SlideShare a Scribd company logo
1 of 100
Download to read offline
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
Tác giả: PGS.TS. LÊ THỊ QUÝ
LỜI NÓI ĐẦU
Vấn đề giới nảy sinh từ rất lâu cùng với sự phát sinh, phát triển của con
người và xã hội, nhưng khoa học về giới lại chỉ được coi là một trong những
ngành khoa học sinh sau đẻ muộn nhất trong các ngành khoa học xã hội. Đó
là một trong những khiếm khuyết đáng chê trách nhất trong lịch sử phát triển
của nhân loại. Trong hàng loạt những phát kiến về sự tiến bộ xã hội, các nền
văn minh, về sự giải phóng con người, về các cuộc cách mạng xã hội, thì
những phát kiến hướng tới sự tiến bộ về giới và bình đẳng giới chỉ đứng ở
những vị trí sau cùng, mặc dù áp bức giới xuất hiện đầu tiên trong xã hội loài
người.
Thật khó tưởng tượng trong khi nhân loại đang ở thế kỷ thứ XXI, đang
hướng tới những chuyển biến to lớn trong nhận thức và tư duy, chinh phục
các khoảng không vũ trụ, đề cao sự bình đẳng, bác ái, đề cao sức mạnh của
nguồn lực con người, thì ở nhiều nơi trên thế giới, bình đẳng giới vẫn chỉ là
một ước mơ xa vời. Phụ nữ vẫn bị bóc lột thậm tệ, bị đày đoạ về thể xác và
tâm hồn, bị buôn bán như nô lệ, bị đưa ra làm trò vui cho những kẻ lắm tiền,
nhiều của.
Sự bất bình đẳng về giới trong lịch sử phát triển nhân loại đã đòi hỏi
nhân loại tiến bộ phải thay đổi nhận thức và hành vi về giới. Sự xuất hiện của
các phong trào phụ nữ, phong trào đấu tranh vì bình đẳng giới trên phạm vi
toàn thế giới với hàng triệu người, trong đó có cả nam giới, các nhà khoa học,
các nhà tư tưởng tham gia thời gian gần đây đã nói lên nhu cầu về bình đẳng
giới ngày càng cấp thiết đối với con đường đi tới sự tiến bộ. Bình đẳng giới đã
được xem xét như là một trong những chỉ số quan trọng nhất nói lên sự phát
triển tiến bộ của một quốc gia.
Trong xu hướng chuyển dần từ đấu tranh tự phát, đơn lẻ sang đấu
tranh tự giác mang tính rộng lớn, có định hướng chiến lược về bình đẳng giới,
thì những nghiên cứu về lý luận và phương pháp luận ngày càng trở nên cần
thiết. Nó tạo lập một cơ sở khoa học đúng đắn, có tính lý luận, phương pháp
luận và phương pháp hoạt động hiệu quả cho phong trào thực tiễn. Bởi vậy,
sự ra đời của các khoa học về giới, trong đó có Xã hội học giới đã tạo ra cho
phong trào đấu tranh vì sự bình đẳng giới một bước phát triển mới về chất.
Nó chỉ ra được những mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung hoạt động cụ thể để
hướng tới sự thống nhất cho cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới.
Chỉ trong một thời gian ngắn, khoa học về Xã hội học giới đã phát triển
nhanh chóng. Hầu hết các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu và đào
tạo lớn trên thế giới đều có bộ phận nghiên cứu và giảng dạy về Xã hội học
giới. Xã hội học giới ngày càng xác định rõ hơn về đối tượng nghiên cứu, hệ
thống các lý thuyết, khái niệm, phạm trù và bộ công cụ nghiên cứu, nhằm định
hướng cho những hoạt động thực tiễn.
Ở nước ta, Xã hội học giới đã được phát triển khá mạnh mẽ trong
những năm gần đây. Cùng với phong trào đấu tranh giải phóng phụ nữ được
Đảng và Nhà nước quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ, phong trào đấu tranh vì sự
bình đẳng giới cũng đã thâm nhập vào nhiều tổ chức chính trị, xã hội, các
đoàn thể, cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ và lan rộng ra toàn xã hội.
Những nghiên cứu và đào tạo về giới cũng phát triển mạnh mẽ và rộng khắp.
Trong xu hướng phát triển chung đó, nhu cầu về thông tin khoa học,
thống nhất những nội dung nghiên cứu và đào tạo đặc thù về giới ngày càng
trở nên cấp bách. Trong thời gian qua, mặc dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực
trong việc biên soạn, tuyển dịch các tài liệu trong và ngoài nước nhằm đáp
ứng những đòi hỏi của việc phát triển các nghiên cứu và giảng dạy về Xã hội
học giới, nhưng nhìn chung những tài liệu này vẫn chưa đáp ứng được với
đòi hỏi của thực tế. Tài liệu được giới thiệu và giảng dạy trong các trường đại
học phần lớn được tuyển dịch từ nước ngoài, theo nhiều kênh khác nhau,
một số tài liệu giảng dạy được biên soạn nhưng chưa thực sự gắn kết với
hoàn cảnh đặc thù ở Việt Nam. Điều đó khiến chúng ta không tránh khỏi
những lúng túng trong việc phải nhận thức, lý giải và vận dụng một cách có
hiệu quả những vấn đề cơ bản về giới ở Việt Nam.
Việc biên soạn một cuốn giáo trình, lại là giáo trình về một lĩnh vực khá
mới mẻ và nhạy cảm như Xã hội học giới là một công việc khó khăn. Được sự
khuyến khích và động viên của đồng nghiệp và sinh viên, tác giả, trên cơ sở
ghi chép những thông tin và kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy môn Xã hội
học về giới trong nhiều năm qua đã biên soạn cuốn giáo trình này. Tác giả coi
đây như là một dịp để tìm kiếm sự đồng cảm, tiếp thu thêm ý kiến và đồng
thời chia sẻ với những người quan tâm về vấn đề này. Tác giả cũng đã cố
gắng lược bớt những vấn đề phức tạp vốn có của Xã hội học giới, nhằm diễn
giải vấn đề một cách đơn giản và dễ hiểu hơn.
Mặc dù vậy, do những giới hạn về thời gian, về khuôn khổ của một
cuốn giáo trình và cả về khả năng nhận thức, nên nội dung chắc chắn sẽ còn
cần phải được bổ sung, sửa chữa. Tác giả rất mong nhận được ý kiến đóng
góp của độc giả để giáo trình hoàn thiện hơn trong lần tái bản sau.
Giáo trình này nêu lên những vấn đề đương đại nhưng hy vọng rằng
trong tương lai, vấn đề bình đẳng giới sẽ thay đổi, phụ nữ sẽ có bình đẳng
thực sự và cuốn sách sẽ chỉ còn giá trị như một tài liệu viết về lịch sử.
Tác giả
BẢNG CÁC CHỮ VIẾT TẮT
AP WLD Asia Pác Forum ơn Women Law and Development (Tổ
chức Diễn đàn châu á - Thái Bình Dương về Phụ nữ, luật
pháp và phát triển)
BLGĐ Bạo lực gia đình
CNTB Chủ nghĩa tư bản
CNĐQ Chủ nghĩa đế quốc
CNXH Chủ nghĩa xã hội
F.G.M Female Genital Mutination
F.S.M Female Sexual Mutilation
GDI Chỉ số bình đẳng giới
HDI Phát triển con người
LHPN Liên hiệp phụ nữ
LHQ Liên hợp quốc
NCFAW Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ
NGO Phi Chính phủ
RCGAD Trung tâm nghiên cứu Giới và Phát triển
SKSS Sức khoẻ sinh sản
UBND Uỷ ban nhân dân
UBQG Uỷ ban quốc gia
UNDP Cơ quan phát triển Liên hợp quốc
UNICEF Quỹ trẻ em Liên hợp quốc
UNFPA Quỹ dân số Liên hợp Quốc
UNIFEM Quỹ phụ nữ Liên hợp quốc
UBDS GĐ & TE Uỷ ban Dân số gia đình và trẻ em
XHH Xã hội học
WHO Tổ chức Y tế thế giới
Phần thứ nhất. NHỮNG KIẾN THỨC CƠ BẢN
Bài 1. TỪ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU CỦA XÃ HỘI HỌC ĐẾN ĐỐI
TƯỢNG NGHIÊN CỨU CỦA XÃ HỘI HỌC GIỚI
I. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU CỦA XÃ HỘI HỌC
Mỗi con người đều có một hình dáng, khuôn mặt và tính cách riêng
biệt. Những nét riêng biệt, muôn hình muôn vẻ này hợp nhau lại thành các
nhóm xã hội trong một xã hội đa dạng và phong phú. Cũng như vậy, mỗi
ngành khoa học đều có những nét đặc thù khác biệt với các ngành khác, tao
nên bề dày hệ thống các kiến thức vĩ đại của nhân loại. Để xác định một
chuyên ngành khoa học, chúng ta cần đặt ra những câu hỏi mang tính nguyên
tắc như:
- Chuyên ngành ấy là gì?
- Đối tượng nghiên cứu của nó ra sao?
- Sự gần gũi và khác biệt của nó với những ngành khoa học khác ở chỗ
nào?
Vào thế kỷ XIX, nhà triết học Pháp August Comte là người đầu tiên đã
dùng tên Xã hội học (Sociology) để đặt cho một ngành khoa học xã hội mới
mà ông vừa muốn tách ra khỏi Triết học và lại vừa muốn phân biệt nó với các
ngành khoa học xã hội khác. Và sau này, những thế hệ kế tiếp đã coi ông như
là “cha đẻ”, là người đặt nền móng cho ngành khoa học quan trọng và hấp
dẫn này.
Đồng thời với việc đặt tên cho ngành khoa học này, August Comte cũng
đưa ra được một bộ khung lý luận, phương pháp luận và phương pháp cơ
bản để xã hội học có thể tồn tại như một khoa học độc lập. Ngày nay, cho dù
xã hội học đã phát triển khác xa với thời đại của A. Comte, đã bao hàm trong
mình vô số những xu hướng và trường phái khác nhau thì những tiền đề cơ
bản mà A. Comte đưa ra vẫn là những nền móng cốt yếu nhất Xã hội giới
cũng như tất cả những chuyên ngành xã hội học khác đều nảy sinh và phát
triển từ một nền móng chung nhất này.
Chúng ta đều biết, từ rất lâu rồi, đã có nhiều ngành khoa học lấy xã hội
làm đối tượng nghiên cứu. Những ngành khoa học này tập hợp lại dưới ngọn
cờ chung của các khoa học xã hội và nhân văn. Mỗi ngành khoa học xã hội
và nhân văn nói trên lại chiếm một vị trí và vai trò nhất định trong lý luận khoa
học cũng như trong thực tiễn. Nói một cách cụ thể là chúng có đối tượng
nghiên cứu, hệ thống lý luận, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
riêng. Chẳng hạn, nghiên cứu về kinh tế đã có Kinh tế học, dân tộc có Dân tộc
học, chính trị có Chính trị học, dân số có Dân số học; nghiên cứu những sự
kiện xảy ra trong quá khứ có ngành khoa học Lịch sử… Bởi vậy, việc xác định
đối tượng của XHH nói chung và XHH giới nói riêng chỉ có thể được thực hiện
khi khẳng định rõ được tính riêng biệt, không trùng lặp của nó với những
ngành khoa học xã hội và nhân văn khác.
Nếu như Triết học có đối tượng nghiên cứu là những quy luật chung
nhất của tự nhiên, xã hội, tư duy trong sự vận động và phát triển của xã hội;
Khoa học Lịch sử có đối tượng nghiên cứu hướng vào việc tái hiện lại những
sự việc diễn ra trong quá khứ, chẳng hạn xã hội con người từ thời cổ đại,
trung đại, cận đại, hiện đại để rút ra các bài học kinh nghiệm và tôn vinh lòng
tự hào của các dân tộc… thì XHH lại tập trung chủ yếu vào những sự tương
tác xã hội. Khác với những khoa học xã hội cụ thể khác XHH không chỉ đi sâu
vào những mặt cụ thể của xã hội mà còn hướng tới những mối quan hệ giữa
chúng, hướng vào việc tìm ra vị trí, vai trò của chúng trong sự tồn tại, vận
động và phát triển của xã hội. Về phương diện này, Giáo sư Đặng Cảnh
Khanh đã có lý khi cho rằng XHH nghiên cứu sự phát triển của xã hội, những
mối quan hệ xã hội, sự tương tác giữa những lĩnh vực cụ thể của xã hội với
những lĩnh vực chung nhất của xã hội và với nhau.
Có ba lĩnh vực cơ bản được XHH quan tâm là:
Thứ nhất, nghiên cứu những mối quan hệ tương tác giữa các lĩnh vực
cụ thể của xã hội với tư cách là các bộ phận cấu thành của xã hội, các thiết
chế xã hội với lĩnh vực rộng lớn nhất, chung nhất, tức là với tổng thể xã hội.
Thứ hai, nghiên cứu mối quan hệ giữa các bộ phận cấu thành, các lĩnh
vực cụ thể, các thiết chế của xã hội với nhau.
Thứ ba, nghiên cứu chính các mối quan hệ nội sinh, tương đối độc lập
của các bộ phận cấu thành của xã hội, các thiết chế xã hội cụ thể nói trên.
Sự phân định các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản của XHH như trên là cơ
sở để phân nhóm các chuyên ngành của chúng, giúp chúng ta có thể dựa vào
sự phân định các bộ phận cấu thành của xã hội cũng như các thiết chế xã hội
để chỉ rõ và phân biệt các chuyên ngành XHH như XHH nông thôn, XHH đô
thị, XHH gia đình, XHH văn hoá, XHH giới, XHH quản lý, XHH thanh niên,
XHH môi trường, XHH tội phạm v.v… Những mối quan hệ tương tác và các
lĩnh vực nghiên cứu trên lại có vị trí và vai trò khác nhau trong các chương
trình nghiên cứu vĩ mô hoặc vi mô, lý thuyết hoặc thực nghiệm, đại cương
hoặc chuyên biệt.
II. XÃ HỘI HỌC GIỚI TRONG XÃ HỘI HỌC
1. Đối tượng nghiên cứu của Xã hội học giới
Xã hội học giới là một chuyên ngành của XHH. Nó vừa tuân thủ những
nguyên tắc chung nhất của XHH, vừa quy chiếu những nguyên tắc này vào
lĩnh vực nghiên cứu riêng biệt là một quan hệ xã hội giữa nam và nữ và cách
thức mối quan hệ này được xây dựng trong ta hội. Nói một cách cụ thể, XHH
giới là xã hội học nghiên cứu đối tượng giới, vị trí, vai trò của vấn đề giới và
bình đẳng giới đối với sự vận động và phát triển của xã hội.
Theo những chuẩn mực trên thì Xã hội học giới cũng có 3 lĩnh vực
nghiên cứu cơ bản. Đó là:
1.1. Nghiên cứu mối quan hệ giữa sự vận động và phát triển của giới
với sự vận động và phát triển chung của xã hội.
1.2. Nghiên cứu mối quan hệ giữa giới với các bộ phận cấu thành khác
của xã hội, các thiết chế xã hội đang vận hành trong xã hội như gia đình, văn
hoá, giáo dục, chính quyền, luật pháp, nông thôn, thành thị, môi trường…
(Những lĩnh vực có liên quan đến vị trí, vai trò của giới).
1.3. Nghiên cứu nội hàm của giới trong dạng thức tương đối độc lập
của nó. Đó là mối quan hệ xã hội giữa nam và nữ và cách thức mối quan hệ
đó được xây dựng trong xã hội.
Để phục vụ cho việc tư duy và tiếp cận Xã hội học Giới, người ta cũng
đã xây dựng bên cạnh hệ thống lý thuyết cơ bản (những quy luật, phạm trù,
khái niệm, khung logic) bộ công cụ phân tích để xác định phương pháp luận
và phương pháp nghiên cứu cho nó. Cùng với những nghiên cứu lý thuyết,
nghiên cứu cơ bản thì nghiên cứu thực nghiệm hay còn gọi là nghiên cứu can
thiệp (hoặc hành động) ngày càng phát triển đã góp phần trực tiếp vào việc
nhận thức và hoạch định các chính sách về giới, điều chỉnh và hoàn thiện luật
pháp, cải tạo xã hội và tạo lập sự bình đẳng trong các quan hệ giới.
2. Chức năng, nhiệm vụ của Xã hội học giới
Khi nói đến chức năng và nhiệm vụ của một ngành khoa học, chúng ta
cần phải hiểu rằng, chúng bao giờ cũng được sinh ra để thực hiện những
mục tiêu nhận thức và mục tiêu thực tiễn của ngành khoa học đó. Bởi vậy bất
kỳ một ngành khoa học nào cũng thường mang trong mình hai chức năng cơ
bản nhất: chức năng nhận thức và chức năng thực tiễn. Hai chức năng này
hoà quyện không thể tách rời, cái này là cơ sở nhưng cũng là mục tiêu cho
cái kia và ngược lại. Chức năng nhận thức của XHH giới là kim chỉ nam, quy
định nhiệm vụ là làm thay đổi nhận thức của con người về một cấu trúc xã hội
mà trong đó không có nhóm xã hội này cai trị cho nhóm xã hội kia. Từ thay
đổi nhận thức, XHH giới có nhiệm vụ làm thay đổi thực tiễn và phục vụ cho
chức năng thực tiễn của nó. Ở đây, mối quan hệ giữa nghiên cứu cơ bản và
nghiên cứu ứng dụng là hai cánh tay của cơ thể XHH giới.
Thực tế nói về nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng là nói về
một phương thức biểu hiện khác của chức năng nhận thức và chức năng
thực tiễn của nghiên cứu. Nghiên cứu cơ bản là những nghiên cứu có xu
hướng nghiêng về những mục tiêu nhận thức, còn nghiên cứu ứng dụng thì
lại có xu hướng nghiêng về mục tiêu thực tiễn, vận dụng lý thuyết vào thực
tiễn và dùng thực tiễn để làm sáng rõ lý thuyết. Nhìn chung, hướng về cuộc
sống hiện thực, đưa tri thức vào thực tiễn cuộc sống, phục vụ cho cuộc sống
của con người ngày càng tiến bộ, văn minh bao giờ cũng là mục đích cao
nhất của khoa học dù là khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội và nhân văn,
trong đó có XHH nói chung và XHH giới nói riêng.
Tuy nhiên, “Sự thống nhất và đa dạng của thế giới vật chất và tinh thần
đã khiến cho tri thức khoa học cũng phức tạp và đa dạng không kém. Nó
cũng khiến cho sự phân định rạch ròi ranh giới giữa các lĩnh vực khoa học chỉ
có thể mang tính tương đối. Sẽ là siêu hình và không khoa học nếu chúng ta
chỉ biết khu biệt các loại hình nghiên cứu khoa học khác nhau mà không nhìn
thấy sự thống nhất và phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng.
Bởi vậy, nếu nghiên cứu ứng dụng làm đa dạng và phong phú thêm
cho những nghiên cứu cơ bản, thì ngược lại, nghiên cứu cơ bản là tiền đề lý
luận phương pháp luận, là cơ sở cần thiết cho việc nghiên cứu ứng dụng.
Thiếu những nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng sẽ mất định hướng,
sẽ lúng túng khi xử lý các tình huống phức tạp từ thực tiễn. Thiếu những
nghiên cứu ứng dụng và tính ứng dụng, nghiên cứu cơ bản sẽ chỉ còn là khoa
học của sự lãng mạn thuần tuý, sự bay bổng khỏi hiện thực của tri thức”
(Đặng Cảnh Khanh, 2006).
Ngày nay, khả năng ứng dụng các tri thức XHH giới Vào thực tiễn đã
khiến cho hoạt động khoa học không chỉ là một thứ “khoa học vị khoa học” mà
còn là “khoa học vị nhân sinh”. Ý nghĩa xã hội và nhân đạo sâu sắc của khoa
học giới là nó giúp thay đổi nhận thức về giới, đưa ra các biện pháp giải quyết
hiện tượng bất bình đẳng giới đã tồn tại từ hàng chục thế kỷ. Chỉ cố gắn mình
với thực tiễn thì XHH giới mới mang trong mình các giá trị về tri thức và văn
hoá đích thực.
Do vậy, để phát triển và mở rộng các nghiên cứu về XHH giới chúng ta
không thể bỏ qua các hoạt động thực tiễn và ứng dụng của nó. Đồng thời các
nghiên cứu cơ bản là nguồn trực tiếp cung cấp những tri thức lý luận và
phương pháp luận cho các nghiên cứu cụ thể.
Nghiên cứu cơ bản trong XHH vừa giúp định hướng các chiến lược
phát triển xã hội chung, vừa góp phần vào chính sự phát triển của tư duy
XHH. Nghiên cứu cơ bản về XHH giới có vai trò quan trọng không chỉ trong
việc xây dựng các chiến lược phát triển bình đẳng giới mà còn góp phần hình
thành những cơ sở lý thuyết và phương pháp tiếp cận đặc thù của môn học.
Ngoài tính hiện thực và ứng dụng, XHH giới còn mang tính cách mạng.
Nó hướng xã hội tới sự thay đổi cách nhìn nhận về phụ nữ, thay đổi cấu trúc
xã hội đã tồn tại cố hữu trong lịch sử theo kiểu “trọng nam, khinh nữ” thành xã
hội bình đẳng, công bằng mà trong đó các thành viên, bất kể thuộc giới tính
nào đều có cơ hội phát triển ngang bằng, có trách nhiệm tham gia xây dựng
gia đình và xã hội, cùng được hưởng thụ công bằng các thành quả lao động
đã mình làm ra. Về phương diện này, XHH giới tuân thủ lời dạy bất hủ của
K.Marx là: khoa học không chỉ nhằm để giải thích thế giới mà còn cải tạo thế
giới.
Như vậy XHH giới có ba chức năng cơ bản là: phản ánh hiện thực, cải
tạo xã hội và định hướng xã hội. Ba chức năng này có mối quan hệ biện
chứng trong các nghiên cứu cụ thể, nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu hành
động. Những chức năng quan trọng này đã tạo ra bộ mặt toàn diện của XHH
giới và mặc dù là một chuyên ngành khoa học rất trẻ nhưng nó đã nhanh
chóng chiếm được chỗ đứng vững chắc trong ngành Khoa học Xã hội và
Nhân văn nói chung và XHH nói riêng.
Sự xuất hiện của XHH giới, trên thực tế đã chia XHH ra thành hai giai
đoạn: XHH trước giới và XHH sau giới. Đó là kết quả của cuộc tranh luận
không khoan nhượng mang tính khoa học và chính trị cao giữa các nhà XHH
mang quan điểm nữ quyền (sau này gọi là các nhà nữ quyền) với các nhà
XHH mang quan điểm nam quyền.
III. MỐI LIÊN HỆ GIỮA XÃ HỘI HỌC GIỚI VỚI CÁC CHUYÊN NGÀNH XÃ
HỘI HỌC KHÁC
Mối quan hệ của XHH giới với các chuyên ngành XHH khác là sự phản
ánh tính khách quan của mối quan hệ giữa vấn đề giới với những vấn đề xã
hội cụ thể khác trong xã hội. Thực tế cho thấy, mối quan hệ giới tồn tại và
biểu hiện trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của xã hội. Đó là mối quan hệ
giữa hai giới tính là nam và nữ trong sự vận động của nguồn nhân lực xã hội.
Tuy nhiên, trước đây hệ tư tưởng chính trị, triết học, tôn giáo và cả
XHH kinh điển đều đã tiếp cận vấn đề giới trong hệ thống những quan điểm
nam quyền nên thường phân chia nam nữ thành hai tuyến rõ rệt: nam thống
trị và nữ bị trị. Điển hình là hệ tư tưởng Nho giáo, Hồi giáo và sau này, trong
chính XHH là những người theo thuyết Cấu trúc chức năng. Trong khi khẳng
định vị thế, vai trò của các bộ phận cấu thành trong xã hội, người ta cũng coi
vấn đề giới trong xã hội như là một sự xếp đặt tự nhiên, sự phân bổ vị thế, vai
trò giới một cách bất bình đẳng như là một lẽ đương nhiên.
Ngày nay, XHH giới đã đặt vấn đề khác. Nó đòi hỏi những người
nghiên cứu phải nghiên cứu hai lực lượng xã hội này trong bối cảnh của sự
tương tác, vận động và phát triển, hướng tới sự bình đẳng, công bằng. Chẳng
hạn, khi XHH gia đình nghiên cứu về gia đình thì không thể không nghiên cứu
về sự biến đổi mối quan hệ giới theo các mối quan hệ hàng ngang như quan
hệ giữa vợ với chồng (cha với mẹ, ông với bà), anh trai với em gái; và mối
quan hệ theo hàng dọc là quan hệ thế hệ như ông bà với cha mẹ, với con
cháu. Nghiên cứu XHH văn hoá thì phải nghiên cứu mối quan hệ giới trong
các nền văn hoá theo chiều lịch đại và theo chiều cấu trúc chức năng. Nghiên
cứu XHH nông thôn, XHH đô thị cũng cần đề cập đến mối quan hệ giới và
ảnh hưởng của mối quan hệ đó đối với từng giới cũng như sự phát triển
chung của nông thôn hoặc đô thị.
BÀI ĐỌC VÀ NGHIÊN CỨU
Quan điểm chưa có nghiên cứu giới
"Hạnh phúc ở ngay trong tay bạn"
Thời mở cửa giúp chị em chúng ta mất ít thời gian hơn trong việc “tề
gia nội trợ” để dành thời gian còn lại tham gia hoạt động xã hội, cống hiến sức
mình vào sự nghiệp phát triển của nước nhà. Nhưng ngoài những yếu tố
thuận lợi vẫn còn tồn tại những vấn đề đáng lo ngại cho nhiều gia đình, nhất
là bổn phận làm vợ làm mẹ đang có hướng mờ nhạt đi.
Theo truyền thống, việc “tề gia nội trợ” là phạm vi độc quyền của phụ
nữ, nhưng ngày nay nó không còn chiếm vị trí “độc nhất vô nhị” nữa, mà đã
được chia sẻ khá nhiều. Bởi vì mọi thứ cần thiết cho cuộc sống hầu như đều
có sẵn, cái gì cần là có ngay một cách nhanh chóng, tiện lợi, dễ dàng. Từ việc
đi ăn cơm hàng, cơm hộp cho đến việc thuê người nội trợ trong gia đình…
Nói tóm lại, cái gì cần cũng có thể thuê mướn. Chính sự tiện lợi đó lại nảy
sinh nhiều vấn đề đáng lo ngại cho các gia đình.
Tôi được biết vợ chồng chị Đ. đều là kỹ sư, bác sĩ và có địa vị trong xã
hội. Họ có hai con, một trai, một gái đều đã đến tuổi trưởng thành. Nhiều
người nhìn vào gia đình anh chị đều rất thèm muốn. Nhưng ở đời chẳng ai
học được chữ “ngờ”. Cậu con trai của chị Đ. phải vào tù lúc 29 tuổi vì tội dẫn
dắt gái mại dâm và buôn bán ma tuý. Mọi chuyện vỡ ra từ đó. Chị Đ tâm sự:
- Tôi đã mắc phải sai lầm lớn trong việc giáo dục con cái. Đáng lẽ tôi
phải dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc con thi tôi lại chu cấp đầy đủ
những thứ con cần. Cuộc sống sung túc đã làm con trai tôi tự giết mình.
Việc chăm sóc con không thể thiếu được bàn tay của người mẹ. Điều
này đòi hỏi chị em phải có sự kiên trì dạy dỗ từng phút, từng giờ mới có thể
cho gia đình và xã hội một con người hữu ích thực sự.
Chị H. làm ở Bưu điện Bờ hồ tâm sự:
- Tôi bận đi làm tối ngày. Công việc chăm sóc gia đình, con cái nhờ cả
vào chồng tôi. Buổi trưa dịch vụ cơm hộp đưa vào đến tận nhà, chỉ có buổi tối
gia đình mới đoàn tụ nhưng thường có người này lại vắng mặt người kia vì
chồng tôi thích những trò tiêu khiển ở bên ngoài hơn là ở nhà bên cạnh vợ
con. Nhiều khi tôi cũng tự hỏi: Hình như mình đang trốn tránh việc chăm sóc
gia đình chăng?
Quả thật việc làm mẹ, làm vợ cũng chẳng nhẹ nhàng gì, tuy rằng chúng
ta không thể chu toàn được cả việc nước lẫn việc nhà, nhưng thiết nghĩ
chúng ta cũng không nên lạm dụng quá vào việc gọi là dịch vụ chăm sóc
chồng con thay ta mà nên tự mình vun vén cho gia đình. Chỉ có như vậy
chúng ta mới giữ được những người thân yêu không xa rời tổ ấm gia đình
của chính mình.
Mỗi gia đình là một xã hội thu nhỏ, gia đình hạnh phúc thì xã hội sẽ
phồn thịnh và phát triển không ngừng. Chúng ta là phận làm mẹ, làm vợ đừng
nên bỏ quên vinh dự được hy sinh cho chồng con. Đây là chiếc cầu nối tất cả
mọi người trong gia đình xích lại gần nhau hơn. Nếu ai có ý nghĩ tạm quên đi
trách nhiệm lớn lao này thì đó là tiếng chuông cảnh báo đe doạ đến hạnh
phúc gia đình của chính người đó.
Theo Trần Hằng Nga (Báo Tiền phong ngày 14/81/999).
CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Đối tượng nghiên cứu của XHH giới là gì? Hãy phân tích sự giống và
khác nhau giữa đối tượng nghiên cứu của XHH giới với đối tượng nghiên cứu
giới.
2. Tại sao nói XHH giới ra đời đã làm thay đổi ngành XHH, đặc biệt là
XHH gia đình, XHH văn hoá, XHH chính trị?
3. Đối tượng nghiên cứu XHH giới có liên quan đến bài đọc nghiên cứu
trên thế nào?
Bài 2. SỰ HÌNH THÀNH CÁC KHOA HỌC NGHIÊN CỨU PHỤ NỮ,
GIỚI VÀ XÃ HỘI HỌC GIỚI
I. NHỮNG TIỀN ĐỀ VỀ KINH TẾ, XÃ HỘI, VĂN HÓA CỦA NGHIÊN CỨU
KHOA HỌC VỀ GIỚI
1. Xã hội Mẫu hệ trong buổi bình minh của loài người
Những tài liệu khảo cổ và những truyền thuyết dân gian còn lưu truyền
đến ngày nay đã đưa ra bằng chứng về một giai đoạn phát triển quan trọng
của xã hội con người là giai đoạn theo Mẹ, còn gọi là Mẫu hệ. Đây cũng là
giai đoạn đầu tiên của thời đại mông muội, là ranh giới giữa thế giới sinh vật
và đời sống xã hội. Trong cuốn sách “Nguồn gốc gia đình, chế độ tư hữu và
Nhà nước”, Engels đã nêu ra và phân tích 3 phát minh lớn của xã hội loài
người mà ông cho rằng còn quan trọng hơn cả phát minh ra máy hơi nước
của thời kỳ ranh giới giữa xã hội nông nghiệp và xã hội công nghiệp. Đó là:
Tiếng nói như là một phương tiện chủ yếu của sự giao tiếp trong tập
thể người nguyên thuỷ. Engels coi tiếng nói là một phương tiện (mà thú vật
không thể có được) để thu thập, giữ gìn, xử lý và truyền đi những thông tin về
thế giới xung quanh, là phương tiện để nhận thức và quản lý. Chính tiếng nói
đã tách hẳn con người ra khỏi loài vật; rất thuận tiện cho sinh hoạt và lao
động sản xuất mà trước đó chỉ có thể dùng phương pháp tương tác biểu
trưng.
Lửa: Giai đoạn giữa của thời kỳ mông muội bắt nguồn từ việc phát hiện
ra “công cụ năng lượng” tức là lửa, và được đánh dấu như là giai đoạn hình
thành của chế độ công xã nguyên thuỷ điển hình. Lửa không chỉ là một vũ khí
đi săn mới mà còn là một phương tiện nấu chín thức ăn, để chống đỡ với cái
lạnh và thú dữ. Lửa đã thay đổi tận gốc tiềm năng của năng lượng, cơ cấu
nhân khẩu và tập quán của người nguyên thuỷ. Khi chưa biết sử dụng lửa,
con người hằng ngày nhận được dưới 2.000kcal (chủ yếu là qua thức ăn: một
nửa là thực vật, một nửa là động vật) Lửa lập tức làm tăng mức tiêu dùng
năng lượng hằng ngày lên đến 5.000kcal, trong đó thức ăn cung cấp
3.000kcal, còn “tiện nghi” sưởi ấm cung cấp 2.000kcal. Việc ăn thức ăn chín
và tạo ra được thức ăn chín đã chứng tỏ tư duy của con người vượt xa loài
vật và trở thành một loài riêng biệt, cao cấp.
Sự phân công lao động giữa nam và nữ khi đó mang tính tự nhiên
mà chưa mang tính xã hội. Chẳng hạn, tuỳ thuộc vào sức khoẻ, nam giới thì
săn, bắt; phụ nữ thì hái lượm. Do trách nhiệm phải mang thai, sinh đẻ và cho
con bú và cũng do tình trạng sức khoẻ yếu hơn nam giới nên phụ nữ chỉ
quanh quẩn gần chỗ ở, trong khi nam giới ngày càng phải đi xa để tìm kiếm
thức ăn. Chính các đặc tính của công việc, theo thời gian đã ảnh hưởng đến
tính cách và phẩm chất giới. Chẳng hạn, nam giới thì mạnh mẽ, phóng
khoáng, nhiều sáng tạo, quyết đoán, dũng cảm… trong khi phụ nữ thì tỉ mỉ,
dịu dàng, căn cơ, tiết kiệm, vị tha…
Lúc khởi thuỷ, sự phân chia sản phẩm lao động trong thị tộc mang tính
chất bình quân chủ nghĩa, dựa trên cơ sở bình đẳng xã hội, còn quá trình
định hình dòng họ (theo các đặc điểm khác biệt về giới tính và lứa tuổi) thì
diễn ra theo tiêu chuẩn duy nhất có thể có lúc bấy giờ là mối liên hệ theo họ
mẹ. Với thói quen tính giao giữa nam và nữ vẫn còn mang nặng tính động vật
(tạp hôn, quần hôn), nên con sinh ra chỉ biết có mẹ mà không biết cha là ai.
Phụ nữ còn là người được giao trọng trách giữ gìn bếp lửa của cả bộ lạc,
phân chia khẩu phần thức ăn kiếm được, chăm sóc, nuôi dưỡng thế hệ trẻ, vì
vậy họ có vị trí quan trọng trong bộ lạc. Bằng cách đó, phụ nữ được tôn vinh
không phải từ sự chủ động về tư tưởng ‘‘trọng nữ” mà bằng tính tự phát, bản
năng trong quá trình lao động và chuyển hoá từ bầy đàn động vật sang xã hội
con người.
2. Quá trình chuyển biến từ xã hội công xã nguyên thuỷ sang xã
hội có đối kháng giai cấp
Sự chuyển biến từ chế độ công xã nguyên thuỷ không có giai cấp sang
các xã hội đối kháng giai cấp được quy định bởi sự phát triển của lực lượng
sản xuất của loài người. Khi lượng thức ăn ngày càng khan hiếm mà con
người ngày càng sinh sôi thì một nhu cầu lớn nảy sinh là phải tái tạo lại thức
ăn. Việc con người phát minh ra động tác chọc lỗ để gieo hạt hoặc nuôi động
vật để chúng sinh con đẻ cái không chỉ bảo đảm sự sinh tồn bền vững mà còn
tách mình ra khỏi giới động vật một cách ngoạn mục. Bắt đầu từ đây, bộ não
của con người ngày càng hoàn thiện và phát triển cùng với sự khéo léo của
đôi tay, đôi chân và các giác quan khác. Sự ra đời hai ngành cơ bản của nông
nghiệp là trồng trọt và chăn nuôi đã cho phép con người tạo ra nguồn của cải
to lớn không chỉ bảo đảm cho tiêu dùng mà còn có của cải để dự trữ.
Nội dung chủ yếu của thời kỳ này là “cuộc cách mạng mà nhờ đó, con
người thoát ra khỏi khuôn khổ cuộc sống ký sinh thuần tuý và chuyển sang
việc trồng trọt và chăn nuôi để trở thành con người sáng tạo, không bị phụ
thuộc vào tính khí thất thường của thiên nhiên xung quanh”. (Engels, 1980).
Từ con người ký sinh trở thành con người biết lao động sáng tạo, tiến
lới chủ động khai thác, cải tạo thiên nhiên là một bước ngoặt to lớn. Quá trình
này cũng giúp con người xây dựng được xã hội của mình ngày càng hoàn
thiện và văn minh hơn.
Của cải dư thừa là một điều kiện quan trọng để phát sinh tư tưởng tư
hữu và chiếm hữu. Tính tư hữu nằm trong nhu cầu tồn tại nhưng cùng với sự
phát triển xã hội, nó đã vượt xa nhu cầu tồn tại và trở lại định hướng cho xã
hội. Những người khôn ngoan, chăm chỉ lao động hoặc có quyền thế hơn
trong bộ lạc trở thành những người giàu có hơn. Xã hội phân chia thành hai
loại người: thống trị và bị trị. Sự phân hoá xã hội càng cao thì mâu thuẫn đối
kháng giữa các giai cấp càng sâu sắc và chuyển giao từ thế hệ này sang thế
hệ khác. Tất nhiên, quá trình này diễn ra không đồng thời ở các xã hội khác
nhau mà nó phụ thuộc vào trình độ của từng xã hội, vùng địa lý.
Trong hoàn cảnh như vậy, nam giới với sức mạnh của mình (cả về thể
chất lẫn trí tuệ) đã vươn lên trở thành nhóm thống trị xã hội, chiếm hữu của
cải và cả phụ nữ.
3. Sự chuyển đổi từ xã hội Mẫu hệ tới xã hội Phụ quyền
Một sự kiện lớn xảy ra trong xã hội có giai cấp là sự hình thành gia
đình. Điều này cũng có nghĩa là quan hệ tính giao giữa đàn ông và đàn bà đã
thay đổi và mang tính xã hội hơn. Khi của cải không còn là của chung nữa thì
con người cũng vậy. Sự chiếm hữu con người đã tạo ra gia đình. Vấn đề
nguồn gốc của gia đình là quá trình phát sinh của chế độ một vợ một chồng
mà trong đó, có sự thay đổi vai trò giữa người phụ nữ với tư cách là vợ và
người nam giới với tư cách là chồng. Nguồn gốc của sự hình thành gia đình,
như Engels đã nêu lên, không phải bởi tình yêu nam nữ đơn thuần mà bởi sự
hình thành chế độ tư hữu và Nhà nước cùng với sự phân chia đẳng cấp giới
ngày càng sâu sắc.
Gia đình đòi hỏi phải có hành động tương hỗ giữa các cá thể trong quá
trình thoả mãn không chỉ các nhu cầu tình dục, mà còn có cả các nhu cầu ăn
uống và sinh hoạt khác nữa, bao gồm cả việc làm kinh tế chung, sinh con, đẻ
cái và giáo dục chúng, truyền lại tài sản của tổ tiên cho thế hệ sau. Những
vấn đề phức tạp đó đã phá vỡ cấu trúc của xã hội cộng sản nguyên thuỷ, hay
nói cách khác bản thân chế độ công xã nguyên thuỷ không chứa đựng nổi mà
nó phải chuyển sang chế độ có giai cấp.
Chính cuộc cách mạng trong gia đình, gắn liền với bước chuyển sang
chế độ phụ hệ trên cơ sở vật chất - kỹ thuật của cuộc cách mạng xã hội đã trở
thành hình thái chín muồi của các mâu thuẫn đối kháng xã hội đầu tiên và của
việc chuyển tiếp sau đó lên xã hội có giai cấp.
Gia đình một vợ một chồng đã hình thành, đồng thời cũng là “chỗ” tích
tụ và thể hiện các mâu thuẫn xã hội. Các mâu thuẫn xã hội đối kháng đã phát
sinh và gây ảnh hưởng đến gia đình thông qua sự bất bình đẳng ngày càng
sâu sắc giữa nam và nữ trong gia đình.
Gia đình một vợ một chồng, như Engels nhận xét, mang trong mình
không chỉ các tàn dư của gia đình cặp đôi và chế độ quần hôn. Điều cơ bản là
ở chỗ trong xã hội, có giai cấp, nó chứa đầy những mâu thuẫn đối kháng của
xã hội đó và bắt người phụ nữ phải chịu cảnh nô lệ. Nạn ngoại tình và mãi
dâm, về thực chất là sự khôi phục lại dưới hình thức đã biến đổi các khuynh
hướng cổ xưa, những hình thức tối cổ của chế độ quần hôn.
Trong chế độ có mâu thuẫn đối kháng thì các mối quan hệ giữa đàn
ông và đàn bà gắn bó chặt chẽ với sự dùng “tiền hoặc dùng những phương
tiện quyền lực xã hội khác”. Engels viết rằng, chế độ một vợ một chồng “là
hình thức gia đình đầu tiên không dựa trên những điều kiện tự nhiên, mà dựa
trên những điều kiện kinh tế và vì thế “sự đối lập giai cấp đầu tiên xuất hiện
trong lịch sử trùng với sự phát triển của sự đối kháng giữa chồng và vợ trong
hôn nhân cá thể, và sự áp bức giai cấp đầu tiên trùng với sự nô dịch của đàn
ông đối với đàn bà” (Engels, 1980).
Trong các gia đình, phụ nữ không còn chiếm được vị trí cao như trong
các bộ lạc trước đây mà họ đã bị rơi xuống hàng thứ yếu khi con cái đã biết
cha đẻ của mình. Bắt đầu từ đây, con cái theo dòng họ cha “nội” (bên trong)
và họ mẹ trở thành “ngoại” (bên ngoài). Phụ nữ phải phục tùng, phục vụ cho
chồng, con và lao động này không được trả công. Việc xác định tính phụ
thuộc của phụ nữ còn thể hiện trong khái niệm “nối dõi dòng họ”. Ở châu âu,
Mỹ, phụ nữ khi sinh ra phải mang họ cha và khi lấy chồng phải mang họ
chồng; còn ở nhiều nước châu á, phụ nữ khi lấy chồng bị gọi theo tên chồng
lúc chồng còn sống hoặc tên con trai lớn nhất sau khi chồng chết. Sống thì
làm người nhà chồng còn chết thì làm ma nhà chồng là nguyên tắc dành cho
tất cả phụ nữ sống trong xã hội phụ quyền.
4. Một số quan điểm
4.1. Quan điểm về sự tiến hoá xã hội theo giới
Trên phương diện giới, K.Marx và F.Engels đã phân chia xã hội theo
hai hình thức tiến hoá. Đó là:
- Xã hội mẫu quyền (tương ứng với thời kỳ cộng sản nguyên thuỷ).
- Xã hội phụ quyền (tương ứng với thời kỳ xã hội có gia đình, giai cấp
và Nhà nước).
Tuy nhiên, do trình độ phát triển của xã hội nguyên thuỷ còn quá thấp
và do tính tự phát của tập quán theo mẹ nên thời kỳ này chỉ có thể gọi là mẫu
hệ. Sự chuyển đổi từ mẫu hệ sang phụ quyền được coi như là một quy luật
tất yếu của lịch sử.
Nhận xét về thời kỳ này, Engels đã viết “Sự thay thế mẫu quyền bằng
phụ quyền là một cuộc cách mạng triệt để nhất và cũng dễ dàng nhất mà loài
người đã trải qua. Cuộc cách mạng này đánh dấu bằng sự thất bại lịch sử có
tính chất toàn cầu của giới phụ nữ” (Engels, 1980).
Từ khi xã hội có giai cấp, phân công lao động giữa nam và nữ không
còn là phân công tự nhiên mà mang tính xã hội và giai cấp. Chẳng hạn, phụ
nữ được giao trọng trách lo việc trong nhà nhưng không phải với tư cách chủ
đạo mà với tư cách phụ thuộc (nội tướng), còn nam giới làm chủ gia đình về
chiến lược và tham gia vận hành, lãnh đạo xã hội. Trên quan điểm đó, kể cả
các công việc sản xuất của phụ nữ cũng không được coi là công việc của xã
hội. Công việc của nam giới được coi là quan trọng (việc lớn) còn công việc
của phụ nữ được coi là việc nhỏ, việc không quan trọng.
Engels đã nêu rằng, trong lĩnh vực các quan hệ sản xuất thì cơ sở của
sự chuyển biến đó là sự phân công lao động xã hội. Phân công lao động xã
hội vốn là kết quả của sự phát triển kinh tế, nhưng trên vấn đề giới, nó lại phụ
thuộc vào giới tính. Việc nhốt phụ nữ vào trong nhà và không công nhận sự
đóng góp của họ với xã hội đã không chỉ làm phụ nữ vắng bóng trong lịch sử
mà còn mãi mãi đẩy họ vào địa vị phụ thuộc từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Ngày nay, cả thế giới đang hướng tới hình thức tiến hoá mới phù hợp
với sự phát triển của lịch sử. Đó là xây dựng một xã hội bình đẳng giới. Vấn
đề được đặt ra là bằng mọi cách đưa phụ nữ và trẻ em vào dòng chảy của sự
phát triển. Hay nói một cách khác là không thể xây dựng một xã hội phát triển
và văn minh khi một nửa dân số thế giới là phụ nữ phải sống trong sự phụ
thuộc và đói nghèo. Nếu như trước đây K.Marx đã cho rằng, ngoài việc phân
chia xã hội theo các hình thái kinh tế - xã hội, còn có thể chia xã hội theo hai
giai đoạn là giai đoạn mẫu quyền và giai đoạn phụ quyền, thì ngày nay, dưới
góc độ xã hội học về giới, chúng ta còn có thể đưa ra giai đoạn tiếp nối với
hai giai đoạn trên, giai đoạn mà nhân loại đang phấn đấu để đạt tới, đó là giai
đoạn của sự bình đẳng giới. Cụ thể là:
- Xã hội mẫu quyền (tương ứng với thời kỳ cộng sản nguyên thuỷ).
- Xã hội phụ quyền (tương ứng với thời kỳ xã hội có giai cấp và gia
đình).
- Xã hội bình đẳng giới (tương ứng với thời kỳ bình đẳng giữa các
nhóm xã hội).
4.2. Quan điểm về ba hình thức phân hoá xã hội lớn trong đó có
bất bình đẳng giới
4.2.1. Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người luôn tồn tại sự bất
bình đẳng giữa các cá nhân, nhóm xã hội, dân tộc, điển hình là chủng tộc; giai
cấp; giới. Lịch sử của xã hội loài người cũng là lịch sử đấu tranh để xoá bỏ sự
bất bình đẳng này. Nhiều nhà tư tưởng đã có ý đồ giải phóng loài người: giải
phóng giai cấp theo tư tưởng của giai cấp công nhân (K.Marx); tạo ra sự giàu
có, giải phóng sức lao động (A dam Smith); giải phóng nhân loại ra khỏi sự
tiến hoá tự nhiên của sự sống (Darwin); giải phóng con người ra khỏi sự
thống trị của tiềm thức (Freud)…
Để nhận biết về sự bất bình đẳng, chúng ta có thể đưa ra các tiêu chí
phân loại. Đó là:
- Điều kiện sống và thu nhập.
- Địa vị và vai trò.
- Sự hưởng thụ vật chất, văn hoá, tinh thần.
- Giáo dục và tri thức.
- Thái độ và hành vi ứng xử (xã hội đối với cá nhân và cá nhân đối với
xã hội).
Bất bình đẳng chủng tộc và bất bình đẳng giới trên thực tế vẫn tồn tại
như là một dạng thức trong tất cả các xã hội trên, tuy nhiên mức độ có khác
nhau. Chẳng hạn, trong xã hội XHCN, những cố gắng của chính quyền và
nhân dân nhằm xoá bỏ các bất bình đẳng về giai cấp cũng có nghĩa là cố
gắng xoá bỏ bất bình đẳng về giới và chủng tộc.
Mối quan hệ giữa giới và giai cấp, giữa giới và chủng tộc là mối quan
hệ phức tạp và đan xen.
Ví dụ: Nguyên tắc của các xã hội là “nam tôn nữ ty”. Phụ nữ ở cùng giai
cấp, chủng tộc với nam giới là không bình đẳng nhưng nam giới ở giai cấp
thấp hoặc chủng tộc nghèo cũng không được bình đẳng với phụ nữ ở các giai
cấp hoặc chủng tộc giàu hơn.
Nhà thơ Nguyễn Khuyến đã vẽ nên bức tranh về sự bất bình đẳng này
trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược và nô dịch Việt Nam.
“Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt
Dưới sân quan cử ngỏng đầu rồng”
Trong xã hội phong kiến, quan cử là nam giới, đại diện của trí tuệ và
giai cấp thượng đẳng của nước thua trận đã phải chịu cảnh nhục nhã trước
bà đầm là đại diện của nhóm yếu thế của nước cai trị. Hình ảnh đối nhau của
“đít vịt” và “đầu rồng” là những hình ảnh rất đắt. Nó không chỉ nêu ra sự xúc
phạm lòng tự tôn dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân mà còn khơi
dậy tính sĩ diện của đàn ông Việt Nam, vì trong con mắt của nhà nho thì phụ
nữ không thể ngang hàng được với nam giới.
Khác với hai dạng bất bình đẳng về chủng tộc và giai cấp là các dạng
bất bình đẳng chỉ xảy ra trong xã hội, giữa những người xa lạ với nhau, bất
bình đẳng giới đã không chỉ xảy ra trong xã hội mà còn xảy ra trong gia đình,
giữa những người có quan hệ đặc biệt hoặc ruột thịt với nhau. Các nhà nữ
quyền đã cho rằng, bất bình đẳng giới là dạng bất bình đẳng đầu tiên nhưng
được phát hiện và đề cập tới muộn nhất trong xã hội loài người. Bất bình
đẳng giới là sâu sắc nhất vì nó tồn tại trong cả xã hội và gia đình. Chính tình
yêu đã che mờ các dạng bất bình đẳng trong gia đình, nó khiến cho người ta
không dễ nhận ra và cũng không dễ giải quyết như các dạng bất bình đẳng
khác là dùng đấu tranh vũ trang hoặc hoà đàm.
Một người con gái, một người vợ, một người mẹ không thể chống lại
cha, chồng, con trai của mình để đòi lại sự công bằng. Tuy nhiên, để tiến tới
xã hội phát triển công bằng và văn minh, người ta không thể không giải quyết
bất bình đẳng giới. Chỉ có một con đường là nghiên cứu khoa học, bổ sung
hoặc thay đổi chính sách của Nhà nước, thay đổi nhận thức và hành vi của
con người để tiến tới bình đẳng giới. Mặc dù dùng biện pháp hoà bình nhưng
cuộc đấu tránh vì bình đẳng giới cũng đầy chông gai, gian khổ và không thể
tiến tới đích hoàn hảo trong một thời gian ngắn. Có nơi, có lúc, các chiến sĩ
đấu tranh cho bình đẳng giới đã phải hy sinh cả tính mạng, vì sự thay đổi mối
quan hệ giới là thay đổi cả một nếp nghĩ, nếp sống trong môi trường của văn
hoá phụ quyền, làm bớt đi quyền lực của nhiều cá nhân gia trưởng.
4.2.2. Các hệ tư tưởng lớn của loài người đều nảy sinh trong xã hội phụ
quyền khi mà sự phân biệt giới ngày càng sâu sắc và hoàn hảo. Có thể nêu
một số tư tưởng quen thuộc có đề cập đến giới trong thế giới hiện nay:
- Hệ tư tưởng Thiên chúa giáo.
- Hệ tư tưởng Hồi giáo.
- Hệ tư tưởng Nho giáo.
- Hệ tư tưởng Phật giáo.
Trong các hệ tư tưởng trên thì Nho giáo không có kinh kệ, tầng lớp sư
sãi hoặc giám mục để làm cầu nối giữa Đức Phật tổ hoặc Chúa Trời với con
người. Việc thờ cúng tổ tiên theo Nho giáo là những nghi thức biểu lộ lòng
biết ơn của con cháu đối với công lao to lớn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Không Tử, người khai sinh ra Nho giáo đã nói rằng: đối với quỷ thần thì ông
“Kính nhi viễn chi”, có nghĩa là khi không nhìn rõ quỷ thần ở đâu, có hay
không, thì ông không tin nhưng cũng không dám mạo phạm. Nhưng quan hệ
cha con, vợ chồng, anh em là cái hiện hữu hằng ngày thì không thể không tôn
trọng, tuân thủ các nguyên tắc chuẩn mực. Nho giáo là một hệ tư tưởng lớn
của xã hội nhằm xây dựng xã hội thành một khuôn mẫu, trong đó đạo đức
của con người được đề cao và được coi là nền tảng của xã hội. Quan điểm
bất bình đẳng giới trong Nho giáo, do vậy, là hết sức nặng nề.
Thực tế lịch sử đã cho thấy, sự gắn bó giữa hệ tư tưởng phụ quyền với
tôn giáo càng làm bền chặt thêm sự thống trị của nam giới đối với phụ nữ trên
cả hai phương điện là nhân quyền và thần quyền, muốn thay đổi nó phải có
một cuộc cách mạng toàn diện và sâu sắc.
II. SỰ HÌNH THÀNH KHOA HỌC NGHIÊN CỨU PHỤ NỮ, GIỚI VÀ XÃ HỘI
HỌC
1. Sự hình thành và phát triển của ngành Phụ nữ học (Women
Studies)
1.1. Phụ nữ học
Chúng ta đều biết, trong xã hội phụ quyền, với vị thế thống trị của nam
giới, mọi nghiên cứu đều trực tiếp hoặc gián tiếp hướng về một xã hội của
nam giới và thế giới do nam giới thống trị. Người phụ nữ trong những điều
kiện này, nếu được nhắc tới cũng chỉ với vai trò của những kẻ phụ thuộc. Đối
tượng phụ nữ có thể được phác hoạ với cái đẹp hình thể, họ có thể là những
bông hoa, cũng có thể được nhắc nhở với một vai trò lớn trong gia đình,
nhưng chưa bao giờ vị thế của họ được công nhận như một sự ngang bằng
với nam giới.
Phụ nữ học ra đời, dù muốn hay không cũng tồn tại như một khoa học
thực thụ. Nó được khơi nguồn không phải từ nội hàm khoa học mà từ chính
thực tiễn phong trào phụ nữ quốc tế. Chính phong trào phụ nữ đã không chỉ
tạo nguồn cảm hứng cho những nghiên cứu về phụ nữ mà còn tích tụ kiến
thức và kinh nghiệm, hình thành và phát triển môn Phụ nữ học. Ngược lại, sự
phát triển của Phụ nữ học lại định hướng về mục tiêu, lý luận và phương
pháp luận, phương pháp hoạt động thực tiễn cho phong trào phụ nữ.
Với sự xuất hiện của Phụ nữ học, việc nghiên cứu, xem xét đối tượng
phụ nữ với tư cách là một nửa nhân loại đã được đặt ra ở một bước phát triển
cơ bản. Phụ nữ học ra đời đã làm đảo lộn nhiều ngành khoa học xã hội và
nhân văn, cung cấp một cách nhìn mới về nửa nhân loại luôn được mệnh
danh là “phái đẹp” nhưng lại yếu thế, là “hoa”, là “quà tặng vô giá của thượng
đế “cho nhân loại nhưng lại bị dập vùi trong áp bức và khổ đau. Với Phụ nữ
học, phụ nữ được tiếp cận với tư cách đối tượng của khoa học, đã có cơ sở
khoa học và thực tiễn, lý luận và cách mạng để giải phóng mình trên phương
diện vị thế, vai trò và các quyền về bình đẳng giới.
1.2. Những điều kiện và tiền đề sự ra đời của Phụ nữ học
Cũng như tất cả các ngành khoa học khác, sự xuất hiện của Phụ nữ
học cũng gắn liền với nhiều yếu tố nhận thức và thực tiễn. Cụ thể là:
* Do nhu cầu của nhận thức - lý luận:
Trước khi xuất hiện của Phụ nữ học, nhận thức khoa học của nhân loại
về phụ nữ còn nhiều hạn chế. Vấn đề bất bình đẳng giới chưa nhận được sự
quan tâm tương xứng của tư duy khoa học, nhất là các khoa học về xã hội và
nhân văn. Là một trong ba hình thức bất bình đẳng lớn nhất của xã hội loài
người, xuất hiện từ hàng nghìn năm trước, nhưng so với những bất bình đẳng
về chủng tộc và giai cấp, thì bất bình đẳng về giới, mặc dù xuất hiện sớm
nhất nhưng lại được quan tâm và xử lý muộn nhất. Điều đáng lưu ý là hầu hết
các nhà tư tưởng lớn phát hiện ra những bất công về giới lại chính là nam
giới.
Với những lý do trên, Phụ nữ học ra đời là một nhu cầu khách quan của
xã hội nhằm làm thay đổi nhận thức của con người trên vấn đề phụ nữ một
cách cơ bản nhất, nói một cách cụ thể, sự thay đổi nói trên cần phải được
dựa trên những cơ sở lý luận - khoa học khách quan. Chính điều đó mới là cơ
sở vững chắc để xác lập một sự bình đẳng thật sự giữa hai giới nam và nữ.
Thêm nữa, chính sự xuất hiện của Phụ nữ học và các khoa học về giới đã
góp phần làm phong phú thêm hệ thống những kiến thức khoa học của nhân
loại.
* Do nhu cầu của phong trào phụ nữ quốc tế.
Thực tế cho thấy, phong trào phụ nữ, khi chưa có lý luận khoa học của
những nghiên cứu về giới và Phụ nữ học, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực
nhưng đều diễn ra một cách tự phát, không có cơ sở lý luận, phương pháp
luận và phương pháp hành động nên kết quả còn hạn chế. Điều đó đã làm
nảy sinh những nhu cầu mới, khiến một bộ phận những nhà hoạt động trong
phong trào phụ nữ quan tâm nhiều hơn tới lý luận và khoa học.
Nhu cầu nhận thức lý luận và khoa học, lấy các quy luật khoa học
khách quan về bình đẳng giới làm cơ sở cho hoạt động thực tiễn của phong
trào phụ nữ chính là cơ sở cho sự phát triển của các khoa học về phụ nữ
trong đó có Phụ nữ học XHH giới. Thực tế cho thấy, chính các khoa học này
đã tạo ra một hệ thống những kiến thức khoa học cơ bản để định hướng lý
luận và là kim chỉ nam cho phong trào phụ nữ quốc tế trong rất nhiều năm
qua.
Nhờ có sự soi đường của các khoa học về giới và phụ nữ mà phong
trào phụ nữ đã hoà nhập với các phong trào khác. Nó được sự ủng hộ mạnh
mẽ của nhân loại tiến bộ. Nó vừa hoà nhập được vào sự phát triển tiến bộ
của các khoa học xã hội và nhân văn lại vừa giữ được những nét đặc thù,
những sắc thái riêng về lý luận và phương pháp luận của mình. Nó vừa diễn
ra trong xã hội lại vừa diễn ra trong gia đình.
* Do những điều kiện của sự phát triển kinh tế-xã hội:
Sự phát triển của ngành Phụ nữ học cũng gắn liền với những điều kiện
kinh tế - xã hội của CNTB thế kỷ XVII. Chúng ta đều biết, vào thời điểm này,
với nhu cầu về nhân lực lao động to lớn của giai đoạn phát triển tiền tư bản
và công nghiệp hoá, các nhà tư bản đã tuyển dụng phụ nữ và trẻ em với tư
cách là lực lượng lao động rẻ mạt cho guồng máy của mình. Điều đó trên
thực tế cũng có nghĩa là đưa phụ nữ từ gia đình ra xã hội trên quy mô rộng.
Lao động nữ được thừa nhận. Phụ nữ có thu nhập độc lập điều kiện sống,
học tập thay đổi, trình độ được nâng cao. Chính nhu cầu phát triển của lao
động nữ, đưa phụ nữ từ gia đình vào xã hội đã làm thức tỉnh phụ nữ. Việc
phụ nữ tham gia vào hệ thống sản xuất xã hội cũng khiến họ ý thức rõ hơn
được vị thế, vai trò của mình, và từ đó, trong môi trường xã hội mới mẻ, nhu
cầu về bình đẳng giới cũng xuất hiện từ trong chính nhận thức của họ.
* Do những điều kiện của sự phát triển văn hoá -xã hội:
Sự phát triển văn hoá, xã hội đa dạng đã làm nảy sinh nhiều vấn đề
mới có liên quan đến phụ nữ và giới. Những biến đổi trong nhận thức văn
hoá, sự khủng hoảng của các mối quan hệ xã hội, sự thay đổi các chuẩn mực
và giá trị sống… khiến cho nhiều vấn đề cần được nghiên cứu và phân tích
dưới một góc độ khoa học mới. Văn hoá - xã hội phát triển ngày càng đa
dạng, phong phú, đặc biệt là văn hoá công nghiệp thay thế cho văn hoá nông
nghiệp. Lối sống và nhiều phong tục cũ không phù hợp với xã hội công
nghiệp, đặc biệt là những phong tục cấm, cản trở phụ nữ trong sản xuất và
sinh hoạt. Điều này đã dẫn đến những nhu cầu phải tiếp cận vấn đề phụ nữ
theo một hướng tư duy mới, phù hợp với sự vận động và phát triển của văn
hoá.
2. Các mục tiêu của Phụ nữ học
Phụ nữ học và các chuyên ngành nghiên cứu về giới ra đời nhằm mục
tiêu đáp ứng những vấn đề lý luận và thực tiễn sau đây:
2.1. Nghiên cứu để tìm ra nguồn gốc của những sự bất bình đẳng giữa
nam và nữ. Giải thích được một cách khoa học đâu là nguyên nhân của sự
bất bình đẳng này. Mặt khác, với một hệ thống những kiến thức về lý luận,
phương pháp luận mới, Phụ nữ học có thể phác hoạ được một bức tranh xác
thực về thực trạng vấn đề giới trong xã hội và hậu quả của nó. Trên cơ sở
những nghiên cứu trên, phong trào phụ nữ có thể đề ra được các giải pháp
nhằm hướng tới việc giải quyết những bất bình đẳng về giới trong xã hội từ
sự thay đổi luật pháp và nhận thức của xã hội.
2.2. Sự ra đời của môn Phụ nữ học cũng hướng tới mục tiêu phát triển
một cơ sở nhận thức mới về vấn đề phụ nữ, xây dựng hệ thống lý luận,
phương pháp luận và phương pháp thích hợp cho công tác nghiên cứu về
phụ nữ từ quan điểm và góc nhìn của phụ nữ (nhấn mạnh đến vai trò của đội
ngũ các nhà khoa học nữ).
2.3. Sự ra đời của Phụ nữ học cũng hướng tới mục tiêu thực tiễn là
định hướng về tư duy và lý luận cho các hoạt động của phong trào phụ nữ, hỗ
trợ các phương thức hoạt động, xây dựng mô hình, nâng cao năng lực cho
cán bộ phụ nữ trong cuộc đấu tranh vì sự bình đẳng; lấp những lỗ hổng kiến
thức về người phụ nữ trong các lĩnh vực khác nhau, làm thay đổi nhận thức
của cả nam và nữ trên vấn đề phụ nữ trong thực tiễn.
2.4. Phụ nữ học cũng là một vũ khí tư tưởng trong cuộc đấu tranh
chống lại những quan điểm bảo thủ, quan điểm nam quyền. Nó cung cấp
những kiến thức khoa học và thực tiễn cho cuộc đấu tranh này, vạch ra
những nhược điểm, sai lầm về mặt khoa học của những công trình nghiên
cứu trước đây vốn chịu ảnh hưởng của chế độ phụ quyền đã hạ thấp năng
lực của phụ nữ, ngăn cản họ phát triển tài năng. Những kiến thức khoa học
và thực tiễn của Phụ nữ học cũng là nhân tố khách quan để ngăn chặn việc
sử dụng một cách cố tình hoặc vô tình các công trình nghiên cứu như là một
công cụ để tăng cường áp bức phụ nữ.
2.5. Sự phát triển của những nghiên cứu khoa học dưới góc độ Phụ nữ
học và các chuyên ngành về giới không chỉ góp phần làm thay đổi nhận thức
của con người trên vấn đề phụ nữ mà còn là cơ sở khoa học để tập hợp,
đoàn kết phong trào phụ nữ thành một mặt trận rộng lớn, thống nhất. Chính
những kiến thức khoa học có tính thuyết phục, có cơ sở thực tiễn là lời kêu
gọi mạnh mẽ, cuốn hút các cuộc đấu tranh nhỏ lẻ, tự phát thành một phong
trào rộng lớn, có định hướng chính trị và xã hội rõ ràng. Điều này, đúng như
nhận định của nhiều nhà nghiên cứu Phụ nữ học, đã khiến cho ngành này trở
thành đôi mắt, con tim, khối óc của chính phong trào phụ nữ, tạo điều kiện để
phong trào phụ nữ trở thành một phong trào mang tính toàn cầu.
3. Phạm vi của Phụ nữ học
Phạm vi nghiên cứu của Phụ nữ học là khá rộng lớn. Có thể nói, nơi
nào có bóng dáng những hoạt động lao động, sinh hoạt của người phụ nữ,
nơi ấy đều cần tới sự nghiên cứu của Phụ nữ học. Đối tượng và phạm vi
quan tâm của Phụ nữ học cũng rộng lớn như đời sống thực tiễn của người
phụ nữ vậy. Tuy nhiên, có thể tổng hợp lại những phạm vi nghiên cứu chủ
chốt của Phụ nữ học như sau:
3.1. Nghiên cứu phụ nữ và phong trào phụ nữ ở phạm vi tổng quát, lý
thuyết, tức là nghiên cứu những vấn đề phụ nữ ở tầm vĩ mô. Ở đây, nhà
nghiên cứu cần phải quan tâm đến những vấn đề chung, có tính lý luận, đưa
ra và giải quyết vấn đề bất bình đẳng nam - nữ ở tầm vĩ mô, có liên quan đến
những vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế, văn hoá cơ bản của xã hội.
3.2. Nghiên cứu những vấn đề phụ nữ trong các mối quan hệ xã hội,
những vấn đề bình đẳng và bất bình đẳng nam - nữ liên quan đến vị thế, vai
trò của người phụ nữ trong những lĩnh vực hoạt động cụ thể của họ như trong
lao động, sản xuất, học tập, sinh hoạt, trong sáng tạo và cảm thụ văn hoá,
trong môi trường gia đình và cộng đồng.
3.3. Nghiên cứu phụ nữ với vai trò độc lập, coi phụ nữ là chủ thể của
nghiên cứu. Những vấn đề có liên quan trực tiếp đến phụ nữ như những đặc
trưng về thể chất, tâm lý, sinh lý. Điều này xuất phát từ những quan điểm cho
rằng, phụ nữ chỉ có thể tự giải phóng cho mình khi hiểu rõ về chính bản thân
mình, phát huy được sức mạnh và khắc phục được những hạn chế của chính
mình.
3.4. Nghiên cứu phụ nữ theo chiều lịch đại và đương đại, tìm hiểu về
lịch sử những hoạt động của phụ nữ và phong trào phụ nữ, đúc rút những
kinh nghiệm trong hoạt động và đấu tranh vì sự bình đẳng giữa nam và nữ.
Ngay trong quá trình nghiên cứu, hoạt động vì phụ nữ và giới cũng được chia
thành hai giai đoạn như thời kỳ đầu được gọi là phụ nữ trong phát triển
(Women in Development - WID), thời kỳ sau được gọi là giới và phát triển
(Gender and Development - GAD).
3.5. Những nghiên cứu về chính Phụ nữ học, lấy các nghiên cứu về
phụ nữ học làm đối tượng nghiên cứu. Ý tưởng này xuất phát từ quan điểm
cho rằng, một ngành khoa học chỉ có thể phát triển khi nó ngày càng phải
hoàn thiện bản thân mình. Sự hoàn thiện này bao gồm hoàn thiện hệ thống lý
luận và phương pháp luận, hoàn thiện hệ thống các khái niệm và phạm trù
như là một bộ công cụ tư duy, hoàn thiện các phương pháp nghiên cứu đặc
thù. Nói tóm lại, Phụ nữ học phải nghiên cứu chính mình cũng là để phát triển
và hoàn thiện chính mình. Trong bối cảnh này, Phụ nữ học cũng nghiên cứu
cả những mối quan hệ giữa mình với các khoa học khác, đặc biệt là các khoa
học xã hội và nhân văn như XHH, Triết học, Chính trị học, Tâm lý học, Kinh tế
học, Luật học, Sử học, Dân tộc học, Nghiên cứu văn hoá, Văn học, Sinh học,
Nhân chủng học, Y học, Môi trường học, Thống kê, Phát triển học… Chính sự
tham gia của Phụ nữ học vào các hướng tiếp cận chuyên biệt của các khoa
học trên không chỉ làm phong phú cho các khoa học đó mà còn bổ sung và
làm thay đổi các quan điểm nghiên cứu về phụ nữ và bình đẳng giới của các
ngành khoa học này.
4. Từ Phụ nữ học đến nghiên cứu giới (Gender Studies)
Sự xuất hiện của những nghiên cứu về giới (Gender Studies) là một
bước phát triển tiếp theo mang tính tích cực và sáng tạo của những nghiên
cứu về Phụ nữ học. Nếu Phụ nữ học hướng nhiều vào đối tượng phụ nữ, lấy
đó làm trung tâm cho mọi nghiên cứu, kêu gọi một sự giải phóng cho phụ nữ
mạnh mẽ và triệt để, thì nghiên cứu giới hướng vào việc nghiên cứu cả nam
và nữ, hướng nhiều tới sự bình đẳng cho cả nam và nữ. So sánh giữa nghiên
cứu về giới với Phụ nữ học, chúng ta có thể thấy như sau:
4.1. Giới đặt vấn đề nghiên cứu mối quan hệ xã hội giữa nam và nữ
trong phát triển (Gender and Development - GAD), nghĩa là nghiên cứu phụ
nữ trong mối tương quan với nam giới. Cách đặt vấn đề như vậy toàn diện và
khoa học hơn cách đặt vấn đề trước đây của Phụ nữ học. Chính nhờ cách đặt
vấn đề như vậy mà nghiên cứu giới nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà
khoa học trên thế giới, đặc biệt là các nhà khoa học là nam giới.
4.2. Bên cạnh những phương pháp nghiên cứu đặc thù được kế thừa
từ nghiên cứu phụ nữ học, nghiên cứu giới cũng phát triển những hướng tiếp
cận đặc thù của mình, đặc biệt là một khung lý thuyết cơ bản để quy chiếu
những vấn đề thực tiễn. Nghiên cứu giới sử dụng phương pháp liên ngành
như Sử học, Tâm lý học, Xã hội học, Kinh tế học, Sinh vật học… Trong đó,
phổ biến nhất là Xã hội học và Công tác xã hội. Trên cơ sở những phương
pháp tiếp cận liên ngành như trên, nghiên cứu giới đang hướng tới việc hoàn
thiện những phương pháp nghiên cứu đặc thù gắn liền với phương pháp
nghiên cứu tham dự, phương pháp tiếp cận cá nhân và cộng đồng, xây dựng
và hoàn thiện bộ thang đo các chỉ số và chỉ báo về bình đẳng giới.
4.3. Sự hình thành môn Xã hội học giới
Xã hội học giới là nơi là nơi tiếp giao giữa nghiên cứu XHH với nghiên
cứu giới. Ở một khía cạnh nào đó, nghiên cứu XHH giới có thể được coi là sự
cộng sinh giữa việc nghiên cứu giới với sự tiếp cận những tư duy của XHH,
hoặc là nghiên cứu XHH trên đối tượng giới. Do vậy, XHH giới vừa mang đầy
đủ những đặc trưng cơ bản và sắc thái riêng biệt của một nghiên cứu XHH,
vừa mang tính chất đặc thù của những nghiên cứu giới. Điều đó mang đến
cho XHH giới không chỉ những nét riêng mà còn cả sức mạnh nghiên cứu của
cả hai chuyên ngành này.
Nghiên cứu XHH giới đem lại cho nghiên cứu giới đôi chân khoẻ khoắn,
luôn bám chắc vào thực liễn của XHH, với những phương pháp nghiên cứu
và tiếp cận đặc thù, có khả năng phản ánh chính xác thực tiễn. XHH giới,
trong khi đặt vị trí và vai trò của vấn đề giới trong bối cảnh của tổng thể các
mối quan hệ xã hội, có thể chỉ ra được những tác nhân và hệ quả của hoạt
động xã hội chung tới khía cạnh giới, giúp cho các nghiên cứu về giới có
được cái nhìn tổng thể, xây dựng được các giải pháp tạo dựng cơ sở xã hội
cho vấn đề bình đẳng giới. Nói cách khác, XHH giới giúp cho những nghiên
cứu giới vượt khỏi chính mình để bước vào các quan hệ xã hội phức tạp, đi
tìm các giải pháp về bình đẳng giới không chỉ ở phạm vi nội hàm của vấn đề
giới mà còn - căn bản hơn - ở chính xã hội. Nghiên cứu giới với cách tiếp cận
và phương pháp liên ngành sẽ đưa đến một bức tranh toàn cảnh từ lịch sử
đến hiện đại, từ nhiều dân tộc với lối sống đa dạng phong phú, từ tâm, sinh lý
của nam và nữ… sẽ là nền tảng, là cơ sở khoa học cho XHH giới. Từ đó,
hướng tiếp cận vấn đề bình đẳng giới được đặt ra một cách khoa học, toàn
diện và cơ bản hơn.
Mối quan hệ tương tác giữa nghiên cứu XHH giới với nghiên cứu giới
và nghiên cứu phụ nữ (Phụ nữ học) là mối quan hệ biện chứng, bổ sung và
hỗ trợ cho nhau. Nó phản ánh sự lớn mạnh của những quan điểm bình đẳng
giới trong xã hội hiện đại, tạo cơ sở khoa học và thực tiễn cho cuộc đấu tranh
của nhân loại cho một xã hội ngày càng văn minh và tiến bộ hơn.
BÀI ĐỌC VÀ NGHIÊN CỨU
Quan điểm của những người không nghiên cứu XHH giới
“Phụ nữ Việt Nam đáng tự hào muôn thuở”
Về mặt xã hội, sự bình đẳng giữa nam và nữ ở nước ta, từ xưa tới nay
hầu như không có vấn đề. Chỉ có một sự phân công rành rẽ theo truyền thống
ngàn đời: chồng trấn phương ngoài, vợ trấn phương trong (nội tướng). Ai có
trách nhiệm nấy, có gánh nặng nấy, đều vinh quang như nhau. Đôi lúc san sẻ
cho nhau, “tháng năm gánh bán nuôi chồng đi thi” (Ca dao).
… Vì tất cả những đức tính cao quý và vị trí, vai trò cao cả của phụ nữ
trong gia đình và xã hội, mà ngày hôm nay hơn bao giờ hết, phụ nữ cần nhớ
lại, để đáp ứng nhiệm vụ không ai thay thế được, mà gia đình và xã hội mong
đợi nơi mình, đó là: Phụ nữ chúng ta đảm đang, trung hậu như Bác Hồ đã
long trọng xác nhận. Tuy lúc trước khó khăn, nay đã dễ thở, tinh thần, nội
dung, nhiệm vụ như Bác Hồ đã chỉ ra, vẫn không thay đổi và không cần thêm
nữa. Phụ nữ là trụ cột giáo dục thường xuyên trong gia đình. Bởi phụ nữ tinh
tế, không biểu hiện nào khác lạ nơi chồng con, hoặc trong quan hệ gia đình
mà thoát được mắt thấy, tai nghe và óc phân tích của “mấy bà”. Vì vậy, công
việc nhắc nhở, uốn nắn, khuyên bảo, từ phủ dụ đến vỗ về, đến chế tài, phụ
nữ chúng ta có ưu điểm và lợi thế hơn. “Mưa dầm thấm lâu họ chẳng phải là
châm ngôn hằng ngày, chiến lược tấn công đáng sợ của các bà ư? Người
xưa có nói: “Con hư tại mẹ” không phải là vô căn cứ, vì ngoài lợi thế là người
nữ, người vợ, người mẹ còn có khuynh hường tự nhiên là mẹ dạy, con dễ
nghe hơn; vợ “dạy”, chồng dễ “vâng lời” hơn.
Giáo dục thường xuyên này cần được tăng cường hơn trong hoàn cảnh
hiện nay. Do tiếp xúc nhiều với xã hội hưởng thụ, dễ dãi, thiếu nguyên tắc
sống ở bên ngoài, người chồng đôi khi cũng nhiễm, thậm chí mang về nhà
“bụi trần” xã hội như: nhậu nhẹt, say xỉn, chơi bời, tham ô, hống hách, manh
mún. Để bảo vệ hạnh phúc, thanh danh, tương lai gia đình, con cái mình, phụ
nữ chúng ta không thể tránh né nhiệm vụ dẫn đưa chồng con trở về đường
ngay, nẻo chính một cách có bản lĩnh và cao kiến như không hiếm gương
hiền phụ xưa nay.
… Vì vậy phụ nữ phải sáng suốt, đem hết tài trí, đức độ, bản lĩnh, quyết
tâm xốc vào cuộc chiến không khoan nhượng đó, mà “phòng ngự xuyên suất,
thông minh, trướng kỳ đã là chiến thắng.
Hoan hô ngày phụ nữ Việt Nam đáng tự hào muôn thuở!
Theo Lâm Võ Hoàng (Báo “Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh ngày
20/10/1999).
CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Em hiểu thế nào về mối liên hệ giữa bất bình đẳng chủng tộc, giai
cấp và giới?
2. Hãy phân tích quan điểm của bài đọc trên.
Bài 3. GIỚI TÍNH VÀ GIỚI (SEX AND GENDER)
I. GIỚI TÍNH (SEX)
1. Định nghĩa
Giới tính là một thuật ngữ khoa học bắt nguồn từ môn Sinh vật học
dùng để chỉ sự khác biệt về sinh học giữa nam và nữ. Đó là sự khác biệt phổ
thông và không thể thay đổi được (Mọi người đàn ông đều có những đặc
điểm chung về giới tính và mọi người phụ nữ đều có đặc điểm chung về giới
tính).
Ví dụ: Phụ nữ thấy kinh, sinh con và cho con bú, nam giới thì không
thể. Nam giới có thể sản xuất tinh trùng cần thiết cho quá trình thụ thai, phụ
nữ thì không thể.
Con người sinh ra đã có những đặc điểm về giới tính và đặc điểm này
tồn tại trong suốt cuộc đời (Tính bất biến).
Định nghĩa rút gọn: Giới tính là sự khác biệt sinh học giữa nam và nữ.
Mỗi người đều mang một giới tính, nghĩa là khi sinh ra đã mang giới
tính là nam hay nữ. Những quy định này dựa trên một số tố chất đặc thù
khiến ta có thể phân biệt được giới tính của mỗi giới.
2. Sự khác biệt giới tính
Sự khác biệt giới tính thể hiện ở hai điểm:
- Sự khác biệt về giới tính được biểu hiện trước hết ở sự cấu tạo của
cơ thể và thể chất sinh lý của mỗi người. Nó được cấu tạo ngay từ khi con
người còn là bào thai, do di truyền tự nhiên và tồn tại vĩnh viễn trong cuộc đời
(trừ những người thay đổi giới tính thông qua phẫu thuật).
- Sự khác biệt giới tính cũng được biểu hiện qua chức năng sinh sản
của mỗi loại người (Xem định nghĩa).
3. Hình thức và nội dung của sự khác biệt giới tính
Chúng ta có thể phân biệt giới tính của nam và nữ về mặt sinh học
thông qua một số khác biệt sau đây:
- Khác biệt ở bộ phận sinh dục:
+ Nam có tinh hoàn, tinh trùng.
+ Nữ có buồng trứng, dạ con.
- Hệ thống hoocmôn:
+ Hình dáng cơ thể khác nhau, giọng nói khác nhau. Ví dụ: Nam thì
vạm vỡ, xương to, vai rộng, ngực phẳng có yết hầu, có râu, giọng trầm; nữ thì
dáng mềm mại, xương nhỏ, vai hẹp, ngực cao hông rộng, giọng cao.
+ Có thể nhận biết nam hoặc nữ qua quan sát.
- Hệ thống gien: Nữ: XX, Nam: XY.
Có thể nhận biết qua kiểm tra y tế.
4. Những trường hợp đặc biệt của giới tính
Người lưỡng tính (ái nam, ái nữ): Lưỡng tính là sự kết hợp của 2 giới
tính, thực chất là sự biến dạng hoặc bệnh tật ở bộ phận sinh dục. Thuật ngữ
“berdache” (người bị biến dạng vai giới) được sử dụng như là một danh từ và
không định nghĩa về nữ tính hay nam tính của một người. Điều này được các
nhà khoa học nghiên cứu như là một phạm trù riêng biệt. Hoàn toàn không có
giới tính thứ ba mặc dù những người này đôi khi bị coi là nằm ngoài cấu trúc
nam giới/nữ giới.
Một số người bị biến dạng vai giới đã thực hiện hoàn toàn vai trò của
giới mới bao gồm cả việc ăn, mặc, nói năng, ứng xử, thậm chí lập gia đình với
những người trước đây là đồng giới nay là khác giới với anh ta hoặc cô ta.
4.1. Vấn đề chuyển đổi giới tính
Chuyển đổi giới tính là phương pháp khoa học thịnh hành ở những thập
kỷ cuối thế kỷ XX để giúp những người có nhu cầu muốn trở thành nam hoặc
nữ. Trước khi phẫu thuật để chuyển giới tính, người đàn ông (hoặc đàn bà)
đã có nhiều yếu tố của giới tính kia. Ví dụ: Phụ nữ có ria, ngực lép, thích hoạt
động như đàn ông, yêu phụ nữ như người tình; đàn ông có thể chất mềm
mại, yếu đuối, ưa thích những công việc của phụ nữ như may vá, thêu thùa,
ưa phấn son, trang điểm, yêu đàn ông như người tình.
Ngày nay, một số nhà khoa học đã chứng minh rằng, mỗi con người
đều có hai phần âm và dương trong cơ thể; cả hai đã bổ sung cho nhau. Ví
dụ: âm là kiên nhẫn chịu đựng, tỉ mỉ, nhẹ nhàng, cụ thể. Dương là mạnh mẽ,
năng động, khái quát, tổng hợp.
4.2. Vấn đề đồng dục cùng giới
Hiện tượng đồng tính luyến ái nam (Gay) và đồng tính luyến ái nữ
(Lesbian) phát triển cao trong những năm cuối thế kỷ XX đến nay. Nó vừa
mang tính sinh học, vừa mang tính xã hội nhưng theo nhiều nhà khoa học thì
nó mang tính xã hội nhiều hơn sinh học. Cũng có nhiều nhà khoa học cho
rằng, những người đồng dục cùng giới thực chất là những người bị biến dạng
vai giới (Berdache).
Trong phong trào nữ quyền đã có những người phụ nữ chủ trương
đồng tính luyến ái nữ (Lesbian) vì cho rằng đây là một hình thức đấu tranh
chống lại sự thống trị tình dục của nam giới. Họ muốn chứng tỏ cho nam giới
biết rằng, không cần nam giới phụ nữ cũng có những khoái cảm tình dục và
tình cảm yêu đương. Điều này đã khiến cho vấn đề đồng dục cùng giới mang
tính xã hội, thậm chí mang màu sắc chính trị.
Nền tảng sinh học của giới:
Giới tính là nền tảng tự nhiên của quá trình tái sinh ra muôn loài, trong
đó có con người và xã hội. Sự tái sinh dựa vào hai cách:
Cách thứ nhất: Một số động vật và thực vật sinh sản qua quá trình phân
đôi tế bào. Một phần của cơ thể tách ra khỏi tế bào gốc, tạo thành một cá thể
mới. Đó là sự tái sinh sản vô tính. Vật chất di truyền của cá thể mới giống y
vật chất của sinh vật ban đầu.
Cách thứ hai: Loại này xảy ra khi cá thể mới được tạo nên từ vật chất di
truyền của hai cá thể đực - cái riêng biệt (hai cặp gen hay gọi là tế bào trứng
và tế bào tinh trùng kết hợp với nhau). Theo thuật ngữ sinh học, những cá thể
sản xuất tinh trùng được xếp vào loại giống đực, cá thể sản xuất trứng được
xếp là giống cái. Đồng thời phải có sự cung cấp dưỡng chất cho cơ thể mới
để nó trở thành bào thai. Quá trình này mang tính ưu việt bởi vì nó mang tới
sự thay đổi và tiến hoá cho nòi giống.
Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên của tạo hoá là trong quá trình sinh sản
này, những cá thể mới lại mang tinh trùng hoặc mang trứng mà không mang
cả hai. Sự chọn lọc đòi hỏi cơ thể mang tinh trùng có thể tự phân biệt với cơ
thể mang trứng và cũng có một số trường hợp lưỡng tính. Giống đực và
giống cái phải phân biệt với nhau vì mục đích sinh sản nhưng ở con người,
không phải tất cả mọi người đều có thể sinh sản. Ngày nay, bên cạnh sự can
thiệp của những công nghệ mới như thụ tinh nhân tạo và cấy ghép phôi thai,
người ta có thể thay đổi phương pháp sinh sản của con người. Khả năng
nhân bản vô tính người vẫn đang được để ngỏ và tạo ra những cuộc tranh
luận bất tận về ý nghĩa khoa học cũng như đạo lý của nó.
Hiện nay, những nghiên cứu sinh học về giới thường đi trước so với
nền tảng xã hội. Ở con người, mã gen cơ bản có trên 23 cặp nhiễm sắc thể.
Mỗi tế bào trong cơ thể con người chứa 46 nhiễm sắc thể ngoại trừ những tế
bào sinh sản. Cặp nhiễm sắc thể thứ 23 được biết như là một cặp nhiễm sắc
thể giới tính vì chúng quy định giới tính của cơ thể. Thông thường, nhiễm sắc
thể thứ 23 của tế bào trứng khá lớn và hình dáng giống chữ X, nhiễm sắc thể
thứ 23 của tế bào tinh trùng nhỏ hơn và giống hình dạng chữ Y. Khi một tế
bào tinh trùng mang nhiễm sắc thể X lọt vào một tế bào trứng sẽ phát triển
thành bào thai nữ; tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y lọt vào tế bào trứng sẽ
phát triển thành bào thai nam. Hiện nay, không có đủ bằng chứng để cho rằng
nhiễm sắc thể giới tính ảnh hưởng đến vai trò giới. Những hành vi khác nhau
dựa trên sự phát triển của cơ thể là quy luật tự nhiên chứ không phải thuộc về
di truyền.
Trong xã hội đương đại, mặc dù khoa học đã có nhiều bước phát triển
tiến bộ, nhưng có thể nói còn rất nhiều điều, chúng ta vẫn chưa thể biết hết
được xung quanh người phụ nữ hay đàn ông - đối tượng thật gần gũi và cũng
thật xa lạ với chúng ta. Có lẽ điều đó cũng là một trong những nguyên nhân
đã khiến cho tri thức và khoa học luôn tạo ra những chủ đề hấp dẫn muôn
thuở chăng?
II. GIỚI (GENDER)
1. Định nghĩa
Giới là một thuật ngữ XHH bắt nguồn từ môn Nhân loại học nghiên cứu
về vai trò, trách nhiệm và quyền lợi mà xã hội quy định cho nam và nữ, bao
gồm việc phân chia lao động, các kiểu phân chia, các nguồn và lợi ích. Giới
đề cập đến các quy tắc tiêu chuẩn theo nhóm tập thể chứ không theo thực tế
cá nhân. Vai trò giới được xác định theo văn hoá, không theo khía cạnh sinh
vật học và có thể thay đổi theo thời gian, theo xã hội và các vùng địa lý khác
nhau. Khi mới sinh ra, chúng ta không có sẵn đặc tính giới. Những đặc tính
giới mà chúng ta có được là do chúng ta học được từ gia đình, xã hội và nền
văn hoá của chúng ta (Tính thay đổi).
Có thể định nghĩa ngắn gọn: Giới là quan hệ xã hội giữa nam và nữ và
cách thức mối quan hệ đó được xây dựng nên trong xã hội.
Giới không ám chỉ khái niệm nam giới hoặc phụ nữ với tư cách cá nhân
mà nói tới quan hệ xã hội giữa nam giới và phụ nữ (tính tập thể). Quan hệ
này thay đổi theo thời gian, theo hoàn cảnh kinh tế và xã hội.
Những yếu tố ảnh hưởng tới sự thay đổi quan hệ giới trong xã hội tuỳ
thuộc vào sự vận động và phát triển của chính các quan hệ xã hội. Cụ thể là
các quan hệ có liên quan tới vấn đề dân tộc, giai cấp, chính trị, tôn giáo, lịch
sử, văn hoá, phong tục, tập quán.
2. Các biểu hiện của giới
Giới biểu hiện bởi tính lịch sử và tính xã hội. Vấn đề giới hiện diện một
cách khách quan trong xã hội và vận động, biến đổi cùng với sự vận động,
biến đổi của lịch sử. Sự hiện diện của giới trong cuộc sống cũng đa dạng và
phức tạp như chính sự đa dạng và phức tạp của cuộc sống con người. Tuy
nhiên, chúng ta có thể nhận diện được giới ở một số mặt sau:
2.1. Biểu hiện bằng tính cách và phẩm chất
Ví dụ:
- Nam tính: Gia trưởng, mạnh mẽ, quyết đoán, dũng cảm, nóng nảy.
- Nữ tính: dịu dàng, vị tha, nhẫn nại, cần cù, khiêm nhường.
Giải thích:
Tính cách và phẩm chất của nam và nữ là do xã hội thừa nhận hay cảm
nghĩ.
Các phẩm chất, tính cách này được hình thành do quá trình giáo dục
của gia đình và những tác động khách quan của thực tế xã hội (xã hội hoá
Socialization).
Ở độ tuổi lên 3, trẻ em đã có thể mô tả chính xác giới tính của chúng.
Chúng đã biết mình là con gái hoặc con trai. Chúng học được điều này từ việc
nghe người khác gán cho chung và có thể dán nhãn chính xác cho người
khác nhưng chúng chưa biết các điều thuộc về giới tính như tính bất biến, mỗi
người thuộc một giới tính, chức năng tình dục và chức năng sinh sản của mỗi
giới tính…
Cùng với sự xác định được giới tính, trẻ em cũng bắt đầu quá trình tiếp
nhận các giáo dục về giới từ cha mẹ, gia đình, bạn bè, trường học… Con trai
bắt đầu nhận biết mình giống với cha, rằng họ là đàn ông. Tương tự như con
gái với mẹ. Quá trình xã hội hoá diễn ra từ từ với các tiến bộ vững chắc, và
như vậy đã hình thành tính cách và phẩm chất giới theo khuôn mẫu định sẵn
của nền văn hoá. Chúng bắt đầu chọn đồ chơi là súng khi hiểu mình là nam
giới và chọn búp bê nếu biết mình là nữ giới. Sự chọn lựa này không chỉ là
giới tính mà còn là giới, dưới tác động của môi trường xã hội.
2.2. Biểu hiện bằng tư tưởng
Sự phát triển cao hơn trong nhận thức về giới được biểu hiện trên các
quan điểm, tư tưởng và trở thành các chuẩn mực và giá trị xã hội: Chẳng hạn
như trong xã hội mẫu hệ, do vị trí vai trò khách quan của mình, người phụ nữ
được đề cao. Tất nhiên điều này là hoàn toàn theo khía cạnh bản năng. Trong
xã hội phụ quyền, tư tưởng thống trị trong xã hội là tư tưởng đề cao nam giới
(hệ tư tưởng Nho giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Phật giáo) và đi cùng với
nó là những chuẩn mực và giá trị văn hoá nghiêng về lợi ích của người đàn
ông.
- Thiên chúa giáo: Theo Kinh Thánh, thuỷ tổ của loài người được tạo ra
bởi sự tích: Chúa trời tạo ra A đam (nam giới) nhưng sợ ông buồn nên đã rút
cái xương sườn của ông để tạo ra bà E va (phụ nữ) để xây dựng cuộc sống
dưới mặt đất. Phụ nữ không thể đạt được các chức sắc cao trong nhà thờ
như Hồng Y giáo chủ, Giám mục…
- Hồi giáo: Kinh Co ran khẳng định địa vị vượt trội của đàn ông và chấp
nhận đa thê. Từ bao đời nay, phụ nữ được nuôi dạy để phục tùng người cha,
người chồng, thậm chí cả anh, em trai và anh, em rể. Họ phụ thuộc vào nam
giới và bị xử theo các luật lệ hà khắc. Phụ nữ phải che mặt và không được
tham gia các công việc xã hội, không được tự do yêu đương phải giữ gìn trinh
tiết…
- Phật giáo ở Nhật Bản: Kinh Phật đầu thế kỷ XX quy định ai muốn tu
thành Phật thì trước hết phải trở thành đàn ông.
- Phụ nữ Việt Nam: Mặc dù Việt Nam có Phật bà (Quan âm Thị Kính),
có sư cụ nữ nhưng phụ nữ không thể có chức sắc cao trong hệ thống Phật
giáo như hoà thượng, đại đức…
Những phân biệt giới diễn ra trong mọi lĩnh vực của xã hội và trở thành
những chuẩn mực và giá trị văn hoá, thâm nhập vào từng mối quan hệ xã hội
và phong tục tập quán. Ví dụ: Tại Thế vận hội của những người Hy Lạp cổ
đại, phụ nữ không được tham gia vào các nội dung thi đấu. Để tránh điều này,
Ban tổ chức yêu cầu tất cả các vận động viên không được mặc quần áo khi
thi đấu. Ở Việt Nam, “Ra ngõ gặp gái” là câu nói thông dụng của quan điểm
nam quyền đã len lỏi vào cả tập tục xã hội. Nhiều người thích sinh con trai
hơn con gái và con trai thường được ưu đãi trong gia đình và xã hội.
2.3. Biểu hiện bằng phân công lao động
Mô hình phân công lao động theo truyền thống “Nam ngoại, nữ nội” là
nam giới lo việc ngoài xã hội, còn phụ nữ lo việc gia đình.
Có hai hình thức phân công lao động:
- Phân công lao động về mặt kỹ thuật: Quá trình sản xuất được phân
chia thành nhiều nguyên công. Mỗi công đoạn do một hoặc một nhóm người
hoặc máy thực hiện. Các công đoạn này phối hợp với nhau để hoàn thiện quá
trình sản xuất.
- Phân công lao động về mặt xã hội: Đây là lĩnh vực có liên quan trực
tiếp đến giới. Trong xã hội tồn tại hai loại công việc: Công việc đơn giản, nặng
nhọc, khó chịu, buồn tẻ, không đòi hỏi trình độ cao, bị khinh miệt, trả công
thấp; hoặc công việc nhẹ nhàng, dễ chịu, hấp dẫn, đòi hỏi trình độ cao, được
tôn trọng, nhiều quyền lợi, trả công cao.
Các công việc được phân công trong xã hội đã dựa trên các yếu tố về
chủng tộc, giai cấp…
Chủng tộc, giai cấp thống trị thì được nhận việc tết và ngược lại. (Như
các ông chủ có điều kiện làm việc tốt và hưởng lương cao hơn công nhân,
hay trường hợp công nhân ở các nước nghèo khi xuất khẩu lao động sang
các nước giàu để làm những việc mà người sở tại không muốn làm như dọn
vệ sinh, bốc vác, giúp việc gia đình…). Đây chính là sự phân công lao động
bất bình đẳng tạo ra giai cấp và là nguồn gốc của các cuộc đấu tranh giai cấp
và cách mạng xã hội. Chính đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội về bản
chất là hướng tới xoá bỏ sự phân công lao động bất bình đẳng này..
Thực tế lịch sử còn cho thấy, trong xã hội còn có sự phân công lao
động dựa trên giới lính và giới. Đây cũng là một sự phân công lao động bất
bình đẳng nhưng lại ít được chú ý trong lịch sử. Giống như sự phân chia
chủng tộc và giai cấp, sự phân biệt giới trong phân công lao động cũng rất
phổ biến và hà khắc không kém. Chẳng hạn, nam làm những công việc dễ
chịu, hấp dẫn đòi hỏi trình độ cao, nữ ngược lại. Nếu phân chia phân công lao
động thành hai loại hình cơ bản: sản xuất và tái sản xuất chúng ta có thể thấy:
Lao động sản xuất:
Bao gồm những việc làm ra hàng hoá, dịch vụ để trao đổi hoặc tiêu thụ.
Cả nam và nữ cùng tham gia song hình thức công việc và tiền công khác
nhau. Nam giới do có sức khoẻ, trí tuệ và rảnh rỗi việc nhà hơn phụ nữ nên
thường nhận được các công việc tốt hơn. Phụ nữ yếu hơn, phải mang thai,
sinh đẻ và chăm sóc con cái, gia đình nên thường phải nhận các công việc
nặng nhọc, đơn giản, tiền công thấp.
Lao động tái sản xuất:
- Tái sản xuất về sinh học: Trong khi nam giới sản xuất tinh trùng cho
quá trình thụ thai thì phụ nữ mang thai, sinh con, cho con bú bằng sữa mẹ.
Công việc của phụ nữ rất nặng nhọc và nguy hiểm và không được trả công
hoặc trả công thấp.
- Tái sản xuất ra sức lao động: Là tất cả những công việc hỗ trợ cho
người sản xuất cả khi họ đang làm việc và khi không làm việc, tạo điều kiện
cho họ nghỉ ngơi, bồi dưỡng để có thể tiếp tục làm việc ngày hôm sau tốt hơn.
Những việc này gồm nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ, trông nom nhà cửa, chăm sóc
người ốm, người già, trẻ em. (Những nhân công lao động của quá khứ và
tương lai). Công việc này do phần lớn phụ nữ đảm trách và không được trả
công. Nhiều người đã tưởng lầm đây là công việc của riêng phụ nữ, là “thiên
chức” nhưng thực tế đây là một dạng “xã hội chức” mà xã hội phụ quyền đã
trao cho phụ nữ. Điều này có thể thay đổi trong một xã hội bình đẳng giới.
Chẳng hạn, nam giới có thể cho con bú bằng sữa bình và làm các việc khác.
Hiện nay, nhiều nam giới chủ yếu tham gia vào việc xây dựng, sửa chữa,
trang trí nhà cửa, những việc mà họ cho là “lớn” nhưng không thường xuyên
và tất nhiên có sự tham gia của cả phụ nữ. Nam giới được xác nhận là những
người có năng lực trong các công việc nấu bếp và nội trợ. Họ thường là các
“vua bếp” trong các khách sạn lớn hoặc là những người thợ thêu tài giỏi.
Dịch vụ gia đình đang trở thành nghề kiếm sống quan trọng trong nền
kinh tế thị trường. Chúng ta phải trả tiền cho người giúp việc gia đình hoặc trả
tiền công cao về nấu nướng tại các tiệm ăn. Tuy nhiên, nhiều người đàn ông
đã suốt đời ăn cơm vợ nấu, hưởng thụ các dịch vụ vợ làm, nhưng trong đầu
vẫn nghĩ rằng vợ là kẻ ăn bám khi cô ta không được ai trả công, tình trạng bất
công này kéo dài hàng thế kỷ và đang cần sự thay đổi cách nhìn của cả xã
hội.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ người nội trợ là cần thiết, bởi lẽ, đây
không chỉ là công việc gia đình mà còn là công việc xã hội. Lao động sản xuất
và tái sản xuất đã kết hợp chặt chẽ với nhau. Cả nam và nữ đều tham gia xen
kẽ trong thời gian một ngày nhưng thời gian lao động của phụ nữ thường kéo
dài hơn nam giới và vất vả cũng lớn hơn.
Tái sản xuất cơ cấu hoặc vai trò chính trị trong cộng đồng: Liên quan
đến việc truyền bá và duy trì tư tưởng chuẩn mực, cơ chế đảm bảo cho bất kỳ
một xã hội nào cũng luôn luôn tồn tại và phát triển. Công việc này chủ yếu là
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI
GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI

More Related Content

What's hot

Cong tac xa hoi voi tre em
Cong tac xa hoi voi tre emCong tac xa hoi voi tre em
Cong tac xa hoi voi tre emforeman
 
Bất bình đẳng giới trong giáo dục - nội dung
Bất bình đẳng giới trong giáo dục - nội dungBất bình đẳng giới trong giáo dục - nội dung
Bất bình đẳng giới trong giáo dục - nội dungBinh Boong
 
Đề tài: Công tác xã hội cá nhân với phụ nữ nghèo đơn thân tại xã Bình Hải, hu...
Đề tài: Công tác xã hội cá nhân với phụ nữ nghèo đơn thân tại xã Bình Hải, hu...Đề tài: Công tác xã hội cá nhân với phụ nữ nghèo đơn thân tại xã Bình Hải, hu...
Đề tài: Công tác xã hội cá nhân với phụ nữ nghèo đơn thân tại xã Bình Hải, hu...Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
Công tác xã hội với người khuyết tật
Công tác xã hội với người khuyết tậtCông tác xã hội với người khuyết tật
Công tác xã hội với người khuyết tậtTrường Bảo
 
Luận văn: Xuất khẩu lao động Việt Nam - Thực trạng và triển vọng, HAY
Luận văn: Xuất khẩu lao động  Việt Nam - Thực trạng và triển vọng, HAYLuận văn: Xuất khẩu lao động  Việt Nam - Thực trạng và triển vọng, HAY
Luận văn: Xuất khẩu lao động Việt Nam - Thực trạng và triển vọng, HAYViết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
Luận văn: Giải pháp tạo việc làm cho thanh niên nông thôn, HAY
Luận văn: Giải pháp tạo việc làm cho thanh niên nông thôn, HAYLuận văn: Giải pháp tạo việc làm cho thanh niên nông thôn, HAY
Luận văn: Giải pháp tạo việc làm cho thanh niên nông thôn, HAYViết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
Công tác xã hội với người cao tuổi
Công tác xã hội với người cao tuổiCông tác xã hội với người cao tuổi
Công tác xã hội với người cao tuổiTrường Bảo
 
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ nataliej4
 
Luận văn: Nhiệm vụ công tác xã hội trong việc hỗ trợ người bệnh ung thư tại B...
Luận văn: Nhiệm vụ công tác xã hội trong việc hỗ trợ người bệnh ung thư tại B...Luận văn: Nhiệm vụ công tác xã hội trong việc hỗ trợ người bệnh ung thư tại B...
Luận văn: Nhiệm vụ công tác xã hội trong việc hỗ trợ người bệnh ung thư tại B...Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 

What's hot (20)

Cong tac xa hoi voi tre em
Cong tac xa hoi voi tre emCong tac xa hoi voi tre em
Cong tac xa hoi voi tre em
 
Luận văn: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường
Luận văn: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc MườngLuận văn: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường
Luận văn: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường
 
Luận văn: Quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, HAY, 9đ
Luận văn: Quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, HAY, 9đLuận văn: Quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, HAY, 9đ
Luận văn: Quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, HAY, 9đ
 
Bất bình đẳng giới trong giáo dục - nội dung
Bất bình đẳng giới trong giáo dục - nội dungBất bình đẳng giới trong giáo dục - nội dung
Bất bình đẳng giới trong giáo dục - nội dung
 
Đề tài: Công tác xã hội cá nhân với phụ nữ nghèo đơn thân tại xã Bình Hải, hu...
Đề tài: Công tác xã hội cá nhân với phụ nữ nghèo đơn thân tại xã Bình Hải, hu...Đề tài: Công tác xã hội cá nhân với phụ nữ nghèo đơn thân tại xã Bình Hải, hu...
Đề tài: Công tác xã hội cá nhân với phụ nữ nghèo đơn thân tại xã Bình Hải, hu...
 
Luận văn: Dịch vụ Công tác xã hội đối với người tâm thần, HOT
Luận văn: Dịch vụ Công tác xã hội đối với người tâm thần, HOTLuận văn: Dịch vụ Công tác xã hội đối với người tâm thần, HOT
Luận văn: Dịch vụ Công tác xã hội đối với người tâm thần, HOT
 
Luận văn: Vấn đề việc làm của lao động nữ ở tỉnh Phú Yên, HOT
Luận văn: Vấn đề việc làm của lao động nữ ở tỉnh Phú Yên, HOTLuận văn: Vấn đề việc làm của lao động nữ ở tỉnh Phú Yên, HOT
Luận văn: Vấn đề việc làm của lao động nữ ở tỉnh Phú Yên, HOT
 
Công tác xã hội với người khuyết tật
Công tác xã hội với người khuyết tậtCông tác xã hội với người khuyết tật
Công tác xã hội với người khuyết tật
 
Luận văn: Xuất khẩu lao động Việt Nam - Thực trạng và triển vọng, HAY
Luận văn: Xuất khẩu lao động  Việt Nam - Thực trạng và triển vọng, HAYLuận văn: Xuất khẩu lao động  Việt Nam - Thực trạng và triển vọng, HAY
Luận văn: Xuất khẩu lao động Việt Nam - Thực trạng và triển vọng, HAY
 
LV: Công tác xã hội cá nhân trong việc hỗ trợ người cao tuổi tại xã Minh Quang.
LV: Công tác xã hội cá nhân trong việc hỗ trợ người cao tuổi tại xã Minh Quang.LV: Công tác xã hội cá nhân trong việc hỗ trợ người cao tuổi tại xã Minh Quang.
LV: Công tác xã hội cá nhân trong việc hỗ trợ người cao tuổi tại xã Minh Quang.
 
Luận văn: Bình đẳng giới ở Thành phố Hồ Chí Minh, HOT, 9đ
Luận văn: Bình đẳng giới ở Thành phố Hồ Chí Minh, HOT, 9đLuận văn: Bình đẳng giới ở Thành phố Hồ Chí Minh, HOT, 9đ
Luận văn: Bình đẳng giới ở Thành phố Hồ Chí Minh, HOT, 9đ
 
Luận văn: Công tác xã hội trong hỗ trợ sinh kế đối với người khuyết tật.
Luận văn: Công tác xã hội trong hỗ trợ sinh kế đối với người khuyết tật.Luận văn: Công tác xã hội trong hỗ trợ sinh kế đối với người khuyết tật.
Luận văn: Công tác xã hội trong hỗ trợ sinh kế đối với người khuyết tật.
 
Luận văn: Giải pháp tạo việc làm cho thanh niên nông thôn, HAY
Luận văn: Giải pháp tạo việc làm cho thanh niên nông thôn, HAYLuận văn: Giải pháp tạo việc làm cho thanh niên nông thôn, HAY
Luận văn: Giải pháp tạo việc làm cho thanh niên nông thôn, HAY
 
Công tác xã hội với người cao tuổi
Công tác xã hội với người cao tuổiCông tác xã hội với người cao tuổi
Công tác xã hội với người cao tuổi
 
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ
 
Luận văn: Pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình tại Đà Nẵng
Luận văn: Pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình tại Đà NẵngLuận văn: Pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình tại Đà Nẵng
Luận văn: Pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình tại Đà Nẵng
 
Bài mẫu tiểu luận về bình đẳng giới, 9 ĐIỂM
Bài mẫu tiểu luận về bình đẳng giới, 9 ĐIỂMBài mẫu tiểu luận về bình đẳng giới, 9 ĐIỂM
Bài mẫu tiểu luận về bình đẳng giới, 9 ĐIỂM
 
Đề tài: Thực hiện chính sách dân tộc thời kỳ đổi mới ở Việt Nam
Đề tài: Thực hiện chính sách dân tộc thời kỳ đổi mới ở Việt NamĐề tài: Thực hiện chính sách dân tộc thời kỳ đổi mới ở Việt Nam
Đề tài: Thực hiện chính sách dân tộc thời kỳ đổi mới ở Việt Nam
 
Luận văn: Nhiệm vụ công tác xã hội trong việc hỗ trợ người bệnh ung thư tại B...
Luận văn: Nhiệm vụ công tác xã hội trong việc hỗ trợ người bệnh ung thư tại B...Luận văn: Nhiệm vụ công tác xã hội trong việc hỗ trợ người bệnh ung thư tại B...
Luận văn: Nhiệm vụ công tác xã hội trong việc hỗ trợ người bệnh ung thư tại B...
 
Luận văn: Pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, HOT
Luận văn: Pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, HOTLuận văn: Pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, HOT
Luận văn: Pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, HOT
 

Similar to GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI

Lịch Sử Và Lý Thuyết Xã Hội Học.pdf
Lịch Sử Và Lý Thuyết Xã Hội Học.pdfLịch Sử Và Lý Thuyết Xã Hội Học.pdf
Lịch Sử Và Lý Thuyết Xã Hội Học.pdfNuioKila
 
Lịch Sử Giáo Dục Thế Giới
Lịch Sử Giáo Dục Thế Giới Lịch Sử Giáo Dục Thế Giới
Lịch Sử Giáo Dục Thế Giới nataliej4
 
Giáo trình xã hội học Thể dục Thể thao hay
Giáo trình xã hội học Thể dục Thể thao hayGiáo trình xã hội học Thể dục Thể thao hay
Giáo trình xã hội học Thể dục Thể thao hayLcTh15
 
861301 861301 068-3121430232_đào quốc vĩnh
861301 861301 068-3121430232_đào quốc vĩnh861301 861301 068-3121430232_đào quốc vĩnh
861301 861301 068-3121430232_đào quốc vĩnhoQucVnhA0887
 
CÁC THỰC NGHIỆM TRONG TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
CÁC THỰC NGHIỆM TRONG TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI CÁC THỰC NGHIỆM TRONG TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
CÁC THỰC NGHIỆM TRONG TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI nataliej4
 
Tiểu Luận Chính Trị Và Phát Triển Xã Hội - Con Đường Phát Triển Theo Định Hướ...
Tiểu Luận Chính Trị Và Phát Triển Xã Hội - Con Đường Phát Triển Theo Định Hướ...Tiểu Luận Chính Trị Và Phát Triển Xã Hội - Con Đường Phát Triển Theo Định Hướ...
Tiểu Luận Chính Trị Và Phát Triển Xã Hội - Con Đường Phát Triển Theo Định Hướ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Tư tưởng triết học chính trị của Platon trong tác phẩm Chính thể cộng hòa.doc
Tư tưởng triết học chính trị của Platon trong tác phẩm Chính thể cộng hòa.docTư tưởng triết học chính trị của Platon trong tác phẩm Chính thể cộng hòa.doc
Tư tưởng triết học chính trị của Platon trong tác phẩm Chính thể cộng hòa.docdịch vụ viết đề tài trọn gói 0973287149
 
Giáo Trình Xã Hội Học Văn Hóa - Ts. Mai Thị Kim Thanh
Giáo Trình Xã Hội Học Văn Hóa - Ts. Mai Thị Kim Thanh Giáo Trình Xã Hội Học Văn Hóa - Ts. Mai Thị Kim Thanh
Giáo Trình Xã Hội Học Văn Hóa - Ts. Mai Thị Kim Thanh nataliej4
 
de-cuong-triet-hoc-1.pdf
de-cuong-triet-hoc-1.pdfde-cuong-triet-hoc-1.pdf
de-cuong-triet-hoc-1.pdfMyThai8
 
Đại cương về Xã hội học.pdf
Đại cương về Xã hội học.pdfĐại cương về Xã hội học.pdf
Đại cương về Xã hội học.pdfXunXun35
 
Vấn Đề Nhân Cách Trong Tâm Lý Học Ngày Nay
Vấn Đề Nhân Cách Trong Tâm Lý Học Ngày Nay Vấn Đề Nhân Cách Trong Tâm Lý Học Ngày Nay
Vấn Đề Nhân Cách Trong Tâm Lý Học Ngày Nay nataliej4
 
GIAO TRINH TRIET HOC M-L - 2021 (1).pdf
GIAO TRINH TRIET HOC M-L - 2021 (1).pdfGIAO TRINH TRIET HOC M-L - 2021 (1).pdf
GIAO TRINH TRIET HOC M-L - 2021 (1).pdfNgnNK
 
Nckh chude 01_nhom11
Nckh chude 01_nhom11Nckh chude 01_nhom11
Nckh chude 01_nhom11Trần Tunie
 
7.2021._giao_trinh_triet_hoc_mac_-_lenin_(khong_chuyen)_1.9m.doc
7.2021._giao_trinh_triet_hoc_mac_-_lenin_(khong_chuyen)_1.9m.doc7.2021._giao_trinh_triet_hoc_mac_-_lenin_(khong_chuyen)_1.9m.doc
7.2021._giao_trinh_triet_hoc_mac_-_lenin_(khong_chuyen)_1.9m.docKhanhNguyn38918
 

Similar to GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI (20)

Lịch Sử Và Lý Thuyết Xã Hội Học.pdf
Lịch Sử Và Lý Thuyết Xã Hội Học.pdfLịch Sử Và Lý Thuyết Xã Hội Học.pdf
Lịch Sử Và Lý Thuyết Xã Hội Học.pdf
 
Lịch Sử Giáo Dục Thế Giới
Lịch Sử Giáo Dục Thế Giới Lịch Sử Giáo Dục Thế Giới
Lịch Sử Giáo Dục Thế Giới
 
Giáo trình xã hội học Thể dục Thể thao hay
Giáo trình xã hội học Thể dục Thể thao hayGiáo trình xã hội học Thể dục Thể thao hay
Giáo trình xã hội học Thể dục Thể thao hay
 
861301 861301 068-3121430232_đào quốc vĩnh
861301 861301 068-3121430232_đào quốc vĩnh861301 861301 068-3121430232_đào quốc vĩnh
861301 861301 068-3121430232_đào quốc vĩnh
 
CÁC THỰC NGHIỆM TRONG TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
CÁC THỰC NGHIỆM TRONG TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI CÁC THỰC NGHIỆM TRONG TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
CÁC THỰC NGHIỆM TRONG TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
 
Quan niệm của Immanuel Kant về tự do
Quan niệm của Immanuel Kant về tự doQuan niệm của Immanuel Kant về tự do
Quan niệm của Immanuel Kant về tự do
 
Tiểu Luận Chính Trị Và Phát Triển Xã Hội - Con Đường Phát Triển Theo Định Hướ...
Tiểu Luận Chính Trị Và Phát Triển Xã Hội - Con Đường Phát Triển Theo Định Hướ...Tiểu Luận Chính Trị Và Phát Triển Xã Hội - Con Đường Phát Triển Theo Định Hướ...
Tiểu Luận Chính Trị Và Phát Triển Xã Hội - Con Đường Phát Triển Theo Định Hướ...
 
Tu tuong hcm
Tu tuong hcmTu tuong hcm
Tu tuong hcm
 
Tư tưởng triết học chính trị của Platon trong tác phẩm Chính thể cộng hòa.doc
Tư tưởng triết học chính trị của Platon trong tác phẩm Chính thể cộng hòa.docTư tưởng triết học chính trị của Platon trong tác phẩm Chính thể cộng hòa.doc
Tư tưởng triết học chính trị của Platon trong tác phẩm Chính thể cộng hòa.doc
 
Vận Dụng Lý Luận Về Hình Thái Kinh Tế - Xã Hội Giải Thích Quá Trình Phát Triể...
Vận Dụng Lý Luận Về Hình Thái Kinh Tế - Xã Hội Giải Thích Quá Trình Phát Triể...Vận Dụng Lý Luận Về Hình Thái Kinh Tế - Xã Hội Giải Thích Quá Trình Phát Triể...
Vận Dụng Lý Luận Về Hình Thái Kinh Tế - Xã Hội Giải Thích Quá Trình Phát Triể...
 
Hình Thái Kinh Tế - Xã Hội Giải Thích Quá Trình Phát Triển Của Việt Nam Ngày ...
Hình Thái Kinh Tế - Xã Hội Giải Thích Quá Trình Phát Triển Của Việt Nam Ngày ...Hình Thái Kinh Tế - Xã Hội Giải Thích Quá Trình Phát Triển Của Việt Nam Ngày ...
Hình Thái Kinh Tế - Xã Hội Giải Thích Quá Trình Phát Triển Của Việt Nam Ngày ...
 
Giáo Trình Xã Hội Học Văn Hóa - Ts. Mai Thị Kim Thanh
Giáo Trình Xã Hội Học Văn Hóa - Ts. Mai Thị Kim Thanh Giáo Trình Xã Hội Học Văn Hóa - Ts. Mai Thị Kim Thanh
Giáo Trình Xã Hội Học Văn Hóa - Ts. Mai Thị Kim Thanh
 
Đề tài: Vị trí, vai trò của giáo dục Nho giáo trong xã hội phong kiến Việt Nam
Đề tài: Vị trí, vai trò của giáo dục Nho giáo trong xã hội phong kiến Việt NamĐề tài: Vị trí, vai trò của giáo dục Nho giáo trong xã hội phong kiến Việt Nam
Đề tài: Vị trí, vai trò của giáo dục Nho giáo trong xã hội phong kiến Việt Nam
 
Tckh tinh khoahoc
Tckh tinh khoahocTckh tinh khoahoc
Tckh tinh khoahoc
 
de-cuong-triet-hoc-1.pdf
de-cuong-triet-hoc-1.pdfde-cuong-triet-hoc-1.pdf
de-cuong-triet-hoc-1.pdf
 
Đại cương về Xã hội học.pdf
Đại cương về Xã hội học.pdfĐại cương về Xã hội học.pdf
Đại cương về Xã hội học.pdf
 
Vấn Đề Nhân Cách Trong Tâm Lý Học Ngày Nay
Vấn Đề Nhân Cách Trong Tâm Lý Học Ngày Nay Vấn Đề Nhân Cách Trong Tâm Lý Học Ngày Nay
Vấn Đề Nhân Cách Trong Tâm Lý Học Ngày Nay
 
GIAO TRINH TRIET HOC M-L - 2021 (1).pdf
GIAO TRINH TRIET HOC M-L - 2021 (1).pdfGIAO TRINH TRIET HOC M-L - 2021 (1).pdf
GIAO TRINH TRIET HOC M-L - 2021 (1).pdf
 
Nckh chude 01_nhom11
Nckh chude 01_nhom11Nckh chude 01_nhom11
Nckh chude 01_nhom11
 
7.2021._giao_trinh_triet_hoc_mac_-_lenin_(khong_chuyen)_1.9m.doc
7.2021._giao_trinh_triet_hoc_mac_-_lenin_(khong_chuyen)_1.9m.doc7.2021._giao_trinh_triet_hoc_mac_-_lenin_(khong_chuyen)_1.9m.doc
7.2021._giao_trinh_triet_hoc_mac_-_lenin_(khong_chuyen)_1.9m.doc
 

More from nataliej4

đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155nataliej4
 
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...nataliej4
 
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279nataliej4
 
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc giaTừ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gianataliej4
 
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngCông tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngnataliej4
 
Bài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcBài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcnataliej4
 
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin họcđề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin họcnataliej4
 
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngGiáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngnataliej4
 
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnLựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnnataliej4
 
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877nataliej4
 
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree towerSổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree towernataliej4
 
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...nataliej4
 
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtBài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtnataliej4
 
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864nataliej4
 
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...nataliej4
 
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngBài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngnataliej4
 
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhBài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhnataliej4
 
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning introGiới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intronataliej4
 
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcLý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcnataliej4
 
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)nataliej4
 

More from nataliej4 (20)

đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
 
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
 
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
 
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc giaTừ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
 
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngCông tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
 
Bài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcBài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốc
 
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin họcđề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
 
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngGiáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
 
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnLựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
 
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
 
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree towerSổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
 
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
 
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtBài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
 
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
 
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
 
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngBài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
 
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhBài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
 
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning introGiới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
 
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcLý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
 
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
 

Recently uploaded

Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...hoangtuansinh1
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...ThunTrn734461
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhvanhathvc
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXHTư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXHThaoPhuong154017
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxendkay31
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...Nguyen Thanh Tu Collection
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa2353020138
 
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hocBai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hocVnPhan58
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdftohoanggiabao81
 
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Học viện Kstudy
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxnhungdt08102004
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líDr K-OGN
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...Nguyen Thanh Tu Collection
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 

Recently uploaded (20)

Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXHTư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và CNXH
 
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptxChàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
Chàm - Bệnh án (da liễu - bvdlct ctump) .pptx
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
SÁNG KIẾN “THIẾT KẾ VÀ SỬ DỤNG INFOGRAPHIC TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 11 (BỘ SÁCH K...
 
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoabài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
bài 5.1.docx Sinh học di truyền đại cương năm nhất của học sinh y đa khoa
 
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hocBai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
Bai 1 cong bo mot cong trinh nghien cuu khoa hoc
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdfSơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
Sơ đồ tư duy môn sinh học bậc THPT.pdf
 
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
Slide Webinar Hướng dẫn sử dụng ChatGPT cho người mới bắt đầ...
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docxTrích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
Trích dẫn trắc nghiệm tư tưởng HCM5.docx
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
 
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
10 ĐỀ KIỂM TRA + 6 ĐỀ ÔN TẬP CUỐI KÌ 2 VẬT LÝ 11 - KẾT NỐI TRI THỨC - THEO C...
 
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
ĐỀ THAM KHẢO THEO HƯỚNG MINH HỌA 2025 KIỂM TRA CUỐI HỌC KÌ 2 NĂM HỌC 2023-202...
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 

GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI

  • 1. GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI GIÁO TRÌNH XÃ HỘI HỌC GIỚI Tác giả: PGS.TS. LÊ THỊ QUÝ LỜI NÓI ĐẦU Vấn đề giới nảy sinh từ rất lâu cùng với sự phát sinh, phát triển của con người và xã hội, nhưng khoa học về giới lại chỉ được coi là một trong những ngành khoa học sinh sau đẻ muộn nhất trong các ngành khoa học xã hội. Đó là một trong những khiếm khuyết đáng chê trách nhất trong lịch sử phát triển của nhân loại. Trong hàng loạt những phát kiến về sự tiến bộ xã hội, các nền văn minh, về sự giải phóng con người, về các cuộc cách mạng xã hội, thì những phát kiến hướng tới sự tiến bộ về giới và bình đẳng giới chỉ đứng ở những vị trí sau cùng, mặc dù áp bức giới xuất hiện đầu tiên trong xã hội loài người. Thật khó tưởng tượng trong khi nhân loại đang ở thế kỷ thứ XXI, đang hướng tới những chuyển biến to lớn trong nhận thức và tư duy, chinh phục các khoảng không vũ trụ, đề cao sự bình đẳng, bác ái, đề cao sức mạnh của nguồn lực con người, thì ở nhiều nơi trên thế giới, bình đẳng giới vẫn chỉ là một ước mơ xa vời. Phụ nữ vẫn bị bóc lột thậm tệ, bị đày đoạ về thể xác và tâm hồn, bị buôn bán như nô lệ, bị đưa ra làm trò vui cho những kẻ lắm tiền, nhiều của. Sự bất bình đẳng về giới trong lịch sử phát triển nhân loại đã đòi hỏi nhân loại tiến bộ phải thay đổi nhận thức và hành vi về giới. Sự xuất hiện của các phong trào phụ nữ, phong trào đấu tranh vì bình đẳng giới trên phạm vi toàn thế giới với hàng triệu người, trong đó có cả nam giới, các nhà khoa học, các nhà tư tưởng tham gia thời gian gần đây đã nói lên nhu cầu về bình đẳng giới ngày càng cấp thiết đối với con đường đi tới sự tiến bộ. Bình đẳng giới đã
  • 2. được xem xét như là một trong những chỉ số quan trọng nhất nói lên sự phát triển tiến bộ của một quốc gia. Trong xu hướng chuyển dần từ đấu tranh tự phát, đơn lẻ sang đấu tranh tự giác mang tính rộng lớn, có định hướng chiến lược về bình đẳng giới, thì những nghiên cứu về lý luận và phương pháp luận ngày càng trở nên cần thiết. Nó tạo lập một cơ sở khoa học đúng đắn, có tính lý luận, phương pháp luận và phương pháp hoạt động hiệu quả cho phong trào thực tiễn. Bởi vậy, sự ra đời của các khoa học về giới, trong đó có Xã hội học giới đã tạo ra cho phong trào đấu tranh vì sự bình đẳng giới một bước phát triển mới về chất. Nó chỉ ra được những mục tiêu, nhiệm vụ và nội dung hoạt động cụ thể để hướng tới sự thống nhất cho cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới. Chỉ trong một thời gian ngắn, khoa học về Xã hội học giới đã phát triển nhanh chóng. Hầu hết các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu và đào tạo lớn trên thế giới đều có bộ phận nghiên cứu và giảng dạy về Xã hội học giới. Xã hội học giới ngày càng xác định rõ hơn về đối tượng nghiên cứu, hệ thống các lý thuyết, khái niệm, phạm trù và bộ công cụ nghiên cứu, nhằm định hướng cho những hoạt động thực tiễn. Ở nước ta, Xã hội học giới đã được phát triển khá mạnh mẽ trong những năm gần đây. Cùng với phong trào đấu tranh giải phóng phụ nữ được Đảng và Nhà nước quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ, phong trào đấu tranh vì sự bình đẳng giới cũng đã thâm nhập vào nhiều tổ chức chính trị, xã hội, các đoàn thể, cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ và lan rộng ra toàn xã hội. Những nghiên cứu và đào tạo về giới cũng phát triển mạnh mẽ và rộng khắp. Trong xu hướng phát triển chung đó, nhu cầu về thông tin khoa học, thống nhất những nội dung nghiên cứu và đào tạo đặc thù về giới ngày càng trở nên cấp bách. Trong thời gian qua, mặc dù chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong việc biên soạn, tuyển dịch các tài liệu trong và ngoài nước nhằm đáp ứng những đòi hỏi của việc phát triển các nghiên cứu và giảng dạy về Xã hội học giới, nhưng nhìn chung những tài liệu này vẫn chưa đáp ứng được với đòi hỏi của thực tế. Tài liệu được giới thiệu và giảng dạy trong các trường đại
  • 3. học phần lớn được tuyển dịch từ nước ngoài, theo nhiều kênh khác nhau, một số tài liệu giảng dạy được biên soạn nhưng chưa thực sự gắn kết với hoàn cảnh đặc thù ở Việt Nam. Điều đó khiến chúng ta không tránh khỏi những lúng túng trong việc phải nhận thức, lý giải và vận dụng một cách có hiệu quả những vấn đề cơ bản về giới ở Việt Nam. Việc biên soạn một cuốn giáo trình, lại là giáo trình về một lĩnh vực khá mới mẻ và nhạy cảm như Xã hội học giới là một công việc khó khăn. Được sự khuyến khích và động viên của đồng nghiệp và sinh viên, tác giả, trên cơ sở ghi chép những thông tin và kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy môn Xã hội học về giới trong nhiều năm qua đã biên soạn cuốn giáo trình này. Tác giả coi đây như là một dịp để tìm kiếm sự đồng cảm, tiếp thu thêm ý kiến và đồng thời chia sẻ với những người quan tâm về vấn đề này. Tác giả cũng đã cố gắng lược bớt những vấn đề phức tạp vốn có của Xã hội học giới, nhằm diễn giải vấn đề một cách đơn giản và dễ hiểu hơn. Mặc dù vậy, do những giới hạn về thời gian, về khuôn khổ của một cuốn giáo trình và cả về khả năng nhận thức, nên nội dung chắc chắn sẽ còn cần phải được bổ sung, sửa chữa. Tác giả rất mong nhận được ý kiến đóng góp của độc giả để giáo trình hoàn thiện hơn trong lần tái bản sau. Giáo trình này nêu lên những vấn đề đương đại nhưng hy vọng rằng trong tương lai, vấn đề bình đẳng giới sẽ thay đổi, phụ nữ sẽ có bình đẳng thực sự và cuốn sách sẽ chỉ còn giá trị như một tài liệu viết về lịch sử. Tác giả BẢNG CÁC CHỮ VIẾT TẮT AP WLD Asia Pác Forum ơn Women Law and Development (Tổ chức Diễn đàn châu á - Thái Bình Dương về Phụ nữ, luật pháp và phát triển) BLGĐ Bạo lực gia đình CNTB Chủ nghĩa tư bản
  • 4. CNĐQ Chủ nghĩa đế quốc CNXH Chủ nghĩa xã hội F.G.M Female Genital Mutination F.S.M Female Sexual Mutilation GDI Chỉ số bình đẳng giới HDI Phát triển con người LHPN Liên hiệp phụ nữ LHQ Liên hợp quốc NCFAW Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ NGO Phi Chính phủ RCGAD Trung tâm nghiên cứu Giới và Phát triển SKSS Sức khoẻ sinh sản UBND Uỷ ban nhân dân UBQG Uỷ ban quốc gia UNDP Cơ quan phát triển Liên hợp quốc UNICEF Quỹ trẻ em Liên hợp quốc UNFPA Quỹ dân số Liên hợp Quốc UNIFEM Quỹ phụ nữ Liên hợp quốc UBDS GĐ & TE Uỷ ban Dân số gia đình và trẻ em XHH Xã hội học WHO Tổ chức Y tế thế giới Phần thứ nhất. NHỮNG KIẾN THỨC CƠ BẢN Bài 1. TỪ ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU CỦA XÃ HỘI HỌC ĐẾN ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU CỦA XÃ HỘI HỌC GIỚI I. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU CỦA XÃ HỘI HỌC Mỗi con người đều có một hình dáng, khuôn mặt và tính cách riêng biệt. Những nét riêng biệt, muôn hình muôn vẻ này hợp nhau lại thành các nhóm xã hội trong một xã hội đa dạng và phong phú. Cũng như vậy, mỗi ngành khoa học đều có những nét đặc thù khác biệt với các ngành khác, tao
  • 5. nên bề dày hệ thống các kiến thức vĩ đại của nhân loại. Để xác định một chuyên ngành khoa học, chúng ta cần đặt ra những câu hỏi mang tính nguyên tắc như: - Chuyên ngành ấy là gì? - Đối tượng nghiên cứu của nó ra sao? - Sự gần gũi và khác biệt của nó với những ngành khoa học khác ở chỗ nào? Vào thế kỷ XIX, nhà triết học Pháp August Comte là người đầu tiên đã dùng tên Xã hội học (Sociology) để đặt cho một ngành khoa học xã hội mới mà ông vừa muốn tách ra khỏi Triết học và lại vừa muốn phân biệt nó với các ngành khoa học xã hội khác. Và sau này, những thế hệ kế tiếp đã coi ông như là “cha đẻ”, là người đặt nền móng cho ngành khoa học quan trọng và hấp dẫn này. Đồng thời với việc đặt tên cho ngành khoa học này, August Comte cũng đưa ra được một bộ khung lý luận, phương pháp luận và phương pháp cơ bản để xã hội học có thể tồn tại như một khoa học độc lập. Ngày nay, cho dù xã hội học đã phát triển khác xa với thời đại của A. Comte, đã bao hàm trong mình vô số những xu hướng và trường phái khác nhau thì những tiền đề cơ bản mà A. Comte đưa ra vẫn là những nền móng cốt yếu nhất Xã hội giới cũng như tất cả những chuyên ngành xã hội học khác đều nảy sinh và phát triển từ một nền móng chung nhất này. Chúng ta đều biết, từ rất lâu rồi, đã có nhiều ngành khoa học lấy xã hội làm đối tượng nghiên cứu. Những ngành khoa học này tập hợp lại dưới ngọn cờ chung của các khoa học xã hội và nhân văn. Mỗi ngành khoa học xã hội và nhân văn nói trên lại chiếm một vị trí và vai trò nhất định trong lý luận khoa học cũng như trong thực tiễn. Nói một cách cụ thể là chúng có đối tượng nghiên cứu, hệ thống lý luận, phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu riêng. Chẳng hạn, nghiên cứu về kinh tế đã có Kinh tế học, dân tộc có Dân tộc học, chính trị có Chính trị học, dân số có Dân số học; nghiên cứu những sự
  • 6. kiện xảy ra trong quá khứ có ngành khoa học Lịch sử… Bởi vậy, việc xác định đối tượng của XHH nói chung và XHH giới nói riêng chỉ có thể được thực hiện khi khẳng định rõ được tính riêng biệt, không trùng lặp của nó với những ngành khoa học xã hội và nhân văn khác. Nếu như Triết học có đối tượng nghiên cứu là những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội, tư duy trong sự vận động và phát triển của xã hội; Khoa học Lịch sử có đối tượng nghiên cứu hướng vào việc tái hiện lại những sự việc diễn ra trong quá khứ, chẳng hạn xã hội con người từ thời cổ đại, trung đại, cận đại, hiện đại để rút ra các bài học kinh nghiệm và tôn vinh lòng tự hào của các dân tộc… thì XHH lại tập trung chủ yếu vào những sự tương tác xã hội. Khác với những khoa học xã hội cụ thể khác XHH không chỉ đi sâu vào những mặt cụ thể của xã hội mà còn hướng tới những mối quan hệ giữa chúng, hướng vào việc tìm ra vị trí, vai trò của chúng trong sự tồn tại, vận động và phát triển của xã hội. Về phương diện này, Giáo sư Đặng Cảnh Khanh đã có lý khi cho rằng XHH nghiên cứu sự phát triển của xã hội, những mối quan hệ xã hội, sự tương tác giữa những lĩnh vực cụ thể của xã hội với những lĩnh vực chung nhất của xã hội và với nhau. Có ba lĩnh vực cơ bản được XHH quan tâm là: Thứ nhất, nghiên cứu những mối quan hệ tương tác giữa các lĩnh vực cụ thể của xã hội với tư cách là các bộ phận cấu thành của xã hội, các thiết chế xã hội với lĩnh vực rộng lớn nhất, chung nhất, tức là với tổng thể xã hội. Thứ hai, nghiên cứu mối quan hệ giữa các bộ phận cấu thành, các lĩnh vực cụ thể, các thiết chế của xã hội với nhau. Thứ ba, nghiên cứu chính các mối quan hệ nội sinh, tương đối độc lập của các bộ phận cấu thành của xã hội, các thiết chế xã hội cụ thể nói trên. Sự phân định các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản của XHH như trên là cơ sở để phân nhóm các chuyên ngành của chúng, giúp chúng ta có thể dựa vào sự phân định các bộ phận cấu thành của xã hội cũng như các thiết chế xã hội để chỉ rõ và phân biệt các chuyên ngành XHH như XHH nông thôn, XHH đô
  • 7. thị, XHH gia đình, XHH văn hoá, XHH giới, XHH quản lý, XHH thanh niên, XHH môi trường, XHH tội phạm v.v… Những mối quan hệ tương tác và các lĩnh vực nghiên cứu trên lại có vị trí và vai trò khác nhau trong các chương trình nghiên cứu vĩ mô hoặc vi mô, lý thuyết hoặc thực nghiệm, đại cương hoặc chuyên biệt. II. XÃ HỘI HỌC GIỚI TRONG XÃ HỘI HỌC 1. Đối tượng nghiên cứu của Xã hội học giới Xã hội học giới là một chuyên ngành của XHH. Nó vừa tuân thủ những nguyên tắc chung nhất của XHH, vừa quy chiếu những nguyên tắc này vào lĩnh vực nghiên cứu riêng biệt là một quan hệ xã hội giữa nam và nữ và cách thức mối quan hệ này được xây dựng trong ta hội. Nói một cách cụ thể, XHH giới là xã hội học nghiên cứu đối tượng giới, vị trí, vai trò của vấn đề giới và bình đẳng giới đối với sự vận động và phát triển của xã hội. Theo những chuẩn mực trên thì Xã hội học giới cũng có 3 lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Đó là: 1.1. Nghiên cứu mối quan hệ giữa sự vận động và phát triển của giới với sự vận động và phát triển chung của xã hội. 1.2. Nghiên cứu mối quan hệ giữa giới với các bộ phận cấu thành khác của xã hội, các thiết chế xã hội đang vận hành trong xã hội như gia đình, văn hoá, giáo dục, chính quyền, luật pháp, nông thôn, thành thị, môi trường… (Những lĩnh vực có liên quan đến vị trí, vai trò của giới). 1.3. Nghiên cứu nội hàm của giới trong dạng thức tương đối độc lập của nó. Đó là mối quan hệ xã hội giữa nam và nữ và cách thức mối quan hệ đó được xây dựng trong xã hội. Để phục vụ cho việc tư duy và tiếp cận Xã hội học Giới, người ta cũng đã xây dựng bên cạnh hệ thống lý thuyết cơ bản (những quy luật, phạm trù, khái niệm, khung logic) bộ công cụ phân tích để xác định phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu cho nó. Cùng với những nghiên cứu lý thuyết, nghiên cứu cơ bản thì nghiên cứu thực nghiệm hay còn gọi là nghiên cứu can
  • 8. thiệp (hoặc hành động) ngày càng phát triển đã góp phần trực tiếp vào việc nhận thức và hoạch định các chính sách về giới, điều chỉnh và hoàn thiện luật pháp, cải tạo xã hội và tạo lập sự bình đẳng trong các quan hệ giới. 2. Chức năng, nhiệm vụ của Xã hội học giới Khi nói đến chức năng và nhiệm vụ của một ngành khoa học, chúng ta cần phải hiểu rằng, chúng bao giờ cũng được sinh ra để thực hiện những mục tiêu nhận thức và mục tiêu thực tiễn của ngành khoa học đó. Bởi vậy bất kỳ một ngành khoa học nào cũng thường mang trong mình hai chức năng cơ bản nhất: chức năng nhận thức và chức năng thực tiễn. Hai chức năng này hoà quyện không thể tách rời, cái này là cơ sở nhưng cũng là mục tiêu cho cái kia và ngược lại. Chức năng nhận thức của XHH giới là kim chỉ nam, quy định nhiệm vụ là làm thay đổi nhận thức của con người về một cấu trúc xã hội mà trong đó không có nhóm xã hội này cai trị cho nhóm xã hội kia. Từ thay đổi nhận thức, XHH giới có nhiệm vụ làm thay đổi thực tiễn và phục vụ cho chức năng thực tiễn của nó. Ở đây, mối quan hệ giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng là hai cánh tay của cơ thể XHH giới. Thực tế nói về nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng là nói về một phương thức biểu hiện khác của chức năng nhận thức và chức năng thực tiễn của nghiên cứu. Nghiên cứu cơ bản là những nghiên cứu có xu hướng nghiêng về những mục tiêu nhận thức, còn nghiên cứu ứng dụng thì lại có xu hướng nghiêng về mục tiêu thực tiễn, vận dụng lý thuyết vào thực tiễn và dùng thực tiễn để làm sáng rõ lý thuyết. Nhìn chung, hướng về cuộc sống hiện thực, đưa tri thức vào thực tiễn cuộc sống, phục vụ cho cuộc sống của con người ngày càng tiến bộ, văn minh bao giờ cũng là mục đích cao nhất của khoa học dù là khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có XHH nói chung và XHH giới nói riêng. Tuy nhiên, “Sự thống nhất và đa dạng của thế giới vật chất và tinh thần đã khiến cho tri thức khoa học cũng phức tạp và đa dạng không kém. Nó cũng khiến cho sự phân định rạch ròi ranh giới giữa các lĩnh vực khoa học chỉ có thể mang tính tương đối. Sẽ là siêu hình và không khoa học nếu chúng ta
  • 9. chỉ biết khu biệt các loại hình nghiên cứu khoa học khác nhau mà không nhìn thấy sự thống nhất và phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng. Bởi vậy, nếu nghiên cứu ứng dụng làm đa dạng và phong phú thêm cho những nghiên cứu cơ bản, thì ngược lại, nghiên cứu cơ bản là tiền đề lý luận phương pháp luận, là cơ sở cần thiết cho việc nghiên cứu ứng dụng. Thiếu những nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng sẽ mất định hướng, sẽ lúng túng khi xử lý các tình huống phức tạp từ thực tiễn. Thiếu những nghiên cứu ứng dụng và tính ứng dụng, nghiên cứu cơ bản sẽ chỉ còn là khoa học của sự lãng mạn thuần tuý, sự bay bổng khỏi hiện thực của tri thức” (Đặng Cảnh Khanh, 2006). Ngày nay, khả năng ứng dụng các tri thức XHH giới Vào thực tiễn đã khiến cho hoạt động khoa học không chỉ là một thứ “khoa học vị khoa học” mà còn là “khoa học vị nhân sinh”. Ý nghĩa xã hội và nhân đạo sâu sắc của khoa học giới là nó giúp thay đổi nhận thức về giới, đưa ra các biện pháp giải quyết hiện tượng bất bình đẳng giới đã tồn tại từ hàng chục thế kỷ. Chỉ cố gắn mình với thực tiễn thì XHH giới mới mang trong mình các giá trị về tri thức và văn hoá đích thực. Do vậy, để phát triển và mở rộng các nghiên cứu về XHH giới chúng ta không thể bỏ qua các hoạt động thực tiễn và ứng dụng của nó. Đồng thời các nghiên cứu cơ bản là nguồn trực tiếp cung cấp những tri thức lý luận và phương pháp luận cho các nghiên cứu cụ thể. Nghiên cứu cơ bản trong XHH vừa giúp định hướng các chiến lược phát triển xã hội chung, vừa góp phần vào chính sự phát triển của tư duy XHH. Nghiên cứu cơ bản về XHH giới có vai trò quan trọng không chỉ trong việc xây dựng các chiến lược phát triển bình đẳng giới mà còn góp phần hình thành những cơ sở lý thuyết và phương pháp tiếp cận đặc thù của môn học. Ngoài tính hiện thực và ứng dụng, XHH giới còn mang tính cách mạng. Nó hướng xã hội tới sự thay đổi cách nhìn nhận về phụ nữ, thay đổi cấu trúc xã hội đã tồn tại cố hữu trong lịch sử theo kiểu “trọng nam, khinh nữ” thành xã hội bình đẳng, công bằng mà trong đó các thành viên, bất kể thuộc giới tính
  • 10. nào đều có cơ hội phát triển ngang bằng, có trách nhiệm tham gia xây dựng gia đình và xã hội, cùng được hưởng thụ công bằng các thành quả lao động đã mình làm ra. Về phương diện này, XHH giới tuân thủ lời dạy bất hủ của K.Marx là: khoa học không chỉ nhằm để giải thích thế giới mà còn cải tạo thế giới. Như vậy XHH giới có ba chức năng cơ bản là: phản ánh hiện thực, cải tạo xã hội và định hướng xã hội. Ba chức năng này có mối quan hệ biện chứng trong các nghiên cứu cụ thể, nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu hành động. Những chức năng quan trọng này đã tạo ra bộ mặt toàn diện của XHH giới và mặc dù là một chuyên ngành khoa học rất trẻ nhưng nó đã nhanh chóng chiếm được chỗ đứng vững chắc trong ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn nói chung và XHH nói riêng. Sự xuất hiện của XHH giới, trên thực tế đã chia XHH ra thành hai giai đoạn: XHH trước giới và XHH sau giới. Đó là kết quả của cuộc tranh luận không khoan nhượng mang tính khoa học và chính trị cao giữa các nhà XHH mang quan điểm nữ quyền (sau này gọi là các nhà nữ quyền) với các nhà XHH mang quan điểm nam quyền. III. MỐI LIÊN HỆ GIỮA XÃ HỘI HỌC GIỚI VỚI CÁC CHUYÊN NGÀNH XÃ HỘI HỌC KHÁC Mối quan hệ của XHH giới với các chuyên ngành XHH khác là sự phản ánh tính khách quan của mối quan hệ giữa vấn đề giới với những vấn đề xã hội cụ thể khác trong xã hội. Thực tế cho thấy, mối quan hệ giới tồn tại và biểu hiện trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của xã hội. Đó là mối quan hệ giữa hai giới tính là nam và nữ trong sự vận động của nguồn nhân lực xã hội. Tuy nhiên, trước đây hệ tư tưởng chính trị, triết học, tôn giáo và cả XHH kinh điển đều đã tiếp cận vấn đề giới trong hệ thống những quan điểm nam quyền nên thường phân chia nam nữ thành hai tuyến rõ rệt: nam thống trị và nữ bị trị. Điển hình là hệ tư tưởng Nho giáo, Hồi giáo và sau này, trong chính XHH là những người theo thuyết Cấu trúc chức năng. Trong khi khẳng định vị thế, vai trò của các bộ phận cấu thành trong xã hội, người ta cũng coi
  • 11. vấn đề giới trong xã hội như là một sự xếp đặt tự nhiên, sự phân bổ vị thế, vai trò giới một cách bất bình đẳng như là một lẽ đương nhiên. Ngày nay, XHH giới đã đặt vấn đề khác. Nó đòi hỏi những người nghiên cứu phải nghiên cứu hai lực lượng xã hội này trong bối cảnh của sự tương tác, vận động và phát triển, hướng tới sự bình đẳng, công bằng. Chẳng hạn, khi XHH gia đình nghiên cứu về gia đình thì không thể không nghiên cứu về sự biến đổi mối quan hệ giới theo các mối quan hệ hàng ngang như quan hệ giữa vợ với chồng (cha với mẹ, ông với bà), anh trai với em gái; và mối quan hệ theo hàng dọc là quan hệ thế hệ như ông bà với cha mẹ, với con cháu. Nghiên cứu XHH văn hoá thì phải nghiên cứu mối quan hệ giới trong các nền văn hoá theo chiều lịch đại và theo chiều cấu trúc chức năng. Nghiên cứu XHH nông thôn, XHH đô thị cũng cần đề cập đến mối quan hệ giới và ảnh hưởng của mối quan hệ đó đối với từng giới cũng như sự phát triển chung của nông thôn hoặc đô thị. BÀI ĐỌC VÀ NGHIÊN CỨU Quan điểm chưa có nghiên cứu giới "Hạnh phúc ở ngay trong tay bạn" Thời mở cửa giúp chị em chúng ta mất ít thời gian hơn trong việc “tề gia nội trợ” để dành thời gian còn lại tham gia hoạt động xã hội, cống hiến sức mình vào sự nghiệp phát triển của nước nhà. Nhưng ngoài những yếu tố thuận lợi vẫn còn tồn tại những vấn đề đáng lo ngại cho nhiều gia đình, nhất là bổn phận làm vợ làm mẹ đang có hướng mờ nhạt đi. Theo truyền thống, việc “tề gia nội trợ” là phạm vi độc quyền của phụ nữ, nhưng ngày nay nó không còn chiếm vị trí “độc nhất vô nhị” nữa, mà đã được chia sẻ khá nhiều. Bởi vì mọi thứ cần thiết cho cuộc sống hầu như đều có sẵn, cái gì cần là có ngay một cách nhanh chóng, tiện lợi, dễ dàng. Từ việc đi ăn cơm hàng, cơm hộp cho đến việc thuê người nội trợ trong gia đình…
  • 12. Nói tóm lại, cái gì cần cũng có thể thuê mướn. Chính sự tiện lợi đó lại nảy sinh nhiều vấn đề đáng lo ngại cho các gia đình. Tôi được biết vợ chồng chị Đ. đều là kỹ sư, bác sĩ và có địa vị trong xã hội. Họ có hai con, một trai, một gái đều đã đến tuổi trưởng thành. Nhiều người nhìn vào gia đình anh chị đều rất thèm muốn. Nhưng ở đời chẳng ai học được chữ “ngờ”. Cậu con trai của chị Đ. phải vào tù lúc 29 tuổi vì tội dẫn dắt gái mại dâm và buôn bán ma tuý. Mọi chuyện vỡ ra từ đó. Chị Đ tâm sự: - Tôi đã mắc phải sai lầm lớn trong việc giáo dục con cái. Đáng lẽ tôi phải dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc con thi tôi lại chu cấp đầy đủ những thứ con cần. Cuộc sống sung túc đã làm con trai tôi tự giết mình. Việc chăm sóc con không thể thiếu được bàn tay của người mẹ. Điều này đòi hỏi chị em phải có sự kiên trì dạy dỗ từng phút, từng giờ mới có thể cho gia đình và xã hội một con người hữu ích thực sự. Chị H. làm ở Bưu điện Bờ hồ tâm sự: - Tôi bận đi làm tối ngày. Công việc chăm sóc gia đình, con cái nhờ cả vào chồng tôi. Buổi trưa dịch vụ cơm hộp đưa vào đến tận nhà, chỉ có buổi tối gia đình mới đoàn tụ nhưng thường có người này lại vắng mặt người kia vì chồng tôi thích những trò tiêu khiển ở bên ngoài hơn là ở nhà bên cạnh vợ con. Nhiều khi tôi cũng tự hỏi: Hình như mình đang trốn tránh việc chăm sóc gia đình chăng? Quả thật việc làm mẹ, làm vợ cũng chẳng nhẹ nhàng gì, tuy rằng chúng ta không thể chu toàn được cả việc nước lẫn việc nhà, nhưng thiết nghĩ chúng ta cũng không nên lạm dụng quá vào việc gọi là dịch vụ chăm sóc chồng con thay ta mà nên tự mình vun vén cho gia đình. Chỉ có như vậy chúng ta mới giữ được những người thân yêu không xa rời tổ ấm gia đình của chính mình. Mỗi gia đình là một xã hội thu nhỏ, gia đình hạnh phúc thì xã hội sẽ phồn thịnh và phát triển không ngừng. Chúng ta là phận làm mẹ, làm vợ đừng nên bỏ quên vinh dự được hy sinh cho chồng con. Đây là chiếc cầu nối tất cả
  • 13. mọi người trong gia đình xích lại gần nhau hơn. Nếu ai có ý nghĩ tạm quên đi trách nhiệm lớn lao này thì đó là tiếng chuông cảnh báo đe doạ đến hạnh phúc gia đình của chính người đó. Theo Trần Hằng Nga (Báo Tiền phong ngày 14/81/999). CÂU HỎI ÔN TẬP 1. Đối tượng nghiên cứu của XHH giới là gì? Hãy phân tích sự giống và khác nhau giữa đối tượng nghiên cứu của XHH giới với đối tượng nghiên cứu giới. 2. Tại sao nói XHH giới ra đời đã làm thay đổi ngành XHH, đặc biệt là XHH gia đình, XHH văn hoá, XHH chính trị? 3. Đối tượng nghiên cứu XHH giới có liên quan đến bài đọc nghiên cứu trên thế nào? Bài 2. SỰ HÌNH THÀNH CÁC KHOA HỌC NGHIÊN CỨU PHỤ NỮ, GIỚI VÀ XÃ HỘI HỌC GIỚI I. NHỮNG TIỀN ĐỀ VỀ KINH TẾ, XÃ HỘI, VĂN HÓA CỦA NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VỀ GIỚI 1. Xã hội Mẫu hệ trong buổi bình minh của loài người Những tài liệu khảo cổ và những truyền thuyết dân gian còn lưu truyền đến ngày nay đã đưa ra bằng chứng về một giai đoạn phát triển quan trọng của xã hội con người là giai đoạn theo Mẹ, còn gọi là Mẫu hệ. Đây cũng là giai đoạn đầu tiên của thời đại mông muội, là ranh giới giữa thế giới sinh vật và đời sống xã hội. Trong cuốn sách “Nguồn gốc gia đình, chế độ tư hữu và Nhà nước”, Engels đã nêu ra và phân tích 3 phát minh lớn của xã hội loài người mà ông cho rằng còn quan trọng hơn cả phát minh ra máy hơi nước của thời kỳ ranh giới giữa xã hội nông nghiệp và xã hội công nghiệp. Đó là:
  • 14. Tiếng nói như là một phương tiện chủ yếu của sự giao tiếp trong tập thể người nguyên thuỷ. Engels coi tiếng nói là một phương tiện (mà thú vật không thể có được) để thu thập, giữ gìn, xử lý và truyền đi những thông tin về thế giới xung quanh, là phương tiện để nhận thức và quản lý. Chính tiếng nói đã tách hẳn con người ra khỏi loài vật; rất thuận tiện cho sinh hoạt và lao động sản xuất mà trước đó chỉ có thể dùng phương pháp tương tác biểu trưng. Lửa: Giai đoạn giữa của thời kỳ mông muội bắt nguồn từ việc phát hiện ra “công cụ năng lượng” tức là lửa, và được đánh dấu như là giai đoạn hình thành của chế độ công xã nguyên thuỷ điển hình. Lửa không chỉ là một vũ khí đi săn mới mà còn là một phương tiện nấu chín thức ăn, để chống đỡ với cái lạnh và thú dữ. Lửa đã thay đổi tận gốc tiềm năng của năng lượng, cơ cấu nhân khẩu và tập quán của người nguyên thuỷ. Khi chưa biết sử dụng lửa, con người hằng ngày nhận được dưới 2.000kcal (chủ yếu là qua thức ăn: một nửa là thực vật, một nửa là động vật) Lửa lập tức làm tăng mức tiêu dùng năng lượng hằng ngày lên đến 5.000kcal, trong đó thức ăn cung cấp 3.000kcal, còn “tiện nghi” sưởi ấm cung cấp 2.000kcal. Việc ăn thức ăn chín và tạo ra được thức ăn chín đã chứng tỏ tư duy của con người vượt xa loài vật và trở thành một loài riêng biệt, cao cấp. Sự phân công lao động giữa nam và nữ khi đó mang tính tự nhiên mà chưa mang tính xã hội. Chẳng hạn, tuỳ thuộc vào sức khoẻ, nam giới thì săn, bắt; phụ nữ thì hái lượm. Do trách nhiệm phải mang thai, sinh đẻ và cho con bú và cũng do tình trạng sức khoẻ yếu hơn nam giới nên phụ nữ chỉ quanh quẩn gần chỗ ở, trong khi nam giới ngày càng phải đi xa để tìm kiếm thức ăn. Chính các đặc tính của công việc, theo thời gian đã ảnh hưởng đến tính cách và phẩm chất giới. Chẳng hạn, nam giới thì mạnh mẽ, phóng khoáng, nhiều sáng tạo, quyết đoán, dũng cảm… trong khi phụ nữ thì tỉ mỉ, dịu dàng, căn cơ, tiết kiệm, vị tha… Lúc khởi thuỷ, sự phân chia sản phẩm lao động trong thị tộc mang tính chất bình quân chủ nghĩa, dựa trên cơ sở bình đẳng xã hội, còn quá trình
  • 15. định hình dòng họ (theo các đặc điểm khác biệt về giới tính và lứa tuổi) thì diễn ra theo tiêu chuẩn duy nhất có thể có lúc bấy giờ là mối liên hệ theo họ mẹ. Với thói quen tính giao giữa nam và nữ vẫn còn mang nặng tính động vật (tạp hôn, quần hôn), nên con sinh ra chỉ biết có mẹ mà không biết cha là ai. Phụ nữ còn là người được giao trọng trách giữ gìn bếp lửa của cả bộ lạc, phân chia khẩu phần thức ăn kiếm được, chăm sóc, nuôi dưỡng thế hệ trẻ, vì vậy họ có vị trí quan trọng trong bộ lạc. Bằng cách đó, phụ nữ được tôn vinh không phải từ sự chủ động về tư tưởng ‘‘trọng nữ” mà bằng tính tự phát, bản năng trong quá trình lao động và chuyển hoá từ bầy đàn động vật sang xã hội con người. 2. Quá trình chuyển biến từ xã hội công xã nguyên thuỷ sang xã hội có đối kháng giai cấp Sự chuyển biến từ chế độ công xã nguyên thuỷ không có giai cấp sang các xã hội đối kháng giai cấp được quy định bởi sự phát triển của lực lượng sản xuất của loài người. Khi lượng thức ăn ngày càng khan hiếm mà con người ngày càng sinh sôi thì một nhu cầu lớn nảy sinh là phải tái tạo lại thức ăn. Việc con người phát minh ra động tác chọc lỗ để gieo hạt hoặc nuôi động vật để chúng sinh con đẻ cái không chỉ bảo đảm sự sinh tồn bền vững mà còn tách mình ra khỏi giới động vật một cách ngoạn mục. Bắt đầu từ đây, bộ não của con người ngày càng hoàn thiện và phát triển cùng với sự khéo léo của đôi tay, đôi chân và các giác quan khác. Sự ra đời hai ngành cơ bản của nông nghiệp là trồng trọt và chăn nuôi đã cho phép con người tạo ra nguồn của cải to lớn không chỉ bảo đảm cho tiêu dùng mà còn có của cải để dự trữ. Nội dung chủ yếu của thời kỳ này là “cuộc cách mạng mà nhờ đó, con người thoát ra khỏi khuôn khổ cuộc sống ký sinh thuần tuý và chuyển sang việc trồng trọt và chăn nuôi để trở thành con người sáng tạo, không bị phụ thuộc vào tính khí thất thường của thiên nhiên xung quanh”. (Engels, 1980). Từ con người ký sinh trở thành con người biết lao động sáng tạo, tiến lới chủ động khai thác, cải tạo thiên nhiên là một bước ngoặt to lớn. Quá trình
  • 16. này cũng giúp con người xây dựng được xã hội của mình ngày càng hoàn thiện và văn minh hơn. Của cải dư thừa là một điều kiện quan trọng để phát sinh tư tưởng tư hữu và chiếm hữu. Tính tư hữu nằm trong nhu cầu tồn tại nhưng cùng với sự phát triển xã hội, nó đã vượt xa nhu cầu tồn tại và trở lại định hướng cho xã hội. Những người khôn ngoan, chăm chỉ lao động hoặc có quyền thế hơn trong bộ lạc trở thành những người giàu có hơn. Xã hội phân chia thành hai loại người: thống trị và bị trị. Sự phân hoá xã hội càng cao thì mâu thuẫn đối kháng giữa các giai cấp càng sâu sắc và chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tất nhiên, quá trình này diễn ra không đồng thời ở các xã hội khác nhau mà nó phụ thuộc vào trình độ của từng xã hội, vùng địa lý. Trong hoàn cảnh như vậy, nam giới với sức mạnh của mình (cả về thể chất lẫn trí tuệ) đã vươn lên trở thành nhóm thống trị xã hội, chiếm hữu của cải và cả phụ nữ. 3. Sự chuyển đổi từ xã hội Mẫu hệ tới xã hội Phụ quyền Một sự kiện lớn xảy ra trong xã hội có giai cấp là sự hình thành gia đình. Điều này cũng có nghĩa là quan hệ tính giao giữa đàn ông và đàn bà đã thay đổi và mang tính xã hội hơn. Khi của cải không còn là của chung nữa thì con người cũng vậy. Sự chiếm hữu con người đã tạo ra gia đình. Vấn đề nguồn gốc của gia đình là quá trình phát sinh của chế độ một vợ một chồng mà trong đó, có sự thay đổi vai trò giữa người phụ nữ với tư cách là vợ và người nam giới với tư cách là chồng. Nguồn gốc của sự hình thành gia đình, như Engels đã nêu lên, không phải bởi tình yêu nam nữ đơn thuần mà bởi sự hình thành chế độ tư hữu và Nhà nước cùng với sự phân chia đẳng cấp giới ngày càng sâu sắc. Gia đình đòi hỏi phải có hành động tương hỗ giữa các cá thể trong quá trình thoả mãn không chỉ các nhu cầu tình dục, mà còn có cả các nhu cầu ăn uống và sinh hoạt khác nữa, bao gồm cả việc làm kinh tế chung, sinh con, đẻ cái và giáo dục chúng, truyền lại tài sản của tổ tiên cho thế hệ sau. Những vấn đề phức tạp đó đã phá vỡ cấu trúc của xã hội cộng sản nguyên thuỷ, hay
  • 17. nói cách khác bản thân chế độ công xã nguyên thuỷ không chứa đựng nổi mà nó phải chuyển sang chế độ có giai cấp. Chính cuộc cách mạng trong gia đình, gắn liền với bước chuyển sang chế độ phụ hệ trên cơ sở vật chất - kỹ thuật của cuộc cách mạng xã hội đã trở thành hình thái chín muồi của các mâu thuẫn đối kháng xã hội đầu tiên và của việc chuyển tiếp sau đó lên xã hội có giai cấp. Gia đình một vợ một chồng đã hình thành, đồng thời cũng là “chỗ” tích tụ và thể hiện các mâu thuẫn xã hội. Các mâu thuẫn xã hội đối kháng đã phát sinh và gây ảnh hưởng đến gia đình thông qua sự bất bình đẳng ngày càng sâu sắc giữa nam và nữ trong gia đình. Gia đình một vợ một chồng, như Engels nhận xét, mang trong mình không chỉ các tàn dư của gia đình cặp đôi và chế độ quần hôn. Điều cơ bản là ở chỗ trong xã hội, có giai cấp, nó chứa đầy những mâu thuẫn đối kháng của xã hội đó và bắt người phụ nữ phải chịu cảnh nô lệ. Nạn ngoại tình và mãi dâm, về thực chất là sự khôi phục lại dưới hình thức đã biến đổi các khuynh hướng cổ xưa, những hình thức tối cổ của chế độ quần hôn. Trong chế độ có mâu thuẫn đối kháng thì các mối quan hệ giữa đàn ông và đàn bà gắn bó chặt chẽ với sự dùng “tiền hoặc dùng những phương tiện quyền lực xã hội khác”. Engels viết rằng, chế độ một vợ một chồng “là hình thức gia đình đầu tiên không dựa trên những điều kiện tự nhiên, mà dựa trên những điều kiện kinh tế và vì thế “sự đối lập giai cấp đầu tiên xuất hiện trong lịch sử trùng với sự phát triển của sự đối kháng giữa chồng và vợ trong hôn nhân cá thể, và sự áp bức giai cấp đầu tiên trùng với sự nô dịch của đàn ông đối với đàn bà” (Engels, 1980). Trong các gia đình, phụ nữ không còn chiếm được vị trí cao như trong các bộ lạc trước đây mà họ đã bị rơi xuống hàng thứ yếu khi con cái đã biết cha đẻ của mình. Bắt đầu từ đây, con cái theo dòng họ cha “nội” (bên trong) và họ mẹ trở thành “ngoại” (bên ngoài). Phụ nữ phải phục tùng, phục vụ cho chồng, con và lao động này không được trả công. Việc xác định tính phụ thuộc của phụ nữ còn thể hiện trong khái niệm “nối dõi dòng họ”. Ở châu âu,
  • 18. Mỹ, phụ nữ khi sinh ra phải mang họ cha và khi lấy chồng phải mang họ chồng; còn ở nhiều nước châu á, phụ nữ khi lấy chồng bị gọi theo tên chồng lúc chồng còn sống hoặc tên con trai lớn nhất sau khi chồng chết. Sống thì làm người nhà chồng còn chết thì làm ma nhà chồng là nguyên tắc dành cho tất cả phụ nữ sống trong xã hội phụ quyền. 4. Một số quan điểm 4.1. Quan điểm về sự tiến hoá xã hội theo giới Trên phương diện giới, K.Marx và F.Engels đã phân chia xã hội theo hai hình thức tiến hoá. Đó là: - Xã hội mẫu quyền (tương ứng với thời kỳ cộng sản nguyên thuỷ). - Xã hội phụ quyền (tương ứng với thời kỳ xã hội có gia đình, giai cấp và Nhà nước). Tuy nhiên, do trình độ phát triển của xã hội nguyên thuỷ còn quá thấp và do tính tự phát của tập quán theo mẹ nên thời kỳ này chỉ có thể gọi là mẫu hệ. Sự chuyển đổi từ mẫu hệ sang phụ quyền được coi như là một quy luật tất yếu của lịch sử. Nhận xét về thời kỳ này, Engels đã viết “Sự thay thế mẫu quyền bằng phụ quyền là một cuộc cách mạng triệt để nhất và cũng dễ dàng nhất mà loài người đã trải qua. Cuộc cách mạng này đánh dấu bằng sự thất bại lịch sử có tính chất toàn cầu của giới phụ nữ” (Engels, 1980). Từ khi xã hội có giai cấp, phân công lao động giữa nam và nữ không còn là phân công tự nhiên mà mang tính xã hội và giai cấp. Chẳng hạn, phụ nữ được giao trọng trách lo việc trong nhà nhưng không phải với tư cách chủ đạo mà với tư cách phụ thuộc (nội tướng), còn nam giới làm chủ gia đình về chiến lược và tham gia vận hành, lãnh đạo xã hội. Trên quan điểm đó, kể cả các công việc sản xuất của phụ nữ cũng không được coi là công việc của xã hội. Công việc của nam giới được coi là quan trọng (việc lớn) còn công việc của phụ nữ được coi là việc nhỏ, việc không quan trọng.
  • 19. Engels đã nêu rằng, trong lĩnh vực các quan hệ sản xuất thì cơ sở của sự chuyển biến đó là sự phân công lao động xã hội. Phân công lao động xã hội vốn là kết quả của sự phát triển kinh tế, nhưng trên vấn đề giới, nó lại phụ thuộc vào giới tính. Việc nhốt phụ nữ vào trong nhà và không công nhận sự đóng góp của họ với xã hội đã không chỉ làm phụ nữ vắng bóng trong lịch sử mà còn mãi mãi đẩy họ vào địa vị phụ thuộc từ thế hệ này đến thế hệ khác. Ngày nay, cả thế giới đang hướng tới hình thức tiến hoá mới phù hợp với sự phát triển của lịch sử. Đó là xây dựng một xã hội bình đẳng giới. Vấn đề được đặt ra là bằng mọi cách đưa phụ nữ và trẻ em vào dòng chảy của sự phát triển. Hay nói một cách khác là không thể xây dựng một xã hội phát triển và văn minh khi một nửa dân số thế giới là phụ nữ phải sống trong sự phụ thuộc và đói nghèo. Nếu như trước đây K.Marx đã cho rằng, ngoài việc phân chia xã hội theo các hình thái kinh tế - xã hội, còn có thể chia xã hội theo hai giai đoạn là giai đoạn mẫu quyền và giai đoạn phụ quyền, thì ngày nay, dưới góc độ xã hội học về giới, chúng ta còn có thể đưa ra giai đoạn tiếp nối với hai giai đoạn trên, giai đoạn mà nhân loại đang phấn đấu để đạt tới, đó là giai đoạn của sự bình đẳng giới. Cụ thể là: - Xã hội mẫu quyền (tương ứng với thời kỳ cộng sản nguyên thuỷ). - Xã hội phụ quyền (tương ứng với thời kỳ xã hội có giai cấp và gia đình). - Xã hội bình đẳng giới (tương ứng với thời kỳ bình đẳng giữa các nhóm xã hội). 4.2. Quan điểm về ba hình thức phân hoá xã hội lớn trong đó có bất bình đẳng giới 4.2.1. Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người luôn tồn tại sự bất bình đẳng giữa các cá nhân, nhóm xã hội, dân tộc, điển hình là chủng tộc; giai cấp; giới. Lịch sử của xã hội loài người cũng là lịch sử đấu tranh để xoá bỏ sự bất bình đẳng này. Nhiều nhà tư tưởng đã có ý đồ giải phóng loài người: giải phóng giai cấp theo tư tưởng của giai cấp công nhân (K.Marx); tạo ra sự giàu
  • 20. có, giải phóng sức lao động (A dam Smith); giải phóng nhân loại ra khỏi sự tiến hoá tự nhiên của sự sống (Darwin); giải phóng con người ra khỏi sự thống trị của tiềm thức (Freud)… Để nhận biết về sự bất bình đẳng, chúng ta có thể đưa ra các tiêu chí phân loại. Đó là: - Điều kiện sống và thu nhập. - Địa vị và vai trò. - Sự hưởng thụ vật chất, văn hoá, tinh thần. - Giáo dục và tri thức. - Thái độ và hành vi ứng xử (xã hội đối với cá nhân và cá nhân đối với xã hội). Bất bình đẳng chủng tộc và bất bình đẳng giới trên thực tế vẫn tồn tại như là một dạng thức trong tất cả các xã hội trên, tuy nhiên mức độ có khác nhau. Chẳng hạn, trong xã hội XHCN, những cố gắng của chính quyền và nhân dân nhằm xoá bỏ các bất bình đẳng về giai cấp cũng có nghĩa là cố gắng xoá bỏ bất bình đẳng về giới và chủng tộc. Mối quan hệ giữa giới và giai cấp, giữa giới và chủng tộc là mối quan hệ phức tạp và đan xen. Ví dụ: Nguyên tắc của các xã hội là “nam tôn nữ ty”. Phụ nữ ở cùng giai cấp, chủng tộc với nam giới là không bình đẳng nhưng nam giới ở giai cấp thấp hoặc chủng tộc nghèo cũng không được bình đẳng với phụ nữ ở các giai cấp hoặc chủng tộc giàu hơn. Nhà thơ Nguyễn Khuyến đã vẽ nên bức tranh về sự bất bình đẳng này trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược và nô dịch Việt Nam. “Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt Dưới sân quan cử ngỏng đầu rồng”
  • 21. Trong xã hội phong kiến, quan cử là nam giới, đại diện của trí tuệ và giai cấp thượng đẳng của nước thua trận đã phải chịu cảnh nhục nhã trước bà đầm là đại diện của nhóm yếu thế của nước cai trị. Hình ảnh đối nhau của “đít vịt” và “đầu rồng” là những hình ảnh rất đắt. Nó không chỉ nêu ra sự xúc phạm lòng tự tôn dân tộc, khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân mà còn khơi dậy tính sĩ diện của đàn ông Việt Nam, vì trong con mắt của nhà nho thì phụ nữ không thể ngang hàng được với nam giới. Khác với hai dạng bất bình đẳng về chủng tộc và giai cấp là các dạng bất bình đẳng chỉ xảy ra trong xã hội, giữa những người xa lạ với nhau, bất bình đẳng giới đã không chỉ xảy ra trong xã hội mà còn xảy ra trong gia đình, giữa những người có quan hệ đặc biệt hoặc ruột thịt với nhau. Các nhà nữ quyền đã cho rằng, bất bình đẳng giới là dạng bất bình đẳng đầu tiên nhưng được phát hiện và đề cập tới muộn nhất trong xã hội loài người. Bất bình đẳng giới là sâu sắc nhất vì nó tồn tại trong cả xã hội và gia đình. Chính tình yêu đã che mờ các dạng bất bình đẳng trong gia đình, nó khiến cho người ta không dễ nhận ra và cũng không dễ giải quyết như các dạng bất bình đẳng khác là dùng đấu tranh vũ trang hoặc hoà đàm. Một người con gái, một người vợ, một người mẹ không thể chống lại cha, chồng, con trai của mình để đòi lại sự công bằng. Tuy nhiên, để tiến tới xã hội phát triển công bằng và văn minh, người ta không thể không giải quyết bất bình đẳng giới. Chỉ có một con đường là nghiên cứu khoa học, bổ sung hoặc thay đổi chính sách của Nhà nước, thay đổi nhận thức và hành vi của con người để tiến tới bình đẳng giới. Mặc dù dùng biện pháp hoà bình nhưng cuộc đấu tránh vì bình đẳng giới cũng đầy chông gai, gian khổ và không thể tiến tới đích hoàn hảo trong một thời gian ngắn. Có nơi, có lúc, các chiến sĩ đấu tranh cho bình đẳng giới đã phải hy sinh cả tính mạng, vì sự thay đổi mối quan hệ giới là thay đổi cả một nếp nghĩ, nếp sống trong môi trường của văn hoá phụ quyền, làm bớt đi quyền lực của nhiều cá nhân gia trưởng.
  • 22. 4.2.2. Các hệ tư tưởng lớn của loài người đều nảy sinh trong xã hội phụ quyền khi mà sự phân biệt giới ngày càng sâu sắc và hoàn hảo. Có thể nêu một số tư tưởng quen thuộc có đề cập đến giới trong thế giới hiện nay: - Hệ tư tưởng Thiên chúa giáo. - Hệ tư tưởng Hồi giáo. - Hệ tư tưởng Nho giáo. - Hệ tư tưởng Phật giáo. Trong các hệ tư tưởng trên thì Nho giáo không có kinh kệ, tầng lớp sư sãi hoặc giám mục để làm cầu nối giữa Đức Phật tổ hoặc Chúa Trời với con người. Việc thờ cúng tổ tiên theo Nho giáo là những nghi thức biểu lộ lòng biết ơn của con cháu đối với công lao to lớn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Không Tử, người khai sinh ra Nho giáo đã nói rằng: đối với quỷ thần thì ông “Kính nhi viễn chi”, có nghĩa là khi không nhìn rõ quỷ thần ở đâu, có hay không, thì ông không tin nhưng cũng không dám mạo phạm. Nhưng quan hệ cha con, vợ chồng, anh em là cái hiện hữu hằng ngày thì không thể không tôn trọng, tuân thủ các nguyên tắc chuẩn mực. Nho giáo là một hệ tư tưởng lớn của xã hội nhằm xây dựng xã hội thành một khuôn mẫu, trong đó đạo đức của con người được đề cao và được coi là nền tảng của xã hội. Quan điểm bất bình đẳng giới trong Nho giáo, do vậy, là hết sức nặng nề. Thực tế lịch sử đã cho thấy, sự gắn bó giữa hệ tư tưởng phụ quyền với tôn giáo càng làm bền chặt thêm sự thống trị của nam giới đối với phụ nữ trên cả hai phương điện là nhân quyền và thần quyền, muốn thay đổi nó phải có một cuộc cách mạng toàn diện và sâu sắc. II. SỰ HÌNH THÀNH KHOA HỌC NGHIÊN CỨU PHỤ NỮ, GIỚI VÀ XÃ HỘI HỌC 1. Sự hình thành và phát triển của ngành Phụ nữ học (Women Studies) 1.1. Phụ nữ học
  • 23. Chúng ta đều biết, trong xã hội phụ quyền, với vị thế thống trị của nam giới, mọi nghiên cứu đều trực tiếp hoặc gián tiếp hướng về một xã hội của nam giới và thế giới do nam giới thống trị. Người phụ nữ trong những điều kiện này, nếu được nhắc tới cũng chỉ với vai trò của những kẻ phụ thuộc. Đối tượng phụ nữ có thể được phác hoạ với cái đẹp hình thể, họ có thể là những bông hoa, cũng có thể được nhắc nhở với một vai trò lớn trong gia đình, nhưng chưa bao giờ vị thế của họ được công nhận như một sự ngang bằng với nam giới. Phụ nữ học ra đời, dù muốn hay không cũng tồn tại như một khoa học thực thụ. Nó được khơi nguồn không phải từ nội hàm khoa học mà từ chính thực tiễn phong trào phụ nữ quốc tế. Chính phong trào phụ nữ đã không chỉ tạo nguồn cảm hứng cho những nghiên cứu về phụ nữ mà còn tích tụ kiến thức và kinh nghiệm, hình thành và phát triển môn Phụ nữ học. Ngược lại, sự phát triển của Phụ nữ học lại định hướng về mục tiêu, lý luận và phương pháp luận, phương pháp hoạt động thực tiễn cho phong trào phụ nữ. Với sự xuất hiện của Phụ nữ học, việc nghiên cứu, xem xét đối tượng phụ nữ với tư cách là một nửa nhân loại đã được đặt ra ở một bước phát triển cơ bản. Phụ nữ học ra đời đã làm đảo lộn nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn, cung cấp một cách nhìn mới về nửa nhân loại luôn được mệnh danh là “phái đẹp” nhưng lại yếu thế, là “hoa”, là “quà tặng vô giá của thượng đế “cho nhân loại nhưng lại bị dập vùi trong áp bức và khổ đau. Với Phụ nữ học, phụ nữ được tiếp cận với tư cách đối tượng của khoa học, đã có cơ sở khoa học và thực tiễn, lý luận và cách mạng để giải phóng mình trên phương diện vị thế, vai trò và các quyền về bình đẳng giới. 1.2. Những điều kiện và tiền đề sự ra đời của Phụ nữ học Cũng như tất cả các ngành khoa học khác, sự xuất hiện của Phụ nữ học cũng gắn liền với nhiều yếu tố nhận thức và thực tiễn. Cụ thể là: * Do nhu cầu của nhận thức - lý luận:
  • 24. Trước khi xuất hiện của Phụ nữ học, nhận thức khoa học của nhân loại về phụ nữ còn nhiều hạn chế. Vấn đề bất bình đẳng giới chưa nhận được sự quan tâm tương xứng của tư duy khoa học, nhất là các khoa học về xã hội và nhân văn. Là một trong ba hình thức bất bình đẳng lớn nhất của xã hội loài người, xuất hiện từ hàng nghìn năm trước, nhưng so với những bất bình đẳng về chủng tộc và giai cấp, thì bất bình đẳng về giới, mặc dù xuất hiện sớm nhất nhưng lại được quan tâm và xử lý muộn nhất. Điều đáng lưu ý là hầu hết các nhà tư tưởng lớn phát hiện ra những bất công về giới lại chính là nam giới. Với những lý do trên, Phụ nữ học ra đời là một nhu cầu khách quan của xã hội nhằm làm thay đổi nhận thức của con người trên vấn đề phụ nữ một cách cơ bản nhất, nói một cách cụ thể, sự thay đổi nói trên cần phải được dựa trên những cơ sở lý luận - khoa học khách quan. Chính điều đó mới là cơ sở vững chắc để xác lập một sự bình đẳng thật sự giữa hai giới nam và nữ. Thêm nữa, chính sự xuất hiện của Phụ nữ học và các khoa học về giới đã góp phần làm phong phú thêm hệ thống những kiến thức khoa học của nhân loại. * Do nhu cầu của phong trào phụ nữ quốc tế. Thực tế cho thấy, phong trào phụ nữ, khi chưa có lý luận khoa học của những nghiên cứu về giới và Phụ nữ học, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực nhưng đều diễn ra một cách tự phát, không có cơ sở lý luận, phương pháp luận và phương pháp hành động nên kết quả còn hạn chế. Điều đó đã làm nảy sinh những nhu cầu mới, khiến một bộ phận những nhà hoạt động trong phong trào phụ nữ quan tâm nhiều hơn tới lý luận và khoa học. Nhu cầu nhận thức lý luận và khoa học, lấy các quy luật khoa học khách quan về bình đẳng giới làm cơ sở cho hoạt động thực tiễn của phong trào phụ nữ chính là cơ sở cho sự phát triển của các khoa học về phụ nữ trong đó có Phụ nữ học XHH giới. Thực tế cho thấy, chính các khoa học này đã tạo ra một hệ thống những kiến thức khoa học cơ bản để định hướng lý
  • 25. luận và là kim chỉ nam cho phong trào phụ nữ quốc tế trong rất nhiều năm qua. Nhờ có sự soi đường của các khoa học về giới và phụ nữ mà phong trào phụ nữ đã hoà nhập với các phong trào khác. Nó được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân loại tiến bộ. Nó vừa hoà nhập được vào sự phát triển tiến bộ của các khoa học xã hội và nhân văn lại vừa giữ được những nét đặc thù, những sắc thái riêng về lý luận và phương pháp luận của mình. Nó vừa diễn ra trong xã hội lại vừa diễn ra trong gia đình. * Do những điều kiện của sự phát triển kinh tế-xã hội: Sự phát triển của ngành Phụ nữ học cũng gắn liền với những điều kiện kinh tế - xã hội của CNTB thế kỷ XVII. Chúng ta đều biết, vào thời điểm này, với nhu cầu về nhân lực lao động to lớn của giai đoạn phát triển tiền tư bản và công nghiệp hoá, các nhà tư bản đã tuyển dụng phụ nữ và trẻ em với tư cách là lực lượng lao động rẻ mạt cho guồng máy của mình. Điều đó trên thực tế cũng có nghĩa là đưa phụ nữ từ gia đình ra xã hội trên quy mô rộng. Lao động nữ được thừa nhận. Phụ nữ có thu nhập độc lập điều kiện sống, học tập thay đổi, trình độ được nâng cao. Chính nhu cầu phát triển của lao động nữ, đưa phụ nữ từ gia đình vào xã hội đã làm thức tỉnh phụ nữ. Việc phụ nữ tham gia vào hệ thống sản xuất xã hội cũng khiến họ ý thức rõ hơn được vị thế, vai trò của mình, và từ đó, trong môi trường xã hội mới mẻ, nhu cầu về bình đẳng giới cũng xuất hiện từ trong chính nhận thức của họ. * Do những điều kiện của sự phát triển văn hoá -xã hội: Sự phát triển văn hoá, xã hội đa dạng đã làm nảy sinh nhiều vấn đề mới có liên quan đến phụ nữ và giới. Những biến đổi trong nhận thức văn hoá, sự khủng hoảng của các mối quan hệ xã hội, sự thay đổi các chuẩn mực và giá trị sống… khiến cho nhiều vấn đề cần được nghiên cứu và phân tích dưới một góc độ khoa học mới. Văn hoá - xã hội phát triển ngày càng đa dạng, phong phú, đặc biệt là văn hoá công nghiệp thay thế cho văn hoá nông nghiệp. Lối sống và nhiều phong tục cũ không phù hợp với xã hội công nghiệp, đặc biệt là những phong tục cấm, cản trở phụ nữ trong sản xuất và
  • 26. sinh hoạt. Điều này đã dẫn đến những nhu cầu phải tiếp cận vấn đề phụ nữ theo một hướng tư duy mới, phù hợp với sự vận động và phát triển của văn hoá. 2. Các mục tiêu của Phụ nữ học Phụ nữ học và các chuyên ngành nghiên cứu về giới ra đời nhằm mục tiêu đáp ứng những vấn đề lý luận và thực tiễn sau đây: 2.1. Nghiên cứu để tìm ra nguồn gốc của những sự bất bình đẳng giữa nam và nữ. Giải thích được một cách khoa học đâu là nguyên nhân của sự bất bình đẳng này. Mặt khác, với một hệ thống những kiến thức về lý luận, phương pháp luận mới, Phụ nữ học có thể phác hoạ được một bức tranh xác thực về thực trạng vấn đề giới trong xã hội và hậu quả của nó. Trên cơ sở những nghiên cứu trên, phong trào phụ nữ có thể đề ra được các giải pháp nhằm hướng tới việc giải quyết những bất bình đẳng về giới trong xã hội từ sự thay đổi luật pháp và nhận thức của xã hội. 2.2. Sự ra đời của môn Phụ nữ học cũng hướng tới mục tiêu phát triển một cơ sở nhận thức mới về vấn đề phụ nữ, xây dựng hệ thống lý luận, phương pháp luận và phương pháp thích hợp cho công tác nghiên cứu về phụ nữ từ quan điểm và góc nhìn của phụ nữ (nhấn mạnh đến vai trò của đội ngũ các nhà khoa học nữ). 2.3. Sự ra đời của Phụ nữ học cũng hướng tới mục tiêu thực tiễn là định hướng về tư duy và lý luận cho các hoạt động của phong trào phụ nữ, hỗ trợ các phương thức hoạt động, xây dựng mô hình, nâng cao năng lực cho cán bộ phụ nữ trong cuộc đấu tranh vì sự bình đẳng; lấp những lỗ hổng kiến thức về người phụ nữ trong các lĩnh vực khác nhau, làm thay đổi nhận thức của cả nam và nữ trên vấn đề phụ nữ trong thực tiễn. 2.4. Phụ nữ học cũng là một vũ khí tư tưởng trong cuộc đấu tranh chống lại những quan điểm bảo thủ, quan điểm nam quyền. Nó cung cấp những kiến thức khoa học và thực tiễn cho cuộc đấu tranh này, vạch ra những nhược điểm, sai lầm về mặt khoa học của những công trình nghiên
  • 27. cứu trước đây vốn chịu ảnh hưởng của chế độ phụ quyền đã hạ thấp năng lực của phụ nữ, ngăn cản họ phát triển tài năng. Những kiến thức khoa học và thực tiễn của Phụ nữ học cũng là nhân tố khách quan để ngăn chặn việc sử dụng một cách cố tình hoặc vô tình các công trình nghiên cứu như là một công cụ để tăng cường áp bức phụ nữ. 2.5. Sự phát triển của những nghiên cứu khoa học dưới góc độ Phụ nữ học và các chuyên ngành về giới không chỉ góp phần làm thay đổi nhận thức của con người trên vấn đề phụ nữ mà còn là cơ sở khoa học để tập hợp, đoàn kết phong trào phụ nữ thành một mặt trận rộng lớn, thống nhất. Chính những kiến thức khoa học có tính thuyết phục, có cơ sở thực tiễn là lời kêu gọi mạnh mẽ, cuốn hút các cuộc đấu tranh nhỏ lẻ, tự phát thành một phong trào rộng lớn, có định hướng chính trị và xã hội rõ ràng. Điều này, đúng như nhận định của nhiều nhà nghiên cứu Phụ nữ học, đã khiến cho ngành này trở thành đôi mắt, con tim, khối óc của chính phong trào phụ nữ, tạo điều kiện để phong trào phụ nữ trở thành một phong trào mang tính toàn cầu. 3. Phạm vi của Phụ nữ học Phạm vi nghiên cứu của Phụ nữ học là khá rộng lớn. Có thể nói, nơi nào có bóng dáng những hoạt động lao động, sinh hoạt của người phụ nữ, nơi ấy đều cần tới sự nghiên cứu của Phụ nữ học. Đối tượng và phạm vi quan tâm của Phụ nữ học cũng rộng lớn như đời sống thực tiễn của người phụ nữ vậy. Tuy nhiên, có thể tổng hợp lại những phạm vi nghiên cứu chủ chốt của Phụ nữ học như sau: 3.1. Nghiên cứu phụ nữ và phong trào phụ nữ ở phạm vi tổng quát, lý thuyết, tức là nghiên cứu những vấn đề phụ nữ ở tầm vĩ mô. Ở đây, nhà nghiên cứu cần phải quan tâm đến những vấn đề chung, có tính lý luận, đưa ra và giải quyết vấn đề bất bình đẳng nam - nữ ở tầm vĩ mô, có liên quan đến những vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế, văn hoá cơ bản của xã hội. 3.2. Nghiên cứu những vấn đề phụ nữ trong các mối quan hệ xã hội, những vấn đề bình đẳng và bất bình đẳng nam - nữ liên quan đến vị thế, vai trò của người phụ nữ trong những lĩnh vực hoạt động cụ thể của họ như trong
  • 28. lao động, sản xuất, học tập, sinh hoạt, trong sáng tạo và cảm thụ văn hoá, trong môi trường gia đình và cộng đồng. 3.3. Nghiên cứu phụ nữ với vai trò độc lập, coi phụ nữ là chủ thể của nghiên cứu. Những vấn đề có liên quan trực tiếp đến phụ nữ như những đặc trưng về thể chất, tâm lý, sinh lý. Điều này xuất phát từ những quan điểm cho rằng, phụ nữ chỉ có thể tự giải phóng cho mình khi hiểu rõ về chính bản thân mình, phát huy được sức mạnh và khắc phục được những hạn chế của chính mình. 3.4. Nghiên cứu phụ nữ theo chiều lịch đại và đương đại, tìm hiểu về lịch sử những hoạt động của phụ nữ và phong trào phụ nữ, đúc rút những kinh nghiệm trong hoạt động và đấu tranh vì sự bình đẳng giữa nam và nữ. Ngay trong quá trình nghiên cứu, hoạt động vì phụ nữ và giới cũng được chia thành hai giai đoạn như thời kỳ đầu được gọi là phụ nữ trong phát triển (Women in Development - WID), thời kỳ sau được gọi là giới và phát triển (Gender and Development - GAD). 3.5. Những nghiên cứu về chính Phụ nữ học, lấy các nghiên cứu về phụ nữ học làm đối tượng nghiên cứu. Ý tưởng này xuất phát từ quan điểm cho rằng, một ngành khoa học chỉ có thể phát triển khi nó ngày càng phải hoàn thiện bản thân mình. Sự hoàn thiện này bao gồm hoàn thiện hệ thống lý luận và phương pháp luận, hoàn thiện hệ thống các khái niệm và phạm trù như là một bộ công cụ tư duy, hoàn thiện các phương pháp nghiên cứu đặc thù. Nói tóm lại, Phụ nữ học phải nghiên cứu chính mình cũng là để phát triển và hoàn thiện chính mình. Trong bối cảnh này, Phụ nữ học cũng nghiên cứu cả những mối quan hệ giữa mình với các khoa học khác, đặc biệt là các khoa học xã hội và nhân văn như XHH, Triết học, Chính trị học, Tâm lý học, Kinh tế học, Luật học, Sử học, Dân tộc học, Nghiên cứu văn hoá, Văn học, Sinh học, Nhân chủng học, Y học, Môi trường học, Thống kê, Phát triển học… Chính sự tham gia của Phụ nữ học vào các hướng tiếp cận chuyên biệt của các khoa học trên không chỉ làm phong phú cho các khoa học đó mà còn bổ sung và
  • 29. làm thay đổi các quan điểm nghiên cứu về phụ nữ và bình đẳng giới của các ngành khoa học này. 4. Từ Phụ nữ học đến nghiên cứu giới (Gender Studies) Sự xuất hiện của những nghiên cứu về giới (Gender Studies) là một bước phát triển tiếp theo mang tính tích cực và sáng tạo của những nghiên cứu về Phụ nữ học. Nếu Phụ nữ học hướng nhiều vào đối tượng phụ nữ, lấy đó làm trung tâm cho mọi nghiên cứu, kêu gọi một sự giải phóng cho phụ nữ mạnh mẽ và triệt để, thì nghiên cứu giới hướng vào việc nghiên cứu cả nam và nữ, hướng nhiều tới sự bình đẳng cho cả nam và nữ. So sánh giữa nghiên cứu về giới với Phụ nữ học, chúng ta có thể thấy như sau: 4.1. Giới đặt vấn đề nghiên cứu mối quan hệ xã hội giữa nam và nữ trong phát triển (Gender and Development - GAD), nghĩa là nghiên cứu phụ nữ trong mối tương quan với nam giới. Cách đặt vấn đề như vậy toàn diện và khoa học hơn cách đặt vấn đề trước đây của Phụ nữ học. Chính nhờ cách đặt vấn đề như vậy mà nghiên cứu giới nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà khoa học trên thế giới, đặc biệt là các nhà khoa học là nam giới. 4.2. Bên cạnh những phương pháp nghiên cứu đặc thù được kế thừa từ nghiên cứu phụ nữ học, nghiên cứu giới cũng phát triển những hướng tiếp cận đặc thù của mình, đặc biệt là một khung lý thuyết cơ bản để quy chiếu những vấn đề thực tiễn. Nghiên cứu giới sử dụng phương pháp liên ngành như Sử học, Tâm lý học, Xã hội học, Kinh tế học, Sinh vật học… Trong đó, phổ biến nhất là Xã hội học và Công tác xã hội. Trên cơ sở những phương pháp tiếp cận liên ngành như trên, nghiên cứu giới đang hướng tới việc hoàn thiện những phương pháp nghiên cứu đặc thù gắn liền với phương pháp nghiên cứu tham dự, phương pháp tiếp cận cá nhân và cộng đồng, xây dựng và hoàn thiện bộ thang đo các chỉ số và chỉ báo về bình đẳng giới. 4.3. Sự hình thành môn Xã hội học giới Xã hội học giới là nơi là nơi tiếp giao giữa nghiên cứu XHH với nghiên cứu giới. Ở một khía cạnh nào đó, nghiên cứu XHH giới có thể được coi là sự
  • 30. cộng sinh giữa việc nghiên cứu giới với sự tiếp cận những tư duy của XHH, hoặc là nghiên cứu XHH trên đối tượng giới. Do vậy, XHH giới vừa mang đầy đủ những đặc trưng cơ bản và sắc thái riêng biệt của một nghiên cứu XHH, vừa mang tính chất đặc thù của những nghiên cứu giới. Điều đó mang đến cho XHH giới không chỉ những nét riêng mà còn cả sức mạnh nghiên cứu của cả hai chuyên ngành này. Nghiên cứu XHH giới đem lại cho nghiên cứu giới đôi chân khoẻ khoắn, luôn bám chắc vào thực liễn của XHH, với những phương pháp nghiên cứu và tiếp cận đặc thù, có khả năng phản ánh chính xác thực tiễn. XHH giới, trong khi đặt vị trí và vai trò của vấn đề giới trong bối cảnh của tổng thể các mối quan hệ xã hội, có thể chỉ ra được những tác nhân và hệ quả của hoạt động xã hội chung tới khía cạnh giới, giúp cho các nghiên cứu về giới có được cái nhìn tổng thể, xây dựng được các giải pháp tạo dựng cơ sở xã hội cho vấn đề bình đẳng giới. Nói cách khác, XHH giới giúp cho những nghiên cứu giới vượt khỏi chính mình để bước vào các quan hệ xã hội phức tạp, đi tìm các giải pháp về bình đẳng giới không chỉ ở phạm vi nội hàm của vấn đề giới mà còn - căn bản hơn - ở chính xã hội. Nghiên cứu giới với cách tiếp cận và phương pháp liên ngành sẽ đưa đến một bức tranh toàn cảnh từ lịch sử đến hiện đại, từ nhiều dân tộc với lối sống đa dạng phong phú, từ tâm, sinh lý của nam và nữ… sẽ là nền tảng, là cơ sở khoa học cho XHH giới. Từ đó, hướng tiếp cận vấn đề bình đẳng giới được đặt ra một cách khoa học, toàn diện và cơ bản hơn. Mối quan hệ tương tác giữa nghiên cứu XHH giới với nghiên cứu giới và nghiên cứu phụ nữ (Phụ nữ học) là mối quan hệ biện chứng, bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Nó phản ánh sự lớn mạnh của những quan điểm bình đẳng giới trong xã hội hiện đại, tạo cơ sở khoa học và thực tiễn cho cuộc đấu tranh của nhân loại cho một xã hội ngày càng văn minh và tiến bộ hơn. BÀI ĐỌC VÀ NGHIÊN CỨU Quan điểm của những người không nghiên cứu XHH giới
  • 31. “Phụ nữ Việt Nam đáng tự hào muôn thuở” Về mặt xã hội, sự bình đẳng giữa nam và nữ ở nước ta, từ xưa tới nay hầu như không có vấn đề. Chỉ có một sự phân công rành rẽ theo truyền thống ngàn đời: chồng trấn phương ngoài, vợ trấn phương trong (nội tướng). Ai có trách nhiệm nấy, có gánh nặng nấy, đều vinh quang như nhau. Đôi lúc san sẻ cho nhau, “tháng năm gánh bán nuôi chồng đi thi” (Ca dao). … Vì tất cả những đức tính cao quý và vị trí, vai trò cao cả của phụ nữ trong gia đình và xã hội, mà ngày hôm nay hơn bao giờ hết, phụ nữ cần nhớ lại, để đáp ứng nhiệm vụ không ai thay thế được, mà gia đình và xã hội mong đợi nơi mình, đó là: Phụ nữ chúng ta đảm đang, trung hậu như Bác Hồ đã long trọng xác nhận. Tuy lúc trước khó khăn, nay đã dễ thở, tinh thần, nội dung, nhiệm vụ như Bác Hồ đã chỉ ra, vẫn không thay đổi và không cần thêm nữa. Phụ nữ là trụ cột giáo dục thường xuyên trong gia đình. Bởi phụ nữ tinh tế, không biểu hiện nào khác lạ nơi chồng con, hoặc trong quan hệ gia đình mà thoát được mắt thấy, tai nghe và óc phân tích của “mấy bà”. Vì vậy, công việc nhắc nhở, uốn nắn, khuyên bảo, từ phủ dụ đến vỗ về, đến chế tài, phụ nữ chúng ta có ưu điểm và lợi thế hơn. “Mưa dầm thấm lâu họ chẳng phải là châm ngôn hằng ngày, chiến lược tấn công đáng sợ của các bà ư? Người xưa có nói: “Con hư tại mẹ” không phải là vô căn cứ, vì ngoài lợi thế là người nữ, người vợ, người mẹ còn có khuynh hường tự nhiên là mẹ dạy, con dễ nghe hơn; vợ “dạy”, chồng dễ “vâng lời” hơn. Giáo dục thường xuyên này cần được tăng cường hơn trong hoàn cảnh hiện nay. Do tiếp xúc nhiều với xã hội hưởng thụ, dễ dãi, thiếu nguyên tắc sống ở bên ngoài, người chồng đôi khi cũng nhiễm, thậm chí mang về nhà “bụi trần” xã hội như: nhậu nhẹt, say xỉn, chơi bời, tham ô, hống hách, manh mún. Để bảo vệ hạnh phúc, thanh danh, tương lai gia đình, con cái mình, phụ nữ chúng ta không thể tránh né nhiệm vụ dẫn đưa chồng con trở về đường ngay, nẻo chính một cách có bản lĩnh và cao kiến như không hiếm gương hiền phụ xưa nay.
  • 32. … Vì vậy phụ nữ phải sáng suốt, đem hết tài trí, đức độ, bản lĩnh, quyết tâm xốc vào cuộc chiến không khoan nhượng đó, mà “phòng ngự xuyên suất, thông minh, trướng kỳ đã là chiến thắng. Hoan hô ngày phụ nữ Việt Nam đáng tự hào muôn thuở! Theo Lâm Võ Hoàng (Báo “Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh ngày 20/10/1999). CÂU HỎI ÔN TẬP 1. Em hiểu thế nào về mối liên hệ giữa bất bình đẳng chủng tộc, giai cấp và giới? 2. Hãy phân tích quan điểm của bài đọc trên. Bài 3. GIỚI TÍNH VÀ GIỚI (SEX AND GENDER) I. GIỚI TÍNH (SEX) 1. Định nghĩa Giới tính là một thuật ngữ khoa học bắt nguồn từ môn Sinh vật học dùng để chỉ sự khác biệt về sinh học giữa nam và nữ. Đó là sự khác biệt phổ thông và không thể thay đổi được (Mọi người đàn ông đều có những đặc điểm chung về giới tính và mọi người phụ nữ đều có đặc điểm chung về giới tính). Ví dụ: Phụ nữ thấy kinh, sinh con và cho con bú, nam giới thì không thể. Nam giới có thể sản xuất tinh trùng cần thiết cho quá trình thụ thai, phụ nữ thì không thể. Con người sinh ra đã có những đặc điểm về giới tính và đặc điểm này tồn tại trong suốt cuộc đời (Tính bất biến). Định nghĩa rút gọn: Giới tính là sự khác biệt sinh học giữa nam và nữ.
  • 33. Mỗi người đều mang một giới tính, nghĩa là khi sinh ra đã mang giới tính là nam hay nữ. Những quy định này dựa trên một số tố chất đặc thù khiến ta có thể phân biệt được giới tính của mỗi giới. 2. Sự khác biệt giới tính Sự khác biệt giới tính thể hiện ở hai điểm: - Sự khác biệt về giới tính được biểu hiện trước hết ở sự cấu tạo của cơ thể và thể chất sinh lý của mỗi người. Nó được cấu tạo ngay từ khi con người còn là bào thai, do di truyền tự nhiên và tồn tại vĩnh viễn trong cuộc đời (trừ những người thay đổi giới tính thông qua phẫu thuật). - Sự khác biệt giới tính cũng được biểu hiện qua chức năng sinh sản của mỗi loại người (Xem định nghĩa). 3. Hình thức và nội dung của sự khác biệt giới tính Chúng ta có thể phân biệt giới tính của nam và nữ về mặt sinh học thông qua một số khác biệt sau đây: - Khác biệt ở bộ phận sinh dục: + Nam có tinh hoàn, tinh trùng. + Nữ có buồng trứng, dạ con. - Hệ thống hoocmôn: + Hình dáng cơ thể khác nhau, giọng nói khác nhau. Ví dụ: Nam thì vạm vỡ, xương to, vai rộng, ngực phẳng có yết hầu, có râu, giọng trầm; nữ thì dáng mềm mại, xương nhỏ, vai hẹp, ngực cao hông rộng, giọng cao. + Có thể nhận biết nam hoặc nữ qua quan sát. - Hệ thống gien: Nữ: XX, Nam: XY. Có thể nhận biết qua kiểm tra y tế. 4. Những trường hợp đặc biệt của giới tính Người lưỡng tính (ái nam, ái nữ): Lưỡng tính là sự kết hợp của 2 giới tính, thực chất là sự biến dạng hoặc bệnh tật ở bộ phận sinh dục. Thuật ngữ
  • 34. “berdache” (người bị biến dạng vai giới) được sử dụng như là một danh từ và không định nghĩa về nữ tính hay nam tính của một người. Điều này được các nhà khoa học nghiên cứu như là một phạm trù riêng biệt. Hoàn toàn không có giới tính thứ ba mặc dù những người này đôi khi bị coi là nằm ngoài cấu trúc nam giới/nữ giới. Một số người bị biến dạng vai giới đã thực hiện hoàn toàn vai trò của giới mới bao gồm cả việc ăn, mặc, nói năng, ứng xử, thậm chí lập gia đình với những người trước đây là đồng giới nay là khác giới với anh ta hoặc cô ta. 4.1. Vấn đề chuyển đổi giới tính Chuyển đổi giới tính là phương pháp khoa học thịnh hành ở những thập kỷ cuối thế kỷ XX để giúp những người có nhu cầu muốn trở thành nam hoặc nữ. Trước khi phẫu thuật để chuyển giới tính, người đàn ông (hoặc đàn bà) đã có nhiều yếu tố của giới tính kia. Ví dụ: Phụ nữ có ria, ngực lép, thích hoạt động như đàn ông, yêu phụ nữ như người tình; đàn ông có thể chất mềm mại, yếu đuối, ưa thích những công việc của phụ nữ như may vá, thêu thùa, ưa phấn son, trang điểm, yêu đàn ông như người tình. Ngày nay, một số nhà khoa học đã chứng minh rằng, mỗi con người đều có hai phần âm và dương trong cơ thể; cả hai đã bổ sung cho nhau. Ví dụ: âm là kiên nhẫn chịu đựng, tỉ mỉ, nhẹ nhàng, cụ thể. Dương là mạnh mẽ, năng động, khái quát, tổng hợp. 4.2. Vấn đề đồng dục cùng giới Hiện tượng đồng tính luyến ái nam (Gay) và đồng tính luyến ái nữ (Lesbian) phát triển cao trong những năm cuối thế kỷ XX đến nay. Nó vừa mang tính sinh học, vừa mang tính xã hội nhưng theo nhiều nhà khoa học thì nó mang tính xã hội nhiều hơn sinh học. Cũng có nhiều nhà khoa học cho rằng, những người đồng dục cùng giới thực chất là những người bị biến dạng vai giới (Berdache). Trong phong trào nữ quyền đã có những người phụ nữ chủ trương đồng tính luyến ái nữ (Lesbian) vì cho rằng đây là một hình thức đấu tranh
  • 35. chống lại sự thống trị tình dục của nam giới. Họ muốn chứng tỏ cho nam giới biết rằng, không cần nam giới phụ nữ cũng có những khoái cảm tình dục và tình cảm yêu đương. Điều này đã khiến cho vấn đề đồng dục cùng giới mang tính xã hội, thậm chí mang màu sắc chính trị. Nền tảng sinh học của giới: Giới tính là nền tảng tự nhiên của quá trình tái sinh ra muôn loài, trong đó có con người và xã hội. Sự tái sinh dựa vào hai cách: Cách thứ nhất: Một số động vật và thực vật sinh sản qua quá trình phân đôi tế bào. Một phần của cơ thể tách ra khỏi tế bào gốc, tạo thành một cá thể mới. Đó là sự tái sinh sản vô tính. Vật chất di truyền của cá thể mới giống y vật chất của sinh vật ban đầu. Cách thứ hai: Loại này xảy ra khi cá thể mới được tạo nên từ vật chất di truyền của hai cá thể đực - cái riêng biệt (hai cặp gen hay gọi là tế bào trứng và tế bào tinh trùng kết hợp với nhau). Theo thuật ngữ sinh học, những cá thể sản xuất tinh trùng được xếp vào loại giống đực, cá thể sản xuất trứng được xếp là giống cái. Đồng thời phải có sự cung cấp dưỡng chất cho cơ thể mới để nó trở thành bào thai. Quá trình này mang tính ưu việt bởi vì nó mang tới sự thay đổi và tiến hoá cho nòi giống. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên của tạo hoá là trong quá trình sinh sản này, những cá thể mới lại mang tinh trùng hoặc mang trứng mà không mang cả hai. Sự chọn lọc đòi hỏi cơ thể mang tinh trùng có thể tự phân biệt với cơ thể mang trứng và cũng có một số trường hợp lưỡng tính. Giống đực và giống cái phải phân biệt với nhau vì mục đích sinh sản nhưng ở con người, không phải tất cả mọi người đều có thể sinh sản. Ngày nay, bên cạnh sự can thiệp của những công nghệ mới như thụ tinh nhân tạo và cấy ghép phôi thai, người ta có thể thay đổi phương pháp sinh sản của con người. Khả năng nhân bản vô tính người vẫn đang được để ngỏ và tạo ra những cuộc tranh luận bất tận về ý nghĩa khoa học cũng như đạo lý của nó.
  • 36. Hiện nay, những nghiên cứu sinh học về giới thường đi trước so với nền tảng xã hội. Ở con người, mã gen cơ bản có trên 23 cặp nhiễm sắc thể. Mỗi tế bào trong cơ thể con người chứa 46 nhiễm sắc thể ngoại trừ những tế bào sinh sản. Cặp nhiễm sắc thể thứ 23 được biết như là một cặp nhiễm sắc thể giới tính vì chúng quy định giới tính của cơ thể. Thông thường, nhiễm sắc thể thứ 23 của tế bào trứng khá lớn và hình dáng giống chữ X, nhiễm sắc thể thứ 23 của tế bào tinh trùng nhỏ hơn và giống hình dạng chữ Y. Khi một tế bào tinh trùng mang nhiễm sắc thể X lọt vào một tế bào trứng sẽ phát triển thành bào thai nữ; tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y lọt vào tế bào trứng sẽ phát triển thành bào thai nam. Hiện nay, không có đủ bằng chứng để cho rằng nhiễm sắc thể giới tính ảnh hưởng đến vai trò giới. Những hành vi khác nhau dựa trên sự phát triển của cơ thể là quy luật tự nhiên chứ không phải thuộc về di truyền. Trong xã hội đương đại, mặc dù khoa học đã có nhiều bước phát triển tiến bộ, nhưng có thể nói còn rất nhiều điều, chúng ta vẫn chưa thể biết hết được xung quanh người phụ nữ hay đàn ông - đối tượng thật gần gũi và cũng thật xa lạ với chúng ta. Có lẽ điều đó cũng là một trong những nguyên nhân đã khiến cho tri thức và khoa học luôn tạo ra những chủ đề hấp dẫn muôn thuở chăng? II. GIỚI (GENDER) 1. Định nghĩa Giới là một thuật ngữ XHH bắt nguồn từ môn Nhân loại học nghiên cứu về vai trò, trách nhiệm và quyền lợi mà xã hội quy định cho nam và nữ, bao gồm việc phân chia lao động, các kiểu phân chia, các nguồn và lợi ích. Giới đề cập đến các quy tắc tiêu chuẩn theo nhóm tập thể chứ không theo thực tế cá nhân. Vai trò giới được xác định theo văn hoá, không theo khía cạnh sinh vật học và có thể thay đổi theo thời gian, theo xã hội và các vùng địa lý khác nhau. Khi mới sinh ra, chúng ta không có sẵn đặc tính giới. Những đặc tính giới mà chúng ta có được là do chúng ta học được từ gia đình, xã hội và nền văn hoá của chúng ta (Tính thay đổi).
  • 37. Có thể định nghĩa ngắn gọn: Giới là quan hệ xã hội giữa nam và nữ và cách thức mối quan hệ đó được xây dựng nên trong xã hội. Giới không ám chỉ khái niệm nam giới hoặc phụ nữ với tư cách cá nhân mà nói tới quan hệ xã hội giữa nam giới và phụ nữ (tính tập thể). Quan hệ này thay đổi theo thời gian, theo hoàn cảnh kinh tế và xã hội. Những yếu tố ảnh hưởng tới sự thay đổi quan hệ giới trong xã hội tuỳ thuộc vào sự vận động và phát triển của chính các quan hệ xã hội. Cụ thể là các quan hệ có liên quan tới vấn đề dân tộc, giai cấp, chính trị, tôn giáo, lịch sử, văn hoá, phong tục, tập quán. 2. Các biểu hiện của giới Giới biểu hiện bởi tính lịch sử và tính xã hội. Vấn đề giới hiện diện một cách khách quan trong xã hội và vận động, biến đổi cùng với sự vận động, biến đổi của lịch sử. Sự hiện diện của giới trong cuộc sống cũng đa dạng và phức tạp như chính sự đa dạng và phức tạp của cuộc sống con người. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận diện được giới ở một số mặt sau: 2.1. Biểu hiện bằng tính cách và phẩm chất Ví dụ: - Nam tính: Gia trưởng, mạnh mẽ, quyết đoán, dũng cảm, nóng nảy. - Nữ tính: dịu dàng, vị tha, nhẫn nại, cần cù, khiêm nhường. Giải thích: Tính cách và phẩm chất của nam và nữ là do xã hội thừa nhận hay cảm nghĩ. Các phẩm chất, tính cách này được hình thành do quá trình giáo dục của gia đình và những tác động khách quan của thực tế xã hội (xã hội hoá Socialization). Ở độ tuổi lên 3, trẻ em đã có thể mô tả chính xác giới tính của chúng. Chúng đã biết mình là con gái hoặc con trai. Chúng học được điều này từ việc nghe người khác gán cho chung và có thể dán nhãn chính xác cho người
  • 38. khác nhưng chúng chưa biết các điều thuộc về giới tính như tính bất biến, mỗi người thuộc một giới tính, chức năng tình dục và chức năng sinh sản của mỗi giới tính… Cùng với sự xác định được giới tính, trẻ em cũng bắt đầu quá trình tiếp nhận các giáo dục về giới từ cha mẹ, gia đình, bạn bè, trường học… Con trai bắt đầu nhận biết mình giống với cha, rằng họ là đàn ông. Tương tự như con gái với mẹ. Quá trình xã hội hoá diễn ra từ từ với các tiến bộ vững chắc, và như vậy đã hình thành tính cách và phẩm chất giới theo khuôn mẫu định sẵn của nền văn hoá. Chúng bắt đầu chọn đồ chơi là súng khi hiểu mình là nam giới và chọn búp bê nếu biết mình là nữ giới. Sự chọn lựa này không chỉ là giới tính mà còn là giới, dưới tác động của môi trường xã hội. 2.2. Biểu hiện bằng tư tưởng Sự phát triển cao hơn trong nhận thức về giới được biểu hiện trên các quan điểm, tư tưởng và trở thành các chuẩn mực và giá trị xã hội: Chẳng hạn như trong xã hội mẫu hệ, do vị trí vai trò khách quan của mình, người phụ nữ được đề cao. Tất nhiên điều này là hoàn toàn theo khía cạnh bản năng. Trong xã hội phụ quyền, tư tưởng thống trị trong xã hội là tư tưởng đề cao nam giới (hệ tư tưởng Nho giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Phật giáo) và đi cùng với nó là những chuẩn mực và giá trị văn hoá nghiêng về lợi ích của người đàn ông. - Thiên chúa giáo: Theo Kinh Thánh, thuỷ tổ của loài người được tạo ra bởi sự tích: Chúa trời tạo ra A đam (nam giới) nhưng sợ ông buồn nên đã rút cái xương sườn của ông để tạo ra bà E va (phụ nữ) để xây dựng cuộc sống dưới mặt đất. Phụ nữ không thể đạt được các chức sắc cao trong nhà thờ như Hồng Y giáo chủ, Giám mục… - Hồi giáo: Kinh Co ran khẳng định địa vị vượt trội của đàn ông và chấp nhận đa thê. Từ bao đời nay, phụ nữ được nuôi dạy để phục tùng người cha, người chồng, thậm chí cả anh, em trai và anh, em rể. Họ phụ thuộc vào nam giới và bị xử theo các luật lệ hà khắc. Phụ nữ phải che mặt và không được
  • 39. tham gia các công việc xã hội, không được tự do yêu đương phải giữ gìn trinh tiết… - Phật giáo ở Nhật Bản: Kinh Phật đầu thế kỷ XX quy định ai muốn tu thành Phật thì trước hết phải trở thành đàn ông. - Phụ nữ Việt Nam: Mặc dù Việt Nam có Phật bà (Quan âm Thị Kính), có sư cụ nữ nhưng phụ nữ không thể có chức sắc cao trong hệ thống Phật giáo như hoà thượng, đại đức… Những phân biệt giới diễn ra trong mọi lĩnh vực của xã hội và trở thành những chuẩn mực và giá trị văn hoá, thâm nhập vào từng mối quan hệ xã hội và phong tục tập quán. Ví dụ: Tại Thế vận hội của những người Hy Lạp cổ đại, phụ nữ không được tham gia vào các nội dung thi đấu. Để tránh điều này, Ban tổ chức yêu cầu tất cả các vận động viên không được mặc quần áo khi thi đấu. Ở Việt Nam, “Ra ngõ gặp gái” là câu nói thông dụng của quan điểm nam quyền đã len lỏi vào cả tập tục xã hội. Nhiều người thích sinh con trai hơn con gái và con trai thường được ưu đãi trong gia đình và xã hội. 2.3. Biểu hiện bằng phân công lao động Mô hình phân công lao động theo truyền thống “Nam ngoại, nữ nội” là nam giới lo việc ngoài xã hội, còn phụ nữ lo việc gia đình. Có hai hình thức phân công lao động: - Phân công lao động về mặt kỹ thuật: Quá trình sản xuất được phân chia thành nhiều nguyên công. Mỗi công đoạn do một hoặc một nhóm người hoặc máy thực hiện. Các công đoạn này phối hợp với nhau để hoàn thiện quá trình sản xuất. - Phân công lao động về mặt xã hội: Đây là lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến giới. Trong xã hội tồn tại hai loại công việc: Công việc đơn giản, nặng nhọc, khó chịu, buồn tẻ, không đòi hỏi trình độ cao, bị khinh miệt, trả công thấp; hoặc công việc nhẹ nhàng, dễ chịu, hấp dẫn, đòi hỏi trình độ cao, được tôn trọng, nhiều quyền lợi, trả công cao.
  • 40. Các công việc được phân công trong xã hội đã dựa trên các yếu tố về chủng tộc, giai cấp… Chủng tộc, giai cấp thống trị thì được nhận việc tết và ngược lại. (Như các ông chủ có điều kiện làm việc tốt và hưởng lương cao hơn công nhân, hay trường hợp công nhân ở các nước nghèo khi xuất khẩu lao động sang các nước giàu để làm những việc mà người sở tại không muốn làm như dọn vệ sinh, bốc vác, giúp việc gia đình…). Đây chính là sự phân công lao động bất bình đẳng tạo ra giai cấp và là nguồn gốc của các cuộc đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội. Chính đấu tranh giai cấp và cách mạng xã hội về bản chất là hướng tới xoá bỏ sự phân công lao động bất bình đẳng này.. Thực tế lịch sử còn cho thấy, trong xã hội còn có sự phân công lao động dựa trên giới lính và giới. Đây cũng là một sự phân công lao động bất bình đẳng nhưng lại ít được chú ý trong lịch sử. Giống như sự phân chia chủng tộc và giai cấp, sự phân biệt giới trong phân công lao động cũng rất phổ biến và hà khắc không kém. Chẳng hạn, nam làm những công việc dễ chịu, hấp dẫn đòi hỏi trình độ cao, nữ ngược lại. Nếu phân chia phân công lao động thành hai loại hình cơ bản: sản xuất và tái sản xuất chúng ta có thể thấy: Lao động sản xuất: Bao gồm những việc làm ra hàng hoá, dịch vụ để trao đổi hoặc tiêu thụ. Cả nam và nữ cùng tham gia song hình thức công việc và tiền công khác nhau. Nam giới do có sức khoẻ, trí tuệ và rảnh rỗi việc nhà hơn phụ nữ nên thường nhận được các công việc tốt hơn. Phụ nữ yếu hơn, phải mang thai, sinh đẻ và chăm sóc con cái, gia đình nên thường phải nhận các công việc nặng nhọc, đơn giản, tiền công thấp. Lao động tái sản xuất: - Tái sản xuất về sinh học: Trong khi nam giới sản xuất tinh trùng cho quá trình thụ thai thì phụ nữ mang thai, sinh con, cho con bú bằng sữa mẹ. Công việc của phụ nữ rất nặng nhọc và nguy hiểm và không được trả công hoặc trả công thấp.
  • 41. - Tái sản xuất ra sức lao động: Là tất cả những công việc hỗ trợ cho người sản xuất cả khi họ đang làm việc và khi không làm việc, tạo điều kiện cho họ nghỉ ngơi, bồi dưỡng để có thể tiếp tục làm việc ngày hôm sau tốt hơn. Những việc này gồm nấu ăn, dọn dẹp, giặt giũ, trông nom nhà cửa, chăm sóc người ốm, người già, trẻ em. (Những nhân công lao động của quá khứ và tương lai). Công việc này do phần lớn phụ nữ đảm trách và không được trả công. Nhiều người đã tưởng lầm đây là công việc của riêng phụ nữ, là “thiên chức” nhưng thực tế đây là một dạng “xã hội chức” mà xã hội phụ quyền đã trao cho phụ nữ. Điều này có thể thay đổi trong một xã hội bình đẳng giới. Chẳng hạn, nam giới có thể cho con bú bằng sữa bình và làm các việc khác. Hiện nay, nhiều nam giới chủ yếu tham gia vào việc xây dựng, sửa chữa, trang trí nhà cửa, những việc mà họ cho là “lớn” nhưng không thường xuyên và tất nhiên có sự tham gia của cả phụ nữ. Nam giới được xác nhận là những người có năng lực trong các công việc nấu bếp và nội trợ. Họ thường là các “vua bếp” trong các khách sạn lớn hoặc là những người thợ thêu tài giỏi. Dịch vụ gia đình đang trở thành nghề kiếm sống quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Chúng ta phải trả tiền cho người giúp việc gia đình hoặc trả tiền công cao về nấu nướng tại các tiệm ăn. Tuy nhiên, nhiều người đàn ông đã suốt đời ăn cơm vợ nấu, hưởng thụ các dịch vụ vợ làm, nhưng trong đầu vẫn nghĩ rằng vợ là kẻ ăn bám khi cô ta không được ai trả công, tình trạng bất công này kéo dài hàng thế kỷ và đang cần sự thay đổi cách nhìn của cả xã hội. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ người nội trợ là cần thiết, bởi lẽ, đây không chỉ là công việc gia đình mà còn là công việc xã hội. Lao động sản xuất và tái sản xuất đã kết hợp chặt chẽ với nhau. Cả nam và nữ đều tham gia xen kẽ trong thời gian một ngày nhưng thời gian lao động của phụ nữ thường kéo dài hơn nam giới và vất vả cũng lớn hơn. Tái sản xuất cơ cấu hoặc vai trò chính trị trong cộng đồng: Liên quan đến việc truyền bá và duy trì tư tưởng chuẩn mực, cơ chế đảm bảo cho bất kỳ một xã hội nào cũng luôn luôn tồn tại và phát triển. Công việc này chủ yếu là