SlideShare a Scribd company logo
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC NÔNG LÂM THÁI NGUYÊN
-------------------
BÁO CÁO TỔNG KẾT
ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP BỘ
NGHIÊN CỨU SỬ DỤNG MỘT SỐ CÔNG THỨC THỨC ĂN Ủ
CHUA TỪ SẢN PHẨM CỦ VÀ LẤ SẮN VỚI CỎ STYLO TRONG
CHĂN NUÔI LỢN THỊT TẠI NÔNG HỘ
MÃ SỐ: B2010 – TN02 – 16
Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Hưng Quang
Người tham gia: TS. Nguyễn Văn Đại
ThS. Nguyễn Thị Tịnh
THÁI NGUYÊN - 2012
i
MỤC LỤC
Trang
MỤC LỤC.................................................................................................................. i
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT........................................................................ iii
DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU ........................................................................... iv
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1
1. Tính cấp thiết của đề tài .......................................................................................1
2. Mục tiêu của đề tài ................................................................................................2
3. Ý nghĩa của đề tài..................................................................................................3
PHẦN I: TỔNG QUAN TÀI LIỆU.........................................................................4
1. 1. Cơ sở khoa học của nghiên cứu ...................................................................4
1.1.1. Đặc điểm sinh trưởng, tiêu hóa của lợn giai đoạn nuôi thịt......................4
1.1.1.1. Đặc điểm sinh trưởng của lợn thịt .........................................................4
1.1.1.2. Đặc điểm tiêu hóa của lợn thịt...............................................................5
1.1.1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hoá của lợn .........................6
1.1.2. Vai trò của thức ăn trong chăn nuôi lợn thịt..............................................7
1.1.3. Sắn và sử dụng sắn trong chăn nuôi lợn....................................................7
1.1.3.1. Tình hình sản xuất sắn trên thế giới và Việt Nam..................................7
1.1.3.3. Giá trị dinh dưỡng của củ sắn và lá sắn................................................9
1.1.3.4. Các phương pháp làm giảm HCN trong sắn để chăn nuôi lợn ...........11
1.1.4. Cỏ stylo 184 và tình hình sử dụng trong chăn nuôi lợn...........................12
1.1.4.1. Đặc điểm sinh học cỏ stylo ..................................................................12
1.1.4.2. Giá trị dinh dưỡng và sử dụng cỏ stylo trong chăn nuôi.....................13
1.1.5. Phương pháp ủ chua thức ăn....................................................................14
1.1.5.1. Cơ sở khoa học của phương pháp ủ chua............................................14
1.1.5.2. Các quá trình diễn ra trong hố ủ chua.................................................15
1.1.5.3. Ưu điểm của phương pháp ủ chua.......................................................17
1.2. Tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước ...............................................17
1.2.1. Thành phần hóa học và giá trị dinh dưỡng của củ và lá sắn..................17
1.2.2. Nghiên cứu củ sắn và lá sắn trong chăn nuôi lợn thịt.............................19
1.2.3. Thành phần hóa học và sử dụng cỏ stylo trong chăn nuôi lợn thịt ........22
PHẦN 2. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU....23
2.1. Đối tượng nghiên cứu...................................................................................23
2.2. Địa điểm, thời gian nghiên cứu...................................................................23
2.2.1. Địa điểm..................................................................................................23
2.2.2. Thời gian.................................................................................................23
2.3. Nội dung nghiên cứu....................................................................................23
2.4. Phương pháp nghiên cứu.............................................................................23
2.4.1. Sơ đồ bố trí thí nghiệm...........................................................................23
2.4.2. Phương pháp ủ chua..............................................................................25
2.4.3. Phương pháp lấy mẫu............................................................................25
ii
2.4.4. Phương pháp phân tích mẫu.................................................................25
2.4.5. Phương pháp đo độ dày mỡ lưng của lợn.............................................26
2.5. Các chỉ tiêu theo dõi.....................................................................................26
2.6. Xử lý số liệu...................................................................................................26
PHẦN 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN ................................................................27
3.1. Kết quả thực hiện nội dung 1: Nghiên cứu đánh giá giá trị dinh dưỡng
của các công thức phối hợp củ sắn, lá sắn và cỏ stylo khác nhau ủ chua trong
phòng thí nghiệm.................................................................................................27
3.1.1. Thành phần hoá học của các loại nguyên liệu....................................27
3.1.2. Giá trị dinh dưỡng và chỉ số pH và HCN của thức ăn ủ chua các công
thức ...................................................................................................................28
3.1.3. Giá trị sơ bộ các loại thức ăn ủ chua ....................................................32
3.2. Kết quả thực hiện nội dung 2: Nghiên cứu so sánh khả năng sinh
trưởng, cho thịt và tiêu tốn thức ăn của lợn sử dụng thức ăn ủ chua với thức
ăn đối chứng tại nông hộ ....................................................................................34
3.2.1. Thí nghiệm 1 sử dụng củ sắn tươi và cỏ stylo tươi ủ chua.................34
3.2.1.1. Khả năng sinh trưởng và độ dày mỡ lưng của lợn thí nghiệm 1 .....34
3.2.1.2. Tiêu tốn và chi phí thức ăn của thí nghiệm......................................36
3.2.2. Thí nghiệm 2 sử dụng củ sắn tươi, lá sắn tươi ủ chua ........................38
3.2.2.1. Khả năng sinh trưởng và độ dày mỡ lưng của lợn thí nghiệm ........38
3.2.2.2. Tiêu tốn và chi phí thức ăn của thí nghiệm......................................40
3.3. Kết quả thực hiện nội dung 3: Hỗ trợ phổ biến phương pháp ủ chua và
các công thức thức ăn ủ chua tốt và ứng dụng trong chăn nuôi lợn thịt cho
các hộ dân chăn nuôi trong xã ...........................................................................42
PHẦN 4. KẾT LUẬN, TỒN TẠI VÀ ĐỀ NGHỊ..................................................46
4. 1. Kết luận........................................................................................................46
4. 2. Tồn tại ..........................................................................................................47
4. 3. Đề nghị..........................................................................................................47
TÀI LIỆU THAM KHẢO ......................................................................................48
PHỤ LỤC.................................................................Error! Bookmark not defined.
iii
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT
CF Xơ thô (Crude fibre)
CP Protein thô (Crude protein)
cs Cộng sự
CT Công thức
ĐB x MC Đại Bạch x Móng Cái
ĐC Đối chứng
FAO Tổ chức nông lương thế giới
g Gram
HCN Axit xianhydric
Kcal Kilocalo
Kg Kilogram
KL Khối lượng
KP Khẩu phần
Mcal Megacalo
ME Năng lượng trao đổi
mm Milimét
NFE Dẫn xuất không đạm (Nitrogen free extractives)
NXB Nhà xuất bản
TA Thức ăn
TA ủ Thức ăn ủ chua
TAHH Thức ăn hỗn hợp
TN Thí nghiệm
TT Tăng trọng
tr. Trang
VCK Vật chất khô
Sd Độ lệch chuẩn (Standard deviation)
STTĐ Sinh trưởng tuyệt đối
STTL Sinh trưởng tích lũy
iv
DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU
Trang
Bảng 1.1: Diện tích, năng suất, sản lượng sắn của thế giới giai đoạn 2003 - 2008....8
Bảng 1.2: Diện tích, năng suất, sản lượng sắn ở Việt Nam giai đoạn 2003 - 2008....8
Bảng 2.1: Thành phần các nguyên liệu trong các công thức ủ chua.........................24
Bảng 3.1: Thành phần hoá học của các loại nguyên liệu..........................................27
Bảng 3.2: Tỷ lệ vật chất khô trung bình của các loại thức ăn ủ chua (%) ................28
Bảng 3.3: Tỷ lệ protein thô trung bình của các loại thức ăn ủ chua (%VCK)..........29
Bảng 3.4: Tỷ lệ xơ thô trung bình của các loại thức ăn ủ chua (%VCK) .................30
Bảng 3.5: Giá trị pH trung bình của các loại thức ăn ủ chua....................................31
Bảng 3.6: Hàm lượng HCN trung bình của các loại thức ăn ủ chua.........................32
Bảng 3.7: Giá trị sơ bộ hạch toán của các loại thức ăn ủ chua .................................33
Bảng 3.8: Khả năng sinh trưởng và độ dày mỡ lưng của lợn thí nghiệm 1..............35
Bảng 3.9: Tiêu tốn và chi phí thức ăn của lợn thí nghiệm 1.....................................37
Bảng 3.10: Khả năng sinh trưởng và độ dày mỡ lưng của lợn thí nghiệm 2............39
Bảng 3.11: Tiêu tốn và chi phí thức ăn của lợn thí nghiệm 2...................................41
Bảng 3.12. Kết quả thực hiện hoạt động hỗ trợ nông dân tiến hành ủ chua năm 2010
...................................................................................................................................44
Bảng 3.13. Kết quả đánh giá thực hiện hoạt động hỗ trợ nông dân tiến hành..........45
ủ chua năm 2010 .......................................................................................................45
v
DANH MỤC HÌNH MINH HỌA
Trang
Hình 3.1: Biểu đồ sinh trưởng tuyệt đối của lợn thí nghiệm 1 .................................36
Hình 3.2: Biểu đồ sinh trưởng tuyệt đối của lợn thí nghiệm 2 .................................39
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tà
Theo số liệu thống kê tại thời điểm 01/4/2010, cả nước ta có 27,3 triệu con
lợn, tăng 3,06% so với cùng kỳ năm 2009. Các vùng có số đầu lợn nhiều là vùng
Đồng bằng sông Hồng có 7,2 triệu con, chiếm 27,1% tổng đàn lợn trong cả nước;
Đông Bắc 4,6 triệu con, chiếm 17,3%; Đồng bằng sông Cửu long 3,6 triệu con,
chiếm 13,6%; Bắc Trung Bộ 3,4 triệu con, chiếm 12,9%; Đông nam bộ 2,5 triệu con,
chiếm 9,3%; Duyên hải nam trung bộ 2,4 triệu con, chiếm 9,0%. Các tỉnh có số đầu
lợn lớn trên 1 triệu con như là Hà Nội, Đồng Nai, Nghệ An, Thái Bình, Bắc Giang
[27]. Trong số 20.809 trang trại chăn nuôi các loại, ở vùng Trung du miền núi phía
Bắc có 1.436 trang trại (Tổng cục thống kê, 2010). Do vậy, các tỉnh Trung du miền
núi phía Bắc chăn nuôi lợn chủ yếu vẫn nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình tận dụng nhiều
phụ phẩm nông nghiệp, hiệu quả kinh tế còn thấp. Các tỉnh này lại có lợi thế là diện
tích dất dốc canh tác kém hiệu quả có thể trồng các cây thức ăn phục vụ chăn nuôi
lợn.
Trong định hướng phát triển chăn nuôi đến năm 2020 [16], ngoài đẩy mạnh
chăn nuôi lợn theo quy mô hình thức trang trại tập trung công nghiệp, còn lưu ý đến
phát triển chăn nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái và tận dụng nguồn thức ăn sẵn
có, sản xuất an toàn sinh học. Đối với chăn nuôi lợn quy mô nông hộ việc sử dụng
nguồn thức ăn sẵn có từ phụ phẩm nông nghiệp đã có từ lâu.
Cây sắn (Manihot esculenta Crantz) ở Việt Nam là nguồn cung cấp nguyên
liệu chính cho các nhà máy chế biến tinh bột, cho sản xuất thức ăn gia súc, có thể chế
biến thành nhiều thực phẩm như bánh, kẹo... Sắn cũng là loại cây trồng dễ tính,
không yêu cầu đất đai khắt khe, có thể trồng trên đất cát nghèo dinh dưỡng hoặc đất
phì nhiêu đều cho năng suất khá cao (Mai Thạch Hoành, 2004) [8]. Do vậy, cây sắn
ngày càng được trồng phổ biến ở Việt Nam năm 2008 diện tích sắn là 555,70 nghìn
ha, với sản lượng 9395,80 nghìn tấn, đạt năng suất bình quân 16,91 tấn/ha
(FAOSTAT, 2010) [51]. Củ sắn có tỷ lệ tinh bột cao (76,2 - 77,2%), nhưng protein
lại thấp (2,2 - 2,7%) đặc biệt là axit amin methionine (0 - 0,6%) (Nguyễn Nghi và cs,
2
1984) [13], hàm lượng HCN trong củ sắn ngọt 20 - 30 mg/Kg củ tươi, trong sắn đắng
60 - 150 mg/Kg củ tươi (Mai Thạch Hoành, 2004) [8]. Tuy nhiên khác với củ sắn, lá
sắn có tỷ lệ protein cao (16,5 - 39,0%), hàm lượng độc tố HCN từ 610 - 1840
mg/KgVCK (Hoàng Văn Tiến, 1987) [18]; (Dư Thanh Hằng, 2008) [5]. Axít HCN dễ
gây ngộ độc cho gia súc, để nâng cao hiệu quả sử dụng củ sắn và lá sắn trong chăn
nuôi ta cần chế biến để giảm tối đa hàm lượng HCN. Phương pháp ủ chua đã có tác
dụng giảm hàm lượng HCN và kéo dài thời gian sử dụng (Danh và cs, 1993) [49];
(Bùi Quang Tuấn, 2005) [28]; (Ba và cs, 2006) [39]; (Mai Thị Thơm và cs, 2006)
[31]. Mặt khác phương pháp ủ chua là phương pháp bảo quản thích hợp để bảo quản
thức ăn trong thời gian dài, giúp cho người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn, dự trữ
thức ăn vào mùa thu hoạch và sử dụng cho vật nuôi vào mùa khan hiếm nguồn thức
ăn (Nguyễn Thị Tịnh và cs, 2006) [25].
Cỏ stylo (Stylosanthes guianensis) là loại cây họ đậu lâu năm, thường được
dùng để phủ đất chống xói mòn, và kết hợp làm thức ăn gia súc. Loại cỏ này dễ trồng
và năng suất cao 40 - 70 tấn/ha/năm (Nguyễn Thiện, 2005) [30]. Cỏ stylo thường có
lông và hàm lượng xơ cao nên gia súc không thích ăn tươi, cỏ dạng khô có thể sử
dụng cho trâu, bò, ngựa, dê, lợn và gia cầm. Ở dạng khô hàm lượng protein đạt 155 -
167 g/Kg VCK, xơ đạt 266 - 272 g/Kg VCK (Viện chăn nuôi, 2001) [35]. Cỏ stylo
dạng tươi có tỷ lệ protein thô cao 16,86%, đây là một nguồn nguyên liệu bổ sung
protein lý tưởng cho vật nuôi (Lê Hoa và cs, 2009) [7].
Xuất phát từ thực tế đó chúng tôi tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu sử
dụng một số công thức thức ăn ủ chua từ sản phẩm củ và lá sắn với cỏ stylo
trong chăn nuôi lợn thịt tại nông hộ”.
2. Mục tiêu của đề tài
- Xác định được giá trị dinh dưỡng các nguyên liệu củ sắn, lá sắn, cỏ stylo 184
dùng trong thức ăn ủ chua.
- Xác định được ảnh hưởng của thời gian ủ đến sự biến đổi các thành phần hóa
học và dinh dưỡng của thức ăn ủ chua từ sản phẩm củ và lá sắn với cỏ stylo.
3
- Xác định tỷ lệ sử dụng và các công thức ủ chua có chất lượng tốt từ các
nguyên liệu là củ sắn và cỏ stylo làm thức ăn chăn nuôi lợn lai F1 giai đoạn nuôi thịt
đạt hiệu quả cao trong chăn nuôi lợn F1 so với thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh.
- Đánh giá hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi lợn thông qua việc sử dụng các công
thức thức ăn ủ chua khác nhau. Từ đó là cơ sở để khuyến cáo cho nông hộ sử dụng
các công thức ủ chua thức ăn sử dụng trong nông hộ.
3. Ý nghĩa của đề tài
* Ý nghĩa khoa học:
Đề tài nghiên cứu sự biến động của các thành phần hóa học trong thức ăn ủ
chua từ sắn kết hợp cỏ stylo và các nguyên liệu khác để làm cơ sở dùng làm thức ăn
cho lợn. Đánh giá khả năng sinh trưởng, tiêu tốn thức ăn của lợn khi dùng thức ăn ủ
chua.
* Ý nghĩa thực tiễn:
Nâng cao hiệu quả chăn nuôi lợn thịt bằng cách ủ chua các nguồn thức ăn sẵn
có, rẻ tiền tại địa phương và quy mô nông hộ.
4
PHẦN I: TỔNG QUAN TÀI LIỆU
1. 1. Cơ sở khoa học của nghiên cứu
1.1.1. Đặc điểm sinh trưởng, tiêu hóa của lợn giai đoạn nuôi thịt
1.1.1.1. Đặc điểm sinh trưởng của lợn thịt
Sinh trưởng là một quá trình tích luỹ chất thông qua quá trình trao đổi chất, là
sự tăng lên về khối lượng, về kích thước các chiều của các bộ phận cũng như toàn bộ
cơ thể con vật trên cơ sở tính di truyền có từ đời trước. Theo Trần Văn Phùng và cs
(2004) [14] phân chia các quy luật sinh trưởng và phát dục của lợn theo hai quy luật:
- Quy luật sinh trưởng phát dục theo giai đoạn: Quá trình sinh trưởng và phát
dục của lợn được chia làm giai đoạn trong thai (prenatal) và giai đoạn ngoài thai
(postnatal).
- Quy luật sinh trưởng phát dục không đồng đều: Không đồng đều về khả
năng tăng khối lượng, không đồng đều về sự phát triển của các cơ quan, bộ phận của
cơ thể, không đồng đều về sự tích luỹ của các tổ chức mỡ, nạc, xương. Điều quan
trọng nhất là các nhà chăn nuôi phải biết thời điểm lợn sinh trưởng nhanh nhất để kết
thúc vỗ béo cho thích hợp, giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi.
Theo Trần Văn Phùng và cs (2004) [14] để đánh giá khả năng sinh trưởng của
vật nuôi, ta dùng phương pháp cân định kỳ khối lượng và đo kích thước các chiều
của cơ thể vật nuôi, từ đó tính toán các chỉ tiêu sinh trưởng để đánh giá khả năng sinh
trưởng của vật nuôi. Các chỉ tiêu sinh trưởng thường dùng là:
+ Sinh trưởng tích luỹ: Là khối lượng, kích thước, thể tích của vật nuôi tích
luỹ được qua thời gian khảo sát. Các thông số thu được qua các lần cân đo biểu thị
sinh trưởng tích luỹ của vật nuôi.
+ Sinh trưởng tuyệt đối (A): Là khối lượng, kích thước, thể tích của vật nuôi
tăng lên trong một đơn vị thời gian. Đối với lợn sinh trưởng tuyệt đối thường dùng
đơn vị là g/con/ngày.
5
+ Sinh trưởng tương đối (R): Là tỷ lệ % của phần khối lượng (thể tích, kích
thước) tăng lên so với khối lượng (thể tích, kích thước) thời điểm cân đo. Đơn vị sinh
trưởng tương đối là %.
+ Hệ số sinh trưởng (C): Là tỷ lệ % của khối lượng, kích thước ở thời điểm
cuối khảo sát so với thời điểm đầu. Đơn vị tính hệ số sinh trưởng là %.
1.1.1.2. Đặc điểm tiêu hóa của lợn thịt
Theo Hoàng Toàn Thắng và cs (2006) [29] tiêu hoá là quá trình phân giải các
chất dinh dưỡng trong thức ăn thông qua tác động cơ học, hoá học và vi sinh vật học
để biến các hợp chất hữu cơ phức tạp thành các chất đơn giản mà cơ thể động vật có
thể hấp thu và sử dụng được. Theo Trần Văn Phùng và cs (2004) [14] quá trình tiêu
hoá ở lợn diễn ra dưới ba hình thức: Tiêu hoá cơ học; tiêu hoá hoá học và tiêu hoá vi
sinh vật. Ba quá trình này diễn ra đồng thời và có ảnh hưởng tương hỗ lẫn nhau dưới
sự điều khiển của hệ thống thần kinh thể dịch.
Tiêu hoá ở miệng: Ở miệng của lợn, quá trình tiêu hoá diễn ra chủ yếu dưới
hai hình thức: Cơ học và hoá học. Lợn dùng mõm lấy thức ăn, vừa ăn vào vừa nhai
và vừa nuốt liên tục. Quá trình tiêu hoá hoá học ở miệng được thực hiện bởi hai men
chứa trong nước bọt, đó là men amilaza và men mantaza. Hai men này thuỷ phân tinh
bột (gạo, ngô, sắn và khoai) thành đường glucose.
Tiêu hoá ở dạ dày: Tiêu hoá ở dạ dày gồm quá trình tiêu hoá cơ học và tiêu
hoá hoá học. Tiêu hoá cơ học là sự co bóp nhào trộn thức ăn do cơ trơn dạ dày thực
hiện. Quá trình này rất quan trọng: vừa làm cho thức ăn nát nhuyễn, vừa làm cho thức
ăn ngấm đều các men tiêu hoá để sự tiêu hoá được triệt để hơn. Tiêu hoá hoá học là
quá trình tác động của các men tiêu hoá do dịch vị tiết ra.
Trong quá trình tiêu hoá lợn tiết ra dịch vị liên tục và nhiều nhất là sau khi ăn
2 - 3 giờ. Lượng dịch tiết ra thay đổi phụ thuộc vào khẩu phần ăn và thời gian cho ăn.
Khi cho lợn ăn thức ăn ủ xanh, lượng dịch vị tăng lên gấp 2 - 3 lần, độ toan cao hoạt
lực pepsin mạnh. Lợn ăn thức ăn rang, dịch vị tiết nhiều hơn thức ăn ngâm. Thức ăn
bột ngũ cốc, cám gạo thì tiết dịch vị nhiều hơn thức ăn củ quả, rau tươi. Thức ăn
6
sống, ủ men dịch vị tiết tăng hơn thức ăn chín không ủ men, thời gian ăn càng dài thì
lượng dịch vị càng tăng tiết.
Tiêu hoá ở ruột non: Thức ăn từ dạ dày xuống ruột non chịu tác động phối
hợp của các enzym trong dịch tụy, dịch ruột và các chất xúc tác tiêu hoá trong dịch
mật để biến đổi về thành phần hoá học. Thức ăn khi chuyển xuống ruột non sẽ được
tiêu hoá triệt để nhất (Hoàng Toàn Thắng và cs, 2006) [29]. Các enzym giúp cho quá
trình tiêu hoá tinh bột, protein, chất béo và axit nucleic như: trypsin, chimotrypsin,
cacboxypeptidaza, dipeptidaza, elastaza, nucleaza, amilaza, lactaza, sacaraza,
lipaza,…
Tiêu hoá ở ruột già: Ruột già tiếp tục quá trình tiêu hoá những gì ruột non
tiêu hoá chưa triệt để. Ruột già chủ yếu tiêu hoá chất xơ do vi sinh vật ở manh tràng
phân giải, hấp thu lại nước và chất khoáng. Quá trình tiêu hoá các chất dinh dưỡng
còn lại ở ruột già rất thấp, chỉ có 9% gluxit và 3% protein của dưỡng chấp được tiêu
hoá ở ruột già nhờ các men tiêu hoá protein, gluxit ở ruột non chuyển xuống. Các
chất đường, protein, mỡ còn lại ở ruột già sẽ do vi khuẩn gây thối tạo thành các chất
crezon, fenol, indol, scatol và các khí như H2S, CO2, H2…
1.1.1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hoá của lợn
Có rất nhiều các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến khả năng tiêu hóa
của lợn đó là:
+ Loại thức ăn: Các loại thức ăn khác nhau có ảnh hưởng không giống nhau
đến quá trình tiết dịch tiêu hoá.
+ Kỹ thuật chế biến thức ăn: Kỹ thuật chế biến thức ăn khác nhau (như lên
men, ủ chua, rang chín,…) thì khả năng tiết dịch tiêu hoá khác nhau (Trần Văn Phùng
và cs, 2004) [14].
+ Tỉ lệ các chất dinh dưỡng trong khẩu phần: Khi khẩu phần thức ăn kém cân
bằng sẽ gây ra hoạt động căng thẳng của cơ quan tiêu hoá, từ đó dẫn tới hiện tượng
giảm đồng hoá thức ăn. Khẩu phần có tỷ lệ protein thấp sẽ làm tăng hoạt động của cơ
quan tiêu hoá, ngược lại protein cao thì lượng dịch tụy tiết ra càng nhiều để tăng
cường tiêu hoá protein.
7
+ Phương pháp cho ăn, uống: Lợn ăn nhiều bữa và ăn thức ăn khô sẽ làm tăng
tiết dịch tiêu hóa. Cho lợn ăn đúng giờ và đều bữa kích thích tính thèm ăn, tăng hấp
thu là tăng hiệu quả sử dụng thức ăn.
+ Nhiệt độ thức ăn và nước uống: Lợn uống nước có nhiệt độ từ 5 - 80
C thì
lượng dịch tiêu hóa tiết ra chỉ bằng 20% so với lợn được uống nước ở nhiệt độ
thường 20 - 250
C (Trần Văn Phùng và cs, 2004) [14].
+ Các yếu tố khác: Khi nhiệt độ môi trường, vận động… có sự ảnh hưởng đến
khả năng tiêu hóa thức ăn của lợn.
1.1.2. Vai trò của thức ăn trong chăn nuôi lợn thịt
Chăn nuôi lợn thịt là công đoạn cuối cùng của nghề nuôi lợn. Để cung cấp thịt
cho nhu cầu đời sống xã hội. Mục tiêu của chăn nuôi lợn thịt là lợn lớn nhanh, thời
gian nuôi ngắn, tiêu tốn thức ăn thấp, thịt nạc nhiều, tỷ lệ móc hàm cao, chi phí lao
động và chi phí khác thấp, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng (Trần Văn Phùng,
2004)[14].
Trong chăn nuôi thức ăn chiếm một vị trí rất quan trọng, nó quyết định 70%
giá thành sản phẩm do vậy đối với từng con giống, trong mỗi điều kiện và giai đoạn
nuôi dưỡng khác nhau cần phải có một khẩu phần ăn thích hợp đảm bảo đầy đủ, cân
đối về nhu cầu các chất dinh dưỡng thì chúng sẽ phát huy tối đa tiềm năng di truyền,
tạo sản phẩm lớn nhất với mức chi phí thấp nhất.
Thức ăn là yếu tố quan trọng nhất trong các yếu tố ngoại cảnh chi phối đến
sinh trưởng và khả năng cho thịt của lợn. Lượng thức ăn cho ăn và thành phần, đặc
điểm của thức ăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trọng của lợn (Phạm Sỹ
Tiệp, 1999) [19].
1.1.3. Sắn và sử dụng sắn trong chăn nuôi lợn
1.1.3.1. Tình hình sản xuất sắn trên thế giới và Việt Nam
Theo thống kê của FAO, sản lượng sắn thế giới năm 2008 đạt 232,95 triệu tấn
củ tươi so với năm 2007 tăng 3,79%.
8
Bảng 1.1: Diện tích, năng suất, sản lượng sắn của thế giới giai đoạn 2003 - 2008
Năm Diện tích (triệu ha) Năng suất (tấn/ha) Sản lượng (triệu tấn)
2003 17,50 10,93 191,32
2004 18,00 11,29 203,11
2005 18,47 11,21 207,09
2006 18,34 12,12 222,29
2007 18,55 12,09 224,13
2008 18,70 12,46 232,95
Nguồn: FAOSTAT (2010) [51]
Viện nghiên cứu chính sách lương thực thế giới (IFPRI) đã dự báo tình hình
sản xuất và tiêu thụ sắn toàn cầu đến năm 2020 ước đạt 275,10 triệu tấn, trong đó sản
xuất sắn chủ yếu ở các nước đang phát triển là 274,7 triệu tấn (99,85%), các nước
phát triển khoảng 0,4 triệu tấn. Tốc độ tăng hàng năm của nhu cầu sử dụng sản phẩm
sắn làm lương thực, thực phẩm là 1,98% và thức ăn gia súc là 0,95%. Cây sắn tiếp
tục giữ vai trò quan trọng trong nhiều nước Châu Á, đặc biệt là các nước vùng Đông
Nam Á nơi cây sắn có tổng diện tích đứng thứ ba sau lúa và ngô, tổng sản lượng
đứng thứ ba sau lúa và mía (Pham Van Bien và cs, 2000) [40].
Tại Việt Nam, theo thống kê của FAO, sản lượng sắn của nước ta năm 2008 là
9.395,8 nghìn tấn, với diện tích 555,7 nghìn ha. So với năm 2003, sản lượng sắn nước
ta tăng lên gần hai lần (4086,9 nghìn tấn), trong khi đó diện tích tăng 183,8 nghìn ha.
Bảng 1.2: Diện tích, năng suất, sản lượng sắn ở Việt Nam giai đoạn 2003 - 2008
Năm Diện tích (nghìn ha) Năng suất (tấn/ha) Sản lượng (nghìn tấn)
2003 371,90 14,28 5.308,90
2004 388,60 14,98 5.820,70
2005 425,50 15,78 6.716,20
2006 475,20 16,38 7.785,20
2007 495,50 16,53 8.198,20
2008 555,70 16,91 9.395,80
Nguồn: FAOSTAT (2010) [51]
9
1.1.3.2. Đặc điểm sinh học của cây sắn
Cây sắn là một loại cây lương thực quan trọng trên thế giới. Sắn có nguồn gốc
từ vùng nhiệt đới vùng Mỹ Latinh, được du nhập vào Việt Nam khoảng giữa thế kỷ
XVIII. Cây sắn cho hai sản phẩm có giá trị đó là củ sắn và lá sắn.
- Củ sắn dài 20 - 50cm, khi luộc chín có màu trắng đục, hàm lượng tinh bột cao.
Sắn luộc chín có vị dẻo, thơm đặc trưng. Sắn có thời gian sinh trưởng thay đổi từ 6 đến 12
tháng (tối đa 18 tháng), tùy thuộc giống, vụ trồng, địa bàn trồng và mục đích sử dụng.
- Lá sắn là loại lá đơn có cuống lá dài và có phiến lá phân thùy sâu, thường có
từ 5 - 7 thùy trên một lá. Lá sắn có cuống dài và sắp xếp trên thân theo đường soắn ốc
nên lá cây sắn có cấu tạo thích ứng để mọi lá nhận được ánh nắng phân đều.
Độc tố axit xianhydric (HCN) còn có tên gọi khác là axit prussic hình thành do
thủy phân glucozit (C10H17O6N) có ở củ sắn, lá sắn, chất này gây độc cho cơ thể con
người và động vật nói chung:
C10H17O6N + H2O → C6H12O6 + (CH3)2 + HCN
Tùy theo từng giống sắn, thời gian thu hoạch mà hàm lượng HCN chứa trong
các bộ phận thân, lá và củ sắn sẽ khác nhau. Theo Ravindran (1995) [72] nồng độ
HCN trong lá chịu ảnh hưởng của yếu tố giống, thổ nhưỡng, khí hậu và đặc biệt là
giai đoạn sinh trưởng. Lá sắn càng già thì hàm lượng HCN càng thấp. Ở những lá
non hàm lượng glucozit trong cuống lá cao hơn trong phiến lá, còn trong lá già thì
ngược lại. Hàm lượng HCN ở những phiến lá búp là 330 - 790 ppm (khối lượng
tươi), ở những lá bánh tẻ là 340 - 1040 ppm và ở những lá già là 210 - 730 ppm
(Phạm Sỹ Tiệp, 1999) [19].
1.1.3.3. Giá trị dinh dưỡng của củ và lá sắn
Củ sắn và lá sắn là những loại nguyên liệu có giá trị dinh dưỡng cao đối với
con người và gia súc (CIAT, 1993) [43]. Sắn có thể sản xuất năng suất rất cao (20 tấn
củ/ha/năm), đặc biệt là protein (4 tấn/ha/năm), năng suất lá sắn (8 tấn/ha/năm) điều
này làm cây sắn trở thành lý tưởng để tận dụng chất dinh dưỡng trong đất (Preston,
2001) [67].
10
Củ sắn có giá trị dinh dưỡng cao, tỷ lệ VCK 27,70%; CP 0,9%; Lipit thô
0,4%; CF 1%; NFE 24,7%; khoáng tổng số 0,7%; canxi 0,05%; photpho 0,04%; và
năng lượng trao đổi (ME) 968 Kcal (Viện chăn nuôi, 2001) [35]. Sắn sử dụng trong
chăn nuôi ở dạng cho ăn tươi, sắn phơi khô, bã sắn, bột lá sắn và sử dụng để ủ chua.
Bột củ sắn là nguồn thức ăn giàu năng lượng, tính toán cho thấy ME có từ 3000 -
3100 Kcal/Kg, nhưng nghèo protein, axit amin (nghèo: methinone, tryptophan),
khoáng và vitamin.
Lá sắn lại là nguồn protein lý tưởng sử dụng làm nguồn thức ăn giàu đạm cho
vật nuôi. Theo Hội chăn nuôi (2003) [9] bình quân trong bột lá sắn có chứa 21%
protein thô (16,7 - 39,9%). Hàm lượng protein biến động tùy theo giống sắn, tuổi thu
hoạch, độ phì nhiêu của đất trồng và khí hậu vùng canh tác. Thành phần hóa học của
bột lá sắn như sau: vật chất khô 93%; protein thô 16% (16,7 - 39,9%); lipit 5,5% (3,8
- 10,5%); xơ thô 20% (4,8 - 29%); khoáng tổng số 8,5% (5,7 - 12,5%); Ca (canxi)
1,45%; P (photpho) 0,45%; Zn (kẽm) 149 mg/Kg; Mn (mangan) 52 mg/Kg; Fe (sắt)
259 mg/Kg; và Cu (đồng) 12 mg/Kg. Trong lá sắn giàu vitamin C và A có hàm lượng
riboflavin đáng kể, giàu lysine, thiếu methionine.
Theo Phuc và Lindberg (2001) [70] phân tích trong lá sắn có đầy đủ các axit
amin thiết yếu; lá sắn phơi khô và lá sắn ủ chua không có sự chênh lệch đáng kể về tỷ
lệ protein thô và tỷ lệ các axit amin.
Ở các nước trồng nhiều sắn, có ba phương thức khai thác lá sắn như sau: (1)
vừa lấy lá, vừa lấy củ; cách này có thể thu được 7,5 tấn chất khô/ha; (2) thu hoạch củ
là chính, khi thu hoạch thì tận thu lá, cách này có thể thu được 1 - 1,8 tấn chất
khô/ha; (3) chuyên canh để thu hoạch lá có thể thu được 21 tấn chất khô/ha. Ở các
tỉnh miền Nam nước ta thu hoạch lá sắn theo kiểu tận thu; trước khi thu hoạch củ 2
tháng hái 1/3 số lá trên cây, trước thu hoạch 1 tháng hái ¾ số lá còn lại. Thu hoạch lá
sắn theo cách này không ảnh hưởng đến năng suất củ, đồng thời tận dụng được thời
gian trước thu hoạch để phơi khô lá với mục đích làm bột.
11
1.1.3.4. Các phương pháp làm giảm HCN trong sắn để chăn nuôi lợn
Như đã nói ở trên, yếu tố hạn chế lớn nhất của việc sử dụng sắn làm thức ăn cho
gia súc là sự có mặt của glucozit (C10H17O6N), sản phẩm này dễ dàng bị thủy phân để tạo
ra HCN khi tế bào bị trầy sước hay bị phá vỡ trong quá trình chế biến hay tiêu hóa ở gia
súc. HCN khi vào cơ thể gây ức chế men hô hấp tế bào cytocrom - oxydaza; do thiếu
oxy máu tĩnh mạch có màu đỏ thẫm, con vật có biểu hiện ngạt thở. Trong trường hợp
ngộ độc cấp tính, con vật có thể chết trong vòng vài giây. Trường hợp không quá cấp
tính, nước bọt tiết mạnh, chuyển động giật lùi, có hiện tượng rối loạn hô hấp; 15 - 60
phút sau con vật có thể chết (Hội chăn nuôi, 2003) [9].
Dựa vào hàm lượng HCN trong củ sắn người ta chia ra: Giống sắn ngọt có chứa
khoảng 20 - 30 mg/Kg củ tươi; giống sắn đắng có tới 60 - 150 mg/Kg củ tươi (Mai
Thạch Hoành, 2004) [8]. Theo Hội chăn nuôi Việt Nam, (2003) [9] phân loại sắn đắng
có hàm lượng độc tố trên 0,02%; sắn ngọt có hàm lượng độc tố thấp hơn 0,01%.
Độc tố HCN là chất dễ bay hơi, dễ hòa tan trong nước và có thể bị oxy hóa
thành axit cyanic không độc, hoặc có thể hòa tan kết hợp với đường tạo thành chất
không độc. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng nồng độ HCN trong lá có thể
được giảm đi đáng kể bằng phương pháp bóc vỏ, nấu chín, phơi khô và ủ chua (Bui
Van Chinh và Le Viet Ly, 2001 [48]; Ravindran và cs, 1987 [71]; Ly và Rodriguez,
2001 [62]). Các phương pháp thông thường được sử dụng để chế biến sắn đó là:
- Hòa tan glucoside trong nước, dùng các phương pháp ngâm củ sắn từ 5 - 7
ngày trong dòng nước chảy hoặc trong bể nước tĩnh sau đó lọc lấy tinh bột. Phương
pháp này tốn nhiều công và không thể áp dụng với quy mô lớn. Mặt khác sắn sau khi
ngâm nước sẽ bị giảm chất lượng vì nước đã xâm nhập vào trong củ.
- Biện pháp nấu chín hoặc luộc sắn để loại bỏ hàm lượng HCN (vô hiệu hóa
men Linamariaza), tuy nhiên phương pháp này khó khả thi và không thể phổ biến nếu
số lượng sắn thu hoạch lớn, tốn kém nhiên liệu và thời gian.
- Biện pháp phân hủy glucoside và bốc hơi hoặc rửa sẽ làm giảm đáng kể hàm
lượng HCN, đây là biện pháp cổ điển hay dùng như: Thái lát phơi khô, băm nhỏ lá
sắn phơi khô, thái lát và ngâm nước (nước muối, nước vôi, axit HCl…). Củ và lá sắn
12
bị tác động làm thay đổi tế bào cả về hình thái, cấu trúc và sinh hóa, thông qua đó các
glucozit tiếp xúc với enzim dẫn đến HCN được giải phóng và bay hơi.
- Một phương pháp làm giảm HCN trong củ sắn và lá sắn đó là ủ chua.
Phương pháp này vẫn dựa trên nguyên lý tác động làm thay đổi cấu trúc tế bào dẫn
đến tác động giữa glucozit và enzim để tạo thành HCN dạng tự do, chúng sẽ bị rửa
theo nước hoặc bay hơi trong quá trình cho gia súc ăn.
1.1.4. Cỏ stylo 184 và tình hình sử dụng trong chăn nuôi lợn
1.1.4.1. Đặc điểm sinh học cỏ stylo
Cỏ styo phân bố tự nhiên ở Trung và Nam Mỹ sau đó nhập vào nhiều nước
trên thế giới. Stylo là loại cây thức ăn gia súc được phát triển đáng kể ở các nước
nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam nhập lần đầu vào năm 1967, hiện nay được
nghiên cứu và sử dụng ở nhiều nơi.
Cỏ stylo là cỏ lâu năm, có loại hàng năm, thân đứng, chiều cao cây 1m, nếu
trồng nơi khí hậu ẩm có thể tới 1,5m. Cây có khả năng ra rễ ở thân. Thân cây có
nhiều lông, có loại ít lông, lá chẽ làm ba đầu tầy có ít lông mềm. Lá dài 2 - 3cm, rộng
5 - 10cm, tỷ lệ lá/thân là 5/7 (Nguyễn Thiện, 2005) [30]. Thân cây lúc non thô xanh,
khi già chuyển thành màu xanh sẫm hoặc tím. Lá cỏ stylo có 3 thùy hẹp và nhọn, có
vài dòng có nhựa dính. Stylo ra hoa muộn, ở vùng á nhiệt đới cây khó ra hoa. Hoa
nhỏ, màu vàng, quả có một hạt, hạt màu vàng hoặc nâu đen lớn hơn hạt cỏ Mêdi
(Humphreys, 1980) [37].
Giống Stylosanthes guianensis 184 do CIAT chọn tạo từ S. guianensis dòng
cook để phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Giống này tương
đối phù hợp với nước ta. Stylo là loại cây của vùng khí hậu nóng ẩm, phát triển thuận
lợi ở vùng có nhiệt độ trung bình cao, về mùa lạnh cây sinh trưởng kém hơn. Đặc biệt
cỏ stylo chịu đựng kém đối với sương giá. Cây có thể sinh trưởng ở vùng duyên hải
có lượng mưa 4000 mm/năm, nhưng có thể tồn tại qua các vụ hạn kéo dài
(Humphreys, 1980) [37]. Cây thích hợp vùng có lượng mưa 1500 - 2500mm (Nguyễn
Thiện, 2005) [30].
13
Cỏ stylo chịu được đất xấu, đất axit, đất sét bí và thoát nước kém cỏ vẫn mọc
được. Ngoài ra, cỏ stylo còn mọc được trên đất cạn, đất cát, đất sỏi cạn, đất sườn đồi,
đất lùm bụi… Tóm lại cỏ stylo có thể sinh trưởng với đất nghèo dinh dưỡng và đất
chua. Tuy nhiên, ánh sáng có ảnh hưởng tích cực tới lượng chất xanh, nếu bị che
nắng thì năng suất sẽ giảm. Cỏ không chịu bóng, có thể sinh trưởng tốt đối với các
giống cỏ khác tuy nhiên không phủ chụp lên chúng.
1.1.4.2. Giá trị dinh dưỡng và sử dụng cỏ stylo trong chăn nuôi
Cỏ stylo thường được dùng để phủ đất chống sói mòn, và kết hợp làm thức ăn
gia súc. Cỏ stylo thường có lông và hàm lượng xơ cao nên gia súc không thích ăn
tươi, cỏ dạng khô có thể sử dụng cho trâu, bò, ngựa, dê, lợn và gia cầm.
Theo Viện chăn nuôi (2001) [35] cỏ stylo có hàm lượng vật chất khô tương đối
cao trung bình 240 g/KgVCK, hàm lượng protein đạt 155 - 167 g/KgVCK, xơ đạt 266 -
272 g/KgVCK. Viện chăn nuôi phân tích đánh giá chất lượng cỏ stylo cho kết quả VCK
20,1%; CP 4,10%; lipit thô 0,4%; CF 3,3%; NFE 10,7%; khoáng tổng số 1,6%; canxi
0,4%; photpho 0,04% và năng lượng trao đổi 484 Kcal. Phân tích thành phần các axit
amin cho biết cỏ stylo chứa 17/18 loại, tương đối đầy đủ các loại axit amin thiết yếu cho
lợn; hai loại axit amin có hàm lượng thấp là tryptophan và cysteine.
Omole và cs (2007) [66] công bố nghiên cứu về cỏ stylosanthes guianensis
CIAT 184 tại Châu Phi cho rằng trong cỏ tươi có thành phần hóa học như sau: VCK
chiếm 19,75%; các chất tính theo %VCK như sau CP: 19,91%; xơ thô 13,28%; lipit
1,34%; khoáng tổng số 9,38% và NFE 56,03 %.
Hiện nay cỏ stylo thường được sử dụng cho các đối tượng chăn nuôi gia súc
ăn cỏ (trâu, bò, dê) là chính. Cỏ được trồng, thu hoạch và chế biến theo các phương
pháp chủ yếu sau đây:
- Cỏ stylo được thu cắt định kỳ và dùng làm nguồn thức ăn tại chuồng, cách
này không phải chế biến mà cho sử dụng dưới dạng tươi.
- Cỏ stylo được thu cắt định kỳ và phơi khô để dự trữ đến mùa khô thiếu
nguồn thức ăn cho gia súc nhai lại mới cho ăn.
14
- Cỏ stylo được thu cắt định kỳ sau đó băm nhỏ, phơi khô và nghiền thành bột.
Bột cỏ stylo có tỷ lệ protein thô tương đối cao nên được dùng như nguồn bổ sung
protein trong khẩu phần (chủ yếu dùng cho lợn). Khi dùng cỏ stylo cho lợn còn có
thể băm nhỏ dạng tươi và nấu chín cho lợn.
Tóm lại các phương pháp chế biến cỏ stylo để làm thức ăn gia súc chủ yếu là
băm nhỏ, phơi khô. Cỏ stylo dùng trong khẩu phần cho gia súc nhai lại là chính.
1.1.5. Phương pháp ủ chua thức ăn
1.1.5.1. Cơ sở khoa học của phương pháp ủ chua
Ủ chua là kỹ thuật ủ yếm khí thức ăn xanh thô có hàm lượng nước cao (75 -
80%), nhờ hệ vi sinh vật lên men tạo ra axit lactic và một lượng nhất định các axit
hữu cơ khác. Do đó nhanh chóng đưa độ pH của thức ăn xuống mức 4 - 4,5 làm ức
chế hoạt động của các vi sinh vật và enzim trong thực vật. Nhờ vậy ta có thể bảo
quản thức ăn ủ chua được trong thời gian lâu dài. Theo Nguyễn Hữu Tào và cs
(2005) [17] cơ sở khoa học của phương pháp ủ chua gồm 3 yếu tố:
Hệ vi sinh vật phát triển trong quá trình ủ chua bao gồm: vi khuẩn, nấm
men, nấm mốc.
* Nhóm vi khuẩn có lợi: chủ yếu là nhóm vi khuẩn lên men tạo axit lactic, đây
là nhóm vi khuẩn có ích rất cần thiết trong thức ăn ủ chua, vi khuẩn lên men tinh bột
và đường tạo ra sản phẩm chủ yếu là axit lactic. Thông thường 1 gram cây cỏ họ đậu
có 0,04 triệu tế bào vi khuẩn lên men sinh axit lactic. Ngoài ra còn có các nhóm vi
khuẩn lên men tạo axit axetic và lên men tạo axit butyric.
* Nấm men: Nấm men hoạt động mạnh ở giai đoạn đầu của quá trình ủ chua,
chúng phân huỷ tinh bột đường tạo thành rượu, CO2 và một số axit hữu cơ. Hàm
lượng rượu trong cỏ ủ chua thường trung bình là 0,3%. Khi ủ chua một số nguyên
liệu như thân cây ngô, ngọn củ cải đường đôi khi hàm lượng rượu đạt tới 4% tính
theo dạng sử dụng. Trong điều kiện yếm khí nấm men dường như ngừng hoạt động,
nhưng khi pH= 3 - 4 thì chúng vẫn có thể hoạt động nhưng không mạnh (Nguyễn
Hữu Tào và cs, 2005) [17].
* Nấm mốc: Nấm mốc là vi sinh vật không có lợi trong quá trình ủ chua, nấm
mốc phát triển chậm hơn so với vi khuẩn (lên men axic lactic, axetic). Nấm mốc phân
15
giải tinh bột, đường, protein, axit lactic để tạo thành SO2, H2O, NH3 và nhóm amin;
nhiều loại nấm mốc còn có khả năng tạo ra các loại độc tố (Aflatoxin). Trong điều
kiện yếm khí chúng ngừng hoạt động.
* Nhóm vi khuẩn gây thối: Nhóm này bao gồm trực khuẩn có nha bào, không
có nha bào, chủ yếu sống trong điều kiện yếm khí, nhiệt độ thích hợp trên 500
C, chúng
phân giải protein, axit amin thành các chất độc như cadavejin, putracin…
Điều kiện ủ chua
- Thứ nhất đó là yếm khí: đây là điều kiện quyết định sự thành công hay thất
bại của quá trình ủ chua. Trong điều kiện yếm khí các nhóm vi khuẩn lên men sinh
axit butyric, nấm mốc, nấm men bị ức chế dẫn đến chúng hoạt động yếu các chất
dinh dưỡng trong thức ăn đỡ bị phân hủy. Bên cạnh đó các vi khuẩn sinh axit lactic
có điều kiện hoạt động mạnh sinh axit lactic, pH tăng nhanh càng ức chế các nhóm vi
khuẩn và nấm khác hoạt động, đây là yếu tố giúp bảo tồn thức ăn ủ chua.
- Thứ hai: Nhiệt độ sẽ làm thay đổi hướng lên men của vi sinh vật, dựa vào
nhiệt độ tối ưu cho sự phát triển của vi sinh vật chia ra hai kiểu lên men trong hố ủ.
+ Lên men nóng: Lên men nóng thích hợp với vi khuẩn lactic chịu nhiệt, nhiệt
độ hố ủ 40 - 500
C.
+ Kiểu lên men lạnh: Phải tiến hành ủ chua ngay khi thu cắt, khi ủ phải nén
thật chặt để nhanh chóng tạo môi trường yếm khí giảm tối đa sự hô hấp của tế bào
thực vật, nhiệt độ hố ủ chỉ đạt 15 - 350
C.
Cơ sở khoa học của việc bổ sung thức ăn giàu tinh bột trong ủ chua: Mục
đích của việc bổ sung thức ăn giàu tinh bột vào các nguyên liệu ủ chua là để cung cấp
các chất dinh dưỡng dễ lên men cho sinh vật. Nhiều loại vi sinh vật có khả năng sinh ra
men amilaza ngoại bào, phân giải tinh bột thành các phần đơn giản hơn (thủy phân các
liên kết α - 1,4 glucozit và α - 1,6 glucozit) được sử dụng làm nguồn năng lượng.
1.1.5.2. Các quá trình diễn ra trong hố ủ chua
Theo Nguyễn Hữu Tào và cs (2005) [17] các quá trình diễn ra trong hố ủ
như sau:
Sự sinh nhiệt do hô hấp tế bào thực vật: Khi cây thức ăn bị cắt đứt nguồn
dinh dưỡng thì hoạt động sống của tế bào là dị hóa. Quá trình dị hóa phân giải chất
bột đường để tạo thành khí CO2; H2O cùng năng lượng.
16
C6H12O6 + 6O2 → 6H2O + 6CO2 + 673 Kcal/g
Như vậy hố ủ không ngừng tăng nhiệt độ, đến một mức nào đó sẽ làm chết tế
bào thực vật. Cùng với quá trình hô hấp của tế bào, còn có quá trình phân hủy hiếu
khí của hệ vi sinh vật có sẵn trong thức ăn. Hai quá trình này diễn ra song song làm
cho lượng O2 của hố ủ cạn kiệt, tạo điều kiện yếm khí nhanh chóng.
Quá trình tạo axit axetic: Ngay từ đầu quá trình ủ chua các vi sinh vật trong
thức ăn phát triển mạnh, lớn nhất là nhóm vi khuẩn E.coli (đại diện là Escherichia và
Klebsiella), sản phẩm chính là axit axetic. Bên cạnh đó nhóm vi khuẩn E.coli còn có
khả năng phân giải protein bằng các phản ứng khử amin và cả carboxyl của các axit
amin tạo NH3. Khi pH = 4,5 thì nhóm vi khuẩn E.coli bị ức chế, những loại vi khuẩn
khác lên men sinh axit butyric, nấm mốc, nấm men... có thể tồn tại được pH cao
nhưng lại không thích ứng với môi trường yếm khí do đó chúng chỉ phát triển được ở
bề mặt hố ủ nơi có không khí lọt vào.
Quá trình lên men tạo axit lactic: Có hai dạng lên men tạo axit lactic là lên
men lactic đồng loại (đồng hình) và lên men lactic khác loại (dị hình).
Trong quá trình lên men lactic đồng hình thì glucose sẽ được chuyển hóa theo
chu trình Embden - Meyerhof để cuối cùng tạo thành hai axit pyruvic và NAD-H+
,
sau đó axit pyruvic sẽ được khử thành axit lactic.
C6H12O6 → 2CH3COCOOH + 4H
CH3COCOOH + 4H → 2CH3CHOHCOOH (axit lactic)
Lên men lactic dị hình của vi sinh vật là quá trình lên men không chỉ tạo ra
axit lactic mà còn tạo ra các sản phẩm phụ khác như rượu, axit axetic, CO2…
C6H12O6 → 2CH3CHOHCOOH + C2H5OH + CO2
Quá trình phân giải các chất có nitơ (N): Trong môi trường tự nhiên có
nhiều loại vi sinh vật có khả năng sản sinh ra môi trường enzim proteaza (proteinaza,
peptidaza). Các enzim xúc tác quá trình thủy phân liên kết peptit và một số liên kết
khác làm cho phân tử protein được phân giải thành các hợp chất đơn giản hơn.
Giai đoạn đình chỉ mọi sự lên men: Đây là giai đoạn cuối cùng của quá
trình ủ chua. Số lượng vi sinh vật liên tục giảm xuống do trị số pH giảm trong điều
17
kiện yếm khí, đa số vi sinh vật bị chết. Tuy nhiên do enzim trong tế bào của chúng
vẫn tiếp tục hoạt động, làm cho nồng độ các axit hữu cơ vẫn còn tăng sau một vài
ngày.
1.1.5.3. Ưu điểm của phương pháp ủ chua
Phương pháp ủ chua có những ưu điểm chủ yếu sau:
- Chi phí dùng cho chế biến ủ chua thấp hơn phương pháp sấy, sự hao hụt về
các chất dinh dưỡng thấp vì ủ chua trong điều kiện yếm khí. Các phụ phẩm trồng trọt,
hoặc các loại cây thức ăn thu hoạch với sản lượng lớn vào mùa mưa có thể ủ chua để
dự trữ.
- Thức ăn ủ chua ít tổn thất hàm lượng dinh dưỡng, lại giữ được hàm lượng
vitamin A, thường đạt được 1/3 so với dạng tươi (Gohl, 1993) [36].
- Phương pháp chế biến thức ăn bằng phương pháp ủ chua không đòi hỏi thiết
bị tốn kém, thông thường và dễ áp dụng trong điều kiện chăn nuôi nông hộ và trang
trại quy mô nhỏ.
- Chế biến thức ăn bằng phương pháp ủ chua thường nâng cao được tỷ lệ tiêu
hóa thức ăn trong chăn nuôi.
Tuy nhiên phương pháp ủ chua cũng có những nhược điểm so với các phương
pháp chế biến khác. Giai đoạn đầu ủ chua chất bột đường bị tổn thất một phần do hô
hấp tế bào thực vật tạo thành nhiệt năng, nước và CO2. Theo Nguyễn Hữu Tào và cs
(2005) [17] thì hai tác giả Schmidt và Wetterau (1974) cho biết protein ít bị tổn thất
nhưng dễ bị biến dạng làm giảm giá trị sinh học của protein trong thức ăn đối với gia
súc dạ dày đơn và gia cầm. Ủ chua còn làm hao hụt hàm lượng vitamin D, thấp hơn
so với phương pháp làm khô (Dương Hữu Thời và cs, 1982) [32]. Ủ chua thức ăn ở
nông hộ hay gặp trường hợp thức ăn ủ bị hỏng không thể sử dụng, nguyên nhân do ủ
chua không đúng phương pháp, không đảm bảo điều kiện yếm khí.
1.2. Tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước
1.2.1. Thành phần hóa học và giá trị dinh dưỡng của củ và lá sắn
Củ sắn là loại thức ăn giàu năng lượng, theo Manner và Pond (1987) [63] cho
rằng sắn có năng lượng tiêu hóa cao 3.758 Kcal/Kg. Theo Wu (1991) [79] hai tác giả
18
Brabuig và Holloway (1988) lại cho rằng sắn có năng lượng tiêu hóa lớn nhất trong
tất cả các loại cây có củ khi sử dụng làm thức ăn cho lợn, là 14,7 Mj/Kg. Bùi Văn
Chính (1995) [2]; Phạm Sỹ Tiệp (1999) [19] cho rằng củ sắn bóc vỏ có năng lượng
cao hơn củ sắn để cả vỏ, củ sắn khô cả vỏ năng lượng trao đổi dao động từ 3087 -
3138 Kcal/Kg, còn ở sắn khô bóc vỏ từ 3115 - 3196 Kcal/Kg. Tổng năng lượng trung
bình của lá sắn khô 4,12 Kcal/Kg; dao động 3,90 - 4,35 Kcal/Kg (Gómez và
Valdivieso, 1985) [54].
Tỷ lệ VCK của củ sắn dao động 66,08 - 76,64%, trong đó 80 - 90% dẫn xuất
không đạm, tinh bột chiếm tới 80% dẫn xuất không đạm, lợn có thể tiêu hóa được tới
93% vật chất khô trong sắn. Tinh bột của củ sắn có chất lượng cao. Trong lá sắn có tỷ
lệ VCK cao hơn trong củ sắn dao động từ 22,6 - 32% (Nguyễn Nghi và cs, 1984)
[13]; (Phạm Sỹ Tiệp, 1999) [19]; (Manner và Pond, 1987) [63]; (Wu, 1991) [79].
Trong lá sắn thu hoạch từ 6 - 12 tháng sau trồng có chứa 25 - 30% chất khô (Gómez
và Valdivieso, 1985) [54].
Cũng theo các tác giả trên cho biết hàm lượng protein trong củ sắn rất thấp
dao động từ 1,47 - 5,2%. Theo Nguyễn Nghi và cs (1984) [13] hàm lượng protein của
giống sắn 205, sắn Chuối và sắn Xanh là cao nhất (3,78 - 4,61%) còn các giống khác
thấp hơn (2,4 - 2,75%). Hàm lượng axit amin trong củ sắn cũng thấp và không cân
đối, đặc biệt thiếu methionine (Gómez và Valdivieso, 1985) [54]. Ngược lại, trong lá
sắn lại có tỷ lệ protein cao dao động từ 16,7 - 39,9%, tuy trong protein của lá sắn
chứa đầy đủ các axit amin thiết yếu nhưng thấp tỷ lệ methionine, tryptophan (Allen,
1984) [38]; (Phuc và cs, 2000) [69]; (Hahn và cs, 1988) [55]. Theo các tác giả
Samkol và Lukefahr (2008) [74]; Từ Quang Hiển (1982) [6]; Lê Văn An và cs (2008)
[1]; Wanapat và cs (1997) [77] công bố cho biết trong lá sắn có thể thay thế một phần
khô đỗ tương trong khẩu phần cho lợn thịt bởi trong lá sắn có đầy đủ protein, chất xơ,
khoáng chất và vitamin. Bên cạnh đó vitamin trong lá sắn cũng khá cao, trong bột lá
sắn khô chứa 66,7mg% caroten
Hàm lượng mỡ thô của củ sắn cũng rất thấp chỉ đạt 1,6 - 1,8 %VCK (Gómez
và cs, 1983) [52]; (Wu, 1991) [79]; (Phạm Sỹ Tiệp, 1999) [19]. Trong lá sắn lại có tỷ
19
lệ mỡ thô cao hơn trong củ sắn 7,6 - 10,5 %VCK (Samkol và Lukefahr, 2008) [74];
(Lê Văn An và cs, 2008) [1].
Hàm lượng khoáng đa lượng và vi lượng của lá sắn nói chung cao hơn trong
củ sắn. Hàm lượng canxi (Ca) dao động từ 0,74 - 1,13%; photpho (P) 0,25 - 0,38%;
kali (K) 1,52 - 1,71%, đặc biệt sắt (Fe) và mangan (Mn) khá cao (Nguyễn Nghi và cs,
1984) [13]; (Ravidran và cs, 1987) [71]; (Phạm Sỹ Tiệp, 1999) [19].
Tỷ lệ xơ thô trong củ sắn cũng tương đối cao 2,03 - 3,08 %VCK, hàm lượng
xơ trong lá sắn cao hơn trong củ sắn từ 2 - 3,5 lần (10,1 - 14,8%VCK). (Phuc và cs,
2000) [69]; (Nguyễn Thị Tịnh và cs, 2006) [26]; (Khang và cs, 2006) [57]; (Lê Văn
An và cs, 2008) [1]. Các tác giả cũng cho rằng khi sử dụng củ sắn cho lợn phải chú ý
bỏ phần gốc vì có nhiều xơ, sử dụng lá sắn không nên lấy phần cuống lá mà chỉ nên
sử dụng phần thịt lá (Yves Froehlich và Thái Văn Hùng, 2001) [3].
Hàm lượng axit HCN cũng được quan tâm là yếu tố hạn chế lớn nhất của củ
và lá sắn. Tác giả Chhay Ty và Preston (2005) [47] cho biết hàm lượng hàm lượng
HCN trong lá sắn tươi là 508 mg/KgVCK. Một công bố của Wanapat (2001) [78] cho
biết chế biến lá sắn bằng phương pháp phơi khô kiệt dưới ánh nắng mặt trời có tác
dụng giảm trên 90% hàm lượng HCN.
Theo Bolhuis (1954) [41] khi nghiên cứu về thành phần giá trị dinh dưỡng của
củ sắn dùng cho gia súc đã phát hiện, hàm lượng độc tố HCN < 50 mg/Kg (sắn tươi)
không gây độc cho gia súc, nhưng HCN từ 50 - 100 mg/Kg gây độc nhẹ và HCN >
100 mg/Kg gây độc mạnh. Theo Nartey (1978) [64] (Trích từ Silvestre, 1990) nhóm
sắn ngọt là những giống sắn có hàm lượng HCN < 280 mg/KgVCK, nhóm sắn đắng
có hàm lượng HCN ≥ 280 mg/KgVCK.
1.2.2. Nghiên cứu củ sắn và lá sắn trong chăn nuôi lợn thịt
Các nghiên cứu để sử dụng sắn làm thức ăn cho lợn đã được quan tâm từ đầu
Thế kỷ 20, hiện nay vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu thêm. Giai đoạn từ 1950 trở
về trước mức độ sử dụng sắn cho lợn thịt chỉ đạt tối đa 40%. Lợn thịt dùng sắn trong
khẩu phần thức ăn cho tăng trọng (g/ngày) thấp, tỷ lệ tiêu tốn thức ăn khá cao (Phạm
Sỹ Tiệp, 1999) [19].
20
Các nghiên cứu bổ sung bột sắn phơi khô trong khẩu phần cho lợn thịt giai
đoạn gần đây, cho biết tỷ lệ bổ sung có thể đến 60 - 70% nhưng phải bổ sung DL-
methionine (0,1 - 0,2% trong TAHH). Tỷ lệ sử dụng bột sắn thích hợp là 17 - 30%
trong khẩu phần thức ăn hỗn hợp cho tăng trọng cao nhất (Vihajarerm và cs, 1970
(trích Nguyễn Nghi và cs, 1984) [13]; (Otewe, 1985) [76]; (Santos và Gómez, 1983)
[75]; (Gómez và cs, 1984) [53]. Theo Manner và Pond (1987) [63] lợn có thể tiêu hóa
được tới 93% vật chất khô trong sắn, 45% protein thô, 51,7% mỡ thô, 48,8% xơ thô,
98% dẫn xuất không đạm và 92,5% tổng các chất dinh dưỡng tiêu hóa
Russo và cs (1985) [73] khi nghiên cứu dùng bột sắn có bổ sung DL -
methionine đã chứng minh cho thấy rằng với 50% bột sắn trong khẩu phần có bổ
sung và không bổ sung DL - methinoine. Kết quả thấy tốc độ tăng trưởng và hiệu quả
sử dụng thức ăn trong khẩu phần 50% bột sắn có bổ sung từ 0,1 - 0,2% DL -
methionine cao hơn các lô còn lại. Tác giả Wu (1991) [79] cho biết bổ sung bột sắn
1-2% khối lượng cho lợn con 7,5 Kg (28 ngày tuổi) không ảnh hưởng đến sinh
trưởng và tiêu hóa của lợn.
Khả năng thu nhận, tiêu hóa và hấp thụ thức ăn từ củ sắn của lợn còn phụ
thuộc và cách chế biến sắn, nguồn thức ăn cung cấp đạm và các chất bổ sung khác
nhau. Theo Buitrago (1990) [42]; Fabry và cs (1986) [50] nghiên cứu sự thu nhận
thức ăn từ sắn của lợn cho thấy sự thu nhận có thể đạt 4,04 Kg/ngày đối với sắn tươi;
thứ hai là sắn ủ xilô 3,84 Kg/ngày; cuối cùng là sắn phơi khô 2,48 Kg/ngày.
Tác giả Lai và Rodriguez (1998) [58]; Lai (1998) [59]; Chhay Ty và cs (2003)
[44]; [45]; [46]; Bùi Văn Chính (1995) [2]; Phạm Sỹ Tiệp (1999) [19]; Nguyễn Thị
Lộc và Lê Văn An (2008) [10]; Nguyễn Hải Quân và Nguyễn Xuân Bả (2008) [15];
Trung tâm Khoai tây Quốc tế (2006) [33] cho biết khi ủ chua củ sắn và lá sắn theo
dõi sự biến động pH và HCN thấy: pH của thức ăn ủ chua có xu hướng giảm dần theo
thời gian ủ (dao động 3,7 - 4,6), có xu hướng ổn định từ tuần thứ 5 (35 ngày sau ủ);
pH của lá sắn ủ cao hơn củ sắn ủ chua. Hàm lượng HCN của các mẫu thức ăn ủ chua
có xu hướng giảm dần theo thời gian (110 - 657 mg/KgVCK) tùy theo từng giống
sắn. Các tác giả cho rằng ủ chua là một cách chế biến tốt để dùng củ và lá sắn cho
21
lợn, có thể bảo quản và sử dụng đến 56 ngày sau ủ mà không bị hao hụt đáng kể dinh
dưỡng.
Các tác giả cũng cho rằng khi ủ chua củ sắn và lá sắn cần thiết phải bổ sung tỷ
lệ nhất định tinh bột, đường để làm cơ chất cho vi sinh vật phát triển giai đoạn đầu.
Nguyễn Hữu Văn và cs (2008) [34]; Nguyễn Thị Tịnh và cs (2006) [25], [26] cho
biết bổ sung cám gạo 3 - 10%, muối ăn 0,5% cho kết quả tốt và có thể bảo quản thức
ăn ủ chua đến 90 ngày mà không bị hao hụt đáng kể chất dinh dưỡng.
Các nghiên cứu của Gómer và cs (1983) [52]; Bùi Văn Chính (1995) [2] khi
sử dụng củ sắn tươi ủ chua (loại sắn ngọt) để chăn nuôi lợn thịt với mức bổ sung sắn
ủ tăng dần từ 1 - 2 Kg/con/ngày ở tuần thứ nhất đến 6 - 6,5 Kg/con/ngày kết quả tăng
trọng đạt tốt, tương đương kết quả dùng bột sắn để chăn nuôi lợn thịt, sử dụng khẩu
phần lá sắn ủ chua 1,6 Kg/con/ngày cho lợn thịt cho kết quả sinh trưởng cao, tiêu tốn
thức ăn/Kg tăng trọng giảm 20%. Các tác giả Nguyễn Thị Lộc (1996) [60]; Nguyễn
Thị Hoa Lý và cs (2000) [11] [12]; Lê Đức Ngoan và Nguyễn Thị Hoa Lý (2002)
[65]; Nguyễn Thị Tịnh và cs (2006) [25], [26]; Lê Văn An và cs (2008) [1] đã sử
dụng mức bổ sung thức ăn ủ chua (củ sắn, củ khoai lang, lá sắn…) từ 40 - 50% trong
khẩu phần dạng sử dụng cho lợn thịt cho kết quả sinh trưởng tốt, đồng thời giảm tỷ lệ
mắc bệnh. Khi tăng thức ăn ủ chua củ sắn đến 60% khẩu phần, kết quả làm giảm sinh
trưởng của lợn thịt, tuy nhiên bổ sung DL - methionine trong khẩu phần 30 %VCK
củ sắn ủ chua có tác dụng làm giảm tiêu tốn thức ăn và giảm chi phí thức ăn/Kg TT.
Nguyễn Thị Hoa Lý và cs (2000) [11] bổ sung lá sắn ủ chua mức 15 %VCK
trong khẩu phần giai đoạn mang thai (114 ngày) của nái Móng Cái cho biết các chỉ
tiêu sinh sản không bị ảnh hưởng bởi việc bổ sung lá sắn ủ chua, khi tiếp tục bổ sung
mức 20 %VCK đã có ảnh hưởng đến sinh trưởng và một số chỉ tiêu sinh sản của
chúng.
Theo tác giả Từ Quang Hiển (1982) [6] nghiên cứu sử dụng lá sắn cho chăn
nuôi lợn cho biết, khi thí nghiệm sử dụng bột lá sắn khô bổ sung trong khẩu phần cho
lợn thịt thời điểm 3 tháng, 5 tháng và 8 tháng tuổi với mức bột lá sắn tăng dần từ 15 -
50% số đợn vị tinh trong tiêu chuẩn ăn hàng ngày. Kết quả cho thấy hoàn toàn có thể
22
thay thế được 20 - 30% thức ăn tinh bằng bột lá sắn, lợn vẫn sinh trưởng, phát triển
tốt và cho năng suất cao.
Dư Thanh Hằng (2008) [5] khi nghiên cứu lá sắn với vai trò nguồn protein cho
nuôi lợn thịt cho biết: Thành phần hóa học của lá ở 20 giống sắn lấy ở phần lá non
còn lại trên cây tại thời điểm thu hoạch củ, biến động từ 23,7 - 31,1% về VCK; CP
23,7 - 29,5 %VCK và HCN 610 - 1840 mg/KgVCK. Trong nghiên cứu này tại thời
điểm thu hoạch củ, phần lá còn lại trên ngọn cây là những lá non xanh nồng độ HCN
trung bình (349 mg/Kg dạng tươi). Nồng độ HCN đã giảm 58% ở lá sắn tươi sau khi
phơi héo dưới mái hiên sau 24 giờ.
1.2.3. Thành phần hóa học và sử dụng cỏ stylo trong chăn nuôi lợn thịt
Cỏ stylo chủ yếu được dùng để làm thức ăn cho gia súc nhai lại, các nghiên
cứu sử dụng cỏ stylo cho lợn nói chung và cho lợn thịt nói riêng còn rất hạn chế. Về
thành phần hóa học Chanphone và Choke (2003) [56]; Omole và cs (2007) [66];
Samkol và Lukefahr (2008) [74]; Phengsavanh và Ledin (2003) [68] khi nghiên cứu
cỏ stylosanthes guianensis cho biết: Cỏ stylo có thành phần VCK 19,75 - 22,3%; CP
là 19,3 - 19,90 %VCK; xơ thô 13,28 - 30,0 %VCK; lipit 1,34 %VCK; khoáng tổng số
5,1 - 9,38 %VCK.
Nghiên cứu sử dụng để bổ sung trong chăn nuôi lợn hai tác giả Chanphone và
Choke (2003) [56] công bố với khẩu phần cơ sở là bột ngô (50%), khô đậu tương (50
- 40 - 30 - 20%) và cỏ stylo băm nhỏ (0 - 10 - 20 - 30%) cho lợn thấy tăng trọng của
lợn tương ứng là 154 - 221 - 245 - 320 g/con/ngày (P < 0,01); tiêu tốn thức ăn lần
lượt là 6,25 - 5,50 - 5,00 - 4,00 KgTA/KgTT. Lợn thịt giai đoạn 10 - 40Kg có thể sử
dụng cỏ stylo là nguồn thức ăn chính với mức độ bổ sung 6,4 %VCK trong khẩu
phần.
23
PHẦN 2. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng nghiên cứu
- Củ sắn tươi sau thu hoạch bỏ phần gốc nhiều xơ
- Lá sắn hái tươi bỏ cuống lá (chỉ lấy phần phiến lá)
- Ngọn lá sắn (thu hái cả thân, ngọn lá sau đó băm từ ngọn xuống đến hết phần
thịt lá)
- Cỏ stylo thu cắt cả thân và lá (bỏ phần thân đã già màu đen).
- Lợn lai F1 (ĐB x MC) nuôi tại nông hộ GĐ 20 - 80 Kg (60 - 75 ngày tuổi).
2.2. Địa điểm, thời gian nghiên cứu
2.2.1. Địa điểm
- Nguyên liệu: củ sắn, cỏ stylo, lá sắn và cám gạo loại 1 được chuẩn bị và tiến
hành ủ chua có sẵn tại các hộ gia đình ở xã Đồng Tiến, huyện Phổ Yên, Thái
Nguyên.
- Các mẫu TA ủ chua được phân tích thành phần hoá học tại Phòng Phân tích
Thức ăn gia súc và sản phẩm chăn nuôi (VILAS - 053) của Viện Chăn nuôi Quốc gia.
- Thí nghiệm chăn nuôi lợn thịt bằng thức ăn ủ chua được tiến hành tại các hộ
gia đình ở Xã Đồng Tiến, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.
2.2.2. Thời gian
- Giai đoạn thí nghiệm: 2009 - 2010.
- Giai đoạn ứng dụng và đánh giá: 2010 - 2011
2.3. Nội dung nghiên cứu
- Nghiên cứu các công thức ủ chua trong phòng thí nghiệm, củ sắn kết hợp
cùng các nguyên liệu khác (cỏ stylo tươi, ngọn lá sắn, cám gạo, muối) để làm thức ăn
cho chăn nuôi lợn.
- Đánh giá sự biến đổi các thành phần hóa học trong quá trình ủ chua. Từ đó
nhằm tìm ra các công thức ủ chua tối ưu để sử dụng trong chăn nuôi dựa trên các tiêu
chí kỹ thuật và kinh tế.
- Nghiên cứu hiệu quả của việc dùng các thức ăn ủ chua kết hợp củ sắn, cỏ
stylo và ngọn lá sắn để chăn nuôi lợn thịt tại nông hộ.
- Hỗ trợ phổ biến phương pháp ủ chua thức ăn cho các hộ dân chăn nuôi.
2.4. Phương pháp nghiên cứu
2.4.1. Sơ đồ bố trí thí nghiệm
24
* Nội dung ủ chua trong phòng thí nghiệm
- Bố trí thí nghiệm ủ chua trong phòng thí nghiệm được tiến hành theo 10 công
thức dự kiến ban đầu theo bảng
- Các mẫu thức ăn ủ chua được ủ trong túi nilon 2 lớp, lèn thật chặt và buộc kín
để đảm bảo yếm khí. Khối lượng mẫu 300 g/túi, mỗi công thức ủ được lặp lại 3 lần.
Các túi được đánh dấu bằng nhãn, sau đó bảo quản trong tủ đảm bảo không bị hư hại.
Bảng 2.1: Thành phần các nguyên liệu trong các công thức ủ chua
TT
Công
thức
Nguyên liệu và tỷ lệ phối hợp (%)
Củ sắn tươi
Cỏ stylo
tươi
Lá sắn tươi
Cám gạo
loại 1
Muối
1 S1 89,5 10 - - 0,5
2 S2 79,5 20 - - 0,5
3 S3 69,5 30 - - 0,5
4 S4 89,5 - 10 - 0,5
5 S5 79,5 - 20 - 0,5
6 S6 69,5 - 30 - 0,5
7 S7 93,5 - - 6 0,5
8 S8 99,5 - - - 0,5
9 S9 - - 93,5 6 0,5
10 S10 59,5 - 40 - 0,5
* Nội dung trong triển khai ủ chua tại nông hộ
- Sau khi tiến hành thành công các thí nghiệm tại phòng thí nghiệm, các kết
quả phân tích sẽ đưa ra thực tế sản xuất tại nông hộ để phục vụ nghiên cứu trên đàn
lợn thí nghiệm.
- Áp dụng các công thức ủ chua S3 S4, S7 và S8 để ủ chua với số lượng lớn tại
4 hộ dân chăn nuôi. Trung bình thức ăn ủ chua 2-5 tấn/hộ.
* Nội dung thí nghiệm trên đàn lợn
- Căn cứ vào điều kiện thực tế của nông hộ chúng tôi tiến hành bố trí 2 thí
nghiệm trên đàn lợn sử dụng các công thức thức ăn ủ chua khác nhau như sau:
- TN1: Thí nghiệm tiến hành với tổng số 48 con lợn lai F1, bố trí 4 lô với 12
lợn/lô, đảm bảo đồng đều về khối lượng và tính biệt. Lợn được nuôi trong hệ thống
chuồng hở thông thoáng tự nhiên.
25
+ Lô 1: 50% TA ủ chua S7 (93,5% củ sắn tươi + 6% cám gạo + 0,5% muối) +
50% TAHH.
+ Lô 2: 50% TA ủ chua S3 (69,5% củ sắn tươi + 30% thân lá cỏ stylo tươi +
0,5% muối) + 50% TAHH.
+ Lô 3: 100% TAHH có bổ sung bột sắn và bột cỏ stylo.
+ Lô 4: 100% TAHH có bổ sung bột sắn.
- TN 2: Thí nghiệm tiến hành tổng số 48 lợn lai F1, bố trí 4 lô TN với 12 lợn/lô,
đảm bảo đồng đều về khối lượng và tính biệt.
+ Lô 1: 50% TA ủ chua S8 (99,5% củ sắn tươi + 0,5% muối) + 50% TAHH.
+ Lô 2: 50% TA ủ chua S4 (89,5% củ sắn + 10% ngọn lá sắn + 0,5% muối) + 50%
TAHH.
+ Lô 3: 100% TAHH có bổ sung bột sắn và bột ngọn lá sắn phơi khô.
+ Lô 4: 100% TAHH dạng viên của hãng Greenfeed.
2.4.2. Phương pháp ủ chua
Ủ chua sắn và cỏ stylo được tiến hành theo mô tả phương pháp của Nguyễn
Thị Tịnh và cs (2006) [25]. Củ sắn tươi sau khi thu hoạch rửa sạch đất bám và dùng
máy băm nhỏ. Cỏ stylo băm nhỏ từ 0,5 - 1cm bằng máy thái rau cỏ thông thường.
Các nguyên liệu không cần phơi khô sau khi băm, mà ủ tươi. Tiến hành trộn đều các
nguyên liệu với nhau theo tỷ lệ đã định, mỗi mẻ trộn từ 600 - 800Kg nguyên liệu tươi
sau đó nén chặt vào các túi ủ. Túi ủ được may bằng bạt dứa kích thước 1,8 - 2,2m,
bên trong lồng hai lớp túi nilon cùng kích thước để đảm bảo điều kiện yếm khí và
tránh hư hại. Khuôn túi ủ (khung) được gia công bằng hai thùng phi ghép lại, có các
chốt bằng ốc vít để dễ dàng tháo lắp. Các nguyên liệu được lèn thật chặt theo từng
lớp, sau đó buộc kín miệng túi ủ sau 30 ngày có thể sử dụng để nuôi lợn.
2.4.3. Phương pháp lấy mẫu
Các mẫu nguyên liệu củ sắn, ngọn lá sắn, cám gạo, thức ăn đậm đặc, thức ăn
hỗn hợp được lấy mẫu phân tích. Mẫu lấy theo phương pháp mô tả trong Tiêu chuẩn
Việt Nam: 4325 - 2007 [21].
2.4.4. Phương pháp phân tích mẫu
Các chỉ tiêu thành phần hóa học của mẫu thức ăn ủ chua được phân tích:
VCK, CP, CF, giá trị pH; nguyên liệu ngọn lá sắn trước khi ủ chua được phân tích
hàm lượng HCN. Phương pháp phân tích các chỉ tiêu như sau:
26
- Vật chất khô của các mẫu được xác định theo Tiêu chuẩn Việt nam: 4326 -
2001 [22].
- Hàm lượng protein thô được xác định theo Tiêu chuẩn Việt nam: 4328 - 1 -
2007 [23] bằng phương pháp Kjeldahl trên hệ thống phân tích Gerhardt.
- Hàm lượng xơ tổng số được tiến hành theo Tiêu chuẩn Việt Nam: 4329 -
2007 [24].
- Hàm lượng HCN được xác định theo Tiêu chuẩn ngành 604 - 2004 [20] .
2.4.5. Phương pháp đo độ dày mỡ lưng của lợn
Để đo độ dày mỡ lưng của lợn thí nghiệm chúng tôi tiến hành đo bằng máy đo
độ dày mỡ lưng Lean Meater của hãng Renco - USA, đo tại vị trí xương sườn cuối
cùng.
2.5. Các chỉ tiêu theo dõi
- Các chỉ tiêu phân tích thành phần hoá học: vật chất khô (VCK), protein thô
(CP), xơ thô (CF), giá trị pH của các công thức TA ủ chua thí nghiệm tại thời điểm
15 ngày (T15); 30 ngày (T30); 60 ngày (T60); 90 ngày ủ (T90).
- Các chỉ tiêu phân tích thành phần hoá học: vật chất khô (VCK), protein thô
(CP), xơ thô (CF) của các công thức TA ủ chua đại trà sử dụng trong chăn nuôi lợn
được phân tích trước thời điểm sử dụng đầu tiên.
- Khối lượng lợn thí nghiệm (Kg), tiêu tốn thức ăn (dạng sử dụng Kg/Kg TT,
Kg VCK/Kg TT, Kg CP/Kg TT), chi phí TA (đồng/Kg TT).
- Đo độ dày mỡ lưng của lợn bằng máy Lean Meater ở thời điểm 90 ngày.
2.6. Xử lý số liệu
Các số liệu thu được trong nghiên cứu đều tiến hành xử lý thống kê sinh vật
học. Sử dụng ANOVA và Tukey của phần mềm Minitab 13.31 để kiểm tra mức độ
sai khác thống kê.
Tải bản FULL (62 trang): https://bit.ly/34MQEzF
Dự phòng: fb.com/TaiHo123doc.net
27
PHẦN 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Kết quả thực hiện nội dung 1: Nghiên cứu đánh giá giá trị dinh dưỡng của
các công thức phối hợp củ sắn, lá sắn và cỏ stylo khác nhau ủ chua trong phòng
thí nghiệm
3.1.1. Thành phần hoá học của các loại nguyên liệu
Để có cơ sở tiến hành các công thức ủ chua và đánh giá chất lượng dinh dưỡng
trước và sau ủ chua, chúng tôi đã tiến hành lấy mẫu và phân tích thành phần hóa học và
chỉ số HCN trong các nguyên liệu sử dụng trước khi tiến hành ủ theo các công thức
trong phòng thí nghiệm. Kết quả phân tích thành phần hóa học của các nguyên liệu
được trình bày qua bảng 3.1
Bảng 3.1: Thành phần hoá học của các loại nguyên liệu
TT Thành phần
Nguyên liệu
Lá sắn
tươi
Củ sắn
băm nhỏ
Ngọn lá sắn Cỏ stylo
tươi
Cám gạo
loại 1
1 VCK (%) 24,30 30,66 27,63 16,62 91,35
2 CP (% dạng sử dụng) 6,44 0,90 5,79 4,06 10,39
3 CP (% VCK) 26,50 2,96 20,97 24,43 11,37
4 CF (% dạng sử dụng) 3,17 0,95 4,73 4,13 19,29
5 CF (% VCK) 13,05 3,11 17,12 24,85 21,12
6 HCN (mg/Kg sử dụng) 334 98 - - -
7 HCN (mg/Kg VCK) 1.374 313 - - -
Từ bảng 3.1 ta thấy các nguyên liệu tươi (củ sắn, lá sắn, cỏ stylo tươi) có tỷ lệ
vật chất khô dao động từ 16,62 - 30,66%. Củ sắn có hàm lượng protein thô thấp (2,05 -
2,96 %VCK). Trái lại, lá sắn tươi và cỏ stylo tươi lại có hàm lượng protein thô cao
(tương ứng: 26,50 và 24,43 %VCK), đây là đặc điểm rất quan trọng, protein của lá sắn
và cỏ stylo sẽ bù lại tỷ lệ prtein thấp của củ sắn và là cơ chất cho vi sinh vật lên men ủ
chua.
Tỷ lệ xơ thô trong cỏ stylo tươi cao nhất là 24,85% vì cỏ phải thu hoạch theo lứa
nên có một phần thân đã bị xơ hoá, mặt khác để đảm bảo khả năng sinh trưởng các lứa
Tải bản FULL (62 trang): https://bit.ly/34MQEzF
Dự phòng: fb.com/TaiHo123doc.net
28
tiếp theo. Hàm lượng HCN trong lá sắn (1374 mg/Kg) cao gấp 3 lần trong củ sắn (313
mg/KgVCK). Theo Nguyễn Thị Lộc và Lê Văn An (2008) [10] hàm lượng độc tố HCN
trong sắn tươi < 50 mg/Kg không gây độc cho gia súc, nhưng HCN 50 - 100mg/Kg gây
độc nhẹ và HCN > 100mg/Kg gây độc mạnh, như vậy tỷ lệ lá sắn trong công thức ủ chua
không nên cao hơn củ sắn trong khẩu phần.
3.1.2. Giá trị dinh dưỡng và chỉ số pH và HCN của thức ăn ủ chua các công thức
Từ kết quả bước đầu đánh giá thành phần hóa học và chỉ số HCN các nguyên
liệu thức ăn trước khi ủ chua, chúng tôi đã tiến hành thí nghiệm 10 công thức ủ chua
khác nhau trong phòng thí nghiệm để làm cơ sở cho cho việc xác định công thức ủ
chua tối ưu và hiệu quả để phục vụ ủ chua đại trà sử dụng trong chăn nuôi.
Kết quả ủ chua và phân tích các thành phần dinh dưỡng của 10 công thức ủ tại
các thời điểm 15, 30, 60 và 90 ngày sau khi ủ chua được trình bày trong các bảng 3.2,
3.3, 3.4, 3.5, 3.6
Bảng 3.2: Tỷ lệ vật chất khô trung bình của các loại thức ăn ủ chua (%)
Công
thức
T 15 (n=3) T 30 (n=3) T 60 (n=3) T 90 (n=3)
P(Sig.)
TB Sd TB Sd TB Sd TB Sd
S1 c
31,79a
0,19 c
30,82b
0,50 c
29,25c
0,20 c
30,49b
0,26 0,000
S2 dc
30,92a
0,34 d
29,05b
0,45 d
27,95c
0,29 de
28,70bc
0,34 0,000
S3 f
28,48a
0,26 e
27,43b
0,16 e
26,29c
0,55 e
27,56ab
0,43 0,001
S4 de
30,26 0,03 cd
29,99 0,19 c
30,25 0,46 c
30,39 0,24 0,398
S5 ef
29,41b
0,48 d
29,18b
0,35 c
29,37b
0,06 c
30,37a
0,27 0,009
S6 f
29,10 0,54 d
28,90 0,37 d
28,97 0,39 cd
29,22 0,88 0,906
S7 a
37,18a
0,13 a
36,01ab
0,78 a
35,03b
0,56 a
35,71b
0,41 0,006
S8 b
34,00a
0,15 b
33,22ab
0,28 b
32,11c
0,18 b
32,36bc
0,75 0,002
S9 f
29,05 0,51 - - - - de
28,26 0,36 0,092
S10 -
- - - - - -
- -
P(Sig.) 0,000 0,000 0,000 0,000
Ghi chú: a,b
Những số trung bình cùng cột mang chữ số mũ bên trái khác nhau sai khác có ý nghĩa (P<0,05)
Những số trung bình cùng hàng mang chữ số mũ bên phải khác nhau sai khác có ý nghĩa (P<0,05)
Tỷ lệ VCK trung bình của các loại TA ủ dao động trong khoảng 26,29 -
37,18%. Tỷ lệ VCK của các công thức ủ chua bổ sung cỏ stylo và ngọn lá sắn tương
đương nhau, tương ứng trong khoảng (27,56 - 30,49% và 29,22 - 30,39%), tỷ lệ sẽ
giảm dần khi ta bổ sung tăng tỷ lệ cỏ stylo và ngọn lá sắn trong nguyên liệu. Tỷ lệ
3600798

More Related Content

What's hot

Khảo sát một số yếu tố ảnh hưởng và đánh giá hiệu quả áp dụng hệ thống quản l...
Khảo sát một số yếu tố ảnh hưởng và đánh giá hiệu quả áp dụng hệ thống quản l...Khảo sát một số yếu tố ảnh hưởng và đánh giá hiệu quả áp dụng hệ thống quản l...
Khảo sát một số yếu tố ảnh hưởng và đánh giá hiệu quả áp dụng hệ thống quản l...
https://www.facebook.com/garmentspace
 
Nghiên cứu công nghệ sản xuất chè xanh chất lượng cao 7540162
Nghiên cứu công nghệ sản xuất chè xanh chất lượng cao 7540162Nghiên cứu công nghệ sản xuất chè xanh chất lượng cao 7540162
Nghiên cứu công nghệ sản xuất chè xanh chất lượng cao 7540162
nataliej4
 
Nghiên cứu quá trình sản xuất ethanol từ rau rác thải tại chợ nông sản thực p...
Nghiên cứu quá trình sản xuất ethanol từ rau rác thải tại chợ nông sản thực p...Nghiên cứu quá trình sản xuất ethanol từ rau rác thải tại chợ nông sản thực p...
Nghiên cứu quá trình sản xuất ethanol từ rau rác thải tại chợ nông sản thực p...
TÀI LIỆU NGÀNH MAY
 
Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch haccp cho quy trình sản xuất cá hồi sushi đông ...
Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch haccp cho quy trình sản xuất cá hồi sushi đông ...Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch haccp cho quy trình sản xuất cá hồi sushi đông ...
Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch haccp cho quy trình sản xuất cá hồi sushi đông ...
TÀI LIỆU NGÀNH MAY
 
Tìm hiểu quy trình công nghệ sản xuất xúc xích heo tiệt trùng tại công ty cổ ...
Tìm hiểu quy trình công nghệ sản xuất xúc xích heo tiệt trùng tại công ty cổ ...Tìm hiểu quy trình công nghệ sản xuất xúc xích heo tiệt trùng tại công ty cổ ...
Tìm hiểu quy trình công nghệ sản xuất xúc xích heo tiệt trùng tại công ty cổ ...
https://www.facebook.com/garmentspace
 
Nghiên cứu quy trình sản xuất snack từ rong nâu sargassum polycystum
Nghiên cứu quy trình sản xuất snack từ rong nâu sargassum polycystumNghiên cứu quy trình sản xuất snack từ rong nâu sargassum polycystum
Nghiên cứu quy trình sản xuất snack từ rong nâu sargassum polycystum
TÀI LIỆU NGÀNH MAY
 
Xây dựng quy phạm thực hành vệ sinh thực phẩm haccp theo tcvn 5603-2008 (cac-...
Xây dựng quy phạm thực hành vệ sinh thực phẩm haccp theo tcvn 5603-2008 (cac-...Xây dựng quy phạm thực hành vệ sinh thực phẩm haccp theo tcvn 5603-2008 (cac-...
Xây dựng quy phạm thực hành vệ sinh thực phẩm haccp theo tcvn 5603-2008 (cac-...
TÀI LIỆU NGÀNH MAY
 
Luận án: Nâng cao năng suất trứng của vịt triết giang và vịt TC - Gửi miễn ph...
Luận án: Nâng cao năng suất trứng của vịt triết giang và vịt TC - Gửi miễn ph...Luận án: Nâng cao năng suất trứng của vịt triết giang và vịt TC - Gửi miễn ph...
Luận án: Nâng cao năng suất trứng của vịt triết giang và vịt TC - Gửi miễn ph...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Luận án tiến sĩ sinh học nghiên cứu tái sinh in vitro và tạo cây ca cao (theo...
Luận án tiến sĩ sinh học nghiên cứu tái sinh in vitro và tạo cây ca cao (theo...Luận án tiến sĩ sinh học nghiên cứu tái sinh in vitro và tạo cây ca cao (theo...
Luận án tiến sĩ sinh học nghiên cứu tái sinh in vitro và tạo cây ca cao (theo...
https://www.facebook.com/garmentspace
 
Nghiên cứu chế tạo và sử dụng vật liệu nano bạc, đồng, sắt để xử lý vi khuẩn ...
Nghiên cứu chế tạo và sử dụng vật liệu nano bạc, đồng, sắt để xử lý vi khuẩn ...Nghiên cứu chế tạo và sử dụng vật liệu nano bạc, đồng, sắt để xử lý vi khuẩn ...
Nghiên cứu chế tạo và sử dụng vật liệu nano bạc, đồng, sắt để xử lý vi khuẩn ...
jackjohn45
 
Luận văn: Tổng hợp cảm ứng cellulase ở một số chủng Bacillus
Luận văn: Tổng hợp cảm ứng cellulase ở một số chủng BacillusLuận văn: Tổng hợp cảm ứng cellulase ở một số chủng Bacillus
Luận văn: Tổng hợp cảm ứng cellulase ở một số chủng Bacillus
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Đề tài: Quản lý chất lượng HACCP cho bạch tuộc cấp đông IQF, HAY
Đề tài: Quản lý chất lượng HACCP cho bạch tuộc cấp đông IQF, HAYĐề tài: Quản lý chất lượng HACCP cho bạch tuộc cấp đông IQF, HAY
Đề tài: Quản lý chất lượng HACCP cho bạch tuộc cấp đông IQF, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Nghiên cứu quy trình sản xuất rượu vang dưa hấu
Nghiên cứu quy trình sản xuất rượu vang dưa hấuNghiên cứu quy trình sản xuất rượu vang dưa hấu
Nghiên cứu quy trình sản xuất rượu vang dưa hấu
Man_Ebook
 
Đề tài: Vật liệu xử lý kim loại nặng trong nước từ cây đay, HOT, 9đ
Đề tài: Vật liệu xử lý kim loại nặng trong nước từ cây đay, HOT, 9đĐề tài: Vật liệu xử lý kim loại nặng trong nước từ cây đay, HOT, 9đ
Đề tài: Vật liệu xử lý kim loại nặng trong nước từ cây đay, HOT, 9đ
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Đề tài: Thực trạng công nghệ xử lý nước thải tại công ty bia, HOT
Đề tài: Thực trạng công nghệ xử lý nước thải tại công ty bia, HOTĐề tài: Thực trạng công nghệ xử lý nước thải tại công ty bia, HOT
Đề tài: Thực trạng công nghệ xử lý nước thải tại công ty bia, HOT
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất ngành ong Việt Nam”_10214812052019
Điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất ngành ong Việt Nam”_10214812052019Điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất ngành ong Việt Nam”_10214812052019
Điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất ngành ong Việt Nam”_10214812052019
PinkHandmade
 
Luận văn: Thiết kế hệ thống xử lý nước thải nhà máy bia, HAY
Luận văn: Thiết kế hệ thống xử lý nước thải nhà máy bia, HAYLuận văn: Thiết kế hệ thống xử lý nước thải nhà máy bia, HAY
Luận văn: Thiết kế hệ thống xử lý nước thải nhà máy bia, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Tailieu.vncty.com do an-nhan_giong_in_vi_tro_cay_co_ngot_stevia_4562
Tailieu.vncty.com   do an-nhan_giong_in_vi_tro_cay_co_ngot_stevia_4562Tailieu.vncty.com   do an-nhan_giong_in_vi_tro_cay_co_ngot_stevia_4562
Tailieu.vncty.com do an-nhan_giong_in_vi_tro_cay_co_ngot_stevia_4562
Trần Đức Anh
 
Xử lý nước thải chế biến cao su bằng phương pháp hóa lý – sinh học - Gửi miễn...
Xử lý nước thải chế biến cao su bằng phương pháp hóa lý – sinh học - Gửi miễn...Xử lý nước thải chế biến cao su bằng phương pháp hóa lý – sinh học - Gửi miễn...
Xử lý nước thải chế biến cao su bằng phương pháp hóa lý – sinh học - Gửi miễn...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

What's hot (20)

Khảo sát một số yếu tố ảnh hưởng và đánh giá hiệu quả áp dụng hệ thống quản l...
Khảo sát một số yếu tố ảnh hưởng và đánh giá hiệu quả áp dụng hệ thống quản l...Khảo sát một số yếu tố ảnh hưởng và đánh giá hiệu quả áp dụng hệ thống quản l...
Khảo sát một số yếu tố ảnh hưởng và đánh giá hiệu quả áp dụng hệ thống quản l...
 
Nghiên cứu công nghệ sản xuất chè xanh chất lượng cao 7540162
Nghiên cứu công nghệ sản xuất chè xanh chất lượng cao 7540162Nghiên cứu công nghệ sản xuất chè xanh chất lượng cao 7540162
Nghiên cứu công nghệ sản xuất chè xanh chất lượng cao 7540162
 
Co dac duong
Co dac duongCo dac duong
Co dac duong
 
Nghiên cứu quá trình sản xuất ethanol từ rau rác thải tại chợ nông sản thực p...
Nghiên cứu quá trình sản xuất ethanol từ rau rác thải tại chợ nông sản thực p...Nghiên cứu quá trình sản xuất ethanol từ rau rác thải tại chợ nông sản thực p...
Nghiên cứu quá trình sản xuất ethanol từ rau rác thải tại chợ nông sản thực p...
 
Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch haccp cho quy trình sản xuất cá hồi sushi đông ...
Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch haccp cho quy trình sản xuất cá hồi sushi đông ...Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch haccp cho quy trình sản xuất cá hồi sushi đông ...
Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch haccp cho quy trình sản xuất cá hồi sushi đông ...
 
Tìm hiểu quy trình công nghệ sản xuất xúc xích heo tiệt trùng tại công ty cổ ...
Tìm hiểu quy trình công nghệ sản xuất xúc xích heo tiệt trùng tại công ty cổ ...Tìm hiểu quy trình công nghệ sản xuất xúc xích heo tiệt trùng tại công ty cổ ...
Tìm hiểu quy trình công nghệ sản xuất xúc xích heo tiệt trùng tại công ty cổ ...
 
Nghiên cứu quy trình sản xuất snack từ rong nâu sargassum polycystum
Nghiên cứu quy trình sản xuất snack từ rong nâu sargassum polycystumNghiên cứu quy trình sản xuất snack từ rong nâu sargassum polycystum
Nghiên cứu quy trình sản xuất snack từ rong nâu sargassum polycystum
 
Xây dựng quy phạm thực hành vệ sinh thực phẩm haccp theo tcvn 5603-2008 (cac-...
Xây dựng quy phạm thực hành vệ sinh thực phẩm haccp theo tcvn 5603-2008 (cac-...Xây dựng quy phạm thực hành vệ sinh thực phẩm haccp theo tcvn 5603-2008 (cac-...
Xây dựng quy phạm thực hành vệ sinh thực phẩm haccp theo tcvn 5603-2008 (cac-...
 
Luận án: Nâng cao năng suất trứng của vịt triết giang và vịt TC - Gửi miễn ph...
Luận án: Nâng cao năng suất trứng của vịt triết giang và vịt TC - Gửi miễn ph...Luận án: Nâng cao năng suất trứng của vịt triết giang và vịt TC - Gửi miễn ph...
Luận án: Nâng cao năng suất trứng của vịt triết giang và vịt TC - Gửi miễn ph...
 
Luận án tiến sĩ sinh học nghiên cứu tái sinh in vitro và tạo cây ca cao (theo...
Luận án tiến sĩ sinh học nghiên cứu tái sinh in vitro và tạo cây ca cao (theo...Luận án tiến sĩ sinh học nghiên cứu tái sinh in vitro và tạo cây ca cao (theo...
Luận án tiến sĩ sinh học nghiên cứu tái sinh in vitro và tạo cây ca cao (theo...
 
Nghiên cứu chế tạo và sử dụng vật liệu nano bạc, đồng, sắt để xử lý vi khuẩn ...
Nghiên cứu chế tạo và sử dụng vật liệu nano bạc, đồng, sắt để xử lý vi khuẩn ...Nghiên cứu chế tạo và sử dụng vật liệu nano bạc, đồng, sắt để xử lý vi khuẩn ...
Nghiên cứu chế tạo và sử dụng vật liệu nano bạc, đồng, sắt để xử lý vi khuẩn ...
 
Luận văn: Tổng hợp cảm ứng cellulase ở một số chủng Bacillus
Luận văn: Tổng hợp cảm ứng cellulase ở một số chủng BacillusLuận văn: Tổng hợp cảm ứng cellulase ở một số chủng Bacillus
Luận văn: Tổng hợp cảm ứng cellulase ở một số chủng Bacillus
 
Đề tài: Quản lý chất lượng HACCP cho bạch tuộc cấp đông IQF, HAY
Đề tài: Quản lý chất lượng HACCP cho bạch tuộc cấp đông IQF, HAYĐề tài: Quản lý chất lượng HACCP cho bạch tuộc cấp đông IQF, HAY
Đề tài: Quản lý chất lượng HACCP cho bạch tuộc cấp đông IQF, HAY
 
Nghiên cứu quy trình sản xuất rượu vang dưa hấu
Nghiên cứu quy trình sản xuất rượu vang dưa hấuNghiên cứu quy trình sản xuất rượu vang dưa hấu
Nghiên cứu quy trình sản xuất rượu vang dưa hấu
 
Đề tài: Vật liệu xử lý kim loại nặng trong nước từ cây đay, HOT, 9đ
Đề tài: Vật liệu xử lý kim loại nặng trong nước từ cây đay, HOT, 9đĐề tài: Vật liệu xử lý kim loại nặng trong nước từ cây đay, HOT, 9đ
Đề tài: Vật liệu xử lý kim loại nặng trong nước từ cây đay, HOT, 9đ
 
Đề tài: Thực trạng công nghệ xử lý nước thải tại công ty bia, HOT
Đề tài: Thực trạng công nghệ xử lý nước thải tại công ty bia, HOTĐề tài: Thực trạng công nghệ xử lý nước thải tại công ty bia, HOT
Đề tài: Thực trạng công nghệ xử lý nước thải tại công ty bia, HOT
 
Điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất ngành ong Việt Nam”_10214812052019
Điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất ngành ong Việt Nam”_10214812052019Điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất ngành ong Việt Nam”_10214812052019
Điều tra, đánh giá thực trạng sản xuất ngành ong Việt Nam”_10214812052019
 
Luận văn: Thiết kế hệ thống xử lý nước thải nhà máy bia, HAY
Luận văn: Thiết kế hệ thống xử lý nước thải nhà máy bia, HAYLuận văn: Thiết kế hệ thống xử lý nước thải nhà máy bia, HAY
Luận văn: Thiết kế hệ thống xử lý nước thải nhà máy bia, HAY
 
Tailieu.vncty.com do an-nhan_giong_in_vi_tro_cay_co_ngot_stevia_4562
Tailieu.vncty.com   do an-nhan_giong_in_vi_tro_cay_co_ngot_stevia_4562Tailieu.vncty.com   do an-nhan_giong_in_vi_tro_cay_co_ngot_stevia_4562
Tailieu.vncty.com do an-nhan_giong_in_vi_tro_cay_co_ngot_stevia_4562
 
Xử lý nước thải chế biến cao su bằng phương pháp hóa lý – sinh học - Gửi miễn...
Xử lý nước thải chế biến cao su bằng phương pháp hóa lý – sinh học - Gửi miễn...Xử lý nước thải chế biến cao su bằng phương pháp hóa lý – sinh học - Gửi miễn...
Xử lý nước thải chế biến cao su bằng phương pháp hóa lý – sinh học - Gửi miễn...
 

Similar to Nghiên Cứu Sử Dụng Một Số Công Thức Thức Ăn Ủ Chua Từ Sản Phẩm Củ Và Lá Sắn Với Cỏ Stylo Trong Chăn Nuôi Lợn Thịt Tại Nông Hộ

Nghiên cứu quy trình chế biến sản phẩm chả cá rô phi
Nghiên cứu quy trình chế biến sản phẩm chả cá rô phiNghiên cứu quy trình chế biến sản phẩm chả cá rô phi
Nghiên cứu quy trình chế biến sản phẩm chả cá rô phi
https://www.facebook.com/garmentspace
 
Luận án: Sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa an toàn
Luận án: Sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa an toànLuận án: Sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa an toàn
Luận án: Sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa an toàn
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Nghiên cứu, xây dựng quy trình sản xuất cơm thập cẩm ăn liền.pdf
Nghiên cứu, xây dựng quy trình sản xuất cơm thập cẩm ăn liền.pdfNghiên cứu, xây dựng quy trình sản xuất cơm thập cẩm ăn liền.pdf
Nghiên cứu, xây dựng quy trình sản xuất cơm thập cẩm ăn liền.pdf
Man_Ebook
 
Nghiên cứu sản xuất sản phẩm giàu lycopen từ quả cà chua và đánh giá hiệu quả...
Nghiên cứu sản xuất sản phẩm giàu lycopen từ quả cà chua và đánh giá hiệu quả...Nghiên cứu sản xuất sản phẩm giàu lycopen từ quả cà chua và đánh giá hiệu quả...
Nghiên cứu sản xuất sản phẩm giàu lycopen từ quả cà chua và đánh giá hiệu quả...
Man_Ebook
 
Nghiên cứu khả năng ứng dụng chitosan hòa tan trong nước vào bảo quản đậu hũ ...
Nghiên cứu khả năng ứng dụng chitosan hòa tan trong nước vào bảo quản đậu hũ ...Nghiên cứu khả năng ứng dụng chitosan hòa tan trong nước vào bảo quản đậu hũ ...
Nghiên cứu khả năng ứng dụng chitosan hòa tan trong nước vào bảo quản đậu hũ ...
https://www.facebook.com/garmentspace
 
Sử dụng ngọn lá cây thức ăn chứa tanin trong khẩu phần ăn của bò thịt - Gửi m...
Sử dụng ngọn lá cây thức ăn chứa tanin trong khẩu phần ăn của bò thịt - Gửi m...Sử dụng ngọn lá cây thức ăn chứa tanin trong khẩu phần ăn của bò thịt - Gửi m...
Sử dụng ngọn lá cây thức ăn chứa tanin trong khẩu phần ăn của bò thịt - Gửi m...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Nghiên cứu sản xuất dịch cà chua cô đặc.pdf
Nghiên cứu sản xuất dịch cà chua cô đặc.pdfNghiên cứu sản xuất dịch cà chua cô đặc.pdf
Nghiên cứu sản xuất dịch cà chua cô đặc.pdf
Man_Ebook
 
Làm giàu một số sản phẩm thiên nhiên bằng chiết tách enzym, HAY - Gửi miễn ph...
Làm giàu một số sản phẩm thiên nhiên bằng chiết tách enzym, HAY - Gửi miễn ph...Làm giàu một số sản phẩm thiên nhiên bằng chiết tách enzym, HAY - Gửi miễn ph...
Làm giàu một số sản phẩm thiên nhiên bằng chiết tách enzym, HAY - Gửi miễn ph...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo
Nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảoNuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo
Nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo
Ho Chi Minh
 
Nghiên cứu trồng sắn thu lá và sử dụng bột lá sắn trong chăn nuôi gà thịt và ...
Nghiên cứu trồng sắn thu lá và sử dụng bột lá sắn trong chăn nuôi gà thịt và ...Nghiên cứu trồng sắn thu lá và sử dụng bột lá sắn trong chăn nuôi gà thịt và ...
Nghiên cứu trồng sắn thu lá và sử dụng bột lá sắn trong chăn nuôi gà thịt và ...
https://www.facebook.com/garmentspace
 
Nghiên cứu trồng sắn thu lá và sử dụng bột lá sắn trong chăn nuôi gà thịt và ...
Nghiên cứu trồng sắn thu lá và sử dụng bột lá sắn trong chăn nuôi gà thịt và ...Nghiên cứu trồng sắn thu lá và sử dụng bột lá sắn trong chăn nuôi gà thịt và ...
Nghiên cứu trồng sắn thu lá và sử dụng bột lá sắn trong chăn nuôi gà thịt và ...
https://www.facebook.com/garmentspace
 
Nghiên Cứu Ảnh Hưởng Của Nhiệt Độ Chuồng Nuôi Đến Khả Năng Sản Xuất Thịt Của ...
Nghiên Cứu Ảnh Hưởng Của Nhiệt Độ Chuồng Nuôi Đến Khả Năng Sản Xuất Thịt Của ...Nghiên Cứu Ảnh Hưởng Của Nhiệt Độ Chuồng Nuôi Đến Khả Năng Sản Xuất Thịt Của ...
Nghiên Cứu Ảnh Hưởng Của Nhiệt Độ Chuồng Nuôi Đến Khả Năng Sản Xuất Thịt Của ...
nataliej4
 
[123doc] - nghien-cuu-cac-bien-phap-ky-thuat-canh-tac-doi-voi-giong-lua-nep-c...
[123doc] - nghien-cuu-cac-bien-phap-ky-thuat-canh-tac-doi-voi-giong-lua-nep-c...[123doc] - nghien-cuu-cac-bien-phap-ky-thuat-canh-tac-doi-voi-giong-lua-nep-c...
[123doc] - nghien-cuu-cac-bien-phap-ky-thuat-canh-tac-doi-voi-giong-lua-nep-c...
NuioKila
 
Đề tài: Kỹ thuật canh tác đối với giống lúa nếp cạn Khẩu Nua Trạng
Đề tài: Kỹ thuật canh tác đối với giống lúa nếp cạn Khẩu Nua TrạngĐề tài: Kỹ thuật canh tác đối với giống lúa nếp cạn Khẩu Nua Trạng
Đề tài: Kỹ thuật canh tác đối với giống lúa nếp cạn Khẩu Nua Trạng
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Khảo sát quy trình sản xuất chả giò xiên que tại nhà máy chế biến sản phẩm th...
Khảo sát quy trình sản xuất chả giò xiên que tại nhà máy chế biến sản phẩm th...Khảo sát quy trình sản xuất chả giò xiên que tại nhà máy chế biến sản phẩm th...
Khảo sát quy trình sản xuất chả giò xiên que tại nhà máy chế biến sản phẩm th...
https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khảo Sát Sự Sinh Trưởng Và Phát Triển Của Nấm Bào Ngư Pleurotus Sajor - Caju ...
Khảo Sát Sự Sinh Trưởng Và Phát Triển Của Nấm Bào Ngư Pleurotus Sajor - Caju ...Khảo Sát Sự Sinh Trưởng Và Phát Triển Của Nấm Bào Ngư Pleurotus Sajor - Caju ...
Khảo Sát Sự Sinh Trưởng Và Phát Triển Của Nấm Bào Ngư Pleurotus Sajor - Caju ...
nataliej4
 
Đề tài: Nghiên cứu đề xuất quy trình sản xuất thử nghiệm mứt nhuyễn bí đỏ đón...
Đề tài: Nghiên cứu đề xuất quy trình sản xuất thử nghiệm mứt nhuyễn bí đỏ đón...Đề tài: Nghiên cứu đề xuất quy trình sản xuất thử nghiệm mứt nhuyễn bí đỏ đón...
Đề tài: Nghiên cứu đề xuất quy trình sản xuất thử nghiệm mứt nhuyễn bí đỏ đón...
Dịch vụ viết thuê Khóa Luận - ZALO 0932091562
 
Nghiên cứu công nghệ sản xuất sản phẩm thịt muối chua.pdf
Nghiên cứu công nghệ sản xuất sản phẩm thịt muối chua.pdfNghiên cứu công nghệ sản xuất sản phẩm thịt muối chua.pdf
Nghiên cứu công nghệ sản xuất sản phẩm thịt muối chua.pdf
Man_Ebook
 
Luận án: Bệnh đơn bào do Leucocytozoon spp. gây ra ở gà nuôi
Luận án: Bệnh đơn bào do Leucocytozoon spp. gây ra ở gà nuôiLuận án: Bệnh đơn bào do Leucocytozoon spp. gây ra ở gà nuôi
Luận án: Bệnh đơn bào do Leucocytozoon spp. gây ra ở gà nuôi
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Nghiên cứu làm sạch CO2 từ khí thải đốt than bằng kĩ thuật Xúc tác
Nghiên cứu làm sạch CO2 từ khí thải đốt than bằng kĩ thuật Xúc tácNghiên cứu làm sạch CO2 từ khí thải đốt than bằng kĩ thuật Xúc tác
Nghiên cứu làm sạch CO2 từ khí thải đốt than bằng kĩ thuật Xúc tác
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 

Similar to Nghiên Cứu Sử Dụng Một Số Công Thức Thức Ăn Ủ Chua Từ Sản Phẩm Củ Và Lá Sắn Với Cỏ Stylo Trong Chăn Nuôi Lợn Thịt Tại Nông Hộ (20)

Nghiên cứu quy trình chế biến sản phẩm chả cá rô phi
Nghiên cứu quy trình chế biến sản phẩm chả cá rô phiNghiên cứu quy trình chế biến sản phẩm chả cá rô phi
Nghiên cứu quy trình chế biến sản phẩm chả cá rô phi
 
Luận án: Sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa an toàn
Luận án: Sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa an toànLuận án: Sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa an toàn
Luận án: Sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa an toàn
 
Nghiên cứu, xây dựng quy trình sản xuất cơm thập cẩm ăn liền.pdf
Nghiên cứu, xây dựng quy trình sản xuất cơm thập cẩm ăn liền.pdfNghiên cứu, xây dựng quy trình sản xuất cơm thập cẩm ăn liền.pdf
Nghiên cứu, xây dựng quy trình sản xuất cơm thập cẩm ăn liền.pdf
 
Nghiên cứu sản xuất sản phẩm giàu lycopen từ quả cà chua và đánh giá hiệu quả...
Nghiên cứu sản xuất sản phẩm giàu lycopen từ quả cà chua và đánh giá hiệu quả...Nghiên cứu sản xuất sản phẩm giàu lycopen từ quả cà chua và đánh giá hiệu quả...
Nghiên cứu sản xuất sản phẩm giàu lycopen từ quả cà chua và đánh giá hiệu quả...
 
Nghiên cứu khả năng ứng dụng chitosan hòa tan trong nước vào bảo quản đậu hũ ...
Nghiên cứu khả năng ứng dụng chitosan hòa tan trong nước vào bảo quản đậu hũ ...Nghiên cứu khả năng ứng dụng chitosan hòa tan trong nước vào bảo quản đậu hũ ...
Nghiên cứu khả năng ứng dụng chitosan hòa tan trong nước vào bảo quản đậu hũ ...
 
Sử dụng ngọn lá cây thức ăn chứa tanin trong khẩu phần ăn của bò thịt - Gửi m...
Sử dụng ngọn lá cây thức ăn chứa tanin trong khẩu phần ăn của bò thịt - Gửi m...Sử dụng ngọn lá cây thức ăn chứa tanin trong khẩu phần ăn của bò thịt - Gửi m...
Sử dụng ngọn lá cây thức ăn chứa tanin trong khẩu phần ăn của bò thịt - Gửi m...
 
Nghiên cứu sản xuất dịch cà chua cô đặc.pdf
Nghiên cứu sản xuất dịch cà chua cô đặc.pdfNghiên cứu sản xuất dịch cà chua cô đặc.pdf
Nghiên cứu sản xuất dịch cà chua cô đặc.pdf
 
Làm giàu một số sản phẩm thiên nhiên bằng chiết tách enzym, HAY - Gửi miễn ph...
Làm giàu một số sản phẩm thiên nhiên bằng chiết tách enzym, HAY - Gửi miễn ph...Làm giàu một số sản phẩm thiên nhiên bằng chiết tách enzym, HAY - Gửi miễn ph...
Làm giàu một số sản phẩm thiên nhiên bằng chiết tách enzym, HAY - Gửi miễn ph...
 
Nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo
Nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảoNuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo
Nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo
 
Nghiên cứu trồng sắn thu lá và sử dụng bột lá sắn trong chăn nuôi gà thịt và ...
Nghiên cứu trồng sắn thu lá và sử dụng bột lá sắn trong chăn nuôi gà thịt và ...Nghiên cứu trồng sắn thu lá và sử dụng bột lá sắn trong chăn nuôi gà thịt và ...
Nghiên cứu trồng sắn thu lá và sử dụng bột lá sắn trong chăn nuôi gà thịt và ...
 
Nghiên cứu trồng sắn thu lá và sử dụng bột lá sắn trong chăn nuôi gà thịt và ...
Nghiên cứu trồng sắn thu lá và sử dụng bột lá sắn trong chăn nuôi gà thịt và ...Nghiên cứu trồng sắn thu lá và sử dụng bột lá sắn trong chăn nuôi gà thịt và ...
Nghiên cứu trồng sắn thu lá và sử dụng bột lá sắn trong chăn nuôi gà thịt và ...
 
Nghiên Cứu Ảnh Hưởng Của Nhiệt Độ Chuồng Nuôi Đến Khả Năng Sản Xuất Thịt Của ...
Nghiên Cứu Ảnh Hưởng Của Nhiệt Độ Chuồng Nuôi Đến Khả Năng Sản Xuất Thịt Của ...Nghiên Cứu Ảnh Hưởng Của Nhiệt Độ Chuồng Nuôi Đến Khả Năng Sản Xuất Thịt Của ...
Nghiên Cứu Ảnh Hưởng Của Nhiệt Độ Chuồng Nuôi Đến Khả Năng Sản Xuất Thịt Của ...
 
[123doc] - nghien-cuu-cac-bien-phap-ky-thuat-canh-tac-doi-voi-giong-lua-nep-c...
[123doc] - nghien-cuu-cac-bien-phap-ky-thuat-canh-tac-doi-voi-giong-lua-nep-c...[123doc] - nghien-cuu-cac-bien-phap-ky-thuat-canh-tac-doi-voi-giong-lua-nep-c...
[123doc] - nghien-cuu-cac-bien-phap-ky-thuat-canh-tac-doi-voi-giong-lua-nep-c...
 
Đề tài: Kỹ thuật canh tác đối với giống lúa nếp cạn Khẩu Nua Trạng
Đề tài: Kỹ thuật canh tác đối với giống lúa nếp cạn Khẩu Nua TrạngĐề tài: Kỹ thuật canh tác đối với giống lúa nếp cạn Khẩu Nua Trạng
Đề tài: Kỹ thuật canh tác đối với giống lúa nếp cạn Khẩu Nua Trạng
 
Khảo sát quy trình sản xuất chả giò xiên que tại nhà máy chế biến sản phẩm th...
Khảo sát quy trình sản xuất chả giò xiên que tại nhà máy chế biến sản phẩm th...Khảo sát quy trình sản xuất chả giò xiên que tại nhà máy chế biến sản phẩm th...
Khảo sát quy trình sản xuất chả giò xiên que tại nhà máy chế biến sản phẩm th...
 
Khảo Sát Sự Sinh Trưởng Và Phát Triển Của Nấm Bào Ngư Pleurotus Sajor - Caju ...
Khảo Sát Sự Sinh Trưởng Và Phát Triển Của Nấm Bào Ngư Pleurotus Sajor - Caju ...Khảo Sát Sự Sinh Trưởng Và Phát Triển Của Nấm Bào Ngư Pleurotus Sajor - Caju ...
Khảo Sát Sự Sinh Trưởng Và Phát Triển Của Nấm Bào Ngư Pleurotus Sajor - Caju ...
 
Đề tài: Nghiên cứu đề xuất quy trình sản xuất thử nghiệm mứt nhuyễn bí đỏ đón...
Đề tài: Nghiên cứu đề xuất quy trình sản xuất thử nghiệm mứt nhuyễn bí đỏ đón...Đề tài: Nghiên cứu đề xuất quy trình sản xuất thử nghiệm mứt nhuyễn bí đỏ đón...
Đề tài: Nghiên cứu đề xuất quy trình sản xuất thử nghiệm mứt nhuyễn bí đỏ đón...
 
Nghiên cứu công nghệ sản xuất sản phẩm thịt muối chua.pdf
Nghiên cứu công nghệ sản xuất sản phẩm thịt muối chua.pdfNghiên cứu công nghệ sản xuất sản phẩm thịt muối chua.pdf
Nghiên cứu công nghệ sản xuất sản phẩm thịt muối chua.pdf
 
Luận án: Bệnh đơn bào do Leucocytozoon spp. gây ra ở gà nuôi
Luận án: Bệnh đơn bào do Leucocytozoon spp. gây ra ở gà nuôiLuận án: Bệnh đơn bào do Leucocytozoon spp. gây ra ở gà nuôi
Luận án: Bệnh đơn bào do Leucocytozoon spp. gây ra ở gà nuôi
 
Nghiên cứu làm sạch CO2 từ khí thải đốt than bằng kĩ thuật Xúc tác
Nghiên cứu làm sạch CO2 từ khí thải đốt than bằng kĩ thuật Xúc tácNghiên cứu làm sạch CO2 từ khí thải đốt than bằng kĩ thuật Xúc tác
Nghiên cứu làm sạch CO2 từ khí thải đốt than bằng kĩ thuật Xúc tác
 

More from nataliej4

đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
nataliej4
 
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
nataliej4
 
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
nataliej4
 
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc giaTừ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
nataliej4
 
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngCông tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
nataliej4
 
Bài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcBài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốc
nataliej4
 
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin họcđề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
nataliej4
 
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngGiáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
nataliej4
 
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnLựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
nataliej4
 
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
nataliej4
 
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree towerSổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
nataliej4
 
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
nataliej4
 
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtBài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
nataliej4
 
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
nataliej4
 
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
nataliej4
 
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngBài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
nataliej4
 
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhBài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
nataliej4
 
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning introGiới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
nataliej4
 
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcLý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
nataliej4
 
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
nataliej4
 

More from nataliej4 (20)

đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
 
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
 
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
 
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc giaTừ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
 
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngCông tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
 
Bài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcBài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốc
 
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin họcđề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
 
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngGiáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
 
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnLựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
 
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
 
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree towerSổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
 
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
 
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtBài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
 
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
 
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
 
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngBài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
 
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhBài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
 
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning introGiới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
 
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcLý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
 
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
 

Recently uploaded

CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nayẢnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
chinhkt50
 
CÁC BIỆN PHÁP KỸ THUẬT AN TOÀN KHI XÃY RA HỎA HOẠN TRONG.pptx
CÁC BIỆN PHÁP KỸ THUẬT AN TOÀN KHI XÃY RA HỎA HOẠN TRONG.pptxCÁC BIỆN PHÁP KỸ THUẬT AN TOÀN KHI XÃY RA HỎA HOẠN TRONG.pptx
CÁC BIỆN PHÁP KỸ THUẬT AN TOÀN KHI XÃY RA HỎA HOẠN TRONG.pptx
CNGTRC3
 
Nghiên cứu cơ chế và động học phản ứng giữa hợp chất Aniline (C6H5NH2) với gố...
Nghiên cứu cơ chế và động học phản ứng giữa hợp chất Aniline (C6H5NH2) với gố...Nghiên cứu cơ chế và động học phản ứng giữa hợp chất Aniline (C6H5NH2) với gố...
Nghiên cứu cơ chế và động học phản ứng giữa hợp chất Aniline (C6H5NH2) với gố...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdfBAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
phamthuhoai20102005
 
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
ngocnguyensp1
 
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
https://www.facebook.com/garmentspace
 
GIAO TRINH TRIET HOC MAC - LENIN (Quoc gia).pdf
GIAO TRINH TRIET HOC MAC - LENIN (Quoc gia).pdfGIAO TRINH TRIET HOC MAC - LENIN (Quoc gia).pdf
GIAO TRINH TRIET HOC MAC - LENIN (Quoc gia).pdf
LngHu10
 
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdfGIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
Điện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
DS thi KTHP HK2 (dot 3) nam hoc 2023-2024.pdf
DS thi KTHP HK2 (dot 3) nam hoc 2023-2024.pdfDS thi KTHP HK2 (dot 3) nam hoc 2023-2024.pdf
DS thi KTHP HK2 (dot 3) nam hoc 2023-2024.pdf
thanhluan21
 

Recently uploaded (11)

CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
 
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nayẢnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
 
CÁC BIỆN PHÁP KỸ THUẬT AN TOÀN KHI XÃY RA HỎA HOẠN TRONG.pptx
CÁC BIỆN PHÁP KỸ THUẬT AN TOÀN KHI XÃY RA HỎA HOẠN TRONG.pptxCÁC BIỆN PHÁP KỸ THUẬT AN TOÀN KHI XÃY RA HỎA HOẠN TRONG.pptx
CÁC BIỆN PHÁP KỸ THUẬT AN TOÀN KHI XÃY RA HỎA HOẠN TRONG.pptx
 
Nghiên cứu cơ chế và động học phản ứng giữa hợp chất Aniline (C6H5NH2) với gố...
Nghiên cứu cơ chế và động học phản ứng giữa hợp chất Aniline (C6H5NH2) với gố...Nghiên cứu cơ chế và động học phản ứng giữa hợp chất Aniline (C6H5NH2) với gố...
Nghiên cứu cơ chế và động học phản ứng giữa hợp chất Aniline (C6H5NH2) với gố...
 
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdfBAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
 
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
 
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
 
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
 
GIAO TRINH TRIET HOC MAC - LENIN (Quoc gia).pdf
GIAO TRINH TRIET HOC MAC - LENIN (Quoc gia).pdfGIAO TRINH TRIET HOC MAC - LENIN (Quoc gia).pdf
GIAO TRINH TRIET HOC MAC - LENIN (Quoc gia).pdf
 
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdfGIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
 
DS thi KTHP HK2 (dot 3) nam hoc 2023-2024.pdf
DS thi KTHP HK2 (dot 3) nam hoc 2023-2024.pdfDS thi KTHP HK2 (dot 3) nam hoc 2023-2024.pdf
DS thi KTHP HK2 (dot 3) nam hoc 2023-2024.pdf
 

Nghiên Cứu Sử Dụng Một Số Công Thức Thức Ăn Ủ Chua Từ Sản Phẩm Củ Và Lá Sắn Với Cỏ Stylo Trong Chăn Nuôi Lợn Thịt Tại Nông Hộ

  • 1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC NÔNG LÂM THÁI NGUYÊN ------------------- BÁO CÁO TỔNG KẾT ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CẤP BỘ NGHIÊN CỨU SỬ DỤNG MỘT SỐ CÔNG THỨC THỨC ĂN Ủ CHUA TỪ SẢN PHẨM CỦ VÀ LẤ SẮN VỚI CỎ STYLO TRONG CHĂN NUÔI LỢN THỊT TẠI NÔNG HỘ MÃ SỐ: B2010 – TN02 – 16 Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Hưng Quang Người tham gia: TS. Nguyễn Văn Đại ThS. Nguyễn Thị Tịnh THÁI NGUYÊN - 2012
  • 2. i MỤC LỤC Trang MỤC LỤC.................................................................................................................. i DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT........................................................................ iii DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU ........................................................................... iv MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1 1. Tính cấp thiết của đề tài .......................................................................................1 2. Mục tiêu của đề tài ................................................................................................2 3. Ý nghĩa của đề tài..................................................................................................3 PHẦN I: TỔNG QUAN TÀI LIỆU.........................................................................4 1. 1. Cơ sở khoa học của nghiên cứu ...................................................................4 1.1.1. Đặc điểm sinh trưởng, tiêu hóa của lợn giai đoạn nuôi thịt......................4 1.1.1.1. Đặc điểm sinh trưởng của lợn thịt .........................................................4 1.1.1.2. Đặc điểm tiêu hóa của lợn thịt...............................................................5 1.1.1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hoá của lợn .........................6 1.1.2. Vai trò của thức ăn trong chăn nuôi lợn thịt..............................................7 1.1.3. Sắn và sử dụng sắn trong chăn nuôi lợn....................................................7 1.1.3.1. Tình hình sản xuất sắn trên thế giới và Việt Nam..................................7 1.1.3.3. Giá trị dinh dưỡng của củ sắn và lá sắn................................................9 1.1.3.4. Các phương pháp làm giảm HCN trong sắn để chăn nuôi lợn ...........11 1.1.4. Cỏ stylo 184 và tình hình sử dụng trong chăn nuôi lợn...........................12 1.1.4.1. Đặc điểm sinh học cỏ stylo ..................................................................12 1.1.4.2. Giá trị dinh dưỡng và sử dụng cỏ stylo trong chăn nuôi.....................13 1.1.5. Phương pháp ủ chua thức ăn....................................................................14 1.1.5.1. Cơ sở khoa học của phương pháp ủ chua............................................14 1.1.5.2. Các quá trình diễn ra trong hố ủ chua.................................................15 1.1.5.3. Ưu điểm của phương pháp ủ chua.......................................................17 1.2. Tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước ...............................................17 1.2.1. Thành phần hóa học và giá trị dinh dưỡng của củ và lá sắn..................17 1.2.2. Nghiên cứu củ sắn và lá sắn trong chăn nuôi lợn thịt.............................19 1.2.3. Thành phần hóa học và sử dụng cỏ stylo trong chăn nuôi lợn thịt ........22 PHẦN 2. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU....23 2.1. Đối tượng nghiên cứu...................................................................................23 2.2. Địa điểm, thời gian nghiên cứu...................................................................23 2.2.1. Địa điểm..................................................................................................23 2.2.2. Thời gian.................................................................................................23 2.3. Nội dung nghiên cứu....................................................................................23 2.4. Phương pháp nghiên cứu.............................................................................23 2.4.1. Sơ đồ bố trí thí nghiệm...........................................................................23 2.4.2. Phương pháp ủ chua..............................................................................25 2.4.3. Phương pháp lấy mẫu............................................................................25
  • 3. ii 2.4.4. Phương pháp phân tích mẫu.................................................................25 2.4.5. Phương pháp đo độ dày mỡ lưng của lợn.............................................26 2.5. Các chỉ tiêu theo dõi.....................................................................................26 2.6. Xử lý số liệu...................................................................................................26 PHẦN 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN ................................................................27 3.1. Kết quả thực hiện nội dung 1: Nghiên cứu đánh giá giá trị dinh dưỡng của các công thức phối hợp củ sắn, lá sắn và cỏ stylo khác nhau ủ chua trong phòng thí nghiệm.................................................................................................27 3.1.1. Thành phần hoá học của các loại nguyên liệu....................................27 3.1.2. Giá trị dinh dưỡng và chỉ số pH và HCN của thức ăn ủ chua các công thức ...................................................................................................................28 3.1.3. Giá trị sơ bộ các loại thức ăn ủ chua ....................................................32 3.2. Kết quả thực hiện nội dung 2: Nghiên cứu so sánh khả năng sinh trưởng, cho thịt và tiêu tốn thức ăn của lợn sử dụng thức ăn ủ chua với thức ăn đối chứng tại nông hộ ....................................................................................34 3.2.1. Thí nghiệm 1 sử dụng củ sắn tươi và cỏ stylo tươi ủ chua.................34 3.2.1.1. Khả năng sinh trưởng và độ dày mỡ lưng của lợn thí nghiệm 1 .....34 3.2.1.2. Tiêu tốn và chi phí thức ăn của thí nghiệm......................................36 3.2.2. Thí nghiệm 2 sử dụng củ sắn tươi, lá sắn tươi ủ chua ........................38 3.2.2.1. Khả năng sinh trưởng và độ dày mỡ lưng của lợn thí nghiệm ........38 3.2.2.2. Tiêu tốn và chi phí thức ăn của thí nghiệm......................................40 3.3. Kết quả thực hiện nội dung 3: Hỗ trợ phổ biến phương pháp ủ chua và các công thức thức ăn ủ chua tốt và ứng dụng trong chăn nuôi lợn thịt cho các hộ dân chăn nuôi trong xã ...........................................................................42 PHẦN 4. KẾT LUẬN, TỒN TẠI VÀ ĐỀ NGHỊ..................................................46 4. 1. Kết luận........................................................................................................46 4. 2. Tồn tại ..........................................................................................................47 4. 3. Đề nghị..........................................................................................................47 TÀI LIỆU THAM KHẢO ......................................................................................48 PHỤ LỤC.................................................................Error! Bookmark not defined.
  • 4. iii DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT CF Xơ thô (Crude fibre) CP Protein thô (Crude protein) cs Cộng sự CT Công thức ĐB x MC Đại Bạch x Móng Cái ĐC Đối chứng FAO Tổ chức nông lương thế giới g Gram HCN Axit xianhydric Kcal Kilocalo Kg Kilogram KL Khối lượng KP Khẩu phần Mcal Megacalo ME Năng lượng trao đổi mm Milimét NFE Dẫn xuất không đạm (Nitrogen free extractives) NXB Nhà xuất bản TA Thức ăn TA ủ Thức ăn ủ chua TAHH Thức ăn hỗn hợp TN Thí nghiệm TT Tăng trọng tr. Trang VCK Vật chất khô Sd Độ lệch chuẩn (Standard deviation) STTĐ Sinh trưởng tuyệt đối STTL Sinh trưởng tích lũy
  • 5. iv DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU Trang Bảng 1.1: Diện tích, năng suất, sản lượng sắn của thế giới giai đoạn 2003 - 2008....8 Bảng 1.2: Diện tích, năng suất, sản lượng sắn ở Việt Nam giai đoạn 2003 - 2008....8 Bảng 2.1: Thành phần các nguyên liệu trong các công thức ủ chua.........................24 Bảng 3.1: Thành phần hoá học của các loại nguyên liệu..........................................27 Bảng 3.2: Tỷ lệ vật chất khô trung bình của các loại thức ăn ủ chua (%) ................28 Bảng 3.3: Tỷ lệ protein thô trung bình của các loại thức ăn ủ chua (%VCK)..........29 Bảng 3.4: Tỷ lệ xơ thô trung bình của các loại thức ăn ủ chua (%VCK) .................30 Bảng 3.5: Giá trị pH trung bình của các loại thức ăn ủ chua....................................31 Bảng 3.6: Hàm lượng HCN trung bình của các loại thức ăn ủ chua.........................32 Bảng 3.7: Giá trị sơ bộ hạch toán của các loại thức ăn ủ chua .................................33 Bảng 3.8: Khả năng sinh trưởng và độ dày mỡ lưng của lợn thí nghiệm 1..............35 Bảng 3.9: Tiêu tốn và chi phí thức ăn của lợn thí nghiệm 1.....................................37 Bảng 3.10: Khả năng sinh trưởng và độ dày mỡ lưng của lợn thí nghiệm 2............39 Bảng 3.11: Tiêu tốn và chi phí thức ăn của lợn thí nghiệm 2...................................41 Bảng 3.12. Kết quả thực hiện hoạt động hỗ trợ nông dân tiến hành ủ chua năm 2010 ...................................................................................................................................44 Bảng 3.13. Kết quả đánh giá thực hiện hoạt động hỗ trợ nông dân tiến hành..........45 ủ chua năm 2010 .......................................................................................................45
  • 6. v DANH MỤC HÌNH MINH HỌA Trang Hình 3.1: Biểu đồ sinh trưởng tuyệt đối của lợn thí nghiệm 1 .................................36 Hình 3.2: Biểu đồ sinh trưởng tuyệt đối của lợn thí nghiệm 2 .................................39
  • 7. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tà Theo số liệu thống kê tại thời điểm 01/4/2010, cả nước ta có 27,3 triệu con lợn, tăng 3,06% so với cùng kỳ năm 2009. Các vùng có số đầu lợn nhiều là vùng Đồng bằng sông Hồng có 7,2 triệu con, chiếm 27,1% tổng đàn lợn trong cả nước; Đông Bắc 4,6 triệu con, chiếm 17,3%; Đồng bằng sông Cửu long 3,6 triệu con, chiếm 13,6%; Bắc Trung Bộ 3,4 triệu con, chiếm 12,9%; Đông nam bộ 2,5 triệu con, chiếm 9,3%; Duyên hải nam trung bộ 2,4 triệu con, chiếm 9,0%. Các tỉnh có số đầu lợn lớn trên 1 triệu con như là Hà Nội, Đồng Nai, Nghệ An, Thái Bình, Bắc Giang [27]. Trong số 20.809 trang trại chăn nuôi các loại, ở vùng Trung du miền núi phía Bắc có 1.436 trang trại (Tổng cục thống kê, 2010). Do vậy, các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc chăn nuôi lợn chủ yếu vẫn nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình tận dụng nhiều phụ phẩm nông nghiệp, hiệu quả kinh tế còn thấp. Các tỉnh này lại có lợi thế là diện tích dất dốc canh tác kém hiệu quả có thể trồng các cây thức ăn phục vụ chăn nuôi lợn. Trong định hướng phát triển chăn nuôi đến năm 2020 [16], ngoài đẩy mạnh chăn nuôi lợn theo quy mô hình thức trang trại tập trung công nghiệp, còn lưu ý đến phát triển chăn nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái và tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, sản xuất an toàn sinh học. Đối với chăn nuôi lợn quy mô nông hộ việc sử dụng nguồn thức ăn sẵn có từ phụ phẩm nông nghiệp đã có từ lâu. Cây sắn (Manihot esculenta Crantz) ở Việt Nam là nguồn cung cấp nguyên liệu chính cho các nhà máy chế biến tinh bột, cho sản xuất thức ăn gia súc, có thể chế biến thành nhiều thực phẩm như bánh, kẹo... Sắn cũng là loại cây trồng dễ tính, không yêu cầu đất đai khắt khe, có thể trồng trên đất cát nghèo dinh dưỡng hoặc đất phì nhiêu đều cho năng suất khá cao (Mai Thạch Hoành, 2004) [8]. Do vậy, cây sắn ngày càng được trồng phổ biến ở Việt Nam năm 2008 diện tích sắn là 555,70 nghìn ha, với sản lượng 9395,80 nghìn tấn, đạt năng suất bình quân 16,91 tấn/ha (FAOSTAT, 2010) [51]. Củ sắn có tỷ lệ tinh bột cao (76,2 - 77,2%), nhưng protein lại thấp (2,2 - 2,7%) đặc biệt là axit amin methionine (0 - 0,6%) (Nguyễn Nghi và cs,
  • 8. 2 1984) [13], hàm lượng HCN trong củ sắn ngọt 20 - 30 mg/Kg củ tươi, trong sắn đắng 60 - 150 mg/Kg củ tươi (Mai Thạch Hoành, 2004) [8]. Tuy nhiên khác với củ sắn, lá sắn có tỷ lệ protein cao (16,5 - 39,0%), hàm lượng độc tố HCN từ 610 - 1840 mg/KgVCK (Hoàng Văn Tiến, 1987) [18]; (Dư Thanh Hằng, 2008) [5]. Axít HCN dễ gây ngộ độc cho gia súc, để nâng cao hiệu quả sử dụng củ sắn và lá sắn trong chăn nuôi ta cần chế biến để giảm tối đa hàm lượng HCN. Phương pháp ủ chua đã có tác dụng giảm hàm lượng HCN và kéo dài thời gian sử dụng (Danh và cs, 1993) [49]; (Bùi Quang Tuấn, 2005) [28]; (Ba và cs, 2006) [39]; (Mai Thị Thơm và cs, 2006) [31]. Mặt khác phương pháp ủ chua là phương pháp bảo quản thích hợp để bảo quản thức ăn trong thời gian dài, giúp cho người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn, dự trữ thức ăn vào mùa thu hoạch và sử dụng cho vật nuôi vào mùa khan hiếm nguồn thức ăn (Nguyễn Thị Tịnh và cs, 2006) [25]. Cỏ stylo (Stylosanthes guianensis) là loại cây họ đậu lâu năm, thường được dùng để phủ đất chống xói mòn, và kết hợp làm thức ăn gia súc. Loại cỏ này dễ trồng và năng suất cao 40 - 70 tấn/ha/năm (Nguyễn Thiện, 2005) [30]. Cỏ stylo thường có lông và hàm lượng xơ cao nên gia súc không thích ăn tươi, cỏ dạng khô có thể sử dụng cho trâu, bò, ngựa, dê, lợn và gia cầm. Ở dạng khô hàm lượng protein đạt 155 - 167 g/Kg VCK, xơ đạt 266 - 272 g/Kg VCK (Viện chăn nuôi, 2001) [35]. Cỏ stylo dạng tươi có tỷ lệ protein thô cao 16,86%, đây là một nguồn nguyên liệu bổ sung protein lý tưởng cho vật nuôi (Lê Hoa và cs, 2009) [7]. Xuất phát từ thực tế đó chúng tôi tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu sử dụng một số công thức thức ăn ủ chua từ sản phẩm củ và lá sắn với cỏ stylo trong chăn nuôi lợn thịt tại nông hộ”. 2. Mục tiêu của đề tài - Xác định được giá trị dinh dưỡng các nguyên liệu củ sắn, lá sắn, cỏ stylo 184 dùng trong thức ăn ủ chua. - Xác định được ảnh hưởng của thời gian ủ đến sự biến đổi các thành phần hóa học và dinh dưỡng của thức ăn ủ chua từ sản phẩm củ và lá sắn với cỏ stylo.
  • 9. 3 - Xác định tỷ lệ sử dụng và các công thức ủ chua có chất lượng tốt từ các nguyên liệu là củ sắn và cỏ stylo làm thức ăn chăn nuôi lợn lai F1 giai đoạn nuôi thịt đạt hiệu quả cao trong chăn nuôi lợn F1 so với thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh. - Đánh giá hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi lợn thông qua việc sử dụng các công thức thức ăn ủ chua khác nhau. Từ đó là cơ sở để khuyến cáo cho nông hộ sử dụng các công thức ủ chua thức ăn sử dụng trong nông hộ. 3. Ý nghĩa của đề tài * Ý nghĩa khoa học: Đề tài nghiên cứu sự biến động của các thành phần hóa học trong thức ăn ủ chua từ sắn kết hợp cỏ stylo và các nguyên liệu khác để làm cơ sở dùng làm thức ăn cho lợn. Đánh giá khả năng sinh trưởng, tiêu tốn thức ăn của lợn khi dùng thức ăn ủ chua. * Ý nghĩa thực tiễn: Nâng cao hiệu quả chăn nuôi lợn thịt bằng cách ủ chua các nguồn thức ăn sẵn có, rẻ tiền tại địa phương và quy mô nông hộ.
  • 10. 4 PHẦN I: TỔNG QUAN TÀI LIỆU 1. 1. Cơ sở khoa học của nghiên cứu 1.1.1. Đặc điểm sinh trưởng, tiêu hóa của lợn giai đoạn nuôi thịt 1.1.1.1. Đặc điểm sinh trưởng của lợn thịt Sinh trưởng là một quá trình tích luỹ chất thông qua quá trình trao đổi chất, là sự tăng lên về khối lượng, về kích thước các chiều của các bộ phận cũng như toàn bộ cơ thể con vật trên cơ sở tính di truyền có từ đời trước. Theo Trần Văn Phùng và cs (2004) [14] phân chia các quy luật sinh trưởng và phát dục của lợn theo hai quy luật: - Quy luật sinh trưởng phát dục theo giai đoạn: Quá trình sinh trưởng và phát dục của lợn được chia làm giai đoạn trong thai (prenatal) và giai đoạn ngoài thai (postnatal). - Quy luật sinh trưởng phát dục không đồng đều: Không đồng đều về khả năng tăng khối lượng, không đồng đều về sự phát triển của các cơ quan, bộ phận của cơ thể, không đồng đều về sự tích luỹ của các tổ chức mỡ, nạc, xương. Điều quan trọng nhất là các nhà chăn nuôi phải biết thời điểm lợn sinh trưởng nhanh nhất để kết thúc vỗ béo cho thích hợp, giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi. Theo Trần Văn Phùng và cs (2004) [14] để đánh giá khả năng sinh trưởng của vật nuôi, ta dùng phương pháp cân định kỳ khối lượng và đo kích thước các chiều của cơ thể vật nuôi, từ đó tính toán các chỉ tiêu sinh trưởng để đánh giá khả năng sinh trưởng của vật nuôi. Các chỉ tiêu sinh trưởng thường dùng là: + Sinh trưởng tích luỹ: Là khối lượng, kích thước, thể tích của vật nuôi tích luỹ được qua thời gian khảo sát. Các thông số thu được qua các lần cân đo biểu thị sinh trưởng tích luỹ của vật nuôi. + Sinh trưởng tuyệt đối (A): Là khối lượng, kích thước, thể tích của vật nuôi tăng lên trong một đơn vị thời gian. Đối với lợn sinh trưởng tuyệt đối thường dùng đơn vị là g/con/ngày.
  • 11. 5 + Sinh trưởng tương đối (R): Là tỷ lệ % của phần khối lượng (thể tích, kích thước) tăng lên so với khối lượng (thể tích, kích thước) thời điểm cân đo. Đơn vị sinh trưởng tương đối là %. + Hệ số sinh trưởng (C): Là tỷ lệ % của khối lượng, kích thước ở thời điểm cuối khảo sát so với thời điểm đầu. Đơn vị tính hệ số sinh trưởng là %. 1.1.1.2. Đặc điểm tiêu hóa của lợn thịt Theo Hoàng Toàn Thắng và cs (2006) [29] tiêu hoá là quá trình phân giải các chất dinh dưỡng trong thức ăn thông qua tác động cơ học, hoá học và vi sinh vật học để biến các hợp chất hữu cơ phức tạp thành các chất đơn giản mà cơ thể động vật có thể hấp thu và sử dụng được. Theo Trần Văn Phùng và cs (2004) [14] quá trình tiêu hoá ở lợn diễn ra dưới ba hình thức: Tiêu hoá cơ học; tiêu hoá hoá học và tiêu hoá vi sinh vật. Ba quá trình này diễn ra đồng thời và có ảnh hưởng tương hỗ lẫn nhau dưới sự điều khiển của hệ thống thần kinh thể dịch. Tiêu hoá ở miệng: Ở miệng của lợn, quá trình tiêu hoá diễn ra chủ yếu dưới hai hình thức: Cơ học và hoá học. Lợn dùng mõm lấy thức ăn, vừa ăn vào vừa nhai và vừa nuốt liên tục. Quá trình tiêu hoá hoá học ở miệng được thực hiện bởi hai men chứa trong nước bọt, đó là men amilaza và men mantaza. Hai men này thuỷ phân tinh bột (gạo, ngô, sắn và khoai) thành đường glucose. Tiêu hoá ở dạ dày: Tiêu hoá ở dạ dày gồm quá trình tiêu hoá cơ học và tiêu hoá hoá học. Tiêu hoá cơ học là sự co bóp nhào trộn thức ăn do cơ trơn dạ dày thực hiện. Quá trình này rất quan trọng: vừa làm cho thức ăn nát nhuyễn, vừa làm cho thức ăn ngấm đều các men tiêu hoá để sự tiêu hoá được triệt để hơn. Tiêu hoá hoá học là quá trình tác động của các men tiêu hoá do dịch vị tiết ra. Trong quá trình tiêu hoá lợn tiết ra dịch vị liên tục và nhiều nhất là sau khi ăn 2 - 3 giờ. Lượng dịch tiết ra thay đổi phụ thuộc vào khẩu phần ăn và thời gian cho ăn. Khi cho lợn ăn thức ăn ủ xanh, lượng dịch vị tăng lên gấp 2 - 3 lần, độ toan cao hoạt lực pepsin mạnh. Lợn ăn thức ăn rang, dịch vị tiết nhiều hơn thức ăn ngâm. Thức ăn bột ngũ cốc, cám gạo thì tiết dịch vị nhiều hơn thức ăn củ quả, rau tươi. Thức ăn
  • 12. 6 sống, ủ men dịch vị tiết tăng hơn thức ăn chín không ủ men, thời gian ăn càng dài thì lượng dịch vị càng tăng tiết. Tiêu hoá ở ruột non: Thức ăn từ dạ dày xuống ruột non chịu tác động phối hợp của các enzym trong dịch tụy, dịch ruột và các chất xúc tác tiêu hoá trong dịch mật để biến đổi về thành phần hoá học. Thức ăn khi chuyển xuống ruột non sẽ được tiêu hoá triệt để nhất (Hoàng Toàn Thắng và cs, 2006) [29]. Các enzym giúp cho quá trình tiêu hoá tinh bột, protein, chất béo và axit nucleic như: trypsin, chimotrypsin, cacboxypeptidaza, dipeptidaza, elastaza, nucleaza, amilaza, lactaza, sacaraza, lipaza,… Tiêu hoá ở ruột già: Ruột già tiếp tục quá trình tiêu hoá những gì ruột non tiêu hoá chưa triệt để. Ruột già chủ yếu tiêu hoá chất xơ do vi sinh vật ở manh tràng phân giải, hấp thu lại nước và chất khoáng. Quá trình tiêu hoá các chất dinh dưỡng còn lại ở ruột già rất thấp, chỉ có 9% gluxit và 3% protein của dưỡng chấp được tiêu hoá ở ruột già nhờ các men tiêu hoá protein, gluxit ở ruột non chuyển xuống. Các chất đường, protein, mỡ còn lại ở ruột già sẽ do vi khuẩn gây thối tạo thành các chất crezon, fenol, indol, scatol và các khí như H2S, CO2, H2… 1.1.1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động tiêu hoá của lợn Có rất nhiều các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến khả năng tiêu hóa của lợn đó là: + Loại thức ăn: Các loại thức ăn khác nhau có ảnh hưởng không giống nhau đến quá trình tiết dịch tiêu hoá. + Kỹ thuật chế biến thức ăn: Kỹ thuật chế biến thức ăn khác nhau (như lên men, ủ chua, rang chín,…) thì khả năng tiết dịch tiêu hoá khác nhau (Trần Văn Phùng và cs, 2004) [14]. + Tỉ lệ các chất dinh dưỡng trong khẩu phần: Khi khẩu phần thức ăn kém cân bằng sẽ gây ra hoạt động căng thẳng của cơ quan tiêu hoá, từ đó dẫn tới hiện tượng giảm đồng hoá thức ăn. Khẩu phần có tỷ lệ protein thấp sẽ làm tăng hoạt động của cơ quan tiêu hoá, ngược lại protein cao thì lượng dịch tụy tiết ra càng nhiều để tăng cường tiêu hoá protein.
  • 13. 7 + Phương pháp cho ăn, uống: Lợn ăn nhiều bữa và ăn thức ăn khô sẽ làm tăng tiết dịch tiêu hóa. Cho lợn ăn đúng giờ và đều bữa kích thích tính thèm ăn, tăng hấp thu là tăng hiệu quả sử dụng thức ăn. + Nhiệt độ thức ăn và nước uống: Lợn uống nước có nhiệt độ từ 5 - 80 C thì lượng dịch tiêu hóa tiết ra chỉ bằng 20% so với lợn được uống nước ở nhiệt độ thường 20 - 250 C (Trần Văn Phùng và cs, 2004) [14]. + Các yếu tố khác: Khi nhiệt độ môi trường, vận động… có sự ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa thức ăn của lợn. 1.1.2. Vai trò của thức ăn trong chăn nuôi lợn thịt Chăn nuôi lợn thịt là công đoạn cuối cùng của nghề nuôi lợn. Để cung cấp thịt cho nhu cầu đời sống xã hội. Mục tiêu của chăn nuôi lợn thịt là lợn lớn nhanh, thời gian nuôi ngắn, tiêu tốn thức ăn thấp, thịt nạc nhiều, tỷ lệ móc hàm cao, chi phí lao động và chi phí khác thấp, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng (Trần Văn Phùng, 2004)[14]. Trong chăn nuôi thức ăn chiếm một vị trí rất quan trọng, nó quyết định 70% giá thành sản phẩm do vậy đối với từng con giống, trong mỗi điều kiện và giai đoạn nuôi dưỡng khác nhau cần phải có một khẩu phần ăn thích hợp đảm bảo đầy đủ, cân đối về nhu cầu các chất dinh dưỡng thì chúng sẽ phát huy tối đa tiềm năng di truyền, tạo sản phẩm lớn nhất với mức chi phí thấp nhất. Thức ăn là yếu tố quan trọng nhất trong các yếu tố ngoại cảnh chi phối đến sinh trưởng và khả năng cho thịt của lợn. Lượng thức ăn cho ăn và thành phần, đặc điểm của thức ăn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ tăng trọng của lợn (Phạm Sỹ Tiệp, 1999) [19]. 1.1.3. Sắn và sử dụng sắn trong chăn nuôi lợn 1.1.3.1. Tình hình sản xuất sắn trên thế giới và Việt Nam Theo thống kê của FAO, sản lượng sắn thế giới năm 2008 đạt 232,95 triệu tấn củ tươi so với năm 2007 tăng 3,79%.
  • 14. 8 Bảng 1.1: Diện tích, năng suất, sản lượng sắn của thế giới giai đoạn 2003 - 2008 Năm Diện tích (triệu ha) Năng suất (tấn/ha) Sản lượng (triệu tấn) 2003 17,50 10,93 191,32 2004 18,00 11,29 203,11 2005 18,47 11,21 207,09 2006 18,34 12,12 222,29 2007 18,55 12,09 224,13 2008 18,70 12,46 232,95 Nguồn: FAOSTAT (2010) [51] Viện nghiên cứu chính sách lương thực thế giới (IFPRI) đã dự báo tình hình sản xuất và tiêu thụ sắn toàn cầu đến năm 2020 ước đạt 275,10 triệu tấn, trong đó sản xuất sắn chủ yếu ở các nước đang phát triển là 274,7 triệu tấn (99,85%), các nước phát triển khoảng 0,4 triệu tấn. Tốc độ tăng hàng năm của nhu cầu sử dụng sản phẩm sắn làm lương thực, thực phẩm là 1,98% và thức ăn gia súc là 0,95%. Cây sắn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong nhiều nước Châu Á, đặc biệt là các nước vùng Đông Nam Á nơi cây sắn có tổng diện tích đứng thứ ba sau lúa và ngô, tổng sản lượng đứng thứ ba sau lúa và mía (Pham Van Bien và cs, 2000) [40]. Tại Việt Nam, theo thống kê của FAO, sản lượng sắn của nước ta năm 2008 là 9.395,8 nghìn tấn, với diện tích 555,7 nghìn ha. So với năm 2003, sản lượng sắn nước ta tăng lên gần hai lần (4086,9 nghìn tấn), trong khi đó diện tích tăng 183,8 nghìn ha. Bảng 1.2: Diện tích, năng suất, sản lượng sắn ở Việt Nam giai đoạn 2003 - 2008 Năm Diện tích (nghìn ha) Năng suất (tấn/ha) Sản lượng (nghìn tấn) 2003 371,90 14,28 5.308,90 2004 388,60 14,98 5.820,70 2005 425,50 15,78 6.716,20 2006 475,20 16,38 7.785,20 2007 495,50 16,53 8.198,20 2008 555,70 16,91 9.395,80 Nguồn: FAOSTAT (2010) [51]
  • 15. 9 1.1.3.2. Đặc điểm sinh học của cây sắn Cây sắn là một loại cây lương thực quan trọng trên thế giới. Sắn có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới vùng Mỹ Latinh, được du nhập vào Việt Nam khoảng giữa thế kỷ XVIII. Cây sắn cho hai sản phẩm có giá trị đó là củ sắn và lá sắn. - Củ sắn dài 20 - 50cm, khi luộc chín có màu trắng đục, hàm lượng tinh bột cao. Sắn luộc chín có vị dẻo, thơm đặc trưng. Sắn có thời gian sinh trưởng thay đổi từ 6 đến 12 tháng (tối đa 18 tháng), tùy thuộc giống, vụ trồng, địa bàn trồng và mục đích sử dụng. - Lá sắn là loại lá đơn có cuống lá dài và có phiến lá phân thùy sâu, thường có từ 5 - 7 thùy trên một lá. Lá sắn có cuống dài và sắp xếp trên thân theo đường soắn ốc nên lá cây sắn có cấu tạo thích ứng để mọi lá nhận được ánh nắng phân đều. Độc tố axit xianhydric (HCN) còn có tên gọi khác là axit prussic hình thành do thủy phân glucozit (C10H17O6N) có ở củ sắn, lá sắn, chất này gây độc cho cơ thể con người và động vật nói chung: C10H17O6N + H2O → C6H12O6 + (CH3)2 + HCN Tùy theo từng giống sắn, thời gian thu hoạch mà hàm lượng HCN chứa trong các bộ phận thân, lá và củ sắn sẽ khác nhau. Theo Ravindran (1995) [72] nồng độ HCN trong lá chịu ảnh hưởng của yếu tố giống, thổ nhưỡng, khí hậu và đặc biệt là giai đoạn sinh trưởng. Lá sắn càng già thì hàm lượng HCN càng thấp. Ở những lá non hàm lượng glucozit trong cuống lá cao hơn trong phiến lá, còn trong lá già thì ngược lại. Hàm lượng HCN ở những phiến lá búp là 330 - 790 ppm (khối lượng tươi), ở những lá bánh tẻ là 340 - 1040 ppm và ở những lá già là 210 - 730 ppm (Phạm Sỹ Tiệp, 1999) [19]. 1.1.3.3. Giá trị dinh dưỡng của củ và lá sắn Củ sắn và lá sắn là những loại nguyên liệu có giá trị dinh dưỡng cao đối với con người và gia súc (CIAT, 1993) [43]. Sắn có thể sản xuất năng suất rất cao (20 tấn củ/ha/năm), đặc biệt là protein (4 tấn/ha/năm), năng suất lá sắn (8 tấn/ha/năm) điều này làm cây sắn trở thành lý tưởng để tận dụng chất dinh dưỡng trong đất (Preston, 2001) [67].
  • 16. 10 Củ sắn có giá trị dinh dưỡng cao, tỷ lệ VCK 27,70%; CP 0,9%; Lipit thô 0,4%; CF 1%; NFE 24,7%; khoáng tổng số 0,7%; canxi 0,05%; photpho 0,04%; và năng lượng trao đổi (ME) 968 Kcal (Viện chăn nuôi, 2001) [35]. Sắn sử dụng trong chăn nuôi ở dạng cho ăn tươi, sắn phơi khô, bã sắn, bột lá sắn và sử dụng để ủ chua. Bột củ sắn là nguồn thức ăn giàu năng lượng, tính toán cho thấy ME có từ 3000 - 3100 Kcal/Kg, nhưng nghèo protein, axit amin (nghèo: methinone, tryptophan), khoáng và vitamin. Lá sắn lại là nguồn protein lý tưởng sử dụng làm nguồn thức ăn giàu đạm cho vật nuôi. Theo Hội chăn nuôi (2003) [9] bình quân trong bột lá sắn có chứa 21% protein thô (16,7 - 39,9%). Hàm lượng protein biến động tùy theo giống sắn, tuổi thu hoạch, độ phì nhiêu của đất trồng và khí hậu vùng canh tác. Thành phần hóa học của bột lá sắn như sau: vật chất khô 93%; protein thô 16% (16,7 - 39,9%); lipit 5,5% (3,8 - 10,5%); xơ thô 20% (4,8 - 29%); khoáng tổng số 8,5% (5,7 - 12,5%); Ca (canxi) 1,45%; P (photpho) 0,45%; Zn (kẽm) 149 mg/Kg; Mn (mangan) 52 mg/Kg; Fe (sắt) 259 mg/Kg; và Cu (đồng) 12 mg/Kg. Trong lá sắn giàu vitamin C và A có hàm lượng riboflavin đáng kể, giàu lysine, thiếu methionine. Theo Phuc và Lindberg (2001) [70] phân tích trong lá sắn có đầy đủ các axit amin thiết yếu; lá sắn phơi khô và lá sắn ủ chua không có sự chênh lệch đáng kể về tỷ lệ protein thô và tỷ lệ các axit amin. Ở các nước trồng nhiều sắn, có ba phương thức khai thác lá sắn như sau: (1) vừa lấy lá, vừa lấy củ; cách này có thể thu được 7,5 tấn chất khô/ha; (2) thu hoạch củ là chính, khi thu hoạch thì tận thu lá, cách này có thể thu được 1 - 1,8 tấn chất khô/ha; (3) chuyên canh để thu hoạch lá có thể thu được 21 tấn chất khô/ha. Ở các tỉnh miền Nam nước ta thu hoạch lá sắn theo kiểu tận thu; trước khi thu hoạch củ 2 tháng hái 1/3 số lá trên cây, trước thu hoạch 1 tháng hái ¾ số lá còn lại. Thu hoạch lá sắn theo cách này không ảnh hưởng đến năng suất củ, đồng thời tận dụng được thời gian trước thu hoạch để phơi khô lá với mục đích làm bột.
  • 17. 11 1.1.3.4. Các phương pháp làm giảm HCN trong sắn để chăn nuôi lợn Như đã nói ở trên, yếu tố hạn chế lớn nhất của việc sử dụng sắn làm thức ăn cho gia súc là sự có mặt của glucozit (C10H17O6N), sản phẩm này dễ dàng bị thủy phân để tạo ra HCN khi tế bào bị trầy sước hay bị phá vỡ trong quá trình chế biến hay tiêu hóa ở gia súc. HCN khi vào cơ thể gây ức chế men hô hấp tế bào cytocrom - oxydaza; do thiếu oxy máu tĩnh mạch có màu đỏ thẫm, con vật có biểu hiện ngạt thở. Trong trường hợp ngộ độc cấp tính, con vật có thể chết trong vòng vài giây. Trường hợp không quá cấp tính, nước bọt tiết mạnh, chuyển động giật lùi, có hiện tượng rối loạn hô hấp; 15 - 60 phút sau con vật có thể chết (Hội chăn nuôi, 2003) [9]. Dựa vào hàm lượng HCN trong củ sắn người ta chia ra: Giống sắn ngọt có chứa khoảng 20 - 30 mg/Kg củ tươi; giống sắn đắng có tới 60 - 150 mg/Kg củ tươi (Mai Thạch Hoành, 2004) [8]. Theo Hội chăn nuôi Việt Nam, (2003) [9] phân loại sắn đắng có hàm lượng độc tố trên 0,02%; sắn ngọt có hàm lượng độc tố thấp hơn 0,01%. Độc tố HCN là chất dễ bay hơi, dễ hòa tan trong nước và có thể bị oxy hóa thành axit cyanic không độc, hoặc có thể hòa tan kết hợp với đường tạo thành chất không độc. Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng nồng độ HCN trong lá có thể được giảm đi đáng kể bằng phương pháp bóc vỏ, nấu chín, phơi khô và ủ chua (Bui Van Chinh và Le Viet Ly, 2001 [48]; Ravindran và cs, 1987 [71]; Ly và Rodriguez, 2001 [62]). Các phương pháp thông thường được sử dụng để chế biến sắn đó là: - Hòa tan glucoside trong nước, dùng các phương pháp ngâm củ sắn từ 5 - 7 ngày trong dòng nước chảy hoặc trong bể nước tĩnh sau đó lọc lấy tinh bột. Phương pháp này tốn nhiều công và không thể áp dụng với quy mô lớn. Mặt khác sắn sau khi ngâm nước sẽ bị giảm chất lượng vì nước đã xâm nhập vào trong củ. - Biện pháp nấu chín hoặc luộc sắn để loại bỏ hàm lượng HCN (vô hiệu hóa men Linamariaza), tuy nhiên phương pháp này khó khả thi và không thể phổ biến nếu số lượng sắn thu hoạch lớn, tốn kém nhiên liệu và thời gian. - Biện pháp phân hủy glucoside và bốc hơi hoặc rửa sẽ làm giảm đáng kể hàm lượng HCN, đây là biện pháp cổ điển hay dùng như: Thái lát phơi khô, băm nhỏ lá sắn phơi khô, thái lát và ngâm nước (nước muối, nước vôi, axit HCl…). Củ và lá sắn
  • 18. 12 bị tác động làm thay đổi tế bào cả về hình thái, cấu trúc và sinh hóa, thông qua đó các glucozit tiếp xúc với enzim dẫn đến HCN được giải phóng và bay hơi. - Một phương pháp làm giảm HCN trong củ sắn và lá sắn đó là ủ chua. Phương pháp này vẫn dựa trên nguyên lý tác động làm thay đổi cấu trúc tế bào dẫn đến tác động giữa glucozit và enzim để tạo thành HCN dạng tự do, chúng sẽ bị rửa theo nước hoặc bay hơi trong quá trình cho gia súc ăn. 1.1.4. Cỏ stylo 184 và tình hình sử dụng trong chăn nuôi lợn 1.1.4.1. Đặc điểm sinh học cỏ stylo Cỏ styo phân bố tự nhiên ở Trung và Nam Mỹ sau đó nhập vào nhiều nước trên thế giới. Stylo là loại cây thức ăn gia súc được phát triển đáng kể ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam nhập lần đầu vào năm 1967, hiện nay được nghiên cứu và sử dụng ở nhiều nơi. Cỏ stylo là cỏ lâu năm, có loại hàng năm, thân đứng, chiều cao cây 1m, nếu trồng nơi khí hậu ẩm có thể tới 1,5m. Cây có khả năng ra rễ ở thân. Thân cây có nhiều lông, có loại ít lông, lá chẽ làm ba đầu tầy có ít lông mềm. Lá dài 2 - 3cm, rộng 5 - 10cm, tỷ lệ lá/thân là 5/7 (Nguyễn Thiện, 2005) [30]. Thân cây lúc non thô xanh, khi già chuyển thành màu xanh sẫm hoặc tím. Lá cỏ stylo có 3 thùy hẹp và nhọn, có vài dòng có nhựa dính. Stylo ra hoa muộn, ở vùng á nhiệt đới cây khó ra hoa. Hoa nhỏ, màu vàng, quả có một hạt, hạt màu vàng hoặc nâu đen lớn hơn hạt cỏ Mêdi (Humphreys, 1980) [37]. Giống Stylosanthes guianensis 184 do CIAT chọn tạo từ S. guianensis dòng cook để phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Giống này tương đối phù hợp với nước ta. Stylo là loại cây của vùng khí hậu nóng ẩm, phát triển thuận lợi ở vùng có nhiệt độ trung bình cao, về mùa lạnh cây sinh trưởng kém hơn. Đặc biệt cỏ stylo chịu đựng kém đối với sương giá. Cây có thể sinh trưởng ở vùng duyên hải có lượng mưa 4000 mm/năm, nhưng có thể tồn tại qua các vụ hạn kéo dài (Humphreys, 1980) [37]. Cây thích hợp vùng có lượng mưa 1500 - 2500mm (Nguyễn Thiện, 2005) [30].
  • 19. 13 Cỏ stylo chịu được đất xấu, đất axit, đất sét bí và thoát nước kém cỏ vẫn mọc được. Ngoài ra, cỏ stylo còn mọc được trên đất cạn, đất cát, đất sỏi cạn, đất sườn đồi, đất lùm bụi… Tóm lại cỏ stylo có thể sinh trưởng với đất nghèo dinh dưỡng và đất chua. Tuy nhiên, ánh sáng có ảnh hưởng tích cực tới lượng chất xanh, nếu bị che nắng thì năng suất sẽ giảm. Cỏ không chịu bóng, có thể sinh trưởng tốt đối với các giống cỏ khác tuy nhiên không phủ chụp lên chúng. 1.1.4.2. Giá trị dinh dưỡng và sử dụng cỏ stylo trong chăn nuôi Cỏ stylo thường được dùng để phủ đất chống sói mòn, và kết hợp làm thức ăn gia súc. Cỏ stylo thường có lông và hàm lượng xơ cao nên gia súc không thích ăn tươi, cỏ dạng khô có thể sử dụng cho trâu, bò, ngựa, dê, lợn và gia cầm. Theo Viện chăn nuôi (2001) [35] cỏ stylo có hàm lượng vật chất khô tương đối cao trung bình 240 g/KgVCK, hàm lượng protein đạt 155 - 167 g/KgVCK, xơ đạt 266 - 272 g/KgVCK. Viện chăn nuôi phân tích đánh giá chất lượng cỏ stylo cho kết quả VCK 20,1%; CP 4,10%; lipit thô 0,4%; CF 3,3%; NFE 10,7%; khoáng tổng số 1,6%; canxi 0,4%; photpho 0,04% và năng lượng trao đổi 484 Kcal. Phân tích thành phần các axit amin cho biết cỏ stylo chứa 17/18 loại, tương đối đầy đủ các loại axit amin thiết yếu cho lợn; hai loại axit amin có hàm lượng thấp là tryptophan và cysteine. Omole và cs (2007) [66] công bố nghiên cứu về cỏ stylosanthes guianensis CIAT 184 tại Châu Phi cho rằng trong cỏ tươi có thành phần hóa học như sau: VCK chiếm 19,75%; các chất tính theo %VCK như sau CP: 19,91%; xơ thô 13,28%; lipit 1,34%; khoáng tổng số 9,38% và NFE 56,03 %. Hiện nay cỏ stylo thường được sử dụng cho các đối tượng chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) là chính. Cỏ được trồng, thu hoạch và chế biến theo các phương pháp chủ yếu sau đây: - Cỏ stylo được thu cắt định kỳ và dùng làm nguồn thức ăn tại chuồng, cách này không phải chế biến mà cho sử dụng dưới dạng tươi. - Cỏ stylo được thu cắt định kỳ và phơi khô để dự trữ đến mùa khô thiếu nguồn thức ăn cho gia súc nhai lại mới cho ăn.
  • 20. 14 - Cỏ stylo được thu cắt định kỳ sau đó băm nhỏ, phơi khô và nghiền thành bột. Bột cỏ stylo có tỷ lệ protein thô tương đối cao nên được dùng như nguồn bổ sung protein trong khẩu phần (chủ yếu dùng cho lợn). Khi dùng cỏ stylo cho lợn còn có thể băm nhỏ dạng tươi và nấu chín cho lợn. Tóm lại các phương pháp chế biến cỏ stylo để làm thức ăn gia súc chủ yếu là băm nhỏ, phơi khô. Cỏ stylo dùng trong khẩu phần cho gia súc nhai lại là chính. 1.1.5. Phương pháp ủ chua thức ăn 1.1.5.1. Cơ sở khoa học của phương pháp ủ chua Ủ chua là kỹ thuật ủ yếm khí thức ăn xanh thô có hàm lượng nước cao (75 - 80%), nhờ hệ vi sinh vật lên men tạo ra axit lactic và một lượng nhất định các axit hữu cơ khác. Do đó nhanh chóng đưa độ pH của thức ăn xuống mức 4 - 4,5 làm ức chế hoạt động của các vi sinh vật và enzim trong thực vật. Nhờ vậy ta có thể bảo quản thức ăn ủ chua được trong thời gian lâu dài. Theo Nguyễn Hữu Tào và cs (2005) [17] cơ sở khoa học của phương pháp ủ chua gồm 3 yếu tố: Hệ vi sinh vật phát triển trong quá trình ủ chua bao gồm: vi khuẩn, nấm men, nấm mốc. * Nhóm vi khuẩn có lợi: chủ yếu là nhóm vi khuẩn lên men tạo axit lactic, đây là nhóm vi khuẩn có ích rất cần thiết trong thức ăn ủ chua, vi khuẩn lên men tinh bột và đường tạo ra sản phẩm chủ yếu là axit lactic. Thông thường 1 gram cây cỏ họ đậu có 0,04 triệu tế bào vi khuẩn lên men sinh axit lactic. Ngoài ra còn có các nhóm vi khuẩn lên men tạo axit axetic và lên men tạo axit butyric. * Nấm men: Nấm men hoạt động mạnh ở giai đoạn đầu của quá trình ủ chua, chúng phân huỷ tinh bột đường tạo thành rượu, CO2 và một số axit hữu cơ. Hàm lượng rượu trong cỏ ủ chua thường trung bình là 0,3%. Khi ủ chua một số nguyên liệu như thân cây ngô, ngọn củ cải đường đôi khi hàm lượng rượu đạt tới 4% tính theo dạng sử dụng. Trong điều kiện yếm khí nấm men dường như ngừng hoạt động, nhưng khi pH= 3 - 4 thì chúng vẫn có thể hoạt động nhưng không mạnh (Nguyễn Hữu Tào và cs, 2005) [17]. * Nấm mốc: Nấm mốc là vi sinh vật không có lợi trong quá trình ủ chua, nấm mốc phát triển chậm hơn so với vi khuẩn (lên men axic lactic, axetic). Nấm mốc phân
  • 21. 15 giải tinh bột, đường, protein, axit lactic để tạo thành SO2, H2O, NH3 và nhóm amin; nhiều loại nấm mốc còn có khả năng tạo ra các loại độc tố (Aflatoxin). Trong điều kiện yếm khí chúng ngừng hoạt động. * Nhóm vi khuẩn gây thối: Nhóm này bao gồm trực khuẩn có nha bào, không có nha bào, chủ yếu sống trong điều kiện yếm khí, nhiệt độ thích hợp trên 500 C, chúng phân giải protein, axit amin thành các chất độc như cadavejin, putracin… Điều kiện ủ chua - Thứ nhất đó là yếm khí: đây là điều kiện quyết định sự thành công hay thất bại của quá trình ủ chua. Trong điều kiện yếm khí các nhóm vi khuẩn lên men sinh axit butyric, nấm mốc, nấm men bị ức chế dẫn đến chúng hoạt động yếu các chất dinh dưỡng trong thức ăn đỡ bị phân hủy. Bên cạnh đó các vi khuẩn sinh axit lactic có điều kiện hoạt động mạnh sinh axit lactic, pH tăng nhanh càng ức chế các nhóm vi khuẩn và nấm khác hoạt động, đây là yếu tố giúp bảo tồn thức ăn ủ chua. - Thứ hai: Nhiệt độ sẽ làm thay đổi hướng lên men của vi sinh vật, dựa vào nhiệt độ tối ưu cho sự phát triển của vi sinh vật chia ra hai kiểu lên men trong hố ủ. + Lên men nóng: Lên men nóng thích hợp với vi khuẩn lactic chịu nhiệt, nhiệt độ hố ủ 40 - 500 C. + Kiểu lên men lạnh: Phải tiến hành ủ chua ngay khi thu cắt, khi ủ phải nén thật chặt để nhanh chóng tạo môi trường yếm khí giảm tối đa sự hô hấp của tế bào thực vật, nhiệt độ hố ủ chỉ đạt 15 - 350 C. Cơ sở khoa học của việc bổ sung thức ăn giàu tinh bột trong ủ chua: Mục đích của việc bổ sung thức ăn giàu tinh bột vào các nguyên liệu ủ chua là để cung cấp các chất dinh dưỡng dễ lên men cho sinh vật. Nhiều loại vi sinh vật có khả năng sinh ra men amilaza ngoại bào, phân giải tinh bột thành các phần đơn giản hơn (thủy phân các liên kết α - 1,4 glucozit và α - 1,6 glucozit) được sử dụng làm nguồn năng lượng. 1.1.5.2. Các quá trình diễn ra trong hố ủ chua Theo Nguyễn Hữu Tào và cs (2005) [17] các quá trình diễn ra trong hố ủ như sau: Sự sinh nhiệt do hô hấp tế bào thực vật: Khi cây thức ăn bị cắt đứt nguồn dinh dưỡng thì hoạt động sống của tế bào là dị hóa. Quá trình dị hóa phân giải chất bột đường để tạo thành khí CO2; H2O cùng năng lượng.
  • 22. 16 C6H12O6 + 6O2 → 6H2O + 6CO2 + 673 Kcal/g Như vậy hố ủ không ngừng tăng nhiệt độ, đến một mức nào đó sẽ làm chết tế bào thực vật. Cùng với quá trình hô hấp của tế bào, còn có quá trình phân hủy hiếu khí của hệ vi sinh vật có sẵn trong thức ăn. Hai quá trình này diễn ra song song làm cho lượng O2 của hố ủ cạn kiệt, tạo điều kiện yếm khí nhanh chóng. Quá trình tạo axit axetic: Ngay từ đầu quá trình ủ chua các vi sinh vật trong thức ăn phát triển mạnh, lớn nhất là nhóm vi khuẩn E.coli (đại diện là Escherichia và Klebsiella), sản phẩm chính là axit axetic. Bên cạnh đó nhóm vi khuẩn E.coli còn có khả năng phân giải protein bằng các phản ứng khử amin và cả carboxyl của các axit amin tạo NH3. Khi pH = 4,5 thì nhóm vi khuẩn E.coli bị ức chế, những loại vi khuẩn khác lên men sinh axit butyric, nấm mốc, nấm men... có thể tồn tại được pH cao nhưng lại không thích ứng với môi trường yếm khí do đó chúng chỉ phát triển được ở bề mặt hố ủ nơi có không khí lọt vào. Quá trình lên men tạo axit lactic: Có hai dạng lên men tạo axit lactic là lên men lactic đồng loại (đồng hình) và lên men lactic khác loại (dị hình). Trong quá trình lên men lactic đồng hình thì glucose sẽ được chuyển hóa theo chu trình Embden - Meyerhof để cuối cùng tạo thành hai axit pyruvic và NAD-H+ , sau đó axit pyruvic sẽ được khử thành axit lactic. C6H12O6 → 2CH3COCOOH + 4H CH3COCOOH + 4H → 2CH3CHOHCOOH (axit lactic) Lên men lactic dị hình của vi sinh vật là quá trình lên men không chỉ tạo ra axit lactic mà còn tạo ra các sản phẩm phụ khác như rượu, axit axetic, CO2… C6H12O6 → 2CH3CHOHCOOH + C2H5OH + CO2 Quá trình phân giải các chất có nitơ (N): Trong môi trường tự nhiên có nhiều loại vi sinh vật có khả năng sản sinh ra môi trường enzim proteaza (proteinaza, peptidaza). Các enzim xúc tác quá trình thủy phân liên kết peptit và một số liên kết khác làm cho phân tử protein được phân giải thành các hợp chất đơn giản hơn. Giai đoạn đình chỉ mọi sự lên men: Đây là giai đoạn cuối cùng của quá trình ủ chua. Số lượng vi sinh vật liên tục giảm xuống do trị số pH giảm trong điều
  • 23. 17 kiện yếm khí, đa số vi sinh vật bị chết. Tuy nhiên do enzim trong tế bào của chúng vẫn tiếp tục hoạt động, làm cho nồng độ các axit hữu cơ vẫn còn tăng sau một vài ngày. 1.1.5.3. Ưu điểm của phương pháp ủ chua Phương pháp ủ chua có những ưu điểm chủ yếu sau: - Chi phí dùng cho chế biến ủ chua thấp hơn phương pháp sấy, sự hao hụt về các chất dinh dưỡng thấp vì ủ chua trong điều kiện yếm khí. Các phụ phẩm trồng trọt, hoặc các loại cây thức ăn thu hoạch với sản lượng lớn vào mùa mưa có thể ủ chua để dự trữ. - Thức ăn ủ chua ít tổn thất hàm lượng dinh dưỡng, lại giữ được hàm lượng vitamin A, thường đạt được 1/3 so với dạng tươi (Gohl, 1993) [36]. - Phương pháp chế biến thức ăn bằng phương pháp ủ chua không đòi hỏi thiết bị tốn kém, thông thường và dễ áp dụng trong điều kiện chăn nuôi nông hộ và trang trại quy mô nhỏ. - Chế biến thức ăn bằng phương pháp ủ chua thường nâng cao được tỷ lệ tiêu hóa thức ăn trong chăn nuôi. Tuy nhiên phương pháp ủ chua cũng có những nhược điểm so với các phương pháp chế biến khác. Giai đoạn đầu ủ chua chất bột đường bị tổn thất một phần do hô hấp tế bào thực vật tạo thành nhiệt năng, nước và CO2. Theo Nguyễn Hữu Tào và cs (2005) [17] thì hai tác giả Schmidt và Wetterau (1974) cho biết protein ít bị tổn thất nhưng dễ bị biến dạng làm giảm giá trị sinh học của protein trong thức ăn đối với gia súc dạ dày đơn và gia cầm. Ủ chua còn làm hao hụt hàm lượng vitamin D, thấp hơn so với phương pháp làm khô (Dương Hữu Thời và cs, 1982) [32]. Ủ chua thức ăn ở nông hộ hay gặp trường hợp thức ăn ủ bị hỏng không thể sử dụng, nguyên nhân do ủ chua không đúng phương pháp, không đảm bảo điều kiện yếm khí. 1.2. Tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước 1.2.1. Thành phần hóa học và giá trị dinh dưỡng của củ và lá sắn Củ sắn là loại thức ăn giàu năng lượng, theo Manner và Pond (1987) [63] cho rằng sắn có năng lượng tiêu hóa cao 3.758 Kcal/Kg. Theo Wu (1991) [79] hai tác giả
  • 24. 18 Brabuig và Holloway (1988) lại cho rằng sắn có năng lượng tiêu hóa lớn nhất trong tất cả các loại cây có củ khi sử dụng làm thức ăn cho lợn, là 14,7 Mj/Kg. Bùi Văn Chính (1995) [2]; Phạm Sỹ Tiệp (1999) [19] cho rằng củ sắn bóc vỏ có năng lượng cao hơn củ sắn để cả vỏ, củ sắn khô cả vỏ năng lượng trao đổi dao động từ 3087 - 3138 Kcal/Kg, còn ở sắn khô bóc vỏ từ 3115 - 3196 Kcal/Kg. Tổng năng lượng trung bình của lá sắn khô 4,12 Kcal/Kg; dao động 3,90 - 4,35 Kcal/Kg (Gómez và Valdivieso, 1985) [54]. Tỷ lệ VCK của củ sắn dao động 66,08 - 76,64%, trong đó 80 - 90% dẫn xuất không đạm, tinh bột chiếm tới 80% dẫn xuất không đạm, lợn có thể tiêu hóa được tới 93% vật chất khô trong sắn. Tinh bột của củ sắn có chất lượng cao. Trong lá sắn có tỷ lệ VCK cao hơn trong củ sắn dao động từ 22,6 - 32% (Nguyễn Nghi và cs, 1984) [13]; (Phạm Sỹ Tiệp, 1999) [19]; (Manner và Pond, 1987) [63]; (Wu, 1991) [79]. Trong lá sắn thu hoạch từ 6 - 12 tháng sau trồng có chứa 25 - 30% chất khô (Gómez và Valdivieso, 1985) [54]. Cũng theo các tác giả trên cho biết hàm lượng protein trong củ sắn rất thấp dao động từ 1,47 - 5,2%. Theo Nguyễn Nghi và cs (1984) [13] hàm lượng protein của giống sắn 205, sắn Chuối và sắn Xanh là cao nhất (3,78 - 4,61%) còn các giống khác thấp hơn (2,4 - 2,75%). Hàm lượng axit amin trong củ sắn cũng thấp và không cân đối, đặc biệt thiếu methionine (Gómez và Valdivieso, 1985) [54]. Ngược lại, trong lá sắn lại có tỷ lệ protein cao dao động từ 16,7 - 39,9%, tuy trong protein của lá sắn chứa đầy đủ các axit amin thiết yếu nhưng thấp tỷ lệ methionine, tryptophan (Allen, 1984) [38]; (Phuc và cs, 2000) [69]; (Hahn và cs, 1988) [55]. Theo các tác giả Samkol và Lukefahr (2008) [74]; Từ Quang Hiển (1982) [6]; Lê Văn An và cs (2008) [1]; Wanapat và cs (1997) [77] công bố cho biết trong lá sắn có thể thay thế một phần khô đỗ tương trong khẩu phần cho lợn thịt bởi trong lá sắn có đầy đủ protein, chất xơ, khoáng chất và vitamin. Bên cạnh đó vitamin trong lá sắn cũng khá cao, trong bột lá sắn khô chứa 66,7mg% caroten Hàm lượng mỡ thô của củ sắn cũng rất thấp chỉ đạt 1,6 - 1,8 %VCK (Gómez và cs, 1983) [52]; (Wu, 1991) [79]; (Phạm Sỹ Tiệp, 1999) [19]. Trong lá sắn lại có tỷ
  • 25. 19 lệ mỡ thô cao hơn trong củ sắn 7,6 - 10,5 %VCK (Samkol và Lukefahr, 2008) [74]; (Lê Văn An và cs, 2008) [1]. Hàm lượng khoáng đa lượng và vi lượng của lá sắn nói chung cao hơn trong củ sắn. Hàm lượng canxi (Ca) dao động từ 0,74 - 1,13%; photpho (P) 0,25 - 0,38%; kali (K) 1,52 - 1,71%, đặc biệt sắt (Fe) và mangan (Mn) khá cao (Nguyễn Nghi và cs, 1984) [13]; (Ravidran và cs, 1987) [71]; (Phạm Sỹ Tiệp, 1999) [19]. Tỷ lệ xơ thô trong củ sắn cũng tương đối cao 2,03 - 3,08 %VCK, hàm lượng xơ trong lá sắn cao hơn trong củ sắn từ 2 - 3,5 lần (10,1 - 14,8%VCK). (Phuc và cs, 2000) [69]; (Nguyễn Thị Tịnh và cs, 2006) [26]; (Khang và cs, 2006) [57]; (Lê Văn An và cs, 2008) [1]. Các tác giả cũng cho rằng khi sử dụng củ sắn cho lợn phải chú ý bỏ phần gốc vì có nhiều xơ, sử dụng lá sắn không nên lấy phần cuống lá mà chỉ nên sử dụng phần thịt lá (Yves Froehlich và Thái Văn Hùng, 2001) [3]. Hàm lượng axit HCN cũng được quan tâm là yếu tố hạn chế lớn nhất của củ và lá sắn. Tác giả Chhay Ty và Preston (2005) [47] cho biết hàm lượng hàm lượng HCN trong lá sắn tươi là 508 mg/KgVCK. Một công bố của Wanapat (2001) [78] cho biết chế biến lá sắn bằng phương pháp phơi khô kiệt dưới ánh nắng mặt trời có tác dụng giảm trên 90% hàm lượng HCN. Theo Bolhuis (1954) [41] khi nghiên cứu về thành phần giá trị dinh dưỡng của củ sắn dùng cho gia súc đã phát hiện, hàm lượng độc tố HCN < 50 mg/Kg (sắn tươi) không gây độc cho gia súc, nhưng HCN từ 50 - 100 mg/Kg gây độc nhẹ và HCN > 100 mg/Kg gây độc mạnh. Theo Nartey (1978) [64] (Trích từ Silvestre, 1990) nhóm sắn ngọt là những giống sắn có hàm lượng HCN < 280 mg/KgVCK, nhóm sắn đắng có hàm lượng HCN ≥ 280 mg/KgVCK. 1.2.2. Nghiên cứu củ sắn và lá sắn trong chăn nuôi lợn thịt Các nghiên cứu để sử dụng sắn làm thức ăn cho lợn đã được quan tâm từ đầu Thế kỷ 20, hiện nay vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu thêm. Giai đoạn từ 1950 trở về trước mức độ sử dụng sắn cho lợn thịt chỉ đạt tối đa 40%. Lợn thịt dùng sắn trong khẩu phần thức ăn cho tăng trọng (g/ngày) thấp, tỷ lệ tiêu tốn thức ăn khá cao (Phạm Sỹ Tiệp, 1999) [19].
  • 26. 20 Các nghiên cứu bổ sung bột sắn phơi khô trong khẩu phần cho lợn thịt giai đoạn gần đây, cho biết tỷ lệ bổ sung có thể đến 60 - 70% nhưng phải bổ sung DL- methionine (0,1 - 0,2% trong TAHH). Tỷ lệ sử dụng bột sắn thích hợp là 17 - 30% trong khẩu phần thức ăn hỗn hợp cho tăng trọng cao nhất (Vihajarerm và cs, 1970 (trích Nguyễn Nghi và cs, 1984) [13]; (Otewe, 1985) [76]; (Santos và Gómez, 1983) [75]; (Gómez và cs, 1984) [53]. Theo Manner và Pond (1987) [63] lợn có thể tiêu hóa được tới 93% vật chất khô trong sắn, 45% protein thô, 51,7% mỡ thô, 48,8% xơ thô, 98% dẫn xuất không đạm và 92,5% tổng các chất dinh dưỡng tiêu hóa Russo và cs (1985) [73] khi nghiên cứu dùng bột sắn có bổ sung DL - methionine đã chứng minh cho thấy rằng với 50% bột sắn trong khẩu phần có bổ sung và không bổ sung DL - methinoine. Kết quả thấy tốc độ tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn trong khẩu phần 50% bột sắn có bổ sung từ 0,1 - 0,2% DL - methionine cao hơn các lô còn lại. Tác giả Wu (1991) [79] cho biết bổ sung bột sắn 1-2% khối lượng cho lợn con 7,5 Kg (28 ngày tuổi) không ảnh hưởng đến sinh trưởng và tiêu hóa của lợn. Khả năng thu nhận, tiêu hóa và hấp thụ thức ăn từ củ sắn của lợn còn phụ thuộc và cách chế biến sắn, nguồn thức ăn cung cấp đạm và các chất bổ sung khác nhau. Theo Buitrago (1990) [42]; Fabry và cs (1986) [50] nghiên cứu sự thu nhận thức ăn từ sắn của lợn cho thấy sự thu nhận có thể đạt 4,04 Kg/ngày đối với sắn tươi; thứ hai là sắn ủ xilô 3,84 Kg/ngày; cuối cùng là sắn phơi khô 2,48 Kg/ngày. Tác giả Lai và Rodriguez (1998) [58]; Lai (1998) [59]; Chhay Ty và cs (2003) [44]; [45]; [46]; Bùi Văn Chính (1995) [2]; Phạm Sỹ Tiệp (1999) [19]; Nguyễn Thị Lộc và Lê Văn An (2008) [10]; Nguyễn Hải Quân và Nguyễn Xuân Bả (2008) [15]; Trung tâm Khoai tây Quốc tế (2006) [33] cho biết khi ủ chua củ sắn và lá sắn theo dõi sự biến động pH và HCN thấy: pH của thức ăn ủ chua có xu hướng giảm dần theo thời gian ủ (dao động 3,7 - 4,6), có xu hướng ổn định từ tuần thứ 5 (35 ngày sau ủ); pH của lá sắn ủ cao hơn củ sắn ủ chua. Hàm lượng HCN của các mẫu thức ăn ủ chua có xu hướng giảm dần theo thời gian (110 - 657 mg/KgVCK) tùy theo từng giống sắn. Các tác giả cho rằng ủ chua là một cách chế biến tốt để dùng củ và lá sắn cho
  • 27. 21 lợn, có thể bảo quản và sử dụng đến 56 ngày sau ủ mà không bị hao hụt đáng kể dinh dưỡng. Các tác giả cũng cho rằng khi ủ chua củ sắn và lá sắn cần thiết phải bổ sung tỷ lệ nhất định tinh bột, đường để làm cơ chất cho vi sinh vật phát triển giai đoạn đầu. Nguyễn Hữu Văn và cs (2008) [34]; Nguyễn Thị Tịnh và cs (2006) [25], [26] cho biết bổ sung cám gạo 3 - 10%, muối ăn 0,5% cho kết quả tốt và có thể bảo quản thức ăn ủ chua đến 90 ngày mà không bị hao hụt đáng kể chất dinh dưỡng. Các nghiên cứu của Gómer và cs (1983) [52]; Bùi Văn Chính (1995) [2] khi sử dụng củ sắn tươi ủ chua (loại sắn ngọt) để chăn nuôi lợn thịt với mức bổ sung sắn ủ tăng dần từ 1 - 2 Kg/con/ngày ở tuần thứ nhất đến 6 - 6,5 Kg/con/ngày kết quả tăng trọng đạt tốt, tương đương kết quả dùng bột sắn để chăn nuôi lợn thịt, sử dụng khẩu phần lá sắn ủ chua 1,6 Kg/con/ngày cho lợn thịt cho kết quả sinh trưởng cao, tiêu tốn thức ăn/Kg tăng trọng giảm 20%. Các tác giả Nguyễn Thị Lộc (1996) [60]; Nguyễn Thị Hoa Lý và cs (2000) [11] [12]; Lê Đức Ngoan và Nguyễn Thị Hoa Lý (2002) [65]; Nguyễn Thị Tịnh và cs (2006) [25], [26]; Lê Văn An và cs (2008) [1] đã sử dụng mức bổ sung thức ăn ủ chua (củ sắn, củ khoai lang, lá sắn…) từ 40 - 50% trong khẩu phần dạng sử dụng cho lợn thịt cho kết quả sinh trưởng tốt, đồng thời giảm tỷ lệ mắc bệnh. Khi tăng thức ăn ủ chua củ sắn đến 60% khẩu phần, kết quả làm giảm sinh trưởng của lợn thịt, tuy nhiên bổ sung DL - methionine trong khẩu phần 30 %VCK củ sắn ủ chua có tác dụng làm giảm tiêu tốn thức ăn và giảm chi phí thức ăn/Kg TT. Nguyễn Thị Hoa Lý và cs (2000) [11] bổ sung lá sắn ủ chua mức 15 %VCK trong khẩu phần giai đoạn mang thai (114 ngày) của nái Móng Cái cho biết các chỉ tiêu sinh sản không bị ảnh hưởng bởi việc bổ sung lá sắn ủ chua, khi tiếp tục bổ sung mức 20 %VCK đã có ảnh hưởng đến sinh trưởng và một số chỉ tiêu sinh sản của chúng. Theo tác giả Từ Quang Hiển (1982) [6] nghiên cứu sử dụng lá sắn cho chăn nuôi lợn cho biết, khi thí nghiệm sử dụng bột lá sắn khô bổ sung trong khẩu phần cho lợn thịt thời điểm 3 tháng, 5 tháng và 8 tháng tuổi với mức bột lá sắn tăng dần từ 15 - 50% số đợn vị tinh trong tiêu chuẩn ăn hàng ngày. Kết quả cho thấy hoàn toàn có thể
  • 28. 22 thay thế được 20 - 30% thức ăn tinh bằng bột lá sắn, lợn vẫn sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao. Dư Thanh Hằng (2008) [5] khi nghiên cứu lá sắn với vai trò nguồn protein cho nuôi lợn thịt cho biết: Thành phần hóa học của lá ở 20 giống sắn lấy ở phần lá non còn lại trên cây tại thời điểm thu hoạch củ, biến động từ 23,7 - 31,1% về VCK; CP 23,7 - 29,5 %VCK và HCN 610 - 1840 mg/KgVCK. Trong nghiên cứu này tại thời điểm thu hoạch củ, phần lá còn lại trên ngọn cây là những lá non xanh nồng độ HCN trung bình (349 mg/Kg dạng tươi). Nồng độ HCN đã giảm 58% ở lá sắn tươi sau khi phơi héo dưới mái hiên sau 24 giờ. 1.2.3. Thành phần hóa học và sử dụng cỏ stylo trong chăn nuôi lợn thịt Cỏ stylo chủ yếu được dùng để làm thức ăn cho gia súc nhai lại, các nghiên cứu sử dụng cỏ stylo cho lợn nói chung và cho lợn thịt nói riêng còn rất hạn chế. Về thành phần hóa học Chanphone và Choke (2003) [56]; Omole và cs (2007) [66]; Samkol và Lukefahr (2008) [74]; Phengsavanh và Ledin (2003) [68] khi nghiên cứu cỏ stylosanthes guianensis cho biết: Cỏ stylo có thành phần VCK 19,75 - 22,3%; CP là 19,3 - 19,90 %VCK; xơ thô 13,28 - 30,0 %VCK; lipit 1,34 %VCK; khoáng tổng số 5,1 - 9,38 %VCK. Nghiên cứu sử dụng để bổ sung trong chăn nuôi lợn hai tác giả Chanphone và Choke (2003) [56] công bố với khẩu phần cơ sở là bột ngô (50%), khô đậu tương (50 - 40 - 30 - 20%) và cỏ stylo băm nhỏ (0 - 10 - 20 - 30%) cho lợn thấy tăng trọng của lợn tương ứng là 154 - 221 - 245 - 320 g/con/ngày (P < 0,01); tiêu tốn thức ăn lần lượt là 6,25 - 5,50 - 5,00 - 4,00 KgTA/KgTT. Lợn thịt giai đoạn 10 - 40Kg có thể sử dụng cỏ stylo là nguồn thức ăn chính với mức độ bổ sung 6,4 %VCK trong khẩu phần.
  • 29. 23 PHẦN 2. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Đối tượng nghiên cứu - Củ sắn tươi sau thu hoạch bỏ phần gốc nhiều xơ - Lá sắn hái tươi bỏ cuống lá (chỉ lấy phần phiến lá) - Ngọn lá sắn (thu hái cả thân, ngọn lá sau đó băm từ ngọn xuống đến hết phần thịt lá) - Cỏ stylo thu cắt cả thân và lá (bỏ phần thân đã già màu đen). - Lợn lai F1 (ĐB x MC) nuôi tại nông hộ GĐ 20 - 80 Kg (60 - 75 ngày tuổi). 2.2. Địa điểm, thời gian nghiên cứu 2.2.1. Địa điểm - Nguyên liệu: củ sắn, cỏ stylo, lá sắn và cám gạo loại 1 được chuẩn bị và tiến hành ủ chua có sẵn tại các hộ gia đình ở xã Đồng Tiến, huyện Phổ Yên, Thái Nguyên. - Các mẫu TA ủ chua được phân tích thành phần hoá học tại Phòng Phân tích Thức ăn gia súc và sản phẩm chăn nuôi (VILAS - 053) của Viện Chăn nuôi Quốc gia. - Thí nghiệm chăn nuôi lợn thịt bằng thức ăn ủ chua được tiến hành tại các hộ gia đình ở Xã Đồng Tiến, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. 2.2.2. Thời gian - Giai đoạn thí nghiệm: 2009 - 2010. - Giai đoạn ứng dụng và đánh giá: 2010 - 2011 2.3. Nội dung nghiên cứu - Nghiên cứu các công thức ủ chua trong phòng thí nghiệm, củ sắn kết hợp cùng các nguyên liệu khác (cỏ stylo tươi, ngọn lá sắn, cám gạo, muối) để làm thức ăn cho chăn nuôi lợn. - Đánh giá sự biến đổi các thành phần hóa học trong quá trình ủ chua. Từ đó nhằm tìm ra các công thức ủ chua tối ưu để sử dụng trong chăn nuôi dựa trên các tiêu chí kỹ thuật và kinh tế. - Nghiên cứu hiệu quả của việc dùng các thức ăn ủ chua kết hợp củ sắn, cỏ stylo và ngọn lá sắn để chăn nuôi lợn thịt tại nông hộ. - Hỗ trợ phổ biến phương pháp ủ chua thức ăn cho các hộ dân chăn nuôi. 2.4. Phương pháp nghiên cứu 2.4.1. Sơ đồ bố trí thí nghiệm
  • 30. 24 * Nội dung ủ chua trong phòng thí nghiệm - Bố trí thí nghiệm ủ chua trong phòng thí nghiệm được tiến hành theo 10 công thức dự kiến ban đầu theo bảng - Các mẫu thức ăn ủ chua được ủ trong túi nilon 2 lớp, lèn thật chặt và buộc kín để đảm bảo yếm khí. Khối lượng mẫu 300 g/túi, mỗi công thức ủ được lặp lại 3 lần. Các túi được đánh dấu bằng nhãn, sau đó bảo quản trong tủ đảm bảo không bị hư hại. Bảng 2.1: Thành phần các nguyên liệu trong các công thức ủ chua TT Công thức Nguyên liệu và tỷ lệ phối hợp (%) Củ sắn tươi Cỏ stylo tươi Lá sắn tươi Cám gạo loại 1 Muối 1 S1 89,5 10 - - 0,5 2 S2 79,5 20 - - 0,5 3 S3 69,5 30 - - 0,5 4 S4 89,5 - 10 - 0,5 5 S5 79,5 - 20 - 0,5 6 S6 69,5 - 30 - 0,5 7 S7 93,5 - - 6 0,5 8 S8 99,5 - - - 0,5 9 S9 - - 93,5 6 0,5 10 S10 59,5 - 40 - 0,5 * Nội dung trong triển khai ủ chua tại nông hộ - Sau khi tiến hành thành công các thí nghiệm tại phòng thí nghiệm, các kết quả phân tích sẽ đưa ra thực tế sản xuất tại nông hộ để phục vụ nghiên cứu trên đàn lợn thí nghiệm. - Áp dụng các công thức ủ chua S3 S4, S7 và S8 để ủ chua với số lượng lớn tại 4 hộ dân chăn nuôi. Trung bình thức ăn ủ chua 2-5 tấn/hộ. * Nội dung thí nghiệm trên đàn lợn - Căn cứ vào điều kiện thực tế của nông hộ chúng tôi tiến hành bố trí 2 thí nghiệm trên đàn lợn sử dụng các công thức thức ăn ủ chua khác nhau như sau: - TN1: Thí nghiệm tiến hành với tổng số 48 con lợn lai F1, bố trí 4 lô với 12 lợn/lô, đảm bảo đồng đều về khối lượng và tính biệt. Lợn được nuôi trong hệ thống chuồng hở thông thoáng tự nhiên.
  • 31. 25 + Lô 1: 50% TA ủ chua S7 (93,5% củ sắn tươi + 6% cám gạo + 0,5% muối) + 50% TAHH. + Lô 2: 50% TA ủ chua S3 (69,5% củ sắn tươi + 30% thân lá cỏ stylo tươi + 0,5% muối) + 50% TAHH. + Lô 3: 100% TAHH có bổ sung bột sắn và bột cỏ stylo. + Lô 4: 100% TAHH có bổ sung bột sắn. - TN 2: Thí nghiệm tiến hành tổng số 48 lợn lai F1, bố trí 4 lô TN với 12 lợn/lô, đảm bảo đồng đều về khối lượng và tính biệt. + Lô 1: 50% TA ủ chua S8 (99,5% củ sắn tươi + 0,5% muối) + 50% TAHH. + Lô 2: 50% TA ủ chua S4 (89,5% củ sắn + 10% ngọn lá sắn + 0,5% muối) + 50% TAHH. + Lô 3: 100% TAHH có bổ sung bột sắn và bột ngọn lá sắn phơi khô. + Lô 4: 100% TAHH dạng viên của hãng Greenfeed. 2.4.2. Phương pháp ủ chua Ủ chua sắn và cỏ stylo được tiến hành theo mô tả phương pháp của Nguyễn Thị Tịnh và cs (2006) [25]. Củ sắn tươi sau khi thu hoạch rửa sạch đất bám và dùng máy băm nhỏ. Cỏ stylo băm nhỏ từ 0,5 - 1cm bằng máy thái rau cỏ thông thường. Các nguyên liệu không cần phơi khô sau khi băm, mà ủ tươi. Tiến hành trộn đều các nguyên liệu với nhau theo tỷ lệ đã định, mỗi mẻ trộn từ 600 - 800Kg nguyên liệu tươi sau đó nén chặt vào các túi ủ. Túi ủ được may bằng bạt dứa kích thước 1,8 - 2,2m, bên trong lồng hai lớp túi nilon cùng kích thước để đảm bảo điều kiện yếm khí và tránh hư hại. Khuôn túi ủ (khung) được gia công bằng hai thùng phi ghép lại, có các chốt bằng ốc vít để dễ dàng tháo lắp. Các nguyên liệu được lèn thật chặt theo từng lớp, sau đó buộc kín miệng túi ủ sau 30 ngày có thể sử dụng để nuôi lợn. 2.4.3. Phương pháp lấy mẫu Các mẫu nguyên liệu củ sắn, ngọn lá sắn, cám gạo, thức ăn đậm đặc, thức ăn hỗn hợp được lấy mẫu phân tích. Mẫu lấy theo phương pháp mô tả trong Tiêu chuẩn Việt Nam: 4325 - 2007 [21]. 2.4.4. Phương pháp phân tích mẫu Các chỉ tiêu thành phần hóa học của mẫu thức ăn ủ chua được phân tích: VCK, CP, CF, giá trị pH; nguyên liệu ngọn lá sắn trước khi ủ chua được phân tích hàm lượng HCN. Phương pháp phân tích các chỉ tiêu như sau:
  • 32. 26 - Vật chất khô của các mẫu được xác định theo Tiêu chuẩn Việt nam: 4326 - 2001 [22]. - Hàm lượng protein thô được xác định theo Tiêu chuẩn Việt nam: 4328 - 1 - 2007 [23] bằng phương pháp Kjeldahl trên hệ thống phân tích Gerhardt. - Hàm lượng xơ tổng số được tiến hành theo Tiêu chuẩn Việt Nam: 4329 - 2007 [24]. - Hàm lượng HCN được xác định theo Tiêu chuẩn ngành 604 - 2004 [20] . 2.4.5. Phương pháp đo độ dày mỡ lưng của lợn Để đo độ dày mỡ lưng của lợn thí nghiệm chúng tôi tiến hành đo bằng máy đo độ dày mỡ lưng Lean Meater của hãng Renco - USA, đo tại vị trí xương sườn cuối cùng. 2.5. Các chỉ tiêu theo dõi - Các chỉ tiêu phân tích thành phần hoá học: vật chất khô (VCK), protein thô (CP), xơ thô (CF), giá trị pH của các công thức TA ủ chua thí nghiệm tại thời điểm 15 ngày (T15); 30 ngày (T30); 60 ngày (T60); 90 ngày ủ (T90). - Các chỉ tiêu phân tích thành phần hoá học: vật chất khô (VCK), protein thô (CP), xơ thô (CF) của các công thức TA ủ chua đại trà sử dụng trong chăn nuôi lợn được phân tích trước thời điểm sử dụng đầu tiên. - Khối lượng lợn thí nghiệm (Kg), tiêu tốn thức ăn (dạng sử dụng Kg/Kg TT, Kg VCK/Kg TT, Kg CP/Kg TT), chi phí TA (đồng/Kg TT). - Đo độ dày mỡ lưng của lợn bằng máy Lean Meater ở thời điểm 90 ngày. 2.6. Xử lý số liệu Các số liệu thu được trong nghiên cứu đều tiến hành xử lý thống kê sinh vật học. Sử dụng ANOVA và Tukey của phần mềm Minitab 13.31 để kiểm tra mức độ sai khác thống kê. Tải bản FULL (62 trang): https://bit.ly/34MQEzF Dự phòng: fb.com/TaiHo123doc.net
  • 33. 27 PHẦN 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 3.1. Kết quả thực hiện nội dung 1: Nghiên cứu đánh giá giá trị dinh dưỡng của các công thức phối hợp củ sắn, lá sắn và cỏ stylo khác nhau ủ chua trong phòng thí nghiệm 3.1.1. Thành phần hoá học của các loại nguyên liệu Để có cơ sở tiến hành các công thức ủ chua và đánh giá chất lượng dinh dưỡng trước và sau ủ chua, chúng tôi đã tiến hành lấy mẫu và phân tích thành phần hóa học và chỉ số HCN trong các nguyên liệu sử dụng trước khi tiến hành ủ theo các công thức trong phòng thí nghiệm. Kết quả phân tích thành phần hóa học của các nguyên liệu được trình bày qua bảng 3.1 Bảng 3.1: Thành phần hoá học của các loại nguyên liệu TT Thành phần Nguyên liệu Lá sắn tươi Củ sắn băm nhỏ Ngọn lá sắn Cỏ stylo tươi Cám gạo loại 1 1 VCK (%) 24,30 30,66 27,63 16,62 91,35 2 CP (% dạng sử dụng) 6,44 0,90 5,79 4,06 10,39 3 CP (% VCK) 26,50 2,96 20,97 24,43 11,37 4 CF (% dạng sử dụng) 3,17 0,95 4,73 4,13 19,29 5 CF (% VCK) 13,05 3,11 17,12 24,85 21,12 6 HCN (mg/Kg sử dụng) 334 98 - - - 7 HCN (mg/Kg VCK) 1.374 313 - - - Từ bảng 3.1 ta thấy các nguyên liệu tươi (củ sắn, lá sắn, cỏ stylo tươi) có tỷ lệ vật chất khô dao động từ 16,62 - 30,66%. Củ sắn có hàm lượng protein thô thấp (2,05 - 2,96 %VCK). Trái lại, lá sắn tươi và cỏ stylo tươi lại có hàm lượng protein thô cao (tương ứng: 26,50 và 24,43 %VCK), đây là đặc điểm rất quan trọng, protein của lá sắn và cỏ stylo sẽ bù lại tỷ lệ prtein thấp của củ sắn và là cơ chất cho vi sinh vật lên men ủ chua. Tỷ lệ xơ thô trong cỏ stylo tươi cao nhất là 24,85% vì cỏ phải thu hoạch theo lứa nên có một phần thân đã bị xơ hoá, mặt khác để đảm bảo khả năng sinh trưởng các lứa Tải bản FULL (62 trang): https://bit.ly/34MQEzF Dự phòng: fb.com/TaiHo123doc.net
  • 34. 28 tiếp theo. Hàm lượng HCN trong lá sắn (1374 mg/Kg) cao gấp 3 lần trong củ sắn (313 mg/KgVCK). Theo Nguyễn Thị Lộc và Lê Văn An (2008) [10] hàm lượng độc tố HCN trong sắn tươi < 50 mg/Kg không gây độc cho gia súc, nhưng HCN 50 - 100mg/Kg gây độc nhẹ và HCN > 100mg/Kg gây độc mạnh, như vậy tỷ lệ lá sắn trong công thức ủ chua không nên cao hơn củ sắn trong khẩu phần. 3.1.2. Giá trị dinh dưỡng và chỉ số pH và HCN của thức ăn ủ chua các công thức Từ kết quả bước đầu đánh giá thành phần hóa học và chỉ số HCN các nguyên liệu thức ăn trước khi ủ chua, chúng tôi đã tiến hành thí nghiệm 10 công thức ủ chua khác nhau trong phòng thí nghiệm để làm cơ sở cho cho việc xác định công thức ủ chua tối ưu và hiệu quả để phục vụ ủ chua đại trà sử dụng trong chăn nuôi. Kết quả ủ chua và phân tích các thành phần dinh dưỡng của 10 công thức ủ tại các thời điểm 15, 30, 60 và 90 ngày sau khi ủ chua được trình bày trong các bảng 3.2, 3.3, 3.4, 3.5, 3.6 Bảng 3.2: Tỷ lệ vật chất khô trung bình của các loại thức ăn ủ chua (%) Công thức T 15 (n=3) T 30 (n=3) T 60 (n=3) T 90 (n=3) P(Sig.) TB Sd TB Sd TB Sd TB Sd S1 c 31,79a 0,19 c 30,82b 0,50 c 29,25c 0,20 c 30,49b 0,26 0,000 S2 dc 30,92a 0,34 d 29,05b 0,45 d 27,95c 0,29 de 28,70bc 0,34 0,000 S3 f 28,48a 0,26 e 27,43b 0,16 e 26,29c 0,55 e 27,56ab 0,43 0,001 S4 de 30,26 0,03 cd 29,99 0,19 c 30,25 0,46 c 30,39 0,24 0,398 S5 ef 29,41b 0,48 d 29,18b 0,35 c 29,37b 0,06 c 30,37a 0,27 0,009 S6 f 29,10 0,54 d 28,90 0,37 d 28,97 0,39 cd 29,22 0,88 0,906 S7 a 37,18a 0,13 a 36,01ab 0,78 a 35,03b 0,56 a 35,71b 0,41 0,006 S8 b 34,00a 0,15 b 33,22ab 0,28 b 32,11c 0,18 b 32,36bc 0,75 0,002 S9 f 29,05 0,51 - - - - de 28,26 0,36 0,092 S10 - - - - - - - - - P(Sig.) 0,000 0,000 0,000 0,000 Ghi chú: a,b Những số trung bình cùng cột mang chữ số mũ bên trái khác nhau sai khác có ý nghĩa (P<0,05) Những số trung bình cùng hàng mang chữ số mũ bên phải khác nhau sai khác có ý nghĩa (P<0,05) Tỷ lệ VCK trung bình của các loại TA ủ dao động trong khoảng 26,29 - 37,18%. Tỷ lệ VCK của các công thức ủ chua bổ sung cỏ stylo và ngọn lá sắn tương đương nhau, tương ứng trong khoảng (27,56 - 30,49% và 29,22 - 30,39%), tỷ lệ sẽ giảm dần khi ta bổ sung tăng tỷ lệ cỏ stylo và ngọn lá sắn trong nguyên liệu. Tỷ lệ 3600798