SlideShare a Scribd company logo
1 of 70
Download to read offline
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
KHOA KINH TẾ
Nguyễn Anh Tuấn
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam
trong điều kiện hội nhập quốc tế
LUẬN VĂN THẠC SỸ
Hà nội - 2006
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
KHOA KINH TẾ
Nguyễn Anh Tuấn
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam
trong điều kiện hội nhập quốc tế
Luận văn Thạc sĩ
Mã Số: 60 31 01
Người hướng dẫn khoa học: GS. TS. Nguyễn Văn Đính
Hà nội - 2006
7
PHẦN MỞ ĐẦU
I. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI
Du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội
của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều nước đang phát triển coi Du lịch là
ngành kinh tế trọng yếu, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển,
tăng thu ngoại tệ, cân bằng cán cân thanh toán, tạo nhiều việc làm và nâng cao
mức sống của người dân.
Trong những năm gần đây, du lịch trở thành thị trường cạnh tranh cao. Du
lịch toàn cầu có nhiều biến chuyển nhanh chóng do tác động của cuộc cách mạng
khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin-viễn thông, khách du lịch có
nhiều kinh nghiệm và nhu cầu đa dạng hơn, toàn cầu hoá kinh tế và giới hạn môi
trường đối với tăng trưởng. Nhiều điểm đến du lịch mới nổi lên. Các hãng lữ hành
và truyền thông ngày càng tăng ảnh hưởng trên thị trường. Khách du lịch quan tâm
nhiều hơn tới chất lượng môi trường của các cơ sở dịch vụ và điểm đến du lịch.
Điều đó làm tăng áp lực lên các nước quan tâm phát triển du lịch phải nâng cao
năng lực cạnh tranh.
Nâng cao năng lực cạnh tranh ngày càng trở nên quan trọng đối với các nước
thu hút khách du lịch nhằm giành thị phần lớn hơn trên thị trường du lịch toàn cầu.
Điều này càng đặc biệt quan trọng đối với những nước phát triển kinh tế chủ yếu
dựa vào ngành Du lịch. Hơn nữa, vai trò của ngành Du lịch ở nhiều nước cũng có
xu hướng tăng, làm nổi bật hơn tầm quan trọng của ngành Du lịch trong nền kinh tế.
Qua 46 năm hình thành và phát triển, đặc biệt từ năm 1990 đến nay, Du lịch
Việt Nam đã phát triển khá nhanh, trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến
lược phát triển kinh tế-xã hội, góp phần tích cực vào quá trình đổi mới và hội nhập
quốc tế của đất nước. Du lịch phát triển đã làm tăng vẻ đẹp đô thị, tạo nhiều việc
làm, tăng thu ngoại tệ, cải thiện kết cấu hạ tầng và các lĩnh vực căn bản khác của
nền kinh tế nước ta. Tài nguyên thiên nhiên, nhân văn phong phú và vị trí địa lý
thuận lợi là những nhân tố quan trọng, góp phần vào sự phát triển du lịch của đất
nước thời gian qua. Tuy nhiên, là ngành mới phát triển, Du lịch Việt Nam không
tránh khỏi những hạn chế. Chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh trên thị
trường du lịch thế giới còn thấp. Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
8
chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Công tác thị trường, xúc tiến du lịch chưa được
đẩy mạnh. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng và chất lượng còn thấp. Ứng dụng khoa
học công nghệ trong quản lý và kinh doanh du lịch còn yếu. Nguồn nhân lực du lịch
còn hạn chế về trình độ chuyên môn và kỹ năng đón tiếp khách du lịch. Do đó,
lượng khách quốc tế vào Việt Nam thời gian qua chưa nhiều, chưa tương xứng với
tiềm năng to lớn của đất nước.
Xu thế toàn cầu hoá và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang gia tăng
áp lực cạnh tranh đối với ngành Du lịch Việt Nam. Bên cạnh thuận lợi và cơ hội
phát triển, Du lịch Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt với những thách thức to
lớn, đó là tình trạng cạnh tranh quyết liệt trên thị trường du lịch thế giới để thu
hút khách quốc tế. Để đứng vững trong cạnh tranh, Du lịch Việt Nam phải tăng
cường vị thế và năng lực cạnh tranh, đặc biệt là với các nước trong khu vực để
thu hút khách quốc tế. Do đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành Du lịch
trở thành yêu cầu cấp thiết, quyết định sự phát triển của Du lịch Việt Nam trong tiến
trình hội nhập quốc tế.
II. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
Cho đến nay, ở Việt Nam, có rất ít công trình khoa học nghiên cứu, phân tích
và đánh giá về năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam. Trong dự án
VIE/89-003 về Kế hoạch chỉ đạo phát triển du lịch Việt Nam do Tổ chức Du lịch
thế giới, UNDP và Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch phối hợp xây dựng (năm
1991) có một phần nhỏ phân tích về khả năng cạnh tranh của Du lịch Việt Nam
nhưng đã lạc hậu so với sự phát triển du lịch hiện nay. Năm 2003, Luận án tiến sĩ
kinh tế của tác giả Phạm Hồng Chương có đề cập vài nét tới khả năng cạnh tranh
của các doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội. Trên Tạp chí Du lịch năm 2005 cũng chỉ
có một số bài viết về sức cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch Hà Nội. Năm 2005,
Vụ Thương mại và Dịch vụ, Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì đề tài“Khả năng cạnh
tranh và tác động của tự do hoá ngành Du lịch” do UNDP tài trợ và nhóm tác giả
của Khoa Du lịch và Khách sạn, Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện và dự kiến
nghiệm thu trong năm 2006. Tuy nhiên, qua báo cáo tại hội thảo về đề tài này tháng
6/2006 vừa qua tại Hà Nội cho thấy, đề tài này chủ yếu đề cập tới tác động của tự
do hoá ngành Du lịch.
9
Trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2001-2010 chưa có
phần nào đề cập tới nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch. Hơn nữa,
Tổng cục Du lịch cũng chưa xây dựng Chiến lược cạnh tranh cho Du lịch Việt Nam.
III. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
1. Mục đích nghiên cứu:
Đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch để thu hút
khách quốc tế vào Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế.
2. Nhiệm vụ nghiên cứu:
Để thực hiện mục đích trên, nhiệm vụ của luận văn là khái quát hoá những vấn
đề lý luận về cạnh tranh và năng lực cạnh tranh, năng lực cạnh tranh trong ngành Du
lịch; Nghiên cứu kinh nghiệm một số nước để rút ra bài học cho Việt Nam trong việc
nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành Du lịch. Trên nền tảng lý luận và thực tiễn đó,
luận văn phân tích, đánh giá tổng thể thực trạng năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch
Việt Nam, rút ra mặt mạnh, mặt yếu, cơ hội và thách thức của ngành Du lịch hiện nay,
đồng thời phân tích xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển du lịch quốc tế, làm
cơ sở đề xuất các giải pháp cơ bản và đồng bộ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của
Du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế.
IV. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
1. Đối tượng nghiên cứu:
Như đã xác định trong tên đề tài, đối tượng nghiên cứu của luận văn là năng
lực cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế.
2. Phạm vi nghiên cứu:
2.1. Phạm vi không gian:
- Luận văn giới hạn nghiên cứu thực trạng năng lực cạnh tranh của ngành Du
lịch Việt Nam trong việc thu hút khách du lịch quốc tế so với một số đối thủ cạnh
tranh trong khu vực, chủ yếu là với Thái Lan, Malaysia và Singapore;
- Luận văn sử dụng kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh ngành Du lịch toàn
cầu của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới để đánh giá năng lực cạnh tranh của
ngành Du lịch Việt Nam, không đi sâu phân tích yếu tố cấu thành và cách tính ra
các chỉ số năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch; Chỉ tập trung nghiên cứu kinh
10
nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch của 3 nước là Thái Lan, Malaysia và
Tây Ban Nha;
2.2. Phạm vi thời gian: Khoảng thời gian được nghiên cứu để phân tích, đánh giá
thực trạng năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam là từ 1993 đến nay, chủ yếu từ
năm 2000 đến nay. Thời gian để thực hiện các giải pháp là giai đoạn 2006-2010 và
một số giải pháp có thể kéo dài thêm sang một vài năm tiếp theo, phù hợp với Chiến
lược phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2001-2010 và định hướng tới năm 2020.
V. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Dựa trên phương pháp luận cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ
nghĩa duy vật lịch sử, luận văn vận dụng phương pháp nghiên cứu cụ thể sau đây:
1. Phương pháp lịch sử và lô gic;
2. Phương pháp phân tích và tổng hợp;
3. Phương pháp thống kê;
4. Phương pháp so sánh.
VI. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN VĂN
- Khái quát, hệ thống hoá một số cơ sở lý luận về cạnh tranh và năng lực
cạnh tranh, năng lực cạnh tranh trong ngành Du lịch. Từ nghiên cứu kinh nghiệm nâng
cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch của một số nước, rút ra một số bài học quan
trọng, có thể vận dụng để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam;
- Đánh giá một cách toàn diện về thực trạng năng lực cạnh tranh của Du lịch
Việt Nam, nêu bật mặt mạnh, mặt yếu, cơ hội và thách thức của Du lịch Việt Nam
hiện nay, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp đồng bộ, có cơ sở khoa học và thực
tiễn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút khách du lịch quốc tế của ngành Du
lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế. Người viết hy vọng sẽ giúp các nhà
hoạch định chính sách về du lịch có được tài liệu tham khảo tin cậy để xây dựng
chiến lược cạnh tranh và đưa ra các biện pháp hiệu quả nâng cao năng lực cạnh
tranh của ngành Du lịch Việt Nam, góp phần thúc đẩy ngành Du lịch Việt Nam phát
triển và hội nhập nhanh vào ngành Du lịch toàn cầu.
VII. BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN
Ngoài phần mở đầu, khuyến nghị và kết luận, Luận văn gồm 3 chương:
11
Chương 1: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về năng lực cạnh tranh trong
ngành Du lịch;
Chương 2: Thực trạng năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam;
Chương 3: Một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch
Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế.
CHƯƠNG I:
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
VỀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH TRONG NGÀNH DU LỊCH
1.1. CẠNH TRANH VÀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH
1.1.1. Một số quan niệm và quan điểm cơ bản về cạnh tranh:
Trong quá trình hình thành và phát triển của sản xuất, trao đổi hàng hoá và
sự phát triển của kinh tế thị trường, cạnh tranh xuất hiện. Hoạt động cạnh tranh gắn
liền với tác động của các quy luật thị trường như quy luật giá trị, quy luật cung
cầu,… Cùng với quá trình hình thành và biến động của kinh tế thị trường, cạnh
tranh trở thành chủ đề lý luận lớn được nhiều học giả kinh tế quan tâm đến. Tuy
nhiên, do cách tiếp cận và mục đích nghiên cứu khác nhau của mỗi trường phái kinh
tế nên trong thực tế có nhiều quan niệm khác nhau về cạnh tranh.
Các học giả thuộc trường phái Tư sản cổ điển cho rằng: “Cạnh tranh là một
quá trình bao gồm các hành vi phản ứng. Quá trình này tạo ra cho mỗi thành viên
trong thị trường một dư địa hoạt động nhất định và mang lại cho mỗi thành viên
một phần xứng đáng so với khả năng của mình”{19, tr3}. Theo Adam Smith, cạnh
tranh có thể phối hợp các hoạt động kinh tế một cách nhịp nhàng và có lợi cho xã
hội. Vì cạnh tranh, trong quá trình của cải của quốc gia tăng lên, chủ yếu diễn ra
thông qua thị trường và giá cả, do đó cạnh tranh có quan hệ chặt chẽ với thị trường.
Theo A.Smith, tự do thôi thúc cá nhân thực hiện các công việc một cách tốt nhất và
năng suất hơn. Từ đó, cạnh tranh có thể khơi dậy nỗ lực của con người và làm cho
của cải của quốc gia tăng lên. Ông chỉ ra rằng, trong điều kiện cạnh tranh, do có
nhiều người tham gia nên chẳng những họ phải thường xuyên theo dõi, chú ý tới sự
biến động của thị trường mà còn phải chú ý tới biến động cung cầu và áp lực cạnh
12
tranh. Bằng tài phán đoán, họ khôn khéo điều chỉnh sản lượng cho thích ứng với
tình hình thay đổi cung cầu và áp lực cạnh tranh. Như vậy, cạnh tranh có thể cân
bằng cung cầu xã hội. Cạnh tranh còn có tác dụng nâng cao năng lực lao động, điều
tiết, phân phối các yếu tố tư bản một cách hợp lý. Mục tiêu của nhà tư bản là theo
đuổi lợi nhuận, cạnh tranh đã làm cho tư bản chảy vào ngành có lợi nhuận cao nhất.
Theo Mác, sự ra đời và tồn tại của cạnh tranh trước hết dựa vào hai điều kiện
cơ bản: phân công xã hội và chủ thể lợi ích đa nguyên. Mác cho rằng “Sự phân
công lao động trong xã hội đặt những người sản xuất hàng hoá độc lập đối diện với
nhau, những người này không thừa nhận một uy lực nào khác ngoài uy lực cạnh
tranh” {7, tr.517}. Trong lý luận cạnh tranh của Mác, có thể thấy nổi bật quan điểm
về cạnh tranh giữa những người sản xuất và cạnh tranh đó đã ảnh hưởng tới người
tiêu dùng. Cạnh tranh diễn ra ở ba bình diện: cạnh tranh giá thành thông qua
nâng cao năng suất lao động giữa các nhà tư bản nhằm thu lợi nhuận siêu ngạch;
cạnh tranh chất lượng thông qua nâng cao giá trị sử dụng hàng hoá; cạnh tranh
giữa các ngành thông qua khả năng luân chuyển tư bản để từ đó các nhà tư bản chia
nhau giá trị thặng dư {8, 9}.
Các nhà kinh tế thuộc trường phái Tân cổ điển đưa ra lý luận cạnh tranh hoàn
hảo, cho rằng trong mô hình cạnh tranh hoàn hảo, sản xuất được điều khiển bởi thị
hiếu của người tiêu dùng thông qua cơ chế thị trường. Muốn có lợi ích tối đa, doanh
nghiệp phải bố trí sản xuất theo nguyên tắc giá thành cận biên ngang bằng với lợi
ích cận biên. Cạnh tranh hoàn hảo là mô hình hướng về người tiêu dùng vì nó thúc
đẩy các công ty điều chỉnh quy mô sản xuất tới điểm chi phí bình quân thấp nhất,
tới giới hạn sản xuất tối ưu. Điều đó làm cho giá cả giảm và sử dụng tài nguyên hiệu
quả nhất.
Trong lý luận về tổ chức ngành, trường phái Harvard cho rằng, phán đoán
tính chất cạnh tranh của một ngành nào đó không thể chỉ căn cứ vào hành vi thị
trường (hành vi định giá) hoặc hiệu quả thị trường (có lợi nhuận siêu ngạch), mà
phải căn cứ vào cơ cấu thị trường, xem ngành đó do một công ty độc quyền chi phối
hay nằm phân tán trong các công ty khác, phải xem có nhiều rào cản ngăn chặn các
công ty mới tham gia vào thị trường hay không.
13
Schumpeter, học giả thuộc trường phái Áo theo quan điểm sáng tạo và cạnh
tranh trong trạng thái động, cho rằng, độc quyền không xoá bỏ cạnh tranh mà chỉ
làm thay đổi phương thức cạnh tranh. Có nhiều phương thức cạnh tranh cùng tồn
tại như cạnh tranh giá cả, chất lượng, công nghệ mới, nguồn cung ứng mới,
phương thức tổ chức và quản lý mới. Sự ra đời của tổ chức độc quyền không có
nghĩa là cạnh tranh suy yếu mà làm cho cạnh tranh chuyển sang trạng thái động, đi
vào chiều sâu.
Trong điều kiện toàn cầu hoá kinh tế hiện nay, quan điểm cạnh tranh đã thay
đổi. Sự thay đổi đó dựa trên ba tiền đề cơ bản là : Thứ nhất, thế giới đã chuyển từ
nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức, và toàn cầu hoá kinh tế thì cần
phải tìm hiểu các quy định và luật chơi về cạnh tranh trong nền kinh tế tri thức;
Thứ hai, xét từ góc nhìn thương mại quốc tế, cạnh tranh dựa vào lợi thế so sánh
trước đây đã chuyển sang cạnh tranh dựa vào quy chế; Thứ ba, Tính tất yếu của
hợp tác kinh tế để đổi mới quan điểm từ cạnh tranh đối kháng chuyển sang cạnh
tranh có tính hợp tác.
Quan điểm cạnh tranh có thể nâng cao năng suất và làm cho xã hội được lợi
ăn sâu vào toàn bộ lý luận phương Tây. Cạnh tranh được coi là động lực làm giảm
giá thành, cải tiến chất lượng và tạo sản phẩm mới. Trong nền kinh tế tri thức, tầm
quan trọng của cạnh tranh không thay đổi nhưng so với nền kinh tế công nghiệp,
quan niệm về cạnh tranh đã thay đổi. Trong nền kinh tế tri thức, cạnh tranh không
đơn giản là thay đổi hàm số sản xuất và mở rộng thị phần mà là mở rộng không gian
sinh tồn, tư bản hoá giá trị thời gian của cá nhân người tiêu dùng trong không gian
thị trường mới. Không gian này lấy tăng trưởng bền vững, chuyên môn hoá ở trình
độ cao và sáng tạo ra hệ thống sinh thái làm mục tiêu phát triển.
Như chúng ta biết, lý luận thương mại truyền thống chủ yếu sử dụng lợi thế
so sánh để giải thích sự hình thành và phát triển thương mại quốc tế. Điều đó là phù
hợp, bởi vì gia nhập thị trường thuận lợi, Chính phủ can thiệp tương đối mềm mỏng.
Nhưng trong nền kinh tế toàn cầu hoá, gia nhập thị trường khó khăn, đối thủ cạnh
tranh tăng lên và mức độ cạnh tranh gay gắt, không chỉ dựa vào lợi thế lao động
rẻ, tài nguyên nhiều để cạnh tranh mà còn dựa vào mức độ can thiệp của Chính
phủ mỗi nước và cạnh tranh quốc tế. Cạnh tranh quốc tế chuyển từ lợi thế so sánh
14
sang cạnh tranh về các quy chế giữa các quốc gia với nhau, giữa các quốc gia với
các khối mậu dịch thông qua hiệp định song phương và đa phương, giữa doanh
nghiệp với Chính phủ.
Ngày nay, trong thời đại kinh tế tri thức, để kích thích nền kinh tế phát triển,
ngoài cơ chế thị trường tự điều tiết, nhà nước can thiệp còn có biện pháp thứ ba là
hợp tác, đó là biện pháp tốt nhất hiện nay. Một trong những đặc điểm cơ bản của
nền kinh tế thị trường là thực hiện quyết sách phân tán. Phân tán để thích nghi với
trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, tiết kiệm tài nguyên kinh tế, nhưng trong
cùng mạng lưới thì có sự hợp tác chặt chẽ. Khi lực lượng sản xuất xã hội phát triển
tới trình độ nhất định thì cần có sự hợp tác rộng rãi hơn. Cạnh tranh có tính hợp tác
là đặc trưng chủ yếu của tính chất nương tựa lẫn nhau trong trạng thái động. Còn
toàn cầu hoá thì đảo lộn đặc trưng đó, kêu gọi sự hợp tác có tính chất cạnh tranh.
Nói chung, thời đại ngày nay là thời đại cạnh tranh và hợp tác để cùng tồn
tại, có sự phân hoá lớn và sự cộng sinh giữa độc quyền và chống độc quyền.
Theo Từ điển kinh doanh của Anh, cạnh tranh được xem là “sự ganh đua, sự
kình địch giữa các nhà kinh doanh trên thị trường nhằm tranh giành cùng một loại
tài nguyên sản xuất hoặc cùng một loại khách hàng về phía mình” {39, tr.3}.
Kế thừa các quan điểm của các nhà nghiên cứu, ta có thể hiểu: cạnh tranh là
quan hệ kinh tế phản ánh mối quan hệ giữa các chủ thể trong nền kinh tế thị trường
cùng theo đuổi mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận. Đó là sự ganh đua giữa các chủ thể
nhằm giành được những điều kiện thuận lợi nhất để thu lợi nhuận siêu ngạch. Cạnh
tranh còn là phương thức giải quyết mâu thuẫn lợi ích kinh tế giữa các chủ thể của
nền kinh tế thị trường. Tính chất cạnh tranh bị chi phối bởi bản chất kinh tế-xã hội
của những chế độ xã hội đó. Với những quan niệm trên, phạm trù cạnh tranh được
hiểu là quan hệ kinh tế mà ở đó các chủ thể kinh tế ganh đua nhau tìm mọi biện
pháp, cả nghệ thuật lẫn thủ đoạn để đạt mục tiêu kinh tế của mình, thông thường là
chiếm lĩnh thị trường, giành lấy khách hàng cũng như các điều kiện sản xuất, thị
trường có lợi nhất. Mục đích cuối cùng của các chủ thể kinh tế trong quá trình cạnh
tranh là tối đa hoá lợi ích. Đối với người sản xuất kinh doanh là lợi nhuận, đối với
người tiêu dùng là lợi ích tiêu dùng và sự tiện lợi {10, tr.9}.
15
Trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau để giành
giật người tiêu dùng. Cạnh tranh kích thích các doanh nghiệp thực hiện tốt nhất
việc sản xuất hàng hoá và dịch vụ chất lượng cao với giá cả rẻ nhất. Cạnh tranh
khuyến khích hoạt động doanh nhân và gia nhập thị trường của các doanh nghiệp
mới qua thoả mãn doanh nghiệp làm ăn hiệu quả và trừng phạt doanh nghiệp làm ăn
kém hiệu quả. Trong điều kiện thị trường lý tưởng, các doanh nghiệp phản ứng linh
hoạt và nhanh nhạy đối với thay đổi nhu cầu thị trường và sự gia nhập thường xuyên
của các doanh nghiệp mới. Sự gia nhập của doanh nghiệp mới cung cấp tác nhân kích
thích cần thiết cho việc điều chỉnh và tốc độ họ thực hiện là thước đo hiệu quả năng
lực cạnh tranh của họ. Vì vậy, cạnh tranh là một nhân tố chính của năng lực cạnh
tranh.
Tuy nhiên, trên hầu hết các thị trường, các điều kiện thị trường hiếm khi đạt
tới điều kiện lý tưởng như trong lý thuyết kinh tế. Trên thực tế, nhiều rào cản tồn tại
ngăn cản các thị trường cạnh tranh thực sự, vì thế cản trở các doanh nghiệp điều
chỉnh đối với sự thay đổi của điều kiện thị trường và ngăn ngừa việc thành lập các
doanh nghiệp mới. Những rào cản như vậy có thể bắt nguồn từ tính không đối xứng
của thông tin giữa các doanh nghiệp cạnh tranh liên quan tới thị trường và công
nghệ, quy định, quy mô kinh tế và sử dụng thủ đoạn chống cạnh tranh của các
doanh nghiệp đã gia nhập thị trường rồi nhằm mở rộng kiểm soát của họ đối với các
doanh nghiệp khác hoặc chấm dứt gia nhập thị trường của các doanh nghiệp khác.
Theo nghĩa rộng nhất, cạnh tranh có nghĩa là “tồn tại vì thích ứng nhất” và
vì thế, có thể hiểu rằng cạnh tranh thủ tiêu cạnh tranh. Trong điều kiện cạnh tranh
gia tăng và theo đuổi lợi nhuận lớn hơn, những doanh nghiệp tham gia thị trường
hiện tại có thể bị lôi cuốn để bóp méo hoặc loại trừ cạnh tranh nhằm giành được
hoặc lạm dụng sức mạnh thị trường. Vì vậy, cần thiết phải có sự can thiệp bằng
chính sách của Chính phủ nhằm duy trì và khuyến khích cạnh tranh lành mạnh.
1.1.2. Phân loại cạnh tranh:
Cạnh tranh được phân thành nhiều loại dựa trên các tiêu thức khác nhau:
Thứ nhất, xét theo chủ thể kinh tế tham gia thị trường có cạnh tranh giữa
những người sản xuất hay người bán với nhau, cạnh tranh giữa những người mua,
16
cạnh tranh giữa người bán và người mua (trong tác phẩm: “Lao động làm thuê và tư
bản” của Mác).
Thứ hai, xét theo mục tiêu kinh tế của các chủ thể tham gia thị trường: có
cạnh tranh nội bộ ngành và cạnh tranh giữa các ngành. C.Mác dùng cách phân loại
này nghiên cứu cơ sở khoa học của các phạm trù giá trị thị trường, giá cả sản xuất
và lợi nhuận bình quân. Ở đó, Mác chỉ rõ, trước hết để đạt mục tiêu bán cùng một
loại hàng hoá đã xuất hiện cạnh tranh trong nội bộ ngành, kết quả là hình thành giá
trị thị trường. Sau nữa, để giành nơi đầu tư có lợi giữa các chủ thể kinh tế đã xuất
hiện cạnh tranh giữa các ngành, kết quả là hình thành lợi nhuận bình quân và giá cả
sản xuất.
Ngày nay, các nhà kinh tế học đã phát triển cách phân loại trên của Mác phân
loại cạnh tranh thành hai hình thức là: “cạnh tranh dọc” và “cạnh tranh ngang”.
Cạnh tranh dọc là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp có mức chi phí bình quân thấp
nhất khác nhau. Cạnh tranh ngang là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp có mức chi
phí bình quân thấp nhất như nhau.
Thứ ba, xét theo hình thái cạnh tranh có hai loại cạnh tranh: Cạnh tranh
hoàn hảo: là tình trạng cạnh tranh trong đó giá cả của một loại hàng hoá không thay
đổi trong toàn bộ địa danh của thị trường, bởi vì người mua, người bán đều biết
tường tận về các điều kiện của thị trường. Trong điều kiện đó không có doanh
nghiệp nào có đủ sức mạnh có thể ảnh hưởng đến giá cả sản phẩm của mình trên thị
trường; Cạnh tranh không hoàn hảo: là hình thức cạnh tranh chiếm ưu thế trong các
ngành sản xuất có đủ sức mạnh và thế lực có thể chi phối được giá cả sản phẩm của
mình trên thị trường. Cạnh tranh không hoàn hảo có hai loại: độc quyền nhóm và
cạnh tranh độc quyền.
Thứ tư, xét theo công đoạn của sản xuất - kinh doanh, cạnh tranh có ba loại:
cạnh tranh trước bán hàng, cạnh tranh trong quá trình bán hàng và cạnh tranh sau
bán hàng. Cuộc cạnh tranh này được thực hiện bằng phương thức thanh toán và
dịch vụ.
Thứ năm, xét theo tính chất của phương thức cạnh tranh: Trong cạnh tranh,
các chủ thể kinh tế sẽ dùng tất cả các biện pháp, cả nghệ thuật lẫn thủ đoạn, để đạt
được mục tiêu kinh tế của mình. Có những biện pháp cạnh tranh hợp pháp hay cạnh
17
tranh lành mạnh. Ngược lại, có những thủ đoạn phi pháp, nhằm tiêu diệt đối phương
chứ không phải bằng nỗ lực vươn lên của mình, gọi là cạnh tranh không lành mạnh.
Thứ sáu, xét theo phạm vi lãnh thổ: cạnh tranh gồm cạnh tranh trong nước và
cạnh tranh quốc tế. Cạnh tranh quốc tế có thể diễn ra ở ngay thị trường nội địa, đó là
cạnh tranh giữa hàng hoá sản xuất trong nước với hàng ngoại nhập.
Ngoài ra, cạnh tranh còn được phân loại dựa trên tiêu chí khác như điều
kiện không gian, lợi thế tài nguyên, nhân lực, đặc điểm tập quán sản xuất, tiêu dùng,
văn hoá,... ở từng dân tộc, khu vực, quốc gia khác nhau.
1.1.3. Năng lực cạnh tranh:
Thuật ngữ năng lực cạnh tranh được sử dụng rộng rãi nhưng vẫn chưa có một
khái niệm rõ ràng cũng như cách thức đo lường năng lực cạnh tranh.
Theo Từ điển thuật ngữ kinh tế học, năng lực cạnh tranh là khả năng giành
được thị phần lớn trước các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, kể cả khả năng
giành lại một phần hay toàn bộ thị phần của đồng nghiệp {39, tr.349}.
Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD định nghĩa năng lực cạnh tranh
là “khả năng của các công ty, các ngành, các vùng, các quốc gia hoặc khu vực siêu
quốc gia trong việc tạo ra việc làm và thu nhập cao hơn trong điều kiện cạnh tranh
quốc tế trên cơ sở bền vững”{60, tr.3}. Tương tự, Scott và Lodge (1985) đã định
nghĩa “năng lực cạnh tranh quốc gia là khả năng của nhà nước quốc gia để sản
xuất, phân phối và phục vụ hàng hoá trong nền kinh tế quốc tế cạnh tranh với hàng
hoá và dịch vụ đã sản xuất ở các nước khác, và làm như vậy theo một cách thức
nhằm nâng cao mức sống” {60, tr.3}. Tuy nhiên, Krugman (1994) đã bác bỏ khái
niệm năng lực cạnh tranh quốc gia vì thể hiện vô nghĩa khi áp dụng đối với nền kinh
tế quốc gia và M. Porter (1990) có quan điểm cho rằng chỉ có khái niệm năng lực
cạnh tranh duy nhất có ý nghĩa ở cấp quốc gia là năng suất quốc gia {60, tr.3}.
Năng lực cạnh tranh có ý nghĩa nhất và không gây tranh cãi khi được áp
dụng đối với doanh nghiệp. Một doanh nghiệp được coi là có năng lực cạnh tranh
và được đánh giá là có thể đứng vững cùng các doanh nghiệp khác, khi sản phẩm
thay thế hoặc sản phẩm tương tự được đưa ra với mức giá thấp hơn sản phẩm cùng
loại; hoặc cung cấp sản phẩm tương tự với đặc tính về chất lượng và dịch vụ ngang
bằng hay cao hơn. Nhìn chung, khi xác định năng lực cạnh tranh của một doanh
18
nghiệp hay một ngành cần xem xét đến tiềm năng sản xuất kinh doanh hàng hoá hay
dịch vụ ở mức giá ngang bằng hay thấp hơn mức giá phổ biến mà không phải trợ
cấp.
Theo quan điểm vĩ mô, năng lực cạnh tranh là vấn đề quốc gia và mục
tiêu cơ bản là nâng cao thu nhập thực tế cho cộng đồng. Theo quan điểm này,
năng lực cạnh tranh là khái niệm rất rộng bao quát tất cả các khía cạnh kinh tế,
văn hoá và xã hội, ảnh hưởng đến thành quả của một quốc gia trên thị trường
quốc tế. Phản ánh quan điểm vĩ mô này, năng lực cạnh tranh được định nghĩa là
mức độ theo đó một quốc gia có thể, trong điều kiện thị trường tự do và bình đẳng,
sản xuất hàng hoá và dịch vụ đáp ứng những thử nghiệm của thị trường quốc tế
trong khi duy trì và mở rộng một cách tương ứng thu nhập thực tế của người dân
nước đó trong dài hạn {52, tr. 371}.
Mặt khác, theo quan điểm vi mô, hành vi cụ thể của doanh nghiệp quyết định
năng lực cạnh tranh. Hệ thống phân tích cạnh tranh của M.Porter (Porter, 1980)
nhấn mạnh sự hấp dẫn ngành và tính chất của nó, như khả năng nâng cao sức mạnh
của hãng đối với người mua và người cung cấp, ngăn cản hãng mới gia nhập ngành
và loại bỏ đối thủ cạnh tranh, như là những yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh và
khả năng lợi nhuận trong dài hạn{52, tr372}.
Dựa trên cả quan điểm vi mô và vĩ mô cho thấy, các doanh nghiệp và các
quốc gia đối mặt với những thách thức và ưu tiên rất khác nhau vì họ chuyển từ nền
kinh tế dựa trên tài nguyên sang nền kinh tế tri thức. Vì vậy, nhân tố chính đóng góp
đối với năng lực cạnh tranh toàn cầu, và nhờ đó nâng cao mức sống, sẽ khác với các
nền kinh tế ở mức độ phát triển khác nhau (Porter et al., 2001) {52, tr.372}.
Không xét đến những định nghĩa cụ thể trên, khái niệm năng lực cạnh tranh
xuất hiện là trung tâm đối với phát triển con người, tăng trưởng và nâng cao chất
lượng cuộc sống. Đối với doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh có nghĩa là tạo ra
những lựa chọn tăng trưởng mới, mang lại giá trị cho các cổ đông. Đối với xã hội,
nâng cao năng lực cạnh tranh là tạo ra việc làm mới và điều kiện sống tốt hơn
(Diễn đàn kinh tế thế giới, 2001) {52, tr.372}. Tạo ra sự giàu có là động cơ của
tăng trưởng kinh tế và động lực chính của đổi mới. Mục tiêu căn bản của năng
lực cạnh tranh là duy trì và tăng thu nhập thực tế của công dân, phản ánh mức
sống tăng lên của đất nước.
19
Toàn cầu hoá và tự do hoá, diễn ra nhờ những tiến bộ công nghệ nhanh
chóng, đang tạo ra sự năng động cạnh tranh mới và làm cho những yếu tố quyết
định năng lực cạnh tranh phức tạp hơn nhiều. Như đã đề cập trên, hiệu quả cao hơn
là nguồn gốc của năng lực cạnh tranh. Trong thương mại quốc tế, trước đây, năng
lực cạnh tranh được xác định qua tỷ giá, chi phí và giá cả. Ngày nay, có sự phân biệt
giữa năng lực cạnh tranh tĩnh và năng lực cạnh tranh động. Trước đây, nhấn mạnh
chủ yếu vào cạnh tranh giá, nhờ đó các doanh nghiệp cạnh tranh trên cơ sở nguồn
lực nhận được như chi phí lao động thấp và nguồn tài nguyên thiên nhiên rẻ. Trong
trường hợp này, duy trì năng lực cạnh tranh phụ thuộc vào việc duy trì hoặc hạ thấp
chi phí sản xuất. Đây là cơ sở theo đó nhiều doanh nghiệp của các nước đang phát
triển tiến hành cạnh tranh. Năng lực cạnh tranh động được kết hợp với sự thay đổi
bản chất của cạnh tranh. Cạnh tranh đặt phần thưởng không chỉ lên quan hệ giữa giá
cả và chi phí mà còn lên khả năng cấp độ doanh nghiệp để nghiên cứu, điều chỉnh
nhanh chóng đối với các điều kiện thị trường mới và đổi mới. Thuật ngữ “đổi mới”
ở đây có nghĩa là doanh nghiệp không chỉ đổi mới trong phạm vi công nghệ mà còn
thay đổi nhanh và liên tục trong lĩnh vực tổ chức đầu tư, tạo ra năng lực sản xuất,
xây dựng và nâng cấp khả năng công nghệ hay học cách đối phó với những thay
đổi. Do vậy, ở đây, năng lực cạnh tranh được hiểu là khả năng của các doanh
nghiệp sản xuất hàng hoá và dịch vụ tham gia vào cuộc thử nghiệm của cạnh tranh
quốc tế trong khi nâng cấp khả năng công nghệ.
Xuất phát từ thực tiễn ta thấy, lợi thế cạnh tranh được tạo ra trong các ngành
chứ không phải trong nền kinh tế nói chung. Ngược lại, lợi thế so sánh không dẫn
tới lợi thế cạnh tranh, nó có thể là cơ sở để xây dựng lợi thế cạnh tranh. Như đã đề
cập trên, năng lực cạnh tranh là một quá trình đổi mới, nâng cấp và tăng các hoạt
động tạo ra giá trị liên tục. Trên thị trường quốc tế và nội địa, áp lực cạnh tranh
đóng vai trò căn bản, nhưng những nhân tố trong nước chứ không phải nhân tố toàn
cầu là nhân tố quan trọng, quyết định năng lực cạnh tranh.
Nói chung, thành công của nâng cao năng lực cạnh tranh phụ thuộc vào quan hệ
hợp tác chặt chẽ giữa hai lĩnh vực công-tư trong việc xây dựng tầm nhìn chiến lược và
kế hoạch hành động. Điều cần thiết là tạo ra đầu vào có mục tiêu kinh tế chung và rộng
rãi, khuyến khích tư nhân cung cấp hàng hoá công cộng vì lợi ích chung.
1.1.4. Các cấp độ năng lực cạnh tranh:
20
Năng lực cạnh tranh có thể được phân biệt thành bốn cấp độ: năng lực cạnh
tranh cấp quốc gia, năng lực cạnh tranh cấp ngành, năng lực cạnh tranh doanh
nghiệp và năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hoá.
Năng lực cạnh tranh ở bốn cấp độ phân biệt trên có mối tương quan mật thiết
và phụ thuộc lẫn nhau. Do đó, khi xem xét, đánh giá và đề ra giải pháp nhằm nâng
cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung, của ngành Du lịch nói riêng cần
thiết phải đặt nó trong mối tương quan chung giữa các cấp độ cạnh tranh nêu trên.
Một mặt, toàn bộ năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp của một nước
tạo thành năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia đó. Năng lực cạnh tranh của
doanh nghiệp bị hạn chế khi năng lực cạnh tranh cấp quốc gia và của sản phẩm
doanh nghiệp đó đều thấp. Mặt khác, năng lực cạnh tranh quốc gia thể hiện qua môi
trường kinh doanh, cạnh tranh quốc tế và trong nước. Trong đó, các cam kết về hợp
tác kinh tế quốc tế, các chính sách kinh tế vĩ mô và hệ thống luật pháp có ảnh hưởng
rất lớn đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của ngành và của sản phẩm hàng
hoá trong quốc gia đó. Vì vậy, cần đề cập tới năng lực cạnh tranh cấp độ quốc gia
và của sản phẩm trước khi đề cập đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Còn
năng lực cạnh tranh cấp ngành có mối quan hệ và chịu ảnh hưởng của năng lực cạnh
tranh quốc gia và của sản phẩm tương tự như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
1.1.4.1. Năng lực cạnh tranh cấp quốc gia: Tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF)
năm 1997, trong bản Báo cáo về tính cạnh tranh tổng thể đã định nghĩa: “năng lực
cạnh tranh cấp quốc gia là năng lực của nền kinh tế quốc dân nhằm đạt được và
duy trì mức tăng trưởng cao trên cơ sở các chính sách, thể chế bền vững tương đối
và đặc trưng kinh tế khác” {20, tr.9}.
Như vậy, năng lực cạnh tranh cấp quốc gia có thể được hiểu là việc xây dựng
môi trường cạnh tranh kinh tế chung, đảm bảo phân bố hiệu quả nguồn lực, để đạt
và duy trì mức tăng trưởng cao, bền vững. Môi trường cạnh tranh kinh tế chung có ý
nghĩa lớn đối với việc thúc đẩy quá trình đầu tư, tự điều chỉnh, lựa chọn của các nhà
doanh nghiệp theo tín hiệu thị trường được thông tin đầy đủ. Mặt khác, môi trường
cạnh tranh thuận lợi sẽ tạo cơ sở cho Chính phủ đề ra chủ trương và hoạch định chính
sách phát triển, cải thiện đầu tư, tăng cường hợp tác quốc tế và hội nhập ngày càng có
hiệu quả, sẽ ảnh hưởng quyết định đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
1.1.4.2. Năng lực cạnh tranh cấp ngành: là năng lực duy trì hay gia tăng thị phần
trên thị trường cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ của ngành. Năng lực cạnh
21
tranh của ngành phụ thuộc vào yếu tố do ngành tự quyết định nhưng nó cũng phụ
thuộc vào các yếu tố do Chính phủ quyết định. Ngoài ra, nó còn phụ thuộc vào các
yếu tố mà cả Chính phủ và ngành chỉ kiểm soát được ở mức độ hạn chế hoặc hoàn
toàn không thể quyết định được. Trong thực tế, quá trình điều chỉnh của ngành diễn
ra cùng với những biến đổi của năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung.
1.1.4.3. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: là năng lực tồn tại, duy trì hay gia
tăng lợi nhuận, thị phần trên thị trường cạnh tranh sản phẩm và dịch vụ của doanh
nghiệp. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch là khả năng quản trị chiến
lược tạo ra lợi thế cạnh tranh, duy trì hay gia tăng lợi nhuận trong việc xây dựng,
bán và tổ chức thực hiện các sản phẩm và dịch vụ du lịch của doanh nghiệp nhằm
đảm bảo tồn tại và phát triển bền vững trên thị trường cạnh tranh quốc tế mà không
phải trợ cấp.
1.1.4.4. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá: Một sản phẩm hàng hoá
được coi là có năng lực cạnh tranh khi nó đáp ứng được nhu cầu của khách hàng về
chất lượng, giá cả, tính năng, kiểu dáng, tính độc đáo hay sự khác biệt, thương hiệu,
bao bì.... hơn hẳn so với những sản phẩm hàng hoá cùng loại. Tuy nhiên, năng lực
cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá lại được định đoạt bởi năng lực cạnh tranh của
doanh nghiệp. Sẽ không có năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá cao khi
năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm đó thấp.
Cần phân biệt năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá và năng lực cạnh
tranh của doanh nghiệp. Đây là hai phạm trù khác nhau nhưng có quan hệ hữu cơ
với nhau. Năng lực cạnh tranh của hàng hoá có được do năng lực cạnh tranh của
chủ thể (doanh nghiệp) tạo ra; nhưng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp không
chỉ do năng lực cạnh tranh của hàng hoá mà có, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố
khác nữa. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá có ảnh hưởng lớn
và thể hiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
1.2. NĂNG LỰC CẠNH TRANH TRONG NGÀNH DU LỊCH
1.2.1. Khái niệm năng lực cạnh tranh trong ngành Du lịch:
Để thành công trên thị trường quốc tế, bất kỳ điểm đến du lịch nào cũng
phải đảm bảo rằng tài nguyên du lịch hấp dẫn và toàn bộ sản phẩm, dịch vụ cung
cấp cho khách du lịch phải ngang bằng hoặc vượt hơn nhiều điểm đến thay thế
khác.
22
Trong ngành Du lịch, đánh giá năng lực cạnh tranh ngày càng thu hút sự
quan tâm đáng kể vì nó được coi như nhân tố quyết định thành công của các điểm
đến du lịch. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh là một khái niệm phức tạp bởi vì hàng
loạt yếu tố tính toán ra nó, cả quan sát được lẫn không quan sát được, có thể khó
khăn để đánh giá. Nó là một khái niệm tương đối và đánh giá nó sẽ khác nhau, phụ
thuộc vào sự lựa chọn năm cơ sở và/hoặc nước cơ sở. Điều quan trọng nhất cần lưu
ý là năng lực cạnh tranh là khái niệm đa chiều (có nghĩa là chất lượng của năng lực
cạnh tranh). Hơn nữa, sự phức tạp hơn của năng lực cạnh tranh tăng lên vì đối
tượng phân tích và khả năng của nhà phân tích “các nhà chính trị quan tâm tới
năng lực cạnh tranh của nền kinh tế (quốc gia, khu vực và địa phương), các ngành
hoặc hiệp hội thương mại giới hạn lợi ích đối với ngành của họ, các chủ kinh doanh
và các nhà quản lý lo lắng về khả năng của chính các hãng của họ để cạnh tranh
trên thị trường cụ thể” {50, tr.3}.
Năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch của một nước hoặc vùng lãnh thổ
trong luận văn này được gọi chung là năng lực cạnh tranh điểm đến (coi một quốc
gia hoặc một vùng lãnh thổ là một điểm đến du lịch). Năng lực cạnh tranh điểm đến
là khả năng của một điểm đến phân phối hàng hoá và dịch vụ du lịch tốt hơn các
điểm đến khác. Theo Dwyer, Forsyth and Rao (2000a) “Năng lực cạnh tranh du lịch
là khái niệm chung bao hàm những khác biệt về giá kết hợp với sự vận động của tỷ
giá, mức độ năng suất của các thành phần khác nhau của ngành Du lịch và nhân tố
chất lượng ảnh hưởng tới sự hấp dẫn hoặc các yếu tố khác của điểm đến’’{52, tr.3}.
Năng lực cạnh tranh du lịch cũng được định nghĩa là “khả năng của một điểm đến để
duy trì vị trí thị trường và thị phần của nó và/hoặc để cải thiện chúng qua thời gian”
(d’Harserre 2000 :23). Hassan (2000) định nghĩa năng lực cạnh tranh du lịch là “khả
năng của điểm đến tạo ra sự kết hợp các sản phẩm giá trị gia tăng để duy trì nguồn
lực trong khi giữ vững vị thế trên thị trường trước đối thủ cạnh tranh” {52, tr.3}.
Công trình nghiên cứu cụ thể nhất về năng lực cạnh tranh du lịch tổng thể là của
Crouch & Ritchie. Theo Crouch & Ritchie, “Để cạnh tranh, sự phát triển du lịch của
điểm đến phải là bền vững, không chỉ bền vững về kinh tế và sinh thái mà còn bền vững
về xã hội, văn hoá và chính trị’’{52, tr.3}. Vì vậy, điểm đến cạnh tranh nhất là điểm
đến mang lại thịnh vượng bền vững và hiệu quả nhất cho người dân địa phương.
Dưới đây là mô hình về năng lực cạnh tranh điểm đến được các nhà nghiên
cứu đưa ra. Mô hình này kết hợp các yếu tố chính của năng lực cạnh tranh quốc gia
và doanh nghiệp và những yếu tố chính của năng lực cạnh tranh điểm đến do các
23
nhà nghiên cứu du lịch, đặc biệt là do Crouch and Ritchie đề xuất. Mô hình 1.1 mô
tả các yếu tố chính của năng lực cạnh tranh điểm đến.
MÔ HÌNH 1.1. MÔ HÌNH KẾT HỢP NĂNG LỰC CẠNH TRANH ĐIỂM ĐẾN {53, tr 378}
Theo Crouch and Ritchie (1999), kể từ khi lữ hành và du lịch có thể thương
mại hoàn toàn, lý thuyết về lợi thế so sánh dựa trên khả năng của các nhân tố sản
xuất cũng có thể được áp dụng đối với năng lực cạnh tranh điểm đến. Khả năng
nhân tố bao gồm cả các nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân tạo và mô hình năng lực
cạnh tranh của Crouch and Ritchie nhận ra các loại khả năng nhân tố sau đây:
nguồn nhân lực, nguồn lực vật chất, nguồn lực tri thức, nguồn lực vốn, kết cấu hạ
tầng, nguồn tài nguyên lịch sử và văn hoá. M.Porter bình luận rằng lợi thế cạnh
tranh có ý nghĩa hơn lợi thế so sánh theo nghĩa lợi thế cạnh tranh nhằm xem xét khả
năng của đất nước sử dụng hiệu quả các nguồn lực này trong dài hạn.
1.2.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch:
Nguồn lực
thừa hưởng
Nguồn lực
sáng tạo
Nhân tố và nguồn lực hỗ trợ
Điều kiện thực tế
Quản lý
điểm đến
Điều kiện
cầu
Năng lực cạnh
tranh điểm đến
Triển vọng
kinh tế xã hội
Chỉ số năng
lực cạnh tranh
điểm đến
Chỉ số cạnh
tranh quốc
gia/khu vực
24
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch,
trong phạm vi luận văn này, tôi xin đề cập một số yếu tố chính ảnh hưởng tới năng
lực cạnh tranh của ngành Du lịch, cụ thể là:
1.2.2.1. Tiếp cận tới thị trường du lịch: Khoảng cách của điểm đến tới thị trường
du lịch là yếu tố quyết định của năng lực cạnh tranh điểm đến. Năng lực cạnh tranh
của các điểm đến du lịch gần và xa được xem xét trên cơ sở so sánh mức giá, mức
hạng lưu trú và mức khoảng cách từ thị trường nguồn tới điểm đến. Thực tiễn chỉ ra
rằng, mức giá là chỉ số năng lực cạnh tranh mạnh nhất giữa điểm đến gần và điểm
đến xa vì chi phí ở điểm đến xa cao hơn điểm đến gần.
1.2.2.2. Giá cả và chi phí: Co giãn giá của cầu du lịch thường cao. Vì vậy, bất kỳ sự
thay đổi phần trăm nào trong giá, trực tiếp khuyến khích hoặc không khuyến khích
đi du lịch tới một nơi nhất định. Lãnh đạo chi phí là một trong hai mục tiêu chủ
yếu để đạt được năng lực cạnh tranh (Porter , 1985){53, tr.7}. Giá cả tương đối của
một điểm đến so với điểm đến khác có ảnh hưởng tới động cơ đi du lịch. Tuy
nhiên, giá cả trở thành nhân tố ít ý nghĩa hơn trong quyết định đi du lịch vì co
giãn cầu du lịch giảm. Thay vào đó, chất lượng là yếu tố quyết định sự lựa chọn
của hầu hết khách du lịch. Vì thế, chất lượng sản phẩm là mục tiêu chính để tăng
cường năng lực cạnh tranh.
1.2.2.3. Sử dụng công nghệ thông tin: Năng lực cạnh tranh tương lai của các điểm
đến du lịch sẽ phụ thuộc lớn vào việc công nghệ viễn thông mới được ứng dụng như
thế nào và mức độ điểm đến tiếp cận tới cơ hội marketing và xúc tiến qua các công
nghệ đó. Mặc dù lợi ích của internet là rất lớn, các tổ chức du lịch nhỏ có thể không
sử dụng internet. Vì vậy, các tổ chức lớn có thể duy trì sự lãnh đạo của họ bởi lợi
thế của các hoạt động marketing trên internet.
1.2.2.4. An toàn, an ninh và rủi ro: Hình ảnh là nhân tố then chốt khi lựa chọn
điểm đến cho kỳ nghỉ của khách du lịch. Làm cho khách du lịch cảm thấy an toàn
và an ninh trước và trong kỳ nghỉ là cần thiết đối với năng lực cạnh tranh quốc tế
của điểm đến. Hình ảnh tiêu cực do thiếu an ninh có thể gây nguy hiểm cho ngành Du
lịch bởi vì thông tin truyền miệng tiêu cực về hình ảnh đó không thể tránh được ngay
cả khi điểm đến có sức hấp dẫn du lịch chất lượng cao. Những người cảm nhận rủi ro
25
của điểm đến nhất định bỏ qua trong kế hoạch du lịch tương lai của họ. Bất ổn chính
trị và xã hội trong nước cũng cần được xem xét trong rủi ro tại điểm đến du lịch.
1.2.2.5. Chất lượng của phương tiện và dịch vụ du lịch: Theo Keller and Smeral,
nguồn lực của điểm đến như tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, nguồn lực vốn và
kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực ảnh hưởng tới mức độ năng lực cạnh tranh điểm
đến. Một số nhà nghiên cứu sau này cho rằng chất lượng trong du lịch bao hàm 3
thành phần chính: chất lượng tự nhiên (vấn đề môi trường); chất lượng vật chất (cơ
sở lưu trú, nhà hàng, cửa hàng, phương tiện thể thao và văn hoá); chất lượng phi vật
chất (dịch vụ như hướng dẫn thông tin, tốc độ thủ tục check in, check out, dọn
phòng){53, tr.10}.
1.2.2.6. Chất lượng tài nguyên môi trường: Trong môi trường kinh doanh ngày
càng cạnh tranh, chất lượng môi trường của điểm đến du lịch là thành phần căn bản
để gặt hái thành công. Vì thế, để duy trì cạnh tranh trên thị trường, cả điểm đến và tổ
chức du lịch phải đáp ứng chính sách thân thiện với môi trường. Điều hiển nhiên là
quan tâm tới môi trường là nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới sự lựa chọn điểm đến của
khách du lịch. Những phát hiện nghiên cứu cho thấy khoảng một nửa khách du lịch
Đức có ý thức đáng kể về chất lượng môi trường khi lựa chọn điểm đến cho kỳ
nghỉ.
1.2.2.7. Nguồn nhân lực: Nguồn nhân lực được cho là một trong những đầu vào
quan trọng nhất để đạt được lợi thế cạnh tranh đầy đủ. Là một phần của ngành công
nghiệp dịch vụ, du lịch sẽ tiếp tục đòi hỏi một số lớn nguồn nhân lực có kỹ năng để
giảm việc thiếu lao động trong thời gian tới. Ai cũng biết rằng du lịch là ngành yêu
cầu sự liên hệ mặt đối mặt rất mạnh giữa chủ (hoặc nhân viên) và khách du lịch.
Thái độ của người dân địa phương đối với khách du lịch, những tiếp cận đối với
phát triển du lịch và xây dựng các chương trình đào tạo nhân viên và giáo dục người
dân địa phương sẽ cho thấy vị thế của điểm đến trong năng lực cạnh tranh.
1.2.2.8. Chính sách của Chính phủ: Phát triển du lịch có thể đóng góp đáng kể đối
với phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, Chính phủ một số nước đảm trách đối với đầu
tư, kiểm soát, lập kế hoạch, phối hợp và tài chính trong ngành Du lịch. Bằng cách
đó, Chính phủ có thể kiểm soát dòng chảy của khách du lịch đến đất nước. Vì
thế, khi du lịch được coi là có ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế và xã hội,
những quy định chặt chẽ về nhập cảnh có thể được ban hành. Khi du lịch được
26
quan tâm, Chính phủ khuyến khích mạnh mẽ phát triển ngành Du lịch để thu hút
nhiều khách du lịch hơn.
1.2.3. Các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch:
Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới đã đưa ra 8 chỉ số để đánh giá năng lực
cạnh tranh trong ngành Du lịch dưới đây:
1.2.3.1. Chỉ số năng lực cạnh tranh giá: Năng lực cạnh tranh giá là giá của các
hàng hoá chủ yếu do khách du lịch tiêu thụ như lưu trú, đi lại, thuê xe, giải
trí,…Tuy nhiên, nhiều nước không có số liệu nên thành phần giá chỉ bao gồm giá
khách sạn và sức mua tương đương (PPP). Chỉ số giá khách sạn thể hiện mức trung
bình của giá phòng tối thiểu từ các hạng khách sạn khác nhau theo đô la Mỹ hiện
hành. Giá khách sạn cũng được điều chỉnh theo chất lượng, sử dụng giá của chuỗi
khách sạn lớn trên toàn cầu như Hilton, Sheraton, Radisson và Novotel. Chỉ số PPP
là chỉ số được điều chỉnh theo ảnh hưởng tỷ giá mà PPP hoàn toàn phản ánh sự khác
nhau về giá, không phải là tỷ giá. Chỉ số PPP chỉ ra số đô la Mỹ cần thiết để mua
khối lượng hàng hoá dịch vụ tương ứng trong thị trường nội địa. Sự kết hợp giữa chỉ
số giá khách sạn và chỉ số PPP cho thấy chỉ số giá phản ánh giá khách du lịch
mong muốn thanh toán tại điểm đến.
1.2.3.2. Chỉ số phát triển kết cấu hạ tầng: là chỉ số chỉ năng lực cạnh tranh trong
phát triển kết cấu hạ tầng, bao gồm phát triển đường xá, cải thiện phương tiện vệ
sinh và nước uống. Đối với mục đích liên quan đến du lịch, phát triển kết cấu hạ
tầng còn bao gồm mạng lưới đường sắt, số lượng và chất lượng sân bay và hệ thống
viễn thông. Tuy nhiên, dữ liệu về các chỉ tiêu này khó khăn để có được.
1.2.3.3. Chỉ số môi trường: là chỉ số có được chất lượng môi trường vật chất và mở
rộng tới mức độ một nước nhận thức và tham gia vào quản lý môi trường. Chỉ tiêu
này kết hợp chỉ số mật độ dân số, chỉ số toả khí CO2 (sự toả khí CO2 từ đốt than,
sản xuất xi măng và tiêu thụ nhiên liệu rắn, lỏng, khí và phụt khí ga).
1.2.3.4. Chỉ số công nghệ: Chỉ số công nghệ là sự kết hợp giữa chỉ số Internet, chỉ
số Mobile và công nghệ cao (Hitech). Chỉ số Internet cho thấy tỷ lệ, trên 1000
người, của số máy tính có liên hệ tới Internet. Xuất khẩu công nghệ cao dùng cho
tính toán chỉ số Hitech- chỉ ra phần trăm xuất khẩu sản phẩm hàng hoá, trong đó
bao hàm các sản phẩm có hàm lượng nghiên cứu và phát triển cao. Các sản phẩm
27
công nghệ cao này bao gồm các sản phẩm trong không gian vũ trụ, máy tính, thuốc
tân dược, công cụ khoa học và máy điện tử. Mobile Phones được sử dụng để tính
chỉ số Mobile- bao hàm tỷ lệ, trên 1000 người, của số người sử dụng điện thoại bưu
điện và sử dụng dịch vụ điện thoại di động. (Nguồn : The World Bank (2004), World
Development Indicators).
1.2.3.5. Chỉ số nguồn nhân lực: là chỉ số đánh giá chất lượng lực lượng lao động ở
nước điểm đến khi chất lượng lao động tốt hơn có thể cung cấp chất lượng sản
phẩm du lịch tốt hơn. Mặc dù đào tạo (hoặc “đầu tư vào con người”) trong ngành
Du lịch là đại diện liên quan nhất nhưng do khó khăn để có được dữ liệu này nên
chỉ số giáo dục lấy từ báo cáo của UNDP năm 2004 được sử dụng làm đại diện. Chỉ
số giáo dục bao gồm tỷ lệ biết chữ người trưởng thành và tỷ lệ đi học các cấp I, II
và III.
1.2.3.6. Chỉ số mở cửa: chỉ số mở cửa phù hợp với lý thuyết kinh tế phát triển, cho
thấy sự mở cửa của đất nước đối với thương mại là nhân tố quyết định tăng trưởng.
Mở cửa nói chung được thể hiện bởi mở cửa thương mại cho thấy một nước mở cửa
đối với thương mại quốc tế. Nó được tính toán bằng tỷ số giữa tổng số xuất nhập
khẩu và GDP. Chỉ số mở cửa trong du lịch được xác định như mức độ mở cửa của
đất nước đối với thương mại và du lịch quốc tế. Thành phần của chỉ số mở cửa bao
gồm chỉ số: visa, mở cửa du lịch, mở cửa thương mại và thuế trên chỉ số thương mại
quốc tế. Chỉ số visa cho thấy mức độ mở cửa của đất nước đối với du lịch nước
ngoài. Nó cho thấy liệu một nước có hay không yêu cầu visa đối với khách du lịch.
Mở cửa du lịch đánh giá mức độ một nước mở cửa đối với kinh doanh quốc tế như
đã đề cập trên và thuế về thương mại quốc tế chỉ ra mức độ bảo hộ của một nước
đối với thương mại quốc tế, được xác định như tỷ lệ của tổng thuế về thương mại
quốc tế đối với tổng doanh thu hiện hành. Thuế bao gồm nghĩa vụ nhập khẩu, nghĩa
vụ xuất khẩu, lợi nhuận của xuất khẩu và độc quyền nhập khẩu, trao đổi lợi nhuận
và trao đổi thuế.
1.2.3.7. Chỉ số du lịch nhân văn (HTI): Chỉ số này đánh giá thành tựu phát triển
con người theo nghĩa du lịch. Đó là chỉ số mới và phù hợp với chỉ số phát triển con
người do UNDP xây dựng để đánh giá thành tựu về con người trên một loạt khía
28
cạnh phát triển con người. HTI được tính như trung bình đơn của chỉ số ảnh hưởng
du lịch (TII) và chỉ số tham gia du lịch (TPI). TII đánh giá ảnh hưởng trực tiếp của
du lịch lên nền kinh tế và được tính như tổng doanh thu và tổng chi phí từ khách du
lịch quốc tế theo tỷ lệ % GDP. TPI đánh giá sự tham gia của con người vào hoạt
động du lịch, được tính như tổng số khách đến và khách đi du lịch theo tỷ lệ dân số
của nước điểm đến.
1.2.3.8. Chỉ số phát triển xã hội: Chất lượng cuộc sống có được bởi chỉ số phát
triển xã hội. Chỉ số phát triển xã hội được xây dựng dựa trên sự kết hợp chỉ số phát
triển con người (HDI của UNDP), chỉ số báo, máy tính cá nhân và ti vi. Chỉ số HDI
đánh giá thành tựu của một nước trong lĩnh vực phát triển con người và bao hàm 3
chỉ tiêu : triển vọng sống, giáo dục và thu nhập. Tờ báo hàng ngày có liên quan tới
tỷ lệ, trên 1000 người, của số người tiếp cận tới báo ít nhất 4 lần một tuần. Máy tính
cá nhân có nghĩa là tỷ lệ, trên 1000 người, của số người tiếp cận tới máy tính được
thiết kế cho các cá nhân sử dụng. Chỉ số tivi là tỷ lệ của số người tiếp cận tới TV
trên 1000 người.
1.3. KINH NGHIỆM NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA NGÀNH DU
LỊCH MỘT SỐ NƯỚC
Đối với ngành Du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh có ý nghĩa quan trọng,
quyết định sức mạnh và vị thế trên thị trường du lịch thế giới để thu hút khách du
lịch. Các nước phát triển du lịch thời gian qua đều là các nước thành công trong
cạnh tranh. Vì vậy, cần phải nghiên cứu kinh nghiệm thành công của một số nước đi
trước để rút ra bài học cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam.
Trong phạm vi luận văn này, tôi đề cập tới kinh nghiệm của hai nước ASEAN là
Malaysia, Thái Lan và một trong những nước phát triển du lịch hàng đầu thế giới là
Tây Ban Nha.
1.3.1. Kinh nghiệm của Malaysia:
Malaysia là một trong 20 nước phát triển du lịch nhất thế giới và là nước
đứng đầu khu vực Đông Nam Á về thu hút khách du lịch quốc tế (gọi tắt là khách
quốc tế). Malaysia xác định, du lịch là một trong những ngành quan trọng hàng đầu
đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Theo số liệu của Bộ
Du lịch Malaysia, năm 2000, nước này thu hút 10,27 triệu lượt khách quốc tế, đến
29
năm 2005, thu hút 16,4 triệu lượt, tăng gấp rưỡi năm 2000. Năm 1999, thu nhập
từ du đạt 12,3 tỷ Ringit, đến năm 2004, đạt 48,5 tỷ Ringit, tăng gần gấp 4 lần
năm 1999. Có thể nói, Du lịch là ngành mang lại ngoại tệ nhiều thứ hai cho
Malaysia, chỉ sau công nghiệp.
Có được kết quả trên là do Malaysia chú trọng tới việc nâng cao năng lực
cạnh tranh để thu hút khách du lịch. Bộ Du lịch Malaysia là cơ quan thực thi
chính sách du lịch quốc gia với nhiệm vụ nâng cao hình ảnh quốc gia và tạo lập
Malaysia như một điểm đến du lịch quốc tế. Malaysia đã đặt 39 văn phòng đại
diện du lịch ở nước ngoài, trong đó ở Việt Nam có hai văn phòng tại Hà Nội và
thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, Malaysia đã miễn thị thực đơn phương cho
công dân khoảng 40 nước.
Malaysia đặc biệt chú trọng tới phát triển và đa dạng hoá sản phẩm du lịch,
coi đây là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh. Malaysia tiếp thị hình
ảnh du lịch đất nước qua logo và khẩu hiệu đầy ấn tượng “Malaysia-Truly Asia”
(Malaysia-châu Á đích thực). Khẩu hiệu trên đã trở nên quen thuộc trên thị trường
du lịch thế giới và thực sự gây ấn tượng với du khách. Họ tăng cường năng lực cạnh
tranh cho các doanh nghiệp du lịch với mục tiêu xây dựng kế hoạch phát triển và lập
kế hoạch tiếp thị, quảng cáo có hiệu quả hơn. Đồng thời, Malaysia cũng chú trọng
xúc tiến du lịch trong nước thông qua các chương trình nâng cao ý thức công chúng.
Để tăng mức chi tiêu của khách du lịch, ngành Du lịch và tiêu dùng nội địa
Malaysia đã cùng phối hợp thực thi các biện pháp kích thích khách du lịch mua
sắm. Lễ hội “Mega Sale” (siêu giảm giá) là một trong những biện pháp này. Lễ hội
này được tổ chức vào dịp hè hàng năm, kéo dài gần 3 tháng, từ 1999 đến nay. Suốt
dịp lễ hội, hàng loạt trung tâm thương mại lớn đồng loạt giảm giá từ 20-80% đối với
tất cả các loại hàng, từ hàng sản xuất trong nước đến hàng nhập khẩu, từ hàng hiệu
tới hàng bình dân. Nhiều loại hàng hoá được miễn thuế khi mang ra khỏi cửa khẩu.
Với chính sách trên, lễ hội này đã trở thành sự kiện chính thu hút hàng triệu lượt
khách quốc tế hàng năm, mang lại nguồn thu lớn cho ngành Du lịch và thương mại
của nước này.
Trong những năm gần đây, Malaysia rất chú trọng tới phát triển loại hình du
lịch MICE (Gặp gỡ, khích lệ, Hội nghị và triển lãm) và đang tập trung mọi nỗ lực
30
để quảng bá đất nước này trở thành một trung tâm du lịch MICE của khu vực. Đồng
thời, nước này đang tiến hành xây dựng hàng loạt trung tâm thương mại và trung
tâm hội nghị quốc tế lớn để thực hiện bằng được mục tiêu trên trong thời gian tới.
Để tiếp tục khẳng định vị trí là điểm đến đứng đầu trong khu vực, hiện nay
Malaysia đang phát động chiến dịch quảng bá Năm du lịch Malaysia 2007 nhân dịp
kỷ niệm 50 năm ngày quốc khánh Malaysia. Mục tiêu của Năm du lịch này là xây
dựng và tiếp thị mạnh mẽ Malaysia như một điểm đến du lịch quốc tế chính; tăng
khách du lịch nước ngoài đến Malaysia; khuyến khích du khách lưu lại lâu hơn và
chi tiêu nhiều hơn; Thông dụng hoá và xúc tiến các hoạt động liên quan đến du lịch,
các chương trình và sự kiện cho thấy sự độc đáo của Malaysia như một điểm đến du
lịch và kích thích tăng trưởng du lịch nội địa. Đích thân Bộ trưởng Du lịch Malaysia
công du tới các nước, trong đó có Việt Nam để giới thiệu, quảng bá về sự kiện này.
Chiến dịch này được thực hiện thành công sẽ tạo cho Malaysia vị thế cạnh tranh cao
trong việc thu hút khách quốc tế, tiếp tục giữ vững là nước phát triển du lịch hàng đầu
trong khu vực và nằm trong danh sách 20 quốc gia phát triển du lịch nhất hành tinh.
1.3.2. Kinh nghiệm của Thái Lan:
Trong hai thập kỷ qua, Thái Lan luôn là một trong những nước dẫn đầu về
lượng khách quốc tế trong số các nước ASEAN. Để nâng cao năng lực cạnh tranh,
Thái Lan đã chú trọng vào hai lĩnh vực chính, đó là đẩy mạnh công tác marketing,
xúc tiến du lịch và phát triển sản phẩm du lịch mang đậm sắc thái Thái Lan. Hàng
năm, Chính phủ Thái Lan giành khoảng 50-80 triệu đô la Mỹ cho Cơ quan du lịch
Thái Lan (TAT) thực hiện công tác marketing, xúc tiến du lịch. Công tác này được
thực hiện chủ yếu thông qua tổ chức Năm du lịch và các Chiến dịch xúc tiến, trong
đó điển hình nhất là Chiến dịch Amazing Thái Lan được phát động từ năm 1998.
Năm 1998, trước ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ,
Chính phủ Thái Lan đã coi Du lịch như một cứu cánh cho nền kinh tế và tập trung
mọi nỗ lực vào mũi nhọn này. Họ đã phát động Chiến dịch Amazing Thái Lan
1998-1999. Nhờ tổ chức thành công Chiến dịch này, trong hai năm 1998, 1999,
Thái Lan đã thu hút được đáng kể khách quốc tế, mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn,
góp phần quan trọng vào khôi phục nền kinh tế sau khủng hoảng. Sau thành công
đó, Thái Lan tiếp tục áp dụng Chiến dịch này trong những năm tiếp theo nhưng với
31
chuyên đề riêng cho mỗi năm. Năm 2002, Thái Lan lấy khẩu hiệu “Amazing Thailand
amazes the World” là khẩu hiệu quảng bá chính. Chương trình này tập trung vào
những điểm du lịch mới và những sản phẩm, dịch vụ du lịch làm vừa lòng mọi khách
hàng. Để triển khai hiệu quả chiến dịch này, Thái Lan đã áp dụng chính sách cụ thể
dưới đây:
Thứ nhất, Mở chiến dịch “Hãy là khách hàng của chúng tôi” từ giữa năm
2002 đến năm 2003 nhằm tăng cường hiểu biết của khách quốc tế về Thái Lan. Thủ
tướng Thái Lan đã chủ trì giới thiệu các chương trình quảng cáo về chiến dịch này.
Thứ hai, Thiết lập mối liên kết giữa các hãng hàng không, khách sạn, hãng lữ
hành và các công ty tư nhân để tiếp thị những dịch vụ trọn gói đặc biệt như ẩm thực,
hàng thủ công mỹ nghệ, dịch vụ trăng mật, các sự kiện MICE, chơi golf và lặn biển.
Thứ ba, Tổ chức các hoạt động mang tính quốc tế: Nhiều sự kiện được tổ
chức để thu hút khách du lịch như Lễ kỷ niệm 220 năm Thủ đô Băng Cốc, lễ hội
Amazing Shopping Street tại Băng Cốc, Lễ hội Songkran và Loy Krathong, Tết cổ
truyền Trung Hoa và các sự kiện thể thao quốc tế trên khắp đất nước.
Thứ tư, Mở chiến dịch quảng bá những điểm du lịch mới trên khắp các vùng
của đất nước như chương trình “Thiên đường vui chơi” của 3 tỉnh gần Băng Cốc,
chương trình “Đông Bắc huyền thoại” của các tỉnh vùng Đông Bắc. Thái Lan cũng
tập trung tuyên truyền các sản phẩm du lịch mới để làm hài lòng khách du lịch.
Năm 2004, trong chiến lược cạnh tranh quốc gia, Thái Lan đã coi phát động
chiến dịch xúc tiến du lịch là một trong 10 nội dung của chiến lược nâng cao năng
lực cạnh tranh quốc gia. Nội dung cụ thể của chiến dịch xúc tiến du lịch đó là:
- Xúc tiến ngành Du lịch Thái với việc nhấn mạnh những yếu tố hấp dẫn
mới; tạo ra các hoạt động mới nhằm tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của
khách du lịch; phát triển các hoạt động du lịch Thái và chuẩn bị marketing sự kiện;
- Đổi mới chất lượng các điểm du lịch, đặc biệt là những điểm du lịch quốc
gia; thiết lập liên kết du lịch với các nước láng giềng để tăng cường hợp tác kinh tế
và du lịch trong khi duy trì Thái Lan như một trung tâm du lịch của khu vực;
- Nâng cao chất lượng dịch vụ với việc nhấn mạnh tới an toàn cho khách du
lịch, loại trừ đeo bám khách du lịch; ngăn ngừa tai nạn và bảo vệ khách du lịch; tạo
32
điều kiện cho khách du lịch nhập cảnh; tăng cường năng lực cho đội ngũ nhân viên
trong ngành Du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Năm 2005, TAT đã nỗ lực thực hiện kế hoạch xúc tiến và phát động chương
trình du lịch cho năm 2006 với khẩu hiệu “ Thái Lan-Happiness on Earth” (Thái
Lan-hạnh phúc trần gian) với hy vọng đón được 15,12 triệu lượt khách quốc tế,
mang lại doanh thu là 12,76 tỷ USD.
Nhờ thành công trong cạnh tranh, mới đây Tạp chí The Travel News của Na
Uy đã trao tặng Thái Lan giải thưởng “Quốc gia du lịch tốt nhất 2006”. Tạp chí
The Luxury Travel của Úc đã công bố “Danh sách vàng năm 2006”, ngành Du lịch
Thái Lan được xếp thứ 8 và là quốc gia duy nhất của Châu Á nằm trong danh sách
10 nước đoạt giải “Quốc gia tốt nhất”, Băng Cốc được xếp thứ 8 trong số các thành
phố giành giải “Thành phố tốt nhất”, 8 khu nghỉ mát Thái Lan lọt vào danh sách 30
“Khu nghỉ mát tốt nhất”. TAT tin tưởng với chiến dịch xúc tiến mới và phát động
du lịch hợp lý, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, ngành Du lịch Thái Lan
sẽ duy trì được năng lực cạnh tranh cao, trở thành trung tâm du lịch của Châu Á
trong 5-10 năm tới.
1.3.3. Kinh nghiệm của Tây Ban Nha:
Tây Ban Nha là nước phát triển du lịch, luôn đứng trong hàng ngũ 5 nước
dẫn đầu thế giới về thu hút khách du lịch quốc tế. Du lịch là một trong những cột trụ
quan trọng của nền kinh tế nước này. Du lịch mang lại thu nhập quan trọng, chiếm
khoảng 12% GDP và tạo ra 10% việc làm cho xã hội, đóng góp quyết định vào cán
cân thanh toán, có ảnh hưởng nhiều mặt lên các ngành kinh tế khác và là lĩnh vực
chính thu hút đầu tư nước ngoài tới Tây Ban Nha. Theo số liệu của Tổ chức Du lịch
thế giới, năm 2004, Tây Ban Nha đón được 53,599 triệu lượt khách quốc tế, tăng
3,4% và chiếm 12,9% tổng số khách quốc tế tới Châu Âu, thu nhập du lịch đạt 45,2
tỷ USD, tăng 14,1% và chiếm 13,9% tổng thu nhập du lịch toàn Châu Âu.
Năm 1990, Tổng Thư ký Du lịch Tây Ban Nha ban hành Sách trắng về Du
lịch Tây Ban Nha và Chương trình khung năng lực cạnh tranh của Du lịch Tây Ban
Nha (gọi tắt là Chương trình FUTURE 1992-1995) nhằm nâng cao năng lực cạnh
tranh của ngành Du lịch, cụ thể là nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh
nghiệp và các điểm du lịch thông qua chất lượng, tính bền vững và các biện pháp
33
gắn với năng lực cạnh tranh. Lần đầu tiên trong lịch sử Du lịch Tây Ban Nha,
Chương trình FUTURES đề ra và phân biệt chính sách ở 3 mục tiêu: kinh tế, xã hội
và môi trường. Chương trình sử dụng 5 kế hoạch tác nghiệp làm công cụ hành động,
đó là Kế hoạch hợp tác và phối hợp thể chế nhằm tăng cường quan hệ giữa các tổ
chức quốc tế với các cơ quan quản lý; Kế hoạch đổi mới và hiện đại hoá du lịch
nhằm tập trung hiện đại hoá và làm cho cung du lịch linh hoạt hơn; Kế hoạch sản
phẩm mới nhằm đa dạng hoá sản phẩm du lịch; Kế hoạch xúc tiến, marketing và
thương mại hóa nhằm phối hợp và tăng cường quy hoạch hơn nữa, kết hợp với nâng
cao hiệu quả xúc tiến; Kế hoạch vì sự tuyệt hảo trong du lịch nhằm cải thiện môi
trường tự nhiên và đô thị của du lịch.
Nhờ có Chương trình FUTURES 1992-1995, một số yêu cầu rất cần thiết có
thể đáp ứng đối với kinh doanh du lịch ở Tây Ban Nha lúc đó là: Nâng cao khả năng
cạnh tranh của ngành du lịch Tây Ban Nha; Tạo dựng và phổ biến chất lượng hỗ trợ
môi trường; Tham gia tích cực của tất cả các cộng đồng tự trị; Thực hiện những
công cụ có thể tạo kênh thông tin giữa các tổ chức; Đa dạng hoá cung du lịch, đặc
biệt thông qua tạo sản phẩm mới ở những khu vực phát triển kinh tế chậm hơn.
Sau thành công của Chương trình này, triết lý năng lực cạnh tranh và chất
lượng du lịch tiếp tục được thực hiện. Do đó, chương trình nâng cao năng lực cạnh
tranh du lịch thứ hai, FUTURES II (giai đoạn 1996-1999) được ban hành, theo đó
Chính phủ có trách nhiệm tạo môi trường thuận lợi cho cạnh tranh, thúc đẩy du lịch
và đầu tư hiện đại hoá. Trách nhiệm này thuộc phạm vi dịch vụ công cũng như
trong lĩnh vực di sản văn hoá, bảo tồn và phát huy hơn nữa tài nguyên thiên nhiên.
Việc các cộng đồng tự trị phối hợp tham gia quản lý và xúc tiến du lịch đã tạo thuận
lợi cho Du lịch Tây Ban Nha thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu thực trạng những vấn
đề của ngành cũng như các xu hướng ngắn, trung và dài hạn.
Những kế hoạch tác nghiệp trong Chương trình FUTURES 1996-1999 cung
cấp nhiều công cụ để hành động, trong đó hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho các chuyên
gia du lịch và kỹ thuật viên của Chính phủ là yếu tố chỉ có trong giai đoạn này,
không có ở giai đoạn trước. Chương trình FUTURES II tập trung vào : Đào tạo
(Đào tạo FUTURES II) hoặc nâng cao trình độ và chuyên môn nhân lực du lịch
trong kinh doanh du lịch ; Điểm du lịch (Điểm du lịch FUTURES II) với sự phối
34
hợp chặt chẽ, hướng tới nâng cao các biện pháp công nhằm cải thiện cung du lịch
của các điểm du lịch (gọi là Kế hoạch năng động hoá và tuyệt hảo hoá điểm du
lịch); và cuối cùng là chương trình tập trung phối hợp hành động (Phối hợp
FUTURES II).{56, tr126}.
Do đó, năm 1999, kết thúc giai đoạn 10 năm then chốt trong phát triển du
lịch, Tây Ban Nha không chỉ khôi phục năng lực cạnh tranh đã mất vào cuối thập kỷ
80 mà còn củng cố vị trí hàng đầu thế giới của mình. Các số liệu sau đây minh
chứng ngành Du lịch Tây Ban Nha có đủ năng lực cạnh tranh: Tỷ trọng du lịch
trong GDP tăng từ 8,09% năm 1990 lên 10,57% năm 1998, doanh thu du lịch cũng
tăng với tốc độ nhanh hơn lượng khách, tăng 137%. Từ kết quả trên, năm 2002,
Chính phủ Tây Ban Nha đã thông qua Kế hoạch tổng hợp về chất lượng du lịch Tây
Ban Nha. Đây là bước tiếp theo của kế hoạch cạnh tranh được áp dụng năm 1999.
Bởi vậy, chất lượng là đặc thù của cung du lịch Tây Ban Nha, là giải pháp đối với
áp lực của giá cả xuất phát từ phía cầu. Tương tự, cải tiến chất lượng sẽ đảm bảo
cho tương lai của ngành Du lịch, cho phép du lịch có thể vượt qua những trở ngại,
trong đó cung của các điểm du lịch có thể gây áp lực lên cầu của các thị trường
nguồn.
Những thay đổi liên tục của cầu du lịch và xu hướng tiêu dùng, trong đó
khách du lịch ngày càng đòi hỏi chất lượng cao hơn cùng với việc cạnh tranh của
các điểm du lịch có nhiều lợi thế về lao động xã hội, Tây Ban Nha hoặc là không
thể hoặc là phải cạnh tranh về giá cả, từ đó dẫn đến việc nước này chọn khẩu hiệu
“chất lượng của du lịch Tây Ban Nha” như là một yếu tố để đưa ra thị trường quốc
tế, cũng như việc kết hợp tiêu chuẩn về tính bền vững môi trường tại các điểm du
lịch ở Tây Ban Nha để duy trì thị phần hiện tại trên cơ sở bền vững.
Trong nhiều năm qua, Tây Ban Nha đã tập trung và xây dựng được hình ảnh
là một điểm đến du lịch trẻ, mới, khác biệt, triển khai nhiều chiến dịch xúc tiến hình
ảnh này với những khẩu hiệu như “Tây Ban Nha xanh”, “Cửa ngõ Địa Trung Hải”,
“Con đường tới Santiago”, “Tuyến đường bạc”, “Thành phố di sản thế giới”, “
mọi thứ đều dưới ánh nắng”, “Tây Ban Nha vui” và gần đây là “ Dấu ấn Tây Ban
Nha”. Chiến dịch “ Spain mark” (Dấu ấn Tây Ban Nha) thể hiện khả năng kết hợp
nhiều động cơ thúc đẩy khách đi du lịch trong quảng cáo và có điều chỉnh cho phù
35
hợp với từng điểm du lịch của Tây Ban Nha. Cơ quan du lịch Tây Ban Nha trực tiếp
giám sát chiến dịch quảng cáo này với sự tư vấn của các Văn phòng đại diện du lịch
Tây Ban Nha trên khắp thế giới. Kết quả là, chiến dịch này đã giới thiệu quảng bá
du lịch Tây Ban Nha một cách hiệu quả trong suốt nhiều năm.
Qua quá trình phát triển, các Văn phòng du lịch Tây Ban Nha ở nước ngoài
đã định hướng lại chức năng, từ chỗ là văn phòng cung cấp thông tin thuần tuý trở
thành trung tâm đánh giá hoạt động phân phối, chú trọng tới các chiến dịch và nỗ
lực xúc tiến để củng cố quan hệ với các trung gian thị trường. Do ở châu Âu, hãng
lữ hành đóng vai trò quan trọng trong xúc tiến bán nên các Văn phòng du lịch Tây
Ban Nha ở nước ngoài liên hệ rất chặt chẽ với họ và đại lý lữ hành thông qua các
hoạt động như thường xuyên gặp gỡ, cung cấp tài liệu cần thiết liên quan tới điểm
du lịch, làm trung gian giữa hãng lữ hành nước ngoài và hãng lữ hành Tây Ban Nha.
Tây Ban Nha đặc biệt coi trọng phát động chiến dịch bán qua mạng Internet.
Năm 2002, trang thông tin mới của Tây Ban Nha (www.spain.info) sử dụng nhiều
công cụ để thúc đẩy quan hệ với khách du lịch như câu lạc bộ khách du lịch, bưu thiếp,
catalogue du lịch. Cơ quan Du lịch Tây Ban Nha Turespana đã chi hơn 5 triệu Euro để
xây dựng trang web này. Ngoài tiếng Tây Ban Nha, các thông tin được chuyển sang
nhiều thứ tiếng khác như tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật, Trung Quốc, Nga.
Tây Ban Nha chú trọng áp dụng marketing hỗn hợp để thu hút khách du lịch,
hỗ trợ hoạt động marketing ở nước ngoài như tăng cường sự hiện diện của các nhà
quản lý và doanh nghiệp du lịch Tây Ban Nha tại các hội chợ, hội nghị chuyên nghiệp;
Thâm nhập thị trường du lịch Incentives; Tổ chức hội thảo chuyên ngành để người bán
và nhà cung cấp Tây Ban Nha gặp nhau tại điểm du lịch và tiếp cận trực tiếp thị trường
nguồn; Tổ chức chuyến khảo sát tìm hiểu cho đại lý lữ hành và hãng lữ hành; tổ chức
hội thảo cho đại lý lữ hành về các sản phẩm, các điểm du lịch cụ thể.
Nói chung, Tây Ban Nha trở thành một trong những nước phát triển du lịch
hàng đầu trên thế giới là do họ có chiến lược phát triển du lịch toàn diện, có kế
hoạch và chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh trong từng thời kỳ với những
điều chỉnh có tính chiến lược, khoa học, phù hợp với thực tiễn phát triển du lịch của
đất nước.
36
1.4. MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH
CỦA NGÀNH DU LỊCH
Từ kinh nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh về du lịch của ba nước nêu
trên, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây cho Việt Nam trong việc
nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch:
1.4.1. Bài học về xây dựng chiến lược, kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh:
Để cạnh tranh thu hút khách du lịch một cách hiệu quả trên thị trường du lịch
quốc tế, cần thiết xây dựng chiến lược cạnh tranh du lịch quốc gia, từ đó xây dựng
triển khai kế hoạch và chương trình cạnh tranh cho từng thời kỳ, phù hợp với yêu
cầu phát triển du lịch. Đây là bài học quan trọng rút ra từ chính những nước thành
công trong phát triển du lịch nêu trên, điển hình là Tây Ban Nha. Trong bối cảnh hội
nhập quốc tế hiện nay, nhu cầu và xu hướng đi du lịch của khách du lịch đa dạng và
luôn thay đổi, vì thế, đối với một nước đang phát triển du lịch như Việt Nam càng
cần phải sớm xây dựng chiến lược cạnh tranh và có các kế hoạch, chương trình cụ
thể trong từng giai đoạn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút
khách du lịch, khẳng định vị thế cạnh tranh của Du lịch Việt Nam trên thị trường du
lịch quốc tế.
1.4.2. Bài học về xây dựng thương hiệu và khuếch trương hình ảnh điểm đến:
Để nâng cao năng lực cạnh tranh, tất cả 3 nước trên đều coi trọng tới việc
xây dựng thương hiệu và khuếch trương hình ảnh điểm đến thông qua biểu tượng
(logo), khẩu hiệu, thông tin, quan hệ công chúng, marketing trực tiếp và hỗn hợp,
phát triển sản phẩm và dịch vụ,...nhằm tạo dựng hình ảnh và vị thế của du lịch các
nước này trên thị trường quốc tế. Khẩu hiệu của Malaysia“Malaysia-Truly Asia”, của
Thái Lan “Amazing Thailand” và của Tây Ban Nha “Spain mark” thực sự gây ấn
tượng và thiện cảm với khách du lịch. Chính những chương trình khuếch trương này đã
góp phần đáng kể vào việc thu hút khách quốc tế đến các nước này trong thời gian
qua.
Ngày nay, mọi điểm đến du lịch đều có các khách sạn cao cấp, các điểm du
lịch hấp dẫn và đều khẳng định có di sản văn hoá độc đáo, có người dân giàu lòng
mến khách và có ngành du lịch quan tâm tới khách du lịch nhất. Dịch vụ và tiện
nghi gần như không có sự khác biệt nhiều. Vì vậy, các điểm đến khác nhau cần tạo
37
ra điều gì đó độc đáo và khác biệt với tất cả các điểm đến khác. Tạo ra sự độc đáo
trong môi trường cạnh tranh gay gắt hiện nay là cần thiết. Nó thực sự trở thành cơ
sở cho sự tồn tại và phát triển của điểm đến. Do đó, để tăng cường năng lực cạnh
tranh, các nước quan tâm phát triển du lịch đều phải tạo dựng và khuếch trương
hiệu quả thương hiệu điểm đến trên thị trường thế giới. Thương hiệu điểm đến
không chỉ là những yếu tố hữu hình như khẩu hiệu quảng cáo, logo, tập gấp, trang
web mà còn bao gồm các yếu tố vô hình như thông tin quảng cáo, quan hệ công
chúng và marketing trực tiếp, các sự kiện đặc biệt, các chiến lược bán và thực hiện
sản phẩm/dịch vụ. Thương hiệu luôn luôn là hỗn hợp của tất cả các yếu tố này trong
mối liên kết chặt chẽ với nhau.
Tạo dựng thương hiệu là một quá trình xây dựng và nhận dạng tính khác biệt,
độc đáo và đặc trưng của một điểm đến du lịch. Xây dựng thương hiệu là sự phối
hợp tất cả sản phẩm và dịch vụ của các ngành khác nhau như nông nghiệp, du lịch,
thể thao, nghệ thuật, đầu tư công nghệ, giáo dục,... liên quan tới điểm đến. Mục tiêu
là để nắm được bản chất của điểm đến trong một thể thống nhất. Tuy nhiên, ý tưởng
để tạo dựng thành công thương hiệu điểm đến đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng và
mất nhiều năm. Thương hiệu điểm đến không chỉ tạo ra mà còn khuếch trương
những gì đất nước, vùng hoặc thành phố đã cung cấp. Để thành công, thương hiệu
điểm đến phải độc đáo và khác lạ. Nếu một nước, khu vực hoặc điểm du lịch có các
sản phẩm tương tự rồi thì sức mạnh của thương hiệu nhanh chóng biến mất. Vì vậy,
luôn chú ý tới đối thủ cạnh tranh nâng cao vị thế của họ như thế nào để xây dựng
thương hiệu phù hợp.
1.4.3. Bài học về đẩy mạnh công tác thị trường, maketing, xúc tiến du lịch:
Công tác thị trường, marketing và xúc tiến du lịch được coi là chìa khoá để
chiếm lĩnh thị trường, tăng cường năng lực cạnh tranh thu hút khách du lịch. Để thu
hút khách du lịch, phải hiểu rõ thị trường, đặc điểm, tâm lý, thị hiếu, khả năng chi
tiêu của từng đối tượng khách, từ đó có biệc pháp đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ.
Muốn vậy, phải xây dựng chiến lược marketing du lịch quốc gia, đẩy mạnh nghiên
cứu thị trường, xác định được thị trường trọng điểm, trên cơ sở đó xây dựng sản
phẩm du lịch phù hợp và tổ chức xúc tiến hiệu quả cả ở trong nước và ở nước ngoài.
38
Để thực hiện tốt công tác marketing, xúc tiến du lịch ở nước ngoài, cần tổ
chức chiến dịch xúc tiến du lịch trong từng giai đoạn. Mỗi chiến dịch có khẩu hiệu
và biểu tượng riêng, kéo dài từ 1-3 năm. Để tổ chức chiến dịch này hiệu quả, cần có
sự tham gia của Chính phủ, Cơ quan Du lịch quốc gia, các Bộ ngành liên quan,
chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân. Cơ quan Du lịch quốc gia
phải có đội ngũ chuyên nghiệp, năng động, có kinh nghiệm về marketing, hiểu biết
thị trường nước ngoài. Trước khi phát động chiến dịch, cần xây dựng kế hoạch,
chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung và cách thức tổ chức, huy động lực lượng chuyên
nghiệp tham gia, thuê các tổ chức quảng cáo du lịch lớn, có uy tín xây dựng logo,
khẩu hiệu và làm phim quảng cáo cho chiến dịch. Tổ chức sản xuất ấn phẩm, tờ rơi,
áp phích, biển quảng cáo về chiến dịch. Tập trung tổ chức tốt các sự kiện như lễ hội
ẩm thực, lễ hội truyền thống, các sự kiện thể thao, các chiến dịch xúc tiến bán hàng,
tham gia hội chợ, hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế về du lịch. Tổ chức các tour
làm quen cho nhà báo, hãng lữ hành nước ngoài, quảng cáo thường xuyên trên các
kênh truyền hình quốc tế lớn như CNN, TV5, ZDF. Tận dụng lợi thế của mạng
internet để xúc tiến chiến dịch.
1.4.4. Bài học về phát triển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và nâng cao chất
lượng dịch vụ theo hướng tiêu chuẩn hóa:
Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, sản phẩm phải dựa trên nhu cầu thị
trường, phải bán những sản phẩm thị trường cần chứ không phải những sản phẩm
mình có. Vì vậy, sản phẩm du lịch chào bán trên thị trường phải là kết quả từ nghiên
cứu thị trường, từ mong muốn của du khách. Sản phẩm du lịch đơn điệu, kém hấp
dẫn khó có thể lôi kéo và lưu chân được khách du lịch ngày nay. Vì vậy, đa dạng
hoá sản phẩm du lịch là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút
khách du lịch. Malaysia, Thái Lan và Tây Ban Nha đều đặc biệt coi trọng tới yếu tố
này và đã thành công trong việc lôi cuốn và lưu chân du khách. Phát triển du lịch
chuyên đề, du lịch MICE, mua sắm, nghỉ dưỡng, leo núi, lặn biển,…đã mang lại
hiệu quả cao trong việc thu hút khách du lịch đến các nước trên trong thời gian qua.
Để tăng sức hấp dẫn của các điểm du lịch, cần chú trọng đổi mới chất lượng
các điểm đó, đặc biệt là những điểm du lịch lớn; thiết lập mối liên kết du lịch với
các nước láng giềng để tăng cường hợp tác kinh tế và du lịch. Nâng cao chất lượng
39
và tiêu chuẩn hoá dịch vụ du lịch trên cơ sở nhấn mạnh tới an toàn, loại trừ đeo bám
khách du lịch; ngăn ngừa tai nạn và bảo vệ khách du lịch; tạo điều kiện thuận lợi
cho khách du lịch nhập cảnh; tăng cường năng lực cho đội ngũ nhân viên đạt tiêu
chuẩn quốc tế.
1.4.5. Bài học về thiết lập văn phòng đại diện du lịch quốc gia ở nước ngoài:
Từ kinh nghiệm của các nước phát triển du lịch và ba nước nêu trên cho thấy,
để tổ chức hiệu quả công tác xúc tiến quốc gia như một điểm đến du lịch ở nước
ngoài, cần phải thiết lập văn phòng đại diện du lịch ở những thị trường trọng điểm
và tiềm năng. Đây là yếu tố then chốt trong chiến lược marketing du lịch quốc gia
nhằm thực hiện tốt công tác nghiên cứu, thâm nhập thị trường, thiết lập và mở rộng
quan hệ đối tác với các hãng và đại lý lữ hành nước ngoài, cung cấp, hướng dẫn và
giải đáp thông tin kịp thời cho du khách và triển khai các chiến dịch xúc tiến đa
dạng tới khách du lịch tiềm năng. Do đó, trong định hướng, hoạch định chính sách
phát triển du lịch và xây dựng chiến lược marketing du lịch quốc gia, việc nghiên
cứu, thiết lập văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài phải được đề cập đến như
một biện pháp quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường
thế giới.
1.4.6. Bài học về chính sách tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế:
Để tạo thuận lợi cho du khách, việc miễn thị thực song phương và đơn phương
cho khách du lịch từ các thị trường trọng điểm và tiềm năng là chính sách có tính
chiến lược nhằm thu hút khách quốc tế. Malaysia, Singapore và Thái Lan đã áp
dụng thành công chính sách này và đã gặt hái được nhiều thành công, góp phần
quan trọng vào việc tăng nhanh lượng khách quốc tế đến các nước này.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, miễn thị thực vẫn được coi như
một trong những giải pháp mang tính đột phá nhằm kích thích nhu cầu và thúc đẩy
khách du lịch lựa chọn điểm đến thay vì phải xin thị thực để đi du lịch tới điểm đến
khác. Một trong những lý do Châu Âu trở thành khu vực đứng đầu thế giới về thu
hút khách du lịch vì công dân các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) được đi lại
tự do tới các nước khác trong khối không cần thị thực, công dân các nước khác nếu
có thị thực vào một nước EU đều được đi lại tự do tới tất cả các nước thành viên
còn lại. Đông Á-Thái Bình Dương cũng trở thành khu vực tăng trưởng thứ hai thế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế

More Related Content

What's hot

What's hot (20)

Phân tích hoạt động marketing của dịch vụ lữ hành Saigontourist, HAY!
Phân tích hoạt động marketing của dịch vụ lữ hành Saigontourist, HAY!Phân tích hoạt động marketing của dịch vụ lữ hành Saigontourist, HAY!
Phân tích hoạt động marketing của dịch vụ lữ hành Saigontourist, HAY!
 
Báo cáo thực tập tại công ty du lịch mặt đất sân bay
Báo cáo thực tập tại công ty du lịch mặt đất sân bayBáo cáo thực tập tại công ty du lịch mặt đất sân bay
Báo cáo thực tập tại công ty du lịch mặt đất sân bay
 
Luận văn: Giải pháp marketing cho Khách sạn Dakruco, HAY
Luận văn: Giải pháp marketing cho Khách sạn Dakruco, HAYLuận văn: Giải pháp marketing cho Khách sạn Dakruco, HAY
Luận văn: Giải pháp marketing cho Khách sạn Dakruco, HAY
 
Luận án: Năng lực cạnh tranh của các cảng hàng không quốc tế
Luận án: Năng lực cạnh tranh của các cảng hàng không quốc tếLuận án: Năng lực cạnh tranh của các cảng hàng không quốc tế
Luận án: Năng lực cạnh tranh của các cảng hàng không quốc tế
 
Luận án: Phát triển du lịch MICE ở một số nước châu Á, HAY
Luận án: Phát triển du lịch MICE ở một số nước châu Á, HAYLuận án: Phát triển du lịch MICE ở một số nước châu Á, HAY
Luận án: Phát triển du lịch MICE ở một số nước châu Á, HAY
 
Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động marketing mix tại khách sạn sheraton ...
Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động marketing   mix tại khách sạn sheraton ...Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động marketing   mix tại khách sạn sheraton ...
Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động marketing mix tại khách sạn sheraton ...
 
Du lich da nang
Du lich da nangDu lich da nang
Du lich da nang
 
Những giải pháp Marketing cho hoạt động kinh doanh du lịch lữ hành ở Công ty ...
Những giải pháp Marketing cho hoạt động kinh doanh du lịch lữ hành ở Công ty ...Những giải pháp Marketing cho hoạt động kinh doanh du lịch lữ hành ở Công ty ...
Những giải pháp Marketing cho hoạt động kinh doanh du lịch lữ hành ở Công ty ...
 
Hoàn thiện chính sách sản phẩm của công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại Phươ...
Hoàn thiện chính sách sản phẩm của công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại Phươ...Hoàn thiện chính sách sản phẩm của công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại Phươ...
Hoàn thiện chính sách sản phẩm của công ty Cổ phần Du lịch và Thương mại Phươ...
 
Giải pháp phát triển du lịch dựa trên lý thuyết chu kỳ sống của điểm đến du l...
Giải pháp phát triển du lịch dựa trên lý thuyết chu kỳ sống của điểm đến du l...Giải pháp phát triển du lịch dựa trên lý thuyết chu kỳ sống của điểm đến du l...
Giải pháp phát triển du lịch dựa trên lý thuyết chu kỳ sống của điểm đến du l...
 
Đề tài: Nâng cao chất lượng hoạt động marketing mix tại khách sạn
Đề tài: Nâng cao chất lượng hoạt động marketing mix tại khách sạnĐề tài: Nâng cao chất lượng hoạt động marketing mix tại khách sạn
Đề tài: Nâng cao chất lượng hoạt động marketing mix tại khách sạn
 
Marketing dịch vụ - Xây dựng chiến lược marketing cho công ty du lịch Young T...
Marketing dịch vụ - Xây dựng chiến lược marketing cho công ty du lịch Young T...Marketing dịch vụ - Xây dựng chiến lược marketing cho công ty du lịch Young T...
Marketing dịch vụ - Xây dựng chiến lược marketing cho công ty du lịch Young T...
 
Quan tri ban hang, Dai Hoc Mo TP HCM
Quan tri ban hang, Dai Hoc Mo TP HCMQuan tri ban hang, Dai Hoc Mo TP HCM
Quan tri ban hang, Dai Hoc Mo TP HCM
 
Đề tài: Hoạt động marketing dịch vụ du lịch, công ty du lịch, HAY!
Đề tài: Hoạt động marketing dịch vụ du lịch, công ty du lịch, HAY!Đề tài: Hoạt động marketing dịch vụ du lịch, công ty du lịch, HAY!
Đề tài: Hoạt động marketing dịch vụ du lịch, công ty du lịch, HAY!
 
Đề tài: Phân tích tình hình lợi nhuận của Công ty Dịch vụ Lữ hành
Đề tài: Phân tích tình hình lợi nhuận của Công ty Dịch vụ Lữ hànhĐề tài: Phân tích tình hình lợi nhuận của Công ty Dịch vụ Lữ hành
Đề tài: Phân tích tình hình lợi nhuận của Công ty Dịch vụ Lữ hành
 
Hoạt động marketing tại khách sạn Opera Thăng Long
Hoạt động marketing tại khách sạn Opera Thăng LongHoạt động marketing tại khách sạn Opera Thăng Long
Hoạt động marketing tại khách sạn Opera Thăng Long
 
Xây dựng chiến lược xúc tiến hỗn hợp cho du lịch việt nam
Xây dựng chiến lược xúc tiến hỗn hợp cho du lịch việt namXây dựng chiến lược xúc tiến hỗn hợp cho du lịch việt nam
Xây dựng chiến lược xúc tiến hỗn hợp cho du lịch việt nam
 
Đề tài: Kế hoạch internet – marketing cho công ty quảng cáo, 9đ
Đề tài: Kế hoạch internet – marketing cho công ty quảng cáo, 9đĐề tài: Kế hoạch internet – marketing cho công ty quảng cáo, 9đ
Đề tài: Kế hoạch internet – marketing cho công ty quảng cáo, 9đ
 
Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động marketing thu hút khách du lịch nội địa...
Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động marketing thu hút khách du lịch nội địa...Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động marketing thu hút khách du lịch nội địa...
Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động marketing thu hút khách du lịch nội địa...
 
LUẬN VĂN THẠC SĨ: THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP MARKETING DU LỊCH CHO THÀNH ...
LUẬN VĂN THẠC SĨ: THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP MARKETING DU LỊCH CHO THÀNH ...LUẬN VĂN THẠC SĨ: THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP MARKETING DU LỊCH CHO THÀNH ...
LUẬN VĂN THẠC SĨ: THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP MARKETING DU LỊCH CHO THÀNH ...
 

Similar to Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế

Chiến lược phát triển du lịch và nhu cầu hỗ trợ quốc tế đối với ngành du lịch...
Chiến lược phát triển du lịch và nhu cầu hỗ trợ quốc tế đối với ngành du lịch...Chiến lược phát triển du lịch và nhu cầu hỗ trợ quốc tế đối với ngành du lịch...
Chiến lược phát triển du lịch và nhu cầu hỗ trợ quốc tế đối với ngành du lịch...
https://www.facebook.com/garmentspace
 
Luan van tot nghiep quan tri kinh doanh quoc te (23).doc
Luan van tot nghiep quan tri kinh doanh quoc te (23).docLuan van tot nghiep quan tri kinh doanh quoc te (23).doc
Luan van tot nghiep quan tri kinh doanh quoc te (23).doc
Nguyễn Công Huy
 
Luan van Vi 10.8.19.pdf
Luan van Vi 10.8.19.pdfLuan van Vi 10.8.19.pdf
Luan van Vi 10.8.19.pdf
QuynBi45
 
Khóa luận Du lịch Quảng Ngãi
Khóa luận Du lịch Quảng NgãiKhóa luận Du lịch Quảng Ngãi
Khóa luận Du lịch Quảng Ngãi
ti2li119
 

Similar to Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế (20)

ĐỀ TÀI Phát triển sản phẩm của điểm đến du lịch Quảng Ninh - Việt Nam_1021371...
ĐỀ TÀI Phát triển sản phẩm của điểm đến du lịch Quảng Ninh - Việt Nam_1021371...ĐỀ TÀI Phát triển sản phẩm của điểm đến du lịch Quảng Ninh - Việt Nam_1021371...
ĐỀ TÀI Phát triển sản phẩm của điểm đến du lịch Quảng Ninh - Việt Nam_1021371...
 
Các giải pháp phát triển ngành du lịch Tỉnh Khánh Hoà đến năm 2020.doc
Các giải pháp phát triển ngành du lịch Tỉnh Khánh Hoà đến năm 2020.docCác giải pháp phát triển ngành du lịch Tỉnh Khánh Hoà đến năm 2020.doc
Các giải pháp phát triển ngành du lịch Tỉnh Khánh Hoà đến năm 2020.doc
 
Chiến lược phát triển du lịch và nhu cầu hỗ trợ quốc tế đối với ngành du lịch...
Chiến lược phát triển du lịch và nhu cầu hỗ trợ quốc tế đối với ngành du lịch...Chiến lược phát triển du lịch và nhu cầu hỗ trợ quốc tế đối với ngành du lịch...
Chiến lược phát triển du lịch và nhu cầu hỗ trợ quốc tế đối với ngành du lịch...
 
Chiến lược phát triển du lịch và nhu cầu hỗ trợ quốc tế đối với ngành Du lịch...
Chiến lược phát triển du lịch và nhu cầu hỗ trợ quốc tế đối với ngành Du lịch...Chiến lược phát triển du lịch và nhu cầu hỗ trợ quốc tế đối với ngành Du lịch...
Chiến lược phát triển du lịch và nhu cầu hỗ trợ quốc tế đối với ngành Du lịch...
 
Đề Tài Luận VănPhát triển sản phẩm du lịch tại thành phố Đà Nẵng.doc
Đề Tài Luận VănPhát triển sản phẩm du lịch tại thành phố Đà Nẵng.docĐề Tài Luận VănPhát triển sản phẩm du lịch tại thành phố Đà Nẵng.doc
Đề Tài Luận VănPhát triển sản phẩm du lịch tại thành phố Đà Nẵng.doc
 
Luận án: Thị trường du lịch ở tỉnh Luông Pra Băng, Lào, HAY
Luận án: Thị trường du lịch ở tỉnh Luông Pra Băng, Lào, HAYLuận án: Thị trường du lịch ở tỉnh Luông Pra Băng, Lào, HAY
Luận án: Thị trường du lịch ở tỉnh Luông Pra Băng, Lào, HAY
 
Luan van tot nghiep quan tri kinh doanh quoc te (23).doc
Luan van tot nghiep quan tri kinh doanh quoc te (23).docLuan van tot nghiep quan tri kinh doanh quoc te (23).doc
Luan van tot nghiep quan tri kinh doanh quoc te (23).doc
 
“Hội nhập: Hợp tác và cạnh tranh”
“Hội nhập: Hợp tác và cạnh tranh”“Hội nhập: Hợp tác và cạnh tranh”
“Hội nhập: Hợp tác và cạnh tranh”
 
Luận văn: Chính sách phát triển kinh tế du lịch huyện Thăng Bình
Luận văn: Chính sách phát triển kinh tế du lịch huyện Thăng BìnhLuận văn: Chính sách phát triển kinh tế du lịch huyện Thăng Bình
Luận văn: Chính sách phát triển kinh tế du lịch huyện Thăng Bình
 
Cơ sở lý luận về hoạt động chăm sóc khách hàng hay nhất
Cơ sở lý luận về hoạt động chăm sóc khách hàng hay nhấtCơ sở lý luận về hoạt động chăm sóc khách hàng hay nhất
Cơ sở lý luận về hoạt động chăm sóc khách hàng hay nhất
 
Phát triển dịch vụ city tour tại thành phố quy nhơn ở công ty lữ hành miền tr...
Phát triển dịch vụ city tour tại thành phố quy nhơn ở công ty lữ hành miền tr...Phát triển dịch vụ city tour tại thành phố quy nhơn ở công ty lữ hành miền tr...
Phát triển dịch vụ city tour tại thành phố quy nhơn ở công ty lữ hành miền tr...
 
Luận văn: Quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong hộ...
Luận văn: Quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong hộ...Luận văn: Quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong hộ...
Luận văn: Quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Cần Thơ trong hộ...
 
Luân Văn Phát triển loại hình du lịch Nice trên địa bàn Thành Phố Đà Nẵng.doc
Luân Văn Phát triển loại hình du lịch Nice trên địa bàn Thành Phố Đà Nẵng.docLuân Văn Phát triển loại hình du lịch Nice trên địa bàn Thành Phố Đà Nẵng.doc
Luân Văn Phát triển loại hình du lịch Nice trên địa bàn Thành Phố Đà Nẵng.doc
 
Quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố cần thơ trong hội nhập quố...
Quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố cần thơ trong hội nhập quố...Quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố cần thơ trong hội nhập quố...
Quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố cần thơ trong hội nhập quố...
 
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐ...
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐ...QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐ...
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG HỘI NHẬP QUỐ...
 
Luan van Vi 10.8.19.pdf
Luan van Vi 10.8.19.pdfLuan van Vi 10.8.19.pdf
Luan van Vi 10.8.19.pdf
 
Khóa Luận Việt Nam Học (Văn Hóa Du Lịch).doc
Khóa Luận Việt Nam Học (Văn Hóa Du Lịch).docKhóa Luận Việt Nam Học (Văn Hóa Du Lịch).doc
Khóa Luận Việt Nam Học (Văn Hóa Du Lịch).doc
 
Luận văn: Phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi, HAY, 9đ
Luận văn: Phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi, HAY, 9đLuận văn: Phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi, HAY, 9đ
Luận văn: Phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi, HAY, 9đ
 
Đề tài: Xây dựng kế hoạch kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2020 cho Saigonto...
Đề tài: Xây dựng kế hoạch kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2020 cho Saigonto...Đề tài: Xây dựng kế hoạch kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2020 cho Saigonto...
Đề tài: Xây dựng kế hoạch kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2020 cho Saigonto...
 
Khóa luận Du lịch Quảng Ngãi
Khóa luận Du lịch Quảng NgãiKhóa luận Du lịch Quảng Ngãi
Khóa luận Du lịch Quảng Ngãi
 

More from nataliej4

More from nataliej4 (20)

đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
 
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
 
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
 
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc giaTừ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
 
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngCông tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
 
Bài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcBài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốc
 
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin họcđề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
 
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngGiáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
 
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnLựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
 
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
 
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree towerSổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
 
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
 
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtBài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
 
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
 
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
 
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngBài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
 
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhBài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
 
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning introGiới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
 
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcLý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
 
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
 

Recently uploaded

C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoiC6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
dnghia2002
 
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptxBài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
DungxPeach
 
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfxemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
Xem Số Mệnh
 
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfSLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
hoangtuansinh1
 
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
ltbdieu
 

Recently uploaded (20)

Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net Viet
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net VietKiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net Viet
Kiến thức cơ bản về tư duy số - VTC Net Viet
 
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoiC6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
 
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptxBài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
 
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhkinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
 
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng TạoĐề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hộiTrắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
 
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình PhươngGiáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
 
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngGiới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
 
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ emcác nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
 
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docxbài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
 
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdfxemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
 
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfxemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
 
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
 
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhàBài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
 
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnBài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
 
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
 
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfSLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
 
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
26 Truyện Ngắn Sơn Nam (Sơn Nam) thuviensach.vn.pdf
 

Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế : Luận văn ThS. Kinh tế

  • 1. ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI KHOA KINH TẾ Nguyễn Anh Tuấn Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế LUẬN VĂN THẠC SỸ Hà nội - 2006
  • 2. ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI KHOA KINH TẾ Nguyễn Anh Tuấn Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế Luận văn Thạc sĩ Mã Số: 60 31 01 Người hướng dẫn khoa học: GS. TS. Nguyễn Văn Đính Hà nội - 2006
  • 3. 7 PHẦN MỞ ĐẦU I. TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ TÀI Du lịch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều nước đang phát triển coi Du lịch là ngành kinh tế trọng yếu, góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, tăng thu ngoại tệ, cân bằng cán cân thanh toán, tạo nhiều việc làm và nâng cao mức sống của người dân. Trong những năm gần đây, du lịch trở thành thị trường cạnh tranh cao. Du lịch toàn cầu có nhiều biến chuyển nhanh chóng do tác động của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin-viễn thông, khách du lịch có nhiều kinh nghiệm và nhu cầu đa dạng hơn, toàn cầu hoá kinh tế và giới hạn môi trường đối với tăng trưởng. Nhiều điểm đến du lịch mới nổi lên. Các hãng lữ hành và truyền thông ngày càng tăng ảnh hưởng trên thị trường. Khách du lịch quan tâm nhiều hơn tới chất lượng môi trường của các cơ sở dịch vụ và điểm đến du lịch. Điều đó làm tăng áp lực lên các nước quan tâm phát triển du lịch phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Nâng cao năng lực cạnh tranh ngày càng trở nên quan trọng đối với các nước thu hút khách du lịch nhằm giành thị phần lớn hơn trên thị trường du lịch toàn cầu. Điều này càng đặc biệt quan trọng đối với những nước phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào ngành Du lịch. Hơn nữa, vai trò của ngành Du lịch ở nhiều nước cũng có xu hướng tăng, làm nổi bật hơn tầm quan trọng của ngành Du lịch trong nền kinh tế. Qua 46 năm hình thành và phát triển, đặc biệt từ năm 1990 đến nay, Du lịch Việt Nam đã phát triển khá nhanh, trở thành ngành kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, góp phần tích cực vào quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước. Du lịch phát triển đã làm tăng vẻ đẹp đô thị, tạo nhiều việc làm, tăng thu ngoại tệ, cải thiện kết cấu hạ tầng và các lĩnh vực căn bản khác của nền kinh tế nước ta. Tài nguyên thiên nhiên, nhân văn phong phú và vị trí địa lý thuận lợi là những nhân tố quan trọng, góp phần vào sự phát triển du lịch của đất nước thời gian qua. Tuy nhiên, là ngành mới phát triển, Du lịch Việt Nam không tránh khỏi những hạn chế. Chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh trên thị trường du lịch thế giới còn thấp. Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
  • 4. 8 chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Công tác thị trường, xúc tiến du lịch chưa được đẩy mạnh. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng và chất lượng còn thấp. Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và kinh doanh du lịch còn yếu. Nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế về trình độ chuyên môn và kỹ năng đón tiếp khách du lịch. Do đó, lượng khách quốc tế vào Việt Nam thời gian qua chưa nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của đất nước. Xu thế toàn cầu hoá và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang gia tăng áp lực cạnh tranh đối với ngành Du lịch Việt Nam. Bên cạnh thuận lợi và cơ hội phát triển, Du lịch Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn, đó là tình trạng cạnh tranh quyết liệt trên thị trường du lịch thế giới để thu hút khách quốc tế. Để đứng vững trong cạnh tranh, Du lịch Việt Nam phải tăng cường vị thế và năng lực cạnh tranh, đặc biệt là với các nước trong khu vực để thu hút khách quốc tế. Do đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành Du lịch trở thành yêu cầu cấp thiết, quyết định sự phát triển của Du lịch Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế. II. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU Cho đến nay, ở Việt Nam, có rất ít công trình khoa học nghiên cứu, phân tích và đánh giá về năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam. Trong dự án VIE/89-003 về Kế hoạch chỉ đạo phát triển du lịch Việt Nam do Tổ chức Du lịch thế giới, UNDP và Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch phối hợp xây dựng (năm 1991) có một phần nhỏ phân tích về khả năng cạnh tranh của Du lịch Việt Nam nhưng đã lạc hậu so với sự phát triển du lịch hiện nay. Năm 2003, Luận án tiến sĩ kinh tế của tác giả Phạm Hồng Chương có đề cập vài nét tới khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp lữ hành tại Hà Nội. Trên Tạp chí Du lịch năm 2005 cũng chỉ có một số bài viết về sức cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch Hà Nội. Năm 2005, Vụ Thương mại và Dịch vụ, Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì đề tài“Khả năng cạnh tranh và tác động của tự do hoá ngành Du lịch” do UNDP tài trợ và nhóm tác giả của Khoa Du lịch và Khách sạn, Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện và dự kiến nghiệm thu trong năm 2006. Tuy nhiên, qua báo cáo tại hội thảo về đề tài này tháng 6/2006 vừa qua tại Hà Nội cho thấy, đề tài này chủ yếu đề cập tới tác động của tự do hoá ngành Du lịch.
  • 5. 9 Trong Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2001-2010 chưa có phần nào đề cập tới nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch. Hơn nữa, Tổng cục Du lịch cũng chưa xây dựng Chiến lược cạnh tranh cho Du lịch Việt Nam. III. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU 1. Mục đích nghiên cứu: Đề xuất giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch để thu hút khách quốc tế vào Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế. 2. Nhiệm vụ nghiên cứu: Để thực hiện mục đích trên, nhiệm vụ của luận văn là khái quát hoá những vấn đề lý luận về cạnh tranh và năng lực cạnh tranh, năng lực cạnh tranh trong ngành Du lịch; Nghiên cứu kinh nghiệm một số nước để rút ra bài học cho Việt Nam trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành Du lịch. Trên nền tảng lý luận và thực tiễn đó, luận văn phân tích, đánh giá tổng thể thực trạng năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam, rút ra mặt mạnh, mặt yếu, cơ hội và thách thức của ngành Du lịch hiện nay, đồng thời phân tích xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển du lịch quốc tế, làm cơ sở đề xuất các giải pháp cơ bản và đồng bộ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế. IV. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU 1. Đối tượng nghiên cứu: Như đã xác định trong tên đề tài, đối tượng nghiên cứu của luận văn là năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế. 2. Phạm vi nghiên cứu: 2.1. Phạm vi không gian: - Luận văn giới hạn nghiên cứu thực trạng năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam trong việc thu hút khách du lịch quốc tế so với một số đối thủ cạnh tranh trong khu vực, chủ yếu là với Thái Lan, Malaysia và Singapore; - Luận văn sử dụng kết quả đánh giá năng lực cạnh tranh ngành Du lịch toàn cầu của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới để đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam, không đi sâu phân tích yếu tố cấu thành và cách tính ra các chỉ số năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch; Chỉ tập trung nghiên cứu kinh
  • 6. 10 nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch của 3 nước là Thái Lan, Malaysia và Tây Ban Nha; 2.2. Phạm vi thời gian: Khoảng thời gian được nghiên cứu để phân tích, đánh giá thực trạng năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam là từ 1993 đến nay, chủ yếu từ năm 2000 đến nay. Thời gian để thực hiện các giải pháp là giai đoạn 2006-2010 và một số giải pháp có thể kéo dài thêm sang một vài năm tiếp theo, phù hợp với Chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam giai đoạn 2001-2010 và định hướng tới năm 2020. V. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Dựa trên phương pháp luận cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, luận văn vận dụng phương pháp nghiên cứu cụ thể sau đây: 1. Phương pháp lịch sử và lô gic; 2. Phương pháp phân tích và tổng hợp; 3. Phương pháp thống kê; 4. Phương pháp so sánh. VI. NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN VĂN - Khái quát, hệ thống hoá một số cơ sở lý luận về cạnh tranh và năng lực cạnh tranh, năng lực cạnh tranh trong ngành Du lịch. Từ nghiên cứu kinh nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch của một số nước, rút ra một số bài học quan trọng, có thể vận dụng để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam; - Đánh giá một cách toàn diện về thực trạng năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam, nêu bật mặt mạnh, mặt yếu, cơ hội và thách thức của Du lịch Việt Nam hiện nay, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp đồng bộ, có cơ sở khoa học và thực tiễn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút khách du lịch quốc tế của ngành Du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế. Người viết hy vọng sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách về du lịch có được tài liệu tham khảo tin cậy để xây dựng chiến lược cạnh tranh và đưa ra các biện pháp hiệu quả nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam, góp phần thúc đẩy ngành Du lịch Việt Nam phát triển và hội nhập nhanh vào ngành Du lịch toàn cầu. VII. BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN Ngoài phần mở đầu, khuyến nghị và kết luận, Luận văn gồm 3 chương:
  • 7. 11 Chương 1: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về năng lực cạnh tranh trong ngành Du lịch; Chương 2: Thực trạng năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam; Chương 3: Một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế. CHƯƠNG I: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH TRONG NGÀNH DU LỊCH 1.1. CẠNH TRANH VÀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH 1.1.1. Một số quan niệm và quan điểm cơ bản về cạnh tranh: Trong quá trình hình thành và phát triển của sản xuất, trao đổi hàng hoá và sự phát triển của kinh tế thị trường, cạnh tranh xuất hiện. Hoạt động cạnh tranh gắn liền với tác động của các quy luật thị trường như quy luật giá trị, quy luật cung cầu,… Cùng với quá trình hình thành và biến động của kinh tế thị trường, cạnh tranh trở thành chủ đề lý luận lớn được nhiều học giả kinh tế quan tâm đến. Tuy nhiên, do cách tiếp cận và mục đích nghiên cứu khác nhau của mỗi trường phái kinh tế nên trong thực tế có nhiều quan niệm khác nhau về cạnh tranh. Các học giả thuộc trường phái Tư sản cổ điển cho rằng: “Cạnh tranh là một quá trình bao gồm các hành vi phản ứng. Quá trình này tạo ra cho mỗi thành viên trong thị trường một dư địa hoạt động nhất định và mang lại cho mỗi thành viên một phần xứng đáng so với khả năng của mình”{19, tr3}. Theo Adam Smith, cạnh tranh có thể phối hợp các hoạt động kinh tế một cách nhịp nhàng và có lợi cho xã hội. Vì cạnh tranh, trong quá trình của cải của quốc gia tăng lên, chủ yếu diễn ra thông qua thị trường và giá cả, do đó cạnh tranh có quan hệ chặt chẽ với thị trường. Theo A.Smith, tự do thôi thúc cá nhân thực hiện các công việc một cách tốt nhất và năng suất hơn. Từ đó, cạnh tranh có thể khơi dậy nỗ lực của con người và làm cho của cải của quốc gia tăng lên. Ông chỉ ra rằng, trong điều kiện cạnh tranh, do có nhiều người tham gia nên chẳng những họ phải thường xuyên theo dõi, chú ý tới sự biến động của thị trường mà còn phải chú ý tới biến động cung cầu và áp lực cạnh
  • 8. 12 tranh. Bằng tài phán đoán, họ khôn khéo điều chỉnh sản lượng cho thích ứng với tình hình thay đổi cung cầu và áp lực cạnh tranh. Như vậy, cạnh tranh có thể cân bằng cung cầu xã hội. Cạnh tranh còn có tác dụng nâng cao năng lực lao động, điều tiết, phân phối các yếu tố tư bản một cách hợp lý. Mục tiêu của nhà tư bản là theo đuổi lợi nhuận, cạnh tranh đã làm cho tư bản chảy vào ngành có lợi nhuận cao nhất. Theo Mác, sự ra đời và tồn tại của cạnh tranh trước hết dựa vào hai điều kiện cơ bản: phân công xã hội và chủ thể lợi ích đa nguyên. Mác cho rằng “Sự phân công lao động trong xã hội đặt những người sản xuất hàng hoá độc lập đối diện với nhau, những người này không thừa nhận một uy lực nào khác ngoài uy lực cạnh tranh” {7, tr.517}. Trong lý luận cạnh tranh của Mác, có thể thấy nổi bật quan điểm về cạnh tranh giữa những người sản xuất và cạnh tranh đó đã ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Cạnh tranh diễn ra ở ba bình diện: cạnh tranh giá thành thông qua nâng cao năng suất lao động giữa các nhà tư bản nhằm thu lợi nhuận siêu ngạch; cạnh tranh chất lượng thông qua nâng cao giá trị sử dụng hàng hoá; cạnh tranh giữa các ngành thông qua khả năng luân chuyển tư bản để từ đó các nhà tư bản chia nhau giá trị thặng dư {8, 9}. Các nhà kinh tế thuộc trường phái Tân cổ điển đưa ra lý luận cạnh tranh hoàn hảo, cho rằng trong mô hình cạnh tranh hoàn hảo, sản xuất được điều khiển bởi thị hiếu của người tiêu dùng thông qua cơ chế thị trường. Muốn có lợi ích tối đa, doanh nghiệp phải bố trí sản xuất theo nguyên tắc giá thành cận biên ngang bằng với lợi ích cận biên. Cạnh tranh hoàn hảo là mô hình hướng về người tiêu dùng vì nó thúc đẩy các công ty điều chỉnh quy mô sản xuất tới điểm chi phí bình quân thấp nhất, tới giới hạn sản xuất tối ưu. Điều đó làm cho giá cả giảm và sử dụng tài nguyên hiệu quả nhất. Trong lý luận về tổ chức ngành, trường phái Harvard cho rằng, phán đoán tính chất cạnh tranh của một ngành nào đó không thể chỉ căn cứ vào hành vi thị trường (hành vi định giá) hoặc hiệu quả thị trường (có lợi nhuận siêu ngạch), mà phải căn cứ vào cơ cấu thị trường, xem ngành đó do một công ty độc quyền chi phối hay nằm phân tán trong các công ty khác, phải xem có nhiều rào cản ngăn chặn các công ty mới tham gia vào thị trường hay không.
  • 9. 13 Schumpeter, học giả thuộc trường phái Áo theo quan điểm sáng tạo và cạnh tranh trong trạng thái động, cho rằng, độc quyền không xoá bỏ cạnh tranh mà chỉ làm thay đổi phương thức cạnh tranh. Có nhiều phương thức cạnh tranh cùng tồn tại như cạnh tranh giá cả, chất lượng, công nghệ mới, nguồn cung ứng mới, phương thức tổ chức và quản lý mới. Sự ra đời của tổ chức độc quyền không có nghĩa là cạnh tranh suy yếu mà làm cho cạnh tranh chuyển sang trạng thái động, đi vào chiều sâu. Trong điều kiện toàn cầu hoá kinh tế hiện nay, quan điểm cạnh tranh đã thay đổi. Sự thay đổi đó dựa trên ba tiền đề cơ bản là : Thứ nhất, thế giới đã chuyển từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức, và toàn cầu hoá kinh tế thì cần phải tìm hiểu các quy định và luật chơi về cạnh tranh trong nền kinh tế tri thức; Thứ hai, xét từ góc nhìn thương mại quốc tế, cạnh tranh dựa vào lợi thế so sánh trước đây đã chuyển sang cạnh tranh dựa vào quy chế; Thứ ba, Tính tất yếu của hợp tác kinh tế để đổi mới quan điểm từ cạnh tranh đối kháng chuyển sang cạnh tranh có tính hợp tác. Quan điểm cạnh tranh có thể nâng cao năng suất và làm cho xã hội được lợi ăn sâu vào toàn bộ lý luận phương Tây. Cạnh tranh được coi là động lực làm giảm giá thành, cải tiến chất lượng và tạo sản phẩm mới. Trong nền kinh tế tri thức, tầm quan trọng của cạnh tranh không thay đổi nhưng so với nền kinh tế công nghiệp, quan niệm về cạnh tranh đã thay đổi. Trong nền kinh tế tri thức, cạnh tranh không đơn giản là thay đổi hàm số sản xuất và mở rộng thị phần mà là mở rộng không gian sinh tồn, tư bản hoá giá trị thời gian của cá nhân người tiêu dùng trong không gian thị trường mới. Không gian này lấy tăng trưởng bền vững, chuyên môn hoá ở trình độ cao và sáng tạo ra hệ thống sinh thái làm mục tiêu phát triển. Như chúng ta biết, lý luận thương mại truyền thống chủ yếu sử dụng lợi thế so sánh để giải thích sự hình thành và phát triển thương mại quốc tế. Điều đó là phù hợp, bởi vì gia nhập thị trường thuận lợi, Chính phủ can thiệp tương đối mềm mỏng. Nhưng trong nền kinh tế toàn cầu hoá, gia nhập thị trường khó khăn, đối thủ cạnh tranh tăng lên và mức độ cạnh tranh gay gắt, không chỉ dựa vào lợi thế lao động rẻ, tài nguyên nhiều để cạnh tranh mà còn dựa vào mức độ can thiệp của Chính phủ mỗi nước và cạnh tranh quốc tế. Cạnh tranh quốc tế chuyển từ lợi thế so sánh
  • 10. 14 sang cạnh tranh về các quy chế giữa các quốc gia với nhau, giữa các quốc gia với các khối mậu dịch thông qua hiệp định song phương và đa phương, giữa doanh nghiệp với Chính phủ. Ngày nay, trong thời đại kinh tế tri thức, để kích thích nền kinh tế phát triển, ngoài cơ chế thị trường tự điều tiết, nhà nước can thiệp còn có biện pháp thứ ba là hợp tác, đó là biện pháp tốt nhất hiện nay. Một trong những đặc điểm cơ bản của nền kinh tế thị trường là thực hiện quyết sách phân tán. Phân tán để thích nghi với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, tiết kiệm tài nguyên kinh tế, nhưng trong cùng mạng lưới thì có sự hợp tác chặt chẽ. Khi lực lượng sản xuất xã hội phát triển tới trình độ nhất định thì cần có sự hợp tác rộng rãi hơn. Cạnh tranh có tính hợp tác là đặc trưng chủ yếu của tính chất nương tựa lẫn nhau trong trạng thái động. Còn toàn cầu hoá thì đảo lộn đặc trưng đó, kêu gọi sự hợp tác có tính chất cạnh tranh. Nói chung, thời đại ngày nay là thời đại cạnh tranh và hợp tác để cùng tồn tại, có sự phân hoá lớn và sự cộng sinh giữa độc quyền và chống độc quyền. Theo Từ điển kinh doanh của Anh, cạnh tranh được xem là “sự ganh đua, sự kình địch giữa các nhà kinh doanh trên thị trường nhằm tranh giành cùng một loại tài nguyên sản xuất hoặc cùng một loại khách hàng về phía mình” {39, tr.3}. Kế thừa các quan điểm của các nhà nghiên cứu, ta có thể hiểu: cạnh tranh là quan hệ kinh tế phản ánh mối quan hệ giữa các chủ thể trong nền kinh tế thị trường cùng theo đuổi mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận. Đó là sự ganh đua giữa các chủ thể nhằm giành được những điều kiện thuận lợi nhất để thu lợi nhuận siêu ngạch. Cạnh tranh còn là phương thức giải quyết mâu thuẫn lợi ích kinh tế giữa các chủ thể của nền kinh tế thị trường. Tính chất cạnh tranh bị chi phối bởi bản chất kinh tế-xã hội của những chế độ xã hội đó. Với những quan niệm trên, phạm trù cạnh tranh được hiểu là quan hệ kinh tế mà ở đó các chủ thể kinh tế ganh đua nhau tìm mọi biện pháp, cả nghệ thuật lẫn thủ đoạn để đạt mục tiêu kinh tế của mình, thông thường là chiếm lĩnh thị trường, giành lấy khách hàng cũng như các điều kiện sản xuất, thị trường có lợi nhất. Mục đích cuối cùng của các chủ thể kinh tế trong quá trình cạnh tranh là tối đa hoá lợi ích. Đối với người sản xuất kinh doanh là lợi nhuận, đối với người tiêu dùng là lợi ích tiêu dùng và sự tiện lợi {10, tr.9}.
  • 11. 15 Trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau để giành giật người tiêu dùng. Cạnh tranh kích thích các doanh nghiệp thực hiện tốt nhất việc sản xuất hàng hoá và dịch vụ chất lượng cao với giá cả rẻ nhất. Cạnh tranh khuyến khích hoạt động doanh nhân và gia nhập thị trường của các doanh nghiệp mới qua thoả mãn doanh nghiệp làm ăn hiệu quả và trừng phạt doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả. Trong điều kiện thị trường lý tưởng, các doanh nghiệp phản ứng linh hoạt và nhanh nhạy đối với thay đổi nhu cầu thị trường và sự gia nhập thường xuyên của các doanh nghiệp mới. Sự gia nhập của doanh nghiệp mới cung cấp tác nhân kích thích cần thiết cho việc điều chỉnh và tốc độ họ thực hiện là thước đo hiệu quả năng lực cạnh tranh của họ. Vì vậy, cạnh tranh là một nhân tố chính của năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, trên hầu hết các thị trường, các điều kiện thị trường hiếm khi đạt tới điều kiện lý tưởng như trong lý thuyết kinh tế. Trên thực tế, nhiều rào cản tồn tại ngăn cản các thị trường cạnh tranh thực sự, vì thế cản trở các doanh nghiệp điều chỉnh đối với sự thay đổi của điều kiện thị trường và ngăn ngừa việc thành lập các doanh nghiệp mới. Những rào cản như vậy có thể bắt nguồn từ tính không đối xứng của thông tin giữa các doanh nghiệp cạnh tranh liên quan tới thị trường và công nghệ, quy định, quy mô kinh tế và sử dụng thủ đoạn chống cạnh tranh của các doanh nghiệp đã gia nhập thị trường rồi nhằm mở rộng kiểm soát của họ đối với các doanh nghiệp khác hoặc chấm dứt gia nhập thị trường của các doanh nghiệp khác. Theo nghĩa rộng nhất, cạnh tranh có nghĩa là “tồn tại vì thích ứng nhất” và vì thế, có thể hiểu rằng cạnh tranh thủ tiêu cạnh tranh. Trong điều kiện cạnh tranh gia tăng và theo đuổi lợi nhuận lớn hơn, những doanh nghiệp tham gia thị trường hiện tại có thể bị lôi cuốn để bóp méo hoặc loại trừ cạnh tranh nhằm giành được hoặc lạm dụng sức mạnh thị trường. Vì vậy, cần thiết phải có sự can thiệp bằng chính sách của Chính phủ nhằm duy trì và khuyến khích cạnh tranh lành mạnh. 1.1.2. Phân loại cạnh tranh: Cạnh tranh được phân thành nhiều loại dựa trên các tiêu thức khác nhau: Thứ nhất, xét theo chủ thể kinh tế tham gia thị trường có cạnh tranh giữa những người sản xuất hay người bán với nhau, cạnh tranh giữa những người mua,
  • 12. 16 cạnh tranh giữa người bán và người mua (trong tác phẩm: “Lao động làm thuê và tư bản” của Mác). Thứ hai, xét theo mục tiêu kinh tế của các chủ thể tham gia thị trường: có cạnh tranh nội bộ ngành và cạnh tranh giữa các ngành. C.Mác dùng cách phân loại này nghiên cứu cơ sở khoa học của các phạm trù giá trị thị trường, giá cả sản xuất và lợi nhuận bình quân. Ở đó, Mác chỉ rõ, trước hết để đạt mục tiêu bán cùng một loại hàng hoá đã xuất hiện cạnh tranh trong nội bộ ngành, kết quả là hình thành giá trị thị trường. Sau nữa, để giành nơi đầu tư có lợi giữa các chủ thể kinh tế đã xuất hiện cạnh tranh giữa các ngành, kết quả là hình thành lợi nhuận bình quân và giá cả sản xuất. Ngày nay, các nhà kinh tế học đã phát triển cách phân loại trên của Mác phân loại cạnh tranh thành hai hình thức là: “cạnh tranh dọc” và “cạnh tranh ngang”. Cạnh tranh dọc là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp có mức chi phí bình quân thấp nhất khác nhau. Cạnh tranh ngang là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp có mức chi phí bình quân thấp nhất như nhau. Thứ ba, xét theo hình thái cạnh tranh có hai loại cạnh tranh: Cạnh tranh hoàn hảo: là tình trạng cạnh tranh trong đó giá cả của một loại hàng hoá không thay đổi trong toàn bộ địa danh của thị trường, bởi vì người mua, người bán đều biết tường tận về các điều kiện của thị trường. Trong điều kiện đó không có doanh nghiệp nào có đủ sức mạnh có thể ảnh hưởng đến giá cả sản phẩm của mình trên thị trường; Cạnh tranh không hoàn hảo: là hình thức cạnh tranh chiếm ưu thế trong các ngành sản xuất có đủ sức mạnh và thế lực có thể chi phối được giá cả sản phẩm của mình trên thị trường. Cạnh tranh không hoàn hảo có hai loại: độc quyền nhóm và cạnh tranh độc quyền. Thứ tư, xét theo công đoạn của sản xuất - kinh doanh, cạnh tranh có ba loại: cạnh tranh trước bán hàng, cạnh tranh trong quá trình bán hàng và cạnh tranh sau bán hàng. Cuộc cạnh tranh này được thực hiện bằng phương thức thanh toán và dịch vụ. Thứ năm, xét theo tính chất của phương thức cạnh tranh: Trong cạnh tranh, các chủ thể kinh tế sẽ dùng tất cả các biện pháp, cả nghệ thuật lẫn thủ đoạn, để đạt được mục tiêu kinh tế của mình. Có những biện pháp cạnh tranh hợp pháp hay cạnh
  • 13. 17 tranh lành mạnh. Ngược lại, có những thủ đoạn phi pháp, nhằm tiêu diệt đối phương chứ không phải bằng nỗ lực vươn lên của mình, gọi là cạnh tranh không lành mạnh. Thứ sáu, xét theo phạm vi lãnh thổ: cạnh tranh gồm cạnh tranh trong nước và cạnh tranh quốc tế. Cạnh tranh quốc tế có thể diễn ra ở ngay thị trường nội địa, đó là cạnh tranh giữa hàng hoá sản xuất trong nước với hàng ngoại nhập. Ngoài ra, cạnh tranh còn được phân loại dựa trên tiêu chí khác như điều kiện không gian, lợi thế tài nguyên, nhân lực, đặc điểm tập quán sản xuất, tiêu dùng, văn hoá,... ở từng dân tộc, khu vực, quốc gia khác nhau. 1.1.3. Năng lực cạnh tranh: Thuật ngữ năng lực cạnh tranh được sử dụng rộng rãi nhưng vẫn chưa có một khái niệm rõ ràng cũng như cách thức đo lường năng lực cạnh tranh. Theo Từ điển thuật ngữ kinh tế học, năng lực cạnh tranh là khả năng giành được thị phần lớn trước các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, kể cả khả năng giành lại một phần hay toàn bộ thị phần của đồng nghiệp {39, tr.349}. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD định nghĩa năng lực cạnh tranh là “khả năng của các công ty, các ngành, các vùng, các quốc gia hoặc khu vực siêu quốc gia trong việc tạo ra việc làm và thu nhập cao hơn trong điều kiện cạnh tranh quốc tế trên cơ sở bền vững”{60, tr.3}. Tương tự, Scott và Lodge (1985) đã định nghĩa “năng lực cạnh tranh quốc gia là khả năng của nhà nước quốc gia để sản xuất, phân phối và phục vụ hàng hoá trong nền kinh tế quốc tế cạnh tranh với hàng hoá và dịch vụ đã sản xuất ở các nước khác, và làm như vậy theo một cách thức nhằm nâng cao mức sống” {60, tr.3}. Tuy nhiên, Krugman (1994) đã bác bỏ khái niệm năng lực cạnh tranh quốc gia vì thể hiện vô nghĩa khi áp dụng đối với nền kinh tế quốc gia và M. Porter (1990) có quan điểm cho rằng chỉ có khái niệm năng lực cạnh tranh duy nhất có ý nghĩa ở cấp quốc gia là năng suất quốc gia {60, tr.3}. Năng lực cạnh tranh có ý nghĩa nhất và không gây tranh cãi khi được áp dụng đối với doanh nghiệp. Một doanh nghiệp được coi là có năng lực cạnh tranh và được đánh giá là có thể đứng vững cùng các doanh nghiệp khác, khi sản phẩm thay thế hoặc sản phẩm tương tự được đưa ra với mức giá thấp hơn sản phẩm cùng loại; hoặc cung cấp sản phẩm tương tự với đặc tính về chất lượng và dịch vụ ngang bằng hay cao hơn. Nhìn chung, khi xác định năng lực cạnh tranh của một doanh
  • 14. 18 nghiệp hay một ngành cần xem xét đến tiềm năng sản xuất kinh doanh hàng hoá hay dịch vụ ở mức giá ngang bằng hay thấp hơn mức giá phổ biến mà không phải trợ cấp. Theo quan điểm vĩ mô, năng lực cạnh tranh là vấn đề quốc gia và mục tiêu cơ bản là nâng cao thu nhập thực tế cho cộng đồng. Theo quan điểm này, năng lực cạnh tranh là khái niệm rất rộng bao quát tất cả các khía cạnh kinh tế, văn hoá và xã hội, ảnh hưởng đến thành quả của một quốc gia trên thị trường quốc tế. Phản ánh quan điểm vĩ mô này, năng lực cạnh tranh được định nghĩa là mức độ theo đó một quốc gia có thể, trong điều kiện thị trường tự do và bình đẳng, sản xuất hàng hoá và dịch vụ đáp ứng những thử nghiệm của thị trường quốc tế trong khi duy trì và mở rộng một cách tương ứng thu nhập thực tế của người dân nước đó trong dài hạn {52, tr. 371}. Mặt khác, theo quan điểm vi mô, hành vi cụ thể của doanh nghiệp quyết định năng lực cạnh tranh. Hệ thống phân tích cạnh tranh của M.Porter (Porter, 1980) nhấn mạnh sự hấp dẫn ngành và tính chất của nó, như khả năng nâng cao sức mạnh của hãng đối với người mua và người cung cấp, ngăn cản hãng mới gia nhập ngành và loại bỏ đối thủ cạnh tranh, như là những yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh và khả năng lợi nhuận trong dài hạn{52, tr372}. Dựa trên cả quan điểm vi mô và vĩ mô cho thấy, các doanh nghiệp và các quốc gia đối mặt với những thách thức và ưu tiên rất khác nhau vì họ chuyển từ nền kinh tế dựa trên tài nguyên sang nền kinh tế tri thức. Vì vậy, nhân tố chính đóng góp đối với năng lực cạnh tranh toàn cầu, và nhờ đó nâng cao mức sống, sẽ khác với các nền kinh tế ở mức độ phát triển khác nhau (Porter et al., 2001) {52, tr.372}. Không xét đến những định nghĩa cụ thể trên, khái niệm năng lực cạnh tranh xuất hiện là trung tâm đối với phát triển con người, tăng trưởng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đối với doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh có nghĩa là tạo ra những lựa chọn tăng trưởng mới, mang lại giá trị cho các cổ đông. Đối với xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh là tạo ra việc làm mới và điều kiện sống tốt hơn (Diễn đàn kinh tế thế giới, 2001) {52, tr.372}. Tạo ra sự giàu có là động cơ của tăng trưởng kinh tế và động lực chính của đổi mới. Mục tiêu căn bản của năng lực cạnh tranh là duy trì và tăng thu nhập thực tế của công dân, phản ánh mức sống tăng lên của đất nước.
  • 15. 19 Toàn cầu hoá và tự do hoá, diễn ra nhờ những tiến bộ công nghệ nhanh chóng, đang tạo ra sự năng động cạnh tranh mới và làm cho những yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh phức tạp hơn nhiều. Như đã đề cập trên, hiệu quả cao hơn là nguồn gốc của năng lực cạnh tranh. Trong thương mại quốc tế, trước đây, năng lực cạnh tranh được xác định qua tỷ giá, chi phí và giá cả. Ngày nay, có sự phân biệt giữa năng lực cạnh tranh tĩnh và năng lực cạnh tranh động. Trước đây, nhấn mạnh chủ yếu vào cạnh tranh giá, nhờ đó các doanh nghiệp cạnh tranh trên cơ sở nguồn lực nhận được như chi phí lao động thấp và nguồn tài nguyên thiên nhiên rẻ. Trong trường hợp này, duy trì năng lực cạnh tranh phụ thuộc vào việc duy trì hoặc hạ thấp chi phí sản xuất. Đây là cơ sở theo đó nhiều doanh nghiệp của các nước đang phát triển tiến hành cạnh tranh. Năng lực cạnh tranh động được kết hợp với sự thay đổi bản chất của cạnh tranh. Cạnh tranh đặt phần thưởng không chỉ lên quan hệ giữa giá cả và chi phí mà còn lên khả năng cấp độ doanh nghiệp để nghiên cứu, điều chỉnh nhanh chóng đối với các điều kiện thị trường mới và đổi mới. Thuật ngữ “đổi mới” ở đây có nghĩa là doanh nghiệp không chỉ đổi mới trong phạm vi công nghệ mà còn thay đổi nhanh và liên tục trong lĩnh vực tổ chức đầu tư, tạo ra năng lực sản xuất, xây dựng và nâng cấp khả năng công nghệ hay học cách đối phó với những thay đổi. Do vậy, ở đây, năng lực cạnh tranh được hiểu là khả năng của các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá và dịch vụ tham gia vào cuộc thử nghiệm của cạnh tranh quốc tế trong khi nâng cấp khả năng công nghệ. Xuất phát từ thực tiễn ta thấy, lợi thế cạnh tranh được tạo ra trong các ngành chứ không phải trong nền kinh tế nói chung. Ngược lại, lợi thế so sánh không dẫn tới lợi thế cạnh tranh, nó có thể là cơ sở để xây dựng lợi thế cạnh tranh. Như đã đề cập trên, năng lực cạnh tranh là một quá trình đổi mới, nâng cấp và tăng các hoạt động tạo ra giá trị liên tục. Trên thị trường quốc tế và nội địa, áp lực cạnh tranh đóng vai trò căn bản, nhưng những nhân tố trong nước chứ không phải nhân tố toàn cầu là nhân tố quan trọng, quyết định năng lực cạnh tranh. Nói chung, thành công của nâng cao năng lực cạnh tranh phụ thuộc vào quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai lĩnh vực công-tư trong việc xây dựng tầm nhìn chiến lược và kế hoạch hành động. Điều cần thiết là tạo ra đầu vào có mục tiêu kinh tế chung và rộng rãi, khuyến khích tư nhân cung cấp hàng hoá công cộng vì lợi ích chung. 1.1.4. Các cấp độ năng lực cạnh tranh:
  • 16. 20 Năng lực cạnh tranh có thể được phân biệt thành bốn cấp độ: năng lực cạnh tranh cấp quốc gia, năng lực cạnh tranh cấp ngành, năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh sản phẩm hàng hoá. Năng lực cạnh tranh ở bốn cấp độ phân biệt trên có mối tương quan mật thiết và phụ thuộc lẫn nhau. Do đó, khi xem xét, đánh giá và đề ra giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung, của ngành Du lịch nói riêng cần thiết phải đặt nó trong mối tương quan chung giữa các cấp độ cạnh tranh nêu trên. Một mặt, toàn bộ năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp của một nước tạo thành năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia đó. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bị hạn chế khi năng lực cạnh tranh cấp quốc gia và của sản phẩm doanh nghiệp đó đều thấp. Mặt khác, năng lực cạnh tranh quốc gia thể hiện qua môi trường kinh doanh, cạnh tranh quốc tế và trong nước. Trong đó, các cam kết về hợp tác kinh tế quốc tế, các chính sách kinh tế vĩ mô và hệ thống luật pháp có ảnh hưởng rất lớn đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của ngành và của sản phẩm hàng hoá trong quốc gia đó. Vì vậy, cần đề cập tới năng lực cạnh tranh cấp độ quốc gia và của sản phẩm trước khi đề cập đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Còn năng lực cạnh tranh cấp ngành có mối quan hệ và chịu ảnh hưởng của năng lực cạnh tranh quốc gia và của sản phẩm tương tự như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. 1.1.4.1. Năng lực cạnh tranh cấp quốc gia: Tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 1997, trong bản Báo cáo về tính cạnh tranh tổng thể đã định nghĩa: “năng lực cạnh tranh cấp quốc gia là năng lực của nền kinh tế quốc dân nhằm đạt được và duy trì mức tăng trưởng cao trên cơ sở các chính sách, thể chế bền vững tương đối và đặc trưng kinh tế khác” {20, tr.9}. Như vậy, năng lực cạnh tranh cấp quốc gia có thể được hiểu là việc xây dựng môi trường cạnh tranh kinh tế chung, đảm bảo phân bố hiệu quả nguồn lực, để đạt và duy trì mức tăng trưởng cao, bền vững. Môi trường cạnh tranh kinh tế chung có ý nghĩa lớn đối với việc thúc đẩy quá trình đầu tư, tự điều chỉnh, lựa chọn của các nhà doanh nghiệp theo tín hiệu thị trường được thông tin đầy đủ. Mặt khác, môi trường cạnh tranh thuận lợi sẽ tạo cơ sở cho Chính phủ đề ra chủ trương và hoạch định chính sách phát triển, cải thiện đầu tư, tăng cường hợp tác quốc tế và hội nhập ngày càng có hiệu quả, sẽ ảnh hưởng quyết định đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. 1.1.4.2. Năng lực cạnh tranh cấp ngành: là năng lực duy trì hay gia tăng thị phần trên thị trường cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ của ngành. Năng lực cạnh
  • 17. 21 tranh của ngành phụ thuộc vào yếu tố do ngành tự quyết định nhưng nó cũng phụ thuộc vào các yếu tố do Chính phủ quyết định. Ngoài ra, nó còn phụ thuộc vào các yếu tố mà cả Chính phủ và ngành chỉ kiểm soát được ở mức độ hạn chế hoặc hoàn toàn không thể quyết định được. Trong thực tế, quá trình điều chỉnh của ngành diễn ra cùng với những biến đổi của năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung. 1.1.4.3. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: là năng lực tồn tại, duy trì hay gia tăng lợi nhuận, thị phần trên thị trường cạnh tranh sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch là khả năng quản trị chiến lược tạo ra lợi thế cạnh tranh, duy trì hay gia tăng lợi nhuận trong việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện các sản phẩm và dịch vụ du lịch của doanh nghiệp nhằm đảm bảo tồn tại và phát triển bền vững trên thị trường cạnh tranh quốc tế mà không phải trợ cấp. 1.1.4.4. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá: Một sản phẩm hàng hoá được coi là có năng lực cạnh tranh khi nó đáp ứng được nhu cầu của khách hàng về chất lượng, giá cả, tính năng, kiểu dáng, tính độc đáo hay sự khác biệt, thương hiệu, bao bì.... hơn hẳn so với những sản phẩm hàng hoá cùng loại. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá lại được định đoạt bởi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Sẽ không có năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá cao khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm đó thấp. Cần phân biệt năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Đây là hai phạm trù khác nhau nhưng có quan hệ hữu cơ với nhau. Năng lực cạnh tranh của hàng hoá có được do năng lực cạnh tranh của chủ thể (doanh nghiệp) tạo ra; nhưng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp không chỉ do năng lực cạnh tranh của hàng hoá mà có, mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá có ảnh hưởng lớn và thể hiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. 1.2. NĂNG LỰC CẠNH TRANH TRONG NGÀNH DU LỊCH 1.2.1. Khái niệm năng lực cạnh tranh trong ngành Du lịch: Để thành công trên thị trường quốc tế, bất kỳ điểm đến du lịch nào cũng phải đảm bảo rằng tài nguyên du lịch hấp dẫn và toàn bộ sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho khách du lịch phải ngang bằng hoặc vượt hơn nhiều điểm đến thay thế khác.
  • 18. 22 Trong ngành Du lịch, đánh giá năng lực cạnh tranh ngày càng thu hút sự quan tâm đáng kể vì nó được coi như nhân tố quyết định thành công của các điểm đến du lịch. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh là một khái niệm phức tạp bởi vì hàng loạt yếu tố tính toán ra nó, cả quan sát được lẫn không quan sát được, có thể khó khăn để đánh giá. Nó là một khái niệm tương đối và đánh giá nó sẽ khác nhau, phụ thuộc vào sự lựa chọn năm cơ sở và/hoặc nước cơ sở. Điều quan trọng nhất cần lưu ý là năng lực cạnh tranh là khái niệm đa chiều (có nghĩa là chất lượng của năng lực cạnh tranh). Hơn nữa, sự phức tạp hơn của năng lực cạnh tranh tăng lên vì đối tượng phân tích và khả năng của nhà phân tích “các nhà chính trị quan tâm tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế (quốc gia, khu vực và địa phương), các ngành hoặc hiệp hội thương mại giới hạn lợi ích đối với ngành của họ, các chủ kinh doanh và các nhà quản lý lo lắng về khả năng của chính các hãng của họ để cạnh tranh trên thị trường cụ thể” {50, tr.3}. Năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch của một nước hoặc vùng lãnh thổ trong luận văn này được gọi chung là năng lực cạnh tranh điểm đến (coi một quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ là một điểm đến du lịch). Năng lực cạnh tranh điểm đến là khả năng của một điểm đến phân phối hàng hoá và dịch vụ du lịch tốt hơn các điểm đến khác. Theo Dwyer, Forsyth and Rao (2000a) “Năng lực cạnh tranh du lịch là khái niệm chung bao hàm những khác biệt về giá kết hợp với sự vận động của tỷ giá, mức độ năng suất của các thành phần khác nhau của ngành Du lịch và nhân tố chất lượng ảnh hưởng tới sự hấp dẫn hoặc các yếu tố khác của điểm đến’’{52, tr.3}. Năng lực cạnh tranh du lịch cũng được định nghĩa là “khả năng của một điểm đến để duy trì vị trí thị trường và thị phần của nó và/hoặc để cải thiện chúng qua thời gian” (d’Harserre 2000 :23). Hassan (2000) định nghĩa năng lực cạnh tranh du lịch là “khả năng của điểm đến tạo ra sự kết hợp các sản phẩm giá trị gia tăng để duy trì nguồn lực trong khi giữ vững vị thế trên thị trường trước đối thủ cạnh tranh” {52, tr.3}. Công trình nghiên cứu cụ thể nhất về năng lực cạnh tranh du lịch tổng thể là của Crouch & Ritchie. Theo Crouch & Ritchie, “Để cạnh tranh, sự phát triển du lịch của điểm đến phải là bền vững, không chỉ bền vững về kinh tế và sinh thái mà còn bền vững về xã hội, văn hoá và chính trị’’{52, tr.3}. Vì vậy, điểm đến cạnh tranh nhất là điểm đến mang lại thịnh vượng bền vững và hiệu quả nhất cho người dân địa phương. Dưới đây là mô hình về năng lực cạnh tranh điểm đến được các nhà nghiên cứu đưa ra. Mô hình này kết hợp các yếu tố chính của năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp và những yếu tố chính của năng lực cạnh tranh điểm đến do các
  • 19. 23 nhà nghiên cứu du lịch, đặc biệt là do Crouch and Ritchie đề xuất. Mô hình 1.1 mô tả các yếu tố chính của năng lực cạnh tranh điểm đến. MÔ HÌNH 1.1. MÔ HÌNH KẾT HỢP NĂNG LỰC CẠNH TRANH ĐIỂM ĐẾN {53, tr 378} Theo Crouch and Ritchie (1999), kể từ khi lữ hành và du lịch có thể thương mại hoàn toàn, lý thuyết về lợi thế so sánh dựa trên khả năng của các nhân tố sản xuất cũng có thể được áp dụng đối với năng lực cạnh tranh điểm đến. Khả năng nhân tố bao gồm cả các nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân tạo và mô hình năng lực cạnh tranh của Crouch and Ritchie nhận ra các loại khả năng nhân tố sau đây: nguồn nhân lực, nguồn lực vật chất, nguồn lực tri thức, nguồn lực vốn, kết cấu hạ tầng, nguồn tài nguyên lịch sử và văn hoá. M.Porter bình luận rằng lợi thế cạnh tranh có ý nghĩa hơn lợi thế so sánh theo nghĩa lợi thế cạnh tranh nhằm xem xét khả năng của đất nước sử dụng hiệu quả các nguồn lực này trong dài hạn. 1.2.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch: Nguồn lực thừa hưởng Nguồn lực sáng tạo Nhân tố và nguồn lực hỗ trợ Điều kiện thực tế Quản lý điểm đến Điều kiện cầu Năng lực cạnh tranh điểm đến Triển vọng kinh tế xã hội Chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến Chỉ số cạnh tranh quốc gia/khu vực
  • 20. 24 Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch, trong phạm vi luận văn này, tôi xin đề cập một số yếu tố chính ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch, cụ thể là: 1.2.2.1. Tiếp cận tới thị trường du lịch: Khoảng cách của điểm đến tới thị trường du lịch là yếu tố quyết định của năng lực cạnh tranh điểm đến. Năng lực cạnh tranh của các điểm đến du lịch gần và xa được xem xét trên cơ sở so sánh mức giá, mức hạng lưu trú và mức khoảng cách từ thị trường nguồn tới điểm đến. Thực tiễn chỉ ra rằng, mức giá là chỉ số năng lực cạnh tranh mạnh nhất giữa điểm đến gần và điểm đến xa vì chi phí ở điểm đến xa cao hơn điểm đến gần. 1.2.2.2. Giá cả và chi phí: Co giãn giá của cầu du lịch thường cao. Vì vậy, bất kỳ sự thay đổi phần trăm nào trong giá, trực tiếp khuyến khích hoặc không khuyến khích đi du lịch tới một nơi nhất định. Lãnh đạo chi phí là một trong hai mục tiêu chủ yếu để đạt được năng lực cạnh tranh (Porter , 1985){53, tr.7}. Giá cả tương đối của một điểm đến so với điểm đến khác có ảnh hưởng tới động cơ đi du lịch. Tuy nhiên, giá cả trở thành nhân tố ít ý nghĩa hơn trong quyết định đi du lịch vì co giãn cầu du lịch giảm. Thay vào đó, chất lượng là yếu tố quyết định sự lựa chọn của hầu hết khách du lịch. Vì thế, chất lượng sản phẩm là mục tiêu chính để tăng cường năng lực cạnh tranh. 1.2.2.3. Sử dụng công nghệ thông tin: Năng lực cạnh tranh tương lai của các điểm đến du lịch sẽ phụ thuộc lớn vào việc công nghệ viễn thông mới được ứng dụng như thế nào và mức độ điểm đến tiếp cận tới cơ hội marketing và xúc tiến qua các công nghệ đó. Mặc dù lợi ích của internet là rất lớn, các tổ chức du lịch nhỏ có thể không sử dụng internet. Vì vậy, các tổ chức lớn có thể duy trì sự lãnh đạo của họ bởi lợi thế của các hoạt động marketing trên internet. 1.2.2.4. An toàn, an ninh và rủi ro: Hình ảnh là nhân tố then chốt khi lựa chọn điểm đến cho kỳ nghỉ của khách du lịch. Làm cho khách du lịch cảm thấy an toàn và an ninh trước và trong kỳ nghỉ là cần thiết đối với năng lực cạnh tranh quốc tế của điểm đến. Hình ảnh tiêu cực do thiếu an ninh có thể gây nguy hiểm cho ngành Du lịch bởi vì thông tin truyền miệng tiêu cực về hình ảnh đó không thể tránh được ngay cả khi điểm đến có sức hấp dẫn du lịch chất lượng cao. Những người cảm nhận rủi ro
  • 21. 25 của điểm đến nhất định bỏ qua trong kế hoạch du lịch tương lai của họ. Bất ổn chính trị và xã hội trong nước cũng cần được xem xét trong rủi ro tại điểm đến du lịch. 1.2.2.5. Chất lượng của phương tiện và dịch vụ du lịch: Theo Keller and Smeral, nguồn lực của điểm đến như tài nguyên thiên nhiên và nhân văn, nguồn lực vốn và kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực ảnh hưởng tới mức độ năng lực cạnh tranh điểm đến. Một số nhà nghiên cứu sau này cho rằng chất lượng trong du lịch bao hàm 3 thành phần chính: chất lượng tự nhiên (vấn đề môi trường); chất lượng vật chất (cơ sở lưu trú, nhà hàng, cửa hàng, phương tiện thể thao và văn hoá); chất lượng phi vật chất (dịch vụ như hướng dẫn thông tin, tốc độ thủ tục check in, check out, dọn phòng){53, tr.10}. 1.2.2.6. Chất lượng tài nguyên môi trường: Trong môi trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh, chất lượng môi trường của điểm đến du lịch là thành phần căn bản để gặt hái thành công. Vì thế, để duy trì cạnh tranh trên thị trường, cả điểm đến và tổ chức du lịch phải đáp ứng chính sách thân thiện với môi trường. Điều hiển nhiên là quan tâm tới môi trường là nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới sự lựa chọn điểm đến của khách du lịch. Những phát hiện nghiên cứu cho thấy khoảng một nửa khách du lịch Đức có ý thức đáng kể về chất lượng môi trường khi lựa chọn điểm đến cho kỳ nghỉ. 1.2.2.7. Nguồn nhân lực: Nguồn nhân lực được cho là một trong những đầu vào quan trọng nhất để đạt được lợi thế cạnh tranh đầy đủ. Là một phần của ngành công nghiệp dịch vụ, du lịch sẽ tiếp tục đòi hỏi một số lớn nguồn nhân lực có kỹ năng để giảm việc thiếu lao động trong thời gian tới. Ai cũng biết rằng du lịch là ngành yêu cầu sự liên hệ mặt đối mặt rất mạnh giữa chủ (hoặc nhân viên) và khách du lịch. Thái độ của người dân địa phương đối với khách du lịch, những tiếp cận đối với phát triển du lịch và xây dựng các chương trình đào tạo nhân viên và giáo dục người dân địa phương sẽ cho thấy vị thế của điểm đến trong năng lực cạnh tranh. 1.2.2.8. Chính sách của Chính phủ: Phát triển du lịch có thể đóng góp đáng kể đối với phát triển kinh tế-xã hội. Do đó, Chính phủ một số nước đảm trách đối với đầu tư, kiểm soát, lập kế hoạch, phối hợp và tài chính trong ngành Du lịch. Bằng cách đó, Chính phủ có thể kiểm soát dòng chảy của khách du lịch đến đất nước. Vì thế, khi du lịch được coi là có ảnh hưởng tiêu cực lên nền kinh tế và xã hội, những quy định chặt chẽ về nhập cảnh có thể được ban hành. Khi du lịch được
  • 22. 26 quan tâm, Chính phủ khuyến khích mạnh mẽ phát triển ngành Du lịch để thu hút nhiều khách du lịch hơn. 1.2.3. Các chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch: Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới đã đưa ra 8 chỉ số để đánh giá năng lực cạnh tranh trong ngành Du lịch dưới đây: 1.2.3.1. Chỉ số năng lực cạnh tranh giá: Năng lực cạnh tranh giá là giá của các hàng hoá chủ yếu do khách du lịch tiêu thụ như lưu trú, đi lại, thuê xe, giải trí,…Tuy nhiên, nhiều nước không có số liệu nên thành phần giá chỉ bao gồm giá khách sạn và sức mua tương đương (PPP). Chỉ số giá khách sạn thể hiện mức trung bình của giá phòng tối thiểu từ các hạng khách sạn khác nhau theo đô la Mỹ hiện hành. Giá khách sạn cũng được điều chỉnh theo chất lượng, sử dụng giá của chuỗi khách sạn lớn trên toàn cầu như Hilton, Sheraton, Radisson và Novotel. Chỉ số PPP là chỉ số được điều chỉnh theo ảnh hưởng tỷ giá mà PPP hoàn toàn phản ánh sự khác nhau về giá, không phải là tỷ giá. Chỉ số PPP chỉ ra số đô la Mỹ cần thiết để mua khối lượng hàng hoá dịch vụ tương ứng trong thị trường nội địa. Sự kết hợp giữa chỉ số giá khách sạn và chỉ số PPP cho thấy chỉ số giá phản ánh giá khách du lịch mong muốn thanh toán tại điểm đến. 1.2.3.2. Chỉ số phát triển kết cấu hạ tầng: là chỉ số chỉ năng lực cạnh tranh trong phát triển kết cấu hạ tầng, bao gồm phát triển đường xá, cải thiện phương tiện vệ sinh và nước uống. Đối với mục đích liên quan đến du lịch, phát triển kết cấu hạ tầng còn bao gồm mạng lưới đường sắt, số lượng và chất lượng sân bay và hệ thống viễn thông. Tuy nhiên, dữ liệu về các chỉ tiêu này khó khăn để có được. 1.2.3.3. Chỉ số môi trường: là chỉ số có được chất lượng môi trường vật chất và mở rộng tới mức độ một nước nhận thức và tham gia vào quản lý môi trường. Chỉ tiêu này kết hợp chỉ số mật độ dân số, chỉ số toả khí CO2 (sự toả khí CO2 từ đốt than, sản xuất xi măng và tiêu thụ nhiên liệu rắn, lỏng, khí và phụt khí ga). 1.2.3.4. Chỉ số công nghệ: Chỉ số công nghệ là sự kết hợp giữa chỉ số Internet, chỉ số Mobile và công nghệ cao (Hitech). Chỉ số Internet cho thấy tỷ lệ, trên 1000 người, của số máy tính có liên hệ tới Internet. Xuất khẩu công nghệ cao dùng cho tính toán chỉ số Hitech- chỉ ra phần trăm xuất khẩu sản phẩm hàng hoá, trong đó bao hàm các sản phẩm có hàm lượng nghiên cứu và phát triển cao. Các sản phẩm
  • 23. 27 công nghệ cao này bao gồm các sản phẩm trong không gian vũ trụ, máy tính, thuốc tân dược, công cụ khoa học và máy điện tử. Mobile Phones được sử dụng để tính chỉ số Mobile- bao hàm tỷ lệ, trên 1000 người, của số người sử dụng điện thoại bưu điện và sử dụng dịch vụ điện thoại di động. (Nguồn : The World Bank (2004), World Development Indicators). 1.2.3.5. Chỉ số nguồn nhân lực: là chỉ số đánh giá chất lượng lực lượng lao động ở nước điểm đến khi chất lượng lao động tốt hơn có thể cung cấp chất lượng sản phẩm du lịch tốt hơn. Mặc dù đào tạo (hoặc “đầu tư vào con người”) trong ngành Du lịch là đại diện liên quan nhất nhưng do khó khăn để có được dữ liệu này nên chỉ số giáo dục lấy từ báo cáo của UNDP năm 2004 được sử dụng làm đại diện. Chỉ số giáo dục bao gồm tỷ lệ biết chữ người trưởng thành và tỷ lệ đi học các cấp I, II và III. 1.2.3.6. Chỉ số mở cửa: chỉ số mở cửa phù hợp với lý thuyết kinh tế phát triển, cho thấy sự mở cửa của đất nước đối với thương mại là nhân tố quyết định tăng trưởng. Mở cửa nói chung được thể hiện bởi mở cửa thương mại cho thấy một nước mở cửa đối với thương mại quốc tế. Nó được tính toán bằng tỷ số giữa tổng số xuất nhập khẩu và GDP. Chỉ số mở cửa trong du lịch được xác định như mức độ mở cửa của đất nước đối với thương mại và du lịch quốc tế. Thành phần của chỉ số mở cửa bao gồm chỉ số: visa, mở cửa du lịch, mở cửa thương mại và thuế trên chỉ số thương mại quốc tế. Chỉ số visa cho thấy mức độ mở cửa của đất nước đối với du lịch nước ngoài. Nó cho thấy liệu một nước có hay không yêu cầu visa đối với khách du lịch. Mở cửa du lịch đánh giá mức độ một nước mở cửa đối với kinh doanh quốc tế như đã đề cập trên và thuế về thương mại quốc tế chỉ ra mức độ bảo hộ của một nước đối với thương mại quốc tế, được xác định như tỷ lệ của tổng thuế về thương mại quốc tế đối với tổng doanh thu hiện hành. Thuế bao gồm nghĩa vụ nhập khẩu, nghĩa vụ xuất khẩu, lợi nhuận của xuất khẩu và độc quyền nhập khẩu, trao đổi lợi nhuận và trao đổi thuế. 1.2.3.7. Chỉ số du lịch nhân văn (HTI): Chỉ số này đánh giá thành tựu phát triển con người theo nghĩa du lịch. Đó là chỉ số mới và phù hợp với chỉ số phát triển con người do UNDP xây dựng để đánh giá thành tựu về con người trên một loạt khía
  • 24. 28 cạnh phát triển con người. HTI được tính như trung bình đơn của chỉ số ảnh hưởng du lịch (TII) và chỉ số tham gia du lịch (TPI). TII đánh giá ảnh hưởng trực tiếp của du lịch lên nền kinh tế và được tính như tổng doanh thu và tổng chi phí từ khách du lịch quốc tế theo tỷ lệ % GDP. TPI đánh giá sự tham gia của con người vào hoạt động du lịch, được tính như tổng số khách đến và khách đi du lịch theo tỷ lệ dân số của nước điểm đến. 1.2.3.8. Chỉ số phát triển xã hội: Chất lượng cuộc sống có được bởi chỉ số phát triển xã hội. Chỉ số phát triển xã hội được xây dựng dựa trên sự kết hợp chỉ số phát triển con người (HDI của UNDP), chỉ số báo, máy tính cá nhân và ti vi. Chỉ số HDI đánh giá thành tựu của một nước trong lĩnh vực phát triển con người và bao hàm 3 chỉ tiêu : triển vọng sống, giáo dục và thu nhập. Tờ báo hàng ngày có liên quan tới tỷ lệ, trên 1000 người, của số người tiếp cận tới báo ít nhất 4 lần một tuần. Máy tính cá nhân có nghĩa là tỷ lệ, trên 1000 người, của số người tiếp cận tới máy tính được thiết kế cho các cá nhân sử dụng. Chỉ số tivi là tỷ lệ của số người tiếp cận tới TV trên 1000 người. 1.3. KINH NGHIỆM NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA NGÀNH DU LỊCH MỘT SỐ NƯỚC Đối với ngành Du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh có ý nghĩa quan trọng, quyết định sức mạnh và vị thế trên thị trường du lịch thế giới để thu hút khách du lịch. Các nước phát triển du lịch thời gian qua đều là các nước thành công trong cạnh tranh. Vì vậy, cần phải nghiên cứu kinh nghiệm thành công của một số nước đi trước để rút ra bài học cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam. Trong phạm vi luận văn này, tôi đề cập tới kinh nghiệm của hai nước ASEAN là Malaysia, Thái Lan và một trong những nước phát triển du lịch hàng đầu thế giới là Tây Ban Nha. 1.3.1. Kinh nghiệm của Malaysia: Malaysia là một trong 20 nước phát triển du lịch nhất thế giới và là nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á về thu hút khách du lịch quốc tế (gọi tắt là khách quốc tế). Malaysia xác định, du lịch là một trong những ngành quan trọng hàng đầu đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Theo số liệu của Bộ Du lịch Malaysia, năm 2000, nước này thu hút 10,27 triệu lượt khách quốc tế, đến
  • 25. 29 năm 2005, thu hút 16,4 triệu lượt, tăng gấp rưỡi năm 2000. Năm 1999, thu nhập từ du đạt 12,3 tỷ Ringit, đến năm 2004, đạt 48,5 tỷ Ringit, tăng gần gấp 4 lần năm 1999. Có thể nói, Du lịch là ngành mang lại ngoại tệ nhiều thứ hai cho Malaysia, chỉ sau công nghiệp. Có được kết quả trên là do Malaysia chú trọng tới việc nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút khách du lịch. Bộ Du lịch Malaysia là cơ quan thực thi chính sách du lịch quốc gia với nhiệm vụ nâng cao hình ảnh quốc gia và tạo lập Malaysia như một điểm đến du lịch quốc tế. Malaysia đã đặt 39 văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài, trong đó ở Việt Nam có hai văn phòng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời, Malaysia đã miễn thị thực đơn phương cho công dân khoảng 40 nước. Malaysia đặc biệt chú trọng tới phát triển và đa dạng hoá sản phẩm du lịch, coi đây là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh. Malaysia tiếp thị hình ảnh du lịch đất nước qua logo và khẩu hiệu đầy ấn tượng “Malaysia-Truly Asia” (Malaysia-châu Á đích thực). Khẩu hiệu trên đã trở nên quen thuộc trên thị trường du lịch thế giới và thực sự gây ấn tượng với du khách. Họ tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp du lịch với mục tiêu xây dựng kế hoạch phát triển và lập kế hoạch tiếp thị, quảng cáo có hiệu quả hơn. Đồng thời, Malaysia cũng chú trọng xúc tiến du lịch trong nước thông qua các chương trình nâng cao ý thức công chúng. Để tăng mức chi tiêu của khách du lịch, ngành Du lịch và tiêu dùng nội địa Malaysia đã cùng phối hợp thực thi các biện pháp kích thích khách du lịch mua sắm. Lễ hội “Mega Sale” (siêu giảm giá) là một trong những biện pháp này. Lễ hội này được tổ chức vào dịp hè hàng năm, kéo dài gần 3 tháng, từ 1999 đến nay. Suốt dịp lễ hội, hàng loạt trung tâm thương mại lớn đồng loạt giảm giá từ 20-80% đối với tất cả các loại hàng, từ hàng sản xuất trong nước đến hàng nhập khẩu, từ hàng hiệu tới hàng bình dân. Nhiều loại hàng hoá được miễn thuế khi mang ra khỏi cửa khẩu. Với chính sách trên, lễ hội này đã trở thành sự kiện chính thu hút hàng triệu lượt khách quốc tế hàng năm, mang lại nguồn thu lớn cho ngành Du lịch và thương mại của nước này. Trong những năm gần đây, Malaysia rất chú trọng tới phát triển loại hình du lịch MICE (Gặp gỡ, khích lệ, Hội nghị và triển lãm) và đang tập trung mọi nỗ lực
  • 26. 30 để quảng bá đất nước này trở thành một trung tâm du lịch MICE của khu vực. Đồng thời, nước này đang tiến hành xây dựng hàng loạt trung tâm thương mại và trung tâm hội nghị quốc tế lớn để thực hiện bằng được mục tiêu trên trong thời gian tới. Để tiếp tục khẳng định vị trí là điểm đến đứng đầu trong khu vực, hiện nay Malaysia đang phát động chiến dịch quảng bá Năm du lịch Malaysia 2007 nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày quốc khánh Malaysia. Mục tiêu của Năm du lịch này là xây dựng và tiếp thị mạnh mẽ Malaysia như một điểm đến du lịch quốc tế chính; tăng khách du lịch nước ngoài đến Malaysia; khuyến khích du khách lưu lại lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn; Thông dụng hoá và xúc tiến các hoạt động liên quan đến du lịch, các chương trình và sự kiện cho thấy sự độc đáo của Malaysia như một điểm đến du lịch và kích thích tăng trưởng du lịch nội địa. Đích thân Bộ trưởng Du lịch Malaysia công du tới các nước, trong đó có Việt Nam để giới thiệu, quảng bá về sự kiện này. Chiến dịch này được thực hiện thành công sẽ tạo cho Malaysia vị thế cạnh tranh cao trong việc thu hút khách quốc tế, tiếp tục giữ vững là nước phát triển du lịch hàng đầu trong khu vực và nằm trong danh sách 20 quốc gia phát triển du lịch nhất hành tinh. 1.3.2. Kinh nghiệm của Thái Lan: Trong hai thập kỷ qua, Thái Lan luôn là một trong những nước dẫn đầu về lượng khách quốc tế trong số các nước ASEAN. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, Thái Lan đã chú trọng vào hai lĩnh vực chính, đó là đẩy mạnh công tác marketing, xúc tiến du lịch và phát triển sản phẩm du lịch mang đậm sắc thái Thái Lan. Hàng năm, Chính phủ Thái Lan giành khoảng 50-80 triệu đô la Mỹ cho Cơ quan du lịch Thái Lan (TAT) thực hiện công tác marketing, xúc tiến du lịch. Công tác này được thực hiện chủ yếu thông qua tổ chức Năm du lịch và các Chiến dịch xúc tiến, trong đó điển hình nhất là Chiến dịch Amazing Thái Lan được phát động từ năm 1998. Năm 1998, trước ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ, Chính phủ Thái Lan đã coi Du lịch như một cứu cánh cho nền kinh tế và tập trung mọi nỗ lực vào mũi nhọn này. Họ đã phát động Chiến dịch Amazing Thái Lan 1998-1999. Nhờ tổ chức thành công Chiến dịch này, trong hai năm 1998, 1999, Thái Lan đã thu hút được đáng kể khách quốc tế, mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn, góp phần quan trọng vào khôi phục nền kinh tế sau khủng hoảng. Sau thành công đó, Thái Lan tiếp tục áp dụng Chiến dịch này trong những năm tiếp theo nhưng với
  • 27. 31 chuyên đề riêng cho mỗi năm. Năm 2002, Thái Lan lấy khẩu hiệu “Amazing Thailand amazes the World” là khẩu hiệu quảng bá chính. Chương trình này tập trung vào những điểm du lịch mới và những sản phẩm, dịch vụ du lịch làm vừa lòng mọi khách hàng. Để triển khai hiệu quả chiến dịch này, Thái Lan đã áp dụng chính sách cụ thể dưới đây: Thứ nhất, Mở chiến dịch “Hãy là khách hàng của chúng tôi” từ giữa năm 2002 đến năm 2003 nhằm tăng cường hiểu biết của khách quốc tế về Thái Lan. Thủ tướng Thái Lan đã chủ trì giới thiệu các chương trình quảng cáo về chiến dịch này. Thứ hai, Thiết lập mối liên kết giữa các hãng hàng không, khách sạn, hãng lữ hành và các công ty tư nhân để tiếp thị những dịch vụ trọn gói đặc biệt như ẩm thực, hàng thủ công mỹ nghệ, dịch vụ trăng mật, các sự kiện MICE, chơi golf và lặn biển. Thứ ba, Tổ chức các hoạt động mang tính quốc tế: Nhiều sự kiện được tổ chức để thu hút khách du lịch như Lễ kỷ niệm 220 năm Thủ đô Băng Cốc, lễ hội Amazing Shopping Street tại Băng Cốc, Lễ hội Songkran và Loy Krathong, Tết cổ truyền Trung Hoa và các sự kiện thể thao quốc tế trên khắp đất nước. Thứ tư, Mở chiến dịch quảng bá những điểm du lịch mới trên khắp các vùng của đất nước như chương trình “Thiên đường vui chơi” của 3 tỉnh gần Băng Cốc, chương trình “Đông Bắc huyền thoại” của các tỉnh vùng Đông Bắc. Thái Lan cũng tập trung tuyên truyền các sản phẩm du lịch mới để làm hài lòng khách du lịch. Năm 2004, trong chiến lược cạnh tranh quốc gia, Thái Lan đã coi phát động chiến dịch xúc tiến du lịch là một trong 10 nội dung của chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nội dung cụ thể của chiến dịch xúc tiến du lịch đó là: - Xúc tiến ngành Du lịch Thái với việc nhấn mạnh những yếu tố hấp dẫn mới; tạo ra các hoạt động mới nhằm tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch; phát triển các hoạt động du lịch Thái và chuẩn bị marketing sự kiện; - Đổi mới chất lượng các điểm du lịch, đặc biệt là những điểm du lịch quốc gia; thiết lập liên kết du lịch với các nước láng giềng để tăng cường hợp tác kinh tế và du lịch trong khi duy trì Thái Lan như một trung tâm du lịch của khu vực; - Nâng cao chất lượng dịch vụ với việc nhấn mạnh tới an toàn cho khách du lịch, loại trừ đeo bám khách du lịch; ngăn ngừa tai nạn và bảo vệ khách du lịch; tạo
  • 28. 32 điều kiện cho khách du lịch nhập cảnh; tăng cường năng lực cho đội ngũ nhân viên trong ngành Du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế. Năm 2005, TAT đã nỗ lực thực hiện kế hoạch xúc tiến và phát động chương trình du lịch cho năm 2006 với khẩu hiệu “ Thái Lan-Happiness on Earth” (Thái Lan-hạnh phúc trần gian) với hy vọng đón được 15,12 triệu lượt khách quốc tế, mang lại doanh thu là 12,76 tỷ USD. Nhờ thành công trong cạnh tranh, mới đây Tạp chí The Travel News của Na Uy đã trao tặng Thái Lan giải thưởng “Quốc gia du lịch tốt nhất 2006”. Tạp chí The Luxury Travel của Úc đã công bố “Danh sách vàng năm 2006”, ngành Du lịch Thái Lan được xếp thứ 8 và là quốc gia duy nhất của Châu Á nằm trong danh sách 10 nước đoạt giải “Quốc gia tốt nhất”, Băng Cốc được xếp thứ 8 trong số các thành phố giành giải “Thành phố tốt nhất”, 8 khu nghỉ mát Thái Lan lọt vào danh sách 30 “Khu nghỉ mát tốt nhất”. TAT tin tưởng với chiến dịch xúc tiến mới và phát động du lịch hợp lý, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ, ngành Du lịch Thái Lan sẽ duy trì được năng lực cạnh tranh cao, trở thành trung tâm du lịch của Châu Á trong 5-10 năm tới. 1.3.3. Kinh nghiệm của Tây Ban Nha: Tây Ban Nha là nước phát triển du lịch, luôn đứng trong hàng ngũ 5 nước dẫn đầu thế giới về thu hút khách du lịch quốc tế. Du lịch là một trong những cột trụ quan trọng của nền kinh tế nước này. Du lịch mang lại thu nhập quan trọng, chiếm khoảng 12% GDP và tạo ra 10% việc làm cho xã hội, đóng góp quyết định vào cán cân thanh toán, có ảnh hưởng nhiều mặt lên các ngành kinh tế khác và là lĩnh vực chính thu hút đầu tư nước ngoài tới Tây Ban Nha. Theo số liệu của Tổ chức Du lịch thế giới, năm 2004, Tây Ban Nha đón được 53,599 triệu lượt khách quốc tế, tăng 3,4% và chiếm 12,9% tổng số khách quốc tế tới Châu Âu, thu nhập du lịch đạt 45,2 tỷ USD, tăng 14,1% và chiếm 13,9% tổng thu nhập du lịch toàn Châu Âu. Năm 1990, Tổng Thư ký Du lịch Tây Ban Nha ban hành Sách trắng về Du lịch Tây Ban Nha và Chương trình khung năng lực cạnh tranh của Du lịch Tây Ban Nha (gọi tắt là Chương trình FUTURE 1992-1995) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch, cụ thể là nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và các điểm du lịch thông qua chất lượng, tính bền vững và các biện pháp
  • 29. 33 gắn với năng lực cạnh tranh. Lần đầu tiên trong lịch sử Du lịch Tây Ban Nha, Chương trình FUTURES đề ra và phân biệt chính sách ở 3 mục tiêu: kinh tế, xã hội và môi trường. Chương trình sử dụng 5 kế hoạch tác nghiệp làm công cụ hành động, đó là Kế hoạch hợp tác và phối hợp thể chế nhằm tăng cường quan hệ giữa các tổ chức quốc tế với các cơ quan quản lý; Kế hoạch đổi mới và hiện đại hoá du lịch nhằm tập trung hiện đại hoá và làm cho cung du lịch linh hoạt hơn; Kế hoạch sản phẩm mới nhằm đa dạng hoá sản phẩm du lịch; Kế hoạch xúc tiến, marketing và thương mại hóa nhằm phối hợp và tăng cường quy hoạch hơn nữa, kết hợp với nâng cao hiệu quả xúc tiến; Kế hoạch vì sự tuyệt hảo trong du lịch nhằm cải thiện môi trường tự nhiên và đô thị của du lịch. Nhờ có Chương trình FUTURES 1992-1995, một số yêu cầu rất cần thiết có thể đáp ứng đối với kinh doanh du lịch ở Tây Ban Nha lúc đó là: Nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành du lịch Tây Ban Nha; Tạo dựng và phổ biến chất lượng hỗ trợ môi trường; Tham gia tích cực của tất cả các cộng đồng tự trị; Thực hiện những công cụ có thể tạo kênh thông tin giữa các tổ chức; Đa dạng hoá cung du lịch, đặc biệt thông qua tạo sản phẩm mới ở những khu vực phát triển kinh tế chậm hơn. Sau thành công của Chương trình này, triết lý năng lực cạnh tranh và chất lượng du lịch tiếp tục được thực hiện. Do đó, chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch thứ hai, FUTURES II (giai đoạn 1996-1999) được ban hành, theo đó Chính phủ có trách nhiệm tạo môi trường thuận lợi cho cạnh tranh, thúc đẩy du lịch và đầu tư hiện đại hoá. Trách nhiệm này thuộc phạm vi dịch vụ công cũng như trong lĩnh vực di sản văn hoá, bảo tồn và phát huy hơn nữa tài nguyên thiên nhiên. Việc các cộng đồng tự trị phối hợp tham gia quản lý và xúc tiến du lịch đã tạo thuận lợi cho Du lịch Tây Ban Nha thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu thực trạng những vấn đề của ngành cũng như các xu hướng ngắn, trung và dài hạn. Những kế hoạch tác nghiệp trong Chương trình FUTURES 1996-1999 cung cấp nhiều công cụ để hành động, trong đó hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho các chuyên gia du lịch và kỹ thuật viên của Chính phủ là yếu tố chỉ có trong giai đoạn này, không có ở giai đoạn trước. Chương trình FUTURES II tập trung vào : Đào tạo (Đào tạo FUTURES II) hoặc nâng cao trình độ và chuyên môn nhân lực du lịch trong kinh doanh du lịch ; Điểm du lịch (Điểm du lịch FUTURES II) với sự phối
  • 30. 34 hợp chặt chẽ, hướng tới nâng cao các biện pháp công nhằm cải thiện cung du lịch của các điểm du lịch (gọi là Kế hoạch năng động hoá và tuyệt hảo hoá điểm du lịch); và cuối cùng là chương trình tập trung phối hợp hành động (Phối hợp FUTURES II).{56, tr126}. Do đó, năm 1999, kết thúc giai đoạn 10 năm then chốt trong phát triển du lịch, Tây Ban Nha không chỉ khôi phục năng lực cạnh tranh đã mất vào cuối thập kỷ 80 mà còn củng cố vị trí hàng đầu thế giới của mình. Các số liệu sau đây minh chứng ngành Du lịch Tây Ban Nha có đủ năng lực cạnh tranh: Tỷ trọng du lịch trong GDP tăng từ 8,09% năm 1990 lên 10,57% năm 1998, doanh thu du lịch cũng tăng với tốc độ nhanh hơn lượng khách, tăng 137%. Từ kết quả trên, năm 2002, Chính phủ Tây Ban Nha đã thông qua Kế hoạch tổng hợp về chất lượng du lịch Tây Ban Nha. Đây là bước tiếp theo của kế hoạch cạnh tranh được áp dụng năm 1999. Bởi vậy, chất lượng là đặc thù của cung du lịch Tây Ban Nha, là giải pháp đối với áp lực của giá cả xuất phát từ phía cầu. Tương tự, cải tiến chất lượng sẽ đảm bảo cho tương lai của ngành Du lịch, cho phép du lịch có thể vượt qua những trở ngại, trong đó cung của các điểm du lịch có thể gây áp lực lên cầu của các thị trường nguồn. Những thay đổi liên tục của cầu du lịch và xu hướng tiêu dùng, trong đó khách du lịch ngày càng đòi hỏi chất lượng cao hơn cùng với việc cạnh tranh của các điểm du lịch có nhiều lợi thế về lao động xã hội, Tây Ban Nha hoặc là không thể hoặc là phải cạnh tranh về giá cả, từ đó dẫn đến việc nước này chọn khẩu hiệu “chất lượng của du lịch Tây Ban Nha” như là một yếu tố để đưa ra thị trường quốc tế, cũng như việc kết hợp tiêu chuẩn về tính bền vững môi trường tại các điểm du lịch ở Tây Ban Nha để duy trì thị phần hiện tại trên cơ sở bền vững. Trong nhiều năm qua, Tây Ban Nha đã tập trung và xây dựng được hình ảnh là một điểm đến du lịch trẻ, mới, khác biệt, triển khai nhiều chiến dịch xúc tiến hình ảnh này với những khẩu hiệu như “Tây Ban Nha xanh”, “Cửa ngõ Địa Trung Hải”, “Con đường tới Santiago”, “Tuyến đường bạc”, “Thành phố di sản thế giới”, “ mọi thứ đều dưới ánh nắng”, “Tây Ban Nha vui” và gần đây là “ Dấu ấn Tây Ban Nha”. Chiến dịch “ Spain mark” (Dấu ấn Tây Ban Nha) thể hiện khả năng kết hợp nhiều động cơ thúc đẩy khách đi du lịch trong quảng cáo và có điều chỉnh cho phù
  • 31. 35 hợp với từng điểm du lịch của Tây Ban Nha. Cơ quan du lịch Tây Ban Nha trực tiếp giám sát chiến dịch quảng cáo này với sự tư vấn của các Văn phòng đại diện du lịch Tây Ban Nha trên khắp thế giới. Kết quả là, chiến dịch này đã giới thiệu quảng bá du lịch Tây Ban Nha một cách hiệu quả trong suốt nhiều năm. Qua quá trình phát triển, các Văn phòng du lịch Tây Ban Nha ở nước ngoài đã định hướng lại chức năng, từ chỗ là văn phòng cung cấp thông tin thuần tuý trở thành trung tâm đánh giá hoạt động phân phối, chú trọng tới các chiến dịch và nỗ lực xúc tiến để củng cố quan hệ với các trung gian thị trường. Do ở châu Âu, hãng lữ hành đóng vai trò quan trọng trong xúc tiến bán nên các Văn phòng du lịch Tây Ban Nha ở nước ngoài liên hệ rất chặt chẽ với họ và đại lý lữ hành thông qua các hoạt động như thường xuyên gặp gỡ, cung cấp tài liệu cần thiết liên quan tới điểm du lịch, làm trung gian giữa hãng lữ hành nước ngoài và hãng lữ hành Tây Ban Nha. Tây Ban Nha đặc biệt coi trọng phát động chiến dịch bán qua mạng Internet. Năm 2002, trang thông tin mới của Tây Ban Nha (www.spain.info) sử dụng nhiều công cụ để thúc đẩy quan hệ với khách du lịch như câu lạc bộ khách du lịch, bưu thiếp, catalogue du lịch. Cơ quan Du lịch Tây Ban Nha Turespana đã chi hơn 5 triệu Euro để xây dựng trang web này. Ngoài tiếng Tây Ban Nha, các thông tin được chuyển sang nhiều thứ tiếng khác như tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật, Trung Quốc, Nga. Tây Ban Nha chú trọng áp dụng marketing hỗn hợp để thu hút khách du lịch, hỗ trợ hoạt động marketing ở nước ngoài như tăng cường sự hiện diện của các nhà quản lý và doanh nghiệp du lịch Tây Ban Nha tại các hội chợ, hội nghị chuyên nghiệp; Thâm nhập thị trường du lịch Incentives; Tổ chức hội thảo chuyên ngành để người bán và nhà cung cấp Tây Ban Nha gặp nhau tại điểm du lịch và tiếp cận trực tiếp thị trường nguồn; Tổ chức chuyến khảo sát tìm hiểu cho đại lý lữ hành và hãng lữ hành; tổ chức hội thảo cho đại lý lữ hành về các sản phẩm, các điểm du lịch cụ thể. Nói chung, Tây Ban Nha trở thành một trong những nước phát triển du lịch hàng đầu trên thế giới là do họ có chiến lược phát triển du lịch toàn diện, có kế hoạch và chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh trong từng thời kỳ với những điều chỉnh có tính chiến lược, khoa học, phù hợp với thực tiễn phát triển du lịch của đất nước.
  • 32. 36 1.4. MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA NGÀNH DU LỊCH Từ kinh nghiệm nâng cao năng lực cạnh tranh về du lịch của ba nước nêu trên, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây cho Việt Nam trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch: 1.4.1. Bài học về xây dựng chiến lược, kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh: Để cạnh tranh thu hút khách du lịch một cách hiệu quả trên thị trường du lịch quốc tế, cần thiết xây dựng chiến lược cạnh tranh du lịch quốc gia, từ đó xây dựng triển khai kế hoạch và chương trình cạnh tranh cho từng thời kỳ, phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch. Đây là bài học quan trọng rút ra từ chính những nước thành công trong phát triển du lịch nêu trên, điển hình là Tây Ban Nha. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, nhu cầu và xu hướng đi du lịch của khách du lịch đa dạng và luôn thay đổi, vì thế, đối với một nước đang phát triển du lịch như Việt Nam càng cần phải sớm xây dựng chiến lược cạnh tranh và có các kế hoạch, chương trình cụ thể trong từng giai đoạn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút khách du lịch, khẳng định vị thế cạnh tranh của Du lịch Việt Nam trên thị trường du lịch quốc tế. 1.4.2. Bài học về xây dựng thương hiệu và khuếch trương hình ảnh điểm đến: Để nâng cao năng lực cạnh tranh, tất cả 3 nước trên đều coi trọng tới việc xây dựng thương hiệu và khuếch trương hình ảnh điểm đến thông qua biểu tượng (logo), khẩu hiệu, thông tin, quan hệ công chúng, marketing trực tiếp và hỗn hợp, phát triển sản phẩm và dịch vụ,...nhằm tạo dựng hình ảnh và vị thế của du lịch các nước này trên thị trường quốc tế. Khẩu hiệu của Malaysia“Malaysia-Truly Asia”, của Thái Lan “Amazing Thailand” và của Tây Ban Nha “Spain mark” thực sự gây ấn tượng và thiện cảm với khách du lịch. Chính những chương trình khuếch trương này đã góp phần đáng kể vào việc thu hút khách quốc tế đến các nước này trong thời gian qua. Ngày nay, mọi điểm đến du lịch đều có các khách sạn cao cấp, các điểm du lịch hấp dẫn và đều khẳng định có di sản văn hoá độc đáo, có người dân giàu lòng mến khách và có ngành du lịch quan tâm tới khách du lịch nhất. Dịch vụ và tiện nghi gần như không có sự khác biệt nhiều. Vì vậy, các điểm đến khác nhau cần tạo
  • 33. 37 ra điều gì đó độc đáo và khác biệt với tất cả các điểm đến khác. Tạo ra sự độc đáo trong môi trường cạnh tranh gay gắt hiện nay là cần thiết. Nó thực sự trở thành cơ sở cho sự tồn tại và phát triển của điểm đến. Do đó, để tăng cường năng lực cạnh tranh, các nước quan tâm phát triển du lịch đều phải tạo dựng và khuếch trương hiệu quả thương hiệu điểm đến trên thị trường thế giới. Thương hiệu điểm đến không chỉ là những yếu tố hữu hình như khẩu hiệu quảng cáo, logo, tập gấp, trang web mà còn bao gồm các yếu tố vô hình như thông tin quảng cáo, quan hệ công chúng và marketing trực tiếp, các sự kiện đặc biệt, các chiến lược bán và thực hiện sản phẩm/dịch vụ. Thương hiệu luôn luôn là hỗn hợp của tất cả các yếu tố này trong mối liên kết chặt chẽ với nhau. Tạo dựng thương hiệu là một quá trình xây dựng và nhận dạng tính khác biệt, độc đáo và đặc trưng của một điểm đến du lịch. Xây dựng thương hiệu là sự phối hợp tất cả sản phẩm và dịch vụ của các ngành khác nhau như nông nghiệp, du lịch, thể thao, nghệ thuật, đầu tư công nghệ, giáo dục,... liên quan tới điểm đến. Mục tiêu là để nắm được bản chất của điểm đến trong một thể thống nhất. Tuy nhiên, ý tưởng để tạo dựng thành công thương hiệu điểm đến đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng và mất nhiều năm. Thương hiệu điểm đến không chỉ tạo ra mà còn khuếch trương những gì đất nước, vùng hoặc thành phố đã cung cấp. Để thành công, thương hiệu điểm đến phải độc đáo và khác lạ. Nếu một nước, khu vực hoặc điểm du lịch có các sản phẩm tương tự rồi thì sức mạnh của thương hiệu nhanh chóng biến mất. Vì vậy, luôn chú ý tới đối thủ cạnh tranh nâng cao vị thế của họ như thế nào để xây dựng thương hiệu phù hợp. 1.4.3. Bài học về đẩy mạnh công tác thị trường, maketing, xúc tiến du lịch: Công tác thị trường, marketing và xúc tiến du lịch được coi là chìa khoá để chiếm lĩnh thị trường, tăng cường năng lực cạnh tranh thu hút khách du lịch. Để thu hút khách du lịch, phải hiểu rõ thị trường, đặc điểm, tâm lý, thị hiếu, khả năng chi tiêu của từng đối tượng khách, từ đó có biệc pháp đáp ứng tốt nhất nhu cầu của họ. Muốn vậy, phải xây dựng chiến lược marketing du lịch quốc gia, đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, xác định được thị trường trọng điểm, trên cơ sở đó xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp và tổ chức xúc tiến hiệu quả cả ở trong nước và ở nước ngoài.
  • 34. 38 Để thực hiện tốt công tác marketing, xúc tiến du lịch ở nước ngoài, cần tổ chức chiến dịch xúc tiến du lịch trong từng giai đoạn. Mỗi chiến dịch có khẩu hiệu và biểu tượng riêng, kéo dài từ 1-3 năm. Để tổ chức chiến dịch này hiệu quả, cần có sự tham gia của Chính phủ, Cơ quan Du lịch quốc gia, các Bộ ngành liên quan, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân. Cơ quan Du lịch quốc gia phải có đội ngũ chuyên nghiệp, năng động, có kinh nghiệm về marketing, hiểu biết thị trường nước ngoài. Trước khi phát động chiến dịch, cần xây dựng kế hoạch, chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung và cách thức tổ chức, huy động lực lượng chuyên nghiệp tham gia, thuê các tổ chức quảng cáo du lịch lớn, có uy tín xây dựng logo, khẩu hiệu và làm phim quảng cáo cho chiến dịch. Tổ chức sản xuất ấn phẩm, tờ rơi, áp phích, biển quảng cáo về chiến dịch. Tập trung tổ chức tốt các sự kiện như lễ hội ẩm thực, lễ hội truyền thống, các sự kiện thể thao, các chiến dịch xúc tiến bán hàng, tham gia hội chợ, hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế về du lịch. Tổ chức các tour làm quen cho nhà báo, hãng lữ hành nước ngoài, quảng cáo thường xuyên trên các kênh truyền hình quốc tế lớn như CNN, TV5, ZDF. Tận dụng lợi thế của mạng internet để xúc tiến chiến dịch. 1.4.4. Bài học về phát triển, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng tiêu chuẩn hóa: Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, sản phẩm phải dựa trên nhu cầu thị trường, phải bán những sản phẩm thị trường cần chứ không phải những sản phẩm mình có. Vì vậy, sản phẩm du lịch chào bán trên thị trường phải là kết quả từ nghiên cứu thị trường, từ mong muốn của du khách. Sản phẩm du lịch đơn điệu, kém hấp dẫn khó có thể lôi kéo và lưu chân được khách du lịch ngày nay. Vì vậy, đa dạng hoá sản phẩm du lịch là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút khách du lịch. Malaysia, Thái Lan và Tây Ban Nha đều đặc biệt coi trọng tới yếu tố này và đã thành công trong việc lôi cuốn và lưu chân du khách. Phát triển du lịch chuyên đề, du lịch MICE, mua sắm, nghỉ dưỡng, leo núi, lặn biển,…đã mang lại hiệu quả cao trong việc thu hút khách du lịch đến các nước trên trong thời gian qua. Để tăng sức hấp dẫn của các điểm du lịch, cần chú trọng đổi mới chất lượng các điểm đó, đặc biệt là những điểm du lịch lớn; thiết lập mối liên kết du lịch với các nước láng giềng để tăng cường hợp tác kinh tế và du lịch. Nâng cao chất lượng
  • 35. 39 và tiêu chuẩn hoá dịch vụ du lịch trên cơ sở nhấn mạnh tới an toàn, loại trừ đeo bám khách du lịch; ngăn ngừa tai nạn và bảo vệ khách du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch nhập cảnh; tăng cường năng lực cho đội ngũ nhân viên đạt tiêu chuẩn quốc tế. 1.4.5. Bài học về thiết lập văn phòng đại diện du lịch quốc gia ở nước ngoài: Từ kinh nghiệm của các nước phát triển du lịch và ba nước nêu trên cho thấy, để tổ chức hiệu quả công tác xúc tiến quốc gia như một điểm đến du lịch ở nước ngoài, cần phải thiết lập văn phòng đại diện du lịch ở những thị trường trọng điểm và tiềm năng. Đây là yếu tố then chốt trong chiến lược marketing du lịch quốc gia nhằm thực hiện tốt công tác nghiên cứu, thâm nhập thị trường, thiết lập và mở rộng quan hệ đối tác với các hãng và đại lý lữ hành nước ngoài, cung cấp, hướng dẫn và giải đáp thông tin kịp thời cho du khách và triển khai các chiến dịch xúc tiến đa dạng tới khách du lịch tiềm năng. Do đó, trong định hướng, hoạch định chính sách phát triển du lịch và xây dựng chiến lược marketing du lịch quốc gia, việc nghiên cứu, thiết lập văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài phải được đề cập đến như một biện pháp quan trọng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới. 1.4.6. Bài học về chính sách tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế: Để tạo thuận lợi cho du khách, việc miễn thị thực song phương và đơn phương cho khách du lịch từ các thị trường trọng điểm và tiềm năng là chính sách có tính chiến lược nhằm thu hút khách quốc tế. Malaysia, Singapore và Thái Lan đã áp dụng thành công chính sách này và đã gặt hái được nhiều thành công, góp phần quan trọng vào việc tăng nhanh lượng khách quốc tế đến các nước này. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, miễn thị thực vẫn được coi như một trong những giải pháp mang tính đột phá nhằm kích thích nhu cầu và thúc đẩy khách du lịch lựa chọn điểm đến thay vì phải xin thị thực để đi du lịch tới điểm đến khác. Một trong những lý do Châu Âu trở thành khu vực đứng đầu thế giới về thu hút khách du lịch vì công dân các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) được đi lại tự do tới các nước khác trong khối không cần thị thực, công dân các nước khác nếu có thị thực vào một nước EU đều được đi lại tự do tới tất cả các nước thành viên còn lại. Đông Á-Thái Bình Dương cũng trở thành khu vực tăng trưởng thứ hai thế