SlideShare a Scribd company logo
1 of 84
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG
KHOA KINH TẾ VÀ KINH DOANH QUỐC TẾ
----------***---------
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP
Chuyên ngành: Kinh tế đối ngoại
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA
MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP
VƯỢT QUA
Họ và tên sinh viên : Trần Thị Minh Trang
Mã sinh viên :1111110595
Lớp : Anh 17 - Khối 5 KT
Khóa : 50
Người hướng dẫn khoa học : ThS. Đinh Khương Duy
2
Hà Nội, tháng 5 năm 2015
MỤC LỤC
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
DANH MỤC BẢNG, BIỂU ĐỒ
MỤC LỤC................................................................................................................1
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT...............................................................................5
DANH MỤC BẢNG, BIỂU ĐỒ..............................................................................7
LỜI MỞ ĐẦU..........................................................................................................1
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN VỀ HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI............6
1.1Khái quát về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Technical Barriers To Trade –
TBT)..........................................................................................................................6
1.1.1 Khái niệm và đặc điểm.....................................................................................6
1.1.1.1 Khái niệm.......................................................................................................6
1.1.1.2 Đặc điểm của hàng rào kỹ thuật...................................................................10
1.1.2 Quy định quốc tế về hàng rào kỹ thuật trong thương mại...............................11
1.1.2.1 Hiệp định TBT..............................................................................................11
1.1.2.2 Hiệp định SPS..............................................................................................17
1.1.2.3 Hệ thống quản lý chung trên thế giới...........................................................18
1.1.3 Các hình thức của hàng rào kỹ thuật...............................................................21
1.1.3.1 Quy định về tiêu chuẩn chất lượng...............................................................21
1.1.3.2 Vệ sinh an toàn thực phẩm...........................................................................21
1.1.3.3 Nhãn mác, bao bì đóng gói...........................................................................21
1.1.3.4 Tiêu chuẩn về môi trường............................................................................22
1.1.4 Mục đích áp dụng...........................................................................................23
1.2 Tác động của hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế................................23
1.2.1 Đối với nước xuất khẩu.................................................................................23
1.2.1.1 Tích cực........................................................................................................23
Đối với doanh nghiệp: Các doanh nghiệp trong nước hiểu hơn sự cạnh tranh khốc
liệt trên thị trường, từ đó sẽ có những biện pháp nhằm cải thiện chất lượng sản
phẩm, dịch vụ, nâng cao hơn năng lực cạnh tranh của mình. Các doanh nghiệp sẽ
học được cách thích ứng với những biến đổi của thị trường, nếu thực sự tìm ra
hướng đi đúng đắn để không chỉ vượt qua rào cản kỹ thuật mà còn tự tìm được vị
trí chắc chắn cho mình trên thị trường.....................................................................23
Đối với hàng hóa của doanh nghiệp: hàng hóa sau khi đã đáp ứng được các tiêu
chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khắt khe sẽ tự tạo được chỗ đứng riêng trên thị trường
nói chung và dễ dàng thâm nhập vào các thị trường tương tự khác nói riêng. .......24
1.2.1.2 Hạn chế.........................................................................................................24
1.2.2 Đối với nước nhập khẩu................................................................................24
1.2.2.1 Tích cực........................................................................................................24
1.2.2.2 Hạn chế.........................................................................................................24
CHƯƠNG 2............................................................................................................26
THỰC TRẠNG VÀ TÁC ĐỘNG HÀNG RÀO KỸ THUẬT CỦA MỸ ĐỐI
VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM..............................................................................26
2.1 Thị trường Mỹ và cơ hội xuất khẩu nông sản của Việt Nam.............................26
2.1.1 Quan hệ thương mại Việt Nam – Mỹ.............................................................26
2.1.2 Đặc điểm của thị trường Mỹ..........................................................................30
2.1.3 Khả năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam.................................................32
2.2 Hàng rào kỹ thuật của Mỹ đối với mặt hàng nông sản......................................33
2.2.1 Các quy định về hàng rào kỹ thuật của Mỹ đối với nông sản .......................34
2.2.1.1 Các cơ quan quản lý nhập khẩu nông sản ở Mỹ..........................................34
2.2.2 Hình thức của hàng rào kỹ thuật Mỹ đối với nông sản .................................37
2.3 Thực trạng sử dụng hàng rào kỹ thuật của Mỹ đối với nông sản Việt Nam ......38
2.3.1 Một số hình thức áp dụng phổ biến ................................................................38
2.3.1.1 Tiêu chuẩn sản phẩm....................................................................................38
2.3.1.2 Các phương pháp vệ sinh, an toàn thực phẩm..............................................39
2.3.1.3 Quy định về nhãn mác hàng hóa..................................................................39
2.3.1.4 Quy định về gia hạn đăng ký........................................................................40
2.3.1.5 Các quy định khác........................................................................................40
2.3.2 Một số trường hợp điển hình..........................................................................41
2.3.3 Các biện pháp Việt Nam đã áp dụng để vượt qua hàng rào kỹ thuật của Mỹ. 45
2.3.3.1 Từ phía Chính phủ......................................................................................45
2.3.3.2 Từ phía doanh nghiệp.................................................................................46
2.4 Đánh giá về hàng rào kỹ thuật đối với nông sản Việt Nam của Mỹ và các biện
pháp vượt qua của Việt Nam...................................................................................47
2.4.1 Đối với việc Mỹ áp dụng hàng rào kỹ thuật với nông sản Việt Nam.............47
2.4.2 Đối với các biện pháp Việt Nam đã áp dụng để vượt qua hàng rào kỹ thuật. 48
GIẢI PHÁP VƯỢT QUA HÀNG RÀO KỸ THUẬT ĐỐI VỚI NÔNG SẢN
XUẤT KHẨU TẠI THỊ TRƯỜNG MỸ..............................................................51
3.1 Xu hướng nhập khẩu nông sản và sử dụng hàng rào kỹ thuật của Mỹ...............51
3.1.1 Dự báo nhu cầu nhập khẩu nông sản của Mỹ................................................51
3.1.2 Xu hướng sử dụng hàng rào kỹ thuật trên thế giới.........................................52
3.1.3 Xu hướng sử dụng hàng rào kỹ thuật của Mỹ................................................54
3.2 Nhân tố ảnh hưởng đến khả năng vượt qua hàng rào kỹ thuật Mỹ áp dụng đối
với nông sản Việt Nam............................................................................................55
3.3 Giải pháp giúp Việt Nam vượt qua hàng rào kỹ thuật đối với nông sản tại thị
trường Mỹ................................................................................................................56
3.3.1 Nhóm giải pháp vĩ mô...................................................................................56
3.3.1.1 Hoàn thiện các quy định pháp luật, tạo môi trường pháp lý minh bạch.......56
3.3.1.2 Hài hòa, đồng bộ hóa tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế...............58
3.3.1.3 Nâng cao vai trò của văn phòng TBT Việt Nam..........................................59
3.3.1.4 Hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tranh chấp liên quan đến hàng rào kỹ thuật
..................................................................................................................................61
3.3.2 Nhóm giải pháp vi mô....................................................................................64
3.3.2.1 Giải pháp đối với các hiệp hội ....................................................................64
Hỗ trợ thông tin cho cá nhân, doanh nghiệp............................................................64
Chia sẻ rủi ro khi doanh nghiệp khởi kiện, kháng kiện............................................65
3.3.2.2 Giải pháp đề xuất với các doanh nghiệp......................................................65
Trang bị kiến thức về hệ thống pháp luật thương mại quốc tế, các quy định về hàng
rào kỹ thuật..............................................................................................................65
Tập hợp thông tin về hàng rào kỹ thuật của Mỹ, thiết lập hệ thống tiêu chuẩn ổn
định, uy tín................................................................................................................66
Nghiên cứu kỹ về thị trường.....................................................................................67
Tạo vùng nguyên liệu trong nước, hạn chế việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước
ngoài, chủ động hình thành chuỗi giá trị nông sản...................................................69
Chuẩn bị phương án đối phó cần thiết......................................................................70
KẾT LUẬN............................................................................................................71
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO..............................................................72
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
Chữ viết tắt Tiếng Anh Tiếng Việt
APHIS
Animal and Plant Health
Inspection Services
Cục kiểm định Y tế động thực
vật
BTA
The US – Vietnam Bilateral
Trade Agreement
Hiệp định thương mại Việt Nam
– Mỹ
FAO
Food and Agricuture
Organization
Tổ chức Liên hợp quốc về
lương thực và nông nghiệp
FDCA
Federal Food, Drug and Cosmetic
Art
Luật liên bang về thực phẩm,
dược phẩm và mỹ phẩm
FDA Food and Drug Administration
Cục quản lý thực phẩm và dược
phẩm (Mỹ)
FSMA Food Safety Modernization Act
Luật hiện đại hóa an toàn thực
phẩm
HACCP
Hazard Analysis and Critical
Control Point
Hệ thống phân tích mối nguy và
xác định điểm kiểm soát tới hạn
ISO
International Standard
Organization
Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế
OECD
Organization for Economic Co-
operation and Development
Tổ chức hợp tác và phát triển
kinh tế
TBT Technical Barriers to Trade Hàng rào kỹ thuật
USDA
United States Department of
Agricuture
Bộ Nông nghiệp Mỹ
WTO World Trade Organization Tổ chức Thương mại thế giới
TCVN Tiêu chuẩn Việt Nam
NN&PTNN
Nông nghiệp và phát triển nông
thôn
DANH MỤC BẢNG, BIỂU ĐỒ
Bảng, biểu
đồ
Nội dung bảng, biểu đồ Trang
Sơ đồ 1.1 Quy chuẩn kỹ thuật 7
Bảng 1.1 Nội dung trong các tiêu chuẩn – quy chuẩn kỹ thuật 9
Sơ đồ 1.2 Các mục tiêu hợp pháp 13
Sơ đồ 1.3 Quy trình triển khai ISO 9001:2008 19
Sơ đồ 1.4 Quy trình cấp nhãn sinh thái 22
Biểu đồ 2.1
Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Mỹ giai đoạn 2007 –
2014
27
Biểu đồ 2.2
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ở một số thị trường
quý I/2015
28
Bảng 2.1
Danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường
Mỹ của Việt Nam năm 2014
29
Bảng 2.2
Khả năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam trên thị trường
giai đoạn 2006 – 2012
33
Bảng 3.1 Xu hướng nhập khẩu nông sản 52
Bảng 3.2 Số lượng TCVN và tiêu chuẩn về nông sản 58
1
LỜI MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất cơ bản có vai trò to lớn đối với việc
phát triển kinh tế ở hầu hết các nước, đặc biệt là với các nước đang phát triển,
những nước nghèo mà phần đông dân số sống nhờ nghề nông. Xã hội ngày càng
phát triển, cùng với đó, nhu cầu về lương thực của con người cũng tăng cao, không
chỉ về mặt số lượng mà còn về chất lượng, chủng loại.
Về mặt hàng nông sản, đây là hàng hóa thiết yếu với đời sống và sản xuất,
cũng là một trong những mặt hàng chiến lược, mang tính dài hạn. Chính phủ các
nước đều trực tiếp hoạch định chính sách nhằm can thiệp vào sản xuất, xuất khẩu
nông sản. Đây là mặt hàng có tính nhạy cảm cao, chịu tác động và ảnh hưởng lớn từ
các điều kiện tự nhiên về đất đai, khí hậu, thời tiết,…. Chất lượng nông sản là yếu tố
đầu tiên được người tiêu dùng quan tâm, các quốc gia trước khi nhập khẩu đều phải
có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm
dịch, xuất xứ. Bên cạnh đó, việc vận chuyển và bảo quản mặt hàng này cũng có
những đòi hỏi, yêu cầu khắt khe. Đó là một khâu quyết định đến chất lượng hàng
nông sản xuất khẩu. Hàng nông sản dễ bị hư hỏng, ẩm mốc, biến chất.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nhóm các mặt hàng xuất
khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2014, đóng góp vào 150,19 tỉ USD tổng kim ngạch
xuất khẩu, tăng 13,7% so với năm 2013 phải kể đến nhiều mặt hàng như hàng thủy
sản, rau quả, gạo, cà phê, cao su, than đá, hàng dệt may… Trong đó, các sản phẩm
nông nghiệp chiếm một tỷ trọng cao. Cà phê đạt 3,6 tỷ USD (tăng 32,6%), rau quả
đạt 1,47 tỷ USD (tăng 34,9%), hạt tiêu 1,2 tỷ USD (tăng 34,1%). Gạo vẫn là mặt
hàng xuất khẩu chủ lực, đạt 3 tỷ USD, dù giảm 1,9% so với năm 2013, Việt Nam tụt
xuống vị trí thứ ba (sau Thái Lan và Ấn Độ) về xuất khẩu gạo.
Về thị trường Mỹ, đây được xem là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng
Việt Nam nói chung, hàng nông sản nói riêng. Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối
với Việt Nam năm 1994. Sau hơn 20 năm, quan hệ thương mại giữa hai nước đã có
nhiều bước tiến quan trọng, Việt Nam trở thành đối tác xuất khẩu nông sản số 1
trong khối ASEAN vào thị trường Mỹ. Tính riêng 3 tháng đầu năm 2015, theo số
liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, xuất khẩu cà phê vào Mỹ đạt
2
350.000 tấn với giá trị 734 triệu USD, chiếm 17,95% thị phần. Trong tháng 4/2015,
Việt Nam xuất khẩu 112 nghìn tấn cà phê với giá trị 229 triệu USD, trong đó riêng
sang thị trường Mỹ chiếm tới 12,54%.
Ngày 13/11/2010, Việt Nam chính thức tham gia đàm phán hiệp định TPP –
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Mỹ là nước lớn nhất, là nền kinh tế có
ảnh hưởng nhiều nhất tới tiến trình, phạm vi và kết quả của vòng đàm phán. Việc
tham gia vào TPP sẽ giúp cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận với thị trường các nước
đối tác thuận lợi và bình đẳng hơn, hưởng mức thuế suất thấp hơn và tự do cạnh
tranh với hàng hóa của các quốc gia khác. Tuy nhiên, khó khăn thực sự đối với hàng
hóa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ không nằm ở hàng rào thuế quan mà ở các hàng
rào phi thuế quan (NTB – Non Tarriff Barrier), đặc biệt là ở hàng rào kỹ thuật (TBT
– Technical Barriers to Trade). Mỹ luôn áp dụng các biện pháp hàng rào kỹ thuật
chặt chẽ, thỉnh thoảng có thêm quy định mới khiến cho việc nhập khẩu hàng hóa
vào thị trường này luôn khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, các lợi ích từ
TPP cũng vì thế mà khó được sử dụng hiệu quả. Khó khăn đó lại không ngừng tăng
cao khi các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trở nên khắt khe hơn không chỉtrở thành
một rào cản thương mại mà còn nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của người tiêu
dùng.
Xu hướng toàn cầu hóa trở thành động lực thúc đẩy các quốc gia, trong đó có
Việt Nam không ngừng mở rộng thị trường. Tận dụng lợi thế là nước phát triển
nông nghiệp, có nền văn minh lúa nước lâu đời, Việt Nam tiếp tục vươn lên trở
thành quốc gia với những thành tích xuất khẩu nông sản đáng nể. Tuy nhiên, trong
thực tế, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực trong chính sách khuyến khích
phát triển nông nghiệp của Nhà nước, có sự cải tiến khoa học, công nghệ, tiến bộ
khoa học kỹ thuật, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do cấp phải những
trở ngại từ hàng rào kỹ thuật. Dự kiến tới năm 2018, hầu hết các nước sẽ áp mức
thuế 0% đối với mặt hàng nông sản sau khi các hiệp định ký kết song phương, đa
phương bắt đầu có hiệu lực. Tới thời điểm đó, hàng rào phi thuế quan trong đó tiêu
biểu nhất là hàng rào kỹ thuật sẽ trở thành công cụ hữu hiệu để các quốc gia khác
bảo vệ nền sản xuất trong nước.
3
Với mong muốn phần nào hiểu hơn về thực tế xuất khẩu của Việt Nam sang
thị trường Mỹ, đồng thời muốn tìm hiểu về hàng rào kỹ thuật cũng như những khó
khăn mà doanh nghiệp gặp phải, trong khóa luận tốt nghiệp, em lựa chọn đề tài
“Hàng rào kỹ thuật trong thương mại của Mỹ đối với nông sản Việt Nam và giải
pháp vượt qua”.
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu
Về các hàng rào phi thuế quan nói chung và hàng rào kỹ thuật nói riêng, trước
nay đã có nhiều nghiên cứu khoa học.
Tổ chức thương mại thế giới WTO có Hiệp định về rào cản kỹ thuật trong
thương mại (Agreement on Technical Barriers to Trade) nhằm đảm bảo các kết quả
đàm phán, tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như các quy trình kiểm tra sự phù hợp, cấp giấy
phép không tạo nên những rào cản không cần thiết trong thương mại.
Ở Mỹ, hàng năm, Quốc hội yêu cầu văn phòng đại diện thương mại Mỹ
(USTR) và Uỷ ban thương mại quốc tế (ITC) gửi báo cáo thường niên để nắm bắt
tình hình thực thi luật và các chính sách thương mại, trong đó USTR đưa ra báo cáo
đánh giá thương mại quốc tế về các rào cản kỹ thuật.
Tại Việt Nam, các nhà nghiên cứu cũng có nhiều công trình khoa học nghiên
cứu về hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Nguyễn Hữu Khải với cuốn Hàng rào
phi thuế quan trong thương mại quốc tế, Đinh Văn Thành với cuốn Nghiên cứu rào
cản trong thương mại quốc tế và đề xuất giải pháp đối với Việt Nam(2005, NXB
Lao động xã hội), nhóm tác giả Nguyễn Hữu Khải, Đào Ngọc Tiến, Đỗ Ngọc Kiên
với Rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế: Lý thuyết và thực tiễn (NXB Bách
khoa Hà Nội),…
Có thể thấy, các nghiên cứu kể trên đã nêu lên một cách có hệ thống, chi tiết
về hàng rào phi thuế quan song chưa đi sâu cụ thể vào hàng rào kỹ thuật; hoặc nếu
có khung lý thuyết về hàng rào kỹ thuật nhưng lại chưa tập trung vào mặt hàng
nông sản xuất khẩu của Việt Nam nói chung và đối với thị trường Mỹ nói riêng.
Thực tế hiện nay, nhiều lô hàng của Việt Nam sang Mỹ bị trả lại do không đáp
ứng được những quy chuẩn kỹ thuật: lô hàng rau quả bị dính sâu đục quả, hồ tiêu
đối mặt với những quy định khắt khe về chỉ số an toàn, vệ sinh thực phẩm, đòi hỏi
sản phẩm phải có thương hiệu, chỉ dẫn xuất xứ, sản xuất thương mại bền vững cho
4
môi trường và xã hội,… Điều này không chỉ khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu thiệt
hại về vật chất mà còn khó khăn trong những lần xuất khẩu tiếp theo vào thị trường
Mỹ, dẫn tới việc hàng năm, phía Mỹ còn có lịch kiểm tra định kỳ trực tiếp đối với
hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, trong khóa luận của mình, người viết sẽ
đi sâu vào việc nghiên cứu cụ thể ảnh hưởng của hàng rào kỹ thuật Mỹ áp dụng đối
với nông sản xuất khẩu Việt Nam.
3. Mục đích nghiên cứu
Trên cơ sở dựa trên hệ thống lý thuyết và thực tế áp dụng hàng rào kỹ thuật
của Mỹ đối với nông sản Việt Nam, khóa luận nhằm đề xuất các giải pháp nhằm
nâng cao khả năng vượt qua hàng rào kỹ thuật, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang
thị trường Mỹ.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1 Đối tượng nghiên cứu
Đề tài sẽ đi sâu nghiên cứu cụ thể hàng rào kỹ thuật trong thương mại được
Mỹ áp dụng đối với mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.
4.2 Phạm vi nghiên cứu
Nông sản có chủng loại phong phú, được sản xuất từ các địa phương khác
nhau, khái niệm về nông sản của WTO, Mỹ, Việt Nam cũng không đồng nhất thêm
vào đó, hệ thống hàng rào kỹ thuật trong thương mại cũng hết sức đa dạng nên
trong phạm vi nghiên cứu của mình, người viết sẽ dựa trên khái niệm nông sản của
WTO, coi nông sản bao gồm các sản phẩm của nông nghiệp (mà không bao gồm cá
và các sản phẩm từ cá, không bao gồm thủy sản).
Về mặt thời gian, khóa luận sẽ sử dụng các số liệu tổng hợp giai đoạn 2007-
2014, có cập nhật tình hình cụ thể 4 tháng đầu năm 2015.
Về mặt không gian, khóa luận nghiên cứu hàng rào kỹ thuật áp dụng với nông
sản Việt Nam trên thị trường Mỹ.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài khóa luận của mình, người viết có sử dụng các phương
pháp tổng hợp, phân tích, thống kê, so sánh:
Phương pháp tổng hợp lý thuyết: Sau khi nghiên cứu các tài liệu, lý luận khác
nhau, rút ra những quan điểm đúng đắn, toàn diện, người viết sẽ liên kết lại nhằm
5
tạo ra một khung lý thuyết toàn diện, khái quát về hệ thống hàng rào kỹ thuật trong
thương mại của Mỹ.
Phương pháp phân tích: Dựa trên hệ thống các số liệu thống kê của cả Việt
Nam và Mỹ, các nguồn thông tin từ các bộ, ban ngành liên quan, khóa luận sẽ kết
hợp với thực tế áp dụng hàng rào kỹ thuật của Mỹ với nông sản Việt Nam để bước
đầu đánh giá những ảnh hưởng đối với tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản, chất
lượng nông sản và uy tín của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường Mỹ.
Phương pháp so sánh, đối chiếu: trong khóa luận, người viết thực hiện việc so
sánh đối chiếu thành tích xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Mỹ giữa các năm
nhằm thấy rõ những nỗ lực không ngừng cải tiến chất lượng cũng như hình ảnh của
doanh nghiệp Việt Nam.
6. Bố cục của khóa luận
Khóa luận gồm có 3 chương:
Chương 1: Tổng quan về hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
Chương 2: Thực trạng và tác động hàng rào kỹ thuật của Mỹ đối với nông sản
Việt Nam.
Chương 3: Giải pháp vượt qua và thúc đẩy phát triển xuất khẩu nông sản Việt
Nam sang thị trường Mỹ.
6
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN VỀ HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI
1.1 Khái quát về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Technical Barriers
To Trade – TBT)
1.1.1 Khái niệm và đặc điểm
1.1.1.1 Khái niệm
Các biện pháp áp dụng trong chính sách thương mại quốc tế hiện nay thường
được chia thành hai loại: rào cản thuế quan (Tariff Barriers – TB) và rào cản phi
thuế quan (Non-tariff barriers – NTB). Do nhiều lý do khác nhau, các quốc gia hiện
nay phải duy trì việc sử dụng các hình thức của rào cản thương mại như một công
cụ hữu hiệu nhằm bảo hộ nền sản xuất nội địa. Bên cạnh biện pháp bảo hộ bằng
thuế quan là các biện pháp phi thuế quan.
Năm 1997, tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD đưa ra khái niệm:
“Hàng rào phi thuế quan là những biện pháp biên giới nằm ngoài phạm vi
thuế quan có thể được các quốc gia sử dụng, thông thường dựa trên cơ sở lựa chọn,
nhằm hạn chế nhập khẩu”.
Một trong các biện pháp quản lý nhập khẩu phi thuế quan là hàng rào kỹ thuật
(Technical Barrier to Trade - TBT). Giáo trình Quan hệ kinh tế quốc tế (2005, NXB
Giáo dục Việt Nam, Hà Nội) có đưa ra định nghĩa:
“Hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế là quy định của nước nhập khẩu
về các yêu cầu, tiêu chuẩn đối với hàng nhập khẩu để được thông quan vào thị
trường nội địa”.
“Hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế là một hình thức bảo hộ mậu
dịch, qua việc nước nhập khẩu đưa ra các yêu cầu về tiêu chuẩn đối với hàng hóa
nhập khẩu hết sức khắt khe: Tiêu chuẩn về quy cách, mẫu mã, về chất lượng, về vệ
sinh, về an toàn, về mức độ gây ô nhiễm môi trường… Nếu hàng hóa không đạt
được một trong những tiêu chuẩn kể trên thì không được nhập khẩu vào lãnh thổ
một nước nào đó”.
Thực tế, hàng rào kỹ thuật có thể được sử dụng nhằm mục đích bảo hộ cho sản
xuất trong nước, gây khó khăn cho việc thâm nhập thị trường của một hoặc nhiều
7
nước, nói cách khác, rào cản kỹ thuật là khó khăn tiềm ẩn đối với thương mại quốc
nói chung và người sản xuất, xuất khẩu nói riêng.
Tuy nhiên, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng vô cùng cần thiết đối với
thương mại khi được sử dụng như một công cụ nhằm bảo vệ môi trường, an ninh
quốc gia, an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần mang đầy đủ thông tin tới cho người
tiêu dùng và đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho họ.
*Định nghĩa của WTO
Theo WTO, hàng rào kỹ thuật trong thương mại bao gồm cái quy chuẩn kỹ
thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp trong đó:
- Quy chuẩn kỹ thuật (Technical Regulations) : Là văn bản đưa ra các đặc tính
của sản phẩm hoặc các quá trình có liên quan đến sản phẩm và phương pháp sản
xuất, bao gồm cả các điều khoản hành chính thích hợp, mà việc tuân thủ chúng là
bắt buộc. Văn bản này cũng có thể bao gồm hoặc gắn liền với thuật ngữ, biểu tượng,
cách thức bao gói, dán nhãn hoặc ghi nhãn áp dụng cho một sản phẩm, quy trình
hoặc phương pháp sản xuất nhất định.
Sơ đồ 1.1: Quy chuẩn kỹ thuật
(Nguồn: Tác giả tự tổng hợp từ hiệp định TBT)
- Tiêu chuẩn kỹ thuật (Technical Standards) : là văn bản do một cơ quan được
thừa nhận ban hành để sử dụng rộng rãi và lâu dài, trong đó quy định các quy tắc,
hướng dẫn hoặc các đặc tính đối với sản phẩm hoặc các quy trình và phương pháp
sản xuất có liên quan, mà việc tuân thủ chúng là không bắt buộc. Văn bản này cũng
có thể bao gồm hoặc gắn liền với thuật ngữ, biểu tượng, cách thức bao gói, dán
nhãn hoặc ghi nhãn áp dụng cho một sản phẩm, quy trình hoặc phương pháp sản
xuất nhất định. Hiện nay, các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế thông dụng thường do các
tổ chức sau ban hành: Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa (ISO), ủy ban kỹ thuật
Quy chuẩn kỹ
thuật
Đưa ra các đặc tính về sản phẩm
Các quá trình liên quan và phương phápsản xuất
Việc tuân thủ là bắt buộc
8
điện tử quốc tế (IEC), liên đoàn viễn thông quốc tế (ITU), ủy ban dinh dưỡng
(CODEX),…
- Quy trình đánh giá sự phù hợp (Conformity Assessment Procedure): quy
trình thẩm định đối với một hàng hóa với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. Theo
Hiệp định TBT, đây là “bất kỳ một thủ tục nào được áp dụng trực tiếp hoặc gián
tiếp để xác định rằng các yêu cầu liên quan trong các tiêu chuẩn hay quy chuẩn kỹ
thuật có được thực hiện hay không”.
Các thủ tục đánh giá tính phù hợp cần được tiến hành và hoàn thành nhanh
chóng và dành ưu đãi cho các sản phẩm có xuất xứ từ lãnh thổ nước thành viên khác
tương tự như ưu đãi dành cho các sản phẩm tương tự được sản xuất trong nước
Cụ thể, quy trình đánh giá sự phù hợp được thực hiện bởi một cơ quan thứ ba
với các công việc sau:
• Kiểm nghiệm sản phẩm
Theo Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa ISO, kiểm nghiệm sản phẩm là “một
thao tác kỹ thuật bao gồm việc xác định một hay nhiều đặc điểm của sản phẩm, một
công đoạn hay dịch vụ nhất định theo một quy trình quy định”.
Mục tiêu của hoạt động này nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm, đánh giá
sản phẩm có đạt được những tiêu chí nhất định không. Cụ thể, các chuyên gia trong
các phòng thí nghiệm hoặc tổ chức chuyên môn sẽ tiến hành kiểm tra nguyên vật
liệu để đánh giá nguyên liệu đó có đạt chất lượng không. Ngoài ra còn tiến hành
kiểm nghiệm thành phẩm và bán thành phẩm để xét mức độ tối ưu của phương pháp
sản xuất cũng như chỉ số an toàn vệ sinh. Bên cạnh đó, việc kiểm nghiệm cũng giúp
các nhà sản xuất chứng minh được đặc điểm khác biệt, vượt trội của sản phẩm so
với các sản phẩm cùng loại hoặc tương tự khác.
• Chứng nhận sau giám định
Cũng theo ISO, đây là “một thủ tục do bên thứ ba đưa ra bằng văn bản nhằm
đảm bảo là một sản phẩm, quá trình hay dịch vụ phù hợp với quy trình quy định”.
Dựa vào một hay nhiều tiêu chuẩn nhất định, các chuyên gia sẽ thực hiện đo
lường, đánh giá sản phẩm. Chứng nhận này có thể giúp cho nhà xuất khẩu gia tăng
mức độ tin cậy của sản phẩm, tăng mức độ tiêu thụ hơn trên thị trường. Chứng nhận
có thể được sử dụng trên bao bì, sản phẩm.
9
• Đánh giá hệ thống quản lý chất lượng
Các chuyên gia sẽ đánh giá hệ thống quản lý chất lượng của nhà sản xuất
nhằm đảm bảo với người tiêu dùng ở thị trường nhập khẩu: nhà sản xuất có sử dụng
hệ thống quản lý chất lượng hiệu quả, ổn định.
• Thủ tục công nhận
Các quy trình nêu trên được thực hiện bởi các phòng thí nghiệm, cơ quan
chứng nhận, cơ quan đăng ký đảm bảo chất lượng độc lập. Do đó, sẽ có thủ tục
công nhận nhằm đánh giá và thừa nhận năng lực, kết quả của các cơ quan đánh giá
sự phù hợp nêu trên.
Bảng 1.1: Nội dung trong các quy chuẩn – tiêu chuẩn kỹ thuật
 - Các đặc tính sản phẩm, bao gồm cả các đặc tính về chất lượng;
 - Các quy trình và phương pháp sản xuất (PPMs) có ảnh hưởng đến đặc tính của
sản phẩm;
 - Các thuật ngữ, ký hiệu;
 - Các yêu cầu về đóng gói, ghi nhãn mác áp dụng cho sản phẩm.
(Nguồn: VCCI, Rào cản kỹ thuật đối với thương mại - TBT)
* Định nghĩa của OECD
Theo OECD - tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế:
“Rào cản kỹ thuật trong thương mại là những quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn
tối thiểu và hệ thống chứng nhận cho sức khỏe, an toàn và bảo vệ môi trường, tăng
cường sự sẵn có của thông tin về sản phẩm”
Như vậy, theo OECD, rào cản kỹ thuật là những quy định thể hiện bằng các
mục tiêu về sức khỏe, an toàn, chất lượng. Như vậy, quan điểm của OECD là nhấn
mạnh đến mục tiêu vì con người, vì môi trường thay vì chú trọng rào cản kỹ thuật
như một biện pháp nhằm hạn chế thương mại.
* Quan điểm của người viết
Có thể thấy, mỗi quan điểm của mỗi tổ chức về rào cản kỹ thuật nhấn mạnh
đến tầm quan trọng của từng yếu tố nhưng nhìn chung, đều khẳng định các quy
chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật là hai yếu tố nòng cốt để tạo ra hàng rào bảo vệ
quyền lợi của các nhà sản xuất trong nước, sức khỏe của người tiêu dùng cũng như
ngăn chặn nguy cơ gia tăng ô nhiễm môi trường.
10
Tóm lại, hàng rào kỹ thuật là một biện pháp quản lý nhập khẩu phi thuế quan,
một biện pháp mang tính cản trở đối với thương mại mà không dựa trên cơ sở pháp
lý, khoa học hoặc bình đẳng, được hình thành do những khác biệt trong quy định
của các quốc gia về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy trình đánh giá sự
phù hợp.
1.1.1.2 Đặc điểm của hàng rào kỹ thuật
Tiêu chuẩn và quy chuẩn trong hàng rào kỹ thuật mang lại hiệu quả cao hơn
thuế và hạn ngạch. Việc sử dụng thuế hay hạn ngạch là biện pháp nhằm hạn chế số
lượng hàng hóa nhập khẩu vào thị trường một quốc gia qua hình thức cấp giấy phép
hoặc đánh thuế trên mỗi đơn vị hàng hóa, giúp Chính phủ kiểm soát được chặt chẽ
lượng hàng xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, lợi ích thu được từ việc quy định nhưng tiêu
chuẩn và quy chuẩn trong hàng rào kỹ thuật cao hơn. Một mặt đây là công cụ hữu
hiệu nhằm giúp các quốc gia hạn chế được lượng hàng hóa nhập khẩu. Mặt khác,
công cụ này xuất phát từ đòi hỏi thực tế từ đời sống xã hội, nhu cầu ngày càng cao
của người tiêu dùng. Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như quy trình đánh giá sự
phù hợp sẽ quy định chi tiết các yêu cầu của nước nhập khẩu về chất lượng sản
phẩm,vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động,… Như vậy, hàng rào kỹ thuật không chỉ
mang những ý nghĩa kinh tế nhằm bảo hộ thị trường, cản trở một phần lượng hàng
hóa nhập khẩu mà còn có nhiều lợi ích cho người tiêu dùng nước nhập khẩu cũng
như nhà sản xuất.
Hàng rào kỹ thuật là một biện pháp có tính hai mặt. Như đã nêu, hàng rào kỹ
thuật giúp cho các sản phẩm nhập khẩu sẽ có chất lượng tốt hơn, đạt chuẩn các quy
định về mẫu mã, bao bì sản phẩm, các yêu cầu về vệ sinh dịch tễ, ô nhiễm môi
trường. Các doanh nghiệp xuất khẩu muốn hàng hóa được thông quan và chấp nhận
ở một thị trường mới sẽ phải đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, hoàn thiện sản
phẩm. Do đó, hàng rào kỹ thuật là một công cụ nhằm loại bỏ những mặt hàng kém
chất lượng, không đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và vệ sinh thực
phẩm. Tuy nhiên, đây cũng là một hình thức cản trở thương mại. Các nhà xuất khẩu
sẽ gặp khó khăn khi tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù
hợp ở các thị trường trên thế giới khác nhau. Nếu không có khả năng thích ứng và
11
vận động linh hoạt, doanh nghiệp có thể còn phải chịu những thiệt hại kinh tế không
nhỏ.
Tính hai mặt của hàng rào kỹ thuật còn được thể hiện rõ ở hai nhóm nước.
Đối với các nước phát triển, hàng rào kỹ thuật là một công cụ hữu hiệu nhằm phục
vụ chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển, đây được coi là
một thách thức lớn. Hàng hóa không phù hợp với những quy định về hàng rào của
nước nhập khẩu có thể bị trả về, những lô hàng tương tự có cùng nguồn gốc xuất xứ
sẽ gặp thêm khó khăn trong quá trình làm thủ tục hải quan. Nếu muốn hàng hóa
nhập khẩu vào thị trường mới, nhà xuất khẩu phải tìm hiểu rõ các quy chuẩn, tiêu
chuẩn kỹ thuật. Việc tuân thủ những quy định đó sẽ yêu cầu một số vốn đầu tư lớn
cho công nghệ, dây chuyền máy móc hiện đại, ứng dụng khoa học tiên tiến nên sẽ
làm gia tăng chi phí đầu tư, kéo theo việc tăng giá hàng hóa và hệ quả sẽ làm các
doanh nghiệp xuất khẩu mất đi cơ hội kinh doanh, thâm nhập thị trường.
1.1.2 Quy định quốc tế về hàng rào kỹ thuật trong thương mại
1.1.2.1 Hiệp định TBT
GATT 1947 có các điều khoản quy định cụ thể về các quy chuẩn, tiêu chuẩn
kỹ thuật có tính chất quốc tế. GATT thành lập một nhóm nghiên cứu nhằm đo lường
mức độ ảnh hưởng của rào cản phi thuế quan đối với hoạt động thương mại quốc tế.
Kết thúc vòng đám phán Tokyo 1979, 32 nước thành viên đã ký và cho ra đời Hiệp
định đa phương về các rào cản kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT). Hiệp
định TBT là một phần không thể tách rời của hệ thống Hiệp định WTO.
Các quốc gia xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật riêng nhằm bảo vệ
quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng, tiêu thụ
sản phẩm bằng cách trực tiếp quản lý chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, điều này làm
phát sinh ra sự chênh lệch giữa tiêu chuẩn của các quốc gia. Khi một quốc gia muốn
xuất khẩu sản phẩm của nước mình ra nước ngoài, ngoài việc sản phẩm đó đáp ứng
được các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật trong nước còn phải phù hợp với các quy
định và tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Sự sai khác, chênh lệch giữa
quy định của nước nhập khẩu và nước xuất khẩu sẽ tạo ra nhiều khó khăn cho
doanh nghiệp. Để có được sự thống nhất hài hòa giữa tiêu chuẩn các nước đòi hỏi
chi phí rất lớn bao gồm chi phí dịch thuật các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật của
12
nước ngoài; chi phí thuê chuyên gia kỹ thuật để giải thích về các quy định, tiêu
chuẩn kỹ thuật đó; chi phí điều chỉnh sản phẩm trong nước để phù hợp với các quy
định, tiêu chuẩn kỹ thuật nước ngoài... Ngoài ra, nhà sản xuất còn phải chứng minh
được sản phẩm của mình đáp ứng được yêu cầu của các quy định, tiêu chuẩn kỹ
thuật bằng cách gửi mẫu hàng hóa của mình đến các phòng thí nghiệm chuyên môn
hoặc cơ quan có chuyên môn để chứng nhận đạt chuẩn. Tất cả những chi phí, thủ
tục trên khiến nhà sản xuất phải mất nhiều thời gian và bỏ ra nhiều chi phí, có thể
mất cơ hội kinh doanh trên thị trường do sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh
trong nước.
Như vậy, tổ chức thương mại thế giới WTO đưa ra hiệp định về hàng rào kỹ
thuật trong thương mại (hiệp định TBT) với mục tiêu “cố gắng đảm bảo rằng các
tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các quy trình kiểm tra và chứng nhận sản phẩm
không gây những trở ngại không cần thiết đối với thương mại”. (Hiệp định TBT,
1979). Tuy nhiên, hiệp định không quy định một tiêu chuẩn, quy chuẩn chung cho
mọi nền kinh tế, mọi thị trường, hiệp định chỉ ra việc các quốc gia có thể có những
quy định riêng về hàng rào kỹ thuật nếu mang lại hiệu quả chính đáng cho nền kinh
tế và quyền lợi của người tiêu dùng.
6 nguyên tắc cơ bản của hiệp định TBT
 Nguyên tắc 1: Không đưa ra những cản trở không cần thiết đối với thương mại
Theo mục 2.2, điều II, hiệp định TBT quy định “các nước cần đảm bảo rằng
các tiêu chuẩn kỹ thuật không được chuẩn bị, thông qua và áp dụng với mục đích
tạo ra các cản trở không cần thiết đối với thương mại quốc tế. Với mục đích này,
các tiêu chuẩn kỹ thuật không được phép gây hạn chế cho thương mại hơn mức cần
thiết để hoàn thiện mục tiêu hợp pháp, có tính đến các rủi ro có thể nảy sinh từ sự
không hoàn tất”.
Như vậy, trước hết, hiệp định khuyến khích các quốc gia sử dụng tiêu chuẩn
quốc tế để giảm thiểu tối đa sự sai khác, chênh lệch trong quy định, hình thức của
hàng rào kỹ thuật giữa các quốc gia. Tuy nhiên, hiệp định không bắt buộc việc các
nước phải sử dụng tiêu chuẩn quốc tế. Các quốc gia có thể có những bộ tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật riêng nhưng cần lưu ý, những mục tiêu quản lý phải hợp pháp
và cần thiết.
13
Các thành viên phải đảm bảo rằng các văn bản pháp luật quy định về kỹ thuật
được soạn thảo, ban hành và áp dụng mà không hạn chế thương mại quá mức cần
thiết để thực hiện một mục tiêu hợp pháp, có tính đến những rủi ro do việc không
thực hiện chúng có thể gây ra. Ngoài những yếu tố khác, các mục tiêu hợp pháp đó
là: các yêu cầu về an ninh quốc gia; ngăn ngừa hành động gian lận; bảo vệ cuộc
sống hoặc sức khoẻ của con người, động vật hoặc thực vật, bảo vệ môi trường. Để
đánh giá các rủi ro đó, ngoài những yếu tố khác, yếu tố liên quan cần xem xét là:
những thông tin khoa học và kỹ thuật hiện có, công nghệ xử lý có liên quan hoặc
thời hạn sử dụng sản phẩm dự kiến.
Sơ đồ 1.2: Các mục tiêu hợp pháp
(Nguồn: Tác giả tổng hợp từ điều II, hiệp định TBT)
 Nguyên tắc 2: Không phân biệt đối xử
Hai nguyên tắc quan trọng thống nhất trong nhiều hiệp định của WTO chính là
nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) và nguyên tắc Đối xử quốc gia (NT).
Nguyên tắc tối huệ quốc – nước được ưu đãi nhất (Most Favoures Nation –
MFN): Các bên tham gia ký kết cam kết dành cho nhau những thuận lợi và ưu đãi
không kém hơn những thuận lợi và ưu đãi mà một bên đang và sẽ dành cho bất kỳ
một nước thứ ba nào. Những lợi ích, ưu đãi, miễn giảm hoặc đặc quyền mà các
thành viên áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu từ nước khác phải
được áp dụng vô điều kiện và ngay lập tức đối với hàng hóa xuất khẩu sang nước
thành viên và nhập khẩu từ các nước thành viên khác. Như vậy, nếu nước thành
Các mục tiêu
hợp pháp
Trường hợp khác
Duy trì an ninh quốc gia
Đảm bảo chất lượng sản phẩm
Bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người, động thực vật
Bảo vệ môi trường
Ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại
14
viên A cho phép và tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài hoạt động, ví dụ trong
lĩnh vực vận tải và logistics, thì nước A cũng phải cho phép và tạo điều kiện bình
đẳng đối với các công ty vận tải và logistics của các nước thành viên khác.
Nguyên tắc đối xử quốc gia (National Treatment – NT), các bên tham gia
trong cùng một quan hệ kinh tế thương mại cam hết dành cho hàng hóa, công dân
hoặc công ty nước kia những ưu đãi trên thị trường nội địa giống như những ưu đãi
dành cho hàng hóa, công dân và công ty nước mình.
Nếu như MFN xóa bỏ sự phân biệt đối xử trong quan hệ thương mại nói chung
thì NT góp phần tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa, dịch vụ, đầu tư trong
và ngoài nước. Hai nguyên tắc được áp dụng cho cả các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy
trình đánh giá sự phù hợp.
Nguyên tắc này sẽ buộc các quốc gia phải thực hiện không phân biệt đối xử
giữa hàng hóa hoặc doanh nghiệp của các nước khác nhau, giữa các doanh nghiệp
trong nước với nhau và giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước
ngoài. Giả sử Mỹ cùng sản xuất gạo và đồng thời nhập khẩu gạo từ Việt Nam và
Thái Lan. Cả ba nước đều là thành viên của WTO, gạo của ba nước có chất lượng,
hình dáng như nhau (kích thước hạt gạo, màu của vỏ cám, mức độ bạc bụng, chất
lượng cám, nhiệt độ trở hồ, hương vị,…) Theo nguyên tắc này, gạo nhập khẩu từ
Việt Nam và Thái Lan sẽ cùng được áp dụng một mức thuế nhập khẩu cũng như
yêu cầu về đóng gói, nhãn mác, chất lượng như nhau. Đồng thời, Mỹ cũng không
được áp dụng mức thuế ưu đãi hoặc có những biện pháp kỹ thuật ưu đãi hơn đối với
gạo do trong nước sản xuất với gạo từ Việt Nam và Thái Lan.
 Nguyên tắc 3: Hài hòa hóa
Để giảm thiểu tuyệt đối sự chênh lệch giữa các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
giữa các quốc gia, hiệp định TBT khuyến khích các nước thành viên sử dụng các
tiêu chuẩn quốc tế trong xuất khẩu, các tiêu chuẩn quốc gia (toàn bộ hoặc một phần)
trừ khi việc sử dụng đó không phù hợp, làm mất tính hiệu quả trong thực hiện một
mục đích nào đó.
Bên cạnh đó WTO cũng khuyến khích các nước thành viên tham gia vào các
Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế như tổ chức thú y thế giới OIE (World Organisation for
Animal Health), tổ chức lương thực và nông nghiệp FAO (World Food and
15
Agriculture Organization), tổ chức Y tế thế giới WHO (World Health
Organization), công ước quốc tế bảo vệ thực vật IPPC (International Plant
Protection Convention).... - là những tổ chức đã thiết lập những bộ tiêu chuẩn kỹ
thuật trong các lĩnh vực cụ thể.
Trong nguyên tắc hài hòa hóa, hiệp định TBT còn đề cập đến vấn đề đối xử
đặc biệt và khác biệt với các thành viên WTO là các nước đang và chậm phát triển.
Thực tế số các quốc gia thành viên của WTO là nước đang phát triển và đang trong
quá trình chuyển đổi nền kinh tế chiếm tới ¾ số nước thành viên. Do đó, WTO luôn
có các chính sách khuyến khích phát triển và cải cách kinh tế, dành nhiều ưu đãi
hơn cho các nước đang phát triển.
Bên cạnh đó, WTO cho phép có sự linh hoạt trong ban hành và áp dụng các
quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật và các thủ tục đánh giá sự hợp chuẩn. Theo đó, các
nước đang phát triển không bắt buộc phải áp dụng các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật
quốc tế hoặc có thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến nội dung hiệp
định trong một thời gian linh động hơn, dài hơn để thuận lợi trong việc điều chỉnh
chính sách.
 Nguyên tắc 4: Bình đẳng
WTO khuyến khích các nước thành viên hợp tác để công nhận các quy định,
tiêu chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự hợp chuẩn của nhau. Khi các nước công
nhận các biện pháp kỹ thuật của nhau sẽ giúp làm giảm chi phí điều chỉnh các tính
năng của sản phẩm để phù hợp với tiêu chuẩn của các nước khác. Hơn nữa, do
khoảng cách về thời gian giữa thời điểm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế
với thời điểm tiến hành áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế đó vào hoạt động
sản xuất của một quốc gia có thể diễn ra trong một khoảng thời gian khá dài sẽ tạo
điều kiện cho nước áp dụng có cơ hội từ chối không áp dụng các quy định, tiêu
chuẩn kỹ thuật quốc tế. Việc tuân thủ nguyên tắc bình đẳng sẽ góp phần làm cho
các nhà sản xuất phải tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật chặt chẽ hơn.
 Nguyên tắc 5: Công nhận lẫn nhau
Để chứng minh được sản phẩm của mình đáp ứng được các quy định kỹ thuật
của nước nhập khẩu, nhà xuất khẩu sẽ phải tiến hành các thủ tục khác nhau đòi hỏi
16
một chi phí nhất định. Những chi phí này sẽ nhân lên nhiều lần khi nhà xuất khẩu
phải tiến hành các thủ tục này tại các nước nhập khẩu khác nhau.
Tuy nhiên, khi các nước công nhận các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật và thủ
tục đánh giá sự hợp chuẩn của nhau thì nhà xuất khẩu, nhà sản xuất sẽ chỉ phải tiến
hành kiểm tra, chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật ở một nước; kết quả kiểm tra và
chứng nhận tại quốc gia đó sẽ được các nước khác công nhận.
Trong thực tế, các nước thành viên WTO đều công nhận kết quả của thủ tục
đánh giá sự hợp chuẩn của nước khác ngay cả khi thủ tục đánh giá sự hợp chuẩn
của các quốc gia không giống nhau.
Ngoài ra, hiệp định TBT còn quy định khi kết quả của các tổ chức đánh giá sự
hợp chuẩn tương thích với những chỉ dẫn liên quan do các tổ chức tiêu chuẩn hóa
quốc tế ban hành thì kết quả đó được xem là bằng chứng về một trình độ kỹ thuật
hoàn chỉnh.
 Nguyên tắc 6: Minh bạch
Theo nguyên tắc này, các quy định về TBT, các văn bản hiện có liên quan đến
TBT phải được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong
công báo, tạp chí chuyên ngành, trên trang điện tử... Bản thảo các quy định kỹ thuật
của các nước thành viên WTO phải được gửi đến Ban thư ký WTO trước khi gửi
bản chính thức 60 ngày. Thời gian 60 ngày là để WTO xin ý kiến các nước thành
viên WTO khác. Ngay khi hiệp định TBT có hiệu lực, các nước tham gia phải thông
báo cho các nước thành viên khác về các biện pháp thực hiện và quản lý các quy
định, tiêu chuẩn kỹ thuật của nước mình, cũng như các thay đổi sau này của các
biện pháp đó.
Khi các nước thành viên WTO tham gia ký kết các hiệp định song phương và
đa phương với các quốc gia khác có liên quan đến các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật
và thủ tục đánh giá sự hợp chuẩn, nếu các hiệp định này có ảnh hưởng về thương
mại đến các nước thành viên khác thì phải thông qua ban thư ký WTO thông báo về
các sản phẩm thuộc phạm vi điều chỉnh của hiệp định, kèm theo một bản mô tả vắn
tắt hiệp định. Ngoài ra, các nước thành viên WTO còn phải thành lập điểm trả lời
các câu hỏi liên quan đến các quy định, tiêu chuẩn, thủ tục kiểm tra kỹ thuật –
inquiry points.
17
Cuối cùng, để tăng thêm sự đảm bảo tính minh bạch trong thực thi hiệp định
TBT, WTO cũng đã thành lập một cơ quan chuyên trách đó là ủy ban. Ủy ban này
sẽ cung cấp cho các thành viên WTO các thông tin liên quan đến hoạt động của hiệp
định và việc xúc tiến thực hiện các mục đích của hiệp định. Ở mỗi nước lại có văn
phòng TBT – là cơ quan chuyên trách quốc gia, phụ trách các vấn đề liên quan đến
quy định về hàng rào kỹ thuật đối với nước đó.
1.1.2.2 Hiệp định SPS
Hiệp định về biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS – Sanitary and phytosanitary
Agreement) quy định về an toàn thực phẩm, thú y và bảo vệ thực vật. Hiệp định quy
định các quốc gia có quyền đưa ra các biện pháp về vệ sinh, an toàn thực phẩm
nhưng chỉ trong phạm vi cần thiết để bảo vệ cuộc sống của động thực vật và con
người, không phân biệt đối xử giữa các thành viên.
Với mục tiêu hài hoà hoá các biện pháp vệ sinh và an toàn thực phẩm trên diện
rộng, các thành viên được khuyến khích căn cứ các biện pháp của mình trên các tiêu
chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế đã được ban hành. Tuy nhiên, các thành
viên có thể duy trì hoặc đưa ra các biện pháp mà đưa lại kết quả là các tiêu chuẩn
cao hơn nếu có các bằng chứng khoa học dựa trên đánh giá rủi ro thích đáng.
Các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp, dịch vụ đều phải có các tiêu
chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các hệ thống tuân theo nhằm đánh giá sự phù hợp.
Các quy định này đã được quy định cụ thể trong hiệp định TBT, tuy nhiên, đối với
mặt hàng nông sản, khi nhập khẩu, không chỉ phải tuân theo các quy định kỹ thuật
mà còn phải chấp hành các quy định liên quan đến biện pháp kiểm dịch động thực
vật. Các quy định này thuộc phạm vi điều chỉnh của hiệp định SPS.
Về đặc điểm chung, cả hai hiệp định này đều nhằm mục đích ngăn cản những
rào cản thương mại không công bằng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh
nghiệp xuất khẩu cũng như uy tín của quốc gia. Những biện pháp hướng tới mục
tiêu bảo vệ sức khỏe sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của SPS.
Về vấn đề giải quyết đặc trưng của từng hiệp định: TBT thường giải quyết các
vấn đề liên quan đến các thiết bị điện, điện thoại, tàu thuyền, an toàn đồ chơi, các
yêu cầu về đóng gói, chất lượng đối với thực phẩm tươi sống, cách ghi nhãn đối với
hàng hóa độc hại, nguy hiểm. Trong khi đó, hiệp định SPS thường điều chỉnh các
18
vấn đề liên quan đến chất phụ gia trong thực phẩm, dư lượng thuốc thú y, thuốc trừ
sâu, các quy định liên quan đến kiểm dịch động thực vật cũng như cách ghi nhãn
mác liên quan trực tiếp đến an toàn sản phẩm. Nghĩa là, các biện pháp SPS hướng
tới mục tiêu cụ thể là bảo vệ sức khỏe con người, vật nuôi, động thực vật thông qua
việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các biện pháp TBT lại hướng tới những
mục tiêu khác như an ninh quốc gia, bảo vệ môi trường,…
1.1.2.3 Hệ thống quản lý chung trên thế giới
* Hệ thống phân tích mối nguy và xác định điểm kiểm soát tới hạn HACCP –
Hazard Analysis and Critical Control Point)
Năm 1973, FDA Mỹ áp dụng HACCP trong công nghiệp đóng gói thực phẩm.
Năm 1992, ủy ban tư vấn quốc gia về tiêu dùng vi sinh thực phẩm (NACMCF) đưa
ra 7 nguyên tắc cơ bản của HACCP và từ đó, hệ thống này được công nhận trên
toàn thế giới nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm. Từ ngày 18/12/1997, tất cả các
mặt hàng thực phẩm trong nước cũng như muốn nhập khẩu vào thị trường Mỹ đều
phải tuân thủ HACCP.
Theo quan điểm của FAO và WTO, hệ thống HACCP là hệ thống giúp xác
định và kiểm soát mối nguy có thể phát sinh trong quá trình chế tạo, gia công, sản
xuất và sử dụng sản phẩm để đảm bảo an toàn vệ sinh. Nghĩa là, thay vì kiểm tra
chất lượng sản phẩm cuối cùng, hệ thống này sẽ kiểm soát những nguy hại tiềm
tàng trong quá trình sản xuất, lưu thông sản phẩm. Hệ thống phòng ngừa những
nguy hại có thể xảy ra, những rủi ro nhằm đảm bảo tốt hơn chất lượng sản phẩm đối
với người tiêu dùng.
Về bản chất, đây là hệ thống phòng ngừa, tập trung vào điểm kiểm soát tới hạn
(không phải kiểm soát sản phẩm ở mọi công đoạn), dựa trên những cơ sở khoa học,
thực tiễn đúng đắn, tin cậy nhằm giảm thiểu tối đa mức độ rủi ro có thể phát sinh
đối với thực phẩm.
* ISO 9000
Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn ISO (International Organization for
Standardization) là tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa, thành lập năm 1946, chính
thức hoạt động vào ngày 23/02/1947, nhằm mục đích xây dựng các tiêu chuẩn về
sản xuất, thương mại và thông tin. Mục đích của các tiêu chuẩn ISO là tạo điều kiện
19
cho các hoạt động trao đổi hàng hoá và dịch vụ trên toàn cầu trở nên dễ dàng, tiện
dụng hơn và đạt được hiệu quả.
Bộ tiêu chuẩn ISO 9000 bao gồm 4 tiêu chuẩn cơ bản là:
• Tiêu chuẩn ISO 9000:2005: đưa ra các định nghĩa, hỗ trợ cho ISO 9001:2008.
• Tiêu chuẩn ISO 9001:2008: là bộ tiêu chuẩn nêu lên các yêu cầu để các tổ chức
áp dụng theo đúng trình tự các điều khoản quy định và chứng nhận trên tiêu chuẩn
này.
• Tiêu chuẩn ISO 19011: là tiêu chuẩn giúp hướng dẫn đánh giá hệ thống quản lý
chất lượng, hỗ trợ các tổ chức khi áp dụng ISO 9001.
• Tiêu chuẩn ISO 9004:2009: nhằm hướng dẫn cho doanh nghiệp áp dụng hiệu quả
tiêu chuẩn ISO 9001, dùng sau khi doanh nghiệp đã áp dụng thành công ISO 9001.
Sơ đồ 1.3: Quy trình triển khai ISO 9001:2008
(Nguồn: iso9000.vn)
ISO 9000 được ban hành lần đầu tiên năm 1987, được công nhận rộng rãi và
làm nền tảng cho việc tổ chức quản lý, đảm bảo chất lượng, tập hợp nhiều kinh
nghiệm quản lý chất lượng ở nhiều quốc gia, trong đó, tiêu chuẩn ISO 9001:2008
phổ biến nhất. Đây là quy trình áp dụng không phân biệt sản phẩm, quy mô, loại
hình kinh doanh, ISO 9001:2008 cung cấp hệ thống triển khai nhằm đạt được lợi ích
từ hệ thống quản lý chất lượng (Quality Management System – GSM).
20
* ISO 14000
Đây là bộ tiêu chuẩn quốc tế về quản lý môi trường nhằm đánh giá môi
trường, chu trình sản phẩm, ghi nhãn môi trường, hoạt động môi trường,…. Trong
đó tiêu chuẩn 14001:2004 là phổ biến nhất. Tuân thủ các tiêu chí của tiêu chuẩn này
sẽ giúp doanh nghiệp tổ chức, quản lý vấn đề với môi trường một cách hợp lý, đáp
ứng các yêu cầu của pháp luật về môi trường.
Bộ tiêu chuẩn ISO 14000 gồm các nhóm tiêu chuẩn:
• Nhóm tiêu chuẩn về hệ thống quản lý môi trường (Environmental Management
Systems – EMS): gồm có tiêu chuẩn ISO 14001 và ISO 14004, là những quy định
và hướng dẫn về nguyên tắc, hệ thống và cách thức sử dụng hệ thống nhằm điều
hành tốt các vấn đề môi trường.
• Nhóm tiêu chuẩn về đánh giá môi trường (Environmental Auditing - EA): gồm
các tiêu chuẩn ISO 14020, ISO 14021, ISO 14022, ISO 14024, ISO 14024, liên
quan đến việc công bố nhãn môi trường như các quy tắc chung, các biểu tượng về
nhãn môi trường, cách khẳng định nhãn sinh thái, chương trình nhãn sinh thái…
• Nhóm tiêu chuẩn đánh giá kết quả hoạt động môi trường (Environmental
Performance - EPE), cụ thể ở tiêu chuẩn ISO 14031, đưa ra các chỉ số kết quả hoạt
động môi trường để đánh giá hiệu quả của hoạt động.
• Nhóm tiêu chuẩn đánh giá chu trình sống của sản phẩm (Life Cycle Assessment -
LCA): ISO 14040, ISO 14041, ISO 14042, ISO 14043 – là hệ thống các văn bản
hướng dẫn, nêu rõ phạm vi, định nghĩa, phân tích kiểm kê. Ngoài việc đánh giá tác
động sẽ diễn giải đánh giá chu trình sống của các tác động.
• Nhóm tiêu chuẩn về thuật ngữ và định nghĩa gồm ISO 14050 và ISO 14060 đưa
ra các thuật ngữ và định nghĩa hài hòa với những thuật ngữ và định nghĩa được nêu
trong các tiêu chuẩn ISO 14000 đồng thời hướng dẫn cách tập hợp các vấn đề về
môi trường trong tiêu chuẩn sản phẩm.
Hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14000 yêu cầu một sự thay đổi trong
cách thức quản lý về môi trường. Khác với cách thức truyền thống là chỉ đòi hỏi
theo yêu cầu, mệnh lệnh hoặc chỉ quan tâm đến sự ô nhiễm ở công đoạn xả/thải ra
còn ISO 14000 yêu cầu phải tiếp cận vấn đề môi trường bằng cả một hệ thống quản
21
lý, từ việc xác định các nguyên nhân đến việc xem xét các đối tượng có liên quan
đến môi trường, từ đó đưa ra các biện pháp khắc phục và phòng ngừa.
1.1.3 Các hình thức của hàng rào kỹ thuật
1.1.3.1 Quy định về tiêu chuẩn chất lượng
Chất lượng luôn là yếu tố được quan tâm hàng đầu, có vai trò quyết định sự
thành bại của sản phẩm tại thị trường xuất khẩu.
1.1.3.2 Vệ sinh an toàn thực phẩm
Tiêu chuẩn này sẽ bao gồm nhiều chỉ tiêu khác nhau như tiêu chuẩn cảm
quan, tiêu chuẩn hóa học, chỉ tiêu vi sinh,… Xét ví dụ về những chỉ tiêu áp dụng đối
với cá tra – cá basa đông lạnh xuất khẩu sang thị trường EU và các thị trường khác
có nhu cầu tương đương.
1.1.3.3 Nhãn mác, bao bì đóng gói
Bao bì sản phẩm phải đáp ứng các nhu cầu tái sinh, đảm bảo không gây ô
nhiễm môi trường bên cạnh việc phải đạt chuẩn các quy định về kích thước, mẫu
mã bao bì. Việc đóng gói và bảo quản phải được giám sát và xác nhận bởi cơ quan
chức năng có thẩm quyền.
Về bao bì sản phẩm có các quy định về: nguyên vật liệu dùng làm bao bì, về
tái sinh, quy định xử lý và thu gom sau quá trình sử dụng, tiêu chuẩn và quy định
liên quan đến đặc tính tự nhiên của sản phẩm
Nhãn của hàng hóa cũng phải đáp ứng đúng quy định mới được phép dán và
lưu thông trên thị trường.Nhãn này phải cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa
cũng như nhà sản xuất, ngoài ra cần xác định rõ nước xuất xứ của hàng hóa. Trong
trường hợp hàng hóa có nguồn gốc không thuần túy (bao gồm nhiều nguyên vật liệu
được sản xuất từ nhiều nước khác nhau) sẽ căn cứ theo nguyên tắc sự biến đổi đặc
tính hoặc phần giá trị tăng thêm để xét xuất xứ hàng hóa.
Cụ thể, biện pháp này quy định chặt chẽ bằng hệ thong văn bản pháp luật, theo
đó, sản phẩm phải ghi rõ:
- Tên sản phẩm
- Danh mục thành phần
- Trọng lượng
- Ngày sản xuất, thời hạn sử dụng
22
- Xuất xứ, nơi sản xuất, người bán
- Mã vạch, hướng dẫn sử dụng
1.1.3.4 Tiêu chuẩn về môi trường
Hệ thống rào cản môi trường hiện nay đang được áp dụng khác nhau tùy từng
điều kiện cụ thể trong đó các hình thức rào cản phổ biến nhất bao gồm:
- Phương pháp sản xuất chế biến theo quy chuẩn môi trường, yêu cầu đóng gói, bao
bì sản phẩm
- Nhãn sinh thái: là loại nhãn được cấp cho sản phẩm thỏa mãn tiêu chí nhất định do
cơ quan chính phủ hoặc một tổ chức được chính phủ ủy quyền. Các tiêu chí này nhằm
đánh giá tác động với môi trường trong các giai đoạn sơ chế, chế biến, gia công, đóng
gói, phân phối, sử dụng,… Mục tiêu của nhãn sinh thái là giúp phân loại sản phẩm
theo các tiêu chuẩn kỹ thuật, cung cấp những thông tin trung thực liên quan đến môi
trường, góp phần nâng cao uy tín cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Sơ đồ 1.3: Quy trình cấp nhãn sinh thái
(Nguồn: nhansinhthai.com)
Nhãn sinh thái cần phải đạt những yêu cầu cụ thể: phản ánh chính xác giúp
người tiêu dùng có thể tin tưởng vào lợi ích môi trường của sản phẩm, không gây
hiểu nhầm hoặc khó hiểu, tạo được sự cải thiện môi trường liên tục và không tạo
thành rào cản không cần thiết trong thương mại.
23
- (4) Phí môi trường: thường được áp dụng nhằm 3 mục tiêu chính như thu lại các
chi phí phải sử dụng cho môi trường, thay đổi cách ứng xử của cá nhân và tập thể
đối với các hoạt động có liên quan đến môi trường và thu các quỹ cho các hoạt động
bảo vệ môi trường. Có một số loại phí môi trường thường gặp. Phí sản phẩm là phí
áp dụng cho các sản phẩm gây ô nhiễm, có chứa các hoá chất độc hại hoặc có một
số thành phần cấu thành của sản phẩm gây khó khăn cho việc thải loại sau sử dụng.
Phí khí thải là phí áp dụng đối với các chất gây ô nhiễm thoát vào không khí, nước
và đất, hoặc gây tiếng ồn. Ngoài ra còn có phí hành chính, áp dụng đối với các chi
phí dùng để chính phủ trang trải để bảo vệ môi trường. Phí môi trường có thể được
thu từ nhà sản xuất hoặc người tiêu dùng hoặc cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.
- Tiêu chuẩn chất lượng môi trường ISO 14000
1.1.4 Mục đích áp dụng
Các nhà xuất khẩu dù kinh doanh mặt hàng nào cũng mong muốn thị trường
liên tục được mở rộng, sức tiêu thụ sản phẩm mạnh hơn và thương hiệu trở nên
vững chắc hơn. Xu hướng khu vực hóa, toàn cầu hóa với sự ký kết các Hiệp định
thương mại, tạo thuận lợi thương mại đã làm giảm áp lực thuế quan đối với nhiều
mặt hàng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà mọi sản phẩm đều có thể trở thành sản
phẩm toàn cầu, có mặt ở hầu hết các thị trường.
Sự khác biệt, chênh lệch giữa các điều kiện địa lý tự nhiên cũng như trình độ
phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều đã tạo ra lợi thế cạnh tranh của mỗi quốc
gia. Chính điều này đã làm cho thị trường này trở nên hấp dẫn hơn, tiềm năng hơn
thị trường khác, làm nhiều nhà xuất khẩu phải cố gắng và nỗ lực nhiều nếu muốn
thực sự vượt qua các hình thức của hàng rào kỹ thuật.
1.2 Tác động của hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế
1.2.1 Đối với nước xuất khẩu
1.2.1.1 Tích cực
Đối với doanh nghiệp: Các doanh nghiệp trong nước hiểu hơn sự cạnh tranh
khốc liệt trên thị trường, từ đó sẽ có những biện pháp nhằm cải thiện chất lượng sản
phẩm, dịch vụ, nâng cao hơn năng lực cạnh tranh của mình. Các doanh nghiệp sẽ
học được cách thích ứng với những biến đổi của thị trường, nếu thực sự tìm ra
24
hướng đi đúng đắn để không chỉ vượt qua rào cản kỹ thuật mà còn tự tìm được vị trí
chắc chắn cho mình trên thị trường.
Đối với hàng hóa của doanh nghiệp: hàng hóa sau khi đã đáp ứng được các
tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khắt khe sẽ tự tạo được chỗ đứng riêng trên thị
trường nói chung và dễ dàng thâm nhập vào các thị trường tương tự khác nói riêng.
1.2.1.2 Hạn chế
Doanh nghiệp sản xuất phải tăng chi phí sản xuất cho những sự thay đổi nhằm
đáp ứng yêu cầu của các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. Việc mua sắm trang thiết
bị, máy móc đo lường quốc tế, mời các chuyên gia nước ngoài về phân tích, giảng
dạy, chi phí giám định,… sẽ tiêu tốn của doanh nghiệp nhiều chi phí cũng như thời
gian. Giữa lúc thương trường như chiến trường, sự chậm trễ dù chỉ là trong thời
khắc cũng có thể làm doanh nghiệp mất đi cơ hội quý giá. Nhà xuất khẩu cũng vì
thế sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro do hàng hóa không phù hợp với nhu cầu,
thị hiếu, sở thích của khách hàng.
Thực chất, hàng rào kỹ thuật chính là một biện pháp phi thuế quan được đưa ra
nhằm vừa thực hiện đúng các cam kết về mậu dịch tự do, vừa tạo lập được rào cản
ngăn hàng hóa nước khác ồ ạt vào chiếm lĩnh thị trường nội địa.
1.2.2 Đối với nước nhập khẩu
1.2.2.1 Tích cực
Việc ban hành những quy định về hàng rào kỹ thuật sẽ khiến cho hàng hóa
nhập khẩu vào trong nước trở nên tinh lọc, có chất lượng hơn. Do đó, đảm bảo được
sức khỏe, sự an toàn của người tiêu dùng cũng như bảo vệ được môi trường, an ninh
quốc gia. Người tiêu dùng sẽ không bao giờ phải lo lắng quyền lợi của mình bị ảnh
hưởng, có thể hoàn toàn tin tưởng vào những thông tin được ghi trên nhãn mác hàng
hóa, có thể tự do lựa chọn sản phẩm phù hợp với sở thích và nhu cầu của mình. Bên
cạnh đó, hàng rào kỹ thuật cũng góp phần bảo hộ nền sản xuất trong nước trước
nguy cơ bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm và chi phối.
1.2.2.2 Hạn chế
Doanh nghiệp trong nước có TBT như một hàng rào chắn, doanh nghiệp nước
ngoài sẽ khó có cơ hội thâm nhập, thống lĩnh thị trường, sẽ mang tâm lý trì trệ, thiếu
động cơ để cố gắng, cải thiện chất lượng sản phẩm, hình ảnh, thương hiệu.
25
Nếu chính phủ áp dụng hàng rào kỹ thuật một cách khắt khe khiến cho các
doanh nghiệp nước ngoài không thể gia nhập thị trường thì chính người tiêu dùng sẽ
bị hạn chế sự lựa chọn. Chính người tiêu dùng trong nước sẽ không có cơ hội được
sử dụng, tiêu dùng những sản phẩm nhập ngoại, đến từ những thương hiệu uy tín,
danh giá, thị trường độc quyền những sản phẩm nội địa sẽ là nguyên nhân gián tiếp
khiến cho dòng tiền chảy ra nước ngoài nhiều hơn, gây ảnh hưởng nhiều đến kinh
tế, tài chính…
26
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG VÀ TÁC ĐỘNG HÀNG RÀO KỸ THUẬT CỦA MỸ ĐỐI
VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM
2.1 Thị trường Mỹ và cơ hội xuất khẩu nông sản của Việt Nam
2.1.1 Quan hệ thương mại Việt Nam – Mỹ
Trước năm 1994, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ không đáng kể. Ngày
03/02/1994 cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ cấm vận thương mại
với Việt Nam, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước. Đây
được xem là một bước chuyển mình quan trọng không chỉ trong quan hệ ngoại giao
hai nước mà còn mở ra một cơ hội mới cho nền kinh tế Việt Nam. Năm 1994, xuất
khẩu của Việt Nam vào Mỹ đạt 94,9 triệu USD, đứng thứ 9 trong các nước và vùng
lãnh thổ trên thế giới nhập khẩu từ Việt Nam. Tới năm 1995, xuất khẩu vào thị
trường Mỹ đã đạt 199 triệu USD (tăng gấp 2,1 lần so với năm 1994).
Năm 2001, Mỹ đã đặt lại quan hệ thương mại bình thường với Việt Nam, hiệp
định thương mại song phương Việt Mỹ được ký kết, giảm thuế quan cho 250 sản
phẩm trong đó 4/5 là hàng nông sản. Quan hệ thương mại giữa hai nước tăng lên
mức bình thường vĩnh viễn vào năm 2006 khi Việt Nam gia nhập tổ chức thương
mại thế giới WTO.
Nhờ đó, quan hệ thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng trưởng cả về xuất
khẩu lẫn nhập khẩu, trong đó, nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu. Cụ thể:
* Cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam trong trao đổi thương mại với Mỹ luôn
duy trì ở mức thặng dư lớn
riêng kim ngạch xuất nhập khẩu vào thị trường Mỹ đã đạt 34,94 tỷ USD,
chiếm 11,7%. Mặc dù tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Mỹ
không quá lớn nhưng kim ngạch xuất siêu lại rất cao.
27
(Nguồn: Tổng cục Hải quan, 2014)
Từ biểu đồ trên có thể thấy, trong giai đoạn 2009-2014, thặng dư thương mại
giữa Việt Nam và Mỹ không ngừng tăng lên. Xét về giá trị xuất khẩu Việt Nam
sang Mỹ, trong vòng 7 năm (2007-2014), giá trị năm 2014 đã tăng 18,655 tỷ USD,
gấp gần 3 lần so với giá trị xuất khẩu năm 2007. Ở chiều ngược lại, giá trị hàng hóa
Việt Nam nhập khẩu từ thị trường Mỹ cũng tăng lên không ngừng, năm 2014 Việt
Nam nhập khẩu nhiều hơn năm 2007 là 4,584 tỷ USD (gấp gần 3,7 lần giá trị nhập
khẩu năm 2007). Có thể thấy, mức độ tăng trưởng về giá trị xuất khẩu của Việt Nam
vào thị trường Mỹ tăng nhanh hơn so với giá trị nhập khẩu.
*Mỹ là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất của Việt Nam và là thị trường cung
cấp hàng hóa lớn thứ 7 sang Việt Nam
Liên tục từ năm 2007 đến nay, Mỹ là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất của
Việt Nam. Tuy nhiên, theo cơ sở dữ liệu thương mại của Liên hợp quốc, trị giá
buôn bán hai chiều của Việt Nam và Mỹ chỉ chiếm 1% tổng kim ngạch xuất nhập
khẩu của Mỹ. Việt Nam là đối tác xếp thứ 23 về xuất khẩu sang Mỹ và xếp thứ 40
về nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ.
28
Biểu đồ 2.2: Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ở một số thị
trường quý I/2015
(Đơn vị: tỷ USD)
-10
-5
0
5
10
15
Trung
Quốc
Hàn
Quốc
ASEAN Nhật
Bản
Hồng
Kông
EU Hoa Kỳ UEA
Nhập khẩu
Xuất khẩu
Cán cân thương mại
(Nguồn: Tổng cục hải quan, 2014)
Từ biểu đồ có thể nhận thấy, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của
Việt Nam. Một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất sang Mỹ là dệt may, giày
dép, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng thủy sản, túi xách, vali, mũ… trong đó, hàng dệt may
vào thị trường Mỹ chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt
Nam. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ đạt 9,82 tỷ USD, giày
dép đạt 3,33 tỷ USD; đồ gỗ đạt 2,23 tỷ USD, thủy sản đạt 1,71 tỷ USD, túi xách, va
li, mũ đạt 1,54 tỷ USD, hạt điều 635,94 triệu USD, hạt tiêu đạt 254,92 triệu USD.
Nhóm hàng rau quả xuất sang Mỹ năm 2014 đạt mức tăng trưởng 18,05% kim
ngạch, đạt 60,74 triệu USD.
Theo Phòng Thương mại Mỹ (Amcham), xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đã
tăng trưởng liên tục trong suốt 15 năm qua (2000-2015). Năm 2000, Việt Nam chỉ
xuất khẩu sang Mỹ khoảng 800 triệu USD thì kết thúc năm 2014, Việt Nam đã xuất
khẩu 29,4 tỷ USD (tăng gần 36 lần). Nhờ vào thành tích này, Việt Nam đã vượt qua
Thái Lan, Indonexia,… trở thành quốc gia xuất khẩu nhiều nhất trong khu vực
ASEAN vào thị trường Mỹ.
29
Bảng 2.1: Danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường Mỹ của
Việt Nam năm 2014
(Đơn vị: USD)
Mặt hàng Năm 2014 Năm 2013
Năm 2014 so với
năm 2013(%)
Tổng kim
ngạch
28.655.653.008 23.869.240.308 +20,05
Hàng dệt may 9.819.813.966 8.611.612.086 +14,03
Giày dép các
loại
3.333.666.689 2.630.979.041 +26,71
Máy vi tính, sản
phẩm điện tử và
linh kiện
2.120.171.722 1.474.172.723 +43,82
Hàng thuỷ sản 1.709.563.904 1.462.985.836 +16,85
Điện thoại các
loại và linh kiện
1.543.510.399 752.846.630 +105,02
Túi xách, ví, va
li, mũ ô dù
1.034.403.116 836.254.939 +23,69
Hạt điều 635.943.192 539.049.223 +17,97
Cà phê 361.834.021 302.014.527 +19,81
Hạt tiêu 254.917.957 182.839.652 +39,42
Hàng rau quả 60.742.423 51.453.887 +18,05
Cao su 53.109.517 63.895.107 -16,88
Gạo 35.654.021 30.792.038 +15,79
Chè 11.536.268 11.741.015 -1,74
(Nguồn: Tổng cục Hải quan, 2014)
30
Nhìn chung, xuất khẩu hầu hết các nhóm hàng sang Mỹ năm 2014 đều đạt
mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu tăng mạnh ở các nhóm
hàng: máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (+250,39%), sắt thép (+127,79%), điện
thoại các loại và linh kiện (+105,02%).
2015 là năm quan trọng bởi hai bên sẽ tổ chức kỷ niệm 20 năm hai nước bình
thường hóa quan hệ và theo dự kiến sẽ ký Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình
Dương (TPP). Sự kiện này mở đường cho một bước phát triển mới trong quan hệ
ngoại giao giữa hai nước. Bộ Công thương Việt Nam đặt ra mục tiêu tổng kim
ngạch xuất khẩu trong năm 2015 đạt 160 tỷ USD. Trong quan hệ thương mại Việt
Nam – Mỹ, dự báo thương mại hai chiều năm 2015 sẽ vượt xa con số gần 30 tỷ
USD của năm 2014, đặc biệt khi Việt Nam đang nỗ lực cải cách các thủ tục hành
chính, cải tiến về kỹ thuật nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu.
2.1.2 Đặc điểm của thị trường Mỹ
Mỹ là một quốc gia có lịch sử hình thành non trẻ. Nước Mỹ có diện tích
khoảng 9,3 triệu km2
, là nước có diện tích lớn thứ tư trên thế giới sau Nga, Canađa
và Trung Quốc. Mỹ nằm ở trung tâm Châu lục Bắc Mỹ; phía Bắc giáp Canada, phía
Nam giáp Mexico, phía đông giáp Đại Tây Dương và phía Tây giáp Thái Bình
Dương.
Mỹ là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Với dân số đứng thứ ba thế
giới, vào khoảng 317 triệu người (cuối năm 2013), sức mua khoảng 7000 tỷ USD/
năm. Sản xuất công nghiệp Mỹ chiếm khoảng 20% sản lượng công nghiệp toàn thế
giới. Lao động nông nghiệp chiếm 2% dân số nhưng nó đáp ứng nhu cầu trong
nước, đồng thời xuất khẩu mỗi năm khoảng 50 tỷ USD. Theo báo cáo từ Knight
Frank và Citi Private Wealth, thu nhập GDP bình quân đầu người tính theo đồng giá
sức mua (PPP) là 45.511 USD, người dân Mỹ được xem là dân có sức tiêu dùng lớn
nhất trong các nước có nền công nghiệp phát triển. Theo nghiên cứu của một nhóm
chuyên gia Liên Hợp Quốc thì nếu sức tiêu dùng của các gia đình Nhật, EU là 1, thì
của các gia đình Mỹ là 1,7.
Thu nhập của người dân Mỹ ở nhiều phân tầng khác nhau, người dân lại có
nhiều tiêu chuẩn thẩm mỹ, quan niệm văn hóa, xã hội nên hàng hóa dù chất lượng
cao hay trung bình cũng có nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường này. Từ bài học
31
của nhiều thương hiệu thành công và đã khẳng định được vị thế ở Mỹ, có thể nhận
thấy, đối với hàng hóa xuất vào thị trường Mỹ, giá cả là yếu tố quan trọng, mẫu mã
không cần quá tinh xảo, cầu kỳ nhưng sản phẩm phải đa dạng về chủng loại, nhằm
đáp ứng những nhu cầu khác nhau của người dân. Một đặc điểm đáng chú ý, người
Mỹ có niềm tin lớn vào hệ thống các cửa hàng bán lẻ. Họ tin tưởng các sản phẩm
được bày bán ở đó sẽ được đảm bảo về chất lượng, nhiều ưu đãi, điều kiện bảo hành
tốt và an toàn vệ sinh thực phẩm được ưu tiên.
Về sản xuất nông nghiệp, người nông dân Mỹ có nhiều cơ hội để thành công
trong sản xuất lương thực, thực phẩm. Dựa vào diện tích lãnh thổ rộng lớn với
9.161.923 km2
, với miền khí hậu thuận lợi, mưa gần như đủ để cung cấp cho các
vùng trong cả nước, Mỹ có nhiều yếu tố để phát triển nông nghiệp. Theo thống kê
của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nước Mỹ có 2.109.363 trang trại, trung bình mỗi trại có
diện tích 174 hecta. Bên cạnh đó, chính phủ Mỹ cũng rất đầu tư cho việc phát triển
khoa học công nghệ, mang những ứng dụng tiên tiến nhằm hỗ trợ người nông dân
và phát triển ngành nông nghiệp. Những người nông dân Mỹ có thể lái máy cày với
điều hòa nhiệt độ trong cabin, trên máy có các thông số kỹ thuật như độ mùn, độ phì
của đất. Họ còn có những công cụ trợ đắc lực như máy cày, máy gặt, máy xớt tốc độ
cao nhiều giá trị. Ở Mỹ, theo định kỳ, các chuyên gia lại giới thiệu sản phẩm mới và
phương pháp nuôi trồng mới nhằm đẩy nhanh hơn sự phát triển từng ngày của nông
nghiệp và gia tăng hơn thu nhập cho những người nông dân.
Mỹ cũng là nước nhập khẩu nhiều nông sản nhất thế giới. Thống kê của bộ
nông nghiệp Mỹ cho thấy hàng năm Mỹ nhập khẩu khoảng 10 tỷ USD rau, củ, quả;
nhập khẩu khoảng 3,5 tỷ USD cà phê; nhập khẩu trên 9 tỷ USD cao su; thịt các loại
khoảng trên 2,5 tỷ USD; nhập khẩu các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc khoảng 1,5 tỷ
USD… Tương tự như các mặt hàng khác, nước Mỹ nhập khẩu nông sản rất đa dạng
về chủng loại.
Trên thị trường Mỹ, có nhiều mặt hàng nông sản được tiêu thụ với số lượng
lớn. Tuy nhiên, với nền nông nghiệp phát triển nên nhu cầu về tiêu thụ hàng nông
sản có thể tự đáp ứng được. Có một số mặt hàng mà nền nông nghiệp Mỹ chưa thể
đáp ứng được đó là: cà phê, chè, hạt tiêu, cao su, hạt điều,… Trong khi đó, đây lại là
những mặt hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh.
32
2.1.3 Khả năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam
Việt Nam là quốc gia có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp.
Theo số liệu của tổng cục thống kê, năm 2013, diện tích đất nông nghiệp cả nước là
262.805 km2
trên tổng số 330.951 km2
tổng diện tích cả nước (chiếm 79,4%), có
hơn 2/3 dân số sống ở vùng nông thôn (khoảng 60,7 triệu người trên tổng số dân cả
nước là 89,7 triệu người). Như vậy, ngoài những ưu đãi về điều kiện tự nhiên như vị
trí địa lý, khí hậu, lượng mưa, Việt Nam còn có nhiều thế mạnh khác để phát triển
nông nghiệp.
Bên cạnh đó, với nhiều chính sách khuyến khích phát triển, xem nông nghiệp
là mặt trận hàng đầu nên việc sản xuất, chế biến, xuất khẩu hàng nông sản ở Việt
Nam luôn được chú trọng và quan tâm. Việc ưu đãi đầu tư trong và ngoài nước vào
lực lượng sản xuất nông sản đã và đang tạo được động lực mới cho sự phát triển của
ngành này. Nhờ vào những nỗ lực cải cách chính sách, ứng dụng nhiều thành tựu
khoa học tiên tiến, nông nghiệp Việt Nam đạt được mức tăng trưởng nhanh và ổn
định trong một thời gian dài, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực.
Theo tổng cục thống kế, nông nghiệp đóng góp 18% - 22% GDP cho nền kinh tế và
23% - 35% giá trị xuất khẩu. Mặc dù bị ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, nông
nghiệp vẫn là ngành duy nhất có thặng dư xuất khẩu giai đoạn 2010 – 2013. Trong
hai năm 2012 - 2013, ngành nông nghiệp chỉ tăng trưởng 2,6%, thì đến năm 2014,
ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng 3,3%, đánh dấu sự hồi phục và tăng
trưởng trở lại.
Tháng 7 năm 1995, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của ASEAN
và đã ký kết các văn kiện của hiệp hội như hiệp định khung về tăng cường hợp tác
ASEAN, tham gia vào khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Đến ngày
11/01/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO, bắt đầu
thực hiện các cam kết gia nhập WTO của mình, trong đó có cam kết thực thi toàn
bộ các nghĩa vụ của Hiệp định TBT. Sự kiện này mở ra nhiều cơ hội cũng như thách
thức cho đất nước và nền kinh tế Việt Nam.
Về nông sản, kim ngạch xuất khẩu của các quốc gia thành viên trong tổ chức
thương mại thế giới WTO có trị giá hàng nghìn USD, do đó, việc trở thành thành
viên của WTO đã tạo thuận lợi lớn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.
33
Việt Nam luôn là một trong số những quốc gia đứng đầu về sản xuất nông sản
trên thế giới. Cùng với nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế, nông nghiệp Việt
Nam cũng từng bước hội nhập nền kinh tế thế giới bằng cách nâng cao việc đầu tư
phát triển khoa học công nghệ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm
nông sản trên thị trường nội địa và xuất khẩu.
Bảng 2.2: Khả năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam trên thị trường giai
đoạn 2006 – 2012
(Đơn vị: tỷ USD)
Mặt
hàng
Thị
trường
nhập
khẩu thế
giới năm
2010
Xuất khẩu Việt Nam
2006 2009 2010 2011 2012
Rau quả 97,9 0,3 0,42 0,411 0,515 0,77
Lúa gạo 18,818 1,489 2,6 3,23 3,7 3,7
Cà phê 7,548 1,911 1,8 1,67 2,3 3,74
Cao su 7,488 1,4 1,2 2,32 2,7 2,85
Chè 4,369 0,13 0,18 0,2 0,182 0,243
Hạt điều 1,719 0,653 0,85 1,14 1,4 1,48
Hoa 25 0,01 0,014 0,06 0,06 -
Hạt tiêu 1,761 0,271 0,328 0,39 0,775 1,312
Thế giới 1361 8,3 15,3 19,15 25 27,310
(Nguồn: FAO - http://unstats.un.org/unsd/default.htp)
Từ bảng số liệu trên có thể nhận thấy, Việt Nam có thế mạnh sản xuất một số
loại nông sản như lúa gạo (ổn định ở mức 13-17% lượng gạo nhập khẩu của thị
trường), cà phê (khoảng 10 -15%), cao su, hạt điều,…
2.2 Hàng rào kỹ thuật của Mỹ đối với mặt hàng nông sản
Trước hết cần khẳng định, hàng rào kỹ thuật trong thương mại của Mỹ nói
chung và đối với mặt hàng nông sản nói riêng là một trong những biện pháp được
chính phủ đặc biệt chú trọng. Mỹ luôn là nước phát triển và đi đầu trong mọi thành
tựu của khoa học kỹ thuật. Khi điều kiện sống ngày càng được cải thiện thì mối
quan tâm đối với sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường cũng không
ngừng tăng lên. Hàng rào kỹ thuật không đơn giản chỉ là một trong những biện pháp
bảo hộ nền sản xuất trong nước mà còn là một công cụ nhằm đảm bảo và nâng cao
hơn quyền lợi của người tiêu dùng trong nước.
34
Nông sản – theo định nghĩa của WTO, xác định trong hiệp định Nông nghiệp,
là các loại hàng hóa có nguồn gốc từ hoạt động nông nghiệp như:
- Các sản phẩm nông nghiệp cơ bản: lúa gạo, lúa mỳ, bột mỳ, sữa, động vật
sống, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, chè, rau quả tươi,…
- Các sản phẩm phái sinh: bánh mỳ, bơ, dầu ăn, thịt,…
- Các sản phẩm được chế biến từ sản phẩm nông nghiệp: bánh kẹo, sản phẩm
từ sữa, xúc xích, nước ngọt, rượu bia, thuốc lá, bông xơ, da động vật thô.
Đây là các sản phẩm liệt kê từ chương I đến chương XXIV (trừ cá và sản
phẩm từ cá và các sản phẩm khác trong hệ thống thuế HS).
Còn theo sự phân chia tương đối của Việt Nam, nông nghiệp bao gồm nông
nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), thủy sản và lâm nghiệp. Các ngành công nghiệp chế
biến nông lâm thủy sản cũng được gộp vào nông nghiệp. Trong phạm vi bài viết
này, người viết sẽ chọn hiểu nông sản theo cách hiểu thứ nhất, định nghĩa của
WTO.
Thực tiễn trong thương mại thế giới, nông sản được chia là hai nhóm: nhóm
nông sản nhiệt đới và nhóm còn lại. Nhóm nông sản nhiệt đới thường phát triển ở
các nước đang phát triển, bao gồm các loại mặt hàng như chè, cà phê, ca cao, các
loại hoa quả (chuối, xoài, ổi,…)
Nông sản là một mặt hàng nhạy cảm, vì thế rất khó khăn để đạt được những
thỏa thuận nhằm mở cửa thị trường hay cắt giảm sự khắt khe của các hàng rào kỹ
thuật. So với các mặt hàng công nghiệp khác, nông sản thường liên quan tới cuộc
sống và lợi ích của một bộ phận dân cư có thu nhập thấp ở cả nhóm nước phát triển
và đang phát triển. Mặt khác, mỗi nước đều có nhu cầu đảm bảo một nguồn cung
lương thực ổn định, tránh nguy cơ bị nạn đói đe dọa.
Chính vì những lý do đó, nông sản muốn được gia nhập một thị trường nước
ngoài cần phải trải qua nhiều bước kiểm dịch, kiểm tra chất lượng với những quy
trình, tiêu chuẩn khắt khe, minh bạch.
2.2.1 Các quy định về hàng rào kỹ thuật của Mỹ đối với nông sản
2.2.1.1 Các cơ quan quản lý nhập khẩu nông sản ở Mỹ
Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA – Food, Drug Actor): Đây là
một cơ quan của Bộ Y Tế (DHHS) và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (PHS). FDA
35
chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm, đảm bảo các thực phẩm khi được nhập khẩu
vào Mỹ phải là những thực phẩm an toàn, không độc hại, đúng nhãn mác, đầy đủ
thông tin sản phẩm. Năm 1994, FDA đề xuất các quy định về hệ thống điểm kiểm
soát tới hạn và phân tích mối nguy (HACCP).
Cục Hải quan Mỹ - cơ quan chịu trách nhiệm đánh giá và thu thuế nhập
khẩu, kiểm soát hàng hóa và con người xuất/ nhập vào Mỹ.
Ban thị trường – Bộ Nông nghiệp Mỹ: Chính phủ Mỹ yêu cầu tất cả nông sản
nhập khẩu phải đạt phẩm cấp, kích cỡ, chất lượng và độ chín theo tiêu chuẩn do ban
thị trường đưa ra. Bộ nông nghiệp Mỹ có nhiệm vụ giám sát thực thi các quy định
về kiểm dịch đối với việc nhập khẩu nông sản.
2.2.1.2 Luật điều chỉnh xuất khẩu nông sản vào Mỹ
Luật thực phẩm: Các thực phẩm nhập khẩu vào Mỹ không chỉ là đối tượng
chịu thuế nhập khẩu mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và phẩm cấp
để đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn.
Luật liên bang về thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm Mỹ (FDCA – Food,
Drug, Cosmetics Act) quy định trừ một số loại gia cầm, tất cả các sản phẩm nông
sản nhập khẩu vào Mỹ đều phải do cục quản lý thực phẩm và dược phẩm FDA
kiểm tra và cấp phép theo đúng quy định. Một số tiêu chuẩn mà nông sản phải đáp
ứng được là: tính sạch, tính lành, điều kiện sản xuất hợp vệ sinh,…
Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA - Food Safety Modernization
Act) có hiệu lực từ đầu năm 2011 đã khiến cho việc nhập khẩu, phân phối và tiêu
thụ nông sản Việt Nam trên thị trường này gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, muốn xuất
khẩu nông sản vào Mỹ, doanh nghiệp không chỉ cần riêng giấy phép. Luật này có
hiệu lực từ năm 1938, được Tổng thống Obama ban hành vào ngày 04/01/2011, cho
phép Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) can thiệp sâu hơn đối với
các sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ.
Những thay đổi quan trọng của luật Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm
(FSMA) so với trước đây là: luật cho phép áp dụng phương thức kiểm tra tại cảng
đến khi phải đối mặt với tình trạng quá tải với khối lượng nhập khẩu tăng. Các nhà
nhập khẩu có trách nhiệm bảo đảm rằng các nhà cung ứng nước ngoài đã áp dụng
đầy đủ các biện pháp kiểm soát phòng ngừa. Đặc biệt là yêu cầu thực phẩm nhập
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA
HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA

More Related Content

What's hot

Giáo trình Quản trị chuỗi cung ứng
Giáo trình Quản trị chuỗi cung ứngGiáo trình Quản trị chuỗi cung ứng
Giáo trình Quản trị chuỗi cung ứngIESCL
 
Khoá Luận Tốt Nghiệp Nghiên Cứu Tình Hình Xuất Khẩu Sản Phẩm Gỗ Sang Thị Trườ...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Nghiên Cứu Tình Hình Xuất Khẩu Sản Phẩm Gỗ Sang Thị Trườ...Khoá Luận Tốt Nghiệp Nghiên Cứu Tình Hình Xuất Khẩu Sản Phẩm Gỗ Sang Thị Trườ...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Nghiên Cứu Tình Hình Xuất Khẩu Sản Phẩm Gỗ Sang Thị Trườ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
90 câu trắc nghiệm môn kĩ thuật nghiệp vụ ngoại thương (đã chỉnh sửa)
90 câu trắc nghiệm môn kĩ thuật nghiệp vụ ngoại thương (đã chỉnh sửa)90 câu trắc nghiệm môn kĩ thuật nghiệp vụ ngoại thương (đã chỉnh sửa)
90 câu trắc nghiệm môn kĩ thuật nghiệp vụ ngoại thương (đã chỉnh sửa)Trần Vỹ Thông
 
LT21FT001- NHÓM 7B - RẢO CẢN KỸ THUẬT (TBT)
LT21FT001- NHÓM 7B - RẢO CẢN KỸ THUẬT (TBT)LT21FT001- NHÓM 7B - RẢO CẢN KỸ THUẬT (TBT)
LT21FT001- NHÓM 7B - RẢO CẢN KỸ THUẬT (TBT)Henry Thang
 
Giải pháp nâng cao hiệu quả quy trình giao nhận hàng hóa xuất khẩu bằng đường...
Giải pháp nâng cao hiệu quả quy trình giao nhận hàng hóa xuất khẩu bằng đường...Giải pháp nâng cao hiệu quả quy trình giao nhận hàng hóa xuất khẩu bằng đường...
Giải pháp nâng cao hiệu quả quy trình giao nhận hàng hóa xuất khẩu bằng đường...TÀI LIỆU NGÀNH MAY
 
Chuỗi cung ứng của Samsung
Chuỗi cung ứng của SamsungChuỗi cung ứng của Samsung
Chuỗi cung ứng của SamsungLuyến Hoàng
 
Thực trạng và giải pháp hoàn thiện quy trình giao nhận hàng hóa nhập khẩu ngu...
Thực trạng và giải pháp hoàn thiện quy trình giao nhận hàng hóa nhập khẩu ngu...Thực trạng và giải pháp hoàn thiện quy trình giao nhận hàng hóa nhập khẩu ngu...
Thực trạng và giải pháp hoàn thiện quy trình giao nhận hàng hóa nhập khẩu ngu...Man_Ebook
 
Cách soạn thảo hợp đồng ngoại thương
Cách soạn thảo hợp đồng ngoại thươngCách soạn thảo hợp đồng ngoại thương
Cách soạn thảo hợp đồng ngoại thươngDoan Tran Ngocvu
 
Chủ đề 3 mô hình chuỗi cung ứng của nike
Chủ đề 3 mô hình chuỗi cung ứng của nikeChủ đề 3 mô hình chuỗi cung ứng của nike
Chủ đề 3 mô hình chuỗi cung ứng của nikeThanh Hoa
 
đề Cương quản trị chuỗi cung ứng preview
đề Cương quản trị chuỗi cung ứng previewđề Cương quản trị chuỗi cung ứng preview
đề Cương quản trị chuỗi cung ứng previewTrần Trung
 
Chiến lược đa dạng hóa của công ty Vinamilk_Tình huống số5
Chiến lược đa dạng hóa của công ty Vinamilk_Tình huống số5Chiến lược đa dạng hóa của công ty Vinamilk_Tình huống số5
Chiến lược đa dạng hóa của công ty Vinamilk_Tình huống số5Thùy Dung Hoàng
 
Phân Tích Ngành Và Môi Trường Cạnh Tranh
Phân Tích  Ngành Và Môi Trường Cạnh TranhPhân Tích  Ngành Và Môi Trường Cạnh Tranh
Phân Tích Ngành Và Môi Trường Cạnh TranhDien Nguyen
 
Bộ chứng từ trong thanh toán L/C - Tiểu luận
Bộ chứng từ trong thanh toán L/C - Tiểu luậnBộ chứng từ trong thanh toán L/C - Tiểu luận
Bộ chứng từ trong thanh toán L/C - Tiểu luậnkudos21
 

What's hot (20)

Giáo trình Quản trị chuỗi cung ứng
Giáo trình Quản trị chuỗi cung ứngGiáo trình Quản trị chuỗi cung ứng
Giáo trình Quản trị chuỗi cung ứng
 
Chính sách thúc đẩy xuất khẩu cà phê Việt Nam sang Hoa Kỳ, HOT
Chính sách thúc đẩy xuất khẩu cà phê Việt Nam sang Hoa Kỳ, HOTChính sách thúc đẩy xuất khẩu cà phê Việt Nam sang Hoa Kỳ, HOT
Chính sách thúc đẩy xuất khẩu cà phê Việt Nam sang Hoa Kỳ, HOT
 
Khoá Luận Tốt Nghiệp Nghiên Cứu Tình Hình Xuất Khẩu Sản Phẩm Gỗ Sang Thị Trườ...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Nghiên Cứu Tình Hình Xuất Khẩu Sản Phẩm Gỗ Sang Thị Trườ...Khoá Luận Tốt Nghiệp Nghiên Cứu Tình Hình Xuất Khẩu Sản Phẩm Gỗ Sang Thị Trườ...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Nghiên Cứu Tình Hình Xuất Khẩu Sản Phẩm Gỗ Sang Thị Trườ...
 
90 câu trắc nghiệm môn kĩ thuật nghiệp vụ ngoại thương (đã chỉnh sửa)
90 câu trắc nghiệm môn kĩ thuật nghiệp vụ ngoại thương (đã chỉnh sửa)90 câu trắc nghiệm môn kĩ thuật nghiệp vụ ngoại thương (đã chỉnh sửa)
90 câu trắc nghiệm môn kĩ thuật nghiệp vụ ngoại thương (đã chỉnh sửa)
 
LT21FT001- NHÓM 7B - RẢO CẢN KỸ THUẬT (TBT)
LT21FT001- NHÓM 7B - RẢO CẢN KỸ THUẬT (TBT)LT21FT001- NHÓM 7B - RẢO CẢN KỸ THUẬT (TBT)
LT21FT001- NHÓM 7B - RẢO CẢN KỸ THUẬT (TBT)
 
Giải pháp nâng cao hiệu quả quy trình giao nhận hàng hóa xuất khẩu bằng đường...
Giải pháp nâng cao hiệu quả quy trình giao nhận hàng hóa xuất khẩu bằng đường...Giải pháp nâng cao hiệu quả quy trình giao nhận hàng hóa xuất khẩu bằng đường...
Giải pháp nâng cao hiệu quả quy trình giao nhận hàng hóa xuất khẩu bằng đường...
 
Chuỗi cung ứng của Samsung
Chuỗi cung ứng của SamsungChuỗi cung ứng của Samsung
Chuỗi cung ứng của Samsung
 
Thực trạng và giải pháp hoàn thiện quy trình giao nhận hàng hóa nhập khẩu ngu...
Thực trạng và giải pháp hoàn thiện quy trình giao nhận hàng hóa nhập khẩu ngu...Thực trạng và giải pháp hoàn thiện quy trình giao nhận hàng hóa nhập khẩu ngu...
Thực trạng và giải pháp hoàn thiện quy trình giao nhận hàng hóa nhập khẩu ngu...
 
Cách soạn thảo hợp đồng ngoại thương
Cách soạn thảo hợp đồng ngoại thươngCách soạn thảo hợp đồng ngoại thương
Cách soạn thảo hợp đồng ngoại thương
 
Quy Trình Giao Nhận Hàng Hóa Bằng Đường Hàng Không, 9 ĐIỂM!
Quy Trình Giao Nhận Hàng Hóa Bằng Đường Hàng Không, 9 ĐIỂM!Quy Trình Giao Nhận Hàng Hóa Bằng Đường Hàng Không, 9 ĐIỂM!
Quy Trình Giao Nhận Hàng Hóa Bằng Đường Hàng Không, 9 ĐIỂM!
 
Chủ đề 3 mô hình chuỗi cung ứng của nike
Chủ đề 3 mô hình chuỗi cung ứng của nikeChủ đề 3 mô hình chuỗi cung ứng của nike
Chủ đề 3 mô hình chuỗi cung ứng của nike
 
Đề tài Chiến lược kinh doanh dịch vụ logistics rất hay điểm 9
Đề tài  Chiến lược kinh doanh dịch vụ logistics rất hay điểm 9Đề tài  Chiến lược kinh doanh dịch vụ logistics rất hay điểm 9
Đề tài Chiến lược kinh doanh dịch vụ logistics rất hay điểm 9
 
Luận văn: Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang Ấn Độ
Luận văn: Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang Ấn ĐộLuận văn: Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang Ấn Độ
Luận văn: Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang Ấn Độ
 
Luận văn: Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU, HOT
Luận văn: Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU, HOTLuận văn: Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU, HOT
Luận văn: Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường EU, HOT
 
đề Cương quản trị chuỗi cung ứng preview
đề Cương quản trị chuỗi cung ứng previewđề Cương quản trị chuỗi cung ứng preview
đề Cương quản trị chuỗi cung ứng preview
 
Phân tích hoạt động xuất khẩu hàng Container tại công ty, 9 điểm,hay!
Phân tích hoạt động xuất khẩu hàng Container tại công ty, 9 điểm,hay!Phân tích hoạt động xuất khẩu hàng Container tại công ty, 9 điểm,hay!
Phân tích hoạt động xuất khẩu hàng Container tại công ty, 9 điểm,hay!
 
Bài tiểu luận về công ty bibica
Bài tiểu luận về công ty bibicaBài tiểu luận về công ty bibica
Bài tiểu luận về công ty bibica
 
Chiến lược đa dạng hóa của công ty Vinamilk_Tình huống số5
Chiến lược đa dạng hóa của công ty Vinamilk_Tình huống số5Chiến lược đa dạng hóa của công ty Vinamilk_Tình huống số5
Chiến lược đa dạng hóa của công ty Vinamilk_Tình huống số5
 
Phân Tích Ngành Và Môi Trường Cạnh Tranh
Phân Tích  Ngành Và Môi Trường Cạnh TranhPhân Tích  Ngành Và Môi Trường Cạnh Tranh
Phân Tích Ngành Và Môi Trường Cạnh Tranh
 
Bộ chứng từ trong thanh toán L/C - Tiểu luận
Bộ chứng từ trong thanh toán L/C - Tiểu luậnBộ chứng từ trong thanh toán L/C - Tiểu luận
Bộ chứng từ trong thanh toán L/C - Tiểu luận
 

Similar to HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA

CÁN CÂN THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – TRUNG QUỐC: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
CÁN CÂN THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – TRUNG QUỐC:  THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁPCÁN CÂN THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – TRUNG QUỐC:  THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
CÁN CÂN THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – TRUNG QUỐC: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁPlamluanvan.net Viết thuê luận văn
 
Chiến lược thâm nhập thị trường của công ty cổ phần thiết bị y tế Việt Nhật
Chiến lược thâm nhập thị trường của công ty cổ phần thiết bị y tế Việt NhậtChiến lược thâm nhập thị trường của công ty cổ phần thiết bị y tế Việt Nhật
Chiến lược thâm nhập thị trường của công ty cổ phần thiết bị y tế Việt Nhậtluanvantrust
 
Luận văn: Hoạt động kinh doanh nhượng quyền thương mại tại TP. Hồ Chí Minh - ...
Luận văn: Hoạt động kinh doanh nhượng quyền thương mại tại TP. Hồ Chí Minh - ...Luận văn: Hoạt động kinh doanh nhượng quyền thương mại tại TP. Hồ Chí Minh - ...
Luận văn: Hoạt động kinh doanh nhượng quyền thương mại tại TP. Hồ Chí Minh - ...Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
Vận dụng marketing vào đẩy mạnh kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không tại hàn...
Vận dụng marketing vào đẩy mạnh kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không tại hàn...Vận dụng marketing vào đẩy mạnh kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không tại hàn...
Vận dụng marketing vào đẩy mạnh kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không tại hàn...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
bctntlvn (118).pdf
bctntlvn (118).pdfbctntlvn (118).pdf
bctntlvn (118).pdfLuanvan84
 
Marketing xuất khẩu và vận dụng trong kinh doanh xuất khẩu ở công ty May 10
Marketing xuất khẩu và vận dụng trong kinh doanh xuất khẩu ở công ty May 10Marketing xuất khẩu và vận dụng trong kinh doanh xuất khẩu ở công ty May 10
Marketing xuất khẩu và vận dụng trong kinh doanh xuất khẩu ở công ty May 10luanvantrust
 
Luan van tot nghiep quan tri kinh doanh quoc te (43).Doc
Luan van tot nghiep quan tri kinh doanh quoc te (43).DocLuan van tot nghiep quan tri kinh doanh quoc te (43).Doc
Luan van tot nghiep quan tri kinh doanh quoc te (43).DocNguyễn Công Huy
 
Đề tài: Giải pháp hoàn thiện công tác chăm sóc khách hàng tập đoàn bưu chính,...
Đề tài: Giải pháp hoàn thiện công tác chăm sóc khách hàng tập đoàn bưu chính,...Đề tài: Giải pháp hoàn thiện công tác chăm sóc khách hàng tập đoàn bưu chính,...
Đề tài: Giải pháp hoàn thiện công tác chăm sóc khách hàng tập đoàn bưu chính,...Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
Hoàn thiện công tác kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản ph...
Hoàn thiện công tác kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản ph...Hoàn thiện công tác kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản ph...
Hoàn thiện công tác kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản ph...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Hoàn thiện công tác kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản ph...
Hoàn thiện công tác kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản ph...Hoàn thiện công tác kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản ph...
Hoàn thiện công tác kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản ph...NOT
 
Đề tài luận văn 2024 Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Công t...
Đề tài luận văn 2024 Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Công t...Đề tài luận văn 2024 Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Công t...
Đề tài luận văn 2024 Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Công t...lamluanvan.net Viết thuê luận văn
 
bctntlvn (44).pdf
bctntlvn (44).pdfbctntlvn (44).pdf
bctntlvn (44).pdfLuanvan84
 
Một số giải pháp nhằm đáp ứng rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) tại t...
Một số giải pháp nhằm đáp ứng rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) tại t...Một số giải pháp nhằm đáp ứng rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) tại t...
Một số giải pháp nhằm đáp ứng rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) tại t...lamluanvan.net Viết thuê luận văn
 
Luận văn: Ứng dụng một số mô hình đầu tư chính hiện đại vào thị trường chứng ...
Luận văn: Ứng dụng một số mô hình đầu tư chính hiện đại vào thị trường chứng ...Luận văn: Ứng dụng một số mô hình đầu tư chính hiện đại vào thị trường chứng ...
Luận văn: Ứng dụng một số mô hình đầu tư chính hiện đại vào thị trường chứng ...Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
Khoá Luận Tốt Nghiệp Giải Pháp Thúc Đẩy Sự Phát Triển Của Các Loại Hình Tổ Ch...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Giải Pháp Thúc Đẩy Sự Phát Triển Của Các Loại Hình Tổ Ch...Khoá Luận Tốt Nghiệp Giải Pháp Thúc Đẩy Sự Phát Triển Của Các Loại Hình Tổ Ch...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Giải Pháp Thúc Đẩy Sự Phát Triển Của Các Loại Hình Tổ Ch...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 

Similar to HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA (20)

CÁN CÂN THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – TRUNG QUỐC: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
CÁN CÂN THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – TRUNG QUỐC:  THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁPCÁN CÂN THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – TRUNG QUỐC:  THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
CÁN CÂN THƯƠNG MẠI VIỆT NAM – TRUNG QUỐC: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
 
Chiến lược thâm nhập thị trường của công ty cổ phần thiết bị y tế Việt Nhật
Chiến lược thâm nhập thị trường của công ty cổ phần thiết bị y tế Việt NhậtChiến lược thâm nhập thị trường của công ty cổ phần thiết bị y tế Việt Nhật
Chiến lược thâm nhập thị trường của công ty cổ phần thiết bị y tế Việt Nhật
 
Luận văn: Chiến lược kinh doanh tại Tổng công ty cổ phần may Việt Tiến và các...
Luận văn: Chiến lược kinh doanh tại Tổng công ty cổ phần may Việt Tiến và các...Luận văn: Chiến lược kinh doanh tại Tổng công ty cổ phần may Việt Tiến và các...
Luận văn: Chiến lược kinh doanh tại Tổng công ty cổ phần may Việt Tiến và các...
 
Luận văn: Hoạt động kinh doanh nhượng quyền thương mại tại TP. Hồ Chí Minh - ...
Luận văn: Hoạt động kinh doanh nhượng quyền thương mại tại TP. Hồ Chí Minh - ...Luận văn: Hoạt động kinh doanh nhượng quyền thương mại tại TP. Hồ Chí Minh - ...
Luận văn: Hoạt động kinh doanh nhượng quyền thương mại tại TP. Hồ Chí Minh - ...
 
Vận dụng marketing vào đẩy mạnh kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không tại hàn...
Vận dụng marketing vào đẩy mạnh kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không tại hàn...Vận dụng marketing vào đẩy mạnh kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không tại hàn...
Vận dụng marketing vào đẩy mạnh kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không tại hàn...
 
bctntlvn (118).pdf
bctntlvn (118).pdfbctntlvn (118).pdf
bctntlvn (118).pdf
 
Marketing xuất khẩu và vận dụng trong kinh doanh xuất khẩu ở công ty May 10
Marketing xuất khẩu và vận dụng trong kinh doanh xuất khẩu ở công ty May 10Marketing xuất khẩu và vận dụng trong kinh doanh xuất khẩu ở công ty May 10
Marketing xuất khẩu và vận dụng trong kinh doanh xuất khẩu ở công ty May 10
 
Khoá Luận Tốt Nghiệp Khả Năng Thích Ứng Của Ngành Công Nghiệp Ô Tô Việt Nam T...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Khả Năng Thích Ứng Của Ngành Công Nghiệp Ô Tô Việt Nam T...Khoá Luận Tốt Nghiệp Khả Năng Thích Ứng Của Ngành Công Nghiệp Ô Tô Việt Nam T...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Khả Năng Thích Ứng Của Ngành Công Nghiệp Ô Tô Việt Nam T...
 
La0217
La0217La0217
La0217
 
Marketing Basic
Marketing BasicMarketing Basic
Marketing Basic
 
Luan van tot nghiep quan tri kinh doanh quoc te (43).Doc
Luan van tot nghiep quan tri kinh doanh quoc te (43).DocLuan van tot nghiep quan tri kinh doanh quoc te (43).Doc
Luan van tot nghiep quan tri kinh doanh quoc te (43).Doc
 
Đề tài: Giải pháp hoàn thiện công tác chăm sóc khách hàng tập đoàn bưu chính,...
Đề tài: Giải pháp hoàn thiện công tác chăm sóc khách hàng tập đoàn bưu chính,...Đề tài: Giải pháp hoàn thiện công tác chăm sóc khách hàng tập đoàn bưu chính,...
Đề tài: Giải pháp hoàn thiện công tác chăm sóc khách hàng tập đoàn bưu chính,...
 
Hoàn thiện công tác kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản ph...
Hoàn thiện công tác kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản ph...Hoàn thiện công tác kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản ph...
Hoàn thiện công tác kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản ph...
 
Hoàn thiện công tác kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản ph...
Hoàn thiện công tác kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản ph...Hoàn thiện công tác kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản ph...
Hoàn thiện công tác kế toán tập hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản ph...
 
Kế Toán Chi Phí Sản Xuất Và Tính Giá Thành Sản Phẩm Xây Lắp Tại Công Ty Thi C...
Kế Toán Chi Phí Sản Xuất Và Tính Giá Thành Sản Phẩm Xây Lắp Tại Công Ty Thi C...Kế Toán Chi Phí Sản Xuất Và Tính Giá Thành Sản Phẩm Xây Lắp Tại Công Ty Thi C...
Kế Toán Chi Phí Sản Xuất Và Tính Giá Thành Sản Phẩm Xây Lắp Tại Công Ty Thi C...
 
Đề tài luận văn 2024 Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Công t...
Đề tài luận văn 2024 Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Công t...Đề tài luận văn 2024 Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Công t...
Đề tài luận văn 2024 Một số giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Công t...
 
bctntlvn (44).pdf
bctntlvn (44).pdfbctntlvn (44).pdf
bctntlvn (44).pdf
 
Một số giải pháp nhằm đáp ứng rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) tại t...
Một số giải pháp nhằm đáp ứng rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) tại t...Một số giải pháp nhằm đáp ứng rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) tại t...
Một số giải pháp nhằm đáp ứng rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) tại t...
 
Luận văn: Ứng dụng một số mô hình đầu tư chính hiện đại vào thị trường chứng ...
Luận văn: Ứng dụng một số mô hình đầu tư chính hiện đại vào thị trường chứng ...Luận văn: Ứng dụng một số mô hình đầu tư chính hiện đại vào thị trường chứng ...
Luận văn: Ứng dụng một số mô hình đầu tư chính hiện đại vào thị trường chứng ...
 
Khoá Luận Tốt Nghiệp Giải Pháp Thúc Đẩy Sự Phát Triển Của Các Loại Hình Tổ Ch...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Giải Pháp Thúc Đẩy Sự Phát Triển Của Các Loại Hình Tổ Ch...Khoá Luận Tốt Nghiệp Giải Pháp Thúc Đẩy Sự Phát Triển Của Các Loại Hình Tổ Ch...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Giải Pháp Thúc Đẩy Sự Phát Triển Của Các Loại Hình Tổ Ch...
 

Recently uploaded

powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxAnAn97022
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líDr K-OGN
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhvanhathvc
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoámyvh40253
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...hoangtuansinh1
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...ThunTrn734461
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfTrnHoa46
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfVyTng986513
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 

Recently uploaded (20)

powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
 
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 

HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA

  • 1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG KHOA KINH TẾ VÀ KINH DOANH QUỐC TẾ ----------***--------- KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP Chuyên ngành: Kinh tế đối ngoại HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM VÀ GIẢI PHÁP VƯỢT QUA Họ và tên sinh viên : Trần Thị Minh Trang Mã sinh viên :1111110595 Lớp : Anh 17 - Khối 5 KT Khóa : 50 Người hướng dẫn khoa học : ThS. Đinh Khương Duy
  • 2. 2 Hà Nội, tháng 5 năm 2015
  • 3. MỤC LỤC DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT DANH MỤC BẢNG, BIỂU ĐỒ MỤC LỤC................................................................................................................1 DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT...............................................................................5 DANH MỤC BẢNG, BIỂU ĐỒ..............................................................................7 LỜI MỞ ĐẦU..........................................................................................................1 CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI............6 1.1Khái quát về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Technical Barriers To Trade – TBT)..........................................................................................................................6 1.1.1 Khái niệm và đặc điểm.....................................................................................6 1.1.1.1 Khái niệm.......................................................................................................6 1.1.1.2 Đặc điểm của hàng rào kỹ thuật...................................................................10 1.1.2 Quy định quốc tế về hàng rào kỹ thuật trong thương mại...............................11 1.1.2.1 Hiệp định TBT..............................................................................................11 1.1.2.2 Hiệp định SPS..............................................................................................17 1.1.2.3 Hệ thống quản lý chung trên thế giới...........................................................18 1.1.3 Các hình thức của hàng rào kỹ thuật...............................................................21 1.1.3.1 Quy định về tiêu chuẩn chất lượng...............................................................21 1.1.3.2 Vệ sinh an toàn thực phẩm...........................................................................21 1.1.3.3 Nhãn mác, bao bì đóng gói...........................................................................21 1.1.3.4 Tiêu chuẩn về môi trường............................................................................22 1.1.4 Mục đích áp dụng...........................................................................................23 1.2 Tác động của hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế................................23 1.2.1 Đối với nước xuất khẩu.................................................................................23 1.2.1.1 Tích cực........................................................................................................23 Đối với doanh nghiệp: Các doanh nghiệp trong nước hiểu hơn sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, từ đó sẽ có những biện pháp nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nâng cao hơn năng lực cạnh tranh của mình. Các doanh nghiệp sẽ
  • 4. học được cách thích ứng với những biến đổi của thị trường, nếu thực sự tìm ra hướng đi đúng đắn để không chỉ vượt qua rào cản kỹ thuật mà còn tự tìm được vị trí chắc chắn cho mình trên thị trường.....................................................................23 Đối với hàng hóa của doanh nghiệp: hàng hóa sau khi đã đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khắt khe sẽ tự tạo được chỗ đứng riêng trên thị trường nói chung và dễ dàng thâm nhập vào các thị trường tương tự khác nói riêng. .......24 1.2.1.2 Hạn chế.........................................................................................................24 1.2.2 Đối với nước nhập khẩu................................................................................24 1.2.2.1 Tích cực........................................................................................................24 1.2.2.2 Hạn chế.........................................................................................................24 CHƯƠNG 2............................................................................................................26 THỰC TRẠNG VÀ TÁC ĐỘNG HÀNG RÀO KỸ THUẬT CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM..............................................................................26 2.1 Thị trường Mỹ và cơ hội xuất khẩu nông sản của Việt Nam.............................26 2.1.1 Quan hệ thương mại Việt Nam – Mỹ.............................................................26 2.1.2 Đặc điểm của thị trường Mỹ..........................................................................30 2.1.3 Khả năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam.................................................32 2.2 Hàng rào kỹ thuật của Mỹ đối với mặt hàng nông sản......................................33 2.2.1 Các quy định về hàng rào kỹ thuật của Mỹ đối với nông sản .......................34 2.2.1.1 Các cơ quan quản lý nhập khẩu nông sản ở Mỹ..........................................34 2.2.2 Hình thức của hàng rào kỹ thuật Mỹ đối với nông sản .................................37 2.3 Thực trạng sử dụng hàng rào kỹ thuật của Mỹ đối với nông sản Việt Nam ......38 2.3.1 Một số hình thức áp dụng phổ biến ................................................................38 2.3.1.1 Tiêu chuẩn sản phẩm....................................................................................38 2.3.1.2 Các phương pháp vệ sinh, an toàn thực phẩm..............................................39 2.3.1.3 Quy định về nhãn mác hàng hóa..................................................................39 2.3.1.4 Quy định về gia hạn đăng ký........................................................................40 2.3.1.5 Các quy định khác........................................................................................40 2.3.2 Một số trường hợp điển hình..........................................................................41 2.3.3 Các biện pháp Việt Nam đã áp dụng để vượt qua hàng rào kỹ thuật của Mỹ. 45
  • 5. 2.3.3.1 Từ phía Chính phủ......................................................................................45 2.3.3.2 Từ phía doanh nghiệp.................................................................................46 2.4 Đánh giá về hàng rào kỹ thuật đối với nông sản Việt Nam của Mỹ và các biện pháp vượt qua của Việt Nam...................................................................................47 2.4.1 Đối với việc Mỹ áp dụng hàng rào kỹ thuật với nông sản Việt Nam.............47 2.4.2 Đối với các biện pháp Việt Nam đã áp dụng để vượt qua hàng rào kỹ thuật. 48 GIẢI PHÁP VƯỢT QUA HÀNG RÀO KỸ THUẬT ĐỐI VỚI NÔNG SẢN XUẤT KHẨU TẠI THỊ TRƯỜNG MỸ..............................................................51 3.1 Xu hướng nhập khẩu nông sản và sử dụng hàng rào kỹ thuật của Mỹ...............51 3.1.1 Dự báo nhu cầu nhập khẩu nông sản của Mỹ................................................51 3.1.2 Xu hướng sử dụng hàng rào kỹ thuật trên thế giới.........................................52 3.1.3 Xu hướng sử dụng hàng rào kỹ thuật của Mỹ................................................54 3.2 Nhân tố ảnh hưởng đến khả năng vượt qua hàng rào kỹ thuật Mỹ áp dụng đối với nông sản Việt Nam............................................................................................55 3.3 Giải pháp giúp Việt Nam vượt qua hàng rào kỹ thuật đối với nông sản tại thị trường Mỹ................................................................................................................56 3.3.1 Nhóm giải pháp vĩ mô...................................................................................56 3.3.1.1 Hoàn thiện các quy định pháp luật, tạo môi trường pháp lý minh bạch.......56 3.3.1.2 Hài hòa, đồng bộ hóa tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế...............58 3.3.1.3 Nâng cao vai trò của văn phòng TBT Việt Nam..........................................59 3.3.1.4 Hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tranh chấp liên quan đến hàng rào kỹ thuật ..................................................................................................................................61 3.3.2 Nhóm giải pháp vi mô....................................................................................64 3.3.2.1 Giải pháp đối với các hiệp hội ....................................................................64 Hỗ trợ thông tin cho cá nhân, doanh nghiệp............................................................64 Chia sẻ rủi ro khi doanh nghiệp khởi kiện, kháng kiện............................................65 3.3.2.2 Giải pháp đề xuất với các doanh nghiệp......................................................65 Trang bị kiến thức về hệ thống pháp luật thương mại quốc tế, các quy định về hàng rào kỹ thuật..............................................................................................................65 Tập hợp thông tin về hàng rào kỹ thuật của Mỹ, thiết lập hệ thống tiêu chuẩn ổn định, uy tín................................................................................................................66
  • 6. Nghiên cứu kỹ về thị trường.....................................................................................67 Tạo vùng nguyên liệu trong nước, hạn chế việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, chủ động hình thành chuỗi giá trị nông sản...................................................69 Chuẩn bị phương án đối phó cần thiết......................................................................70 KẾT LUẬN............................................................................................................71 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO..............................................................72
  • 7. DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT Chữ viết tắt Tiếng Anh Tiếng Việt APHIS Animal and Plant Health Inspection Services Cục kiểm định Y tế động thực vật BTA The US – Vietnam Bilateral Trade Agreement Hiệp định thương mại Việt Nam – Mỹ FAO Food and Agricuture Organization Tổ chức Liên hợp quốc về lương thực và nông nghiệp FDCA Federal Food, Drug and Cosmetic Art Luật liên bang về thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm FDA Food and Drug Administration Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm (Mỹ) FSMA Food Safety Modernization Act Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm HACCP Hazard Analysis and Critical Control Point Hệ thống phân tích mối nguy và xác định điểm kiểm soát tới hạn ISO International Standard Organization Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế OECD Organization for Economic Co- operation and Development Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế
  • 8. TBT Technical Barriers to Trade Hàng rào kỹ thuật USDA United States Department of Agricuture Bộ Nông nghiệp Mỹ WTO World Trade Organization Tổ chức Thương mại thế giới TCVN Tiêu chuẩn Việt Nam NN&PTNN Nông nghiệp và phát triển nông thôn
  • 9. DANH MỤC BẢNG, BIỂU ĐỒ Bảng, biểu đồ Nội dung bảng, biểu đồ Trang Sơ đồ 1.1 Quy chuẩn kỹ thuật 7 Bảng 1.1 Nội dung trong các tiêu chuẩn – quy chuẩn kỹ thuật 9 Sơ đồ 1.2 Các mục tiêu hợp pháp 13 Sơ đồ 1.3 Quy trình triển khai ISO 9001:2008 19 Sơ đồ 1.4 Quy trình cấp nhãn sinh thái 22 Biểu đồ 2.1 Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Mỹ giai đoạn 2007 – 2014 27 Biểu đồ 2.2 Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ở một số thị trường quý I/2015 28 Bảng 2.1 Danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường Mỹ của Việt Nam năm 2014 29 Bảng 2.2 Khả năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam trên thị trường giai đoạn 2006 – 2012 33 Bảng 3.1 Xu hướng nhập khẩu nông sản 52 Bảng 3.2 Số lượng TCVN và tiêu chuẩn về nông sản 58
  • 10.
  • 11. 1 LỜI MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất cơ bản có vai trò to lớn đối với việc phát triển kinh tế ở hầu hết các nước, đặc biệt là với các nước đang phát triển, những nước nghèo mà phần đông dân số sống nhờ nghề nông. Xã hội ngày càng phát triển, cùng với đó, nhu cầu về lương thực của con người cũng tăng cao, không chỉ về mặt số lượng mà còn về chất lượng, chủng loại. Về mặt hàng nông sản, đây là hàng hóa thiết yếu với đời sống và sản xuất, cũng là một trong những mặt hàng chiến lược, mang tính dài hạn. Chính phủ các nước đều trực tiếp hoạch định chính sách nhằm can thiệp vào sản xuất, xuất khẩu nông sản. Đây là mặt hàng có tính nhạy cảm cao, chịu tác động và ảnh hưởng lớn từ các điều kiện tự nhiên về đất đai, khí hậu, thời tiết,…. Chất lượng nông sản là yếu tố đầu tiên được người tiêu dùng quan tâm, các quốc gia trước khi nhập khẩu đều phải có những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch, xuất xứ. Bên cạnh đó, việc vận chuyển và bảo quản mặt hàng này cũng có những đòi hỏi, yêu cầu khắt khe. Đó là một khâu quyết định đến chất lượng hàng nông sản xuất khẩu. Hàng nông sản dễ bị hư hỏng, ẩm mốc, biến chất. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2014, đóng góp vào 150,19 tỉ USD tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 13,7% so với năm 2013 phải kể đến nhiều mặt hàng như hàng thủy sản, rau quả, gạo, cà phê, cao su, than đá, hàng dệt may… Trong đó, các sản phẩm nông nghiệp chiếm một tỷ trọng cao. Cà phê đạt 3,6 tỷ USD (tăng 32,6%), rau quả đạt 1,47 tỷ USD (tăng 34,9%), hạt tiêu 1,2 tỷ USD (tăng 34,1%). Gạo vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đạt 3 tỷ USD, dù giảm 1,9% so với năm 2013, Việt Nam tụt xuống vị trí thứ ba (sau Thái Lan và Ấn Độ) về xuất khẩu gạo. Về thị trường Mỹ, đây được xem là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hàng Việt Nam nói chung, hàng nông sản nói riêng. Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế đối với Việt Nam năm 1994. Sau hơn 20 năm, quan hệ thương mại giữa hai nước đã có nhiều bước tiến quan trọng, Việt Nam trở thành đối tác xuất khẩu nông sản số 1 trong khối ASEAN vào thị trường Mỹ. Tính riêng 3 tháng đầu năm 2015, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, xuất khẩu cà phê vào Mỹ đạt
  • 12. 2 350.000 tấn với giá trị 734 triệu USD, chiếm 17,95% thị phần. Trong tháng 4/2015, Việt Nam xuất khẩu 112 nghìn tấn cà phê với giá trị 229 triệu USD, trong đó riêng sang thị trường Mỹ chiếm tới 12,54%. Ngày 13/11/2010, Việt Nam chính thức tham gia đàm phán hiệp định TPP – Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Mỹ là nước lớn nhất, là nền kinh tế có ảnh hưởng nhiều nhất tới tiến trình, phạm vi và kết quả của vòng đàm phán. Việc tham gia vào TPP sẽ giúp cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận với thị trường các nước đối tác thuận lợi và bình đẳng hơn, hưởng mức thuế suất thấp hơn và tự do cạnh tranh với hàng hóa của các quốc gia khác. Tuy nhiên, khó khăn thực sự đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ không nằm ở hàng rào thuế quan mà ở các hàng rào phi thuế quan (NTB – Non Tarriff Barrier), đặc biệt là ở hàng rào kỹ thuật (TBT – Technical Barriers to Trade). Mỹ luôn áp dụng các biện pháp hàng rào kỹ thuật chặt chẽ, thỉnh thoảng có thêm quy định mới khiến cho việc nhập khẩu hàng hóa vào thị trường này luôn khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, các lợi ích từ TPP cũng vì thế mà khó được sử dụng hiệu quả. Khó khăn đó lại không ngừng tăng cao khi các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trở nên khắt khe hơn không chỉtrở thành một rào cản thương mại mà còn nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Xu hướng toàn cầu hóa trở thành động lực thúc đẩy các quốc gia, trong đó có Việt Nam không ngừng mở rộng thị trường. Tận dụng lợi thế là nước phát triển nông nghiệp, có nền văn minh lúa nước lâu đời, Việt Nam tiếp tục vươn lên trở thành quốc gia với những thành tích xuất khẩu nông sản đáng nể. Tuy nhiên, trong thực tế, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực trong chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp của Nhà nước, có sự cải tiến khoa học, công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do cấp phải những trở ngại từ hàng rào kỹ thuật. Dự kiến tới năm 2018, hầu hết các nước sẽ áp mức thuế 0% đối với mặt hàng nông sản sau khi các hiệp định ký kết song phương, đa phương bắt đầu có hiệu lực. Tới thời điểm đó, hàng rào phi thuế quan trong đó tiêu biểu nhất là hàng rào kỹ thuật sẽ trở thành công cụ hữu hiệu để các quốc gia khác bảo vệ nền sản xuất trong nước.
  • 13. 3 Với mong muốn phần nào hiểu hơn về thực tế xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ, đồng thời muốn tìm hiểu về hàng rào kỹ thuật cũng như những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải, trong khóa luận tốt nghiệp, em lựa chọn đề tài “Hàng rào kỹ thuật trong thương mại của Mỹ đối với nông sản Việt Nam và giải pháp vượt qua”. 2. Tổng quan tình hình nghiên cứu Về các hàng rào phi thuế quan nói chung và hàng rào kỹ thuật nói riêng, trước nay đã có nhiều nghiên cứu khoa học. Tổ chức thương mại thế giới WTO có Hiệp định về rào cản kỹ thuật trong thương mại (Agreement on Technical Barriers to Trade) nhằm đảm bảo các kết quả đàm phán, tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như các quy trình kiểm tra sự phù hợp, cấp giấy phép không tạo nên những rào cản không cần thiết trong thương mại. Ở Mỹ, hàng năm, Quốc hội yêu cầu văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) và Uỷ ban thương mại quốc tế (ITC) gửi báo cáo thường niên để nắm bắt tình hình thực thi luật và các chính sách thương mại, trong đó USTR đưa ra báo cáo đánh giá thương mại quốc tế về các rào cản kỹ thuật. Tại Việt Nam, các nhà nghiên cứu cũng có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Nguyễn Hữu Khải với cuốn Hàng rào phi thuế quan trong thương mại quốc tế, Đinh Văn Thành với cuốn Nghiên cứu rào cản trong thương mại quốc tế và đề xuất giải pháp đối với Việt Nam(2005, NXB Lao động xã hội), nhóm tác giả Nguyễn Hữu Khải, Đào Ngọc Tiến, Đỗ Ngọc Kiên với Rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế: Lý thuyết và thực tiễn (NXB Bách khoa Hà Nội),… Có thể thấy, các nghiên cứu kể trên đã nêu lên một cách có hệ thống, chi tiết về hàng rào phi thuế quan song chưa đi sâu cụ thể vào hàng rào kỹ thuật; hoặc nếu có khung lý thuyết về hàng rào kỹ thuật nhưng lại chưa tập trung vào mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam nói chung và đối với thị trường Mỹ nói riêng. Thực tế hiện nay, nhiều lô hàng của Việt Nam sang Mỹ bị trả lại do không đáp ứng được những quy chuẩn kỹ thuật: lô hàng rau quả bị dính sâu đục quả, hồ tiêu đối mặt với những quy định khắt khe về chỉ số an toàn, vệ sinh thực phẩm, đòi hỏi sản phẩm phải có thương hiệu, chỉ dẫn xuất xứ, sản xuất thương mại bền vững cho
  • 14. 4 môi trường và xã hội,… Điều này không chỉ khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu thiệt hại về vật chất mà còn khó khăn trong những lần xuất khẩu tiếp theo vào thị trường Mỹ, dẫn tới việc hàng năm, phía Mỹ còn có lịch kiểm tra định kỳ trực tiếp đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, trong khóa luận của mình, người viết sẽ đi sâu vào việc nghiên cứu cụ thể ảnh hưởng của hàng rào kỹ thuật Mỹ áp dụng đối với nông sản xuất khẩu Việt Nam. 3. Mục đích nghiên cứu Trên cơ sở dựa trên hệ thống lý thuyết và thực tế áp dụng hàng rào kỹ thuật của Mỹ đối với nông sản Việt Nam, khóa luận nhằm đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao khả năng vượt qua hàng rào kỹ thuật, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường Mỹ. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1 Đối tượng nghiên cứu Đề tài sẽ đi sâu nghiên cứu cụ thể hàng rào kỹ thuật trong thương mại được Mỹ áp dụng đối với mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. 4.2 Phạm vi nghiên cứu Nông sản có chủng loại phong phú, được sản xuất từ các địa phương khác nhau, khái niệm về nông sản của WTO, Mỹ, Việt Nam cũng không đồng nhất thêm vào đó, hệ thống hàng rào kỹ thuật trong thương mại cũng hết sức đa dạng nên trong phạm vi nghiên cứu của mình, người viết sẽ dựa trên khái niệm nông sản của WTO, coi nông sản bao gồm các sản phẩm của nông nghiệp (mà không bao gồm cá và các sản phẩm từ cá, không bao gồm thủy sản). Về mặt thời gian, khóa luận sẽ sử dụng các số liệu tổng hợp giai đoạn 2007- 2014, có cập nhật tình hình cụ thể 4 tháng đầu năm 2015. Về mặt không gian, khóa luận nghiên cứu hàng rào kỹ thuật áp dụng với nông sản Việt Nam trên thị trường Mỹ. 5. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện đề tài khóa luận của mình, người viết có sử dụng các phương pháp tổng hợp, phân tích, thống kê, so sánh: Phương pháp tổng hợp lý thuyết: Sau khi nghiên cứu các tài liệu, lý luận khác nhau, rút ra những quan điểm đúng đắn, toàn diện, người viết sẽ liên kết lại nhằm
  • 15. 5 tạo ra một khung lý thuyết toàn diện, khái quát về hệ thống hàng rào kỹ thuật trong thương mại của Mỹ. Phương pháp phân tích: Dựa trên hệ thống các số liệu thống kê của cả Việt Nam và Mỹ, các nguồn thông tin từ các bộ, ban ngành liên quan, khóa luận sẽ kết hợp với thực tế áp dụng hàng rào kỹ thuật của Mỹ với nông sản Việt Nam để bước đầu đánh giá những ảnh hưởng đối với tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản, chất lượng nông sản và uy tín của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường Mỹ. Phương pháp so sánh, đối chiếu: trong khóa luận, người viết thực hiện việc so sánh đối chiếu thành tích xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Mỹ giữa các năm nhằm thấy rõ những nỗ lực không ngừng cải tiến chất lượng cũng như hình ảnh của doanh nghiệp Việt Nam. 6. Bố cục của khóa luận Khóa luận gồm có 3 chương: Chương 1: Tổng quan về hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Chương 2: Thực trạng và tác động hàng rào kỹ thuật của Mỹ đối với nông sản Việt Nam. Chương 3: Giải pháp vượt qua và thúc đẩy phát triển xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Mỹ.
  • 16. 6 CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN VỀ HÀNG RÀO KỸ THUẬT TRONG THƯƠNG MẠI 1.1 Khái quát về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Technical Barriers To Trade – TBT) 1.1.1 Khái niệm và đặc điểm 1.1.1.1 Khái niệm Các biện pháp áp dụng trong chính sách thương mại quốc tế hiện nay thường được chia thành hai loại: rào cản thuế quan (Tariff Barriers – TB) và rào cản phi thuế quan (Non-tariff barriers – NTB). Do nhiều lý do khác nhau, các quốc gia hiện nay phải duy trì việc sử dụng các hình thức của rào cản thương mại như một công cụ hữu hiệu nhằm bảo hộ nền sản xuất nội địa. Bên cạnh biện pháp bảo hộ bằng thuế quan là các biện pháp phi thuế quan. Năm 1997, tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD đưa ra khái niệm: “Hàng rào phi thuế quan là những biện pháp biên giới nằm ngoài phạm vi thuế quan có thể được các quốc gia sử dụng, thông thường dựa trên cơ sở lựa chọn, nhằm hạn chế nhập khẩu”. Một trong các biện pháp quản lý nhập khẩu phi thuế quan là hàng rào kỹ thuật (Technical Barrier to Trade - TBT). Giáo trình Quan hệ kinh tế quốc tế (2005, NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội) có đưa ra định nghĩa: “Hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế là quy định của nước nhập khẩu về các yêu cầu, tiêu chuẩn đối với hàng nhập khẩu để được thông quan vào thị trường nội địa”. “Hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế là một hình thức bảo hộ mậu dịch, qua việc nước nhập khẩu đưa ra các yêu cầu về tiêu chuẩn đối với hàng hóa nhập khẩu hết sức khắt khe: Tiêu chuẩn về quy cách, mẫu mã, về chất lượng, về vệ sinh, về an toàn, về mức độ gây ô nhiễm môi trường… Nếu hàng hóa không đạt được một trong những tiêu chuẩn kể trên thì không được nhập khẩu vào lãnh thổ một nước nào đó”. Thực tế, hàng rào kỹ thuật có thể được sử dụng nhằm mục đích bảo hộ cho sản xuất trong nước, gây khó khăn cho việc thâm nhập thị trường của một hoặc nhiều
  • 17. 7 nước, nói cách khác, rào cản kỹ thuật là khó khăn tiềm ẩn đối với thương mại quốc nói chung và người sản xuất, xuất khẩu nói riêng. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng vô cùng cần thiết đối với thương mại khi được sử dụng như một công cụ nhằm bảo vệ môi trường, an ninh quốc gia, an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần mang đầy đủ thông tin tới cho người tiêu dùng và đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho họ. *Định nghĩa của WTO Theo WTO, hàng rào kỹ thuật trong thương mại bao gồm cái quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp trong đó: - Quy chuẩn kỹ thuật (Technical Regulations) : Là văn bản đưa ra các đặc tính của sản phẩm hoặc các quá trình có liên quan đến sản phẩm và phương pháp sản xuất, bao gồm cả các điều khoản hành chính thích hợp, mà việc tuân thủ chúng là bắt buộc. Văn bản này cũng có thể bao gồm hoặc gắn liền với thuật ngữ, biểu tượng, cách thức bao gói, dán nhãn hoặc ghi nhãn áp dụng cho một sản phẩm, quy trình hoặc phương pháp sản xuất nhất định. Sơ đồ 1.1: Quy chuẩn kỹ thuật (Nguồn: Tác giả tự tổng hợp từ hiệp định TBT) - Tiêu chuẩn kỹ thuật (Technical Standards) : là văn bản do một cơ quan được thừa nhận ban hành để sử dụng rộng rãi và lâu dài, trong đó quy định các quy tắc, hướng dẫn hoặc các đặc tính đối với sản phẩm hoặc các quy trình và phương pháp sản xuất có liên quan, mà việc tuân thủ chúng là không bắt buộc. Văn bản này cũng có thể bao gồm hoặc gắn liền với thuật ngữ, biểu tượng, cách thức bao gói, dán nhãn hoặc ghi nhãn áp dụng cho một sản phẩm, quy trình hoặc phương pháp sản xuất nhất định. Hiện nay, các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế thông dụng thường do các tổ chức sau ban hành: Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa (ISO), ủy ban kỹ thuật Quy chuẩn kỹ thuật Đưa ra các đặc tính về sản phẩm Các quá trình liên quan và phương phápsản xuất Việc tuân thủ là bắt buộc
  • 18. 8 điện tử quốc tế (IEC), liên đoàn viễn thông quốc tế (ITU), ủy ban dinh dưỡng (CODEX),… - Quy trình đánh giá sự phù hợp (Conformity Assessment Procedure): quy trình thẩm định đối với một hàng hóa với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. Theo Hiệp định TBT, đây là “bất kỳ một thủ tục nào được áp dụng trực tiếp hoặc gián tiếp để xác định rằng các yêu cầu liên quan trong các tiêu chuẩn hay quy chuẩn kỹ thuật có được thực hiện hay không”. Các thủ tục đánh giá tính phù hợp cần được tiến hành và hoàn thành nhanh chóng và dành ưu đãi cho các sản phẩm có xuất xứ từ lãnh thổ nước thành viên khác tương tự như ưu đãi dành cho các sản phẩm tương tự được sản xuất trong nước Cụ thể, quy trình đánh giá sự phù hợp được thực hiện bởi một cơ quan thứ ba với các công việc sau: • Kiểm nghiệm sản phẩm Theo Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa ISO, kiểm nghiệm sản phẩm là “một thao tác kỹ thuật bao gồm việc xác định một hay nhiều đặc điểm của sản phẩm, một công đoạn hay dịch vụ nhất định theo một quy trình quy định”. Mục tiêu của hoạt động này nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm, đánh giá sản phẩm có đạt được những tiêu chí nhất định không. Cụ thể, các chuyên gia trong các phòng thí nghiệm hoặc tổ chức chuyên môn sẽ tiến hành kiểm tra nguyên vật liệu để đánh giá nguyên liệu đó có đạt chất lượng không. Ngoài ra còn tiến hành kiểm nghiệm thành phẩm và bán thành phẩm để xét mức độ tối ưu của phương pháp sản xuất cũng như chỉ số an toàn vệ sinh. Bên cạnh đó, việc kiểm nghiệm cũng giúp các nhà sản xuất chứng minh được đặc điểm khác biệt, vượt trội của sản phẩm so với các sản phẩm cùng loại hoặc tương tự khác. • Chứng nhận sau giám định Cũng theo ISO, đây là “một thủ tục do bên thứ ba đưa ra bằng văn bản nhằm đảm bảo là một sản phẩm, quá trình hay dịch vụ phù hợp với quy trình quy định”. Dựa vào một hay nhiều tiêu chuẩn nhất định, các chuyên gia sẽ thực hiện đo lường, đánh giá sản phẩm. Chứng nhận này có thể giúp cho nhà xuất khẩu gia tăng mức độ tin cậy của sản phẩm, tăng mức độ tiêu thụ hơn trên thị trường. Chứng nhận có thể được sử dụng trên bao bì, sản phẩm.
  • 19. 9 • Đánh giá hệ thống quản lý chất lượng Các chuyên gia sẽ đánh giá hệ thống quản lý chất lượng của nhà sản xuất nhằm đảm bảo với người tiêu dùng ở thị trường nhập khẩu: nhà sản xuất có sử dụng hệ thống quản lý chất lượng hiệu quả, ổn định. • Thủ tục công nhận Các quy trình nêu trên được thực hiện bởi các phòng thí nghiệm, cơ quan chứng nhận, cơ quan đăng ký đảm bảo chất lượng độc lập. Do đó, sẽ có thủ tục công nhận nhằm đánh giá và thừa nhận năng lực, kết quả của các cơ quan đánh giá sự phù hợp nêu trên. Bảng 1.1: Nội dung trong các quy chuẩn – tiêu chuẩn kỹ thuật  - Các đặc tính sản phẩm, bao gồm cả các đặc tính về chất lượng;  - Các quy trình và phương pháp sản xuất (PPMs) có ảnh hưởng đến đặc tính của sản phẩm;  - Các thuật ngữ, ký hiệu;  - Các yêu cầu về đóng gói, ghi nhãn mác áp dụng cho sản phẩm. (Nguồn: VCCI, Rào cản kỹ thuật đối với thương mại - TBT) * Định nghĩa của OECD Theo OECD - tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế: “Rào cản kỹ thuật trong thương mại là những quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn tối thiểu và hệ thống chứng nhận cho sức khỏe, an toàn và bảo vệ môi trường, tăng cường sự sẵn có của thông tin về sản phẩm” Như vậy, theo OECD, rào cản kỹ thuật là những quy định thể hiện bằng các mục tiêu về sức khỏe, an toàn, chất lượng. Như vậy, quan điểm của OECD là nhấn mạnh đến mục tiêu vì con người, vì môi trường thay vì chú trọng rào cản kỹ thuật như một biện pháp nhằm hạn chế thương mại. * Quan điểm của người viết Có thể thấy, mỗi quan điểm của mỗi tổ chức về rào cản kỹ thuật nhấn mạnh đến tầm quan trọng của từng yếu tố nhưng nhìn chung, đều khẳng định các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật là hai yếu tố nòng cốt để tạo ra hàng rào bảo vệ quyền lợi của các nhà sản xuất trong nước, sức khỏe của người tiêu dùng cũng như ngăn chặn nguy cơ gia tăng ô nhiễm môi trường.
  • 20. 10 Tóm lại, hàng rào kỹ thuật là một biện pháp quản lý nhập khẩu phi thuế quan, một biện pháp mang tính cản trở đối với thương mại mà không dựa trên cơ sở pháp lý, khoa học hoặc bình đẳng, được hình thành do những khác biệt trong quy định của các quốc gia về các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp. 1.1.1.2 Đặc điểm của hàng rào kỹ thuật Tiêu chuẩn và quy chuẩn trong hàng rào kỹ thuật mang lại hiệu quả cao hơn thuế và hạn ngạch. Việc sử dụng thuế hay hạn ngạch là biện pháp nhằm hạn chế số lượng hàng hóa nhập khẩu vào thị trường một quốc gia qua hình thức cấp giấy phép hoặc đánh thuế trên mỗi đơn vị hàng hóa, giúp Chính phủ kiểm soát được chặt chẽ lượng hàng xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, lợi ích thu được từ việc quy định nhưng tiêu chuẩn và quy chuẩn trong hàng rào kỹ thuật cao hơn. Một mặt đây là công cụ hữu hiệu nhằm giúp các quốc gia hạn chế được lượng hàng hóa nhập khẩu. Mặt khác, công cụ này xuất phát từ đòi hỏi thực tế từ đời sống xã hội, nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như quy trình đánh giá sự phù hợp sẽ quy định chi tiết các yêu cầu của nước nhập khẩu về chất lượng sản phẩm,vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động,… Như vậy, hàng rào kỹ thuật không chỉ mang những ý nghĩa kinh tế nhằm bảo hộ thị trường, cản trở một phần lượng hàng hóa nhập khẩu mà còn có nhiều lợi ích cho người tiêu dùng nước nhập khẩu cũng như nhà sản xuất. Hàng rào kỹ thuật là một biện pháp có tính hai mặt. Như đã nêu, hàng rào kỹ thuật giúp cho các sản phẩm nhập khẩu sẽ có chất lượng tốt hơn, đạt chuẩn các quy định về mẫu mã, bao bì sản phẩm, các yêu cầu về vệ sinh dịch tễ, ô nhiễm môi trường. Các doanh nghiệp xuất khẩu muốn hàng hóa được thông quan và chấp nhận ở một thị trường mới sẽ phải đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, hoàn thiện sản phẩm. Do đó, hàng rào kỹ thuật là một công cụ nhằm loại bỏ những mặt hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, đây cũng là một hình thức cản trở thương mại. Các nhà xuất khẩu sẽ gặp khó khăn khi tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp ở các thị trường trên thế giới khác nhau. Nếu không có khả năng thích ứng và
  • 21. 11 vận động linh hoạt, doanh nghiệp có thể còn phải chịu những thiệt hại kinh tế không nhỏ. Tính hai mặt của hàng rào kỹ thuật còn được thể hiện rõ ở hai nhóm nước. Đối với các nước phát triển, hàng rào kỹ thuật là một công cụ hữu hiệu nhằm phục vụ chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển, đây được coi là một thách thức lớn. Hàng hóa không phù hợp với những quy định về hàng rào của nước nhập khẩu có thể bị trả về, những lô hàng tương tự có cùng nguồn gốc xuất xứ sẽ gặp thêm khó khăn trong quá trình làm thủ tục hải quan. Nếu muốn hàng hóa nhập khẩu vào thị trường mới, nhà xuất khẩu phải tìm hiểu rõ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. Việc tuân thủ những quy định đó sẽ yêu cầu một số vốn đầu tư lớn cho công nghệ, dây chuyền máy móc hiện đại, ứng dụng khoa học tiên tiến nên sẽ làm gia tăng chi phí đầu tư, kéo theo việc tăng giá hàng hóa và hệ quả sẽ làm các doanh nghiệp xuất khẩu mất đi cơ hội kinh doanh, thâm nhập thị trường. 1.1.2 Quy định quốc tế về hàng rào kỹ thuật trong thương mại 1.1.2.1 Hiệp định TBT GATT 1947 có các điều khoản quy định cụ thể về các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật có tính chất quốc tế. GATT thành lập một nhóm nghiên cứu nhằm đo lường mức độ ảnh hưởng của rào cản phi thuế quan đối với hoạt động thương mại quốc tế. Kết thúc vòng đám phán Tokyo 1979, 32 nước thành viên đã ký và cho ra đời Hiệp định đa phương về các rào cản kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT). Hiệp định TBT là một phần không thể tách rời của hệ thống Hiệp định WTO. Các quốc gia xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật riêng nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng, tiêu thụ sản phẩm bằng cách trực tiếp quản lý chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, điều này làm phát sinh ra sự chênh lệch giữa tiêu chuẩn của các quốc gia. Khi một quốc gia muốn xuất khẩu sản phẩm của nước mình ra nước ngoài, ngoài việc sản phẩm đó đáp ứng được các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật trong nước còn phải phù hợp với các quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Sự sai khác, chênh lệch giữa quy định của nước nhập khẩu và nước xuất khẩu sẽ tạo ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Để có được sự thống nhất hài hòa giữa tiêu chuẩn các nước đòi hỏi chi phí rất lớn bao gồm chi phí dịch thuật các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật của
  • 22. 12 nước ngoài; chi phí thuê chuyên gia kỹ thuật để giải thích về các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật đó; chi phí điều chỉnh sản phẩm trong nước để phù hợp với các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật nước ngoài... Ngoài ra, nhà sản xuất còn phải chứng minh được sản phẩm của mình đáp ứng được yêu cầu của các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật bằng cách gửi mẫu hàng hóa của mình đến các phòng thí nghiệm chuyên môn hoặc cơ quan có chuyên môn để chứng nhận đạt chuẩn. Tất cả những chi phí, thủ tục trên khiến nhà sản xuất phải mất nhiều thời gian và bỏ ra nhiều chi phí, có thể mất cơ hội kinh doanh trên thị trường do sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh trong nước. Như vậy, tổ chức thương mại thế giới WTO đưa ra hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (hiệp định TBT) với mục tiêu “cố gắng đảm bảo rằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các quy trình kiểm tra và chứng nhận sản phẩm không gây những trở ngại không cần thiết đối với thương mại”. (Hiệp định TBT, 1979). Tuy nhiên, hiệp định không quy định một tiêu chuẩn, quy chuẩn chung cho mọi nền kinh tế, mọi thị trường, hiệp định chỉ ra việc các quốc gia có thể có những quy định riêng về hàng rào kỹ thuật nếu mang lại hiệu quả chính đáng cho nền kinh tế và quyền lợi của người tiêu dùng. 6 nguyên tắc cơ bản của hiệp định TBT  Nguyên tắc 1: Không đưa ra những cản trở không cần thiết đối với thương mại Theo mục 2.2, điều II, hiệp định TBT quy định “các nước cần đảm bảo rằng các tiêu chuẩn kỹ thuật không được chuẩn bị, thông qua và áp dụng với mục đích tạo ra các cản trở không cần thiết đối với thương mại quốc tế. Với mục đích này, các tiêu chuẩn kỹ thuật không được phép gây hạn chế cho thương mại hơn mức cần thiết để hoàn thiện mục tiêu hợp pháp, có tính đến các rủi ro có thể nảy sinh từ sự không hoàn tất”. Như vậy, trước hết, hiệp định khuyến khích các quốc gia sử dụng tiêu chuẩn quốc tế để giảm thiểu tối đa sự sai khác, chênh lệch trong quy định, hình thức của hàng rào kỹ thuật giữa các quốc gia. Tuy nhiên, hiệp định không bắt buộc việc các nước phải sử dụng tiêu chuẩn quốc tế. Các quốc gia có thể có những bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật riêng nhưng cần lưu ý, những mục tiêu quản lý phải hợp pháp và cần thiết.
  • 23. 13 Các thành viên phải đảm bảo rằng các văn bản pháp luật quy định về kỹ thuật được soạn thảo, ban hành và áp dụng mà không hạn chế thương mại quá mức cần thiết để thực hiện một mục tiêu hợp pháp, có tính đến những rủi ro do việc không thực hiện chúng có thể gây ra. Ngoài những yếu tố khác, các mục tiêu hợp pháp đó là: các yêu cầu về an ninh quốc gia; ngăn ngừa hành động gian lận; bảo vệ cuộc sống hoặc sức khoẻ của con người, động vật hoặc thực vật, bảo vệ môi trường. Để đánh giá các rủi ro đó, ngoài những yếu tố khác, yếu tố liên quan cần xem xét là: những thông tin khoa học và kỹ thuật hiện có, công nghệ xử lý có liên quan hoặc thời hạn sử dụng sản phẩm dự kiến. Sơ đồ 1.2: Các mục tiêu hợp pháp (Nguồn: Tác giả tổng hợp từ điều II, hiệp định TBT)  Nguyên tắc 2: Không phân biệt đối xử Hai nguyên tắc quan trọng thống nhất trong nhiều hiệp định của WTO chính là nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) và nguyên tắc Đối xử quốc gia (NT). Nguyên tắc tối huệ quốc – nước được ưu đãi nhất (Most Favoures Nation – MFN): Các bên tham gia ký kết cam kết dành cho nhau những thuận lợi và ưu đãi không kém hơn những thuận lợi và ưu đãi mà một bên đang và sẽ dành cho bất kỳ một nước thứ ba nào. Những lợi ích, ưu đãi, miễn giảm hoặc đặc quyền mà các thành viên áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu từ nước khác phải được áp dụng vô điều kiện và ngay lập tức đối với hàng hóa xuất khẩu sang nước thành viên và nhập khẩu từ các nước thành viên khác. Như vậy, nếu nước thành Các mục tiêu hợp pháp Trường hợp khác Duy trì an ninh quốc gia Đảm bảo chất lượng sản phẩm Bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người, động thực vật Bảo vệ môi trường Ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại
  • 24. 14 viên A cho phép và tạo điều kiện cho các công ty nước ngoài hoạt động, ví dụ trong lĩnh vực vận tải và logistics, thì nước A cũng phải cho phép và tạo điều kiện bình đẳng đối với các công ty vận tải và logistics của các nước thành viên khác. Nguyên tắc đối xử quốc gia (National Treatment – NT), các bên tham gia trong cùng một quan hệ kinh tế thương mại cam hết dành cho hàng hóa, công dân hoặc công ty nước kia những ưu đãi trên thị trường nội địa giống như những ưu đãi dành cho hàng hóa, công dân và công ty nước mình. Nếu như MFN xóa bỏ sự phân biệt đối xử trong quan hệ thương mại nói chung thì NT góp phần tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa, dịch vụ, đầu tư trong và ngoài nước. Hai nguyên tắc được áp dụng cho cả các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp. Nguyên tắc này sẽ buộc các quốc gia phải thực hiện không phân biệt đối xử giữa hàng hóa hoặc doanh nghiệp của các nước khác nhau, giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài. Giả sử Mỹ cùng sản xuất gạo và đồng thời nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Thái Lan. Cả ba nước đều là thành viên của WTO, gạo của ba nước có chất lượng, hình dáng như nhau (kích thước hạt gạo, màu của vỏ cám, mức độ bạc bụng, chất lượng cám, nhiệt độ trở hồ, hương vị,…) Theo nguyên tắc này, gạo nhập khẩu từ Việt Nam và Thái Lan sẽ cùng được áp dụng một mức thuế nhập khẩu cũng như yêu cầu về đóng gói, nhãn mác, chất lượng như nhau. Đồng thời, Mỹ cũng không được áp dụng mức thuế ưu đãi hoặc có những biện pháp kỹ thuật ưu đãi hơn đối với gạo do trong nước sản xuất với gạo từ Việt Nam và Thái Lan.  Nguyên tắc 3: Hài hòa hóa Để giảm thiểu tuyệt đối sự chênh lệch giữa các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật giữa các quốc gia, hiệp định TBT khuyến khích các nước thành viên sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong xuất khẩu, các tiêu chuẩn quốc gia (toàn bộ hoặc một phần) trừ khi việc sử dụng đó không phù hợp, làm mất tính hiệu quả trong thực hiện một mục đích nào đó. Bên cạnh đó WTO cũng khuyến khích các nước thành viên tham gia vào các Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế như tổ chức thú y thế giới OIE (World Organisation for Animal Health), tổ chức lương thực và nông nghiệp FAO (World Food and
  • 25. 15 Agriculture Organization), tổ chức Y tế thế giới WHO (World Health Organization), công ước quốc tế bảo vệ thực vật IPPC (International Plant Protection Convention).... - là những tổ chức đã thiết lập những bộ tiêu chuẩn kỹ thuật trong các lĩnh vực cụ thể. Trong nguyên tắc hài hòa hóa, hiệp định TBT còn đề cập đến vấn đề đối xử đặc biệt và khác biệt với các thành viên WTO là các nước đang và chậm phát triển. Thực tế số các quốc gia thành viên của WTO là nước đang phát triển và đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế chiếm tới ¾ số nước thành viên. Do đó, WTO luôn có các chính sách khuyến khích phát triển và cải cách kinh tế, dành nhiều ưu đãi hơn cho các nước đang phát triển. Bên cạnh đó, WTO cho phép có sự linh hoạt trong ban hành và áp dụng các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật và các thủ tục đánh giá sự hợp chuẩn. Theo đó, các nước đang phát triển không bắt buộc phải áp dụng các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế hoặc có thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến nội dung hiệp định trong một thời gian linh động hơn, dài hơn để thuận lợi trong việc điều chỉnh chính sách.  Nguyên tắc 4: Bình đẳng WTO khuyến khích các nước thành viên hợp tác để công nhận các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự hợp chuẩn của nhau. Khi các nước công nhận các biện pháp kỹ thuật của nhau sẽ giúp làm giảm chi phí điều chỉnh các tính năng của sản phẩm để phù hợp với tiêu chuẩn của các nước khác. Hơn nữa, do khoảng cách về thời gian giữa thời điểm ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế với thời điểm tiến hành áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế đó vào hoạt động sản xuất của một quốc gia có thể diễn ra trong một khoảng thời gian khá dài sẽ tạo điều kiện cho nước áp dụng có cơ hội từ chối không áp dụng các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế. Việc tuân thủ nguyên tắc bình đẳng sẽ góp phần làm cho các nhà sản xuất phải tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật chặt chẽ hơn.  Nguyên tắc 5: Công nhận lẫn nhau Để chứng minh được sản phẩm của mình đáp ứng được các quy định kỹ thuật của nước nhập khẩu, nhà xuất khẩu sẽ phải tiến hành các thủ tục khác nhau đòi hỏi
  • 26. 16 một chi phí nhất định. Những chi phí này sẽ nhân lên nhiều lần khi nhà xuất khẩu phải tiến hành các thủ tục này tại các nước nhập khẩu khác nhau. Tuy nhiên, khi các nước công nhận các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự hợp chuẩn của nhau thì nhà xuất khẩu, nhà sản xuất sẽ chỉ phải tiến hành kiểm tra, chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật ở một nước; kết quả kiểm tra và chứng nhận tại quốc gia đó sẽ được các nước khác công nhận. Trong thực tế, các nước thành viên WTO đều công nhận kết quả của thủ tục đánh giá sự hợp chuẩn của nước khác ngay cả khi thủ tục đánh giá sự hợp chuẩn của các quốc gia không giống nhau. Ngoài ra, hiệp định TBT còn quy định khi kết quả của các tổ chức đánh giá sự hợp chuẩn tương thích với những chỉ dẫn liên quan do các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ban hành thì kết quả đó được xem là bằng chứng về một trình độ kỹ thuật hoàn chỉnh.  Nguyên tắc 6: Minh bạch Theo nguyên tắc này, các quy định về TBT, các văn bản hiện có liên quan đến TBT phải được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong công báo, tạp chí chuyên ngành, trên trang điện tử... Bản thảo các quy định kỹ thuật của các nước thành viên WTO phải được gửi đến Ban thư ký WTO trước khi gửi bản chính thức 60 ngày. Thời gian 60 ngày là để WTO xin ý kiến các nước thành viên WTO khác. Ngay khi hiệp định TBT có hiệu lực, các nước tham gia phải thông báo cho các nước thành viên khác về các biện pháp thực hiện và quản lý các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật của nước mình, cũng như các thay đổi sau này của các biện pháp đó. Khi các nước thành viên WTO tham gia ký kết các hiệp định song phương và đa phương với các quốc gia khác có liên quan đến các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự hợp chuẩn, nếu các hiệp định này có ảnh hưởng về thương mại đến các nước thành viên khác thì phải thông qua ban thư ký WTO thông báo về các sản phẩm thuộc phạm vi điều chỉnh của hiệp định, kèm theo một bản mô tả vắn tắt hiệp định. Ngoài ra, các nước thành viên WTO còn phải thành lập điểm trả lời các câu hỏi liên quan đến các quy định, tiêu chuẩn, thủ tục kiểm tra kỹ thuật – inquiry points.
  • 27. 17 Cuối cùng, để tăng thêm sự đảm bảo tính minh bạch trong thực thi hiệp định TBT, WTO cũng đã thành lập một cơ quan chuyên trách đó là ủy ban. Ủy ban này sẽ cung cấp cho các thành viên WTO các thông tin liên quan đến hoạt động của hiệp định và việc xúc tiến thực hiện các mục đích của hiệp định. Ở mỗi nước lại có văn phòng TBT – là cơ quan chuyên trách quốc gia, phụ trách các vấn đề liên quan đến quy định về hàng rào kỹ thuật đối với nước đó. 1.1.2.2 Hiệp định SPS Hiệp định về biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS – Sanitary and phytosanitary Agreement) quy định về an toàn thực phẩm, thú y và bảo vệ thực vật. Hiệp định quy định các quốc gia có quyền đưa ra các biện pháp về vệ sinh, an toàn thực phẩm nhưng chỉ trong phạm vi cần thiết để bảo vệ cuộc sống của động thực vật và con người, không phân biệt đối xử giữa các thành viên. Với mục tiêu hài hoà hoá các biện pháp vệ sinh và an toàn thực phẩm trên diện rộng, các thành viên được khuyến khích căn cứ các biện pháp của mình trên các tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế đã được ban hành. Tuy nhiên, các thành viên có thể duy trì hoặc đưa ra các biện pháp mà đưa lại kết quả là các tiêu chuẩn cao hơn nếu có các bằng chứng khoa học dựa trên đánh giá rủi ro thích đáng. Các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp, dịch vụ đều phải có các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các hệ thống tuân theo nhằm đánh giá sự phù hợp. Các quy định này đã được quy định cụ thể trong hiệp định TBT, tuy nhiên, đối với mặt hàng nông sản, khi nhập khẩu, không chỉ phải tuân theo các quy định kỹ thuật mà còn phải chấp hành các quy định liên quan đến biện pháp kiểm dịch động thực vật. Các quy định này thuộc phạm vi điều chỉnh của hiệp định SPS. Về đặc điểm chung, cả hai hiệp định này đều nhằm mục đích ngăn cản những rào cản thương mại không công bằng, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp xuất khẩu cũng như uy tín của quốc gia. Những biện pháp hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của SPS. Về vấn đề giải quyết đặc trưng của từng hiệp định: TBT thường giải quyết các vấn đề liên quan đến các thiết bị điện, điện thoại, tàu thuyền, an toàn đồ chơi, các yêu cầu về đóng gói, chất lượng đối với thực phẩm tươi sống, cách ghi nhãn đối với hàng hóa độc hại, nguy hiểm. Trong khi đó, hiệp định SPS thường điều chỉnh các
  • 28. 18 vấn đề liên quan đến chất phụ gia trong thực phẩm, dư lượng thuốc thú y, thuốc trừ sâu, các quy định liên quan đến kiểm dịch động thực vật cũng như cách ghi nhãn mác liên quan trực tiếp đến an toàn sản phẩm. Nghĩa là, các biện pháp SPS hướng tới mục tiêu cụ thể là bảo vệ sức khỏe con người, vật nuôi, động thực vật thông qua việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Các biện pháp TBT lại hướng tới những mục tiêu khác như an ninh quốc gia, bảo vệ môi trường,… 1.1.2.3 Hệ thống quản lý chung trên thế giới * Hệ thống phân tích mối nguy và xác định điểm kiểm soát tới hạn HACCP – Hazard Analysis and Critical Control Point) Năm 1973, FDA Mỹ áp dụng HACCP trong công nghiệp đóng gói thực phẩm. Năm 1992, ủy ban tư vấn quốc gia về tiêu dùng vi sinh thực phẩm (NACMCF) đưa ra 7 nguyên tắc cơ bản của HACCP và từ đó, hệ thống này được công nhận trên toàn thế giới nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm. Từ ngày 18/12/1997, tất cả các mặt hàng thực phẩm trong nước cũng như muốn nhập khẩu vào thị trường Mỹ đều phải tuân thủ HACCP. Theo quan điểm của FAO và WTO, hệ thống HACCP là hệ thống giúp xác định và kiểm soát mối nguy có thể phát sinh trong quá trình chế tạo, gia công, sản xuất và sử dụng sản phẩm để đảm bảo an toàn vệ sinh. Nghĩa là, thay vì kiểm tra chất lượng sản phẩm cuối cùng, hệ thống này sẽ kiểm soát những nguy hại tiềm tàng trong quá trình sản xuất, lưu thông sản phẩm. Hệ thống phòng ngừa những nguy hại có thể xảy ra, những rủi ro nhằm đảm bảo tốt hơn chất lượng sản phẩm đối với người tiêu dùng. Về bản chất, đây là hệ thống phòng ngừa, tập trung vào điểm kiểm soát tới hạn (không phải kiểm soát sản phẩm ở mọi công đoạn), dựa trên những cơ sở khoa học, thực tiễn đúng đắn, tin cậy nhằm giảm thiểu tối đa mức độ rủi ro có thể phát sinh đối với thực phẩm. * ISO 9000 Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn ISO (International Organization for Standardization) là tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn hóa, thành lập năm 1946, chính thức hoạt động vào ngày 23/02/1947, nhằm mục đích xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, thương mại và thông tin. Mục đích của các tiêu chuẩn ISO là tạo điều kiện
  • 29. 19 cho các hoạt động trao đổi hàng hoá và dịch vụ trên toàn cầu trở nên dễ dàng, tiện dụng hơn và đạt được hiệu quả. Bộ tiêu chuẩn ISO 9000 bao gồm 4 tiêu chuẩn cơ bản là: • Tiêu chuẩn ISO 9000:2005: đưa ra các định nghĩa, hỗ trợ cho ISO 9001:2008. • Tiêu chuẩn ISO 9001:2008: là bộ tiêu chuẩn nêu lên các yêu cầu để các tổ chức áp dụng theo đúng trình tự các điều khoản quy định và chứng nhận trên tiêu chuẩn này. • Tiêu chuẩn ISO 19011: là tiêu chuẩn giúp hướng dẫn đánh giá hệ thống quản lý chất lượng, hỗ trợ các tổ chức khi áp dụng ISO 9001. • Tiêu chuẩn ISO 9004:2009: nhằm hướng dẫn cho doanh nghiệp áp dụng hiệu quả tiêu chuẩn ISO 9001, dùng sau khi doanh nghiệp đã áp dụng thành công ISO 9001. Sơ đồ 1.3: Quy trình triển khai ISO 9001:2008 (Nguồn: iso9000.vn) ISO 9000 được ban hành lần đầu tiên năm 1987, được công nhận rộng rãi và làm nền tảng cho việc tổ chức quản lý, đảm bảo chất lượng, tập hợp nhiều kinh nghiệm quản lý chất lượng ở nhiều quốc gia, trong đó, tiêu chuẩn ISO 9001:2008 phổ biến nhất. Đây là quy trình áp dụng không phân biệt sản phẩm, quy mô, loại hình kinh doanh, ISO 9001:2008 cung cấp hệ thống triển khai nhằm đạt được lợi ích từ hệ thống quản lý chất lượng (Quality Management System – GSM).
  • 30. 20 * ISO 14000 Đây là bộ tiêu chuẩn quốc tế về quản lý môi trường nhằm đánh giá môi trường, chu trình sản phẩm, ghi nhãn môi trường, hoạt động môi trường,…. Trong đó tiêu chuẩn 14001:2004 là phổ biến nhất. Tuân thủ các tiêu chí của tiêu chuẩn này sẽ giúp doanh nghiệp tổ chức, quản lý vấn đề với môi trường một cách hợp lý, đáp ứng các yêu cầu của pháp luật về môi trường. Bộ tiêu chuẩn ISO 14000 gồm các nhóm tiêu chuẩn: • Nhóm tiêu chuẩn về hệ thống quản lý môi trường (Environmental Management Systems – EMS): gồm có tiêu chuẩn ISO 14001 và ISO 14004, là những quy định và hướng dẫn về nguyên tắc, hệ thống và cách thức sử dụng hệ thống nhằm điều hành tốt các vấn đề môi trường. • Nhóm tiêu chuẩn về đánh giá môi trường (Environmental Auditing - EA): gồm các tiêu chuẩn ISO 14020, ISO 14021, ISO 14022, ISO 14024, ISO 14024, liên quan đến việc công bố nhãn môi trường như các quy tắc chung, các biểu tượng về nhãn môi trường, cách khẳng định nhãn sinh thái, chương trình nhãn sinh thái… • Nhóm tiêu chuẩn đánh giá kết quả hoạt động môi trường (Environmental Performance - EPE), cụ thể ở tiêu chuẩn ISO 14031, đưa ra các chỉ số kết quả hoạt động môi trường để đánh giá hiệu quả của hoạt động. • Nhóm tiêu chuẩn đánh giá chu trình sống của sản phẩm (Life Cycle Assessment - LCA): ISO 14040, ISO 14041, ISO 14042, ISO 14043 – là hệ thống các văn bản hướng dẫn, nêu rõ phạm vi, định nghĩa, phân tích kiểm kê. Ngoài việc đánh giá tác động sẽ diễn giải đánh giá chu trình sống của các tác động. • Nhóm tiêu chuẩn về thuật ngữ và định nghĩa gồm ISO 14050 và ISO 14060 đưa ra các thuật ngữ và định nghĩa hài hòa với những thuật ngữ và định nghĩa được nêu trong các tiêu chuẩn ISO 14000 đồng thời hướng dẫn cách tập hợp các vấn đề về môi trường trong tiêu chuẩn sản phẩm. Hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14000 yêu cầu một sự thay đổi trong cách thức quản lý về môi trường. Khác với cách thức truyền thống là chỉ đòi hỏi theo yêu cầu, mệnh lệnh hoặc chỉ quan tâm đến sự ô nhiễm ở công đoạn xả/thải ra còn ISO 14000 yêu cầu phải tiếp cận vấn đề môi trường bằng cả một hệ thống quản
  • 31. 21 lý, từ việc xác định các nguyên nhân đến việc xem xét các đối tượng có liên quan đến môi trường, từ đó đưa ra các biện pháp khắc phục và phòng ngừa. 1.1.3 Các hình thức của hàng rào kỹ thuật 1.1.3.1 Quy định về tiêu chuẩn chất lượng Chất lượng luôn là yếu tố được quan tâm hàng đầu, có vai trò quyết định sự thành bại của sản phẩm tại thị trường xuất khẩu. 1.1.3.2 Vệ sinh an toàn thực phẩm Tiêu chuẩn này sẽ bao gồm nhiều chỉ tiêu khác nhau như tiêu chuẩn cảm quan, tiêu chuẩn hóa học, chỉ tiêu vi sinh,… Xét ví dụ về những chỉ tiêu áp dụng đối với cá tra – cá basa đông lạnh xuất khẩu sang thị trường EU và các thị trường khác có nhu cầu tương đương. 1.1.3.3 Nhãn mác, bao bì đóng gói Bao bì sản phẩm phải đáp ứng các nhu cầu tái sinh, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường bên cạnh việc phải đạt chuẩn các quy định về kích thước, mẫu mã bao bì. Việc đóng gói và bảo quản phải được giám sát và xác nhận bởi cơ quan chức năng có thẩm quyền. Về bao bì sản phẩm có các quy định về: nguyên vật liệu dùng làm bao bì, về tái sinh, quy định xử lý và thu gom sau quá trình sử dụng, tiêu chuẩn và quy định liên quan đến đặc tính tự nhiên của sản phẩm Nhãn của hàng hóa cũng phải đáp ứng đúng quy định mới được phép dán và lưu thông trên thị trường.Nhãn này phải cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa cũng như nhà sản xuất, ngoài ra cần xác định rõ nước xuất xứ của hàng hóa. Trong trường hợp hàng hóa có nguồn gốc không thuần túy (bao gồm nhiều nguyên vật liệu được sản xuất từ nhiều nước khác nhau) sẽ căn cứ theo nguyên tắc sự biến đổi đặc tính hoặc phần giá trị tăng thêm để xét xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, biện pháp này quy định chặt chẽ bằng hệ thong văn bản pháp luật, theo đó, sản phẩm phải ghi rõ: - Tên sản phẩm - Danh mục thành phần - Trọng lượng - Ngày sản xuất, thời hạn sử dụng
  • 32. 22 - Xuất xứ, nơi sản xuất, người bán - Mã vạch, hướng dẫn sử dụng 1.1.3.4 Tiêu chuẩn về môi trường Hệ thống rào cản môi trường hiện nay đang được áp dụng khác nhau tùy từng điều kiện cụ thể trong đó các hình thức rào cản phổ biến nhất bao gồm: - Phương pháp sản xuất chế biến theo quy chuẩn môi trường, yêu cầu đóng gói, bao bì sản phẩm - Nhãn sinh thái: là loại nhãn được cấp cho sản phẩm thỏa mãn tiêu chí nhất định do cơ quan chính phủ hoặc một tổ chức được chính phủ ủy quyền. Các tiêu chí này nhằm đánh giá tác động với môi trường trong các giai đoạn sơ chế, chế biến, gia công, đóng gói, phân phối, sử dụng,… Mục tiêu của nhãn sinh thái là giúp phân loại sản phẩm theo các tiêu chuẩn kỹ thuật, cung cấp những thông tin trung thực liên quan đến môi trường, góp phần nâng cao uy tín cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Sơ đồ 1.3: Quy trình cấp nhãn sinh thái (Nguồn: nhansinhthai.com) Nhãn sinh thái cần phải đạt những yêu cầu cụ thể: phản ánh chính xác giúp người tiêu dùng có thể tin tưởng vào lợi ích môi trường của sản phẩm, không gây hiểu nhầm hoặc khó hiểu, tạo được sự cải thiện môi trường liên tục và không tạo thành rào cản không cần thiết trong thương mại.
  • 33. 23 - (4) Phí môi trường: thường được áp dụng nhằm 3 mục tiêu chính như thu lại các chi phí phải sử dụng cho môi trường, thay đổi cách ứng xử của cá nhân và tập thể đối với các hoạt động có liên quan đến môi trường và thu các quỹ cho các hoạt động bảo vệ môi trường. Có một số loại phí môi trường thường gặp. Phí sản phẩm là phí áp dụng cho các sản phẩm gây ô nhiễm, có chứa các hoá chất độc hại hoặc có một số thành phần cấu thành của sản phẩm gây khó khăn cho việc thải loại sau sử dụng. Phí khí thải là phí áp dụng đối với các chất gây ô nhiễm thoát vào không khí, nước và đất, hoặc gây tiếng ồn. Ngoài ra còn có phí hành chính, áp dụng đối với các chi phí dùng để chính phủ trang trải để bảo vệ môi trường. Phí môi trường có thể được thu từ nhà sản xuất hoặc người tiêu dùng hoặc cả nhà sản xuất và người tiêu dùng. - Tiêu chuẩn chất lượng môi trường ISO 14000 1.1.4 Mục đích áp dụng Các nhà xuất khẩu dù kinh doanh mặt hàng nào cũng mong muốn thị trường liên tục được mở rộng, sức tiêu thụ sản phẩm mạnh hơn và thương hiệu trở nên vững chắc hơn. Xu hướng khu vực hóa, toàn cầu hóa với sự ký kết các Hiệp định thương mại, tạo thuận lợi thương mại đã làm giảm áp lực thuế quan đối với nhiều mặt hàng. Tuy nhiên, không phải vì thế mà mọi sản phẩm đều có thể trở thành sản phẩm toàn cầu, có mặt ở hầu hết các thị trường. Sự khác biệt, chênh lệch giữa các điều kiện địa lý tự nhiên cũng như trình độ phát triển kinh tế - xã hội không đồng đều đã tạo ra lợi thế cạnh tranh của mỗi quốc gia. Chính điều này đã làm cho thị trường này trở nên hấp dẫn hơn, tiềm năng hơn thị trường khác, làm nhiều nhà xuất khẩu phải cố gắng và nỗ lực nhiều nếu muốn thực sự vượt qua các hình thức của hàng rào kỹ thuật. 1.2 Tác động của hàng rào kỹ thuật trong thương mại quốc tế 1.2.1 Đối với nước xuất khẩu 1.2.1.1 Tích cực Đối với doanh nghiệp: Các doanh nghiệp trong nước hiểu hơn sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, từ đó sẽ có những biện pháp nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nâng cao hơn năng lực cạnh tranh của mình. Các doanh nghiệp sẽ học được cách thích ứng với những biến đổi của thị trường, nếu thực sự tìm ra
  • 34. 24 hướng đi đúng đắn để không chỉ vượt qua rào cản kỹ thuật mà còn tự tìm được vị trí chắc chắn cho mình trên thị trường. Đối với hàng hóa của doanh nghiệp: hàng hóa sau khi đã đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khắt khe sẽ tự tạo được chỗ đứng riêng trên thị trường nói chung và dễ dàng thâm nhập vào các thị trường tương tự khác nói riêng. 1.2.1.2 Hạn chế Doanh nghiệp sản xuất phải tăng chi phí sản xuất cho những sự thay đổi nhằm đáp ứng yêu cầu của các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. Việc mua sắm trang thiết bị, máy móc đo lường quốc tế, mời các chuyên gia nước ngoài về phân tích, giảng dạy, chi phí giám định,… sẽ tiêu tốn của doanh nghiệp nhiều chi phí cũng như thời gian. Giữa lúc thương trường như chiến trường, sự chậm trễ dù chỉ là trong thời khắc cũng có thể làm doanh nghiệp mất đi cơ hội quý giá. Nhà xuất khẩu cũng vì thế sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro do hàng hóa không phù hợp với nhu cầu, thị hiếu, sở thích của khách hàng. Thực chất, hàng rào kỹ thuật chính là một biện pháp phi thuế quan được đưa ra nhằm vừa thực hiện đúng các cam kết về mậu dịch tự do, vừa tạo lập được rào cản ngăn hàng hóa nước khác ồ ạt vào chiếm lĩnh thị trường nội địa. 1.2.2 Đối với nước nhập khẩu 1.2.2.1 Tích cực Việc ban hành những quy định về hàng rào kỹ thuật sẽ khiến cho hàng hóa nhập khẩu vào trong nước trở nên tinh lọc, có chất lượng hơn. Do đó, đảm bảo được sức khỏe, sự an toàn của người tiêu dùng cũng như bảo vệ được môi trường, an ninh quốc gia. Người tiêu dùng sẽ không bao giờ phải lo lắng quyền lợi của mình bị ảnh hưởng, có thể hoàn toàn tin tưởng vào những thông tin được ghi trên nhãn mác hàng hóa, có thể tự do lựa chọn sản phẩm phù hợp với sở thích và nhu cầu của mình. Bên cạnh đó, hàng rào kỹ thuật cũng góp phần bảo hộ nền sản xuất trong nước trước nguy cơ bị doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm và chi phối. 1.2.2.2 Hạn chế Doanh nghiệp trong nước có TBT như một hàng rào chắn, doanh nghiệp nước ngoài sẽ khó có cơ hội thâm nhập, thống lĩnh thị trường, sẽ mang tâm lý trì trệ, thiếu động cơ để cố gắng, cải thiện chất lượng sản phẩm, hình ảnh, thương hiệu.
  • 35. 25 Nếu chính phủ áp dụng hàng rào kỹ thuật một cách khắt khe khiến cho các doanh nghiệp nước ngoài không thể gia nhập thị trường thì chính người tiêu dùng sẽ bị hạn chế sự lựa chọn. Chính người tiêu dùng trong nước sẽ không có cơ hội được sử dụng, tiêu dùng những sản phẩm nhập ngoại, đến từ những thương hiệu uy tín, danh giá, thị trường độc quyền những sản phẩm nội địa sẽ là nguyên nhân gián tiếp khiến cho dòng tiền chảy ra nước ngoài nhiều hơn, gây ảnh hưởng nhiều đến kinh tế, tài chính…
  • 36. 26 CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG VÀ TÁC ĐỘNG HÀNG RÀO KỸ THUẬT CỦA MỸ ĐỐI VỚI NÔNG SẢN VIỆT NAM 2.1 Thị trường Mỹ và cơ hội xuất khẩu nông sản của Việt Nam 2.1.1 Quan hệ thương mại Việt Nam – Mỹ Trước năm 1994, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ không đáng kể. Ngày 03/02/1994 cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ cấm vận thương mại với Việt Nam, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước. Đây được xem là một bước chuyển mình quan trọng không chỉ trong quan hệ ngoại giao hai nước mà còn mở ra một cơ hội mới cho nền kinh tế Việt Nam. Năm 1994, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đạt 94,9 triệu USD, đứng thứ 9 trong các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới nhập khẩu từ Việt Nam. Tới năm 1995, xuất khẩu vào thị trường Mỹ đã đạt 199 triệu USD (tăng gấp 2,1 lần so với năm 1994). Năm 2001, Mỹ đã đặt lại quan hệ thương mại bình thường với Việt Nam, hiệp định thương mại song phương Việt Mỹ được ký kết, giảm thuế quan cho 250 sản phẩm trong đó 4/5 là hàng nông sản. Quan hệ thương mại giữa hai nước tăng lên mức bình thường vĩnh viễn vào năm 2006 khi Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO. Nhờ đó, quan hệ thương mại của Mỹ với Việt Nam tăng trưởng cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu, trong đó, nhập khẩu tăng nhanh hơn xuất khẩu. Cụ thể: * Cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam trong trao đổi thương mại với Mỹ luôn duy trì ở mức thặng dư lớn riêng kim ngạch xuất nhập khẩu vào thị trường Mỹ đã đạt 34,94 tỷ USD, chiếm 11,7%. Mặc dù tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Mỹ không quá lớn nhưng kim ngạch xuất siêu lại rất cao.
  • 37. 27 (Nguồn: Tổng cục Hải quan, 2014) Từ biểu đồ trên có thể thấy, trong giai đoạn 2009-2014, thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ không ngừng tăng lên. Xét về giá trị xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ, trong vòng 7 năm (2007-2014), giá trị năm 2014 đã tăng 18,655 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với giá trị xuất khẩu năm 2007. Ở chiều ngược lại, giá trị hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ thị trường Mỹ cũng tăng lên không ngừng, năm 2014 Việt Nam nhập khẩu nhiều hơn năm 2007 là 4,584 tỷ USD (gấp gần 3,7 lần giá trị nhập khẩu năm 2007). Có thể thấy, mức độ tăng trưởng về giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ tăng nhanh hơn so với giá trị nhập khẩu. *Mỹ là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất của Việt Nam và là thị trường cung cấp hàng hóa lớn thứ 7 sang Việt Nam Liên tục từ năm 2007 đến nay, Mỹ là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, theo cơ sở dữ liệu thương mại của Liên hợp quốc, trị giá buôn bán hai chiều của Việt Nam và Mỹ chỉ chiếm 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Mỹ. Việt Nam là đối tác xếp thứ 23 về xuất khẩu sang Mỹ và xếp thứ 40 về nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ.
  • 38. 28 Biểu đồ 2.2: Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ở một số thị trường quý I/2015 (Đơn vị: tỷ USD) -10 -5 0 5 10 15 Trung Quốc Hàn Quốc ASEAN Nhật Bản Hồng Kông EU Hoa Kỳ UEA Nhập khẩu Xuất khẩu Cán cân thương mại (Nguồn: Tổng cục hải quan, 2014) Từ biểu đồ có thể nhận thấy, Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất sang Mỹ là dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng thủy sản, túi xách, vali, mũ… trong đó, hàng dệt may vào thị trường Mỹ chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ đạt 9,82 tỷ USD, giày dép đạt 3,33 tỷ USD; đồ gỗ đạt 2,23 tỷ USD, thủy sản đạt 1,71 tỷ USD, túi xách, va li, mũ đạt 1,54 tỷ USD, hạt điều 635,94 triệu USD, hạt tiêu đạt 254,92 triệu USD. Nhóm hàng rau quả xuất sang Mỹ năm 2014 đạt mức tăng trưởng 18,05% kim ngạch, đạt 60,74 triệu USD. Theo Phòng Thương mại Mỹ (Amcham), xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đã tăng trưởng liên tục trong suốt 15 năm qua (2000-2015). Năm 2000, Việt Nam chỉ xuất khẩu sang Mỹ khoảng 800 triệu USD thì kết thúc năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu 29,4 tỷ USD (tăng gần 36 lần). Nhờ vào thành tích này, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, Indonexia,… trở thành quốc gia xuất khẩu nhiều nhất trong khu vực ASEAN vào thị trường Mỹ.
  • 39. 29 Bảng 2.1: Danh mục các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường Mỹ của Việt Nam năm 2014 (Đơn vị: USD) Mặt hàng Năm 2014 Năm 2013 Năm 2014 so với năm 2013(%) Tổng kim ngạch 28.655.653.008 23.869.240.308 +20,05 Hàng dệt may 9.819.813.966 8.611.612.086 +14,03 Giày dép các loại 3.333.666.689 2.630.979.041 +26,71 Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 2.120.171.722 1.474.172.723 +43,82 Hàng thuỷ sản 1.709.563.904 1.462.985.836 +16,85 Điện thoại các loại và linh kiện 1.543.510.399 752.846.630 +105,02 Túi xách, ví, va li, mũ ô dù 1.034.403.116 836.254.939 +23,69 Hạt điều 635.943.192 539.049.223 +17,97 Cà phê 361.834.021 302.014.527 +19,81 Hạt tiêu 254.917.957 182.839.652 +39,42 Hàng rau quả 60.742.423 51.453.887 +18,05 Cao su 53.109.517 63.895.107 -16,88 Gạo 35.654.021 30.792.038 +15,79 Chè 11.536.268 11.741.015 -1,74 (Nguồn: Tổng cục Hải quan, 2014)
  • 40. 30 Nhìn chung, xuất khẩu hầu hết các nhóm hàng sang Mỹ năm 2014 đều đạt mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu tăng mạnh ở các nhóm hàng: máy ảnh, máy quay phim và linh kiện (+250,39%), sắt thép (+127,79%), điện thoại các loại và linh kiện (+105,02%). 2015 là năm quan trọng bởi hai bên sẽ tổ chức kỷ niệm 20 năm hai nước bình thường hóa quan hệ và theo dự kiến sẽ ký Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sự kiện này mở đường cho một bước phát triển mới trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Bộ Công thương Việt Nam đặt ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2015 đạt 160 tỷ USD. Trong quan hệ thương mại Việt Nam – Mỹ, dự báo thương mại hai chiều năm 2015 sẽ vượt xa con số gần 30 tỷ USD của năm 2014, đặc biệt khi Việt Nam đang nỗ lực cải cách các thủ tục hành chính, cải tiến về kỹ thuật nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu. 2.1.2 Đặc điểm của thị trường Mỹ Mỹ là một quốc gia có lịch sử hình thành non trẻ. Nước Mỹ có diện tích khoảng 9,3 triệu km2 , là nước có diện tích lớn thứ tư trên thế giới sau Nga, Canađa và Trung Quốc. Mỹ nằm ở trung tâm Châu lục Bắc Mỹ; phía Bắc giáp Canada, phía Nam giáp Mexico, phía đông giáp Đại Tây Dương và phía Tây giáp Thái Bình Dương. Mỹ là quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Với dân số đứng thứ ba thế giới, vào khoảng 317 triệu người (cuối năm 2013), sức mua khoảng 7000 tỷ USD/ năm. Sản xuất công nghiệp Mỹ chiếm khoảng 20% sản lượng công nghiệp toàn thế giới. Lao động nông nghiệp chiếm 2% dân số nhưng nó đáp ứng nhu cầu trong nước, đồng thời xuất khẩu mỗi năm khoảng 50 tỷ USD. Theo báo cáo từ Knight Frank và Citi Private Wealth, thu nhập GDP bình quân đầu người tính theo đồng giá sức mua (PPP) là 45.511 USD, người dân Mỹ được xem là dân có sức tiêu dùng lớn nhất trong các nước có nền công nghiệp phát triển. Theo nghiên cứu của một nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc thì nếu sức tiêu dùng của các gia đình Nhật, EU là 1, thì của các gia đình Mỹ là 1,7. Thu nhập của người dân Mỹ ở nhiều phân tầng khác nhau, người dân lại có nhiều tiêu chuẩn thẩm mỹ, quan niệm văn hóa, xã hội nên hàng hóa dù chất lượng cao hay trung bình cũng có nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường này. Từ bài học
  • 41. 31 của nhiều thương hiệu thành công và đã khẳng định được vị thế ở Mỹ, có thể nhận thấy, đối với hàng hóa xuất vào thị trường Mỹ, giá cả là yếu tố quan trọng, mẫu mã không cần quá tinh xảo, cầu kỳ nhưng sản phẩm phải đa dạng về chủng loại, nhằm đáp ứng những nhu cầu khác nhau của người dân. Một đặc điểm đáng chú ý, người Mỹ có niềm tin lớn vào hệ thống các cửa hàng bán lẻ. Họ tin tưởng các sản phẩm được bày bán ở đó sẽ được đảm bảo về chất lượng, nhiều ưu đãi, điều kiện bảo hành tốt và an toàn vệ sinh thực phẩm được ưu tiên. Về sản xuất nông nghiệp, người nông dân Mỹ có nhiều cơ hội để thành công trong sản xuất lương thực, thực phẩm. Dựa vào diện tích lãnh thổ rộng lớn với 9.161.923 km2 , với miền khí hậu thuận lợi, mưa gần như đủ để cung cấp cho các vùng trong cả nước, Mỹ có nhiều yếu tố để phát triển nông nghiệp. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nước Mỹ có 2.109.363 trang trại, trung bình mỗi trại có diện tích 174 hecta. Bên cạnh đó, chính phủ Mỹ cũng rất đầu tư cho việc phát triển khoa học công nghệ, mang những ứng dụng tiên tiến nhằm hỗ trợ người nông dân và phát triển ngành nông nghiệp. Những người nông dân Mỹ có thể lái máy cày với điều hòa nhiệt độ trong cabin, trên máy có các thông số kỹ thuật như độ mùn, độ phì của đất. Họ còn có những công cụ trợ đắc lực như máy cày, máy gặt, máy xớt tốc độ cao nhiều giá trị. Ở Mỹ, theo định kỳ, các chuyên gia lại giới thiệu sản phẩm mới và phương pháp nuôi trồng mới nhằm đẩy nhanh hơn sự phát triển từng ngày của nông nghiệp và gia tăng hơn thu nhập cho những người nông dân. Mỹ cũng là nước nhập khẩu nhiều nông sản nhất thế giới. Thống kê của bộ nông nghiệp Mỹ cho thấy hàng năm Mỹ nhập khẩu khoảng 10 tỷ USD rau, củ, quả; nhập khẩu khoảng 3,5 tỷ USD cà phê; nhập khẩu trên 9 tỷ USD cao su; thịt các loại khoảng trên 2,5 tỷ USD; nhập khẩu các sản phẩm chế biến từ ngũ cốc khoảng 1,5 tỷ USD… Tương tự như các mặt hàng khác, nước Mỹ nhập khẩu nông sản rất đa dạng về chủng loại. Trên thị trường Mỹ, có nhiều mặt hàng nông sản được tiêu thụ với số lượng lớn. Tuy nhiên, với nền nông nghiệp phát triển nên nhu cầu về tiêu thụ hàng nông sản có thể tự đáp ứng được. Có một số mặt hàng mà nền nông nghiệp Mỹ chưa thể đáp ứng được đó là: cà phê, chè, hạt tiêu, cao su, hạt điều,… Trong khi đó, đây lại là những mặt hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh.
  • 42. 32 2.1.3 Khả năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam Việt Nam là quốc gia có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Theo số liệu của tổng cục thống kê, năm 2013, diện tích đất nông nghiệp cả nước là 262.805 km2 trên tổng số 330.951 km2 tổng diện tích cả nước (chiếm 79,4%), có hơn 2/3 dân số sống ở vùng nông thôn (khoảng 60,7 triệu người trên tổng số dân cả nước là 89,7 triệu người). Như vậy, ngoài những ưu đãi về điều kiện tự nhiên như vị trí địa lý, khí hậu, lượng mưa, Việt Nam còn có nhiều thế mạnh khác để phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, với nhiều chính sách khuyến khích phát triển, xem nông nghiệp là mặt trận hàng đầu nên việc sản xuất, chế biến, xuất khẩu hàng nông sản ở Việt Nam luôn được chú trọng và quan tâm. Việc ưu đãi đầu tư trong và ngoài nước vào lực lượng sản xuất nông sản đã và đang tạo được động lực mới cho sự phát triển của ngành này. Nhờ vào những nỗ lực cải cách chính sách, ứng dụng nhiều thành tựu khoa học tiên tiến, nông nghiệp Việt Nam đạt được mức tăng trưởng nhanh và ổn định trong một thời gian dài, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. Theo tổng cục thống kế, nông nghiệp đóng góp 18% - 22% GDP cho nền kinh tế và 23% - 35% giá trị xuất khẩu. Mặc dù bị ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, nông nghiệp vẫn là ngành duy nhất có thặng dư xuất khẩu giai đoạn 2010 – 2013. Trong hai năm 2012 - 2013, ngành nông nghiệp chỉ tăng trưởng 2,6%, thì đến năm 2014, ngành nông nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng 3,3%, đánh dấu sự hồi phục và tăng trưởng trở lại. Tháng 7 năm 1995, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của ASEAN và đã ký kết các văn kiện của hiệp hội như hiệp định khung về tăng cường hợp tác ASEAN, tham gia vào khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA). Đến ngày 11/01/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO, bắt đầu thực hiện các cam kết gia nhập WTO của mình, trong đó có cam kết thực thi toàn bộ các nghĩa vụ của Hiệp định TBT. Sự kiện này mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho đất nước và nền kinh tế Việt Nam. Về nông sản, kim ngạch xuất khẩu của các quốc gia thành viên trong tổ chức thương mại thế giới WTO có trị giá hàng nghìn USD, do đó, việc trở thành thành viên của WTO đã tạo thuận lợi lớn cho xuất khẩu nông sản Việt Nam.
  • 43. 33 Việt Nam luôn là một trong số những quốc gia đứng đầu về sản xuất nông sản trên thế giới. Cùng với nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế, nông nghiệp Việt Nam cũng từng bước hội nhập nền kinh tế thế giới bằng cách nâng cao việc đầu tư phát triển khoa học công nghệ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm nông sản trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Bảng 2.2: Khả năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam trên thị trường giai đoạn 2006 – 2012 (Đơn vị: tỷ USD) Mặt hàng Thị trường nhập khẩu thế giới năm 2010 Xuất khẩu Việt Nam 2006 2009 2010 2011 2012 Rau quả 97,9 0,3 0,42 0,411 0,515 0,77 Lúa gạo 18,818 1,489 2,6 3,23 3,7 3,7 Cà phê 7,548 1,911 1,8 1,67 2,3 3,74 Cao su 7,488 1,4 1,2 2,32 2,7 2,85 Chè 4,369 0,13 0,18 0,2 0,182 0,243 Hạt điều 1,719 0,653 0,85 1,14 1,4 1,48 Hoa 25 0,01 0,014 0,06 0,06 - Hạt tiêu 1,761 0,271 0,328 0,39 0,775 1,312 Thế giới 1361 8,3 15,3 19,15 25 27,310 (Nguồn: FAO - http://unstats.un.org/unsd/default.htp) Từ bảng số liệu trên có thể nhận thấy, Việt Nam có thế mạnh sản xuất một số loại nông sản như lúa gạo (ổn định ở mức 13-17% lượng gạo nhập khẩu của thị trường), cà phê (khoảng 10 -15%), cao su, hạt điều,… 2.2 Hàng rào kỹ thuật của Mỹ đối với mặt hàng nông sản Trước hết cần khẳng định, hàng rào kỹ thuật trong thương mại của Mỹ nói chung và đối với mặt hàng nông sản nói riêng là một trong những biện pháp được chính phủ đặc biệt chú trọng. Mỹ luôn là nước phát triển và đi đầu trong mọi thành tựu của khoa học kỹ thuật. Khi điều kiện sống ngày càng được cải thiện thì mối quan tâm đối với sức khỏe, vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường cũng không ngừng tăng lên. Hàng rào kỹ thuật không đơn giản chỉ là một trong những biện pháp bảo hộ nền sản xuất trong nước mà còn là một công cụ nhằm đảm bảo và nâng cao hơn quyền lợi của người tiêu dùng trong nước.
  • 44. 34 Nông sản – theo định nghĩa của WTO, xác định trong hiệp định Nông nghiệp, là các loại hàng hóa có nguồn gốc từ hoạt động nông nghiệp như: - Các sản phẩm nông nghiệp cơ bản: lúa gạo, lúa mỳ, bột mỳ, sữa, động vật sống, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, chè, rau quả tươi,… - Các sản phẩm phái sinh: bánh mỳ, bơ, dầu ăn, thịt,… - Các sản phẩm được chế biến từ sản phẩm nông nghiệp: bánh kẹo, sản phẩm từ sữa, xúc xích, nước ngọt, rượu bia, thuốc lá, bông xơ, da động vật thô. Đây là các sản phẩm liệt kê từ chương I đến chương XXIV (trừ cá và sản phẩm từ cá và các sản phẩm khác trong hệ thống thuế HS). Còn theo sự phân chia tương đối của Việt Nam, nông nghiệp bao gồm nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), thủy sản và lâm nghiệp. Các ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản cũng được gộp vào nông nghiệp. Trong phạm vi bài viết này, người viết sẽ chọn hiểu nông sản theo cách hiểu thứ nhất, định nghĩa của WTO. Thực tiễn trong thương mại thế giới, nông sản được chia là hai nhóm: nhóm nông sản nhiệt đới và nhóm còn lại. Nhóm nông sản nhiệt đới thường phát triển ở các nước đang phát triển, bao gồm các loại mặt hàng như chè, cà phê, ca cao, các loại hoa quả (chuối, xoài, ổi,…) Nông sản là một mặt hàng nhạy cảm, vì thế rất khó khăn để đạt được những thỏa thuận nhằm mở cửa thị trường hay cắt giảm sự khắt khe của các hàng rào kỹ thuật. So với các mặt hàng công nghiệp khác, nông sản thường liên quan tới cuộc sống và lợi ích của một bộ phận dân cư có thu nhập thấp ở cả nhóm nước phát triển và đang phát triển. Mặt khác, mỗi nước đều có nhu cầu đảm bảo một nguồn cung lương thực ổn định, tránh nguy cơ bị nạn đói đe dọa. Chính vì những lý do đó, nông sản muốn được gia nhập một thị trường nước ngoài cần phải trải qua nhiều bước kiểm dịch, kiểm tra chất lượng với những quy trình, tiêu chuẩn khắt khe, minh bạch. 2.2.1 Các quy định về hàng rào kỹ thuật của Mỹ đối với nông sản 2.2.1.1 Các cơ quan quản lý nhập khẩu nông sản ở Mỹ Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA – Food, Drug Actor): Đây là một cơ quan của Bộ Y Tế (DHHS) và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (PHS). FDA
  • 45. 35 chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm, đảm bảo các thực phẩm khi được nhập khẩu vào Mỹ phải là những thực phẩm an toàn, không độc hại, đúng nhãn mác, đầy đủ thông tin sản phẩm. Năm 1994, FDA đề xuất các quy định về hệ thống điểm kiểm soát tới hạn và phân tích mối nguy (HACCP). Cục Hải quan Mỹ - cơ quan chịu trách nhiệm đánh giá và thu thuế nhập khẩu, kiểm soát hàng hóa và con người xuất/ nhập vào Mỹ. Ban thị trường – Bộ Nông nghiệp Mỹ: Chính phủ Mỹ yêu cầu tất cả nông sản nhập khẩu phải đạt phẩm cấp, kích cỡ, chất lượng và độ chín theo tiêu chuẩn do ban thị trường đưa ra. Bộ nông nghiệp Mỹ có nhiệm vụ giám sát thực thi các quy định về kiểm dịch đối với việc nhập khẩu nông sản. 2.2.1.2 Luật điều chỉnh xuất khẩu nông sản vào Mỹ Luật thực phẩm: Các thực phẩm nhập khẩu vào Mỹ không chỉ là đối tượng chịu thuế nhập khẩu mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và phẩm cấp để đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn. Luật liên bang về thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm Mỹ (FDCA – Food, Drug, Cosmetics Act) quy định trừ một số loại gia cầm, tất cả các sản phẩm nông sản nhập khẩu vào Mỹ đều phải do cục quản lý thực phẩm và dược phẩm FDA kiểm tra và cấp phép theo đúng quy định. Một số tiêu chuẩn mà nông sản phải đáp ứng được là: tính sạch, tính lành, điều kiện sản xuất hợp vệ sinh,… Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA - Food Safety Modernization Act) có hiệu lực từ đầu năm 2011 đã khiến cho việc nhập khẩu, phân phối và tiêu thụ nông sản Việt Nam trên thị trường này gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, muốn xuất khẩu nông sản vào Mỹ, doanh nghiệp không chỉ cần riêng giấy phép. Luật này có hiệu lực từ năm 1938, được Tổng thống Obama ban hành vào ngày 04/01/2011, cho phép Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) can thiệp sâu hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ. Những thay đổi quan trọng của luật Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm (FSMA) so với trước đây là: luật cho phép áp dụng phương thức kiểm tra tại cảng đến khi phải đối mặt với tình trạng quá tải với khối lượng nhập khẩu tăng. Các nhà nhập khẩu có trách nhiệm bảo đảm rằng các nhà cung ứng nước ngoài đã áp dụng đầy đủ các biện pháp kiểm soát phòng ngừa. Đặc biệt là yêu cầu thực phẩm nhập