SlideShare a Scribd company logo
1 of 219
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
LÊ ĐÌNH LỢI
C¤NG GI¸O TRONG CéNG §åNG NG¦êI M¤NG
ë LµO CAI
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH: TÔN GIÁO HỌC
HÀ NỘI - 2020
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
LÊ ĐÌNH LỢI
C¤NG GI¸O TRONG CéNG §åNG NG¦êI M¤NG
ë LµO CAI
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH: TÔN GIÁO HỌC
Mã số: 62 22 03 09
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. NGUYỄN PHÚ LỢI
HÀ NỘI - 2020
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng
tôi. Các số liệu trong luận án là trung thực, có nguồn gốc rõ
ràng. Các kết luận khoa học của luận án chưa từng được công
bố trên bất kỳ công trình nào khác.
Tác giả
Lê Đình Lợi
MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU 1
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, ĐỐI TƯỢNG VÀ
ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU 6
1.1. Tình hình nghiên cứu và những vấn đề liên quan đến luận án 6
1.2. Khái quát về người Mông và địa bàn nghiên cứu 23
Chương 2: QUÁ TRÌNH DU NHẬP, PHÁT TRIỂN VÀ ĐẶC ĐIỂM
CỦA CÔNG GIÁO TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI MÔNG Ở LÀO CAI 34
2.1. Quá trình du nhập, phát triển và nguyên nhân của Công giáo
trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai 34
2.2. Một số đặc điểm Công giáo trong cộng đồng người Mông ở
Lào Cai 52
Chương 3: THỰC TRẠNG VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO
TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI MÔNG Ở LÀO CAI HIỆN NAY 64
3.1. Thực trạng Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai
hiện nay 64
3.2. Ảnh hưởng của Công giáo đối với tín ngưỡng, phong tục tập
quán và một số lĩnh vực của đời sống xã hội 95
Chương 4: VẤN ĐỀ ĐẶT RA TỪ THỰC TRẠNG CÔNG GIÁO TRONG
CỘNG ĐỒNG NGƯỜI MÔNG Ở LÀO CAI HIỆN NAY VÀ GIẢI PHÁP,
KHUYẾN NGHỊ 117
4.1. Vấn đề đặt ra từ thực trạng Công giáo trong cộng đồng người
Mông ở Lào Cai 117
4.2. Dự báo xu hướng Công giáo trong cộng đồng người Mông ở
Lào Cai trong thời gian tới 125
4.3. Một số giải pháp và khuyến nghị 139
KẾT LUẬN 148
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN
LUẬN ÁN 151
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 152
PHỤ LỤC
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Theo giáo sử, Công giáo hiện diện ở nước ta từ năm 1533, do các giáo sĩ
dòng Phan sinh thuộc Bồ Đào Nha và dòng Đa minh thuộc Tây Ban Nha truyền
nhập, nhưng phải đến đầu thế kỷ XVII, dưới sự truyền giáo của các giáo sỹ dòng
Tên thuộc Bồ Đào Nha từ Ma Cao (Trung Quốc) đến Việt Nam hoạt động, công
cuộc truyền bá Công giáo mới đạt kết quả. Mặc dù tín lý Công giáo có nhiều điểm
khác biệt với văn hóa, tín ngưỡng truyền thống, song với sự bền bỉ của các nhà
truyền giáo phương Tây, tôn giáo này đã dần bám rễ vào dân chúng và trở thành
một tôn giáo lớn có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội ở Việt Nam.
Đến đầu thế kỷ XX, nghĩa là sau gần 400 năm có mặt ở Việt Nam, Công giáo
mới truyền vào vùng đồng bào dân tộc Mông ở Lào Cai. Dù các giáo sĩ rất tích cực,
sốt sắng trong việc truyền giáo, nhưng do nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ
quan (như sự bất đồng ngôn ngữ, những khác biệt giữa văn hóa Mông với văn hóa
Công giáo…) nên kết quả đạt được không như mong muốn. Đến năm 1945, số
người Mông theo Công giáo ở Lào Cai chỉ vài chục gia đình. Một thời gian dài
(1948-1989), Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai không phát triển
được, suy giảm về số lượng, lâm vào tình trạng khô đạo, nhạt đạo, thậm chí một số
người đã bỏ đạo; mọi sinh hoạt tôn giáo rất mờ nhạt. Từ năm 1990 đến nay, Công
giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai từng bước phục hồi và phát triển.
Sự xuất hiện của Công giáo ở Lào Cai đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của
đời sống xã hội và đặt ra nhiều vấn đề, nhất là vấn đề hội nhập văn hóa Công giáo
với văn hóa dân tộc Mông; vấn đề hình thành cộng đồng tôn giáo (Công giáo) - tộc
người (người Mông) trong vùng. Việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước
đối với vùng đồng bào Mông theo các tôn giáo nói chung và theo Công giáo nói
riêng đang đặt ra cho chính quyền tỉnh Lào Cai nhiều vấn đề phải giải quyết. Mặt
khác, cho đến nay, các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ âm mưu lợi dụng vấn đề
dân tộc và vấn đề tôn giáo, kích động đồng bào dân tộc Mông ở các tỉnh miền núi
phái Bắc chống đối chính quyền, gây những phức tạp về an ninh, quốc phòng ở
nhiều địa phương. Do đó, vấn đề người Mông ở Lào Cai theo Công giáo rất cần
được nghiên cứu một cách toàn diện, hệ thống và cập nhật bởi vì:
2
Thứ nhất, người Mông là một tộc người có truyền thống văn hóa lâu đời, tâm
thức đa thần, đặc biệt là thờ cúng tổ tiên với vai trò nổi bật của dòng họ. Thế nhưng,
ngay từ đầu thế kỉ XX, một bộ phận đã từ bỏ tín ngưỡng truyền thống để theo Công
giáo - một tôn giáo phương Tây hoàn toàn xa lạ đối với đồng bào. Dù ban đầu chỉ
có vài chục hộ rải rác ở các thôn bản thuộc hai xã Lao Chải và Hầu Thào thuộc
huyện Sa Pa, song, tín đồ Công giáo người Mông lại rất kiên đạo, với cái lý “đã tin
cái gì thì tin đến tận cùng”. Bằng chứng là trong gần 60 năm, dù không có linh mục
hướng dẫn, nhà thờ xuống cấp, kinh tế - xã hội khó khăn, hầu như không có hoạt
động mang tính thực hành tôn giáo, nhưng họ vẫn không bỏ đạo để trở lại với tín
ngưỡng truyền thống. Có thể nói, niềm tin Công giáo của tín đồ người Mông ở Lào
Cai trong thời gian ấy không hề tắt, nó như những đốm lửa nhỏ, âm ỷ trong tro lạnh,
để rồi khi có điều kiện thuận lợi lại bùng cháy trở lại và lan tỏa xa hơn. Ngay cả khi
xuất hiện đạo Tin lành/Vàng Chứ vào những năm 1990, một trào lưu cải đạo từ tín
ngưỡng truyền thống sang tôn giáo mới trong cộng đồng người Mông diễn ra rất
mạnh mẽ, nhưng những người đã từng theo Công giáo trước đó vẫn không chuyển
sang Tin lành. Họ vẫn trung thành với tôn giáo đã lựa chọn, để rồi, khi có linh mục
đến truyền giảng giáo lý và thực hành nghi lễ lễ, đức tin Công giáo nhanh chóng
được khôi phục và phát triển. Đây là một điều rất đặc biệt, cần được lý giải một
cách khách quan, khoa học trên quan điểm mác-xít.
Thứ hai, Lào Cai, đặc biệt Sa Pa là một trong những nơi đầu tiên Công giáo
du nhập vào người Mông ở Việt Nam. Từ đây, Công giáo theo người Mông di cư
sang các địa phương khác trong khu vực như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa
Bình, hình thành nên một bộ phận người Mông theo Công giáo ở các tỉnh miền núi
phía Tây Bắc Việt Nam, tuy số lượng tín đồ chưa nhiều nhưng cũng rất đáng phải quan
tâm vì vùng này tiềm ẩn nhiều yếu tố nhậy cảm cả về dân tộc và tôn giáo. Hơn nữa,
Lào Cai hiện vẫn là một địa bàn truyền giáo, phát triển tín đồ của giáo hội mà trọng
tâm là người dân tộc Mông. Vì vậy, nghiên cứu Công giáo trong cộng đồng người
Mông ở Lào Cai sẽ góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề đang đặt ra đối với công tác tôn
giáo vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và vùng người Mông nói riêng.
Xuất phát từ những lý do đó, nghiên cứu sinh quyết định chọn đề tài:“Công
giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai” làm Luận án tiến sỹ, chuyên ngành
Tôn giáo học.
3
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích
Trên cơ sở nghiên cứu quá trình hình thành, phát triển, đặc điểm, thực trạng
đời sống đạo và ảnh hưởng của Công giáo đối với cộng đồng người Mông có đạo ở
Lào Cai, luận án đề xuất một số giải pháp, khuyến nghị nhằm phát huy mặt tích cực,
hạn chế mặt tiêu cực của Công giáo trong tộc người này ở địa phương thời gian tới.
2.2. Nhiệm vụ
Để làm rõ mục đích trên, luận án có một số nhiệm vụ sau:
- Trình bày có hệ thống về người Mông, đặc biệt là tín ngưỡng truyền thống
của tộc người này ở Lào Cai.
- Làm rõ quá trình du nhập, phát triển và một số đặc điểm của Công giáo
trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai.
- Nêu bật thực trạng đời sống tôn giáo trong cộng đồng người Mông theo
Công giáo ở Lào Cai. Qua đó, chỉ ra ảnh hưởng của tôn giáo này đối với bộ phận
người Mông theo Công giáo ở Lào Cai hiện nay.
- Làm rõ một số vấn đề đặt ra, từ đó đề xuất một số giải pháp, khuyến nghị
nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của Công giáo trong cộng đồng
người Mông ở Lào Cai thời gian tới.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là Công giáo trong cộng đồng người Mông ở
Lào Cai, trong đó chú trọng vào quá trình du nhập, phát triển và đặc điểm của Công
giáo trong cộng đồng người Mông; thực trạng đời sống tôn giáo (niềm tin tôn giáo,
thực hành tôn giáo và cộng đồng tôn giáo), những ảnh hưởng và một số vấn đề đặt ra
đối với công tác tôn giáo ở địa phương.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Về không gian: luận án nghiên cứu Công giáo trong cộng đồng người Mông
ở Lào Cai qua khảo sát thực địa ở các xã: Lao Chải, Hầu Thào, Sử Pán, Tả Giàng
Phìn, Bản Phùng, Tả Van (huyện Sa Pa); Nậm Xé, (huyện Văn Bàn); Tả Phời
(thành phố Lào Cai), trong sự so sánh với người Mông theo Công giáo ở một số tỉnh
miền núi phía Bắc như Yên Bái, Lai Châu và Điện Biên.
Về thời gian: luận án nghiên cứu quá trình du nhập, phát triển của Công giáo
trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai từ đầu thập niên 20 của thế kỉ trước, nhưng
tập trung vào giai đoạn từ năm 1990 đến nay.
4
4. Cơ sở lý luận, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Cơ sở lý luận
Luận án dựa trên cơ sở phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tôn
giáo, nhất là các quan điểm: tôn trọng quyền tự do tôn giáo, đoàn kết tôn giáo,
chống lợi dụng tôn giáo; quan điểm chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc,
nhất là quan điểm đoàn kết toàn dân, bình đẳng giữa các dân tộc, chăm lo xây dựng
và nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng
cách miền xuôi với miền ngược.
4.2. Cách tiếp cận
Để thực hiện luận án, nghiên cứu sinh sử dụng nhiều cách tiếp cận như: sử
học, tôn giáo học, nhân học, văn hóa học, xã hội học. Cụ thể:
Cách tiếp cận sử học: được áp dụng nghiên cứu quá trình du nhập, tồn tại và
phát triển Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai.
Cách tiếp cận tôn giáo học: được áp dụng nghiên cứu thực trạng đời sống
Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai trên ba phương diện: niềm tin
tôn giáo, thực hành tôn giáo và cộng đồng tôn giáo; phân tích ảnh hưởng của nó đối
với đời sống xã hội của người Mông theo Công giáo ở Lào Cai.
Các cách tiếp cận nhân học, văn hóa học, xã hội học: được áp dụng để
nghiên cứu thực trạng và vấn đề đặt ra liên quan đến Công giáo trong đồng bào dân
tộc Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung, Lào Cai nói riêng.
4.3. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp tôn giáo học so sánh: được sử dụng để so sánh quá trình
truyền nhập, phát triển và thực hành nghi lễ của các tôn giáo trong tộc người Mông;
giữa Công giáo người Mông ở Lào Cai với Công giáo người Mông ở nơi khác; giữa
Công giáo người Mông với Công giáo vùng dân tộc thiểu số ở Tây nguyên.
Phương pháp nghiên cứu tài liệu: được sử dụng nhằm khai thác tối đa tư liệu
gốc, tài liệu tham khảo liên quan đến nội dung luận án, trong đó chú trọng đến tài
liệu về người Mông theo Kitô giáo (Công giáo, Tin lành) ở các tỉnh miền núi phía
Bắc nói chung và ở Lào Cai nói riêng.
Các phương pháp điều tra xã hội học bằng bảng hỏi, phỏng vấn sâu, quan
sát tham dự, lấy ý kiến chuyên gia: được sử dụng để nghiên cứu thực trạng và vấn
đề đặt ra liên quan đến đời sống tôn giáo của cộng đồng người Mông theo Công
5
giáo ở Lào Cai; việc thực hiện chính sách và pháp luật về tôn giáo ở vùng dân tộc
thiểu số nước ta hiện nay. Nghiên cứu sinh đã tiến hành phỏng vấn sâu linh mục
chính xứ và linh mục phó xứ Sa Pa, Trưởng ban hành giáo và tín đồ các giáo họ Lao
Chải, Hầu Thào (Sa Pa, Lào Cai); điều tra xã hội học với 300 phiếu đối với tín đồ,
chức sắc, chức việc tại các giáo họ, giáo điểm ở Lào Cai và giáo xứ Tà Ghênh (xã
Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) để đối chiếu, so sánh. Trong đó, giáo họ
Hầu Thào: 100 phiếu; giáo họ Lao Chải: 100 phiếu; giáo điểm Nậm Xé (huyện Văn
Bàn): 50 phiếu; giáo họ Háng Chi Mùa (thuộc giáo xứ Tà Ghênh): 50 phiếu. Thông
tin thu được từ phỏng vấn sâu và các phiếu hỏi góp phần củng cố nhận định, đánh
giá các vấn đề được khách quan hơn.
5. Đóng góp mới của luận án
Thứ nhất, luận án nghiên cứu tương đối toàn diện, hệ thống và cập nhật về
Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai từ lịch sử đến hiện tại.
Thứ hai, luận án làm rõ thực trạng đời sống đạo và ảnh hưởng của Công giáo
đến cộng đồng người Mông theo đạo ở Lào Cai hiện nay.
Thứ ba, luận án nêu lên một số vấn đề đặt ra, dự báo xu hướng và khuyến
nghị giải pháp đối với Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai thời gian
tới, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác tôn giáo ở địa phương.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
6.1. Ý nghĩa lý luận
Luận án góp phần làm rõ, kiểm chứng và bổ sung lý thuyết nghiên cứu, nhất
là lý thuyết thực thể tôn giáo, lý thuyết sự lựa chọn hợp lý, lý thuyết sự hội nhập và
tiếp biến văn hóa trong nghiên cứu tôn giáo học đối với người Mông.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Kết quả luận án cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách
tôn giáo - dân tộc, nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo - dân tộc đối với bộ phận
người Mông theo Công giáo ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Lào Cai.
Kết quả luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên
cứu, giảng dạy chuyên ngành Tôn giáo học, chuyên ngành Công tác tôn giáo và các
bộ môn khoa học xã hội và nhân văn liên quan đến người Mông và tôn giáo trong
cộng đồng người Mông ở Việt Nam hiện nay.
7. Kết cấu luận án
Ngoài Mở đầu, Kết luận, Danh mục công trình liên quan đến luận án đã công
bố, Danh mục tài liệu tham khảo, Phụ lục, luận án gồm 4 chương, 9 tiết.
6
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU,
ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
1.1. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN
LUẬN ÁN
1.1.1. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
1.1.1.1. Các công trình nghiên cứu về quá trình du nhập, phát triển Công
giáo vào cộng đồng người Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Lào Cai
Từ lâu, giới nghiên cứu quan tâm đến Công giáo ở Việt Nam, nhất là lịch sử
truyền giáo và đời sống tôn giáo, trong đó ít nhiều đề cập đến Công giáo trong dân
tộc thiểu số và vùng người Mông. Có thể kể ra các tác phẩm chủ yếu sau đây:
Công trình Việt Nam giáo sử, Quyển I (1533-1933) [85] và Quyển II (1933-
1960) [86] của Phan Phát Huồn, đã trình bày quá trình truyền bá Công giáo vào Việt
Nam từ năm 1533 đến năm 1960, giới thiệu các giáo phận, trong đó có Giáo phận
Hưng Hóa và việc người Mông ở Sa Pa (Lào Cai) theo Công giáo từ thập niên 20
thế kỷ XX. Tác giả đưa ra nhận xét đáng lưu ý rằng, người Mông theo Công giáo dù
ít nhưng “xem ra họ trung thành với ơn Chúa”. Tuy nhiên, bộ sách trên mới chỉ
cung cấp thông tin ít ỏi về Công giáo ở vùng người Mông, chưa nghiên cứu sâu và
có hệ thống về sự du nhập, tồn tại và phát triển của nó trong dân tộc này.
Bộ sách viết về Giáo hội Công giáo ở Việt Nam của Bùi Đức Sinh (tập 1:
Giáo hội Công giáo ở Việt Nam [128]; tập 2: Giáo hội Công giáo ở Việt Nam
[129]; tập 3: Giáo hội Công giáo ở Việt Nam [130], Phụ chương) [131], trình
bày tương đối chi tiết về sự du nhập của Công giáo vào Việt Nam từ đầu thế kỷ
XVI do các giáo đoàn phương Tây đảm nhiệm, như dòng Phan Sinh, dòng Đa
Minh, dòng Tên và Hội Thừa sai Paris (MEP), đi sâu phân tích thái độ của nhà
Nguyễn đối với Công giáo. Tập 3 giới thiệu khái quát về giáo phận Hưng Hóa.
Theo tác giả, Hưng Hóa là giáo phận lớn nhất và phức tạp nhất trong cả nước vì
đây là vùng có tới 40 tộc người sinh sống. Nội dung tập sách còn đề cập tới giáo
họ Hầu Thào và giáo họ Lao Chải. Đây là tư liệu hữu ích để nghiên cứu sinh tìm
hiểu về công cuộc truyền nhập Công giáo vào Việt Nam nói chung và giáo phận
Hưng Hóa nói riêng.
7
Bộ sách Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam, tập 1 [25] và tập 2 [26]
của Trương Bá Cần trình bày lịch sử Công giáo Việt Nam từ năm 1533 đến năm
1945, trong đó có phần bàn về giáo phận Hưng Hóa; về hoạt động của một số thừa
sai tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai… nhưng còn chung chung, chưa làm rõ sự hình
thành và phát triển của các giáo xứ, giáo họ của người Mông ở những nơi này.
Tác phẩm Công giáo Việt Nam sau quá trình 50 năm (1945-1995) của
Trương Bá Cần [24] nghiên cứu khá toàn diện về Công giáo trong một giai đoạn
lịch sử có nhiều biến động, khó khăn. Ông đã dành một chương (chương 16) đề cập
đến giáo phận Hưng Hóa, trong đó có giáo xứ Sa Pa, nhưng rất sơ lược. Công trình
này cũng chưa nói đến Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai.
Cuốn Thừa sai công giáo Pháp và chính sách đế quốc tại Việt Nam (1857-
1914), của Patrick J.N. Tuck [158]. Tác giả nghiên cứu về sự can thiệp của Pháp
vào Việt Nam; quan điểm của các Thừa sai Pháp về ảnh hưởng của việc Pháp xâm
lăng đối với công việc truyền giáo ở Nam kì; hoạt động truyền giáo của các giáo sỹ
Pháp cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX ở Việt Nam; vai trò của các giáo sỹ trong công
cuộc xâm chiếm Việt Nam của đế quốc Pháp. Đáng lưu ý, công trình này đã đưa ra
những tư liệu cho thấy, ngay từ cuối thế kỉ XIX, các Thừa sai đã chủ động truyền
giáo vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam,
trong đó Lào Cai không phải là ngoại lệ.
Công giáo Việt Nam dưới triều nhà Nguyễn (1802-1884, của Nguyễn
Quang Hưng [92], trình bày khá chi tiết về Công giáo ở Việt Nam dưới các Triều
vua nhà Nguyễn, nhất là chính sách cấm đạo của nhà Nguyễn đối với Công giáo
trong thế kỉ XIX. Qua đó giúp người đọc có thể hiểu thêm về nguyên nhân tại
sao Công giáo du nhập vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi
phía Bắc muộn hơn những nơi khác.
Giáo hội Công giáo Việt Nam - Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam
2004 [72] và Giáo hội Công giáo Việt Nam - Niên giám Giáo hội Công giáo Việt
Nam 2016 [80] của Hội đồng Giám mục Việt Nam giới thiệu về Giáo hội Công giáo
ở Việt Nam, trong đó có Công giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung,
Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai nói riêng. Nhưng hai cuốn niên
giám trên mới chỉ điểm xuyết sự du nhập, phát triển Công giáo vào người Mông ở
Sa Pa (Lào Cai); về tổ chức giáo xứ, giáo họ và các linh mục từng coi sóc giáo xứ,
chưa bàn đến vấn đề Công giáo trong cộng đồng người Mông giai đoạn hiện nay.
8
Bài viết “Đôi nét Công giáo miền núi phía Bắc Việt Nam” của Hoàng Bích
Ngọc [121], đã khái quát lịch sử truyền giáo tại vùng miền núi phía Bắc, trong đó có
nói đến công cuộc truyền giáo vào vùng người Mông ở Lào Cai của giáo sĩ F.M.
Savina cũng như quá trình hình thành, phát triển cộng đồng người Mông theo Công
giáo ở Sa Pa (Lào Cai). Tuy nhiên, nội dung bài viết dừng lại ở những nét chấm
phá, mang tính gợi mở, chưa đi sâu vào các sự kiện của Công giáo từ khi du nhập
vào Lào Cai đến nay. Đáng chú ý có bài “Các giáo sĩ thừa sai hải ngoại Paris với
việc thiết lập cộng đồng Hmông Công giáo tại miền núi phía Bắc Việt Nam” [122]
cũng của tác giả này đã cung cấp những tư liệu (báo cáo hàng năm của giáo phận
Hưng Hóa từ năm 1902 đến năm 1950; tiểu sử của một số thừa sai). Tác giả đã cung
cấp những thông tin trong văn khố của Hội Thừa sai Paris (MEP), phác họa khá
chân xác hoạt động truyền giáo của các thừa sai Pháp, nhất là các thừa sai F.M
Savina, P.M. Doussoux, Idiart Alhor trong vùng đồng bào dân tộc Mông ở các tỉnh
Tây Bắc thuộc giáo phận Thượng du Bắc Kỳ (tức giáo phận Hưng Hóa ngày nay).
Bài viết “Quá trình phát triển đạo Công giáo và Tin lành của người Mông ở
vùng núi phía Bắc” của Trần Thị Thủy [150], dựa vào tài liệu của F.M. Savina và
Vương Duy Quang, phác họa quá trình du nhập Công giáo vào cộng đồng người
Mông ở Lào Cai, Yên Bái qua các giai đoạn: từ đầu đến năm 1948, giai đoạn suy
thoái từ năm 1948 đến năm 1990 và giai đoạn phục hồi từ đầu những năm 1990 đến
nay, nhưng còn khái lược, một số sự kiện chưa được làm rõ.
1.1.1.2. Các công trình nghiên cứu về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo truyền
thống của người Mông và Công giáo trong cộng đồng người Mông ở các tỉnh miền
núi phía Bắc và Lào Cai
Luận án tiến sỹ Triết học “Bản sắc văn hóa dân tộc Mông và giải pháp giữ gìn,
phát huy giá trị của nó ở Việt Nam hiện nay”, của Hoàng Xuân Lương [114], tập trung
nghiên cứu sâu về điều kiện hình thành và những đặc trưng cơ bản của bản sắc văn
hóa Mông; nguồn gốc, tên gọi, các nhóm và dòng họ; thực trạng đời sống kinh tế-
văn hóa của đồng bào; về tín ngưỡng truyền thống và sự xâm nhập của đạo Tin lành
vào cộng đồng người Mông ở Việt Nam. Với cách nhìn khách quan, khoa học, tác
giả rút ra những tồn tại, hạn chế của trên lĩnh vực văn hóa của người Mông, từ đó
nêu ra những giải pháp cơ bản nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc
trong giai đoạn hiện nay.
9
Cuốn Dân tộc Mông ở Việt Nam của Cư Hòa Vần, Hoàng Nam [174], khái
quát về dân tộc Mông như: lịch sử tộc người, địa vực cư trú, nhân chủng, ngôn ngữ,
tên gọi và các nhóm người Mông ở Việt Nam; hoạt động kinh tế truyền thống, đời
sống vật chất, bản sắc văn hóa của đồng bào; cuộc sống lao động sáng tạo của tộc
người này trong quá khứ và hiện tại. Đặc biệt, khi viết về sinh hoạt tinh thần, các tác
giả đã phân tích sâu về tín ngưỡng tôn giáo, trong đó có đề cập đến những người
Mông ở Sa Pa (Lào Cai) và Trạm Tấu (Yên Bái) theo Công giáo từ những năm 20
của thế kỷ XX với những gợi ý đáng lưu tâm.
Tác phẩm Văn hóa Hmông của Trần Hữu Sơn [134], đi sâu nghiên cứu về
người Mông ở Lào Cai. Trong chương II, tác giả viết về đời sống văn hóa tinh thần
truyền thống của người Mông ở Lào Cai, trong đó tín ngưỡng của đồng bào khá kỹ
lưỡng như: thờ cúng tổ tiên, ma nhà, thần bản mệnh trong cộng đồng làng bản; vật
linh giáo, Shaman giáo và tàn dư của một số hình thức tôn giáo sơ khai khác. Qua
đó cho thấy, niềm tin của người Mông ở Lào Cai về thế giới bên kia rất độc đáo. Ở
chương III: “Những yếu tố mới trong đời sống tinh thần của người Mông ở Lào Cai
và những vấn đề đăt ra”, tác giả chỉ ra sự biến đổi trong đời sống văn hóa tinh thần
của người Mông, nhất là một bộ phận người Mông từ bỏ tín ngưỡng truyền thống để
theo Công giáo và Tin lành. Trên cơ sở luận chứng khoa học, tác giả đưa ra một số
giải pháp để xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ở vùng đồng bào người Mông ở
Lào Cai thời gian tới.
Công trình Lịch sử người Mèo của Francoise Marie Savina [126] có đề cập
đến tín ngưỡng truyền thống của người Mông (chương IV). Đây là một tác phẩm
dân tộc học có nhiều tư liệu bổ ích trong việc nghiên cứu tín ngưỡng, tôn giáo của
người Mông. Cuốn sách đã có những phát hiện về diễn trình lịch sử của người Mông
trong quá khứ nhưng vẫn còn sơ lược, chủ yếu dựa vào truyền thuyết nên còn nhiều
hạn chế. Hơn nữa, với mục đích phục vụ cho việc truyền giáo nên giả miêu tả rất tỷ mỷ,
chi tiết về đời sống kinh tế, văn hóa, tâm linh của người Mông nhưng không đưa ra nhận
định, lập luận. Một số chỗ tác giả cố gán ghép để giáo lý Công giáo gần gũi với cách
nghĩ của người Mông mà chưa có đủ sở cứ vững chắc. Dù sao, đây cũng là tác phẩm có
nhiều gợi ý cho việc tìm hiểu văn hóa tâm linh người Mông. Giá trị nhất của cuốn sách
là F.M. Savina đã tìm ra những điểm tương đồng giữa thế giới quan, tâm thức tôn
giáo của người Mông với tư tưởng thần học của Ki tô giáo. Qua đó giúp cho việc lý
10
giải nguyên nhân một bộ phận người Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc theo Công
giáo được rõ ràng hơn.
Cuốn Văn hóa tâm linh của người Hmông ở Việt Nam: truyền thống và hiện
đại của Vương Duy Quang [124], là một công trình được nghiên cứu cơ bản về lịch
sử di cư, địa vực cư trú, hoạt động kinh tế, quan hệ xã hội của người Mông ở Việt
Nam. Đề cập đến thờ cúng tổ tiên và các vị thần, những nghi lễ tín ngưỡng liên
quan đến dòng họ hay hiện tượng “xưng vua” của người Mông, tác giả không chỉ
làm rõ quan niệm về vũ trụ luận phong phú, lối tư duy độc đáo (cái lý của người
Mông) mà còn đưa ra những nhận xét tinh tế về đặc trưng văn hóa, tín ngưỡng của
người Mông và vai trò của hệ thống tín ngưỡng ấy với sự phát triển của văn hóa xã
hội trong cộng đồng dân tộc này. Ở chương ba, tác giả bàn về sự biến đổi trong văn
hóa tâm linh của người Mông ở Việt Nam hiện nay, nhất là việc một bộ phận theo
Kitô giáo với những tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa, tinh thần của đồng
bào cần được quan tâm giải quyết.
Cuốn Dân tộc Mông Sơn La với việc giải quyết vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo
hiện nay của Thào Xuân Sùng [136], giới thiệu khái quát về dân tộc Mông, tín
ngưỡng tôn giáo của dân tộc Mông ở Sơn La và sự thâm nhập Công giáo, đạo Tin
lành vào một bộ phận người Mông ở đây; phân tích tình hình Việt Nam và quốc tế
tác động đến việc giải quyết vấn đề tôn giáo hiện nay cũng như sự lợi dụng vấn đề
dân tộc và tôn giáo của các thế lực thù địch. Từ phân tích thực trạng, nguyên nhân
phát triển đạo, tác giả đưa ra phương hướng, giải pháp chủ yếu giải quyết vấn đề tín
ngưỡng, tôn giáo trong cộng đồng người Mông ở Sơn La thời gian tới. Tuy nhiên,
cuốn sách trên chưa nghiên cứu sâu kĩ nguyên nhân bộ phận người Mông theo Công
giáo đầu thế kỉ XX; sự phát triển tín đồ cũng như mối quan hệ giữa các nhóm người
Mông theo Công giáo ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Song, đây là một
cuốn sách giàu tư liệu, giúp nghiên cứu sinh có thêm hiểu biết về tôn giáo, tín
ngưỡng của người Mông ở Sơn La để có sự so sánh với người Mông ở Lào Cai.
Cuốn sách Giữ “lý cũ” hay theo“lý mới”? Bản chất của những cách phản
ứng khác nhau của người Hmông ở Việt Nam với ảnh hưởng của đạo Tin lành do
Nguyễn Văn Thắng chủ biên [146], đã phân tích sâu về người Mông trong cơ cấu
tộc người ở Việt Nam và những mối quan hệ đồng tộc của dân tộc này ở các nước
trên thế giới; làm rõ quan niệm của người Mông về “lý cũ”/tín ngưỡng truyền thống
11
và vai trò của nó đối với xã hội và văn hóa Mông, thể hiện rõ nét trong phong tục
làm cúng, làm ma của đồng bào; nêu bật tác động của những phản ứng khác nhau
của người Mông theo “lý mới”/đạo Tin lành và ảnh hưởng của nó trong đời sống
tâm linh của đồng bào trong giai đoạn hiện nay. Tác phẩm này có cách tiếp cận mới,
đưa ra những luận cứ xác đáng về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của người Mông
trong quá khứ và hiện tại nên rất có giá trị tham khảo.
Ngoài ra, đề cập đến văn hóa người Mông còn có những tác phẩm khác, như:
Tiếp cận văn hóa Hmông của Mã A Lềnh và Từ Ngọc Vụ [99]; Ghi chép về văn hóa
dân gian Hmông của Mã A Lềnh [98]… đó là những công trình nghiên cứu công
phu để chúng tôi so sánh giữa văn hóa truyền thống với những tác động, ảnh hưởng
của văn hóa Công giáo trong cùng một tộc người.
Đề tài khoa học Ảnh hưởng của Công giáo đến đời sống tinh thần của các
đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc của Viện Nghiên cứu Tôn giáo [179],
tập trung nghiên cứu quá trình truyền bá Công giáo vào vùng dân tộc thiểu số ở
miền núi phía Bắc từ đầu thế kỉ XX đến nay; tác động của Công giáo trên các mặt
đời sống xã hội, và những nét cơ bản về tín ngưỡng tôn giáo truyền thống của các
dân tộc cư trú tại vùng miền núi phía Bắc; quá trình tiếp nhận Công giáo của một bộ
phận người dân ở đây và những biến đổi về phong tục tập quán của họ. Từ đó, đề tài
nêu ra một số vấn đề cần quan tâm như việc bảo lưu bản sắc văn hóa truyền thống;
mối quan hệ Nhà nước và Giáo hội; xây dựng và chính sách dân tộc - tôn giáo ở các
tỉnh miền núi phía Bắc. Nội dung đề tài này có đề cập đến Công giáo trong vùng
người Mông ở Sa Pa (Lào Cai) nhưng còn khá sơ lược, cần được nghiên cứu thêm.
Dự án “Khảo sát thực trạng đồng bào dân tộc thiểu số theo Công giáo: kiến
nghị về chủ trương và giải pháp”, của Ban Tôn giáo Chính phủ [9], giới thiệu khái
quát về Công giáo trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, các tỉnh
miền núi phía Bắc, trong đó có người Mông ở Lào Cai. Tuy nhiên, phần viết về
Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai chỉ mang tính khái quát.
Luận văn thạc sỹ “Ảnh hưởng của văn hóa tín ngưỡng truyền thống đến đời
sống đạo của giáo dân Hmông ở giáo xứ Sa Pa (Lào Cai)”của Trần Thị Thu Giang
[65], trình bày khái quát quá trình hình thành và phát triển của giáo xứ Sa Pa; đặc
điểm văn hóa tính ngưỡng truyền thống của dân tộc Mông ở đây; ảnh hưởng của
văn hóa tín ngưỡng truyền thống đến sinh hoạt tôn giáo và nghi lễ vòng đời của
12
giáo dân người Mông ở giáo xứ Sa Pa. Đó là những vấn đề cần nghiên cứu thấu
đáo, nhưng do khuôn khổ của một luận văn thạc sỹ, các nội dung trên chỉ được
đề cập sơ lược. Tác giả cũng chưa phân định rõ nghiên cứu về văn hóa, tín
ngưỡng của người Mông ở thị trấn Sa Pa hay ở huyện Sa Pa, nên còn có những
hạn chế nhất định.
Đề tài khoa học của “Giá trị và chức năng của Công giáo trong xã hội Việt
Nam hiện nay của Viện Nghiên cứu Tôn giáo [181]. Nhóm tác giả tập trung nghiên
cứu giá trị và chức năng Công giáo Việt Nam đối với các mặt của đời sống xã hội
(chức năng điều chỉnh hành vi, chức năng giáo dục, chức năng liên kết xã hội, chức
năng xã hội từ thiện); những ảnh hưởng của giá trị Công giáo đối với cá nhân, gia
đình và cộng đồng, từ đó đề xuất một số khuyến nghị và giải pháp nhằm phát huy
giá trị Công giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay. Công trình cung cấp nhiều thông
tin về quá trình xâm nhập, phát triển Công giáo vào Việt Nam và những tác động,
ảnh hưởng của Công giáo trong đời sống tinh thần của nhân dân.
Liên quan đến đề tài nghiên cứu, tác giả luận án có một số bài đã đăng trên các
tạp chí chuyên ngành như: “Quá trình truyền nhập và phát triển Công giáo trong
cộng đồng người Mông ở Lào Cai”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 3/2019; “Vài đặc điểm
của Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai”, Nghiên cứu Tôn giáo, số
5/2019. Những bài viết trên nghiên cứu về quá trình người Mông ở Lào Cai theo
Công giáo; nguyên nhân cơ bản dẫn đến một bộ phận người Mông theo tôn giáo
này; những đặc điểm cơ bản của Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào
Cai... Các bài viết trên được sử dụng làm tư liệu và đưa vào các phần trong nội dung
của luận án.
1.1.1.3. Những vấn đề đã được nghiên cứu và những vấn đề luận án cần
giải quyết
Qua tổng quan tình hình nghiên cứu nêu trên cho thấy, các công trình đã tập
trung làm rõ những vấn đề dưới đây mà luận án kế thừa:
Một là, các công trình nghiên cứu đi trước đã trình bày về quá trình du
nhập, phát triển Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, nhất là
hoạt động của các thừa sai người Pháp trong nửa đầu thế kỷ XX ở Sa Pa (Lào
Cai) và Trạm Tấu (Yên Bái). Một số bài viết đã khái quát sự hình thành giáo
xứ, giáo họ đầu tiên trong cộng đồng người Mông ở các tỉnh Lào Cai, Yên
13
Bái. Đặc biệt là những nghiên cứu về sự chuyển đổi niềm tin tôn giáo (sự cải
đạo) từ tín ngưỡng truyền thống của một bộ phận người Mông ở các tỉnh miền
núi phía Bắc sang Công giáo; nguyên nhân dẫn đến một bộ phận người Mông
ở Lào Cai và các tỉnh miền núi phía Bắc theo Công giáo. Nghiên cứu sinh kế
thừa những nghiên cứu của các học giả, từ đó làm sâu sắc hơn về quá trình
hình thành, phát triển Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai từ
khi xuất hiện đến nay.
Hai là, một số nghiên cứu đã đề cập đến thực trạng Công giáo trong cộng đồng
người Mông ở Lào Cai nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung. Tuy nhiên,
có rất ít công trình nghiên cứu sâu về đời sống đạo của người Mông theo Công giáo.
Đến nay, mới chỉ có một số bài viết đăng trên tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo và vài đề
tài nghiên cứu khoa học cấp bộ có đề cập đến vấn đề này, song còn rất tản mạn và sơ
lược cần được nghiên cứu làm rõ hơn.
Trên cơ sở tiếp thu các kết quả của các công trình nghiên cứu đi trước, qua
nghiên cứu Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, luận án này tập
trung vào những nội dung cơ bản sau đây:
(1) Nghiên cứu lịch sử truyền bá, quá trình hình thành, phát triển cộng đồng
người Mông theo Công giáo ở Lào Cai trong lịch sử, nhất là sự phát triển của tôn
giáo này trong giai đọan hiện nay. Từ đó, chỉ ra một số đặc điểm cơ bản của Công
giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, từ lực lượng truyền giáo, phương thức
truyền đạo đến đời sống đạo của Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai
trong sự so sánh với các địa bàn, tộc người khác.
(2) So sánh giữa tín ngưỡng, tôn giáo của người Mông với tín ngưỡng tôn giáo
của các dân tộc thiểu số khác; giữa người Mông theo tín ngưỡng truyền thống với
người Mông theo Ki tô giáo (Công giáo, Tin lành), xa hơn nữa là so sánh Công giáo
trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai với Công giáo trong vùng đồng bào dân tộc
thiểu số ở các địa phương khác như Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và một
số tỉnh Tây Nguyên, từ đó chỉ ra những những nét riêng biệt của của Công giáo
trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai.
(3) Nghiên cứu về thực trạng và ảnh hưởng của Công giáo trong cộng đồng
người Mông ở Lào Cai. Làm sâu sắc thực trạng cộng đồng (tín đồ, chức sắc), tổ
chức; niềm tin và thực hành niềm tin Công giáo của người Mông theo đạo. Đồng
14
thời, luận án trình bày ảnh hưởng của Công giáo đối với văn hóa, tín ngưỡng, tôn
giáo truyền thống, phong tục tập quán của người Mông và trên một số lĩnh vực
đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Những vấn đề đặt ra, dự báo xu hướng và đưa
ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu của của công tác tôn giáo, dân tộc trong
vùng đồng bào Mông ở Lào Cai thời gian tới.
1.1.2. Khung lý thuyết nghiên cứu và một số khái niệm sử dụng trong
luận án
1.1.2.1. Khung lý thuyết nghiên cứu
* Câu hỏi nghiên cứu
1. Quá trình du nhập, tồn tại và phát triển của Công giáo trong cộng đồng
người Mông ở Lào Cai diễn ra như thế nào? Vì sao Công giáo lại thành công ở
người Mông; tại sao Công giáo lại chọn Sa Pa làm điểm truyền giáo đầu tiên?
2. Đời sống Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai hiện nay diễn
ra như thế nào; thực trạng đó đặt ra những vấn đề gì đáng lưu tâm cho công tác quản
lý nhà nước về tôn giáo nói riêng, công tác tôn giáo nói chung?
3. Những đặc điểm cơ bản của Công giáo trong cộng đồng người Mông ở
Lào Cai; xu hướng vận động của Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai
trong thời gian tới là gì?
4. Cần có những giải pháp gì để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực
của Công giáo trong cộng đồng dân tộc Mông ở Lào Cai trong tình hình mới?
* Giả thuyết nghiên cứu
Giả thuyết 1: Truyền giáo vào vùng dân tộc thiểu số ở nước ta, trong đó có
đồng bào dân tộc Mông ở Lào Cai, là một nhiệm vụ quan trọng được Giáo hội Công
giáo ở Việt Nam sớm đặt ra và đạt được kết quả đáng kể từ đầu thế kỷ XX.
Giả thuyết 2: khi truyền bá vào vùng dân tộc Mông ở Lào Cai, Công giáo đã
có biện pháp gì để thích nghi và phát triển ở địa bàn mới? Công giáo đáp ứng nhu
cầu tinh thần của một bộ phận người Mông, có đóng góp nhất định cho nền văn hóa
dân tộc Mông ở Lào Cai. Song, sự xuất hiện của Công giáo cũng xóa bỏ khá nhiều
phong tục văn hóa và tín ngưỡng truyền thống của dân tộc Mông ở Lào Cai.
Giả thuyết 3: một bộ phận người Mông từ bỏ tín ngưỡng truyền thống
chuyển sang theo các loại hình tôn giáo lớn có tổ chức là một thực tế. Nhu cầu cải
đạo xuất hiện từ đầu thế kỷ XX, với việc hàng chục hộ người Mông ở hai tỉnh Lào
15
Cai và Yên Bái theo Công giáo. Xu hướng này gần đây còn thấy rõ ở việc một bộ
phận lớn người Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc theo đạo Tin lành, một nhóm
nhỏ người Mông đang đến với Phật giáo theo dạng thăm dò.
* Lý thuyết nghiên cứu
Luận án sử dụng bốn lý thuyết nghiên cứu cơ bản, gồm: lý thuyết cấu trúc-
chức năng, lý thuyết lựa chọn duy lý/hợp lý, lý thuyết thực thể tôn giáo, lý thuyết
phân tích văn hóa và vùng văn hóa.
- Lý thuyết cấu trúc - chức năng: Lý thuyết này nhìn xã hội như một hệ
thống tổng thể trong đó các bộ phận cùng làm việc để thúc đẩy sự cố kết và ổn định;
đời sống cá nhân được định hướng bởi các cấu trúc xã hội vốn là các mô thức ứng
xử xã hội tương đối ổn định; xã hội như một cơ thể, muốn hiểu một bộ phận thì
cũng phải hiểu mối quan hệ của nó với các bộ phận khác, một bộ phận hỏng sẽ kéo
theo sự suy yếu của các bộ phận khác. Lý thuyết chức năng được luận án sử dụng
nghiên cứu vai trò của Công giáo đối với các mặt đời sống của cộng đồng người
Mông theo Công giáo ở Lào Cai từ lịch sử đến hiện tại.
- Lý thuyết sự lựa chọn duy lý: Nội dung căn bản của lý thuyết này dựa trên
ba yếu tố: (i) con người lấy tính toán duy lý làm cơ sở cho hành vi; (ii) họ hành
động với sự duy lý khi đưa ra các lựa chọn; (iii) các lựa chọn của họ nhằm mục đích
tối ưu hóa sự hài lòng hay tối ưu hóa lợi ích. Lý thuyết sự lựa chọn duy lý cho rằng,
tôn giáo là một hệ thống nguồn đền bù có tính siêu nhiên. Sự đền bù quyết định sự
lựa chọn tôn giáo. Hành vi lựa chọn tôn giáo là duy lý ở chỗ nó thỏa mãn các mong
muốn. Các phong trào thế tục thường chuyển hóa thành các phong trào tôn giáo sau
khi chúng thất bại. Khi thất bại trong tìm kiếm sự đền bù bằng cách biện pháp tự
nhiên, con người tìm đến cái siêu nhiên để đạt sự đền bù đó. Các niềm tin tôn giáo
chính là sự đền bù cho thất bại tìm kiếm bằng biện pháp tự nhiên lúc ban đầu. Con
người có xu hướng lựa chọn niềm tin tôn giáo nào mà ít phải tiêu tốn nhất vốn văn
hóa của mình.
Luận án áp dụng lý thuyết sự lựa chọn duy lý để nghiên cứu xu hướng cải
đạo (từ bỏ tín ngưỡng truyền thống chuyển sang theo tôn giáo khác/mới/Công giáo,
bảo lưu tín ngưỡng truyền thống nhưng chuyển sang tin theo tôn giáo khác/mới)
diễn ra trong vùng dân tộc Mông ở Lào Cai; nguyên nhân một bộ phận người Mông
từ bỏ tín ngưỡng truyền thống để theo Công giáo.
16
- Lý thuyết thực thể tôn giáo: Lý thuyết này do nhà xã hội học tôn giáo người
Pháp Emile Durkheim khởi xướng. Theo đó, một thực thể tôn giáo bao gồm 3 yếu
tố cơ bản gồm niềm tin tôn giáo, thực hành tôn giáo, và cộng đồng tôn giáo. Lý
thuyết này cho rằng, chúng ta chỉ có thể biết được các hiện tượng tôn giáo thông
qua xác định mối quan hệ giữa con người với cái thiêng bằng niềm tin vào cái
thiêng, được biểu đạt bằng thực hành gắn kết với niềm tin đó, tạo thành cộng đồng
người có cùng niềm tin vào cái thiêng, trước hết là cộng đồng luân lý. Các yếu tố đó
tạo ra các hệ thống được gọi là tôn giáo. Sự tồn tại của các cộng đồng tôn giáo là
thực thể xã hội đặc biệt, một tiểu hệ thống có chức năng riêng so với các tiểu hệ
thống khác của xã hội tổng thể. Chính nhờ các cách tiếp cận chức năng mà chúng ta
biết có sự tồn tại của các hệ thống tôn giáo trong xã hội. Luận án áp dụng lý thuyết
thực thể tôn giáo để nghiên cứu thực trạng niềm tin tôn giáo và thực hành tôn giáo
của cộng đồng người Mông theo Công giáo ở Lào Cai hiện nay.
- Lý thuyết phân tích văn hóa và vùng văn hóa: Đại biểu cho trường phái lý
thuyết này là nhà xã hội học người Đức Max Weber (1864-1920). Ông cho rằng,
hành động xã hội của mỗi cá nhân, nhóm không chỉ bị chi phối bởi các điều kiện
kinh tế, chính trị, môi trường, mà còn chịu sự chi phối của các động cơ văn hóa
mang tính chủ quan từ bên trong, như tri thức, tình cảm, phong tục, tập quán, tôn
giáo, những quan niệm về đúng sai, thiện ác… Phân tích văn hóa là để tìm ra cách
thức mà văn hóa chi phối hành vi của con người, trong đó có những hành vi tác
động đến xã hội và tôn giáo. Khi nghiên cứu các hành vi tôn giáo phải tìm hiểu
các động cơ văn hóa từ bên trong của cá nhân hay nhóm tín đồ. Áp dụng lý
thuyết phân tích văn hóa và vùng văn hóa khi nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam sẽ
thấy được việc truyền giáo phát triển Công giáo vào vùng dân tộc thiểu số đã và
đang tạo nên một sự chuyển đổi đức tin diễn ra khá mạnh mẽ với việc một bộ
phận đồng bào dân tộc đã từ bỏ tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của mình để
theo tôn giáo mới. Điều ấy cũng có nghĩa là đang hình thành những cộng đồng
tôn giáo-tộc người mới với những nét sinh hoạt văn hóa, lối sống đạo mới. Luận
án sử dụng lý thuyết này để nghiên cứu quá trình xâm nhập Công giáo vào cộng
đồng người Mông ở Lào Cai; sự ảnh hưởng của văn hóa Công giáo đến đời sống
tinh thần của một bộ phận người Mông.
17
Sơ đồ khung phân tích:
1.1.2.2. Một số khái niệm sử dụng trong luận án
Bí tích: theo giáo lý Công giáo, bí tích là “dấu chỉ khả giác do Chúa Giêsu
thiết lập để thông ban ân sủng cho linh hồn và thánh hóa nội tâm con người”. Nói
cách khác, bí tích là những dấu tích (hành động, việc làm kèm theo đó là những dấu
vết cụ thể), mang tính thần thánh, huyền diệu; bao gồm là bảy phép: Rửa tội, Thêm
sức, Thánh thể, Giải tội, Hôn phối, Xức dầu và truyền chức.
Công giáo: một trong 5 hệ phái tôn giáo thờ Chúa Cứu Thế tức Kitô giáo
(Công giáo, Chính Thống giáo, Tin lành, Anh giáo và các giáo hội Công giáo
phương Đông). Công giáo theo tiếng Hy Lạp (Catholicos) hay tiếng Anh
Thực trạng và ảnh
hưởng của Công
giáo trong cộng
đồng người Mông ở
Lào Cai
- Thực trạng Công
giáo trong cộng đồng
người Mông ở Lào
Cai.
- Ảnh hưởng của
Công giáo trong cộng
đồng người Mông ở
Lào Cai
Lý thuyết nghiên
cứu
- Lý thuyết cấu trúc-
chức năng
- Lý thuyết lựa chọn
duy lý
- Lý thuyết thực thể
tôn giáo
- Lý thuyết phân tích
văn hóa và văn hóa
vùng
Sự hình thành Công
giáo trong cộng người
Mông ở Lào Cai
- Khái quát về người
Mông ở Lào Cai
- Quá trình du nhập và
phát triển Công giáo
vào người Mông ở Lào
Cai
- Một số đặc điểm của
Công giáo trong cộng
đồng người Mông ở
Lào Cai
Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai
Đề xuất một số giải pháp, khuyến nghị về công tác tôn giáo đối với Công giáo trong cộng đồng
người Mông ở Lào Cai
Vấn đề đặt ra, xu
hướng và giải pháp,
khuyến nghị
- Vấn đề đặt ra cho
công tác quản lý nhà
nước
- Các xu hướng của
Công giáo trong cộng
đồng người Mông ở
Lào Cai thời gian tới
18
(Catholicism) có nghĩa là chung, phổ quát, thông dụng, được bản kinh Tin kính của
Công đồng Nice (325), xác định là một trong bốn đặc tính của đạo Kitô: duy nhất,
thánh thiện, công giáo và tông truyền. Ở Việt Nam, có nhiều tên gọi khác: Thiên
Chúa giáo; đạo Gia tô; Tây Dương, Hoa Lang,… Các văn bản nhà nước gọi là Công
giáo. Trong luận án này, chúng tôi sử dụng thuật ngữ Công giáo.
Chuyển đạo: được hiểu là sự thay đổi chuyển từ tôn giáo này sang tôn giáo
khác, có cùng “gốc”. Ví như sự chuyển từ Công giáo sang Tin lành (và ngược lại);
hoặc chuyển từ hệ phái này sang hệ phái khác trong đạo Tin lành…
Chức sắc, theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo, “là tín đồ được tổ chức tôn giáo
phong phẩm hoặc suy cử để giữ phẩm vị trong tổ chức” [12, tr.7]. Trong luận án
này, chức sắc Công giáo được hiểu là hàng ngũ giáo sĩ (có chức thánh), như linh
mục chính, phó xứ, giám mục.
Chức việc: theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo, “là người được tổ chức tôn giáo, tổ
chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo
bổ nhiệm, bầu cử hoặc suy cử để giữ chức vụ trong tổ chức” [12, tr.7]. Theo đó,
chức việc gồm hai bộ phận, chức việc thuộc hàng ngũ giáo sĩ, tu sĩ (hoạt động tôn
giáo chuyên nghiệp) và chức việc thuộc hàng ngũ giáo dân (hoạt động tôn giáo
không chuyên nghiệp); là những người được bầu chọn hay chỉ định tham gia Hội
đồng giáo xứ, giáo họ và các hội đoàn. Trong luận án này, chức việc được hiểu là
những giáo dân (hoạt động tôn giáo không chuyên nghiệp) được bầu chọn hay chỉ
định tham gia Hội đồng giáo xứ, giáo họ và các hội đoàn Công giáo.
Dòng tu: thuật ngữ chỉ các tổ chức tu trì của Công giáo. Dòng tu không nằm
trong hệ thống hành chính đạo (triều), mà là tổ chức có tính chất chuyên môn, giúp
cho hệ thống triều trong đào sâu giáo lý, sống đạo củng cố đức tin, truyền giáo phát
triển đạo. Các tu sĩ chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn như giảng dạy,
nghiên cứu thần học hay tham gia các hoạt động trên các linh vực xã hội như giáo
dục, y tế, bảo trợ và từ thiện nhân đạo. Một số tu sĩ gia nhập hàng giáo sĩ (có chức
Thánh), như dòng Xitô, dòng Đa Minh, dòng Phan Sinh, dòng Don Bosco, dòng
Tiểu đệ Gioan Tẩy giả, dòng Truyền giáo Hiến sĩ Đức Maria vô nhiễm, Hội Thừa
sai Việt Nam để tham gia cai quản giáo hội. Khác với các linh mục triều, khi cai
quản giáo xứ được bổ nhiệm linh mục chính xứ, linh mục phó xứ, các dòng tu tham
gia cải quản giáo xứ theo hình thức tập thể, thường mỗi giáo xứ có một số tu sĩ coi
sóc trong đó có một người được cử làm bề trên phụ trách chung.
19
Dòng Salesien Don Bosco (The Salesian of Don Bosco-SDB): là tu hội dòng
thuộc quyền Giáo hoàng. Hội dòng được thành lập cuối thế kỷ XIX, bởi linh mục
Don Bosco, mục đích giáo dục, chăm sóc trẻ em và người nghèo trong cuộc cách
mạng công nghiệp. Hội dòng này du nhập vào Việt Nam từ năm 1936, hiện nay có
mặt ở nhiều giáo phận, trong đó có giáo phận Hưng Hóa. Từ năm 2015 đến nay, các
linh mục dòng Don Bosco được cử đến hoạt động truyền giáo trong vùng đồng bào
Mông ở Lào Cai.
Dòng Tiểu đệ Thánh Gioan Tẩy giả: lập tại Trung Quốc năm 1928, mục đích
truyền giáo trong người Hoa. Dòng có mặt tại Việt Nam năm 1972, hiện có 2 cộng đoàn
tại thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động chính của dòng cai quản giáo xứ, giảng dạy giáo
lý, tổ chức các tuần tĩnh tâm, ngày cầu nguyện và các diễn đàn thảo luận về tâm linh;
công tác giáo dục: mở trường học, giảng dạy tại các chủng viện; phục vụ xã hội: lập trạm
xá, nhà thương, viện dưỡng lão, in ấn và xuất bản sách báo. Năm 2018, các linh mục
dòng Thánh Gioan Tẩy Giả từ thành phố Hồ Chí Minh đến Lào Cai hoạt động.
Dòng Truyền giáo Hiến sĩ Đức Maria vô nhiễm (Missionaires Oblats Maria
Immaculee-OMI): do linh mục Eugène de Mazenod (1782-1861) lập năm 1816 tại
Pháp. Đây là hội Dòng giáo sĩ, quy tụ các linh mục thành cộng đoàn tông đồ chủ
yếu truyền giáo, đối tượng là người nghèo. Từ năm 2013 đến nay các linh mục của
dòng được bề trên tại Bình Dương cử ra hoạt động truyền giáo cho cộng đồng người
Mông ở Lào Cai.
Đổi đạo: trong luận án này được hiểu là sự thay đổi tín ngưỡng/tôn giáo, tức là
sự chuyển đổi tôn giáo này sang tôn giáo khác “gốc”. Ví như từ Ki tô giáo chuyển
sang theo Phật giáo hoặc ngược lại; hay từ tín ngưỡng truyền thống sang Công giáo
hoặc tín ngưỡng truyền thống sang Tin lành…
Đời sống tôn giáo/đời sống đạo: là các hoạt động sinh hoạt tôn giáo của tín đồ,
như đọc kinh cầu nguyện, tham dự các thánh lễ, thực hiện các phép bí tích và hoạt
động hướng đích xã hội dựa trên quan điểm của Công giáo, như hoạt động từ thiện,
bảo trợ, an sinh xã hội.
Giáo điểm: là điểm truyền giáo mới hình thành ở một địa bàn, trực thuộc giáo họ,
nó chưa đủ điều kiện (về số lượng tín đồ, cơ sở vật chất) như giáo họ hay giáo xứ.
Giáo điểm độc lập: là điểm truyền giáo mới hình thành ở một địa bàn trực
thuộc giáo xứ, nhưng không trực thuộc giáo họ nào. Về cơ cấu tổ chức và hoạt động
cũng tương tự như một giáo họ. Có thể do linh mục phó xứ cai quản.
20
Giáo họ/họ đạo: là một đơn vị đạo ở cấp dưới giáo xứ trong giáo hội Công
giáo do số lượng giáo dân ít chưa phát triển thành giáo xứ. Có hai loại hình giáo
họ là giáo họ trị sở tức giáo họ trung tâm của giáo xứ và giáo họ độc lập (họ lẻ),
trực thuộc giáo xứ và có thể được nâng lên thành giáo xứ khi đủ các điều kiện
như có linh mục chính xứ, có nhà thờ, số lượng giáo dân nhất định.
Giáo lý viên là đội ngũ tham gia giảng dạy giáo lý, giáo luật Công giáo, phải
được sự chuẩn nhận và giám sát của Giáo hội Công giáo.
Giáo phận (còn gọi là giáo hội địa phương): Đó là một thành phần dân Công
giáo trong một khu vực (địa vực) được giao phó cho một giám mục cai quản, coi
sóc với sự cộng tác của linh mục đoàn. Trong giáo phận chia ra thành nhiều giáo
hạt, giáo xứ; dưới giáo xứ có giáo họ hay giáo điểm. Các giáo xứ gần nhau có thể
liên kết thành một giáo hạt, có linh mục hạt trưởng. Các giáo xứ, giáo họ trong vùng
người Mông ở Lào Cai hiện nay thuộc giáo phận Hưng Hóa.
Giáo xứ: theo Giáo luật, “giáo xứ là một cộng đoàn tín hữu được thiết lập cách
bền vững ở trong Hội thánh địa phương, và việc chăm sóc mục vụ được ủy thác cho
Cha quản xứ làm chủ chăn riêng, dưới quyền Đức giám mục Giáo phận (GL.515/1).
Giáo xứ còn gọi là xứ đạo - đơn vị cơ sở của Công giáo, có số lượng tín đồ sinh
hoạt ổn định trên một địa bàn, có nhà thờ xứ; được giám mục giáo phận thiết lập và
ủy thác cho linh mục coi sóc.
Hội thừa sai Paris: tên gọi tắt của Hội truyền giáo nước ngoài Paris (Société
des Missions étrangères de Paris - viết tắt là MEP), được Tòa thánh thành lập năm
1658, giao quyền cho các giám mục người Pháp nhằm truyền giáo cho vùng Viễn
Đông. Đây là một tổ chức các tu sĩ Công giáo thực hiện việc truyền giáo tại châu Á.
Năm 1663, các giáo sĩ Hội Thừa sai Paris đến Thái Lan, năm 1665 họ đến Đàng
Trong và năm 1666 đến Đàng Ngoài phụ trách hoạt động truyền giáo tại Tây Đàng
Ngoài. Đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, giáo sĩ F.M. Savina thuộc Hội Thừa sai
Paris truyền giáo và cộng đồng người Mông ở Lào Cai.
Hội thừa sai Việt Nam (dòng tu): là một tổ chức truyền giáo của Hội đồng
Giám mục Việt Nam, thành lập năm 1971, với mục đích đào tạo và hướng dẫn các
vị truyền giáo Việt Nam, có trách nhiệm truyền giáo cho các dân tộc thiểu số. Năm
2012, các linh mục Hội Thừa sai Việt Nam đến hoạt động truyền giáo trong cộng
đồng người Mông ở Lào Cai.
21
Linh mục: là một chức vị đạo (chức thánh) thuộc hàng giáo sĩ của Giáo hội
Công giáo Rôma. Linh mục gồm hai loại: linh mục triều và linh mục dòng. Linh
mục triều là các linh mục thuộc quyền giám mục giáo phận, do giám mục giáo phận
đào tạo, sử dụng vào hoạt động coi sóc một giáo xứ hoặc các chức vị khác trong
giáo phận; linh mục dòng là các linh mục thành viên của một dòng tu Công giáo,
dưới quyền một vị bề trên, do dòng tu đào tạo, sử dụng tham gia vào các hoạt động
chuyên môn, như y tế, giáo dục, thiện xã hội. Linh mục dòng cũng có thể tham gia
cai quản, coi sóc giáo xứ, nhưng thường theo nhóm hay tổ phụ trách giáo xứ.
Lễ buộc: là thánh lễ bắt buộc tín đồ phải tham dự. Có hai loại lễ buộc là lễ
Chúa nhật và lễ trọng buộc.
Lễ trọng: là bậc lễ cao nhất trong lịch phụng vụ của Giáo hội Công giáo, liên
quan đến một sự kiện đức tin về Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria hay các
vị thánh quan trọng khác. Theo giáo luật, Công giáo có các ngày lễ trọng như lễ
Giáng sinh (25-12), lễ Phục sinh, lễ Chúa Giêsu lên trời (thăng thiên), lễ Chúa Thánh
thần hiện xuống, lễ Đức Mẹ Maria hồn xác lên trời (15-8) và lễ các thánh (1-11).
Người Mông: là dân tộc sống tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc
Việt Nam. Chữ “Mông” còn được viết là Hmông, bởi vì, trong nhóm ngôn ngữ
Mông-Dao, chữ “người” đọc là “Hmon”, phát âm thành “Hmông”. Nếu viết tên
tộc người này bằng tiếng Latinh thì viết là “Hmôngz”. Sở dĩ như vậy là do tiếng
Việt và tiếng Mông hiện nay đều sử dụng chữ cái la tinh để ghi văn bản. Tiếng
Việt có 22 phụ âm, còn tiếng Mông có tới 57 phụ âm. Các phụ âm giống tiếng
Việt thì trong tiếng Mông đều có, nhưng còn 35 phụ âm nữa của tiếng Mông tiếng
Việt không có, không thể phát âm giống Tiếng Việt mà phải đọc bằng phương
thức mũi. Chữ H đầu chỉ là âm gió, nên phụ âm “Hm” chỉ phát âm là “M” trong
tiếng Việt mà thôi, vì thế nếu ta đọc là “Hơ-mông”, hay “Hờ-mông” là sai, không
có nghĩa. Để viết bằng tiếng Việt đảm bảo được tính đơn âm của phụ âm, đúng với
nghĩa của từ “người” và tên tộc danh, ta nên sử dụng một phụ âm “M” của tiếng
Việt để biểu thị là hợp lý nhất.
Tại Hội nghị cán bộ cốt cán dân tộc Mông năm 1978 do Ủy ban Dân tộc của
Chính phủ tổ chức đã thông nhất gọi dân tộc này là dân tộc Mông. Từ đó về sau các
văn bản của Đảng và nhà nước đều viết là “Mông”. Ví dụ: Chỉ thị 45-CT/TW, ngày 23-
9-1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) cũng ghi là “Chỉ thị về một số
22
công tác vùng dân tộc Mông”; Công văn số 09-CV/HĐDT, ngày 4-12-2001 về việc đề
nghị đọc đúng tên và khái niệm dân tộc, nêu rõ: “tên gọi dân tộc Mông, nếu viết bằng
chữ phổ thông là ngôn ngữ chính thức của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
thì viết là Mông”.
Gần đây một số công trình khoa học của giới nghiên cứu cũng đã viết là dân tộc
này là “Mông” thay vì “Hmông”, như: Dân tộc Mông ở Việt Nam của Cư Hòa Vần và
Hoàng Nam, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội 1994; Bản sắc văn hóa dân tộc Mông và
giải pháp giữ gìn, phát huy giá trị của nó ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sỹ của
Hoàng Xuân Lương, 2002; Dân tộc Mông Sơn La với việc giải quyết vấn đề tín ngưỡng
tôn giáo hiện nay” của Thào Xuân Sùng, NXB Chính trị quốc gia, 2009…
Chính vì vậy, trong luận án này, tác giả cũng viết là: “dân tộc Mông”, “người
Mông”, “đồng bào Mông” vừa dễ đọc, vừa chuẩn âm và mang tính phổ thông hơn.
Người Mông Công giáo: Bộ phận người Mông theo Công giáo, xuất hiện vào
những năm 20 của thế kỷ XX. Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng trên 17.000 người
(chiếm 2% trong tổng dân số người Mông), tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Lào Cai, Yên
Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và một bộ phận ở Tây Nguyên.
Nhà nguyện: cơ sở thờ tự được đấng bản quyền (giám mục giáo phận hoặc bề
trên dòng tu giáo sĩ) ban phép để dành riêng cho việc thờ phụng Thiên Chúa của
một cộng đoàn (giáo họ), thường ở nơi quá xa nhà thờ xứ để tu sỹ, giáo dân đến đó
cầu nguyện hoặc của các nhà dòng, các tu viện dòng tu Công giáo hay của một vị
giám mục. Nhà nguyện có thể có “nhà tạm”,-nơi để Mình Thánh Chúa, cử hành các
thánh lễ, các bí tích rửa tội, giải tội, hôn phối...
Nhà thờ: cơ sở thờ tự của giáo phận, giáo xứ (cũng có trường hợp là cơ sở thờ tự
của giáo họ), dành riêng cho việc thờ phụng Thiên Chúa, nơi các tín hữu có quyền lui tới
để thờ Thiên Chúa. Nhà thờ chỉ được xây dựng khi có sự chấp thuận bằng văn bản của
giám mục giáo phận và phải được cung hiến, có tước hiệu riêng. Nhà thờ được thiết kế
theo một kiến trúc riêng, chuyên dùng để thờ Chúa. Theo giáo luật, nhà thờ phải có “nhà
tạm” để Mình Thánh Chúa. Nhà thờ chính xứ, là cơ sở thờ tự của của một giáo xứ, nơi
linh mục chính xứ cư trú tại nhà xứ gần nhà thờ, gọi là nhà thờ chính xứ. Nhà thờ chính
xứ cũng đồng thời là nhà thờ của giáo họ chính xứ hay họ đạo đầu nhà xứ.
Mục vụ: là hoạt động của giáo hội, cụ thể của các giáo sĩ trong việc chăm sóc giáo
dân về mặt thiêng liêng, như giảng đạo, cử hành các phép bí tích, truyền giáo, quản giáo.
23
Thánh lễ: nghi thức dành cho thần linh. Thánh lễ trong Công giáo gồm hai phần:
phụng vụ lời Chúa và phụng vụ Thánh thể.
Thừa sai: trong luận án này được hiểu là những nhà truyền giáo phương Tây được
giáo hội cử đi truyền đạo ở Việt Nam.
Thừa tác viên: những người được giáo hội giao thực hiện các nghi lễ trong
hoạt động mục vụ và phụng tự của giáo hội. Theo giáo luật, có hai loại thừa tác
viên: thừa tác viên thường lệ, gồm những người có chức thánh (giáo sĩ) để thực thi
hoạt động mục vụ, coi sóc tín đồ. Thừa tác viên ngoại lệ, gồm những người không
có chức thánh (giáo dân). Trước Công đồng Vatican II (1962-1965), chỉ có thừa tác
viên có chức thánh bậc linh mục và giám mục mới được coi là thừa tác viên thường
lệ trong hoạt động mục vụ, còn chức phó tế cũng chỉ được xem là thừa tác viên ngoại
lệ, giáo dân (tín đồ), không được tham gia vào tác vụ của hàng giáo sĩ, tức là không
được giáo hội thừa nhận và trao tác vụ làm thừa tác viên của giáo hội. Sau Công đồng
Vatican II, theo sắc chỉ của Giáo triều Rôma năm 1969, các phó tế được thừa nhận là
thừa tác viên thường lệ, giáo dân được công nhận là thừa tác viên ngoại lệ. Các Thừa
tác viên có chức thánh thực thi việc phục vụ đặc biệt của mình qua việc giảng dạy, cử
hành phục vụ và hướng dẫn đạo của các tín hữu. Các Thừa tác viên không có chức
Thánh được trao một số nhiệm vụ do các Giám mục quy định.
1.2. KHÁI QUÁT VỀ NGƯỜI MÔNG VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
1.2.1. Khái quát về người Mông ở Lào Cai
1.2.1.1. Vài nét về lịch sử tộc người Mông ở Lào Cai
Theo nhiều nghiên cứu dân tộc học, người Mông được xem là tộc người có
lịch sử lâu đời ở Châu Á. Vào khoảng thế kỷ thứ VII trước Công nguyên, biên niên
sử Trung Hoa đã xuất hiện cụm từ “Tam Miêu” để chỉ một quốc gia được thành lập
do một số bộ lạc hợp nhất lại, cư tụ ở vùng Bành Lãi và Hồ Động Đình thuộc lưu
vực sông Hoàng Hà. Trong lịch sử, người Mông phải chịu nhiều đau thương. Do bị
các triều đại phong kiến người Hán ở Trung Hoa đánh đuổi, nên người Mông từ
phương Bắc di cư dần xuống phía Nam. Vào khoảng thế kỉ VIII, tộc người này lùi
xuống sinh tụ tương đối ổn định ở Quý Châu, Hồ Nam và Vân Nam (Trung Quốc). Do
sinh sống ở Quý Châu thời gian lâu nhất, nên người Mông coi nơi đây là vùng đất tổ
thứ hai của mình. Đầu thế kỷ XV, nước Tam Miêu ở Quý Châu vẫn được quyền tự cai
quản. Nhưng đến thế kỷ XVIII, nhà Thanh, xóa bỏ chế độ thổ ty (1720), người Mông ở
24
Hồ Nam và Quý Châu có những cuộc nổi dậy với khẩu hiệu “đuổi người khách giành
lại đất cũ”, phản đối chính sách của nhà Thanh. Để đối phó với phong trào đó, “nhà
Thanh đàn áp có tính hủy diệt thực hiện chính sách đốt sạch, phá sạch. Ở Đông Nam
Quý Châu, trước đó có khoảng 50 - 60 vạn người Mông, sau 20 năm chỉ còn vài vạn”
[160, tr.21]. Sau biến cố ấy, người Mông tiếp tục di chuyển về phía Nam và phía Tây,
cư trú trên các vùng núi cao tách biệt hẳn với người Hán. Người Mông di cư đến Việt
Nam, trong đó có Lào Cai vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, trong 3 đợt chủ yếu:
Đợt di cư lần thứ nhất diễn ra từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX. Đợt di cư lần
thứ hai diễn ra trong khoảng thời gian 1840 - 1869. Đợt di cư lần thứ ba diễn ra vào
cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Do có nguồn gốc từ phương Bắc, nên người Mông vẫn còn một số yếu tố văn
hóa của người phương Bắc thể hiện qua nhà ở, trang phục, cách thức chế biến thức
ăn,v.v… Tuy nhiên, đa số yếu tố văn hóa của dân tộc Mông thuộc về phương Nam.
Về ngôn ngữ, phần lớn các nhà khoa học xếp ngôn ngữ Mông thuộc ngữ hệ Nam Á.
Hiện nay, trong các dân tộc thiểu số ở Lào Cai, dân tộc Mông chiếm hơn
26% tổng dân số, có 4 ngành chính: Mông Lềnh (Mông Lênhx) chiếm 70% số người
Mông toàn tỉnh, cư trú ở cả 8 huyện, nhưng tập trung ở các huyện Bắc Hà, Mường
Khương, Sa Pa, Bảo Thắng, Bảo Yên; Mông Đen (Mông Đuz) cư trú ở các huyện Bát
Xát, Sa Pa; Mông Xanh (Mông Njuôz) chỉ có ở xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn; Mông
Trắng (Mông Đơưz) cư trú ở các huyện Bắc Hà, Bát Xát, Sa Pa, Si Ma Cai. Tuy phân
biệt thành bốn ngành khác nhau, nhưng chỉ ngành Mông Xanh ở xã Nậm Xé (Văn
Bàn) là có nhiều nét khác biệt. Ba ngành Mông Lềnh, Mông Trắng và Mông Đen cơ
bản giống nhau về văn hoá. Trong ngôn ngữ có tới hơn 90% từ vị và cách phát âm của
các ngành Mông giống nhau. Sự khác nhau giữa các ngành Mông chủ yếu dựa trên
trang phục của phụ nữ, nhưng đúng ra phải phân biệt qua ngôn ngữ mới chính xác.
Chẳng hạn như ở Sa Pa, có 3 ngành Mông Lềnh, Mông Trắng và Mông Đen. Mông
Lềnh và Mông Đen đều mặc quần áo màu đen như nhau nên nhiều người xếp chung
vào ngành Mông Đen. Trên thực tế, ngành Mông Đen chỉ có một nhóm ở xã Tả Phìn
mà thôi, còn phần lớn người Mông ở Sa Pa thuộc ngành Mông Lềnh.
Người Mông di cư đến Việt Nam nói chung và Lào Cai nói riêng với mong
muốn có cuộc sống ổn định hơn và no ấm hơn. Nhưng đến đây, họ lại bị ách áp bức
bóc lột của thế lực thổ ty và thực dân Pháp với chính sách thuế khóa nặng nề. Đời sống
25
của người Mông ở Lào Cai cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX vô cùng cực khổ. Không
chịu khuất phục trước cường quyền, họ liên tiếp đứng lên chống Pháp và tay sai.
Những người tham gia các phong trào bị đàn áp, giam cầm, sát hại. Có cuộc nổi dậy bị
thực dân Pháp đàn áp đẫm máu. Từ khi đát nước độc lập, Lào Cai được giải phóng, đồng
bào Mông phấn khởi, tin tưởng vào Đảng, vào Chính phủ, đồng bào hăng hái dựng xây
cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tạo ra bản làng vùng cao đầm ấm. Người Mông ở Lào Cai
luôn coi Việt Nam là Tổ quốc mình, luôn kề vai sát cánh cùng các dân tộc khác xây dựng
đất nước giàu mạnh và bảo vệ vững chắc vùng “phên giậu” của Tổ quốc.
1.2.1.2. Đời sống kinh tế của người Mông ở Lào Cai
Do người Mông ở Lào Cai sinh sống trên các triền núi cao, gắn bó với núi
rừng, nên nông nghiệp nương rẫy trở thành nền tảng kinh tế quan trọng của đồng
bào. Họ làm nương rẫy theo các dạng địa hình khác nhau để trồng các loại cây
lương thực, rau củ quả phù hợp. Ngoài trồng lúa, ngô, khoai, sắn, bầu, bí, dưa leo,
người Mông còn trồng lanh để lấy sợi dệt vải, trồng các loại cây thuốc để bồi bổ sức
khỏe và chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian.
Kinh tế nương rẫy của người Mông phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Ở vùng cao
do khí hậu lạnh kéo dài, nên người Mông chủ yếu làm một vụ, năng suất cây trồng
thấp, đồng bào liên tục mở rộng diện tích gieo trồng bằng cách phát nương, đốt rẫy.
Phương thức này gây ra những tác hại lớn đến môi trường sinh thái, dẫn đến tài nguyên
cạn kiệt, đất đai bị xói mòn, bạc màu, sản xuất nông lâm nghiệp khó khăn, người Mông
lại du canh du cư tìm vùng đất mới, lập nên những bản làng vùng sâu vùng xa. Môi
trường càng trở nên khép kín, thiếu thông tin, không có điều kiện để giao lưu văn hóa,
nên đồng bào Mông dễ tin theo những điều mê tín và tôn giáo mới.
Ngoài nương rẫy, các hoạt động kinh tế khác cũng đóng vai trò nhất định
trong cuộc sống của đồng bào như săn bắn, hái lượm, thủ công như rèn đúc, thêu
thùa, đan lát... Nhìn chung, kinh tế của dân tộc Mông ở Lào Cai chủ yếu là tự cấp tự
túc, khép kín, lạc hậu, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao.
1.2.1.3. Xã hội truyền thống của người Mông ở Lào Cai
Người Mông có tổ chức xã hội khá chặt chẽ, bền vững. Xã hội truyền thống
của người Mông dựa trên quan hệ huyết thống dòng họ. Những người cùng dòng họ
đều là anh em (cứ tỳ), dù người đó ở đâu, không phụ thuộc vào địa bàn cư trú xa
hay gần, kể cả khác quốc gia. Thành viên trong dòng họ gắn kết và trách nhiệm với
26
nhau trên cơ sở tuân thủ các phong tục tập quán. Về quan hệ láng giềng, làng bản
của người Mông mang tính khép kín, sự cố kết cộng đồng cao.
Người Mông theo chế độ phụ quyền. Chủ gia đình luôn là người bố, khi bố
chết quyền hành trong nhà giao cho con trai trưởng. Chủ gia đình là người đề ra kế
hoạch lao động sản xuất cũng như thực hiện các nghi lễ tôn giáo của gia đình.
Gia đình người Mông ở Lào Cai là một đơn vị kinh tế độc lập, thường từ 2
đến 3 thế hệ, khoảng 05 đến 07 người. Sự phân công lao động trong gia đình rất
chặt chẽ theo giới tính và lứa tuổi. Nam giới đảm nhiệm toàn bộ công việc làm
nương rẫy, cày bừa, cuốc đất vv. Nữ giới trồng cấy, dệt vải, thêu thùa, hái lượm…
Trẻ em từ 13 tuổi trở lên được coi là lao động chính; từ 8 đến 12 tuổi là lao động
phụ. Trong gia đình, mọi người cùng nhau làm, cùng nhau hưởng lợi một cách hài
hòa, đầm ấm.
Gia đình người Mông còn là một đơn vị văn hóa, vì đó là môi trường trao
truyền và phát triển văn hóa tộc người. Từ tấm bé, các em trai được cha dạy cày
bừa, làm súng kíp, đặt bẫy, săn bắn, múa khèn, thổi khèn, thổi sáo và làm lý. Các
em gái được mẹ dạy cho cách may vá, thêu thùa, dệt vải, hát ru, thổi kèn lá, kèn
môi, chế biến thức ăn... Trong gia đình, mỗi thành viên được học nếp sống truyền
thống, qua đó bản sắc văn hóa của đồng bào Mông được bảo lưu từ đời này qua đời
khác. Gia đình người Mông cũng là một đơn vị tín ngưỡng. Ngôi nhà vừa là nơi ở
vừa là nơi thờ cúng các loại ma.
Dòng họ (xênhv) của người Mông gồm những người đàn ông thuộc các thế
hệ khác nhau được sinh ra từ một ông tổ và vợ con của họ. Cùng họ là những người
“cùng ma” (thôngx đangz), qua nhiều ký hiệu tín ngưỡng như: lễ thức chôn cất
người chết, cách làm ma bò, ma lợn, ma cửa... Mỗi họ có nghi lễ riêng. Đối với
người Mông, các lễ cúng ma cửa (xìa mình), ma mụ (đá trùng), ma lợn (bùa đáng),
ma trâu (nhìu đáng) rất quan trọng mà sự phân biệt giữa các dòng họ là số lượng bát
thịt cúng, cách bày bát thịt cúng, nơi cúng, bài cúng. Cùng ma đóng vai trò quan
trọng không chỉ trong việc nhận người cùng huyết thống mà còn là yếu tố cốt lõi để
cố kết các thành viên cùng một ông tổ, xây dựng hệ thống luật tục trong mối quan
hệ giữa người cùng họ và người khác họ. Người Mông coi cùng họ là cùng tổ tiên,
có thể đẻ và chết ở trong nhà của nhau mà không sợ tổ tiên quở trách, luôn phải
giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
27
Người Mông ở Lào Cai có khoảng trên 20 dòng họ, mỗi dòng họ lại có các
chi họ khác nhau. Những người chung tên họ coi nhau là anh em dù không cùng
một ông tổ. Các gia đình trong dòng họ có thể cư trú ở rất xa nhau, nhưng khi đến
chơi với nhau, họ đều coi nhau như người nhà theo chế độ ngoại hôn (cùng họ
không được lấy nhau). Đồng bào cho rằng, lấy vợ gả chồng cho con cái khác dòng
họ thì làm ăn mới tốt, nếu không sẽ bị tổ tiên trừng phạt. Đây là một kiêng kị của
người Mông, không ai được vi phạm.
Mỗi dòng họ của người Mông có một trưởng họ (uox thaux) đảm nhiệm các
công việc chung. Trưởng họ là “người cầm quyền người”. Trưởng họ không nhất
thiết là con trưởng theo kiểu cha truyền con nối như người Kinh ở miền xuôi mà do
dòng họ bầu ra và có thể bị phế truất nếu như không còn tín nhiệm. Trưởng họ phải
là người am hiểu phong tục tập quán, giỏi lý lẽ, giỏi kinh nghiệm sản xuất, được
mọi người ủng hộ và nghe lời (không kể tuổi tác, ngôi thứ). Trưởng họ có quyền
quyết định những công việc hệ trọng trong dòng họ. Như vậy, có thể coi tổ chức
dòng họ là một bộ máy tự quản trong xã hội người Mông. Ngoài trưởng họ còn có
người “cầm quyền ma, quyền khách” (cho dax khuô) và bà cô (phaux). “Người cầm
quyền ma, quyền khách” phụ trách các công việc lên quan đế tín ngưỡng, tế lễ thần
linh. Còn bà cô tuy đã đi lấy chồng, thuộc “ma” nhà chồng nhưng vẫn có trách nhiệm
đối với con cháu của anh em mình.
Trong xã hội truyền thống của người Mông, tổ chức dòng họ thực sự là một
bộ máy tự quản hữu hiệu, với sự cố kết chặt chẽ giữa những người cùng họ hay
cùng ma. Mọi người trong họ luôn đề cao sự tương trợ lẫn nhau trong sản xuất và
đời sống. Các dòng họ thường cư trú quần tụ trong một bản, hay một phần của bản,
tạo nên sức mạnh cộng đồng để chống thiên tai, địch họa và giúp nhau khi gặp khó
khăn, hoạn nạn. Tính cố kết cộng đồng là một nguyên nhân các tôn giáo khác khó
xâm nhập, nhưng khi trong dòng họ có một số người từ bỏ tín ngưỡng truyền thống
để theo Công giáo thì chỉ trong một thời gian sau nhiều người khác cũng theo đạo.
Những gia đình không theo đạo sẽ bị dòng họ gây áp lực tâm lý hoặc bị cô lập.
Về địa bàn cư trú, người Mông ở Lào Cai sinh sống tập trung ở các bản
(jaol/giao) vùng cao. Mỗi bản có một hoặc vài dòng họ. Điều hành công việc chung
là trưởng bản do dân bản bầu ra. Trưởng bản phải là người phải biết làm ăn, hiểu lý
lẽ, sống công bằng, giao thiệp rộng; có anh em họ hàng đông, nhiều kinh nghiệm
28
trong sản xuất. Ông ta có trách nhiệm duy trì trật tự trong bản, điều phối các công
việc chung, giải quyết những mâu thuẫn giữa gia đình các dòng họ hoặc giữa các
thành viên trong bản.
Mỗi bản người Mông có quy ước riêng, mọi người phải thực hiện nghiêm
túc. Việc xử lý các mối quan hệ xã hội của người Mông chủ yếu dựa trên luật tục
mà ít khi dựa trên cơ sở pháp lý hay quy định của chính quyền. Dư luận xã hội và
hình thức phạt vạ nghiêm ngặt là biện pháp đảm bảo các quy ước được thực hiện.
Điều này làm cho những “cái mới” (tôn giáo chẳng hạn) không dễ xâm nhập, nhưng
khi đã xâm nhập thì lại tồn tại, phát triển một cách bền vững. Và cũng chính điều
này, đôi khi gây khó khăn nhất định trong việc quản lý nhà nước ở địa phương.
1.2.1.4. Tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của người Mông ở Lào Cai
Người Mông có tâm thức tôn giáo đa thần, theo quan niệm “vạn vật hữu
linh”, chịu ảnh hưởng của Đạo giáo ngành phù thủy. Hệ thần/ma của người Mông
khá đông đúc và phức tạp. Các hình thức tôn giáo sơ khai như tô tem giáo, hồn linh
giáo vẫn tồn tại và đan xen trong tín ngưỡng dân gian. Trong tín ngưỡng truyền
thống của người Mông, thờ cúng tổ tiên, Shaman giáo và thờ các vị thần/ma có ý
nghĩa hết sức quan trọng. Theo quan niệm của đồng bào, tổ tiên là những người đã chết
thuộc các thế hệ cha ông trở về trước. “Họ” trú ngụ ở trên trời có quyền năng rất lớn,
có thể chi phối đến số phận của con cháu (sức khỏe, công việc…). Sự ban phúc hay
giáng họa của tổ tiên tùy thuộc vào sự đối xử của con cháu, người thân đang sống. Do
đó phải thờ phụng tử tế, chu đáo. Nghi lễ thờ cúng tổ tiên của người Mông ở Lào Cai
khá đơn giản nhưng trang nghiêm, trong đó quan trọng nhất là lễ cúng tổ tiên vào năm
mới (Môngz pêz chơưs), lễ cưới xin (yungz cưs), lễ tang ma (hôngx sưv), lễ cơm mới
(maor yaz), lễ đặt tên trẻ sơ sinh (hnungz krênh nhuôs plix),v.v...
Về thế giới quan, người Mông cho rằng, vũ trụ có hai thế giới cùng tồn tại:
thế giới trên trời là nơi có ông Trời (vị thần có quyền năng cao nhất) và các vị thần
linh của người Mông, trong đó có tổ tiên và những người trong dòng họ đã chết.
Thế giới mặt đất là nơi con người và muôn vật sinh sống, đồng thời có các ma lành,
ma ác. Theo đó, “bầu trời và mặt đất do ông Trời sai khiến bà Chầy tạo nên, còn
người Hmông sinh ra từ trong lòng đất” [124, tr.92].
Người Mông tin rằng, để tồn tại được trên trần gian, họ được các vị thần
giúp đỡ, dạy cách “làm ăn, làm uống”, cách ứng xử trong cộng đồng. Họ luôn
29
ghi nhớ công ơn các vị thần như: ông Chơ Nghĩa là người dạy đàn nhị, kèn sáo,
ca múa và giúp xây dựng “đường lý, đường lẽ” trong ứng xử; Lias Lư là người
định ra luật cưới xin; bà Niav Ngâul Chơ là người dạy cách thêu thùa; ông Xyz Zi
là người cứu chữa bệnh tật và cái chết; ông Sâuz là người chỉ bảo cách giải quyết
vào thời điểm khó khăn nhất,v.v... Các vị thần đó được người Mông coi là những ông tổ
của họ, có công xây dựng nền móng cho sự mưu sinh và văn hóa tinh thần của họ; giúp
họ có đủ sức mạnh chống thiên tai, áp bức, bảo vệ cuộc sống cộng đồng.
Nét nổi bật trong tín ngưỡng truyền thống của người Mông là việc thờ cúng
các thần/ma với những lễ thức riêng biệt. Thờ thần/ma nhà (xử ca), vị thần quản lý
việc nhà, biểu tượng cho sự đầy đủ, giàu sang, được thờ ở giữa vách gian chính đối
diện với cửa nhà; thờ thần/ma cột cái, thần chủ về sự hưng thịnh của gia đình; thờ
thần/ma cửa (xìa mình), vị thần bảo vệ con người và tài sản gia đình, làm cho toàn gia
đình mạnh khỏe, con cái ngoan ngoãn. Ma cửa được cúng vào dip Tết nguyên đán,
hoặc khi trong gia đình có người đau ốm, gia súc bị dịch bệnh. Ngoài ra, trong ngôi nhà
của người Mông còn thờ cúng ma lợn (bùa đáng), ma bếp (hú sinh), ma lò (kho trù).
Người biết lấy thuốc chữa bệnh còn lập thêm bàn thờ Dược vương (Dìu vàng).
Trong bản người Mông còn thờ thần thổ địa (thủ ty). Địa điểm thờ thần thổ
địa có thể được đặt dưới một gốc cây cổ thụ hoặc ở trên hòn đá to có hình thù kỳ dị.
Một số nơi, thần linh của bản là người có công với dân, với nước. Nếu như tổ tiên
và ma nhà chi phối cuộc sống của các gia đình, thì thần linh của làng bản lại chi
phối cuộc sống của cộng đồng. Người Mông tin rằng, người dân trong bản khỏe
mạnh, làm ăn may mắn, mùa màng bội thu, gia súc đông đúc là nhờ các thần/ma
phù hộ. Ngược lại, người dân bị ốm đau, tai nạn, gia súc bị dịch bệnh là do có
những hành động không phải phép với các vị thần bản, nên phải tạ tội.
Trong tín ngưỡng truyền thống của người Mông có một loại hình đặc thù là
shaman giáo. Đó là hình thức thông qua người trung gian (thầy Shaman) để giao
tiếp với thần linh, qua đó nhờ thần linh giúp đỡ những điều mình mong muốn.
Shaman giáo có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào, chủ yếu
giúp họ chữa bệnh và giải hạn. Mỗi khi ai đó gặp hoàn cảnh éo le, ốm đau, hoặc bế
tắc trong cuộc sống, họ lại tìm đến thầy Shaman với mong muốn được cứu giúp,
nâng đỡ để vượt qua vận hạn. Thầy Shaman có một vị trí đặc biệt trong xã hội
truyền thống của người Mông. Hiện nay, vai trò của Shaman giáo và thầy shaman
30
trong đời sống của người Mông ở Lào Cai đã suy giảm nhiều. Khi bị đau ốm, nhiều
người không còn mời thầy Shaman đến cúng mà thay vào đó họ đến các cơ sở y tế
khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, “văn
hóa tâm linh của người Mông ở Việt Nam thực sự đứng trước những thách thức của
sự chuyển đổi và phát triển. Thực tế đời sống văn hóa tâm linh của người Mông gần
đây đã và đang có những biến động về sự tự điều chỉnh về tập quán lối sống trong
sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, đồng thời là sự cọ sát, phản ứng hay tiếp nhận các
yếu tố văn hóa tâm linh bên ngoài” [124, tr.274].
Tóm lại, người Mông luôn tin tưởng tín ngưỡng có thể giải quyết được
những vấn đề bức thiết của cuộc sống. Khi những đòi hỏi ấy không được đáp ứng,
họ dễ từ bỏ tín ngưỡng truyền thống cũ để đi theo một tôn giáo mới.
1.2.1.5. Hiện tượng xưng vua của người Mông
Liên quan đến đời sống tín ngưỡng truyền thống của người Mông còn có một
hiện tượng rất đặc biệt là “xưng vua”. Là một tộc người bị phong kiến Trung Hoa
đánh đuổi, chịu nhiều đau thương trong quá khứ; từ một dân tộc hùng mạnh, từng
có quốc gia lãnh thổ, có nền văn hóa, có chữ viết riêng trở thành một tộc người
phiêu bạt, lưu tán khắp nơi, sống trên các đỉnh núi cao đầy gian khổ. Họ muốn
giành lại quá khứ huy hoàng, nhưng càng đấu tranh chống áp bức càng bị thất bại.
Vì vậy, người Mông luôn khát khao cuộc sống no đủ, không bị chèn ép, bất công;
không có ốm đau, tật bệnh. Họ mong ước một ngày nào đó có một ông vua tài giỏi
có thể giúp đồng bào khá giả, hạnh phúc. “Vua” trong tâm thức người Mông là nhân
vật vô hình, được dựng lên một cách huyền bí; là người có quyền năng như các vị
thần, có thể đem lại hạnh phúc cho đồng bào. Đây là hiện tượng có sự đan xen giữa
con người cụ thể với con người tưởng tượng. Vì thế, tục “xưng vua” vừa mang tính
thế tục vừa có tính tôn giáo. Trong thế kỷ XX, vùng người Mông ở Lào Cai có ba
người xưng vua (Giàng Sran xưng vua năm 1918, một người họ Châu ở Mường
Khương xưng vua năm 1938, Thào A Bâu xưng vua năm 1953).
Tóm lại, các hình thức tín ngưỡng truyền thống của người Mông có vai trò
quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào, giúp họ cân bằng trạng thái tâm
lý khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Thờ cúng tổ tiên và các thần/ma của dân tộc
Mông có ý nghĩa thiêng liêng, trong đó có những yếu tố cần được bảo tồn và phát
huy. Nhưng cũng có một số nghi lễ truyền thống của người Mông mang đậm yếu tố
mê tín, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của cộng đồng.
31
1.2.1.6. Đặc điểm tâm lý tộc người
Điều kiện sinh tồn trong hoàn cảnh khó khăn đã tạo nên ở người Mông ý
thức cố kết cộng đồng bền chặt. Dù ở đâu và làm gì, họ cũng hướng về cộng đồng
mình. Giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc là việc làm có ý nghĩa thiêng liêng mà
mỗi người Mông đều tự thấy bản thân phải có trách nhiệm. Những người làm trái
với phong tục, tập quán truyền thống đều bị cộng đồng phản ứng quyết liệt, thậm
chí bị lên án, cô lập.
Người Mông từng có một vương quốc hùng mạnh ở vùng Quý Châu (Trung
Quốc), có kỹ thuật cao trong làm ruộng bậc thang, rèn đúc khí cụ, dệt vải, săn
bắn,v.v... Sự đàn áp của các triều đại phong kiến Hán tộc đã đẩy họ vào những cuộc
thiên di đầy máu và nước mắt, biến họ thành tộc người sống lưu vong khắp nơi trên
các vùng núi cao, trong đó có tỉnh Lào Cai của Việt Nam. Họ vừa tự hào về quá khứ
huy hoàng vừa xót xa cho số phận của một dân tộc bị li tán. Hoàn cảnh lịch sử ấy
tạo cho đồng bào tâm lý mặc cảm, tự ti, luôn cảm thấy kém cỏi hơn các dân tộc
khác. Đó là một rào cản trong sự giao lưu với các dân tộc anh em khác, khiến người
Mông có lối sống khép kín. Chính điều đó làm cho họ luôn mong ước sự xuất hiện
một đấng siêu nhiên có nhiều quyền phép để có thể giúp đồng bào có cuộc sống no
đủ hơn.
Người Mông khi đã tin ai thì tin sâu sắc, có thể thổ lộ hết tâm tình, sẵn sàng
làm mọi việc kể cả khó khăn nhất; ngược lại khi đã không tin thì họ không nói,
không nghe và không làm theo. Khi đã thề làm theo một việc gì đó thì không gì có
thể thay đổi được sự quyết tâm của họ. Họ theo đến tận cùng lời thề của mình. Bên
cạnh đó, người Mông còn đề cao sự bình đẳng và rất trọng danh dự. Mọi sự xúc
phạm đến cá nhân hay cộng đồng dù vô tình hay cố ý, đối với người Mông là điều
không thể chấp nhận được. Họ khó quên những điều đó.
Tâm lý của người Mông tuy mạnh mẽ nhưng thiếu bền vững và dễ bị tác
động, chỉ cần một tin đồn thất thiệt liên quan đến tính mạng bản thân và gia đình thì
họ có thể phản ứng mãnh liệt, tâm trạng hoang mang. Trong cuộc sống đời thường,
họ thiên về tư duy trực quan, cảm tính, cụ thể, nhưng trong đời sống tâm linh thì họ
lại có lối suy nghĩ siêu thực, ấp ủ, mơ ước, nối tiếc, hy vọng và cũng khá lãng mạn.
Người Mông có phong thái phóng khoáng, tự tin, tự trọng. Họ sống thật
thà, chân thành, cởi mở, thuỷ chung, tôn trọng đạo lý, yêu cái tốt, ghét cái xấu...
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY

More Related Content

Similar to Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY

Ảnh hưởng của công giáo đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân tỉnh Nin...
Ảnh hưởng của công giáo đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân tỉnh Nin...Ảnh hưởng của công giáo đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân tỉnh Nin...
Ảnh hưởng của công giáo đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân tỉnh Nin...HanaTiti
 
[123doc] - tin-nguong-tho-cung-to-tien-va-nhung-gia-tri-cua-no-trong-doi-song...
[123doc] - tin-nguong-tho-cung-to-tien-va-nhung-gia-tri-cua-no-trong-doi-song...[123doc] - tin-nguong-tho-cung-to-tien-va-nhung-gia-tri-cua-no-trong-doi-song...
[123doc] - tin-nguong-tho-cung-to-tien-va-nhung-gia-tri-cua-no-trong-doi-song...NuioKila
 
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí...
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí...Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí...
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
luận văn nhân sinh quan phật giáo với đời sống tinh thần của nhân dân các bộ ...
luận văn nhân sinh quan phật giáo với đời sống tinh thần của nhân dân các bộ ...luận văn nhân sinh quan phật giáo với đời sống tinh thần của nhân dân các bộ ...
luận văn nhân sinh quan phật giáo với đời sống tinh thần của nhân dân các bộ ...sividocz
 
Luận án: Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng g...
Luận án: Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng g...Luận án: Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng g...
Luận án: Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng g...Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
Mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Qua nghiên cứu mộ...
Mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Qua nghiên cứu mộ...Mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Qua nghiên cứu mộ...
Mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Qua nghiên cứu mộ...NuioKila
 
Luận Văn Giá Trị Văn Hoá Của Một Số Nhà Thờ Công Giáo Hải Phòng - Định Hướng ...
Luận Văn Giá Trị Văn Hoá Của Một Số Nhà Thờ Công Giáo Hải Phòng - Định Hướng ...Luận Văn Giá Trị Văn Hoá Của Một Số Nhà Thờ Công Giáo Hải Phòng - Định Hướng ...
Luận Văn Giá Trị Văn Hoá Của Một Số Nhà Thờ Công Giáo Hải Phòng - Định Hướng ...tcoco3199
 
Chủ nghĩa mác lênin, tư tưởng hồ chí minh về tôn giáo và việc thực hiện chính...
Chủ nghĩa mác lênin, tư tưởng hồ chí minh về tôn giáo và việc thực hiện chính...Chủ nghĩa mác lênin, tư tưởng hồ chí minh về tôn giáo và việc thực hiện chính...
Chủ nghĩa mác lênin, tư tưởng hồ chí minh về tôn giáo và việc thực hiện chính...Man_Ebook
 
Luận án: Tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, HAY - Gửi miễn ...
Luận án: Tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, HAY - Gửi miễn ...Luận án: Tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, HAY - Gửi miễn ...
Luận án: Tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, HAY - Gửi miễn ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với đạo Công giáo trên địa bàn tỉnh Ni...
Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với đạo Công giáo trên địa bàn tỉnh Ni...Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với đạo Công giáo trên địa bàn tỉnh Ni...
Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với đạo Công giáo trên địa bàn tỉnh Ni...nataliej4
 
Tìm hiểu nghi lễ cầu an qua khảo cứu một số ngôi chùa ở Hà Nội hiện nay
Tìm hiểu nghi lễ cầu an qua khảo cứu một số ngôi chùa ở Hà Nội hiện nayTìm hiểu nghi lễ cầu an qua khảo cứu một số ngôi chùa ở Hà Nội hiện nay
Tìm hiểu nghi lễ cầu an qua khảo cứu một số ngôi chùa ở Hà Nội hiện nayDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 

Similar to Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY (20)

Ảnh hưởng của công giáo đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân tỉnh Nin...
Ảnh hưởng của công giáo đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân tỉnh Nin...Ảnh hưởng của công giáo đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân tỉnh Nin...
Ảnh hưởng của công giáo đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân tỉnh Nin...
 
[123doc] - tin-nguong-tho-cung-to-tien-va-nhung-gia-tri-cua-no-trong-doi-song...
[123doc] - tin-nguong-tho-cung-to-tien-va-nhung-gia-tri-cua-no-trong-doi-song...[123doc] - tin-nguong-tho-cung-to-tien-va-nhung-gia-tri-cua-no-trong-doi-song...
[123doc] - tin-nguong-tho-cung-to-tien-va-nhung-gia-tri-cua-no-trong-doi-song...
 
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí...
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí...Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí...
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí...
 
luận văn nhân sinh quan phật giáo với đời sống tinh thần của nhân dân các bộ ...
luận văn nhân sinh quan phật giáo với đời sống tinh thần của nhân dân các bộ ...luận văn nhân sinh quan phật giáo với đời sống tinh thần của nhân dân các bộ ...
luận văn nhân sinh quan phật giáo với đời sống tinh thần của nhân dân các bộ ...
 
Đề tài: Lễ hội Công giáo tại Việt Nam và phát triển du lịch, HAY
Đề tài: Lễ hội Công giáo tại Việt Nam và phát triển du lịch, HAYĐề tài: Lễ hội Công giáo tại Việt Nam và phát triển du lịch, HAY
Đề tài: Lễ hội Công giáo tại Việt Nam và phát triển du lịch, HAY
 
Luận Văn Về Nhân Sinh Quan Trong Kinh Tân Ước Của Kitô Giáo.docx
Luận Văn Về Nhân Sinh Quan Trong Kinh Tân Ước Của Kitô Giáo.docxLuận Văn Về Nhân Sinh Quan Trong Kinh Tân Ước Của Kitô Giáo.docx
Luận Văn Về Nhân Sinh Quan Trong Kinh Tân Ước Của Kitô Giáo.docx
 
Luận án: Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng g...
Luận án: Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng g...Luận án: Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng g...
Luận án: Ảnh hưởng quan niệm của Nho giáo về gia đình đối với việc xây dựng g...
 
Ảnh hưởng của Nho giáo đến đời sống tinh thần của người Việt Nam
Ảnh hưởng của Nho giáo đến đời sống tinh thần của người Việt NamẢnh hưởng của Nho giáo đến đời sống tinh thần của người Việt Nam
Ảnh hưởng của Nho giáo đến đời sống tinh thần của người Việt Nam
 
Mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Qua nghiên cứu mộ...
Mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Qua nghiên cứu mộ...Mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Qua nghiên cứu mộ...
Mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Qua nghiên cứu mộ...
 
Luận Văn Giá Trị Văn Hoá Của Một Số Nhà Thờ Công Giáo Hải Phòng - Định Hướng ...
Luận Văn Giá Trị Văn Hoá Của Một Số Nhà Thờ Công Giáo Hải Phòng - Định Hướng ...Luận Văn Giá Trị Văn Hoá Của Một Số Nhà Thờ Công Giáo Hải Phòng - Định Hướng ...
Luận Văn Giá Trị Văn Hoá Của Một Số Nhà Thờ Công Giáo Hải Phòng - Định Hướng ...
 
Chủ nghĩa mác lênin, tư tưởng hồ chí minh về tôn giáo và việc thực hiện chính...
Chủ nghĩa mác lênin, tư tưởng hồ chí minh về tôn giáo và việc thực hiện chính...Chủ nghĩa mác lênin, tư tưởng hồ chí minh về tôn giáo và việc thực hiện chính...
Chủ nghĩa mác lênin, tư tưởng hồ chí minh về tôn giáo và việc thực hiện chính...
 
Luận án: Ảnh hưởng Nho giáo đến giáo dục đạo đức ở Việt Nam
Luận án: Ảnh hưởng Nho giáo đến giáo dục đạo đức ở Việt NamLuận án: Ảnh hưởng Nho giáo đến giáo dục đạo đức ở Việt Nam
Luận án: Ảnh hưởng Nho giáo đến giáo dục đạo đức ở Việt Nam
 
Luận Văn Nhân Sinh Quan Phật Giáo Với Đời Sống Tinh Thần Của Nhân Dân Các Bộ ...
Luận Văn Nhân Sinh Quan Phật Giáo Với Đời Sống Tinh Thần Của Nhân Dân Các Bộ ...Luận Văn Nhân Sinh Quan Phật Giáo Với Đời Sống Tinh Thần Của Nhân Dân Các Bộ ...
Luận Văn Nhân Sinh Quan Phật Giáo Với Đời Sống Tinh Thần Của Nhân Dân Các Bộ ...
 
Luận án: Tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, HAY - Gửi miễn ...
Luận án: Tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, HAY - Gửi miễn ...Luận án: Tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, HAY - Gửi miễn ...
Luận án: Tuyên truyền giá trị văn hóa của tín ngưỡng thờ mẫu, HAY - Gửi miễn ...
 
Luận án: Sự chuyển biến đời sống tôn giáo ở Việt Nam, HAY
Luận án: Sự chuyển biến đời sống tôn giáo ở Việt Nam, HAYLuận án: Sự chuyển biến đời sống tôn giáo ở Việt Nam, HAY
Luận án: Sự chuyển biến đời sống tôn giáo ở Việt Nam, HAY
 
Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với đạo Công giáo trên địa bàn tỉnh Ni...
Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với đạo Công giáo trên địa bàn tỉnh Ni...Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với đạo Công giáo trên địa bàn tỉnh Ni...
Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với đạo Công giáo trên địa bàn tỉnh Ni...
 
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Tày ở Tuyên Quang, HAY
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Tày ở Tuyên Quang, HAYTín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Tày ở Tuyên Quang, HAY
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Tày ở Tuyên Quang, HAY
 
Cơ Sở Lý Luận Pháp Luật Việt Nam Về Quyền Tự Do Tín Ngưỡng
Cơ Sở Lý Luận Pháp Luật Việt Nam Về Quyền Tự Do Tín NgưỡngCơ Sở Lý Luận Pháp Luật Việt Nam Về Quyền Tự Do Tín Ngưỡng
Cơ Sở Lý Luận Pháp Luật Việt Nam Về Quyền Tự Do Tín Ngưỡng
 
Cơ Sở Lý Luận Pháp Luật Việt Nam Về Quyền Tự Do Tín Ngưỡng.
Cơ Sở Lý Luận Pháp Luật Việt Nam Về Quyền Tự Do Tín Ngưỡng.Cơ Sở Lý Luận Pháp Luật Việt Nam Về Quyền Tự Do Tín Ngưỡng.
Cơ Sở Lý Luận Pháp Luật Việt Nam Về Quyền Tự Do Tín Ngưỡng.
 
Tìm hiểu nghi lễ cầu an qua khảo cứu một số ngôi chùa ở Hà Nội hiện nay
Tìm hiểu nghi lễ cầu an qua khảo cứu một số ngôi chùa ở Hà Nội hiện nayTìm hiểu nghi lễ cầu an qua khảo cứu một số ngôi chùa ở Hà Nội hiện nay
Tìm hiểu nghi lễ cầu an qua khảo cứu một số ngôi chùa ở Hà Nội hiện nay
 

More from Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864

Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.docTạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.docDịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 

More from Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864 (20)

Yếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.doc
Yếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.docYếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.doc
Yếu Tố Tự Truyện Trong Truyện Ngắn Thạch Lam Và Thanh Tịnh.doc
 
Từ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.doc
Từ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.docTừ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.doc
Từ Ngữ Biểu Thị Tâm Lí – Tình Cảm Trong Ca Dao Người Việt.doc
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Môn Khoa Học Tự Nhiên Theo Chuẩn Kiến Thức Và K...
 
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
Quản Lý Thu Thuế Giá Trị Gia Tăng Đối Với Doanh Nghiệp Ngoài Quốc Doanh Trên ...
 
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
Thu Hút Nguồn Nhân Lực Trình Độ Cao Vào Các Cơ Quan Hành Chính Nhà Nước Tỉnh ...
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương Mại ...
 
Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...
Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...
Vaporisation Of Single And Binary Component Droplets In Heated Flowing Gas St...
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Các Trường Thpt Trên Địa Bàn Huyện Sơn Hà Tỉnh Quản...
 
Tác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.doc
Tác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.docTác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.doc
Tác Giả Hàm Ẩn Trong Tiểu Thuyết Nguyễn Việt Hà.doc
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngắn Hạn Tại Ngân Hàng Công Thƣơng Chi...
 
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
Quản Lý Nhà Nước Về Nuôi Trồng Thủy Sản Nước Ngọt Trên Địa Bàn Thành Phố Hải ...
 
Song Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.doc
Song Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.docSong Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.doc
Song Song Hóa Các Thuật Toán Trên Mạng Đồ Thị.doc
 
Ứng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.doc
Ứng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.docỨng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.doc
Ứng Dụng Số Phức Trong Các Bài Toán Sơ Cấp.doc
 
Vai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.doc
Vai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.docVai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.doc
Vai Trò Của Cái Bi Trong Giáo Dục Thẩm Mỹ.doc
 
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
Quản Lý Hoạt Động Giáo Dục Ngoài Giờ Lên Lớp Ở Các Trường Thcs Huyện Chư Păh ...
 
Thu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.doc
Thu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.docThu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.doc
Thu Hút Vốn Đầu Tư Vào Lĩnh Vực Nông Nghiệp Trên Địa Bàn Tỉnh Gia Lai.doc
 
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
Quản Lý Hoạt Động Dạy Học Ngoại Ngữ Tại Các Trung Tâm Ngoại Ngữ - Tin Học Trê...
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại ...
 
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.docTạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
Tạo Việc Làm Cho Thanh Niên Trên Địa Bàn Quận Thanh Khê, Thành Phố Đà Nẵng.doc
 
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
Quản Trị Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Trung Và Dài Hạn Tại Ngân Hàng Thương ...
 

Recently uploaded

Nhân vật người mang lốt cóc trong truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam
Nhân vật người mang lốt cóc trong truyện cổ tích thần kỳ Việt NamNhân vật người mang lốt cóc trong truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam
Nhân vật người mang lốt cóc trong truyện cổ tích thần kỳ Việt Namlamluanvan.net Viết thuê luận văn
 
Phân tích báo cáo tài chính tại công ty TNHH xây dựng và thương mại Thịnh An
Phân tích báo cáo tài chính tại công ty TNHH xây dựng và thương mại Thịnh AnPhân tích báo cáo tài chính tại công ty TNHH xây dựng và thương mại Thịnh An
Phân tích báo cáo tài chính tại công ty TNHH xây dựng và thương mại Thịnh Anlamluanvan.net Viết thuê luận văn
 
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 1-20) ...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 1-20) ...40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 1-20) ...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 1-20) ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
XÂY DỰNG KẾ HOẠCH KINH DOANH CHO CÔNG TY KHÁCH SẠN SÀI GÒN CENTER ĐẾN NĂM 2025
XÂY DỰNG KẾ HOẠCH KINH DOANH CHO CÔNG TY KHÁCH SẠN SÀI GÒN CENTER ĐẾN NĂM 2025XÂY DỰNG KẾ HOẠCH KINH DOANH CHO CÔNG TY KHÁCH SẠN SÀI GÒN CENTER ĐẾN NĂM 2025
XÂY DỰNG KẾ HOẠCH KINH DOANH CHO CÔNG TY KHÁCH SẠN SÀI GÒN CENTER ĐẾN NĂM 2025lamluanvan.net Viết thuê luận văn
 
Hoàn thiện hoạt động kiểm soát rủi ro tín dụng trong cho vay doanh nghiệp tại...
Hoàn thiện hoạt động kiểm soát rủi ro tín dụng trong cho vay doanh nghiệp tại...Hoàn thiện hoạt động kiểm soát rủi ro tín dụng trong cho vay doanh nghiệp tại...
Hoàn thiện hoạt động kiểm soát rủi ro tín dụng trong cho vay doanh nghiệp tại...lamluanvan.net Viết thuê luận văn
 
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 21-30)...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 21-30)...40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 21-30)...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 21-30)...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...Nguyen Thanh Tu Collection
 
CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN...
CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN...CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN...
CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN...lamluanvan.net Viết thuê luận văn
 
[123doc] - ao-dai-truyen-thong-viet-nam-va-xuong-xam-trung-quoc-trong-nen-van...
[123doc] - ao-dai-truyen-thong-viet-nam-va-xuong-xam-trung-quoc-trong-nen-van...[123doc] - ao-dai-truyen-thong-viet-nam-va-xuong-xam-trung-quoc-trong-nen-van...
[123doc] - ao-dai-truyen-thong-viet-nam-va-xuong-xam-trung-quoc-trong-nen-van...VnTh47
 
Luận văn 2024 Tạo động lực lao động tại Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương
Luận văn 2024 Tạo động lực lao động tại Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy PhươngLuận văn 2024 Tạo động lực lao động tại Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương
Luận văn 2024 Tạo động lực lao động tại Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phươnglamluanvan.net Viết thuê luận văn
 
Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...
Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...
Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...lamluanvan.net Viết thuê luận văn
 
35 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...
35 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...35 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...
35 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ĐỀ SỐ 1 Của sở giáo dục đào tạo tỉnh NA.pdf
ĐỀ SỐ 1 Của sở giáo dục đào tạo tỉnh NA.pdfĐỀ SỐ 1 Của sở giáo dục đào tạo tỉnh NA.pdf
ĐỀ SỐ 1 Của sở giáo dục đào tạo tỉnh NA.pdflevanthu03031984
 
22 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH TIẾNG ANH VÀO 10 SỞ GD – ĐT THÁI BÌNH NĂM HỌC 2023-2...
22 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH TIẾNG ANH VÀO 10 SỞ GD – ĐT THÁI BÌNH NĂM HỌC 2023-2...22 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH TIẾNG ANH VÀO 10 SỞ GD – ĐT THÁI BÌNH NĂM HỌC 2023-2...
22 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH TIẾNG ANH VÀO 10 SỞ GD – ĐT THÁI BÌNH NĂM HỌC 2023-2...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Bài giảng chương 8: Phương trình vi phân cấp một và cấp hai
Bài giảng chương 8: Phương trình vi phân cấp một và cấp haiBài giảng chương 8: Phương trình vi phân cấp một và cấp hai
Bài giảng chương 8: Phương trình vi phân cấp một và cấp haingTonH1
 
Hoạt động truyền thông qua mạng xã hội của các công ty BHNT hàng đầu việt nam...
Hoạt động truyền thông qua mạng xã hội của các công ty BHNT hàng đầu việt nam...Hoạt động truyền thông qua mạng xã hội của các công ty BHNT hàng đầu việt nam...
Hoạt động truyền thông qua mạng xã hội của các công ty BHNT hàng đầu việt nam...lamluanvan.net Viết thuê luận văn
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Luận văn 2024 Tuyển dụng nhân lực tại Công ty cổ phần in Hồng Hà
Luận văn 2024 Tuyển dụng nhân lực tại Công ty cổ phần in Hồng HàLuận văn 2024 Tuyển dụng nhân lực tại Công ty cổ phần in Hồng Hà
Luận văn 2024 Tuyển dụng nhân lực tại Công ty cổ phần in Hồng Hàlamluanvan.net Viết thuê luận văn
 

Recently uploaded (20)

Nhân vật người mang lốt cóc trong truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam
Nhân vật người mang lốt cóc trong truyện cổ tích thần kỳ Việt NamNhân vật người mang lốt cóc trong truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam
Nhân vật người mang lốt cóc trong truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam
 
Trích dẫn theo Harvard với Microsoft Word
Trích dẫn theo Harvard với Microsoft WordTrích dẫn theo Harvard với Microsoft Word
Trích dẫn theo Harvard với Microsoft Word
 
Phân tích báo cáo tài chính tại công ty TNHH xây dựng và thương mại Thịnh An
Phân tích báo cáo tài chính tại công ty TNHH xây dựng và thương mại Thịnh AnPhân tích báo cáo tài chính tại công ty TNHH xây dựng và thương mại Thịnh An
Phân tích báo cáo tài chính tại công ty TNHH xây dựng và thương mại Thịnh An
 
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 1-20) ...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 1-20) ...40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 1-20) ...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 1-20) ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
XÂY DỰNG KẾ HOẠCH KINH DOANH CHO CÔNG TY KHÁCH SẠN SÀI GÒN CENTER ĐẾN NĂM 2025
XÂY DỰNG KẾ HOẠCH KINH DOANH CHO CÔNG TY KHÁCH SẠN SÀI GÒN CENTER ĐẾN NĂM 2025XÂY DỰNG KẾ HOẠCH KINH DOANH CHO CÔNG TY KHÁCH SẠN SÀI GÒN CENTER ĐẾN NĂM 2025
XÂY DỰNG KẾ HOẠCH KINH DOANH CHO CÔNG TY KHÁCH SẠN SÀI GÒN CENTER ĐẾN NĂM 2025
 
Hoàn thiện hoạt động kiểm soát rủi ro tín dụng trong cho vay doanh nghiệp tại...
Hoàn thiện hoạt động kiểm soát rủi ro tín dụng trong cho vay doanh nghiệp tại...Hoàn thiện hoạt động kiểm soát rủi ro tín dụng trong cho vay doanh nghiệp tại...
Hoàn thiện hoạt động kiểm soát rủi ro tín dụng trong cho vay doanh nghiệp tại...
 
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 21-30)...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 21-30)...40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 21-30)...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 21-30)...
 
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
 
CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN...
CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN...CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN...
CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN...
 
[123doc] - ao-dai-truyen-thong-viet-nam-va-xuong-xam-trung-quoc-trong-nen-van...
[123doc] - ao-dai-truyen-thong-viet-nam-va-xuong-xam-trung-quoc-trong-nen-van...[123doc] - ao-dai-truyen-thong-viet-nam-va-xuong-xam-trung-quoc-trong-nen-van...
[123doc] - ao-dai-truyen-thong-viet-nam-va-xuong-xam-trung-quoc-trong-nen-van...
 
Luận văn 2024 Tạo động lực lao động tại Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương
Luận văn 2024 Tạo động lực lao động tại Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy PhươngLuận văn 2024 Tạo động lực lao động tại Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương
Luận văn 2024 Tạo động lực lao động tại Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương
 
Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...
Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...
Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...
 
35 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...
35 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...35 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...
35 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM ...
 
ĐỀ SỐ 1 Của sở giáo dục đào tạo tỉnh NA.pdf
ĐỀ SỐ 1 Của sở giáo dục đào tạo tỉnh NA.pdfĐỀ SỐ 1 Của sở giáo dục đào tạo tỉnh NA.pdf
ĐỀ SỐ 1 Của sở giáo dục đào tạo tỉnh NA.pdf
 
22 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH TIẾNG ANH VÀO 10 SỞ GD – ĐT THÁI BÌNH NĂM HỌC 2023-2...
22 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH TIẾNG ANH VÀO 10 SỞ GD – ĐT THÁI BÌNH NĂM HỌC 2023-2...22 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH TIẾNG ANH VÀO 10 SỞ GD – ĐT THÁI BÌNH NĂM HỌC 2023-2...
22 ĐỀ THI THỬ TUYỂN SINH TIẾNG ANH VÀO 10 SỞ GD – ĐT THÁI BÌNH NĂM HỌC 2023-2...
 
Bài giảng chương 8: Phương trình vi phân cấp một và cấp hai
Bài giảng chương 8: Phương trình vi phân cấp một và cấp haiBài giảng chương 8: Phương trình vi phân cấp một và cấp hai
Bài giảng chương 8: Phương trình vi phân cấp một và cấp hai
 
Hoạt động truyền thông qua mạng xã hội của các công ty BHNT hàng đầu việt nam...
Hoạt động truyền thông qua mạng xã hội của các công ty BHNT hàng đầu việt nam...Hoạt động truyền thông qua mạng xã hội của các công ty BHNT hàng đầu việt nam...
Hoạt động truyền thông qua mạng xã hội của các công ty BHNT hàng đầu việt nam...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Luận văn 2024 Tuyển dụng nhân lực tại Công ty cổ phần in Hồng Hà
Luận văn 2024 Tuyển dụng nhân lực tại Công ty cổ phần in Hồng HàLuận văn 2024 Tuyển dụng nhân lực tại Công ty cổ phần in Hồng Hà
Luận văn 2024 Tuyển dụng nhân lực tại Công ty cổ phần in Hồng Hà
 

Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY

  • 1. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH LÊ ĐÌNH LỢI C¤NG GI¸O TRONG CéNG §åNG NG¦êI M¤NG ë LµO CAI LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH: TÔN GIÁO HỌC HÀ NỘI - 2020
  • 2. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH LÊ ĐÌNH LỢI C¤NG GI¸O TRONG CéNG §åNG NG¦êI M¤NG ë LµO CAI LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH: TÔN GIÁO HỌC Mã số: 62 22 03 09 Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. NGUYỄN PHÚ LỢI HÀ NỘI - 2020
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu trong luận án là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng. Các kết luận khoa học của luận án chưa từng được công bố trên bất kỳ công trình nào khác. Tác giả Lê Đình Lợi
  • 4. MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU 1 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU 6 1.1. Tình hình nghiên cứu và những vấn đề liên quan đến luận án 6 1.2. Khái quát về người Mông và địa bàn nghiên cứu 23 Chương 2: QUÁ TRÌNH DU NHẬP, PHÁT TRIỂN VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA CÔNG GIÁO TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI MÔNG Ở LÀO CAI 34 2.1. Quá trình du nhập, phát triển và nguyên nhân của Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai 34 2.2. Một số đặc điểm Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai 52 Chương 3: THỰC TRẠNG VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI MÔNG Ở LÀO CAI HIỆN NAY 64 3.1. Thực trạng Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai hiện nay 64 3.2. Ảnh hưởng của Công giáo đối với tín ngưỡng, phong tục tập quán và một số lĩnh vực của đời sống xã hội 95 Chương 4: VẤN ĐỀ ĐẶT RA TỪ THỰC TRẠNG CÔNG GIÁO TRONG CỘNG ĐỒNG NGƯỜI MÔNG Ở LÀO CAI HIỆN NAY VÀ GIẢI PHÁP, KHUYẾN NGHỊ 117 4.1. Vấn đề đặt ra từ thực trạng Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai 117 4.2. Dự báo xu hướng Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai trong thời gian tới 125 4.3. Một số giải pháp và khuyến nghị 139 KẾT LUẬN 148 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 151 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 152 PHỤ LỤC
  • 5. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Theo giáo sử, Công giáo hiện diện ở nước ta từ năm 1533, do các giáo sĩ dòng Phan sinh thuộc Bồ Đào Nha và dòng Đa minh thuộc Tây Ban Nha truyền nhập, nhưng phải đến đầu thế kỷ XVII, dưới sự truyền giáo của các giáo sỹ dòng Tên thuộc Bồ Đào Nha từ Ma Cao (Trung Quốc) đến Việt Nam hoạt động, công cuộc truyền bá Công giáo mới đạt kết quả. Mặc dù tín lý Công giáo có nhiều điểm khác biệt với văn hóa, tín ngưỡng truyền thống, song với sự bền bỉ của các nhà truyền giáo phương Tây, tôn giáo này đã dần bám rễ vào dân chúng và trở thành một tôn giáo lớn có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội ở Việt Nam. Đến đầu thế kỷ XX, nghĩa là sau gần 400 năm có mặt ở Việt Nam, Công giáo mới truyền vào vùng đồng bào dân tộc Mông ở Lào Cai. Dù các giáo sĩ rất tích cực, sốt sắng trong việc truyền giáo, nhưng do nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan (như sự bất đồng ngôn ngữ, những khác biệt giữa văn hóa Mông với văn hóa Công giáo…) nên kết quả đạt được không như mong muốn. Đến năm 1945, số người Mông theo Công giáo ở Lào Cai chỉ vài chục gia đình. Một thời gian dài (1948-1989), Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai không phát triển được, suy giảm về số lượng, lâm vào tình trạng khô đạo, nhạt đạo, thậm chí một số người đã bỏ đạo; mọi sinh hoạt tôn giáo rất mờ nhạt. Từ năm 1990 đến nay, Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai từng bước phục hồi và phát triển. Sự xuất hiện của Công giáo ở Lào Cai đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và đặt ra nhiều vấn đề, nhất là vấn đề hội nhập văn hóa Công giáo với văn hóa dân tộc Mông; vấn đề hình thành cộng đồng tôn giáo (Công giáo) - tộc người (người Mông) trong vùng. Việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vùng đồng bào Mông theo các tôn giáo nói chung và theo Công giáo nói riêng đang đặt ra cho chính quyền tỉnh Lào Cai nhiều vấn đề phải giải quyết. Mặt khác, cho đến nay, các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc và vấn đề tôn giáo, kích động đồng bào dân tộc Mông ở các tỉnh miền núi phái Bắc chống đối chính quyền, gây những phức tạp về an ninh, quốc phòng ở nhiều địa phương. Do đó, vấn đề người Mông ở Lào Cai theo Công giáo rất cần được nghiên cứu một cách toàn diện, hệ thống và cập nhật bởi vì:
  • 6. 2 Thứ nhất, người Mông là một tộc người có truyền thống văn hóa lâu đời, tâm thức đa thần, đặc biệt là thờ cúng tổ tiên với vai trò nổi bật của dòng họ. Thế nhưng, ngay từ đầu thế kỉ XX, một bộ phận đã từ bỏ tín ngưỡng truyền thống để theo Công giáo - một tôn giáo phương Tây hoàn toàn xa lạ đối với đồng bào. Dù ban đầu chỉ có vài chục hộ rải rác ở các thôn bản thuộc hai xã Lao Chải và Hầu Thào thuộc huyện Sa Pa, song, tín đồ Công giáo người Mông lại rất kiên đạo, với cái lý “đã tin cái gì thì tin đến tận cùng”. Bằng chứng là trong gần 60 năm, dù không có linh mục hướng dẫn, nhà thờ xuống cấp, kinh tế - xã hội khó khăn, hầu như không có hoạt động mang tính thực hành tôn giáo, nhưng họ vẫn không bỏ đạo để trở lại với tín ngưỡng truyền thống. Có thể nói, niềm tin Công giáo của tín đồ người Mông ở Lào Cai trong thời gian ấy không hề tắt, nó như những đốm lửa nhỏ, âm ỷ trong tro lạnh, để rồi khi có điều kiện thuận lợi lại bùng cháy trở lại và lan tỏa xa hơn. Ngay cả khi xuất hiện đạo Tin lành/Vàng Chứ vào những năm 1990, một trào lưu cải đạo từ tín ngưỡng truyền thống sang tôn giáo mới trong cộng đồng người Mông diễn ra rất mạnh mẽ, nhưng những người đã từng theo Công giáo trước đó vẫn không chuyển sang Tin lành. Họ vẫn trung thành với tôn giáo đã lựa chọn, để rồi, khi có linh mục đến truyền giảng giáo lý và thực hành nghi lễ lễ, đức tin Công giáo nhanh chóng được khôi phục và phát triển. Đây là một điều rất đặc biệt, cần được lý giải một cách khách quan, khoa học trên quan điểm mác-xít. Thứ hai, Lào Cai, đặc biệt Sa Pa là một trong những nơi đầu tiên Công giáo du nhập vào người Mông ở Việt Nam. Từ đây, Công giáo theo người Mông di cư sang các địa phương khác trong khu vực như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, hình thành nên một bộ phận người Mông theo Công giáo ở các tỉnh miền núi phía Tây Bắc Việt Nam, tuy số lượng tín đồ chưa nhiều nhưng cũng rất đáng phải quan tâm vì vùng này tiềm ẩn nhiều yếu tố nhậy cảm cả về dân tộc và tôn giáo. Hơn nữa, Lào Cai hiện vẫn là một địa bàn truyền giáo, phát triển tín đồ của giáo hội mà trọng tâm là người dân tộc Mông. Vì vậy, nghiên cứu Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai sẽ góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề đang đặt ra đối với công tác tôn giáo vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và vùng người Mông nói riêng. Xuất phát từ những lý do đó, nghiên cứu sinh quyết định chọn đề tài:“Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai” làm Luận án tiến sỹ, chuyên ngành Tôn giáo học.
  • 7. 3 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích Trên cơ sở nghiên cứu quá trình hình thành, phát triển, đặc điểm, thực trạng đời sống đạo và ảnh hưởng của Công giáo đối với cộng đồng người Mông có đạo ở Lào Cai, luận án đề xuất một số giải pháp, khuyến nghị nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của Công giáo trong tộc người này ở địa phương thời gian tới. 2.2. Nhiệm vụ Để làm rõ mục đích trên, luận án có một số nhiệm vụ sau: - Trình bày có hệ thống về người Mông, đặc biệt là tín ngưỡng truyền thống của tộc người này ở Lào Cai. - Làm rõ quá trình du nhập, phát triển và một số đặc điểm của Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai. - Nêu bật thực trạng đời sống tôn giáo trong cộng đồng người Mông theo Công giáo ở Lào Cai. Qua đó, chỉ ra ảnh hưởng của tôn giáo này đối với bộ phận người Mông theo Công giáo ở Lào Cai hiện nay. - Làm rõ một số vấn đề đặt ra, từ đó đề xuất một số giải pháp, khuyến nghị nhằm phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai thời gian tới. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, trong đó chú trọng vào quá trình du nhập, phát triển và đặc điểm của Công giáo trong cộng đồng người Mông; thực trạng đời sống tôn giáo (niềm tin tôn giáo, thực hành tôn giáo và cộng đồng tôn giáo), những ảnh hưởng và một số vấn đề đặt ra đối với công tác tôn giáo ở địa phương. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Về không gian: luận án nghiên cứu Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai qua khảo sát thực địa ở các xã: Lao Chải, Hầu Thào, Sử Pán, Tả Giàng Phìn, Bản Phùng, Tả Van (huyện Sa Pa); Nậm Xé, (huyện Văn Bàn); Tả Phời (thành phố Lào Cai), trong sự so sánh với người Mông theo Công giáo ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Lai Châu và Điện Biên. Về thời gian: luận án nghiên cứu quá trình du nhập, phát triển của Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai từ đầu thập niên 20 của thế kỉ trước, nhưng tập trung vào giai đoạn từ năm 1990 đến nay.
  • 8. 4 4. Cơ sở lý luận, cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu 4.1. Cơ sở lý luận Luận án dựa trên cơ sở phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tôn giáo, nhất là các quan điểm: tôn trọng quyền tự do tôn giáo, đoàn kết tôn giáo, chống lợi dụng tôn giáo; quan điểm chính sách của Đảng, Nhà nước về dân tộc, nhất là quan điểm đoàn kết toàn dân, bình đẳng giữa các dân tộc, chăm lo xây dựng và nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách miền xuôi với miền ngược. 4.2. Cách tiếp cận Để thực hiện luận án, nghiên cứu sinh sử dụng nhiều cách tiếp cận như: sử học, tôn giáo học, nhân học, văn hóa học, xã hội học. Cụ thể: Cách tiếp cận sử học: được áp dụng nghiên cứu quá trình du nhập, tồn tại và phát triển Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai. Cách tiếp cận tôn giáo học: được áp dụng nghiên cứu thực trạng đời sống Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai trên ba phương diện: niềm tin tôn giáo, thực hành tôn giáo và cộng đồng tôn giáo; phân tích ảnh hưởng của nó đối với đời sống xã hội của người Mông theo Công giáo ở Lào Cai. Các cách tiếp cận nhân học, văn hóa học, xã hội học: được áp dụng để nghiên cứu thực trạng và vấn đề đặt ra liên quan đến Công giáo trong đồng bào dân tộc Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung, Lào Cai nói riêng. 4.3. Phương pháp nghiên cứu Phương pháp tôn giáo học so sánh: được sử dụng để so sánh quá trình truyền nhập, phát triển và thực hành nghi lễ của các tôn giáo trong tộc người Mông; giữa Công giáo người Mông ở Lào Cai với Công giáo người Mông ở nơi khác; giữa Công giáo người Mông với Công giáo vùng dân tộc thiểu số ở Tây nguyên. Phương pháp nghiên cứu tài liệu: được sử dụng nhằm khai thác tối đa tư liệu gốc, tài liệu tham khảo liên quan đến nội dung luận án, trong đó chú trọng đến tài liệu về người Mông theo Kitô giáo (Công giáo, Tin lành) ở các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và ở Lào Cai nói riêng. Các phương pháp điều tra xã hội học bằng bảng hỏi, phỏng vấn sâu, quan sát tham dự, lấy ý kiến chuyên gia: được sử dụng để nghiên cứu thực trạng và vấn đề đặt ra liên quan đến đời sống tôn giáo của cộng đồng người Mông theo Công
  • 9. 5 giáo ở Lào Cai; việc thực hiện chính sách và pháp luật về tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số nước ta hiện nay. Nghiên cứu sinh đã tiến hành phỏng vấn sâu linh mục chính xứ và linh mục phó xứ Sa Pa, Trưởng ban hành giáo và tín đồ các giáo họ Lao Chải, Hầu Thào (Sa Pa, Lào Cai); điều tra xã hội học với 300 phiếu đối với tín đồ, chức sắc, chức việc tại các giáo họ, giáo điểm ở Lào Cai và giáo xứ Tà Ghênh (xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) để đối chiếu, so sánh. Trong đó, giáo họ Hầu Thào: 100 phiếu; giáo họ Lao Chải: 100 phiếu; giáo điểm Nậm Xé (huyện Văn Bàn): 50 phiếu; giáo họ Háng Chi Mùa (thuộc giáo xứ Tà Ghênh): 50 phiếu. Thông tin thu được từ phỏng vấn sâu và các phiếu hỏi góp phần củng cố nhận định, đánh giá các vấn đề được khách quan hơn. 5. Đóng góp mới của luận án Thứ nhất, luận án nghiên cứu tương đối toàn diện, hệ thống và cập nhật về Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai từ lịch sử đến hiện tại. Thứ hai, luận án làm rõ thực trạng đời sống đạo và ảnh hưởng của Công giáo đến cộng đồng người Mông theo đạo ở Lào Cai hiện nay. Thứ ba, luận án nêu lên một số vấn đề đặt ra, dự báo xu hướng và khuyến nghị giải pháp đối với Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai thời gian tới, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác tôn giáo ở địa phương. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án 6.1. Ý nghĩa lý luận Luận án góp phần làm rõ, kiểm chứng và bổ sung lý thuyết nghiên cứu, nhất là lý thuyết thực thể tôn giáo, lý thuyết sự lựa chọn hợp lý, lý thuyết sự hội nhập và tiếp biến văn hóa trong nghiên cứu tôn giáo học đối với người Mông. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn Kết quả luận án cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách tôn giáo - dân tộc, nâng cao hiệu quả công tác tôn giáo - dân tộc đối với bộ phận người Mông theo Công giáo ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Lào Cai. Kết quả luận án có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu, giảng dạy chuyên ngành Tôn giáo học, chuyên ngành Công tác tôn giáo và các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn liên quan đến người Mông và tôn giáo trong cộng đồng người Mông ở Việt Nam hiện nay. 7. Kết cấu luận án Ngoài Mở đầu, Kết luận, Danh mục công trình liên quan đến luận án đã công bố, Danh mục tài liệu tham khảo, Phụ lục, luận án gồm 4 chương, 9 tiết.
  • 10. 6 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU 1.1. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 1.1.1. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 1.1.1.1. Các công trình nghiên cứu về quá trình du nhập, phát triển Công giáo vào cộng đồng người Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Lào Cai Từ lâu, giới nghiên cứu quan tâm đến Công giáo ở Việt Nam, nhất là lịch sử truyền giáo và đời sống tôn giáo, trong đó ít nhiều đề cập đến Công giáo trong dân tộc thiểu số và vùng người Mông. Có thể kể ra các tác phẩm chủ yếu sau đây: Công trình Việt Nam giáo sử, Quyển I (1533-1933) [85] và Quyển II (1933- 1960) [86] của Phan Phát Huồn, đã trình bày quá trình truyền bá Công giáo vào Việt Nam từ năm 1533 đến năm 1960, giới thiệu các giáo phận, trong đó có Giáo phận Hưng Hóa và việc người Mông ở Sa Pa (Lào Cai) theo Công giáo từ thập niên 20 thế kỷ XX. Tác giả đưa ra nhận xét đáng lưu ý rằng, người Mông theo Công giáo dù ít nhưng “xem ra họ trung thành với ơn Chúa”. Tuy nhiên, bộ sách trên mới chỉ cung cấp thông tin ít ỏi về Công giáo ở vùng người Mông, chưa nghiên cứu sâu và có hệ thống về sự du nhập, tồn tại và phát triển của nó trong dân tộc này. Bộ sách viết về Giáo hội Công giáo ở Việt Nam của Bùi Đức Sinh (tập 1: Giáo hội Công giáo ở Việt Nam [128]; tập 2: Giáo hội Công giáo ở Việt Nam [129]; tập 3: Giáo hội Công giáo ở Việt Nam [130], Phụ chương) [131], trình bày tương đối chi tiết về sự du nhập của Công giáo vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XVI do các giáo đoàn phương Tây đảm nhiệm, như dòng Phan Sinh, dòng Đa Minh, dòng Tên và Hội Thừa sai Paris (MEP), đi sâu phân tích thái độ của nhà Nguyễn đối với Công giáo. Tập 3 giới thiệu khái quát về giáo phận Hưng Hóa. Theo tác giả, Hưng Hóa là giáo phận lớn nhất và phức tạp nhất trong cả nước vì đây là vùng có tới 40 tộc người sinh sống. Nội dung tập sách còn đề cập tới giáo họ Hầu Thào và giáo họ Lao Chải. Đây là tư liệu hữu ích để nghiên cứu sinh tìm hiểu về công cuộc truyền nhập Công giáo vào Việt Nam nói chung và giáo phận Hưng Hóa nói riêng.
  • 11. 7 Bộ sách Lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam, tập 1 [25] và tập 2 [26] của Trương Bá Cần trình bày lịch sử Công giáo Việt Nam từ năm 1533 đến năm 1945, trong đó có phần bàn về giáo phận Hưng Hóa; về hoạt động của một số thừa sai tại các tỉnh Yên Bái, Lào Cai… nhưng còn chung chung, chưa làm rõ sự hình thành và phát triển của các giáo xứ, giáo họ của người Mông ở những nơi này. Tác phẩm Công giáo Việt Nam sau quá trình 50 năm (1945-1995) của Trương Bá Cần [24] nghiên cứu khá toàn diện về Công giáo trong một giai đoạn lịch sử có nhiều biến động, khó khăn. Ông đã dành một chương (chương 16) đề cập đến giáo phận Hưng Hóa, trong đó có giáo xứ Sa Pa, nhưng rất sơ lược. Công trình này cũng chưa nói đến Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai. Cuốn Thừa sai công giáo Pháp và chính sách đế quốc tại Việt Nam (1857- 1914), của Patrick J.N. Tuck [158]. Tác giả nghiên cứu về sự can thiệp của Pháp vào Việt Nam; quan điểm của các Thừa sai Pháp về ảnh hưởng của việc Pháp xâm lăng đối với công việc truyền giáo ở Nam kì; hoạt động truyền giáo của các giáo sỹ Pháp cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX ở Việt Nam; vai trò của các giáo sỹ trong công cuộc xâm chiếm Việt Nam của đế quốc Pháp. Đáng lưu ý, công trình này đã đưa ra những tư liệu cho thấy, ngay từ cuối thế kỉ XIX, các Thừa sai đã chủ động truyền giáo vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, trong đó Lào Cai không phải là ngoại lệ. Công giáo Việt Nam dưới triều nhà Nguyễn (1802-1884, của Nguyễn Quang Hưng [92], trình bày khá chi tiết về Công giáo ở Việt Nam dưới các Triều vua nhà Nguyễn, nhất là chính sách cấm đạo của nhà Nguyễn đối với Công giáo trong thế kỉ XIX. Qua đó giúp người đọc có thể hiểu thêm về nguyên nhân tại sao Công giáo du nhập vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc muộn hơn những nơi khác. Giáo hội Công giáo Việt Nam - Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2004 [72] và Giáo hội Công giáo Việt Nam - Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2016 [80] của Hội đồng Giám mục Việt Nam giới thiệu về Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, trong đó có Công giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai nói riêng. Nhưng hai cuốn niên giám trên mới chỉ điểm xuyết sự du nhập, phát triển Công giáo vào người Mông ở Sa Pa (Lào Cai); về tổ chức giáo xứ, giáo họ và các linh mục từng coi sóc giáo xứ, chưa bàn đến vấn đề Công giáo trong cộng đồng người Mông giai đoạn hiện nay.
  • 12. 8 Bài viết “Đôi nét Công giáo miền núi phía Bắc Việt Nam” của Hoàng Bích Ngọc [121], đã khái quát lịch sử truyền giáo tại vùng miền núi phía Bắc, trong đó có nói đến công cuộc truyền giáo vào vùng người Mông ở Lào Cai của giáo sĩ F.M. Savina cũng như quá trình hình thành, phát triển cộng đồng người Mông theo Công giáo ở Sa Pa (Lào Cai). Tuy nhiên, nội dung bài viết dừng lại ở những nét chấm phá, mang tính gợi mở, chưa đi sâu vào các sự kiện của Công giáo từ khi du nhập vào Lào Cai đến nay. Đáng chú ý có bài “Các giáo sĩ thừa sai hải ngoại Paris với việc thiết lập cộng đồng Hmông Công giáo tại miền núi phía Bắc Việt Nam” [122] cũng của tác giả này đã cung cấp những tư liệu (báo cáo hàng năm của giáo phận Hưng Hóa từ năm 1902 đến năm 1950; tiểu sử của một số thừa sai). Tác giả đã cung cấp những thông tin trong văn khố của Hội Thừa sai Paris (MEP), phác họa khá chân xác hoạt động truyền giáo của các thừa sai Pháp, nhất là các thừa sai F.M Savina, P.M. Doussoux, Idiart Alhor trong vùng đồng bào dân tộc Mông ở các tỉnh Tây Bắc thuộc giáo phận Thượng du Bắc Kỳ (tức giáo phận Hưng Hóa ngày nay). Bài viết “Quá trình phát triển đạo Công giáo và Tin lành của người Mông ở vùng núi phía Bắc” của Trần Thị Thủy [150], dựa vào tài liệu của F.M. Savina và Vương Duy Quang, phác họa quá trình du nhập Công giáo vào cộng đồng người Mông ở Lào Cai, Yên Bái qua các giai đoạn: từ đầu đến năm 1948, giai đoạn suy thoái từ năm 1948 đến năm 1990 và giai đoạn phục hồi từ đầu những năm 1990 đến nay, nhưng còn khái lược, một số sự kiện chưa được làm rõ. 1.1.1.2. Các công trình nghiên cứu về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của người Mông và Công giáo trong cộng đồng người Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Lào Cai Luận án tiến sỹ Triết học “Bản sắc văn hóa dân tộc Mông và giải pháp giữ gìn, phát huy giá trị của nó ở Việt Nam hiện nay”, của Hoàng Xuân Lương [114], tập trung nghiên cứu sâu về điều kiện hình thành và những đặc trưng cơ bản của bản sắc văn hóa Mông; nguồn gốc, tên gọi, các nhóm và dòng họ; thực trạng đời sống kinh tế- văn hóa của đồng bào; về tín ngưỡng truyền thống và sự xâm nhập của đạo Tin lành vào cộng đồng người Mông ở Việt Nam. Với cách nhìn khách quan, khoa học, tác giả rút ra những tồn tại, hạn chế của trên lĩnh vực văn hóa của người Mông, từ đó nêu ra những giải pháp cơ bản nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong giai đoạn hiện nay.
  • 13. 9 Cuốn Dân tộc Mông ở Việt Nam của Cư Hòa Vần, Hoàng Nam [174], khái quát về dân tộc Mông như: lịch sử tộc người, địa vực cư trú, nhân chủng, ngôn ngữ, tên gọi và các nhóm người Mông ở Việt Nam; hoạt động kinh tế truyền thống, đời sống vật chất, bản sắc văn hóa của đồng bào; cuộc sống lao động sáng tạo của tộc người này trong quá khứ và hiện tại. Đặc biệt, khi viết về sinh hoạt tinh thần, các tác giả đã phân tích sâu về tín ngưỡng tôn giáo, trong đó có đề cập đến những người Mông ở Sa Pa (Lào Cai) và Trạm Tấu (Yên Bái) theo Công giáo từ những năm 20 của thế kỷ XX với những gợi ý đáng lưu tâm. Tác phẩm Văn hóa Hmông của Trần Hữu Sơn [134], đi sâu nghiên cứu về người Mông ở Lào Cai. Trong chương II, tác giả viết về đời sống văn hóa tinh thần truyền thống của người Mông ở Lào Cai, trong đó tín ngưỡng của đồng bào khá kỹ lưỡng như: thờ cúng tổ tiên, ma nhà, thần bản mệnh trong cộng đồng làng bản; vật linh giáo, Shaman giáo và tàn dư của một số hình thức tôn giáo sơ khai khác. Qua đó cho thấy, niềm tin của người Mông ở Lào Cai về thế giới bên kia rất độc đáo. Ở chương III: “Những yếu tố mới trong đời sống tinh thần của người Mông ở Lào Cai và những vấn đề đăt ra”, tác giả chỉ ra sự biến đổi trong đời sống văn hóa tinh thần của người Mông, nhất là một bộ phận người Mông từ bỏ tín ngưỡng truyền thống để theo Công giáo và Tin lành. Trên cơ sở luận chứng khoa học, tác giả đưa ra một số giải pháp để xây dựng đời sống văn hóa tinh thần ở vùng đồng bào người Mông ở Lào Cai thời gian tới. Công trình Lịch sử người Mèo của Francoise Marie Savina [126] có đề cập đến tín ngưỡng truyền thống của người Mông (chương IV). Đây là một tác phẩm dân tộc học có nhiều tư liệu bổ ích trong việc nghiên cứu tín ngưỡng, tôn giáo của người Mông. Cuốn sách đã có những phát hiện về diễn trình lịch sử của người Mông trong quá khứ nhưng vẫn còn sơ lược, chủ yếu dựa vào truyền thuyết nên còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, với mục đích phục vụ cho việc truyền giáo nên giả miêu tả rất tỷ mỷ, chi tiết về đời sống kinh tế, văn hóa, tâm linh của người Mông nhưng không đưa ra nhận định, lập luận. Một số chỗ tác giả cố gán ghép để giáo lý Công giáo gần gũi với cách nghĩ của người Mông mà chưa có đủ sở cứ vững chắc. Dù sao, đây cũng là tác phẩm có nhiều gợi ý cho việc tìm hiểu văn hóa tâm linh người Mông. Giá trị nhất của cuốn sách là F.M. Savina đã tìm ra những điểm tương đồng giữa thế giới quan, tâm thức tôn giáo của người Mông với tư tưởng thần học của Ki tô giáo. Qua đó giúp cho việc lý
  • 14. 10 giải nguyên nhân một bộ phận người Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc theo Công giáo được rõ ràng hơn. Cuốn Văn hóa tâm linh của người Hmông ở Việt Nam: truyền thống và hiện đại của Vương Duy Quang [124], là một công trình được nghiên cứu cơ bản về lịch sử di cư, địa vực cư trú, hoạt động kinh tế, quan hệ xã hội của người Mông ở Việt Nam. Đề cập đến thờ cúng tổ tiên và các vị thần, những nghi lễ tín ngưỡng liên quan đến dòng họ hay hiện tượng “xưng vua” của người Mông, tác giả không chỉ làm rõ quan niệm về vũ trụ luận phong phú, lối tư duy độc đáo (cái lý của người Mông) mà còn đưa ra những nhận xét tinh tế về đặc trưng văn hóa, tín ngưỡng của người Mông và vai trò của hệ thống tín ngưỡng ấy với sự phát triển của văn hóa xã hội trong cộng đồng dân tộc này. Ở chương ba, tác giả bàn về sự biến đổi trong văn hóa tâm linh của người Mông ở Việt Nam hiện nay, nhất là việc một bộ phận theo Kitô giáo với những tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào cần được quan tâm giải quyết. Cuốn Dân tộc Mông Sơn La với việc giải quyết vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay của Thào Xuân Sùng [136], giới thiệu khái quát về dân tộc Mông, tín ngưỡng tôn giáo của dân tộc Mông ở Sơn La và sự thâm nhập Công giáo, đạo Tin lành vào một bộ phận người Mông ở đây; phân tích tình hình Việt Nam và quốc tế tác động đến việc giải quyết vấn đề tôn giáo hiện nay cũng như sự lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo của các thế lực thù địch. Từ phân tích thực trạng, nguyên nhân phát triển đạo, tác giả đưa ra phương hướng, giải pháp chủ yếu giải quyết vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo trong cộng đồng người Mông ở Sơn La thời gian tới. Tuy nhiên, cuốn sách trên chưa nghiên cứu sâu kĩ nguyên nhân bộ phận người Mông theo Công giáo đầu thế kỉ XX; sự phát triển tín đồ cũng như mối quan hệ giữa các nhóm người Mông theo Công giáo ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Song, đây là một cuốn sách giàu tư liệu, giúp nghiên cứu sinh có thêm hiểu biết về tôn giáo, tín ngưỡng của người Mông ở Sơn La để có sự so sánh với người Mông ở Lào Cai. Cuốn sách Giữ “lý cũ” hay theo“lý mới”? Bản chất của những cách phản ứng khác nhau của người Hmông ở Việt Nam với ảnh hưởng của đạo Tin lành do Nguyễn Văn Thắng chủ biên [146], đã phân tích sâu về người Mông trong cơ cấu tộc người ở Việt Nam và những mối quan hệ đồng tộc của dân tộc này ở các nước trên thế giới; làm rõ quan niệm của người Mông về “lý cũ”/tín ngưỡng truyền thống
  • 15. 11 và vai trò của nó đối với xã hội và văn hóa Mông, thể hiện rõ nét trong phong tục làm cúng, làm ma của đồng bào; nêu bật tác động của những phản ứng khác nhau của người Mông theo “lý mới”/đạo Tin lành và ảnh hưởng của nó trong đời sống tâm linh của đồng bào trong giai đoạn hiện nay. Tác phẩm này có cách tiếp cận mới, đưa ra những luận cứ xác đáng về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo của người Mông trong quá khứ và hiện tại nên rất có giá trị tham khảo. Ngoài ra, đề cập đến văn hóa người Mông còn có những tác phẩm khác, như: Tiếp cận văn hóa Hmông của Mã A Lềnh và Từ Ngọc Vụ [99]; Ghi chép về văn hóa dân gian Hmông của Mã A Lềnh [98]… đó là những công trình nghiên cứu công phu để chúng tôi so sánh giữa văn hóa truyền thống với những tác động, ảnh hưởng của văn hóa Công giáo trong cùng một tộc người. Đề tài khoa học Ảnh hưởng của Công giáo đến đời sống tinh thần của các đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc của Viện Nghiên cứu Tôn giáo [179], tập trung nghiên cứu quá trình truyền bá Công giáo vào vùng dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc từ đầu thế kỉ XX đến nay; tác động của Công giáo trên các mặt đời sống xã hội, và những nét cơ bản về tín ngưỡng tôn giáo truyền thống của các dân tộc cư trú tại vùng miền núi phía Bắc; quá trình tiếp nhận Công giáo của một bộ phận người dân ở đây và những biến đổi về phong tục tập quán của họ. Từ đó, đề tài nêu ra một số vấn đề cần quan tâm như việc bảo lưu bản sắc văn hóa truyền thống; mối quan hệ Nhà nước và Giáo hội; xây dựng và chính sách dân tộc - tôn giáo ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Nội dung đề tài này có đề cập đến Công giáo trong vùng người Mông ở Sa Pa (Lào Cai) nhưng còn khá sơ lược, cần được nghiên cứu thêm. Dự án “Khảo sát thực trạng đồng bào dân tộc thiểu số theo Công giáo: kiến nghị về chủ trương và giải pháp”, của Ban Tôn giáo Chính phủ [9], giới thiệu khái quát về Công giáo trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có người Mông ở Lào Cai. Tuy nhiên, phần viết về Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai chỉ mang tính khái quát. Luận văn thạc sỹ “Ảnh hưởng của văn hóa tín ngưỡng truyền thống đến đời sống đạo của giáo dân Hmông ở giáo xứ Sa Pa (Lào Cai)”của Trần Thị Thu Giang [65], trình bày khái quát quá trình hình thành và phát triển của giáo xứ Sa Pa; đặc điểm văn hóa tính ngưỡng truyền thống của dân tộc Mông ở đây; ảnh hưởng của văn hóa tín ngưỡng truyền thống đến sinh hoạt tôn giáo và nghi lễ vòng đời của
  • 16. 12 giáo dân người Mông ở giáo xứ Sa Pa. Đó là những vấn đề cần nghiên cứu thấu đáo, nhưng do khuôn khổ của một luận văn thạc sỹ, các nội dung trên chỉ được đề cập sơ lược. Tác giả cũng chưa phân định rõ nghiên cứu về văn hóa, tín ngưỡng của người Mông ở thị trấn Sa Pa hay ở huyện Sa Pa, nên còn có những hạn chế nhất định. Đề tài khoa học của “Giá trị và chức năng của Công giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay của Viện Nghiên cứu Tôn giáo [181]. Nhóm tác giả tập trung nghiên cứu giá trị và chức năng Công giáo Việt Nam đối với các mặt của đời sống xã hội (chức năng điều chỉnh hành vi, chức năng giáo dục, chức năng liên kết xã hội, chức năng xã hội từ thiện); những ảnh hưởng của giá trị Công giáo đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng, từ đó đề xuất một số khuyến nghị và giải pháp nhằm phát huy giá trị Công giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay. Công trình cung cấp nhiều thông tin về quá trình xâm nhập, phát triển Công giáo vào Việt Nam và những tác động, ảnh hưởng của Công giáo trong đời sống tinh thần của nhân dân. Liên quan đến đề tài nghiên cứu, tác giả luận án có một số bài đã đăng trên các tạp chí chuyên ngành như: “Quá trình truyền nhập và phát triển Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 3/2019; “Vài đặc điểm của Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai”, Nghiên cứu Tôn giáo, số 5/2019. Những bài viết trên nghiên cứu về quá trình người Mông ở Lào Cai theo Công giáo; nguyên nhân cơ bản dẫn đến một bộ phận người Mông theo tôn giáo này; những đặc điểm cơ bản của Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai... Các bài viết trên được sử dụng làm tư liệu và đưa vào các phần trong nội dung của luận án. 1.1.1.3. Những vấn đề đã được nghiên cứu và những vấn đề luận án cần giải quyết Qua tổng quan tình hình nghiên cứu nêu trên cho thấy, các công trình đã tập trung làm rõ những vấn đề dưới đây mà luận án kế thừa: Một là, các công trình nghiên cứu đi trước đã trình bày về quá trình du nhập, phát triển Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, nhất là hoạt động của các thừa sai người Pháp trong nửa đầu thế kỷ XX ở Sa Pa (Lào Cai) và Trạm Tấu (Yên Bái). Một số bài viết đã khái quát sự hình thành giáo xứ, giáo họ đầu tiên trong cộng đồng người Mông ở các tỉnh Lào Cai, Yên
  • 17. 13 Bái. Đặc biệt là những nghiên cứu về sự chuyển đổi niềm tin tôn giáo (sự cải đạo) từ tín ngưỡng truyền thống của một bộ phận người Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc sang Công giáo; nguyên nhân dẫn đến một bộ phận người Mông ở Lào Cai và các tỉnh miền núi phía Bắc theo Công giáo. Nghiên cứu sinh kế thừa những nghiên cứu của các học giả, từ đó làm sâu sắc hơn về quá trình hình thành, phát triển Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai từ khi xuất hiện đến nay. Hai là, một số nghiên cứu đã đề cập đến thực trạng Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung. Tuy nhiên, có rất ít công trình nghiên cứu sâu về đời sống đạo của người Mông theo Công giáo. Đến nay, mới chỉ có một số bài viết đăng trên tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo và vài đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ có đề cập đến vấn đề này, song còn rất tản mạn và sơ lược cần được nghiên cứu làm rõ hơn. Trên cơ sở tiếp thu các kết quả của các công trình nghiên cứu đi trước, qua nghiên cứu Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, luận án này tập trung vào những nội dung cơ bản sau đây: (1) Nghiên cứu lịch sử truyền bá, quá trình hình thành, phát triển cộng đồng người Mông theo Công giáo ở Lào Cai trong lịch sử, nhất là sự phát triển của tôn giáo này trong giai đọan hiện nay. Từ đó, chỉ ra một số đặc điểm cơ bản của Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, từ lực lượng truyền giáo, phương thức truyền đạo đến đời sống đạo của Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai trong sự so sánh với các địa bàn, tộc người khác. (2) So sánh giữa tín ngưỡng, tôn giáo của người Mông với tín ngưỡng tôn giáo của các dân tộc thiểu số khác; giữa người Mông theo tín ngưỡng truyền thống với người Mông theo Ki tô giáo (Công giáo, Tin lành), xa hơn nữa là so sánh Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai với Công giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương khác như Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và một số tỉnh Tây Nguyên, từ đó chỉ ra những những nét riêng biệt của của Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai. (3) Nghiên cứu về thực trạng và ảnh hưởng của Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai. Làm sâu sắc thực trạng cộng đồng (tín đồ, chức sắc), tổ chức; niềm tin và thực hành niềm tin Công giáo của người Mông theo đạo. Đồng
  • 18. 14 thời, luận án trình bày ảnh hưởng của Công giáo đối với văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống, phong tục tập quán của người Mông và trên một số lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Những vấn đề đặt ra, dự báo xu hướng và đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu của của công tác tôn giáo, dân tộc trong vùng đồng bào Mông ở Lào Cai thời gian tới. 1.1.2. Khung lý thuyết nghiên cứu và một số khái niệm sử dụng trong luận án 1.1.2.1. Khung lý thuyết nghiên cứu * Câu hỏi nghiên cứu 1. Quá trình du nhập, tồn tại và phát triển của Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai diễn ra như thế nào? Vì sao Công giáo lại thành công ở người Mông; tại sao Công giáo lại chọn Sa Pa làm điểm truyền giáo đầu tiên? 2. Đời sống Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai hiện nay diễn ra như thế nào; thực trạng đó đặt ra những vấn đề gì đáng lưu tâm cho công tác quản lý nhà nước về tôn giáo nói riêng, công tác tôn giáo nói chung? 3. Những đặc điểm cơ bản của Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai; xu hướng vận động của Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai trong thời gian tới là gì? 4. Cần có những giải pháp gì để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của Công giáo trong cộng đồng dân tộc Mông ở Lào Cai trong tình hình mới? * Giả thuyết nghiên cứu Giả thuyết 1: Truyền giáo vào vùng dân tộc thiểu số ở nước ta, trong đó có đồng bào dân tộc Mông ở Lào Cai, là một nhiệm vụ quan trọng được Giáo hội Công giáo ở Việt Nam sớm đặt ra và đạt được kết quả đáng kể từ đầu thế kỷ XX. Giả thuyết 2: khi truyền bá vào vùng dân tộc Mông ở Lào Cai, Công giáo đã có biện pháp gì để thích nghi và phát triển ở địa bàn mới? Công giáo đáp ứng nhu cầu tinh thần của một bộ phận người Mông, có đóng góp nhất định cho nền văn hóa dân tộc Mông ở Lào Cai. Song, sự xuất hiện của Công giáo cũng xóa bỏ khá nhiều phong tục văn hóa và tín ngưỡng truyền thống của dân tộc Mông ở Lào Cai. Giả thuyết 3: một bộ phận người Mông từ bỏ tín ngưỡng truyền thống chuyển sang theo các loại hình tôn giáo lớn có tổ chức là một thực tế. Nhu cầu cải đạo xuất hiện từ đầu thế kỷ XX, với việc hàng chục hộ người Mông ở hai tỉnh Lào
  • 19. 15 Cai và Yên Bái theo Công giáo. Xu hướng này gần đây còn thấy rõ ở việc một bộ phận lớn người Mông ở các tỉnh miền núi phía Bắc theo đạo Tin lành, một nhóm nhỏ người Mông đang đến với Phật giáo theo dạng thăm dò. * Lý thuyết nghiên cứu Luận án sử dụng bốn lý thuyết nghiên cứu cơ bản, gồm: lý thuyết cấu trúc- chức năng, lý thuyết lựa chọn duy lý/hợp lý, lý thuyết thực thể tôn giáo, lý thuyết phân tích văn hóa và vùng văn hóa. - Lý thuyết cấu trúc - chức năng: Lý thuyết này nhìn xã hội như một hệ thống tổng thể trong đó các bộ phận cùng làm việc để thúc đẩy sự cố kết và ổn định; đời sống cá nhân được định hướng bởi các cấu trúc xã hội vốn là các mô thức ứng xử xã hội tương đối ổn định; xã hội như một cơ thể, muốn hiểu một bộ phận thì cũng phải hiểu mối quan hệ của nó với các bộ phận khác, một bộ phận hỏng sẽ kéo theo sự suy yếu của các bộ phận khác. Lý thuyết chức năng được luận án sử dụng nghiên cứu vai trò của Công giáo đối với các mặt đời sống của cộng đồng người Mông theo Công giáo ở Lào Cai từ lịch sử đến hiện tại. - Lý thuyết sự lựa chọn duy lý: Nội dung căn bản của lý thuyết này dựa trên ba yếu tố: (i) con người lấy tính toán duy lý làm cơ sở cho hành vi; (ii) họ hành động với sự duy lý khi đưa ra các lựa chọn; (iii) các lựa chọn của họ nhằm mục đích tối ưu hóa sự hài lòng hay tối ưu hóa lợi ích. Lý thuyết sự lựa chọn duy lý cho rằng, tôn giáo là một hệ thống nguồn đền bù có tính siêu nhiên. Sự đền bù quyết định sự lựa chọn tôn giáo. Hành vi lựa chọn tôn giáo là duy lý ở chỗ nó thỏa mãn các mong muốn. Các phong trào thế tục thường chuyển hóa thành các phong trào tôn giáo sau khi chúng thất bại. Khi thất bại trong tìm kiếm sự đền bù bằng cách biện pháp tự nhiên, con người tìm đến cái siêu nhiên để đạt sự đền bù đó. Các niềm tin tôn giáo chính là sự đền bù cho thất bại tìm kiếm bằng biện pháp tự nhiên lúc ban đầu. Con người có xu hướng lựa chọn niềm tin tôn giáo nào mà ít phải tiêu tốn nhất vốn văn hóa của mình. Luận án áp dụng lý thuyết sự lựa chọn duy lý để nghiên cứu xu hướng cải đạo (từ bỏ tín ngưỡng truyền thống chuyển sang theo tôn giáo khác/mới/Công giáo, bảo lưu tín ngưỡng truyền thống nhưng chuyển sang tin theo tôn giáo khác/mới) diễn ra trong vùng dân tộc Mông ở Lào Cai; nguyên nhân một bộ phận người Mông từ bỏ tín ngưỡng truyền thống để theo Công giáo.
  • 20. 16 - Lý thuyết thực thể tôn giáo: Lý thuyết này do nhà xã hội học tôn giáo người Pháp Emile Durkheim khởi xướng. Theo đó, một thực thể tôn giáo bao gồm 3 yếu tố cơ bản gồm niềm tin tôn giáo, thực hành tôn giáo, và cộng đồng tôn giáo. Lý thuyết này cho rằng, chúng ta chỉ có thể biết được các hiện tượng tôn giáo thông qua xác định mối quan hệ giữa con người với cái thiêng bằng niềm tin vào cái thiêng, được biểu đạt bằng thực hành gắn kết với niềm tin đó, tạo thành cộng đồng người có cùng niềm tin vào cái thiêng, trước hết là cộng đồng luân lý. Các yếu tố đó tạo ra các hệ thống được gọi là tôn giáo. Sự tồn tại của các cộng đồng tôn giáo là thực thể xã hội đặc biệt, một tiểu hệ thống có chức năng riêng so với các tiểu hệ thống khác của xã hội tổng thể. Chính nhờ các cách tiếp cận chức năng mà chúng ta biết có sự tồn tại của các hệ thống tôn giáo trong xã hội. Luận án áp dụng lý thuyết thực thể tôn giáo để nghiên cứu thực trạng niềm tin tôn giáo và thực hành tôn giáo của cộng đồng người Mông theo Công giáo ở Lào Cai hiện nay. - Lý thuyết phân tích văn hóa và vùng văn hóa: Đại biểu cho trường phái lý thuyết này là nhà xã hội học người Đức Max Weber (1864-1920). Ông cho rằng, hành động xã hội của mỗi cá nhân, nhóm không chỉ bị chi phối bởi các điều kiện kinh tế, chính trị, môi trường, mà còn chịu sự chi phối của các động cơ văn hóa mang tính chủ quan từ bên trong, như tri thức, tình cảm, phong tục, tập quán, tôn giáo, những quan niệm về đúng sai, thiện ác… Phân tích văn hóa là để tìm ra cách thức mà văn hóa chi phối hành vi của con người, trong đó có những hành vi tác động đến xã hội và tôn giáo. Khi nghiên cứu các hành vi tôn giáo phải tìm hiểu các động cơ văn hóa từ bên trong của cá nhân hay nhóm tín đồ. Áp dụng lý thuyết phân tích văn hóa và vùng văn hóa khi nghiên cứu tôn giáo ở Việt Nam sẽ thấy được việc truyền giáo phát triển Công giáo vào vùng dân tộc thiểu số đã và đang tạo nên một sự chuyển đổi đức tin diễn ra khá mạnh mẽ với việc một bộ phận đồng bào dân tộc đã từ bỏ tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của mình để theo tôn giáo mới. Điều ấy cũng có nghĩa là đang hình thành những cộng đồng tôn giáo-tộc người mới với những nét sinh hoạt văn hóa, lối sống đạo mới. Luận án sử dụng lý thuyết này để nghiên cứu quá trình xâm nhập Công giáo vào cộng đồng người Mông ở Lào Cai; sự ảnh hưởng của văn hóa Công giáo đến đời sống tinh thần của một bộ phận người Mông.
  • 21. 17 Sơ đồ khung phân tích: 1.1.2.2. Một số khái niệm sử dụng trong luận án Bí tích: theo giáo lý Công giáo, bí tích là “dấu chỉ khả giác do Chúa Giêsu thiết lập để thông ban ân sủng cho linh hồn và thánh hóa nội tâm con người”. Nói cách khác, bí tích là những dấu tích (hành động, việc làm kèm theo đó là những dấu vết cụ thể), mang tính thần thánh, huyền diệu; bao gồm là bảy phép: Rửa tội, Thêm sức, Thánh thể, Giải tội, Hôn phối, Xức dầu và truyền chức. Công giáo: một trong 5 hệ phái tôn giáo thờ Chúa Cứu Thế tức Kitô giáo (Công giáo, Chính Thống giáo, Tin lành, Anh giáo và các giáo hội Công giáo phương Đông). Công giáo theo tiếng Hy Lạp (Catholicos) hay tiếng Anh Thực trạng và ảnh hưởng của Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai - Thực trạng Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai. - Ảnh hưởng của Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai Lý thuyết nghiên cứu - Lý thuyết cấu trúc- chức năng - Lý thuyết lựa chọn duy lý - Lý thuyết thực thể tôn giáo - Lý thuyết phân tích văn hóa và văn hóa vùng Sự hình thành Công giáo trong cộng người Mông ở Lào Cai - Khái quát về người Mông ở Lào Cai - Quá trình du nhập và phát triển Công giáo vào người Mông ở Lào Cai - Một số đặc điểm của Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai Đề xuất một số giải pháp, khuyến nghị về công tác tôn giáo đối với Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai Vấn đề đặt ra, xu hướng và giải pháp, khuyến nghị - Vấn đề đặt ra cho công tác quản lý nhà nước - Các xu hướng của Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai thời gian tới
  • 22. 18 (Catholicism) có nghĩa là chung, phổ quát, thông dụng, được bản kinh Tin kính của Công đồng Nice (325), xác định là một trong bốn đặc tính của đạo Kitô: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Ở Việt Nam, có nhiều tên gọi khác: Thiên Chúa giáo; đạo Gia tô; Tây Dương, Hoa Lang,… Các văn bản nhà nước gọi là Công giáo. Trong luận án này, chúng tôi sử dụng thuật ngữ Công giáo. Chuyển đạo: được hiểu là sự thay đổi chuyển từ tôn giáo này sang tôn giáo khác, có cùng “gốc”. Ví như sự chuyển từ Công giáo sang Tin lành (và ngược lại); hoặc chuyển từ hệ phái này sang hệ phái khác trong đạo Tin lành… Chức sắc, theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo, “là tín đồ được tổ chức tôn giáo phong phẩm hoặc suy cử để giữ phẩm vị trong tổ chức” [12, tr.7]. Trong luận án này, chức sắc Công giáo được hiểu là hàng ngũ giáo sĩ (có chức thánh), như linh mục chính, phó xứ, giám mục. Chức việc: theo Luật tín ngưỡng, tôn giáo, “là người được tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo bổ nhiệm, bầu cử hoặc suy cử để giữ chức vụ trong tổ chức” [12, tr.7]. Theo đó, chức việc gồm hai bộ phận, chức việc thuộc hàng ngũ giáo sĩ, tu sĩ (hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp) và chức việc thuộc hàng ngũ giáo dân (hoạt động tôn giáo không chuyên nghiệp); là những người được bầu chọn hay chỉ định tham gia Hội đồng giáo xứ, giáo họ và các hội đoàn. Trong luận án này, chức việc được hiểu là những giáo dân (hoạt động tôn giáo không chuyên nghiệp) được bầu chọn hay chỉ định tham gia Hội đồng giáo xứ, giáo họ và các hội đoàn Công giáo. Dòng tu: thuật ngữ chỉ các tổ chức tu trì của Công giáo. Dòng tu không nằm trong hệ thống hành chính đạo (triều), mà là tổ chức có tính chất chuyên môn, giúp cho hệ thống triều trong đào sâu giáo lý, sống đạo củng cố đức tin, truyền giáo phát triển đạo. Các tu sĩ chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn như giảng dạy, nghiên cứu thần học hay tham gia các hoạt động trên các linh vực xã hội như giáo dục, y tế, bảo trợ và từ thiện nhân đạo. Một số tu sĩ gia nhập hàng giáo sĩ (có chức Thánh), như dòng Xitô, dòng Đa Minh, dòng Phan Sinh, dòng Don Bosco, dòng Tiểu đệ Gioan Tẩy giả, dòng Truyền giáo Hiến sĩ Đức Maria vô nhiễm, Hội Thừa sai Việt Nam để tham gia cai quản giáo hội. Khác với các linh mục triều, khi cai quản giáo xứ được bổ nhiệm linh mục chính xứ, linh mục phó xứ, các dòng tu tham gia cải quản giáo xứ theo hình thức tập thể, thường mỗi giáo xứ có một số tu sĩ coi sóc trong đó có một người được cử làm bề trên phụ trách chung.
  • 23. 19 Dòng Salesien Don Bosco (The Salesian of Don Bosco-SDB): là tu hội dòng thuộc quyền Giáo hoàng. Hội dòng được thành lập cuối thế kỷ XIX, bởi linh mục Don Bosco, mục đích giáo dục, chăm sóc trẻ em và người nghèo trong cuộc cách mạng công nghiệp. Hội dòng này du nhập vào Việt Nam từ năm 1936, hiện nay có mặt ở nhiều giáo phận, trong đó có giáo phận Hưng Hóa. Từ năm 2015 đến nay, các linh mục dòng Don Bosco được cử đến hoạt động truyền giáo trong vùng đồng bào Mông ở Lào Cai. Dòng Tiểu đệ Thánh Gioan Tẩy giả: lập tại Trung Quốc năm 1928, mục đích truyền giáo trong người Hoa. Dòng có mặt tại Việt Nam năm 1972, hiện có 2 cộng đoàn tại thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động chính của dòng cai quản giáo xứ, giảng dạy giáo lý, tổ chức các tuần tĩnh tâm, ngày cầu nguyện và các diễn đàn thảo luận về tâm linh; công tác giáo dục: mở trường học, giảng dạy tại các chủng viện; phục vụ xã hội: lập trạm xá, nhà thương, viện dưỡng lão, in ấn và xuất bản sách báo. Năm 2018, các linh mục dòng Thánh Gioan Tẩy Giả từ thành phố Hồ Chí Minh đến Lào Cai hoạt động. Dòng Truyền giáo Hiến sĩ Đức Maria vô nhiễm (Missionaires Oblats Maria Immaculee-OMI): do linh mục Eugène de Mazenod (1782-1861) lập năm 1816 tại Pháp. Đây là hội Dòng giáo sĩ, quy tụ các linh mục thành cộng đoàn tông đồ chủ yếu truyền giáo, đối tượng là người nghèo. Từ năm 2013 đến nay các linh mục của dòng được bề trên tại Bình Dương cử ra hoạt động truyền giáo cho cộng đồng người Mông ở Lào Cai. Đổi đạo: trong luận án này được hiểu là sự thay đổi tín ngưỡng/tôn giáo, tức là sự chuyển đổi tôn giáo này sang tôn giáo khác “gốc”. Ví như từ Ki tô giáo chuyển sang theo Phật giáo hoặc ngược lại; hay từ tín ngưỡng truyền thống sang Công giáo hoặc tín ngưỡng truyền thống sang Tin lành… Đời sống tôn giáo/đời sống đạo: là các hoạt động sinh hoạt tôn giáo của tín đồ, như đọc kinh cầu nguyện, tham dự các thánh lễ, thực hiện các phép bí tích và hoạt động hướng đích xã hội dựa trên quan điểm của Công giáo, như hoạt động từ thiện, bảo trợ, an sinh xã hội. Giáo điểm: là điểm truyền giáo mới hình thành ở một địa bàn, trực thuộc giáo họ, nó chưa đủ điều kiện (về số lượng tín đồ, cơ sở vật chất) như giáo họ hay giáo xứ. Giáo điểm độc lập: là điểm truyền giáo mới hình thành ở một địa bàn trực thuộc giáo xứ, nhưng không trực thuộc giáo họ nào. Về cơ cấu tổ chức và hoạt động cũng tương tự như một giáo họ. Có thể do linh mục phó xứ cai quản.
  • 24. 20 Giáo họ/họ đạo: là một đơn vị đạo ở cấp dưới giáo xứ trong giáo hội Công giáo do số lượng giáo dân ít chưa phát triển thành giáo xứ. Có hai loại hình giáo họ là giáo họ trị sở tức giáo họ trung tâm của giáo xứ và giáo họ độc lập (họ lẻ), trực thuộc giáo xứ và có thể được nâng lên thành giáo xứ khi đủ các điều kiện như có linh mục chính xứ, có nhà thờ, số lượng giáo dân nhất định. Giáo lý viên là đội ngũ tham gia giảng dạy giáo lý, giáo luật Công giáo, phải được sự chuẩn nhận và giám sát của Giáo hội Công giáo. Giáo phận (còn gọi là giáo hội địa phương): Đó là một thành phần dân Công giáo trong một khu vực (địa vực) được giao phó cho một giám mục cai quản, coi sóc với sự cộng tác của linh mục đoàn. Trong giáo phận chia ra thành nhiều giáo hạt, giáo xứ; dưới giáo xứ có giáo họ hay giáo điểm. Các giáo xứ gần nhau có thể liên kết thành một giáo hạt, có linh mục hạt trưởng. Các giáo xứ, giáo họ trong vùng người Mông ở Lào Cai hiện nay thuộc giáo phận Hưng Hóa. Giáo xứ: theo Giáo luật, “giáo xứ là một cộng đoàn tín hữu được thiết lập cách bền vững ở trong Hội thánh địa phương, và việc chăm sóc mục vụ được ủy thác cho Cha quản xứ làm chủ chăn riêng, dưới quyền Đức giám mục Giáo phận (GL.515/1). Giáo xứ còn gọi là xứ đạo - đơn vị cơ sở của Công giáo, có số lượng tín đồ sinh hoạt ổn định trên một địa bàn, có nhà thờ xứ; được giám mục giáo phận thiết lập và ủy thác cho linh mục coi sóc. Hội thừa sai Paris: tên gọi tắt của Hội truyền giáo nước ngoài Paris (Société des Missions étrangères de Paris - viết tắt là MEP), được Tòa thánh thành lập năm 1658, giao quyền cho các giám mục người Pháp nhằm truyền giáo cho vùng Viễn Đông. Đây là một tổ chức các tu sĩ Công giáo thực hiện việc truyền giáo tại châu Á. Năm 1663, các giáo sĩ Hội Thừa sai Paris đến Thái Lan, năm 1665 họ đến Đàng Trong và năm 1666 đến Đàng Ngoài phụ trách hoạt động truyền giáo tại Tây Đàng Ngoài. Đầu thập niên 20 của thế kỷ XX, giáo sĩ F.M. Savina thuộc Hội Thừa sai Paris truyền giáo và cộng đồng người Mông ở Lào Cai. Hội thừa sai Việt Nam (dòng tu): là một tổ chức truyền giáo của Hội đồng Giám mục Việt Nam, thành lập năm 1971, với mục đích đào tạo và hướng dẫn các vị truyền giáo Việt Nam, có trách nhiệm truyền giáo cho các dân tộc thiểu số. Năm 2012, các linh mục Hội Thừa sai Việt Nam đến hoạt động truyền giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai.
  • 25. 21 Linh mục: là một chức vị đạo (chức thánh) thuộc hàng giáo sĩ của Giáo hội Công giáo Rôma. Linh mục gồm hai loại: linh mục triều và linh mục dòng. Linh mục triều là các linh mục thuộc quyền giám mục giáo phận, do giám mục giáo phận đào tạo, sử dụng vào hoạt động coi sóc một giáo xứ hoặc các chức vị khác trong giáo phận; linh mục dòng là các linh mục thành viên của một dòng tu Công giáo, dưới quyền một vị bề trên, do dòng tu đào tạo, sử dụng tham gia vào các hoạt động chuyên môn, như y tế, giáo dục, thiện xã hội. Linh mục dòng cũng có thể tham gia cai quản, coi sóc giáo xứ, nhưng thường theo nhóm hay tổ phụ trách giáo xứ. Lễ buộc: là thánh lễ bắt buộc tín đồ phải tham dự. Có hai loại lễ buộc là lễ Chúa nhật và lễ trọng buộc. Lễ trọng: là bậc lễ cao nhất trong lịch phụng vụ của Giáo hội Công giáo, liên quan đến một sự kiện đức tin về Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu, Đức Mẹ Maria hay các vị thánh quan trọng khác. Theo giáo luật, Công giáo có các ngày lễ trọng như lễ Giáng sinh (25-12), lễ Phục sinh, lễ Chúa Giêsu lên trời (thăng thiên), lễ Chúa Thánh thần hiện xuống, lễ Đức Mẹ Maria hồn xác lên trời (15-8) và lễ các thánh (1-11). Người Mông: là dân tộc sống tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam. Chữ “Mông” còn được viết là Hmông, bởi vì, trong nhóm ngôn ngữ Mông-Dao, chữ “người” đọc là “Hmon”, phát âm thành “Hmông”. Nếu viết tên tộc người này bằng tiếng Latinh thì viết là “Hmôngz”. Sở dĩ như vậy là do tiếng Việt và tiếng Mông hiện nay đều sử dụng chữ cái la tinh để ghi văn bản. Tiếng Việt có 22 phụ âm, còn tiếng Mông có tới 57 phụ âm. Các phụ âm giống tiếng Việt thì trong tiếng Mông đều có, nhưng còn 35 phụ âm nữa của tiếng Mông tiếng Việt không có, không thể phát âm giống Tiếng Việt mà phải đọc bằng phương thức mũi. Chữ H đầu chỉ là âm gió, nên phụ âm “Hm” chỉ phát âm là “M” trong tiếng Việt mà thôi, vì thế nếu ta đọc là “Hơ-mông”, hay “Hờ-mông” là sai, không có nghĩa. Để viết bằng tiếng Việt đảm bảo được tính đơn âm của phụ âm, đúng với nghĩa của từ “người” và tên tộc danh, ta nên sử dụng một phụ âm “M” của tiếng Việt để biểu thị là hợp lý nhất. Tại Hội nghị cán bộ cốt cán dân tộc Mông năm 1978 do Ủy ban Dân tộc của Chính phủ tổ chức đã thông nhất gọi dân tộc này là dân tộc Mông. Từ đó về sau các văn bản của Đảng và nhà nước đều viết là “Mông”. Ví dụ: Chỉ thị 45-CT/TW, ngày 23- 9-1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) cũng ghi là “Chỉ thị về một số
  • 26. 22 công tác vùng dân tộc Mông”; Công văn số 09-CV/HĐDT, ngày 4-12-2001 về việc đề nghị đọc đúng tên và khái niệm dân tộc, nêu rõ: “tên gọi dân tộc Mông, nếu viết bằng chữ phổ thông là ngôn ngữ chính thức của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì viết là Mông”. Gần đây một số công trình khoa học của giới nghiên cứu cũng đã viết là dân tộc này là “Mông” thay vì “Hmông”, như: Dân tộc Mông ở Việt Nam của Cư Hòa Vần và Hoàng Nam, NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội 1994; Bản sắc văn hóa dân tộc Mông và giải pháp giữ gìn, phát huy giá trị của nó ở Việt Nam hiện nay, Luận án tiến sỹ của Hoàng Xuân Lương, 2002; Dân tộc Mông Sơn La với việc giải quyết vấn đề tín ngưỡng tôn giáo hiện nay” của Thào Xuân Sùng, NXB Chính trị quốc gia, 2009… Chính vì vậy, trong luận án này, tác giả cũng viết là: “dân tộc Mông”, “người Mông”, “đồng bào Mông” vừa dễ đọc, vừa chuẩn âm và mang tính phổ thông hơn. Người Mông Công giáo: Bộ phận người Mông theo Công giáo, xuất hiện vào những năm 20 của thế kỷ XX. Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng trên 17.000 người (chiếm 2% trong tổng dân số người Mông), tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và một bộ phận ở Tây Nguyên. Nhà nguyện: cơ sở thờ tự được đấng bản quyền (giám mục giáo phận hoặc bề trên dòng tu giáo sĩ) ban phép để dành riêng cho việc thờ phụng Thiên Chúa của một cộng đoàn (giáo họ), thường ở nơi quá xa nhà thờ xứ để tu sỹ, giáo dân đến đó cầu nguyện hoặc của các nhà dòng, các tu viện dòng tu Công giáo hay của một vị giám mục. Nhà nguyện có thể có “nhà tạm”,-nơi để Mình Thánh Chúa, cử hành các thánh lễ, các bí tích rửa tội, giải tội, hôn phối... Nhà thờ: cơ sở thờ tự của giáo phận, giáo xứ (cũng có trường hợp là cơ sở thờ tự của giáo họ), dành riêng cho việc thờ phụng Thiên Chúa, nơi các tín hữu có quyền lui tới để thờ Thiên Chúa. Nhà thờ chỉ được xây dựng khi có sự chấp thuận bằng văn bản của giám mục giáo phận và phải được cung hiến, có tước hiệu riêng. Nhà thờ được thiết kế theo một kiến trúc riêng, chuyên dùng để thờ Chúa. Theo giáo luật, nhà thờ phải có “nhà tạm” để Mình Thánh Chúa. Nhà thờ chính xứ, là cơ sở thờ tự của của một giáo xứ, nơi linh mục chính xứ cư trú tại nhà xứ gần nhà thờ, gọi là nhà thờ chính xứ. Nhà thờ chính xứ cũng đồng thời là nhà thờ của giáo họ chính xứ hay họ đạo đầu nhà xứ. Mục vụ: là hoạt động của giáo hội, cụ thể của các giáo sĩ trong việc chăm sóc giáo dân về mặt thiêng liêng, như giảng đạo, cử hành các phép bí tích, truyền giáo, quản giáo.
  • 27. 23 Thánh lễ: nghi thức dành cho thần linh. Thánh lễ trong Công giáo gồm hai phần: phụng vụ lời Chúa và phụng vụ Thánh thể. Thừa sai: trong luận án này được hiểu là những nhà truyền giáo phương Tây được giáo hội cử đi truyền đạo ở Việt Nam. Thừa tác viên: những người được giáo hội giao thực hiện các nghi lễ trong hoạt động mục vụ và phụng tự của giáo hội. Theo giáo luật, có hai loại thừa tác viên: thừa tác viên thường lệ, gồm những người có chức thánh (giáo sĩ) để thực thi hoạt động mục vụ, coi sóc tín đồ. Thừa tác viên ngoại lệ, gồm những người không có chức thánh (giáo dân). Trước Công đồng Vatican II (1962-1965), chỉ có thừa tác viên có chức thánh bậc linh mục và giám mục mới được coi là thừa tác viên thường lệ trong hoạt động mục vụ, còn chức phó tế cũng chỉ được xem là thừa tác viên ngoại lệ, giáo dân (tín đồ), không được tham gia vào tác vụ của hàng giáo sĩ, tức là không được giáo hội thừa nhận và trao tác vụ làm thừa tác viên của giáo hội. Sau Công đồng Vatican II, theo sắc chỉ của Giáo triều Rôma năm 1969, các phó tế được thừa nhận là thừa tác viên thường lệ, giáo dân được công nhận là thừa tác viên ngoại lệ. Các Thừa tác viên có chức thánh thực thi việc phục vụ đặc biệt của mình qua việc giảng dạy, cử hành phục vụ và hướng dẫn đạo của các tín hữu. Các Thừa tác viên không có chức Thánh được trao một số nhiệm vụ do các Giám mục quy định. 1.2. KHÁI QUÁT VỀ NGƯỜI MÔNG VÀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU 1.2.1. Khái quát về người Mông ở Lào Cai 1.2.1.1. Vài nét về lịch sử tộc người Mông ở Lào Cai Theo nhiều nghiên cứu dân tộc học, người Mông được xem là tộc người có lịch sử lâu đời ở Châu Á. Vào khoảng thế kỷ thứ VII trước Công nguyên, biên niên sử Trung Hoa đã xuất hiện cụm từ “Tam Miêu” để chỉ một quốc gia được thành lập do một số bộ lạc hợp nhất lại, cư tụ ở vùng Bành Lãi và Hồ Động Đình thuộc lưu vực sông Hoàng Hà. Trong lịch sử, người Mông phải chịu nhiều đau thương. Do bị các triều đại phong kiến người Hán ở Trung Hoa đánh đuổi, nên người Mông từ phương Bắc di cư dần xuống phía Nam. Vào khoảng thế kỉ VIII, tộc người này lùi xuống sinh tụ tương đối ổn định ở Quý Châu, Hồ Nam và Vân Nam (Trung Quốc). Do sinh sống ở Quý Châu thời gian lâu nhất, nên người Mông coi nơi đây là vùng đất tổ thứ hai của mình. Đầu thế kỷ XV, nước Tam Miêu ở Quý Châu vẫn được quyền tự cai quản. Nhưng đến thế kỷ XVIII, nhà Thanh, xóa bỏ chế độ thổ ty (1720), người Mông ở
  • 28. 24 Hồ Nam và Quý Châu có những cuộc nổi dậy với khẩu hiệu “đuổi người khách giành lại đất cũ”, phản đối chính sách của nhà Thanh. Để đối phó với phong trào đó, “nhà Thanh đàn áp có tính hủy diệt thực hiện chính sách đốt sạch, phá sạch. Ở Đông Nam Quý Châu, trước đó có khoảng 50 - 60 vạn người Mông, sau 20 năm chỉ còn vài vạn” [160, tr.21]. Sau biến cố ấy, người Mông tiếp tục di chuyển về phía Nam và phía Tây, cư trú trên các vùng núi cao tách biệt hẳn với người Hán. Người Mông di cư đến Việt Nam, trong đó có Lào Cai vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, trong 3 đợt chủ yếu: Đợt di cư lần thứ nhất diễn ra từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX. Đợt di cư lần thứ hai diễn ra trong khoảng thời gian 1840 - 1869. Đợt di cư lần thứ ba diễn ra vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Do có nguồn gốc từ phương Bắc, nên người Mông vẫn còn một số yếu tố văn hóa của người phương Bắc thể hiện qua nhà ở, trang phục, cách thức chế biến thức ăn,v.v… Tuy nhiên, đa số yếu tố văn hóa của dân tộc Mông thuộc về phương Nam. Về ngôn ngữ, phần lớn các nhà khoa học xếp ngôn ngữ Mông thuộc ngữ hệ Nam Á. Hiện nay, trong các dân tộc thiểu số ở Lào Cai, dân tộc Mông chiếm hơn 26% tổng dân số, có 4 ngành chính: Mông Lềnh (Mông Lênhx) chiếm 70% số người Mông toàn tỉnh, cư trú ở cả 8 huyện, nhưng tập trung ở các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Sa Pa, Bảo Thắng, Bảo Yên; Mông Đen (Mông Đuz) cư trú ở các huyện Bát Xát, Sa Pa; Mông Xanh (Mông Njuôz) chỉ có ở xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn; Mông Trắng (Mông Đơưz) cư trú ở các huyện Bắc Hà, Bát Xát, Sa Pa, Si Ma Cai. Tuy phân biệt thành bốn ngành khác nhau, nhưng chỉ ngành Mông Xanh ở xã Nậm Xé (Văn Bàn) là có nhiều nét khác biệt. Ba ngành Mông Lềnh, Mông Trắng và Mông Đen cơ bản giống nhau về văn hoá. Trong ngôn ngữ có tới hơn 90% từ vị và cách phát âm của các ngành Mông giống nhau. Sự khác nhau giữa các ngành Mông chủ yếu dựa trên trang phục của phụ nữ, nhưng đúng ra phải phân biệt qua ngôn ngữ mới chính xác. Chẳng hạn như ở Sa Pa, có 3 ngành Mông Lềnh, Mông Trắng và Mông Đen. Mông Lềnh và Mông Đen đều mặc quần áo màu đen như nhau nên nhiều người xếp chung vào ngành Mông Đen. Trên thực tế, ngành Mông Đen chỉ có một nhóm ở xã Tả Phìn mà thôi, còn phần lớn người Mông ở Sa Pa thuộc ngành Mông Lềnh. Người Mông di cư đến Việt Nam nói chung và Lào Cai nói riêng với mong muốn có cuộc sống ổn định hơn và no ấm hơn. Nhưng đến đây, họ lại bị ách áp bức bóc lột của thế lực thổ ty và thực dân Pháp với chính sách thuế khóa nặng nề. Đời sống
  • 29. 25 của người Mông ở Lào Cai cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX vô cùng cực khổ. Không chịu khuất phục trước cường quyền, họ liên tiếp đứng lên chống Pháp và tay sai. Những người tham gia các phong trào bị đàn áp, giam cầm, sát hại. Có cuộc nổi dậy bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu. Từ khi đát nước độc lập, Lào Cai được giải phóng, đồng bào Mông phấn khởi, tin tưởng vào Đảng, vào Chính phủ, đồng bào hăng hái dựng xây cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tạo ra bản làng vùng cao đầm ấm. Người Mông ở Lào Cai luôn coi Việt Nam là Tổ quốc mình, luôn kề vai sát cánh cùng các dân tộc khác xây dựng đất nước giàu mạnh và bảo vệ vững chắc vùng “phên giậu” của Tổ quốc. 1.2.1.2. Đời sống kinh tế của người Mông ở Lào Cai Do người Mông ở Lào Cai sinh sống trên các triền núi cao, gắn bó với núi rừng, nên nông nghiệp nương rẫy trở thành nền tảng kinh tế quan trọng của đồng bào. Họ làm nương rẫy theo các dạng địa hình khác nhau để trồng các loại cây lương thực, rau củ quả phù hợp. Ngoài trồng lúa, ngô, khoai, sắn, bầu, bí, dưa leo, người Mông còn trồng lanh để lấy sợi dệt vải, trồng các loại cây thuốc để bồi bổ sức khỏe và chữa bệnh theo kinh nghiệm dân gian. Kinh tế nương rẫy của người Mông phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Ở vùng cao do khí hậu lạnh kéo dài, nên người Mông chủ yếu làm một vụ, năng suất cây trồng thấp, đồng bào liên tục mở rộng diện tích gieo trồng bằng cách phát nương, đốt rẫy. Phương thức này gây ra những tác hại lớn đến môi trường sinh thái, dẫn đến tài nguyên cạn kiệt, đất đai bị xói mòn, bạc màu, sản xuất nông lâm nghiệp khó khăn, người Mông lại du canh du cư tìm vùng đất mới, lập nên những bản làng vùng sâu vùng xa. Môi trường càng trở nên khép kín, thiếu thông tin, không có điều kiện để giao lưu văn hóa, nên đồng bào Mông dễ tin theo những điều mê tín và tôn giáo mới. Ngoài nương rẫy, các hoạt động kinh tế khác cũng đóng vai trò nhất định trong cuộc sống của đồng bào như săn bắn, hái lượm, thủ công như rèn đúc, thêu thùa, đan lát... Nhìn chung, kinh tế của dân tộc Mông ở Lào Cai chủ yếu là tự cấp tự túc, khép kín, lạc hậu, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao. 1.2.1.3. Xã hội truyền thống của người Mông ở Lào Cai Người Mông có tổ chức xã hội khá chặt chẽ, bền vững. Xã hội truyền thống của người Mông dựa trên quan hệ huyết thống dòng họ. Những người cùng dòng họ đều là anh em (cứ tỳ), dù người đó ở đâu, không phụ thuộc vào địa bàn cư trú xa hay gần, kể cả khác quốc gia. Thành viên trong dòng họ gắn kết và trách nhiệm với
  • 30. 26 nhau trên cơ sở tuân thủ các phong tục tập quán. Về quan hệ láng giềng, làng bản của người Mông mang tính khép kín, sự cố kết cộng đồng cao. Người Mông theo chế độ phụ quyền. Chủ gia đình luôn là người bố, khi bố chết quyền hành trong nhà giao cho con trai trưởng. Chủ gia đình là người đề ra kế hoạch lao động sản xuất cũng như thực hiện các nghi lễ tôn giáo của gia đình. Gia đình người Mông ở Lào Cai là một đơn vị kinh tế độc lập, thường từ 2 đến 3 thế hệ, khoảng 05 đến 07 người. Sự phân công lao động trong gia đình rất chặt chẽ theo giới tính và lứa tuổi. Nam giới đảm nhiệm toàn bộ công việc làm nương rẫy, cày bừa, cuốc đất vv. Nữ giới trồng cấy, dệt vải, thêu thùa, hái lượm… Trẻ em từ 13 tuổi trở lên được coi là lao động chính; từ 8 đến 12 tuổi là lao động phụ. Trong gia đình, mọi người cùng nhau làm, cùng nhau hưởng lợi một cách hài hòa, đầm ấm. Gia đình người Mông còn là một đơn vị văn hóa, vì đó là môi trường trao truyền và phát triển văn hóa tộc người. Từ tấm bé, các em trai được cha dạy cày bừa, làm súng kíp, đặt bẫy, săn bắn, múa khèn, thổi khèn, thổi sáo và làm lý. Các em gái được mẹ dạy cho cách may vá, thêu thùa, dệt vải, hát ru, thổi kèn lá, kèn môi, chế biến thức ăn... Trong gia đình, mỗi thành viên được học nếp sống truyền thống, qua đó bản sắc văn hóa của đồng bào Mông được bảo lưu từ đời này qua đời khác. Gia đình người Mông cũng là một đơn vị tín ngưỡng. Ngôi nhà vừa là nơi ở vừa là nơi thờ cúng các loại ma. Dòng họ (xênhv) của người Mông gồm những người đàn ông thuộc các thế hệ khác nhau được sinh ra từ một ông tổ và vợ con của họ. Cùng họ là những người “cùng ma” (thôngx đangz), qua nhiều ký hiệu tín ngưỡng như: lễ thức chôn cất người chết, cách làm ma bò, ma lợn, ma cửa... Mỗi họ có nghi lễ riêng. Đối với người Mông, các lễ cúng ma cửa (xìa mình), ma mụ (đá trùng), ma lợn (bùa đáng), ma trâu (nhìu đáng) rất quan trọng mà sự phân biệt giữa các dòng họ là số lượng bát thịt cúng, cách bày bát thịt cúng, nơi cúng, bài cúng. Cùng ma đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc nhận người cùng huyết thống mà còn là yếu tố cốt lõi để cố kết các thành viên cùng một ông tổ, xây dựng hệ thống luật tục trong mối quan hệ giữa người cùng họ và người khác họ. Người Mông coi cùng họ là cùng tổ tiên, có thể đẻ và chết ở trong nhà của nhau mà không sợ tổ tiên quở trách, luôn phải giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
  • 31. 27 Người Mông ở Lào Cai có khoảng trên 20 dòng họ, mỗi dòng họ lại có các chi họ khác nhau. Những người chung tên họ coi nhau là anh em dù không cùng một ông tổ. Các gia đình trong dòng họ có thể cư trú ở rất xa nhau, nhưng khi đến chơi với nhau, họ đều coi nhau như người nhà theo chế độ ngoại hôn (cùng họ không được lấy nhau). Đồng bào cho rằng, lấy vợ gả chồng cho con cái khác dòng họ thì làm ăn mới tốt, nếu không sẽ bị tổ tiên trừng phạt. Đây là một kiêng kị của người Mông, không ai được vi phạm. Mỗi dòng họ của người Mông có một trưởng họ (uox thaux) đảm nhiệm các công việc chung. Trưởng họ là “người cầm quyền người”. Trưởng họ không nhất thiết là con trưởng theo kiểu cha truyền con nối như người Kinh ở miền xuôi mà do dòng họ bầu ra và có thể bị phế truất nếu như không còn tín nhiệm. Trưởng họ phải là người am hiểu phong tục tập quán, giỏi lý lẽ, giỏi kinh nghiệm sản xuất, được mọi người ủng hộ và nghe lời (không kể tuổi tác, ngôi thứ). Trưởng họ có quyền quyết định những công việc hệ trọng trong dòng họ. Như vậy, có thể coi tổ chức dòng họ là một bộ máy tự quản trong xã hội người Mông. Ngoài trưởng họ còn có người “cầm quyền ma, quyền khách” (cho dax khuô) và bà cô (phaux). “Người cầm quyền ma, quyền khách” phụ trách các công việc lên quan đế tín ngưỡng, tế lễ thần linh. Còn bà cô tuy đã đi lấy chồng, thuộc “ma” nhà chồng nhưng vẫn có trách nhiệm đối với con cháu của anh em mình. Trong xã hội truyền thống của người Mông, tổ chức dòng họ thực sự là một bộ máy tự quản hữu hiệu, với sự cố kết chặt chẽ giữa những người cùng họ hay cùng ma. Mọi người trong họ luôn đề cao sự tương trợ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống. Các dòng họ thường cư trú quần tụ trong một bản, hay một phần của bản, tạo nên sức mạnh cộng đồng để chống thiên tai, địch họa và giúp nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Tính cố kết cộng đồng là một nguyên nhân các tôn giáo khác khó xâm nhập, nhưng khi trong dòng họ có một số người từ bỏ tín ngưỡng truyền thống để theo Công giáo thì chỉ trong một thời gian sau nhiều người khác cũng theo đạo. Những gia đình không theo đạo sẽ bị dòng họ gây áp lực tâm lý hoặc bị cô lập. Về địa bàn cư trú, người Mông ở Lào Cai sinh sống tập trung ở các bản (jaol/giao) vùng cao. Mỗi bản có một hoặc vài dòng họ. Điều hành công việc chung là trưởng bản do dân bản bầu ra. Trưởng bản phải là người phải biết làm ăn, hiểu lý lẽ, sống công bằng, giao thiệp rộng; có anh em họ hàng đông, nhiều kinh nghiệm
  • 32. 28 trong sản xuất. Ông ta có trách nhiệm duy trì trật tự trong bản, điều phối các công việc chung, giải quyết những mâu thuẫn giữa gia đình các dòng họ hoặc giữa các thành viên trong bản. Mỗi bản người Mông có quy ước riêng, mọi người phải thực hiện nghiêm túc. Việc xử lý các mối quan hệ xã hội của người Mông chủ yếu dựa trên luật tục mà ít khi dựa trên cơ sở pháp lý hay quy định của chính quyền. Dư luận xã hội và hình thức phạt vạ nghiêm ngặt là biện pháp đảm bảo các quy ước được thực hiện. Điều này làm cho những “cái mới” (tôn giáo chẳng hạn) không dễ xâm nhập, nhưng khi đã xâm nhập thì lại tồn tại, phát triển một cách bền vững. Và cũng chính điều này, đôi khi gây khó khăn nhất định trong việc quản lý nhà nước ở địa phương. 1.2.1.4. Tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của người Mông ở Lào Cai Người Mông có tâm thức tôn giáo đa thần, theo quan niệm “vạn vật hữu linh”, chịu ảnh hưởng của Đạo giáo ngành phù thủy. Hệ thần/ma của người Mông khá đông đúc và phức tạp. Các hình thức tôn giáo sơ khai như tô tem giáo, hồn linh giáo vẫn tồn tại và đan xen trong tín ngưỡng dân gian. Trong tín ngưỡng truyền thống của người Mông, thờ cúng tổ tiên, Shaman giáo và thờ các vị thần/ma có ý nghĩa hết sức quan trọng. Theo quan niệm của đồng bào, tổ tiên là những người đã chết thuộc các thế hệ cha ông trở về trước. “Họ” trú ngụ ở trên trời có quyền năng rất lớn, có thể chi phối đến số phận của con cháu (sức khỏe, công việc…). Sự ban phúc hay giáng họa của tổ tiên tùy thuộc vào sự đối xử của con cháu, người thân đang sống. Do đó phải thờ phụng tử tế, chu đáo. Nghi lễ thờ cúng tổ tiên của người Mông ở Lào Cai khá đơn giản nhưng trang nghiêm, trong đó quan trọng nhất là lễ cúng tổ tiên vào năm mới (Môngz pêz chơưs), lễ cưới xin (yungz cưs), lễ tang ma (hôngx sưv), lễ cơm mới (maor yaz), lễ đặt tên trẻ sơ sinh (hnungz krênh nhuôs plix),v.v... Về thế giới quan, người Mông cho rằng, vũ trụ có hai thế giới cùng tồn tại: thế giới trên trời là nơi có ông Trời (vị thần có quyền năng cao nhất) và các vị thần linh của người Mông, trong đó có tổ tiên và những người trong dòng họ đã chết. Thế giới mặt đất là nơi con người và muôn vật sinh sống, đồng thời có các ma lành, ma ác. Theo đó, “bầu trời và mặt đất do ông Trời sai khiến bà Chầy tạo nên, còn người Hmông sinh ra từ trong lòng đất” [124, tr.92]. Người Mông tin rằng, để tồn tại được trên trần gian, họ được các vị thần giúp đỡ, dạy cách “làm ăn, làm uống”, cách ứng xử trong cộng đồng. Họ luôn
  • 33. 29 ghi nhớ công ơn các vị thần như: ông Chơ Nghĩa là người dạy đàn nhị, kèn sáo, ca múa và giúp xây dựng “đường lý, đường lẽ” trong ứng xử; Lias Lư là người định ra luật cưới xin; bà Niav Ngâul Chơ là người dạy cách thêu thùa; ông Xyz Zi là người cứu chữa bệnh tật và cái chết; ông Sâuz là người chỉ bảo cách giải quyết vào thời điểm khó khăn nhất,v.v... Các vị thần đó được người Mông coi là những ông tổ của họ, có công xây dựng nền móng cho sự mưu sinh và văn hóa tinh thần của họ; giúp họ có đủ sức mạnh chống thiên tai, áp bức, bảo vệ cuộc sống cộng đồng. Nét nổi bật trong tín ngưỡng truyền thống của người Mông là việc thờ cúng các thần/ma với những lễ thức riêng biệt. Thờ thần/ma nhà (xử ca), vị thần quản lý việc nhà, biểu tượng cho sự đầy đủ, giàu sang, được thờ ở giữa vách gian chính đối diện với cửa nhà; thờ thần/ma cột cái, thần chủ về sự hưng thịnh của gia đình; thờ thần/ma cửa (xìa mình), vị thần bảo vệ con người và tài sản gia đình, làm cho toàn gia đình mạnh khỏe, con cái ngoan ngoãn. Ma cửa được cúng vào dip Tết nguyên đán, hoặc khi trong gia đình có người đau ốm, gia súc bị dịch bệnh. Ngoài ra, trong ngôi nhà của người Mông còn thờ cúng ma lợn (bùa đáng), ma bếp (hú sinh), ma lò (kho trù). Người biết lấy thuốc chữa bệnh còn lập thêm bàn thờ Dược vương (Dìu vàng). Trong bản người Mông còn thờ thần thổ địa (thủ ty). Địa điểm thờ thần thổ địa có thể được đặt dưới một gốc cây cổ thụ hoặc ở trên hòn đá to có hình thù kỳ dị. Một số nơi, thần linh của bản là người có công với dân, với nước. Nếu như tổ tiên và ma nhà chi phối cuộc sống của các gia đình, thì thần linh của làng bản lại chi phối cuộc sống của cộng đồng. Người Mông tin rằng, người dân trong bản khỏe mạnh, làm ăn may mắn, mùa màng bội thu, gia súc đông đúc là nhờ các thần/ma phù hộ. Ngược lại, người dân bị ốm đau, tai nạn, gia súc bị dịch bệnh là do có những hành động không phải phép với các vị thần bản, nên phải tạ tội. Trong tín ngưỡng truyền thống của người Mông có một loại hình đặc thù là shaman giáo. Đó là hình thức thông qua người trung gian (thầy Shaman) để giao tiếp với thần linh, qua đó nhờ thần linh giúp đỡ những điều mình mong muốn. Shaman giáo có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào, chủ yếu giúp họ chữa bệnh và giải hạn. Mỗi khi ai đó gặp hoàn cảnh éo le, ốm đau, hoặc bế tắc trong cuộc sống, họ lại tìm đến thầy Shaman với mong muốn được cứu giúp, nâng đỡ để vượt qua vận hạn. Thầy Shaman có một vị trí đặc biệt trong xã hội truyền thống của người Mông. Hiện nay, vai trò của Shaman giáo và thầy shaman
  • 34. 30 trong đời sống của người Mông ở Lào Cai đã suy giảm nhiều. Khi bị đau ốm, nhiều người không còn mời thầy Shaman đến cúng mà thay vào đó họ đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, “văn hóa tâm linh của người Mông ở Việt Nam thực sự đứng trước những thách thức của sự chuyển đổi và phát triển. Thực tế đời sống văn hóa tâm linh của người Mông gần đây đã và đang có những biến động về sự tự điều chỉnh về tập quán lối sống trong sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, đồng thời là sự cọ sát, phản ứng hay tiếp nhận các yếu tố văn hóa tâm linh bên ngoài” [124, tr.274]. Tóm lại, người Mông luôn tin tưởng tín ngưỡng có thể giải quyết được những vấn đề bức thiết của cuộc sống. Khi những đòi hỏi ấy không được đáp ứng, họ dễ từ bỏ tín ngưỡng truyền thống cũ để đi theo một tôn giáo mới. 1.2.1.5. Hiện tượng xưng vua của người Mông Liên quan đến đời sống tín ngưỡng truyền thống của người Mông còn có một hiện tượng rất đặc biệt là “xưng vua”. Là một tộc người bị phong kiến Trung Hoa đánh đuổi, chịu nhiều đau thương trong quá khứ; từ một dân tộc hùng mạnh, từng có quốc gia lãnh thổ, có nền văn hóa, có chữ viết riêng trở thành một tộc người phiêu bạt, lưu tán khắp nơi, sống trên các đỉnh núi cao đầy gian khổ. Họ muốn giành lại quá khứ huy hoàng, nhưng càng đấu tranh chống áp bức càng bị thất bại. Vì vậy, người Mông luôn khát khao cuộc sống no đủ, không bị chèn ép, bất công; không có ốm đau, tật bệnh. Họ mong ước một ngày nào đó có một ông vua tài giỏi có thể giúp đồng bào khá giả, hạnh phúc. “Vua” trong tâm thức người Mông là nhân vật vô hình, được dựng lên một cách huyền bí; là người có quyền năng như các vị thần, có thể đem lại hạnh phúc cho đồng bào. Đây là hiện tượng có sự đan xen giữa con người cụ thể với con người tưởng tượng. Vì thế, tục “xưng vua” vừa mang tính thế tục vừa có tính tôn giáo. Trong thế kỷ XX, vùng người Mông ở Lào Cai có ba người xưng vua (Giàng Sran xưng vua năm 1918, một người họ Châu ở Mường Khương xưng vua năm 1938, Thào A Bâu xưng vua năm 1953). Tóm lại, các hình thức tín ngưỡng truyền thống của người Mông có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào, giúp họ cân bằng trạng thái tâm lý khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Thờ cúng tổ tiên và các thần/ma của dân tộc Mông có ý nghĩa thiêng liêng, trong đó có những yếu tố cần được bảo tồn và phát huy. Nhưng cũng có một số nghi lễ truyền thống của người Mông mang đậm yếu tố mê tín, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của cộng đồng.
  • 35. 31 1.2.1.6. Đặc điểm tâm lý tộc người Điều kiện sinh tồn trong hoàn cảnh khó khăn đã tạo nên ở người Mông ý thức cố kết cộng đồng bền chặt. Dù ở đâu và làm gì, họ cũng hướng về cộng đồng mình. Giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc là việc làm có ý nghĩa thiêng liêng mà mỗi người Mông đều tự thấy bản thân phải có trách nhiệm. Những người làm trái với phong tục, tập quán truyền thống đều bị cộng đồng phản ứng quyết liệt, thậm chí bị lên án, cô lập. Người Mông từng có một vương quốc hùng mạnh ở vùng Quý Châu (Trung Quốc), có kỹ thuật cao trong làm ruộng bậc thang, rèn đúc khí cụ, dệt vải, săn bắn,v.v... Sự đàn áp của các triều đại phong kiến Hán tộc đã đẩy họ vào những cuộc thiên di đầy máu và nước mắt, biến họ thành tộc người sống lưu vong khắp nơi trên các vùng núi cao, trong đó có tỉnh Lào Cai của Việt Nam. Họ vừa tự hào về quá khứ huy hoàng vừa xót xa cho số phận của một dân tộc bị li tán. Hoàn cảnh lịch sử ấy tạo cho đồng bào tâm lý mặc cảm, tự ti, luôn cảm thấy kém cỏi hơn các dân tộc khác. Đó là một rào cản trong sự giao lưu với các dân tộc anh em khác, khiến người Mông có lối sống khép kín. Chính điều đó làm cho họ luôn mong ước sự xuất hiện một đấng siêu nhiên có nhiều quyền phép để có thể giúp đồng bào có cuộc sống no đủ hơn. Người Mông khi đã tin ai thì tin sâu sắc, có thể thổ lộ hết tâm tình, sẵn sàng làm mọi việc kể cả khó khăn nhất; ngược lại khi đã không tin thì họ không nói, không nghe và không làm theo. Khi đã thề làm theo một việc gì đó thì không gì có thể thay đổi được sự quyết tâm của họ. Họ theo đến tận cùng lời thề của mình. Bên cạnh đó, người Mông còn đề cao sự bình đẳng và rất trọng danh dự. Mọi sự xúc phạm đến cá nhân hay cộng đồng dù vô tình hay cố ý, đối với người Mông là điều không thể chấp nhận được. Họ khó quên những điều đó. Tâm lý của người Mông tuy mạnh mẽ nhưng thiếu bền vững và dễ bị tác động, chỉ cần một tin đồn thất thiệt liên quan đến tính mạng bản thân và gia đình thì họ có thể phản ứng mãnh liệt, tâm trạng hoang mang. Trong cuộc sống đời thường, họ thiên về tư duy trực quan, cảm tính, cụ thể, nhưng trong đời sống tâm linh thì họ lại có lối suy nghĩ siêu thực, ấp ủ, mơ ước, nối tiếc, hy vọng và cũng khá lãng mạn. Người Mông có phong thái phóng khoáng, tự tin, tự trọng. Họ sống thật thà, chân thành, cởi mở, thuỷ chung, tôn trọng đạo lý, yêu cái tốt, ghét cái xấu...