SlideShare a Scribd company logo
1 of 32
Download to read offline
Thay Đổi Diệu Kỳ
Tác giả: Sundo Kim
Tựa
Mục sư Tiến sĩ Sundo Kim ra đời ngày 3 tháng 12 năm 1930 tại Sunchon,
Bắc Triều Tiên và lớn lên tại đó suốt những ngày đen tối dưới quyền chiếm
đóng của đế quốc Nhật. Tuy là một giai đoạn tuyệt vọng nhất cho đất nước
lại là thời kỳ Cơ-đốc giáo thâm nhập phi thường vào thành phố quê hương
của Tiến sĩ Kim, nơi gia đình ông là những nhà tiền phong của đạo.
Thuở thiếu thời Tiến sĩ Kim theo học cấp Tiểu và Trung học dưới thời người
Nhật cai trị. Sau khi tốt nghiệp Trung học hướng nghiệp, ông định trở thành
bác sĩ y khoa, nên theo học và tốt nghiệp trường Y. Tuy nhiên, do áp lực
Cộng sản ngày càng đè nặng trên xã hội Bắc Triều Tiên, kể cả bách hại bắt
bớ các Cơ-đốc nhân, và từng trải của ông trong cuộc chiến tranh Triều Tiên,
bác sĩ Kim quyết định học thần học và trở thành mục sư. Đó là việc ông đã
làm sau khi di cư xuống miền Nam năm 1953. Ông tốt nghiệp Chủng viện
Thần học Giám lý tại Hán Thành, sau đó mười năm làm tuyên úy trong
Không lực Nam Triều Tiên. Ông từng sang Hoa Kỳ, học tại Chủng viện
Wesley ở Washington D.C, và sau đó, nhận bằng Tiến sĩ của Chủng viện
Thần học Fuller tại California Hoa Kỳ.
Cả bốn anh em trong gia đình họ Kim này đều trở thành mục sư và hiện
phục vụ với tư cách những mục sư có rất nhiều ảnh hưởng trong Hội thánh
Giám lý Triều Tiên. Ba người em trai của Tiến sĩ Kim đều nối gót ông, và
trở thành các lãnh tụ trong công cuộc phục hưng, truyền bá Phúc Âm và tăng
trưởng Hội thánh.
Mối liên hệ giữa Tiến sĩ Kim với Hội thánh Giám lý Kwanglim là điều quan
trọng nhất. Lúc Tiến sĩ Kim đến làm mục sư cho Hội thánh vào năm 1971, ở
đó chỉ có 170 thành viên. Tuy nhiên, nhờ khải tượng thuộc linh lớn lao và tài
lãnh đạo của Tiến sĩ Kim, Hội thánh phát triển thật nhanh chóng. Đến năm
1979, nhà thờ được dời từ một khu vực xưa cũ của Hán Thành, đến một khu
vực mới phát triển của thành phố. Toàn thể Giáo hội Kháng Cách Triều Tiên
bắt đầu quan tâm đến những thuận lợi của Hội thánh mới mẻ này, và sự tăng
trưởng của hội chúng hiện nay đã lên đến 30.000.
Thiết tưởng chẳng cần phải nói là những bài giảng đầy quyền năng của Tiến
sĩ Kim đã đủ đóng vai trò chính trong việc đưa dân chúng đến với Hội thánh
Giám lý Kwanglim. Các bài giảng của Tiến sĩ Kim, cả về nội dung lẫn cách
giải nghĩa Kinh điển, đều được triển khai từ rất nhiều thì giờ biệt riêng để
cầu nguyện và lòng nhiệt thành truyền bá Phúc Âm chân chính. Tôi tưởng
chúng ta có thể tóm tắt những nét đặc trưng trong các bài giảng của ông theo
ba cách sau đây:
Thứ nhất, các bài giảng của ông hiện thực hóa cách giải thích Kinh điển
Phúc Âm cho các hoàn cảnh sinh hoạt đương đại. Kết quả của việc phân tích
sâu sắc về sự thật hiện nay và cách chẩn đoán thuộc linh các hoàn cảnh, Tiến
sĩ Kim có thể rao giảng những sứ điệp đầy quyền năng đáp ứng nhu cầu của
thính giả. Mặc dầu ngày nào cũng bận rộn, Tiến sĩ Kim không mỏi mệt trong
việc thăm viếng các tín hữu của Hội thánh và thăm hỏi về các vấn đề và nhu
cầu cấp bách của họ. Tri giác thuộc linh của ông cũng như tài phân tích các
hiện tượng lịch sử và xã hội khiến việc truyền giảng của ông có thể đụng đến
và thấm sâu vào đời sống của hội chúng một cách hết sức cụ thể và thực tế.
Cách giải kinh của ông là một thách thức đối với truyền thống truyền giảng
của người Triều Tiên phần lớn có khuynh hướng thiên về việc giản lược
phiến diện, và chủ yếu căn cứ vào việc bình giải Kinh Thánh mà thôi. Vì tin
vào Phúc Âm đòi hỏi phải 'mạo hiểm', do đó, đứng trên tòa giảng để truyền
bá Phúc Âm cũng phải xác định đức tin có liên hệ với thực tế ngay tại đây và
ngay hôm nay, việc truyền giảng phải đáp ứng được đời sống thực tế của
thính giả, để họ có thể dùng Phúc Âm bổ sung cho niềm tin quyết trong cuộc
đời của họ. Các bài giảng của Tiến sĩ Kim vốn gãy gọn và đề cập các vấn đề
thực tế của đời sống.
Thứ hai, các bài giảng của ông nhằm mục đích khuyên giúp và chữa lành
cho thính giả. Trong tình hình biến chuyển nhanh chóng hiện nay của xã hội
Triều Tiên, nhiều người đang chịu đau khổ. Họ tìm trong Lời của Thượng
Đế sự chữa lành qua các bài giảng. Mục đích cuối cùng của ông là giúp các
thính giả biết rõ 'quyền năng của một đời sống đã được đổi mới'. Người bị
tổn thương, thiệt hại được thay đổi nhờ từng trải sự hiện diện của Thượng
Đế trong bài giảng. Con người cũ được mời gọi hãy trở thành một con người
mới trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nhiều người nghe, chịu cảm động trong
lòng và tiếp nhận niềm vui của sự cứu rỗi.
Về phương diện truyền thống, thì tòa giảng ở Triều Tiên là con đường một
chiều. Nhiều mục sư chỉ giảng cho quần chúng nghe mà chẳng cần nghe
quần chúng. Tuy nhiên, với loại bài giảng có tính cách khuyên giúp, Tiến sĩ
Kim đã biến nó thành con đường giao thông hai chiều. Trong các bài giảng
của Tiến sĩ Kim nan đề của thính giả và Lời Thượng Đế giáp mặt nhau và
hòa thành sự chữa bệnh.
Thứ ba, các bài giảng của ông có rất nhiều thí dụ minh họa. Ông sử dụng
cách kể chuyện làm phương tiện truyền thông như chính Chúa Giê-xu từng
làm. Tiến sĩ Kim bảo rằng các thí dụ minh họa trong những bài giảng của
ông ví như các cửa sổ trong một ngôi nhà vậy. Một ngôi nhà không cửa sổ
chẳng tiếp nhận được ánh sáng ra sao, thì một bài giảng không có thí dụ soi
sáng cũng khô khan, ngăn trở thính giả tiếp thu trọn vẹn bài giảng y như vậy.
Trong thần học hiện đại, Thần học Tự Sự, sử dụng rất nhiều tài liệu tiểu sử
tự thuật, và Tiến sĩ Kim sử dụng phương pháp ấy để đi sâu vào đời sống.
Những bài giảng tự sự như vậy truyền thông Phúc Âm thật hữu hiệu cho cả
hội chúng đông đến 32.000 người, còn đặc biệt giúp những người thất học
và cao tuổi hiểu rõ các bài giảng của ông nữa.
Qua bản dịch Việt văn này thật là khó lòng truyền đạt thông điệp đầy quyền
năng và linh cảm mà hằng tuần Tiến sĩ Kim giảng cho hội chúng của ông.
Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng quý độc giả có thể từng trải phần nào sứ điệp
đầy quyền năng đã khích lệ và làm thay đổi nhiều cuộc đời mỗi sáng Chúa
nhật.
Vì bài giảng là trọng tâm, là phần cốt lõi giúp cho Hội thánh Triều Tiên tăng
trưởng, bất cứ ai đọc sách này có thể hiểu một phần nào nguyên nhân giúp
Hội thánh sở tại tăng trưởng.
Hãy lắng nghe tiếng phán của Thượng Đế!
Thi Tv 29:1-9
Có lần H. G. Wells kể lại câu chuyện về một quan chức cao cấp nọ vốn có
thói quen cầu nguyện. Ngày kia, ông thình lình gặp một vấn đề khó giải
quyết. Theo thói quen, ông lặng lẽ vào phòng dành làm nơi cầu nguyện của
mình, quỳ gối xuống chấp hai tay lại trong tư thế cầu nguyện. Ông thiết tha
khẩn cầu: "Ôi lạy Thượng Đế." Lát sau, ông nghe có tiếng phán: "Ta đây,
con có chuyện chi vậy?" Viên chức ấy vô cùng kinh hoàng đến nỗi ngã lăn
ra chết tốt. Nhân vật trong câu chuyện này vốn có thói quen cầu nguyện với
Thượng Đế; thói quen như ông ta đánh răng mỗi sáng sớm vậy. Vấn đề là
ông ta không biết rằng Thượng Đế hằng sống sẽ đáp lại lời cầu nguyện của
ông ta.
Câu chuyện này minh họa rõ ràng sự kiện chúng ta thường cầu nguyện với
Thượng Đế mà không biết còn phải lắng nghe tiếng phán của Ngài nữa. Sự
việc cũng xảy ra y như thế nếu chúng ta gọi điện thoại cho ai đó,: "A-lô..."
rồi cứ nói, chẳng để cho người ở đầu dây bên kia có cơ may nói một tiếng
nào cả. Sau khi nói xong, thì chúng ta gác máy.
Tuy thường nói là cầu nguyện với Thượng Đế, điều chúng ta thật sự cần là
trò chuyện với Thượng Đế là thực hiện một cuộc đàm luận hai chiều. Không
phải chúng ta cứ nói một mình từ đầu đến cuối; trái lại, phải biết lắng nghe
những gì Thượng Đế phán với chúng ta nữa. Chức vụ mục sư hiện nay đòi
hỏi phải có loại giao lưu tiếp xúc này. Trong quá khứ, vị mục sư giảng và tín
hữu lắng nghe. Chức vụ hiện đại đòi hỏi vị mục sư lắng nghe tín hữu. Việc
lắng nghe này thường xảy ra trong thì giờ khuyên giúp. Một mục sư không
thể giải đáp mọi vấn đề tín hữu của mình gặp trong sinh hoạt hằng ngày,
nhưng có thể lắng nghe những gì họ bối rối lo âu. Paul Tillich gọi đó là 'tình
yêu thương biết lắng nghe'. Tình yêu lắng nghe ấy rất cần thiết cho những
cặp vợ chồng. Hạnh phúc đến trong các mối liên hệ gia đình khi không
người nào nằng nặc đòi người kia phải nghe mình, nhưng mỗi người đều
lắng nghe những gì người kia muốn nói.
Nhiều người thường đến với tôi để xin một lời khuyên. Nhưng trong những
giờ góp lời khuyên giúp, tôi thường gặp những người cứ tuôn ra những lo âu
bối rối, cứ thao thao bất tuyệt, mà không để cho tôi chen vào một lời nào cả.
Họ đến để xin một lời khuyên, nhưng đã ra về mà chẳng dành cho tôi một cơ
hội nào để đáp ứng yêu cầu của họ cả. Đó là độc thoại chớ không phải đối
thoại. Xã hội hiện đại đòi hỏi sự đối thoại đích thực - lắng nghe cũng như
nói.
Chúng ta chỉ có thể sống cuộc đời có đức tin thật sự khi biết lắng nghe tiếng
phán của Thượng Đế và làm theo. Cuộc sống như thế không nảy sinh từ
những gì chúng ta biết, hay từng trải, hoặc cả từ những gì chúng ta thiết tha
mong muốn, mà chỉ từ việc lắng nghe lời Thượng Đế phán với chúng ta và
làm theo. Nếu xem thư La-mã chương 10, chúng ta sẽ thấy Phao-lô nhắc nhở
rằng đức tin đến từ việc lắng nghe thông điệp Phúc Âm của Thượng Đế.
Trong Thi Tv 29:1-9 chúng ta được dạy rằng Thượng Đế lên tiếng, và chúng
ta được hỏi là có nghe những tiếng phán của Ngài không. Trong khúc sách
ngắn ngủi này,: "tiếng Đức Giê-hô-va" xuất hiện bảy lần. Bên xứ Palestine,
trời ít khi có sấm sét, đến một ngày nọ, tác giả Thi thiên thấy ở chân trời Địa
Trung Hải một đám mây kéo đến, và nghe một tiếng sét nổ kinh hồn, ông tự
hỏi có phải đó là tiếng phán oai nghiêm của Thượng Đế không, và dệt thành
lời thơ từng trải của mình trong việc nghe tiếng phán của Thượng Đế qua cõi
thiên nhiên. Chúa Giê-xu cũng từng dùng một thí dụ minh họa từ cõi thiên
nhiên để chứng minh cho sự thành tín của Thượng Đế. Chúa Giê-xu đã chỉ
vào bầy chim trời vốn chẳng hề gieo giống hay thâu hoạch mùa màng,
nhưng Thượng Đế vẫn nuôi chúng. Cũng vậy, các hoa huệ ngoài đồng vốn
chẳng hề kéo sợi hay dệt vải, nhưng Thượng Đế vẫn mặc cho chúng những
bộ y phục sang trọng, rạng rỡ. Chúa Giê-xu hỏi nếu Thượng Đế chăm sóc
thật chu đáo cho loài chim và loài hoa như vậy, Ngài há sẽ chẳng nuôi
dưỡng và cho họ được ăn mặc hơn thế nữa hay sao? Chúng ta cũng phải lắng
nghe tiếng phán của Thượng Đế trong thiên nhiên.
Bây giờ, tôi muốn chúng ta cùng xét đến một vài cách thức Thượng Đế phán
dạy chúng ta trong Kinh Thánh.
Thứ nhất, Thượng Đế phán qua lịch sử.
Ai đó từng bảo rằng lịch sử là sự mặc khải của Thượng Đế. Người ta có thể
nghĩ rằng lịch sử nhân loại vốn do ý chí và nỗ lực của con người tác tạo nên;
tuy nhiên, tiếng phán của Thượng Đế vẫn thường xuyên vang dội xuyên suốt
lịch sử. Người khôn ngoan nghe theo lời Thượng Đế, nhưng những kẻ điên
dại thì không. Một người có thể thi đậu môn sử ký nếu nhớ chính xác sự
kiện vua này đã ra đời năm nào, vua nọ lên ngôi năm nào, nhưng đó không
phải là cách học hỏi nghiên cứu lịch sử của Cơ-đốc nhân. Trái lại, là Cơ-đốc
nhân, chúng ta phải lắng nghe tiếng phán của Thượng Đế giữa dòng lịch sử.
Điều đặc biệt quan trọng cho các lãnh tụ các quốc gia, là phải tìm cầu hầu
nghe rõ tiếng phán của Thượng Đế trong lịch sử để có thể trở thành những
lãnh tụ thật sự sáng suốt.
Chúng ta có thể nghe được hai loại tiếng phán trong lịch sử. Một là lời cảnh
cáo. Cơ-đốc nhân khôn ngoan có thể nghe được tiếng phán này. Chúng ta
thấy sách Các Quan Xét, ghi lại thế nào việc Thượng Đế dùng các quan xét
cảnh cáo dân chúng. Trong mối liên hệ với Thượng Đế, dân Y-sơ-ra-ên trải
qua năm giai đoạn: Giai đoạn một, Thượng Đế kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên trở
thành dân Ngài, thờ phượng và vâng lời Ngài. Giai đoạn thứ hai là thời gian
dân Y-sơ-ra-ên không chịu đầu phục và vâng lời Thượng Đế. Giai đoạn thứ
ba tiếp theo là thời gian họ bị kẻ thù chinh phục và bắt làm nô lệ vì cớ sự
không vâng lời. Trong giai đoạn thứ tư, dân sự ăn năn về sự không vâng lời
của họ và kêu cầu Thượng Đế. Cuối cùng, Thượng Đế đã chứng tỏ tình yêu
trước sau như một của Ngài đối với dân tộc phản loạn ấy, và cứu họ. Kinh
Thánh đã ghi lại cho chúng ta hàng loạt các biến cố ấy không dưới mười ba
lần khác nhau.
Nhưng chúng ta cũng tìm được trong lịch sử tiếng phán của hy vọng. Phần
sau của sách Ế-sai cho chúng ta một thông điệp đầy an ủi và hy vọng. Trong
chương 43, chúng ta được cho biết: "Đừng sợ, vì ta đã chuộc ngươi. Ta đã
lấy tên ngươi gọi ngươi; ngươi thuộc về ta. Khi ngươi vượt qua các dòng
nước, ta sẽ ở cùng; khi ngươi lội qua sông, sẽ chẳng che lấp. Khi ngươi bước
qua lửa sẽ chẳng bị cháy, ngọn lửa chẳng đốt ngươi."
Sử gia lừng danh Charles Beard cho chúng ta biết có bốn điều ông học hỏi
được qua suốt đời nghiên cứu lịch sử. Một là khi các lực lượng xấu xa gian
ác muốn tiêu diệt thì năng lực của sự phẫn nộ được huy động để chống lại sự
hủy diệt ấy. Hai là, ông khám phá ra chiếc cối xay của Thượng Đế vốn di
chuyển rất chậm chạp, nhưng nó nghiền nát thật trọn vẹn. Ba là, loài ong
thâu thập tích trữ mật và phấn hoa đồng thời với nhau. Điều thứ tư, ông nhận
thấy vào những đêm đen nhất các ngôi sao sáng rạng rỡ nhất. Cần phải hiểu
rằng chúng ta chỉ có thể thật sự sống cuộc đời bằng đức tin và trở thành
những lãnh tụ khôn ngoan, khi chúng ta nhận thức tiếng phán của Thượng
Đế trong lịch sử không phải chỉ dành cho những người sống trong quá khứ
mà cũng dành cho thế hệ hiện nay nữa.
Chúng ta cũng có thể nghe tiếng của Thượng Đế phán qua các nhà tiên tri.
Trong HeDt 1:1-2, chúng ta đọc thấy: "Thời xưa, Thượng Đế đã dùng các
nhà tiên tri dạy bảo tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách. Nhưng trong
những ngày cuối cùng này, Thượng Đế sai Con Ngài là Chúa Cứu Thế dạy
dỗ chúng ta. Thượng Đế đã nhờ Con Ngài: "sáng tạo vũ trụ, cũng cho Con
Ngài thừa kế quyền chủ tể vạn vật." Các nhà tiên tri thay mặt Thượng Đế
công bố lời của Ngài có thể ví sánh với người phát ngôn của chính phủ thay
mặt tổng thống hay chủ tịch để phát biểu. Chúng ta phải lắng nghe Thượng
Đế phán dạy những gì qua trung gian các nhà tiên tri.
Quyển sách các tù nhân đọc nhiều nhất là Kinh Thánh. Nhiều người làm mặt
ngơ tai điếc đối với Lời Thượng Đế khi mọi sự đều thuận buồm xuôi gió,
nhưng khi gặp bất hạnh hay thử thách, họ quay lại với Kinh Thánh tìm sự an
ủi giúp đỡ để quyết định những việc khó khăn. Trong các phòng khách sạn
khắp thế giới hiện nay, người ta gặp những quyển Kinh Thánh do hội Ghi-
đê-ôn đặt ở đấy. Phong trào Ghi-đê-ôn vốn do một doanh nhân khởi xướng.
Một đêm nọ, ông cảm thấy mình vô cùng cô đơn trong một khách sạn khi
phải chiến đấu với một vấn đề kinh doanh làm ông không ngủ được. Tình cờ
ông thấy quyển Kinh Thánh ai đó để trong phòng. Ông mở ra và bắt đầu đọc.
Từng trải này đã tạo ấn tượng sâu xa trong ông, nên ông chủ tâm muốn thấy
các phòng của tất cả khách sạn đều được biếu tặng những quyển Kinh
Thánh. Ông tổ chức Hội Ghi-đê-ôn, mãi đến nay vẫn tiếp tục để tặng Kinh
Thánh cho các khách sạn trên khắp thế giới.
Barth bảo rằng có ba loại lời phán mà Thượng Đế thường ban truyền cho
con người. Một là lời của Thượng Đế trở thành Chúa Cứu Thế; hai là lời của
Thượng Đế được in ra trong Kinh Thánh; thứ ba là lời của Thượng Đế được
rao truyền từ tòa giảng. Chúng ta cần mở đôi tai thuộc linh để nghe lời của
Thượng Đế dưới cả ba hình thức kể trên.
Thứ hai, Thượng Đế phán qua lương tâm chúng ta.
Immanuel Kant bảo rằng ngôi sao lấp lánh trên bầu trời thể nào, thì lương
tâm ông cũng chiếu sáng cho tâm trí ông y như vậy. Lúc tiên tri Ế-li, người
từng làm nhiều phép lạ lớn lao tưởng rằng tất cả các tiên tri khác bị tàn sát cả
rồi, ông cũng muốn chết luôn cho xong. Ông định sẽ ngồi lì dưới gốc cây
giếng giêng để nhịn đói cho đến chết, nhưng đến lúc ông sắp chết, thiên sứ
của Thượng Đế đến và đem bánh nước cho ông. Sau đó, Ế-li đã hồi sinh,
ông đi bộ bốn mươi ngày đến núi Hô-rếp. Tại đó, ông đứng trên núi, chờ
nghe tiếng của Thượng Đế. Một trận gió mạnh thổi qua, nhưng Ế-li chẳng
nghe tiếng của Thượng Đế trong cơn gió mạnh ấy. Rồi có trận động đất lớn
và sau đó là đám lửa. Ế-li cũng chẳng nghe tiếng của Thượng Đế trong cơn
động đất hay trong ngọn lửa. Nhưng trong sự im lặng sau cơn dông, Ế-li
nghe tiếng êm dịu nhỏ nhẹ của Thượng Đế. Bộ sách Chú giải Thánh Kinh
bảo rằng Ế-li đã nghe tiếng phán ấy qua lương tâm ông.
Những ai có lương tâm trong sạch, thật trong sạch đều có thể nghe được
tiếng của Thượng Đế. Ông Giô-sép, cha trên đất này của Chúa Giê-xu, đã do
dự không muốn cưới Ma-ri khi thấy nàng đã có thai. Nhưng trong ban đêm,
một thiên sứ của Thượng Đế đã hiện đến với Giô-sép và bảo rằng chớ ngại
cưới Ma-ri làm vợ. Và thế là ông Giô-sép đã rước Ma-ri về nhà mình.
Kinh Thánh cho chúng ta biết Thượng Đế thường hiện ra với nhiều người và
phán dạy họ trong chiêm bao. Có lẽ chúng ta cho rằng việc ấy chẳng khoa
học lắm, nhưng nhiều tâm lý gia, như Sigmund Freud chẳng hạn, từng tuyên
bố rằng tiềm thức có thể thấy chiêm bao. Có thể suốt những ngày bận rộn
đầu tắt mặt tối, chúng ta đã chẳng dành chút thì giờ nào cho lương tâm hay
cho ý thức lắng nghe tiếng của Thượng Đế, nhưng trong cảnh tỉnh lặng ban
đêm, lúc lương tâm chúng ta nghỉ ngơi, Thượng Đế có thể phán với chúng ta
qua lương tâm chúng ta.
Tôi từng gặp một người nhân một cuộc tập dượt dân phòng. Anh ta vốn thất
học, chưa qua cả cấp sơ học nữa. Tuy nhiên, hai năm trước, lúc đang theo
học tại một tư thục, anh gặp một người bạn khuyên anh nên đến nhà thờ.
Anh ta gạt lời mời của bạn qua một bên, chẳng đếm xỉa gì đến. Chẳng bao
lâu sau, anh bị mất việc làm và bị thất nghiệp suốt hai năm. Câu mà anh hỏi
tôi là chẳng hay bây giờ anh có thể đến với Thượng Đế được không, và lẽ tất
nhiên, tôi bảo đảm với anh ta rằng điều đó chẳng phải là quá muộn đâu. Anh
ta chẳng chịu nghe tiếng phán của Thượng Đế qua trung gian một người bạn,
nhưng Thượng Đế ban cho anh ta lương tâm và trực giác, cứ tiếp tục cắn rứt,
thôi thúc anh. Hôm nay chúng ta cũng cần giữ cho lương tâm luôn luôn mở
rộng để lắng nghe tiếng của Thượng Đế và chú ý đến lời cảnh cáo của Ngài.
Chỉ khi nào làm như thế, chúng ta mới có thể sống được một cuộc đời tận
trung với Chúa Cứu Thế.
Cuối cùng, Thượng Đế phán qua Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Lời của Thượng Đế đã trở nên xác thịt và đến thế gian này trong Chúa Cứu
Thế Giê-xu. Như vậy, Thượng Đế đã phán dạy chúng ta qua ngôn ngữ của
một con người bình thường để chúng ta có thể hiểu được. Lúc Chúa Giê-xu
chữa lành cho một bệnh nhân tại Ca-bê-na-um, một người bại được bạn bè
dòng dây thả xuống từ một cái lỗ trên mái nhà và đặt người ấy trước mặt
Chúa Giê-xu, Ngài bảo với người ấy rằng tội lỗi của anh ta đã được tha thứ,
và anh ta hãy tự vác lấy chiếc chõng của mình mà đi. Người ấy đã vùng dậy
và bước đi. Anh ta đã nghe theo lời phán của Thượng Đế.
Kinh Thánh cũng kể lại chuyện một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại
tình. Bà ta bị đẩy đi trước một đám dân chúng và sắp bị ném đá, khi Chúa
Giê-xu phán: "Trong các ông, người nào vô tội, hãy ném đá chị ấy trước đi!"
Người Pha-ri-si và những người Do Thái khác có mặt tại đó nghe tiếng của
Thượng Đế phán trong lương tâm họ, họ đều bỏ đi. Chúa Giê-xu bảo người
phụ nữ kia chớ phạm tội nữa. Bà đã được nghe tiếng phán đầy khoan dung
của Thượng Đế.
Lúc Chúa Giê-xu báo trước việc Ngài sắp chịu đóng đinh vào thập tự giá và
chết, Phê-rơ đã kêu lên: "Không, không thể nào có chuyện như thế đâu.
Chúa không thể chết trên thập tự giá đâu!" Nhưng Chúa Giê-xu rất giận Phê-
rơ về nhận xét ấy, nên nghiêm nghị nói: "Hãy lui đi Sa-tan! Đừng hòng cám
dỗ ta! Ngươi chỉ suy luận theo quan điểm loài người, chứ không theo ý
Thượng Đế!" Một lần khác, Chúa Giê-xu phán: "Hỡi tất cả những ai đang
mệt mỏi vì gánh nặng, hãy đến với ta, ta sẽ cho các con được nghỉ ngơi."
Như các thí dụ vừa kể trên cho thấy, nhiều khi Thượng Đế lên tiếng cảnh
cáo, có lúc Ngài phán bằng giọng êm dịu đầy khoan dung, nhưng bất cứ lúc
nào Thượng Đế lên tiếng, chúng ta đều phải lắng nghe. Chính lúc nghe được
tiếng phán của Thượng Đế, Ngài sẽ dẫn chúng ta vào con đường nhờ đó
chúng ta tìm thấy phước hạnh của Ngài.
Lúc cậu thiếu niên Sa-mu-ên phục vụ Chúa trong đền thờ dưới sự chỉ dạy
của Hê-li, Thượng Đế đã gọi đích danh: "Hỡi Sa-mu-ên, Sa-mu-ên." Sa-mu-
ên tưởng là Hê-li gọi, nên đến với Hê-li và hỏi: "Thưa ông, có phải ông gọi
con chăng?" Hê-li đáp: "Không ta không có gọi con. Hãy đi ngủ lại đi." Một
chặp sau, Thượng Đế lại gọi Sa-mu-ên một lần nữa. Đến lần thứ ba, Sa-mu-
ên nhận ra chính Thượng Đế đã gọi mình. Cậu quỳ xuống và thưa: "Xin hãy
phán, kẻ tôi tớ Ngài đang nghe." Đến đây một giai đoạn mới của lịch sử đã
bắt đầu. Cả một dân tộc không lắng nghe lời Thượng Đế bị thất bại, cũng
như các thầy tế lễ tối cao vậy. Nhưng hiện nay, cũng như thời xưa, khi
chúng ta lại bắt đầu nghe được tiếng phán của Thượng Đế, rất có thể cả một
lịch sử mới mẻ sẽ trải rộng ra trước mắt chúng ta.
Các Cơ-đốc nhân quý mến, tôi cầu nguyện, để đời sống các bạn được phước
khi mở rộng đôi tai thuộc linh lắng nghe tiếng Thượng Đế phán qua lịch sử,
qua lương tâm và qua Chúa Cứu Thế Giê-xu.
Sự sống và Những giọt lệ
GiGa 11:32-37
Mới đây, tôi có đến một nghĩa trang, nơi gởi thi hài của một người bạn. Tôi
đứng đó nhìn những ngôi mộ chôn kín những chiếc quan tài, với hình ảnh
của người bạn nằm trong đó, giờ đây đã về với Chúa rồi, nghe tiếng than
khóc chung quanh mình, làm tôi vô cùng xúc động.
Trong lúc đứng đấy để suy tư, tôi bắt đầu nghe nhiều tiếng khóc rất to từ khu
vực gần đó vọng tới, khi nhìn quanh để xem ai đã khóc than to tiếng đến thế,
tôi phát giác ra họ ở bên một chiếc quan tài của một giáo sư trung học vào
độ tuổi tứ tuần, đã bị phỏng nặng hầu như khắp toàn thân, và đã chết sau
nhiều ngày đau đớn cùng cực, để lại rất nhiều đau buồn cho gia đình và bạn
bè. Một nhóm người khác thì đang thương khóc vị phó giám đốc của một
ngân hàng ngoài thành phố. Ông ta là con người cường tráng, khỏe mạnh,
nhưng đã chết trên đường đến sở làm vì tai nạn giao thông.
Nhân tính khiến người ta đau buồn khi gặp cái chết của người thân yêu. Thật
ra, tất cả chúng ta đều đang sống dưới cái bóng của sự chết, và mỗi lần
chứng kiến sự chết, tôi càng tin quyết hơn rằng sự sống quả thật là một phép
lạ, và phải được tán thưởng, được sống sao cho đầy đủ ý nghĩa nhất mỗi
ngày. Bất cứ khi nào nhìn thấy một gia đình tang tóc khóc người thân yêu đã
mất đi, tôi lại nghĩ đến câu chuyện trong GiGa 11:32-37 kể lại việc Chúa
Giê-xu đã cùng bà Ma-ri than khóc cái chết của Lã-xa.
Câu ngắn nhất trong Kinh Thánh là GiGa 11:35 chỉ ghi rằng: "Chúa Giê-xu
khóc." Các sách Phúc Âm đã chẳng bao giờ đề cập Chúa Giê-xu cười, nhưng
chép ba lần rằng Ngài đã khóc. Lần đầu tiên ghi việc Chúa Giê-xu khóc về
cái chết của la-xã. Chúa Giê-xu nghe tiếng thổn thức của gia đình Lã-xa và
Ngài khóc. Điều này chứng minh Chúa Giê-xu vốn có nhân tánh trọn vẹn
như thế nào. Chúa Giê-xu cũng khóc khi Ngài vào thành Giê-ru-sa-lem cách
khải hoàn. Ngài nghĩ đến cảnh thành phố sắp bị tàn phá, và tuôn trào những
giọt lệ do tình yêu quê hương và dân tộc mình. Và cuối cùng, Chúa Giê-xu
đã khóc khi đối diện với cái chết trên thập tự giá. Trên ngọn đồi trong vườn
Ghết-sê-ma-nê, Chúa Giê-xu đã cầu nguyện hết sức thiết tha đến nỗi mồ hôi
Ngài trở nên như những giọt máu chảy dài trên mặt. Đó là những giọt lệ đã
trào tuôn để cứu rỗi nhân loại khỏi tội lỗi.
Hôm nay trong lúc chúng ta suy nghĩ về việc Chúa Giê-xu khóc cái chết của
Lã-xa, tôi muốn chia xẻ với các bạn vài cái nhìn thuộc linh xuyên suốt sự
sống và những giọt lệ.
Thứ nhất, những giọt lệ chứng minh bản tính đích thực của con người.
Con người ta không thể không khóc. Thượng Đế đã tạo dựng con người với
những tuyến lệ và khiến người ta phải sa nước mắt như một nét đặc trưng tự
nhiên của đời sống. Khóc không hề có nghĩa là con người nào đó yếu đuối
hay thiếu đức tin. Chúa Giê-xu khóc Lã-xa, người bạn thân vừa qua đời và
lòng ưu ái chân thành của Ngài đối với gia đình của bạn. Nước mắt, máu và
mồ hôi là ba chất lỏng quan trọng nhất của thân thể, và trong số đó, nước
mắt rất quý báu.
Ngày 13 tháng năm 1940, Anh quốc bị Đức tấn công và lập tức phải đối diện
với một cơn khủng hoảng toàn quốc. Winston Churchill thành lập một ủy
ban cứu nguy và kêu gọi dân chúng nước Anh. Trong một diễn văn đáng ghi
nhớ, Churchill bảo với dân chúng rằng tất cả những gì ông ta có thể hiến
dâng cho tổ quốc là máu, sức lao động, nước mắt và mồ hôi. Khi nghe
những lời lẽ đầy khích động đó, toàn dân đã một lòng đoàn kết lại bằng một
nỗ lực ái quốc lớn lao, và cuối cùng đã chiến thắng được Đức quốc.
Có một câu chuyện kể về gia đình nọ nuôi hai con gấu. Ngày nọ, con gấu
đực bị bệnh và chết đi. Hôm sau, dường như biết được sự việc đã xảy ra, con
gấu cái bắt đầu gào khóc. Suốt một tuần lễ, con gấu cái bỏ ăn mà chỉ gào
khóc thôi. Ngay đến loài thú cũng biết buồn, biết khóc khi bị mất bạn.
Chúng ta khóc do nhiều nguyên nhân: khi buồn phiền, khi cảm thấy biết ơn
sâu xa, khi gặp đau đớn. Alfred Marshall đã khuyên rất khôn ngoan rằng
chúng ta phải có một trái tim ấm và một cái đầu mát. Chính trái tim ấm giúp
chúng ta cảm nhận nỗi đau của người láng giềng chúng ta và chia xẻ sự đau
đớn của người ấy.
Nhiều năm trước đây, Tiến sĩ Yong Ok Kim, vị lãnh tụ và là học giả lừng
danh vốn là chủ tịch Chủng viện Thần học Giám lý qua đời. Lẽ ra con người
tài ba này còn có nhiều năm cống hiến với nhiều kết quả trước mặt, nhưng
đã đột ngột qua đời do chứng đau gan chỉ một năm sau khi ông được bổ
nhiệm làm chủ tịch chủng viện ấy. Vị bác sĩ túc trực bên cạnh ông, một chấp
sự trong Hội thánh của chúng tôi đã kể lại thế nào trong giờ hấp hối của
mình, Tiến sĩ Kim đã khóc, những giọt lệ không do sự đau đớn mãnh liệt của
thân xác, nhưng do nhận biết mình không còn có thể gánh vác trọng trách đã
được giao phó cho. Nước mắt là cách diễn tả trung thực tính cách mong
manh của thân phận con người.
Mấy năm trước, giữa những năm chúng tôi đang xây cất ngôi nhà thờ mới và
phải tạm nhóm lại trong một nhà trại, Tiến sĩ Robert Shuller, nguồn khích lệ
lớn lao cho chúng tôi, đã đến Triều Tiên để giảng cho chúng tôi. Vào đúng
ngày nhóm lại theo chương trình đã định, Tiến sĩ Shuller nhận được một bức
điện tín từ Hoa-kỳ báo tin cô con gái út của ông vừa bị thương nặng trong
một tai nạn xe gắn máy và phải chịu giải phẫu nghiêm trọng, buộc phải cưa
một chân. Khi nghe tin này, tôi đã cho hoãn giờ nhóm lại của Hội thánh và
vội vàng đến khách sạn nơi Tiến sĩ Shuller đang tạm trú. Vừa trông thấy tôi,
con người mà: "tư tưởng tích cực và đức tin năng động" ấy bắt đầu khóc. Tôi
trao cho ông một món quà đã mang theo để tỏ lòng yêu mến và ưu ái. Ông
vẫn tiếp tục khóc, và chẳng bao giờ tôi quên những giây phút đau buồn mà
mình đã chia xẻ với ông. Nước mắt là một thành phần không thể tránh được
của đời sống con người, chúng bộc lộ cảm xúc cách trung thực.
Thứ hai, những giọt lệ thanh tẩy đời sống con người.
Các triết gia khắc kỷ Hy lạp cổ đại tin rằng kẻ nào khóc lóc trước cái chết là
điên dại. Vì các triết gia nghĩ rằng cái chết giải thoát linh hồn khỏi thân xác,
cho nên họ không cho cái chết là một định mệnh thảm hại. Lúc Chúa Giê-xu
vác trên vai cây thập tự và đi ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem để đối diện với cái
chết, nhiều phụ nữ đã theo sau Ngài và khóc lóc thảm thiết. Chúa Giê-xu đã
quay lại và bảo họ: "Hỡi các con gái của Giê-ru-sa-lem, chớ khóc về tôi, mà
hãy khóc cho chính các bà và con cái các bà." Họ phải đổ lệ, không phải vì
cái chết của Ngài, mà vì chính tội lỗi họ. Cũng vậy, ngày nay chúng ta đang
cần những giọt nước mắt làm trong sạch từ một tấm lòng biết ăn năn thống
hối.
Những người thuộc lãnh vực khải đạo hiện đại đã khám phá ra rằng khóc
đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình điều trị. Trong buổi gặp gỡ khải
đạo, thân chủ được hướng dẫn để nói lên nan đề, thú nhận lầm lỗi của mình,
và tự bộc lộ tâm sự một cách công khai qua tiếng khóc. Cách giải tỏa này
thường là bước chủ yếu để việc điều trị đạt được thành công. Trái lại, giữ kín
các cảm nghĩ khi bị khủng hoảng tinh thần, buồn phiền và nhiều từng trải
đau khổ khác, là một trong số những yếu tố quan trọng gây nên các rối loạn
tâm lý. Khóc là cần thiết để cất đi những điều bất khiết của tâm hồn.
Hội thánh chúng tôi có một nữ chấp sự có chồng là một người khỏe mạnh,
hoạt động tích cực. Một tối nọ đã qua đời lúc đang xem truyền hình trong
phòng khách của gia đình. Tất nhiên là tôi đã đến ngay với gia đình ấy. Tôi
muốn an ủi họ; nhưng khi đứng trước quan tài của con người ấy, mới mấy
giờ trước đây hãy còn đầy dẫy sức sống thế mà bây giờ bất động, tôi cảm
thấy mình không có đủ lời lẽ để an ủi mọi người. Tuy chúng ta tin vào
Thượng Đế mà quyền năng thần hựu của Ngài an bài mọi thời điểm của sự
sống và cái chết, tôi biết trong khoảnh khắc sự việc đột ngột xảy ra gây đau
khổ sâu xa như vậy, những lời nói ra sẽ không đem đến sự an ủi. Trái lại, gia
đình ấy đang cần có một ai đó cùng khóc với họ, và đó chính là việc tôi đã
làm.
Nước mắt có thể chữa lành tâm trí đang bệnh hoạn, thanh lọc tâm trí đang ô
uế, và thay đổi tâm trí đang yếu đuối hoặc lầm lạc. Trong đêm Chúa Giê-xu
bị quân lính và người Pha-ri-si bắt, tất cả những người theo Ngài đều chạy
trốn, kể cả Phê-rơ. Vì kinh hoàng, lo sợ mạng sống mình bị lâm nguy, Phê-
rơ đã chối Chúa mình ba lần. Rồi có tiếng gà gáy, và Phê-rơ nhớ lại thế nào
Chúa Giê-xu đã báo trước việc ông sẽ chối Ngài. Với tấm lòng tràn đầy ăn
năn thống hối, Phê-rơ đã đi ra và khóc. Tuy nhiên, chính từng trải cay đắng
đầy nước mắt đó là động lực khiến cho Phê-rơ hồi sinh để trở thành một
môn đệ và là một chứng nhân vững vàng, bất khuất.
Goethe, văn hào người Đức có lần bảo kẻ nào chưa từng khóc trong lúc ăn
bánh mì, thì vẫn chưa biết sự sống thật ra có nghĩa gì. Chúng ta có thể nhìn
lại những lần chúng ta đến trước mặt Thượng Đế để khóc lóc xưng tội, hay
tìm cầu trong tuyệt vọng một giải pháp cho tình hình mình đang gặp. Chúng
ta đã từng trải việc nước mắt tuôn trào và những lời kêu cầu do âu lo xao
xuyến xuất phát tự đáy lòng. Trong những lần cầu nguyện hòa lẫn với nước
mắt như thế, chúng ta mới nhận thức rằng chúng ta chẳng là gì trước mặt
Thượng Đế, và biết rõ sự không xứng đáng, kiêu căng ngạo mạn của mình.
Sau khi được thanh tẩy từ sự cầu nguyện như vậy, tâm trí chúng ta tràn đầy
niềm vui, lòng biết ơn sâu xa, và chúng ta cảm thấy được Thượng Đế gia ân,
an ủi. Nước mắt có thể chữa lành các vết thương của tâm hồn chúng ta, cất
đi những uế tạp của thân phận làm người của chúng ta, và khiến chúng ta
nhận thức được ý nghĩa sâu sắc của cuộc đời.
Thứ ba, chúng ta phải tin Thượng Đế luôn ở với chúng ta để sẵn sàng lau ráo
những dòng lệ của chúng ta.
Thượng Đế hằng sống luôn luôn nhìn thấy những giọt lệ của chúng ta và
đem sự an ủi đến cho chúng ta. Chúng ta rất quen thuộc với lời Chúa Giê-xu
truyền dạy trong Bài Giảng Trên Núi được chép trong Mat Mt 5:4: "Phúc
cho người than khóc, vì sẽ được an ủi." Xuyên suốt Kinh Thánh, chúng ta
thấy rất nhiều trường hợp về những người đã khóc. Trong Sáng-thế ký,
chúng ta gặp câu chuyện của Giô-sép, bị các anh mình bán làm nô lệ, bị đưa
đến Ai-cập. Về sau, ông trở thành tể tướng Ai-cập, gặp lại các anh và cha là
Gia-cốp, họ tưởng là ông đã chết rồi. Trong cuộc gặp gỡ đầy kịch tính ấy,
Giô-sép đã không cầm được xúc động nên đã trốn vào phòng riêng để bật
khóc. Chúng ta cũng được biết Đa-vít, do quá đau buồn vì tội mình, đã khóc
lóc đến nỗi làm ướt đẫm cả chiếc giường của mình. Còn vua Ế-xê-chia, khi
được tiên tri Ế-sai báo trước cái chết đang treo trên đầu mình, đã quay mặt
vào vách và cầu nguyện khóc lóc với Thượng Đế, Ngài đã nhậm lời cầu
nguyện của vua, và cho vua được sống thêm mười lăm năm nữa.
Thượng Đế nhìn thấy nước mắt của chúng ta và ban cho chúng ta cả sự an ủi
lẫn năng lực. KhKh 7:17 hứa rằng: "Chiên Con ở giữa ngai sẽ chăn dắt họ.
Ngài sẽ dẫn họ đến những suối nước sống, và Thượng Đế sẽ lau sạch nước
mắt họ."
Trong trận chiến tranh Triều Tiên, tôi phải xa gia đình và không hề biết là họ
có còn sống không. Điểm cuối cùng tôi bị đưa đến là trong các rặng núi của
tỉnh Kyeong Sang Nam, và mỗi sáng, tôi đều đến ngôi nhà thờ nhỏ trong
làng để tha thiết cầu nguyện cho gia đình tôi được đoàn tụ. Một ngày nọ, tôi
thình lình gặp một người trong trại tị nạn Pu-san cho biết rằng gia đình tôi
vẫn còn sống. Ông bảo họ đang sống trong một trại tị nạn khác ở Kunsan.
Tôi lập tức chạy đến Kunsan và tại đó, tôi đã gặp lại cha mẹ và các em trai
tôi đang sống trong một căn phòng tồi tàn trên lầu hai. Chẳng nói nên lời, tôi
đứng ngây người ra đó, với những giọt lệ tuôn trào như suối. Sau đó, lần đầu
tiên sau một thời gian dài, chúng tôi lại được họp gia đình lễ bái và qua
những dòng nước mắt, chúng tôi dâng lên những lời cầu nguyện cảm tạ và
những bài thánh ca để tán tụng Thượng Đế.
Khi phải đối đầu với những vấn đề khó khăn, chúng ta cần cầu nguyện thật
thiết tha, tuôn trào nước mắt, Thượng Đế sẽ nghe và đáp lời. Thi Tv 126:5-6
chép: "Kẻ nào gieo giống mà giọt lệ sẽ gặt hái cách vui mừng. Người nào
vừa đi vừa khóc đem giống ra rải, ắt sẽ trở về cách vui mừng, mang bó lúa
mình." Kế hoạch và quyền năng thần hựu của Thượng Đế là lau sạch nước
mắt chúng ta và làm ứng nghiệm lời hứa về một tương lai phước hạnh.
Cả khi chúng ta đang đối diện với nghịch cảnh và đau khổ, nếu chúng ta
trình bày các rắc rối hoạn nạn của chúng ta trước Thượng Đế, Ngài sẽ đáp
lại những giọt nước mắt của chúng ta, và dẫn chúng ta vào một con đường
mới đầy phước hạnh, an ủi và bình an. Chính Thượng Đế đã hứa rằng một
lời cầu nguyện kèm theo nước mắt chẳng bao giờ vô ích cả.
Các Cơ-đốc nhân quý mến, cầu xin Thượng Đế là Đấng nhìn thấy và đáp lại
những giọt lệ của các con cái Ngài, sẽ ban cho các bạn sự an ủi và nhiều
phước hạnh.
Một lựa chọn táo bạo
Ru R 1:6-17
Mấy năm trước đây, bà Svetlana, con gái của Stalin đang sống lưu vong tại
Hoa-kỳ, có dành một cuộc phỏng vấn cho báo chí. Khi được hỏi điều gì là
khó khăn nhất trong việc hòa nhập với nếp sống Mỹ, bà đã trả lời đó là việc
phải tự mình chọn lựa lấy mọi việc. Bà giải thích ở bên Nga mọi việc đều đã
được định trước, sắp xếp trước, cho nên chỉ còn rất ít chỗ cho việc chọn lựa
cá nhân; nhưng tại Hoa-kỳ bà đã phải đương đầu với việc lựa chọn trong
mọi việc liên hệ đến sinh hoạt hằng ngày, và bà cảm thấy việc này có phần
quá sức chịu đựng. Nhận xét của bà làm nảy sinh trong chúng ta suy nghĩ:
trong khi tự do là một từ ngữ quý báu được đánh giá rất cao, thì trong tự do
cũng có một năng lực vô cùng quan trọng. Sống là một chuỗi chọn lựa bất
tận, và nếu chịu khó nhìn quanh, chúng ta có thể thấy nhiều người đã chọn
lựa đúng nên sống cuộc đời hạnh phúc, trong khi nhiều người khác lựa chọn
sai, khiến cuộc đời gặp nhiều bất hạnh.
Trong khúc Kinh Thánh ngày hôm nay, chúng ta đọc về một phụ nữ tên là
Ru-tơ. Cô không phải là người Do Thái, nhưng là một phụ nữ ngoại quốc bị
dân Do Thái xem khinh. Tuy nhiên khi nhìn vào cuộc đời Ru-tơ, chúng ta có
thể khám phá ra nhiều chân lý thuộc linh giá trị.
Thứ nhất, cũng như Ru-tơ, chúng ta phải thực hiện những lựa chọn táo bạo
do đức tin sâu sắc thúc đẩy.
Vào thời các quan xét cai trị, một nạn đói nghiêm trọng đã xảy ra tại Bết-lê-
hem. Có một người tên Ế-li-mê-léc cùng với vợ là Na-ô-mi và hai con trai đã
bỏ đi lánh nạn trong xứ Mô-áp trên bờ phía Đông của Tử hải, và họ sống
mười năm tại đấy. Hai cậu con trưởng thành và cưới các thiếu nữ Mô-áp làm
vợ. Chẳng bao lâu sau, trước hết là Ế-li-mê-léc rồi đến hai người con trai đều
lần lượt qua đời. Bà Na-ô-mi còn lại một mình, không chồng không con.
Trước nỗi bất hạnh khủng khiếp đó, bà Na-ô-mi nhất định không thể sống
thêm tại xứ Mô-áp nữa, và phải trở về quê hương. Bà gọi hai nàng dâu đến,
bảo với họ rằng bà sẽ trở về quê hương là Bết-lê-hem. Bà muốn Ru-tơ và Õt-
ba cứ ở lại Mô-áp, tái giá để tìm được hạnh phúc. Õt-ba quyết định làm theo
gợi ý của mẹ chồng, còn Ru-tơ nằng nặc đòi theo Na-ô-mi về Bết-lê-hem.
Ru-tơ van nài: "Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ, vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở
nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Đức Chúa Trời
của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi; mẹ thác nơi nào, tôi muốn thác và
được chôn nơi đó."
Đây là một chọn lựa đáng kinh ngạc của Ru-tơ. Là một thiếu phụ độ 30 tuổi,
nhưng đã đưa ra một quyết định quan trọng là đi theo mẹ chồng đã lớn tuổi
về Bết-lê-hem, nơi mà hầu như chắc chắn cô sẽ bị người Do Thái kỳ thị, vì
họ vốn có thành kiến với người Mô Áp. Na-ô-mi lại nghèo nên Ru-tơ sẽ
không được thoải mái cả về vật chất lẫn về mặt thuộc thể. Tóm lại, chẳng có
hy vọng gì về một tương lai hạnh phúc cho Ru-tơ tại Bết-lê-hem. Thế
nhưng, Ru-tơ đã chọn việc ấy và đã ra đi theo Na-ô-mi. Quyết định của Ru-
tơ trước nhất không phải là do ý thức luân lý hay đạo đức của cô, nhưng
đúng hơn là bởi đức tin. Cô biết thờ phượng Thượng Đế của dân Do Thái
khác với việc thờ lạy các thần ngoại đạo. Cô đã chịu cảm động sâu xa về đức
tin và cá tính đạo đức cao cả của bà mẹ chồng.
Tên Na-ô-mi có nghĩa là hạnh phúc. Tuy nhiên, lúc bà bắt đầu như một quả
phụ nghèo, không con cái, để trở về Bết-lê-hem, bà đã đổi tên mình thành ra
Ma-ra, nghĩa là đau khổ, vì bà tin rằng với một quả phụ cô đơn sẽ chẳng bao
giờ có niềm vui. Lúc Ru-tơ nhất định theo bà Ma-ra đang sầu muộn về Bết-
lê-hem, cô đã thực hiện một lựa chọn vừa đẹp đẽ vừa táo bạo, một lựa chọn
thuộc linh mà cuối cùng đem đến rất nhiều niềm vui cho cả Ru-tơ lẫn Na-ô-
mi. Cũng như Ru-tơ, khi chúng ta là các Cơ-đốc nhân ngày nay thực hiện
một lựa chọn do đức tin cảm thúc, dường như chỉ có thể dẫn tới cuộc đời
đen tối đầy đau khổ, chúng ta sẽ thấy Thượng Đế thay đổi các hoạn nạn của
chúng ta thành những phước hạnh đem đến niềm vui.
Điều quan trọng là chúng ta phải chọn lựa cho đúng. Thiên hạ ngày nay sở
dĩ sống trong cùng khổ là vì họ đã chọn sai. Thí dụ khi chọn bạn đời, người
ta thường chú trọng nhiều vào tình hình kinh tế của người vợ (hoặc chồng)
tương lai, mà chẳng quan tâm gì đến tính tình, đức tin, hay điểm tương đồng
về gia cảnh. Nếu chẳng may có một cơn khủng hoảng tài chánh và gia đình
bị mất hết tiền bạc, thì sẽ không còn nền tảng để có thể đứng vững và chống
chọi với nghịch cảnh.
Tổ phụ của đức tin của chúng ta là Áp-ra-ham, đã đáp lại lệnh truyền của
Thượng Đế, bỏ hết tài sản và đến xứ Ca-na-an với hai bàn tay trắng. Tuy
nhiên, Thượng Đế đã ban phước cho ông cả về phương diện vật chất lẫn
thuộc linh, vì Áp-ra-ham đã biết vâng lời Ngài. Môi-se cũng trở thành một
lãnh tụ quốc gia vĩ đại nhờ biết chọn lựa từ bỏ đời sống xa hoa trong cung
điện xứ Ai-cập để sống và cùng chịu khổ với dân Y-sơ-ra-ên bị áp bức và
đưa họ thoát khỏi xích xiềng nô lệ.
Trong Hội thánh chúng ta gần đây cũng có nhiều gia đình gặp nhiều khó
khăn lớn, nhưng giữa cơn khổ nạn, họ vẫn giữ vững đức tin và ca tụng
Thượng Đế, và khi làm như vậy, họ đã tìm được hạnh phúc. Nhờ dâng đời
sống mình cho Thượng Đế, nhiều gia đình đã được chữa lành thương tích,
được phục hồi địa vị, đã tìm được niềm vui khi biết làm rạng danh Thượng
Đế.
Tuần rồi, tôi được đọc quyển sách của phu nhân Tiến sĩ Robert Shuller nhan
đề Gia đình Tích cực (The Positive Family). Trong sách ấy, bà Shuller mô tả
bốn vai trò, tất cả đều bắt đầu bằng mẫu tự C (theo mẫu tự Anh văn), phải
được tìm thấy trong mỗi gia đình. Vai trò thứ nhất là an ủi (comforter) khi
người chồng cảm thấy cô đơn thì người vợ phải an ủi chồng, và khi người vợ
cảm thấy cô đơn thì chồng phải an ủi vợ. Gia đình Cơ-đốc có thể an ủi lẫn
nhau bằng cách san sẻ tình yêu của Chúa Cứu Thế Giê-xu, và như thế, trong
gia đình sẽ được bình an. Vai trò thứ hai được đề cập là tình bạn
(companion)). Gia đình nào biết kết bạn với nhau là một gia đình hạnh phúc.
Vai trò thứ ba là khuyên giúp (counselor). Khi người chồng hoặc người vợ
gặp chuyện khó giải quyết, họ có thể tìm được lối thoát bằng cách bàn bạc
với nhau về vấn đề của họ. Không thể tạo hạnh phúc cho gia đình bằng cách
theo đuổi tiền tài hay danh vọng; trái lại, có hạnh phúc là do giữa vợ chồng
biết thật sự tương giao tương thông với nhau, khiến việc liên hệ tiếp xúc trở
nên nồng ấm. Nói khác đi, một gia đình có hạnh phúc là nhờ biết hiểu nhau,
cảm thông nhau giữa vợ chồng, và cùng chia xẻ với nhau các quan điểm
chung về đức tin và đời sống. Cuối cùng, mỗi thành viên trong gia đình đều
được kêu gọi cống hiến (committor) cho nhau; nghĩa là mỗi người trong gia
đình phải sẵn sàng hy sinh vì người khác. Một khi đã đặt lòng tin cậy vào
Chúa Cứu Thế Giê-xu, thì vợ chồng cũng nhận thấy là họ có thể tin cậy lẫn
nhau. Chỉ khi nào thực hiện đầy đủ bốn điều vừa kể trên, chúng ta mới có
thể sống hòa thuận và hạnh phúc như một gia đình Cơ-đốc.
Ru-tơ đã thực hiện một lựa chọn táo bạo, nên đã nhận được phước hạnh lạ
lùng mà chẳng có ai dám mơ tưởng tới. Tuy tương lai của xã hội hoặc gia
đình chúng ta thoạt nhìn có vẻ ảm đạm, nếu chúng ta đặt Chúa Cứu Thế vào
tâm điểm của các chọn lựa và quyết định của mình, chúng ta sẽ tiếp nhận
được nhiều phước hạnh và sống những cuộc đời đầy hạnh phúc như Ru-tơ
vậy.
Thứ hai, cũng như Ru-tơ chúng ta cần có thái độ tích cực đối với đời sống.
Ru-tơ đã trung tín theo mẹ chồng về Bết-lê-hem mà không một tiếng thở
than, chăm sóc mẹ chồng như những gì người ta có thể chờ đợi nơi nàng dâu
thảo. Để có lương thực cho hai người cô phải ra đồng mót lúa. Trong họa
phẩm tuyệt tác Người Phụ Nữ Mót Lúa ngoài đồng (Woman Gleaning a
Field) của mình, Millet đã vẽ bức tranh sinh động của cô Ru-tơ khom mình
mót lúa. Ru-tơ đã phải chịu khó mót lúa từ sáng sớm cho đến tối mịt mới đủ
qua ngày. Ông chủ ruộng là Bô-ô rất cảm động về lòng hiếu thảo của Ru-tơ
ra lệnh cho các con gặt bỏ sót ít lúa nên Ru-tơ mót được khá hơn. Đến chiều
tối, Ru-tơ đem lúa về nhà, đưa cho mẹ chồng xem nàng đã mót được bao
nhiêu. Cô cũng đem về cho Na-ô-mi bữa ăn trưa mà Bô-ô đã cấp cho, và
nàng để dành phần cho mẹ chồng. Lòng tận tụy của Ru-tơ với mẹ chồng thật
cảm động nên cả làng đều biết rõ. Tuy là một người ngoại quốc, Ru-tơ đã
được dân làng khen ngợi. Ru-tơ nuôi mẹ chồng mà không hề than thở, và tạo
ra hạnh phúc cho gia đình bằng sự hy sinh của mình. Thái độ của Ru-tơ bao
giờ cũng tích cực. Ngày nay, chúng ta nhận thấy có rất nhiều người nhờ có
được Cơ-đốc giáo thúc đẩy, đang sống những cuộc đời tận tụy hy sinh, vừa
chăm chỉ vừa tích cực.
Có lần Mục sư Shuller đã thuyết trình cho các sinh viên về những điều kiện
đòi hỏi một chức vụ lãnh đạo thành công phải có. Điều kiện đầu tiên ông đề
cập là tánh không vị kỷ. Người muốn làm lãnh tụ phải biết hy sinh. Thứ hai,
phải có lòng sẵn sàng giúp đỡ người khác cho đến nơi đến chốn. Chỉ có
người như thế mới có thể trở thành một lãnh tụ chân chính. Ru-tơ đã chịu hy
sinh, chịu khó chịu khổ lao động và ban phát tình yêu thương với thái độ ân
cần tử tế.
Năm học tốt nghiệp tại Chủng viện Thần học Giám Lý, tôi là một thành viên
của ban truyền bá Phúc Âm, đi ra làm công tác truyền giảng. Nhiều khi
chúng tôi mang theo kèn đồng, phong cầm và máy rọi hình, đến một hòn đảo
trong Biển Tây, nhiều khi chúng tôi bị kẹt lại đó cả tuần lễ vì thời tiết dông
bão. Chúng tôi cũng đến nhiều làng trên Biển Đông và làm chứng tại các
chợ hoặc trên tàu hỏa. Một người bạn tốt đã quan tâm đến tương lai của tôi,
và khuyên tôi nên yêu cầu vị chủ nhiệm khu vực ấy tìm cho tôi một Hội
thánh tốt để đến đó làm việc. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn tham gia công tác
truyền đạo mà thôi. Vì tin rằng Thượng Đế sẽ ban cho tôi một chỗ để phục
vụ Ngài, tôi chỉ hiến thân cho việc truyền giảng Phúc Âm. Ngay trước khi
tốt nghiệp, tôi được yêu cầu thực hiện một buổi nhóm truyền giảng tại Hội
thánh Giám lý Jeonnong. Tôi đến Hội thánh ấy vào buổi tối có nhóm lại. Tôi
lấy kèn ra thổi, rồi giảng, và sau buổi nhóm, nhiều người quyết định tin
Chúa Cứu Thế Giê-xu. Sau buổi nhóm, tôi về nhà. Bấy giờ, Hội thánh ấy
chưa có mục sư, nên sau buổi nhóm, các thành viên trong Hội thánh đã họp
lại và quyết định mời tôi làm mục sư cho họ. Họ nộp đơn yêu cầu cho vị chủ
nhiệm khu vực, nhưng ông khước từ vì tôi còn là sinh viên chủng viện, chưa
phải là thành viên của liên đoàn mục sư, trong khi đang có đầy đủ các vị
mục sư đã được phong chức để cung ứng cho Hội thánh. Tuy nhiên, các
thành viên của Hội thánh ấy đã nằng nặc xin cho được tôi, và cuối cùng vị
chủ nhiệm khu vực phải nhượng bộ, cho nên Hội thánh Jeonnong trở thành
Hội thánh đầu tiên tôi đã được bổ nhiệm đến. Sau khi phục vụ tại đó năm
năm, tôi làm tuyên úy mười năm cho không quân. Sau đó, tôi đến với Hội
thánh Kwanglim và bắt đầu trở lại chức vụ dân sự. Tôi học biết được rằng
cho dầu chúng ta có đi đâu, nếu trung tín phục vụ và chu toàn trách nhiệm
thì Thượng Đế vẫn dẫn chúng ta đi đúng hướng.
Những ai muốn sống cho Chúa Cứu Thế cần phải làm việc chăm chỉ; phải
làm tròn sứ mạng và đảm nhiệm các trọng trách của mình với đôi mắt nhìn
chăm vào Chúa Giê-xu. Chúng ta đã thấy Ru-tơ phải làm việc suốt ngày
ngoài đồng như thế nào mới đủ trợ cấp cho mẹ chồng mình. Kết quả của nếp
sống cần cù, trung tín của Ru-tơ là gì? Kết quả của việc lựa chọn táo bạo của
Ru-tơ là gì?
Ông chủ ruộng là Bô-ô rất cảm động về lối sống trung tín của Ru-tơ và lòng
tận tụy của cô đối với Na-ô-mi, đến nỗi cuối cùng đã chú ý đến và muốn
cưới nàng làm vợ. Vì thương hại nàng dâu mình đang phải lao động khổ
nhọc, bà Na-ô-mi đã khuyến khích cho việc tác hợp giữa Ru-tơ và Bô-ô. Phú
ông Bô-ô rất có thể lạm dụng người phụ nữ ngoại quốc bất hạnh kia nhưng
ông là một người quân tử, luôn luôn đối xử tử tế và lịch thiệp với Ru-tơ. Ông
hỏi ý kiến bà con thân tộc, yêu cầu họ tán thành cuộc hôn nhân của ông với
Ru-tơ. Như vậy, tương lai của Ru-tơ có một người chồng tận tụy và một gia
đình hạnh phúc. Hơn thế nữa, bà còn sinh được một con trai, tên là Ô-bết. Ô-
bết lại là tổ phụ của Đa-vít, về sau là vua dân Y-sơ-ra-ên. Như vậy, Ru-tơ
một phụ nữ ngoại quốc, thuộc giai cấp thấp kém, khiêm tốn, đã trở thành tổ
mẫu của vua Đa-vít vĩ đại.
Các tín hữu Cơ-đốc thân mến của tôi, chúng ta đừng bao giờ tuyệt vọng khi
nhận thấy mình đang phải đối mặt với nghịch cảnh. Những quyết định và lựa
chọn bởi đức tin vào Chúa Cứu thế Giê-xu, là những cơ hội có thể biến
những bất hạnh và đau khổ của chúng ta thành những cơ hội để được phước.
Một khi đã trở thành tân nương của Chúa Cứu Thế thì số phận của chúng ta
được thay đổi.
Lúc Chúa Giê-xu hướng về phía thành phố Giê-ru-sa-lem, thì cây thập tự
đang chờ Ngài; cái chết đang đợi Ngài. Tuy vậy, Ngài đã cỡi trên lưng một
lừa con, mạnh dạn thực hiện chuyến vào thành phố cách khải hoàn trong khi
dân chúng trải áo choàng của họ xuống mặt đường và tung hô 'Hô-sa-na'.
Có một số người Hy-lạp đã đến với Chúa Giê-xu muốn đưa Ngài sang xứ họ
để trở thành một đại triết gia như Socrates hoặc Aristotle nhưng Chúa Giê-
xu đã khéo léo từ chối để chọn thập tự giá. Ngài bảo 'nếu hạt lúa kia không
được gieo vào lòng đất và chết đi, nó chỉ là một hạt giống lẻ loi. Nhưng nếu
chết đi, nó sinh sôi nảy nở rất nhiều', rồi quay lại tiến về Giê-ru-sa-lem. Ngài
đã chịu chết trên thập tự giá, nhưng ba ngày sau, Ngài đã sống lại. Ngài đã
chiến thắng!
Các Cơ-đốc nhân yêu dấu của tôi, có phải các bạn đang chiến đấu với nhiều
vấn đề? Phải chăng các bạn đang đau khổ? Nếu các bạn lấy đức tin để đưa ra
một quyết định đúng, những khó khăn của các bạn sẽ được đổi thành phước
hạnh khi bạn sống cuộc đời mình trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Một chọn lựa
táo bạo hôm nay có thể đưa bạn vào một cuộc đời mới đầy hạnh phúc. Tôi
cầu nguyện, để bạn biết được sự bình an và tình yêu thương của Thượng Đế
và hưởng được các phước hạnh quý báu mà Ngài ban cho.
Nền móng hy vọng của con người
ICo1Cr 15:12-19
Hầu hết tất cả các tôn giáo đều chủ trương và truyền dạy hai chân lý quan
trọng giống nhau. Thứ nhất là các tiêu chuẩn đạo đức có sẵn trong thế giới
chúng ta, thứ hai là niềm tin vào đời sống vĩnh hằng. Tuy nhiên, chẳng có
tôn giáo nào truyền dạy thật mạnh mẽ, sắt đinh bằng Cơ-đốc giáo, chẳng
những chỉ các phước hạnh trần gian cho đời sống hiện tại, mà còn hứa ban
hy vọng về đời sống vĩnh hằng và phước hạnh sau khi chết. Cơ-đốc giáo ban
cho loài người chúng ta niềm hy vọng này căn cứ vào một sự kiện hết sức
hiển nhiên. Chúa Giê-xu từng phán Ngài là 'sự sống lại và nguồn sống', và
ba ngày sau khi Ngài chịu chết, Ngài đã chứng minh lời khẳng định này
bằng cách chiến thắng sự chết, sống lại, chứng minh cho chúng ta về sự sống
vĩnh hằng, và trở thành nền móng cho niềm hy vọng của chúng ta.
Thông điệp của Hội thánh nguyên thủy vốn vô cùng đơn giản; nó kể lại thế
nào Chúa Giê-xu đã chịu chết vì chúng ta và sau đó đã phục sinh để cứ tiếp
tục sống mãi. Chết không phải là hết, là kết thúc đời sống. Lại còn có sự
sống lại, và đời sống vĩnh cửu nữa. Sự kiện này là Phúc Âm, là Tin Lành,
của Cơ-đốc giáo.
Thứ nhất, sự sống lại chứng thực cho đời sống đắc thắng.
Thượng Đế đã không dựng nên loài người để cho họ phải chết. Trái lại, Ngài
dựng nên loài người để họ nhận được nhiều phước hạnh phong phú và kỳ
diệu. Thượng Đế, Đấng đã tạo nên loài người theo hình tượng Ngài sẽ chẳng
bao giờ ruồng bỏ những người mà Ngài đã tạo nên, và để mặc họ phải chết
thảm thương, tàn khốc. Thượng Đế đã sai Chúa Giê-xu đến thế gian để chinh
phục sự chết, mà làm như vậy, là Ngài hứa ban cho chúng ta chiến thắng đối
với mồ mả. Lúc Chúa Giê-xu chịu đóng đinh trên thập tự giá, các môn đệ
Ngài đều vô cùng thất vọng, và trong cơn tuyệt vọng, họ bảo rằng ngay cả
Chúa Giê-xu cũng phải chịu khuất phục quyền lực của sự chết. Nhưng khi
Chúa Giê-xu phá tan xích xiềng của sự chết và ra khỏi mồ mả như một
người chiến thắng, thì sự sống lại kỳ diệu của Ngài chứng minh cho chúng ta
thấy chiến thắng của sự sống. Trong Cơ-đốc giáo, ngôi mộ của Chúa Giê-xu
chứng thực cho giá trị của đời sống con người cho đến ngày nay - điều mà
không một tôn giáo nào có được.
Năm 1967 tại Capetown, Nam Phi, Bác sĩ Christian Barnard đã thực hiện
cuộc giải phẫu ghép tim lần đầu tiên trên thế giới. Kéo dài đời sống của một
người sắp chết bằng cách thay trái tim bệnh hoạn của người ấy bằng một trái
tim lành mạnh là một kỳ công chói lọi có tính lịch sử. Con bệnh đầu tiên ấy
sống thêm được mười tám ngày; con bệnh thứ hai được mười chín tháng
trước khi chết vì sưng phổi.
Tuy y khoa hiện đại đã tận dụng được sự tinh vi lớn lao về phương diện kỹ
thuật để cố gắng kéo dài thêm sự sống cho con người bằng cách đặt họ vào
trong những bộ máy và thay ghép các cơ quan, các khoa học gia chỉ thành
công trong việc kéo dài sự sống mà không ngăn chặn được sự chết. Đã là
người thì tất cả đều vẫn phải chết. Năng lực của khoa học không giải quyết
được vấn đề chết chóc của chúng ta; trái lại, chính sự sống lại của Chúa Cứu
Thế Giê-xu mới giải quyết được vấn đề ấy, chứng minh rằng sau cái chết
vẫn còn sự sống. Chúng ta nhận được lời hứa về đời sống vĩnh hằng nơi
Chúa Cứu Thế Phục sinh, và chúng ta sống là để dùng đời sống mình chứng
thực cho các tin tức tốt lành rằng có sự sống vĩnh hằng và chúng ta sẽ được
sống vĩnh viễn.
Paul Tillich bảo rằng sở dĩ người ta cảm thấy bồn chồn bất an, âu lo xao
xuyến và đầy sợ hãi kinh hoàng là vì họ đang nghĩ đến cái chết, nghĩ đến
việc mình đang biến đổi dần dần để đi đến chỗ không còn hiện hữu nữa. Yếu
điểm của nền thần học hiện sinh lừng danh của Tillich là ở chỗ loài người
không thể được giải thoát khỏi âu lo sợ hãi mà khỏi giải quyết vấn đề tôn
giáo đang nắm giữ chiếc chìa khóa của vấn đề sự chết.
Hơn nữa, các nhà tâm lý và thần kinh học hiện đại khẳng định rằng các cảm
thức về sự bấp bênh vô nghĩa vô giá trị của cuộc đời vốn nằm sâu thâm căn
cố đế trong tâm trí con người, và các cảm thức tiêu cực này chính là căn
nguyên của đủ loại tật bệnh của thân xác. Chúng ta không thể tự gỡ mình
khỏi các cảm thức có tính cách phá hoại ấy, ngoại trừ nhờ đến Chúa Cứu
Thế Giê-xu và sự sống lại của Ngài. Chính sự sống lại mới khiến cho cuộc
sống chúng ta trở thành phong phú sung mãn và có giá trị. Như vậy, sự sống
lại đã trở thành Tin Mừng, chứng thực rằng sự sống đang chiến thắng cái
chết.
Thứ hai, sự sống lại chứng thực cho sự chiến thắng của chân lý.
Chúa Giê-xu phán: "Ta là chân lý." Người ta có thể nói rằng lịch sử là cuộc
chiến tranh giữa chân lý và ngụy lý. Nếu cuộc đời Chúa Giê-xu, Đấng vốn là
chân lý mà lại chấm dứt bằng cái chết trên thập tự giá, thì chân lý đã không
còn tồn tại trên đất này nữa. Nhưng ba ngày sau khi chết, Chúa Giê-xu đã
sống lại. Chính sự phục sinh của Ngài chứng minh cho chúng ta thấy chân lý
đã giành được chiến thắng sau cùng.
Chúng ta đang sống trong loại thế giới mà cả đến những người cố gắng sống
cuộc đời tốt lành thánh thiện vẫn có thể chán nản tuyệt vọng và tổn thương.
Tuy nhiên, những ai nhìn chăm vào Chúa Phục sinh, là Chúa Cứu Thế Giê-
xu của Chân lý thì sẽ chẳng bao giờ thất vọng. Đủ thứ dối trá và bất công đã
không đánh hạ được Ngài. Chúa Giê-xu là chứng cớ về chiến thắng khải
hoàn của chân lý.
Thomas Edison, một trong những nhà sáng chế vĩ đại nhất từng sống trên
đời, có đến hàng ngàn phát minh kể cả nhu cầu quan trọng trong sinh hoạt
hằng ngày của chúng ta, là bóng đèn điện. Edison đã phát hiện nguyên tắc
cháy của ánh sáng mà ông dùng làm cơ sở cho bóng đèn điện, tuy do tình cờ,
nhưng phải cần đến không dưới 1.000 lần thí nghiệm trong phòng thí
nghiệm để chứng thực cho phát minh hoàn hảo đó. Suốt cuộc đời, Edison
vốn là người tin tưởng mạnh mẽ vào chân lý khoa học, và chính vào lúc
chết, những người có mặt bên giường ông kể lại rằng ông được thấy một chỗ
đẹp đẽ đang chờ đợi ông ở thế giới bên kia. Edison đã lao động không mệt
mỏi suốt đời mình để chứng minh cho chân lý khoa học bằng một thí
nghiệm này tiếp sau một thì nghiệm khác, nhưng đến lúc chết, ông vẫn tin
quyết vào chân lý về sự sống vĩnh hằng.
Những ai sống trong chân lý của Chúa Cứu Thế Giê-xu đều tin vào chiến
thắng tối hậu của chân lý, và chứng minh chiến thắng đó bằng chính đời
sống của mình.
Thứ ba, sự sống lại chứng thực chiến thắng của tình yêu thương và sự tốt
lành thánh thiện.
Thượng Đế là tình yêu. Chúa Giê-xu đã yêu nhân loại đến nỗi chịu chết thế.
Chúa Giê-xu yêu anh em và tôi đến nỗi chịu chết thay cho chúng ta. Chúa
Giê-xu Đấng đã yêu những người nghèo khó, bệnh tật, trẻ con yếu đuối bất
năng, những người thất bại, đáng thương, đã yêu chúng ta đến độ phải chịu
chết, cái chết xuất phát từ hận thù, ghen tị, tranh cạnh, nhưng chính tình yêu
thương vĩ đại đã vùng lên để giành chiến thắng qua chân lý diệu kỳ về sự
sống lại của Chúa Giê-xu, đem hy vọng đến cho chúng ta. Như vậy, đức tin
của chúng ta không phải là vô ích, đạo của chúng ta không phải là không
tưởng. Những ai sống bằng tình yêu chẳng bao giờ chết. Sự sống lại chứng
thực cho chiến thắng tối hậu của tình yêu thương và sự tốt lành, thiện hảo.
Trong thế chiến II, sáu triệu người Do Thái đã bị tàn sát. Một số người Do
Thái bên Đức bị giam trong những ngục tối, nơi họ phải chịu đau khổ khủng
khiếp. Sau chiến tranh, người ta tìm thấy trong xà lim của một trong những
trại giam ấy hình một ngôi sao Đa-vít vẽ nguệch ngoạc lên tường bằng ngón
tay của một tù nhân vô danh nào đó. Dưới đó là một câu viết rằng: "Dầu mặt
trời không chiếu sáng trên chúng tôi, chúng tôi vẫn tin rằng ngoài kia có một
mặt trời. Tuy hiện nay tôi không cảm thấy có chút tình yêu thương nào, tôi
vẫn tin rằng tình yêu chân chính hãy còn đó. Tuy Thượng Đế im lặng, tôi tin
Ngài vẫn hằng sống." Trong mấy lời này, chúng ta có thể tìm thấy đức tin,
ngay giữa bóng tối và đau khổ, vẫn ngăn chận được sự thất vọng, vì tin
quyết rằng chiến thắng vẫn còn ở đâu đó.
Tuy hiện nay chúng ta sống trong một thế giới đầy bất công, thù hận, sự
sống lại của Chúa Cứu Thế Giê-xu hứa rằng cuối cùng tình yêu và sự thiện
hảo sẽ chiến thắng. Bất cứ ai sống trong tình yêu ấy, đang cố gắng để sống
trong tốt lành thiện hảo ấy đều sẽ không bị diệt vong.
Khúc Kinh Thánh hôm nay trong thư ICổ-linh, chúng ta thấy có câu hỏi:
"Nếu chúng tôi truyền giảng Chúa Cứu Thế đã sống lại từ cõi chết, sao trong
anh em có người nói kẻ chết sẽ không sống lại?" Câu hỏi này cho thấy có
một số người cố gắng phủ nhận sự sống lại. Ngày nọ có một số thanh niên
đang tranh luận với nhau về sự sống lại. Đúng lúc ấy, một bà chấp sự tình cờ
đi ngang qua, cho nên các thanh niên hỏi đùa bà: "Chúa Cứu Thế có thật sự
sống lại từ kẻ chết không?" Bà chấp sự, với vẻ mặt nghiêm nghị đã trả lời:
"Tôi vừa mới trò chuyện xong với Chúa Cứu Thế hằng sống đây." Bà chấp
sự ấy tin chắc vào sự hiện hữu của Chúa Cứu Thế Phục sinh, vì bà vẫn trò
chuyện với Ngài hằng ngày. Cầu nguyện và thờ phượng là các phương pháp
để chúng ta đàm thoại với Chúa hằng sống.
Có một mệnh phụ nọ mua một ngôi nhà sang trọng và những thiết bị lộng
lẫy nhất để trang trí nội thất. Bà trải thảm nhung dưới sàn nhà, trưng bày
nhiều đồ cổ rất đẹp trên các ngăn kệ. Bà đang sống trong cảnh xa hoa, chẳng
còn thiếu gì nữa. Tuy nhiên, một ngày nọ, bỗng dưng bà nhận thức được
cuộc đời bà thật vô nghĩa. Bà tự hỏi: "Sống như thế này thì ích lợi gì?" Bà
không còn cảm thấy đời sống có chút giá trị gì, và bắt đầu cảm thấy đau khổ
về sự trống trải, rỗng tuếch hằng ngày. Mặc dầu đã tìm đủ cách, ban đêm bà
vẫn không ngủ được. Bà bắt đầu cảm thấy các triệu chứng đau đớn của thể
xác và tim bị hồi hộp. Cuối cùng, bà tự nhủ: "Thà ta chết đi còn hơn!" và
định tâm sẽ tự tử. Đúng vào ngày hôm ấy, trong lúc mở báo ra, tình cờ bà
đọc được bài giảng đăng trong mục Tòa giảng Kwanglim. Bài giảng đặc biệt
ấy có những câu hỏi: "Bạn có thỏa lòng về đời sống hiện tại của mình
không? Đâu là ý nghĩa của cuộc đời?" Bài giảng đề cập chính hoàn cảnh của
bà, và khi tiếp tục đọc, tâm trí bà bắt đầu thay đổi. Bà tự nhủ: "Đúng lắm,
Thượng Đế vẫn hằng sống và vẫn yêu thương tôi. Tôi là một con người đáng
sống." Người phụ nữ sắp tự tử này rất cảm động, nên xé bài báo ấy ra, bỏ
vào túi áo, và bắt đầu cả một cuộc đời mới mẻ trong Chúa Cứu Thế.
Tin Lành của sự sống lại ấy là Chúa Giê-xu đã vứt bỏ phần mộ qua một bên
để sống với chúng ta bằng đời sống chúng ta hiện nay. Nếu không có sự
sống lại, đức tin của chúng ta sẽ hoàn toàn vô ích. Chúa Giê-xu chẳng những
đã thanh toán sự chết, mà Ngài còn sống trong chúng ta hôm nay để ban
phước cho đời sống chúng ta và khiến chúng trở thành phong phú sung mãn,
và ban cho chúng một giá trị, một ý nghĩa. Đó là chân lý của sự sống lại.
Các Cơ-đốc nhân yêu dấu của tôi, chúng ta hãy tin vào chiến thắng vĩ đại
của buổi sáng Phục sinh, và sống cuộc đời của các dũng sĩ của đức tin.
Chúng ta hãy tin vào chiến thắng khải hoàn của chân lý và sống trong chân
lý ấy. Chúng ta hãy tin vào chiến thắng tối hậu của tình yêu thương và sự tốt
lành, thiện hảo, để sống một cuộc đời đầy phước hạnh trong tình yêu thương
và sự tốt lành thiện hảo.
Một phép lạ trong hoang mạc
Mac Mc 6:30-44
Tôi nhớ rất rõ lần tôi đến thăm Biển hồ Ga-li-lê mấy năm trước đây. Chúng
tôi đến đó vào giữa trưa và thấy nhiều du khách đang vui thưởng thức lướt
ván và chèo thuyền. Người hướng dẫn đưa chúng tôi lên một ngọn đồi nằm
về hướng Bắc của biển hồ và giải thích rằng đây chính là địa điểm Chúa
Giê-xu đã hóa bánh cho năm ngàn người ăn, từ năm ổ bánh lúa mạch và hai
con cá. Được đi bách bộ trên sườn đồi này thật là một khoảnh khắc khiến tôi
hết sức cảm động. Rồi tôi tìm thấy gần đó một ngôi nhà thờ nhỏ, và khi vào
trong ngôi nhà thờ ấy, ngay trước bàn thờ có một bức khảm thật đẹp vẽ năm
ổ bánh và hai con cá.
Khúc Kinh Thánh hôm nay kể lại cho chúng ta biến cố đặc biệt đã xảy ra
trên sườn đồi ấy lúc Chúa Giê-xu thi hành chức vụ công khai tại Ga-li-lê.
Chúa Giê-xu và các môn đệ Ngài nhận thấy họ đang bị cả một đám quần
chúng đông đảo vây quanh, cho nên muốn có được chút thì giờ ở riêng tư và
nghỉ ngơi, họ đã quyết định lên một chiếc thuyền, vượt qua bờ bên kia của
biển hồ. Tuy nhiên, ngay lúc Chúa Giê-xu và đoàn tùy tùng đến nơi, một
đám quần chúng đông đảo đã chờ sẵn tại đó rồi. Lúc Chúa Giê-xu bước ra
khỏi thuyền và nhìn thấy đoàn dân, lòng Ngài tràn đầy thương cảm, nên bắt
đầu nói với họ về Nước Trời. Chúa Giê-xu đã giảng dạy thật lâu, và khi biết
đám quần chúng đã đói, Ngài truyền cho các môn đệ hãy tìm thức ăn cho họ.
Các môn đệ Ngài gợi ý rằng vì địa điểm này rất hoang vắng, Ngài nên giải
tán đám đông để họ tự tìm đến các nông trại và làng mạc gần đó mà mua
thức ăn. Tuy nhiên, Chúa Giê-xu bảo các môn đệ tìm xem mọi người đang
có những thức ăn gì, và nhấn mạnh rằng chính họ phải lo thức ăn cho đoàn
dân. Một em bé trai trong đám đông có năm ổ bánh lúa mạch và hai con cá,
và Anh-rê mang tất cả đến cho Chúa Giê-xu. Ngài cầm lấy bánh, ngước mắt
lên trời cầu nguyện cảm tạ Thượng Đế. Rồi truyền cho các môn đệ phân
phát các thức ăn ấy cho đoàn dân lúc ấy đang ngồi trên mặt đất. Ngài cũng
lấy cá, cầu nguyện chúc phước y như vậy và trao cho các môn đệ phân phát
cho mọi người. Sau khi tất cả ăn no nê, các môn đệ Chúa đi nhặt các mẫu
bánh vụn thì đựng đầy mười hai giỏ, và nếu chỉ đếm số đàn ông mà thôi thì
đã có đến năm ngàn người được ăn! Thật là một phép lạ.
Phần ký thuật về phép lạ này được chép lại trong cả bốn sách Phúc Âm.
Hôm nay, tôi muốn tìm vài bài học thuộc linh trong hành động hóa bánh cho
năm ngàn người ăn bằng năm ổ bánh và hai con cá của phép lạ này.
Thứ nhất, Chúa Giê-xu bày tỏ lòng thương xót và tình yêu đối với những
người đói khát thuộc linh lẫn thuộc thể.
Bất cứ lúc nào có một đoàn dân tập họp lại quanh Chúa Giê-xu, lòng Ngài
đều tràn ngập thương xót đối với họ, vì trước mặt Ngài, họ chẳng khác gì
một bầy chiên không có kẻ chăn. Tại sao đi đến bất cứ đâu Chúa Giê-xu đều
thu hút được đám quần chúng như thế? Tôi tin là khi mọi người đến gặp
Chúa Giê-xu, thì mọi vấn đề, cả thuộc linh lẫn thuộc thể của họ đều được
giải quyết. Chúa Giê-xu luôn luôn sẵn sàng ban cho họ những gì họ yêu cầu.
Không phải Chúa Giê-xu chỉ dạy quần chúng hãy trông đợi đến đời sau rồi
các vấn đề của họ mới được giải quyết; Ngài đã quan tâm giúp đỡ giải quyết
các vấn đề cụ thể họ gặp trong sinh hoạt hằng ngày. Cũng vậy, Cơ-đốc giáo
hiện nay không phải chỉ quan tâm đến cuộc đời sau khi chết; mà còn quan
tâm giải quyết các vấn đề thực tiễn của đời sống ngay tại đây và chính lúc
này. Chúng ta nhận thức được điều này là xác thực ra sao khi đọc bài Cầu
Nguyện Chung mà Chúa Giê-xu đã dạy chúng ta cầu xin Thượng Đế: "ban
cho chúng con đủ ăn hằng ngày." Chúng ta cần nhận thức rằng các vấn đề
vật chất mà chúng ta đối diện trong đời sống có liên hệ trực tiếp tới lòng
trung tín của chúng ta trong sinh hoạt thuộc linh.
Mấy năm trước đây, lúc Tiến sĩ lừng danh Han Bin Lee, nhân vật lãnh đạo
Hội thánh lên làm thủ tướng, nhân một buổi họp cầu nguyện của các tín hữu,
đã bảo rằng tuy mức sống của quốc dân ta đã khá hơn nhiều do với thời kỳ
sau khi được giải phóng khỏi Nhật Bản năm 1945 hoặc trong thời gian có
cuộc Chiến tranh Triều Tiên hay vào ngày 16 tháng 5 khi các sinh viên làm
cách mạng, đất nước chúng ta vẫn thường xuyên chịu khổ vì cơn khủng
hoảng dầu hỏa. Ông khuyến giục mọi người rằng đây chính là lúc mà tất cả
những Cơ-đốc nhân Triều Tiên phải cầu nguyện cho sự ổn định kinh tế của
đất nước mình. Lẽ dĩ nhiên là cơn khủng hoảng dầu hỏa không chỉ đánh vào
đất nước chúng ta mà thôi, nhưng nó có ảnh hưởng đến toàn thế giới. Một
quốc gia phải được cả thế giới công nhận và biết ơn nếu nó có thể đối phó
được với vấn đề ấy và giúp tìm ra một giải pháp. Tiến sĩ Lee nhấn mạnh
rằng đây quả thật là thì giờ để các Cơ-đốc nhân đem năng lực thuộc linh đến
qua việc thiết tha cầu nguyện.
Chúa Giê-xu chẳng bao giờ nguyền rủa hay làm ngơ đối với những điều
thuộc về vật chất rất cần cho sự an vui thuộc thể của chúng ta; trái lại, Ngài
còn can thiệp tích cực vào các vấn đề ấy và giải quyết cho chúng ta nữa.
Thêm vào việc cầu nguyện cho các vấn đề thuộc linh mà chúng ta quan tâm,
chúng ta còn có thể dâng lên cho Thượng Đế những yêu cầu riêng biệt cho
sự thịnh vượng của những cuộc mạo hiểm của chúng ta trong công cuộc
kinh doanh, cho sức khỏe của chúng ta, cho các mối liên hệ hài hòa trong gia
đình và nhiều vấn đề vật chất tương tự như thế. Thượng Đế muốn cho công
cuộc làm ăn kinh doanh của chúng ta hưng thịnh; Thượng Đế muốn cho
chúng ta có sức khỏe; Thượng Đế muốn cho sinh hoạt gia đình của chúng ta
được vui vẻ hạnh phúc; và như thế Thượng Đế rất sẵn sàng chứng minh cho
chúng ta thấy tình yêu thương và lòng thương xót của Ngài.
Trong đoạn Kinh Thánh hôm nay, chúng ta thấy khi Chúa Giê-xu nhìn vào
đoàn dân đang đói, Ngài cảm thấy ưu ái sâu xa và rất quan tâm tới họ. Ngài
đã dùng ngay các biện pháp thực tế để xoa dịu cái đói phần xác của họ hôm
ấy, nếu hôm nay chính bạn thấy mình lâm vào một hoàn cảnh khó khăn, bạn
có thể trao cho cùng một Chúa Giê-xu đầy lòng thương xót ấy bằng cách cầu
nguyện và tin rằng Chúa sẽ cung ứng giải pháp cơ bản cho vấn đề của bạn.
Thứ hai, Chúa Giê-xu đang tìm xem chúng ta có gì dâng lên, để Ngài thực
hiện phép lạ.
Lúc Chúa Giê-xu bảo các môn đệ Ngài phải cho đoàn dân đang đói có đó để
họ ăn, các vị ấy đã trả lời thế nào? Hầu như các vị đều đồng thanh phản đối
rằng: "Đây là hoang mạc. Trời đã tối rồi mà chúng ta lại chẳng có tiền bạc
gì. Chúng tôi đành chịu thua thôi, chẳng có thể làm được gì cả." Và nhấn
mạnh: "Điều duy nhất chúng ta có thể làm, là giải tán họ. Ca-bê-ba-um cách
đây 5 dặm còn Bết-sai-đa thì xa hơn một chút. Vậy tốt nhất là Ngài hãy bảo
họ tìm đến những nơi đó." Các môn đệ Ngài đề nghị với Chúa Giê-xu.
Trong một ý nghĩa, chúng ta hôm nay cũng đang lâm vào một hoàn cảnh
tương tự. Chúng ta đang sống trong một hoang mạc, chẳng có gì để ăn cả,
mà đêm thì sắp buông xuống rồi. Nói khác đi, đời sống chúng ta đang gặp
khủng hoảng.
Các môn đệ Chúa tính toán rằng phải có ít nhất hai trăm đồng bạc mới mua
đủ bánh cho mỗi người trong đoàn dân đông đảo này được chút đỉnh để ăn
cho đỡ đói, nhưng đó không phải là một giải pháp đích thực cho vấn đề. Các
môn đệ Chúa đã tính ra con số này và kết luận phải có rất nhiều tiền để mua
thực phẩm, vì họ đã quên mất quyền phép của Thượng Đế. Nhưng Chúa
Giê-xu bảo họ hãy đem đến điều họ đang sẵn có. Anh-rê mang đến một bữa
ăn trưa của một cậu bé trai, gồm năm ổ bánh lúa mạch với hai con cá. Chúa
Giê-xu đã nhận lấy khẩu phần của cậu bé, tạ ơn Thượng Đế, rồi thực hiện
một phép lạ phi thường. Thượng Đế sẽ dùng vật chúng ta có sẵn ngay tại đây
để làm phép lạ. Chúng ta đang có gì?
Mấy năm trước đây, giáo sĩ Christian Wilson đến Afganistan để truyền
giảng Phúc Âm. Ngành kỹ nghệ chính của xứ là nuôi cừu, nhưng rủi thay,
một nạn dịch nghiêm trọng bắt đầu giết chết rất nhiều cừu. Cuối cùng, người
ta phát giác ra rằng loài cừu mắc phải một chứng bệnh do các vi khuẩn từ
loài ốc bươu mang tới. Phương pháp duy nhất là tiêu diệt ốc bươu hầu ngăn
chận chứng bệnh, là phải có một loại vịt nào đó, vốn rất thích ăn loại ốc bưu
kia. Vì loại vịt này gốc gác không phải ở trong xứ Afganistan, vị giáo sĩ đã
yêu cầu một bạn thân bên Mỹ gởi cho ông một số. Người bạn gởi 24 trứng
vịt theo đường thủy, nhưng qua chuyến hải hành dài ngày đó, hầu như trứng
vịt đều bị ung thối cả. Vị giáo sĩ đem số ít ỏi trứng vịt còn lại cho ấp và cầu
nguyện xin Thượng Đế cho ít nhất vài cặp vịt sẽ nở, hầu loài cừu tại
Afganistan được cứu thoát. Cuối cùng, do một phép lạ, trứng vịt nở được
một con trống và một con mái. Vị giáo sĩ nuôi chúng thật kỹ. Chúng lớn
nhanh và chẳng bao lâu, ra đời nhiều lứa vịt con. Bầy vịt ăn ốc bưu, và
ngành kỹ nghệ của Afganistan được cứu vãn.
Nhiều khi Thượng Đế giúp đỡ chúng ta bằng cách cất đi một điều gì đó
dường như chẳng có giá trị bao nhiêu, để dùng nó làm một phép lạ. Xin
chúng ta hãy tự xét xem mình hiện đang có gì. Cho dầu điều đó có vô nghĩa
đến đâu, nếu Thượng Đế đã tự tay nhận lấy và chúc phước cho, Ngài có thể
thực hiện một phép lạ mà chúng ta không tài nào tưởng tượng ra nổi. Vấn đề
không phải là vật chúng ta có nhỏ mọn đến đâu; điều quan trọng là thái độ
tích cực của đức tin chúng ta.
Thứ ba, ngay sau khi Chúa Giê-xu nhận bánh và cá và cầu nguyện, lập tức
Ngài bắt đầu phân phát thực phẩm.
Cá với bánh lúa mạch chỉ là thức ăn rẻ tiền dành cho dân nghèo, nhưng Chúa
Giê-xu đã tiếp nhận thức ăn đạm bạc đó và dâng lên lời tạ ơn Thượng Đế về
nó. Ngài cầu nguyện: "Tạ ơn Thượng Đế vì Ngài tiếp nhận thức ăn này, và
dùng nó để nuôi đoàn dân này." Ngay sau khi chúc phước cho thức ăn, việc
phân phát bắt đầu. Chúa Giê-xu đã không trông mong cho thức ăn ấy được
nhân bội ngay lúc Ngài còn cầm nó trong tay. Ngài đã lấy đức tin, truyền
cho các môn đệ giao lại các thức ăn ấy cho đám đông. Làm như vậy là Ngài
đã chứng minh rằng đức tin của Ngài là một hành vi táo bạo gắn liền với sự
liều lĩnh.
Nhiều người tin rằng họ phải chờ cho đến khi công cuộc làm ăn kinh doanh
của họ phát đạt hơn, rồi mới có thể có một kế hoạch lớn lao nào đó để làm
công việc Chúa. Sở dĩ như vậy vì họ tưởng rằng điều hết sức hợp lý là phải
tính toán xem có thể trông đợi Thượng Đế sẽ cho họ những gì rồi mới căn cứ
vào đó để biết sẽ dâng bao nhiêu cho Thượng Đế. Nếu có ai đó chờ đợi cho
đến khi có một cái gì đó thật to lớn thật quan trọng rồi mới dâng cho Thượng
Đế, cơ hội ấy sẽ chẳng bao giờ đến. Ngay cả khi điều chúng ta có chỉ rất ít
oi, nhỏ bé mà thôi, chúng ta phải bước đi bằng đức tin góp phần vào công
việc Chúa để Ngài dùng mà làm phép lạ.
Trong hoang mạc và đối diện với cả một đám đông quần chúng, Chúa Giê-
xu đã nhận lấy trách nhiệm bất khả chu toàn đứng về phương diện loài người
mà nói, và Ngài đã ngước lên trời, cầu xin sự trợ giúp của Thượng Đế rồi
tức khắc hành động bằng đức tin khi Ngài bắt đầu phân phát thức ăn cho
đám đông. Hành động là bí quyết để Thượng Đế ban phước bằng phép lạ.
Tôi xin kể cho các bạn nghe một kinh nghiệm bản thân trong cuộc chiến
tranh Triều Tiên. Trong trận chiến tại một thung lũng thuộc tỉnh Kangwon,
đơn vị chúng tôi bị các binh sĩ Bắc Triều Tiên vây chặt. Chúng tôi cố gắng
hết sức để phá vòng vây, nhưng không thể được. Một binh sĩ trong đơn vị
chúng tôi đang cố gắng bắt liên lạc bằng vô tuyến điện, và trong khi làm như
thế, anh ta cứ nhìn chăm lên trời. Chẳng bao lâu sau, một chiếc phi cơ xuất
hiện, rồi lại bay đi. Chúng tôi chẳng phải chờ đợi lâu, nhiều phi cơ vận tải
lượn trên đầu chúng tôi, các cánh cửa sau mở rộng để thả dù vũ khí đạn
dược và thuốc men xuống đúng chỗ chúng tôi đã đánh dấu dưới đất. Với
những vật phẩm tiếp tế từ trời rơi xuống đó, chúng tôi đã phá được vòng vây
mà địch quân từng nhốt chặt chúng tôi.
Cả khi dường như chúng ta lâm vào hoàn cảnh sắp chết đến nơi, chúng ta
cần phải biết nhìn lên để Thượng Đế chỉ cho chúng ta lối thoát. Trong khi
dường như chỉ có những cánh cửa đóng kín ở chân trời, chúng ta vẫn phải
nhìn lên vì cánh cửa trên trời sẽ được mở.
Tôi rất xúc động khi mới đây, đi thăm một chấp sự của Hội thánh chúng tôi
vốn làm tài xế. Xuất thân từ một gia đình nghèo, không đủ tiền ăn học, điều
đó khiến ông có nhiều mặc cảm tự ti và bi quan khác thường. Một hôm, ông
tình cờ đến nhóm trong một buổi truyền giảng của Hội thánh chúng tôi, có
ca sĩ Young Nam Cho, một danh ca Triều Tiên hát nhiều bài thánh ca Phúc
Âm và làm chứng về cuộc đời mình. Trong khi nghe ông Cho làm chứng
ông ta quyết định trong lòng là kể từ đó trở đi, sẽ vứt bỏ tất cả các quan điểm
tiêu cực về đời sống đi, và sẽ đi tìm chân lý. Bỗng nhiên cuộc đời ông tràn
đầy niềm vui; ông bắt đầu đi nhà thờ. Ông tiếp nhận lời hứa của Thượng Đế
và cảm thấy được hướng dẫn hứa dâng một phần mười lợi tức của mình cho
Hội thánh. Lập tức nhân sinh quan của ông bắt đầu thay đổi. Mọi chuyện
vẫn y nguyên, ông vẫn sống trong một căn phòng nhỏ, và vẫn làm tài xế.
Nhưng giờ đây, bất chấp mọi việc xảy ra, tâm trí ông đầy dẫy niềm vui và
bình an, và gương mặt ông chứng minh điều đó. Bởi đức tin, số phận ông đã
được thay đổi, và Thượng Đế đã ban cho ông một ý thức về ý nghĩa đích
thực của sự giàu có sung túc và một hy vọng mới mẻ.
Cho dầu điều bạn đang có dường như vô nghĩa, xin đừng nguyền rủa hay sợ
hãi cuộc đời. Trái lại, hãy quay mặt hướng về Thượng Đế và hãy dâng mình
cho Ngài bằng cách cầu nguyện. Sau đó, hãy đánh liều bước một bước và
bắt đầu chia xẻ những gì bạn đang có. Phép lạ nhất định sẽ xảy ra.
ž đời, chúng ta có thể có hai lối sống. Chúng ta có thể sống trong lo sợ hoặc
sống bằng đức tin. Đó là hai điều chúng ta phải chọn một. Nếu không có đức
tin, thì định mệnh dành cho chúng ta sẽ là một cuộc đời đầy sợ hãi.
Xin chúng ta hãy tin cậy vào Thượng Đế Toàn Năng. Nếu chịu làm như vậy,
phép lạ về các ổ bánh và cá sẽ xảy ra cho đời sống chúng ta. Hơn nữa, đời
sống chúng ta sẽ trở thành phong phú sung mãn đến nỗi, như câu chuyện
trong các sách Phúc Âm này, cả sau khi đã ăn no rồi, chúng ta sẽ còn lượm
lại được mười hai giỏ bánh thừa nữa.
Thế giới chúng ta đang sống là một hoang mạc. Chúng ta chẳng có gì cả.
Màn đêm sắp buông xuống rồi. Mọi sự dường như chẳng đi đến đâu. Dường
như chúng ta đều hoàn toàn bất năng bất lực, chẳng có thể làm được gì cả.
Nhưng Thượng Đế chỉ dùng điều chúng ta hiện có ngay tại đây và ngay bây
giờ để thực hiện phép lạ của Ngài. Tôi cầu nguyện, ngay hôm nay bạn dâng
điều bạn đang có cho Thượng Đế, để được từng trải phép lạ về bánh và cá
trong đời sống bạn.
Những cuộc phiêu lưu của nhà tiền phong có đức tin
SaSt 12:1-9
Chúng ta đã được nghe nói rất nhiều về Áp-ra-ham, nhà tiền phong vốn là tổ
phụ của đức tin chúng ta mà Thượng Đế đã ban phước thật phong phú, và
qua đó, chúng ta cũng đã được phước. Tuy Kinh Thánh không chép, chúng
ta đều biết một điều nghịch lý là Áp-ra-ham vốn xuất thân từ một gia đình
thờ lạy thần tượng. Thành phố quê hương ông thờ thần Malduk, là thần mặt
trời, còn cha của Áp-ra-ham là Tha-rê, thì làm và bán hình tượng.
Trước khi tin Thượng Đế là chân thần duy nhất, Áp-ra-ham thờ các thần mặt
trời và mặt trăng. Một chiều nọ, lúc đang ngắm mặt trời lặn phía sau các
rặng núi, ông bắt đầu thắc mắc tự hỏi chẳng hay mình có nên phục vụ một vị
thần rất hay thay đổi như vậy chăng. Cũng vậy, khi ông quan sát các tuần
trăng, ông thắc mắc tự hỏi chẳng hay mặt trăng có phải là một đối tượng
xứng đáng cho mình thờ lạy hay chăng. Cuối cùng, Áp-ra-ham đã tìm gặp
Đức Giê-hô-va là Thượng Đế, và bắt đầu phục vụ Ngài.
Có câu chuyện dân gian kể rằng lần nọ Tha-rê có việc phải đi xa, để Áp-ra-
ham một mình trông coi cửa hàng đầy ắp các thần tượng. Một hôm, có một
phụ nữ đến mua một bức tượng, Áp-ra-ham bảo với bà ta rằng một phụ nữ
như bà ta, đã sống nhiều năm rồi nay lại đi mua một bức tượng được tạc
xong trong một buổi sáng, rồi lại quỳ trước mặt nó, cầu nó ban phước cho,
thì quả là điên dại.
Lần khác, một phụ nữ mang một đĩa thức ăn đến để cúng cho một thần
tượng. Áp-ra-ham đem đĩa thức ăn đặt trước mặt pho tượng to nhất. Rồi ông
đạp nát tất cả các pho tượng nhỏ hơn. Lúc Tha-rê về, ông rất kinh hoàng khi
thấy các thần tượng đều bị đập nát, không gãi tai thì cũng què chân. Ông hỏi:
"Có chuyện gì xảy ra vậy?" Áp-ra-ham thưa với cha rằng khi pho tượng to
nhất thấy thức ăn mà bà nọ đem đến, thì nó giật lấy, và tiêu diệt hết các thần
tượng khác. Áp-ra-ham nhận lỗi với Tha-rê đang giận. Nhưng Tha-rê nói:
"Mầy là đồ tinh ranh quỷ quyệt làm sao một thần tượng không có sự sống lại
làm được việc ấy?" Áp-ra-ham đáp: "Thưa cha, tại sao chúng ta lại đi mưu
sinh bằng cái nghề bán các thần tượng chẳng có sự sống này? Con không thể
tiếp tục làm công việc này nữa." Câu chuyện cho chúng ta biết kết quả Áp-
ra-ham bị đuổi ra khỏi nhà cha mình để đến sinh sống trong xứ Ca-na-an.
Thay doi dieu ky
Thay doi dieu ky
Thay doi dieu ky
Thay doi dieu ky

More Related Content

Viewers also liked

Tam long cha tren troi
Tam long cha tren troiTam long cha tren troi
Tam long cha tren troiLong Do Hoang
 
Tinh yeu va hon nhan
Tinh yeu va hon nhanTinh yeu va hon nhan
Tinh yeu va hon nhanLong Do Hoang
 
Vuong quoc quyen nang va vinh hien
Vuong quoc quyen nang va vinh hienVuong quoc quyen nang va vinh hien
Vuong quoc quyen nang va vinh hienLong Do Hoang
 
Thien dang thuot ve ai
Thien dang thuot ve aiThien dang thuot ve ai
Thien dang thuot ve aiLong Do Hoang
 
Ke hoach cua dct qua cac loi tien tri
Ke hoach cua dct qua cac loi tien triKe hoach cua dct qua cac loi tien tri
Ke hoach cua dct qua cac loi tien triLong Do Hoang
 
Tony Sellaway one sheet v2
Tony Sellaway one sheet v2Tony Sellaway one sheet v2
Tony Sellaway one sheet v2Tony Sellaway
 
Greek crisis - ad-hoc monitoring
Greek crisis - ad-hoc monitoringGreek crisis - ad-hoc monitoring
Greek crisis - ad-hoc monitoringRamona Gabar
 
Presentazione della Scuola di Ingegneria di Napoli
Presentazione della Scuola di Ingegneria di NapoliPresentazione della Scuola di Ingegneria di Napoli
Presentazione della Scuola di Ingegneria di NapoliPiero Pavanini
 
Pembentangan SDP
Pembentangan SDPPembentangan SDP
Pembentangan SDPmilzi5215
 
3rd biennial rd infrastructure investment innovation summit 2016 brochure
3rd biennial rd infrastructure investment  innovation summit 2016 brochure3rd biennial rd infrastructure investment  innovation summit 2016 brochure
3rd biennial rd infrastructure investment innovation summit 2016 brochuremokgadi machaba
 

Viewers also liked (20)

Tam long cha tren troi
Tam long cha tren troiTam long cha tren troi
Tam long cha tren troi
 
Song voi cam xuc
Song voi cam xucSong voi cam xuc
Song voi cam xuc
 
Tinh yeu va hon nhan
Tinh yeu va hon nhanTinh yeu va hon nhan
Tinh yeu va hon nhan
 
Tro ve mai nha xua
Tro ve mai nha xuaTro ve mai nha xua
Tro ve mai nha xua
 
Vuong quoc quyen nang va vinh hien
Vuong quoc quyen nang va vinh hienVuong quoc quyen nang va vinh hien
Vuong quoc quyen nang va vinh hien
 
Theo dau chan chua
Theo dau chan chuaTheo dau chan chua
Theo dau chan chua
 
Thien dang thuot ve ai
Thien dang thuot ve aiThien dang thuot ve ai
Thien dang thuot ve ai
 
Y cha duoc nen
Y cha duoc nenY cha duoc nen
Y cha duoc nen
 
Ke hoach cua dct qua cac loi tien tri
Ke hoach cua dct qua cac loi tien triKe hoach cua dct qua cac loi tien tri
Ke hoach cua dct qua cac loi tien tri
 
Resume 2016 - Copy
Resume 2016 - CopyResume 2016 - Copy
Resume 2016 - Copy
 
Tony Sellaway one sheet v2
Tony Sellaway one sheet v2Tony Sellaway one sheet v2
Tony Sellaway one sheet v2
 
Greek crisis - ad-hoc monitoring
Greek crisis - ad-hoc monitoringGreek crisis - ad-hoc monitoring
Greek crisis - ad-hoc monitoring
 
nguyen manhcuong
nguyen manhcuongnguyen manhcuong
nguyen manhcuong
 
Proforma - De-addiction through Raja Yogi Lifestyle
Proforma - De-addiction through Raja Yogi LifestyleProforma - De-addiction through Raja Yogi Lifestyle
Proforma - De-addiction through Raja Yogi Lifestyle
 
Presentazione della Scuola di Ingegneria di Napoli
Presentazione della Scuola di Ingegneria di NapoliPresentazione della Scuola di Ingegneria di Napoli
Presentazione della Scuola di Ingegneria di Napoli
 
Pembentangan SDP
Pembentangan SDPPembentangan SDP
Pembentangan SDP
 
Ban that song
Ban that songBan that song
Ban that song
 
3rd biennial rd infrastructure investment innovation summit 2016 brochure
3rd biennial rd infrastructure investment  innovation summit 2016 brochure3rd biennial rd infrastructure investment  innovation summit 2016 brochure
3rd biennial rd infrastructure investment innovation summit 2016 brochure
 
Dao duc hoc
Dao duc hocDao duc hoc
Dao duc hoc
 
Su song du dat
Su song du datSu song du dat
Su song du dat
 

Similar to Thay doi dieu ky

Chơn Tâm Trực Thuyết (Thích Đắc Pháp)
Chơn Tâm Trực Thuyết (Thích Đắc Pháp)Chơn Tâm Trực Thuyết (Thích Đắc Pháp)
Chơn Tâm Trực Thuyết (Thích Đắc Pháp)Phật Ngôn
 
Từ Bi Tam Muội Thủy Sám
Từ Bi Tam Muội Thủy SámTừ Bi Tam Muội Thủy Sám
Từ Bi Tam Muội Thủy SámPhật Ngôn
 
Nghe thuat chinh phuc linh hon
Nghe thuat chinh phuc linh honNghe thuat chinh phuc linh hon
Nghe thuat chinh phuc linh honLong Do Hoang
 
Nghe thuat chinh phuc linh hon
Nghe thuat chinh phuc linh honNghe thuat chinh phuc linh hon
Nghe thuat chinh phuc linh honco_doc_nhan
 
17 9-20 chiêm sát thiện ác nghiệp báo kinh giảng kí-quyển thượng
17 9-20 chiêm sát thiện ác nghiệp báo kinh giảng kí-quyển thượng17 9-20 chiêm sát thiện ác nghiệp báo kinh giảng kí-quyển thượng
17 9-20 chiêm sát thiện ác nghiệp báo kinh giảng kí-quyển thượngLong NguyenThe
 
Địa Tạng Bồ tátThánh Đức - Hỏi đáp
Địa Tạng Bồ tátThánh Đức - Hỏi đápĐịa Tạng Bồ tátThánh Đức - Hỏi đáp
Địa Tạng Bồ tátThánh Đức - Hỏi đápNhân Quả Luân Hồi
 
Di lặc cứu khổ chân kinh chú giải
Di lặc cứu khổ chân kinh  chú giảiDi lặc cứu khổ chân kinh  chú giải
Di lặc cứu khổ chân kinh chú giảiHoàng Lý Quốc
 
Vạn Thiện Đồng Quy Tập (Diên Thọ)
Vạn Thiện Đồng Quy Tập (Diên Thọ)Vạn Thiện Đồng Quy Tập (Diên Thọ)
Vạn Thiện Đồng Quy Tập (Diên Thọ)Phật Ngôn
 
Phuong phap saon bai giang 2
Phuong phap saon bai giang 2Phuong phap saon bai giang 2
Phuong phap saon bai giang 2co_doc_nhan
 
Nhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi songNhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi songco_doc_nhan
 
Nhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi songNhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi songLong Do Hoang
 
Phuong phap saon bai giang 1
Phuong phap saon bai giang 1Phuong phap saon bai giang 1
Phuong phap saon bai giang 1co_doc_nhan
 
Nội san Loisusong.net 2013-09
Nội san Loisusong.net 2013-09Nội san Loisusong.net 2013-09
Nội san Loisusong.net 2013-09Word of Life
 
Phuong thuc ti mo-the
Phuong thuc ti mo-thePhuong thuc ti mo-the
Phuong thuc ti mo-theco_doc_nhan
 
Daovienminhthanhkinh 180515071505
Daovienminhthanhkinh 180515071505Daovienminhthanhkinh 180515071505
Daovienminhthanhkinh 180515071505LcHiuH
 
Đào Viên Minh Thánh Kinh - Kinh Tụng Và Sự Ứng Nghiệm
Đào Viên Minh Thánh Kinh - Kinh Tụng Và Sự Ứng NghiệmĐào Viên Minh Thánh Kinh - Kinh Tụng Và Sự Ứng Nghiệm
Đào Viên Minh Thánh Kinh - Kinh Tụng Và Sự Ứng NghiệmPhát Nhất Tuệ Viên
 
Hoiky cuahanhthien tts
Hoiky cuahanhthien ttsHoiky cuahanhthien tts
Hoiky cuahanhthien ttsHoa Bien
 

Similar to Thay doi dieu ky (20)

Chơn Tâm Trực Thuyết (Thích Đắc Pháp)
Chơn Tâm Trực Thuyết (Thích Đắc Pháp)Chơn Tâm Trực Thuyết (Thích Đắc Pháp)
Chơn Tâm Trực Thuyết (Thích Đắc Pháp)
 
Từ Bi Tam Muội Thủy Sám
Từ Bi Tam Muội Thủy SámTừ Bi Tam Muội Thủy Sám
Từ Bi Tam Muội Thủy Sám
 
Nghe thuat chinh phuc linh hon
Nghe thuat chinh phuc linh honNghe thuat chinh phuc linh hon
Nghe thuat chinh phuc linh hon
 
Nghe thuat chinh phuc linh hon
Nghe thuat chinh phuc linh honNghe thuat chinh phuc linh hon
Nghe thuat chinh phuc linh hon
 
17 9-20 chiêm sát thiện ác nghiệp báo kinh giảng kí-quyển thượng
17 9-20 chiêm sát thiện ác nghiệp báo kinh giảng kí-quyển thượng17 9-20 chiêm sát thiện ác nghiệp báo kinh giảng kí-quyển thượng
17 9-20 chiêm sát thiện ác nghiệp báo kinh giảng kí-quyển thượng
 
Địa Tạng Bồ tátThánh Đức - Hỏi đáp
Địa Tạng Bồ tátThánh Đức - Hỏi đápĐịa Tạng Bồ tátThánh Đức - Hỏi đáp
Địa Tạng Bồ tátThánh Đức - Hỏi đáp
 
Di lặc cứu khổ chân kinh chú giải
Di lặc cứu khổ chân kinh  chú giảiDi lặc cứu khổ chân kinh  chú giải
Di lặc cứu khổ chân kinh chú giải
 
Vạn Thiện Đồng Quy Tập (Diên Thọ)
Vạn Thiện Đồng Quy Tập (Diên Thọ)Vạn Thiện Đồng Quy Tập (Diên Thọ)
Vạn Thiện Đồng Quy Tập (Diên Thọ)
 
Phuong phap saon bai giang 2
Phuong phap saon bai giang 2Phuong phap saon bai giang 2
Phuong phap saon bai giang 2
 
Nhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi songNhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi song
 
Nhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi songNhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi song
 
Thất Chân Nhân Quả.
Thất Chân Nhân Quả.Thất Chân Nhân Quả.
Thất Chân Nhân Quả.
 
Phuong phap saon bai giang 1
Phuong phap saon bai giang 1Phuong phap saon bai giang 1
Phuong phap saon bai giang 1
 
Nội san Loisusong.net 2013-09
Nội san Loisusong.net 2013-09Nội san Loisusong.net 2013-09
Nội san Loisusong.net 2013-09
 
Hue menhkinh
Hue menhkinhHue menhkinh
Hue menhkinh
 
Phuong thuc ti mo-the
Phuong thuc ti mo-thePhuong thuc ti mo-the
Phuong thuc ti mo-the
 
Daovienminhthanhkinh 180515071505
Daovienminhthanhkinh 180515071505Daovienminhthanhkinh 180515071505
Daovienminhthanhkinh 180515071505
 
Đào Viên Minh Thánh Kinh - Kinh Tụng Và Sự Ứng Nghiệm
Đào Viên Minh Thánh Kinh - Kinh Tụng Và Sự Ứng NghiệmĐào Viên Minh Thánh Kinh - Kinh Tụng Và Sự Ứng Nghiệm
Đào Viên Minh Thánh Kinh - Kinh Tụng Và Sự Ứng Nghiệm
 
Hoiky cuahanhthien tts
Hoiky cuahanhthien ttsHoiky cuahanhthien tts
Hoiky cuahanhthien tts
 
Cathedral total vhn
Cathedral total vhnCathedral total vhn
Cathedral total vhn
 

More from Long Do Hoang

More from Long Do Hoang (20)

Ve dau
Ve dauVe dau
Ve dau
 
Tu ma thuat den dang christ
Tu ma thuat den dang christTu ma thuat den dang christ
Tu ma thuat den dang christ
 
Trai tim bang gia
Trai tim bang giaTrai tim bang gia
Trai tim bang gia
 
Tong hop
Tong hopTong hop
Tong hop
 
Toi muon la co doc nhan
Toi muon la co doc nhanToi muon la co doc nhan
Toi muon la co doc nhan
 
Tinh yeu nao
Tinh yeu naoTinh yeu nao
Tinh yeu nao
 
Thu quy
Thu quyThu quy
Thu quy
 
Thong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copelandThong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copeland
 
Su vui mung that
Su vui mung thatSu vui mung that
Su vui mung that
 
Su binh an that
Su binh an thatSu binh an that
Su binh an that
 
Sinh ra de huong phuoc hanh
Sinh ra de huong phuoc hanhSinh ra de huong phuoc hanh
Sinh ra de huong phuoc hanh
 
Sau dieu doi tra
Sau dieu doi traSau dieu doi tra
Sau dieu doi tra
 
Quyen nang cua su cam ta chua
Quyen nang cua su cam ta chuaQuyen nang cua su cam ta chua
Quyen nang cua su cam ta chua
 
Quy luat tien bac
Quy luat tien bacQuy luat tien bac
Quy luat tien bac
 
Quan ly tien bac
Quan ly tien bacQuan ly tien bac
Quan ly tien bac
 
Quan binh doi song co doc
Quan binh doi song co docQuan binh doi song co doc
Quan binh doi song co doc
 
Phai chang dct cua basn qua nho be
Phai chang dct cua basn qua nho bePhai chang dct cua basn qua nho be
Phai chang dct cua basn qua nho be
 
Niem vui that
Niem vui thatNiem vui that
Niem vui that
 
Nhung nguoi hanh phuc nhat tran gian
Nhung nguoi hanh phuc nhat tran gianNhung nguoi hanh phuc nhat tran gian
Nhung nguoi hanh phuc nhat tran gian
 
Nhung nguoi cau thay
Nhung nguoi cau thayNhung nguoi cau thay
Nhung nguoi cau thay
 

Recently uploaded

2020.Catalogue CÁP TR131321313UNG THẾ.pdf
2020.Catalogue CÁP TR131321313UNG THẾ.pdf2020.Catalogue CÁP TR131321313UNG THẾ.pdf
2020.Catalogue CÁP TR131321313UNG THẾ.pdfOrient Homes
 
CATALOGUE Cáp điện Taya (FR, FPR) 2023.pdf
CATALOGUE Cáp điện Taya (FR, FPR) 2023.pdfCATALOGUE Cáp điện Taya (FR, FPR) 2023.pdf
CATALOGUE Cáp điện Taya (FR, FPR) 2023.pdfOrient Homes
 
Catalogue-thiet-bi-chieu-sang-DUHAL-2023.pdf
Catalogue-thiet-bi-chieu-sang-DUHAL-2023.pdfCatalogue-thiet-bi-chieu-sang-DUHAL-2023.pdf
Catalogue-thiet-bi-chieu-sang-DUHAL-2023.pdfOrient Homes
 
Catalogue Cadisun CÁP HẠ THẾ (26-09-2020).pdf
Catalogue Cadisun CÁP HẠ THẾ (26-09-2020).pdfCatalogue Cadisun CÁP HẠ THẾ (26-09-2020).pdf
Catalogue Cadisun CÁP HẠ THẾ (26-09-2020).pdfOrient Homes
 
Tạp dề là gì? Tổng hợp các kiểu dáng tạp dề xu hướng
Tạp dề là gì? Tổng hợp các kiểu dáng tạp dề xu hướngTạp dề là gì? Tổng hợp các kiểu dáng tạp dề xu hướng
Tạp dề là gì? Tổng hợp các kiểu dáng tạp dề xu hướngMay Ong Vang
 
CATALOG Đèn, thiết bị điện ASIA LIGHTING 2023.pdf
CATALOG Đèn, thiết bị điện ASIA LIGHTING 2023.pdfCATALOG Đèn, thiết bị điện ASIA LIGHTING 2023.pdf
CATALOG Đèn, thiết bị điện ASIA LIGHTING 2023.pdfOrient Homes
 
CATALOGUE ART-DNA 2023-2024-Orient Homes.pdf
CATALOGUE ART-DNA 2023-2024-Orient Homes.pdfCATALOGUE ART-DNA 2023-2024-Orient Homes.pdf
CATALOGUE ART-DNA 2023-2024-Orient Homes.pdfOrient Homes
 
Catalogue cáp điện GOLDCUP 2023(kỹ thuật).pdf
Catalogue cáp điện GOLDCUP 2023(kỹ thuật).pdfCatalogue cáp điện GOLDCUP 2023(kỹ thuật).pdf
Catalogue cáp điện GOLDCUP 2023(kỹ thuật).pdfOrient Homes
 
Catalog Dây cáp điện CADIVI ky thuat.pdf
Catalog Dây cáp điện CADIVI ky thuat.pdfCatalog Dây cáp điện CADIVI ky thuat.pdf
Catalog Dây cáp điện CADIVI ky thuat.pdfOrient Homes
 
Dây cáp điện Trần Phú Eco - Catalogue 2023.pdf
Dây cáp điện Trần Phú Eco - Catalogue 2023.pdfDây cáp điện Trần Phú Eco - Catalogue 2023.pdf
Dây cáp điện Trần Phú Eco - Catalogue 2023.pdfOrient Homes
 
catalogue-cap-trung-va-ha-the-ls-vina.pdf
catalogue-cap-trung-va-ha-the-ls-vina.pdfcatalogue-cap-trung-va-ha-the-ls-vina.pdf
catalogue-cap-trung-va-ha-the-ls-vina.pdfOrient Homes
 
Catalog ống nước Europipe upvc-ppr2022.pdf
Catalog ống nước Europipe upvc-ppr2022.pdfCatalog ống nước Europipe upvc-ppr2022.pdf
Catalog ống nước Europipe upvc-ppr2022.pdfOrient Homes
 
Phân tích mô hình PESTEL Coca Cola - Nhóm 4.pptx
Phân tích mô hình PESTEL Coca Cola - Nhóm 4.pptxPhân tích mô hình PESTEL Coca Cola - Nhóm 4.pptx
Phân tích mô hình PESTEL Coca Cola - Nhóm 4.pptxtung2072003
 
CATALOG cáp cadivi_1.3.2024_compressed.pdf
CATALOG cáp cadivi_1.3.2024_compressed.pdfCATALOG cáp cadivi_1.3.2024_compressed.pdf
CATALOG cáp cadivi_1.3.2024_compressed.pdfOrient Homes
 

Recently uploaded (14)

2020.Catalogue CÁP TR131321313UNG THẾ.pdf
2020.Catalogue CÁP TR131321313UNG THẾ.pdf2020.Catalogue CÁP TR131321313UNG THẾ.pdf
2020.Catalogue CÁP TR131321313UNG THẾ.pdf
 
CATALOGUE Cáp điện Taya (FR, FPR) 2023.pdf
CATALOGUE Cáp điện Taya (FR, FPR) 2023.pdfCATALOGUE Cáp điện Taya (FR, FPR) 2023.pdf
CATALOGUE Cáp điện Taya (FR, FPR) 2023.pdf
 
Catalogue-thiet-bi-chieu-sang-DUHAL-2023.pdf
Catalogue-thiet-bi-chieu-sang-DUHAL-2023.pdfCatalogue-thiet-bi-chieu-sang-DUHAL-2023.pdf
Catalogue-thiet-bi-chieu-sang-DUHAL-2023.pdf
 
Catalogue Cadisun CÁP HẠ THẾ (26-09-2020).pdf
Catalogue Cadisun CÁP HẠ THẾ (26-09-2020).pdfCatalogue Cadisun CÁP HẠ THẾ (26-09-2020).pdf
Catalogue Cadisun CÁP HẠ THẾ (26-09-2020).pdf
 
Tạp dề là gì? Tổng hợp các kiểu dáng tạp dề xu hướng
Tạp dề là gì? Tổng hợp các kiểu dáng tạp dề xu hướngTạp dề là gì? Tổng hợp các kiểu dáng tạp dề xu hướng
Tạp dề là gì? Tổng hợp các kiểu dáng tạp dề xu hướng
 
CATALOG Đèn, thiết bị điện ASIA LIGHTING 2023.pdf
CATALOG Đèn, thiết bị điện ASIA LIGHTING 2023.pdfCATALOG Đèn, thiết bị điện ASIA LIGHTING 2023.pdf
CATALOG Đèn, thiết bị điện ASIA LIGHTING 2023.pdf
 
CATALOGUE ART-DNA 2023-2024-Orient Homes.pdf
CATALOGUE ART-DNA 2023-2024-Orient Homes.pdfCATALOGUE ART-DNA 2023-2024-Orient Homes.pdf
CATALOGUE ART-DNA 2023-2024-Orient Homes.pdf
 
Catalogue cáp điện GOLDCUP 2023(kỹ thuật).pdf
Catalogue cáp điện GOLDCUP 2023(kỹ thuật).pdfCatalogue cáp điện GOLDCUP 2023(kỹ thuật).pdf
Catalogue cáp điện GOLDCUP 2023(kỹ thuật).pdf
 
Catalog Dây cáp điện CADIVI ky thuat.pdf
Catalog Dây cáp điện CADIVI ky thuat.pdfCatalog Dây cáp điện CADIVI ky thuat.pdf
Catalog Dây cáp điện CADIVI ky thuat.pdf
 
Dây cáp điện Trần Phú Eco - Catalogue 2023.pdf
Dây cáp điện Trần Phú Eco - Catalogue 2023.pdfDây cáp điện Trần Phú Eco - Catalogue 2023.pdf
Dây cáp điện Trần Phú Eco - Catalogue 2023.pdf
 
catalogue-cap-trung-va-ha-the-ls-vina.pdf
catalogue-cap-trung-va-ha-the-ls-vina.pdfcatalogue-cap-trung-va-ha-the-ls-vina.pdf
catalogue-cap-trung-va-ha-the-ls-vina.pdf
 
Catalog ống nước Europipe upvc-ppr2022.pdf
Catalog ống nước Europipe upvc-ppr2022.pdfCatalog ống nước Europipe upvc-ppr2022.pdf
Catalog ống nước Europipe upvc-ppr2022.pdf
 
Phân tích mô hình PESTEL Coca Cola - Nhóm 4.pptx
Phân tích mô hình PESTEL Coca Cola - Nhóm 4.pptxPhân tích mô hình PESTEL Coca Cola - Nhóm 4.pptx
Phân tích mô hình PESTEL Coca Cola - Nhóm 4.pptx
 
CATALOG cáp cadivi_1.3.2024_compressed.pdf
CATALOG cáp cadivi_1.3.2024_compressed.pdfCATALOG cáp cadivi_1.3.2024_compressed.pdf
CATALOG cáp cadivi_1.3.2024_compressed.pdf
 

Thay doi dieu ky

  • 1. Thay Đổi Diệu Kỳ Tác giả: Sundo Kim Tựa Mục sư Tiến sĩ Sundo Kim ra đời ngày 3 tháng 12 năm 1930 tại Sunchon, Bắc Triều Tiên và lớn lên tại đó suốt những ngày đen tối dưới quyền chiếm đóng của đế quốc Nhật. Tuy là một giai đoạn tuyệt vọng nhất cho đất nước lại là thời kỳ Cơ-đốc giáo thâm nhập phi thường vào thành phố quê hương của Tiến sĩ Kim, nơi gia đình ông là những nhà tiền phong của đạo. Thuở thiếu thời Tiến sĩ Kim theo học cấp Tiểu và Trung học dưới thời người Nhật cai trị. Sau khi tốt nghiệp Trung học hướng nghiệp, ông định trở thành bác sĩ y khoa, nên theo học và tốt nghiệp trường Y. Tuy nhiên, do áp lực Cộng sản ngày càng đè nặng trên xã hội Bắc Triều Tiên, kể cả bách hại bắt bớ các Cơ-đốc nhân, và từng trải của ông trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, bác sĩ Kim quyết định học thần học và trở thành mục sư. Đó là việc ông đã làm sau khi di cư xuống miền Nam năm 1953. Ông tốt nghiệp Chủng viện Thần học Giám lý tại Hán Thành, sau đó mười năm làm tuyên úy trong Không lực Nam Triều Tiên. Ông từng sang Hoa Kỳ, học tại Chủng viện Wesley ở Washington D.C, và sau đó, nhận bằng Tiến sĩ của Chủng viện Thần học Fuller tại California Hoa Kỳ. Cả bốn anh em trong gia đình họ Kim này đều trở thành mục sư và hiện phục vụ với tư cách những mục sư có rất nhiều ảnh hưởng trong Hội thánh Giám lý Triều Tiên. Ba người em trai của Tiến sĩ Kim đều nối gót ông, và trở thành các lãnh tụ trong công cuộc phục hưng, truyền bá Phúc Âm và tăng trưởng Hội thánh. Mối liên hệ giữa Tiến sĩ Kim với Hội thánh Giám lý Kwanglim là điều quan trọng nhất. Lúc Tiến sĩ Kim đến làm mục sư cho Hội thánh vào năm 1971, ở đó chỉ có 170 thành viên. Tuy nhiên, nhờ khải tượng thuộc linh lớn lao và tài lãnh đạo của Tiến sĩ Kim, Hội thánh phát triển thật nhanh chóng. Đến năm 1979, nhà thờ được dời từ một khu vực xưa cũ của Hán Thành, đến một khu vực mới phát triển của thành phố. Toàn thể Giáo hội Kháng Cách Triều Tiên bắt đầu quan tâm đến những thuận lợi của Hội thánh mới mẻ này, và sự tăng trưởng của hội chúng hiện nay đã lên đến 30.000. Thiết tưởng chẳng cần phải nói là những bài giảng đầy quyền năng của Tiến sĩ Kim đã đủ đóng vai trò chính trong việc đưa dân chúng đến với Hội thánh Giám lý Kwanglim. Các bài giảng của Tiến sĩ Kim, cả về nội dung lẫn cách giải nghĩa Kinh điển, đều được triển khai từ rất nhiều thì giờ biệt riêng để
  • 2. cầu nguyện và lòng nhiệt thành truyền bá Phúc Âm chân chính. Tôi tưởng chúng ta có thể tóm tắt những nét đặc trưng trong các bài giảng của ông theo ba cách sau đây: Thứ nhất, các bài giảng của ông hiện thực hóa cách giải thích Kinh điển Phúc Âm cho các hoàn cảnh sinh hoạt đương đại. Kết quả của việc phân tích sâu sắc về sự thật hiện nay và cách chẩn đoán thuộc linh các hoàn cảnh, Tiến sĩ Kim có thể rao giảng những sứ điệp đầy quyền năng đáp ứng nhu cầu của thính giả. Mặc dầu ngày nào cũng bận rộn, Tiến sĩ Kim không mỏi mệt trong việc thăm viếng các tín hữu của Hội thánh và thăm hỏi về các vấn đề và nhu cầu cấp bách của họ. Tri giác thuộc linh của ông cũng như tài phân tích các hiện tượng lịch sử và xã hội khiến việc truyền giảng của ông có thể đụng đến và thấm sâu vào đời sống của hội chúng một cách hết sức cụ thể và thực tế. Cách giải kinh của ông là một thách thức đối với truyền thống truyền giảng của người Triều Tiên phần lớn có khuynh hướng thiên về việc giản lược phiến diện, và chủ yếu căn cứ vào việc bình giải Kinh Thánh mà thôi. Vì tin vào Phúc Âm đòi hỏi phải 'mạo hiểm', do đó, đứng trên tòa giảng để truyền bá Phúc Âm cũng phải xác định đức tin có liên hệ với thực tế ngay tại đây và ngay hôm nay, việc truyền giảng phải đáp ứng được đời sống thực tế của thính giả, để họ có thể dùng Phúc Âm bổ sung cho niềm tin quyết trong cuộc đời của họ. Các bài giảng của Tiến sĩ Kim vốn gãy gọn và đề cập các vấn đề thực tế của đời sống. Thứ hai, các bài giảng của ông nhằm mục đích khuyên giúp và chữa lành cho thính giả. Trong tình hình biến chuyển nhanh chóng hiện nay của xã hội Triều Tiên, nhiều người đang chịu đau khổ. Họ tìm trong Lời của Thượng Đế sự chữa lành qua các bài giảng. Mục đích cuối cùng của ông là giúp các thính giả biết rõ 'quyền năng của một đời sống đã được đổi mới'. Người bị tổn thương, thiệt hại được thay đổi nhờ từng trải sự hiện diện của Thượng Đế trong bài giảng. Con người cũ được mời gọi hãy trở thành một con người mới trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Nhiều người nghe, chịu cảm động trong lòng và tiếp nhận niềm vui của sự cứu rỗi. Về phương diện truyền thống, thì tòa giảng ở Triều Tiên là con đường một chiều. Nhiều mục sư chỉ giảng cho quần chúng nghe mà chẳng cần nghe quần chúng. Tuy nhiên, với loại bài giảng có tính cách khuyên giúp, Tiến sĩ Kim đã biến nó thành con đường giao thông hai chiều. Trong các bài giảng của Tiến sĩ Kim nan đề của thính giả và Lời Thượng Đế giáp mặt nhau và hòa thành sự chữa bệnh. Thứ ba, các bài giảng của ông có rất nhiều thí dụ minh họa. Ông sử dụng cách kể chuyện làm phương tiện truyền thông như chính Chúa Giê-xu từng làm. Tiến sĩ Kim bảo rằng các thí dụ minh họa trong những bài giảng của ông ví như các cửa sổ trong một ngôi nhà vậy. Một ngôi nhà không cửa sổ
  • 3. chẳng tiếp nhận được ánh sáng ra sao, thì một bài giảng không có thí dụ soi sáng cũng khô khan, ngăn trở thính giả tiếp thu trọn vẹn bài giảng y như vậy. Trong thần học hiện đại, Thần học Tự Sự, sử dụng rất nhiều tài liệu tiểu sử tự thuật, và Tiến sĩ Kim sử dụng phương pháp ấy để đi sâu vào đời sống. Những bài giảng tự sự như vậy truyền thông Phúc Âm thật hữu hiệu cho cả hội chúng đông đến 32.000 người, còn đặc biệt giúp những người thất học và cao tuổi hiểu rõ các bài giảng của ông nữa. Qua bản dịch Việt văn này thật là khó lòng truyền đạt thông điệp đầy quyền năng và linh cảm mà hằng tuần Tiến sĩ Kim giảng cho hội chúng của ông. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng quý độc giả có thể từng trải phần nào sứ điệp đầy quyền năng đã khích lệ và làm thay đổi nhiều cuộc đời mỗi sáng Chúa nhật. Vì bài giảng là trọng tâm, là phần cốt lõi giúp cho Hội thánh Triều Tiên tăng trưởng, bất cứ ai đọc sách này có thể hiểu một phần nào nguyên nhân giúp Hội thánh sở tại tăng trưởng. Hãy lắng nghe tiếng phán của Thượng Đế! Thi Tv 29:1-9 Có lần H. G. Wells kể lại câu chuyện về một quan chức cao cấp nọ vốn có thói quen cầu nguyện. Ngày kia, ông thình lình gặp một vấn đề khó giải quyết. Theo thói quen, ông lặng lẽ vào phòng dành làm nơi cầu nguyện của mình, quỳ gối xuống chấp hai tay lại trong tư thế cầu nguyện. Ông thiết tha khẩn cầu: "Ôi lạy Thượng Đế." Lát sau, ông nghe có tiếng phán: "Ta đây, con có chuyện chi vậy?" Viên chức ấy vô cùng kinh hoàng đến nỗi ngã lăn ra chết tốt. Nhân vật trong câu chuyện này vốn có thói quen cầu nguyện với Thượng Đế; thói quen như ông ta đánh răng mỗi sáng sớm vậy. Vấn đề là ông ta không biết rằng Thượng Đế hằng sống sẽ đáp lại lời cầu nguyện của ông ta. Câu chuyện này minh họa rõ ràng sự kiện chúng ta thường cầu nguyện với Thượng Đế mà không biết còn phải lắng nghe tiếng phán của Ngài nữa. Sự việc cũng xảy ra y như thế nếu chúng ta gọi điện thoại cho ai đó,: "A-lô..." rồi cứ nói, chẳng để cho người ở đầu dây bên kia có cơ may nói một tiếng nào cả. Sau khi nói xong, thì chúng ta gác máy. Tuy thường nói là cầu nguyện với Thượng Đế, điều chúng ta thật sự cần là trò chuyện với Thượng Đế là thực hiện một cuộc đàm luận hai chiều. Không phải chúng ta cứ nói một mình từ đầu đến cuối; trái lại, phải biết lắng nghe những gì Thượng Đế phán với chúng ta nữa. Chức vụ mục sư hiện nay đòi hỏi phải có loại giao lưu tiếp xúc này. Trong quá khứ, vị mục sư giảng và tín
  • 4. hữu lắng nghe. Chức vụ hiện đại đòi hỏi vị mục sư lắng nghe tín hữu. Việc lắng nghe này thường xảy ra trong thì giờ khuyên giúp. Một mục sư không thể giải đáp mọi vấn đề tín hữu của mình gặp trong sinh hoạt hằng ngày, nhưng có thể lắng nghe những gì họ bối rối lo âu. Paul Tillich gọi đó là 'tình yêu thương biết lắng nghe'. Tình yêu lắng nghe ấy rất cần thiết cho những cặp vợ chồng. Hạnh phúc đến trong các mối liên hệ gia đình khi không người nào nằng nặc đòi người kia phải nghe mình, nhưng mỗi người đều lắng nghe những gì người kia muốn nói. Nhiều người thường đến với tôi để xin một lời khuyên. Nhưng trong những giờ góp lời khuyên giúp, tôi thường gặp những người cứ tuôn ra những lo âu bối rối, cứ thao thao bất tuyệt, mà không để cho tôi chen vào một lời nào cả. Họ đến để xin một lời khuyên, nhưng đã ra về mà chẳng dành cho tôi một cơ hội nào để đáp ứng yêu cầu của họ cả. Đó là độc thoại chớ không phải đối thoại. Xã hội hiện đại đòi hỏi sự đối thoại đích thực - lắng nghe cũng như nói. Chúng ta chỉ có thể sống cuộc đời có đức tin thật sự khi biết lắng nghe tiếng phán của Thượng Đế và làm theo. Cuộc sống như thế không nảy sinh từ những gì chúng ta biết, hay từng trải, hoặc cả từ những gì chúng ta thiết tha mong muốn, mà chỉ từ việc lắng nghe lời Thượng Đế phán với chúng ta và làm theo. Nếu xem thư La-mã chương 10, chúng ta sẽ thấy Phao-lô nhắc nhở rằng đức tin đến từ việc lắng nghe thông điệp Phúc Âm của Thượng Đế. Trong Thi Tv 29:1-9 chúng ta được dạy rằng Thượng Đế lên tiếng, và chúng ta được hỏi là có nghe những tiếng phán của Ngài không. Trong khúc sách ngắn ngủi này,: "tiếng Đức Giê-hô-va" xuất hiện bảy lần. Bên xứ Palestine, trời ít khi có sấm sét, đến một ngày nọ, tác giả Thi thiên thấy ở chân trời Địa Trung Hải một đám mây kéo đến, và nghe một tiếng sét nổ kinh hồn, ông tự hỏi có phải đó là tiếng phán oai nghiêm của Thượng Đế không, và dệt thành lời thơ từng trải của mình trong việc nghe tiếng phán của Thượng Đế qua cõi thiên nhiên. Chúa Giê-xu cũng từng dùng một thí dụ minh họa từ cõi thiên nhiên để chứng minh cho sự thành tín của Thượng Đế. Chúa Giê-xu đã chỉ vào bầy chim trời vốn chẳng hề gieo giống hay thâu hoạch mùa màng, nhưng Thượng Đế vẫn nuôi chúng. Cũng vậy, các hoa huệ ngoài đồng vốn chẳng hề kéo sợi hay dệt vải, nhưng Thượng Đế vẫn mặc cho chúng những bộ y phục sang trọng, rạng rỡ. Chúa Giê-xu hỏi nếu Thượng Đế chăm sóc thật chu đáo cho loài chim và loài hoa như vậy, Ngài há sẽ chẳng nuôi dưỡng và cho họ được ăn mặc hơn thế nữa hay sao? Chúng ta cũng phải lắng nghe tiếng phán của Thượng Đế trong thiên nhiên. Bây giờ, tôi muốn chúng ta cùng xét đến một vài cách thức Thượng Đế phán dạy chúng ta trong Kinh Thánh.
  • 5. Thứ nhất, Thượng Đế phán qua lịch sử. Ai đó từng bảo rằng lịch sử là sự mặc khải của Thượng Đế. Người ta có thể nghĩ rằng lịch sử nhân loại vốn do ý chí và nỗ lực của con người tác tạo nên; tuy nhiên, tiếng phán của Thượng Đế vẫn thường xuyên vang dội xuyên suốt lịch sử. Người khôn ngoan nghe theo lời Thượng Đế, nhưng những kẻ điên dại thì không. Một người có thể thi đậu môn sử ký nếu nhớ chính xác sự kiện vua này đã ra đời năm nào, vua nọ lên ngôi năm nào, nhưng đó không phải là cách học hỏi nghiên cứu lịch sử của Cơ-đốc nhân. Trái lại, là Cơ-đốc nhân, chúng ta phải lắng nghe tiếng phán của Thượng Đế giữa dòng lịch sử. Điều đặc biệt quan trọng cho các lãnh tụ các quốc gia, là phải tìm cầu hầu nghe rõ tiếng phán của Thượng Đế trong lịch sử để có thể trở thành những lãnh tụ thật sự sáng suốt. Chúng ta có thể nghe được hai loại tiếng phán trong lịch sử. Một là lời cảnh cáo. Cơ-đốc nhân khôn ngoan có thể nghe được tiếng phán này. Chúng ta thấy sách Các Quan Xét, ghi lại thế nào việc Thượng Đế dùng các quan xét cảnh cáo dân chúng. Trong mối liên hệ với Thượng Đế, dân Y-sơ-ra-ên trải qua năm giai đoạn: Giai đoạn một, Thượng Đế kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên trở thành dân Ngài, thờ phượng và vâng lời Ngài. Giai đoạn thứ hai là thời gian dân Y-sơ-ra-ên không chịu đầu phục và vâng lời Thượng Đế. Giai đoạn thứ ba tiếp theo là thời gian họ bị kẻ thù chinh phục và bắt làm nô lệ vì cớ sự không vâng lời. Trong giai đoạn thứ tư, dân sự ăn năn về sự không vâng lời của họ và kêu cầu Thượng Đế. Cuối cùng, Thượng Đế đã chứng tỏ tình yêu trước sau như một của Ngài đối với dân tộc phản loạn ấy, và cứu họ. Kinh Thánh đã ghi lại cho chúng ta hàng loạt các biến cố ấy không dưới mười ba lần khác nhau. Nhưng chúng ta cũng tìm được trong lịch sử tiếng phán của hy vọng. Phần sau của sách Ế-sai cho chúng ta một thông điệp đầy an ủi và hy vọng. Trong chương 43, chúng ta được cho biết: "Đừng sợ, vì ta đã chuộc ngươi. Ta đã lấy tên ngươi gọi ngươi; ngươi thuộc về ta. Khi ngươi vượt qua các dòng nước, ta sẽ ở cùng; khi ngươi lội qua sông, sẽ chẳng che lấp. Khi ngươi bước qua lửa sẽ chẳng bị cháy, ngọn lửa chẳng đốt ngươi." Sử gia lừng danh Charles Beard cho chúng ta biết có bốn điều ông học hỏi được qua suốt đời nghiên cứu lịch sử. Một là khi các lực lượng xấu xa gian ác muốn tiêu diệt thì năng lực của sự phẫn nộ được huy động để chống lại sự hủy diệt ấy. Hai là, ông khám phá ra chiếc cối xay của Thượng Đế vốn di chuyển rất chậm chạp, nhưng nó nghiền nát thật trọn vẹn. Ba là, loài ong thâu thập tích trữ mật và phấn hoa đồng thời với nhau. Điều thứ tư, ông nhận thấy vào những đêm đen nhất các ngôi sao sáng rạng rỡ nhất. Cần phải hiểu rằng chúng ta chỉ có thể thật sự sống cuộc đời bằng đức tin và trở thành
  • 6. những lãnh tụ khôn ngoan, khi chúng ta nhận thức tiếng phán của Thượng Đế trong lịch sử không phải chỉ dành cho những người sống trong quá khứ mà cũng dành cho thế hệ hiện nay nữa. Chúng ta cũng có thể nghe tiếng của Thượng Đế phán qua các nhà tiên tri. Trong HeDt 1:1-2, chúng ta đọc thấy: "Thời xưa, Thượng Đế đã dùng các nhà tiên tri dạy bảo tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách. Nhưng trong những ngày cuối cùng này, Thượng Đế sai Con Ngài là Chúa Cứu Thế dạy dỗ chúng ta. Thượng Đế đã nhờ Con Ngài: "sáng tạo vũ trụ, cũng cho Con Ngài thừa kế quyền chủ tể vạn vật." Các nhà tiên tri thay mặt Thượng Đế công bố lời của Ngài có thể ví sánh với người phát ngôn của chính phủ thay mặt tổng thống hay chủ tịch để phát biểu. Chúng ta phải lắng nghe Thượng Đế phán dạy những gì qua trung gian các nhà tiên tri. Quyển sách các tù nhân đọc nhiều nhất là Kinh Thánh. Nhiều người làm mặt ngơ tai điếc đối với Lời Thượng Đế khi mọi sự đều thuận buồm xuôi gió, nhưng khi gặp bất hạnh hay thử thách, họ quay lại với Kinh Thánh tìm sự an ủi giúp đỡ để quyết định những việc khó khăn. Trong các phòng khách sạn khắp thế giới hiện nay, người ta gặp những quyển Kinh Thánh do hội Ghi- đê-ôn đặt ở đấy. Phong trào Ghi-đê-ôn vốn do một doanh nhân khởi xướng. Một đêm nọ, ông cảm thấy mình vô cùng cô đơn trong một khách sạn khi phải chiến đấu với một vấn đề kinh doanh làm ông không ngủ được. Tình cờ ông thấy quyển Kinh Thánh ai đó để trong phòng. Ông mở ra và bắt đầu đọc. Từng trải này đã tạo ấn tượng sâu xa trong ông, nên ông chủ tâm muốn thấy các phòng của tất cả khách sạn đều được biếu tặng những quyển Kinh Thánh. Ông tổ chức Hội Ghi-đê-ôn, mãi đến nay vẫn tiếp tục để tặng Kinh Thánh cho các khách sạn trên khắp thế giới. Barth bảo rằng có ba loại lời phán mà Thượng Đế thường ban truyền cho con người. Một là lời của Thượng Đế trở thành Chúa Cứu Thế; hai là lời của Thượng Đế được in ra trong Kinh Thánh; thứ ba là lời của Thượng Đế được rao truyền từ tòa giảng. Chúng ta cần mở đôi tai thuộc linh để nghe lời của Thượng Đế dưới cả ba hình thức kể trên. Thứ hai, Thượng Đế phán qua lương tâm chúng ta. Immanuel Kant bảo rằng ngôi sao lấp lánh trên bầu trời thể nào, thì lương tâm ông cũng chiếu sáng cho tâm trí ông y như vậy. Lúc tiên tri Ế-li, người từng làm nhiều phép lạ lớn lao tưởng rằng tất cả các tiên tri khác bị tàn sát cả rồi, ông cũng muốn chết luôn cho xong. Ông định sẽ ngồi lì dưới gốc cây giếng giêng để nhịn đói cho đến chết, nhưng đến lúc ông sắp chết, thiên sứ của Thượng Đế đến và đem bánh nước cho ông. Sau đó, Ế-li đã hồi sinh, ông đi bộ bốn mươi ngày đến núi Hô-rếp. Tại đó, ông đứng trên núi, chờ nghe tiếng của Thượng Đế. Một trận gió mạnh thổi qua, nhưng Ế-li chẳng
  • 7. nghe tiếng của Thượng Đế trong cơn gió mạnh ấy. Rồi có trận động đất lớn và sau đó là đám lửa. Ế-li cũng chẳng nghe tiếng của Thượng Đế trong cơn động đất hay trong ngọn lửa. Nhưng trong sự im lặng sau cơn dông, Ế-li nghe tiếng êm dịu nhỏ nhẹ của Thượng Đế. Bộ sách Chú giải Thánh Kinh bảo rằng Ế-li đã nghe tiếng phán ấy qua lương tâm ông. Những ai có lương tâm trong sạch, thật trong sạch đều có thể nghe được tiếng của Thượng Đế. Ông Giô-sép, cha trên đất này của Chúa Giê-xu, đã do dự không muốn cưới Ma-ri khi thấy nàng đã có thai. Nhưng trong ban đêm, một thiên sứ của Thượng Đế đã hiện đến với Giô-sép và bảo rằng chớ ngại cưới Ma-ri làm vợ. Và thế là ông Giô-sép đã rước Ma-ri về nhà mình. Kinh Thánh cho chúng ta biết Thượng Đế thường hiện ra với nhiều người và phán dạy họ trong chiêm bao. Có lẽ chúng ta cho rằng việc ấy chẳng khoa học lắm, nhưng nhiều tâm lý gia, như Sigmund Freud chẳng hạn, từng tuyên bố rằng tiềm thức có thể thấy chiêm bao. Có thể suốt những ngày bận rộn đầu tắt mặt tối, chúng ta đã chẳng dành chút thì giờ nào cho lương tâm hay cho ý thức lắng nghe tiếng của Thượng Đế, nhưng trong cảnh tỉnh lặng ban đêm, lúc lương tâm chúng ta nghỉ ngơi, Thượng Đế có thể phán với chúng ta qua lương tâm chúng ta. Tôi từng gặp một người nhân một cuộc tập dượt dân phòng. Anh ta vốn thất học, chưa qua cả cấp sơ học nữa. Tuy nhiên, hai năm trước, lúc đang theo học tại một tư thục, anh gặp một người bạn khuyên anh nên đến nhà thờ. Anh ta gạt lời mời của bạn qua một bên, chẳng đếm xỉa gì đến. Chẳng bao lâu sau, anh bị mất việc làm và bị thất nghiệp suốt hai năm. Câu mà anh hỏi tôi là chẳng hay bây giờ anh có thể đến với Thượng Đế được không, và lẽ tất nhiên, tôi bảo đảm với anh ta rằng điều đó chẳng phải là quá muộn đâu. Anh ta chẳng chịu nghe tiếng phán của Thượng Đế qua trung gian một người bạn, nhưng Thượng Đế ban cho anh ta lương tâm và trực giác, cứ tiếp tục cắn rứt, thôi thúc anh. Hôm nay chúng ta cũng cần giữ cho lương tâm luôn luôn mở rộng để lắng nghe tiếng của Thượng Đế và chú ý đến lời cảnh cáo của Ngài. Chỉ khi nào làm như thế, chúng ta mới có thể sống được một cuộc đời tận trung với Chúa Cứu Thế. Cuối cùng, Thượng Đế phán qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Lời của Thượng Đế đã trở nên xác thịt và đến thế gian này trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Như vậy, Thượng Đế đã phán dạy chúng ta qua ngôn ngữ của một con người bình thường để chúng ta có thể hiểu được. Lúc Chúa Giê-xu chữa lành cho một bệnh nhân tại Ca-bê-na-um, một người bại được bạn bè dòng dây thả xuống từ một cái lỗ trên mái nhà và đặt người ấy trước mặt Chúa Giê-xu, Ngài bảo với người ấy rằng tội lỗi của anh ta đã được tha thứ, và anh ta hãy tự vác lấy chiếc chõng của mình mà đi. Người ấy đã vùng dậy
  • 8. và bước đi. Anh ta đã nghe theo lời phán của Thượng Đế. Kinh Thánh cũng kể lại chuyện một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Bà ta bị đẩy đi trước một đám dân chúng và sắp bị ném đá, khi Chúa Giê-xu phán: "Trong các ông, người nào vô tội, hãy ném đá chị ấy trước đi!" Người Pha-ri-si và những người Do Thái khác có mặt tại đó nghe tiếng của Thượng Đế phán trong lương tâm họ, họ đều bỏ đi. Chúa Giê-xu bảo người phụ nữ kia chớ phạm tội nữa. Bà đã được nghe tiếng phán đầy khoan dung của Thượng Đế. Lúc Chúa Giê-xu báo trước việc Ngài sắp chịu đóng đinh vào thập tự giá và chết, Phê-rơ đã kêu lên: "Không, không thể nào có chuyện như thế đâu. Chúa không thể chết trên thập tự giá đâu!" Nhưng Chúa Giê-xu rất giận Phê- rơ về nhận xét ấy, nên nghiêm nghị nói: "Hãy lui đi Sa-tan! Đừng hòng cám dỗ ta! Ngươi chỉ suy luận theo quan điểm loài người, chứ không theo ý Thượng Đế!" Một lần khác, Chúa Giê-xu phán: "Hỡi tất cả những ai đang mệt mỏi vì gánh nặng, hãy đến với ta, ta sẽ cho các con được nghỉ ngơi." Như các thí dụ vừa kể trên cho thấy, nhiều khi Thượng Đế lên tiếng cảnh cáo, có lúc Ngài phán bằng giọng êm dịu đầy khoan dung, nhưng bất cứ lúc nào Thượng Đế lên tiếng, chúng ta đều phải lắng nghe. Chính lúc nghe được tiếng phán của Thượng Đế, Ngài sẽ dẫn chúng ta vào con đường nhờ đó chúng ta tìm thấy phước hạnh của Ngài. Lúc cậu thiếu niên Sa-mu-ên phục vụ Chúa trong đền thờ dưới sự chỉ dạy của Hê-li, Thượng Đế đã gọi đích danh: "Hỡi Sa-mu-ên, Sa-mu-ên." Sa-mu- ên tưởng là Hê-li gọi, nên đến với Hê-li và hỏi: "Thưa ông, có phải ông gọi con chăng?" Hê-li đáp: "Không ta không có gọi con. Hãy đi ngủ lại đi." Một chặp sau, Thượng Đế lại gọi Sa-mu-ên một lần nữa. Đến lần thứ ba, Sa-mu- ên nhận ra chính Thượng Đế đã gọi mình. Cậu quỳ xuống và thưa: "Xin hãy phán, kẻ tôi tớ Ngài đang nghe." Đến đây một giai đoạn mới của lịch sử đã bắt đầu. Cả một dân tộc không lắng nghe lời Thượng Đế bị thất bại, cũng như các thầy tế lễ tối cao vậy. Nhưng hiện nay, cũng như thời xưa, khi chúng ta lại bắt đầu nghe được tiếng phán của Thượng Đế, rất có thể cả một lịch sử mới mẻ sẽ trải rộng ra trước mắt chúng ta. Các Cơ-đốc nhân quý mến, tôi cầu nguyện, để đời sống các bạn được phước khi mở rộng đôi tai thuộc linh lắng nghe tiếng Thượng Đế phán qua lịch sử, qua lương tâm và qua Chúa Cứu Thế Giê-xu. Sự sống và Những giọt lệ GiGa 11:32-37
  • 9. Mới đây, tôi có đến một nghĩa trang, nơi gởi thi hài của một người bạn. Tôi đứng đó nhìn những ngôi mộ chôn kín những chiếc quan tài, với hình ảnh của người bạn nằm trong đó, giờ đây đã về với Chúa rồi, nghe tiếng than khóc chung quanh mình, làm tôi vô cùng xúc động. Trong lúc đứng đấy để suy tư, tôi bắt đầu nghe nhiều tiếng khóc rất to từ khu vực gần đó vọng tới, khi nhìn quanh để xem ai đã khóc than to tiếng đến thế, tôi phát giác ra họ ở bên một chiếc quan tài của một giáo sư trung học vào độ tuổi tứ tuần, đã bị phỏng nặng hầu như khắp toàn thân, và đã chết sau nhiều ngày đau đớn cùng cực, để lại rất nhiều đau buồn cho gia đình và bạn bè. Một nhóm người khác thì đang thương khóc vị phó giám đốc của một ngân hàng ngoài thành phố. Ông ta là con người cường tráng, khỏe mạnh, nhưng đã chết trên đường đến sở làm vì tai nạn giao thông. Nhân tính khiến người ta đau buồn khi gặp cái chết của người thân yêu. Thật ra, tất cả chúng ta đều đang sống dưới cái bóng của sự chết, và mỗi lần chứng kiến sự chết, tôi càng tin quyết hơn rằng sự sống quả thật là một phép lạ, và phải được tán thưởng, được sống sao cho đầy đủ ý nghĩa nhất mỗi ngày. Bất cứ khi nào nhìn thấy một gia đình tang tóc khóc người thân yêu đã mất đi, tôi lại nghĩ đến câu chuyện trong GiGa 11:32-37 kể lại việc Chúa Giê-xu đã cùng bà Ma-ri than khóc cái chết của Lã-xa. Câu ngắn nhất trong Kinh Thánh là GiGa 11:35 chỉ ghi rằng: "Chúa Giê-xu khóc." Các sách Phúc Âm đã chẳng bao giờ đề cập Chúa Giê-xu cười, nhưng chép ba lần rằng Ngài đã khóc. Lần đầu tiên ghi việc Chúa Giê-xu khóc về cái chết của la-xã. Chúa Giê-xu nghe tiếng thổn thức của gia đình Lã-xa và Ngài khóc. Điều này chứng minh Chúa Giê-xu vốn có nhân tánh trọn vẹn như thế nào. Chúa Giê-xu cũng khóc khi Ngài vào thành Giê-ru-sa-lem cách khải hoàn. Ngài nghĩ đến cảnh thành phố sắp bị tàn phá, và tuôn trào những giọt lệ do tình yêu quê hương và dân tộc mình. Và cuối cùng, Chúa Giê-xu đã khóc khi đối diện với cái chết trên thập tự giá. Trên ngọn đồi trong vườn Ghết-sê-ma-nê, Chúa Giê-xu đã cầu nguyện hết sức thiết tha đến nỗi mồ hôi Ngài trở nên như những giọt máu chảy dài trên mặt. Đó là những giọt lệ đã trào tuôn để cứu rỗi nhân loại khỏi tội lỗi. Hôm nay trong lúc chúng ta suy nghĩ về việc Chúa Giê-xu khóc cái chết của Lã-xa, tôi muốn chia xẻ với các bạn vài cái nhìn thuộc linh xuyên suốt sự sống và những giọt lệ. Thứ nhất, những giọt lệ chứng minh bản tính đích thực của con người. Con người ta không thể không khóc. Thượng Đế đã tạo dựng con người với những tuyến lệ và khiến người ta phải sa nước mắt như một nét đặc trưng tự nhiên của đời sống. Khóc không hề có nghĩa là con người nào đó yếu đuối hay thiếu đức tin. Chúa Giê-xu khóc Lã-xa, người bạn thân vừa qua đời và
  • 10. lòng ưu ái chân thành của Ngài đối với gia đình của bạn. Nước mắt, máu và mồ hôi là ba chất lỏng quan trọng nhất của thân thể, và trong số đó, nước mắt rất quý báu. Ngày 13 tháng năm 1940, Anh quốc bị Đức tấn công và lập tức phải đối diện với một cơn khủng hoảng toàn quốc. Winston Churchill thành lập một ủy ban cứu nguy và kêu gọi dân chúng nước Anh. Trong một diễn văn đáng ghi nhớ, Churchill bảo với dân chúng rằng tất cả những gì ông ta có thể hiến dâng cho tổ quốc là máu, sức lao động, nước mắt và mồ hôi. Khi nghe những lời lẽ đầy khích động đó, toàn dân đã một lòng đoàn kết lại bằng một nỗ lực ái quốc lớn lao, và cuối cùng đã chiến thắng được Đức quốc. Có một câu chuyện kể về gia đình nọ nuôi hai con gấu. Ngày nọ, con gấu đực bị bệnh và chết đi. Hôm sau, dường như biết được sự việc đã xảy ra, con gấu cái bắt đầu gào khóc. Suốt một tuần lễ, con gấu cái bỏ ăn mà chỉ gào khóc thôi. Ngay đến loài thú cũng biết buồn, biết khóc khi bị mất bạn. Chúng ta khóc do nhiều nguyên nhân: khi buồn phiền, khi cảm thấy biết ơn sâu xa, khi gặp đau đớn. Alfred Marshall đã khuyên rất khôn ngoan rằng chúng ta phải có một trái tim ấm và một cái đầu mát. Chính trái tim ấm giúp chúng ta cảm nhận nỗi đau của người láng giềng chúng ta và chia xẻ sự đau đớn của người ấy. Nhiều năm trước đây, Tiến sĩ Yong Ok Kim, vị lãnh tụ và là học giả lừng danh vốn là chủ tịch Chủng viện Thần học Giám lý qua đời. Lẽ ra con người tài ba này còn có nhiều năm cống hiến với nhiều kết quả trước mặt, nhưng đã đột ngột qua đời do chứng đau gan chỉ một năm sau khi ông được bổ nhiệm làm chủ tịch chủng viện ấy. Vị bác sĩ túc trực bên cạnh ông, một chấp sự trong Hội thánh của chúng tôi đã kể lại thế nào trong giờ hấp hối của mình, Tiến sĩ Kim đã khóc, những giọt lệ không do sự đau đớn mãnh liệt của thân xác, nhưng do nhận biết mình không còn có thể gánh vác trọng trách đã được giao phó cho. Nước mắt là cách diễn tả trung thực tính cách mong manh của thân phận con người. Mấy năm trước, giữa những năm chúng tôi đang xây cất ngôi nhà thờ mới và phải tạm nhóm lại trong một nhà trại, Tiến sĩ Robert Shuller, nguồn khích lệ lớn lao cho chúng tôi, đã đến Triều Tiên để giảng cho chúng tôi. Vào đúng ngày nhóm lại theo chương trình đã định, Tiến sĩ Shuller nhận được một bức điện tín từ Hoa-kỳ báo tin cô con gái út của ông vừa bị thương nặng trong một tai nạn xe gắn máy và phải chịu giải phẫu nghiêm trọng, buộc phải cưa một chân. Khi nghe tin này, tôi đã cho hoãn giờ nhóm lại của Hội thánh và vội vàng đến khách sạn nơi Tiến sĩ Shuller đang tạm trú. Vừa trông thấy tôi, con người mà: "tư tưởng tích cực và đức tin năng động" ấy bắt đầu khóc. Tôi trao cho ông một món quà đã mang theo để tỏ lòng yêu mến và ưu ái. Ông vẫn tiếp tục khóc, và chẳng bao giờ tôi quên những giây phút đau buồn mà
  • 11. mình đã chia xẻ với ông. Nước mắt là một thành phần không thể tránh được của đời sống con người, chúng bộc lộ cảm xúc cách trung thực. Thứ hai, những giọt lệ thanh tẩy đời sống con người. Các triết gia khắc kỷ Hy lạp cổ đại tin rằng kẻ nào khóc lóc trước cái chết là điên dại. Vì các triết gia nghĩ rằng cái chết giải thoát linh hồn khỏi thân xác, cho nên họ không cho cái chết là một định mệnh thảm hại. Lúc Chúa Giê-xu vác trên vai cây thập tự và đi ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem để đối diện với cái chết, nhiều phụ nữ đã theo sau Ngài và khóc lóc thảm thiết. Chúa Giê-xu đã quay lại và bảo họ: "Hỡi các con gái của Giê-ru-sa-lem, chớ khóc về tôi, mà hãy khóc cho chính các bà và con cái các bà." Họ phải đổ lệ, không phải vì cái chết của Ngài, mà vì chính tội lỗi họ. Cũng vậy, ngày nay chúng ta đang cần những giọt nước mắt làm trong sạch từ một tấm lòng biết ăn năn thống hối. Những người thuộc lãnh vực khải đạo hiện đại đã khám phá ra rằng khóc đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình điều trị. Trong buổi gặp gỡ khải đạo, thân chủ được hướng dẫn để nói lên nan đề, thú nhận lầm lỗi của mình, và tự bộc lộ tâm sự một cách công khai qua tiếng khóc. Cách giải tỏa này thường là bước chủ yếu để việc điều trị đạt được thành công. Trái lại, giữ kín các cảm nghĩ khi bị khủng hoảng tinh thần, buồn phiền và nhiều từng trải đau khổ khác, là một trong số những yếu tố quan trọng gây nên các rối loạn tâm lý. Khóc là cần thiết để cất đi những điều bất khiết của tâm hồn. Hội thánh chúng tôi có một nữ chấp sự có chồng là một người khỏe mạnh, hoạt động tích cực. Một tối nọ đã qua đời lúc đang xem truyền hình trong phòng khách của gia đình. Tất nhiên là tôi đã đến ngay với gia đình ấy. Tôi muốn an ủi họ; nhưng khi đứng trước quan tài của con người ấy, mới mấy giờ trước đây hãy còn đầy dẫy sức sống thế mà bây giờ bất động, tôi cảm thấy mình không có đủ lời lẽ để an ủi mọi người. Tuy chúng ta tin vào Thượng Đế mà quyền năng thần hựu của Ngài an bài mọi thời điểm của sự sống và cái chết, tôi biết trong khoảnh khắc sự việc đột ngột xảy ra gây đau khổ sâu xa như vậy, những lời nói ra sẽ không đem đến sự an ủi. Trái lại, gia đình ấy đang cần có một ai đó cùng khóc với họ, và đó chính là việc tôi đã làm. Nước mắt có thể chữa lành tâm trí đang bệnh hoạn, thanh lọc tâm trí đang ô uế, và thay đổi tâm trí đang yếu đuối hoặc lầm lạc. Trong đêm Chúa Giê-xu bị quân lính và người Pha-ri-si bắt, tất cả những người theo Ngài đều chạy trốn, kể cả Phê-rơ. Vì kinh hoàng, lo sợ mạng sống mình bị lâm nguy, Phê- rơ đã chối Chúa mình ba lần. Rồi có tiếng gà gáy, và Phê-rơ nhớ lại thế nào Chúa Giê-xu đã báo trước việc ông sẽ chối Ngài. Với tấm lòng tràn đầy ăn năn thống hối, Phê-rơ đã đi ra và khóc. Tuy nhiên, chính từng trải cay đắng
  • 12. đầy nước mắt đó là động lực khiến cho Phê-rơ hồi sinh để trở thành một môn đệ và là một chứng nhân vững vàng, bất khuất. Goethe, văn hào người Đức có lần bảo kẻ nào chưa từng khóc trong lúc ăn bánh mì, thì vẫn chưa biết sự sống thật ra có nghĩa gì. Chúng ta có thể nhìn lại những lần chúng ta đến trước mặt Thượng Đế để khóc lóc xưng tội, hay tìm cầu trong tuyệt vọng một giải pháp cho tình hình mình đang gặp. Chúng ta đã từng trải việc nước mắt tuôn trào và những lời kêu cầu do âu lo xao xuyến xuất phát tự đáy lòng. Trong những lần cầu nguyện hòa lẫn với nước mắt như thế, chúng ta mới nhận thức rằng chúng ta chẳng là gì trước mặt Thượng Đế, và biết rõ sự không xứng đáng, kiêu căng ngạo mạn của mình. Sau khi được thanh tẩy từ sự cầu nguyện như vậy, tâm trí chúng ta tràn đầy niềm vui, lòng biết ơn sâu xa, và chúng ta cảm thấy được Thượng Đế gia ân, an ủi. Nước mắt có thể chữa lành các vết thương của tâm hồn chúng ta, cất đi những uế tạp của thân phận làm người của chúng ta, và khiến chúng ta nhận thức được ý nghĩa sâu sắc của cuộc đời. Thứ ba, chúng ta phải tin Thượng Đế luôn ở với chúng ta để sẵn sàng lau ráo những dòng lệ của chúng ta. Thượng Đế hằng sống luôn luôn nhìn thấy những giọt lệ của chúng ta và đem sự an ủi đến cho chúng ta. Chúng ta rất quen thuộc với lời Chúa Giê-xu truyền dạy trong Bài Giảng Trên Núi được chép trong Mat Mt 5:4: "Phúc cho người than khóc, vì sẽ được an ủi." Xuyên suốt Kinh Thánh, chúng ta thấy rất nhiều trường hợp về những người đã khóc. Trong Sáng-thế ký, chúng ta gặp câu chuyện của Giô-sép, bị các anh mình bán làm nô lệ, bị đưa đến Ai-cập. Về sau, ông trở thành tể tướng Ai-cập, gặp lại các anh và cha là Gia-cốp, họ tưởng là ông đã chết rồi. Trong cuộc gặp gỡ đầy kịch tính ấy, Giô-sép đã không cầm được xúc động nên đã trốn vào phòng riêng để bật khóc. Chúng ta cũng được biết Đa-vít, do quá đau buồn vì tội mình, đã khóc lóc đến nỗi làm ướt đẫm cả chiếc giường của mình. Còn vua Ế-xê-chia, khi được tiên tri Ế-sai báo trước cái chết đang treo trên đầu mình, đã quay mặt vào vách và cầu nguyện khóc lóc với Thượng Đế, Ngài đã nhậm lời cầu nguyện của vua, và cho vua được sống thêm mười lăm năm nữa. Thượng Đế nhìn thấy nước mắt của chúng ta và ban cho chúng ta cả sự an ủi lẫn năng lực. KhKh 7:17 hứa rằng: "Chiên Con ở giữa ngai sẽ chăn dắt họ. Ngài sẽ dẫn họ đến những suối nước sống, và Thượng Đế sẽ lau sạch nước mắt họ." Trong trận chiến tranh Triều Tiên, tôi phải xa gia đình và không hề biết là họ có còn sống không. Điểm cuối cùng tôi bị đưa đến là trong các rặng núi của tỉnh Kyeong Sang Nam, và mỗi sáng, tôi đều đến ngôi nhà thờ nhỏ trong làng để tha thiết cầu nguyện cho gia đình tôi được đoàn tụ. Một ngày nọ, tôi
  • 13. thình lình gặp một người trong trại tị nạn Pu-san cho biết rằng gia đình tôi vẫn còn sống. Ông bảo họ đang sống trong một trại tị nạn khác ở Kunsan. Tôi lập tức chạy đến Kunsan và tại đó, tôi đã gặp lại cha mẹ và các em trai tôi đang sống trong một căn phòng tồi tàn trên lầu hai. Chẳng nói nên lời, tôi đứng ngây người ra đó, với những giọt lệ tuôn trào như suối. Sau đó, lần đầu tiên sau một thời gian dài, chúng tôi lại được họp gia đình lễ bái và qua những dòng nước mắt, chúng tôi dâng lên những lời cầu nguyện cảm tạ và những bài thánh ca để tán tụng Thượng Đế. Khi phải đối đầu với những vấn đề khó khăn, chúng ta cần cầu nguyện thật thiết tha, tuôn trào nước mắt, Thượng Đế sẽ nghe và đáp lời. Thi Tv 126:5-6 chép: "Kẻ nào gieo giống mà giọt lệ sẽ gặt hái cách vui mừng. Người nào vừa đi vừa khóc đem giống ra rải, ắt sẽ trở về cách vui mừng, mang bó lúa mình." Kế hoạch và quyền năng thần hựu của Thượng Đế là lau sạch nước mắt chúng ta và làm ứng nghiệm lời hứa về một tương lai phước hạnh. Cả khi chúng ta đang đối diện với nghịch cảnh và đau khổ, nếu chúng ta trình bày các rắc rối hoạn nạn của chúng ta trước Thượng Đế, Ngài sẽ đáp lại những giọt nước mắt của chúng ta, và dẫn chúng ta vào một con đường mới đầy phước hạnh, an ủi và bình an. Chính Thượng Đế đã hứa rằng một lời cầu nguyện kèm theo nước mắt chẳng bao giờ vô ích cả. Các Cơ-đốc nhân quý mến, cầu xin Thượng Đế là Đấng nhìn thấy và đáp lại những giọt lệ của các con cái Ngài, sẽ ban cho các bạn sự an ủi và nhiều phước hạnh. Một lựa chọn táo bạo Ru R 1:6-17 Mấy năm trước đây, bà Svetlana, con gái của Stalin đang sống lưu vong tại Hoa-kỳ, có dành một cuộc phỏng vấn cho báo chí. Khi được hỏi điều gì là khó khăn nhất trong việc hòa nhập với nếp sống Mỹ, bà đã trả lời đó là việc phải tự mình chọn lựa lấy mọi việc. Bà giải thích ở bên Nga mọi việc đều đã được định trước, sắp xếp trước, cho nên chỉ còn rất ít chỗ cho việc chọn lựa cá nhân; nhưng tại Hoa-kỳ bà đã phải đương đầu với việc lựa chọn trong mọi việc liên hệ đến sinh hoạt hằng ngày, và bà cảm thấy việc này có phần quá sức chịu đựng. Nhận xét của bà làm nảy sinh trong chúng ta suy nghĩ: trong khi tự do là một từ ngữ quý báu được đánh giá rất cao, thì trong tự do cũng có một năng lực vô cùng quan trọng. Sống là một chuỗi chọn lựa bất tận, và nếu chịu khó nhìn quanh, chúng ta có thể thấy nhiều người đã chọn lựa đúng nên sống cuộc đời hạnh phúc, trong khi nhiều người khác lựa chọn sai, khiến cuộc đời gặp nhiều bất hạnh.
  • 14. Trong khúc Kinh Thánh ngày hôm nay, chúng ta đọc về một phụ nữ tên là Ru-tơ. Cô không phải là người Do Thái, nhưng là một phụ nữ ngoại quốc bị dân Do Thái xem khinh. Tuy nhiên khi nhìn vào cuộc đời Ru-tơ, chúng ta có thể khám phá ra nhiều chân lý thuộc linh giá trị. Thứ nhất, cũng như Ru-tơ, chúng ta phải thực hiện những lựa chọn táo bạo do đức tin sâu sắc thúc đẩy. Vào thời các quan xét cai trị, một nạn đói nghiêm trọng đã xảy ra tại Bết-lê- hem. Có một người tên Ế-li-mê-léc cùng với vợ là Na-ô-mi và hai con trai đã bỏ đi lánh nạn trong xứ Mô-áp trên bờ phía Đông của Tử hải, và họ sống mười năm tại đấy. Hai cậu con trưởng thành và cưới các thiếu nữ Mô-áp làm vợ. Chẳng bao lâu sau, trước hết là Ế-li-mê-léc rồi đến hai người con trai đều lần lượt qua đời. Bà Na-ô-mi còn lại một mình, không chồng không con. Trước nỗi bất hạnh khủng khiếp đó, bà Na-ô-mi nhất định không thể sống thêm tại xứ Mô-áp nữa, và phải trở về quê hương. Bà gọi hai nàng dâu đến, bảo với họ rằng bà sẽ trở về quê hương là Bết-lê-hem. Bà muốn Ru-tơ và Õt- ba cứ ở lại Mô-áp, tái giá để tìm được hạnh phúc. Õt-ba quyết định làm theo gợi ý của mẹ chồng, còn Ru-tơ nằng nặc đòi theo Na-ô-mi về Bết-lê-hem. Ru-tơ van nài: "Xin chớ nài tôi phân rẽ mẹ, vì mẹ đi đâu, tôi sẽ đi đó; mẹ ở nơi nào, tôi sẽ ở nơi đó. Dân sự của mẹ, tức là dân sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi; mẹ thác nơi nào, tôi muốn thác và được chôn nơi đó." Đây là một chọn lựa đáng kinh ngạc của Ru-tơ. Là một thiếu phụ độ 30 tuổi, nhưng đã đưa ra một quyết định quan trọng là đi theo mẹ chồng đã lớn tuổi về Bết-lê-hem, nơi mà hầu như chắc chắn cô sẽ bị người Do Thái kỳ thị, vì họ vốn có thành kiến với người Mô Áp. Na-ô-mi lại nghèo nên Ru-tơ sẽ không được thoải mái cả về vật chất lẫn về mặt thuộc thể. Tóm lại, chẳng có hy vọng gì về một tương lai hạnh phúc cho Ru-tơ tại Bết-lê-hem. Thế nhưng, Ru-tơ đã chọn việc ấy và đã ra đi theo Na-ô-mi. Quyết định của Ru- tơ trước nhất không phải là do ý thức luân lý hay đạo đức của cô, nhưng đúng hơn là bởi đức tin. Cô biết thờ phượng Thượng Đế của dân Do Thái khác với việc thờ lạy các thần ngoại đạo. Cô đã chịu cảm động sâu xa về đức tin và cá tính đạo đức cao cả của bà mẹ chồng. Tên Na-ô-mi có nghĩa là hạnh phúc. Tuy nhiên, lúc bà bắt đầu như một quả phụ nghèo, không con cái, để trở về Bết-lê-hem, bà đã đổi tên mình thành ra Ma-ra, nghĩa là đau khổ, vì bà tin rằng với một quả phụ cô đơn sẽ chẳng bao giờ có niềm vui. Lúc Ru-tơ nhất định theo bà Ma-ra đang sầu muộn về Bết- lê-hem, cô đã thực hiện một lựa chọn vừa đẹp đẽ vừa táo bạo, một lựa chọn thuộc linh mà cuối cùng đem đến rất nhiều niềm vui cho cả Ru-tơ lẫn Na-ô- mi. Cũng như Ru-tơ, khi chúng ta là các Cơ-đốc nhân ngày nay thực hiện
  • 15. một lựa chọn do đức tin cảm thúc, dường như chỉ có thể dẫn tới cuộc đời đen tối đầy đau khổ, chúng ta sẽ thấy Thượng Đế thay đổi các hoạn nạn của chúng ta thành những phước hạnh đem đến niềm vui. Điều quan trọng là chúng ta phải chọn lựa cho đúng. Thiên hạ ngày nay sở dĩ sống trong cùng khổ là vì họ đã chọn sai. Thí dụ khi chọn bạn đời, người ta thường chú trọng nhiều vào tình hình kinh tế của người vợ (hoặc chồng) tương lai, mà chẳng quan tâm gì đến tính tình, đức tin, hay điểm tương đồng về gia cảnh. Nếu chẳng may có một cơn khủng hoảng tài chánh và gia đình bị mất hết tiền bạc, thì sẽ không còn nền tảng để có thể đứng vững và chống chọi với nghịch cảnh. Tổ phụ của đức tin của chúng ta là Áp-ra-ham, đã đáp lại lệnh truyền của Thượng Đế, bỏ hết tài sản và đến xứ Ca-na-an với hai bàn tay trắng. Tuy nhiên, Thượng Đế đã ban phước cho ông cả về phương diện vật chất lẫn thuộc linh, vì Áp-ra-ham đã biết vâng lời Ngài. Môi-se cũng trở thành một lãnh tụ quốc gia vĩ đại nhờ biết chọn lựa từ bỏ đời sống xa hoa trong cung điện xứ Ai-cập để sống và cùng chịu khổ với dân Y-sơ-ra-ên bị áp bức và đưa họ thoát khỏi xích xiềng nô lệ. Trong Hội thánh chúng ta gần đây cũng có nhiều gia đình gặp nhiều khó khăn lớn, nhưng giữa cơn khổ nạn, họ vẫn giữ vững đức tin và ca tụng Thượng Đế, và khi làm như vậy, họ đã tìm được hạnh phúc. Nhờ dâng đời sống mình cho Thượng Đế, nhiều gia đình đã được chữa lành thương tích, được phục hồi địa vị, đã tìm được niềm vui khi biết làm rạng danh Thượng Đế. Tuần rồi, tôi được đọc quyển sách của phu nhân Tiến sĩ Robert Shuller nhan đề Gia đình Tích cực (The Positive Family). Trong sách ấy, bà Shuller mô tả bốn vai trò, tất cả đều bắt đầu bằng mẫu tự C (theo mẫu tự Anh văn), phải được tìm thấy trong mỗi gia đình. Vai trò thứ nhất là an ủi (comforter) khi người chồng cảm thấy cô đơn thì người vợ phải an ủi chồng, và khi người vợ cảm thấy cô đơn thì chồng phải an ủi vợ. Gia đình Cơ-đốc có thể an ủi lẫn nhau bằng cách san sẻ tình yêu của Chúa Cứu Thế Giê-xu, và như thế, trong gia đình sẽ được bình an. Vai trò thứ hai được đề cập là tình bạn (companion)). Gia đình nào biết kết bạn với nhau là một gia đình hạnh phúc. Vai trò thứ ba là khuyên giúp (counselor). Khi người chồng hoặc người vợ gặp chuyện khó giải quyết, họ có thể tìm được lối thoát bằng cách bàn bạc với nhau về vấn đề của họ. Không thể tạo hạnh phúc cho gia đình bằng cách theo đuổi tiền tài hay danh vọng; trái lại, có hạnh phúc là do giữa vợ chồng biết thật sự tương giao tương thông với nhau, khiến việc liên hệ tiếp xúc trở nên nồng ấm. Nói khác đi, một gia đình có hạnh phúc là nhờ biết hiểu nhau, cảm thông nhau giữa vợ chồng, và cùng chia xẻ với nhau các quan điểm chung về đức tin và đời sống. Cuối cùng, mỗi thành viên trong gia đình đều
  • 16. được kêu gọi cống hiến (committor) cho nhau; nghĩa là mỗi người trong gia đình phải sẵn sàng hy sinh vì người khác. Một khi đã đặt lòng tin cậy vào Chúa Cứu Thế Giê-xu, thì vợ chồng cũng nhận thấy là họ có thể tin cậy lẫn nhau. Chỉ khi nào thực hiện đầy đủ bốn điều vừa kể trên, chúng ta mới có thể sống hòa thuận và hạnh phúc như một gia đình Cơ-đốc. Ru-tơ đã thực hiện một lựa chọn táo bạo, nên đã nhận được phước hạnh lạ lùng mà chẳng có ai dám mơ tưởng tới. Tuy tương lai của xã hội hoặc gia đình chúng ta thoạt nhìn có vẻ ảm đạm, nếu chúng ta đặt Chúa Cứu Thế vào tâm điểm của các chọn lựa và quyết định của mình, chúng ta sẽ tiếp nhận được nhiều phước hạnh và sống những cuộc đời đầy hạnh phúc như Ru-tơ vậy. Thứ hai, cũng như Ru-tơ chúng ta cần có thái độ tích cực đối với đời sống. Ru-tơ đã trung tín theo mẹ chồng về Bết-lê-hem mà không một tiếng thở than, chăm sóc mẹ chồng như những gì người ta có thể chờ đợi nơi nàng dâu thảo. Để có lương thực cho hai người cô phải ra đồng mót lúa. Trong họa phẩm tuyệt tác Người Phụ Nữ Mót Lúa ngoài đồng (Woman Gleaning a Field) của mình, Millet đã vẽ bức tranh sinh động của cô Ru-tơ khom mình mót lúa. Ru-tơ đã phải chịu khó mót lúa từ sáng sớm cho đến tối mịt mới đủ qua ngày. Ông chủ ruộng là Bô-ô rất cảm động về lòng hiếu thảo của Ru-tơ ra lệnh cho các con gặt bỏ sót ít lúa nên Ru-tơ mót được khá hơn. Đến chiều tối, Ru-tơ đem lúa về nhà, đưa cho mẹ chồng xem nàng đã mót được bao nhiêu. Cô cũng đem về cho Na-ô-mi bữa ăn trưa mà Bô-ô đã cấp cho, và nàng để dành phần cho mẹ chồng. Lòng tận tụy của Ru-tơ với mẹ chồng thật cảm động nên cả làng đều biết rõ. Tuy là một người ngoại quốc, Ru-tơ đã được dân làng khen ngợi. Ru-tơ nuôi mẹ chồng mà không hề than thở, và tạo ra hạnh phúc cho gia đình bằng sự hy sinh của mình. Thái độ của Ru-tơ bao giờ cũng tích cực. Ngày nay, chúng ta nhận thấy có rất nhiều người nhờ có được Cơ-đốc giáo thúc đẩy, đang sống những cuộc đời tận tụy hy sinh, vừa chăm chỉ vừa tích cực. Có lần Mục sư Shuller đã thuyết trình cho các sinh viên về những điều kiện đòi hỏi một chức vụ lãnh đạo thành công phải có. Điều kiện đầu tiên ông đề cập là tánh không vị kỷ. Người muốn làm lãnh tụ phải biết hy sinh. Thứ hai, phải có lòng sẵn sàng giúp đỡ người khác cho đến nơi đến chốn. Chỉ có người như thế mới có thể trở thành một lãnh tụ chân chính. Ru-tơ đã chịu hy sinh, chịu khó chịu khổ lao động và ban phát tình yêu thương với thái độ ân cần tử tế. Năm học tốt nghiệp tại Chủng viện Thần học Giám Lý, tôi là một thành viên của ban truyền bá Phúc Âm, đi ra làm công tác truyền giảng. Nhiều khi chúng tôi mang theo kèn đồng, phong cầm và máy rọi hình, đến một hòn đảo
  • 17. trong Biển Tây, nhiều khi chúng tôi bị kẹt lại đó cả tuần lễ vì thời tiết dông bão. Chúng tôi cũng đến nhiều làng trên Biển Đông và làm chứng tại các chợ hoặc trên tàu hỏa. Một người bạn tốt đã quan tâm đến tương lai của tôi, và khuyên tôi nên yêu cầu vị chủ nhiệm khu vực ấy tìm cho tôi một Hội thánh tốt để đến đó làm việc. Tuy nhiên, tôi chỉ muốn tham gia công tác truyền đạo mà thôi. Vì tin rằng Thượng Đế sẽ ban cho tôi một chỗ để phục vụ Ngài, tôi chỉ hiến thân cho việc truyền giảng Phúc Âm. Ngay trước khi tốt nghiệp, tôi được yêu cầu thực hiện một buổi nhóm truyền giảng tại Hội thánh Giám lý Jeonnong. Tôi đến Hội thánh ấy vào buổi tối có nhóm lại. Tôi lấy kèn ra thổi, rồi giảng, và sau buổi nhóm, nhiều người quyết định tin Chúa Cứu Thế Giê-xu. Sau buổi nhóm, tôi về nhà. Bấy giờ, Hội thánh ấy chưa có mục sư, nên sau buổi nhóm, các thành viên trong Hội thánh đã họp lại và quyết định mời tôi làm mục sư cho họ. Họ nộp đơn yêu cầu cho vị chủ nhiệm khu vực, nhưng ông khước từ vì tôi còn là sinh viên chủng viện, chưa phải là thành viên của liên đoàn mục sư, trong khi đang có đầy đủ các vị mục sư đã được phong chức để cung ứng cho Hội thánh. Tuy nhiên, các thành viên của Hội thánh ấy đã nằng nặc xin cho được tôi, và cuối cùng vị chủ nhiệm khu vực phải nhượng bộ, cho nên Hội thánh Jeonnong trở thành Hội thánh đầu tiên tôi đã được bổ nhiệm đến. Sau khi phục vụ tại đó năm năm, tôi làm tuyên úy mười năm cho không quân. Sau đó, tôi đến với Hội thánh Kwanglim và bắt đầu trở lại chức vụ dân sự. Tôi học biết được rằng cho dầu chúng ta có đi đâu, nếu trung tín phục vụ và chu toàn trách nhiệm thì Thượng Đế vẫn dẫn chúng ta đi đúng hướng. Những ai muốn sống cho Chúa Cứu Thế cần phải làm việc chăm chỉ; phải làm tròn sứ mạng và đảm nhiệm các trọng trách của mình với đôi mắt nhìn chăm vào Chúa Giê-xu. Chúng ta đã thấy Ru-tơ phải làm việc suốt ngày ngoài đồng như thế nào mới đủ trợ cấp cho mẹ chồng mình. Kết quả của nếp sống cần cù, trung tín của Ru-tơ là gì? Kết quả của việc lựa chọn táo bạo của Ru-tơ là gì? Ông chủ ruộng là Bô-ô rất cảm động về lối sống trung tín của Ru-tơ và lòng tận tụy của cô đối với Na-ô-mi, đến nỗi cuối cùng đã chú ý đến và muốn cưới nàng làm vợ. Vì thương hại nàng dâu mình đang phải lao động khổ nhọc, bà Na-ô-mi đã khuyến khích cho việc tác hợp giữa Ru-tơ và Bô-ô. Phú ông Bô-ô rất có thể lạm dụng người phụ nữ ngoại quốc bất hạnh kia nhưng ông là một người quân tử, luôn luôn đối xử tử tế và lịch thiệp với Ru-tơ. Ông hỏi ý kiến bà con thân tộc, yêu cầu họ tán thành cuộc hôn nhân của ông với Ru-tơ. Như vậy, tương lai của Ru-tơ có một người chồng tận tụy và một gia đình hạnh phúc. Hơn thế nữa, bà còn sinh được một con trai, tên là Ô-bết. Ô- bết lại là tổ phụ của Đa-vít, về sau là vua dân Y-sơ-ra-ên. Như vậy, Ru-tơ một phụ nữ ngoại quốc, thuộc giai cấp thấp kém, khiêm tốn, đã trở thành tổ
  • 18. mẫu của vua Đa-vít vĩ đại. Các tín hữu Cơ-đốc thân mến của tôi, chúng ta đừng bao giờ tuyệt vọng khi nhận thấy mình đang phải đối mặt với nghịch cảnh. Những quyết định và lựa chọn bởi đức tin vào Chúa Cứu thế Giê-xu, là những cơ hội có thể biến những bất hạnh và đau khổ của chúng ta thành những cơ hội để được phước. Một khi đã trở thành tân nương của Chúa Cứu Thế thì số phận của chúng ta được thay đổi. Lúc Chúa Giê-xu hướng về phía thành phố Giê-ru-sa-lem, thì cây thập tự đang chờ Ngài; cái chết đang đợi Ngài. Tuy vậy, Ngài đã cỡi trên lưng một lừa con, mạnh dạn thực hiện chuyến vào thành phố cách khải hoàn trong khi dân chúng trải áo choàng của họ xuống mặt đường và tung hô 'Hô-sa-na'. Có một số người Hy-lạp đã đến với Chúa Giê-xu muốn đưa Ngài sang xứ họ để trở thành một đại triết gia như Socrates hoặc Aristotle nhưng Chúa Giê- xu đã khéo léo từ chối để chọn thập tự giá. Ngài bảo 'nếu hạt lúa kia không được gieo vào lòng đất và chết đi, nó chỉ là một hạt giống lẻ loi. Nhưng nếu chết đi, nó sinh sôi nảy nở rất nhiều', rồi quay lại tiến về Giê-ru-sa-lem. Ngài đã chịu chết trên thập tự giá, nhưng ba ngày sau, Ngài đã sống lại. Ngài đã chiến thắng! Các Cơ-đốc nhân yêu dấu của tôi, có phải các bạn đang chiến đấu với nhiều vấn đề? Phải chăng các bạn đang đau khổ? Nếu các bạn lấy đức tin để đưa ra một quyết định đúng, những khó khăn của các bạn sẽ được đổi thành phước hạnh khi bạn sống cuộc đời mình trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Một chọn lựa táo bạo hôm nay có thể đưa bạn vào một cuộc đời mới đầy hạnh phúc. Tôi cầu nguyện, để bạn biết được sự bình an và tình yêu thương của Thượng Đế và hưởng được các phước hạnh quý báu mà Ngài ban cho. Nền móng hy vọng của con người ICo1Cr 15:12-19 Hầu hết tất cả các tôn giáo đều chủ trương và truyền dạy hai chân lý quan trọng giống nhau. Thứ nhất là các tiêu chuẩn đạo đức có sẵn trong thế giới chúng ta, thứ hai là niềm tin vào đời sống vĩnh hằng. Tuy nhiên, chẳng có tôn giáo nào truyền dạy thật mạnh mẽ, sắt đinh bằng Cơ-đốc giáo, chẳng những chỉ các phước hạnh trần gian cho đời sống hiện tại, mà còn hứa ban hy vọng về đời sống vĩnh hằng và phước hạnh sau khi chết. Cơ-đốc giáo ban cho loài người chúng ta niềm hy vọng này căn cứ vào một sự kiện hết sức hiển nhiên. Chúa Giê-xu từng phán Ngài là 'sự sống lại và nguồn sống', và ba ngày sau khi Ngài chịu chết, Ngài đã chứng minh lời khẳng định này bằng cách chiến thắng sự chết, sống lại, chứng minh cho chúng ta về sự sống
  • 19. vĩnh hằng, và trở thành nền móng cho niềm hy vọng của chúng ta. Thông điệp của Hội thánh nguyên thủy vốn vô cùng đơn giản; nó kể lại thế nào Chúa Giê-xu đã chịu chết vì chúng ta và sau đó đã phục sinh để cứ tiếp tục sống mãi. Chết không phải là hết, là kết thúc đời sống. Lại còn có sự sống lại, và đời sống vĩnh cửu nữa. Sự kiện này là Phúc Âm, là Tin Lành, của Cơ-đốc giáo. Thứ nhất, sự sống lại chứng thực cho đời sống đắc thắng. Thượng Đế đã không dựng nên loài người để cho họ phải chết. Trái lại, Ngài dựng nên loài người để họ nhận được nhiều phước hạnh phong phú và kỳ diệu. Thượng Đế, Đấng đã tạo nên loài người theo hình tượng Ngài sẽ chẳng bao giờ ruồng bỏ những người mà Ngài đã tạo nên, và để mặc họ phải chết thảm thương, tàn khốc. Thượng Đế đã sai Chúa Giê-xu đến thế gian để chinh phục sự chết, mà làm như vậy, là Ngài hứa ban cho chúng ta chiến thắng đối với mồ mả. Lúc Chúa Giê-xu chịu đóng đinh trên thập tự giá, các môn đệ Ngài đều vô cùng thất vọng, và trong cơn tuyệt vọng, họ bảo rằng ngay cả Chúa Giê-xu cũng phải chịu khuất phục quyền lực của sự chết. Nhưng khi Chúa Giê-xu phá tan xích xiềng của sự chết và ra khỏi mồ mả như một người chiến thắng, thì sự sống lại kỳ diệu của Ngài chứng minh cho chúng ta thấy chiến thắng của sự sống. Trong Cơ-đốc giáo, ngôi mộ của Chúa Giê-xu chứng thực cho giá trị của đời sống con người cho đến ngày nay - điều mà không một tôn giáo nào có được. Năm 1967 tại Capetown, Nam Phi, Bác sĩ Christian Barnard đã thực hiện cuộc giải phẫu ghép tim lần đầu tiên trên thế giới. Kéo dài đời sống của một người sắp chết bằng cách thay trái tim bệnh hoạn của người ấy bằng một trái tim lành mạnh là một kỳ công chói lọi có tính lịch sử. Con bệnh đầu tiên ấy sống thêm được mười tám ngày; con bệnh thứ hai được mười chín tháng trước khi chết vì sưng phổi. Tuy y khoa hiện đại đã tận dụng được sự tinh vi lớn lao về phương diện kỹ thuật để cố gắng kéo dài thêm sự sống cho con người bằng cách đặt họ vào trong những bộ máy và thay ghép các cơ quan, các khoa học gia chỉ thành công trong việc kéo dài sự sống mà không ngăn chặn được sự chết. Đã là người thì tất cả đều vẫn phải chết. Năng lực của khoa học không giải quyết được vấn đề chết chóc của chúng ta; trái lại, chính sự sống lại của Chúa Cứu Thế Giê-xu mới giải quyết được vấn đề ấy, chứng minh rằng sau cái chết vẫn còn sự sống. Chúng ta nhận được lời hứa về đời sống vĩnh hằng nơi Chúa Cứu Thế Phục sinh, và chúng ta sống là để dùng đời sống mình chứng thực cho các tin tức tốt lành rằng có sự sống vĩnh hằng và chúng ta sẽ được sống vĩnh viễn. Paul Tillich bảo rằng sở dĩ người ta cảm thấy bồn chồn bất an, âu lo xao
  • 20. xuyến và đầy sợ hãi kinh hoàng là vì họ đang nghĩ đến cái chết, nghĩ đến việc mình đang biến đổi dần dần để đi đến chỗ không còn hiện hữu nữa. Yếu điểm của nền thần học hiện sinh lừng danh của Tillich là ở chỗ loài người không thể được giải thoát khỏi âu lo sợ hãi mà khỏi giải quyết vấn đề tôn giáo đang nắm giữ chiếc chìa khóa của vấn đề sự chết. Hơn nữa, các nhà tâm lý và thần kinh học hiện đại khẳng định rằng các cảm thức về sự bấp bênh vô nghĩa vô giá trị của cuộc đời vốn nằm sâu thâm căn cố đế trong tâm trí con người, và các cảm thức tiêu cực này chính là căn nguyên của đủ loại tật bệnh của thân xác. Chúng ta không thể tự gỡ mình khỏi các cảm thức có tính cách phá hoại ấy, ngoại trừ nhờ đến Chúa Cứu Thế Giê-xu và sự sống lại của Ngài. Chính sự sống lại mới khiến cho cuộc sống chúng ta trở thành phong phú sung mãn và có giá trị. Như vậy, sự sống lại đã trở thành Tin Mừng, chứng thực rằng sự sống đang chiến thắng cái chết. Thứ hai, sự sống lại chứng thực cho sự chiến thắng của chân lý. Chúa Giê-xu phán: "Ta là chân lý." Người ta có thể nói rằng lịch sử là cuộc chiến tranh giữa chân lý và ngụy lý. Nếu cuộc đời Chúa Giê-xu, Đấng vốn là chân lý mà lại chấm dứt bằng cái chết trên thập tự giá, thì chân lý đã không còn tồn tại trên đất này nữa. Nhưng ba ngày sau khi chết, Chúa Giê-xu đã sống lại. Chính sự phục sinh của Ngài chứng minh cho chúng ta thấy chân lý đã giành được chiến thắng sau cùng. Chúng ta đang sống trong loại thế giới mà cả đến những người cố gắng sống cuộc đời tốt lành thánh thiện vẫn có thể chán nản tuyệt vọng và tổn thương. Tuy nhiên, những ai nhìn chăm vào Chúa Phục sinh, là Chúa Cứu Thế Giê- xu của Chân lý thì sẽ chẳng bao giờ thất vọng. Đủ thứ dối trá và bất công đã không đánh hạ được Ngài. Chúa Giê-xu là chứng cớ về chiến thắng khải hoàn của chân lý. Thomas Edison, một trong những nhà sáng chế vĩ đại nhất từng sống trên đời, có đến hàng ngàn phát minh kể cả nhu cầu quan trọng trong sinh hoạt hằng ngày của chúng ta, là bóng đèn điện. Edison đã phát hiện nguyên tắc cháy của ánh sáng mà ông dùng làm cơ sở cho bóng đèn điện, tuy do tình cờ, nhưng phải cần đến không dưới 1.000 lần thí nghiệm trong phòng thí nghiệm để chứng thực cho phát minh hoàn hảo đó. Suốt cuộc đời, Edison vốn là người tin tưởng mạnh mẽ vào chân lý khoa học, và chính vào lúc chết, những người có mặt bên giường ông kể lại rằng ông được thấy một chỗ đẹp đẽ đang chờ đợi ông ở thế giới bên kia. Edison đã lao động không mệt mỏi suốt đời mình để chứng minh cho chân lý khoa học bằng một thí nghiệm này tiếp sau một thì nghiệm khác, nhưng đến lúc chết, ông vẫn tin quyết vào chân lý về sự sống vĩnh hằng.
  • 21. Những ai sống trong chân lý của Chúa Cứu Thế Giê-xu đều tin vào chiến thắng tối hậu của chân lý, và chứng minh chiến thắng đó bằng chính đời sống của mình. Thứ ba, sự sống lại chứng thực chiến thắng của tình yêu thương và sự tốt lành thánh thiện. Thượng Đế là tình yêu. Chúa Giê-xu đã yêu nhân loại đến nỗi chịu chết thế. Chúa Giê-xu yêu anh em và tôi đến nỗi chịu chết thay cho chúng ta. Chúa Giê-xu Đấng đã yêu những người nghèo khó, bệnh tật, trẻ con yếu đuối bất năng, những người thất bại, đáng thương, đã yêu chúng ta đến độ phải chịu chết, cái chết xuất phát từ hận thù, ghen tị, tranh cạnh, nhưng chính tình yêu thương vĩ đại đã vùng lên để giành chiến thắng qua chân lý diệu kỳ về sự sống lại của Chúa Giê-xu, đem hy vọng đến cho chúng ta. Như vậy, đức tin của chúng ta không phải là vô ích, đạo của chúng ta không phải là không tưởng. Những ai sống bằng tình yêu chẳng bao giờ chết. Sự sống lại chứng thực cho chiến thắng tối hậu của tình yêu thương và sự tốt lành, thiện hảo. Trong thế chiến II, sáu triệu người Do Thái đã bị tàn sát. Một số người Do Thái bên Đức bị giam trong những ngục tối, nơi họ phải chịu đau khổ khủng khiếp. Sau chiến tranh, người ta tìm thấy trong xà lim của một trong những trại giam ấy hình một ngôi sao Đa-vít vẽ nguệch ngoạc lên tường bằng ngón tay của một tù nhân vô danh nào đó. Dưới đó là một câu viết rằng: "Dầu mặt trời không chiếu sáng trên chúng tôi, chúng tôi vẫn tin rằng ngoài kia có một mặt trời. Tuy hiện nay tôi không cảm thấy có chút tình yêu thương nào, tôi vẫn tin rằng tình yêu chân chính hãy còn đó. Tuy Thượng Đế im lặng, tôi tin Ngài vẫn hằng sống." Trong mấy lời này, chúng ta có thể tìm thấy đức tin, ngay giữa bóng tối và đau khổ, vẫn ngăn chận được sự thất vọng, vì tin quyết rằng chiến thắng vẫn còn ở đâu đó. Tuy hiện nay chúng ta sống trong một thế giới đầy bất công, thù hận, sự sống lại của Chúa Cứu Thế Giê-xu hứa rằng cuối cùng tình yêu và sự thiện hảo sẽ chiến thắng. Bất cứ ai sống trong tình yêu ấy, đang cố gắng để sống trong tốt lành thiện hảo ấy đều sẽ không bị diệt vong. Khúc Kinh Thánh hôm nay trong thư ICổ-linh, chúng ta thấy có câu hỏi: "Nếu chúng tôi truyền giảng Chúa Cứu Thế đã sống lại từ cõi chết, sao trong anh em có người nói kẻ chết sẽ không sống lại?" Câu hỏi này cho thấy có một số người cố gắng phủ nhận sự sống lại. Ngày nọ có một số thanh niên đang tranh luận với nhau về sự sống lại. Đúng lúc ấy, một bà chấp sự tình cờ đi ngang qua, cho nên các thanh niên hỏi đùa bà: "Chúa Cứu Thế có thật sự sống lại từ kẻ chết không?" Bà chấp sự, với vẻ mặt nghiêm nghị đã trả lời: "Tôi vừa mới trò chuyện xong với Chúa Cứu Thế hằng sống đây." Bà chấp sự ấy tin chắc vào sự hiện hữu của Chúa Cứu Thế Phục sinh, vì bà vẫn trò
  • 22. chuyện với Ngài hằng ngày. Cầu nguyện và thờ phượng là các phương pháp để chúng ta đàm thoại với Chúa hằng sống. Có một mệnh phụ nọ mua một ngôi nhà sang trọng và những thiết bị lộng lẫy nhất để trang trí nội thất. Bà trải thảm nhung dưới sàn nhà, trưng bày nhiều đồ cổ rất đẹp trên các ngăn kệ. Bà đang sống trong cảnh xa hoa, chẳng còn thiếu gì nữa. Tuy nhiên, một ngày nọ, bỗng dưng bà nhận thức được cuộc đời bà thật vô nghĩa. Bà tự hỏi: "Sống như thế này thì ích lợi gì?" Bà không còn cảm thấy đời sống có chút giá trị gì, và bắt đầu cảm thấy đau khổ về sự trống trải, rỗng tuếch hằng ngày. Mặc dầu đã tìm đủ cách, ban đêm bà vẫn không ngủ được. Bà bắt đầu cảm thấy các triệu chứng đau đớn của thể xác và tim bị hồi hộp. Cuối cùng, bà tự nhủ: "Thà ta chết đi còn hơn!" và định tâm sẽ tự tử. Đúng vào ngày hôm ấy, trong lúc mở báo ra, tình cờ bà đọc được bài giảng đăng trong mục Tòa giảng Kwanglim. Bài giảng đặc biệt ấy có những câu hỏi: "Bạn có thỏa lòng về đời sống hiện tại của mình không? Đâu là ý nghĩa của cuộc đời?" Bài giảng đề cập chính hoàn cảnh của bà, và khi tiếp tục đọc, tâm trí bà bắt đầu thay đổi. Bà tự nhủ: "Đúng lắm, Thượng Đế vẫn hằng sống và vẫn yêu thương tôi. Tôi là một con người đáng sống." Người phụ nữ sắp tự tử này rất cảm động, nên xé bài báo ấy ra, bỏ vào túi áo, và bắt đầu cả một cuộc đời mới mẻ trong Chúa Cứu Thế. Tin Lành của sự sống lại ấy là Chúa Giê-xu đã vứt bỏ phần mộ qua một bên để sống với chúng ta bằng đời sống chúng ta hiện nay. Nếu không có sự sống lại, đức tin của chúng ta sẽ hoàn toàn vô ích. Chúa Giê-xu chẳng những đã thanh toán sự chết, mà Ngài còn sống trong chúng ta hôm nay để ban phước cho đời sống chúng ta và khiến chúng trở thành phong phú sung mãn, và ban cho chúng một giá trị, một ý nghĩa. Đó là chân lý của sự sống lại. Các Cơ-đốc nhân yêu dấu của tôi, chúng ta hãy tin vào chiến thắng vĩ đại của buổi sáng Phục sinh, và sống cuộc đời của các dũng sĩ của đức tin. Chúng ta hãy tin vào chiến thắng khải hoàn của chân lý và sống trong chân lý ấy. Chúng ta hãy tin vào chiến thắng tối hậu của tình yêu thương và sự tốt lành, thiện hảo, để sống một cuộc đời đầy phước hạnh trong tình yêu thương và sự tốt lành thiện hảo. Một phép lạ trong hoang mạc Mac Mc 6:30-44 Tôi nhớ rất rõ lần tôi đến thăm Biển hồ Ga-li-lê mấy năm trước đây. Chúng tôi đến đó vào giữa trưa và thấy nhiều du khách đang vui thưởng thức lướt ván và chèo thuyền. Người hướng dẫn đưa chúng tôi lên một ngọn đồi nằm về hướng Bắc của biển hồ và giải thích rằng đây chính là địa điểm Chúa
  • 23. Giê-xu đã hóa bánh cho năm ngàn người ăn, từ năm ổ bánh lúa mạch và hai con cá. Được đi bách bộ trên sườn đồi này thật là một khoảnh khắc khiến tôi hết sức cảm động. Rồi tôi tìm thấy gần đó một ngôi nhà thờ nhỏ, và khi vào trong ngôi nhà thờ ấy, ngay trước bàn thờ có một bức khảm thật đẹp vẽ năm ổ bánh và hai con cá. Khúc Kinh Thánh hôm nay kể lại cho chúng ta biến cố đặc biệt đã xảy ra trên sườn đồi ấy lúc Chúa Giê-xu thi hành chức vụ công khai tại Ga-li-lê. Chúa Giê-xu và các môn đệ Ngài nhận thấy họ đang bị cả một đám quần chúng đông đảo vây quanh, cho nên muốn có được chút thì giờ ở riêng tư và nghỉ ngơi, họ đã quyết định lên một chiếc thuyền, vượt qua bờ bên kia của biển hồ. Tuy nhiên, ngay lúc Chúa Giê-xu và đoàn tùy tùng đến nơi, một đám quần chúng đông đảo đã chờ sẵn tại đó rồi. Lúc Chúa Giê-xu bước ra khỏi thuyền và nhìn thấy đoàn dân, lòng Ngài tràn đầy thương cảm, nên bắt đầu nói với họ về Nước Trời. Chúa Giê-xu đã giảng dạy thật lâu, và khi biết đám quần chúng đã đói, Ngài truyền cho các môn đệ hãy tìm thức ăn cho họ. Các môn đệ Ngài gợi ý rằng vì địa điểm này rất hoang vắng, Ngài nên giải tán đám đông để họ tự tìm đến các nông trại và làng mạc gần đó mà mua thức ăn. Tuy nhiên, Chúa Giê-xu bảo các môn đệ tìm xem mọi người đang có những thức ăn gì, và nhấn mạnh rằng chính họ phải lo thức ăn cho đoàn dân. Một em bé trai trong đám đông có năm ổ bánh lúa mạch và hai con cá, và Anh-rê mang tất cả đến cho Chúa Giê-xu. Ngài cầm lấy bánh, ngước mắt lên trời cầu nguyện cảm tạ Thượng Đế. Rồi truyền cho các môn đệ phân phát các thức ăn ấy cho đoàn dân lúc ấy đang ngồi trên mặt đất. Ngài cũng lấy cá, cầu nguyện chúc phước y như vậy và trao cho các môn đệ phân phát cho mọi người. Sau khi tất cả ăn no nê, các môn đệ Chúa đi nhặt các mẫu bánh vụn thì đựng đầy mười hai giỏ, và nếu chỉ đếm số đàn ông mà thôi thì đã có đến năm ngàn người được ăn! Thật là một phép lạ. Phần ký thuật về phép lạ này được chép lại trong cả bốn sách Phúc Âm. Hôm nay, tôi muốn tìm vài bài học thuộc linh trong hành động hóa bánh cho năm ngàn người ăn bằng năm ổ bánh và hai con cá của phép lạ này. Thứ nhất, Chúa Giê-xu bày tỏ lòng thương xót và tình yêu đối với những người đói khát thuộc linh lẫn thuộc thể. Bất cứ lúc nào có một đoàn dân tập họp lại quanh Chúa Giê-xu, lòng Ngài đều tràn ngập thương xót đối với họ, vì trước mặt Ngài, họ chẳng khác gì một bầy chiên không có kẻ chăn. Tại sao đi đến bất cứ đâu Chúa Giê-xu đều thu hút được đám quần chúng như thế? Tôi tin là khi mọi người đến gặp Chúa Giê-xu, thì mọi vấn đề, cả thuộc linh lẫn thuộc thể của họ đều được giải quyết. Chúa Giê-xu luôn luôn sẵn sàng ban cho họ những gì họ yêu cầu. Không phải Chúa Giê-xu chỉ dạy quần chúng hãy trông đợi đến đời sau rồi
  • 24. các vấn đề của họ mới được giải quyết; Ngài đã quan tâm giúp đỡ giải quyết các vấn đề cụ thể họ gặp trong sinh hoạt hằng ngày. Cũng vậy, Cơ-đốc giáo hiện nay không phải chỉ quan tâm đến cuộc đời sau khi chết; mà còn quan tâm giải quyết các vấn đề thực tiễn của đời sống ngay tại đây và chính lúc này. Chúng ta nhận thức được điều này là xác thực ra sao khi đọc bài Cầu Nguyện Chung mà Chúa Giê-xu đã dạy chúng ta cầu xin Thượng Đế: "ban cho chúng con đủ ăn hằng ngày." Chúng ta cần nhận thức rằng các vấn đề vật chất mà chúng ta đối diện trong đời sống có liên hệ trực tiếp tới lòng trung tín của chúng ta trong sinh hoạt thuộc linh. Mấy năm trước đây, lúc Tiến sĩ lừng danh Han Bin Lee, nhân vật lãnh đạo Hội thánh lên làm thủ tướng, nhân một buổi họp cầu nguyện của các tín hữu, đã bảo rằng tuy mức sống của quốc dân ta đã khá hơn nhiều do với thời kỳ sau khi được giải phóng khỏi Nhật Bản năm 1945 hoặc trong thời gian có cuộc Chiến tranh Triều Tiên hay vào ngày 16 tháng 5 khi các sinh viên làm cách mạng, đất nước chúng ta vẫn thường xuyên chịu khổ vì cơn khủng hoảng dầu hỏa. Ông khuyến giục mọi người rằng đây chính là lúc mà tất cả những Cơ-đốc nhân Triều Tiên phải cầu nguyện cho sự ổn định kinh tế của đất nước mình. Lẽ dĩ nhiên là cơn khủng hoảng dầu hỏa không chỉ đánh vào đất nước chúng ta mà thôi, nhưng nó có ảnh hưởng đến toàn thế giới. Một quốc gia phải được cả thế giới công nhận và biết ơn nếu nó có thể đối phó được với vấn đề ấy và giúp tìm ra một giải pháp. Tiến sĩ Lee nhấn mạnh rằng đây quả thật là thì giờ để các Cơ-đốc nhân đem năng lực thuộc linh đến qua việc thiết tha cầu nguyện. Chúa Giê-xu chẳng bao giờ nguyền rủa hay làm ngơ đối với những điều thuộc về vật chất rất cần cho sự an vui thuộc thể của chúng ta; trái lại, Ngài còn can thiệp tích cực vào các vấn đề ấy và giải quyết cho chúng ta nữa. Thêm vào việc cầu nguyện cho các vấn đề thuộc linh mà chúng ta quan tâm, chúng ta còn có thể dâng lên cho Thượng Đế những yêu cầu riêng biệt cho sự thịnh vượng của những cuộc mạo hiểm của chúng ta trong công cuộc kinh doanh, cho sức khỏe của chúng ta, cho các mối liên hệ hài hòa trong gia đình và nhiều vấn đề vật chất tương tự như thế. Thượng Đế muốn cho công cuộc làm ăn kinh doanh của chúng ta hưng thịnh; Thượng Đế muốn cho chúng ta có sức khỏe; Thượng Đế muốn cho sinh hoạt gia đình của chúng ta được vui vẻ hạnh phúc; và như thế Thượng Đế rất sẵn sàng chứng minh cho chúng ta thấy tình yêu thương và lòng thương xót của Ngài. Trong đoạn Kinh Thánh hôm nay, chúng ta thấy khi Chúa Giê-xu nhìn vào đoàn dân đang đói, Ngài cảm thấy ưu ái sâu xa và rất quan tâm tới họ. Ngài đã dùng ngay các biện pháp thực tế để xoa dịu cái đói phần xác của họ hôm ấy, nếu hôm nay chính bạn thấy mình lâm vào một hoàn cảnh khó khăn, bạn
  • 25. có thể trao cho cùng một Chúa Giê-xu đầy lòng thương xót ấy bằng cách cầu nguyện và tin rằng Chúa sẽ cung ứng giải pháp cơ bản cho vấn đề của bạn. Thứ hai, Chúa Giê-xu đang tìm xem chúng ta có gì dâng lên, để Ngài thực hiện phép lạ. Lúc Chúa Giê-xu bảo các môn đệ Ngài phải cho đoàn dân đang đói có đó để họ ăn, các vị ấy đã trả lời thế nào? Hầu như các vị đều đồng thanh phản đối rằng: "Đây là hoang mạc. Trời đã tối rồi mà chúng ta lại chẳng có tiền bạc gì. Chúng tôi đành chịu thua thôi, chẳng có thể làm được gì cả." Và nhấn mạnh: "Điều duy nhất chúng ta có thể làm, là giải tán họ. Ca-bê-ba-um cách đây 5 dặm còn Bết-sai-đa thì xa hơn một chút. Vậy tốt nhất là Ngài hãy bảo họ tìm đến những nơi đó." Các môn đệ Ngài đề nghị với Chúa Giê-xu. Trong một ý nghĩa, chúng ta hôm nay cũng đang lâm vào một hoàn cảnh tương tự. Chúng ta đang sống trong một hoang mạc, chẳng có gì để ăn cả, mà đêm thì sắp buông xuống rồi. Nói khác đi, đời sống chúng ta đang gặp khủng hoảng. Các môn đệ Chúa tính toán rằng phải có ít nhất hai trăm đồng bạc mới mua đủ bánh cho mỗi người trong đoàn dân đông đảo này được chút đỉnh để ăn cho đỡ đói, nhưng đó không phải là một giải pháp đích thực cho vấn đề. Các môn đệ Chúa đã tính ra con số này và kết luận phải có rất nhiều tiền để mua thực phẩm, vì họ đã quên mất quyền phép của Thượng Đế. Nhưng Chúa Giê-xu bảo họ hãy đem đến điều họ đang sẵn có. Anh-rê mang đến một bữa ăn trưa của một cậu bé trai, gồm năm ổ bánh lúa mạch với hai con cá. Chúa Giê-xu đã nhận lấy khẩu phần của cậu bé, tạ ơn Thượng Đế, rồi thực hiện một phép lạ phi thường. Thượng Đế sẽ dùng vật chúng ta có sẵn ngay tại đây để làm phép lạ. Chúng ta đang có gì? Mấy năm trước đây, giáo sĩ Christian Wilson đến Afganistan để truyền giảng Phúc Âm. Ngành kỹ nghệ chính của xứ là nuôi cừu, nhưng rủi thay, một nạn dịch nghiêm trọng bắt đầu giết chết rất nhiều cừu. Cuối cùng, người ta phát giác ra rằng loài cừu mắc phải một chứng bệnh do các vi khuẩn từ loài ốc bươu mang tới. Phương pháp duy nhất là tiêu diệt ốc bươu hầu ngăn chận chứng bệnh, là phải có một loại vịt nào đó, vốn rất thích ăn loại ốc bưu kia. Vì loại vịt này gốc gác không phải ở trong xứ Afganistan, vị giáo sĩ đã yêu cầu một bạn thân bên Mỹ gởi cho ông một số. Người bạn gởi 24 trứng vịt theo đường thủy, nhưng qua chuyến hải hành dài ngày đó, hầu như trứng vịt đều bị ung thối cả. Vị giáo sĩ đem số ít ỏi trứng vịt còn lại cho ấp và cầu nguyện xin Thượng Đế cho ít nhất vài cặp vịt sẽ nở, hầu loài cừu tại Afganistan được cứu thoát. Cuối cùng, do một phép lạ, trứng vịt nở được một con trống và một con mái. Vị giáo sĩ nuôi chúng thật kỹ. Chúng lớn nhanh và chẳng bao lâu, ra đời nhiều lứa vịt con. Bầy vịt ăn ốc bưu, và
  • 26. ngành kỹ nghệ của Afganistan được cứu vãn. Nhiều khi Thượng Đế giúp đỡ chúng ta bằng cách cất đi một điều gì đó dường như chẳng có giá trị bao nhiêu, để dùng nó làm một phép lạ. Xin chúng ta hãy tự xét xem mình hiện đang có gì. Cho dầu điều đó có vô nghĩa đến đâu, nếu Thượng Đế đã tự tay nhận lấy và chúc phước cho, Ngài có thể thực hiện một phép lạ mà chúng ta không tài nào tưởng tượng ra nổi. Vấn đề không phải là vật chúng ta có nhỏ mọn đến đâu; điều quan trọng là thái độ tích cực của đức tin chúng ta. Thứ ba, ngay sau khi Chúa Giê-xu nhận bánh và cá và cầu nguyện, lập tức Ngài bắt đầu phân phát thực phẩm. Cá với bánh lúa mạch chỉ là thức ăn rẻ tiền dành cho dân nghèo, nhưng Chúa Giê-xu đã tiếp nhận thức ăn đạm bạc đó và dâng lên lời tạ ơn Thượng Đế về nó. Ngài cầu nguyện: "Tạ ơn Thượng Đế vì Ngài tiếp nhận thức ăn này, và dùng nó để nuôi đoàn dân này." Ngay sau khi chúc phước cho thức ăn, việc phân phát bắt đầu. Chúa Giê-xu đã không trông mong cho thức ăn ấy được nhân bội ngay lúc Ngài còn cầm nó trong tay. Ngài đã lấy đức tin, truyền cho các môn đệ giao lại các thức ăn ấy cho đám đông. Làm như vậy là Ngài đã chứng minh rằng đức tin của Ngài là một hành vi táo bạo gắn liền với sự liều lĩnh. Nhiều người tin rằng họ phải chờ cho đến khi công cuộc làm ăn kinh doanh của họ phát đạt hơn, rồi mới có thể có một kế hoạch lớn lao nào đó để làm công việc Chúa. Sở dĩ như vậy vì họ tưởng rằng điều hết sức hợp lý là phải tính toán xem có thể trông đợi Thượng Đế sẽ cho họ những gì rồi mới căn cứ vào đó để biết sẽ dâng bao nhiêu cho Thượng Đế. Nếu có ai đó chờ đợi cho đến khi có một cái gì đó thật to lớn thật quan trọng rồi mới dâng cho Thượng Đế, cơ hội ấy sẽ chẳng bao giờ đến. Ngay cả khi điều chúng ta có chỉ rất ít oi, nhỏ bé mà thôi, chúng ta phải bước đi bằng đức tin góp phần vào công việc Chúa để Ngài dùng mà làm phép lạ. Trong hoang mạc và đối diện với cả một đám đông quần chúng, Chúa Giê- xu đã nhận lấy trách nhiệm bất khả chu toàn đứng về phương diện loài người mà nói, và Ngài đã ngước lên trời, cầu xin sự trợ giúp của Thượng Đế rồi tức khắc hành động bằng đức tin khi Ngài bắt đầu phân phát thức ăn cho đám đông. Hành động là bí quyết để Thượng Đế ban phước bằng phép lạ. Tôi xin kể cho các bạn nghe một kinh nghiệm bản thân trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Trong trận chiến tại một thung lũng thuộc tỉnh Kangwon, đơn vị chúng tôi bị các binh sĩ Bắc Triều Tiên vây chặt. Chúng tôi cố gắng hết sức để phá vòng vây, nhưng không thể được. Một binh sĩ trong đơn vị chúng tôi đang cố gắng bắt liên lạc bằng vô tuyến điện, và trong khi làm như thế, anh ta cứ nhìn chăm lên trời. Chẳng bao lâu sau, một chiếc phi cơ xuất
  • 27. hiện, rồi lại bay đi. Chúng tôi chẳng phải chờ đợi lâu, nhiều phi cơ vận tải lượn trên đầu chúng tôi, các cánh cửa sau mở rộng để thả dù vũ khí đạn dược và thuốc men xuống đúng chỗ chúng tôi đã đánh dấu dưới đất. Với những vật phẩm tiếp tế từ trời rơi xuống đó, chúng tôi đã phá được vòng vây mà địch quân từng nhốt chặt chúng tôi. Cả khi dường như chúng ta lâm vào hoàn cảnh sắp chết đến nơi, chúng ta cần phải biết nhìn lên để Thượng Đế chỉ cho chúng ta lối thoát. Trong khi dường như chỉ có những cánh cửa đóng kín ở chân trời, chúng ta vẫn phải nhìn lên vì cánh cửa trên trời sẽ được mở. Tôi rất xúc động khi mới đây, đi thăm một chấp sự của Hội thánh chúng tôi vốn làm tài xế. Xuất thân từ một gia đình nghèo, không đủ tiền ăn học, điều đó khiến ông có nhiều mặc cảm tự ti và bi quan khác thường. Một hôm, ông tình cờ đến nhóm trong một buổi truyền giảng của Hội thánh chúng tôi, có ca sĩ Young Nam Cho, một danh ca Triều Tiên hát nhiều bài thánh ca Phúc Âm và làm chứng về cuộc đời mình. Trong khi nghe ông Cho làm chứng ông ta quyết định trong lòng là kể từ đó trở đi, sẽ vứt bỏ tất cả các quan điểm tiêu cực về đời sống đi, và sẽ đi tìm chân lý. Bỗng nhiên cuộc đời ông tràn đầy niềm vui; ông bắt đầu đi nhà thờ. Ông tiếp nhận lời hứa của Thượng Đế và cảm thấy được hướng dẫn hứa dâng một phần mười lợi tức của mình cho Hội thánh. Lập tức nhân sinh quan của ông bắt đầu thay đổi. Mọi chuyện vẫn y nguyên, ông vẫn sống trong một căn phòng nhỏ, và vẫn làm tài xế. Nhưng giờ đây, bất chấp mọi việc xảy ra, tâm trí ông đầy dẫy niềm vui và bình an, và gương mặt ông chứng minh điều đó. Bởi đức tin, số phận ông đã được thay đổi, và Thượng Đế đã ban cho ông một ý thức về ý nghĩa đích thực của sự giàu có sung túc và một hy vọng mới mẻ. Cho dầu điều bạn đang có dường như vô nghĩa, xin đừng nguyền rủa hay sợ hãi cuộc đời. Trái lại, hãy quay mặt hướng về Thượng Đế và hãy dâng mình cho Ngài bằng cách cầu nguyện. Sau đó, hãy đánh liều bước một bước và bắt đầu chia xẻ những gì bạn đang có. Phép lạ nhất định sẽ xảy ra. ž đời, chúng ta có thể có hai lối sống. Chúng ta có thể sống trong lo sợ hoặc sống bằng đức tin. Đó là hai điều chúng ta phải chọn một. Nếu không có đức tin, thì định mệnh dành cho chúng ta sẽ là một cuộc đời đầy sợ hãi. Xin chúng ta hãy tin cậy vào Thượng Đế Toàn Năng. Nếu chịu làm như vậy, phép lạ về các ổ bánh và cá sẽ xảy ra cho đời sống chúng ta. Hơn nữa, đời sống chúng ta sẽ trở thành phong phú sung mãn đến nỗi, như câu chuyện trong các sách Phúc Âm này, cả sau khi đã ăn no rồi, chúng ta sẽ còn lượm lại được mười hai giỏ bánh thừa nữa. Thế giới chúng ta đang sống là một hoang mạc. Chúng ta chẳng có gì cả. Màn đêm sắp buông xuống rồi. Mọi sự dường như chẳng đi đến đâu. Dường như chúng ta đều hoàn toàn bất năng bất lực, chẳng có thể làm được gì cả.
  • 28. Nhưng Thượng Đế chỉ dùng điều chúng ta hiện có ngay tại đây và ngay bây giờ để thực hiện phép lạ của Ngài. Tôi cầu nguyện, ngay hôm nay bạn dâng điều bạn đang có cho Thượng Đế, để được từng trải phép lạ về bánh và cá trong đời sống bạn. Những cuộc phiêu lưu của nhà tiền phong có đức tin SaSt 12:1-9 Chúng ta đã được nghe nói rất nhiều về Áp-ra-ham, nhà tiền phong vốn là tổ phụ của đức tin chúng ta mà Thượng Đế đã ban phước thật phong phú, và qua đó, chúng ta cũng đã được phước. Tuy Kinh Thánh không chép, chúng ta đều biết một điều nghịch lý là Áp-ra-ham vốn xuất thân từ một gia đình thờ lạy thần tượng. Thành phố quê hương ông thờ thần Malduk, là thần mặt trời, còn cha của Áp-ra-ham là Tha-rê, thì làm và bán hình tượng. Trước khi tin Thượng Đế là chân thần duy nhất, Áp-ra-ham thờ các thần mặt trời và mặt trăng. Một chiều nọ, lúc đang ngắm mặt trời lặn phía sau các rặng núi, ông bắt đầu thắc mắc tự hỏi chẳng hay mình có nên phục vụ một vị thần rất hay thay đổi như vậy chăng. Cũng vậy, khi ông quan sát các tuần trăng, ông thắc mắc tự hỏi chẳng hay mặt trăng có phải là một đối tượng xứng đáng cho mình thờ lạy hay chăng. Cuối cùng, Áp-ra-ham đã tìm gặp Đức Giê-hô-va là Thượng Đế, và bắt đầu phục vụ Ngài. Có câu chuyện dân gian kể rằng lần nọ Tha-rê có việc phải đi xa, để Áp-ra- ham một mình trông coi cửa hàng đầy ắp các thần tượng. Một hôm, có một phụ nữ đến mua một bức tượng, Áp-ra-ham bảo với bà ta rằng một phụ nữ như bà ta, đã sống nhiều năm rồi nay lại đi mua một bức tượng được tạc xong trong một buổi sáng, rồi lại quỳ trước mặt nó, cầu nó ban phước cho, thì quả là điên dại. Lần khác, một phụ nữ mang một đĩa thức ăn đến để cúng cho một thần tượng. Áp-ra-ham đem đĩa thức ăn đặt trước mặt pho tượng to nhất. Rồi ông đạp nát tất cả các pho tượng nhỏ hơn. Lúc Tha-rê về, ông rất kinh hoàng khi thấy các thần tượng đều bị đập nát, không gãi tai thì cũng què chân. Ông hỏi: "Có chuyện gì xảy ra vậy?" Áp-ra-ham thưa với cha rằng khi pho tượng to nhất thấy thức ăn mà bà nọ đem đến, thì nó giật lấy, và tiêu diệt hết các thần tượng khác. Áp-ra-ham nhận lỗi với Tha-rê đang giận. Nhưng Tha-rê nói: "Mầy là đồ tinh ranh quỷ quyệt làm sao một thần tượng không có sự sống lại làm được việc ấy?" Áp-ra-ham đáp: "Thưa cha, tại sao chúng ta lại đi mưu sinh bằng cái nghề bán các thần tượng chẳng có sự sống này? Con không thể tiếp tục làm công việc này nữa." Câu chuyện cho chúng ta biết kết quả Áp- ra-ham bị đuổi ra khỏi nhà cha mình để đến sinh sống trong xứ Ca-na-an.