SlideShare a Scribd company logo
1 of 76
Download to read offline
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC
HỒ THỊ MỸ TÌNH
VẤN ĐỀ CON NGƯỜI TRONG TRIẾT HỌC
FRIEDRICH NIETZSCHE
LUẬN VĂN THẠC SỸ KHOA HỌC
TRIẾT HỌC
Huế, 2010
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC
HỒ THỊ MỸ TÌNH
VẤN ĐỀ CON NGƯỜI TRONG TRIẾT HỌC
FRIEDRICH NIETZSCHE
CHUYÊN NGÀNH: TRIẾT HỌC
MÃ SỐ: 60 22 80
LUẬN VĂN THẠC SỸ KHOA HỌC
TRIẾT HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
PGS.TS. NGUYỄN TIẾN DŨNG
Huế, 2010
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của
riêng tôi. Các kết quả nghiên cứu được trình bày trong
luận văn là trung thực, chưa từng được công bố trong
bất kỳ trong một công trình nghiên cứu nào khác.
Tác giả luận văn
Hồ Thị Mỹ Tình
Con kính cảm ơn Ba Mẹ và gia đình, những
người luôn tiếp sức, động viên về cả tinh thần lẫn
vật chất, cho con tiếp tục hoàn thành ước vọng học
tập của con.
Em kính cảm ơn các thầy cô, đã cung cấp
thêm cho em những kiến thức bổ ích, để em tiếp
tục làm người đồng nghiệp tự tin hơn khi đứng trên
bục giảng. Đặc biệt, xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn
Tiến Dũng, người đã rất tận tình hướng dẫn em
trong suốt quá trình làm luận văn.
Cảm ơn những người bạn gần xa, luôn sát
cánh bên tôi chia sẻ những khó khăn trong suốt
khóa học này.
Xin chân thành cảm ơn!
Hồ Thị Mỹ Tình
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Kể từ khi bước vào lịch sử đến nay, cùng với việc đi sâu tìm hiểu
thế giới xung quanh, con người đã không ngừng tìm hiểu về chính bản
thân mình. Biết bao nhiêu câu hỏi xung quanh vấn đề con người được đặt
ra, và cũng đã có không biết bao nhiêu cách trả lời về những câu hỏi ấy.
Qua nhiều thời đại, với những chế độ xã hội kế tiếp nhau trong lịch sử,
vấn đề con người không hề trở nên cũ trong nhận thức của nhân loại.
Là một hình thái ý thức xã hội, triết học bao giờ cũng trở lại với con
người và coi con người như một đối tượng trung tâm của mình. Dù là duy
vật hay duy tâm, dù có tuyên bố hay không tuyên bố là “triết học của con
người, vì con người”, thì mọi trào lưu triết học từ cổ đại đến hiện đại, từ
phương Tây sang phương Đông đều đi vào lý giải một cách trực tiếp hay
gián tiếp những vấn đề chung nhất của con người.
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, những biến đổi mạnh mẽ của khoa
học và xã hội đã thúc đẩy sự phát triển của các tư tưởng triết học. Vấn đề
thân phận con người, sự tồn tại của con người càng trở thành vấn đề nóng
bỏng trong triết học. Friedrich Nietzsche – một trong những triết gia dám
tạo điểm nhấn, dám đưa ra những quan điểm trái chiều với quan điểm
truyền thống trong xem xét và đánh giá con người. Friedrich Nietzsche,
nhà tư tưởng Đức, người gây chấn động bằng tuyên bố “Chúa đã chết”.
Và con người muốn hiện hữu với tư cách là chủ thể của chính mình,
không tha hóa với chính mình, thì phải biết cởi bỏ những giá trị ảo quanh
mình. Những tư tưởng về con người và những chủ đích mà con người cần
vươn tới của Friedrich Nietzsche trở thành tiền đề quan trọng của chủ
nghĩa hiện sinh, trong đó con người hiện hữu với tư cách là một nhân vị.
Cùng chủ nghĩa hiện sinh, Friedrich Nietzsche đã tạo ra một phong cách
sống mới, một cách nhìn mới về vấn đề con người.
Vấn đề con người là một vấn đề triết học có ý nghĩa đặc biệt, do
vậy, việc nhìn nhận, đánh giá vai trò và vị trí của con người luôn là một
vấn đề cấp thiết trong mọi thời đại. Những năm gần đây, thế giới nói
chung, Việt Nam nói riêng, quan niệm coi con người là trung tâm trở
thành cách nhìn, cách nghĩ có sức hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của đông
đảo các nhà lý luận và các nhà chính trị  xã hội. Chúng ta, mỗi cá nhân
đang sống và cống hiến, nhận thức rõ việc phát huy năng lực của chính
bản thân đồng nghĩa với việc phát huy nguồn nhân lực cho đất nước, lấy
con người làm trung tâm trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là
một việc làm đặc biệt có ý nghĩa và hết sức cấp thiết. Tìm hiểu, khai thác
tư tưởng, quan niệm về con người của Friedrich Nietzsche để nhìn nhận rõ
hơn, thiết thực hơn vấn đề con người, đồng thời chọn lọc những yếu tố
tích cực, góp phần hữu ích vào việc phát huy mạnh mẽ hơn tiềm năng sức
lực, trí lực của con người trong thời đại mới.
Với ý nghĩa lý luận và ý nghĩa thực tiễn trên, chúng tôi chọn đề tài
“Vấn đề con người trong triết học Friedrich Nietzsche” làm đề tài cho
luận văn tốt nghiệp cao học ngành triết học của mình.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Giới học thuật phương Tây đã rất quan tâm nghiên cứu triết học
Friedrich Nietzsche, tiêu biểu có: Martin Heidegger, Felicien Challaye,
Charter Andler, Karl Jasper,…Và Nguyễn Đình Thi là người mở đầu cho
nghiên cứu về Friedrich Nietzsche ở Việt Nam vào năm 1942 [39].
Trước năm 1975, triết học Nietzsche được quan tâm đặc biệt ở
Miền Nam Việt Nam. Các học giả miền Nam Việt Nam muốn thông qua
triết học Nietzsche để tìm tiếng nói tương đồng cho thân phận con người,
cho sự khốn cùng của trí tuệ trong xã hội hiện đại. Nổi bật có Lê Thành
Trị với “Hiện tượng luận hiện sinh” [43]; Phạm Công Thiện với “Ý nghĩa
trong Văn nghệ và Triết học” [40], “Im lặng hố thẳm” [41], “Ý thức bùng
vỡ” [42]; Trần Thái Đỉnh với “Triết học hiện sinh” [12]; Thế Phong với
“F. Nietzsche và chủ nghĩa đi lên con người” [35]. Bên cạnh đó việc dịch
sang tiếng Việt những cuốn sách viết về Nietzsche và các tác phẩm kinh
điển của Nietzsche đã góp phần đưa Nietzsche lại gần với những người
quan tâm đến Triết học của ông, điển hình như: Felicien Challaye với
“Nietzsche - cuộc đời và triết lý” [4], F. Nietzsche “Tôi là ai” [30] và
“Buổi hoàng hôn của những thần tượng hay làm cách nào triết lý với cây
búa” [31]…
Ở miền Bắc trước năm 1975, do tập trung vào việc đấu tranh thống
nhất đất nước nên triết học Nietzsche chỉ được nhắc đến trong một bài viết
khi cần minh họa cho các tư tưởng của phương Tây.
Sau năm 1975, đặc biệt sau năm 1986, chúng ta đã có cái nhìn mới
về triết học phương Tây hiện đại. Tên tuổi của Nietzsche đã được nhiều
nhà văn, nhà nghiên cứu thừa nhận, trích dẫn, thậm chí còn được xem là
cảm hứng sáng tác. Nhiều công trình nghiên cứu gần đây ở Việt Nam
cũng như nước ngoài về triết học phương Tây hiện đại liên quan đến
Nietzsche đã được xuất bản, như: “Triết học phương Tây hiện đại” (4 tập)
của Lưu Phóng Đồng [13-16]; M. Heidegger với “Tác phẩm triết
học” [17]; Diêu Trị Hoa với “Edmund Husserl” [18] và Hàn Lâm Hợp với
“Max Weber” [20]. Lời giới thiệu về triết học Nietzsche của Quang Chiến
trong “Zarathustra đã nói như thế” [32]; “Mười nhà tư tưởng lớn thế
giới” [34] của Vương Đức Phong và Ngô Hiếu Minh; “Phridrich
Nitsơ” [2] của Lưu Căn Báo; “Câu chuyện triết học” [23] của Bryan
Mage; “Nhập môn triết học phương Tây” [36] của S. E. Stumpt và
D. C. Abel; “Lịch sử triết học và các luận đề” của
S. E. Stumpt [37];“Hành trình cùng triết học” của T. Honderich [19].
Ở Việt Nam sau năm 1990, việc nghiên cứu và giới thiệu Nietzsche
hướng vào hai bộ phận hợp nhất tạo thành tư tưởng Nietzsche là văn học
và triết học, có các công trình như: Trần Mai Nhi với “Những trường hợp
giữa F. Nietzsche và văn học” [28]; “Nhân vị - một thành tố trung tâm
của chủ nghĩa hiện sinh” [29]; Bùi Đăng Duy và Nguyễn Tiến Dũng với
“Lược khảo triết học phương Tây hiện đại” [10]; Nguyễn Tiến Dũng với
“Lịch sử Triết học phương Tây” [9], “Chủ nghĩa hiện sinh: lịch sử và sự
hiện diện ở Việt Nam” [8]; “Triết học Nítsơ và cuốn sách viết về triết học
Nítsơ đầu tiên ở Việt Nam” [7]; Trần Thiện Đạo với “Chủ nghĩa hiện sinh
và thuyết cấu trúc” [11]; Nexmeyanov E.E với “Triết học hỏi và
đáp” [24]; Hoàng Đức Bình với “F. Nietzsche: con người và tác phẩm
Zarathustra đã nói như thế” [3]; Hà Lê Dũng với “Sự ảnh hưởng của
triết học F. Nietzsche đối với chủ nghĩa hiện sinh vô thần” [6]…
Trong các công trình nghiên cứu trên, một số đi vào nhìn nhận và
đánh giá tổng quát về cuộc đời và tư tưởng của Nietzsche, một số thì tập
trung đi sâu phân tích một khía cạnh về con người và lập trường triết học
của Nietzsche. Có thể khẳng định, cho đến nay, ở Việt Nam chưa có công
trình nào trùng với tên của đề tài.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Sau khi hoàn thành, luận văn phải đạt được mục đích là:
+ Làm rõ quan điểm của Nietzsche về con người.
+ Chỉ rõ những luận điểm có thể kế thừa và những tư tưởng cần
phê phán.
Nhiệm vụ nghiên cứu:
+ Khái quát vài nét về Nietzsche và những nhân tố tác động đến sự
hình thành quan điểm về con người của ông.
+ Phân tích những quan điểm của Nietzsche về con người và đưa ra
đánh giá, nhận xét.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
+ Đối tượng nghiên cứu: Vấn đề con người trong triết học
Nietzsche.
+ Phạm vi nghiên cứu: Những quan điểm về con người trong hệ
thống triết học Nietzsche.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Cơ sở lý luận của luận văn là chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ
nghĩa duy vật lịch sử và quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam về xây
dựng và phát triển con người trong thời đại mới.
Phương pháp nghiên cứu của luận văn là phương pháp của phép
biện chứng duy vật với quan điểm: lịch sử, cụ thể, toàn diện và phát triển.
Ngoài ra luận văn còn sử dụng các phương pháp: phân tích và tổng
hợp, diễn dịch và quy nạp, đối chiếu và so sánh,…
6. Đóng góp của luận văn
Nội dung nghiên cứu của đề tài sẽ góp một phần nhỏ vào việc làm
tài liệu tham khảo cho việc học tập, tìm hiểu triết học phương Tây hiện đại
ở bậc đại học và sau đại học.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, mục lục và tài liệu tham khảo, luận
văn gồm hai nội dung chính là 2 chương, 6 tiết.
Chương 1: Sự hình thành tư tưởng về con người trong triết học
Friedrich Nietzsche
Chương 2: Nội dung cơ bản trong tư tưởng về con người của Friedrich
Nietzsche
CHƯƠNG 1
SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG VỀ CON NGƯỜI TRONG
TRIẾT HỌC FRIEDRICH NIETZSCHE
1.1. Bối cảnh thời đại
Marx viết: “Các nhà triết học không phải là những cây nấm mọc trên
đất. Họ là những sản phẩm của thời đại mình, dân tộc mình, mà những tinh
lực quý giá nhất và khó thấy nhất đã được suy tư trong các khái niệm triết
học” [27, tr.9]. Vâng, mỗi thời đại sinh ra những anh hùng, những tư tưởng
nảy mầm trên từng mảnh đất của những con người sống trong thời đại ấy. Tất
cả chính là những tinh túy, là niềm trăn trở của các bậc vĩ nhân, dẫn nhân loại
bước lên những nấc thang mới của sự phát triển.
Một tất yếu lịch sử ở thế kỷ XIX là sự ra đời của triết học Mác, khi
châu Âu đang trong giai đoạn đầy biến động về tất cả mọi mặt của những vấn
đề nóng bỏng của thời đại, đó là: Thân phận con người sẽ như thế nào? Xã
hội loài người sẽ đi về đâu?
Người ta nói rằng, thế kỷ XIX là thế kỷ của những biến đổi mạnh mẽ
của tinh thần lẫn vật chất, từ chính trị đến kinh tế, khoa học – kỹ thuật ở châu
Âu. Làm thay đổi toàn bộ bộ mặt, cũng như đã phủ lên đời sống của con
người châu Âu một lớp áo mới – một sự chuyển đổi mới mẻ về chiều sâu tâm
lý, quan niệm sống và cảm xúc.
Thế kỷ mà chủ nghĩa tư bản xác lập địa vị thống trị của mình, dần
chuyển sang chủ nghĩa đế quốc – giai đoạn tột cùng của nó. Chủ nghĩa tư bản
tạo ra một lực lượng sản xuất đồ sộ gấp nhiều lần lực lượng sản xuất của tất
cả các thế hệ trước gộp lại. Nền sản xuất mang tính xã hội hóa ngày càng cao,
kéo theo sự bóc lột ngày càng tinh vi hơn, sự phân hóa giàu nghèo vì thế
cũng ngày càng gay gắt.
Thế kỷ XIX cũng là thế kỷ mà sự phát triển của khoa học liên tiếp
phục vụ cho sự phát triển của sản xuất. Những phát minh về hóa học, vật lý
thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo phát triển, đưa lại bước tiến mới chưa từng
thấy về năng suất lao động, sản phẩm tăng đột biến, cơ sở kỹ thuật của nền
sản xuất đổi mới, hiện đại. Như ngọn lửa bỗng dưng bừng sáng vào những
năm 40 của thế kỷ XIX, nước Anh trở thành cường quốc của kỹ thuật. Sự
thắng lợi của cuộc cách mạng Công nghiệp đã đưa tri thức và khoa học lên
tầng cao mới.
Trong bức màn đêm trung thế kỷ, Kytô giáo là cột trụ tinh thần của
người châu Âu. Chúa là đấng cứu thế duy nhất cho đời sống khổ đau của con
người. Khi chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ, khoa học tự nhiên tiến
những bước dài, dẫn đến sự tan rã của tín ngưỡng Kytô giáo. Ở thế kỷ này,
khi giai cấp tư sản ráo riết chống Tôn giáo thì người ta lại tìm cách khôi phục
lại những tín điều, những quan niệm hẹp hòi từ truyền thống Kytô giáo. Họ
làm sống lại niềm tin của Chúa, những ma lực thần thánh đã một thời điều
khiển toàn bộ hoạt động của con người. Quan điểm mới về thần thánh lúc bấy
giờ chỉ khác với thời Trung cổ ở chỗ: sự mặc khải trong ánh điện thay thế cho
sự mặc khải trong ánh sáng nhập nhòe của nến.
Khi khoa học tự nhiên phát triển, chủ nghĩa kinh nghiệm và chủ nghĩa
duy lý tính được phản ánh trong triết học đã làm lung lay về căn bản cơ sở tín
ngưỡng Kytô giáo, mọi giá trị truyền thống tan rã, người ta ngày càng cảm
thấy mất đi ý nghĩa đã từng được xác định. Con người hầu như trong trạng
thái chân không không nơi nương tựa. Nghĩa là, trong lòng châu Âu nhen
nhóm tư tưởng chống lại tư tưởng của Kytô giáo, cùng với sự xuất hiện
những vĩ nhân và các học thuyết mang tầm vóc thời đại.
Một thế kỷ mà châu Âu gần như sôi sùng sục trong chảo lửa của cả sự
phát triển, đấu tranh và tiêu diệt. Một thế kỷ gắn với nhiều đổi thay, không
chỉ lái châu Âu sang một ngã rẽ mới mà còn làm cho thế giới cũng chịu
những tác động không nhỏ, khi: “Máy móc có sức mạnh kỳ diệu trong việc
giảm bớt lao động của con người, và làm cho lao động của con người có kết
quả hơn, thì lại đem lại nạn đói và tình trạng kiệt quệ đến cho con người.
Những nguồn của cải mới từ xưa đến nay chưa ai biết, dường như có một sức
mạnh kỳ diệu nào đó lại đang biến thành nguồn gốc của sự nghèo khổ.
Những thắng lợi của kỹ thuật dường như lại được mua bằng cái giá của sự
thay đổi về mặt tinh thần” [26, tr.12]. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật làm
vơi đi gánh nặng của đời sống xã hội, song ở những điều kiện xác định lại
làm cho chính cuộc sống bị tiêu diệt. Lúc này, các thành tựu mà con người
tạo ra gần như quay lại chống con người. Niềm tin bị khủng hoảng, khi mọi
thứ ngày càng hiện đại thì chính con người ngày càng bị tha hóa: “Sự đảo lộn
liên tiếp của sản xuất, sự rung chuyển không ngừng của tất cả các quan hệ xã
hội, sự luôn luôn hoài nghi và sự vận động làm cho thời đại tư sản khác với
tất cả các thời đại trước. Tất cả các quan hệ xã hội cứng đờ và hoen rỉ, với cả
tràng quan niệm về tư tưởng được tôn sùng từ nghìn xưa đi kèm những quan
hệ ấy đều đang tiêu tan; những quan hệ xã hội thay thế, những quan hệ đó
chưa kịp cứng thì đã già cỗi ngay. Tất cả những gì mang tính đẳng cấp và trì
trệ đều tan biến như mây khói. Tất cả những gì thiêng liêng đều bị ô uế và rút
cuộc mọi người đều phải buộc nhìn những điều kiện sinh hoạt của họ và
những quan hệ giữa họ với nhau bằng con mắt tỉnh táo” [25, tr.601]. Bản chất
của chế độ mới ngày càng lộ liễu.
Từ thành tựu rực rỡ của khoa học, cả châu Âu đề cao lý tính, mọi
người cần đến chân lý khoa học hơn là những gì có trong thần thoại về cuộc
sống mà ở đó có vẻ như dễ sống hơn. Bằng việc vận dụng những quy luật của
lý tính, có thể quản lý được tự nhiên và phát triển không hạn chế các năng lực
tinh thần và thể chất của con người. Châu Âu cận đại là thời đại chủ nghĩa lý
tính thịnh hành, “tri thức là sức mạnh” của Bacon vang dội lên chín tầng
mây, hầu như tri thức là tâm linh của con người. Một thời gian, loài người trở
thành đức Chúa trời chân chính của thế giới. Với loài người, lúc ấy như vừa
thoát ra khỏi tín ngưỡng “Thuyết chúa sáng tạo thế giới”, như là đã được giải
phóng. Loài người lúc này không một chút lo lắng, lòng đầy tin tưởng khi
sống trong một thời đại đầy hy vọng. Sự tin phục ở khoa học của con người
đã thay thế tín ngưỡng Tôn giáo, họ hiểu rằng khoa học và lý tính có thể đem
lại hạnh phúc cho con người. Tuy nhiên, sau khi lịch sử bước vào ngưỡng cửa
của thế kỷ mới, đặc biệt sau khi trải qua hai cuộc Đại chiến thế giới, người ta
phát hiện, khoa học không phải là vạn năng, sự phồn vinh vật chất đơn thuần
chỉ có thể tạo ra hạnh phúc giả tạo và biến con người thành nô lệ của máy
móc, con người dần bị tha hóa. Châu Âu lún sâu vào cuộc khủng hoảng tín
ngưỡng và khủng hoảng giá trị chưa từng có, thực chất của cuộc khủng hoảng
là sự tan rã của quan niệm truyền thống của giai cấp tư sản. Người châu Âu
bàng hoàng, đau buồn, hoang mang không biết đi theo hướng nào trước sự
hoang tàn đổ nát của giá trị truyền thống.
Các nhà tư tưởng đã nhìn nhận và phê phán những mặt trái của chủ
nghĩa tư bản, lúc bấy giờ cũng xuất hiện nhiều xu hướng khác nhau. Một số
nhà tư tưởng thì muốn quay lại thời kỳ phong kiến; một số vừa muốn xóa bỏ
những khuyết tật của xã hội tư bản vừa muốn duy trì nền thống trị này; một
số khẳng định rằng có thể xóa bỏ mâu thuẫn giữa hai giai cấp tư sản và vô
sản…; các triết gia cổ điển Đức đưa ra phương án giải quyết bằng ý chí,
nguyện vọng; còn các nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng thì muốn thay thế
bằng một xã hội công bằng hơn nhưng không thấy được nguyên nhân dẫn đến
xã hội bất công lúc bấy giờ… Từ thập kỷ 40 của thế kỷ XIX, Marx đã vạch rõ
hiện tượng tha hóa của con người phía sau sự phồn vinh vật chất của chủ
nghĩa tư bản, xác nhận nguồn gốc của nó là chế độ kinh tế và chế độ chính trị
của chủ nghĩa tư bản, là chế độ phân công lao động và chế độ tư hữu. Và
Marx cũng đã rút ra kết luận về cuộc cách mạng xã hội. Đến cuối thế kỷ XIX,
khi Cách mạng tháng Mười bùng nổ, một thời đại mới đã được mở ra.
Bức tranh châu Âu thế kỷ XIX chứa đựng đầy đủ các khía cạnh, màu
sắc của xã hội và con người ở châu Âu lúc bấy giờ. Một giai đoạn lịch sử đầy
biến động, những vấn đề kinh tế nóng bỏng cùng sự xoay đổi giá trị và thân
phận con người. Từ bức tranh toàn cảnh này, ta có cơ sở để tìm hiểu thấu đáo
hơn tư tưởng của nhà triết học người Đức - Friedrich Nietzsche, một con
người dám dấy lên tiếng chuông đổi thay cuộc sống hiện tại; một nhà tư
tưởng làm nên dấu ấn của thời đại, luôn khao khát tìm ra giá trị đích thực của
cuộc sống mà đầu tiên là giá trị của con người.
1.2. Friedrich Nietzsche và quá trình hình thành tư tưởng về con
người
1.2.1. Sơ lược tiểu sử Friedrich Nietzsche
Friedrich Nietzsche là nhà triết học, nhà thơ nổi tiếng nước Đức,
nhà tư tưởng lớn thời cận đại. Sinh ngày 15 tháng 10 năm 1844 ở
Roecken, miền Trung nước Đức, tức miền Thuringe, nơi phát xuất phong
trào cải cách. Sinh ra trong buổi giao thời thế kỷ từ chủ nghĩa tự do quá độ
lên chủ nghĩa đế quốc, nhà triết học giàu tính chiến đấu này đã rất nhạy
cảm trước sự thối nát của thời cuộc. Ông say mê khai thác, tìm tòi, xác
định lại ý nghĩa cuộc sống trong khi các giá trị truyền thống đang dần mất
đi. Cha là mục sư, nên ông được giáo dục rất cẩn thận về trí dục và đức
dục.
Friedrich Nietzsche sinh đúng ngày sinh nhật của Quốc vương, bố
của ông rất yêu mến và đặt nhiều niềm tin vào người con của mình.
Nhưng cuộc đời của Nietzsche đã đi ngược lại với mong ước của bố mẹ
và gia đình. Trong một trang của cuốn Sự vật nhân bản Nietzsche viết:
“Những xung khắc không giải quyết giữa đức tính và lòng tin ở cha mẹ đã
tồn tại nơi đứa con và tạo ra lịch sử cả cuộc đau khổ nội tâm của nó”.
Từ mấy thế hệ gia đình của Nietzsche là thành lũy sùng đạo Kytô
giáo, kính Chúa, là môi trường kết hợp một nền văn hóa rộng rãi với một
thứ luân lý khắt khe và một lòng tôn trọng với các đức tin Tôn giáo. Ông
nội của Nietzsche từng làm giám sát khu giáo dân, là một tín đồ sùng đạo
tài hoa. Bố là Karl Ludwig Nietzsche sinh năm 1813, là một người có tài
năng âm nhạc siêu việt, biểu diễn dương cầm và sáng tác các ca khúc,
được Quốc vương Phổ yêu mến. Sau Nietzsche còn có một em gái
Elisabeth sinh năm 1846, và một em trai Ludwig Joseph sinh năm 1848.
Nietzsche tự hào về tổ tiên của mình là quý tộc Ba Lan, dòng máu mang
đậm tính dân tộc.
Nietzsche bị khuyết tật bẩm sinh, ốm yếu, đầu to, người nhỏ, mắt
lác. Bị chứng bệnh đau đầu, mắt kém mãn tính của bố di truyền lại nên
ông nếm đủ sự khinh thường và chế nhạo của thiên hạ, tâm hồn ông đã
sớm thấy sự cô đơn và u uất. Bố mất lúc Nietzsche vừa mới lên năm vì
căn bệnh nhũn não. Nỗi đau chưa nguôi, thì mấy tháng sau, em trai chưa
đầy hai tuổi của ông cũng ra đi. Đau thương chết chóc liên tiếp đến quá
sớm với ông, làm cho tâm hồn đa cảm sớm mất niềm tin và luôn hoài nghi
với cuộc sống. Sau đó, gia đình Nietzsche chuyển về sống tại thành phố
nhỏ Naumburg bên bờ sông Cheri. Vốn quen với đời sống nông thôn
thanh đạm, yên tĩnh, nên Nietzsche cảm thấy không thích hợp với thành
thị, nhà thờ, đường phố và cảnh sinh hoạt đông đúc ồn ào. Bệnh đau đầu
và nhức mắt luôn dày vò ông. Sự đau buồn, nỗi cực khổ và ý thức mơ
màng với cuộc đời con người của Nietzsche từng bước hình thành trong
tình hình kinh tế – chính trị xã hội lúc bấy giờ.
Năm 1850, Nietzsche đến học tại trường tiểu học công lập tại thành
phố Naumburg. Tại đây, Nietzsche lại bị bạn bè chế giễu và khinh rẻ, nên
ông không thể vui đùa và kết bạn với bất cứ ai, và ông cũng không thể học
một cách bình thường. Đến khi được chuyển đến một trường dân lập dạy
cho học sinh học các môn học của nhà thờ, Nietzsche mới cảm thấy dễ
chịu hơn. Từ nhỏ, Nietzsche đã chịu ảnh hưởng tư tưởng Tôn giáo và chịu
sự giáo dục của những người phụ nữ sùng kính và tự tin, nên đã chịu khó
học các bài học Tôn giáo. Nietzsche học tiếng Hy Lạp và La tinh. Cậu bé
Nietzsche thích cầm quyển Kinh thánh vừa đi vừa đọc trên bãi cỏ với
dáng vẻ cung kính, làm cho mọi người thấy cảm động, gọi cậu là “chú bé
mục sư” hay “Jesus trong đền”. Nietzsche ít tham gia các trò chơi của mấy
đứa trẻ, thường hay chơi một mình, thích quan sát, rất nhạy cảm và biết
suy nghĩ. Nietzsche là cậu bé ham học hỏi, dũng cảm và sáng tạo, luôn tỏ
ra nhã nhặn, lịch sự.
Thừa hưởng dòng máu nghệ sĩ, Nietzsche cũng rất yêu âm nhạc,
ông sáng tác bản nhạc đầu tiên là bài thánh ca để ca tụng Thiên chúa hoặc
để ca tụng tổ tiên ông – những “người Ba Lan hùng tráng”, rồi đánh
dương cầm và phổ lời kinh thánh. Ông yêu âm nhạc cổ điển Đức,
Beethoven, Mozart… Nietzsche còn là một nhà thơ, lúc mười tuổi đã viết
trên 50 bài thơ, mười bốn tuổi viết tự truyện bằng thơ. Nội dung thơ hay
miêu tả những cảnh vật ly kỳ trên biển như bão tố, lửa thiêu, hay là người
phiêu bạt, ngủ mê. Thơ thời niên thiếu của ông đều mang âm hưởng đau
buồn, phản ánh thời đại u uất, cuộc sống nhiều đau thương xót xa. Ngòi
bút thơ Nietzsche uyển chuyển, ngôn ngữ trong sáng [2, tr.18]:
“…Trên thế giới này,
Cuối cùng không ai tìm được
Thú vui quê hương và gia đình;
Chúng ta chưa bao giờ rời khỏi trái đất,
Cuối cùng trở về trong lòng của nó,
Khi tiếng chuông du dương vang vọng,
Tôi bất giác thầm nghĩ:
Chúng ta mọi người đang cuồn cuộn
Đi đến quê hương vĩnh hằng.
Người nào hằng giờ hằng phút
Thoát khỏi sự ràng buộc của trái đất,
Hát lên bài ca mục đồng quê hương,
Ca ngợi cái cực lạc của thiên đàng”.
Đó là bài thơ Quê vũ, Nietzsche sáng tác lúc còn bé, lúc ông luôn
lẫn tránh những đám đông, thích tìm về chốn hữu tình thơ mộng.
Năm 1858, mười bốn tuổi, Nietzsche được giới thiệu đến học tại
trường Schulpforta, cách nhà bốn dặm, là một trường có uy tín về giáo dục
cổ điển, nhiều giáo viên danh tiếng. Trong sáu năm học ở đây, Nietzsche
đặt ra nguyên tắc cho mình đó là học tập nghiêm túc, đi sâu tìm tòi,
nghiên cứu chuyên ngành, hạn chế những yêu thích cá nhân. Vì vậy mà
Nietzsche đã học tập rất có hiệu quả, ông nghiên cứu tác phẩm cổ điển
Đức và so sánh phương thức tư duy của họ, kết hợp nghiên cứu lịch sử và
địa lý, vận dụng phương pháp giáo dục vào vật lý và âm nhạc. Với đức
tính cần cù, chịu khó và sự giảng dạy rất thấu đáo của nhà trường,
Nietzsche tiến bộ rất nhanh về kiến thức ngôn ngữ văn học và khả năng
cảm thụ. Nietzsche rất uyên bác, am hiểu nhiều lĩnh vực và có nhiều kiến
giải độc đáo.
Ngoài việc tán thưởng âm nhạc cổ điển, Nietzsche còn thích tác
phẩm của Richard Wagner, nhạc sĩ người Đức cùng thời. Với số tiền ít ỏi
tiết kiệm được, ông mua bản tổng phổ dùng cho đàn dương cầm “Tristan
và Isolde” của Wagner. Nietzsche nghiên cứu biên niên sử và tập văn học
Băng đảo thời cổ đại, chú trọng suy ngẫm về từng nhân vật trên sân khấu
hiện đại, viết bài văn ngắn về “Hoàng đế Napoléon đệ tam”.
Từ năm 1862, Nietzsche đã rất thích triết học, tuy nhiên ông chưa
bao giờ chính thức nghiên cứu triết học, có bài bình luận ngắn đầu tiên về
triết học “Số phận và lịch sử”, bài tạp văn về “Ý chí tự do và số phận”.
Nietzsche tỏ ra bất mãn với hiện trạng nước Đức, thông qua nghiên cứu
văn học cổ điển, cho rằng kịch nước Đức bắt nguồn từ sử thi. Về sau,
Nietzsche hầu như có thái độ lạnh nhạt với Kytô giáo và hoài nghi về sự
tồn tại của Chúa, linh hồn bất tử, quyền uy của Kinh thánh, thần linh và có
ý đồ đi sâu tìm hiểu. Ông nói rằng Tôn giáo là con đẻ của loài người thời
thơ ấu.
Vào đại học, Nietzsche dần dần lìa xa Tôn giáo, khi càng thực tình
muốn trở lại tín như cha mẹ và anh em ông thì ông càng thấy không thể
tin vào đạo Tin Lành được nữa. Nietzsche chọn ngành ngôn ngữ học cổ
điển. Lúc này, tác phẩm của Schopenhauer đã gây chấn động tâm tư bi
quan sầu não của ông. Âm nhạc của Wagner làm ông thấy được hi vọng
của phục hưng văn hóa châu Âu. Hai người thầy lớn này làm cho cuộc đời
ông có những chuyển biến căn bản. Nietzsche rời bỏ Đại học Bonn,
chuyển qua Đại học Leipzig. Nietzsche miệt mài học tập nghiên cứu, và
cũng nhận thấy mình sống xa rời quần chúng, trầm mặc, ít giao du. Ông
quyết tâm sữa chữa khuyết điểm, tập tiếp xúc rộng rãi với thế giới bên
ngoài. Tên tuổi của Nietzsche dần nổi tiếng trong giới ngôn ngữ học cổ
điển, tác phẩm của ông nhiều lần được đăng trên báo và được nhà trường
tặng thưởng về nghiên cứu chuyên đề, nhận được vinh dự nhà khoa học
trẻ ưu tú. Đồng thời, Nietzsche cũng tìm thấy sự đam mê với triết học, ông
nói: “Chúng ta dùng chủ nghĩa hoài nghi để đào mồ chôn tư tưởng truyền
thống” [2, tr.30], đây chính là mầm mống tư tưởng đòi đánh giá lại mọi
giá trị của ông.
Trong thời gian học Đại học Leipzig, Nietzsche hai lần tham gia
chiến tranh thống nhất nước Đức. Lần đầu quân nhập ngũ thứ nhất năm
1866, chiến tranh Phổ - Áo. Lần thứ hai là năm 1867, lúc Leipzig bị bệnh
thổ tả hoành hành, Nietzsche rời trường đại học tham gia quân tình
nguyện, sau đó được tuyển vào bộ đội pháo binh địa phương Naumburg,
phục vụ quân ngũ một năm. Tháng 3 năm 1868, ông bị ngã trong một lần
tập cưỡi ngựa, bị chấn thương xương ngực. Trong thời gian tại ngũ,
Nietzsche tận mắt thấy được sự tàn khốc của chiến tranh và những đau
thương mất mát của các chiến sĩ, chứng kiến được cái bi tráng hào hùng
cũng những hy sinh anh dũng kiên cường. Khi nước Đức thống nhất, dưới
con mắt ông, thắng lợi của vũ lực không có nghĩa là thắng lợi của văn hóa,
mọi tiến bộ về vật chất chỉ phục vụ cho cuộc sống xa xỉ mà thôi.
Nietzsche cho rằng thắng lợi của chủ nghĩa đế quốc Đức là sự hủy diệt
triệt để tinh thần nước Đức, nước Đức lúc ấy trở thành tự mãn và không
có linh hồn. Tháng 10 năm 1868, Nietzsche ra khỏi quân đội và trở về Đại
học Leipzig học tiếp kỳ học cuối. Nietzsche tỏa sáng trong lĩnh vực học
thuật đến mức trở thành giáo sư chính thức ở tuổi 25 – một trường hợp
gần như chưa từng có.
Nietzsche là một trong những nghệ sĩ văn chương tài năng. Nhiều
người Đức nhìn nhận ông là vĩ đại nhất trong tất cả tác gia văn xuôi Đức.
Sở dĩ Nietzsche có thể đàm luận với rất nhiều nghệ sĩ sáng tạo là do bản
thân ông được mệnh danh là một nghệ sĩ giữa các triết gia. Ông làm thơ
hay, biết soạn nhạc, nhưng quan trọng hơn cả là bút pháp văn chương của
ông rực rỡ khác thường. Đa số tác phẩm của ông không được viết theo
cùng một kiểu văn xuôi mở rộng như trong triết học, với những luận
chứng và phản chứng được trình bày chi tiết, mà được thể hiện bằng hình
thức tản văn qua những câu cách ngôn, những câu thơ dạng kinh thánh,
hoặc những đoạn văn được đánh số riêng rẽ. Ông có phương pháp đặc
trưng để tìm cách đưa người đọc nhìn mọi sự theo một đường hướng mới
bằng cách trình bày trước họ không phải một luận chứng thuyết phục mà
là một hình tượng dễ nhớ - có những luận chứng được hiểu ngầm, được
rút ra từ những ẩn dụ. Bên cạnh đó, bản thân Nietzsche luôn chống lại
việc tạo nên hệ thống, nên triết học Nietzsche đương nhiên không mang
tính hệ thống.
Vì Nietzsche bị những kẻ Quốc xã nhận là triết gia biện hộ cho họ,
nên cần phải nhấn mạnh rằng ông chế giễu chủ nghĩa dân tộc Đức và
khinh bỉ chủ nghĩa bài Do Thái. Dù bản thân là người Đức, nhưng ông
thường xuyên đưa ra những khái quát khiếm nhã về những người Đức,
như “người Đức có những bí quyết làm thế nào để trở nên nhạt nhẽo bất
chấp sự thông minh, hiểu biết và cảm xúc”, và “nhìn chung, chiều sâu của
một người Đức vĩ đại bị đóng khung trong một cái hộp hình dạng xấu xí”.
Về chủ nghĩa bài Do Thái thì ông cho là không thể chấp nhận được.
“Những kẻ bài Do Thái”, ông nói “không tha thứ cho người Do Thái vì họ
có trí tuệ và tiền bạc. Bài Do Thái – đó là tên gọi khác của “ẩu tả và hỏng
bét”. Ông đặc biệt chỉ trích dân tộc Đức về khuynh hướng bài Do Thái của
họ. Những lời cuối cùng của ông về vấn đề này là: “Tôi chỉ muốn đem
bắn bỏ bọn bài Do Thái”. Nietzsche đương nhiên không phải là đảng viên
Quốc xã.
Nói về Friedrich Nietzsche, là nói về một con người biết sống với
tận cùng tâm hồn mình, với những nỗi xao xuyến, dao động, với buồn
thảm mênh mông dài đăng đẳng, với niềm vui phút chốc bùng cháy lên.
Một con người dũng cảm, đấu tranh với bệnh tật, khổ đau tình cảm, buồn
vui bất chợt; có những lúc lao mình với tình yêu mà không được đền bù;
những tình bạn đam mê, đôi khi đưa đến đoạn tuyệt; những trầm tư cô
độc, những cuộc du hành, đổi chỗ ở càng lúc càng thường xuyên.
Nietzsche từng có những ngày huy hoàng ở các thành phố ồn ào, náo
nhiệt; những đầy ắp hi vọng rồi tuyệt vọng; những suy ngẫm về cuộc đời,
hoài nghi, chán nản về cuộc sống và số phận con người. Ông mất vào
ngày 25 tháng 8 năm 1900. Cuộc đời của vô vàn những biến cố.
1.2.2. Sơ lược tư tưởng và tác phẩm của Friedrich Nietzsche
Triết học phương Tây hiện đại với nghĩa là triết học phi mác xít đã
hình thành và được truyền bá ở các nước phương Tây từ giữa thế kỷ XIX
đến nay. Đó là một trong những vấn đề mà giới triết học thế giới và Việt
Nam rất quan tâm, nhất là hiện nay, khi cuộc đấu tranh tư tưởng và lý luận
diễn ra gay gắt. Vào những năm 70 – 80 của thế kỷ XIX, chủ nghĩa duy ý
chí Nietzsche xuất hiện ở Đức, ngay lúc đó người ta chưa chú ý, nhưng về
sau ảnh hưởng của nó rất sâu rộng. Nó xuất phát từ lập trường của chủ
nghĩa phi lý tính, dưới khẩu hiệu “đánh giá lại mọi quan niệm giá trị”; phê
phán gay gắt văn hóa châu Âu dưới sự chi phối của truyền thống Kytô
giáo và triết học lý tính. Nó nêu lên rằng cần phát huy cao độ bản năng và
sức sống nội tại của con người, lấy ý chí quyền lực làm thước đo đánh giá
mọi cái.
Chủ nghĩa duy ý chí là một bộ phận thuộc trào lưu triết học nhân
bản của triết học phương Tây hiện đại. Là triết học duy tâm đề cao tác
dụng ý chí của con người, thậm chí biến nó thành nền tảng và điểm xuất
phát của mọi tồn tại. Chủ nghĩa duy ý chí ra đời trong bối cảnh lịch sử khi
giai cấp tư sản châu Âu đã mất tính chất cách mạng và mâu thuẫn của hình
thái ý thức, kiến trúc thượng tầng của nó biểu lộ rõ ràng… Chủ nghĩa duy
ý chí phản ánh sự phản ứng của tầng lớp phản động bảo thủ nhất trong
giai cấp tư sản châu Âu lúc bấy giờ đối với lý luận cách mạng có đặc
trưng lý tính. Ở mức độ nhất định, nó cũng có thể thích ứng với tinh thần
của phái cấp tiến trong giai cấp tiểu tư sản đang bất mãn với hiện thực xã
hội và đòi hỏi tự do tuyệt đối về cá tính. Chủ nghĩa duy ý chí ra đời có ảnh
hưởng lớn nhất ở Đức và cũng phát triển ở Pháp, Anh và một số nước Bắc
Âu khác. Schopenhauer và Nietzsche là đại biểu lớn nhất của chủ nghĩa
duy ý chí ở Đức.
Nietzsche và triết học Nietzsche là một khối hoàn bích, không nứt
nẻ: triết học của ông là đời sống của ông và đời sống của ông là tài liệu
suy tưởng của ông. Trần Thái Đỉnh cho rằng “tất cả tác phẩm của
Nietzsche chỉ là lời tự thuật của một tâm hồn chân thành và đam mê, có
tư chất họa hiếm” [12, tr.116]. Triết học Nietzsche là con đẻ của thời đại
chuyển tiếp giữa thế kỷ cũ và mới, là sự phản ánh vượt lên trước đối với
sự khủng hoảng lớn toàn diện của thế kỷ mới sắp đến.
Trần Thái Đỉnh cũng đánh giá rằng tư chất của Nietzsche thật là họa
hiếm. Nietzsche đã nhằm một cuộc cách mạng tinh thần như chưa từng
thấy: ông nhằm đổi lại cái bảng giá trị luân lý và xã hội; những gì người ta
vẫn tôn trọng từ trước đến nay sẽ bị ông thóa mạ và lên án; ông sẽ đặt lại
và tạo ra những nhận định hoàn toàn mới về thiện và ác. Cho nên triết học
của ông có thể mệnh danh là “Đảo lại tất cả các giá trị”. Thay vào những
giá trị tư tưởng hoàn toàn duy niệm của truyền thống Socrates, Nietzsche
đã đề cao những giá trị của hiện sinh; và thay vào những giá trị “yếm thế”
của các tôn giáo, Nietzsche đã nêu lên lý tưởng và ý chí hùng cường.
Cuộc cách mạng Nietzsche vô cùng dũng cảm và ghê sợ, nhưng
không phải tự nhiên mà có. Nó đã được chuẩn bị khá lâu, qua không khí
gia đình và qua các triết gia mà ông đã say mê tìm hiểu, nhập tâm.
Với tuyên ngôn: Cần có những giá trị mới, Nietzsche bắt đầu bằng
cách công kích dữ dội vào sự ràng buộc với những đức hạnh và giá trị
hiện có. Chúng có nguồn gốc chủ yếu từ Hy Lạp cổ cùng với truyền thống
Do Thái-Cơ Đốc, ông nói, có nghĩa là chúng bắt nguồn từ các xã hội khác
hoàn toàn với bất cứ xã hội nào của ngày hôm nay, và từ những tôn giáo
mà đa số nếu không muốn nói là hầu hết chúng ta đều không tin. Đây là
một tình trạng khó có thể bào chữa, Nietzsche tuyên bố rằng: Chúng ta
không thể đặt cuộc sống của chúng ta trên những hệ thống giá trị mà nền
tảng của chúng không được công nhận. Nó làm cho cuộc sống của chúng
ta thành hư giả. Chúng ta phải hoặc tìm nền tảng mà chúng ta thực sự đặt
niềm tin vào đó để hậu thuẫn cho những giá trị; hoặc nếu không chúng ta
nên từ bỏ những giá trị này và tìm những giá trị khác mà chúng ta thật
lòng tán thành. Và: “Nghệ thuật chỉ ngẩng cao đầu khi nào Tôn giáo giảm
bớt ảnh hưởng” [23, tr.221].
Theo Nietzsche, mỗi người trong chúng ta phải tự mình trở nên toàn
mãn, nói vâng với cuộc sống, sống tận lực cho thỏa chí của mình. Một
trong những từ ông thường dùng nhất là “dám”; và có lẽ điều răn đầu tiên
của ông là: “Hãy dám trở nên chính mình” [23, tr.255].
Có rất nhiều tác phẩm ra đời, ngay cả khi Nietzsche rơi vào tình
trạng vô cùng đau đớn, mệt mỏi, khổ tâm, ông vẫn không ngừng sáng tác.
Nguồn gốc của bi kịch, có tên gọi đầy đủ là “Bi thảm sinh ra từ
tinh thần âm nhạc”, viết từ năm 1870 – 1871, năm 1872 xuất bản đầu tiên,
sau hai năm có sửa chữa một số phần và xuất bản lần thứ hai. Lần xuất
bản năm 1886, Nietzsche viết lại bài tựa mới là “Thưởng thức sự tự phê
phán”. Đây là tác phẩm quan trọng thể hiện Nietzsche ngày càng chín
muồi, dùng nhãn quan hoàn toàn mới nghiên cứu bi kịch của Hy Lạp, tìm
tòi ý nghĩa cuộc sống, là điểm xuất phát và là cơ sở của toàn bộ tư tưởng
của ông sau này.
Tác phẩm mượn nghệ thuật để bàn về đời người, mượn bi kịch Hy
Lạp nói về bi kịch đời người, lần đầu tiên, Nietzsche diễn đạt khá hoàn
thiện quan điểm mỹ học – triết học – đời người. Hai thần Mặt trời và thần
Rượu đều bắt nguồn từ bản năng của con người, cái trước là sự xung động
con người cá thể mượn ảo giác ngoại quan tự tôi khẳng định; cái sau là sự
xung động con người cá thể tự mình phủ định và trở về bản chất thế giới.
Nietzsche lấy thần Mặt trời và thần Rượu làm khái niệm cơ bản nhất, trình
bày những vấn đề như cội nguồn, tinh thần âm nhạc, trực giác nghệ thuật,
thời cơ chuyển biến văn hóa Socrates của bi kịch Hy Lạp.
Thần Mặt trời Apollo là thần Thái dương trong truyền thuyết thần
thoại Hy Lạp, còn gọi là “thần sáng suốt”, ánh sáng của nó làm cho phần
ngoại quan của vạn vật đẹp đẽ. Theo Nietzsche, thần Mặt trời tượng trưng
của ngoại quan đẹp, còn ngoại quan của cái đẹp về bản chất là một loại ảo
tưởng của con người. Trong đời sống hàng ngày, giấc mộng là trạng thái
của thần Mặt trời. Trong nghệ thuật, nghệ thuật tạo hình là nghệ thuật thần
Mặt trời điển hình.
Thần Rượu Dionysus là thần hoan lạc trong truyền thuyết thần thoại
Hy Lạp. Nietzsche cho rằng trạng thái thần Rượu tượng trưng cho phóng
túng, là trạng thái điên cuồng của niềm đam mê và nỗi đau khổ xoắn xít
với nhau. Trong đời sống hằng ngày, say là trạng thái của thần Rượu.
Trong nghệ thuật, âm nhạc là nghệ thuật của thần Rượu, bi kịch và thơ trữ
tình tuy dựa vào hình thức của thần Mặt trời, nhưng về bản chất cũng là
nghệ thuật thần Rượu.
Trong tác phẩm này, Nietzsche đã dùng thần Mặt trời và thần Rượu
để thuyết minh cội nguồn lịch sử của nghệ thuật, và có ý đồ tìm bản chất
ẩn giấu đằng sau thần Mặt trời và thần Rượu. Ở đây, Nietzsche đã mượn
nghệ thuật để nói về quan điểm triết học của mình, đó là sự trình bày
những ý kiến độc đáo về linh hồn, bản thể… Tinh thần Mặt trời dạy ta
cách giữ vững sự sống cá thể, lưu giữ ảo mộng, quên đi đau buồn – nhân
sinh quan thẩm mỹ. Tinh thần của thần Rượu dạy người siêu thoát cá thể,
nhìn thẳng vào khổ đau của cuộc sống, từ đau khổ thu nhận được sự say
sưa có tính bi kịch – nhân sinh quan bi kịch. Nội dung tác phẩm rất phong
phú, vừa mang tính kế thừa có sáng tạo của các bậc thầy đi trước, vừa
đánh dấu một bước khi Nietzsche bắt đầu trở thành nhà triết học độc lập.
Nhân tính, nhân tính thái quá (1876 – 1879), viết vào năm 1876,
xuất bản năm 1878. Năm 1886 tái bản, in chung các tác phẩm “Những ý
kiến châm ngôn lộn xộn”, “Người lữ hành và cái bóng của họ” viết năm
1879, in thành tập thứ hai của “Nhân tính, nhân tính thái quá”. Tác phẩm
nói rằng trên thế giới không tồn tại giá trị tuyệt đối, không có tiêu chuẩn
chân lí và lời răn của thánh siêu nhiên. Giữa bản tính của siêu nhân không
có sự đối lập tuyệt đối. Thiện và ác đều được tồn tại sau khi loài người xuất
hiện, chúng được phát triển trong quan hệ đối lập lẫn nhau và dựa vào nhau
để tồn tại, chỉ có thực hiện ràng buộc về đạo đức, con người mới có thể
thoát khỏi gian ác và tàn nhẫn.
Rạng đông (1880 – 1881), gồm 5 phần, có tính khẳng định sâu sắc
và trong sáng. Nội dung chống lại các giáo lý tội ác của Kytô giáo. Kytô
giáo cho rằng tình dục là cái gian ác và sa đọa, nên tín đồ cần cảm thấy
xấu hổ và tự trách mình trước sự kích động về tình dục. Theo Nietzsche,
vì giáo hội cấm đoán nên ma quỷ càng được con người thấy thích thú hơn
là sứ trời và thánh nhân, câu chuyện về tình yêu cũng được các tầng lớp
ưa thích. Giáo hội còn cho rằng sự hoài nghi là tội lỗi, những cái giáo hội
cần là sự tê dại và tinh thần hoảng hốt, đòi hỏi ca tụng hết lời đối với nước
tù trong đầm ao đã vùi ngập lý trí.
Tri thức vui vẻ (1881 – 1882, phần thứ 5 viết năm 1886). Trong
tập sách này, Nietzsche so sánh ông với phái chủ nghĩa lãng mạn, phái
Epicure, và tín đồ Kytô giáo. Cho rằng bản thân ông là nhân vật loại hình
bi kịch kiểu Dionysus. Nietzsche nêu ra nhiều loại học giả như luật sư,
mục sư và học giả Do thái, phê phán các học giả này không suy nghĩ giải
quyết vấn đề một cách sáng tạo, chỉ mong dùng các phương thức của mình
để chứng minh mình làm những công việc chính đáng hữu ích.
Phía bên kia của cái thiện và cái ác (1885 – 1886). Cuốn sách phê
phán cái hiện đại: khoa học hiện đại, nghệ thuật hiện đại, chính trị hiện
đại. Nietzsche nêu ra cái tương phản của người hiện đại, thay đổi quan
niệm thiện ác của con người: cái mà mình không thích thì đừng làm cho
người khác. Đồng thời ông nêu ra hai loại đạo đức chủ yếu là đạo đức tự
chủ và đạo đức nô lệ…Cuốn sách được giới học thuật khen ngợi, cho rằng
Nietzsche đã vạch ra một con đường mới cho nhân loại.
Hoàng hôn của ngẫu tượng (1888) chỉ chân lý đã đến lúc chấm
dứt. Sách chưa đến 150 trang, viết chỉ trong vài ngày. Nietzsche dùng
giọng châm biếm nói rằng quyền lợi làm cho người ta mê muội, nước Đức
được xem là dân tộc của những nhà tư tưởng, người Đức ngày nay đã
không còn thói quen nghiêm túc đối với mọi sự vật chân chính…
Chống tín đồ Kytô (1888) Nietzsche công kích toàn diện văn hóa
Kytô giáo: đạo đức, tín ngưỡng giả tạo, nhân sinh quan suy đồi, thế giới
quan trốn tránh thế giới. Nietzsche tuyên bố “Chúa đã chết”, phủ định
quan điểm giá trị của Kytô giáo đã làm lung lay tư tưởng tín ngưỡng của
người phương Tây.
Hãy xem, con người ấy (1888) là tự truyện. Nietzsche chỉ ra sau
chiến tranh Phổ - Pháp, không khí chính trị và không khí văn hóa của
nước Đức làm cho người ta có cảm giác ngạt thở. Ông chống lại chủ nghĩa
chủng tộc chống Do thái, đã kích chủ nghĩa quốc xã nước Đức, lên án cái
gọi là “quốc hồn nước Đức”, là một u hồn ăn thịt người. Nietzsche bất
mãn với chính trị cường quyền của Bismarck, cho rằng dân tộc này có thể
bị văn minh đem lại tai họa to lớn.
Ý chí quyền lực, sách do Elisabeth, em gái ông căn cứ vào đề
cương và di cảo của ông để biên tập và xuất bản năm 1901. Nội dung chủ
đạo trình bày bốn vấn đề ý chí quyền lực đối với nhận thức khoa học, ý
chí quyền lực trong giới tự nhiên, ý chí quyền lực của xã hội và cá nhân, ý
chí quyền lực của nghệ thuật… Trong quá trình biên tập, Elisabeth đã đưa
ý đồ của mình vào, nên sách có nhiều quan điểm cần tranh luận.
Zarathoustra đã nói như thế, là tác phẩm thể hiện đầy đủ nhất
nhân cách và tư tưởng của Nietzsche, đỉnh cao khả năng sáng tác và là tác
phẩm tiêu biểu của tư tưởng chín muồi của ông. Đây là một tập thơ triết lý
có tính tượng trưng, thể hiện tập trung phong cách đặc biệt độc đáo của
tác phẩm Nietzsche. Ông quan niệm rằng triết học là sự theo đuổi cái vô
hạn và vĩnh hằng, nên cách diễn đạt tư tưởng triết học không thể không
dùng thủ pháp tượng trưng. Tác giả mượn một nhân vật lý tưởng
Zarathoustra để biểu lộ tình cảm và tuyên truyền tư tưởng của mình.
“Zarathoustra đã nói như thế” thể hiện một loại hình thức nghệ thuật mới
với phong cách hùng vĩ, tình cảm mạnh mẽ, độc đáo.
Đây là tuyệt tác của Nietzsche, nó như là một tác phẩm đứng một
mình một cõi, có lẽ chưa từng có cái gì được sáng tạo từ một mãnh lực
tràn trề đến thế. Đó là tất cả sự hăng hái và tài hoa của một tâm hồn lớn tụ
lại, sáng tạo nên những bài giảng của Zarathustra. Zarathoustra đã nói
như thế là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của thế kỷ XIX.
Mỗi tác phẩm có một cái tên khác nhau, những nội dung khác nhau
và những đề cập không giống nhau, nhưng tất cả đều xoay quanh vấn đề
con người: bi kịch của đời người, thiện và ác, khát vọng tình yêu, sự hoài
nghi, sự ngay thẳng, tâm lý tín ngưỡng, quyền làm người, sự bất bình của
con người....với nỗi trăn trở về cuộc sống và số phận của con người trong
xã hội hiện tại đang nhiễu loạn. Những tác phẩm của Nietzsche đã khẳng
định sức mạnh và giá trị đáng phục của một con người đặc biệt, một con
người mà cuộc đời sớm chìm trong đau thương, mất mát, lại thường xuyên
tự đấu tranh với bệnh tật. Nietzsche đã có lúc gần như gục ngã, nhưng ông
đã dũng cảm đứng lên, gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh thời đại, làm một
bước nhảy, rẽ sang một con đường mới. Đến nay, những giá trị mà
Nietzsche để lại không ngừng được giới học thuật nghiên cứu, tìm hiểu.
1.3. Tiền đề tư tưởng
1.3.1. Sụp đổ niềm tin và khi “Thượng đế đã chết”
Tôn giáo là một hiện tượng đã tồn tại lâu đời trong xã hội loài
người. Trong lịch sử, rõ nhất là trong lịch sử phương Tây, đã từng có thời
kỳ thần quyền Tôn giáo thống ngự toàn bộ đời sống xã hội, chi phối cuộc
sống con người không chỉ phần hồn mà cả phần xác, không chỉ bên đạo
mà cả bên đời. Lịch sử cũng đã từng biết đến những vụ đụng độ Tôn giáo
quyết liệt, những cuộc chiến tranh Tôn giáo đẫm máu. Không chỉ trong
thời Trung kỷ với những cuộc Thập tử chinh kéo dài, dai dẳng hàng trăm
năm, mà những người Kytô giáo tiến hành nhằm giành lại Thánh địa
Jerusalem trong tay người Islam giáo. Cả trong thời hiện đại với sự bức
hại của chủ nghĩa Nadi đối với người Do Thái hồi Thế chiến II, trong các
trại tập trung cưỡng bức, dưới 6 triệu người chết trong vòng 5 năm (1940
– 1945). Đằng sau sự phân biệt chủng tộc, là thiên kiến điên cuồng của tín
đồ Kytô giáo với tín đồ Do Thái giáo. Marx khẳng định rằng chính con
người làm ra Tôn giáo chứ Tôn giáo không làm nên con người. Nói cách
khác, Tôn giáo là sự tự ý thức và tự cảm giác của con người vốn chưa tìm
thấy bản thân mình, hoặc đã tự đánh mất mình một lần nữa. Tôn giáo là
tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của một thế giới vô tình,
cũng giống như nó là linh hồn của một mảnh đất vô hồn, là thuốc phiện
của nhân dân.
Người phương Tây, từ em bé hai, ba tuổi đã tin tưởng rằng Kytô
giáo là trụ cột tinh thần và là nơi nương tựa cuộc sống. Khi các giá trị
Kytô giáo tan rã thì mọi giá trị truyền thống bị đảo lộn khủng khiếp.
Nietzsche cho rằng, bộ mặt tinh thần của một thời đại là do quan niệm đạo
đức quyết định, nên Kytô giáo trở thành cái đối địch lớn nhất của ông.
Kytô giáo coi dục vọng của bản tính con người là tội ác, khiến con
người tự nội tâm cảm thấy tội lỗi đối với dục vọng của bản năng, cuộc
sống trở nên khô héo cạn kiệt. Kytô giáo tuyên truyền về thông cảm, rộng
lượng, từ bi, làm cho con người trở nên nhu nhược, tan rã ý chí. Kytô giáo
chính là liều thuốc làm tan rã sức sống. Kytô giáo tuyên truyền cần mẫn,
nhẫn nại, dạy người “khi có người tát vào má trái, hãy xoay má phải cho
họ tát nốt”, Nietzsche phê phán loại đạo đức Kytô giáo này vì gần như
biến con người thành con vật, không có sức mạnh, không có cá tính, tầm
thường phó mặc số phận, không biết cách tự bảo vệ mình. Loại đạo đức
này càng được tuyên truyền, con người sống càng trì trệ, đi xuống. Đạo
đức Kytô giáo cổ vũ việc an tâm với hiện trạng, nghe theo số mệnh, không
cầu tiến. Từ đó tạo nên những con người sống yên phận, thiển cận, tù
túng, dần dần thoái hóa.
Nietzsche căm thù các tôn giáo, nhất là Do Thái giáo, Kytô giáo và
Phật giáo. Ông nghĩ rằng Tôn giáo là sản phẩm của những kẻ bệnh tật, hèn
yếu, những kẻ này không thể hưởng được những giá trị đích thực của đời
này, nên mới tạo ra những giá trị của đời sau. Giọng của Nietzsche thực
sự khó chịu: “Đau khổ và bất lực: đó là căn nguyên đã sinh ra những “đời
sau”. Đó là hạnh phúc của con người đau khổ quá” [23, tr.212]. Sự mệt
nhọc muốn nhảy một cái đến tận cùng: chính sự mệt nhọc này đã tạo nên
các thần linh và các thiên đàng đời sau. Nietzsche cho rằng các nền luân lý
cổ truyền không nhắm những giá trị hiện sinh, nghĩa là không nhằm phát
triển những đức tính của con người tại thế, mà chỉ nhằm phát triển những
đức tính có mục đích chê chối và ghét bỏ cuộc hiện sinh. Các Tôn giáo
cũng như nền luân lý cổ truyền mắc vào tội “yếm thế”, không biết chân
nhận những giá trị cuộc sống hiện nay, tức cuộc sống tại thế. Đối với
những người “yếm thế” đó, Nietzsche bảo rằng thà họ đừng sống nữa, vì
sống để chờ chết như thế là sống thừa.
“Nếu thần sáng tạo ra tất cả, thế thì tại sao loài người không biến
thành những con vật đớn hèn chỉ dựa vào bố thí, giống như những người
truyền giáo suốt ngày chỉ quỳ lạy cầu xin vô tích sự. Chúng ta đã là người
thì cần phải sống ra dáng con người, hãy đứng lên rời bỏ hạnh phúc nô
lệ!” [2, tr.101]. Như vậy, “Chúa đã chết”, đạo đức cũ rích đã bị cuốn đi.
Và cái thay thế nó là “đạo đức của người kiên cường” mới, một loại đạo
đức chống lại sự nhu nhược truyền thống cua Kytô giáo. Nietzsche mượn
lời của Zarathoustra trong tác phẩm Zarathoustra đã nói như thế để vạch
trần những “con người hiện đại” chịu ảnh hưởng của văn hóa trụy lạc và
dùng ngòi bút sắc bén tuyên chiến đối với những giá trị văn hóa “đồi trụy”
này. Ông vừa chống lại Kytô giáo vừa chống lại đạo đức trần thế, để dựng
nên quan niệm giá trị mới, dùng siêu nhân sáng tạo thay thế Chúa ảo
tưởng.
Dưới con mắt của Nietzsche, tội ác của Kytô giáo là chồng chất, nói
đến bao lâu cũng không diễn tả hết được. Đạo đức bị suy đồi đã len lỏi
vào trong mọi giá trị của loài người, được con người coi đó là giá trị nhân
sinh và là giá trị văn hóa cao nhất. Vì nhận thấy những sâu mọt càng ăn
sâu càng mục rỉ nên Nietzsche muốn châm ngòi nổ, đánh thức cơn u mê
của con người, ông hét vang: “Chúa đã chết! Nhà thờ hàng ngày các người
đi đến là mồ chôn của Chúa!” [2, tr.109].
Nietzsche miêu tả nguyên nhân Chúa chết rằng: khi Chúa còn trẻ,
vất vả cực khổ nhưng ham báo thù, về sau ngày càng già, ôn hòa và từ bi,
cuối cùng có một ngày, cuối cùng vì Chúa có quá nhiều thông cảm,
không chịu đựng nổi khi nhìn thấy sự đau khổ của nhân gian nên bị chết
ngạt. Tức là Chúa cũng có địa ngục của Chúa, Chúa chết vì sự thông cảm
đối với con người, chứng tỏ sự thương yêu của Chúa đối với con người.
Chúa đã thấy con người bị đóng đinh vào cái giá chữ thập như thế nào.
Tình yêu của Chúa đối với con người trở thành địa ngục của Chúa.
Nietzsche muốn ám chỉ Do thái giáo và Kytô giáo là Tôn giáo phản
kháng đã biến thành Tôn giáo thương hại, cuối cùng chết trong nhu
nhược. Chúa đã chết chỉ rõ sự tín ngưỡng siêu nhiên đã biến mất trong
lòng người, ảo tưởng về một thế giới khác tan biến. Con người không thể
chờ đợi và cậy nhờ vào ảo ảnh của thế lực bên ngoài, phải tự con người
đứng lên bằng chính năng lực của mình, trách nhiệm và sự chọn lựa của
bản thân. Vì thế, khi không còn Chúa nữa thì mọi giá trị đều do con
người dựng nên, con người tự đánh giá và tìm tòi ý nghĩa cuộc sống cho
chính mình. Nietzsche nói: “Chúng ta cần phải thoát khỏi đạo đức để có
thể sống một cách đạo đức, chúng ta cần phải vứt bỏ đạo đức để quán
triệt ý chí đạo đức của chúng ta” [2, tr.111].
Khi thế giới không có Chúa, giá trị lật ngược lại sau khi phủ định
mọi đạo đức. Trước đây, con người tôn Chúa là đấng sáng tạo duy nhất,
coi mình là “vật” được sáng tạo, khiến mọi đạo đức đều bị đảo ngược.
“Đánh giá lại mọi giá trị” tức là đánh giá lật ngược trở lại mọi giá trị đã
bị lật ngược, phủ định tất cả những cái đã được khẳng định, khẳng định
mọi cái đã bị phủ định. Trái đất, thể xác và sức sống là cuộc sống hiện
thực, giá trị của cuộc sống chính là cuộc sống hiện thực. Như Voltaire đã
từng cảnh báo: “Sự mê tín đẩy toàn bộ thế gian này vào lửa; triết học dập
tắt những đám cháy đó” [23, tr.294].
1.3.2. Tư tưởng nhân sinh cổ đại Hy Lạp – một ngọn nguồn của quan
niệm về con người trong triết học Friedrich Nietzsche
Khi nước Đức nói riêng, châu Âu nói chung đang lún sâu vào cuộc
khủng hoảng hoảng tín ngưỡng, khủng hoảng niềm tin, và những quan
niệm truyền thống đang dần bị tan rã, thì nhu cầu về một cuộc cách mạng
tinh thần là vô cùng cấp bách. Xét về mặt lịch sử, Hy Lạp cổ đại là một
trong ba trung tâm văn hóa lớn của thế giới cổ đại, đã tạo dựng được
những giá trị quan trọng cho sự phát triển của nhân loại: “Không có nghệ
thuật và khoa học Hy Lạp, không có chế độ nô lệ, thì không có đế chế La
Mã, mà không có các cơ sở của nền văn minh Hy Lạp và đế chế La Mã thì
không có châu Âu hiện đại” [25, tr.245]. Nhiều nhà tư tưởng của thế kỷ
XIX, trong đó có Nietzsche đã truy tìm về một thời kỳ hoàng kim trong
quá khứ với hy vọng giải quyết được những bế tắc của hiện tại. Điều mà
Nietzsche muốn đưa ra ánh sáng đó là lòng can đảm, men say và ý chí
vượt qua khổ đau để vươn lên của người Hy Lạp cổ đại.
Nietzsche chủ tâm xây dựng một nền văn hóa đích thực, ông tìm
được khuôn mẫu cho nền văn hóa đó trong văn minh cổ Hy Lạp. Ông đặt
đối nghịch lý tưởng này với những yếu hèn của xã hội Đức hiện đại,
Nietzsche ca tụng sự vĩ đại và diệu kỳ của Hy Lạp cổ xưa, coi chủng tộc
Hy Lạp là chủng tộc tốt đẹp nhất, lôi cuốn nhất và được nhiều người thèm
muốn nhất. Cuộc sống và con người Hy Lạp cổ là khơi nguồn cảm hứng
cho Nietzsche tìm ra ý nghĩa nhân sinh – chủ đề then chốt trong hệ thống
triết học của ông.
Nietzsche phân tích cội nguồn và thực chất của bi kịch Hy Lạp, từ
truyền thống cổ xưa nhất của người Hy Lạp đã tự chế ngự nỗi bi quan của
mình bằng nghệ thuật và bằng ảo ảnh. Ông lấy Thần mặt trời – Apollo và
Thần rượu – Dionysus là nhân vật trong thần thoại Hy Lạp làm khái niệm
cơ bản nhất trong triết học của mình, về sau trở thành phạm trù then chốt
của triết học nhân sinh.
Bi kịch Hy Lạp ra đời từ sự đối kháng và điều hòa giữa Thần Mặt
trời và Thần Rượu. Thần Mặt trời Apollo là Thần Thái dương trong truyền
thuyết thần thoại Hy Lạp, còn gọi là “Thần sáng suốt”, ánh sáng của nó
làm cho phần ngoại quan của vạn vật đẹp đẽ. Nietzsche cho rằng Thần
Mặt trời tượng trưng của ngoại quan đẹp, còn ngoại quan của cái đẹp về
bản chất là một loại ảo tưởng của con người. Trong đời sống hàng ngày,
giấc mộng là trạng thái của Thần Mặt trời. Trong nghệ thuật, nghệ thuật
tạo hình là nghệ thuật Thần mặt trời điển hình. Thần Rượu Dionysus là
Thần hoan lạc trong truyền thuyết thần thoại Hy Lạp. Theo Nietzsche,
trạng thái Thần Rượu tượng trưng cho phóng túng, là trạng thái điên
cuồng của niềm vui đam mê đan xen với nỗi khổ đau. Trong đời sống
hàng ngày, say là trạng thái của Thần Rượu. Trong nghệ thuật, âm nhạc là
nghệ thuật của Thần Rượu, bi kịch và thơ trữ tình tuy dựa vào hình thức
của Thần Mặt trời nhưng về bản chất cũng là nghệ thuật Thần Rượu.
Thần Mặt trời và Thần Rượu đều bắt nguồn từ bản năng của con
người: một mặt là sự xung động con người cá thể mượn cảm giác ngoại
quan tự tôi khẳng định, một mặt là sự xung động con người cá thể tự mình
phủ định và trở về với bản thể thế giới. Sự đối kháng và điều hòa làm nên
bi kịch Hy Lạp, thể hiện: Cái đẹp trong thế giới “mộng” của trạng thái
Thần Mặt trời là tiền đề của mọi nghệ thuật tạo hình, người sáng tạo ra thế
giới này là những nhà nghệ thuật toàn năng, “mộng” phát huy trí tưởng
tượng trong thơ ca, sinh ra điêu khắc và nặn tượng Hy Lạp, sử thi Homer.
“Say” làm cho chủ quan tan biến trong cái tôi lãng quên, gặp Thần Rượu
người ta quên hết, người ta say sưa, thoát khỏi sự thống trị của ý thức
thường nhật. Lúc ấy, mọi buồn khổ, bi thảm của đời người cũng bị lãng
quên, mọi mâu thuẫn tan biến, cuộc sống trở nên tươi đẹp, múa và âm
nhạc Hy Lạp sinh ra từ đó. Âm nhạc là ngôn ngữ trực tiếp của ý chí, là thứ
diễn đạt tình cảm dễ dàng nhất, dễ làm rung động tâm hồn…Từ Thần Mặt
trời và Thần Rượu, Nietzsche thuyết minh cội nguồn lịch sử của nghệ
thuật, tìm cái ẩn dấu đằng sau đó, đây là cách mượn nghệ thuật để trình
bày triết học của mình. Ông chu du trong thánh địa cổ Hy Lạp, phát hiện
ra con người Hy Lạp khỏe, đẹp, kiên cường, hoan lạc…cho rằng họ giàu
bản năng sống và từng đau khổ nặng nề, họ sẽ hiểu sâu sắc hơn bi kịch
của cuộc sống. Apollo và Dionysus là vị cứu tinh cho nhu cầu tự vệ, hoan
lạc, thích thú với cái đẹp và nghệ thuật của họ.
Thần Mặt trời và Thần Rượu có mối quan hệ vừa đối lập vừa bổ
sung cho nhau, “đại diện sinh động cho hai hoàn cảnh nghệ thuật mà bản
chất nội tại và mục đích tối cao của nó đều không giống nhau” [dẫn theo:
2, tr.60]. Thần Mặt trời khoác lên vạn vật vẻ hào quang lộng lẫy bên
ngoài, nhưng cái đẹp bên ngoài chỉ là cái đẹp mộng ảo. Còn Thần Rượu là
sự bộc lộ lớn của cái xấu và sự không hài hòa trong nhân tính, là sống với
men say cuồng nhiệt quên mất cái tôi, trong say người ta sống thật, không
bị guồng ép bởi những lề lối tục quy… Dionysus tiếp sức cho người Hy
Lạp cổ, là hiện thân của những gì mang tính người nhất trong văn hóa của
người Hy Lạp. Thế giới của Dionysus là một thế giới cuồng say, là thế
giới sâu kín mà tính người được biểu hiện đầy đủ, là thế giới đời sống con
người thụ cảm mãnh liệt nhất, ở đó đời sống con người và đời sống thế
giới hòa hợp làm một. Đó là thế giới phi lý tính. Theo Nietzsche, một triết
học xứng danh là triết học phải có đủ cả hai chất Apollo và Dionysus, sinh
hoạt đậm đà và nhận định đích xác, trong hai tính chất đó, chất Dionysus
phải giữ vai trò uyên nguyên và trọng yếu. Nietzsche nhiều lần nhấn mạnh
rằng, triết học chân chính là triết học phi lý tính, là triết học của Dionysus.
Vậy nên, Thần Rượu chính là linh hồn của triết học Nietzsche.
Nietzsche cho rằng cuộc sống giống như một tấm thảm, sợi dây đau
khổ và sợi dây hoan lạc đan xen vào nhau, thiếu bất kì một sợi dây nào
đều có thể làm cho tấm thảm không hoàn hảo, thậm chí bị hỏng. Đau khổ
khơi dậy sức sống của con người, mài dũa ý chí của con người, làm cho
con người cảm thấy cuộc sống vui vẻ hơn, giá trị hơn. Hạnh phúc của con
người nảy sinh từ sức mạnh vượt qua khổ đau, chiến thắng khổ đau. Tinh
thần Mặt trời dạy người ta giữ vững sự sống cá thể, lưu giữ lấy ảo mộng,
quên khổ đau của cuộc sống. Tinh thần của Thần Rượu dạy người siêu
thoát sự sống cá thể, nhìn thẳng vào đau khổ, từ đau khổ thu nhận được sự
say sưa có tính bi kịch.
Ý nghĩa nhân sinh là ở đây, điều mà triết học cần hướng tới là đây.
Từ việc nghiên cứu bi kịch trong cuộc sống của người Hy Lạp cổ,
Nietzsche tìm tòi ý nghĩa cuộc sống, đồng thời lấy đó làm điểm xuất phát
và làm cơ sở cho toàn bộ tư tưởng của ông sau này.
1.3.3. Triết học Schopenhauer – sự khích lệ quan niệm con người theo
ý chí
Ham mê nghiên cứu tìm tòi, đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, là
con người có cá tính, luôn tư duy độc lập sáng tạo, Nietzsche tự chọn cho
mình một hướng đi riêng. Cùng với việc học tập, kế thừa những tư tưởng
tiền bối gần như làm thay đổi con người ông, làm cho ông tiến lên những
bậc thang mới, góp vào kho tàng tri thức nhân loại một vàng son của thế
kỷ.
Nietzsche đề cập đến những tâm hồn lớn nhất đã tác động trong
suốt cuộc đời ông: “Khi nói đến Platon, đến Passcal, đến Goethe, tôi nghe
như máu họ chảy trong mạch mình” [4, tr.23].
Trong quãng đầu của cuộc đời, phần lớn bậc thầy của ông đều là
người Đức. Nietzsche đọc đi đọc lại các tác phẩm thi ca của Goethe, ông
thích cái táo bạo, cái khuynh hướng vượt quá quốc gia và thế kỷ, cái cảm
khái đưa đến một “nền nhân bản toàn diện”. Nietzsche say mê Goethe và
coi ông là người đã thấu hiểu những giá trị đích thực của cuộc sống, Goethe
là lý tưởng con người sống, con người có thể vươn lên tới hiện sinh, là
người cho rằng chỉ cuộc sống là có giá trị đích thực. Charles Andler viết:
“Chỗ đứng tăng trưởng mà ông dành cho Geothe trong việc đánh giá là một
trong những dấu vết của chủ nghĩa bảo thủ thông minh của Nietzsche trong
việc lật đổ các giá trị” [4, tr.24]. Còn ở Schiller – người thể hiện chủ nghĩa
anh hùng và chấp nhận định mệnh; cuốn “Kẻ cướp” của Schiller ngay từ
thời niên thiếu đã gợi cho Nietzsche ý thích một siêu nhân. Nietzsche cũng
đọc rất sớm triết lý của Fichte, khen gợi siêu hình học của Fichte nhưng chê
bai tính dối trá và bợ đỡ Tổ Quốc của ông này. Nietzsche thích nhưng câu
thơ hay, những dự tính lớn lao trong các bài thơ mênh mông của
Hoelderlin, con của một vị mục sư không tín ngưỡng giống ông, cũng là
nhà thơ, nhà tư tưởng, bị điên rồi chết cùng cảnh. Trong những người ở
nước ngoài, nhà luân lý Mĩ Emerson – vị tông đồ của năng lực, là người
làm cho Nietzsche ngưỡng mộ hơn cả. Những người cùng thời, người ảnh
hưởng lớn đến Nietzsche là Jacob Burckhardt; là một người bạn, người
đồng nghiệp lớn hơn ông 20 tuổi; cùng với Burckhardt, ông tác luyện một
giải thích mới về văn minh Hy Lạp và tất cả các nền văn minh.
Trong số những nhân vật đã ảnh hưởng sâu xa vào đời suy tưởng
của Nietzsche, chúng ta còn phải kể Wagner với những điệu nhạc vừa huy
hoàng vừa mê ly, Hoelderlin với những “cảnh vật hiên ngang, trẻ trung,
siêu thực, đầy huyền nhiệm và cám dỗ”. Rồi còn phải kể những tác giả
Pháp mà Nietzsche đã ham đọc và đã hướng ông về con đường triết học
con người: Rousseau, Pascal, Chamfort, Montaigne, Stendhal. Tuy nhiên,
trước và sau, ông thầy đã thực sự hướng dẫn tư tưởng của Nietzsche vẫn
là Schopenhauer.
Arthur Schopenhauer (1788 – 1860) là nhà triết học duy tâm Đức
nửa đầu thế kỷ XIX. Ông sinh ra ở Gdansk (Ba Lan ngày nay) trong một
gia đình khá giả, cha là nhà ngân hàng giàu có, mẹ là nhà viết tiểu thuyết
nổi tiếng. Lúc đầu Schopenhauer làm ngành thương nghiệp, sau đó bỏ
nghề buôn thi vào đại học, đỗ tiến sĩ triết học tại Đại học Jena. Từ bé có
tính tình lãnh đạm, ngạo mạn, vui buồn thất thường, có vẻ như mắc bệnh
thần kinh. Tác phẩm triết học chủ yếu: Thế giới với tính cách là ý chí và
biểu tượng (1818), Bàn về ý chí tự nhiên (1836), Hai vấn đề căn bản của
luân lý học (1841). Ông rất tự tin và đánh giá cao triết học của mình.
Trước cách mạng 1848 thất bại, ảnh hưởng của triết học
Schopenhauer rất hạn chế. Lúc bấy giờ, giai cấp tư sản Đức đang hướng
về cách mạng, còn giữ niềm tin với lý tính và tiến bộ. Khi điều kiện thay
đổi, những năm 40 của thế kỷ XIX, cách mạng Đức thất bại, giai cấp tư
sản Đức nản lòng, triết học Schopenhauer được hoan nghênh, tôn ông là
“triết gia vĩ đại”, thuyết ý chí đời sống của Schopenhauer giữ vị trí chủ
yếu nhất trong hệ thống chủ nghĩa chiết trung. Triết học Schopenhauer
chịu ảnh hưởng nhiều nhất triết học Kant, Platon và Phật giáo.
Nietzsche nói rằng chính vì đọc Schopenhauer mà ông trở thành triết
gia. Những nguyên do gây nên phạm vi ảnh hưởng khác thường của
Schopenhauer là rất nhiều và phức tạp, nhưng có lẽ quan trọng nhất ở
Schopenhauer là có sự phối hợp giữa chiều sâu vô song của trực giác chiếu
vào thân phận con người với một bút pháp văn học xuất sắc.
Trong trường đại học, lúc đang đau khổ, thất vọng u uất, Nietzsche
phát hiện ra tri âm của tâm hồn – Shopenhauer. Một ngày cuối tháng 8
năm 1865, Nietzsche tình cờ phát hiện tại hiệu sách cũ tác phẩm “Thế giới
của ý chí và biểu tượng” của Shopenhauer xuất bản năm 1818, ông vội
mua và về nhà ngồi nghiền ngẫm ngay. Nietzsche nói: “Mỗi hàng chữ
trong sách đều phát ra những âm thanh siêu thoát, phủ định và siêu nhiên,
tôi nhìn thấy tấm gương rất sâu sắc phản ánh cả thế giới, phản ánh đời
sống và nội tâm của tôi. Quyển sách của thiên tài có sức mạnh nhưng nặng
trĩu ấy bắt đầu choáng cả lòng tôi” [2, tr.31]. Nietzsche cảm thấy như
Shopenhauer đặc biệt viết riêng cuốn sách ấy cho mình. Ông đọc sách
quên ăn quên ngủ, tâm trí như nhập vào cuốn sách, vào thần tượng.
Với Shopenhauer, thế giới xung quanh chỉ được coi là thế giới biểu
tượng tồn tại. Đó là chân lý phổ biến, tuyệt đối. Shopenhauer quy kết toàn
bộ thế giới được kinh nghiệm và nhận thức của con người biết đến chỉ là
“thế giới hiện tượng” tồn tại tương ứng với chủ thể, bản thân nó không có
bất kỳ ý nghĩa thực tại nào. Xuất phát từ chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa
hiện tượng cực đoan, Shopenhauer đã công kích mọi quan điểm khẳng
định đối tượng khách quan tồn tại ngoài ý thức con người. Lý luận này cơ
bản là kế thừa chủ nghĩa chủ quan và chủ nghĩa hiện tượng của Kant.
Shopenhauer dùng chủ nghĩa duy ý chí để uốn nắn và bổ sung chủ
nghĩa chủ quan và chủ nghĩa hiện tượng của Kant. Cái tồn tại thực sự của
con người là ý chí. Ý chí là bản chất của thế giới của Schopenhauer, thực
là ý chí sinh tồn, chỉ bản năng cá thể tìm sự sinh tồn. Mọi hoạt động ăn, ở,
đi lại, buồn vui của con người đều do ý chí cầu sống chi phối, để duy trì
sự sinh tồn. Ý chí sinh tồn còn là bản năng sinh thực để duy trì nòi giống.
Con người chẳng qua là cái máy phức tạp được sắp xếp hoàn hảo nhất.
Trong trường hợp ấy, dù con người có thể biết nhiều về mình, họ cũng
không thể lý giải về mình. Con người là con đẻ của ý chí, còn lý tính, tư
tưởng của con người chẳng qua là biểu hiện của ý chí, phục vụ cho ý chí,
là công cụ của ý chí. Chỉ có ý chí mới có thể giải thích được sự tồn tại của
con người, hành động của con người, kết cấu bên trong của con người.
Shopenhauer đảo ngược quan hệ vật chất và tinh thần, quy kết mọi bộ
phận trong con người là sản phẩm của tinh thần. Theo Shopenhauer, con
người là một bộ phận của vũ trụ; con người có ý chí và ham muốn, ý chí
và ham muốn chi phối tất cả. Ông tuyên bố “Thế giới là ý chí của tôi”.
Con người khác với các vật khác là nó có thể biết mình cũng như thế giới
bên ngoài vừa là ý chí vừa là biểu tượng. Con người có thể phát hiện thế
giới ý chí vì nó đồng nhất với thế giới.
Shopenhauer đã phân biệt hai loại nhận thức tương ứng với hai thế
giới hiện tượng và ý chí. Loại nhận thức khoa học vận dụng lý tính và khái
niệm, hay nhận thức logic, đối tượng của nó là thế giới hiện tượng; loại
nhận thức phi lý tính, phi khoa học, đối tượng của nó là thế giới ý chí. Cái
gọi là thế giới hiện tượng của Shopenhauer là thế giới kinh nghiệm mà tư
duy của con người vươn tới. Shopenhauer nói: “Chúng ta không bao giờ có
thể thông qua nhận thức để có thể đạt được bản chất thực tại của sự vật,
chúng ta tiến hành bất kỳ sự nghiên cứu, thăm dò nào, ngoài hình tượng và
tên gọi, chúng ta sẽ không bao giờ tiếp xúc được bất kỳ vật nào. Chúng ta
như một người chạy quanh pháo đài nhưng không tìm được cửa vào” [13,
tr.137]. Quan điểm Shopenhauer về lý tính và tri thức khoa học chỉ đạt đến
hiện tượng chứ không thể đạt đến thực tại.
“Thế giới là biểu tượng của tôi” nghĩa là mọi vật trên thế giới đều
cần lấy chủ thể làm điều kiện, chúng chỉ là chủ thể nên tồn tại. Là mặt
ngoài của thể giới, còn một mặt khác là nội tại chân chính, bản chất, ý chí.
“Thế giới là ý chí của tôi”, ý chí là cái tôi chân thực, hoạt động của thân
thể chính là hoạt động ý chí được khách thể hóa. Thế giới là ý chí và biểu
tượng, ý chí là vật tự tại của thế giới, mọi hiện tượng đều là khách thể hóa
của ý chí tức biểu tượng.
Shopenhauer gọi nhận thức của trực giác là nhận thức ngoài thời
gian, ngoài không gian, vượt lên kinh nghiệm và tư duy, tức là toàn bộ sức
mạnh tinh thần trao cho trực giác, làm cho mình hoàn toàn chìm vào trực
giác, và để cho toàn bộ ý thức của mình chìm trong cảnh vật yên tĩnh
khách thể tự nhiên. Cái gọi là trực giác ấy chỉ có thể là ý nghĩa, không thể
nói thành lời.
Luân lý là một trong những bộ phận quan trọng nhất trong triết học
Shopenhauer. Ông xem vấn đề con người, đặc biệt vấn đề tự do của con
người là vấn đề hạt nhân. Shopenhauer cho rằng, nếu loại bỏ hoặc xem
nhẹ tự do, thì không thể bàn đến sự tồn tại thật sự và hành vi đạo đức của
con người. Nhưng ông lại xem lĩnh vực đạo đức là lĩnh vực không có liên
quan gì đến nhận thức và hành động hiện thực. Ông nói: “Nếu chúng ta
khảo sát toàn bộ cuộc sống con người, nếu chúng ta chỉ nhấn mạnh mặt cơ
bản nhất của nó, trên thực tế thường là bi kịch, còn hài kịch là hiếm
hoi” [13, tr.143]. Schopenhauer cho rằng đời người là bi quan, do vấn đề
muôn đời của con người là luôn đau khổ vì dục vọng không được thỏa
mãn. Bằng ý chí sinh tồn, con người chỉ có thể thay đổi hình thái của sự
đau khổ mà thôi, đó là sự ghen tị, đố kị. Cuộc sống đau khổ cũng giống
như địa ngục. Dục vọng của con người khó có thể thỏa mãn hết, dù có tạm
thời được thỏa mãn, cũng là trống rỗng, vô vị. Cứ như vậy, đời người dao
động qua lại giữa đau khổ và chán chường. Đau khổ là sự làm hại chính
mình. Để tự bảo vệ sự sinh tồn của mình, con người luôn phải lấy mình
làm trung tâm, ngay cả việc hy sinh người khác hay hủy diệt thế giới. Kết
quả cũng là gây bất hạnh, tổn thương cho người khác và đau khổ cho
mình, vẫn không được thỏa mãn. Ý chí càng tăng, càng đau khổ, bởi lúc ý
chí được hoàn thiện thì sự cảm thụ đối với đau khổ càng sâu sắc. Những
nhân vật uyên bác, có ý chí kiên cường là những người đau khổ nhất.
Những người hoạt bát nhất là những người đau khổ nhất và cũng là người
vô đạo đức nhất. Do vậy, cá nhân nên tự giác phủ định ý chí đời người, đi
vào “cõi Phàn thiên” (quy nhập Phàn thiên) giống như Ấn Độ giáo, được
giải thoát ở “niết bàn” của Phật giáo. Đời người như một bi kịch. Vậy nên
Schopenhauer nói: “Mỗi cuộc đời là một bi kịch vô nghĩa sẽ hạ màn bằng
cái chết không thể tránh khỏi. Trọn thời gian sống trong thế giới này
chúng ta là nô lệ cho những ham muốn của chúng ta, vừa thỏa mãn ham
muốn này xong thì ham muốn khác xuất hiện, để rồi chúng ta liên tục
sống trong tình trạng không thỏa mãn, và chính hiện hữu của chúng ta là
nguồn gốc của mọi đau khổ” [23, tr.180].
Người ta càng có lý tưởng và mục đích nào đó, càng phải nhận thức
và hành động để thực hiện lý tưởng và mục đích ấy, càng giành được
thành công trong hành động của mình, ý chí của họ càng mãnh liệt, như
vậy càng đau khổ. Ông ra sức công kích mọi triết học thúc đẩy con người
hướng vào tự nhiên và xã hội, khuyến khích con người tích cực công kích
mọi triết học ca tụng lý tưởng và hạnh phúc, mọi chủ nghĩa lạc quan của
lịch sử. Về mặt này, ở mức độ nào đó, Schopenhauer phát hiện và vạch
trần mâu thuẫn giữa nỗi đau khổ và tai họa hiện thực của con người với
những lý tưởng tiến bộ, tự do, hạnh phúc trong xã hội tư bản chủ nghĩa.
Như vậy, ông đã vạch đúng một số nhược điểm của các triết học lý tính và
chính quyền thống trị lợi dụng triết học này làm công cụ của chúng.
Nhưng mặt khác, ông đã bước sang một cực đoan khác: trước các tai họa
và đau khổ mà chủ nghĩa tư bản gây ra, ông lại phủ nhận mọi cuộc sống
xã hội hiện thực; nhìn thấy một số khuyết điểm của triết học lý tính, ông
đi đến phủ nhận căn bản lý tính và khoa học, từ chủ nghĩa lạc quan trước
đây sau khi bị thách thức và bị thất bại, ông đi đến phủ nhận mọi chủ
nghĩa lạc quan, và cuối cùng đi đến chủ nghĩa hư vô cực đoan. Chủ nghĩa
hư vô cực đoan này thể hiện nổi bật ở triết học nhân sinh của ông. Ông
cho rằng, để giảm nhẹ và tránh sự đau khổ trong cuộc sống, để trở thành
người tự do và có đạo đức, thì biện pháp căn bản là ức chế sự ham muốn
của con người, phủ nhận ý chí cuộc sống của con người. Tóm lại, một
người vốn đã bi quan, chán nán và đau buồn như Nietzsche, khi gặp phải
bức tranh mờ mịt mà Schopenhauer vẽ ra, đã rất hoang mang, lo sợ và bị
kích động.
Schopenhauer đã từng đọc các bản dịch kinh văn Ấn Độ giáo và Phật
giáo, nhắc đến chúng trong tác phẩm của mình, rút ra những điểm tương
đồng giữa những luận cứ của ông và của chúng. Điều này gây ra nhiều ý
kiến cho rằng ông đã tìm ra những tư tưởng cho mình từ các bản kinh văn
trên, nhưng không phải như thế. Trên thực tế, dường như đối với ông điều
có ý nghĩa quan trọng nhất là triết học Tây phương và Đông phương đã lan
rộng khắp nơi trong khi vẫn độc lập với nhau vì đi trên con đường hoàn
toàn khác nhau, nhưng rồi cả hai vẫn đến được cũng những kết luận thiết
yếu về những vấn đề hệ trọng nhất. Nhưng bằng lối viết này, mặc dù những
tư tưởng của ông không chủ yếu hình thành từ tư tưởng của Ấn Độ giáo và
Phật giáo, ông vẫn trở thành tác gia nổi tiếng châu Âu đầu tiên đem đến cho
người đọc sự hiểu biết về những vấn đề trí thức nghiêm túc của các tôn giáo
đó. Ông không những là triết gia lớn duy nhất ở Tây phương thủ đắc một
kiến thức và hiểu biết sâu xa thực sự về triết học Đông phương, mà còn là
triết gia Tây phương vĩ đại đầu tiên tìm thấy những mối liên hệ giữa tư
tưởng Tây phương và Đông phương, Schopenhauer còn là người đầu tiên
theo thuyết vô thần công khai và dứt khoát. Hobbes và Hume rất có thể là
những nhà vô thần trên thực tế, nhưng họ sống vào những thời kỳ mà công
bố một văn bản phủ nhận sự hiện hữu của Thượng Đế là phạm tội hình sự;
nên họ đã né tránh vấn đề này. Schopenhauer coi ý tưởng về một Thượng
Đế có ngôi vị là sự lẫn lộn về mặt quan niệm, bởi vì gần như tất cả những
quan niệm của chúng ta về bản chất của nhân vị đều xuất phát từ con người,
có lẽ là con vật cao cấp hơn cả, nên ý niệm về một Thượng Đế có ngôi vị
chỉ là thuyết nhân hình. Tương tự như vậy với ý tưởng về linh hồn: bởi vì
Schopenhauer nghĩ rằng không thể có nhận thức mà không có bộ óc, cũng
như không thể nhìn mà không có mắt, hay tiêu hóa mà không có bao tử,
nên ông viết: “Bởi vì ý niệm “linh hồn” giả thiết rằng hiểu biết và ý chí liên
kết không tách rời nhau mà vẫn không phụ thuộc vào cơ quan sinh vật nên
không lý giải được, và do vậy vô dụng” [23, tr.179].
Những năm đầu của cuộc đời, khi đón gặp tư tưởng Schopenhauer, soi
vào mình, tâm hồn Nietzsche đã không còn đầy ắp những hoài nghi về cuộc
đời. Nietzsche thán phục bi kịch về cuộc đời mà Schopenhauer đã miêu tả,
tán thành thái độ chân thành của Schopenhauer khi khai thác, mổ xẻ cuộc
sống. Nietzsche chỉ ra cái vĩ đại của Schopenhauer ở chỗ ông có thể đứng
trước bức tranh cuộc sống, giải mã toàn bộ ý nghĩa bức tranh. Một nhà triết
học vĩ đại nên từ trong toàn cảnh của bức tranh cuộc sống mà tìm kiếm ý
nghĩa sự sống. Nietzsche thần tượng Schopenhauer. Từ đó, Nietzsche ý thức
về việc tìm tòi ý nghĩa cuộc sống, đặc biệt là nghiên cứu triết học để tìm thấy
tư tưởng của chính mình.
Nietzsche bày tỏ niềm vui, tình cảm sung sướng mãnh liệt mà ông
cảm thấy khi nghe tiếng nói của Schopenhauer. Ông so sánh
Schopenhauer với Montaigne, người có cái vui sống gia tăng không ngừng
trên mặt đất này, cả hai gặp nhau trên cùng một bầu trời trong trẻo, đến
gần những hiện hữu rực rỡ, tiến đến những người siêu đẳng. Ở thời con
người đặt khoa học lên tất cả, nhưng Schopenhauer lấy mục đích con
người không phải là khoa học mà là hiểu biết. Ông chống lại thời đại của
mình, đưa ra bài học cao quý: “Không thể có được một đời sống sung túc:
điều chúng ta thực hiện đẹp đẽ nhất, đó là một cuộc sống anh hùng; cuộc
sống ở đó chúng ta hoàn toàn hy sinh cho chính nghĩa chung, nơi ta chạm
trán với bao nhiêu khó khăn, nơi ta mang về chiến thắng mà chẳng đòi hỏi
mảy may đền bù nào. Hoài niệm về con người như thế sống mãi, mọi
người xưng tụng họ như một anh hùng. Ý chí của họ, bị xâu xé trong suốt
quãng đời bằng nhọc nhằn, thử thách, bằng thất bại bạc bẽo, sẽ lịm ở Niết
Bàn” [4, tr.85]. Và Schopenhauer đưa ra mục đích sống cho con người và
cho thiên nhiên: phải chiến đấu để triệt hạ các chướng ngại vật, điều cần
thiết hơn cả là tự do, triết học phải được coi là một điều ghê gớm bởi từ đó
cuồn cuộn chảy ra thủy triều của chủ nghĩa anh hùng. Nhà giáo dục đã
mang lại bài học hết sức to lớn cho thế gian. Sự gặp gỡ này xảy ra như
một biến cố: “Tinh thần triết học đã cùng với Schopenhauer tràn vào tâm
hồn Nietzsche như một trận bão táp lay chuyển tất cả con người ông” [12,
tr.117]. Thêm nữa, Schopenhauer cũng là một người đam mê nghệ thuật,
ông cho rằng thông qua nghệ thuật, nhất là âm nhạc, mà con người tìm
thấy giải thoát khỏi nỗi khổ đau của hiện hữu. Đối với Schopenhauer, âm
nhạc là trừu tượng và không biểu tượng cho thế giới hiện tượng, thông qua
nó chúng ta được hưởng những giờ phút thoát ra khỏi không gian và thời
gian.
Charle Andles phát biểu: “Ông thầy đích thực của Nietzsche là
Schopenhauer vì ông này là tổng hợp của tinh thần lãng mạn và tinh thần
hùng tráng của Goethe” [12, tr.120].
1.3.4. Richard Wagner – một gợi ý sâu thẳm về tâm linh
Richard Wagner – nhạc sĩ, nhà văn người Đức, sinh ngày 22 tháng 5
năm 1813 tại Leipzig, nước Đức, mất ngày 13 tháng 2 năm 1883 tại
Venice. Là nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng, đạo diễn kịch và nhà lý luận
âm nhạc người Đức nổi tiếng bởi các tác phẩm opera. Không như nhiều
soạn gia lớn khác, ông tự viết lời lẫn phân cảnh cho các tác phẩm của mình.
Âm nhạc của ông nhất là thời kì sau này trứ danh bởi cấu trúc đối âm
(contrapuntal), phong phú chất nửa cung (chromatism) lẫn giai điệu và hòa
âm, trau chuốt theo một mô-típ nền nhạc luôn thích hợp vời từng nhân vật,
từng phân cảnh trong nhạc phẩm. Wagner là người tiên phong dùng những
kỹ thuật rất khó trong âm nhạc như chất nửa cung nghiêm ngặt, chuyển đổi
âm vực rất nhanh và do đó đã tạo ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của
nền âm nhạc cổ điển tại châu Âu.
Các tác phẩm của ông: Chiếc tàu thủy ma (1841), Tannkaupu
chiếc vòng của Nibelemy (1852 - 1876), Tristan và Isolta (1866)…
Wagner thuộc trường phái thần bí và tương trang, ông đạt đến một sự
hòa lẫn giữa bản vào và âm nhạc, một sự hài hòa giọng và thành ca, một
sự thống nhất sâu sắc đề tài, chủ đề.
Wagner là người soạn nhạc kịch tuyệt vời, người khám phá ra sợi
dây liên hệ đích thực nối liền âm nhạc với kịch bản, âm nhạc với đời sống.
Người nhạc sĩ tài ba này đã sáng tạo một tương quan hoàn toàn giữa thế
giới thấy và nghe. Với Wagner, cái gì nhìn thấy được trong vũ trụ đều có
khuynh hướng hóa nội tại để biến thành âm thanh, cái gì nghe được trong
vũ trụ đều khao khát hóa nên hình thể, lao mình vào ánh sáng và trở nên
cái thấy được. Wagner khai sáng nên tính hợp nhất của khả năng nghệ
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche
Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche

More Related Content

What's hot

Giáo trình lý thuyết xác suất và thống kê ứng dụng
Giáo trình lý thuyết xác suất và thống kê ứng dụngGiáo trình lý thuyết xác suất và thống kê ứng dụng
Giáo trình lý thuyết xác suất và thống kê ứng dụng
Man_Ebook
 
Yếu tố quyết định chọn trường đhtg của học sinh trung học phổ thông trên địa ...
Yếu tố quyết định chọn trường đhtg của học sinh trung học phổ thông trên địa ...Yếu tố quyết định chọn trường đhtg của học sinh trung học phổ thông trên địa ...
Yếu tố quyết định chọn trường đhtg của học sinh trung học phổ thông trên địa ...
Nguyễn Thanh Phong
 
Tiểu luận- Vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam.docx
Tiểu luận- Vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam.docxTiểu luận- Vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam.docx
Tiểu luận- Vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam.docx
NguynHong218306
 
đề Cương và đáp án tham khảo môn tư tưởng hồ chí minh
đề Cương và đáp án tham khảo môn tư tưởng hồ chí minhđề Cương và đáp án tham khảo môn tư tưởng hồ chí minh
đề Cương và đáp án tham khảo môn tư tưởng hồ chí minh
congatrong82
 
56 câu hỏi tự luận và đáp án môn tthcm
56 câu hỏi tự luận và đáp án môn tthcm56 câu hỏi tự luận và đáp án môn tthcm
56 câu hỏi tự luận và đáp án môn tthcm
Lam Pham
 
Phương pháp nghiên cứu kinh doanh
Phương pháp nghiên cứu kinh doanhPhương pháp nghiên cứu kinh doanh
Phương pháp nghiên cứu kinh doanh
Quách Đại Dương
 
Giáo trình marketing căn bản Ts Nguyễn Thượng Thái Chuong 1 nhung van de co ban
Giáo trình marketing căn bản Ts Nguyễn Thượng Thái Chuong 1 nhung van de co banGiáo trình marketing căn bản Ts Nguyễn Thượng Thái Chuong 1 nhung van de co ban
Giáo trình marketing căn bản Ts Nguyễn Thượng Thái Chuong 1 nhung van de co ban
Quách Đại Dương
 
Sử dụng phương pháp trực quan khi dạy học tiểu học
Sử dụng phương pháp trực quan khi dạy học tiểu họcSử dụng phương pháp trực quan khi dạy học tiểu học
Sử dụng phương pháp trực quan khi dạy học tiểu học
Bình Hoàng
 
Chương 1, tư tưởng hchinh
Chương 1, tư tưởng hchinhChương 1, tư tưởng hchinh
Chương 1, tư tưởng hchinh
mai_mai_yb
 

What's hot (20)

Chuong 1- Lich sử Các học thuyết kinh tế
Chuong 1- Lich sử Các học thuyết kinh tếChuong 1- Lich sử Các học thuyết kinh tế
Chuong 1- Lich sử Các học thuyết kinh tế
 
Giáo trình lý thuyết xác suất và thống kê ứng dụng
Giáo trình lý thuyết xác suất và thống kê ứng dụngGiáo trình lý thuyết xác suất và thống kê ứng dụng
Giáo trình lý thuyết xác suất và thống kê ứng dụng
 
Yếu tố quyết định chọn trường đhtg của học sinh trung học phổ thông trên địa ...
Yếu tố quyết định chọn trường đhtg của học sinh trung học phổ thông trên địa ...Yếu tố quyết định chọn trường đhtg của học sinh trung học phổ thông trên địa ...
Yếu tố quyết định chọn trường đhtg của học sinh trung học phổ thông trên địa ...
 
Swot
SwotSwot
Swot
 
Tiểu luận- Vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam.docx
Tiểu luận- Vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam.docxTiểu luận- Vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam.docx
Tiểu luận- Vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam.docx
 
Văn hóa tổ chức và động viên.
Văn hóa tổ chức và động viên.Văn hóa tổ chức và động viên.
Văn hóa tổ chức và động viên.
 
đề Cương và đáp án tham khảo môn tư tưởng hồ chí minh
đề Cương và đáp án tham khảo môn tư tưởng hồ chí minhđề Cương và đáp án tham khảo môn tư tưởng hồ chí minh
đề Cương và đáp án tham khảo môn tư tưởng hồ chí minh
 
Đề cương ôn thi môn CHÍNH SÁCH CÔNG – KÉM ĐÁP ÁN !
Đề cương ôn thi môn CHÍNH SÁCH CÔNG – KÉM ĐÁP ÁN !Đề cương ôn thi môn CHÍNH SÁCH CÔNG – KÉM ĐÁP ÁN !
Đề cương ôn thi môn CHÍNH SÁCH CÔNG – KÉM ĐÁP ÁN !
 
Bang cau hoi khao sat y kien nguoi tieu dung sp sua tuoi vinamilk it duong
Bang cau hoi khao sat y kien nguoi tieu dung sp sua tuoi vinamilk it duongBang cau hoi khao sat y kien nguoi tieu dung sp sua tuoi vinamilk it duong
Bang cau hoi khao sat y kien nguoi tieu dung sp sua tuoi vinamilk it duong
 
Chương 2: Quy Trình Dự Báo, Phân Tích Dữ Liệu Và Lựa Chọn Phương Pháp Dự Báo
Chương 2: Quy Trình Dự Báo, Phân Tích Dữ Liệu Và Lựa Chọn Phương Pháp Dự BáoChương 2: Quy Trình Dự Báo, Phân Tích Dữ Liệu Và Lựa Chọn Phương Pháp Dự Báo
Chương 2: Quy Trình Dự Báo, Phân Tích Dữ Liệu Và Lựa Chọn Phương Pháp Dự Báo
 
56 câu hỏi tự luận và đáp án môn tthcm
56 câu hỏi tự luận và đáp án môn tthcm56 câu hỏi tự luận và đáp án môn tthcm
56 câu hỏi tự luận và đáp án môn tthcm
 
Luận văn: Nghiên cứu hành vi mua hàng trực tuyến của sinh viên khu vực TP.HCM
Luận văn: Nghiên cứu hành vi mua hàng trực tuyến của sinh viên khu vực TP.HCMLuận văn: Nghiên cứu hành vi mua hàng trực tuyến của sinh viên khu vực TP.HCM
Luận văn: Nghiên cứu hành vi mua hàng trực tuyến của sinh viên khu vực TP.HCM
 
Phương pháp nghiên cứu kinh doanh
Phương pháp nghiên cứu kinh doanhPhương pháp nghiên cứu kinh doanh
Phương pháp nghiên cứu kinh doanh
 
Giáo trình marketing căn bản Ts Nguyễn Thượng Thái Chuong 1 nhung van de co ban
Giáo trình marketing căn bản Ts Nguyễn Thượng Thái Chuong 1 nhung van de co banGiáo trình marketing căn bản Ts Nguyễn Thượng Thái Chuong 1 nhung van de co ban
Giáo trình marketing căn bản Ts Nguyễn Thượng Thái Chuong 1 nhung van de co ban
 
Luận văn: Hoàn thiện công tác quản lý tài chính tại các trường cao đẳng và tr...
Luận văn: Hoàn thiện công tác quản lý tài chính tại các trường cao đẳng và tr...Luận văn: Hoàn thiện công tác quản lý tài chính tại các trường cao đẳng và tr...
Luận văn: Hoàn thiện công tác quản lý tài chính tại các trường cao đẳng và tr...
 
Sử dụng phương pháp trực quan khi dạy học tiểu học
Sử dụng phương pháp trực quan khi dạy học tiểu họcSử dụng phương pháp trực quan khi dạy học tiểu học
Sử dụng phương pháp trực quan khi dạy học tiểu học
 
Chương 1: Giới thiệu chung về dự báo
Chương 1: Giới thiệu chung về dự báoChương 1: Giới thiệu chung về dự báo
Chương 1: Giới thiệu chung về dự báo
 
Bài giảng quan hệ công chúng
Bài giảng quan hệ công chúngBài giảng quan hệ công chúng
Bài giảng quan hệ công chúng
 
ảNh hưởng của thuộc tính bao bì đến ý định mua sản phẩm sữa tươi đóng hộp vai...
ảNh hưởng của thuộc tính bao bì đến ý định mua sản phẩm sữa tươi đóng hộp vai...ảNh hưởng của thuộc tính bao bì đến ý định mua sản phẩm sữa tươi đóng hộp vai...
ảNh hưởng của thuộc tính bao bì đến ý định mua sản phẩm sữa tươi đóng hộp vai...
 
Chương 1, tư tưởng hchinh
Chương 1, tư tưởng hchinhChương 1, tư tưởng hchinh
Chương 1, tư tưởng hchinh
 

Similar to Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche

75770b9b cdbf-4038-90e2-f25e1f4426fe triethocmaclenin
75770b9b cdbf-4038-90e2-f25e1f4426fe triethocmaclenin75770b9b cdbf-4038-90e2-f25e1f4426fe triethocmaclenin
75770b9b cdbf-4038-90e2-f25e1f4426fe triethocmaclenin
Phi Phi
 
[123doc] - giao-trinh-triet-hoc-mac-lenin-moi-nhat-2021.pdf
[123doc] - giao-trinh-triet-hoc-mac-lenin-moi-nhat-2021.pdf[123doc] - giao-trinh-triet-hoc-mac-lenin-moi-nhat-2021.pdf
[123doc] - giao-trinh-triet-hoc-mac-lenin-moi-nhat-2021.pdf
DatThinh1
 

Similar to Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche (20)

Tiểu Luận Triết Học Mác Lenin Về Con Người
Tiểu Luận Triết Học Mác Lenin Về Con Người Tiểu Luận Triết Học Mác Lenin Về Con Người
Tiểu Luận Triết Học Mác Lenin Về Con Người
 
TẢI FREE - Tiểu luận triết học Mác Lênin về con người.docx
TẢI FREE - Tiểu luận triết học Mác Lênin về con người.docxTẢI FREE - Tiểu luận triết học Mác Lênin về con người.docx
TẢI FREE - Tiểu luận triết học Mác Lênin về con người.docx
 
Chủ nghĩa hiện sinh của JEAN PAUL SARTRE và ảnh hưởng của nó ở miền nam Việt ...
Chủ nghĩa hiện sinh của JEAN PAUL SARTRE và ảnh hưởng của nó ở miền nam Việt ...Chủ nghĩa hiện sinh của JEAN PAUL SARTRE và ảnh hưởng của nó ở miền nam Việt ...
Chủ nghĩa hiện sinh của JEAN PAUL SARTRE và ảnh hưởng của nó ở miền nam Việt ...
 
Luận án: Tư tưởng tự do tinh thần của F.M.Dostoievski và giá trị
Luận án: Tư tưởng tự do tinh thần của F.M.Dostoievski và giá trịLuận án: Tư tưởng tự do tinh thần của F.M.Dostoievski và giá trị
Luận án: Tư tưởng tự do tinh thần của F.M.Dostoievski và giá trị
 
75770b9b cdbf-4038-90e2-f25e1f4426fe triethocmaclenin
75770b9b cdbf-4038-90e2-f25e1f4426fe triethocmaclenin75770b9b cdbf-4038-90e2-f25e1f4426fe triethocmaclenin
75770b9b cdbf-4038-90e2-f25e1f4426fe triethocmaclenin
 
Giao trinh triet hoc chuyen nganh
Giao trinh triet hoc chuyen nganhGiao trinh triet hoc chuyen nganh
Giao trinh triet hoc chuyen nganh
 
Triết học mác – lênin (hệ thống câu hỏi dáp an gợi mở & hướng dẫn viết ...
Triết học mác – lênin (hệ thống câu hỏi   dáp an gợi mở & hướng dẫn viết ...Triết học mác – lênin (hệ thống câu hỏi   dáp an gợi mở & hướng dẫn viết ...
Triết học mác – lênin (hệ thống câu hỏi dáp an gợi mở & hướng dẫn viết ...
 
Tư tưởng đạo đức trong triết học khai sáng Pháp
Tư tưởng đạo đức trong triết học khai sáng Pháp Tư tưởng đạo đức trong triết học khai sáng Pháp
Tư tưởng đạo đức trong triết học khai sáng Pháp
 
TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG "NGƯ TIỀU Y THUẬT VẤN ĐÁP" CỦA NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU VÀ ...
TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG "NGƯ TIỀU Y THUẬT VẤN ĐÁP" CỦA NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU VÀ ...TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG "NGƯ TIỀU Y THUẬT VẤN ĐÁP" CỦA NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU VÀ ...
TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG "NGƯ TIỀU Y THUẬT VẤN ĐÁP" CỦA NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU VÀ ...
 
Triết lý nhân sinh trong “Ngư Tiều y thuật vấn đáp” của Nguyễn Đình Chiểu
Triết lý nhân sinh trong “Ngư Tiều y thuật vấn đáp” của Nguyễn Đình ChiểuTriết lý nhân sinh trong “Ngư Tiều y thuật vấn đáp” của Nguyễn Đình Chiểu
Triết lý nhân sinh trong “Ngư Tiều y thuật vấn đáp” của Nguyễn Đình Chiểu
 
Tai lieu doc them chương 1 triết mác lênin
Tai lieu doc them chương 1 triết mác lêninTai lieu doc them chương 1 triết mác lênin
Tai lieu doc them chương 1 triết mác lênin
 
Luận văn Vấn đề vô thức trong phân tâm của Freud và ý nghĩa của nó.doc
Luận văn Vấn đề vô thức trong phân tâm của Freud và ý nghĩa của nó.docLuận văn Vấn đề vô thức trong phân tâm của Freud và ý nghĩa của nó.doc
Luận văn Vấn đề vô thức trong phân tâm của Freud và ý nghĩa của nó.doc
 
Quan niệm của Immanuel Kant về tự do
Quan niệm của Immanuel Kant về tự doQuan niệm của Immanuel Kant về tự do
Quan niệm của Immanuel Kant về tự do
 
Quan Điểm Tự Do Trong Triết Học Hiện Sinh Giá Tr Ị Và H Ạn Chế.doc
Quan Điểm Tự Do Trong Triết Học Hiện Sinh Giá Tr Ị Và H Ạn Chế.docQuan Điểm Tự Do Trong Triết Học Hiện Sinh Giá Tr Ị Và H Ạn Chế.doc
Quan Điểm Tự Do Trong Triết Học Hiện Sinh Giá Tr Ị Và H Ạn Chế.doc
 
Quan điểm tự do trong triết học hiện sinh Giá trị và hạn chế.doc
Quan điểm tự do trong triết học hiện sinh Giá trị và hạn chế.docQuan điểm tự do trong triết học hiện sinh Giá trị và hạn chế.doc
Quan điểm tự do trong triết học hiện sinh Giá trị và hạn chế.doc
 
CHƯƠNG 1 KHÁI LUẬN TRIẾT HỌC.pptx
CHƯƠNG 1 KHÁI LUẬN TRIẾT HỌC.pptxCHƯƠNG 1 KHÁI LUẬN TRIẾT HỌC.pptx
CHƯƠNG 1 KHÁI LUẬN TRIẾT HỌC.pptx
 
Giáo trình triết học
Giáo trình triết họcGiáo trình triết học
Giáo trình triết học
 
Nội Dung Cơ Bản Của Học Thuyết Đạo Đức Chính Trị - Xã Hội Của Khổng Tử.docx
Nội Dung Cơ Bản Của Học Thuyết Đạo Đức Chính Trị - Xã Hội Của Khổng Tử.docxNội Dung Cơ Bản Của Học Thuyết Đạo Đức Chính Trị - Xã Hội Của Khổng Tử.docx
Nội Dung Cơ Bản Của Học Thuyết Đạo Đức Chính Trị - Xã Hội Của Khổng Tử.docx
 
Tài liệu triết lí
Tài liệu triết líTài liệu triết lí
Tài liệu triết lí
 
[123doc] - giao-trinh-triet-hoc-mac-lenin-moi-nhat-2021.pdf
[123doc] - giao-trinh-triet-hoc-mac-lenin-moi-nhat-2021.pdf[123doc] - giao-trinh-triet-hoc-mac-lenin-moi-nhat-2021.pdf
[123doc] - giao-trinh-triet-hoc-mac-lenin-moi-nhat-2021.pdf
 

More from Man_Ebook

More from Man_Ebook (20)

BÀI GIẢNG MÔN HỌC CƠ SỞ NGÔN NGỮ, Dùng cho hệ Cao đẳng chuyên nghiệp.pdf
BÀI GIẢNG MÔN HỌC CƠ SỞ NGÔN NGỮ, Dùng cho hệ Cao đẳng chuyên nghiệp.pdfBÀI GIẢNG MÔN HỌC CƠ SỞ NGÔN NGỮ, Dùng cho hệ Cao đẳng chuyên nghiệp.pdf
BÀI GIẢNG MÔN HỌC CƠ SỞ NGÔN NGỮ, Dùng cho hệ Cao đẳng chuyên nghiệp.pdf
 
TL Báo cáo Thực tập tại Nissan Đà Nẵng.doc
TL Báo cáo Thực tập tại Nissan Đà Nẵng.docTL Báo cáo Thực tập tại Nissan Đà Nẵng.doc
TL Báo cáo Thực tập tại Nissan Đà Nẵng.doc
 
Giáo trình thực vật học 2 - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình thực vật học 2 - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình thực vật học 2 - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình thực vật học 2 - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình mô động vật - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mô động vật - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình mô động vật - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mô động vật - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình ngôn ngữ hệ thống A - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình ngôn ngữ hệ thống A - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình ngôn ngữ hệ thống A - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình ngôn ngữ hệ thống A - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình ngôn ngữ mô hình hóa UML - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình ngôn ngữ mô hình hóa UML - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình ngôn ngữ mô hình hóa UML - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình ngôn ngữ mô hình hóa UML - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình nguyên lý máy học - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình nguyên lý máy học - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình nguyên lý máy học - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình nguyên lý máy học - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình mô hình hóa quyết định - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mô hình hóa quyết định - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình mô hình hóa quyết định - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mô hình hóa quyết định - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình Linux và phần mềm nguồn mở.pdf
Giáo trình Linux và phần mềm nguồn mở.pdfGiáo trình Linux và phần mềm nguồn mở.pdf
Giáo trình Linux và phần mềm nguồn mở.pdf
 
Giáo trình logic học đại cương - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình logic học đại cương - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình logic học đại cương - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình logic học đại cương - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình lý thuyết điều khiển tự động.pdf
Giáo trình lý thuyết điều khiển tự động.pdfGiáo trình lý thuyết điều khiển tự động.pdf
Giáo trình lý thuyết điều khiển tự động.pdf
 
Giáo trình mạng máy tính - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mạng máy tính - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình mạng máy tính - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình mạng máy tính - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình lý thuyết xếp hàng và ứng dụng đánh giá hệ thống.pdf
Giáo trình lý thuyết xếp hàng và ứng dụng đánh giá hệ thống.pdfGiáo trình lý thuyết xếp hàng và ứng dụng đánh giá hệ thống.pdf
Giáo trình lý thuyết xếp hàng và ứng dụng đánh giá hệ thống.pdf
 
Giáo trình lập trình cho thiết bị di động.pdf
Giáo trình lập trình cho thiết bị di động.pdfGiáo trình lập trình cho thiết bị di động.pdf
Giáo trình lập trình cho thiết bị di động.pdf
 
Giáo trình lập trình web - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình web  - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình lập trình web  - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình web - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình lập trình .Net - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình .Net  - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình lập trình .Net  - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình .Net - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình lập trình song song - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình song song  - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình lập trình song song  - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình lập trình song song - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 
Giáo trình lập trình hướng đối tượng.pdf
Giáo trình lập trình hướng đối tượng.pdfGiáo trình lập trình hướng đối tượng.pdf
Giáo trình lập trình hướng đối tượng.pdf
 
Giáo trình lập trình hướng đối tượng Java.pdf
Giáo trình lập trình hướng đối tượng Java.pdfGiáo trình lập trình hướng đối tượng Java.pdf
Giáo trình lập trình hướng đối tượng Java.pdf
 
Giáo trình kỹ thuật phản ứng - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình kỹ thuật phản ứng  - Trường ĐH Cần Thơ.pdfGiáo trình kỹ thuật phản ứng  - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
Giáo trình kỹ thuật phản ứng - Trường ĐH Cần Thơ.pdf
 

Recently uploaded

Recently uploaded (20)

Báo cáo bài tập nhóm môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Trình bà...
Báo cáo bài tập nhóm môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Trình bà...Báo cáo bài tập nhóm môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Trình bà...
Báo cáo bài tập nhóm môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Trình bà...
 
Báo cáo tốt nghiệp Phát triển sản phẩm thẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần K...
Báo cáo tốt nghiệp Phát triển sản phẩm thẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần K...Báo cáo tốt nghiệp Phát triển sản phẩm thẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần K...
Báo cáo tốt nghiệp Phát triển sản phẩm thẻ tại Ngân hàng thương mại cổ phần K...
 
Bài tập nhóm môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Triết lý kinh do...
Bài tập nhóm môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Triết lý kinh do...Bài tập nhóm môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Triết lý kinh do...
Bài tập nhóm môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Triết lý kinh do...
 
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Phân tích hiệu quả hoạt động huy động và cho vay ...
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Phân tích hiệu quả hoạt động huy động và cho vay ...Báo cáo thực tập tốt nghiệp Phân tích hiệu quả hoạt động huy động và cho vay ...
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Phân tích hiệu quả hoạt động huy động và cho vay ...
 
Đồ án Công Nghệ Truyền Số Liệu L3VPN MPLS
Đồ án Công Nghệ Truyền Số Liệu L3VPN MPLSĐồ án Công Nghệ Truyền Số Liệu L3VPN MPLS
Đồ án Công Nghệ Truyền Số Liệu L3VPN MPLS
 
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Kế toán tiền mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ...
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Kế toán tiền mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ...Báo cáo thực tập tốt nghiệp Kế toán tiền mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ...
Báo cáo thực tập tốt nghiệp Kế toán tiền mặt tại Công ty trách nhiệm hữu hạn ...
 
Bài tập lớn môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Xây dựng mô hình ...
Bài tập lớn môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Xây dựng mô hình ...Bài tập lớn môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Xây dựng mô hình ...
Bài tập lớn môn Văn hóa kinh doanh và tinh thần khởi nghiệp Xây dựng mô hình ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá thực trạng an toàn vệ sinh lao động và rủi ro lao...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá thực trạng an toàn vệ sinh lao động và rủi ro lao...Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá thực trạng an toàn vệ sinh lao động và rủi ro lao...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá thực trạng an toàn vệ sinh lao động và rủi ro lao...
 
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro quá trình xử lí nước cấp tại Chi nhánh Cấp...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro quá trình xử lí nước cấp tại Chi nhánh Cấp...Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro quá trình xử lí nước cấp tại Chi nhánh Cấp...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro quá trình xử lí nước cấp tại Chi nhánh Cấp...
 
Nghe Tay Trai Hai Ra Tien - Chris Guillebeau (1).pdf
Nghe Tay Trai Hai Ra Tien - Chris Guillebeau (1).pdfNghe Tay Trai Hai Ra Tien - Chris Guillebeau (1).pdf
Nghe Tay Trai Hai Ra Tien - Chris Guillebeau (1).pdf
 
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 31-39)...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 31-39)...40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 31-39)...
40 ĐỀ LUYỆN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI NĂM 2024 (ĐỀ 31-39)...
 
tiểu luận THỰC HÀNH QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH 1.docx
tiểu luận THỰC HÀNH QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH 1.docxtiểu luận THỰC HÀNH QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH 1.docx
tiểu luận THỰC HÀNH QUẢN TRỊ TÀI CHÍNH 1.docx
 
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro môi trường từ ô nhiễm hữu cơ nước thải các...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro môi trường từ ô nhiễm hữu cơ nước thải các...Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro môi trường từ ô nhiễm hữu cơ nước thải các...
Báo cáo tốt nghiệp Đánh giá rủi ro môi trường từ ô nhiễm hữu cơ nước thải các...
 
Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...
Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...
Báo cáo bài tập lớn E - Marketing Xây dựng kế hoạch marketing điện tử cho nhã...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT TOÁN 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯỜNG...
 
Hệ thống ca dao than thân người Việt từ góc nhìn thi pháp
Hệ thống ca dao than thân người Việt từ góc nhìn thi phápHệ thống ca dao than thân người Việt từ góc nhìn thi pháp
Hệ thống ca dao than thân người Việt từ góc nhìn thi pháp
 
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT VẬT LÝ 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯ...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT VẬT LÝ 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯ...TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT VẬT LÝ 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯ...
TỔNG HỢP HƠN 100 ĐỀ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT VẬT LÝ 2024 - TỪ CÁC TRƯỜNG, TRƯ...
 

Van de Con Nguoi Trong Triet Hoc Friedrich Nietzsche

  • 1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC HỒ THỊ MỸ TÌNH VẤN ĐỀ CON NGƯỜI TRONG TRIẾT HỌC FRIEDRICH NIETZSCHE LUẬN VĂN THẠC SỸ KHOA HỌC TRIẾT HỌC Huế, 2010
  • 2. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC HUẾ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC HỒ THỊ MỸ TÌNH VẤN ĐỀ CON NGƯỜI TRONG TRIẾT HỌC FRIEDRICH NIETZSCHE CHUYÊN NGÀNH: TRIẾT HỌC MÃ SỐ: 60 22 80 LUẬN VĂN THẠC SỸ KHOA HỌC TRIẾT HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC PGS.TS. NGUYỄN TIẾN DŨNG Huế, 2010
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả nghiên cứu được trình bày trong luận văn là trung thực, chưa từng được công bố trong bất kỳ trong một công trình nghiên cứu nào khác. Tác giả luận văn Hồ Thị Mỹ Tình
  • 4. Con kính cảm ơn Ba Mẹ và gia đình, những người luôn tiếp sức, động viên về cả tinh thần lẫn vật chất, cho con tiếp tục hoàn thành ước vọng học tập của con. Em kính cảm ơn các thầy cô, đã cung cấp thêm cho em những kiến thức bổ ích, để em tiếp tục làm người đồng nghiệp tự tin hơn khi đứng trên bục giảng. Đặc biệt, xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, người đã rất tận tình hướng dẫn em trong suốt quá trình làm luận văn. Cảm ơn những người bạn gần xa, luôn sát cánh bên tôi chia sẻ những khó khăn trong suốt khóa học này. Xin chân thành cảm ơn! Hồ Thị Mỹ Tình MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Kể từ khi bước vào lịch sử đến nay, cùng với việc đi sâu tìm hiểu thế giới xung quanh, con người đã không ngừng tìm hiểu về chính bản thân mình. Biết bao nhiêu câu hỏi xung quanh vấn đề con người được đặt ra, và cũng đã có không biết bao nhiêu cách trả lời về những câu hỏi ấy. Qua nhiều thời đại, với những chế độ xã hội kế tiếp nhau trong lịch sử, vấn đề con người không hề trở nên cũ trong nhận thức của nhân loại.
  • 5. Là một hình thái ý thức xã hội, triết học bao giờ cũng trở lại với con người và coi con người như một đối tượng trung tâm của mình. Dù là duy vật hay duy tâm, dù có tuyên bố hay không tuyên bố là “triết học của con người, vì con người”, thì mọi trào lưu triết học từ cổ đại đến hiện đại, từ phương Tây sang phương Đông đều đi vào lý giải một cách trực tiếp hay gián tiếp những vấn đề chung nhất của con người. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, những biến đổi mạnh mẽ của khoa học và xã hội đã thúc đẩy sự phát triển của các tư tưởng triết học. Vấn đề thân phận con người, sự tồn tại của con người càng trở thành vấn đề nóng bỏng trong triết học. Friedrich Nietzsche – một trong những triết gia dám tạo điểm nhấn, dám đưa ra những quan điểm trái chiều với quan điểm truyền thống trong xem xét và đánh giá con người. Friedrich Nietzsche, nhà tư tưởng Đức, người gây chấn động bằng tuyên bố “Chúa đã chết”. Và con người muốn hiện hữu với tư cách là chủ thể của chính mình, không tha hóa với chính mình, thì phải biết cởi bỏ những giá trị ảo quanh mình. Những tư tưởng về con người và những chủ đích mà con người cần vươn tới của Friedrich Nietzsche trở thành tiền đề quan trọng của chủ nghĩa hiện sinh, trong đó con người hiện hữu với tư cách là một nhân vị. Cùng chủ nghĩa hiện sinh, Friedrich Nietzsche đã tạo ra một phong cách sống mới, một cách nhìn mới về vấn đề con người. Vấn đề con người là một vấn đề triết học có ý nghĩa đặc biệt, do vậy, việc nhìn nhận, đánh giá vai trò và vị trí của con người luôn là một vấn đề cấp thiết trong mọi thời đại. Những năm gần đây, thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, quan niệm coi con người là trung tâm trở thành cách nhìn, cách nghĩ có sức hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà lý luận và các nhà chính trị  xã hội. Chúng ta, mỗi cá nhân đang sống và cống hiến, nhận thức rõ việc phát huy năng lực của chính bản thân đồng nghĩa với việc phát huy nguồn nhân lực cho đất nước, lấy con người làm trung tâm trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một việc làm đặc biệt có ý nghĩa và hết sức cấp thiết. Tìm hiểu, khai thác tư tưởng, quan niệm về con người của Friedrich Nietzsche để nhìn nhận rõ hơn, thiết thực hơn vấn đề con người, đồng thời chọn lọc những yếu tố tích cực, góp phần hữu ích vào việc phát huy mạnh mẽ hơn tiềm năng sức lực, trí lực của con người trong thời đại mới.
  • 6. Với ý nghĩa lý luận và ý nghĩa thực tiễn trên, chúng tôi chọn đề tài “Vấn đề con người trong triết học Friedrich Nietzsche” làm đề tài cho luận văn tốt nghiệp cao học ngành triết học của mình. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Giới học thuật phương Tây đã rất quan tâm nghiên cứu triết học Friedrich Nietzsche, tiêu biểu có: Martin Heidegger, Felicien Challaye, Charter Andler, Karl Jasper,…Và Nguyễn Đình Thi là người mở đầu cho nghiên cứu về Friedrich Nietzsche ở Việt Nam vào năm 1942 [39]. Trước năm 1975, triết học Nietzsche được quan tâm đặc biệt ở Miền Nam Việt Nam. Các học giả miền Nam Việt Nam muốn thông qua triết học Nietzsche để tìm tiếng nói tương đồng cho thân phận con người, cho sự khốn cùng của trí tuệ trong xã hội hiện đại. Nổi bật có Lê Thành Trị với “Hiện tượng luận hiện sinh” [43]; Phạm Công Thiện với “Ý nghĩa trong Văn nghệ và Triết học” [40], “Im lặng hố thẳm” [41], “Ý thức bùng vỡ” [42]; Trần Thái Đỉnh với “Triết học hiện sinh” [12]; Thế Phong với “F. Nietzsche và chủ nghĩa đi lên con người” [35]. Bên cạnh đó việc dịch sang tiếng Việt những cuốn sách viết về Nietzsche và các tác phẩm kinh điển của Nietzsche đã góp phần đưa Nietzsche lại gần với những người quan tâm đến Triết học của ông, điển hình như: Felicien Challaye với “Nietzsche - cuộc đời và triết lý” [4], F. Nietzsche “Tôi là ai” [30] và “Buổi hoàng hôn của những thần tượng hay làm cách nào triết lý với cây búa” [31]… Ở miền Bắc trước năm 1975, do tập trung vào việc đấu tranh thống nhất đất nước nên triết học Nietzsche chỉ được nhắc đến trong một bài viết khi cần minh họa cho các tư tưởng của phương Tây. Sau năm 1975, đặc biệt sau năm 1986, chúng ta đã có cái nhìn mới về triết học phương Tây hiện đại. Tên tuổi của Nietzsche đã được nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu thừa nhận, trích dẫn, thậm chí còn được xem là cảm hứng sáng tác. Nhiều công trình nghiên cứu gần đây ở Việt Nam cũng như nước ngoài về triết học phương Tây hiện đại liên quan đến Nietzsche đã được xuất bản, như: “Triết học phương Tây hiện đại” (4 tập) của Lưu Phóng Đồng [13-16]; M. Heidegger với “Tác phẩm triết học” [17]; Diêu Trị Hoa với “Edmund Husserl” [18] và Hàn Lâm Hợp với “Max Weber” [20]. Lời giới thiệu về triết học Nietzsche của Quang Chiến trong “Zarathustra đã nói như thế” [32]; “Mười nhà tư tưởng lớn thế
  • 7. giới” [34] của Vương Đức Phong và Ngô Hiếu Minh; “Phridrich Nitsơ” [2] của Lưu Căn Báo; “Câu chuyện triết học” [23] của Bryan Mage; “Nhập môn triết học phương Tây” [36] của S. E. Stumpt và D. C. Abel; “Lịch sử triết học và các luận đề” của S. E. Stumpt [37];“Hành trình cùng triết học” của T. Honderich [19]. Ở Việt Nam sau năm 1990, việc nghiên cứu và giới thiệu Nietzsche hướng vào hai bộ phận hợp nhất tạo thành tư tưởng Nietzsche là văn học và triết học, có các công trình như: Trần Mai Nhi với “Những trường hợp giữa F. Nietzsche và văn học” [28]; “Nhân vị - một thành tố trung tâm của chủ nghĩa hiện sinh” [29]; Bùi Đăng Duy và Nguyễn Tiến Dũng với “Lược khảo triết học phương Tây hiện đại” [10]; Nguyễn Tiến Dũng với “Lịch sử Triết học phương Tây” [9], “Chủ nghĩa hiện sinh: lịch sử và sự hiện diện ở Việt Nam” [8]; “Triết học Nítsơ và cuốn sách viết về triết học Nítsơ đầu tiên ở Việt Nam” [7]; Trần Thiện Đạo với “Chủ nghĩa hiện sinh và thuyết cấu trúc” [11]; Nexmeyanov E.E với “Triết học hỏi và đáp” [24]; Hoàng Đức Bình với “F. Nietzsche: con người và tác phẩm Zarathustra đã nói như thế” [3]; Hà Lê Dũng với “Sự ảnh hưởng của triết học F. Nietzsche đối với chủ nghĩa hiện sinh vô thần” [6]… Trong các công trình nghiên cứu trên, một số đi vào nhìn nhận và đánh giá tổng quát về cuộc đời và tư tưởng của Nietzsche, một số thì tập trung đi sâu phân tích một khía cạnh về con người và lập trường triết học của Nietzsche. Có thể khẳng định, cho đến nay, ở Việt Nam chưa có công trình nào trùng với tên của đề tài. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu Sau khi hoàn thành, luận văn phải đạt được mục đích là: + Làm rõ quan điểm của Nietzsche về con người. + Chỉ rõ những luận điểm có thể kế thừa và những tư tưởng cần phê phán. Nhiệm vụ nghiên cứu: + Khái quát vài nét về Nietzsche và những nhân tố tác động đến sự hình thành quan điểm về con người của ông. + Phân tích những quan điểm của Nietzsche về con người và đưa ra đánh giá, nhận xét. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
  • 8. + Đối tượng nghiên cứu: Vấn đề con người trong triết học Nietzsche. + Phạm vi nghiên cứu: Những quan điểm về con người trong hệ thống triết học Nietzsche. 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu Cơ sở lý luận của luận văn là chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử và quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam về xây dựng và phát triển con người trong thời đại mới. Phương pháp nghiên cứu của luận văn là phương pháp của phép biện chứng duy vật với quan điểm: lịch sử, cụ thể, toàn diện và phát triển. Ngoài ra luận văn còn sử dụng các phương pháp: phân tích và tổng hợp, diễn dịch và quy nạp, đối chiếu và so sánh,… 6. Đóng góp của luận văn Nội dung nghiên cứu của đề tài sẽ góp một phần nhỏ vào việc làm tài liệu tham khảo cho việc học tập, tìm hiểu triết học phương Tây hiện đại ở bậc đại học và sau đại học. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, mục lục và tài liệu tham khảo, luận văn gồm hai nội dung chính là 2 chương, 6 tiết. Chương 1: Sự hình thành tư tưởng về con người trong triết học Friedrich Nietzsche Chương 2: Nội dung cơ bản trong tư tưởng về con người của Friedrich Nietzsche
  • 9. CHƯƠNG 1 SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG VỀ CON NGƯỜI TRONG TRIẾT HỌC FRIEDRICH NIETZSCHE 1.1. Bối cảnh thời đại Marx viết: “Các nhà triết học không phải là những cây nấm mọc trên đất. Họ là những sản phẩm của thời đại mình, dân tộc mình, mà những tinh lực quý giá nhất và khó thấy nhất đã được suy tư trong các khái niệm triết học” [27, tr.9]. Vâng, mỗi thời đại sinh ra những anh hùng, những tư tưởng nảy mầm trên từng mảnh đất của những con người sống trong thời đại ấy. Tất cả chính là những tinh túy, là niềm trăn trở của các bậc vĩ nhân, dẫn nhân loại bước lên những nấc thang mới của sự phát triển. Một tất yếu lịch sử ở thế kỷ XIX là sự ra đời của triết học Mác, khi châu Âu đang trong giai đoạn đầy biến động về tất cả mọi mặt của những vấn đề nóng bỏng của thời đại, đó là: Thân phận con người sẽ như thế nào? Xã hội loài người sẽ đi về đâu? Người ta nói rằng, thế kỷ XIX là thế kỷ của những biến đổi mạnh mẽ của tinh thần lẫn vật chất, từ chính trị đến kinh tế, khoa học – kỹ thuật ở châu Âu. Làm thay đổi toàn bộ bộ mặt, cũng như đã phủ lên đời sống của con người châu Âu một lớp áo mới – một sự chuyển đổi mới mẻ về chiều sâu tâm lý, quan niệm sống và cảm xúc. Thế kỷ mà chủ nghĩa tư bản xác lập địa vị thống trị của mình, dần chuyển sang chủ nghĩa đế quốc – giai đoạn tột cùng của nó. Chủ nghĩa tư bản tạo ra một lực lượng sản xuất đồ sộ gấp nhiều lần lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước gộp lại. Nền sản xuất mang tính xã hội hóa ngày càng cao, kéo theo sự bóc lột ngày càng tinh vi hơn, sự phân hóa giàu nghèo vì thế cũng ngày càng gay gắt. Thế kỷ XIX cũng là thế kỷ mà sự phát triển của khoa học liên tiếp phục vụ cho sự phát triển của sản xuất. Những phát minh về hóa học, vật lý thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo phát triển, đưa lại bước tiến mới chưa từng thấy về năng suất lao động, sản phẩm tăng đột biến, cơ sở kỹ thuật của nền sản xuất đổi mới, hiện đại. Như ngọn lửa bỗng dưng bừng sáng vào những năm 40 của thế kỷ XIX, nước Anh trở thành cường quốc của kỹ thuật. Sự thắng lợi của cuộc cách mạng Công nghiệp đã đưa tri thức và khoa học lên tầng cao mới.
  • 10. Trong bức màn đêm trung thế kỷ, Kytô giáo là cột trụ tinh thần của người châu Âu. Chúa là đấng cứu thế duy nhất cho đời sống khổ đau của con người. Khi chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ, khoa học tự nhiên tiến những bước dài, dẫn đến sự tan rã của tín ngưỡng Kytô giáo. Ở thế kỷ này, khi giai cấp tư sản ráo riết chống Tôn giáo thì người ta lại tìm cách khôi phục lại những tín điều, những quan niệm hẹp hòi từ truyền thống Kytô giáo. Họ làm sống lại niềm tin của Chúa, những ma lực thần thánh đã một thời điều khiển toàn bộ hoạt động của con người. Quan điểm mới về thần thánh lúc bấy giờ chỉ khác với thời Trung cổ ở chỗ: sự mặc khải trong ánh điện thay thế cho sự mặc khải trong ánh sáng nhập nhòe của nến. Khi khoa học tự nhiên phát triển, chủ nghĩa kinh nghiệm và chủ nghĩa duy lý tính được phản ánh trong triết học đã làm lung lay về căn bản cơ sở tín ngưỡng Kytô giáo, mọi giá trị truyền thống tan rã, người ta ngày càng cảm thấy mất đi ý nghĩa đã từng được xác định. Con người hầu như trong trạng thái chân không không nơi nương tựa. Nghĩa là, trong lòng châu Âu nhen nhóm tư tưởng chống lại tư tưởng của Kytô giáo, cùng với sự xuất hiện những vĩ nhân và các học thuyết mang tầm vóc thời đại. Một thế kỷ mà châu Âu gần như sôi sùng sục trong chảo lửa của cả sự phát triển, đấu tranh và tiêu diệt. Một thế kỷ gắn với nhiều đổi thay, không chỉ lái châu Âu sang một ngã rẽ mới mà còn làm cho thế giới cũng chịu những tác động không nhỏ, khi: “Máy móc có sức mạnh kỳ diệu trong việc giảm bớt lao động của con người, và làm cho lao động của con người có kết quả hơn, thì lại đem lại nạn đói và tình trạng kiệt quệ đến cho con người. Những nguồn của cải mới từ xưa đến nay chưa ai biết, dường như có một sức mạnh kỳ diệu nào đó lại đang biến thành nguồn gốc của sự nghèo khổ. Những thắng lợi của kỹ thuật dường như lại được mua bằng cái giá của sự thay đổi về mặt tinh thần” [26, tr.12]. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật làm vơi đi gánh nặng của đời sống xã hội, song ở những điều kiện xác định lại làm cho chính cuộc sống bị tiêu diệt. Lúc này, các thành tựu mà con người tạo ra gần như quay lại chống con người. Niềm tin bị khủng hoảng, khi mọi thứ ngày càng hiện đại thì chính con người ngày càng bị tha hóa: “Sự đảo lộn liên tiếp của sản xuất, sự rung chuyển không ngừng của tất cả các quan hệ xã hội, sự luôn luôn hoài nghi và sự vận động làm cho thời đại tư sản khác với tất cả các thời đại trước. Tất cả các quan hệ xã hội cứng đờ và hoen rỉ, với cả tràng quan niệm về tư tưởng được tôn sùng từ nghìn xưa đi kèm những quan hệ ấy đều đang tiêu tan; những quan hệ xã hội thay thế, những quan hệ đó chưa kịp cứng thì đã già cỗi ngay. Tất cả những gì mang tính đẳng cấp và trì
  • 11. trệ đều tan biến như mây khói. Tất cả những gì thiêng liêng đều bị ô uế và rút cuộc mọi người đều phải buộc nhìn những điều kiện sinh hoạt của họ và những quan hệ giữa họ với nhau bằng con mắt tỉnh táo” [25, tr.601]. Bản chất của chế độ mới ngày càng lộ liễu. Từ thành tựu rực rỡ của khoa học, cả châu Âu đề cao lý tính, mọi người cần đến chân lý khoa học hơn là những gì có trong thần thoại về cuộc sống mà ở đó có vẻ như dễ sống hơn. Bằng việc vận dụng những quy luật của lý tính, có thể quản lý được tự nhiên và phát triển không hạn chế các năng lực tinh thần và thể chất của con người. Châu Âu cận đại là thời đại chủ nghĩa lý tính thịnh hành, “tri thức là sức mạnh” của Bacon vang dội lên chín tầng mây, hầu như tri thức là tâm linh của con người. Một thời gian, loài người trở thành đức Chúa trời chân chính của thế giới. Với loài người, lúc ấy như vừa thoát ra khỏi tín ngưỡng “Thuyết chúa sáng tạo thế giới”, như là đã được giải phóng. Loài người lúc này không một chút lo lắng, lòng đầy tin tưởng khi sống trong một thời đại đầy hy vọng. Sự tin phục ở khoa học của con người đã thay thế tín ngưỡng Tôn giáo, họ hiểu rằng khoa học và lý tính có thể đem lại hạnh phúc cho con người. Tuy nhiên, sau khi lịch sử bước vào ngưỡng cửa của thế kỷ mới, đặc biệt sau khi trải qua hai cuộc Đại chiến thế giới, người ta phát hiện, khoa học không phải là vạn năng, sự phồn vinh vật chất đơn thuần chỉ có thể tạo ra hạnh phúc giả tạo và biến con người thành nô lệ của máy móc, con người dần bị tha hóa. Châu Âu lún sâu vào cuộc khủng hoảng tín ngưỡng và khủng hoảng giá trị chưa từng có, thực chất của cuộc khủng hoảng là sự tan rã của quan niệm truyền thống của giai cấp tư sản. Người châu Âu bàng hoàng, đau buồn, hoang mang không biết đi theo hướng nào trước sự hoang tàn đổ nát của giá trị truyền thống. Các nhà tư tưởng đã nhìn nhận và phê phán những mặt trái của chủ nghĩa tư bản, lúc bấy giờ cũng xuất hiện nhiều xu hướng khác nhau. Một số nhà tư tưởng thì muốn quay lại thời kỳ phong kiến; một số vừa muốn xóa bỏ những khuyết tật của xã hội tư bản vừa muốn duy trì nền thống trị này; một số khẳng định rằng có thể xóa bỏ mâu thuẫn giữa hai giai cấp tư sản và vô sản…; các triết gia cổ điển Đức đưa ra phương án giải quyết bằng ý chí, nguyện vọng; còn các nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng thì muốn thay thế bằng một xã hội công bằng hơn nhưng không thấy được nguyên nhân dẫn đến xã hội bất công lúc bấy giờ… Từ thập kỷ 40 của thế kỷ XIX, Marx đã vạch rõ hiện tượng tha hóa của con người phía sau sự phồn vinh vật chất của chủ nghĩa tư bản, xác nhận nguồn gốc của nó là chế độ kinh tế và chế độ chính trị của chủ nghĩa tư bản, là chế độ phân công lao động và chế độ tư hữu. Và
  • 12. Marx cũng đã rút ra kết luận về cuộc cách mạng xã hội. Đến cuối thế kỷ XIX, khi Cách mạng tháng Mười bùng nổ, một thời đại mới đã được mở ra. Bức tranh châu Âu thế kỷ XIX chứa đựng đầy đủ các khía cạnh, màu sắc của xã hội và con người ở châu Âu lúc bấy giờ. Một giai đoạn lịch sử đầy biến động, những vấn đề kinh tế nóng bỏng cùng sự xoay đổi giá trị và thân phận con người. Từ bức tranh toàn cảnh này, ta có cơ sở để tìm hiểu thấu đáo hơn tư tưởng của nhà triết học người Đức - Friedrich Nietzsche, một con người dám dấy lên tiếng chuông đổi thay cuộc sống hiện tại; một nhà tư tưởng làm nên dấu ấn của thời đại, luôn khao khát tìm ra giá trị đích thực của cuộc sống mà đầu tiên là giá trị của con người. 1.2. Friedrich Nietzsche và quá trình hình thành tư tưởng về con người 1.2.1. Sơ lược tiểu sử Friedrich Nietzsche Friedrich Nietzsche là nhà triết học, nhà thơ nổi tiếng nước Đức, nhà tư tưởng lớn thời cận đại. Sinh ngày 15 tháng 10 năm 1844 ở Roecken, miền Trung nước Đức, tức miền Thuringe, nơi phát xuất phong trào cải cách. Sinh ra trong buổi giao thời thế kỷ từ chủ nghĩa tự do quá độ lên chủ nghĩa đế quốc, nhà triết học giàu tính chiến đấu này đã rất nhạy cảm trước sự thối nát của thời cuộc. Ông say mê khai thác, tìm tòi, xác định lại ý nghĩa cuộc sống trong khi các giá trị truyền thống đang dần mất đi. Cha là mục sư, nên ông được giáo dục rất cẩn thận về trí dục và đức dục. Friedrich Nietzsche sinh đúng ngày sinh nhật của Quốc vương, bố của ông rất yêu mến và đặt nhiều niềm tin vào người con của mình. Nhưng cuộc đời của Nietzsche đã đi ngược lại với mong ước của bố mẹ và gia đình. Trong một trang của cuốn Sự vật nhân bản Nietzsche viết: “Những xung khắc không giải quyết giữa đức tính và lòng tin ở cha mẹ đã tồn tại nơi đứa con và tạo ra lịch sử cả cuộc đau khổ nội tâm của nó”. Từ mấy thế hệ gia đình của Nietzsche là thành lũy sùng đạo Kytô giáo, kính Chúa, là môi trường kết hợp một nền văn hóa rộng rãi với một thứ luân lý khắt khe và một lòng tôn trọng với các đức tin Tôn giáo. Ông nội của Nietzsche từng làm giám sát khu giáo dân, là một tín đồ sùng đạo tài hoa. Bố là Karl Ludwig Nietzsche sinh năm 1813, là một người có tài năng âm nhạc siêu việt, biểu diễn dương cầm và sáng tác các ca khúc, được Quốc vương Phổ yêu mến. Sau Nietzsche còn có một em gái Elisabeth sinh năm 1846, và một em trai Ludwig Joseph sinh năm 1848.
  • 13. Nietzsche tự hào về tổ tiên của mình là quý tộc Ba Lan, dòng máu mang đậm tính dân tộc. Nietzsche bị khuyết tật bẩm sinh, ốm yếu, đầu to, người nhỏ, mắt lác. Bị chứng bệnh đau đầu, mắt kém mãn tính của bố di truyền lại nên ông nếm đủ sự khinh thường và chế nhạo của thiên hạ, tâm hồn ông đã sớm thấy sự cô đơn và u uất. Bố mất lúc Nietzsche vừa mới lên năm vì căn bệnh nhũn não. Nỗi đau chưa nguôi, thì mấy tháng sau, em trai chưa đầy hai tuổi của ông cũng ra đi. Đau thương chết chóc liên tiếp đến quá sớm với ông, làm cho tâm hồn đa cảm sớm mất niềm tin và luôn hoài nghi với cuộc sống. Sau đó, gia đình Nietzsche chuyển về sống tại thành phố nhỏ Naumburg bên bờ sông Cheri. Vốn quen với đời sống nông thôn thanh đạm, yên tĩnh, nên Nietzsche cảm thấy không thích hợp với thành thị, nhà thờ, đường phố và cảnh sinh hoạt đông đúc ồn ào. Bệnh đau đầu và nhức mắt luôn dày vò ông. Sự đau buồn, nỗi cực khổ và ý thức mơ màng với cuộc đời con người của Nietzsche từng bước hình thành trong tình hình kinh tế – chính trị xã hội lúc bấy giờ. Năm 1850, Nietzsche đến học tại trường tiểu học công lập tại thành phố Naumburg. Tại đây, Nietzsche lại bị bạn bè chế giễu và khinh rẻ, nên ông không thể vui đùa và kết bạn với bất cứ ai, và ông cũng không thể học một cách bình thường. Đến khi được chuyển đến một trường dân lập dạy cho học sinh học các môn học của nhà thờ, Nietzsche mới cảm thấy dễ chịu hơn. Từ nhỏ, Nietzsche đã chịu ảnh hưởng tư tưởng Tôn giáo và chịu sự giáo dục của những người phụ nữ sùng kính và tự tin, nên đã chịu khó học các bài học Tôn giáo. Nietzsche học tiếng Hy Lạp và La tinh. Cậu bé Nietzsche thích cầm quyển Kinh thánh vừa đi vừa đọc trên bãi cỏ với dáng vẻ cung kính, làm cho mọi người thấy cảm động, gọi cậu là “chú bé mục sư” hay “Jesus trong đền”. Nietzsche ít tham gia các trò chơi của mấy đứa trẻ, thường hay chơi một mình, thích quan sát, rất nhạy cảm và biết suy nghĩ. Nietzsche là cậu bé ham học hỏi, dũng cảm và sáng tạo, luôn tỏ ra nhã nhặn, lịch sự. Thừa hưởng dòng máu nghệ sĩ, Nietzsche cũng rất yêu âm nhạc, ông sáng tác bản nhạc đầu tiên là bài thánh ca để ca tụng Thiên chúa hoặc để ca tụng tổ tiên ông – những “người Ba Lan hùng tráng”, rồi đánh dương cầm và phổ lời kinh thánh. Ông yêu âm nhạc cổ điển Đức, Beethoven, Mozart… Nietzsche còn là một nhà thơ, lúc mười tuổi đã viết trên 50 bài thơ, mười bốn tuổi viết tự truyện bằng thơ. Nội dung thơ hay
  • 14. miêu tả những cảnh vật ly kỳ trên biển như bão tố, lửa thiêu, hay là người phiêu bạt, ngủ mê. Thơ thời niên thiếu của ông đều mang âm hưởng đau buồn, phản ánh thời đại u uất, cuộc sống nhiều đau thương xót xa. Ngòi bút thơ Nietzsche uyển chuyển, ngôn ngữ trong sáng [2, tr.18]: “…Trên thế giới này, Cuối cùng không ai tìm được Thú vui quê hương và gia đình; Chúng ta chưa bao giờ rời khỏi trái đất, Cuối cùng trở về trong lòng của nó, Khi tiếng chuông du dương vang vọng, Tôi bất giác thầm nghĩ: Chúng ta mọi người đang cuồn cuộn Đi đến quê hương vĩnh hằng. Người nào hằng giờ hằng phút Thoát khỏi sự ràng buộc của trái đất, Hát lên bài ca mục đồng quê hương, Ca ngợi cái cực lạc của thiên đàng”. Đó là bài thơ Quê vũ, Nietzsche sáng tác lúc còn bé, lúc ông luôn lẫn tránh những đám đông, thích tìm về chốn hữu tình thơ mộng. Năm 1858, mười bốn tuổi, Nietzsche được giới thiệu đến học tại trường Schulpforta, cách nhà bốn dặm, là một trường có uy tín về giáo dục cổ điển, nhiều giáo viên danh tiếng. Trong sáu năm học ở đây, Nietzsche đặt ra nguyên tắc cho mình đó là học tập nghiêm túc, đi sâu tìm tòi, nghiên cứu chuyên ngành, hạn chế những yêu thích cá nhân. Vì vậy mà Nietzsche đã học tập rất có hiệu quả, ông nghiên cứu tác phẩm cổ điển Đức và so sánh phương thức tư duy của họ, kết hợp nghiên cứu lịch sử và địa lý, vận dụng phương pháp giáo dục vào vật lý và âm nhạc. Với đức tính cần cù, chịu khó và sự giảng dạy rất thấu đáo của nhà trường, Nietzsche tiến bộ rất nhanh về kiến thức ngôn ngữ văn học và khả năng cảm thụ. Nietzsche rất uyên bác, am hiểu nhiều lĩnh vực và có nhiều kiến giải độc đáo. Ngoài việc tán thưởng âm nhạc cổ điển, Nietzsche còn thích tác phẩm của Richard Wagner, nhạc sĩ người Đức cùng thời. Với số tiền ít ỏi tiết kiệm được, ông mua bản tổng phổ dùng cho đàn dương cầm “Tristan và Isolde” của Wagner. Nietzsche nghiên cứu biên niên sử và tập văn học
  • 15. Băng đảo thời cổ đại, chú trọng suy ngẫm về từng nhân vật trên sân khấu hiện đại, viết bài văn ngắn về “Hoàng đế Napoléon đệ tam”. Từ năm 1862, Nietzsche đã rất thích triết học, tuy nhiên ông chưa bao giờ chính thức nghiên cứu triết học, có bài bình luận ngắn đầu tiên về triết học “Số phận và lịch sử”, bài tạp văn về “Ý chí tự do và số phận”. Nietzsche tỏ ra bất mãn với hiện trạng nước Đức, thông qua nghiên cứu văn học cổ điển, cho rằng kịch nước Đức bắt nguồn từ sử thi. Về sau, Nietzsche hầu như có thái độ lạnh nhạt với Kytô giáo và hoài nghi về sự tồn tại của Chúa, linh hồn bất tử, quyền uy của Kinh thánh, thần linh và có ý đồ đi sâu tìm hiểu. Ông nói rằng Tôn giáo là con đẻ của loài người thời thơ ấu. Vào đại học, Nietzsche dần dần lìa xa Tôn giáo, khi càng thực tình muốn trở lại tín như cha mẹ và anh em ông thì ông càng thấy không thể tin vào đạo Tin Lành được nữa. Nietzsche chọn ngành ngôn ngữ học cổ điển. Lúc này, tác phẩm của Schopenhauer đã gây chấn động tâm tư bi quan sầu não của ông. Âm nhạc của Wagner làm ông thấy được hi vọng của phục hưng văn hóa châu Âu. Hai người thầy lớn này làm cho cuộc đời ông có những chuyển biến căn bản. Nietzsche rời bỏ Đại học Bonn, chuyển qua Đại học Leipzig. Nietzsche miệt mài học tập nghiên cứu, và cũng nhận thấy mình sống xa rời quần chúng, trầm mặc, ít giao du. Ông quyết tâm sữa chữa khuyết điểm, tập tiếp xúc rộng rãi với thế giới bên ngoài. Tên tuổi của Nietzsche dần nổi tiếng trong giới ngôn ngữ học cổ điển, tác phẩm của ông nhiều lần được đăng trên báo và được nhà trường tặng thưởng về nghiên cứu chuyên đề, nhận được vinh dự nhà khoa học trẻ ưu tú. Đồng thời, Nietzsche cũng tìm thấy sự đam mê với triết học, ông nói: “Chúng ta dùng chủ nghĩa hoài nghi để đào mồ chôn tư tưởng truyền thống” [2, tr.30], đây chính là mầm mống tư tưởng đòi đánh giá lại mọi giá trị của ông. Trong thời gian học Đại học Leipzig, Nietzsche hai lần tham gia chiến tranh thống nhất nước Đức. Lần đầu quân nhập ngũ thứ nhất năm 1866, chiến tranh Phổ - Áo. Lần thứ hai là năm 1867, lúc Leipzig bị bệnh thổ tả hoành hành, Nietzsche rời trường đại học tham gia quân tình nguyện, sau đó được tuyển vào bộ đội pháo binh địa phương Naumburg, phục vụ quân ngũ một năm. Tháng 3 năm 1868, ông bị ngã trong một lần tập cưỡi ngựa, bị chấn thương xương ngực. Trong thời gian tại ngũ, Nietzsche tận mắt thấy được sự tàn khốc của chiến tranh và những đau
  • 16. thương mất mát của các chiến sĩ, chứng kiến được cái bi tráng hào hùng cũng những hy sinh anh dũng kiên cường. Khi nước Đức thống nhất, dưới con mắt ông, thắng lợi của vũ lực không có nghĩa là thắng lợi của văn hóa, mọi tiến bộ về vật chất chỉ phục vụ cho cuộc sống xa xỉ mà thôi. Nietzsche cho rằng thắng lợi của chủ nghĩa đế quốc Đức là sự hủy diệt triệt để tinh thần nước Đức, nước Đức lúc ấy trở thành tự mãn và không có linh hồn. Tháng 10 năm 1868, Nietzsche ra khỏi quân đội và trở về Đại học Leipzig học tiếp kỳ học cuối. Nietzsche tỏa sáng trong lĩnh vực học thuật đến mức trở thành giáo sư chính thức ở tuổi 25 – một trường hợp gần như chưa từng có. Nietzsche là một trong những nghệ sĩ văn chương tài năng. Nhiều người Đức nhìn nhận ông là vĩ đại nhất trong tất cả tác gia văn xuôi Đức. Sở dĩ Nietzsche có thể đàm luận với rất nhiều nghệ sĩ sáng tạo là do bản thân ông được mệnh danh là một nghệ sĩ giữa các triết gia. Ông làm thơ hay, biết soạn nhạc, nhưng quan trọng hơn cả là bút pháp văn chương của ông rực rỡ khác thường. Đa số tác phẩm của ông không được viết theo cùng một kiểu văn xuôi mở rộng như trong triết học, với những luận chứng và phản chứng được trình bày chi tiết, mà được thể hiện bằng hình thức tản văn qua những câu cách ngôn, những câu thơ dạng kinh thánh, hoặc những đoạn văn được đánh số riêng rẽ. Ông có phương pháp đặc trưng để tìm cách đưa người đọc nhìn mọi sự theo một đường hướng mới bằng cách trình bày trước họ không phải một luận chứng thuyết phục mà là một hình tượng dễ nhớ - có những luận chứng được hiểu ngầm, được rút ra từ những ẩn dụ. Bên cạnh đó, bản thân Nietzsche luôn chống lại việc tạo nên hệ thống, nên triết học Nietzsche đương nhiên không mang tính hệ thống. Vì Nietzsche bị những kẻ Quốc xã nhận là triết gia biện hộ cho họ, nên cần phải nhấn mạnh rằng ông chế giễu chủ nghĩa dân tộc Đức và khinh bỉ chủ nghĩa bài Do Thái. Dù bản thân là người Đức, nhưng ông thường xuyên đưa ra những khái quát khiếm nhã về những người Đức, như “người Đức có những bí quyết làm thế nào để trở nên nhạt nhẽo bất chấp sự thông minh, hiểu biết và cảm xúc”, và “nhìn chung, chiều sâu của một người Đức vĩ đại bị đóng khung trong một cái hộp hình dạng xấu xí”. Về chủ nghĩa bài Do Thái thì ông cho là không thể chấp nhận được. “Những kẻ bài Do Thái”, ông nói “không tha thứ cho người Do Thái vì họ có trí tuệ và tiền bạc. Bài Do Thái – đó là tên gọi khác của “ẩu tả và hỏng
  • 17. bét”. Ông đặc biệt chỉ trích dân tộc Đức về khuynh hướng bài Do Thái của họ. Những lời cuối cùng của ông về vấn đề này là: “Tôi chỉ muốn đem bắn bỏ bọn bài Do Thái”. Nietzsche đương nhiên không phải là đảng viên Quốc xã. Nói về Friedrich Nietzsche, là nói về một con người biết sống với tận cùng tâm hồn mình, với những nỗi xao xuyến, dao động, với buồn thảm mênh mông dài đăng đẳng, với niềm vui phút chốc bùng cháy lên. Một con người dũng cảm, đấu tranh với bệnh tật, khổ đau tình cảm, buồn vui bất chợt; có những lúc lao mình với tình yêu mà không được đền bù; những tình bạn đam mê, đôi khi đưa đến đoạn tuyệt; những trầm tư cô độc, những cuộc du hành, đổi chỗ ở càng lúc càng thường xuyên. Nietzsche từng có những ngày huy hoàng ở các thành phố ồn ào, náo nhiệt; những đầy ắp hi vọng rồi tuyệt vọng; những suy ngẫm về cuộc đời, hoài nghi, chán nản về cuộc sống và số phận con người. Ông mất vào ngày 25 tháng 8 năm 1900. Cuộc đời của vô vàn những biến cố. 1.2.2. Sơ lược tư tưởng và tác phẩm của Friedrich Nietzsche Triết học phương Tây hiện đại với nghĩa là triết học phi mác xít đã hình thành và được truyền bá ở các nước phương Tây từ giữa thế kỷ XIX đến nay. Đó là một trong những vấn đề mà giới triết học thế giới và Việt Nam rất quan tâm, nhất là hiện nay, khi cuộc đấu tranh tư tưởng và lý luận diễn ra gay gắt. Vào những năm 70 – 80 của thế kỷ XIX, chủ nghĩa duy ý chí Nietzsche xuất hiện ở Đức, ngay lúc đó người ta chưa chú ý, nhưng về sau ảnh hưởng của nó rất sâu rộng. Nó xuất phát từ lập trường của chủ nghĩa phi lý tính, dưới khẩu hiệu “đánh giá lại mọi quan niệm giá trị”; phê phán gay gắt văn hóa châu Âu dưới sự chi phối của truyền thống Kytô giáo và triết học lý tính. Nó nêu lên rằng cần phát huy cao độ bản năng và sức sống nội tại của con người, lấy ý chí quyền lực làm thước đo đánh giá mọi cái. Chủ nghĩa duy ý chí là một bộ phận thuộc trào lưu triết học nhân bản của triết học phương Tây hiện đại. Là triết học duy tâm đề cao tác dụng ý chí của con người, thậm chí biến nó thành nền tảng và điểm xuất phát của mọi tồn tại. Chủ nghĩa duy ý chí ra đời trong bối cảnh lịch sử khi giai cấp tư sản châu Âu đã mất tính chất cách mạng và mâu thuẫn của hình thái ý thức, kiến trúc thượng tầng của nó biểu lộ rõ ràng… Chủ nghĩa duy ý chí phản ánh sự phản ứng của tầng lớp phản động bảo thủ nhất trong giai cấp tư sản châu Âu lúc bấy giờ đối với lý luận cách mạng có đặc
  • 18. trưng lý tính. Ở mức độ nhất định, nó cũng có thể thích ứng với tinh thần của phái cấp tiến trong giai cấp tiểu tư sản đang bất mãn với hiện thực xã hội và đòi hỏi tự do tuyệt đối về cá tính. Chủ nghĩa duy ý chí ra đời có ảnh hưởng lớn nhất ở Đức và cũng phát triển ở Pháp, Anh và một số nước Bắc Âu khác. Schopenhauer và Nietzsche là đại biểu lớn nhất của chủ nghĩa duy ý chí ở Đức. Nietzsche và triết học Nietzsche là một khối hoàn bích, không nứt nẻ: triết học của ông là đời sống của ông và đời sống của ông là tài liệu suy tưởng của ông. Trần Thái Đỉnh cho rằng “tất cả tác phẩm của Nietzsche chỉ là lời tự thuật của một tâm hồn chân thành và đam mê, có tư chất họa hiếm” [12, tr.116]. Triết học Nietzsche là con đẻ của thời đại chuyển tiếp giữa thế kỷ cũ và mới, là sự phản ánh vượt lên trước đối với sự khủng hoảng lớn toàn diện của thế kỷ mới sắp đến. Trần Thái Đỉnh cũng đánh giá rằng tư chất của Nietzsche thật là họa hiếm. Nietzsche đã nhằm một cuộc cách mạng tinh thần như chưa từng thấy: ông nhằm đổi lại cái bảng giá trị luân lý và xã hội; những gì người ta vẫn tôn trọng từ trước đến nay sẽ bị ông thóa mạ và lên án; ông sẽ đặt lại và tạo ra những nhận định hoàn toàn mới về thiện và ác. Cho nên triết học của ông có thể mệnh danh là “Đảo lại tất cả các giá trị”. Thay vào những giá trị tư tưởng hoàn toàn duy niệm của truyền thống Socrates, Nietzsche đã đề cao những giá trị của hiện sinh; và thay vào những giá trị “yếm thế” của các tôn giáo, Nietzsche đã nêu lên lý tưởng và ý chí hùng cường. Cuộc cách mạng Nietzsche vô cùng dũng cảm và ghê sợ, nhưng không phải tự nhiên mà có. Nó đã được chuẩn bị khá lâu, qua không khí gia đình và qua các triết gia mà ông đã say mê tìm hiểu, nhập tâm. Với tuyên ngôn: Cần có những giá trị mới, Nietzsche bắt đầu bằng cách công kích dữ dội vào sự ràng buộc với những đức hạnh và giá trị hiện có. Chúng có nguồn gốc chủ yếu từ Hy Lạp cổ cùng với truyền thống Do Thái-Cơ Đốc, ông nói, có nghĩa là chúng bắt nguồn từ các xã hội khác hoàn toàn với bất cứ xã hội nào của ngày hôm nay, và từ những tôn giáo mà đa số nếu không muốn nói là hầu hết chúng ta đều không tin. Đây là một tình trạng khó có thể bào chữa, Nietzsche tuyên bố rằng: Chúng ta không thể đặt cuộc sống của chúng ta trên những hệ thống giá trị mà nền tảng của chúng không được công nhận. Nó làm cho cuộc sống của chúng ta thành hư giả. Chúng ta phải hoặc tìm nền tảng mà chúng ta thực sự đặt niềm tin vào đó để hậu thuẫn cho những giá trị; hoặc nếu không chúng ta
  • 19. nên từ bỏ những giá trị này và tìm những giá trị khác mà chúng ta thật lòng tán thành. Và: “Nghệ thuật chỉ ngẩng cao đầu khi nào Tôn giáo giảm bớt ảnh hưởng” [23, tr.221]. Theo Nietzsche, mỗi người trong chúng ta phải tự mình trở nên toàn mãn, nói vâng với cuộc sống, sống tận lực cho thỏa chí của mình. Một trong những từ ông thường dùng nhất là “dám”; và có lẽ điều răn đầu tiên của ông là: “Hãy dám trở nên chính mình” [23, tr.255]. Có rất nhiều tác phẩm ra đời, ngay cả khi Nietzsche rơi vào tình trạng vô cùng đau đớn, mệt mỏi, khổ tâm, ông vẫn không ngừng sáng tác. Nguồn gốc của bi kịch, có tên gọi đầy đủ là “Bi thảm sinh ra từ tinh thần âm nhạc”, viết từ năm 1870 – 1871, năm 1872 xuất bản đầu tiên, sau hai năm có sửa chữa một số phần và xuất bản lần thứ hai. Lần xuất bản năm 1886, Nietzsche viết lại bài tựa mới là “Thưởng thức sự tự phê phán”. Đây là tác phẩm quan trọng thể hiện Nietzsche ngày càng chín muồi, dùng nhãn quan hoàn toàn mới nghiên cứu bi kịch của Hy Lạp, tìm tòi ý nghĩa cuộc sống, là điểm xuất phát và là cơ sở của toàn bộ tư tưởng của ông sau này. Tác phẩm mượn nghệ thuật để bàn về đời người, mượn bi kịch Hy Lạp nói về bi kịch đời người, lần đầu tiên, Nietzsche diễn đạt khá hoàn thiện quan điểm mỹ học – triết học – đời người. Hai thần Mặt trời và thần Rượu đều bắt nguồn từ bản năng của con người, cái trước là sự xung động con người cá thể mượn ảo giác ngoại quan tự tôi khẳng định; cái sau là sự xung động con người cá thể tự mình phủ định và trở về bản chất thế giới. Nietzsche lấy thần Mặt trời và thần Rượu làm khái niệm cơ bản nhất, trình bày những vấn đề như cội nguồn, tinh thần âm nhạc, trực giác nghệ thuật, thời cơ chuyển biến văn hóa Socrates của bi kịch Hy Lạp. Thần Mặt trời Apollo là thần Thái dương trong truyền thuyết thần thoại Hy Lạp, còn gọi là “thần sáng suốt”, ánh sáng của nó làm cho phần ngoại quan của vạn vật đẹp đẽ. Theo Nietzsche, thần Mặt trời tượng trưng của ngoại quan đẹp, còn ngoại quan của cái đẹp về bản chất là một loại ảo tưởng của con người. Trong đời sống hàng ngày, giấc mộng là trạng thái của thần Mặt trời. Trong nghệ thuật, nghệ thuật tạo hình là nghệ thuật thần Mặt trời điển hình. Thần Rượu Dionysus là thần hoan lạc trong truyền thuyết thần thoại Hy Lạp. Nietzsche cho rằng trạng thái thần Rượu tượng trưng cho phóng
  • 20. túng, là trạng thái điên cuồng của niềm đam mê và nỗi đau khổ xoắn xít với nhau. Trong đời sống hằng ngày, say là trạng thái của thần Rượu. Trong nghệ thuật, âm nhạc là nghệ thuật của thần Rượu, bi kịch và thơ trữ tình tuy dựa vào hình thức của thần Mặt trời, nhưng về bản chất cũng là nghệ thuật thần Rượu. Trong tác phẩm này, Nietzsche đã dùng thần Mặt trời và thần Rượu để thuyết minh cội nguồn lịch sử của nghệ thuật, và có ý đồ tìm bản chất ẩn giấu đằng sau thần Mặt trời và thần Rượu. Ở đây, Nietzsche đã mượn nghệ thuật để nói về quan điểm triết học của mình, đó là sự trình bày những ý kiến độc đáo về linh hồn, bản thể… Tinh thần Mặt trời dạy ta cách giữ vững sự sống cá thể, lưu giữ ảo mộng, quên đi đau buồn – nhân sinh quan thẩm mỹ. Tinh thần của thần Rượu dạy người siêu thoát cá thể, nhìn thẳng vào khổ đau của cuộc sống, từ đau khổ thu nhận được sự say sưa có tính bi kịch – nhân sinh quan bi kịch. Nội dung tác phẩm rất phong phú, vừa mang tính kế thừa có sáng tạo của các bậc thầy đi trước, vừa đánh dấu một bước khi Nietzsche bắt đầu trở thành nhà triết học độc lập. Nhân tính, nhân tính thái quá (1876 – 1879), viết vào năm 1876, xuất bản năm 1878. Năm 1886 tái bản, in chung các tác phẩm “Những ý kiến châm ngôn lộn xộn”, “Người lữ hành và cái bóng của họ” viết năm 1879, in thành tập thứ hai của “Nhân tính, nhân tính thái quá”. Tác phẩm nói rằng trên thế giới không tồn tại giá trị tuyệt đối, không có tiêu chuẩn chân lí và lời răn của thánh siêu nhiên. Giữa bản tính của siêu nhân không có sự đối lập tuyệt đối. Thiện và ác đều được tồn tại sau khi loài người xuất hiện, chúng được phát triển trong quan hệ đối lập lẫn nhau và dựa vào nhau để tồn tại, chỉ có thực hiện ràng buộc về đạo đức, con người mới có thể thoát khỏi gian ác và tàn nhẫn. Rạng đông (1880 – 1881), gồm 5 phần, có tính khẳng định sâu sắc và trong sáng. Nội dung chống lại các giáo lý tội ác của Kytô giáo. Kytô giáo cho rằng tình dục là cái gian ác và sa đọa, nên tín đồ cần cảm thấy xấu hổ và tự trách mình trước sự kích động về tình dục. Theo Nietzsche, vì giáo hội cấm đoán nên ma quỷ càng được con người thấy thích thú hơn là sứ trời và thánh nhân, câu chuyện về tình yêu cũng được các tầng lớp ưa thích. Giáo hội còn cho rằng sự hoài nghi là tội lỗi, những cái giáo hội cần là sự tê dại và tinh thần hoảng hốt, đòi hỏi ca tụng hết lời đối với nước tù trong đầm ao đã vùi ngập lý trí.
  • 21. Tri thức vui vẻ (1881 – 1882, phần thứ 5 viết năm 1886). Trong tập sách này, Nietzsche so sánh ông với phái chủ nghĩa lãng mạn, phái Epicure, và tín đồ Kytô giáo. Cho rằng bản thân ông là nhân vật loại hình bi kịch kiểu Dionysus. Nietzsche nêu ra nhiều loại học giả như luật sư, mục sư và học giả Do thái, phê phán các học giả này không suy nghĩ giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, chỉ mong dùng các phương thức của mình để chứng minh mình làm những công việc chính đáng hữu ích. Phía bên kia của cái thiện và cái ác (1885 – 1886). Cuốn sách phê phán cái hiện đại: khoa học hiện đại, nghệ thuật hiện đại, chính trị hiện đại. Nietzsche nêu ra cái tương phản của người hiện đại, thay đổi quan niệm thiện ác của con người: cái mà mình không thích thì đừng làm cho người khác. Đồng thời ông nêu ra hai loại đạo đức chủ yếu là đạo đức tự chủ và đạo đức nô lệ…Cuốn sách được giới học thuật khen ngợi, cho rằng Nietzsche đã vạch ra một con đường mới cho nhân loại. Hoàng hôn của ngẫu tượng (1888) chỉ chân lý đã đến lúc chấm dứt. Sách chưa đến 150 trang, viết chỉ trong vài ngày. Nietzsche dùng giọng châm biếm nói rằng quyền lợi làm cho người ta mê muội, nước Đức được xem là dân tộc của những nhà tư tưởng, người Đức ngày nay đã không còn thói quen nghiêm túc đối với mọi sự vật chân chính… Chống tín đồ Kytô (1888) Nietzsche công kích toàn diện văn hóa Kytô giáo: đạo đức, tín ngưỡng giả tạo, nhân sinh quan suy đồi, thế giới quan trốn tránh thế giới. Nietzsche tuyên bố “Chúa đã chết”, phủ định quan điểm giá trị của Kytô giáo đã làm lung lay tư tưởng tín ngưỡng của người phương Tây. Hãy xem, con người ấy (1888) là tự truyện. Nietzsche chỉ ra sau chiến tranh Phổ - Pháp, không khí chính trị và không khí văn hóa của nước Đức làm cho người ta có cảm giác ngạt thở. Ông chống lại chủ nghĩa chủng tộc chống Do thái, đã kích chủ nghĩa quốc xã nước Đức, lên án cái gọi là “quốc hồn nước Đức”, là một u hồn ăn thịt người. Nietzsche bất mãn với chính trị cường quyền của Bismarck, cho rằng dân tộc này có thể bị văn minh đem lại tai họa to lớn. Ý chí quyền lực, sách do Elisabeth, em gái ông căn cứ vào đề cương và di cảo của ông để biên tập và xuất bản năm 1901. Nội dung chủ đạo trình bày bốn vấn đề ý chí quyền lực đối với nhận thức khoa học, ý chí quyền lực trong giới tự nhiên, ý chí quyền lực của xã hội và cá nhân, ý
  • 22. chí quyền lực của nghệ thuật… Trong quá trình biên tập, Elisabeth đã đưa ý đồ của mình vào, nên sách có nhiều quan điểm cần tranh luận. Zarathoustra đã nói như thế, là tác phẩm thể hiện đầy đủ nhất nhân cách và tư tưởng của Nietzsche, đỉnh cao khả năng sáng tác và là tác phẩm tiêu biểu của tư tưởng chín muồi của ông. Đây là một tập thơ triết lý có tính tượng trưng, thể hiện tập trung phong cách đặc biệt độc đáo của tác phẩm Nietzsche. Ông quan niệm rằng triết học là sự theo đuổi cái vô hạn và vĩnh hằng, nên cách diễn đạt tư tưởng triết học không thể không dùng thủ pháp tượng trưng. Tác giả mượn một nhân vật lý tưởng Zarathoustra để biểu lộ tình cảm và tuyên truyền tư tưởng của mình. “Zarathoustra đã nói như thế” thể hiện một loại hình thức nghệ thuật mới với phong cách hùng vĩ, tình cảm mạnh mẽ, độc đáo. Đây là tuyệt tác của Nietzsche, nó như là một tác phẩm đứng một mình một cõi, có lẽ chưa từng có cái gì được sáng tạo từ một mãnh lực tràn trề đến thế. Đó là tất cả sự hăng hái và tài hoa của một tâm hồn lớn tụ lại, sáng tạo nên những bài giảng của Zarathustra. Zarathoustra đã nói như thế là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của thế kỷ XIX. Mỗi tác phẩm có một cái tên khác nhau, những nội dung khác nhau và những đề cập không giống nhau, nhưng tất cả đều xoay quanh vấn đề con người: bi kịch của đời người, thiện và ác, khát vọng tình yêu, sự hoài nghi, sự ngay thẳng, tâm lý tín ngưỡng, quyền làm người, sự bất bình của con người....với nỗi trăn trở về cuộc sống và số phận của con người trong xã hội hiện tại đang nhiễu loạn. Những tác phẩm của Nietzsche đã khẳng định sức mạnh và giá trị đáng phục của một con người đặc biệt, một con người mà cuộc đời sớm chìm trong đau thương, mất mát, lại thường xuyên tự đấu tranh với bệnh tật. Nietzsche đã có lúc gần như gục ngã, nhưng ông đã dũng cảm đứng lên, gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh thời đại, làm một bước nhảy, rẽ sang một con đường mới. Đến nay, những giá trị mà Nietzsche để lại không ngừng được giới học thuật nghiên cứu, tìm hiểu. 1.3. Tiền đề tư tưởng 1.3.1. Sụp đổ niềm tin và khi “Thượng đế đã chết” Tôn giáo là một hiện tượng đã tồn tại lâu đời trong xã hội loài người. Trong lịch sử, rõ nhất là trong lịch sử phương Tây, đã từng có thời kỳ thần quyền Tôn giáo thống ngự toàn bộ đời sống xã hội, chi phối cuộc sống con người không chỉ phần hồn mà cả phần xác, không chỉ bên đạo
  • 23. mà cả bên đời. Lịch sử cũng đã từng biết đến những vụ đụng độ Tôn giáo quyết liệt, những cuộc chiến tranh Tôn giáo đẫm máu. Không chỉ trong thời Trung kỷ với những cuộc Thập tử chinh kéo dài, dai dẳng hàng trăm năm, mà những người Kytô giáo tiến hành nhằm giành lại Thánh địa Jerusalem trong tay người Islam giáo. Cả trong thời hiện đại với sự bức hại của chủ nghĩa Nadi đối với người Do Thái hồi Thế chiến II, trong các trại tập trung cưỡng bức, dưới 6 triệu người chết trong vòng 5 năm (1940 – 1945). Đằng sau sự phân biệt chủng tộc, là thiên kiến điên cuồng của tín đồ Kytô giáo với tín đồ Do Thái giáo. Marx khẳng định rằng chính con người làm ra Tôn giáo chứ Tôn giáo không làm nên con người. Nói cách khác, Tôn giáo là sự tự ý thức và tự cảm giác của con người vốn chưa tìm thấy bản thân mình, hoặc đã tự đánh mất mình một lần nữa. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của một thế giới vô tình, cũng giống như nó là linh hồn của một mảnh đất vô hồn, là thuốc phiện của nhân dân. Người phương Tây, từ em bé hai, ba tuổi đã tin tưởng rằng Kytô giáo là trụ cột tinh thần và là nơi nương tựa cuộc sống. Khi các giá trị Kytô giáo tan rã thì mọi giá trị truyền thống bị đảo lộn khủng khiếp. Nietzsche cho rằng, bộ mặt tinh thần của một thời đại là do quan niệm đạo đức quyết định, nên Kytô giáo trở thành cái đối địch lớn nhất của ông. Kytô giáo coi dục vọng của bản tính con người là tội ác, khiến con người tự nội tâm cảm thấy tội lỗi đối với dục vọng của bản năng, cuộc sống trở nên khô héo cạn kiệt. Kytô giáo tuyên truyền về thông cảm, rộng lượng, từ bi, làm cho con người trở nên nhu nhược, tan rã ý chí. Kytô giáo chính là liều thuốc làm tan rã sức sống. Kytô giáo tuyên truyền cần mẫn, nhẫn nại, dạy người “khi có người tát vào má trái, hãy xoay má phải cho họ tát nốt”, Nietzsche phê phán loại đạo đức Kytô giáo này vì gần như biến con người thành con vật, không có sức mạnh, không có cá tính, tầm thường phó mặc số phận, không biết cách tự bảo vệ mình. Loại đạo đức này càng được tuyên truyền, con người sống càng trì trệ, đi xuống. Đạo đức Kytô giáo cổ vũ việc an tâm với hiện trạng, nghe theo số mệnh, không cầu tiến. Từ đó tạo nên những con người sống yên phận, thiển cận, tù túng, dần dần thoái hóa. Nietzsche căm thù các tôn giáo, nhất là Do Thái giáo, Kytô giáo và Phật giáo. Ông nghĩ rằng Tôn giáo là sản phẩm của những kẻ bệnh tật, hèn yếu, những kẻ này không thể hưởng được những giá trị đích thực của đời
  • 24. này, nên mới tạo ra những giá trị của đời sau. Giọng của Nietzsche thực sự khó chịu: “Đau khổ và bất lực: đó là căn nguyên đã sinh ra những “đời sau”. Đó là hạnh phúc của con người đau khổ quá” [23, tr.212]. Sự mệt nhọc muốn nhảy một cái đến tận cùng: chính sự mệt nhọc này đã tạo nên các thần linh và các thiên đàng đời sau. Nietzsche cho rằng các nền luân lý cổ truyền không nhắm những giá trị hiện sinh, nghĩa là không nhằm phát triển những đức tính của con người tại thế, mà chỉ nhằm phát triển những đức tính có mục đích chê chối và ghét bỏ cuộc hiện sinh. Các Tôn giáo cũng như nền luân lý cổ truyền mắc vào tội “yếm thế”, không biết chân nhận những giá trị cuộc sống hiện nay, tức cuộc sống tại thế. Đối với những người “yếm thế” đó, Nietzsche bảo rằng thà họ đừng sống nữa, vì sống để chờ chết như thế là sống thừa. “Nếu thần sáng tạo ra tất cả, thế thì tại sao loài người không biến thành những con vật đớn hèn chỉ dựa vào bố thí, giống như những người truyền giáo suốt ngày chỉ quỳ lạy cầu xin vô tích sự. Chúng ta đã là người thì cần phải sống ra dáng con người, hãy đứng lên rời bỏ hạnh phúc nô lệ!” [2, tr.101]. Như vậy, “Chúa đã chết”, đạo đức cũ rích đã bị cuốn đi. Và cái thay thế nó là “đạo đức của người kiên cường” mới, một loại đạo đức chống lại sự nhu nhược truyền thống cua Kytô giáo. Nietzsche mượn lời của Zarathoustra trong tác phẩm Zarathoustra đã nói như thế để vạch trần những “con người hiện đại” chịu ảnh hưởng của văn hóa trụy lạc và dùng ngòi bút sắc bén tuyên chiến đối với những giá trị văn hóa “đồi trụy” này. Ông vừa chống lại Kytô giáo vừa chống lại đạo đức trần thế, để dựng nên quan niệm giá trị mới, dùng siêu nhân sáng tạo thay thế Chúa ảo tưởng. Dưới con mắt của Nietzsche, tội ác của Kytô giáo là chồng chất, nói đến bao lâu cũng không diễn tả hết được. Đạo đức bị suy đồi đã len lỏi vào trong mọi giá trị của loài người, được con người coi đó là giá trị nhân sinh và là giá trị văn hóa cao nhất. Vì nhận thấy những sâu mọt càng ăn sâu càng mục rỉ nên Nietzsche muốn châm ngòi nổ, đánh thức cơn u mê của con người, ông hét vang: “Chúa đã chết! Nhà thờ hàng ngày các người đi đến là mồ chôn của Chúa!” [2, tr.109]. Nietzsche miêu tả nguyên nhân Chúa chết rằng: khi Chúa còn trẻ, vất vả cực khổ nhưng ham báo thù, về sau ngày càng già, ôn hòa và từ bi, cuối cùng có một ngày, cuối cùng vì Chúa có quá nhiều thông cảm, không chịu đựng nổi khi nhìn thấy sự đau khổ của nhân gian nên bị chết
  • 25. ngạt. Tức là Chúa cũng có địa ngục của Chúa, Chúa chết vì sự thông cảm đối với con người, chứng tỏ sự thương yêu của Chúa đối với con người. Chúa đã thấy con người bị đóng đinh vào cái giá chữ thập như thế nào. Tình yêu của Chúa đối với con người trở thành địa ngục của Chúa. Nietzsche muốn ám chỉ Do thái giáo và Kytô giáo là Tôn giáo phản kháng đã biến thành Tôn giáo thương hại, cuối cùng chết trong nhu nhược. Chúa đã chết chỉ rõ sự tín ngưỡng siêu nhiên đã biến mất trong lòng người, ảo tưởng về một thế giới khác tan biến. Con người không thể chờ đợi và cậy nhờ vào ảo ảnh của thế lực bên ngoài, phải tự con người đứng lên bằng chính năng lực của mình, trách nhiệm và sự chọn lựa của bản thân. Vì thế, khi không còn Chúa nữa thì mọi giá trị đều do con người dựng nên, con người tự đánh giá và tìm tòi ý nghĩa cuộc sống cho chính mình. Nietzsche nói: “Chúng ta cần phải thoát khỏi đạo đức để có thể sống một cách đạo đức, chúng ta cần phải vứt bỏ đạo đức để quán triệt ý chí đạo đức của chúng ta” [2, tr.111]. Khi thế giới không có Chúa, giá trị lật ngược lại sau khi phủ định mọi đạo đức. Trước đây, con người tôn Chúa là đấng sáng tạo duy nhất, coi mình là “vật” được sáng tạo, khiến mọi đạo đức đều bị đảo ngược. “Đánh giá lại mọi giá trị” tức là đánh giá lật ngược trở lại mọi giá trị đã bị lật ngược, phủ định tất cả những cái đã được khẳng định, khẳng định mọi cái đã bị phủ định. Trái đất, thể xác và sức sống là cuộc sống hiện thực, giá trị của cuộc sống chính là cuộc sống hiện thực. Như Voltaire đã từng cảnh báo: “Sự mê tín đẩy toàn bộ thế gian này vào lửa; triết học dập tắt những đám cháy đó” [23, tr.294]. 1.3.2. Tư tưởng nhân sinh cổ đại Hy Lạp – một ngọn nguồn của quan niệm về con người trong triết học Friedrich Nietzsche Khi nước Đức nói riêng, châu Âu nói chung đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng hoảng tín ngưỡng, khủng hoảng niềm tin, và những quan niệm truyền thống đang dần bị tan rã, thì nhu cầu về một cuộc cách mạng tinh thần là vô cùng cấp bách. Xét về mặt lịch sử, Hy Lạp cổ đại là một trong ba trung tâm văn hóa lớn của thế giới cổ đại, đã tạo dựng được những giá trị quan trọng cho sự phát triển của nhân loại: “Không có nghệ thuật và khoa học Hy Lạp, không có chế độ nô lệ, thì không có đế chế La Mã, mà không có các cơ sở của nền văn minh Hy Lạp và đế chế La Mã thì không có châu Âu hiện đại” [25, tr.245]. Nhiều nhà tư tưởng của thế kỷ XIX, trong đó có Nietzsche đã truy tìm về một thời kỳ hoàng kim trong
  • 26. quá khứ với hy vọng giải quyết được những bế tắc của hiện tại. Điều mà Nietzsche muốn đưa ra ánh sáng đó là lòng can đảm, men say và ý chí vượt qua khổ đau để vươn lên của người Hy Lạp cổ đại. Nietzsche chủ tâm xây dựng một nền văn hóa đích thực, ông tìm được khuôn mẫu cho nền văn hóa đó trong văn minh cổ Hy Lạp. Ông đặt đối nghịch lý tưởng này với những yếu hèn của xã hội Đức hiện đại, Nietzsche ca tụng sự vĩ đại và diệu kỳ của Hy Lạp cổ xưa, coi chủng tộc Hy Lạp là chủng tộc tốt đẹp nhất, lôi cuốn nhất và được nhiều người thèm muốn nhất. Cuộc sống và con người Hy Lạp cổ là khơi nguồn cảm hứng cho Nietzsche tìm ra ý nghĩa nhân sinh – chủ đề then chốt trong hệ thống triết học của ông. Nietzsche phân tích cội nguồn và thực chất của bi kịch Hy Lạp, từ truyền thống cổ xưa nhất của người Hy Lạp đã tự chế ngự nỗi bi quan của mình bằng nghệ thuật và bằng ảo ảnh. Ông lấy Thần mặt trời – Apollo và Thần rượu – Dionysus là nhân vật trong thần thoại Hy Lạp làm khái niệm cơ bản nhất trong triết học của mình, về sau trở thành phạm trù then chốt của triết học nhân sinh. Bi kịch Hy Lạp ra đời từ sự đối kháng và điều hòa giữa Thần Mặt trời và Thần Rượu. Thần Mặt trời Apollo là Thần Thái dương trong truyền thuyết thần thoại Hy Lạp, còn gọi là “Thần sáng suốt”, ánh sáng của nó làm cho phần ngoại quan của vạn vật đẹp đẽ. Nietzsche cho rằng Thần Mặt trời tượng trưng của ngoại quan đẹp, còn ngoại quan của cái đẹp về bản chất là một loại ảo tưởng của con người. Trong đời sống hàng ngày, giấc mộng là trạng thái của Thần Mặt trời. Trong nghệ thuật, nghệ thuật tạo hình là nghệ thuật Thần mặt trời điển hình. Thần Rượu Dionysus là Thần hoan lạc trong truyền thuyết thần thoại Hy Lạp. Theo Nietzsche, trạng thái Thần Rượu tượng trưng cho phóng túng, là trạng thái điên cuồng của niềm vui đam mê đan xen với nỗi khổ đau. Trong đời sống hàng ngày, say là trạng thái của Thần Rượu. Trong nghệ thuật, âm nhạc là nghệ thuật của Thần Rượu, bi kịch và thơ trữ tình tuy dựa vào hình thức của Thần Mặt trời nhưng về bản chất cũng là nghệ thuật Thần Rượu. Thần Mặt trời và Thần Rượu đều bắt nguồn từ bản năng của con người: một mặt là sự xung động con người cá thể mượn cảm giác ngoại quan tự tôi khẳng định, một mặt là sự xung động con người cá thể tự mình phủ định và trở về với bản thể thế giới. Sự đối kháng và điều hòa làm nên bi kịch Hy Lạp, thể hiện: Cái đẹp trong thế giới “mộng” của trạng thái
  • 27. Thần Mặt trời là tiền đề của mọi nghệ thuật tạo hình, người sáng tạo ra thế giới này là những nhà nghệ thuật toàn năng, “mộng” phát huy trí tưởng tượng trong thơ ca, sinh ra điêu khắc và nặn tượng Hy Lạp, sử thi Homer. “Say” làm cho chủ quan tan biến trong cái tôi lãng quên, gặp Thần Rượu người ta quên hết, người ta say sưa, thoát khỏi sự thống trị của ý thức thường nhật. Lúc ấy, mọi buồn khổ, bi thảm của đời người cũng bị lãng quên, mọi mâu thuẫn tan biến, cuộc sống trở nên tươi đẹp, múa và âm nhạc Hy Lạp sinh ra từ đó. Âm nhạc là ngôn ngữ trực tiếp của ý chí, là thứ diễn đạt tình cảm dễ dàng nhất, dễ làm rung động tâm hồn…Từ Thần Mặt trời và Thần Rượu, Nietzsche thuyết minh cội nguồn lịch sử của nghệ thuật, tìm cái ẩn dấu đằng sau đó, đây là cách mượn nghệ thuật để trình bày triết học của mình. Ông chu du trong thánh địa cổ Hy Lạp, phát hiện ra con người Hy Lạp khỏe, đẹp, kiên cường, hoan lạc…cho rằng họ giàu bản năng sống và từng đau khổ nặng nề, họ sẽ hiểu sâu sắc hơn bi kịch của cuộc sống. Apollo và Dionysus là vị cứu tinh cho nhu cầu tự vệ, hoan lạc, thích thú với cái đẹp và nghệ thuật của họ. Thần Mặt trời và Thần Rượu có mối quan hệ vừa đối lập vừa bổ sung cho nhau, “đại diện sinh động cho hai hoàn cảnh nghệ thuật mà bản chất nội tại và mục đích tối cao của nó đều không giống nhau” [dẫn theo: 2, tr.60]. Thần Mặt trời khoác lên vạn vật vẻ hào quang lộng lẫy bên ngoài, nhưng cái đẹp bên ngoài chỉ là cái đẹp mộng ảo. Còn Thần Rượu là sự bộc lộ lớn của cái xấu và sự không hài hòa trong nhân tính, là sống với men say cuồng nhiệt quên mất cái tôi, trong say người ta sống thật, không bị guồng ép bởi những lề lối tục quy… Dionysus tiếp sức cho người Hy Lạp cổ, là hiện thân của những gì mang tính người nhất trong văn hóa của người Hy Lạp. Thế giới của Dionysus là một thế giới cuồng say, là thế giới sâu kín mà tính người được biểu hiện đầy đủ, là thế giới đời sống con người thụ cảm mãnh liệt nhất, ở đó đời sống con người và đời sống thế giới hòa hợp làm một. Đó là thế giới phi lý tính. Theo Nietzsche, một triết học xứng danh là triết học phải có đủ cả hai chất Apollo và Dionysus, sinh hoạt đậm đà và nhận định đích xác, trong hai tính chất đó, chất Dionysus phải giữ vai trò uyên nguyên và trọng yếu. Nietzsche nhiều lần nhấn mạnh rằng, triết học chân chính là triết học phi lý tính, là triết học của Dionysus. Vậy nên, Thần Rượu chính là linh hồn của triết học Nietzsche. Nietzsche cho rằng cuộc sống giống như một tấm thảm, sợi dây đau khổ và sợi dây hoan lạc đan xen vào nhau, thiếu bất kì một sợi dây nào
  • 28. đều có thể làm cho tấm thảm không hoàn hảo, thậm chí bị hỏng. Đau khổ khơi dậy sức sống của con người, mài dũa ý chí của con người, làm cho con người cảm thấy cuộc sống vui vẻ hơn, giá trị hơn. Hạnh phúc của con người nảy sinh từ sức mạnh vượt qua khổ đau, chiến thắng khổ đau. Tinh thần Mặt trời dạy người ta giữ vững sự sống cá thể, lưu giữ lấy ảo mộng, quên khổ đau của cuộc sống. Tinh thần của Thần Rượu dạy người siêu thoát sự sống cá thể, nhìn thẳng vào đau khổ, từ đau khổ thu nhận được sự say sưa có tính bi kịch. Ý nghĩa nhân sinh là ở đây, điều mà triết học cần hướng tới là đây. Từ việc nghiên cứu bi kịch trong cuộc sống của người Hy Lạp cổ, Nietzsche tìm tòi ý nghĩa cuộc sống, đồng thời lấy đó làm điểm xuất phát và làm cơ sở cho toàn bộ tư tưởng của ông sau này. 1.3.3. Triết học Schopenhauer – sự khích lệ quan niệm con người theo ý chí Ham mê nghiên cứu tìm tòi, đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, là con người có cá tính, luôn tư duy độc lập sáng tạo, Nietzsche tự chọn cho mình một hướng đi riêng. Cùng với việc học tập, kế thừa những tư tưởng tiền bối gần như làm thay đổi con người ông, làm cho ông tiến lên những bậc thang mới, góp vào kho tàng tri thức nhân loại một vàng son của thế kỷ. Nietzsche đề cập đến những tâm hồn lớn nhất đã tác động trong suốt cuộc đời ông: “Khi nói đến Platon, đến Passcal, đến Goethe, tôi nghe như máu họ chảy trong mạch mình” [4, tr.23]. Trong quãng đầu của cuộc đời, phần lớn bậc thầy của ông đều là người Đức. Nietzsche đọc đi đọc lại các tác phẩm thi ca của Goethe, ông thích cái táo bạo, cái khuynh hướng vượt quá quốc gia và thế kỷ, cái cảm khái đưa đến một “nền nhân bản toàn diện”. Nietzsche say mê Goethe và coi ông là người đã thấu hiểu những giá trị đích thực của cuộc sống, Goethe là lý tưởng con người sống, con người có thể vươn lên tới hiện sinh, là người cho rằng chỉ cuộc sống là có giá trị đích thực. Charles Andler viết: “Chỗ đứng tăng trưởng mà ông dành cho Geothe trong việc đánh giá là một trong những dấu vết của chủ nghĩa bảo thủ thông minh của Nietzsche trong việc lật đổ các giá trị” [4, tr.24]. Còn ở Schiller – người thể hiện chủ nghĩa anh hùng và chấp nhận định mệnh; cuốn “Kẻ cướp” của Schiller ngay từ thời niên thiếu đã gợi cho Nietzsche ý thích một siêu nhân. Nietzsche cũng
  • 29. đọc rất sớm triết lý của Fichte, khen gợi siêu hình học của Fichte nhưng chê bai tính dối trá và bợ đỡ Tổ Quốc của ông này. Nietzsche thích nhưng câu thơ hay, những dự tính lớn lao trong các bài thơ mênh mông của Hoelderlin, con của một vị mục sư không tín ngưỡng giống ông, cũng là nhà thơ, nhà tư tưởng, bị điên rồi chết cùng cảnh. Trong những người ở nước ngoài, nhà luân lý Mĩ Emerson – vị tông đồ của năng lực, là người làm cho Nietzsche ngưỡng mộ hơn cả. Những người cùng thời, người ảnh hưởng lớn đến Nietzsche là Jacob Burckhardt; là một người bạn, người đồng nghiệp lớn hơn ông 20 tuổi; cùng với Burckhardt, ông tác luyện một giải thích mới về văn minh Hy Lạp và tất cả các nền văn minh. Trong số những nhân vật đã ảnh hưởng sâu xa vào đời suy tưởng của Nietzsche, chúng ta còn phải kể Wagner với những điệu nhạc vừa huy hoàng vừa mê ly, Hoelderlin với những “cảnh vật hiên ngang, trẻ trung, siêu thực, đầy huyền nhiệm và cám dỗ”. Rồi còn phải kể những tác giả Pháp mà Nietzsche đã ham đọc và đã hướng ông về con đường triết học con người: Rousseau, Pascal, Chamfort, Montaigne, Stendhal. Tuy nhiên, trước và sau, ông thầy đã thực sự hướng dẫn tư tưởng của Nietzsche vẫn là Schopenhauer. Arthur Schopenhauer (1788 – 1860) là nhà triết học duy tâm Đức nửa đầu thế kỷ XIX. Ông sinh ra ở Gdansk (Ba Lan ngày nay) trong một gia đình khá giả, cha là nhà ngân hàng giàu có, mẹ là nhà viết tiểu thuyết nổi tiếng. Lúc đầu Schopenhauer làm ngành thương nghiệp, sau đó bỏ nghề buôn thi vào đại học, đỗ tiến sĩ triết học tại Đại học Jena. Từ bé có tính tình lãnh đạm, ngạo mạn, vui buồn thất thường, có vẻ như mắc bệnh thần kinh. Tác phẩm triết học chủ yếu: Thế giới với tính cách là ý chí và biểu tượng (1818), Bàn về ý chí tự nhiên (1836), Hai vấn đề căn bản của luân lý học (1841). Ông rất tự tin và đánh giá cao triết học của mình. Trước cách mạng 1848 thất bại, ảnh hưởng của triết học Schopenhauer rất hạn chế. Lúc bấy giờ, giai cấp tư sản Đức đang hướng về cách mạng, còn giữ niềm tin với lý tính và tiến bộ. Khi điều kiện thay đổi, những năm 40 của thế kỷ XIX, cách mạng Đức thất bại, giai cấp tư sản Đức nản lòng, triết học Schopenhauer được hoan nghênh, tôn ông là “triết gia vĩ đại”, thuyết ý chí đời sống của Schopenhauer giữ vị trí chủ yếu nhất trong hệ thống chủ nghĩa chiết trung. Triết học Schopenhauer chịu ảnh hưởng nhiều nhất triết học Kant, Platon và Phật giáo.
  • 30. Nietzsche nói rằng chính vì đọc Schopenhauer mà ông trở thành triết gia. Những nguyên do gây nên phạm vi ảnh hưởng khác thường của Schopenhauer là rất nhiều và phức tạp, nhưng có lẽ quan trọng nhất ở Schopenhauer là có sự phối hợp giữa chiều sâu vô song của trực giác chiếu vào thân phận con người với một bút pháp văn học xuất sắc. Trong trường đại học, lúc đang đau khổ, thất vọng u uất, Nietzsche phát hiện ra tri âm của tâm hồn – Shopenhauer. Một ngày cuối tháng 8 năm 1865, Nietzsche tình cờ phát hiện tại hiệu sách cũ tác phẩm “Thế giới của ý chí và biểu tượng” của Shopenhauer xuất bản năm 1818, ông vội mua và về nhà ngồi nghiền ngẫm ngay. Nietzsche nói: “Mỗi hàng chữ trong sách đều phát ra những âm thanh siêu thoát, phủ định và siêu nhiên, tôi nhìn thấy tấm gương rất sâu sắc phản ánh cả thế giới, phản ánh đời sống và nội tâm của tôi. Quyển sách của thiên tài có sức mạnh nhưng nặng trĩu ấy bắt đầu choáng cả lòng tôi” [2, tr.31]. Nietzsche cảm thấy như Shopenhauer đặc biệt viết riêng cuốn sách ấy cho mình. Ông đọc sách quên ăn quên ngủ, tâm trí như nhập vào cuốn sách, vào thần tượng. Với Shopenhauer, thế giới xung quanh chỉ được coi là thế giới biểu tượng tồn tại. Đó là chân lý phổ biến, tuyệt đối. Shopenhauer quy kết toàn bộ thế giới được kinh nghiệm và nhận thức của con người biết đến chỉ là “thế giới hiện tượng” tồn tại tương ứng với chủ thể, bản thân nó không có bất kỳ ý nghĩa thực tại nào. Xuất phát từ chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa hiện tượng cực đoan, Shopenhauer đã công kích mọi quan điểm khẳng định đối tượng khách quan tồn tại ngoài ý thức con người. Lý luận này cơ bản là kế thừa chủ nghĩa chủ quan và chủ nghĩa hiện tượng của Kant. Shopenhauer dùng chủ nghĩa duy ý chí để uốn nắn và bổ sung chủ nghĩa chủ quan và chủ nghĩa hiện tượng của Kant. Cái tồn tại thực sự của con người là ý chí. Ý chí là bản chất của thế giới của Schopenhauer, thực là ý chí sinh tồn, chỉ bản năng cá thể tìm sự sinh tồn. Mọi hoạt động ăn, ở, đi lại, buồn vui của con người đều do ý chí cầu sống chi phối, để duy trì sự sinh tồn. Ý chí sinh tồn còn là bản năng sinh thực để duy trì nòi giống. Con người chẳng qua là cái máy phức tạp được sắp xếp hoàn hảo nhất. Trong trường hợp ấy, dù con người có thể biết nhiều về mình, họ cũng không thể lý giải về mình. Con người là con đẻ của ý chí, còn lý tính, tư tưởng của con người chẳng qua là biểu hiện của ý chí, phục vụ cho ý chí, là công cụ của ý chí. Chỉ có ý chí mới có thể giải thích được sự tồn tại của con người, hành động của con người, kết cấu bên trong của con người.
  • 31. Shopenhauer đảo ngược quan hệ vật chất và tinh thần, quy kết mọi bộ phận trong con người là sản phẩm của tinh thần. Theo Shopenhauer, con người là một bộ phận của vũ trụ; con người có ý chí và ham muốn, ý chí và ham muốn chi phối tất cả. Ông tuyên bố “Thế giới là ý chí của tôi”. Con người khác với các vật khác là nó có thể biết mình cũng như thế giới bên ngoài vừa là ý chí vừa là biểu tượng. Con người có thể phát hiện thế giới ý chí vì nó đồng nhất với thế giới. Shopenhauer đã phân biệt hai loại nhận thức tương ứng với hai thế giới hiện tượng và ý chí. Loại nhận thức khoa học vận dụng lý tính và khái niệm, hay nhận thức logic, đối tượng của nó là thế giới hiện tượng; loại nhận thức phi lý tính, phi khoa học, đối tượng của nó là thế giới ý chí. Cái gọi là thế giới hiện tượng của Shopenhauer là thế giới kinh nghiệm mà tư duy của con người vươn tới. Shopenhauer nói: “Chúng ta không bao giờ có thể thông qua nhận thức để có thể đạt được bản chất thực tại của sự vật, chúng ta tiến hành bất kỳ sự nghiên cứu, thăm dò nào, ngoài hình tượng và tên gọi, chúng ta sẽ không bao giờ tiếp xúc được bất kỳ vật nào. Chúng ta như một người chạy quanh pháo đài nhưng không tìm được cửa vào” [13, tr.137]. Quan điểm Shopenhauer về lý tính và tri thức khoa học chỉ đạt đến hiện tượng chứ không thể đạt đến thực tại. “Thế giới là biểu tượng của tôi” nghĩa là mọi vật trên thế giới đều cần lấy chủ thể làm điều kiện, chúng chỉ là chủ thể nên tồn tại. Là mặt ngoài của thể giới, còn một mặt khác là nội tại chân chính, bản chất, ý chí. “Thế giới là ý chí của tôi”, ý chí là cái tôi chân thực, hoạt động của thân thể chính là hoạt động ý chí được khách thể hóa. Thế giới là ý chí và biểu tượng, ý chí là vật tự tại của thế giới, mọi hiện tượng đều là khách thể hóa của ý chí tức biểu tượng. Shopenhauer gọi nhận thức của trực giác là nhận thức ngoài thời gian, ngoài không gian, vượt lên kinh nghiệm và tư duy, tức là toàn bộ sức mạnh tinh thần trao cho trực giác, làm cho mình hoàn toàn chìm vào trực giác, và để cho toàn bộ ý thức của mình chìm trong cảnh vật yên tĩnh khách thể tự nhiên. Cái gọi là trực giác ấy chỉ có thể là ý nghĩa, không thể nói thành lời. Luân lý là một trong những bộ phận quan trọng nhất trong triết học Shopenhauer. Ông xem vấn đề con người, đặc biệt vấn đề tự do của con người là vấn đề hạt nhân. Shopenhauer cho rằng, nếu loại bỏ hoặc xem nhẹ tự do, thì không thể bàn đến sự tồn tại thật sự và hành vi đạo đức của
  • 32. con người. Nhưng ông lại xem lĩnh vực đạo đức là lĩnh vực không có liên quan gì đến nhận thức và hành động hiện thực. Ông nói: “Nếu chúng ta khảo sát toàn bộ cuộc sống con người, nếu chúng ta chỉ nhấn mạnh mặt cơ bản nhất của nó, trên thực tế thường là bi kịch, còn hài kịch là hiếm hoi” [13, tr.143]. Schopenhauer cho rằng đời người là bi quan, do vấn đề muôn đời của con người là luôn đau khổ vì dục vọng không được thỏa mãn. Bằng ý chí sinh tồn, con người chỉ có thể thay đổi hình thái của sự đau khổ mà thôi, đó là sự ghen tị, đố kị. Cuộc sống đau khổ cũng giống như địa ngục. Dục vọng của con người khó có thể thỏa mãn hết, dù có tạm thời được thỏa mãn, cũng là trống rỗng, vô vị. Cứ như vậy, đời người dao động qua lại giữa đau khổ và chán chường. Đau khổ là sự làm hại chính mình. Để tự bảo vệ sự sinh tồn của mình, con người luôn phải lấy mình làm trung tâm, ngay cả việc hy sinh người khác hay hủy diệt thế giới. Kết quả cũng là gây bất hạnh, tổn thương cho người khác và đau khổ cho mình, vẫn không được thỏa mãn. Ý chí càng tăng, càng đau khổ, bởi lúc ý chí được hoàn thiện thì sự cảm thụ đối với đau khổ càng sâu sắc. Những nhân vật uyên bác, có ý chí kiên cường là những người đau khổ nhất. Những người hoạt bát nhất là những người đau khổ nhất và cũng là người vô đạo đức nhất. Do vậy, cá nhân nên tự giác phủ định ý chí đời người, đi vào “cõi Phàn thiên” (quy nhập Phàn thiên) giống như Ấn Độ giáo, được giải thoát ở “niết bàn” của Phật giáo. Đời người như một bi kịch. Vậy nên Schopenhauer nói: “Mỗi cuộc đời là một bi kịch vô nghĩa sẽ hạ màn bằng cái chết không thể tránh khỏi. Trọn thời gian sống trong thế giới này chúng ta là nô lệ cho những ham muốn của chúng ta, vừa thỏa mãn ham muốn này xong thì ham muốn khác xuất hiện, để rồi chúng ta liên tục sống trong tình trạng không thỏa mãn, và chính hiện hữu của chúng ta là nguồn gốc của mọi đau khổ” [23, tr.180]. Người ta càng có lý tưởng và mục đích nào đó, càng phải nhận thức và hành động để thực hiện lý tưởng và mục đích ấy, càng giành được thành công trong hành động của mình, ý chí của họ càng mãnh liệt, như vậy càng đau khổ. Ông ra sức công kích mọi triết học thúc đẩy con người hướng vào tự nhiên và xã hội, khuyến khích con người tích cực công kích mọi triết học ca tụng lý tưởng và hạnh phúc, mọi chủ nghĩa lạc quan của lịch sử. Về mặt này, ở mức độ nào đó, Schopenhauer phát hiện và vạch trần mâu thuẫn giữa nỗi đau khổ và tai họa hiện thực của con người với những lý tưởng tiến bộ, tự do, hạnh phúc trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Như vậy, ông đã vạch đúng một số nhược điểm của các triết học lý tính và
  • 33. chính quyền thống trị lợi dụng triết học này làm công cụ của chúng. Nhưng mặt khác, ông đã bước sang một cực đoan khác: trước các tai họa và đau khổ mà chủ nghĩa tư bản gây ra, ông lại phủ nhận mọi cuộc sống xã hội hiện thực; nhìn thấy một số khuyết điểm của triết học lý tính, ông đi đến phủ nhận căn bản lý tính và khoa học, từ chủ nghĩa lạc quan trước đây sau khi bị thách thức và bị thất bại, ông đi đến phủ nhận mọi chủ nghĩa lạc quan, và cuối cùng đi đến chủ nghĩa hư vô cực đoan. Chủ nghĩa hư vô cực đoan này thể hiện nổi bật ở triết học nhân sinh của ông. Ông cho rằng, để giảm nhẹ và tránh sự đau khổ trong cuộc sống, để trở thành người tự do và có đạo đức, thì biện pháp căn bản là ức chế sự ham muốn của con người, phủ nhận ý chí cuộc sống của con người. Tóm lại, một người vốn đã bi quan, chán nán và đau buồn như Nietzsche, khi gặp phải bức tranh mờ mịt mà Schopenhauer vẽ ra, đã rất hoang mang, lo sợ và bị kích động. Schopenhauer đã từng đọc các bản dịch kinh văn Ấn Độ giáo và Phật giáo, nhắc đến chúng trong tác phẩm của mình, rút ra những điểm tương đồng giữa những luận cứ của ông và của chúng. Điều này gây ra nhiều ý kiến cho rằng ông đã tìm ra những tư tưởng cho mình từ các bản kinh văn trên, nhưng không phải như thế. Trên thực tế, dường như đối với ông điều có ý nghĩa quan trọng nhất là triết học Tây phương và Đông phương đã lan rộng khắp nơi trong khi vẫn độc lập với nhau vì đi trên con đường hoàn toàn khác nhau, nhưng rồi cả hai vẫn đến được cũng những kết luận thiết yếu về những vấn đề hệ trọng nhất. Nhưng bằng lối viết này, mặc dù những tư tưởng của ông không chủ yếu hình thành từ tư tưởng của Ấn Độ giáo và Phật giáo, ông vẫn trở thành tác gia nổi tiếng châu Âu đầu tiên đem đến cho người đọc sự hiểu biết về những vấn đề trí thức nghiêm túc của các tôn giáo đó. Ông không những là triết gia lớn duy nhất ở Tây phương thủ đắc một kiến thức và hiểu biết sâu xa thực sự về triết học Đông phương, mà còn là triết gia Tây phương vĩ đại đầu tiên tìm thấy những mối liên hệ giữa tư tưởng Tây phương và Đông phương, Schopenhauer còn là người đầu tiên theo thuyết vô thần công khai và dứt khoát. Hobbes và Hume rất có thể là những nhà vô thần trên thực tế, nhưng họ sống vào những thời kỳ mà công bố một văn bản phủ nhận sự hiện hữu của Thượng Đế là phạm tội hình sự; nên họ đã né tránh vấn đề này. Schopenhauer coi ý tưởng về một Thượng Đế có ngôi vị là sự lẫn lộn về mặt quan niệm, bởi vì gần như tất cả những quan niệm của chúng ta về bản chất của nhân vị đều xuất phát từ con người, có lẽ là con vật cao cấp hơn cả, nên ý niệm về một Thượng Đế có ngôi vị
  • 34. chỉ là thuyết nhân hình. Tương tự như vậy với ý tưởng về linh hồn: bởi vì Schopenhauer nghĩ rằng không thể có nhận thức mà không có bộ óc, cũng như không thể nhìn mà không có mắt, hay tiêu hóa mà không có bao tử, nên ông viết: “Bởi vì ý niệm “linh hồn” giả thiết rằng hiểu biết và ý chí liên kết không tách rời nhau mà vẫn không phụ thuộc vào cơ quan sinh vật nên không lý giải được, và do vậy vô dụng” [23, tr.179]. Những năm đầu của cuộc đời, khi đón gặp tư tưởng Schopenhauer, soi vào mình, tâm hồn Nietzsche đã không còn đầy ắp những hoài nghi về cuộc đời. Nietzsche thán phục bi kịch về cuộc đời mà Schopenhauer đã miêu tả, tán thành thái độ chân thành của Schopenhauer khi khai thác, mổ xẻ cuộc sống. Nietzsche chỉ ra cái vĩ đại của Schopenhauer ở chỗ ông có thể đứng trước bức tranh cuộc sống, giải mã toàn bộ ý nghĩa bức tranh. Một nhà triết học vĩ đại nên từ trong toàn cảnh của bức tranh cuộc sống mà tìm kiếm ý nghĩa sự sống. Nietzsche thần tượng Schopenhauer. Từ đó, Nietzsche ý thức về việc tìm tòi ý nghĩa cuộc sống, đặc biệt là nghiên cứu triết học để tìm thấy tư tưởng của chính mình. Nietzsche bày tỏ niềm vui, tình cảm sung sướng mãnh liệt mà ông cảm thấy khi nghe tiếng nói của Schopenhauer. Ông so sánh Schopenhauer với Montaigne, người có cái vui sống gia tăng không ngừng trên mặt đất này, cả hai gặp nhau trên cùng một bầu trời trong trẻo, đến gần những hiện hữu rực rỡ, tiến đến những người siêu đẳng. Ở thời con người đặt khoa học lên tất cả, nhưng Schopenhauer lấy mục đích con người không phải là khoa học mà là hiểu biết. Ông chống lại thời đại của mình, đưa ra bài học cao quý: “Không thể có được một đời sống sung túc: điều chúng ta thực hiện đẹp đẽ nhất, đó là một cuộc sống anh hùng; cuộc sống ở đó chúng ta hoàn toàn hy sinh cho chính nghĩa chung, nơi ta chạm trán với bao nhiêu khó khăn, nơi ta mang về chiến thắng mà chẳng đòi hỏi mảy may đền bù nào. Hoài niệm về con người như thế sống mãi, mọi người xưng tụng họ như một anh hùng. Ý chí của họ, bị xâu xé trong suốt quãng đời bằng nhọc nhằn, thử thách, bằng thất bại bạc bẽo, sẽ lịm ở Niết Bàn” [4, tr.85]. Và Schopenhauer đưa ra mục đích sống cho con người và cho thiên nhiên: phải chiến đấu để triệt hạ các chướng ngại vật, điều cần thiết hơn cả là tự do, triết học phải được coi là một điều ghê gớm bởi từ đó cuồn cuộn chảy ra thủy triều của chủ nghĩa anh hùng. Nhà giáo dục đã mang lại bài học hết sức to lớn cho thế gian. Sự gặp gỡ này xảy ra như một biến cố: “Tinh thần triết học đã cùng với Schopenhauer tràn vào tâm
  • 35. hồn Nietzsche như một trận bão táp lay chuyển tất cả con người ông” [12, tr.117]. Thêm nữa, Schopenhauer cũng là một người đam mê nghệ thuật, ông cho rằng thông qua nghệ thuật, nhất là âm nhạc, mà con người tìm thấy giải thoát khỏi nỗi khổ đau của hiện hữu. Đối với Schopenhauer, âm nhạc là trừu tượng và không biểu tượng cho thế giới hiện tượng, thông qua nó chúng ta được hưởng những giờ phút thoát ra khỏi không gian và thời gian. Charle Andles phát biểu: “Ông thầy đích thực của Nietzsche là Schopenhauer vì ông này là tổng hợp của tinh thần lãng mạn và tinh thần hùng tráng của Goethe” [12, tr.120]. 1.3.4. Richard Wagner – một gợi ý sâu thẳm về tâm linh Richard Wagner – nhạc sĩ, nhà văn người Đức, sinh ngày 22 tháng 5 năm 1813 tại Leipzig, nước Đức, mất ngày 13 tháng 2 năm 1883 tại Venice. Là nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng, đạo diễn kịch và nhà lý luận âm nhạc người Đức nổi tiếng bởi các tác phẩm opera. Không như nhiều soạn gia lớn khác, ông tự viết lời lẫn phân cảnh cho các tác phẩm của mình. Âm nhạc của ông nhất là thời kì sau này trứ danh bởi cấu trúc đối âm (contrapuntal), phong phú chất nửa cung (chromatism) lẫn giai điệu và hòa âm, trau chuốt theo một mô-típ nền nhạc luôn thích hợp vời từng nhân vật, từng phân cảnh trong nhạc phẩm. Wagner là người tiên phong dùng những kỹ thuật rất khó trong âm nhạc như chất nửa cung nghiêm ngặt, chuyển đổi âm vực rất nhanh và do đó đã tạo ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của nền âm nhạc cổ điển tại châu Âu. Các tác phẩm của ông: Chiếc tàu thủy ma (1841), Tannkaupu chiếc vòng của Nibelemy (1852 - 1876), Tristan và Isolta (1866)… Wagner thuộc trường phái thần bí và tương trang, ông đạt đến một sự hòa lẫn giữa bản vào và âm nhạc, một sự hài hòa giọng và thành ca, một sự thống nhất sâu sắc đề tài, chủ đề. Wagner là người soạn nhạc kịch tuyệt vời, người khám phá ra sợi dây liên hệ đích thực nối liền âm nhạc với kịch bản, âm nhạc với đời sống. Người nhạc sĩ tài ba này đã sáng tạo một tương quan hoàn toàn giữa thế giới thấy và nghe. Với Wagner, cái gì nhìn thấy được trong vũ trụ đều có khuynh hướng hóa nội tại để biến thành âm thanh, cái gì nghe được trong vũ trụ đều khao khát hóa nên hình thể, lao mình vào ánh sáng và trở nên cái thấy được. Wagner khai sáng nên tính hợp nhất của khả năng nghệ