SlideShare a Scribd company logo
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
Lê Thị Thanh Huyền
PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT
THƠ Ý NHI
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
Thành phố Hồ Chí Minh – 2012
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH
Lê Thị Thanh Huyền
PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT
THƠ Ý NHI
Chuyên ngành : Văn học Việt Nam
Mã số : 60 22 34
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
TS. LÊ THỊ THANH TÂM
Thành phố Hồ Chí Minh – 2012
KÝ HỌA NHÀ THƠ Ý NHI
LỜI CẢM ƠN
Em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến:
TS. Lê Thị Thanh Tâm tận tình hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm và luôn
động viên giúp đỡ em trong quá trình học tập, làm luận văn.
Nhà thơ Ý Nhi đã hết lòng giúp đỡ và cung cấp nhiều tư liệu quý báu cho
luận văn của em.
Ban giám hiệu, Phòng đào tạo sau đại học, Khoa Ngữ văn đã tạo điều
kiện thuận lợi cho em trong suốt thời gian học tập và làm luận văn ở trường.
Các Thầy, Cô trong hội đồng đã dành thời gian đọc và đóng góp nhiều ý
kiến cho luận văn của em.
Lê Thị Thanh Huyền
MỤC LỤC
Trang phụ bìa
Lời cảm ơn
Mục lục
DẪN LUẬN ...............................................................................................................1
Chương 1: CƠ SỞ NGHIÊN CỨU PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT VÀ CÁC
YẾU TỐ ĐỊNH HÌNH PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT THƠ Ý NHI .............11
1.1. Cơ sở nghiên cứu phong cách nghệ thuật.......................................................11
1.2. Các yếu tố định hình phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi ................................14
1.2.1. Hoàn cảnh xã hội – thời đại.....................................................................14
1.1.2. Nền tảng quê hương, gia đình và đặc điểm con người nhà thơ...............18
1.3. Khái lược về các chặng đường sáng tác thơ Ý Nhi........................................21
Chương 2: PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT THƠ Ý NHI NHÌN TỪ GÓC ĐỘ
NGÔN NGỮ, THỂ LOẠI, KẾT CẤU...................................................................34
2.1. Phong cách sử dụng ngôn từ nghệ thuật.........................................................34
2.1.1. Ngôn từ giản dị mà chân thành................................................................35
2.1.2. Ngôn từ mang tính khái quát, triết luận...................................................41
2.1.3. Một số biện pháp tu từ tiêu biểu ..............................................................46
2.2. Phong cách thể loại.........................................................................................57
2.2.1. Thơ tự do – thể nghiệm và thành tựu.......................................................58
2.2.2. Bản lĩnh cách tân trong thể thơ năm chữ.................................................62
2.3. Phong cách kết cấu.........................................................................................67
2.3.1. Kết cấu theo mô hình triết luận................................................................67
2.3.2. Cách tạo khoảng lặng trong kết cấu thơ ..................................................71
Chương 3: PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT THƠ Ý NHI NHÌN TỪ GÓC ĐỘ
TRIẾT LUẬN VỀ CÁI ĐẸP VÀ ĐỜI SỐNG ......................................................77
3.1. Cơ sở nghiên cứu............................................................................................77
3.1.1. Về khái niệm triết luận ............................................................................77
3.1.2. Xung quanh vấn đề cái đẹp và đời sống trong thơ Ý Nhi .......................78
3.2. Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi nhìn từ góc độ triết luận về cái đẹp ................80
3.2.1. Triết luận về cái đẹp khách quan.............................................................80
3.2.2. Triết luận về vẻ đẹp của thiên chức nghệ sĩ.............................................86
3.2.3. Triết luận về vẻ đẹp của tâm hồn tri ân ...................................................94
3.3. Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi từ góc độ triết luận về đời sống .............102
3.3.1. Triết luận về đời sống qua các biểu tượng thơ ......................................102
3.3.2. Triết luận về đời sống qua các phạm trù đối lập....................................107
TÀI LIỆU THAM KHẢO ....................................................................................115
PHỤ LỤC...............................................................................................................123
DẪN LUẬN
1. Lý do chọn đề tài
Trên một đất nước thi ca như ở Việt Nam ta thì việc sáng tác thơ có thể ví
như một mạch nước ngầm không bao giờ cạn kiệt. Mạch ngầm đó chứa đựng
một lượng không nhỏ những khoáng chất giá trị làm nên sự giàu có của văn hóa
– văn học dân tộc. Một trong những khoáng chất quý báu của nền văn học Việt
Nam ta là lực lượng nữ thi sĩ.
Theo thời gian, những nữ thi sĩ đã khẳng định một vị trí nhất định trên thi
đàn dân tộc. Giở lại những trang viết của phụ nữ Việt Nam trong quá khứ, chúng
ta tự hào không chỉ có một Hồ Xuân Hương ngổn ngang bao nỗi dở dang, một bà
huyện Thanh Quan trang nghiêm, trăn trở trong nỗi u hoài thế sự mà còn tỏa
sáng những cái tên của giới nữ lưu những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX
như: Sương Nguyệt Anh, Đạm Phương, Tương Phố… Rồi đến phong trào Thơ
Mới thi đàn xuất hiện những Nguyễn Thị Kiêm, Anh Thơ, Thu Hồng, Vân Đài,
Ngân Giang, Hằng Phương, Mộng Tuyết… Trong kháng chiến và thời kì hòa
bình thơ nữ vẫn để lại những thi âm “dịu dàng mà sâu lắng lạ” của Xuân Quỳnh,
Lâm Thị Mỹ Dạ…
Cho đến hôm nay thơ nữ vẫn mang trong nó những vẻ đẹp rất riêng nhưng
rất hiển nhiên và cố hữu của văn chương. Và việc tìm hiểu về một nhà thơ nữ
cùng phong cách thơ của họ là việc làm hữu ích để kết luận thuyết phục sức sống
mạnh mẽ của thi ca Việt Nam nói chung và thơ nữ nói riêng.
Ý Nhi - một nhà thơ nữ khá nổi bật của thơ ca cuối giai đoạn chống Mỹ -
một gương mặt ấn tượng của thơ ca Việt Nam thời kì đổi mới. Vượt qua những
dòng thơ dễ dãi, “ngòn ngọt” của một thời, Ý Nhi tìm được một chất thơ mới lạ
với một bút pháp rất riêng. Với giải thưởng của Hội nhà văn năm 1986 cho tập
thơ Người đàn bàn ngồi đan thì Ý Nhi đã khẳng được độ chín của một tài thơ.
Người đàn bà ngồi đan trở thành “hiện tượng” của văn học một thời gian dài
sau đó vì rất nhiều vấn đề mang tính thơ ca đương đại được đặt ra và đòi hỏi tìm
hiểu. Cho đến nay nhà thơ đã có được một khối lượng sáng tác phong phú gồm
gần chục tập thơ. Ngoài ra còn có những tập sách chân dung, bút kí khá ấn
tượng. Tất cả làm nên vị trí văn học sử của nhà thơ Ý Nhi.
Cùng với sự thay đổi của đời sống, ta có thể thấy thơ Ý Nhi đã và đang
định hình một phong cách viết mới lạ buộc người đọc phải thay đổi chính mình,
trước hết là về cách đọc và cảm nhận thơ.
Ý Nhi và phong cách thơ Ý Nhi gây hứng thú cho nhiều bạn đọc yêu thơ
và các nhà nghiên cứu thơ. Tuy nhiên các nghiên cứu chỉ dừng lại ở mức độ
những bài phê bình ngắn về một phương diện, hay những cảm nhận chung chung
về một tập thơ hoặc một bài thơ trên các trang báo và mạng xã hội chứ chưa
thành một hệ thống mang tính chất tổng hợp những vấn đề thi pháp hình thành
phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi. Vì vậy việc thực hiện đề tài “Phong cách
nghệ thuật thơ Ý Nhi” là thử thách thú vị.
Tìm hiểu “Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi”, chúng tôi nhằm mục đích
tìm hiểu một cách đầy đủ và toàn diện sự đóng góp của Ý Nhi cho thơ ca và cố
gắng chỉ ra những thuộc tính riêng trong nội dung và nghệ thuật của nhà thơ,
nhằm khẳng định những phương diện cơ bản nhất trong phong cách sáng tác của
nhà thơ Ý Nhi.
2. Lịch sử vấn đề
Theo thống kê của chúng tôi, đến thời điểm này đã có trên dưới bốn mươi
bài viết về thơ Ý Nhi trên các báo và tạp chí đồng thời cũng đã có một luận văn
thạc sĩ nghiên cứu về quan niệm nghệ thuật của bà. Đó là những nghiên cứu có
giá trị của Mã Giang Lân, Chu Văn Sơn, Lưu Khánh Thơ, Trần Trung, Nguyễn
Hoàng Sơn, Hoàng Hưng, Nguyễn Thị Minh Thái, Ngô Thị Kim Cúc, Ngô Thị
Hoa… Nhìn chung các tác giả đều đánh giá cao thơ Ý Nhi, khẳng định giọng thơ
và vị trí thơ rất riêng của bà. Thơ của Ý Nhi có nét giản dị của cuộc sống đời
thường mà lại đậm chất suy nghĩ, chất trí tuệ. Để thấy rõ hơn quá trình phát triển
và đánh giá thơ Ý Nhi, ở phần này chúng tôi lược khảo vấn đề theo tiêu chí,
phạm vi nghiên cứu.
2.1. Những tuyển tập in thơ Ý Nhi
Theo quan điểm của chúng tôi, không phải ngẫu nhiên mà tên tuổi và sáng
tác của một nhà thơ được chọn in trong các tuyển tập. Khi làm công tác tuyển
thơ, phần nào đó các nhà biên soạn đã có sự cân nhắc về vai trò và vị trí của một
nhà thơ, một tác phẩm thơ đối với đời sống văn học. Vì vậy sự chọn lọc đó, ở
một phương diện nhất định có thể được xem là một sự “định giá”. Và những bài
thơ của Ý Nhi được chọn in trong các tuyển tập thơ trong nước và thế giới phần
nào cho thấy sức hút mạnh mẽ và tính vấn đề trong thơ Ý Nhi. Có thể kể đến
những tuyển tập sau:
Cuốn 100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỉ XX (từ cuộc bình chọn do
Trung tâm Văn hóa Doanh Nhân và Nhà xuất bản Giáo dục phối hợp tổ chức
năm 2005) đã in tác phẩm Người đàn bà ngồi đan của Ý Nhi. Lời giới thiệu sau
đây của người soạn sách đã phần nào khái quát được đặt trưng phong cách thơ Ý
Nhi: “Sau một vài lần thử sức, Ý Nhi thờ ơ với thơ cho đến tận năm 1978, khi chị
lao động thật sự nghiêm túc để cho ra đời tập thơ Đến với dòng sông. Thơ của Ý
Nhi đầy nữ tính lại có chất trí tuệ, mang nỗi khắc khoải khôn nguôi của chị
trước những gì trông thấy và cảm nhận”.
Với 2 bài thơ Lời bài hát và Buổi sáng được (Nguyễn Đỗ?) tuyển in trong
tập Black dog, black night, Ý Nhi trở thành một trong số 15 nhà thơ Việt Nam
được vinh dự ghi tên mình vào tổng tập LitFinder (Người tìm ánh sáng).
Thơ Ý Nhi cũng có mặt trong cuốn Thơ nữ Việt Nam từ xưa đến nay của
NXB Phụ nữ phối hợp với NXB Feminist thuộc đại học thành phố New York
vừa ra mắt bạn đọc tại Mỹ.
Ngoài ra thơ Ý Nhi còn được chọn đăng trong các tập thơ dành riêng cho
nữ thi sĩ như: Tuyển thơ tác giả nữ Việt Nam, Các nhà thơ nữ Việt Nam – sáng
tác và phê bình, Thơ nữ Việt Nam, Tuyển chọn 1945 – 1995, Tinh hoa thơ
Việt (cuốn 2)…
2.2. Những bài bình luận, nhận định, đánh giá về các tập thơ của Ý Nhi
Sau khi tập thơ Người đàn bà ngồi đan ra đời và đoạt giải A của Hội nhà
văn Việt Nam năm 1985, thơ Ý Nhi trở thành tâm điểm của những người yêu
thơ, của các nhà phê bình, nghiên cứu… Thơ Ý Nhi thành công ở một chặng
đường mới mẻ, phù hợp với tâm thế của một đất nước vừa hùng dũng bước ra
khỏi chiến tranh vừa ngập ngừng trong cuộc sống hòa bình đầy bất trắc.
2.2.1. Về tập thơ Người đàn bà ngồi đan và bài thơ cùng tên
Ngay khi tập thơ ra đời, Mã Giang Lân viết bài Người đàn bà ngồi đan và
khẳng định hướng tìm tòi và phẩm chất thơ Ý Nhi là hướng vào nội tâm. Ông
cho rằng Ý Nhi có những mạnh bạo trong tư duy sáng tạo, câu thơ có độ khái
quát, độ sâu, bút pháp chính là hồi tưởng. Thơ Ý Nhi tuy không dễ cảm nhận
nhưng lại là một giọng thơ khiến người đọc yêu mến vì sự chân thành tột bậc.
Với Người đàn ngồi đan, Ý Nhi thật sự đã thể hiện một bản lĩnh nghệ thuật khá
cứng cỏi và sắc sảo.
Trong bài viết Trò chuyện về thơ với “Người đàn bà ngồi đan”, Nguyễn
Thị Minh Thái nhận định đây là đỉnh cao nhất trong sự nghiệp thơ Ý Nhi; là tập
thơ đánh dấu một phong cách, giọng điệu thơ rất riêng của Ý Nhi. Từ đó, tác giả
khái quát thơ Ý Nhi là bút pháp của một con người bên ngoài thì lạnh lùng
nhưng trong lòng thì hôi hổi cảm xúc: “đằng sau cái vẻ ngoài gần như lạnh lùng
khép kín ấy, là trái tim ấm nóng, cái tình chín muộn của người đàn bà làm thơ”.
Nguyễn Hoàng Sơn trong Ý Nhi qua tuyển thơ phát hiện thơ Ý Nhi là
“một giọng thơ mới lạ, đương vào độ chín” ngay khi tập Người đàn bà ngồi đan
xuất hiện.
Ý Nhi có nhiều bài thơ gây ấn tượng với bạn đọc nhưng được biết đến
nhiều nhất có lẽ vẫn là bài Người đàn bà ngồi đan. Bài thơ được xem là một
trong số những bài thơ hay nhất của thế kỉ XX và nhận được khá nhiều ý kiến
bình luận, phân tích khác nhau trên các blog cá nhân và phương tiện thông tin.
Trong số đó, có thể kể đến sự chú ý của Nguyễn Hoàng Sơn về sự “ngắn gọn,
không vần, lập tứ rất vững” và biểu tượng đẹp, kiêu sa, bí ẩn của cuộc đời thông
qua hình tượng người đàn bà ngồi đan. Hay như Khánh Phương đã thấy được ý
nghĩa dự báo của bài thơ: “Ngoài ý nghĩa về sự nước đôi của sự sống, cái gì
cũng có thể vừa là nó vừa là điều ngược lại, bài thơ còn mang ý nghĩa dự báo”.
Hà Ánh Minh lại khai thác “cánh cửa nhiều chiều” của cuộc sống qua nghệ thuật
ẩn dụ và suy tưởng của nhà thơ. Từ đó thấy được ý nghĩa nhân sinh sâu sắc và
quan niệm sáng tạo nghệ thuật của nữ thi nhân. Còn tác giả Trần Trung trong
một bài bình về tác phẩm cũng đã khẳng định vẻ đẹp giản dị về nội dung, hình
thức và sức gợi của bài thơ.
Tập thơ Người đàn bà ngồi đan và bài thơ cùng tên đã đánh dấu một mốc
quan trọng trong sự nghiệp thơ Ý Nhi. Từ sau khi tập thơ và bài thơ này ra đời
tên tuổi nhà thơ trở thành niềm tự hào của thế hệ các nhà thơ đương đại Việt
Nam. Cùng với tuổi đời và tuổi nghề, những tập thơ: Ngày thường, Mưa tuyết,
Gương mặt, Vườn đã khẳng định những đóng góp tích cực đáng quí của phong
cách thơ Ý Nhi trong nền thơ ca Việt Nam.
2.2.2. Về những tập thơ khác
Sau Người đàn bà ngồi đan, tập Ngày thường của Ý Nhi cũng nhận
được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Một số bình luận của Chu Văn Sơn
theo chúng tôi là rất xác đáng. Trong bài Sự giải tỏa bằng thơ Chu Văn Sơn cho
rằng tập Ngày thường “một lần nữa làm sáng danh cho định nghĩa “thơ trước hết
là sự giải tỏa của tâm trạng”. Ở đó Ý Nhi đang “gắng hình dung ra khuôn mặt
tinh thần” của những người mà bà yêu mến cả tài năng và phẩm hạnh. Theo ông,
những chân dung đó thực ra đều là những “bức tự họa” của chính cái Tôi tác giả.
Trong bài viết này Chu Văn Sơn nhận ra một cách sắc sảo một lối thơ khác của
Ý Nhi. Đó là việc nhà thơ “phổ cái Tôi của mình vào nhân vật, ngay cả những
nhân vật vốn có, những số phận xác định” bằng “kỹ thuật ký họa nhanh”, “chớp
lấy những khoảnh khắc xuất thần trong hình thể nhân vật”. Điều này giúp Ý Nhi
phác họa được tâm trạng nhân vật đồng thời bộc lộ được nỗi niềm của mình:
“dùng triết luận như hỏa lực mạnh đột phá vào tâm trạng rồi phổ vào đó nỗi
niềm của chính mình”. Khi tập Mưa tuyết và Gương mặt xuất bản, Chu Văn
Sơn lại có bài Đến với từng bông tuyết. Trong bài này, tác giả đã thấy được sự
nhất quán giữa thơ và đời của Ý Nhi. Từ hình tượng “những bông tuyết nhẹ
nhàng, tinh trong, buốt giá”, tác giả đã nghĩ đến “sự trầm tĩnh và chất thơ của sự
trầm tĩnh” trong con người Ý Nhi. Khi so sánh hai tập thơ, Chu Văn Sơn cũng đã
chỉ ra đặc trưng riêng của từng tập, giúp người đọc thấy được sự khổ công, tận
tụy của người làm nghệ thuật. Ông cho rằng: “Mưa tuyết nghiêng về Thiên tính
phụ nữ, Gương mặt lại nghiêng về Thiên tính nghệ sĩ, nhưng tựu trung đều là
chuyện chân ngã”.
Tập thơ Vườn của Ý Nhi cũng nhận được sự quan tâm của bạn đọc qua
các bài viết như: Nỗi khắc khoải từ miền kí ức của Lưu Khánh Thơ, Thơ tình
của một đời người của Thúy Nga…Mỗi tác giả đều có những phát hiện rất riêng
trên các bình diện khác nhau của tập thơ. Nhà nghiên cứu văn học Lưu Khánh
thơ thì nhận ra nhiều khoảnh khắc tâm trạng, loại tâm trạng được dồn nén bởi
suy tư và cảm xúc của nhà thơ trong một khuôn khổ “luôn bị phá vỡ”, một “ngôn
ngữ thơ văn xuôi chắt lọc, giàu suy tưởng và hết sức kiệm lời” và nhịp điệu là
“nhịp điệu của tâm trạng”. Còn tác giả Thúy Nga thì phát hiện sự đan xen giữa
tình yêu và nỗi buồn trong tập thơ, một “tình yêu lại đậm đặc, đậm đặc hơn
nhiều tập thơ của những ngày trẻ hơn” và “nỗi buồn không đau đớn vật vã,
không gọi tên được, nhưng cứ âm ỉ trong lòng, cứ trong ngần như những giọt
nước mắt lặng lẽ”.
2.3. Những nhận định, phân tích, đánh giá chung về thơ Ý Nhi
Trong bài viết Thơ Ý Nhi, nhà thơ Hoàng Hưng đã khẳng định bút pháp
thơ Ý Nhi là bút pháp “trữ tình gián cách” và cảm xúc thơ Ý Nhi là “cảm xúc
được kiềm nén hoặc để nguội”. Lời nhận định này được Ý Nhi rất tâm đắc vì nó
đúng với tâm hồn và quan niệm về thơ của bà. Ngoài ra Hoàng Hưng còn nhắc
đến thể thơ “không vần, lắm lúc văn xuôi một cách triệt để”. Cũng như các nhà
nghiên cứu khác, ông cũng thấy được tính nghịch lí hai mặt trong thơ Ý Nhi và
cho rằng: “đây là lối thơ hiếm thấy trong đời sống thơ ca quen thuộc lâu nay ở
Việt Nam”.
Trong bài Ý Nhi – một nghiệp thơ không bao giờ hết dây dưa, Khánh
Phương chủ ý nêu lên phạm vi phản ánh trong thơ Ý Nhi. Thơ Ý Nhi phản ánh
cuộc sống trên phạm vi rộng với rất nhiều cảnh vật và con người, nhưng ở đó Ý
Nhi thường “soi mình vào nhiều kiểu người khác nhau trong xã hội để phần nào
vẽ nên chân dung của bản thân”. Và cuối cùng Khánh Phương đã rút ra một nét
cá biệt trong thơ Ý Nhi, đó là: “nhà thơ luôn mong muốn là người khám phá sắc
sảo đối với tất cả các góc cạnh cuộc sống”.
Tác giả Hà Ánh Minh cũng là người có sự quan tâm khá sâu sắc đối với
thơ Ý Nhi. Trong bài Mạch đập thơ Ý Nhi – dòng ưu tư chảy xiết, Hà Ánh
Minh đã rất tinh tế khi phát hiện và phân tích tính cảm xúc và trí tuệ trong thơ Ý
Nhi. Với một lối thơ “không thể ngâm, chỉ có thể đọc, không thể trở thành lời
của bài hát” nhưng “sức trào dâng vẫn dào dạt” đã khẳng định một nét phong
cách rất riêng của thơ Ý Nhi. Trong một bài viết khác, bài Lửa từ trái tim trần
run rẩy, Hà Ánh Minh lại thấy được sức ảnh hưởng của tinh thần nghệ sĩ đã
bùng lên ngọn lửa yêu thơ trong lòng người đọc: “Một giọng thơ buồn nhưng
không lụy, một trái tim trần run rẩy trước nỗi đau và hạnh phúc nhưng đầy kiêu
hãnh về phẩm giá con người, những bài thơ không dễ trình bày trước đám đông
nhưng sẽ để lại nỗi nhớ sâu đậm trong lòng người đọc...”
Trong bài Thơ tình Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Minh Thái
viết: “Ý Nhi có một lối thơ tình kín đáo, dịu dàng và đắm đuối như hoa quỳnh
hiếm hoi, nở muộn, chỉ nở một lần, thơm một lần và dâng hiến một lần vào thời
khắc ngắn ngủi vào giữa đêm”. Cách cảm nhận này giàu thi cảm và sức gợi,
dường như đã “điểm” trúng một huyệt đạo thơ quan trọng của Ý Nhi. Đó là một
hồn thơ của đêm, trong đêm và tạo ra những đắm đuối, yên lặng của đêm. Một
đề xuất rất có giá trị.
Ở mảng này một lần nữa phải nhắc đến Chu Văn Sơn. Những nhận định,
bình giải về thơ Ý Nhi luôn được ông nghiên cứu sâu và đầy đủ. Lời nguyện cho
nỗi yên hàn là một bài viết rất tinh tế và sâu sắc về thơ Ý Nhi cả về nội dung lẫn
nghệ thuật.
Cũng cần phải kể đến bài viết khá xuất sắc về thơ Ý Nhi của một tác giả
nữ đầy cá tính – Lê Hồ Quang - bài Thơ Ý Nhi hành trình trong lặng lẽ. Bài
viết đã đánh giá rất đúng mực những nét đẹp tâm hồn cũng như yếu tố trí tuệ
thông qua những triết luận về cuộc sống và con người rất riêng của Ý Nhi.
Những bài viết trên là nguồn tư liệu phong phú giúp khơi mở những luận
điểm cho đề tài Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng chính của luận văn là đặc điểm phong cách thơ Ý Nhi thông
qua những biểu hiện mang tính hình thức như ngôn ngữ, thể loại, kết cấu; đồng
thời cũng cố gắng tìm hiểu những nét triết luận đặc trưng của Ý Nhi như là một
điểm nhấn của phong cách về mặt nội dung.
Về phạm vi khảo sát, luận văn nghiên cứu thơ Ý Nhi qua các tập thơ đã
được xuất bản:
- Trái tim nỗi nhớ (1974)
- Đến với dòng sông (1978)
- Cây trong phố - chờ trăng (1981)
- Người đàn bà ngồi đan (1985)
- Ngày thường (1987)
- Mưa tuyết (1991)
- Gương mặt (1991)
- Vườn (1999)
- Thơ Ý Nhi (2000)
- Thơ với tuổi thơ (2002)
4. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp phân tích, hệ thống
Qua việc phân tích tác phẩm thơ cụ thể, phân tích những biểu hiện nghệ
thuật cụ thể chúng tôi tìm ra những nét đẹp đặc biệt, thường xuyên xuất hiện, có
tính tương đối bền vững của thơ Ý Nhi. Từ đó, chúng tôi cố gắng gọi tên những
nét riêng đó và đưa chúng vào một chỉnh thể có thứ tự, lớp lang.
- Phương pháp so sánh
Việc so sánh thơ Ý Nhi và các nhà thơ khác chắc chắn sẽ cho chúng ta cái
nhìn khách quan về tính độc đáo, riêng biệt của thơ bà.
- Phương pháp nghiên cứu liên ngành
Đặt thơ ý Nhi trên nhiều bình diện khác nhau để nghiên cứu, chúng tôi
mong nhìn thấy vẻ đẹp trọn vẹn của phong cách thơ Ý Nhi. Cụ thể, ở luận văn
này chúng tôi đặt thơ Ý Nhi trong cái nhìn mang tính mỹ học (chủ yếu ở quan
niệm về cái đẹp), và cái nhìn của văn hóa học (chủ yếu ở phương diện đời sống
xã hội) để làm nổi bật tính triết lý trong thơ Ý Nhi.
Ngoài ba phương pháp chính trên, chúng tôi còn sử dụng bổ sung thêm
thao tác thống kê, phân loại và áp dụng cách phân tích thi pháp học.
5. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận và thư mục tham khảo, luận văn được phân
thành ba chương, triển khai các luận điểm như sau:
Chương 1: Những vấn đề chung
Chương này khái lược những vấn đề cơ bản về nghiên cứu phong cách nghệ
thuật, giới thiệu cuộc đời sự nghiệp thơ Ý Nhi và lý giải sự hình thành phong
cách thơ Ý Nhi, bao gồm các tiểu mục như sau:
1.1. Cơ sở nghiên cứu phong cách nghệ thuật
1.2. Các yếu tố định hình phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi
1.3. Khái lược về các chặng đường sáng tác thơ Ý Nhi
Chương 2: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi nhìn từ góc độ ngôn ngữ,
thể loại, kết cấu
Chương 2 cụ thể hóa những vấn đề đặt ra từ chương 1, phân tích, đánh giá
những đặc điểm nổi bật của thơ Ý Nhi trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại,
kết cấu, gồm các tiểu mục:
2.1. Phong cách sử dụng ngôn từ nghệ thuật
2.2. Phong cách nghệ thuật
2.3. Phong cách kết cấu
Chương 3: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi nhìn từ góc độ triết luận về
cái đẹp và đời sống
Chương 3 khai thác chất triết luận trong thơ Ý Nhi qua cách nhìn về cái đẹp
và đời sống, gồm các tiểu mục:
3.1. Cơ sở nghiên cứu
3.2. Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi nhìn từ góc độ triết luận về cái đẹp
3.3. Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi nhìn từ góc độ triêt luận về đời sống
Chương 1
CƠ SỞ NGHIÊN CỨU PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT VÀ CÁC
YẾU TỐ ĐỊNH HÌNH PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT THƠ Ý NHI
1.1. Cơ sở nghiên cứu phong cách nghệ thuật
Do tiếp cận đề tài trên bình diện phong cách của một tác giả chứ không
phải phong cách nghệ thuật nói chung hay phong cách của các trào lưu, phong
cách dân tộc, phong cách thời đại nên luận văn không đi sâu trình bày lịch sử
những vấn đề lý luận về phong cách học và những mối quan hệ đa dạng, phức
tạp của nó với các phạm trù khác của lý luận văn học. Ở phần này, chúng tôi chỉ
dừng lại ở việc lược thuật những quan niệm về phong cách. Trên cơ sở đó chúng
tôi tiến hành khảo sát, đối chiếu cụ thể vào văn bản nghệ thuật của Ý Nhi nhằm
hệ thống hóa những nét độc đáo, tiêu biểu, nhất quán, có ý nghĩa thẩm mỹ cao
trong sáng tác thơ ca của bà.
Trên thế giới quan niệm về phong cách lâu nay vẫn tồn tại dưới rất nhiều
định nghĩa khác nhau. Theo Khrapchencô trong Cá tính sáng tạo của nhà văn
và sự phát triển của văn học, có thể có trên dưới mười quan niệm khác nhau về
phong cách. Tác giả đưa ra các quan niệm tiêu biểu của D.Likhachev,
A.Grogorian, V.Turbin, V.Jirrmunxki, V.Kôvalép, L.Nôvichencô, V.Đnéprov,
R.Yakobxưn…Về cơ bản, chúng ta có thể hiểu: phong cách chủ yếu và trước hết
biểu hiện qua ý thức nghệ thuật, qua cách nhìn, qua cách cảm nhận thế giới độc
đáo của nhà văn…Với cách quan niệm này, ta thấy theo Khrapchencô phong
cách nghệ thuật liên quan rất sâu đậm với nội dung tư tưởng tác phẩm.
Ở Việt Nam, khái niệm phong cách được đề cập qua các tài liệu lý luận
thường dùng trong nhà trường như: Nhà văn – Tư tưởng – Phong cách của
Nguyễn Đăng Mạnh, Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều của
Phan Ngọc, Một số vấn đề thi pháp học của Trần Đình Sử, Con mắt thơ của Đỗ
Lai Thúy, Từ ký hiệu học đến ngôn ngữ học của Hoàng Trinh, Phong cách học
tiếng Việt của Đinh Trọng Lạc và Nguyễn Thái Hòa, Văn học và học văn của
Hoàng Ngọc Hiến… Tất nhiên khi đề cập tới khái niệm này các tác giả thể hiện
những cách hiểu khác nhau về phong cách nghệ thuật. Chẳng hạn Lê Bá Hán,
Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi quan niệm phong cách chỉ thuần túy được biểu
hiện ở hình thức, qua hình thức tác phẩm [35]; hay Phan Ngọc thì cho rằng
phong cách được biểu hiện cả ở nội dung lẫn hình thức: phong cách là một chỉnh
thể nghệ thuật thống nhất các yếu tố nội dung và hình thức [73]; hay Từ điển
văn học tập 2 thì cho rằng phong cách biểu hiện thành những đặc điểm hình thức
nhưng những đặc điểm này có nguồn gốc từ trong ý thức nghệ thuật của nhà văn
nghĩa là hình thức phải mang tính nội dung [81]. Tuy mỗi người có các cách
quan niệm khác nhau về phong cách nhưng nhìn chung đều thống nhất ở một
điểm: Phong cách là thước đo tài năng và bản lĩnh của nhà văn trong sáng tạo
nghệ thuật [109].
Từ việc tìm hiểu các công trình nghiên cứu về phong cách nghệ thuật của
một tác giả, chúng tôi thấy: các nhà nghiên cứu dựa trên cơ sở các định nghĩa đã
có để từ đó thể hiện quan niệm về phong cách của mình tùy thuộc vào đặc trưng
riêng của nhà văn, nhà thơ mà mình nghiên cứu. Bằng cách này, chúng tôi đã
tổng hợp thành hệ thống những hiểu biết của mình về phong cách nhằm dùng nó
để tiếp cận các tác phẩm thơ Ý Nhi với tư cách là một chỉnh thể toàn vẹn làm nổi
bật phong cách nghệ thuật của bà.
Một số quan điểm nghiên cứu chúng tôi nhấn mạnh như cơ sở của đề tài,
bao gồm:
a) Khái niệm phong cách hay phong cách văn học, phong cách nghệ thuật
đã xuất hiện từ lâu trong sáng tác cũng như nghiên cứu khoa học ngữ văn. Phong
cách được viết theo tiếng Pháp là “Style”, tiếng Hy Lạp cổ đại là “Stylos”, tiếng
La Tinh là “Stylus”. Ban đầu phong cách dùng để chỉ dụng cụ để viết, về sau
dùng để chỉ “nét bút” rồi sau cùng mang nghĩa là “cách viết”.
b) Ngày nay phong cách không chỉ được dùng trong lĩnh vực văn học
nghệ thuật mà còn được dùng phổ biến trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời
sống xã hội. Nhưng dù ở lĩnh vực nào, phong cách bao giờ cũng là hệ thống
những đặc điểm tạo nên tính độc đáo của một hiện tượng, khu biệt hiện tượng
này với hiện tượng khác.[40]. Chính vì vậy chúng ta dễ dàng nhận thấy không
phải ai cũng có phong cách, không phải nhà thơ nào cũng tạo dựng được một
phong cách, một “khuôn mặt tinh thần” của riêng mình. Chỉ những nhà văn, nhà
thơ có tài năng, có bản lĩnh nghệ thuật, biết sử dụng các phương tiện hình thức
theo một cách nào đó rất riêng mà vẫn tạo được thể thống nhất mang sức hấp
dẫn, khơi gợi mỹ cảm nơi người khác mới được xem là có phong cách.
c) Tuy phong cách có thể được xét ở nhiều cấp độ, trên nhiều bình diện,
nhưng trong nghiên cứu văn học, nghiên cứu về phong cách của một nhà văn,
một tác giả là quan trọng nhất. Bởi vì suy cho cùng, phong cách của nhà văn góp
phần làm nên đặc điểm phong cách của thời đại và phong cách của nhà văn luôn
luôn được thể hiện thông qua tác phẩm, làm nên phong cách của tác phẩm…
Chúng tôi xem phong cách của nhà văn chính là phẩm chất sáng tạo cao nhất
trong quá trình hiện thực hóa đời sống bằng phương tiện ngôn từ nghệ thuật. Nói
như M. Gorki rằng: người nghệ sĩ cần lấy cái gì là của riêng mình …(bởi vì) một
người không có cái gì của riêng mình thì người đó chẳng có cái gì hết. Người
nghiên cứu phải đặc biệt chú ý những yếu tố được lặp đi lặp lại, những yếu tố nổi
trội, những điểm-nhấn-sáng thường xuyên xuất hiện trong hệ thống tác phẩm với
sự bền vững, nhất quán ở tất cả các yếu tố cấu thành nên nó khiến cho những
sáng tác của nhà văn đó có diện mạo, cốt cách riêng biệt, độc đáo không thể trộn
lẫn với bất kì ai khác.
d) Luận văn quan niệm phong cách nghệ thuật là một chỉnh thể không tách
rời giữa nghệ thuật và tư tưởng, giữa hình thức và nội dung. Phong cách có vẻ
được nhìn thấy rõ hơn trên phương diện hình thức nhưng cái nền tảng triết học
của hình thức ấy vẫn là một nội dung rộng rãi, sâu xa. Vì vậy, cái cuối cùng của
phong cách vẫn là cái đẹp được thể hiện một cách độc đáo, làm nên “cốt cách”,
“khí chất”, “phong vị” của tác phẩm.
Nghiên cứu các lý thuyết về phong cách và soi chiếu vào các văn bản nghệ
thuật cụ thể, chúng tôi hiểu rằng phong cách được thể hiện trong suốt quá trình
hoạt động sáng tạo của nhà văn. Phong cách có thể được hình thành ngay từ lúc
nhà văn mới cầm bút và từ đây bắt đầu vận động, phát triển và chịu ảnh hưởng
của thế giới quan, của môi trường sống, của bối cảnh thời đại, của các nhà văn
mà họ yêu thích. Tuy nhiên cũng có nhiều nhà văn, nhà thơ khi bắt đầu cầm bút
mới là lúc họ may mò, lựa chọn và dần định hình phong cách. Phong cách từ thế
tiềm năng được khơi dậy mạnh mẽ và phát tiết thành tài năng. Vì thế nên có rất
nhiều ý kiến thống nhất rằng: phong cách một mặt do tài năng bẩm sinh của
người nghệ sĩ, nhưng mặt khác quan trọng hơn là kết quả của quá trình đào luyện
lâu dài, quá trình lăn lộn trải nghiệm đời sống, quá trình tổng hợp và phát triển
không ngừng nghỉ của tâm hồn, trí tuệ, công học hỏi và rèn luyện của nhà văn.
Phong cách được hình thành trên cơ sở tài năng nhưng nếu nhà văn không khổ
công lao động nghệ thuật thì tài năng ấy cũng dừng lại ở dạng tiềm năng và đôi
khi không được nhận ra hoặc đôi khi nhận ra nhưng lại không tránh khỏi sự mai
một. Để khẳng định được phong cách đòi hỏi nhà văn phải lao động nghệ thuật
một cách nghiêm túc, bền bỉ và say mê.
Trên cơ sở nhận thức về phong cách như vậy, cùng với sự trợ giúp của các
phương pháp nghiên cứu, chúng tôi cố gắng vận dụng để tìm hiểu phong cách
nghệ thuật thơ Ý Nhi.
1.2. Các yếu tố định hình phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi
1.2.1. Hoàn cảnh xã hội – thời đại
Mối quan hệ giữa nhà văn và thời đại là mối quan hệ khăng khít, khó tách
rời. Điều này cũng giống như con người sống và hít thở bầu không khí ở miền
đất nào, ăn hạt gạo, uống ngụm nước của vùng quê nào thì nói được cái giọng
của vùng quê ấy mà thôi. Đối với Ý Nhi thì sự ảnh hưởng của thời đại đến sự
hình thành và phát triển phong cách nghệ thuật của bà là vô cùng lớn lao. Có lần
tôi đã được nghe nhà thơ nói về sự may mắn của mình khi cảm hứng sáng tạo
của người nghệ sĩ đồng điệu với những vận động, đổi thay của thời đại. Theo Ý
Nhi, nhờ sự đồng điệu đó mà thơ bà được chú ý.
Quả vậy, Ý Nhi trưởng thành và bắt đầu sự nghiệp thơ trong giai đoạn
kháng chiến chống Mỹ - khi cả dân tộc cùng dốc lòng thực hiện nhiệm vụ cứu
nước vẻ vang của lịch sử. Thời đại ấy là cơ sở để hình thành một chặng đường
mới của văn học dân tộc mà chủ nghĩa anh hùng cách mạng là xu thế chủ đạo.
Cũng từ cuộc sống hào hùng ấy đã tạo dựng một lớp người có tư tưởng và hành
động lớn, xứng tầm dân tộc. Họ bước vào cuộc chiến một cách tình nguyện, đầy
trách nhiệm và tràn say mê. Không khí xã hội khi ấy đã là điểm tựa cho cô gái
trẻ Ý Nhi tin tưởng một cách mãnh liệt và tôn trọng tuyệt đối những giá trị lớn
lao về cái gọi là tâm hồn dân tộc mà chủ nghĩa anh hùng cách mạng ở Việt Nam
đem lại.
Năm 1964, giặc Mỹ ném bom miền Bắc, Trường Đại học Tổng hợp đã sơ
tán về Đại Từ, Thái Nguyên. Năm đó Ý Nhi vừa học hết học kì I năm thứ nhất
khoa Ngữ văn của trường cũng cùng bao bạn bè tham gia khám phá những tháng
ngày cực khổ nhưng vô cùng sôi nổi và đẹp đẽ của đời mình ở vùng sơ tán. Nhà
thơ kể rằng: “những người thầy của chúng tôi, giáo sư Hoàng Xuân Nhị, giáo sư
Hoàng Như Mai, giáo sư Lê Đình Kỵ, giáo sư Kim Đính… đứng giữa lớp học
bằng tre nứa, say sưa nói về V.Hugô, Banzac, Molie, Gôgôn, Lỗ Tấn, Quách
Mạc Nhược, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Huy Cận, Nguyễn Bính, Quang
Dũng…” [43]. Quả thật đây là những năm tháng người sinh viên học trong say
mê vì cả thầy và trò được dẫn dắt bởi lí tưởng thay đổi vận mệnh dân tộc. Đồng
thời họ cũng khao khát tham gia vào đời sống văn học, chính trị của một thế giới
mới đang có những vận động lớn lao và sâu sắc.
Thời nào cũng vậy, giới trẻ luôn có những đam mê cuồng nhiệt. Ngày nay
người trẻ nói chung và sinh viên nói riêng phần nhiều yêu thích âm nhạc, điện
ảnh và thần tượng những người làm nên nó. Có lẽ vì tính phổ quát và sức hút
phù phiếm của nó khiến họ tìm thấy niềm vui. Cùng tính chất tâm lý nhưng khác
hoàn cảnh xã hội, thanh niên ngày ấy lại đam mê vô cùng thơ và những người
làm nên thơ. Lý giải điều này không khó. Một mặt thơ ca đã là sản phẩm tinh
thần phát nguyên từ cội nguồn dân tộc với ca dao, dân ca dễ thuộc, dễ nhớ. Mặt
khác thơ đã có sẵn trong trái tim đang cuộn trào xúc cảm thời đại, chỉ cần “xuất
khẩu” là “thành thơ”; đã vậy không cần dụng công mà thơ đã có sẵn nơi đầu lưỡi
vì tâm hồn họ tràn trề thơ mà cả một lớp người, thậm chí toàn dân tộc khi ấy
đang có chung một hồn thơ. Thành ra họ mê mẩn, thần tượng Xuân Quỳnh, Bằng
Việt, Vũ Quần Phương, Phan Thị Thanh Nhàn, Đỗ Chu… Họ thuộc Về Nghệ An
thăm con, Trở lại trái tim mình của Bằng Việt; Vườn trong phố, Thôn Chu
Hưng của Lưu Quang Vũ; Tiếng gà trưa, Hoa dọc chiến hào của Xuân
Quỳnh…Ý Nhi từng công nhận ngày ấy “quả là thời của thơ” mà! Đây chính là
không gian văn hóa giúp hình thành cảm thức sáng tạo thi ca ở Ý Nhi, nhất là
những sáng tác trước ngày giải phóng như Trái tim nỗi nhớ (in năm 1974 cùng
với thơ Lâm Thị Mỹ Dạ). Đó là những trang thơ giàu cảm xúc, ghi hình tư thế
xung trận của tầng lớp thanh niên lúc bấy giờ. Đó còn là tinh thần của dân tộc
mà những cô thanh niên như Ý Nhi vô cùng ngưỡng mộ và theo đuổi. Những
người bạn – đồng chí Ý Nhi từng gặp hoặc nghe kể, những vùng đất thời chiến Ý
Nhi đã từng sống, chiến đấu, lao động và học tập là những kí ức tuổi trẻ đã trở đi
trở lại trong hành trình sáng tạo của thơ Ý Nhi làm nên những hình tượng thơ vô
cùng độc đáo.
Kể từ chiến thắng mùa xuân năm 1975, lịch sử dân tộc đã mở sang một
trang mới, đồng thời nền văn học nước nhà cũng bước vào một chặng đường
mới. Ngay sau niềm vui chiến thắng đất nước ta rơi vào khó khăn và khủng
hoảng kinh tế trầm trọng. Nền văn học như dòng nước đang cuộn chảy bỗng bị
ngăn đập nên chững lại và dồn đẩy phần lớn văn nghệ sĩ vào tình cảnh bối rối,
mất phương hướng sáng tác. Nhưng càng bị dồn đẩy dòng nước càng nhanh tự
tìm hoặc tự tạo lối thoát. Đó là quy luật tự nhiên. Và quy luật ấy cũng ứng với
đời sống văn học giai đoạn sau chiến tranh. Ngay khi ấy xuất hiện một đội ngũ
văn nghệ sĩ đi tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học. Vì vậy ta dễ dàng
nhận thấy, mặc dù vẫn tiếp nối nền văn học Cách mạng trước đó với khuynh
hướng sử thi và cảm hứng ngợi ca, văn học thời này cũng đã có những bước
chuyển mình đáng khích lệ với “người mở đường tinh anh và tài năng” Nguyễn
Minh Châu. Kể từ sự mở đường này, người làm văn nghệ đã bắt đầu tiếp cận
“hiện thực” với một cự li rất gần khi hướng sự quan tâm của mình vào các vấn
đề thế sự và đời tư. Bức tranh đời sống lúc này không chỉ đơn điệu một màu
hồng của sự ngợi ca, con người cũng không phải là “cây đàn độc điệu” thuần
nhất một âm vực cao hay thấp, sáng hay tối, trong hay đục, mà hiện thực được
nhìn ở nhiều mặt, nhiều chiều.
Cần phải nhắc đến những sự kiện tác động lớn lao đến đời sống văn học.
Trước hết đó là năm 1986, cột mốc quan trọng đánh dấu giai đoạn đổi mới toàn
diện trên đất nước Việt Nam ta với Đại hội Đảng lần thứ VI do Bí thư Nguyễn
Văn Linh khởi xướng. Từ đây, đất nước dần vượt qua thời kì khủng hoảng để
bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ và ngày càng vững chắc. Kế tiếp phải
nhắc đến một sự kiện tác động trực tiếp đến đời sống văn học. Đó là cuộc gặp
của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với đại diện giới văn nghệ sĩ vào cuối năm
1987 để triển khai nghị quyết 05 của Bộ chính trị. Tất cả cho ta thấy một cuộc lột
xác lớn lao trong đời sống dân tộc ta. Mọi phương diện xã hội từ chính trị, kinh
tế, văn hóa… đều phải tuân theo nhịp vận động mới của thời cuộc. Người nghệ
sĩ vì vậy cũng cần thay đổi cách thức sáng tạo cũng như mở rộng biên độ tư duy
nghệ thuật nhằm chuyển tải thành công những biến chuyển mới mẻ của đời sống
xã hội.
Trong hoàn cảnh đó có thể thấy Ý Nhi là một trong số rất ít nữ thi sĩ bước
được cả hai chân qua bên kia miệng vực để nhanh chóng thoát khỏi“khoảng
chân không trong văn học” (Nguyên Ngọc), nắm bắt được những vận động còn
rất nhỏ nhẽ mà tinh vi của đời sống văn học, hòa mình vào dòng chảy sôi nổi, táo
bạo, lạ lùng của một thời thơ mới. Đặc biệt với tập thơ Người đàn bà ngồi đan,
Ý Nhi đã khẳng định được phong cách, giọng thơ riêng của mình, góp phần cùng
những nhà thơ khác tạo nên một diện mạo mới cho thơ ca Việt Nam giai đoạn
sau 1975.
1.1.2. Nền tảng quê hương, gia đình và đặc điểm con người nhà thơ
Nền tảng quê hương, gia đình là cội nguồn hình thành cá tính và là mầm
mống của sự phát triển tài năng. Đó là lớp văn hóa nền xác lập nơi nhà văn
những cảm thức đầu tiên và lâu bền về thế giới nghệ thuật, góp phần khơi dậy
thiên hướng nghệ thuật cho nhà văn đồng thời cũng giúp nhà văn rèn giũa, tôi
luyện, bổ sung xúc cảm và trí tuệ. Nhờ vậy phong cách nghệ thuật của họ được
định hình và phát triển.
Từ Hội An ra Hà Nội, qua Hải Phòng là quãng đời lưu dấu nhiều kỉ niệm
tuổi thơ của Ý Nhi. Vùng đất Hội An ban cho bà vẻ đẹp của sự thâm trầm, huyền
bí trong nét văn hóa Chămpa. Cả thời học sinh trải dài trên những con đường đi
về phía biển ở vùng đất Hải Phòng làm nên một Ý Nhi cởi mở và tràn trề sức
sống. Gần ba mươi năm sống trên đất thủ đô ngàn năm văn hiến làm nên nét
quyến rũ, kiêu kì, lịch thiệp nơi con người bà. Tổng hòa tất cả là một Ý Nhi đời
và thơ rất riêng. Trong thơ Ý Nhi ta thường bắt gặp những cảnh vật, con người,
sự việc diễn ra ở những vùng đất thân quen đó. Nó vừa là kí ức, vừa là tiềm thức
làm nên những hình tượng nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân của nhà thơ.
Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, Ý Nhi hiển nhiên hoặc may mắn
mang trong mình tâm hồn của một nghệ sĩ. Dù chưa phát tiết nhưng vẫn có
phong vị của kẻ lãng du. Ông nội nhà thơ là một nhà Nho hay chữ vừa làm thơ
vừa bốc thuốc cứu người. Cha là nhà nghiên cứu nghệ thuật dân gian tài năng –
Nhà nghiên cứu tuồng Hoàng Châu Ký. Được biết ông là người học chữ Nho,
đọc nhiều thơ chữ Hán và làm thơ từ rất sớm. Những câu thơ của ông được Ý
Nhi đánh giá là “tinh tế và trau chuốt”. Về sau ông đọc nhiều thơ hiện đại bằng
tiếng Pháp và cũng thay đổi cách viết văn, viết nghiên cứu, phê bình và cả làm
thơ. Ý Nhi may mắn thừa hưởng từ cha và ông lối tư duy khúc chiết, mạch lạc.
Phải chăng điều này làm nên tính triết luận trong tư duy thơ của bà. Mẹ là người
yêu thơ Mới (thơ 30-45), bà thuộc nhiều bài thơ của các nhà thơ Mới tên tuổi
như Huy Cận, Xuân Diệu, Tế Hanh… Nền tảng xuất thân như thế khiến Ý Nhi
tự nhận thấy mình yêu thơ và thích làm thơ cũng là lẽ tự nhiên, dễ hiểu. Thêm
một lần nữa, hoặc hiển nhiên hoặc may mắn nữa, khi đến tuổi “theo chồng” Ý
Nhi được yêu và sống cùng người chồng là một nhà nghiên cứu và giảng dạy văn
học đáng kính - giáo sư Nguyễn Lộc. Tất cả tạo cho Ý Nhi những điều kiện
thuận lợi để đến với thơ, suy nghĩ về thơ và tạo dựng phong cách thơ cho riêng
mình.
Điểm lại bước đường làm thơ của Ý Nhi, ta thấy được con-người-thơ của
bà. Từ rất nhỏ Ý Nhi đã làm thơ nhưng chỉ là những câu thơ “non” của tuổi học
trò. Phải đến khi đạt giải khuyến khích trong một cuộc thi thơ ở trại viết dành
cho các nhà văn trẻ vào năm 1969, Ý Nhi mới ý thức được khả năng thơ ca của
mình. Có niềm tin, bà mạnh dạn tuyển chọn, tập hợp những bài thơ lẻ để in
chung với nhà thơ đã có tên tuổi lúc bấy giờ - Lâm Thị Mỹ Dạ trong tập Trái tim
– Nỗi nhớ. Tiếp cận được với công chúng, thơ Ý Nhi nhận được phản hồi và nhà
thơ nhanh chóng thấy được “nghề thơ còn lắm gian nan” khi ngòi bút của mình
còn thiếu thiếu một cái gì vô cùng quan trọng. Bà hiểu rằng, thơ không phải là
sản phẩm của sự hời hợt, làm thơ là một nghề đỏi hỏi sự suy tư nghiêm túc, thơ
là tấm gương phản chiếu trí tuệ và tâm hồn … Và đừng đùa giỡn với thơ.
Từ đây bà suy nghĩ thật sự nghiêm túc về thơ và dần lựa chọn cho mình
một lối đi. Con đường thơ bắt đầu in dấu những bước chân còn nhiều lúng túng
của kẻ dò đường. Đi sao cho thỏa đam mê, đi sao để đam mê đến được cái nơi
mà nó ngự trị, đi sao để đam mê đến được vinh quang. Sự trăn trở này bộc lộ khá
rõ trong tập Đến với dòng sông (1978).
Đến với thơ không chỉ là một cuộc gặp gỡ mà còn là duyên phận. Mà đã
là duyên phận thì thường gắn với hên-xui, may-rủi. Điều này đòi hỏi thi nhân
phải là người sẵn sàng dấn thân và chấp nhận thất bại nếu nó xảy ra. Sau nhiều
rủi ro, may thay Ý Nhi đã có một cuộc gặp gỡ với nhà thơ Việt Phương để sau
đó bà nhận ra rằng: thơ ngày nay phải khác, không nhất thiết thơ phải là những
lời ca du dương, êm ái, không nhất thiết thơ phải sử dụng những mỹ từ dạt dào
xúc cảm mà trên hết thơ phải là con người, là kí thác, là bộc bạch của thi nhân.
Chỉ cần đến được cái đích của tâm hồn thì ngôn ngữ sẽ thành thơ. Và con đường
đến đó mỗi thời mỗi khác. Ý Nhi xác định mình phải đi con đường khác để đến
với thơ.
Nặng nợ với thơ, xấp ngửa với chữ nghĩa. May mắn đã mỉm cười với Ý
Nhi khi Người đàn bà ngồi đan xuất hiện đúng cái lúc cuộc đời cần có nó. Làng
văn xôn xao. Ý Nhi mỉm cười với thành quả của sự dày công mài giũa, trau
chuốt “cái nghề lắm công phu”. Với tập thơ này Ý Nhi đã khẳng định được bản
thân và hình thành cho mình một phong cách. Nét nữ tính cùng với chất trí tuệ
đã làm nên một cái gì rất riêng của Ý Nhi. Ta thấy có điều gì nhẹ nhàng, giản dị
mà sao cũng quá đỗi ưu tư, khắc khoải ở tập thơ. Cái nét băn khoăn, lưỡng lự
trong sự dồn đẩy, hối hả; cái sự phân vân, hoài nghi trong niềm nhiệt huyết đã
làm nên chất thơ của bà. Quả là một làn gió mới thổi vào thi đàn. Đáng yêu,
đáng trọng biết bao! Sau tập Người đàn bà ngồi đan, các tập Ngày thường,
Mưa tuyết, Gương mặt, Vườn tiếp tục khẳng định tên tuổi và phong cách của nữ
thi sĩ. Ý Nhi đã trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ Việt
Nam đương đại.
Tính cách làm nên số phận! Tính cách cũng góp phần hình thành phong
cách. Con người Ý Nhi có những nét tính cách đặc biệt giúp làn nên phong cách
thơ của bà. Là người thích phiêu lưu và có cá tính, bà đam mê sáng tạo. Là người
điềm tĩnh và thông minh, Ý Nhi nhận ra mình đang đứng ở đâu trong cuộc đời
cũng như trên thi đàn. Là người chỉnh chu và tinh tế, Ý Nhi khéo léo thay đổi
cách nghĩ và cách làm thơ. Là người giản dị và nhân hậu, Ý Nhi biết tạo ra vẻ
đẹp thuần khiết nhưng sâu sắc cho thơ. Là người nặng sâu tình cảm, Ý Nhi trở
thành nhà thơ chân chính. Con người Ý Nhi đã làm nên khuôn mặt thơ Ý Nhi, và
ta nhận ra khuôn mặt tỏa sáng đó.
1.3. Khái lược về các chặng đường sáng tác thơ Ý Nhi
Ở phần này chúng tôi sẽ khảo lược quá trình sáng tác thơ của Ý Nhi thông
qua các tập thơ. Đây là cái nhìn bước đầu để nhận diện sự phát triển phong cách
thơ Ý Nhi.
Trái tim nỗi nhớ, Đến với dòng sông, Cây trong phố chờ trăng là những
tập thơ đầu tiên của Ý Nhi. Nét chung của những tập thơ này là sự trong sáng,
ngây thơ của người nữ thanh niên vừa bước vào đời với bao nhiêu nhiệt huyết và
say mê; là tinh thần khảng khái, quả cảm; là tình yêu và sự ngợi ca đối với Tổ
quốc, nhân dân.
Trái tim nỗi nhớ in chung với Lâm Thị Mỹ Dạ năm 1974 là tập thơ đánh
dấu sự góp mặt của một nhà thơ mang tên Ý Nhi trên thi đàn. Được in thơ chung
với người đàn chị trong nghề là một vinh dự cũng là động lực đối với Ý Nhi.
Vốn rụt rè nên dù viết được nhiều thơ nhưng Ý Nhi không dám gửi in. Đây
chính là cơ hội, là bước đệm để thơ bà đến được với công chúng. Từ tập thơ này
trở đi, Ý Nhi mới nhận được những phản hồi từ phía độc giả và dần nhận ra chân
dung một cô thiếu nữ mộng mơ, “còn lẫn lộn trong một kiểu trang điểm và y
phục chung của lớp thiếu nữ đem trái tim được nuôi bằng văn Pautopxki và thơ
Bergon đi vào cái thực tế lạ lùng – gian lao và đầy lãng mạn – của đất Bắc thời
chiến tranh” (Hoàng Hưng – Thơ Ý Nhi). Ý Nhi tự hào về điều đó.
Đến với dòng sông (in năm 1978) – thơ Ý Nhi bắt đầu có sự trăn trở. Hình
tượng người đàn bà với những “day dưa”, với những “xao xác” manh nha xuất
hiện trong thơ. Đó là sự trở mình của một con người không chấp nhận những gì
khuôn mẫu, của người khao khát tìm đường “ra tới biển”. Ý Nhi bỏ lại sau lưng
cánh rừng trẻ trung của mình, bà biết “dẫu cho đêm yên lặng’ thì “phía trước”
vẫn “là dòng sông”. Tập thơ có những câu hỏi day dứt vừa như là sự chia tay,
vừa như là sự nuối tiếc. Dẫu nhiều yêu thương cũng đành phải rời xa “cánh rừng
muôn năm cũ” để đến với những dòng sông ào ạt tìm về phía biển. Đây là những
câu thơ rất mới của Ý Nhi:
Đốm lửa rừng giờ cháy nơi đâu
con chim rừng giờ hót nơi đâu
đóa hoa rừng giờ thơm nơi đâu.
Mà bầu trời trước tôi xanh nôn nao
mà cánh đồng trước tôi vàng chói mắt
phút hân hoan lòng chợt niềm se thắt
những cánh rừng đã ở lại phía sau.
(Cửa rừng)
Những bài thơ trong tập thơ này thể hiện quyết tâm chia tay với lối thơ
“dễ dãi, ngòn ngọt” của một thời yêu dấu để tìm đến một bầu trời “xanh”, một
cánh đồng “vàng” mới, dẫu biết rằng đó là nơi của màu “xanh nôn nao”, nơi của
màu “vàng chói mắt”. Đó là nơi đẹp đẽ nhưng “khắc nghiệt”. Đó là nơi hấp dẫn
nhưng chẳng thể bình yên. Cho nên thơ Ý Nhi có những hân hoan và bối rối, có
“tiếng hát chao lòng như tiếng gió”, có “điều gì thao thức ở trong em”. Có lẽ từ
đây, Ý Nhi bắt đầu mất ngủ với những câu thơ và thơ bà vì vậy bắt đầu thức
trong lòng độc giả.
Cây trong phố chờ trăng là tập thơ dành cho thiếu nhi in chung với Xuân
Quỳnh năm 1984. Ở đây là khuôn mặt khác của Ý Nhi. Tâm thế nhà thơ dường
như nhường chỗ chỗ cho tâm thế một người mẹ, người chị, người bạn của trẻ
thơ. Vì vậy lời thơ vô cùng dễ hiểu, giọng thơ dịu dàng, tha thiết. Đây là cái
“chất” vốn có của phụ nữ nên Ý Nhi không khó thể hiện. Về bút pháp, những bài
thơ của Ý Nhi trong tập thơ này không có gì đặc biệt. Những bài thơ năm chữ
chuẩn mực, những bài thơ tự do đơn giản là món quà cho tuổi thơ dễ đọc, dễ
nhớ. Đó là sự yêu thương, là sự quan tâm, là kỉ niệm và kinh nghiệm thời bé thơ
Ý Nhi gửi đến các em khi đã là mẹ hiền của các con thơ.
Xuất hiện khá muộn trước công chúng, nhưng thơ Ý Nhi đã có những
điểm sáng nhất định. Ba tập thơ đầu tiên có thể còn mờ nhạt về phong cách,
nhưng đối với Ý Nhi nó là một phần đời đáng yêu của bà. Người ta khó lòng đi
đến tương lai khi không có quá khứ. Quá khứ của Ý Nhi tròn trịa và đẹp đẽ. Nó
ghi nhận sự nỗ lực hết mình để đến với thơ. Về mặt tình cảm, đó có lẽ là những
kỉ niệm đẹp và trong trẻo nhất trong cuộc đời làm thơ của bà. Về mặt sự nghiệp,
đây là những bệ đỡ để thơ Ý Nhi tiếp cận với công chúng, đồng thời cũng chính
là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho sự hình thành phong cách nghệ
thuật thơ Ý Nhi.
Người đàn bà ngồi đan (1985) là một viên ngọc quý trong nền thơ ca Việt
Nam thời hiện đại. Cụ thể là thơ ca Việt Nam thời kì đổi mới. Tuy nhiên, sức
ảnh hưởng của nó sâu, rộng cho đến tận hôm nay. Sự thật là cho đến ngày nay sự
lan tỏa, ảnh hưởng của Người đàn bà ngồi đan vẫn còn sâu sắc. Có thêm thời
gian để nhận định, có thêm thời gian để so sánh và đối chiếu, ta càng nhận thấy
tính vấn đề, tính hiện thực và thời đại trong tập thơ. Chẳng những tập thơ chưa
cũ mà còn dường như là mới bắt đầu.
Từ Kính gửi mẹ cho đến Cát là một sự cách tân hoàn toàn về nhận thức,
tư tưởng và thi pháp. Không còn sự nhận đường hay dò đường mà là sự khẳng
định. Khẳng định một con đường mới, một lối đi riêng để vào thế giới thơ giàu
màu sắc và lắm chông gai. Đặt trong hệ thống thơ của giới nữ, Người đàn bà
ngồi đan vượt lên bởi sự chững chạc, điềm đạm mà tinh tế. Không đa ngôn mà
“kiệm lời”, không ào ạt mà “tiết chế”, không “duy cảm” mà “duy lý”…, Ý Nhi
tạo ra một khuôn thước mới để nhìn nhận cái đẹp của thơ nữ. Lý thuyết về cách
đọc thơ dần thay đổi. Biên độ nhận thức về thơ được nới rộng hơn. Nó tạo ra
những dư chấn mạnh mẽ và mới lạ trên thi đàn đang đòi “Đổi mới”. Nó giành
giải A của Hội nhà văn. Tầm vóc của nhà thơ bây giờ thật sự thay đổi.
“Tầm đón đợi” của độc giả ngày ấy dường như chưa theo kịp tư duy thơ
của nữ thi sĩ, nên có người hét lên rằng: thơ thiếu thực tế. Nhà thơ giàu cảm xúc
và nữ tính nhất lúc bấy giờ là Xuân Quỳnh đã phải “cãi” lại rằng: Thơ Đường có
thực tế đâu mà tồn tại mấy ngàn năm. Cuộc tranh luận bắt đầu. Người đàn bà
ngồi đan thêm nổi tiếng. Phong cách thơ Ý Nhi càng lan tỏa và sức ảnh hưởng
càng sâu rộng, nhất là trong địa hạt thơ nữ. Hãy đọc và nghiệm sau hai mấy năm:
1. Những cây sồi bên hồ Thuyền Quang
Không có gì của đời tôi đã xảy ra nơi ấy
chỉ có những ý nghĩ như lửa dưới vòm xanh trầm mặc
và niềm mong mỏi khôn nguôi bên tán cây xào xạc gió
Năm tháng qua đi
tôi đã cùng nơi kia gắn bó
những cây sồi mọc bên lối nhỏ
chứng kiến những gì được che giữ trong tôi
(ý nghĩ về hạnh phúc bền vững hơn hạnh phúc giữa đời
ý nghĩ về niềm vui lớn hơn niềm vui có thực
và nỗi đau trong ta ghê gớm hơn những gì ta có thể giải bày).
Giờ đây mỗi khi tôi qua dưới bóng cây sồi
tôi tưởng như phố phường xa vắng hết
và tất cả mọi điều cách biệt
chỉ màu xanh trầm tĩnh cùng tôi.
2. Người đàn bà ngồi đan
Giữa chiều lạnh
một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ
vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã
nhẫn nại như thể đó là việc phải làm suốt đời
vội vã như thể đó là lần sau chót.
Không thở dài
không mỉm cười
chị đang giữ kín đau thương
hay là niềm hạnh phúc
lòng chị đang tràn đầy niềm tin
hay là ngờ vực.
Không một lần chị ngẩng nhìn lên
chị đang qua những phút giây trước lần gặp mặt
hay sau buổi chia ly
Trong mũi đan kia ẩn giấu niềm hân hoan hay nỗi lo âu
trong đôi mắt kia là chán chường hay hy vọng.
Giữa chiều lạnh
một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ
dưới chân chị
cuộn len như quả cầu xanh
đang lăn những vòng chậm rãi.
Sau thành công của Người đàn bà ngồi đan, Ý Nhi hăng hái tiếp tục phát
huy nét đẹp trong phong cách nghệ thuật của mình. Ngày thường (1987), Mưa
tuyết (1991), Gương mặt (1991), Vườn (1999) lần lượt ra đời. Mỗi tập thơ đều
được chờ đón và hoan nghênh. Người đọc dần dần tiếp nhận và đồng điệu hơn
với thơ của bà. Xã hội phát triển càng nhanh, thơ Ý Nhi càng mau chóng tìm
được sự đồng cảm. Không còn xa lạ, thơ Ý Nhi được đăng trên báo, được bình
luận, phân tích, được khen ngợi nhiều hơn. Cổng thông tin điện tử mở ra, từ
khóa “Thơ Ý Nhi” được truy cập từng giờ. Chỉ cần một cái nhấp chuột, cả trăm
trang mạng xã hội và blog cá nhân chép và bình thơ Ý Nhi hiện ra trên màn hình
máy tính. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết là những lời khen tặng dành cho
thơ Ý Nhi. Một phần có lẽ vì phong cách mới lạ và độc đáo của bà; phần khác là
nhờ sự đồng cảm với những trúc trắc, khúc khuỷu nhưng toàn diện, nhiều mặt,
nhiều bề trong cách cảm nhận con người và cuộc đời của Ý Nhi.
Ngày thường là tập thơ của những ngày bình thường, của những con
người bình thường, cũng là của những điều bình thường trong cuộc sống. Đó là
một ngày về với đất liền của vị thuyền trưởng, ngày thi đấu khát khao của một
vận động viên, ngày dạo chơi của một họa sĩ, ngày ra đi của một nhà thơ, ngày
công cán của nhà văn Nguyên Hồng, ngày của “chùa” và “vườn trong phố”,
ngày của biển chiều, của phố nắng, ngày của khát vọng, của lẽ phải, của tự do…
Những người, những việc thường ngày, giản dị đó được Ý Nhi soi chiếu dưới
lăng kính của sự đối nghịch để người đọc nhận ra rằng: chúng bình thường
nhưng cao quý. Cảm giác về sự trầm tĩnh, lý trí, chiêm nghiệm dày đặc ở các
trang thơ. Tất cả những cái ngày thường đơn giản là thế nhưng để có được nó
nhiều khi con người ta phải đánh đổi thật nhiều, phải nỗ lực thật lớn, phải khát
khao thật mãnh liệt. Đến tập thơ này, yếu tố triết luận trong thơ Ý Nhi dường
như đậm đặc hơn cả. Bài thơ nào cũng đòi hỏi sự tập trung cao độ của người đọc
để nhận ra khuôn mặt thật, giấu kín tận sâu bên trong của cái hằng thường.
Đến với Ngày thường chúng ta cũng nhận diện rõ ràng hơn sự “tiết chế”
trong câu chữ của Ý Nhi. Từ là vỏ ngôn ngữ để Ý Nhi khéo léo tạo nên cái đẹp
của sự kiệm lời. Và vui mừng vì đã đem lại niềm hạnh phúc cho người thưởng
lãm:
như một nhà thơ biết tiết chế
tôi vừa đun nấu trên ngọn lửa dầu chút thức ăn ít ỏi
vừa nghĩ đến vẻ đẹp thực chất của những bữa ăn
niềm hạnh phúc tôi có thể đem lại cho mọi người.
(Ngày thường)
Tập thơ cho chúng ta hiểu hơn quan niệm của Ý Nhi về cái đẹp thực sự
của những ngày bình thường bằng cách “nhìn thấu cuộc đời này bằng con mắt
thứ ba”, bằng sự “điềm tĩnh bước ra khỏi bản thể, đi qua chiếc cầu vòng cheo
leo mà quyến rũ để viết”.[13]
Sau sự day dứt, khắc khoải của Ngày thường, Ý Nhi viết Mưa tuyết. Vẫn
cái chất thơ của sự trầm tĩnh, điềm đạm vốn có, Mưa tuyết dẫn người đọc vào
cảm thức của cái lạnh tê tái nhưng thanh cao. Mở đầu tập thơ là giấc mơ về
những cơn mưa tuyết “nhẹ nhàng/ tinh trong/ buốt giá”. Nổi bật trong tập thơ là
những gì như là nỗi nhớ. Chúng trải dài suốt cả tập thơ. Và nổi bật hơn cả là nỗi
nhớ nước Nga. Chợt nhớ một câu chuyện đọc vội ở đâu đó về việc Ý Nhi mời
(rủ) bạn đồng nghiệp đi thăm nước Nga và hẹn “Gặp nhau ở Nga nhé!”, ta mới
hiểu một phần cuộc đời của Ý Nhi đã để lại trong những bông tuyết Nga để rồi
khi có tuổi nhà thơ không khỏi nhớ thương, ngưỡng vọng. Bà làm thơ về hai nữ
thi sĩ Nga: Marina Xvetaeva, Akhmatova; về nhà thơ, nhà tiểu thuyết lớn
Pasternak; về nàng Êlêna; về Matxcơva… Nỗi nhớ ấy có khi miên man đến
nghẹn ngào: “Vẫn là bông tuyết/…/Sao xa vời/ Xa như thể chưa bao giờ gặp/ Xa
đến nỗi muốn trào nước mắt” (Thấy tuyết trong phim).
Trong tập thơ ta cũng nhận thấy khuôn mặt “tuyết” của Ý Nhi. Sự quyết
liệt với những ồn ào, giả trá đã thể hiện cái tâm trắng tinh như “tuyết” của nữ thi
nhân:
Tôi không thích người ta bắn lén
khi cần, tôi sẽ bắn chính diện
Tôi không ưa những kết cục được bày đặt sẵn
cũng chẳng thích chi những cái nửa vời.
Tôi chẳng ưa những thói trơ tráo, lạnh lùng
và căm ghét sự đặt điều, ngờ vực
Tôi không thích bạo lực
và không ưa sự bất lực, yếu hèn
Từ những đỉnh cao đã chinh phục một lần
tôi hạ xuống
trong khi trái tim mình ở lại.
(Matxcơva)
Mỗi lần đả kích những cái xấu xa, dối trá, mục ruỗng Ý Nhi thường viết
bằng lối thơ “rắn’ như thế. Đó là cách Ý Nhi thể hiện thái độ không khoan
nhượng, không lùi bước trước mặt trái của cuộc đời nhằm gạn lọc để tìm đến
những “tinh trong”. Khảng khái, chính trực, kiêu hãnh là những từ có thể nói về
Ý Nhi.
Tập thơ cũng thể hiện “thiên tính nữ” (chữ dùng của Chu Văn Sơn) của Ý
Nhi. Rất dịu dàng, rất phụ nữ, làm mát lòng người nghe:
…
Tuyết vừa mới tan
cỏ vừa mới lên
ngày vừa mới nắng
người vừa thân quen.
…
Tuyết rồi sẽ chảy thành sông
cỏ rồi sẽ nảy hoa vàng
nắng rồi thành bóng râm qua tán lá.
Bạn thân yêu ơi
bạn rồi nên nỗi buồn dịu dàng.
(Thơ tặng Êlêna)
Ở tập thơ này, yếu tố triết luận trong thơ tuy có phần mềm mỏng, nhẹ
nhàng hơn hai tập thơ trước, nhưng ta vẫn cảm nhận sâu sắc tính thường trực của
“chất nghĩ” trong thơ bà. Nói như Chu Văn Sơn là: “ngẫm nghĩ, suy tư đã được
tâm trạng hóa, biểu tượng hóa để trở thành một biểu tượng nào của cảnh quan
nội tâm”[91]. Mưa tuyết đã là biểu tượng của nội tâm phụ nữ giàu yêu, thương,
mến, nhớ; nội tâm chiến sĩ nhân văn mạnh mẽ, quyết liệt, tiên phong.
Có thể gọi Gương mặt là tập thơ của sự tri ân. Đây có thể là lời cảm ơn
của Ý Nhi dành cho những người quen và không quen khi phác họa, kí họa thật
nhanh những nét đặc sắc trên khuôn mặt tinh thần của họ. Đó có thể là tinh thần
của người bay đêm, gã khờ Đônkisốt, bác sĩ Zivago là những nhân vật trong các
tác phẩm văn học; hay cuộc đời, sự nghiệp của Bùi Xuân Phái, Dương Bích
Liên, Nguyễn Sáng, Nguyễn Minh Châu là những nghệ sĩ lớn; hay tính cách của
một cô Khánh, của cháu Lâm Ngọc Quỳnh Anh là những người quen biết của
nhà thơ; và thậm chí như một người điên, một em bé, một nhà thơ trẻ vô danh
nào đấy cũng được đưa vào thơ với sự trân trọng, yêu thương. Với Ý Nhi đó là
những người “tử vì đạo”, là bậc hiền nhân, nghệ sĩ đích thực, là người đã tìm ra
chân ngã, đã “đắc đạo”.
Quan niệm về cái đẹp thực sự của con người theo Ý Nhi là sự tận hiến
một cách vô tư không suy tính; là sự chân chất, nhân hậu, thuần khiết nhưng quả
cảm và kiên quyết khi bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chân lý.
Đó là những con người:
Đã vượt qua mối vướng bận đời thường
đã vượt qua mối vướng bận vinh quang
đã vượt qua nỗi lo sợ âm thầm
khi phải đứng riêng về một phía.
(Đắc đạo)
Là những người:
Lặng lẽ
thơ ngây
yêu thích cái đẹp
…sống thật nhọc nhằn
giữa giả trá, ồn ào, ác hiểm.
(Hà Nội, tháng 5.1987)
Và dù không biết điều gì đang chờ đợi ở phía trước, những con người đó
vẫn luôn quyết tâm vượt qua mọi trở ngại để đi đến cái đích cuối cùng của sự lựa
chọn “đứng về một phía” kia:
Làm sao biết được
phía trước kia là biển, là rừng, là lũng sâu hay đầm lầy
nhưng dù sao
phải đi đến cùng con đường ta đã chọn
dù phải đi
như người nghệ sĩ trên chiếc dây căng qua khoảng trống.
(Gửi con nhân sinh nhật lần thứ 20)
Ý Nhi ngưỡng mộ họ, cố sống như họ đã sống. Phải chăng đó là cái đích
suốt đời nhà thơ theo đuổi.
Gương mặt giữ trong nó những cung bậc đẹp của cảm xúc. Đồng thời vẫn
tiếp tục phát huy và làm mới những nét phong cách rất riêng của Ý Nhi từ giọng
điệu, ngôn ngữ, thể thức, kết cấu đến hình tượng, tư tưởng, quan niệm nghệ
thuật.
Thơ tình yêu là tên gọi khái quát nhất cho tập Vườn của Ý Nhi. Tập thơ là
khu vườn tình yêu vẫn còn xanh mướt nhưng thâm trầm và tĩnh lặng. Chủ nhân
của khu vườn là người đã trải qua nhiều cung đường bất trắc và vinh quang từ
quê hương vào đến Nha Trang, Đà Lạt, rồi trở về tuổi trẻ ở Hải Phòng, Thái
Nguyên, Hà Nội. Cuối khu vườn là những dự cảm và nguyện ước. Lối nhỏ đi vào
vườn rắc đầy những gam màu của yêu thương, hối lỗi, tiếc nhớ, trân trọng.
Tập thơ vương vít nỗi buồn của con người đã đi qua và quay đầu nhìn lại
quãng đường đời khá dài của mình. Nhiều lời cũng không nói được nhiều hơn
những gì muốn nói. Nhà thơ tiết kiệm tối đa ngôn ngữ. Chỉ để sự khắc khoải dặt
dìu, day dứt trên mỗi trang thơ được viết bằng “ngôn ngữ thơ văn xuôi chắt lọc,
giàu suy tưởng”[108]. Những câu thơ đứt quãng, ngắt dòng liên tục vừa là sự
cách tân vừa giúp diễn tả nhịp điệu tâm hồn đầy trắc ẩn của người đã đi đến kết
cục của tình yêu nhưng vẫn còn nhiều khát khao trong lặng lẽ.
Vườn có vẻ là nơi bình yên và tĩnh lặng nhất trong số những tập thơ của Ý
Nhi. Nơi đó chỉ có nhà thơ với những nỗi niềm của mình, giảm hẳn những khắc
nghiệt và giả trá thường nhật mà bà đã thể hiện ở những tập thơ trước. Vườn là
chốn nương náu cuối cùng, là mơ tưởng, là ước vọng của nhà thơ khi muốn trốn
thật sâu trong tình yêu của người yêu dấu:
Em tìm đến góc xa nhất của khu vườn
em muốn trốn vào sự bình yên
em muốn trốn sâu mãi, sâu mãi vào tình yêu của anh.
(Vườn 1)
Vườn là đêm trung thu anh cầm tay em đi trên “phố dài heo may”, cầm
tay em “ước chim về/ dưới bóng cây”, cùng em “thắp nén hương trong trời đất/
mong tìm ra phút sum vầy”. (Trung thu)
Vườn là ngày mồng một “gặp gỡ”, “sum vầy”, “ngậm ngùi”, “hân hoan”,
“sững lặng”, “ngày đưa tay mở cửa/ về một miền biếc trong/ lòng run/ nguyện
khấn âm thầm”. (Ngày mồng một)
Vườn còn là lúc nhà thơ sống lại sau những buồn đau:
Và ta
cùng kiệt đã tràn đầy
và ta
bền vững đã chơi vơi
và ta
câm nín đã thốt lời.
Và ta
âm thầm soi lối vui tìm đến.
(Dự cảm)
Tập thơ cho người đọc cảm nhận về sự yên lành muộn màng nhưng quý
giá. Tập thơ như là lời tạm biệt đầy lưu luyến một đời “day dưa”, khắc khoải với
thế giới sáng tạo mà tâm hồn luôn “xao xác” bất an, luôn mang “nỗi lòng không
xác thực” như căn bệnh cố hữu của một “tạng” thơ. Đến đây, những nỗi niềm đó
phần nào đã giãn ra nhưng cũng vẫn còn phảng phất đâu đó kiểu như “dẫu lìa
ngó ý còn vương tơ lòng”. Vì vậy cho nên nhà thơ vẫn luôn đứng trong trời đất
để khấn nguyền “lời nguyện cho nỗi yên hàn”.
Cuộc sống sau chiến tranh hết cấm vận rồi mở cửa khiến những người
nhạy cảm như Ý Nhi cảm thấy bất an, nhưng không thể thu mình co rút lại nên
những đối cực trong tâm hồn càng thêm chất chứa, Ý Nhi để “bùng nổ” trong
thơ. Chần chừ, do dự sẽ lỗi thời, lạc hậu. Vì vậy nhà thơ xác định con đường tự
đổi mới. Ý Nhi lặng lẽ làm nên những giá trị tinh thần đóng góp cho thi đàn
những tập thơ giá trị, những bài thơ sâu sắc, giàu triết lí, giàu trí tuệ và yêu
thương. Đó là sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, đường hoàng nên đã gặt hái
nhiều thành công và sự trân trọng.
Điểm qua các tập thơ, chúng ta có cái nhìn ban đầu và sơ lược nhất về con
đường hình thành, phát triển phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi. Ở chương II và
chương III, chúng tôi sẽ cố gắng đi thật cụ thể vào những nét phong cách đó. Hy
vọng sẽ góp thêm tiếng nói để nhận định hoàn chỉnh và sâu sắc hơn về đời thơ
của nữ thi sĩ Ý Nhi nói riêng và sự chuyển biến nghệ thuật của thơ ca Việt Nam
đương đại nói chung.
Tiểu kết: Sơ lược qua thời đại, quê hương, gia đình, con người và đường
thơ của Ý Nhi ta bước đầu nhận ra những yếu tố góp phần hình thành phong
cách của nhà thơ. Cùng với những quan điểm để tìm hiểu phong cách nghệ thuật
của một nghệ sĩ chúng ta đã có những nền tảng khoa học và thực tế tiêu biểu để
đi đến việc đào sâu, tìm hiểu, nhận định về phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi.
Đến đây chúng ta đã phần nào nhận thấy những nét cá tính nghệ thuật tiêu biểu
của nhà thơ. Ý Nhi là một người phụ nữ đặc biệt, một nhà thơ tâm huyết với
nghề, một người luôn tìm tòi để thay đổi và khẳng định bản thân. Nhà thơ đã đi
trọn vẹn hai chân trên con đường đổi mới nghệ thuật giai đoạn sau chiến tranh để
cho ta thấy nét đẹp của “sự vạm vỡ của tiết tấu hiện đại, sự đa thanh ngồn ngộn
sức sống, độ rậm rạp, phức hợp của hình tượng, những thúc bách, đòi hỏi bản
lĩnh của người nghệ sĩ trước sự đổi thay lớn lao của thời đại”[66].
Chương 2:
PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT THƠ Ý NHI NHÌN TỪ
GÓC ĐỘ NGÔN NGỮ, THỂ LOẠI, KẾT CẤU
2.1. Phong cách sử dụng ngôn từ nghệ thuật
Mọi ngành nghệ thuật đều sở hữu một ngôn ngữ riêng để tỏa sáng. Chẳng
hạn giai điệu, tiết tấu là ngôn ngữ của âm nhạc; đường nét, màu sắc là ngôn ngữ
của hội họa; mảng, khối là ngôn ngữ của kiến trúc,… Với cách hiểu này ngôn
ngữ mang nghĩa rộng, nó là phương tiện có tính chất tín hiệu giúp nhận diện đối
tượng. Nhưng trước hết cần phải hiểu ngôn ngữ là kênh tín hiệu bằng lời nói
nhằm truyền đạt và tiếp nhận thông tin. Đây là kênh trao đổi thông tin quan trọng
nhất giữa người với người trong cùng một cộng đồng. Nhờ kênh lời nói này mà
chúng ta có ngôn từ làm chất liệu đặc trưng để sáng tạo văn chương. Vậy ngôn
ngữ trong tất cả tính chất thẩm mĩ của nó là chất liệu, là phương tiện biểu hiện
mang tính đặc trưng của văn học.
Đối với thơ ngôn ngữ có một vị trí đặc biệt quan trọng. Nói như Jakobson:
“Thơ là ngôn ngữ trong chức năng thẩm mỹ của nó” hay “Thơ là ngôn ngữ tự lấy
mình làm cứu cánh”. Vậy có thể thấy thơ là một tổ hợp ngôn ngữ hết sức tinh vi.
Ở đó, ngôn ngữ không chỉ là “vỏ bọc” mà đích thực là kết tinh của trí tuệ và tâm
hồn người nghệ sĩ.
Trong sáng tạo văn chương nói chung, nhà thơ có tài là những người biết
sử dụng và sử dụng thành thục ngôn ngữ của dân tộc để tạo nên một cách nói
riêng, một giọng điệu riêng không thể nhầm lẫn với ai. Chất giọng riêng ấy chính
là sự sáng tạo của thi nhân làm phong phú thêm kho tàng ngôn ngữ của dân tộc.
Vậy nên khi khảo sát phong cách ngôn ngữ của một nhà thơ chính là khảo sát
chất giọng riêng của họ, tìm ra qui luật riêng trong việc sử dụng ngôn ngữ và sự
đóng góp của họ trên phương diện ngôn ngữ.
Thơ Ý Nhi rõ ràng nặng về ý hơn là trau chuốt ngôn từ. Lê Đạt cho rằng
“chữ bầu lên nhà thơ”, rằng nhà thơ là một “phu chữ” suốt hành trình sáng tạo.
Dẫu là nhà thơ nữ có những nét mới, nét cách tân, nhưng về cơ bản Ý Nhi vẫn là
tác giả của những bài thơ mạnh về ý, tứ, thơ của nội dung bên trong chứ không
phải người miệt mài tìm cái mới của chữ. Song, vẫn không thể phủ nhận sức
mạnh ngôn từ đầy ám ảnh trong thơ Ý Nhi là một nét phong cách nổi bật. Sức
mạnh đó bắt nguồn từ phong thái làm thơ tự nhiên, chân thành, giản dị.
2.1.1. Ngôn từ giản dị mà chân thành
Đọc thơ Ý Nhi, chúng ta cảm nhận được cách bà chiêm nghiệm cuộc sống
nhẹ nhàng, chân phương, không hề tô vẽ. Đó là con-người-thơ của bà. Nó được
biểu hiện ở một số đặc điểm sau:
a) Lời thơ là lời tự tình về bản thân, là lời tâm sự với mọi người rất thành
thật, chân tình
Ý Nhi từng nói: làm thơ là một nhu cầu. Thật vậy, nó là nhu cầu bộc bạch,
nhu cầu trao đổi, thể hiện tình cảm của con người đối với vạn vật. Không có nhu
cầu này thì không thể làm thơ. Đối với Ý Nhi đó là nhu cầu tự thân. Vì vậy bà
chuộng cách làm thơ mộc mạc, đem chất giọng và ngôn từ hằng ngày của chính
mình vào trong thơ một cách hồn nhiên, bình dị. Bà kể về thời hồn nhiên của
mình bằng ngôn từ rất đời thường:
Thuở ấy tôi mặc áo rộng thùng thình
và tóc tết đuôi sam
thuở ấy tôi đi lang thang giữa thành phố của mình
chưa biết đến niềm vui làm ta rơi nước mắt
chưa có nụ cười nào xa xót nở trên môi.
(Nhớ Hải Phòng)
Hình ảnh cô bé mặc áo rộng, tết tóc đuôi sam với khuôn mặt vô tư lự đi
khắp phố phường dần rõ nét qua mỗi câu thơ. Cách Ý Nhi vẽ khuôn mặt tuổi thơ
của mình nhanh và nhẹ nhàng bằng từ ngữ khiến người đọc phần nào cảm nhận
được một nét đẹp mộc mạc trong từng lời thơ.
Khi đã có tuổi, Ý Nhi nói về bản thân mình khác hơn. Chúng ta dễ dàng
nhận thấy dấu thời gian trong mỗi ý thơ nhưng vốn từ ngữ của bà vẫn có gì đó
rất đỗi Ý Nhi, vẫn chân tình và nhẹ nhàng như thở:
Tôi không ưa đồ trang sức
kể cả nhẫn vòng, và các chức danh”.
…
Tôi thường mua đắt mọi thứ
với vốn liếng ít ỏi của mình
hay làm vỡ các đồ dùng bằng sành, sứ, thủy tinh
tôi làm mất xe đạp
mất ví tiền, tem phiếu và chứng minh thư
(Tiểu dẫn)
Đoạn thơ như thước phim quay chậm về những việc nhỏ nhặt trong cuộc
sống của bà. Ngôn ngữ trong thơ chính là lời nói thường nhật, không trau chuốt
từ cách dùng động từ “ưa” thay cho “thích”, “cần” cho đến các danh từ chỉ sự vật
“nhẫn”, “vòng”, “chức danh”; rồi đến việc bà chọn cách hành xử trong cuộc
sống (mua đắt mọi thứ với vốn liếng ít ỏi) cũng như những sơ sẩy thường tình
(làm vỡ đồ dùng gia đình, làm mất vật dụng cá nhân). Bài thơ đơn giản đến kinh
ngạc. Nhưng nó có thể dễ động lòng người ghê lắm. Một con người nhà thơ
được cách điệu hóa rồi, đã thành hình tượng rồi mà vẫn sống như đang phập
phồng đi lại trong đời. Đó là cái tài của Ý Nhi.
Tác giả kể lại: có một lần đưa con ra ngoại ô, tôi chăm chú nhìn vào cảnh
vật, cố tìm ra nét đặc trưng của chúng rồi lại cố gắng sử dụng ngôn từ sao cho dễ
hiểu và sinh động nhất để diễn đạt cùng các con. Bởi vậy nhà thơ mới viết những
câu thơ hồn nhiên đến thế này:
Đồng đang vào mùa gặt
lúa uốn cong thân vàng
cánh buồm nhỏ sang ngang
gió theo về mát rượi.
Mới xanh tròn trái bưởi
đã tím chùm dâu da
mắt còn khép quả na
dưa đã vàng đất bãi
bàn tay con cầm trái
mở xòe như cánh hoa.
(Đưa con ra ngoại ô)
Ý Nhi ăn nói mực thước, không ồn ào, sáo rỗng, không hoa mỹ, cầu kì
nhưng cũng không quá dân dã, tầm thường. Ngôn từ trong thơ bà cũng vậy. Nó
có nét quyến rũ của sự chân phương, giản dị nhưng lịch thiệp kín đáo.
b) Lời thơ là lời kể chuyện, cả bài thơ là một câu chuyện thân quen
Ý Nhi thích kể chuyện và kể chuyện bằng thơ rất hay. Bà kể về quá khứ
và hiện tại, kể về người quen và người không quen, kể về tất cả những gì mà bà
trăn trở, ấp ủ. Mỗi trang thơ của Ý Nhi giống như một trang nhật kí kể lại những
gì bà nhìn thấy hoặc trải qua. Ta thường bắt gặp ở cuối mỗi bài thơ tháng và năm
của nó và ở đâu đó chúng ta bắt gặp những tiêu đề có cả tháng năm như: Hải
Phòng, tháng 11 năm 1979; Nguyễn Du. 1813; Dương Bích Liên – mùa đông
1988; Hà Nội, tháng 5.2987; Mùa khô 1992… Đó là cách Ý Nhi lưu giữ kí ức
thời gian, lưu giữ những câu chuyện của đời mình. Những câu chuyện, những
cuộc đời được tái hiện bằng thơ hết sức giản dị, đôi khi sơ lược nhưng vẫn hiện
ra trọn vẹn con người của họ. Để làm được điều này Ý Nhi dùng lối làm thơ điệu
nói kết hợp với ngôn ngữ kể. Chúng ta thử đọc một phần bài Hai người
(3.1984):
Giữa dòng người xuôi ngược
giữa những hàng quán
giữa những ánh nhìn căng thẳng
những bước đi vội vã
những áo choàng đúng mốt
tôi nhìn thấy một người đàn bà mặc áo đen
và bên chị, là người đàn ông mù
tay trong tay
họ đi rất chậm như vừa đi vừa dò tìm
Bằng cách mở đầu như thế, Ý Nhi kể về cuộc đời thăng trầm của họ. Người
đàn ông mù lòa là anh lính bước ra sau cuộc chiến. Người phụ nữ là người đã
từng lạc lối, mất mát trong quá khứ. Cả hai đã từng trải qua khoảng thời gian đau
thương nhất đời họ. Họ đi bên nhau, chở che cho nhau, cảm thông cùng nhau và
điều quan trọng là cả hai đều mãn nguyện với hạnh phúc mà họ đang có:
Tay trong tay
họ bước đi rất chậm
Chị nói điều chi với nụ cười dịu dàng
và trên gương mặt anh
lan tỏa niềm vui.
Câu chuyện đầu cuối chỉ có thế nhưng Ý Nhi đã đưa được nó vào thơ bằng
ngôn từ nhẹ nhàng, giản dị, yêu thương. Người viết không cố tạo ra một biến cố
nào, nhưng dường như một người đọc bình thường vẫn có thể cảm nhận một
“biến cố” nào đó trong tâm hồn trước một lát hiện thực hiện ra bằng thơ như vậy.
Việc nhà thơ sử dụng ngôn ngữ kể vẫn thường xuất hiện ở nhiều nhà giai
đoạn sau 1975. Theo Phạm Quốc Ca, khi sử dụng ngôn ngữ kể “Nhà thơ không
mấy quan tâm tới vẻ đẹp ngôn từ, không để lộ cảm xúc, thái độ chủ quan mà
thường ẩn mình đi. Chất thơ ở đây chỉ là trạng huống đời sống mà ngôn ngữ thơ
này đã dựng lên.” [10;tr.158]. Ở Ý Nhi, việc sử dụng dạng ngôn ngữ này có
phần tự nhiên hơn và nó mang tính thường xuyên hơn. Đôi lúc chúng ta thấy Ý
Nhi làm thơ mà như đang nói chuyện với một người thật nào đó. Khi đọc những
bài thơ như: Khóc Bác Bùi Xuân Phái, Gửi con nhân sinh nhật lần thứ 20,
Gửi cháu Lâm Ngọc Quỳnh Anh, Tặng một người làm thơ trẻ…, chúng ta có
cảm giác như đang đối thoại rất gần với nhà thơ bởi cái dư vị của sự chân thành,
gần gũi trong mỗi lời thơ.
c) Các đại từ giúp việc xưng hô gần gũi, thân mật
Ý Nhi thường gọi: anh, chị, em, họ, cô, bác, cháu… và xưng: ta, chúng ta;
nhiều nhất là tôi với một thái độ rất gần gũi, trân trọng. Đó là cách khẳng định
cái cá nhân thuần hậu nhưng thẳng thắn của bà. Khi họa sĩ Bùi Xuân Phái qua
đời, Ý Nhi dành tặng ông niềm tiếc nhớ cùng lòng tôn kính sâu sắc qua cách hô
gọi “Bác” – “Cháu”. Chúng ta thấy có điều gì đó rất tự nhiên khi xúc cảm dâng
tràn trong lồng ngực. Phải chăng là nhờ cách hô gọi đó.
Thưa bác
cháu thắp nén hương này
xa Hà Nội hàng nghìn cây số
và xa Bác biết chừng nào.
(Khóc bác Bùi Xuân Phái)
Ta cũng bắt gặp cách Ý Nhi gọi “Bác” – “Cháu” với cô bé Lâm Ngọc Quỳnh
Anh:
Một ngày nào trời đất thương tình
cho bác cháu ta sum họp
chắc rằng bác sẽ nhận biết cháu ngay
giữa bao khuôn mặt khác
(Gửi cháu Lâm Ngọc Quỳnh Anh)
Và nhiều những cách xưng hô tương tự như thế như: mẹ - con, chị - em,
anh – em,… trong thơ Ý Nhi đã khiến người đọc cảm động và ngạc nhiên. Kèm
thêm đó là những từ, ngữ (gạch chân) có nét gì đó rất thiệt tình của thi nhân làm
cho mối quan hệ giữa người với người gần gũi, đằm thắm hơn. Ý Nhi sử dụng
nhiều nhất là đại từ “Tôi” – đại từ bản ngã – theo ý của Trần Đình Sử thì “thiếu
đại từ này, nhà thơ dường như chỉ trữ tình bằng mắt, bằng ý, bằng tâm, mà
miệng thì câm lặng. Thiếu đại từ này thì nhà thơ hòa tan vào thế giới xung
quanh làm lu mờ bản ngã” [93;tr.128]. Ý Nhi thường xưng gọi tôi – anh, tôi –
chị,… và tôi – với mọi người. Đại từ “tôi” trong thơ Ý Nhi là cái tôi tâm sự, đôi
khi là tâm sự với bản thân mình: tôi – bạn ( là tôi):
Bạn biết đấy
tôi chẳng chơi xổ số
cũng không biết đi buôn
không thân thích chi với các vị đương quyền
cũng chẳng gần gũi gì đồng nghiệp
tôi sống trong cuộc đối thoại thầm cùng bạn
chấp nhận cái nghèo
chấp nhận sự đơn độc
như người ta chấp nhận khuôn mặt vốn có của mình.
(Gửi bạn)
Cái “tôi” này sao thầm lặng quá đỗi, nhưng là cái tôi của người hiểu mình,
cái tôi tự vẽ lên “khuôn mặt tinh thần” của mình; Cái tôi không cầu may, cái tôi
không xô bồ, cái tôi không nịnh hót, cái tôi nghèo, cái tôi cô đơn nhưng cái tôi
biết hài lòng với những gì mình có. Và người bạn (của tôi) phải là người thật gần
gũi, thương thích lắm mới được nghe “tôi” tâm sự thật lòng đến vậy. Lời thơ là
lời nói rút ruột, sự trải lòng hiếm hoi trong một “cuộc đối thoại thầm”.
Có thể thấy đại từ “Tôi” trong thơ Ý Nhi mang nhiều sắc điệu nhưng sự
chân thành, mộc mạc vẫn luôn là điều mấu chốt của sự trao đổi tâm tư.
Cùng với các đại từ, thán từ và hư từ trong thơ Ý Nhi cũng góp phần làm
nên diện mạo ngôn ngữ của bà.
Ý Nhi đã chọn cho mình một hệ thống ngôn từ mang âm hưởng của sự
giản dị nhưng chân thành. Đó là cách Ý Nhi giao cảm với cuộc đời và với bản
thân. Không màu mè, tô vẻ, Ý Nhi trải lòng qua thơ bằng vốn từ của riêng mình.
Ngôn từ đã giúp vẽ nên tâm tính và tâm tình của nhà thơ.
2.1.2. Ngôn từ mang tính khái quát, triết luận
Ý Nhi sinh ra trong một gia đình có nền học vấn cao, bản thân nhà thơ
cũng tốt nghiệp Đại học ngành Ngữ văn. Những yếu tố này góp phần tạo nên
một phong cách thích đặt vấn đề, khái quát vấn đề và luận giải. Càng về sau, thơ
Ý Nhi càng nặng suy tư, nặng « chất nghĩ ». Chu Văn Sơn cũng đã nhận ra việc
Ý Nhi « từ bỏ sự giải bày nặng chất duy cảm ban đầu, chị bước nhanh đến
những lời thơ tiết chế nặng chất suy tư » [89]. Một mặt đây là dụng ý nghệ thuật
của nhà thơ để tạo sự mới lạ cho thơ. Nhưng mặt khác và trên hết đó cũng là nhu
cầu nội tại của chính nhà thơ. Có ý thức sáng tạo, lại được thôi thúc bởi cảm
hứng thi ca, thơ Ý Nhi càng đậm màu sắc của thơ ca triết luận. Nhưng triết luận
trong thơ Ý Nhi không mang tính triết học cao vời, cũng không phải là sự biện
giải thâm sâu theo kiểu lập thuyết, càng không phải là sự nỗ lực lý sự, biện lý
trong thơ. Tính triết luận trong thơ Ý Nhi đơn giản chỉ là tiết chế cảm xúc, thêm
vào thơ một chút hương vị của trí tuệ khiến dòng thơ, ý thơ khơi gợi sự ngẫm
nghĩ, suy tư. Đặc biệt là từ tập thơ Người đàn bà ngồi đan trở đi, yếu tố triết
luận trong thơ Ý Nhi xuất hiện thường xuyên hơn đã tạo nên một hệ ngôn ngữ có
tính khái quát, triết luận rõ nét trong thơ Ý Nhi.
Thơ Ý Nhi thường xuất hiện những từ ngữ có tính khái quát cao nhờ hình
thức ghép từ. Chúng ta dễ dàng bắt gặp những từ kiểu như : miền chờ đợi, trái
tim hình cầu, những phán đoán khốc liệt, lời ly biệt đắng cay, năm tháng nặng
nề, niềm vui se giá, miền cổ xưa, vạt rừng mới lớn, nỗi lòng không xác thực…
Biên độ về nghĩa của từ được nới rộng đến mức có thể.
Thơ Ý Nhi thường có những từ ngữ và cấu trúc ngôn ngữ mang tính định
nghĩa, giải thích, suy luận.
- Một số từ thông thường có thể được liệt kê là : như, như thể là, là, đó là,
nhưng, có thể, nếu có thể, sao, sao lại, dù, dẫu, hay, nào đâu, đâu, nào hay đâu,
…
Chúng tôi có làm một thống kê nhỏ và nhận thấy tần số xuất hiện qua các tập thơ
khá cao đã khẳng định tính thường xuyên, lặp lại, góp phần giúp ta nhận thấy tư
duy triết luận trong thơ Ý Nhi.
Những biểu hiện
của ngôn từ
mang tính triết luận
Từ dùng để
định nghĩa
Từ dùng để
giải thích
Từ dùng để
suy luận
Những từ
thường dùng nhất
như là nhưng
đâu,
nào
đâu
có lẽ,
có thể
sao,
sao lại
Tần số xuất hiện
qua các tập thơ
50 27 40 12 40 20
Có thể đưa ra một số ví dụ :
- Như : tôi thường đợi mùa thu với nỗi lòng không xác thực/vừa hân hoan, vừa
ưu phiền/vừa mong ngóng, vừa ngại ngùng/như tôi đang đứng trước cuộc hẹn hò
(Mùa thu) ; Chưa một lần gặp gỡ/bà khước từ mọi mối tình khác/như một người
tuyệt vời hạnh phúc/như một kẻ hoàn toàn vô vọng (Thơ về Marina Xvetaeva) ;
phải đi đến cùng con đường ta đã chọn/dù phải đi/như người nghệ sĩ trên chiếc
dây căng qua khoảng trống. (Gửi con nhân sinh nhật lần thứ 20)…
- Có lẽ/có thể: Thượng đế/có lẽ cũng chỉ nhìn thấy/một hạnh phúc thương
đau/một hân hoan buồn bã như thế (Không đề) ; Có lẽ/bàn làm việc của người
ấy/có một chiếc đèn bàn đã cũ/và một chiếc đĩa con/đựng những cây bút đã hoàn
toàn hết mực (218.97.13) ; Có thể rất nhiều người trong số họ/không còn tuổi tên
trên sử sách/có thể họ đã chết bình thường, không chiến công hiển hách/có thể
mai sau người ta dần quên…(Cát)….
Một số cấu trúc thường gặp :
- Cấu trúc lặp :
Hiện tượng lặp trong thơ Ý Nhi khá phong phú và mang nhiều sắc diện.
Ngoài hiện tượng lặp từ rất phổ biến, cấu trúc câu thơ của Ý Nhi cũng thường
được lặp lại trong các bài thơ. Việc lặp cấu trúc câu giúp nhà thơ truyền tải trọn
vẹn nỗi hoài nghi cũng như sự suy luận về thế giới, con người, sự vật, sự việc
xung quanh. Cấu trúc lặp thường gặp nhất là: A và B….A và B, A như B….A
như B, A là B…A là B để khẳng định hay hoài nghi.
Trong bài Tưởng niệm họa sĩ Nguyễn Sáng, cấu trúc này đã thể hiện thật
rõ sự khẳng định :
Rắn rỏi và mềm mại
…
Chói lọi và hiền hòa
…
Cổ xưa và hiện đại
…
Xác thực và siêu nhiên
…
Ôi vẻ đẹp
Được tạo ra từ Nguyễn Sáng.
Hay khi Ý Nhi muốn khẳng định niềm say mê của một cô gái 17 tuổi dành
cho danh thủ Platini, chúng ta cũng thấy hiện tượng lặp như sự truy vấn đến tận
cùng để đào xới hết mọi ngóc ngách tình cảm của cô bé :
Đối với cô
Paris là Platini
nước Pháp là Platini
thế giới là Platini
…
Đối với cô
tài năng là Platini
vẻ đẹp là Platini
khát vọng là Platini
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ

More Related Content

What's hot

Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, HAY
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, HAYLuận án: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, HAY
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật ÁnhĐề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Luận văn: Nghệ thuật tự sự tiểu thuyết Murakami Haruki, HAY
Luận văn: Nghệ thuật tự sự tiểu thuyết Murakami Haruki, HAYLuận văn: Nghệ thuật tự sự tiểu thuyết Murakami Haruki, HAY
Luận văn: Nghệ thuật tự sự tiểu thuyết Murakami Haruki, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đLuận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đ
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đLuận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đ
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đ
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdfTruyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
NuioKila
 
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
nataliej4
 
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAYLuận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ
[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ
[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ PhủThanh Cong Ma
 
Chuyên đề VĂN HỌC HIỆN THỰC 30-45.docx
Chuyên đề VĂN HỌC HIỆN THỰC 30-45.docxChuyên đề VĂN HỌC HIỆN THỰC 30-45.docx
Chuyên đề VĂN HỌC HIỆN THỰC 30-45.docx
hiutrn809713
 
Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...
Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...
Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...
nataliej4
 
Luận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đ
Luận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đLuận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đ
Luận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đ
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOTLuận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAYLuận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháiLuận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
nataliej4
 
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh ChâuĐề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
Dịch vụ viết thuê Khóa Luận - ZALO 0932091562
 
Luận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hử
Luận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hửLuận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hử
Luận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hử
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Nhìn lại ông già và biển cả dưới góc độ nghi lễ trong giải phẫu phê bình của ...
Nhìn lại ông già và biển cả dưới góc độ nghi lễ trong giải phẫu phê bình của ...Nhìn lại ông già và biển cả dưới góc độ nghi lễ trong giải phẫu phê bình của ...
Nhìn lại ông già và biển cả dưới góc độ nghi lễ trong giải phẫu phê bình của ...
TÀI LIỆU NGÀNH MAY
 
Quan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, 9đ
Quan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, 9đQuan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, 9đ
Quan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, 9đ
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quê
Luận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quêLuận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quê
Luận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quê
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 

What's hot (20)

Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, HAY
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, HAYLuận án: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, HAY
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975, HAY
 
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật ÁnhĐề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
 
Luận văn: Nghệ thuật tự sự tiểu thuyết Murakami Haruki, HAY
Luận văn: Nghệ thuật tự sự tiểu thuyết Murakami Haruki, HAYLuận văn: Nghệ thuật tự sự tiểu thuyết Murakami Haruki, HAY
Luận văn: Nghệ thuật tự sự tiểu thuyết Murakami Haruki, HAY
 
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đLuận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
 
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đ
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đLuận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đ
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đ
 
Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdfTruyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
 
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
 
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAYLuận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
 
[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ
[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ
[Tiểu luận] Giá trị hiện thực trong thơ Đỗ Phủ
 
Chuyên đề VĂN HỌC HIỆN THỰC 30-45.docx
Chuyên đề VĂN HỌC HIỆN THỰC 30-45.docxChuyên đề VĂN HỌC HIỆN THỰC 30-45.docx
Chuyên đề VĂN HỌC HIỆN THỰC 30-45.docx
 
Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...
Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...
Dạy học các tác phẩm thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương ở trung học phổ thông theo h...
 
Luận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đ
Luận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đLuận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đ
Luận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đ
 
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOTLuận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
 
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAYLuận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
 
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháiLuận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
 
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh ChâuĐề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
 
Luận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hử
Luận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hửLuận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hử
Luận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hử
 
Nhìn lại ông già và biển cả dưới góc độ nghi lễ trong giải phẫu phê bình của ...
Nhìn lại ông già và biển cả dưới góc độ nghi lễ trong giải phẫu phê bình của ...Nhìn lại ông già và biển cả dưới góc độ nghi lễ trong giải phẫu phê bình của ...
Nhìn lại ông già và biển cả dưới góc độ nghi lễ trong giải phẫu phê bình của ...
 
Quan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, 9đ
Quan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, 9đQuan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, 9đ
Quan niệm về con người trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp, 9đ
 
Luận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quê
Luận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quêLuận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quê
Luận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quê
 

Similar to Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ

Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
nataliej4
 
Luận văn: Thơ Bùi Chí Vinh trong bối cảnh thơ Việt Nam hiện nay - Gửi miễn ph...
Luận văn: Thơ Bùi Chí Vinh trong bối cảnh thơ Việt Nam hiện nay - Gửi miễn ph...Luận văn: Thơ Bùi Chí Vinh trong bối cảnh thơ Việt Nam hiện nay - Gửi miễn ph...
Luận văn: Thơ Bùi Chí Vinh trong bối cảnh thơ Việt Nam hiện nay - Gửi miễn ph...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAYLuận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdfĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
jackjohn45
 
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdfĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
jackjohn45
 
Đề tài: Ý nghĩa hiện đại hóa thơ đầu thế kỉ XX trong Hai giọt lệ
Đề tài: Ý nghĩa hiện đại hóa thơ đầu thế kỉ XX trong Hai giọt lệĐề tài: Ý nghĩa hiện đại hóa thơ đầu thế kỉ XX trong Hai giọt lệ
Đề tài: Ý nghĩa hiện đại hóa thơ đầu thế kỉ XX trong Hai giọt lệ
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
nataliej4
 
Thơ nữ việt nam thế hệ 197x, 198x (diện mạo và đặc điểm) 2907864
Thơ nữ việt nam thế hệ 197x, 198x (diện mạo và đặc điểm) 2907864Thơ nữ việt nam thế hệ 197x, 198x (diện mạo và đặc điểm) 2907864
Thơ nữ việt nam thế hệ 197x, 198x (diện mạo và đặc điểm) 2907864
nataliej4
 
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
nataliej4
 
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
nataliej4
 
Nghiên cứu về tác giả, tác phẩm bài thơ “ông đồ” của vũ đình liên
Nghiên cứu về tác giả, tác phẩm bài thơ “ông đồ” của vũ đình liênNghiên cứu về tác giả, tác phẩm bài thơ “ông đồ” của vũ đình liên
Nghiên cứu về tác giả, tác phẩm bài thơ “ông đồ” của vũ đình liên
nataliej4
 
Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm Mắt bão, Ngựa thép, Luật chơi
Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm Mắt bão, Ngựa thép, Luật chơiNghệ thuật tự sự trong tác phẩm Mắt bão, Ngựa thép, Luật chơi
Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm Mắt bão, Ngựa thép, Luật chơi
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Luận văn: Tản văn Việt Linh và Nguyễn Ngọc Tư – từ đặc trưng thể loại, 9đ
Luận văn: Tản văn Việt Linh và Nguyễn Ngọc Tư – từ đặc trưng thể loại, 9đLuận văn: Tản văn Việt Linh và Nguyễn Ngọc Tư – từ đặc trưng thể loại, 9đ
Luận văn: Tản văn Việt Linh và Nguyễn Ngọc Tư – từ đặc trưng thể loại, 9đ
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAYLuận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Cái tôi trong thơ nguyễn bính
Cái tôi trong thơ nguyễn bínhCái tôi trong thơ nguyễn bính
Cái tôi trong thơ nguyễn bính
Alolove Nguyễn
 
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh TháiĐặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
Dịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đLuận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
BÀI MẪU Luận văn thạc sĩ văn học Việt Nam, HAY, 9 ĐIỂM
BÀI MẪU Luận văn thạc sĩ văn học Việt Nam, HAY, 9 ĐIỂMBÀI MẪU Luận văn thạc sĩ văn học Việt Nam, HAY, 9 ĐIỂM
BÀI MẪU Luận văn thạc sĩ văn học Việt Nam, HAY, 9 ĐIỂM
Viết Thuê Khóa Luận _ ZALO 0917.193.864 default
 
Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...
Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...
Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...
nataliej4
 
Đề tài: Yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác của một số nhà thơ thuộc phong...
Đề tài: Yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác của một số nhà thơ thuộc phong...Đề tài: Yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác của một số nhà thơ thuộc phong...
Đề tài: Yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác của một số nhà thơ thuộc phong...
Dịch vụ viết thuê Khóa Luận - ZALO 0932091562
 

Similar to Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ (20)

Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
 
Luận văn: Thơ Bùi Chí Vinh trong bối cảnh thơ Việt Nam hiện nay - Gửi miễn ph...
Luận văn: Thơ Bùi Chí Vinh trong bối cảnh thơ Việt Nam hiện nay - Gửi miễn ph...Luận văn: Thơ Bùi Chí Vinh trong bối cảnh thơ Việt Nam hiện nay - Gửi miễn ph...
Luận văn: Thơ Bùi Chí Vinh trong bối cảnh thơ Việt Nam hiện nay - Gửi miễn ph...
 
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAYLuận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
 
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdfĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
 
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdfĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
 
Đề tài: Ý nghĩa hiện đại hóa thơ đầu thế kỉ XX trong Hai giọt lệ
Đề tài: Ý nghĩa hiện đại hóa thơ đầu thế kỉ XX trong Hai giọt lệĐề tài: Ý nghĩa hiện đại hóa thơ đầu thế kỉ XX trong Hai giọt lệ
Đề tài: Ý nghĩa hiện đại hóa thơ đầu thế kỉ XX trong Hai giọt lệ
 
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
 
Thơ nữ việt nam thế hệ 197x, 198x (diện mạo và đặc điểm) 2907864
Thơ nữ việt nam thế hệ 197x, 198x (diện mạo và đặc điểm) 2907864Thơ nữ việt nam thế hệ 197x, 198x (diện mạo và đặc điểm) 2907864
Thơ nữ việt nam thế hệ 197x, 198x (diện mạo và đặc điểm) 2907864
 
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
 
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
Thơ nữ việt nam sau 1975, những tìm tòi và cách tân 7774424
 
Nghiên cứu về tác giả, tác phẩm bài thơ “ông đồ” của vũ đình liên
Nghiên cứu về tác giả, tác phẩm bài thơ “ông đồ” của vũ đình liênNghiên cứu về tác giả, tác phẩm bài thơ “ông đồ” của vũ đình liên
Nghiên cứu về tác giả, tác phẩm bài thơ “ông đồ” của vũ đình liên
 
Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm Mắt bão, Ngựa thép, Luật chơi
Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm Mắt bão, Ngựa thép, Luật chơiNghệ thuật tự sự trong tác phẩm Mắt bão, Ngựa thép, Luật chơi
Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm Mắt bão, Ngựa thép, Luật chơi
 
Luận văn: Tản văn Việt Linh và Nguyễn Ngọc Tư – từ đặc trưng thể loại, 9đ
Luận văn: Tản văn Việt Linh và Nguyễn Ngọc Tư – từ đặc trưng thể loại, 9đLuận văn: Tản văn Việt Linh và Nguyễn Ngọc Tư – từ đặc trưng thể loại, 9đ
Luận văn: Tản văn Việt Linh và Nguyễn Ngọc Tư – từ đặc trưng thể loại, 9đ
 
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAYLuận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
 
Cái tôi trong thơ nguyễn bính
Cái tôi trong thơ nguyễn bínhCái tôi trong thơ nguyễn bính
Cái tôi trong thơ nguyễn bính
 
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh TháiĐặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
 
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đLuận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
 
BÀI MẪU Luận văn thạc sĩ văn học Việt Nam, HAY, 9 ĐIỂM
BÀI MẪU Luận văn thạc sĩ văn học Việt Nam, HAY, 9 ĐIỂMBÀI MẪU Luận văn thạc sĩ văn học Việt Nam, HAY, 9 ĐIỂM
BÀI MẪU Luận văn thạc sĩ văn học Việt Nam, HAY, 9 ĐIỂM
 
Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...
Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...
Giao thoa thể loại trong Hồi ký Tô Hoài (Qua Cát bụi chân ai, Chiều chiều, ch...
 
Đề tài: Yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác của một số nhà thơ thuộc phong...
Đề tài: Yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác của một số nhà thơ thuộc phong...Đề tài: Yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác của một số nhà thơ thuộc phong...
Đề tài: Yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác của một số nhà thơ thuộc phong...
 

More from Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864

Yếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.doc
Yếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.docYếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.doc
Yếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.doc
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Từ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.doc
Từ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.docTừ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.doc
Từ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.doc
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...
Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...
Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Tác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.doc
Tác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.docTác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.doc
Tác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.doc
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Song Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.doc
Song Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.docSong Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.doc
Song Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.doc
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Ứng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.doc
Ứng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.docỨng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.doc
Ứng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.doc
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Vai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.doc
Vai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.docVai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.doc
Vai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.doc
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Thu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.doc
Thu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.docThu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.doc
Thu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.doc
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.docTạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 

More from Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864 (20)

Yếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.doc
Yếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.docYếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.doc
Yếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.doc
 
Từ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.doc
Từ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.docTừ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.doc
Từ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.doc
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
 
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
 
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
 
Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...
Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...
Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
 
Tác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.doc
Tác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.docTác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.doc
Tác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.doc
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
 
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
 
Song Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.doc
Song Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.docSong Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.doc
Song Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.doc
 
Ứng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.doc
Ứng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.docỨng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.doc
Ứng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.doc
 
Vai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.doc
Vai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.docVai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.doc
Vai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.doc
 
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
 
Thu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.doc
Thu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.docThu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.doc
Thu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.doc
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
 
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.docTạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
 

Recently uploaded

Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptxDẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
nvlinhchi1612
 
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in englishAV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
Qucbo964093
 
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
duykhoacao
 
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdfBAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
phamthuhoai20102005
 
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdfGIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
Điện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
ngocnguyensp1
 
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
https://www.facebook.com/garmentspace
 
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nayẢnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
chinhkt50
 

Recently uploaded (10)

Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptxDẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
 
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
 
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in englishAV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
 
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
 
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdfBAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
 
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdfGIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
 
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
 
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
 
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
 
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nayẢnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
 

Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ

  • 1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Lê Thị Thanh Huyền PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT THƠ Ý NHI LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Thành phố Hồ Chí Minh – 2012
  • 2. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP. HỒ CHÍ MINH Lê Thị Thanh Huyền PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT THƠ Ý NHI Chuyên ngành : Văn học Việt Nam Mã số : 60 22 34 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. LÊ THỊ THANH TÂM Thành phố Hồ Chí Minh – 2012
  • 3. KÝ HỌA NHÀ THƠ Ý NHI
  • 4. LỜI CẢM ƠN Em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến: TS. Lê Thị Thanh Tâm tận tình hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm và luôn động viên giúp đỡ em trong quá trình học tập, làm luận văn. Nhà thơ Ý Nhi đã hết lòng giúp đỡ và cung cấp nhiều tư liệu quý báu cho luận văn của em. Ban giám hiệu, Phòng đào tạo sau đại học, Khoa Ngữ văn đã tạo điều kiện thuận lợi cho em trong suốt thời gian học tập và làm luận văn ở trường. Các Thầy, Cô trong hội đồng đã dành thời gian đọc và đóng góp nhiều ý kiến cho luận văn của em. Lê Thị Thanh Huyền
  • 5. MỤC LỤC Trang phụ bìa Lời cảm ơn Mục lục DẪN LUẬN ...............................................................................................................1 Chương 1: CƠ SỞ NGHIÊN CỨU PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT VÀ CÁC YẾU TỐ ĐỊNH HÌNH PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT THƠ Ý NHI .............11 1.1. Cơ sở nghiên cứu phong cách nghệ thuật.......................................................11 1.2. Các yếu tố định hình phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi ................................14 1.2.1. Hoàn cảnh xã hội – thời đại.....................................................................14 1.1.2. Nền tảng quê hương, gia đình và đặc điểm con người nhà thơ...............18 1.3. Khái lược về các chặng đường sáng tác thơ Ý Nhi........................................21 Chương 2: PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT THƠ Ý NHI NHÌN TỪ GÓC ĐỘ NGÔN NGỮ, THỂ LOẠI, KẾT CẤU...................................................................34 2.1. Phong cách sử dụng ngôn từ nghệ thuật.........................................................34 2.1.1. Ngôn từ giản dị mà chân thành................................................................35 2.1.2. Ngôn từ mang tính khái quát, triết luận...................................................41 2.1.3. Một số biện pháp tu từ tiêu biểu ..............................................................46 2.2. Phong cách thể loại.........................................................................................57 2.2.1. Thơ tự do – thể nghiệm và thành tựu.......................................................58 2.2.2. Bản lĩnh cách tân trong thể thơ năm chữ.................................................62 2.3. Phong cách kết cấu.........................................................................................67 2.3.1. Kết cấu theo mô hình triết luận................................................................67 2.3.2. Cách tạo khoảng lặng trong kết cấu thơ ..................................................71 Chương 3: PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT THƠ Ý NHI NHÌN TỪ GÓC ĐỘ TRIẾT LUẬN VỀ CÁI ĐẸP VÀ ĐỜI SỐNG ......................................................77 3.1. Cơ sở nghiên cứu............................................................................................77 3.1.1. Về khái niệm triết luận ............................................................................77
  • 6. 3.1.2. Xung quanh vấn đề cái đẹp và đời sống trong thơ Ý Nhi .......................78 3.2. Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi nhìn từ góc độ triết luận về cái đẹp ................80 3.2.1. Triết luận về cái đẹp khách quan.............................................................80 3.2.2. Triết luận về vẻ đẹp của thiên chức nghệ sĩ.............................................86 3.2.3. Triết luận về vẻ đẹp của tâm hồn tri ân ...................................................94 3.3. Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi từ góc độ triết luận về đời sống .............102 3.3.1. Triết luận về đời sống qua các biểu tượng thơ ......................................102 3.3.2. Triết luận về đời sống qua các phạm trù đối lập....................................107 TÀI LIỆU THAM KHẢO ....................................................................................115 PHỤ LỤC...............................................................................................................123
  • 7. DẪN LUẬN 1. Lý do chọn đề tài Trên một đất nước thi ca như ở Việt Nam ta thì việc sáng tác thơ có thể ví như một mạch nước ngầm không bao giờ cạn kiệt. Mạch ngầm đó chứa đựng một lượng không nhỏ những khoáng chất giá trị làm nên sự giàu có của văn hóa – văn học dân tộc. Một trong những khoáng chất quý báu của nền văn học Việt Nam ta là lực lượng nữ thi sĩ. Theo thời gian, những nữ thi sĩ đã khẳng định một vị trí nhất định trên thi đàn dân tộc. Giở lại những trang viết của phụ nữ Việt Nam trong quá khứ, chúng ta tự hào không chỉ có một Hồ Xuân Hương ngổn ngang bao nỗi dở dang, một bà huyện Thanh Quan trang nghiêm, trăn trở trong nỗi u hoài thế sự mà còn tỏa sáng những cái tên của giới nữ lưu những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX như: Sương Nguyệt Anh, Đạm Phương, Tương Phố… Rồi đến phong trào Thơ Mới thi đàn xuất hiện những Nguyễn Thị Kiêm, Anh Thơ, Thu Hồng, Vân Đài, Ngân Giang, Hằng Phương, Mộng Tuyết… Trong kháng chiến và thời kì hòa bình thơ nữ vẫn để lại những thi âm “dịu dàng mà sâu lắng lạ” của Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ… Cho đến hôm nay thơ nữ vẫn mang trong nó những vẻ đẹp rất riêng nhưng rất hiển nhiên và cố hữu của văn chương. Và việc tìm hiểu về một nhà thơ nữ cùng phong cách thơ của họ là việc làm hữu ích để kết luận thuyết phục sức sống mạnh mẽ của thi ca Việt Nam nói chung và thơ nữ nói riêng. Ý Nhi - một nhà thơ nữ khá nổi bật của thơ ca cuối giai đoạn chống Mỹ - một gương mặt ấn tượng của thơ ca Việt Nam thời kì đổi mới. Vượt qua những dòng thơ dễ dãi, “ngòn ngọt” của một thời, Ý Nhi tìm được một chất thơ mới lạ với một bút pháp rất riêng. Với giải thưởng của Hội nhà văn năm 1986 cho tập thơ Người đàn bàn ngồi đan thì Ý Nhi đã khẳng được độ chín của một tài thơ. Người đàn bà ngồi đan trở thành “hiện tượng” của văn học một thời gian dài
  • 8. sau đó vì rất nhiều vấn đề mang tính thơ ca đương đại được đặt ra và đòi hỏi tìm hiểu. Cho đến nay nhà thơ đã có được một khối lượng sáng tác phong phú gồm gần chục tập thơ. Ngoài ra còn có những tập sách chân dung, bút kí khá ấn tượng. Tất cả làm nên vị trí văn học sử của nhà thơ Ý Nhi. Cùng với sự thay đổi của đời sống, ta có thể thấy thơ Ý Nhi đã và đang định hình một phong cách viết mới lạ buộc người đọc phải thay đổi chính mình, trước hết là về cách đọc và cảm nhận thơ. Ý Nhi và phong cách thơ Ý Nhi gây hứng thú cho nhiều bạn đọc yêu thơ và các nhà nghiên cứu thơ. Tuy nhiên các nghiên cứu chỉ dừng lại ở mức độ những bài phê bình ngắn về một phương diện, hay những cảm nhận chung chung về một tập thơ hoặc một bài thơ trên các trang báo và mạng xã hội chứ chưa thành một hệ thống mang tính chất tổng hợp những vấn đề thi pháp hình thành phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi. Vì vậy việc thực hiện đề tài “Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi” là thử thách thú vị. Tìm hiểu “Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi”, chúng tôi nhằm mục đích tìm hiểu một cách đầy đủ và toàn diện sự đóng góp của Ý Nhi cho thơ ca và cố gắng chỉ ra những thuộc tính riêng trong nội dung và nghệ thuật của nhà thơ, nhằm khẳng định những phương diện cơ bản nhất trong phong cách sáng tác của nhà thơ Ý Nhi. 2. Lịch sử vấn đề Theo thống kê của chúng tôi, đến thời điểm này đã có trên dưới bốn mươi bài viết về thơ Ý Nhi trên các báo và tạp chí đồng thời cũng đã có một luận văn thạc sĩ nghiên cứu về quan niệm nghệ thuật của bà. Đó là những nghiên cứu có giá trị của Mã Giang Lân, Chu Văn Sơn, Lưu Khánh Thơ, Trần Trung, Nguyễn Hoàng Sơn, Hoàng Hưng, Nguyễn Thị Minh Thái, Ngô Thị Kim Cúc, Ngô Thị Hoa… Nhìn chung các tác giả đều đánh giá cao thơ Ý Nhi, khẳng định giọng thơ và vị trí thơ rất riêng của bà. Thơ của Ý Nhi có nét giản dị của cuộc sống đời thường mà lại đậm chất suy nghĩ, chất trí tuệ. Để thấy rõ hơn quá trình phát triển
  • 9. và đánh giá thơ Ý Nhi, ở phần này chúng tôi lược khảo vấn đề theo tiêu chí, phạm vi nghiên cứu. 2.1. Những tuyển tập in thơ Ý Nhi Theo quan điểm của chúng tôi, không phải ngẫu nhiên mà tên tuổi và sáng tác của một nhà thơ được chọn in trong các tuyển tập. Khi làm công tác tuyển thơ, phần nào đó các nhà biên soạn đã có sự cân nhắc về vai trò và vị trí của một nhà thơ, một tác phẩm thơ đối với đời sống văn học. Vì vậy sự chọn lọc đó, ở một phương diện nhất định có thể được xem là một sự “định giá”. Và những bài thơ của Ý Nhi được chọn in trong các tuyển tập thơ trong nước và thế giới phần nào cho thấy sức hút mạnh mẽ và tính vấn đề trong thơ Ý Nhi. Có thể kể đến những tuyển tập sau: Cuốn 100 bài thơ Việt Nam hay nhất thế kỉ XX (từ cuộc bình chọn do Trung tâm Văn hóa Doanh Nhân và Nhà xuất bản Giáo dục phối hợp tổ chức năm 2005) đã in tác phẩm Người đàn bà ngồi đan của Ý Nhi. Lời giới thiệu sau đây của người soạn sách đã phần nào khái quát được đặt trưng phong cách thơ Ý Nhi: “Sau một vài lần thử sức, Ý Nhi thờ ơ với thơ cho đến tận năm 1978, khi chị lao động thật sự nghiêm túc để cho ra đời tập thơ Đến với dòng sông. Thơ của Ý Nhi đầy nữ tính lại có chất trí tuệ, mang nỗi khắc khoải khôn nguôi của chị trước những gì trông thấy và cảm nhận”. Với 2 bài thơ Lời bài hát và Buổi sáng được (Nguyễn Đỗ?) tuyển in trong tập Black dog, black night, Ý Nhi trở thành một trong số 15 nhà thơ Việt Nam được vinh dự ghi tên mình vào tổng tập LitFinder (Người tìm ánh sáng). Thơ Ý Nhi cũng có mặt trong cuốn Thơ nữ Việt Nam từ xưa đến nay của NXB Phụ nữ phối hợp với NXB Feminist thuộc đại học thành phố New York vừa ra mắt bạn đọc tại Mỹ. Ngoài ra thơ Ý Nhi còn được chọn đăng trong các tập thơ dành riêng cho nữ thi sĩ như: Tuyển thơ tác giả nữ Việt Nam, Các nhà thơ nữ Việt Nam – sáng
  • 10. tác và phê bình, Thơ nữ Việt Nam, Tuyển chọn 1945 – 1995, Tinh hoa thơ Việt (cuốn 2)… 2.2. Những bài bình luận, nhận định, đánh giá về các tập thơ của Ý Nhi Sau khi tập thơ Người đàn bà ngồi đan ra đời và đoạt giải A của Hội nhà văn Việt Nam năm 1985, thơ Ý Nhi trở thành tâm điểm của những người yêu thơ, của các nhà phê bình, nghiên cứu… Thơ Ý Nhi thành công ở một chặng đường mới mẻ, phù hợp với tâm thế của một đất nước vừa hùng dũng bước ra khỏi chiến tranh vừa ngập ngừng trong cuộc sống hòa bình đầy bất trắc. 2.2.1. Về tập thơ Người đàn bà ngồi đan và bài thơ cùng tên Ngay khi tập thơ ra đời, Mã Giang Lân viết bài Người đàn bà ngồi đan và khẳng định hướng tìm tòi và phẩm chất thơ Ý Nhi là hướng vào nội tâm. Ông cho rằng Ý Nhi có những mạnh bạo trong tư duy sáng tạo, câu thơ có độ khái quát, độ sâu, bút pháp chính là hồi tưởng. Thơ Ý Nhi tuy không dễ cảm nhận nhưng lại là một giọng thơ khiến người đọc yêu mến vì sự chân thành tột bậc. Với Người đàn ngồi đan, Ý Nhi thật sự đã thể hiện một bản lĩnh nghệ thuật khá cứng cỏi và sắc sảo. Trong bài viết Trò chuyện về thơ với “Người đàn bà ngồi đan”, Nguyễn Thị Minh Thái nhận định đây là đỉnh cao nhất trong sự nghiệp thơ Ý Nhi; là tập thơ đánh dấu một phong cách, giọng điệu thơ rất riêng của Ý Nhi. Từ đó, tác giả khái quát thơ Ý Nhi là bút pháp của một con người bên ngoài thì lạnh lùng nhưng trong lòng thì hôi hổi cảm xúc: “đằng sau cái vẻ ngoài gần như lạnh lùng khép kín ấy, là trái tim ấm nóng, cái tình chín muộn của người đàn bà làm thơ”. Nguyễn Hoàng Sơn trong Ý Nhi qua tuyển thơ phát hiện thơ Ý Nhi là “một giọng thơ mới lạ, đương vào độ chín” ngay khi tập Người đàn bà ngồi đan xuất hiện. Ý Nhi có nhiều bài thơ gây ấn tượng với bạn đọc nhưng được biết đến nhiều nhất có lẽ vẫn là bài Người đàn bà ngồi đan. Bài thơ được xem là một trong số những bài thơ hay nhất của thế kỉ XX và nhận được khá nhiều ý kiến
  • 11. bình luận, phân tích khác nhau trên các blog cá nhân và phương tiện thông tin. Trong số đó, có thể kể đến sự chú ý của Nguyễn Hoàng Sơn về sự “ngắn gọn, không vần, lập tứ rất vững” và biểu tượng đẹp, kiêu sa, bí ẩn của cuộc đời thông qua hình tượng người đàn bà ngồi đan. Hay như Khánh Phương đã thấy được ý nghĩa dự báo của bài thơ: “Ngoài ý nghĩa về sự nước đôi của sự sống, cái gì cũng có thể vừa là nó vừa là điều ngược lại, bài thơ còn mang ý nghĩa dự báo”. Hà Ánh Minh lại khai thác “cánh cửa nhiều chiều” của cuộc sống qua nghệ thuật ẩn dụ và suy tưởng của nhà thơ. Từ đó thấy được ý nghĩa nhân sinh sâu sắc và quan niệm sáng tạo nghệ thuật của nữ thi nhân. Còn tác giả Trần Trung trong một bài bình về tác phẩm cũng đã khẳng định vẻ đẹp giản dị về nội dung, hình thức và sức gợi của bài thơ. Tập thơ Người đàn bà ngồi đan và bài thơ cùng tên đã đánh dấu một mốc quan trọng trong sự nghiệp thơ Ý Nhi. Từ sau khi tập thơ và bài thơ này ra đời tên tuổi nhà thơ trở thành niềm tự hào của thế hệ các nhà thơ đương đại Việt Nam. Cùng với tuổi đời và tuổi nghề, những tập thơ: Ngày thường, Mưa tuyết, Gương mặt, Vườn đã khẳng định những đóng góp tích cực đáng quí của phong cách thơ Ý Nhi trong nền thơ ca Việt Nam. 2.2.2. Về những tập thơ khác Sau Người đàn bà ngồi đan, tập Ngày thường của Ý Nhi cũng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Một số bình luận của Chu Văn Sơn theo chúng tôi là rất xác đáng. Trong bài Sự giải tỏa bằng thơ Chu Văn Sơn cho rằng tập Ngày thường “một lần nữa làm sáng danh cho định nghĩa “thơ trước hết là sự giải tỏa của tâm trạng”. Ở đó Ý Nhi đang “gắng hình dung ra khuôn mặt tinh thần” của những người mà bà yêu mến cả tài năng và phẩm hạnh. Theo ông, những chân dung đó thực ra đều là những “bức tự họa” của chính cái Tôi tác giả. Trong bài viết này Chu Văn Sơn nhận ra một cách sắc sảo một lối thơ khác của Ý Nhi. Đó là việc nhà thơ “phổ cái Tôi của mình vào nhân vật, ngay cả những nhân vật vốn có, những số phận xác định” bằng “kỹ thuật ký họa nhanh”, “chớp
  • 12. lấy những khoảnh khắc xuất thần trong hình thể nhân vật”. Điều này giúp Ý Nhi phác họa được tâm trạng nhân vật đồng thời bộc lộ được nỗi niềm của mình: “dùng triết luận như hỏa lực mạnh đột phá vào tâm trạng rồi phổ vào đó nỗi niềm của chính mình”. Khi tập Mưa tuyết và Gương mặt xuất bản, Chu Văn Sơn lại có bài Đến với từng bông tuyết. Trong bài này, tác giả đã thấy được sự nhất quán giữa thơ và đời của Ý Nhi. Từ hình tượng “những bông tuyết nhẹ nhàng, tinh trong, buốt giá”, tác giả đã nghĩ đến “sự trầm tĩnh và chất thơ của sự trầm tĩnh” trong con người Ý Nhi. Khi so sánh hai tập thơ, Chu Văn Sơn cũng đã chỉ ra đặc trưng riêng của từng tập, giúp người đọc thấy được sự khổ công, tận tụy của người làm nghệ thuật. Ông cho rằng: “Mưa tuyết nghiêng về Thiên tính phụ nữ, Gương mặt lại nghiêng về Thiên tính nghệ sĩ, nhưng tựu trung đều là chuyện chân ngã”. Tập thơ Vườn của Ý Nhi cũng nhận được sự quan tâm của bạn đọc qua các bài viết như: Nỗi khắc khoải từ miền kí ức của Lưu Khánh Thơ, Thơ tình của một đời người của Thúy Nga…Mỗi tác giả đều có những phát hiện rất riêng trên các bình diện khác nhau của tập thơ. Nhà nghiên cứu văn học Lưu Khánh thơ thì nhận ra nhiều khoảnh khắc tâm trạng, loại tâm trạng được dồn nén bởi suy tư và cảm xúc của nhà thơ trong một khuôn khổ “luôn bị phá vỡ”, một “ngôn ngữ thơ văn xuôi chắt lọc, giàu suy tưởng và hết sức kiệm lời” và nhịp điệu là “nhịp điệu của tâm trạng”. Còn tác giả Thúy Nga thì phát hiện sự đan xen giữa tình yêu và nỗi buồn trong tập thơ, một “tình yêu lại đậm đặc, đậm đặc hơn nhiều tập thơ của những ngày trẻ hơn” và “nỗi buồn không đau đớn vật vã, không gọi tên được, nhưng cứ âm ỉ trong lòng, cứ trong ngần như những giọt nước mắt lặng lẽ”. 2.3. Những nhận định, phân tích, đánh giá chung về thơ Ý Nhi Trong bài viết Thơ Ý Nhi, nhà thơ Hoàng Hưng đã khẳng định bút pháp thơ Ý Nhi là bút pháp “trữ tình gián cách” và cảm xúc thơ Ý Nhi là “cảm xúc được kiềm nén hoặc để nguội”. Lời nhận định này được Ý Nhi rất tâm đắc vì nó
  • 13. đúng với tâm hồn và quan niệm về thơ của bà. Ngoài ra Hoàng Hưng còn nhắc đến thể thơ “không vần, lắm lúc văn xuôi một cách triệt để”. Cũng như các nhà nghiên cứu khác, ông cũng thấy được tính nghịch lí hai mặt trong thơ Ý Nhi và cho rằng: “đây là lối thơ hiếm thấy trong đời sống thơ ca quen thuộc lâu nay ở Việt Nam”. Trong bài Ý Nhi – một nghiệp thơ không bao giờ hết dây dưa, Khánh Phương chủ ý nêu lên phạm vi phản ánh trong thơ Ý Nhi. Thơ Ý Nhi phản ánh cuộc sống trên phạm vi rộng với rất nhiều cảnh vật và con người, nhưng ở đó Ý Nhi thường “soi mình vào nhiều kiểu người khác nhau trong xã hội để phần nào vẽ nên chân dung của bản thân”. Và cuối cùng Khánh Phương đã rút ra một nét cá biệt trong thơ Ý Nhi, đó là: “nhà thơ luôn mong muốn là người khám phá sắc sảo đối với tất cả các góc cạnh cuộc sống”. Tác giả Hà Ánh Minh cũng là người có sự quan tâm khá sâu sắc đối với thơ Ý Nhi. Trong bài Mạch đập thơ Ý Nhi – dòng ưu tư chảy xiết, Hà Ánh Minh đã rất tinh tế khi phát hiện và phân tích tính cảm xúc và trí tuệ trong thơ Ý Nhi. Với một lối thơ “không thể ngâm, chỉ có thể đọc, không thể trở thành lời của bài hát” nhưng “sức trào dâng vẫn dào dạt” đã khẳng định một nét phong cách rất riêng của thơ Ý Nhi. Trong một bài viết khác, bài Lửa từ trái tim trần run rẩy, Hà Ánh Minh lại thấy được sức ảnh hưởng của tinh thần nghệ sĩ đã bùng lên ngọn lửa yêu thơ trong lòng người đọc: “Một giọng thơ buồn nhưng không lụy, một trái tim trần run rẩy trước nỗi đau và hạnh phúc nhưng đầy kiêu hãnh về phẩm giá con người, những bài thơ không dễ trình bày trước đám đông nhưng sẽ để lại nỗi nhớ sâu đậm trong lòng người đọc...” Trong bài Thơ tình Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Minh Thái viết: “Ý Nhi có một lối thơ tình kín đáo, dịu dàng và đắm đuối như hoa quỳnh hiếm hoi, nở muộn, chỉ nở một lần, thơm một lần và dâng hiến một lần vào thời khắc ngắn ngủi vào giữa đêm”. Cách cảm nhận này giàu thi cảm và sức gợi, dường như đã “điểm” trúng một huyệt đạo thơ quan trọng của Ý Nhi. Đó là một
  • 14. hồn thơ của đêm, trong đêm và tạo ra những đắm đuối, yên lặng của đêm. Một đề xuất rất có giá trị. Ở mảng này một lần nữa phải nhắc đến Chu Văn Sơn. Những nhận định, bình giải về thơ Ý Nhi luôn được ông nghiên cứu sâu và đầy đủ. Lời nguyện cho nỗi yên hàn là một bài viết rất tinh tế và sâu sắc về thơ Ý Nhi cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Cũng cần phải kể đến bài viết khá xuất sắc về thơ Ý Nhi của một tác giả nữ đầy cá tính – Lê Hồ Quang - bài Thơ Ý Nhi hành trình trong lặng lẽ. Bài viết đã đánh giá rất đúng mực những nét đẹp tâm hồn cũng như yếu tố trí tuệ thông qua những triết luận về cuộc sống và con người rất riêng của Ý Nhi. Những bài viết trên là nguồn tư liệu phong phú giúp khơi mở những luận điểm cho đề tài Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng chính của luận văn là đặc điểm phong cách thơ Ý Nhi thông qua những biểu hiện mang tính hình thức như ngôn ngữ, thể loại, kết cấu; đồng thời cũng cố gắng tìm hiểu những nét triết luận đặc trưng của Ý Nhi như là một điểm nhấn của phong cách về mặt nội dung. Về phạm vi khảo sát, luận văn nghiên cứu thơ Ý Nhi qua các tập thơ đã được xuất bản: - Trái tim nỗi nhớ (1974) - Đến với dòng sông (1978) - Cây trong phố - chờ trăng (1981) - Người đàn bà ngồi đan (1985) - Ngày thường (1987) - Mưa tuyết (1991) - Gương mặt (1991) - Vườn (1999) - Thơ Ý Nhi (2000)
  • 15. - Thơ với tuổi thơ (2002) 4. Phương pháp nghiên cứu - Phương pháp phân tích, hệ thống Qua việc phân tích tác phẩm thơ cụ thể, phân tích những biểu hiện nghệ thuật cụ thể chúng tôi tìm ra những nét đẹp đặc biệt, thường xuyên xuất hiện, có tính tương đối bền vững của thơ Ý Nhi. Từ đó, chúng tôi cố gắng gọi tên những nét riêng đó và đưa chúng vào một chỉnh thể có thứ tự, lớp lang. - Phương pháp so sánh Việc so sánh thơ Ý Nhi và các nhà thơ khác chắc chắn sẽ cho chúng ta cái nhìn khách quan về tính độc đáo, riêng biệt của thơ bà. - Phương pháp nghiên cứu liên ngành Đặt thơ ý Nhi trên nhiều bình diện khác nhau để nghiên cứu, chúng tôi mong nhìn thấy vẻ đẹp trọn vẹn của phong cách thơ Ý Nhi. Cụ thể, ở luận văn này chúng tôi đặt thơ Ý Nhi trong cái nhìn mang tính mỹ học (chủ yếu ở quan niệm về cái đẹp), và cái nhìn của văn hóa học (chủ yếu ở phương diện đời sống xã hội) để làm nổi bật tính triết lý trong thơ Ý Nhi. Ngoài ba phương pháp chính trên, chúng tôi còn sử dụng bổ sung thêm thao tác thống kê, phân loại và áp dụng cách phân tích thi pháp học. 5. Cấu trúc luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận và thư mục tham khảo, luận văn được phân thành ba chương, triển khai các luận điểm như sau: Chương 1: Những vấn đề chung Chương này khái lược những vấn đề cơ bản về nghiên cứu phong cách nghệ thuật, giới thiệu cuộc đời sự nghiệp thơ Ý Nhi và lý giải sự hình thành phong cách thơ Ý Nhi, bao gồm các tiểu mục như sau: 1.1. Cơ sở nghiên cứu phong cách nghệ thuật 1.2. Các yếu tố định hình phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi 1.3. Khái lược về các chặng đường sáng tác thơ Ý Nhi
  • 16. Chương 2: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi nhìn từ góc độ ngôn ngữ, thể loại, kết cấu Chương 2 cụ thể hóa những vấn đề đặt ra từ chương 1, phân tích, đánh giá những đặc điểm nổi bật của thơ Ý Nhi trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại, kết cấu, gồm các tiểu mục: 2.1. Phong cách sử dụng ngôn từ nghệ thuật 2.2. Phong cách nghệ thuật 2.3. Phong cách kết cấu Chương 3: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi nhìn từ góc độ triết luận về cái đẹp và đời sống Chương 3 khai thác chất triết luận trong thơ Ý Nhi qua cách nhìn về cái đẹp và đời sống, gồm các tiểu mục: 3.1. Cơ sở nghiên cứu 3.2. Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi nhìn từ góc độ triết luận về cái đẹp 3.3. Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi nhìn từ góc độ triêt luận về đời sống
  • 17. Chương 1 CƠ SỞ NGHIÊN CỨU PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT VÀ CÁC YẾU TỐ ĐỊNH HÌNH PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT THƠ Ý NHI 1.1. Cơ sở nghiên cứu phong cách nghệ thuật Do tiếp cận đề tài trên bình diện phong cách của một tác giả chứ không phải phong cách nghệ thuật nói chung hay phong cách của các trào lưu, phong cách dân tộc, phong cách thời đại nên luận văn không đi sâu trình bày lịch sử những vấn đề lý luận về phong cách học và những mối quan hệ đa dạng, phức tạp của nó với các phạm trù khác của lý luận văn học. Ở phần này, chúng tôi chỉ dừng lại ở việc lược thuật những quan niệm về phong cách. Trên cơ sở đó chúng tôi tiến hành khảo sát, đối chiếu cụ thể vào văn bản nghệ thuật của Ý Nhi nhằm hệ thống hóa những nét độc đáo, tiêu biểu, nhất quán, có ý nghĩa thẩm mỹ cao trong sáng tác thơ ca của bà. Trên thế giới quan niệm về phong cách lâu nay vẫn tồn tại dưới rất nhiều định nghĩa khác nhau. Theo Khrapchencô trong Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học, có thể có trên dưới mười quan niệm khác nhau về phong cách. Tác giả đưa ra các quan niệm tiêu biểu của D.Likhachev, A.Grogorian, V.Turbin, V.Jirrmunxki, V.Kôvalép, L.Nôvichencô, V.Đnéprov, R.Yakobxưn…Về cơ bản, chúng ta có thể hiểu: phong cách chủ yếu và trước hết biểu hiện qua ý thức nghệ thuật, qua cách nhìn, qua cách cảm nhận thế giới độc đáo của nhà văn…Với cách quan niệm này, ta thấy theo Khrapchencô phong cách nghệ thuật liên quan rất sâu đậm với nội dung tư tưởng tác phẩm. Ở Việt Nam, khái niệm phong cách được đề cập qua các tài liệu lý luận thường dùng trong nhà trường như: Nhà văn – Tư tưởng – Phong cách của Nguyễn Đăng Mạnh, Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều của Phan Ngọc, Một số vấn đề thi pháp học của Trần Đình Sử, Con mắt thơ của Đỗ Lai Thúy, Từ ký hiệu học đến ngôn ngữ học của Hoàng Trinh, Phong cách học
  • 18. tiếng Việt của Đinh Trọng Lạc và Nguyễn Thái Hòa, Văn học và học văn của Hoàng Ngọc Hiến… Tất nhiên khi đề cập tới khái niệm này các tác giả thể hiện những cách hiểu khác nhau về phong cách nghệ thuật. Chẳng hạn Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi quan niệm phong cách chỉ thuần túy được biểu hiện ở hình thức, qua hình thức tác phẩm [35]; hay Phan Ngọc thì cho rằng phong cách được biểu hiện cả ở nội dung lẫn hình thức: phong cách là một chỉnh thể nghệ thuật thống nhất các yếu tố nội dung và hình thức [73]; hay Từ điển văn học tập 2 thì cho rằng phong cách biểu hiện thành những đặc điểm hình thức nhưng những đặc điểm này có nguồn gốc từ trong ý thức nghệ thuật của nhà văn nghĩa là hình thức phải mang tính nội dung [81]. Tuy mỗi người có các cách quan niệm khác nhau về phong cách nhưng nhìn chung đều thống nhất ở một điểm: Phong cách là thước đo tài năng và bản lĩnh của nhà văn trong sáng tạo nghệ thuật [109]. Từ việc tìm hiểu các công trình nghiên cứu về phong cách nghệ thuật của một tác giả, chúng tôi thấy: các nhà nghiên cứu dựa trên cơ sở các định nghĩa đã có để từ đó thể hiện quan niệm về phong cách của mình tùy thuộc vào đặc trưng riêng của nhà văn, nhà thơ mà mình nghiên cứu. Bằng cách này, chúng tôi đã tổng hợp thành hệ thống những hiểu biết của mình về phong cách nhằm dùng nó để tiếp cận các tác phẩm thơ Ý Nhi với tư cách là một chỉnh thể toàn vẹn làm nổi bật phong cách nghệ thuật của bà. Một số quan điểm nghiên cứu chúng tôi nhấn mạnh như cơ sở của đề tài, bao gồm: a) Khái niệm phong cách hay phong cách văn học, phong cách nghệ thuật đã xuất hiện từ lâu trong sáng tác cũng như nghiên cứu khoa học ngữ văn. Phong cách được viết theo tiếng Pháp là “Style”, tiếng Hy Lạp cổ đại là “Stylos”, tiếng La Tinh là “Stylus”. Ban đầu phong cách dùng để chỉ dụng cụ để viết, về sau dùng để chỉ “nét bút” rồi sau cùng mang nghĩa là “cách viết”.
  • 19. b) Ngày nay phong cách không chỉ được dùng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật mà còn được dùng phổ biến trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Nhưng dù ở lĩnh vực nào, phong cách bao giờ cũng là hệ thống những đặc điểm tạo nên tính độc đáo của một hiện tượng, khu biệt hiện tượng này với hiện tượng khác.[40]. Chính vì vậy chúng ta dễ dàng nhận thấy không phải ai cũng có phong cách, không phải nhà thơ nào cũng tạo dựng được một phong cách, một “khuôn mặt tinh thần” của riêng mình. Chỉ những nhà văn, nhà thơ có tài năng, có bản lĩnh nghệ thuật, biết sử dụng các phương tiện hình thức theo một cách nào đó rất riêng mà vẫn tạo được thể thống nhất mang sức hấp dẫn, khơi gợi mỹ cảm nơi người khác mới được xem là có phong cách. c) Tuy phong cách có thể được xét ở nhiều cấp độ, trên nhiều bình diện, nhưng trong nghiên cứu văn học, nghiên cứu về phong cách của một nhà văn, một tác giả là quan trọng nhất. Bởi vì suy cho cùng, phong cách của nhà văn góp phần làm nên đặc điểm phong cách của thời đại và phong cách của nhà văn luôn luôn được thể hiện thông qua tác phẩm, làm nên phong cách của tác phẩm… Chúng tôi xem phong cách của nhà văn chính là phẩm chất sáng tạo cao nhất trong quá trình hiện thực hóa đời sống bằng phương tiện ngôn từ nghệ thuật. Nói như M. Gorki rằng: người nghệ sĩ cần lấy cái gì là của riêng mình …(bởi vì) một người không có cái gì của riêng mình thì người đó chẳng có cái gì hết. Người nghiên cứu phải đặc biệt chú ý những yếu tố được lặp đi lặp lại, những yếu tố nổi trội, những điểm-nhấn-sáng thường xuyên xuất hiện trong hệ thống tác phẩm với sự bền vững, nhất quán ở tất cả các yếu tố cấu thành nên nó khiến cho những sáng tác của nhà văn đó có diện mạo, cốt cách riêng biệt, độc đáo không thể trộn lẫn với bất kì ai khác. d) Luận văn quan niệm phong cách nghệ thuật là một chỉnh thể không tách rời giữa nghệ thuật và tư tưởng, giữa hình thức và nội dung. Phong cách có vẻ được nhìn thấy rõ hơn trên phương diện hình thức nhưng cái nền tảng triết học của hình thức ấy vẫn là một nội dung rộng rãi, sâu xa. Vì vậy, cái cuối cùng của
  • 20. phong cách vẫn là cái đẹp được thể hiện một cách độc đáo, làm nên “cốt cách”, “khí chất”, “phong vị” của tác phẩm. Nghiên cứu các lý thuyết về phong cách và soi chiếu vào các văn bản nghệ thuật cụ thể, chúng tôi hiểu rằng phong cách được thể hiện trong suốt quá trình hoạt động sáng tạo của nhà văn. Phong cách có thể được hình thành ngay từ lúc nhà văn mới cầm bút và từ đây bắt đầu vận động, phát triển và chịu ảnh hưởng của thế giới quan, của môi trường sống, của bối cảnh thời đại, của các nhà văn mà họ yêu thích. Tuy nhiên cũng có nhiều nhà văn, nhà thơ khi bắt đầu cầm bút mới là lúc họ may mò, lựa chọn và dần định hình phong cách. Phong cách từ thế tiềm năng được khơi dậy mạnh mẽ và phát tiết thành tài năng. Vì thế nên có rất nhiều ý kiến thống nhất rằng: phong cách một mặt do tài năng bẩm sinh của người nghệ sĩ, nhưng mặt khác quan trọng hơn là kết quả của quá trình đào luyện lâu dài, quá trình lăn lộn trải nghiệm đời sống, quá trình tổng hợp và phát triển không ngừng nghỉ của tâm hồn, trí tuệ, công học hỏi và rèn luyện của nhà văn. Phong cách được hình thành trên cơ sở tài năng nhưng nếu nhà văn không khổ công lao động nghệ thuật thì tài năng ấy cũng dừng lại ở dạng tiềm năng và đôi khi không được nhận ra hoặc đôi khi nhận ra nhưng lại không tránh khỏi sự mai một. Để khẳng định được phong cách đòi hỏi nhà văn phải lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc, bền bỉ và say mê. Trên cơ sở nhận thức về phong cách như vậy, cùng với sự trợ giúp của các phương pháp nghiên cứu, chúng tôi cố gắng vận dụng để tìm hiểu phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi. 1.2. Các yếu tố định hình phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi 1.2.1. Hoàn cảnh xã hội – thời đại Mối quan hệ giữa nhà văn và thời đại là mối quan hệ khăng khít, khó tách rời. Điều này cũng giống như con người sống và hít thở bầu không khí ở miền đất nào, ăn hạt gạo, uống ngụm nước của vùng quê nào thì nói được cái giọng của vùng quê ấy mà thôi. Đối với Ý Nhi thì sự ảnh hưởng của thời đại đến sự
  • 21. hình thành và phát triển phong cách nghệ thuật của bà là vô cùng lớn lao. Có lần tôi đã được nghe nhà thơ nói về sự may mắn của mình khi cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ đồng điệu với những vận động, đổi thay của thời đại. Theo Ý Nhi, nhờ sự đồng điệu đó mà thơ bà được chú ý. Quả vậy, Ý Nhi trưởng thành và bắt đầu sự nghiệp thơ trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ - khi cả dân tộc cùng dốc lòng thực hiện nhiệm vụ cứu nước vẻ vang của lịch sử. Thời đại ấy là cơ sở để hình thành một chặng đường mới của văn học dân tộc mà chủ nghĩa anh hùng cách mạng là xu thế chủ đạo. Cũng từ cuộc sống hào hùng ấy đã tạo dựng một lớp người có tư tưởng và hành động lớn, xứng tầm dân tộc. Họ bước vào cuộc chiến một cách tình nguyện, đầy trách nhiệm và tràn say mê. Không khí xã hội khi ấy đã là điểm tựa cho cô gái trẻ Ý Nhi tin tưởng một cách mãnh liệt và tôn trọng tuyệt đối những giá trị lớn lao về cái gọi là tâm hồn dân tộc mà chủ nghĩa anh hùng cách mạng ở Việt Nam đem lại. Năm 1964, giặc Mỹ ném bom miền Bắc, Trường Đại học Tổng hợp đã sơ tán về Đại Từ, Thái Nguyên. Năm đó Ý Nhi vừa học hết học kì I năm thứ nhất khoa Ngữ văn của trường cũng cùng bao bạn bè tham gia khám phá những tháng ngày cực khổ nhưng vô cùng sôi nổi và đẹp đẽ của đời mình ở vùng sơ tán. Nhà thơ kể rằng: “những người thầy của chúng tôi, giáo sư Hoàng Xuân Nhị, giáo sư Hoàng Như Mai, giáo sư Lê Đình Kỵ, giáo sư Kim Đính… đứng giữa lớp học bằng tre nứa, say sưa nói về V.Hugô, Banzac, Molie, Gôgôn, Lỗ Tấn, Quách Mạc Nhược, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Huy Cận, Nguyễn Bính, Quang Dũng…” [43]. Quả thật đây là những năm tháng người sinh viên học trong say mê vì cả thầy và trò được dẫn dắt bởi lí tưởng thay đổi vận mệnh dân tộc. Đồng thời họ cũng khao khát tham gia vào đời sống văn học, chính trị của một thế giới mới đang có những vận động lớn lao và sâu sắc. Thời nào cũng vậy, giới trẻ luôn có những đam mê cuồng nhiệt. Ngày nay người trẻ nói chung và sinh viên nói riêng phần nhiều yêu thích âm nhạc, điện
  • 22. ảnh và thần tượng những người làm nên nó. Có lẽ vì tính phổ quát và sức hút phù phiếm của nó khiến họ tìm thấy niềm vui. Cùng tính chất tâm lý nhưng khác hoàn cảnh xã hội, thanh niên ngày ấy lại đam mê vô cùng thơ và những người làm nên thơ. Lý giải điều này không khó. Một mặt thơ ca đã là sản phẩm tinh thần phát nguyên từ cội nguồn dân tộc với ca dao, dân ca dễ thuộc, dễ nhớ. Mặt khác thơ đã có sẵn trong trái tim đang cuộn trào xúc cảm thời đại, chỉ cần “xuất khẩu” là “thành thơ”; đã vậy không cần dụng công mà thơ đã có sẵn nơi đầu lưỡi vì tâm hồn họ tràn trề thơ mà cả một lớp người, thậm chí toàn dân tộc khi ấy đang có chung một hồn thơ. Thành ra họ mê mẩn, thần tượng Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Phan Thị Thanh Nhàn, Đỗ Chu… Họ thuộc Về Nghệ An thăm con, Trở lại trái tim mình của Bằng Việt; Vườn trong phố, Thôn Chu Hưng của Lưu Quang Vũ; Tiếng gà trưa, Hoa dọc chiến hào của Xuân Quỳnh…Ý Nhi từng công nhận ngày ấy “quả là thời của thơ” mà! Đây chính là không gian văn hóa giúp hình thành cảm thức sáng tạo thi ca ở Ý Nhi, nhất là những sáng tác trước ngày giải phóng như Trái tim nỗi nhớ (in năm 1974 cùng với thơ Lâm Thị Mỹ Dạ). Đó là những trang thơ giàu cảm xúc, ghi hình tư thế xung trận của tầng lớp thanh niên lúc bấy giờ. Đó còn là tinh thần của dân tộc mà những cô thanh niên như Ý Nhi vô cùng ngưỡng mộ và theo đuổi. Những người bạn – đồng chí Ý Nhi từng gặp hoặc nghe kể, những vùng đất thời chiến Ý Nhi đã từng sống, chiến đấu, lao động và học tập là những kí ức tuổi trẻ đã trở đi trở lại trong hành trình sáng tạo của thơ Ý Nhi làm nên những hình tượng thơ vô cùng độc đáo. Kể từ chiến thắng mùa xuân năm 1975, lịch sử dân tộc đã mở sang một trang mới, đồng thời nền văn học nước nhà cũng bước vào một chặng đường mới. Ngay sau niềm vui chiến thắng đất nước ta rơi vào khó khăn và khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Nền văn học như dòng nước đang cuộn chảy bỗng bị ngăn đập nên chững lại và dồn đẩy phần lớn văn nghệ sĩ vào tình cảnh bối rối, mất phương hướng sáng tác. Nhưng càng bị dồn đẩy dòng nước càng nhanh tự
  • 23. tìm hoặc tự tạo lối thoát. Đó là quy luật tự nhiên. Và quy luật ấy cũng ứng với đời sống văn học giai đoạn sau chiến tranh. Ngay khi ấy xuất hiện một đội ngũ văn nghệ sĩ đi tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học. Vì vậy ta dễ dàng nhận thấy, mặc dù vẫn tiếp nối nền văn học Cách mạng trước đó với khuynh hướng sử thi và cảm hứng ngợi ca, văn học thời này cũng đã có những bước chuyển mình đáng khích lệ với “người mở đường tinh anh và tài năng” Nguyễn Minh Châu. Kể từ sự mở đường này, người làm văn nghệ đã bắt đầu tiếp cận “hiện thực” với một cự li rất gần khi hướng sự quan tâm của mình vào các vấn đề thế sự và đời tư. Bức tranh đời sống lúc này không chỉ đơn điệu một màu hồng của sự ngợi ca, con người cũng không phải là “cây đàn độc điệu” thuần nhất một âm vực cao hay thấp, sáng hay tối, trong hay đục, mà hiện thực được nhìn ở nhiều mặt, nhiều chiều. Cần phải nhắc đến những sự kiện tác động lớn lao đến đời sống văn học. Trước hết đó là năm 1986, cột mốc quan trọng đánh dấu giai đoạn đổi mới toàn diện trên đất nước Việt Nam ta với Đại hội Đảng lần thứ VI do Bí thư Nguyễn Văn Linh khởi xướng. Từ đây, đất nước dần vượt qua thời kì khủng hoảng để bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ và ngày càng vững chắc. Kế tiếp phải nhắc đến một sự kiện tác động trực tiếp đến đời sống văn học. Đó là cuộc gặp của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với đại diện giới văn nghệ sĩ vào cuối năm 1987 để triển khai nghị quyết 05 của Bộ chính trị. Tất cả cho ta thấy một cuộc lột xác lớn lao trong đời sống dân tộc ta. Mọi phương diện xã hội từ chính trị, kinh tế, văn hóa… đều phải tuân theo nhịp vận động mới của thời cuộc. Người nghệ sĩ vì vậy cũng cần thay đổi cách thức sáng tạo cũng như mở rộng biên độ tư duy nghệ thuật nhằm chuyển tải thành công những biến chuyển mới mẻ của đời sống xã hội. Trong hoàn cảnh đó có thể thấy Ý Nhi là một trong số rất ít nữ thi sĩ bước được cả hai chân qua bên kia miệng vực để nhanh chóng thoát khỏi“khoảng chân không trong văn học” (Nguyên Ngọc), nắm bắt được những vận động còn
  • 24. rất nhỏ nhẽ mà tinh vi của đời sống văn học, hòa mình vào dòng chảy sôi nổi, táo bạo, lạ lùng của một thời thơ mới. Đặc biệt với tập thơ Người đàn bà ngồi đan, Ý Nhi đã khẳng định được phong cách, giọng thơ riêng của mình, góp phần cùng những nhà thơ khác tạo nên một diện mạo mới cho thơ ca Việt Nam giai đoạn sau 1975. 1.1.2. Nền tảng quê hương, gia đình và đặc điểm con người nhà thơ Nền tảng quê hương, gia đình là cội nguồn hình thành cá tính và là mầm mống của sự phát triển tài năng. Đó là lớp văn hóa nền xác lập nơi nhà văn những cảm thức đầu tiên và lâu bền về thế giới nghệ thuật, góp phần khơi dậy thiên hướng nghệ thuật cho nhà văn đồng thời cũng giúp nhà văn rèn giũa, tôi luyện, bổ sung xúc cảm và trí tuệ. Nhờ vậy phong cách nghệ thuật của họ được định hình và phát triển. Từ Hội An ra Hà Nội, qua Hải Phòng là quãng đời lưu dấu nhiều kỉ niệm tuổi thơ của Ý Nhi. Vùng đất Hội An ban cho bà vẻ đẹp của sự thâm trầm, huyền bí trong nét văn hóa Chămpa. Cả thời học sinh trải dài trên những con đường đi về phía biển ở vùng đất Hải Phòng làm nên một Ý Nhi cởi mở và tràn trề sức sống. Gần ba mươi năm sống trên đất thủ đô ngàn năm văn hiến làm nên nét quyến rũ, kiêu kì, lịch thiệp nơi con người bà. Tổng hòa tất cả là một Ý Nhi đời và thơ rất riêng. Trong thơ Ý Nhi ta thường bắt gặp những cảnh vật, con người, sự việc diễn ra ở những vùng đất thân quen đó. Nó vừa là kí ức, vừa là tiềm thức làm nên những hình tượng nghệ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân của nhà thơ. Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, Ý Nhi hiển nhiên hoặc may mắn mang trong mình tâm hồn của một nghệ sĩ. Dù chưa phát tiết nhưng vẫn có phong vị của kẻ lãng du. Ông nội nhà thơ là một nhà Nho hay chữ vừa làm thơ vừa bốc thuốc cứu người. Cha là nhà nghiên cứu nghệ thuật dân gian tài năng – Nhà nghiên cứu tuồng Hoàng Châu Ký. Được biết ông là người học chữ Nho, đọc nhiều thơ chữ Hán và làm thơ từ rất sớm. Những câu thơ của ông được Ý Nhi đánh giá là “tinh tế và trau chuốt”. Về sau ông đọc nhiều thơ hiện đại bằng
  • 25. tiếng Pháp và cũng thay đổi cách viết văn, viết nghiên cứu, phê bình và cả làm thơ. Ý Nhi may mắn thừa hưởng từ cha và ông lối tư duy khúc chiết, mạch lạc. Phải chăng điều này làm nên tính triết luận trong tư duy thơ của bà. Mẹ là người yêu thơ Mới (thơ 30-45), bà thuộc nhiều bài thơ của các nhà thơ Mới tên tuổi như Huy Cận, Xuân Diệu, Tế Hanh… Nền tảng xuất thân như thế khiến Ý Nhi tự nhận thấy mình yêu thơ và thích làm thơ cũng là lẽ tự nhiên, dễ hiểu. Thêm một lần nữa, hoặc hiển nhiên hoặc may mắn nữa, khi đến tuổi “theo chồng” Ý Nhi được yêu và sống cùng người chồng là một nhà nghiên cứu và giảng dạy văn học đáng kính - giáo sư Nguyễn Lộc. Tất cả tạo cho Ý Nhi những điều kiện thuận lợi để đến với thơ, suy nghĩ về thơ và tạo dựng phong cách thơ cho riêng mình. Điểm lại bước đường làm thơ của Ý Nhi, ta thấy được con-người-thơ của bà. Từ rất nhỏ Ý Nhi đã làm thơ nhưng chỉ là những câu thơ “non” của tuổi học trò. Phải đến khi đạt giải khuyến khích trong một cuộc thi thơ ở trại viết dành cho các nhà văn trẻ vào năm 1969, Ý Nhi mới ý thức được khả năng thơ ca của mình. Có niềm tin, bà mạnh dạn tuyển chọn, tập hợp những bài thơ lẻ để in chung với nhà thơ đã có tên tuổi lúc bấy giờ - Lâm Thị Mỹ Dạ trong tập Trái tim – Nỗi nhớ. Tiếp cận được với công chúng, thơ Ý Nhi nhận được phản hồi và nhà thơ nhanh chóng thấy được “nghề thơ còn lắm gian nan” khi ngòi bút của mình còn thiếu thiếu một cái gì vô cùng quan trọng. Bà hiểu rằng, thơ không phải là sản phẩm của sự hời hợt, làm thơ là một nghề đỏi hỏi sự suy tư nghiêm túc, thơ là tấm gương phản chiếu trí tuệ và tâm hồn … Và đừng đùa giỡn với thơ. Từ đây bà suy nghĩ thật sự nghiêm túc về thơ và dần lựa chọn cho mình một lối đi. Con đường thơ bắt đầu in dấu những bước chân còn nhiều lúng túng của kẻ dò đường. Đi sao cho thỏa đam mê, đi sao để đam mê đến được cái nơi mà nó ngự trị, đi sao để đam mê đến được vinh quang. Sự trăn trở này bộc lộ khá rõ trong tập Đến với dòng sông (1978).
  • 26. Đến với thơ không chỉ là một cuộc gặp gỡ mà còn là duyên phận. Mà đã là duyên phận thì thường gắn với hên-xui, may-rủi. Điều này đòi hỏi thi nhân phải là người sẵn sàng dấn thân và chấp nhận thất bại nếu nó xảy ra. Sau nhiều rủi ro, may thay Ý Nhi đã có một cuộc gặp gỡ với nhà thơ Việt Phương để sau đó bà nhận ra rằng: thơ ngày nay phải khác, không nhất thiết thơ phải là những lời ca du dương, êm ái, không nhất thiết thơ phải sử dụng những mỹ từ dạt dào xúc cảm mà trên hết thơ phải là con người, là kí thác, là bộc bạch của thi nhân. Chỉ cần đến được cái đích của tâm hồn thì ngôn ngữ sẽ thành thơ. Và con đường đến đó mỗi thời mỗi khác. Ý Nhi xác định mình phải đi con đường khác để đến với thơ. Nặng nợ với thơ, xấp ngửa với chữ nghĩa. May mắn đã mỉm cười với Ý Nhi khi Người đàn bà ngồi đan xuất hiện đúng cái lúc cuộc đời cần có nó. Làng văn xôn xao. Ý Nhi mỉm cười với thành quả của sự dày công mài giũa, trau chuốt “cái nghề lắm công phu”. Với tập thơ này Ý Nhi đã khẳng định được bản thân và hình thành cho mình một phong cách. Nét nữ tính cùng với chất trí tuệ đã làm nên một cái gì rất riêng của Ý Nhi. Ta thấy có điều gì nhẹ nhàng, giản dị mà sao cũng quá đỗi ưu tư, khắc khoải ở tập thơ. Cái nét băn khoăn, lưỡng lự trong sự dồn đẩy, hối hả; cái sự phân vân, hoài nghi trong niềm nhiệt huyết đã làm nên chất thơ của bà. Quả là một làn gió mới thổi vào thi đàn. Đáng yêu, đáng trọng biết bao! Sau tập Người đàn bà ngồi đan, các tập Ngày thường, Mưa tuyết, Gương mặt, Vườn tiếp tục khẳng định tên tuổi và phong cách của nữ thi sĩ. Ý Nhi đã trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ Việt Nam đương đại. Tính cách làm nên số phận! Tính cách cũng góp phần hình thành phong cách. Con người Ý Nhi có những nét tính cách đặc biệt giúp làn nên phong cách thơ của bà. Là người thích phiêu lưu và có cá tính, bà đam mê sáng tạo. Là người điềm tĩnh và thông minh, Ý Nhi nhận ra mình đang đứng ở đâu trong cuộc đời cũng như trên thi đàn. Là người chỉnh chu và tinh tế, Ý Nhi khéo léo thay đổi
  • 27. cách nghĩ và cách làm thơ. Là người giản dị và nhân hậu, Ý Nhi biết tạo ra vẻ đẹp thuần khiết nhưng sâu sắc cho thơ. Là người nặng sâu tình cảm, Ý Nhi trở thành nhà thơ chân chính. Con người Ý Nhi đã làm nên khuôn mặt thơ Ý Nhi, và ta nhận ra khuôn mặt tỏa sáng đó. 1.3. Khái lược về các chặng đường sáng tác thơ Ý Nhi Ở phần này chúng tôi sẽ khảo lược quá trình sáng tác thơ của Ý Nhi thông qua các tập thơ. Đây là cái nhìn bước đầu để nhận diện sự phát triển phong cách thơ Ý Nhi. Trái tim nỗi nhớ, Đến với dòng sông, Cây trong phố chờ trăng là những tập thơ đầu tiên của Ý Nhi. Nét chung của những tập thơ này là sự trong sáng, ngây thơ của người nữ thanh niên vừa bước vào đời với bao nhiêu nhiệt huyết và say mê; là tinh thần khảng khái, quả cảm; là tình yêu và sự ngợi ca đối với Tổ quốc, nhân dân. Trái tim nỗi nhớ in chung với Lâm Thị Mỹ Dạ năm 1974 là tập thơ đánh dấu sự góp mặt của một nhà thơ mang tên Ý Nhi trên thi đàn. Được in thơ chung với người đàn chị trong nghề là một vinh dự cũng là động lực đối với Ý Nhi. Vốn rụt rè nên dù viết được nhiều thơ nhưng Ý Nhi không dám gửi in. Đây chính là cơ hội, là bước đệm để thơ bà đến được với công chúng. Từ tập thơ này trở đi, Ý Nhi mới nhận được những phản hồi từ phía độc giả và dần nhận ra chân dung một cô thiếu nữ mộng mơ, “còn lẫn lộn trong một kiểu trang điểm và y phục chung của lớp thiếu nữ đem trái tim được nuôi bằng văn Pautopxki và thơ Bergon đi vào cái thực tế lạ lùng – gian lao và đầy lãng mạn – của đất Bắc thời chiến tranh” (Hoàng Hưng – Thơ Ý Nhi). Ý Nhi tự hào về điều đó. Đến với dòng sông (in năm 1978) – thơ Ý Nhi bắt đầu có sự trăn trở. Hình tượng người đàn bà với những “day dưa”, với những “xao xác” manh nha xuất hiện trong thơ. Đó là sự trở mình của một con người không chấp nhận những gì khuôn mẫu, của người khao khát tìm đường “ra tới biển”. Ý Nhi bỏ lại sau lưng cánh rừng trẻ trung của mình, bà biết “dẫu cho đêm yên lặng’ thì “phía trước”
  • 28. vẫn “là dòng sông”. Tập thơ có những câu hỏi day dứt vừa như là sự chia tay, vừa như là sự nuối tiếc. Dẫu nhiều yêu thương cũng đành phải rời xa “cánh rừng muôn năm cũ” để đến với những dòng sông ào ạt tìm về phía biển. Đây là những câu thơ rất mới của Ý Nhi: Đốm lửa rừng giờ cháy nơi đâu con chim rừng giờ hót nơi đâu đóa hoa rừng giờ thơm nơi đâu. Mà bầu trời trước tôi xanh nôn nao mà cánh đồng trước tôi vàng chói mắt phút hân hoan lòng chợt niềm se thắt những cánh rừng đã ở lại phía sau. (Cửa rừng) Những bài thơ trong tập thơ này thể hiện quyết tâm chia tay với lối thơ “dễ dãi, ngòn ngọt” của một thời yêu dấu để tìm đến một bầu trời “xanh”, một cánh đồng “vàng” mới, dẫu biết rằng đó là nơi của màu “xanh nôn nao”, nơi của màu “vàng chói mắt”. Đó là nơi đẹp đẽ nhưng “khắc nghiệt”. Đó là nơi hấp dẫn nhưng chẳng thể bình yên. Cho nên thơ Ý Nhi có những hân hoan và bối rối, có “tiếng hát chao lòng như tiếng gió”, có “điều gì thao thức ở trong em”. Có lẽ từ đây, Ý Nhi bắt đầu mất ngủ với những câu thơ và thơ bà vì vậy bắt đầu thức trong lòng độc giả. Cây trong phố chờ trăng là tập thơ dành cho thiếu nhi in chung với Xuân Quỳnh năm 1984. Ở đây là khuôn mặt khác của Ý Nhi. Tâm thế nhà thơ dường như nhường chỗ chỗ cho tâm thế một người mẹ, người chị, người bạn của trẻ thơ. Vì vậy lời thơ vô cùng dễ hiểu, giọng thơ dịu dàng, tha thiết. Đây là cái “chất” vốn có của phụ nữ nên Ý Nhi không khó thể hiện. Về bút pháp, những bài thơ của Ý Nhi trong tập thơ này không có gì đặc biệt. Những bài thơ năm chữ chuẩn mực, những bài thơ tự do đơn giản là món quà cho tuổi thơ dễ đọc, dễ
  • 29. nhớ. Đó là sự yêu thương, là sự quan tâm, là kỉ niệm và kinh nghiệm thời bé thơ Ý Nhi gửi đến các em khi đã là mẹ hiền của các con thơ. Xuất hiện khá muộn trước công chúng, nhưng thơ Ý Nhi đã có những điểm sáng nhất định. Ba tập thơ đầu tiên có thể còn mờ nhạt về phong cách, nhưng đối với Ý Nhi nó là một phần đời đáng yêu của bà. Người ta khó lòng đi đến tương lai khi không có quá khứ. Quá khứ của Ý Nhi tròn trịa và đẹp đẽ. Nó ghi nhận sự nỗ lực hết mình để đến với thơ. Về mặt tình cảm, đó có lẽ là những kỉ niệm đẹp và trong trẻo nhất trong cuộc đời làm thơ của bà. Về mặt sự nghiệp, đây là những bệ đỡ để thơ Ý Nhi tiếp cận với công chúng, đồng thời cũng chính là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho sự hình thành phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi. Người đàn bà ngồi đan (1985) là một viên ngọc quý trong nền thơ ca Việt Nam thời hiện đại. Cụ thể là thơ ca Việt Nam thời kì đổi mới. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của nó sâu, rộng cho đến tận hôm nay. Sự thật là cho đến ngày nay sự lan tỏa, ảnh hưởng của Người đàn bà ngồi đan vẫn còn sâu sắc. Có thêm thời gian để nhận định, có thêm thời gian để so sánh và đối chiếu, ta càng nhận thấy tính vấn đề, tính hiện thực và thời đại trong tập thơ. Chẳng những tập thơ chưa cũ mà còn dường như là mới bắt đầu. Từ Kính gửi mẹ cho đến Cát là một sự cách tân hoàn toàn về nhận thức, tư tưởng và thi pháp. Không còn sự nhận đường hay dò đường mà là sự khẳng định. Khẳng định một con đường mới, một lối đi riêng để vào thế giới thơ giàu màu sắc và lắm chông gai. Đặt trong hệ thống thơ của giới nữ, Người đàn bà ngồi đan vượt lên bởi sự chững chạc, điềm đạm mà tinh tế. Không đa ngôn mà “kiệm lời”, không ào ạt mà “tiết chế”, không “duy cảm” mà “duy lý”…, Ý Nhi tạo ra một khuôn thước mới để nhìn nhận cái đẹp của thơ nữ. Lý thuyết về cách đọc thơ dần thay đổi. Biên độ nhận thức về thơ được nới rộng hơn. Nó tạo ra những dư chấn mạnh mẽ và mới lạ trên thi đàn đang đòi “Đổi mới”. Nó giành giải A của Hội nhà văn. Tầm vóc của nhà thơ bây giờ thật sự thay đổi.
  • 30. “Tầm đón đợi” của độc giả ngày ấy dường như chưa theo kịp tư duy thơ của nữ thi sĩ, nên có người hét lên rằng: thơ thiếu thực tế. Nhà thơ giàu cảm xúc và nữ tính nhất lúc bấy giờ là Xuân Quỳnh đã phải “cãi” lại rằng: Thơ Đường có thực tế đâu mà tồn tại mấy ngàn năm. Cuộc tranh luận bắt đầu. Người đàn bà ngồi đan thêm nổi tiếng. Phong cách thơ Ý Nhi càng lan tỏa và sức ảnh hưởng càng sâu rộng, nhất là trong địa hạt thơ nữ. Hãy đọc và nghiệm sau hai mấy năm: 1. Những cây sồi bên hồ Thuyền Quang Không có gì của đời tôi đã xảy ra nơi ấy chỉ có những ý nghĩ như lửa dưới vòm xanh trầm mặc và niềm mong mỏi khôn nguôi bên tán cây xào xạc gió Năm tháng qua đi tôi đã cùng nơi kia gắn bó những cây sồi mọc bên lối nhỏ chứng kiến những gì được che giữ trong tôi (ý nghĩ về hạnh phúc bền vững hơn hạnh phúc giữa đời ý nghĩ về niềm vui lớn hơn niềm vui có thực và nỗi đau trong ta ghê gớm hơn những gì ta có thể giải bày). Giờ đây mỗi khi tôi qua dưới bóng cây sồi tôi tưởng như phố phường xa vắng hết và tất cả mọi điều cách biệt chỉ màu xanh trầm tĩnh cùng tôi. 2. Người đàn bà ngồi đan Giữa chiều lạnh một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã nhẫn nại như thể đó là việc phải làm suốt đời
  • 31. vội vã như thể đó là lần sau chót. Không thở dài không mỉm cười chị đang giữ kín đau thương hay là niềm hạnh phúc lòng chị đang tràn đầy niềm tin hay là ngờ vực. Không một lần chị ngẩng nhìn lên chị đang qua những phút giây trước lần gặp mặt hay sau buổi chia ly Trong mũi đan kia ẩn giấu niềm hân hoan hay nỗi lo âu trong đôi mắt kia là chán chường hay hy vọng. Giữa chiều lạnh một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ dưới chân chị cuộn len như quả cầu xanh đang lăn những vòng chậm rãi. Sau thành công của Người đàn bà ngồi đan, Ý Nhi hăng hái tiếp tục phát huy nét đẹp trong phong cách nghệ thuật của mình. Ngày thường (1987), Mưa tuyết (1991), Gương mặt (1991), Vườn (1999) lần lượt ra đời. Mỗi tập thơ đều được chờ đón và hoan nghênh. Người đọc dần dần tiếp nhận và đồng điệu hơn với thơ của bà. Xã hội phát triển càng nhanh, thơ Ý Nhi càng mau chóng tìm được sự đồng cảm. Không còn xa lạ, thơ Ý Nhi được đăng trên báo, được bình
  • 32. luận, phân tích, được khen ngợi nhiều hơn. Cổng thông tin điện tử mở ra, từ khóa “Thơ Ý Nhi” được truy cập từng giờ. Chỉ cần một cái nhấp chuột, cả trăm trang mạng xã hội và blog cá nhân chép và bình thơ Ý Nhi hiện ra trên màn hình máy tính. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết là những lời khen tặng dành cho thơ Ý Nhi. Một phần có lẽ vì phong cách mới lạ và độc đáo của bà; phần khác là nhờ sự đồng cảm với những trúc trắc, khúc khuỷu nhưng toàn diện, nhiều mặt, nhiều bề trong cách cảm nhận con người và cuộc đời của Ý Nhi. Ngày thường là tập thơ của những ngày bình thường, của những con người bình thường, cũng là của những điều bình thường trong cuộc sống. Đó là một ngày về với đất liền của vị thuyền trưởng, ngày thi đấu khát khao của một vận động viên, ngày dạo chơi của một họa sĩ, ngày ra đi của một nhà thơ, ngày công cán của nhà văn Nguyên Hồng, ngày của “chùa” và “vườn trong phố”, ngày của biển chiều, của phố nắng, ngày của khát vọng, của lẽ phải, của tự do… Những người, những việc thường ngày, giản dị đó được Ý Nhi soi chiếu dưới lăng kính của sự đối nghịch để người đọc nhận ra rằng: chúng bình thường nhưng cao quý. Cảm giác về sự trầm tĩnh, lý trí, chiêm nghiệm dày đặc ở các trang thơ. Tất cả những cái ngày thường đơn giản là thế nhưng để có được nó nhiều khi con người ta phải đánh đổi thật nhiều, phải nỗ lực thật lớn, phải khát khao thật mãnh liệt. Đến tập thơ này, yếu tố triết luận trong thơ Ý Nhi dường như đậm đặc hơn cả. Bài thơ nào cũng đòi hỏi sự tập trung cao độ của người đọc để nhận ra khuôn mặt thật, giấu kín tận sâu bên trong của cái hằng thường. Đến với Ngày thường chúng ta cũng nhận diện rõ ràng hơn sự “tiết chế” trong câu chữ của Ý Nhi. Từ là vỏ ngôn ngữ để Ý Nhi khéo léo tạo nên cái đẹp của sự kiệm lời. Và vui mừng vì đã đem lại niềm hạnh phúc cho người thưởng lãm: như một nhà thơ biết tiết chế tôi vừa đun nấu trên ngọn lửa dầu chút thức ăn ít ỏi vừa nghĩ đến vẻ đẹp thực chất của những bữa ăn
  • 33. niềm hạnh phúc tôi có thể đem lại cho mọi người. (Ngày thường) Tập thơ cho chúng ta hiểu hơn quan niệm của Ý Nhi về cái đẹp thực sự của những ngày bình thường bằng cách “nhìn thấu cuộc đời này bằng con mắt thứ ba”, bằng sự “điềm tĩnh bước ra khỏi bản thể, đi qua chiếc cầu vòng cheo leo mà quyến rũ để viết”.[13] Sau sự day dứt, khắc khoải của Ngày thường, Ý Nhi viết Mưa tuyết. Vẫn cái chất thơ của sự trầm tĩnh, điềm đạm vốn có, Mưa tuyết dẫn người đọc vào cảm thức của cái lạnh tê tái nhưng thanh cao. Mở đầu tập thơ là giấc mơ về những cơn mưa tuyết “nhẹ nhàng/ tinh trong/ buốt giá”. Nổi bật trong tập thơ là những gì như là nỗi nhớ. Chúng trải dài suốt cả tập thơ. Và nổi bật hơn cả là nỗi nhớ nước Nga. Chợt nhớ một câu chuyện đọc vội ở đâu đó về việc Ý Nhi mời (rủ) bạn đồng nghiệp đi thăm nước Nga và hẹn “Gặp nhau ở Nga nhé!”, ta mới hiểu một phần cuộc đời của Ý Nhi đã để lại trong những bông tuyết Nga để rồi khi có tuổi nhà thơ không khỏi nhớ thương, ngưỡng vọng. Bà làm thơ về hai nữ thi sĩ Nga: Marina Xvetaeva, Akhmatova; về nhà thơ, nhà tiểu thuyết lớn Pasternak; về nàng Êlêna; về Matxcơva… Nỗi nhớ ấy có khi miên man đến nghẹn ngào: “Vẫn là bông tuyết/…/Sao xa vời/ Xa như thể chưa bao giờ gặp/ Xa đến nỗi muốn trào nước mắt” (Thấy tuyết trong phim). Trong tập thơ ta cũng nhận thấy khuôn mặt “tuyết” của Ý Nhi. Sự quyết liệt với những ồn ào, giả trá đã thể hiện cái tâm trắng tinh như “tuyết” của nữ thi nhân: Tôi không thích người ta bắn lén khi cần, tôi sẽ bắn chính diện Tôi không ưa những kết cục được bày đặt sẵn cũng chẳng thích chi những cái nửa vời.
  • 34. Tôi chẳng ưa những thói trơ tráo, lạnh lùng và căm ghét sự đặt điều, ngờ vực Tôi không thích bạo lực và không ưa sự bất lực, yếu hèn Từ những đỉnh cao đã chinh phục một lần tôi hạ xuống trong khi trái tim mình ở lại. (Matxcơva) Mỗi lần đả kích những cái xấu xa, dối trá, mục ruỗng Ý Nhi thường viết bằng lối thơ “rắn’ như thế. Đó là cách Ý Nhi thể hiện thái độ không khoan nhượng, không lùi bước trước mặt trái của cuộc đời nhằm gạn lọc để tìm đến những “tinh trong”. Khảng khái, chính trực, kiêu hãnh là những từ có thể nói về Ý Nhi. Tập thơ cũng thể hiện “thiên tính nữ” (chữ dùng của Chu Văn Sơn) của Ý Nhi. Rất dịu dàng, rất phụ nữ, làm mát lòng người nghe: … Tuyết vừa mới tan cỏ vừa mới lên ngày vừa mới nắng người vừa thân quen. … Tuyết rồi sẽ chảy thành sông cỏ rồi sẽ nảy hoa vàng nắng rồi thành bóng râm qua tán lá. Bạn thân yêu ơi
  • 35. bạn rồi nên nỗi buồn dịu dàng. (Thơ tặng Êlêna) Ở tập thơ này, yếu tố triết luận trong thơ tuy có phần mềm mỏng, nhẹ nhàng hơn hai tập thơ trước, nhưng ta vẫn cảm nhận sâu sắc tính thường trực của “chất nghĩ” trong thơ bà. Nói như Chu Văn Sơn là: “ngẫm nghĩ, suy tư đã được tâm trạng hóa, biểu tượng hóa để trở thành một biểu tượng nào của cảnh quan nội tâm”[91]. Mưa tuyết đã là biểu tượng của nội tâm phụ nữ giàu yêu, thương, mến, nhớ; nội tâm chiến sĩ nhân văn mạnh mẽ, quyết liệt, tiên phong. Có thể gọi Gương mặt là tập thơ của sự tri ân. Đây có thể là lời cảm ơn của Ý Nhi dành cho những người quen và không quen khi phác họa, kí họa thật nhanh những nét đặc sắc trên khuôn mặt tinh thần của họ. Đó có thể là tinh thần của người bay đêm, gã khờ Đônkisốt, bác sĩ Zivago là những nhân vật trong các tác phẩm văn học; hay cuộc đời, sự nghiệp của Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Nguyễn Minh Châu là những nghệ sĩ lớn; hay tính cách của một cô Khánh, của cháu Lâm Ngọc Quỳnh Anh là những người quen biết của nhà thơ; và thậm chí như một người điên, một em bé, một nhà thơ trẻ vô danh nào đấy cũng được đưa vào thơ với sự trân trọng, yêu thương. Với Ý Nhi đó là những người “tử vì đạo”, là bậc hiền nhân, nghệ sĩ đích thực, là người đã tìm ra chân ngã, đã “đắc đạo”. Quan niệm về cái đẹp thực sự của con người theo Ý Nhi là sự tận hiến một cách vô tư không suy tính; là sự chân chất, nhân hậu, thuần khiết nhưng quả cảm và kiên quyết khi bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chân lý. Đó là những con người: Đã vượt qua mối vướng bận đời thường đã vượt qua mối vướng bận vinh quang đã vượt qua nỗi lo sợ âm thầm khi phải đứng riêng về một phía. (Đắc đạo)
  • 36. Là những người: Lặng lẽ thơ ngây yêu thích cái đẹp …sống thật nhọc nhằn giữa giả trá, ồn ào, ác hiểm. (Hà Nội, tháng 5.1987) Và dù không biết điều gì đang chờ đợi ở phía trước, những con người đó vẫn luôn quyết tâm vượt qua mọi trở ngại để đi đến cái đích cuối cùng của sự lựa chọn “đứng về một phía” kia: Làm sao biết được phía trước kia là biển, là rừng, là lũng sâu hay đầm lầy nhưng dù sao phải đi đến cùng con đường ta đã chọn dù phải đi như người nghệ sĩ trên chiếc dây căng qua khoảng trống. (Gửi con nhân sinh nhật lần thứ 20) Ý Nhi ngưỡng mộ họ, cố sống như họ đã sống. Phải chăng đó là cái đích suốt đời nhà thơ theo đuổi. Gương mặt giữ trong nó những cung bậc đẹp của cảm xúc. Đồng thời vẫn tiếp tục phát huy và làm mới những nét phong cách rất riêng của Ý Nhi từ giọng điệu, ngôn ngữ, thể thức, kết cấu đến hình tượng, tư tưởng, quan niệm nghệ thuật. Thơ tình yêu là tên gọi khái quát nhất cho tập Vườn của Ý Nhi. Tập thơ là khu vườn tình yêu vẫn còn xanh mướt nhưng thâm trầm và tĩnh lặng. Chủ nhân của khu vườn là người đã trải qua nhiều cung đường bất trắc và vinh quang từ quê hương vào đến Nha Trang, Đà Lạt, rồi trở về tuổi trẻ ở Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nội. Cuối khu vườn là những dự cảm và nguyện ước. Lối nhỏ đi vào
  • 37. vườn rắc đầy những gam màu của yêu thương, hối lỗi, tiếc nhớ, trân trọng. Tập thơ vương vít nỗi buồn của con người đã đi qua và quay đầu nhìn lại quãng đường đời khá dài của mình. Nhiều lời cũng không nói được nhiều hơn những gì muốn nói. Nhà thơ tiết kiệm tối đa ngôn ngữ. Chỉ để sự khắc khoải dặt dìu, day dứt trên mỗi trang thơ được viết bằng “ngôn ngữ thơ văn xuôi chắt lọc, giàu suy tưởng”[108]. Những câu thơ đứt quãng, ngắt dòng liên tục vừa là sự cách tân vừa giúp diễn tả nhịp điệu tâm hồn đầy trắc ẩn của người đã đi đến kết cục của tình yêu nhưng vẫn còn nhiều khát khao trong lặng lẽ. Vườn có vẻ là nơi bình yên và tĩnh lặng nhất trong số những tập thơ của Ý Nhi. Nơi đó chỉ có nhà thơ với những nỗi niềm của mình, giảm hẳn những khắc nghiệt và giả trá thường nhật mà bà đã thể hiện ở những tập thơ trước. Vườn là chốn nương náu cuối cùng, là mơ tưởng, là ước vọng của nhà thơ khi muốn trốn thật sâu trong tình yêu của người yêu dấu: Em tìm đến góc xa nhất của khu vườn em muốn trốn vào sự bình yên em muốn trốn sâu mãi, sâu mãi vào tình yêu của anh. (Vườn 1) Vườn là đêm trung thu anh cầm tay em đi trên “phố dài heo may”, cầm tay em “ước chim về/ dưới bóng cây”, cùng em “thắp nén hương trong trời đất/ mong tìm ra phút sum vầy”. (Trung thu) Vườn là ngày mồng một “gặp gỡ”, “sum vầy”, “ngậm ngùi”, “hân hoan”, “sững lặng”, “ngày đưa tay mở cửa/ về một miền biếc trong/ lòng run/ nguyện khấn âm thầm”. (Ngày mồng một) Vườn còn là lúc nhà thơ sống lại sau những buồn đau: Và ta cùng kiệt đã tràn đầy và ta bền vững đã chơi vơi
  • 38. và ta câm nín đã thốt lời. Và ta âm thầm soi lối vui tìm đến. (Dự cảm) Tập thơ cho người đọc cảm nhận về sự yên lành muộn màng nhưng quý giá. Tập thơ như là lời tạm biệt đầy lưu luyến một đời “day dưa”, khắc khoải với thế giới sáng tạo mà tâm hồn luôn “xao xác” bất an, luôn mang “nỗi lòng không xác thực” như căn bệnh cố hữu của một “tạng” thơ. Đến đây, những nỗi niềm đó phần nào đã giãn ra nhưng cũng vẫn còn phảng phất đâu đó kiểu như “dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”. Vì vậy cho nên nhà thơ vẫn luôn đứng trong trời đất để khấn nguyền “lời nguyện cho nỗi yên hàn”. Cuộc sống sau chiến tranh hết cấm vận rồi mở cửa khiến những người nhạy cảm như Ý Nhi cảm thấy bất an, nhưng không thể thu mình co rút lại nên những đối cực trong tâm hồn càng thêm chất chứa, Ý Nhi để “bùng nổ” trong thơ. Chần chừ, do dự sẽ lỗi thời, lạc hậu. Vì vậy nhà thơ xác định con đường tự đổi mới. Ý Nhi lặng lẽ làm nên những giá trị tinh thần đóng góp cho thi đàn những tập thơ giá trị, những bài thơ sâu sắc, giàu triết lí, giàu trí tuệ và yêu thương. Đó là sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, đường hoàng nên đã gặt hái nhiều thành công và sự trân trọng. Điểm qua các tập thơ, chúng ta có cái nhìn ban đầu và sơ lược nhất về con đường hình thành, phát triển phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi. Ở chương II và chương III, chúng tôi sẽ cố gắng đi thật cụ thể vào những nét phong cách đó. Hy vọng sẽ góp thêm tiếng nói để nhận định hoàn chỉnh và sâu sắc hơn về đời thơ của nữ thi sĩ Ý Nhi nói riêng và sự chuyển biến nghệ thuật của thơ ca Việt Nam đương đại nói chung.
  • 39. Tiểu kết: Sơ lược qua thời đại, quê hương, gia đình, con người và đường thơ của Ý Nhi ta bước đầu nhận ra những yếu tố góp phần hình thành phong cách của nhà thơ. Cùng với những quan điểm để tìm hiểu phong cách nghệ thuật của một nghệ sĩ chúng ta đã có những nền tảng khoa học và thực tế tiêu biểu để đi đến việc đào sâu, tìm hiểu, nhận định về phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi. Đến đây chúng ta đã phần nào nhận thấy những nét cá tính nghệ thuật tiêu biểu của nhà thơ. Ý Nhi là một người phụ nữ đặc biệt, một nhà thơ tâm huyết với nghề, một người luôn tìm tòi để thay đổi và khẳng định bản thân. Nhà thơ đã đi trọn vẹn hai chân trên con đường đổi mới nghệ thuật giai đoạn sau chiến tranh để cho ta thấy nét đẹp của “sự vạm vỡ của tiết tấu hiện đại, sự đa thanh ngồn ngộn sức sống, độ rậm rạp, phức hợp của hình tượng, những thúc bách, đòi hỏi bản lĩnh của người nghệ sĩ trước sự đổi thay lớn lao của thời đại”[66].
  • 40. Chương 2: PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT THƠ Ý NHI NHÌN TỪ GÓC ĐỘ NGÔN NGỮ, THỂ LOẠI, KẾT CẤU 2.1. Phong cách sử dụng ngôn từ nghệ thuật Mọi ngành nghệ thuật đều sở hữu một ngôn ngữ riêng để tỏa sáng. Chẳng hạn giai điệu, tiết tấu là ngôn ngữ của âm nhạc; đường nét, màu sắc là ngôn ngữ của hội họa; mảng, khối là ngôn ngữ của kiến trúc,… Với cách hiểu này ngôn ngữ mang nghĩa rộng, nó là phương tiện có tính chất tín hiệu giúp nhận diện đối tượng. Nhưng trước hết cần phải hiểu ngôn ngữ là kênh tín hiệu bằng lời nói nhằm truyền đạt và tiếp nhận thông tin. Đây là kênh trao đổi thông tin quan trọng nhất giữa người với người trong cùng một cộng đồng. Nhờ kênh lời nói này mà chúng ta có ngôn từ làm chất liệu đặc trưng để sáng tạo văn chương. Vậy ngôn ngữ trong tất cả tính chất thẩm mĩ của nó là chất liệu, là phương tiện biểu hiện mang tính đặc trưng của văn học. Đối với thơ ngôn ngữ có một vị trí đặc biệt quan trọng. Nói như Jakobson: “Thơ là ngôn ngữ trong chức năng thẩm mỹ của nó” hay “Thơ là ngôn ngữ tự lấy mình làm cứu cánh”. Vậy có thể thấy thơ là một tổ hợp ngôn ngữ hết sức tinh vi. Ở đó, ngôn ngữ không chỉ là “vỏ bọc” mà đích thực là kết tinh của trí tuệ và tâm hồn người nghệ sĩ. Trong sáng tạo văn chương nói chung, nhà thơ có tài là những người biết sử dụng và sử dụng thành thục ngôn ngữ của dân tộc để tạo nên một cách nói riêng, một giọng điệu riêng không thể nhầm lẫn với ai. Chất giọng riêng ấy chính là sự sáng tạo của thi nhân làm phong phú thêm kho tàng ngôn ngữ của dân tộc. Vậy nên khi khảo sát phong cách ngôn ngữ của một nhà thơ chính là khảo sát chất giọng riêng của họ, tìm ra qui luật riêng trong việc sử dụng ngôn ngữ và sự đóng góp của họ trên phương diện ngôn ngữ.
  • 41. Thơ Ý Nhi rõ ràng nặng về ý hơn là trau chuốt ngôn từ. Lê Đạt cho rằng “chữ bầu lên nhà thơ”, rằng nhà thơ là một “phu chữ” suốt hành trình sáng tạo. Dẫu là nhà thơ nữ có những nét mới, nét cách tân, nhưng về cơ bản Ý Nhi vẫn là tác giả của những bài thơ mạnh về ý, tứ, thơ của nội dung bên trong chứ không phải người miệt mài tìm cái mới của chữ. Song, vẫn không thể phủ nhận sức mạnh ngôn từ đầy ám ảnh trong thơ Ý Nhi là một nét phong cách nổi bật. Sức mạnh đó bắt nguồn từ phong thái làm thơ tự nhiên, chân thành, giản dị. 2.1.1. Ngôn từ giản dị mà chân thành Đọc thơ Ý Nhi, chúng ta cảm nhận được cách bà chiêm nghiệm cuộc sống nhẹ nhàng, chân phương, không hề tô vẽ. Đó là con-người-thơ của bà. Nó được biểu hiện ở một số đặc điểm sau: a) Lời thơ là lời tự tình về bản thân, là lời tâm sự với mọi người rất thành thật, chân tình Ý Nhi từng nói: làm thơ là một nhu cầu. Thật vậy, nó là nhu cầu bộc bạch, nhu cầu trao đổi, thể hiện tình cảm của con người đối với vạn vật. Không có nhu cầu này thì không thể làm thơ. Đối với Ý Nhi đó là nhu cầu tự thân. Vì vậy bà chuộng cách làm thơ mộc mạc, đem chất giọng và ngôn từ hằng ngày của chính mình vào trong thơ một cách hồn nhiên, bình dị. Bà kể về thời hồn nhiên của mình bằng ngôn từ rất đời thường: Thuở ấy tôi mặc áo rộng thùng thình và tóc tết đuôi sam thuở ấy tôi đi lang thang giữa thành phố của mình chưa biết đến niềm vui làm ta rơi nước mắt chưa có nụ cười nào xa xót nở trên môi. (Nhớ Hải Phòng) Hình ảnh cô bé mặc áo rộng, tết tóc đuôi sam với khuôn mặt vô tư lự đi khắp phố phường dần rõ nét qua mỗi câu thơ. Cách Ý Nhi vẽ khuôn mặt tuổi thơ của mình nhanh và nhẹ nhàng bằng từ ngữ khiến người đọc phần nào cảm nhận
  • 42. được một nét đẹp mộc mạc trong từng lời thơ. Khi đã có tuổi, Ý Nhi nói về bản thân mình khác hơn. Chúng ta dễ dàng nhận thấy dấu thời gian trong mỗi ý thơ nhưng vốn từ ngữ của bà vẫn có gì đó rất đỗi Ý Nhi, vẫn chân tình và nhẹ nhàng như thở: Tôi không ưa đồ trang sức kể cả nhẫn vòng, và các chức danh”. … Tôi thường mua đắt mọi thứ với vốn liếng ít ỏi của mình hay làm vỡ các đồ dùng bằng sành, sứ, thủy tinh tôi làm mất xe đạp mất ví tiền, tem phiếu và chứng minh thư (Tiểu dẫn) Đoạn thơ như thước phim quay chậm về những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống của bà. Ngôn ngữ trong thơ chính là lời nói thường nhật, không trau chuốt từ cách dùng động từ “ưa” thay cho “thích”, “cần” cho đến các danh từ chỉ sự vật “nhẫn”, “vòng”, “chức danh”; rồi đến việc bà chọn cách hành xử trong cuộc sống (mua đắt mọi thứ với vốn liếng ít ỏi) cũng như những sơ sẩy thường tình (làm vỡ đồ dùng gia đình, làm mất vật dụng cá nhân). Bài thơ đơn giản đến kinh ngạc. Nhưng nó có thể dễ động lòng người ghê lắm. Một con người nhà thơ được cách điệu hóa rồi, đã thành hình tượng rồi mà vẫn sống như đang phập phồng đi lại trong đời. Đó là cái tài của Ý Nhi. Tác giả kể lại: có một lần đưa con ra ngoại ô, tôi chăm chú nhìn vào cảnh vật, cố tìm ra nét đặc trưng của chúng rồi lại cố gắng sử dụng ngôn từ sao cho dễ hiểu và sinh động nhất để diễn đạt cùng các con. Bởi vậy nhà thơ mới viết những câu thơ hồn nhiên đến thế này: Đồng đang vào mùa gặt lúa uốn cong thân vàng
  • 43. cánh buồm nhỏ sang ngang gió theo về mát rượi. Mới xanh tròn trái bưởi đã tím chùm dâu da mắt còn khép quả na dưa đã vàng đất bãi bàn tay con cầm trái mở xòe như cánh hoa. (Đưa con ra ngoại ô) Ý Nhi ăn nói mực thước, không ồn ào, sáo rỗng, không hoa mỹ, cầu kì nhưng cũng không quá dân dã, tầm thường. Ngôn từ trong thơ bà cũng vậy. Nó có nét quyến rũ của sự chân phương, giản dị nhưng lịch thiệp kín đáo. b) Lời thơ là lời kể chuyện, cả bài thơ là một câu chuyện thân quen Ý Nhi thích kể chuyện và kể chuyện bằng thơ rất hay. Bà kể về quá khứ và hiện tại, kể về người quen và người không quen, kể về tất cả những gì mà bà trăn trở, ấp ủ. Mỗi trang thơ của Ý Nhi giống như một trang nhật kí kể lại những gì bà nhìn thấy hoặc trải qua. Ta thường bắt gặp ở cuối mỗi bài thơ tháng và năm của nó và ở đâu đó chúng ta bắt gặp những tiêu đề có cả tháng năm như: Hải Phòng, tháng 11 năm 1979; Nguyễn Du. 1813; Dương Bích Liên – mùa đông 1988; Hà Nội, tháng 5.2987; Mùa khô 1992… Đó là cách Ý Nhi lưu giữ kí ức thời gian, lưu giữ những câu chuyện của đời mình. Những câu chuyện, những cuộc đời được tái hiện bằng thơ hết sức giản dị, đôi khi sơ lược nhưng vẫn hiện ra trọn vẹn con người của họ. Để làm được điều này Ý Nhi dùng lối làm thơ điệu nói kết hợp với ngôn ngữ kể. Chúng ta thử đọc một phần bài Hai người (3.1984): Giữa dòng người xuôi ngược giữa những hàng quán
  • 44. giữa những ánh nhìn căng thẳng những bước đi vội vã những áo choàng đúng mốt tôi nhìn thấy một người đàn bà mặc áo đen và bên chị, là người đàn ông mù tay trong tay họ đi rất chậm như vừa đi vừa dò tìm Bằng cách mở đầu như thế, Ý Nhi kể về cuộc đời thăng trầm của họ. Người đàn ông mù lòa là anh lính bước ra sau cuộc chiến. Người phụ nữ là người đã từng lạc lối, mất mát trong quá khứ. Cả hai đã từng trải qua khoảng thời gian đau thương nhất đời họ. Họ đi bên nhau, chở che cho nhau, cảm thông cùng nhau và điều quan trọng là cả hai đều mãn nguyện với hạnh phúc mà họ đang có: Tay trong tay họ bước đi rất chậm Chị nói điều chi với nụ cười dịu dàng và trên gương mặt anh lan tỏa niềm vui. Câu chuyện đầu cuối chỉ có thế nhưng Ý Nhi đã đưa được nó vào thơ bằng ngôn từ nhẹ nhàng, giản dị, yêu thương. Người viết không cố tạo ra một biến cố nào, nhưng dường như một người đọc bình thường vẫn có thể cảm nhận một “biến cố” nào đó trong tâm hồn trước một lát hiện thực hiện ra bằng thơ như vậy. Việc nhà thơ sử dụng ngôn ngữ kể vẫn thường xuất hiện ở nhiều nhà giai đoạn sau 1975. Theo Phạm Quốc Ca, khi sử dụng ngôn ngữ kể “Nhà thơ không mấy quan tâm tới vẻ đẹp ngôn từ, không để lộ cảm xúc, thái độ chủ quan mà thường ẩn mình đi. Chất thơ ở đây chỉ là trạng huống đời sống mà ngôn ngữ thơ này đã dựng lên.” [10;tr.158]. Ở Ý Nhi, việc sử dụng dạng ngôn ngữ này có phần tự nhiên hơn và nó mang tính thường xuyên hơn. Đôi lúc chúng ta thấy Ý Nhi làm thơ mà như đang nói chuyện với một người thật nào đó. Khi đọc những
  • 45. bài thơ như: Khóc Bác Bùi Xuân Phái, Gửi con nhân sinh nhật lần thứ 20, Gửi cháu Lâm Ngọc Quỳnh Anh, Tặng một người làm thơ trẻ…, chúng ta có cảm giác như đang đối thoại rất gần với nhà thơ bởi cái dư vị của sự chân thành, gần gũi trong mỗi lời thơ. c) Các đại từ giúp việc xưng hô gần gũi, thân mật Ý Nhi thường gọi: anh, chị, em, họ, cô, bác, cháu… và xưng: ta, chúng ta; nhiều nhất là tôi với một thái độ rất gần gũi, trân trọng. Đó là cách khẳng định cái cá nhân thuần hậu nhưng thẳng thắn của bà. Khi họa sĩ Bùi Xuân Phái qua đời, Ý Nhi dành tặng ông niềm tiếc nhớ cùng lòng tôn kính sâu sắc qua cách hô gọi “Bác” – “Cháu”. Chúng ta thấy có điều gì đó rất tự nhiên khi xúc cảm dâng tràn trong lồng ngực. Phải chăng là nhờ cách hô gọi đó. Thưa bác cháu thắp nén hương này xa Hà Nội hàng nghìn cây số và xa Bác biết chừng nào. (Khóc bác Bùi Xuân Phái) Ta cũng bắt gặp cách Ý Nhi gọi “Bác” – “Cháu” với cô bé Lâm Ngọc Quỳnh Anh: Một ngày nào trời đất thương tình cho bác cháu ta sum họp chắc rằng bác sẽ nhận biết cháu ngay giữa bao khuôn mặt khác (Gửi cháu Lâm Ngọc Quỳnh Anh) Và nhiều những cách xưng hô tương tự như thế như: mẹ - con, chị - em, anh – em,… trong thơ Ý Nhi đã khiến người đọc cảm động và ngạc nhiên. Kèm thêm đó là những từ, ngữ (gạch chân) có nét gì đó rất thiệt tình của thi nhân làm cho mối quan hệ giữa người với người gần gũi, đằm thắm hơn. Ý Nhi sử dụng nhiều nhất là đại từ “Tôi” – đại từ bản ngã – theo ý của Trần Đình Sử thì “thiếu
  • 46. đại từ này, nhà thơ dường như chỉ trữ tình bằng mắt, bằng ý, bằng tâm, mà miệng thì câm lặng. Thiếu đại từ này thì nhà thơ hòa tan vào thế giới xung quanh làm lu mờ bản ngã” [93;tr.128]. Ý Nhi thường xưng gọi tôi – anh, tôi – chị,… và tôi – với mọi người. Đại từ “tôi” trong thơ Ý Nhi là cái tôi tâm sự, đôi khi là tâm sự với bản thân mình: tôi – bạn ( là tôi): Bạn biết đấy tôi chẳng chơi xổ số cũng không biết đi buôn không thân thích chi với các vị đương quyền cũng chẳng gần gũi gì đồng nghiệp tôi sống trong cuộc đối thoại thầm cùng bạn chấp nhận cái nghèo chấp nhận sự đơn độc như người ta chấp nhận khuôn mặt vốn có của mình. (Gửi bạn) Cái “tôi” này sao thầm lặng quá đỗi, nhưng là cái tôi của người hiểu mình, cái tôi tự vẽ lên “khuôn mặt tinh thần” của mình; Cái tôi không cầu may, cái tôi không xô bồ, cái tôi không nịnh hót, cái tôi nghèo, cái tôi cô đơn nhưng cái tôi biết hài lòng với những gì mình có. Và người bạn (của tôi) phải là người thật gần gũi, thương thích lắm mới được nghe “tôi” tâm sự thật lòng đến vậy. Lời thơ là lời nói rút ruột, sự trải lòng hiếm hoi trong một “cuộc đối thoại thầm”. Có thể thấy đại từ “Tôi” trong thơ Ý Nhi mang nhiều sắc điệu nhưng sự chân thành, mộc mạc vẫn luôn là điều mấu chốt của sự trao đổi tâm tư. Cùng với các đại từ, thán từ và hư từ trong thơ Ý Nhi cũng góp phần làm nên diện mạo ngôn ngữ của bà. Ý Nhi đã chọn cho mình một hệ thống ngôn từ mang âm hưởng của sự giản dị nhưng chân thành. Đó là cách Ý Nhi giao cảm với cuộc đời và với bản thân. Không màu mè, tô vẻ, Ý Nhi trải lòng qua thơ bằng vốn từ của riêng mình.
  • 47. Ngôn từ đã giúp vẽ nên tâm tính và tâm tình của nhà thơ. 2.1.2. Ngôn từ mang tính khái quát, triết luận Ý Nhi sinh ra trong một gia đình có nền học vấn cao, bản thân nhà thơ cũng tốt nghiệp Đại học ngành Ngữ văn. Những yếu tố này góp phần tạo nên một phong cách thích đặt vấn đề, khái quát vấn đề và luận giải. Càng về sau, thơ Ý Nhi càng nặng suy tư, nặng « chất nghĩ ». Chu Văn Sơn cũng đã nhận ra việc Ý Nhi « từ bỏ sự giải bày nặng chất duy cảm ban đầu, chị bước nhanh đến những lời thơ tiết chế nặng chất suy tư » [89]. Một mặt đây là dụng ý nghệ thuật của nhà thơ để tạo sự mới lạ cho thơ. Nhưng mặt khác và trên hết đó cũng là nhu cầu nội tại của chính nhà thơ. Có ý thức sáng tạo, lại được thôi thúc bởi cảm hứng thi ca, thơ Ý Nhi càng đậm màu sắc của thơ ca triết luận. Nhưng triết luận trong thơ Ý Nhi không mang tính triết học cao vời, cũng không phải là sự biện giải thâm sâu theo kiểu lập thuyết, càng không phải là sự nỗ lực lý sự, biện lý trong thơ. Tính triết luận trong thơ Ý Nhi đơn giản chỉ là tiết chế cảm xúc, thêm vào thơ một chút hương vị của trí tuệ khiến dòng thơ, ý thơ khơi gợi sự ngẫm nghĩ, suy tư. Đặc biệt là từ tập thơ Người đàn bà ngồi đan trở đi, yếu tố triết luận trong thơ Ý Nhi xuất hiện thường xuyên hơn đã tạo nên một hệ ngôn ngữ có tính khái quát, triết luận rõ nét trong thơ Ý Nhi. Thơ Ý Nhi thường xuất hiện những từ ngữ có tính khái quát cao nhờ hình thức ghép từ. Chúng ta dễ dàng bắt gặp những từ kiểu như : miền chờ đợi, trái tim hình cầu, những phán đoán khốc liệt, lời ly biệt đắng cay, năm tháng nặng nề, niềm vui se giá, miền cổ xưa, vạt rừng mới lớn, nỗi lòng không xác thực… Biên độ về nghĩa của từ được nới rộng đến mức có thể. Thơ Ý Nhi thường có những từ ngữ và cấu trúc ngôn ngữ mang tính định nghĩa, giải thích, suy luận. - Một số từ thông thường có thể được liệt kê là : như, như thể là, là, đó là, nhưng, có thể, nếu có thể, sao, sao lại, dù, dẫu, hay, nào đâu, đâu, nào hay đâu, …
  • 48. Chúng tôi có làm một thống kê nhỏ và nhận thấy tần số xuất hiện qua các tập thơ khá cao đã khẳng định tính thường xuyên, lặp lại, góp phần giúp ta nhận thấy tư duy triết luận trong thơ Ý Nhi. Những biểu hiện của ngôn từ mang tính triết luận Từ dùng để định nghĩa Từ dùng để giải thích Từ dùng để suy luận Những từ thường dùng nhất như là nhưng đâu, nào đâu có lẽ, có thể sao, sao lại Tần số xuất hiện qua các tập thơ 50 27 40 12 40 20 Có thể đưa ra một số ví dụ : - Như : tôi thường đợi mùa thu với nỗi lòng không xác thực/vừa hân hoan, vừa ưu phiền/vừa mong ngóng, vừa ngại ngùng/như tôi đang đứng trước cuộc hẹn hò (Mùa thu) ; Chưa một lần gặp gỡ/bà khước từ mọi mối tình khác/như một người tuyệt vời hạnh phúc/như một kẻ hoàn toàn vô vọng (Thơ về Marina Xvetaeva) ; phải đi đến cùng con đường ta đã chọn/dù phải đi/như người nghệ sĩ trên chiếc dây căng qua khoảng trống. (Gửi con nhân sinh nhật lần thứ 20)… - Có lẽ/có thể: Thượng đế/có lẽ cũng chỉ nhìn thấy/một hạnh phúc thương đau/một hân hoan buồn bã như thế (Không đề) ; Có lẽ/bàn làm việc của người ấy/có một chiếc đèn bàn đã cũ/và một chiếc đĩa con/đựng những cây bút đã hoàn toàn hết mực (218.97.13) ; Có thể rất nhiều người trong số họ/không còn tuổi tên trên sử sách/có thể họ đã chết bình thường, không chiến công hiển hách/có thể mai sau người ta dần quên…(Cát)…. Một số cấu trúc thường gặp : - Cấu trúc lặp : Hiện tượng lặp trong thơ Ý Nhi khá phong phú và mang nhiều sắc diện. Ngoài hiện tượng lặp từ rất phổ biến, cấu trúc câu thơ của Ý Nhi cũng thường
  • 49. được lặp lại trong các bài thơ. Việc lặp cấu trúc câu giúp nhà thơ truyền tải trọn vẹn nỗi hoài nghi cũng như sự suy luận về thế giới, con người, sự vật, sự việc xung quanh. Cấu trúc lặp thường gặp nhất là: A và B….A và B, A như B….A như B, A là B…A là B để khẳng định hay hoài nghi. Trong bài Tưởng niệm họa sĩ Nguyễn Sáng, cấu trúc này đã thể hiện thật rõ sự khẳng định : Rắn rỏi và mềm mại … Chói lọi và hiền hòa … Cổ xưa và hiện đại … Xác thực và siêu nhiên … Ôi vẻ đẹp Được tạo ra từ Nguyễn Sáng. Hay khi Ý Nhi muốn khẳng định niềm say mê của một cô gái 17 tuổi dành cho danh thủ Platini, chúng ta cũng thấy hiện tượng lặp như sự truy vấn đến tận cùng để đào xới hết mọi ngóc ngách tình cảm của cô bé : Đối với cô Paris là Platini nước Pháp là Platini thế giới là Platini … Đối với cô tài năng là Platini vẻ đẹp là Platini khát vọng là Platini