thức trở trăn của con người cũng dịu mềm như cỏ: Giá vùi mặt xuống đất kia như cỏ Thì nỗi niềm có dễ chịu hơn không? (Đom đóm rừng dương - Thụy Anh) b. Băn khoăn đi tìm cái tôi bản thể Đất nước qua chiến tranh, nền kinh tế thị trường được chấp nhận, sự kế thừa và phát triển những tư tưởng tiến bộ, sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy nghệ thuật, sự tiếp thu các luồng văn hóa văn học khác nhau trên thế giới đã tạo nên sự trỗi dậy mạnh mẽ ý thức cá nhân trong văn học Việt Nam đương đại. Vì lẽ đó, xu hướng cơ bản bao trùm nhất vẫn là sự trở về với cái Tôi cá nhân, đào sâu vào bản ngã của người nghệ sĩ. Trước sự đổi thay mạnh mẽ của xã hội, con người trở nên hoang mang trước sự phức tạp của đời sống với sự đảo lộn của những giá trị, những quan hệ, chuẩn mực cũ. Trong thơ xuất hiện nhu cầu nhận thức lại đời sống, nhận thức lại những nỗi đau, bi kịch của con người trong điều kiện lịch sử mới. Trong đó có nỗi buồn về thần tượng bị gẫy đổ, ảo tưởng bị tan vỡ khi nhận ra “Chúa chỉ bằng đất đá” (Nguyễn Trọng Tạo), có nỗi buồn vì cuộc sống mưu sinh làm cho con người chỉ chú ý chuyện tồn tại mà “xa dần truyện bớt dần thơ” (Nguyễn Duy) và có những trắc ẩn về riêng tư, đôi lứa: Em chết trong nỗi buồn - Chết như từng giọt sương - Rơi không thành tiếng (Lâm Thị Mỹ Dạ). Chất giọng tự thú, tự bạch trở thành gam giọng phổ biến. Tôi/ ta là ai? Câu hỏi lớn muôn thuở của kiếp người. Với những người trẻ, câu hỏi này càng thường trực và đầy bức bối: Những được mất, có và không có 15
  • 23. Hạnh phúc, khổ đau, buồn vui Cứ mãi là câu hỏi Tôi là ai? (Sao tôi thấy tôi ngày càng giống họ - Đoàn Văn Mật) Nỗi khát khao tìm mình, giải đáp chính mình đã thôi thúc họ đi tìm câu trả lời ở ngoài mình. Họ lao ra biển nhân loại, cuốn vào thế giới vô tận, tìm mình trong đời sống cả trong cả giấc mơ. Lọt qua kẽ tay Tôi muốn nhoài ra biển lớn Tìm mình (Sóng sánh mẹ và anh - Trương Gia Hòa) Vẫn còn đó những câu hỏi đầy nhức nhối: Em là ai mà chưa chính mình? (Chữ gọi mùa đam mê - Nguyệt Phạm) Và còn đó, nỗi khổ sở, đau đớn trên con đường tìm lại chính mình: Tôi chạy mãi không đuổi kịp bóng mình… Bóng đuổi tôi ngã dúi dụi vào sa mạc toàn là nắng… Tôi không nhận ra tôi nữa (Sự điên rồ của ngày - Hồ Huy Sơn) Rơi vào trạng thái hoang mang, hoài nghi, bất lực, trống rỗng, cô đơn, họ luôn cảm thấy mình bị ngăn cách với thế giới: máu chảy tự khô vết đau tự liếm láp cúc tự cài, hát mình nghe chưa bao giờ mình mời ai tới đó 16
  • 24. nơi ấy không mặt nạ không lời ngọt nhạt lạ xa chỉ mình thôi với ngọn gió cuối cùng (Chốn về - Nguyễn Ngọc Tư) Và đây là nỗi cô đơn lớn nhất khi người ta trẻ: Giữa thế giới Con người lấy lại thăng bằng bằng hoang tưởng, diệu vợi và ngộ nhận Tất cả chúng ta đều bội thực u buồn Có những nỗi buồn mặt người không lộ diện (Huyền tích - Vi Thùy Linh) Dù có những lúc cô đơn, không được chia sẻ, nhưng họ vẫn không ngừng khát khao và tin tưởng: Không thấy, không nghe, không hiểu là những gì tôi rút ra được từ cuộc sống này Dưới bầu trời, chiếc gương sẽ thấy, sẽ nghe, sẽ hiểu những lời không được thốt qua môi (Bầu trời và chiếc gương soi - Lê Thị Mỹ Ý) Những nỗi buồn, niềm đau mang nặng tính nhân văn tạo nên một xu hướng thơ nổi bật luôn là điều khiến người đọc phải suy ngẫm. c. Hướng tới tình yêu như là chốn cứu rỗi tinh thần Nếu như trong chiến tranh, tình yêu là nơi bình yên nhất, là sự thanh thản, là biểu hiện của sự sống bất diệt trong bom đạn; là hậu phương, nơi gửi gắm, đợi chờ của người ra trận thì tình yêu trong thơ hôm nay là một cõi riêng tư với rất nhiều dạng vẻ: mất mát, tan vỡ, hờn giận, đớn đau, sự trống rỗng, day dứt, nồng nàn… phức tạp và đầy trần tục. Viết về tình yêu là xu hướng cơ bản của thơ ca đương đại. Bởi đó là nơi mà người ta có thể phơi mở mọi ngóc ngách tâm hồn mình: 17
  • 25. Anh yêu của em Em yêu Anh cuồng điên Yêu đến tan cả em Ào tung ký ức ……………… Về đi anh! Cài then tiếng khóc của Em bằng đôi môi Anh Đưa em vào giấc ngủ nồng nàn, quên đi những đêm chập chờn, trĩu nặng ……………… Em lặng lẽ dệt hạnh phúc từ những nỗi buồn - những sợi tầm gai - không ai nhìn thấy Gai tầm gai đâm em đau đớn Em chờ Anh mãi…… (Người dệt tầm gai - Vi Thùy Linh) Không còn nhiều những tiếng nói dịu dàng ca ngợi tình yêu. Bao trùm hơn là tiếng nói quyết liệt, táo bạo, bột phát từ những hoàn cảnh bức bối, tréo ngoe, buộc người trong cuộc phải tỉnh táo, nhận diện, cắt nghĩa, bình giá và cảnh báo: Em không là đối tượng anh chiếm đoạt rồi treo bảng coi chừng chó dữ là chủ thể bên ngoài anh tham lam thống trị không là cánh đồng anh lục xục xới đào rồi bỏ quên mùa màng cho cỏ hoang …………. Em là mùa xuân, mùa xuân (Không là cái giống thứ hai - Thanh Tuyền) 18
  • 26. Và đằng sau những ngôn từ bạo liệt, ẩn nhẫn nỗi đau của những tâm hồn bị tổn thương khi cay đắng nhận ra: Không thánh thiện Không thơ mộng Tôi yêu Bằng một trái tim đàn bà Trái tim nặng nhọc Một bước đập Một bước đau (Ngày thứ ba - Dạ Thảo Phương) Chính vì lẽ đó, thơ ca nói nhiều về tính dục như một sự giải thoát: Vú nóng Người đàn bà dán thân thể nâu bóng vào nỗi đợi Ngày thứ 22 mẩy cong, phỏng rộp Nhớ Bụng tròn Tiếng thở dài úp mặt thầm thĩ giấu Đôi má hực sắc đỏ Rốn hở da căng cánh buồm no gió Ngày thứ 22 dựng lên trên đỉnh cọc Đợi Xé toàng toạc ẩn mật đàn bà đàn bà Con chim bay vọc vào nỗi ngượng ngùng Một tấc hai 19
  • 27. Xa hơn nghìn trùng đường đi ánh sáng (Ngày thứ 22 - Lam Hạnh) d. Đi sâu vào cõi tâm linh Sự trở về với cái tôi cá nhân đã mở đường cho khả năng đi sâu vào thế giới bên trong của con người với những không gian, thời gian tâm tưởng, một cõi miền rất sâu, rất xa xôi và đầy bí ẩn bên trong thế giới tinh thần của con người. Về thực chất, đây là sự phát triển sâu hơn của khuynh hướng thứ hai. Nhân thân tiểu vũ trụ, đi sâu vào vũ trụ người, khám phá chiều sâu không cùng của nó bao giờ cũng là một thách thức đối với nghệ sĩ. Nỗ lực đào sâu vào cái tôi ẩn giấu, cố gắng phát hiện chiều sâu tâm linh của con người là nét nổi bật của xu hướng này. Sự khác biệt giữa xu hướng này và xu hướng thứ hai chủ yếu nằm ở cấp độ và cách khai thác sự đa chiều của cái tôi. Nếu như xu hướng thứ hai chủ yếu tìm hiểu bản thể cái tôi trong các quan hệ đời sống, sự tương tác giữa cá nhân với hoàn cảnh thì ở xu hướng thứ tư này, các nhà thơ tập trung tìm hiểu cấu trúc cái tôi trong quan hệ với chính nó. Tại đây, tính “tự động tâm lý” đậm màu siêu thực và sự “ú ớ” trong cảm thức nghệ thuật được đề cao. Muốn thế, nhà thơ, theo cách nói của Đặng Đình Hưng, phải “nhập - thấy”. Trong trường hợp ấy, thơ là hình ảnh nội tâm về thế giới nội tâm, là ý thức chống lại các quy tắc có sẵn trong thơ, là sự khước từ sự có mặt của tư duy duy lý trong nghệ thuật. Về thực chất, các cây bút đi theo hướng này muốn trình loài người hình ảnh về con người tâm linh. Đây là một đoạn thơ của Đặng Đình Hưng trong Ô mai: Cơn thể njiệm đầy triển vọng hoàn thành, thì một hôm (có lẽ tại thời tiết, jở jời) bỗng phát sinh một số biến chứng, biến chứng từ trong ra. Hôm ấy trời se se- mùa chuyển, anh lại thấy người gai gai khó nói- như man mác- như mây trôi- lại như trống trải cô li- như tiếng gọi mùa: 20
  • 28. xuân hạ thu đông đi jiữa mùa em jó lộng thu cùng đi jiữa mùa xuân jó lạnh xuân mùa thay áo mùa sương em sương ngượng ngỡ ngàng ngấp nghé Đoạn thơ trên đây không tuân thủ cấu trúc cú pháp thông thường, sự thay đổi tâm trạng được hình dung như một biến chứng bất thường, kiểu ký tự của tác giả cũng khác so với từ ngữ quen dùng (jiữa, jó…)… Xu hướng này có thể tìm thấy trong thơ “vụt hiện” của Hoàng Hưng, một số thi phẩm của Hoàng Cầm, Lê Đạt, Dương Tường… Tất nhiên không phải nhà thơ nào chủ trương phải đi sâu vào con người tâm linh và đề cao lối viết tự động, tìm mọi cách đưa ngôn ngữ thơ ca khỏi phạm trù tiêu dùng cũng đều đều “ú ớ” và tắc tị như có người lên tiếng phủ nhận. Một số câu thơ của họ khá hay nhưng nếu đẩy quá xa, xu hướng này rất dễ rơi vào bế tắc như trước đây Xuân thu nhã tập từng một lần thất bại. Tất nhiên, trên quan điểm lịch sử, đây là những cách tân cần được tôn trọng vì có những thứ cực đoan còn có ý nghĩa hơn rất nhiều những cái “đung đúng”, chừng mực đúng nhưng vô hồn và nhàm chán. Điều đáng nói nhất là việc hướng đến những miền kỳ bí ấy cũng chỉ là để trải nghiệm, lý giải cho những nỗi đau trần thế của mọi kiếp người. 1.1.2.2. Về phương diện hình thức a. Khước từ lý trí, tư duy lô gic trong thơ Xuất phát từ quan niệm thơ là hình ảnh và tiếng nói của tâm linh, vô thức, xu hướng này muốn khước từ, loại bỏ sự ám ảnh và áp lực của lý trí, của 21
  • 29. tư duy lôgic trong thơ. Các nhà thơ thuộc xu hướng này đề xuất “lối viết tự động”, kiểu “thơ vụt hiện”, và một số trường hợp đi theo hướng siêu thực, tượng trưng. Những nhà thơ lớp trước như Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm đã đến với xu hướng này ngay từ những năm 50 và những năm 60 ở thế kỷ trước (riêng Trần Dần đã là thành viên của nhóm Dạ Đài theo khuynh hướng tượng trưng từ những năm 1945). Hoàng Hưng lại đưa ra lối “thơ vụt hiện” như là bản tốc ký của những chớp lóe từ tiềm thức, vô thức. Bài thơ là tập hợp của những câu, những mệnh đề rời, không có mối liên kết nào với nhau, tập hợp một cách ngẫu nhiên “lời, chữ tự động cuốn nhau đi như bị dẫn dắt bởi một lực giấu mặt tạo ra một trường gợi tưởng hơn là một trường ý tưởng” (Lời tác giả Hoàng Hưng). Một ví dụ: “Biển hà hát - tóc mướt. Vòng cong. Ríu rít cánh bàng bàng. Châm chấm nở. Phanh phanh bay. Núm núm. Tay vo giấy. Sáng ù xe cộ. Săn tiếng. Trôi dạt. Óc im trơ. Dù giăng giọng xé. Thét còi. Hồn tiêu tán chở vàng lang thang góc ghế. Xòe tóc nhăm nhe vứt tưởng lục. Du du”. Một khi lô gic bị khước từ thì ranh giới thể loại cũng có xu hướng bị nhòa lẫn. Lê Ngân Hằng với tập thơ ORIENT - Trên những vòm cây là một ví dụ. Tập thơ chia làm 4 phần. Mỗi phần gồm nhiều bài thơ? (nhưng hình như không phải thế) được đánh số. Có bài? (số) là một chuỗi con chữ nhiều (cả đoạn) và ít (chỉ một chữ). Đọc thơ Nguyễn Thúy Hằng, 3 tập thời hôm nay, khoái cảm và điên rồ hợp lý khó có thể nhớ được bởi đơn vị bài dường như không tồn tại trong suốt cả tập thơ. Không thể nói rằng mọi thể nghiệm của xu hướng này đều có thể chấp nhận được, nhưng cũng không thể không thấy rằng những cách tân theo xu hướng này đã đem lại cho thơ là rất có ý nghĩa. Đấy là chưa kể, một số thi phẩm đặc sắc như: Lá diêu bông, Cây tam cúc, Mưa Thuận Thành… của Hoàng Cầm với dấu ấn siêu thực đã tạo được dấu ấn trong lòng người đọc cho đến tận hôm nay. 22
  • 30. b. Khai thác tiềm năng con chữ Tập quán làm thơ ngàn đời nay đã lấy nghĩa làm chủ sau đó mới là khách - chữ. Người viết phải có tư tưởng, ý tưởng trước đã rồi mới tìm ngôn ngữ để thể hiện. Điều này đã trở thành một khuôn thức trong thơ, rộng ra trong mọi nền văn học mô phỏng/ phản ánh hiện thực. Với ý muốn thoát ra khỏi những quan niệm và thi pháp thơ truyền thống, muốn giải phóng thơ ra khỏi những chức năng làm phương tiện biểu đạt những cái ngoài nó, đưa thơ về với chính nó, những nhà thơ theo xu hướng này đã đưa ra một quan niệm mới về chữ và nghĩa trong thơ. Họ muốn Chữ thoát khỏi chức năng ký hiệu thay thế cho những cái được biểu đạt, đọc thơ không phải là đi tìm nghĩa sau các Chữ và làm thơ chính là “làm chữ”. Lê Đạt tuyên bố “Chữ bầu lên nhà thơ”, nhà thơ làm chữ chủ yếu không phải bằng nghĩa tiêu dùng, nghĩa tự vị của nó mà ở diện mạo, âm lượng, độ vang vọng, sức gợi cảm của chữ trong tương quan với câu thơ, bài thơ. Trần Dần thì nói “Tôi viết tức là tôi để con chữ tự mình làm nghĩa”. Có thể nói, những quan niệm này còn xa lạ với số đông người đọc thơ ở nước ta nhưng nó không phải là mới ở phương Tây. Điều đáng ghi nhận ở các nhà thơ theo xu hướng này là họ đã rất chú trọng khai thác và làm giàu các giá trị của mỗi chữ trong tiếng Việt, làm mới những chữ đã quá quen thuộc bằng cách tạo ra những kết hợp khác với cách thông thường của một trật tự ngữ pháp cứng nhắc. Khuynh hướng “Thơ dòng chữ” đã xuất hiện và ngày càng khẳng định chỗ đứng của nó trong tiến trình hiện đại hóa thơ Việt với Chữ làm nghĩa của Trần Dần; Vân chữ, bóng chữ của Lê Đạt; Con chữ - con âm của Dương Tường, con chữ giàu giai điệu trong thơ của Nguyễn Trọng Tạo, con chữ - ý niệm trong sáng tác của Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư… Con chữ đã trở thành những ký hiệu, lấy vỏ vật chất và hình thức làm cơ sở, trở thành “Thơ chữ cái” - thơ Từ Huy. Con chữ xoay vần trong một giới hạn tưởng như bất biến, ổn định mà lại đa chiều kích, liên tục tạo sinh trong Những câu phức của Như Huy… 23
  • 31. Những câu thơ sau đây là một ví dụ: Anh đến mùa thu nhà em Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ Mà cho đấy rửa lông mày Nông nỗi heo may từ đó Mưa đêm tuổi nổi ao đầy Đồi cốm đường thôn ngõ cỏ Bướm lượn bay hoa ngày Tin phấn vàng hay thuở gió Tóc hong mùi ca dao Thu rất em và xanh rất cao (Bóng chữ - Lê Đạt) Và đây là cảm nhận của Đặng Tiến: “Câu thơ Tóc hong mùi ca dao chỉ vỏn vẹn có 5 chữ mà nói lên được năm cảm giác của ngũ quan. Câu cuối cùng biến từ loại thành từ tính. Chữ rất biến em thành tính từ, trong khi chữ xanh thành thể từ. Không gian từ hữu thể như tan biến, như thăng hoa thành vô thể trong “quãng trời hình như không có màu nữa, cao lên và rộng mông mênh” (Nhất Linh)”. Với những thể nghiệm mang tính phá cách nêu trên, các nhà thơ đã góp phần mở ra một đường hướng mới cho sáng tạo nghệ thuật trên con đường cách tân thơ ca. c. Kết hợp phương thức biểu đạt quen thuộc của thơ với phương thức biểu đạt của các ngành nghệ thuật khác Trước hết là thơ âm thanh (Sound poetry). Thứ thơ này được biểu hiện dựa trên âm thanh và các tổ hợp âm thanh. Ý tưởng chính của loại thơ này là từ bỏ hoàn toàn thứ ngôn ngữ mà các tác giả của nó cho là đã bị báo chí và 24
  • 32. cuộc sống hàng ngày lạm dụng và làm hỏng. Ở đây, các nhà thơ sử dụng âm thanh như là thứ vật liệu duy nhất để tạo nên ký hiệu nhằm kích hoạt ở độc giả những ký ức tiềm ẩn liên hệ một cách nào đó với những âm thanh đó. Nhưng cũng chính vì thế mà loại thơ này bị một số người cho là "vô nghĩa". Trường hợp sau đây là một ví dụ: Mưa ngâu đêm nghe lâu buồn thêm… buồn thêm! Có trần gian lắng im an ủi Thương tình yêu đắm say mang tội Thương con người dễ lầm lỗi khổ đau… (Buồn - Nguyễn Bình Phương) Cấu trúc thơ đã có sự đổi mới tạo nên sự chia cắt, ngắt quãng từ theo nhiều cách khác nhau để tạo độ vang cho thơ và có thể diễn đạt những điều chất chứa bên trong đôi khi khó giãi bày trong tâm hồn con người. Tiếp theo là thơ thị giác. Là sự kết hợp của từ với việc trình bày mang tính đồ họa của ngôn ngữ. Có thể thấy rõ điều này qua thơ của Nguyễn Thế Hoàng Linh: Chim bay trong nắng huy hoàng trong mây lộng lẫy bỗng 25
  • 33. ĐOÀNG c h i m r ơ i (chim - Nguyễn Thế Hoàng Linh) Ấn tượng thị giác rất đậm. Những câu thơ trải dài mở ra một khung cảnh huy hoàng và tráng lệ. Tiếng nổ xé toang bầu trời, từng chú chim bay xuống cùng với tiếng kêu thảng thốt, bàng hoàng của con người trước cảnh tượng vô cùng nghiệt ngã. Cảm xúc thơ hiển hiện, rõ ràng trên trang giấy chứ đâu xa? Đọc bài Chợt thu 2 của nhà thơ Dương Tường có thể các âm chữ như vang ngân lên trong một bản nhạc kỳ thú: Chiều se sẽ hương Vườn se sẽ sương Đường se sẽ quạnh Trời se sẽ lạnh Người se sẽ buồn Và trong khúc nhạc mùa thu ấy ta dường như bắt gặp một thứ âm điệu khác thường, một vẻ đẹp khác thường tạo nên một hiệu ứng khác thường cả về mặt thị giác và thính giác. Sự kết hợp giữa ngôn ngữ thơ ca và các ngành nghệ thuật khác thể hiện rõ nhất là trong loại hình thơ trình diễn. Năm 2001, họa sĩ Như Huy là người khơi mào cho thơ trình diễn ở Việt Nam, bằng một màn trình diễn thơ trước… 26
  • 34. ít khán giả. Mãi đến năm 2005, số đông độc giả mới biết đến loại hình thơ này qua chương trình Chiều buông đầy những tiếng thở dài của nhà thơ Dương Tường tại L′Espace (Trung tâm văn hóa Pháp). Chỉ từ năm 2007, với sự hỗ trợ đắc lực của Hội đồng Anh, sau đó là Trung tâm văn hóa Pháp, thơ trình diễn mới nở rộ. Ý tưởng của các nhà thơ là dùng yếu tố trình diễn (cơ thể, vận động, biểu cảm của nhà thơ) kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng cùng những vật thể khác mang tính sắp đặt để tạo nên một cảm quan thơ mới. Nghĩa là các loại hình nghệ thuật có sự kết hợp với ngôn ngữ thơ để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật mới lạ nhưng vẫn thuộc phạm trù thơ. Thế nhưng hiệu quả nghệ thuật thực sự từ những hoạt động ấy vẫn chưa cao. Ở đây chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề này như một xu hướng cách tân trong thơ ca Việt Nam đương đại. 1.1.3. Sự phân hóa sâu sắc trong quan niệm về thơ và thực hành thơ 1.1.3.1. Quan niệm về thơ Từ xưa đến nay, khi sáng tạo, người nghệ sĩ tất yếu phải có một quan niệm về nghệ thuật. Thơ là gì? Là câu hỏi lớn mà mỗi nhà thơ trong suốt hành trình sáng tạo luôn nung nấu, trăn trở và tìm tòi để có lời giải, nhiều khi đã kết tinh thành những tuyên ngôn nghệ thuật bất hủ. Quan sát bức tranh toàn cảnh thơ Việt trong suốt gần 30 năm qua, có thể thấy khát vọng và nỗ lực cách tân của những người cầm bút. Cách tân đã trở thành một ý thức tự giác, một nhu cầu khẩn thiết, một cao trào phổ biến, rộng rãi. Sự chuyển mình đó xuất phát từ những đổi mới về ý thức nghệ thuật của những người nghệ sĩ. a. Thơ là… thơ Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thơ là phương tiện để kêu gọi, tập hợp sức mạnh tinh thần của quần chúng nhân dân. Thơ đã phát huy được chức năng cải tạo xã hội, đã tham dự trực tiếp vào đời sống chiến đấu của toàn dân. Nhưng khi cơn binh lửa đã qua đi thì mọi sự đã đổi 27
  • 35. khác. Thơ tiếp tục được đề cao song không phải là đề cao chức năng xã hội. Thơ trước hết phải là thơ. Thơ không thể là công cụ. Khả năng to lớn của thơ ca phải xuất phát từ chính đặc trưng, bản chất nghệ thuật của nó. “Thơ sinh ra… cốt để chuyển tải nỗi lòng. Bài thơ hay nhiều khi không còn thấy thơ đâu mà chỉ thấy cuộc đời, tâm trạng, số phận” (Vương Trọng). “Tôi làm thơ để giải tỏa những mong đợi” (Vi Thùy Linh). Thơ là phương tiện tự thể hiện, đáp ứng nhu cầu tự khám phá của con người. Thơ xoa dịu nỗi đau, xua tan những giá lạnh của cuộc đời, đem đến cho con người niềm tin để sống, thậm chí hồi sinh cho mỗi kiếp người. Đây là sự tiếp nối quan niệm thơ truyền thống: thơ có những khả năng kỳ diệu, những sứ mệnh cao cả, thơ là một ngôi đền thiêng. Bên cạnh đó, những người làm thơ cũng đã nhận ra những giới hạn của thơ ca trong chính sứ mệnh cao cả của nó. Có người cho rằng đây chính là sự đời thường hóa thơ ca. Ngô Tự Lập từng cho rằng “…chớ nên cường điệu vai trò của thơ, dù là vai trò thẩm mĩ hay vai trò chính trị xã hội. Nếu thơ làm rung động hàng triệu trái tim, như thơ Tố Hữu từng làm được, thì đó là điều hay. Nhưng nếu nó không làm được, thì cũng không vì thế mà dở.” Điều này xuất phát từ một góc nhìn mới, một cảm quan nghệ thuật mới và một hiện thực cuộc sống hoàn toàn mới. Hiện thực được phản ánh giờ đây không phải chỉ ở bề mặt mà còn ở bề sâu, bề xa, những góc khuất, thậm chí cả những xó tối. Chính vì lẽ đó, những nhà thơ cần phải nhìn nhận cuộc sống với tư cách chủ thể chủ động, tích cực. “Anh hãy rời bỏ những gì quá xa vời dù có cao siêu/ để trở lại thế giới thực quanh anh còn những người nhặt rác/ Anh hãy đi bộ dọc theo những ngõ phố hoàng hôn/ để thấy trái tim mình đau thắt” (Ngô Thế Oanh). b. Thơ - một trò chơi Thực chất, quan niệm thơ - trò chơi chính là hệ quả của quan niệm thơ là thơ, thơ có khả năng ẩn chứa, khơi mở diệu kỳ… Giờ đây, không còn 28
  • 36. những trói buộc, không phải gánh vác, lo toan những trọng trách xã hội, thơ trở về với chức năng đích thực của nó, là khoảng không bao la cho sáng tạo. Quan niệm này đã đưa đến cho thơ những phẩm chất mới: sự phóng khoáng, tự do, đối lập với tính hàn lâm, trang trọng, mực thước của thơ truyền thống. Chơi ở đây là chơi với chữ (nói một cách nghiêm túc hơn là lao động với chữ). Với nhiều thủ thuật: co kéo chữ, phân mảnh, lai ghép, giãn nở, cắt xén, sắp đặt, bài trí chữ… họ đã mang lại cho chữ vô số hình dạng khác nhau, khơi gợi vô số cảm xúc mới mẻ khác nhau. Phát hiện ra trò chơi này là một minh chứng cho sự nhạy cảm của họ trước những tiềm năng dồi dào của chữ, của Tiếng Việt. Trần Dần là một trong những người khởi xướng Thơ dòng chữ đầu tiên ở Việt Nam, để rồi sau đó, những người cùng chí hướng với ông đã phát triển theo nhiều cách khác nhau: Lê Đạt- “phu chữ”, chăn dắt, nâng niu “bóng chữ”; Dương Tường với thủ pháp “thi âm bồi”; Đặng Đình Hưng để cho chữ “tự hành”… Và càng ngày thơ Việt Nam càng có chiều hướng trở về đúng với bản chất của một loại hình nghệ thuật đặc thù: nghệ thuật của ngôn từ. Các nhà thơ trẻ rất có ý thức trong việc xác lập những giá trị đã bị đánh mất của thơ, trong đó đáng chú ý nhất là ngôn ngữ. Mặc xanh áo em của Trần Nguyễn Anh là tập thơ mang tính trò chơi rất rõ. Chủ yếu nhà thơ chơi bằng cách cắt xén, lai ghép một cách không hạn định các từ, chữ, âm; sắp xếp chúng theo một khuôn hình chủ yếu nào đó; hình thoi, hình tam giác, hình thang, hình chữ nhật…; chọn một câu thơ chốt rồi sắp xếp, đảo vị trí của chúng một cách bất định để tạo thành một câu thơ mới mang ý nghĩa mới; hoặc kỳ công tạo ra những đoạn thơ gồm những từ lấp láy, những dãy từ bắt đầu từ một chữ cái, có khi là một câu hỏi điệp đi điệp lại sau những dòng thơ chỉ sắc thái như những ký hiệu chỉ sắc thái ghi trong một bản nhạc. Nguyễn Thị Từ Huy lại chơi với chữ cái bằng cách sắp xếp các câu, từ thành hình các chữ cái. Người 29
  • 37. đọc có thể tự do lựa chọn các kết hợp câu bởi trật tự sắp xếp mở của chị. Với tập thơ Chữ cái, người đọc có thể thấy mỗi chữ cái là một cơ thể, một sinh thể, một tế bào đang vận động. 1.3.1.2. Quan niệm về nhà thơ Quan niệm thơ “tải đạo”, thơ đánh giặc, có từ ngàn đời nay tất yếu sẽ dẫn đến quan niệm nhà thơ - chiến sỹ. Sự thần tượng hóa thơ ca tất yếu sẽ dẫn đến thần tượng hóa nhà thơ. Nguyễn Hữu Hồng Minh từng phác họa chân dung nhà thơ: Kẻ phản kháng và tìm đến những chân trời Kẻ khát khao những địa hạt mà những mẫu tự thường nhật không thể đạt tới Kẻ tìm đến một đoạn tuyệt trong thực tại Kẻ tới hơi sớm tương lai (Khoảng 3h sáng) Nhiều người khác lại cho rằng nhà thơ cũng là những người bình thường như bao nhiêu người bình thường khác. Nhà thơ vẫn làm thơ nhưng không thể cứu người, không thể cải tạo xã hội. Lê Minh Quốc tự nhận mình là nhà thơ “cà trớn”. Nguyễn Duy tuyên bố về tư cách thi nhân của mình - cái tôi “thảo dân”, cái tôi “cơm bụi”. Quan niệm trên đã rút ngắn khoảng cách giữa nhà thơ và người đọc. Nhà thơ được cảnh báo rằng: anh ta phải ý thức được mình là ai, mình có thể và không thể làm được những gì, hiệu ứng tác động của thơ mình có thể đến đâu để có thể có những ứng xử phù hợp. Ngược lại, người đọc cũng phải có sự tỉnh táo để đừng quá kỳ vọng vào khả năng cải tạo xã hội của nhà thơ, anh ta phải tự thân vận động. Nhưng không phải vì thế mà người làm thơ hôm nay chấp nhận sự dễ dãi trong ngòi bút. Họ chính là những người có chí hướng cách tân sâu sắc. Họ sẵn sàng đơn thương độc mã để mình được là mình, mình khác với người 30
  • 38. khác. “Riêng anh một chân trời/ Riêng anh một tuyên ngôn, một cuộc chơi” (Sự sống thật - Nguyễn Hữu Hồng Minh). “Tôi không nói bằng chiếc lưỡi của người khác” (Lời - Trần Quang Quý). Vi Thùy Linh thì quyết liệt: “Tôi là một nhà thơ solo. Tôi không cần dàn đồng ca. Tôi sẵn sàng là một chiến binh có thể bị tử đạn để tạo nên một làn sóng mới trong thi ca”. Những lời tuyên ngôn ấy có thể hơi ồn ào song đấy là một phẩm chất đẹp ở các nhà thơ trẻ: sự tự tin. Và tất cả chúng ta đều biết rằng để có thể làm thơ, chơi thơ phải thật sự có tài năng và bản lĩnh. Như vậy, những quan niệm về thơ (và vị trí của nhà thơ) giờ đây không đơn thuần là những phát ngôn thuần túy. Các nhà thơ đương đại ý thức rất rõ mình đang đi về đâu. Vì lẽ đó, quan niệm luôn gắn liền với những thể nghiệm. Và dẫu cho những quan niệm đó được đánh giá như thế nào đi chăng nữa thì điều quan trọng nhất là sự phong phú, đa dạng của những tuyên bố và hành động thơ ấy cũng đã là một thành công của thơ ca Việt Nam đương đại. 1.2. Thơ nữ trong thơ Việt Nam đương đại 1.2.1. Sự hình thành một “quyền lực riêng” của nữ giới trong thơ Nhân loại được hình thành từ hai giới: nam và nữ. Trong đó, một giới dường như luôn bị lãng quên, thậm chí bị đè nén. Đó là quy luật của xã hội chứ không phải quy luật của tự nhiên. Mặc dù, tạo hóa đã ban tặng cho người phụ nữ những thiên chức đặc biệt mà đàn ông không thể nào có được, trong đó có thiên chức làm mẹ. Antoinette Fouque (1936, nhà phân tâm học, chính trị gia, nhà biên tập, người được đánh giá là gương mặt tiêu biểu trong phong trào phụ nữ cuối thế kỷ XX) từng khẳng định: “Cơ thể người mẹ, bộ phận tử cung là môi trường đầu tiên của một con người. Dù sinh ra là con gái hay con trai thì người đàn bà vẫn là nguồn thương yêu đầu tiên”. Cũng như người đàn ông, phụ nữ cũng phải làm việc để sống, để tồn tại; cơ thể họ không chỉ là đối tượng gây khoái cảm cho người đàn ông mà còn là nơi chứa 31
  • 39. đựng và nuôi dưỡng sinh thể con người. Địa vị của người phụ nữ thật cao quý! Cho đến hôm nay, phong trào đấu tranh đòi bình quyền cho những người phụ nữ chưa hề ngừng nghỉ. Riêng trong lĩnh vực văn chương, văn học viết bởi những người nữ, hẹp hơn là thơ nữ vẫn chưa có được vị trí xứng đáng, vẫn bị xem là ngoại biên, phi trung tâm. Trong khi, những sáng tạo nghệ thuật của người nữ chiếm một phần không nhỏ trong kho tàng văn học. Thơ nữ nói riêng, văn học nữ nói chung vẫn đã và đang cố gắng khẳng định vị thế của mình, khẳng định một “quyền lực riêng” mà những cây bút nam giới không thể nào có được. Thơ nữ, trước hết là thơ viết về những người phụ nữ, những người mà tạo hóa đã ban tặng cho những phẩm chất đặc biệt: dịu dàng, kín đáo, hy sinh, yếu đuối, cần được che chở…; những người mà xã hội (cụ thể là nam giới) đã hoạch định cho họ một không gian riêng biệt: không gian hướng nội, gắn với gia đình, con cái, tình yêu của người nam…; những người mà trong tư thế và hành động khó lòng vượt thoát khỏi mấy chữ: chờ đợi, đón nhận, gìn giữ, nuôi dưỡng, vun trồng… Liệu có ai nữa, ngoài họ, chính những người phụ nữ ấy, có thể viết một cách trung thực hơn, chân thành hơn thế giới nội tâm của chính mình? Ngay từ thuở xa xưa, nghe câu ca dao: Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?/ Thân em… bất cứ ai cũng cảm nhận đó chính là tiếng lòng của những người phụ nữ. Chữ em ngọt ngào và tha thiết quá, nó đã xác định rõ rệt không gian tâm hồn của những người phụ nữ trong xã hội cũ. Cho đến hôm nay, có những lúc người nữ không còn xưng hô như vậy trong thơ thì cá tính nữ, những tố chất đặc biệt của họ vẫn tiếp tục khẳng định quyền lực của mình trong thơ. Từ những đề tài thường nhật cho đến những đề tài liên quan đến vận mệnh xã hội, có tính chất thời sự, 32
  • 40. đều được họ suy tư, chiêm nghiệm, soi chiếu qua lăng kính, cảm quan, cách nhìn nữ. Từ những mềm mại, dịu dàng: Mất hút nỗi đau, riêng mình sâu thẳm Tôi thấy tôi trong khắp kiếp nhân sinh Nắng chứa chan Sài Gòn nhật thực Tôi khát thương yêu dịu ngọt cỏ hoang tàn… (Trích Nắng từ những dấu chân - Ngô Thị Hạnh) Cho đến táo bạo, quyết liệt, đầy nóng bỏng: Hãy vĩnh biệt cuộc sống tĩnh mịch đơn điệu Chịu đựng nô lệ giới tính bằng bị động Hãy yêu nhau đừng chần chừ nữa Đừng giam đời trong hồn yếu, sợ đàm tiếu điều tiếng lên án từ những kẻ vô hồn bạc nhược Nào cùng đi hãy vĩnh biệt cuộc sống tĩnh mịch đơn điệu Chịu đựng nô lệ giới tính bằng bị động Hãy yêu nhau, đừng chần chờ nữa Đừng giam đời trong hèn yếu, sợ đàm tiếu điều tiếng lên án từ những kẻ vô hồn bạc nhược Nào cùng đi. (Bản đồ tình yêu - Vi Thùy Linh) Dấu ấn của người nữ làm thơ là rất rõ nét, không thể nào trộn lẫn. Điều đáng nói là “quyền lực riêng” ấy của nữ giới trong thơ đã được hình thành từ trong lịch sử để hôm nay thơ nữ có thể tự tin tiếp nối nguồn mạch đáng quý này. Trong văn học dân gian đã từng có những câu ca dao mở đầu với hai chữ thân em... và hàng loạt những câu hát than thân, những bài ca 33
  • 41. dao yêu thương tình nghĩa. Những sáng tác dân gian ấy đã cho thấy những tâm tư, khát vọng thầm kín của người phụ nữ trong xã hội xưa. Đến văn học trung đại, nếu như nam nhi tập trung thể hiện khí phách của một người anh hùng: tề gia, trị quốc, bình thiên hạ thì người phụ nữ ra sức thể hiện rõ vai trò tam tòng, tứ đức, cùng với việc đòi quyền sống, quyền được hạnh phúc cho riêng mình. Có thể thấy rõ điều này qua bản dịch Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm (?), thơ Hồ Xuân Hương... Trong phong trào Thơ mới, các nhà thơ nữ như Anh Thơ, Vân Đài, Hằng Phương, Ngân Giang, Mộng Tuyết... tiếp tục bộc lộ cảm xúc chân thật của mình qua các chủ đề: thiên nhiên, tình yêu... Đặc biệt, có một thi nhân xuất hiện với một bút danh khá bí ẩn - T.T.Kh. Nhà thơ đã gây được ấn tượng cho người đọc qua một loạt bài thơ như: Hai sắc hoa Tigôn, Đan áo cho chồng, Bài thơ thứ nhất và Bài thơ cuối cùng. Bút danh ấy chưa thể kết luận là phụ nữ hay nam giới nhưng qua những vần thơ để lại, người đọc vẫn luôn tin rằng, đó là tiếng lòng của một người phụ nữ đang buồn đau, nuối tiếc trước sự ra đi của một mối tình đẹp đẽ. Nhưng trên hết, tác giả đã phần nào mở đường cho các tác giả nữ cùng thời và thế hệ tiếp theo mạnh dạn phơi mở cõi lòng thầm kín của chính người phụ nữ trước cuộc đời. Trong thơ ca kháng chiến, mặc dù đích chính là phục vụ kháng chiến, phục vụ Cách mạng nhưng những người phụ nữ làm thơ vẫn cố gắng giãi bày những nỗi niềm riêng tư, những tâm sự thầm kín ấp ủ trong lòng họ. Và cho đến hôm nay, sự phát triển mạnh mẽ của đất nước và những nỗ lực tạo nên sự bình đẳng về giới kể từ năm 1986 đã tạo nên những tiền đề cơ bản để giúp người đàn bà thoát khỏi sự áp chế của đàn ông, khiến cho họ có khả năng tồn tại độc lập và có khả năng tự quyết định số phận của mình. Đem đến cho văn đàn những tiếng nói mới mẻ, buộc nam giới phải thừa nhận tài năng của mình, người phụ nữ làm thơ hôm nay tự tìm đến cái tôi của chính mình, viết về chính mình, tung tẩy, hết sức tự do bằng ý thức phái tính của mình. 34
  • 42. Chính vì lẽ đó mà thơ ca được viết bởi chính những người phụ nữ đã tìm được sự đồng cảm của một bộ phận lớn người đọc. Không chỉ là những độc giả nữ mà cả nam giới, bởi họ biết sự chân thành là một trong những phẩm chất quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật, là cầu nối cho những người đàn ông đến với một nửa của nhân loại qua văn thơ. 1.2.2. Những chủ đề, hình tượng nổi bật Không ai có thể phủ nhận được “quyền lực riêng” của nữ giới trong thơ. Điều đó đồng nghĩa với việc có những phạm vi đời sống đã trở thành mảnh đất riêng của họ. Ở luận văn này, chúng tôi chỉ đề cập một vài vấn đề chính - những chủ đề, hình tượng nổi bật - trong thơ nữ đương đại Việt Nam: sự thể hiện cái tôi cá nhân độc đáo và sự giãi bày tình yêu thẳng thắn, bộc trực. 1.2.2.1. Cái tôi cá nhân độc đáo Sau năm 1975, đặc biệt sau năm 1986, được sự hậu thuẫn của điều kiện kinh tế - xã hội mới, cái tôi cá nhân có những điều kiện thuận lợi để thể hiện mình mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Có thể coi khát vọng bộc lộ đời sống tinh thần, xúc cảm cá nhân là một nhu cầu tất yếu và lớn nhất của thơ ca đương đại. Trong sáng tác của các nhà thơ nữ, cảm hứng tìm về với đời sống cá nhân, nhu cầu khắc họa chân dung tinh thần cái tôi… là một nhu cầu rất mạnh mẽ. Chính nhu cầu thẩm mỹ này đã tạo nên trong thơ họ chân dung một cái tôi với rất nhiều sắc thái thẩm mỹ riêng biệt, độc đáo. “Thơ sinh ra không phải để cho người đời chơi chữ mà cốt để chuyển tải nỗi lòng. Bài thơ hay nhiều khi không còn thấy thơ đâu mà chỉ thấy cuộc đời, tâm trạng, số phận” (Vương Trọng, Đổi mới nội dung thơ mới khó, evan.com 9/2006). Đó cũng chính là lý do mà người đọc bắt gặp những trang thơ với bao nhiêu nỗi niềm tâm sự. Và trong muôn vàn những điều tự bạch ấy, nỗi buồn sầu, cô đơn được thể hiện rõ nét nhất. Em nhận ra niềm vui kia mang theo gương mặt của nỗi buồn Và từ đó nỗi buồn cứ theo em mỗi lần bay lên và rơi xuống 35
  • 43. Suốt một đời em… (Bông tuyết - Trần Lê Sơn Ý) Nếu như các nhà thơ nữ thế hệ trước thường diễn tả nỗi cô đơn bằng một biểu tượng nào đó, hoặc nói một cách xa vời, ý tại ngôn ngoại… thì các nhà thơ nữ đương đại giãi bày tâm sự một cách trực diện và đôi khi hơi ồn ã: Không thấy, không nghe, không hiểu là những gì tôi rút ra từ cuộc sống này (Bầu trời và chiếc gương soi - Lê Thị Mỹ Ý) Rơi vào trạng thái hoang mang, hoài nghi, bất lực, trống rỗng, cô đơn họ cố tìm cách để lý giải, nhận diện chính mình. Nhu cầu cắt nghĩa trong thơ với cái tôi đầy suy tư, trăn trở hiện hình từ đó. Thật ra nỗi buồn đâu có màu sắc gì Chỉ là màu vàng của ánh đèn vàng đêm đêm soi vào mắt cô gái trẻ để tìm cho ra nỗi buồn có màu sắc gì Nhưng mắt quá trong Khoắng lên cũng vô ích (Lô lô - Ly Hoàng Ly) Nhưng trên hết, vẫn là một cái tôi đầy nữ tính, giàu yêu thương, chia sẻ: Bà già không chốn nương thân, lọ mọ nhặt quanh bãi rác Chị nông dân nói ngọng xệch mông đạp xe thồ rau từ nửa đêm kịp đến chợ Long Biên lúc 3h sáng Cô gái đen đúa đội thúng bánh mì, gầy đen như ngõ tối rao khản gió Ông bán bóng đói lả phùng má thổi bóng bay lên cắm mặt xuống ho Những thằng bé còi lăn lóc đánh giày rạc chân rao báo (Ký họa đen - Vi Thùy Linh) 36
  • 44. Hướng lòng mình đến những cảnh đời lam lũ, các nhà thơ nữ càng trân trọng hạnh phúc, cố gắng vun đắp cho tổ ấm của riêng mình. Và lúc ấy thơ nữ như một khúc hoan ca khi nghĩ về một miền yêu dấu: Tôi chạy về con đường ngập hoa mẫu đơn Đánh thức tôi gió rét mưa phùn Cha chuốt lạt mềm nứa mỏng Tuổi thơ ngọt vị nếp nương… (Mưa tượng hình - Trần Hoàng Thiên Kim) … mẹ đã thấy nơi thung xanh mặt hồ hoa trái thơm nồng nàn hơi sữa những chàng ngựa nghênh bờm hý vang và những cánh tay đàn ông vạm vỡ gieo Ánh sáng. (Sự sống - Bùi Mai Hạnh) Soi vào mắt con, mẹ thấy cả một trời xanh cứu rỗi Quỳ xuống và tin, ngây thơ trong trẻo còn tồn tại trên đời ……………. Con là người lớn, mẹ là trẻ con Trái đất thoắt vuông, trái đất thoắt tròn Ta chạy thênh thang đồng lộng lộng gió Châu chấu, cào cào hoa vàng hoa đỏ Ta ôm nhau ngủ cùng trăng cùng sao Hoa vàng hoa đỏ châu chấu cào cào (Nói cùng con - Nguyễn Phan Quế Mai) 1.2.2.2. Tình yêu mãnh liệt và hạnh phúc lứa đôi 37
  • 45. Tình yêu thuộc phạm trù vĩnh cửu. Con người còn tồn tại là tình yêu còn hiện hữu. Song, ở mỗi giai đoạn lịch sử, tình yêu lại có những điểm đặc thù. Khi chiến tranh đã qua đi, con người trở về với đời sống tự do, tất cả những gì chất chứa, dồn nén trong lòng thì giờ đây đều được gửi hết vào trong các trang thơ. Tất cả hạnh phúc, khổ đau, hy vọng, tuyệt vọng, được mất, thành công hay thất bại… đều đi vào thơ giai đoạn này một cách giản dị, tự nhiên như tình yêu vốn có trong lòng con người. So với các giai đoạn trước, thơ nữ viết về tình yêu thời kỳ này càng thể hiện rõ hơn “thiên tính nữ” của họ. Con người trong tình yêu hôm nay dám chấp nhận những mất mát khổ đau, họ tự do, công khai thể hiện những lỡ lầm, lỡ dở, dám nói cả những điều mà trước đây cấm kỵ. Chính vì vậy mà tình yêu trong thơ nữ giai đoạn này thể hiện với đủ mọi cung bậc, màu sắc và những biến thái tinh vi của nó: có yêu thương nhưng cũng có những giận hờn, có hạnh phúc những cũng có khổ đau, có chối từ nhưng cũng có những khát khao, có ồn ào, mạnh mẽ, dữ dội, nhưng cũng có những dịu êm, nhẹ nhàng, đằm thắm, da diết… Tình yêu ấy gần gũi với hiện thực cuộc sống của con người hơn nhưng vì vậy mà càng trở nên phức tạp, đa đoan. Có khi ngọt ngào, say đắm: Khi anh nhìn em …………………. Khi anh gọi tên em …………………… Khi anh lắng nghe em Mặt trời nghiêng đợi Thu xõa tóc vào đông, xuân hồng vào nắng hạ Lo toan trở dạ, bình yên sinh thành Nắng úa cuối mùa rạng rỡ màu xanh 38
  • 46. (Gửi người yêu dấu - Nguyễn Phan Quế Mai) Có khi mộc mạc đến nao lòng: Sao anh không về hôn mặt ruộng tím lục bình trôi Để em giấu anh vào chiều, vào ngực em oi khói bếp (Không đề cho anh - Huỳnh Thúy Kiều) Điểm nổi bật trong thơ nữ đương đại là những khát khao nồng ấm trong tình yêu. Những khát khao ấy ẩn chứa trong ánh sáng mong manh của tình yêu lứa đôi cùng những tia lóe chớp của số phận. Và chúng quay quắt trong nỗi cô đơn, sự trống trải, đầy lo toan về hạnh phúc: không đến được cuối con đường cùng anh khi bóng chiều rạn vỡ sao em cần hơi ấm đôi khi chỉ thoáng một nụ cười? (Chiều nay sông khóc - Nguyễn Thị Anh Đào) Dù thế, người phụ nữ trong thơ vẫn không ngại ngần khi bày tỏ những mong muốn khát khao của riêng mình: giữa muôn trùng thăm thẳm nỗi khát khao người đàn bà trong em luôn tỉnh giấc nhưng biết lấy gì làm dịu đi cơn khát khi gối chăn đã lâu không phơi kịp nắng trời (Khát… - Đặng Thị Thanh Hương) Tình yêu trong thơ nữ đương đại không chỉ là một chủ đề “thuần túy, vĩnh viễn” của thơ ca mà còn thể hiện sâu sắc ý thức về tính nữ, khát khao khẳng định quyền lực riêng của giới nữ. Trong tập Lô Lô, Ly Hoàng Ly viết: Đêm là của chúng mình 39
  • 47. Sao nỡ ngủ hả anh? Câu thơ như một tuyên ngôn hiện sinh cháy bỏng khao khát yêu đương của người phụ nữ. Điều ấy có thể gây sốc với những người phụ nữ chịu ảnh hưởng sâu nặng của quan niệm đạo đức truyền thống nhuốm màu sắc Nho gia. Nhưng lại phù hợp với những người phụ nữ hiện đại khi họ luôn có ý thức rằng người phụ nữ vẫn có quyền được yêu và được thụ hưởng tất cả những giá trị của tình yêu, kể cả những giá trị về phương diện nhục cảm mà đã có thời được xem như là một điều cấm kỵ trong cuộc sống cũng như trong văn học. Không chỉ khẳng định quyền được yêu của người phụ nữ, Vi Thùy Linh còn cho thấy sức mạnh, quyền năng của tình yêu - tình yêu thuần khiết có thể cứu cả thế giới. Em giấu anh toàn bộ nước mắt mình Còn lại tất cả em và tình yêu - Anh thu nạp Tình yêu cứu vớt chúng ta khỏi đau thương, đớn hèn và tha hoá Cả thành phố bỗng lộng lẫy nhiệm màu như bài thơ đá trắng Không solo... (Solo - Vi Thùy Linh) Không chỉ dừng lại ở đó, Linh còn đẩy niềm lãng mạn đi xa hơn khi xem tình yêu là sự hoàn thiện bản thể. Mỗi con người vốn là một bản thể đầy mâu thuẫn, một bản thể thiếu khuyết: Tôi là tôi / Một bản thể đầy mâu thuẫn. Cái tôi ấy chỉ trở nên hoàn thiện bởi tình yêu và trong tình yêu: Vào lúc những kim đồng hồ nhập một / Chúng ta trở thành một bản thể / và khi ấy / Em nhận ra / Anh là bản đồ thế giới. Tình tự là lúc cảm nhận được sự bình yên mặt đất, bình yên của phận người: Khi hôn mắt Anh, mắt trong mắt Anh / Em nhìn thấy sự vận động của thế giới từ những hạt mầm còn nằm trong ngấn nước / Khi nằm nơi Anh / Em như ở trên hòn đảo bình yên của cuộc đời mình / Khi áp vào tai Anh / Em nghe thấy muôn tiếng sóng vỗ về miên man 40
  • 48. như áp con ốc biển / Khi em hòa trong toàn vẹn Anh / Em đã vén được bức màn bí ẩn về sự sống / Và em biết / Với tình yêu của em /Anh có thể ngẩng cao, trở thành chính mình. 1.2.3. Những giới hạn trên một số phương diện Bối cảnh đời sống hậu chiến với nhiều trạng huống nhân sinh, thế sự phức tạp dễ khiến con người rơi vào trạng thái khủng hoảng, bất an. Mặt trái của nền kinh tế thị trường làm cho mối quan hệ giữa con người với con người trở nên lỏng lẻo, khó tìm thấy sự sẻ chia, đồng điệu trong cuộc sống. Vì lẽ đó, nỗi buồn, sự cô đơn… là cảm xúc thường gặp trong thơ đương đại nói chung, thơ nữ nói riêng. Mặc dù không hoàn toàn bế tắc nhưng đâu đó vẫn có những cách ứng xử bất thường. Có khi họ giải tỏa nỗi cô đơn bằng những liên tưởng và hành động cụ thể mang tính nhục cảm, những khát khao dâng hiến: Cái lạnh ngấm dần, em tự ôm em Em tự sát thương vết đau đang rỉ ra Nơi cắt rốn cô đơn bằng những giọt lòng Và lần cởi từng chiếc cúc… (Tiếng đêm - Vi Thùy Linh) Có khi sự cô đơn, buồn bã có thể dẫn đến những quan niệm lệch lạc: Chẳng biết có đêm nào như đêm nay Bằng một nỗi cô đơn hoàn hảo Tôi thấy mình chết trong khoảnh khắc khi nhìn vào gương soi (Lẩn thẩn - Khương Hà) Lại có khi cô đơn khiến người nữ trở nên buông xuôi, bất lực: Nỗi buồn vẫn gặm nhấm con người từng ngày Nó ngốn của chúng ta sức lực (Hẳn nhiên, nó làm ta thất vọng) 41
  • 49. (Một ngày chưa có trong sự thật - Vi Thùy Linh) “Một nửa nhân loại là phụ nữ”, nhưng không có nghĩa tất cả phụ nữ đều tán đồng với những cách ứng xử của phụ nữ trong thơ. Vì lẽ đó, thơ nữ đương đại luôn phải chịu những phán xét rất nghiêm khắc từ số đông độc giả bởi nữ tính, mẫu tính là những phẩm chất đặc biệt của người phụ nữ đã mặc nhiên được cộng đồng thừa nhận, khó có thể thay đổi cho dù thời gian trôi qua. Viết về tình yêu, thơ nữ đương đại cũng bộc lộ một số hạn chế nhất định. Được yêu, khát khao được hưởng một cuộc sống hạnh phúc là khát vọng muôn đời của nhân loại, đặc biệt là của những người phụ nữ. Riêng về điều này, thơ nữ cũng bộc lộ hai xu hướng rõ nét: Một là, sự ám ảnh về nỗi đau thân phận quá lớn khiến cho thơ nữ luôn thấm đẫm nỗi buồn khi viết về tình yêu. Dẫu nỗi buồn là một trạng thái tâm lý có thực của con người và là một trạng thái thẩm mỹ đích thực nhưng một khi nỗi buồn đau tràn ngập dễ khiến cho người phụ nữ làm thơ trở nên tội nghiệp, đáng thương: Em lúc nào cũng trầm nhược Tình yêu anh dành cho em không đủ Em lúc nào cũng nhớ những nỗi đau người tìm cách rũ đi cả khuôn mặt anh âm u chiều giông Em chẳng biết tình yêu là gì Chỉ thấy tình yêu anh dành cho em không đủ Em lúc nào cũng trầm nhược Vẽ khuôn mặt tình yêu 42
  • 50. ôm ngủ. (Ám ảnh - Trang Thanh) bình minh đón ngày bằng giọt sương tái tê, xon xót ước có bàn tay nâng em chỉ là hạt mầm cô đơn khóc trước sự thành tâm của cỏ (Mê khúc - Lữ Thị Mai) Hai là, nỗi khát khao ấy được thể hiện một cách quyết liệt với những vần thơ phá cách, những ý nghĩ ngông cuồng đã tạo nên sự hoài nghi ở người đọc về những người làm thơ là phụ nữ khiến đôi khi họ phải chịu búa rìu của dư luận. …Người đàn bà si tình khóc rống Đập vào cái đầu trống rỗng phía bên kia nghệch ngoạc những nỗi đau không định hình Người đàn bà vẫn yêu. Khóc. Và chửi rủa từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. (Những người đàn bà trong thành phố(3) - Nguyệt Phạm) Hay những vần thơ trong sự thể nghiệm ngắt quãng câu thơ, tạo nên những nét nghĩa bổ sung trong thơ Phương Lan: Chúm đỏ Chụm bàn tay nâng đỉnh nụ lên trời Giữa ngây mượt triền đồi và thung lũng mở phơi… …Em đã cuồng tín chờ anh bằng từng khoảnh khắc vừa rên rỉ kêu la vừa rơi xuống giật lùi 43
  • 51. bằng từng vết chân cố điên cuồng dẫm lên bóng mình trong quá khứ bằng từng tiếng gọi u u trách hờn nôn nao khát mê bằng những cơn tháo chạy đào thoát vô vọng mệt lừ Để rồi cuối cùng lại lao vào yêu anh như chưa từng bao giờ… …Rướn cong mùa chín mọng trong đêm Chờ một linh tín để hân hoan giờ khai mở, Dưới em là rầm rì cỏ mềm Và những phôi mầm phập phồng cố nén cơn phấn khích Trong viễn tưởng đồng loạt đội lên (Đỉnh hoa - Phương Lan) Ở một góc độ khác, âm hưởng của ý thức nữ quyền trong thơ nữ trong bối cảnh hiện tại đã đưa đến những vần thơ gây sốc cho độc giả, xóa hết ấn tượng về người phụ nữ truyền thống trong thơ. Ví như bài thơ Ngọn cỏ của Nguyễn Thị Hoàng Bắc: tiếng nước đái nhỏ giọt trong bồn cầu tí tách thứ nước ấm sóng sánh vàng hổ phách trong người tôi tuôn ra phải rồi tôi là đàn bà hạng đàn bà đái không qua ngọn cỏ bây giờ được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ 44
  • 52. bây giờ được ngồi rồi trên bồn cầu chễm chệ tương lai không chừng tôi sẽ to con mập phệ tí tách như mưa ngọn cỏ gió đùa Và đây là nhận xét của Nhã Thuyên: “Bài thơ này đem lại cho tôi nhiều cảm xúc: vừa là sự nhạo báng ngạo mạn, vừa có gì thật gần gũi, thậm chí trìu mến, vừa thách thức, vừa tự khai báo thân phận, giễu cợt lẫn đau xót. Hình ảnh người phụ nữ tự lắng nghe âm thanh tiếng nước đái tí tách, hình dung sắc vàng óng ánh tuôn ra từ cơ thể mình, tự miêu tả tư thế “chễm chệ” trên bồn cầu của mình, và không chút ngượng ngùng biểu diễn lại thao tác của thân thể đó gây ấn tượng bởi sự đùa bỡn ngang tàng, sự bài bác hài hước và thông minh những nguyên tắc nữ tính thông thường vốn bị trấn áp bởi cái nhìn của nam giới và chính phụ nữ thần phục…” Mặc dù đã có sự lên tiếng bênh vực của giới phê bình, xem như “cú ngược dòng lộn ngược” song khó có thể nhận được sự đồng cảm của số đông độc giả. 1.3. Về lớp nhà thơ nữ thế hệ 197x, 198x 1.3.1. Điểm danh Tiếp nối lực lượng thơ nữ đã được tôi luyện qua chiến tranh như: Xuân Quỳnh, Ý Nhi, Lâm Thị Mỹ Dạ, Đoàn Thị Lam Luyến, Phan Thị Thanh Nhàn…; và thế hệ thơ nữ thời hậu chiến như: Tuyết Nga, Thảo Phương, Giáng Vân, Đặng Thị Thanh Hương, Phan Thị Vàng Anh…; những cây bút trẻ thế hệ 197x, 198x đã thể hiện rõ nét tiếng thơ mới mẻ với sức sáng tạo dồi dào, mãnh liệt. Họ sống, học tập và làm việc trên khắp mọi miền đất nước. Miền Bắc có: Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Lê Thị Mỹ Ý, Trang Thanh, Phạm Vân Anh, Trương Quế Chi, Lê Ngân Hằng, Huyền Minh… 45
  • 53. Miền Nam có: Tú Trinh, Ngô Thị Hạnh, Thanh Xuân, Nguyễn Thúy Hằng, Lynh Barcady, Nguyệt Phạm, Ly Hoàng Ly, Phương Lan, Khương Hà, Trương Gia Hòa, Trần Lê Sơn Ý, Nguyễn Ngọc Tư… Miền Trung và Tây Nguyên: Lam Hạnh, Lưu Ly, Lữ Thị Mai, Đông Hà, Nguyễn Thị Anh Đào… Các nhà thơ chủ yếu ở độ tuổi 40 (có vài người vừa qua độ tuổi tứ tuần), tất thảy đều sung sức, tràn đầy nhiệt huyết. Họ thực sự đã và đang là niềm hy vọng của nền thơ Việt Nam trong thế kỷ này. Xin điểm qua một vài gương mặt thơ nữ 197x, 198x nổi bật: Phan Huyền Thư sinh năm 1972, tại Hà Nội. Tốt nghiệp đại học Tổng hợp khoa Văn năm 1993, Phan Huyền Thư được biết đến với tư cách là nhà thơ trẻ có các tập thơ hay như Nằm nghiêng (2002), Rỗng ngực (2005). Bên cạnh sáng tác thơ, Phan Huyền Thư còn được biết đến với vai trò nhà báo, biên kịch tài năng. Hiện Phan Huyền Thư là nhà biên kịch của Hãng phim tài liệu và khoa học trung ương. Chị cũng rất thành công khi đảm nhận vai trò đạo diễn phim tài liệu. Chương trình Một phút có trong sự thật của chị nhận được sự phản hồi tốt đẹp từ phía dư luận. Thơ Phan Huyền Thư nhiều triết luận về những bức bối thời cuộc, cưỡng lại sự giả dối, hời hợt, dung tục nảy sinh trong quá trình đô thị hóa vật chất và “đô thị hóa tâm hồn”. Có lẽ chính vì vậy mà thơ chị sử dụng ngôn ngữ đời sống một cách đầy chủ ý, bỏ qua sự mài dũa, quyết liệt từ chối sự đèm đẹp của ngôn từ. Chị đã tạo ra những cấu trúc lạ, để rồi kỳ ngộ những câu thơ độc đáo, bất ngờ. Sự tách biệt hẳn thơ chị với những nhà thơ đương thời trên một góc độ nào đó còn là sự diễu nhại, diễu nhại truyền thống, diễu nhại những cái đã sáng tạo trước chị, khiến câu thơ thường hay đặt bẫy người đọc, nhịp thơ có vẻ rời rạc, rất khó nắm bắt. Thêm nữa, thơ Phan Huyền Thư có chút gì đó rất táo bạo, công khai nói những điều mà các thế hệ trước hoặc không dám hoặc chỉ làm lén lút. Người đàn bà trong thơ Phan Huyền Thư đầy nữ tính, thứ nữ tính có chút hoang dại, 46