SlideShare a Scribd company logo
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ
TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
Tác giả: HÀ MINH ĐỨC
LỜI VIẾT
NHÂN DỊP SÁCH ĐƯỢC TÁI BẢN
Đã hơn hai mươi năm trôi qua kể từ khi cuốn Thơ và mấy vấn đề trong
thơ Việt Nam hiện đại được xuất bản (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974).
Đến nay NXB Giáo dục cho in lại cuốn sách này nhằm phục vụ nhu cầu
nghiên cứu, học tập của học sinh, sinh viên và giáo viên các trường đại học,
cao đẳng và phổ thông. Thơ ca trong những năm gần đây đã có nhiều đổi
thay, nhiều sáng tạo mới. Tuy nhiên, điểm xuất phát về lí luận thơ và những
chuẩn mực có tính nguyên tắc về thể loại thơ trữ tình vẫn được giữ vững.
Trong lần tái bản này trừ việc tước bỏ một số câu chữ về cơ bản tôi vẫn giữ
nguyên như lần in đầu để đảm bảo tính nhất quán và không khí của thời điểm
lịch sử đã qua.
Hà Nội, 10–12–1996
HÀ MINH ĐỨC
LỜI NÓI ĐẦU
Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại là một công trình
nghiêng về lí luận thơ. Tìm hiểu lí luận về thơ, cái khó khăn đến ngay từ bước
đầu khi cần xác định một định nghĩa vì thơ. Thơ là gì? Thật khó để tìm được
một cách giải thích đầy đủ vì thơ tuy xưa nay người ta đã bàn luận khá nhiều.
Trong thực tế có hàng trăm định nghĩa về thơ nhưng chưa có ý kiến nào thực
sự thống nhất với nhau. Sở dĩ thế vì phẩm chất của thơ giàu có, hình tượng
thơ đa dạng, luôn biến hóa, và phức tạp hơn là các nhà thơ và lí luận về thơ
luôn đứng ở những góc độ khác nhau về quan điểm giai cấp, thị hiếu thẩm
mĩ, bản sắc dân tộc và nội dung thời dại, để bàn luận về thơ. Tuy nhiên giải
thích được đúng đắn sự khác nhau chính là giường mối đầu tiên để tìm ra sự
gặp gỡ. Quan điểm lí luận văn nghệ của chủ nghĩa Mac – Lênin, đường lối
văn nghệ của Đảng, quan điểm cách mạng về thơ của Bác Hồ và một số các
đồng chí lãnh đạo là những cơ sở và tiêu chuẩn vững chắc soi sáng và giúp
đỡ cho chúng tôi đi vào tìm hiểu về thơ. Sự phát triển rất phong phú và lâu
đời của truyền thống thơ ca dân tộc, bước phát triển mới tốt đẹp và nhiều
thành tựu của thơ ca cách mạng thời kì hiện đại là những thực tế sinh động
và giàu ý nghĩa đã thôi thúc và động viên chúng tôi suy nghĩ về mặt lí luận.
Với thơ có biết bao nhiêu vấn đề cần được đặt ra về lí luận. Có những vấn đề
đã được đề cập đến từ lâu và tưởng như rất quen thuộc nhưng lại luôn đòi
hỏi phải giải quyết với yêu cầu và nhận thức mới như các mối quan hệ giữa
hiện thực đời sống và thơ, thơ và văn xuôi, truyền thống và sáng tạo, nội
dung và hình thức trong thơ. Có những vấn đề lí luận khó và phức tạp, nhưng
mang ý nghĩa thời sự trực tiếp như chất suy tưởng và trí tuệ trong thơ, tính
hiện đại của thơ. Đà phát triển của các vần thơ cách mạng lại đặt ra yêu cầu
đi sâu vào lí luận tân tiến và cách mạng trong thơ. Trong quá trình nghiên
cứu, chúng tôi bị lôi cuốn vào những văn đề lí luận hấp dẫn, mới mẻ nhưng
cũng rất khó khăn, nên trong cuốn sách này chúng tôi tự hạn chế phạm vi
nghiên cứu trong khuôn khổ thơ trữ tình. Chúng tôi chưa có điều kiện để phát
biểu lí luận và nhận định về thơ châm biếm, thơ tự sự, thơ miền núi, thơ thiếu
nhi. Các đề tài trên đòi hỏi những công trình nghiên cứu riêng.
Trong tiến trình lịch sử, nền thơ cách mạng có rất nhiều thành tựu lại
luôn vượt lên, khởi sắc, qua từng chặng đường cách mạng.
Chỉ nhìn vào cấu tạo của các lực lượng sáng tác cũng thấy đội ngũ
thực là đông vui, sung sức. Lớp trước với các anh, chị: Tố Hữu, Chế Lan
Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Tế Hanh, Anh Thơ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Xuân
Sanh, Yến Lan…
Lớp cách mạng và kháng chiến với các anh: Hoàng Trung Thông,
Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Trần Hữu
Thung, Xuân Hoàng, Trinh Đường, Phạm Hổ, Bàng Sĩ Nguyên, Hoàng Tố
Nguyên, Hoàng Minh Châu, Nguyễn Viết Lãm, Minh Huệ.
Lớp chống Mĩ với các anh, các chị: Giang Nam, Thanh Hải, Thu Bồn,
Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Lê Anh Xuân, Dương Hương Ly, Nguyễn Khoa
Điềm, Xuân Quỳnh, Vương Trung, Nguyễn Đức Mậu, Vũ Quần Phương, Ngô
Văn Phú, Nguyễn Duy, Phan Thị Thanh Nhàn…
Thực tế phát triển phong phú của thơ ca thời kì hiện đại cũng như
truyền thống lâu đời của thơ ca Việt Nam là cơ sở chủ về lí để chúng tôi suy
nghĩ và đề xuất những vấn đề lí luận về thơ. Chúng tôi cũng kết hợp bước
đầu phát triển một số ý kiến về thơ ca Việt Nam thời kì hiện đại. Chắc chắn
chưa phải là những ý kiến được phát biểu một cách hệ thống theo gốc độ
nghiên cứu văn học sử mà chủ yếu là trên tinh thần vận dụng kết hợp giữa lí
luận và thực tiễn sáng tác. Chỉ với mức độ và giới hạn ấy công việc cũng
nhiều lần vượt trên khả năng của bản thân. Điều may mắn là chúng tôi luôn
được sự giúp đỡ và động viên nhiệt tình của các nhà thơ, nhà nghiên cứu mà
hôm nay khi đặt bút viết những dòng cuối cùng của tập sách, chúng tôi xin gửi
đến các anh Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Huy Cận, Xuân Diệu, Hoàng
Trinh, Tế Hanh những lời cám ơn chân thành. Những ý kiến của các anh đã
cổ vũ và biến lòng yêu thơ của tôi thành những nỗ lực thường xuyên, tự vượt
lên mình, đặc biệt với anh Chế Lan Viên, người đã viết những lời nhận xét
chân tình cho tập sách.
Mùa hè 1973
HÀ MINH ĐỨC
TỰA
Rồi sẽ có những quyển sách sâu sắc và sáng tạo độc đáo nữa xuất
hiện. Những quyển ấy sẽ có thêm ưu điểm này và đức tính nọ. Chúng sẽ…
Nhưng thôi, đầu tiên hãy có ngay cho chúng ta những tác phẩm như thế này.
Có gì đâu? Chỉ vì, mới hôm qua thôi, những quyển như thế còn ít lắm, ngỡ
như không có nữa.
Nghĩ có buồn không? Ở đất nước hàng nghìn năm thơ, hàng trăm thi
sĩ, thơ không những là hình thức phổ biến mà còn như là chủ yếu để thổ lộ
tâm tình, thế mà sao sách vở bàn luận về thơ ít ỏi làm vậy! Ít cho đến nỗi ai
nói gì về thơ thì ta cũng mặc, hay ừ ào cho nó xong chuyện rồi thôi.
Thơ… lơ… mơ. Cũng có lí do, là tuy làm thơ nhiều, nhưng ta không
trọng nó bao nhiêu. Chúng ta vẫn xem thơ là loại… như thế ấy, như thế ấy.
Nhưng lại cũng có một lí do ngược lại là lắm lúc ta lại thiêng liêng hóa nó,
thần bí hóa nó, thơ là… bất khả luận, bởi chưng là… bắt khả tri. Tôi có một
anh bạn thân, nhà thơ chân chính nữa, nhưng cứ nghe ai bàn gì về thơ là anh
giãy nảy lên rồi. Anh bảo:
“Thơ là lòng, là hồn, chứ có phải nghề ngỗng kĩ thuật gì mà cứ phải lí
luận, bàn cãi”. Anh thừa nhận có nghề họa, nghề kịch, nghề viết tiểu thuyết,
nghề đàn, nhưng nhất định không chấp nhận có nghề thơ.
Dù nghề hay hồn, thì xưa nay thơ vẫn là một địa hạt gây nhiều trở ngại
nhất cho sự thám hiểm của các nhà lí luận. Ở phương Tây, người ta đẩy thơ
qua phạm trù của bóng tối, cơn điên, tiềm thức, tôn giáo, dục tình… Thậm chí
lặng câm, câm mới là thơ thực. Thơ–có -thơ đã là như vậy. Đến như thơ–
phản–thơ, thơ–phi–thơ, theo các khẩu hiệu cuối cùng, thì còn rắc rối biết
ngần nào.
Nhưng chả phải đơn giản, dễ dàng gì hơn cho các nhà lí luận về thơ xã
hội chủ nghĩa. Chúng ta lại có cái khó khác của chúng ta. Từ xưa đến nay
chúng ta quen đồng nhất thơ với mộng với mơ, thế thì bây giờ sẽ thế nào đây,
khi cách mạng là thực tiễn, là hiện thực rõ ràng nhất? Xưa nay thơ là say, là
mê, nhưng cách mạng lại là tỉnh thức, tỉnh đến trong tiềm thức của mình. Một
bên thơ là chủ thể chủ quan, một bên cách mạng chính là khách quan, là lịch
sử. Một bên thơ là tiếng ru, tiếng hát, có khi là tiếng hát thầm trong phòng the,
mà nay cách mạng lại cần những lời hiệu triệu, những tiếng thét nữa, tiếng
thét to trước mặt quân thù hay ở giữa quảng trường. Làm thế nào đây? Mà vá
víu, gò gẫm, cưỡng ép, thì đâu có phải là lí luận. Nào có phải là cứ cộng năm
mươi phần trăm chất thơ và năm mươi phần trăm chất cách mạng thì ta sẽ có
thơ cách mạng một trăm phần trăm. Trong một lí luận thơ cách mạng chân
chính, thì không phải các yếu tố cách mạng hay thơ mỗi thứ đều nghèo đi một
nửa, mà chính ở đấy, thơ cũng giàu lên và cách mạng cũng giàu lên.
Phải nói là khi anh Hà Minh Đức, mấy năm trước đây, bắt tay vào công
trình khá công phu, khá đồ sộ này, thì anh đã thừa hưởng được một sự hỗ trợ
lớn. Đó là thực tiễn thơ, thực tiễn cách mạng vô cùng phong phú trên đất
nước ta gần ba mươi năm lại đây. Cuộc cách mạng ở ta có nhiều đặc điểm,
mà một đặc điểm khá quan trọng là nó đã tiến triển qua một thời gian rất đỗi
dài. Tính từ 1945 không thôi, thì đã hơn một phần tư thế kỉ. Chừng ấy thì giờ
đủ để xáo động tất cả các vấn đề, gốc hay là ngọn. Chừng ấy thì giờ đủ để
cho những vấn đề ta gạt đi lần trước thì nó lại xuất đầu lộ diện lần sau.
Chừng ấy thì giờ đủ chỗ cho nhiều vấn đề ta chưa bao giờ nghĩ đến hôm qua,
thì ngày mai bỗng phải đặt ra ráo riết, mỗi chặng đường lại có một cái mới
phát sinh. Có đủ thời cho tất cả.Có thời cho những nhà thơ cũ trước cách
mạng vứt đi cái cũ của mình. Rồi có thời cho chính những thi sĩ ấy trở thành
không chỉ là gạch mới, ngói mới, mà cả là cột mới nữa của ngôi nhà thơ cách
mạng. Cái thời cho những cây bút trẻ xuất hiện, rồi có thời cho những cây bút
trẻ ấy già giặn lên, thành chủ lực quân, trong khi một số khác chưa già mà đã
rụng với những cơn gió độc. Nhân văn – Giai phẩm. Có thời ta phải vờ quên
sự thầm thì nhí nhắt của cái riêng cố hữu để khẳng định tiếng nói mới của cái
chung cần khẳng định. Rồi lại có thời muốn cho cái chung được phong phú,
ta phải quay ra giải quyết ổn thỏa riêng chung, một người với mọi người. Có
thời nói đến hình thức là làm hại nội dung. Nhưng có thời song song với rượu,
là phải bàn đến cả vấn đề thay bình nữa đấy, không thì hỏng rượu. Miễn cho
tôi liệt kê các thời ấy ở đây. Nhưng ta hãy thử lật ngược vấn đề. Nếu tập lí
luận này viết vào thời chưa có vấn đề chống Mĩ nó sẽ thế nào? Liệu nó có thể
viết được về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thơ một cách hùng hồn, vì
có cơ sở, như ở đây hay không? Nếu nó được viết vào thời chưa xây dựng
chủ nghĩa xã hội, thì nó lấy tài liệu đâu để khẳng định cho lí luận thơ viết về
hiện thực và cái mới. Nếu nó được viết vào lúc trên thi đàn lui tới chỉ có một
số tên tuổi trước cách mạng, cộng thêm những tên trước thời kháng chiến, thì
lí luận về lực lượng của nó có lúc rào rào những cây bút trẻ đang lên như bây
giờ?
Trong tham luận của mình tại Hội nghị chuyên đề về thơ Á–Phi họp ở
Êrêvan năm ngoái, tôi có ví thơ với một con sông đang chảy qua nhiều phong
cảnh khác nhau của lịch sử, và mỗi thời điểm mà nó đi qua đã cho con sông
thơ ấy một sắc thái riêng. Nó có thể là mặt hồ yên tĩnh nơi này mà lại là gềnh
thác nơi kia, là tiếng ru vỗ về nơi này mà lại là gào thét nơi khác. Tùy theo địa
hình. Tùy theo lịch sử. Nếu là sông, thì con sông Thơ Việt Nam (sông Hương
là nó mà sông Mã sông Hồng cũng là nó, nó là cửu Long chín dòng cuộn
sóng mà cũng là sông Thương nước chảy đôi dòng) – vâng, con sông Thơ
Việt Nam đã chảy qua quá dài thời gian, qua bao địa hình khác lạ. Điều ấy
giúp rất nhiều cho các nhà lí luận. Vẽ bản đồ con sông nọ không dễ đơn giản
xuôi chiều.
Quá trình cách mạng dài đẻ ra các vấn đề, nó như một thú lí luận vô
hình, bên cạnh các lí luận thành văn, lí luận hữu hình, và đồng thời nó đẻ ra
các tác giả, các tác phẩm, cái thực tiễn thơ, nó là một thứ lí luận sống. Hãy
nói đến thứ lí luận sống ấy truớc. Chúng ta ngày nay không những có tác
phẩm, tác giả, mà có tác giả thế hệ này đến thế hệ kia, tác phẩm tiêu biểu cho
đặc điểm này hay đặc điểm khác. Mỗi tác giả chúng ta lại có thể điểm từng
thời kì với khuynh hướng riêng trong giai đoạn ấy. Và nói đến một tác phẩm ta
có thể so sánh nó cùng bao tác phẩm khác tương tự, đối lập, hay bổ sung.
Chúng ta có một nền văn học, một nền thơ. Có đủ và có dư cho các nhà lí
luận làm nên lí luận. Đọc lên một câu thơ, nhắc đến một tên tác giả, ta biết
ngay nó chứng tỏ cho một luận điểm nào. Ngược lại, muốn dẫn một tác giả,
một tác phẩm để chứng minh cho một luận điểm nào, nhà lí luận không đến
nỗi trắng tay khi làm việc ấy. Cũng nhờ thế mà ai có khả năng thì khi làm lí
luận thơ Việt Nam, vô hình trung đã có thể làm văn học sử Việt Nam. Riêng
tập sách này. Phải nhận, ít nhiều nó cũng có dạng ấy đấy.
Nhưng ngoài thực tiễn các tác phẩm, các tác giả từ đó toát ra lí luận,
hay từ đó ta rút ra lí luận, thì anh Hà Minh Đức còn thừa hưởng một thực tiễn
khác khá quan trọng: ấy là những lời phát biểu, tuyên bố, lập luận về thơ,
phần lớn đã thành văn. Ngày nay ai quên được câu “Nay ở trong thơ nên có
thép” – cái câu đã thay đổi đời thơ (và cả đời người nữa chứ) của cả một thế
hệ thi sĩ. Và nếu ta yêu mến nhà thơ lớn Tố Hữu, thì ta phải đánh giá cao
những suy nghĩ lớn về thơ của anh, người đã nói thơ là tiếng nói đồng chí
đồng tình. Anh là người đầu tiên tìm ra chữ “dân–tộc–hiện–đại” không chia
cắt, không phải là do hai từ cộng lại. Và chúng ta không quên công lao của
Hoài Thanh, của Xuân Diệu kiên trì trong địa hạt lí luận thơ này từ kháng
chiến đến nay, từ những ngày Việt Bắc rừng nứa bờ tre, các anh đã chăm
chút từng câu thơ công nhân, từng câu thơ bộ đội.
Nhưng sự đóng góp quan trọng nhất cho lí luận thơ Việt Nam xã hội
chủ nghĩa hiện nay, phải nói là bài Tựa tập thơ của Sóng Hồng (tác giả tự đề
tựa). Hình như chúng ta chưa đánh giá hết điều ấy. Ngoài cái giá trị nội tại lớn
lao của nó, bài tựa ấy còn mang thêm một giá trị khác là nó đến đúng lúc,
đúng thời. Đúng vào cái lúc chúng ta đang tranh cãi với nhau (hay tự thầm cãi
với mình) về nhiều vấn đề mà lại dè dặt, bảo thủ nữa trong cách giải quyết.
Cái tựa ấy đã đến và lên tiếng giúp ta trả lời. Không phải chỉ trả lời trên các
vấn đề đường hướng, chiến luợc, cơ bản, mà còn cả trong những vấn đề cụ
thể, chi tiết nữa kia (thơ là quả hay là hoa, là trí hay là tình, là thực hay là mơ,
có hùng ca nhưng có thể hay là không có tình ca, thơ có vần hay không vần,
tự do hay thể cũ là chủ thể). Tất cả chưa đầy bảy trang giấy nhỏ: “Thơ là một
vũ khí đấu tranh giai cấp kì diệu”, “Thơ tức là sự thể hiện con người và thời
đại một cách cao đẹp”, “Thơ cũng như nhạc có thể trở thành một sức mạnh
phi thường khi nó chinh phục được trái tim của quần chúng nhân dân”, “Thơ
là một viên ngọc kim cương long lanh dưới ánh sáng mặt trời”, “… thơ là nghệ
thuật kì diệu bậc nhất của trí tửởng tượng”. Những định nghĩa liên tiếp như
thế về thơ đã trả lại cho thơ cái giá trị lớn lao của nó, cổ vũ những người làm
thơ tiến lên, vì đã tin thêm ở hiệu lực vũ khí của mình. Họ nguyện sẽ vì cách
mạng, vì nhân dân, vì văn học, trau đổi và giữ gìn vũ khí ấy.
Từ đây trở lên trên, tôi đã kể qua những cái gì quý báu mà anh Hà Minh
Đức đã thừa hưởng để viết nên tập sách. Công của anh không phải chỉ có
thừa hưởng. Nhưng giá chỉ có thừa hưởng, biết cách thừa hưởng, thì cũng
quý lắm rồi! Vì có khi có tất cả đấy rồi, mà người ta có chịu thừa hưởng cho
đâu. Ví như đã có một hiện thực thơ Việt Nam phong phú, thế mà đến nay
vẫn có những bài lí luận nằm lại phía bên này đường ranh giới của sự trừu
tượng. Gọi những bài viết của họ vang động bởi các danh từ to lớn kia là xã
hội học dung tục hay cao sang, thuần túy hay pha loãng gì đó thì cũng cho
sinh chuyện, nhưng quả là các bài ấy viết cho thơ cũng được, viết cho tiểu
thuyết cũng xong mà viết cho một chỗ không thơ không tiểu thuyết nào thì
cũng đúng cả. Tác giả các bài ấy thích đi về trên các đại lộ quen thuộc, các
quảng trường nhẵn vết chân người – ở đó không có họ ta cũng biết lối đi. Còn
họ bỏ mặc ta ở những chỗ gai góc, khó khăn, ngõ hẻm hang cùng, khi ta cần
đến họ hỏi đường thì họ vắng mặt, à quên, thì họ… trừu tượng. Anh Hà Minh
Đức, tuy chưa thực mạnh dạn, chưa thực bao quát, nhưng cũng đã dám xông
vào các vấn đề hóc búa ấy: các vấn đề đặc trưng, hình thức, trực năng, phi lí,
ngữ ngôn. Xông vào và ra được.
Tôi cũng nhớ đến một loại lí luận khác, đã về trần, xuống tục rồi mà vẫn
muốn làm tiên, không hệ lụy, không dám cho áo mình trong vườn hoa thơ kia,
lại có thể rách vì một cành hoa và một chiếc gai nào! Tôi muốn nói đến các
nhà phê bình lí luận hay tránh né. Gọi họ là thẩm mĩ học từ xa hay gián cách,
thẩm mĩ học chiến lược hay đại cương gì đó thì cũng được đi, nhưng quả là
họ chung chung thật. Người ta chung chung ở lí luận, còn họ chung chung ở
một phía khác. Họ bàn về thơ hẳn hoi, tinh tế là đằng khác, có tâm hồn lắm,
nhưng cứ động đến một tên sách, tên người nào là họ chùn lại rồi. Họ tránh
các tác phẩm cụ thể, tác giả cụ thể như những tảng đá có thể đắm thuyền
mình. Cần phải dẫn chứng thì họ nhắc thơ nhân dân, thơ miền Nam, thơ em
Khoa cho xong chuyện.
Vì thế, tuy có thiếu sót chỗ này chỗ khác, có những điểm ta có thể
không đồng tình, nhưng nói chung Hà Minh Đức đã dám (!) đánh giá cao cái
thực tế thơ, thực tế văn học nước mình. Anh đọc khá nhiều sách nước ngoài
đấy nhưng không phải vì thế mà trở nên choáng mắt đi, và lúc về nhìn lại cụ
thể ở nhà, thì chỉ thấy một vùng lóa lóa.
Mùa lúa đã có. Cái công anh là biết bó lại, mang về. Bó những cái cần
bó và vứt những cái phải vứt. Anh đã vứt đi nhiều quan điểm không phải là ít
phổ biến lâu nay trong làng lí luận. Hoặc là những quan điểm giản đơn, bảo
thủ, khép chặt cửa lại – lệch phía bên này. Hoặc là những quan điểm tiên
phong, rối rắm, mở toang hoang các cửa – lệch phía bên kia. Anh có đấu
tranh. Anh vận dụng sinh động quan điểm của Đảng và do đó hướng được
mình về phía tương lai, về cái mới.
Chính nhờ biết dựa vào quan điểm của Đảng và có đấu tranh, nên anh
không bị lạc trong cái bát trận đồ sách vở, mắc kẹt trong cái loa thành chữ
nghĩa nước ngoài. Người ta nói tám vạn ngàn tư về thơ trên thế giới. Anh dẫn
sách có lúc hơi thiếu, có lúc hơi thừa, nhưng nói chung là có ích và gây được
thú vị. Dẫn sách ở đây không phải chỉ để thỏa mãn tò mò chúng ta, những
người ham con chữ, anh dẫn sách là để nối liền ta cùng với người xưa, cùng
với người xa. Thơ Việt Nam không biệt phái, không cô độc. Thơ ta cùng
chung quy luật với thơ nhân loại. Ta không đi vào ngõ tắt. Ta ở trên con
đường lớn mà thơ nhân loại đang đi, và cái gì ta được ở đây, chính cũng là
cái mà ở xa nhân loại đang tìm, và cái tìm được của người khác cũng cổ vũ
cho ta trong sáng tạo.
Có thể gọi tập sách của anh Hà Minh Đức đã đưa ra một lí luận ta chấp
nhận được, có thực tiễn, có đấu tranh, đứng vững trong quan điểm mình mà
không gò bó hẹp hòi, bao quát ra xa mà không rối rắm. Không chơi chữ,
nhưng tôi có thể nói rằng anh đã trình bày lí luận ấy không như một nhà phê
bình, mà như một nhà… phê bình văn học. Bởi lẽ anh đã trình bày khá văn
học – bằng lời văn, nhưng trước hết bằng năng lực cảm thụ thơ, cảm thụ văn
học – những lí luận trên. Đọc xong tập sách, ta càng tin ở khả năng của Thơ
hơn, giữa lúc có nhiều nơi muốn báo tử nó. Chúng ta cũng càng tin thêm ở
những gì chúng ta làm được về thơ trong ba chục năm nay! Ba mươi năm
thơ.
Đề tựa một tập sách không có nghĩa là tán thành tất cả những điều viết
ra trong sách. Nếu quả như thế thì chả ai dám đề tựa nữa! Nhất là đối với các
quyển sách dày. Có nhiều điểm trong sách này khác xa ý kiến của tôi. Nhưng
tôi phải biết tôn trọng tác giả. Vả chăng, cái điều quan trọng là đường hướng
chung tập sách đã phù hợp với sự suy nghĩ của mình.
Cách đây mấy năm, kết thúc bài tựa cho tập Thơ chống Mĩ cứu nước,
tôi có mơ ước: “Một nền thơ Việt Nam mang lí tưởng xã hội chủ nghĩa mà lại
rất dân tộc, thừa hưởng truyền thống cũ của cha ông nhưng táo bạo đi tìm cái
mới hiện đại ngày nay, mang hoài bão chung của một nước một thời nhưng
bao dung trân trọng phong cách của trăm nhà, chiến đấu trên những đỉnh cao,
nhưng không coi thường cuộc sống thường tình, kết hợp tính đảng và tính
nhân dân, Việt Nam và nhân loại, hiện thực mà rất đỗi trữ tình, đi tìm cái thiện
cái chân nhưng phải biểu hiện ra bằng hình thức đẹp”.
Tác phẩm của anh Hà Minh Đức cũng mang mơ ước ấy. Nó ra xong,
người ta sẽ tiếp thu chỗ này, đính chính chỗ nọ, khen ngợi phần này, uốn nắn
phần kia, như đối với tất cả mọi quyển sách. Nhưng đầu tiên những tác phẩm
như thế này thật cần biết bao nhiêu. Chỉ vì, mới hôm qua đây, những quyển
như thế không thấy có mấy, gán như là không có.
Đây là những lí do khiến tôi trân trọng giới thiệu tập sách này.
Hà Nội, 1974
CHẾ LAN VIÊN
Chương 1. XÁC ĐỊNH MỘT QUAN NIỆM ĐÚNG ĐẮN VỀ THƠ
I. XUNG QUANH MỘT ĐỊNH NGHĨA VỀ THƠ
Trong lời đề tựa tập thơ của mình, Sóng Hồng viết: “Thơ là sự thể hiện
con người và thời đại một cách cao đẹp. Thơ không chỉ nói lên tình cảm riêng
của nhà thơ mà nhiều khi thông qua tình cảm đó nói lên niềm hi vọng của cả
một dân tộc, những ước mơ của nhân dân vẽ lên những nhịp đập của trái tim
quần chúng và xu thế chung của lịch sử loài người… Thơ là một hình thái
nghệ thuật cao quý tinh vi. Người làm thơ phải có tình cảm mãnh liệt thể hiện
sự nồng cháy trong lòng. Nhưng thơ là tình cảm và lí trí kết hợp một cách
nhuần nhuyễn và có nghệ thuật”.
Một quan niệm như thế về thơ không những đã nói lên được tầm quan
trọng của thơ, một hoạt động tinh thần hết sức phong phú và tinh tế của đời
sống tâm hồn con người mà còn có tác dụng phê phán trên nhiều mặt những
quan điểm thần bí và dung tục hóa thơ ca. Thơ là thể loại văn học nảy sinh
sớm. Khi con người bắt đầu cảm thấy những mối liên hệ giữa mình và thực
tại, và sâu sắc hơn khi có những nhu cầu tự biểu hiện, thì thơ ca xuất hiện.
Đã hàng ngàn năm lịch sử trôi qua, tiếng thơ vẫn là tiếng nói tươi trẻ nhất của
đời sống, vẫn luôn thiết tha khơi động đến chiều sâu của tình cảm, gắn bó với
những ước mơ hoài bão, mềm mại trong nỗi niềm tâm sự an ủi, và hào hùng
trong tiếng nói ngợi ca chiến đấu. Từ thời kì cổ đại với thơ của Penđar,
Saphô, Têôcrit đến những tiếng thơ gần gũi hơn của Gơt, Sinlơ, Hainơ,
Huygô, Pêtôphi, Puskin, Lecmôntôp… và thơ hiện đại với P.Êluya, Blôc,
Maiakôpxki, Pablô Nêruđa, Garxia Lorka…
Thơ ca Đông phương trầm lắng, nên thơ rất độc đáo trong cảm hứng
sáng tạo. Ấn Độ với Tagor; Trung Quốc với Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Lí Bạch,
Bạch Cư Dị, Mạnh Hạo Nhiên, v.v… Thơ Việt Nam từ Nguyễn Trãi đến
Nguyễn Du, từ Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Phan Bội Châu đến Tố Hữu, Chế
Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu…, nhiều thế kỉ đã trôi qua; mỗi phong cách thơ
đều có một sắc thái, một âm hưởng riêng. Có thể nào từ những cái riêng biệt
độc đáo đó tìm về được một đặc điểm chung của thơ?
Xác định được một quan niệm chung, một định nghĩa về thơ là một vấn
đề cần thiết. Người ta đã bàn nhiều về thơ nhưng thực ra ý kiến vẫn có nhiều
điểm khác nhau, thậm chí đối lập nhau và thật sự vẫn chưa có được một định
nghĩa hoàn chỉnh về thơ. Phần vì khác nhau về lập trường quan điểm, phần vì
hình tượng thơ biến hóa và ít xác định, phẩm chất thơ ca đa dạng, phong
phú, tác động của thơ đụng đến nhiều mặt trong đời sống tinh thần của con
người…, nên từ nhiều góc độ cảm thụ khác nhau,người ta tìm đến và nói về
thơ.
Thơ là tiếng nóị của tâm hồn, của niềm mơ ước. Thơ bộc lộ khác vọng
vươn tới một lí tưởng đẹp đẽ và cao thượng. Sự có mặt của thơ ca chân
chính trong đời sống góp phần chứng minh sự tồn tại của những gì tích cực
của con người đang luôn tha thiết tìm đến và đấu tranh cho một lẽ sống và
chân lí tốt đẹp. Nhiều quan niệm về thơ được xác định qua phẩm chất này
của thơ.
“Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” (Sóng
Hồng). Phần cao đẹp của con người bộc lộ trong đời sống hằng ngày mà thơ
ca có nhiệm vụ miêu tả và biểu hiện trực tiếp, nhưng rất quan trọng là sự cao
đẹp của lí tưởng và những khát vọng chân chính mà con người đang đấu
tranh để thực hiện một cách hiệu quả. Thơ phải khơi dậy được những hoài
bão cao đẹp và rộng lớn của con người. Thơ không chỉ biểu hiện cuộc sống
như nó vốn có. Thơ có nhiều thuận lợi hơn các thể loại khác để biểu hiện
cuộc sống trong phần sẽ có và cần phải có. Đấy cũng chính là thể hiện cuộc
sống một cách cao đẹp. Huy Cận cũng cho rằng: “Cái chỗ đến cuối cùng của
thơ là phải đem đến một cái gì nâng sự sống lên”. Hay nói theo những cách
nói khác: “Thơ, đó là sự cố gắng không ngừng của con người để tự vượt lên
mình”, “Thơ ca đáp ứng một nhu cầu mơ ước”, “Thơ là một động lực kì thú để
nâng cuộc sống lên tầm vóc cao hơn đồng thời nâng tầm vóc chúng ta cao
bằng cuộc sống”
Những quan niệm trên đều trực tiếp và gián tiếp bộc lộ ý thức trách
nhiệm và lòng tin của nhà thơ vào cuộc sống cũng như đối với chính mình.
Chức năng xã hội và lí tưởng của thơ ca được xác định khá rõ rệt. Cũng một
khuynh hướng nhấn mạnh trong bản chất của thơ phần mơ ước và khát vọng
vươn tới, nhưng những ý kiến sau đây lại xác lập chủ yếu trên một quan niệm
có tính chất thoát li xã hội về bản chất của thơ ca. Các nhà thơ lãng mạn
thường đem đối lập một cách sai lầm thơ với đời sống hiện thực, nên có
khuynh hướng lí tưởng hóa thơ một cách cực đoan, xem “thơ là sự hiện thân
cho những gì thầm kín nhất của con tim và thiêng liêng nhất của tâm hồn con
người, và cho những hình ảnh tươi đẹp nhất, âm thanh huyền diệu nhất trong
thiên nhiên”, hay cho rằng “thơ ca là một giấc mơ qua đấy người ta mơ ước
về một cuộc đời tốt đẹp hơn hoặc cực đoan và siêu hình khi quan niệm thi ca
là cái đích hoàn hảo nhất để không, bao giờ vươn tới được: “Thơ sẽ còn lại
mãi mãi để nhắc nhở cho thời đại, cho lịch sử, cho những người đang sống
và những người kế tiếp rằng hành động của họ chưa đạt tới cái đích của thi
ca phóng ra”
Nói đến thơ cũng chính là nói đến một phuơng diện của tinh hoa con
người và tạo vật. Thơ không ăn nhập, dung hòa với những cái gì thô thiển,
tầm thường, cũng như phần bề bộn, xô bồ của cuộc sống. Thơ được khai
thác từ trong đời sống cũng như những vỉa quặng được lấy ra từ trong lòng
đất, và cao hơn nữa đó là chất kim được chắt lọc ra từ những đống quặng bề
bộn. Thơ đòi hỏi đến sự điển hình cao độ – điển hình của tâm trạng, hình ảnh,
nhịp điệu… Quá trình chọn lọc này thực chất là một quá trình sáng tạo rất
công phu, tinh tế, vừa đòi hỏi sự nhập thân, gắn bó, lại biết tách ra để tỉnh táo
chọn lọc, vừa dung nạp tinh thần phóng túng, tài hoa, lại đòi hỏi hết sức mức
độ, chặt chẽ. Quá trình chọn lọc sáng tạo cũng không diễn ra như người gạn
lấy tinh chất theo cách nấu gạo lấy rượu hoặc cất nước hoa, ở đấy vẫn còn
và rất cần đến dấu vết và bùn đất của đời sống nhưng không tự nhiên, thô sơ.
Thông qua sự chọn lọc này, chất liệu của đời sống không bị khô héo, hoặc bị
cắt xén đi mà vẫn bồi hồi và nhịp nhàng sự sống.
Nhiều nhà thơ đã tìm nghĩa cho thơ qua phẩm chất này. Tố Hữu quan
niệm “thơ biểu hiện tinh chất của cuộc sống”, “thơ là cái nhụy của cuộc sống”.
Xuân Diệu cũng cho rằng: “Thơ là lọc lấy tinh chất, là sự vật được phản ánh
vào trong tâm tình”. Lưu Trọng Lư cũng lưu ý đến đặc điểm trên của thơ: “Thơ
là sự sống tập trung cao độ, là cái lõi của cuộc sống”. Thanh Tịnh cũng nghĩ:
“Thơ là tinh hoa, là thể chất cô đọng của trí tuệ và tình cảm”. Một quan niệm
cũng khá phổ biến về thơ ca gắn liền với năng lực đồng cảm nhanh chóng và
lạ kì của thể loại này. Thơ ca là những sợi dây tình cảm thương mến ràng
buộc mọi người. Thơ ca đi bằng con đường ngắn nhất đến với trái tim và
cũng để lại ở đây những dấu vết không phai nhạt được. Năng lực đồng cảm
của thơ không tràn lan vô nguyên tắc mà bao giờ cũng có hướng định theo
một lí tưởng xã hội, một quan niệm yêu thương chi phối. Tố Hữu đã nhiều lần
xác định quan niệm về thơ qua đặc điểm này. “Thơ là một điệu hồn đi tìm
những hồn đồng điệu”. “Thơ là chuyện đồng điệu”. “Thơ là tiếng nói tri âm”.
Tiếng thơ tuy nhẹ nhàng, thầm kín nhưng có một năng lực tập hợp nhanh
chóng trên một lí tưởng xã hội chung, những tâm trạng gần gũi quen thuộc.
Tiếng nói thiết tha này nhiều khi như một bằng chứng rõ rệt xác minh những
mối liên hệ đồng cảm giữa những trận tuyến tình cảm, yêu thương, căm giận
của con người. Trên ý nghĩa đó, tiếng thơ là một lời kêu gọi sự hưởng ứng,
đồng tình; tiếng thơ là một lời tâm sự thầm kín được mở rộng như một tiếng
nói bạn bè thân thương; tiếng thơ là một âm vang dội đi dội lại, ngày càng
lắng sâu trong đời sống tâm hồn con người, tiếng thơ là nơi giao cảm và hội
ngộ của những tâm tình, tiếng thơ là sự giao hòa giữa thế giới riêng tư của cá
nhân và xã hội. “Thơ là một hành động giao cảm, một hành động tín nhiệm”,
hay nói thêm một khía cạnh khác: “Thơ phải là một cố gắng hòa hợp tình cảm
của cá nhân với hiện thực của thế giới chúng ta”.
Nói đến vấn đề đồng cảm trong thơ là trên cơ sở xác định rõ rệt ranh
giới về giai cấp. Nói như nhà thơ Tố Hữu: “Thơ là tiếng nói đồng ý đồng tình,
tiếng nói đồng chí. Thơ tư sản thì tìm tới lỗ tai, cái bụng tư sản. Thơ của nhân
dân lao động thì tìm tới trái tim của người lao động”.
Nhiều định nghĩa về thơ gắn liền bản chất của thi ca với sự sáng tạo.
Nghệ thuật là sáng tạo, bản chất của nghệ thuật là sáng tạo. Với thi ca, sự
sáng tạo phải trở thành mục đích, yêu cầu và nội dung của hoạt động này. Thi
ca dễ lặp lại mình, dễ đi lại những nẻo đường đã có sẵn và trì trệ. Nhiều nhà
thơ đã xác định bản chất của thơ ca trên đặc điểm này. Biêlinxki đã từng xác
định “tính nghệ thuật là sự sáng tạo”; và cũng có thể nói như một nhà thơ,
“thơ ca là sự sáng tạo của sáng tạo”. Luôn đi về phía trước, đối lập với mọi sự
im lặng, bảo thủ và tăm tối, thơ ca là ánh sáng, là sự phát hiện, là tương lai.
Trong bản thân thơ ca chứa đựng một cái gì của tương lai hay ít hơn là phải
dự kiến một cái gì cho tương lai. Năng lực tìm tòi, phát hiện ấy là sự sáng tạo.
Apôline cũng khẳng định “thơ ca và sáng tạo chỉ là một”. Nêkraxôp xem “thơ
ca là vinh dự của sự sáng tạo có thể có được của con người”. Maiakôpxki,
người mở đầu của nền thơ ca Xô viết, đã bộc lộ sức sáng tạo lớn lao, mạnh
dạn trong toàn bộ hoạt động sáng tác của mình. Maiakôpxki quan niệm “chính
người sáng tạo ra những quy tắc thi ca mới là thi sĩ”. Trên tinh thần đề cao sự
sáng tạo trong thơ cũng có nhiều cách nói với những màu sắc khác nhau,
như xem “thơ là mở ra được một cái gì mà trước khi có câu thơ đó, trước khi
có nhà thơ đó vẫn như là bị phong kín”, “thơ là biểu hiện của lòng tin vào
những công trình sáng tạo của con người”. Biết bao tiếng nói thơ ca đã mất đi
vì nó không đem lại một cái gì mới cho con người. Những sáng tạo trong thơ
ca chưa phải là những dự kiến quy mô về tương lai, những sự phác họa tỉ mỉ
về những công trình cụ thể của đời sống con người mà chủ yếu là sự sáng
tạo trong đời sống tâm hồn. Luôn có một cái nhìn phát hiện, đem đến cho con
người những rung cảm và cách suy nghĩ, cách giải thích mới, từ đấy góp
phần nâng cao cuộc sống con người với những giá trị tinh thần cao đẹp của
nó. Một nhận định, một sự giải thích đúng đắn cũng có giá trị củng cố cho
những ước mơ, và những ước mơ lại chuẩn bị cho những năng lực mới, cho
sức sáng tạo mới. Sáng tạo là đi về phía tương lai, về phía chân lí; từ trong
những tìm tòi, nghĩ suy, từ trong đấu tranh để khẳng định cái mới.
Thơ là sáng tạo. Một nhận định và cũng là một yêu cầu, một ước mong
tích cực. Xác định bản chất của thơ ca là hành động giao cảm, là một ước mơ
hay một sáng tạo đều đúng với bản chất của thơ, nhưng thường không đủ và
nhiều định nghĩa có thể cực đoan và lệch về một phía. Tuy nhiên những định
nghĩa, những quan niệm trên đều tích cực, gắn bản chất thơ ca với những cái
gì tốt đẹp và đẩy cho thơ ca đi về phía trước.
Bên cạnh những quan niệm tích cực trên, tồn tại biết bao nhiêu những
quan niệm, những định nghĩa sai lầm về thơ. Một xu hướng khá phổ biến là
tách thơ khỏi đời sống hiện thực, xem thơ là một cái gì thanh khiết, cao đẹp.
tinh tế, không gắn bó gì với cuộc sống lao động cực nhọc. Thơ không tìm chỗ
đứng ở những sự việc, những cái hằng ngày có tính chất thực dụng, tầm
thường. Và đẩy thơ ca đi xa hơn, xa hơn, ra khỏi địa hạt và phạm vi của thế
giới con người, nhiều quan niệm gắn bản chất của thơ ca với thế giới linh
thiêng huyền bí của thần thánh, và hoạt động thơ ca trở nên một hoạt động kì
lạ, “nhiệm mầu”. Quan niệm này tồn tại đã từ rất lâu trong đời sống của con
người. Trong hình thái cổ sơ, thơ ca tồn tại dưới dạng của những bài hát lễ
nghi, những lời phù chú và được sử dụng trong các hội hè văn nghệ và tôn
giáo. Lời hát còn diễn ra kết hợp với nhạc và nhảy múa. Những bài phù chú
của các thầy phù thủy diễn hành tế tự được xem như những bài thơ đầu tiên.
Ở đây tôn giáo thâm nhập vào thơ ca, nhân tố thần linh chi phối đến cảm
hứng sáng tạo, đến những tình cảm và hình ảnh trong bài. Nhưng thực chất
của những niềm ước mong, của những lời cầu nguyện lại mang một nội dung
xã hội, một yêu cầu cụ thể trong lao động. Những bài ca nghi lễ gắn liền với
lao động như những bài ca khấn nguyện của người Mường (Mãn Đức, Lạc
Sơn, Hòa Bình) gồm những bài nói về chu trình làm ruộng, cũng như những
bài dân ca tế thần như hát Ải lao, hát Xoan, hát Dậm Hà Nam, hát Hội Dô, tuy
đều mang màu sắc tôn giáo nhưng nội dung lại chứa đựng nhiều nhân tố tích
cực. Chúng ta hãy nghe một khúc hát Hội Dô:
… Đây là Liệp Hạ đóng đám Khánh Xuân
Bạn nàng tôi vào hát thờ thần
Đề chữ vui vè
Già thì sức khỏe
Trẻ thì bình yên
Ở giữa ăn tiền
Kính thờ thượng đẳng
hoặc một điệu khúc có tính chất cầu nguyện qua mấy câu sấm cổ của người
Irlăng: “Tin vui mừng, biển nhiều cá, bờ sóng cuộn sạch bong, rừng cây tươi
tốt. Niệm chú xong, vườn cây dâng hoa, đồng lúa chín vàng, ong bay rộn rã.
Một thế giới vui tươi, thanh bình, giàu có, một mùa hè kì thú”.
Ở đâu là phần huyền bí của tôn giáo và ở đâu là phần ước mong lành
mạnh? Yếu tố thần linh nhiều khi chỉ tồn tại như một biện pháp, một giới hạn
chung của thời đại. Không thể xem thơ ca là pháp thuật, là chuyện phù phép.
Trong thời kì cổ đại, Platông đã xem linh cảm như bản chất của thi ca
bộc lộ ra từ trong quá trình sáng tác cũng như thưởng thức. Linh cảm là một
sự giao cảm mầu nhiệm giữa thế giới thần thánh đến thế giới của con người
mà nhà thơ là người trung gian, là kẻ truyền đạt. Trong đối thoại Iông giữa
Iông và Xôcrat, Platông đã khẳng định luận điểm trên thông qua phép biện
luận có tính chất loại suy. Thơ ca không phải là một kiến thức về kĩ thuật. Đọc
Hôme không phải để học cách chỉ huy quân đội, cách chèo thuyền và đánh xe
ngựa tuy rằng trong đó có những đoạn tả hay về những vấn đề trên. Khi linh
cảm nhập vào thơ, ấy là thời điểm quan trọng của sự sáng tạo, sự say mê
tràn vào lấn át lí trí, phút linh thiêng chiếm ngự tâm hồn. Platông xem các nhà
thơ trữ tình khi làm những câu thơ hay cũng giống như những thầy tế tự
Côrybăng được thần thánh nhập vào khi nhảy múa. Họ nhập mê, mất lí trí và
sự tỉnh táo bình thường, cảm hứng sáng tạo của họ hoàn toàn bị thần linh chi
phối. Sau này một số nhà thơ như Nôvalix, Pôn Clôđen, Seli, Hăngri
Brêmông… cũng thường giải thích và gắn hoạt động sáng tạo thơ ca với bản
chất linh thiêng huyền bí của tôn giáo.
Xuân thu nhã tập cũng nêu lên một định nghĩa về thơ mô phỏng theo
quan điểm của Platông và pha trộn với một số quan niệm có tính chất thần bí
của triết học duy tâm cổ Trung Quốc. L.Hippiuyt xem thơ là một hình thức cầu
nguyện trong tâm hồn. Và khi xem trong bản chất thi ca như một hình thức
nguyện cầu, cũng có nhiều quan niệm khác nhau, Vũ Hoàng Chương cho
rằng thơ ca là sự nguyện cầu để trở về. Có người nghĩ: “Trước kia làm thơ là
cầu nguyện với Thượng đế, với thiên nhiên. Bây giờ thơ là một bản kinh,
người thơ tự cầu nguyện với chính mình”. Hàn Mặc Tử quan niệm “tất cả thi
sĩ ở trong đời phải quy tụ, phải đi khơi mạch thơ ở Đức Chúa Trời”, và có
người gọi Hàn Mặc Tử là thi sĩ của đạo quân Thánh giá. Thần linh có khi chỉ
là một cớ, một chiêu bài, lấy sự thiêng liêng để che đậy những dạng ý chính
trị về thi ca. Một số quan niệm về thơ ca ở Sài Gòn hiện nay nằm trong
trường hợp này.
Những quan niệm trên nhằm dụng ý từ bỏ chức năng xã hội của thơ ca
và đẩy thơ ca vào một địa hạt huyền bí. Thơ không còn là tiếng nói cảm
thông, là tiếng hát của tâm hồn, mà chỉ còn là lời nguyện cầu của con người
đang ở trong cảnh khổ đau, hoặc là sự chấp nhận, một cách thụ động những
gì được xem là linh thiêng và được đưa về từ một thế giới khác. Thơ đi vào
hướng bế tắc. Nhà thơ không còn là người công dân tích cực, người chiến sĩ
đóng góp với xã hội một tiếng nói của chân lí, của những ước mơ và khát
vọng chân chính. Tôn giáo trong bản chất của nó là mâu thuẫn và trái địch với
thơ ca.
Một khuynh hướng cần phê phán khi đem những yếu tố hình thức trong
thơ để lí giải bản chất và xác định định nghĩa về thơ. Một số người thường
nhắc lại câu nói của Valêri: “Thơ ca là sự phân vân kéo dài giữa âm thanh và
ý nghĩa” và xác định như tính chất nước đôi (ambiguité) là cơ sở và gốc rễ
của thơ. Đi quá hơn về phía hình thức, một số quan niệm xem thơ như là phù
phép về ngôn ngữ và vận dụng hình ảnh. Ăngđrê Jiđơ quan niệm “một nhà
thơ chân chính là một nhà pháp thuật”. Ở trong quan niệm này của Jiđơ, tính
chất thần linh, tôn giáo không phải là chủ yếu, mà căn bản Jiđơ quan niệm
thơ ca như một thứ ma thuật về ngôn từ. Trong tuyển tập thơ ca Pháp, Jiđơ
đặc biệt chú ý đến định nghĩa về thơ của Têôđo Băngvin: “Cái trò ảo thuật này
nhằm lay động những cảm xúc nhờ sự phối hợp của những âm thanh… nhờ
thứ bùa phép này mà những ý tưởng được tất yếu truyền đạt giữa chúng ta
một cách chắc chắn bằng những từ mà tự chúng không hẳn nói ra điều ấy”
Banmôn, nhà thơ suy đồi và tượng trưng Nga, cũng đề xướng một quan niệm
tương tự. Những người chạy theo khuynh hướng trên thường xem ngôn ngữ
như là mục đích tự thân của sự sáng tạo, hoặc tách rời âm thanh và ý nghĩa
của từ hoặc giải thích một cách huyền bí sự tổ hợp của các từ trong quá trình
sáng tác.
Khuynh hướng hình thức chủ nghĩa còn lí giải bản chất của thơ ở kĩ
thuật xây dựng hình ảnh và tổ chức kết cấu của tác phẩm. Hình ảnh, một yếu
tố thiên về nội dung của thơ, đã biến thành những trò ảo thuật hình thức. Pôn
Clôđen lại nhấn mạnh đến kết cấu như yếu tố cơ bản nhất của thơ: “Thơ ca là
kết cấu và nhờ có kết cấu mà nó mang lại cho lỗ tai và trái tim của người
nghe niềm vui và thích thú riêng”.
Ngoài những quan niệm về thơ theo những khuynh hướng khác nhau
trên, còn có những định nghĩa cầu kì, lập dị về thơ theo một cách cảm, cách
nói có tính chất phiến diện, do một liên tưởng ngẫu nhiên, hoặc lấy cái thứ
yếu làm bản chất, lấy một biểu hiện thoáng qua nhất thời làm quy luật phổ
biến.
Tìm hiểu và xác định bản chất của thơ không thể không đề cập đến một
vấn đề quan trọng mà từ trước đến nay đã được bàn luận và lí giải, đó là sự
phân biệt giữa thơ và văn xuôi.
II. THƠ VÀ VĂN XUÔI
Người ta dễ thấy sự khác nhau giữa thơ và văn xuôi trong cấu tạo hình
thức của hai thể loại này. Văn xuôi và thơ đều có nhịp điệu, nhưng nhịp điệu
của văn xuôi không rõ nét, không có âm hưởng rõ rệt, và buông thả có tính
chất tự nhiên, mơ hồ. Cho nên nếu nói cho xác định đúng với bản chất của
nhịp điệu thì chỉ thơ mới có nhịp điệu. Một số công trình nghiên cứu về thơ
cũng thống nhất quan niệm khi xác định tính nhịp điệu trong văn xuôi và trong
thơ. Cấu trúc nhịp điệu trong văn xuôi không rõ ràng: “Nhịp điệu trong văn
xuôi không phải là cái gì khác mà chỉ là một phác họa của nhịp điệu”. Nhịp
điệu trong văn xuôi “trôi chảy, không bền vững, nó thay đổi và chuyển chỗ
không ngừng; phần lớn là không thể quy nó về những quy luật rõ ràng nào,
không thể miêu tả tổ chức của nó. Nhịp điệu của thơ, trái lại, rõ ràng”. “Văn
xuôi, cái thể lỏng đáng nguyền rủa nhất định không chịu nhận một hình thức
xác định”. Nhịp điệu trong thơ là nhịp điệu có tổ chức trên cơ sở của những
đặc điểm về ngôn ngữ của một dân tộc nhất định. Nhịp điệu của thơ ca Việt
Nam khác với nhịp điệu của thơ ca Pháp, thơ Nga, v.v… Trong cấu tạo nhịp
điệu, yếu tố dễ thấy nhất về mặt hình thức để phân biệt với văn xuôi là những
câu thơ có vần và dạng cấu tạo của nó. Nhìn chung, những câu thơ được cấu
tạo thành những dòng đều đặn (thơ cách luật) thành những khổ thơ, và có bắt
vần. Trong thơ tự do, đặc điểm trên tuy có khác đi, nhưng vẫn có thể dễ nhận
thấy một cách bao quát dạng của một bài thơ khác với tính chất kéo dài và
nối tiếp của những câu văn xuôi. Nhưng sự khác nhau giữa thơ và văn xuôi
chắc chắn không phải chỉ ở những yếu tố thuộc về hình thức. Trong đời sống,
chúng ta thường bắt gặp những câu có vần có nhịp làm theo các thể thơ
nhưng không thể xem là thơ được. Trong sinh hoạt văn học người ta cũng
thường gọi một cách châm biếm những nhà thơ tồi, những người thiên về kĩ
thuật hình thức là nhà thơ ghép vần. Hiện tượng ghép vần luôn có mặt bên
cạnh sự tồn tại của thơ ca chân chính. Như thế là đặc điểm bản chất của thơ
không phải là ở những câu văn vần. Từ lâu đã có sự phân biệt này. Trong
Nghệ thuật thơ ca, Arixtôt đã xác định rõ rệt: “Chỗ khác nhau giữa nhà sử học
và nhà thơ không phải là một người thì dùng văn xuôi, một người thì dùng văn
vần. Những quyển sử của Hêrôđôt có thể đổi thành văn vần vẫn là sử dù có
vần luật hay không cũng vậy”. Arixtôt xem nội dung sáng tác là cơ sở để phân
biệt cái gì là thơ và không phải là thơ. Trong tác phẩm Mĩ học, Hêghen cũng
cho rằng “văn xuôi viết thành câu thơ vẫn chưa phải là thơ”. Victo Huygô
trong bức thư gửi cho Aden Phuse, đã đề cập đến vấn đề này: “Những câu có
vần nhịp tự nó chưa phải là thơ. (Thơ là từ trong những ý tưởng và những ý
tưởng lại đến từ trong tâm hồn. Những câu thơ chỉ là bộ quần áo đẹp trên cơ
thể đẹp. Thơ có thể biểu hiện bằng văn xuôi nhưng nó chỉ thực sự thật hoàn
mĩ qua về đẹp duyên dáng và lộng lẫy của những câu thơ”.
Đi vào thực tế sáng tác có những câu mà hình thức là những câu thơ,
nhưng thực chất lại là câu văn xuôi.
Và ngược lại, người ta cũng thấy có nhiều bài văn xuôi có tính chất thơ.
Ở đây chúng ta có thể tiến hành một sự so sánh thú vị giữa hai trích đoạn thơ
và văn xuôi của Xuân Diệu cùng viết về một chủ đề:
“Ôi đất nước! Sau mười năm xây dựng trong hòa bình mắt say với ánh
điện do những tay người lao động làm ra bây giờ ta lại có dịp trong mười
đêm, hai mươi đêm, ba mươi đêm liền nhìn người trong bóng tối, ta nhìn
người, đất nước ơi, trong lúc chân đạp xe đi tôi nhìn người. Tổ Quốc ơi, trong
những đêm lấy làm ngày như thế! Như hai mặt của một trang giấy dính chặt
nhau, tôi lật những trang ngày rạng rỡ ánh sáng mặt trời, tôi lật những trang
đêm nở đỏ… Như đứa trẻ mắt đã no nhìn mặt mẹ thương yêu, nó nhắm mắt
đưa hai bàn tay lên sờ mặt mẹ, nó càng thêm thương yêu mẹ vô ngần; dưới
bóng sao, dưới bóng trăng, dưới cả bóng mây đen kịt, phần lớn thấy lờ mờ,
có khi thấy khá rõ, nhiều khi như đi trong biển mưa, tôi có cảm giác như chủ
yếu là hai tay tôi đã được sờ lên những nét mặt của Tổ Quốc thương yêu, trái
tim bây giờ nhạy bén lắm, không nhìn, tôi cũng biết là mẹ… Đã mấy khi tôi
thức trọn với núi sông như những lúc hành quân đêm”.
Những câu văn xuôi trên mang nhiều chất thơ, ý thơ, Xuân Diệu cũng
đã rút cái chất thơ đó thể hiện vào trong bài thơ Những đêm hành quân:
Tôi đã đi hàng chục đêm sao
Một chiếc xe – đạp vào băng bóng tối
Cũng có lúc mây trời đen kịt lưới
Cũng có tuần trăng mới ánh trăng trong.
Đã mấy khi tôi thức với non sông
Trọn những đêm ròng mắt chong chân bước
Đêm hành quân thả tâm hồn đi trước
Yêu với căm hai đợt sóng ào ào
Vỗ bên lòng, dội mãi tới trăng sao.
Giữa đêm tối, gần xa là biển mực
Chính là lúc trái tim càng sáng rực
Khi mắt không nhìn được bốn thước xa
Chính là khi nghe cả núi sông nhà
Tôi như đứa trẻ con đôi mắt khép
Sờ mặt mẹ trên ngón tay tha thiết
Tôi hiểu đêm nay thôn xóm nghỉ gì
Đằng chân trời ấp ủ những điều chi.
Sự khác nhau chủ yếu giữa hai trích đoạn trên là ở hình thức biểu hiện.
Một bên chất thơ biểu hiện trong những câu văn xuôi và một bên qua những
câu thơ. Sự lẫn lộn hoặc kết hợp qua lại giữa thơ và văn xuôi bộc lộ qua
nhiểu hiện tượng văn học. Người ta thường nhắc tới loại văn xuôi có nhiều
chất thơ của Victo Huygô trong văn học Pháp và của Tuôcghênhep trong văn
học Nga. Trong văn học Việt Nam cũng có nhiều thể loại thơ ca cổ dường
như đứng giữa văn xuôi và thơ như thể phú, các loại biền văn. Và ngay trong
nhiều sang tác văn xuôi cũng chứa đựng nhiều chất thơ. Một số bài kí của
Nguyễn Trung Thành, một vài chương trong Miền Tây của Tô Hoài và Hòn
Đất của Anh Đức thường được xem là giàu chất thơ. Do đó ranh giới giữa thơ
và văn xuôi không phải bao giờ cũng dứt khoát, cũng dễ phân định bằng một
vài tiêu chuẩn xác định nào. Hêghen cũng có căn cứ khi nói lên một thực tế là
không phải lúc nào cũng dễ vạch ra một cách chính xác sự khác nhau giữa
thơ và văn xuôi. L.Tônxtôi cũng có lúc cho rằng: “Tôi không bao giờ biết đâu
là ranh giới giữa văn xuôi và thơ ca”. Phải chăng “vấn đề là một vần, một điệu
thơ, một cách sang hàng khác thường, một cách nói không như lệ thường,
một tiếng kêu, một cơn giận, một niềm ân ái yêu thương… Nhưng rồi lại có
những sự hôn phối, những kết hợp, những sự lai tạp. Có những bài văn xuôi
có tính chất thơ và những bài thơ bằng văn xuôi. Có những cuốn tiểu thuyết
thơ và nhiều cuốn tiểu thuyết khác thì lại không thế. Con đường phân ranh
giới không phải lúc nào cũng rành mạch liên tục.
Nhiều nhà thơ đã dùng những cách nói, những hình ảnh khác nhau để
nêu lên sự khác biệt giữa văn xuôi và thơ. Puskin cho rằng thơ và văn xuôi
cũng như lửa và băng, Pôn Valêri xem con đường đi từ văn xuôi đến thơ có
một cái gì gần với bước phát triển từ lời nói đến tiếng hát, từ bước đi đến điệu
nhảy. Có nhà thơ xem thơ là nỗi khổ đau có một cái gì đấy huyền bí và linh
thiêng, còn văn xuôi là một niềm vui dễ hiểu (Nagruzzi). Có người phân biệt
nhịp điệu trong thơ và văn xuôi như tốc độ của một chuyến tàu tốc hành và
một con tàu thường. Thực ra những cách so sánh trên vẫn chưa nói lên được
gì nhiều lắm về sự khác nhau giữa thơ và văn xuôi. Phân biệt thơ và văn xuôi
không hoàn toàn chỉ là một việc làm có tính chất học thuật thuần túy mà nhiều
khi bộc lộ trực tiếp những vấn đề về quan điểm. Một loại khuynh hướng khá
phổ biến là đối lập thơ và văn xuôi, chất thơ và chất văn xuôi, để qua đấy xem
thơ là cái gì cao quý, thanh khiết, thoát li khỏi đời sống hiện thực tầm thường,
nhỏ nhặt, thô thiển vốn là nội dung chủ yếu của văn xuôi. Hêghen xem văn
xuôi như một cái gì nhạt tẻ và hằng ngày đối lập với thơ giàu tưởng tượng
đắm say và bay bổng hơn. Nitsơ cho rằng viết văn xuôi hay “là nhằm nghĩ
đến thơ bởi vì văn xuôi là một cuộc chiến tranh độc đáo không ngừng với thơ,
không ngừng tách ra khỏi thơ và đối lập với thơ”, P. Valêri cũng đối lập một
cách cực đoan giữa thơ và văn xuôi. Valêri xem việc viết thành văn xuôi một
bài thơ là một hành động tà giáo (acte dhérésie). Valêri phê phán quan niệm
của Đalămbe về mối quan hệ nhất trí giữa thơ và văn xuôi, Valêri cho rằng
Đalămbe tưởng mình nói về thi ca nhưng thực ra dưới các danh từ đó ông ta
lúc đó đang nghĩ đến những điều hoàn toàn khác thế.
Thực ra thì Đalămbe đã có lí (nếu không phải là ông ta đồng nhất) khi
nêu lên sự thống nhất giữa thơ và văn xuôi như một nguyên tắc cần chấp
nhận. “Theo tôi thì đây là quy luật nghiêm ngặt nhưng đúng mà thế kỉ của
chúng ta đã đề ra buộc các nhà thơ phải chấp nhận: nó chỉ thừa nhận là tốt
bằng thơ những gì mà nó sẽ thấy được rất tốt nếu viết ra dưới thể văn xuôi”.
Văn xuôi là tiếng nói trực tiếp của đời sống hằng ngày mà chúng ta
thường bắt gặp trong tiểu thuyết, các thể kí, các vở kịch. Về dung lượng nó
thường rộng lớn hơn, phong phú và cũng bề bộn hơn nhiều lần cái mà thơ có
khả năng chứa đựng. Về tính chất, văn xuôi đi sát với cuộc sống, nó có khả
năng đề cập và mang trong nội dung những phẩm chất đa dạng của đời sống
qua sự chọn lọc, tuyển lựa theo quy luật điển hình hóa của nghệ thuật. Về
hình thái biểu hiện thì văn xuôi là tiếng nói đi sát và gần như trùng với tiếng
nói hằng ngày. Đó là tiếng nói tự nhiên giàu chất liệu và sức sống, đó là tiếng
nói gọn gàng, khúc chiết của tư duy vừa được nghệ thuật hóa, lại vừa giữ
được sự dễ hiểu, rõ ràng, giản dị của hoạt động giao tế hằng ngày. Puskin
cũng nhận xét: “Sự chính xác và gọn gàng là những phẩm chất đầu tiên của
văn xuôi. Văn xuôi đòi hỏi tư tưởng và tư tưởng. Thiếu tư tưởng thì những
cách biểu hiện rực rỡ cũng chẳng dẫn tới đâu”.
Những đặc điểm của văn xuôi xác định một nguyên tắc thực tế không
thể đối lập thơ với văn xuôi nếu nghĩ rằng thơ cũng từ cuộc sống mà ra; sự
thêm bớt những nhân tố nào đó trong văn xuôi và đặt nó trong không khí và
một văn cảnh thích hợp thì có thể chuyển hóa thành thơ và ngược lại. Từ thơ
trở về với văn xuôi cũng có những nẻo đường cụ thể. Gơt đã có những nhận
xét thật đúng đắn khi tác giả xác định rằng “bài thơ chỉ nên vượt khỏi văn xuôi
một chút thôi”. Trong nghệ thuật thơ, cái ranh giới ấy cần phải được phát hiện
và xác định một cách tinh tế. Với bất kì tác phẩm văn xuôi chân chính nào đều
có cái thi vị của thơ và phần thi vị của riêng nó. Và trong những sáng tác thơ
có giá trị cũng cần và có thể có cái khỏe khoắn, vững chãi và giản dị chân
chất của văn xuôi. Tách rời hoặc đối lập thơ ca và văn xuôi là không đúng và
không phù hợp với thực tế sáng tác và thực tế đời sống. Văn xuôi đối lập với
thơ, loại trừ mọi chất thơ sẽ rơi vào lí trí khô khan và thô sơ nghèo nàn. Về
phần thơ, nếu tách rời hoặc vượt quá xa văn xuôi sẽ thiếu chất sống trực tiếp,
dễ ngọt ngào một cách chung chung và lơ lửng trong không khí.
Nhiều sáng tác thơ ca thời kì trước cách mạng có xu hướng đối lập với
văn xuôi. Về nội dung, phần lớn những bài thơ có tính chất thoát li chứa đựng
những cảm nghĩ viển vông, xa thực tế. Khi nhà thơ viết:
Trăng vừa đủ sáng để gây mơ
Gió nhịp theo đêm không vội vàng
Khí trời quanh tôi làm bằng tơ
Khí trời quanh tôi làm bằng thơ
thì bản thân những câu thơ trên tuy cũng “hấp dẫn” nhưng xa lạ với âm
hưởng của một cuộc sống thực. Chất liệu để tạo nên câu thơ thuần túy là
chất liệu của “tâm hồn” – một tâm hồn ủy mị thoát li – đã nhân lên nhiều lần
nữa khoảng cách giữa nó và cuộc sống, và loại trừ tất cả những chất liệu hiện
thực, những yếu tố mà văn xuôi trực tiếp sử dụng. Một phương diện khác, do
chịu ảnh hưởng nhiều của quan điểm duy mĩ, hình thức, chạy theo sự gọt
giũa về vần điệu, hình ảnh, nên những câu thơ khác đi nhiều với lời nói thông
thường. Những câu thơ trên nếu không mang dấu vết của văn xuôi – có thể
gọi đó là một ưu điểm? – thì cũng nặng nề và tác hại bởi nó đã thoát li thực
tế, ru người đọc vào một thế giới mơ hồ, xa lạ.
Sau Cách mạng, thơ trở về gần với đời sống. Chất liệu phong phú của
đời sống hiện thực thâm nhập vào trong thơ. Các sáng tác thơ đều trực tiếp
đề cập đến những vấn đề nóng hổi của thực tế chiến đấu và sản suất. Những
bức tranh, những hình ảnh nhiều màu sắc của đời sống, những cảm xúc, tâm
trạng và liên tưởng giàu sức sống là nội dung chủ yếu của sáng tác thơ.
Nhiều lúc cái phong phú của nội dung đã làm rạn nứt khuôn khổ gò bó của
câu thơ cách luật. Thơ tự do xuất hiện và phát triển dần trở thành chủ thể đáp
ứng được yêu cầu phản ánh cuộc sống muôn hình muôn vẻ. Nhiều nhà thơ
có ý thức tránh và khắc phục khuynh hướng viết về cuộc sống quá ngọt ngào,
trữ tình và thơ mộng. Cần có một hướng đi sát với thực tế hơn, một cách nói
giản dị chân chất. Họ tìm về lối viết mộc, khỏe, nhiều khi trần trụi để nói cho
được chiều sâu cũng như cái đa dạng của cuộc sống. Xuân Diệu, Tế Hanh,
Huy Cận, Hoàng Trung Thông…, ở những mức độ khác nhau, đều bộc lộ rõ
xu hướng đưa cuộc sống trực tiếp vào trong thơ. Trong lớp thơ trẻ, Phạm
Tiến Duật là một trường hợp tiêu biểu.
Về mặt hình thức biểu hiện, theo hướng đi về với cuộc sống và trong
thể tự do, câu thơ có khuynh hướng từ tiếng hát, lời ca, lời nói khúc điệu trở
về gần với lời nói thông thường. Trong lời thơ cách luật, thường mỗi câu thơ
bộc lộ rõ một cấu trúc hoàn chỉnh, nhịp nhàng của nhịp điệu do luật hòa hợp
hoặc đối xứng về âm thanh và ý nghĩa tạo nên. Câu thơ bảy chữ trong thể thơ
thất ngôn bát cú, câu thơ lục bát, câu thơ ngũ ngôn… đều mang rõ nét đặc
điểm trên. Câu thơ tự do nhiều khi tồn tại dưới dạng của một câu văn xuôi,
gần với lời nói. Trong nhiều bài thơ hiện nay có thể lấy ra nhiều câu thơ mà tự
nó rất khó để phân biệt với câu văn xuôi. Qua những bài thơ được giải của
Phạm Tiến Duật, đặc điểm này bộc lộ khá rõ. Bài thơ Nhớ là một bàị thơ tứ
tuyệt, và cấu trúc của thể thơ tứ tuyệt thường là cấu trúc vững chắc, cân đối,
có sự hài hòa về nhịp điệu. Nhưng thực ra trong bài thơ vẫn có sự co giãn về
câu chữ và có một câu văn xuôi.
Cái vết thương xoàng mà đưa viện
Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo
Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến
Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo.
“Cái vết thương xoàng mà đưa viện”. Câu thơ trên gần với lời nói thông
thường. Tuy nhiên nó không làm giảm đi thi vị của bài thơ mà lại là cần thiết
để nói lên một tâm trạng thật của người lái xe. Một sự trách móc nhỏ, một
chút phàn nàn, xuất phát từ nỗi lo lắng về trách nhiệm của mình đang thực
hiện. Bài thơ do đó thực và tự nhiên hơn. Cũng có thể nghĩ như thế về người
lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính, những con người dũng cảm,
yêu đời, bình thản trước mọi gian khổ, hiểm nguy. Phạm Tiến Duật đã giữ lại
cách nghĩ cách nói “văn xuôi” mộc mạc, nhưng lại chân thực, sinh động và sát
đúng với đối tượng miêu tả. “Không có kính không phải vì xe không có kính.
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi. Ung dung buồng lái ta ngồi. Nhìn đất nhìn
trời nhìn thẳng”, hoặc: “Không có kính ừ thì ướt áo. Mưa tuôn mưa xối như
ngoài trời. Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa. Mưa ngừng gió lùa khô mau
thôi”. Ở những trường hợp trên, câu thơ văn xuôi tỏ ra tích cực, góp phần
trực tiếp tạo nên chất hiện thực sinh động của bài thơ. Vấn đề hết sức quan
trọng là tinh thần, mức độ và ý thức nhạy bén trong việc sử dụng cũng như
phân biệt ranh giới giữa thơ và văn xuôi. Chúng ta có thể chấp nhận và cần
đến những câu thơ “là là văn xuôi” và thậm chí cả những câu văn xuôi, nhưng
phải chú ý tới chốt thơ nội tại của những câu văn xuôi và giữ đúng liều lượng
cần thiết và hạn chế của chất văn xuôi trong âm hưởng chung bao trùm của
chất thơ trong toàn bài.
Trong tập thơ Ánh sáng và Phù sa, Chế Lan Viên giới thiệu một chùm
thơ Văn xuôi về một vùng thơ. Cái tiêu đề ấy nói lên một điều có ý nghĩa: sự
thâm nhập của văn xuôi, của một cuộc sống bề bộn, nhiều màu sắc vào trong
thơ. Về một phương diện khác mà xét, thơ mở rộng giới hạn và khuôn khổ
cách luật chật hẹp để đón lấy sự sống bồi hồi và phong phú về nhiều mặt.
Văn xuôi về một vùng thơ là một bức phác thảo giàu chất sống và âm hưởng
của đời sống và cũng là bức tranh nên thơ.
Tuy nhiên bên cạnh một hướng phát triển rất cần khuyến khích lại nảy
sinh những nhược điểm quan trọng cần khắc phục: nhiều bài thơ rơi vào địa
hạt của văn xuôi. Trong thơ ca những năm gần đây. có những trường hợp
chất văn xuôi lấn át chất thơ. Khuynh hướng này bộc lộ ở nhiều khía cạnh.
Phổ biến hơn cả là sự lạm dụng yếu tố tự sự để cho bài thơ rơi vào kể lể,
chất liệu đời sống thâm nhập một cách thiếu chọn lọc vào trong thơ. Yếu tố
cảm xúc bị giảm sút. Hình tượng thơ chủ yếu được cấu tạo bằng một số bức
tranh miêu tả hoặc một vài sự kiện. Xuân Diệu là người đấu tranh tích cực để
đưa sự sống vào trong thơ, nhưng trong nhiều trường hợp anh rơi vào văn
xuôi. Phạm Tiến Duật cũng bộc lộ khá rõ nhược điểm này qua một số bài
trong tập thơ Vầng trăng–Quầng lửa. Chất văn xuôi lấn át chất thơ, khuynh
hướng buông thả cảm hứng và xem nhẹ cấu trúc hình thức của câu thơ và
nhất là những liên tưởng có phần ngẫu nhiên và tùy tiện đã làm cho chất thơ
giảm sút.
Một số nhà thơ đã không chú ý đúng mức đến đặc điểm trong tư duy
của thơ ca. Cần tránh lối suy luận có tính chất triết lí tư biện, lối phân tích
khoa học, lối giáo huấn lộ liễu bằng lí thuyết và sự kể lể dài dòng. Trí tưởng
tượng đã bị thay thế bằng những nhận xét và phán đoán vừa đơn giản vừa
quá cụ thể. Bài thơ dừng lại ở những ghi chép tư liệu và suy luận thông
thường, không cất cánh bay lên được. Tất nhiên là trong thơ cần tránh sự cầu
kì khó hiểu và lối nói quanh co không cần thiết, nhưng một mặt cũng cần
tránh một cái gì quá rõ ràng đến thật thà đơn giản. Cái điều mà Lê Quý Đôn
nhác đến khi nói về phẩm chất của thơ là “ý kị thẳng, mạch kị lộ” cũng là
muốn tránh cho thơ khả năng rơi vào văn xuôi. Ở trong một ý tưởng cũng như
cấu trúc của câu văn xuôi thường tính chất lôgic thâm nhập vào rõ rệt có tác
dụng làm nội dung bộc lộ trực tiếp. Mối quan hệ giữa những thành phần trong
một câu theo một trình tự cấu tạo thông thường về cú pháp, tính chất chính
xác và minh bạch của sự phô diễn, mối liên hệ nhân quả giữa các suy nghĩ và
cảm xúc, tính xác định và xác thực của những biểu tượng và hình ảnh thường
là đặc điểm phổ biến của lời nói hàng ngày cũng như của phần lớn những
câu văn xuôi. Thơ ca là tiếng nói hàm xúc và diễn cảm. Trên một hướng định
tư tưởng rõ rệt, một mục tiêu xác định, những cảm xúc và tâm trạng trong thơ
đi về, khi bộc lộ, khi ẩn kín, khi hiện lên trên những dòng chữ, khi đằm xuống
và ẩn vào bên trong và có khi chỉ nhầm gợi lên một điều gì chặng đường suy
nghĩ.
III. NHỮNG YẾU TỐ TẠO NÊN CHẤT THƠ TRONG ĐỜI SỐNG VÀ
VĂN HỌC
Người ta thường nói đến chất thơ trong tác phẩm văn học và trong đời
sống. Khi nói đến chất thơ là nói tới nhân tố thuộc nội dung. Chất thơ có thể
nằm đây đó trong cuộc sống ở những mặt kết tinh tiêu biểu, hoặc ở trong văn
xuôi. Nhưng nói như Huygô, chất thơ bộc lộ một cách diễn cảm, màu sắc qua
cấu trúc của ngôn ngữ thi ca.
Trong đời sống hằng ngày, khi nói đến chất thơ, thường có thói quen
nghĩ đến cái gì đẹp, thơ mộng, lí tưởng và bay bổng như một phong cảnh nên
thơ, một tâm hồn đầy thơ mộng. Người ta ít nghĩ hơn đến chất thơ trong
những cảnh đời lam lũ, mệt nhọc, hay những cảnh tượng bề bộn, tăm tối.
Quan niệm ấy dường như đã trở thành một thói quen trong cảm nghĩ của
nhiều người, tuy có phần đúng nhưng thật là không đủ và có tính chất hẹp
hòi. Quan niệm trên sẽ gây tổn hại nếu chi phối đến hoạt động nhận thức và
sáng tác thi ca. Dĩ nhiên trong cuộc sống không phải mọi đối tượng, mọi cảnh
ngộ và sự việc đều nên thơ như nhau. Nhưng cũng không thể xác định rằng
có đối tượng nên thơ và đối tượng không nên thơ. Vấn đề là ở mức độ và
phân lượng khác nhau. Và quan trọng chính là sự phát hiện. Biết phát hiện ở
đối tượng khách quan phần nên thơ của nó, cung cấp cho nó một hình dáng,
một cách giải thích, một lí tưởng đẹp. Đó chính là nhiệm vụ chung của nghệ
thuật và trực tiếp của thi ca. Thi ca không loại trừ một đề tài nào, một đối
tượng nào. Thi ca có mặt ở khắp mọi nơi. Nói như Tsecnưsepxki: “Ở đâu có
sự sống là ở đấy có thơ ca”. Thật vậy, ở đâu có cuộc sống là ở đấy có những
mối quan hệ xã hội được thiết lập, có những vấn đề đặt ra chung cho con
người, có quá khứ, có hiện tại và có phần dự kiến đang được thực hiện cho
tương lai. Ở đâu có cuộc sống là ở đấy có hoạt động sống tạo của con người.
Trong những cảnh ngộ riêng của nó, con người đang vượt qua những khó
khăn của đời sống khách quan và những thử thách của chính mình nữa. Con
người cùng đang hồ hởi trong niềm vui sáng tạo nhận lấy những thành quả
do mình tạo nên, những giá trị về vật chất và tinh thần. Phạm vi nào của đồi
sống, cũng như bất kì một khâu nào trong quá trình sáng tạo, một vị trí nào
trong cả dây chuyền chung, một trách nhiệm xã hội nào… cũng đều có thể là
đối tượng của hoạt động sáng tạo thi ca. Thơ ca của chủ nghĩa lãng mạn, thơ
ca hiện thực và tượng trưng, thực sự đã đem cuộc sống với toàn bộ sự
phong phú và đa dạng của nó vào làm giàu cho thơ. Dường như bất kì một đề
tài nào cũng có thể làm thơ, đều có thể khai thác để tạo nên chất thơ. Hồ Chí
Minh, qua tập thơ Nhật kí trong tù, đã chỉ ra những bài học cụ thể về phương
diện này. Trong tập thơ có những giấc mộng đẹp, những đêm trăng đầy thi vị,
nhưng cũng có biết bao nhiêu hình ảnh của đời sống đi vào trong thơ. Cho
đến một chiếc gậy, một mụn ghẻ, một chiếc răng rụng… cũng là đề tài của
thơ. Ở những đối tượng này, cái nên thơ không bộc lộ ra ở bên ngoài. Dĩ
nhiên nếu miêu tả những đối tượng trên theo cách sao chép và mô phỏng tự
nhiên thì khó để tạo nên chất thơ. Nhưng nếu phát hiện được, một nét chủ
yếu nào đó ẩn sâu trong bản của đối tượng và cung cấp cho nó một liên
tưởng đẹp, một sự giải thích và tô điểm giàu ý nghĩa thẩm mĩ và ý nghĩa xã
hội thì chất thơ sẽ xuất hiện và bao trùm lấy hình tượng. Bài thơ đánh mất
gậy của Hồ Chí Minh là một ví dụ tiêu biểu mẫu mực:
Suốt đời ngay thẳng lại kiên cường
Dìu dắt nhau đi mấy tuyết sương
Giận kẻ bất lương gây cách biệt
Hai ta dằng dặc nỗi buồn thương.
Những đặc tính vật lí của cây gậy (thẳng, cứng rắn) và khả năng ứng
dụng của nó được chuyển hóa sang thành những phẩm chất đạo đức giàu
chất thẩm mĩ (ngay thẳng, kiên cường, chung thủy…). Chất thơ xuất hiện
ngay từ câu đầu và được triển khai trên nhiều bình diện. Bản thân đối tượng
miêu tả được ca ngợi, nhưng điều quan trọng hơn chính là lí tưởng thẩm mĩ
tiến bộ và phẩm chất đạo đức cao cả của nhà thơ đã soi rọi vào hình tượng,
phát hiện ở đối tượng mặt bản chất thích hợp để từ đó nâng cho hình tượng
thơ bay lên bằng những phẩm chất thẩm mĩ mới, tích cực.
Khác với chất thơ trong đời sống thường được quan niệm như một cái
gì đẹp, thơ mộng, tồn tại khách quan, chất thơ trong nghệ thuật bao gồm sự
thống nhất giữa những phẩm chất của đối tượng khách quan với cảm hứng
sáng tạo chủ quan của nhà thơ. Thực tế khách quan được chọn lọc ở những
mặt kết tinh tiêu biểu, ở những chi tiết và hình ảnh chân thực, là tiền đề trực
tiếp nhất để tạo nên chất thơ. Bản thân những chất liệu hiện thực phong phú
đó có tác dụng gây cảm xúc và góp phần biểu hiện cảm xúc. Những nhân tố
đặc biệt quan trọng để tạo nên chất thơ là phần cảm xúc và suy nghĩ chủ
quan của nhà thơ. Những hình tượng thơ ca chân chính đều chứa đựng một
lí tưởng đẹp, một sức tưởng tượng phong phú và những xúc cảm lắng đọng
sâu sắc.
Chất thơ là một phẩm chất tổng hợp được tạo nên từ nhiều nhân tố.
Những nhân tố này cũng có thể có trong nội dung cấu tạo của các thể loại
khác, nhưng ở thơ biểu hiện tập trung hơn, và được hòa hợp, liên kết một
cách vững chắc để tạo nên những phẩm chất mới. Ví dụ như tình cảm và
tưởng tượng là những nhân tố có chung cho các thể loại văn học, nhưng với
thơ lại biểu hiện tập trung hơn, rõ nét hơn.
Xác định chất thơ tất nhiên là một vấn đề khó, rất khó. Đúng như nhà
văn Nguyễn Tuân nhận xét: “Định nghĩa về chất thơ cho thật chính xác và
toàn thập, tôi thấy nó cũng khó như định nghĩa cho chất uymua (humour)”.
Nhưng khi chúng ta đã quan niệm thơ không phải là một cái gì thần bí siêu
việt, thơ gắn liền với cuộc sống, với tâm hồn con người và năng lực sáng tạo
qua người nghệ sĩ thì việc tìm hiểu chất thơ lại là cần thiết và có thể tiến hành
được trên những nét lớn dễ chấp nhận.
1. Chất thơ trước hết gắn liền với sự rung động và cảm xúc trực
tiếp
Yếu tố cảm xúc, nhất là cảm xúc ở dạng trực tiếp của chủ thể, là một
nhân tố rất cơ bản để tạo nên chất thơ. Khi cảm xúc mất dần trong cảm hứng
sáng tạo thi ca, tư duy của nhà thơ nặng về mặt phán đoán suy tưởng thi chất
thơ cũng bị hạn chế, hình tượng thơ yếu hẳn về mặt gợi cảm.
Nếu xem bản chất giàu cảm xúc là một năng lực tinh thần thuộc về bản
chất của người nghệ sĩ thì điều đó trước hết phải có ở người thi sĩ. “Người
làm thơ phải có tình cảm mãnh liệt thể hiện sự nồng cháy trong lòng”. Cảm
xúc là nhân tố trọng yếu cấu tạo nên hình tượng thơ. Khi cảm xúc thâm nhập
nhiều vào câu văn xuôi, kết cấu lôgic của câu văn xuôi không được xác định
rõ nét nữa thì câu văn xuôi đã có xu hướng chuyển thành câu thơ. Tố Hữu
viết:
Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi.
Câu thơ trên có thể chuyển dịch thành câu văn xuôi đồng nghĩa nếu
giảm đi tán thán từ ơi và không dùng đảo ngữ để nhấn mạnh cảm xúc và suy
nghĩ:
Tổ quốc ta đẹp vô cùng
Tuy đồng nghĩa nhưng câu trên là thơ, là lời xúc động của cõi tim, là
tiếng nói của tình cảm và lòng thiết tha quý yêu đất nước. Câu dưới là văn
xuôi, là một nhận định, một suy nghĩ. Yếu tố cảm xúc đã góp phần quyết định
cái gì là thơ và không phải là thơ. Đấy cũng là trường hợp những câu như:
Đau đớn thay phận đàn bà
(NGUYỄN DU)
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
(CHẾ LAN VIÊN)
Tất nhiên có nhiều cách để tạo nên cảm xúc hoặc qua miêu tả hình
ảnh, hoặc qua liên tưởng, so sánh hoặc qua nghệ thuật. Sử dụng ngôn ngữ.
Sử dụng tán thán từ để gây cảm xúc tuy không phổ biến nhưng cũng là hình
thức dễ thấy nhất. Trong phạm vi những hình thức sử dụng ngôn ngữ, có thể
tìm thấy nhiều phương thức khác như đảo ngữ, điệp ngữ, đối ngữ, chỗ
ngừng, chỗ ngắt, v.v… để làm tăng cường yếu tố gợi cảm của câu thơ. Về
mặt nội dung có thể ý nghĩa của câu không khác đi, nhưng chính ngữ điệu
của câu đã mang tính chất diễn cảm theo trật tự mới. Ngôn ngữ lôgic trở
thành ngôn ngữ diễn cảm với sắc thái tu từ và ngữ điệu mới nên thực sự yêu
cầu truyền đạt của nội dung cũng khác đi.
Tất nhiên có thể sử dụng những biện pháp đổi thay cấu tạo của câu thơ
về mặt kết cấu cú pháp, và sử dụng ngôn từ để gia tăng cảm xúc. Nhưng đó
chỉ là biện pháp thứ yếu, có tính chất thuần túy kĩ thuật. Quan trọng và có ý
nghĩa quyết định chính là ở tấm lòng. “Thơ là tiếng lòng”. “Thơ từ trái tim đi và
trở về với trái tim”. “Thơ là nhiệt tình kết tinh lại”. “Hãy đập vào trái tim anh,
thiên tài là ở đấy”. Bản chất giàu cảm xúc của người nghệ sĩ sẽ quyết định
tính chất phong phú về cảm xúc của bình tượng thơ. Nhiều nhà lí luận đã xem
cảm xúc là nhân tố chủ yếu cấu tạo nên hình tượng thơ. “Hình tượng thơ là
hình tượng của cảm xúc”. Và do đặc điểm đó nên các bài thơ trữ tình thường
được viết ra trong thời điểm mà tâm hồn nhà thơ xao xuyến rung động hoặc ở
trạng thái khá căng thẳng của cảm xúc. Tố Hữu cũng nói về trạng thái của
nhà thơ khi sáng tạo: “Mỗi khi có cái gì nghĩ ngợi chất chứa trong lòng không
nói ra không chịu được thì lại thấy cần làm thơ”. Nêkraxôp tâm sự: “Nếu
những nỗi đau khổ đã từ lâu bị kiềm chế nay sôi sục và dâng lên trong lòng
thì tôi viết…” Lecmôntôp cũng thừa nhận sự thực đó: “Có những đêm rất khổ,
không ngủ được, mắt rực cháy và thổn thức, lòng tràn ngập nhớ nhung… khi
đó tôi viết”. Đó cũng là tâm trạng của Gơt, của Sinlơ. Những cảm xúc rạo rực
đã tạo nên một trạng thái đặc biệt trong quá trình sáng tác thơ: trạng thái rung
động thực sự; những hình ảnh, những cảm nghĩ bay lượn, đi về sự dồn ép và
bùng cháy của cảm xúc và ý tưởng. Cảm xúc là gốc của hồn thơ. “Thơ không
chấp nhận trạng thái bàng quan” (Garxia Lorka). Không thể chỉ làm thơ bằng
óc, thuần túy bằng sự tỉnh táo của lí trí phán đoán và phân tích. “Sự truyền
đạt lại một trạng thái thơ đòi hỏi phải đưa vào đấy toàn bộ con người cảm xúc
là điều khác với sự truyền đạt lại một ý tưởng” (P.Valêri). Thơ phải “làm cho
người ta không còn thấy câu thơ, chỉ còn cảm thấy tình người” (Tố Hữu).
2. Thơ là ở tấm lòng, nhưng thơ cũng chính là cuộc sống
Trong thơ có nhiều câu được cấu tạo nên chủ yếu bằng cảm xúc, bằng
thuần túy chất liệu của tâm hồn. Những câu thơ đó là sự bộc lộ trực tiếp cảm
xúc và suy nghĩ của nhà thơ:
Nếu tâm sự cùng ta bạn hỏi
Tiếng nào trong muôn ngàn tiếng nói
Như nỗi niềm nhức nhối tim gan?
Trong lòng ta, hai tiếng: Miền Nam!
(TỐ HỮU)
Tuy nhiên những cảm nghĩ của nhà thơ phải lấy điểm tựa ở phần hiện
thực được chọn lọc. Biểu hiện bao giờ cũng phải gắn liền với miêu tả. Hay nói
như Xuân Diệu là trong thơ ngoài cái tâm hồn của sự vật còn phải có cái thân
thể của sự vật: “Chẳng lẽ chỉ nói trong thơ: “Tôi thích lắm, tôi yêu lắm, ồ cảm
tưởng đẹp lắm”. Nên đề phòng chỉ chuyên lấy tinh chất, chỉ chú về cảm xúc,
đến nỗi bài thơ như con chim không có chỗ đậu nữa, thế là bay đi mất tăm”.
Khi Tú Xương bộc lộ những cảm nghĩ của mình về sự đổi thay của thời cuộc,
đã miêu tả phần hiện thực của đời sống:
Sông kia rày đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai
và trên cơ sở đó là hiện thực tâm trạng:
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.
Tương quan và sự hòa hợp giữa hiện thực đời sống và hiện thực tâm
trạng không được xác định, gò bó theo một tỉ lệ và phân lượng nhất định nào
mà tùy thuộc vào đối tượng miêu tả, vào sự phong phú và bản sắc riêng của
tâm hồn nhà thơ. Thơ ca chủ nghĩa lãng mạn thường loại trừ hoặc xem nhẹ
phần miêu tả hiện thực, hoặc chỉ sử dụng miêu tả như một phương tiện để
biểu hiện. Thơ ca của chủ nghĩa hiện thực chú ý nhiều đến những bức tranh
của đời sống hiện thực và nhiều khi phần biểu hiện lại lui về bình diện thứ hai
hoặc bộc lộ kín đáo qua miêu tả. Không có miêu tả, những cảm xúc và suy
nghĩ sẽ trở nên chơi vơi, thiếu điểm tựa và nhiều khi rơi vào chủ quan, tư
biện. Những bài thơ hay, những câu thơ hay thường kết hợp được sóng đôi
hai mặt này.
Miêu tả để hỗ trợ cho biểu hiện, nhưng mặt khác miêu tả cũng có giá trị
độc lập của nó. Trong thơ rất cần đến những bức tranh về đời sống hiện thực.
Thơ trữ tình không có khả năng chấp nhận sự có mặt của đời sống ở dạng
thức một câu chuyện hoặc một sự kiện được miêu tả hoàn chỉnh. Đó là nhiệm
vụ và phần việc của tiểu thuyết, của truyện thơ. Hiện thực của đời sống đi vào
trong thơ không theo diện mà theo điểm. Những hình ảnh tiêu biểu nhất được
chọn lọc để miêu tả và sẽ được liên kết trong nhận thức, và liên tưởng của
người đọc thành những bức tranh giàu sức sống, sinh động và chân thực. Đó
là phần tiêu biểu của hiện thực, cái tính chất được chọn lựa chắt lọc ra từ đời
sống và sẽ trực tiếp tạo thành chất thơ. Trong thực tế có những bài thơ kể lể
rất nhiều, hoặc miêu tả một cách tham lam, sử dụng nhiều chi tiết, nhiều hình
ảnh nhưng vẫn thiếu chất thơ. Chất liệu và hình ảnh của đời sống hiện thực
chỉ có giá trị thơ khi nó có tính chất tiêu biểu, điển hình và có khả năng gây
xúc cảm. Đó là một quy, luật chi phối rõ rệt đến việc sáng tạo hình ảnh trong
thơ. Có thể chỉ một hình ảnh vẫn có sức gợi cảm mạnh mẽ khi nó kết tinh
được nhiều sự sống. Nguyễn Du trong bài thơ Chiêu hồn đã dựng lên những
hình ảnh hết sức điển hình cho từng loại có hồn mà cũng là những loại người
trong đời sống. Chỉ một hình ảnh:
Đòn gánh tre chín dạn hai vai
đã gợi lên biết bao nổi cực nhọc của loại người buôn bán gánh gồng, đi
ngược về xuôi. Tác giả tuy không bộc lộ trực tiếp tình cảm, nhưng tự bên
trong hình ảnh vẫn phảng phất một mối thương cảm thầm kín.
Khi một hình ảnh ở trong thơ kết tinh được những mặt tiêu biểu và điển
hình của cuộc sống thì tự nó lớn hơn rất nhiều lần phạm vi xác định của nó.
Nguyễn Huy Lượng trong bài phú Tụng Tây hồ đã sử dụng nhiều hình ảnh rất
đẹp và tiêu biểu để nói lên không khí thanh bình của đất nước.
Vẻ hoa lẫn dấu cờ năm thức
Mặt nước in bóng giáo ba ngù
Không thể khác được, đây là dấu hiệu, là biểu tượng của một chính
quyền đang thịnh trị trong một đất nước không có giặc giã, chiến tranh. Mở
rộng hơn hệ thống hình ảnh trong sáng tác, Nguyễn Huy Lượng đã dựng lên
những bức tranh đẹp phản ánh bộ mặt đất nước đang sống trong cảnh thanh
bình, trong nếp lao động quen thuộc sớm hôm:
Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng
Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co
Liễu bờ kia bay tơ biếc phất phơ, thoi oanh ghẹo hai phường dệt
gấm
Sen vũng nọ nảy tiền xanh lác đác, lửa đóm ghen năm xã gây lò
Cầm ve gẩy lầu thư ảnh ói
Mõ cuốc khua án kệ rì rù
Một thời đại, một khung cảnh xã hội có thể được miêu tả đầy đủ, nhiều
mặt trong tiểu thuyết, cũng có thể bộc lộ ra ở một số hình ảnh điển hình trong
thơ. Những tài năng lớn trong thi ca có khả năng nắm bắt được những mặt
kết tinh tiêu biểu này. Trong một số câu thơ Đỗ Phủ đã tả được cả một thời
loạn li vì những cuộc chiến tranh phong kiến:
Xe rầm rập
Ngựa hí vang
Người đi cung tên đeo bên lưng
Cha mẹ vợ con chạy theo tiễn
Bụi mù che lấp cầu Hàm Dương
Níu áo giậm chân, cản đường đi, cùng nhau khóc…
Tiếng khóc vọng lên tận mây xanh.
(Binh xa hành)
Tú Xương cũng thâu tóm được cái lố lăng và đau long của thời cuộc khi
chế độ thực dân đã đè nặng lên đầu dân ta:
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ
Ậm ọe quan trường miệng thét loa
Lọng cắm rợp trời quan sứ đến
Váy lê quét đất mụ đầm ra.
Cuộc sống được nói lên bằng hình ảnh, và tâm trạng cũng bộc lộ kín
đáo đằng sau những hình ảnh được miêu tả như có vẻ khách quan.
Hiện thực ở những nét tính chất đều có tác dụng gây cảm xúc mạnh và
có khả năng nói lên nhiều mặt tiêu biểu cửa đời sống. Chính đó là tiền đề của
chất thơ và nhiều khi bản thân nó là chất thơ cô đọng. Chính Hữu đã gợi tả
không khí lên đường của cả nước trong những năm chống Mĩ với niềm vui
dạt dào, hổ hởi:
Có những buổi vui sao, cả nước lên đường
Xao xuyến bờ tre từng hồi trống giục
Xóm dưới làng trên con trai con gái
Xôi nắm cơm đùm ríu rít theo nhau
Súng nhỏ súng to chiến trường chật chội
Tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu.
Cái cụ thể của từng hình ảnh, từng chi tiết đều có sức gợi góp phần tạo
nên một bức tranh nhiều màu sắc, một không khí vui tươi, đằm thắm và trong
chiều sâu của hiện thực như đang trỗi dậy cả sức sống của dân tộc. Đấy
chính là chất thơ nguyên vẹn, khỏe khoắn. Đúng như nhận xét của nhà văn
Nguyễn Tuân khi phân biệt cái cụ thể và hữu hình trong thơ và văn xuôi:
“Theo tôi nghĩ, thơ là ảnh, là nhân ảnh, thơ cũng ở loại cụ thể hữu hình.
Nhưng nó khác với cái cụ thể của văn. Cũng mọc lên từ cái đống tài liệu thực
tế, nhưng từ một cái hữu hình nó thức dậy được những vô hình bao la, từ một
cái điểm nhất định mà nó mở ra được một cái diện không gian, thời gian,
trong đó nhịp mãi lên một tấm lòng sứ điệp”.
3. Thơ gắn nhiều với trí tưởng tượng
Trí tưởng tượng là một năng lực của tư duy góp phần rất tích cực vào
hoạt động nhận thức của con người, đặc biệt là nhận thức nghệ thuật. Trí
tưởng tượng là một đường dây nối liền những hiện tượng tưởng như riêng rẽ,
cách biệt nhau thành một nguồn mạch thống nhất. Trí tưởng tượng chắp cánh
cho tâm hồn bay lên vượt khỏi những giới hạn xác định của một địa điểm và
thời điểm cụ thể mà trở về với quá khứ, sống trong ước mơ với tương lai. Trí
tưởng tượng là một động lực tinh thần quyết định giờ phút nhổ neo cho con
thuyền tìm về những mảnh đất xa xôi và những bến bờ xa lạ, ở đấy một giấc
mơ có khả năng trở thành một sự thực. Tưởng tượng cũng chính là thêm vào
cái có thật phần nên có và sẽ có, là sự chuẩn bị tích cực cho một hành động
sáng tạo và bản thân nó là một sự sáng tạo.
Nói đến thơ là nói đến sức tưởng tượng. Nhà thơ Sóng Hồng đã chỉ ra
đặc điểm quan trọng này của thơ: “Thơ là nghệ thuật kì diệu bậc nhất của trí
tưởng tượng” Trong thơ cho dù chỉ là một hình ảnh giản dị, một sự so sánh
liên tưởng nào đó cũng đòi hỏi phải có sự tưởng tượng. Khi Tố Hữu viết:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lí chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim
thì trong những câu thơ đẹp và chân tình ấy đã chứa biết bao nhiêu sức
tưởng tượng. Ánh sang của cách mạng, của chân lí, nỗi xúc động và niềm vui
lớn lao của tâm hồn đã trở nên kì diệu, trong vẻ đẹp đầy hương sắc và rộn
âm thanh qua sự liên tưởng, so sánh của trí tưởng tượng.
Trong thơ Huy Cận, hình ảnh một con cá song đã được tạo nên bằng
nhiều tưởng tượng đẹp:
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng
Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe
Sao thở đêm lùa nước Hạ Long
Chế Lan Viên lại tiếp nối sức tưởng tượng ấy và đưa nó về gần với
cuộc sống của con người:
Con cá song cầm đuốc dẫn thơ về
Ngọn đuốc ấy, hồn thơ ấy đều lấy điểm tựa từ trong trí tưởng tượng. Chỉ một
vầng trăng thôi, một vầng trăng như vẫn có tự muôn đời; vầng trăng đã chứng
kiến biết bao lời hò hẹn và bao cảnh chia li, vầng trăng đã có mặt và tỏa ánh
sáng chia vui trong những đêm hội hè, vầng trăng của nhiều lứa tuổi và nhiều
tâm sự; vầng trăng đã đi vào trong thơ khác với hình bóng ấy ở trong văn xuôi
biết bao nhiêu. Trí tưởng tượng trong thơ đã đưa vầng trăng nhập vào bao
cảnh ngộ. Vầng trăng của nỗi nhớ thương, của sự xa cách trong thơ Nguyễn
Du:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường
Ánh trăng của nỗi nhớ thương và của sự xa cách thường tỏa ra từ một vầng
trăng khuyết, một mảnh trăng non:
“Nửa vầng trăng khuyết ba sao giữa trời…”
“… Mảnh trăng liềm nghiêng một nỗi nhớ nhau”.
Nhiều khi hình ảnh của trăng lại được miêu tả để tạo nên những liên tưởng về
không gian, về thời gian. Về thời gian, vầng trăng là một biểu tượng cụ thể
biết bao của sự đổi thay. Trăng tròn rồi trăng lại khuyết, một đơn vị về thời
gian, nhưng ý nghĩa bao quát hơn là sự trôi qua đi nhanh chóng của cuộc đời,
của tuổi thanh xuân. Tố Hữu đã để cho người kĩ nữ qua đó liên tưởng đến
thân phận mình:
Trăng lên, trăng đứng, trăng tàn
Đời em ôm chiếc thuyền nan xuôi dòng.
Bằng Việt cũng qua hình ảnh của trăng mà nói về thời gian:
Bao đêm ngoài biển động
Pháo sáng xanh vườn sau,
Trăng mài mòn guốc võng
Giặc rít ngang trên đầu.
Trăng cũng gợi lên ý niệm về không gian. Tùy theo cái tư thế của con
người có làm chủ mình và làm chủ thiên nhiên hay không mà không gian
mênh mông tràn ngập ánh sáng ấy là thân thuộc hay xạ lạ. Trong thơ Xuân
Diệu thời kì trưốc Cách mạng, ánh trăng thường gợi lên một không gian quá
rộng đến choáng ngợp, đối lập với nỗi cô đơn, nhỏ bé của con người. “Trăng
sáng, trăng xa, trăng rộng quá. Đấy cũng là một ánh trăng mờ ảo, tạo nên một
khung cảnh hư hư thực thực cùng những giấc mơ và những trạng thái buồn,
không rõ rệt. “Trăng vừa đủ sáng để gây mơ”. Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử có
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI
THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

More Related Content

What's hot

Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAYLuận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAYĐặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Luận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam Bộ
Luận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam BộLuận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam Bộ
Luận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam Bộ
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Luận án: Nguyên lí đối thoại trong tiểu thuyết Việt Nam (1986-2010)
Luận án: Nguyên lí đối thoại trong tiểu thuyết Việt Nam (1986-2010)Luận án: Nguyên lí đối thoại trong tiểu thuyết Việt Nam (1986-2010)
Luận án: Nguyên lí đối thoại trong tiểu thuyết Việt Nam (1986-2010)
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp
Luận văn: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Huy ThiệpLuận văn: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp
Luận văn: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp
Dịch Vụ Viết Thuê Khóa Luận Zalo/Telegram 0917193864
 
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
nataliej4
 
Luận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAY
Luận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAYLuận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAY
Luận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của người
Luận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của ngườiLuận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của người
Luận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của người
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
nataliej4
 
Luận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hử
Luận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hửLuận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hử
Luận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hử
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Khảo sát các tương tác biểu tượng trong ca từ Trịnh Công Sơn
Khảo sát các tương tác biểu tượng trong ca từ Trịnh Công SơnKhảo sát các tương tác biểu tượng trong ca từ Trịnh Công Sơn
Khảo sát các tương tác biểu tượng trong ca từ Trịnh Công Sơn
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAYLuận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAYLuận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Khóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản Đà
Khóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản ĐàKhóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản Đà
Khóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản Đà
Dịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐGIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
longvanhien
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAYLuận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đLuận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đLuận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Luận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAY
Luận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAYLuận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAY
Luận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 

What's hot (20)

Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAYLuận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
 
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAYĐặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
 
Luận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam Bộ
Luận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam BộLuận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam Bộ
Luận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam Bộ
 
Luận án: Nguyên lí đối thoại trong tiểu thuyết Việt Nam (1986-2010)
Luận án: Nguyên lí đối thoại trong tiểu thuyết Việt Nam (1986-2010)Luận án: Nguyên lí đối thoại trong tiểu thuyết Việt Nam (1986-2010)
Luận án: Nguyên lí đối thoại trong tiểu thuyết Việt Nam (1986-2010)
 
Luận văn: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp
Luận văn: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Huy ThiệpLuận văn: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp
Luận văn: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp
 
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
 
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
 
Luận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAY
Luận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAYLuận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAY
Luận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAY
 
Luận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của người
Luận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của ngườiLuận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của người
Luận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của người
 
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
 
Luận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hử
Luận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hửLuận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hử
Luận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hử
 
Khảo sát các tương tác biểu tượng trong ca từ Trịnh Công Sơn
Khảo sát các tương tác biểu tượng trong ca từ Trịnh Công SơnKhảo sát các tương tác biểu tượng trong ca từ Trịnh Công Sơn
Khảo sát các tương tác biểu tượng trong ca từ Trịnh Công Sơn
 
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAYLuận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
 
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAYLuận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
 
Khóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản Đà
Khóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản ĐàKhóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản Đà
Khóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản Đà
 
GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐGIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAYLuận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
 
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đLuận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
Luận văn: Đặc điểm truyện ngắn Lưu Trọng Lư, HAY, 9đ
 
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đLuận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
Luận án: Cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam từ 1965 đến 1975, 9đ
 
Luận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAY
Luận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAYLuận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAY
Luận án: Ảnh hưởng văn học dân gian trong truyện thiếu nhi, HAY
 

Similar to THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

Nghiên cứu về tác giả, tác phẩm bài thơ “ông đồ” của vũ đình liên
Nghiên cứu về tác giả, tác phẩm bài thơ “ông đồ” của vũ đình liênNghiên cứu về tác giả, tác phẩm bài thơ “ông đồ” của vũ đình liên
Nghiên cứu về tác giả, tác phẩm bài thơ “ông đồ” của vũ đình liên
nataliej4
 
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
nataliej4
 
pdf_20230226_192247_0000.pdf
pdf_20230226_192247_0000.pdfpdf_20230226_192247_0000.pdf
pdf_20230226_192247_0000.pdf
10CNgDng
 
NGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdfNGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NuioKila
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đLuận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Xuân diệu về tác gia và tác phẩm
Xuân diệu về tác gia và tác phẩmXuân diệu về tác gia và tác phẩm
Xuân diệu về tác gia và tác phẩm
jackjohn45
 
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
nataliej4
 
Chuyển biến về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của thơ việt nam nhì...
Chuyển biến về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của thơ việt nam nhì...Chuyển biến về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của thơ việt nam nhì...
Chuyển biến về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của thơ việt nam nhì...
jackjohn45
 
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
nataliej4
 
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdfNGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
HanaTiti
 
PHONG TRÀO THƠ MỚI 30-45 (CÁC NHÀ THƠ TRONG VÀ NGOÀI NHÀ TRƯỜNG)
PHONG TRÀO THƠ MỚI 30-45 (CÁC NHÀ THƠ TRONG VÀ NGOÀI NHÀ TRƯỜNG)PHONG TRÀO THƠ MỚI 30-45 (CÁC NHÀ THƠ TRONG VÀ NGOÀI NHÀ TRƯỜNG)
PHONG TRÀO THƠ MỚI 30-45 (CÁC NHÀ THƠ TRONG VÀ NGOÀI NHÀ TRƯỜNG)
PhcCtTngNguyn
 
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
nataliej4
 
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
nataliej4
 
Cái tôi trong thơ nguyễn bính
Cái tôi trong thơ nguyễn bínhCái tôi trong thơ nguyễn bính
Cái tôi trong thơ nguyễn bính
Alolove Nguyễn
 
De on thi thpt (sưu tầm)
De on thi thpt (sưu tầm)De on thi thpt (sưu tầm)
De on thi thpt (sưu tầm)Chu Choa
 
Luận văn: Thơ Bùi Chí Vinh trong bối cảnh thơ Việt Nam hiện nay - Gửi miễn ph...
Luận văn: Thơ Bùi Chí Vinh trong bối cảnh thơ Việt Nam hiện nay - Gửi miễn ph...Luận văn: Thơ Bùi Chí Vinh trong bối cảnh thơ Việt Nam hiện nay - Gửi miễn ph...
Luận văn: Thơ Bùi Chí Vinh trong bối cảnh thơ Việt Nam hiện nay - Gửi miễn ph...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Tố hữu
Tố hữuTố hữu
Tố hữu
Hung Anh Nguyen
 
Kỷ yếu Hội thảo: Bác Hồ với thơ Đường luật Việt Nam
Kỷ yếu Hội thảo: Bác Hồ với thơ Đường luật Việt NamKỷ yếu Hội thảo: Bác Hồ với thơ Đường luật Việt Nam
Kỷ yếu Hội thảo: Bác Hồ với thơ Đường luật Việt Nam
Pham Long
 
Ngôn Ngữ Nghệ Thuật Trong Tiểu Thuyết Mười Lẻ Một Đêm Của Hồ Anh Thái.pdf
Ngôn Ngữ Nghệ Thuật Trong Tiểu Thuyết Mười Lẻ Một Đêm Của Hồ Anh Thái.pdfNgôn Ngữ Nghệ Thuật Trong Tiểu Thuyết Mười Lẻ Một Đêm Của Hồ Anh Thái.pdf
Ngôn Ngữ Nghệ Thuật Trong Tiểu Thuyết Mười Lẻ Một Đêm Của Hồ Anh Thái.pdf
HanaTiti
 
Luận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của người của Nguyễn...
Luận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của người của Nguyễn...Luận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của người của Nguyễn...
Luận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của người của Nguyễn...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 

Similar to THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI (20)

Nghiên cứu về tác giả, tác phẩm bài thơ “ông đồ” của vũ đình liên
Nghiên cứu về tác giả, tác phẩm bài thơ “ông đồ” của vũ đình liênNghiên cứu về tác giả, tác phẩm bài thơ “ông đồ” của vũ đình liên
Nghiên cứu về tác giả, tác phẩm bài thơ “ông đồ” của vũ đình liên
 
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
 
pdf_20230226_192247_0000.pdf
pdf_20230226_192247_0000.pdfpdf_20230226_192247_0000.pdf
pdf_20230226_192247_0000.pdf
 
NGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdfNGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NGUYỄN DU VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đLuận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
 
Xuân diệu về tác gia và tác phẩm
Xuân diệu về tác gia và tác phẩmXuân diệu về tác gia và tác phẩm
Xuân diệu về tác gia và tác phẩm
 
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
 
Chuyển biến về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của thơ việt nam nhì...
Chuyển biến về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của thơ việt nam nhì...Chuyển biến về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của thơ việt nam nhì...
Chuyển biến về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của thơ việt nam nhì...
 
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
 
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdfNGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM.pdf
 
PHONG TRÀO THƠ MỚI 30-45 (CÁC NHÀ THƠ TRONG VÀ NGOÀI NHÀ TRƯỜNG)
PHONG TRÀO THƠ MỚI 30-45 (CÁC NHÀ THƠ TRONG VÀ NGOÀI NHÀ TRƯỜNG)PHONG TRÀO THƠ MỚI 30-45 (CÁC NHÀ THƠ TRONG VÀ NGOÀI NHÀ TRƯỜNG)
PHONG TRÀO THƠ MỚI 30-45 (CÁC NHÀ THƠ TRONG VÀ NGOÀI NHÀ TRƯỜNG)
 
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
 
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
 
Cái tôi trong thơ nguyễn bính
Cái tôi trong thơ nguyễn bínhCái tôi trong thơ nguyễn bính
Cái tôi trong thơ nguyễn bính
 
De on thi thpt (sưu tầm)
De on thi thpt (sưu tầm)De on thi thpt (sưu tầm)
De on thi thpt (sưu tầm)
 
Luận văn: Thơ Bùi Chí Vinh trong bối cảnh thơ Việt Nam hiện nay - Gửi miễn ph...
Luận văn: Thơ Bùi Chí Vinh trong bối cảnh thơ Việt Nam hiện nay - Gửi miễn ph...Luận văn: Thơ Bùi Chí Vinh trong bối cảnh thơ Việt Nam hiện nay - Gửi miễn ph...
Luận văn: Thơ Bùi Chí Vinh trong bối cảnh thơ Việt Nam hiện nay - Gửi miễn ph...
 
Tố hữu
Tố hữuTố hữu
Tố hữu
 
Kỷ yếu Hội thảo: Bác Hồ với thơ Đường luật Việt Nam
Kỷ yếu Hội thảo: Bác Hồ với thơ Đường luật Việt NamKỷ yếu Hội thảo: Bác Hồ với thơ Đường luật Việt Nam
Kỷ yếu Hội thảo: Bác Hồ với thơ Đường luật Việt Nam
 
Ngôn Ngữ Nghệ Thuật Trong Tiểu Thuyết Mười Lẻ Một Đêm Của Hồ Anh Thái.pdf
Ngôn Ngữ Nghệ Thuật Trong Tiểu Thuyết Mười Lẻ Một Đêm Của Hồ Anh Thái.pdfNgôn Ngữ Nghệ Thuật Trong Tiểu Thuyết Mười Lẻ Một Đêm Của Hồ Anh Thái.pdf
Ngôn Ngữ Nghệ Thuật Trong Tiểu Thuyết Mười Lẻ Một Đêm Của Hồ Anh Thái.pdf
 
Luận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của người của Nguyễn...
Luận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của người của Nguyễn...Luận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của người của Nguyễn...
Luận văn: Nghệ thuật giễu nhại trong tiểu thuyết Ba ngôi của người của Nguyễn...
 

More from nataliej4

đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
nataliej4
 
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
nataliej4
 
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
nataliej4
 
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc giaTừ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
nataliej4
 
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngCông tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
nataliej4
 
Bài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcBài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốc
nataliej4
 
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin họcđề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
nataliej4
 
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngGiáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
nataliej4
 
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnLựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
nataliej4
 
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
nataliej4
 
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree towerSổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
nataliej4
 
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
nataliej4
 
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtBài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
nataliej4
 
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
nataliej4
 
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
nataliej4
 
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngBài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
nataliej4
 
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhBài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
nataliej4
 
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning introGiới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
nataliej4
 
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcLý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
nataliej4
 
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
nataliej4
 

More from nataliej4 (20)

đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
 
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
 
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
 
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc giaTừ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
 
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngCông tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
 
Bài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcBài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốc
 
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin họcđề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
 
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngGiáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
 
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnLựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
 
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
 
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree towerSổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
 
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
 
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtBài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
 
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
 
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
 
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngBài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
 
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhBài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
 
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning introGiới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
 
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcLý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
 
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
 

Recently uploaded

BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdfBAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
phamthuhoai20102005
 
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptxDẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
nvlinhchi1612
 
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nayẢnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
chinhkt50
 
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
https://www.facebook.com/garmentspace
 
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in englishAV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
Qucbo964093
 
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
duykhoacao
 
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
ngocnguyensp1
 
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdfGIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
Điện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 

Recently uploaded (10)

BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdfBAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
 
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
 
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptxDẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
 
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nayẢnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
 
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
 
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in englishAV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
 
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
 
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
 
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
 
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdfGIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
 

THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

  • 1. THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI THƠ VÀ MẤY VẤN ĐỀ TRONG THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI Tác giả: HÀ MINH ĐỨC LỜI VIẾT NHÂN DỊP SÁCH ĐƯỢC TÁI BẢN Đã hơn hai mươi năm trôi qua kể từ khi cuốn Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại được xuất bản (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974). Đến nay NXB Giáo dục cho in lại cuốn sách này nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập của học sinh, sinh viên và giáo viên các trường đại học, cao đẳng và phổ thông. Thơ ca trong những năm gần đây đã có nhiều đổi thay, nhiều sáng tạo mới. Tuy nhiên, điểm xuất phát về lí luận thơ và những chuẩn mực có tính nguyên tắc về thể loại thơ trữ tình vẫn được giữ vững. Trong lần tái bản này trừ việc tước bỏ một số câu chữ về cơ bản tôi vẫn giữ nguyên như lần in đầu để đảm bảo tính nhất quán và không khí của thời điểm lịch sử đã qua. Hà Nội, 10–12–1996 HÀ MINH ĐỨC LỜI NÓI ĐẦU Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại là một công trình nghiêng về lí luận thơ. Tìm hiểu lí luận về thơ, cái khó khăn đến ngay từ bước đầu khi cần xác định một định nghĩa vì thơ. Thơ là gì? Thật khó để tìm được một cách giải thích đầy đủ vì thơ tuy xưa nay người ta đã bàn luận khá nhiều. Trong thực tế có hàng trăm định nghĩa về thơ nhưng chưa có ý kiến nào thực sự thống nhất với nhau. Sở dĩ thế vì phẩm chất của thơ giàu có, hình tượng thơ đa dạng, luôn biến hóa, và phức tạp hơn là các nhà thơ và lí luận về thơ luôn đứng ở những góc độ khác nhau về quan điểm giai cấp, thị hiếu thẩm mĩ, bản sắc dân tộc và nội dung thời dại, để bàn luận về thơ. Tuy nhiên giải
  • 2. thích được đúng đắn sự khác nhau chính là giường mối đầu tiên để tìm ra sự gặp gỡ. Quan điểm lí luận văn nghệ của chủ nghĩa Mac – Lênin, đường lối văn nghệ của Đảng, quan điểm cách mạng về thơ của Bác Hồ và một số các đồng chí lãnh đạo là những cơ sở và tiêu chuẩn vững chắc soi sáng và giúp đỡ cho chúng tôi đi vào tìm hiểu về thơ. Sự phát triển rất phong phú và lâu đời của truyền thống thơ ca dân tộc, bước phát triển mới tốt đẹp và nhiều thành tựu của thơ ca cách mạng thời kì hiện đại là những thực tế sinh động và giàu ý nghĩa đã thôi thúc và động viên chúng tôi suy nghĩ về mặt lí luận. Với thơ có biết bao nhiêu vấn đề cần được đặt ra về lí luận. Có những vấn đề đã được đề cập đến từ lâu và tưởng như rất quen thuộc nhưng lại luôn đòi hỏi phải giải quyết với yêu cầu và nhận thức mới như các mối quan hệ giữa hiện thực đời sống và thơ, thơ và văn xuôi, truyền thống và sáng tạo, nội dung và hình thức trong thơ. Có những vấn đề lí luận khó và phức tạp, nhưng mang ý nghĩa thời sự trực tiếp như chất suy tưởng và trí tuệ trong thơ, tính hiện đại của thơ. Đà phát triển của các vần thơ cách mạng lại đặt ra yêu cầu đi sâu vào lí luận tân tiến và cách mạng trong thơ. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi bị lôi cuốn vào những văn đề lí luận hấp dẫn, mới mẻ nhưng cũng rất khó khăn, nên trong cuốn sách này chúng tôi tự hạn chế phạm vi nghiên cứu trong khuôn khổ thơ trữ tình. Chúng tôi chưa có điều kiện để phát biểu lí luận và nhận định về thơ châm biếm, thơ tự sự, thơ miền núi, thơ thiếu nhi. Các đề tài trên đòi hỏi những công trình nghiên cứu riêng. Trong tiến trình lịch sử, nền thơ cách mạng có rất nhiều thành tựu lại luôn vượt lên, khởi sắc, qua từng chặng đường cách mạng. Chỉ nhìn vào cấu tạo của các lực lượng sáng tác cũng thấy đội ngũ thực là đông vui, sung sức. Lớp trước với các anh, chị: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Tế Hanh, Anh Thơ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Xuân Sanh, Yến Lan… Lớp cách mạng và kháng chiến với các anh: Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Trần Hữu
  • 3. Thung, Xuân Hoàng, Trinh Đường, Phạm Hổ, Bàng Sĩ Nguyên, Hoàng Tố Nguyên, Hoàng Minh Châu, Nguyễn Viết Lãm, Minh Huệ. Lớp chống Mĩ với các anh, các chị: Giang Nam, Thanh Hải, Thu Bồn, Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Lê Anh Xuân, Dương Hương Ly, Nguyễn Khoa Điềm, Xuân Quỳnh, Vương Trung, Nguyễn Đức Mậu, Vũ Quần Phương, Ngô Văn Phú, Nguyễn Duy, Phan Thị Thanh Nhàn… Thực tế phát triển phong phú của thơ ca thời kì hiện đại cũng như truyền thống lâu đời của thơ ca Việt Nam là cơ sở chủ về lí để chúng tôi suy nghĩ và đề xuất những vấn đề lí luận về thơ. Chúng tôi cũng kết hợp bước đầu phát triển một số ý kiến về thơ ca Việt Nam thời kì hiện đại. Chắc chắn chưa phải là những ý kiến được phát biểu một cách hệ thống theo gốc độ nghiên cứu văn học sử mà chủ yếu là trên tinh thần vận dụng kết hợp giữa lí luận và thực tiễn sáng tác. Chỉ với mức độ và giới hạn ấy công việc cũng nhiều lần vượt trên khả năng của bản thân. Điều may mắn là chúng tôi luôn được sự giúp đỡ và động viên nhiệt tình của các nhà thơ, nhà nghiên cứu mà hôm nay khi đặt bút viết những dòng cuối cùng của tập sách, chúng tôi xin gửi đến các anh Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Huy Cận, Xuân Diệu, Hoàng Trinh, Tế Hanh những lời cám ơn chân thành. Những ý kiến của các anh đã cổ vũ và biến lòng yêu thơ của tôi thành những nỗ lực thường xuyên, tự vượt lên mình, đặc biệt với anh Chế Lan Viên, người đã viết những lời nhận xét chân tình cho tập sách. Mùa hè 1973 HÀ MINH ĐỨC TỰA Rồi sẽ có những quyển sách sâu sắc và sáng tạo độc đáo nữa xuất hiện. Những quyển ấy sẽ có thêm ưu điểm này và đức tính nọ. Chúng sẽ… Nhưng thôi, đầu tiên hãy có ngay cho chúng ta những tác phẩm như thế này. Có gì đâu? Chỉ vì, mới hôm qua thôi, những quyển như thế còn ít lắm, ngỡ như không có nữa.
  • 4. Nghĩ có buồn không? Ở đất nước hàng nghìn năm thơ, hàng trăm thi sĩ, thơ không những là hình thức phổ biến mà còn như là chủ yếu để thổ lộ tâm tình, thế mà sao sách vở bàn luận về thơ ít ỏi làm vậy! Ít cho đến nỗi ai nói gì về thơ thì ta cũng mặc, hay ừ ào cho nó xong chuyện rồi thôi. Thơ… lơ… mơ. Cũng có lí do, là tuy làm thơ nhiều, nhưng ta không trọng nó bao nhiêu. Chúng ta vẫn xem thơ là loại… như thế ấy, như thế ấy. Nhưng lại cũng có một lí do ngược lại là lắm lúc ta lại thiêng liêng hóa nó, thần bí hóa nó, thơ là… bất khả luận, bởi chưng là… bắt khả tri. Tôi có một anh bạn thân, nhà thơ chân chính nữa, nhưng cứ nghe ai bàn gì về thơ là anh giãy nảy lên rồi. Anh bảo: “Thơ là lòng, là hồn, chứ có phải nghề ngỗng kĩ thuật gì mà cứ phải lí luận, bàn cãi”. Anh thừa nhận có nghề họa, nghề kịch, nghề viết tiểu thuyết, nghề đàn, nhưng nhất định không chấp nhận có nghề thơ. Dù nghề hay hồn, thì xưa nay thơ vẫn là một địa hạt gây nhiều trở ngại nhất cho sự thám hiểm của các nhà lí luận. Ở phương Tây, người ta đẩy thơ qua phạm trù của bóng tối, cơn điên, tiềm thức, tôn giáo, dục tình… Thậm chí lặng câm, câm mới là thơ thực. Thơ–có -thơ đã là như vậy. Đến như thơ– phản–thơ, thơ–phi–thơ, theo các khẩu hiệu cuối cùng, thì còn rắc rối biết ngần nào. Nhưng chả phải đơn giản, dễ dàng gì hơn cho các nhà lí luận về thơ xã hội chủ nghĩa. Chúng ta lại có cái khó khác của chúng ta. Từ xưa đến nay chúng ta quen đồng nhất thơ với mộng với mơ, thế thì bây giờ sẽ thế nào đây, khi cách mạng là thực tiễn, là hiện thực rõ ràng nhất? Xưa nay thơ là say, là mê, nhưng cách mạng lại là tỉnh thức, tỉnh đến trong tiềm thức của mình. Một bên thơ là chủ thể chủ quan, một bên cách mạng chính là khách quan, là lịch sử. Một bên thơ là tiếng ru, tiếng hát, có khi là tiếng hát thầm trong phòng the, mà nay cách mạng lại cần những lời hiệu triệu, những tiếng thét nữa, tiếng thét to trước mặt quân thù hay ở giữa quảng trường. Làm thế nào đây? Mà vá víu, gò gẫm, cưỡng ép, thì đâu có phải là lí luận. Nào có phải là cứ cộng năm mươi phần trăm chất thơ và năm mươi phần trăm chất cách mạng thì ta sẽ có
  • 5. thơ cách mạng một trăm phần trăm. Trong một lí luận thơ cách mạng chân chính, thì không phải các yếu tố cách mạng hay thơ mỗi thứ đều nghèo đi một nửa, mà chính ở đấy, thơ cũng giàu lên và cách mạng cũng giàu lên. Phải nói là khi anh Hà Minh Đức, mấy năm trước đây, bắt tay vào công trình khá công phu, khá đồ sộ này, thì anh đã thừa hưởng được một sự hỗ trợ lớn. Đó là thực tiễn thơ, thực tiễn cách mạng vô cùng phong phú trên đất nước ta gần ba mươi năm lại đây. Cuộc cách mạng ở ta có nhiều đặc điểm, mà một đặc điểm khá quan trọng là nó đã tiến triển qua một thời gian rất đỗi dài. Tính từ 1945 không thôi, thì đã hơn một phần tư thế kỉ. Chừng ấy thì giờ đủ để xáo động tất cả các vấn đề, gốc hay là ngọn. Chừng ấy thì giờ đủ để cho những vấn đề ta gạt đi lần trước thì nó lại xuất đầu lộ diện lần sau. Chừng ấy thì giờ đủ chỗ cho nhiều vấn đề ta chưa bao giờ nghĩ đến hôm qua, thì ngày mai bỗng phải đặt ra ráo riết, mỗi chặng đường lại có một cái mới phát sinh. Có đủ thời cho tất cả.Có thời cho những nhà thơ cũ trước cách mạng vứt đi cái cũ của mình. Rồi có thời cho chính những thi sĩ ấy trở thành không chỉ là gạch mới, ngói mới, mà cả là cột mới nữa của ngôi nhà thơ cách mạng. Cái thời cho những cây bút trẻ xuất hiện, rồi có thời cho những cây bút trẻ ấy già giặn lên, thành chủ lực quân, trong khi một số khác chưa già mà đã rụng với những cơn gió độc. Nhân văn – Giai phẩm. Có thời ta phải vờ quên sự thầm thì nhí nhắt của cái riêng cố hữu để khẳng định tiếng nói mới của cái chung cần khẳng định. Rồi lại có thời muốn cho cái chung được phong phú, ta phải quay ra giải quyết ổn thỏa riêng chung, một người với mọi người. Có thời nói đến hình thức là làm hại nội dung. Nhưng có thời song song với rượu, là phải bàn đến cả vấn đề thay bình nữa đấy, không thì hỏng rượu. Miễn cho tôi liệt kê các thời ấy ở đây. Nhưng ta hãy thử lật ngược vấn đề. Nếu tập lí luận này viết vào thời chưa có vấn đề chống Mĩ nó sẽ thế nào? Liệu nó có thể viết được về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thơ một cách hùng hồn, vì có cơ sở, như ở đây hay không? Nếu nó được viết vào thời chưa xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì nó lấy tài liệu đâu để khẳng định cho lí luận thơ viết về hiện thực và cái mới. Nếu nó được viết vào lúc trên thi đàn lui tới chỉ có một số tên tuổi trước cách mạng, cộng thêm những tên trước thời kháng chiến, thì
  • 6. lí luận về lực lượng của nó có lúc rào rào những cây bút trẻ đang lên như bây giờ? Trong tham luận của mình tại Hội nghị chuyên đề về thơ Á–Phi họp ở Êrêvan năm ngoái, tôi có ví thơ với một con sông đang chảy qua nhiều phong cảnh khác nhau của lịch sử, và mỗi thời điểm mà nó đi qua đã cho con sông thơ ấy một sắc thái riêng. Nó có thể là mặt hồ yên tĩnh nơi này mà lại là gềnh thác nơi kia, là tiếng ru vỗ về nơi này mà lại là gào thét nơi khác. Tùy theo địa hình. Tùy theo lịch sử. Nếu là sông, thì con sông Thơ Việt Nam (sông Hương là nó mà sông Mã sông Hồng cũng là nó, nó là cửu Long chín dòng cuộn sóng mà cũng là sông Thương nước chảy đôi dòng) – vâng, con sông Thơ Việt Nam đã chảy qua quá dài thời gian, qua bao địa hình khác lạ. Điều ấy giúp rất nhiều cho các nhà lí luận. Vẽ bản đồ con sông nọ không dễ đơn giản xuôi chiều. Quá trình cách mạng dài đẻ ra các vấn đề, nó như một thú lí luận vô hình, bên cạnh các lí luận thành văn, lí luận hữu hình, và đồng thời nó đẻ ra các tác giả, các tác phẩm, cái thực tiễn thơ, nó là một thứ lí luận sống. Hãy nói đến thứ lí luận sống ấy truớc. Chúng ta ngày nay không những có tác phẩm, tác giả, mà có tác giả thế hệ này đến thế hệ kia, tác phẩm tiêu biểu cho đặc điểm này hay đặc điểm khác. Mỗi tác giả chúng ta lại có thể điểm từng thời kì với khuynh hướng riêng trong giai đoạn ấy. Và nói đến một tác phẩm ta có thể so sánh nó cùng bao tác phẩm khác tương tự, đối lập, hay bổ sung. Chúng ta có một nền văn học, một nền thơ. Có đủ và có dư cho các nhà lí luận làm nên lí luận. Đọc lên một câu thơ, nhắc đến một tên tác giả, ta biết ngay nó chứng tỏ cho một luận điểm nào. Ngược lại, muốn dẫn một tác giả, một tác phẩm để chứng minh cho một luận điểm nào, nhà lí luận không đến nỗi trắng tay khi làm việc ấy. Cũng nhờ thế mà ai có khả năng thì khi làm lí luận thơ Việt Nam, vô hình trung đã có thể làm văn học sử Việt Nam. Riêng tập sách này. Phải nhận, ít nhiều nó cũng có dạng ấy đấy. Nhưng ngoài thực tiễn các tác phẩm, các tác giả từ đó toát ra lí luận, hay từ đó ta rút ra lí luận, thì anh Hà Minh Đức còn thừa hưởng một thực tiễn
  • 7. khác khá quan trọng: ấy là những lời phát biểu, tuyên bố, lập luận về thơ, phần lớn đã thành văn. Ngày nay ai quên được câu “Nay ở trong thơ nên có thép” – cái câu đã thay đổi đời thơ (và cả đời người nữa chứ) của cả một thế hệ thi sĩ. Và nếu ta yêu mến nhà thơ lớn Tố Hữu, thì ta phải đánh giá cao những suy nghĩ lớn về thơ của anh, người đã nói thơ là tiếng nói đồng chí đồng tình. Anh là người đầu tiên tìm ra chữ “dân–tộc–hiện–đại” không chia cắt, không phải là do hai từ cộng lại. Và chúng ta không quên công lao của Hoài Thanh, của Xuân Diệu kiên trì trong địa hạt lí luận thơ này từ kháng chiến đến nay, từ những ngày Việt Bắc rừng nứa bờ tre, các anh đã chăm chút từng câu thơ công nhân, từng câu thơ bộ đội. Nhưng sự đóng góp quan trọng nhất cho lí luận thơ Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, phải nói là bài Tựa tập thơ của Sóng Hồng (tác giả tự đề tựa). Hình như chúng ta chưa đánh giá hết điều ấy. Ngoài cái giá trị nội tại lớn lao của nó, bài tựa ấy còn mang thêm một giá trị khác là nó đến đúng lúc, đúng thời. Đúng vào cái lúc chúng ta đang tranh cãi với nhau (hay tự thầm cãi với mình) về nhiều vấn đề mà lại dè dặt, bảo thủ nữa trong cách giải quyết. Cái tựa ấy đã đến và lên tiếng giúp ta trả lời. Không phải chỉ trả lời trên các vấn đề đường hướng, chiến luợc, cơ bản, mà còn cả trong những vấn đề cụ thể, chi tiết nữa kia (thơ là quả hay là hoa, là trí hay là tình, là thực hay là mơ, có hùng ca nhưng có thể hay là không có tình ca, thơ có vần hay không vần, tự do hay thể cũ là chủ thể). Tất cả chưa đầy bảy trang giấy nhỏ: “Thơ là một vũ khí đấu tranh giai cấp kì diệu”, “Thơ tức là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp”, “Thơ cũng như nhạc có thể trở thành một sức mạnh phi thường khi nó chinh phục được trái tim của quần chúng nhân dân”, “Thơ là một viên ngọc kim cương long lanh dưới ánh sáng mặt trời”, “… thơ là nghệ thuật kì diệu bậc nhất của trí tửởng tượng”. Những định nghĩa liên tiếp như thế về thơ đã trả lại cho thơ cái giá trị lớn lao của nó, cổ vũ những người làm thơ tiến lên, vì đã tin thêm ở hiệu lực vũ khí của mình. Họ nguyện sẽ vì cách mạng, vì nhân dân, vì văn học, trau đổi và giữ gìn vũ khí ấy.
  • 8. Từ đây trở lên trên, tôi đã kể qua những cái gì quý báu mà anh Hà Minh Đức đã thừa hưởng để viết nên tập sách. Công của anh không phải chỉ có thừa hưởng. Nhưng giá chỉ có thừa hưởng, biết cách thừa hưởng, thì cũng quý lắm rồi! Vì có khi có tất cả đấy rồi, mà người ta có chịu thừa hưởng cho đâu. Ví như đã có một hiện thực thơ Việt Nam phong phú, thế mà đến nay vẫn có những bài lí luận nằm lại phía bên này đường ranh giới của sự trừu tượng. Gọi những bài viết của họ vang động bởi các danh từ to lớn kia là xã hội học dung tục hay cao sang, thuần túy hay pha loãng gì đó thì cũng cho sinh chuyện, nhưng quả là các bài ấy viết cho thơ cũng được, viết cho tiểu thuyết cũng xong mà viết cho một chỗ không thơ không tiểu thuyết nào thì cũng đúng cả. Tác giả các bài ấy thích đi về trên các đại lộ quen thuộc, các quảng trường nhẵn vết chân người – ở đó không có họ ta cũng biết lối đi. Còn họ bỏ mặc ta ở những chỗ gai góc, khó khăn, ngõ hẻm hang cùng, khi ta cần đến họ hỏi đường thì họ vắng mặt, à quên, thì họ… trừu tượng. Anh Hà Minh Đức, tuy chưa thực mạnh dạn, chưa thực bao quát, nhưng cũng đã dám xông vào các vấn đề hóc búa ấy: các vấn đề đặc trưng, hình thức, trực năng, phi lí, ngữ ngôn. Xông vào và ra được. Tôi cũng nhớ đến một loại lí luận khác, đã về trần, xuống tục rồi mà vẫn muốn làm tiên, không hệ lụy, không dám cho áo mình trong vườn hoa thơ kia, lại có thể rách vì một cành hoa và một chiếc gai nào! Tôi muốn nói đến các nhà phê bình lí luận hay tránh né. Gọi họ là thẩm mĩ học từ xa hay gián cách, thẩm mĩ học chiến lược hay đại cương gì đó thì cũng được đi, nhưng quả là họ chung chung thật. Người ta chung chung ở lí luận, còn họ chung chung ở một phía khác. Họ bàn về thơ hẳn hoi, tinh tế là đằng khác, có tâm hồn lắm, nhưng cứ động đến một tên sách, tên người nào là họ chùn lại rồi. Họ tránh các tác phẩm cụ thể, tác giả cụ thể như những tảng đá có thể đắm thuyền mình. Cần phải dẫn chứng thì họ nhắc thơ nhân dân, thơ miền Nam, thơ em Khoa cho xong chuyện. Vì thế, tuy có thiếu sót chỗ này chỗ khác, có những điểm ta có thể không đồng tình, nhưng nói chung Hà Minh Đức đã dám (!) đánh giá cao cái
  • 9. thực tế thơ, thực tế văn học nước mình. Anh đọc khá nhiều sách nước ngoài đấy nhưng không phải vì thế mà trở nên choáng mắt đi, và lúc về nhìn lại cụ thể ở nhà, thì chỉ thấy một vùng lóa lóa. Mùa lúa đã có. Cái công anh là biết bó lại, mang về. Bó những cái cần bó và vứt những cái phải vứt. Anh đã vứt đi nhiều quan điểm không phải là ít phổ biến lâu nay trong làng lí luận. Hoặc là những quan điểm giản đơn, bảo thủ, khép chặt cửa lại – lệch phía bên này. Hoặc là những quan điểm tiên phong, rối rắm, mở toang hoang các cửa – lệch phía bên kia. Anh có đấu tranh. Anh vận dụng sinh động quan điểm của Đảng và do đó hướng được mình về phía tương lai, về cái mới. Chính nhờ biết dựa vào quan điểm của Đảng và có đấu tranh, nên anh không bị lạc trong cái bát trận đồ sách vở, mắc kẹt trong cái loa thành chữ nghĩa nước ngoài. Người ta nói tám vạn ngàn tư về thơ trên thế giới. Anh dẫn sách có lúc hơi thiếu, có lúc hơi thừa, nhưng nói chung là có ích và gây được thú vị. Dẫn sách ở đây không phải chỉ để thỏa mãn tò mò chúng ta, những người ham con chữ, anh dẫn sách là để nối liền ta cùng với người xưa, cùng với người xa. Thơ Việt Nam không biệt phái, không cô độc. Thơ ta cùng chung quy luật với thơ nhân loại. Ta không đi vào ngõ tắt. Ta ở trên con đường lớn mà thơ nhân loại đang đi, và cái gì ta được ở đây, chính cũng là cái mà ở xa nhân loại đang tìm, và cái tìm được của người khác cũng cổ vũ cho ta trong sáng tạo. Có thể gọi tập sách của anh Hà Minh Đức đã đưa ra một lí luận ta chấp nhận được, có thực tiễn, có đấu tranh, đứng vững trong quan điểm mình mà không gò bó hẹp hòi, bao quát ra xa mà không rối rắm. Không chơi chữ, nhưng tôi có thể nói rằng anh đã trình bày lí luận ấy không như một nhà phê bình, mà như một nhà… phê bình văn học. Bởi lẽ anh đã trình bày khá văn học – bằng lời văn, nhưng trước hết bằng năng lực cảm thụ thơ, cảm thụ văn học – những lí luận trên. Đọc xong tập sách, ta càng tin ở khả năng của Thơ hơn, giữa lúc có nhiều nơi muốn báo tử nó. Chúng ta cũng càng tin thêm ở
  • 10. những gì chúng ta làm được về thơ trong ba chục năm nay! Ba mươi năm thơ. Đề tựa một tập sách không có nghĩa là tán thành tất cả những điều viết ra trong sách. Nếu quả như thế thì chả ai dám đề tựa nữa! Nhất là đối với các quyển sách dày. Có nhiều điểm trong sách này khác xa ý kiến của tôi. Nhưng tôi phải biết tôn trọng tác giả. Vả chăng, cái điều quan trọng là đường hướng chung tập sách đã phù hợp với sự suy nghĩ của mình. Cách đây mấy năm, kết thúc bài tựa cho tập Thơ chống Mĩ cứu nước, tôi có mơ ước: “Một nền thơ Việt Nam mang lí tưởng xã hội chủ nghĩa mà lại rất dân tộc, thừa hưởng truyền thống cũ của cha ông nhưng táo bạo đi tìm cái mới hiện đại ngày nay, mang hoài bão chung của một nước một thời nhưng bao dung trân trọng phong cách của trăm nhà, chiến đấu trên những đỉnh cao, nhưng không coi thường cuộc sống thường tình, kết hợp tính đảng và tính nhân dân, Việt Nam và nhân loại, hiện thực mà rất đỗi trữ tình, đi tìm cái thiện cái chân nhưng phải biểu hiện ra bằng hình thức đẹp”. Tác phẩm của anh Hà Minh Đức cũng mang mơ ước ấy. Nó ra xong, người ta sẽ tiếp thu chỗ này, đính chính chỗ nọ, khen ngợi phần này, uốn nắn phần kia, như đối với tất cả mọi quyển sách. Nhưng đầu tiên những tác phẩm như thế này thật cần biết bao nhiêu. Chỉ vì, mới hôm qua đây, những quyển như thế không thấy có mấy, gán như là không có. Đây là những lí do khiến tôi trân trọng giới thiệu tập sách này. Hà Nội, 1974 CHẾ LAN VIÊN Chương 1. XÁC ĐỊNH MỘT QUAN NIỆM ĐÚNG ĐẮN VỀ THƠ I. XUNG QUANH MỘT ĐỊNH NGHĨA VỀ THƠ Trong lời đề tựa tập thơ của mình, Sóng Hồng viết: “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp. Thơ không chỉ nói lên tình cảm riêng
  • 11. của nhà thơ mà nhiều khi thông qua tình cảm đó nói lên niềm hi vọng của cả một dân tộc, những ước mơ của nhân dân vẽ lên những nhịp đập của trái tim quần chúng và xu thế chung của lịch sử loài người… Thơ là một hình thái nghệ thuật cao quý tinh vi. Người làm thơ phải có tình cảm mãnh liệt thể hiện sự nồng cháy trong lòng. Nhưng thơ là tình cảm và lí trí kết hợp một cách nhuần nhuyễn và có nghệ thuật”. Một quan niệm như thế về thơ không những đã nói lên được tầm quan trọng của thơ, một hoạt động tinh thần hết sức phong phú và tinh tế của đời sống tâm hồn con người mà còn có tác dụng phê phán trên nhiều mặt những quan điểm thần bí và dung tục hóa thơ ca. Thơ là thể loại văn học nảy sinh sớm. Khi con người bắt đầu cảm thấy những mối liên hệ giữa mình và thực tại, và sâu sắc hơn khi có những nhu cầu tự biểu hiện, thì thơ ca xuất hiện. Đã hàng ngàn năm lịch sử trôi qua, tiếng thơ vẫn là tiếng nói tươi trẻ nhất của đời sống, vẫn luôn thiết tha khơi động đến chiều sâu của tình cảm, gắn bó với những ước mơ hoài bão, mềm mại trong nỗi niềm tâm sự an ủi, và hào hùng trong tiếng nói ngợi ca chiến đấu. Từ thời kì cổ đại với thơ của Penđar, Saphô, Têôcrit đến những tiếng thơ gần gũi hơn của Gơt, Sinlơ, Hainơ, Huygô, Pêtôphi, Puskin, Lecmôntôp… và thơ hiện đại với P.Êluya, Blôc, Maiakôpxki, Pablô Nêruđa, Garxia Lorka… Thơ ca Đông phương trầm lắng, nên thơ rất độc đáo trong cảm hứng sáng tạo. Ấn Độ với Tagor; Trung Quốc với Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Lí Bạch, Bạch Cư Dị, Mạnh Hạo Nhiên, v.v… Thơ Việt Nam từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Du, từ Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Phan Bội Châu đến Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu…, nhiều thế kỉ đã trôi qua; mỗi phong cách thơ đều có một sắc thái, một âm hưởng riêng. Có thể nào từ những cái riêng biệt độc đáo đó tìm về được một đặc điểm chung của thơ? Xác định được một quan niệm chung, một định nghĩa về thơ là một vấn đề cần thiết. Người ta đã bàn nhiều về thơ nhưng thực ra ý kiến vẫn có nhiều điểm khác nhau, thậm chí đối lập nhau và thật sự vẫn chưa có được một định nghĩa hoàn chỉnh về thơ. Phần vì khác nhau về lập trường quan điểm, phần vì
  • 12. hình tượng thơ biến hóa và ít xác định, phẩm chất thơ ca đa dạng, phong phú, tác động của thơ đụng đến nhiều mặt trong đời sống tinh thần của con người…, nên từ nhiều góc độ cảm thụ khác nhau,người ta tìm đến và nói về thơ. Thơ là tiếng nóị của tâm hồn, của niềm mơ ước. Thơ bộc lộ khác vọng vươn tới một lí tưởng đẹp đẽ và cao thượng. Sự có mặt của thơ ca chân chính trong đời sống góp phần chứng minh sự tồn tại của những gì tích cực của con người đang luôn tha thiết tìm đến và đấu tranh cho một lẽ sống và chân lí tốt đẹp. Nhiều quan niệm về thơ được xác định qua phẩm chất này của thơ. “Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” (Sóng Hồng). Phần cao đẹp của con người bộc lộ trong đời sống hằng ngày mà thơ ca có nhiệm vụ miêu tả và biểu hiện trực tiếp, nhưng rất quan trọng là sự cao đẹp của lí tưởng và những khát vọng chân chính mà con người đang đấu tranh để thực hiện một cách hiệu quả. Thơ phải khơi dậy được những hoài bão cao đẹp và rộng lớn của con người. Thơ không chỉ biểu hiện cuộc sống như nó vốn có. Thơ có nhiều thuận lợi hơn các thể loại khác để biểu hiện cuộc sống trong phần sẽ có và cần phải có. Đấy cũng chính là thể hiện cuộc sống một cách cao đẹp. Huy Cận cũng cho rằng: “Cái chỗ đến cuối cùng của thơ là phải đem đến một cái gì nâng sự sống lên”. Hay nói theo những cách nói khác: “Thơ, đó là sự cố gắng không ngừng của con người để tự vượt lên mình”, “Thơ ca đáp ứng một nhu cầu mơ ước”, “Thơ là một động lực kì thú để nâng cuộc sống lên tầm vóc cao hơn đồng thời nâng tầm vóc chúng ta cao bằng cuộc sống” Những quan niệm trên đều trực tiếp và gián tiếp bộc lộ ý thức trách nhiệm và lòng tin của nhà thơ vào cuộc sống cũng như đối với chính mình. Chức năng xã hội và lí tưởng của thơ ca được xác định khá rõ rệt. Cũng một khuynh hướng nhấn mạnh trong bản chất của thơ phần mơ ước và khát vọng vươn tới, nhưng những ý kiến sau đây lại xác lập chủ yếu trên một quan niệm có tính chất thoát li xã hội về bản chất của thơ ca. Các nhà thơ lãng mạn
  • 13. thường đem đối lập một cách sai lầm thơ với đời sống hiện thực, nên có khuynh hướng lí tưởng hóa thơ một cách cực đoan, xem “thơ là sự hiện thân cho những gì thầm kín nhất của con tim và thiêng liêng nhất của tâm hồn con người, và cho những hình ảnh tươi đẹp nhất, âm thanh huyền diệu nhất trong thiên nhiên”, hay cho rằng “thơ ca là một giấc mơ qua đấy người ta mơ ước về một cuộc đời tốt đẹp hơn hoặc cực đoan và siêu hình khi quan niệm thi ca là cái đích hoàn hảo nhất để không, bao giờ vươn tới được: “Thơ sẽ còn lại mãi mãi để nhắc nhở cho thời đại, cho lịch sử, cho những người đang sống và những người kế tiếp rằng hành động của họ chưa đạt tới cái đích của thi ca phóng ra” Nói đến thơ cũng chính là nói đến một phuơng diện của tinh hoa con người và tạo vật. Thơ không ăn nhập, dung hòa với những cái gì thô thiển, tầm thường, cũng như phần bề bộn, xô bồ của cuộc sống. Thơ được khai thác từ trong đời sống cũng như những vỉa quặng được lấy ra từ trong lòng đất, và cao hơn nữa đó là chất kim được chắt lọc ra từ những đống quặng bề bộn. Thơ đòi hỏi đến sự điển hình cao độ – điển hình của tâm trạng, hình ảnh, nhịp điệu… Quá trình chọn lọc này thực chất là một quá trình sáng tạo rất công phu, tinh tế, vừa đòi hỏi sự nhập thân, gắn bó, lại biết tách ra để tỉnh táo chọn lọc, vừa dung nạp tinh thần phóng túng, tài hoa, lại đòi hỏi hết sức mức độ, chặt chẽ. Quá trình chọn lọc sáng tạo cũng không diễn ra như người gạn lấy tinh chất theo cách nấu gạo lấy rượu hoặc cất nước hoa, ở đấy vẫn còn và rất cần đến dấu vết và bùn đất của đời sống nhưng không tự nhiên, thô sơ. Thông qua sự chọn lọc này, chất liệu của đời sống không bị khô héo, hoặc bị cắt xén đi mà vẫn bồi hồi và nhịp nhàng sự sống. Nhiều nhà thơ đã tìm nghĩa cho thơ qua phẩm chất này. Tố Hữu quan niệm “thơ biểu hiện tinh chất của cuộc sống”, “thơ là cái nhụy của cuộc sống”. Xuân Diệu cũng cho rằng: “Thơ là lọc lấy tinh chất, là sự vật được phản ánh vào trong tâm tình”. Lưu Trọng Lư cũng lưu ý đến đặc điểm trên của thơ: “Thơ là sự sống tập trung cao độ, là cái lõi của cuộc sống”. Thanh Tịnh cũng nghĩ: “Thơ là tinh hoa, là thể chất cô đọng của trí tuệ và tình cảm”. Một quan niệm
  • 14. cũng khá phổ biến về thơ ca gắn liền với năng lực đồng cảm nhanh chóng và lạ kì của thể loại này. Thơ ca là những sợi dây tình cảm thương mến ràng buộc mọi người. Thơ ca đi bằng con đường ngắn nhất đến với trái tim và cũng để lại ở đây những dấu vết không phai nhạt được. Năng lực đồng cảm của thơ không tràn lan vô nguyên tắc mà bao giờ cũng có hướng định theo một lí tưởng xã hội, một quan niệm yêu thương chi phối. Tố Hữu đã nhiều lần xác định quan niệm về thơ qua đặc điểm này. “Thơ là một điệu hồn đi tìm những hồn đồng điệu”. “Thơ là chuyện đồng điệu”. “Thơ là tiếng nói tri âm”. Tiếng thơ tuy nhẹ nhàng, thầm kín nhưng có một năng lực tập hợp nhanh chóng trên một lí tưởng xã hội chung, những tâm trạng gần gũi quen thuộc. Tiếng nói thiết tha này nhiều khi như một bằng chứng rõ rệt xác minh những mối liên hệ đồng cảm giữa những trận tuyến tình cảm, yêu thương, căm giận của con người. Trên ý nghĩa đó, tiếng thơ là một lời kêu gọi sự hưởng ứng, đồng tình; tiếng thơ là một lời tâm sự thầm kín được mở rộng như một tiếng nói bạn bè thân thương; tiếng thơ là một âm vang dội đi dội lại, ngày càng lắng sâu trong đời sống tâm hồn con người, tiếng thơ là nơi giao cảm và hội ngộ của những tâm tình, tiếng thơ là sự giao hòa giữa thế giới riêng tư của cá nhân và xã hội. “Thơ là một hành động giao cảm, một hành động tín nhiệm”, hay nói thêm một khía cạnh khác: “Thơ phải là một cố gắng hòa hợp tình cảm của cá nhân với hiện thực của thế giới chúng ta”. Nói đến vấn đề đồng cảm trong thơ là trên cơ sở xác định rõ rệt ranh giới về giai cấp. Nói như nhà thơ Tố Hữu: “Thơ là tiếng nói đồng ý đồng tình, tiếng nói đồng chí. Thơ tư sản thì tìm tới lỗ tai, cái bụng tư sản. Thơ của nhân dân lao động thì tìm tới trái tim của người lao động”. Nhiều định nghĩa về thơ gắn liền bản chất của thi ca với sự sáng tạo. Nghệ thuật là sáng tạo, bản chất của nghệ thuật là sáng tạo. Với thi ca, sự sáng tạo phải trở thành mục đích, yêu cầu và nội dung của hoạt động này. Thi ca dễ lặp lại mình, dễ đi lại những nẻo đường đã có sẵn và trì trệ. Nhiều nhà thơ đã xác định bản chất của thơ ca trên đặc điểm này. Biêlinxki đã từng xác định “tính nghệ thuật là sự sáng tạo”; và cũng có thể nói như một nhà thơ,
  • 15. “thơ ca là sự sáng tạo của sáng tạo”. Luôn đi về phía trước, đối lập với mọi sự im lặng, bảo thủ và tăm tối, thơ ca là ánh sáng, là sự phát hiện, là tương lai. Trong bản thân thơ ca chứa đựng một cái gì của tương lai hay ít hơn là phải dự kiến một cái gì cho tương lai. Năng lực tìm tòi, phát hiện ấy là sự sáng tạo. Apôline cũng khẳng định “thơ ca và sáng tạo chỉ là một”. Nêkraxôp xem “thơ ca là vinh dự của sự sáng tạo có thể có được của con người”. Maiakôpxki, người mở đầu của nền thơ ca Xô viết, đã bộc lộ sức sáng tạo lớn lao, mạnh dạn trong toàn bộ hoạt động sáng tác của mình. Maiakôpxki quan niệm “chính người sáng tạo ra những quy tắc thi ca mới là thi sĩ”. Trên tinh thần đề cao sự sáng tạo trong thơ cũng có nhiều cách nói với những màu sắc khác nhau, như xem “thơ là mở ra được một cái gì mà trước khi có câu thơ đó, trước khi có nhà thơ đó vẫn như là bị phong kín”, “thơ là biểu hiện của lòng tin vào những công trình sáng tạo của con người”. Biết bao tiếng nói thơ ca đã mất đi vì nó không đem lại một cái gì mới cho con người. Những sáng tạo trong thơ ca chưa phải là những dự kiến quy mô về tương lai, những sự phác họa tỉ mỉ về những công trình cụ thể của đời sống con người mà chủ yếu là sự sáng tạo trong đời sống tâm hồn. Luôn có một cái nhìn phát hiện, đem đến cho con người những rung cảm và cách suy nghĩ, cách giải thích mới, từ đấy góp phần nâng cao cuộc sống con người với những giá trị tinh thần cao đẹp của nó. Một nhận định, một sự giải thích đúng đắn cũng có giá trị củng cố cho những ước mơ, và những ước mơ lại chuẩn bị cho những năng lực mới, cho sức sáng tạo mới. Sáng tạo là đi về phía tương lai, về phía chân lí; từ trong những tìm tòi, nghĩ suy, từ trong đấu tranh để khẳng định cái mới. Thơ là sáng tạo. Một nhận định và cũng là một yêu cầu, một ước mong tích cực. Xác định bản chất của thơ ca là hành động giao cảm, là một ước mơ hay một sáng tạo đều đúng với bản chất của thơ, nhưng thường không đủ và nhiều định nghĩa có thể cực đoan và lệch về một phía. Tuy nhiên những định nghĩa, những quan niệm trên đều tích cực, gắn bản chất thơ ca với những cái gì tốt đẹp và đẩy cho thơ ca đi về phía trước.
  • 16. Bên cạnh những quan niệm tích cực trên, tồn tại biết bao nhiêu những quan niệm, những định nghĩa sai lầm về thơ. Một xu hướng khá phổ biến là tách thơ khỏi đời sống hiện thực, xem thơ là một cái gì thanh khiết, cao đẹp. tinh tế, không gắn bó gì với cuộc sống lao động cực nhọc. Thơ không tìm chỗ đứng ở những sự việc, những cái hằng ngày có tính chất thực dụng, tầm thường. Và đẩy thơ ca đi xa hơn, xa hơn, ra khỏi địa hạt và phạm vi của thế giới con người, nhiều quan niệm gắn bản chất của thơ ca với thế giới linh thiêng huyền bí của thần thánh, và hoạt động thơ ca trở nên một hoạt động kì lạ, “nhiệm mầu”. Quan niệm này tồn tại đã từ rất lâu trong đời sống của con người. Trong hình thái cổ sơ, thơ ca tồn tại dưới dạng của những bài hát lễ nghi, những lời phù chú và được sử dụng trong các hội hè văn nghệ và tôn giáo. Lời hát còn diễn ra kết hợp với nhạc và nhảy múa. Những bài phù chú của các thầy phù thủy diễn hành tế tự được xem như những bài thơ đầu tiên. Ở đây tôn giáo thâm nhập vào thơ ca, nhân tố thần linh chi phối đến cảm hứng sáng tạo, đến những tình cảm và hình ảnh trong bài. Nhưng thực chất của những niềm ước mong, của những lời cầu nguyện lại mang một nội dung xã hội, một yêu cầu cụ thể trong lao động. Những bài ca nghi lễ gắn liền với lao động như những bài ca khấn nguyện của người Mường (Mãn Đức, Lạc Sơn, Hòa Bình) gồm những bài nói về chu trình làm ruộng, cũng như những bài dân ca tế thần như hát Ải lao, hát Xoan, hát Dậm Hà Nam, hát Hội Dô, tuy đều mang màu sắc tôn giáo nhưng nội dung lại chứa đựng nhiều nhân tố tích cực. Chúng ta hãy nghe một khúc hát Hội Dô: … Đây là Liệp Hạ đóng đám Khánh Xuân Bạn nàng tôi vào hát thờ thần Đề chữ vui vè Già thì sức khỏe Trẻ thì bình yên Ở giữa ăn tiền Kính thờ thượng đẳng
  • 17. hoặc một điệu khúc có tính chất cầu nguyện qua mấy câu sấm cổ của người Irlăng: “Tin vui mừng, biển nhiều cá, bờ sóng cuộn sạch bong, rừng cây tươi tốt. Niệm chú xong, vườn cây dâng hoa, đồng lúa chín vàng, ong bay rộn rã. Một thế giới vui tươi, thanh bình, giàu có, một mùa hè kì thú”. Ở đâu là phần huyền bí của tôn giáo và ở đâu là phần ước mong lành mạnh? Yếu tố thần linh nhiều khi chỉ tồn tại như một biện pháp, một giới hạn chung của thời đại. Không thể xem thơ ca là pháp thuật, là chuyện phù phép. Trong thời kì cổ đại, Platông đã xem linh cảm như bản chất của thi ca bộc lộ ra từ trong quá trình sáng tác cũng như thưởng thức. Linh cảm là một sự giao cảm mầu nhiệm giữa thế giới thần thánh đến thế giới của con người mà nhà thơ là người trung gian, là kẻ truyền đạt. Trong đối thoại Iông giữa Iông và Xôcrat, Platông đã khẳng định luận điểm trên thông qua phép biện luận có tính chất loại suy. Thơ ca không phải là một kiến thức về kĩ thuật. Đọc Hôme không phải để học cách chỉ huy quân đội, cách chèo thuyền và đánh xe ngựa tuy rằng trong đó có những đoạn tả hay về những vấn đề trên. Khi linh cảm nhập vào thơ, ấy là thời điểm quan trọng của sự sáng tạo, sự say mê tràn vào lấn át lí trí, phút linh thiêng chiếm ngự tâm hồn. Platông xem các nhà thơ trữ tình khi làm những câu thơ hay cũng giống như những thầy tế tự Côrybăng được thần thánh nhập vào khi nhảy múa. Họ nhập mê, mất lí trí và sự tỉnh táo bình thường, cảm hứng sáng tạo của họ hoàn toàn bị thần linh chi phối. Sau này một số nhà thơ như Nôvalix, Pôn Clôđen, Seli, Hăngri Brêmông… cũng thường giải thích và gắn hoạt động sáng tạo thơ ca với bản chất linh thiêng huyền bí của tôn giáo. Xuân thu nhã tập cũng nêu lên một định nghĩa về thơ mô phỏng theo quan điểm của Platông và pha trộn với một số quan niệm có tính chất thần bí của triết học duy tâm cổ Trung Quốc. L.Hippiuyt xem thơ là một hình thức cầu nguyện trong tâm hồn. Và khi xem trong bản chất thi ca như một hình thức nguyện cầu, cũng có nhiều quan niệm khác nhau, Vũ Hoàng Chương cho rằng thơ ca là sự nguyện cầu để trở về. Có người nghĩ: “Trước kia làm thơ là cầu nguyện với Thượng đế, với thiên nhiên. Bây giờ thơ là một bản kinh,
  • 18. người thơ tự cầu nguyện với chính mình”. Hàn Mặc Tử quan niệm “tất cả thi sĩ ở trong đời phải quy tụ, phải đi khơi mạch thơ ở Đức Chúa Trời”, và có người gọi Hàn Mặc Tử là thi sĩ của đạo quân Thánh giá. Thần linh có khi chỉ là một cớ, một chiêu bài, lấy sự thiêng liêng để che đậy những dạng ý chính trị về thi ca. Một số quan niệm về thơ ca ở Sài Gòn hiện nay nằm trong trường hợp này. Những quan niệm trên nhằm dụng ý từ bỏ chức năng xã hội của thơ ca và đẩy thơ ca vào một địa hạt huyền bí. Thơ không còn là tiếng nói cảm thông, là tiếng hát của tâm hồn, mà chỉ còn là lời nguyện cầu của con người đang ở trong cảnh khổ đau, hoặc là sự chấp nhận, một cách thụ động những gì được xem là linh thiêng và được đưa về từ một thế giới khác. Thơ đi vào hướng bế tắc. Nhà thơ không còn là người công dân tích cực, người chiến sĩ đóng góp với xã hội một tiếng nói của chân lí, của những ước mơ và khát vọng chân chính. Tôn giáo trong bản chất của nó là mâu thuẫn và trái địch với thơ ca. Một khuynh hướng cần phê phán khi đem những yếu tố hình thức trong thơ để lí giải bản chất và xác định định nghĩa về thơ. Một số người thường nhắc lại câu nói của Valêri: “Thơ ca là sự phân vân kéo dài giữa âm thanh và ý nghĩa” và xác định như tính chất nước đôi (ambiguité) là cơ sở và gốc rễ của thơ. Đi quá hơn về phía hình thức, một số quan niệm xem thơ như là phù phép về ngôn ngữ và vận dụng hình ảnh. Ăngđrê Jiđơ quan niệm “một nhà thơ chân chính là một nhà pháp thuật”. Ở trong quan niệm này của Jiđơ, tính chất thần linh, tôn giáo không phải là chủ yếu, mà căn bản Jiđơ quan niệm thơ ca như một thứ ma thuật về ngôn từ. Trong tuyển tập thơ ca Pháp, Jiđơ đặc biệt chú ý đến định nghĩa về thơ của Têôđo Băngvin: “Cái trò ảo thuật này nhằm lay động những cảm xúc nhờ sự phối hợp của những âm thanh… nhờ thứ bùa phép này mà những ý tưởng được tất yếu truyền đạt giữa chúng ta một cách chắc chắn bằng những từ mà tự chúng không hẳn nói ra điều ấy” Banmôn, nhà thơ suy đồi và tượng trưng Nga, cũng đề xướng một quan niệm tương tự. Những người chạy theo khuynh hướng trên thường xem ngôn ngữ
  • 19. như là mục đích tự thân của sự sáng tạo, hoặc tách rời âm thanh và ý nghĩa của từ hoặc giải thích một cách huyền bí sự tổ hợp của các từ trong quá trình sáng tác. Khuynh hướng hình thức chủ nghĩa còn lí giải bản chất của thơ ở kĩ thuật xây dựng hình ảnh và tổ chức kết cấu của tác phẩm. Hình ảnh, một yếu tố thiên về nội dung của thơ, đã biến thành những trò ảo thuật hình thức. Pôn Clôđen lại nhấn mạnh đến kết cấu như yếu tố cơ bản nhất của thơ: “Thơ ca là kết cấu và nhờ có kết cấu mà nó mang lại cho lỗ tai và trái tim của người nghe niềm vui và thích thú riêng”. Ngoài những quan niệm về thơ theo những khuynh hướng khác nhau trên, còn có những định nghĩa cầu kì, lập dị về thơ theo một cách cảm, cách nói có tính chất phiến diện, do một liên tưởng ngẫu nhiên, hoặc lấy cái thứ yếu làm bản chất, lấy một biểu hiện thoáng qua nhất thời làm quy luật phổ biến. Tìm hiểu và xác định bản chất của thơ không thể không đề cập đến một vấn đề quan trọng mà từ trước đến nay đã được bàn luận và lí giải, đó là sự phân biệt giữa thơ và văn xuôi. II. THƠ VÀ VĂN XUÔI Người ta dễ thấy sự khác nhau giữa thơ và văn xuôi trong cấu tạo hình thức của hai thể loại này. Văn xuôi và thơ đều có nhịp điệu, nhưng nhịp điệu của văn xuôi không rõ nét, không có âm hưởng rõ rệt, và buông thả có tính chất tự nhiên, mơ hồ. Cho nên nếu nói cho xác định đúng với bản chất của nhịp điệu thì chỉ thơ mới có nhịp điệu. Một số công trình nghiên cứu về thơ cũng thống nhất quan niệm khi xác định tính nhịp điệu trong văn xuôi và trong thơ. Cấu trúc nhịp điệu trong văn xuôi không rõ ràng: “Nhịp điệu trong văn xuôi không phải là cái gì khác mà chỉ là một phác họa của nhịp điệu”. Nhịp điệu trong văn xuôi “trôi chảy, không bền vững, nó thay đổi và chuyển chỗ không ngừng; phần lớn là không thể quy nó về những quy luật rõ ràng nào, không thể miêu tả tổ chức của nó. Nhịp điệu của thơ, trái lại, rõ ràng”. “Văn
  • 20. xuôi, cái thể lỏng đáng nguyền rủa nhất định không chịu nhận một hình thức xác định”. Nhịp điệu trong thơ là nhịp điệu có tổ chức trên cơ sở của những đặc điểm về ngôn ngữ của một dân tộc nhất định. Nhịp điệu của thơ ca Việt Nam khác với nhịp điệu của thơ ca Pháp, thơ Nga, v.v… Trong cấu tạo nhịp điệu, yếu tố dễ thấy nhất về mặt hình thức để phân biệt với văn xuôi là những câu thơ có vần và dạng cấu tạo của nó. Nhìn chung, những câu thơ được cấu tạo thành những dòng đều đặn (thơ cách luật) thành những khổ thơ, và có bắt vần. Trong thơ tự do, đặc điểm trên tuy có khác đi, nhưng vẫn có thể dễ nhận thấy một cách bao quát dạng của một bài thơ khác với tính chất kéo dài và nối tiếp của những câu văn xuôi. Nhưng sự khác nhau giữa thơ và văn xuôi chắc chắn không phải chỉ ở những yếu tố thuộc về hình thức. Trong đời sống, chúng ta thường bắt gặp những câu có vần có nhịp làm theo các thể thơ nhưng không thể xem là thơ được. Trong sinh hoạt văn học người ta cũng thường gọi một cách châm biếm những nhà thơ tồi, những người thiên về kĩ thuật hình thức là nhà thơ ghép vần. Hiện tượng ghép vần luôn có mặt bên cạnh sự tồn tại của thơ ca chân chính. Như thế là đặc điểm bản chất của thơ không phải là ở những câu văn vần. Từ lâu đã có sự phân biệt này. Trong Nghệ thuật thơ ca, Arixtôt đã xác định rõ rệt: “Chỗ khác nhau giữa nhà sử học và nhà thơ không phải là một người thì dùng văn xuôi, một người thì dùng văn vần. Những quyển sử của Hêrôđôt có thể đổi thành văn vần vẫn là sử dù có vần luật hay không cũng vậy”. Arixtôt xem nội dung sáng tác là cơ sở để phân biệt cái gì là thơ và không phải là thơ. Trong tác phẩm Mĩ học, Hêghen cũng cho rằng “văn xuôi viết thành câu thơ vẫn chưa phải là thơ”. Victo Huygô trong bức thư gửi cho Aden Phuse, đã đề cập đến vấn đề này: “Những câu có vần nhịp tự nó chưa phải là thơ. (Thơ là từ trong những ý tưởng và những ý tưởng lại đến từ trong tâm hồn. Những câu thơ chỉ là bộ quần áo đẹp trên cơ thể đẹp. Thơ có thể biểu hiện bằng văn xuôi nhưng nó chỉ thực sự thật hoàn mĩ qua về đẹp duyên dáng và lộng lẫy của những câu thơ”. Đi vào thực tế sáng tác có những câu mà hình thức là những câu thơ, nhưng thực chất lại là câu văn xuôi.
  • 21. Và ngược lại, người ta cũng thấy có nhiều bài văn xuôi có tính chất thơ. Ở đây chúng ta có thể tiến hành một sự so sánh thú vị giữa hai trích đoạn thơ và văn xuôi của Xuân Diệu cùng viết về một chủ đề: “Ôi đất nước! Sau mười năm xây dựng trong hòa bình mắt say với ánh điện do những tay người lao động làm ra bây giờ ta lại có dịp trong mười đêm, hai mươi đêm, ba mươi đêm liền nhìn người trong bóng tối, ta nhìn người, đất nước ơi, trong lúc chân đạp xe đi tôi nhìn người. Tổ Quốc ơi, trong những đêm lấy làm ngày như thế! Như hai mặt của một trang giấy dính chặt nhau, tôi lật những trang ngày rạng rỡ ánh sáng mặt trời, tôi lật những trang đêm nở đỏ… Như đứa trẻ mắt đã no nhìn mặt mẹ thương yêu, nó nhắm mắt đưa hai bàn tay lên sờ mặt mẹ, nó càng thêm thương yêu mẹ vô ngần; dưới bóng sao, dưới bóng trăng, dưới cả bóng mây đen kịt, phần lớn thấy lờ mờ, có khi thấy khá rõ, nhiều khi như đi trong biển mưa, tôi có cảm giác như chủ yếu là hai tay tôi đã được sờ lên những nét mặt của Tổ Quốc thương yêu, trái tim bây giờ nhạy bén lắm, không nhìn, tôi cũng biết là mẹ… Đã mấy khi tôi thức trọn với núi sông như những lúc hành quân đêm”. Những câu văn xuôi trên mang nhiều chất thơ, ý thơ, Xuân Diệu cũng đã rút cái chất thơ đó thể hiện vào trong bài thơ Những đêm hành quân: Tôi đã đi hàng chục đêm sao Một chiếc xe – đạp vào băng bóng tối Cũng có lúc mây trời đen kịt lưới Cũng có tuần trăng mới ánh trăng trong. Đã mấy khi tôi thức với non sông Trọn những đêm ròng mắt chong chân bước Đêm hành quân thả tâm hồn đi trước Yêu với căm hai đợt sóng ào ào Vỗ bên lòng, dội mãi tới trăng sao. Giữa đêm tối, gần xa là biển mực
  • 22. Chính là lúc trái tim càng sáng rực Khi mắt không nhìn được bốn thước xa Chính là khi nghe cả núi sông nhà Tôi như đứa trẻ con đôi mắt khép Sờ mặt mẹ trên ngón tay tha thiết Tôi hiểu đêm nay thôn xóm nghỉ gì Đằng chân trời ấp ủ những điều chi. Sự khác nhau chủ yếu giữa hai trích đoạn trên là ở hình thức biểu hiện. Một bên chất thơ biểu hiện trong những câu văn xuôi và một bên qua những câu thơ. Sự lẫn lộn hoặc kết hợp qua lại giữa thơ và văn xuôi bộc lộ qua nhiểu hiện tượng văn học. Người ta thường nhắc tới loại văn xuôi có nhiều chất thơ của Victo Huygô trong văn học Pháp và của Tuôcghênhep trong văn học Nga. Trong văn học Việt Nam cũng có nhiều thể loại thơ ca cổ dường như đứng giữa văn xuôi và thơ như thể phú, các loại biền văn. Và ngay trong nhiều sang tác văn xuôi cũng chứa đựng nhiều chất thơ. Một số bài kí của Nguyễn Trung Thành, một vài chương trong Miền Tây của Tô Hoài và Hòn Đất của Anh Đức thường được xem là giàu chất thơ. Do đó ranh giới giữa thơ và văn xuôi không phải bao giờ cũng dứt khoát, cũng dễ phân định bằng một vài tiêu chuẩn xác định nào. Hêghen cũng có căn cứ khi nói lên một thực tế là không phải lúc nào cũng dễ vạch ra một cách chính xác sự khác nhau giữa thơ và văn xuôi. L.Tônxtôi cũng có lúc cho rằng: “Tôi không bao giờ biết đâu là ranh giới giữa văn xuôi và thơ ca”. Phải chăng “vấn đề là một vần, một điệu thơ, một cách sang hàng khác thường, một cách nói không như lệ thường, một tiếng kêu, một cơn giận, một niềm ân ái yêu thương… Nhưng rồi lại có những sự hôn phối, những kết hợp, những sự lai tạp. Có những bài văn xuôi có tính chất thơ và những bài thơ bằng văn xuôi. Có những cuốn tiểu thuyết thơ và nhiều cuốn tiểu thuyết khác thì lại không thế. Con đường phân ranh giới không phải lúc nào cũng rành mạch liên tục.
  • 23. Nhiều nhà thơ đã dùng những cách nói, những hình ảnh khác nhau để nêu lên sự khác biệt giữa văn xuôi và thơ. Puskin cho rằng thơ và văn xuôi cũng như lửa và băng, Pôn Valêri xem con đường đi từ văn xuôi đến thơ có một cái gì gần với bước phát triển từ lời nói đến tiếng hát, từ bước đi đến điệu nhảy. Có nhà thơ xem thơ là nỗi khổ đau có một cái gì đấy huyền bí và linh thiêng, còn văn xuôi là một niềm vui dễ hiểu (Nagruzzi). Có người phân biệt nhịp điệu trong thơ và văn xuôi như tốc độ của một chuyến tàu tốc hành và một con tàu thường. Thực ra những cách so sánh trên vẫn chưa nói lên được gì nhiều lắm về sự khác nhau giữa thơ và văn xuôi. Phân biệt thơ và văn xuôi không hoàn toàn chỉ là một việc làm có tính chất học thuật thuần túy mà nhiều khi bộc lộ trực tiếp những vấn đề về quan điểm. Một loại khuynh hướng khá phổ biến là đối lập thơ và văn xuôi, chất thơ và chất văn xuôi, để qua đấy xem thơ là cái gì cao quý, thanh khiết, thoát li khỏi đời sống hiện thực tầm thường, nhỏ nhặt, thô thiển vốn là nội dung chủ yếu của văn xuôi. Hêghen xem văn xuôi như một cái gì nhạt tẻ và hằng ngày đối lập với thơ giàu tưởng tượng đắm say và bay bổng hơn. Nitsơ cho rằng viết văn xuôi hay “là nhằm nghĩ đến thơ bởi vì văn xuôi là một cuộc chiến tranh độc đáo không ngừng với thơ, không ngừng tách ra khỏi thơ và đối lập với thơ”, P. Valêri cũng đối lập một cách cực đoan giữa thơ và văn xuôi. Valêri xem việc viết thành văn xuôi một bài thơ là một hành động tà giáo (acte dhérésie). Valêri phê phán quan niệm của Đalămbe về mối quan hệ nhất trí giữa thơ và văn xuôi, Valêri cho rằng Đalămbe tưởng mình nói về thi ca nhưng thực ra dưới các danh từ đó ông ta lúc đó đang nghĩ đến những điều hoàn toàn khác thế. Thực ra thì Đalămbe đã có lí (nếu không phải là ông ta đồng nhất) khi nêu lên sự thống nhất giữa thơ và văn xuôi như một nguyên tắc cần chấp nhận. “Theo tôi thì đây là quy luật nghiêm ngặt nhưng đúng mà thế kỉ của chúng ta đã đề ra buộc các nhà thơ phải chấp nhận: nó chỉ thừa nhận là tốt bằng thơ những gì mà nó sẽ thấy được rất tốt nếu viết ra dưới thể văn xuôi”. Văn xuôi là tiếng nói trực tiếp của đời sống hằng ngày mà chúng ta thường bắt gặp trong tiểu thuyết, các thể kí, các vở kịch. Về dung lượng nó
  • 24. thường rộng lớn hơn, phong phú và cũng bề bộn hơn nhiều lần cái mà thơ có khả năng chứa đựng. Về tính chất, văn xuôi đi sát với cuộc sống, nó có khả năng đề cập và mang trong nội dung những phẩm chất đa dạng của đời sống qua sự chọn lọc, tuyển lựa theo quy luật điển hình hóa của nghệ thuật. Về hình thái biểu hiện thì văn xuôi là tiếng nói đi sát và gần như trùng với tiếng nói hằng ngày. Đó là tiếng nói tự nhiên giàu chất liệu và sức sống, đó là tiếng nói gọn gàng, khúc chiết của tư duy vừa được nghệ thuật hóa, lại vừa giữ được sự dễ hiểu, rõ ràng, giản dị của hoạt động giao tế hằng ngày. Puskin cũng nhận xét: “Sự chính xác và gọn gàng là những phẩm chất đầu tiên của văn xuôi. Văn xuôi đòi hỏi tư tưởng và tư tưởng. Thiếu tư tưởng thì những cách biểu hiện rực rỡ cũng chẳng dẫn tới đâu”. Những đặc điểm của văn xuôi xác định một nguyên tắc thực tế không thể đối lập thơ với văn xuôi nếu nghĩ rằng thơ cũng từ cuộc sống mà ra; sự thêm bớt những nhân tố nào đó trong văn xuôi và đặt nó trong không khí và một văn cảnh thích hợp thì có thể chuyển hóa thành thơ và ngược lại. Từ thơ trở về với văn xuôi cũng có những nẻo đường cụ thể. Gơt đã có những nhận xét thật đúng đắn khi tác giả xác định rằng “bài thơ chỉ nên vượt khỏi văn xuôi một chút thôi”. Trong nghệ thuật thơ, cái ranh giới ấy cần phải được phát hiện và xác định một cách tinh tế. Với bất kì tác phẩm văn xuôi chân chính nào đều có cái thi vị của thơ và phần thi vị của riêng nó. Và trong những sáng tác thơ có giá trị cũng cần và có thể có cái khỏe khoắn, vững chãi và giản dị chân chất của văn xuôi. Tách rời hoặc đối lập thơ ca và văn xuôi là không đúng và không phù hợp với thực tế sáng tác và thực tế đời sống. Văn xuôi đối lập với thơ, loại trừ mọi chất thơ sẽ rơi vào lí trí khô khan và thô sơ nghèo nàn. Về phần thơ, nếu tách rời hoặc vượt quá xa văn xuôi sẽ thiếu chất sống trực tiếp, dễ ngọt ngào một cách chung chung và lơ lửng trong không khí. Nhiều sáng tác thơ ca thời kì trước cách mạng có xu hướng đối lập với văn xuôi. Về nội dung, phần lớn những bài thơ có tính chất thoát li chứa đựng những cảm nghĩ viển vông, xa thực tế. Khi nhà thơ viết: Trăng vừa đủ sáng để gây mơ
  • 25. Gió nhịp theo đêm không vội vàng Khí trời quanh tôi làm bằng tơ Khí trời quanh tôi làm bằng thơ thì bản thân những câu thơ trên tuy cũng “hấp dẫn” nhưng xa lạ với âm hưởng của một cuộc sống thực. Chất liệu để tạo nên câu thơ thuần túy là chất liệu của “tâm hồn” – một tâm hồn ủy mị thoát li – đã nhân lên nhiều lần nữa khoảng cách giữa nó và cuộc sống, và loại trừ tất cả những chất liệu hiện thực, những yếu tố mà văn xuôi trực tiếp sử dụng. Một phương diện khác, do chịu ảnh hưởng nhiều của quan điểm duy mĩ, hình thức, chạy theo sự gọt giũa về vần điệu, hình ảnh, nên những câu thơ khác đi nhiều với lời nói thông thường. Những câu thơ trên nếu không mang dấu vết của văn xuôi – có thể gọi đó là một ưu điểm? – thì cũng nặng nề và tác hại bởi nó đã thoát li thực tế, ru người đọc vào một thế giới mơ hồ, xa lạ. Sau Cách mạng, thơ trở về gần với đời sống. Chất liệu phong phú của đời sống hiện thực thâm nhập vào trong thơ. Các sáng tác thơ đều trực tiếp đề cập đến những vấn đề nóng hổi của thực tế chiến đấu và sản suất. Những bức tranh, những hình ảnh nhiều màu sắc của đời sống, những cảm xúc, tâm trạng và liên tưởng giàu sức sống là nội dung chủ yếu của sáng tác thơ. Nhiều lúc cái phong phú của nội dung đã làm rạn nứt khuôn khổ gò bó của câu thơ cách luật. Thơ tự do xuất hiện và phát triển dần trở thành chủ thể đáp ứng được yêu cầu phản ánh cuộc sống muôn hình muôn vẻ. Nhiều nhà thơ có ý thức tránh và khắc phục khuynh hướng viết về cuộc sống quá ngọt ngào, trữ tình và thơ mộng. Cần có một hướng đi sát với thực tế hơn, một cách nói giản dị chân chất. Họ tìm về lối viết mộc, khỏe, nhiều khi trần trụi để nói cho được chiều sâu cũng như cái đa dạng của cuộc sống. Xuân Diệu, Tế Hanh, Huy Cận, Hoàng Trung Thông…, ở những mức độ khác nhau, đều bộc lộ rõ xu hướng đưa cuộc sống trực tiếp vào trong thơ. Trong lớp thơ trẻ, Phạm Tiến Duật là một trường hợp tiêu biểu. Về mặt hình thức biểu hiện, theo hướng đi về với cuộc sống và trong thể tự do, câu thơ có khuynh hướng từ tiếng hát, lời ca, lời nói khúc điệu trở
  • 26. về gần với lời nói thông thường. Trong lời thơ cách luật, thường mỗi câu thơ bộc lộ rõ một cấu trúc hoàn chỉnh, nhịp nhàng của nhịp điệu do luật hòa hợp hoặc đối xứng về âm thanh và ý nghĩa tạo nên. Câu thơ bảy chữ trong thể thơ thất ngôn bát cú, câu thơ lục bát, câu thơ ngũ ngôn… đều mang rõ nét đặc điểm trên. Câu thơ tự do nhiều khi tồn tại dưới dạng của một câu văn xuôi, gần với lời nói. Trong nhiều bài thơ hiện nay có thể lấy ra nhiều câu thơ mà tự nó rất khó để phân biệt với câu văn xuôi. Qua những bài thơ được giải của Phạm Tiến Duật, đặc điểm này bộc lộ khá rõ. Bài thơ Nhớ là một bàị thơ tứ tuyệt, và cấu trúc của thể thơ tứ tuyệt thường là cấu trúc vững chắc, cân đối, có sự hài hòa về nhịp điệu. Nhưng thực ra trong bài thơ vẫn có sự co giãn về câu chữ và có một câu văn xuôi. Cái vết thương xoàng mà đưa viện Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo. “Cái vết thương xoàng mà đưa viện”. Câu thơ trên gần với lời nói thông thường. Tuy nhiên nó không làm giảm đi thi vị của bài thơ mà lại là cần thiết để nói lên một tâm trạng thật của người lái xe. Một sự trách móc nhỏ, một chút phàn nàn, xuất phát từ nỗi lo lắng về trách nhiệm của mình đang thực hiện. Bài thơ do đó thực và tự nhiên hơn. Cũng có thể nghĩ như thế về người lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính, những con người dũng cảm, yêu đời, bình thản trước mọi gian khổ, hiểm nguy. Phạm Tiến Duật đã giữ lại cách nghĩ cách nói “văn xuôi” mộc mạc, nhưng lại chân thực, sinh động và sát đúng với đối tượng miêu tả. “Không có kính không phải vì xe không có kính. Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi. Ung dung buồng lái ta ngồi. Nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng”, hoặc: “Không có kính ừ thì ướt áo. Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời. Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa. Mưa ngừng gió lùa khô mau thôi”. Ở những trường hợp trên, câu thơ văn xuôi tỏ ra tích cực, góp phần trực tiếp tạo nên chất hiện thực sinh động của bài thơ. Vấn đề hết sức quan trọng là tinh thần, mức độ và ý thức nhạy bén trong việc sử dụng cũng như
  • 27. phân biệt ranh giới giữa thơ và văn xuôi. Chúng ta có thể chấp nhận và cần đến những câu thơ “là là văn xuôi” và thậm chí cả những câu văn xuôi, nhưng phải chú ý tới chốt thơ nội tại của những câu văn xuôi và giữ đúng liều lượng cần thiết và hạn chế của chất văn xuôi trong âm hưởng chung bao trùm của chất thơ trong toàn bài. Trong tập thơ Ánh sáng và Phù sa, Chế Lan Viên giới thiệu một chùm thơ Văn xuôi về một vùng thơ. Cái tiêu đề ấy nói lên một điều có ý nghĩa: sự thâm nhập của văn xuôi, của một cuộc sống bề bộn, nhiều màu sắc vào trong thơ. Về một phương diện khác mà xét, thơ mở rộng giới hạn và khuôn khổ cách luật chật hẹp để đón lấy sự sống bồi hồi và phong phú về nhiều mặt. Văn xuôi về một vùng thơ là một bức phác thảo giàu chất sống và âm hưởng của đời sống và cũng là bức tranh nên thơ. Tuy nhiên bên cạnh một hướng phát triển rất cần khuyến khích lại nảy sinh những nhược điểm quan trọng cần khắc phục: nhiều bài thơ rơi vào địa hạt của văn xuôi. Trong thơ ca những năm gần đây. có những trường hợp chất văn xuôi lấn át chất thơ. Khuynh hướng này bộc lộ ở nhiều khía cạnh. Phổ biến hơn cả là sự lạm dụng yếu tố tự sự để cho bài thơ rơi vào kể lể, chất liệu đời sống thâm nhập một cách thiếu chọn lọc vào trong thơ. Yếu tố cảm xúc bị giảm sút. Hình tượng thơ chủ yếu được cấu tạo bằng một số bức tranh miêu tả hoặc một vài sự kiện. Xuân Diệu là người đấu tranh tích cực để đưa sự sống vào trong thơ, nhưng trong nhiều trường hợp anh rơi vào văn xuôi. Phạm Tiến Duật cũng bộc lộ khá rõ nhược điểm này qua một số bài trong tập thơ Vầng trăng–Quầng lửa. Chất văn xuôi lấn át chất thơ, khuynh hướng buông thả cảm hứng và xem nhẹ cấu trúc hình thức của câu thơ và nhất là những liên tưởng có phần ngẫu nhiên và tùy tiện đã làm cho chất thơ giảm sút. Một số nhà thơ đã không chú ý đúng mức đến đặc điểm trong tư duy của thơ ca. Cần tránh lối suy luận có tính chất triết lí tư biện, lối phân tích khoa học, lối giáo huấn lộ liễu bằng lí thuyết và sự kể lể dài dòng. Trí tưởng tượng đã bị thay thế bằng những nhận xét và phán đoán vừa đơn giản vừa
  • 28. quá cụ thể. Bài thơ dừng lại ở những ghi chép tư liệu và suy luận thông thường, không cất cánh bay lên được. Tất nhiên là trong thơ cần tránh sự cầu kì khó hiểu và lối nói quanh co không cần thiết, nhưng một mặt cũng cần tránh một cái gì quá rõ ràng đến thật thà đơn giản. Cái điều mà Lê Quý Đôn nhác đến khi nói về phẩm chất của thơ là “ý kị thẳng, mạch kị lộ” cũng là muốn tránh cho thơ khả năng rơi vào văn xuôi. Ở trong một ý tưởng cũng như cấu trúc của câu văn xuôi thường tính chất lôgic thâm nhập vào rõ rệt có tác dụng làm nội dung bộc lộ trực tiếp. Mối quan hệ giữa những thành phần trong một câu theo một trình tự cấu tạo thông thường về cú pháp, tính chất chính xác và minh bạch của sự phô diễn, mối liên hệ nhân quả giữa các suy nghĩ và cảm xúc, tính xác định và xác thực của những biểu tượng và hình ảnh thường là đặc điểm phổ biến của lời nói hàng ngày cũng như của phần lớn những câu văn xuôi. Thơ ca là tiếng nói hàm xúc và diễn cảm. Trên một hướng định tư tưởng rõ rệt, một mục tiêu xác định, những cảm xúc và tâm trạng trong thơ đi về, khi bộc lộ, khi ẩn kín, khi hiện lên trên những dòng chữ, khi đằm xuống và ẩn vào bên trong và có khi chỉ nhầm gợi lên một điều gì chặng đường suy nghĩ. III. NHỮNG YẾU TỐ TẠO NÊN CHẤT THƠ TRONG ĐỜI SỐNG VÀ VĂN HỌC Người ta thường nói đến chất thơ trong tác phẩm văn học và trong đời sống. Khi nói đến chất thơ là nói tới nhân tố thuộc nội dung. Chất thơ có thể nằm đây đó trong cuộc sống ở những mặt kết tinh tiêu biểu, hoặc ở trong văn xuôi. Nhưng nói như Huygô, chất thơ bộc lộ một cách diễn cảm, màu sắc qua cấu trúc của ngôn ngữ thi ca. Trong đời sống hằng ngày, khi nói đến chất thơ, thường có thói quen nghĩ đến cái gì đẹp, thơ mộng, lí tưởng và bay bổng như một phong cảnh nên thơ, một tâm hồn đầy thơ mộng. Người ta ít nghĩ hơn đến chất thơ trong những cảnh đời lam lũ, mệt nhọc, hay những cảnh tượng bề bộn, tăm tối. Quan niệm ấy dường như đã trở thành một thói quen trong cảm nghĩ của nhiều người, tuy có phần đúng nhưng thật là không đủ và có tính chất hẹp
  • 29. hòi. Quan niệm trên sẽ gây tổn hại nếu chi phối đến hoạt động nhận thức và sáng tác thi ca. Dĩ nhiên trong cuộc sống không phải mọi đối tượng, mọi cảnh ngộ và sự việc đều nên thơ như nhau. Nhưng cũng không thể xác định rằng có đối tượng nên thơ và đối tượng không nên thơ. Vấn đề là ở mức độ và phân lượng khác nhau. Và quan trọng chính là sự phát hiện. Biết phát hiện ở đối tượng khách quan phần nên thơ của nó, cung cấp cho nó một hình dáng, một cách giải thích, một lí tưởng đẹp. Đó chính là nhiệm vụ chung của nghệ thuật và trực tiếp của thi ca. Thi ca không loại trừ một đề tài nào, một đối tượng nào. Thi ca có mặt ở khắp mọi nơi. Nói như Tsecnưsepxki: “Ở đâu có sự sống là ở đấy có thơ ca”. Thật vậy, ở đâu có cuộc sống là ở đấy có những mối quan hệ xã hội được thiết lập, có những vấn đề đặt ra chung cho con người, có quá khứ, có hiện tại và có phần dự kiến đang được thực hiện cho tương lai. Ở đâu có cuộc sống là ở đấy có hoạt động sống tạo của con người. Trong những cảnh ngộ riêng của nó, con người đang vượt qua những khó khăn của đời sống khách quan và những thử thách của chính mình nữa. Con người cùng đang hồ hởi trong niềm vui sáng tạo nhận lấy những thành quả do mình tạo nên, những giá trị về vật chất và tinh thần. Phạm vi nào của đồi sống, cũng như bất kì một khâu nào trong quá trình sáng tạo, một vị trí nào trong cả dây chuyền chung, một trách nhiệm xã hội nào… cũng đều có thể là đối tượng của hoạt động sáng tạo thi ca. Thơ ca của chủ nghĩa lãng mạn, thơ ca hiện thực và tượng trưng, thực sự đã đem cuộc sống với toàn bộ sự phong phú và đa dạng của nó vào làm giàu cho thơ. Dường như bất kì một đề tài nào cũng có thể làm thơ, đều có thể khai thác để tạo nên chất thơ. Hồ Chí Minh, qua tập thơ Nhật kí trong tù, đã chỉ ra những bài học cụ thể về phương diện này. Trong tập thơ có những giấc mộng đẹp, những đêm trăng đầy thi vị, nhưng cũng có biết bao nhiêu hình ảnh của đời sống đi vào trong thơ. Cho đến một chiếc gậy, một mụn ghẻ, một chiếc răng rụng… cũng là đề tài của thơ. Ở những đối tượng này, cái nên thơ không bộc lộ ra ở bên ngoài. Dĩ nhiên nếu miêu tả những đối tượng trên theo cách sao chép và mô phỏng tự nhiên thì khó để tạo nên chất thơ. Nhưng nếu phát hiện được, một nét chủ yếu nào đó ẩn sâu trong bản của đối tượng và cung cấp cho nó một liên
  • 30. tưởng đẹp, một sự giải thích và tô điểm giàu ý nghĩa thẩm mĩ và ý nghĩa xã hội thì chất thơ sẽ xuất hiện và bao trùm lấy hình tượng. Bài thơ đánh mất gậy của Hồ Chí Minh là một ví dụ tiêu biểu mẫu mực: Suốt đời ngay thẳng lại kiên cường Dìu dắt nhau đi mấy tuyết sương Giận kẻ bất lương gây cách biệt Hai ta dằng dặc nỗi buồn thương. Những đặc tính vật lí của cây gậy (thẳng, cứng rắn) và khả năng ứng dụng của nó được chuyển hóa sang thành những phẩm chất đạo đức giàu chất thẩm mĩ (ngay thẳng, kiên cường, chung thủy…). Chất thơ xuất hiện ngay từ câu đầu và được triển khai trên nhiều bình diện. Bản thân đối tượng miêu tả được ca ngợi, nhưng điều quan trọng hơn chính là lí tưởng thẩm mĩ tiến bộ và phẩm chất đạo đức cao cả của nhà thơ đã soi rọi vào hình tượng, phát hiện ở đối tượng mặt bản chất thích hợp để từ đó nâng cho hình tượng thơ bay lên bằng những phẩm chất thẩm mĩ mới, tích cực. Khác với chất thơ trong đời sống thường được quan niệm như một cái gì đẹp, thơ mộng, tồn tại khách quan, chất thơ trong nghệ thuật bao gồm sự thống nhất giữa những phẩm chất của đối tượng khách quan với cảm hứng sáng tạo chủ quan của nhà thơ. Thực tế khách quan được chọn lọc ở những mặt kết tinh tiêu biểu, ở những chi tiết và hình ảnh chân thực, là tiền đề trực tiếp nhất để tạo nên chất thơ. Bản thân những chất liệu hiện thực phong phú đó có tác dụng gây cảm xúc và góp phần biểu hiện cảm xúc. Những nhân tố đặc biệt quan trọng để tạo nên chất thơ là phần cảm xúc và suy nghĩ chủ quan của nhà thơ. Những hình tượng thơ ca chân chính đều chứa đựng một lí tưởng đẹp, một sức tưởng tượng phong phú và những xúc cảm lắng đọng sâu sắc. Chất thơ là một phẩm chất tổng hợp được tạo nên từ nhiều nhân tố. Những nhân tố này cũng có thể có trong nội dung cấu tạo của các thể loại khác, nhưng ở thơ biểu hiện tập trung hơn, và được hòa hợp, liên kết một
  • 31. cách vững chắc để tạo nên những phẩm chất mới. Ví dụ như tình cảm và tưởng tượng là những nhân tố có chung cho các thể loại văn học, nhưng với thơ lại biểu hiện tập trung hơn, rõ nét hơn. Xác định chất thơ tất nhiên là một vấn đề khó, rất khó. Đúng như nhà văn Nguyễn Tuân nhận xét: “Định nghĩa về chất thơ cho thật chính xác và toàn thập, tôi thấy nó cũng khó như định nghĩa cho chất uymua (humour)”. Nhưng khi chúng ta đã quan niệm thơ không phải là một cái gì thần bí siêu việt, thơ gắn liền với cuộc sống, với tâm hồn con người và năng lực sáng tạo qua người nghệ sĩ thì việc tìm hiểu chất thơ lại là cần thiết và có thể tiến hành được trên những nét lớn dễ chấp nhận. 1. Chất thơ trước hết gắn liền với sự rung động và cảm xúc trực tiếp Yếu tố cảm xúc, nhất là cảm xúc ở dạng trực tiếp của chủ thể, là một nhân tố rất cơ bản để tạo nên chất thơ. Khi cảm xúc mất dần trong cảm hứng sáng tạo thi ca, tư duy của nhà thơ nặng về mặt phán đoán suy tưởng thi chất thơ cũng bị hạn chế, hình tượng thơ yếu hẳn về mặt gợi cảm. Nếu xem bản chất giàu cảm xúc là một năng lực tinh thần thuộc về bản chất của người nghệ sĩ thì điều đó trước hết phải có ở người thi sĩ. “Người làm thơ phải có tình cảm mãnh liệt thể hiện sự nồng cháy trong lòng”. Cảm xúc là nhân tố trọng yếu cấu tạo nên hình tượng thơ. Khi cảm xúc thâm nhập nhiều vào câu văn xuôi, kết cấu lôgic của câu văn xuôi không được xác định rõ nét nữa thì câu văn xuôi đã có xu hướng chuyển thành câu thơ. Tố Hữu viết: Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi. Câu thơ trên có thể chuyển dịch thành câu văn xuôi đồng nghĩa nếu giảm đi tán thán từ ơi và không dùng đảo ngữ để nhấn mạnh cảm xúc và suy nghĩ: Tổ quốc ta đẹp vô cùng
  • 32. Tuy đồng nghĩa nhưng câu trên là thơ, là lời xúc động của cõi tim, là tiếng nói của tình cảm và lòng thiết tha quý yêu đất nước. Câu dưới là văn xuôi, là một nhận định, một suy nghĩ. Yếu tố cảm xúc đã góp phần quyết định cái gì là thơ và không phải là thơ. Đấy cũng là trường hợp những câu như: Đau đớn thay phận đàn bà (NGUYỄN DU) Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng? (CHẾ LAN VIÊN) Tất nhiên có nhiều cách để tạo nên cảm xúc hoặc qua miêu tả hình ảnh, hoặc qua liên tưởng, so sánh hoặc qua nghệ thuật. Sử dụng ngôn ngữ. Sử dụng tán thán từ để gây cảm xúc tuy không phổ biến nhưng cũng là hình thức dễ thấy nhất. Trong phạm vi những hình thức sử dụng ngôn ngữ, có thể tìm thấy nhiều phương thức khác như đảo ngữ, điệp ngữ, đối ngữ, chỗ ngừng, chỗ ngắt, v.v… để làm tăng cường yếu tố gợi cảm của câu thơ. Về mặt nội dung có thể ý nghĩa của câu không khác đi, nhưng chính ngữ điệu của câu đã mang tính chất diễn cảm theo trật tự mới. Ngôn ngữ lôgic trở thành ngôn ngữ diễn cảm với sắc thái tu từ và ngữ điệu mới nên thực sự yêu cầu truyền đạt của nội dung cũng khác đi. Tất nhiên có thể sử dụng những biện pháp đổi thay cấu tạo của câu thơ về mặt kết cấu cú pháp, và sử dụng ngôn từ để gia tăng cảm xúc. Nhưng đó chỉ là biện pháp thứ yếu, có tính chất thuần túy kĩ thuật. Quan trọng và có ý nghĩa quyết định chính là ở tấm lòng. “Thơ là tiếng lòng”. “Thơ từ trái tim đi và trở về với trái tim”. “Thơ là nhiệt tình kết tinh lại”. “Hãy đập vào trái tim anh, thiên tài là ở đấy”. Bản chất giàu cảm xúc của người nghệ sĩ sẽ quyết định tính chất phong phú về cảm xúc của bình tượng thơ. Nhiều nhà lí luận đã xem cảm xúc là nhân tố chủ yếu cấu tạo nên hình tượng thơ. “Hình tượng thơ là hình tượng của cảm xúc”. Và do đặc điểm đó nên các bài thơ trữ tình thường được viết ra trong thời điểm mà tâm hồn nhà thơ xao xuyến rung động hoặc ở trạng thái khá căng thẳng của cảm xúc. Tố Hữu cũng nói về trạng thái của
  • 33. nhà thơ khi sáng tạo: “Mỗi khi có cái gì nghĩ ngợi chất chứa trong lòng không nói ra không chịu được thì lại thấy cần làm thơ”. Nêkraxôp tâm sự: “Nếu những nỗi đau khổ đã từ lâu bị kiềm chế nay sôi sục và dâng lên trong lòng thì tôi viết…” Lecmôntôp cũng thừa nhận sự thực đó: “Có những đêm rất khổ, không ngủ được, mắt rực cháy và thổn thức, lòng tràn ngập nhớ nhung… khi đó tôi viết”. Đó cũng là tâm trạng của Gơt, của Sinlơ. Những cảm xúc rạo rực đã tạo nên một trạng thái đặc biệt trong quá trình sáng tác thơ: trạng thái rung động thực sự; những hình ảnh, những cảm nghĩ bay lượn, đi về sự dồn ép và bùng cháy của cảm xúc và ý tưởng. Cảm xúc là gốc của hồn thơ. “Thơ không chấp nhận trạng thái bàng quan” (Garxia Lorka). Không thể chỉ làm thơ bằng óc, thuần túy bằng sự tỉnh táo của lí trí phán đoán và phân tích. “Sự truyền đạt lại một trạng thái thơ đòi hỏi phải đưa vào đấy toàn bộ con người cảm xúc là điều khác với sự truyền đạt lại một ý tưởng” (P.Valêri). Thơ phải “làm cho người ta không còn thấy câu thơ, chỉ còn cảm thấy tình người” (Tố Hữu). 2. Thơ là ở tấm lòng, nhưng thơ cũng chính là cuộc sống Trong thơ có nhiều câu được cấu tạo nên chủ yếu bằng cảm xúc, bằng thuần túy chất liệu của tâm hồn. Những câu thơ đó là sự bộc lộ trực tiếp cảm xúc và suy nghĩ của nhà thơ: Nếu tâm sự cùng ta bạn hỏi Tiếng nào trong muôn ngàn tiếng nói Như nỗi niềm nhức nhối tim gan? Trong lòng ta, hai tiếng: Miền Nam! (TỐ HỮU) Tuy nhiên những cảm nghĩ của nhà thơ phải lấy điểm tựa ở phần hiện thực được chọn lọc. Biểu hiện bao giờ cũng phải gắn liền với miêu tả. Hay nói như Xuân Diệu là trong thơ ngoài cái tâm hồn của sự vật còn phải có cái thân thể của sự vật: “Chẳng lẽ chỉ nói trong thơ: “Tôi thích lắm, tôi yêu lắm, ồ cảm tưởng đẹp lắm”. Nên đề phòng chỉ chuyên lấy tinh chất, chỉ chú về cảm xúc, đến nỗi bài thơ như con chim không có chỗ đậu nữa, thế là bay đi mất tăm”.
  • 34. Khi Tú Xương bộc lộ những cảm nghĩ của mình về sự đổi thay của thời cuộc, đã miêu tả phần hiện thực của đời sống: Sông kia rày đã nên đồng Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai và trên cơ sở đó là hiện thực tâm trạng: Vẳng nghe tiếng ếch bên tai Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò. Tương quan và sự hòa hợp giữa hiện thực đời sống và hiện thực tâm trạng không được xác định, gò bó theo một tỉ lệ và phân lượng nhất định nào mà tùy thuộc vào đối tượng miêu tả, vào sự phong phú và bản sắc riêng của tâm hồn nhà thơ. Thơ ca chủ nghĩa lãng mạn thường loại trừ hoặc xem nhẹ phần miêu tả hiện thực, hoặc chỉ sử dụng miêu tả như một phương tiện để biểu hiện. Thơ ca của chủ nghĩa hiện thực chú ý nhiều đến những bức tranh của đời sống hiện thực và nhiều khi phần biểu hiện lại lui về bình diện thứ hai hoặc bộc lộ kín đáo qua miêu tả. Không có miêu tả, những cảm xúc và suy nghĩ sẽ trở nên chơi vơi, thiếu điểm tựa và nhiều khi rơi vào chủ quan, tư biện. Những bài thơ hay, những câu thơ hay thường kết hợp được sóng đôi hai mặt này. Miêu tả để hỗ trợ cho biểu hiện, nhưng mặt khác miêu tả cũng có giá trị độc lập của nó. Trong thơ rất cần đến những bức tranh về đời sống hiện thực. Thơ trữ tình không có khả năng chấp nhận sự có mặt của đời sống ở dạng thức một câu chuyện hoặc một sự kiện được miêu tả hoàn chỉnh. Đó là nhiệm vụ và phần việc của tiểu thuyết, của truyện thơ. Hiện thực của đời sống đi vào trong thơ không theo diện mà theo điểm. Những hình ảnh tiêu biểu nhất được chọn lọc để miêu tả và sẽ được liên kết trong nhận thức, và liên tưởng của người đọc thành những bức tranh giàu sức sống, sinh động và chân thực. Đó là phần tiêu biểu của hiện thực, cái tính chất được chọn lựa chắt lọc ra từ đời sống và sẽ trực tiếp tạo thành chất thơ. Trong thực tế có những bài thơ kể lể rất nhiều, hoặc miêu tả một cách tham lam, sử dụng nhiều chi tiết, nhiều hình
  • 35. ảnh nhưng vẫn thiếu chất thơ. Chất liệu và hình ảnh của đời sống hiện thực chỉ có giá trị thơ khi nó có tính chất tiêu biểu, điển hình và có khả năng gây xúc cảm. Đó là một quy, luật chi phối rõ rệt đến việc sáng tạo hình ảnh trong thơ. Có thể chỉ một hình ảnh vẫn có sức gợi cảm mạnh mẽ khi nó kết tinh được nhiều sự sống. Nguyễn Du trong bài thơ Chiêu hồn đã dựng lên những hình ảnh hết sức điển hình cho từng loại có hồn mà cũng là những loại người trong đời sống. Chỉ một hình ảnh: Đòn gánh tre chín dạn hai vai đã gợi lên biết bao nổi cực nhọc của loại người buôn bán gánh gồng, đi ngược về xuôi. Tác giả tuy không bộc lộ trực tiếp tình cảm, nhưng tự bên trong hình ảnh vẫn phảng phất một mối thương cảm thầm kín. Khi một hình ảnh ở trong thơ kết tinh được những mặt tiêu biểu và điển hình của cuộc sống thì tự nó lớn hơn rất nhiều lần phạm vi xác định của nó. Nguyễn Huy Lượng trong bài phú Tụng Tây hồ đã sử dụng nhiều hình ảnh rất đẹp và tiêu biểu để nói lên không khí thanh bình của đất nước. Vẻ hoa lẫn dấu cờ năm thức Mặt nước in bóng giáo ba ngù Không thể khác được, đây là dấu hiệu, là biểu tượng của một chính quyền đang thịnh trị trong một đất nước không có giặc giã, chiến tranh. Mở rộng hơn hệ thống hình ảnh trong sáng tác, Nguyễn Huy Lượng đã dựng lên những bức tranh đẹp phản ánh bộ mặt đất nước đang sống trong cảnh thanh bình, trong nếp lao động quen thuộc sớm hôm: Chày Yên Thái nện trong sương chểnh choảng Lưới Nghi Tàm ngăn ngọn nước quanh co Liễu bờ kia bay tơ biếc phất phơ, thoi oanh ghẹo hai phường dệt gấm Sen vũng nọ nảy tiền xanh lác đác, lửa đóm ghen năm xã gây lò Cầm ve gẩy lầu thư ảnh ói
  • 36. Mõ cuốc khua án kệ rì rù Một thời đại, một khung cảnh xã hội có thể được miêu tả đầy đủ, nhiều mặt trong tiểu thuyết, cũng có thể bộc lộ ra ở một số hình ảnh điển hình trong thơ. Những tài năng lớn trong thi ca có khả năng nắm bắt được những mặt kết tinh tiêu biểu này. Trong một số câu thơ Đỗ Phủ đã tả được cả một thời loạn li vì những cuộc chiến tranh phong kiến: Xe rầm rập Ngựa hí vang Người đi cung tên đeo bên lưng Cha mẹ vợ con chạy theo tiễn Bụi mù che lấp cầu Hàm Dương Níu áo giậm chân, cản đường đi, cùng nhau khóc… Tiếng khóc vọng lên tận mây xanh. (Binh xa hành) Tú Xương cũng thâu tóm được cái lố lăng và đau long của thời cuộc khi chế độ thực dân đã đè nặng lên đầu dân ta: Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ Ậm ọe quan trường miệng thét loa Lọng cắm rợp trời quan sứ đến Váy lê quét đất mụ đầm ra. Cuộc sống được nói lên bằng hình ảnh, và tâm trạng cũng bộc lộ kín đáo đằng sau những hình ảnh được miêu tả như có vẻ khách quan. Hiện thực ở những nét tính chất đều có tác dụng gây cảm xúc mạnh và có khả năng nói lên nhiều mặt tiêu biểu cửa đời sống. Chính đó là tiền đề của chất thơ và nhiều khi bản thân nó là chất thơ cô đọng. Chính Hữu đã gợi tả không khí lên đường của cả nước trong những năm chống Mĩ với niềm vui dạt dào, hổ hởi:
  • 37. Có những buổi vui sao, cả nước lên đường Xao xuyến bờ tre từng hồi trống giục Xóm dưới làng trên con trai con gái Xôi nắm cơm đùm ríu rít theo nhau Súng nhỏ súng to chiến trường chật chội Tiếng cười hăm hở đầy sông đầy cầu. Cái cụ thể của từng hình ảnh, từng chi tiết đều có sức gợi góp phần tạo nên một bức tranh nhiều màu sắc, một không khí vui tươi, đằm thắm và trong chiều sâu của hiện thực như đang trỗi dậy cả sức sống của dân tộc. Đấy chính là chất thơ nguyên vẹn, khỏe khoắn. Đúng như nhận xét của nhà văn Nguyễn Tuân khi phân biệt cái cụ thể và hữu hình trong thơ và văn xuôi: “Theo tôi nghĩ, thơ là ảnh, là nhân ảnh, thơ cũng ở loại cụ thể hữu hình. Nhưng nó khác với cái cụ thể của văn. Cũng mọc lên từ cái đống tài liệu thực tế, nhưng từ một cái hữu hình nó thức dậy được những vô hình bao la, từ một cái điểm nhất định mà nó mở ra được một cái diện không gian, thời gian, trong đó nhịp mãi lên một tấm lòng sứ điệp”. 3. Thơ gắn nhiều với trí tưởng tượng Trí tưởng tượng là một năng lực của tư duy góp phần rất tích cực vào hoạt động nhận thức của con người, đặc biệt là nhận thức nghệ thuật. Trí tưởng tượng là một đường dây nối liền những hiện tượng tưởng như riêng rẽ, cách biệt nhau thành một nguồn mạch thống nhất. Trí tưởng tượng chắp cánh cho tâm hồn bay lên vượt khỏi những giới hạn xác định của một địa điểm và thời điểm cụ thể mà trở về với quá khứ, sống trong ước mơ với tương lai. Trí tưởng tượng là một động lực tinh thần quyết định giờ phút nhổ neo cho con thuyền tìm về những mảnh đất xa xôi và những bến bờ xa lạ, ở đấy một giấc mơ có khả năng trở thành một sự thực. Tưởng tượng cũng chính là thêm vào cái có thật phần nên có và sẽ có, là sự chuẩn bị tích cực cho một hành động sáng tạo và bản thân nó là một sự sáng tạo.
  • 38. Nói đến thơ là nói đến sức tưởng tượng. Nhà thơ Sóng Hồng đã chỉ ra đặc điểm quan trọng này của thơ: “Thơ là nghệ thuật kì diệu bậc nhất của trí tưởng tượng” Trong thơ cho dù chỉ là một hình ảnh giản dị, một sự so sánh liên tưởng nào đó cũng đòi hỏi phải có sự tưởng tượng. Khi Tố Hữu viết: Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ Mặt trời chân lí chói qua tim Hồn tôi là một vườn hoa lá Rất đậm hương và rộn tiếng chim thì trong những câu thơ đẹp và chân tình ấy đã chứa biết bao nhiêu sức tưởng tượng. Ánh sang của cách mạng, của chân lí, nỗi xúc động và niềm vui lớn lao của tâm hồn đã trở nên kì diệu, trong vẻ đẹp đầy hương sắc và rộn âm thanh qua sự liên tưởng, so sánh của trí tưởng tượng. Trong thơ Huy Cận, hình ảnh một con cá song đã được tạo nên bằng nhiều tưởng tượng đẹp: Cá song lấp lánh đuốc đen hồng Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe Sao thở đêm lùa nước Hạ Long Chế Lan Viên lại tiếp nối sức tưởng tượng ấy và đưa nó về gần với cuộc sống của con người: Con cá song cầm đuốc dẫn thơ về Ngọn đuốc ấy, hồn thơ ấy đều lấy điểm tựa từ trong trí tưởng tượng. Chỉ một vầng trăng thôi, một vầng trăng như vẫn có tự muôn đời; vầng trăng đã chứng kiến biết bao lời hò hẹn và bao cảnh chia li, vầng trăng đã có mặt và tỏa ánh sáng chia vui trong những đêm hội hè, vầng trăng của nhiều lứa tuổi và nhiều tâm sự; vầng trăng đã đi vào trong thơ khác với hình bóng ấy ở trong văn xuôi biết bao nhiêu. Trí tưởng tượng trong thơ đã đưa vầng trăng nhập vào bao cảnh ngộ. Vầng trăng của nỗi nhớ thương, của sự xa cách trong thơ Nguyễn Du:
  • 39. Vầng trăng ai xẻ làm đôi Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường Ánh trăng của nỗi nhớ thương và của sự xa cách thường tỏa ra từ một vầng trăng khuyết, một mảnh trăng non: “Nửa vầng trăng khuyết ba sao giữa trời…” “… Mảnh trăng liềm nghiêng một nỗi nhớ nhau”. Nhiều khi hình ảnh của trăng lại được miêu tả để tạo nên những liên tưởng về không gian, về thời gian. Về thời gian, vầng trăng là một biểu tượng cụ thể biết bao của sự đổi thay. Trăng tròn rồi trăng lại khuyết, một đơn vị về thời gian, nhưng ý nghĩa bao quát hơn là sự trôi qua đi nhanh chóng của cuộc đời, của tuổi thanh xuân. Tố Hữu đã để cho người kĩ nữ qua đó liên tưởng đến thân phận mình: Trăng lên, trăng đứng, trăng tàn Đời em ôm chiếc thuyền nan xuôi dòng. Bằng Việt cũng qua hình ảnh của trăng mà nói về thời gian: Bao đêm ngoài biển động Pháo sáng xanh vườn sau, Trăng mài mòn guốc võng Giặc rít ngang trên đầu. Trăng cũng gợi lên ý niệm về không gian. Tùy theo cái tư thế của con người có làm chủ mình và làm chủ thiên nhiên hay không mà không gian mênh mông tràn ngập ánh sáng ấy là thân thuộc hay xạ lạ. Trong thơ Xuân Diệu thời kì trưốc Cách mạng, ánh trăng thường gợi lên một không gian quá rộng đến choáng ngợp, đối lập với nỗi cô đơn, nhỏ bé của con người. “Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá. Đấy cũng là một ánh trăng mờ ảo, tạo nên một khung cảnh hư hư thực thực cùng những giấc mơ và những trạng thái buồn, không rõ rệt. “Trăng vừa đủ sáng để gây mơ”. Trăng trong thơ Hàn Mặc Tử có