SlideShare a Scribd company logo
1 of 167
Download to read offline
NGÔ TẤT TỐ MỘT TÀI NĂNG LỚN ĐA DẠNG
NGÔ TẤT TỐ
MỘT TÀI NĂNG LỚN ĐA DẠNG
MAI HƯƠNG
(Tuyển chọn và biên soạn)
LỜI GIỚI THIỆU
Chỉ với ba thập kỷ cầm bút, Ngô Tất Tố đã để lại một sự nghiệp văn học
đồ sộ, đa dạng bao gồm nhiều thể loại: Tiểu thuyết, phóng sự, truyện ký lịch
sử, khảo cứu, dịch thuật, sáng tác chèo, tiểu phẩm báo chí... và ở thể loại nào
ông cũng viết đầy tâm huyết, sâu sắc và bộc lộ hết mình, và đã để lại những
dấu ấn riêng sâu đậm. Ngô Tất Tố là cây bút tiểu thuyết, phóng sự đặc sắc
với những tác phẩm tiêu biểu: Tắt đèn, Việc làng, Lều chõng. Là một nhà
khảo cứu đầy tâm huyết với những công trình có giá trị: Mặc tử, Lão tử, Văn
học đời Lý, Văn học đời Trần...; một dịch giả tài hoa qua các bản dịch Đường
thi, Thơ văn Lý Trần, Hoàng Lê Nhất Thống Chí... rồi Suối thép, Trời hửng,
Trước lửa chiến đấu... Đặc biệt, ông là nhà báo rất có tài, từng nổi tiếng khắp
làng báo Bắc - Trung - Nam với hàng trăm tiểu phẩm báo chí, văn học đặc
sắc phản ánh sâu sắc, đa dạng muôn mặt hiện thực của xã hội thực dân
phong phong kiến Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Nhưng, nói đến
Ngô Tất Tố, bao trùm lên tất cả, là nói đến một nhân cách lớn của một nhà
văn hóa lớn mang đậm cốt cách Việt Nam, cốt cách Á Đông. Từ một nhà nho
nghèo yêu nước, bằng tài năng và tấm lòng nhiệt thành với đất nước, với
nhân dân, ông đã đến với cách mạng và trở thành một nhà văn hiện thực có
tầm cỡ, một nhà báo cấp tiến đấu tranh không khoan nhượng, không mỏi mệt
cho quyền sống của những người lao động nghèo khổ và lương thiện, cho lẽ
phải và sự công bằng xã hội. Chính đó là cốt lõi của tài năng, là cơ sở để tạo
nên phẩm chất riêng đáng trân trọng trong sự nghiệp đồ sộ và đa dạng của
ông.
Suốt sáu thập kỷ qua, văn nghiệp và cuộc đời của nhà văn đã thu hút
được sự quan tâm, yêu mến của các nhà nghiên cứu, phê bình, giảng dạy
văn học và nhiều thế hệ bạn đọc. Cho tới nay đã có tới hàng trăm công trình,
bài viết từ nhiều góc độ, tiếp cận khác nhau, đi sâu nghiên cứu cuộc đời và
văn nghiệp của nhà văn hiện thực xuất sắc này. Cuốn sách Ngô Tất Tố — một
tài năng lớn, đa dạng, do Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành nhằm giới
thiệu với bạn đọc những bài viết thiệu với bạn đọc những bài viết tiêu biểu
được tuyển chọn từ khối lượng những công trình, bài viết phong phú đó về
Ngô Tât Tố. Cuốn sách gồm hai phần:
Phần I: Ngô Tất Tố - Một nhân cách lớn, một sự nghiệp lớn.
Phần II: Sức sống một văn nghiệp lớn, đa dạng.
Nhà xuất bản xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc và mong được tiếp
nhận sự hưởng ứng cùng ý kiến đóng góp quý báu của bạn đọc xa gần.
NHÀ XUẤT BẢN VĂN HÓA - THÔNG TIN
Phần 1. NGÔ TẤT TỐ, MỘT NHÂN CÁCH LỚN, MỘT SỰ NGHIỆP
LỚN
NGÔ TẤT TỐ
“NHÀ VĂN” NHÀ TIỂU THUYẾT LÃO THÀNH
NGUYÊN HỒNG
Nhà văn và nhà tiểu thuyết lão thành của chúng ta, Ngô Tất Tố, không
còn nữa! Tháng 4 năm 1954, giữa một vùng đất sỏi khô cằn, nông dân đương
đội giời nắng chang chang đào chuôm, đắp đập, xẻ ngòi để lấy từng gầu
nước cho lúa Nam Ninh, cho khoai, cho đỗ sau hai năm những dòng nước
nông giang dào dạt cạn tắt từ ngày đập Thác Huống bị giặc Pháp phá tan
tành, giữa một vùng đây, kia, những địa chủ cường hào gian ác lần lượt quỳ
gối nhận tội trước nông dân, những bãi cam vàng, những đồng lúa xanh tươi
bao nhiêu đời nay ở đây dân cày ngậm ngùi giờ bật cả lên ca hát dưới lá cờ
của Đảng tiền phong và bước theo bàn tay vẫy lên phát động của Hồ Chủ
tịch, giữa một vùng quê hương thôn dã thứ hai của mình tưng bừng, quyết liệt
đấu tranh ấy, Ngô Tất Tố đã từ biệt chúng ta mãi mãi.
62 tuổi, 40 năm làm báo, viết văn, soạn sách, dịch và viết tiểu thuyết,
trước khi ngọn bút trọn đời với nghề kia nhắm mắt, còn để lại hơn 300 trang
khổ giấy bình dân trong bản thảo ba tập truyện dịch Trời hửng của Vương
Lực, Doãn Thanh Xuân của Hàn Phong và Trước lửa chiến đấu của Lưu
Bạch Vũ và hơn 100 trang sáng tác Bùi Thị Phác, một vở kịch chèo đã được
giải thưởng về kịch 1952 của Hội văn nghệ Việt Nam.
Ngô Tất Tố sinh trưởng ở tỉnh Bắc Ninh, huyện Từ Sơn, làng Lộc Hà.
Trong một khoa thi cuối cùng của khoa cử ở Bắc Ninh. Ngô Tất Tố đã đỗ đầu.
Nhân dân Bắc Bộ đã nói nhiều cái học lỗi lạc của ông xứ Tố. Anh em làng
văn, làng báo cũ cũng thường gọi Ngô Tất Tố bằng cái tên ấy nhưng đổi một
cái tên khác thân yêu hơn: bác Xứ Tố. Nhưng, bằng cấp đã thi đỗ được ấy chỉ
để cho Ngô Tất Tố vứt đi và càng làm thấy rõ thêm một chế độ mục nát đã
đến tận cùng không còn thể nào chịu được nữa, không còn lý do nào nữa tồn
tại thêm dưới ánh sáng mặt trời này.
Trong các giai đoạn thực dân Pháp cố sức dập cho tắt hẳn ngọn lửa
yêu nước âm ỉ trong nông dân, đặc biệt sự nhóm họp đấu tranh cuối cùng,
khoảng 1905, 1906 của một số những nhà nho chân chính không thể yên tâm
và cam chịu làm một dân mất nước thì một mặt khoa cử cũ bị đóng cửa hẳn,
một mặt những trường khác đã được mở ra như trường hậu bổ, trường thông
ngôn. Thực dân quỷ quyệt, phần để đào tạo một số người học mới làm nô lệ
cho được nên chúng phần xoa dịu, mua chuộc, đầu độc một lớp thanh niên trí
thức, Nho học bấy giờ; tức khắc, một lũ con em của quan lại địa chủ phong
kiến liền chạy ngay lên, nương vào quyền thế của cha anh giành giật ngay lấy
những địa vị bóc lột mới trong xã hội. Bàn chân chà đạp của thực dân, bọn
này ôm rất chặt, mơn man và ca tụng, lấy công việc đó làm thức thời cuộc
sống và trật tự đó làm vinh dự, kiểu mẫu của một phẩm giá thời đại.
Gia đình Ngô Tất Tố là một gia đình nông dân lao động, không có ruộng
phải lĩnh canh ruộng làng để sinh sống và phải làm ăn chật vật mới nuôi nổi
được con ăn học. Chung quanh Ngô Tất Tố là sự sống bần cùng ngột ngạt
dưới những uy quyền cha truyền con nối của những dòng họ đại địa chủ và
phong kiến nắm hết sinh mệnh nhân dân trong tay. Tài học và thông minh của
mình, Ngô Tất Tố thấy không dùng làm được việc gì hết với thực dân, bọn
quan lại, trừ một việc bợ đỡ chúng, theo chúng bóp cổ nhân dân để bóc lột.
Nỗi đau xót của người dân mất nước và cái căm nhục của một trí thức bị
chèn ép, khinh miệt, càng thấy sâu sắc, thấm thía.
Ngô Tất Tố đã quả quyết đi hẳn sang một con đường sống khác. Chiếc
bút lông thay bằng bút sắt. Với ngòi bút, Ngô Tất Tố kiếm sống và chống lại
những cái ngang trái bất công của xã hội, Ngô Tất Tô đã viết ở những báo
Thực nghiệp, báo Thần chung, dịch những tác phẩm tiến bộ của Trung Quốc.
Cuộc sống bán văn, viết mướn này, tuy giải quyết được một phần nhỏ nào
những dằn vặt trong tư tưởng trước cái thực tế nặng tối của chế độ lúc bấy
giờ nhưng cũng đồng thời làm cho Ngô Tất Tố rõ hơn, sâu sắc hơn sự đè nén
đến nghẹt thở của cái nhà tù thực dân trong đó Ngô Tất Tố phải hết sức giãy
giụa và tìm các cách để luồn được tư tưởng mình vào nhân dân, vạch ra ánh
sáng.
Ra báo phải có tài sản lý lịch trong sạch và xin phép... kiểm duyệt xẻo
cắt tàn nhẫn, nghiệt ngã... mật thám đòi hỏi hăm dọa... quản lý những nhà
báo và nhà xuất bản trục lợi một cách quá “chó đểu”. Đã có lần, một tên quản
lý đã gạ nhà văn của chúng ta ký giấy giao kèo viết đặc biệt cho cơ quan của
nó, và tiền báo tháng tháng thì lĩnh một nửa, còn bao nhiêu để lâu tích lại, nó
sẽ lấy đất của đồn điền nó tính giả cho! Ngô Tất Tố đã nhổ ngay vào mặt nó.
1930 - 1931. Cái chế độ xã hội bóc lột, đàn áp mà Ngô Tất Tố càng
ngày càng thấy trĩu xuống người mình ấy, bị lay chuyển mạnh. Những phong
trào công nhân ở Hồng Gai, Nam Định, ở các đồn điền cao su Nam Bộ,
những phong trào nông dân ở Thái Bình và đặc biệt cuộc thành lập Xô viết
Nghệ An đẫm máu, khủng bố và khủng bố... Nhưng đến năm 1936, 1937, cửa
các nhà ngục chính trị của đế quốc Pháp bắt đầu phải hé mở, thả ra các chiến
sĩ Cộng sản thì phong trào đấu tranh lại lên ngùn ngụt.
Ngô Tất Tố, cũng như một số cây bút tiến bộ khác, thảy đều thấy sức
mạnh phá bỏ một chế độ thối nát, dựng lên một chế độ tươi sáng tốt đẹp ở
đây, ở giai cấp công nông lao khổ được tổ chức, lãnh đạo, cùng nhau vùng
lên giành quyền sống. Sự tồn tại của những tác phẩm, lý tưởng của nhà văn,
chỉ có thể đứng về phía đấu tranh giai cấp đó, hưởng ứng cuộc đấu tranh giai
cấp đó bằng sự làm việc của mình bấy lâu bị kìm hãm, rụt rè, loanh quanh,
chập choạng chưa định rõ được phương hướng.
Ngô Tất Tố đã viết ở báo Tương lai và biên soạn liền hai tập: Việc làng
và Tắt đèn. Cuốn trên là một thiên phóng sự. Cuốn dưới, tiểu thuyết, cả hai
lấy đề tài nông thôn, cùng lúc với Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan
và Giông tố của Vũ Trọng Phụng.
Thôn quê Việt Nam, dưới ngòi bút của Ngô Tất Tố, không như bọn thực
dân bưng bít và một lũ nhà văn tư sản tô điểm. Trong những luỹ tre xanh gày
và gai góc kia, chiều chiều khói thổi cơm nhoi lên những mái tranh xám, tản ra
những cánh đồng lặng lẽ, không phải là những cảnh thơ mộng, mà sự thật là
những người mẹ gần chết đói, con thơ nằm bên vẫn còn kéo dài vú ra nhay,
là những người cha ốm nhìn hấp hối những bếp đầu rau chỉ còn tro lạnh và
những mảnh nồi vỡ, bao nhiêu áo cơm và hơi sức của bao nhiêu người làm
ăn lấm lưỡi đều bị sưu cao thuế nặng lột hết, lột hết...
Và những nóc đình mái cong, ngói rêu, có những cây gạo mọc vút lên
hoa đỏ rực trời, không phải chỉ có văng vẳng tiếng trống chèo và dập dìu bài
lưu thuỷ về giêng, hai, ba, đình đám! Ở đây, cả một bọn quan lại và cường
hào tranh cạnh nhau, tranh từng miếng phao câu, từng ngón tay xôi, cờ bạc,
rượu chè, cô đầu, chia nhau chấm mút cấu xé ruộng đất và sưu thuế, cưỡi
trên những sống lưng gần ngã gục của nông dân nô dịch...
Ngòi bút rắn chắc của Ngô Tất Tố đã không e dè đưa lên những sự
thật. Người nông dân giãy lên trên những dòng chữ của Ngô Tất Tố, chưa
ánh lên cái sức đấu tranh, nhưng sự thống khổ của họ đem phơi bày ra đã
được một phần nào thật, thật trên cái đen tối của chế độ tàn bạo và ruỗng nát
lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, những sự đè nén, lừa bịp và ăn gian nói dối của
bọn thực dân và lũ bồi bút của chúng càng ngày càng tàn tệ, trâng tráo. Cuộc
chiến tranh thứ hai nổ ra, Pháp ở Đông Dương liền quỳ ngay gối, mở cửa cho
quân phiệt Nhật vào. Hai tầng áp bức bóc lột và khủng bố xoáy lấy dân
chúng. Văn hóa trong tay hai bọn ăn cướp nọ càng khốc hại. Chúng nó cố
kéo con người trở lại với tất cả cái gì là thoái độ, dìm cho con người cắm đầu
mê muội không thể nào cất nhìn lên, trông về tương lai. Chúng nó đào lên ở
những nấm mồ đã ngàn năm những đạo đức, lễ nghi, triết học, tư tưởng
phong kiến dựng lên thành thánh đường, thành lâu đài. Thơ ca, truyện, biên
soạn, nhạc, kịch, hội họa, kiến trúc... đã hướng chặt chẽ để phục vụ cho âm
mưu đó.
Những năm đen xịt những đói kém, thất nghiệp, bắn giết, tù đày, chợ
đen, đầu cơ tích trữ này, chính sách văn hóa kiểm duyệt, mua chuộc, lung lạc,
cổ võ của bọn thống trị càng gắt gao, chặt chẽ rộng lớn! Những cuộc trao đổi
văn hóa Đông Dương và Nhật Bản, tiêu tiền triệu của nông dân hai nước, để
đi tới sự ca tụng cái chính sách ăn cướp của chúng nó... Những tối kịch hát
hoa lệ ở Nhà hát lớn Hà Nội, diễn những Trầm hương đình, Mạnh Lê Quân
thoát hài... Những tập sách dày 3, 4 trăm trang về Nho giáo, Kinh dịch...
Những sách báo chuyên khảo về các ông nghè triều Lê và các loại vũ khí tối
tân... Thơ yêu ma... Nhạc dâm loạn... tất cả một mớ thuốc độc ấy, đế quốc gọi
là những hoạt động của nền văn hóa Phục hưng, trở về giá trị cũ của học
thuật, nghệ thuật, phát huy những tư tưởng cao quý siêu việt của con ngưòi.
Sự liêm sỉ của một thái độ trọng sự thật không cho phép bất kỳ một nhà
văn nghệ chân chính nào nhận những cái đã chết thối rồi không giữ được
đem dựng lên, dù đó là đạo đức, lễ nghi, là tư tưởng, là học thuật văn hóa.
Trong Lều chõng, cuốn tiểu thuyết dày đặc của Ngô Tất Tố, sự ngay thẳng
của một ngòi bút đã dõng dạc cất tiếng chửi vào mặt những cái “hay” cái
“đẹp” của bọn thống trị đưa ra cổ võ ấy.
Cũng viết về khoa cử, nhưng đây là một sự thật trần truồng về khoa cử.
Trường ốc chỉ là nơi buôn bán gian giảo giữa bọn quan trường dốt nát và
tham ô với bọn học sinh nhà giàu và quan lại ngông nghênh, ngu xuẩn, bợm
bãi. Chung quy chỉ là những gông xích đóng lấy cổ, trói lấy tay những nhân tài
thật lòng thiết tha mong đem sự học của mình ra làm việc cho dân cho nước.
Còn cái đẹp, cái thơ của kiệu song, võng tía, biển lọng chỉ là những cái mà trí
thức có làm đĩ cho quan lại, có mất hết cả nhân cách đi thì mới hưởng được.
Những năm Nhật Pháp tối tăm ấy, Ngô Tất Tố đã trải qua ở quê hương
ông. Cả những ngày khủng khiếp của trận đói 45, hơn hai triệu nông dân đã
chết. Bắc Ninh, một trong những tỉnh cao trào cứu quốc lên ở Bắc Bộ, Cách
mạng tháng Tám thành công, những nông dân còn lại, một tay gạt máu đẫm
mình của bao nhiêu năm xiềng xích, một tay lại cầm mạ xuống, mảnh đất lần
đầu tiên trong lịch sử thành lập chính quyền dân chủ. Ngô Tất Tố đã bắt đầu
nhập sâu thêm vào cuộc đấu tranh và kiến thiết vĩ đại này. Nông dân đã bầu
ông làm uỷ viên trong Uỷ ban giải phóng xã nhà. 1946, Ngô Tất Tố vào Hội
Văn hóa cứu quốc. Trong một bữa cơm đông đủ gần hết anh chị em văn nghệ
sĩ Bắc Bộ và Trung Bộ, bế mạc Hội nghị Văn hóa cứu quốc lần thứ nhất ở Hà
Nội, ông già tóc ngắn hoa râm, áo dài khăn xếp, sắt đanh với cái tên Hy Cừ
chuyên vạch mặt chỉ trán những chuyện ngang trái của xã hội thực dân và
phong kiến trong một mục báo hàng ngày kia, hơi rượu liên hoan ngà ngà,
đứng lên khoanh tay, bẽn lẽn ngâm mấy câu thơ mừng cách mạng thành
công...
Kháng chiến toàn quốc. Quê hương Ngô Tất Tố, cái làng Cói cheo veo
ngay bờ con sông Đuống bát ngát bãi dâu và bãi ngô bị uy hiếp và trở thành
khu du kích. Trong một trận chống giặc vào làng càn quét, người con trai thứ
của Ngô Tất Tố vừa thôi học về làng, đã hy sinh cùng với một đồng chí cán bộ
huyện và một đồng chí du kích xã.
Gửi làng lại cho du kích và bộ đội địa phương vừa chống giặc, vừa cày
cấy, người cha già nay ra đi công tác. Những đau xót và căm giận biến thành
ca dao, những bài báo, những bài hát chèo, đăng trên báo Cứu quốc khu XII,
minh họa cho những bức tranh điệp cho Sở Thông tin và hát ở các làng, các
xã. Kháng chiến gian khổ càng làm tăng thêm ngòi bút, cũng như sự căm thù
của Ngô Tất Tố, bài quyết tâm của toàn dân gìn giữ đến giọt máu cuối cùng
đất nước và giành lấy nền độc lập thống nhất thực sự, càng làm Ngô Tất Tố
nhìn thấy một cách kính phục và tin tưởng sự quan trọng của sự tổ chức và
lãnh đạo của giai cấp công nhân và Đảng tiền phong của nó. Nông dân Việt
Nam, dân tộc Việt Nam, không thể quân thù nào thắng nổi, trái lại có thể tiêu
diệt bất cứ quân thù nào, đánh tan bất cứ cuộc xâm lăng nào một khi sức
mạnh của nó được huy động và đúc lại thành một khối. Nông dân Việt Nam,
dân tộc Việt Nam sẽ chính tay mình dựng nên một đất nước tốt tươi, một xã
hội tự do và hạnh phúc một khi nó được giáo dục và có cái ý thức cách mạng
và khoa học của giai cấp công nhân, chiến đấu theo chủ nghĩa mác — Lê, với
Đảng duy nhất của nó: Đảng cộng sản.
Ngô Tất Tố tìm hiểu như thế, tin tưởng như thế, những mong chiến đấu
và tin ở chiến đấu được như thế.
Trong cuộc học tập của một số anh em văn nghệ sĩ ở một địa điểm Việt
Bắc, ngày mồng 1 tháng 5 năm 1948, Ngô Tất Tố đã gia nhập Đảng cộng sản
Đông Dương. Nguyện vọng một đời của nhà văn đã thành sự thực. Phương
hướng tiến lên của một sự nghiệp rạng rỡ. Ngô Tất Tố vững vàng thêm, quyết
liệt hơn, sắc bén hơn trong hàng ngũ của giai cấp công nhân, chiến đấu với
ngòi bút yêu dấu của mình, đập tan cái chế độ người bóc lột người gây bao
nhiêu thảm họa và giờ đây ngay trước mắt đây, tiêu diệt xâm lăng Pháp, lưỡi
lê của chúng đã vấy máu một khúc ruột của ông, tiêu diệt giai cấp phong kiến
địa chủ ngàn đời nay mặt đất đã xây nên một địa ngục đó với đại đa số nông
dân lao khổ và ông đã sống những quãng đời đến nát óc, bẹp ngực.
Nhập vào hàng ngũ của giai cấp công nhân giáo dục với chủ nghĩa của
Đảng, sức mạnh của ngòi bút Ngô Tất Tố càng được bồi dưỡng. Nghe qua
Suối thép và Trời hửng của Ngô Tất Tố dịch, người ta nghe thấy hơi thở của
công nông binh Liên Xô, Trung Quốc, của Xêrphimôvích và Vương Lực, đồng
thời cả hơi thở của Ngô Tất Tố, tin tưởng ở sự có thể làm được, có thể chiến
thắng, ở sức căm thù bốc lên thành lửa xây dựng của công nông binh Việt
Nam đứng dậy...
Cái mạnh, cái sắc của Ngô Tất Tố ở chỗ dám nhìn thẳng vào sự thực,
căm giận, chửi rủa và phá bỏ. Cái mạnh, cái sắc của Ngô Tất Tố còn ở chỗ đi
sâu vào những khía cạnh đen tối, sai trái của kẻ thù. Nhưng quằn quại gần
hết một đời người trong những thiếu thôn ê chề, tàn nhẫn của sự sống, và
không sớm được trau dồi ý thức đấu tranh sáng suốt, tươi tắn, quyết liệt và
đúng mực, sắt đá và rộng rãi, cái ý thức cách mạng và khoa học của công
nhân, nên trong một số sáng tác ngắn và sơ thảo trong kháng chiến của Ngô
Tất Tố, nhân vật và sự sống chưa được diễn tả đúng thực và còn nhiều chỗ
lệch lạc, không toát lên được cái hướng đi lên của xã hội.
Ngô Tất Tố thân yêu của chúng ta không còn nữa. Mối ân hận cuối
cùng của nhà văn bạc đầu với nghề này, là không được trông thấy đất nước
hoàn toàn giải phóng và được viết trọn vẹn một tác phẩm dày dặn về nông
dân vùng lên, với một cuộc đời mới, khác.
Chúng ta, những kẻ mà Ngô Tất Tố trao lại ngòi bút của mình trao lại
những khát vọng và tin tưởng của mình, chúng ta trân trọng nhận thấy. Cái
hình ảnh Ngô Tất Tố dứt khoát với thù địch, không đội giời chung với thù địch,
cái hình ảnh đôi mắt kính vằng vặc say mê cúi xuống những dòng chữ rắn rỏi
rõ ràng miết lên những trang giấy vàng ngà trên bàn tre làm việc, hình ảnh đó
chúng ta luôn luôn tưởng nhớ, xót xa thương tiếc, quyết tâm học tập và
nguyện sát cánh nhau chặt hơn nữa, làm việc nhiệt tình, tận tụy, quyết thắng.
(Tạp chí Văn nghệ, số 54, 8 - 1954)
NHÀ VĂN NGÔ TẤT TỐ
NGUYỄN ĐỨC ĐÀN
1. Thế giới quan và phương pháp sáng tác của Ngô Tất Tố.
Nghiên cứu thế giới quan và phương pháp sáng tác của một nhà văn
tức là nghiên cứu cơ sở tư tưởng triết học và đặc điểm mỹ học của nhà văn
ấy. Chúng ta chỉ có thể tiến hành công việc đó bằng cách dựa vào các tài liệu
cụ thể về đời sống của nhà văn và thông qua việc nghiên cứu các tác phẩm
một cách có hệ thống.
Chúng ta biết rằng Ngô Tất Tố là một nhà Nho, xuất thân từ một gia
đình có truyền thống Nho học lâu đời tuy rằng không đỗ đạt cao. Ông của nhà
văn thi hương bảy lần chỉ đỗ tú tài. Bố thi sáu lần, rốt cuộc cũng chỉ là một
ông đồ. Bản thân nhà văn đã đi thi hai lần, đỗ đầu xứ nhưng không vào được
trường tam.
Ngô Tất Tố là một nhà Nho nhưng có mấy đặc điểm đáng chú ý. Trước
hết ông là một nhà Nho nghèo. Gia đình Ngô Tất Tố không đủ ruộng cày cấy,
phải nhận ruộng công điền quanh năm nợ nần túng thiếu. Đến khi Ngô Tất Tố
đi làm báo cũng vậy. Đời sống nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp ngày xưa
phần nhiều cực khổ như thế nào chúng ta đã biết. Lúc vào Sài Gòn, trong túi
chỉ còn một đồng xu, Ngô Tất Tô vứt nốt xuống biển. Chính cuộc sống vật
chất thiếu thốn đã tạo cho nhà văn có điều kiện thông cảm dễ dàng với quần
chúng nghèo khổ, nhất là nông dân, vì nhà văn đã sống ở nông thôn rất lâu.
Khác với nhiều môn đệ của cửa Khổng sân Trình, Ngô Tất Tố là một
nhà Nho nhưng không có tư tưởng nệ cổ, bảo thủ. Ông đã nhiều lần dùng
ngòi bút kịch liệt lên án các tục lệ lạc hậu, thối nát ở nông thôn. Trong Việc
làng, Ngô Tất Tố đã vạch rõ vì sao các tục lệ hủ lậu tồn tại lâu dài. Trong Mặc
tử, Ngô Tất Tố đã tỏ thái độ ủng hộ rõ rệt đối với các thuyết phi nhạc, phi Nho,
và phi mệnh của các nhà triết học cổ đại Trung Quốc. Quan niệm phi nhạc
của Mặc Tử có chỗ không được đúng, nhưng xuất phát từ một tinh thần thực
tiễn, chống lại tất cả những cái gì không trực tiếp có ích đối với đời sống nhân
dân. Với thuyết phi Nho Mặc tử phản đối Nho giáo ở chỗ lễ của Nho giáo quá
phiền nhiễu, nhất là ở đầu óc thủ cựu và tinh thần phục cổ. Mặc tử còn đề
xướng thuyết phi mệnh để phản đối tư tưởng định mệnh: “Hoạ phúc của
người đời đều là kết quả của sự hành vi, không có số mệnh nào hết”. Giới
thiệu và đề cao những quan điểm ấy của Mặc tử là một việc làm có ý nghĩa.
Ngô Tất Tố đã từng ca tụng tinh thần sáng tạo của Hồ Quý Ly, khen Hồ Quý
Ly “thật là một người có tư tưởng độc lập, không chịu nhắm mắt theo những
thành kiến cổ nhân”.
Ngô Tất Tố là một nhà Nho nhưng không mê tín. Ông đã từng viết một
loạt bài đả kích các mê tín dị đoan, vạch mặt bọn lợi dụng tôn giáo. Trong bài
Kiểu đất ở phố Hàng Trống (Đông Phương, số 380, 13-3-1931), Ngô Tất Tố
châm biếm ngôi đền ở phố Hàng Trống lúc bấy giờ thường có người đến lễ
bái tấp nập: “Trước kia mình tưởng vì đền này thần thiêng cho nên đông
khách lễ bái, đến nay xét ra, mới biết sự đông khách đó không tại thần thiêng
chỉ tại “được đất”. Bởi vì ở đó có phải chỉ có một mình cửa đền ấy mà thôi
đâu, hai bên tả hữu còn có hai cái “săm” nữa, nghe nói cả hai đều được “đêm
đêm hàn thực, ngày ngày nguyên tiêu” cả. Theo câu tục ngữ “tốt đất cò đậu”
thì có lẽ phố Hàng Trống là chỗ đất tốt cho nên một đền, hai “săm” đều phát
phúc như thế...”
Chúng ta thấy Ngô Tất Tố là một nhà Nho tất nhiên không thể không
chịu ảnh hưởng của Nho giáo, nhưng căn bản ông là người có tinh thần tiến
bộ, có đầu óc khoa học.
Ngô Tất Tố đã viết thiên phóng sự Dao cầu thuyền tán để đả kích bọn
lang băm bịp bợm, vừa làm thuốc, vừa làm chủ nhà săm, vừa cho thuê đòn
đám ma. Ông đã chủ trương dùng khoa học hiện đại để nghiên cứu đông y.
Trong một bài báo, Ngô Tất Tố viết: “Thuốc Tàu tuy là môn thuốc rất hay
nhưng mà những người soạn ra sách thuốc đều chưa biết khoa học là gì, họ
đem thuyết “âm dương ngũ hành” mà làm cho thuốc của Tàu và của Ta phải
mờ ám giống như một môn huyền học. Bây giờ phải đem những thứ dược vật
học, sinh lý giải phẫu học, bệnh lý giải phẫu học... mà bồi bổ cho khuyết điểm
ấy... Giả sử chúng ta có một phòng thí nghiệm tính chất thuốc bắc và thuốc
nam và một trường học dùng phương pháp khoa học nghiên cứu nghề thuốc
Tàu thì may ra cái nạn giết người lấy của ở xã hội thầy lang mới trừ bớt
được”.
Về mặt tinh thần và thái độ khoa học trong phương pháp nghiên cứu, ta
thấy Ngô Tất Tố là người có ý thức thận trọng, khách quan trong việc sử dụng
các tài liệu, chống với phương pháp làm ẩu và sử dụng tài liệu theo định kiến
chủ quan của mình. Phê bình quyển Nho giáo của Trần Trọng Kim, chủ yếu
Ngô Tất Tố phê bình mặt phương pháp khoa học.
Quan niệm của Ngô Tất Tố về vũ trụ, về nhân sinh có những mặt khá
tiến bộ. Nhân đây chúng ta thử nhìn lại quyển Lão tử của Ngô Tất Tố cùng
viết chung với Nguyễn Đức Tịnh. Các tác giả Lão tử đã phân tích và biểu
dương quan niệm Đạo và Đức. Về đạo, tác giả viết: “Đạo theo Lão tử là một
vật vô hình nhưng là một vật có thực. Nó là nguyên tố của vạn vật. Ta phải
công nhận rằng ở một thời đại đương lúc hủ lậu mê muội như thời đại nhà
Chu ở Tàu mà có một quan niệm vũ trụ hoàn toàn duy vật thực là một điều
đáng phục”, về đức, tác giả viết: “Cái gốc sinh ra vạn vật là đạo nhưng làm
cho vật nào thành ra vật ấy và có thể tồn tại ở vũ trụ thì không phải là đạo mà
lại là đức… Theo danh từ mới, người ta có thể gọi đức là một sự cấu tạo và
tồn tại của vũ trụ, vạn vật”. Sau khi biểu dương vũ trụ quan của Lão tử, tác giả
phê phán quan niệm nhân sinh tiêu cực là quan niệm vô vi. Tác giả Lão tử
cho đó là một quan niệm không thực tế, không can thiệp vào quá trình phát
triển của tự nhiên, muốn chủ trương trở lại cuộc đời mê muội thời nguyên
thuỷ. Tác giả Lão tử cho rằng người ta ở đời cần phải có một quan niệm nhân
sinh quan tích cực, cần phải phấn đấu đẩy lịch sử tiến lên.
Cuộc đời hơn ba mươi năm cầm bút của Ngô Tất Tố đã cho chúng ta
thấy ông là một người có thái độ tích cực trong cuộc sống. Trong hàng loạt
bài báo và tác phẩm, Ngô Tất Tố đã đứng về phía quần chúng, vạch trần và
lên án xã hội thực dân phong kiến đầy ung nhọt và thối tha. Ngòi bút của Ngô
Tất Tố là một ngòi bút có nhiều tính chiến đấu. Cố nhiên thế giới quan của
Ngô Tất Tố còn có những mặt hạn chế. Ngô Tất Tố chưa phải là một nhà văn
cách mạng. Nhưng nhìn lại cả cuộc đời và sự nghiệp của ông phải nói rằng
Ngô Tất Tố là một nhà văn có một thế giới quan tiến bộ.
Trong phương pháp sáng tác, Ngô Tất Tố đã đạt đến chủ nghĩa khách
quan lịch sử, cơ sở triết học và phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa
Phương pháp khách quan lịch sử, tức là phương pháp miêu tả thực tế một
cách khách quan, tôn trọng hiện thực của đời sống xã hội, không bóp méo nó,
khác với phương pháp của các nhà văn lãng mạn xây dựng trên cơ sở chủ
nghĩa duy tâm chủ quan. Đặc trưng của phương pháp lãng mạn là phản ánh
các hiện tượng của cuộc sống một cách hết sức chủ quan, bóp méo, có khi
xuyên tạc cả hiện thực cho phù hợp với ý muốn chủ quan của nhà văn.
Chẳng hạn chúng ta thấy các nhà văn lãng mạn đã phản ánh cuộc sống ở
nông thôn như thế nào? Đó là thế giới của những đêm trăng huyền ảo, những
ngày hội tưng bừng, những cô thôn nữ ngây thơ xinh đẹp, tóm lại, một thế
giới của thơ và mộng. Rõ ràng là trong tác phẩm của mình, Ngô Tất Tố đã
miêu tả một nông thôn xa lạ với nông thôn trong các tác phẩm lãng mạn. Ngô
Tất Tố đã nhìn thấy một sự thực khách quan ở nông thôn: đời sống lầm than
cơ cực của quần chúng nông dân, sự áp bức, bóc lột của bọn địa chủ, cường
hào, quan lại. Việc làng chỉ miêu tả cảnh khốn cùng của người nông dân dưới
ách các hủ tục. Tắt đèn mới là một tác phẩm có giá trị trong đó nhà văn đã
nhìn thấy sự phân chia xã hội thành giai cấp và tình trạng đối kháng giữa các
giai cấp ấy. Nhân đây chúng tôi muốn dừng lại nói thêm về Tắt đèn, tác phẩm
tiêu biểu của Ngô Tất Tố để hiểu rõ thêm đặc trưng phương pháp sáng tác
của ông.
Chúng ta biết rằng lúc ra đời, Tắt đèn được dư luận trên các báo chí
nhiệt liệt hoan nghênh. Trên báo Thời sự số ra ngày 31 - 1 - 1939, Vũ Trọng
Phụng viết: “Tắt đèn là một thiên tiểu thuyết có luận đề xã hội, hoàn toàn
phụng sự dân quê, một áng văn có thể gọi là kiệt tác, tòng lai chưa từng
thấy”. Điều đáng chú ý là các báo chí cách mạng hết sức hoan nghênh tác
phẩm của Ngô Tất Tố, Phú Hương trên báo Đông phương số ra ngày 1-9-
1939 cho rằng “Ngô Tất Tố đã thành công một cách vẻ vang hết sức. Báo Mới
ở Sài Gòn cho rằng Ngô Tất Tố đã sáng tác theo “một phương pháp rất mới,
nhà văn đã nêu lên được “mâu thuẫn của xã hội” và “phương pháp ấy chỉ có
nhà văn xã hội theo phương pháp duy vật biện chứng mới có mà có một cách
đầy đủ”. Minh Tước viết trên báo Mới (15-6-1939): “nhà Nho đã vượt khỏi cả
thế hệ của mình. Người môn đồ của Khổng Mạnh này đã thở hút cái không
khí xã hội của K.Marx như tất cả những thiếu niên văn sĩ ở hàng tranh đấu để
viết cho chúng ta quyển Tắt đèn!". Minh Tước viết thêm: “trong văn phẩm ấy
ông Ngô Tất Tố đã dùng được đắc sách cái phương pháp khách quan để tả
ra cho chúng ta biết rõ ràng những cảnh tượng nơi hương ẩm, là một chỗ mà
người ta nhờ ông, nhận thấy rất nhiều sự mâu thuẫn và hủ nát”.
Mấy ý kiến trên đây của các báo chí đương thời, nhất là báo chí cách
mạng, đã giúp chúng ta soi sáng thêm về thế giới quan và phương pháp sáng
tác của Ngô Tất Tố. Chính nhờ có thế giới quan tiến bộ và phương pháp
khách quan lịch sử mà Ngô Tất Tố đã thành công và được các nhà báo cách
mạng xem là một nhà văn ở trong hàng ngũ tranh đấu. Đó là một vinh dự lớn
đối với nhà văn. Phương pháp của Ngô Tất Tố chẳng những đối lập với
phương pháp lãng mạn và cũng hoàn toàn xa lạ đối vối phương pháp tự
nhiên chủ nghĩa. Một ví dụ: Mở đầu Hà nội lầm than, Trọng Lang viết: “Tôi
bước vào xã hội này với ngòi bút và lòng thương”. Nhưng thực ra đây chỉ là
lòng thương hại của giai cấp tư sản. Suốt tập phóng sự, Trọng Lang biểu thị
một thái độ khinh miệt coi rẻ những người cùng khổ trong xã hội, tác giả dừng
lại ở hiện tượng và giải thích hiện tượng một cách sai lầm. Trọng Lang cũng
như nhiều nhà văn tự nhiên chủ nghĩa khác, cho rằng người đàn bà sa vào
cảnh bán thân nuôi miệng chỉ là vì ngu dốt, tham lam, lười biếng hoặc đĩ thoã.
Họ không tìm nguyên nhân ở chế độ xã hội mà lại quy tội cho quần chúng. Họ
cho đó là một định mệnh và những người phụ nữ là gái giang hồ thì khó có
thể trở lại làm người lương thiện.
Phương pháp khách quan lịch sử của các nhà văn hiện thực tôn trọng
tính chân thực trong việc miêu tả thực tại xã hội, không dừng lại ở hiện tượng
mà đi sâu nghiên cứu bản chất. Phương pháp khách quan lịch sử lại giúp nhà
văn nghiên cứu hiện thực trong sự phát triển hợp với quy luật.
Chị Dậu vốn là người phụ nữ nông dân cần cù chất phác và hiền lành.
Ấy thế nhưng qua một quá trình chịu đựng những áp bất công và tàn bạo, đến
lúc chị đã vụt đứng dậy quật lại bọn đầu trâu mặt ngựa. Xem đến đoạn chị
đánh ngã bọn kẻ cướp, độc giả không ngạc nhiên vì đó là một sự phát triển
hợp với lôgíc.
Ngô Tất Tố chưa miêu tả những người đã giác ngộ mà chỉ mới miêu tả
quá trình phát triển từ chỗ bị áp bức đến chỗ hành động tự phát, nhưng ông
hé thấy được tính quy luật trong sự phát triển của hiện thực. Trong Vỡ đê, Vũ
Trọng Phụng miêu tả những người nông dân đã có ý thức hoặc nhiều. Nhưng
tác giả Vỡ đê đã miêu tả những người này như thế nào? Một phát súng chỉ
thiên cũng đủ để cho họ chạy tan tác như “một bầy nhặng xanh!”. Vũ Trọng
Phụng muốn đưa những quần chúng đã giác ngộ vào tác phẩm của mình
nhưng thực sự ông ta chẳng hiểu chút gì về họ. Vũ Trọng Phụng đã nhìn họ
bằng con mắt của giai cấp tư sản.
Khác với các nhà văn tự nhiên chủ nghĩa và các nhà văn lãng mạn tư
sản, Ngô Tất Tố đã thấy được bản chất tốt đẹp của người nông dân lao động.
Cùng khổ như chị Dậu - phải đứt ruột bán con lấy một đồng bạc nộp sưu cho
chồng - nhưng khi bị tên tri phủ toan làm nhục chị cũng quyết chống lại mặc
dầu hắn đưa cho chị hơn chục bạc. Chị đã vứt ngay mấy tờ giấy bạc xuống
đất, trước con mắt kinh ngạc của tên tri phủ. Lẽ cố nhiên tên tri phủ không thể
nào hiểu nổi hành động của người đàn bà nghèo khổ mà nó khinh rẻ. Chúng
ta có thể mở một dấu ngoặc để nói rằng giá thử chị Dậu không may đầu thai
vào tác phẩm của Trọng Lang hay Vũ Trọng Phụng thì rất có thể một bước đã
biến thành nhà thổ.
Ngô Tất Tố đã miêu tả người lao động nghèo khổ với một ngòi bút đầy
tình thương yêu, trân trọng. Nhiều nhà văn hiện thực kể cả nhà văn hiện thực
phương Tây tuy ngòi bút phê phán xã hội rất sắc xảo, mãnh liệt nhưng giữa
họ và nhân dân vẫn có một khoảng cách khá xa. Xtăngđan chẳng đã có lần
thú nhận rằng: “Tôi yêu nhân dân, căm ghét bọn áp bức nhưng phải chung
sống với nhân dân thì thật là một điều đau khổ muôn đời đối với tôi”.
Một đặc điểm mỹ học của chủ nghĩa lãng mạn là tìm đề tài trong những
cái phi thường, những cái đặc biệt, hiếm có. Victo Huygô đã nói trong Bài tựa
Crômoen rằng: “Cái thông thường là cõi chết của nghệ thuật”. Nhìn lại các tác
phẩm lãng mạn phương Tây chúng ta thấy rõ điều này. Vở kịch Ecnani, cuộc
đời của Jăng Vanjăng trong Những người khốn khổ của Victo Huygô chẳng
phải là những chuyện phi thường hiếm có hay sao? Ngay ở Việt Nam cũng
vậy. Các nhà văn lãng mạn thường đi tìm cái đẹp, cái hấp dẫn trong những
cái kỳ lạ, khác thường. Điều đó hoàn toàn không giống với phương pháp của
các nhà văn hiện thực. Chuyện vợ chồng chị Dậu long đong cực khổ vì sưu
thuế, phải bán con, bán chó, phải đi ở vú... là những chuyện như cơm bữa ở
nông thôn ta thời trước, nghĩa là những chuyện rất thông thường. Nhân vật
chị Dậu trong Tắt đèn là một con người bình thường như trăm nghìn người
phụ nữ nông thôn Việt Nam. Nhưng chị Dậu là một hình tượng rất đẹp, không
phải đẹp theo kiểu lãng mạn nghĩa là với những kích thước phi thường mà
đẹp một cách hết sức chân thực. Miêu tả cái đẹp trong cái chân thực, cái lớn
trong cái bình thường là một đặc điểm mỹ học trong phương pháp sáng tác
của Ngô Tất Tố.
Nhưng đặc điểm của phương pháp Ngô Tất Tố không phải chỉ có như
vậy. Từ những con người bình thường và chân thực, Ngô Tất Tố đã khái quát
lên thành nhân vật điển hình, cố nhiên trong phụ nữ nông dân lao động lúc
bấy giờ có nhiều loại khác nhau, đứng về mặt trình độ giác ngộ. Chúng tôi
thấy rõ ràng chị Dậu của Ngô Tất Tố chưa phải là loại điển hình tiên tiến
nhưng tôi nghĩ rằng chính đó là một đặc trưng và cũng là một hạn chế lịch sử
của chủ nghĩa hiện thực phê phán. Nhiệm vụ xây dựng những nhà văn điển
hình tiên tiến chỉ có thể thực hiện được đầy đủ với chủ nghĩa hiện thực xã hội
chủ nghĩa sau này. Chị Dậu là điển hình của một loại phụ nữ nhất định, một
loại phụ nữ không phải là ít lắm trong nông thôn Việt Nam trước cách mạng.
Mặc dầu nhân vật điển hình trong Tắt đèn chưa phải là một điển hình
tiên tiến, mặc dầu cái kết cục của Tắt đèn chưa hé ra một cái gì sáng sủa -
“Trời tối đen như mực và như cái tiền đồ của chị” - nhưng người đọc vẫn
không vì thế mà bi quan, hoài nghi. Tại sao vậy? Tôi nghĩ rằng cái thứ nhất là
vì chúng ta thấy được các nguyên nhân xã hội của tình trạng khổ cực của
quần chúng. Cái khổ cực ấy hoàn toàn không phải là định mệnh. Đó là điều
Tắt đèn không giống với các tác phẩm tự nhiên chủ nghĩa. Trong Làm đĩ,
dưới ngòi bút của Vũ Trọng Phụng, sự sa đoạ của Huyền không bắt nguồn từ
một nguyên nhân xã hội nào cả. Huyền sinh ra là một cô gái dâm đãng và
chính nguyên nhân sinh lý ấy đã từng bước dẫn dắt Huyền vào con đường
truỵ lạc. Chính cái nguyên nhân sinh lý ấy đã tác động đến số phận của
Huyền như một thế lực mù quáng có tính chất định mệnh, nghĩa là sức con
người ta không thể cưỡng lại được. Cái thứ hai là như trên đã nói, trong Tắt
đèn, chúng ta thấy được bản chất tốt đẹp của những người cùng khổ, nhất là
tinh thần không chịu khuất phục của họ. Điều này cũng khác với các tác phẩm
tự nhiên chủ nghĩa. Trong các tác phẩm tự nhiên chủ nghĩa, cái làm cho
chúng ta ngạc nhiên là tinh thần yên phận, chịu nhẫn nhục của những con
người bị xã hội chà đạp. Trong Hà Nội lầm than chúng ta đã được nghe nhiều
mẩu tâm sự của các cô gái làm nghề mãi dâm: nhà thổ có, cô đầu có, gái
nhảy có. Tâm lý của họ phần nhiều là chịu yên phận, chịu nhẫn nhục đến
cùng để sống mặc dù những cái cực nhục của họ không thể nào nói hết
được. Có khi họ lại thấy thích thú là đằng khác. Một gái nhà thổ kể lại cuộc
đời của mình đã từng ngủ với hàng nghìn người một cách thản nhiên, pha
chút vui vẻ, hóm hỉnh, và lại khoe làm nhà thổ sướng hơn cô đào. Họ không
bao giờ nghĩ rằng cuộc đời của họ có thể đổi khác, họ yên chí rằng: “Cô đào
thì chỉ lấy kép”, ở những người kéo lê kiếp sống cực nhọc ấy, chúng ta không
hề thấy có một dấu hiệu phản kháng nào. Chính cái tư tưởng định mệnh và
cái tinh thần nhẫn nhục, yên phận ấy đã làm cho các tác phẩm tự nhiên chủ
nghĩa thường toát lên một tinh thần bi quan. Chúng ta thấy rằng Tắt đèn của
Ngô Tất Tố không giống như vậy. Ngô Tất Tố chưa đưa chúng ta đến một
khẳng định tích cực nhưng Ngô Tất Tố đã làm cho chúng ta phải suy nghĩ.
Suy nghĩ về một tình trạng xã hội bất công, bỉ ổi như vậy có thể tồn tại lâu dài
được không? Những người như chị Dậu phải chăng là những người có thể
yên chịu một bề suốt đời? Là một tác phẩm hiện thực phê phán, Tắt đèn chưa
giải đáp thẳng cho chúng ta những câu hỏi ấy nhưng mặc nhiên câu trả lời đã
toát ra từ toàn bộ tác phẩm.
2. Lập trường dân tộc của Ngô Tất Tố và vị trí của nhà văn trong
cuộc đấu tranh xã hội.
Ngô Tất Tố là một nhà văn nghèo, có nhân cách trong sạch, đồng thời
cũng là một nhà văn có tinh thần dân tộc. Đời ông đã từng chứng kiến nhiều
cuộc vận động cách mạng, kể cả các cuộc vận động cách mạng của sĩ phu
phong kiến, của các giai cấp tư sản, tiểu tư sản và giai cấp vô sản. Ngô Tất
Tố chưa phải là một người cách mạng nhưng có nhiều tình cảm đối với cách
mạng. Trước hết thái độ ấy biểu thị khá rõ rệt trong tiểu thuyết lịch sử của
Ngô Tất Tố.
Đặc điểm của tiểu thuyết lịch sử của Ngô Tất Tố là tác giả tôn trọng sự
thật, không lấy lịch sử làm cái cớ để xây xây dựng cốt truyện ít nhiều có tính
chất lãng mạn. Gia đình Tống trấn tả quân Lê Văn Duyệt hay Lịch sử Đề
Thám hay Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ cũng đều như vậy.
Chúng ta thử dừng lại ở tác phẩm Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ.
Trong tác phẩm này Ngô Tất Tố dựng lại cuộc kháng chiến anh dũng của
quan lại và sĩ phu yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược như Tôn Thất
Thuyết, Phan Đình Phùng, Lê Trực, Đinh Công Tráng, Nguyễn Xuân Ôn,
Nguyễn Thiện Thuật, Đinh Nho Hạnh v.v... Cuốn truyện mở đầu từ khi vua
Hàm Nghi lên ngôi và kết thúc lúc Hàm Nghi bị bắt đi đày. Rõ ràng chủ đề của
tác phẩm là biểu dương tinh thần yêu nước chống xâm lăng của sĩ phu và
nhân dân Việt Nam. Ngô Tất Tố vạch trần chân tướng của bọn thực dân
Pháp. Trước hành động trắng trợn, thô bạo của bọn thực dân dùng vũ lực bắt
triều đình Huế phải xin phép chúng lúc cử người lên làm vua, mọi người đều
căm tức. Tôn Thất Thuyết nói: “Sự thế đến vậy, không đánh thì nhục cả nước.
Thà đánh mà chết còn hơn sống mà để nhục cho nước nhà”. Trong Vua Hàm
Nghi với việc kinh thành thất thủ, Ngô Tất Tố dựng lên hai tuyến nhân vật:
những người có tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh cả tính mệnh để đánh
giặc cứu nước và những kẻ vì quyền lợi cá nhân ích kỷ, cam tâm làm trâu
ngựa cho giặc. Trong tác phẩm, số sĩ phu đứng lên phất cờ chống Pháp
không phải ít. Trong Nam ngoài Bắc, đâu cũng có những tay hào kiệt dân
quân khởi nghĩa, lập căn cứ địa chống lại bọn xâm lược. Lê Trực lập được
một chiến khu rất chắc chắn, thế lực ngày càng mạnh làm cho quân Pháp
phải lo sợ. Mấy lần chúng tấn công đều thất bại. Chúng liền lấy lời ngon ngọt,
đưa danh lợi ra để mua chuộc. Lê Trực đã trả lời chúng một cách vắn tắt
nhưng cương quyết, biểu lộ một ý chí bất khuất: “Tôi vì vua và vì nước nhà
mà ra cầm quân, dù sống dù chết cũng dốc lòng làm hết phận sự, không dám
tham cái sống mà quên việc nghĩa”. Sau đó ông lại dồn dập tấn công quân đội
Pháp. Ngô Tất Tố thuật lại chuyện một người nghĩa quân bị địch bắt làm tù
binh. Trước những tra tấn và dụ dỗ, người tù binh nhất định không chịu khai,
chỉ trả lời với một giọng bình thản: “Các anh đừng hỏi mất công. Không đời
nào chúng tôi lại đem chuyện bí mật quan hệ của nước tôi mà tố cáo với các
anh. Các anh bắt được chúng tôi, cứ việc đem ra mà chém”. Thật là lời nói
của một người anh hùng. Sau đó bọn thực dân Pháp đưa một loạt tù binh ra
để hành hình. Có viên lãnh binh lúc bị bắt đã cắn lưỡi tự tử, không để cho
giặc làm nhục. Có hai tù binh bị chúng bắt dẫn đường đi tìm nghĩa quân. Họ
đùa chúng đi suốt một ngày trong rừng, trèo đèo lội suối, cuối cùng dẫn chúng
đến một cơ sở nghĩa quân rất mạnh. Chúng bị đánh bại. Chúng bắt hai người
đi tiền quân làm bia đỡ đạn nhưng họ nhảy xuống sông tự tử. Trong tác phẩm
của mình, Ngô Tất Tố đã nêu cao những tấm gương anh hùng ấy bên cạnh
những cái xấu xa, bỉ ổi của các nhân vật phản diện. Tiêu biểu cho bọn đầu
hàng giặc và làm tay sai cho giặc là Nguyễn Văn Tường, Hoàng Kế Viêm,
Đồng Khánh, Nguyễn Trọng Duật v.v... Dưới ngòi bút của Ngô Tất Tố, bọn bán
nước cầu vinh này hiện ra với tất cả những cái đê tiện đáng nguyền rủa.
Ngoài ra nhà văn cũng thẳng tay tố cáo chân tướng của bọn cha cố, một công
cụ đắc lực cho việc thực hiện chính sách xâm lược của đế quốc. Vua Hàm
Nghi với việc kinh thành thất thủ rõ ràng là một tác phẩm cho phép chúng ta
khẳng định tinh thần dân tộc của Ngô Tất Tố.
Trong Gia đình tống trấn tả quân Lê Văn Duyệt, một nhân vật nông dân
chửi thẳng vào mặt Chúa Nguyễn: “Ủa, đức chúa đã rước quân Xiêm qua đây
để chúng nó giết hại làng tôi, bắt vợ tôi. Lúc này người còn hòng vào nhà tôi
để mà đòi ăn sao? Tiếc rằng tôi có một mình, không thể bắt luôn đức chúa
đem nộp cho Tây Sơn. Cơm đâu mà thết những người làm hại tôi một cách
đau đớn!”
Chúng ta biết rằng trong một số bài báo, Ngô Tất Tố đả kích cả bọn
thực dân cai trị đầu sỏ lúc bấy giờ như thống sứ Bắc Kỳ Tôlăngxơ, tên thống
đốc Nam Kỳ Pagiê.
Trong Tắt đèn có chỗ Ngô Tất Tố đã nói đến sự cấu kết giữa đế quốc
với phong kiến. Trong vụ thuế khi quần chúng kêu những điều bất công tàn
bạo, tên lý trưởng mắng: “Mày đi mà hỏi ông Tây, tao không biết!”.
Ngô Tất Tố thường có những biểu hiện chứng tỏ nhà văn rất có cảm
tình với cách mạng. Sau khi Nguyễn Thái Học, lãnh tụ của Việt Nam Quốc
dân đảng bị Pháp bắn và xử án tử hình, Ngô Tất Tố vừa có một đứa con ra
đời, ông đã đặt tên cho con là Ngô Kế Học. Hay như khi trên báo Thanh Nghệ
Tĩnh, có một ông nghè nào đó lên tiếng chửi cộng sản, Ngô Tất Tố đã viết một
bài đả kích lại bằng cách chế nhạo cái dốt chữ của ông nghè nọ. Cố nhiên
không dám công khai bênh vực cộng sản nhưng ông đã làm cho lão Nghè
một phen muối mặt. Sau khi nói đến cái dốt chữ của ông Nghè, Ngô Tất Tố
đưa ra một câu chuyện rất ví von. Đó là sự tích một ông đồ dốt chữ đi theo
một tên quan làm biên bản tịch thu gia sản. Vật dụng nào trong nhà ông đồ
cũng ghi được lên giấy, chỉ khi đến chiếc váy nâu của bà chủ nhà thì ông đồ
chịu, không biết ghi như thế nào. Nghĩ quanh nghĩ quẩn mãi, ông ta bèn sáng
ý ra rằng cái váy nâu thì có nơi gọi là xống nâu mà xống nâu thì ở miền Trung
đọc là sống lâu cho nên bèn ghi vào giấy là thọ nhất bức. Tên tri huyện xem
biên bản, chịu không hiểu nó là cái gì!
Do tinh thần và thái độ của Ngô Tất Tố, tinh thần yêu nước và thái độ
có cảm tình với cách mạng, chống đối lại bọn thực dân Pháp mà chúng
thường theo dõi để dụ dỗ, mua chuộc hoặc trả thù ông. Năm 1935 tên chánh
mật thám Hà Nội gọi Ngô Tất Tố lên để mua chuộc nhưng không được, hắn
bèn bắt ông dọn hiệu thuốc ở Sinh Từ về quê. Có lúc chúng cấm nhà văn
không được viết cho Hải Phòng tuần báo và trục xuất ông khỏi ba thành phố
Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định. Cuối năm 1939, chúng ra lệnh cấm Tắt đèn,
tác giả bị khám nhà và bị giam ở Hà Nội mấy tháng. Chúng sai Phạm Lê Bổng
đến xin tha cho Ngô Tất Tố nhưng bắt hắn giao hẹn với ông là phải viết cho
báo Nam cường. Ngô Tất Tố cương quyết từ chối.
Chúng ta thấy rằng về tư tưởng chính trị, lúc bấy giờ Ngô Tất Tố còn có
những hạn chế nhất định nhưng trước sau ông vẫn giữ một thái độ rất bất
hợp tác với thực dân Pháp.
Trong cuộc đấu tranh xã hội, chỗ đứng của Ngô Tất Tố cũng rõ rệt. Ông
đứng về phía nhân dân bị áp bức, chủ yếu là đứng về phía nông dân đối lập
với giai cấp địa chủ phong kiến quan lại.
Hầu hết các yêu sách trong chương trình tối thiểu của Mặt trận Dân chủ
đều được Ngô Tất Tố đề cập đến trong nhiều bài báo của ông. Phù hợp với
yêu sách nghiêm trị nạn hối lộ: trong chương trình tối thiểu của mặt trận, Ngô
Tất Tố kịch liệt lên án tệ quan lại tham nhũng. Năm 1937, ông viết trên báo
Tương lai: “Quan lại tham nhũng chẳng những là kẻ bóp dân như là bà cô
bóp con cháu à? Thủ đoạn của họ cực kỳ màu nhiệm, họ đã bóp người nào
thì người ấy không thể không lè lưỡi ra, lè lưỡi cho đến khi nào có đồ cúng
họ... Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề vẫn là những thứ kẻ quê rất sợ,
song chưa nguy hiểm cho dân bằng họ”. Ngô Tất Tố đã nói thẳng vào mặt
Phạm Quỳnh: “Ông chủ bút Nam Phong chỉ đánh nhảy vọt một cái lên luôn
được ghế thượng thư Bộ Giáo dục, làng quan ai nấy đều phải ngạc nhiên.
Người ta tưởng tượng như đứng trước một trò rất phi thường trong rạp xiếc”
(Tương lai, 1937). Ngô Tất Tố công khai nói rằng Hội Khai trí tiến đức là một
cái hoạ cho quốc dân, hội ấy đã hóa ra hội gá bạc, hội quán đã thành ổ chứa
tổ tôm. Năm 1936, Ngô Tất Tố lên tiếng đòi giả tán Viện dân biểu, cho rằng
các ông có hai nhiệm vụ: trả lời những câu hỏi của chính phủ bằng những câu
mà chính phủ định nói, trình bày nguyện vọng của dân bằng những câu mà
chính phủ muốn nghe. Vì vậy, theo lời nhà văn, Viện dân biểu thật là một món
xa xỉ phẩm. Trong bài Cái khí giới của bọn phú hào dùng để bóc lột dân
nghèo hay là nạn vay lãi ở thôn quê, Ngô Tất Tố đã miêu tả cảnh bóc lột tàn
nhẫn của lối cho vay lãi cắt cổ. Nhà văn viết: “Làm thân kẻ vô sản ở nông
thôn, họ đã chịu đủ các thứ bóc lột. Một việc đi vay, ăn một miếng đã phải trả
đến mười miếng, cặm cụi suốt năm đến tối, thằng còng làm chưa chắc đủ cho
thằng ngay ăn. Vậy mà còn phải nộp sưu nộp thuế, còn phải đóng góp với
dân làng! Phỏng họ còn gì để nuôi con, nuôi vợ?”. Những dẫn chứng như trên
còn rất nhiều, nhưng không thể nêu hết ở đây được. Chúng ta biết rằng bọn
quan lại thù ghét báo Tương lai như thế nào. Ngô Tất Tố đã trả lời chúng: “Từ
ngày Tương lai ra đời, tội ác của họ (tức bọn quan lại) luôn luôn bị công kích
dưới ngòi bút nghiêm nghị. Bây giờ họ thấy Tương lai, tức thì hai mắt đổ dồn
một, run sợ như tà ma ngó thấy bùa trừ của Thái thượng lão quân — Mà thực
sự Tương lai chính là đạo bùa trừ họ... Hỡi những ông quan lại có máu phàm
ăn đã làm những thủ đoạn đê hèn lén lút! Chúng tôi không ghét gì các ông, rất
mong các ông cải tà quy chính. Có muốn cho mình khỏi bị Tương lai khui trừ,
tốt hơn hết là các ông hãy rửa cho sạch lòng ruột, từ nay đừng bóp nặn dân
đen như ngày trước nữa?
Chính nhờ hiểu biết sâu sắc đời sống cực khổ của nông dân, những thủ
đoạn tàn bạo của bọn địa chủ quan lại và có một lập trường đúng đắn mà
Ngô Tất Tố đã tổng hợp được để viết nên một tác phẩm như Tắt đèn. Đọc Tắt
đèn cũng như Việc làng, chúng ta thấy rõ vị trí của người cầm bút trong cuộc
đấu tranh xã hội.
Nhân đây cũng nói thêm là Ngô Tất Tố đã từng đả kích những sách báo
lãng mạn, khiêu dâm, đưa thanh niên vào con đường truỵ lạc. Ông nói thẳng
rằng: “Mấy ông trường giả ở hai cơ quan ngôn luận (Tự lực văn đoàn và Ngày
nay) chỉ sốt sắng dùng môn giáo dục đánh phấn, xoa nước hoa, chọn màu
quần áo để nhử bạn đọc phụ nữ”. Có lần Ngô Tất Tố cũng đả kích bọn
Nguyễn Trường Tam khi bọn này câu kết với Phạm Huy Lục để phá phong
trào Đông Dương đại hội.
Chúng tôi đã trình bày khá dài về lập trường dân tộc và chỗ đứng của
Ngô Tất Tố trong cuộc đấu tranh giai cấp của xã hội. Cũng cần nhắc lại rằng
cả hai mặt này, Ngô Tất Tố còn có những hạn chế. Có tinh thần yêu nước,
yêu những người làm cách mạng, ghét những kẻ bán rẻ quyền lợi dân tộc
nhưng Ngô Tất Tố chưa phải là một người cách mạng. Đứng về phía nông
dân và những người nghèo khổ để tố cáo và lên án bọn thống trị, bọn phong
kiến quan lại nhưng chưa thấy được vấn đề cốt tử của nông dân. Đó cũng là
những hạn chế có tính chất tất yếu đối với những người trí thức trong xã hội
cũ, chưa được vũ trang bằng lý luận Mác-Lênin.
3. Nghệ thuật của Ngô Tất Tố và địa vị của ông trong văn học hiện
đại.
Đương thời có nhiều người phục Ngô Tất Tố là một nhà Nho mà giọng
văn rất mới, sắc xảo. Cũng như ngày nay lại có người cho rằng tư tưởng của
tác phẩm Ngô Tất Tố thì tiến bộ nhưng nghệ thuật viết văn của ông còn yếu.
Tôi thấy có lẽ vấn đề là ở chủ quan người đọc. Có anh bạn tâm sự với tôi là
ngày xưa anh từng mê đọc Ngày nay và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn mà ít
thích đọc các truyện hiện đại. Anh đã từng đọc Tắt đèn nhưng không thấy thú.
Ngày nay trái lại anh thú thực rằng anh đã thử tìm đọc lại tiểu thuyết của Nhất
Linh, Khái Hưng nhưng sao thấy nhạt nhẽo, nghèo nàn, không hứng thú như
ngày trước. Trong lúc đó thì đọc Tắt đèn có nhiều đoạn anh rất xúc động. Cho
nên vấn đề thưởng thức cái hay, cái đẹp của một tác phẩm văn học nghệ
thuật cũng còn tuỳ thuộc ở thế giới quan, ở trình độ tư tưởng và tình cảm của
mỗi người. Anh bạn tôi đọc Tắt đèn thấy xúc động chính vì tư tưởng và tình
cảm anh đã thay đổi. Nhưng điều tôi muốn nói ở đầy là sở dĩ Ngô Tất Tố có
những thành tựu về nghệ thuật trong Tắt đèn, chính là nhờ nhà văn có sự
cảm thông sâu sắc với những người nghèo khổ, có nhiệt tình tố cáo xã hội, có
cái nhìn và chỗ đứng đúng.
Chúng ta biết rằng làng văn, làng báo đương thời đã phải chịu Ngô Tất
Tố là một tay bút chiến cự phách. Nhiều người phải sợ Ngô Tất Tố. Trước hết
vì tính ông rất cương trực, có gì nói nấy, không sợ ai và cũng không vị nể ai.
Ông có tài viết văn bút chiến. Khi mỉa mai nhẹ nhàng, khi châm biếm một
cách sâu cay, khi thì đả kích thẳng cánh. Ví dụ như lúc Trần Bá Vinh đề nghị
ở Hội đồng kinh tế Đông Dương tăng giá tem từ 4 xu lên 6 xu, Ngô Tất Tố viết
ngay một bài báo ngắn đề nghị chính phủ từ nay nên ghi tạc công ơn Trần Bá
Vinh bằng cách thay con dấu hình tam giác có hình chữ T ở giữa (Taxơ là
thuế) bằng con dấu hình tam giác có chữ T.B.V ở giữa. Hoặc như trong bài
Không phải đánh bốc, đánh bài Tây đấy ông chửi cả đôi Quỳnh — Vĩnh rất
sâu cay, rất đau. Nhưng xét cho cùng cái chính làm cho một số người sợ Ngô
Tất Tố là tiếng nói của ông là tiếng của chính nghĩa, chứ trong làng báo ngày
xưa phải nói rằng cái lối chửi đổng, chửi bừa theo kiểu hàng tôm hàng cá
không phải ít. Trần Bá Vinh về mặt này không kém cạnh ai. Hắn lại có trong
tay một tờ báo riêng. Ấy thế nhưng trước mũi nhọn đả kích của Ngô Tất Tố,
hắn phải nín lặng. Chẳng những hắn sợ cái tài đả kích của Ngô Tất Tố, cái
tính cương trực của ông mà điều hắn sợ nhiều nhất ở đây là ý kiến của Ngô
Tất Tố phản đối việc tăng giá tem là phù hợp với quyền lợi chính đáng của
nhân dân. Đề nghị của hắn ở Hội đồng kinh tế Đông Dương là một việc làm
nhằm bợ đỡ bọn thống trị để tâng công. Có thể nói rằng vốn sống, lập trường
và nhiệt tình là cái “tam pháp bảo” quyết định thành công của Ngô Tất Tố.
Ngày xưa cùng thời với Ngô Tất Tố hoặc trước đó có nhiều người viết về
nông thôn. Những chuyện nông bán con cho địa chủ để lấy tiền nộp thuế, địa
chủ cưỡng hiếp vợ con nông dân... không phải là những chuyện mới lạ trong
văn học. Nhưng đến Ngô Tất Tố thì mới xây dựng được một tác phẩm có giá
trị.
Là một nhà văn có tài năng, lại nhờ có vốn sống, có lập trường, có nhiệt
tình mà ngòi bút của Ngô Tất Tố đã có những thành tựu về nghệ thuật.
Trong Tắt đèn đúng là có nhiều cảnh nhiều đoạn làm cho người đọc
xúc động sâu sắc: cảnh anh Dậu ôm thập tử nhất sinh mà còn bị đánh đập
tàn nhẫn; cảnh chị Dậu đến bán con cho nhà Nghị Quế; cảnh chị bị giam ở
huyện và tên quan đểu cáng toan giở trò làm nhục chị (cái đẹp của chị Dậu và
cái hèn hạ, đồi bại của tên quan, một mặt bắt vợ đi hiến thân cho quan trên
cầu danh lợi, mặt khác lại lợi dụng việc công để giở trò hãm hiếp người
nghèo).
Phải nói rằng viết về nông thôn, nghệ thuật của Ngô Tất Tố- đạt đến
trình độ già dặn. Chẳng hạn cùng một chủ đề, đề tài mà đọc Mua danh của
Nam Cao với Góc chiếu giữa đình của Ngô Tất Tố, chúng ta thấy ngòi bút của
Ngô Tất Tố quả là sắc xảo, già dặn. Cố nhiên nói như vậy là để hiểu thêm về
Ngô Tất Tố chứ mỗi nhà văn có những đặc trưng khác nhau.
Chúng ta đã từng nói đến những đóng góp của trào lưu văn học hiện
thực phê phán. Trong trào lưu ấy trước hết phải nói đến những cống hiến của
Ngô Tất Tố. Ngày xưa Tắt đèn bị cấm nhưng ngày nay Tắt đèn đã tái bản
nhiều lần và còn tái bản nữa. Tắt đèn được dịch ra nhiều thứ tiếng nước
ngoài. Tắt đèn và Ngô Tất Tố là đầu đề của nhiều công trình nghiên cứu lớn,
nhỏ. Phải khẳng định rằng trong văn học dân tộc ta, Ngô Tất Tố có một vị trí
xứng đáng. Đó là lá cờ đầu tiên của nền văn học hiện thực phê phán Việt
Nam.
(Trích sách Mấy vấn đề hiện thực phê phán.
NXB Khoa học xã hội, H, 1968)
NGÔ TẤT TỐ
VŨ NGỌC PHAN
Nói đến nhà Nho viết quốc văn, chúng ta thường hay nói đến Phan Kê
Bính, Trần Văn Ngoạn, Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đỗ
Mục... Những bài, những sách của các ông này hoàn toàn là dịch thuật hoặc
biên soạn theo những tác phẩm chữ Hán. Còn nhà nho như Nguyễn Bá Học,
Nguyễn Trọng Thuật, viết tiểu thuyết và viết truyện cổ dân gian (Truyện ông lý
Chắm, quả dưa đỏ). Ngô Tất Tố là nhà nho đầu tiên đã không theo lối viết trên
đây. Anh là người đã đi vào lĩnh vực sáng tác và phê phán văn học như các
nhà văn lớp mới đương thời. Không những thế vào giai đoạn 1939 - 1945,
trong phong trào lãng mạn đang thịnh hành, cùng với Nguyễn Công Hoan anh
đã trở thành kiện tướng trong văn học hiện thực phê phán ở nước ta. Tôi
quen biết Ngô Tất Tố từ năm 1932. Anh ở trong Nam ra Bắc được ba năm và
đang cộng tác với nhiều nhà báo ở Hà Nội. Hồi đó đối với tôi, anh là bạn đồng
nghiệp, còn tôi kính trọng anh như người anh cả, tôi đang độ thanh niên. Tôi
thích nhất anh Tố ở những bài bút chiến. Thấy anh đã 40 tuổi mà còn hăng,
tôi rất phục. Đối với cuộc đời, anh không còn nghi ngờ gì cả. Còn tôi, có nhiều
cái tôi chưa nhìn thấy rõ, còn ngờ vực nhiều...
* * *
Ngô Tất Tố sinh năm 1892 ở làng Lộc Hà, phủ Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh
(thuộc Hà Bắc) trong một gia đình nhà nho nghèo. Ông nội anh đỗ tú tài sau
khi đã lận đận bảy lần khoá thi hương; ông thân sinh qua sáu lần Lều chõng
không đỗ, về sau ngồi dạy học trong làng. Tuy vậy, làng Lộc Hà cũng là một
làng “khoa bảng”. Trong họ Ngô có hai người đỗ cử nhân: Ngô Học Liên và
Ngô Văn Bình.
Hồi nhỏ, Ngô Tất Tố học các trường hàng tổng thuộc huyện Lương Tài
và phủ Thuận Thành. Lớn lên, anh học xuất sắc nhưng hai lần thi hương ở
trường Nam, anh đều không thấy tên mình trên bảng, sở dĩ thời xưa ở Bắc
Ninh người ta thường quen gọi anh là “đầu xứ Tố” vì năm anh 22 tuổi, trong
một kỳ thi sát hạch ở tỉnh Bắc, anh đỗ đầu. Ngày xưa, học hết trường huyện
rồi mới học trường tỉnh (tức trường đốc) rồi qua sát hạch, mới được vác Lều
chõng đi thi hương tài.
Từ năm 1918, thực dân Pháp bỏ thi hương, anh Ngô Tất Tố mới gác
Lều chõng, ngồi dạy chữ quốc ngữ ở mấy nơi thuộc tỉnh Bắc, như Đông Trù,
Gia Thượng, những nơi trước kia anh đã từng ngồi dạy chữ Hán để lấy lương
ăn.
Thời thanh niên của Ngô Tất Tố là thời khá lận đận do anh chưa tìm
được hướng đi, chưa thoát khỏi nếp sống của nhà nho. Sau, vì túng thiếu
quá, anh xoay ra học thuốc và làm thuốc. Biết thuốc, nên có lúc anh đã mở
hiệu Thọ dân y quán ở phố Sinh Từ Hà Nội. Trên báo Công dân (năm 1935)
anh viết bài báo về thuốc Nam và thuôc Bắc, muốn đem phương pháp Âu Tây
áp dụng vào Đông y. Anh viết: “Giả sử chúng ta có một phòng khảo nghiệm
tính chất thuốc Bắc và thuốc Nam và một trường học dùng phương pháp
khoa học nghiên cứu nghề thuốc Tàu thì may ra cái nạn giết người lấy của ở
xã hội thầy lang mới trừ bớt được”.
Sự mong ước của anh trên 50 năm về sự kết hợp giữa Tây y và Đông y
thì ngày nay, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, chúng ta mới thực hiện được.
Anh chỉ làm thuốc trong một thời gian ngắn, vì làm thuốc chân chính thì
hết vốn. Tuy vậy, nghề làm thuốc đã giúp anh nhìn rõ bọn lang băm đương
thời và anh đã viết lên những bài phóng sự sắc bén, với nhan đề: Dao cầu
thuyền tán, để đánh vào các thầy lang lúc ấy đang là những tay tư sản kếch
xù làm nghề lang lậu lúc bấy giờ.
Năm 1914 là năm anh rời tỉnh Bắc ra Hà Nội làm báo. Ở Hà Nội một
thời ngắn, anh vào Nam cùng Nguyễn Khắc Hiếu, nhân ông Hiếu được Diệp
Văn Kỳ ở Sài Gòn gửi biếu hai nghìn đồng và mời vào Nam. Họ Diệp chủ
nhiệm báo Thần Chung, hào phóng, muốn đóng vai Mêxen (Mécène) và
MạnhThường Quân lúc bấy giờ. Anh ở Sài Gòn gần ba năm. Thời gian này
anh viết báo Thần Chung, anh viết nghị luận và dịch nhiều hơn là sáng tác.
Năm 1928, anh dịch tiểu thuyết Ngô Việt xuân thu đăng ở An Nam tạp chí,
xuất bản ở Sài Gòn, nhưng mới đăng dở dang thì ngừng. Đây là một truyện
với những nhân vật Tây Thi, Phù Sai, Câu Tiễn, Phạm Lãi mà chúng ta đã
thấy trong Đông Chu Liệt quốc.
Năm 1929, anh dịch tập Hoàng Hoa Cương nói về 72 liệt sĩ Trung Quốc
trong cách mạng Tân Hợi. Cũng năm này, anh đăng trên báo Thần chung ở
Sài Gòn ba bài thơ sau đây ký tên là N.T.T:
THÚ QUÊ
Biển Nam, ải Bắc những đi về
Dừng gót phen này viếng thú quê
Nửa mẩu vườn hoang hoa vẫn nở
Ba gian nhà trống nguyệt thường kề
Ngâm tràn thiên địa thơ tung tác
Chén lút càn khôn rượu bét be
Non nước ví bằng trang hết nợ
Đời này cảnh ấy có ai chê?
BUỔI CHIỀU QUA SÔNG
Bảng lảng trời sông ác xế tây
Đò chiều chiều khác vội buông dây
Vướng chèo, bầy cá quanh thuyền nhảy
Bạt gió, con cò lướt sóng bay
Thăm thẳm bóng mây đùn đáy nước
Mù mù hơi khói lấp ngàn cây
Đường xa, ngày tối, người thưa vắng
Trước mạn trông trời, dạ biếng khuây
NGHE GÀ GÁY CẢM HOÀI
Tiếng gà xao xác giục bên đường
Trên gối xui người dạ ngổn ngang
Ngày tháng mài mòn đôi má trắng
Nước non đeo nặng tấm gan vàng
Cánh chim mỏi cánh bay về tổ
Kiếp ngựa tù chân lại nhớ đàng
Thôi cái cuộc đời còn thế thế
Làm trai chi giữ gốc tre làng?
Ba bài thơ trên đây là của Ngô Tất Tố được truyền tụng trong làng văn
đương thời. Qua thơ anh, người ta thấy anh có nhiều suy nghĩ về thời thế và
đất nước trước những hiện thực đau thương do bọn cướp nước và bè lũ tay
sai gây nên.
Cũng vào năm 1929, anh trở ra Hà Nội và cho đến 1941, anh viết nhiều
báo chí, có tờ là văn học, có tờ là thông tin: Thực nghiệp, Đông phương, Phổ
thông, Công dân, Thời vụ, Tương lai, Tao đàn, Hà Nội tân văn, Đông Pháp,
v.v... Ngoài những bài về văn học và thời sự, anh còn viết: Lịch sử Đề Thám
và Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ. Lòng yêu nước của tác giả thể
hiện rất rõ: Anh đề cao khí tiết của các lãnh tụ trong phong trào Cần vương
như Phan Đình Phùng, Lê Trực, Đinh Công Tráng, Nguyễn Xuân Ôn và anh
chế giễu thái độ tên tướng Pháp Đơ Cuôcxy (Courcy).
Những bài anh viết có thể chia làm bốn loại:
1. Một loại văn học bình luận, gồm những bài báo về Nho, Lão: đính
chính những sai lầm về văn học, triết học Trung Quốc, v.v...
2. Một loại bút chiến, gồm những bài đả kích những tệ tục, thói tham ô,
dởm đời của bọn quan lại, cường hào tư sản. Cũng có những bài viết dưới
dạng châm biếm, trào lộng, như những bài ở mục Nói mà chơi.
3. Một loại dịch thuật, như dịch một số tác phẩm văn học của nước nhà
hay một số sách của Trung Quốc.
4. Một loại nữa là phóng sự và tiểu thuyết.
Bất kỳ ở thể loại nào, cây bút của Ngô Tất Tố cũng sắc xảo nhiều khi
quá sôi nổi, thiếu bình tĩnh. Dù sao, các bạn đồng thời với anh đều thừa nhận
anh là một tay bút chiến đầy nhiệt tình luôn luôn đứng về phía nhân dân, đả
kích không khoan nhượng giai cấp phong kiến và giai cấp tư sản.
Vì ghét cay ghét đắng giai cấp phong kiến, nên Ngô Tất Tố đả kích học
thuyết của Khổng Tử, một học thuyết phục vụ đắc lực giai cấp phong kiến
thống trị, Khổng Tử cho là mỗi cá nhân đều có thiên mệnh. Quần chúng nhân
dân phải chịu áp bức, bóc lột, phải chịu khổ cực là do số phận do trời đã định
trước, tức thiên mệnh. Học thuyết của Khổng Tử ru ngủ nhân dân, nhằm thủ
tiêu tính chiến đấu của nhân dân. Nhưng thực tế đã không diễn ra như vậy,
Khổng Tử không có triết học tự nhiên như Lão Tử. Đối tượng của tri thức của
Khổng Tử là thi, thư, lễ, nhạc chứ không phải là tự nhiên.
Vào thời trước Cách mạng tháng Tám, trong khi đã dịch sách Khổng
giáo, dịch Mặc Tử và Lão Tử, Ngô Tất Tố đã không có những tài liệu đầy đủ
về triết học như chúng ta ngày nay để nghiên cứu, nhưng do nhận thức sâu
sắc của anh, do anh biết đứng về phía nhân dân lao động, thiết tha ước mong
cho quần chúng lao động có một đời sống ấm no, hạnh phúc nên anh đã dịch
và giới thiệu Mặc tử và Lão tử. Như vậy, trong việc dịch tác phẩm triết học
Trung Quốc, anh cũng đã theo một tư tưởng chủ đạo như khi anh sáng tác.
Ngay những tác phẩm hiện đại của nước ngoài mà anh dịch cũng vậy. Hoàng
Hoa Cương, Trời hửng, Suối thép do anh dịch, đều là những tác phẩm giáo
dục nhân dân lòng yêu nước và đề cao tinh thần chiến đấu của quần chúng
lao động.
Vào những năm của thập kỷ 30, khi bắt đầu quen biết anh, tôi phải
ngạc nhiên: “Sao con người lầm lỳ, ít nói, mà đến khi viết lại hăng như vậy?”.
Anh ít nói như để dành lời đanh thép trút lên trang giấy. Tuy nét mặt anh
cương nghị, nhưng anh thường nheo mắt cười một vẻ rất hiền. Khi vui anh
em, anh chỉ uống vài chén rượu là mặt đã đỏ gay, trán nổi gân, bỏ khăn xếp,
chẳng nói một lời, lăn ra ngủ. Hình như lúc nào anh cũng kìm lại mọi ý nghĩ và
tình cảm, đúc kết lại trong trí não để đưa vào tác phẩm. Anh ăn mặc xuềnh
xoàng, quanh năm chỉ cái áo the thâm, cái quần trúc bâu, đôi giầy hạ.
Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, vốn có lòng yêu nước, anh càng thấy
rõ hơn những nỗi khổ cực của nhân dân và vì sao mà anh mất nước. Cũng
như một số nhà văn lúc bấv giờ, anh đã hiểu một phần nào thế nào là đấu
tranh giai cấp. Anh sửa lại tập Tắt đèn bắt đầu viết từ 1936. Sách được in ra
(1939), nhưng mấy tháng sau thì thực dân Pháp ra lệnh cấm lưu hành.
Những bài của nhà văn khác giới thiệu hoặc phê bình quyển Tắt đèn cũng bị
kiểm duyệt xoá bỏ. Trước tình hình ấy, anh Tô không ngừng bút. Anh bắt đầu
viết Việc làng.
Tôi nói với anh: “Tôi mới nhận việc ở Hà Nội tân văn, anh cứ viết dần đi
và gửi cho ban biên tập”. Thế là tiểu thuyết Việc làng bắt đầu đăng ở Hà Nội
tân văn (năm 1940) mỗi tuần một trang báo. Hồi đó, anh rất túng thiếu, nhưng
không vì thế mà buồn nản. Lúc nào anh cũng nhìn về phía trước.
Anh Ngô Tất Tố đả kích rất mạnh những thói hủ bại ở hương thôn,
nhưng trong gia đình và ngoài xã hội, anh xử sự rất hoà nhã, theo đúng
phong cách nhà nho. Cứ mỗi năm hai lần, anh đến ăn giỗ nhà ông Ngô Ngọc
Liên mà anh gọi là chú ở Thái Hà, rồi anh lại sang chơi tôi ở gần đó. Tôi dám
chắc anh đi dự Việc làng ở Lộc Hà cũng đều đặn như thế. Do phong thái mực
thước ấy, anh được họ hàng làng mạc kính mến và anh mới có điều kiện
quan sát tỉ mỉ, miêu tả được sinh động nông thôn và người nông dân trong hai
tác phẩm Tắt đèn và Việc làng. Cũng do bản thân là nhà nho và gia đình anh
mấy đời theo Nho học, nên anh đã viết Lều chõng một cách cặn kẽ, nhiều
đoạn quá tỉ mỉ.
Xây dựng Lều chõng, Ngô Tất Tố muốn cho người đọc thấy được cách
học cổ hủ, giáo điều và lối thi cử lỗi thời dưới chế độ phong kiến suy tàn. Nhà
nước phong kiến muốn kén chọn nhân tài, nhưng rút cục lại loại mất những
người có tài. Người có lương tri và thông minh như Vân Hạc có một số nhận
thức về học tập, về thi cử không giống các bạn của anh, nhưng rồi “công
danh ai dứt lối nào cho qua” anh cũng vẫn Lều chõng đi thi. Còn người con
gái lấy chồng thì không phải vì tình yêu, mà vì muốn được làm bà nghè, bà
thám. Lều chõng đã miêu tả một bi kịch của những người trí thức và phụ nữ
thời phong kiến, do sự vỡ mộng về công không thành danh không toại, anh
đồ vẫn hoàn là anh đồ và chị đồ vẫn hoàn là chị đồ. Tính chất hiện thực phê
phán của cuốn tiểu thuyết rất rõ. Nhược điểm của nó là tác giả đã quá đi sâu
vào những quan hệ thầy trò, bè bạn, những lối giảng dạy và những lối giao
du, hành lạc của nhà nho làm cho người đọc có thể lầm tưởng tác giả còn
luyến tiếc, thích thú cái gì đó của đời sống nhà nho xưa.
Việc làng là một tiểu thuyết phóng sự về những hủ tục mà bọn cường
hào muốn duy trì ở nông thôn để đưa vào đó mà bóc lột nông dân đến xương
tuỷ. Mỗi mẩu chuyện trong Việc làng là một tấn bi kịch. Tác giả luôn luôn lên
án bọn “ăn trên ngồi trốc” tay sai của thực dân và phong kiến thống trị, bọn
đầu trâu mặt ngựa, đã làm cho nhiều gia đình ở nông thôn bị khánh tận, nhiều
nông dân phải tự tử, hoặc bỏ làng, chỉ vì phải đóng góp “Việc làng" quá nặng.
Trong tiểu thuyết này, chúng ta thấy có những hiện tượng tiêu cực trong tư
tưởng người nông dân và đây là một hiện thực ở nông thôn Việt Nam trước
cách mạng tháng Tám.
Ở nước ta, vấn đề nông nghiệp là vấn đề quan trọng bậc nhất, Ngô Tất
Tố là nhà văn hiện thực đã viết thành công về nông thôn trong Tắt đèn và
Việc làng. Hai tác phẩm này là những tài liệu quý giá để chúng ta có cơ sở mà
nhận định về người nông dân Việt Nam đã lột xác đến mức nào trong cảnh
nông thôn đổi mới dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.
Nhìn một cách khái quát những sách sáng tác, phê bình, nghiên cứu và
dịch thuật của Ngô Tất Tố trong 30 năm (1924-1954), chúng ta thấy những
công trình ấy của anh là một khối thống nhất theo tư tưởng chủ đạo của một
nhà văn luôn luôn đứng về phía nhân dân.
Trích sách Những năm tháng ấy,
Nxb Văn học, H. 1987
LỜI GIỚI THIỆU TUYỂN TẬP NGÔ TÂT TỐ
TRƯƠNG CHÍNH
Khi Ngô Tất Tố quvết định sống bằng ngòi bút, ông chỉ mới nghĩ rằng ít
ra ông cũng có thể dùng vốn Hán học của mình mà dịch sách Tàu ra quốc
văn, như Nguyễn Đỗ Mục, Đoàn Tư Thuật... rồi in thành sách, hoặc đăng đều
kỳ trên các tạp chí, trên phụ trương văn chương các báo hàng ngày. Nhưng
từ đầu thập kỷ 30, báo chí sách vở của ta có một sự đổi mới về nội dung cũng
như về hình thức khá rõ nét. Người đọc đã chán các cuốn sách tiểu thuyết
lãng mạn Trung Quốc của Từ Trẩm á, mà đòi hỏi những thiên truyện ngắn,
truyện dài có ít nhiều tính chất hiện thực, những thiên phóng sự, điều tra, ghi
điều mắt thấy tai nghe, chuyện bất công, vô lý, cảnh đau khổ lầm than trong
xã hội... về nghị luận, họ cũng chán những bài cao đàm khoát luận đạo mạo,
đại cà sa, trên Nam Phong, Trung Bắc tân văn... mà đòi hỏi những bài ngắn
gọn, hoạt bát, châm biếm nhẹ nhàng.
Điểu đáng để ý là các nhà văn, nhà báo lúc này đều trẻ, Tây hoá. Độc
giả lúc này cũng toàn là sinh viên, học sinh, viên chức, tiểu thương ở các đô
thị lớn. Đại đa số quần chúng nhân dân, vì chính sách ngu dân của đế quốc
phong kiến, bị gạt ra ngoài hoạt động văn học nghệ thuật.
Lại nữa, từ sau những năm 1930, 1931, chế độ kiểm duyệt hết sức gắt
gao; nhà văn, nhà báo có ít nhiều tư tưởng tiến bộ không thể nói được trên
sách báo công khai những điều mình muốn nói. Hơi một tí là cắt xén, xoá bỏ,
đình bản, đóng cửa toà báo. Trong bốn năm, từ 1931- 1934, số báo bị đình
bản là 161 tờ. Do nhân dân ta đấu tranh, đầu năm 1935, chính quyền thực
dân bắt buộc phải bỏ lệnh kiểm duyệt ở Nam Kỳ, đầu năm 1937 ở Bắc Kỳ và
Trung Kỳ. Nhưng chỉ được hai năm đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ, thì
đâu lại hoàn đấy.
Ngô Tất Tố xuất thân nhà nho, nay muốn theo đuổi nghề cầm bút, tất
nhiên phải thay đổi tư tưởng, thay đổi văn phong cho ngang tầm với thời đại.
Điều đó, ông đã làm được.
Về mặt tư tưởng, đúng là như thế. Đọc những bài bình luận thời sự
Ngô Tất Tố viết suốt mười lăm năm (1930 đến 1945), có thể thấy ông luôn
luôn hướng về phía trước, muốn cho kịp người. Nhưng không phải vì thế mà
nói ông theo thời, ông thực lòng như vậy. Ông không hề đứng trên quan điểm
lập trường nhà Nho mà đặt vấn đề và giải quyết vấn đề. Những người thế hệ
ông, kể cả những người tiến bộ nhất, đều hô hào hoà hợp đạo Khổng Mạnh
với văn minh Âu Tây, có công kích nho giáo cũng chỉ công kích một vài điểm
trong Hán nho, Tông nho, chứ không động đến những nhân tố chủ yếu của
đạo Khổng Mạnh. Ngô Tất Tố thì trái lại. Đề cập đến Khổng Mạnh, ông
thường lấy giọng chế nhạo. Như nói: “Cụ Khổng, cụ Mạnh đều sính làm quan”
và “tuỳ vào thời một cách dễ dãi” (Con cháu khôn hơn ông vải - Thời vụ, ngày
5-4-1938), hoặc nhắc đến chuyện tên quân phiệt Tưởng Giới Thạch, để duy
trì thế lực hắn đã “hô hào chấn hưng đạo Khổng” (Chúa trùm áo nâu sẽ xuống
địa ngục - Thời vụ ngày 3-5-1936). Cũng năm 1938, viết bài phê bình Nho
giáo của Trần Trọng Kim, ngoài việc nhận xét tác giả dùng tư liệu không chính
xác, đem tư tưởng người khác làm tư tưởng của Khổng Tử, “dịch sai nghĩa
hoặc thêm ý mình vào văn Kinh truyện”, ông còn vạch cho mọi người thấy
dụng tâm của Trần Trọng Kim là lý tưởng hoá đạo Khổng, cho rằng đạo ấy
“rất thích hợp với chân lý, thật là đạo xử thế rất hay, rất phải, ai theo cũng
được và thi hành ra đời nào cũng được”. Ông chưa trực kiện công kích triết lý
Khổng Mạnh, nhưng ông công kích những người sùng bái các vị “thánh” đó
để hưởng ứng chủ trương của thực dân đề xướng phong trào phục cổ, những
người mắc vào tròng chính lại là những người ít tuổi hơn Ngô Tất Tố và là tây
học hẳn hoi. Người thì sáng tác, người thì dịch thuật, người thì nghiên cứu, ai
nấy đều thi vị hoá quá khứ, đề cao đạo đức phong kiến, tuyên truyền ý thức
hệ duy tâm. Ngô Tất Tố bấy giờ có viết cuốn tiểu thuyết Lều chõng, nhưng từ
đầu chí cuối, ông chỉ trích nền giáo dục phong kiến là nhồi sọ, văn chương
trường ốc là sáo rỗng, cách kén chọn nhân tài theo khoa cử là vô nghĩa.
Tác giả Lều chõng làm cho chúng ta nhớ đến nhà văn châm biếm xuất
sắc Trung Quốc, Ngô Kính Tử, với Chuyện làng nho. Trong Lều chõng có
nhiều chuyện khá khôi hài: một chuyện cụ già “sức yếu vác không nổi Lều
chõng, trượt ngã, nằm chỏng gọng trên đường, lều gác chéo giữa cổ, chiếc
chõng tre và cái tráp đè trên bụng”; chuyện người đỗ “nhảy lên như choi choi
giữa phố mà hét: “Sỏ lợn về ai? Sỏ lợn về ai?”; người trượt “kêu gào chán thì
giãy đành đạch ở mặt đường như người ngộ gió”. Cũng những năm này, Ngô
Tất Tố nghiên cứu Lão tử, Mặc tử, dịch Kinh dịch với ý đồ làm ngược chủ
trương của chính quyền thực dân. Lão tử là một công trình nghiên cứu có tinh
thần phê phán khoa học, tiếp thu nhiều nhận định của các nhà nghiên cứu
tiến bộ Trung Quốc trước giải phóng. Ông khai thác những nhân tố duy vật và
quan điểm biện chứng trong học thuyết này, nói rằng “vũ trụ quan của Lão tử
là một vũ trụ quan vô thần”, phê phán chủ nghĩa vô vi của Lão tử, “đem ra thi
hành việc xử thế là một thuyết hoàn toàn tiêu cực, đem ra ứng dụng về chính
trị tức là chính sách phóng nhiệm, tự do vô chính phủ”. Ông đề cao Mặc tử
cũng là chống Nho giáo, chống phục cổ, chống thuyết hữu mệnh, chống chiến
tranh xâm lược. Cuốn Kinh dịch ông dịch năm 1943, là để mọi người thấy “cái
khó hiểu của Kinh dịch không tại ý tứ sâu xa, chỉ tại lời văn chủng chẳng rời
rã, ngớ ngẩn, đột ngột, giống như lời nói của bọn đồng cốt, không đầu đuôi,
không mạch lạc, có chỗ lại không đúng với văn pháp nữa” (Những điều nên
biết). Thái độ ấy của ông đối với một tác phẩm mà thời bấy giờ nhiều người,
kể cả cũ lẫn mới, Nho học cũng như Tây học, hết lời ca ngợi và làm cho càng
thần bí thêm, chứng tỏ Ngô Tất Tố không còn có thể gọi là một nhà “cựu học”,
một “nhà nho” nữa! Ngô Tất Tố thương hại những nhà nho “lạc bước trong
thời đại mới, bơ vơ đứng giữa ngã ba với những cơn gió mưa cát bụi để chờ
ngày chấm dấu hết cho trang lịch sử Hán học của nước Nam” (Hán học cuối
năm Kỷ Mão - Hà Nội tân văn, 1940)
Thật ra đã từ lâu, từ khi bước vào làng văn, Ngô Tất Tố luôn luôn cố
gắng vượt mình để theo kịp trào lưu tư tưởng mới. Những năm 1930-1931,
ông đã viết nhiều bài bình luận ngắn chống chủ trương “bảo tồn quốc tuý”,
“đem những cái cặn bã của cửa Khổng sân Trình mà nhồi mãi vào óc độc
giả”, “cổ động dân quê duy trì cái thói tục ở góc điếm sân đình”, “hô hào các
bạn gái cứ giữ gìn cái sinh hoạt ở cửa buồng xó bếp”. Ông mỉa mai cay đắng:
“Phải bảo tồn là phải! Có khuyến khích được nhiều người bảo tồn những món
đó mới xứng đáng là cơ quan độc nhất của phụ nữ, mới xứng đáng là hướng
tiên phong trong đội quân tiến thủ” (Kiểu đất ở phố Hàng Trống, Mười năm
nữa báo chí Bắc Kỳ sẽ cổ động đến “thò lò” “quay đất”, Hỡi đồng bào Việt
Nam, chúng ta nên vẽ mình cho con cháu chúng ta - Đông Phương, 1931).
Ý thức tự vượt mình nhất quán ở Ngô Tất Tố được biểu hiện không
phải một lần mà nhiều lần, trong những trường hợp khác nhau, về những
chuyện khác nhau. Trong cuốn Văn học đời Lý (1942), ông nói: “Vận hội một
nước trông ở tương lai nhiều hơn trông ở quá khứ”. Trong cuốn Văn học đời
Trần (1942), ông ca tụng “những kẻ học giả chưa bị trói buộc vào trong xiềng
xích của nghề từ chương”, ca tụng “những bậc đạo học cao rộng như Chu
Văn An, Trương Hán Siêu”, về Hồ Quý Ly ông nói thêm “Phải biết những điều
ông ta nói đó chẳng những ở ta từ trước đến hồi gần đây chưa nghĩ tới, mà
đến ở Tàu, trừ bọn Thanh Nho sinh sau Quý Ly ba bốn thế kỷ, cũng chưa có
ai dám nói. Như vậy đủ biết ông ta thật là một người có tư tưởng độc lập,
không chịu nhắm mắt theo những thành kiến của cố nhân”.
“Nhà nho” Ngô Tất Tố là như thế. Chỉ có thể gọi ông là “nhà nho” với ý
nghĩa ông có một cái vốn Hán học cao, so với bạn đồng nghiệp lớp sau cùng
ông làm báo, viết sách. Ông không hề bị tư tưởng nhà nho ràng buộc.
Nổi bật nhất ở “nhà nho” Ngô Tất Tố là lòng yêu nước.
Lòng yêu nước của ông không giống lòng yêu nước của “nhà nho” cùng
thời thể hiện trong thơ văn cách mạng sáo, lặp đi lặp lại những từ “non sông
đất nước”, “gánh giang sơn”, “nợ nước non”, “trời Âu bể Á”, dù cảm xúc có
chân thành đến mấy cũng không còn làm ai rung động nữa. Trong chừng mực
mà kiểm duyệt thời bấy giờ cho phép, với các bài bình luận, với sáng tác của
mình, Ngô Tất Tố thẳng thắn vạch trần bộ mặt bỉ ổi của những tên tay sai đầu
sỏ, không sợ sệt, không e dè, kiêng nể, chỉ rõ thực chất những tổ chức tôn
giáo, văn hoá, chính trị: Hội Phật giáo, Hội khai trí tiến đức, Viện dân biểu,
cho đó chỉ là “những thứ trò chơi mà thực dân bày ra cho đủ lệ bộ để lừa bịp
dân chúng mà thôi”. Ông có giấu giếm quanh co gì đâu! Đó là chưa kể những
chuyện lịch sử ông viết năm 1935 về Hàm Nghi, Đề Thám, trực tiếp nói về sự
xâm lược và chống xâm lược.
Từ năm 1937 đến 1939, chế độ kiểm duyệt bãi bỏ, ấy là dịp cho Ngô
Tất Tố đả kích thẳng vào tên thống sứ Bắc Kỳ Tôlăngxơ (Tholance) tên thống
đốc Nam Kỳ Pagiê (Pagés), tên toàn quyền Brêviê (Brevié), tên tổng trưởng
thộc địa Măngđen (Mandel). Ông dùng một hình ảnh rất sinh động để nói tính
chất giả dối của chính sách hiệp tác Pháp - Nam: “Khi ngẫm xem thân thế của
hai bên như một kẻ nằm trên giường một người nằm dưới đất, một kẻ ăn thịt,
một người nằm gặm xương, thì cái tinh thần thân ái vẫn còn lâu mới thắm
thiết được” (Hiệp tác hay hiếp tác - Thời vụ, ngày 20-12-1938). Trong nhiều
bài liên tiếp, ông nêu mánh khoé tuyên truyền mị dân, kêu gọi dân bản xứ:
“đóng góp với mẫu quốc về quân phí, về quốc trái, về lạc quyên”, cũng như
những cách đầu độc dân bản xứ bằng rượu, thuốc phiện, vi trùng hoa liễu, thì
ông không ngại nói trắng ra rằng bọn thực dân sang đây là để vơ vét: “Những
quan lại công chức hàng năm biết bao nhiêu gia đình khi nheo nhóc kéo sang,
chẳng bao lâu đã phởn phơ kéo về, hành lý kĩu kịt! Lại biết bao nhiêu những
tài chủ, nghiệp chủ và điền chủ cùng những danh công đại thương phiếu trên
thị trường quốc tế có một địa vị cao quý làm cho bao kẻ thèm muốn cái xứ bờ
xôi ruộng mật này...” (Cho no đủ đã - Thời vụ, ngày 13-12-1938).
Đành rằng trong hai năm này, báo chí ta có nhiều bài đả kích thực dân
mạnh mẽ không kém, nhưng các tác giả thường pha giọng khôi hài, đùa bỡn
vào làm cho người ta cười, vui hơn là căm giận. Ngô Tất Tố viết nghiêm
chỉnh, có châm biếm, nhưng không gây cười, hay gây cười cũng để tỏ ý khinh
bỉ. Ông lên án không úp mở chính quvền thực dân và chế độ thực dân, không
phải chỉ nói đến những cái lố lăng, dâm ô, trụy lạc của những thằng Tây đoan,
những tên chánh cẩm, những tên săng đá hoặc những mụ me Tây.
Lòng thương dân của Ngô Tất Tố cũng khác. Bản thân ông là một nhà
nho nghèo, sinh trưởng ở nông thôn, chứng kiến bao nhiêu nỗi khổ của người
dân, cho nên khi có dịp là ông đứng về phía họ mà tố cáo nỗi cơ cực của họ,
trong các bài bình luận, các thiên phóng sự, điều tra, cả trong sáng tác nữa.
Trong bình luận, ông buộc tội những kẻ gây ra tình trạng đó; trong phóng sự,
điều tra, ông nói về người thật việc thật; trong sáng tác, ông xây dựng thành
điển hình. Có so sánh tác phẩm của ông với các tác phẩm của những nhà
văn đồng thời mới thấy sự khác giữa quan điểm, lập trường của ông với lập
trường, quan điểm của những nhà văn kia. Có khi cùng sử dụng một đề tài,
xây dựng một loại nhân vật nhưng một bên cố ý phơi bày nỗi cực khổ của
quần chúng lao động, một bên cố ý nhấn mạnh khía cạnh ngây ngô, dại dột,
tục tĩu, bóp méo hiện thực khách quan, sa vào chủ nghĩa tự nhiên nhằm mục
đích thoả mãn óc tò mò của người đọc. Ngô Tất Tố- không tài hoa bằng họ.
Họ không cần biết thật rõ đối tượng phản ánh, cũng có thể viết thành những
thiên phóng sự, những cuốn tiểu thuyết dày hai ba trăm trang! Còn ông, chỉ
viết những cái ông nung nấu lâu ngày, rồi tự hạn chế trong khuôn khổ đề tài
cho phép. Nguyễn Công Hoan kể: “Thấy Vũ Trọng Phụng viết Vỡ đê (bấy giờ
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf
Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf

More Related Content

Similar to Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf

Đề cương ôn thi Ngữ Văn 2017 mới nhất và đầy đủ nhất
Đề cương ôn thi Ngữ Văn 2017 mới nhất và đầy đủ nhấtĐề cương ôn thi Ngữ Văn 2017 mới nhất và đầy đủ nhất
Đề cương ôn thi Ngữ Văn 2017 mới nhất và đầy đủ nhấtMaloda
 
20 tác phẩm chuyên thi vào lớp 10 phong cách hồ chí minh (lê anh trà)truong...
20 tác phẩm chuyên thi vào lớp 10   phong cách hồ chí minh (lê anh trà)truong...20 tác phẩm chuyên thi vào lớp 10   phong cách hồ chí minh (lê anh trà)truong...
20 tác phẩm chuyên thi vào lớp 10 phong cách hồ chí minh (lê anh trà)truong...Thế Giới Tinh Hoa
 
Mot mang van hoc bi bo quen
Mot mang van hoc bi bo quenMot mang van hoc bi bo quen
Mot mang van hoc bi bo quenKelsi Luist
 
Trại súc vật - Animal Farm
Trại súc vật - Animal FarmTrại súc vật - Animal Farm
Trại súc vật - Animal FarmThiều Nem
 
Tai lieu on thi tot nghiep van
Tai lieu on thi tot nghiep vanTai lieu on thi tot nghiep van
Tai lieu on thi tot nghiep vandolethu
 
Chủ nghĩa tự nhiên trong văn học Kim Dong In qua tác phẩm Khoai tây. So sánh ...
Chủ nghĩa tự nhiên trong văn học Kim Dong In qua tác phẩm Khoai tây. So sánh ...Chủ nghĩa tự nhiên trong văn học Kim Dong In qua tác phẩm Khoai tây. So sánh ...
Chủ nghĩa tự nhiên trong văn học Kim Dong In qua tác phẩm Khoai tây. So sánh ...NuioKila
 
GỬI LẠI TRƯỚC KHI VỀ CÕI - Vũ-Cao-Quận
GỬI LẠI TRƯỚC KHI VỀ CÕI - Vũ-Cao-QuậnGỬI LẠI TRƯỚC KHI VỀ CÕI - Vũ-Cao-Quận
GỬI LẠI TRƯỚC KHI VỀ CÕI - Vũ-Cao-Quậnnataliej4
 
Sex trong van hoc sau nam 1975
Sex trong van hoc sau nam 1975Sex trong van hoc sau nam 1975
Sex trong van hoc sau nam 1975David Nguyen
 
Khái quát văn học việt nam từ đầu thế kỷ xx đến cmt8 1945truonghocso.com
Khái quát văn học việt nam từ đầu thế kỷ xx đến cmt8 1945truonghocso.comKhái quát văn học việt nam từ đầu thế kỷ xx đến cmt8 1945truonghocso.com
Khái quát văn học việt nam từ đầu thế kỷ xx đến cmt8 1945truonghocso.comThế Giới Tinh Hoa
 
Chuyển biến về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của thơ việt nam nhì...
Chuyển biến về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của thơ việt nam nhì...Chuyển biến về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của thơ việt nam nhì...
Chuyển biến về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của thơ việt nam nhì...jackjohn45
 
Nông thôn và người nông dân trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của...
Nông thôn và người nông dân trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của...Nông thôn và người nông dân trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của...
Nông thôn và người nông dân trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của...nataliej4
 
Bai hoc israel - nguyen hien le
Bai hoc israel - nguyen hien leBai hoc israel - nguyen hien le
Bai hoc israel - nguyen hien leTú Đinh Quang
 
Lịch sử báo chí việt nam
Lịch sử báo chí việt namLịch sử báo chí việt nam
Lịch sử báo chí việt namdoanduchanh85
 
Phan tich tuyen ngon doc lap cua chu tich ho chi minh
Phan tich tuyen ngon doc lap cua chu tich ho chi minhPhan tich tuyen ngon doc lap cua chu tich ho chi minh
Phan tich tuyen ngon doc lap cua chu tich ho chi minhnhatthai1969
 
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánh
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánhđặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánh
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánhKelsi Luist
 
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868 VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868 nataliej4
 
Hướng dẫn ôn tập văn học lớp 12truonghocso.com
Hướng dẫn ôn tập văn học lớp 12truonghocso.comHướng dẫn ôn tập văn học lớp 12truonghocso.com
Hướng dẫn ôn tập văn học lớp 12truonghocso.comThế Giới Tinh Hoa
 
Ho bieu chanh nha van lon cua mien nam
Ho bieu chanh   nha van lon cua mien namHo bieu chanh   nha van lon cua mien nam
Ho bieu chanh nha van lon cua mien namKelsi Luist
 

Similar to Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf (20)

Đề cương ôn thi Ngữ Văn 2017 mới nhất và đầy đủ nhất
Đề cương ôn thi Ngữ Văn 2017 mới nhất và đầy đủ nhấtĐề cương ôn thi Ngữ Văn 2017 mới nhất và đầy đủ nhất
Đề cương ôn thi Ngữ Văn 2017 mới nhất và đầy đủ nhất
 
20 tác phẩm chuyên thi vào lớp 10 phong cách hồ chí minh (lê anh trà)truong...
20 tác phẩm chuyên thi vào lớp 10   phong cách hồ chí minh (lê anh trà)truong...20 tác phẩm chuyên thi vào lớp 10   phong cách hồ chí minh (lê anh trà)truong...
20 tác phẩm chuyên thi vào lớp 10 phong cách hồ chí minh (lê anh trà)truong...
 
Mot mang van hoc bi bo quen
Mot mang van hoc bi bo quenMot mang van hoc bi bo quen
Mot mang van hoc bi bo quen
 
Trại súc vật - Animal Farm
Trại súc vật - Animal FarmTrại súc vật - Animal Farm
Trại súc vật - Animal Farm
 
Tai lieu on thi tot nghiep van
Tai lieu on thi tot nghiep vanTai lieu on thi tot nghiep van
Tai lieu on thi tot nghiep van
 
Chủ nghĩa tự nhiên trong văn học Kim Dong In qua tác phẩm Khoai tây. So sánh ...
Chủ nghĩa tự nhiên trong văn học Kim Dong In qua tác phẩm Khoai tây. So sánh ...Chủ nghĩa tự nhiên trong văn học Kim Dong In qua tác phẩm Khoai tây. So sánh ...
Chủ nghĩa tự nhiên trong văn học Kim Dong In qua tác phẩm Khoai tây. So sánh ...
 
GỬI LẠI TRƯỚC KHI VỀ CÕI - Vũ-Cao-Quận
GỬI LẠI TRƯỚC KHI VỀ CÕI - Vũ-Cao-QuậnGỬI LẠI TRƯỚC KHI VỀ CÕI - Vũ-Cao-Quận
GỬI LẠI TRƯỚC KHI VỀ CÕI - Vũ-Cao-Quận
 
Sex trong van hoc sau nam 1975
Sex trong van hoc sau nam 1975Sex trong van hoc sau nam 1975
Sex trong van hoc sau nam 1975
 
Khái quát văn học việt nam từ đầu thế kỷ xx đến cmt8 1945truonghocso.com
Khái quát văn học việt nam từ đầu thế kỷ xx đến cmt8 1945truonghocso.comKhái quát văn học việt nam từ đầu thế kỷ xx đến cmt8 1945truonghocso.com
Khái quát văn học việt nam từ đầu thế kỷ xx đến cmt8 1945truonghocso.com
 
Chuyển biến về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của thơ việt nam nhì...
Chuyển biến về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của thơ việt nam nhì...Chuyển biến về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của thơ việt nam nhì...
Chuyển biến về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của thơ việt nam nhì...
 
Nông thôn và người nông dân trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của...
Nông thôn và người nông dân trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của...Nông thôn và người nông dân trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của...
Nông thôn và người nông dân trong tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của...
 
Bai hoc israel - nguyen hien le
Bai hoc israel - nguyen hien leBai hoc israel - nguyen hien le
Bai hoc israel - nguyen hien le
 
Lịch sử báo chí việt nam
Lịch sử báo chí việt namLịch sử báo chí việt nam
Lịch sử báo chí việt nam
 
Phan tich tuyen ngon doc lap cua chu tich ho chi minh
Phan tich tuyen ngon doc lap cua chu tich ho chi minhPhan tich tuyen ngon doc lap cua chu tich ho chi minh
Phan tich tuyen ngon doc lap cua chu tich ho chi minh
 
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánh
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánhđặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánh
đặC điểm tiểu thuyết hồ biểu chánh
 
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868 VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
VĂN HỌC NHẬT BẢN TỪ KHỞI THỦY ĐẾN 1868
 
Hướng dẫn ôn tập văn học lớp 12truonghocso.com
Hướng dẫn ôn tập văn học lớp 12truonghocso.comHướng dẫn ôn tập văn học lớp 12truonghocso.com
Hướng dẫn ôn tập văn học lớp 12truonghocso.com
 
Ho bieu chanh nha van lon cua mien nam
Ho bieu chanh   nha van lon cua mien namHo bieu chanh   nha van lon cua mien nam
Ho bieu chanh nha van lon cua mien nam
 
Hàn phi tử
Hàn phi tửHàn phi tử
Hàn phi tử
 
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết của Trần Dần
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết của Trần DầnLuận văn: Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết của Trần Dần
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong tiểu thuyết của Trần Dần
 

More from HanaTiti

TRUYỀN THÔNG TRONG CÁC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM NĂM 2012.pdf
TRUYỀN THÔNG TRONG CÁC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM NĂM 2012.pdfTRUYỀN THÔNG TRONG CÁC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM NĂM 2012.pdf
TRUYỀN THÔNG TRONG CÁC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM NĂM 2012.pdfHanaTiti
 
TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO MỘT TRƢỜNG HỢP TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM.pdf
TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO MỘT TRƢỜNG HỢP TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM.pdfTRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO MỘT TRƢỜNG HỢP TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM.pdf
TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO MỘT TRƢỜNG HỢP TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM.pdfHanaTiti
 
IMPACTS OF FINANCIAL DEPTH AND DOMESTIC CREDIT ON ECONOMIC GROWTH - THE CASES...
IMPACTS OF FINANCIAL DEPTH AND DOMESTIC CREDIT ON ECONOMIC GROWTH - THE CASES...IMPACTS OF FINANCIAL DEPTH AND DOMESTIC CREDIT ON ECONOMIC GROWTH - THE CASES...
IMPACTS OF FINANCIAL DEPTH AND DOMESTIC CREDIT ON ECONOMIC GROWTH - THE CASES...HanaTiti
 
THE LINKAGE BETWEEN CORRUPTION AND CARBON DIOXIDE EMISSION - EVIDENCE FROM AS...
THE LINKAGE BETWEEN CORRUPTION AND CARBON DIOXIDE EMISSION - EVIDENCE FROM AS...THE LINKAGE BETWEEN CORRUPTION AND CARBON DIOXIDE EMISSION - EVIDENCE FROM AS...
THE LINKAGE BETWEEN CORRUPTION AND CARBON DIOXIDE EMISSION - EVIDENCE FROM AS...HanaTiti
 
Phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhậ...
Phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhậ...Phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhậ...
Phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhậ...HanaTiti
 
Nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.pdf
Nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.pdfNhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.pdf
Nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.pdfHanaTiti
 
Pháp luật về giao dịch bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.pdf
Pháp luật về giao dịch bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.pdfPháp luật về giao dịch bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.pdf
Pháp luật về giao dịch bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.pdfHanaTiti
 
Tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 theo hướng phát triển năng lực vận dụ...
Tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 theo hướng phát triển năng lực vận dụ...Tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 theo hướng phát triển năng lực vận dụ...
Tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 theo hướng phát triển năng lực vận dụ...HanaTiti
 
The impact of education on unemployment incidence - micro evidence from Vietn...
The impact of education on unemployment incidence - micro evidence from Vietn...The impact of education on unemployment incidence - micro evidence from Vietn...
The impact of education on unemployment incidence - micro evidence from Vietn...HanaTiti
 
Deteminants of brand loyalty in the Vietnamese neer industry.pdf
Deteminants of brand loyalty in the Vietnamese neer industry.pdfDeteminants of brand loyalty in the Vietnamese neer industry.pdf
Deteminants of brand loyalty in the Vietnamese neer industry.pdfHanaTiti
 
Phát triển hoạt động môi giới chứng khoán của CTCP Alpha.pdf
Phát triển hoạt động môi giới chứng khoán của CTCP Alpha.pdfPhát triển hoạt động môi giới chứng khoán của CTCP Alpha.pdf
Phát triển hoạt động môi giới chứng khoán của CTCP Alpha.pdfHanaTiti
 
The current situation of English language teaching in the light of CLT to the...
The current situation of English language teaching in the light of CLT to the...The current situation of English language teaching in the light of CLT to the...
The current situation of English language teaching in the light of CLT to the...HanaTiti
 
Quản lý chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Ba Vì.pdf
Quản lý chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Ba Vì.pdfQuản lý chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Ba Vì.pdf
Quản lý chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Ba Vì.pdfHanaTiti
 
Sự tiếp nhận đối với Hàng không giá rẻ của khách hàng Việt Nam.pdf
Sự tiếp nhận đối với Hàng không giá rẻ của khách hàng Việt Nam.pdfSự tiếp nhận đối với Hàng không giá rẻ của khách hàng Việt Nam.pdf
Sự tiếp nhận đối với Hàng không giá rẻ của khách hàng Việt Nam.pdfHanaTiti
 
An Investigation into the Effect of Matching Exercises on the 10th form Stude...
An Investigation into the Effect of Matching Exercises on the 10th form Stude...An Investigation into the Effect of Matching Exercises on the 10th form Stude...
An Investigation into the Effect of Matching Exercises on the 10th form Stude...HanaTiti
 
Đánh giá chất lượng truyền tin multicast trên tầng ứng dụng.pdf
Đánh giá chất lượng truyền tin multicast trên tầng ứng dụng.pdfĐánh giá chất lượng truyền tin multicast trên tầng ứng dụng.pdf
Đánh giá chất lượng truyền tin multicast trên tầng ứng dụng.pdfHanaTiti
 
Quản lý các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ theo hướng...
Quản lý các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ theo hướng...Quản lý các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ theo hướng...
Quản lý các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ theo hướng...HanaTiti
 
Nghiên cứu và đề xuất mô hình nuôi tôm bền vững vùng ven biển huyện Thái Thụy...
Nghiên cứu và đề xuất mô hình nuôi tôm bền vững vùng ven biển huyện Thái Thụy...Nghiên cứu và đề xuất mô hình nuôi tôm bền vững vùng ven biển huyện Thái Thụy...
Nghiên cứu và đề xuất mô hình nuôi tôm bền vững vùng ven biển huyện Thái Thụy...HanaTiti
 
PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH.pdf
PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH.pdfPHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH.pdf
PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH.pdfHanaTiti
 
ENERGY CONSUMPTION AND REAL GDP IN ASEAN.pdf
ENERGY CONSUMPTION AND REAL GDP IN ASEAN.pdfENERGY CONSUMPTION AND REAL GDP IN ASEAN.pdf
ENERGY CONSUMPTION AND REAL GDP IN ASEAN.pdfHanaTiti
 

More from HanaTiti (20)

TRUYỀN THÔNG TRONG CÁC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM NĂM 2012.pdf
TRUYỀN THÔNG TRONG CÁC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM NĂM 2012.pdfTRUYỀN THÔNG TRONG CÁC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM NĂM 2012.pdf
TRUYỀN THÔNG TRONG CÁC SỰ KIỆN NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM NĂM 2012.pdf
 
TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO MỘT TRƢỜNG HỢP TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM.pdf
TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO MỘT TRƢỜNG HỢP TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM.pdfTRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO MỘT TRƢỜNG HỢP TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM.pdf
TRỊ LIỆU TÂM LÝ CHO MỘT TRƢỜNG HỢP TRẺ VỊ THÀNH NIÊN CÓ TRIỆU CHỨNG TRẦM CẢM.pdf
 
IMPACTS OF FINANCIAL DEPTH AND DOMESTIC CREDIT ON ECONOMIC GROWTH - THE CASES...
IMPACTS OF FINANCIAL DEPTH AND DOMESTIC CREDIT ON ECONOMIC GROWTH - THE CASES...IMPACTS OF FINANCIAL DEPTH AND DOMESTIC CREDIT ON ECONOMIC GROWTH - THE CASES...
IMPACTS OF FINANCIAL DEPTH AND DOMESTIC CREDIT ON ECONOMIC GROWTH - THE CASES...
 
THE LINKAGE BETWEEN CORRUPTION AND CARBON DIOXIDE EMISSION - EVIDENCE FROM AS...
THE LINKAGE BETWEEN CORRUPTION AND CARBON DIOXIDE EMISSION - EVIDENCE FROM AS...THE LINKAGE BETWEEN CORRUPTION AND CARBON DIOXIDE EMISSION - EVIDENCE FROM AS...
THE LINKAGE BETWEEN CORRUPTION AND CARBON DIOXIDE EMISSION - EVIDENCE FROM AS...
 
Phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhậ...
Phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhậ...Phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhậ...
Phát triển dịch vụ Ngân hàng bán lẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhậ...
 
Nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.pdf
Nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.pdfNhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.pdf
Nhân vật phụ nữ trong truyện ngắn Cao Duy Sơn.pdf
 
Pháp luật về giao dịch bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.pdf
Pháp luật về giao dịch bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.pdfPháp luật về giao dịch bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.pdf
Pháp luật về giao dịch bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam.pdf
 
Tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 theo hướng phát triển năng lực vận dụ...
Tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 theo hướng phát triển năng lực vận dụ...Tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 theo hướng phát triển năng lực vận dụ...
Tổ chức dạy học lịch sử Việt Nam lớp 10 theo hướng phát triển năng lực vận dụ...
 
The impact of education on unemployment incidence - micro evidence from Vietn...
The impact of education on unemployment incidence - micro evidence from Vietn...The impact of education on unemployment incidence - micro evidence from Vietn...
The impact of education on unemployment incidence - micro evidence from Vietn...
 
Deteminants of brand loyalty in the Vietnamese neer industry.pdf
Deteminants of brand loyalty in the Vietnamese neer industry.pdfDeteminants of brand loyalty in the Vietnamese neer industry.pdf
Deteminants of brand loyalty in the Vietnamese neer industry.pdf
 
Phát triển hoạt động môi giới chứng khoán của CTCP Alpha.pdf
Phát triển hoạt động môi giới chứng khoán của CTCP Alpha.pdfPhát triển hoạt động môi giới chứng khoán của CTCP Alpha.pdf
Phát triển hoạt động môi giới chứng khoán của CTCP Alpha.pdf
 
The current situation of English language teaching in the light of CLT to the...
The current situation of English language teaching in the light of CLT to the...The current situation of English language teaching in the light of CLT to the...
The current situation of English language teaching in the light of CLT to the...
 
Quản lý chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Ba Vì.pdf
Quản lý chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Ba Vì.pdfQuản lý chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Ba Vì.pdf
Quản lý chi ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước Ba Vì.pdf
 
Sự tiếp nhận đối với Hàng không giá rẻ của khách hàng Việt Nam.pdf
Sự tiếp nhận đối với Hàng không giá rẻ của khách hàng Việt Nam.pdfSự tiếp nhận đối với Hàng không giá rẻ của khách hàng Việt Nam.pdf
Sự tiếp nhận đối với Hàng không giá rẻ của khách hàng Việt Nam.pdf
 
An Investigation into the Effect of Matching Exercises on the 10th form Stude...
An Investigation into the Effect of Matching Exercises on the 10th form Stude...An Investigation into the Effect of Matching Exercises on the 10th form Stude...
An Investigation into the Effect of Matching Exercises on the 10th form Stude...
 
Đánh giá chất lượng truyền tin multicast trên tầng ứng dụng.pdf
Đánh giá chất lượng truyền tin multicast trên tầng ứng dụng.pdfĐánh giá chất lượng truyền tin multicast trên tầng ứng dụng.pdf
Đánh giá chất lượng truyền tin multicast trên tầng ứng dụng.pdf
 
Quản lý các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ theo hướng...
Quản lý các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ theo hướng...Quản lý các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ theo hướng...
Quản lý các trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ theo hướng...
 
Nghiên cứu và đề xuất mô hình nuôi tôm bền vững vùng ven biển huyện Thái Thụy...
Nghiên cứu và đề xuất mô hình nuôi tôm bền vững vùng ven biển huyện Thái Thụy...Nghiên cứu và đề xuất mô hình nuôi tôm bền vững vùng ven biển huyện Thái Thụy...
Nghiên cứu và đề xuất mô hình nuôi tôm bền vững vùng ven biển huyện Thái Thụy...
 
PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH.pdf
PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH.pdfPHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH.pdf
PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP THƯƠNG MẠI NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH.pdf
 
ENERGY CONSUMPTION AND REAL GDP IN ASEAN.pdf
ENERGY CONSUMPTION AND REAL GDP IN ASEAN.pdfENERGY CONSUMPTION AND REAL GDP IN ASEAN.pdf
ENERGY CONSUMPTION AND REAL GDP IN ASEAN.pdf
 

Recently uploaded

3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢIPHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢImyvh40253
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoámyvh40253
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdfTrnHoa46
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...Nguyen Thanh Tu Collection
 
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh cho
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh choCD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh cho
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh chonamc250
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfTrnHoa46
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docxTHAO316680
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptxNhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptxhoangvubaongoc112011
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfNguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảoKiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảohoanhv296
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 

Recently uploaded (20)

3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢIPHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
 
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh cho
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh choCD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh cho
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh cho
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptxNhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảoKiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 

Ngô Tất Tố Một Tài Năng Lớn Đa Dạng.pdf

  • 1. NGÔ TẤT TỐ MỘT TÀI NĂNG LỚN ĐA DẠNG NGÔ TẤT TỐ MỘT TÀI NĂNG LỚN ĐA DẠNG MAI HƯƠNG (Tuyển chọn và biên soạn) LỜI GIỚI THIỆU Chỉ với ba thập kỷ cầm bút, Ngô Tất Tố đã để lại một sự nghiệp văn học đồ sộ, đa dạng bao gồm nhiều thể loại: Tiểu thuyết, phóng sự, truyện ký lịch sử, khảo cứu, dịch thuật, sáng tác chèo, tiểu phẩm báo chí... và ở thể loại nào ông cũng viết đầy tâm huyết, sâu sắc và bộc lộ hết mình, và đã để lại những dấu ấn riêng sâu đậm. Ngô Tất Tố là cây bút tiểu thuyết, phóng sự đặc sắc với những tác phẩm tiêu biểu: Tắt đèn, Việc làng, Lều chõng. Là một nhà khảo cứu đầy tâm huyết với những công trình có giá trị: Mặc tử, Lão tử, Văn học đời Lý, Văn học đời Trần...; một dịch giả tài hoa qua các bản dịch Đường thi, Thơ văn Lý Trần, Hoàng Lê Nhất Thống Chí... rồi Suối thép, Trời hửng, Trước lửa chiến đấu... Đặc biệt, ông là nhà báo rất có tài, từng nổi tiếng khắp làng báo Bắc - Trung - Nam với hàng trăm tiểu phẩm báo chí, văn học đặc sắc phản ánh sâu sắc, đa dạng muôn mặt hiện thực của xã hội thực dân phong phong kiến Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Nhưng, nói đến Ngô Tất Tố, bao trùm lên tất cả, là nói đến một nhân cách lớn của một nhà văn hóa lớn mang đậm cốt cách Việt Nam, cốt cách Á Đông. Từ một nhà nho nghèo yêu nước, bằng tài năng và tấm lòng nhiệt thành với đất nước, với nhân dân, ông đã đến với cách mạng và trở thành một nhà văn hiện thực có tầm cỡ, một nhà báo cấp tiến đấu tranh không khoan nhượng, không mỏi mệt cho quyền sống của những người lao động nghèo khổ và lương thiện, cho lẽ phải và sự công bằng xã hội. Chính đó là cốt lõi của tài năng, là cơ sở để tạo nên phẩm chất riêng đáng trân trọng trong sự nghiệp đồ sộ và đa dạng của ông.
  • 2. Suốt sáu thập kỷ qua, văn nghiệp và cuộc đời của nhà văn đã thu hút được sự quan tâm, yêu mến của các nhà nghiên cứu, phê bình, giảng dạy văn học và nhiều thế hệ bạn đọc. Cho tới nay đã có tới hàng trăm công trình, bài viết từ nhiều góc độ, tiếp cận khác nhau, đi sâu nghiên cứu cuộc đời và văn nghiệp của nhà văn hiện thực xuất sắc này. Cuốn sách Ngô Tất Tố — một tài năng lớn, đa dạng, do Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành nhằm giới thiệu với bạn đọc những bài viết thiệu với bạn đọc những bài viết tiêu biểu được tuyển chọn từ khối lượng những công trình, bài viết phong phú đó về Ngô Tât Tố. Cuốn sách gồm hai phần: Phần I: Ngô Tất Tố - Một nhân cách lớn, một sự nghiệp lớn. Phần II: Sức sống một văn nghiệp lớn, đa dạng. Nhà xuất bản xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc và mong được tiếp nhận sự hưởng ứng cùng ý kiến đóng góp quý báu của bạn đọc xa gần. NHÀ XUẤT BẢN VĂN HÓA - THÔNG TIN Phần 1. NGÔ TẤT TỐ, MỘT NHÂN CÁCH LỚN, MỘT SỰ NGHIỆP LỚN NGÔ TẤT TỐ “NHÀ VĂN” NHÀ TIỂU THUYẾT LÃO THÀNH NGUYÊN HỒNG Nhà văn và nhà tiểu thuyết lão thành của chúng ta, Ngô Tất Tố, không còn nữa! Tháng 4 năm 1954, giữa một vùng đất sỏi khô cằn, nông dân đương đội giời nắng chang chang đào chuôm, đắp đập, xẻ ngòi để lấy từng gầu nước cho lúa Nam Ninh, cho khoai, cho đỗ sau hai năm những dòng nước nông giang dào dạt cạn tắt từ ngày đập Thác Huống bị giặc Pháp phá tan tành, giữa một vùng đây, kia, những địa chủ cường hào gian ác lần lượt quỳ gối nhận tội trước nông dân, những bãi cam vàng, những đồng lúa xanh tươi bao nhiêu đời nay ở đây dân cày ngậm ngùi giờ bật cả lên ca hát dưới lá cờ của Đảng tiền phong và bước theo bàn tay vẫy lên phát động của Hồ Chủ
  • 3. tịch, giữa một vùng quê hương thôn dã thứ hai của mình tưng bừng, quyết liệt đấu tranh ấy, Ngô Tất Tố đã từ biệt chúng ta mãi mãi. 62 tuổi, 40 năm làm báo, viết văn, soạn sách, dịch và viết tiểu thuyết, trước khi ngọn bút trọn đời với nghề kia nhắm mắt, còn để lại hơn 300 trang khổ giấy bình dân trong bản thảo ba tập truyện dịch Trời hửng của Vương Lực, Doãn Thanh Xuân của Hàn Phong và Trước lửa chiến đấu của Lưu Bạch Vũ và hơn 100 trang sáng tác Bùi Thị Phác, một vở kịch chèo đã được giải thưởng về kịch 1952 của Hội văn nghệ Việt Nam. Ngô Tất Tố sinh trưởng ở tỉnh Bắc Ninh, huyện Từ Sơn, làng Lộc Hà. Trong một khoa thi cuối cùng của khoa cử ở Bắc Ninh. Ngô Tất Tố đã đỗ đầu. Nhân dân Bắc Bộ đã nói nhiều cái học lỗi lạc của ông xứ Tố. Anh em làng văn, làng báo cũ cũng thường gọi Ngô Tất Tố bằng cái tên ấy nhưng đổi một cái tên khác thân yêu hơn: bác Xứ Tố. Nhưng, bằng cấp đã thi đỗ được ấy chỉ để cho Ngô Tất Tố vứt đi và càng làm thấy rõ thêm một chế độ mục nát đã đến tận cùng không còn thể nào chịu được nữa, không còn lý do nào nữa tồn tại thêm dưới ánh sáng mặt trời này. Trong các giai đoạn thực dân Pháp cố sức dập cho tắt hẳn ngọn lửa yêu nước âm ỉ trong nông dân, đặc biệt sự nhóm họp đấu tranh cuối cùng, khoảng 1905, 1906 của một số những nhà nho chân chính không thể yên tâm và cam chịu làm một dân mất nước thì một mặt khoa cử cũ bị đóng cửa hẳn, một mặt những trường khác đã được mở ra như trường hậu bổ, trường thông ngôn. Thực dân quỷ quyệt, phần để đào tạo một số người học mới làm nô lệ cho được nên chúng phần xoa dịu, mua chuộc, đầu độc một lớp thanh niên trí thức, Nho học bấy giờ; tức khắc, một lũ con em của quan lại địa chủ phong kiến liền chạy ngay lên, nương vào quyền thế của cha anh giành giật ngay lấy những địa vị bóc lột mới trong xã hội. Bàn chân chà đạp của thực dân, bọn này ôm rất chặt, mơn man và ca tụng, lấy công việc đó làm thức thời cuộc sống và trật tự đó làm vinh dự, kiểu mẫu của một phẩm giá thời đại. Gia đình Ngô Tất Tố là một gia đình nông dân lao động, không có ruộng phải lĩnh canh ruộng làng để sinh sống và phải làm ăn chật vật mới nuôi nổi
  • 4. được con ăn học. Chung quanh Ngô Tất Tố là sự sống bần cùng ngột ngạt dưới những uy quyền cha truyền con nối của những dòng họ đại địa chủ và phong kiến nắm hết sinh mệnh nhân dân trong tay. Tài học và thông minh của mình, Ngô Tất Tố thấy không dùng làm được việc gì hết với thực dân, bọn quan lại, trừ một việc bợ đỡ chúng, theo chúng bóp cổ nhân dân để bóc lột. Nỗi đau xót của người dân mất nước và cái căm nhục của một trí thức bị chèn ép, khinh miệt, càng thấy sâu sắc, thấm thía. Ngô Tất Tố đã quả quyết đi hẳn sang một con đường sống khác. Chiếc bút lông thay bằng bút sắt. Với ngòi bút, Ngô Tất Tố kiếm sống và chống lại những cái ngang trái bất công của xã hội, Ngô Tất Tô đã viết ở những báo Thực nghiệp, báo Thần chung, dịch những tác phẩm tiến bộ của Trung Quốc. Cuộc sống bán văn, viết mướn này, tuy giải quyết được một phần nhỏ nào những dằn vặt trong tư tưởng trước cái thực tế nặng tối của chế độ lúc bấy giờ nhưng cũng đồng thời làm cho Ngô Tất Tố rõ hơn, sâu sắc hơn sự đè nén đến nghẹt thở của cái nhà tù thực dân trong đó Ngô Tất Tố phải hết sức giãy giụa và tìm các cách để luồn được tư tưởng mình vào nhân dân, vạch ra ánh sáng. Ra báo phải có tài sản lý lịch trong sạch và xin phép... kiểm duyệt xẻo cắt tàn nhẫn, nghiệt ngã... mật thám đòi hỏi hăm dọa... quản lý những nhà báo và nhà xuất bản trục lợi một cách quá “chó đểu”. Đã có lần, một tên quản lý đã gạ nhà văn của chúng ta ký giấy giao kèo viết đặc biệt cho cơ quan của nó, và tiền báo tháng tháng thì lĩnh một nửa, còn bao nhiêu để lâu tích lại, nó sẽ lấy đất của đồn điền nó tính giả cho! Ngô Tất Tố đã nhổ ngay vào mặt nó. 1930 - 1931. Cái chế độ xã hội bóc lột, đàn áp mà Ngô Tất Tố càng ngày càng thấy trĩu xuống người mình ấy, bị lay chuyển mạnh. Những phong trào công nhân ở Hồng Gai, Nam Định, ở các đồn điền cao su Nam Bộ, những phong trào nông dân ở Thái Bình và đặc biệt cuộc thành lập Xô viết Nghệ An đẫm máu, khủng bố và khủng bố... Nhưng đến năm 1936, 1937, cửa các nhà ngục chính trị của đế quốc Pháp bắt đầu phải hé mở, thả ra các chiến sĩ Cộng sản thì phong trào đấu tranh lại lên ngùn ngụt.
  • 5. Ngô Tất Tố, cũng như một số cây bút tiến bộ khác, thảy đều thấy sức mạnh phá bỏ một chế độ thối nát, dựng lên một chế độ tươi sáng tốt đẹp ở đây, ở giai cấp công nông lao khổ được tổ chức, lãnh đạo, cùng nhau vùng lên giành quyền sống. Sự tồn tại của những tác phẩm, lý tưởng của nhà văn, chỉ có thể đứng về phía đấu tranh giai cấp đó, hưởng ứng cuộc đấu tranh giai cấp đó bằng sự làm việc của mình bấy lâu bị kìm hãm, rụt rè, loanh quanh, chập choạng chưa định rõ được phương hướng. Ngô Tất Tố đã viết ở báo Tương lai và biên soạn liền hai tập: Việc làng và Tắt đèn. Cuốn trên là một thiên phóng sự. Cuốn dưới, tiểu thuyết, cả hai lấy đề tài nông thôn, cùng lúc với Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan và Giông tố của Vũ Trọng Phụng. Thôn quê Việt Nam, dưới ngòi bút của Ngô Tất Tố, không như bọn thực dân bưng bít và một lũ nhà văn tư sản tô điểm. Trong những luỹ tre xanh gày và gai góc kia, chiều chiều khói thổi cơm nhoi lên những mái tranh xám, tản ra những cánh đồng lặng lẽ, không phải là những cảnh thơ mộng, mà sự thật là những người mẹ gần chết đói, con thơ nằm bên vẫn còn kéo dài vú ra nhay, là những người cha ốm nhìn hấp hối những bếp đầu rau chỉ còn tro lạnh và những mảnh nồi vỡ, bao nhiêu áo cơm và hơi sức của bao nhiêu người làm ăn lấm lưỡi đều bị sưu cao thuế nặng lột hết, lột hết... Và những nóc đình mái cong, ngói rêu, có những cây gạo mọc vút lên hoa đỏ rực trời, không phải chỉ có văng vẳng tiếng trống chèo và dập dìu bài lưu thuỷ về giêng, hai, ba, đình đám! Ở đây, cả một bọn quan lại và cường hào tranh cạnh nhau, tranh từng miếng phao câu, từng ngón tay xôi, cờ bạc, rượu chè, cô đầu, chia nhau chấm mút cấu xé ruộng đất và sưu thuế, cưỡi trên những sống lưng gần ngã gục của nông dân nô dịch... Ngòi bút rắn chắc của Ngô Tất Tố đã không e dè đưa lên những sự thật. Người nông dân giãy lên trên những dòng chữ của Ngô Tất Tố, chưa ánh lên cái sức đấu tranh, nhưng sự thống khổ của họ đem phơi bày ra đã được một phần nào thật, thật trên cái đen tối của chế độ tàn bạo và ruỗng nát lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, những sự đè nén, lừa bịp và ăn gian nói dối của
  • 6. bọn thực dân và lũ bồi bút của chúng càng ngày càng tàn tệ, trâng tráo. Cuộc chiến tranh thứ hai nổ ra, Pháp ở Đông Dương liền quỳ ngay gối, mở cửa cho quân phiệt Nhật vào. Hai tầng áp bức bóc lột và khủng bố xoáy lấy dân chúng. Văn hóa trong tay hai bọn ăn cướp nọ càng khốc hại. Chúng nó cố kéo con người trở lại với tất cả cái gì là thoái độ, dìm cho con người cắm đầu mê muội không thể nào cất nhìn lên, trông về tương lai. Chúng nó đào lên ở những nấm mồ đã ngàn năm những đạo đức, lễ nghi, triết học, tư tưởng phong kiến dựng lên thành thánh đường, thành lâu đài. Thơ ca, truyện, biên soạn, nhạc, kịch, hội họa, kiến trúc... đã hướng chặt chẽ để phục vụ cho âm mưu đó. Những năm đen xịt những đói kém, thất nghiệp, bắn giết, tù đày, chợ đen, đầu cơ tích trữ này, chính sách văn hóa kiểm duyệt, mua chuộc, lung lạc, cổ võ của bọn thống trị càng gắt gao, chặt chẽ rộng lớn! Những cuộc trao đổi văn hóa Đông Dương và Nhật Bản, tiêu tiền triệu của nông dân hai nước, để đi tới sự ca tụng cái chính sách ăn cướp của chúng nó... Những tối kịch hát hoa lệ ở Nhà hát lớn Hà Nội, diễn những Trầm hương đình, Mạnh Lê Quân thoát hài... Những tập sách dày 3, 4 trăm trang về Nho giáo, Kinh dịch... Những sách báo chuyên khảo về các ông nghè triều Lê và các loại vũ khí tối tân... Thơ yêu ma... Nhạc dâm loạn... tất cả một mớ thuốc độc ấy, đế quốc gọi là những hoạt động của nền văn hóa Phục hưng, trở về giá trị cũ của học thuật, nghệ thuật, phát huy những tư tưởng cao quý siêu việt của con ngưòi. Sự liêm sỉ của một thái độ trọng sự thật không cho phép bất kỳ một nhà văn nghệ chân chính nào nhận những cái đã chết thối rồi không giữ được đem dựng lên, dù đó là đạo đức, lễ nghi, là tư tưởng, là học thuật văn hóa. Trong Lều chõng, cuốn tiểu thuyết dày đặc của Ngô Tất Tố, sự ngay thẳng của một ngòi bút đã dõng dạc cất tiếng chửi vào mặt những cái “hay” cái “đẹp” của bọn thống trị đưa ra cổ võ ấy. Cũng viết về khoa cử, nhưng đây là một sự thật trần truồng về khoa cử. Trường ốc chỉ là nơi buôn bán gian giảo giữa bọn quan trường dốt nát và tham ô với bọn học sinh nhà giàu và quan lại ngông nghênh, ngu xuẩn, bợm
  • 7. bãi. Chung quy chỉ là những gông xích đóng lấy cổ, trói lấy tay những nhân tài thật lòng thiết tha mong đem sự học của mình ra làm việc cho dân cho nước. Còn cái đẹp, cái thơ của kiệu song, võng tía, biển lọng chỉ là những cái mà trí thức có làm đĩ cho quan lại, có mất hết cả nhân cách đi thì mới hưởng được. Những năm Nhật Pháp tối tăm ấy, Ngô Tất Tố đã trải qua ở quê hương ông. Cả những ngày khủng khiếp của trận đói 45, hơn hai triệu nông dân đã chết. Bắc Ninh, một trong những tỉnh cao trào cứu quốc lên ở Bắc Bộ, Cách mạng tháng Tám thành công, những nông dân còn lại, một tay gạt máu đẫm mình của bao nhiêu năm xiềng xích, một tay lại cầm mạ xuống, mảnh đất lần đầu tiên trong lịch sử thành lập chính quyền dân chủ. Ngô Tất Tố đã bắt đầu nhập sâu thêm vào cuộc đấu tranh và kiến thiết vĩ đại này. Nông dân đã bầu ông làm uỷ viên trong Uỷ ban giải phóng xã nhà. 1946, Ngô Tất Tố vào Hội Văn hóa cứu quốc. Trong một bữa cơm đông đủ gần hết anh chị em văn nghệ sĩ Bắc Bộ và Trung Bộ, bế mạc Hội nghị Văn hóa cứu quốc lần thứ nhất ở Hà Nội, ông già tóc ngắn hoa râm, áo dài khăn xếp, sắt đanh với cái tên Hy Cừ chuyên vạch mặt chỉ trán những chuyện ngang trái của xã hội thực dân và phong kiến trong một mục báo hàng ngày kia, hơi rượu liên hoan ngà ngà, đứng lên khoanh tay, bẽn lẽn ngâm mấy câu thơ mừng cách mạng thành công... Kháng chiến toàn quốc. Quê hương Ngô Tất Tố, cái làng Cói cheo veo ngay bờ con sông Đuống bát ngát bãi dâu và bãi ngô bị uy hiếp và trở thành khu du kích. Trong một trận chống giặc vào làng càn quét, người con trai thứ của Ngô Tất Tố vừa thôi học về làng, đã hy sinh cùng với một đồng chí cán bộ huyện và một đồng chí du kích xã. Gửi làng lại cho du kích và bộ đội địa phương vừa chống giặc, vừa cày cấy, người cha già nay ra đi công tác. Những đau xót và căm giận biến thành ca dao, những bài báo, những bài hát chèo, đăng trên báo Cứu quốc khu XII, minh họa cho những bức tranh điệp cho Sở Thông tin và hát ở các làng, các xã. Kháng chiến gian khổ càng làm tăng thêm ngòi bút, cũng như sự căm thù của Ngô Tất Tố, bài quyết tâm của toàn dân gìn giữ đến giọt máu cuối cùng
  • 8. đất nước và giành lấy nền độc lập thống nhất thực sự, càng làm Ngô Tất Tố nhìn thấy một cách kính phục và tin tưởng sự quan trọng của sự tổ chức và lãnh đạo của giai cấp công nhân và Đảng tiền phong của nó. Nông dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam, không thể quân thù nào thắng nổi, trái lại có thể tiêu diệt bất cứ quân thù nào, đánh tan bất cứ cuộc xâm lăng nào một khi sức mạnh của nó được huy động và đúc lại thành một khối. Nông dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam sẽ chính tay mình dựng nên một đất nước tốt tươi, một xã hội tự do và hạnh phúc một khi nó được giáo dục và có cái ý thức cách mạng và khoa học của giai cấp công nhân, chiến đấu theo chủ nghĩa mác — Lê, với Đảng duy nhất của nó: Đảng cộng sản. Ngô Tất Tố tìm hiểu như thế, tin tưởng như thế, những mong chiến đấu và tin ở chiến đấu được như thế. Trong cuộc học tập của một số anh em văn nghệ sĩ ở một địa điểm Việt Bắc, ngày mồng 1 tháng 5 năm 1948, Ngô Tất Tố đã gia nhập Đảng cộng sản Đông Dương. Nguyện vọng một đời của nhà văn đã thành sự thực. Phương hướng tiến lên của một sự nghiệp rạng rỡ. Ngô Tất Tố vững vàng thêm, quyết liệt hơn, sắc bén hơn trong hàng ngũ của giai cấp công nhân, chiến đấu với ngòi bút yêu dấu của mình, đập tan cái chế độ người bóc lột người gây bao nhiêu thảm họa và giờ đây ngay trước mắt đây, tiêu diệt xâm lăng Pháp, lưỡi lê của chúng đã vấy máu một khúc ruột của ông, tiêu diệt giai cấp phong kiến địa chủ ngàn đời nay mặt đất đã xây nên một địa ngục đó với đại đa số nông dân lao khổ và ông đã sống những quãng đời đến nát óc, bẹp ngực. Nhập vào hàng ngũ của giai cấp công nhân giáo dục với chủ nghĩa của Đảng, sức mạnh của ngòi bút Ngô Tất Tố càng được bồi dưỡng. Nghe qua Suối thép và Trời hửng của Ngô Tất Tố dịch, người ta nghe thấy hơi thở của công nông binh Liên Xô, Trung Quốc, của Xêrphimôvích và Vương Lực, đồng thời cả hơi thở của Ngô Tất Tố, tin tưởng ở sự có thể làm được, có thể chiến thắng, ở sức căm thù bốc lên thành lửa xây dựng của công nông binh Việt Nam đứng dậy...
  • 9. Cái mạnh, cái sắc của Ngô Tất Tố ở chỗ dám nhìn thẳng vào sự thực, căm giận, chửi rủa và phá bỏ. Cái mạnh, cái sắc của Ngô Tất Tố còn ở chỗ đi sâu vào những khía cạnh đen tối, sai trái của kẻ thù. Nhưng quằn quại gần hết một đời người trong những thiếu thôn ê chề, tàn nhẫn của sự sống, và không sớm được trau dồi ý thức đấu tranh sáng suốt, tươi tắn, quyết liệt và đúng mực, sắt đá và rộng rãi, cái ý thức cách mạng và khoa học của công nhân, nên trong một số sáng tác ngắn và sơ thảo trong kháng chiến của Ngô Tất Tố, nhân vật và sự sống chưa được diễn tả đúng thực và còn nhiều chỗ lệch lạc, không toát lên được cái hướng đi lên của xã hội. Ngô Tất Tố thân yêu của chúng ta không còn nữa. Mối ân hận cuối cùng của nhà văn bạc đầu với nghề này, là không được trông thấy đất nước hoàn toàn giải phóng và được viết trọn vẹn một tác phẩm dày dặn về nông dân vùng lên, với một cuộc đời mới, khác. Chúng ta, những kẻ mà Ngô Tất Tố trao lại ngòi bút của mình trao lại những khát vọng và tin tưởng của mình, chúng ta trân trọng nhận thấy. Cái hình ảnh Ngô Tất Tố dứt khoát với thù địch, không đội giời chung với thù địch, cái hình ảnh đôi mắt kính vằng vặc say mê cúi xuống những dòng chữ rắn rỏi rõ ràng miết lên những trang giấy vàng ngà trên bàn tre làm việc, hình ảnh đó chúng ta luôn luôn tưởng nhớ, xót xa thương tiếc, quyết tâm học tập và nguyện sát cánh nhau chặt hơn nữa, làm việc nhiệt tình, tận tụy, quyết thắng. (Tạp chí Văn nghệ, số 54, 8 - 1954) NHÀ VĂN NGÔ TẤT TỐ NGUYỄN ĐỨC ĐÀN 1. Thế giới quan và phương pháp sáng tác của Ngô Tất Tố. Nghiên cứu thế giới quan và phương pháp sáng tác của một nhà văn tức là nghiên cứu cơ sở tư tưởng triết học và đặc điểm mỹ học của nhà văn ấy. Chúng ta chỉ có thể tiến hành công việc đó bằng cách dựa vào các tài liệu
  • 10. cụ thể về đời sống của nhà văn và thông qua việc nghiên cứu các tác phẩm một cách có hệ thống. Chúng ta biết rằng Ngô Tất Tố là một nhà Nho, xuất thân từ một gia đình có truyền thống Nho học lâu đời tuy rằng không đỗ đạt cao. Ông của nhà văn thi hương bảy lần chỉ đỗ tú tài. Bố thi sáu lần, rốt cuộc cũng chỉ là một ông đồ. Bản thân nhà văn đã đi thi hai lần, đỗ đầu xứ nhưng không vào được trường tam. Ngô Tất Tố là một nhà Nho nhưng có mấy đặc điểm đáng chú ý. Trước hết ông là một nhà Nho nghèo. Gia đình Ngô Tất Tố không đủ ruộng cày cấy, phải nhận ruộng công điền quanh năm nợ nần túng thiếu. Đến khi Ngô Tất Tố đi làm báo cũng vậy. Đời sống nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp ngày xưa phần nhiều cực khổ như thế nào chúng ta đã biết. Lúc vào Sài Gòn, trong túi chỉ còn một đồng xu, Ngô Tất Tô vứt nốt xuống biển. Chính cuộc sống vật chất thiếu thốn đã tạo cho nhà văn có điều kiện thông cảm dễ dàng với quần chúng nghèo khổ, nhất là nông dân, vì nhà văn đã sống ở nông thôn rất lâu. Khác với nhiều môn đệ của cửa Khổng sân Trình, Ngô Tất Tố là một nhà Nho nhưng không có tư tưởng nệ cổ, bảo thủ. Ông đã nhiều lần dùng ngòi bút kịch liệt lên án các tục lệ lạc hậu, thối nát ở nông thôn. Trong Việc làng, Ngô Tất Tố đã vạch rõ vì sao các tục lệ hủ lậu tồn tại lâu dài. Trong Mặc tử, Ngô Tất Tố đã tỏ thái độ ủng hộ rõ rệt đối với các thuyết phi nhạc, phi Nho, và phi mệnh của các nhà triết học cổ đại Trung Quốc. Quan niệm phi nhạc của Mặc Tử có chỗ không được đúng, nhưng xuất phát từ một tinh thần thực tiễn, chống lại tất cả những cái gì không trực tiếp có ích đối với đời sống nhân dân. Với thuyết phi Nho Mặc tử phản đối Nho giáo ở chỗ lễ của Nho giáo quá phiền nhiễu, nhất là ở đầu óc thủ cựu và tinh thần phục cổ. Mặc tử còn đề xướng thuyết phi mệnh để phản đối tư tưởng định mệnh: “Hoạ phúc của người đời đều là kết quả của sự hành vi, không có số mệnh nào hết”. Giới thiệu và đề cao những quan điểm ấy của Mặc tử là một việc làm có ý nghĩa. Ngô Tất Tố đã từng ca tụng tinh thần sáng tạo của Hồ Quý Ly, khen Hồ Quý
  • 11. Ly “thật là một người có tư tưởng độc lập, không chịu nhắm mắt theo những thành kiến cổ nhân”. Ngô Tất Tố là một nhà Nho nhưng không mê tín. Ông đã từng viết một loạt bài đả kích các mê tín dị đoan, vạch mặt bọn lợi dụng tôn giáo. Trong bài Kiểu đất ở phố Hàng Trống (Đông Phương, số 380, 13-3-1931), Ngô Tất Tố châm biếm ngôi đền ở phố Hàng Trống lúc bấy giờ thường có người đến lễ bái tấp nập: “Trước kia mình tưởng vì đền này thần thiêng cho nên đông khách lễ bái, đến nay xét ra, mới biết sự đông khách đó không tại thần thiêng chỉ tại “được đất”. Bởi vì ở đó có phải chỉ có một mình cửa đền ấy mà thôi đâu, hai bên tả hữu còn có hai cái “săm” nữa, nghe nói cả hai đều được “đêm đêm hàn thực, ngày ngày nguyên tiêu” cả. Theo câu tục ngữ “tốt đất cò đậu” thì có lẽ phố Hàng Trống là chỗ đất tốt cho nên một đền, hai “săm” đều phát phúc như thế...” Chúng ta thấy Ngô Tất Tố là một nhà Nho tất nhiên không thể không chịu ảnh hưởng của Nho giáo, nhưng căn bản ông là người có tinh thần tiến bộ, có đầu óc khoa học. Ngô Tất Tố đã viết thiên phóng sự Dao cầu thuyền tán để đả kích bọn lang băm bịp bợm, vừa làm thuốc, vừa làm chủ nhà săm, vừa cho thuê đòn đám ma. Ông đã chủ trương dùng khoa học hiện đại để nghiên cứu đông y. Trong một bài báo, Ngô Tất Tố viết: “Thuốc Tàu tuy là môn thuốc rất hay nhưng mà những người soạn ra sách thuốc đều chưa biết khoa học là gì, họ đem thuyết “âm dương ngũ hành” mà làm cho thuốc của Tàu và của Ta phải mờ ám giống như một môn huyền học. Bây giờ phải đem những thứ dược vật học, sinh lý giải phẫu học, bệnh lý giải phẫu học... mà bồi bổ cho khuyết điểm ấy... Giả sử chúng ta có một phòng thí nghiệm tính chất thuốc bắc và thuốc nam và một trường học dùng phương pháp khoa học nghiên cứu nghề thuốc Tàu thì may ra cái nạn giết người lấy của ở xã hội thầy lang mới trừ bớt được”. Về mặt tinh thần và thái độ khoa học trong phương pháp nghiên cứu, ta thấy Ngô Tất Tố là người có ý thức thận trọng, khách quan trong việc sử dụng
  • 12. các tài liệu, chống với phương pháp làm ẩu và sử dụng tài liệu theo định kiến chủ quan của mình. Phê bình quyển Nho giáo của Trần Trọng Kim, chủ yếu Ngô Tất Tố phê bình mặt phương pháp khoa học. Quan niệm của Ngô Tất Tố về vũ trụ, về nhân sinh có những mặt khá tiến bộ. Nhân đây chúng ta thử nhìn lại quyển Lão tử của Ngô Tất Tố cùng viết chung với Nguyễn Đức Tịnh. Các tác giả Lão tử đã phân tích và biểu dương quan niệm Đạo và Đức. Về đạo, tác giả viết: “Đạo theo Lão tử là một vật vô hình nhưng là một vật có thực. Nó là nguyên tố của vạn vật. Ta phải công nhận rằng ở một thời đại đương lúc hủ lậu mê muội như thời đại nhà Chu ở Tàu mà có một quan niệm vũ trụ hoàn toàn duy vật thực là một điều đáng phục”, về đức, tác giả viết: “Cái gốc sinh ra vạn vật là đạo nhưng làm cho vật nào thành ra vật ấy và có thể tồn tại ở vũ trụ thì không phải là đạo mà lại là đức… Theo danh từ mới, người ta có thể gọi đức là một sự cấu tạo và tồn tại của vũ trụ, vạn vật”. Sau khi biểu dương vũ trụ quan của Lão tử, tác giả phê phán quan niệm nhân sinh tiêu cực là quan niệm vô vi. Tác giả Lão tử cho đó là một quan niệm không thực tế, không can thiệp vào quá trình phát triển của tự nhiên, muốn chủ trương trở lại cuộc đời mê muội thời nguyên thuỷ. Tác giả Lão tử cho rằng người ta ở đời cần phải có một quan niệm nhân sinh quan tích cực, cần phải phấn đấu đẩy lịch sử tiến lên. Cuộc đời hơn ba mươi năm cầm bút của Ngô Tất Tố đã cho chúng ta thấy ông là một người có thái độ tích cực trong cuộc sống. Trong hàng loạt bài báo và tác phẩm, Ngô Tất Tố đã đứng về phía quần chúng, vạch trần và lên án xã hội thực dân phong kiến đầy ung nhọt và thối tha. Ngòi bút của Ngô Tất Tố là một ngòi bút có nhiều tính chiến đấu. Cố nhiên thế giới quan của Ngô Tất Tố còn có những mặt hạn chế. Ngô Tất Tố chưa phải là một nhà văn cách mạng. Nhưng nhìn lại cả cuộc đời và sự nghiệp của ông phải nói rằng Ngô Tất Tố là một nhà văn có một thế giới quan tiến bộ. Trong phương pháp sáng tác, Ngô Tất Tố đã đạt đến chủ nghĩa khách quan lịch sử, cơ sở triết học và phương pháp sáng tác hiện thực chủ nghĩa Phương pháp khách quan lịch sử, tức là phương pháp miêu tả thực tế một
  • 13. cách khách quan, tôn trọng hiện thực của đời sống xã hội, không bóp méo nó, khác với phương pháp của các nhà văn lãng mạn xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa duy tâm chủ quan. Đặc trưng của phương pháp lãng mạn là phản ánh các hiện tượng của cuộc sống một cách hết sức chủ quan, bóp méo, có khi xuyên tạc cả hiện thực cho phù hợp với ý muốn chủ quan của nhà văn. Chẳng hạn chúng ta thấy các nhà văn lãng mạn đã phản ánh cuộc sống ở nông thôn như thế nào? Đó là thế giới của những đêm trăng huyền ảo, những ngày hội tưng bừng, những cô thôn nữ ngây thơ xinh đẹp, tóm lại, một thế giới của thơ và mộng. Rõ ràng là trong tác phẩm của mình, Ngô Tất Tố đã miêu tả một nông thôn xa lạ với nông thôn trong các tác phẩm lãng mạn. Ngô Tất Tố đã nhìn thấy một sự thực khách quan ở nông thôn: đời sống lầm than cơ cực của quần chúng nông dân, sự áp bức, bóc lột của bọn địa chủ, cường hào, quan lại. Việc làng chỉ miêu tả cảnh khốn cùng của người nông dân dưới ách các hủ tục. Tắt đèn mới là một tác phẩm có giá trị trong đó nhà văn đã nhìn thấy sự phân chia xã hội thành giai cấp và tình trạng đối kháng giữa các giai cấp ấy. Nhân đây chúng tôi muốn dừng lại nói thêm về Tắt đèn, tác phẩm tiêu biểu của Ngô Tất Tố để hiểu rõ thêm đặc trưng phương pháp sáng tác của ông. Chúng ta biết rằng lúc ra đời, Tắt đèn được dư luận trên các báo chí nhiệt liệt hoan nghênh. Trên báo Thời sự số ra ngày 31 - 1 - 1939, Vũ Trọng Phụng viết: “Tắt đèn là một thiên tiểu thuyết có luận đề xã hội, hoàn toàn phụng sự dân quê, một áng văn có thể gọi là kiệt tác, tòng lai chưa từng thấy”. Điều đáng chú ý là các báo chí cách mạng hết sức hoan nghênh tác phẩm của Ngô Tất Tố, Phú Hương trên báo Đông phương số ra ngày 1-9- 1939 cho rằng “Ngô Tất Tố đã thành công một cách vẻ vang hết sức. Báo Mới ở Sài Gòn cho rằng Ngô Tất Tố đã sáng tác theo “một phương pháp rất mới, nhà văn đã nêu lên được “mâu thuẫn của xã hội” và “phương pháp ấy chỉ có nhà văn xã hội theo phương pháp duy vật biện chứng mới có mà có một cách đầy đủ”. Minh Tước viết trên báo Mới (15-6-1939): “nhà Nho đã vượt khỏi cả thế hệ của mình. Người môn đồ của Khổng Mạnh này đã thở hút cái không khí xã hội của K.Marx như tất cả những thiếu niên văn sĩ ở hàng tranh đấu để
  • 14. viết cho chúng ta quyển Tắt đèn!". Minh Tước viết thêm: “trong văn phẩm ấy ông Ngô Tất Tố đã dùng được đắc sách cái phương pháp khách quan để tả ra cho chúng ta biết rõ ràng những cảnh tượng nơi hương ẩm, là một chỗ mà người ta nhờ ông, nhận thấy rất nhiều sự mâu thuẫn và hủ nát”. Mấy ý kiến trên đây của các báo chí đương thời, nhất là báo chí cách mạng, đã giúp chúng ta soi sáng thêm về thế giới quan và phương pháp sáng tác của Ngô Tất Tố. Chính nhờ có thế giới quan tiến bộ và phương pháp khách quan lịch sử mà Ngô Tất Tố đã thành công và được các nhà báo cách mạng xem là một nhà văn ở trong hàng ngũ tranh đấu. Đó là một vinh dự lớn đối với nhà văn. Phương pháp của Ngô Tất Tố chẳng những đối lập với phương pháp lãng mạn và cũng hoàn toàn xa lạ đối vối phương pháp tự nhiên chủ nghĩa. Một ví dụ: Mở đầu Hà nội lầm than, Trọng Lang viết: “Tôi bước vào xã hội này với ngòi bút và lòng thương”. Nhưng thực ra đây chỉ là lòng thương hại của giai cấp tư sản. Suốt tập phóng sự, Trọng Lang biểu thị một thái độ khinh miệt coi rẻ những người cùng khổ trong xã hội, tác giả dừng lại ở hiện tượng và giải thích hiện tượng một cách sai lầm. Trọng Lang cũng như nhiều nhà văn tự nhiên chủ nghĩa khác, cho rằng người đàn bà sa vào cảnh bán thân nuôi miệng chỉ là vì ngu dốt, tham lam, lười biếng hoặc đĩ thoã. Họ không tìm nguyên nhân ở chế độ xã hội mà lại quy tội cho quần chúng. Họ cho đó là một định mệnh và những người phụ nữ là gái giang hồ thì khó có thể trở lại làm người lương thiện. Phương pháp khách quan lịch sử của các nhà văn hiện thực tôn trọng tính chân thực trong việc miêu tả thực tại xã hội, không dừng lại ở hiện tượng mà đi sâu nghiên cứu bản chất. Phương pháp khách quan lịch sử lại giúp nhà văn nghiên cứu hiện thực trong sự phát triển hợp với quy luật. Chị Dậu vốn là người phụ nữ nông dân cần cù chất phác và hiền lành. Ấy thế nhưng qua một quá trình chịu đựng những áp bất công và tàn bạo, đến lúc chị đã vụt đứng dậy quật lại bọn đầu trâu mặt ngựa. Xem đến đoạn chị đánh ngã bọn kẻ cướp, độc giả không ngạc nhiên vì đó là một sự phát triển hợp với lôgíc.
  • 15. Ngô Tất Tố chưa miêu tả những người đã giác ngộ mà chỉ mới miêu tả quá trình phát triển từ chỗ bị áp bức đến chỗ hành động tự phát, nhưng ông hé thấy được tính quy luật trong sự phát triển của hiện thực. Trong Vỡ đê, Vũ Trọng Phụng miêu tả những người nông dân đã có ý thức hoặc nhiều. Nhưng tác giả Vỡ đê đã miêu tả những người này như thế nào? Một phát súng chỉ thiên cũng đủ để cho họ chạy tan tác như “một bầy nhặng xanh!”. Vũ Trọng Phụng muốn đưa những quần chúng đã giác ngộ vào tác phẩm của mình nhưng thực sự ông ta chẳng hiểu chút gì về họ. Vũ Trọng Phụng đã nhìn họ bằng con mắt của giai cấp tư sản. Khác với các nhà văn tự nhiên chủ nghĩa và các nhà văn lãng mạn tư sản, Ngô Tất Tố đã thấy được bản chất tốt đẹp của người nông dân lao động. Cùng khổ như chị Dậu - phải đứt ruột bán con lấy một đồng bạc nộp sưu cho chồng - nhưng khi bị tên tri phủ toan làm nhục chị cũng quyết chống lại mặc dầu hắn đưa cho chị hơn chục bạc. Chị đã vứt ngay mấy tờ giấy bạc xuống đất, trước con mắt kinh ngạc của tên tri phủ. Lẽ cố nhiên tên tri phủ không thể nào hiểu nổi hành động của người đàn bà nghèo khổ mà nó khinh rẻ. Chúng ta có thể mở một dấu ngoặc để nói rằng giá thử chị Dậu không may đầu thai vào tác phẩm của Trọng Lang hay Vũ Trọng Phụng thì rất có thể một bước đã biến thành nhà thổ. Ngô Tất Tố đã miêu tả người lao động nghèo khổ với một ngòi bút đầy tình thương yêu, trân trọng. Nhiều nhà văn hiện thực kể cả nhà văn hiện thực phương Tây tuy ngòi bút phê phán xã hội rất sắc xảo, mãnh liệt nhưng giữa họ và nhân dân vẫn có một khoảng cách khá xa. Xtăngđan chẳng đã có lần thú nhận rằng: “Tôi yêu nhân dân, căm ghét bọn áp bức nhưng phải chung sống với nhân dân thì thật là một điều đau khổ muôn đời đối với tôi”. Một đặc điểm mỹ học của chủ nghĩa lãng mạn là tìm đề tài trong những cái phi thường, những cái đặc biệt, hiếm có. Victo Huygô đã nói trong Bài tựa Crômoen rằng: “Cái thông thường là cõi chết của nghệ thuật”. Nhìn lại các tác phẩm lãng mạn phương Tây chúng ta thấy rõ điều này. Vở kịch Ecnani, cuộc đời của Jăng Vanjăng trong Những người khốn khổ của Victo Huygô chẳng
  • 16. phải là những chuyện phi thường hiếm có hay sao? Ngay ở Việt Nam cũng vậy. Các nhà văn lãng mạn thường đi tìm cái đẹp, cái hấp dẫn trong những cái kỳ lạ, khác thường. Điều đó hoàn toàn không giống với phương pháp của các nhà văn hiện thực. Chuyện vợ chồng chị Dậu long đong cực khổ vì sưu thuế, phải bán con, bán chó, phải đi ở vú... là những chuyện như cơm bữa ở nông thôn ta thời trước, nghĩa là những chuyện rất thông thường. Nhân vật chị Dậu trong Tắt đèn là một con người bình thường như trăm nghìn người phụ nữ nông thôn Việt Nam. Nhưng chị Dậu là một hình tượng rất đẹp, không phải đẹp theo kiểu lãng mạn nghĩa là với những kích thước phi thường mà đẹp một cách hết sức chân thực. Miêu tả cái đẹp trong cái chân thực, cái lớn trong cái bình thường là một đặc điểm mỹ học trong phương pháp sáng tác của Ngô Tất Tố. Nhưng đặc điểm của phương pháp Ngô Tất Tố không phải chỉ có như vậy. Từ những con người bình thường và chân thực, Ngô Tất Tố đã khái quát lên thành nhân vật điển hình, cố nhiên trong phụ nữ nông dân lao động lúc bấy giờ có nhiều loại khác nhau, đứng về mặt trình độ giác ngộ. Chúng tôi thấy rõ ràng chị Dậu của Ngô Tất Tố chưa phải là loại điển hình tiên tiến nhưng tôi nghĩ rằng chính đó là một đặc trưng và cũng là một hạn chế lịch sử của chủ nghĩa hiện thực phê phán. Nhiệm vụ xây dựng những nhà văn điển hình tiên tiến chỉ có thể thực hiện được đầy đủ với chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa sau này. Chị Dậu là điển hình của một loại phụ nữ nhất định, một loại phụ nữ không phải là ít lắm trong nông thôn Việt Nam trước cách mạng. Mặc dầu nhân vật điển hình trong Tắt đèn chưa phải là một điển hình tiên tiến, mặc dầu cái kết cục của Tắt đèn chưa hé ra một cái gì sáng sủa - “Trời tối đen như mực và như cái tiền đồ của chị” - nhưng người đọc vẫn không vì thế mà bi quan, hoài nghi. Tại sao vậy? Tôi nghĩ rằng cái thứ nhất là vì chúng ta thấy được các nguyên nhân xã hội của tình trạng khổ cực của quần chúng. Cái khổ cực ấy hoàn toàn không phải là định mệnh. Đó là điều Tắt đèn không giống với các tác phẩm tự nhiên chủ nghĩa. Trong Làm đĩ, dưới ngòi bút của Vũ Trọng Phụng, sự sa đoạ của Huyền không bắt nguồn từ
  • 17. một nguyên nhân xã hội nào cả. Huyền sinh ra là một cô gái dâm đãng và chính nguyên nhân sinh lý ấy đã từng bước dẫn dắt Huyền vào con đường truỵ lạc. Chính cái nguyên nhân sinh lý ấy đã tác động đến số phận của Huyền như một thế lực mù quáng có tính chất định mệnh, nghĩa là sức con người ta không thể cưỡng lại được. Cái thứ hai là như trên đã nói, trong Tắt đèn, chúng ta thấy được bản chất tốt đẹp của những người cùng khổ, nhất là tinh thần không chịu khuất phục của họ. Điều này cũng khác với các tác phẩm tự nhiên chủ nghĩa. Trong các tác phẩm tự nhiên chủ nghĩa, cái làm cho chúng ta ngạc nhiên là tinh thần yên phận, chịu nhẫn nhục của những con người bị xã hội chà đạp. Trong Hà Nội lầm than chúng ta đã được nghe nhiều mẩu tâm sự của các cô gái làm nghề mãi dâm: nhà thổ có, cô đầu có, gái nhảy có. Tâm lý của họ phần nhiều là chịu yên phận, chịu nhẫn nhục đến cùng để sống mặc dù những cái cực nhục của họ không thể nào nói hết được. Có khi họ lại thấy thích thú là đằng khác. Một gái nhà thổ kể lại cuộc đời của mình đã từng ngủ với hàng nghìn người một cách thản nhiên, pha chút vui vẻ, hóm hỉnh, và lại khoe làm nhà thổ sướng hơn cô đào. Họ không bao giờ nghĩ rằng cuộc đời của họ có thể đổi khác, họ yên chí rằng: “Cô đào thì chỉ lấy kép”, ở những người kéo lê kiếp sống cực nhọc ấy, chúng ta không hề thấy có một dấu hiệu phản kháng nào. Chính cái tư tưởng định mệnh và cái tinh thần nhẫn nhục, yên phận ấy đã làm cho các tác phẩm tự nhiên chủ nghĩa thường toát lên một tinh thần bi quan. Chúng ta thấy rằng Tắt đèn của Ngô Tất Tố không giống như vậy. Ngô Tất Tố chưa đưa chúng ta đến một khẳng định tích cực nhưng Ngô Tất Tố đã làm cho chúng ta phải suy nghĩ. Suy nghĩ về một tình trạng xã hội bất công, bỉ ổi như vậy có thể tồn tại lâu dài được không? Những người như chị Dậu phải chăng là những người có thể yên chịu một bề suốt đời? Là một tác phẩm hiện thực phê phán, Tắt đèn chưa giải đáp thẳng cho chúng ta những câu hỏi ấy nhưng mặc nhiên câu trả lời đã toát ra từ toàn bộ tác phẩm. 2. Lập trường dân tộc của Ngô Tất Tố và vị trí của nhà văn trong cuộc đấu tranh xã hội.
  • 18. Ngô Tất Tố là một nhà văn nghèo, có nhân cách trong sạch, đồng thời cũng là một nhà văn có tinh thần dân tộc. Đời ông đã từng chứng kiến nhiều cuộc vận động cách mạng, kể cả các cuộc vận động cách mạng của sĩ phu phong kiến, của các giai cấp tư sản, tiểu tư sản và giai cấp vô sản. Ngô Tất Tố chưa phải là một người cách mạng nhưng có nhiều tình cảm đối với cách mạng. Trước hết thái độ ấy biểu thị khá rõ rệt trong tiểu thuyết lịch sử của Ngô Tất Tố. Đặc điểm của tiểu thuyết lịch sử của Ngô Tất Tố là tác giả tôn trọng sự thật, không lấy lịch sử làm cái cớ để xây xây dựng cốt truyện ít nhiều có tính chất lãng mạn. Gia đình Tống trấn tả quân Lê Văn Duyệt hay Lịch sử Đề Thám hay Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ cũng đều như vậy. Chúng ta thử dừng lại ở tác phẩm Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ. Trong tác phẩm này Ngô Tất Tố dựng lại cuộc kháng chiến anh dũng của quan lại và sĩ phu yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược như Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng, Lê Trực, Đinh Công Tráng, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Thiện Thuật, Đinh Nho Hạnh v.v... Cuốn truyện mở đầu từ khi vua Hàm Nghi lên ngôi và kết thúc lúc Hàm Nghi bị bắt đi đày. Rõ ràng chủ đề của tác phẩm là biểu dương tinh thần yêu nước chống xâm lăng của sĩ phu và nhân dân Việt Nam. Ngô Tất Tố vạch trần chân tướng của bọn thực dân Pháp. Trước hành động trắng trợn, thô bạo của bọn thực dân dùng vũ lực bắt triều đình Huế phải xin phép chúng lúc cử người lên làm vua, mọi người đều căm tức. Tôn Thất Thuyết nói: “Sự thế đến vậy, không đánh thì nhục cả nước. Thà đánh mà chết còn hơn sống mà để nhục cho nước nhà”. Trong Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ, Ngô Tất Tố dựng lên hai tuyến nhân vật: những người có tinh thần yêu nước, sẵn sàng hy sinh cả tính mệnh để đánh giặc cứu nước và những kẻ vì quyền lợi cá nhân ích kỷ, cam tâm làm trâu ngựa cho giặc. Trong tác phẩm, số sĩ phu đứng lên phất cờ chống Pháp không phải ít. Trong Nam ngoài Bắc, đâu cũng có những tay hào kiệt dân quân khởi nghĩa, lập căn cứ địa chống lại bọn xâm lược. Lê Trực lập được một chiến khu rất chắc chắn, thế lực ngày càng mạnh làm cho quân Pháp phải lo sợ. Mấy lần chúng tấn công đều thất bại. Chúng liền lấy lời ngon ngọt,
  • 19. đưa danh lợi ra để mua chuộc. Lê Trực đã trả lời chúng một cách vắn tắt nhưng cương quyết, biểu lộ một ý chí bất khuất: “Tôi vì vua và vì nước nhà mà ra cầm quân, dù sống dù chết cũng dốc lòng làm hết phận sự, không dám tham cái sống mà quên việc nghĩa”. Sau đó ông lại dồn dập tấn công quân đội Pháp. Ngô Tất Tố thuật lại chuyện một người nghĩa quân bị địch bắt làm tù binh. Trước những tra tấn và dụ dỗ, người tù binh nhất định không chịu khai, chỉ trả lời với một giọng bình thản: “Các anh đừng hỏi mất công. Không đời nào chúng tôi lại đem chuyện bí mật quan hệ của nước tôi mà tố cáo với các anh. Các anh bắt được chúng tôi, cứ việc đem ra mà chém”. Thật là lời nói của một người anh hùng. Sau đó bọn thực dân Pháp đưa một loạt tù binh ra để hành hình. Có viên lãnh binh lúc bị bắt đã cắn lưỡi tự tử, không để cho giặc làm nhục. Có hai tù binh bị chúng bắt dẫn đường đi tìm nghĩa quân. Họ đùa chúng đi suốt một ngày trong rừng, trèo đèo lội suối, cuối cùng dẫn chúng đến một cơ sở nghĩa quân rất mạnh. Chúng bị đánh bại. Chúng bắt hai người đi tiền quân làm bia đỡ đạn nhưng họ nhảy xuống sông tự tử. Trong tác phẩm của mình, Ngô Tất Tố đã nêu cao những tấm gương anh hùng ấy bên cạnh những cái xấu xa, bỉ ổi của các nhân vật phản diện. Tiêu biểu cho bọn đầu hàng giặc và làm tay sai cho giặc là Nguyễn Văn Tường, Hoàng Kế Viêm, Đồng Khánh, Nguyễn Trọng Duật v.v... Dưới ngòi bút của Ngô Tất Tố, bọn bán nước cầu vinh này hiện ra với tất cả những cái đê tiện đáng nguyền rủa. Ngoài ra nhà văn cũng thẳng tay tố cáo chân tướng của bọn cha cố, một công cụ đắc lực cho việc thực hiện chính sách xâm lược của đế quốc. Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ rõ ràng là một tác phẩm cho phép chúng ta khẳng định tinh thần dân tộc của Ngô Tất Tố. Trong Gia đình tống trấn tả quân Lê Văn Duyệt, một nhân vật nông dân chửi thẳng vào mặt Chúa Nguyễn: “Ủa, đức chúa đã rước quân Xiêm qua đây để chúng nó giết hại làng tôi, bắt vợ tôi. Lúc này người còn hòng vào nhà tôi để mà đòi ăn sao? Tiếc rằng tôi có một mình, không thể bắt luôn đức chúa đem nộp cho Tây Sơn. Cơm đâu mà thết những người làm hại tôi một cách đau đớn!”
  • 20. Chúng ta biết rằng trong một số bài báo, Ngô Tất Tố đả kích cả bọn thực dân cai trị đầu sỏ lúc bấy giờ như thống sứ Bắc Kỳ Tôlăngxơ, tên thống đốc Nam Kỳ Pagiê. Trong Tắt đèn có chỗ Ngô Tất Tố đã nói đến sự cấu kết giữa đế quốc với phong kiến. Trong vụ thuế khi quần chúng kêu những điều bất công tàn bạo, tên lý trưởng mắng: “Mày đi mà hỏi ông Tây, tao không biết!”. Ngô Tất Tố thường có những biểu hiện chứng tỏ nhà văn rất có cảm tình với cách mạng. Sau khi Nguyễn Thái Học, lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân đảng bị Pháp bắn và xử án tử hình, Ngô Tất Tố vừa có một đứa con ra đời, ông đã đặt tên cho con là Ngô Kế Học. Hay như khi trên báo Thanh Nghệ Tĩnh, có một ông nghè nào đó lên tiếng chửi cộng sản, Ngô Tất Tố đã viết một bài đả kích lại bằng cách chế nhạo cái dốt chữ của ông nghè nọ. Cố nhiên không dám công khai bênh vực cộng sản nhưng ông đã làm cho lão Nghè một phen muối mặt. Sau khi nói đến cái dốt chữ của ông Nghè, Ngô Tất Tố đưa ra một câu chuyện rất ví von. Đó là sự tích một ông đồ dốt chữ đi theo một tên quan làm biên bản tịch thu gia sản. Vật dụng nào trong nhà ông đồ cũng ghi được lên giấy, chỉ khi đến chiếc váy nâu của bà chủ nhà thì ông đồ chịu, không biết ghi như thế nào. Nghĩ quanh nghĩ quẩn mãi, ông ta bèn sáng ý ra rằng cái váy nâu thì có nơi gọi là xống nâu mà xống nâu thì ở miền Trung đọc là sống lâu cho nên bèn ghi vào giấy là thọ nhất bức. Tên tri huyện xem biên bản, chịu không hiểu nó là cái gì! Do tinh thần và thái độ của Ngô Tất Tố, tinh thần yêu nước và thái độ có cảm tình với cách mạng, chống đối lại bọn thực dân Pháp mà chúng thường theo dõi để dụ dỗ, mua chuộc hoặc trả thù ông. Năm 1935 tên chánh mật thám Hà Nội gọi Ngô Tất Tố lên để mua chuộc nhưng không được, hắn bèn bắt ông dọn hiệu thuốc ở Sinh Từ về quê. Có lúc chúng cấm nhà văn không được viết cho Hải Phòng tuần báo và trục xuất ông khỏi ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định. Cuối năm 1939, chúng ra lệnh cấm Tắt đèn, tác giả bị khám nhà và bị giam ở Hà Nội mấy tháng. Chúng sai Phạm Lê Bổng
  • 21. đến xin tha cho Ngô Tất Tố nhưng bắt hắn giao hẹn với ông là phải viết cho báo Nam cường. Ngô Tất Tố cương quyết từ chối. Chúng ta thấy rằng về tư tưởng chính trị, lúc bấy giờ Ngô Tất Tố còn có những hạn chế nhất định nhưng trước sau ông vẫn giữ một thái độ rất bất hợp tác với thực dân Pháp. Trong cuộc đấu tranh xã hội, chỗ đứng của Ngô Tất Tố cũng rõ rệt. Ông đứng về phía nhân dân bị áp bức, chủ yếu là đứng về phía nông dân đối lập với giai cấp địa chủ phong kiến quan lại. Hầu hết các yêu sách trong chương trình tối thiểu của Mặt trận Dân chủ đều được Ngô Tất Tố đề cập đến trong nhiều bài báo của ông. Phù hợp với yêu sách nghiêm trị nạn hối lộ: trong chương trình tối thiểu của mặt trận, Ngô Tất Tố kịch liệt lên án tệ quan lại tham nhũng. Năm 1937, ông viết trên báo Tương lai: “Quan lại tham nhũng chẳng những là kẻ bóp dân như là bà cô bóp con cháu à? Thủ đoạn của họ cực kỳ màu nhiệm, họ đã bóp người nào thì người ấy không thể không lè lưỡi ra, lè lưỡi cho đến khi nào có đồ cúng họ... Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề vẫn là những thứ kẻ quê rất sợ, song chưa nguy hiểm cho dân bằng họ”. Ngô Tất Tố đã nói thẳng vào mặt Phạm Quỳnh: “Ông chủ bút Nam Phong chỉ đánh nhảy vọt một cái lên luôn được ghế thượng thư Bộ Giáo dục, làng quan ai nấy đều phải ngạc nhiên. Người ta tưởng tượng như đứng trước một trò rất phi thường trong rạp xiếc” (Tương lai, 1937). Ngô Tất Tố công khai nói rằng Hội Khai trí tiến đức là một cái hoạ cho quốc dân, hội ấy đã hóa ra hội gá bạc, hội quán đã thành ổ chứa tổ tôm. Năm 1936, Ngô Tất Tố lên tiếng đòi giả tán Viện dân biểu, cho rằng các ông có hai nhiệm vụ: trả lời những câu hỏi của chính phủ bằng những câu mà chính phủ định nói, trình bày nguyện vọng của dân bằng những câu mà chính phủ muốn nghe. Vì vậy, theo lời nhà văn, Viện dân biểu thật là một món xa xỉ phẩm. Trong bài Cái khí giới của bọn phú hào dùng để bóc lột dân nghèo hay là nạn vay lãi ở thôn quê, Ngô Tất Tố đã miêu tả cảnh bóc lột tàn nhẫn của lối cho vay lãi cắt cổ. Nhà văn viết: “Làm thân kẻ vô sản ở nông thôn, họ đã chịu đủ các thứ bóc lột. Một việc đi vay, ăn một miếng đã phải trả
  • 22. đến mười miếng, cặm cụi suốt năm đến tối, thằng còng làm chưa chắc đủ cho thằng ngay ăn. Vậy mà còn phải nộp sưu nộp thuế, còn phải đóng góp với dân làng! Phỏng họ còn gì để nuôi con, nuôi vợ?”. Những dẫn chứng như trên còn rất nhiều, nhưng không thể nêu hết ở đây được. Chúng ta biết rằng bọn quan lại thù ghét báo Tương lai như thế nào. Ngô Tất Tố đã trả lời chúng: “Từ ngày Tương lai ra đời, tội ác của họ (tức bọn quan lại) luôn luôn bị công kích dưới ngòi bút nghiêm nghị. Bây giờ họ thấy Tương lai, tức thì hai mắt đổ dồn một, run sợ như tà ma ngó thấy bùa trừ của Thái thượng lão quân — Mà thực sự Tương lai chính là đạo bùa trừ họ... Hỡi những ông quan lại có máu phàm ăn đã làm những thủ đoạn đê hèn lén lút! Chúng tôi không ghét gì các ông, rất mong các ông cải tà quy chính. Có muốn cho mình khỏi bị Tương lai khui trừ, tốt hơn hết là các ông hãy rửa cho sạch lòng ruột, từ nay đừng bóp nặn dân đen như ngày trước nữa? Chính nhờ hiểu biết sâu sắc đời sống cực khổ của nông dân, những thủ đoạn tàn bạo của bọn địa chủ quan lại và có một lập trường đúng đắn mà Ngô Tất Tố đã tổng hợp được để viết nên một tác phẩm như Tắt đèn. Đọc Tắt đèn cũng như Việc làng, chúng ta thấy rõ vị trí của người cầm bút trong cuộc đấu tranh xã hội. Nhân đây cũng nói thêm là Ngô Tất Tố đã từng đả kích những sách báo lãng mạn, khiêu dâm, đưa thanh niên vào con đường truỵ lạc. Ông nói thẳng rằng: “Mấy ông trường giả ở hai cơ quan ngôn luận (Tự lực văn đoàn và Ngày nay) chỉ sốt sắng dùng môn giáo dục đánh phấn, xoa nước hoa, chọn màu quần áo để nhử bạn đọc phụ nữ”. Có lần Ngô Tất Tố cũng đả kích bọn Nguyễn Trường Tam khi bọn này câu kết với Phạm Huy Lục để phá phong trào Đông Dương đại hội. Chúng tôi đã trình bày khá dài về lập trường dân tộc và chỗ đứng của Ngô Tất Tố trong cuộc đấu tranh giai cấp của xã hội. Cũng cần nhắc lại rằng cả hai mặt này, Ngô Tất Tố còn có những hạn chế. Có tinh thần yêu nước, yêu những người làm cách mạng, ghét những kẻ bán rẻ quyền lợi dân tộc nhưng Ngô Tất Tố chưa phải là một người cách mạng. Đứng về phía nông
  • 23. dân và những người nghèo khổ để tố cáo và lên án bọn thống trị, bọn phong kiến quan lại nhưng chưa thấy được vấn đề cốt tử của nông dân. Đó cũng là những hạn chế có tính chất tất yếu đối với những người trí thức trong xã hội cũ, chưa được vũ trang bằng lý luận Mác-Lênin. 3. Nghệ thuật của Ngô Tất Tố và địa vị của ông trong văn học hiện đại. Đương thời có nhiều người phục Ngô Tất Tố là một nhà Nho mà giọng văn rất mới, sắc xảo. Cũng như ngày nay lại có người cho rằng tư tưởng của tác phẩm Ngô Tất Tố thì tiến bộ nhưng nghệ thuật viết văn của ông còn yếu. Tôi thấy có lẽ vấn đề là ở chủ quan người đọc. Có anh bạn tâm sự với tôi là ngày xưa anh từng mê đọc Ngày nay và tiểu thuyết Tự lực văn đoàn mà ít thích đọc các truyện hiện đại. Anh đã từng đọc Tắt đèn nhưng không thấy thú. Ngày nay trái lại anh thú thực rằng anh đã thử tìm đọc lại tiểu thuyết của Nhất Linh, Khái Hưng nhưng sao thấy nhạt nhẽo, nghèo nàn, không hứng thú như ngày trước. Trong lúc đó thì đọc Tắt đèn có nhiều đoạn anh rất xúc động. Cho nên vấn đề thưởng thức cái hay, cái đẹp của một tác phẩm văn học nghệ thuật cũng còn tuỳ thuộc ở thế giới quan, ở trình độ tư tưởng và tình cảm của mỗi người. Anh bạn tôi đọc Tắt đèn thấy xúc động chính vì tư tưởng và tình cảm anh đã thay đổi. Nhưng điều tôi muốn nói ở đầy là sở dĩ Ngô Tất Tố có những thành tựu về nghệ thuật trong Tắt đèn, chính là nhờ nhà văn có sự cảm thông sâu sắc với những người nghèo khổ, có nhiệt tình tố cáo xã hội, có cái nhìn và chỗ đứng đúng. Chúng ta biết rằng làng văn, làng báo đương thời đã phải chịu Ngô Tất Tố là một tay bút chiến cự phách. Nhiều người phải sợ Ngô Tất Tố. Trước hết vì tính ông rất cương trực, có gì nói nấy, không sợ ai và cũng không vị nể ai. Ông có tài viết văn bút chiến. Khi mỉa mai nhẹ nhàng, khi châm biếm một cách sâu cay, khi thì đả kích thẳng cánh. Ví dụ như lúc Trần Bá Vinh đề nghị ở Hội đồng kinh tế Đông Dương tăng giá tem từ 4 xu lên 6 xu, Ngô Tất Tố viết ngay một bài báo ngắn đề nghị chính phủ từ nay nên ghi tạc công ơn Trần Bá Vinh bằng cách thay con dấu hình tam giác có hình chữ T ở giữa (Taxơ là
  • 24. thuế) bằng con dấu hình tam giác có chữ T.B.V ở giữa. Hoặc như trong bài Không phải đánh bốc, đánh bài Tây đấy ông chửi cả đôi Quỳnh — Vĩnh rất sâu cay, rất đau. Nhưng xét cho cùng cái chính làm cho một số người sợ Ngô Tất Tố là tiếng nói của ông là tiếng của chính nghĩa, chứ trong làng báo ngày xưa phải nói rằng cái lối chửi đổng, chửi bừa theo kiểu hàng tôm hàng cá không phải ít. Trần Bá Vinh về mặt này không kém cạnh ai. Hắn lại có trong tay một tờ báo riêng. Ấy thế nhưng trước mũi nhọn đả kích của Ngô Tất Tố, hắn phải nín lặng. Chẳng những hắn sợ cái tài đả kích của Ngô Tất Tố, cái tính cương trực của ông mà điều hắn sợ nhiều nhất ở đây là ý kiến của Ngô Tất Tố phản đối việc tăng giá tem là phù hợp với quyền lợi chính đáng của nhân dân. Đề nghị của hắn ở Hội đồng kinh tế Đông Dương là một việc làm nhằm bợ đỡ bọn thống trị để tâng công. Có thể nói rằng vốn sống, lập trường và nhiệt tình là cái “tam pháp bảo” quyết định thành công của Ngô Tất Tố. Ngày xưa cùng thời với Ngô Tất Tố hoặc trước đó có nhiều người viết về nông thôn. Những chuyện nông bán con cho địa chủ để lấy tiền nộp thuế, địa chủ cưỡng hiếp vợ con nông dân... không phải là những chuyện mới lạ trong văn học. Nhưng đến Ngô Tất Tố thì mới xây dựng được một tác phẩm có giá trị. Là một nhà văn có tài năng, lại nhờ có vốn sống, có lập trường, có nhiệt tình mà ngòi bút của Ngô Tất Tố đã có những thành tựu về nghệ thuật. Trong Tắt đèn đúng là có nhiều cảnh nhiều đoạn làm cho người đọc xúc động sâu sắc: cảnh anh Dậu ôm thập tử nhất sinh mà còn bị đánh đập tàn nhẫn; cảnh chị Dậu đến bán con cho nhà Nghị Quế; cảnh chị bị giam ở huyện và tên quan đểu cáng toan giở trò làm nhục chị (cái đẹp của chị Dậu và cái hèn hạ, đồi bại của tên quan, một mặt bắt vợ đi hiến thân cho quan trên cầu danh lợi, mặt khác lại lợi dụng việc công để giở trò hãm hiếp người nghèo). Phải nói rằng viết về nông thôn, nghệ thuật của Ngô Tất Tố- đạt đến trình độ già dặn. Chẳng hạn cùng một chủ đề, đề tài mà đọc Mua danh của Nam Cao với Góc chiếu giữa đình của Ngô Tất Tố, chúng ta thấy ngòi bút của
  • 25. Ngô Tất Tố quả là sắc xảo, già dặn. Cố nhiên nói như vậy là để hiểu thêm về Ngô Tất Tố chứ mỗi nhà văn có những đặc trưng khác nhau. Chúng ta đã từng nói đến những đóng góp của trào lưu văn học hiện thực phê phán. Trong trào lưu ấy trước hết phải nói đến những cống hiến của Ngô Tất Tố. Ngày xưa Tắt đèn bị cấm nhưng ngày nay Tắt đèn đã tái bản nhiều lần và còn tái bản nữa. Tắt đèn được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài. Tắt đèn và Ngô Tất Tố là đầu đề của nhiều công trình nghiên cứu lớn, nhỏ. Phải khẳng định rằng trong văn học dân tộc ta, Ngô Tất Tố có một vị trí xứng đáng. Đó là lá cờ đầu tiên của nền văn học hiện thực phê phán Việt Nam. (Trích sách Mấy vấn đề hiện thực phê phán. NXB Khoa học xã hội, H, 1968) NGÔ TẤT TỐ VŨ NGỌC PHAN Nói đến nhà Nho viết quốc văn, chúng ta thường hay nói đến Phan Kê Bính, Trần Văn Ngoạn, Nguyễn Đôn Phục, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đỗ Mục... Những bài, những sách của các ông này hoàn toàn là dịch thuật hoặc biên soạn theo những tác phẩm chữ Hán. Còn nhà nho như Nguyễn Bá Học, Nguyễn Trọng Thuật, viết tiểu thuyết và viết truyện cổ dân gian (Truyện ông lý Chắm, quả dưa đỏ). Ngô Tất Tố là nhà nho đầu tiên đã không theo lối viết trên đây. Anh là người đã đi vào lĩnh vực sáng tác và phê phán văn học như các nhà văn lớp mới đương thời. Không những thế vào giai đoạn 1939 - 1945, trong phong trào lãng mạn đang thịnh hành, cùng với Nguyễn Công Hoan anh đã trở thành kiện tướng trong văn học hiện thực phê phán ở nước ta. Tôi quen biết Ngô Tất Tố từ năm 1932. Anh ở trong Nam ra Bắc được ba năm và đang cộng tác với nhiều nhà báo ở Hà Nội. Hồi đó đối với tôi, anh là bạn đồng nghiệp, còn tôi kính trọng anh như người anh cả, tôi đang độ thanh niên. Tôi thích nhất anh Tố ở những bài bút chiến. Thấy anh đã 40 tuổi mà còn hăng,
  • 26. tôi rất phục. Đối với cuộc đời, anh không còn nghi ngờ gì cả. Còn tôi, có nhiều cái tôi chưa nhìn thấy rõ, còn ngờ vực nhiều... * * * Ngô Tất Tố sinh năm 1892 ở làng Lộc Hà, phủ Từ Sơn tỉnh Bắc Ninh (thuộc Hà Bắc) trong một gia đình nhà nho nghèo. Ông nội anh đỗ tú tài sau khi đã lận đận bảy lần khoá thi hương; ông thân sinh qua sáu lần Lều chõng không đỗ, về sau ngồi dạy học trong làng. Tuy vậy, làng Lộc Hà cũng là một làng “khoa bảng”. Trong họ Ngô có hai người đỗ cử nhân: Ngô Học Liên và Ngô Văn Bình. Hồi nhỏ, Ngô Tất Tố học các trường hàng tổng thuộc huyện Lương Tài và phủ Thuận Thành. Lớn lên, anh học xuất sắc nhưng hai lần thi hương ở trường Nam, anh đều không thấy tên mình trên bảng, sở dĩ thời xưa ở Bắc Ninh người ta thường quen gọi anh là “đầu xứ Tố” vì năm anh 22 tuổi, trong một kỳ thi sát hạch ở tỉnh Bắc, anh đỗ đầu. Ngày xưa, học hết trường huyện rồi mới học trường tỉnh (tức trường đốc) rồi qua sát hạch, mới được vác Lều chõng đi thi hương tài. Từ năm 1918, thực dân Pháp bỏ thi hương, anh Ngô Tất Tố mới gác Lều chõng, ngồi dạy chữ quốc ngữ ở mấy nơi thuộc tỉnh Bắc, như Đông Trù, Gia Thượng, những nơi trước kia anh đã từng ngồi dạy chữ Hán để lấy lương ăn. Thời thanh niên của Ngô Tất Tố là thời khá lận đận do anh chưa tìm được hướng đi, chưa thoát khỏi nếp sống của nhà nho. Sau, vì túng thiếu quá, anh xoay ra học thuốc và làm thuốc. Biết thuốc, nên có lúc anh đã mở hiệu Thọ dân y quán ở phố Sinh Từ Hà Nội. Trên báo Công dân (năm 1935) anh viết bài báo về thuốc Nam và thuôc Bắc, muốn đem phương pháp Âu Tây áp dụng vào Đông y. Anh viết: “Giả sử chúng ta có một phòng khảo nghiệm tính chất thuốc Bắc và thuốc Nam và một trường học dùng phương pháp khoa học nghiên cứu nghề thuốc Tàu thì may ra cái nạn giết người lấy của ở xã hội thầy lang mới trừ bớt được”.
  • 27. Sự mong ước của anh trên 50 năm về sự kết hợp giữa Tây y và Đông y thì ngày nay, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, chúng ta mới thực hiện được. Anh chỉ làm thuốc trong một thời gian ngắn, vì làm thuốc chân chính thì hết vốn. Tuy vậy, nghề làm thuốc đã giúp anh nhìn rõ bọn lang băm đương thời và anh đã viết lên những bài phóng sự sắc bén, với nhan đề: Dao cầu thuyền tán, để đánh vào các thầy lang lúc ấy đang là những tay tư sản kếch xù làm nghề lang lậu lúc bấy giờ. Năm 1914 là năm anh rời tỉnh Bắc ra Hà Nội làm báo. Ở Hà Nội một thời ngắn, anh vào Nam cùng Nguyễn Khắc Hiếu, nhân ông Hiếu được Diệp Văn Kỳ ở Sài Gòn gửi biếu hai nghìn đồng và mời vào Nam. Họ Diệp chủ nhiệm báo Thần Chung, hào phóng, muốn đóng vai Mêxen (Mécène) và MạnhThường Quân lúc bấy giờ. Anh ở Sài Gòn gần ba năm. Thời gian này anh viết báo Thần Chung, anh viết nghị luận và dịch nhiều hơn là sáng tác. Năm 1928, anh dịch tiểu thuyết Ngô Việt xuân thu đăng ở An Nam tạp chí, xuất bản ở Sài Gòn, nhưng mới đăng dở dang thì ngừng. Đây là một truyện với những nhân vật Tây Thi, Phù Sai, Câu Tiễn, Phạm Lãi mà chúng ta đã thấy trong Đông Chu Liệt quốc. Năm 1929, anh dịch tập Hoàng Hoa Cương nói về 72 liệt sĩ Trung Quốc trong cách mạng Tân Hợi. Cũng năm này, anh đăng trên báo Thần chung ở Sài Gòn ba bài thơ sau đây ký tên là N.T.T: THÚ QUÊ Biển Nam, ải Bắc những đi về Dừng gót phen này viếng thú quê Nửa mẩu vườn hoang hoa vẫn nở Ba gian nhà trống nguyệt thường kề Ngâm tràn thiên địa thơ tung tác Chén lút càn khôn rượu bét be Non nước ví bằng trang hết nợ
  • 28. Đời này cảnh ấy có ai chê? BUỔI CHIỀU QUA SÔNG Bảng lảng trời sông ác xế tây Đò chiều chiều khác vội buông dây Vướng chèo, bầy cá quanh thuyền nhảy Bạt gió, con cò lướt sóng bay Thăm thẳm bóng mây đùn đáy nước Mù mù hơi khói lấp ngàn cây Đường xa, ngày tối, người thưa vắng Trước mạn trông trời, dạ biếng khuây NGHE GÀ GÁY CẢM HOÀI Tiếng gà xao xác giục bên đường Trên gối xui người dạ ngổn ngang Ngày tháng mài mòn đôi má trắng Nước non đeo nặng tấm gan vàng Cánh chim mỏi cánh bay về tổ Kiếp ngựa tù chân lại nhớ đàng Thôi cái cuộc đời còn thế thế Làm trai chi giữ gốc tre làng? Ba bài thơ trên đây là của Ngô Tất Tố được truyền tụng trong làng văn đương thời. Qua thơ anh, người ta thấy anh có nhiều suy nghĩ về thời thế và đất nước trước những hiện thực đau thương do bọn cướp nước và bè lũ tay sai gây nên.
  • 29. Cũng vào năm 1929, anh trở ra Hà Nội và cho đến 1941, anh viết nhiều báo chí, có tờ là văn học, có tờ là thông tin: Thực nghiệp, Đông phương, Phổ thông, Công dân, Thời vụ, Tương lai, Tao đàn, Hà Nội tân văn, Đông Pháp, v.v... Ngoài những bài về văn học và thời sự, anh còn viết: Lịch sử Đề Thám và Vua Hàm Nghi với việc kinh thành thất thủ. Lòng yêu nước của tác giả thể hiện rất rõ: Anh đề cao khí tiết của các lãnh tụ trong phong trào Cần vương như Phan Đình Phùng, Lê Trực, Đinh Công Tráng, Nguyễn Xuân Ôn và anh chế giễu thái độ tên tướng Pháp Đơ Cuôcxy (Courcy). Những bài anh viết có thể chia làm bốn loại: 1. Một loại văn học bình luận, gồm những bài báo về Nho, Lão: đính chính những sai lầm về văn học, triết học Trung Quốc, v.v... 2. Một loại bút chiến, gồm những bài đả kích những tệ tục, thói tham ô, dởm đời của bọn quan lại, cường hào tư sản. Cũng có những bài viết dưới dạng châm biếm, trào lộng, như những bài ở mục Nói mà chơi. 3. Một loại dịch thuật, như dịch một số tác phẩm văn học của nước nhà hay một số sách của Trung Quốc. 4. Một loại nữa là phóng sự và tiểu thuyết. Bất kỳ ở thể loại nào, cây bút của Ngô Tất Tố cũng sắc xảo nhiều khi quá sôi nổi, thiếu bình tĩnh. Dù sao, các bạn đồng thời với anh đều thừa nhận anh là một tay bút chiến đầy nhiệt tình luôn luôn đứng về phía nhân dân, đả kích không khoan nhượng giai cấp phong kiến và giai cấp tư sản. Vì ghét cay ghét đắng giai cấp phong kiến, nên Ngô Tất Tố đả kích học thuyết của Khổng Tử, một học thuyết phục vụ đắc lực giai cấp phong kiến thống trị, Khổng Tử cho là mỗi cá nhân đều có thiên mệnh. Quần chúng nhân dân phải chịu áp bức, bóc lột, phải chịu khổ cực là do số phận do trời đã định trước, tức thiên mệnh. Học thuyết của Khổng Tử ru ngủ nhân dân, nhằm thủ tiêu tính chiến đấu của nhân dân. Nhưng thực tế đã không diễn ra như vậy, Khổng Tử không có triết học tự nhiên như Lão Tử. Đối tượng của tri thức của Khổng Tử là thi, thư, lễ, nhạc chứ không phải là tự nhiên.
  • 30. Vào thời trước Cách mạng tháng Tám, trong khi đã dịch sách Khổng giáo, dịch Mặc Tử và Lão Tử, Ngô Tất Tố đã không có những tài liệu đầy đủ về triết học như chúng ta ngày nay để nghiên cứu, nhưng do nhận thức sâu sắc của anh, do anh biết đứng về phía nhân dân lao động, thiết tha ước mong cho quần chúng lao động có một đời sống ấm no, hạnh phúc nên anh đã dịch và giới thiệu Mặc tử và Lão tử. Như vậy, trong việc dịch tác phẩm triết học Trung Quốc, anh cũng đã theo một tư tưởng chủ đạo như khi anh sáng tác. Ngay những tác phẩm hiện đại của nước ngoài mà anh dịch cũng vậy. Hoàng Hoa Cương, Trời hửng, Suối thép do anh dịch, đều là những tác phẩm giáo dục nhân dân lòng yêu nước và đề cao tinh thần chiến đấu của quần chúng lao động. Vào những năm của thập kỷ 30, khi bắt đầu quen biết anh, tôi phải ngạc nhiên: “Sao con người lầm lỳ, ít nói, mà đến khi viết lại hăng như vậy?”. Anh ít nói như để dành lời đanh thép trút lên trang giấy. Tuy nét mặt anh cương nghị, nhưng anh thường nheo mắt cười một vẻ rất hiền. Khi vui anh em, anh chỉ uống vài chén rượu là mặt đã đỏ gay, trán nổi gân, bỏ khăn xếp, chẳng nói một lời, lăn ra ngủ. Hình như lúc nào anh cũng kìm lại mọi ý nghĩ và tình cảm, đúc kết lại trong trí não để đưa vào tác phẩm. Anh ăn mặc xuềnh xoàng, quanh năm chỉ cái áo the thâm, cái quần trúc bâu, đôi giầy hạ. Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, vốn có lòng yêu nước, anh càng thấy rõ hơn những nỗi khổ cực của nhân dân và vì sao mà anh mất nước. Cũng như một số nhà văn lúc bấv giờ, anh đã hiểu một phần nào thế nào là đấu tranh giai cấp. Anh sửa lại tập Tắt đèn bắt đầu viết từ 1936. Sách được in ra (1939), nhưng mấy tháng sau thì thực dân Pháp ra lệnh cấm lưu hành. Những bài của nhà văn khác giới thiệu hoặc phê bình quyển Tắt đèn cũng bị kiểm duyệt xoá bỏ. Trước tình hình ấy, anh Tô không ngừng bút. Anh bắt đầu viết Việc làng. Tôi nói với anh: “Tôi mới nhận việc ở Hà Nội tân văn, anh cứ viết dần đi và gửi cho ban biên tập”. Thế là tiểu thuyết Việc làng bắt đầu đăng ở Hà Nội
  • 31. tân văn (năm 1940) mỗi tuần một trang báo. Hồi đó, anh rất túng thiếu, nhưng không vì thế mà buồn nản. Lúc nào anh cũng nhìn về phía trước. Anh Ngô Tất Tố đả kích rất mạnh những thói hủ bại ở hương thôn, nhưng trong gia đình và ngoài xã hội, anh xử sự rất hoà nhã, theo đúng phong cách nhà nho. Cứ mỗi năm hai lần, anh đến ăn giỗ nhà ông Ngô Ngọc Liên mà anh gọi là chú ở Thái Hà, rồi anh lại sang chơi tôi ở gần đó. Tôi dám chắc anh đi dự Việc làng ở Lộc Hà cũng đều đặn như thế. Do phong thái mực thước ấy, anh được họ hàng làng mạc kính mến và anh mới có điều kiện quan sát tỉ mỉ, miêu tả được sinh động nông thôn và người nông dân trong hai tác phẩm Tắt đèn và Việc làng. Cũng do bản thân là nhà nho và gia đình anh mấy đời theo Nho học, nên anh đã viết Lều chõng một cách cặn kẽ, nhiều đoạn quá tỉ mỉ. Xây dựng Lều chõng, Ngô Tất Tố muốn cho người đọc thấy được cách học cổ hủ, giáo điều và lối thi cử lỗi thời dưới chế độ phong kiến suy tàn. Nhà nước phong kiến muốn kén chọn nhân tài, nhưng rút cục lại loại mất những người có tài. Người có lương tri và thông minh như Vân Hạc có một số nhận thức về học tập, về thi cử không giống các bạn của anh, nhưng rồi “công danh ai dứt lối nào cho qua” anh cũng vẫn Lều chõng đi thi. Còn người con gái lấy chồng thì không phải vì tình yêu, mà vì muốn được làm bà nghè, bà thám. Lều chõng đã miêu tả một bi kịch của những người trí thức và phụ nữ thời phong kiến, do sự vỡ mộng về công không thành danh không toại, anh đồ vẫn hoàn là anh đồ và chị đồ vẫn hoàn là chị đồ. Tính chất hiện thực phê phán của cuốn tiểu thuyết rất rõ. Nhược điểm của nó là tác giả đã quá đi sâu vào những quan hệ thầy trò, bè bạn, những lối giảng dạy và những lối giao du, hành lạc của nhà nho làm cho người đọc có thể lầm tưởng tác giả còn luyến tiếc, thích thú cái gì đó của đời sống nhà nho xưa. Việc làng là một tiểu thuyết phóng sự về những hủ tục mà bọn cường hào muốn duy trì ở nông thôn để đưa vào đó mà bóc lột nông dân đến xương tuỷ. Mỗi mẩu chuyện trong Việc làng là một tấn bi kịch. Tác giả luôn luôn lên án bọn “ăn trên ngồi trốc” tay sai của thực dân và phong kiến thống trị, bọn
  • 32. đầu trâu mặt ngựa, đã làm cho nhiều gia đình ở nông thôn bị khánh tận, nhiều nông dân phải tự tử, hoặc bỏ làng, chỉ vì phải đóng góp “Việc làng" quá nặng. Trong tiểu thuyết này, chúng ta thấy có những hiện tượng tiêu cực trong tư tưởng người nông dân và đây là một hiện thực ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Ở nước ta, vấn đề nông nghiệp là vấn đề quan trọng bậc nhất, Ngô Tất Tố là nhà văn hiện thực đã viết thành công về nông thôn trong Tắt đèn và Việc làng. Hai tác phẩm này là những tài liệu quý giá để chúng ta có cơ sở mà nhận định về người nông dân Việt Nam đã lột xác đến mức nào trong cảnh nông thôn đổi mới dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhìn một cách khái quát những sách sáng tác, phê bình, nghiên cứu và dịch thuật của Ngô Tất Tố trong 30 năm (1924-1954), chúng ta thấy những công trình ấy của anh là một khối thống nhất theo tư tưởng chủ đạo của một nhà văn luôn luôn đứng về phía nhân dân. Trích sách Những năm tháng ấy, Nxb Văn học, H. 1987 LỜI GIỚI THIỆU TUYỂN TẬP NGÔ TÂT TỐ TRƯƠNG CHÍNH Khi Ngô Tất Tố quvết định sống bằng ngòi bút, ông chỉ mới nghĩ rằng ít ra ông cũng có thể dùng vốn Hán học của mình mà dịch sách Tàu ra quốc văn, như Nguyễn Đỗ Mục, Đoàn Tư Thuật... rồi in thành sách, hoặc đăng đều kỳ trên các tạp chí, trên phụ trương văn chương các báo hàng ngày. Nhưng từ đầu thập kỷ 30, báo chí sách vở của ta có một sự đổi mới về nội dung cũng như về hình thức khá rõ nét. Người đọc đã chán các cuốn sách tiểu thuyết lãng mạn Trung Quốc của Từ Trẩm á, mà đòi hỏi những thiên truyện ngắn, truyện dài có ít nhiều tính chất hiện thực, những thiên phóng sự, điều tra, ghi điều mắt thấy tai nghe, chuyện bất công, vô lý, cảnh đau khổ lầm than trong xã hội... về nghị luận, họ cũng chán những bài cao đàm khoát luận đạo mạo,
  • 33. đại cà sa, trên Nam Phong, Trung Bắc tân văn... mà đòi hỏi những bài ngắn gọn, hoạt bát, châm biếm nhẹ nhàng. Điểu đáng để ý là các nhà văn, nhà báo lúc này đều trẻ, Tây hoá. Độc giả lúc này cũng toàn là sinh viên, học sinh, viên chức, tiểu thương ở các đô thị lớn. Đại đa số quần chúng nhân dân, vì chính sách ngu dân của đế quốc phong kiến, bị gạt ra ngoài hoạt động văn học nghệ thuật. Lại nữa, từ sau những năm 1930, 1931, chế độ kiểm duyệt hết sức gắt gao; nhà văn, nhà báo có ít nhiều tư tưởng tiến bộ không thể nói được trên sách báo công khai những điều mình muốn nói. Hơi một tí là cắt xén, xoá bỏ, đình bản, đóng cửa toà báo. Trong bốn năm, từ 1931- 1934, số báo bị đình bản là 161 tờ. Do nhân dân ta đấu tranh, đầu năm 1935, chính quyền thực dân bắt buộc phải bỏ lệnh kiểm duyệt ở Nam Kỳ, đầu năm 1937 ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ. Nhưng chỉ được hai năm đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ, thì đâu lại hoàn đấy. Ngô Tất Tố xuất thân nhà nho, nay muốn theo đuổi nghề cầm bút, tất nhiên phải thay đổi tư tưởng, thay đổi văn phong cho ngang tầm với thời đại. Điều đó, ông đã làm được. Về mặt tư tưởng, đúng là như thế. Đọc những bài bình luận thời sự Ngô Tất Tố viết suốt mười lăm năm (1930 đến 1945), có thể thấy ông luôn luôn hướng về phía trước, muốn cho kịp người. Nhưng không phải vì thế mà nói ông theo thời, ông thực lòng như vậy. Ông không hề đứng trên quan điểm lập trường nhà Nho mà đặt vấn đề và giải quyết vấn đề. Những người thế hệ ông, kể cả những người tiến bộ nhất, đều hô hào hoà hợp đạo Khổng Mạnh với văn minh Âu Tây, có công kích nho giáo cũng chỉ công kích một vài điểm trong Hán nho, Tông nho, chứ không động đến những nhân tố chủ yếu của đạo Khổng Mạnh. Ngô Tất Tố thì trái lại. Đề cập đến Khổng Mạnh, ông thường lấy giọng chế nhạo. Như nói: “Cụ Khổng, cụ Mạnh đều sính làm quan” và “tuỳ vào thời một cách dễ dãi” (Con cháu khôn hơn ông vải - Thời vụ, ngày 5-4-1938), hoặc nhắc đến chuyện tên quân phiệt Tưởng Giới Thạch, để duy trì thế lực hắn đã “hô hào chấn hưng đạo Khổng” (Chúa trùm áo nâu sẽ xuống
  • 34. địa ngục - Thời vụ ngày 3-5-1936). Cũng năm 1938, viết bài phê bình Nho giáo của Trần Trọng Kim, ngoài việc nhận xét tác giả dùng tư liệu không chính xác, đem tư tưởng người khác làm tư tưởng của Khổng Tử, “dịch sai nghĩa hoặc thêm ý mình vào văn Kinh truyện”, ông còn vạch cho mọi người thấy dụng tâm của Trần Trọng Kim là lý tưởng hoá đạo Khổng, cho rằng đạo ấy “rất thích hợp với chân lý, thật là đạo xử thế rất hay, rất phải, ai theo cũng được và thi hành ra đời nào cũng được”. Ông chưa trực kiện công kích triết lý Khổng Mạnh, nhưng ông công kích những người sùng bái các vị “thánh” đó để hưởng ứng chủ trương của thực dân đề xướng phong trào phục cổ, những người mắc vào tròng chính lại là những người ít tuổi hơn Ngô Tất Tố và là tây học hẳn hoi. Người thì sáng tác, người thì dịch thuật, người thì nghiên cứu, ai nấy đều thi vị hoá quá khứ, đề cao đạo đức phong kiến, tuyên truyền ý thức hệ duy tâm. Ngô Tất Tố bấy giờ có viết cuốn tiểu thuyết Lều chõng, nhưng từ đầu chí cuối, ông chỉ trích nền giáo dục phong kiến là nhồi sọ, văn chương trường ốc là sáo rỗng, cách kén chọn nhân tài theo khoa cử là vô nghĩa. Tác giả Lều chõng làm cho chúng ta nhớ đến nhà văn châm biếm xuất sắc Trung Quốc, Ngô Kính Tử, với Chuyện làng nho. Trong Lều chõng có nhiều chuyện khá khôi hài: một chuyện cụ già “sức yếu vác không nổi Lều chõng, trượt ngã, nằm chỏng gọng trên đường, lều gác chéo giữa cổ, chiếc chõng tre và cái tráp đè trên bụng”; chuyện người đỗ “nhảy lên như choi choi giữa phố mà hét: “Sỏ lợn về ai? Sỏ lợn về ai?”; người trượt “kêu gào chán thì giãy đành đạch ở mặt đường như người ngộ gió”. Cũng những năm này, Ngô Tất Tố nghiên cứu Lão tử, Mặc tử, dịch Kinh dịch với ý đồ làm ngược chủ trương của chính quyền thực dân. Lão tử là một công trình nghiên cứu có tinh thần phê phán khoa học, tiếp thu nhiều nhận định của các nhà nghiên cứu tiến bộ Trung Quốc trước giải phóng. Ông khai thác những nhân tố duy vật và quan điểm biện chứng trong học thuyết này, nói rằng “vũ trụ quan của Lão tử là một vũ trụ quan vô thần”, phê phán chủ nghĩa vô vi của Lão tử, “đem ra thi hành việc xử thế là một thuyết hoàn toàn tiêu cực, đem ra ứng dụng về chính trị tức là chính sách phóng nhiệm, tự do vô chính phủ”. Ông đề cao Mặc tử cũng là chống Nho giáo, chống phục cổ, chống thuyết hữu mệnh, chống chiến
  • 35. tranh xâm lược. Cuốn Kinh dịch ông dịch năm 1943, là để mọi người thấy “cái khó hiểu của Kinh dịch không tại ý tứ sâu xa, chỉ tại lời văn chủng chẳng rời rã, ngớ ngẩn, đột ngột, giống như lời nói của bọn đồng cốt, không đầu đuôi, không mạch lạc, có chỗ lại không đúng với văn pháp nữa” (Những điều nên biết). Thái độ ấy của ông đối với một tác phẩm mà thời bấy giờ nhiều người, kể cả cũ lẫn mới, Nho học cũng như Tây học, hết lời ca ngợi và làm cho càng thần bí thêm, chứng tỏ Ngô Tất Tố không còn có thể gọi là một nhà “cựu học”, một “nhà nho” nữa! Ngô Tất Tố thương hại những nhà nho “lạc bước trong thời đại mới, bơ vơ đứng giữa ngã ba với những cơn gió mưa cát bụi để chờ ngày chấm dấu hết cho trang lịch sử Hán học của nước Nam” (Hán học cuối năm Kỷ Mão - Hà Nội tân văn, 1940) Thật ra đã từ lâu, từ khi bước vào làng văn, Ngô Tất Tố luôn luôn cố gắng vượt mình để theo kịp trào lưu tư tưởng mới. Những năm 1930-1931, ông đã viết nhiều bài bình luận ngắn chống chủ trương “bảo tồn quốc tuý”, “đem những cái cặn bã của cửa Khổng sân Trình mà nhồi mãi vào óc độc giả”, “cổ động dân quê duy trì cái thói tục ở góc điếm sân đình”, “hô hào các bạn gái cứ giữ gìn cái sinh hoạt ở cửa buồng xó bếp”. Ông mỉa mai cay đắng: “Phải bảo tồn là phải! Có khuyến khích được nhiều người bảo tồn những món đó mới xứng đáng là cơ quan độc nhất của phụ nữ, mới xứng đáng là hướng tiên phong trong đội quân tiến thủ” (Kiểu đất ở phố Hàng Trống, Mười năm nữa báo chí Bắc Kỳ sẽ cổ động đến “thò lò” “quay đất”, Hỡi đồng bào Việt Nam, chúng ta nên vẽ mình cho con cháu chúng ta - Đông Phương, 1931). Ý thức tự vượt mình nhất quán ở Ngô Tất Tố được biểu hiện không phải một lần mà nhiều lần, trong những trường hợp khác nhau, về những chuyện khác nhau. Trong cuốn Văn học đời Lý (1942), ông nói: “Vận hội một nước trông ở tương lai nhiều hơn trông ở quá khứ”. Trong cuốn Văn học đời Trần (1942), ông ca tụng “những kẻ học giả chưa bị trói buộc vào trong xiềng xích của nghề từ chương”, ca tụng “những bậc đạo học cao rộng như Chu Văn An, Trương Hán Siêu”, về Hồ Quý Ly ông nói thêm “Phải biết những điều ông ta nói đó chẳng những ở ta từ trước đến hồi gần đây chưa nghĩ tới, mà
  • 36. đến ở Tàu, trừ bọn Thanh Nho sinh sau Quý Ly ba bốn thế kỷ, cũng chưa có ai dám nói. Như vậy đủ biết ông ta thật là một người có tư tưởng độc lập, không chịu nhắm mắt theo những thành kiến của cố nhân”. “Nhà nho” Ngô Tất Tố là như thế. Chỉ có thể gọi ông là “nhà nho” với ý nghĩa ông có một cái vốn Hán học cao, so với bạn đồng nghiệp lớp sau cùng ông làm báo, viết sách. Ông không hề bị tư tưởng nhà nho ràng buộc. Nổi bật nhất ở “nhà nho” Ngô Tất Tố là lòng yêu nước. Lòng yêu nước của ông không giống lòng yêu nước của “nhà nho” cùng thời thể hiện trong thơ văn cách mạng sáo, lặp đi lặp lại những từ “non sông đất nước”, “gánh giang sơn”, “nợ nước non”, “trời Âu bể Á”, dù cảm xúc có chân thành đến mấy cũng không còn làm ai rung động nữa. Trong chừng mực mà kiểm duyệt thời bấy giờ cho phép, với các bài bình luận, với sáng tác của mình, Ngô Tất Tố thẳng thắn vạch trần bộ mặt bỉ ổi của những tên tay sai đầu sỏ, không sợ sệt, không e dè, kiêng nể, chỉ rõ thực chất những tổ chức tôn giáo, văn hoá, chính trị: Hội Phật giáo, Hội khai trí tiến đức, Viện dân biểu, cho đó chỉ là “những thứ trò chơi mà thực dân bày ra cho đủ lệ bộ để lừa bịp dân chúng mà thôi”. Ông có giấu giếm quanh co gì đâu! Đó là chưa kể những chuyện lịch sử ông viết năm 1935 về Hàm Nghi, Đề Thám, trực tiếp nói về sự xâm lược và chống xâm lược. Từ năm 1937 đến 1939, chế độ kiểm duyệt bãi bỏ, ấy là dịp cho Ngô Tất Tố đả kích thẳng vào tên thống sứ Bắc Kỳ Tôlăngxơ (Tholance) tên thống đốc Nam Kỳ Pagiê (Pagés), tên toàn quyền Brêviê (Brevié), tên tổng trưởng thộc địa Măngđen (Mandel). Ông dùng một hình ảnh rất sinh động để nói tính chất giả dối của chính sách hiệp tác Pháp - Nam: “Khi ngẫm xem thân thế của hai bên như một kẻ nằm trên giường một người nằm dưới đất, một kẻ ăn thịt, một người nằm gặm xương, thì cái tinh thần thân ái vẫn còn lâu mới thắm thiết được” (Hiệp tác hay hiếp tác - Thời vụ, ngày 20-12-1938). Trong nhiều bài liên tiếp, ông nêu mánh khoé tuyên truyền mị dân, kêu gọi dân bản xứ: “đóng góp với mẫu quốc về quân phí, về quốc trái, về lạc quyên”, cũng như những cách đầu độc dân bản xứ bằng rượu, thuốc phiện, vi trùng hoa liễu, thì
  • 37. ông không ngại nói trắng ra rằng bọn thực dân sang đây là để vơ vét: “Những quan lại công chức hàng năm biết bao nhiêu gia đình khi nheo nhóc kéo sang, chẳng bao lâu đã phởn phơ kéo về, hành lý kĩu kịt! Lại biết bao nhiêu những tài chủ, nghiệp chủ và điền chủ cùng những danh công đại thương phiếu trên thị trường quốc tế có một địa vị cao quý làm cho bao kẻ thèm muốn cái xứ bờ xôi ruộng mật này...” (Cho no đủ đã - Thời vụ, ngày 13-12-1938). Đành rằng trong hai năm này, báo chí ta có nhiều bài đả kích thực dân mạnh mẽ không kém, nhưng các tác giả thường pha giọng khôi hài, đùa bỡn vào làm cho người ta cười, vui hơn là căm giận. Ngô Tất Tố viết nghiêm chỉnh, có châm biếm, nhưng không gây cười, hay gây cười cũng để tỏ ý khinh bỉ. Ông lên án không úp mở chính quvền thực dân và chế độ thực dân, không phải chỉ nói đến những cái lố lăng, dâm ô, trụy lạc của những thằng Tây đoan, những tên chánh cẩm, những tên săng đá hoặc những mụ me Tây. Lòng thương dân của Ngô Tất Tố cũng khác. Bản thân ông là một nhà nho nghèo, sinh trưởng ở nông thôn, chứng kiến bao nhiêu nỗi khổ của người dân, cho nên khi có dịp là ông đứng về phía họ mà tố cáo nỗi cơ cực của họ, trong các bài bình luận, các thiên phóng sự, điều tra, cả trong sáng tác nữa. Trong bình luận, ông buộc tội những kẻ gây ra tình trạng đó; trong phóng sự, điều tra, ông nói về người thật việc thật; trong sáng tác, ông xây dựng thành điển hình. Có so sánh tác phẩm của ông với các tác phẩm của những nhà văn đồng thời mới thấy sự khác giữa quan điểm, lập trường của ông với lập trường, quan điểm của những nhà văn kia. Có khi cùng sử dụng một đề tài, xây dựng một loại nhân vật nhưng một bên cố ý phơi bày nỗi cực khổ của quần chúng lao động, một bên cố ý nhấn mạnh khía cạnh ngây ngô, dại dột, tục tĩu, bóp méo hiện thực khách quan, sa vào chủ nghĩa tự nhiên nhằm mục đích thoả mãn óc tò mò của người đọc. Ngô Tất Tố- không tài hoa bằng họ. Họ không cần biết thật rõ đối tượng phản ánh, cũng có thể viết thành những thiên phóng sự, những cuốn tiểu thuyết dày hai ba trăm trang! Còn ông, chỉ viết những cái ông nung nấu lâu ngày, rồi tự hạn chế trong khuôn khổ đề tài cho phép. Nguyễn Công Hoan kể: “Thấy Vũ Trọng Phụng viết Vỡ đê (bấy giờ