SlideShare a Scribd company logo
1 of 101
KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC
“BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY
NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI”
Báo cáo đ d n và các b n tham lu n t iề ẫ ả ậ ạ H i th o khoa h c “B o t n vàộ ả ọ ả ồ
phát huy ngh thu t Bài chòi” do UBND t nh Bình Đ nh và Trung tâm Nghiênệ ậ ỉ ị
c u B o t n & Phát huy Văn hóa Dân t c VN ph i h p t ch c t ngày 10/09ứ ả ồ ộ ố ợ ổ ứ ừ
đ n 11/9/2013 t i TP Quy Nh nế ạ ơ t nh Bình Đ nhỉ ị .
HÀ NỘI, THÁNG 9 NĂM 2013
1
Báo cáo đề dẫn:
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI
HƯỚNG TỚI LÀ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ
CỦA NHÂN LOẠI
GS. Hoàng Chương
TGĐ Trung tâm NCBT&PHVHDT Việt Nam
Cách đây 4 năm, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Hoàng Tuấn anh có đề nghị
chúng tôi với tư cách là cơ quan nghiên cứu bảo tồn và phát huy VHDT nên lấy ý kiến thăm
dò các địa phương có nghệ thuật Bài Chòi là có nên làm hồ sơ trình UNESCO công nhận Bài
Chòi miền Trung là không gian văn hóa phi vật thể của nhân loại không? và chúng tôi đã thực
hiện. Kết quả, các giám đốc Sở Văn hóa TTDL các tỉnh Nam Trung Bộ đều có công văn trả
lời thực chất đề nghị Bộ Văn hóa TTDL tiến hành lập hồ sơ về Bài Chòi trình Ủy ban
UNESCO xem xét.
Tiếp theo Bộ Văn hóa TTDL lại giao cho Trung tâm NCBT & PHVHDT VN thực hiện
dự án "Phục hồi nghệ thuật Bài Chòi trên miền Bắc từ năm 2010" và sang đầu năm 2011 Bộ
Văn hóa Thể thao Du lịch lại phối hợp với tỉnh Bình Định tổ chức liên hoan Bài Chòi lần thứ
nhất tại TP Quy Nhơn. Thứ Trưởng Bộ VHTTDL Lê Tiến Thọ và Phó Chủ tịch tỉnh Bình
Định Nguyễn Thị Thanh Bình làm đồng Trưởng ban và tôi là Phó trưởng ban Chỉ đạo cuộc
liên hoan này. Sang đầu năm 2012 Sở Văn hóa TTDL Bình Định lại phối hợp với Trung tâm
NCBT & PHVHDT Việt Nam tổ chức Hội Bài Chòi tại Hà Nội và cuối tháng 5/2013 cuộc thi
Tuồng và dân ca Kịch (chủ yếu là Bài Chòi) lại được tổ chức tại TP. Nam Kỳ - Quảng Nam.
Chưa kể NXB Âm nhạc - Bộ Văn Hóa cùng Sở Văn hóa Bình Định đã tổ chức thực hiện
thành công đĩa DVD về nghệ thuật Bài Chòi cổ do tôi làm cố vấn, một công trình rất có giá trị
đang phát hành cả nước trong năm 2012.
Như vậy, trong vòng 5 năm qua đã liên tiếp diễn ra những hoạt động Bài Chòi gần khắp
đất nước, khiến cho toàn xã hội dù bị cuốn hút vào cơn bão kinh tế và nghệ thuật giải trí cũng
phải quan tâm tới một bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc ở miền duyên hải Nam Trung Bộ,
cũng giống như sự vực dậy phong trào đờn ca tài tử Nam Bộ và cả hai đều hướng tới mục tiêu
đề nghị UNESCO công nhận mình là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Nhân dây tôi còn muốn cung cấp thêm một số thông tin về hoạt động học thuật Bài
Chòi trong vài thập kỷ qua để những ai quan tâm tới bộ môn nghệ thuật này tham khảo.
2
- Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tháng 4/1975 Đoàn ca kịch Bài
Chòi LK5 từ miền Bắc về Nam phục vụ đồng bào, rồi được Bộ Văn hóa giao cho tỉnh Thuận
Hải quản lý và đổi tên là Đoàn ca kịch Thuận Hải. Vì đây là đoàn Bài Chòi mạnh nhất lúc bấy
giờ nên đến cuối năm 1980 một hội thảo khoa học đầu tiên về nghệ thuật Bài Chòi được tiến
hành ở TP Phan Thiết. Tại hội thảo này vấn đề đặt ra là bảo tồn và phát triển Bài Chòi như thế
nào để Bài Chòi không mất bản sắc? và vì sao lại dặt đơn vị Bài Chòi chủ lực trên mảnh đất
không có Bài Chòi nên không phát triển nổi? Vậy có nên đưa nó trở về cái nôi của nó là Bình
Định không? Cũng vì Bộ Văn hóa đặt nhầm chỗ, trồng cây không đúng đất nên sau ba năm thì
Đoàn Ca kịch Thuận Hải dần dần tan rã, dù hai con chim đầu đàn của nó là Nguyễn Tường
Nhẫn và Lệ Thi đã kêu tới thiên đình cũng không sao cứu nguy được. Đây là tổn thất lớn của
ngành Bài Chòi, một đàn chim vỡ tổ, nhiều nghệ sĩ thất nghiệp, bỏ nghề, ngành Bài Chòi mất
một đơn vị chủ lực !
Đến tháng 10 năm 1987 (Từ 10 - 14) nhân liên hoan dân ca kịch tại Đà Nẵng, cũng có
một hội thảo về Bài Chòi, nhưng vì tổ chức thiếu khoa học mà hiệu ứng không cao. Đến tháng
9 năm 1990 cũng nhân liên hoan Tuồng và Ca kịch miền Trung lại có một cuộc tọa đàm về
Bài Chòi, nhưng cũng không bàn sâu được về bảo tồn và phát triển Bài Chòi trong xu thế đất
nước đang chuyển mạnh sang cơ chế thị trường, Bài Chòi bắt đầu gặp khó khăn về khán giả.
Hội thảo lớn nhất về nghệ thuật Bài Chòi được tiến hành trong 2 ngày liền (từ 30 - 10 đến 1 -
11 năm 1990) ở TP Nha Trang do Viện Sân khấu Việt Nam tổ chức, Bộ Văn hóa Thông tin
chỉ đạo. Hội thảo này tập trung gần đủ mặt những nhà nghiên cứu và nghệ sĩ Bài Chòi tên tuổi
cả nước, bàn rất sâu, tranh luận rất quyết liệt về truyền thống và cách tân, nổi bật là hai ý kiến
đối trọng giữa nhà nghiên cứu Mịch Quang và NSND Lệ Thi. Ông Mịch Quang thì phản đối
việc dân ca hóa Bài Chòi và cho rằng nên giữ Bài Chòi cổ và lấy thể Hô là chính. Vì từ xưa
tới nay người ta nói “hô Bài Chòi” chứ không ai nói “hát Bài Chòi”. Ngược lại, NSND Lệ Thi
thì cho rằng Bài Chòi phải luôn luôn được gia tăng những làn điệu mới từ nguồn dân ca LK5
và lấy thể Hát làm chính. Ý kiến của NNC Mịch Quang được các nghệ sĩ gạo cội của Bài
Chòi Bình Định như Phan Ngạn, Nguyễn Kiểm đồng tình. Còn ý kiến của NSND Lê Thi thì
phù hợp với cách làm của một số đoàn đang tích cực cải tiến, tìm cách tiếp cận với đông đảo
khán giả trẻ. Vì vậy, mà có đoàn không gọi tên Đoàn Bài Chòi mà gọi là Đoàn dân ca Kịch,
hoặc Đoàn ca Kịch Bài Chòi. Từ cải tên đoàn đã phản ánh hướng đi của đơn vị nghệ thuật ấy,
tức là dân ca hóa nghệ thuật Bài Chòi, mà khi các làn điệu gốc của Bài Chòi bị biến dạng, bị
lấn át, kể cả cách hô, hát thì tất nhiên màu sắc, căn cước của Bài Chòi bị mờ đi, và như vậy thì
gọi đoàn dân ca kịch là đúng, tức là dân ca hóa, hoặc kịch nói pha Bài Chòi. Như chúng ta
biết, nghệ thuật Bài Chòi đã ra đời từ mấy trăm năm trước và đã phát triển trong vòng 100
năm, tương ứng với nghệ thuật cải lương. Cải lương cũng từ nói thơ, rồi nhập vào đờn ca tài
tử, rồi học hát bội mà ca ra bộ lấy bài Dạ cổ Hoài lang của Cao Văn Lầu làm cơ sở để phát
triển thành bộ môn nghệ thuật cải lương theo phương châm: “Cải cách hát ca theo tiến bộ/
Lương truyền tuồng tích sáng văn minh”, tức là cải cách không bờ bến, không bị ràng buộc
trong quy tắc, nghiêm ngặc như Tuồng. Bài Chòi thi từ trò đánh Bài Chòi tiến lên hội Bài
Chòi, bài chòi chiếu, bài chòi ghế, rồi từ đất lên giàn và cuối cùng là Bài chòi chuyên nghiệp
3
mà tiêu biểu là Đoàn Bài chòi LK5 được thành lập tại Hà Nội năm 1957, cũng là năm vở
Thoại Khanh - Châu Tuấn ra đời và giành được giải cao tại Hội diễn sân khấu toàn quốc cùng
năm ấy.
Vậy cái gì đã làm nên một vở ca kịch Bài chòi hiện đại đậm bản sắc dân tộc, rất Bài
chòi để cả giới sân khấu và toàn dân công nhận nó? Bởi trước đó giới sân khấu không công
nhận Bài Chòi là một kịch chủng dân tộc. Có người nói: đây là “nghệ thuật bài bạc”, cũng có
nói nói “Bài chòi cải lương LK5”.
Trước hết phải nói là Kịch bản văn học. Kịch bản Thoại Khanh - Châu Tuấn của
Nguyễn Tường Nhẫn đã dựa theo câu chuyện dân gian cùng tên chuyển sang ca kịch Bài chòi.
Ông là một nghệ sĩ có nghề đã từng là diễn viên Tuồng, đồng thời đã từng viết nhiều vở Bài
chòi thời chống Pháp. Cái vốn nghề Tuồng và Bài Chòi cùng với kinh nghiệm từ thực tế hoạt
động phong trào nên Nguyễn Tường Nhẫn đã viết được một vở Bài chòi khá tốt, nhất là văn
thơ đậm chất dân gian, trữ tình sâu lắng. Nhưng nếu không có những cộng sự tài năng như
Khánh Cao, Lệ Thi, Hoàng Lê, Văn Cận, Nguyễn Cung Nghinh ... thì không thể có được một
Thoại Khanh - Châu Tuấn như hôm nay để chúng ta được chiêm ngưỡng, được kế thừa, và
phát huy trong những sáng tạo nghệ thuật của mình.
Nói về âm nhạc về ca hát thì, trong vở Thoại Khanh - Châu Tuấn không chỉ có những
làn điệu như ta thấy ở Hội Bài chòi hoặc ở sân khấu Bài chòi chiếu trước đây như Xuân nữ,
Xàng Xê, Cổ Bàn, Hồ Quảng, hát Nam mà còn có nhiều bàn bản khác như: Dạ đơn hành,
Tình duyên cung oán, Trách hoa, Hò Quảng, Lý thương nhau và có cả ngâm thơ cổ nữa.
Nhưng có điều là những bài bản mới ấy rất ăn khớp với các làn điệu chính của Bài
chòi, khán giả vẫn có cảm giác là đang nghe hát Bài chòi. Ví dụ từ điệu nói lối của của hai vợ
chồng Thoại Khanh - Châu Tuấn chuyển sang hát điệu Xuân nữ rồi chuyển sang điệu Hò
Quảng rồi lại nối tiếp điệu Lý thương nhau mà nghe rất ngọt, rất Bài chòi.
Thoại Khanh: Nói lối:
Đây là tiền bán củi lâu nay em dành dụm
Để cho chàng lộ phí xuống trường an.
Anh ra đi giong ruổi bước dặm đàng.
Em ở lại vượt ngàn cơn cay đắng.
Nơi trường ốc may ra chàng chiếm bảng
(thì ...) cũng đừng quên người tri kỷ chốn lều tranh.
Đừng vì mùi chung đỉnh bả lợi danh.
Mà phụ phàng cảnh hàn vi nơi thôn dã.
4
Em sẽ giữ trọn tấm lòng vàng đá
Cho đến ngày anh quay gót trở về ...
(chuyển sang hát Bài chòi Xuân nữ). Gió trăng lưng túi đề huề,
Đưa chàng đôi bước lòng se bên lòng.
Xa chàng, em chỉ cầu mong,
Chàng đi đến chốn thành công khi về.
Chàng đi hãy giữ lấy tình quê
Vinh hoa phú quý chớ hề say xưa.
Lều tranh chung sống từ xưa,
Mẹ già tựa cửa sớm trưa đợi chờ.
Bà mẹ ra hát Hò Quảng:
Mấy lời mẹ dặn con thơ,
Chữ tình chữ ngãi con lo cho tròn ...
Con đừng bận bựu vấn vương.
Bước đi còn lắm dặm đường còn xa.
Thoại Khanh (chuyển sang hát Lý thương nhau)
Đưa anh ngàn dặm, dặm ngàn
Dặn anh tròn vẹn đá vàng trăm năm.
Ta thấy từ nói lối, chuyển sang điệu Xuân nữ, rồi tiếp là Hò Quảng và kết đoạn là điệu
Lý thương nhau nghe rất vào, rất ngọt, không ai không công nhận là không Bài chòi ?
Như vậy ca nhạc Bài chòi dù phát triển tới đâu nhưng nếu biết giữ cái gốc, giữ bản sắc,
giữ căn cước của nó thì vẫn là Bài chòi. Giống như người trồng hoa, phải ghép hoa trên các
gốc của một cây hoa cổ thụ, thì dù bông hoa có khác màu sắc, nhưng vẫn là loại hoa mang tên
chính của nó.
Như vậy, khuynh hướng nghệ thuật này không thể dùng cách Hô trong bài chòi cổ
được mà phải hát theo trường phái của NSND Lệ Thi. Nhưng khi chúng ta hướng mục tiêu
của Bài chòi tới UNSECO thì phải thực hiện theo các tiêu chí nghiêm ngặt của UNSECO mà
họ đặt ra như các loại hình nghệ thuật khác đã thực hiện và đã thành công, như: Quan họ, Ca
trù, Hát xoan, và sắp tới là Ví dặm Nghệ Tĩnh, Đờn ca tài tử. Như vậy Bài Chòi phải trở lại
5
với cái gốc của nó tức là hình thức Hội Đánh Bài chòi, hoặc Bài chòi chiếu ... như chúng ta
thấy nó đang tồn tại ở vùng đất miền Trung mà đặc biệt là ở Bình Định. Dĩ nhiên Bình Định
cũng như một số địa phương khác từ Quảng Nam đến Khánh Hòa đang tích cực bảo tồn và
phát triển nghệ thuật Bài Chòi và các hình thức biểu diễn dân gian khác chưa bị cải biên và lai
tạp còn phát triển thì như một số đoàn đã thực hiện thành công một số vở diễn để phục vụ cho
đại đa số khán giả trong và ngoài nước. Như vậy, Bài chòi một lúc phải đi hai chân, phải làm
hai hướng: Bảo tồn nguyên gốc và phát triển như vở “Thoại Khanh - Châu Tuấn” của Đoàn
Ca kịch Bài chòi Liên khu V cách đây 56 năm và vở “Khúc Ca bi tráng” của Đoàn Bài chòi
Bình Định hôm nay. Cả hai tác phẩm đỉnh cao này như một biểu trưng, một điển hỉnh của sự
thành công trong quá trình bảo tồn và phát triển nghệ thuật Bài chòi từ dân gian lên chuyên
nghiệp mà UNSECO có thể tham khảo để công nhận Bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể
của nhân loại .
Nhân đây cũng xin nhắc lại, tại Hội thảo Bài chòi năm 1990 ở TP Nha Trang, trong kết
luận của Thứ trưởng Bộ Văn hóa thông tin - GS Đình Quang có đề nghị thành lập một Trung
tâm nghiên cứu, bảo tồn miền Trung do các tỉnh có Bài chòi đóng góp nhân sự và ngân sách.
Trung tâm này nên đặt ở một vị trí trung tâm ở miền Trung, nơi có phong trào Bài chòi mạnh,
Bộ Văn hóa sẽ hỗ trợ một phần ngân sách. Như vậy đây cũng là một đề tài quan trọng mà ở
hội thảo này nên quan tâm bàn bạc. Tất cả vì mục đích bảo tồn phát huy và phát triển bộ môn
nghệ thuật bài chòi lâu dài và trước mắt là hướng tới làm hồ sơ trình UNESCO công nhận Bài
chòi là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
PHÁT BIỂU CỦA Đ/C MAI THANH THẮNG -
ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, PHÓ CHỦ TỊCH
UBND TỈNH BÌNH ĐỊNH
Kính thưa quý vị đại biểu,
Trong không khí vui tươi phấn khởi giữa những ngày thu lịch sử cùng cả nước chào
mừng kỷ niệm 68 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, hôm nay, tại thành
phố biển Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và
Phát huy văn hóa dân tộc tổ chức Hội thảo khoa học “Nghệ thuật Bài chòi”. Thay mặt Uỷ ban
nhân dân tỉnh Bình Định, tôi nhiệt liệt chào mừng toàn thể quý vị đại biểu, đại diện các đoàn
nghệ thuật Bài chòi, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ từ thủ đô Hà Nội,
thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Định và nhiều địa phương khác trong cả nước về tham dự
Hội thảo khoa học này.
Kính thưa các đồng chí và các bạn,
Bài chòi là loại hình nghệ thuật dân gian, hình thành và phát triển trong quá trình lao
động sản xuất, giao lưu văn hóa của người Việt khi vào định cư, khai phá vùng đất Đàng
6
Trong từ cách đây nhiều thế kỷ. Các làn điệu, lời ca bình dị, ngọt ngào của Bài chòi đã đi vào
lòng người và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của các tầng
lớp nhân dân ở khu vực miền Trung nói chung và vùng Nam Trung bộ nói riêng. Qua quá
trình hình thành và phát triển, nghệ thuật Bài chòi đã tiến triển dần và được trình diễn dưới
nhiều hình thức như: hô bài chòi, hội đánh bài chòi, sân khấu ca kịch bài chòi… Tuy là bộ
môn nghệ thuật non trẻ nhưng nghệ thuật Bài chòi đã có những đóng góp tích cực cho nghệ
thuật sân khấu nói riêng và kho tàng văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung. Đặc biệt trong
hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nghệ thuật Bài chòi đã theo sát cuộc sống
kháng chiến, phục vụ đắc lực công cuộc đấu tranh cách mạng, góp phần vào thắng lợi của sự
nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Bình Định là một trong những cái nôi của nghệ thuật Bài chòi, là nơi còn lưu giữ được
nhiều làn điệu Bài chòi cổ. Trên mảnh đất này, từ tâm hồn mỗi người dân, mỗi làng quê, thôn
xóm đâu đâu cũng vang lên những âm điệu Bài chòi mượt mà, sâu lắng. Thời gian qua, lãnh
đạo tỉnh Bình Định luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi trong việc bảo tồn và phát huy
loại hình nghệ thuật đặc sắc này, đồng thời làm cho các giá trị văn hoá dân gian cổ truyền của
quê hương luôn được kế thừa và phát huy. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một đơn vị nghệ
thuật chuyên nghiệp là Đoàn Ca kịch Bài chòi và một Đoàn Bài chòi cổ dân gian ngoài công
lập thường xuyên tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân. Nhiều vở diễn đã được Đoàn Ca kịch
Bài chòi đầu tư dàn dựng với đề tài phong phú, nội dung hấp dẫn, gặt hái được nhiều thành
tích cao tại các kỳ Hội thi, Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Những năm gần đây,
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phục hồi Hội Bài chòi cổ dân gian và tập huấn nhân rộng
lực lượng diễn viên, hình thành các Câu lạc bộ Bài chòi ở nhiều địa phương trong tỉnh thường
xuyên tổ chức trình diễn vào các dịp lễ, tết, hội dân gian truyền thống, được đông đảo nhân
dân, du khách trong và ngoài nước ủng hộ, hưởng ứng tham gia. Đến nay trong toàn tỉnh Bình
Định có 01 nghệ sĩ nhân dân, 06 nghệ sĩ ưu tú ở bộ môn nghệ thuật này.
Kính thưa quý vị đại biểu,
Việc tổ chức Hội thảo khoa học Nghệ thuật Bài chòi lần này có ý nghĩa nhằm nghiên
cứu, tổng kết một cách toàn diện cả về lý luận và thực tiễn lịch sử hình thành và phát triển của
nghệ thuật Bài Chòi, con đường từ Bài Chòi dân gian đến Bài Chòi sân khấu chuyên nghiệp,
rút ra các bài học trong công tác bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật Bài Chòi cho hôm nay
và mai sau. Chúng ta tin tưởng rằng Hội thảo lần này sẽ đem lại kết quả như mong muốn, sẽ
làm sáng tỏ nhiều vấn đề về quá trình hình thành và phát triển, cùng các đặc điểm, tính chất
và giá trị độc đáo, nổi bật của nghệ thuật Bài Chòi, qua đó tạo tiền đề hướng tới lập hồ sơ
khoa học di sản Bài Chòi trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân
loại trong thời gian đến.
Cuối cùng, tôi chân thành cảm ơn Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa
dân tộc đã quan tâm phối hợp tổ chức Hội thảo, xin thân ái cảm ơn và gửi lời chúc sức khỏe,
đến quý vị đại biểu, đại diện các đơn vị nghệ thuật Bài chòi, các nhà khoa học, nhà nghiên
cứu, các văn nghệ sĩ có mặt trong buổi Hội thảo hôm nay. Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn./.
7
BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ
NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI TRONG ĐỜI SỐNG HÔM NAY
NSND Lê Tiến Thọ
Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam
Năm 1964 (13 tuổi), lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với nghệ thuật Bài chòi ở khu Văn
công Mai Dịch (Hà Nội) khi được xem vở diễn “Đội kịch chim chèo bẻo”. Tiếp đó là vở
“Thoại Khanh - Châu Tuấn”, và trong quá trình hoạt động nghề nghiệp gắn bó với nghệ thuật,
tôi được xem vở “Tiếng sấm Tây Nguyên” và biết tới Nghệ thuật Bài Chòi nhiều hơn qua một
số vở diễn trong các đợt Liên hoan Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Vì vậy cảm
nhận được những cái hay cái đẹp của nghệ thuật sân khấu Bài Chòi.
Bài chòi sinh ra ở vùng Nam Trung bộ là sản phẩm văn hoá quý giá, độc đáo của đất
nước. Nó giữ một vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân Nam
Trung bộ. Tôi cũng như nhiều khán giả miền Bắc được biết tới nghệ thuật Bài Chòi và Bài
Chòi phát triển trên đất Bắc suốt quãng thời gian mấy chục năm là nhờ công lớn của những
nghệ sĩ ở miền Trung ra Bắc đã gìn giữ được loại hình nghệ thuật rất riêng này. Các nghệ sĩ,
nhạc sĩ, tác giả đã mở ra công lớn, mở rộng đề tài cho loại hình sân khấu ca kịch này. Tôi nghĩ
phải chăng vì sinh ra ở vùng đất đã có sự phát triển của sân khấu Tuồng mà Bài Chòi đã tiếp
thu từ tinh hoa ấy mà phát triển được và khẳng định được những nét độc đáo riêng, đặc trưng
riêng trong chiếc nôi của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Nó vừa có nét
độc đáo nghệ thuật của một miền văn hoá vùng duyên hải miền Nam Trung bộ, vừa có nét
chung của sân khấu dân tộc góp mặt vào sự phong phú và đa dạng của nền nghệ thuật sân
khấu nước nhà. Ngoài tiếp thu có chọn lọc những cấu trúc của sân khấu nói chung, nghệ thuật
Tuồng nói riêng, Dân ca Bài Chòi còn tiếp tục làm giàu hệ thống làn điệu của mình bằng các
8
làn điệu dân ca trong khu vực và sáng tạo của các nhạc sĩ cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ biểu
diễn.
Cái gốc của sân khấu Bài Chòi có hô Bài Chòi, ca Bài Chòi, tấu Bài Chòi và cuối cùng
là ca kịch Bài Chòi. Sân khấu Bài chòi có thể diễn các đề tài dân gian - lịch sử - thần thoại -
chuyện thời đại - chuyện trong nước và ngoài nước, nhưng phải nói bằng tiếng nói của chính
mình, nội dung phải phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và đạo đức con người Việt Nam, phải
tiếp nối những câu chuyện dân gian quen thuộc mà người dân lao động đã được thưởng thức
từ khi ngồi trên chín cái chòi cách đây hàng trăm năm mà phát triển lên thành sân khấu
chuyên nghiệp. Trong sân khấu Bài Chòi, tùy theo vở diễn đề tài cận đại hoặc hiện đại mà tác
giả chỉ sử dụng 5 làn điệu: Xuân nữ, Xàng xê, Cổ bản, Hồ quảng và Nói lối.
Có thể nói, nghệ thuật Bài Chòi đã có một thời vàng son đóng góp vào công cuộc xây
dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam. Việc
được giới sân khấu chuyên nghiệp đánh giá “Thoại Khanh – Châu Tuấn” là vở diễn xuất sắc
tại hội diễn năm 1957 đã chứng tỏ sự phát triển vượt bậc, làm mốc cho sự hình thành kịch
chủng dân ca Bài Chòi, đưa Bài Chòi lên thành sân khấu chính quy hiện đại. Tiếp đó là vở
“Tiếng sấm Tây Nguyên” tham gia hội diễn năm 1962 đã gây tiếng vang lớn trong giới sân
khấu và được đánh giá cao với gần 20 huy chương vàng, bạc dành cho kịch bản, âm nhạc, mỹ
thuật và diễn viên… đã đánh dấu bước phát triển quan trọng trong việc thể hiện đề tài mới của
nghệ thuật Bài chòi. Phát huy những thành quả đạt được, các tác giả sân khấu Bài Chòi đã mở
ra nhiều đề tài khác nhau với một loạt các vở diễn như: “Trước giờ tạm biệt”, “Chống cưỡng
ép di cư”, “Anh Tâm trở về”, “Đường sống”, “Đội kịch chim chèo bẻo”, “Tầm vóc Đại
Hồng”, “Một mạng người”, “Bà đô đốc áo đỏ”, “Lưu Bình - Dương Lễ”, “Kiều - Từ Hải”,
“Vượt Chư Lây”, “Người con thứ”, “Muối Bok Hồ”, “Ba cha con” … góp phần không nhỏ
trong việc phục vụ sự nghiệp xây dựng XHCN trên miền Bắc. Sau ngày thống nhất đất nước,
các nghệ sĩ Bài Chòi trở về Nam phục vụ, miền Bắc không còn đoàn nghệ thuật Bài Chòi nữa.
Nhờ trưởng thành trên miền Bắc mà khi trở về Nam, nghệ thuật sân khấu Bài Chòi vẫn tiếp
tục phát triển, vẫn biểu diễn và tham gia đầy đủ các đợt hội diễn lớn. Năm 2010, Hội diễn Sân
khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại TP Đà Nẵng đã thu hút được
3 đoàn Ca kịch Bài Chòi tham gia. Với sự tìm tòi và sáng tạo mới, vở diễn “Thời con gái đã
xa” của Đoàn Ca kịch Bài Chòi Bình Định đã đạt huy chương bạc. Năm 2011, tại TP Quy
Nhơn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Liên
hoan sân khấu Dân ca kịch Bài Chòi chuyên nghiệp toàn quốc. Các đoàn ca kịch Bài Chòi
Quảng Nam, Bình Định và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa đã mang đến những
9
vở diễn đề tài truyền thống, lịch sử, huyền sử, dân gian hoặc hiện đại… tạo nên sắc màu dân
tộc đậm đà của mỗi địa phương, nhưng vẫn nổi bật được giá trị riêng của nghệ thuật Bài Chòi.
Đặc biệt, đầu xuân 2011, UBND tỉnh Bình Định và Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch
Bình Định đã phục dựng, phát triển Bài Chòi và đưa Hội đánh Bài Chòi cổ dân gian của Bình
Định giới thiệu với công chúng Thủ đô tại không gian sân khấu Nhà hát Kim Mã (Hà Nội) đã
tạo một không khí rất sôi nổi những ngày đầu xuân và giúp người dân nơi đây được hiểu
nhiều hơn về đánh Bài Chòi cổ và nghệ thuật Bài chòi.
Thông qua việc giới thiệu và quảng bá về Bài Chòi với hình thức diễn xướng dân gian
và biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, có thể thấy, Bình Định là địa phương còn gìn giữ và
phát triển được hội đánh Bài Chòi cổ tại các lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh. Bắt nguồn từ trò chơi
dân gian do Đào Duy Từ truyền dạy từ thế kỷ XVII, từ đó, Bài Chòi phát triển thành hình
thức đánh Bài Chòi - Lễ hội Bài Chòi. Hình thức này ra đời đã hơn 100 năm duy trì mãi tới
hôm nay, trải qua nhiều giai đoạn từ đất lên giàn, từ độc diễn đến tập thể biểu diễn. Dần dần,
Bài Chòi đã phát triển đi lên thành một nghệ thuật quần chúng.
Từ những năm Bài Chòi mới ra đời cho đến nay, Bình Định hiện cũng là địa phương có
thế mạnh về phát triển sân khấu Bài Chòi. Nhiều năm qua, Đoàn Dân ca kịch Bài Chòi Bình
Định đã gìn giữ, kế thừa và phát huy nghệ thuật dân ca Bài Chòi - một di sản tinh thần của
cha ông, đã quyện chặt vào tâm thức dân gian của người Bình Định. Và trải qua những năm
tháng thăng trầm của lịch sử, nhưng được nhân dân nuôi dưỡng coi như món ăn tinh thần
không thể thiếu nên Bài Chòi vẫn âm thầm tồn tại trong nhân dân, trong làng xã.
Hiện nay, Bài Chòi cũng như các loại hình sân khấu dân tộc khác đang đứng trước thử
thách gay go về việc giữ gìn và phát triển trong cuộc sống hôm nay. Nếu trước cách mạng
(1945) cả vùng Nam Trung bộ đều có phong trào hát Bài Chòi thì nay chỉ còn 03 đoàn Bài
chòi chuyên nghiệp (Bình Định, Quảng Nam, Khánh Hòa). Tuy số lượng các đoàn ít ỏi nhưng
vừa qua, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch vẫn quyết tâm tổ chức Cuộc thi Nghệ thuật Sân
khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013 nhằm duy trì và khôi phục
loại hình nghệ thuật truyền thống này. Đây là dịp để các đoàn Dân ca kịch Bài Chòi chuyên
nghiệp giới thiệu quảng bá tác phẩm, kết quả bảo tồn phát huy các giá trị nghệ thuật Bài Chòi
trong những năm qua. Đây cũng là dịp để tôn vinh những nghệ sỹ, diễn viên có tâm huyết với
nghệ thuật Bài Chòi truyền thống… Tham dự cuộc thi năm nay có 3 đơn vị Dân ca kịch Bài
Chòi chuyên nghiệp trong toàn quốc là Đoàn Ca kịch Quảng Nam, Đoàn Ca kịch Bài Chòi
Bình Định và Nhà hát nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa. Tại cuộc thi này, Đoàn Ca kịch
Bài Chòi Bình Định đã gặt hái được thành công lớn với huy chương vàng cho vở diễn “Khúc
ca bi tráng” (Tác giả kịch bản: Văn Trọng Hùng, Chuyển thể: Đoàn Thanh Tâm, Đạo diễn:
10
NSND Hoài Huệ), một lần nữa đã khẳng định sức sống của nghệ thuật Bài Chòi cũng như sự
trưởng thành lớn mạnh và sự tìm tòi, sáng tạo trong việc bảo tồn và thúc đẩy nghệ thuật Bài
Chòi ở Bình Định phát triển trong giai đoạn mới. Điều này cũng là niềm vinh dự, tự hào cho
tỉnh Bình Định khẳng định thế mạnh của nghệ thuật Bài Chòi, đồng thời cũng là động lực cho
những người tâm huyết với nghệ thuật Bài Chòi làm hết sức mình trong sự nghiệp bảo tồn,
phát huy và phát triển nghệ thuật Bài Chòi theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 khóa
VIII là “xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.
- Để bảo tồn và phát triển nghệ thuật Bài Chòi trong cuộc sống hôm nay mà vẫn giữ
được những giá trị nguyên gốc, theo tôi cần có những giải pháp sau:
Sức sống của ca kịch Bài Chòi đã được gieo mầm và trưởng thành từ trong kháng
chiến, đến nay cần phải có sự bảo tồn, phát huy và phát triển phù hợp đáp ứng đúng với yêu
cầu của thời đại, đúng với môn nghệ thuật này đúng tầm với những loại hình khấu dân tộc của
nước ta, đáp ứng được yêu cầu thưởng thức cũng như giá trị chân, thiện, mỹ của loại hình
nghệ thuật độc đáo trong đời sống hiện đại hôm nay.
Nghệ thuật sân khấu nói chung và nghệ thuật Bài Chòi nói riêng có vai trò to lớn trong
đời sống xã hội, đặc biệt là trong việc nâng cao nhận thức; phát triển và hoàn thiện nhân cách
con người. Các nghệ nhân, nghệ sĩ đã xây dựng nền nghệ thuật truyền thống độc đáo từ chính
cuộc sống lao động sản xuất và sản sinh những di sản nghệ thuật quý giá trong kho tàng sân
khấu cổ truyền với Tuồng, Chèo, Cải lương… và những làn điệu, lời ca mượt mà, thấm đẫm
giá trị đạo đức, nhân văn của con người Việt Nam qua từng thế hệ. Với người dân Việt Nam,
nền nghệ thuật sân khấu truyền thống là kho báu về di sản văn hóa phi vật thể, là tinh hoa
sáng tạo nghệ thuật của bao thế hệ tiền nhân, là niềm tự hào của mỗi người con đất Việt. Việt
Nam đã có nhiều loại hình âm nhạc truyền thống được UNESCO công nhận và xếp hạng là di
sản văn hóa phi vật thể của thế giới.
Việc lập hồ sơ trình UNESCO xét duyệt và công nhận Bài Chòi là Di sản văn hóa phi
vật thể của nhân loại nhằm tôn vinh đúng giá trị đích thực về khoa học, lịch sử, văn hóa của di
sản và có kế hoạch bảo tồn, phát huy nghệ thuật Bài Chòi có tính khả thi nếu chúng ta biết
làm cho đúng, cho có sức thuyết phục trong quá trình hội nhập quốc tế là vô cùng cần
thiết. Bài Chòi là nghệ thuật dân gian mang hình thái riêng biệt nên từ kịch bản đến đạo diễn,
diễn xuất, âm nhạc và trang trí đều phải xuất phát từ quan điểm dân gian mà sáng tạo. Hiện
nay, xu hướng hiện đại hóa Bài Chòi (dân ca hóa Bài Chòi và đưa nhạc sáng tác quá nhiều
vào sân khấu Bài Chòi) đã dẫn tới hệ lụy mất bản sắc Bài Chòi dân gian truyền thống, cái mà
chúng ta cần bảo tồn, cần phát huy và cũng là mục tiêu chúng ta đang phấn đấu để UNESCO
công nhận Bài Chòi là di sản phi vật thể của nhân loại. Do đó, nếu xây dựng hồ sơ trình
11
UNESCO xét duyệt thì phải giữ tư liệu gốc của Bài Chòi trên cả 2 phương diện là Lễ hội Bài
Chòi và nghệ thuật biểu diễn Bài Chòi chuyên nghiệp.
Mục đích của việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật Bài Chòi chính là mang đến cho
công chúng những giá trị thẩm mĩ, vì vậy, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để
giữ gìn vốn cổ, trong đó chú trọng:
+ Tổ chức đưa nghệ thuật sân khấu Bài Chòi vào chương trình sân khấu học đường.
+ Thường xuyên tổ chức Liên hoan Sân khấu Bài Chòi (những vở sáng tác mới; Liên hoan
những vở diễn có tính truyền thống của nghệ thuật Bài Chòi).
+ Tổ chức nhiều Hội thảo khoa học để tổng kết đánh giá, rút ra những kinh nghiệm
trong sự hình thành và phát triển của nghệ thuật Bài Chòi từ một loại hình diễn ca (khô Bài) trở
thành loại hình nghệ thuật Sân khấu tổng hợp.
+Tổ chứctập huấnnângcao trìnhđộbiểu diễn chocác nghệsĩtrẻhàng năm.
Thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị “tiếp tục xây dựng và phát triển Văn học
nghệ thuật trong thời kỳ mới”, các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ Sân khấu đã không ngừng sáng
tạo nhiều tác phẩm có chất lượng cao, góp phần đưa Nghệ thuật Sân khấu nói chung và nghệ
thuật sân khấu Bài Chòi nói riêng phát triển trong xu thế hội nhập và đáp ứng yêu cầu của thời
đại.
Ta có thể tin vào một chặng đường mới, cuộc hành trình - tiếp tục vươn lên, đứng vững
để bảo tồn một nghệ thuật đặc sắc của văn hóa dân tộc: nghệ thuật Bài Chòi, như đã từng tin
vào sức sống của sân khấu Bài Chòi hôm qua, hôm nay và mai sau./.
BÀI CHÒI-NGHỆ THUẬT HỒN NHIÊN
Nhà thơ Thanh Thảo
Nghệ thuật dân gian nào mà chả hồn nhiên, vì nó đều được thể hiện và đồng sáng tạo
bởi những nghệ nhân dân gian, những người nông dân hồn nhiên từ bản chất, ngày xưa chỉ
quen ở bên trong lũy tre làng. Nhưng có lẽ trong nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, thì bài
chòi và hô bài chòi là nghệ thuật hồn nhiên bậc nhất. Vì sao như vậy ?
Bài chòi và hô bài chòi là một trò chơi, một trò chơi văn nghệ nhằm giúp gây hưng
phấn, vui thú, giải tỏa cho cả người trực tiếp chơi lẫn người xem. Một trò chơi, thì trước hết
nó phải mang những đặc tính của trò chơi, nghĩa là phải thật sự hồn nhiên, hài hước và vô vị
lợi. Trò chơi bài chòi được tổ chức vào những ngày đầu Xuân nên lại càng phơi phới những
tươi vui. Đó là trò chơi có thưởng, có dùng những quân bài, nhưng không phải là trò đánh
bạc. Không có chuyện sát phạt, ăn thua nhau về tiền hay vật dụng thưởng qui ra tiền, mà ở
đây, chơi là chính, vui là chính, thưởng thức nghệ thuật là chính, thông qua những điệu hô
chòi trầm bổng, nhịp nhàng, du dương mà người lĩnh xướng có tên là anh hiệu thể hiện. Anh
12
hiệu-nghệ sĩ ẩn danh-chính là nhân vật trung tâm của bài chòi. Đó là một nghệ sĩ dân gian
diễn xướng những bài bản có sẵn lẫn những sáng tạo tức thời mang tính ngẫu hứng,những bài
thơ ứng tác đậm dấu ấn cá nhân. Có thể nói, anh hiệu chính là một nhà thơ dân gian, một
người ngày xưa ít nhiều có học trong làng, dù dở dang. Và nhất là có năng khiếu đặt vè, hát
thơ, sáng tác và nhất là ứng tác rất linh hoạt những bài vè hay thơ lục bát, lục bát biến thể một
cách trực tiếp, hài hước, tươi vui, nhuần nhị. Có thể ngày xưa mỗi tổng hay mỗi làng đều có
những anh hiệu như thế, họ vừa là nghệ sĩ bình dân vừa là tinh hoa văn nghệ của làng. Tôi
nghĩ, có thể họ cũng được miễn những công việc tạp dịch trong làng, nhất là những khi làng
có việc. Vì việc lớn nhất của họ mỗi độ Xuân về là làm anh hiệu, là hô bài chòi, phục vụ dân
làng và bá tánh. Thế cũng là đủ. Sự hồn nhiên của nghệ thuật bài chòi bắt đầu từ anh hiệu, còn
sự hồn nhiên dí dỏm thông minh của anh hiệu lại bắt đầu từ nhân dân. Thế còn nghệ thuật bài
chòi ở miền Trung Việt Nam, nó khởi lên từ hồi nào?
Nhà âm nhạc học người Pháp tên là G.L.Bouvier đã đến Việt Nam những năm đầu thế
kỷ XX để nghiên cứu về các thể loại âm nhạc ở nước ta, ông Bouvier cho rằng: "Bài Chòi
được hình thành và phát triển sau những năm 1470 Nam tiến, người Việt ra sức khẩn hoang từ
vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cho tới Bình Thuận, đặc biệt đã thành công trong
việc xây dựng kinh tế, văn hóa và đời sống vùng châu thổ ở Bình Định và Phú Yên rất phì
nhiêu. Trong số đó, có nhiều người từ nhiều địa phương có truyền thống văn hóa lâu đời,
phong phú và đa dạng, có điều kiện kết hợp nhanh chóng với nền văn hóa dân gian của địa
phương, một số làn điệu dân ca, Hò, Lý, Hò chèo thuyền, Hò giã gạo, Hò đi cấy... còn giữ
được bản sắc ban đầu, đồng thời phát triển, sáng tạo ra các làn điệu mới." (Theo lời dẫn của
nhạc sĩ La Nhiên trong "Quê hương điệu hát Bài Chòi, Sài Gòn" 1974. Dẫn lại theo nhà
nghiên cứu Trần Hồng).
Như thế, nghệ thuật bài chòi có lẽ thịnh nhất ngay từ thời Trấn quốc công Bùi Tá Hán
(nửa đầu thế kỷ 16) lãnh đạo người Việt cùng người bản địa khai phá và canh tân miền Trung.
Nó có thể theo chân những binh lính và lưu dân người Việt vào lập nghiệp ở miền này, nhưng
đối tượng phục vụ của nó gồm cả người dân Việt và người dân Chàm. Đây có thể coi là một
hình thức nghệ thuật diễn xướng đậm chất Việt, nhưng được thử thách và tồn tại ở ngay mảnh
đất mà ban đầu, nghệ thuật của người Chàm giữ vị trí quan trọng. Lý do để nghệ thuật bài
chòi có được chỗ đứng vững vàng trong sinh hoạt cộng đồng Việt-Chàm nằm ở ngay tính hồn
nhiên và dân chủ của nó. Sức lan tỏa và thuyết phục của nó ở chỗ nó không phân biệt, nó bình
đẳng với mọi người chơi và mọi người nghe. Tuồng hát bội ban đầu chỉ biểu diễn ở cung
đình hay ở các nhà quan lớn, dành cho những đối tượng người xem chọn lọc. Về sau mới
hướng về phục vụ cả dân chúng. Còn bài chòi, ngay từ đầu đối tượng phục vụ của nó đã là
lính, là dân, là bất cứ ai ham thích trò chơi này, không phân biệt. Với cư dân nông nghiệp Việt
Nam, mùa xuân là mùa lễ hội, mùa của sự thăng hoa và tinh thần dân chủ. Đó cũng là mùa
của bài chòi. Ta thử nghe một đoạn bài chòi xem nhé:
“ Chỗ này là chỗ vui chơi
Có trống nẫu nhịp, có cây kèn nẫu thổi ò í e...
Có rượu rồi lại có chè
Cô cứ gác chân tréo ngoảy ngồi nghe hô bài(...)
Tôi bưng khay rượu nạm vàng
Chúc mừng năm mới an khang xóm làng...”
13
Cô gái “gác chân tréo ngoảy”, cái động tác ấy mới hồn nhiên và dân chủ làm sao! Và
cũng dễ thương biết chừng nào! Ngay tên những con bài cũng đã nói lên tính bình dân và dân
chủ rất rõ. Như câu hô thai (hô đố) Nhứt Nọc này:
“Tay cầm sào chống lái
Mắt liếc bãi lều tranh
Ở đây đưa rước bộ hành
Thuyền nan một chiếc tử sanh trọn bề
Trải qua bãi bạc gành nghê
Tứ mùa chèo chống đôi bề sóng xao
Thú vui ngang dọc một sào
Ngồi trong tịnh viện kẻ gào người kêu
Tiếng ai văng vẳng kêu đò
Mau mau nhổ nọc chèo qua rước người.”
Người nghe tinh ý biết ngay câu thai (đố) ấy ứng với con bài Nhứt Nọc. Đúng là đố vui
có thưởng! Nhưng trên đường giải đố, người nghe đã được hưởng trọn vẹn một đoạn hô chòi
rất hay, nó là tâm sự của một anh chèo đò, mà cũng là những câu thơ sinh động vẽ nên cảnh
sông nước ngày xưa.
Nghệ thuật bài chòi trên đường hoàn thiện mình đã thu hút vào nó những làn điệu dân
ca, những điệu lý có nguồn gốc từ âm nhạc Chàm. Nhưng tiêu chí để thu hút của nó vẫn là sự
hồn nhiên. Trong bài chòi, cho đến nay còn giữ một số làn điệu dân ca có bản sắc ban đầu,
như các điệu lý, điệu hò: lý con sáo, lý ngựa ô, lý quét nhà... hò chèo thuyền, hò cấy lúa, hò
giã gạo…Toàn là những điệu lý điệu hò mộc mạc đúng như tên gọi của chúng.
Cùng với sự hồn nhiên, điểm thu hút đặc biệt của bài chòi là tính hài hước. Cái này là
“độc quyền” của các anh hiệu. Những anh hiệu nào càng có những câu hô thai hài hước, thậm
chí có những câu thơ ứng tác chọc cười có duyên nhất là những anh hiệu “ăn khách” nhất,
được bà con hưởng ứng nhiều nhất, ủng hộ nhiều nhất. Và những câu hô thai ấy, dù không
được ghi ra giấy, vẫn lưu lại lâu bền trong trí nhớ của những người dân chơi hay nghe bài
chòi. Ở đây có thể coi bài chòi là một dòng văn học dân gian truyền miệng, một kiểu “trình
diễn thơ” độc đáo mà bây giờ khó có nhà thơ “mô-đéc” nào theo kịp trong khả năng thu hút
công chúng.
Hồn nhiên và hài hước, đó không chỉ là bí quyết trường thọ của bài chòi, mà còn là bí
quyết trường thọ của văn học, của thơ ca. Sự tương tác với công chúng ở bài chòi đã đạt tới
đỉnh cao, và nó tạo ra một từ trường đồng sáng tạo mà văn học nghệ thuật hiện đại luôn ao
ước.
Mãi mãi, bài chòi thuộc về nhân dân.
14
HỘI ĐÁNH BÀI CHÒI
VÀ SÂN KHẤU BÀI CHÒI DÂN GIAN BÌNH ĐỊNH
Nguyễn An Pha
Tương truyền Hội đánh Bài Chòi dân gian Bình Định do Đào Duy Từ sáng tạo từ khi
ông rời nhà Lê vào Nam theo chúa Nguyễn. Khi vào Nam ông chọn Bình Định là nơi dừng
chân buổi đầu, trước khi Quận công Trần Đức Hòa tiến cử ông về kinh giúp Chúa Sãi nhưng
chưa có tài liệu chính thức nào để lại. Chỉ biết rằng xưa kia Bình Định còn chịu ảnh hưởng
của vùng biên viễn Việt – Chiêm, những vùng trung du nhân dân còn thưa thớt, nạn thú rừng
phá hoại mùa màn xảy ra thường xuyên, nhân dân dựng những cái chòi tranh, tre; trên chòi có
sàn ngồi, trên sàn ngồi có mái lợp che nắng, che mưa cho người canh giữ, mỗi chòi có trang
bị mõ, thanh la, trống hoặc các thứ để gây tiếng động. Mỗi khi có thú rừng kéo đến phá hoại
mùa màn, hoặc uy hiếp người canh giữ, thì lập tức các chòi đồng loạt hô vang và gõ các công
cụ hỗ trợ xua đuổi. Những lúc nhàn rỗi không có thú rừng quậy phá, những người canh chòi
hô hát cho nhau nghe những điệu dân ca như: hò, vè, hát ru, hát kết, hát lí… từ đó nhân dân
sáng kiến ứng dụng vào trò chơi đánh Bài trên Chòi, dần dần có tên gọi là Hội đánh Bài chòi;
các thế hệ sau này gọi là “Hội đánh Bài chòi dân gian”.
Mô hình hội đánh Bài Chòi:
Cách bố trí hội Bài Chòi gồm có chín chòi theo hình chữ nhật. Hai dãy song song, đối
diện nhau theo chiều dài, khoảng cách giữa 2 dãy chòi từ 8 đến 10m, mỗi dãy có 4 chòi (được
tính từ chòi số 1 đến chòi số 8, gọi là các chòi con), chòi này cách chòi kia khoảng từ 3 đến
5m, chiều cao từ đất lên sàn ngồi khoảng 1,2m, từ sàn ngồi lên mái lợp khoảng 1,3m, chiều
rộng mỗi chòi khoảng từ 1,2 đến 1,4 m. Một đầu giữa hai dãy chòi là chòi số 9, thường gọi là
chòi Trung ương (hoặc chòi cái). Chòi trung ương lớn và cao hơn các chòi con. Trên các chòi
được trang trí đẹp, các chòi con trang bị mỗi chòi một chiếc mõ làm bằng gốc tre già; chòi
trung ương trang trí đẹp hơn so với các chòi con và được trang bị một cái trống cán (gọi là
trống lịnh).
Đối diện chòi trung ương, giữa 2 dãy chòi con, nằm ở đầu bên kia là bàn Hội đồng,
khoảng cách giữa bàn Hội đồng và chòi trung ương khoảng từ 15 đến 20m. Bàn Hội Đồng là
một vị trí trang trọng, trên bàn trải khăn điều, có ghế ngồi dành cho các chức sắc trong làng
xã, các thành viên ban tổ chức và người điều hành hội. Trên bàn Hội Đồng bày biện các vật
dụng như: Ống thẻ, những con bài cái, bài con, cờ thưởng cắm trên một khúc chuối cây, tiền
thưởng được đặt trong hộp thau (hoặc một cái đĩa tàu); trà, rượu cho các chức sắc dùng và
cũng được sử dụng trong khi phát thưởng; một cái khay đựng rượu, tiền thưởng và các đồ
dùng để phát thưởng cho các chòi thắng cuộc. Bên phải bàn hội đồng có đặt một cái trống
chầu để ngừơi điều hành hội làm thủ tục khai hội và sử dụng đệm cho các hiệu hô bài trong
cuộc chơi. Người thủ trống chầu phải là người có chức sắc, am hiểu sâu các thủ tục, nghi thức
của Hội Bài Chòi. Bên trái bàn Hội Đồng là dàn nhạc cổ, thường là từ 3 đến 5 nghệ nhân chơi
nhạc, được bố trí các nhạc cụ như: Trống chiến, mõ, thanh la, đàn nhị, đàn hồ, kèn bầu, đàn
15
nguyệt… Về trang phục: Người điều hành Hội và nghệ nhân chơi nhạc mặc áo dài khăn đóng,
các Hiệu mặc quần áo kiểu vạc hò, có khăn chít trên đầu.
Giữa sân trước bàn Hội Đồng và các chòi dựng một ống thẻ để anh Hiệu sử dụng trong
cuộc chơi, ống thẻ là một đạo cụ di động để khi kết thức một ván hoặc một hội, đây là nơi hô
Bài Chòi và diễn trò của các Hiệu phục vụ các chức sắc trong làng, người chơi bài và người
dự hội.
Phía trước sân hội được xây dựng một cổng chào (gọi là cổng hội) trang trí đẹp, rực rỡ;
trên cao có dòng chữ to căng ngang 02 trụ cổng: “Hội đánh bài chòi dân gian xuân…” tùy
theo năm đó là năm gì, địa điểm nào thì có các chữ tiếp theo.
Bộ Bài Chòi trong Hội đánh Bài Chòi:
Bộ bài chơi hội đánh Bài Chòi, các nghệ nhân sáng tạo phỏng theo từ bộ bài Tam Cúc
(Bình Định và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ xưa kia có trò chơi Tam Cúc); bộ bài Tam Cúc
gồm 3 pho: Pho văn, Pho vạn, Pho sách, mỗi pho gồm có 10 con bài (còn gọi là quân bài). Hội
đánh bài chòi Bình Định sử dụng 27 con bài thành một bộ và chơi chín chòi, vì vậy khi Hiệu rao
giới thiệu những con bài có câu “Chín chòi lẳng lặng mà nghe” (cũng trong 27 con bài nhưng
mỗi hội, mỗi nơi có khác nhau một số con bài, vì đây là phỏng theo bộ bài Tam Cúc chứ không
phải bê nguyên xi, và đây là trò chơi dân gian không mang tính bắt buộc, ví dụ có nơi dùng con
bài nhì bí thì không dùng con nhì nghèo; nơi nào dùng con sáu ghe thì không dùng con sáu
xưởng…). Một bộ bài có 2 loại thẻ: 9 thẻ bài cái (lớn) mỗi thẻ chứa đựng 3 con bài con (nhỏ) để
bán cho các chòi; còn 27 con bài con là những con bài nhỏ lẻ, đựng trong ống thẻ dựng ở giữa sân
hội, là công cụ để anh Hiệu điều khiển cuộc chơi. Vật dụng để làm những con bài (gồm bài cái và
bài con) được làm bằng tre, hình những con bài làm bằng giấy vẽ màu mè, có hình tượng phù hợp
với tên con bài và dán lên thẻ bài; phía dưới hình tượng các con bài, khi xưa thường viết bằng chữ
Hán hoặc chữ Nôm, sau này các nghệ nhân có cải tiến, một mặt viết chữ Hán hoặc chữ Nôm, mặt
còn lại viết chữ Quốc ngữ để lớp trẻ dễ nhận biết đó là con bài gì trong quá trình chơi bài. Một
Hội chơi đánh Bài Chòi ban tổ chức thường chuẩn bị từ 2 đến 4 bộ bài có màu sắc khác nhau
(xanh, đỏ, vàng,…) để tránh sự nhầm lẫn giữa Hội trước và Hội sau.
Cách chơi hội đánh Bài Chòi:
Hội đánh Bài Chòi dân gian Bình Định chỉ diễn ra trong dịp Tết Cổ truyền (tết Nguyên
đán) của dân tộc, được tổ chức từ mùng 1 tết, đến khoảng mùng 5 tết, thường gọi là “Hội Bài
Chòi xuân”, có nơi tổ chức kéo dài đến rằm tháng giêng, xưa có câu “tháng giêng là tháng ăn
chơi” (Hội đánh bài chòi dân gian xưa ở Bình Định không diễn ra ở các lễ hội như một số bài
viết đã nêu). Địa điểm tổ chức Hội Bài Chòi thường là sân đình làng hoặc một khoảng đất
trống bằng phẳng, rộng rãi và thuận lợi cho người dự hội.
Những ngày từ 25 đến 29 tháng chạp, ban tổ chức Hội huy động người trong làng góp
tranh, góp tre, người cho mượn vật dụng như: bàn, ghế, khay trà, bình rượu,… người góp
công, ai không góp của góp công thì góp tiền; đến 30 tháng chạp là mọi việc chuẩn bị cho Hội
Bài Chòi xuân được hoàn tất.
Sáng ngày mùng một tết, các vị chức sắc trong làng, các thành viên ban tổ chức có mặt
sớm, người điều hành Hội dục trống chầu dóng ba, dàn nhạc cổ tấu bài chiến rao khai trường;
Nhạc khai trường là hình thức thúc dục mời gọi người dự hội; nghe trống, nhạc khai trường mọi
16
người lần lượt kéo đến, các anh Hiệu, chị Hiệu mời chào bán các con bài cái cho những người dự
hội; Khi bán đủ 9 con bài cái, người mua đã lên chòi, anh Hiệu Hô (mỗi hội ít nhất là 3 Hiệu Hô
và 2 Hiệu Chạy; Hiệu Hô là rút thẻ hô bài, Hiệu Chạy là đưa thẻ, phát thẻ, thu thẻ, có những hội
Hiệu Hô kim luôn Hiệu Chạy) đến trước bàn Hội Đồng trịnh trọng thưa: “Hiệu phát bài đã đủ,
cho Hiệu thủ bài tỳ” (thủ ống thẻ), lúc đó người điều hành hội sử dụng trống chầu làm thủ tục
khai hội theo thể thức “đả cổ pháp” của một đêm diễn hát bội xưa: xuân tam, hè cửu, thu thất,
đông ngũ (mùa xuân đánh 3 tiếng, mùa hè đánh 9 tiếng, mùa thu đánh 7 tiếng, mùa đông đánh 5
tiếng), dàn nhạc tấu lên, trống chầu thúc dục, trống lịnh ở chòi trung ương đánh 3 hồi, 9 tiếng,
người trên chòi và người xem hội chăm chăm vào anh Hiệu, bắt đầu cuộc chơi.
Sau khi xong thủ tục khai hội, anh Hiệu Chính hai tay bê ống thẻ đã đựng 27 con bài
con, đi vòng một lược trong sân hội giới thiệu từng con bài theo điệu nói vè (một hình thức
kiểm tra 27 con bài trước khi bắt đầu cuộc chơi), hai Hiệu Phụ đi theo 2 bên gõ sanh sứa đệm
cho Hiệu Chính hô:
Thò tay rút thẻ, trúng gã Ông Ầm
Hay đi sụp hầm, là anh Tứ Cẳng
Một dề trăng trắng, là chị Bạch Huê
Ăn cận nằm kề, là anh Chín Gối
Ba chìm bảy nổi, là chị Sáu Ghe
Lập bạn lập bè, là anh Năm Dụm
Hay đùm hay túm, là Tứ Xách đã quen
Quần áo lèng teng, Nhì Nghèo cực khổ
Hay bươi hay mổ, là chị Ba Gà
Có ngạnh có ngà, là anh Tứ Tượng
Phủ màn treo trướng, là chị Tám Dừng
Ướt áo ướt quần, là anh Ngũ Trợt
Rung cây không rớt, Tứ Móc thiệt hay
Con mắt nhắm ngay, Tam Quăng thiệt giỏi
Khen ai khéo gói, Bánh Hai ngọt ngon
Mặt đỏ như son, Cửu Điều sặc sỡ
Một chồng hai vợ, Ba Bụng úp vô
Mập mái hại cồ, Chín Cu bay tới
Hai tay chới với, Nhứt Nọc chết rồi
17
Lấy trã úp nồi, Thất Vung tròn lắm
Hay ôm hay ẵm, là chị Bát Bồng
Xứng vợ xứng chồng, là anh Lục Chạng
Ai làm bát rạn, Tám Miểng bể ra
Ai hút ve trà, Nhứt Trò rắn ráo
Hạt tấm hạt gạo, là chị Bảy Thưa
Dãi nắng dầm mưa, là cô Bảy Liễu
Muốn tròn chữ hiếu, đi tu Cửu Chùa.
Sau đó anh Hiệu hô một lớp bài chòi chúc tết. Tùy theo năm đó là năm con gì và Hội
Bài Chòi được tổ chức ở làng nào, làng đó có đặc điểm gì thì Hiệu sáng tạo những câu bài
chòi cho phù hợp.
Sau khi giới thiệu 27 con bài và chúc tết mọi người, các Hiệu lần lược đến ống thẻ rút
từng con bài, rút ra con bài gì thì Hiệu hô tên con bài đó.
Ví dụ: Hiệu rút ra con bài Nhứt Trò, Tứ Tượng, … Hiệu giơ cao thẻ bài cho các chòi
thấy, vừa làm điệu bộ vừa hô:
Hô là con nhứt trò này, hô là con tứ tượng nè… Chòi nào có con bài nhứt trò hay tứ
tượng thì đánh 3 tiếng mõ (nếu là chòi trung ương thì đánh 3 tiếng trống cán) Hiệu lập tức
đem dâng con bài cho chòi trúng…
Các Hiệu lần lượt rút thẻ hô tên con bài, Hiệu nào có năng khiếu thì diễn trò làm
vui, các chòi chăm chú đợi trông anh Hiệu rút ra những con bài của chòi mình, còn người xem
hội thì hào hứng nghe Hiệu hô, xem Hiệu diễn trò. Đến khi có một chòi nào đó tới đủ 3 con
bài thì đánh một hồi mõ, nếu là chòi trung ương thì một hồi trống cán, Hiệu Chạy lập tức đến
chòi có bài tới nhận 1 con bài cái và ba con bài con ra giữa sân hội hô to. Ví dụ:
Chòi số 1 ăn một con Nhứt Trò nè, một con Năm Dụm nè, tới một con Cửu Chùa nè.
Anh Hiệu dứt lời, trống chầu thúc dục, dàn nhạc trổi vang, không khí hội tưng bừng náo nhiệt;
các Hiệu Chạy đi thu tất cả những con bài ở các chòi cho vào ống thẻ chuẩn bị ván thứ hai.
Còn Hiệu Hô đến tại bàn Hội Đồng, bưng cái khay, trong đó đã chuẩn bị sẵn tiền thưởng đựng
trên hộp thau, 1 ly rượu (hoặc một chén nước trà), một cây cờ thưởng nhỏ màu đỏ hình tam
giác cắm trên một khúc cây chuối và Hiệu bắt đầu nói lối theo điệu hát Nam Xuân, 2 Hiệu
phụ đi 2 bàn đệm song loan, sanh sứa (âm nhạc trổi Nam Xuân, trống chầu điểm):
Vâng lệnh làng lãnh lấy khay tiền
Hiệu khẩn cấp dâng cờ đệ nhất a..
(nếu là ván thứ nhất).
Hiệu vừa đi vừa hát theo điệu Nam Xuân:
18
Khẩn cấp dâng cờ đệ nhất.
Nói lối trong nền nhạc: Minh niên năm nay Hiệu tôi xin chúc gia quyến, ông, bà, cô,
bác, anh, chị được dồi dào sức khẻo, đắc lộc, đắc tài…
Hát tiếp: chúc gia đình vạn sự bình an.
Người chơi trên chòi trúng thưởng nhận một ly rượu, (nếu là phụ nữ thì một chén nước
trà; trẻ em chỉ thưởng tiền và cờ), cây cờ thưởng cắm vào ống tre trên chòi, nhận tiền thưởng.
Theo tục lệ người nhận tiền thưởng trích một ít tiền lẻ thưởng lại cho Hiệu gọi là “lì xì” năm
mới, tiền này Hiệu được hưởng riêng.
Xong việc phát thưởng mỗi ván, Hiệu Hô trình diễn một đoạn Bài Chòi cổ, nội dung
liên quan đến chúc tết, chúc xuân hoặc có nội dung vui vẻ để phục vụ cho các vị chức sắc và
những người xem hội. Trình tự cứ diễn ra như vậy cho đến ván cuối cùng của một Hội. Kết
thúc Hội trống chầu đổ một hồi dài, mõ, trống cán các chòi cùng nhịp đổ hồi theo trống chầu,
người xem vỗ tay hô vang, chúc mừng những người trúng thưởng, đón mừng hội chơi tiếp
theo.
Kết thúc một Hội các Hiệu Chạy đi thu toàn bộ các thẻ bài cái, bài con trên các chòi về
bàn Hội Đồng, đồng thời bán 9 con bài cái khác cho Hội chơi tiếp theo; những người chơi hội
trước muốn tiếp tục chơi hội tiếp theo thì mua một thẻ bài cái khác, có thể ngồi lại chòi cũ mình
vừa chơi hoặc chọn một chòi khác tùy ý.
Mỗi Hội đánh 8 ván, tiền thưởng mỗi ván bằng tiền mỗi chòi mua một thẻ bài; trong
mỗi Hội tiền thu chín chòi mà thưởng tám chòi, vậy mỗi Hội Ban tổ chức thu được tiền bán
thẻ của một chòi gọi là xâu, kết thúc cuộc chơi số tiền Ban tổ chức thu được dùng chi phí cho
các anh Hiệu, Ban tổ chức và các khoản chi khác, thiếu thì trích quỹ làng bỏ vào, thừa thì góp
vào quỹ Hội chơi năm sau.
Làn điệu bài chòi và hô bài chòi:
- Làn điệu Bài chòi:
Thời kỳ đầu của Hội đánh Bài chòi, các Hiệu chỉ rút thẻ hô tên con bài (như đã
nói trên), dần dần các Hiệu nghiên cứu ra điệu áp dụng trong việc hô tên con bài để tăng sức
hấp dẫn, làm phong phú cho Hội chơi; đầu tiên các Hiệu vận dụng từ điệu nói vè thành điệu
bài chòi nhịp 1, nhịp 2 theo thể thơ 4 chữ. (Ví dụ: minh họa)
Vè gọi nghé: Huơ huơ nghé nhỏ
Lạc đàn theo chó
Lạc ngõ theo trâu
Nghe mẹ rống đâu
Đâm đầu mà chạy…
Bài chòi nhịp 1, nhịp 2:
19
Song thằn An Thái
Dừa trái Tam Quan
Đường cát Dương An
Đĩa bàn nội phủ
Hàng hoa kể đủ
Đậu hũ xoa xoa
Bánh tráng kẹo cà
Hành ngò cúc cải
Dây dừa dầu rái
Kẹo đỗ kẹo dừa
Mấy chị ngủ trưa
Nẫu mua trợt lớt
Trợt lớt cái mà trợt lớt… hô là con ngũ trợt…
Không dừng lại bài chòi nhịp 1, nhịp 2 theo thể thơ 4 chữ, về sau các Hiệu đã
sáng tạo ra điệu bài chòi Xuân nữ (hiện nay gọi là Xuân nữ cổ) theo thể thơ lục bát dựa theo
những câu ca dao, tục ngữ, hát ru có từ mang tên con bài. Về làn điệu Xuân nữ theo người
xưa kể lại: Các Hiệu đã vận dụng từ điệu hát ru đưa của điệu ru con Bình Định (ru con Bình
Định có 3 điệu: ru xốc, ru đưa, ru muồi).
(Minh họa hát ru đưa và Xuân nữ cổ)
Chuột kêu chút chít trong rương
Anh đi kẻo trợt đụng giường mẹ hay… hô là con ngũ trợt
Hoặc - Cu kêu ba tiếng cu kêu
Cho mau tới tết dựng nêu ăn chè… hô là con chín cu nè.
- Về hô bài chòi:
Trong các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống ta thường dùng các từ: hát
bội, hát chèo, ca cải lương, hô bài chòi… Hô bài chòi là việc anh Hiệu hô tên những con bài
trong Hội đánh bài chòi, dần dần không biết từ khi nào trong dân gian đã lược hóa mà thành
và sử dụng cho Hội đánh bài chòi và bộ môn Sân khấu bài chòi từ ấy đến nay…
Hội đánh Bài chòi dân gian là dịp người dự hội và người chơi bài được hòa mình
vào một hội vui xuân, được nghe các Hiệu Hô, được xem các Hiệu diễn trò, được nghe Hiệu
20
chúc tết, còn là dịp người chơi bài cầu lộc, cầu may đầu năm, là dịp mọi người vứt bỏ đi
những gì chưa tốt đẹp của năm cũ, chúc nhau năm mới An Khang Thịnh Vượng.
Bài chòi trải chiếu trong Hội đánh Bài chòi
Hội đánh Bài chòi dân gian Bình Định từng bước phát triển sâu rộng, người dự hội
càng động, lực lượng anh Hiệu ngày càng nhiều; để đổi mới hình thức cho Hội đánh bài chòi,
đồng thời cũng là sự cạnh tranh giữa hội này với hội khác, các Hiệu luôn tìm tòi sang tạo ra
những hình thức mới để tăng sức hấp dẫn cho người dự Hội. Khoảng từ sau năm 1925, loại
hình “Bài chòi kể chuyện” trong Hội đánh bài chòi xuất hiện và đây là hình thức sơ khai của
sân khấu Bài chòi.
Bài chòi kể chuyện là hình thức hô bài chòi kể một câu chuyện (gọi tắt là Bài
chòi kể) các Hiệu ứng tác và ghi chép lại một câu chuyện bằng thể văn vần lục bát do 1 hoặc
2, 3 Hiệu thay nhau hô kể để phục vụ người dự hội giữa ván trước, ván sau; Hội trước, Hội
sau vừa tăng sức hấp dẫn, đồng thời làm cho hội chơi được liên tục không bị ngưng lặng giữa
các ván và các Hội.
Bài chòi kể do các Hiệu sáng tạo dựa theo các câu chuyện dân gian như: Thoại
Khanh – Châu Tuấn; Lâm Sanh – Xuân Nương; Lang Châu – Lý Ân; Châu Đạt – Ngọc Hà;
… hoặc một số lớp hay trong các truyện Tàu như: Tiết Nhơn Quý xuất thế (trong truyện Tiết
Nhơn Quý chinh đông); Quan Công Phục Huê Dung (trong truyện Tam Quốc); lớp Trại Ba và
Địch Thanh trong tuồng Ngũ hổ bình tây… các Hiệu vừa hô kể vừa diễn có nội tâm nhân vật,
âm nhạc đệm tòng, trống chầu điểm. Hết lớp này đến lớp khác, hết chuyện này đến chuyện
khác, người dự hội được chơi bài, được nghe hô bài chòi, được xem Hiệu diễn vừa theo dõi
nội dung cốt chuyện diễn ra từ đầu đến cuối, những Hiệu hô hay, diễn giỏi còn được người
xem thưởng tiền.
Các Hiệu trong Hội đánh bài chòi phần nhiều là những nghệ nhân Hát Bội, diễn
giỏi, hô hay vì vậy không dừng lại hình thức Bài chòi kể, khoảng năm 1930 hình thức Bài
chòi lớp trong Hội bài chòi ra đời. Bài chòi lớp là những trích đoạn được chuyển thể từ các
tuồng Hát Bội như: lớp Cao Quan Bảo phá chiêu phu bài ở Song Tỏa Sang của Lưu Kim Đính
(trong pho tuồng Tam hạ nan đàn); lớp thái tử Từ Quang trao trâm cho công chúa Thiên
Hương (trong tuồng Thiên Hương quốc sắc); lớp Phạm Công vinh quy (trong pho tuồng Phạm
Công – Cúc Hoa); …
Ở Bài chòi lớp các Hiệu hóa thân vào nhân vật (là các vai diễn) có hóa trang,
phục trang, đạo cụ như Hát Bội nhưng đơn giản hơn. Bài chòi lớp thường trình diễn khi kết
thúc một Hội. Khi kết thúc một Hội chơi, ống thẻ được chuyển vào trong, giữa sân Hội được
trải từ 1 đến 2 chiếc chiếu lớn (ở Bình Định gọi là chiếu dài), âm nhạc trỗi lên, trống chầu
thúc giục các vai diễn lần lượt xuất hiện theo tuyến nhân vật và trình diễn trên chiếu, đây là
hình thức sân khấu Bài chòi trải chiếu trong Hội đánh bài chòi, thời kỳ này bài chòi chủ yếu
vẫn chỉ có làn điệu Xuân nữ nên trong những lớp Tuồng các nghệ nhân có sử dụng một số làn
điệu Hát Bội (Nam, Khách, Tẩu mã, …) để làm phong phú và tăng hấp dẫn người xem.
Bài chòi kể, Bài chòi lớp chủ yếu các Hiệu diễn ở giữa mỗi ván, một hội chơi để
phục vụ cho người chơi và người dự Hội, cũng có khi đoạn kể, lớp diễn có những từ mang tên
con bài thì các Hiệu sử dụng trong việc rút thẻ hô bài.
21
Sân khấu Bài chòi trải chiếu thoát khỏi Hội đánh Bài chòi
Từ khi sân khấu Bài chòi lớp trong Hội đánh bài chòi ra đời đã thu hút ngày càng
đông người đến dự hội, đông đến mức chật kín cả các không gian của Hội, người muốn chơi
phải chen lấn, xô đẩy, tranh nhau mới được xem cho rõ không gian của Hội. Từ đó, lực lượng
anh Hiệu càng đông, nhiều nghệ nhân có tài nghệ điêu luyện gọi là Hiệu xã (Hiệu chuyên
nghiệp, thường đi làm Hiệu cho nhiều hội Bài chòi khác nhau trong vùng), khi đến Tết cổ
truyền các anh chị Hiệu trở thành những nhân vật quan trọng của các Hội đánh bài chòi (còn
một lực lượng Hiệu làng có trình độ thấp hơn chỉ chạy Hiệu cho hội đánh Bài chòi làng
mình). Kết thúc Hội Bài chòi xuân, do nhu cầu thưởng thức của công chúng, sự đòi hỏi của
lực lượng anh Hiệu tìm kế sinh nhai, các Hiệu đã tập hợp thành từng nhóm, mỗi nhóm từ 5
đến 7 người thành từng “Gánh” nhỏ đi về các làng quê, từ đồng bằng, miền biển, vùng trung
du để biểu diễn phục vụ (đó là khoảng thời gian sau 1930); họ biểu diễn bất cứ nơi nào có nhu
cầu, họ đi đến đâu cũng được nhân dân địa phương đón tiếp nồng nhiệt. Các “Gánh Bài chòi”
của họ thường là những đôi vợ chồng và các con cháu trong gia đình, hoặc năm ba anh em,
bạn bè, đồng nghiệp tập hợp lại, các nghệ nhân của từng “Gánh Bài chòi” vừa hô hay, đàn
giỏi, họ có thể thay đổi nhau, người này diễn, người nọ đánh trống, thổi kèn, kéo đàn, khi đến
vai diễn thì người kia diễn, người này lại đánh trống, thổi kèn, cứ thế họ luân phiên nhau.
Gánh Bài chòi của họ chỉ là một đôi bầu quang gánh, mấy cây giáo, cây thương, cái trống
chiến, cặp sanh, mấy cây đàn – kèn.
Khi các làng, xã muốn mời các “Gánh” bài chòi về biểu diễn rất đơn giản, không
hợp đồng, không giấy trắng mực đen gì cả, chỉ ghi nhận, thỏa thuận “bằng miệng” giữa 2 bên,
làng sẽ quyên góp chi cho Gánh mỗi tối là bao nhiêu, có khi không thỏa thuận gì về tiền bạc,
mà làng chỉ mời Gánh về biểu diễn, người đi coi ủng hộ bao nhiêu cũng được vậy mà vẫn đủ
chi phí; xong mỗi chuyến lưu diễn vẫn còn dư giả tích lũy mua sắm bổ sung các vật dụng cho
gánh, chi phí cho gia đình của họ. Sân khấu của họ là sân đình làng, hoặc những khoảnh đất
rộng, có khi một cái sân của gia đình nào đó; vài ba chảo đèn dầu phụng (khoảng sau năm
1950 có đèn măng-xông) cộng với hóa trang phục trang đơn giản, không phông màn cảnh trí,
họ trải một vài chiếc “chiếu” giữa sân, dàn nhạc cũng ngồi trên chiếu cứ thế mà hô, mà diễn,
mỗi tuồng từ 3 đến 5 đêm, hết tuồng này đến tuồng khác. Hình thức trải chiếu dưới đất để
diễn trò gọi là “Sân khấu Bài chòi trải chiếu”.
Về tuồng tích: Các ông bầu và nghệ nhân chuyển thể từ các tuồng hát bội cổ và
dựa theo các truyện dân gian sáng tác thành các tuồng hô bài chòi, mỗi tuồng thành một pho,
mỗi pho từ 3 đêm diễn trở lên. (Bình Định hiện nay còn lưu giữ một số tuồng bài chòi cổ như:
Tam hạ nam đàn; Phạm Công – Cúc Hoa; Lang Châu – Lý Ân; Lâm Sanh – Xuân Nương;
Thoại Khanh – Châu Tuấn; Châu Đạt – Ngọc Hà …) Bầu đoàn thì ít người mà Tuồng thì
nhiều nhân vật, vì vậy 1 người phải thủ từ 2 đến 3 vai. Người xem không câu nệ sao ông này,
bà nọ lớp trước là Xích Phạm lớp sau là Tương Tử; vừa rồi là Cúc Hoa bây giờ là Tào Thị, …
mà chủ yếu là họ nghe hô Bài chòi, theo dõi câu chuyện, tích trò mà họ yêu thích.
Trong giai đoạn này vì tự ái nghề nghiệp, không thể mãi vay mượn các làn điệu
của Hát bội cho bộ môn nghệ thuật của mình, các nghệ nhân đã nghiên cứu sáng tạo 3 làn
điệu Bài chòi là Xàng xê, Cổ bản và Hò quảng (Hồ quảng); theo các nghệ nhân cao niên trong
nghề kể lại: điệu Xàng xê ra đời từ điệu hát Khách, điệu Cổ bản từ Nam Xuân của Hát Bội;
điệu Hò quảng là tiếp thu theo điệu hát Quảng Đông Trung Quốc, khi các đoàn bán thuốc của
22
tỉnh Quảng Đông sang miền Trung Việt Nam bán thuốc và diễn trò. Và 4 làn điệu Xuân nữ,
Xàng xê, Cổ bản, Hò quảng là những làn điệu cơ bản của sân khấu Bài chòi từ đó đến nay.
Sân khấu Bài chòi từ đất lên giàn
Từ năm 1933 sân khấu Bài chòi trải chiếu hết sức khó khăn, những gánh nhỏ lẻ
ít người, Sân khấu chỉ vỏn vẹn trên một chiếc chiếu, đồ đoàn chỉ một đôi bầu dùng những cây
thương cây giáo gánh trên vai, cạnh tranh với nghệ thuật Cải lương, nghệ thuật Hát bội diễn
trên sân khấu là rất không thể. Nhưng với lòng tự ái về nghề nghiệp, không thể để bộ môn của
mình mãi lẹt đẹt, hẩm hiu chỉ diễn trên những chiếc chiếu trải dưới đất như vậy được; mặt
khác các nghệ nhân Bài chòi còn là mưu sinh cho bản thân và gia đình, cho bạn bè đồng
nghiệp. Cuối cùng các ông Bầu nhóm họp bàn thảo, tìm lối để nâng cái nghệ của mình lên
một bước; cách tân theo Cải lương và Hát bội tiểu thuyết thì không thể nào có khả năng, điều
kiện của các Bầu vốn dĩ còn nghèo; cách tân là cần thiết là việc phải làm, đó là xu thế không
thể dẫm chân, thậm chí là tụt lùi. Cái cốt lõi để các Bầu Bài chòi phải đổi mới cách tân đó là
người xem, vì Hội đánh bài chòi, hô bài chòi, diễn bài chòi đã thấm sâu vào tâm hồn công
chúng qua nhiều thế hệ, họ không thể quay lưng lại với Bài chòi, các ông bầu tin vào sức sống
mãnh liệt của sân khấu Bài chòi trong lòng công chúng, cuối cùng các ông Bầu đã hợp lực
đưa Sân khấu Bài chòi từ Sân khấu trải chiếu dưới đất lên sân khấu dựng cao có sàn diễn như
sân khấu Hát bội mà các Bầu gọi là “giàn”, và trong lịch sử Sân khấu Bài chòi gọi là “từ đất
lên giàn”. Người đề xướng việc đưa sân khấu từ đất lên giàn là cụ Phạm Đình Lang (tức ông
Bốn Trang hay Bốn Nhỏ, người ta thường gọi là ông Bầu Trang) ông sinh năm 1910 tại xã
Nhơn Thành, huyện An Nhơn. Ông Bầu Trang mời ông Bầu Hượt (thường gọi là Ba Hượt)
ông Sáu Cóc làm nòng cốt và những nghệ nhân giỏi như: Hai Miệt, Sáu Sính, ông Bảy Xin,
ông Sáu Hổ, ông Ba Sơn, Nguyễn Đốc, Sáu Nghi, Bốn Chấn, … và lần đầu tiên có nghệ nhân
nữ (đào nữ) tham gia (cũng như nghệ thuật Hát bội giai đoạn trước năm 1930 chỉ có nghệ
nhân nam sắm đào, đóng mụ), tiêu biểu là các chị Bốn Dần, Năm Quạ, chị Nhảy, bà Năm Phi,
chị Ba Điểm… Bộ phận nhạc có ông Bảy Mà, ông Tư Hạng và các nghệ nhân biểu diễn thay
nhau. Khoảng cuối năm 1933 được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự giúp đỡ của
nhân dân xã Mỹ Tài huyện Phù Mỹ, người góp tre, góp công, người cho mượn phản ngựa,
bàn ghế, … dựng một cái sàn diễn, đêm biểu diễn đạt kết quả mỹ mãn.
Thành công bước đầu các nghệ nhân vô cùng phấn khởi và liền sau đó họ liên
tiếp biểu diễn ở các xã: Mỹ Hiệp (Phù Mỹ); Cát Hanh, Cát Khánh (Phù Cát), … đợt biểu diễn
kéo dài nhiều tháng liền, nhưng việc doanh thu dùng cho chi phí cũng như sân khấu trải chiếu,
vẫn là nhân dân tự nguyện đóng góp, chính quyền địa phương hỗ trợ.
Thắng lợi lớn nhất là đầu xuân năm 1934 các nghệ nhân mạnh dạn vào diễn trong
trường hát ở vạn Gò Bồi (Phước Hòa, Tuy Phước), lần đầu tiên diễn bán vé, người lớn 5 xu,
trẻ nhỏ 3 xu, nhân dân hâm mộ tán thưởng nhiệt liệt, thế là nhóm nghệ nhân đã trụ được tại
trường hát Gò Bồi bảy đêm liền.
Sau thắng lợi của sân khấu Bài chòi từ đất lên giàn, lần lượt những năm tiếp theo
nhiều nghệ nhân xuất hiện tham gia sân khấu Bài chòi, nghệ nhân nam có: Phạm Đình Chi,
Nguyễn Hoài Ân, Đinh Thái Sơn, thầy Tám Có, Đỗ Liên, Phan Ngạn, Nguyễn Kiểm, Trần
Chức, ông Hai Mẹo… các nghệ nhân nữ có: chị Phạm Thị Đào, chị Lợi, chị Đinh Thị Hải, chị
23
Liễu, … nghệ nhân nhạc cổ có: Nguyễn Hoài Ân (tục gọi là ông Tám Kèn), Trần Văn An, anh
Tư Sứt, Văn Bá Ngưu (Văn Bá Anh), …
Thế rồi các gánh Bài chòi lần lượt xuất hiện lấy bảng hiệu tên Bầu, Đoàn như:
gánh Ý Thành của ông Bốn Trang, ông Ba Hượt và ông Sáu Cóc (sau đổi thành Ý Đồng rồi
Đông Hòa); gánh Long Vân của ông Hai Miệt, Ý Chung của Phạm Đình Chi; gánh Tân Xuân
của ông Sáu Sính; có người không lấy tên bảng hiệu mà lấy tên mình hoặc tên làng làm Bầu
như: gánh Bà Nhảy, gánh Ông Hai Trạng, gánh Bà Lợi, gánh Ông Cẩm, gánh Suối Tre, …
các Bầu gánh Bài chòi không những lưu diễn trong tỉnh mà lan ra các tỉnh duyên hải Nam
Trung bộ từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận. Từ đây các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ đâu đâu
cũng có Hội đánh Bài chòi và sân khấu Bài chòi dân gian, nơi nào thuận lợi thì họ diễn trên
sân khấu nơi nào khó khăn thì vẫn diễn theo hình thức Bài chòi trải chiếu. Có những gánh thi
đua với các gánh Cải lương và Hát bội cách tân, họ diễn những tuồng Bài chòi tiểu thuyết
như: Mã Thành Long đề cờ, Tam hùng kiệt, Thiên hương – Quốc sắc, … đứng vững vàng
nhiều đêm trong trường hát như các gánh: Ý Đồng, Tân Xuân, Bầu Cẩm, … và từ đây Hội
đánh bài chòi và Sân khấu bài chòi dân gian 2 loại hình hỗ trợ tăng thêm sức mạnh cho nhau,
đến năm 1952 Sân khấu Bài chòi cách mạng ra đời, Đội Bài chòi thuộc Đoàn Văn công Liên
khu V (về sau là Đoàn Dân ca Liên khu V), trên cơ sở những nghệ nhân của các gánh Bài
chòi dân gian Bình Định làm nòng cốt như: Nguyễn Đốc, Đinh Thái Sơn, Nguyễn Kiểm, Đỗ
Liên, Nguyễn Hoài Ân, Trần Văn An, Văn Bá Anh, Đinh Thị Bích Hải, …
N. A. P
Những gánh Bài chòi ở quê tôi
Nhạc sĩ Hình Phước Liên
Phó Chủ tịch Hội VHNT Khánh Hòa
Ở quê tôi – một làng biển nằm bên bờ Đầm Nha Phu, thị xã Ninh Hòa – đến nay vẫn
còn lưu truyền câu hát: Bài chòi tôi đựng một vò/ tôi quên đậy nắp nó bò hết trơn. Ngẫm ra,
câu hát tưởng như vu vơ ấy lại rất ứng với thực trạng của Bài chòi hiện nay. Bởi đâu phải Bài
chòi ở đất Khánh Hòa không có, mà thậm chí có nhiều nữa là khác, nhưng do sơ ý, thiếu quan
tâm hoặc bị bỏ bê…nên nó mới bò đi hết. Nhưng thế vẫn còn may, vì nó chỉ bò đi và lẫn
khuất đâu đó, chứ chưa mất hẵn. Mà làm sao mất được, khi Bài chòi vẫn còn trong ký ức của
mọi người. Với tôi, không thể nào nhạt phai ký ức về những đêm hát của các gánh Bài chòi
thời thơ ấu.
1.
Còn nhớ, những năm 50, 60 của thế kỷ trước, Bài chòi là món ăn tinh thần không thể
thiếu của bà con quê tôi. Cứ tầm từ sau Tết đến hết tháng ba âm lịch lại rộ lên mùa làm ăn của
các gánh Bài chòi đến từ Bình Định, Phú Yên và cả các gánh Bài chòi sở tại. Hồi ấy, các làng
24
làm nông thường tổ chức các hội chơi Bài chòi vào những ngày lễ tết và các tháng nông nhàn.
Có làng mời các gánh hát về phục vụ ban đêm còn ban ngày thì tổ chức hội chơi Bài chòi,
tiếng đàn, câu hát cứ gọi là thâu đêm suốt sáng; những làng không mời được cả gánh về phục
vụ thì cũng có thể mời một anh Hiệu (người quản trò trong hội chơi Bài chòi) rồi tự tổ chức
kiểu cây nhà lá vườn, ít tốn kém nhưng vẫn vui.
Ở làng biển, do đặc thù nghề nghiệp, cánh đàn ông thường ra khơi lúc quá nữa đêm rồi
trở về khi trời hững sáng; ban ngày thì phải ngủ bù nên trò chơi Bài chòi ít được tổ chức, còn
mấy gánh hát thì bao giờ cũng được hoan nghênh. Hầu hết các gánh đều do các làng mời về,
bao ăn, bao ở và cứ tối xuống, thắp đèn măng-xông hát cho đến tận khuya… Và muốn có
được gánh hát hay thì làng phải có hợp đồng với Bầu gánh đâu từ nửa năm trước đó. Nói vậy
để biết, hồi đó ở vùng Bình Bịnh, Phú Yên, Khánh Hòa các gánh Bài chòi nhiều lắm.
Làng tôi cũng vậy, cứ sau Tết (chừng mùng 4, mùng 5) thể nào cũng phải mời cho bằng
được một gánh hát về hát cho bà con và có khi đến hết rằm mới thôi. Ban đêm hát, ban ngày
đào kép rãnh rỗi lại tụ tập với mấy anh em có máu văn nghệ trong làng “đờn ca sáo thổi”;
cuộc chơi ấy kết nối tình cảm của họ với nhau, cho nên nhiều khi cuộc giao duyên ấy kéo dài
đến hết tháng giêng mới dứt. Nói vậy cũng là để cho biết, hồi đó ở quê tôi các điệu hát Bài
chòi đã phổ biến lắm và có nhiều người biết hát. Hát hay, hát dỡ còn tùy, nhưng để hát được
mấy câu Bài chòi thì chẵng ai là không có thể…
2.
Các đoàn hát lưu động ấy ở quê tôi gọi là gánh hát, gánh Bài chòi. Gọi vậy, có lẽ do
cách vận chuyển của họ chăng (!?) Thường thì mỗi gánh Bài chòi chỉ có từ 5 đến 7 người của
một hoặc hai gia đình gộp lại, trong đó ông bầu cũng thường là kép chánh, còn lại là đào kép,
nhạc công. Tất cả vật dụng thường ngày cũng như đạo cụ, phục trang sân khấu đều cất hết vào
vài chiếc rương gỗ và được họ gánh đi trên đường lưu diễn. Điểm diễn là những khoảng đất
trống giữa làng, đôi khi là mảnh sân của nhà một gia đình nào đó. Sân khấu được quy định
trong tầm vài ba chiếc chiếu trãi dưới đất. Vì vậy mà gọi là Bài chòi trãi chiếu.
Ngoại trừ những đêm diễn được mời, còn lại những đêm diễn do đoàn tự đến thì thu
nhập của các đoàn hoàn toàn phụ thuộc vào lòng hảo tâm của bà con, mà lòng hảo tâm ấy thì
lại lệ thuộc vào những vụ mùa, những lần đi biển của dân làng. Vả chăng, những thành viên
trong các gánh Bài chòi thời bấy giờ đều là những người bán chuyên, họ chỉ trở thành các
nghệ sĩ mỗi khi rỗi việc đồng áng, còn việc hô hát chỉ là để thỏa mãn sự đam mê và tất nhiên
cũng để có thêm thu nhập. Và vì không hoạt động chuyên nghiệp như những nghệ sĩ Hát bội,
Cải lương nên việc thu nhập xem ra không phải là điều họ xem là quan trọng nhất.
Vì rằng, bắt đầu từ cách hô hát của trò chơi dân gian, khi chuyển sang hình thức sân
khấu thì tuồng tích các gánh Bài chòi hầu như đều dựa vào các truyện thơ dân gian quen thuộc
như: Phạm Công – Cúc Hoa, Lâm Sanh – Xuân Nương, Thoại Khanh – Châu Tuấn, Chàng
Nhái – Kiểng Tiên, Lang Châu – Lý Ân, Ông Xã – Bà Đội… để chuyển sang hình thức hát kể
chuyện. Qua tít đề của các vở diễn, chúng ta cũng dễ nhận thấy các câu chuyện kể hầu hết là
câu chuyện của hai người được diễn với theo một cấu trúc: Lời kể chuyện đan xen với các lớp
diễn của nhân vật, mà chủ yếu là cặp đào kép chính. Với cấu trúc này, lời kể giữ vai trò chủ
đạo dẫn dắt người xem theo dõi trình tự câu chuyện, còn các lớp diễn là điểm nhấn tạo thêm
hương sắc. Chính vì vậy, vai trò người dẫn chuyện trong các vở bài chòi thời ấy là cực kỳ
25
quan trọng, quyết định sự thành bại cho vở diễn và đa phần người dẫn chuyện cũng kiêm luôn
cả các nhân vật chính. Về sau, để tăng sự phong phú cho dàn kịch mục, người ta có bổ sung
thêm một số vở lấy từ sân khấu Hát bội như: Tam hạ Nam Đàng, Ngũ hổ bình Tây…nhưng
cũng chỉ trích các đoạn có cặp đôi biểu diễn như: Cao Quân Bảo – Lưu Kim Đính, Địch
Thanh – Thoại Ba… Từ nội dung, hình thức biểu diễn như trên, Bài chòi trãi chiếu nói theo
kiểu ngày nay là lối sân khấu hóa truyện thơ, một hình thức tương cận với thời “Ca ra bộ” của
sân khấu Cải lương Nam bộ.
Hậu tổ Tuồng Đào Tấn có câu đối viết về đặc trưng nghệ thuật Hát bội rất hay: Thốn
thổ thị triều đình châu quận/ Nhất thân kiêm phụ tử quân thần, nhưng xem ra lại quá đúng với
hoạt động của các gánh Bài chòi. Bởi lẽ, với diện tích chừng mươi, mười lăm mét vuông,
không có cảnh trí, diễn viên không thay đổi trang phục trong suốt đêm diễn và một người đôi
khi phải thủ nhiều vai trong cùng vở diễn thì cũng chỉ có ở Bài chòi trãi chiếu mà thôi. Với
hình thức sân khấu hết sức giản đơn và nội dung câu chuyện cũng rất quen thuộc, được hát đi,
hát lại mãi mà sao vẫn hấp dẫn được người xem?
3.
Thưa rằng, sức hút nằm ngay trong nghệ thuật hô hát Bài chòi!
Không được may mắn như các loại hình sân khấu khác, Bài chòi đi lên sân khấu với
vốn liếng chỉ có mỗi lối “Hô thai” – làn điệu hát mang tính chất mô hình, được viết theo thể
thơ lục bát và lục bát biến thể. Về sau, cũng từ điệu thức Nam hơi Oán và hơi Lụy (Ai) ấy, các
nghệ sĩ đã cải biến thêm để hình thành nên hai làn điệu chính cho sân khấu Bài chòi.
Mặt khác, khi đã lên sân khấu thì không chỉ sử dụng cách hát đẹp giọng mà còn phải
hát theo diễn tiến của câu chuyện kể, theo tâm trạng của nhân vật, nhất là khi có sự đối đáp
của các nhân vật với nhau. Thế là, cùng với cách hát khoan thai, đều đặn của “Hô thai”, các
nghệ sĩ lại cải biến thêm lối hát “đạp nhịp” để tạo ra những phách đảo, phách nghịch nhằm
diễn tả các trạng thái tình cảm của nhân vật và diễn biến kịch.
Khi nhịp phách đã thay đổi thì sự tiến hành giai điệu buộc cũng thay đổi theo. Để thích
ứng với lối hát “đạp nhịp”, các nghệ sĩ Bài chòi đã thêm các hư từ, điệp từ vào các câu lục bát
trong truyện thơ nhằm làm phong phú thêm điệu hát. Nhiều nghệ sĩ còn trộn cả các hơi để tạo
thêm màu sắc mới. Chỉ một câu lục bát mà câu sáu thì hơi Oán còn câu tám lại hơi Lụy, đôi
khi chỉ trong mỗi câu tám mà nghệ sĩ sử dụng cả hai hơi. Cách hát đầy ngẫu hứng và tài hoa
ấy đã được chấp cánh bởi tính chất mô hình của làn điệu Bài chòi và thiết nghĩ cũng chỉ ở Bài
chòi mới có. Về sau, Bài chòi lại tiếp thu cách hát Nam Xuân của Hát Bội, Xàng Xê trong
nhạc Lễ để vào sân khấu của mình và định hình thành hệ thống làn điệu đặc trưng gồm: Hơi
Oán, hơi Lụy, hơi Xuân và hơi Dựng mà ngày nay ta vẫn gọi là: Xuân Nữ, Xàng Xê lụy, Nam
Xuân và Xàng Xê dựng. Với bốn làn điệu mang tính chất mô hình ấy, đã tạo điều kiện cho các
nghệ sĩ Bài chòi thỏa sức sáng tạo theo cảm xúc của mình, làm cho vai diễn của mình mới
trong từng đêm diễn để không làm khán giả bị nhàm chán.
Đấy là nói về tiến trình phát triển của cách hô hát Bài chòi. Nhưng, hát không đàn như
càng không thiếp, vì dàn nhạc bao giờ cũng là kẻ giữ hồn, là người nâng đỡ cho tiếng hát bay
lên. Thoạt đầu, dàn nhạc Bài chòi chỉ có cây đàn Nhị, một bộ Song loan và thêm cái trống
Chiến. Đào kép đều hát chung bậc nữ, còn nhạc công thì đánh tòng theo hơi của diễn viên. Về
26
sau, mà theo tôi có lẽ tiếp thu từ sân khấu Cải lương, nên đào kép hát riêng thành hai bậc cách
nhau một quãng 4 đúng. Để chuyển giọng thì đàn phải có đoạn lưu không. Những bản nhạc
đàn của Bài chòi cũng hoàn chỉnh dần theo từng năm tháng, nhưng sự tách giọng nói trên
chính là cái mốc quan trọng trong sự phát triển của Bài chòi.
4.
Năm 1964, quê tôi Đồng khởi. Các làng quê và nhất là các làng ven biển đều trở thành
vùng tranh chấp. Địa bàn hoạt động của các gánh Bài chòi vì thế cũng bị thu hẹp lại. Cũng
giai đoạn này, nghệ thuật Cải lương đang trên đà phát triển mạnh, các đoàn Cải lương không
chỉ hát ở các tỉnh phía Nam mà tràn ra tận miền Trung. Hơn thế nữa, Đài Truyền hình đầu tiên
ở miền Trung được xây dựng tại Quy Nhơn cũng đã phủ sóng đến Khánh Hòa, càng làm cho
hoạt động của các gánh Bài chòi thêm những khó khó khăn. Một số nghệ sĩ Bài chòi đã đầu
quân sang các đoàn Hát Bội và cũng từ đó có thêm những vở Tuồng pha – Hát Bội pha với hô
Bài chòi – thịnh hành ở quê tôi cho mãi đến những năm đầu giải phóng. Về học thuật xin
được miễn bàn, nhưng cách hát, cách diễn ấy rất được bà con ái mộ. Điển hình là vở Cao
Quân Bảo – Lưu Kim Đính mà cho đến nay, khi nhắc đến các gánh Bài chòi nhiều người ở
quê tôi vẫn còn hít hà tiếc nuối.
Gần đây, cùng với trào lưu chấn hưng văn hóa truyền thống, Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch Khánh Hòa cũng đã có những bước đi ban đầu trong việc sưu tầm, phục dựng trò chơi
Bài chòi và Bài chòi trãi chiếu. Qua công tác kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể, một số vở
Bài chòi cổ đã được ghi chép lại và điều đáng mừng là vẫn còn những nghệ nhân đang khỏe
mạnh và tha thiết với bộ môn nghệ thuật này.
…
Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa đã mời Nghệ sĩ Minh Đức và
Hoàng Việt của Bình Định vào Nha Trang trực tiếp truyền dạy và phục dựng trò chơi Bài chòi
để tổ chức tại festival Biển Nha Trang 2013. Điều không ai ngờ là trò chơi đã được đông đảo
nhân dân và du khách trong và ngoài ước nhiệt liệt hưởng ứng. Còn tôi, ngồi xem bà con chơi
Bài chòi bên bờ biển Nha Trang mà lòng rưng rưng nhớ… Hồi ấy ở quê tôi có những gánh
Bài chòi hay lắm!
Nha Trang, 05/9/2013
Tham luận Nghệ thuật Bài chòi:
SỨC HẤP DẪN CỦA NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI BÌNH ĐỊNH
Nguyễn Quang Long
Nhạc sĩ nghiên cứu lý luận
Nhà xuất bản Âm nhạc
27
Kính thưa quý vị khách quý, các vị lãnh đạo cùng toàn thể các giáo sư, tiến sĩ, các học
giả, nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ, báo giới và các bạn quan tâm đến bộ môn nghệ thuật Bài
chòi đặc sắc của dân tộc. Tôi rất vui khi nhận được lời mời của Ban tổ chức Hội thảo Nghệ
thuật Bài chòi và giáo sư Hoàng Chương để có được vinh dự có mặt tại đây ngày hôm nay.
Đối với nghệ thuật Bài chòi nói chung, Bài chòi Bình Định nói riêng tôi có một ấn
tượng hết sức đặc biệt vì thế khi thực hiện DVD giới thiệu nghệ thuật Bài chòi Nhà xuất bản
Âm nhạc đã chọn Bình Định là địa phương đại diện.
1. Lý do chọn Bình Định
Trước hết, xin nói về các dự án âm nhạc dân gian. Trong kế hoạch hoạt động của Nhà
xuất bản Âm nhạc, mỗi năm nhà xuất bản thực hiện một dự án trọng tâm về âm nhạc dân gian
nhằm góp phần bảo tồn, phát huy và quảng bá giá trị văn hóa - âm nhạc đặc sắc của dân tộc
tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Trước khi giới thiệu một loại hình nghệ thuật,
chúng tôi chú ý tới tiêu chí thực hiện sao cho bao quát nhất không gian nghệ thuật cũng như
vị trí địa lý nơi mà nghệ thuật đó tồn tại và phát triển nhằm giới thiệu tới công chúng một bức
tranh khái quát nhưng cô đọng về nghệ thuật truyền thống đó. Đối với nghệ thuật Bài chòi,
ban đầu chúng tôi muốn hướng tới đó chính là tất cả các địa phương được coi là vùng đất của
Bài chòi trải dài từ các tỉnh thành từ Đà Nẵng tới Khánh Hòa. Cá nhân tôi mất gần một năm
tìm hiểu qua các tư liệu, trên các phương tiện truyền thông và trò chuyện với GS Hoàng
Chương cùng các nhà nghiên cứu am hiểu về nghệ thuật này. Sau hai lần tiền trạm, trực tiếp
tới các địa điểm để tìm hiểu về nghệ thuật này vào tháng 12/2011 và tháng 5/2012, tháng 6
năm 2012 chúng tôi mới chính thức trở lại Bình Định để tổ chức thu âm ghi hình cho các tiết
mục nằm trong DVD với tên đầy đủ là “Nghệ thuật Bài chòi dân gian Bình Định”.
Sở dĩ từ ý định thực hiện ở nhiều tỉnh thành chuyển sang chọn đại diện tỉnh Bình Định
bởi đây là địa phương duy nhất đang tồn tại tất cả các hình thức sinh hoạt của nghệ thuật thuật
Bài chòi từ dân gian đến sân khấu chuyên nghiệp. Đặc biệt, hội chơi đánh Bài chòi cổ dân
gian, một hình thức nguyên sơ nhất của nghệ thuật Bài chòi hiện chỉ còn duy nhất ở Bình
Định sau những nỗ lực phục hồi của địa phương.
2. Nghệ thuật Bài chòi dân gian Bình Định
Qua tìm hiểu, có thể bước đầu khẳng định, sự độc đáo của nghệ thuật Bài chòi dân gian
Bình Định được tạo thành từ tất cả các yếu tố cấu thành nên nó.
Ca từ trong các câu thai
Ca từ là một trong những nét thú vị nhất của nghệ thuật Bài chòi dân gian. Như nhiều
loại hình nghệ thuật khác, Bài chòi khai thác vốn thơ ca dân gian để vận dụng vào các câu
thai. Bên cạnh đó, các Hiệu còn sáng tác hoặc ứng tác trực tiếp trong lúc hô thai. Câu thai với
nhiều nội dung đề tài khác nhau nhưng thường dễ nhớ, dễ thuộc được trình bày dưới dạng hát
thơ, chủ yếu thể lục bát. Nội dung câu thai phải liên quan tới con bài vì thế trong lúc anh Hiệu
hô người chơi và người xem có thể đoán được đó là con bài gì. Điều này khiến hội chơi thêm
phần hồi hộp và hấp dẫn. Mặt khác, những câu thai bên cạnh chức năng để giới thiệu con bài
thì bao giờ cũng ẩn chứa những thông điệp nhất định. Thông điệp ấy là quan niệm về nhân
28
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi
Nghệ thuật bài chòi

More Related Content

What's hot

Cái bi và nghệ thuật bi kịch của shakespear qua các vở bi kịch rômeo juliet...
Cái bi và nghệ thuật bi kịch của shakespear qua các vở bi kịch rômeo   juliet...Cái bi và nghệ thuật bi kịch của shakespear qua các vở bi kịch rômeo   juliet...
Cái bi và nghệ thuật bi kịch của shakespear qua các vở bi kịch rômeo juliet...NOT
 
CHƯƠNG IV- Tư tưởng HCM.docx
CHƯƠNG IV- Tư tưởng HCM.docxCHƯƠNG IV- Tư tưởng HCM.docx
CHƯƠNG IV- Tư tưởng HCM.docxHVNhHoa
 
Đề tài văn hóa Tây Bắc.pptx
Đề tài văn hóa Tây Bắc.pptxĐề tài văn hóa Tây Bắc.pptx
Đề tài văn hóa Tây Bắc.pptxTuanPham84308
 
KỊCH BẢN CHI TIẾT CHO EVENT ĐÁM CƯỚI
KỊCH BẢN CHI TIẾT CHO EVENT ĐÁM CƯỚIKỊCH BẢN CHI TIẾT CHO EVENT ĐÁM CƯỚI
KỊCH BẢN CHI TIẾT CHO EVENT ĐÁM CƯỚIVisla Team
 
Tài liệu - Tiếng Việt Thực Hành
Tài liệu - Tiếng Việt Thực HànhTài liệu - Tiếng Việt Thực Hành
Tài liệu - Tiếng Việt Thực HànhJenlytine
 
Cơ sở văn hóa việt nam
Cơ sở văn hóa việt namCơ sở văn hóa việt nam
Cơ sở văn hóa việt namLinh Le
 
đề Thi thực hành văn bản tiếng việt
đề Thi thực hành văn bản tiếng việtđề Thi thực hành văn bản tiếng việt
đề Thi thực hành văn bản tiếng việtlimsea33
 
Giáo án thuyết trình bài "Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch"
Giáo án thuyết trình bài "Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch"Giáo án thuyết trình bài "Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch"
Giáo án thuyết trình bài "Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch"thachhoangdang
 
Vùng văn hóa đồng bằng châu thổ Bắc Bộ
Vùng văn hóa đồng bằng châu thổ Bắc BộVùng văn hóa đồng bằng châu thổ Bắc Bộ
Vùng văn hóa đồng bằng châu thổ Bắc BộHoàng Mai
 
Tài liệu giảng dạy môn hoạt náo trong du lịch
Tài liệu giảng dạy môn hoạt náo trong du lịchTài liệu giảng dạy môn hoạt náo trong du lịch
Tài liệu giảng dạy môn hoạt náo trong du lịchnataliej4
 
Ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm tư tưởng hcm
Ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm tư tưởng hcmNgân hàng câu hỏi trắc nghiệm tư tưởng hcm
Ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm tư tưởng hcmNguyen_Anh_Nguyet
 
GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐGIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐlongvanhien
 
Âm tiết và âm tố trong tiếng việt - nhóm 2
Âm tiết và âm tố trong tiếng việt - nhóm 2Âm tiết và âm tố trong tiếng việt - nhóm 2
Âm tiết và âm tố trong tiếng việt - nhóm 2QuangLong Dinh
 
bài thuyết trình về du lịch Đà Nẵng.pptx
bài thuyết trình về du lịch Đà Nẵng.pptxbài thuyết trình về du lịch Đà Nẵng.pptx
bài thuyết trình về du lịch Đà Nẵng.pptxTramNguyen197287
 
ban chat va chuc nang cua ngon ngu
ban chat va chuc nang cua ngon nguban chat va chuc nang cua ngon ngu
ban chat va chuc nang cua ngon nguatcak11
 
Hồ sơ mời tài trợ: Hành trình mơ ước
Hồ sơ mời tài trợ: Hành trình mơ ướcHồ sơ mời tài trợ: Hành trình mơ ước
Hồ sơ mời tài trợ: Hành trình mơ ướcTalentPool Vietnam
 
Ki nang moi tai tro
Ki nang moi tai troKi nang moi tai tro
Ki nang moi tai trohaanh147
 
Tiểu luận mĩ thuật về tranh Hàng Trống
Tiểu luận mĩ thuật về tranh Hàng TrốngTiểu luận mĩ thuật về tranh Hàng Trống
Tiểu luận mĩ thuật về tranh Hàng TrốngBình Hoàng
 

What's hot (20)

Cái bi và nghệ thuật bi kịch của shakespear qua các vở bi kịch rômeo juliet...
Cái bi và nghệ thuật bi kịch của shakespear qua các vở bi kịch rômeo   juliet...Cái bi và nghệ thuật bi kịch của shakespear qua các vở bi kịch rômeo   juliet...
Cái bi và nghệ thuật bi kịch của shakespear qua các vở bi kịch rômeo juliet...
 
CHƯƠNG IV- Tư tưởng HCM.docx
CHƯƠNG IV- Tư tưởng HCM.docxCHƯƠNG IV- Tư tưởng HCM.docx
CHƯƠNG IV- Tư tưởng HCM.docx
 
Đề tài văn hóa Tây Bắc.pptx
Đề tài văn hóa Tây Bắc.pptxĐề tài văn hóa Tây Bắc.pptx
Đề tài văn hóa Tây Bắc.pptx
 
KỊCH BẢN CHI TIẾT CHO EVENT ĐÁM CƯỚI
KỊCH BẢN CHI TIẾT CHO EVENT ĐÁM CƯỚIKỊCH BẢN CHI TIẾT CHO EVENT ĐÁM CƯỚI
KỊCH BẢN CHI TIẾT CHO EVENT ĐÁM CƯỚI
 
Tài liệu - Tiếng Việt Thực Hành
Tài liệu - Tiếng Việt Thực HànhTài liệu - Tiếng Việt Thực Hành
Tài liệu - Tiếng Việt Thực Hành
 
Cơ sở văn hóa việt nam
Cơ sở văn hóa việt namCơ sở văn hóa việt nam
Cơ sở văn hóa việt nam
 
đề Thi thực hành văn bản tiếng việt
đề Thi thực hành văn bản tiếng việtđề Thi thực hành văn bản tiếng việt
đề Thi thực hành văn bản tiếng việt
 
Giáo án thuyết trình bài "Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch"
Giáo án thuyết trình bài "Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch"Giáo án thuyết trình bài "Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch"
Giáo án thuyết trình bài "Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch"
 
Vùng văn hóa đồng bằng châu thổ Bắc Bộ
Vùng văn hóa đồng bằng châu thổ Bắc BộVùng văn hóa đồng bằng châu thổ Bắc Bộ
Vùng văn hóa đồng bằng châu thổ Bắc Bộ
 
Tài liệu giảng dạy môn hoạt náo trong du lịch
Tài liệu giảng dạy môn hoạt náo trong du lịchTài liệu giảng dạy môn hoạt náo trong du lịch
Tài liệu giảng dạy môn hoạt náo trong du lịch
 
Ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm tư tưởng hcm
Ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm tư tưởng hcmNgân hàng câu hỏi trắc nghiệm tư tưởng hcm
Ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm tư tưởng hcm
 
GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐGIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
 
Âm tiết và âm tố trong tiếng việt - nhóm 2
Âm tiết và âm tố trong tiếng việt - nhóm 2Âm tiết và âm tố trong tiếng việt - nhóm 2
Âm tiết và âm tố trong tiếng việt - nhóm 2
 
bài thuyết trình về du lịch Đà Nẵng.pptx
bài thuyết trình về du lịch Đà Nẵng.pptxbài thuyết trình về du lịch Đà Nẵng.pptx
bài thuyết trình về du lịch Đà Nẵng.pptx
 
Mẫu Proposal Tổ Chức Sự Kiện Full I Proposal Event Professional
Mẫu Proposal Tổ Chức Sự Kiện Full I Proposal Event ProfessionalMẫu Proposal Tổ Chức Sự Kiện Full I Proposal Event Professional
Mẫu Proposal Tổ Chức Sự Kiện Full I Proposal Event Professional
 
ban chat va chuc nang cua ngon ngu
ban chat va chuc nang cua ngon nguban chat va chuc nang cua ngon ngu
ban chat va chuc nang cua ngon ngu
 
Hồ sơ mời tài trợ: Hành trình mơ ước
Hồ sơ mời tài trợ: Hành trình mơ ướcHồ sơ mời tài trợ: Hành trình mơ ước
Hồ sơ mời tài trợ: Hành trình mơ ước
 
Ki nang moi tai tro
Ki nang moi tai troKi nang moi tai tro
Ki nang moi tai tro
 
BÀI MẪU tiểu luận về khách sạn, HAY
BÀI MẪU tiểu luận về khách sạn, HAYBÀI MẪU tiểu luận về khách sạn, HAY
BÀI MẪU tiểu luận về khách sạn, HAY
 
Tiểu luận mĩ thuật về tranh Hàng Trống
Tiểu luận mĩ thuật về tranh Hàng TrốngTiểu luận mĩ thuật về tranh Hàng Trống
Tiểu luận mĩ thuật về tranh Hàng Trống
 

Similar to Nghệ thuật bài chòi

Thường Thức Về Âm Nhạc Cổ Truyền Việt Nam Và Lịch Sử Âm Nhạc
Thường Thức Về Âm Nhạc Cổ Truyền Việt Nam Và Lịch Sử Âm Nhạc Thường Thức Về Âm Nhạc Cổ Truyền Việt Nam Và Lịch Sử Âm Nhạc
Thường Thức Về Âm Nhạc Cổ Truyền Việt Nam Và Lịch Sử Âm Nhạc nataliej4
 
Những kỳ quan xanh - Nguyễn Thế Khoa
Những kỳ quan xanh - Nguyễn Thế KhoaNhững kỳ quan xanh - Nguyễn Thế Khoa
Những kỳ quan xanh - Nguyễn Thế Khoalongvanhien
 
Tài liệu thuyết minh về Cải Lương
Tài liệu thuyết minh về Cải LươngTài liệu thuyết minh về Cải Lương
Tài liệu thuyết minh về Cải LươngThanh Hải
 
Chuyên đề Pháp luật văn hoá & xã hội - Số 3/2013
Chuyên đề Pháp luật văn hoá & xã hội - Số 3/2013Chuyên đề Pháp luật văn hoá & xã hội - Số 3/2013
Chuyên đề Pháp luật văn hoá & xã hội - Số 3/2013longvanhien
 
Giáo sư Hoàng Chương
Giáo sư Hoàng ChươngGiáo sư Hoàng Chương
Giáo sư Hoàng ChươngPham Long
 
Thực Trạng Và Giải Pháp Khai Thác Nghệ Thuật Chèo Hải Dương Phục Vụ Phát Triể...
Thực Trạng Và Giải Pháp Khai Thác Nghệ Thuật Chèo Hải Dương Phục Vụ Phát Triể...Thực Trạng Và Giải Pháp Khai Thác Nghệ Thuật Chèo Hải Dương Phục Vụ Phát Triể...
Thực Trạng Và Giải Pháp Khai Thác Nghệ Thuật Chèo Hải Dương Phục Vụ Phát Triể...Dịch vụ viết đề tài trọn gói 0934.573.149
 
Văn hiến Hà Nam - Phần hai - vanhien.vn
Văn hiến Hà Nam - Phần hai - vanhien.vnVăn hiến Hà Nam - Phần hai - vanhien.vn
Văn hiến Hà Nam - Phần hai - vanhien.vnPham Long
 
Luận Văn Tìm Hiểu Nghệ Thuật Ca Trù Đông Môn - Thủy Nguyên - Hải Phòng Và Địn...
Luận Văn Tìm Hiểu Nghệ Thuật Ca Trù Đông Môn - Thủy Nguyên - Hải Phòng Và Địn...Luận Văn Tìm Hiểu Nghệ Thuật Ca Trù Đông Môn - Thủy Nguyên - Hải Phòng Và Địn...
Luận Văn Tìm Hiểu Nghệ Thuật Ca Trù Đông Môn - Thủy Nguyên - Hải Phòng Và Địn...tcoco3199
 
Luận Văn Tìm Hiểu Nghệ Thuật Ca Trù Đông Môn - Thủy Nguyên - Hải Phòng Và Địn...
Luận Văn Tìm Hiểu Nghệ Thuật Ca Trù Đông Môn - Thủy Nguyên - Hải Phòng Và Địn...Luận Văn Tìm Hiểu Nghệ Thuật Ca Trù Đông Môn - Thủy Nguyên - Hải Phòng Và Địn...
Luận Văn Tìm Hiểu Nghệ Thuật Ca Trù Đông Môn - Thủy Nguyên - Hải Phòng Và Địn...tcoco3199
 
Project Event Culture - Ca Tru Viet Nam - Draff Fist Idea
Project Event Culture - Ca Tru Viet Nam - Draff Fist IdeaProject Event Culture - Ca Tru Viet Nam - Draff Fist Idea
Project Event Culture - Ca Tru Viet Nam - Draff Fist IdeaHưng Đoàn Thành
 
Khóa Luận Về Tìm Hiểu Nghệ Thuật Cải Lương Và Giải Pháp Phát Triển Để Phục Vụ...
Khóa Luận Về Tìm Hiểu Nghệ Thuật Cải Lương Và Giải Pháp Phát Triển Để Phục Vụ...Khóa Luận Về Tìm Hiểu Nghệ Thuật Cải Lương Và Giải Pháp Phát Triển Để Phục Vụ...
Khóa Luận Về Tìm Hiểu Nghệ Thuật Cải Lương Và Giải Pháp Phát Triển Để Phục Vụ...mokoboo56
 

Similar to Nghệ thuật bài chòi (20)

Thường Thức Về Âm Nhạc Cổ Truyền Việt Nam Và Lịch Sử Âm Nhạc
Thường Thức Về Âm Nhạc Cổ Truyền Việt Nam Và Lịch Sử Âm Nhạc Thường Thức Về Âm Nhạc Cổ Truyền Việt Nam Và Lịch Sử Âm Nhạc
Thường Thức Về Âm Nhạc Cổ Truyền Việt Nam Và Lịch Sử Âm Nhạc
 
Những kỳ quan xanh - Nguyễn Thế Khoa
Những kỳ quan xanh - Nguyễn Thế KhoaNhững kỳ quan xanh - Nguyễn Thế Khoa
Những kỳ quan xanh - Nguyễn Thế Khoa
 
Tài liệu thuyết minh về Cải Lương
Tài liệu thuyết minh về Cải LươngTài liệu thuyết minh về Cải Lương
Tài liệu thuyết minh về Cải Lương
 
Chuyên đề Pháp luật văn hoá & xã hội - Số 3/2013
Chuyên đề Pháp luật văn hoá & xã hội - Số 3/2013Chuyên đề Pháp luật văn hoá & xã hội - Số 3/2013
Chuyên đề Pháp luật văn hoá & xã hội - Số 3/2013
 
O hai dau noi nho1
O hai dau noi nho1O hai dau noi nho1
O hai dau noi nho1
 
Đề tài: Ứng xử vợ chồng của người Việt qua ca dao Nam bộ, HAY
Đề tài: Ứng xử vợ chồng của người Việt qua ca dao Nam bộ, HAYĐề tài: Ứng xử vợ chồng của người Việt qua ca dao Nam bộ, HAY
Đề tài: Ứng xử vợ chồng của người Việt qua ca dao Nam bộ, HAY
 
TL.DSVH.docx
TL.DSVH.docxTL.DSVH.docx
TL.DSVH.docx
 
Giáo sư Hoàng Chương
Giáo sư Hoàng ChươngGiáo sư Hoàng Chương
Giáo sư Hoàng Chương
 
Đề tài: soạn ca khúc mang âm hưởng dân ca cho đàn Nguyệt, 9đ
Đề tài: soạn ca khúc mang âm hưởng dân ca cho đàn Nguyệt, 9đĐề tài: soạn ca khúc mang âm hưởng dân ca cho đàn Nguyệt, 9đ
Đề tài: soạn ca khúc mang âm hưởng dân ca cho đàn Nguyệt, 9đ
 
Thực Trạng Và Giải Pháp Khai Thác Nghệ Thuật Chèo Hải Dương Phục Vụ Phát Triể...
Thực Trạng Và Giải Pháp Khai Thác Nghệ Thuật Chèo Hải Dương Phục Vụ Phát Triể...Thực Trạng Và Giải Pháp Khai Thác Nghệ Thuật Chèo Hải Dương Phục Vụ Phát Triể...
Thực Trạng Và Giải Pháp Khai Thác Nghệ Thuật Chèo Hải Dương Phục Vụ Phát Triể...
 
Văn hiến Hà Nam - Phần hai - vanhien.vn
Văn hiến Hà Nam - Phần hai - vanhien.vnVăn hiến Hà Nam - Phần hai - vanhien.vn
Văn hiến Hà Nam - Phần hai - vanhien.vn
 
Đề tài: Dạy học hát dân ca cho học sinh lớp 6 tại Hà Nội, HAY, 9đ
Đề tài: Dạy học hát dân ca cho học sinh lớp 6 tại Hà Nội, HAY, 9đĐề tài: Dạy học hát dân ca cho học sinh lớp 6 tại Hà Nội, HAY, 9đ
Đề tài: Dạy học hát dân ca cho học sinh lớp 6 tại Hà Nội, HAY, 9đ
 
Luận Văn Tìm Hiểu Nghệ Thuật Ca Trù Đông Môn - Thủy Nguyên - Hải Phòng Và Địn...
Luận Văn Tìm Hiểu Nghệ Thuật Ca Trù Đông Môn - Thủy Nguyên - Hải Phòng Và Địn...Luận Văn Tìm Hiểu Nghệ Thuật Ca Trù Đông Môn - Thủy Nguyên - Hải Phòng Và Địn...
Luận Văn Tìm Hiểu Nghệ Thuật Ca Trù Đông Môn - Thủy Nguyên - Hải Phòng Và Địn...
 
Luận Văn Tìm Hiểu Nghệ Thuật Ca Trù Đông Môn - Thủy Nguyên - Hải Phòng Và Địn...
Luận Văn Tìm Hiểu Nghệ Thuật Ca Trù Đông Môn - Thủy Nguyên - Hải Phòng Và Địn...Luận Văn Tìm Hiểu Nghệ Thuật Ca Trù Đông Môn - Thủy Nguyên - Hải Phòng Và Địn...
Luận Văn Tìm Hiểu Nghệ Thuật Ca Trù Đông Môn - Thủy Nguyên - Hải Phòng Và Địn...
 
Project Event Culture - Ca Tru Viet Nam - Draff Fist Idea
Project Event Culture - Ca Tru Viet Nam - Draff Fist IdeaProject Event Culture - Ca Tru Viet Nam - Draff Fist Idea
Project Event Culture - Ca Tru Viet Nam - Draff Fist Idea
 
Đề tài: Dạy Dân ca Đông Anh cho sinh viên thanh nhạc, HAY, 9đ
Đề tài: Dạy Dân ca Đông Anh cho sinh viên thanh nhạc, HAY, 9đĐề tài: Dạy Dân ca Đông Anh cho sinh viên thanh nhạc, HAY, 9đ
Đề tài: Dạy Dân ca Đông Anh cho sinh viên thanh nhạc, HAY, 9đ
 
Khóa Luận Về Tìm Hiểu Nghệ Thuật Cải Lương Và Giải Pháp Phát Triển Để Phục Vụ...
Khóa Luận Về Tìm Hiểu Nghệ Thuật Cải Lương Và Giải Pháp Phát Triển Để Phục Vụ...Khóa Luận Về Tìm Hiểu Nghệ Thuật Cải Lương Và Giải Pháp Phát Triển Để Phục Vụ...
Khóa Luận Về Tìm Hiểu Nghệ Thuật Cải Lương Và Giải Pháp Phát Triển Để Phục Vụ...
 
Ca khúc mang âm hưởng Chèo trong bộ Dâng Hoa tại Giáo phận
Ca khúc mang âm hưởng Chèo trong bộ Dâng Hoa tại Giáo phậnCa khúc mang âm hưởng Chèo trong bộ Dâng Hoa tại Giáo phận
Ca khúc mang âm hưởng Chèo trong bộ Dâng Hoa tại Giáo phận
 
Ca dao dân ca
Ca dao dân caCa dao dân ca
Ca dao dân ca
 
Tư Tưởng Nho – Lão Trong Hát Nói Việt Nam.doc
Tư Tưởng Nho – Lão Trong Hát Nói Việt Nam.docTư Tưởng Nho – Lão Trong Hát Nói Việt Nam.doc
Tư Tưởng Nho – Lão Trong Hát Nói Việt Nam.doc
 

More from longvanhien

Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vnlongvanhien
 
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vn
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vnDiễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vn
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vnlongvanhien
 
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.longvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066longvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vnlongvanhien
 
Thực phẩm và sức khỏe
Thực phẩm và sức khỏeThực phẩm và sức khỏe
Thực phẩm và sức khỏelongvanhien
 
Cẩm nang người đi Miếu Bà
Cẩm nang người đi Miếu BàCẩm nang người đi Miếu Bà
Cẩm nang người đi Miếu Bàlongvanhien
 
Cẩm nang đi Núi Cấm
Cẩm nang đi Núi CấmCẩm nang đi Núi Cấm
Cẩm nang đi Núi Cấmlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vnlongvanhien
 
Những đồng tiền Cụ Hồ
Những đồng tiền Cụ HồNhững đồng tiền Cụ Hồ
Những đồng tiền Cụ Hồlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vnlongvanhien
 
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014longvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vnlongvanhien
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vnlongvanhien
 

More from longvanhien (20)

Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1070 - vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1069 - vanhien.vn
 
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vn
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vnDiễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vn
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam-Số 3/2014-vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1067 - vanhien.vn
 
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.
Diễn đàn văn nghệ Việt Nam - Số 2.
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1066
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1065 - vanhien.vn
 
So 12
So 12So 12
So 12
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1064 –vanhien.vn
 
Thực phẩm và sức khỏe
Thực phẩm và sức khỏeThực phẩm và sức khỏe
Thực phẩm và sức khỏe
 
Cẩm nang người đi Miếu Bà
Cẩm nang người đi Miếu BàCẩm nang người đi Miếu Bà
Cẩm nang người đi Miếu Bà
 
Cẩm nang đi Núi Cấm
Cẩm nang đi Núi CấmCẩm nang đi Núi Cấm
Cẩm nang đi Núi Cấm
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1063 –vanhien.vn
 
Những đồng tiền Cụ Hồ
Những đồng tiền Cụ HồNhững đồng tiền Cụ Hồ
Những đồng tiền Cụ Hồ
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1062 –vanhien.vn
 
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014
Văn hiến Việt Nam - Số Xuân 2014
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1059 –vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1058 –vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1057 –vanhien.vn
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch – Số 1056 –vanhien.vn
 

Nghệ thuật bài chòi

  • 1. KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC “BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI” Báo cáo đ d n và các b n tham lu n t iề ẫ ả ậ ạ H i th o khoa h c “B o t n vàộ ả ọ ả ồ phát huy ngh thu t Bài chòi” do UBND t nh Bình Đ nh và Trung tâm Nghiênệ ậ ỉ ị c u B o t n & Phát huy Văn hóa Dân t c VN ph i h p t ch c t ngày 10/09ứ ả ồ ộ ố ợ ổ ứ ừ đ n 11/9/2013 t i TP Quy Nh nế ạ ơ t nh Bình Đ nhỉ ị . HÀ NỘI, THÁNG 9 NĂM 2013 1
  • 2. Báo cáo đề dẫn: BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI HƯỚNG TỚI LÀ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ CỦA NHÂN LOẠI GS. Hoàng Chương TGĐ Trung tâm NCBT&PHVHDT Việt Nam Cách đây 4 năm, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Hoàng Tuấn anh có đề nghị chúng tôi với tư cách là cơ quan nghiên cứu bảo tồn và phát huy VHDT nên lấy ý kiến thăm dò các địa phương có nghệ thuật Bài Chòi là có nên làm hồ sơ trình UNESCO công nhận Bài Chòi miền Trung là không gian văn hóa phi vật thể của nhân loại không? và chúng tôi đã thực hiện. Kết quả, các giám đốc Sở Văn hóa TTDL các tỉnh Nam Trung Bộ đều có công văn trả lời thực chất đề nghị Bộ Văn hóa TTDL tiến hành lập hồ sơ về Bài Chòi trình Ủy ban UNESCO xem xét. Tiếp theo Bộ Văn hóa TTDL lại giao cho Trung tâm NCBT & PHVHDT VN thực hiện dự án "Phục hồi nghệ thuật Bài Chòi trên miền Bắc từ năm 2010" và sang đầu năm 2011 Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch lại phối hợp với tỉnh Bình Định tổ chức liên hoan Bài Chòi lần thứ nhất tại TP Quy Nhơn. Thứ Trưởng Bộ VHTTDL Lê Tiến Thọ và Phó Chủ tịch tỉnh Bình Định Nguyễn Thị Thanh Bình làm đồng Trưởng ban và tôi là Phó trưởng ban Chỉ đạo cuộc liên hoan này. Sang đầu năm 2012 Sở Văn hóa TTDL Bình Định lại phối hợp với Trung tâm NCBT & PHVHDT Việt Nam tổ chức Hội Bài Chòi tại Hà Nội và cuối tháng 5/2013 cuộc thi Tuồng và dân ca Kịch (chủ yếu là Bài Chòi) lại được tổ chức tại TP. Nam Kỳ - Quảng Nam. Chưa kể NXB Âm nhạc - Bộ Văn Hóa cùng Sở Văn hóa Bình Định đã tổ chức thực hiện thành công đĩa DVD về nghệ thuật Bài Chòi cổ do tôi làm cố vấn, một công trình rất có giá trị đang phát hành cả nước trong năm 2012. Như vậy, trong vòng 5 năm qua đã liên tiếp diễn ra những hoạt động Bài Chòi gần khắp đất nước, khiến cho toàn xã hội dù bị cuốn hút vào cơn bão kinh tế và nghệ thuật giải trí cũng phải quan tâm tới một bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc ở miền duyên hải Nam Trung Bộ, cũng giống như sự vực dậy phong trào đờn ca tài tử Nam Bộ và cả hai đều hướng tới mục tiêu đề nghị UNESCO công nhận mình là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhân dây tôi còn muốn cung cấp thêm một số thông tin về hoạt động học thuật Bài Chòi trong vài thập kỷ qua để những ai quan tâm tới bộ môn nghệ thuật này tham khảo. 2
  • 3. - Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tháng 4/1975 Đoàn ca kịch Bài Chòi LK5 từ miền Bắc về Nam phục vụ đồng bào, rồi được Bộ Văn hóa giao cho tỉnh Thuận Hải quản lý và đổi tên là Đoàn ca kịch Thuận Hải. Vì đây là đoàn Bài Chòi mạnh nhất lúc bấy giờ nên đến cuối năm 1980 một hội thảo khoa học đầu tiên về nghệ thuật Bài Chòi được tiến hành ở TP Phan Thiết. Tại hội thảo này vấn đề đặt ra là bảo tồn và phát triển Bài Chòi như thế nào để Bài Chòi không mất bản sắc? và vì sao lại dặt đơn vị Bài Chòi chủ lực trên mảnh đất không có Bài Chòi nên không phát triển nổi? Vậy có nên đưa nó trở về cái nôi của nó là Bình Định không? Cũng vì Bộ Văn hóa đặt nhầm chỗ, trồng cây không đúng đất nên sau ba năm thì Đoàn Ca kịch Thuận Hải dần dần tan rã, dù hai con chim đầu đàn của nó là Nguyễn Tường Nhẫn và Lệ Thi đã kêu tới thiên đình cũng không sao cứu nguy được. Đây là tổn thất lớn của ngành Bài Chòi, một đàn chim vỡ tổ, nhiều nghệ sĩ thất nghiệp, bỏ nghề, ngành Bài Chòi mất một đơn vị chủ lực ! Đến tháng 10 năm 1987 (Từ 10 - 14) nhân liên hoan dân ca kịch tại Đà Nẵng, cũng có một hội thảo về Bài Chòi, nhưng vì tổ chức thiếu khoa học mà hiệu ứng không cao. Đến tháng 9 năm 1990 cũng nhân liên hoan Tuồng và Ca kịch miền Trung lại có một cuộc tọa đàm về Bài Chòi, nhưng cũng không bàn sâu được về bảo tồn và phát triển Bài Chòi trong xu thế đất nước đang chuyển mạnh sang cơ chế thị trường, Bài Chòi bắt đầu gặp khó khăn về khán giả. Hội thảo lớn nhất về nghệ thuật Bài Chòi được tiến hành trong 2 ngày liền (từ 30 - 10 đến 1 - 11 năm 1990) ở TP Nha Trang do Viện Sân khấu Việt Nam tổ chức, Bộ Văn hóa Thông tin chỉ đạo. Hội thảo này tập trung gần đủ mặt những nhà nghiên cứu và nghệ sĩ Bài Chòi tên tuổi cả nước, bàn rất sâu, tranh luận rất quyết liệt về truyền thống và cách tân, nổi bật là hai ý kiến đối trọng giữa nhà nghiên cứu Mịch Quang và NSND Lệ Thi. Ông Mịch Quang thì phản đối việc dân ca hóa Bài Chòi và cho rằng nên giữ Bài Chòi cổ và lấy thể Hô là chính. Vì từ xưa tới nay người ta nói “hô Bài Chòi” chứ không ai nói “hát Bài Chòi”. Ngược lại, NSND Lệ Thi thì cho rằng Bài Chòi phải luôn luôn được gia tăng những làn điệu mới từ nguồn dân ca LK5 và lấy thể Hát làm chính. Ý kiến của NNC Mịch Quang được các nghệ sĩ gạo cội của Bài Chòi Bình Định như Phan Ngạn, Nguyễn Kiểm đồng tình. Còn ý kiến của NSND Lê Thi thì phù hợp với cách làm của một số đoàn đang tích cực cải tiến, tìm cách tiếp cận với đông đảo khán giả trẻ. Vì vậy, mà có đoàn không gọi tên Đoàn Bài Chòi mà gọi là Đoàn dân ca Kịch, hoặc Đoàn ca Kịch Bài Chòi. Từ cải tên đoàn đã phản ánh hướng đi của đơn vị nghệ thuật ấy, tức là dân ca hóa nghệ thuật Bài Chòi, mà khi các làn điệu gốc của Bài Chòi bị biến dạng, bị lấn át, kể cả cách hô, hát thì tất nhiên màu sắc, căn cước của Bài Chòi bị mờ đi, và như vậy thì gọi đoàn dân ca kịch là đúng, tức là dân ca hóa, hoặc kịch nói pha Bài Chòi. Như chúng ta biết, nghệ thuật Bài Chòi đã ra đời từ mấy trăm năm trước và đã phát triển trong vòng 100 năm, tương ứng với nghệ thuật cải lương. Cải lương cũng từ nói thơ, rồi nhập vào đờn ca tài tử, rồi học hát bội mà ca ra bộ lấy bài Dạ cổ Hoài lang của Cao Văn Lầu làm cơ sở để phát triển thành bộ môn nghệ thuật cải lương theo phương châm: “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sáng văn minh”, tức là cải cách không bờ bến, không bị ràng buộc trong quy tắc, nghiêm ngặc như Tuồng. Bài Chòi thi từ trò đánh Bài Chòi tiến lên hội Bài Chòi, bài chòi chiếu, bài chòi ghế, rồi từ đất lên giàn và cuối cùng là Bài chòi chuyên nghiệp 3
  • 4. mà tiêu biểu là Đoàn Bài chòi LK5 được thành lập tại Hà Nội năm 1957, cũng là năm vở Thoại Khanh - Châu Tuấn ra đời và giành được giải cao tại Hội diễn sân khấu toàn quốc cùng năm ấy. Vậy cái gì đã làm nên một vở ca kịch Bài chòi hiện đại đậm bản sắc dân tộc, rất Bài chòi để cả giới sân khấu và toàn dân công nhận nó? Bởi trước đó giới sân khấu không công nhận Bài Chòi là một kịch chủng dân tộc. Có người nói: đây là “nghệ thuật bài bạc”, cũng có nói nói “Bài chòi cải lương LK5”. Trước hết phải nói là Kịch bản văn học. Kịch bản Thoại Khanh - Châu Tuấn của Nguyễn Tường Nhẫn đã dựa theo câu chuyện dân gian cùng tên chuyển sang ca kịch Bài chòi. Ông là một nghệ sĩ có nghề đã từng là diễn viên Tuồng, đồng thời đã từng viết nhiều vở Bài chòi thời chống Pháp. Cái vốn nghề Tuồng và Bài Chòi cùng với kinh nghiệm từ thực tế hoạt động phong trào nên Nguyễn Tường Nhẫn đã viết được một vở Bài chòi khá tốt, nhất là văn thơ đậm chất dân gian, trữ tình sâu lắng. Nhưng nếu không có những cộng sự tài năng như Khánh Cao, Lệ Thi, Hoàng Lê, Văn Cận, Nguyễn Cung Nghinh ... thì không thể có được một Thoại Khanh - Châu Tuấn như hôm nay để chúng ta được chiêm ngưỡng, được kế thừa, và phát huy trong những sáng tạo nghệ thuật của mình. Nói về âm nhạc về ca hát thì, trong vở Thoại Khanh - Châu Tuấn không chỉ có những làn điệu như ta thấy ở Hội Bài chòi hoặc ở sân khấu Bài chòi chiếu trước đây như Xuân nữ, Xàng Xê, Cổ Bàn, Hồ Quảng, hát Nam mà còn có nhiều bàn bản khác như: Dạ đơn hành, Tình duyên cung oán, Trách hoa, Hò Quảng, Lý thương nhau và có cả ngâm thơ cổ nữa. Nhưng có điều là những bài bản mới ấy rất ăn khớp với các làn điệu chính của Bài chòi, khán giả vẫn có cảm giác là đang nghe hát Bài chòi. Ví dụ từ điệu nói lối của của hai vợ chồng Thoại Khanh - Châu Tuấn chuyển sang hát điệu Xuân nữ rồi chuyển sang điệu Hò Quảng rồi lại nối tiếp điệu Lý thương nhau mà nghe rất ngọt, rất Bài chòi. Thoại Khanh: Nói lối: Đây là tiền bán củi lâu nay em dành dụm Để cho chàng lộ phí xuống trường an. Anh ra đi giong ruổi bước dặm đàng. Em ở lại vượt ngàn cơn cay đắng. Nơi trường ốc may ra chàng chiếm bảng (thì ...) cũng đừng quên người tri kỷ chốn lều tranh. Đừng vì mùi chung đỉnh bả lợi danh. Mà phụ phàng cảnh hàn vi nơi thôn dã. 4
  • 5. Em sẽ giữ trọn tấm lòng vàng đá Cho đến ngày anh quay gót trở về ... (chuyển sang hát Bài chòi Xuân nữ). Gió trăng lưng túi đề huề, Đưa chàng đôi bước lòng se bên lòng. Xa chàng, em chỉ cầu mong, Chàng đi đến chốn thành công khi về. Chàng đi hãy giữ lấy tình quê Vinh hoa phú quý chớ hề say xưa. Lều tranh chung sống từ xưa, Mẹ già tựa cửa sớm trưa đợi chờ. Bà mẹ ra hát Hò Quảng: Mấy lời mẹ dặn con thơ, Chữ tình chữ ngãi con lo cho tròn ... Con đừng bận bựu vấn vương. Bước đi còn lắm dặm đường còn xa. Thoại Khanh (chuyển sang hát Lý thương nhau) Đưa anh ngàn dặm, dặm ngàn Dặn anh tròn vẹn đá vàng trăm năm. Ta thấy từ nói lối, chuyển sang điệu Xuân nữ, rồi tiếp là Hò Quảng và kết đoạn là điệu Lý thương nhau nghe rất vào, rất ngọt, không ai không công nhận là không Bài chòi ? Như vậy ca nhạc Bài chòi dù phát triển tới đâu nhưng nếu biết giữ cái gốc, giữ bản sắc, giữ căn cước của nó thì vẫn là Bài chòi. Giống như người trồng hoa, phải ghép hoa trên các gốc của một cây hoa cổ thụ, thì dù bông hoa có khác màu sắc, nhưng vẫn là loại hoa mang tên chính của nó. Như vậy, khuynh hướng nghệ thuật này không thể dùng cách Hô trong bài chòi cổ được mà phải hát theo trường phái của NSND Lệ Thi. Nhưng khi chúng ta hướng mục tiêu của Bài chòi tới UNSECO thì phải thực hiện theo các tiêu chí nghiêm ngặt của UNSECO mà họ đặt ra như các loại hình nghệ thuật khác đã thực hiện và đã thành công, như: Quan họ, Ca trù, Hát xoan, và sắp tới là Ví dặm Nghệ Tĩnh, Đờn ca tài tử. Như vậy Bài Chòi phải trở lại 5
  • 6. với cái gốc của nó tức là hình thức Hội Đánh Bài chòi, hoặc Bài chòi chiếu ... như chúng ta thấy nó đang tồn tại ở vùng đất miền Trung mà đặc biệt là ở Bình Định. Dĩ nhiên Bình Định cũng như một số địa phương khác từ Quảng Nam đến Khánh Hòa đang tích cực bảo tồn và phát triển nghệ thuật Bài Chòi và các hình thức biểu diễn dân gian khác chưa bị cải biên và lai tạp còn phát triển thì như một số đoàn đã thực hiện thành công một số vở diễn để phục vụ cho đại đa số khán giả trong và ngoài nước. Như vậy, Bài chòi một lúc phải đi hai chân, phải làm hai hướng: Bảo tồn nguyên gốc và phát triển như vở “Thoại Khanh - Châu Tuấn” của Đoàn Ca kịch Bài chòi Liên khu V cách đây 56 năm và vở “Khúc Ca bi tráng” của Đoàn Bài chòi Bình Định hôm nay. Cả hai tác phẩm đỉnh cao này như một biểu trưng, một điển hỉnh của sự thành công trong quá trình bảo tồn và phát triển nghệ thuật Bài chòi từ dân gian lên chuyên nghiệp mà UNSECO có thể tham khảo để công nhận Bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại . Nhân đây cũng xin nhắc lại, tại Hội thảo Bài chòi năm 1990 ở TP Nha Trang, trong kết luận của Thứ trưởng Bộ Văn hóa thông tin - GS Đình Quang có đề nghị thành lập một Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn miền Trung do các tỉnh có Bài chòi đóng góp nhân sự và ngân sách. Trung tâm này nên đặt ở một vị trí trung tâm ở miền Trung, nơi có phong trào Bài chòi mạnh, Bộ Văn hóa sẽ hỗ trợ một phần ngân sách. Như vậy đây cũng là một đề tài quan trọng mà ở hội thảo này nên quan tâm bàn bạc. Tất cả vì mục đích bảo tồn phát huy và phát triển bộ môn nghệ thuật bài chòi lâu dài và trước mắt là hướng tới làm hồ sơ trình UNESCO công nhận Bài chòi là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. PHÁT BIỂU CỦA Đ/C MAI THANH THẮNG - ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH BÌNH ĐỊNH Kính thưa quý vị đại biểu, Trong không khí vui tươi phấn khởi giữa những ngày thu lịch sử cùng cả nước chào mừng kỷ niệm 68 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, hôm nay, tại thành phố biển Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc tổ chức Hội thảo khoa học “Nghệ thuật Bài chòi”. Thay mặt Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định, tôi nhiệt liệt chào mừng toàn thể quý vị đại biểu, đại diện các đoàn nghệ thuật Bài chòi, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ từ thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Định và nhiều địa phương khác trong cả nước về tham dự Hội thảo khoa học này. Kính thưa các đồng chí và các bạn, Bài chòi là loại hình nghệ thuật dân gian, hình thành và phát triển trong quá trình lao động sản xuất, giao lưu văn hóa của người Việt khi vào định cư, khai phá vùng đất Đàng 6
  • 7. Trong từ cách đây nhiều thế kỷ. Các làn điệu, lời ca bình dị, ngọt ngào của Bài chòi đã đi vào lòng người và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân ở khu vực miền Trung nói chung và vùng Nam Trung bộ nói riêng. Qua quá trình hình thành và phát triển, nghệ thuật Bài chòi đã tiến triển dần và được trình diễn dưới nhiều hình thức như: hô bài chòi, hội đánh bài chòi, sân khấu ca kịch bài chòi… Tuy là bộ môn nghệ thuật non trẻ nhưng nghệ thuật Bài chòi đã có những đóng góp tích cực cho nghệ thuật sân khấu nói riêng và kho tàng văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung. Đặc biệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nghệ thuật Bài chòi đã theo sát cuộc sống kháng chiến, phục vụ đắc lực công cuộc đấu tranh cách mạng, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Bình Định là một trong những cái nôi của nghệ thuật Bài chòi, là nơi còn lưu giữ được nhiều làn điệu Bài chòi cổ. Trên mảnh đất này, từ tâm hồn mỗi người dân, mỗi làng quê, thôn xóm đâu đâu cũng vang lên những âm điệu Bài chòi mượt mà, sâu lắng. Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Bình Định luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi trong việc bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật đặc sắc này, đồng thời làm cho các giá trị văn hoá dân gian cổ truyền của quê hương luôn được kế thừa và phát huy. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp là Đoàn Ca kịch Bài chòi và một Đoàn Bài chòi cổ dân gian ngoài công lập thường xuyên tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân. Nhiều vở diễn đã được Đoàn Ca kịch Bài chòi đầu tư dàn dựng với đề tài phong phú, nội dung hấp dẫn, gặt hái được nhiều thành tích cao tại các kỳ Hội thi, Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Những năm gần đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phục hồi Hội Bài chòi cổ dân gian và tập huấn nhân rộng lực lượng diễn viên, hình thành các Câu lạc bộ Bài chòi ở nhiều địa phương trong tỉnh thường xuyên tổ chức trình diễn vào các dịp lễ, tết, hội dân gian truyền thống, được đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài nước ủng hộ, hưởng ứng tham gia. Đến nay trong toàn tỉnh Bình Định có 01 nghệ sĩ nhân dân, 06 nghệ sĩ ưu tú ở bộ môn nghệ thuật này. Kính thưa quý vị đại biểu, Việc tổ chức Hội thảo khoa học Nghệ thuật Bài chòi lần này có ý nghĩa nhằm nghiên cứu, tổng kết một cách toàn diện cả về lý luận và thực tiễn lịch sử hình thành và phát triển của nghệ thuật Bài Chòi, con đường từ Bài Chòi dân gian đến Bài Chòi sân khấu chuyên nghiệp, rút ra các bài học trong công tác bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật Bài Chòi cho hôm nay và mai sau. Chúng ta tin tưởng rằng Hội thảo lần này sẽ đem lại kết quả như mong muốn, sẽ làm sáng tỏ nhiều vấn đề về quá trình hình thành và phát triển, cùng các đặc điểm, tính chất và giá trị độc đáo, nổi bật của nghệ thuật Bài Chòi, qua đó tạo tiền đề hướng tới lập hồ sơ khoa học di sản Bài Chòi trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trong thời gian đến. Cuối cùng, tôi chân thành cảm ơn Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc đã quan tâm phối hợp tổ chức Hội thảo, xin thân ái cảm ơn và gửi lời chúc sức khỏe, đến quý vị đại biểu, đại diện các đơn vị nghệ thuật Bài chòi, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ có mặt trong buổi Hội thảo hôm nay. Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp. Xin trân trọng cảm ơn./. 7
  • 8. BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI TRONG ĐỜI SỐNG HÔM NAY NSND Lê Tiến Thọ Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam Năm 1964 (13 tuổi), lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với nghệ thuật Bài chòi ở khu Văn công Mai Dịch (Hà Nội) khi được xem vở diễn “Đội kịch chim chèo bẻo”. Tiếp đó là vở “Thoại Khanh - Châu Tuấn”, và trong quá trình hoạt động nghề nghiệp gắn bó với nghệ thuật, tôi được xem vở “Tiếng sấm Tây Nguyên” và biết tới Nghệ thuật Bài Chòi nhiều hơn qua một số vở diễn trong các đợt Liên hoan Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Vì vậy cảm nhận được những cái hay cái đẹp của nghệ thuật sân khấu Bài Chòi. Bài chòi sinh ra ở vùng Nam Trung bộ là sản phẩm văn hoá quý giá, độc đáo của đất nước. Nó giữ một vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân Nam Trung bộ. Tôi cũng như nhiều khán giả miền Bắc được biết tới nghệ thuật Bài Chòi và Bài Chòi phát triển trên đất Bắc suốt quãng thời gian mấy chục năm là nhờ công lớn của những nghệ sĩ ở miền Trung ra Bắc đã gìn giữ được loại hình nghệ thuật rất riêng này. Các nghệ sĩ, nhạc sĩ, tác giả đã mở ra công lớn, mở rộng đề tài cho loại hình sân khấu ca kịch này. Tôi nghĩ phải chăng vì sinh ra ở vùng đất đã có sự phát triển của sân khấu Tuồng mà Bài Chòi đã tiếp thu từ tinh hoa ấy mà phát triển được và khẳng định được những nét độc đáo riêng, đặc trưng riêng trong chiếc nôi của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Nó vừa có nét độc đáo nghệ thuật của một miền văn hoá vùng duyên hải miền Nam Trung bộ, vừa có nét chung của sân khấu dân tộc góp mặt vào sự phong phú và đa dạng của nền nghệ thuật sân khấu nước nhà. Ngoài tiếp thu có chọn lọc những cấu trúc của sân khấu nói chung, nghệ thuật Tuồng nói riêng, Dân ca Bài Chòi còn tiếp tục làm giàu hệ thống làn điệu của mình bằng các 8
  • 9. làn điệu dân ca trong khu vực và sáng tạo của các nhạc sĩ cùng các nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn. Cái gốc của sân khấu Bài Chòi có hô Bài Chòi, ca Bài Chòi, tấu Bài Chòi và cuối cùng là ca kịch Bài Chòi. Sân khấu Bài chòi có thể diễn các đề tài dân gian - lịch sử - thần thoại - chuyện thời đại - chuyện trong nước và ngoài nước, nhưng phải nói bằng tiếng nói của chính mình, nội dung phải phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và đạo đức con người Việt Nam, phải tiếp nối những câu chuyện dân gian quen thuộc mà người dân lao động đã được thưởng thức từ khi ngồi trên chín cái chòi cách đây hàng trăm năm mà phát triển lên thành sân khấu chuyên nghiệp. Trong sân khấu Bài Chòi, tùy theo vở diễn đề tài cận đại hoặc hiện đại mà tác giả chỉ sử dụng 5 làn điệu: Xuân nữ, Xàng xê, Cổ bản, Hồ quảng và Nói lối. Có thể nói, nghệ thuật Bài Chòi đã có một thời vàng son đóng góp vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam. Việc được giới sân khấu chuyên nghiệp đánh giá “Thoại Khanh – Châu Tuấn” là vở diễn xuất sắc tại hội diễn năm 1957 đã chứng tỏ sự phát triển vượt bậc, làm mốc cho sự hình thành kịch chủng dân ca Bài Chòi, đưa Bài Chòi lên thành sân khấu chính quy hiện đại. Tiếp đó là vở “Tiếng sấm Tây Nguyên” tham gia hội diễn năm 1962 đã gây tiếng vang lớn trong giới sân khấu và được đánh giá cao với gần 20 huy chương vàng, bạc dành cho kịch bản, âm nhạc, mỹ thuật và diễn viên… đã đánh dấu bước phát triển quan trọng trong việc thể hiện đề tài mới của nghệ thuật Bài chòi. Phát huy những thành quả đạt được, các tác giả sân khấu Bài Chòi đã mở ra nhiều đề tài khác nhau với một loạt các vở diễn như: “Trước giờ tạm biệt”, “Chống cưỡng ép di cư”, “Anh Tâm trở về”, “Đường sống”, “Đội kịch chim chèo bẻo”, “Tầm vóc Đại Hồng”, “Một mạng người”, “Bà đô đốc áo đỏ”, “Lưu Bình - Dương Lễ”, “Kiều - Từ Hải”, “Vượt Chư Lây”, “Người con thứ”, “Muối Bok Hồ”, “Ba cha con” … góp phần không nhỏ trong việc phục vụ sự nghiệp xây dựng XHCN trên miền Bắc. Sau ngày thống nhất đất nước, các nghệ sĩ Bài Chòi trở về Nam phục vụ, miền Bắc không còn đoàn nghệ thuật Bài Chòi nữa. Nhờ trưởng thành trên miền Bắc mà khi trở về Nam, nghệ thuật sân khấu Bài Chòi vẫn tiếp tục phát triển, vẫn biểu diễn và tham gia đầy đủ các đợt hội diễn lớn. Năm 2010, Hội diễn Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại TP Đà Nẵng đã thu hút được 3 đoàn Ca kịch Bài Chòi tham gia. Với sự tìm tòi và sáng tạo mới, vở diễn “Thời con gái đã xa” của Đoàn Ca kịch Bài Chòi Bình Định đã đạt huy chương bạc. Năm 2011, tại TP Quy Nhơn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Liên hoan sân khấu Dân ca kịch Bài Chòi chuyên nghiệp toàn quốc. Các đoàn ca kịch Bài Chòi Quảng Nam, Bình Định và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa đã mang đến những 9
  • 10. vở diễn đề tài truyền thống, lịch sử, huyền sử, dân gian hoặc hiện đại… tạo nên sắc màu dân tộc đậm đà của mỗi địa phương, nhưng vẫn nổi bật được giá trị riêng của nghệ thuật Bài Chòi. Đặc biệt, đầu xuân 2011, UBND tỉnh Bình Định và Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Bình Định đã phục dựng, phát triển Bài Chòi và đưa Hội đánh Bài Chòi cổ dân gian của Bình Định giới thiệu với công chúng Thủ đô tại không gian sân khấu Nhà hát Kim Mã (Hà Nội) đã tạo một không khí rất sôi nổi những ngày đầu xuân và giúp người dân nơi đây được hiểu nhiều hơn về đánh Bài Chòi cổ và nghệ thuật Bài chòi. Thông qua việc giới thiệu và quảng bá về Bài Chòi với hình thức diễn xướng dân gian và biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, có thể thấy, Bình Định là địa phương còn gìn giữ và phát triển được hội đánh Bài Chòi cổ tại các lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh. Bắt nguồn từ trò chơi dân gian do Đào Duy Từ truyền dạy từ thế kỷ XVII, từ đó, Bài Chòi phát triển thành hình thức đánh Bài Chòi - Lễ hội Bài Chòi. Hình thức này ra đời đã hơn 100 năm duy trì mãi tới hôm nay, trải qua nhiều giai đoạn từ đất lên giàn, từ độc diễn đến tập thể biểu diễn. Dần dần, Bài Chòi đã phát triển đi lên thành một nghệ thuật quần chúng. Từ những năm Bài Chòi mới ra đời cho đến nay, Bình Định hiện cũng là địa phương có thế mạnh về phát triển sân khấu Bài Chòi. Nhiều năm qua, Đoàn Dân ca kịch Bài Chòi Bình Định đã gìn giữ, kế thừa và phát huy nghệ thuật dân ca Bài Chòi - một di sản tinh thần của cha ông, đã quyện chặt vào tâm thức dân gian của người Bình Định. Và trải qua những năm tháng thăng trầm của lịch sử, nhưng được nhân dân nuôi dưỡng coi như món ăn tinh thần không thể thiếu nên Bài Chòi vẫn âm thầm tồn tại trong nhân dân, trong làng xã. Hiện nay, Bài Chòi cũng như các loại hình sân khấu dân tộc khác đang đứng trước thử thách gay go về việc giữ gìn và phát triển trong cuộc sống hôm nay. Nếu trước cách mạng (1945) cả vùng Nam Trung bộ đều có phong trào hát Bài Chòi thì nay chỉ còn 03 đoàn Bài chòi chuyên nghiệp (Bình Định, Quảng Nam, Khánh Hòa). Tuy số lượng các đoàn ít ỏi nhưng vừa qua, Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch vẫn quyết tâm tổ chức Cuộc thi Nghệ thuật Sân khấu Tuồng và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013 nhằm duy trì và khôi phục loại hình nghệ thuật truyền thống này. Đây là dịp để các đoàn Dân ca kịch Bài Chòi chuyên nghiệp giới thiệu quảng bá tác phẩm, kết quả bảo tồn phát huy các giá trị nghệ thuật Bài Chòi trong những năm qua. Đây cũng là dịp để tôn vinh những nghệ sỹ, diễn viên có tâm huyết với nghệ thuật Bài Chòi truyền thống… Tham dự cuộc thi năm nay có 3 đơn vị Dân ca kịch Bài Chòi chuyên nghiệp trong toàn quốc là Đoàn Ca kịch Quảng Nam, Đoàn Ca kịch Bài Chòi Bình Định và Nhà hát nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa. Tại cuộc thi này, Đoàn Ca kịch Bài Chòi Bình Định đã gặt hái được thành công lớn với huy chương vàng cho vở diễn “Khúc ca bi tráng” (Tác giả kịch bản: Văn Trọng Hùng, Chuyển thể: Đoàn Thanh Tâm, Đạo diễn: 10
  • 11. NSND Hoài Huệ), một lần nữa đã khẳng định sức sống của nghệ thuật Bài Chòi cũng như sự trưởng thành lớn mạnh và sự tìm tòi, sáng tạo trong việc bảo tồn và thúc đẩy nghệ thuật Bài Chòi ở Bình Định phát triển trong giai đoạn mới. Điều này cũng là niềm vinh dự, tự hào cho tỉnh Bình Định khẳng định thế mạnh của nghệ thuật Bài Chòi, đồng thời cũng là động lực cho những người tâm huyết với nghệ thuật Bài Chòi làm hết sức mình trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy và phát triển nghệ thuật Bài Chòi theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII là “xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”. - Để bảo tồn và phát triển nghệ thuật Bài Chòi trong cuộc sống hôm nay mà vẫn giữ được những giá trị nguyên gốc, theo tôi cần có những giải pháp sau: Sức sống của ca kịch Bài Chòi đã được gieo mầm và trưởng thành từ trong kháng chiến, đến nay cần phải có sự bảo tồn, phát huy và phát triển phù hợp đáp ứng đúng với yêu cầu của thời đại, đúng với môn nghệ thuật này đúng tầm với những loại hình khấu dân tộc của nước ta, đáp ứng được yêu cầu thưởng thức cũng như giá trị chân, thiện, mỹ của loại hình nghệ thuật độc đáo trong đời sống hiện đại hôm nay. Nghệ thuật sân khấu nói chung và nghệ thuật Bài Chòi nói riêng có vai trò to lớn trong đời sống xã hội, đặc biệt là trong việc nâng cao nhận thức; phát triển và hoàn thiện nhân cách con người. Các nghệ nhân, nghệ sĩ đã xây dựng nền nghệ thuật truyền thống độc đáo từ chính cuộc sống lao động sản xuất và sản sinh những di sản nghệ thuật quý giá trong kho tàng sân khấu cổ truyền với Tuồng, Chèo, Cải lương… và những làn điệu, lời ca mượt mà, thấm đẫm giá trị đạo đức, nhân văn của con người Việt Nam qua từng thế hệ. Với người dân Việt Nam, nền nghệ thuật sân khấu truyền thống là kho báu về di sản văn hóa phi vật thể, là tinh hoa sáng tạo nghệ thuật của bao thế hệ tiền nhân, là niềm tự hào của mỗi người con đất Việt. Việt Nam đã có nhiều loại hình âm nhạc truyền thống được UNESCO công nhận và xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Việc lập hồ sơ trình UNESCO xét duyệt và công nhận Bài Chòi là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại nhằm tôn vinh đúng giá trị đích thực về khoa học, lịch sử, văn hóa của di sản và có kế hoạch bảo tồn, phát huy nghệ thuật Bài Chòi có tính khả thi nếu chúng ta biết làm cho đúng, cho có sức thuyết phục trong quá trình hội nhập quốc tế là vô cùng cần thiết. Bài Chòi là nghệ thuật dân gian mang hình thái riêng biệt nên từ kịch bản đến đạo diễn, diễn xuất, âm nhạc và trang trí đều phải xuất phát từ quan điểm dân gian mà sáng tạo. Hiện nay, xu hướng hiện đại hóa Bài Chòi (dân ca hóa Bài Chòi và đưa nhạc sáng tác quá nhiều vào sân khấu Bài Chòi) đã dẫn tới hệ lụy mất bản sắc Bài Chòi dân gian truyền thống, cái mà chúng ta cần bảo tồn, cần phát huy và cũng là mục tiêu chúng ta đang phấn đấu để UNESCO công nhận Bài Chòi là di sản phi vật thể của nhân loại. Do đó, nếu xây dựng hồ sơ trình 11
  • 12. UNESCO xét duyệt thì phải giữ tư liệu gốc của Bài Chòi trên cả 2 phương diện là Lễ hội Bài Chòi và nghệ thuật biểu diễn Bài Chòi chuyên nghiệp. Mục đích của việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật Bài Chòi chính là mang đến cho công chúng những giá trị thẩm mĩ, vì vậy, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp để giữ gìn vốn cổ, trong đó chú trọng: + Tổ chức đưa nghệ thuật sân khấu Bài Chòi vào chương trình sân khấu học đường. + Thường xuyên tổ chức Liên hoan Sân khấu Bài Chòi (những vở sáng tác mới; Liên hoan những vở diễn có tính truyền thống của nghệ thuật Bài Chòi). + Tổ chức nhiều Hội thảo khoa học để tổng kết đánh giá, rút ra những kinh nghiệm trong sự hình thành và phát triển của nghệ thuật Bài Chòi từ một loại hình diễn ca (khô Bài) trở thành loại hình nghệ thuật Sân khấu tổng hợp. +Tổ chứctập huấnnângcao trìnhđộbiểu diễn chocác nghệsĩtrẻhàng năm. Thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị “tiếp tục xây dựng và phát triển Văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”, các thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ Sân khấu đã không ngừng sáng tạo nhiều tác phẩm có chất lượng cao, góp phần đưa Nghệ thuật Sân khấu nói chung và nghệ thuật sân khấu Bài Chòi nói riêng phát triển trong xu thế hội nhập và đáp ứng yêu cầu của thời đại. Ta có thể tin vào một chặng đường mới, cuộc hành trình - tiếp tục vươn lên, đứng vững để bảo tồn một nghệ thuật đặc sắc của văn hóa dân tộc: nghệ thuật Bài Chòi, như đã từng tin vào sức sống của sân khấu Bài Chòi hôm qua, hôm nay và mai sau./. BÀI CHÒI-NGHỆ THUẬT HỒN NHIÊN Nhà thơ Thanh Thảo Nghệ thuật dân gian nào mà chả hồn nhiên, vì nó đều được thể hiện và đồng sáng tạo bởi những nghệ nhân dân gian, những người nông dân hồn nhiên từ bản chất, ngày xưa chỉ quen ở bên trong lũy tre làng. Nhưng có lẽ trong nhiều loại hình nghệ thuật dân gian, thì bài chòi và hô bài chòi là nghệ thuật hồn nhiên bậc nhất. Vì sao như vậy ? Bài chòi và hô bài chòi là một trò chơi, một trò chơi văn nghệ nhằm giúp gây hưng phấn, vui thú, giải tỏa cho cả người trực tiếp chơi lẫn người xem. Một trò chơi, thì trước hết nó phải mang những đặc tính của trò chơi, nghĩa là phải thật sự hồn nhiên, hài hước và vô vị lợi. Trò chơi bài chòi được tổ chức vào những ngày đầu Xuân nên lại càng phơi phới những tươi vui. Đó là trò chơi có thưởng, có dùng những quân bài, nhưng không phải là trò đánh bạc. Không có chuyện sát phạt, ăn thua nhau về tiền hay vật dụng thưởng qui ra tiền, mà ở đây, chơi là chính, vui là chính, thưởng thức nghệ thuật là chính, thông qua những điệu hô chòi trầm bổng, nhịp nhàng, du dương mà người lĩnh xướng có tên là anh hiệu thể hiện. Anh 12
  • 13. hiệu-nghệ sĩ ẩn danh-chính là nhân vật trung tâm của bài chòi. Đó là một nghệ sĩ dân gian diễn xướng những bài bản có sẵn lẫn những sáng tạo tức thời mang tính ngẫu hứng,những bài thơ ứng tác đậm dấu ấn cá nhân. Có thể nói, anh hiệu chính là một nhà thơ dân gian, một người ngày xưa ít nhiều có học trong làng, dù dở dang. Và nhất là có năng khiếu đặt vè, hát thơ, sáng tác và nhất là ứng tác rất linh hoạt những bài vè hay thơ lục bát, lục bát biến thể một cách trực tiếp, hài hước, tươi vui, nhuần nhị. Có thể ngày xưa mỗi tổng hay mỗi làng đều có những anh hiệu như thế, họ vừa là nghệ sĩ bình dân vừa là tinh hoa văn nghệ của làng. Tôi nghĩ, có thể họ cũng được miễn những công việc tạp dịch trong làng, nhất là những khi làng có việc. Vì việc lớn nhất của họ mỗi độ Xuân về là làm anh hiệu, là hô bài chòi, phục vụ dân làng và bá tánh. Thế cũng là đủ. Sự hồn nhiên của nghệ thuật bài chòi bắt đầu từ anh hiệu, còn sự hồn nhiên dí dỏm thông minh của anh hiệu lại bắt đầu từ nhân dân. Thế còn nghệ thuật bài chòi ở miền Trung Việt Nam, nó khởi lên từ hồi nào? Nhà âm nhạc học người Pháp tên là G.L.Bouvier đã đến Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX để nghiên cứu về các thể loại âm nhạc ở nước ta, ông Bouvier cho rằng: "Bài Chòi được hình thành và phát triển sau những năm 1470 Nam tiến, người Việt ra sức khẩn hoang từ vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định cho tới Bình Thuận, đặc biệt đã thành công trong việc xây dựng kinh tế, văn hóa và đời sống vùng châu thổ ở Bình Định và Phú Yên rất phì nhiêu. Trong số đó, có nhiều người từ nhiều địa phương có truyền thống văn hóa lâu đời, phong phú và đa dạng, có điều kiện kết hợp nhanh chóng với nền văn hóa dân gian của địa phương, một số làn điệu dân ca, Hò, Lý, Hò chèo thuyền, Hò giã gạo, Hò đi cấy... còn giữ được bản sắc ban đầu, đồng thời phát triển, sáng tạo ra các làn điệu mới." (Theo lời dẫn của nhạc sĩ La Nhiên trong "Quê hương điệu hát Bài Chòi, Sài Gòn" 1974. Dẫn lại theo nhà nghiên cứu Trần Hồng). Như thế, nghệ thuật bài chòi có lẽ thịnh nhất ngay từ thời Trấn quốc công Bùi Tá Hán (nửa đầu thế kỷ 16) lãnh đạo người Việt cùng người bản địa khai phá và canh tân miền Trung. Nó có thể theo chân những binh lính và lưu dân người Việt vào lập nghiệp ở miền này, nhưng đối tượng phục vụ của nó gồm cả người dân Việt và người dân Chàm. Đây có thể coi là một hình thức nghệ thuật diễn xướng đậm chất Việt, nhưng được thử thách và tồn tại ở ngay mảnh đất mà ban đầu, nghệ thuật của người Chàm giữ vị trí quan trọng. Lý do để nghệ thuật bài chòi có được chỗ đứng vững vàng trong sinh hoạt cộng đồng Việt-Chàm nằm ở ngay tính hồn nhiên và dân chủ của nó. Sức lan tỏa và thuyết phục của nó ở chỗ nó không phân biệt, nó bình đẳng với mọi người chơi và mọi người nghe. Tuồng hát bội ban đầu chỉ biểu diễn ở cung đình hay ở các nhà quan lớn, dành cho những đối tượng người xem chọn lọc. Về sau mới hướng về phục vụ cả dân chúng. Còn bài chòi, ngay từ đầu đối tượng phục vụ của nó đã là lính, là dân, là bất cứ ai ham thích trò chơi này, không phân biệt. Với cư dân nông nghiệp Việt Nam, mùa xuân là mùa lễ hội, mùa của sự thăng hoa và tinh thần dân chủ. Đó cũng là mùa của bài chòi. Ta thử nghe một đoạn bài chòi xem nhé: “ Chỗ này là chỗ vui chơi Có trống nẫu nhịp, có cây kèn nẫu thổi ò í e... Có rượu rồi lại có chè Cô cứ gác chân tréo ngoảy ngồi nghe hô bài(...) Tôi bưng khay rượu nạm vàng Chúc mừng năm mới an khang xóm làng...” 13
  • 14. Cô gái “gác chân tréo ngoảy”, cái động tác ấy mới hồn nhiên và dân chủ làm sao! Và cũng dễ thương biết chừng nào! Ngay tên những con bài cũng đã nói lên tính bình dân và dân chủ rất rõ. Như câu hô thai (hô đố) Nhứt Nọc này: “Tay cầm sào chống lái Mắt liếc bãi lều tranh Ở đây đưa rước bộ hành Thuyền nan một chiếc tử sanh trọn bề Trải qua bãi bạc gành nghê Tứ mùa chèo chống đôi bề sóng xao Thú vui ngang dọc một sào Ngồi trong tịnh viện kẻ gào người kêu Tiếng ai văng vẳng kêu đò Mau mau nhổ nọc chèo qua rước người.” Người nghe tinh ý biết ngay câu thai (đố) ấy ứng với con bài Nhứt Nọc. Đúng là đố vui có thưởng! Nhưng trên đường giải đố, người nghe đã được hưởng trọn vẹn một đoạn hô chòi rất hay, nó là tâm sự của một anh chèo đò, mà cũng là những câu thơ sinh động vẽ nên cảnh sông nước ngày xưa. Nghệ thuật bài chòi trên đường hoàn thiện mình đã thu hút vào nó những làn điệu dân ca, những điệu lý có nguồn gốc từ âm nhạc Chàm. Nhưng tiêu chí để thu hút của nó vẫn là sự hồn nhiên. Trong bài chòi, cho đến nay còn giữ một số làn điệu dân ca có bản sắc ban đầu, như các điệu lý, điệu hò: lý con sáo, lý ngựa ô, lý quét nhà... hò chèo thuyền, hò cấy lúa, hò giã gạo…Toàn là những điệu lý điệu hò mộc mạc đúng như tên gọi của chúng. Cùng với sự hồn nhiên, điểm thu hút đặc biệt của bài chòi là tính hài hước. Cái này là “độc quyền” của các anh hiệu. Những anh hiệu nào càng có những câu hô thai hài hước, thậm chí có những câu thơ ứng tác chọc cười có duyên nhất là những anh hiệu “ăn khách” nhất, được bà con hưởng ứng nhiều nhất, ủng hộ nhiều nhất. Và những câu hô thai ấy, dù không được ghi ra giấy, vẫn lưu lại lâu bền trong trí nhớ của những người dân chơi hay nghe bài chòi. Ở đây có thể coi bài chòi là một dòng văn học dân gian truyền miệng, một kiểu “trình diễn thơ” độc đáo mà bây giờ khó có nhà thơ “mô-đéc” nào theo kịp trong khả năng thu hút công chúng. Hồn nhiên và hài hước, đó không chỉ là bí quyết trường thọ của bài chòi, mà còn là bí quyết trường thọ của văn học, của thơ ca. Sự tương tác với công chúng ở bài chòi đã đạt tới đỉnh cao, và nó tạo ra một từ trường đồng sáng tạo mà văn học nghệ thuật hiện đại luôn ao ước. Mãi mãi, bài chòi thuộc về nhân dân. 14
  • 15. HỘI ĐÁNH BÀI CHÒI VÀ SÂN KHẤU BÀI CHÒI DÂN GIAN BÌNH ĐỊNH Nguyễn An Pha Tương truyền Hội đánh Bài Chòi dân gian Bình Định do Đào Duy Từ sáng tạo từ khi ông rời nhà Lê vào Nam theo chúa Nguyễn. Khi vào Nam ông chọn Bình Định là nơi dừng chân buổi đầu, trước khi Quận công Trần Đức Hòa tiến cử ông về kinh giúp Chúa Sãi nhưng chưa có tài liệu chính thức nào để lại. Chỉ biết rằng xưa kia Bình Định còn chịu ảnh hưởng của vùng biên viễn Việt – Chiêm, những vùng trung du nhân dân còn thưa thớt, nạn thú rừng phá hoại mùa màn xảy ra thường xuyên, nhân dân dựng những cái chòi tranh, tre; trên chòi có sàn ngồi, trên sàn ngồi có mái lợp che nắng, che mưa cho người canh giữ, mỗi chòi có trang bị mõ, thanh la, trống hoặc các thứ để gây tiếng động. Mỗi khi có thú rừng kéo đến phá hoại mùa màn, hoặc uy hiếp người canh giữ, thì lập tức các chòi đồng loạt hô vang và gõ các công cụ hỗ trợ xua đuổi. Những lúc nhàn rỗi không có thú rừng quậy phá, những người canh chòi hô hát cho nhau nghe những điệu dân ca như: hò, vè, hát ru, hát kết, hát lí… từ đó nhân dân sáng kiến ứng dụng vào trò chơi đánh Bài trên Chòi, dần dần có tên gọi là Hội đánh Bài chòi; các thế hệ sau này gọi là “Hội đánh Bài chòi dân gian”. Mô hình hội đánh Bài Chòi: Cách bố trí hội Bài Chòi gồm có chín chòi theo hình chữ nhật. Hai dãy song song, đối diện nhau theo chiều dài, khoảng cách giữa 2 dãy chòi từ 8 đến 10m, mỗi dãy có 4 chòi (được tính từ chòi số 1 đến chòi số 8, gọi là các chòi con), chòi này cách chòi kia khoảng từ 3 đến 5m, chiều cao từ đất lên sàn ngồi khoảng 1,2m, từ sàn ngồi lên mái lợp khoảng 1,3m, chiều rộng mỗi chòi khoảng từ 1,2 đến 1,4 m. Một đầu giữa hai dãy chòi là chòi số 9, thường gọi là chòi Trung ương (hoặc chòi cái). Chòi trung ương lớn và cao hơn các chòi con. Trên các chòi được trang trí đẹp, các chòi con trang bị mỗi chòi một chiếc mõ làm bằng gốc tre già; chòi trung ương trang trí đẹp hơn so với các chòi con và được trang bị một cái trống cán (gọi là trống lịnh). Đối diện chòi trung ương, giữa 2 dãy chòi con, nằm ở đầu bên kia là bàn Hội đồng, khoảng cách giữa bàn Hội đồng và chòi trung ương khoảng từ 15 đến 20m. Bàn Hội Đồng là một vị trí trang trọng, trên bàn trải khăn điều, có ghế ngồi dành cho các chức sắc trong làng xã, các thành viên ban tổ chức và người điều hành hội. Trên bàn Hội Đồng bày biện các vật dụng như: Ống thẻ, những con bài cái, bài con, cờ thưởng cắm trên một khúc chuối cây, tiền thưởng được đặt trong hộp thau (hoặc một cái đĩa tàu); trà, rượu cho các chức sắc dùng và cũng được sử dụng trong khi phát thưởng; một cái khay đựng rượu, tiền thưởng và các đồ dùng để phát thưởng cho các chòi thắng cuộc. Bên phải bàn hội đồng có đặt một cái trống chầu để ngừơi điều hành hội làm thủ tục khai hội và sử dụng đệm cho các hiệu hô bài trong cuộc chơi. Người thủ trống chầu phải là người có chức sắc, am hiểu sâu các thủ tục, nghi thức của Hội Bài Chòi. Bên trái bàn Hội Đồng là dàn nhạc cổ, thường là từ 3 đến 5 nghệ nhân chơi nhạc, được bố trí các nhạc cụ như: Trống chiến, mõ, thanh la, đàn nhị, đàn hồ, kèn bầu, đàn 15
  • 16. nguyệt… Về trang phục: Người điều hành Hội và nghệ nhân chơi nhạc mặc áo dài khăn đóng, các Hiệu mặc quần áo kiểu vạc hò, có khăn chít trên đầu. Giữa sân trước bàn Hội Đồng và các chòi dựng một ống thẻ để anh Hiệu sử dụng trong cuộc chơi, ống thẻ là một đạo cụ di động để khi kết thức một ván hoặc một hội, đây là nơi hô Bài Chòi và diễn trò của các Hiệu phục vụ các chức sắc trong làng, người chơi bài và người dự hội. Phía trước sân hội được xây dựng một cổng chào (gọi là cổng hội) trang trí đẹp, rực rỡ; trên cao có dòng chữ to căng ngang 02 trụ cổng: “Hội đánh bài chòi dân gian xuân…” tùy theo năm đó là năm gì, địa điểm nào thì có các chữ tiếp theo. Bộ Bài Chòi trong Hội đánh Bài Chòi: Bộ bài chơi hội đánh Bài Chòi, các nghệ nhân sáng tạo phỏng theo từ bộ bài Tam Cúc (Bình Định và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ xưa kia có trò chơi Tam Cúc); bộ bài Tam Cúc gồm 3 pho: Pho văn, Pho vạn, Pho sách, mỗi pho gồm có 10 con bài (còn gọi là quân bài). Hội đánh bài chòi Bình Định sử dụng 27 con bài thành một bộ và chơi chín chòi, vì vậy khi Hiệu rao giới thiệu những con bài có câu “Chín chòi lẳng lặng mà nghe” (cũng trong 27 con bài nhưng mỗi hội, mỗi nơi có khác nhau một số con bài, vì đây là phỏng theo bộ bài Tam Cúc chứ không phải bê nguyên xi, và đây là trò chơi dân gian không mang tính bắt buộc, ví dụ có nơi dùng con bài nhì bí thì không dùng con nhì nghèo; nơi nào dùng con sáu ghe thì không dùng con sáu xưởng…). Một bộ bài có 2 loại thẻ: 9 thẻ bài cái (lớn) mỗi thẻ chứa đựng 3 con bài con (nhỏ) để bán cho các chòi; còn 27 con bài con là những con bài nhỏ lẻ, đựng trong ống thẻ dựng ở giữa sân hội, là công cụ để anh Hiệu điều khiển cuộc chơi. Vật dụng để làm những con bài (gồm bài cái và bài con) được làm bằng tre, hình những con bài làm bằng giấy vẽ màu mè, có hình tượng phù hợp với tên con bài và dán lên thẻ bài; phía dưới hình tượng các con bài, khi xưa thường viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, sau này các nghệ nhân có cải tiến, một mặt viết chữ Hán hoặc chữ Nôm, mặt còn lại viết chữ Quốc ngữ để lớp trẻ dễ nhận biết đó là con bài gì trong quá trình chơi bài. Một Hội chơi đánh Bài Chòi ban tổ chức thường chuẩn bị từ 2 đến 4 bộ bài có màu sắc khác nhau (xanh, đỏ, vàng,…) để tránh sự nhầm lẫn giữa Hội trước và Hội sau. Cách chơi hội đánh Bài Chòi: Hội đánh Bài Chòi dân gian Bình Định chỉ diễn ra trong dịp Tết Cổ truyền (tết Nguyên đán) của dân tộc, được tổ chức từ mùng 1 tết, đến khoảng mùng 5 tết, thường gọi là “Hội Bài Chòi xuân”, có nơi tổ chức kéo dài đến rằm tháng giêng, xưa có câu “tháng giêng là tháng ăn chơi” (Hội đánh bài chòi dân gian xưa ở Bình Định không diễn ra ở các lễ hội như một số bài viết đã nêu). Địa điểm tổ chức Hội Bài Chòi thường là sân đình làng hoặc một khoảng đất trống bằng phẳng, rộng rãi và thuận lợi cho người dự hội. Những ngày từ 25 đến 29 tháng chạp, ban tổ chức Hội huy động người trong làng góp tranh, góp tre, người cho mượn vật dụng như: bàn, ghế, khay trà, bình rượu,… người góp công, ai không góp của góp công thì góp tiền; đến 30 tháng chạp là mọi việc chuẩn bị cho Hội Bài Chòi xuân được hoàn tất. Sáng ngày mùng một tết, các vị chức sắc trong làng, các thành viên ban tổ chức có mặt sớm, người điều hành Hội dục trống chầu dóng ba, dàn nhạc cổ tấu bài chiến rao khai trường; Nhạc khai trường là hình thức thúc dục mời gọi người dự hội; nghe trống, nhạc khai trường mọi 16
  • 17. người lần lượt kéo đến, các anh Hiệu, chị Hiệu mời chào bán các con bài cái cho những người dự hội; Khi bán đủ 9 con bài cái, người mua đã lên chòi, anh Hiệu Hô (mỗi hội ít nhất là 3 Hiệu Hô và 2 Hiệu Chạy; Hiệu Hô là rút thẻ hô bài, Hiệu Chạy là đưa thẻ, phát thẻ, thu thẻ, có những hội Hiệu Hô kim luôn Hiệu Chạy) đến trước bàn Hội Đồng trịnh trọng thưa: “Hiệu phát bài đã đủ, cho Hiệu thủ bài tỳ” (thủ ống thẻ), lúc đó người điều hành hội sử dụng trống chầu làm thủ tục khai hội theo thể thức “đả cổ pháp” của một đêm diễn hát bội xưa: xuân tam, hè cửu, thu thất, đông ngũ (mùa xuân đánh 3 tiếng, mùa hè đánh 9 tiếng, mùa thu đánh 7 tiếng, mùa đông đánh 5 tiếng), dàn nhạc tấu lên, trống chầu thúc dục, trống lịnh ở chòi trung ương đánh 3 hồi, 9 tiếng, người trên chòi và người xem hội chăm chăm vào anh Hiệu, bắt đầu cuộc chơi. Sau khi xong thủ tục khai hội, anh Hiệu Chính hai tay bê ống thẻ đã đựng 27 con bài con, đi vòng một lược trong sân hội giới thiệu từng con bài theo điệu nói vè (một hình thức kiểm tra 27 con bài trước khi bắt đầu cuộc chơi), hai Hiệu Phụ đi theo 2 bên gõ sanh sứa đệm cho Hiệu Chính hô: Thò tay rút thẻ, trúng gã Ông Ầm Hay đi sụp hầm, là anh Tứ Cẳng Một dề trăng trắng, là chị Bạch Huê Ăn cận nằm kề, là anh Chín Gối Ba chìm bảy nổi, là chị Sáu Ghe Lập bạn lập bè, là anh Năm Dụm Hay đùm hay túm, là Tứ Xách đã quen Quần áo lèng teng, Nhì Nghèo cực khổ Hay bươi hay mổ, là chị Ba Gà Có ngạnh có ngà, là anh Tứ Tượng Phủ màn treo trướng, là chị Tám Dừng Ướt áo ướt quần, là anh Ngũ Trợt Rung cây không rớt, Tứ Móc thiệt hay Con mắt nhắm ngay, Tam Quăng thiệt giỏi Khen ai khéo gói, Bánh Hai ngọt ngon Mặt đỏ như son, Cửu Điều sặc sỡ Một chồng hai vợ, Ba Bụng úp vô Mập mái hại cồ, Chín Cu bay tới Hai tay chới với, Nhứt Nọc chết rồi 17
  • 18. Lấy trã úp nồi, Thất Vung tròn lắm Hay ôm hay ẵm, là chị Bát Bồng Xứng vợ xứng chồng, là anh Lục Chạng Ai làm bát rạn, Tám Miểng bể ra Ai hút ve trà, Nhứt Trò rắn ráo Hạt tấm hạt gạo, là chị Bảy Thưa Dãi nắng dầm mưa, là cô Bảy Liễu Muốn tròn chữ hiếu, đi tu Cửu Chùa. Sau đó anh Hiệu hô một lớp bài chòi chúc tết. Tùy theo năm đó là năm con gì và Hội Bài Chòi được tổ chức ở làng nào, làng đó có đặc điểm gì thì Hiệu sáng tạo những câu bài chòi cho phù hợp. Sau khi giới thiệu 27 con bài và chúc tết mọi người, các Hiệu lần lược đến ống thẻ rút từng con bài, rút ra con bài gì thì Hiệu hô tên con bài đó. Ví dụ: Hiệu rút ra con bài Nhứt Trò, Tứ Tượng, … Hiệu giơ cao thẻ bài cho các chòi thấy, vừa làm điệu bộ vừa hô: Hô là con nhứt trò này, hô là con tứ tượng nè… Chòi nào có con bài nhứt trò hay tứ tượng thì đánh 3 tiếng mõ (nếu là chòi trung ương thì đánh 3 tiếng trống cán) Hiệu lập tức đem dâng con bài cho chòi trúng… Các Hiệu lần lượt rút thẻ hô tên con bài, Hiệu nào có năng khiếu thì diễn trò làm vui, các chòi chăm chú đợi trông anh Hiệu rút ra những con bài của chòi mình, còn người xem hội thì hào hứng nghe Hiệu hô, xem Hiệu diễn trò. Đến khi có một chòi nào đó tới đủ 3 con bài thì đánh một hồi mõ, nếu là chòi trung ương thì một hồi trống cán, Hiệu Chạy lập tức đến chòi có bài tới nhận 1 con bài cái và ba con bài con ra giữa sân hội hô to. Ví dụ: Chòi số 1 ăn một con Nhứt Trò nè, một con Năm Dụm nè, tới một con Cửu Chùa nè. Anh Hiệu dứt lời, trống chầu thúc dục, dàn nhạc trổi vang, không khí hội tưng bừng náo nhiệt; các Hiệu Chạy đi thu tất cả những con bài ở các chòi cho vào ống thẻ chuẩn bị ván thứ hai. Còn Hiệu Hô đến tại bàn Hội Đồng, bưng cái khay, trong đó đã chuẩn bị sẵn tiền thưởng đựng trên hộp thau, 1 ly rượu (hoặc một chén nước trà), một cây cờ thưởng nhỏ màu đỏ hình tam giác cắm trên một khúc cây chuối và Hiệu bắt đầu nói lối theo điệu hát Nam Xuân, 2 Hiệu phụ đi 2 bàn đệm song loan, sanh sứa (âm nhạc trổi Nam Xuân, trống chầu điểm): Vâng lệnh làng lãnh lấy khay tiền Hiệu khẩn cấp dâng cờ đệ nhất a.. (nếu là ván thứ nhất). Hiệu vừa đi vừa hát theo điệu Nam Xuân: 18
  • 19. Khẩn cấp dâng cờ đệ nhất. Nói lối trong nền nhạc: Minh niên năm nay Hiệu tôi xin chúc gia quyến, ông, bà, cô, bác, anh, chị được dồi dào sức khẻo, đắc lộc, đắc tài… Hát tiếp: chúc gia đình vạn sự bình an. Người chơi trên chòi trúng thưởng nhận một ly rượu, (nếu là phụ nữ thì một chén nước trà; trẻ em chỉ thưởng tiền và cờ), cây cờ thưởng cắm vào ống tre trên chòi, nhận tiền thưởng. Theo tục lệ người nhận tiền thưởng trích một ít tiền lẻ thưởng lại cho Hiệu gọi là “lì xì” năm mới, tiền này Hiệu được hưởng riêng. Xong việc phát thưởng mỗi ván, Hiệu Hô trình diễn một đoạn Bài Chòi cổ, nội dung liên quan đến chúc tết, chúc xuân hoặc có nội dung vui vẻ để phục vụ cho các vị chức sắc và những người xem hội. Trình tự cứ diễn ra như vậy cho đến ván cuối cùng của một Hội. Kết thúc Hội trống chầu đổ một hồi dài, mõ, trống cán các chòi cùng nhịp đổ hồi theo trống chầu, người xem vỗ tay hô vang, chúc mừng những người trúng thưởng, đón mừng hội chơi tiếp theo. Kết thúc một Hội các Hiệu Chạy đi thu toàn bộ các thẻ bài cái, bài con trên các chòi về bàn Hội Đồng, đồng thời bán 9 con bài cái khác cho Hội chơi tiếp theo; những người chơi hội trước muốn tiếp tục chơi hội tiếp theo thì mua một thẻ bài cái khác, có thể ngồi lại chòi cũ mình vừa chơi hoặc chọn một chòi khác tùy ý. Mỗi Hội đánh 8 ván, tiền thưởng mỗi ván bằng tiền mỗi chòi mua một thẻ bài; trong mỗi Hội tiền thu chín chòi mà thưởng tám chòi, vậy mỗi Hội Ban tổ chức thu được tiền bán thẻ của một chòi gọi là xâu, kết thúc cuộc chơi số tiền Ban tổ chức thu được dùng chi phí cho các anh Hiệu, Ban tổ chức và các khoản chi khác, thiếu thì trích quỹ làng bỏ vào, thừa thì góp vào quỹ Hội chơi năm sau. Làn điệu bài chòi và hô bài chòi: - Làn điệu Bài chòi: Thời kỳ đầu của Hội đánh Bài chòi, các Hiệu chỉ rút thẻ hô tên con bài (như đã nói trên), dần dần các Hiệu nghiên cứu ra điệu áp dụng trong việc hô tên con bài để tăng sức hấp dẫn, làm phong phú cho Hội chơi; đầu tiên các Hiệu vận dụng từ điệu nói vè thành điệu bài chòi nhịp 1, nhịp 2 theo thể thơ 4 chữ. (Ví dụ: minh họa) Vè gọi nghé: Huơ huơ nghé nhỏ Lạc đàn theo chó Lạc ngõ theo trâu Nghe mẹ rống đâu Đâm đầu mà chạy… Bài chòi nhịp 1, nhịp 2: 19
  • 20. Song thằn An Thái Dừa trái Tam Quan Đường cát Dương An Đĩa bàn nội phủ Hàng hoa kể đủ Đậu hũ xoa xoa Bánh tráng kẹo cà Hành ngò cúc cải Dây dừa dầu rái Kẹo đỗ kẹo dừa Mấy chị ngủ trưa Nẫu mua trợt lớt Trợt lớt cái mà trợt lớt… hô là con ngũ trợt… Không dừng lại bài chòi nhịp 1, nhịp 2 theo thể thơ 4 chữ, về sau các Hiệu đã sáng tạo ra điệu bài chòi Xuân nữ (hiện nay gọi là Xuân nữ cổ) theo thể thơ lục bát dựa theo những câu ca dao, tục ngữ, hát ru có từ mang tên con bài. Về làn điệu Xuân nữ theo người xưa kể lại: Các Hiệu đã vận dụng từ điệu hát ru đưa của điệu ru con Bình Định (ru con Bình Định có 3 điệu: ru xốc, ru đưa, ru muồi). (Minh họa hát ru đưa và Xuân nữ cổ) Chuột kêu chút chít trong rương Anh đi kẻo trợt đụng giường mẹ hay… hô là con ngũ trợt Hoặc - Cu kêu ba tiếng cu kêu Cho mau tới tết dựng nêu ăn chè… hô là con chín cu nè. - Về hô bài chòi: Trong các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống ta thường dùng các từ: hát bội, hát chèo, ca cải lương, hô bài chòi… Hô bài chòi là việc anh Hiệu hô tên những con bài trong Hội đánh bài chòi, dần dần không biết từ khi nào trong dân gian đã lược hóa mà thành và sử dụng cho Hội đánh bài chòi và bộ môn Sân khấu bài chòi từ ấy đến nay… Hội đánh Bài chòi dân gian là dịp người dự hội và người chơi bài được hòa mình vào một hội vui xuân, được nghe các Hiệu Hô, được xem các Hiệu diễn trò, được nghe Hiệu 20
  • 21. chúc tết, còn là dịp người chơi bài cầu lộc, cầu may đầu năm, là dịp mọi người vứt bỏ đi những gì chưa tốt đẹp của năm cũ, chúc nhau năm mới An Khang Thịnh Vượng. Bài chòi trải chiếu trong Hội đánh Bài chòi Hội đánh Bài chòi dân gian Bình Định từng bước phát triển sâu rộng, người dự hội càng động, lực lượng anh Hiệu ngày càng nhiều; để đổi mới hình thức cho Hội đánh bài chòi, đồng thời cũng là sự cạnh tranh giữa hội này với hội khác, các Hiệu luôn tìm tòi sang tạo ra những hình thức mới để tăng sức hấp dẫn cho người dự Hội. Khoảng từ sau năm 1925, loại hình “Bài chòi kể chuyện” trong Hội đánh bài chòi xuất hiện và đây là hình thức sơ khai của sân khấu Bài chòi. Bài chòi kể chuyện là hình thức hô bài chòi kể một câu chuyện (gọi tắt là Bài chòi kể) các Hiệu ứng tác và ghi chép lại một câu chuyện bằng thể văn vần lục bát do 1 hoặc 2, 3 Hiệu thay nhau hô kể để phục vụ người dự hội giữa ván trước, ván sau; Hội trước, Hội sau vừa tăng sức hấp dẫn, đồng thời làm cho hội chơi được liên tục không bị ngưng lặng giữa các ván và các Hội. Bài chòi kể do các Hiệu sáng tạo dựa theo các câu chuyện dân gian như: Thoại Khanh – Châu Tuấn; Lâm Sanh – Xuân Nương; Lang Châu – Lý Ân; Châu Đạt – Ngọc Hà; … hoặc một số lớp hay trong các truyện Tàu như: Tiết Nhơn Quý xuất thế (trong truyện Tiết Nhơn Quý chinh đông); Quan Công Phục Huê Dung (trong truyện Tam Quốc); lớp Trại Ba và Địch Thanh trong tuồng Ngũ hổ bình tây… các Hiệu vừa hô kể vừa diễn có nội tâm nhân vật, âm nhạc đệm tòng, trống chầu điểm. Hết lớp này đến lớp khác, hết chuyện này đến chuyện khác, người dự hội được chơi bài, được nghe hô bài chòi, được xem Hiệu diễn vừa theo dõi nội dung cốt chuyện diễn ra từ đầu đến cuối, những Hiệu hô hay, diễn giỏi còn được người xem thưởng tiền. Các Hiệu trong Hội đánh bài chòi phần nhiều là những nghệ nhân Hát Bội, diễn giỏi, hô hay vì vậy không dừng lại hình thức Bài chòi kể, khoảng năm 1930 hình thức Bài chòi lớp trong Hội bài chòi ra đời. Bài chòi lớp là những trích đoạn được chuyển thể từ các tuồng Hát Bội như: lớp Cao Quan Bảo phá chiêu phu bài ở Song Tỏa Sang của Lưu Kim Đính (trong pho tuồng Tam hạ nan đàn); lớp thái tử Từ Quang trao trâm cho công chúa Thiên Hương (trong tuồng Thiên Hương quốc sắc); lớp Phạm Công vinh quy (trong pho tuồng Phạm Công – Cúc Hoa); … Ở Bài chòi lớp các Hiệu hóa thân vào nhân vật (là các vai diễn) có hóa trang, phục trang, đạo cụ như Hát Bội nhưng đơn giản hơn. Bài chòi lớp thường trình diễn khi kết thúc một Hội. Khi kết thúc một Hội chơi, ống thẻ được chuyển vào trong, giữa sân Hội được trải từ 1 đến 2 chiếc chiếu lớn (ở Bình Định gọi là chiếu dài), âm nhạc trỗi lên, trống chầu thúc giục các vai diễn lần lượt xuất hiện theo tuyến nhân vật và trình diễn trên chiếu, đây là hình thức sân khấu Bài chòi trải chiếu trong Hội đánh bài chòi, thời kỳ này bài chòi chủ yếu vẫn chỉ có làn điệu Xuân nữ nên trong những lớp Tuồng các nghệ nhân có sử dụng một số làn điệu Hát Bội (Nam, Khách, Tẩu mã, …) để làm phong phú và tăng hấp dẫn người xem. Bài chòi kể, Bài chòi lớp chủ yếu các Hiệu diễn ở giữa mỗi ván, một hội chơi để phục vụ cho người chơi và người dự Hội, cũng có khi đoạn kể, lớp diễn có những từ mang tên con bài thì các Hiệu sử dụng trong việc rút thẻ hô bài. 21
  • 22. Sân khấu Bài chòi trải chiếu thoát khỏi Hội đánh Bài chòi Từ khi sân khấu Bài chòi lớp trong Hội đánh bài chòi ra đời đã thu hút ngày càng đông người đến dự hội, đông đến mức chật kín cả các không gian của Hội, người muốn chơi phải chen lấn, xô đẩy, tranh nhau mới được xem cho rõ không gian của Hội. Từ đó, lực lượng anh Hiệu càng đông, nhiều nghệ nhân có tài nghệ điêu luyện gọi là Hiệu xã (Hiệu chuyên nghiệp, thường đi làm Hiệu cho nhiều hội Bài chòi khác nhau trong vùng), khi đến Tết cổ truyền các anh chị Hiệu trở thành những nhân vật quan trọng của các Hội đánh bài chòi (còn một lực lượng Hiệu làng có trình độ thấp hơn chỉ chạy Hiệu cho hội đánh Bài chòi làng mình). Kết thúc Hội Bài chòi xuân, do nhu cầu thưởng thức của công chúng, sự đòi hỏi của lực lượng anh Hiệu tìm kế sinh nhai, các Hiệu đã tập hợp thành từng nhóm, mỗi nhóm từ 5 đến 7 người thành từng “Gánh” nhỏ đi về các làng quê, từ đồng bằng, miền biển, vùng trung du để biểu diễn phục vụ (đó là khoảng thời gian sau 1930); họ biểu diễn bất cứ nơi nào có nhu cầu, họ đi đến đâu cũng được nhân dân địa phương đón tiếp nồng nhiệt. Các “Gánh Bài chòi” của họ thường là những đôi vợ chồng và các con cháu trong gia đình, hoặc năm ba anh em, bạn bè, đồng nghiệp tập hợp lại, các nghệ nhân của từng “Gánh Bài chòi” vừa hô hay, đàn giỏi, họ có thể thay đổi nhau, người này diễn, người nọ đánh trống, thổi kèn, kéo đàn, khi đến vai diễn thì người kia diễn, người này lại đánh trống, thổi kèn, cứ thế họ luân phiên nhau. Gánh Bài chòi của họ chỉ là một đôi bầu quang gánh, mấy cây giáo, cây thương, cái trống chiến, cặp sanh, mấy cây đàn – kèn. Khi các làng, xã muốn mời các “Gánh” bài chòi về biểu diễn rất đơn giản, không hợp đồng, không giấy trắng mực đen gì cả, chỉ ghi nhận, thỏa thuận “bằng miệng” giữa 2 bên, làng sẽ quyên góp chi cho Gánh mỗi tối là bao nhiêu, có khi không thỏa thuận gì về tiền bạc, mà làng chỉ mời Gánh về biểu diễn, người đi coi ủng hộ bao nhiêu cũng được vậy mà vẫn đủ chi phí; xong mỗi chuyến lưu diễn vẫn còn dư giả tích lũy mua sắm bổ sung các vật dụng cho gánh, chi phí cho gia đình của họ. Sân khấu của họ là sân đình làng, hoặc những khoảnh đất rộng, có khi một cái sân của gia đình nào đó; vài ba chảo đèn dầu phụng (khoảng sau năm 1950 có đèn măng-xông) cộng với hóa trang phục trang đơn giản, không phông màn cảnh trí, họ trải một vài chiếc “chiếu” giữa sân, dàn nhạc cũng ngồi trên chiếu cứ thế mà hô, mà diễn, mỗi tuồng từ 3 đến 5 đêm, hết tuồng này đến tuồng khác. Hình thức trải chiếu dưới đất để diễn trò gọi là “Sân khấu Bài chòi trải chiếu”. Về tuồng tích: Các ông bầu và nghệ nhân chuyển thể từ các tuồng hát bội cổ và dựa theo các truyện dân gian sáng tác thành các tuồng hô bài chòi, mỗi tuồng thành một pho, mỗi pho từ 3 đêm diễn trở lên. (Bình Định hiện nay còn lưu giữ một số tuồng bài chòi cổ như: Tam hạ nam đàn; Phạm Công – Cúc Hoa; Lang Châu – Lý Ân; Lâm Sanh – Xuân Nương; Thoại Khanh – Châu Tuấn; Châu Đạt – Ngọc Hà …) Bầu đoàn thì ít người mà Tuồng thì nhiều nhân vật, vì vậy 1 người phải thủ từ 2 đến 3 vai. Người xem không câu nệ sao ông này, bà nọ lớp trước là Xích Phạm lớp sau là Tương Tử; vừa rồi là Cúc Hoa bây giờ là Tào Thị, … mà chủ yếu là họ nghe hô Bài chòi, theo dõi câu chuyện, tích trò mà họ yêu thích. Trong giai đoạn này vì tự ái nghề nghiệp, không thể mãi vay mượn các làn điệu của Hát bội cho bộ môn nghệ thuật của mình, các nghệ nhân đã nghiên cứu sáng tạo 3 làn điệu Bài chòi là Xàng xê, Cổ bản và Hò quảng (Hồ quảng); theo các nghệ nhân cao niên trong nghề kể lại: điệu Xàng xê ra đời từ điệu hát Khách, điệu Cổ bản từ Nam Xuân của Hát Bội; điệu Hò quảng là tiếp thu theo điệu hát Quảng Đông Trung Quốc, khi các đoàn bán thuốc của 22
  • 23. tỉnh Quảng Đông sang miền Trung Việt Nam bán thuốc và diễn trò. Và 4 làn điệu Xuân nữ, Xàng xê, Cổ bản, Hò quảng là những làn điệu cơ bản của sân khấu Bài chòi từ đó đến nay. Sân khấu Bài chòi từ đất lên giàn Từ năm 1933 sân khấu Bài chòi trải chiếu hết sức khó khăn, những gánh nhỏ lẻ ít người, Sân khấu chỉ vỏn vẹn trên một chiếc chiếu, đồ đoàn chỉ một đôi bầu dùng những cây thương cây giáo gánh trên vai, cạnh tranh với nghệ thuật Cải lương, nghệ thuật Hát bội diễn trên sân khấu là rất không thể. Nhưng với lòng tự ái về nghề nghiệp, không thể để bộ môn của mình mãi lẹt đẹt, hẩm hiu chỉ diễn trên những chiếc chiếu trải dưới đất như vậy được; mặt khác các nghệ nhân Bài chòi còn là mưu sinh cho bản thân và gia đình, cho bạn bè đồng nghiệp. Cuối cùng các ông Bầu nhóm họp bàn thảo, tìm lối để nâng cái nghệ của mình lên một bước; cách tân theo Cải lương và Hát bội tiểu thuyết thì không thể nào có khả năng, điều kiện của các Bầu vốn dĩ còn nghèo; cách tân là cần thiết là việc phải làm, đó là xu thế không thể dẫm chân, thậm chí là tụt lùi. Cái cốt lõi để các Bầu Bài chòi phải đổi mới cách tân đó là người xem, vì Hội đánh bài chòi, hô bài chòi, diễn bài chòi đã thấm sâu vào tâm hồn công chúng qua nhiều thế hệ, họ không thể quay lưng lại với Bài chòi, các ông bầu tin vào sức sống mãnh liệt của sân khấu Bài chòi trong lòng công chúng, cuối cùng các ông Bầu đã hợp lực đưa Sân khấu Bài chòi từ Sân khấu trải chiếu dưới đất lên sân khấu dựng cao có sàn diễn như sân khấu Hát bội mà các Bầu gọi là “giàn”, và trong lịch sử Sân khấu Bài chòi gọi là “từ đất lên giàn”. Người đề xướng việc đưa sân khấu từ đất lên giàn là cụ Phạm Đình Lang (tức ông Bốn Trang hay Bốn Nhỏ, người ta thường gọi là ông Bầu Trang) ông sinh năm 1910 tại xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn. Ông Bầu Trang mời ông Bầu Hượt (thường gọi là Ba Hượt) ông Sáu Cóc làm nòng cốt và những nghệ nhân giỏi như: Hai Miệt, Sáu Sính, ông Bảy Xin, ông Sáu Hổ, ông Ba Sơn, Nguyễn Đốc, Sáu Nghi, Bốn Chấn, … và lần đầu tiên có nghệ nhân nữ (đào nữ) tham gia (cũng như nghệ thuật Hát bội giai đoạn trước năm 1930 chỉ có nghệ nhân nam sắm đào, đóng mụ), tiêu biểu là các chị Bốn Dần, Năm Quạ, chị Nhảy, bà Năm Phi, chị Ba Điểm… Bộ phận nhạc có ông Bảy Mà, ông Tư Hạng và các nghệ nhân biểu diễn thay nhau. Khoảng cuối năm 1933 được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự giúp đỡ của nhân dân xã Mỹ Tài huyện Phù Mỹ, người góp tre, góp công, người cho mượn phản ngựa, bàn ghế, … dựng một cái sàn diễn, đêm biểu diễn đạt kết quả mỹ mãn. Thành công bước đầu các nghệ nhân vô cùng phấn khởi và liền sau đó họ liên tiếp biểu diễn ở các xã: Mỹ Hiệp (Phù Mỹ); Cát Hanh, Cát Khánh (Phù Cát), … đợt biểu diễn kéo dài nhiều tháng liền, nhưng việc doanh thu dùng cho chi phí cũng như sân khấu trải chiếu, vẫn là nhân dân tự nguyện đóng góp, chính quyền địa phương hỗ trợ. Thắng lợi lớn nhất là đầu xuân năm 1934 các nghệ nhân mạnh dạn vào diễn trong trường hát ở vạn Gò Bồi (Phước Hòa, Tuy Phước), lần đầu tiên diễn bán vé, người lớn 5 xu, trẻ nhỏ 3 xu, nhân dân hâm mộ tán thưởng nhiệt liệt, thế là nhóm nghệ nhân đã trụ được tại trường hát Gò Bồi bảy đêm liền. Sau thắng lợi của sân khấu Bài chòi từ đất lên giàn, lần lượt những năm tiếp theo nhiều nghệ nhân xuất hiện tham gia sân khấu Bài chòi, nghệ nhân nam có: Phạm Đình Chi, Nguyễn Hoài Ân, Đinh Thái Sơn, thầy Tám Có, Đỗ Liên, Phan Ngạn, Nguyễn Kiểm, Trần Chức, ông Hai Mẹo… các nghệ nhân nữ có: chị Phạm Thị Đào, chị Lợi, chị Đinh Thị Hải, chị 23
  • 24. Liễu, … nghệ nhân nhạc cổ có: Nguyễn Hoài Ân (tục gọi là ông Tám Kèn), Trần Văn An, anh Tư Sứt, Văn Bá Ngưu (Văn Bá Anh), … Thế rồi các gánh Bài chòi lần lượt xuất hiện lấy bảng hiệu tên Bầu, Đoàn như: gánh Ý Thành của ông Bốn Trang, ông Ba Hượt và ông Sáu Cóc (sau đổi thành Ý Đồng rồi Đông Hòa); gánh Long Vân của ông Hai Miệt, Ý Chung của Phạm Đình Chi; gánh Tân Xuân của ông Sáu Sính; có người không lấy tên bảng hiệu mà lấy tên mình hoặc tên làng làm Bầu như: gánh Bà Nhảy, gánh Ông Hai Trạng, gánh Bà Lợi, gánh Ông Cẩm, gánh Suối Tre, … các Bầu gánh Bài chòi không những lưu diễn trong tỉnh mà lan ra các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận. Từ đây các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ đâu đâu cũng có Hội đánh Bài chòi và sân khấu Bài chòi dân gian, nơi nào thuận lợi thì họ diễn trên sân khấu nơi nào khó khăn thì vẫn diễn theo hình thức Bài chòi trải chiếu. Có những gánh thi đua với các gánh Cải lương và Hát bội cách tân, họ diễn những tuồng Bài chòi tiểu thuyết như: Mã Thành Long đề cờ, Tam hùng kiệt, Thiên hương – Quốc sắc, … đứng vững vàng nhiều đêm trong trường hát như các gánh: Ý Đồng, Tân Xuân, Bầu Cẩm, … và từ đây Hội đánh bài chòi và Sân khấu bài chòi dân gian 2 loại hình hỗ trợ tăng thêm sức mạnh cho nhau, đến năm 1952 Sân khấu Bài chòi cách mạng ra đời, Đội Bài chòi thuộc Đoàn Văn công Liên khu V (về sau là Đoàn Dân ca Liên khu V), trên cơ sở những nghệ nhân của các gánh Bài chòi dân gian Bình Định làm nòng cốt như: Nguyễn Đốc, Đinh Thái Sơn, Nguyễn Kiểm, Đỗ Liên, Nguyễn Hoài Ân, Trần Văn An, Văn Bá Anh, Đinh Thị Bích Hải, … N. A. P Những gánh Bài chòi ở quê tôi Nhạc sĩ Hình Phước Liên Phó Chủ tịch Hội VHNT Khánh Hòa Ở quê tôi – một làng biển nằm bên bờ Đầm Nha Phu, thị xã Ninh Hòa – đến nay vẫn còn lưu truyền câu hát: Bài chòi tôi đựng một vò/ tôi quên đậy nắp nó bò hết trơn. Ngẫm ra, câu hát tưởng như vu vơ ấy lại rất ứng với thực trạng của Bài chòi hiện nay. Bởi đâu phải Bài chòi ở đất Khánh Hòa không có, mà thậm chí có nhiều nữa là khác, nhưng do sơ ý, thiếu quan tâm hoặc bị bỏ bê…nên nó mới bò đi hết. Nhưng thế vẫn còn may, vì nó chỉ bò đi và lẫn khuất đâu đó, chứ chưa mất hẵn. Mà làm sao mất được, khi Bài chòi vẫn còn trong ký ức của mọi người. Với tôi, không thể nào nhạt phai ký ức về những đêm hát của các gánh Bài chòi thời thơ ấu. 1. Còn nhớ, những năm 50, 60 của thế kỷ trước, Bài chòi là món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con quê tôi. Cứ tầm từ sau Tết đến hết tháng ba âm lịch lại rộ lên mùa làm ăn của các gánh Bài chòi đến từ Bình Định, Phú Yên và cả các gánh Bài chòi sở tại. Hồi ấy, các làng 24
  • 25. làm nông thường tổ chức các hội chơi Bài chòi vào những ngày lễ tết và các tháng nông nhàn. Có làng mời các gánh hát về phục vụ ban đêm còn ban ngày thì tổ chức hội chơi Bài chòi, tiếng đàn, câu hát cứ gọi là thâu đêm suốt sáng; những làng không mời được cả gánh về phục vụ thì cũng có thể mời một anh Hiệu (người quản trò trong hội chơi Bài chòi) rồi tự tổ chức kiểu cây nhà lá vườn, ít tốn kém nhưng vẫn vui. Ở làng biển, do đặc thù nghề nghiệp, cánh đàn ông thường ra khơi lúc quá nữa đêm rồi trở về khi trời hững sáng; ban ngày thì phải ngủ bù nên trò chơi Bài chòi ít được tổ chức, còn mấy gánh hát thì bao giờ cũng được hoan nghênh. Hầu hết các gánh đều do các làng mời về, bao ăn, bao ở và cứ tối xuống, thắp đèn măng-xông hát cho đến tận khuya… Và muốn có được gánh hát hay thì làng phải có hợp đồng với Bầu gánh đâu từ nửa năm trước đó. Nói vậy để biết, hồi đó ở vùng Bình Bịnh, Phú Yên, Khánh Hòa các gánh Bài chòi nhiều lắm. Làng tôi cũng vậy, cứ sau Tết (chừng mùng 4, mùng 5) thể nào cũng phải mời cho bằng được một gánh hát về hát cho bà con và có khi đến hết rằm mới thôi. Ban đêm hát, ban ngày đào kép rãnh rỗi lại tụ tập với mấy anh em có máu văn nghệ trong làng “đờn ca sáo thổi”; cuộc chơi ấy kết nối tình cảm của họ với nhau, cho nên nhiều khi cuộc giao duyên ấy kéo dài đến hết tháng giêng mới dứt. Nói vậy cũng là để cho biết, hồi đó ở quê tôi các điệu hát Bài chòi đã phổ biến lắm và có nhiều người biết hát. Hát hay, hát dỡ còn tùy, nhưng để hát được mấy câu Bài chòi thì chẵng ai là không có thể… 2. Các đoàn hát lưu động ấy ở quê tôi gọi là gánh hát, gánh Bài chòi. Gọi vậy, có lẽ do cách vận chuyển của họ chăng (!?) Thường thì mỗi gánh Bài chòi chỉ có từ 5 đến 7 người của một hoặc hai gia đình gộp lại, trong đó ông bầu cũng thường là kép chánh, còn lại là đào kép, nhạc công. Tất cả vật dụng thường ngày cũng như đạo cụ, phục trang sân khấu đều cất hết vào vài chiếc rương gỗ và được họ gánh đi trên đường lưu diễn. Điểm diễn là những khoảng đất trống giữa làng, đôi khi là mảnh sân của nhà một gia đình nào đó. Sân khấu được quy định trong tầm vài ba chiếc chiếu trãi dưới đất. Vì vậy mà gọi là Bài chòi trãi chiếu. Ngoại trừ những đêm diễn được mời, còn lại những đêm diễn do đoàn tự đến thì thu nhập của các đoàn hoàn toàn phụ thuộc vào lòng hảo tâm của bà con, mà lòng hảo tâm ấy thì lại lệ thuộc vào những vụ mùa, những lần đi biển của dân làng. Vả chăng, những thành viên trong các gánh Bài chòi thời bấy giờ đều là những người bán chuyên, họ chỉ trở thành các nghệ sĩ mỗi khi rỗi việc đồng áng, còn việc hô hát chỉ là để thỏa mãn sự đam mê và tất nhiên cũng để có thêm thu nhập. Và vì không hoạt động chuyên nghiệp như những nghệ sĩ Hát bội, Cải lương nên việc thu nhập xem ra không phải là điều họ xem là quan trọng nhất. Vì rằng, bắt đầu từ cách hô hát của trò chơi dân gian, khi chuyển sang hình thức sân khấu thì tuồng tích các gánh Bài chòi hầu như đều dựa vào các truyện thơ dân gian quen thuộc như: Phạm Công – Cúc Hoa, Lâm Sanh – Xuân Nương, Thoại Khanh – Châu Tuấn, Chàng Nhái – Kiểng Tiên, Lang Châu – Lý Ân, Ông Xã – Bà Đội… để chuyển sang hình thức hát kể chuyện. Qua tít đề của các vở diễn, chúng ta cũng dễ nhận thấy các câu chuyện kể hầu hết là câu chuyện của hai người được diễn với theo một cấu trúc: Lời kể chuyện đan xen với các lớp diễn của nhân vật, mà chủ yếu là cặp đào kép chính. Với cấu trúc này, lời kể giữ vai trò chủ đạo dẫn dắt người xem theo dõi trình tự câu chuyện, còn các lớp diễn là điểm nhấn tạo thêm hương sắc. Chính vì vậy, vai trò người dẫn chuyện trong các vở bài chòi thời ấy là cực kỳ 25
  • 26. quan trọng, quyết định sự thành bại cho vở diễn và đa phần người dẫn chuyện cũng kiêm luôn cả các nhân vật chính. Về sau, để tăng sự phong phú cho dàn kịch mục, người ta có bổ sung thêm một số vở lấy từ sân khấu Hát bội như: Tam hạ Nam Đàng, Ngũ hổ bình Tây…nhưng cũng chỉ trích các đoạn có cặp đôi biểu diễn như: Cao Quân Bảo – Lưu Kim Đính, Địch Thanh – Thoại Ba… Từ nội dung, hình thức biểu diễn như trên, Bài chòi trãi chiếu nói theo kiểu ngày nay là lối sân khấu hóa truyện thơ, một hình thức tương cận với thời “Ca ra bộ” của sân khấu Cải lương Nam bộ. Hậu tổ Tuồng Đào Tấn có câu đối viết về đặc trưng nghệ thuật Hát bội rất hay: Thốn thổ thị triều đình châu quận/ Nhất thân kiêm phụ tử quân thần, nhưng xem ra lại quá đúng với hoạt động của các gánh Bài chòi. Bởi lẽ, với diện tích chừng mươi, mười lăm mét vuông, không có cảnh trí, diễn viên không thay đổi trang phục trong suốt đêm diễn và một người đôi khi phải thủ nhiều vai trong cùng vở diễn thì cũng chỉ có ở Bài chòi trãi chiếu mà thôi. Với hình thức sân khấu hết sức giản đơn và nội dung câu chuyện cũng rất quen thuộc, được hát đi, hát lại mãi mà sao vẫn hấp dẫn được người xem? 3. Thưa rằng, sức hút nằm ngay trong nghệ thuật hô hát Bài chòi! Không được may mắn như các loại hình sân khấu khác, Bài chòi đi lên sân khấu với vốn liếng chỉ có mỗi lối “Hô thai” – làn điệu hát mang tính chất mô hình, được viết theo thể thơ lục bát và lục bát biến thể. Về sau, cũng từ điệu thức Nam hơi Oán và hơi Lụy (Ai) ấy, các nghệ sĩ đã cải biến thêm để hình thành nên hai làn điệu chính cho sân khấu Bài chòi. Mặt khác, khi đã lên sân khấu thì không chỉ sử dụng cách hát đẹp giọng mà còn phải hát theo diễn tiến của câu chuyện kể, theo tâm trạng của nhân vật, nhất là khi có sự đối đáp của các nhân vật với nhau. Thế là, cùng với cách hát khoan thai, đều đặn của “Hô thai”, các nghệ sĩ lại cải biến thêm lối hát “đạp nhịp” để tạo ra những phách đảo, phách nghịch nhằm diễn tả các trạng thái tình cảm của nhân vật và diễn biến kịch. Khi nhịp phách đã thay đổi thì sự tiến hành giai điệu buộc cũng thay đổi theo. Để thích ứng với lối hát “đạp nhịp”, các nghệ sĩ Bài chòi đã thêm các hư từ, điệp từ vào các câu lục bát trong truyện thơ nhằm làm phong phú thêm điệu hát. Nhiều nghệ sĩ còn trộn cả các hơi để tạo thêm màu sắc mới. Chỉ một câu lục bát mà câu sáu thì hơi Oán còn câu tám lại hơi Lụy, đôi khi chỉ trong mỗi câu tám mà nghệ sĩ sử dụng cả hai hơi. Cách hát đầy ngẫu hứng và tài hoa ấy đã được chấp cánh bởi tính chất mô hình của làn điệu Bài chòi và thiết nghĩ cũng chỉ ở Bài chòi mới có. Về sau, Bài chòi lại tiếp thu cách hát Nam Xuân của Hát Bội, Xàng Xê trong nhạc Lễ để vào sân khấu của mình và định hình thành hệ thống làn điệu đặc trưng gồm: Hơi Oán, hơi Lụy, hơi Xuân và hơi Dựng mà ngày nay ta vẫn gọi là: Xuân Nữ, Xàng Xê lụy, Nam Xuân và Xàng Xê dựng. Với bốn làn điệu mang tính chất mô hình ấy, đã tạo điều kiện cho các nghệ sĩ Bài chòi thỏa sức sáng tạo theo cảm xúc của mình, làm cho vai diễn của mình mới trong từng đêm diễn để không làm khán giả bị nhàm chán. Đấy là nói về tiến trình phát triển của cách hô hát Bài chòi. Nhưng, hát không đàn như càng không thiếp, vì dàn nhạc bao giờ cũng là kẻ giữ hồn, là người nâng đỡ cho tiếng hát bay lên. Thoạt đầu, dàn nhạc Bài chòi chỉ có cây đàn Nhị, một bộ Song loan và thêm cái trống Chiến. Đào kép đều hát chung bậc nữ, còn nhạc công thì đánh tòng theo hơi của diễn viên. Về 26
  • 27. sau, mà theo tôi có lẽ tiếp thu từ sân khấu Cải lương, nên đào kép hát riêng thành hai bậc cách nhau một quãng 4 đúng. Để chuyển giọng thì đàn phải có đoạn lưu không. Những bản nhạc đàn của Bài chòi cũng hoàn chỉnh dần theo từng năm tháng, nhưng sự tách giọng nói trên chính là cái mốc quan trọng trong sự phát triển của Bài chòi. 4. Năm 1964, quê tôi Đồng khởi. Các làng quê và nhất là các làng ven biển đều trở thành vùng tranh chấp. Địa bàn hoạt động của các gánh Bài chòi vì thế cũng bị thu hẹp lại. Cũng giai đoạn này, nghệ thuật Cải lương đang trên đà phát triển mạnh, các đoàn Cải lương không chỉ hát ở các tỉnh phía Nam mà tràn ra tận miền Trung. Hơn thế nữa, Đài Truyền hình đầu tiên ở miền Trung được xây dựng tại Quy Nhơn cũng đã phủ sóng đến Khánh Hòa, càng làm cho hoạt động của các gánh Bài chòi thêm những khó khó khăn. Một số nghệ sĩ Bài chòi đã đầu quân sang các đoàn Hát Bội và cũng từ đó có thêm những vở Tuồng pha – Hát Bội pha với hô Bài chòi – thịnh hành ở quê tôi cho mãi đến những năm đầu giải phóng. Về học thuật xin được miễn bàn, nhưng cách hát, cách diễn ấy rất được bà con ái mộ. Điển hình là vở Cao Quân Bảo – Lưu Kim Đính mà cho đến nay, khi nhắc đến các gánh Bài chòi nhiều người ở quê tôi vẫn còn hít hà tiếc nuối. Gần đây, cùng với trào lưu chấn hưng văn hóa truyền thống, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa cũng đã có những bước đi ban đầu trong việc sưu tầm, phục dựng trò chơi Bài chòi và Bài chòi trãi chiếu. Qua công tác kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể, một số vở Bài chòi cổ đã được ghi chép lại và điều đáng mừng là vẫn còn những nghệ nhân đang khỏe mạnh và tha thiết với bộ môn nghệ thuật này. … Vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Khánh Hòa đã mời Nghệ sĩ Minh Đức và Hoàng Việt của Bình Định vào Nha Trang trực tiếp truyền dạy và phục dựng trò chơi Bài chòi để tổ chức tại festival Biển Nha Trang 2013. Điều không ai ngờ là trò chơi đã được đông đảo nhân dân và du khách trong và ngoài ước nhiệt liệt hưởng ứng. Còn tôi, ngồi xem bà con chơi Bài chòi bên bờ biển Nha Trang mà lòng rưng rưng nhớ… Hồi ấy ở quê tôi có những gánh Bài chòi hay lắm! Nha Trang, 05/9/2013 Tham luận Nghệ thuật Bài chòi: SỨC HẤP DẪN CỦA NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI BÌNH ĐỊNH Nguyễn Quang Long Nhạc sĩ nghiên cứu lý luận Nhà xuất bản Âm nhạc 27
  • 28. Kính thưa quý vị khách quý, các vị lãnh đạo cùng toàn thể các giáo sư, tiến sĩ, các học giả, nhà nghiên cứu, các văn nghệ sĩ, báo giới và các bạn quan tâm đến bộ môn nghệ thuật Bài chòi đặc sắc của dân tộc. Tôi rất vui khi nhận được lời mời của Ban tổ chức Hội thảo Nghệ thuật Bài chòi và giáo sư Hoàng Chương để có được vinh dự có mặt tại đây ngày hôm nay. Đối với nghệ thuật Bài chòi nói chung, Bài chòi Bình Định nói riêng tôi có một ấn tượng hết sức đặc biệt vì thế khi thực hiện DVD giới thiệu nghệ thuật Bài chòi Nhà xuất bản Âm nhạc đã chọn Bình Định là địa phương đại diện. 1. Lý do chọn Bình Định Trước hết, xin nói về các dự án âm nhạc dân gian. Trong kế hoạch hoạt động của Nhà xuất bản Âm nhạc, mỗi năm nhà xuất bản thực hiện một dự án trọng tâm về âm nhạc dân gian nhằm góp phần bảo tồn, phát huy và quảng bá giá trị văn hóa - âm nhạc đặc sắc của dân tộc tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Trước khi giới thiệu một loại hình nghệ thuật, chúng tôi chú ý tới tiêu chí thực hiện sao cho bao quát nhất không gian nghệ thuật cũng như vị trí địa lý nơi mà nghệ thuật đó tồn tại và phát triển nhằm giới thiệu tới công chúng một bức tranh khái quát nhưng cô đọng về nghệ thuật truyền thống đó. Đối với nghệ thuật Bài chòi, ban đầu chúng tôi muốn hướng tới đó chính là tất cả các địa phương được coi là vùng đất của Bài chòi trải dài từ các tỉnh thành từ Đà Nẵng tới Khánh Hòa. Cá nhân tôi mất gần một năm tìm hiểu qua các tư liệu, trên các phương tiện truyền thông và trò chuyện với GS Hoàng Chương cùng các nhà nghiên cứu am hiểu về nghệ thuật này. Sau hai lần tiền trạm, trực tiếp tới các địa điểm để tìm hiểu về nghệ thuật này vào tháng 12/2011 và tháng 5/2012, tháng 6 năm 2012 chúng tôi mới chính thức trở lại Bình Định để tổ chức thu âm ghi hình cho các tiết mục nằm trong DVD với tên đầy đủ là “Nghệ thuật Bài chòi dân gian Bình Định”. Sở dĩ từ ý định thực hiện ở nhiều tỉnh thành chuyển sang chọn đại diện tỉnh Bình Định bởi đây là địa phương duy nhất đang tồn tại tất cả các hình thức sinh hoạt của nghệ thuật thuật Bài chòi từ dân gian đến sân khấu chuyên nghiệp. Đặc biệt, hội chơi đánh Bài chòi cổ dân gian, một hình thức nguyên sơ nhất của nghệ thuật Bài chòi hiện chỉ còn duy nhất ở Bình Định sau những nỗ lực phục hồi của địa phương. 2. Nghệ thuật Bài chòi dân gian Bình Định Qua tìm hiểu, có thể bước đầu khẳng định, sự độc đáo của nghệ thuật Bài chòi dân gian Bình Định được tạo thành từ tất cả các yếu tố cấu thành nên nó. Ca từ trong các câu thai Ca từ là một trong những nét thú vị nhất của nghệ thuật Bài chòi dân gian. Như nhiều loại hình nghệ thuật khác, Bài chòi khai thác vốn thơ ca dân gian để vận dụng vào các câu thai. Bên cạnh đó, các Hiệu còn sáng tác hoặc ứng tác trực tiếp trong lúc hô thai. Câu thai với nhiều nội dung đề tài khác nhau nhưng thường dễ nhớ, dễ thuộc được trình bày dưới dạng hát thơ, chủ yếu thể lục bát. Nội dung câu thai phải liên quan tới con bài vì thế trong lúc anh Hiệu hô người chơi và người xem có thể đoán được đó là con bài gì. Điều này khiến hội chơi thêm phần hồi hộp và hấp dẫn. Mặt khác, những câu thai bên cạnh chức năng để giới thiệu con bài thì bao giờ cũng ẩn chứa những thông điệp nhất định. Thông điệp ấy là quan niệm về nhân 28