SlideShare a Scribd company logo
1 of 98
Download to read offline
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
ĐỖ MINH TUẤN
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH: QUẢN LÝ KINH TẾ
HÀ NỘI - 2019
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
ĐỖ MINH TUẤN
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH: QUẢN LÝ KINH TẾ
Mã số: 62 34 04 10
Người hướng dẫn khoa học: 1. TS. Nguyễn Ngọc Toàn
2. PGS. TS. Đinh Thị Nga
HÀ NỘI - 2019
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số
liệu, kết quả trong luận án là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng và được
trích dẫn đầy đủ theo quy định.
Tác giả
Đỗ Minh Tuấn
MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU ........................................................................................................... 1
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN QUẢN
LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI KHU CÔNG NGHIỆP............................... 11
1.1. Các nghiên cứu tiêu biểu về quản lý nhà nước trung ương đối
với khu công nghiệp........................................................................ 11
1.2. Các nghiên cứu tiêu biểu về quản lý nhà nước cấp tỉnh đối với
khu công nghiệp.............................................................................. 21
1.3. Những vấn đề đã được nghiên cứu và những vấn đề cần tiếp tục
giải quyết......................................................................................... 28
Chương 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CẤP
TỈNH ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP ...................................... 32
2.1. Tổng quan về khu công nghiệp và quản lý nhà nước đối với khu
công nghiệp..................................................................................... 32
2.2. Nội dung và tiêu chí đánh giá quản lý nhà nước cấp tỉnh đối với
khu công nghiệp.............................................................................. 39
2.3. Kinh nghiệm quản lý nhà nước cấp tỉnh đối với các khu công
nghiệp và bài học rút ra cho tỉnh Quảng Ninh................................ 57
Chương 3: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG
NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH ................................ 69
3.1. Tổng quan về các khu công nghiệp và bộ máy quản lý nhà nước
đối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh........... 69
3.2. Thực trạng quản lý nhà nước cấp tỉnh đối với các khu công
nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.............................................. 77
3.3. Đánh giá thực trạng quản lý nhà nước đối với các khu công
nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh............................................ 110
Chương 4: PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUẢN LÝ NHÀ
NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
QUẢNG NINH................................................................................ 122
4.1. Bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến quản lý nhà nước
đối với các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ninh............................. 122
4.2. Định hướng, mục tiêu quản lý nhà nước đối các khu công nghiệp
Quảng Ninh giai đoạn 2019 - 2025............................................... 126
4.3. Các giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước cấp tỉnh đối với các
các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ..................... 129
KẾT LUẬN ....................................................................................................... 149
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ
LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN........................................................... 152
TÀI LIỆU THAM KHẢO................................................................................... 153
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
BHXH : Bảo hiểm xã hội
BHYT : Bảo hiểm y tế
BQL : Ban quản lý
BVMT : Bảo vệ môi trường
CCHC : Cải cách hành chính
CNH : Công nghiệp hóa
DN : Doanh nghiệp
ĐTM : Đánh giá tác động môi trường
FDI : Đầu tư trực tiếp nước ngoài
GCN : Giấy chứng nhận
GPLĐ : Giấy phép lao động
GPMB : Giải phóng mặt bằng
GPXD : Giấy phép xây dựng
HĐH : Hiện đại hóa
HĐND : Hội đồng nhân dân
HTKT : Hạ tầng kỹ thuật
HTXH : Hạ tầng xã hội
KCN : Khu công nghiệp
KCX : Khu chế xuất
KKT : Khu kinh tế
KTTT : Kinh tế thị trường
PPP : Dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư
PTBV : Phát triển bền vững
QLNN : Quản lý nhà nước
TTHC : Thủ tục hành chính
UBND : Ủy ban nhân dân
DANH MỤC CÁC BẢNG
Trang
Bảng 2.1: Các loại hình khu công nghiệp........................................................... 34
Bảng 2.2: Hệ thống các tiêu chí đánh giá quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp... 49
Bảng 3.1: Quá trình hình thành các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ninh............. 71
Bảng 3.2: Thực trạng ủy quyền cho Ban Quản lý Khu kinh tế........................... 75
Bảng 3.3: Tổng hợp thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp giai đoạn 2011 - 2017 87
Bảng 3.4: Kết quả khảo sát tiếp cận thông tin, dịch vụ của doanh nghiệp khu
công nghiệp......................................................................................... 92
Bảng 3.5: Kết quả khảo sát về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức............... 93
Bảng 3.6: Kết quả khảo sát về tính minh bạch của thủ tục hành chính.............. 94
Bảng 3.7: Kết quả khảo sát về cung ứng dịch vụ hành chính công.................... 96
Bảng 3.8: Kết quả khảo sát về giải quyết kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp.......... 97
Bảng 3.10: Kết quả cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại
khu công nghiệp giai đoạn 2011 - 2017............................................ 102
Bảng 3.11: Kết quả thực hiện các quy định pháp luật về lao động trong các
doanh nghiệp khu công nghiệp (tính đến 31/12/2017)..................... 103
Bảng 3.12: Tổng hợp kết quả thanh tra, kiểm tra tại các khu công nghiệp giai
đoạn 2011 - 2017 .............................................................................. 108
DANH MỤC CÁC HÌNH
Trang
Hình 1.1. Khung và phương pháp nghiên cứu........................................................ 8
Hình 3.1: Bộ máy quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ninh ..73
Hình 3.2: Sơ đồ tổ chức bộ máy Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh ............. 74
Hình 3.3: Bản đồ Quy hoạch các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ninh .................. 78
Hình 3.4: So sánh tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp tại một số địa phương ............. 82
Hình 3.5: Số dự án đầu tư vào khu công nghiệp Quảng Ninh giai đoạn 2011 - 2017.......85
Hình 3.6: Kết quả công tác quản lý đầu tư giai đoạn 2011 - 2017 ....................... 90
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài luận án
Ngay từ những năm đầu đổi mới ở Việt Nam, Đảng ta đã có chủ trương
đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc phát triển kinh tế - xã hội,
đó là xây dựng và phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất
(KCX), khu kinh tế (KKT). Chủ trương này lần đầu được thể chế hóa trong
Luật Đầu tư nước ngoài, ban hành năm 1987. Từ đó đến nay, các KCN cùng
với KCX, KKT đã từng bước được xây dựng và phát triển rộng khắp trên đất
nước. Cùng với đó, quản lý nhà nước (QLNN) đối với KCN cũng dần được
hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng hành cùng các KCN, góp phần
quan trọng mở ra những ngành kinh tế mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu
ngành, cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, hiện đại, tạo nên những thành tựu to
lớn, có sức lan tỏa.
Quảng Ninh là tỉnh biên giới có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế,
xã hội, an ninh, quốc phòng của Bắc Bộ và cả nước, nằm trong vùng kinh tế
động lực phía Bắc của đất nước và khu vực hợp tác phát triển “hai hành lang -
một vành đai kinh tế” Việt Nam - Trung Quốc, điểm trung chuyển nối giữa
Việt Nam, Trung Quốc và ASEAN. Việc hình thành và phát triển các KCN đã
góp phần tạo nên một diện mạo mới về kinh tế, xã hội đối với tỉnh, thúc đẩy
kinh tế phát triển toàn diện: tăng trưởng ổn định, tạo thêm nhiều việc làm, đời
sống nhân dân được cải thiện... Với mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020, xây
dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp, là
trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, một trong những cực tăng
trưởng kinh tế của miền Bắc với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị
đồng bộ…” [20], đưa tỉnh trở thành một địa bàn động lực, năng động của Vùng
Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Quảng Ninh xác định chuyển đổi phương thức phát
triển từ “nâu” sang “xanh”, tập trung phát triển các ngành công nghiệp sạch,
2
công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tập trung nguồn lực đầu
tư xây dựng kết cấu hạ tầng… tạo sự đột phá nhằm thu hút đầu tư phát triển.
Để thúc đẩy các KCN phát triển ổn định, bền vững, QLNN đối với các
KCN nhất thiết phải được coi trọng, hoàn thiện để tạo dựng môi trường đầu tư
thân thiện, thiết thực phục vụ DN theo các mục tiêu của “Chính phủ kiến tạo”,
đồng thời thúc đẩy các tác động tích cực, giảm thiểu tác động tiêu cực từ hoạt
động của các KCN trên địa bàn. Quảng Ninh đang là điểm sáng về sự phát triển
năng động và đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế, xã hội không thể phủ nhận,
trong đó có những đóng góp không nhỏ của các KCN. Tuy nhiên, những đóng
góp này vẫn bị hạn chế bởi nhiều nguyên nhân, trong đó QLNN là một nguyên
nhân quan trọng. Mô hình quản lý KCN theo kiểu truyền thống đã bộc lộ nhiều
hạn chế, không còn phù hợp trước yêu cầu xây dựng “Chính phủ kiến tạo”
trong tình hình mới. Nhiều bất cập, hạn chế xuất phát chính từ sự thiếu hiệu
quả, nhất quán trong QLNN thể hiện ở chất lượng quy hoạch KCN chưa đáp
ứng yêu cầu phát triển; công tác xúc tiến đầu tư chưa chuyên nghiệp, hiệu quả;
công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn nhiều bất cập, gây khó
khăn trong phân định và xem xét trách nhiệm QLNN...
Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 cũng đặt ra yêu cầu phải chú trọng
các ngành công nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, sự xuất hiện của các mô
hình KCN sinh thái, KCN theo dạng cluster - cụm liên kết ngành, khu công
nghệ sinh học, công viên sáng tạo và yêu cầu xây dựng, nền hành chính phục
vụ, “Chính phủ kiến tạo”... đòi hỏi lý luận về QLNN nói chung và QLNN đối
với KCN phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới theo hướng chủ động
thiết kế ra một hệ thống cơ chế chính sách, thể chế tốt để thúc đẩy các KCN
phát triển, không dừng lại ở việc bị động đối phó với những diễn biến diễn ra
trên thực tế. QLNN đối với KCN cần được hoàn thiện theo hướng kiến thiết,
đồng hành, tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư
3
hiệu quả để phát triển KCN gắn với cải cách hành chính (CCHC), đồng thời
siết chặt kỷ cương, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý đáp ứng yêu
cầu nhiệm vụ… thực hiện ý tưởng mới, sáng tạo nhằm tạo ra sự phát triển
mang tính đột phá.
Những yêu cầu xuất phát từ lý luận và thực tiễn phát triển và quản lý
các KCN trong tình hình mới đặt ra yêu cầu cấp bách đối với chính quyền tỉnh
Quảng Ninh là phải nâng cao hiệu quả QLNN đối với các KCN trên địa bàn
nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội đồng thời đảm bảo cho
các KCN trên địa bàn phát triển bền vững (PTBV) và hiệu quả.
Đã có nhiều nghiên cứu về các KCN nói chung và QLNN đối với các
KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Tuy nhiên, đến nay phần lớn
các nghiên cứu đã được công bố liên quan đến các KCN của tỉnh Quảng
Ninh đều lựa chọn cách tiếp cận theo chuyên ngành kinh tế phát triển. Theo
đó, các nghiên cứu thường tập trung đi sâu phân tích thuần tuý về quá trình
hình thành và phát triển, mục tiêu, hiệu quả kinh tế, xã hội của các KCN
trên địa bàn, đánh giá mức độ ảnh hưởng của các KCN đến kinh tế, xã hội,
môi trường theo quan điểm PTBV. Dưới góc độ quản lý kinh tế, chưa có
nghiên cứu đầy đủ nào liên quan đến QLNN của chính quyền tỉnh Quảng
Ninh đối với các KCN cũng như đề ra được các giải pháp hữu hiệu và khả
thi để hoàn thiện QLNN đối với các KCN, đáp ứng yêu cầu phát triển của
tỉnh trong tình hình mới. Xuất phát từ đó, NCS lựa chọn Đề tài “Quản lý
nhà nước đối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”
làm đối tượng nghiên cứu trong Luận án tiến sĩ, chuyên ngành Quản lý
kinh tế với mong muốn đóng góp thêm kiến thức lý luận và đề xuất các giải
pháp thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả QLNN, tạo động lực để tiếp
thu khoa học công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến, thúc đẩy sự phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
4
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Đề xuất, kiến nghị các giải pháp có tính thực tiễn và khả thi cao nhằm
hoàn thiện QLNN cấp tỉnh đối với các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai
đoạn 2019 - 2025, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Khảo sát, tổng thuật tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài Luận
án, xác định những nội dung đã thống nhất, những nội dung cần tiếp tục nghiên
cứu, từ đó làm rõ khoảng trống và cách tiếp cận nghiên cứu của Luận án.
- Hệ thống hoá và làm rõ lý luận về KCN, QLNN đối với các KCN, bao
gồm: khái niệm, nội dung, tiêu chí đánh giá, các nhân tố tác động đến QLNN
đối với các KCN trong tình hình mới.
- Khảo sát kinh nghiệm QLNN đối với các KCN của một số tỉnh, thành
phố trong nước, rút ra bài học kinh nghiệm cho Quảng Ninh.
- Phân tích, đánh giá thực trạng QLNN của chính quyền tỉnh Quảng
Ninh đối với các KCN trên địa bàn giai đoạn 2011- 2017, từ đó rút ra những
kết quả và hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong QLNN cấp
tỉnh đối với các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
- Đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện QLNN cấp tỉnh đối
với các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thúc đẩy các KCN phát triển
bền vững, đúng định hướng.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của Đề tài Luận án là QLNN của UBND tỉnh
Quảng Ninh đối với các KCN trên địa bàn trong khuôn khổ chức năng, nhiệm
vụ được phân cấp cho chính quyền cấp tỉnh, dưới góc độ quản lý kinh tế.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Về không gian: Luận án nghiên cứu QLNN của chính quyền tỉnh Quảng
Ninh, trực tiếp là Ban Quản lý Khu kinh tế đối với các KCN trên địa bàn.
5
Luận án không nghiên cứu các hình thức đầu tư tập trung khác của KCN như:
KCX, KKT, cụm công nghiệp (CCN), khu công nghệ cao (KCNC)..., đồng
thời không đi sâu nghiên cứu các lĩnh vực, ngành nghề hoạt động của các DN
trong KCN.
Về thời gian: Luận án nghiên cứu thực trạng QLNN đối với các KCN
trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chủ yếu dựa trên số liệu từ năm 2011 đến 2017.
Các giải pháp hoàn thiện QLNN đối với các KCN trên địa bàn được đề xuất
cho giai đoạn 2019 - 2025.
Về nội dung: Nội dung QLNN đối với các KCN trong Luận án gồm: (1)
Xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển KCN; (2) Hỗ trợ thành
lập, đầu tư, xây dựng KCN; (3) Thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) với
các doanh nghiệp KCN; (4) Quản lý việc tuân thủ pháp luật trong các KCN;
(5) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong các KCN.
Các nội dung QLNN liên quan đến lĩnh vực lập pháp, tư pháp... không
nằm trong nội dung nghiên cứu của Luận án.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
4.1. Phương pháp luận
Luận án nghiên cứu dựa trên phương pháp luận duy vật biện chứng và
duy vật lịch sử. Quá trình nghiên cứu đề tài tiến hành dựa trên các luận điểm
cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối quan
điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam liên quan đến
KCN và QLNN đối với các KCN, kết hợp với các tri thức hiện đại của khoa
học quản lý và kinh tế học, có tính đến các điều kiện cụ thể của tỉnh Quảng
Ninh. Khung lý thuyết về QLNN sử dụng trong Luận án được xây dựng trên
nền tảng khoa học QLNN về kinh tế.
4.2. Cách tiếp cận nghiên cứu
Luận án lựa chọn cách tiếp cận kết hợp giữa từ trên xuống và từ dưới
lên. Theo đó, Luận án nghiên cứu QLNN từ trên xuống theo hướng phân tích
6
các nội dung, hoạt động QLNN do các cơ quan quản lý thực hiện và đánh giá
dưới góc nhìn của cơ quan quản lý. Đồng thời, Luận án kết hợp đánh giá từ
dưới lên dưới góc nhìn của đối tượng bị quản lý là các DN liên quan trong
KCN để đánh giá chính xác, khách quan hơn về QLNN đối với KCN.
4.3. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện mục đích và nội dung nghiên cứu, cụ thể hóa cách tiếp
cận nghiên cứu, Luận án sử dụng kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu, từ
nghiên cứu tại bàn tới nghiên cứu tại hiện trường, phân tích tài liệu kết hợp
với điều tra khảo sát và phỏng vấn chuyên gia... Cụ thể như sau:
* Phương pháp nghiên cứu tại bàn: Thu thập các tài liệu liên quan, số liệu
thứ cấp qua các kênh gồm: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hàng năm, giai
đoạn 2011 - 2017 của UBND tỉnh Quảng Ninh; Báo cáo đánh giá năng lực cạnh
tranh cấp sở, ban, ngành (DCCI) của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015 - 2017,
Báo cáo tổng kết hàng năm, giai đoạn 2011 - 2017 về tình hình hoạt động các
KCN của Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, các công trình khoa học, sách
chuyên khảo, bài đăng tạp chí chuyên ngành, bài viết của các chuyên gia nghiên
cứu về hoạt động QLNN đối với các KCN trên cả nước và tỉnh Quảng Ninh, các
thông tin cập nhật qua internet, phát thanh, truyền hình…Các số liệu thứ cấp
được xử lý, phân tích cho phù hợp với mục đích nghiên cứu.
* Phương pháp nghiên cứu tại hiện trường (field study): Trực tiếp
nghiên cứu tại hiện trường các KCN tỉnh Quảng Ninh, khảo sát, điều tra, đánh
giá thực trạng và các nhân tố tác động hoặc ảnh hưởng đến QLNN của chính
quyền tỉnh Quảng Ninh đối với các KCN.
* Phương pháp điều tra, khảo sát: Tiến hành 2 điều tra dành cho 2 đối
tượng khác nhau dưới hình thức bảng hỏi và 1 đợt khảo sát thực tế, cụ thể:
(1) Điều tra bằng bảng hỏi (Phụ lục 1) đối với toàn bộ 85 DN đang hoạt
động tại các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, gồm 33 DN nước ngoài (FDI)
và 52 DN trong nước về mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp KCN đối
7
với QLNN của chính quyền tỉnh Quảng Ninh thông qua đánh giá chất lượng
cung ứng dịch vụ công, chất lượng đội ngũ, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của
UBND tỉnh Quảng Ninh, trực tiếp là Ban Quản lý Khu kinh tế trong các lĩnh vực
QLNN đối với các KCN và doanh nghiệp KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
(2) Điều tra bằng bảng hỏi đối với toàn bộ 5 DN kinh doanh KCN (là chủ
đầu tư của 6 KCN đang hoạt động), 25 chuyên gia là các nhà hoạch định chính
sách, quản lý KCN và 85 nhà quản lý tại các doanh nghiệp KCN (Phụ lục 2)
nhằm tìm ra các giải pháp để hoàn thiện QLNN đối với các KCN trên địa bàn.
(3) Tiến hành khảo sát thực tế hoạt động QLNN đối với các KCN tại 05
địa phương có KCN đang hoạt động: Hạ Long, Quảng Yên, Móng Cái, Hải Hà,
Hoành Bồ, đánh giá thực trạng, tổng hợp các vấn đề bức xúc, các giải pháp, kiến
nghị nhằm hoàn thiện QLNN của chính quyền tỉnh Quảng Ninh đối với các
KCN trên địa bàn.
Các số liệu sơ cấp sử dụng trong Luận án chủ yếu được tiến hành thu thập
thông quan việc điều tra xã hội học, giúp Luận án có được thông tin chính xác,
mang tính hệ thống, các nhận định xác thực nhằm đưa ra các giải pháp mang tính
thực tiễn cao.
* Phương pháp chuyên gia: Phỏng vấn 04 nhà quản lý, chuyên gia có
kinh nghiệm trong quản lý KCN, gồm: 02 chuyên gia của Ban Quản lý Khu kinh
tế; 02 chuyên gia thuộc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh (Phụ lục
3) nhằm thấy được kết quả, tồn tại, hạn chế trong công tác QLNN đối với các
KCN trên địa bàn cũng như nguyên nhân của tồn tại, hạn chế giai đoạn 2011 -
2017. Qua đó tổng hợp ý kiến để đưa ra các giải pháp hoàn thiện QLNN nhằm
thúc đẩy sự phát triển của các KCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025.
* Phương pháp tổng hợp, khái quát hóa
Luận án thực hiện phương pháp tổng hợp, khái quát trên cơ sở các số
liệu thu thập, điều tra được từ các công trình nghiên cứu, các tài liệu, tư liệu
đã có, kết hợp với phân tích các số liệu thống kê, các báo cáo tổng kết thực
tiễn của các bộ, ngành Trung ương, các văn bản liên quan của HĐND, UBND
8
và các sở, ban, ngành thuộc tỉnh Quảng Ninh kết hợp với tổng kết, khái quát
các hoạt động thực tiễn thông qua kinh nghiệm cá nhân của NCS, từ đó phân
tích, đánh giá và đưa ra giải pháp hoàn thiện QLNN đối với các KCN trên địa
bàn tỉnh Quảng Ninh.
* Phương pháp xử lý và phân tích thông tin, số liệu
Cách thức tiến hành lấy thông tin là sự kết hợp giữa việc tự lấy phiếu,
lấy phiếu thông qua cộng tác viên và qua ban quản lý nhằm tiết kiệm thời gian
đi lại, giảm thiểu chi phí nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy với nguồn số liệu thu
thập được. Sau khi thu thập, các thông tin được tiến hành phân loại, xử lý bởi
các phần mềm thống kê như SPSS, STATA…, lựa chọn, sắp xếp thành các
bảng số liệu để đưa vào sử dụng trong Luận án.
Hình 1.1. Khung và phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu lý
luận QLNN đối
với KCN
Khung lý thuyết
QLNN đối với
KCN
Tiêu chí đánh
giá QLNN đối
với KCN
Nghiên cứu
Kinh nghiệm QT
về PTBV KCN
Bài học kinh
nghiệm QT về
PTBV KCN
Khảo sát,
thu thập
số liệu
Đề xuất giải pháp, kiến nghị
Phân tích
thực trạng
QLNN đối
với các KCN
trên địa bàn
tỉnh
Quảng Ninh
Phương pháp
chuyên gia
Nghiên cứu kinh
nghiệm QLNN
của các địa
phương đối với
KCN
Bài học kinh
nghiệm rút ra cho
chính quyền tỉnh
Quảng Ninh
Đánh giá QLNN đối với các KCN
trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
9
5. Đóng góp mới của luận án
Thứ nhất, về tổng thuật tài liệu: Luận án đã tổng thuật, hệ thống hóa
các nghiên cứu, quan điểm, các kết quả nghiên cứu liên quan đến QLNN về
KCN, xác định khoảng trống nghiên cứu. Đây sẽ là nguồn tham khảo hữu ích
cho các nghiên cứu có liên quan sau này.
Thứ hai, về khái niệm: Luận án bổ sung lý luận, đưa ra các khái niệm
về QLNN đối với KCN và QLNN cấp tỉnh đối với các KCN trong tình hình
mới, theo hướng “kiến tạo”, “phục vụ”, theo đó trong QLNN, thay vì tập
trung kiểm soát mức độ tuân thủ pháp luật của DN, chính quyền thực sự coi
DN là trung tâm, sẵn sàng hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu chính đáng và tạo những
điều kiện thuận lợi để DN phát triển lành mạnh.
Thứ ba, về số liệu: Luận án đã điều tra và tạo ra bộ số liệu mới, có thể
sử dụng cho các nghiên cứu có liên quan trong thời gian tới. Các kết quả phân
tích đạt được trên cơ sở bộ số liệu này là mới, có ý nghĩa bổ sung, đưa ra các
phát hiện mới hơn so với các nguồn thông tin đã có.
Thứ tư, về các giải pháp: Luận án sử dụng các tiêu chí định lượng để
đánh giá QLNN cấp tỉnh đối với các KCN, trong đó có đóng góp mới khi đề
xuất xây dựng Bộ tiêu chí đo lường QLNN cấp tỉnh đối với doanh nghiệp KCN
một cách tổng thể, đồng bộ dựa trên đánh giá của các doanh nghiệp KCN đối
với chính quyền trên 3 góc độ, gồm: (1) chất lượng cung ứng dịch vụ hành
chính công và dịch vụ hỗ trợ; (2) chất lượng quản lý, điều hành của chính
quyền cấp tỉnh; (3) chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi
công vụ theo các chỉ số thành phần, đồng thời đề xuất giải pháp căn cơ giải
quyết dứt điểm vấn đề xây dựng nhà ở công nhân KCN, ý tưởng xây dựng cụm
công nghiệp (cluster), tập trung các DN liên quan trong một lĩnh vực, có liên
kết với nhau tạo thành một hệ sinh thái.
6. Kết cấu của luận án
Ngoài các phần: Mở đầu, Danh mục chữ viết tắt, Danh mục bảng, biểu,
Danh mục các hình, Danh mục các công trình nghiên cứu của tác giả liên
10
quan đến Đề tài luận án, Danh mục tài liệu tham khảo, Phụ lục… nội dung
chính của Luận án được kết cấu thành 4 chương như sau:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến quản lý nhà nước
đối với khu công nghiệp
Chương 2: Cơ sở lý luận và thực tiễn về quản lý nhà nước cấp tỉnh đối
với khu công nghiệp
Chương 3: Thực trạng quản lý nhà nước cấp tỉnh đối với các khu công
nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
Chương 4: Phương hướng, giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước cấp
tỉnh đối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
11
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI KHU CÔNG NGHIỆP
1.1. CÁC NGHIÊN CỨU TIÊU BIỂU VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRUNG
ƯƠNG ĐỐI VỚI KHU CÔNG NGHIỆP
1.1.1. Các nghiên cứu nước ngoài liên quan đến quản lý nhà nước
đối với khu công nghiệp
Về định hướng, chiến lược phát triển KCN, trước hết, phải kể đến
nghiên cứu của Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc - UNIDO
(2015), “Economic Zone in the Asean”. Cuốn sách đề cập đến 5 mô hình
KKT có khả năng tạo đột phá, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các quốc gia,
gồm: KCN, KKT đặc biệt, khu công nghệ sinh học, khu công nghệ cao
(KCNC) và công viên sáng tạo, trong đó nhấn mạnh vai trò của KCN và KKT
đặc biệt với tư cách là công cụ hữu hiệu thúc đẩy chiến lược bắt kịp (catch -
up strategy) của các nước kém phát triển. Theo thống kê trong nghiên cứu
này, trong số hơn 1.000 KKT tại các quốc gia ASEAN có tới 893 KCN, 84
KKT đặc biệt, 25 khu công nghệ cao (KCNC), chỉ có 2 khu công nghệ sinh
học và 1 công viên sáng tạo. Cũng theo nghiên cứu, ở mỗi giai đoạn phát
triển, các quốc gia sẽ lựa chọn một mô hình KKT và một chiến lược cạnh
tranh thích hợp, trong đó chiến lược “catch-up” thường được các nước có
trình độ phát triển thấp ưu tiên lựa chọn nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp
nước ngoài, trong khi các quốc gia ở trình độ phát triển cao về kinh tế thường
tập trung vào các hoạt động mang tính sáng tạo, có hàm lượng tri thức cao.
Nghiên cứu đưa ra ví dụ về 2 mô hình KKT ở Việt Nam và Singapore để
minh họa cho kết luận, trong khi Việt Nam chủ yếu dựa vào mô hình KCN để
thu hút FDI thì Singapore đã nghiên cứu, thiết kế khu sáng tạo đầu tiên của
khu vực. Các gợi ý cho QLNN đưa ra trong nghiên cứu gồm: chuyển đổi các
12
mô hình KCN thành KCN sinh thái; thúc đẩy chuỗi giá trị thông qua việc thiết
lập các mô hình KCN sáng tạo tại các thành phố lớn; thành lập các tổ chức
phi lợi nhuận trong khu vực ASEAN nhằm giám sát quá trình hoạt động và
phát triển của các KCN, được cho là rất có giá trị đối với các nhà quản lý
công. Nghiên cứu giúp tác giả Luận án nhận thức được xu hướng phát triển
của các KCN trên thế giới, trong khu vực để đề xuất các giải pháp QLNN
nhằm phát triển các KCN Quảng Ninh theo mô hình KCN sinh thái, thân
thiện với môi trường; mô hình KCN thông minh, sáng tạo…[74].
“Industrial park development Strategy and mangement Practices”
(2013), Ministry of Knowledge and Economy - Knowledge Sharing program
là một nghiên cứu về kinh nghiệm phát triển các KCN của Hàn Quốc thông
qua thực tiễn hình thành, thực thi chiến lược và các chính sách phát triển cũng
như mô hình tổ chức, quản lý các KCN. Theo đó, ở Hàn Quốc, tổ chức quản
lý KCN được thành lập năm 1997 với tên gọi là Công ty Công nghiệp Hàn
Quốc (KICC), trên cơ sở sáp nhập 5 tổ chức quản lý vùng, với vai trò tối đa
hóa chức năng và công dụng của các KCN nhằm thu hút các DN nước ngoài
phù hợp và hỗ trợ các DN trong nước. Tâm điểm của cuốn sách tập trung vào
các nội dung: (1) Bối cảnh lịch sử và kinh tế của chiến lược phát triển KCN;
(2) Sự hình thành, chức năng, nhiệm vụ và vai trò của KICC trong quản lý các
KCN; (3) Một số gợi ý chính sách cho các quốc gia trên cơ sở kinh nghiệm
của Hàn Quốc. Theo nghiên cứu, KCN đầu tiên của Hàn Quốc được thành lập
vào đầu những năm 1960, sau đó số lượng các KCN tăng nhanh trên phạm vi
cả nước, lên tới trên 900 KCN tính đến cuối 2010. Với chiến lược chủ đạo
trong phát triển kinh tế là hướng ra xuất khẩu, các KCN đã góp phần quan
trọng tạo nên sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ cho Hàn Quốc trong 1 thời gian
dài. Tuy nhiên, với thách thức mà các KCN đang phải đối mặt, cuốn sách
nhận định, việc định hướng và hoạch định chính sách phát triển cho các KCN
là khâu quan trong, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của các KCN.
13
Điều đó cho thấy vai trò rất quan trọng của QLNN đối với sự hình thành và
phát triển của các KCN [71].
Hubert Thieriot, Dave Sawyer (2015), Development of Eco-efficient
industrial parks in China: A review, Internatinal Institute for Sustainable
development, đã nghiên cứu thực trạng khu vực công nghiệp của Trung Quốc
và đưa ra con số thống kê đáng lo ngại. Đó là 72% lượng khí thải carbon ra
môi trường ở nước này có nguồn gốc từ khu vực công nghiệp. Theo nghiên
cứu, để giảm thiểu tình trạng này, Chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo các bộ,
ngành xây dựng 3 chương trình thí điểm gồm: (1) Bộ Bảo vệ Môi trường:
Chương trình KCN sinh thái; (2) Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia chủ
trì, phối hợp với Bộ Tài chính: Chương trình chuyển đổi tuần hoàn các KCN;
(3) Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin: Chương trình KCN khí carbon
thấp. Theo đó, QLNN phải nhằm mục tiêu giảm thiểu những tác động tiêu cực
của các ngành công nghiệp, trong đó có tác động của các KCN đến môi
trường. Các chương trình này sẽ tăng cường năng lực cạnh tranh, hướng tới
mục tiêu chuyển đổi mô hình các KCN tập trung truyền thống thành các KCN
sinh thái (EIPs) - mô hình KCN tiên tiến, mang tính hình mẫu để các quốc gia
đang phải đối mặt với các vấn đề về môi trường nghiên cứu, học tập, mặc dù
đây không phải là mô hình mới đối với các nước phát triển. Nghiên cứu này
cho thấy các ưu, nhược điểm của từng mô hình KCN, giúp các nhà quản lý
lựa chọn mô hình phù hợp với đặc thù địa phương [69].
Siwei Tan (2014) trong nghiên cứu “Wastewater management in
Industrial Zones of Vietnamese Mekong Delta” đã chỉ ra sự bất cập và lỏng lẻo
trong công tác quản lý môi trường tại các KCN Việt Nam qua các phân tích về
quản lý nước thải tại các KCN Đồng bằng sông Mekong. Các số liệu thực
nghiệm tổng hợp từ các phỏng vấn các chuyên gia, các cơ quan QLNN, các
doanh nghiệp, người dân 4 tỉnh dọc theo sông Hậu từ 5/2011 đến 2/2012 trong
nghiên cứu cho thấy thực trạng ô nhiễm nguồn nước rất nặng nề. Trong đó có
14
một số nguyên nhân liên quan đến QLNN như: quy hoạch KCN, phân công,
phân cấp trong quản lý môi trường. Cụ thể là vị trí đặt các KCN không phù hợp
với phạm vi quản lý của chính quyền địa phương, sự chồng chéo, không rõ
ràng trong phân định trách nhiệm quản lý môi trường ở địa phương dẫn đến
tình trạng rất khó quản lý môi trường trong và ngoài KCN. Bên cạnh đó, hệ
thống hành chính nhà nước tổ chức theo mô hình quan hệ thứ bậc, chưa phân
định rõ trách nhiệm quản lý ở Việt Nam là nguyên nhân khiến QLNN về môi
trường đối với KCN bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục [73].
1.1.2. Các nghiên cứu trong nước liên quan đến quản lý nhà nước
đối với khu công nghiệp
Phần lớn các nghiên cứu được tổng quan liên quan đến QLNN đối với
KCN là các bài viết, đề tài nghiên cứu tổng hợp, chuyên sâu trong từng lĩnh
vực đối với các KCN Việt Nam với những đánh giá xác thực về chất lượng,
hiệu quả QLNN đã đạt được trên bình diện quốc gia và địa phương.
1.1.2.1. Các nghiên cứu về quy hoạch khu công nghiệp
Vũ Quốc Huy (2015), “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng
xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam”,
Tạp chí Khu công nghiệp Việt Nam, đã đề cập đến vai trò động lực của các
KCN trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) đất
nước, một số bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực cho KCN, huy động nguồn
vốn cho phát triển hạ tầng KCN, cơ chế phân cấp và ủy quyền cho BQL các
KCN cấp tỉnh, đặc biệt công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch
phát triển các KCN tại một số tỉnh, thành phố. Nghiên cứu chỉ ra một số hạn
chế trong QLNN về quy hoạch KCN như: chênh lệch về diện tích thực tế của
một số KCN so với quy hoạch; bổ sung quy hoạch, mở rộng KCN chưa hợp
lý, vị trí quy hoạch KCN không thuận lợi… Trên cơ sở xác định nhóm
nguyên nhân ảnh hưởng đến QLNN đối với các KCN, nghiên cứu đưa ra một
số giải pháp QLNN nhằm PTBV các KCN, đáng chú ý là: giảm thiểu việc tăng
15
diện tích và bổ sung mới quy hoạch KCN; nâng cao chất lượng thu hút đầu tư
vào KCN; đề xuất các mô hình, cơ chế, chính sách phát triển KCN phù hợp.
Nghiên cứu này giúp NCS có cái nhìn toàn diện về thực trạng QLNN đối với
các KCN, rút ra nhiều kinh nghiệm thực tiễn để đề xuất các giải pháp QLNN
phù hợp với thực tiễn các KCN của tỉnh Quảng Ninh [31].
Đề tài (2015): “Rà soát, đánh giá thực trạng triển khai và đề xuất giải
pháp điều chỉnh, bổ sung và nâng cao hiệu quả thực hiện Quy hoạch tổng thể
phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam”, Đề tài cấp bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư là nghiên cứu tiêu biểu và cập nhật nhất về tình hình thực hiện quy hoạch phát
triển các KCN Việt Nam trong giai đoạn 2005 - 2015. Nghiên cứu đã xây dựng
các nguyên tắc phù hợp để tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát
triển KCN trên phạm vi cả nước đến năm 2020, đồng thời đưa ra giải pháp nâng
cao hiệu quả thực hiện quy hoạch phát triển KCN, khẳng định tính cấp thiết phải
chấn chỉnh công tác quy hoạch KCN. Trên cơ sở đánh giá toàn diện tình hình
hoạt động của các KCN trong quy hoạch và các KCN đã thành lập, khả năng
triển khai của các KCN đã được quy hoạch, nghiên cứu đề xuất biện pháp xử
lý các KCN kém hiệu quả và kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy
hoạch phát triển các KCN một cách phù hợp. Nghiên cứu cho thấy muốn phát
huy hiệu lực, hiệu quả QLNN đối với KCN phải đặc biệt coi trọng chất lượng
lập và quản lý quy hoạch KCN [11].
1.1.2.2. Các nghiên cứu liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển
khu công nghiệp
Nhiều nhà khoa học có xu hướng đi sâu nghiên cứu các cơ chế chính
sách hoàn thiện công tác xúc tiến, quản lý đầu tư tại các KCN, tiêu biểu là: Lê
Hồng Yến (2007), “Hoàn thiện chính sách về mô hình quản lý nhà nước đối
với sự phát triển khu công nghiệp Việt Nam (thông qua thực tiễn các khu công
nghiệp miền Bắc)”, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Trường Đại học Thương mại, Hà
Nội đã nghiên cứu và tập trung phân tích tác động của các cơ chế, chính
sách đối với sự phát triển các KCN. Nghiên cứu này chỉ ra những tồn tại
16
trong thực tiễn QLNN đối với các KCN ở một số địa phương như: tình trạng
mở KCN theo kiểu “phong trào”, thiếu chuẩn bị kỹ, chưa nghiên cứu đánh giá
tác động môi trường trên địa bàn, sự cạnh tranh không lành mạnh trong thu
hút đầu tư giữa các địa phương; vấn đề ô nhiễm môi trường tại các KCN do
buông lỏng quản lý…đồng thời đề xuất một số giải pháp QLNN và kiến nghị
thay đổi mô hình quản lý và chính sách nhằm đảm bảo PTBV các KCN. Tuy
nhiên, trước yêu cầu xây dựng các mô hình, phương pháp quản lý mới theo
kiểu “kiến tạo”, “phục vụ”, các kiến nghị, đề xuất được cho là rất khả thi
trong thời điểm nghiên cứu của luận án đã không còn phù hợp [67].
Liên quan đến khía cạnh xã hội gắn với các cơ chế chính sách phát triển
các KCN, phải kể đến nghiên cứu đánh giá thực trạng xây dựng nhà ở cho
công nhân ở các KCN Việt Nam, tiêu biểu là Lê Xuân Bá (2007), Cơ chế,
chính sách thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế vào lĩnh vực xây dựng
nhà ở cho công nhân tại các KCN, KCX , Đề tài cấp Bộ, Bộ Kế hoạch và
Đầu tư. Đây là nghiên cứu rất công phu và tâm huyết của tác giả nhằm thu hút
các thành phần kinh tế khác nhau đầu tư xây dựng nhà ở công nhân các KCN,
KCX - lĩnh vực vào thời điểm đó chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức.
Trong bối cảnh nhà nước và các địa phương có KCN gặp nhiều khó khăn,
không có ngân sách bố trí xây dựng nhà ở công nhân, các giải pháp của tác
giả được cho là rất khả thi vì đã phát hiện ra cơ chế, chính sách là điểm mấu
chốt giúp huy động nguồn lực tài chính, thu hút các nhà đầu tư tham gia xây
dựng nhà ở công nhân. Theo tác giả, Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách
ưu đãi đặc thù đối với các thành phần kinh tế, các DN đầu tư vào lĩnh vực
này, đồng thời phải ưu tiên giải quyết các vấn đề xã hội trong KCN, quan tâm,
huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư xây dựng các hạ tầng thiết yếu ngoài
hàng rào KCN như: nhà ở cho công nhân KCN, trường học, nhà trẻ, trung tâm
chăm sóc sức khỏe... Đây là nghiên cứu giúp tác giả Luận án có thêm cách
nhìn mới trong việc đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực, thu hút đầu tư
xây dựng nhà ở cho công nhân các KCN, KKT tỉnh Quảng Ninh thông qua
17
việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành và thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính
sách phù hợp, tạo động lực thúc đẩy các nhà đầu tư ở mọi thành phần kinh tế
tham gia vào lĩnh vực này [1].
Bùi Văn Dũng (2015), Giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động
các KCN - nghiên cứu trên địa bàn một số tỉnh Bắc Trung Bộ, Luận án Tiến
sĩ Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội. Đây là nghiên cứu khá sâu sắc
về nhà ở cho đội ngũ công nhân tại các KCN Hà Nội. Theo tác giả, vấn đề nhà
ở cho các KCN Hà Nội cần được coi là một nội dung của QLNN nhằm PTBV
các KCN. Giá trị tham khảo của Luận án tập trung ở một số nội dung liên qua
đến nhu cầu, hình thức sở hữu nhà ở công nhân KCN và các yếu tố ảnh hưởng
liên quan; kinh nghiệm trong nước và quốc tế về giải quyết vấn đề nhà ở công
nhân KCN. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực trạng nhà ở cho lao động tại các
KCN các tỉnh Bắc Trung bộ, tác giả đã chỉ ra mối quan hệ lợi ích - trách nhiệm
giữa nhà nước, DN và cá nhân có nhà cho thuê, đồng thời đề xuất các giải pháp
khá phù hợp để giải quyết tình trạng này. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa đưa ra
được giải pháp căn cơ và khả thi để xây dựng nhà ở tập trung cho công nhân
bằng nguồn lực xã hội hóa [16].
Có nghiên cứu đề cập đến tác động xã hội vùng của các KCN. Có thể
kể đến Nguyễn Bình Giang (2012), Tác động xã hội vùng của các khu công
nghiệp ở Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. Trong công trình này, tác
giả đã đi sâu nghiên cứu, đưa ra các đánh giá xác thực và khách quan về các tác
động xã hội vùng tới cộng đồng dân cư trên địa bàn khi Nhà nước triển khai xây
dựng và phát triển KCN. Nghiên cứu chỉ ra 8 nhóm tác động đến cuộc sống của
người dân xung quanh KCN. Trên cơ sở kinh nghiệm của một số nước Đông Á,
tác giả đề xuất một số cơ chế, chính sách nhằm hạn chế tác động xã hội vùng
tiêu cực cho các KCN ở Việt Nam. Tuy nhiên, công trình chủ yếu tập trung
phân tích sâu các tác động tích cực và tiêu cực của KCN trong khi các giải pháp
khắc phục các tác động tiêu cực của các KCN chưa tương xứng [22].
18
1.1.2.3. Các nghiên cứu liên quan đến thực thi pháp luật trong các khu
công nghiệp
Một số nghiên cứu tập trung chủ yếu vào phân tích, đánh giá thực trạng
tuân thủ pháp luật liên quan đến hoạt động của các DN trong KCN thể hiện
trên một số mặt như: chấp hành chính sách thuế; quản lý lao động; việc thực
hiện chế độ chính sách với người lao động; bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo
hiểm y tế (BHYT), điều kiện an toàn lao động, vệ sinh, môi trường… tiêu
biểu là: Ngọc Lan (2017), “Tăng cường quản lý nhà nước về lao động trong
các khu công nghiệp”, Báo Vĩnh Phúc điện tử; Hải Phong (2012), “Quản lý
nhà nước đối với các doanh nghiệp tại khu công nghiệp: Thực trạng và giải
pháp”, Báo Lâm Đồng điện tử; Ngọc Tú (2017),“Bất cập trong quản lý nhà
nước về lao động trong các khu công nghiệp”, Báo Bình Phước điện tử. Các
nghiên cứu này chỉ ra các thay đổi tích cực tại các KCN các tỉnh Vĩnh Phúc,
Lâm Đồng và Bình Phước, cho thấy vai trò của QLNN trong giải quyết vấn
đề việc làm, tăng thu nhập cho người lao động KCN, góp phần bảo đảm an
sinh xã hội. Tuy nhiên, các tác giả cũng chỉ ra rất nhiều thách thức trong công
tác QLNN nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao
động tại các KCN, tập trung vào các nội dung: thực hiện các chính sách về
BHXH, BHYT, chính sách về nhà ở công nhân KCN, môi trường làm việc,
vấn đề về an toàn lao động… qua đó, cho thấy rất cần phải tăng cường QLNN
về lao động trong các KCN địa phương [36; 44; 54].
Phan Xuân Vinh (2016): “Quản lý lao động trong KCN, KKT: Nên
phân cấp thay cho ủy quyền”, Tạp chí Khu công nghiệp Việt Nam. Theo tác
giả, việc UBND cấp tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND
cấp huyện có KCN ủy quyền cho BQL thực hiện một số nhiệm vụ QLNN về
lao động trong KCN đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, nhà đầu tư KCN
trong việc thực hiện các TTHC về lao động theo quy định của pháp luật so
với khi chưa được ủy quyền, giúp BQL chủ động và phối hợp thực hiện
19
nhiệm vụ QLNN về lao động đối với KCN; chấn chỉnh kịp thời những sai
phạm của người sử dụng lao động, đảm bảo các quyền lợi của người lao động
làm việc trong KCN được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật; thực
hiện tốt công tác an ninh trật tự và an toàn xã hội trong KCN... Tuy nhiên,
cũng tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: việc thực hiện ủy quyền còn
chậm; việc ủy quyền giữa các cơ quan tương đương trực thuộc UBND cấp
tỉnh là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Quản lý các KCN hoặc
giữa UBND cấp huyện và BQL các KCN là chưa phù hợp với quy định của
pháp luật. Để thực hiện tốt nhiệm vụ QLNN về lao động, tác giả kiến nghị:
(1) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn, bồi dưỡng công
tác quản lý lao động cho cán bộ làm công tác này tại các BQL; (2) Sở Lao
động - Thương binh và Xã hội phối hợp với BQL thực hiện thanh tra, kiểm tra
theo đúng quy định của pháp luật; (3) nghiên cứu, sửa đổi quy định của pháp
luật về lao động để phân cấp hoặc giao nhiệm vụ trực tiếp cho BQL thực hiện
một số nhiệm vụ QLNN về lao động trong KCN thay cho cơ chế ủy quyền
hiện nay. Nghiên cứu cho thấy rất cần phải có những thay đổi trong phân cấp,
ủy quyền QLNN về lao động KCN để không trái với quy định của pháp luật
và phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới [66].
Một số nghiên cứu khác lại tập trung vào các vấn đề liên quan đến
công tác QLNN về bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường tại các KCN:
Trương Thị Minh Sâm (2007), Các giải pháp nhằm nâng cao vai trò và
hiệu lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường khu công nghiệp, khu chế
xuất, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội đã tập trung nghiên cứu về lĩnh vực
quản lý môi trường KCN. Sau khi khái quát quy trình QLNN về môi
trường đối với các dự án đầu tư trong KCN của các cơ quan QLNN, gồm
các bước: thẩm định dự án; đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc
đăng ký tiêu chuẩn môi trường; giám sát thực hiện; kiểm tra, nghiệm thu
các hạng mục công trình xử lý… tác giả chỉ ra những bất cập trong việc
20
thực thi pháp luật về BVMT, như: Luật và các văn bản hướng dẫn luật chưa
được cụ thể hóa bởi các cơ quan chuyên ngành, việc triển khai thực hiện
chưa nhất quán, thiếu đồng bộ, tổ chức bộ máy của hệ thống các cơ quan
QLNN về môi trường từ Trung ương đến địa phương thiếu và yếu, chưa đủ
sức đảm đương nhiệm vụ được giao, sự phân công trách nhiệm chưa hợp
lý. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra 6 giải pháp nhằm nâng cao vai trò và hiệu
lực QLNN về BVMT các KCN, KCX đối với Vùng Kinh tế trọng điểm
phía Nam. Điểm hạn chế của nghiên cứu là phân tích các nội dung QLNN
theo Luật Bảo vệ môi trường 2005, vốn đã bộc lộ nhiều hạn chế ngay tại
thời điểm nghiên cứu và chưa đề cập đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám
sát việc thực thi pháp luật BVMT tại các KCN [48].
Nguyễn Thị Thùy Ngân (2017), “Xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu
công nghiệp”, Báo VnExpress; Phạm Đình Đôn (2017), “Công tác bảo vệ
môi trường khu công nghiệp và cụm công nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu
Long”, Tạp chí Môi trường. Nghiên cứu này chú trọng công tác BVMT trong
các KCN bằng các giải pháp QLNN quyết liệt, đặc biệt chú trọng việc thanh,
kiểm tra và xử lý vi phạm, đồng thời đề xuất một số kiến nghị nhằm tăng
cường vai trò QLNN về BVMT của chính quyền các cấp, các ngành chức
năng cũng như các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư đồng thời nâng cao
nhận thức cho các chủ đầu tư, chủ DN trong việc tuân thủ pháp luật BVMT.
Đây là gợi ý rất có giá trị để tác giả Luận án nghiên cứu, đề xuất các giải pháp
QLNN về môi trường đối với các KCN của tỉnh [21; 41].
Qua tổng quan cho thấy các nghiên cứu liên quan đến QLNN trung
ương đối với KCN có xu hướng tập trung vào định hướng, hoạch định chiến
lược, mô hình phát triển, quy hoạch KCN, xây dựng các cơ chế, chính sách
khuyến khích và thu hút đầu tư vào KCN và BVMT… Tuy nhiên, hiện còn
thiếu những nghiên cứu tổng thể, toàn diện về QLNN đối với các KCN và đặt
nó trong các mối quan hệ liên ngành, liên vùng và cả nước theo yêu cầu “kiến
21
tạo”, “phục vụ”. Các số liệu minh chứng trong các nghiên cứu được tổng quan
chủ yếu do các cơ quan QLNN cung cấp, chưa có nhiều nghiên cứu sử dụng
nguồn số liệu điều tra xã hội học đối với DN để so sánh, đối chiếu nhằm có
được kết quả phân tích, đánh giá chính xác, khách quan, công bằng. Do vậy,
cần có thêm sự kiểm chứng thông qua đánh giá của các doanh nghiệp KCN.
1.2. CÁC NGHIÊN CỨU TIÊU BIỂU VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CẤP TỈNH
ĐỐI VỚI KHU CÔNG NGHIỆP
1.2.1. Các nghiên cứu về xúc tiến, thu hút và quản lý đầu tư khu
công nghiệp
Công tác xúc tiến, thu hút và quản lý đầu tư cấp tỉnh tại các KCN là lĩnh
vực có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của các KCN.
Chính vì vậy, có nhiều nghiên cứu khá đầy đủ, sâu sắc của các nhà quản lý,
chuyên gia trong lĩnh vực, tiêu biểu là: Ngô Sỹ Bích (2015), “Bài học thu hút
thành công Dự án đầu tư của Samsung vào khu công nghiệp Bắc Ninh và những
bất cập trong công tác quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế”,
Cổng thông tin Điện tử tỉnh Bắc Ninh. Qua thực tế tỉnh Bắc Ninh, tác giả nhận
thấy, về thể chế các văn bản luật điều chỉnh về KCN còn có 1 số nội dung chồng
chéo, các chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư vào KCN hiện nay thiếu nhất
quán; ưu đãi đối với các DN trong KCN có xu hướng thu hẹp, hiệu quả hạn chế,
các TTHC liên quan đến chuyển nhượng cổ phần, góp vốn đối với DN có vốn đầu
tư nước ngoài còn nhiều bất cập... Bên cạnh đó, tác giả cũng đề cập đến những
khó khăn vướng mắc trong hoạt động của doanh nghiệp KCN trong một số lĩnh
vực liên quan như: quy hoạch xây dựng, môi trường, thanh tra, lao động…
Để nâng cao hiệu quả xúc tiến, thu hút vào các KCN cấp tỉnh, tác giả kiến
nghị Chính phủ cần thống nhất về chức năng thanh tra của BQL giữa Nghị định
của Chính phủ với Luật Thanh tra hiện hành, phân biệt về thẩm quyền giữa thanh
tra BQL với thanh tra của các sở chuyên ngành. Đây là nghiên cứu tiêu biểu cho
thấy ảnh hưởng của QLNN cấp tỉnh đối với thu hút đầu tư vào các KCN [8].
22
Nguyễn Trường Giang (2016), “Thực thi hiệu quả chính sách thu hút
đầu tư vào các khu công nghiệp”, Tạp chí Khu công nghiệp Việt Nam đã nêu
lên những nỗ lực của tỉnh Vĩnh Phúc trong việc thực hiện nhiều giải pháp
đồng bộ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào các KCN.
Theo tác giả, những năm gần đây, thu hút đầu tư vào Vĩnh Phúc đã thực hiện
một cách có chọn lọc, tập trung chủ yếu vào các dự án công nghệ hiện đại,
thân thiện với môi trường, đảm bảo đúng định hướng phát triển, làm thay đổi
diện mạo các KCN mới thành lập, góp phần hiệu quả vào sự gia tăng tỷ trọng
của các ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Bằng 4 nhóm giải
pháp QLNN về chính sách và thực thi chính sách hỗ trợ phát triển KCN, quản
lý và thực hiện hiệu quả quy hoạch, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và cải cách
TTHC, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của chính quyền tỉnh, tác giả
khẳng định QLNN sẽ làm tốt vai trò kiến tạo giúp các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
sớm trở thành địa chỉ đầu tư hấp dẫn, tin cậy, góp phần thúc đẩy chuyển dịch
cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tiến bộ [23].
Võ Thị Vân Khánh (2016), Tăng cường thu hút FDI vào các khu công
nghiệp theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội
đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Học viện
Tài chính, Hà Nội đã làm rõ các lý thuyết về đầu tư trực tiếp nước ngoài
(FDI), đưa ra hệ thống các tiêu chí đánh giá thu hút FDI, các nhân tố ảnh
hưởng đồng thời chỉ rõ những nguyên nhân và bài học rút ra trong thu hút và
quản lý FDI thông qua khảo sát, đánh giá thực trạng các hoạt động này tại Hà
Nội. Trên cơ sở, phân tích khách quan và xác thực nguyên nhân của các hạn
chế, yếu kém trong QLNN đối với các KCN của chính quyền Thủ đô trên 1 số
lĩnh vực, Luận án đã đưa ra một số giải pháp căn cơ và chính sách ưu đãi đặc
thù nhằm thu hút đầu tư FDI vào các KCN, đồng thời đề xuất những hướng
phát triển nhằm vừa đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư FDI vừa thúc đẩy sự gia
tăng kết nối giữa các DN trong và ngoài nước theo các mục tiêu, chiến lược
phát triển của Thủ đô. Tác giả cũng khuyến nghị Thành phố nên tập trung
23
chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền,
cải cách TTHC nhằm thu hút đầu tư [35].
Phạm Văn Năm (2017), “Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào khu công nghiệp,
khu kinh tế”,Tạp chí Khu công nghiệp Việt Nam. Theo tác giả, các dự án đầu tư
hạ tầng và thứ cấp tại các KCN, KKT tỉnh Quảng Bình đang được đẩy mạnh xây
dựng để sớm đi vào hoạt động. Có được kết quả đó là do tỉnh đã có nhiều giải
pháp quyết liệt như: đổi mới hình thức quảng bá, đẩy mạnh đầu tư HTKT các
KCN, KKT; triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư; tăng cường chăm
sóc và BVMT các KCN, KKT; chú trọng công tác CCHC… Để làm tốt hơn công
tác này, theo tác giả, Quảng Bình cần tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng;
đẩy mạnh thi công các dự án chuyển tiếp từ những năm trước; tập trung quảng bá,
thu hút đầu tư vào các KCN, KKT; quản lý có hiệu quả các công trình HTKT
trong các KKT, KCN; thực hiện tốt các nhiệm vụ QLNN trong các KKT, KCN…
Đây là những kinh nghiệm QLNN tốt, cách làm hay cần được phát huy [40].
Trần Xuân Dưỡng (2017), “Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”, Tạp chí
Khu công nghiệp Việt Nam, đã khái quát những thành công, hiệu quả tích cực
trong các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước
ngoài tại các KCN tỉnh Hà Nam. Theo nghiên cứu, kinh nghiệm đem lại thành
công là sự vào cuộc quyết liệt, đổi mới và linh hoạt trong việc tổ chức các
hoạt động xúc tiến đầu tư của chính quyền tỉnh thông qua các Hội nghị xúc
tiến đầu tư vào tỉnh, tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư nước ngoài tại Nhật
Bản, Hàn Quốc… và sự chủ động tích cực của các DN kinh doanh hạ tầng
KCN. Tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch
vụ trong KCN như: Rút ngắn thời gian hoàn thành các TTHC so với quy định,
tạo điều kiện thuận lợi, công khai, minh bạch TTHC cho nhà đầu tư; có biện
pháp xử lý đối với các dự án chậm triển khai, kém hiệu quả… Việc thực hiện
tốt công tác QLNN đối với các dự án đầu tư vào KCN đã góp phần thúc đẩy
hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN, cải thiện các chỉ tiêu kinh tế. Theo
24
tác giả, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đầu tư, đẩy mạnh thu hút
đầu tư vào các KCN, tỉnh Hà Nam cần quan tâm, đẩy nhanh tiến độ GPMB,
có phướng án đầu tư đồng bộ hệ thống HTKT kết nối các KCN; thực hiện
hiệu quả các giải pháp hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng DN; tăng
cường kiểm tra, giám sát công tác BVMT của KCN... đưa Hà Nam trở thành
môi trường lý tưởng thu hút các nhà đầu tư, tạo điều kiện để các DN trong
KCN hoạt động lành mạnh, hiệu quả [19].
1.2.2. Các nghiên cứu liên quan đến phát triển bền vững khu công nghiệp
Một số luận án tiến sĩ kinh tế liên quan đến KCN gần đây đã tiếp cận và
coi PTBV làm đối tượng nghiên cứu xuyên suốt của đề tài, chỉ ra mối quan hệ
mật thiết giữa các yếu tố tạo nên sự bền vững đồng thời đề xuất các giải pháp
căn cơ để PTBV các KCN cấp tỉnh. Có thể kể đến: Phan Mạnh Cường (2015),
Phát triển bền vững các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Luận
án Tiến sĩ Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trên cơ
sở nghiên cứu, phân tích thực trạng phát triển các KCN tỉnh Thái Nguyên theo
tiêu chí đánh giá PTBV về kinh tế, xã hội và môi trường, với quan điểm coi đặc
thù ngành và đối tượng thu hút đầu tư theo cơ cấu ngành vào KCN là yếu tố
tiên quyết để lựa chọn quy hoạch và địa điểm xây dựng KCN, tác giả đã đề
xuất thay đổi một số cơ chế, chính sách nhằm PTBV các KCN địa phương và
hướng tới mục tiêu lớn hơn là PTBV các KCN trên phạm vi cả nước thông qua
các chính sách ưu đãi riêng, cơ chế quản lý đặc thù. Vấn đề quy hoạch phát
triển KCN gắn với từng địa phương, vùng kinh tế và cả nước cũng được quan
tâm. Các giải pháp đưa ra cơ bản phù hợp với thực tế địa phương, bám sát định
hướng, mục tiêu cũng như quy hoạch tổng thể phát triển KCN của từng tỉnh,
thành phố, trong đó một số giải pháp QLNN có thể áp dụng cho các KCN cấp
tỉnh có điều kiện tương đồng. Tuy nhiên, chỉ một phần trong các nhóm giải
pháp quản lý được đưa ra phù hợp với định hướng phát triển và điều kiện các
KCN Quảng Ninh [16].
25
Trên các tạp chí chuyên ngành cũng có nhiều nghiên cứu về PTBV
các KCN cấp tỉnh. Tiêu biểu là Trịnh Văn Hồng (2015),“Lựa chọn chủ đầu
tư hạ tầng để phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế xanh, bền vững và
hiệu quả”, Tạp chí Khu công nghiệp Việt Nam và Mai Xuân Hòa (2015),
“Xây dựng khu công nghiệp và khu kinh tế xanh theo mô hình phát triển bền
vững tại Hải Phòng”, Tạp chí Khu công nghiệp Việt Nam. Theo các tác giả
để QLNN thúc đẩy PTBV thì các KCN cần được quy hoạch tại vị trí thích
hợp, thuận tiện trong kết nối với hệ thống HTKT, có khoảng cách hợp lý với
đô thị và khu dân cư xung quanh, đảm bảo đúng quy chuẩn về bố trí không
gian, cơ cấu sử dụng đất trong các khu chức năng... Cùng với đó, việc thi
công xây dựng các dự án đầu tư trong KCN phải đảm bảo đúng thiết kế được
phê duyệt, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và vận hành
nhà máy xử lý nước thải tập trung. Đây là những gợi ý để xây dựng mô hình
các KCN sinh thái theo hướng xanh hóa các KCN truyền thống vốn đã bộc
lộ nhiều bất cập [27; 29].
Một nghiên cứu tiêu biểu khác của Hồng Lâm, Trịnh Bình
(2016),“Phát triển khu công nghiệp, cách làm của Bình Dương”, Tạp chí
Công nghiệp và Tiêu dùng, cho thấy cách làm sáng tạo của Bình Dương nhằm
PTBV các KCN là đề cao tính hiệu quả trong vận dụng các chính sách phát
triển kinh tế nhiều thành phần và linh hoạt trong huy động nguồn lực tham gia
đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng KCN. Chính quyền tỉnh xác định các KCN
là một đòn bẩy giúp Bình Dương phát triển kinh tế - yếu tố quan trọng hàng
đầu để bảo đảm an sinh xã hội… Nghiên cứu khẳng định, trong thời gian tới,
để PTBV các KCN của tỉnh, Bình Dương cần ưu tiên thu hút các ngành công
nghiệp có công nghệ hiện đại, tiên tiến nhằm nâng cao sức cạnh tranh thông
qua chất lượng sản phẩm và BVMT. Cùng với đó, tỉnh cần quan tâm đào tạo,
phát triển nguồn nhân lực, cải cách TTHC, nâng cao ý thức BVMT của DN.
Những bài học kinh nghiệm trong quản lý và PTBV các KCN rút ra từ thực
26
tiễn một tỉnh công nghiệp phát triển năng động như Bình Dương sẽ rất bổ ích
cho tác giả Luận án trong đề xuất các giải pháp QLNN đối với KCN tỉnh
Quảng Ninh [38].
1.2.3. Các nghiên cứu liên quan đến thực trạng và giải pháp quản
lý nhà nước cấp tỉnh đối với các khu công nghiệp
Có nhiều nghiên cứu khá sâu sắc về thực trạng và giải pháp QLNN cấp
tỉnh đối với các KCN, tiêu biểu là: Trần Văn Thắng (2012), “Hoàn thiện công
tác quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp”, Tạp chí Khu Công nghiệp
Việt Nam đã cho thấy thực trạng QLNN tại KCN ở tỉnh Hưng Yên. Theo tác giả,
bên cạnh các thành tựu đã đạt được, QLNN đối với các KCN cũng có dấu hiệu
kìm hãm sự phát triển của các KCN. Đó là những điểm chưa thống nhất, đồng
bộ của cơ chế, chính sách; sự chưa rõ ràng trong phân công trách nhiệm QLNN;
sự thiếu chặt chẽ trong kiểm tra, giám sát, chế tài và xử phạt… Tác giả cũng
phân tích những nội dung chủ yếu trong QLNN đối với các KCN và chỉ ra
nguyên nhân trực tiếp cản trở sự phát triển của các KCN tỉnh Hưng Yên xuất
phát từ của những hạn chế, yếu kém trong việc lập và phê duyệt quy hoạch
KCN, sự thiếu hiệu quả của hệ thống cơ chế, chính sách hiện hành về KCN...
Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất 5 giải pháp nhằm hoàn thiện QLNN đối với các
KCN trên địa bàn, trong đó giải pháp hoàn thiện quy hoạch phát triển các KCN
và thiết lập các tổ chức chính trị - xã hội trong KCN có giá trị tham khảo tốt, có
thể áp dụng trên diện rộng, trong đó có các KCN Quảng Ninh [49].
Phạm Kim Thư (2017), Quản lý nhà nước đối với các khu công
nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Trường
Đại học Mỏ - Địa chất, Hà Nội đã xây dựng luận cứ khoa học cho các giải
pháp hoàn thiện QLNN đối với các KCN của thành phố Hà Nội. Đây là các
nghiên cứu khá sâu về QLNN cấp tỉnh đối với các KCN. Tác giả đã hệ
thống hóa và luận giải có chọn lọc cơ sở lý luận về QLNN đối với các
KCN, làm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến QLNN đối với các KCN. Thông
27
qua nghiên cứu kinh nghiệm QLNN đối với các KCN trên bình diện quốc
tế và trong nước, tác giả đã rút ra bài học kinh nghiệm cho Hà Nội, phân
tích và đánh giá thực trạng QLNN đối với các KCN trên địa bàn Thành phố
gắn với thời điểm nghiên cứu. Tác giả đã chỉ ra 04 thành tựu và 06 hạn chế
trong hoạt động QLNN đối với các KCN, từ đó đề xuất được 06 nhóm giải
pháp để hoàn thiện QLNN các KCN trên địa bàn Hà Nội. Kết quả nghiên
cứu là tài liệu tham khảo tốt cho các cơ quan QLNN, đặc biệt là chính
quyền thành phố Hà Nội trong việc tăng cường quản lý, thúc đẩy và
khuyến khích thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các KCN trên địa bàn
đồng thời giúp tác giả Luận án so sánh, đối chiếu, lựa chọn một số kinh
nghiệm phù hợp để áp dụng vào thực tiễn Quảng Ninh [53].
Vũ Nam Phong và các cộng sự (2015), “Nghiên cứu hiện trạng môi
trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011 - 2015” là một nghiên cứu được đánh
giá cao về quy mô và tính khái quát liên quan đến QLNN cấp tỉnh đối với môi
trường KCN. Nghiên cứu đã phân tích các vấn đề liên quan đến môi trường
của tỉnh, trong đó đi sâu nghiên cứu môi trường tại các KCN trên địa bàn giai
đoạn 2011 - 2015. Dựa trên mô hình D-P-S-I-R (động lực - áp lực - hiện trạng
- tác động - đáp ứng) theo hướng tổng thể, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực
phát triển kinh tế xã hội, nghiên cứu đã đánh giá hiện trạng tổng thể các thành
phần môi trường, chất thải rắn, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu… và phân
tích diễn biến xu hướng môi trường với những tác động tích cực và tiêu cực
đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh giai đoạn 2011 -
2015. Từ đó có những đề xuất thích hợp nhằm đáp ứng yêu cầu BVMT của
tỉnh, đặc biệt là môi trường trong và xung quanh các KCN. Tuy nhiên, hạn
chế của các công trình này là chưa làm rõ trách nhiệm QLNN và chỉ ra được
các giải pháp đồng bộ nhằm huy động nguồn lực xã hội để khắc phục các ảnh
hưởng tiêu cực của rác thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt từ các KCN, các
khu vực dân cư liền kề đối với môi trường [45].
28
Các nghiên cứu về QLNN cấp tỉnh đối với KCN thường gắn với những
vấn đề liên quan đến đời sống và an sinh xã hội của công nhân trong các
KCN. Có thể kể Nguyễn Văn Oanh (2017), “Cải thiện điều kiện làm việc và
nâng cao đời sống cho người lao động tại các khu công nghiệp” - Báo Phú
Thọ điện tử đã đề cập đến những khó khăn, bất cập về thu nhập, việc làm và
chất lượng cuộc sống của công nhân lao động trong các KCN của tỉnh Phú
Thọ. Việc chính quyền chưa có giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng bất
cập về HTXH như: thiếu nhà ở, trường học, nơi chăm sóc sức khỏe… đã ảnh
hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống người lao động... Để khắc phục
tình trạng này, tác giả kiến nghị chính quyền tỉnh tập trung thực hiện một số
giải pháp như: gắn quy hoạch các KCN với quy hoạch phát triển các công
trình phúc lợi xã hội, tạo nền tảng để các KCN phát triển nhanh và bền vững;
sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích theo hướng tăng
sức thuyết phục và hấp dẫn để tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng kết
cấu hạ tầng KCN gắn với đầu tư phát triển hệ thống HTXH, các thiết chế văn
hóa phục vụ người lao động; hỗ trợ DN trong đào tạo nguồn nhân lực nhằm
xây dựng cho các KCN đội ngũ lao động có kỷ luật, kỹ năng, tính chuyên
nghiệp và khả năng hợp tác tốt, đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng lao động
của các doanh nghiệp KCN [42].
1.3. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐÃ ĐƯỢC NGHIÊN CỨU VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN
TIẾP TỤC GIẢI QUYẾT
1.3.1. Những vấn đề đã nghiên cứu
Qua tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến QLNN cấp tỉnh đối
với KCN trên nhiều bình diện, khía cạnh khác nhau cho thấy QLNN cấp tỉnh
đối với các KCN đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới toàn diện để đáp ứng
những đòi hỏi khách quan từ thực tiễn. Các nghiên cứu về lĩnh vực này khá
phong phú nhưng chưa toàn diện, tập trung vào một số nội dung sau:
29
- Khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của QLNN, đặc biệt là QLNN
đối với KCN trong sự phát triển kinh tế, xã hội trên bình diện quốc gia, vùng
và địa phương theo những góc nhìn khác nhau.
- Phân tích, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành và
phát triển của các KCN, vai trò và tác động tích cực của các KCN đến tăng
trưởng và phát triển kinh tế của quốc gia, của vùng và địa phương cũng như
các tác động tiêu cực của KCN đến kinh tế, xã hội và môi trường.
- Chỉ ra xu hướng chủ đạo trong QLNN đối với các KCN hiện nay là
tiếp thu, vận dụng những kinh nghiệm sẵn có nhằm tiếp cận nhanh tri thức,
sớm đạt mục tiêu và tránh được sai lầm trong quản lý và phát triển KCN,
đồng thời gợi mở những cách thức quản lý mới theo quan điểm “kiến tạo”,
“phục vụ” nhằm thúc đẩy các KCN phát triển lành mạnh, bền vững.
- Tập trung nghiên cứu các nội dung liên quan đến QLNN theo chức
năng và lĩnh vực hoạt động, đánh giá chất lượng, hiệu quả thực tế đạt được
đồng thời đề xuất, kiến nghị các mô hình, giải pháp giúp nâng cao hiệu quả
QLNN cấp tỉnh đối với các KCN.
1.3.2. Những vấn đề cần tiếp tục giải quyết
Mặc dù có một số nội dung đã thống nhất nhưng xét trên góc độ QLNN
đối với KCN, vẫn còn tồn tại một số khoảng trống nghiên cứu cần tiếp tục bổ
sung, hoàn thiện:
- Về không gian: Các nghiên cứu liên quan đến QLNN cấp tỉnh đối với
các KCN là những nghiên cứu điển hình được tiến hành tại nhiều địa phương
có điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội khác nhau. Nhiều nghiên cứu chủ yếu dựa
vào số liệu thứ cấp do các cơ quan QLNN cung cấp, chưa tiến hành điều tra
xã hội học, khảo sát, đánh giá QLNN theo quan điểm của DN. Mặc dù đã có
những kết luận khoa học rút ra nhưng vẫn cần có thêm nghiên cứu ở những
địa phương khác để khẳng định tính đúng đắn, khách quan và bổ sung, hoàn
thiện các giải pháp cho phù hợp yêu cầu thực tiễn đồng thời mở rộng phạm vi
áp dụng.
30
- Về thời gian: Các nghiên cứu liên quan đến QLNN cấp tỉnh đối với
các KCN được thực hiện tại nhiều thời điểm khác nhau, cá biệt có những
nghiên cứu đã thực hiện cách thời điểm nghiên cứu của tác giả đến hơn 10
năm. Do vậy, không thể tránh khỏi những hạn chế, bất cập do sự thay đổi của
của hệ thống các văn bản pháp lý liên quan và yêu cầu QLNN đối với các
KCN trong tình hình mới. Mặt khác, các nghiên cứu trước đây chưa cập nhật
bối cảnh mới dưới tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0, tăng trưởng
xanh, xung đột thương mại Mỹ - Trung... Do vậy, chưa thấy được đòi hỏi cấp
bách là QLNN đối với KCN phải thay đổi để đáp ứng và phù hợp với những
yêu cầu mới.
- Về nội dung: Các nghiên cứu liên quan đến QLNN cấp tỉnh đối với
KCN đều dựa trên việc phân tích, đánh giá thực trạng QLNN của chính quyền
địa phương đối với các KCN trên địa bàn để đề xuất các giải pháp QLNN phù
hợp. Do vậy, nhằm đảm bảo giá trị, tính đúng đắn của các kết luận khoa học
rút ra từ các nghiên cứu đã công bố về QLNN cấp tỉnh đối với các KCN trong
tình hình mới, đòi hỏi phải cách tiếp cận mới, tiếp cận hệ thống, hướng tới các
mục tiêu “kiến tạo”, “phục vụ”... Việc nghiên cứu về QLNN cấp tỉnh đối với
các KCN Quảng Ninh giai đoạn 2011 - 2017 của NCS không chỉ nhằm tìm ra
các giải pháp tổng thể, toàn diện để hoàn thiện QLNN của riêng chính quyền
tỉnh Quảng Ninh đối với các KCN trên địa bàn mà còn hướng tới mục tiêu
cao hơn là làm mới, bổ sung, hoàn thiện các kết luận khoa học liên quan đến
QLNN cấp tỉnh đối với các KCN rút ra từ các nghiên cứu trước để tiếp tục áp
dụng hiệu quả vào thực tiễn quản lý các KCN tại nhiều địa phương. Theo tìm
hiểu của NCS, cho đến nay, chưa có nghiên cứu đầy đủ và toàn diện nào về
QLNN đối với các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Dựa trên mục tiêu và các khoảng trống nghiên cứu đã chỉ ra, có thể
khẳng định đề tài của Luận án là độc lập, không trùng lắp với các công trình
khoa học đã công bố trong và ngoài nước.
31
1.3.3. Những vấn đề Luận án dự kiến sẽ giải quyết
Trên cơ sở những khoảng trống về lý luận và thực tiễn trong QLNN đối
với KCN rút ra sau tổng quan tình hình nghiên cứu, nhằm tiếp tục hoàn thiện,
nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN đối với các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng
Ninh theo quan điểm “kiến tạo”, “phục vụ”, đồng thời mở ra các mô hình và
cách thức quản lý mới, tạo điều kiện để áp dụng rộng rãi cho nhiều địa
phương trong nước, Luận án sẽ tập trung nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề sau:
(1) Bổ sung lý luận về KCN, QLNN cấp tỉnh đối với các KCN, các tiêu
chí đánh giá QLNN trong tình hình mới, theo quan điểm “kiến tạo”, “phục
vụ”, lấy DN làm trung tâm.
(2) Phân tích, đánh giá thực trạng QLNN của chính quyền tỉnh Quảng
Ninh đối với các KCN trên địa bàn giai đoạn 2011 - 2017 dựa trên kết quả
điều tra độc lập do NCS tiến hành đối với các doanh nghiệp KCN, kết hợp với
nguồn số liệu thứ cấp do các cơ quan QLNN cung cấp để nhận thức một cách
khách quan những thuận lợi, khó khăn, thành tựu và bất cập, nguyên nhân của
những tồn tại, hạn chế trong QLNN đối với các KCN, đồng thời rút ra bài học
từ kinh nghiệm thực tiễn của các tỉnh, thành phố đã nghiên cứu.
(3) Đưa ra các kiến nghị khoa học, các nhóm giải pháp trên cơ sở cập
nhật bối cảnh và yêu cầu QLNN cấp tỉnh trong tình hình mới, giúp chính
quyền tỉnh Quảng Ninh lựa chọn, áp dụng để hoàn thiện QLNN đối với các
KCN trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo, đồng thời
tạo nền tảng, cơ sở để mở rộng, áp dụng cho các địa phương khác khi điều
kiện cho phép.
32
Chương 2
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
CẤP TỈNH ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP
2.1. TỔNG QUAN VỀ KHU CÔNG NGHIỆP VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
ĐỐI VỚI KHU CÔNG NGHIỆP
2.1.1. Khái niệm khu công nghiệp
Khu công nghiệp được hình thành ở các nước công nghiệp phát triển
(Anh, Mỹ…) vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, sau đó mở rộng
sang các nước công nghiệp mới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… Đến
nay, các KCN được phân bố chủ yếu tại các nước Châu Á và Châu Phi.
Ở các quốc gia, tên gọi của KCN thường gắn với mục tiêu hoạt động
của chính KCN đó. Các tên gọi thường được sử dụng gồm: Industrial
Processing Zones, Export Processing Zones, Business Park, Science and
Research Park, High - tech Centers, Bio - Technology Park, Eco - Industrial
Park, Industrial Zones, Industrial Cluster…. Ở Việt Nam, các loại hình KCN
phổ biến gồm: KCN truyền thống, khu chế xuất, KCN hỗ trợ, KCN sinh thái,
đặc khu kinh tế... Điều này thể hiện các quan niệm khác nhau về KCN và do
đó, có nhiều định nghĩa, cách hiểu về KCN.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (INFORTERRA/UNDP),
KCN được hiểu là một khu đất rộng, có thể phân chia thành các khu vực nhỏ
hơn và có đủ cơ sở hạ tầng để các DN, xí nghiệp sử dụng cho hoạt động sản xuất
kinh doanh tại các vị trí liền kề nhau.
Theo các chuyên gia của Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc
(UNIDO): “KCN là khu có hàng rào ngăn cách với bên ngoài, chịu sự quản lý
riêng, tập trung tất cả các doanh nghiệp hoạt động theo bất kỳ cơ chế nào (xuất
khẩu hàng hoá và hoặc tiêu thụ nội địa), miễn là phù hợp với các quy định quy
hoạch về vị trí và ngành nghề, một phần đất nằm trong KCN có thể dành cho
33
khu chế xuất”. Quan niệm này cho thấy khá rõ tính chất, mục tiêu và không gian
hoạt động của các KCN.
Cũng theo UNIDO (2015), có hai cách hiểu về KCN:
- Thứ nhất: KCN là khu vực “dành cho việc phát triển hoạt động sản
xuất công nghiệp và các hoạt động dịch vụ đa dạng phục vụ sản xuất công
nghiệp, được bố trí trên một diện tích lớn, có phân định ranh giới địa lý với
khu vực xung quanh; có dân cư sinh sống và chịu sự quản lý về kinh tế, hành
chính và lãnh thổ của bộ máy quản lý KCN”. Theo đó, có thể coi KCN là khu
hành chính kinh tế đặc biệt, tiêu biểu là KCN Batam (Indonesia), công viên
Công nghiệp ở Đài Loan, Thái Lan và một số nước Tây Âu, KKT mở Chu
Lai, Dung Quất ở Việt Nam.
- Thứ hai: KCN là khu vực “tập trung các DN và dịch vụ sản xuất công
nghiệp, được giới hạn về phạm vi lãnh thổ, không có dân cư sinh sống”. Mô
hình KCN này đang phát triển ở nhiều nước ở châu Á, trong đó có Việt Nam.
Đối với nước ta, ở miền Bắc, thuật ngữ KCN được đề cập đến từ khi
khởi công xây dựng Khu Gang thép Thái Nguyên (7/1959), ở miền Nam, khi
Mỹ - Ngụy xây dựng Khu Kỹ nghệ Biên Hoà (5/1963). Tuy nhiên, phải đến
năm 1987, khái niệm về KCN mới được chính thức ra đời khi có Luật Đầu tư
nước ngoài. Theo đó, tại Khoản 14&15, Điều 2, “KCN là khu chuyên sản xuất
hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất hàng công nghiệp”.
KCX Tân Thuận, thành lập năm 1991 và đi vào hoạt động năm 1992 là mô
hình KCN đầu tiên ở Việt Nam.
Theo “Quy chế KCN, KCX, khu công nghệ cao” ban hành kèm theo
Nghị định 36/CP ngày 24/4/1997, khái niệm KCN tiếp tục có sự thay đổi. Tại
Khoản 2&3, Điều 2: “KCN là khu tập trung các DN chuyên sản xuất hàng
công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, có ranh giới
địa lý xác định, không có dân cư sinh sống; do Chính phủ hoặc Thủ tướng
Chính phủ quyết định thành lập, trong KCN có thể có DN chế xuất”.
34
Theo Luật Đầu tư số 59/2005/QH11 ngày 29/11/2005 và Nghị định số
29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008, sau này là Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và
Nghị định 164/2013/NĐ-CP của Chính phủ, khái niệm KCN tiếp tục được bổ
sung và hoàn thiện, theo đó: “KCN là khu chuyên sản xuất hàng công nghiệp
và thực hiện các dịch vụ sản xuất công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định,
được thành lập theo quy định của Chính phủ”.
Trong Luận án này, khái niệm KCN được hiểu theo quy định tại Điều
2, Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định về quản lý KCN và
KKT”, theo đó: “KCN là khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên sản
xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ sản xuất công nghiệp, được
thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục do Chính phủ quy định”.
Như vậy, cách hiểu về KCN theo quy định của Việt Nam khá gần với
quan niệm của UNIDO do đều nhấn mạnh và làm rõ đặc trưng về kinh tế,
phạm vi không gian và tính liên kết trong đầu tư.
2.1.2. Các loại hình khu công nghiệp
Bảng 2.1: Các loại hình khu công nghiệp
STT Tiêu chí phân loại
KCN
Loại hình KCN
1 Tính chất ngành nghề KCN chuyên ngành; đa ngành; sinh thái.
2 Quy mô diện tích KCN nhỏ; trung bình; lớn và rất lớn.
3 Điều kiện hình thành
KCN thành lập mới; nâng cấp mở rộng và
di dời tập trung.
4
Cấp quản lý (cấp có
thẩm quyền quyết định
thành lập)
KCN do Chính phủ thành lập; KCN do
UBND cấp tỉnh thành lập; KCN do UBND
cấp huyện thành lập.
Nguồn: tác giả tổng hợp.
Theo Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ, có 3 loại
hình KCN, gồm: KCX, KCN hỗ trợ, KCN sinh thái và được hiểu như sau:
Khu chế xuất:“là KCN chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện dịch
vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu, được thành lập theo
35
điều kiện, trình tự và thủ tục áp dụng đối với KCN theo quy định của Chính
phủ” [15].
Khu công nghiệp hỗ trợ: “là KCN chuyên sản xuất các sản phẩm công
nghiệp hỗ trợ, thực hiện dịch vụ cho sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ
trợ.Tỷ lệ diện tích đất cho các dự án đầu tư vào ngành nghề công nghiệp hỗ
trợ thuê, thuê lại tối thiểu đạt 60% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê
của KCN ” [15].
Khu công nghiệp sinh thái: “là KCN, trong đó có các doanh nghiệp
trong KCN tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả
tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động
cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội
của các DN” [15].
Luận án đề cập đến KCX, KCN hỗ trợ, KCN sinh thái… như các loại hình
của KCN, tuy nhiên, chỉ tập trung nghiên cứu KCN.
2.1.3. Đặc điểm khu công nghiệp
* Đặc điểm tự nhiên: KCN thường được quy hoạch và xây dựng ở
những nơi có vị trí địa lý thuận lợi, có diện tích đất lớn, tập trung, địa hình bằng
phẳng, địa chất tốt, thích hợp cho xây dựng các công trình công nghiệp, có cơ
sở hạ tầng thích hợp, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thuận tiện trong giao
thương với các trung tâm kinh tế lớn.
* Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật: KCN là nơi tập trung sản xuất công
nghiệp ở mật độ cao, có nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất các sản phẩm công
nghiệp. Do vậy, đây cũng là nơi trực tiếp tiêu thụ một lượng lớn nguyên,
nhiên, vật liệu, năng lượng và thải ra môi trường một lượng chất thải rất lớn,
tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
* Đặc điểm chính trị - xã hội: KCN thường tập trung sử dụng một
lượng lao động lớn, chủ yếu là lao động ngụ cư, không có nhà ở và hộ khẩu
thường trú ổn định, nên thường gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý.
36
Đó là nguyên nhân tiềm ẩn và gây nên nhiều hậu quả xã hội cho địa phương.
Trong quá trình hoạt động, những bất đồng, xung đột nảy sinh tại các KCN có
thể dẫn đến hậu quả là các cuộc đình công, bãi công với quy mô, tính chất
khác nhau và dễ lây truyền. Vì vậy, để giảm thiểu bất ổn cho vùng, địa
phương, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương cần thống nhất hành
động, chủ động vào cuộc, tập trung tháo gỡ bất đồng xảy ra giữa người sử
dụng lao động và người lao động, giải quyết các xung đột ngay từ khi mới
nảy sinh.
2.1.4. Quản lý nhà nước cấp tỉnh đối với khu công nghiệp
Quản lý nhà nước có thể được hiểu theo hai nghĩa: (1) Theo nghĩa rộng:
“QLNN là toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước, bao gồm hoạt động lập
pháp, hành pháp và tư pháp”. Theo đó, QLNN là các công việc của Nhà nước,
do Nhà nước thực hiện thông qua hệ thống cơ quan lập pháp, hành pháp, tư
pháp nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao. (2) Theo nghĩa hẹp:
QLNN chỉ bao gồm hoạt động hành pháp, được hiểu như “hoạt động quản lý
có tính chất nhà nước, được thực hiện bởi cơ quan hành pháp”.
Ở Việt Nam, các nhà khoa học đưa ra một số khái niệm về QLNN
thông qua những cách tiếp cận khác nhau: (1) Nguyễn Hữu Hải và các cộng
sự: “QLNN là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực nhà
nước đối với các quá trình xã hội và hành vi hoạt động của con người để
duy trì và phát triển các mối quan hệ xã hội và trật tự pháp luật nhằm thực
hiện những chức năng và nhiệm vụ của nhà nước trong công cuộc xây
dựng CNXH và bảo vệ tổ quốc XHCN”[25]. (2) Đinh Ngọc Hiện cùng các
cộng sự đưa ra khái niệm: “QLNN là thuật ngữ chỉ sự tác động của các chủ
thể mang tính quyền lực nhà nước, bằng các biện pháp, tới các đối tượng
quản lý nhằm thực hiện các chức năng đối nội và đối ngoại của Nhà nước
trên cơ sở các quy luật phát triển của xã hội, nhằm mục đích ổn định và
phát triển đất nước” [26].
37
Theo NCS, trong Luận án, QLNN được hiểu là hoạt động chấp hành,
điều hành của hệ thống cơ quan nhà nước nhằm thực hiện chức năng quản lý xã
hội trên cơ sở các quy định pháp luật và chức năng, nhiệm vụ được giao.
Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính
phủ đã nhiều lần nhấn mạnh thông điệp về "Chính phủ kiến tạo". Đây được
coi là quan điểm của Chính phủ về QLNN trong tình hình mới. Hiện chưa
định hình được một khung lý thuyết sáng tỏ và mạch lạc về “Chính phủ kiến
tạo”, nhưng điều này không ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng và thực hiện
QLNN theo quan điểm này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 4 nội dung
chính của “Chính phủ kiến tạo” tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV ngày
18-11-2017: (1) “Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt,
những chính sách tốt, thể chế tốt… không bị động đối phó với những diễn
biến trên thực tế”; (2) “Nhà nước sẽ chỉ đầu tư vào những khu vực các DN tư
nhân không thể đầu tư”; (3) “Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh
doanh thuận lợi...”; (4) “Chính phủ cũng phải nói đi đôi với làm, siết chặt kỷ
cương…”. Theo NCS, “kiến tạo, phục vụ” trong QLNN có thể hiểu đơn giản
là lấy DN làm trung tâm, DN cần gì để phát triển lành mạnh thì chính quyền
hỗ trợ, tạo những điều kiện thuận lợi để DN phát triển.
Như vậy, xét trên góc độ QLNN, “Chính phủ kiến tạo” là một mô hình
QLNN có thể vận dụng ở mọi cấp chính quyền, theo đó, chính quyền trung
ương và địa phương không chỉ đơn thuần là thực hiện quyền hành pháp để
kiểm soát, duy trì trật tự pháp luật mà phải hành động và thực hiện chức năng
QLNN theo phương châm “kiến tạo” để chủ động trong việc xây dựng và
thực thi thể chế, pháp luật, đáp ứng được yêu cầu “kiến tạo - hành động -
phục vụ - liêm chính”, thực sự “đồng hành cùng doanh nghiệp”.
Mặc dù có những khái niệm khá tương đồng, nhưng đến nay các nhà
khoa học vẫn chưa đưa ra được khái niệm thống nhất về QLNN đối với KCN.
Có nhiều cách hiểu về QLNN đối với KCN dựa trên quy định của pháp luật,
đặc điểm chính trị, chính sách phát triển kinh tế, xã hội của từng quốc gia.
38
Theo Phạm Kim Thư: “QLNN đối với các KCN là sự tác động có tổ
chức và bằng pháp quyền của Nhà nước lên các KCN nhằm đảm bảo cho các
KCN được phát triển theo quy định, chủ động phối hợp mục đích riêng của
từng DN nhằm đạt tới mục đích chung của nền kinh tế” [53].
Theo Trần Anh Tuấn: “QLNN đối với các KCN là sự tác động của Nhà
nước vào quá trình xây dựng, hình thành và hoạt động của các KCN nhằm
phát triển các KCN theo hướng bền vững” [55].
Qua một số đặc điểm chủ yếu rút ra từ mô hình quản lý các KCN trên
thế giới và Việt Nam, kết hợp với tư duy QLNN theo quan điểm “kiến tạo”,
“phục vụ”, trong Luận án này, NCS đưa ra khái niệm QLNN đối với KCN như
sau: “QLNN đối với KCN là hoạt động chấp hành, điều hành, kiến tạo của hệ
thống cơ quan nhà nước đối với các hoạt động liên quan đến quy hoạch, đầu
tư, xây dựng, phát triển các KCN và hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của
doanh nghiệp trong KCN nhằm xây dựng, PTBV các KCN theo định hướng và
mục tiêu của nhà nước”.
Nội hàm khái niệm QLNN đối với KCN gồm những nội dung sau:
Thứ nhất, QLNN đối với KCN là toàn bộ “hoạt động chấp hành và
điều hành” pháp luật về KCN một cách toàn diện của các cơ quan nhà nước
đối với các hoạt động đầu tư, xây dựng, phát triển KCN theo đúng danh mục
quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết được phê duyệt. QLNN đối với KCN
còn bao gồm các hoạt động “kiến tạo” thể chế trên cơ sở lấy DN làm trung
tâm và tạo điều kiện thuận lợi để DN phát triển bình đẳng, lành mạnh.
Thứ hai, Các chủ thể QLNN đối với KCN được tổ chức theo 2 cấp:
+ Cấp trung ương, gồm: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ quản
lý ngành, lĩnh vực, trong đó Chính phủ thống nhất quản lý toàn diện mọi mặt
hoạt động của các KCN trên phạm vi cả nước và phân cấp trực tiếp cho một
số bộ, ngành trung ương thực hiện hoạch định, ban hành chính sách vĩ mô về
phát triển KCN.
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf

More Related Content

Similar to QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf

Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Giải pháp hoàn thiện chính sách thu hút vốn đầu ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Giải pháp hoàn thiện chính sách thu hút vốn đầu ...Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Giải pháp hoàn thiện chính sách thu hút vốn đầu ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Giải pháp hoàn thiện chính sách thu hút vốn đầu ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
Khóa luận kinh tế.
Khóa luận kinh tế.Khóa luận kinh tế.
Khóa luận kinh tế.ssuser499fca
 
ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO QUỐC GIA VÀ MẠNG LƯỚI ...
ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO QUỐC GIA VÀ MẠNG LƯỚI ...ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO QUỐC GIA VÀ MẠNG LƯỚI ...
ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO QUỐC GIA VÀ MẠNG LƯỚI ...nataliej4
 
Khoá Luận Tốt Nghiệp Giải Pháp Hoàn Thiện Chính Sách Thu Hút Vốn Đầu Tư Trực ...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Giải Pháp Hoàn Thiện Chính Sách Thu Hút Vốn Đầu Tư Trực ...Khoá Luận Tốt Nghiệp Giải Pháp Hoàn Thiện Chính Sách Thu Hút Vốn Đầu Tư Trực ...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Giải Pháp Hoàn Thiện Chính Sách Thu Hút Vốn Đầu Tư Trực ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Luận văn Phát triển khu kinh tế ven biển Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh
Luận văn Phát triển khu kinh tế ven biển Vân Đồn, tỉnh Quảng NinhLuận văn Phát triển khu kinh tế ven biển Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh
Luận văn Phát triển khu kinh tế ven biển Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninhnataliej4
 
Dự án Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hữu Nghị tại An Giang | lapduandautu.vn - 090...
Dự án Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hữu Nghị tại An Giang | lapduandautu.vn - 090...Dự án Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hữu Nghị tại An Giang | lapduandautu.vn - 090...
Dự án Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hữu Nghị tại An Giang | lapduandautu.vn - 090...Dịch vụ Lập dự án chuyên nghiệp
 
Luận án: Yếu tố tác động đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài - Gửi miễn p...
Luận án: Yếu tố tác động đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài - Gửi miễn p...Luận án: Yếu tố tác động đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài - Gửi miễn p...
Luận án: Yếu tố tác động đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài - Gửi miễn p...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Luận văn: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội huyện Bạch Long Vĩ đến năm 203...
Luận văn: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội huyện Bạch Long Vĩ đến năm 203...Luận văn: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội huyện Bạch Long Vĩ đến năm 203...
Luận văn: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội huyện Bạch Long Vĩ đến năm 203...Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 

Similar to QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf (20)

Luận án: Xây dựng liên kết kinh tế ở Vùng kinh tế phía Nam, HAY
Luận án: Xây dựng liên kết kinh tế ở Vùng kinh tế phía Nam, HAYLuận án: Xây dựng liên kết kinh tế ở Vùng kinh tế phía Nam, HAY
Luận án: Xây dựng liên kết kinh tế ở Vùng kinh tế phía Nam, HAY
 
Đề tài: Cải cách hành chính nhà nước ở quận Đống Đa, Hà Nội, HAY
Đề tài: Cải cách hành chính nhà nước ở quận Đống Đa, Hà Nội, HAYĐề tài: Cải cách hành chính nhà nước ở quận Đống Đa, Hà Nội, HAY
Đề tài: Cải cách hành chính nhà nước ở quận Đống Đa, Hà Nội, HAY
 
Luận văn: Quản lý về các khu công nghiệp ở tỉnh Phú Thọ, HAY
Luận văn: Quản lý về các khu công nghiệp ở tỉnh Phú Thọ, HAYLuận văn: Quản lý về các khu công nghiệp ở tỉnh Phú Thọ, HAY
Luận văn: Quản lý về các khu công nghiệp ở tỉnh Phú Thọ, HAY
 
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Giải pháp hoàn thiện chính sách thu hút vốn đầu ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Giải pháp hoàn thiện chính sách thu hút vốn đầu ...Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Giải pháp hoàn thiện chính sách thu hút vốn đầu ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Giải pháp hoàn thiện chính sách thu hút vốn đầu ...
 
Khóa luận kinh tế.
Khóa luận kinh tế.Khóa luận kinh tế.
Khóa luận kinh tế.
 
Đề tài: Quản lý về hợp tác xã trong nông nghiệp tỉnh Kiên Giang, HOT
Đề tài: Quản lý về hợp tác xã trong nông nghiệp tỉnh Kiên Giang, HOTĐề tài: Quản lý về hợp tác xã trong nông nghiệp tỉnh Kiên Giang, HOT
Đề tài: Quản lý về hợp tác xã trong nông nghiệp tỉnh Kiên Giang, HOT
 
Luận án: Đội ngũ công chức quản lý kinh tế của Bộ Xây dựng, HAY
Luận án: Đội ngũ công chức quản lý kinh tế của Bộ Xây dựng, HAYLuận án: Đội ngũ công chức quản lý kinh tế của Bộ Xây dựng, HAY
Luận án: Đội ngũ công chức quản lý kinh tế của Bộ Xây dựng, HAY
 
ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO QUỐC GIA VÀ MẠNG LƯỚI ...
ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO QUỐC GIA VÀ MẠNG LƯỚI ...ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO QUỐC GIA VÀ MẠNG LƯỚI ...
ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN TRUNG TÂM HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO QUỐC GIA VÀ MẠNG LƯỚI ...
 
Khoá Luận Tốt Nghiệp Giải Pháp Hoàn Thiện Chính Sách Thu Hút Vốn Đầu Tư Trực ...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Giải Pháp Hoàn Thiện Chính Sách Thu Hút Vốn Đầu Tư Trực ...Khoá Luận Tốt Nghiệp Giải Pháp Hoàn Thiện Chính Sách Thu Hút Vốn Đầu Tư Trực ...
Khoá Luận Tốt Nghiệp Giải Pháp Hoàn Thiện Chính Sách Thu Hút Vốn Đầu Tư Trực ...
 
Luận văn: Quản lý về sở hữu công nghiệp trong hội nhập quốc tế
Luận văn: Quản lý về sở hữu công nghiệp trong hội nhập quốc tếLuận văn: Quản lý về sở hữu công nghiệp trong hội nhập quốc tế
Luận văn: Quản lý về sở hữu công nghiệp trong hội nhập quốc tế
 
Luận văn Phát triển khu kinh tế ven biển Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh
Luận văn Phát triển khu kinh tế ven biển Vân Đồn, tỉnh Quảng NinhLuận văn Phát triển khu kinh tế ven biển Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh
Luận văn Phát triển khu kinh tế ven biển Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh
 
Luận văn: Phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
Luận văn: Phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng TrịLuận văn: Phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
Luận văn: Phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
 
Dự án Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hữu Nghị tại An Giang | lapduandautu.vn - 090...
Dự án Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hữu Nghị tại An Giang | lapduandautu.vn - 090...Dự án Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hữu Nghị tại An Giang | lapduandautu.vn - 090...
Dự án Bệnh viện đa khoa Quốc tế Hữu Nghị tại An Giang | lapduandautu.vn - 090...
 
Luận án: Phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Nam hiện nay, HAY
Luận án: Phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Nam hiện nay, HAYLuận án: Phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Nam hiện nay, HAY
Luận án: Phát triển công nghiệp tỉnh Quảng Nam hiện nay, HAY
 
Luận án: Yếu tố tác động đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài - Gửi miễn p...
Luận án: Yếu tố tác động đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài - Gửi miễn p...Luận án: Yếu tố tác động đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài - Gửi miễn p...
Luận án: Yếu tố tác động đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài - Gửi miễn p...
 
Luận văn: Quản lý nhà nước về đầu tư công tỉnh Đồng Nai, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về đầu tư công tỉnh Đồng Nai, HOTLuận văn: Quản lý nhà nước về đầu tư công tỉnh Đồng Nai, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về đầu tư công tỉnh Đồng Nai, HOT
 
Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hữu Nghị - www.duanviet.com.v...
Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hữu Nghị - www.duanviet.com.v...Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hữu Nghị - www.duanviet.com.v...
Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hữu Nghị - www.duanviet.com.v...
 
Luận văn: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội huyện Bạch Long Vĩ đến năm 203...
Luận văn: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội huyện Bạch Long Vĩ đến năm 203...Luận văn: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội huyện Bạch Long Vĩ đến năm 203...
Luận văn: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội huyện Bạch Long Vĩ đến năm 203...
 
Đề tài: Phát triển kinh tế xã hội huyện Bạch Long Vĩ đến năm 2030
Đề tài: Phát triển kinh tế xã hội huyện Bạch Long Vĩ đến năm 2030Đề tài: Phát triển kinh tế xã hội huyện Bạch Long Vĩ đến năm 2030
Đề tài: Phát triển kinh tế xã hội huyện Bạch Long Vĩ đến năm 2030
 
Luận văn: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội huyện Bạch Long Vĩ
Luận văn: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội huyện Bạch Long Vĩ Luận văn: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội huyện Bạch Long Vĩ
Luận văn: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội huyện Bạch Long Vĩ
 

More from jackjohn45

ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdfĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdfjackjohn45
 
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdfĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdfjackjohn45
 
Sử dụng Bản đồ khái niệm trong dạy học chương Động học chất điểm.pdf
Sử dụng Bản đồ khái niệm trong dạy học chương Động học chất điểm.pdfSử dụng Bản đồ khái niệm trong dạy học chương Động học chất điểm.pdf
Sử dụng Bản đồ khái niệm trong dạy học chương Động học chất điểm.pdfjackjohn45
 
Sử dụng tài liệu về di sản văn hóa vật thể ở địa phương trong dạy học lịch sử...
Sử dụng tài liệu về di sản văn hóa vật thể ở địa phương trong dạy học lịch sử...Sử dụng tài liệu về di sản văn hóa vật thể ở địa phương trong dạy học lịch sử...
Sử dụng tài liệu về di sản văn hóa vật thể ở địa phương trong dạy học lịch sử...jackjohn45
 
NGHIÊN CỨU KHẢ NĂNG LAN TRUYỀN VI RÚTTỪ RỆP SÁP (Ferrisia virgata) ĐẾN CÂY TI...
NGHIÊN CỨU KHẢ NĂNG LAN TRUYỀN VI RÚTTỪ RỆP SÁP (Ferrisia virgata) ĐẾN CÂY TI...NGHIÊN CỨU KHẢ NĂNG LAN TRUYỀN VI RÚTTỪ RỆP SÁP (Ferrisia virgata) ĐẾN CÂY TI...
NGHIÊN CỨU KHẢ NĂNG LAN TRUYỀN VI RÚTTỪ RỆP SÁP (Ferrisia virgata) ĐẾN CÂY TI...jackjohn45
 
BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ NGOÀI Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Ninh Thuận (TP Ph...
BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ NGOÀI Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Ninh Thuận (TP Ph...BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ NGOÀI Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Ninh Thuận (TP Ph...
BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ NGOÀI Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Ninh Thuận (TP Ph...jackjohn45
 
BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 8067022.pdf
BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 8067022.pdfBÌNH ĐẲNG GIỚI Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 8067022.pdf
BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 8067022.pdfjackjohn45
 
PHƯƠNG PHÁP DẠY DẠNG BÀI KẾT HỢP KỸ NĂNG TRONG TIẾT DẠY SKILLS 2.pdf
PHƯƠNG PHÁP DẠY DẠNG BÀI KẾT HỢP KỸ NĂNG TRONG TIẾT DẠY SKILLS 2.pdfPHƯƠNG PHÁP DẠY DẠNG BÀI KẾT HỢP KỸ NĂNG TRONG TIẾT DẠY SKILLS 2.pdf
PHƯƠNG PHÁP DẠY DẠNG BÀI KẾT HỢP KỸ NĂNG TRONG TIẾT DẠY SKILLS 2.pdfjackjohn45
 
Hiệu quả sử dụng tài sản tại công ty cổ phần công nghệ Hợp Long.pdf
Hiệu quả sử dụng tài sản tại công ty cổ phần công nghệ Hợp Long.pdfHiệu quả sử dụng tài sản tại công ty cổ phần công nghệ Hợp Long.pdf
Hiệu quả sử dụng tài sản tại công ty cổ phần công nghệ Hợp Long.pdfjackjohn45
 
TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC VÀ BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA KHU VĂN HÓA LỊCH ...
TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC VÀ BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA KHU VĂN HÓA LỊCH ...TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC VÀ BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA KHU VĂN HÓA LỊCH ...
TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC VÀ BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA KHU VĂN HÓA LỊCH ...jackjohn45
 
ĐÁNH GIÁ TÍNH THÍCH NGHI SINH THÁI CỦA MỘT SỐ LOÀI CÂY TRỒNG CHỦ LỰC VỚI ĐIỀU...
ĐÁNH GIÁ TÍNH THÍCH NGHI SINH THÁI CỦA MỘT SỐ LOÀI CÂY TRỒNG CHỦ LỰC VỚI ĐIỀU...ĐÁNH GIÁ TÍNH THÍCH NGHI SINH THÁI CỦA MỘT SỐ LOÀI CÂY TRỒNG CHỦ LỰC VỚI ĐIỀU...
ĐÁNH GIÁ TÍNH THÍCH NGHI SINH THÁI CỦA MỘT SỐ LOÀI CÂY TRỒNG CHỦ LỰC VỚI ĐIỀU...jackjohn45
 
Nỗ lực hướng đến việc tiếp nhận nguồn nhân lực nước ngoài mới và thực hiện ki...
Nỗ lực hướng đến việc tiếp nhận nguồn nhân lực nước ngoài mới và thực hiện ki...Nỗ lực hướng đến việc tiếp nhận nguồn nhân lực nước ngoài mới và thực hiện ki...
Nỗ lực hướng đến việc tiếp nhận nguồn nhân lực nước ngoài mới và thực hiện ki...jackjohn45
 
[123doc] - thu-nghiem-nuoi-trong-mot-so-nam-an-tren-co-chat-loi-ngo.pdf
[123doc] - thu-nghiem-nuoi-trong-mot-so-nam-an-tren-co-chat-loi-ngo.pdf[123doc] - thu-nghiem-nuoi-trong-mot-so-nam-an-tren-co-chat-loi-ngo.pdf
[123doc] - thu-nghiem-nuoi-trong-mot-so-nam-an-tren-co-chat-loi-ngo.pdfjackjohn45
 
THỬ NGHIỆM NUÔI TRỒNG MỘT SỐ NẤM ĂN TRÊN CƠ CHẤT LÕI NGÔ.pdf
THỬ NGHIỆM NUÔI TRỒNG MỘT SỐ NẤM ĂN TRÊN CƠ CHẤT LÕI NGÔ.pdfTHỬ NGHIỆM NUÔI TRỒNG MỘT SỐ NẤM ĂN TRÊN CƠ CHẤT LÕI NGÔ.pdf
THỬ NGHIỆM NUÔI TRỒNG MỘT SỐ NẤM ĂN TRÊN CƠ CHẤT LÕI NGÔ.pdfjackjohn45
 
Bài Giảng Thị Trường Chứng Khoán.pdf
Bài Giảng Thị Trường Chứng Khoán.pdfBài Giảng Thị Trường Chứng Khoán.pdf
Bài Giảng Thị Trường Chứng Khoán.pdfjackjohn45
 
CHUỖI THỜI GIAN - LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC.pdf
CHUỖI THỜI GIAN - LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC.pdfCHUỖI THỜI GIAN - LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC.pdf
CHUỖI THỜI GIAN - LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC.pdfjackjohn45
 
Experimental Research on the Effect of Self-monitoring Technique on Improving...
Experimental Research on the Effect of Self-monitoring Technique on Improving...Experimental Research on the Effect of Self-monitoring Technique on Improving...
Experimental Research on the Effect of Self-monitoring Technique on Improving...jackjohn45
 
Vietnamese translated variants of verbs of Giving Receiving in Harry Potter a...
Vietnamese translated variants of verbs of Giving Receiving in Harry Potter a...Vietnamese translated variants of verbs of Giving Receiving in Harry Potter a...
Vietnamese translated variants of verbs of Giving Receiving in Harry Potter a...jackjohn45
 
[123doc] - university-of-copenhagen-characteristics-of-the-vietnamese-rural-e...
[123doc] - university-of-copenhagen-characteristics-of-the-vietnamese-rural-e...[123doc] - university-of-copenhagen-characteristics-of-the-vietnamese-rural-e...
[123doc] - university-of-copenhagen-characteristics-of-the-vietnamese-rural-e...jackjohn45
 
university of copenhagen Characteristics of the Vietnamese Rural EconomyEvide...
university of copenhagen Characteristics of the Vietnamese Rural EconomyEvide...university of copenhagen Characteristics of the Vietnamese Rural EconomyEvide...
university of copenhagen Characteristics of the Vietnamese Rural EconomyEvide...jackjohn45
 

More from jackjohn45 (20)

ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdfĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
 
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdfĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
ĐẶC ĐIỂM THƠ MAI VĂN PHẤN Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam.pdf
 
Sử dụng Bản đồ khái niệm trong dạy học chương Động học chất điểm.pdf
Sử dụng Bản đồ khái niệm trong dạy học chương Động học chất điểm.pdfSử dụng Bản đồ khái niệm trong dạy học chương Động học chất điểm.pdf
Sử dụng Bản đồ khái niệm trong dạy học chương Động học chất điểm.pdf
 
Sử dụng tài liệu về di sản văn hóa vật thể ở địa phương trong dạy học lịch sử...
Sử dụng tài liệu về di sản văn hóa vật thể ở địa phương trong dạy học lịch sử...Sử dụng tài liệu về di sản văn hóa vật thể ở địa phương trong dạy học lịch sử...
Sử dụng tài liệu về di sản văn hóa vật thể ở địa phương trong dạy học lịch sử...
 
NGHIÊN CỨU KHẢ NĂNG LAN TRUYỀN VI RÚTTỪ RỆP SÁP (Ferrisia virgata) ĐẾN CÂY TI...
NGHIÊN CỨU KHẢ NĂNG LAN TRUYỀN VI RÚTTỪ RỆP SÁP (Ferrisia virgata) ĐẾN CÂY TI...NGHIÊN CỨU KHẢ NĂNG LAN TRUYỀN VI RÚTTỪ RỆP SÁP (Ferrisia virgata) ĐẾN CÂY TI...
NGHIÊN CỨU KHẢ NĂNG LAN TRUYỀN VI RÚTTỪ RỆP SÁP (Ferrisia virgata) ĐẾN CÂY TI...
 
BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ NGOÀI Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Ninh Thuận (TP Ph...
BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ NGOÀI Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Ninh Thuận (TP Ph...BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ NGOÀI Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Ninh Thuận (TP Ph...
BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ NGOÀI Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Ninh Thuận (TP Ph...
 
BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 8067022.pdf
BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 8067022.pdfBÌNH ĐẲNG GIỚI Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 8067022.pdf
BÌNH ĐẲNG GIỚI Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH 8067022.pdf
 
PHƯƠNG PHÁP DẠY DẠNG BÀI KẾT HỢP KỸ NĂNG TRONG TIẾT DẠY SKILLS 2.pdf
PHƯƠNG PHÁP DẠY DẠNG BÀI KẾT HỢP KỸ NĂNG TRONG TIẾT DẠY SKILLS 2.pdfPHƯƠNG PHÁP DẠY DẠNG BÀI KẾT HỢP KỸ NĂNG TRONG TIẾT DẠY SKILLS 2.pdf
PHƯƠNG PHÁP DẠY DẠNG BÀI KẾT HỢP KỸ NĂNG TRONG TIẾT DẠY SKILLS 2.pdf
 
Hiệu quả sử dụng tài sản tại công ty cổ phần công nghệ Hợp Long.pdf
Hiệu quả sử dụng tài sản tại công ty cổ phần công nghệ Hợp Long.pdfHiệu quả sử dụng tài sản tại công ty cổ phần công nghệ Hợp Long.pdf
Hiệu quả sử dụng tài sản tại công ty cổ phần công nghệ Hợp Long.pdf
 
TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC VÀ BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA KHU VĂN HÓA LỊCH ...
TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC VÀ BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA KHU VĂN HÓA LỊCH ...TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC VÀ BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA KHU VĂN HÓA LỊCH ...
TỔ CHỨC KHÔNG GIAN KIẾN TRÚC VÀ BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA KHU VĂN HÓA LỊCH ...
 
ĐÁNH GIÁ TÍNH THÍCH NGHI SINH THÁI CỦA MỘT SỐ LOÀI CÂY TRỒNG CHỦ LỰC VỚI ĐIỀU...
ĐÁNH GIÁ TÍNH THÍCH NGHI SINH THÁI CỦA MỘT SỐ LOÀI CÂY TRỒNG CHỦ LỰC VỚI ĐIỀU...ĐÁNH GIÁ TÍNH THÍCH NGHI SINH THÁI CỦA MỘT SỐ LOÀI CÂY TRỒNG CHỦ LỰC VỚI ĐIỀU...
ĐÁNH GIÁ TÍNH THÍCH NGHI SINH THÁI CỦA MỘT SỐ LOÀI CÂY TRỒNG CHỦ LỰC VỚI ĐIỀU...
 
Nỗ lực hướng đến việc tiếp nhận nguồn nhân lực nước ngoài mới và thực hiện ki...
Nỗ lực hướng đến việc tiếp nhận nguồn nhân lực nước ngoài mới và thực hiện ki...Nỗ lực hướng đến việc tiếp nhận nguồn nhân lực nước ngoài mới và thực hiện ki...
Nỗ lực hướng đến việc tiếp nhận nguồn nhân lực nước ngoài mới và thực hiện ki...
 
[123doc] - thu-nghiem-nuoi-trong-mot-so-nam-an-tren-co-chat-loi-ngo.pdf
[123doc] - thu-nghiem-nuoi-trong-mot-so-nam-an-tren-co-chat-loi-ngo.pdf[123doc] - thu-nghiem-nuoi-trong-mot-so-nam-an-tren-co-chat-loi-ngo.pdf
[123doc] - thu-nghiem-nuoi-trong-mot-so-nam-an-tren-co-chat-loi-ngo.pdf
 
THỬ NGHIỆM NUÔI TRỒNG MỘT SỐ NẤM ĂN TRÊN CƠ CHẤT LÕI NGÔ.pdf
THỬ NGHIỆM NUÔI TRỒNG MỘT SỐ NẤM ĂN TRÊN CƠ CHẤT LÕI NGÔ.pdfTHỬ NGHIỆM NUÔI TRỒNG MỘT SỐ NẤM ĂN TRÊN CƠ CHẤT LÕI NGÔ.pdf
THỬ NGHIỆM NUÔI TRỒNG MỘT SỐ NẤM ĂN TRÊN CƠ CHẤT LÕI NGÔ.pdf
 
Bài Giảng Thị Trường Chứng Khoán.pdf
Bài Giảng Thị Trường Chứng Khoán.pdfBài Giảng Thị Trường Chứng Khoán.pdf
Bài Giảng Thị Trường Chứng Khoán.pdf
 
CHUỖI THỜI GIAN - LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC.pdf
CHUỖI THỜI GIAN - LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC.pdfCHUỖI THỜI GIAN - LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC.pdf
CHUỖI THỜI GIAN - LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC.pdf
 
Experimental Research on the Effect of Self-monitoring Technique on Improving...
Experimental Research on the Effect of Self-monitoring Technique on Improving...Experimental Research on the Effect of Self-monitoring Technique on Improving...
Experimental Research on the Effect of Self-monitoring Technique on Improving...
 
Vietnamese translated variants of verbs of Giving Receiving in Harry Potter a...
Vietnamese translated variants of verbs of Giving Receiving in Harry Potter a...Vietnamese translated variants of verbs of Giving Receiving in Harry Potter a...
Vietnamese translated variants of verbs of Giving Receiving in Harry Potter a...
 
[123doc] - university-of-copenhagen-characteristics-of-the-vietnamese-rural-e...
[123doc] - university-of-copenhagen-characteristics-of-the-vietnamese-rural-e...[123doc] - university-of-copenhagen-characteristics-of-the-vietnamese-rural-e...
[123doc] - university-of-copenhagen-characteristics-of-the-vietnamese-rural-e...
 
university of copenhagen Characteristics of the Vietnamese Rural EconomyEvide...
university of copenhagen Characteristics of the Vietnamese Rural EconomyEvide...university of copenhagen Characteristics of the Vietnamese Rural EconomyEvide...
university of copenhagen Characteristics of the Vietnamese Rural EconomyEvide...
 

Recently uploaded

SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...ChuThNgnFEFPLHN
 
Chương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa học
Chương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa họcChương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa học
Chương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa họchelenafalet
 
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hộiTrắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hộiNgocNguyen591215
 
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdfXem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdfXem Số Mệnh
 
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdfxemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdfXem Số Mệnh
 
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình PhươngGiáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phươnghazzthuan
 
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnBài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnpmtiendhti14a5hn
 
Giới Thiệu Về Kabala | Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân | Kabala.vn
Giới Thiệu Về Kabala | Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân | Kabala.vnGiới Thiệu Về Kabala | Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân | Kabala.vn
Giới Thiệu Về Kabala | Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân | Kabala.vnKabala
 
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng TạoĐề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạowindcances
 
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Logistics ngược trong thương mại doa.pdf
Logistics ngược trong thương mại doa.pdfLogistics ngược trong thương mại doa.pdf
Logistics ngược trong thương mại doa.pdfAnPhngVng
 
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhàBài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhàNguyen Thi Trang Nhung
 
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoiC6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoidnghia2002
 
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docxasdnguyendinhdang
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...Nguyen Thanh Tu Collection
 

Recently uploaded (20)

SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
 
Chương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa học
Chương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa họcChương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa học
Chương 6: Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội khoa học
 
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hộiTrắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
 
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
 
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdfXem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
Xem sim phong thủy luận Hung - Cát số điện thoại chính xác nhất.pdf
 
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdfxemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
 
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình PhươngGiáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
 
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiệnBài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
Bài giảng môn Truyền thông đa phương tiện
 
Giới Thiệu Về Kabala | Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân | Kabala.vn
Giới Thiệu Về Kabala | Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân | Kabala.vnGiới Thiệu Về Kabala | Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân | Kabala.vn
Giới Thiệu Về Kabala | Hành Trình Thấu Hiểu Bản Thân | Kabala.vn
 
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 10 - CÁN...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng TạoĐề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
 
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
 
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
20 ĐỀ DỰ ĐOÁN - PHÁT TRIỂN ĐỀ MINH HỌA BGD KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2024 MÔ...
 
Logistics ngược trong thương mại doa.pdf
Logistics ngược trong thương mại doa.pdfLogistics ngược trong thương mại doa.pdf
Logistics ngược trong thương mại doa.pdf
 
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhàBài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
 
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoiC6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
C6. Van de dan toc va ton giao ....pdf . Chu nghia xa hoi
 
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
60 CÂU HỎI ÔN TẬP LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ NĂM 2024.docx
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...
ĐỀ KIỂM TRA CUỐI KÌ 2 BIÊN SOẠN THEO ĐỊNH HƯỚNG ĐỀ BGD 2025 MÔN TOÁN 11 - CÁN...
 

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP.pdf

  • 1. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH ĐỖ MINH TUẤN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH: QUẢN LÝ KINH TẾ HÀ NỘI - 2019
  • 2. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH ĐỖ MINH TUẤN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH: QUẢN LÝ KINH TẾ Mã số: 62 34 04 10 Người hướng dẫn khoa học: 1. TS. Nguyễn Ngọc Toàn 2. PGS. TS. Đinh Thị Nga HÀ NỘI - 2019
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả trong luận án là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng và được trích dẫn đầy đủ theo quy định. Tác giả Đỗ Minh Tuấn
  • 4. MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU ........................................................................................................... 1 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI KHU CÔNG NGHIỆP............................... 11 1.1. Các nghiên cứu tiêu biểu về quản lý nhà nước trung ương đối với khu công nghiệp........................................................................ 11 1.2. Các nghiên cứu tiêu biểu về quản lý nhà nước cấp tỉnh đối với khu công nghiệp.............................................................................. 21 1.3. Những vấn đề đã được nghiên cứu và những vấn đề cần tiếp tục giải quyết......................................................................................... 28 Chương 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CẤP TỈNH ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP ...................................... 32 2.1. Tổng quan về khu công nghiệp và quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp..................................................................................... 32 2.2. Nội dung và tiêu chí đánh giá quản lý nhà nước cấp tỉnh đối với khu công nghiệp.............................................................................. 39 2.3. Kinh nghiệm quản lý nhà nước cấp tỉnh đối với các khu công nghiệp và bài học rút ra cho tỉnh Quảng Ninh................................ 57 Chương 3: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH ................................ 69 3.1. Tổng quan về các khu công nghiệp và bộ máy quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh........... 69 3.2. Thực trạng quản lý nhà nước cấp tỉnh đối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.............................................. 77 3.3. Đánh giá thực trạng quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh............................................ 110
  • 5. Chương 4: PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH................................................................................ 122 4.1. Bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ninh............................. 122 4.2. Định hướng, mục tiêu quản lý nhà nước đối các khu công nghiệp Quảng Ninh giai đoạn 2019 - 2025............................................... 126 4.3. Các giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước cấp tỉnh đối với các các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ..................... 129 KẾT LUẬN ....................................................................................................... 149 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN........................................................... 152 TÀI LIỆU THAM KHẢO................................................................................... 153
  • 6. DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT BHXH : Bảo hiểm xã hội BHYT : Bảo hiểm y tế BQL : Ban quản lý BVMT : Bảo vệ môi trường CCHC : Cải cách hành chính CNH : Công nghiệp hóa DN : Doanh nghiệp ĐTM : Đánh giá tác động môi trường FDI : Đầu tư trực tiếp nước ngoài GCN : Giấy chứng nhận GPLĐ : Giấy phép lao động GPMB : Giải phóng mặt bằng GPXD : Giấy phép xây dựng HĐH : Hiện đại hóa HĐND : Hội đồng nhân dân HTKT : Hạ tầng kỹ thuật HTXH : Hạ tầng xã hội KCN : Khu công nghiệp KCX : Khu chế xuất KKT : Khu kinh tế KTTT : Kinh tế thị trường PPP : Dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư PTBV : Phát triển bền vững QLNN : Quản lý nhà nước TTHC : Thủ tục hành chính UBND : Ủy ban nhân dân
  • 7. DANH MỤC CÁC BẢNG Trang Bảng 2.1: Các loại hình khu công nghiệp........................................................... 34 Bảng 2.2: Hệ thống các tiêu chí đánh giá quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp... 49 Bảng 3.1: Quá trình hình thành các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ninh............. 71 Bảng 3.2: Thực trạng ủy quyền cho Ban Quản lý Khu kinh tế........................... 75 Bảng 3.3: Tổng hợp thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp giai đoạn 2011 - 2017 87 Bảng 3.4: Kết quả khảo sát tiếp cận thông tin, dịch vụ của doanh nghiệp khu công nghiệp......................................................................................... 92 Bảng 3.5: Kết quả khảo sát về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức............... 93 Bảng 3.6: Kết quả khảo sát về tính minh bạch của thủ tục hành chính.............. 94 Bảng 3.7: Kết quả khảo sát về cung ứng dịch vụ hành chính công.................... 96 Bảng 3.8: Kết quả khảo sát về giải quyết kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp.......... 97 Bảng 3.10: Kết quả cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại khu công nghiệp giai đoạn 2011 - 2017............................................ 102 Bảng 3.11: Kết quả thực hiện các quy định pháp luật về lao động trong các doanh nghiệp khu công nghiệp (tính đến 31/12/2017)..................... 103 Bảng 3.12: Tổng hợp kết quả thanh tra, kiểm tra tại các khu công nghiệp giai đoạn 2011 - 2017 .............................................................................. 108
  • 8. DANH MỤC CÁC HÌNH Trang Hình 1.1. Khung và phương pháp nghiên cứu........................................................ 8 Hình 3.1: Bộ máy quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ninh ..73 Hình 3.2: Sơ đồ tổ chức bộ máy Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh ............. 74 Hình 3.3: Bản đồ Quy hoạch các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ninh .................. 78 Hình 3.4: So sánh tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp tại một số địa phương ............. 82 Hình 3.5: Số dự án đầu tư vào khu công nghiệp Quảng Ninh giai đoạn 2011 - 2017.......85 Hình 3.6: Kết quả công tác quản lý đầu tư giai đoạn 2011 - 2017 ....................... 90
  • 9. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài luận án Ngay từ những năm đầu đổi mới ở Việt Nam, Đảng ta đã có chủ trương đúng đắn, thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đó là xây dựng và phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), khu kinh tế (KKT). Chủ trương này lần đầu được thể chế hóa trong Luật Đầu tư nước ngoài, ban hành năm 1987. Từ đó đến nay, các KCN cùng với KCX, KKT đã từng bước được xây dựng và phát triển rộng khắp trên đất nước. Cùng với đó, quản lý nhà nước (QLNN) đối với KCN cũng dần được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đồng hành cùng các KCN, góp phần quan trọng mở ra những ngành kinh tế mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành, cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, hiện đại, tạo nên những thành tựu to lớn, có sức lan tỏa. Quảng Ninh là tỉnh biên giới có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của Bắc Bộ và cả nước, nằm trong vùng kinh tế động lực phía Bắc của đất nước và khu vực hợp tác phát triển “hai hành lang - một vành đai kinh tế” Việt Nam - Trung Quốc, điểm trung chuyển nối giữa Việt Nam, Trung Quốc và ASEAN. Việc hình thành và phát triển các KCN đã góp phần tạo nên một diện mạo mới về kinh tế, xã hội đối với tỉnh, thúc đẩy kinh tế phát triển toàn diện: tăng trưởng ổn định, tạo thêm nhiều việc làm, đời sống nhân dân được cải thiện... Với mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp, là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ…” [20], đưa tỉnh trở thành một địa bàn động lực, năng động của Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Quảng Ninh xác định chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, tập trung phát triển các ngành công nghiệp sạch,
  • 10. 2 công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng… tạo sự đột phá nhằm thu hút đầu tư phát triển. Để thúc đẩy các KCN phát triển ổn định, bền vững, QLNN đối với các KCN nhất thiết phải được coi trọng, hoàn thiện để tạo dựng môi trường đầu tư thân thiện, thiết thực phục vụ DN theo các mục tiêu của “Chính phủ kiến tạo”, đồng thời thúc đẩy các tác động tích cực, giảm thiểu tác động tiêu cực từ hoạt động của các KCN trên địa bàn. Quảng Ninh đang là điểm sáng về sự phát triển năng động và đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế, xã hội không thể phủ nhận, trong đó có những đóng góp không nhỏ của các KCN. Tuy nhiên, những đóng góp này vẫn bị hạn chế bởi nhiều nguyên nhân, trong đó QLNN là một nguyên nhân quan trọng. Mô hình quản lý KCN theo kiểu truyền thống đã bộc lộ nhiều hạn chế, không còn phù hợp trước yêu cầu xây dựng “Chính phủ kiến tạo” trong tình hình mới. Nhiều bất cập, hạn chế xuất phát chính từ sự thiếu hiệu quả, nhất quán trong QLNN thể hiện ở chất lượng quy hoạch KCN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; công tác xúc tiến đầu tư chưa chuyên nghiệp, hiệu quả; công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương còn nhiều bất cập, gây khó khăn trong phân định và xem xét trách nhiệm QLNN... Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 cũng đặt ra yêu cầu phải chú trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, sự xuất hiện của các mô hình KCN sinh thái, KCN theo dạng cluster - cụm liên kết ngành, khu công nghệ sinh học, công viên sáng tạo và yêu cầu xây dựng, nền hành chính phục vụ, “Chính phủ kiến tạo”... đòi hỏi lý luận về QLNN nói chung và QLNN đối với KCN phải thay đổi để phù hợp với tình hình mới theo hướng chủ động thiết kế ra một hệ thống cơ chế chính sách, thể chế tốt để thúc đẩy các KCN phát triển, không dừng lại ở việc bị động đối phó với những diễn biến diễn ra trên thực tế. QLNN đối với KCN cần được hoàn thiện theo hướng kiến thiết, đồng hành, tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư
  • 11. 3 hiệu quả để phát triển KCN gắn với cải cách hành chính (CCHC), đồng thời siết chặt kỷ cương, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ… thực hiện ý tưởng mới, sáng tạo nhằm tạo ra sự phát triển mang tính đột phá. Những yêu cầu xuất phát từ lý luận và thực tiễn phát triển và quản lý các KCN trong tình hình mới đặt ra yêu cầu cấp bách đối với chính quyền tỉnh Quảng Ninh là phải nâng cao hiệu quả QLNN đối với các KCN trên địa bàn nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội đồng thời đảm bảo cho các KCN trên địa bàn phát triển bền vững (PTBV) và hiệu quả. Đã có nhiều nghiên cứu về các KCN nói chung và QLNN đối với các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Tuy nhiên, đến nay phần lớn các nghiên cứu đã được công bố liên quan đến các KCN của tỉnh Quảng Ninh đều lựa chọn cách tiếp cận theo chuyên ngành kinh tế phát triển. Theo đó, các nghiên cứu thường tập trung đi sâu phân tích thuần tuý về quá trình hình thành và phát triển, mục tiêu, hiệu quả kinh tế, xã hội của các KCN trên địa bàn, đánh giá mức độ ảnh hưởng của các KCN đến kinh tế, xã hội, môi trường theo quan điểm PTBV. Dưới góc độ quản lý kinh tế, chưa có nghiên cứu đầy đủ nào liên quan đến QLNN của chính quyền tỉnh Quảng Ninh đối với các KCN cũng như đề ra được các giải pháp hữu hiệu và khả thi để hoàn thiện QLNN đối với các KCN, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới. Xuất phát từ đó, NCS lựa chọn Đề tài “Quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” làm đối tượng nghiên cứu trong Luận án tiến sĩ, chuyên ngành Quản lý kinh tế với mong muốn đóng góp thêm kiến thức lý luận và đề xuất các giải pháp thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả QLNN, tạo động lực để tiếp thu khoa học công nghệ, trình độ quản lý tiên tiến, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
  • 12. 4 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu Đề xuất, kiến nghị các giải pháp có tính thực tiễn và khả thi cao nhằm hoàn thiện QLNN cấp tỉnh đối với các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2019 - 2025, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong tình hình mới. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu - Khảo sát, tổng thuật tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài Luận án, xác định những nội dung đã thống nhất, những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, từ đó làm rõ khoảng trống và cách tiếp cận nghiên cứu của Luận án. - Hệ thống hoá và làm rõ lý luận về KCN, QLNN đối với các KCN, bao gồm: khái niệm, nội dung, tiêu chí đánh giá, các nhân tố tác động đến QLNN đối với các KCN trong tình hình mới. - Khảo sát kinh nghiệm QLNN đối với các KCN của một số tỉnh, thành phố trong nước, rút ra bài học kinh nghiệm cho Quảng Ninh. - Phân tích, đánh giá thực trạng QLNN của chính quyền tỉnh Quảng Ninh đối với các KCN trên địa bàn giai đoạn 2011- 2017, từ đó rút ra những kết quả và hạn chế, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong QLNN cấp tỉnh đối với các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. - Đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện QLNN cấp tỉnh đối với các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thúc đẩy các KCN phát triển bền vững, đúng định hướng. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của Đề tài Luận án là QLNN của UBND tỉnh Quảng Ninh đối với các KCN trên địa bàn trong khuôn khổ chức năng, nhiệm vụ được phân cấp cho chính quyền cấp tỉnh, dưới góc độ quản lý kinh tế. 3.2. Phạm vi nghiên cứu Về không gian: Luận án nghiên cứu QLNN của chính quyền tỉnh Quảng Ninh, trực tiếp là Ban Quản lý Khu kinh tế đối với các KCN trên địa bàn.
  • 13. 5 Luận án không nghiên cứu các hình thức đầu tư tập trung khác của KCN như: KCX, KKT, cụm công nghiệp (CCN), khu công nghệ cao (KCNC)..., đồng thời không đi sâu nghiên cứu các lĩnh vực, ngành nghề hoạt động của các DN trong KCN. Về thời gian: Luận án nghiên cứu thực trạng QLNN đối với các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh chủ yếu dựa trên số liệu từ năm 2011 đến 2017. Các giải pháp hoàn thiện QLNN đối với các KCN trên địa bàn được đề xuất cho giai đoạn 2019 - 2025. Về nội dung: Nội dung QLNN đối với các KCN trong Luận án gồm: (1) Xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển KCN; (2) Hỗ trợ thành lập, đầu tư, xây dựng KCN; (3) Thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) với các doanh nghiệp KCN; (4) Quản lý việc tuân thủ pháp luật trong các KCN; (5) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong các KCN. Các nội dung QLNN liên quan đến lĩnh vực lập pháp, tư pháp... không nằm trong nội dung nghiên cứu của Luận án. 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu 4.1. Phương pháp luận Luận án nghiên cứu dựa trên phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử. Quá trình nghiên cứu đề tài tiến hành dựa trên các luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam liên quan đến KCN và QLNN đối với các KCN, kết hợp với các tri thức hiện đại của khoa học quản lý và kinh tế học, có tính đến các điều kiện cụ thể của tỉnh Quảng Ninh. Khung lý thuyết về QLNN sử dụng trong Luận án được xây dựng trên nền tảng khoa học QLNN về kinh tế. 4.2. Cách tiếp cận nghiên cứu Luận án lựa chọn cách tiếp cận kết hợp giữa từ trên xuống và từ dưới lên. Theo đó, Luận án nghiên cứu QLNN từ trên xuống theo hướng phân tích
  • 14. 6 các nội dung, hoạt động QLNN do các cơ quan quản lý thực hiện và đánh giá dưới góc nhìn của cơ quan quản lý. Đồng thời, Luận án kết hợp đánh giá từ dưới lên dưới góc nhìn của đối tượng bị quản lý là các DN liên quan trong KCN để đánh giá chính xác, khách quan hơn về QLNN đối với KCN. 4.3. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện mục đích và nội dung nghiên cứu, cụ thể hóa cách tiếp cận nghiên cứu, Luận án sử dụng kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu, từ nghiên cứu tại bàn tới nghiên cứu tại hiện trường, phân tích tài liệu kết hợp với điều tra khảo sát và phỏng vấn chuyên gia... Cụ thể như sau: * Phương pháp nghiên cứu tại bàn: Thu thập các tài liệu liên quan, số liệu thứ cấp qua các kênh gồm: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hàng năm, giai đoạn 2011 - 2017 của UBND tỉnh Quảng Ninh; Báo cáo đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành (DCCI) của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015 - 2017, Báo cáo tổng kết hàng năm, giai đoạn 2011 - 2017 về tình hình hoạt động các KCN của Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh, các công trình khoa học, sách chuyên khảo, bài đăng tạp chí chuyên ngành, bài viết của các chuyên gia nghiên cứu về hoạt động QLNN đối với các KCN trên cả nước và tỉnh Quảng Ninh, các thông tin cập nhật qua internet, phát thanh, truyền hình…Các số liệu thứ cấp được xử lý, phân tích cho phù hợp với mục đích nghiên cứu. * Phương pháp nghiên cứu tại hiện trường (field study): Trực tiếp nghiên cứu tại hiện trường các KCN tỉnh Quảng Ninh, khảo sát, điều tra, đánh giá thực trạng và các nhân tố tác động hoặc ảnh hưởng đến QLNN của chính quyền tỉnh Quảng Ninh đối với các KCN. * Phương pháp điều tra, khảo sát: Tiến hành 2 điều tra dành cho 2 đối tượng khác nhau dưới hình thức bảng hỏi và 1 đợt khảo sát thực tế, cụ thể: (1) Điều tra bằng bảng hỏi (Phụ lục 1) đối với toàn bộ 85 DN đang hoạt động tại các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, gồm 33 DN nước ngoài (FDI) và 52 DN trong nước về mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp KCN đối
  • 15. 7 với QLNN của chính quyền tỉnh Quảng Ninh thông qua đánh giá chất lượng cung ứng dịch vụ công, chất lượng đội ngũ, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh Quảng Ninh, trực tiếp là Ban Quản lý Khu kinh tế trong các lĩnh vực QLNN đối với các KCN và doanh nghiệp KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. (2) Điều tra bằng bảng hỏi đối với toàn bộ 5 DN kinh doanh KCN (là chủ đầu tư của 6 KCN đang hoạt động), 25 chuyên gia là các nhà hoạch định chính sách, quản lý KCN và 85 nhà quản lý tại các doanh nghiệp KCN (Phụ lục 2) nhằm tìm ra các giải pháp để hoàn thiện QLNN đối với các KCN trên địa bàn. (3) Tiến hành khảo sát thực tế hoạt động QLNN đối với các KCN tại 05 địa phương có KCN đang hoạt động: Hạ Long, Quảng Yên, Móng Cái, Hải Hà, Hoành Bồ, đánh giá thực trạng, tổng hợp các vấn đề bức xúc, các giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện QLNN của chính quyền tỉnh Quảng Ninh đối với các KCN trên địa bàn. Các số liệu sơ cấp sử dụng trong Luận án chủ yếu được tiến hành thu thập thông quan việc điều tra xã hội học, giúp Luận án có được thông tin chính xác, mang tính hệ thống, các nhận định xác thực nhằm đưa ra các giải pháp mang tính thực tiễn cao. * Phương pháp chuyên gia: Phỏng vấn 04 nhà quản lý, chuyên gia có kinh nghiệm trong quản lý KCN, gồm: 02 chuyên gia của Ban Quản lý Khu kinh tế; 02 chuyên gia thuộc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh (Phụ lục 3) nhằm thấy được kết quả, tồn tại, hạn chế trong công tác QLNN đối với các KCN trên địa bàn cũng như nguyên nhân của tồn tại, hạn chế giai đoạn 2011 - 2017. Qua đó tổng hợp ý kiến để đưa ra các giải pháp hoàn thiện QLNN nhằm thúc đẩy sự phát triển của các KCN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025. * Phương pháp tổng hợp, khái quát hóa Luận án thực hiện phương pháp tổng hợp, khái quát trên cơ sở các số liệu thu thập, điều tra được từ các công trình nghiên cứu, các tài liệu, tư liệu đã có, kết hợp với phân tích các số liệu thống kê, các báo cáo tổng kết thực tiễn của các bộ, ngành Trung ương, các văn bản liên quan của HĐND, UBND
  • 16. 8 và các sở, ban, ngành thuộc tỉnh Quảng Ninh kết hợp với tổng kết, khái quát các hoạt động thực tiễn thông qua kinh nghiệm cá nhân của NCS, từ đó phân tích, đánh giá và đưa ra giải pháp hoàn thiện QLNN đối với các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. * Phương pháp xử lý và phân tích thông tin, số liệu Cách thức tiến hành lấy thông tin là sự kết hợp giữa việc tự lấy phiếu, lấy phiếu thông qua cộng tác viên và qua ban quản lý nhằm tiết kiệm thời gian đi lại, giảm thiểu chi phí nhưng vẫn đảm bảo độ tin cậy với nguồn số liệu thu thập được. Sau khi thu thập, các thông tin được tiến hành phân loại, xử lý bởi các phần mềm thống kê như SPSS, STATA…, lựa chọn, sắp xếp thành các bảng số liệu để đưa vào sử dụng trong Luận án. Hình 1.1. Khung và phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu lý luận QLNN đối với KCN Khung lý thuyết QLNN đối với KCN Tiêu chí đánh giá QLNN đối với KCN Nghiên cứu Kinh nghiệm QT về PTBV KCN Bài học kinh nghiệm QT về PTBV KCN Khảo sát, thu thập số liệu Đề xuất giải pháp, kiến nghị Phân tích thực trạng QLNN đối với các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh Phương pháp chuyên gia Nghiên cứu kinh nghiệm QLNN của các địa phương đối với KCN Bài học kinh nghiệm rút ra cho chính quyền tỉnh Quảng Ninh Đánh giá QLNN đối với các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
  • 17. 9 5. Đóng góp mới của luận án Thứ nhất, về tổng thuật tài liệu: Luận án đã tổng thuật, hệ thống hóa các nghiên cứu, quan điểm, các kết quả nghiên cứu liên quan đến QLNN về KCN, xác định khoảng trống nghiên cứu. Đây sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho các nghiên cứu có liên quan sau này. Thứ hai, về khái niệm: Luận án bổ sung lý luận, đưa ra các khái niệm về QLNN đối với KCN và QLNN cấp tỉnh đối với các KCN trong tình hình mới, theo hướng “kiến tạo”, “phục vụ”, theo đó trong QLNN, thay vì tập trung kiểm soát mức độ tuân thủ pháp luật của DN, chính quyền thực sự coi DN là trung tâm, sẵn sàng hỗ trợ, đáp ứng yêu cầu chính đáng và tạo những điều kiện thuận lợi để DN phát triển lành mạnh. Thứ ba, về số liệu: Luận án đã điều tra và tạo ra bộ số liệu mới, có thể sử dụng cho các nghiên cứu có liên quan trong thời gian tới. Các kết quả phân tích đạt được trên cơ sở bộ số liệu này là mới, có ý nghĩa bổ sung, đưa ra các phát hiện mới hơn so với các nguồn thông tin đã có. Thứ tư, về các giải pháp: Luận án sử dụng các tiêu chí định lượng để đánh giá QLNN cấp tỉnh đối với các KCN, trong đó có đóng góp mới khi đề xuất xây dựng Bộ tiêu chí đo lường QLNN cấp tỉnh đối với doanh nghiệp KCN một cách tổng thể, đồng bộ dựa trên đánh giá của các doanh nghiệp KCN đối với chính quyền trên 3 góc độ, gồm: (1) chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ; (2) chất lượng quản lý, điều hành của chính quyền cấp tỉnh; (3) chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ theo các chỉ số thành phần, đồng thời đề xuất giải pháp căn cơ giải quyết dứt điểm vấn đề xây dựng nhà ở công nhân KCN, ý tưởng xây dựng cụm công nghiệp (cluster), tập trung các DN liên quan trong một lĩnh vực, có liên kết với nhau tạo thành một hệ sinh thái. 6. Kết cấu của luận án Ngoài các phần: Mở đầu, Danh mục chữ viết tắt, Danh mục bảng, biểu, Danh mục các hình, Danh mục các công trình nghiên cứu của tác giả liên
  • 18. 10 quan đến Đề tài luận án, Danh mục tài liệu tham khảo, Phụ lục… nội dung chính của Luận án được kết cấu thành 4 chương như sau: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp Chương 2: Cơ sở lý luận và thực tiễn về quản lý nhà nước cấp tỉnh đối với khu công nghiệp Chương 3: Thực trạng quản lý nhà nước cấp tỉnh đối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh Chương 4: Phương hướng, giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước cấp tỉnh đối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
  • 19. 11 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI KHU CÔNG NGHIỆP 1.1. CÁC NGHIÊN CỨU TIÊU BIỂU VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRUNG ƯƠNG ĐỐI VỚI KHU CÔNG NGHIỆP 1.1.1. Các nghiên cứu nước ngoài liên quan đến quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp Về định hướng, chiến lược phát triển KCN, trước hết, phải kể đến nghiên cứu của Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc - UNIDO (2015), “Economic Zone in the Asean”. Cuốn sách đề cập đến 5 mô hình KKT có khả năng tạo đột phá, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các quốc gia, gồm: KCN, KKT đặc biệt, khu công nghệ sinh học, khu công nghệ cao (KCNC) và công viên sáng tạo, trong đó nhấn mạnh vai trò của KCN và KKT đặc biệt với tư cách là công cụ hữu hiệu thúc đẩy chiến lược bắt kịp (catch - up strategy) của các nước kém phát triển. Theo thống kê trong nghiên cứu này, trong số hơn 1.000 KKT tại các quốc gia ASEAN có tới 893 KCN, 84 KKT đặc biệt, 25 khu công nghệ cao (KCNC), chỉ có 2 khu công nghệ sinh học và 1 công viên sáng tạo. Cũng theo nghiên cứu, ở mỗi giai đoạn phát triển, các quốc gia sẽ lựa chọn một mô hình KKT và một chiến lược cạnh tranh thích hợp, trong đó chiến lược “catch-up” thường được các nước có trình độ phát triển thấp ưu tiên lựa chọn nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong khi các quốc gia ở trình độ phát triển cao về kinh tế thường tập trung vào các hoạt động mang tính sáng tạo, có hàm lượng tri thức cao. Nghiên cứu đưa ra ví dụ về 2 mô hình KKT ở Việt Nam và Singapore để minh họa cho kết luận, trong khi Việt Nam chủ yếu dựa vào mô hình KCN để thu hút FDI thì Singapore đã nghiên cứu, thiết kế khu sáng tạo đầu tiên của khu vực. Các gợi ý cho QLNN đưa ra trong nghiên cứu gồm: chuyển đổi các
  • 20. 12 mô hình KCN thành KCN sinh thái; thúc đẩy chuỗi giá trị thông qua việc thiết lập các mô hình KCN sáng tạo tại các thành phố lớn; thành lập các tổ chức phi lợi nhuận trong khu vực ASEAN nhằm giám sát quá trình hoạt động và phát triển của các KCN, được cho là rất có giá trị đối với các nhà quản lý công. Nghiên cứu giúp tác giả Luận án nhận thức được xu hướng phát triển của các KCN trên thế giới, trong khu vực để đề xuất các giải pháp QLNN nhằm phát triển các KCN Quảng Ninh theo mô hình KCN sinh thái, thân thiện với môi trường; mô hình KCN thông minh, sáng tạo…[74]. “Industrial park development Strategy and mangement Practices” (2013), Ministry of Knowledge and Economy - Knowledge Sharing program là một nghiên cứu về kinh nghiệm phát triển các KCN của Hàn Quốc thông qua thực tiễn hình thành, thực thi chiến lược và các chính sách phát triển cũng như mô hình tổ chức, quản lý các KCN. Theo đó, ở Hàn Quốc, tổ chức quản lý KCN được thành lập năm 1997 với tên gọi là Công ty Công nghiệp Hàn Quốc (KICC), trên cơ sở sáp nhập 5 tổ chức quản lý vùng, với vai trò tối đa hóa chức năng và công dụng của các KCN nhằm thu hút các DN nước ngoài phù hợp và hỗ trợ các DN trong nước. Tâm điểm của cuốn sách tập trung vào các nội dung: (1) Bối cảnh lịch sử và kinh tế của chiến lược phát triển KCN; (2) Sự hình thành, chức năng, nhiệm vụ và vai trò của KICC trong quản lý các KCN; (3) Một số gợi ý chính sách cho các quốc gia trên cơ sở kinh nghiệm của Hàn Quốc. Theo nghiên cứu, KCN đầu tiên của Hàn Quốc được thành lập vào đầu những năm 1960, sau đó số lượng các KCN tăng nhanh trên phạm vi cả nước, lên tới trên 900 KCN tính đến cuối 2010. Với chiến lược chủ đạo trong phát triển kinh tế là hướng ra xuất khẩu, các KCN đã góp phần quan trọng tạo nên sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ cho Hàn Quốc trong 1 thời gian dài. Tuy nhiên, với thách thức mà các KCN đang phải đối mặt, cuốn sách nhận định, việc định hướng và hoạch định chính sách phát triển cho các KCN là khâu quan trong, có ý nghĩa quyết định đến sự thành bại của các KCN.
  • 21. 13 Điều đó cho thấy vai trò rất quan trọng của QLNN đối với sự hình thành và phát triển của các KCN [71]. Hubert Thieriot, Dave Sawyer (2015), Development of Eco-efficient industrial parks in China: A review, Internatinal Institute for Sustainable development, đã nghiên cứu thực trạng khu vực công nghiệp của Trung Quốc và đưa ra con số thống kê đáng lo ngại. Đó là 72% lượng khí thải carbon ra môi trường ở nước này có nguồn gốc từ khu vực công nghiệp. Theo nghiên cứu, để giảm thiểu tình trạng này, Chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng 3 chương trình thí điểm gồm: (1) Bộ Bảo vệ Môi trường: Chương trình KCN sinh thái; (2) Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính: Chương trình chuyển đổi tuần hoàn các KCN; (3) Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin: Chương trình KCN khí carbon thấp. Theo đó, QLNN phải nhằm mục tiêu giảm thiểu những tác động tiêu cực của các ngành công nghiệp, trong đó có tác động của các KCN đến môi trường. Các chương trình này sẽ tăng cường năng lực cạnh tranh, hướng tới mục tiêu chuyển đổi mô hình các KCN tập trung truyền thống thành các KCN sinh thái (EIPs) - mô hình KCN tiên tiến, mang tính hình mẫu để các quốc gia đang phải đối mặt với các vấn đề về môi trường nghiên cứu, học tập, mặc dù đây không phải là mô hình mới đối với các nước phát triển. Nghiên cứu này cho thấy các ưu, nhược điểm của từng mô hình KCN, giúp các nhà quản lý lựa chọn mô hình phù hợp với đặc thù địa phương [69]. Siwei Tan (2014) trong nghiên cứu “Wastewater management in Industrial Zones of Vietnamese Mekong Delta” đã chỉ ra sự bất cập và lỏng lẻo trong công tác quản lý môi trường tại các KCN Việt Nam qua các phân tích về quản lý nước thải tại các KCN Đồng bằng sông Mekong. Các số liệu thực nghiệm tổng hợp từ các phỏng vấn các chuyên gia, các cơ quan QLNN, các doanh nghiệp, người dân 4 tỉnh dọc theo sông Hậu từ 5/2011 đến 2/2012 trong nghiên cứu cho thấy thực trạng ô nhiễm nguồn nước rất nặng nề. Trong đó có
  • 22. 14 một số nguyên nhân liên quan đến QLNN như: quy hoạch KCN, phân công, phân cấp trong quản lý môi trường. Cụ thể là vị trí đặt các KCN không phù hợp với phạm vi quản lý của chính quyền địa phương, sự chồng chéo, không rõ ràng trong phân định trách nhiệm quản lý môi trường ở địa phương dẫn đến tình trạng rất khó quản lý môi trường trong và ngoài KCN. Bên cạnh đó, hệ thống hành chính nhà nước tổ chức theo mô hình quan hệ thứ bậc, chưa phân định rõ trách nhiệm quản lý ở Việt Nam là nguyên nhân khiến QLNN về môi trường đối với KCN bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục [73]. 1.1.2. Các nghiên cứu trong nước liên quan đến quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp Phần lớn các nghiên cứu được tổng quan liên quan đến QLNN đối với KCN là các bài viết, đề tài nghiên cứu tổng hợp, chuyên sâu trong từng lĩnh vực đối với các KCN Việt Nam với những đánh giá xác thực về chất lượng, hiệu quả QLNN đã đạt được trên bình diện quốc gia và địa phương. 1.1.2.1. Các nghiên cứu về quy hoạch khu công nghiệp Vũ Quốc Huy (2015), “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển các khu công nghiệp Việt Nam”, Tạp chí Khu công nghiệp Việt Nam, đã đề cập đến vai trò động lực của các KCN trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) đất nước, một số bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực cho KCN, huy động nguồn vốn cho phát triển hạ tầng KCN, cơ chế phân cấp và ủy quyền cho BQL các KCN cấp tỉnh, đặc biệt công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch phát triển các KCN tại một số tỉnh, thành phố. Nghiên cứu chỉ ra một số hạn chế trong QLNN về quy hoạch KCN như: chênh lệch về diện tích thực tế của một số KCN so với quy hoạch; bổ sung quy hoạch, mở rộng KCN chưa hợp lý, vị trí quy hoạch KCN không thuận lợi… Trên cơ sở xác định nhóm nguyên nhân ảnh hưởng đến QLNN đối với các KCN, nghiên cứu đưa ra một số giải pháp QLNN nhằm PTBV các KCN, đáng chú ý là: giảm thiểu việc tăng
  • 23. 15 diện tích và bổ sung mới quy hoạch KCN; nâng cao chất lượng thu hút đầu tư vào KCN; đề xuất các mô hình, cơ chế, chính sách phát triển KCN phù hợp. Nghiên cứu này giúp NCS có cái nhìn toàn diện về thực trạng QLNN đối với các KCN, rút ra nhiều kinh nghiệm thực tiễn để đề xuất các giải pháp QLNN phù hợp với thực tiễn các KCN của tỉnh Quảng Ninh [31]. Đề tài (2015): “Rà soát, đánh giá thực trạng triển khai và đề xuất giải pháp điều chỉnh, bổ sung và nâng cao hiệu quả thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam”, Đề tài cấp bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là nghiên cứu tiêu biểu và cập nhật nhất về tình hình thực hiện quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam trong giai đoạn 2005 - 2015. Nghiên cứu đã xây dựng các nguyên tắc phù hợp để tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển KCN trên phạm vi cả nước đến năm 2020, đồng thời đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện quy hoạch phát triển KCN, khẳng định tính cấp thiết phải chấn chỉnh công tác quy hoạch KCN. Trên cơ sở đánh giá toàn diện tình hình hoạt động của các KCN trong quy hoạch và các KCN đã thành lập, khả năng triển khai của các KCN đã được quy hoạch, nghiên cứu đề xuất biện pháp xử lý các KCN kém hiệu quả và kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN một cách phù hợp. Nghiên cứu cho thấy muốn phát huy hiệu lực, hiệu quả QLNN đối với KCN phải đặc biệt coi trọng chất lượng lập và quản lý quy hoạch KCN [11]. 1.1.2.2. Các nghiên cứu liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển khu công nghiệp Nhiều nhà khoa học có xu hướng đi sâu nghiên cứu các cơ chế chính sách hoàn thiện công tác xúc tiến, quản lý đầu tư tại các KCN, tiêu biểu là: Lê Hồng Yến (2007), “Hoàn thiện chính sách về mô hình quản lý nhà nước đối với sự phát triển khu công nghiệp Việt Nam (thông qua thực tiễn các khu công nghiệp miền Bắc)”, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Trường Đại học Thương mại, Hà Nội đã nghiên cứu và tập trung phân tích tác động của các cơ chế, chính sách đối với sự phát triển các KCN. Nghiên cứu này chỉ ra những tồn tại
  • 24. 16 trong thực tiễn QLNN đối với các KCN ở một số địa phương như: tình trạng mở KCN theo kiểu “phong trào”, thiếu chuẩn bị kỹ, chưa nghiên cứu đánh giá tác động môi trường trên địa bàn, sự cạnh tranh không lành mạnh trong thu hút đầu tư giữa các địa phương; vấn đề ô nhiễm môi trường tại các KCN do buông lỏng quản lý…đồng thời đề xuất một số giải pháp QLNN và kiến nghị thay đổi mô hình quản lý và chính sách nhằm đảm bảo PTBV các KCN. Tuy nhiên, trước yêu cầu xây dựng các mô hình, phương pháp quản lý mới theo kiểu “kiến tạo”, “phục vụ”, các kiến nghị, đề xuất được cho là rất khả thi trong thời điểm nghiên cứu của luận án đã không còn phù hợp [67]. Liên quan đến khía cạnh xã hội gắn với các cơ chế chính sách phát triển các KCN, phải kể đến nghiên cứu đánh giá thực trạng xây dựng nhà ở cho công nhân ở các KCN Việt Nam, tiêu biểu là Lê Xuân Bá (2007), Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế vào lĩnh vực xây dựng nhà ở cho công nhân tại các KCN, KCX , Đề tài cấp Bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đây là nghiên cứu rất công phu và tâm huyết của tác giả nhằm thu hút các thành phần kinh tế khác nhau đầu tư xây dựng nhà ở công nhân các KCN, KCX - lĩnh vực vào thời điểm đó chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Trong bối cảnh nhà nước và các địa phương có KCN gặp nhiều khó khăn, không có ngân sách bố trí xây dựng nhà ở công nhân, các giải pháp của tác giả được cho là rất khả thi vì đã phát hiện ra cơ chế, chính sách là điểm mấu chốt giúp huy động nguồn lực tài chính, thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở công nhân. Theo tác giả, Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù đối với các thành phần kinh tế, các DN đầu tư vào lĩnh vực này, đồng thời phải ưu tiên giải quyết các vấn đề xã hội trong KCN, quan tâm, huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư xây dựng các hạ tầng thiết yếu ngoài hàng rào KCN như: nhà ở cho công nhân KCN, trường học, nhà trẻ, trung tâm chăm sóc sức khỏe... Đây là nghiên cứu giúp tác giả Luận án có thêm cách nhìn mới trong việc đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực, thu hút đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân các KCN, KKT tỉnh Quảng Ninh thông qua
  • 25. 17 việc nghiên cứu, xây dựng, ban hành và thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo động lực thúc đẩy các nhà đầu tư ở mọi thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực này [1]. Bùi Văn Dũng (2015), Giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động các KCN - nghiên cứu trên địa bàn một số tỉnh Bắc Trung Bộ, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội. Đây là nghiên cứu khá sâu sắc về nhà ở cho đội ngũ công nhân tại các KCN Hà Nội. Theo tác giả, vấn đề nhà ở cho các KCN Hà Nội cần được coi là một nội dung của QLNN nhằm PTBV các KCN. Giá trị tham khảo của Luận án tập trung ở một số nội dung liên qua đến nhu cầu, hình thức sở hữu nhà ở công nhân KCN và các yếu tố ảnh hưởng liên quan; kinh nghiệm trong nước và quốc tế về giải quyết vấn đề nhà ở công nhân KCN. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực trạng nhà ở cho lao động tại các KCN các tỉnh Bắc Trung bộ, tác giả đã chỉ ra mối quan hệ lợi ích - trách nhiệm giữa nhà nước, DN và cá nhân có nhà cho thuê, đồng thời đề xuất các giải pháp khá phù hợp để giải quyết tình trạng này. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa đưa ra được giải pháp căn cơ và khả thi để xây dựng nhà ở tập trung cho công nhân bằng nguồn lực xã hội hóa [16]. Có nghiên cứu đề cập đến tác động xã hội vùng của các KCN. Có thể kể đến Nguyễn Bình Giang (2012), Tác động xã hội vùng của các khu công nghiệp ở Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. Trong công trình này, tác giả đã đi sâu nghiên cứu, đưa ra các đánh giá xác thực và khách quan về các tác động xã hội vùng tới cộng đồng dân cư trên địa bàn khi Nhà nước triển khai xây dựng và phát triển KCN. Nghiên cứu chỉ ra 8 nhóm tác động đến cuộc sống của người dân xung quanh KCN. Trên cơ sở kinh nghiệm của một số nước Đông Á, tác giả đề xuất một số cơ chế, chính sách nhằm hạn chế tác động xã hội vùng tiêu cực cho các KCN ở Việt Nam. Tuy nhiên, công trình chủ yếu tập trung phân tích sâu các tác động tích cực và tiêu cực của KCN trong khi các giải pháp khắc phục các tác động tiêu cực của các KCN chưa tương xứng [22].
  • 26. 18 1.1.2.3. Các nghiên cứu liên quan đến thực thi pháp luật trong các khu công nghiệp Một số nghiên cứu tập trung chủ yếu vào phân tích, đánh giá thực trạng tuân thủ pháp luật liên quan đến hoạt động của các DN trong KCN thể hiện trên một số mặt như: chấp hành chính sách thuế; quản lý lao động; việc thực hiện chế độ chính sách với người lao động; bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), điều kiện an toàn lao động, vệ sinh, môi trường… tiêu biểu là: Ngọc Lan (2017), “Tăng cường quản lý nhà nước về lao động trong các khu công nghiệp”, Báo Vĩnh Phúc điện tử; Hải Phong (2012), “Quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp tại khu công nghiệp: Thực trạng và giải pháp”, Báo Lâm Đồng điện tử; Ngọc Tú (2017),“Bất cập trong quản lý nhà nước về lao động trong các khu công nghiệp”, Báo Bình Phước điện tử. Các nghiên cứu này chỉ ra các thay đổi tích cực tại các KCN các tỉnh Vĩnh Phúc, Lâm Đồng và Bình Phước, cho thấy vai trò của QLNN trong giải quyết vấn đề việc làm, tăng thu nhập cho người lao động KCN, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, các tác giả cũng chỉ ra rất nhiều thách thức trong công tác QLNN nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động tại các KCN, tập trung vào các nội dung: thực hiện các chính sách về BHXH, BHYT, chính sách về nhà ở công nhân KCN, môi trường làm việc, vấn đề về an toàn lao động… qua đó, cho thấy rất cần phải tăng cường QLNN về lao động trong các KCN địa phương [36; 44; 54]. Phan Xuân Vinh (2016): “Quản lý lao động trong KCN, KKT: Nên phân cấp thay cho ủy quyền”, Tạp chí Khu công nghiệp Việt Nam. Theo tác giả, việc UBND cấp tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND cấp huyện có KCN ủy quyền cho BQL thực hiện một số nhiệm vụ QLNN về lao động trong KCN đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, nhà đầu tư KCN trong việc thực hiện các TTHC về lao động theo quy định của pháp luật so với khi chưa được ủy quyền, giúp BQL chủ động và phối hợp thực hiện
  • 27. 19 nhiệm vụ QLNN về lao động đối với KCN; chấn chỉnh kịp thời những sai phạm của người sử dụng lao động, đảm bảo các quyền lợi của người lao động làm việc trong KCN được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật; thực hiện tốt công tác an ninh trật tự và an toàn xã hội trong KCN... Tuy nhiên, cũng tồn tại một số khó khăn, vướng mắc như: việc thực hiện ủy quyền còn chậm; việc ủy quyền giữa các cơ quan tương đương trực thuộc UBND cấp tỉnh là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ban Quản lý các KCN hoặc giữa UBND cấp huyện và BQL các KCN là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Để thực hiện tốt nhiệm vụ QLNN về lao động, tác giả kiến nghị: (1) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn, bồi dưỡng công tác quản lý lao động cho cán bộ làm công tác này tại các BQL; (2) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với BQL thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật; (3) nghiên cứu, sửa đổi quy định của pháp luật về lao động để phân cấp hoặc giao nhiệm vụ trực tiếp cho BQL thực hiện một số nhiệm vụ QLNN về lao động trong KCN thay cho cơ chế ủy quyền hiện nay. Nghiên cứu cho thấy rất cần phải có những thay đổi trong phân cấp, ủy quyền QLNN về lao động KCN để không trái với quy định của pháp luật và phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới [66]. Một số nghiên cứu khác lại tập trung vào các vấn đề liên quan đến công tác QLNN về bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường tại các KCN: Trương Thị Minh Sâm (2007), Các giải pháp nhằm nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường khu công nghiệp, khu chế xuất, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội đã tập trung nghiên cứu về lĩnh vực quản lý môi trường KCN. Sau khi khái quát quy trình QLNN về môi trường đối với các dự án đầu tư trong KCN của các cơ quan QLNN, gồm các bước: thẩm định dự án; đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hoặc đăng ký tiêu chuẩn môi trường; giám sát thực hiện; kiểm tra, nghiệm thu các hạng mục công trình xử lý… tác giả chỉ ra những bất cập trong việc
  • 28. 20 thực thi pháp luật về BVMT, như: Luật và các văn bản hướng dẫn luật chưa được cụ thể hóa bởi các cơ quan chuyên ngành, việc triển khai thực hiện chưa nhất quán, thiếu đồng bộ, tổ chức bộ máy của hệ thống các cơ quan QLNN về môi trường từ Trung ương đến địa phương thiếu và yếu, chưa đủ sức đảm đương nhiệm vụ được giao, sự phân công trách nhiệm chưa hợp lý. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra 6 giải pháp nhằm nâng cao vai trò và hiệu lực QLNN về BVMT các KCN, KCX đối với Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Điểm hạn chế của nghiên cứu là phân tích các nội dung QLNN theo Luật Bảo vệ môi trường 2005, vốn đã bộc lộ nhiều hạn chế ngay tại thời điểm nghiên cứu và chưa đề cập đến công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật BVMT tại các KCN [48]. Nguyễn Thị Thùy Ngân (2017), “Xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp”, Báo VnExpress; Phạm Đình Đôn (2017), “Công tác bảo vệ môi trường khu công nghiệp và cụm công nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long”, Tạp chí Môi trường. Nghiên cứu này chú trọng công tác BVMT trong các KCN bằng các giải pháp QLNN quyết liệt, đặc biệt chú trọng việc thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm, đồng thời đề xuất một số kiến nghị nhằm tăng cường vai trò QLNN về BVMT của chính quyền các cấp, các ngành chức năng cũng như các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư đồng thời nâng cao nhận thức cho các chủ đầu tư, chủ DN trong việc tuân thủ pháp luật BVMT. Đây là gợi ý rất có giá trị để tác giả Luận án nghiên cứu, đề xuất các giải pháp QLNN về môi trường đối với các KCN của tỉnh [21; 41]. Qua tổng quan cho thấy các nghiên cứu liên quan đến QLNN trung ương đối với KCN có xu hướng tập trung vào định hướng, hoạch định chiến lược, mô hình phát triển, quy hoạch KCN, xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư vào KCN và BVMT… Tuy nhiên, hiện còn thiếu những nghiên cứu tổng thể, toàn diện về QLNN đối với các KCN và đặt nó trong các mối quan hệ liên ngành, liên vùng và cả nước theo yêu cầu “kiến
  • 29. 21 tạo”, “phục vụ”. Các số liệu minh chứng trong các nghiên cứu được tổng quan chủ yếu do các cơ quan QLNN cung cấp, chưa có nhiều nghiên cứu sử dụng nguồn số liệu điều tra xã hội học đối với DN để so sánh, đối chiếu nhằm có được kết quả phân tích, đánh giá chính xác, khách quan, công bằng. Do vậy, cần có thêm sự kiểm chứng thông qua đánh giá của các doanh nghiệp KCN. 1.2. CÁC NGHIÊN CỨU TIÊU BIỂU VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CẤP TỈNH ĐỐI VỚI KHU CÔNG NGHIỆP 1.2.1. Các nghiên cứu về xúc tiến, thu hút và quản lý đầu tư khu công nghiệp Công tác xúc tiến, thu hút và quản lý đầu tư cấp tỉnh tại các KCN là lĩnh vực có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của các KCN. Chính vì vậy, có nhiều nghiên cứu khá đầy đủ, sâu sắc của các nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực, tiêu biểu là: Ngô Sỹ Bích (2015), “Bài học thu hút thành công Dự án đầu tư của Samsung vào khu công nghiệp Bắc Ninh và những bất cập trong công tác quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp, khu kinh tế”, Cổng thông tin Điện tử tỉnh Bắc Ninh. Qua thực tế tỉnh Bắc Ninh, tác giả nhận thấy, về thể chế các văn bản luật điều chỉnh về KCN còn có 1 số nội dung chồng chéo, các chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư vào KCN hiện nay thiếu nhất quán; ưu đãi đối với các DN trong KCN có xu hướng thu hẹp, hiệu quả hạn chế, các TTHC liên quan đến chuyển nhượng cổ phần, góp vốn đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài còn nhiều bất cập... Bên cạnh đó, tác giả cũng đề cập đến những khó khăn vướng mắc trong hoạt động của doanh nghiệp KCN trong một số lĩnh vực liên quan như: quy hoạch xây dựng, môi trường, thanh tra, lao động… Để nâng cao hiệu quả xúc tiến, thu hút vào các KCN cấp tỉnh, tác giả kiến nghị Chính phủ cần thống nhất về chức năng thanh tra của BQL giữa Nghị định của Chính phủ với Luật Thanh tra hiện hành, phân biệt về thẩm quyền giữa thanh tra BQL với thanh tra của các sở chuyên ngành. Đây là nghiên cứu tiêu biểu cho thấy ảnh hưởng của QLNN cấp tỉnh đối với thu hút đầu tư vào các KCN [8].
  • 30. 22 Nguyễn Trường Giang (2016), “Thực thi hiệu quả chính sách thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp”, Tạp chí Khu công nghiệp Việt Nam đã nêu lên những nỗ lực của tỉnh Vĩnh Phúc trong việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào các KCN. Theo tác giả, những năm gần đây, thu hút đầu tư vào Vĩnh Phúc đã thực hiện một cách có chọn lọc, tập trung chủ yếu vào các dự án công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, đảm bảo đúng định hướng phát triển, làm thay đổi diện mạo các KCN mới thành lập, góp phần hiệu quả vào sự gia tăng tỷ trọng của các ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Bằng 4 nhóm giải pháp QLNN về chính sách và thực thi chính sách hỗ trợ phát triển KCN, quản lý và thực hiện hiệu quả quy hoạch, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và cải cách TTHC, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của chính quyền tỉnh, tác giả khẳng định QLNN sẽ làm tốt vai trò kiến tạo giúp các KCN tỉnh Vĩnh Phúc sớm trở thành địa chỉ đầu tư hấp dẫn, tin cậy, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tiến bộ [23]. Võ Thị Vân Khánh (2016), Tăng cường thu hút FDI vào các khu công nghiệp theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Học viện Tài chính, Hà Nội đã làm rõ các lý thuyết về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đưa ra hệ thống các tiêu chí đánh giá thu hút FDI, các nhân tố ảnh hưởng đồng thời chỉ rõ những nguyên nhân và bài học rút ra trong thu hút và quản lý FDI thông qua khảo sát, đánh giá thực trạng các hoạt động này tại Hà Nội. Trên cơ sở, phân tích khách quan và xác thực nguyên nhân của các hạn chế, yếu kém trong QLNN đối với các KCN của chính quyền Thủ đô trên 1 số lĩnh vực, Luận án đã đưa ra một số giải pháp căn cơ và chính sách ưu đãi đặc thù nhằm thu hút đầu tư FDI vào các KCN, đồng thời đề xuất những hướng phát triển nhằm vừa đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư FDI vừa thúc đẩy sự gia tăng kết nối giữa các DN trong và ngoài nước theo các mục tiêu, chiến lược phát triển của Thủ đô. Tác giả cũng khuyến nghị Thành phố nên tập trung
  • 31. 23 chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách TTHC nhằm thu hút đầu tư [35]. Phạm Văn Năm (2017), “Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế”,Tạp chí Khu công nghiệp Việt Nam. Theo tác giả, các dự án đầu tư hạ tầng và thứ cấp tại các KCN, KKT tỉnh Quảng Bình đang được đẩy mạnh xây dựng để sớm đi vào hoạt động. Có được kết quả đó là do tỉnh đã có nhiều giải pháp quyết liệt như: đổi mới hình thức quảng bá, đẩy mạnh đầu tư HTKT các KCN, KKT; triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư; tăng cường chăm sóc và BVMT các KCN, KKT; chú trọng công tác CCHC… Để làm tốt hơn công tác này, theo tác giả, Quảng Bình cần tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng; đẩy mạnh thi công các dự án chuyển tiếp từ những năm trước; tập trung quảng bá, thu hút đầu tư vào các KCN, KKT; quản lý có hiệu quả các công trình HTKT trong các KKT, KCN; thực hiện tốt các nhiệm vụ QLNN trong các KKT, KCN… Đây là những kinh nghiệm QLNN tốt, cách làm hay cần được phát huy [40]. Trần Xuân Dưỡng (2017), “Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”, Tạp chí Khu công nghiệp Việt Nam, đã khái quát những thành công, hiệu quả tích cực trong các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài tại các KCN tỉnh Hà Nam. Theo nghiên cứu, kinh nghiệm đem lại thành công là sự vào cuộc quyết liệt, đổi mới và linh hoạt trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư của chính quyền tỉnh thông qua các Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh, tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư nước ngoài tại Nhật Bản, Hàn Quốc… và sự chủ động tích cực của các DN kinh doanh hạ tầng KCN. Tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ trong KCN như: Rút ngắn thời gian hoàn thành các TTHC so với quy định, tạo điều kiện thuận lợi, công khai, minh bạch TTHC cho nhà đầu tư; có biện pháp xử lý đối với các dự án chậm triển khai, kém hiệu quả… Việc thực hiện tốt công tác QLNN đối với các dự án đầu tư vào KCN đã góp phần thúc đẩy hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN, cải thiện các chỉ tiêu kinh tế. Theo
  • 32. 24 tác giả, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đầu tư, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN, tỉnh Hà Nam cần quan tâm, đẩy nhanh tiến độ GPMB, có phướng án đầu tư đồng bộ hệ thống HTKT kết nối các KCN; thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng DN; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác BVMT của KCN... đưa Hà Nam trở thành môi trường lý tưởng thu hút các nhà đầu tư, tạo điều kiện để các DN trong KCN hoạt động lành mạnh, hiệu quả [19]. 1.2.2. Các nghiên cứu liên quan đến phát triển bền vững khu công nghiệp Một số luận án tiến sĩ kinh tế liên quan đến KCN gần đây đã tiếp cận và coi PTBV làm đối tượng nghiên cứu xuyên suốt của đề tài, chỉ ra mối quan hệ mật thiết giữa các yếu tố tạo nên sự bền vững đồng thời đề xuất các giải pháp căn cơ để PTBV các KCN cấp tỉnh. Có thể kể đến: Phan Mạnh Cường (2015), Phát triển bền vững các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích thực trạng phát triển các KCN tỉnh Thái Nguyên theo tiêu chí đánh giá PTBV về kinh tế, xã hội và môi trường, với quan điểm coi đặc thù ngành và đối tượng thu hút đầu tư theo cơ cấu ngành vào KCN là yếu tố tiên quyết để lựa chọn quy hoạch và địa điểm xây dựng KCN, tác giả đã đề xuất thay đổi một số cơ chế, chính sách nhằm PTBV các KCN địa phương và hướng tới mục tiêu lớn hơn là PTBV các KCN trên phạm vi cả nước thông qua các chính sách ưu đãi riêng, cơ chế quản lý đặc thù. Vấn đề quy hoạch phát triển KCN gắn với từng địa phương, vùng kinh tế và cả nước cũng được quan tâm. Các giải pháp đưa ra cơ bản phù hợp với thực tế địa phương, bám sát định hướng, mục tiêu cũng như quy hoạch tổng thể phát triển KCN của từng tỉnh, thành phố, trong đó một số giải pháp QLNN có thể áp dụng cho các KCN cấp tỉnh có điều kiện tương đồng. Tuy nhiên, chỉ một phần trong các nhóm giải pháp quản lý được đưa ra phù hợp với định hướng phát triển và điều kiện các KCN Quảng Ninh [16].
  • 33. 25 Trên các tạp chí chuyên ngành cũng có nhiều nghiên cứu về PTBV các KCN cấp tỉnh. Tiêu biểu là Trịnh Văn Hồng (2015),“Lựa chọn chủ đầu tư hạ tầng để phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế xanh, bền vững và hiệu quả”, Tạp chí Khu công nghiệp Việt Nam và Mai Xuân Hòa (2015), “Xây dựng khu công nghiệp và khu kinh tế xanh theo mô hình phát triển bền vững tại Hải Phòng”, Tạp chí Khu công nghiệp Việt Nam. Theo các tác giả để QLNN thúc đẩy PTBV thì các KCN cần được quy hoạch tại vị trí thích hợp, thuận tiện trong kết nối với hệ thống HTKT, có khoảng cách hợp lý với đô thị và khu dân cư xung quanh, đảm bảo đúng quy chuẩn về bố trí không gian, cơ cấu sử dụng đất trong các khu chức năng... Cùng với đó, việc thi công xây dựng các dự án đầu tư trong KCN phải đảm bảo đúng thiết kế được phê duyệt, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung. Đây là những gợi ý để xây dựng mô hình các KCN sinh thái theo hướng xanh hóa các KCN truyền thống vốn đã bộc lộ nhiều bất cập [27; 29]. Một nghiên cứu tiêu biểu khác của Hồng Lâm, Trịnh Bình (2016),“Phát triển khu công nghiệp, cách làm của Bình Dương”, Tạp chí Công nghiệp và Tiêu dùng, cho thấy cách làm sáng tạo của Bình Dương nhằm PTBV các KCN là đề cao tính hiệu quả trong vận dụng các chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần và linh hoạt trong huy động nguồn lực tham gia đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng KCN. Chính quyền tỉnh xác định các KCN là một đòn bẩy giúp Bình Dương phát triển kinh tế - yếu tố quan trọng hàng đầu để bảo đảm an sinh xã hội… Nghiên cứu khẳng định, trong thời gian tới, để PTBV các KCN của tỉnh, Bình Dương cần ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại, tiên tiến nhằm nâng cao sức cạnh tranh thông qua chất lượng sản phẩm và BVMT. Cùng với đó, tỉnh cần quan tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, cải cách TTHC, nâng cao ý thức BVMT của DN. Những bài học kinh nghiệm trong quản lý và PTBV các KCN rút ra từ thực
  • 34. 26 tiễn một tỉnh công nghiệp phát triển năng động như Bình Dương sẽ rất bổ ích cho tác giả Luận án trong đề xuất các giải pháp QLNN đối với KCN tỉnh Quảng Ninh [38]. 1.2.3. Các nghiên cứu liên quan đến thực trạng và giải pháp quản lý nhà nước cấp tỉnh đối với các khu công nghiệp Có nhiều nghiên cứu khá sâu sắc về thực trạng và giải pháp QLNN cấp tỉnh đối với các KCN, tiêu biểu là: Trần Văn Thắng (2012), “Hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp”, Tạp chí Khu Công nghiệp Việt Nam đã cho thấy thực trạng QLNN tại KCN ở tỉnh Hưng Yên. Theo tác giả, bên cạnh các thành tựu đã đạt được, QLNN đối với các KCN cũng có dấu hiệu kìm hãm sự phát triển của các KCN. Đó là những điểm chưa thống nhất, đồng bộ của cơ chế, chính sách; sự chưa rõ ràng trong phân công trách nhiệm QLNN; sự thiếu chặt chẽ trong kiểm tra, giám sát, chế tài và xử phạt… Tác giả cũng phân tích những nội dung chủ yếu trong QLNN đối với các KCN và chỉ ra nguyên nhân trực tiếp cản trở sự phát triển của các KCN tỉnh Hưng Yên xuất phát từ của những hạn chế, yếu kém trong việc lập và phê duyệt quy hoạch KCN, sự thiếu hiệu quả của hệ thống cơ chế, chính sách hiện hành về KCN... Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất 5 giải pháp nhằm hoàn thiện QLNN đối với các KCN trên địa bàn, trong đó giải pháp hoàn thiện quy hoạch phát triển các KCN và thiết lập các tổ chức chính trị - xã hội trong KCN có giá trị tham khảo tốt, có thể áp dụng trên diện rộng, trong đó có các KCN Quảng Ninh [49]. Phạm Kim Thư (2017), Quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Hà Nội đã xây dựng luận cứ khoa học cho các giải pháp hoàn thiện QLNN đối với các KCN của thành phố Hà Nội. Đây là các nghiên cứu khá sâu về QLNN cấp tỉnh đối với các KCN. Tác giả đã hệ thống hóa và luận giải có chọn lọc cơ sở lý luận về QLNN đối với các KCN, làm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến QLNN đối với các KCN. Thông
  • 35. 27 qua nghiên cứu kinh nghiệm QLNN đối với các KCN trên bình diện quốc tế và trong nước, tác giả đã rút ra bài học kinh nghiệm cho Hà Nội, phân tích và đánh giá thực trạng QLNN đối với các KCN trên địa bàn Thành phố gắn với thời điểm nghiên cứu. Tác giả đã chỉ ra 04 thành tựu và 06 hạn chế trong hoạt động QLNN đối với các KCN, từ đó đề xuất được 06 nhóm giải pháp để hoàn thiện QLNN các KCN trên địa bàn Hà Nội. Kết quả nghiên cứu là tài liệu tham khảo tốt cho các cơ quan QLNN, đặc biệt là chính quyền thành phố Hà Nội trong việc tăng cường quản lý, thúc đẩy và khuyến khích thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các KCN trên địa bàn đồng thời giúp tác giả Luận án so sánh, đối chiếu, lựa chọn một số kinh nghiệm phù hợp để áp dụng vào thực tiễn Quảng Ninh [53]. Vũ Nam Phong và các cộng sự (2015), “Nghiên cứu hiện trạng môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011 - 2015” là một nghiên cứu được đánh giá cao về quy mô và tính khái quát liên quan đến QLNN cấp tỉnh đối với môi trường KCN. Nghiên cứu đã phân tích các vấn đề liên quan đến môi trường của tỉnh, trong đó đi sâu nghiên cứu môi trường tại các KCN trên địa bàn giai đoạn 2011 - 2015. Dựa trên mô hình D-P-S-I-R (động lực - áp lực - hiện trạng - tác động - đáp ứng) theo hướng tổng thể, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế xã hội, nghiên cứu đã đánh giá hiện trạng tổng thể các thành phần môi trường, chất thải rắn, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu… và phân tích diễn biến xu hướng môi trường với những tác động tích cực và tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ninh giai đoạn 2011 - 2015. Từ đó có những đề xuất thích hợp nhằm đáp ứng yêu cầu BVMT của tỉnh, đặc biệt là môi trường trong và xung quanh các KCN. Tuy nhiên, hạn chế của các công trình này là chưa làm rõ trách nhiệm QLNN và chỉ ra được các giải pháp đồng bộ nhằm huy động nguồn lực xã hội để khắc phục các ảnh hưởng tiêu cực của rác thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt từ các KCN, các khu vực dân cư liền kề đối với môi trường [45].
  • 36. 28 Các nghiên cứu về QLNN cấp tỉnh đối với KCN thường gắn với những vấn đề liên quan đến đời sống và an sinh xã hội của công nhân trong các KCN. Có thể kể Nguyễn Văn Oanh (2017), “Cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao đời sống cho người lao động tại các khu công nghiệp” - Báo Phú Thọ điện tử đã đề cập đến những khó khăn, bất cập về thu nhập, việc làm và chất lượng cuộc sống của công nhân lao động trong các KCN của tỉnh Phú Thọ. Việc chính quyền chưa có giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng bất cập về HTXH như: thiếu nhà ở, trường học, nơi chăm sóc sức khỏe… đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống người lao động... Để khắc phục tình trạng này, tác giả kiến nghị chính quyền tỉnh tập trung thực hiện một số giải pháp như: gắn quy hoạch các KCN với quy hoạch phát triển các công trình phúc lợi xã hội, tạo nền tảng để các KCN phát triển nhanh và bền vững; sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích theo hướng tăng sức thuyết phục và hấp dẫn để tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KCN gắn với đầu tư phát triển hệ thống HTXH, các thiết chế văn hóa phục vụ người lao động; hỗ trợ DN trong đào tạo nguồn nhân lực nhằm xây dựng cho các KCN đội ngũ lao động có kỷ luật, kỹ năng, tính chuyên nghiệp và khả năng hợp tác tốt, đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng lao động của các doanh nghiệp KCN [42]. 1.3. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐÃ ĐƯỢC NGHIÊN CỨU VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN TIẾP TỤC GIẢI QUYẾT 1.3.1. Những vấn đề đã nghiên cứu Qua tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến QLNN cấp tỉnh đối với KCN trên nhiều bình diện, khía cạnh khác nhau cho thấy QLNN cấp tỉnh đối với các KCN đang đứng trước yêu cầu phải đổi mới toàn diện để đáp ứng những đòi hỏi khách quan từ thực tiễn. Các nghiên cứu về lĩnh vực này khá phong phú nhưng chưa toàn diện, tập trung vào một số nội dung sau:
  • 37. 29 - Khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của QLNN, đặc biệt là QLNN đối với KCN trong sự phát triển kinh tế, xã hội trên bình diện quốc gia, vùng và địa phương theo những góc nhìn khác nhau. - Phân tích, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển của các KCN, vai trò và tác động tích cực của các KCN đến tăng trưởng và phát triển kinh tế của quốc gia, của vùng và địa phương cũng như các tác động tiêu cực của KCN đến kinh tế, xã hội và môi trường. - Chỉ ra xu hướng chủ đạo trong QLNN đối với các KCN hiện nay là tiếp thu, vận dụng những kinh nghiệm sẵn có nhằm tiếp cận nhanh tri thức, sớm đạt mục tiêu và tránh được sai lầm trong quản lý và phát triển KCN, đồng thời gợi mở những cách thức quản lý mới theo quan điểm “kiến tạo”, “phục vụ” nhằm thúc đẩy các KCN phát triển lành mạnh, bền vững. - Tập trung nghiên cứu các nội dung liên quan đến QLNN theo chức năng và lĩnh vực hoạt động, đánh giá chất lượng, hiệu quả thực tế đạt được đồng thời đề xuất, kiến nghị các mô hình, giải pháp giúp nâng cao hiệu quả QLNN cấp tỉnh đối với các KCN. 1.3.2. Những vấn đề cần tiếp tục giải quyết Mặc dù có một số nội dung đã thống nhất nhưng xét trên góc độ QLNN đối với KCN, vẫn còn tồn tại một số khoảng trống nghiên cứu cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện: - Về không gian: Các nghiên cứu liên quan đến QLNN cấp tỉnh đối với các KCN là những nghiên cứu điển hình được tiến hành tại nhiều địa phương có điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội khác nhau. Nhiều nghiên cứu chủ yếu dựa vào số liệu thứ cấp do các cơ quan QLNN cung cấp, chưa tiến hành điều tra xã hội học, khảo sát, đánh giá QLNN theo quan điểm của DN. Mặc dù đã có những kết luận khoa học rút ra nhưng vẫn cần có thêm nghiên cứu ở những địa phương khác để khẳng định tính đúng đắn, khách quan và bổ sung, hoàn thiện các giải pháp cho phù hợp yêu cầu thực tiễn đồng thời mở rộng phạm vi áp dụng.
  • 38. 30 - Về thời gian: Các nghiên cứu liên quan đến QLNN cấp tỉnh đối với các KCN được thực hiện tại nhiều thời điểm khác nhau, cá biệt có những nghiên cứu đã thực hiện cách thời điểm nghiên cứu của tác giả đến hơn 10 năm. Do vậy, không thể tránh khỏi những hạn chế, bất cập do sự thay đổi của của hệ thống các văn bản pháp lý liên quan và yêu cầu QLNN đối với các KCN trong tình hình mới. Mặt khác, các nghiên cứu trước đây chưa cập nhật bối cảnh mới dưới tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0, tăng trưởng xanh, xung đột thương mại Mỹ - Trung... Do vậy, chưa thấy được đòi hỏi cấp bách là QLNN đối với KCN phải thay đổi để đáp ứng và phù hợp với những yêu cầu mới. - Về nội dung: Các nghiên cứu liên quan đến QLNN cấp tỉnh đối với KCN đều dựa trên việc phân tích, đánh giá thực trạng QLNN của chính quyền địa phương đối với các KCN trên địa bàn để đề xuất các giải pháp QLNN phù hợp. Do vậy, nhằm đảm bảo giá trị, tính đúng đắn của các kết luận khoa học rút ra từ các nghiên cứu đã công bố về QLNN cấp tỉnh đối với các KCN trong tình hình mới, đòi hỏi phải cách tiếp cận mới, tiếp cận hệ thống, hướng tới các mục tiêu “kiến tạo”, “phục vụ”... Việc nghiên cứu về QLNN cấp tỉnh đối với các KCN Quảng Ninh giai đoạn 2011 - 2017 của NCS không chỉ nhằm tìm ra các giải pháp tổng thể, toàn diện để hoàn thiện QLNN của riêng chính quyền tỉnh Quảng Ninh đối với các KCN trên địa bàn mà còn hướng tới mục tiêu cao hơn là làm mới, bổ sung, hoàn thiện các kết luận khoa học liên quan đến QLNN cấp tỉnh đối với các KCN rút ra từ các nghiên cứu trước để tiếp tục áp dụng hiệu quả vào thực tiễn quản lý các KCN tại nhiều địa phương. Theo tìm hiểu của NCS, cho đến nay, chưa có nghiên cứu đầy đủ và toàn diện nào về QLNN đối với các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Dựa trên mục tiêu và các khoảng trống nghiên cứu đã chỉ ra, có thể khẳng định đề tài của Luận án là độc lập, không trùng lắp với các công trình khoa học đã công bố trong và ngoài nước.
  • 39. 31 1.3.3. Những vấn đề Luận án dự kiến sẽ giải quyết Trên cơ sở những khoảng trống về lý luận và thực tiễn trong QLNN đối với KCN rút ra sau tổng quan tình hình nghiên cứu, nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN đối với các KCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo quan điểm “kiến tạo”, “phục vụ”, đồng thời mở ra các mô hình và cách thức quản lý mới, tạo điều kiện để áp dụng rộng rãi cho nhiều địa phương trong nước, Luận án sẽ tập trung nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề sau: (1) Bổ sung lý luận về KCN, QLNN cấp tỉnh đối với các KCN, các tiêu chí đánh giá QLNN trong tình hình mới, theo quan điểm “kiến tạo”, “phục vụ”, lấy DN làm trung tâm. (2) Phân tích, đánh giá thực trạng QLNN của chính quyền tỉnh Quảng Ninh đối với các KCN trên địa bàn giai đoạn 2011 - 2017 dựa trên kết quả điều tra độc lập do NCS tiến hành đối với các doanh nghiệp KCN, kết hợp với nguồn số liệu thứ cấp do các cơ quan QLNN cung cấp để nhận thức một cách khách quan những thuận lợi, khó khăn, thành tựu và bất cập, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong QLNN đối với các KCN, đồng thời rút ra bài học từ kinh nghiệm thực tiễn của các tỉnh, thành phố đã nghiên cứu. (3) Đưa ra các kiến nghị khoa học, các nhóm giải pháp trên cơ sở cập nhật bối cảnh và yêu cầu QLNN cấp tỉnh trong tình hình mới, giúp chính quyền tỉnh Quảng Ninh lựa chọn, áp dụng để hoàn thiện QLNN đối với các KCN trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2025 và những năm tiếp theo, đồng thời tạo nền tảng, cơ sở để mở rộng, áp dụng cho các địa phương khác khi điều kiện cho phép.
  • 40. 32 Chương 2 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CẤP TỈNH ĐỐI VỚI CÁC KHU CÔNG NGHIỆP 2.1. TỔNG QUAN VỀ KHU CÔNG NGHIỆP VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI KHU CÔNG NGHIỆP 2.1.1. Khái niệm khu công nghiệp Khu công nghiệp được hình thành ở các nước công nghiệp phát triển (Anh, Mỹ…) vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, sau đó mở rộng sang các nước công nghiệp mới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore… Đến nay, các KCN được phân bố chủ yếu tại các nước Châu Á và Châu Phi. Ở các quốc gia, tên gọi của KCN thường gắn với mục tiêu hoạt động của chính KCN đó. Các tên gọi thường được sử dụng gồm: Industrial Processing Zones, Export Processing Zones, Business Park, Science and Research Park, High - tech Centers, Bio - Technology Park, Eco - Industrial Park, Industrial Zones, Industrial Cluster…. Ở Việt Nam, các loại hình KCN phổ biến gồm: KCN truyền thống, khu chế xuất, KCN hỗ trợ, KCN sinh thái, đặc khu kinh tế... Điều này thể hiện các quan niệm khác nhau về KCN và do đó, có nhiều định nghĩa, cách hiểu về KCN. Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (INFORTERRA/UNDP), KCN được hiểu là một khu đất rộng, có thể phân chia thành các khu vực nhỏ hơn và có đủ cơ sở hạ tầng để các DN, xí nghiệp sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh tại các vị trí liền kề nhau. Theo các chuyên gia của Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO): “KCN là khu có hàng rào ngăn cách với bên ngoài, chịu sự quản lý riêng, tập trung tất cả các doanh nghiệp hoạt động theo bất kỳ cơ chế nào (xuất khẩu hàng hoá và hoặc tiêu thụ nội địa), miễn là phù hợp với các quy định quy hoạch về vị trí và ngành nghề, một phần đất nằm trong KCN có thể dành cho
  • 41. 33 khu chế xuất”. Quan niệm này cho thấy khá rõ tính chất, mục tiêu và không gian hoạt động của các KCN. Cũng theo UNIDO (2015), có hai cách hiểu về KCN: - Thứ nhất: KCN là khu vực “dành cho việc phát triển hoạt động sản xuất công nghiệp và các hoạt động dịch vụ đa dạng phục vụ sản xuất công nghiệp, được bố trí trên một diện tích lớn, có phân định ranh giới địa lý với khu vực xung quanh; có dân cư sinh sống và chịu sự quản lý về kinh tế, hành chính và lãnh thổ của bộ máy quản lý KCN”. Theo đó, có thể coi KCN là khu hành chính kinh tế đặc biệt, tiêu biểu là KCN Batam (Indonesia), công viên Công nghiệp ở Đài Loan, Thái Lan và một số nước Tây Âu, KKT mở Chu Lai, Dung Quất ở Việt Nam. - Thứ hai: KCN là khu vực “tập trung các DN và dịch vụ sản xuất công nghiệp, được giới hạn về phạm vi lãnh thổ, không có dân cư sinh sống”. Mô hình KCN này đang phát triển ở nhiều nước ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Đối với nước ta, ở miền Bắc, thuật ngữ KCN được đề cập đến từ khi khởi công xây dựng Khu Gang thép Thái Nguyên (7/1959), ở miền Nam, khi Mỹ - Ngụy xây dựng Khu Kỹ nghệ Biên Hoà (5/1963). Tuy nhiên, phải đến năm 1987, khái niệm về KCN mới được chính thức ra đời khi có Luật Đầu tư nước ngoài. Theo đó, tại Khoản 14&15, Điều 2, “KCN là khu chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất hàng công nghiệp”. KCX Tân Thuận, thành lập năm 1991 và đi vào hoạt động năm 1992 là mô hình KCN đầu tiên ở Việt Nam. Theo “Quy chế KCN, KCX, khu công nghệ cao” ban hành kèm theo Nghị định 36/CP ngày 24/4/1997, khái niệm KCN tiếp tục có sự thay đổi. Tại Khoản 2&3, Điều 2: “KCN là khu tập trung các DN chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, không có dân cư sinh sống; do Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, trong KCN có thể có DN chế xuất”.
  • 42. 34 Theo Luật Đầu tư số 59/2005/QH11 ngày 29/11/2005 và Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008, sau này là Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và Nghị định 164/2013/NĐ-CP của Chính phủ, khái niệm KCN tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện, theo đó: “KCN là khu chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ sản xuất công nghiệp, có ranh giới địa lý xác định, được thành lập theo quy định của Chính phủ”. Trong Luận án này, khái niệm KCN được hiểu theo quy định tại Điều 2, Nghị định 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định về quản lý KCN và KKT”, theo đó: “KCN là khu vực có ranh giới địa lý xác định, chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện các dịch vụ sản xuất công nghiệp, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục do Chính phủ quy định”. Như vậy, cách hiểu về KCN theo quy định của Việt Nam khá gần với quan niệm của UNIDO do đều nhấn mạnh và làm rõ đặc trưng về kinh tế, phạm vi không gian và tính liên kết trong đầu tư. 2.1.2. Các loại hình khu công nghiệp Bảng 2.1: Các loại hình khu công nghiệp STT Tiêu chí phân loại KCN Loại hình KCN 1 Tính chất ngành nghề KCN chuyên ngành; đa ngành; sinh thái. 2 Quy mô diện tích KCN nhỏ; trung bình; lớn và rất lớn. 3 Điều kiện hình thành KCN thành lập mới; nâng cấp mở rộng và di dời tập trung. 4 Cấp quản lý (cấp có thẩm quyền quyết định thành lập) KCN do Chính phủ thành lập; KCN do UBND cấp tỉnh thành lập; KCN do UBND cấp huyện thành lập. Nguồn: tác giả tổng hợp. Theo Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ, có 3 loại hình KCN, gồm: KCX, KCN hỗ trợ, KCN sinh thái và được hiểu như sau: Khu chế xuất:“là KCN chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu, được thành lập theo
  • 43. 35 điều kiện, trình tự và thủ tục áp dụng đối với KCN theo quy định của Chính phủ” [15]. Khu công nghiệp hỗ trợ: “là KCN chuyên sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thực hiện dịch vụ cho sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.Tỷ lệ diện tích đất cho các dự án đầu tư vào ngành nghề công nghiệp hỗ trợ thuê, thuê lại tối thiểu đạt 60% diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê của KCN ” [15]. Khu công nghiệp sinh thái: “là KCN, trong đó có các doanh nghiệp trong KCN tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất để thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường, xã hội của các DN” [15]. Luận án đề cập đến KCX, KCN hỗ trợ, KCN sinh thái… như các loại hình của KCN, tuy nhiên, chỉ tập trung nghiên cứu KCN. 2.1.3. Đặc điểm khu công nghiệp * Đặc điểm tự nhiên: KCN thường được quy hoạch và xây dựng ở những nơi có vị trí địa lý thuận lợi, có diện tích đất lớn, tập trung, địa hình bằng phẳng, địa chất tốt, thích hợp cho xây dựng các công trình công nghiệp, có cơ sở hạ tầng thích hợp, đặc biệt là hạ tầng giao thông, thuận tiện trong giao thương với các trung tâm kinh tế lớn. * Đặc điểm kinh tế - kỹ thuật: KCN là nơi tập trung sản xuất công nghiệp ở mật độ cao, có nhiều nhà máy, xí nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghiệp. Do vậy, đây cũng là nơi trực tiếp tiêu thụ một lượng lớn nguyên, nhiên, vật liệu, năng lượng và thải ra môi trường một lượng chất thải rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. * Đặc điểm chính trị - xã hội: KCN thường tập trung sử dụng một lượng lao động lớn, chủ yếu là lao động ngụ cư, không có nhà ở và hộ khẩu thường trú ổn định, nên thường gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý.
  • 44. 36 Đó là nguyên nhân tiềm ẩn và gây nên nhiều hậu quả xã hội cho địa phương. Trong quá trình hoạt động, những bất đồng, xung đột nảy sinh tại các KCN có thể dẫn đến hậu quả là các cuộc đình công, bãi công với quy mô, tính chất khác nhau và dễ lây truyền. Vì vậy, để giảm thiểu bất ổn cho vùng, địa phương, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương cần thống nhất hành động, chủ động vào cuộc, tập trung tháo gỡ bất đồng xảy ra giữa người sử dụng lao động và người lao động, giải quyết các xung đột ngay từ khi mới nảy sinh. 2.1.4. Quản lý nhà nước cấp tỉnh đối với khu công nghiệp Quản lý nhà nước có thể được hiểu theo hai nghĩa: (1) Theo nghĩa rộng: “QLNN là toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước, bao gồm hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Theo đó, QLNN là các công việc của Nhà nước, do Nhà nước thực hiện thông qua hệ thống cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao. (2) Theo nghĩa hẹp: QLNN chỉ bao gồm hoạt động hành pháp, được hiểu như “hoạt động quản lý có tính chất nhà nước, được thực hiện bởi cơ quan hành pháp”. Ở Việt Nam, các nhà khoa học đưa ra một số khái niệm về QLNN thông qua những cách tiếp cận khác nhau: (1) Nguyễn Hữu Hải và các cộng sự: “QLNN là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước đối với các quá trình xã hội và hành vi hoạt động của con người để duy trì và phát triển các mối quan hệ xã hội và trật tự pháp luật nhằm thực hiện những chức năng và nhiệm vụ của nhà nước trong công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ tổ quốc XHCN”[25]. (2) Đinh Ngọc Hiện cùng các cộng sự đưa ra khái niệm: “QLNN là thuật ngữ chỉ sự tác động của các chủ thể mang tính quyền lực nhà nước, bằng các biện pháp, tới các đối tượng quản lý nhằm thực hiện các chức năng đối nội và đối ngoại của Nhà nước trên cơ sở các quy luật phát triển của xã hội, nhằm mục đích ổn định và phát triển đất nước” [26].
  • 45. 37 Theo NCS, trong Luận án, QLNN được hiểu là hoạt động chấp hành, điều hành của hệ thống cơ quan nhà nước nhằm thực hiện chức năng quản lý xã hội trên cơ sở các quy định pháp luật và chức năng, nhiệm vụ được giao. Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh thông điệp về "Chính phủ kiến tạo". Đây được coi là quan điểm của Chính phủ về QLNN trong tình hình mới. Hiện chưa định hình được một khung lý thuyết sáng tỏ và mạch lạc về “Chính phủ kiến tạo”, nhưng điều này không ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng và thực hiện QLNN theo quan điểm này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 4 nội dung chính của “Chính phủ kiến tạo” tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV ngày 18-11-2017: (1) “Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt… không bị động đối phó với những diễn biến trên thực tế”; (2) “Nhà nước sẽ chỉ đầu tư vào những khu vực các DN tư nhân không thể đầu tư”; (3) “Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi...”; (4) “Chính phủ cũng phải nói đi đôi với làm, siết chặt kỷ cương…”. Theo NCS, “kiến tạo, phục vụ” trong QLNN có thể hiểu đơn giản là lấy DN làm trung tâm, DN cần gì để phát triển lành mạnh thì chính quyền hỗ trợ, tạo những điều kiện thuận lợi để DN phát triển. Như vậy, xét trên góc độ QLNN, “Chính phủ kiến tạo” là một mô hình QLNN có thể vận dụng ở mọi cấp chính quyền, theo đó, chính quyền trung ương và địa phương không chỉ đơn thuần là thực hiện quyền hành pháp để kiểm soát, duy trì trật tự pháp luật mà phải hành động và thực hiện chức năng QLNN theo phương châm “kiến tạo” để chủ động trong việc xây dựng và thực thi thể chế, pháp luật, đáp ứng được yêu cầu “kiến tạo - hành động - phục vụ - liêm chính”, thực sự “đồng hành cùng doanh nghiệp”. Mặc dù có những khái niệm khá tương đồng, nhưng đến nay các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra được khái niệm thống nhất về QLNN đối với KCN. Có nhiều cách hiểu về QLNN đối với KCN dựa trên quy định của pháp luật, đặc điểm chính trị, chính sách phát triển kinh tế, xã hội của từng quốc gia.
  • 46. 38 Theo Phạm Kim Thư: “QLNN đối với các KCN là sự tác động có tổ chức và bằng pháp quyền của Nhà nước lên các KCN nhằm đảm bảo cho các KCN được phát triển theo quy định, chủ động phối hợp mục đích riêng của từng DN nhằm đạt tới mục đích chung của nền kinh tế” [53]. Theo Trần Anh Tuấn: “QLNN đối với các KCN là sự tác động của Nhà nước vào quá trình xây dựng, hình thành và hoạt động của các KCN nhằm phát triển các KCN theo hướng bền vững” [55]. Qua một số đặc điểm chủ yếu rút ra từ mô hình quản lý các KCN trên thế giới và Việt Nam, kết hợp với tư duy QLNN theo quan điểm “kiến tạo”, “phục vụ”, trong Luận án này, NCS đưa ra khái niệm QLNN đối với KCN như sau: “QLNN đối với KCN là hoạt động chấp hành, điều hành, kiến tạo của hệ thống cơ quan nhà nước đối với các hoạt động liên quan đến quy hoạch, đầu tư, xây dựng, phát triển các KCN và hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong KCN nhằm xây dựng, PTBV các KCN theo định hướng và mục tiêu của nhà nước”. Nội hàm khái niệm QLNN đối với KCN gồm những nội dung sau: Thứ nhất, QLNN đối với KCN là toàn bộ “hoạt động chấp hành và điều hành” pháp luật về KCN một cách toàn diện của các cơ quan nhà nước đối với các hoạt động đầu tư, xây dựng, phát triển KCN theo đúng danh mục quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết được phê duyệt. QLNN đối với KCN còn bao gồm các hoạt động “kiến tạo” thể chế trên cơ sở lấy DN làm trung tâm và tạo điều kiện thuận lợi để DN phát triển bình đẳng, lành mạnh. Thứ hai, Các chủ thể QLNN đối với KCN được tổ chức theo 2 cấp: + Cấp trung ương, gồm: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, trong đó Chính phủ thống nhất quản lý toàn diện mọi mặt hoạt động của các KCN trên phạm vi cả nước và phân cấp trực tiếp cho một số bộ, ngành trung ương thực hiện hoạch định, ban hành chính sách vĩ mô về phát triển KCN.