SlideShare a Scribd company logo
1 of 171
Download to read offline
Gương mặt Bình Định
qua Ca dao cổ
Những người tài trợ:
+ Đỗ Thanh Hùng - Giám đốc Công ty
Bao bì giấy Việt Trung: 	
5.000.000 đồng
+ TS. Nguyễn Thái Thiện: 	 3.000.000 đồng
+ Ngài Mai Ái Trực: 		
3.000.000 đồng
+ GS. Hoàng Chương: 	
1.000.000 đồng
NGUYỄN CÓ

Gương mặt
Bình Định

Ca Dao Cổ

NHÀ XUẤT BẢN DÂN TRÍ
LỜI THƯA ĐẦU SÁCH
NGUYỄN CÓ

Về “Gương mặt Bình Định” chắc đã có nhiều
nhà thơ, nhà văn viết rồi bằng văn vần hoặc văn xuôi.
Còn tôi, trong quá trình học tập, nghiên cứu,
đọc sách báo, đôi lúc gặp một số câu ca dao cổ xưa
về núi sông, sản vật, thắng cảnh… ở Bình Định quê
tôi, tôi thích thú và ghi chép, lưu trữ lại để thỉnh
thoảng lúc rỗi rãi đọc lại cho vui, và cũng để nhớ
quê hương Bình Định của tôi.
Gặp bạn bè tri kỷ, người đồng hương, tôi đem
ra khoe, các bạn đọc cũng thấy thích thú, khuyên
tôi nên tiếp tục sưu tầm, phân loại, biên tập lại để
in thành sách. Nhưng tôi chưa dám vì nhiều lý do.
Gần đây một số bạn ở thành phố Hồ Chí Minh
mang ra cho tôi một số tiền tài trợ in sách “Gương
mặt Bình Định qua một số ca dao cổ” để phục vụ
bà con đồng hương và những ai ưa thích.
Đó là lý do vì sao tập tài liệu này được ra mắt
bạn đọc bà con đồng hương Bình Định và người
nào quan tâm.
5
Về tập tài liệu này tôi thấy còn quá khiêm tốn,
chắc còn nhiều câu ca dao cổ hay nữa nói về gương
mặt Bình Định mà tôi không đủ sức, đủ thời gian để
tiếp tục sưu tập.
Rất mong được quý bạn quan tâm tiếp sức sưu
tập, đóng góp ý kiến…
Tập sách này gồm có hai phần:
Phần chính gồm có 4 mục:
- Mục I: Núi non - sông nước
- Mục II: Sản vật - chợ búa - ngành nghề
- Mục III: Thắng cảnh - Di tích
- Mục IV: Văn hóa - Văn nghệ
Phần phụ gồm có:
- Một số bài văn, bài thơ có liên quan đến Bình
Định.
- Một bài tóm tắt về chuyện Chàng Lía; truyện
anh hùng liệt sĩ Ngô Mây, truyện cô Thông Tằm.
Cuối cùng xin có đôi lời cảm tạ: quý vị có bài
viết, bài trích, quý nhà tài trợ, quý cá nhân hoặc
tổ chức giúp cho việc biên soạn, in ấn, quý bà con
đồng hương, bạn hữu đã động viên, khích lệ và
thưởng thức.
Xin đa tạ!
Hà Nội - Mùa hoa phượng đỏ rực bầu trời

6
NGUYỄN CÓ
NHÀ GIÁO LÃO THÀNH
HẾT LÒNG VÌ QUÊ HƯƠNG
GS HOÀNG CHƯƠNG

Tôi quen nhà giáo Nguyễn Có khi ông còn ở
tuổi 70, đến nay ông đã bước vào tuổi 90 - tuổi xưa
nay hiếm. Thời gian làm cho ông có già yếu hơn,
tai nặng hơn, bước đi chậm chạp hơn, nhưng tấm
lòng yêu quê hương Bình Định của ông chưa hề
giảm sút.
“Nợ đời còn nợ sớm chiều
Hướng về quê mẹ thân yêu mặn nồng”
(Nguyễn Có)
Tuy sống ở Hà Nội, nhưng ông không bỏ một
buổi sinh hoạt đồng hương nào từ cấp xã đến cấp
tỉnh và cũng không bỏ sót một câu ca dao, câu tục
ngữ nào nói về Bình Định. Dường như ông đã thuộc
cả quyển dân ca miền Nam Trung bộ của tôi (1963).
Từ nguồn tư liệu này, ông tiếp tục sưu tầm để rồi
hợp tác với tôi ra quyển sách “Bài chòi và dân ca
7
Bình Định” năm 2000. Không có một cuộc sinh
hoạt học thuật nào của chúng tôi mà không có mặt
ông. Ông ngồi tập trung nghe như một học trò ở lớp.
Ông khát khao tri thức như vậy đó. Nhiều người
mới gặp ông thấy người ông nhỏ bé, ăn mặc không
sang trọng, nói năng nhỏ nhẹ lại nghễnh ngãng
nên có thể ngỡ là ông già nông dân nghèo nào đó,
nhưng có biết đâu, ông là một nhà giáo nổi tiếng
một thời ở các trường học sinh miền Nam trên đất
Bắc, nơi Bác Hồ đã nhiều lần tới thăm. Ông là thầy
của rất nhiều tài năng, nhiều cán bộ cao cấp như
nguyên UVBCT, Phó Chủ tịch Quốc hội Trương
Quang Được, Trung tướng Trương Quang Khánh,
nguyên UVTƯ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi
trường Mai Ái Trực… Các vị này thỉnh thoảng lại
mời thầy Có tới chơi hoặc gửi cho thầy một ít tiền
để bồi dưỡng sức khỏe hoặc giúp thấy in sách. Vì ít
tiền nên sách ông viết ra tới hàng trăm trang nhưng
chỉ in nội bộ chừng ba bốn chục quyển để kỉ niệm
và tặng người thân. Ông thích viết về xứ dừa quê
ông và viết về tấm gương người tốt việc tốt trong
ngành giáo dục của mình. Một nhà giáo đầy công
lao nhưng hai lần bầu nhà giáo ưu tú ông đều thiếu
một phiếu. Ông không buồn cho mình mà buồn cho
đời sao lúc nào cũng bất công.
8
Nhà giáo Nguyễn Có rất mê đọc Tạp chí Văn
hiến Việt Nam nên cứ tháng tháng ông đi bộ tới nhà
tôi để xin báo. Xin nhiều quá, ông ngại nên làm bài
thơ bày tỏ cảnh ngộ của mình:
Mê Văn hiến, nhưng không có tiền mua Văn
hiến…
Mà xin hoài thì ngượng quá thôi!
Cảnh nghèo ai thấu cho tôi…
Để kỉ niệm tuổi 90, nhà giáo Nguyễn Có sưu
tầm những bài ca dao nói về cảnh đẹp Bình Định.
Trong đó ông sưu tầm được khá nhiều ảnh đẹp về
Tháp Chàm, về chùa chiền, sông núi Bình Định, lại
kèm theo một số tư liệu về Nguyễn Tất Thành (Hồ
Chí Minh) ở Bình Định.
Đọc bản thảo, tôi xúc động và đánh giá cao
tấm lòng của một nhà giáo nghèo cao niên. Bởi có
biết bao người có tiền, có lực thậm chí thừa sức làm
những việc tuyên truyền, quảng bá quê hương mình,
nhưng có chịu làm đâu. Vì vậy mà tôi đánh giá cao
quyển sách nhỏ này của nhà giáo lão thành Nguyễn
Có và xin giới thiệu với bạn đọc xa gần.
Hà Nội, tháng 5/2013

9
10
Phần I
GƯƠNG MẶT BÌNH ĐỊNH
QUA CA DAO CỔ
MỤC I: NÚI NON, SÔNG NƯỚC
Bình Định cổ xưa là một dải đất ven biển miền
Nam Trung bộ. Đây là một tỉnh đất không rộng, người
không đông, nhưng lại có một kho tàng văn học dân
gian nói chung, ca dao nói riêng khá phong phú.
Qua ca dao cổ, ta có thể thấy phần nào gương
mặt cổ xưa của Bình Định. Trước hết về mặt địa lý,
núi non, sông nước.
1. Núi non
Bình Định phía Đông giáp biển cả trời nước
một màu. Ba mặt: Tây, Bắc, Nam giáp núi đèo, làm
ranh giới tự nhiên cho tỉnh nhà với các tỉnh bạn:
Phía Bắc có đèo Bình Đê mà trước gọi là đèo Bến
Đá, làm ranh giới với tỉnh Quảng Ngãi:
Trung quân vương, Bến Đá trở ra
Hiếu phụ mẫu, Bồ Đề trở lại
Ngày xưa, người Bình Định, ngoài việc đi lính
và làm quan, ít ai ra khỏi đèo Bến Đá, chỉ có người
11
đi lính, hoặc làm quan mới ra khỏi đèo Bến Đá mà
thôi.
Phía Nam ngăn cách với tỉnh Phú Yên là đèo
Cù Mông. Đèo Cù Mông nằm gần biển, tuy không
dốc như đèo An Khê nhưng dài và quanh co, khó đi,
hiểm trở. Nơi đây xưa kia tiêu điều vắng vẻ, nước
độc, ma thiêng. Cho nên cực chẳng đã người Bình
Định mới qua lại lên xuống. Ca dao có câu:
Tiếng ai than khóc nỉ non
Vợ chàng lính thú lên hòn Cù Mông
Nhưng đến lúc vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc)
lên ngôi, việc đối xử với quân lính được chu đáo
nên có câu:
Ơn vua Thái Đức chí tình
Cù Mông vắng vẻ nhưng mình vẫn vui
Phía Tây Bình Định, núi non trùng điệp, hiểm
trở và thuộc hệ thống dãy Trường Sơn.
Dãy Trường Sơn chẳng khác một cây đại thụ
nằm vắt ngang ở mặt phía tây, và nứt ra nhiều nhánh,
nhiều ngóc, lớp thẳng xuống phía Đông, lớp chạy
xiêng xiêng vô Đông Nam. Khi thấp, khi cao, khi
đứt, khi nối. Nổi tiếng phải kể đến hòn Tổng Dinh,
thế rất hiểm, rất hùng. Đó là mật khu của nghĩa
quân Cần Vương thuở trước do anh hùng Mai Xuân
Thưởng chỉ huy và các danh tướng Tăng Bạt Hổ…
12
Mây chiều quấn quýt hòn Dinh
Nhớ Tăng tổng trấn hết tình cứu dân
Non sông chưa sạch bụi trần
Nắng mưa bao quản tấm thân quê người
Tre tàn còn có măng tươi
Gương xưa còn tỏ còn người noi gương.
Ngoài ra còn có dãy Kim Sơn, có nhiều ngọn
cao, lớn, hiểm yếu. Ở đây có dãy núi đứng nghiêng
nghiêng về phía Tây Nam, hình giống như đàn bà
vừa “đi việc cần” xong đứng dậy, tay còn xách
quần, nên người dân địa phương còn gọi là núi
“xách quần” và đặt ra câu hát rằng:
Xứ em có núi xách quần
Lấy ai thì lấy, em đừng lanh chanh
Yêu anh thì giữ lấy anh
Em đừng ăn tỏi, chê hành là hôi
Xách quần chạy ngược chạy xuôi
Chạy mỏi cẳng rồi, đứng lại bơ vơ
Trên đầu mây kéo bạc phơ
Dưới chân nước chảy lững lờ về Đông
Ở đây có nhiều dãy núi ngọn núi cao, nổi
danh như dãy núi Tây Sơn, nơi phát tích của nghĩa
quân Tây Sơn, dưới sự chỉ huy của ba danh tướng:
Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, có hòn
ông Bình, hòn ông Nhạc, hòn Nghiên, hòn Bút:
13
Trên non có nước
Gắng bước mà lên
Nước non còn nợ chớ quên
Lòng trung với nước, gan bền cùng non
Trời tây mây kéo hoàng hôn
Biển Đông thấp thoáng bóng dồn bình minh
Nghiên non mài sáng lung linh
Bút tuôn hàng nhạn chép tình nước non
Cũng phải kể thêm ngọn Kim Sơn, sắc xanh
mịt mịt và trông vẻ ngang ngạnh:
Nghênh ngang kìa ngọn Kim Sơn
Tình chung đất nước, không sờn nắng mưa
Còn Hòn Kiền thì không cao lắm, nhưng rậm
rạp. Trên núi mọc toàn gỗ kiền kiền là một thứ danh
mộc quý giá:
Bằng lăng tốt gỗ dễ cưa
So tài lương đống còn thua kiền kiền.
Phía Tây đèo Phú Quý, về phía đường quốc lộ
19, có một hòn núi trọc, hình giống như con cóc
ngồi le lưỡi, tục gọi là Hòn Cóc:
Đời sanh ra cóc làm chi
Lộc trời liếm sạch lấy gì nuôi dân
Còn một hòn núi nữa gọi là Hòn Ông, đứng
giữa dãy núi Nam Sơn, chung quanh núi non la liệt,
khói quyện mây tuôn, cảnh trí tuyệt đẹp. Chung
quanh Hòn Ông có nhiều núi cao và có danh như
hòn Bà Cương, tục gọi là Hòn Bà:
14
Hòn Ông đứng trong Hòn Bà
Chồng cao, vợ thấp đôi đà xứng đôi
Trên đây chỉ ghi lại những tên núi có danh còn
lưu lại trong ca dao. Còn bao nhiêu núi non hùng vĩ,
tươi đẹp khác không kể hết.
2. Còn về mặt sông nước thì sao?
Bình Định có nhiều sông, suối, đầm…
Về sông: Bình Định có 2 con sông lớn. Đó là
sông Côn ở phía Nam và sông Lại Giang ở phía Bắc.
Sông Côn là một con sông dài hơn 60km, phát
nguyên từ dãy núi Trường Sơn, chảy qua các huyện
Bình Khê, An Nhơn, Tuy Phước rồi đổ vào đầm
Thị Nại:
Nước sông Côn chảy về Đồng Lạc
Chảy sang Thiện Hạc, chảy xuống Thạch Đề
Ai về nhắn với Bình Khê
Sao không giữ nước để nó về Văn Phong (An
Nhơn)
Dòng sông La Vĩ, tức là sông Gò Găng, một
nhánh của sông Côn:
Dòng sông La Vĩ dài đằng đẵng
Bàu nước Nam An rộng thênh thang
Thành xưa Bình Định hữu tình
Hỏi thăm ông Hậu bỏ mình vì ai?
Còn một nhánh sông quan trọng của sông Côn
là sông Thạch Yển (nghĩa là đập xây bằng đá),
15
nhưng người dân địa phương thường gọi là sông
Đập Đá.
Em về Đập Đá quê cha
Gò Găng quê mẹ, Phú Đa quê chồng
và
Anh về Đập Đá đưa đò
Trước đưa quan khách, sau dò ý em
Anh về Đập Đá, Gò Găng
Để em kéo vải sáng trăng một mình.
Nước sông Côn rất trong, cho nên có câu:
Nước sông trong
Dù lòng dâu bể
Tiếng anh hùng
Tạc để ngàn thu
Xa xa con én liệng mù
Tiềm long hỏi chốn, vân du đợi ngày.
Người dân ở đây có nghề làm bún Song Thần.
Lấy nước sông Côn mà làm bún được tốt, còn lấy
nước khác làm bún thì thường thường bún bị hỏng:
Nước trong thời bún mới trong
Tình anh bạc bẽo vì lòng anh đen.
Thói thường hễ nước trong thì ít cá. Nhưng
nước sông Côn thật trong mà nhiều cá mới lạ. Nhất
là cá chép:
Côn giang cá chép mép son
Lại giang cá bống trắng non vóc ngà
16
Cù giang chiếc lá trôi vàng
Tưởng bầy cá chép Côn giang sững sờ
Sông Lại Giang: Sông Lại Giang có 2 nguồn:
nguồn từ núi rừng Ba Tơ, Quảng Ngãi, chảy vào và
một nguồn từ Kim Sơn chảy ra. Do đó có câu:
Nước nguồn hai ngọn giao chi
Bồng Sơn hai huyện thiếu gì vợ anh
và
Nước Ba Tơ chảy về Bình Định
Nhắn bạn thân tình, tránh nịnh chớ theo
(nịnh đây ám chỉ Nguyễn Thân, kẻ đã theo giặc
Pháp đàn áp phong trào Cần Vương).
Sông Lại Giang dài độ bốn chục cây số, chạy
qua các huyện An Lão, Hoài Nhơn rồi đổ ra cửa
biển An Dũ…
Về mùa nắng, sông nước Lại Giang lênh láng
còn mùa mưa thì lại cạn, khác với sông Côn mùa
mưa lại lênh láng, mùa nắng thì lại cạn kiệt:
Nước Lại Giang mênh mang mùa nắng
Dòng sông Côn lai láng mùa mưa
Sông Lại Giang có cá bống ngon nổi tiếng. Còn
sông Côn lại có con cá chép nổi danh.
Về mùa nước trên sông Lại Giang có những bờ
xe nước để lấy nước đưa vào ruộng:
Ngồi buồn nhớ cảnh bờ xe
Nhớ nước dừa nạo, nhớ chè đường non
17
Nhớ nồi cá nục y con
Thịt heo cắt khúc, lòng còn ước mơ
Ngoài hai con sông lớn nói trên, Bình Định còn
có những suối, đầm nổi tiếng.
Trước hết nói về suối Từ Bi. Gọi là suối Từ Bi
vì hai bên bờ suối có giống cây gọi là Từ Bi mọc
đầy. Phong cảnh không có gì đặc biệt, nhưng danh
được truyền vì mấy câu ca dao ngậm chứa một nỗi
niềm cay đắng, vừa thống thiết, vừa oán thán:
Củ lang Đồng Phó
Đỗ phộng Hà Nhung
Chàng bòn, thiếp mót
Đổ chung một gùi
Chẳng qua duyên nợ sụt sùi
Chàng giận, cháng đá cái gùi thiếp đi
Chim kêu dưới suối Từ Bi
Nghĩa nhân còn bỏ huống chi cái gùi.
Tiếp đến là suối Đá Dàn. Suối Đá Dàn cũng
không có kỳ nham, quái thạch gì nhưng có danh là
nhờ câu ca dao ý nhiệm, tình thâm:
Chim kêu dưới suối Đá Dàn
Em còn chút mẹ, cậy chàng viếng thăm
hoặc câu:
Ai lên thăm suối Đá Dàn
Để lòng tưởng nhớ can tràng người xưa
18
Người xưa đây là anh hùng Mai Xuân Thưởng
khi bị thực dân Pháp sát hại vẫn còn mẹ già.
Còn đây là Suối Đục đụt mưa
Chẳng duyên thì nợ gió đưa gặp nàng
Tứ bề ruộng vắng, gò hoang
Cho đây gửi chút can tràng được chăng?
- Giữa đường không tiện nói năng
Xửng mưa cùng xuống Gò Găng tự tình
Gò Găng có chợ, có đình
Người quen thấy mặt, thần minh chứng lời
Còn khi gặp nắng thì:
- Trời mưa không quán, không nhà
Bờ tre suối Đụt đôi ta cùng ngồi
Chờ cho ráo hột mồ hôi
Cầm tay tỏ thiệt rằng tôi yêu mình
- Yêu nhau thì mối thì manh
Tình trao cát trắng, rau xanh tốt gì
Còn về đầm thì có:
1. Đầm Đạm Thủy (còn gọi là đầm Nước Ngọt)
Đầm Nước Ngọt một nửa thuộc địa phận Phù
Mỹ, một nửa thuộc Phù Cát. Gọi là đầm nước ngọt,
nhưng nước không ngọt mà lại mặn, nước đầm có thể
lấy làm muối được. Nhưng chẳng phải riêng gì đầm
này mới có sự trái ngược như thế. Ở Hoài Nhơn, có
một cái cầu gọi là cầu Nước Mặn. Nhưng nước dưới
cầu không mặn mà lại ngọt. Dựa vào chỗ danh không
đi với thực, nên bạn gái thường hát đố bạn trai:
19
- Tiếng đồn chàng hay chữ
Tài ngang tú, cử
Lại đây em hỏi thử đôi câu:
Ngọt ngay nước chảy dưới cầu
Gọi “Cầu Nước Mặn”, cớ bởi đâu hỡi chàng?
Lâm thế bí, bên trai bằng mượn “đầm Nước
Ngọt” để gỡ:
- Thật thà là thói hồng nhan
Ăn xuôi, nói ngược thế gian lạ gì
Mặn chằng nước vũng Đề Gi
Gọi “đầm Nước Ngọt” là gì hỡi em!
Đầm Nước Ngọt có rất nhiều cá, có lẽ nhiều
hơn tất cả các đầm. Cá ngon nhất là cá làm gỏi.
Cho nên có người nói: Đến Đề Gi mà không ăn gỏi
cá thì cũng như đến Thủ Đức, đến chợ Huyện (Tuy
Phước) mà không ăn nem, coi như không đến”. Vì
đầm Nước Ngọt cũng thường gọi là Vũng Đề Gi.
2. Đầm Thị Nại:
Đầm Thị Nại là đầm lớn nhất của Bình Định.
Đầm rộng trên ba nghìn mẫu tây. Bề dài từ Bắc vào
Nam có đến 12 - 13 cây số. Bề ngang từ Tây xuống
Đông phỏng chừng 3 - 4 cây số. Nước đầm chảy ra
cửa Quy Nhơn. Đầm Thị Nại cũng có rất nhiều cá.
Cá ngon không thua cá Nước Ngọt. Có tiếng ngon
nhất là cá nục. Giống cá này có nhiều thứ. Được ưa
chuộng nhiều nhất là cá Nục Vọng. Bị hắt hủi nhất
20
là cá Nục Gai. Để bênh cho cá Nục Gai, các chợ
bán cá vừa bán, vừa hát:
Cá Nục Gai bằng hai cá Nục Vọng
Vợ chồng nghĩa trọng
Nhơn ngãi tình thâm
Xa nhau muôn gặm cũng tầm
Gặp nhau hớn hở tay cầm, lời trao
Đầm Thị Nại chẳng những có nhiều cá mà còn
có nhiều hải sản khác: tôm, cua, vễnh, ruốc…
- Mong về xứ sở Vinh Quang
Ăn canh cua bấy, tôm rang thỏa tình
Hai xóm Quang Hiển, Quang Minh
Ăn cá lá nướng, cá kình nấu chua
- Ăn chả tôm bạc, thịt nạc đố bằng
Cá Hanh nấu ám, cá Rằn nướng kho
Tôm cỏ lột, tôm rằn bấy
Trông thấy đã ngon
Kho tiêu cá thệ thì còn nói chi
Ăn vào một miếng mê li
Người già thích hợp, sánh chi cho bằng
- Vễnh Bình Thới
Ruốc Cồn Chim
Ở xa ngàn dặm cũng tìm tới mua
Ngoài hai đầm lớn kể trên, Bình Định còn nhiều
ao, bàu mà đáng kể nhất là: Giao Trì (tục gọi là Ao
Cá Sấu), Ngạc Đảm (tục gọi là Bàu Sấu).
21
MỤC II: SẢN VẬT - CHỢ BÚA
		
NGÀNH NGHỀ
Sản vật Bình Định rất phong phú đa dạng và
đặc biệt
1. Trước hết nói về dừa
Cả tỉnh Bình Định đều có dừa, nhưng nơi nhiều
dừa nhất là Tam Quan. Dừa Tam Quan đã đi vào
thơ ca, ca dao: “Tam quan bóng mát xanh um vườn
dừa”. Dừa Tam Quan mọc thành rừng, nhiều đến
nỗi người ta không thể nào tưới nước cho dừa được.
Công đâu công uổng công thừa
Công đâu xách nước tưới dừa Tam Quan
Công đâu công uổng công hoang
Công đâu gánh nước Tam Quan tưới dừa
Dừa dùng để chế biến nhiều thức ăn: Kẹo dừa,
bánh tráng dừa, mứt dừa, dầu dừa… Dầu dừa khi
xưa các cô gái thường dùng để chải tóc cho trơn cho
mượt, cho thơm:
Mài dừa đạp cám cho nhanh
Lấy dầu mà chải tóc anh tóc nàng
Mài dừa dưới ánh trăng vàng
Lấy dầu mà chải tóc nàng tóc anh.
Mài dừa, đạp cám là công việc rất nặng nhọc,
nhưng cũng rất thi vị, tình tứ:
- Tam Quan ngọt nước dừa xiêm
Cha từ, mẹ bỏ vẫn tìm theo anh
22
- Ai về Bình Định ban trưa
Dừng chân uống bát nước dừa Tam Quan
- Nước dừa ngọt lắm ai ơi
Uống vào một ngụm thấy đời thêm tươi
Đó là nước dừa, còn cơm dừa thì:
- Cơm dừa thơm béo quê nhà
Nấu canh khó cá đậm đà tình quê
Còn xơ dừa, thân dừa thì:
- Xơ dừa xe võng ru em
Thân dừa cột võng đêm đêm ngắm trời
2. Ở Bình Định có nhiều ngành nghề phục vụ
cho đời sống bà con trong tỉnh và các nơi khác
Trước hết xin nói về nghề xe dây dừa để làm
dây neo tàu ghe, làm võng ru em, làm thảm…
- Thân em về ở xóm dây
Con thì bồng khế, chồng quây suốt ngày 1
Sáng ra đi võng, tối về lại xe.
- Chồng để về nuôi vịt, nuôi công
Ưng chi anh cạo gáo trên gông dưới cùm 2
3. Bình Định còn có những của ngon, vật lạ đồi
dào:
1. Bồng khế: Khế là dụng cụ dùng để xe dây dừa,
giống như quả khế; Quây: Động tác xe dây dừa	
2. Trên gông, dưới cùm: Người cạo gáo dừa thường
gác cái thang trên phía đầu (giống như cái gông) trên
thang đế chiếu hoặc cái nong cho khỏi nắng, hai chân kẹp
sọ dừa để cạo giống như bị cùm.
23
Ới bà con cô bác
Hãy nghe đây của lạ, vật ngon
Này mĩ vị yến sào Tuy Phước
Bún song thần Nhơn Phước cao lương
- Dày cơm nước ngọt tựa đường
Dừa xiêm khắp tỉnh phải nhường Tam Quan
- Trái ngọt thanh đại ân xoài ngự
Cá thịt thơm kẻ thử, vùng nồm
Đề gì món gỏi cá cơm
Vừa ăn, vừa thưởng gió nam thêm ghiền
- Lẫu sanh cầm Bàu Sen nhân hậu
Lương ngã tư (?) um với măng vòi
- Thú rùng ngon thịt hai nơi
Núi Bà thứ nhất, nhì thời Đầm Vơi!
- Nước mắm nhĩ Gò Bồi tuyệt hảo
Mật ong rừng An Lão sơn trân
Của ngon vật lạ tuyệt trần
Kể sao cho hết đâu chỉ có ngần ấy thôi
- Lụa Phú Phong nên duyên nên nợ
Nón Gò Găng khắp chợ mến thương
Áo hồng, quần tía vấn vương
Nghiêng nghiêng chiếc nón, gió sương quản gì
- Đầm Châu Trúc nước xanh biêng biếc
Gạch cua tôm chi xiết mặn nồng
Chình mun nằm sát đáy sông
Sài Gòn, Hà Nội, Hồng Kông cũng thèm
24
- Sông Dinh dòng nước trong ngần
Rừng An Lão có mấy tầng dây tiêu
Hạt tiêu nho nhỏ đáng yêu
Cay cay đón khách, khách đều mến ưa
Thân em duyên dáng từ xưa
Càng cay càng thấm, càng vừa ý anh.
4. Còn đây là một ngành nghề của ngư dân:
- Bình Định có đầm Quy Nhơn
Ngư dân sinh sống có trăm thứ nghề
Đi thì nhớ, ở thì mê
Dễ làm, dễ sống, nghề nghề no vui
Từ Lạc Điền, xuống tận Hóc Hồi
Sáo dời, sáo đất, ngược xuôi đăng hàng
Từ Hưng Thịnh đến Vinh Quang
Ruộng muối, bờ cá hàng ngàn dặm xa
Từ Thới Bình qua Khe Nhà
Nghề nò, nghề đón, nghề chà biết bao
Vinh Quang: Lưới, xiết, tủ, ngao
Chồ, thuyền, tủ xúc nghề nào cũng vui
- Kể sao cho hết quê tôi
Mắm ngon thượng hạng Gò Bồi nổi danh
Từ Qui Nhơn ra tận Cù Lao Xanh
Ngày ngày thấp thoáng thuyền mành ra khơi
Phương Mai có hang yến, hang dơi
Ì ầm sóng vỗ rợp trời chim bay.
25
5. Ngoài ra còn các nghề khác: làm nón, đặc
biệt là nón ngựa (ở Gò Găng), dệt lãnh, lụa (ở An
Thái), làm nước mắm (ở Tam Quan, Gò Bồi), hái
chè (ở Hòa Đại), dệt chiếu…
- Anh về Hòa Đại hái chè
Bỏ cây cam mật sau hè ai trông
Anh về Bình Định thăm nhà
Tháng hai trở lại, tháng ba cưới nàng
Cưới nàng đôi nón Gò Găng
Xấp lãnh An Thái, một khăn trầu nguồn
- Anh về dưới vạn Gò Bồi
Bán mắm, bán cá, lần hồi cưới con
- Nón ngựa Gò Găng
Bún song thần An Thái
Lụa đậu ba An Ngãi
Xoài tương chín Hưng Long
- Anh về Bồ Địch, Giếng Vuông
Chiếu che bốn vách còn buồn nỗi chi?
6. Ở Bình Định, ngành nghề, sản vật phong
phú như vậy nên việc buôn bán cũng rất phát triển:
Buôn ghe, buôn chợ…
Trước hết nói về buôn ghe:
- Ngó ra ngoài biển tăm tăm
Thấy ghe anh chạy có năm mái chèo
Khi nào không gió anh neo
Chờ cho gió lại, mở lèo anh đi
26
Anh đi nước ngọt Đề Gi
Xông pha sóng gió kể chi nam, nồm.
- Xin bà thổi ngọn gió đông
Cho ghe tôi chạy, cho chồng Bà lên 3
Việc giao thương, buôn bán đường biển rất
phức tạp, phải biết chỗ nào có gành, có đá, thường
có sóng to, gió lớn phải tránh, chỗ nào có cửa biển,
cửa sông để vào mua bán hàng hóa, tiếp tế lương
thực, thực phẩm. Do vậy bà con đặt ra những câu
hát, bài ca về các địa danh cần ghi nhớ để giúp cho
bạn ghe bầu học thuộc lòng:
Vát ra thấy múi Sa Hoàng
Kìa là Bù Nú, Tam Quan nhiều dừa
Gặp nhau chưa nói đã cười
Kìa là An Dũ, thật nơi Lò Ghè
Đông trên nước bấc đáng ghê
Núi Hương, Gạch Trọc, dựa kề Lộ Giao
Ngó qua thấy rạng khô khao
Vác mặt trông vào cửa cạn Hà Ra
Bàu Bàng, Gành Mét bao xa
Kim Dung, Bờ Đập, tránh mà Lố Ông
Ngửa mặt xem thấy Vĩ Rồng
Hòn Lan, nước ngọt, tránh lần Hòn Khô
Nhắm chừng Suối Búng, Vũng Tô
3. Bà: Đây là Bà Vọng Phu	
27
Ông ầm nằm đó, xác to ì ì
Vọng Phu, tích cũ còn ghi
Ngồi trên Kẻ Thử tay thì bồng con
Nghìn xưa hẹn ước, thề non
Mình khô hóa đá lòng son để đời
Vũng Nồm, Vũng Bấc xem chơi
Hòn Thia khơi rồi lại gần Cỏ, Cân.
Nam lò Eo Vượt rần rần
San Hô, Mũi Mác, đến gần Phương Mai
Cửa Dã có hòn án ngoài
Các lái thuyền chài đều gọi Lao Xanh…
Còn sau thì buôn chợ. Chợ ở Bình Định khá
nhiều, hàng hóa bán buôn rất phong phú, dồi dào:
Đi chợ, ới chị em đi chợ
Chợ nào thú vị bằng chợ Gò
Tôm kho cá trọng, thịt bò thịt heo
Ê hề bánh ướt, bánh xèo
Bánh khô, bánh nổ, bánh bèo liên u
Còn như cá chép, cá thu
Cá ngừ, cá gỏi, cá chù thiệt ngon
Lá gai bánh ít, bánh bòn
Nem chua, chả mực, trà đường ủ ê
Kể ra cho hết chớ nề
Thiên hồ, vạn hải quý thầy nghe chơi
Ngó ra ngoài chợ, bán những trạnh cày
Roi mây, gáo, vá, dép giày nghênh ngang
28
Kể thêm mấy thứ xoàng xoàng
Bắp ranh, cử đổ, đục, chàng, kéo dao
Xem qua chẳng thiếu thứ nào
Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng ào mà vô…
Đó là chợ phiên Gò Chàm, một phiên chợ lớn nhất
của tỉnh nhà. Còn biết bao là chợ huyện, chợ làng khác:
- Đồi đàng ở Dã lên thành
Cầu Chàm, An Thái, An Hành, Phù Ly
Lần về Làng Cả, Cây Đa
Gò Găng, Đập Đá, ngó qua Quán Chùa
Bình Dương kẻ bán người mua
Mua rồi tính toán hơn thua Chợ Gò
Đôi ta dừng lại hẹn hò
Bước qua Cầu Vợi, bến đò Lại Giang
Chợ Đổ, chợ Bông, chợ Hàng
Bồ Đề, Bến Đá đổi đàng còn lâu
Tam Quan có một cái cầu
Lần kề xuống Vạn thấy lầu ông Tây
Tiếng đồn Chợ Cát, chợ Mới gần đây
Chợ Ân, Cầu Lỡ hàng dây thiếu gì
Buồn tình cất gánh ra đi
Bâng khuâng nhớ bạn, bạn thì nhớ ai?...
Bình Định là đất thuần nông cũng như cả nước
ta thủa trước. Nhân dân lấy việc làm nông là chính
đúng như câu “Quốc dĩ nông vi bản”. Bà con làm
ruộng, trồng dâu, nuôi tằm, nuôi gà, vịt, nuôi heo…
29
- Rủ nhau đi cấy lấy công
Ruộng soi cấy trước, ruộng đồng cấy sau 4
Cấy mau về cuốc vườn rau
Cho con trẻ bú, tưới rau, tưới trầu
- Ra đi anh đã dặn dò
Ruộng gộc thì cấy, ruộng gò thì gieo 5
- Anh về Bình Định chi lâu
Bỏ em ở lại hái dâu một mình
- Làm xe đưa nước lên đồng 6
Bà con no ấm thần nông vui cười
Ruộng rộc thì cấy lúa trì 7
Đất gò, đất rẫy, trồng mì, trồng lang
- Đường đi cát nhỏ lăm tăm
Em về Bình Định nuôi tằm kéo tơ.
- Ruộng An Nhơn mỗi sào ba tạ
Lúa Tuy Phước năm giạ một sào 8
Anh về đắp đập đào ao

4. Ruộng soi: Ruộng bãi, gần bờ sông hoặc bờ suối
5. Ruộng gộc: Ruộng trũng	
6. Xe: gồng nước, dụng cụ như bánh xe dùng để đưa
nước sông, nước suối lên ruộng
7. Lúa trì: Lúa dài ngày	
8. Giạ: Đơn vị đo lương (độ 4kg) dùng để đong lúa,
gạo bắp
30
Ruộng Song Trung anh cấy rẻ, ruộng ông Đào
anh lĩnh canh 9
Cầu cho mưa thuận gió lành
Lúa vàng nặng hạt, ruộng anh được mùa
- Trăng rằm đã tỏ lại tròn
Củ lang Phù Mỹ đã ngon lại bùi
Anh về dưới Dã hồi hôm
Gánh phân đổ ruộng gió nồm bay lên
- Sông Dinh dòng nước trong ngần
Rừng xanh An Lão mấy tầng dây tiêu
Hạt tiêu nho nhỏ đáng yêu
Cay cay đón khách, khách đều mến ưa
Thân em duyên dáng từ xưa
Càng cay càng thấm, càng vừa ý anh
- Ngó lên đất đỏ nhiều khoai
Ngó xuống đồng xoài nhiều mía, nhiều tranh
Ngó về đồng cọ lúa xanh
Phú Điềm, Phú Cốc, Mỹ Phong cau nhiều
- Quảng Nam nổi tiếng lòn bon
Chà viên Bình Định vừa ngon vừa lành 10
Chín mùi da vẫn tươi xanh
Mùi thơm cơm nếp, vị thanh đường phèn
9. Ruộng Song Trung: Ruộng của vua nhà Nguyễn
cấp cho 2 người trung thành với vua là: Võ Tánh, Ngô
Tùng Châu; Ruộng ông Đào: Ruộng cấp cho Đào Duy Từ
(đệ nhất công thần triều Nguyễn).
10. Chà viên: Một thứ trái cây thường có ở Bình Khê,
An Khê
31
- Tam Quan ít mít nhiều dừa
Nhiều cô gái đẹp mà chưa có chồng.
Qua đây, ta thấy nông sản ở Bình Định thật dồi
dào: Có lúa, có dừa, có cau, có mít… không thiếu
thứ gì…
MỤC III: THẮNG CẢNH - DI TÍCH
Bình Định có nhiều thắng cảnh và di tích nổi tiếng.
- Bình Định có núi Lan Sơn
Có đầm Đạm Thủy nước rờn rờn xanh
Có cây, có cá, có tình
Trời mây bốn mặt có mình ở trong
- Bình Định có núi Vọng Phu
Có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh 11
Có Cân, có Cỏ, có Gành 12
Có non, có nước, có mình, có ta
Ở đây ta thấy cảnh và tình luôn quyện vào nhau
1. Núi vọng phu
Trước hết nói về núi Vọng Phu, có nơi gọi là
đá Vọng Phu. Đá Vọng Phu ở trong dãy núi Bà,
thuộc huyện Phù Cát. Đó là một hòn đá xanh cao,
to mọc đứng trên ngọn núi cao, ở ngoài khơi trông
11. Cù Lao Xanh: Tên hòn đảo trước mặt cửa biển
Qui Nhơn.
12. Cân, Cỏ: tức là hòn Cân, hòn Cỏ, hai hòn đảo
nhỏ ngoài biển thuộc huyện Tuy Phước. Gành: tức là
Gành Ráng (thuộc thành phố Qui Nhơn)
32
vào giống như hình một người đàn bà dắt đứa con
nhìn đăm đăm ra biển cả như đợi, như trông ai đó.
Đá Vọng Phu ghi lại sự tích một mối tình éo le.
Vợ chồng là hai anh em ruột, vì xa cách nhau quá
nhiều năm tháng không nhận ra nhau nên lấy nhau.
Đến khi người chồng nhận biết vợ mình chính là em
gái mình thì lòng như thiêu, như đốt, nhưng không
dám lộ cho vợ biết, vì không muốn cho vợ biết sự
tình éo le như vậy, nên bỏ xuống ghe ra đi biền biệt.
Người vợ ở nhà trông mãi không thấy chồng về,
nên dắt con lên núi đứng ngóng ra biển, trông chờ
chồng, lâu ngày hóa đá.
- Xin Bà thổi ngọn gió đông
Cho ghe tôi chạy, cho chồng Bà lên
Ở Bình Định có những di tích đặc biệt ít nơi
nào có.
2. Trước hết là Thành Cựu
Thành Cựu có tháp Cánh Tiên
Có chùa Thập Tháp, có phiên Gò Chàm
Thành Cựu tức là thành cũ hay là thành Đồ Bàn.
Thành Đồ Bàn thuộc huyện An Nhơn do vua Chiêm
Thành xây vào thế kỷ thứ X. Tường xây bằng gạch,
mặt hướng về Nam, chu vi hơn mười dặm, có bốn
cửa kiến trúc rất kiên cố. Bên trong có dựng tháp
làm bảo chứng. Bên ngoài có dẫy đồi Kim Sơn làm
cánh cửa che cửa tây, có núi Tiên Cốt làm tiền án
33
và gò Thập Tháp yểm hậu. Ngoài xa nữa có núi non
trùng điệp, sông quanh co, biển bát ngát thật là hùng
vĩ, thật là hiểm trở.
Qua thời gian, thành Đồ Bàn được sửa sang và
được gọi là thành Hoàng Đế (thời Nguyễn Nhạc) và
thành Bình Định (thời Nguyễn Ánh).
Thành Đồ Bàn còn ghi lại một sự kiện lịch sử.
Đó là việc Huyền Trân công chúa được gả cho vua
Chiêm, vì non sông mà phải vào đây chung sống
với người khác giống nòi.
Nước non nghìn dặm ra đi..
Mối tình chi?
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô, Ly…
Xót xa vì đương độ xuân thì…
Nghĩ đến tình cảnh công chúa Huyền Trân, ở
địa phương có câu:
Má hồng đền nợ quân vương
Những tay chống đỡ miếu đường là ai?
Qua nhiều lần dâu, biển, đến thời Gia Long
thành Đồ Bàn bị triệt hạ để xây thành mới gọi là
thành Bình Định.
Đến nay thành Bình Định không còn vết tích
gì. Vì trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp,
với chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến”, thành Bình
Định đã bị san bằng.
34
Về Thành Đồ Bàn, nhiều tao nhân, mặc khách
qua đây đã cảm tác, viết lên những dòng thơ hoài
cảm, phần lớn viết bằng chữ Hán.
Xin ghi lại đây bài “Điếu cổ” được dịch là:
Ai vua, ai giặc khôn bàn
Phong quang một cảnh ngỡ ngàng hôm mai
Vườn dâu lấp nẻo cân đai
Nơi xưa ca viện, vũ đài: Gò không!
Mồ hoang lạc phách anh hùng
Hồn thiêng tráng sĩ lạnh lùng gió sương
Mây tàn, tàn cả ánh dương
Tháp Tiên riêng vững can tràng nghìn thu.
(Người dịch: Nguyễn Khôi)
Còn thơ quốc âm thì chỉ thấy có một bài của
Thọ Nguyên:
Trăm rưỡi năm trên một chiến trường
Bàn thành nay rặt dấu tang thương
Tháp Tiên dạn mặt nhìn sông núi
Voi đá trơ hình ngạo nắng sương
Thế cuộc trải xem bao mộng huyễn
Anh hùng trông thấy một tòa hương
Nồi da xáo thịt ôi, nòi giống
Trang sử trung hưng giọt máu hường
3. Các ngọn tháp
Ở Bình Định, di tích cổ xưa còn lại là những
ngọn tháp, thường gọi là Tháp Chàm.
35
Xin kể lại đây một vài ngọn mà ca dao còn ghi lại.
Trước hết là Tháp Phú Lộc, mà người Pháp
thuở trước gọi là Tour d’or (Tháp Vàng).
Đi từ Bắc vào Nam theo đường quốc lộ trước
hết chúng ta thấy một ngọn tháp đứng chon von trên
ngọn Thổ Sơn tròn trịa, không cây cối, ở giữa cánh
đồng mênh mông. Tháp có vẻ ngạo nghễ nhưng
đượm sắc buồn, buồn vì quá quạnh hiu.
Tháp thứ hai là tháp Cánh Tiên.
Từ tháp Phú Lộc đi vào một chặng nữa, lại thấy
một ngọn tháp cao ngất trời xanh. Đó là tháp Cánh
Tiên. Tháp ở cạnh miếu Song Trung thờ Võ Tánh
và Ngô Tùng Châu nên địa phương có câu:
Ngó lên hòn tháp Cánh Tiên
Cảm thương ông Hậu thủ thiền ba năm 13
Sau nữa là tháp Bánh Ít.
Qua khỏi tháp Cánh Tiên chừng mười cây số thì
thấy trên đỉnh núi sát bên đường một nhóm bốn ngọn
tháp, một ngọn lớn ở trên cao, ba ngọn nhỏ ở dưới
thấp, xa trông như bốn chiếc bánh ít lá gai lột trần
trên mâm cỗ bồng vun ngọn. Đó là tháp Thị Thiện
tục gọi là tháp Bánh Ít, thuộc địa phận Tuy Phước.
Tháp Bánh Ít đứng sít cầu Bà Di
Sông xanh, núi cũng xanh rì
Vào Nam, ra Bắc ai cũng đi con đường này
13. Ông Hậu: Võ Tánh
36
Nghìn năm gương cũ còn đây
Lòng ơi, phải lo nung son sắt kẻo nửa đầy bể dâu.
Rồi là tháp Đôi.
Đi tiếp đến địa đầu thành phố Qui Nhơn ta thấy
có hai ngọn tháp tên là tháp Hưng Thạnh, tục gọi là
Tháp Đôi.
Mang tên là Tháp Đôi vì có 2 ngọn tháp đứng
song song trên một khoảnh đất, một ngọn cao và
một ngọn thấp, kề sát bên nhau:
-	 Cầu Đôi nằm cạnh Tháp Đôi
Vật vô tri còn đèo bòng duyên hứa
Huống chi tôi với mình.
-	 Tháp kia còn đứng đủ Đôi
Cầu nằm đủ cặp, hướng chi tôi với nường.
-	 Ai về Tuy Phước ăn nem
Ghé qua Hưng Thạnh mà xem Tháp Chàm
-	 Tháp ngạo nắng sương
Cầu nương sắt đá
Dù người thiên hạ
Cao thâm đã chứng lời nguyền
Còn cầu, còn tháp, còn duyên đôi lứa mình
Non sông nặng gánh chung tình.
Và Tháp Thủ Thiện - Tháp Dương Long.
Nếu theo dòng sông Côn đi ngược về phía Tây
cách Qui Nhơn chừng ba, bốn chục cây số, chúng ta
được xem hai ngọn tháp. Đó là tháp Thủ Thiện và
tháp Dương Long.
37
Tháp Dương Long và tháp Thủ Thiện xưa kia
làm mốc ranh giới cho ấp Tây Sơn, nơi phát tích
người anh hùng Nguyễn Huệ và vị nguyên soái lãnh
đạo phong trào Cần Vương bốn tinh: Bình, Phú,
Khánh, Thuận là Mai Xuân Thưởng mà dấu tích
thành lũy vẫn còn nơi núi Hương Sơn, cạnh tháp.
Bởi vậy có câu hát rằng:
Vững vàng tháp cổ ai xây
Bia kia Thủ Thiện, bên này Dương Long
Nước sông trong
Dẫu lòng dâu bể
Tiếng anh hùng
Tạc để nghìn thu…
Xa xa con én liệng mịt mù
Tiềm long hỏi chốn, vân du đợi ngày.
Những cánh tháp Chiêm Thành đã gợi nguồn
thi hứng cho bao thi nhân, đặc biệt có nhà thơ Chế
Lan Viên.
Nhiều nhà nghiên cứu tháp Chăm ở Bình Định
cho rằng: Hệ thống tháp Chăm ở Bình Định có
nhiều bí ẩn cần được nghiên cứu chu đáo: về kiến
trúc, về tôn giáo, về xây dựng và sự độc đáo so với
các địa phương có tháp Chăm trong cả nước (Đà
Nẵng, Nha Trang, Ninh Thuận) và cả với một số
nước Đông Nam Á.
38
Chính vì những giá trị nổi bật, độc đáo đó mà
Ủy ban Nhân dân tỉnh, viện Khảo cổ đang xúc tiến
xây dựng hồ sơ kiến nghị với chính phủ đề nghị
UNESCO công nhận hệ thống các di tích tháp
Chăm Bình Định là di tích văn hóa thế giới.
4. Chùa Chiềng - Miếu mạo - Hang hầm
Ở Bình Định có nhiều chùa nổi tiếng
Thành Cựu có tháp Cánh Tiên
Có chùa Thập Tháp, có phiên Cầu Chàm
Chùa Thập Tháp được xây dựng trên một nổng
gò rộng hình mai rùa. Trên có mười ngọn tháp gọi
là gò Thập Tháp. Trên gò có xây một ngôi chùa gọi
là chùa Thập Tháp.
Chùa được xây dựng từ lâu, từ những năm hậu
thế kỷ 17 do một thiền sư người Trung Hoa xây
dựng. Chùa nổi tiếng vì khi xưa chùa đã đào tạo
nhiều thượng tọa tài đức đã góp phần chấn hưng
nền Phật giáo Việt Nam.
Chùa còn nổi danh vì tương truyền rằng trong
chùa có đủ 3 tạng kinh giấy khổ rộng và chữ lớn
bằng ngón tay út. Ba tạng kinh này ngoài chùa
Thập Tháp, không chùa nào có. Bộ kinh hết sức cổ.
Ba tạng kinh này có người cho rằng đã được sư cụ
Phước Huệ mang ra Huế cùng một số kinh, luận để
mở trường Đại học Phật giáo và để tại chùa Từ Đàm.
39
Chùa này bị thiêu hủy thời Ngô Đình Diệm,
một ngàn kinh, luận rất cổ của chùa Thập Tháp
cũng cháy trụi. Chùa Thập Tháp còn có 2 pho tượng
Hộ pháp và 36 tượng La Hán bằng gỗ chạm khắc
rất tinh vi. Các vị La Hán, mỗi vị một khuôn mặt,
một dáng điệu khác hẳn nhau, kích thước cân xứng,
đường nét nhịp nhàng trông thật sinh động. Thật là
những bảo vật cô giá.
Vì chùa nổi danh là lâu đời, linh thiêng nên
người địa phương truyền nhau nhiều chuyện hoang
đường nhưng lý thú, như chuyện “vỏ lúa” là một.
Có bài thơ về chùa Thập Tháp như sau:
Mười tháp khuất sau sương
Trang nghiêm cảnh Phạm Đường
Hiên lồng trăng tịnh độ
Vườn đọng nước Kim Cương
Nguyên Thiều công nối núi 14
Bình Định gió sanh hương
Kinh truyền ba tạng đủ
Nguồn Đạo thắm muôn phương.
(Tác giả: Đặng Đạo)
14. Nguyên Thiều là tên hiệu của vị sư lập chùa.
Ngoài chùa Thập Tháp, Bình Định còn có nhiều chùa nổi
danh khác nhưng do khuôn khổ tài liệu hạn hẹp, và cũng
do khuôn khổ hạn định ở ca dao cổ nên chúng tôi không
thể nói đến hết được và chỉ có thể nêu ra đây một vài chùa
và một số bài thơ, câu ca để minh chứng.
40
Chùa Linh Phong. Thật tên là “Linh Phong
Thiền Tự” tục gọi là “Chùa Ông Núi”.
Chùa ở trên núi Bà, mặt phía Nam, thuộc thôn
Phương Phi, huyện Phù Cát.
Người địa phương gọi là chùa Ông Núi vì thấy
nhà sư ở tu trên núi suốt năm, dùng vỏ cây làm y
phục, ít khi xuống đồng bằng. Thỉnh thoảng cần
lương thực thì sư ông gánh một gánh củi xuống
chân núi để ở ngã ba đường rồi trở lên núi. Người
quanh vùng đem muối, gạo đến để đó rồi gánh củi
về dùng. Hôm sau nhà sư xuống nhận muối, gạo,
nhiều ít không kể, mất còn cũng không bận. Nhưng
khi trong hạt có bệnh tả, bệnh dịch thì tự nhiên nhà
sư đem thuốc đến cứu chữa, chữa xong lại đi ngay,
một cái vái cũng không nhận.
Phong cảnh chùa Linh Phong thật là kì thú.
Chùa nằm trong rừng cây cổ thụ tĩnh mịch âm u.
Quanh chùa đá mọc ngổn ngang, hoặc đứng sững
giữa trời, hoặc chen chúc cùng cây cối.
Sau chùa, nước khe trên núi cao chảy xuống.
Nước chia thành từng nhánh lớn nhỏ chảy vào sân
sau, chảy vào bếp, quanh co rồi nhập lại nơi sân
trước để chảy xuống hồ sen trước chùa…
Nơi sườn núi phía đông có một hang đá rộng
lớn ăn sâu vào lòng núi. Đó là nơi ông Núi tu từ
thuở trước.
41
Xa tít chân trời, đồng lúa bát ngát bao trùm hai
mặt Tây, Nam.
Nhìn về phía Đông thì biển xanh bát ngát, phía
Đông - Nam thì đầm Thị Nại long lanh dưới ánh
mặt trời và rừng dương liễu xanh um, chập chờn
trên bãi cát nửa trắng, nửa vàng.
Ngày xưa, du khách đến đây thường nghe các
em mục đồng, các chàng ngư phủ, các cô thôn nữ,
sơn nữ hát rằng:
Cây chen, đá chấp chập chùng
Biển giăng dưới núi, chùa lồng trong mây
Bùi đời không bận mảy may
Chút thân rộng tháng dài ngày thảnh thơi
Cũng có lúc lại được nghe những câu ngâm
chứa nỗi u hoài:
Ông Núi đi đâu
Bỏ bầu sơn thủy
Đủ nhân, đủ trí
Thêm vỹ, thêm kỳ
Chùa xưa nhạt bóng tà huy
Xui lòng non nước nặng vì nước non
Về phía tao nhân mặc khách một khi đã đến
đây viếng cảnh, đều có đề thơ vách đá rất nhiều.
Nhưng hầu hết những bài thơ đó đều viết bằng chữ
Hán. Chỉ có mấy bài thơ quốc âm còn lại:
42
Thạch động xưa tu nổi tiếng thầy
Thầy nay đâu vắng dấu còn đây
Giữ chùa ông hộ non xây đá
Cúng phật vừa hương biển kéo mây
Nước nhỏ lon bon chuông dưới suối
Gió rung lốc có mõ đầu cây
Những người phiền não phường danh lợi
Đến đó thì lòng cũng giải khuây
( Tác giả: Võ Kiêm)
Còn đây là bài của Trương Xuyên;
Chùa vua cất, nùi trời xây
Nguồn đạo thơm danh, sạch suối đầy
Suối chảy quanh chùa, chùa vịn núi
Núi nằm ôm biển, biển xanh mây
Có chăng chẳng mất: người trong tháp
Sắc đó mà không: khỏi ẩn cây
Một tiếng chuông buông hồ gợn sóng
Gió lay phất nhẹ cánh cò bay
Và đây là bài thơ của cụ Đào Tấn, có lần cụ
đến trú tại chùa này, cụ Đào có viết một bài ký rất
nổi tiếng là “Linh Phong ký” và bài thơ này. Bài
thơ viết bằng chữ Hán được cụ Quách Tấn dịch ra
quốc âm:
Cành xanh trăm trắm tiếng chuông rơi
Hứng tới đàn duyên bước thảnh thơi
Một bức yên hà trời tự tại
43
Mười năm hồ hởi mộng quy lai
Am mây, ông Núi chừng Tiên đấy
Lượng bể, người thơ đích Phật rồi
Ngụm nước thanh tuyền chơn vị tỏ
Mười phương không phụ tiếng thơm bay
5. Truông Mây và Chàng Lía
Chiều chiều én liệng Truông Mây
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành
Truông Mây có tài liệu cho là ở huyện Hoài
Ân, xã Ân Đức dài độ 3 cây số. Hai bên mây mọc
thành rừng, cây cối um tùm, rậm rạp. Quang cảnh
đìu hiu quạnh quẽ, ít người qua lại, lại nghe nói
có nhiều cọp. Truông Mây dẫn đến trang trại của
Chàng Lía.
Chàng Lía xuất thân từ một gia đình nông dân
nghèo khổ:
Có người ở phủ Qui Nhơn
Quán Phù ly huyện, gần miền Bích Khê
Ăn cận, ngồi kề sinh đặng một con
Thời trời, xế nước chon von
Cha thác, mẹ còn, Lía chịu mồ côi
Nhà nghèo, Lía đi làm thuê, làm mướn kiếm
ăn, mang chút tiền ít ỏi về nuôi mẹ. Không chịu nổi
sự áp bức, đè nén khốc liệt của bọn hương lý, Lía bỏ
làng chạy lên rừng, lên núi cùng với một số người
cùng cảnh ngộ nghèo khó, bị áp bức làm tướng
44
cướp. Đặc biệt Lía chỉ cướp của bọn nhà giàu, lũ
gian ác… rồi đem chia cho dân nghèo:
Lía ta tâm tánh lạ sao
Ghét người phú hộ đất đào ném ra
Những người nghèo khổ dân ta
Thì Lía xót phận rất là yêu thương
Kẻ nghèo rủi gặp tai ương
Hễ Lía nghe biết dễ thường bỏ đâu
Giúp cho tiền bạc, tiếc nào
Cho nên nhiều kẻ xiết bao cảm tình.
Vì thế cho nên khi nghe tin Lía bị quan quân
triều đình vây đánh thì nhân dân tỏ lòng thương xót
“cảm thương chú Lía bị vây trong thành”.
Có một di tích gọi là Hang Chàng Lía.
Đó là cái hang chạy xuyên qua núi Bà, dài trên
20 cây số, cửa hang cao rộng, vừa một người đi.
Lòng hang lúc cao, lúc rộng, lúc thu hẹp lại, rất khó
đi lại, tương truyền rằng trong hang có nhiều rắn,
ngổn ngang rắn to, rắn nhỏ. Do đó không ai dám
mạo hiểm vào. Có một vài đoàn thám hiểm vào gặp
rắn phải rút ra.
Tương truyền xia kia chàng Lía chiếm cứ nơi
này để làm căn cứ chống lại quan quân triều Nguyễn.
Di tích Hầm Hô
Ngó vô Linh Đổng mây mờ
Nhớ Mai nguyên soái dựng cờ đánh Tây
45
Hầm Hô cữ nước còn đầy
Còn gương phấn dũng, còn ngày vinh quang
Hầm Hô thuộc thôn Phú Phong, huyện Bình
Khê, phong cảnh thật kỳ thú, nhưng cũng thật hiểm
trở, là căn cứ địa chống Pháp của vị anh hùng nổi
tiếng Mai Xuân Thưởng.
Hầm Hô có nước, có cá, có đá, có cây rừng, cổ
thụ, có hoa phong lan rực rỡ.
Đó là một dòng suối có thác nước đổ, có gành
đá dựng, bờ đá sừng sững, hầm rộng thênh thang.
Nước chảy trong lòng suối đá lởm chởm, hai bên
bờ, đá dựng như thành, nơi bằng, nơi khúc, lúc
hiểm, gập ghềnh. Tiếng nước đổ vào hầm đá rộng
bềnh bềnh, bọt bắn tung tóe, tiếng kêu ồ ồ vang xa
như tiếng hô báo cho người theo bè gỗ biết rằng sắp
tới hầm mà chuẩn bị…
Do đó tên gọi là Hầm Hô.
Hầm đây thật ra là một cái thác cao độ 6-7
thước, bốn bề bị vách đá che khuất, trông như một
cái hầm. Hai dãy núi chạy dọc theo bờ dài đến vài
ba cây số. Núi lởm chởm như gươm, có nơi núi
dựng đứng như một vách tường. Cảnh thế thật hùng
hiểm, ở đây cây cỏ, hoa lá mọc chen vào đá. Người
ta thấy những gốc cổ thụ cao to, thân vóc rắn rỏi,
màu da đã hóa thành màu đá xám xanh.
46
Người ta còn gặp những lùm sim, lá mịn như
nhung, hoa tim tím trông thật vui mắt.
Còn những khóm phong lan, dính vào vách đá,
bám vào thân cây, nơi năm bảy chùm, nơi đôi ba
nhánh, đủ hình, đủ sắc… treo lửng lơ, lơ lửng trên
mặt nước lung linh trông thật ngoạn mục.
Và kìa, rừng hoa ngâu nở bên kia suối mùi
hương khi phảng phất, khi ngạt ngào.
Nếu chịu khó đi sâu vào rừng, thỉnh thoảng
chúng ta còn gặp được vài khóm bạch mai, hoa trắng
mịn, mùi hương thoang thoảng làm dịu tâm hồn ta.
Hầm Hô còn một điểm rất đặc biệt nữa. Đó là
suối Hầm Hô có rất nhiều cá. Về mùa gió Nam, về
mùa nước lũ, cá sông kéo nhau về nguồn đẻ dồn
vào đây nhiều vô kể. Từng bầy kéo vào suối trông
“đặc cả nước” rồi đua nhau “bay lên” ngọn thác
Hầm Hố mà về nguồn.
Gọi là cá “bay” bởi thác nước cao, nước đổ
mạnh, nếu không “bay” lên thì sao mà lên nổi.
Do vậy Hầm Hố còn có tên nữa là “Thác cá bay”.
Miếu Mạo
Ngày xưa ở Bình Định có rất nhiều ngôi miếu ở
khắp làng quê. Nhưng qua thời gian các ngôi miếu
cổ đều bị hư hỏng, không còn vết tích. Có những
ngôi miếu do làng, xã, huyện, tỉnh dựng lên. Có
những ngôi miếu do triều đình thiết lập như:
47
- Xã Tắc Đàn ở thôn Kim Châu, quận An Nhơn
xây năm Minh Mạng thứ 13 (1832).
-Tiên Nông Đàn ở thôn Liên Trực, quận An
Nhơn xây năm Minh Mạng thứ 14 (1833).
- Sơn Xuyên Đàn ở thôn An Ngãi, quận An
Nhơn, xây dựng năm Tự Đức thứ 3 (1850).
Ngoài ra, các ngôi miếu xây dựng đã lâu đời như:
- Hội Đồng Miếu - Thành Hoàn Miếu ở An Nhơn
- Tam tòa Sơn thần từ ở Qui Nhơn
- Bao Trung từ ở Quy Nhơn
- Tam Thần từ ở Hoài Nhơn
- Miếu Cô Xíu ở Bắc Hoài Nhơn
- Miều Xà (thờ rắn) thôn Thượng An, Bình Khê.
Về những ngôi miếu này, chúng tôi chỉ được
biết qua một số tài liệu và cũng chưa tìm được
những câu ca dao cổ nào liên quan đến các ngôi
miếu cổ đó.
Như vậy, ta biết được một số phong cảnh di tích
đặc biệt ở Bình Định thật đa dạng, phong phú… ở
đây chỉ liệt kê một số cảnh vật mà trong ca dao cổ
còn truyền lại, còn thì không sao kể hết được.
MỤC IV: VĂN HÓA - VĂN NGHỆ
Từ thời cổ xưa, quê hương Bình Định đã có nền
văn hóa, văn nghệ dồi dào, đa dạng về nội dung
cũng như về hình thức biểu hiện.
48
1. Về nội dung, văn hóa, văn nghệ Bình Định
đề cao tinh thần trọng nghĩa nhân, sự thông cảm,
lòng yêu thương…
Người Bình Định cổ xưa tính tình đôn hậu, chất
phát, hiền lành, chuộng khí tiết, trọng nhân nghĩa.
Ngoài xã hội lấy trung tín làm gốc. Trong gia đình
lấy hiếu thuận làm nền.
a. Về trọng nhân nghĩa, ta thấy có những câu:
- Tham vàng, bỏ nghĩa mặc ai
Lòng đây, sông giữ, non mài vẫn nguyên
- Dù cho đất đổi, trời thay
Trăm năm vẫn giữ lòng ngay với đời
Hoặc
- Một lời em nói ra
Bằng ba lời thề thốt
Như đinh đóng vào cột
Như rìu cốt vào cây
Anh đừng ngại gió, e mây
Vàng cao ngất núi sao tày nghĩa nhân
Đó là lòng chung thủy xây trên nền tín nghĩa,
do vậy, người không tín nghĩa thì bị lên án, coi như
người bỏ đi.
- Những người bất nghĩa, bất nhân
Lưới trời đâu dễ thoát thân ra ngoài
- Nghĩa nhân chi thứ cương quyền
Chúng chỉ vì tiền sinh chuyện hại dân.
49
Hoặc:
- Con cua làm vua dưới nước
Bá tước, cường quyền trái ngược lòng dân
Hở mồm rặt giọng nghĩa nhân
Tăng cao lễ vật là ân với tình
b. Về sự thông cảm, lòng yêu thương những
con người gặp những hoàn cảnh éo le, khổ cực, bị
áp bức cũng được khơi dậy.
- Lòng thương con dế ở hang
Nắng mưa cũng chịu, sói sàng tiếp kêu
- Bởi nghèo chịu chữ ngu si
Phải chi có của thua gì thế gian
- Cây khô lột vỏ khó trèo
Mẹ ơi, thương lấy dân nghèo mồ côi
Mồ côi tội lắm hỡi trời
Đói cơm ai đỡ lỡ lời ai bênh
- Thương thay cho kiếp dã tràng
Sông sâu, biển rộng, muôn ngàn sóng xao
- Cơm cha, cơm mẹ đã từng
Con đi làm mướn, kiếm lưng cơm người
Cơm người cực lắm mẹ ơi
Chẳng như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn
- Con quạ ăn dưa mà bắt con cò phơi nắng
Đêm nằm nghĩ lại cái sự đời
Con cò trắng mà con quạ đen…
c. Lòng hiếu thảo với cha mẹ thật đậm đà, sâu sắc
50
Thuở xưa, lòng hiếu thảo với cha mẹ được đề
cao, được trọng vọng:
- Ơn cha núi chất trời tây
Láng lai nghĩa mẹ nước đầy bể đông
Ơn cha, nghĩa mẹ trìu trìu
Mưa mai, lòng sợ, nắng chiều, dạ lo
- Ra đường vật lạ của ngon
Mua dâng thầy mẹ, dạ con thỏa lòng.
- Có cha có mẹ thì hơn
Không cha, không mẹ như đờn đứt dây
- Trèo non mới biến non cao
Nuôi con mới biết công lao mẹ, thầy
- Một mai con cá hóa rồng
Đền ơn cha mẹ bõ công sinh thành
- Những lo cha yếu, mẹ già
Đặt lưng xuống chiếu trời đà sang canh
- Năm tiền con cá liệt xuôi
Cũng mua cho đặng về nuôi mẹ già
- Lọng rách giơ xương, còn sờn cũng lọng
Cha mẹ bên nào cũng trọng vừa hai
Lên rừng kiềm chút sữa nai
Đền ơn nhạc mẫu sinh ai đầu lòng
Và còn nhiều vô kể những lời ca, tiếng hát nêu
cao lòng hiếu thảo với mẹ cha.
Đó là lòng hiếu thảo của con đối với cha mẹ
Còn anh chị em đối với nhau thì sao?
51
d. Anh chị em thì thương yêu hòa thuận, đùm bọc
nhau hết lòng, hết sức, không kém phần cảm động
- Anh em như khúc ruột chia hai
Mạch còn máu chảy, đứt ngoài liền trong
- Anh em trên thuận, dưới hòa
Họ hàng đẹp mặt, mẹ cha vui lòng
- Rách lành đùm bọc lấy nhau
Gian nan chung chịu, sang giàu chung vui
- Anh em là tay, là chân
Phước phần chung hưởng, nợ nần chung lo
Tình nghĩa anh chị em mặn mà, nồng thắm như
thế. Cho nên trong làng, trong xóm, trong gia đình
nào, nếu có anh, chị, em bất hòa thì bị cho là gia
đình vô phúc và phê phán nghiêm khắc.
- Lỗi lầm anh vẫn là anh
Nồi da xáo thịt, sao đành hở em!
e. Đối với vợ chồng thì lòng tín nghĩa sự chung
thủy cũng được đề cao một cách sâu sắc
- Vợ chồng nghĩa nặng, tình sâu
Thương nhau đến tuổi bạc đầu càng thương
- Thề nguyền sau trước nhất ngôn
Sống nằm chung gối, thác chôn chung mồ
- Trăm năm kẻ mất, người còn
Gió mưa gửi vẹn lòng son ở đời
- Chồng như giỏ, vợ như hom
Đá vàng chung chạ, cháo cơm vui lòng.
52
-	 Năm tiền một tấm tranh săng
Cũng mua cho được lợp lăng thờ chồng
- Chồng giận thì vợ làm thinh
Vợ giận chồng hỏi rằng mình giận ai
Vợ rằng giận trúc, giận mai
Vợ chồng ai có giận ai bao giờ!
- Chồng giận thì vợ bớt lời
Cơm sôi nhỏ lửa có đời nào khê.
Trên đây một vài nét sơ lược về nội dung còn
về hình thức biểu hiện thì sao?
2. Về hình thức biểu hiện
Về hình thức biểu hiện của văn nghệ Bình Định
cổ xưa cũng thật dồi dào, phong phú cả về văn
học dân gian lẫn văn chương bác học. Nói về văn
chương bác học thì có nhiều thơ, phú viết bằng chữ
Hán, chữ Nôm của nhiều sĩ phu nổi tiếng (nhưng
không thuộc phạm vi phản ảnh của chuyên đề này).
Nói về văn học dân gian thì có bài chòi, hò, ví,
lý, ca dao, tục ngữ, hát (bao gồm hát giao duyên,
hát kết, hát đối đáp…)
a. Trước hết nói về Bài Chòi
Bài Chòi là một loại hình sân khấu dân gian, có
thể nói được bà con ưa chuộng.
- Rủ nhau đi đánh bài chòi
Để con nó khóc, nó lòi rún ra.
53
Nói say mê bài chòi đến nỗi bỏ con nó khóc, nó
lòi rún ra, đó là sự đam mê tột bực!
Bởi vì những câu thai hay, phê phán những thói
hư tật xấu mà gây cười được bà con rất ưa thích.
Hãy nghe một số câu như thế này.
- Ngày thường thiếu áo, thiếu cơm
Đêm nằm không thiếu lấy rơm làm giường
Dù dơi, dép bướm chật đường
Màn loan, gối phượng, ai thương thằng nghèo
- Tiếc công bỏ mắm cho cu
Cu ăn, cu lớn, cu gù, cu bay
Cu say mũ cả, áo dài
Cu chê nhà khó, phụ hoài duyên anh
- Tóc dài em rủ đắp ngang
Hay tay ôm mẹ cho an giấc nồng
Mấy năm chẳng thấy mặt chồng
Em đi hành khất thấu không hỡi chàng.
- Còn duyên mua thị bán hồng
Hết duyên mua mít, cho chồng gặm xơ
Gặm xơ rồi lại gặm cùi
Còn ba, bảy hạt để lùi cho con…
Bài chòi chẳng những là những câu hát, giọng
hò với những câu thai 5,7 câu mà dần dần tiến lên
“bài chòi truyện” có sân khấu, có diễn viên… cũng
được bà con thiệt tình đón nhận như Thoại Khanh Châu Tuấn…
54
b. Ngoài bài chòi, còn có một loại hình sân
khấu gọi là Hát Bội, được bà con ưa chuộng
Hát Bội có văn chương bác học. Lời ca thâm
thúy. Nội dung phần lớn đề cao gương tiết nghĩa,
lên án bọn phản dân, hại nước, bọn phi nhân, phi
nghĩa. Nhiều bổn tuồng, tích tuồng thiên về chuyện
thời xưa ở nước ta hay ở nước bạn Trung Quốc (Ngũ
hổ bình Tây, Sơn Hậu, Hoàng Phi Hổ…) chẳng
những được các văn nhân tán thưởng mà cùng được
các tầng lớp nhân dân ưa thích. Cho nên mỗi lần có
đám hát hội thì dù xa mấy, lắm người cũng rủ nhau
đi xem. Có người bị cha mẹ hoặc chồng cấm cũng
cứ lén đi.
- Bầu Đông đóng Lý Phượng Đình
Dù cho chống có đánh thì mình cũng đi
Hoặc:
Mẹ ơi! đừng đánh con đau
Để con hát bội, làm đào mẹ coi.
Do vậy mà Hát bội vẫn ngày càng tồn tại và
phát triển cho đến ngày nay.
c. Các loại hình dân ca khác: Hò, vè, hát.
* Hò: là một loại hát quen thuộc được người
Bình Định nói riêng và các địa phương phía Nam
nói chung, rất yêu chuộng.
Bà con khi lao động trên sông nước (hoặc trên
cạn) thường cất tiếng hò.
55
Hò trên sông nước như: Hò khoan, Hò chèo
thuyền… Hò trên cạn như: Hò giã gạo, Hò mài dừa,
Hò giả vôi, Hò xe nước…
Hãy nghe một vài câu hò tương đối phổ biến.
Hò trên sông nước:
Gặp nhau một chút nên duyên
Xin mời bên đó cất lên tiếng hò…
Khoan hỡi hò khoan! là hò khoan
Sông tôi chẳng có bến thuyền
Mong gì là gì hứng gió những miền khơi
Tủi lòng sông lắm thuyền ơi
Đừng chê là nơi thôn nhỏ, hám nơi phố phường
Khoan! khoan hò hò khoan, khoan là hò khoan
Hò trên cạn.
Đây là hò khiêng xe nước:
Hò khiêng lên, khiêng lên hò hố lên
Khiêng xe ta khiêng xe, hố hụi lên
Cho nước hố hụi lên! lên! đồng hò hố
	 Lên là hố hụi! Lê! Bà con ta đủ ấm
Là hố hụi lên, thấm nông là hố hụi lên
Vui mừng là hố lên, là hố hụi lên, lên!
Còn đây là Hò giã vôi:
Hố hò hố hụi hố hụi. Xịt hụi hò khoan! Hụi hò khoan
Lửa cháy núi lan! Hụi hò khoan!
A, ngó lên. Hụi hò khoan! Lửa cháy núi lan.
Hụi hò khoan, a bạn ơi, đôi ta mà thủng thỉnh
56
Là hố ô khoan. A. lửa tàn
Hụi hò khoan. Lửa tàn sẽ vô
Hụi hò khoan!
Hay là Hò đò:
Hò chơi bên gái, bên trai
Xin cùng cô bác đừng ai nghi ngờ
Em đến đây xứ lạ quê người
Rủ hò vui miệng, chớ cười lời thô
Có thương thì bắc lửa hương
Không thương thì cũng nhúm lại, đừng bươi nó tàn
… Sông bên ni, anh lập cảnh chùa Hoài Thiện
Sông bên tê, anh đựng huyện Hoài Nhơn
Cái huyện Hoài Nhơn để ông Bao Công xử kiện
Cái chùa Hoài Thiện, có bao kẻ tu hành
Ơi! bạn mình ơi!...
* Lý:
Lý là một loại hình hát được bà con Bình Định
ưa chuộng.
Giai điệu Lý rất phong phú, trau chuốt xin trích
ra đây vài câu Lý.
-	 Lý thương nhau:
Thương nhau trường đoạn đoạn trường
Lụy lưu lưu lụy dạ dường kim châm…
Thương nhau chừng đã quá chừng
Trèo đèo quên mệt ngậm gừng quên cay
-	 Lý tiếng đờn:
57
Xa xôi chi đó mà lầm
Phải hương, hương bén, phải trầm, trầm thơm
Anh đừng suy nghĩ thiệt hơn
Lắng nghe em gảy tiếng đờn tri âm
* Vè.
Là loại hình dân ca mà nội dung của nó đề cập
đến mọi vấn đề trong cuộc sống, có khi là một lời
khuyên răn, nhắc bảo… (vè thằng nhác, vè khuyên
học trò). Có khi kể lể, trình bày, giới thiệu một đặc
điểm gì đó của sự vật… (vè con cá, vè cây dừa, vè
trái cây… hoặc kể một câu chuyện, một nhân vật
(vè Thông Tằm, vè Chàng Lía…). Có khi lại đề cập
đến một việc, một loại người nào cần châm biếm,
chỉ trích (vè nói láo, vè đánh bạc…). Có khi chỉ là
những tiếng, những chuyện vui đùa, cười cho thỏa
thích. Cho nên vè được mọi người ưa chuộng.
- Vè đúc cây dừa:
Đúc cây dừa
Chừa cây nậm
Cây tầm phổng
Cây mía lau
….
Chùm tơi chín đỏ
Quan văn, quan vỏ
Ăn trộm trứng gà…
- Vè thằng nhác (trích đoạn):
58
Lẳng lặng mà nghe
Cái vè thắng nhác
Trời đã phó thác
Tính khí anh ta
Theo sự thư sự
Cho đi học chữ
“Nhiều chữ ai vay!”
Cho đi học cày
“Rằng nghề ở tớ”
Cho đi làm thợ
“Nói nghề ấy buồn”
…
Chết rũ giữa đường
Rồi đời thằng nhác!
-Vè thày phù thủy:
Cốc cốc cheng cheng
Nấu chè đỗ đen
Nấu xôi ổ quạ
Tưởng rằng thầy lạ
Ai dà thầy quen
Đóng cửa cài then
Tắt đèn bốc lủm
* Hát
Ở Bình Định, hát có nhiều loại: Hát đố, hát kết,
hát đối, hát ru con, hát huê tình…
59
Vào những đêm trăng sao, khi rỗi rãi, lúc hội
hè hoặc cả trong khi lao động, những nhóm thanh
niên nam nữ tụ tập lại đối mặt nhau hoặc cách nhau
năm, ba chục thước hoặc đầu vườn bên này, cuối
vườn bên nọ, hoặc trong nhà, ngoài sân… cất tiếng
hát, khi trầm, khi bổng, làm cho không khí vui tươi,
rộn ràng trong thôn xóm.
Xin trích ra đây vài làn điệu.
Hát đố, hát đối đáp:
-	 Bánh dẫu nhiều cũng kêu bánh ít
Chuối còn non sao gọi chuối già
Nếu anh đối đặng mới là đáng khen
Canh chua loét, cũng kêu canh ngọt
Cau cao nghệu, sao gọi cau lùn
Thuyền quyên mà còn hỏi nữa, anh cũng còn
gửi thưa.
-	 Tiếng anh ăn học cựu trào
Chị dâu té xuống giếng, anh biết chỗ nào nắm
kéo lên?
Nắm đầu thị sợ tội trời
Nắm ngang khúc giữa lại sợ lời thế gian
Giếng sâu anh phải thông thang
Kéo chị dâu lên được kẻo chết oan linh hồn
-	 Sáng mai em ngồi cầy (cây cầy), em bán thịt
chó, em xỏ tiền muôn (ý nói đến chó săn)
60
Anh mà đối đặng, em theo luôn về nhà
Chiều qua anh đi chợ Gò Miêu, anh bán con
miêu, anh mua con mèo
Em ơi, ở vậy, để anh đi cưới, nạp tiền cheo cho
làng.
Hát ru em:
- Ru con, con ngủ cho muồi
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
Mẹ đi chợ Quán, chợ Cầu
Mua rau chợ Dã, mua trầu chợ Dinh
- Con chim én Cù Lao Chàm nó hay từ Nam
chí Bắc
Nó vượt bãi ghềnh rồi liệng cả Đông, Tây
Nước miếng trong nó làm tổ từng ngày
Nuôi con khôn lớn tháng ngày đâu có kể công.
- Ngủ đi em nhỏ em thơ
Chị ru, chị dỗ, chị chờ em nghen
Chiều hôm mưa núi, gió ngàn
Thương cha, nhớ mẹ dạ càng bâng khuâng
Hát huê tình rất tình tứ, đậm đà, sâu sắc, kín
đáo, tế nhị. Đó là những lời trao duyên ân tình, than
thân trách phận, hờn dỗi nhau. Nói chung, làn điệu
Hát huê tình rất đa dạng, vô cùng phong phú, không
sao kể cho hết được. Ở đây chỉ xin chép lại năm ba
câu để minh họa mà thôi.
61
- Chữ trung, chữ hiếu, chữ hòa
Chữ hiếu thờ cha mẹ, chữ hòa thờ anh
- Bao giờ anh cũng cang tràng
Miễn em ừ một tiếng, anh sẽ lạy song đường xin
cưới em
- Bướm này ở tận núi xa
Chiều hôm nó bay tới muốn chơi hoa xuân thì
Vội vàng chi em lại đuổi nó đi
Đông, Tây, Nam, Bắc thiếu gì ngả nó hay
Nghiêng tai anh hỏi lời này
Con bướm kia nó mê nhụy, cũng như anh đây
mê nàng.
- Dế kêu sâu thẳm bờ mương
Cam đành én khóc bạn, nhạn kêu sương từ rày
Nói làm chi cho đau đớn lòng này
Thương nhau xin hẹn chốn tuyền đài gặp nhau.
- Nghe em than thân trách phận
Qua càng oán hận cho cái phận của qua
Lênh đênh không cửa không nhà
Nhưng thương nhau dĩ lỡ qua cũng phải ráng
tính cho nhứt gia trùng phùng.
- Lời anh đã hứa, ngàn bữa em không quên
Thương nhau cho chặt, cho bền
Từ đây em đốt nén hương nguyền chờ anh…
Qua các phần kể trên ((Núi sông, sản vật, chợ
búa, ngành nghề, di tích, thắng cảnh, văn hóa, văn
62
nghệ) ta thấy gương mặt Bình Định cổ xưa tuyệt
đẹp, do con người cổ xưa rất tài danh bỏ bao nhiêu
tài trí, công sức, mồ hôi, nước mắt và cả máu xương
để xây đắp nên.
Những điều, những việc chúng tôi lược kể trên
chỉ là một phần rất nhỏ, rất nhỏ của gương mặt Bình
Định thân yêu mà những phần rất nhỏ này, chúng
tôi biết được do đọc, do nghe nhiều hơn được trông
thấy, và cũng chỉ lược trích và cũng chỉ qua một số
câu ca dao cổ mà thôi. Do đó nhất định có nhiều
thiếu sót. Rất mong được bà con thông cảm, lượng
thứ cho.
Gương mặt Bình Định cổ xưa đã đẹp như vậy
còn ngày nay gương mặt Bình Định đang và sẽ đẹp
hơn muôn phần về mọi mặt. Đó là nhờ công lao to
lớn của các bậc tiền bối và hậu bối.

63
64
PHỤ LỤC
A. Một vài bài thơ, văn về quê
hương Bình Định từng lưu truyền
trong dân gian hay được nhiều
người yêu thích hiên nay mà tôi
ghi chép sưu tầm được.

65
Gửi về Bình Định quê ta
(trích)

CAO VĂN BẢO

Quê ta Bình Định anh hùng
Câu ca Bình Định não lòng người xa
Em về Đập Đá quê cha
Gò Găng quê mẹ, Phủ Đa quê chồng
Ai đi Đồng Phó, Phú Phong
Sông Côn mãi mãi còn trong giang hồ
Trăm năm chi lỗi hẹn hò
Mái chèo Vĩnh Thạnh, con đò Định Quang
Ai qua Bình Định, Tam Quan
Mênh mông đồng lúa bạt ngàn dừa xanh
Em về Bình Định với anh
Cùng ăn bí đỏ, nấu canh nước dừa

Sông Côn
(Không rõ tác giả)

Uẩn khúc xuôi dòng một mạch thông
Nước trong lai láng trải xinh đồng
Trường Sơn tuyết phủ hùm thêm vuốt
Đầm Nại triều dâng cá hóa rồng
Bình Định anh hùng vang đất Bắc
Tây Sơn nữ kiệt rạng trời Đông
66
Bốn mùa, tám tiết Côn Giang vẫn
Vun đắp hiềm nhân chí vẫy vùng

Hầm Hô thưởng ngoạn
HOÀI CHI

Thiên tạo Hầm Hô cảnh đẹp a!
Ban nơi vu vịnh tặng quê nhà
Động khai văn dịch quần anh hội
Cá hướng vũ môn ứng vận khoa
Cây muốn lội như chào viễn khách
Nước đòi leo họa bản trường ca
Đá Hàng 15 tiếp khỏa dòng Côn chảy
Trang trải đầy vơi mạch hiệp hòa

Trăng nước sông Côn
NINH GIANG THU CÚC

Trăng nước Sông Côn đẹp tuyệt vời
Vườn thơ nhẹ bước ghé sang chơi
Đượm tình thi hữu hương trà đậm
Thắm nghĩa văn nhân sắc mực tươi
Gặp gỡ một lần hoài luyến mến
Tâm tư mấy bận mãi không vơi
Đôi vần gieo cảm xin tâm niệm
Chút nghĩa tri ân đẹp rạng ngời
15. Sông Đá Hàng
67
Cổ Tháp quê tôi
NAM HẢI

Tháp cổ Dương Long tự thuở xưa
Hiên ngang khí phách dãi dầm mưa
Thần linh nào khuất trong sương sớm
Vóng dáng rực ngời buổi nắng trưa
Lác đác cổ rêu vườn héo hắt
Líu lo chim chóc hót say xưa
Ấy nền văn hóa Chăm Pa đó
Chứng tích ngàn năm của xứ dừa

Vực Hòn Gành
TẨN HOÀI

Sông Côn nổi tiếng vực Hòn Gành
Cảnh tượng khác nào một bức tranh
Đá nổi duyền khơi đường độc tháp
Cây chen vách đứng tựa liên thành
Sóng ôm bãi cát phô màu trắng
Mây ấp đầu non rợn nét xanh
Chốn ấy dẫu rằng xa đến mấy
Chân chưa qua đó dạ chưa đành

68
Uy danh Quang Trung Nguyễn Huệ
TÂN HOÀI

Uy danh nổi tiếng khắp gần xa
Nguyễn Huệ Quang Trung cứu nước nhà
Chớp nhoáng diệt Thanh hăm chín vạn
Dập dồn chôn giặc một gò Đa
Chiến công hiển hách còn vang vọng
Trang sử liệt oanh mãi chói lòa
Dân tộc muôn đời luôn tưởng nhớ
Trước đền kỷ niệm ngát hương hoa.

Đầm xanh Châu Trúc
ĐỒNG HUỆ

Xanh xanh Châu Trúc dưới chiều tà
Lấp lánh thuyền ai dõi mắt xa
Non nước hồn thu dìu sóng bạc
Tình quê lữ khách ướt sương sa
Bâng khuâng chuông vọng vờn tâm cảnh
Lưu luyến hương đưa quyện chén ngà
Bóng nhạn lưng trời chưa mỏi cánh
Nỗi niềm âu dễ đà phôi pha

69
Thành Đồ Bàn
THẠCH KHÊ

Một thoáng Đồ Bàn bước tới thăm
Nơi đây thủ phủ của Chiêm Thành
Tháp xưa cổ kính âm thầm đứng
Mồ lạnh hoang vu lặng lẽ nằm
Sự nghiệp lâu dài ân một thiếp
Cơ đồ ngắn ngủi hận muôn năm
Ai qua trộm nhắc nguồn cơn ấy
Cảnh đó, tình này ngỡ thấu chăng

Đây Thị Nại
THẠCH KHÊ

Tôi cảm nhớ thầm yêu trong giấc mộng
Vui mùa trăng, say biển lộng, trời thơ
Những năm qua ôn lại chuỗi ngày mơ
Đây Thị Nại không phai mờ dấu cũ
Bao kỷ niệm con đường xưa bóng rũ
Nhìn xa khơi nắng phủ rặng dừa xanh
Cánh buồm giăng vượt sóng chạy qua nhanh
Nghe sôi động âm thanh tình cả nước
Tháng năm ấy bên Cầu Đôi mấy lượt
Đón thi nhân lạc bước giữa tinh sương
Như mơ màng trong gió thoảng muôn phương
70
Nhung nhớ gợi sắc hương triều ảo ảnh
Lần gót dạo qua con đường hẻo lánh
Dưới hàng cây vi vút cảnh thông reo
Ở nơi đây chung cả một xóm nghèo
Trong mái ấm gặp nhau niềm tri kỷ
Đây Thị Nại lừng danh dũng khí
Tình nên thơ và cảnh trí thần tiên
Giữ giùm tôi bao kỷ niệm hoa niên
Cho thắm mãi mối duyên về đất mẹ

Đào Tấn và chùa Ông Núi
MAI KHÊ

Gót bồng theo dấu bụi thời gian
Ẩn dật Mai Tăng nỡ biệt làng
Từ khắc gốc cây, chim, thú đọc
Thơ ghi tháp bút, gió sương chan
Mang mang mộng thực đời đưa lớp
Lồng lộng chân hư cuộc chuyển vần
Non nước hồn tuồng danh sáng mãi
Nỗi lòng Vinh Thạnh tiếng vang ngân

71
Chùa Ông Núi
LƯƠNG TRỌNG LÃNH

Lưng chừng non nước góc trời Đông
Có đá Vọng Phu vợ ngóng chồng
Ai khéo dựng nên chùa Ông Núi
Mây bay, cá nhảy, bóng trăng lồng
Trải bao thế sự chùa rệu rã
Mái đổ rêu phong Phật chạnh lòng
Du khách bàng hoàng nhìn cảnh thực
Trần ai sóng gió, biển mênh mông

Tức cảnh Đề Gi
LƯU TRỌNG LÃNH

Đề Gi bãi cát trắng phau
Rừng dương bát ngát một màu xánh xanh
Xa xa thấp thóang bóng mành
Nhạn kêu, én liệng đầu gành cá bơi
Hoàn Trâu hoang đảo ngoài khơi
Bầu trời sắc nước tuyệt vời như tranh
Kìa Lan Sơn, nọ núi Gành
Đây, đầm nước ngọt nước xanh một màu
Đầu ngòi sóng vỗ chân cầu
Dừa in bóng nước, thuyền câu giữa dòng
Con đò đưa khách sang sông
72
Bên kia còn vọng tiếng ai gọi về
Chiều chiều ra đứng bờ đê
Nhìn sông, nhìn núi mà mê mẩn lòng
Ra về khách nhớ lấy lòng
Hẹn ngày trở lại bến sông tự tình.

Viếng lăng Mai Xuân Thưởng
TƯỜNG PHONG

Lăng mộ bảng đề cấp quốc gia
Danh Mai Xuân Thưởng rạng quê nhà
Ra tay thao lược trang hào kiệt
Nung chí quật cường bậc cử khoa
Linh Đổng vấn vương hồn chí sĩ
Hoành Sơn vang vọng khí hùng ca
“Chết nào có sợ” lòng cương quyết
Trung liệt gương người đất nước ta

Hoàng Đế Quang Trung
THANH PHONG

Dũng khí nghiêng vai cứu lấy đời
Anh hùng Nguyễn Huệ đất quê tôi
Điều binh khiển tướng tài siêu việt
Trị nước thương dân đức sáng ngời
Cõi Bắc, Thanh triều nghe khiếp vía
73
Trời Nam, Xiêm tặc thấy run người
Kỳ công chiến tích hồng trang sử
Vạn thuở lưu danh rạng giống nòi

Vè các lái

(Hát ra) 16
Cù Mông. Vũng Trích ăn quanh
Vũng Mú trực chỉ Cù Lao Xanh sáng đèn 17
Thuận buồm, xuôi gió một phen
Ghé vô cửa Dã trong miền Hòn Mai
Gành Ráng mút tận Bãi Dài
Bưng qua Bãi Nhạn vô chơi phố phường
Đi cho thấu chữ Qui Nhơn
Giáp đầm Thị Nại hãy còn sử xanh
Vô chợ ăn bún song thần
Hỏi mua nón ngựa để dành về quê
Thiếu gì hải vị, sơn khê
Vào nam, ra bắc, ê chề ngựa xe
Nói chơi sợ nẫu cười chê
Có say đất khách, mới mê nết người
Nghĩ thôi dạ tợ dầu sôi
Day qua Mũi Mác, San Hôi dong buồm
Eo Vượt ngó thấy Cỏ, Cân
Vũng Nồm, Vũng Bấc kề gần làng đôi
16. Bài hát từ phía Nam ra phía Bắc tỉnh
17. Cù Lao Xanh có ngọn đèn hải đăng
74
Ngó vô Ké Thữ thương ôi
Trông chồng hóa đá, tích đời còn ghi
Vũng Tô, Suốn Bún là đây
Hòn Khô, Nước Ngọt dựa kề Hòn Lan
Vũng Bầu ở chếch phía Nam
Vĩ Rồng, Phường Mưới giăng ngang kia là
Lố Ông, Mũi Đụn đã qua
Gành Mét đã khỏi, Hà Ra lại gần
Tiếp theo là xóm Hội Vân
Phong cảnh xoay vần đến mũi Lộ Giao
Vũng Cù sóng bổ lao xao
Nồm thổi ngọt ngào, ghe chạy thưng thưng
An Dũ sâu cạn không ngừng
Lời đồn có miếu thổ thần linh ghê
Tam Quan rày đã gần kề
Đất này nổi tiếng Tân Khê nhiều dừa
Nhớ lời thề thốt thuở xưa
Tiếng hát mài dừa lảnh lót thâu đêm
Tai nghe dạ xót niềm riêng
Nhổ neo mà chạy hướng lên Sa Hoàng.

Những câu ca dao lẻ ghi được
Dòng sông La Vĩ dài đằng đẵng
Bàu nước An Nam rộng thênh thênh
Thành xưa Bình Định hữu tình
Hỏi thăm ông Hậu quên mình vì ai?

75
Hai voi đứng đó hầu hoài
Đền không, ngôi trống nào ai chủ quyền
Bên kia hòn tháp Cánh Tiên
Trong ruột trống lổng trống thiên xa vời
An Nhơn thắng cảnh nhiều nơi
Có chùa Ông Đá nơi này Phương Danh
Nhạn về Cân, Cỏ nhạn ơi!
Nhạn nhớ lấy lời chiêm yến Phương Mai
- Nước sông Côn chảy về Đông Lạc
Chảy sang Thiên Hạt, chảy xuống Thạch Đề
Ai về nhắn với Bình Khê
Sao không giữ nước cho nó về Văn Phong
- Trăng già mười tám trăng treo
Anh sắm giường lèo cưới vợ Quy Nhơn
- Cha chài, mẹ lưới, con câu
Chàng rể đi xúc, cô dâu đi mò
Quanh năm ăn những ốc sò
Cũng hoàn rách rưới chẳng no ấm gì
- Hai vai gánh nặng đều hai
Xương rồng cũng gánh, dầu lai cũng đèo
- Ai về nhắn với nậu nguồn
Thơm chua gửi xuống, cá chuồn gửi lên.
- Trăng rằm đã tỏ lại tròn,
Củ lang Phù Mỹ đã ngon lại bùi
- Anh nguyện cùng em chợ Dã cho chí Cầu Đôi,
Nguyền lên Cây Cốc xuống vạn Gò Bồi giao lân
76
Anh nguyền cùng em thành Cựu cho chí thành Tân,
Cầu Chàm, Đập Đá ái ân kết nguyền
Anh nguyền cùng em chợ Làng Cả bán mua
Cầm dao cắt tóc thề chùa Minh Hương
Anh thề cùng em Trung Định cho chí Hưng Lương
Trung Nghĩa, Trung Lý cùng nguyền cao xa
Anh nguyền cùng em trăm tuổi đến già
Dù cho sông cách, biển xa cũng gần
- Lụa Phú Phong nên duyên nên nợ
Nón Gò Găng khắp chợ mến thương
Áo hồng, quấn tía vấn vương
Nghiêng nghiêng chiếc nón, gió sương quản gì
- Vạn Ninh, Vạn Thái có tài
Nấu một lon gạo nồi hai cùng đầy
- Hội Sơn đi dễ khó về
Trai đi ế vợ, gái về không con
- Rủ nhau mua tép Trà Ô
Sẵn bờ cát trắng phơi khô đem về
- An Nhơn có núi Mò O
Có chùa Thập Tháp, có đò Trường Thi
- Gió cầu Tấn trưa chiều thổi mát
Đường Quy Nhơn mịn cát dễ đi
Phương Mai, Gành Ráng tương tri
Ngâm câu thủy tú, sơn kỳ thảnh thơi
- Họ Mai là đấng anh hùng
Chữ hiếu cũng vẹn, chữ trung cũng toàn.
77
- An Khê nổi tiếng Hòn Bình
Ngày xưa Nguyễn Huệ ẩn binh chốn này
- Cây Me cũ, bến Trầu xưa
Dẫu không tình nghĩa cũng đón đưa trọn niềm
- Ơn vua Thái Đức chí tình
Cù Mông vắng vẻ như mình vẫn vui
- Rộng trời mặc sức chim bay
Biển Hồ lai láng mặc tài con cá đua
- Cá đua sông trước thì đua
Sông sau có miếu thờ Vua xin đừng
- Ai về Bình Định mà coi
Đàn bà Bình Định cưỡi voi diệt thù
- Thương cho thân phận quả dừa
Non thì khoét mắt, già cưa mất đầu

Chuyện người liệt sỹ anh hùng Ngô Mây
(Vè)
Quê anh làng Cát Chánh
Tỉnh Bình Định, miền Trung
Dừa xanh tốt một vùng
Đường trải dài cát trắng
Cha của anh mất sớm
Hai mẹ con nuôi nhau
Đi cày thuê cuốc mướn
Áo rách, cơm cháo rau
Khi cách mạng thành công
78
Anh vừa hai mươi tuổi
Vẫn nhà tre nắng rọi
Vẫn tay cuốc tay cày
Nhà một con một mẹ
Nhưng đời sao khác thay!
Cờ Tự do, Độc lập
Hạnh phúc đến từng ngày
Chiều chiều làn khói bếp
Cũng mơ màng nhẹ bay…
Nhưng ở phía chân trời
Bóng mây đen đã dựng
Giặc Pháp lại xâm lấn
Mưu toan cướp nước ta
Chúng đánh chiếm An Khê
Toan đánh sang Bình Định…
Dân ta sôi máu giận
Không có súng dùng gươm
Thà chết để tiếng thơm
Hơn sống làm nô lệ
Căm hờn dâng sóng bể
Theo lệnh của Bác Hồ
Những trai làng thi đua
Lên đường đi giết giặc
Anh Mây lòng đã quyết
Xin mẹ đi tòng quân
Nhà một mẹ một con
79
Mẹ thương anh nhiều lắm
Mẹ thấy con khôn lớn
Càng thêm vui tuổi già
Giờ giặc đã đến nhà
Con ngồi yên sao được
Nhớ con mà lòng vui
Chiếc áo mẹ rách vai
Mẹ cắt ra khâu lại
Tấm áo nâu dầu dãi
Nay con mặc ra đi
Vắng mẹ lúc canh khuya…
Vẫn ấm hơi của mẹ
Mẹ đưa con miếng quế
Phòng trái gió trở trời
…Rồi một hôm
Nào mũ đỏ, mũ vàng
Lũ khát máu nghênh ngang
Chúng ào lên như nước
Trung liên ta bị tắc
Kế hoạch định trước rồi
Quân ta liền rút lui
Còn lại mình Ngô Mây
Ôm trái bom nóng hổi
Lũ giặc càng tràn tới
Chúng la hét om sòm:
- Việt Minh đâu?
80
- Việt Minh đâu?
- Như một tia lửa
Trong bụi vụt bay
Ngô Mây thét lớn:
- Việt Minh đây!
- Bố mày đây!
Chiếc khăn quàng đỏ
Tia lửa Ngô Mây
Quân thù hoảng sợ
Hồn bay, vía bay!
Chiếc khăn quàng đỏ
Tia lửa Ngô Mây
Một trung đội địch
Vụn thành bụi bay
Đâu văng xuống suối
Tay vắt cành cây
Chiếc khăn quàng đỏ
Tia lửa Ngô Mây
Thành tiếng sét nổ
Xé mây đen dày
Sáng ngời khuôn mặt
Anh hùng Ngô Mây!
Lũ giặc còn sống sót
Xéo lên nhau chạy dài
Tim đập vỡ lồng ngực
Lo sợ tưởng đứt hơi
81
Từ đấy hết vênh váo
Mỗi khi trông phía xa
Thấp thoáng chiến sĩ ta
Đeo chiếc khăn quàng đỏ
Giặc rùng mình kinh sợ
Hè nhau chạy tháo thân
Như một bầy quỷ
Trông thấy báo thiên thần
Tiếng bom của Ngô Mây
Vang khắp miền đất nước
Thương tiếc người anh hùng
Xưởng giấy lấy tên em
Cho các em đi học
Ôi màu giấy trắng tinh
Hương Ngô Mây thơm nức
Đời anh thành trang sách
Lưu mãi đến mai sau

Đồng bào Bình Định tế
vua Quang Trung ngày giỗ trận Đống Đa
Than ôi!
Dòng Côn thủy mây lồng thức gấm
Mãn vui tình mai liễu độ xuân
Đỉnh Tây Sơn gió lộng sóng tùng
Chạnh tưởng đức anh hùng cứu quốc
Nhớ tôn linh xưa:
82
Khí cốt lăng tằng
Anh tư khôi đặc
Sức điều binh tài khiển tướng:
Hạng Võ Lưu Bang
Lòng trọng sĩ lượng tôi hiền:
Văn Vương Huyền Đức
Tình đất nước giận cơn chia sẻ
Lưỡi gươm trần dẹp loạn cứu dân
Nghĩa Bắc Nam trải dạ gắn hàn
Thân áo vải tận tâm dựng nước
Quy Nhơn biển lặng, rực rỡ ánh tường vân
Thuận Hóa trời cao, chói chang vần bạch nhật
Xiêm phê áo phủ
Trên chín trùng toan mới trị bình
Vút dũa nanh mài
Ngoài muôn dặm rắp tâm xâm lược
Cõng rắn tội kìa ai?!
Bắt hùm tay sẵn chước
Tế trời đất đàn Giao cao vút núi
Bóng tinh kỳ sáng dội buổi đăng quang
Nhìn non sông khí giận ngất tầng mây,
Tiếng hiệu lệnh sấm vang giờ xuất phát
Hùng binh mười vạn hăng hái hy sinh
Chiến tượng hai trăm tinh tường trận mạc
Lòng một quyết ra tay hùng hổ
Hẹn nước non ca khúc khải hoàn sau
83
Chí mười ngày dẹp giống sài lang
Cùng tướng sỹ chung vui nguyên đán trước
Cạn lời ủy lạo, trống giục cờ giong
Dốc dạ truy tùng, non băng biển vượt.
Ngày ba mươi tháng chạp, song Lam Thủy dồn binh
Đêm mồng ba tháng giêng, đồn Hà Hồi hãm giặc
Đánh trận này tiếp trận khác, sấm dậy chớp giăng
Xong đồn nọ tới đồn kia, ngói tan đá nát
Khuya mồng 4 gió sương mờ mịt
Đốt lương rừng lửa đỏ, khiến ba quân liều chết chớ
lui
Sáng mồng năm voi ngựa sẵn sàng
Quấn cổ thước khăn vàng, quyết một trận chẳng
hơn thì thác
Thế giặc dẫu binh đông tướng dữ
Thuốc súng chôn quanh thành, chông sắc cắm khắp
lũy
Thêm bốn bề đạn rạc rào mưa
Quân ta nhờ trí sáng gan bền,
Ván dày cột thành cốt, rơm ướt phải làm bì
Hè một rập sức cuồn cuộn khác
Ầm tiếng pháo, Ngọc Hồi kíp hạ
Sông máu láng lai
Thúc chân voi, Khương Thượng liền thâu,
Núi thây chồng chất
Nghi Đống liệu khôn bề sống sót
84
Vội vàng treo cổ Đống Đa
Sỹ Nghị may tìm được lối ra
Hớt hải thoát thân mạn Bắc
Ngoài ải sói gió tan mùi sát khí
Niềm hân hoan nhuộm thắm mặt sơn xuyên
Vào thành Long cờ rợp bóng vinh quang,
Áo chiến thắng phủ đen hồn đạn dược
Mười ngày hẹn trước, trời đất chứng lời vàng
Hai bận vui xuân, cỏ hoa lồng tiệc ngọc
Lựa tạnh hề biên cương
Nền cao hề xã tắc
Tiếng anh dũng nước mây lừng lẫy sấm
Triều Mãn Thanh bóp bụng sống chung trời
Chí đấu tranh son sắt vững vàng non
Miền Lưỡng Quảng quyết tâm đòi lại đất
Nhưng than ôi!
Tấm gan rèn đá trời chửa vá xong
Đỉnh ngự chìm mây rồng sao vội khuất!
Cờ cường thịnh thiếu tay xếp đặt
Cửi dòn thoi phút để mối tơ chùng!
Nghiệp đế vương đuối sức giữ gìn
Thuyền thuận bến trúc theo cơn gió lật!
Trời Phú Xuân sương gió lạnh lùng
Biển Thi Nại bèo mây tản mác!
Bút chép sử múa men tay đắc thế
Trang oanh liệt son nhòa!
85
Nền ghi ân khuất lấp bóng cô thôn
Gương anh hùng thủy nhạt! 18
Nối chí cả người sau toan lấp hận,
Lao công tinh vệ ngậm ngùi thương! 19
Gìn dấu linh, chốn cũ khó nguôi tình
Lắng giọng đề quyên tê tái ruột! 20
Cũng may thay!
Lẽ tuần hoàn trời đất chẳng ngừng xoay,
Ách chuyên chế giống nòi nay đã thoát
Trăng hào kiệt bấy lâu u ám
Ngọn Đông phong mát mẻ vén màn sương
Vườn anh hoa đua nở tự do,
Bút thanh nghị ngọt ngào rời giọt móc
Chúng tôi nay:
Chung gọi ơn xuân,
Kính dâng lễ bạc
Non xanh nước biếc khí anh tú mơ màng
Nội thẳm ngàn xa hương tinh thành bát ngát
Dòng lịch sử mở ra ôn lại,
Dịu dàng chữ gấm dệt lời hoa
Tranh vỹ nhân mở rộng xem chung,
Lộng lẫy chỉ vàng treo bóng ác
18. Bị chú: bài này đọc tại Đền Tây Sơn năm 1991 sau
khi đền cất xong (thôn Kiên Mỹ, huyện Bình Khê). Từ ấy
thường dùng để đọc trong ngày kỷ niệm Đống Đa mỗi năm.
19, 20. trong suốt triều nhà Nguyễn, người Bình Khê vẫn
phụng sự Tây Sơn tam kiệt trong âm thầm.
86
Hầm Hô con cá nhảy
Trong bóng mây thấp thoáng bóng rồng
Trưng Lĩnh cánh diều bay
Theo tiếng gió nhịp nhàng tiếng nhạc
Linh thiên xin chứng
Q.T. phụng soạn

Nhân dân Bình Khê tế Tây Sơn tam kiệt
(Ngày kỵ 15 tháng 11 âm lịch tại Đền Kiên Mỹ)

Duy!
Nước bị quan nhân
Trời sanh tam kiệt
Non Tây áo vải, phất linh kỳ dẹp loạn an dân
Đất Việt khí thiêng, tung bảo kiếm diệt thù cứu nước
Nền đế nghiệp xây cao trời một cõi
Bước tiền đồ hoa cỏ đón mừng xuân
Tiếng anh hùng vang dội sấm mười phương
Miền biên tái sài lang im lặng dấu
Ví sử bóng rồng không vội khuất
Thì chi đuôi ngạc dễ mà tung
Biển nên cồn thời vận kéo xui
Tay bé khôn xoay trời đất lại
Đá vá khuyết cơ duyên chửa gặp
Dấu linh còn tạc nước non đây
Nhân dân Bình Khê chúng tôi
Lắng hơi quyên trằn trọc giấc canh chầy
87
Mơ bóng hạc thẫn thờ đêm nguyệt rạng
Đền cũ dâng lòng hương một nén
Bia xanh tạc đức ngọc muôn hàng
Cá nhớ nguồn lên xuống nước Côn Giang
Dạ nhắn dạ mồi thơm chẳng tưởng
Chim nhớ cội đi về cây Tượng Lĩnh
Đàn gọi đàn gò thấp chớ nương
Một lòng nguyện giữ sắt son
Muôn gội dám quên mưa móc
Nay:
Niệm kỳ húy nhật, lá vàng điểm tiết hàn đông
Chứng tấc thành tâm, lễ bạc dân trời dị lộ
Trăm thước trầm hương cuồn cuộn gió
Đôi hàng bạch lạp ngập ngừng châu
Nâng kim bôi rượu đủ ba tuần
Phưởng phất long nhan dường thấy đó
Trước linh án lễ rồi bốn lạy
Mơ màng loan giá trở về đây
Gương nghìn thu lai láng ánh quang huy
Trong khuất tịch cũng không còn hắc ám
Đất ba cõi sáng soi vầng bạch nhật
Dẫu cô cùng vẫn được hưởng vinh quang
Lời cầu xin mong thấu cõi u huyền
Lòng thành kính ngửa chờ ơn chiếu giám.
Phục duy
Thượng hưởng
Q.T. phụng soạn
88
Đồng bào Bình Định
tế anh hùng Mai Xuân Thưởng
(Trong buổi lễ cải táng ngày 17 tháng Chạp
Năm Tân Sửu - 22/1/1962)

Than ôi!
Đá Linh Đỗng khói mây che mấy lớp
Tấm gương trung nghĩa ngắm càng trong
Nước Côn Giang dâu bể nổi bao lần
Giọt lệ anh hùng lau chẳng ráo!
Nhớ tôn linh xưa:
Bóng nghiêm đường khuất buổi ấu xung
Ơn từ mẫu ra công đào tạo
Văn võ gồm tài
Hiếu trung trọn đạo
Năm Ất Dậu trường đua bạch chiến
Bút hoa thừa thêu dệt gấm sô
Ngoài Xương Môn bỗng dấy hồng trần
Đường mây khiến thẹn thùng áo mão
Cờ tam sắc phất phơ non nước
Đoái trông cỏ giận hoa hờn
Lòng tứ dân xao xuyến Bắc Nam
Thêm chạnh mưa sầu gió não!
Niềm ái quốc chứa chan bầu nhiệt huyết
Tay lược thao cầm nhẹ sức phong ba
Chiếu Cần Vương sôi nổi tấm trung can
89
Gương địch khái quyết tru loài hổ báo
Xúm tay hào kiệt mãi mã chiêu binh
Góp sức nhân dân dồn lương tích thảo
Đàn nguyên soái xây cao tình đất nước
Ba quân thề hết dạ khuôn phò
Cờ xuất sư sáng rỡ bóng non sông
Bốn tỉnh thảy trao quyền lãnh đạo
Lòng khắn keo son
Khí lừng gió bão
Nên dù cho đoản kiếm trường côn
Vẫn chống lại liên thanh trọng pháo
Đồ bát trận dàn nơi chiến lũy
Kìa thứ Hương Sơn, kìa độn Thuận Trấn…
Hăng hái gươm mài giáo dũa
Cản bao phen sức giặc hoành hành
Trống ngũ lôi dậy chốn sa trường.
Nào gò Thú Thiện, nào bãi Cẩm Văn
Vẫy vùng pháo đụt đạn xông
Xáp mấy trận quân thù điên đảo
Thân chiến sỹ ba năm sương nắng
Hùng tâm càng vững với gian lao
Tình quốc dân một mực lửa hương
Chánh nghĩa tất đánh lui cường bạo
Nào hay vận nước linh đinh
Nên khiến lật lừa máy tạo
Binh cứu viện dồn cơn sóng ngạc
90
Giặc xâm lăng dường mọc thêm vây
Phường bôn xu hùn trận gió măng
Tay mãi quốc còn đua nối giáo!
Rầm rầm sức giặc bốn mặt công vi
Lẫm lẫm quân ta một lòng chiến đấu
Nhưng than ôi!
Dù quyết trụi gan dạ đá vàng
Khó đương nổi vút nanh hùm gấu
Đuối tay kinh tế, hàng văn thân bóng nép Đồng
Hươu
Kết trận thư hùng, đoàn nghĩa sỹ máu trôi Bàu Sấu
Sương khói tả tơi trời Nại Hải
Lệ khôn cầm dòng huyết đỗ quyên
Cỏ hoa ủ rũ bóng Trường Sơn
Lòng thêm rối nét thanh vân cẩu
Thân trơ trọi một thân một ngựa
Vì nỗi quốc cừu vị báo
Dòng Côn giang vượt bến rủi dong
Bước gập ghềnh càng nghĩ càng căm,
Nhớ câu “quyền thổ trùng lai”
Miền Linh Đỗng tạm đường ẩn náu
Nhe nanh sè vuốt
Bầy khuyển ưng lục đã khắp nơi
Ngăn suối khuất rừng
Bóng vân hạc tìm không ra dấu
Pháp Lạng trú sứ nóng ruột lập công
91
Bá Lộc ngoài nô xuống tay độc thủ
Thảm sát lương dân
Sanh cầm thái mẫu
Niềm uất hận não nùng tiếng gió
Cây rừng đá núi cũng bầm gan
Giọt oan cừu lã chã đêm mưa
Cỏ nội hoa đồng chung rớm máu
Cánh vây chưa đủ, liệu không phương xoay gấp
cuộc cờ;
Tang tóc đã nhiều, lòng chẳng lỡ kéo dài thế thủ
Đành một thác cho tròn nghĩa vụ.
Trói thân nạp giặc
Đức hy sinh nhuần thấm sơn xuyên
Thêm trăm năm xem nhẹ hình hài
Thẳng tiếng nhiếc thù
Gương chính trực rạng ngời tinh đẩu
Nửa kiếp anh hùng,
Nghìn thu tiết tháo
Trông cõi Bắc bái từ cựu chúa
Ơn chín trùng khép nép lòng ngay
Vọng non Tây vĩnh biệt từ thân
Dâng bốn lạy gập ngừng tấc thảo
Cuộc binh hoàn, thành bại thế là xong!
Lòng trung hiếu, cao thâm chừng đã thấu
Đương nửa buổi, mây vẫn gió chuyển
Cảnh pháp trường mờ mịt khí đông thiên
Tiếp ba ngày, chợ vắng đồng không
92
Khắp bàn quận sụt sùi cơn hạ vũ
Thương mà khóc, khóc rồi nghĩ thẹn
Bút tà ngụy bôi lem đời người liệt
Bia Lý lăng trăng gió những lưu là!
Nói thêm buồn, buồn lại càng căm
Ách cường quyền đà nặng kiếp trung lương
Mã Dương Nghiệp bìm lau riêng ấp ủ!
Bảy mươi năm lẻ đánh chịu tang thương
Ba thước đất vàng vùi sâu thế phủ
Nay:
Nước Tổ vững vàng nền độc lập
Kinh Lân chép lại hiến đời xem
Rừng Nam mát gió hòa bình
Chim Việt bay về tìm nhánh đậu
Nên chúng tôi:
Đưa trung cốt về nơi vĩnh cửu
Rồng Hầm Hô, cọp Hòn Dũng, nghìn thu giữ vẹn
dấu linh
Vái anh hồn nơi chốn u huyền
Cây Nùng Lĩnh, nước Cà Mau, ba cõi nỗi liền đất cũ…
Đốt nén hương lòng dâng trước án
Ngạt ngào khói quyện bóng long loan
Ngăn hàng lệ cảm rưới vào bia
Thấp thoáng sương pha màu thảo thụ.
Phục duy
Chiếu giám
Q.T. phụng soạn
93
Nhân dân Bình Khê
tế anh hùng Mai Xuân Thưởng
(Ngày kỵ rằm tháng Tư âm lịch mỗi năm)

Than ôi!
Trời rạng khúc tinh
Đất nhuần cam võ
Nghĩ nhớ thuở nghĩa kỳ cao khỉ
Phiến hùng tâm chung nợ nước non
Kể từ phen linh khí qui thần
Nắm trung cột riêng tình hoa cỏ!
Mây Linh Đỗng bơ vơ hồn Tổ quốc
Lạnh lùng mấy lớp sầu giăng!
Nước Côn Giang lai láng dạ hoài nhân
Sụt sùi hai hàng lụy nhỏ
Mưa nắng ngót bảy mươi năm dầu dãi
Lằn ngọc thoan đưa tại xuân thiên
Bể dâu qua bao nhiêu cuộc nổi chìm
Ánh hồng nhật soi về cố thổ
Đầm nhạn sóng im
Rừng mai lộc trổ
Gương hào kiệt treo cao đất nước
Vầng trăng xưa vằng vặc bóng tân lăng
Dòng trung lương tắm mát cỏ cây
Luồn sóng mới chứa chan tình cổ độ
Nay chúng tôi:
94
Trong cõi bách niên
Chạm niềm thiên cổ
Nén hương cuốn gió bày lễ thúc sô
Chén rượu lồng mây dâng trời dị lộ
Phảng phất làn hương quán khói
Cánh thanh loan bay liệng ánh tà huy
Mơ màng điếm nguyệt cầu sương
Tiếng qui hạc thấp cao vùng cổ mộ
Lòng đã cảm thông
Sức mong phù hộ
Gánh non nước hai vai nghĩa trượng
Xưa hiệp lực nay cùng hiệp lực
Phải Hán Hồ chi tách đôi phương!
Giống tiên rồng trăm trứng tình thâm
Trước đồng tâm, sau vẫn đồng tâm
Thời Nam Bắc mau vầy một tổ.
Phục duy. Thượng hưởng
Q.T. phụng soạn (1962)

95
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn
Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn

More Related Content

What's hot

Bài giảng Năng lượng tái tạo-Đại học SPKT TP.HCM
Bài giảng Năng lượng tái tạo-Đại học SPKT TP.HCMBài giảng Năng lượng tái tạo-Đại học SPKT TP.HCM
Bài giảng Năng lượng tái tạo-Đại học SPKT TP.HCMTuong Do
 
ĐỒ ÁN - Thiết kế cấu trúc điều khiển bộ biến đổi dc-dc hai chiều không cách l...
ĐỒ ÁN - Thiết kế cấu trúc điều khiển bộ biến đổi dc-dc hai chiều không cách l...ĐỒ ÁN - Thiết kế cấu trúc điều khiển bộ biến đổi dc-dc hai chiều không cách l...
ĐỒ ÁN - Thiết kế cấu trúc điều khiển bộ biến đổi dc-dc hai chiều không cách l...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Một số biện pháp tăng cường quản lý chi thường xuyên của ngân sách nhà nước t...
Một số biện pháp tăng cường quản lý chi thường xuyên của ngân sách nhà nước t...Một số biện pháp tăng cường quản lý chi thường xuyên của ngân sách nhà nước t...
Một số biện pháp tăng cường quản lý chi thường xuyên của ngân sách nhà nước t...luanvantrust
 
Tổng quan Năng lượng tái tạo Việt Nam - Nguyễn Tiến Long
Tổng quan Năng lượng tái tạo Việt Nam - Nguyễn Tiến LongTổng quan Năng lượng tái tạo Việt Nam - Nguyễn Tiến Long
Tổng quan Năng lượng tái tạo Việt Nam - Nguyễn Tiến LongTuong Do
 
Máy phát điện sóng biển
Máy phát điện sóng biểnMáy phát điện sóng biển
Máy phát điện sóng biểnMan_Ebook
 
LUẬN VĂN: KIỂM SOÁT CHI TIÊU CÔNG VÀ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM: T...
LUẬN VĂN: KIỂM SOÁT CHI TIÊU CÔNG VÀ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM: T...LUẬN VĂN: KIỂM SOÁT CHI TIÊU CÔNG VÀ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM: T...
LUẬN VĂN: KIỂM SOÁT CHI TIÊU CÔNG VÀ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM: T...OnTimeVitThu
 
DỰ ÁN NHÀ MÁY XỬ LÝ RÁC THẢI
DỰ ÁN NHÀ MÁY XỬ LÝ RÁC THẢIDỰ ÁN NHÀ MÁY XỬ LÝ RÁC THẢI
DỰ ÁN NHÀ MÁY XỬ LÝ RÁC THẢILẬP DỰ ÁN VIỆT
 
Báo cáo thực tập công nghệ thông tin Xây dựng trang web quản trị khách sạn
Báo cáo thực tập công nghệ thông tin Xây dựng trang web quản trị khách sạnBáo cáo thực tập công nghệ thông tin Xây dựng trang web quản trị khách sạn
Báo cáo thực tập công nghệ thông tin Xây dựng trang web quản trị khách sạnDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Biểu mẫu báo cáo tài chính theo thông tư 200
Biểu mẫu báo cáo tài chính theo thông tư 200Biểu mẫu báo cáo tài chính theo thông tư 200
Biểu mẫu báo cáo tài chính theo thông tư 200Thủy Nguyễn
 
Năng lượng-gió-thuyết-trình (2)
Năng lượng-gió-thuyết-trình (2)Năng lượng-gió-thuyết-trình (2)
Năng lượng-gió-thuyết-trình (2)liomenphan
 

What's hot (20)

Dự án báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trang trại nông nghiệp công nghệ cao kế...
Dự án báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trang trại nông nghiệp công nghệ cao kế...Dự án báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trang trại nông nghiệp công nghệ cao kế...
Dự án báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trang trại nông nghiệp công nghệ cao kế...
 
Bài giảng Năng lượng tái tạo-Đại học SPKT TP.HCM
Bài giảng Năng lượng tái tạo-Đại học SPKT TP.HCMBài giảng Năng lượng tái tạo-Đại học SPKT TP.HCM
Bài giảng Năng lượng tái tạo-Đại học SPKT TP.HCM
 
Luận văn: Đánh giá hiện trạng môi trường TP Hạ Long, HAY
Luận văn: Đánh giá hiện trạng môi trường TP Hạ Long, HAYLuận văn: Đánh giá hiện trạng môi trường TP Hạ Long, HAY
Luận văn: Đánh giá hiện trạng môi trường TP Hạ Long, HAY
 
Hệ thống điều khiển dùng PLC cho máy xấn tôn tại nhà máy thép
Hệ thống điều khiển dùng PLC cho máy xấn tôn tại nhà máy thépHệ thống điều khiển dùng PLC cho máy xấn tôn tại nhà máy thép
Hệ thống điều khiển dùng PLC cho máy xấn tôn tại nhà máy thép
 
ĐỒ ÁN - Thiết kế cấu trúc điều khiển bộ biến đổi dc-dc hai chiều không cách l...
ĐỒ ÁN - Thiết kế cấu trúc điều khiển bộ biến đổi dc-dc hai chiều không cách l...ĐỒ ÁN - Thiết kế cấu trúc điều khiển bộ biến đổi dc-dc hai chiều không cách l...
ĐỒ ÁN - Thiết kế cấu trúc điều khiển bộ biến đổi dc-dc hai chiều không cách l...
 
Lap du an san xuat san pham tu phe lieu
Lap du an san xuat san pham tu phe lieuLap du an san xuat san pham tu phe lieu
Lap du an san xuat san pham tu phe lieu
 
Một số biện pháp tăng cường quản lý chi thường xuyên của ngân sách nhà nước t...
Một số biện pháp tăng cường quản lý chi thường xuyên của ngân sách nhà nước t...Một số biện pháp tăng cường quản lý chi thường xuyên của ngân sách nhà nước t...
Một số biện pháp tăng cường quản lý chi thường xuyên của ngân sách nhà nước t...
 
Thuyết minh dự án Chuyển đổi cây trồng tỉnh Tây Ninh 0903034381
Thuyết minh dự án Chuyển đổi cây trồng tỉnh Tây Ninh 0903034381Thuyết minh dự án Chuyển đổi cây trồng tỉnh Tây Ninh 0903034381
Thuyết minh dự án Chuyển đổi cây trồng tỉnh Tây Ninh 0903034381
 
Tổng quan Năng lượng tái tạo Việt Nam - Nguyễn Tiến Long
Tổng quan Năng lượng tái tạo Việt Nam - Nguyễn Tiến LongTổng quan Năng lượng tái tạo Việt Nam - Nguyễn Tiến Long
Tổng quan Năng lượng tái tạo Việt Nam - Nguyễn Tiến Long
 
Chua bai tap.pdf
Chua bai tap.pdfChua bai tap.pdf
Chua bai tap.pdf
 
Máy phát điện sóng biển
Máy phát điện sóng biểnMáy phát điện sóng biển
Máy phát điện sóng biển
 
LUẬN VĂN: KIỂM SOÁT CHI TIÊU CÔNG VÀ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM: T...
LUẬN VĂN: KIỂM SOÁT CHI TIÊU CÔNG VÀ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM: T...LUẬN VĂN: KIỂM SOÁT CHI TIÊU CÔNG VÀ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM: T...
LUẬN VĂN: KIỂM SOÁT CHI TIÊU CÔNG VÀ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM: T...
 
ODA
ODA ODA
ODA
 
DỰ ÁN NHÀ MÁY XỬ LÝ RÁC THẢI
DỰ ÁN NHÀ MÁY XỬ LÝ RÁC THẢIDỰ ÁN NHÀ MÁY XỬ LÝ RÁC THẢI
DỰ ÁN NHÀ MÁY XỬ LÝ RÁC THẢI
 
Báo cáo thực tập công nghệ thông tin Xây dựng trang web quản trị khách sạn
Báo cáo thực tập công nghệ thông tin Xây dựng trang web quản trị khách sạnBáo cáo thực tập công nghệ thông tin Xây dựng trang web quản trị khách sạn
Báo cáo thực tập công nghệ thông tin Xây dựng trang web quản trị khách sạn
 
Đề tài: Trang bị điện hệ thống băng tải vận chuyển hàng hóa, HAY
Đề tài: Trang bị điện hệ thống băng tải vận chuyển hàng hóa, HAYĐề tài: Trang bị điện hệ thống băng tải vận chuyển hàng hóa, HAY
Đề tài: Trang bị điện hệ thống băng tải vận chuyển hàng hóa, HAY
 
Biểu mẫu báo cáo tài chính theo thông tư 200
Biểu mẫu báo cáo tài chính theo thông tư 200Biểu mẫu báo cáo tài chính theo thông tư 200
Biểu mẫu báo cáo tài chính theo thông tư 200
 
Năng lượng-gió-thuyết-trình (2)
Năng lượng-gió-thuyết-trình (2)Năng lượng-gió-thuyết-trình (2)
Năng lượng-gió-thuyết-trình (2)
 
Dự án xây dựng Trung tâm Chuối công nghệ cao | Dịch vụ lập dự án đầu tư - dua...
Dự án xây dựng Trung tâm Chuối công nghệ cao | Dịch vụ lập dự án đầu tư - dua...Dự án xây dựng Trung tâm Chuối công nghệ cao | Dịch vụ lập dự án đầu tư - dua...
Dự án xây dựng Trung tâm Chuối công nghệ cao | Dịch vụ lập dự án đầu tư - dua...
 
Đề tài: Thiết kế hệ thống cân định lượng và đóng bao tự động, HOT
Đề tài: Thiết kế hệ thống cân định lượng và đóng bao tự động, HOTĐề tài: Thiết kế hệ thống cân định lượng và đóng bao tự động, HOT
Đề tài: Thiết kế hệ thống cân định lượng và đóng bao tự động, HOT
 

Viewers also liked

Tinh yeu trong ca dao tuc ngu dan ca
Tinh yeu trong ca dao tuc ngu dan caTinh yeu trong ca dao tuc ngu dan ca
Tinh yeu trong ca dao tuc ngu dan canhatthai1969
 
Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình (Phạm Việt Long - vanhien.vn)
Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình (Phạm Việt Long - vanhien.vn)Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình (Phạm Việt Long - vanhien.vn)
Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình (Phạm Việt Long - vanhien.vn)longvanhien
 
Chinese proverb (tieng viet) 2.ppt
Chinese proverb (tieng viet) 2.pptChinese proverb (tieng viet) 2.ppt
Chinese proverb (tieng viet) 2.pptngocthepk
 
[Viet anh] tuyen tap thanh ngu - tuc ngu - ca dao
[Viet   anh] tuyen tap thanh ngu - tuc ngu - ca dao[Viet   anh] tuyen tap thanh ngu - tuc ngu - ca dao
[Viet anh] tuyen tap thanh ngu - tuc ngu - ca daonmcntt
 
Marketing trong con mắt của nhiều doanh nghiệp việt nam
Marketing trong con mắt của nhiều doanh nghiệp việt namMarketing trong con mắt của nhiều doanh nghiệp việt nam
Marketing trong con mắt của nhiều doanh nghiệp việt namNham Ngo
 
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong MediaMột số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Mediatranbinhkb
 
Ngôn ngữ tít của báo chí
Ngôn ngữ tít của báo chíNgôn ngữ tít của báo chí
Ngôn ngữ tít của báo chíPhan Trang
 
100 bai tho hay nhat the ky xx 0604
100 bai tho hay nhat the ky xx 0604100 bai tho hay nhat the ky xx 0604
100 bai tho hay nhat the ky xx 0604nhatthai1969
 
Ngạn ngữ Trung Hoa
Ngạn ngữ Trung HoaNgạn ngữ Trung Hoa
Ngạn ngữ Trung Hoahaihuong2005
 

Viewers also liked (13)

Cadao tucnguf
Cadao   tucngufCadao   tucnguf
Cadao tucnguf
 
Tinh yeu trong ca dao tuc ngu dan ca
Tinh yeu trong ca dao tuc ngu dan caTinh yeu trong ca dao tuc ngu dan ca
Tinh yeu trong ca dao tuc ngu dan ca
 
Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình (Phạm Việt Long - vanhien.vn)
Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình (Phạm Việt Long - vanhien.vn)Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình (Phạm Việt Long - vanhien.vn)
Tục ngữ, ca dao về quan hệ gia đình (Phạm Việt Long - vanhien.vn)
 
Tát nước gầu đôi
Tát nước gầu đôiTát nước gầu đôi
Tát nước gầu đôi
 
Adam
AdamAdam
Adam
 
Chinese proverb (tieng viet) 2.ppt
Chinese proverb (tieng viet) 2.pptChinese proverb (tieng viet) 2.ppt
Chinese proverb (tieng viet) 2.ppt
 
[Viet anh] tuyen tap thanh ngu - tuc ngu - ca dao
[Viet   anh] tuyen tap thanh ngu - tuc ngu - ca dao[Viet   anh] tuyen tap thanh ngu - tuc ngu - ca dao
[Viet anh] tuyen tap thanh ngu - tuc ngu - ca dao
 
Marketing trong con mắt của nhiều doanh nghiệp việt nam
Marketing trong con mắt của nhiều doanh nghiệp việt namMarketing trong con mắt của nhiều doanh nghiệp việt nam
Marketing trong con mắt của nhiều doanh nghiệp việt nam
 
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong MediaMột số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
Một số vấn đề về sử dụng ngôn từ trên báo chí - Hoàng Anh - Boong Media
 
Giáo án môn Đạo Đức lớp 4 CNGD tham khảo
Giáo án môn Đạo Đức lớp 4 CNGD tham khảoGiáo án môn Đạo Đức lớp 4 CNGD tham khảo
Giáo án môn Đạo Đức lớp 4 CNGD tham khảo
 
Ngôn ngữ tít của báo chí
Ngôn ngữ tít của báo chíNgôn ngữ tít của báo chí
Ngôn ngữ tít của báo chí
 
100 bai tho hay nhat the ky xx 0604
100 bai tho hay nhat the ky xx 0604100 bai tho hay nhat the ky xx 0604
100 bai tho hay nhat the ky xx 0604
 
Ngạn ngữ Trung Hoa
Ngạn ngữ Trung HoaNgạn ngữ Trung Hoa
Ngạn ngữ Trung Hoa
 

Similar to Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn

BÊ TRỌC - PHẠM VIỆT LONG - Tập1
BÊ TRỌC - PHẠM VIỆT LONG - Tập1BÊ TRỌC - PHẠM VIỆT LONG - Tập1
BÊ TRỌC - PHẠM VIỆT LONG - Tập1Pham Long
 
Bê trọc - Chuyện đời thường trong chiến tranh
Bê trọc - Chuyện đời thường trong chiến tranhBê trọc - Chuyện đời thường trong chiến tranh
Bê trọc - Chuyện đời thường trong chiến tranhPhamVietLong1
 
Thuyết minh về khu di tích kim liên. du lịch nghệ an
Thuyết minh về khu di tích kim liên. du lịch nghệ anThuyết minh về khu di tích kim liên. du lịch nghệ an
Thuyết minh về khu di tích kim liên. du lịch nghệ anThu Thu
 
Cẩm nang đi Núi Cấm
Cẩm nang đi Núi CấmCẩm nang đi Núi Cấm
Cẩm nang đi Núi Cấmlongvanhien
 
Tập truyện ngắn: Tình yêu người lính
Tập truyện ngắn: Tình yêu người línhTập truyện ngắn: Tình yêu người lính
Tập truyện ngắn: Tình yêu người línhThi đàn Việt Nam
 
Tổng hợp kinh nghiệm phượt Sơn La
Tổng hợp kinh nghiệm phượt Sơn LaTổng hợp kinh nghiệm phượt Sơn La
Tổng hợp kinh nghiệm phượt Sơn LaY Pro
 
Tho lang for slideshare
Tho lang for slideshareTho lang for slideshare
Tho lang for slideshareTin Hà Đăng
 
Hồn Nam Bộ 1 VHN
Hồn  Nam  Bộ 1 VHNHồn  Nam  Bộ 1 VHN
Hồn Nam Bộ 1 VHNVo Hieu Nghia
 
Tuan 19 Phu song Bach Dang Bach Dang giang phu.pptx
Tuan 19 Phu song Bach Dang Bach Dang giang phu.pptxTuan 19 Phu song Bach Dang Bach Dang giang phu.pptx
Tuan 19 Phu song Bach Dang Bach Dang giang phu.pptxWendyWilliams978623
 
bctntlvn (19).pdf
bctntlvn (19).pdfbctntlvn (19).pdf
bctntlvn (19).pdfLuanvan84
 
Bài thi tìm hiểu giá trị văn hóa – lịch sử đồng nai năm 2016
Bài thi tìm hiểu giá trị văn hóa – lịch sử đồng nai năm 2016Bài thi tìm hiểu giá trị văn hóa – lịch sử đồng nai năm 2016
Bài thi tìm hiểu giá trị văn hóa – lịch sử đồng nai năm 2016nataliej4
 
Ca dao dân ca kinh xáng cửu long nguyễn văn ba
Ca dao dân ca kinh xáng cửu long   nguyễn văn baCa dao dân ca kinh xáng cửu long   nguyễn văn ba
Ca dao dân ca kinh xáng cửu long nguyễn văn baKelsi Luist
 
Việt Bắc.pptx
Việt Bắc.pptxViệt Bắc.pptx
Việt Bắc.pptxThnh436705
 
bctntlvn (23).pdf
bctntlvn (23).pdfbctntlvn (23).pdf
bctntlvn (23).pdfLuanvan84
 
MẶT GƯƠNG TÂY HỒ.pdf
MẶT GƯƠNG TÂY HỒ.pdfMẶT GƯƠNG TÂY HỒ.pdf
MẶT GƯƠNG TÂY HỒ.pdfjackjohn45
 
CẢM NHẬN Về những giá trị văn hóa - lịch sử trong tác phẩm của nhà văn Hoàng ...
CẢM NHẬN Về những giá trị văn hóa - lịch sử trong tác phẩm của nhà văn Hoàng ...CẢM NHẬN Về những giá trị văn hóa - lịch sử trong tác phẩm của nhà văn Hoàng ...
CẢM NHẬN Về những giá trị văn hóa - lịch sử trong tác phẩm của nhà văn Hoàng ...TiLiu5
 
CẢM NHẬN Về những giá trị văn hóa - lịch sử trong tác phẩm của nhà văn Hoàng ...
CẢM NHẬN Về những giá trị văn hóa - lịch sử trong tác phẩm của nhà văn Hoàng ...CẢM NHẬN Về những giá trị văn hóa - lịch sử trong tác phẩm của nhà văn Hoàng ...
CẢM NHẬN Về những giá trị văn hóa - lịch sử trong tác phẩm của nhà văn Hoàng ...phamhieu56
 
Tuần 4 bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng
Tuần 4 bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang DũngTuần 4 bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng
Tuần 4 bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang DũngDavidjames6789
 

Similar to Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn (20)

BÊ TRỌC - PHẠM VIỆT LONG - Tập1
BÊ TRỌC - PHẠM VIỆT LONG - Tập1BÊ TRỌC - PHẠM VIỆT LONG - Tập1
BÊ TRỌC - PHẠM VIỆT LONG - Tập1
 
Bê trọc - Chuyện đời thường trong chiến tranh
Bê trọc - Chuyện đời thường trong chiến tranhBê trọc - Chuyện đời thường trong chiến tranh
Bê trọc - Chuyện đời thường trong chiến tranh
 
Thuyết minh về khu di tích kim liên. du lịch nghệ an
Thuyết minh về khu di tích kim liên. du lịch nghệ anThuyết minh về khu di tích kim liên. du lịch nghệ an
Thuyết minh về khu di tích kim liên. du lịch nghệ an
 
Cẩm nang đi Núi Cấm
Cẩm nang đi Núi CấmCẩm nang đi Núi Cấm
Cẩm nang đi Núi Cấm
 
Tình yêu-người-lính
Tình yêu-người-línhTình yêu-người-lính
Tình yêu-người-lính
 
Tập truyện ngắn: Tình yêu người lính
Tập truyện ngắn: Tình yêu người línhTập truyện ngắn: Tình yêu người lính
Tập truyện ngắn: Tình yêu người lính
 
Tổng hợp kinh nghiệm phượt Sơn La
Tổng hợp kinh nghiệm phượt Sơn LaTổng hợp kinh nghiệm phượt Sơn La
Tổng hợp kinh nghiệm phượt Sơn La
 
Tho lang for slideshare
Tho lang for slideshareTho lang for slideshare
Tho lang for slideshare
 
Hồn Nam Bộ 1 VHN
Hồn  Nam  Bộ 1 VHNHồn  Nam  Bộ 1 VHN
Hồn Nam Bộ 1 VHN
 
Tuan 19 Phu song Bach Dang Bach Dang giang phu.pptx
Tuan 19 Phu song Bach Dang Bach Dang giang phu.pptxTuan 19 Phu song Bach Dang Bach Dang giang phu.pptx
Tuan 19 Phu song Bach Dang Bach Dang giang phu.pptx
 
bctntlvn (19).pdf
bctntlvn (19).pdfbctntlvn (19).pdf
bctntlvn (19).pdf
 
Bài thi tìm hiểu giá trị văn hóa – lịch sử đồng nai năm 2016
Bài thi tìm hiểu giá trị văn hóa – lịch sử đồng nai năm 2016Bài thi tìm hiểu giá trị văn hóa – lịch sử đồng nai năm 2016
Bài thi tìm hiểu giá trị văn hóa – lịch sử đồng nai năm 2016
 
Ca dao dân ca kinh xáng cửu long nguyễn văn ba
Ca dao dân ca kinh xáng cửu long   nguyễn văn baCa dao dân ca kinh xáng cửu long   nguyễn văn ba
Ca dao dân ca kinh xáng cửu long nguyễn văn ba
 
Việt Bắc.pptx
Việt Bắc.pptxViệt Bắc.pptx
Việt Bắc.pptx
 
bctntlvn (23).pdf
bctntlvn (23).pdfbctntlvn (23).pdf
bctntlvn (23).pdf
 
MẶT GƯƠNG TÂY HỒ.pdf
MẶT GƯƠNG TÂY HỒ.pdfMẶT GƯƠNG TÂY HỒ.pdf
MẶT GƯƠNG TÂY HỒ.pdf
 
CẢM NHẬN Về những giá trị văn hóa - lịch sử trong tác phẩm của nhà văn Hoàng ...
CẢM NHẬN Về những giá trị văn hóa - lịch sử trong tác phẩm của nhà văn Hoàng ...CẢM NHẬN Về những giá trị văn hóa - lịch sử trong tác phẩm của nhà văn Hoàng ...
CẢM NHẬN Về những giá trị văn hóa - lịch sử trong tác phẩm của nhà văn Hoàng ...
 
CẢM NHẬN Về những giá trị văn hóa - lịch sử trong tác phẩm của nhà văn Hoàng ...
CẢM NHẬN Về những giá trị văn hóa - lịch sử trong tác phẩm của nhà văn Hoàng ...CẢM NHẬN Về những giá trị văn hóa - lịch sử trong tác phẩm của nhà văn Hoàng ...
CẢM NHẬN Về những giá trị văn hóa - lịch sử trong tác phẩm của nhà văn Hoàng ...
 
Thuyet trinh DT 01
Thuyet trinh DT 01Thuyet trinh DT 01
Thuyet trinh DT 01
 
Tuần 4 bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng
Tuần 4 bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang DũngTuần 4 bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng
Tuần 4 bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng
 

More from longvanhien

Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vnlongvanhien
 
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vn
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vnDiễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vn
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vnlongvanhien
 
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.longvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066longvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vnlongvanhien
 
Thực phẩm và sức khỏe
Thực phẩm và sức khỏeThực phẩm và sức khỏe
Thực phẩm và sức khỏelongvanhien
 
Cẩm nang người đi Miếu Bà
Cẩm nang người đi Miếu BàCẩm nang người đi Miếu Bà
Cẩm nang người đi Miếu Bàlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vnlongvanhien
 
Những đồng tiền Cụ Hồ
Những đồng tiền Cụ HồNhững đồng tiền Cụ Hồ
Những đồng tiền Cụ Hồlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vnlongvanhien
 
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014longvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1055 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1055 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1055 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1055 –vanhien.vnlongvanhien
 

More from longvanhien (20)

Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vn
 
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vn
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vnDiễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vn
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vn
 
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vn
 
So 12
So 12So 12
So 12
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vn
 
Thực phẩm và sức khỏe
Thực phẩm và sức khỏeThực phẩm và sức khỏe
Thực phẩm và sức khỏe
 
Cẩm nang người đi Miếu Bà
Cẩm nang người đi Miếu BàCẩm nang người đi Miếu Bà
Cẩm nang người đi Miếu Bà
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vn
 
Những đồng tiền Cụ Hồ
Những đồng tiền Cụ HồNhững đồng tiền Cụ Hồ
Những đồng tiền Cụ Hồ
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vn
 
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1055 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1055 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1055 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1055 –vanhien.vn
 

Recently uploaded

30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docxTHAO316680
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngGiới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngYhoccongdong.com
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoámyvh40253
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfNguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...hoangtuansinh1
 
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhkinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhdtlnnm
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảoKiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảohoanhv296
 
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢIPHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢImyvh40253
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanGNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanmyvh40253
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdfTrnHoa46
 

Recently uploaded (20)

30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
 
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngGiới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
 
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhkinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
 
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảoKiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
 
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢIPHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
PHƯƠNG THỨC VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT TRONG VẬN TẢI
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
 
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanGNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
 
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
sách sinh học đại cương   -   Textbook.pdfsách sinh học đại cương   -   Textbook.pdf
sách sinh học đại cương - Textbook.pdf
 

Gương mặt Bình định qua ca dao cổ - Nguyễn Có - vanhien.vn

  • 1. Gương mặt Bình Định qua Ca dao cổ
  • 2. Những người tài trợ: + Đỗ Thanh Hùng - Giám đốc Công ty Bao bì giấy Việt Trung: 5.000.000 đồng + TS. Nguyễn Thái Thiện: 3.000.000 đồng + Ngài Mai Ái Trực: 3.000.000 đồng + GS. Hoàng Chương: 1.000.000 đồng
  • 3. NGUYỄN CÓ Gương mặt Bình Định Ca Dao Cổ NHÀ XUẤT BẢN DÂN TRÍ
  • 4.
  • 5. LỜI THƯA ĐẦU SÁCH NGUYỄN CÓ Về “Gương mặt Bình Định” chắc đã có nhiều nhà thơ, nhà văn viết rồi bằng văn vần hoặc văn xuôi. Còn tôi, trong quá trình học tập, nghiên cứu, đọc sách báo, đôi lúc gặp một số câu ca dao cổ xưa về núi sông, sản vật, thắng cảnh… ở Bình Định quê tôi, tôi thích thú và ghi chép, lưu trữ lại để thỉnh thoảng lúc rỗi rãi đọc lại cho vui, và cũng để nhớ quê hương Bình Định của tôi. Gặp bạn bè tri kỷ, người đồng hương, tôi đem ra khoe, các bạn đọc cũng thấy thích thú, khuyên tôi nên tiếp tục sưu tầm, phân loại, biên tập lại để in thành sách. Nhưng tôi chưa dám vì nhiều lý do. Gần đây một số bạn ở thành phố Hồ Chí Minh mang ra cho tôi một số tiền tài trợ in sách “Gương mặt Bình Định qua một số ca dao cổ” để phục vụ bà con đồng hương và những ai ưa thích. Đó là lý do vì sao tập tài liệu này được ra mắt bạn đọc bà con đồng hương Bình Định và người nào quan tâm. 5
  • 6. Về tập tài liệu này tôi thấy còn quá khiêm tốn, chắc còn nhiều câu ca dao cổ hay nữa nói về gương mặt Bình Định mà tôi không đủ sức, đủ thời gian để tiếp tục sưu tập. Rất mong được quý bạn quan tâm tiếp sức sưu tập, đóng góp ý kiến… Tập sách này gồm có hai phần: Phần chính gồm có 4 mục: - Mục I: Núi non - sông nước - Mục II: Sản vật - chợ búa - ngành nghề - Mục III: Thắng cảnh - Di tích - Mục IV: Văn hóa - Văn nghệ Phần phụ gồm có: - Một số bài văn, bài thơ có liên quan đến Bình Định. - Một bài tóm tắt về chuyện Chàng Lía; truyện anh hùng liệt sĩ Ngô Mây, truyện cô Thông Tằm. Cuối cùng xin có đôi lời cảm tạ: quý vị có bài viết, bài trích, quý nhà tài trợ, quý cá nhân hoặc tổ chức giúp cho việc biên soạn, in ấn, quý bà con đồng hương, bạn hữu đã động viên, khích lệ và thưởng thức. Xin đa tạ! Hà Nội - Mùa hoa phượng đỏ rực bầu trời 6
  • 7. NGUYỄN CÓ NHÀ GIÁO LÃO THÀNH HẾT LÒNG VÌ QUÊ HƯƠNG GS HOÀNG CHƯƠNG Tôi quen nhà giáo Nguyễn Có khi ông còn ở tuổi 70, đến nay ông đã bước vào tuổi 90 - tuổi xưa nay hiếm. Thời gian làm cho ông có già yếu hơn, tai nặng hơn, bước đi chậm chạp hơn, nhưng tấm lòng yêu quê hương Bình Định của ông chưa hề giảm sút. “Nợ đời còn nợ sớm chiều Hướng về quê mẹ thân yêu mặn nồng” (Nguyễn Có) Tuy sống ở Hà Nội, nhưng ông không bỏ một buổi sinh hoạt đồng hương nào từ cấp xã đến cấp tỉnh và cũng không bỏ sót một câu ca dao, câu tục ngữ nào nói về Bình Định. Dường như ông đã thuộc cả quyển dân ca miền Nam Trung bộ của tôi (1963). Từ nguồn tư liệu này, ông tiếp tục sưu tầm để rồi hợp tác với tôi ra quyển sách “Bài chòi và dân ca 7
  • 8. Bình Định” năm 2000. Không có một cuộc sinh hoạt học thuật nào của chúng tôi mà không có mặt ông. Ông ngồi tập trung nghe như một học trò ở lớp. Ông khát khao tri thức như vậy đó. Nhiều người mới gặp ông thấy người ông nhỏ bé, ăn mặc không sang trọng, nói năng nhỏ nhẹ lại nghễnh ngãng nên có thể ngỡ là ông già nông dân nghèo nào đó, nhưng có biết đâu, ông là một nhà giáo nổi tiếng một thời ở các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, nơi Bác Hồ đã nhiều lần tới thăm. Ông là thầy của rất nhiều tài năng, nhiều cán bộ cao cấp như nguyên UVBCT, Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được, Trung tướng Trương Quang Khánh, nguyên UVTƯ Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Mai Ái Trực… Các vị này thỉnh thoảng lại mời thầy Có tới chơi hoặc gửi cho thầy một ít tiền để bồi dưỡng sức khỏe hoặc giúp thấy in sách. Vì ít tiền nên sách ông viết ra tới hàng trăm trang nhưng chỉ in nội bộ chừng ba bốn chục quyển để kỉ niệm và tặng người thân. Ông thích viết về xứ dừa quê ông và viết về tấm gương người tốt việc tốt trong ngành giáo dục của mình. Một nhà giáo đầy công lao nhưng hai lần bầu nhà giáo ưu tú ông đều thiếu một phiếu. Ông không buồn cho mình mà buồn cho đời sao lúc nào cũng bất công. 8
  • 9. Nhà giáo Nguyễn Có rất mê đọc Tạp chí Văn hiến Việt Nam nên cứ tháng tháng ông đi bộ tới nhà tôi để xin báo. Xin nhiều quá, ông ngại nên làm bài thơ bày tỏ cảnh ngộ của mình: Mê Văn hiến, nhưng không có tiền mua Văn hiến… Mà xin hoài thì ngượng quá thôi! Cảnh nghèo ai thấu cho tôi… Để kỉ niệm tuổi 90, nhà giáo Nguyễn Có sưu tầm những bài ca dao nói về cảnh đẹp Bình Định. Trong đó ông sưu tầm được khá nhiều ảnh đẹp về Tháp Chàm, về chùa chiền, sông núi Bình Định, lại kèm theo một số tư liệu về Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) ở Bình Định. Đọc bản thảo, tôi xúc động và đánh giá cao tấm lòng của một nhà giáo nghèo cao niên. Bởi có biết bao người có tiền, có lực thậm chí thừa sức làm những việc tuyên truyền, quảng bá quê hương mình, nhưng có chịu làm đâu. Vì vậy mà tôi đánh giá cao quyển sách nhỏ này của nhà giáo lão thành Nguyễn Có và xin giới thiệu với bạn đọc xa gần. Hà Nội, tháng 5/2013 9
  • 10. 10
  • 11. Phần I GƯƠNG MẶT BÌNH ĐỊNH QUA CA DAO CỔ MỤC I: NÚI NON, SÔNG NƯỚC Bình Định cổ xưa là một dải đất ven biển miền Nam Trung bộ. Đây là một tỉnh đất không rộng, người không đông, nhưng lại có một kho tàng văn học dân gian nói chung, ca dao nói riêng khá phong phú. Qua ca dao cổ, ta có thể thấy phần nào gương mặt cổ xưa của Bình Định. Trước hết về mặt địa lý, núi non, sông nước. 1. Núi non Bình Định phía Đông giáp biển cả trời nước một màu. Ba mặt: Tây, Bắc, Nam giáp núi đèo, làm ranh giới tự nhiên cho tỉnh nhà với các tỉnh bạn: Phía Bắc có đèo Bình Đê mà trước gọi là đèo Bến Đá, làm ranh giới với tỉnh Quảng Ngãi: Trung quân vương, Bến Đá trở ra Hiếu phụ mẫu, Bồ Đề trở lại Ngày xưa, người Bình Định, ngoài việc đi lính và làm quan, ít ai ra khỏi đèo Bến Đá, chỉ có người 11
  • 12. đi lính, hoặc làm quan mới ra khỏi đèo Bến Đá mà thôi. Phía Nam ngăn cách với tỉnh Phú Yên là đèo Cù Mông. Đèo Cù Mông nằm gần biển, tuy không dốc như đèo An Khê nhưng dài và quanh co, khó đi, hiểm trở. Nơi đây xưa kia tiêu điều vắng vẻ, nước độc, ma thiêng. Cho nên cực chẳng đã người Bình Định mới qua lại lên xuống. Ca dao có câu: Tiếng ai than khóc nỉ non Vợ chàng lính thú lên hòn Cù Mông Nhưng đến lúc vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc) lên ngôi, việc đối xử với quân lính được chu đáo nên có câu: Ơn vua Thái Đức chí tình Cù Mông vắng vẻ nhưng mình vẫn vui Phía Tây Bình Định, núi non trùng điệp, hiểm trở và thuộc hệ thống dãy Trường Sơn. Dãy Trường Sơn chẳng khác một cây đại thụ nằm vắt ngang ở mặt phía tây, và nứt ra nhiều nhánh, nhiều ngóc, lớp thẳng xuống phía Đông, lớp chạy xiêng xiêng vô Đông Nam. Khi thấp, khi cao, khi đứt, khi nối. Nổi tiếng phải kể đến hòn Tổng Dinh, thế rất hiểm, rất hùng. Đó là mật khu của nghĩa quân Cần Vương thuở trước do anh hùng Mai Xuân Thưởng chỉ huy và các danh tướng Tăng Bạt Hổ… 12
  • 13. Mây chiều quấn quýt hòn Dinh Nhớ Tăng tổng trấn hết tình cứu dân Non sông chưa sạch bụi trần Nắng mưa bao quản tấm thân quê người Tre tàn còn có măng tươi Gương xưa còn tỏ còn người noi gương. Ngoài ra còn có dãy Kim Sơn, có nhiều ngọn cao, lớn, hiểm yếu. Ở đây có dãy núi đứng nghiêng nghiêng về phía Tây Nam, hình giống như đàn bà vừa “đi việc cần” xong đứng dậy, tay còn xách quần, nên người dân địa phương còn gọi là núi “xách quần” và đặt ra câu hát rằng: Xứ em có núi xách quần Lấy ai thì lấy, em đừng lanh chanh Yêu anh thì giữ lấy anh Em đừng ăn tỏi, chê hành là hôi Xách quần chạy ngược chạy xuôi Chạy mỏi cẳng rồi, đứng lại bơ vơ Trên đầu mây kéo bạc phơ Dưới chân nước chảy lững lờ về Đông Ở đây có nhiều dãy núi ngọn núi cao, nổi danh như dãy núi Tây Sơn, nơi phát tích của nghĩa quân Tây Sơn, dưới sự chỉ huy của ba danh tướng: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, có hòn ông Bình, hòn ông Nhạc, hòn Nghiên, hòn Bút: 13
  • 14. Trên non có nước Gắng bước mà lên Nước non còn nợ chớ quên Lòng trung với nước, gan bền cùng non Trời tây mây kéo hoàng hôn Biển Đông thấp thoáng bóng dồn bình minh Nghiên non mài sáng lung linh Bút tuôn hàng nhạn chép tình nước non Cũng phải kể thêm ngọn Kim Sơn, sắc xanh mịt mịt và trông vẻ ngang ngạnh: Nghênh ngang kìa ngọn Kim Sơn Tình chung đất nước, không sờn nắng mưa Còn Hòn Kiền thì không cao lắm, nhưng rậm rạp. Trên núi mọc toàn gỗ kiền kiền là một thứ danh mộc quý giá: Bằng lăng tốt gỗ dễ cưa So tài lương đống còn thua kiền kiền. Phía Tây đèo Phú Quý, về phía đường quốc lộ 19, có một hòn núi trọc, hình giống như con cóc ngồi le lưỡi, tục gọi là Hòn Cóc: Đời sanh ra cóc làm chi Lộc trời liếm sạch lấy gì nuôi dân Còn một hòn núi nữa gọi là Hòn Ông, đứng giữa dãy núi Nam Sơn, chung quanh núi non la liệt, khói quyện mây tuôn, cảnh trí tuyệt đẹp. Chung quanh Hòn Ông có nhiều núi cao và có danh như hòn Bà Cương, tục gọi là Hòn Bà: 14
  • 15. Hòn Ông đứng trong Hòn Bà Chồng cao, vợ thấp đôi đà xứng đôi Trên đây chỉ ghi lại những tên núi có danh còn lưu lại trong ca dao. Còn bao nhiêu núi non hùng vĩ, tươi đẹp khác không kể hết. 2. Còn về mặt sông nước thì sao? Bình Định có nhiều sông, suối, đầm… Về sông: Bình Định có 2 con sông lớn. Đó là sông Côn ở phía Nam và sông Lại Giang ở phía Bắc. Sông Côn là một con sông dài hơn 60km, phát nguyên từ dãy núi Trường Sơn, chảy qua các huyện Bình Khê, An Nhơn, Tuy Phước rồi đổ vào đầm Thị Nại: Nước sông Côn chảy về Đồng Lạc Chảy sang Thiện Hạc, chảy xuống Thạch Đề Ai về nhắn với Bình Khê Sao không giữ nước để nó về Văn Phong (An Nhơn) Dòng sông La Vĩ, tức là sông Gò Găng, một nhánh của sông Côn: Dòng sông La Vĩ dài đằng đẵng Bàu nước Nam An rộng thênh thang Thành xưa Bình Định hữu tình Hỏi thăm ông Hậu bỏ mình vì ai? Còn một nhánh sông quan trọng của sông Côn là sông Thạch Yển (nghĩa là đập xây bằng đá), 15
  • 16. nhưng người dân địa phương thường gọi là sông Đập Đá. Em về Đập Đá quê cha Gò Găng quê mẹ, Phú Đa quê chồng và Anh về Đập Đá đưa đò Trước đưa quan khách, sau dò ý em Anh về Đập Đá, Gò Găng Để em kéo vải sáng trăng một mình. Nước sông Côn rất trong, cho nên có câu: Nước sông trong Dù lòng dâu bể Tiếng anh hùng Tạc để ngàn thu Xa xa con én liệng mù Tiềm long hỏi chốn, vân du đợi ngày. Người dân ở đây có nghề làm bún Song Thần. Lấy nước sông Côn mà làm bún được tốt, còn lấy nước khác làm bún thì thường thường bún bị hỏng: Nước trong thời bún mới trong Tình anh bạc bẽo vì lòng anh đen. Thói thường hễ nước trong thì ít cá. Nhưng nước sông Côn thật trong mà nhiều cá mới lạ. Nhất là cá chép: Côn giang cá chép mép son Lại giang cá bống trắng non vóc ngà 16
  • 17. Cù giang chiếc lá trôi vàng Tưởng bầy cá chép Côn giang sững sờ Sông Lại Giang: Sông Lại Giang có 2 nguồn: nguồn từ núi rừng Ba Tơ, Quảng Ngãi, chảy vào và một nguồn từ Kim Sơn chảy ra. Do đó có câu: Nước nguồn hai ngọn giao chi Bồng Sơn hai huyện thiếu gì vợ anh và Nước Ba Tơ chảy về Bình Định Nhắn bạn thân tình, tránh nịnh chớ theo (nịnh đây ám chỉ Nguyễn Thân, kẻ đã theo giặc Pháp đàn áp phong trào Cần Vương). Sông Lại Giang dài độ bốn chục cây số, chạy qua các huyện An Lão, Hoài Nhơn rồi đổ ra cửa biển An Dũ… Về mùa nắng, sông nước Lại Giang lênh láng còn mùa mưa thì lại cạn, khác với sông Côn mùa mưa lại lênh láng, mùa nắng thì lại cạn kiệt: Nước Lại Giang mênh mang mùa nắng Dòng sông Côn lai láng mùa mưa Sông Lại Giang có cá bống ngon nổi tiếng. Còn sông Côn lại có con cá chép nổi danh. Về mùa nước trên sông Lại Giang có những bờ xe nước để lấy nước đưa vào ruộng: Ngồi buồn nhớ cảnh bờ xe Nhớ nước dừa nạo, nhớ chè đường non 17
  • 18. Nhớ nồi cá nục y con Thịt heo cắt khúc, lòng còn ước mơ Ngoài hai con sông lớn nói trên, Bình Định còn có những suối, đầm nổi tiếng. Trước hết nói về suối Từ Bi. Gọi là suối Từ Bi vì hai bên bờ suối có giống cây gọi là Từ Bi mọc đầy. Phong cảnh không có gì đặc biệt, nhưng danh được truyền vì mấy câu ca dao ngậm chứa một nỗi niềm cay đắng, vừa thống thiết, vừa oán thán: Củ lang Đồng Phó Đỗ phộng Hà Nhung Chàng bòn, thiếp mót Đổ chung một gùi Chẳng qua duyên nợ sụt sùi Chàng giận, cháng đá cái gùi thiếp đi Chim kêu dưới suối Từ Bi Nghĩa nhân còn bỏ huống chi cái gùi. Tiếp đến là suối Đá Dàn. Suối Đá Dàn cũng không có kỳ nham, quái thạch gì nhưng có danh là nhờ câu ca dao ý nhiệm, tình thâm: Chim kêu dưới suối Đá Dàn Em còn chút mẹ, cậy chàng viếng thăm hoặc câu: Ai lên thăm suối Đá Dàn Để lòng tưởng nhớ can tràng người xưa 18
  • 19. Người xưa đây là anh hùng Mai Xuân Thưởng khi bị thực dân Pháp sát hại vẫn còn mẹ già. Còn đây là Suối Đục đụt mưa Chẳng duyên thì nợ gió đưa gặp nàng Tứ bề ruộng vắng, gò hoang Cho đây gửi chút can tràng được chăng? - Giữa đường không tiện nói năng Xửng mưa cùng xuống Gò Găng tự tình Gò Găng có chợ, có đình Người quen thấy mặt, thần minh chứng lời Còn khi gặp nắng thì: - Trời mưa không quán, không nhà Bờ tre suối Đụt đôi ta cùng ngồi Chờ cho ráo hột mồ hôi Cầm tay tỏ thiệt rằng tôi yêu mình - Yêu nhau thì mối thì manh Tình trao cát trắng, rau xanh tốt gì Còn về đầm thì có: 1. Đầm Đạm Thủy (còn gọi là đầm Nước Ngọt) Đầm Nước Ngọt một nửa thuộc địa phận Phù Mỹ, một nửa thuộc Phù Cát. Gọi là đầm nước ngọt, nhưng nước không ngọt mà lại mặn, nước đầm có thể lấy làm muối được. Nhưng chẳng phải riêng gì đầm này mới có sự trái ngược như thế. Ở Hoài Nhơn, có một cái cầu gọi là cầu Nước Mặn. Nhưng nước dưới cầu không mặn mà lại ngọt. Dựa vào chỗ danh không đi với thực, nên bạn gái thường hát đố bạn trai: 19
  • 20. - Tiếng đồn chàng hay chữ Tài ngang tú, cử Lại đây em hỏi thử đôi câu: Ngọt ngay nước chảy dưới cầu Gọi “Cầu Nước Mặn”, cớ bởi đâu hỡi chàng? Lâm thế bí, bên trai bằng mượn “đầm Nước Ngọt” để gỡ: - Thật thà là thói hồng nhan Ăn xuôi, nói ngược thế gian lạ gì Mặn chằng nước vũng Đề Gi Gọi “đầm Nước Ngọt” là gì hỡi em! Đầm Nước Ngọt có rất nhiều cá, có lẽ nhiều hơn tất cả các đầm. Cá ngon nhất là cá làm gỏi. Cho nên có người nói: Đến Đề Gi mà không ăn gỏi cá thì cũng như đến Thủ Đức, đến chợ Huyện (Tuy Phước) mà không ăn nem, coi như không đến”. Vì đầm Nước Ngọt cũng thường gọi là Vũng Đề Gi. 2. Đầm Thị Nại: Đầm Thị Nại là đầm lớn nhất của Bình Định. Đầm rộng trên ba nghìn mẫu tây. Bề dài từ Bắc vào Nam có đến 12 - 13 cây số. Bề ngang từ Tây xuống Đông phỏng chừng 3 - 4 cây số. Nước đầm chảy ra cửa Quy Nhơn. Đầm Thị Nại cũng có rất nhiều cá. Cá ngon không thua cá Nước Ngọt. Có tiếng ngon nhất là cá nục. Giống cá này có nhiều thứ. Được ưa chuộng nhiều nhất là cá Nục Vọng. Bị hắt hủi nhất 20
  • 21. là cá Nục Gai. Để bênh cho cá Nục Gai, các chợ bán cá vừa bán, vừa hát: Cá Nục Gai bằng hai cá Nục Vọng Vợ chồng nghĩa trọng Nhơn ngãi tình thâm Xa nhau muôn gặm cũng tầm Gặp nhau hớn hở tay cầm, lời trao Đầm Thị Nại chẳng những có nhiều cá mà còn có nhiều hải sản khác: tôm, cua, vễnh, ruốc… - Mong về xứ sở Vinh Quang Ăn canh cua bấy, tôm rang thỏa tình Hai xóm Quang Hiển, Quang Minh Ăn cá lá nướng, cá kình nấu chua - Ăn chả tôm bạc, thịt nạc đố bằng Cá Hanh nấu ám, cá Rằn nướng kho Tôm cỏ lột, tôm rằn bấy Trông thấy đã ngon Kho tiêu cá thệ thì còn nói chi Ăn vào một miếng mê li Người già thích hợp, sánh chi cho bằng - Vễnh Bình Thới Ruốc Cồn Chim Ở xa ngàn dặm cũng tìm tới mua Ngoài hai đầm lớn kể trên, Bình Định còn nhiều ao, bàu mà đáng kể nhất là: Giao Trì (tục gọi là Ao Cá Sấu), Ngạc Đảm (tục gọi là Bàu Sấu). 21
  • 22. MỤC II: SẢN VẬT - CHỢ BÚA NGÀNH NGHỀ Sản vật Bình Định rất phong phú đa dạng và đặc biệt 1. Trước hết nói về dừa Cả tỉnh Bình Định đều có dừa, nhưng nơi nhiều dừa nhất là Tam Quan. Dừa Tam Quan đã đi vào thơ ca, ca dao: “Tam quan bóng mát xanh um vườn dừa”. Dừa Tam Quan mọc thành rừng, nhiều đến nỗi người ta không thể nào tưới nước cho dừa được. Công đâu công uổng công thừa Công đâu xách nước tưới dừa Tam Quan Công đâu công uổng công hoang Công đâu gánh nước Tam Quan tưới dừa Dừa dùng để chế biến nhiều thức ăn: Kẹo dừa, bánh tráng dừa, mứt dừa, dầu dừa… Dầu dừa khi xưa các cô gái thường dùng để chải tóc cho trơn cho mượt, cho thơm: Mài dừa đạp cám cho nhanh Lấy dầu mà chải tóc anh tóc nàng Mài dừa dưới ánh trăng vàng Lấy dầu mà chải tóc nàng tóc anh. Mài dừa, đạp cám là công việc rất nặng nhọc, nhưng cũng rất thi vị, tình tứ: - Tam Quan ngọt nước dừa xiêm Cha từ, mẹ bỏ vẫn tìm theo anh 22
  • 23. - Ai về Bình Định ban trưa Dừng chân uống bát nước dừa Tam Quan - Nước dừa ngọt lắm ai ơi Uống vào một ngụm thấy đời thêm tươi Đó là nước dừa, còn cơm dừa thì: - Cơm dừa thơm béo quê nhà Nấu canh khó cá đậm đà tình quê Còn xơ dừa, thân dừa thì: - Xơ dừa xe võng ru em Thân dừa cột võng đêm đêm ngắm trời 2. Ở Bình Định có nhiều ngành nghề phục vụ cho đời sống bà con trong tỉnh và các nơi khác Trước hết xin nói về nghề xe dây dừa để làm dây neo tàu ghe, làm võng ru em, làm thảm… - Thân em về ở xóm dây Con thì bồng khế, chồng quây suốt ngày 1 Sáng ra đi võng, tối về lại xe. - Chồng để về nuôi vịt, nuôi công Ưng chi anh cạo gáo trên gông dưới cùm 2 3. Bình Định còn có những của ngon, vật lạ đồi dào: 1. Bồng khế: Khế là dụng cụ dùng để xe dây dừa, giống như quả khế; Quây: Động tác xe dây dừa 2. Trên gông, dưới cùm: Người cạo gáo dừa thường gác cái thang trên phía đầu (giống như cái gông) trên thang đế chiếu hoặc cái nong cho khỏi nắng, hai chân kẹp sọ dừa để cạo giống như bị cùm. 23
  • 24. Ới bà con cô bác Hãy nghe đây của lạ, vật ngon Này mĩ vị yến sào Tuy Phước Bún song thần Nhơn Phước cao lương - Dày cơm nước ngọt tựa đường Dừa xiêm khắp tỉnh phải nhường Tam Quan - Trái ngọt thanh đại ân xoài ngự Cá thịt thơm kẻ thử, vùng nồm Đề gì món gỏi cá cơm Vừa ăn, vừa thưởng gió nam thêm ghiền - Lẫu sanh cầm Bàu Sen nhân hậu Lương ngã tư (?) um với măng vòi - Thú rùng ngon thịt hai nơi Núi Bà thứ nhất, nhì thời Đầm Vơi! - Nước mắm nhĩ Gò Bồi tuyệt hảo Mật ong rừng An Lão sơn trân Của ngon vật lạ tuyệt trần Kể sao cho hết đâu chỉ có ngần ấy thôi - Lụa Phú Phong nên duyên nên nợ Nón Gò Găng khắp chợ mến thương Áo hồng, quần tía vấn vương Nghiêng nghiêng chiếc nón, gió sương quản gì - Đầm Châu Trúc nước xanh biêng biếc Gạch cua tôm chi xiết mặn nồng Chình mun nằm sát đáy sông Sài Gòn, Hà Nội, Hồng Kông cũng thèm 24
  • 25. - Sông Dinh dòng nước trong ngần Rừng An Lão có mấy tầng dây tiêu Hạt tiêu nho nhỏ đáng yêu Cay cay đón khách, khách đều mến ưa Thân em duyên dáng từ xưa Càng cay càng thấm, càng vừa ý anh. 4. Còn đây là một ngành nghề của ngư dân: - Bình Định có đầm Quy Nhơn Ngư dân sinh sống có trăm thứ nghề Đi thì nhớ, ở thì mê Dễ làm, dễ sống, nghề nghề no vui Từ Lạc Điền, xuống tận Hóc Hồi Sáo dời, sáo đất, ngược xuôi đăng hàng Từ Hưng Thịnh đến Vinh Quang Ruộng muối, bờ cá hàng ngàn dặm xa Từ Thới Bình qua Khe Nhà Nghề nò, nghề đón, nghề chà biết bao Vinh Quang: Lưới, xiết, tủ, ngao Chồ, thuyền, tủ xúc nghề nào cũng vui - Kể sao cho hết quê tôi Mắm ngon thượng hạng Gò Bồi nổi danh Từ Qui Nhơn ra tận Cù Lao Xanh Ngày ngày thấp thoáng thuyền mành ra khơi Phương Mai có hang yến, hang dơi Ì ầm sóng vỗ rợp trời chim bay. 25
  • 26. 5. Ngoài ra còn các nghề khác: làm nón, đặc biệt là nón ngựa (ở Gò Găng), dệt lãnh, lụa (ở An Thái), làm nước mắm (ở Tam Quan, Gò Bồi), hái chè (ở Hòa Đại), dệt chiếu… - Anh về Hòa Đại hái chè Bỏ cây cam mật sau hè ai trông Anh về Bình Định thăm nhà Tháng hai trở lại, tháng ba cưới nàng Cưới nàng đôi nón Gò Găng Xấp lãnh An Thái, một khăn trầu nguồn - Anh về dưới vạn Gò Bồi Bán mắm, bán cá, lần hồi cưới con - Nón ngựa Gò Găng Bún song thần An Thái Lụa đậu ba An Ngãi Xoài tương chín Hưng Long - Anh về Bồ Địch, Giếng Vuông Chiếu che bốn vách còn buồn nỗi chi? 6. Ở Bình Định, ngành nghề, sản vật phong phú như vậy nên việc buôn bán cũng rất phát triển: Buôn ghe, buôn chợ… Trước hết nói về buôn ghe: - Ngó ra ngoài biển tăm tăm Thấy ghe anh chạy có năm mái chèo Khi nào không gió anh neo Chờ cho gió lại, mở lèo anh đi 26
  • 27. Anh đi nước ngọt Đề Gi Xông pha sóng gió kể chi nam, nồm. - Xin bà thổi ngọn gió đông Cho ghe tôi chạy, cho chồng Bà lên 3 Việc giao thương, buôn bán đường biển rất phức tạp, phải biết chỗ nào có gành, có đá, thường có sóng to, gió lớn phải tránh, chỗ nào có cửa biển, cửa sông để vào mua bán hàng hóa, tiếp tế lương thực, thực phẩm. Do vậy bà con đặt ra những câu hát, bài ca về các địa danh cần ghi nhớ để giúp cho bạn ghe bầu học thuộc lòng: Vát ra thấy múi Sa Hoàng Kìa là Bù Nú, Tam Quan nhiều dừa Gặp nhau chưa nói đã cười Kìa là An Dũ, thật nơi Lò Ghè Đông trên nước bấc đáng ghê Núi Hương, Gạch Trọc, dựa kề Lộ Giao Ngó qua thấy rạng khô khao Vác mặt trông vào cửa cạn Hà Ra Bàu Bàng, Gành Mét bao xa Kim Dung, Bờ Đập, tránh mà Lố Ông Ngửa mặt xem thấy Vĩ Rồng Hòn Lan, nước ngọt, tránh lần Hòn Khô Nhắm chừng Suối Búng, Vũng Tô 3. Bà: Đây là Bà Vọng Phu 27
  • 28. Ông ầm nằm đó, xác to ì ì Vọng Phu, tích cũ còn ghi Ngồi trên Kẻ Thử tay thì bồng con Nghìn xưa hẹn ước, thề non Mình khô hóa đá lòng son để đời Vũng Nồm, Vũng Bấc xem chơi Hòn Thia khơi rồi lại gần Cỏ, Cân. Nam lò Eo Vượt rần rần San Hô, Mũi Mác, đến gần Phương Mai Cửa Dã có hòn án ngoài Các lái thuyền chài đều gọi Lao Xanh… Còn sau thì buôn chợ. Chợ ở Bình Định khá nhiều, hàng hóa bán buôn rất phong phú, dồi dào: Đi chợ, ới chị em đi chợ Chợ nào thú vị bằng chợ Gò Tôm kho cá trọng, thịt bò thịt heo Ê hề bánh ướt, bánh xèo Bánh khô, bánh nổ, bánh bèo liên u Còn như cá chép, cá thu Cá ngừ, cá gỏi, cá chù thiệt ngon Lá gai bánh ít, bánh bòn Nem chua, chả mực, trà đường ủ ê Kể ra cho hết chớ nề Thiên hồ, vạn hải quý thầy nghe chơi Ngó ra ngoài chợ, bán những trạnh cày Roi mây, gáo, vá, dép giày nghênh ngang 28
  • 29. Kể thêm mấy thứ xoàng xoàng Bắp ranh, cử đổ, đục, chàng, kéo dao Xem qua chẳng thiếu thứ nào Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng ào mà vô… Đó là chợ phiên Gò Chàm, một phiên chợ lớn nhất của tỉnh nhà. Còn biết bao là chợ huyện, chợ làng khác: - Đồi đàng ở Dã lên thành Cầu Chàm, An Thái, An Hành, Phù Ly Lần về Làng Cả, Cây Đa Gò Găng, Đập Đá, ngó qua Quán Chùa Bình Dương kẻ bán người mua Mua rồi tính toán hơn thua Chợ Gò Đôi ta dừng lại hẹn hò Bước qua Cầu Vợi, bến đò Lại Giang Chợ Đổ, chợ Bông, chợ Hàng Bồ Đề, Bến Đá đổi đàng còn lâu Tam Quan có một cái cầu Lần kề xuống Vạn thấy lầu ông Tây Tiếng đồn Chợ Cát, chợ Mới gần đây Chợ Ân, Cầu Lỡ hàng dây thiếu gì Buồn tình cất gánh ra đi Bâng khuâng nhớ bạn, bạn thì nhớ ai?... Bình Định là đất thuần nông cũng như cả nước ta thủa trước. Nhân dân lấy việc làm nông là chính đúng như câu “Quốc dĩ nông vi bản”. Bà con làm ruộng, trồng dâu, nuôi tằm, nuôi gà, vịt, nuôi heo… 29
  • 30. - Rủ nhau đi cấy lấy công Ruộng soi cấy trước, ruộng đồng cấy sau 4 Cấy mau về cuốc vườn rau Cho con trẻ bú, tưới rau, tưới trầu - Ra đi anh đã dặn dò Ruộng gộc thì cấy, ruộng gò thì gieo 5 - Anh về Bình Định chi lâu Bỏ em ở lại hái dâu một mình - Làm xe đưa nước lên đồng 6 Bà con no ấm thần nông vui cười Ruộng rộc thì cấy lúa trì 7 Đất gò, đất rẫy, trồng mì, trồng lang - Đường đi cát nhỏ lăm tăm Em về Bình Định nuôi tằm kéo tơ. - Ruộng An Nhơn mỗi sào ba tạ Lúa Tuy Phước năm giạ một sào 8 Anh về đắp đập đào ao 4. Ruộng soi: Ruộng bãi, gần bờ sông hoặc bờ suối 5. Ruộng gộc: Ruộng trũng 6. Xe: gồng nước, dụng cụ như bánh xe dùng để đưa nước sông, nước suối lên ruộng 7. Lúa trì: Lúa dài ngày 8. Giạ: Đơn vị đo lương (độ 4kg) dùng để đong lúa, gạo bắp 30
  • 31. Ruộng Song Trung anh cấy rẻ, ruộng ông Đào anh lĩnh canh 9 Cầu cho mưa thuận gió lành Lúa vàng nặng hạt, ruộng anh được mùa - Trăng rằm đã tỏ lại tròn Củ lang Phù Mỹ đã ngon lại bùi Anh về dưới Dã hồi hôm Gánh phân đổ ruộng gió nồm bay lên - Sông Dinh dòng nước trong ngần Rừng xanh An Lão mấy tầng dây tiêu Hạt tiêu nho nhỏ đáng yêu Cay cay đón khách, khách đều mến ưa Thân em duyên dáng từ xưa Càng cay càng thấm, càng vừa ý anh - Ngó lên đất đỏ nhiều khoai Ngó xuống đồng xoài nhiều mía, nhiều tranh Ngó về đồng cọ lúa xanh Phú Điềm, Phú Cốc, Mỹ Phong cau nhiều - Quảng Nam nổi tiếng lòn bon Chà viên Bình Định vừa ngon vừa lành 10 Chín mùi da vẫn tươi xanh Mùi thơm cơm nếp, vị thanh đường phèn 9. Ruộng Song Trung: Ruộng của vua nhà Nguyễn cấp cho 2 người trung thành với vua là: Võ Tánh, Ngô Tùng Châu; Ruộng ông Đào: Ruộng cấp cho Đào Duy Từ (đệ nhất công thần triều Nguyễn). 10. Chà viên: Một thứ trái cây thường có ở Bình Khê, An Khê 31
  • 32. - Tam Quan ít mít nhiều dừa Nhiều cô gái đẹp mà chưa có chồng. Qua đây, ta thấy nông sản ở Bình Định thật dồi dào: Có lúa, có dừa, có cau, có mít… không thiếu thứ gì… MỤC III: THẮNG CẢNH - DI TÍCH Bình Định có nhiều thắng cảnh và di tích nổi tiếng. - Bình Định có núi Lan Sơn Có đầm Đạm Thủy nước rờn rờn xanh Có cây, có cá, có tình Trời mây bốn mặt có mình ở trong - Bình Định có núi Vọng Phu Có đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh 11 Có Cân, có Cỏ, có Gành 12 Có non, có nước, có mình, có ta Ở đây ta thấy cảnh và tình luôn quyện vào nhau 1. Núi vọng phu Trước hết nói về núi Vọng Phu, có nơi gọi là đá Vọng Phu. Đá Vọng Phu ở trong dãy núi Bà, thuộc huyện Phù Cát. Đó là một hòn đá xanh cao, to mọc đứng trên ngọn núi cao, ở ngoài khơi trông 11. Cù Lao Xanh: Tên hòn đảo trước mặt cửa biển Qui Nhơn. 12. Cân, Cỏ: tức là hòn Cân, hòn Cỏ, hai hòn đảo nhỏ ngoài biển thuộc huyện Tuy Phước. Gành: tức là Gành Ráng (thuộc thành phố Qui Nhơn) 32
  • 33. vào giống như hình một người đàn bà dắt đứa con nhìn đăm đăm ra biển cả như đợi, như trông ai đó. Đá Vọng Phu ghi lại sự tích một mối tình éo le. Vợ chồng là hai anh em ruột, vì xa cách nhau quá nhiều năm tháng không nhận ra nhau nên lấy nhau. Đến khi người chồng nhận biết vợ mình chính là em gái mình thì lòng như thiêu, như đốt, nhưng không dám lộ cho vợ biết, vì không muốn cho vợ biết sự tình éo le như vậy, nên bỏ xuống ghe ra đi biền biệt. Người vợ ở nhà trông mãi không thấy chồng về, nên dắt con lên núi đứng ngóng ra biển, trông chờ chồng, lâu ngày hóa đá. - Xin Bà thổi ngọn gió đông Cho ghe tôi chạy, cho chồng Bà lên Ở Bình Định có những di tích đặc biệt ít nơi nào có. 2. Trước hết là Thành Cựu Thành Cựu có tháp Cánh Tiên Có chùa Thập Tháp, có phiên Gò Chàm Thành Cựu tức là thành cũ hay là thành Đồ Bàn. Thành Đồ Bàn thuộc huyện An Nhơn do vua Chiêm Thành xây vào thế kỷ thứ X. Tường xây bằng gạch, mặt hướng về Nam, chu vi hơn mười dặm, có bốn cửa kiến trúc rất kiên cố. Bên trong có dựng tháp làm bảo chứng. Bên ngoài có dẫy đồi Kim Sơn làm cánh cửa che cửa tây, có núi Tiên Cốt làm tiền án 33
  • 34. và gò Thập Tháp yểm hậu. Ngoài xa nữa có núi non trùng điệp, sông quanh co, biển bát ngát thật là hùng vĩ, thật là hiểm trở. Qua thời gian, thành Đồ Bàn được sửa sang và được gọi là thành Hoàng Đế (thời Nguyễn Nhạc) và thành Bình Định (thời Nguyễn Ánh). Thành Đồ Bàn còn ghi lại một sự kiện lịch sử. Đó là việc Huyền Trân công chúa được gả cho vua Chiêm, vì non sông mà phải vào đây chung sống với người khác giống nòi. Nước non nghìn dặm ra đi.. Mối tình chi? Mượn màu son phấn Đền nợ Ô, Ly… Xót xa vì đương độ xuân thì… Nghĩ đến tình cảnh công chúa Huyền Trân, ở địa phương có câu: Má hồng đền nợ quân vương Những tay chống đỡ miếu đường là ai? Qua nhiều lần dâu, biển, đến thời Gia Long thành Đồ Bàn bị triệt hạ để xây thành mới gọi là thành Bình Định. Đến nay thành Bình Định không còn vết tích gì. Vì trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với chủ trương “Tiêu thổ kháng chiến”, thành Bình Định đã bị san bằng. 34
  • 35. Về Thành Đồ Bàn, nhiều tao nhân, mặc khách qua đây đã cảm tác, viết lên những dòng thơ hoài cảm, phần lớn viết bằng chữ Hán. Xin ghi lại đây bài “Điếu cổ” được dịch là: Ai vua, ai giặc khôn bàn Phong quang một cảnh ngỡ ngàng hôm mai Vườn dâu lấp nẻo cân đai Nơi xưa ca viện, vũ đài: Gò không! Mồ hoang lạc phách anh hùng Hồn thiêng tráng sĩ lạnh lùng gió sương Mây tàn, tàn cả ánh dương Tháp Tiên riêng vững can tràng nghìn thu. (Người dịch: Nguyễn Khôi) Còn thơ quốc âm thì chỉ thấy có một bài của Thọ Nguyên: Trăm rưỡi năm trên một chiến trường Bàn thành nay rặt dấu tang thương Tháp Tiên dạn mặt nhìn sông núi Voi đá trơ hình ngạo nắng sương Thế cuộc trải xem bao mộng huyễn Anh hùng trông thấy một tòa hương Nồi da xáo thịt ôi, nòi giống Trang sử trung hưng giọt máu hường 3. Các ngọn tháp Ở Bình Định, di tích cổ xưa còn lại là những ngọn tháp, thường gọi là Tháp Chàm. 35
  • 36. Xin kể lại đây một vài ngọn mà ca dao còn ghi lại. Trước hết là Tháp Phú Lộc, mà người Pháp thuở trước gọi là Tour d’or (Tháp Vàng). Đi từ Bắc vào Nam theo đường quốc lộ trước hết chúng ta thấy một ngọn tháp đứng chon von trên ngọn Thổ Sơn tròn trịa, không cây cối, ở giữa cánh đồng mênh mông. Tháp có vẻ ngạo nghễ nhưng đượm sắc buồn, buồn vì quá quạnh hiu. Tháp thứ hai là tháp Cánh Tiên. Từ tháp Phú Lộc đi vào một chặng nữa, lại thấy một ngọn tháp cao ngất trời xanh. Đó là tháp Cánh Tiên. Tháp ở cạnh miếu Song Trung thờ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu nên địa phương có câu: Ngó lên hòn tháp Cánh Tiên Cảm thương ông Hậu thủ thiền ba năm 13 Sau nữa là tháp Bánh Ít. Qua khỏi tháp Cánh Tiên chừng mười cây số thì thấy trên đỉnh núi sát bên đường một nhóm bốn ngọn tháp, một ngọn lớn ở trên cao, ba ngọn nhỏ ở dưới thấp, xa trông như bốn chiếc bánh ít lá gai lột trần trên mâm cỗ bồng vun ngọn. Đó là tháp Thị Thiện tục gọi là tháp Bánh Ít, thuộc địa phận Tuy Phước. Tháp Bánh Ít đứng sít cầu Bà Di Sông xanh, núi cũng xanh rì Vào Nam, ra Bắc ai cũng đi con đường này 13. Ông Hậu: Võ Tánh 36
  • 37. Nghìn năm gương cũ còn đây Lòng ơi, phải lo nung son sắt kẻo nửa đầy bể dâu. Rồi là tháp Đôi. Đi tiếp đến địa đầu thành phố Qui Nhơn ta thấy có hai ngọn tháp tên là tháp Hưng Thạnh, tục gọi là Tháp Đôi. Mang tên là Tháp Đôi vì có 2 ngọn tháp đứng song song trên một khoảnh đất, một ngọn cao và một ngọn thấp, kề sát bên nhau: - Cầu Đôi nằm cạnh Tháp Đôi Vật vô tri còn đèo bòng duyên hứa Huống chi tôi với mình. - Tháp kia còn đứng đủ Đôi Cầu nằm đủ cặp, hướng chi tôi với nường. - Ai về Tuy Phước ăn nem Ghé qua Hưng Thạnh mà xem Tháp Chàm - Tháp ngạo nắng sương Cầu nương sắt đá Dù người thiên hạ Cao thâm đã chứng lời nguyền Còn cầu, còn tháp, còn duyên đôi lứa mình Non sông nặng gánh chung tình. Và Tháp Thủ Thiện - Tháp Dương Long. Nếu theo dòng sông Côn đi ngược về phía Tây cách Qui Nhơn chừng ba, bốn chục cây số, chúng ta được xem hai ngọn tháp. Đó là tháp Thủ Thiện và tháp Dương Long. 37
  • 38. Tháp Dương Long và tháp Thủ Thiện xưa kia làm mốc ranh giới cho ấp Tây Sơn, nơi phát tích người anh hùng Nguyễn Huệ và vị nguyên soái lãnh đạo phong trào Cần Vương bốn tinh: Bình, Phú, Khánh, Thuận là Mai Xuân Thưởng mà dấu tích thành lũy vẫn còn nơi núi Hương Sơn, cạnh tháp. Bởi vậy có câu hát rằng: Vững vàng tháp cổ ai xây Bia kia Thủ Thiện, bên này Dương Long Nước sông trong Dẫu lòng dâu bể Tiếng anh hùng Tạc để nghìn thu… Xa xa con én liệng mịt mù Tiềm long hỏi chốn, vân du đợi ngày. Những cánh tháp Chiêm Thành đã gợi nguồn thi hứng cho bao thi nhân, đặc biệt có nhà thơ Chế Lan Viên. Nhiều nhà nghiên cứu tháp Chăm ở Bình Định cho rằng: Hệ thống tháp Chăm ở Bình Định có nhiều bí ẩn cần được nghiên cứu chu đáo: về kiến trúc, về tôn giáo, về xây dựng và sự độc đáo so với các địa phương có tháp Chăm trong cả nước (Đà Nẵng, Nha Trang, Ninh Thuận) và cả với một số nước Đông Nam Á. 38
  • 39. Chính vì những giá trị nổi bật, độc đáo đó mà Ủy ban Nhân dân tỉnh, viện Khảo cổ đang xúc tiến xây dựng hồ sơ kiến nghị với chính phủ đề nghị UNESCO công nhận hệ thống các di tích tháp Chăm Bình Định là di tích văn hóa thế giới. 4. Chùa Chiềng - Miếu mạo - Hang hầm Ở Bình Định có nhiều chùa nổi tiếng Thành Cựu có tháp Cánh Tiên Có chùa Thập Tháp, có phiên Cầu Chàm Chùa Thập Tháp được xây dựng trên một nổng gò rộng hình mai rùa. Trên có mười ngọn tháp gọi là gò Thập Tháp. Trên gò có xây một ngôi chùa gọi là chùa Thập Tháp. Chùa được xây dựng từ lâu, từ những năm hậu thế kỷ 17 do một thiền sư người Trung Hoa xây dựng. Chùa nổi tiếng vì khi xưa chùa đã đào tạo nhiều thượng tọa tài đức đã góp phần chấn hưng nền Phật giáo Việt Nam. Chùa còn nổi danh vì tương truyền rằng trong chùa có đủ 3 tạng kinh giấy khổ rộng và chữ lớn bằng ngón tay út. Ba tạng kinh này ngoài chùa Thập Tháp, không chùa nào có. Bộ kinh hết sức cổ. Ba tạng kinh này có người cho rằng đã được sư cụ Phước Huệ mang ra Huế cùng một số kinh, luận để mở trường Đại học Phật giáo và để tại chùa Từ Đàm. 39
  • 40. Chùa này bị thiêu hủy thời Ngô Đình Diệm, một ngàn kinh, luận rất cổ của chùa Thập Tháp cũng cháy trụi. Chùa Thập Tháp còn có 2 pho tượng Hộ pháp và 36 tượng La Hán bằng gỗ chạm khắc rất tinh vi. Các vị La Hán, mỗi vị một khuôn mặt, một dáng điệu khác hẳn nhau, kích thước cân xứng, đường nét nhịp nhàng trông thật sinh động. Thật là những bảo vật cô giá. Vì chùa nổi danh là lâu đời, linh thiêng nên người địa phương truyền nhau nhiều chuyện hoang đường nhưng lý thú, như chuyện “vỏ lúa” là một. Có bài thơ về chùa Thập Tháp như sau: Mười tháp khuất sau sương Trang nghiêm cảnh Phạm Đường Hiên lồng trăng tịnh độ Vườn đọng nước Kim Cương Nguyên Thiều công nối núi 14 Bình Định gió sanh hương Kinh truyền ba tạng đủ Nguồn Đạo thắm muôn phương. (Tác giả: Đặng Đạo) 14. Nguyên Thiều là tên hiệu của vị sư lập chùa. Ngoài chùa Thập Tháp, Bình Định còn có nhiều chùa nổi danh khác nhưng do khuôn khổ tài liệu hạn hẹp, và cũng do khuôn khổ hạn định ở ca dao cổ nên chúng tôi không thể nói đến hết được và chỉ có thể nêu ra đây một vài chùa và một số bài thơ, câu ca để minh chứng. 40
  • 41. Chùa Linh Phong. Thật tên là “Linh Phong Thiền Tự” tục gọi là “Chùa Ông Núi”. Chùa ở trên núi Bà, mặt phía Nam, thuộc thôn Phương Phi, huyện Phù Cát. Người địa phương gọi là chùa Ông Núi vì thấy nhà sư ở tu trên núi suốt năm, dùng vỏ cây làm y phục, ít khi xuống đồng bằng. Thỉnh thoảng cần lương thực thì sư ông gánh một gánh củi xuống chân núi để ở ngã ba đường rồi trở lên núi. Người quanh vùng đem muối, gạo đến để đó rồi gánh củi về dùng. Hôm sau nhà sư xuống nhận muối, gạo, nhiều ít không kể, mất còn cũng không bận. Nhưng khi trong hạt có bệnh tả, bệnh dịch thì tự nhiên nhà sư đem thuốc đến cứu chữa, chữa xong lại đi ngay, một cái vái cũng không nhận. Phong cảnh chùa Linh Phong thật là kì thú. Chùa nằm trong rừng cây cổ thụ tĩnh mịch âm u. Quanh chùa đá mọc ngổn ngang, hoặc đứng sững giữa trời, hoặc chen chúc cùng cây cối. Sau chùa, nước khe trên núi cao chảy xuống. Nước chia thành từng nhánh lớn nhỏ chảy vào sân sau, chảy vào bếp, quanh co rồi nhập lại nơi sân trước để chảy xuống hồ sen trước chùa… Nơi sườn núi phía đông có một hang đá rộng lớn ăn sâu vào lòng núi. Đó là nơi ông Núi tu từ thuở trước. 41
  • 42. Xa tít chân trời, đồng lúa bát ngát bao trùm hai mặt Tây, Nam. Nhìn về phía Đông thì biển xanh bát ngát, phía Đông - Nam thì đầm Thị Nại long lanh dưới ánh mặt trời và rừng dương liễu xanh um, chập chờn trên bãi cát nửa trắng, nửa vàng. Ngày xưa, du khách đến đây thường nghe các em mục đồng, các chàng ngư phủ, các cô thôn nữ, sơn nữ hát rằng: Cây chen, đá chấp chập chùng Biển giăng dưới núi, chùa lồng trong mây Bùi đời không bận mảy may Chút thân rộng tháng dài ngày thảnh thơi Cũng có lúc lại được nghe những câu ngâm chứa nỗi u hoài: Ông Núi đi đâu Bỏ bầu sơn thủy Đủ nhân, đủ trí Thêm vỹ, thêm kỳ Chùa xưa nhạt bóng tà huy Xui lòng non nước nặng vì nước non Về phía tao nhân mặc khách một khi đã đến đây viếng cảnh, đều có đề thơ vách đá rất nhiều. Nhưng hầu hết những bài thơ đó đều viết bằng chữ Hán. Chỉ có mấy bài thơ quốc âm còn lại: 42
  • 43. Thạch động xưa tu nổi tiếng thầy Thầy nay đâu vắng dấu còn đây Giữ chùa ông hộ non xây đá Cúng phật vừa hương biển kéo mây Nước nhỏ lon bon chuông dưới suối Gió rung lốc có mõ đầu cây Những người phiền não phường danh lợi Đến đó thì lòng cũng giải khuây ( Tác giả: Võ Kiêm) Còn đây là bài của Trương Xuyên; Chùa vua cất, nùi trời xây Nguồn đạo thơm danh, sạch suối đầy Suối chảy quanh chùa, chùa vịn núi Núi nằm ôm biển, biển xanh mây Có chăng chẳng mất: người trong tháp Sắc đó mà không: khỏi ẩn cây Một tiếng chuông buông hồ gợn sóng Gió lay phất nhẹ cánh cò bay Và đây là bài thơ của cụ Đào Tấn, có lần cụ đến trú tại chùa này, cụ Đào có viết một bài ký rất nổi tiếng là “Linh Phong ký” và bài thơ này. Bài thơ viết bằng chữ Hán được cụ Quách Tấn dịch ra quốc âm: Cành xanh trăm trắm tiếng chuông rơi Hứng tới đàn duyên bước thảnh thơi Một bức yên hà trời tự tại 43
  • 44. Mười năm hồ hởi mộng quy lai Am mây, ông Núi chừng Tiên đấy Lượng bể, người thơ đích Phật rồi Ngụm nước thanh tuyền chơn vị tỏ Mười phương không phụ tiếng thơm bay 5. Truông Mây và Chàng Lía Chiều chiều én liệng Truông Mây Cảm thương chú Lía bị vây trong thành Truông Mây có tài liệu cho là ở huyện Hoài Ân, xã Ân Đức dài độ 3 cây số. Hai bên mây mọc thành rừng, cây cối um tùm, rậm rạp. Quang cảnh đìu hiu quạnh quẽ, ít người qua lại, lại nghe nói có nhiều cọp. Truông Mây dẫn đến trang trại của Chàng Lía. Chàng Lía xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khổ: Có người ở phủ Qui Nhơn Quán Phù ly huyện, gần miền Bích Khê Ăn cận, ngồi kề sinh đặng một con Thời trời, xế nước chon von Cha thác, mẹ còn, Lía chịu mồ côi Nhà nghèo, Lía đi làm thuê, làm mướn kiếm ăn, mang chút tiền ít ỏi về nuôi mẹ. Không chịu nổi sự áp bức, đè nén khốc liệt của bọn hương lý, Lía bỏ làng chạy lên rừng, lên núi cùng với một số người cùng cảnh ngộ nghèo khó, bị áp bức làm tướng 44
  • 45. cướp. Đặc biệt Lía chỉ cướp của bọn nhà giàu, lũ gian ác… rồi đem chia cho dân nghèo: Lía ta tâm tánh lạ sao Ghét người phú hộ đất đào ném ra Những người nghèo khổ dân ta Thì Lía xót phận rất là yêu thương Kẻ nghèo rủi gặp tai ương Hễ Lía nghe biết dễ thường bỏ đâu Giúp cho tiền bạc, tiếc nào Cho nên nhiều kẻ xiết bao cảm tình. Vì thế cho nên khi nghe tin Lía bị quan quân triều đình vây đánh thì nhân dân tỏ lòng thương xót “cảm thương chú Lía bị vây trong thành”. Có một di tích gọi là Hang Chàng Lía. Đó là cái hang chạy xuyên qua núi Bà, dài trên 20 cây số, cửa hang cao rộng, vừa một người đi. Lòng hang lúc cao, lúc rộng, lúc thu hẹp lại, rất khó đi lại, tương truyền rằng trong hang có nhiều rắn, ngổn ngang rắn to, rắn nhỏ. Do đó không ai dám mạo hiểm vào. Có một vài đoàn thám hiểm vào gặp rắn phải rút ra. Tương truyền xia kia chàng Lía chiếm cứ nơi này để làm căn cứ chống lại quan quân triều Nguyễn. Di tích Hầm Hô Ngó vô Linh Đổng mây mờ Nhớ Mai nguyên soái dựng cờ đánh Tây 45
  • 46. Hầm Hô cữ nước còn đầy Còn gương phấn dũng, còn ngày vinh quang Hầm Hô thuộc thôn Phú Phong, huyện Bình Khê, phong cảnh thật kỳ thú, nhưng cũng thật hiểm trở, là căn cứ địa chống Pháp của vị anh hùng nổi tiếng Mai Xuân Thưởng. Hầm Hô có nước, có cá, có đá, có cây rừng, cổ thụ, có hoa phong lan rực rỡ. Đó là một dòng suối có thác nước đổ, có gành đá dựng, bờ đá sừng sững, hầm rộng thênh thang. Nước chảy trong lòng suối đá lởm chởm, hai bên bờ, đá dựng như thành, nơi bằng, nơi khúc, lúc hiểm, gập ghềnh. Tiếng nước đổ vào hầm đá rộng bềnh bềnh, bọt bắn tung tóe, tiếng kêu ồ ồ vang xa như tiếng hô báo cho người theo bè gỗ biết rằng sắp tới hầm mà chuẩn bị… Do đó tên gọi là Hầm Hô. Hầm đây thật ra là một cái thác cao độ 6-7 thước, bốn bề bị vách đá che khuất, trông như một cái hầm. Hai dãy núi chạy dọc theo bờ dài đến vài ba cây số. Núi lởm chởm như gươm, có nơi núi dựng đứng như một vách tường. Cảnh thế thật hùng hiểm, ở đây cây cỏ, hoa lá mọc chen vào đá. Người ta thấy những gốc cổ thụ cao to, thân vóc rắn rỏi, màu da đã hóa thành màu đá xám xanh. 46
  • 47. Người ta còn gặp những lùm sim, lá mịn như nhung, hoa tim tím trông thật vui mắt. Còn những khóm phong lan, dính vào vách đá, bám vào thân cây, nơi năm bảy chùm, nơi đôi ba nhánh, đủ hình, đủ sắc… treo lửng lơ, lơ lửng trên mặt nước lung linh trông thật ngoạn mục. Và kìa, rừng hoa ngâu nở bên kia suối mùi hương khi phảng phất, khi ngạt ngào. Nếu chịu khó đi sâu vào rừng, thỉnh thoảng chúng ta còn gặp được vài khóm bạch mai, hoa trắng mịn, mùi hương thoang thoảng làm dịu tâm hồn ta. Hầm Hô còn một điểm rất đặc biệt nữa. Đó là suối Hầm Hô có rất nhiều cá. Về mùa gió Nam, về mùa nước lũ, cá sông kéo nhau về nguồn đẻ dồn vào đây nhiều vô kể. Từng bầy kéo vào suối trông “đặc cả nước” rồi đua nhau “bay lên” ngọn thác Hầm Hố mà về nguồn. Gọi là cá “bay” bởi thác nước cao, nước đổ mạnh, nếu không “bay” lên thì sao mà lên nổi. Do vậy Hầm Hố còn có tên nữa là “Thác cá bay”. Miếu Mạo Ngày xưa ở Bình Định có rất nhiều ngôi miếu ở khắp làng quê. Nhưng qua thời gian các ngôi miếu cổ đều bị hư hỏng, không còn vết tích. Có những ngôi miếu do làng, xã, huyện, tỉnh dựng lên. Có những ngôi miếu do triều đình thiết lập như: 47
  • 48. - Xã Tắc Đàn ở thôn Kim Châu, quận An Nhơn xây năm Minh Mạng thứ 13 (1832). -Tiên Nông Đàn ở thôn Liên Trực, quận An Nhơn xây năm Minh Mạng thứ 14 (1833). - Sơn Xuyên Đàn ở thôn An Ngãi, quận An Nhơn, xây dựng năm Tự Đức thứ 3 (1850). Ngoài ra, các ngôi miếu xây dựng đã lâu đời như: - Hội Đồng Miếu - Thành Hoàn Miếu ở An Nhơn - Tam tòa Sơn thần từ ở Qui Nhơn - Bao Trung từ ở Quy Nhơn - Tam Thần từ ở Hoài Nhơn - Miếu Cô Xíu ở Bắc Hoài Nhơn - Miều Xà (thờ rắn) thôn Thượng An, Bình Khê. Về những ngôi miếu này, chúng tôi chỉ được biết qua một số tài liệu và cũng chưa tìm được những câu ca dao cổ nào liên quan đến các ngôi miếu cổ đó. Như vậy, ta biết được một số phong cảnh di tích đặc biệt ở Bình Định thật đa dạng, phong phú… ở đây chỉ liệt kê một số cảnh vật mà trong ca dao cổ còn truyền lại, còn thì không sao kể hết được. MỤC IV: VĂN HÓA - VĂN NGHỆ Từ thời cổ xưa, quê hương Bình Định đã có nền văn hóa, văn nghệ dồi dào, đa dạng về nội dung cũng như về hình thức biểu hiện. 48
  • 49. 1. Về nội dung, văn hóa, văn nghệ Bình Định đề cao tinh thần trọng nghĩa nhân, sự thông cảm, lòng yêu thương… Người Bình Định cổ xưa tính tình đôn hậu, chất phát, hiền lành, chuộng khí tiết, trọng nhân nghĩa. Ngoài xã hội lấy trung tín làm gốc. Trong gia đình lấy hiếu thuận làm nền. a. Về trọng nhân nghĩa, ta thấy có những câu: - Tham vàng, bỏ nghĩa mặc ai Lòng đây, sông giữ, non mài vẫn nguyên - Dù cho đất đổi, trời thay Trăm năm vẫn giữ lòng ngay với đời Hoặc - Một lời em nói ra Bằng ba lời thề thốt Như đinh đóng vào cột Như rìu cốt vào cây Anh đừng ngại gió, e mây Vàng cao ngất núi sao tày nghĩa nhân Đó là lòng chung thủy xây trên nền tín nghĩa, do vậy, người không tín nghĩa thì bị lên án, coi như người bỏ đi. - Những người bất nghĩa, bất nhân Lưới trời đâu dễ thoát thân ra ngoài - Nghĩa nhân chi thứ cương quyền Chúng chỉ vì tiền sinh chuyện hại dân. 49
  • 50. Hoặc: - Con cua làm vua dưới nước Bá tước, cường quyền trái ngược lòng dân Hở mồm rặt giọng nghĩa nhân Tăng cao lễ vật là ân với tình b. Về sự thông cảm, lòng yêu thương những con người gặp những hoàn cảnh éo le, khổ cực, bị áp bức cũng được khơi dậy. - Lòng thương con dế ở hang Nắng mưa cũng chịu, sói sàng tiếp kêu - Bởi nghèo chịu chữ ngu si Phải chi có của thua gì thế gian - Cây khô lột vỏ khó trèo Mẹ ơi, thương lấy dân nghèo mồ côi Mồ côi tội lắm hỡi trời Đói cơm ai đỡ lỡ lời ai bênh - Thương thay cho kiếp dã tràng Sông sâu, biển rộng, muôn ngàn sóng xao - Cơm cha, cơm mẹ đã từng Con đi làm mướn, kiếm lưng cơm người Cơm người cực lắm mẹ ơi Chẳng như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn - Con quạ ăn dưa mà bắt con cò phơi nắng Đêm nằm nghĩ lại cái sự đời Con cò trắng mà con quạ đen… c. Lòng hiếu thảo với cha mẹ thật đậm đà, sâu sắc 50
  • 51. Thuở xưa, lòng hiếu thảo với cha mẹ được đề cao, được trọng vọng: - Ơn cha núi chất trời tây Láng lai nghĩa mẹ nước đầy bể đông Ơn cha, nghĩa mẹ trìu trìu Mưa mai, lòng sợ, nắng chiều, dạ lo - Ra đường vật lạ của ngon Mua dâng thầy mẹ, dạ con thỏa lòng. - Có cha có mẹ thì hơn Không cha, không mẹ như đờn đứt dây - Trèo non mới biến non cao Nuôi con mới biết công lao mẹ, thầy - Một mai con cá hóa rồng Đền ơn cha mẹ bõ công sinh thành - Những lo cha yếu, mẹ già Đặt lưng xuống chiếu trời đà sang canh - Năm tiền con cá liệt xuôi Cũng mua cho đặng về nuôi mẹ già - Lọng rách giơ xương, còn sờn cũng lọng Cha mẹ bên nào cũng trọng vừa hai Lên rừng kiềm chút sữa nai Đền ơn nhạc mẫu sinh ai đầu lòng Và còn nhiều vô kể những lời ca, tiếng hát nêu cao lòng hiếu thảo với mẹ cha. Đó là lòng hiếu thảo của con đối với cha mẹ Còn anh chị em đối với nhau thì sao? 51
  • 52. d. Anh chị em thì thương yêu hòa thuận, đùm bọc nhau hết lòng, hết sức, không kém phần cảm động - Anh em như khúc ruột chia hai Mạch còn máu chảy, đứt ngoài liền trong - Anh em trên thuận, dưới hòa Họ hàng đẹp mặt, mẹ cha vui lòng - Rách lành đùm bọc lấy nhau Gian nan chung chịu, sang giàu chung vui - Anh em là tay, là chân Phước phần chung hưởng, nợ nần chung lo Tình nghĩa anh chị em mặn mà, nồng thắm như thế. Cho nên trong làng, trong xóm, trong gia đình nào, nếu có anh, chị, em bất hòa thì bị cho là gia đình vô phúc và phê phán nghiêm khắc. - Lỗi lầm anh vẫn là anh Nồi da xáo thịt, sao đành hở em! e. Đối với vợ chồng thì lòng tín nghĩa sự chung thủy cũng được đề cao một cách sâu sắc - Vợ chồng nghĩa nặng, tình sâu Thương nhau đến tuổi bạc đầu càng thương - Thề nguyền sau trước nhất ngôn Sống nằm chung gối, thác chôn chung mồ - Trăm năm kẻ mất, người còn Gió mưa gửi vẹn lòng son ở đời - Chồng như giỏ, vợ như hom Đá vàng chung chạ, cháo cơm vui lòng. 52
  • 53. - Năm tiền một tấm tranh săng Cũng mua cho được lợp lăng thờ chồng - Chồng giận thì vợ làm thinh Vợ giận chồng hỏi rằng mình giận ai Vợ rằng giận trúc, giận mai Vợ chồng ai có giận ai bao giờ! - Chồng giận thì vợ bớt lời Cơm sôi nhỏ lửa có đời nào khê. Trên đây một vài nét sơ lược về nội dung còn về hình thức biểu hiện thì sao? 2. Về hình thức biểu hiện Về hình thức biểu hiện của văn nghệ Bình Định cổ xưa cũng thật dồi dào, phong phú cả về văn học dân gian lẫn văn chương bác học. Nói về văn chương bác học thì có nhiều thơ, phú viết bằng chữ Hán, chữ Nôm của nhiều sĩ phu nổi tiếng (nhưng không thuộc phạm vi phản ảnh của chuyên đề này). Nói về văn học dân gian thì có bài chòi, hò, ví, lý, ca dao, tục ngữ, hát (bao gồm hát giao duyên, hát kết, hát đối đáp…) a. Trước hết nói về Bài Chòi Bài Chòi là một loại hình sân khấu dân gian, có thể nói được bà con ưa chuộng. - Rủ nhau đi đánh bài chòi Để con nó khóc, nó lòi rún ra. 53
  • 54. Nói say mê bài chòi đến nỗi bỏ con nó khóc, nó lòi rún ra, đó là sự đam mê tột bực! Bởi vì những câu thai hay, phê phán những thói hư tật xấu mà gây cười được bà con rất ưa thích. Hãy nghe một số câu như thế này. - Ngày thường thiếu áo, thiếu cơm Đêm nằm không thiếu lấy rơm làm giường Dù dơi, dép bướm chật đường Màn loan, gối phượng, ai thương thằng nghèo - Tiếc công bỏ mắm cho cu Cu ăn, cu lớn, cu gù, cu bay Cu say mũ cả, áo dài Cu chê nhà khó, phụ hoài duyên anh - Tóc dài em rủ đắp ngang Hay tay ôm mẹ cho an giấc nồng Mấy năm chẳng thấy mặt chồng Em đi hành khất thấu không hỡi chàng. - Còn duyên mua thị bán hồng Hết duyên mua mít, cho chồng gặm xơ Gặm xơ rồi lại gặm cùi Còn ba, bảy hạt để lùi cho con… Bài chòi chẳng những là những câu hát, giọng hò với những câu thai 5,7 câu mà dần dần tiến lên “bài chòi truyện” có sân khấu, có diễn viên… cũng được bà con thiệt tình đón nhận như Thoại Khanh Châu Tuấn… 54
  • 55. b. Ngoài bài chòi, còn có một loại hình sân khấu gọi là Hát Bội, được bà con ưa chuộng Hát Bội có văn chương bác học. Lời ca thâm thúy. Nội dung phần lớn đề cao gương tiết nghĩa, lên án bọn phản dân, hại nước, bọn phi nhân, phi nghĩa. Nhiều bổn tuồng, tích tuồng thiên về chuyện thời xưa ở nước ta hay ở nước bạn Trung Quốc (Ngũ hổ bình Tây, Sơn Hậu, Hoàng Phi Hổ…) chẳng những được các văn nhân tán thưởng mà cùng được các tầng lớp nhân dân ưa thích. Cho nên mỗi lần có đám hát hội thì dù xa mấy, lắm người cũng rủ nhau đi xem. Có người bị cha mẹ hoặc chồng cấm cũng cứ lén đi. - Bầu Đông đóng Lý Phượng Đình Dù cho chống có đánh thì mình cũng đi Hoặc: Mẹ ơi! đừng đánh con đau Để con hát bội, làm đào mẹ coi. Do vậy mà Hát bội vẫn ngày càng tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. c. Các loại hình dân ca khác: Hò, vè, hát. * Hò: là một loại hát quen thuộc được người Bình Định nói riêng và các địa phương phía Nam nói chung, rất yêu chuộng. Bà con khi lao động trên sông nước (hoặc trên cạn) thường cất tiếng hò. 55
  • 56. Hò trên sông nước như: Hò khoan, Hò chèo thuyền… Hò trên cạn như: Hò giã gạo, Hò mài dừa, Hò giả vôi, Hò xe nước… Hãy nghe một vài câu hò tương đối phổ biến. Hò trên sông nước: Gặp nhau một chút nên duyên Xin mời bên đó cất lên tiếng hò… Khoan hỡi hò khoan! là hò khoan Sông tôi chẳng có bến thuyền Mong gì là gì hứng gió những miền khơi Tủi lòng sông lắm thuyền ơi Đừng chê là nơi thôn nhỏ, hám nơi phố phường Khoan! khoan hò hò khoan, khoan là hò khoan Hò trên cạn. Đây là hò khiêng xe nước: Hò khiêng lên, khiêng lên hò hố lên Khiêng xe ta khiêng xe, hố hụi lên Cho nước hố hụi lên! lên! đồng hò hố Lên là hố hụi! Lê! Bà con ta đủ ấm Là hố hụi lên, thấm nông là hố hụi lên Vui mừng là hố lên, là hố hụi lên, lên! Còn đây là Hò giã vôi: Hố hò hố hụi hố hụi. Xịt hụi hò khoan! Hụi hò khoan Lửa cháy núi lan! Hụi hò khoan! A, ngó lên. Hụi hò khoan! Lửa cháy núi lan. Hụi hò khoan, a bạn ơi, đôi ta mà thủng thỉnh 56
  • 57. Là hố ô khoan. A. lửa tàn Hụi hò khoan. Lửa tàn sẽ vô Hụi hò khoan! Hay là Hò đò: Hò chơi bên gái, bên trai Xin cùng cô bác đừng ai nghi ngờ Em đến đây xứ lạ quê người Rủ hò vui miệng, chớ cười lời thô Có thương thì bắc lửa hương Không thương thì cũng nhúm lại, đừng bươi nó tàn … Sông bên ni, anh lập cảnh chùa Hoài Thiện Sông bên tê, anh đựng huyện Hoài Nhơn Cái huyện Hoài Nhơn để ông Bao Công xử kiện Cái chùa Hoài Thiện, có bao kẻ tu hành Ơi! bạn mình ơi!... * Lý: Lý là một loại hình hát được bà con Bình Định ưa chuộng. Giai điệu Lý rất phong phú, trau chuốt xin trích ra đây vài câu Lý. - Lý thương nhau: Thương nhau trường đoạn đoạn trường Lụy lưu lưu lụy dạ dường kim châm… Thương nhau chừng đã quá chừng Trèo đèo quên mệt ngậm gừng quên cay - Lý tiếng đờn: 57
  • 58. Xa xôi chi đó mà lầm Phải hương, hương bén, phải trầm, trầm thơm Anh đừng suy nghĩ thiệt hơn Lắng nghe em gảy tiếng đờn tri âm * Vè. Là loại hình dân ca mà nội dung của nó đề cập đến mọi vấn đề trong cuộc sống, có khi là một lời khuyên răn, nhắc bảo… (vè thằng nhác, vè khuyên học trò). Có khi kể lể, trình bày, giới thiệu một đặc điểm gì đó của sự vật… (vè con cá, vè cây dừa, vè trái cây… hoặc kể một câu chuyện, một nhân vật (vè Thông Tằm, vè Chàng Lía…). Có khi lại đề cập đến một việc, một loại người nào cần châm biếm, chỉ trích (vè nói láo, vè đánh bạc…). Có khi chỉ là những tiếng, những chuyện vui đùa, cười cho thỏa thích. Cho nên vè được mọi người ưa chuộng. - Vè đúc cây dừa: Đúc cây dừa Chừa cây nậm Cây tầm phổng Cây mía lau …. Chùm tơi chín đỏ Quan văn, quan vỏ Ăn trộm trứng gà… - Vè thằng nhác (trích đoạn): 58
  • 59. Lẳng lặng mà nghe Cái vè thắng nhác Trời đã phó thác Tính khí anh ta Theo sự thư sự Cho đi học chữ “Nhiều chữ ai vay!” Cho đi học cày “Rằng nghề ở tớ” Cho đi làm thợ “Nói nghề ấy buồn” … Chết rũ giữa đường Rồi đời thằng nhác! -Vè thày phù thủy: Cốc cốc cheng cheng Nấu chè đỗ đen Nấu xôi ổ quạ Tưởng rằng thầy lạ Ai dà thầy quen Đóng cửa cài then Tắt đèn bốc lủm * Hát Ở Bình Định, hát có nhiều loại: Hát đố, hát kết, hát đối, hát ru con, hát huê tình… 59
  • 60. Vào những đêm trăng sao, khi rỗi rãi, lúc hội hè hoặc cả trong khi lao động, những nhóm thanh niên nam nữ tụ tập lại đối mặt nhau hoặc cách nhau năm, ba chục thước hoặc đầu vườn bên này, cuối vườn bên nọ, hoặc trong nhà, ngoài sân… cất tiếng hát, khi trầm, khi bổng, làm cho không khí vui tươi, rộn ràng trong thôn xóm. Xin trích ra đây vài làn điệu. Hát đố, hát đối đáp: - Bánh dẫu nhiều cũng kêu bánh ít Chuối còn non sao gọi chuối già Nếu anh đối đặng mới là đáng khen Canh chua loét, cũng kêu canh ngọt Cau cao nghệu, sao gọi cau lùn Thuyền quyên mà còn hỏi nữa, anh cũng còn gửi thưa. - Tiếng anh ăn học cựu trào Chị dâu té xuống giếng, anh biết chỗ nào nắm kéo lên? Nắm đầu thị sợ tội trời Nắm ngang khúc giữa lại sợ lời thế gian Giếng sâu anh phải thông thang Kéo chị dâu lên được kẻo chết oan linh hồn - Sáng mai em ngồi cầy (cây cầy), em bán thịt chó, em xỏ tiền muôn (ý nói đến chó săn) 60
  • 61. Anh mà đối đặng, em theo luôn về nhà Chiều qua anh đi chợ Gò Miêu, anh bán con miêu, anh mua con mèo Em ơi, ở vậy, để anh đi cưới, nạp tiền cheo cho làng. Hát ru em: - Ru con, con ngủ cho muồi Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu Mẹ đi chợ Quán, chợ Cầu Mua rau chợ Dã, mua trầu chợ Dinh - Con chim én Cù Lao Chàm nó hay từ Nam chí Bắc Nó vượt bãi ghềnh rồi liệng cả Đông, Tây Nước miếng trong nó làm tổ từng ngày Nuôi con khôn lớn tháng ngày đâu có kể công. - Ngủ đi em nhỏ em thơ Chị ru, chị dỗ, chị chờ em nghen Chiều hôm mưa núi, gió ngàn Thương cha, nhớ mẹ dạ càng bâng khuâng Hát huê tình rất tình tứ, đậm đà, sâu sắc, kín đáo, tế nhị. Đó là những lời trao duyên ân tình, than thân trách phận, hờn dỗi nhau. Nói chung, làn điệu Hát huê tình rất đa dạng, vô cùng phong phú, không sao kể cho hết được. Ở đây chỉ xin chép lại năm ba câu để minh họa mà thôi. 61
  • 62. - Chữ trung, chữ hiếu, chữ hòa Chữ hiếu thờ cha mẹ, chữ hòa thờ anh - Bao giờ anh cũng cang tràng Miễn em ừ một tiếng, anh sẽ lạy song đường xin cưới em - Bướm này ở tận núi xa Chiều hôm nó bay tới muốn chơi hoa xuân thì Vội vàng chi em lại đuổi nó đi Đông, Tây, Nam, Bắc thiếu gì ngả nó hay Nghiêng tai anh hỏi lời này Con bướm kia nó mê nhụy, cũng như anh đây mê nàng. - Dế kêu sâu thẳm bờ mương Cam đành én khóc bạn, nhạn kêu sương từ rày Nói làm chi cho đau đớn lòng này Thương nhau xin hẹn chốn tuyền đài gặp nhau. - Nghe em than thân trách phận Qua càng oán hận cho cái phận của qua Lênh đênh không cửa không nhà Nhưng thương nhau dĩ lỡ qua cũng phải ráng tính cho nhứt gia trùng phùng. - Lời anh đã hứa, ngàn bữa em không quên Thương nhau cho chặt, cho bền Từ đây em đốt nén hương nguyền chờ anh… Qua các phần kể trên ((Núi sông, sản vật, chợ búa, ngành nghề, di tích, thắng cảnh, văn hóa, văn 62
  • 63. nghệ) ta thấy gương mặt Bình Định cổ xưa tuyệt đẹp, do con người cổ xưa rất tài danh bỏ bao nhiêu tài trí, công sức, mồ hôi, nước mắt và cả máu xương để xây đắp nên. Những điều, những việc chúng tôi lược kể trên chỉ là một phần rất nhỏ, rất nhỏ của gương mặt Bình Định thân yêu mà những phần rất nhỏ này, chúng tôi biết được do đọc, do nghe nhiều hơn được trông thấy, và cũng chỉ lược trích và cũng chỉ qua một số câu ca dao cổ mà thôi. Do đó nhất định có nhiều thiếu sót. Rất mong được bà con thông cảm, lượng thứ cho. Gương mặt Bình Định cổ xưa đã đẹp như vậy còn ngày nay gương mặt Bình Định đang và sẽ đẹp hơn muôn phần về mọi mặt. Đó là nhờ công lao to lớn của các bậc tiền bối và hậu bối. 63
  • 64. 64
  • 65. PHỤ LỤC A. Một vài bài thơ, văn về quê hương Bình Định từng lưu truyền trong dân gian hay được nhiều người yêu thích hiên nay mà tôi ghi chép sưu tầm được. 65
  • 66. Gửi về Bình Định quê ta (trích) CAO VĂN BẢO Quê ta Bình Định anh hùng Câu ca Bình Định não lòng người xa Em về Đập Đá quê cha Gò Găng quê mẹ, Phủ Đa quê chồng Ai đi Đồng Phó, Phú Phong Sông Côn mãi mãi còn trong giang hồ Trăm năm chi lỗi hẹn hò Mái chèo Vĩnh Thạnh, con đò Định Quang Ai qua Bình Định, Tam Quan Mênh mông đồng lúa bạt ngàn dừa xanh Em về Bình Định với anh Cùng ăn bí đỏ, nấu canh nước dừa Sông Côn (Không rõ tác giả) Uẩn khúc xuôi dòng một mạch thông Nước trong lai láng trải xinh đồng Trường Sơn tuyết phủ hùm thêm vuốt Đầm Nại triều dâng cá hóa rồng Bình Định anh hùng vang đất Bắc Tây Sơn nữ kiệt rạng trời Đông 66
  • 67. Bốn mùa, tám tiết Côn Giang vẫn Vun đắp hiềm nhân chí vẫy vùng Hầm Hô thưởng ngoạn HOÀI CHI Thiên tạo Hầm Hô cảnh đẹp a! Ban nơi vu vịnh tặng quê nhà Động khai văn dịch quần anh hội Cá hướng vũ môn ứng vận khoa Cây muốn lội như chào viễn khách Nước đòi leo họa bản trường ca Đá Hàng 15 tiếp khỏa dòng Côn chảy Trang trải đầy vơi mạch hiệp hòa Trăng nước sông Côn NINH GIANG THU CÚC Trăng nước Sông Côn đẹp tuyệt vời Vườn thơ nhẹ bước ghé sang chơi Đượm tình thi hữu hương trà đậm Thắm nghĩa văn nhân sắc mực tươi Gặp gỡ một lần hoài luyến mến Tâm tư mấy bận mãi không vơi Đôi vần gieo cảm xin tâm niệm Chút nghĩa tri ân đẹp rạng ngời 15. Sông Đá Hàng 67
  • 68. Cổ Tháp quê tôi NAM HẢI Tháp cổ Dương Long tự thuở xưa Hiên ngang khí phách dãi dầm mưa Thần linh nào khuất trong sương sớm Vóng dáng rực ngời buổi nắng trưa Lác đác cổ rêu vườn héo hắt Líu lo chim chóc hót say xưa Ấy nền văn hóa Chăm Pa đó Chứng tích ngàn năm của xứ dừa Vực Hòn Gành TẨN HOÀI Sông Côn nổi tiếng vực Hòn Gành Cảnh tượng khác nào một bức tranh Đá nổi duyền khơi đường độc tháp Cây chen vách đứng tựa liên thành Sóng ôm bãi cát phô màu trắng Mây ấp đầu non rợn nét xanh Chốn ấy dẫu rằng xa đến mấy Chân chưa qua đó dạ chưa đành 68
  • 69. Uy danh Quang Trung Nguyễn Huệ TÂN HOÀI Uy danh nổi tiếng khắp gần xa Nguyễn Huệ Quang Trung cứu nước nhà Chớp nhoáng diệt Thanh hăm chín vạn Dập dồn chôn giặc một gò Đa Chiến công hiển hách còn vang vọng Trang sử liệt oanh mãi chói lòa Dân tộc muôn đời luôn tưởng nhớ Trước đền kỷ niệm ngát hương hoa. Đầm xanh Châu Trúc ĐỒNG HUỆ Xanh xanh Châu Trúc dưới chiều tà Lấp lánh thuyền ai dõi mắt xa Non nước hồn thu dìu sóng bạc Tình quê lữ khách ướt sương sa Bâng khuâng chuông vọng vờn tâm cảnh Lưu luyến hương đưa quyện chén ngà Bóng nhạn lưng trời chưa mỏi cánh Nỗi niềm âu dễ đà phôi pha 69
  • 70. Thành Đồ Bàn THẠCH KHÊ Một thoáng Đồ Bàn bước tới thăm Nơi đây thủ phủ của Chiêm Thành Tháp xưa cổ kính âm thầm đứng Mồ lạnh hoang vu lặng lẽ nằm Sự nghiệp lâu dài ân một thiếp Cơ đồ ngắn ngủi hận muôn năm Ai qua trộm nhắc nguồn cơn ấy Cảnh đó, tình này ngỡ thấu chăng Đây Thị Nại THẠCH KHÊ Tôi cảm nhớ thầm yêu trong giấc mộng Vui mùa trăng, say biển lộng, trời thơ Những năm qua ôn lại chuỗi ngày mơ Đây Thị Nại không phai mờ dấu cũ Bao kỷ niệm con đường xưa bóng rũ Nhìn xa khơi nắng phủ rặng dừa xanh Cánh buồm giăng vượt sóng chạy qua nhanh Nghe sôi động âm thanh tình cả nước Tháng năm ấy bên Cầu Đôi mấy lượt Đón thi nhân lạc bước giữa tinh sương Như mơ màng trong gió thoảng muôn phương 70
  • 71. Nhung nhớ gợi sắc hương triều ảo ảnh Lần gót dạo qua con đường hẻo lánh Dưới hàng cây vi vút cảnh thông reo Ở nơi đây chung cả một xóm nghèo Trong mái ấm gặp nhau niềm tri kỷ Đây Thị Nại lừng danh dũng khí Tình nên thơ và cảnh trí thần tiên Giữ giùm tôi bao kỷ niệm hoa niên Cho thắm mãi mối duyên về đất mẹ Đào Tấn và chùa Ông Núi MAI KHÊ Gót bồng theo dấu bụi thời gian Ẩn dật Mai Tăng nỡ biệt làng Từ khắc gốc cây, chim, thú đọc Thơ ghi tháp bút, gió sương chan Mang mang mộng thực đời đưa lớp Lồng lộng chân hư cuộc chuyển vần Non nước hồn tuồng danh sáng mãi Nỗi lòng Vinh Thạnh tiếng vang ngân 71
  • 72. Chùa Ông Núi LƯƠNG TRỌNG LÃNH Lưng chừng non nước góc trời Đông Có đá Vọng Phu vợ ngóng chồng Ai khéo dựng nên chùa Ông Núi Mây bay, cá nhảy, bóng trăng lồng Trải bao thế sự chùa rệu rã Mái đổ rêu phong Phật chạnh lòng Du khách bàng hoàng nhìn cảnh thực Trần ai sóng gió, biển mênh mông Tức cảnh Đề Gi LƯU TRỌNG LÃNH Đề Gi bãi cát trắng phau Rừng dương bát ngát một màu xánh xanh Xa xa thấp thóang bóng mành Nhạn kêu, én liệng đầu gành cá bơi Hoàn Trâu hoang đảo ngoài khơi Bầu trời sắc nước tuyệt vời như tranh Kìa Lan Sơn, nọ núi Gành Đây, đầm nước ngọt nước xanh một màu Đầu ngòi sóng vỗ chân cầu Dừa in bóng nước, thuyền câu giữa dòng Con đò đưa khách sang sông 72
  • 73. Bên kia còn vọng tiếng ai gọi về Chiều chiều ra đứng bờ đê Nhìn sông, nhìn núi mà mê mẩn lòng Ra về khách nhớ lấy lòng Hẹn ngày trở lại bến sông tự tình. Viếng lăng Mai Xuân Thưởng TƯỜNG PHONG Lăng mộ bảng đề cấp quốc gia Danh Mai Xuân Thưởng rạng quê nhà Ra tay thao lược trang hào kiệt Nung chí quật cường bậc cử khoa Linh Đổng vấn vương hồn chí sĩ Hoành Sơn vang vọng khí hùng ca “Chết nào có sợ” lòng cương quyết Trung liệt gương người đất nước ta Hoàng Đế Quang Trung THANH PHONG Dũng khí nghiêng vai cứu lấy đời Anh hùng Nguyễn Huệ đất quê tôi Điều binh khiển tướng tài siêu việt Trị nước thương dân đức sáng ngời Cõi Bắc, Thanh triều nghe khiếp vía 73
  • 74. Trời Nam, Xiêm tặc thấy run người Kỳ công chiến tích hồng trang sử Vạn thuở lưu danh rạng giống nòi Vè các lái (Hát ra) 16 Cù Mông. Vũng Trích ăn quanh Vũng Mú trực chỉ Cù Lao Xanh sáng đèn 17 Thuận buồm, xuôi gió một phen Ghé vô cửa Dã trong miền Hòn Mai Gành Ráng mút tận Bãi Dài Bưng qua Bãi Nhạn vô chơi phố phường Đi cho thấu chữ Qui Nhơn Giáp đầm Thị Nại hãy còn sử xanh Vô chợ ăn bún song thần Hỏi mua nón ngựa để dành về quê Thiếu gì hải vị, sơn khê Vào nam, ra bắc, ê chề ngựa xe Nói chơi sợ nẫu cười chê Có say đất khách, mới mê nết người Nghĩ thôi dạ tợ dầu sôi Day qua Mũi Mác, San Hôi dong buồm Eo Vượt ngó thấy Cỏ, Cân Vũng Nồm, Vũng Bấc kề gần làng đôi 16. Bài hát từ phía Nam ra phía Bắc tỉnh 17. Cù Lao Xanh có ngọn đèn hải đăng 74
  • 75. Ngó vô Ké Thữ thương ôi Trông chồng hóa đá, tích đời còn ghi Vũng Tô, Suốn Bún là đây Hòn Khô, Nước Ngọt dựa kề Hòn Lan Vũng Bầu ở chếch phía Nam Vĩ Rồng, Phường Mưới giăng ngang kia là Lố Ông, Mũi Đụn đã qua Gành Mét đã khỏi, Hà Ra lại gần Tiếp theo là xóm Hội Vân Phong cảnh xoay vần đến mũi Lộ Giao Vũng Cù sóng bổ lao xao Nồm thổi ngọt ngào, ghe chạy thưng thưng An Dũ sâu cạn không ngừng Lời đồn có miếu thổ thần linh ghê Tam Quan rày đã gần kề Đất này nổi tiếng Tân Khê nhiều dừa Nhớ lời thề thốt thuở xưa Tiếng hát mài dừa lảnh lót thâu đêm Tai nghe dạ xót niềm riêng Nhổ neo mà chạy hướng lên Sa Hoàng. Những câu ca dao lẻ ghi được Dòng sông La Vĩ dài đằng đẵng Bàu nước An Nam rộng thênh thênh Thành xưa Bình Định hữu tình Hỏi thăm ông Hậu quên mình vì ai? 75
  • 76. Hai voi đứng đó hầu hoài Đền không, ngôi trống nào ai chủ quyền Bên kia hòn tháp Cánh Tiên Trong ruột trống lổng trống thiên xa vời An Nhơn thắng cảnh nhiều nơi Có chùa Ông Đá nơi này Phương Danh Nhạn về Cân, Cỏ nhạn ơi! Nhạn nhớ lấy lời chiêm yến Phương Mai - Nước sông Côn chảy về Đông Lạc Chảy sang Thiên Hạt, chảy xuống Thạch Đề Ai về nhắn với Bình Khê Sao không giữ nước cho nó về Văn Phong - Trăng già mười tám trăng treo Anh sắm giường lèo cưới vợ Quy Nhơn - Cha chài, mẹ lưới, con câu Chàng rể đi xúc, cô dâu đi mò Quanh năm ăn những ốc sò Cũng hoàn rách rưới chẳng no ấm gì - Hai vai gánh nặng đều hai Xương rồng cũng gánh, dầu lai cũng đèo - Ai về nhắn với nậu nguồn Thơm chua gửi xuống, cá chuồn gửi lên. - Trăng rằm đã tỏ lại tròn, Củ lang Phù Mỹ đã ngon lại bùi - Anh nguyện cùng em chợ Dã cho chí Cầu Đôi, Nguyền lên Cây Cốc xuống vạn Gò Bồi giao lân 76
  • 77. Anh nguyền cùng em thành Cựu cho chí thành Tân, Cầu Chàm, Đập Đá ái ân kết nguyền Anh nguyền cùng em chợ Làng Cả bán mua Cầm dao cắt tóc thề chùa Minh Hương Anh thề cùng em Trung Định cho chí Hưng Lương Trung Nghĩa, Trung Lý cùng nguyền cao xa Anh nguyền cùng em trăm tuổi đến già Dù cho sông cách, biển xa cũng gần - Lụa Phú Phong nên duyên nên nợ Nón Gò Găng khắp chợ mến thương Áo hồng, quấn tía vấn vương Nghiêng nghiêng chiếc nón, gió sương quản gì - Vạn Ninh, Vạn Thái có tài Nấu một lon gạo nồi hai cùng đầy - Hội Sơn đi dễ khó về Trai đi ế vợ, gái về không con - Rủ nhau mua tép Trà Ô Sẵn bờ cát trắng phơi khô đem về - An Nhơn có núi Mò O Có chùa Thập Tháp, có đò Trường Thi - Gió cầu Tấn trưa chiều thổi mát Đường Quy Nhơn mịn cát dễ đi Phương Mai, Gành Ráng tương tri Ngâm câu thủy tú, sơn kỳ thảnh thơi - Họ Mai là đấng anh hùng Chữ hiếu cũng vẹn, chữ trung cũng toàn. 77
  • 78. - An Khê nổi tiếng Hòn Bình Ngày xưa Nguyễn Huệ ẩn binh chốn này - Cây Me cũ, bến Trầu xưa Dẫu không tình nghĩa cũng đón đưa trọn niềm - Ơn vua Thái Đức chí tình Cù Mông vắng vẻ như mình vẫn vui - Rộng trời mặc sức chim bay Biển Hồ lai láng mặc tài con cá đua - Cá đua sông trước thì đua Sông sau có miếu thờ Vua xin đừng - Ai về Bình Định mà coi Đàn bà Bình Định cưỡi voi diệt thù - Thương cho thân phận quả dừa Non thì khoét mắt, già cưa mất đầu Chuyện người liệt sỹ anh hùng Ngô Mây (Vè) Quê anh làng Cát Chánh Tỉnh Bình Định, miền Trung Dừa xanh tốt một vùng Đường trải dài cát trắng Cha của anh mất sớm Hai mẹ con nuôi nhau Đi cày thuê cuốc mướn Áo rách, cơm cháo rau Khi cách mạng thành công 78
  • 79. Anh vừa hai mươi tuổi Vẫn nhà tre nắng rọi Vẫn tay cuốc tay cày Nhà một con một mẹ Nhưng đời sao khác thay! Cờ Tự do, Độc lập Hạnh phúc đến từng ngày Chiều chiều làn khói bếp Cũng mơ màng nhẹ bay… Nhưng ở phía chân trời Bóng mây đen đã dựng Giặc Pháp lại xâm lấn Mưu toan cướp nước ta Chúng đánh chiếm An Khê Toan đánh sang Bình Định… Dân ta sôi máu giận Không có súng dùng gươm Thà chết để tiếng thơm Hơn sống làm nô lệ Căm hờn dâng sóng bể Theo lệnh của Bác Hồ Những trai làng thi đua Lên đường đi giết giặc Anh Mây lòng đã quyết Xin mẹ đi tòng quân Nhà một mẹ một con 79
  • 80. Mẹ thương anh nhiều lắm Mẹ thấy con khôn lớn Càng thêm vui tuổi già Giờ giặc đã đến nhà Con ngồi yên sao được Nhớ con mà lòng vui Chiếc áo mẹ rách vai Mẹ cắt ra khâu lại Tấm áo nâu dầu dãi Nay con mặc ra đi Vắng mẹ lúc canh khuya… Vẫn ấm hơi của mẹ Mẹ đưa con miếng quế Phòng trái gió trở trời …Rồi một hôm Nào mũ đỏ, mũ vàng Lũ khát máu nghênh ngang Chúng ào lên như nước Trung liên ta bị tắc Kế hoạch định trước rồi Quân ta liền rút lui Còn lại mình Ngô Mây Ôm trái bom nóng hổi Lũ giặc càng tràn tới Chúng la hét om sòm: - Việt Minh đâu? 80
  • 81. - Việt Minh đâu? - Như một tia lửa Trong bụi vụt bay Ngô Mây thét lớn: - Việt Minh đây! - Bố mày đây! Chiếc khăn quàng đỏ Tia lửa Ngô Mây Quân thù hoảng sợ Hồn bay, vía bay! Chiếc khăn quàng đỏ Tia lửa Ngô Mây Một trung đội địch Vụn thành bụi bay Đâu văng xuống suối Tay vắt cành cây Chiếc khăn quàng đỏ Tia lửa Ngô Mây Thành tiếng sét nổ Xé mây đen dày Sáng ngời khuôn mặt Anh hùng Ngô Mây! Lũ giặc còn sống sót Xéo lên nhau chạy dài Tim đập vỡ lồng ngực Lo sợ tưởng đứt hơi 81
  • 82. Từ đấy hết vênh váo Mỗi khi trông phía xa Thấp thoáng chiến sĩ ta Đeo chiếc khăn quàng đỏ Giặc rùng mình kinh sợ Hè nhau chạy tháo thân Như một bầy quỷ Trông thấy báo thiên thần Tiếng bom của Ngô Mây Vang khắp miền đất nước Thương tiếc người anh hùng Xưởng giấy lấy tên em Cho các em đi học Ôi màu giấy trắng tinh Hương Ngô Mây thơm nức Đời anh thành trang sách Lưu mãi đến mai sau Đồng bào Bình Định tế vua Quang Trung ngày giỗ trận Đống Đa Than ôi! Dòng Côn thủy mây lồng thức gấm Mãn vui tình mai liễu độ xuân Đỉnh Tây Sơn gió lộng sóng tùng Chạnh tưởng đức anh hùng cứu quốc Nhớ tôn linh xưa: 82
  • 83. Khí cốt lăng tằng Anh tư khôi đặc Sức điều binh tài khiển tướng: Hạng Võ Lưu Bang Lòng trọng sĩ lượng tôi hiền: Văn Vương Huyền Đức Tình đất nước giận cơn chia sẻ Lưỡi gươm trần dẹp loạn cứu dân Nghĩa Bắc Nam trải dạ gắn hàn Thân áo vải tận tâm dựng nước Quy Nhơn biển lặng, rực rỡ ánh tường vân Thuận Hóa trời cao, chói chang vần bạch nhật Xiêm phê áo phủ Trên chín trùng toan mới trị bình Vút dũa nanh mài Ngoài muôn dặm rắp tâm xâm lược Cõng rắn tội kìa ai?! Bắt hùm tay sẵn chước Tế trời đất đàn Giao cao vút núi Bóng tinh kỳ sáng dội buổi đăng quang Nhìn non sông khí giận ngất tầng mây, Tiếng hiệu lệnh sấm vang giờ xuất phát Hùng binh mười vạn hăng hái hy sinh Chiến tượng hai trăm tinh tường trận mạc Lòng một quyết ra tay hùng hổ Hẹn nước non ca khúc khải hoàn sau 83
  • 84. Chí mười ngày dẹp giống sài lang Cùng tướng sỹ chung vui nguyên đán trước Cạn lời ủy lạo, trống giục cờ giong Dốc dạ truy tùng, non băng biển vượt. Ngày ba mươi tháng chạp, song Lam Thủy dồn binh Đêm mồng ba tháng giêng, đồn Hà Hồi hãm giặc Đánh trận này tiếp trận khác, sấm dậy chớp giăng Xong đồn nọ tới đồn kia, ngói tan đá nát Khuya mồng 4 gió sương mờ mịt Đốt lương rừng lửa đỏ, khiến ba quân liều chết chớ lui Sáng mồng năm voi ngựa sẵn sàng Quấn cổ thước khăn vàng, quyết một trận chẳng hơn thì thác Thế giặc dẫu binh đông tướng dữ Thuốc súng chôn quanh thành, chông sắc cắm khắp lũy Thêm bốn bề đạn rạc rào mưa Quân ta nhờ trí sáng gan bền, Ván dày cột thành cốt, rơm ướt phải làm bì Hè một rập sức cuồn cuộn khác Ầm tiếng pháo, Ngọc Hồi kíp hạ Sông máu láng lai Thúc chân voi, Khương Thượng liền thâu, Núi thây chồng chất Nghi Đống liệu khôn bề sống sót 84
  • 85. Vội vàng treo cổ Đống Đa Sỹ Nghị may tìm được lối ra Hớt hải thoát thân mạn Bắc Ngoài ải sói gió tan mùi sát khí Niềm hân hoan nhuộm thắm mặt sơn xuyên Vào thành Long cờ rợp bóng vinh quang, Áo chiến thắng phủ đen hồn đạn dược Mười ngày hẹn trước, trời đất chứng lời vàng Hai bận vui xuân, cỏ hoa lồng tiệc ngọc Lựa tạnh hề biên cương Nền cao hề xã tắc Tiếng anh dũng nước mây lừng lẫy sấm Triều Mãn Thanh bóp bụng sống chung trời Chí đấu tranh son sắt vững vàng non Miền Lưỡng Quảng quyết tâm đòi lại đất Nhưng than ôi! Tấm gan rèn đá trời chửa vá xong Đỉnh ngự chìm mây rồng sao vội khuất! Cờ cường thịnh thiếu tay xếp đặt Cửi dòn thoi phút để mối tơ chùng! Nghiệp đế vương đuối sức giữ gìn Thuyền thuận bến trúc theo cơn gió lật! Trời Phú Xuân sương gió lạnh lùng Biển Thi Nại bèo mây tản mác! Bút chép sử múa men tay đắc thế Trang oanh liệt son nhòa! 85
  • 86. Nền ghi ân khuất lấp bóng cô thôn Gương anh hùng thủy nhạt! 18 Nối chí cả người sau toan lấp hận, Lao công tinh vệ ngậm ngùi thương! 19 Gìn dấu linh, chốn cũ khó nguôi tình Lắng giọng đề quyên tê tái ruột! 20 Cũng may thay! Lẽ tuần hoàn trời đất chẳng ngừng xoay, Ách chuyên chế giống nòi nay đã thoát Trăng hào kiệt bấy lâu u ám Ngọn Đông phong mát mẻ vén màn sương Vườn anh hoa đua nở tự do, Bút thanh nghị ngọt ngào rời giọt móc Chúng tôi nay: Chung gọi ơn xuân, Kính dâng lễ bạc Non xanh nước biếc khí anh tú mơ màng Nội thẳm ngàn xa hương tinh thành bát ngát Dòng lịch sử mở ra ôn lại, Dịu dàng chữ gấm dệt lời hoa Tranh vỹ nhân mở rộng xem chung, Lộng lẫy chỉ vàng treo bóng ác 18. Bị chú: bài này đọc tại Đền Tây Sơn năm 1991 sau khi đền cất xong (thôn Kiên Mỹ, huyện Bình Khê). Từ ấy thường dùng để đọc trong ngày kỷ niệm Đống Đa mỗi năm. 19, 20. trong suốt triều nhà Nguyễn, người Bình Khê vẫn phụng sự Tây Sơn tam kiệt trong âm thầm. 86
  • 87. Hầm Hô con cá nhảy Trong bóng mây thấp thoáng bóng rồng Trưng Lĩnh cánh diều bay Theo tiếng gió nhịp nhàng tiếng nhạc Linh thiên xin chứng Q.T. phụng soạn Nhân dân Bình Khê tế Tây Sơn tam kiệt (Ngày kỵ 15 tháng 11 âm lịch tại Đền Kiên Mỹ) Duy! Nước bị quan nhân Trời sanh tam kiệt Non Tây áo vải, phất linh kỳ dẹp loạn an dân Đất Việt khí thiêng, tung bảo kiếm diệt thù cứu nước Nền đế nghiệp xây cao trời một cõi Bước tiền đồ hoa cỏ đón mừng xuân Tiếng anh hùng vang dội sấm mười phương Miền biên tái sài lang im lặng dấu Ví sử bóng rồng không vội khuất Thì chi đuôi ngạc dễ mà tung Biển nên cồn thời vận kéo xui Tay bé khôn xoay trời đất lại Đá vá khuyết cơ duyên chửa gặp Dấu linh còn tạc nước non đây Nhân dân Bình Khê chúng tôi Lắng hơi quyên trằn trọc giấc canh chầy 87
  • 88. Mơ bóng hạc thẫn thờ đêm nguyệt rạng Đền cũ dâng lòng hương một nén Bia xanh tạc đức ngọc muôn hàng Cá nhớ nguồn lên xuống nước Côn Giang Dạ nhắn dạ mồi thơm chẳng tưởng Chim nhớ cội đi về cây Tượng Lĩnh Đàn gọi đàn gò thấp chớ nương Một lòng nguyện giữ sắt son Muôn gội dám quên mưa móc Nay: Niệm kỳ húy nhật, lá vàng điểm tiết hàn đông Chứng tấc thành tâm, lễ bạc dân trời dị lộ Trăm thước trầm hương cuồn cuộn gió Đôi hàng bạch lạp ngập ngừng châu Nâng kim bôi rượu đủ ba tuần Phưởng phất long nhan dường thấy đó Trước linh án lễ rồi bốn lạy Mơ màng loan giá trở về đây Gương nghìn thu lai láng ánh quang huy Trong khuất tịch cũng không còn hắc ám Đất ba cõi sáng soi vầng bạch nhật Dẫu cô cùng vẫn được hưởng vinh quang Lời cầu xin mong thấu cõi u huyền Lòng thành kính ngửa chờ ơn chiếu giám. Phục duy Thượng hưởng Q.T. phụng soạn 88
  • 89. Đồng bào Bình Định tế anh hùng Mai Xuân Thưởng (Trong buổi lễ cải táng ngày 17 tháng Chạp Năm Tân Sửu - 22/1/1962) Than ôi! Đá Linh Đỗng khói mây che mấy lớp Tấm gương trung nghĩa ngắm càng trong Nước Côn Giang dâu bể nổi bao lần Giọt lệ anh hùng lau chẳng ráo! Nhớ tôn linh xưa: Bóng nghiêm đường khuất buổi ấu xung Ơn từ mẫu ra công đào tạo Văn võ gồm tài Hiếu trung trọn đạo Năm Ất Dậu trường đua bạch chiến Bút hoa thừa thêu dệt gấm sô Ngoài Xương Môn bỗng dấy hồng trần Đường mây khiến thẹn thùng áo mão Cờ tam sắc phất phơ non nước Đoái trông cỏ giận hoa hờn Lòng tứ dân xao xuyến Bắc Nam Thêm chạnh mưa sầu gió não! Niềm ái quốc chứa chan bầu nhiệt huyết Tay lược thao cầm nhẹ sức phong ba Chiếu Cần Vương sôi nổi tấm trung can 89
  • 90. Gương địch khái quyết tru loài hổ báo Xúm tay hào kiệt mãi mã chiêu binh Góp sức nhân dân dồn lương tích thảo Đàn nguyên soái xây cao tình đất nước Ba quân thề hết dạ khuôn phò Cờ xuất sư sáng rỡ bóng non sông Bốn tỉnh thảy trao quyền lãnh đạo Lòng khắn keo son Khí lừng gió bão Nên dù cho đoản kiếm trường côn Vẫn chống lại liên thanh trọng pháo Đồ bát trận dàn nơi chiến lũy Kìa thứ Hương Sơn, kìa độn Thuận Trấn… Hăng hái gươm mài giáo dũa Cản bao phen sức giặc hoành hành Trống ngũ lôi dậy chốn sa trường. Nào gò Thú Thiện, nào bãi Cẩm Văn Vẫy vùng pháo đụt đạn xông Xáp mấy trận quân thù điên đảo Thân chiến sỹ ba năm sương nắng Hùng tâm càng vững với gian lao Tình quốc dân một mực lửa hương Chánh nghĩa tất đánh lui cường bạo Nào hay vận nước linh đinh Nên khiến lật lừa máy tạo Binh cứu viện dồn cơn sóng ngạc 90
  • 91. Giặc xâm lăng dường mọc thêm vây Phường bôn xu hùn trận gió măng Tay mãi quốc còn đua nối giáo! Rầm rầm sức giặc bốn mặt công vi Lẫm lẫm quân ta một lòng chiến đấu Nhưng than ôi! Dù quyết trụi gan dạ đá vàng Khó đương nổi vút nanh hùm gấu Đuối tay kinh tế, hàng văn thân bóng nép Đồng Hươu Kết trận thư hùng, đoàn nghĩa sỹ máu trôi Bàu Sấu Sương khói tả tơi trời Nại Hải Lệ khôn cầm dòng huyết đỗ quyên Cỏ hoa ủ rũ bóng Trường Sơn Lòng thêm rối nét thanh vân cẩu Thân trơ trọi một thân một ngựa Vì nỗi quốc cừu vị báo Dòng Côn giang vượt bến rủi dong Bước gập ghềnh càng nghĩ càng căm, Nhớ câu “quyền thổ trùng lai” Miền Linh Đỗng tạm đường ẩn náu Nhe nanh sè vuốt Bầy khuyển ưng lục đã khắp nơi Ngăn suối khuất rừng Bóng vân hạc tìm không ra dấu Pháp Lạng trú sứ nóng ruột lập công 91
  • 92. Bá Lộc ngoài nô xuống tay độc thủ Thảm sát lương dân Sanh cầm thái mẫu Niềm uất hận não nùng tiếng gió Cây rừng đá núi cũng bầm gan Giọt oan cừu lã chã đêm mưa Cỏ nội hoa đồng chung rớm máu Cánh vây chưa đủ, liệu không phương xoay gấp cuộc cờ; Tang tóc đã nhiều, lòng chẳng lỡ kéo dài thế thủ Đành một thác cho tròn nghĩa vụ. Trói thân nạp giặc Đức hy sinh nhuần thấm sơn xuyên Thêm trăm năm xem nhẹ hình hài Thẳng tiếng nhiếc thù Gương chính trực rạng ngời tinh đẩu Nửa kiếp anh hùng, Nghìn thu tiết tháo Trông cõi Bắc bái từ cựu chúa Ơn chín trùng khép nép lòng ngay Vọng non Tây vĩnh biệt từ thân Dâng bốn lạy gập ngừng tấc thảo Cuộc binh hoàn, thành bại thế là xong! Lòng trung hiếu, cao thâm chừng đã thấu Đương nửa buổi, mây vẫn gió chuyển Cảnh pháp trường mờ mịt khí đông thiên Tiếp ba ngày, chợ vắng đồng không 92
  • 93. Khắp bàn quận sụt sùi cơn hạ vũ Thương mà khóc, khóc rồi nghĩ thẹn Bút tà ngụy bôi lem đời người liệt Bia Lý lăng trăng gió những lưu là! Nói thêm buồn, buồn lại càng căm Ách cường quyền đà nặng kiếp trung lương Mã Dương Nghiệp bìm lau riêng ấp ủ! Bảy mươi năm lẻ đánh chịu tang thương Ba thước đất vàng vùi sâu thế phủ Nay: Nước Tổ vững vàng nền độc lập Kinh Lân chép lại hiến đời xem Rừng Nam mát gió hòa bình Chim Việt bay về tìm nhánh đậu Nên chúng tôi: Đưa trung cốt về nơi vĩnh cửu Rồng Hầm Hô, cọp Hòn Dũng, nghìn thu giữ vẹn dấu linh Vái anh hồn nơi chốn u huyền Cây Nùng Lĩnh, nước Cà Mau, ba cõi nỗi liền đất cũ… Đốt nén hương lòng dâng trước án Ngạt ngào khói quyện bóng long loan Ngăn hàng lệ cảm rưới vào bia Thấp thoáng sương pha màu thảo thụ. Phục duy Chiếu giám Q.T. phụng soạn 93
  • 94. Nhân dân Bình Khê tế anh hùng Mai Xuân Thưởng (Ngày kỵ rằm tháng Tư âm lịch mỗi năm) Than ôi! Trời rạng khúc tinh Đất nhuần cam võ Nghĩ nhớ thuở nghĩa kỳ cao khỉ Phiến hùng tâm chung nợ nước non Kể từ phen linh khí qui thần Nắm trung cột riêng tình hoa cỏ! Mây Linh Đỗng bơ vơ hồn Tổ quốc Lạnh lùng mấy lớp sầu giăng! Nước Côn Giang lai láng dạ hoài nhân Sụt sùi hai hàng lụy nhỏ Mưa nắng ngót bảy mươi năm dầu dãi Lằn ngọc thoan đưa tại xuân thiên Bể dâu qua bao nhiêu cuộc nổi chìm Ánh hồng nhật soi về cố thổ Đầm nhạn sóng im Rừng mai lộc trổ Gương hào kiệt treo cao đất nước Vầng trăng xưa vằng vặc bóng tân lăng Dòng trung lương tắm mát cỏ cây Luồn sóng mới chứa chan tình cổ độ Nay chúng tôi: 94
  • 95. Trong cõi bách niên Chạm niềm thiên cổ Nén hương cuốn gió bày lễ thúc sô Chén rượu lồng mây dâng trời dị lộ Phảng phất làn hương quán khói Cánh thanh loan bay liệng ánh tà huy Mơ màng điếm nguyệt cầu sương Tiếng qui hạc thấp cao vùng cổ mộ Lòng đã cảm thông Sức mong phù hộ Gánh non nước hai vai nghĩa trượng Xưa hiệp lực nay cùng hiệp lực Phải Hán Hồ chi tách đôi phương! Giống tiên rồng trăm trứng tình thâm Trước đồng tâm, sau vẫn đồng tâm Thời Nam Bắc mau vầy một tổ. Phục duy. Thượng hưởng Q.T. phụng soạn (1962) 95