SlideShare a Scribd company logo
1 of 168
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
NGÔ THỊ NỤ
VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CÁ NHÂN
CON NGƯỜI VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN
HỘI NHẬP QUỐC TẾ HIỆN NAY
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH: CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG
VÀ CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ
HÀ NỘI - 2018
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
NGÔ THỊ NỤ
VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CÁ NHÂN
CON NGƯỜI VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN
HỘI NHẬP QUỐC TẾ HIỆN NAY
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH: CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG
VÀ CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ
Mã số: 62 22 03 02
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: GS,TS. TRẦN VĂN PHÒNG
HÀ NỘI - 2018
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của
riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung
thực, có nguồn gốc rõ ràng và được trích dẫn đầy đủ theo
quy định.
Tác giả
Ngô Thị Nụ
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 1
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN
ĐỀ TÀI 5
1.1. Các nghiên cứu liên quan đến những vấn đề lý luận về phát triển năng lực
cá nhân con người Việt Nam 5
1.2. Các nghiên cứu liên quan đến thực trạng và một số vấn đề đặt ra trong
việc phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam trong điều kiện
hội nhập quốc tế hiện nay 17
1.3. Các nghiên cứu liên quan đến quan điểm và giải pháp chủ yếu nhằm
phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam trong điều kiện hội nhập
quốc tế hiện nay 21
1.4. Giá trị của các công trình nghiên cứu đã tổng quan và những vấn đề đặt ra
cần tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ thêm 25
Chương 2: PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CÁ NHÂN CON NGƯỜI VIỆT NAM
TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP QUỐC TẾ - MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN 29
2.1. Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam - khái niệm, thực chất và
những nhân tố ảnh hưởng 29
2.2. Hội nhập quốc tế, tác động và yêu cầu của nó đối với phát triển năng lực
cá nhân con người Việt Nam 55
Chương 3: PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CÁ NHÂN CON NGƯỜI VIỆT NAM
TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP QUỐC TẾ THỜI GIAN QUA - THỰC TRẠNG
VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA 78
3.1. Thực trạng của việc phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam trong
điều kiện hội nhập quốc tế thời gian qua 78
3.2. Vấn đề đặt ra từ thực trạng phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam
trong điều kiện hội nhập quốc tế thời gian qua 103
Chương 4: QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP CƠ BẢN NHẰM PHÁT TRIỂN
NĂNG LỰC CÁ NHÂN CON NGƯỜI VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN
HỘI NHẬP QUỐC TẾ HIỆN NAY 114
4.1. Một số quan điểm nhằm phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam
trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay 114
4.2. Một số nhóm giải pháp cơ bản nhằm phát triển năng lực cá nhân con người
Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay 120
KẾT LUẬN 149
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN
ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 151
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 152
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Con người là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác nhau,
trong đó có triết học. Hiện nay, nghiên cứu con người càng trở nên quan trọng, vì
con người là chủ thể của mọi sự sáng tạo giá trị vật chất, tinh thần và là trọng tâm
trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc.
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn coi con người là trung tâm của mọi
chính sách kinh tế - xã hội. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nguồn lực
con người được xem là yếu tố quyết định so với các nguồn lực khác, nguồn lực
con người vừa là phương tiện, vừa là mục tiêu của sự phát triển. Do đó, vấn đề
đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có việc phát
triển năng lực cá nhân con người là vấn đề quan trọng, không chỉ nhằm đáp ứng
yêu cầu phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế mà còn là cơ sở, điều kiện
bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong điều kiện hội nhập quốc tế chúng ta có nhiều cơ hội mới, nhưng
cũng có không ít những thách thức và những yêu cầu mới đối với sự phát triển của
con người. Hội nhập quốc tế làm cho nền kinh tế Việt Nam phát triển năng động,
nhưng cũng làm cho thị trường lao động mang tính quốc tế hóa rất cao; chuyên
môn của người lao động cũng được nâng lên; tính phức tạp và yêu cầu của công
việc càng cao; mức độ cạnh tranh ở thị trường lao động, môi trường làm việc ngày
càng gay gắt hơn; môi trường xã hội ngày càng phức tạp,… buộc năng lực con
người Việt Nam phải được phát triển. Điều đó càng đòi hỏi mỗi cá nhân con người
Việt Nam phải có năng lực toàn diện mới có thể đáp ứng được yêu cầu. Đó không
chỉ là năng lực về trí tuệ, năng lực chuyên môn, mà còn là năng lực thích ứng,
năng lực sáng tạo, năng lực tự học, năng lực hòa nhập trong cộng đồng đa văn
hóa, v.v.. Do đó, ngày nay, phát triển toàn diện con người cũng có nghĩa là phải
chú trọng đến phát triển toàn diện năng lực của từng cá nhân con người. Phát triển
năng lực con người Việt Nam hiện nay vừa phải đáp ứng yêu cầu của thời đại vừa
phải phù hợp với các định hướng giá trị xã hội và khả năng thực tế của con người
Việt Nam…
2
Sự chuyển biến vô cùng mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học - công
nghệ, của kinh tế tri thức, cùng với những biến đổi thuận nghịch của nền kinh tế
thị trường, của hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa đã làm biến chuyển mạnh mẽ những
điều kiện kinh tế - xã hội, kéo sự biến chuyển trong năng lực cá nhân con người
Việt Nam theo cả chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực. Trước yêu cầu ngày càng cao
của thời kỳ hội nhập quốc tế, năng lực của cá nhân con người Việt Nam nhìn
chung vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng. Điều đó đặt ra yêu cầu phải xây dựng
con người Việt Nam phát triển toàn diện, trong đó có phát triển toàn diện năng lực
cá nhân con người Việt Nam đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế.
Không những thế, ở nước ta những năm qua, quan niệm về phát triển năng
lực cá nhân con người thường được hiểu ở phạm vi hẹp như phát triển năng lực
chuyên môn nghề nghiệp và những năng lực bẩm sinh sẵn có. Còn một số những
năng lực như năng lực thích nghi, năng lực làm việc và hòa nhập trong cộng
đồng đa văn hóa, năng lực sáng tạo... ít được đề cập. Vì vậy, vấn đề phát triển
năng lực cá nhân con người Việt Nam cũng chưa được chú trọng đúng mức.
Điều này đặt ra yêu cầu cần phải có sự nghiên cứu lý luận về phát triển năng lực
cá nhân, vai trò của những năng lực cá nhân này trong điều kiện hội nhập để có
những giải pháp phát triển thích hợp. Từ những lý do trên cho thấy, việc nghiên
cứu “Vấn đề phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam trong điều kiện
hội nhập quốc tế hiện nay” là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp bách.
2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu
- Mục tiêu của luận án
Trên cơ sở làm rõ lý luận về phát triển năng lực cá nhân con người Việt
Nam và phân tích thực trạng phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam hiện
nay, đề xuất một số quan điểm và giải pháp chủ yếu nhằm phát triển năng lực cá
nhân con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
- Nhiệm vụ của luận án
Để thực hiện mục tiêu trên, đề tài sẽ giải quyết một số nhiệm vụ sau:
+ Tổng quan các công trình khoa học tiểu biểu liên quan phát triển năng lực
cá nhân con người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế.
3
+ Phân tích làm rõ lý luận về phát triển năng lực cá nhân; thực chất của việc
phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam; yêu cầu của hội nhập quốc tế đối
với phát triển các năng lực cá nhân con người Việt Nam.
+ Phân tích thực trạng phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam hiện
nay và chỉ rõ một số vấn đề đặt ra từ thực trạng này.
+ Đề xuất một số quan điểm và giải pháp cơ bản nhằm phát triển năng lực
cá nhân con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Nghiên cứu phát triển năng lực cá nhân con người
Việt Nam nói chung. Khi xem xét năng lực cá nhân, tác giả luận án giới hạn đối
tượng là những cá nhân con người đã trưởng thành, trong độ tuổi lao động (từ 15
tuổi trở lên) và kể cả những người hết tuổi lao động nhưng vẫn còn đủ sức khỏe và
năng lực để cống hiến cho xã hội.
Trong khuôn khổ luận án chỉ nghiên cứu việc phát triển một số năng lực cụ
thể phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế. (Phát triển nhóm năng lực nhận thức mà
biểu hiện tập trung ở năng lực trí tuệ trong điều kiện hội nhập quốc tế; phát triển
nhóm năng lực hoạt động thực tiễn biểu hiện rõ nét ở phát triển năng lực làm việc
và phát triển năng lực sống trong điều kiện hội nhập quốc tế).
- Phạm vi nghiên cứu: Năng lực cá nhân con người Việt Nam trong điều
kiện hội nhập quốc tế hiện nay. Về thời gian: từ bắt đầu đổi mới năm 1986, đặc
biệt là từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007 đến nay.
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
- Cơ sở lý luận: đề tài dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư
tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật
của Nhà nước Việt Nam về con người và phát triển con người. Đề tài tiếp thu, kế
thừa có chọn lọc những giá trị khoa học của các công trình nghiên cứu đã công bố
liên quan đến nội dung của đề tài.
- Phương pháp nghiên cứu: trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa
duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Luận án sử dụng tổng hợp các
4
phương pháp: phân tích và tổng hợp, qui nạp và diễn dịch, đối chiếu, so sánh… để
thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ mà đề tài đặt ra.
5. Đóng góp mới của luận án
- Góp phần làm sáng tỏ những khái niệm cơ bản như: năng lực, năng lực cá
nhân, phát triển năng lực cá nhân con người, tác động và yêu cầu của hội nhập
quốc tế đối với việc phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam.
- Phân tích chỉ ra được mặt tích cực và những vấn đề đặt ra cần phải giải
quyết trong việc phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu
hội nhập quốc tế trong thời gian qua.
- Đề xuất được một số quan điểm và giải pháp có tính khả thi, phù hợp thực
tiễn nhằm phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội
nhập quốc tế.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài
- Về mặt lý luận, ở một mức độ nhất định, đề tài có thể làm tài liệu tham
khảo cho việc nghiên cứu, giảng dạy một số chuyên đề triết học về con người và
phát triển con người; đồng thời, làm cơ sở phương pháp luận cho việc đi sâu
nghiên cứu năng lực con người.
- Về mặt thực tiễn, đề tài cũng có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho
việc xây dựng, hoạch định chiến lược phát triển con người, phát triển nguồn nhân
lực ở Việt Nam nói chung và ở các tỉnh, thành phố nói riêng.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận danh mục các công trình đã công bố của tác
giả liên quan đến đề tài luận án và danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm 4
chương, 10 tiết.
5
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
1.1. CÁC NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ
PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CÁ NHÂN CON NGƯỜI VIỆT NAM
1.1.1. Các công trình liên quan đến năng lực, năng lực cá nhân, phát
triển năng lực cá nhân và thực chất của phát triển năng lực cá nhân con người
Việt Nam
Đối với các nghiên cứu nước ngoài, ở mỗi một góc độ, quan niệm về năng
lực, phát triển năng lực được tiếp cận ở nhiều chiều cạnh khác nhau từ tâm lý học,
xã hội học, kinh tế học, giáo dục học...
Trong nhiều công trình nghiên cứu, khái niệm năng lực và phát triển năng
lực cũng được các nhà nghiên cứu luận giải ở các góc nhìn khác nhau. Có thể kể
đến Amartya Sen là người đầu tiên đưa ra cách tiếp cận năng lực (Capabiltty
Approach) trong nhiều công trình nghiên cứu của mình như Equality of what?;
Commodities and Capabilities; The Standard of Living; Development as
Freedom,... Cách tiếp cận của ông được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực phát triển
con người. A.Sen cho rằng sự thịnh vượng của con người nên được đánh giá theo
sự vận hành chức năng của con người, đó là người đó có năng lực thực sự hay
không và có thể làm gì. Theo A.Sen, năng lực là tổ hợp khả năng thực hiện các
chức năng (hay đạt được các chức năng). Nói cách khác, năng lực là sự tự do hiện
thực mà con người được thụ hưởng để cuộc sống có ý nghĩa [153, tr.97]. Một người
có thể có nhiều năng lực (hoặc nhiều quyền tự do) thay vì chỉ có một. Con người
càng có năng lực thì càng có cơ hội lựa chọn hơn. Phát triển con người được coi là
quá trình mở rộng cơ hội lựa chọn và năng lực cho con người. Bởi vậy, phát triển
con người, theo A.Sen, đó chính là sự phát triển năng lực cho con người.
Đề cập đến tính định lượng của năng lực, Howard Gardner cho rằng: “Năng
lực phải được thể hiện thông qua hoạt động có kết quả và có thể đánh giá hoặc đo
đạc được” [149, tr.11]. Với F.E.Weinert, “Năng lực là những kỹ năng, kỹ xảo học
được hoặc sẵn có của cá thể nhằm giải quyết các tình huống xác định, cũng như sự
6
sẵn sàng về động cơ, xã hội và khả năng vận dụng các cách giải quyết vấn đề một
cách có trách nhiệm và hiệu quả trong những tình huống linh hoạt” [156, tr.12].
Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc UNDP lại đưa ra khái niệm năng lực
chung cho tất cả cá nhân, tổ chức và xã hội: “năng lực” là khả năng của cá nhân, tổ
chức và xã hội để thực hiện chức năng, giải quyết vấn đề, thiết lập và đạt được mục
tiêu một cách bền vững. Do đó, “Phát triển năng lực là quá trình mà thông qua đó,
các năng lực của con người được hình thành, được tăng cường, thích nghi và duy trì
theo thời gian” [154].
Theo Joe Bolger - Tư vấn của Cơ quan phát triển quốc tế Canada, trong bài
“Phát triển năng lực - Tại sao, Phát triển cái gì và Phát triển như thế nào”, năng
lực được hiểu là “khả năng, kỹ năng, sự hiểu biết, thái độ, các giá trị, các mối quan
hệ, hành vi, động lực, nguồn lực và điều kiện cho phép các cá nhân, tổ chức, ngành
nghề và hệ thống xã hội rộng lớn hơn để thực hiện các chức năng và đạt được mục
tiêu phát triển của họ theo thời gian” [150, tr.2]. Theo tác giả, phát triển năng lực
bao gồm nhiều “phương pháp tiếp cận và chiến lược” nhằm cải thiện khả năng ở
các mức độ khác nhau, không có một phương pháp chung duy nhất để phát triển
năng lực. Mục tiêu của phát triển năng lực là nhằm: tăng cường, hoặc sử dụng một
cách hiệu quả hơn các kỹ năng, khả năng và các nguồn lực; tăng cường sự hiểu biết
và mối quan hệ; định hướng các giá trị, thái độ, động cơ và điều kiện để hỗ trợ phát
triển bền vững.
Bài viết “Phát triển năng lực: Định nghĩa, vấn đề và gợi ý cho kế hoạch, giám
sát và đánh giá” của Charles Lusthaus, Marie-hélène Adrien, Mark Perstinger là một
phần của loạt bài viết và các hoạt động được thực hiện bởi UNICEF và UNDP trong
nỗ lực để làm rõ sự phát triển năng lực theo giai đoạn và cách thức để lập kế hoạch,
kiểm tra và đánh giá các hoạt động phát triển năng lực. Trong bài viết này, các tác giả
đã dẫn ra nhiều định nghĩa khác nhau về phát triển năng lực, xây dựng năng lực hay
tăng cường năng lực. Tuy nhiên, các khái niệm này chỉ đề cập đến phát triển năng lực
nói chung cho tổ chức, tập thể hay xã hội, chứ chưa đề cập đến sự phát triển năng lực
của cá nhân con người cụ thể. Chẳng hạn, “Xây dựng năng lực là một quá trình mà
các cá nhân, các nhóm, các tổ chức, các đoàn thể xã hội tăng cường khả năng của
mình để xác định và đáp ứng được các yêu cầu phát triển một cách bền vững”
(CIDA); Phát triển năng lực: “Trong quá trình đó nhóm người, tổ chức, thể chế và xã
7
hội nâng cao khả năng của mình: để thực hiện các chức năng giải quyết vấn đề và đạt
được mục tiêu đề ra, để nhận thức và đáp ứng được nhu cầu phát triển của họ trong
một phạm vi rộng một cách bền vững” (UNDP) [146, tr.5];…
Theo Ủy ban Chuyên gia về Hành chính công của Liên Hợp quốc, “Phát
triển năng lực là quá trình mà các cá nhân, tổ chức, thể chế và xã hội phát triển khả
năng để thực hiện các chức năng, giải quyết các vấn đề, đặt ra và đạt được các mục
tiêu” [145, tr.7-8]. Nó được thể hiện ở ba cấp độ: cá nhân, tổ chức và xã hội. Ở cấp
độ cá nhân, phát triển năng lực liên quan đến việc thiết lập các điều kiện theo đó
con người có thể tham gia vào một quá trình liên tục học hỏi và thích nghi với thay
đổi - xây dựng trên nền tảng kiến thức, kỹ năng hiện có và tăng cường, sử dụng
chúng trong những hướng đi mới.
Cách tiếp cận phát triển năng lực ở 3 cấp độ cũng được tác giả David Potten
chỉ ra trong bài viết: “Chương trình vừa học vừa làm: Quỹ Phát triển chính sách và
nguồn nhân lực Nhật Bản và vấn đề phát triển năng lực”. Đó là, phát triển năng lực
cá nhân, phát triển năng lực của tổ chức và phát triển năng lực của xã hội (môi
trường hoạt động). Theo tác giả, phát triển năng lực cá nhân là nhằm: Nâng cao kiến
thức cho con người, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế hiện hành; Tăng cường
năng lực kỹ thuật, công nghệ; Nâng cao kỹ năng làm việc trong những điều kiện
làm việc khác nhau (năng lực làm việc nhóm, năng lực thích ứng…) [147, tr.7-8].
Ngoài ra, có thể kể đến các nghiên cứu của Samuel Otoo, Natalia Agapitova
và Joy Behrens với bài viết “Khung kết quả phát triển năng lực. Một cách tiếp cận
chiến lược và phát triển năng lực theo định hướng kết quả học tập” [152]; Chương
trình phát triển Liên Hợp quốc với một số nghiên cứu: “Đo lường năng lực” [155];
Peter Morgan với bài “Năng lực và phát triển năng lực - Một số chiến lược” [151];
v.v.. Có thể thấy, đã có rất nhiều nghiên cứu của các học giả nước ngoài đề cập tới
năng lực và phát triển năng lực. Tuy nhiên, những nghiên cứu này chủ yếu đề cập tới
khía cạnh năng lực và phát triển năng lực cho tổ chức, tập thể, hoặc sử dụng chung
khái niệm năng lực và phát triển năng lực cho cả cá nhân và tổ chức. Số công trình có
nghiên cứu về năng lực cá nhân và phát triển năng lực cá nhân còn khá khiêm tốn.
Đối với những nghiên cứu trong nước, năng lực và phát triển năng lực cũng
được xem xét từ nhiều góc độ khác nhau với nhiều công trình nghiên cứu trên sách,
tạp chí, đề tài nghiên cứu, luận văn, luận án...
8
Dưới góc độ tâm lý học, năng lực được quan niệm là một tổ hợp đặc điểm
tâm lý cá nhân, hay là tổng hợp những thuộc tính độc đáo của con người. Chẳng
hạn: Chương trình Khoa học công nghệ nhà nước KX07-18 về năng khiếu và tài
năng trong giai đoạn từ 1992-1995 với các đề tài nhánh, trong đó các đề tài nghiên
cứu đều đề cập tới năng lực là “một tổ hợp đặc điểm tâm lý của con người, tổ hợp
này vận hành theo một mục đích nhất định, nó cho phép con người giải quyết được
ở mức này hay mức khác một hay nhiều yêu cầu mới của cuộc sống” [130, tr.7].
Tác giả Phạm Minh Hạc trong cuốn sách “Một số vấn đề Tâm lý học” đã cho
rằng: “Năng lực chính là một tổ hợp đặc điểm tâm lý của một con người (còn gọi là
tổ hợp thuộc tính tâm lý của nhân cách), tổ hợp đặc điểm này vận hành theo một
mục đích nhất định, tạo ra kết quả của một hoạt động nào đấy”, hay: Năng lực là
các đặc điểm tâm lý cá biệt tạo thành điều kiện quy định tốc độ, chiều sâu, cường độ
của việc tác động và đối tượng lao động”. Theo tác giả, “nói đến năng lực là nói đến
xu thế có thể đạt tới một kết quả nào đó của một công việc nào đó do một con người
cụ thể tiến hành: năng lực học tập, năng lực lao động, năng lực thụ cảm thẩm mỹ...
[42, tr.146]. Tác giả cũng chỉ ra sự khác biệt giữa năng lực, năng khiếu, khả năng,
tài năng, phân tích cấu trúc của năng lực, cũng như sự hình thành và phát triển của
năng lực.
Trần Trọng Thủy, Nguyễn Quang Uẩn trong “Tâm lí học đại cương” cho
rằng: “Năng lực là tổng hợp những thuộc tính độc đáo của cá nhân phù hợp với
những yêu cầu đặc trưng của một hoạt động nhất định, nhằm đảm bảo việc hoàn
thành có kết quả tốt trong lĩnh vực hoạt động ấy” [118, tr.11]. Các tác giả cũng
cho rằng, năng lực của mỗi người một phần dựa trên cơ sở tư chất. Nhưng điều chủ
yếu là năng lực hình thành, phát triển và thể hiện trong hoạt động tích cực của con
người dưới sự tác động của rèn luyện, dạy học và giáo dục. Việc hình thành và phát
triển các phẩm chất nhân cách là phương tiện có hiệu quả nhất để phát triển năng lực.
Cùng quan niệm năng lực là “một tổ hợp những thuộc tính tâm lý” và là
một yếu tố của nhân cách (mặt tài của nhân cách), tác giả Nguyễn Ngọc Bích
trong “Tâm lý học nhân cách - Một số vấn đề lý luận” nhấn mạnh: khi nói đến
năng lực là nói đến khả năng đạt được kết quả trong hoạt động nào đó. Tác giả chỉ
ra các mức độ của năng lực, phân loại năng lực… Trên cơ sở lý luận về năng lực,
9
tác giả phân tích những điều kiện xã hội của phát triển năng lực. Theo đó, sự phát
triển năng lực gắn liền với sự phân chia lao động (hoạt động lao động), với các
quan hệ xã hội (hình thái giao tiếp của cá nhân) và sự phát triển của nền văn hóa
xã hội [2, tr.250, 262-266].
Tác giả Lê Thị Bừng và Nguyễn Thị Vân Hương trong sách “Mỗi người
tiềm ẩn một tài năng”, cũng cho năng lực là “tổng hợp những thuộc tính độc đáo
của cá nhân, phù hợp với những yêu cầu đặc trưng của một hoạt động nhất định,
nhằm đảm bảo việc hoàn thành có kết quả tốt trong lĩnh vực hoạt động ấy” [10,
tr.10]. Tác giả cho rằng năng lực là mặt tài trong cấu trúc nhân cách con người. Dựa
theo các góc độ nghiên cứu mà có các cách phân loại năng lực khác nhau: theo
nguồn gốc phát sinh thì có năng lực tự nhiên và năng lực xã hội; theo mức độ
chuyên nghiệp của năng lực thì có năng lực chung, năng lực riêng, năng lực học tập,
nghiên cứu, năng lực sáng tạo.
Dưới góc độ giáo dục học, vấn đề năng lực được gắn với năng lực hành
động, là khả năng đạt được hiệu quả trong hành động. Việc phát triển năng lực đã
được quan tâm triển khai áp dụng trong dạy học ở các mặt: phát triển năng lực tư
duy, năng lực sáng tạo, năng lực thích ứng nghề, năng lực tự học, năng lực giải
quyết vấn đề… cho đối tượng cụ thể như học sinh trung học phổ thông, hay sinh
viên các trường đại học, cao đẳng. Việc phát triển năng lực theo quan niệm giáo dục
học thông qua dạy học được hiểu đồng nghĩa với phát triển năng lực hành động.
Bùi Thị Hường trong bài “Kích thích năng lực tư duy người học” cho rằng,
năng lực là “khả năng bên trong của mỗi con người, khả năng tạo ra một sức mạnh
vượt trội với nhóm, với cộng đồng, biết làm chủ bản thân và lôi cuốn người khác
vào hoạt động đạt hiệu quả cao” [51, tr.186]. Theo tác giả, năng lực người học là
một khái niệm không đơn giản. Đó là một tổ hợp cấu trúc đa tuyến có thể kể đến
các thành tố trong cấu trúc đó như sau: Năng lực là trình độ người học đạt đến một
học vấn nhất định; Năng lực là khát vọng, ý chí vươn lên của người học sẵn sàng
đón nhận kiến thức mới; Năng lực là khả năng biến Tri thành Hành tức là biết dùng
vốn tri thức đã thu nạp được để giải quyết các yêu cầu thực tiễn theo luật tối ưu.
Trong hai nghiên cứu của tác giả Nguyễn Văn Tuấn với chuyên đề bồi
dưỡng sư phạm “Tài liệu học tập về phương pháp dạy học theo hướng tích hợp”
[134, tr.7-10] và tác giả Bernd Meier, Nguyễn Văn Cường với “Một số vấn đề
10
chung về đổi mới phương pháp dạy học ở trường trung học phổ thông” đều sử dụng
chung một cơ sở lý luận dựa theo Chương trình dạy học định hướng phát triển năng
lực. Theo đó, “Năng lực là một thuộc tính tâm lý phức hợp, là điểm hội tụ của nhiều
yếu tố như tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm, sự sẵn sàng hành động và trách
nhiệm”; và năng lực là: “khả năng thực hiện có trách nhiệm và hiệu quả các hành
động, giải quyết các nhiệm vụ, vấn đề trong những tình huống khác nhau thuộc các
lĩnh vực nghề nghiệp, xã hội hay cá nhân trên cơ sở hiểu biết, kỹ năng, kỹ xảo và
kinh nghiệm cũng như sự sẵn sàng hành động” [24, tr.28].
Ngoài ra, trong một số công trình như “Phát triển năng lực độc lập sáng tạo
của sinh viên đại học kĩ thuật thông qua dạy học Hoá hữu cơ” của Đinh Thị Hồng
Minh [77] và “Năng lực thích ứng nghề của sinh viên sư phạm - Một số vấn đề lý
luận và thực tiễn” của Dương Thị Nga [79] cũng nhấn mạnh quan niệm năng lực
dưới góc độ giáo dục học được thể hiện ở kết quả hoạt động của cá nhân. Năng lực
là khả năng thực hiện có hiệu quả và có trách nhiệm các hành động, giải quyết các
nhiệm vụ, vấn đề thuộc lĩnh vực nghề nghiệp, xã hội hay cá nhân trong những tình
huống khác nhau trên cơ sở kết hợp sự hiểu biết, kĩ năng, kĩ xảo và kinh nghiệm, và,
việc phát triển năng lực thông qua dạy học được hiểu đồng nghĩa với phát triển
năng lực hành động;...
Khác với các cách tiếp cận trên, dưới góc độ triết học, năng lực, phát triển
năng lực lại được coi như một mặt, một yếu tố trong phát triển con người; một
yếu tố cấu thành nên phẩm chất hay nhân cách của con người. Do vậy, phát triển
năng lực được xem xét ở nhiều đối tượng cụ thể khác nhau, trong các lĩnh vực
khác nhau...
Đề cập đến năng lực như là một yếu tố cấu thành nhân cách, phẩm chất con
người, có thể kể đến Phạm Văn Nhuận. Trong bài viết “Một cách tiếp cận về cặp
phạm trù điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan” của Phạm Văn Nhuận đề cập
đến năng lực với tư cách là một trong các yếu tố tạo thành phẩm chất của chủ thể.
Theo tác giả, năng lực của chủ thể được phân chia theo nhiều loại, tùy theo các góc
độ khác nhau, có thể chia năng lực gồm: năng lực nhận thức (trí tuệ); năng lực hoạt
động thực tiễn; năng lực sáng tạo hay năng lực tái tạo…; chia năng lực theo các bậc
thang nhận thức có năng lực cảm giác, tri giác, biểu tượng, ghi nhớ; theo phương
11
pháp thao tác lại có năng lực phân tích, năng lực tổng hợp, trừu tượng, khái quát
[84, tr.59], v.v..
Cùng cách tiếp cận này, có thể kể đến một số luận án Tiến sĩ Triết học
như: “Vai trò của đạo đức với sự hình thành nhân cách con người Việt Nam
trong điều kiện đổi mới hiện nay” của Lê Thị Thủy [117]; “Giáo dục giá trị đạo
đức truyền thống với việc hình thành và phát triển nhân cách cho sinh viên khu
vực Tây Nguyên trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay” của Phạm Huy Thành
[109]. Trong đó, các tác giả đã nhấn mạnh tính chủ thể của năng lực, đề cập đến
năng lực như là một bộ phận của nhân cách con người. Chia cấu trúc của năng
lực bao gồm: năng lực xã hội hóa, năng lực chủ thể hóa, năng lực hành động và
năng lực giao tiếp xã hội…
Từ góc độ phát triển con người, nhiều nhà nghiên cứu coi phát triển năng lực
cá nhân là một khía cạnh trong phát triển con người, hướng tới sự phát triển toàn
diện của con người. Tác giả Phạm Thành Nghị trong bài viết “Tiếp cận năng lực
trong phát triển con người” [81, tr.17-22] cho rằng, trong việc tìm kiếm một cách
tiếp cận cung cấp cơ chế chung cho sự phát triển con người trong mọi điều kiện xã
hội và tạo dựng cơ chế bền vững cho phát triển con người, thì tiếp cận năng lực có
ưu thế nổi trội trong giải quyết những bất ổn trong xã hội. Theo tác giả, năng lực ở
đây được hiểu là tổ hợp khả năng thực hiện được các chức năng (sống có đủ dinh
dưỡng, được xóa mù, được mặc ấm, được thỏa mãn nhu cầu văn hóa, giao tiếp xã
hội…). Sự phát triển của con người suy cho cùng là sự phát triển năng lực và tăng
cường năng lực là mở rộng tự do, mở rộng cơ hội lựa chọn của con người. Năng lực
được phát triển không chỉ mang ý nghĩa công cụ giúp đạt được lựa chọn mà còn
mang ý nghĩa tự thân làm mở rộng cơ hội lựa chọn của con người. Việc thực hiện
tiếp cận năng lực chính là tạo điều kiện cho con người thực hiện các chức năng
thông qua tăng cường khả năng của con người thực hiện các chức năng một cách tự
do, con người có cơ hội mở rộng tự do của mình thông qua học tập trong môi
trường giáo dục đúng nghĩa.
Nguyễn Đình Tuấn trong bài viết “Nghiên cứu phát triển con người: quan
điểm, xu hướng và những gợi mở” đã phân tích các quan điểm về phát triển con
người của UNDP đưa ra trong Báo cáo phát triển con người. Tác giả cho rằng, khái
12
niệm phát triển con người của UNDP đã phản ánh bao quát những vấn đề năng lực
tự nhiên và năng lực xã hội của con người. Phát triển con người chính là để phát
triển năng lực con người. Phát triển con người là mở rộng các cơ hội và nâng cao
năng lực lựa chọn của con người. Phát triển con người mang ý nghĩa là tăng cường
năng lực và sức khỏe cho con người để họ có thể tham gia vào các hoạt động của
cuộc sống. Ở đây, nâng cao năng lực cho con người trước hết là năng lực về sinh
thể và năng lực về tinh thần (năng lực sinh thể là nâng cao sức khỏe cho con người;
năng lực tinh thần là nâng cao kiến thức, kỹ năng cho con người). Khi con người có
năng lực sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn hơn trong cuộc sống và đôi khi chính năng lực
sẽ tạo ra những cơ hội mới để con người lựa chọn [133, tr.12].
Tiếp cận năng lực từ góc độ phát triển con người, tác giả Nguyễn Trọng
Chuẩn trong bài viết “Để phát triển con người một cách bền vững” cho rằng: phát
triển con người một cách bền vững là phát triển thường xuyên, liên tục và lâu dài tất
cả những năng lực thể chất, tinh thần, trí tuệ, nhân cách, tức là phát triển những
năng lực bản chất nhất nhưng đang ở dưới dạng tiềm năng của con người. Qua đó
làm phong phú thêm và ngày một nâng cao hơn chất lượng cuộc sống của mỗi
người cũng như của cả cộng đồng, đồng thời qua đó tạo động lực bền vững cho sự
phát triển kinh tế - xã hội [20, tr.6-7]. Như vậy, theo tác giả, phát triển những năng
lực bản chất người chính là để phát triển con người một cách bền vững - nhân tố
đảm bảo sự phát triển lâu dài, chắc chắn nhất cho sự phát triển đất nước.
Hồ Sĩ Quý trong giáo trình “Con người và phát triển con người” đã đưa ra
những vấn đề lý luận về con người và phát triển con người, tác giả làm rõ những
vấn đề cụ thể như khoa học về con người, con người và phát triển con người trong
quan niệm của chủ nghĩa Mác, nghiên cứu con người trước nhu cầu của sự phát
triển... Tác giả cho rằng, theo lý thuyết phát triển con người, để đáp ứng được
những thách thức to lớn của sự phát triển, con người Việt Nam trong thế kỷ XXI là
con người có năng lực sinh thể khỏe mạnh và năng lực tinh thần cao đẹp. Việc cải
thiện đồng bộ, hợp lý các chỉ số cụ thể của phát triển con người thì yêu cầu về sự
phát triển con người một cách toàn diện - con người Việt Nam có năng lực sinh thể
khỏe mạnh và có năng lực tinh thần cao đẹp sẽ được đảm bảo [100, tr.254-255]...
Việc nghiên cứu những công trình về con người, phát triển con người và việc tiếp
13
cận phát triển năng lực từ góc độ phát triển con người trên đây có ý nghĩa thiết thực
cho luận án, là một trong những cơ sở lý luận để tác giả luận án nghiên cứu vấn đề
lý luận về phát triển năng lực cá nhân con người.
Ngoài ra, trong các bài viết “Mấy suy nghĩ về hướng tiếp cận con người
trong chủ nghĩa xã hội” [53] và “Mấy vấn đề đặt ra đối với việc nghiên cứu con
người ở Việt Nam” của Nguyễn Văn Huyên [54]; bài viết “Phát triển vì con người
trong quan niệm của Mác và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm mục
tiêu phát triển con người ở nước ta hiện nay” [121]; “Học thuyết Mác về con người
về vai trò sáng tạo lịch sử của con người, phát triển con người và giải phóng con
người” của Đặng Hữu Toàn [122]; hay trong “Quan điểm của C.Mác về phát triển
con người và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay” của Nguyễn Văn Sơn [103]…
cũng đề cập đến năng lực và phát triển năng lực từ góc độ nghiên cứu con người và
phát triển con người.
Bên cạnh đó, đã có rất nhiều các công trình nghiên cứu vấn đề phát triển các
loại năng lực khác nhau như năng lực trí tuệ, năng lực tư duy, năng lực sáng tạo,
năng lực lãnh đạo, quản lý, năng lực kinh doanh, năng lực tổng kết thực tiễn… cho
các đối tượng khác nhau như đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, đội ngũ sĩ quan, sinh
viên, học viên… Với đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhiều tác giả cũng tập
trung nhấn mạnh phát triển năng lực tư duy, năng lực tổng kết thực tiễn, năng lực
lãnh đạo,… cho các đối tượng này. Có thể kể đến một số bài viết như: “Phát triển
năng lực tư duy của người cán bộ lãnh đạo hiện nay” của Hồ Bá Thâm [112]; bài
viết “Phẩm chất, năng lực người lãnh đạo theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại
hóa” của Nguyễn Văn Huyên [55]; bài viết “Triết học và năng lực tư duy của con
người trong kỷ nguyên toàn cầu” của Lương Đình Hải [46]; đề tài cấp Bộ “Nâng
cao năng lực tổng kết thực tiễn của đội ngũ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh vùng đồng
bằng sông Hồng” của Trần Văn Phòng [88]; sách “Nâng cao năng lực tổ chức thực
tiễn của cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng” của Trần
Văn Phòng [89]…
Với đối tượng là sĩ quan trong quân đội, việc chú trọng phát triển năng lực trí
tuệ, năng lực tư duy sáng tạo,… cho đối tượng này cũng được nhiều tác giả quan tâm.
Có thể kể đến các công trình của các giả: Lê Quý Trịnh với “Phát triển năng lực trí
tuệ của sĩ quan trẻ trong quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay” [127]; Trần Văn
14
Riễn với “Phát triển tư duy biện chứng duy vật của học viên đào tạo sĩ quan khoa
học kỹ thuật quân sự hiện nay” [102];… Với đối tượng sinh viên, học viên các học
viện, các trường đại học, cao đẳng cũng được nhiều học giả quan tâm nghiên cứu vấn
đề phát triển năng lực tư duy biện chứng, tư duy lý luận, năng lực sáng tạo… cho họ.
Chẳng hạn, Trần Viết Quang với “Phát triển năng lực tư duy lý luận cho sinh viên
thông qua giảng dạy triết học Mác - Lênin” [96]; Hoàng Thúc Lân với cuốn sách
“Phát triển năng lực tư duy biện chứng cho sinh viên Việt Nam hiện nay” [63]…
Để hiểu rõ hơn về năng lực cá nhân và phát triển năng lực cá nhân, tác giả
luận án cũng có nghiên cứu, tham khảo một số công trình liên quan đến vấn đề cá
nhân và phát triển cá nhân. Chẳng hạn: công trình “Sự phát triển của cá nhân trong
nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” [36] của Đoàn Đức Hiếu;
“Tâm lý học cá nhân” [22] của A.G. Côvaliốp; đề tài cấp Bộ “Quan hệ giữa cá
nhân và xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay” [90] của
Trần Văn Phòng… đã cung cấp cho tác giả luận án một số cơ sở lý luận về vấn đề
cá nhân và phát triển cá nhân trong việc luận giải năng lực cá nhân và phát triển
năng lực con người.
Có thể nói, đã có rất nhiều các công trình đề cập đến khái niệm năng lực và
phát triển năng lực ở trong và ngoài nước, với rất nhiều các khía cạnh nghiên cứu
khác nhau. Các công trình này đã cung cấp cho tác giả luận án những cơ sở lý luận
chung nhất về khái niệm năng lực và phát triển năng lực. Tuy nhiên, các quan niệm
này lại chủ yếu được xem xét từ góc độ tâm lý học, giáo dục học, số các công trình
nghiên cứu liên quan đến vấn đề năng lực và phát triển năng lực dưới góc độ triết
học lại chủ yếu nghiên cứu một năng lực cụ thể cho một đối tượng cụ thể. Việc
nghiên cứu vấn đề phát triển năng lực cá nhân con người một cách chung nhất về
các nội dung như khái niệm năng lực cá nhân và phát triển năng lực cá nhân, thực
chất của việc phát triển năng lực cá nhân, đặc biệt, việc nghiên cứu vấn đề phát triển
năng lực cá nhân con người Việt Nam về mặt lý luận, nhất là dưới góc độ triết học
vẫn còn là một mảng trống.
1.1.2. Các công trình liên quan đến hội nhập quốc tế, tác động và yêu cầu
của hội nhập quốc tế đối với phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam
Cho đến nay, đã có rất nhiều các công trình nghiên cứu có đề cập tới hội
nhập quốc tế. Tuy nhiên, luận án chỉ xem xét các tài liệu có liên quan đến hội nhập
15
quốc tế với những tác động và yêu cầu của hội nhập quốc tế đối với vấn đề phát
triển con người, nhất là phát triển năng lực cá nhân con người hiện nay.
Trong sách “Một số vấn đề phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay” của Đỗ
Hoài Nam, Võ Đại Lược [78] đã phân tích tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội
nhập kinh tế quốc tế tới các lĩnh vực kinh tế cũng như xã hội ở Việt Nam, trong đó
có phát triển con người. Các tác giả đã phân tích chỉ rõ những ảnh hưởng của hội
nhập quốc tế đến sự phát triển con người thông qua tăng trưởng kinh tế, việc làm,
môi trường, phân phối thu nhập và bình đẳng xã hội… Đây là một số cơ sở lý luận
cho tác giả luận án trong việc phân tích những tác động của hội nhập quốc tế đến sự
phát triển năng lực cá nhân con người.
Bài viết“Những đòi hỏi về phẩm chất - năng lực giảng viên trong không gian
giáo dục hội nhập” của Nguyễn Văn Đệ [39] chỉ ra những yêu cầu về năng lực và
phẩm chất của giảng viên trong không gian giáo dục hội nhập. Theo tác giả, những
yêu cầu về năng lực của giảng viên trong không gian giáo dục hội nhập là: Thứ
nhất, có năng lực hiểu biết về chuyên môn, có năng lực triển khai chương trình dạy
học, có năng lực sử dụng phương pháp dạy học, đánh giá, tự học, tự nghiên cứu
khoa học và ứng dụng, có năng lực sử dụng ngoại ngữ và biết sử dụng các thiết bị
dạy học. Thứ hai, có năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề, năng lực cố vấn và hỗ
trợ người học phát triển, làm chủ được các chiến lược dạy học, giáo dục, có khả
năng nắm bắt, phân tích và phản ánh thực tiễn dạy học, có khả năng làm chủ và kiến
tạo tri thức. Thứ ba, có năng lực xã hội hóa, nghĩa là phải có năng lực chẩn đoán, tư
duy sáng tạo, có khả năng cung ứng dịch vụ cho xã hội, có ảnh hưởng tích cực đến
xã hội, có khả năng thể hiện tính linh hoạt của xã hội, mềm dẻo trong cuộc sống, có
khả năng vận động các tổ chức cá nhân tham gia vào sự nghiệp giáo dục. Thứ tư, có
năng lực giao tiếp, nghĩa là phải có kỹ năng giao tiếp, trao đổi và thu nhận thông tin,
thiết lập quan hệ và duy trì các quan hệ, có quan hệ đồng nghiệp và xã hội có lợi
cho sự hợp tác và phát triển giáo dục.
Trong công trình “Văn hóa và con người Việt Nam trong đổi mới và hội
nhập quốc tế” của Hoàng Chí Bảo [1] đã phân tích sâu sắc văn hóa và con người
Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay ở nước ta và sự phát triển văn hóa ở
châu Á - Thái Bình Dương trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Qua đó, tác giả chỉ
16
ra sự phát triển nhu cầu tinh thần và tính đa dạng của nhu cầu tinh thần, của đời
sống tinh thần của con người trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Công trình
đã cung cấp cho tác giả luận án một cái nhìn khái quát về vấn đề con người và phát
triển con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Trong sách “Tính tích cực chính trị của công dân Việt Nam trong xu thế hội
nhập quốc tế” của Nguyễn Thị Kim Hoa đã phân tích những tác động của hội nhập
quốc tế đến đời sống chính trị - xã hội Việt Nam, trong đó hội nhập quốc tế có thể
thúc đẩy tính tích cực chính trị của công dân, tạo điều kiện cho công dân chủ động
nâng cao văn hóa chính trị của mình… Từ đó, tác giả chỉ ra những thách thức và
yêu cầu đối với việc phát huy tính tích cực chính trị của công dân Việt Nam, chỉ ra
những hạn chế của công dân Việt Nam trong hội nhập quốc tế, trong đó có một số
hạn chế thuộc về vấn đề năng lực của con người Việt Nam. Đó là năng lực hội nhập
thực tế của công dân Việt Nam so với các nước khác còn hạn chế; công dân Việt
Nam thiếu kiến thức, kỹ năng hội nhập (kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử, kỹ năng
lao động, xử lý công việc, kỹ năng sống, kỹ năng hợp tác, kỹ năng tư duy phản
biện, kỹ năng sáng tạo, năng lực thực hành…) để chủ động tiếp cận những giá trị
mới [48, tr.153-163]…
Trong Đề tài khoa học cấp cơ sở “Giáo dục, đào tạo với việc phát triển con
người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay” của Bùi Thị Phương Thùy
[116] đã đưa ra một số cơ sở lý luận về vấn đề hội nhập quốc tế như khái niệm, tính
tất yếu khách quan của hội nhập quốc tế. Từ đó, tác giả cũng chỉ ra những tác động
của hội nhập quốc tế đến việc phát triển con người Việt Nam hiện nay trên cả chiều
hướng tích cực và tiêu cực. Luận giải về yêu cầu của hội nhập quốc tế đối với con
người Việt Nam hiện nay, theo tác giả, hội nhập quốc tế đòi hỏi: Một là, con người
cần tích cực học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu thực tiễn
hội nhập. Hai là, con người cần rèn luyện tốt các kỹ năng, nâng cao năng lực ứng
phó với những biến động của tiến trình hội nhập. Ba là, tiến trình hội nhập quốc tế
đặt ra yêu cầu nâng cao sức khoẻ, rèn luyện ý thức kỷ luật, hoàn thiện nhân cách,
phẩm chất đạo đức đối với con người. Những phân tích này là cơ sở để tác giả luận
án tham khảo trong xem xét tác động của hội nhập quốc tế và yêu cầu của phát triển
năng lực cá nhân con người trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
17
Trong bài viết “Một số yêu cầu đối với nguồn nhân lực Việt Nam trong quá
trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập Asean 2015” của Lê Trường
Giang, Ngô Văn Nam và Đặng Thìn Hùng [41] cũng đã chỉ ra một số yêu cầu cần
phải có ở nguồn nhân lực Việt Nam nhằm đáp ứng những đòi hỏi của thời kỳ công
nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập toàn cầu và khu vực Asean. Đó là kỹ năng
giao tiếp và làm việc tập thể; kỹ năng thông tin trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện
đại hóa; kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức triển khai công việc; kỹ năng làm việc
nhóm hiệu quả; kỹ năng thích ứng, giải quyết vấn đề nảy sinh, v.v..
Ngoài ra, một số công trình nghiên cứu như: “Nhà nước với việc phát huy
nội lực và ngoại lực trong hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay” Nguyễn Kim
Phượng [95]; sách “Vai trò của nhà nước Việt Nam trong chủ động và tích cực hội
nhập kinh tế quốc tế - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” của Hoàng Thị Kim Oanh
[87]; công trình “Hội nhập kinh tế quốc tế 30 năm nhìn lại” của Vũ Văn Phúc,
Phạm Minh Chính [93]… đã đưa ra những quan niệm về hội nhập quốc tế, nội dung
của hội nhập quốc tế; tính tất yếu khách quan của hội nhập quốc tế, phân tích những
kết quả đạt được, hạn chế và vấn đề đặt ra đối với nước ta trong thời kỳ hội nhập,
v.v.. Đây là những tham khảo cho tác giả trong nghiên cứu và luận giải về hội nhập
quốc tế, những tác động của hội nhập quốc tế đến sự phát triển năng lực cá nhân
con người.
Qua khảo sát, có thể thấy, đã có một số công trình đề cập đến những tác động
và yêu cầu của hội nhập quốc tế đối với việc phát triển con người Việt Nam, hay
phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam trên một số mặt, một số lĩnh vực
nhất định. Cho đến nay, số các công trình liên quan đến những tác động và yêu cầu
của hội nhập quốc tế đối với việc phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam
vẫn còn chưa nhiều.
1.2. CÁC NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ
VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG VIỆC PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CÁ NHÂN CON
NGƯỜI VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP QUỐC TẾ HIỆN NAY
Công trình “Nâng cao năng lực và phẩm chất của phóng viên báo chí trong
thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”của Hà Đăng [38]. Tác giả đã phân tích thực
trạng về năng lực, phẩm chất của phóng viên báo chí. Từ đó, tác giả đã chỉ ra những
18
vấn đề đặt ra cần phải giải quyết như: học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn
hạn chế; đạo đức nghề nghiệp của một số phóng viên đang là vấn đề báo động; trình
độ cập nhật chính trị, thông tin chưa đạt yêu cầu; trình độ sử dụng trang thiết bị
thông tin, ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình nhiệm vụ mới. Giải
quyết được những vấn đề này nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất của phóng viên
báo chí, đáp ứng ngang tầm đòi hỏi từ các điều kiện của quá trình công nghiệp hóa,
hiện đại hóa hiện nay.
Trong bài “Tiêu chuẩn công chức và vấn đề năng lực trong quá trình tiếp tục
cải cách công vụ, công chức” của Trần Anh Tuấn [131] lưu ý việc gắn tiêu chuẩn
công chức với tiêu chuẩn năng lực. Đồng thời, chỉ ra những bất cập trong thực trạng
năng lực cán bộ công chức là chưa chú trọng vấn đề năng lực của đội ngũ cán bộ
công chức. Tác giả khẳng định, năng lực của đội ngũ công chức hiện nay là yếu tố
quan trọng, ảnh hưởng quyết định đến kết quả hoạt động công vụ. Thể hiện rõ nhất
ở năng lực tham mưu, hoạch định chính sách; năng lực soạn thảo văn bản; năng lực
phối hợp làm việc với đồng nghiệp; năng lực làm việc theo nhóm; năng lực giao
tiếp và ứng xử trong hoạt động công vụ...
Công trình “Xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam phục vụ sự
nghiệp chấn hưng đất nước” của Nguyễn Văn Khánh [59] đã luận giải nhiều vấn đề
cả về lý luận và thực tiễn của việc phát triển nguồn lực trí tuệ Việt Nam. Trong đó,
một số bài viết đã chỉ rõ những thành tựu và hạn chế trong phát triển năng lực trí tuệ
con người Việt Nam mà cụ thể là của đội ngũ cán bộ khoa học về trình độ nhận
thức, năng lực tư duy, năng lực sáng tạo. Qua đây, tác giả luận án có thể kế thừa
được một số kết quả nghiên cứu nhất định trong việc nhận định về thực trạng phát
triển năng lực trí tuệ cho con người Việt Nam hiện nay.
Trong công trình “Vai trò của tri thức khoa học trong sự nghiệp công nghiệp
hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay” của Trần Hồng Lưu [69] đã phân tích thực
trạng nguồn nhân lực khoa học - công nghệ và tình hình sử dụng tri thức khoa học ở
nước ta hiện nay. Tác giả chỉ ra những ưu điểm và nhất là những hạn chế cần phải
khắc phục của nguồn nhân lực khoa học - công nghệ Việt Nam. Đa số lực lượng lao
động còn hạn chế về thể lực, tri thức khoa học, kỹ thuật và trình độ chuyên môn;
đội ngũ cán bộ công chức còn thiếu kiến thức quản lý nhà nước; đội ngũ lao động
19
trong lĩnh vực nghiên cứu, triển khai còn ít, thiếu điều kiện hoạt động, sáng tạo; sự
hẫng hụt về đội ngũ cán bộ đầu ngành, số cán bộ trẻ chưa theo kịp để đáp ứng nhu
cầu đổi mới, sáng tạo, v.v.. Nghiên cứu này cung cấp cho tác giả luận án có thêm cơ
sở để luận giải thực trạng phát triển năng lực trí tuệ và năng lực làm việc của con
người Việt Nam.
Cuốn sách “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa,
hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” của Vũ Văn Phúc, Nguyễn Duy Hùng [92], đã
phân tích thực trạng, những bất cập, thách thức và một số vấn đề đặt ra từ việc phát
triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn lực chất lượng cao nói riêng ở nước ta hiện
nay đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; v.v.. Có thể
thấy, tuy công trình không đề cập trực tiếp đến vấn đề phát triển năng lực con người
Việt Nam, song qua các chuyên đề cụ thể về phát triển nguồn nhân lực trên một số
ngành, lĩnh vực cụ thể, các tác giả cũng đề cập rải rác một số ưu điểm và hạn chế
trong phát triển năng lực con người Việt Nam trên các mặt như năng lực trí tuệ,
năng lực sáng tạo, năng lực tư duy, năng lực làm việc, năng lực thích ứng… của
người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Công trình “Khai thác và phát triển tài nguyên nhân lực Việt Nam” của
Nguyễn Văn Phúc, Mai Thị Thu [91] đã phân tích cụ thể thực trạng phát triển và sử
dụng tài nguyên nhân lực ở Việt Nam. Trong đó, nhóm tác giả chỉ ra những bất cập
của đội ngũ lao động Việt Nam hiện nay; những bất cập trong khai thác, sử dụng tài
nguyên nhân lực ở Việt Nam; và những bất cập trong phát triển tài nguyên nhân lực
ở Việt Nam một cách rất cụ thể. Chẳng hạn, lực lượng lao động Việt Nam chưa
được khai thác tốt; hiệu quả sử dụng lao động Việt Nam thấp; nhận thức chưa chính
xác và đầy đủ về tài nguyên nhân lực; hệ thống đào tạo, phát triển tài nguyên nhân
lực chưa đáp ứng được nhu cầu; mục tiêu, chương trình đào tạo, phát triển tài
nguyên nhân lực chưa rõ, chưa bám sát nhu cầu; lực lượng cán bộ trong hệ thống
đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu… Với sự phân tích những bất
cập trong phát triển và sử dụng tài nguyên nhân lực, chính là cơ sở quan trọng để
đưa ra các định hướng và giải pháp để giải quyết tình trạng này.
Bài viết “Yêu cầu của nhà tuyển dụng về những kỹ năng cơ bản dưới góc
nhìn của sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học xã hội và nhân văn” của Nguyễn
20
Thị Lan, Mai Linh [62] thông qua việc phân tích nhiều số liệu cụ thể để đánh giá
mức độ đáp ứng của sinh viên khi ra trường theo yêu cầu của nhà tuyển dụng như:
về mức độ đáp ứng các kỹ năng chuyên môn, về sự phù hợp của chuyên ngành
đào tạo với công việc, về khả năng đáp ứng các kỹ năng mềm… Đây cũng là một
gợi ý cho nghiên cứu sinh nghiên cứu đánh giá một số ưu điểm và hạn chế trong
việc phát triển một số năng lực cho con người Việt Nam như năng lực làm việc,
năng lực sống.
Bài viết “Chất lượng lao động trình độ cao ở Việt Nam: những hạn chế cơ
bản” của Nguyễn Bá Ngọc, Đặng Đỗ Quyên [83] đã phân tích, cung cấp một số
minh chứng, số liệu cụ thể cho tác giả luận án làm cơ sở thực tiễn để tiếp tục luận
giải những hạn chế về năng lực làm việc của con người Việt Nam trong điều kiện
hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, có nhiều bài viết đăng trên tạp chí, bản tin như: “Năng suất lao
động ở Việt Nam - từ góc nhìn cơ cấu lao động và kỹ năng” của Nguyễn Bá Ngọc,
Phạm Minh Thu [82], cũng đã chỉ ra những hạn chế cơ bản của người lao động Việt
Nam. Trong đó có hạn chế về năng lực làm việc, năng lực thích ứng…
Các số liệu điều tra như: “Báo cáo điều tra lao động và việc làm năm 2014,
2015, quý 1 năm 2016” [126]; “Niên giám thống kê năm 2014, 2015” của Tổng cục
thống kê [124]; [125]; hay “Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam” của Bộ
Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng cục thống kê [7]; “Bản tin ILO” của Văn
phòng ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) Việt Nam [139];… đã cung cấp những số
liệu quan trọng và cái nhìn tổng thể cho tác giả luận án đánh giá thực trạng phát
triển năng lực trí tuệ, năng lực làm việc, năng lực tư duy sáng tạo… của con người
Việt Nam hiện nay.
Qua đó, có thể thấy, số công trình liên quan đến đến thực trạng và những vấn
đề đặt ra đối với việc phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, nhất là trong
điều kiện hội nhập quốc tế còn khá ít ỏi, được đề cập rải rác trong những công trình
nghiên cứu khác nhau. Do đó, vấn đề đặt ra từ thực trạng phát triển năng lực con
người Việt Nam trong hội nhập quốc tế còn là một vấn đề khá mới mẻ. Hầu như
chưa có một công trình nào cung cấp một cách tổng thể những vấn đề liên quan đến
thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với việc phát triển năng lực cá nhân con
21
người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, những công
trình nghiên cứu trên, ở một khía cạnh nhất định, đã cung cấp cho tác giả luận án
những cơ sở, căn cứ, số liệu cụ thể cũng như gợi mở cách tiếp cận để luận giải
những vấn đề liên quan đến thực trạng phát triển năng lực cá nhân con người Việt
Nam. Nhiều công trình, nhiều nghiên cứu tuy không còn mới, nhưng cũng giúp tác
giả luận án có thêm cái nhìn tổng thể để có được những đánh giá đúng đắn về
những vấn đề nghiên cứu.
1.3. CÁC NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP
CHỦ YẾU NHẰM PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CÁ NHÂN CON NGƯỜI VIỆT NAM
TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP QUỐC TẾ HIỆN NAY
Trong “Tâm lý học nhân cách - Một số vấn đề lý luận” của Nguyễn Ngọc
Bích đã chỉ ra một số điều kiện để phát triển và bồi dưỡng năng lực của con người.
Một là, cần phải chú ý đến sự khác biệt cá nhân về năng lực. Điều này sẽ tạo điều
kiện phát triển phong phú và toàn diện các năng lực cho con người trong chừng
mực nhất định. Hai là, tạo điều kiện cho trẻ em tham gia vào các hoạt động là cách
tốt nhất để hình thành năng lực ở chúng. Ba là, hình thành và phát triển năng lực
cho học sinh không tách rời việc giáo dục đạo đức cho chúng. Bốn là, cần quan tâm
đúng mức đến trẻ em có năng khiếu và vấn đề bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Năm là, cần có phương pháp dạy dỗ đúng đắn để hình thành năng lực và tài năng
cho học sinh [2, tr.250, 266-273]. Tuy mới chỉ dừng lại ở việc phát triển năng lực
cho đối tượng là trẻ em, học sinh, nhưng cũng gợi mở một số hướng giải quyết cho
tác giả luận án khi xây dựng hệ thống phương hướng và giải pháp nhằm phát triển
năng lực cá nhân con người Việt Nam.
Trong sách “Sự phát triển của cá nhân trong nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa” của Đoàn Đức Hiếu đã đề xuất các giải pháp để phát triển
cá nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trong
đó, theo tác giả luận án, có một số giải pháp thiết thực có tác dụng thúc đẩy phát
triển cá nhân cũng như phát triển năng lực cá nhân con người trong điều kiện mới.
Đó là cần phải “quan tâm đến nhu cầu và lợi ích cá nhân”, bởi lợi ích cá nhân là
động lực quan trọng nhất “kích thích mọi người đi xây dựng tương lai” và cũng là
“điều kiện cho sự thực hiện lợi ích của cộng đồng”. Một giải pháp khác cũng là cần
22
thiết cho việc phát triển năng lực cá nhân con người đó là cần phải “xây dựng cơ
chế đánh giá cá nhân” một cách khách quan, khoa học tránh cào bằng, chủ quan,
định kiến trong đánh giá [47, tr.128-170]…
Bài viết “Phát huy năng lực sáng tạo, xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia
để hội nhập vào xu thế phát triển kinh tế tri thức toàn cầu” của Đặng Hữu [52] đã
chỉ ra những giải pháp cần phải thực hiện để phát huy năng lực sáng tạo của con
người nhằm đáp ứng yêu cầu của thời đại. Tác giả nhấn mạnh việc cần phải thiết lập
hệ thống đổi mới quốc gia, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên mọi mặt của đời sống
xã hội để phát triển kinh tế tri thức. Đồng thời, cần phải đẩy mạnh cải cách triệt để
nền giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - yếu tố chi phối nhất đối
với năng lực sáng tạo và tốc độ đổi mới. Mặt khác, cần phát triển và ứng dụng rộng
rãi công nghệ thông tin trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội - động lực mạnh mẽ thúc
đẩy đổi mới và phát triển, tiến vào kinh tế tri thức. Đây là những giải pháp khá hợp
lý nhằm phát huy năng lực sáng tạo của con người trong nền kinh tế tri thức và toàn
cầu hóa ở nước ta hiện nay.
Trong bài viết “Kích thích năng lực tư duy cho người học” của Bùi Thị
Hường [51] đã đưa ra một trong những phương pháp tích cực để khai thác năng lực
tiềm ẩn bên trong của người học, đó là phương pháp kích thích năng lực tư duy cho
người học. Để kích thích năng lực tư duy, người dạy phải biết tạo nên bốn phương
diện trong người học, đó là: 1) Tạo cho người học niềm say mê, hứng thú qua hoạt
động học tập. 2) Làm cho người học nhận rõ tương lai của bản thân phụ thuộc có
tính chất quyết định vào trình độ học vấn và các tri thức có được qua hoạt động học
tập của họ. 3) Tạo ra khả năng biết nỗ lực cá nhân ở người học, khả năng khắc phục
những lỗ hổng kiến thức của mình qua hoạt động học tập. 4) Từng bước làm cho
người học biết kết quả của nỗ lực cá nhân được biểu hiện thành bước tiến trong
trình độ tư duy của chính họ. Muốn kích thích bốn phương diện tinh thần của người
học, người dạy cần chú ý tới các điều kiện sau: năng lực người học, năng lực người
dạy, nội dung dạy học, môi trường và trình độ văn minh của thời đại.
Bài viết “Xây dựng và phát triển con người, nâng cao chất lượng nguồn lực
con người đã trở thành nhân tố quyết định sức mạnh của công cuộc đổi mới ở Việt
23
Nam hiện nay” của Nguyễn Thế Kiệt [61] đã phân tích tính cấp thiết của việc xây
dựng và phát triển con người Việt Nam trong công cuộc đổi mới hiện nay. Tác giả
đưa ra một số giải pháp để thực hiện thắng lợi công việc lớn lao này: Tiếp tục hoàn
thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp
hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức; Nâng cao chất lượng, hiệu quả
giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; Từng bước hoàn thiện và mở rộng dân
chủ xã hội chủ nghĩa; Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, làm trong sạch
bộ máy đảng và nhà nước. Đây cũng là một gợi ý quan trọng cho nghiên cứu sinh.
Bài viết “Tiêu chuẩn công chức và vấn đề năng lực trong quá trình tiếp tục
cải cách công vụ, công chức” của Trần Anh Tuấn [131] đã đề xuất một số ý kiến về
hoàn thiện tiêu chuẩn công chức gắn với yếu tố năng lực, theo hướng chú trọng yếu
tố năng lực, trọng dụng người có tài năng, năng lực trong hoạt động công vụ sẽ góp
phần tích cực nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, đáp ứng yêu cầu cải cách
hành chính, tiếp tục đổi mới chế độ công vụ, công chức ở nước ta hiện nay. Những
kiến nghị này cũng gợi mở cho tác giả trong việc nghiên cứu, đề xuất phát triển
năng lực cá nhân con người Việt Nam.
Công trình “Xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam phục vụ sự
nghiệp chấn hưng đất nước” của Nguyễn Văn Khánh [59] đã luận giải nhiều vấn đề
cả về lý luận và thực tiễn của việc phát triển nguồn lực trí tuệ Việt Nam. Trong đó,
nhiều bài viết đã đưa ra một số quan điểm định hướng, giải pháp nhằm phát huy
nguồn lực trí tuệ con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất
nước. Từ những giải pháp vĩ mô, vi mô, cho đến những kiến nghị, đề xuất đều
nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực trí tuệ, phát triển năng lực trí tuệ con người
Việt Nam cả về nguồn lực khoa học công nghệ, cũng như nguồn lực khoa học xã
hội trên các mặt như trình độ nhận thức, năng lực tư duy, năng lực sáng tạo...
Cuốn sách “Vai trò của pháp luật trong quá trình hình thành nhân cách”
của Nguyễn Đình Đặng Lục đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ “giáo dục và bồi dưỡng
kỹ năng sống nhằm hình thành những phẩm chất cá nhân cả về đạo đức và chuyên
môn, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển” [67, tr.230]. Bởi, theo tác giả, kỹ
năng sống là khái niệm có nội hàm rất rộng, đó là năng lực cá nhân để thực hiện
đầy đủ các nghĩa vụ trong quá trình tham gia vào đời sống hàng ngày của cộng
24
đồng, là những năng lực đáp ứng và những hành vi tích cực giúp cá nhân giải
quyết hiệu quả những yêu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày, là khả năng
vận dụng những kiến thức thu được vào thực tế… Từ đó, tác giả đưa ra nhiều biện
pháp cụ thể nhằm giáo dục, bồi dưỡng kỹ năng sống trong giáo dục pháp luật
trong quá trình hình thành nhân cách cho con người Việt Nam nói chung và cho
thế hệ trẻ nói riêng.
Bài viết “Chất lượng lao động trình độ cao ở Việt Nam: những hạn chế cơ
bản” của Nguyễn Bá Ngọc, Đặng Đỗ Quyên [83] đã chỉ ra quan điểm, phương
hướng phải nâng cao chất lượng lao động trình độ cao ở Việt Nam phải trở thành
nhân tố quan trọng nhất trong cạnh tranh và phát triển. Để làm được điều đó, nhóm
tác giả đã chỉ ra một số giải pháp cơ bản: 1. Tạo dựng môi trường và vị thế cho lao
động trình độ cao hoạt động; 2. Đổi mới giáo dục - đào tạo theo hướng chuẩn hóa,
hiện đại; 3. Đổi mới mô hình tăng trưởng, thực sự coi khoa học- công nghệ là quốc
sách hàng đầu; 4. Kết nối cung - cầu lao động trình độ cao và quản trị thị trường lao
động. Đây là những giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng lao động, cũng như
nâng cao năng lực làm việc của con người Việt Nam.
Bài viết “Một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam
nhằm đáp ứng tốt hơn với yêu cầu của thị trường lao động khi hội nhập AEC” của
Lê Thu Huyền, Nguyễn Thị Hồng Hạnh [56] đã chỉ ra các giải pháp nhằm nâng
cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động khi hội
nhập. Trong đó, tác giả có đề cập đến một số giải pháp liên quan đến nâng cao
năng lực cho người lao động trên các mặt như nâng cao trình độ chuyên môn, tác
phong nghề nghiệp, kỹ năng mềm, rèn luyện tay nghề... Chẳng hạn, xây dựng cơ
chế để doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động tham gia xây dựng, đánh giá, điều
chỉnh chương trình đào tạo, hướng dẫn thực hành, thực tập và đánh giá năng lực
người học, hướng tới doanh nghiệp phải là chủ thể đào tạo nghề nghiệp; chuyển
chương trình đào tạo từ chủ yếu trang bị kiến thức sang mục tiêu phát triển kỹ
năng và năng lực thực hành nghề cho người học; chú trọng đào tạo cơ bản và đào
tạo nâng cao kỹ năng mềm, rèn luyện tác phong nghề nghiệp đặc biệt đào tạo kiến
thức về ngoại ngữ; v.v..
25
Ngoài ra, trong một số công trình khác cũng đề xuất các quan điểm và giải
pháp nhằm xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện
đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, phát triển con người Việt Nam hiện đại một
cách toàn diện… Chẳng hạn, sách “Triết học Mác - Lênin về con người và xây dựng
con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” của Vũ Thiện
Vương [143]; Luận án “Quan điểm của C.Mác về phát triển con người và sự vận
dụng ở Việt Nam hiện nay” của Nguyễn Văn Sơn [103]; Luận án “Vấn đề phát triển
con người toàn diện ở Việt Nam hiện nay” của Phùng Danh Cường [25] v.v.. Đây là
những quan điểm định hướng và giải pháp khá cụ thể, gợi mở cho tác giả luận án
một số ý tưởng trong việc đưa ra hệ thống những giải pháp phù hợp cho vấn đề của
luận án.
Có thể khẳng định, trong những nghiên cứu trên đây chưa có công trình nào
đưa ra một hệ thống toàn diện các quan điểm và giải pháp trong việc phát triển năng
lực cá nhân con người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế. Song, từ những
lát cát và những góc độ khác nhau, phần nào các công trình này đã đưa ra được một
số quan điểm, giải pháp cụ thể nhằm phát triển năng lực cá nhân con người Việt
Nam ở một số mặt cụ thể của năng lực. Đây chính là những gợi mở cho tác giả luận
án trong xây dựng hệ thống một số quan điểm và giải pháp về phát triển năng lực cá
nhân con người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay.
1.4. GIÁ TRỊ CỦA CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU ĐÃ TỔNG QUAN VÀ
NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU, LÀM SÁNG TỎ THÊM
Giá trị của các công trình nghiên cứu đã tổng quan dưới góc độ tiếp cận
của đề tài luận án
Các công trình nghiên cứu nêu trên có những giá trị mà trong quá trình
nghiên cứu tác giả luận án có thể tham khảo và kế thừa, cụ thể:
Một là, các công trình nghiên cứu đã làm sáng tỏ trên nhiều phương diện về
khái niệm con người, cá nhân; khái niệm phát triển con người, phát triển cá nhân;
khái niệm năng lực, phát triển năng lực... Trong các công trình này, hầu hết các tác
giả đã phân tích chỉ rõ những yêu cầu và tầm quan trọng của việc phát triển con
người; hay phát triển năng lực cho một số đối tượng cá nhân cụ thể, trên một vài
năng lực cụ thể của con người; cung cấp một số quan niệm về hội nhập quốc tế và
26
tính tất yếu, sự tác động của hội nhập quốc tế đến đời sống kinh tế - xã hội cũng như
con người… Những kết quả nghiên cứu đó ít nhiều cung cấp cho tác giả những cơ
sở lý luận về con người và sự phát triển con người, sự phát triển toàn diện của cá
nhân con người; về sự phát triển năng lực cụ thể cho cá nhân con người; về khái
niệm hội nhập quốc tế và tác động của hội nhập quốc tế đến phát triển năng lực cá
nhân con người Việt Nam. Thông qua đó, tác giả có những căn cứ để luận chứng
cho những vấn đề lý luận của mình trong đề tài, nhất là vấn đề về sự phát triển toàn
diện năng lực cá nhân con người.
Hai là, thông qua các nghiên cứu trên, các tác giả đã phân tích thực trạng,
đưa ra mặt tích cực và hạn chế của việc phát triển con người, phát triển cá nhân; hay
phát triển năng lực con người trong từng năng lực cụ thể (như năng lực sáng tạo,
năng lực tổ chức thực tiễn, năng lực thích ứng nghề, năng lực tư duy...), cho một số
đối tượng cụ thể (như học sinh, sinh viên, cán bộ lãnh đạo quản lý...). Đồng thời, chỉ
ra một số vấn đề đặt ra và những nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, yếu kém
trong xây dựng, phát triển con người và phát triển một số năng lực cụ thể cho con
người Việt Nam ở một số đối tượng nhất định trong quá trình đổi mới, đáp ứng yêu
cầu của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.
Qua đó, tác giả luận án có thể kế thừa ở mức độ nhất định việc phân tích thực
trạng của việc phát triển một số năng lực cụ thể cho những đối tượng cụ thể của con
người Việt Nam. Trên cơ sở đó, tác giả luận án có một số căn cứ để phân tích, khái
quát vấn đề thực trạng phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam nói chung
trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Ba là, các công trình nghiên cứu cũng đã bước đầu làm rõ quan điểm của
Đảng, Nhà nước ta đối với việc xây dựng và phát triển con người Việt Nam hay
phát triển một số năng lực cụ thể của con người. Từ đó đã đưa ra một số quan điểm
cơ bản, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển con người hay phát triển một số năng lực
cụ thể cho các đối tượng nhất định nhằm đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa,
hiện đại hóa, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Đây là những cơ sở giúp đề tài luận án
khái quát, tìm ra những quan điểm và giải pháp cụ thể, phù hợp cho vấn đề mà luận
án cần giải quyết.
27
Những mảng trống trong các công trình nghiên cứu đã tổng quan dưới
góc độ tiếp cận của đề tài luận án
Bên cạnh những giá trị nhất định về mặt khoa học của các công trình nghiên
cứu đã tổng quan nêu trên đối với đề tài luận án, dưới góc độ nghiên cứu của đề tài
luận án thì những công trình đó còn một số vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu làm
sáng tỏ.
Nhìn chung, tuy đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề lý luận về
phát triển cá nhân con người, phát triển năng lực con người trên nhiều bình diện,
nhiều góc độ khác nhau, nhưng những công trình nghiên cứu về năng lực và phát
triển năng lực con người lại chủ yếu được nhìn nhận dưới góc độ tâm lý học, giáo
dục học, xã hội học, kinh tế học, v.v.. Hầu như chưa có một công trình nào nghiên
cứu vấn đề phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu
của điều kiện hội nhập quốc tế dưới góc độ triết học một cách hệ thống.
Đồng thời, tuy đã có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề năng lực của con
người, nhưng lại chỉ đi vào một năng lực cụ thể nhất định như năng lực tổ chức thực
tiễn, năng lực tư duy, năng lực sáng tạo, năng lực thích ứng…, hay là năng lực,
phẩm chất của một đối tượng cụ thể như người cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh
viên… Có thể nói, cho đến nay, chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách hệ
thống vấn đề phát triển năng lực cá nhân con người nói chung, nhất là vấn đề phát
triển năng lực cá nhân con người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế.
Đã có nhiều các công trình nghiên cứu về vấn đề phát triển con người, phát
triển một số năng lực cụ thể của con người trong những điều kiện khác nhau của đất
nước, như kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa, kinh tế tri
thức, v.v.. Tuy nhiên, số lượng công trình có nghiên cứu về phát triển năng lực cá
nhân con người Việt Nam nói chung đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế còn khá
thưa thớt. Do vậy, những vấn đề cần phải giải quyết về mặt khái niệm, thực trạng và
hệ thống giải pháp nhằm phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam trong
điều kiện hội nhập quốc tế còn là một mảng trống lớn.
Một số vấn đề mà luận án cần tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ.
Có thể nói, những kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học trên có giá
trị và ý nghĩa nhất định đối với tác giả luận án. Đó là những tài liệu góp phần gợi
28
mở, định hướng cho tác giả luận án một số vấn đề khoa học cần được nghiên cứu,
làm sáng rõ trong điều kiện hiện nay. Một số công trình đã góp phần cung cấp cho
luận án những căn cứ khoa học để khái quát, vận dụng, nghiên cứu, luận giải vấn đề
đặt ra cần giải quyết trong đề tài luận án.
Cho đến nay, vấn đề phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam trong
thời kỳ hội nhập quốc tế dưới góc độ triết học một cách hệ thống vẫn chưa có một
công trình nào nghiên cứu giải quyết. Vì vậy, tác giả luận án đã chọn vấn đề này
làm đề tài nghiên cứu. Hướng nghiên cứu của đề tài luận án sẽ tập trung giải quyết
một số vấn đề cơ bản sau:
Một là, nghiên cứu làm rõ mặt lý luận về năng lực, phát triển năng lực cá
nhân con người và một số vấn đề lý luận về hội nhập quốc tế. Đặc biệt, chỉ ra những
yêu cầu của hội nhập quốc tế đối với việc phát triển năng lực cá nhân con người
Việt Nam.
Hai là, nghiên cứu làm rõ mặt thực tiễn của việc phát triển năng lực cá nhân
con người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế. Nghĩa là phân tích thực
trạng, chỉ ra mặt tích cực, hạn chế trong việc phát triển năng lực cá nhân con người
Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế những năm qua. Từ đó, chỉ ra nguyên
nhân của hạn chế và một số vấn đề đặt ra từ thực trạng này.
Ba là, đề xuất một số quan điểm và các nhóm giải pháp cơ bản có tính thực
tiễn, khả thi, phù hợp điều kiện Việt Nam nhằm phát triển năng lực cá nhân con
người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Đây là những vấn đề có ý nghĩa thực tiễn cấp bách, cần phải tiếp tục nghiên
cứu cụ thể, đề ra những giải pháp đúng đắn nhằm phát triển năng lực cá nhân con
người Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của hội nhập quốc tế - một đòi hỏi cấp thiết
từ tình hình thực tiễn của đất nước. Thực hiện đề tài luận án chính là góp phần vào
nhiệm vụ trên.
29
Chương 2
PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CÁ NHÂN CON NGƯỜI VIỆT NAM
TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP QUỐC TẾ - MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN
2.1. PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CÁ NHÂN CON NGƯỜI VIỆT NAM - KHÁI
NIỆM, THỰC CHẤT VÀ NHỮNG NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG
2.1.1. Khái niệm năng lực cá nhân
Để hiểu khái niệm năng lực cá nhân, trước hết cần tìm hiểu khái niệm năng
lực. Có rất nhiều quan điểm khác nhau về năng lực tùy theo góc độ tiếp cận. Trong
quan điểm của các nhà triết học mácxít, năng lực và năng lực cá nhân con người
được đặt trong tổng hòa về phẩm chất, nhân cách của con người. Con người là một
thực thể thống nhất giữa cái tự nhiên và cái xã hội. Với tư cách là thực thể tự nhiên,
hơn nữa là thực thể tự nhiên sống, con người “được phú cho những lực lượng tự
nhiên, những lực lượng sống, nó là thực thể tự nhiên hoạt động; những lực lượng đó
tồn tại trong nó dưới hình thức thiên bẩm và năng lực, dưới hình thức năng khiếu”
[17, tr.342]. Như vậy, các năng lực hình thành trên cơ sở của các tư chất tự nhiên
bẩm sinh và dưới hình thức năng khiếu. Tuy nhiên, trên cơ sở chung của các đặc
điểm năng lực giống loài, những động cơ, hứng thú, nhân cách được hình thành phụ
thuộc vào điều kiện xã hội cụ thể của cuộc sống cá nhân, hay là “tính hiện thực”, là
các mối “quan hệ xã hội” của con người. Mỗi cá nhân biến tiềm năng giống loài,
tiềm năng của các mối quan hệ xã hội thành nhân cách thông qua hoạt động, học
tập, giáo dục trong điều kiện lịch sử cụ thể của đời sống cá nhân. Năng lực được đặt
trong tổng hòa nhân cách, phẩm chất của con người, nhưng năng lực con người
không phải hoàn toàn tự nhiên mà chủ yếu do hoạt động, học tập, rèn luyện và giáo
dục mà có. Theo C.Mác, “tư tưởng căn bản không thể thực hiện được cái gì hết.
Muốn thực hiện tư tưởng thì cần có những con người sử dụng lực lượng thực tiễn”
[11, tr.181] và “đời sống thực tiễn” là nơi sản sinh ra mọi năng lực, tài năng.
Theo C.Mác và Ph. Ăngghen, năng lực của mỗi người chính là sức mạnh
vốn có hoặc do học tập, rèn luyện, tu dưỡng dưới dạng tiềm năng, khả năng,
mang tính chủ quan kết hợp với những lực lượng vật chất khơi dậy tiềm năng
sức mạnh đó của mỗi cá nhân nhằm đạt được mục tiêu nhất định. C.Mác và
Ph.Ăngghen cho rằng:
30
Cái năng lực cho đến nay chỉ tồn tại như một tiềm năng ở những cá nhân
tự giải phóng mình, bắt đầu hoạt động như là một sức mạnh thực sự,
hoặc là cái sức mạnh đã tồn tại đó lớn lên nhờ việc thủ tiêu sự hạn chế.
Việc thủ tiêu sự hạn chế, kết quả đơn thuần của sự sáng tạo ra sức mạnh
mới, tất nhiên có thể được coi là cái chủ yếu [12, tr.439].
Kế thừa quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin cho rằng, thông
qua hoạt động thực tiễn, con người mới phát lộ tài năng. Những phẩm chất “kết hợp
với năng lực hiểu biết về con người, với năng lực giải quyết những vấn đề tổ chức,
thì... mới có thể rèn luyện ra những nhà tổ chức lớn” [137, tr.94]. Tuy chưa đưa ra
quan niệm về năng lực, nhưng V.I.Lênin luôn đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ trong xây
dựng xã hội mới, phải chú trọng phát triển các năng lực cho con người, nhất là đội
ngũ lãnh đạo như năng lực lao động, năng lực nhận thức, năng lực tư duy, năng lực
tổ chức thực tiễn, năng lực lãnh đạo,... Theo ông, “một trong những nhiệm vụ quan
trọng bậc nhất trong sự nghiệp xây dựng quân đội là đào tạo những chiến sĩ có năng
lực nhất, có nghị lực nhất và trung thành nhất với sự nghiệp của chủ nghĩa xã hội,
để họ lên nắm các chức vụ chỉ huy” [137, tr.514], hay, “điều rất quan trọng là tìm ra
được một đồng chí có đủ những năng lực” [137, tr.274]...
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, năng lực chính là mặt “tài” của con người.
Bên cạnh “đức” thì “tài” là một yếu tố không thể thiếu được của con người, nhất
là với người cán bộ. Người cán bộ phải “chuyên”, phải có “tài”, có năng lực, trí
tuệ, trình độ chuyên môn, có năng lực lãnh đạo, quản lý, có năng lực tổ chức thực
hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước,v.v.. Nhận thức rõ vai
trò, tầm quan trọng của năng lực, Người đặc biệt chú trọng việc tuyển dụng
“những người có năng lực, có đạo đức vào gánh vác công việc to tát của quốc gia”
[71, tr.132]. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “bất kỳ cơ quan nào, bộ đội nào,
cũng cần phải chọn một nhóm người hăng hái, trung thành, có năng lực, giữ kỷ
luật, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo” [72, tr.330]. Vì vậy, “Việc
dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe... Tài to ta
dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay
vào việc ấy” [71, tr.43]...
Có thể thấy, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin và Chủ tịch Hồ
Chí Minh chưa đưa ra định nghĩa đầy đủ về năng lực, nhưng đã đưa ra những gợi
31
mở, định hướng cho việc xây dựng khái niệm cũng như việc phát triển năng lực
con người cho các nhà nghiên cứu sau này. Cho đến nay, đã có nhiều nhà nghiên
cứu, tùy theo mỗi góc độ tiếp cận, hiểu khái niệm năng lực theo nhiều chiều cạnh
khác nhau.
Nhiều nhà nghiên cứu quan niệm năng lực là một tổ hợp phẩm chất tâm lý cá
nhân, là tổng hợp những thuộc tính độc đáo của con người; năng lực của con người
luôn gắn liền với hoạt động của chính họ. Để thực hiện có hiệu quả các hoạt động
của mình, con người cần phải có một số phẩm chất tâm lý cần thiết và tổ hợp những
phẩm chất này được gọi là năng lực. Khi nói đến năng lực cần phải hiểu năng lực
không phải là một thuộc tính tâm lý duy nhất nào đó mà là tổng hợp các thuộc tính
tâm lý cá nhân đáp ứng được những yêu cầu hoạt động thực tiễn và bảo đảm hoạt
động đó đạt được kết quả tối ưu. Theo tác giả Phạm Tất Dong: “Năng lực là sự tổng
hợp những thuộc tính của cá nhân con người, đáp ứng những yêu cầu của hoạt động
và đảm bảo cho hoạt động đạt được những kết quả cao” [26, tr.72].
Phạm Minh Hạc cũng khẳng định: “Năng lực chính là một tổ hợp đặc điểm
tâm lý của một con người (còn gọi là tổ hợp thuộc tính tâm lý của nhân cách), tổ
hợp đặc điểm này vận hành theo một mục đích nhất định, tạo ra kết quả của một
hoạt động nào đấy”, hay, “năng lực là các đặc điểm tâm lý cá biệt tạo thành điều
kiện quy định tốc độ, chiều sâu, cường độ của việc tác động và đối tượng lao động”
[42, tr.146]. Lê Thị Bừng và Nguyễn Thị Vân Hương cũng quan niệm, năng lực là
“tổng hợp những thuộc tính độc đáo của cá nhân, phù hợp với những yêu cầu đặc
trưng của một hoạt động nhất định, nhằm đảm bảo việc hoàn thành có kết quả tốt
trong lĩnh vực hoạt động ấy” [10, tr.10]... Các nhà nghiên cứu ở góc độ tiếp cận này
đã khẳng định năng lực là một thuộc tính tâm lý vô cùng quan trọng đối với mỗi
con người. Năng lực là tổng hợp các đặc điểm, thuộc tính tâm lý của cá nhân phù
hợp với yêu cầu đặc trưng của một hoạt động nhất định nhằm đảm bảo cho hoạt
động đó đạt hiệu quả cao. Năng lực cho biết con người có thể làm được gì và làm
đến đâu, nó bảo đảm cho con người tiến hành được các hoạt động cải tạo tự nhiên
và xã hội hiệu quả.
Bên cạnh đó, có rất nhiều người coi năng lực là khả năng, tiềm năng, kỹ
năng… bẩm sinh sẵn có hoặc được hình thành thông qua rèn luyện của con người
nhằm đạt được hiệu quả hành động. Theo Amartya Sen, năng lực là tổ hợp khả
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY
Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY

More Related Content

What's hot

Luận văn: Biện pháp quản lý hoạt động tự học của sinh viên trường Đại học Sư ...
Luận văn: Biện pháp quản lý hoạt động tự học của sinh viên trường Đại học Sư ...Luận văn: Biện pháp quản lý hoạt động tự học của sinh viên trường Đại học Sư ...
Luận văn: Biện pháp quản lý hoạt động tự học của sinh viên trường Đại học Sư ...Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
56 câu hỏi tự luạn và đáp án môn tư tưởng hồ chính minh - tincanban.com
56 câu hỏi tự luạn và đáp án môn tư tưởng hồ chính minh - tincanban.com56 câu hỏi tự luạn và đáp án môn tư tưởng hồ chính minh - tincanban.com
56 câu hỏi tự luạn và đáp án môn tư tưởng hồ chính minh - tincanban.comThùy Linh
 
Bất bình đẳng giới trong giáo dục - nội dung
Bất bình đẳng giới trong giáo dục - nội dungBất bình đẳng giới trong giáo dục - nội dung
Bất bình đẳng giới trong giáo dục - nội dungBinh Boong
 
Đề tài: Phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên Đại học Sài Gòn đáp ứng yêu cầu ...
Đề tài: Phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên Đại học Sài Gòn đáp ứng yêu cầu ...Đề tài: Phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên Đại học Sài Gòn đáp ứng yêu cầu ...
Đề tài: Phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên Đại học Sài Gòn đáp ứng yêu cầu ...Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
Đặc điểm lao động sư phạm của nhà giáo
Đặc điểm lao động sư phạm của nhà giáoĐặc điểm lao động sư phạm của nhà giáo
Đặc điểm lao động sư phạm của nhà giáoTrang Le
 
Luận văn: Nhận thức, thái độ, hành vi của sinh viên đối với vấn đề quan hệ tì...
Luận văn: Nhận thức, thái độ, hành vi của sinh viên đối với vấn đề quan hệ tì...Luận văn: Nhận thức, thái độ, hành vi của sinh viên đối với vấn đề quan hệ tì...
Luận văn: Nhận thức, thái độ, hành vi của sinh viên đối với vấn đề quan hệ tì...Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
Bai tieu luan (6) lý luận dạy học đại học
Bai tieu luan (6) lý luận dạy học đại họcBai tieu luan (6) lý luận dạy học đại học
Bai tieu luan (6) lý luận dạy học đại họcDr ruan
 

What's hot (20)

Đề tài: Phẩm chất, năng lực cán bộ quản lý giáo dục ở Sóc Trăng
Đề tài: Phẩm chất, năng lực cán bộ quản lý giáo dục ở Sóc TrăngĐề tài: Phẩm chất, năng lực cán bộ quản lý giáo dục ở Sóc Trăng
Đề tài: Phẩm chất, năng lực cán bộ quản lý giáo dục ở Sóc Trăng
 
Luận văn: Biện pháp quản lý hoạt động tự học của sinh viên trường Đại học Sư ...
Luận văn: Biện pháp quản lý hoạt động tự học của sinh viên trường Đại học Sư ...Luận văn: Biện pháp quản lý hoạt động tự học của sinh viên trường Đại học Sư ...
Luận văn: Biện pháp quản lý hoạt động tự học của sinh viên trường Đại học Sư ...
 
Luận văn: Quản lý hoạt động học tập của sinh viên trường đại học
Luận văn: Quản lý hoạt động học tập của sinh viên trường đại họcLuận văn: Quản lý hoạt động học tập của sinh viên trường đại học
Luận văn: Quản lý hoạt động học tập của sinh viên trường đại học
 
Luận văn: Giảng dạy môn triết học Mác-Lênin tại Trường Chính trị
Luận văn: Giảng dạy môn triết học Mác-Lênin tại Trường Chính trịLuận văn: Giảng dạy môn triết học Mác-Lênin tại Trường Chính trị
Luận văn: Giảng dạy môn triết học Mác-Lênin tại Trường Chính trị
 
56 câu hỏi tự luạn và đáp án môn tư tưởng hồ chính minh - tincanban.com
56 câu hỏi tự luạn và đáp án môn tư tưởng hồ chính minh - tincanban.com56 câu hỏi tự luạn và đáp án môn tư tưởng hồ chính minh - tincanban.com
56 câu hỏi tự luạn và đáp án môn tư tưởng hồ chính minh - tincanban.com
 
Bất bình đẳng giới trong giáo dục - nội dung
Bất bình đẳng giới trong giáo dục - nội dungBất bình đẳng giới trong giáo dục - nội dung
Bất bình đẳng giới trong giáo dục - nội dung
 
Đề tài: Phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên Đại học Sài Gòn đáp ứng yêu cầu ...
Đề tài: Phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên Đại học Sài Gòn đáp ứng yêu cầu ...Đề tài: Phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên Đại học Sài Gòn đáp ứng yêu cầu ...
Đề tài: Phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên Đại học Sài Gòn đáp ứng yêu cầu ...
 
Luận văn: Thái độ đối với hoạt động thực tập của sinh viên, HAY
Luận văn: Thái độ đối với hoạt động thực tập của sinh viên, HAYLuận văn: Thái độ đối với hoạt động thực tập của sinh viên, HAY
Luận văn: Thái độ đối với hoạt động thực tập của sinh viên, HAY
 
Luận văn: Nhận thức của sinh viên về giá trị sống theo UNESCO
Luận văn: Nhận thức của sinh viên về giá trị sống theo UNESCOLuận văn: Nhận thức của sinh viên về giá trị sống theo UNESCO
Luận văn: Nhận thức của sinh viên về giá trị sống theo UNESCO
 
Đặc điểm lao động sư phạm của nhà giáo
Đặc điểm lao động sư phạm của nhà giáoĐặc điểm lao động sư phạm của nhà giáo
Đặc điểm lao động sư phạm của nhà giáo
 
Luận văn: Nhận thức, thái độ, hành vi của sinh viên đối với vấn đề quan hệ tì...
Luận văn: Nhận thức, thái độ, hành vi của sinh viên đối với vấn đề quan hệ tì...Luận văn: Nhận thức, thái độ, hành vi của sinh viên đối với vấn đề quan hệ tì...
Luận văn: Nhận thức, thái độ, hành vi của sinh viên đối với vấn đề quan hệ tì...
 
Bai tieu luan (6) lý luận dạy học đại học
Bai tieu luan (6) lý luận dạy học đại họcBai tieu luan (6) lý luận dạy học đại học
Bai tieu luan (6) lý luận dạy học đại học
 
Luận văn: Nhận thức của sinh viên đại học về sức khỏe sinh sản, HAY!
Luận văn: Nhận thức của sinh viên đại học về sức khỏe sinh sản, HAY!Luận văn: Nhận thức của sinh viên đại học về sức khỏe sinh sản, HAY!
Luận văn: Nhận thức của sinh viên đại học về sức khỏe sinh sản, HAY!
 
Luận án: Phát huy nhân tố con người trong phát triển kinh tế ở Lào
Luận án: Phát huy nhân tố con người trong phát triển kinh tế ở LàoLuận án: Phát huy nhân tố con người trong phát triển kinh tế ở Lào
Luận án: Phát huy nhân tố con người trong phát triển kinh tế ở Lào
 
Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên ĐH Nông Lâm, HAY
Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên ĐH Nông Lâm, HAYHoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên ĐH Nông Lâm, HAY
Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên ĐH Nông Lâm, HAY
 
Đề tài: Xây dựng đội ngũ giảng viên của Trường ĐH Nội vụ Hà Nội
Đề tài: Xây dựng đội ngũ giảng viên của Trường ĐH Nội vụ Hà NộiĐề tài: Xây dựng đội ngũ giảng viên của Trường ĐH Nội vụ Hà Nội
Đề tài: Xây dựng đội ngũ giảng viên của Trường ĐH Nội vụ Hà Nội
 
Luận văn: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên, 9đ
Luận văn: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên, 9đLuận văn: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên, 9đ
Luận văn: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho sinh viên, 9đ
 
Luận văn: Nhận thức và thái độ về các mạng xã hội của học sinh
Luận văn: Nhận thức và thái độ về các mạng xã hội của học sinhLuận văn: Nhận thức và thái độ về các mạng xã hội của học sinh
Luận văn: Nhận thức và thái độ về các mạng xã hội của học sinh
 
Đề tài: Bảo tồn và phát huy văn hóa hát Xẩm tại Ninh Bình, HOT
Đề tài: Bảo tồn và phát huy văn hóa hát Xẩm tại Ninh Bình, HOTĐề tài: Bảo tồn và phát huy văn hóa hát Xẩm tại Ninh Bình, HOT
Đề tài: Bảo tồn và phát huy văn hóa hát Xẩm tại Ninh Bình, HOT
 
Đề tài: Phát triển đội ngũ giảng viên ở Trường CĐ Văn hóa, HAY
Đề tài: Phát triển đội ngũ giảng viên ở Trường CĐ Văn hóa, HAYĐề tài: Phát triển đội ngũ giảng viên ở Trường CĐ Văn hóa, HAY
Đề tài: Phát triển đội ngũ giảng viên ở Trường CĐ Văn hóa, HAY
 

Similar to Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY

Luân Văn Phát Triển Nguồn Nhân Lực Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại Cổ Phần Ngoại Thƣ...
Luân Văn Phát Triển Nguồn Nhân Lực Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại Cổ Phần Ngoại Thƣ...Luân Văn Phát Triển Nguồn Nhân Lực Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại Cổ Phần Ngoại Thƣ...
Luân Văn Phát Triển Nguồn Nhân Lực Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại Cổ Phần Ngoại Thƣ...Dịch vụ viết đề tài trọn gói 0934.573.149
 
Luận văn thạc sỹ giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Luận văn thạc sỹ giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lựcLuận văn thạc sỹ giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Luận văn thạc sỹ giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lựcLuan van Viet
 
VẤN ĐỀ KHAI THÁC NỘI LỰC VÀ NGOẠI LỰC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY_10330112052019
VẤN ĐỀ KHAI THÁC NỘI LỰC VÀ NGOẠI LỰC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY_10330112052019VẤN ĐỀ KHAI THÁC NỘI LỰC VÀ NGOẠI LỰC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY_10330112052019
VẤN ĐỀ KHAI THÁC NỘI LỰC VÀ NGOẠI LỰC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY_10330112052019hanhha12
 
Vấn đề khai thác nội lực và ngoại lực ở việt nam hiện nay 5513183
Vấn đề khai thác nội lực và ngoại lực ở việt nam hiện nay 5513183Vấn đề khai thác nội lực và ngoại lực ở việt nam hiện nay 5513183
Vấn đề khai thác nội lực và ngoại lực ở việt nam hiện nay 5513183nataliej4
 
VẤN ĐỀ KHAI THÁC NỘI LỰC VÀ NGOẠI LỰC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY.pdf
VẤN ĐỀ KHAI THÁC NỘI LỰC VÀ NGOẠI LỰC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY.pdfVẤN ĐỀ KHAI THÁC NỘI LỰC VÀ NGOẠI LỰC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY.pdf
VẤN ĐỀ KHAI THÁC NỘI LỰC VÀ NGOẠI LỰC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY.pdfHanaTiti
 
Giá trị đạo đức truyền thống trong xây dựng nhân cách thanh niên Việt Nam - G...
Giá trị đạo đức truyền thống trong xây dựng nhân cách thanh niên Việt Nam - G...Giá trị đạo đức truyền thống trong xây dựng nhân cách thanh niên Việt Nam - G...
Giá trị đạo đức truyền thống trong xây dựng nhân cách thanh niên Việt Nam - G...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Luận án: Giá trị đạo đức truyền thống với việc xây dựng nhân cách thanh niên ...
Luận án: Giá trị đạo đức truyền thống với việc xây dựng nhân cách thanh niên ...Luận án: Giá trị đạo đức truyền thống với việc xây dựng nhân cách thanh niên ...
Luận án: Giá trị đạo đức truyền thống với việc xây dựng nhân cách thanh niên ...Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 
3. De cuong mon CNXHKH.doc
3. De cuong mon CNXHKH.doc3. De cuong mon CNXHKH.doc
3. De cuong mon CNXHKH.docNguyenThi954833
 
3. De cuong mon CNXHKH.doc
3. De cuong mon CNXHKH.doc3. De cuong mon CNXHKH.doc
3. De cuong mon CNXHKH.docNguyenThi954833
 
Biện pháp phát triển nguồn nhân lực tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cảng ...
Biện pháp phát triển nguồn nhân lực tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cảng ...Biện pháp phát triển nguồn nhân lực tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cảng ...
Biện pháp phát triển nguồn nhân lực tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cảng ...nataliej4
 
Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH NN, NT Hưng Yên giai đoạn ...
Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH NN, NT Hưng Yên giai đoạn ...Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH NN, NT Hưng Yên giai đoạn ...
Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH NN, NT Hưng Yên giai đoạn ...NuioKila
 
Luận Văn Phát Triển Nguồn Nhân Lực Các Ngân Hàng Thương Mại Việt Nam
Luận Văn Phát Triển Nguồn Nhân Lực Các Ngân Hàng Thương Mại Việt NamLuận Văn Phát Triển Nguồn Nhân Lực Các Ngân Hàng Thương Mại Việt Nam
Luận Văn Phát Triển Nguồn Nhân Lực Các Ngân Hàng Thương Mại Việt NamViết Thuê Luận Văn Luanvanpanda.com
 
Nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên các trƣờng cao đẳng...
Nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên các trƣờng cao đẳng...Nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên các trƣờng cao đẳng...
Nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên các trƣờng cao đẳng...jackjohn45
 
Tieu luan mon triet hoc
Tieu luan mon triet hocTieu luan mon triet hoc
Tieu luan mon triet hocquangbk1994
 
Luận Văn Phát Triển Nguồn Nhân Lực Các Ngân Hàng Thương Mại Việt Nam
Luận Văn Phát Triển Nguồn Nhân Lực Các Ngân Hàng Thương Mại Việt NamLuận Văn Phát Triển Nguồn Nhân Lực Các Ngân Hàng Thương Mại Việt Nam
Luận Văn Phát Triển Nguồn Nhân Lực Các Ngân Hàng Thương Mại Việt NamHỗ Trợ Viết Đề Tài luanvanpanda.com
 

Similar to Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY (20)

Luân Văn Phát Triển Nguồn Nhân Lực Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại Cổ Phần Ngoại Thƣ...
Luân Văn Phát Triển Nguồn Nhân Lực Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại Cổ Phần Ngoại Thƣ...Luân Văn Phát Triển Nguồn Nhân Lực Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại Cổ Phần Ngoại Thƣ...
Luân Văn Phát Triển Nguồn Nhân Lực Tại Ngân Hàng Thƣơng Mại Cổ Phần Ngoại Thƣ...
 
Luận văn thạc sỹ giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Luận văn thạc sỹ giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lựcLuận văn thạc sỹ giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Luận văn thạc sỹ giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
 
VẤN ĐỀ KHAI THÁC NỘI LỰC VÀ NGOẠI LỰC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY_10330112052019
VẤN ĐỀ KHAI THÁC NỘI LỰC VÀ NGOẠI LỰC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY_10330112052019VẤN ĐỀ KHAI THÁC NỘI LỰC VÀ NGOẠI LỰC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY_10330112052019
VẤN ĐỀ KHAI THÁC NỘI LỰC VÀ NGOẠI LỰC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY_10330112052019
 
Vấn đề khai thác nội lực và ngoại lực ở việt nam hiện nay 5513183
Vấn đề khai thác nội lực và ngoại lực ở việt nam hiện nay 5513183Vấn đề khai thác nội lực và ngoại lực ở việt nam hiện nay 5513183
Vấn đề khai thác nội lực và ngoại lực ở việt nam hiện nay 5513183
 
VẤN ĐỀ KHAI THÁC NỘI LỰC VÀ NGOẠI LỰC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY.pdf
VẤN ĐỀ KHAI THÁC NỘI LỰC VÀ NGOẠI LỰC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY.pdfVẤN ĐỀ KHAI THÁC NỘI LỰC VÀ NGOẠI LỰC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY.pdf
VẤN ĐỀ KHAI THÁC NỘI LỰC VÀ NGOẠI LỰC Ở VIỆT NAM HIỆN NAY.pdf
 
Giá trị đạo đức truyền thống trong xây dựng nhân cách thanh niên Việt Nam - G...
Giá trị đạo đức truyền thống trong xây dựng nhân cách thanh niên Việt Nam - G...Giá trị đạo đức truyền thống trong xây dựng nhân cách thanh niên Việt Nam - G...
Giá trị đạo đức truyền thống trong xây dựng nhân cách thanh niên Việt Nam - G...
 
Luận án: Giá trị đạo đức truyền thống với việc xây dựng nhân cách thanh niên ...
Luận án: Giá trị đạo đức truyền thống với việc xây dựng nhân cách thanh niên ...Luận án: Giá trị đạo đức truyền thống với việc xây dựng nhân cách thanh niên ...
Luận án: Giá trị đạo đức truyền thống với việc xây dựng nhân cách thanh niên ...
 
Luận án: Giáo dục giá trị văn hóa tinh thần cho sinh viên Việt Nam
Luận án: Giáo dục giá trị văn hóa tinh thần cho sinh viên Việt NamLuận án: Giáo dục giá trị văn hóa tinh thần cho sinh viên Việt Nam
Luận án: Giáo dục giá trị văn hóa tinh thần cho sinh viên Việt Nam
 
3. De cuong mon CNXHKH.doc
3. De cuong mon CNXHKH.doc3. De cuong mon CNXHKH.doc
3. De cuong mon CNXHKH.doc
 
3. De cuong mon CNXHKH.doc
3. De cuong mon CNXHKH.doc3. De cuong mon CNXHKH.doc
3. De cuong mon CNXHKH.doc
 
Luận án: Phát triển đội ngũ trí thức ở Tây Nguyên hiện nay, HAY
Luận án: Phát triển đội ngũ trí thức ở Tây Nguyên hiện nay, HAYLuận án: Phát triển đội ngũ trí thức ở Tây Nguyên hiện nay, HAY
Luận án: Phát triển đội ngũ trí thức ở Tây Nguyên hiện nay, HAY
 
Luận văn: Vai trò đội ngũ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh, HOT
Luận văn: Vai trò đội ngũ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh, HOTLuận văn: Vai trò đội ngũ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh, HOT
Luận văn: Vai trò đội ngũ trí thức Thành phố Hồ Chí Minh, HOT
 
Luận án: Vai trò đội ngũ trí thức TPHCM trong giai đoạn hiện nay
Luận án: Vai trò đội ngũ trí thức TPHCM trong giai đoạn hiện nayLuận án: Vai trò đội ngũ trí thức TPHCM trong giai đoạn hiện nay
Luận án: Vai trò đội ngũ trí thức TPHCM trong giai đoạn hiện nay
 
Biện pháp phát triển nguồn nhân lực tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cảng ...
Biện pháp phát triển nguồn nhân lực tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cảng ...Biện pháp phát triển nguồn nhân lực tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cảng ...
Biện pháp phát triển nguồn nhân lực tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Cảng ...
 
Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH NN, NT Hưng Yên giai đoạn ...
Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH NN, NT Hưng Yên giai đoạn ...Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH NN, NT Hưng Yên giai đoạn ...
Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH NN, NT Hưng Yên giai đoạn ...
 
Luận Văn Phát Triển Nguồn Nhân Lực Các Ngân Hàng Thương Mại Việt Nam
Luận Văn Phát Triển Nguồn Nhân Lực Các Ngân Hàng Thương Mại Việt NamLuận Văn Phát Triển Nguồn Nhân Lực Các Ngân Hàng Thương Mại Việt Nam
Luận Văn Phát Triển Nguồn Nhân Lực Các Ngân Hàng Thương Mại Việt Nam
 
Nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên các trƣờng cao đẳng...
Nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên các trƣờng cao đẳng...Nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên các trƣờng cao đẳng...
Nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên các trƣờng cao đẳng...
 
Luận văn: Nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên
Luận văn: Nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức chính trị cho sinh viênLuận văn: Nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên
Luận văn: Nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên
 
Tieu luan mon triet hoc
Tieu luan mon triet hocTieu luan mon triet hoc
Tieu luan mon triet hoc
 
Luận Văn Phát Triển Nguồn Nhân Lực Các Ngân Hàng Thương Mại Việt Nam
Luận Văn Phát Triển Nguồn Nhân Lực Các Ngân Hàng Thương Mại Việt NamLuận Văn Phát Triển Nguồn Nhân Lực Các Ngân Hàng Thương Mại Việt Nam
Luận Văn Phát Triển Nguồn Nhân Lực Các Ngân Hàng Thương Mại Việt Nam
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620 (20)

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 ĐiểmDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý TưởngDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 

Recently uploaded

ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhvanhathvc
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líDr K-OGN
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfTrnHoa46
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...hoangtuansinh1
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoámyvh40253
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfVyTng986513
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxAnAn97022
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...ThunTrn734461
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...Nguyen Thanh Tu Collection
 

Recently uploaded (20)

ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
ôn tập lịch sử hhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhhh
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
Sáng kiến Dạy học theo định hướng STEM một số chủ đề phần “vật sống”, Khoa họ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh líKiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
Kiểm tra chạy trạm lí thuyết giữa kì giải phẫu sinh lí
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
Sáng kiến “Sử dụng ứng dụng Quizizz nhằm nâng cao chất lượng ôn thi tốt nghiệ...
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
BỘ ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
Thong bao 337-DHPY (24.4.2024) thi sat hach Ngoai ngu dap ung Chuan dau ra do...
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
 
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdfchuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
chuong-7-van-de-gia-dinh-trong-thoi-ky-qua-do-len-cnxh.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptxpowerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
powerpoint lịch sử đảng cộng sản việt nam.pptx
 
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC KỸ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ ...
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
 

Luận án: Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, HAY

  • 1. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH NGÔ THỊ NỤ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CÁ NHÂN CON NGƯỜI VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP QUỐC TẾ HIỆN NAY LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH: CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG VÀ CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ HÀ NỘI - 2018
  • 2. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH NGÔ THỊ NỤ VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CÁ NHÂN CON NGƯỜI VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP QUỐC TẾ HIỆN NAY LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH: CHỦ NGHĨA DUY VẬT BIỆN CHỨNG VÀ CHỦ NGHĨA DUY VẬT LỊCH SỬ Mã số: 62 22 03 02 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: GS,TS. TRẦN VĂN PHÒNG HÀ NỘI - 2018
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng và được trích dẫn đầy đủ theo quy định. Tác giả Ngô Thị Nụ
  • 4. MỤC LỤC MỞ ĐẦU 1 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI 5 1.1. Các nghiên cứu liên quan đến những vấn đề lý luận về phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam 5 1.2. Các nghiên cứu liên quan đến thực trạng và một số vấn đề đặt ra trong việc phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay 17 1.3. Các nghiên cứu liên quan đến quan điểm và giải pháp chủ yếu nhằm phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay 21 1.4. Giá trị của các công trình nghiên cứu đã tổng quan và những vấn đề đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ thêm 25 Chương 2: PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CÁ NHÂN CON NGƯỜI VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP QUỐC TẾ - MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN 29 2.1. Phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam - khái niệm, thực chất và những nhân tố ảnh hưởng 29 2.2. Hội nhập quốc tế, tác động và yêu cầu của nó đối với phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam 55 Chương 3: PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CÁ NHÂN CON NGƯỜI VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP QUỐC TẾ THỜI GIAN QUA - THỰC TRẠNG VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA 78 3.1. Thực trạng của việc phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế thời gian qua 78 3.2. Vấn đề đặt ra từ thực trạng phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế thời gian qua 103 Chương 4: QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP CƠ BẢN NHẰM PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CÁ NHÂN CON NGƯỜI VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP QUỐC TẾ HIỆN NAY 114 4.1. Một số quan điểm nhằm phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay 114 4.2. Một số nhóm giải pháp cơ bản nhằm phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay 120 KẾT LUẬN 149 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 151 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 152
  • 5. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Con người là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học khác nhau, trong đó có triết học. Hiện nay, nghiên cứu con người càng trở nên quan trọng, vì con người là chủ thể của mọi sự sáng tạo giá trị vật chất, tinh thần và là trọng tâm trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn coi con người là trung tâm của mọi chính sách kinh tế - xã hội. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nguồn lực con người được xem là yếu tố quyết định so với các nguồn lực khác, nguồn lực con người vừa là phương tiện, vừa là mục tiêu của sự phát triển. Do đó, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có việc phát triển năng lực cá nhân con người là vấn đề quan trọng, không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế mà còn là cơ sở, điều kiện bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước. Trong điều kiện hội nhập quốc tế chúng ta có nhiều cơ hội mới, nhưng cũng có không ít những thách thức và những yêu cầu mới đối với sự phát triển của con người. Hội nhập quốc tế làm cho nền kinh tế Việt Nam phát triển năng động, nhưng cũng làm cho thị trường lao động mang tính quốc tế hóa rất cao; chuyên môn của người lao động cũng được nâng lên; tính phức tạp và yêu cầu của công việc càng cao; mức độ cạnh tranh ở thị trường lao động, môi trường làm việc ngày càng gay gắt hơn; môi trường xã hội ngày càng phức tạp,… buộc năng lực con người Việt Nam phải được phát triển. Điều đó càng đòi hỏi mỗi cá nhân con người Việt Nam phải có năng lực toàn diện mới có thể đáp ứng được yêu cầu. Đó không chỉ là năng lực về trí tuệ, năng lực chuyên môn, mà còn là năng lực thích ứng, năng lực sáng tạo, năng lực tự học, năng lực hòa nhập trong cộng đồng đa văn hóa, v.v.. Do đó, ngày nay, phát triển toàn diện con người cũng có nghĩa là phải chú trọng đến phát triển toàn diện năng lực của từng cá nhân con người. Phát triển năng lực con người Việt Nam hiện nay vừa phải đáp ứng yêu cầu của thời đại vừa phải phù hợp với các định hướng giá trị xã hội và khả năng thực tế của con người Việt Nam…
  • 6. 2 Sự chuyển biến vô cùng mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, của kinh tế tri thức, cùng với những biến đổi thuận nghịch của nền kinh tế thị trường, của hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa đã làm biến chuyển mạnh mẽ những điều kiện kinh tế - xã hội, kéo sự biến chuyển trong năng lực cá nhân con người Việt Nam theo cả chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực. Trước yêu cầu ngày càng cao của thời kỳ hội nhập quốc tế, năng lực của cá nhân con người Việt Nam nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng. Điều đó đặt ra yêu cầu phải xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trong đó có phát triển toàn diện năng lực cá nhân con người Việt Nam đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế. Không những thế, ở nước ta những năm qua, quan niệm về phát triển năng lực cá nhân con người thường được hiểu ở phạm vi hẹp như phát triển năng lực chuyên môn nghề nghiệp và những năng lực bẩm sinh sẵn có. Còn một số những năng lực như năng lực thích nghi, năng lực làm việc và hòa nhập trong cộng đồng đa văn hóa, năng lực sáng tạo... ít được đề cập. Vì vậy, vấn đề phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam cũng chưa được chú trọng đúng mức. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải có sự nghiên cứu lý luận về phát triển năng lực cá nhân, vai trò của những năng lực cá nhân này trong điều kiện hội nhập để có những giải pháp phát triển thích hợp. Từ những lý do trên cho thấy, việc nghiên cứu “Vấn đề phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay” là vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp bách. 2. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu - Mục tiêu của luận án Trên cơ sở làm rõ lý luận về phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam và phân tích thực trạng phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam hiện nay, đề xuất một số quan điểm và giải pháp chủ yếu nhằm phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. - Nhiệm vụ của luận án Để thực hiện mục tiêu trên, đề tài sẽ giải quyết một số nhiệm vụ sau: + Tổng quan các công trình khoa học tiểu biểu liên quan phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế.
  • 7. 3 + Phân tích làm rõ lý luận về phát triển năng lực cá nhân; thực chất của việc phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam; yêu cầu của hội nhập quốc tế đối với phát triển các năng lực cá nhân con người Việt Nam. + Phân tích thực trạng phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam hiện nay và chỉ rõ một số vấn đề đặt ra từ thực trạng này. + Đề xuất một số quan điểm và giải pháp cơ bản nhằm phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu - Đối tượng nghiên cứu: Nghiên cứu phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam nói chung. Khi xem xét năng lực cá nhân, tác giả luận án giới hạn đối tượng là những cá nhân con người đã trưởng thành, trong độ tuổi lao động (từ 15 tuổi trở lên) và kể cả những người hết tuổi lao động nhưng vẫn còn đủ sức khỏe và năng lực để cống hiến cho xã hội. Trong khuôn khổ luận án chỉ nghiên cứu việc phát triển một số năng lực cụ thể phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế. (Phát triển nhóm năng lực nhận thức mà biểu hiện tập trung ở năng lực trí tuệ trong điều kiện hội nhập quốc tế; phát triển nhóm năng lực hoạt động thực tiễn biểu hiện rõ nét ở phát triển năng lực làm việc và phát triển năng lực sống trong điều kiện hội nhập quốc tế). - Phạm vi nghiên cứu: Năng lực cá nhân con người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay. Về thời gian: từ bắt đầu đổi mới năm 1986, đặc biệt là từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007 đến nay. 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu - Cơ sở lý luận: đề tài dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam về con người và phát triển con người. Đề tài tiếp thu, kế thừa có chọn lọc những giá trị khoa học của các công trình nghiên cứu đã công bố liên quan đến nội dung của đề tài. - Phương pháp nghiên cứu: trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Luận án sử dụng tổng hợp các
  • 8. 4 phương pháp: phân tích và tổng hợp, qui nạp và diễn dịch, đối chiếu, so sánh… để thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ mà đề tài đặt ra. 5. Đóng góp mới của luận án - Góp phần làm sáng tỏ những khái niệm cơ bản như: năng lực, năng lực cá nhân, phát triển năng lực cá nhân con người, tác động và yêu cầu của hội nhập quốc tế đối với việc phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam. - Phân tích chỉ ra được mặt tích cực và những vấn đề đặt ra cần phải giải quyết trong việc phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong thời gian qua. - Đề xuất được một số quan điểm và giải pháp có tính khả thi, phù hợp thực tiễn nhằm phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài - Về mặt lý luận, ở một mức độ nhất định, đề tài có thể làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu, giảng dạy một số chuyên đề triết học về con người và phát triển con người; đồng thời, làm cơ sở phương pháp luận cho việc đi sâu nghiên cứu năng lực con người. - Về mặt thực tiễn, đề tài cũng có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho việc xây dựng, hoạch định chiến lược phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam nói chung và ở các tỉnh, thành phố nói riêng. 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận danh mục các công trình đã công bố của tác giả liên quan đến đề tài luận án và danh mục tài liệu tham khảo, luận án gồm 4 chương, 10 tiết.
  • 9. 5 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI 1.1. CÁC NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CÁ NHÂN CON NGƯỜI VIỆT NAM 1.1.1. Các công trình liên quan đến năng lực, năng lực cá nhân, phát triển năng lực cá nhân và thực chất của phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam Đối với các nghiên cứu nước ngoài, ở mỗi một góc độ, quan niệm về năng lực, phát triển năng lực được tiếp cận ở nhiều chiều cạnh khác nhau từ tâm lý học, xã hội học, kinh tế học, giáo dục học... Trong nhiều công trình nghiên cứu, khái niệm năng lực và phát triển năng lực cũng được các nhà nghiên cứu luận giải ở các góc nhìn khác nhau. Có thể kể đến Amartya Sen là người đầu tiên đưa ra cách tiếp cận năng lực (Capabiltty Approach) trong nhiều công trình nghiên cứu của mình như Equality of what?; Commodities and Capabilities; The Standard of Living; Development as Freedom,... Cách tiếp cận của ông được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực phát triển con người. A.Sen cho rằng sự thịnh vượng của con người nên được đánh giá theo sự vận hành chức năng của con người, đó là người đó có năng lực thực sự hay không và có thể làm gì. Theo A.Sen, năng lực là tổ hợp khả năng thực hiện các chức năng (hay đạt được các chức năng). Nói cách khác, năng lực là sự tự do hiện thực mà con người được thụ hưởng để cuộc sống có ý nghĩa [153, tr.97]. Một người có thể có nhiều năng lực (hoặc nhiều quyền tự do) thay vì chỉ có một. Con người càng có năng lực thì càng có cơ hội lựa chọn hơn. Phát triển con người được coi là quá trình mở rộng cơ hội lựa chọn và năng lực cho con người. Bởi vậy, phát triển con người, theo A.Sen, đó chính là sự phát triển năng lực cho con người. Đề cập đến tính định lượng của năng lực, Howard Gardner cho rằng: “Năng lực phải được thể hiện thông qua hoạt động có kết quả và có thể đánh giá hoặc đo đạc được” [149, tr.11]. Với F.E.Weinert, “Năng lực là những kỹ năng, kỹ xảo học được hoặc sẵn có của cá thể nhằm giải quyết các tình huống xác định, cũng như sự
  • 10. 6 sẵn sàng về động cơ, xã hội và khả năng vận dụng các cách giải quyết vấn đề một cách có trách nhiệm và hiệu quả trong những tình huống linh hoạt” [156, tr.12]. Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc UNDP lại đưa ra khái niệm năng lực chung cho tất cả cá nhân, tổ chức và xã hội: “năng lực” là khả năng của cá nhân, tổ chức và xã hội để thực hiện chức năng, giải quyết vấn đề, thiết lập và đạt được mục tiêu một cách bền vững. Do đó, “Phát triển năng lực là quá trình mà thông qua đó, các năng lực của con người được hình thành, được tăng cường, thích nghi và duy trì theo thời gian” [154]. Theo Joe Bolger - Tư vấn của Cơ quan phát triển quốc tế Canada, trong bài “Phát triển năng lực - Tại sao, Phát triển cái gì và Phát triển như thế nào”, năng lực được hiểu là “khả năng, kỹ năng, sự hiểu biết, thái độ, các giá trị, các mối quan hệ, hành vi, động lực, nguồn lực và điều kiện cho phép các cá nhân, tổ chức, ngành nghề và hệ thống xã hội rộng lớn hơn để thực hiện các chức năng và đạt được mục tiêu phát triển của họ theo thời gian” [150, tr.2]. Theo tác giả, phát triển năng lực bao gồm nhiều “phương pháp tiếp cận và chiến lược” nhằm cải thiện khả năng ở các mức độ khác nhau, không có một phương pháp chung duy nhất để phát triển năng lực. Mục tiêu của phát triển năng lực là nhằm: tăng cường, hoặc sử dụng một cách hiệu quả hơn các kỹ năng, khả năng và các nguồn lực; tăng cường sự hiểu biết và mối quan hệ; định hướng các giá trị, thái độ, động cơ và điều kiện để hỗ trợ phát triển bền vững. Bài viết “Phát triển năng lực: Định nghĩa, vấn đề và gợi ý cho kế hoạch, giám sát và đánh giá” của Charles Lusthaus, Marie-hélène Adrien, Mark Perstinger là một phần của loạt bài viết và các hoạt động được thực hiện bởi UNICEF và UNDP trong nỗ lực để làm rõ sự phát triển năng lực theo giai đoạn và cách thức để lập kế hoạch, kiểm tra và đánh giá các hoạt động phát triển năng lực. Trong bài viết này, các tác giả đã dẫn ra nhiều định nghĩa khác nhau về phát triển năng lực, xây dựng năng lực hay tăng cường năng lực. Tuy nhiên, các khái niệm này chỉ đề cập đến phát triển năng lực nói chung cho tổ chức, tập thể hay xã hội, chứ chưa đề cập đến sự phát triển năng lực của cá nhân con người cụ thể. Chẳng hạn, “Xây dựng năng lực là một quá trình mà các cá nhân, các nhóm, các tổ chức, các đoàn thể xã hội tăng cường khả năng của mình để xác định và đáp ứng được các yêu cầu phát triển một cách bền vững” (CIDA); Phát triển năng lực: “Trong quá trình đó nhóm người, tổ chức, thể chế và xã
  • 11. 7 hội nâng cao khả năng của mình: để thực hiện các chức năng giải quyết vấn đề và đạt được mục tiêu đề ra, để nhận thức và đáp ứng được nhu cầu phát triển của họ trong một phạm vi rộng một cách bền vững” (UNDP) [146, tr.5];… Theo Ủy ban Chuyên gia về Hành chính công của Liên Hợp quốc, “Phát triển năng lực là quá trình mà các cá nhân, tổ chức, thể chế và xã hội phát triển khả năng để thực hiện các chức năng, giải quyết các vấn đề, đặt ra và đạt được các mục tiêu” [145, tr.7-8]. Nó được thể hiện ở ba cấp độ: cá nhân, tổ chức và xã hội. Ở cấp độ cá nhân, phát triển năng lực liên quan đến việc thiết lập các điều kiện theo đó con người có thể tham gia vào một quá trình liên tục học hỏi và thích nghi với thay đổi - xây dựng trên nền tảng kiến thức, kỹ năng hiện có và tăng cường, sử dụng chúng trong những hướng đi mới. Cách tiếp cận phát triển năng lực ở 3 cấp độ cũng được tác giả David Potten chỉ ra trong bài viết: “Chương trình vừa học vừa làm: Quỹ Phát triển chính sách và nguồn nhân lực Nhật Bản và vấn đề phát triển năng lực”. Đó là, phát triển năng lực cá nhân, phát triển năng lực của tổ chức và phát triển năng lực của xã hội (môi trường hoạt động). Theo tác giả, phát triển năng lực cá nhân là nhằm: Nâng cao kiến thức cho con người, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế hiện hành; Tăng cường năng lực kỹ thuật, công nghệ; Nâng cao kỹ năng làm việc trong những điều kiện làm việc khác nhau (năng lực làm việc nhóm, năng lực thích ứng…) [147, tr.7-8]. Ngoài ra, có thể kể đến các nghiên cứu của Samuel Otoo, Natalia Agapitova và Joy Behrens với bài viết “Khung kết quả phát triển năng lực. Một cách tiếp cận chiến lược và phát triển năng lực theo định hướng kết quả học tập” [152]; Chương trình phát triển Liên Hợp quốc với một số nghiên cứu: “Đo lường năng lực” [155]; Peter Morgan với bài “Năng lực và phát triển năng lực - Một số chiến lược” [151]; v.v.. Có thể thấy, đã có rất nhiều nghiên cứu của các học giả nước ngoài đề cập tới năng lực và phát triển năng lực. Tuy nhiên, những nghiên cứu này chủ yếu đề cập tới khía cạnh năng lực và phát triển năng lực cho tổ chức, tập thể, hoặc sử dụng chung khái niệm năng lực và phát triển năng lực cho cả cá nhân và tổ chức. Số công trình có nghiên cứu về năng lực cá nhân và phát triển năng lực cá nhân còn khá khiêm tốn. Đối với những nghiên cứu trong nước, năng lực và phát triển năng lực cũng được xem xét từ nhiều góc độ khác nhau với nhiều công trình nghiên cứu trên sách, tạp chí, đề tài nghiên cứu, luận văn, luận án...
  • 12. 8 Dưới góc độ tâm lý học, năng lực được quan niệm là một tổ hợp đặc điểm tâm lý cá nhân, hay là tổng hợp những thuộc tính độc đáo của con người. Chẳng hạn: Chương trình Khoa học công nghệ nhà nước KX07-18 về năng khiếu và tài năng trong giai đoạn từ 1992-1995 với các đề tài nhánh, trong đó các đề tài nghiên cứu đều đề cập tới năng lực là “một tổ hợp đặc điểm tâm lý của con người, tổ hợp này vận hành theo một mục đích nhất định, nó cho phép con người giải quyết được ở mức này hay mức khác một hay nhiều yêu cầu mới của cuộc sống” [130, tr.7]. Tác giả Phạm Minh Hạc trong cuốn sách “Một số vấn đề Tâm lý học” đã cho rằng: “Năng lực chính là một tổ hợp đặc điểm tâm lý của một con người (còn gọi là tổ hợp thuộc tính tâm lý của nhân cách), tổ hợp đặc điểm này vận hành theo một mục đích nhất định, tạo ra kết quả của một hoạt động nào đấy”, hay: Năng lực là các đặc điểm tâm lý cá biệt tạo thành điều kiện quy định tốc độ, chiều sâu, cường độ của việc tác động và đối tượng lao động”. Theo tác giả, “nói đến năng lực là nói đến xu thế có thể đạt tới một kết quả nào đó của một công việc nào đó do một con người cụ thể tiến hành: năng lực học tập, năng lực lao động, năng lực thụ cảm thẩm mỹ... [42, tr.146]. Tác giả cũng chỉ ra sự khác biệt giữa năng lực, năng khiếu, khả năng, tài năng, phân tích cấu trúc của năng lực, cũng như sự hình thành và phát triển của năng lực. Trần Trọng Thủy, Nguyễn Quang Uẩn trong “Tâm lí học đại cương” cho rằng: “Năng lực là tổng hợp những thuộc tính độc đáo của cá nhân phù hợp với những yêu cầu đặc trưng của một hoạt động nhất định, nhằm đảm bảo việc hoàn thành có kết quả tốt trong lĩnh vực hoạt động ấy” [118, tr.11]. Các tác giả cũng cho rằng, năng lực của mỗi người một phần dựa trên cơ sở tư chất. Nhưng điều chủ yếu là năng lực hình thành, phát triển và thể hiện trong hoạt động tích cực của con người dưới sự tác động của rèn luyện, dạy học và giáo dục. Việc hình thành và phát triển các phẩm chất nhân cách là phương tiện có hiệu quả nhất để phát triển năng lực. Cùng quan niệm năng lực là “một tổ hợp những thuộc tính tâm lý” và là một yếu tố của nhân cách (mặt tài của nhân cách), tác giả Nguyễn Ngọc Bích trong “Tâm lý học nhân cách - Một số vấn đề lý luận” nhấn mạnh: khi nói đến năng lực là nói đến khả năng đạt được kết quả trong hoạt động nào đó. Tác giả chỉ ra các mức độ của năng lực, phân loại năng lực… Trên cơ sở lý luận về năng lực,
  • 13. 9 tác giả phân tích những điều kiện xã hội của phát triển năng lực. Theo đó, sự phát triển năng lực gắn liền với sự phân chia lao động (hoạt động lao động), với các quan hệ xã hội (hình thái giao tiếp của cá nhân) và sự phát triển của nền văn hóa xã hội [2, tr.250, 262-266]. Tác giả Lê Thị Bừng và Nguyễn Thị Vân Hương trong sách “Mỗi người tiềm ẩn một tài năng”, cũng cho năng lực là “tổng hợp những thuộc tính độc đáo của cá nhân, phù hợp với những yêu cầu đặc trưng của một hoạt động nhất định, nhằm đảm bảo việc hoàn thành có kết quả tốt trong lĩnh vực hoạt động ấy” [10, tr.10]. Tác giả cho rằng năng lực là mặt tài trong cấu trúc nhân cách con người. Dựa theo các góc độ nghiên cứu mà có các cách phân loại năng lực khác nhau: theo nguồn gốc phát sinh thì có năng lực tự nhiên và năng lực xã hội; theo mức độ chuyên nghiệp của năng lực thì có năng lực chung, năng lực riêng, năng lực học tập, nghiên cứu, năng lực sáng tạo. Dưới góc độ giáo dục học, vấn đề năng lực được gắn với năng lực hành động, là khả năng đạt được hiệu quả trong hành động. Việc phát triển năng lực đã được quan tâm triển khai áp dụng trong dạy học ở các mặt: phát triển năng lực tư duy, năng lực sáng tạo, năng lực thích ứng nghề, năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề… cho đối tượng cụ thể như học sinh trung học phổ thông, hay sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Việc phát triển năng lực theo quan niệm giáo dục học thông qua dạy học được hiểu đồng nghĩa với phát triển năng lực hành động. Bùi Thị Hường trong bài “Kích thích năng lực tư duy người học” cho rằng, năng lực là “khả năng bên trong của mỗi con người, khả năng tạo ra một sức mạnh vượt trội với nhóm, với cộng đồng, biết làm chủ bản thân và lôi cuốn người khác vào hoạt động đạt hiệu quả cao” [51, tr.186]. Theo tác giả, năng lực người học là một khái niệm không đơn giản. Đó là một tổ hợp cấu trúc đa tuyến có thể kể đến các thành tố trong cấu trúc đó như sau: Năng lực là trình độ người học đạt đến một học vấn nhất định; Năng lực là khát vọng, ý chí vươn lên của người học sẵn sàng đón nhận kiến thức mới; Năng lực là khả năng biến Tri thành Hành tức là biết dùng vốn tri thức đã thu nạp được để giải quyết các yêu cầu thực tiễn theo luật tối ưu. Trong hai nghiên cứu của tác giả Nguyễn Văn Tuấn với chuyên đề bồi dưỡng sư phạm “Tài liệu học tập về phương pháp dạy học theo hướng tích hợp” [134, tr.7-10] và tác giả Bernd Meier, Nguyễn Văn Cường với “Một số vấn đề
  • 14. 10 chung về đổi mới phương pháp dạy học ở trường trung học phổ thông” đều sử dụng chung một cơ sở lý luận dựa theo Chương trình dạy học định hướng phát triển năng lực. Theo đó, “Năng lực là một thuộc tính tâm lý phức hợp, là điểm hội tụ của nhiều yếu tố như tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm, sự sẵn sàng hành động và trách nhiệm”; và năng lực là: “khả năng thực hiện có trách nhiệm và hiệu quả các hành động, giải quyết các nhiệm vụ, vấn đề trong những tình huống khác nhau thuộc các lĩnh vực nghề nghiệp, xã hội hay cá nhân trên cơ sở hiểu biết, kỹ năng, kỹ xảo và kinh nghiệm cũng như sự sẵn sàng hành động” [24, tr.28]. Ngoài ra, trong một số công trình như “Phát triển năng lực độc lập sáng tạo của sinh viên đại học kĩ thuật thông qua dạy học Hoá hữu cơ” của Đinh Thị Hồng Minh [77] và “Năng lực thích ứng nghề của sinh viên sư phạm - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” của Dương Thị Nga [79] cũng nhấn mạnh quan niệm năng lực dưới góc độ giáo dục học được thể hiện ở kết quả hoạt động của cá nhân. Năng lực là khả năng thực hiện có hiệu quả và có trách nhiệm các hành động, giải quyết các nhiệm vụ, vấn đề thuộc lĩnh vực nghề nghiệp, xã hội hay cá nhân trong những tình huống khác nhau trên cơ sở kết hợp sự hiểu biết, kĩ năng, kĩ xảo và kinh nghiệm, và, việc phát triển năng lực thông qua dạy học được hiểu đồng nghĩa với phát triển năng lực hành động;... Khác với các cách tiếp cận trên, dưới góc độ triết học, năng lực, phát triển năng lực lại được coi như một mặt, một yếu tố trong phát triển con người; một yếu tố cấu thành nên phẩm chất hay nhân cách của con người. Do vậy, phát triển năng lực được xem xét ở nhiều đối tượng cụ thể khác nhau, trong các lĩnh vực khác nhau... Đề cập đến năng lực như là một yếu tố cấu thành nhân cách, phẩm chất con người, có thể kể đến Phạm Văn Nhuận. Trong bài viết “Một cách tiếp cận về cặp phạm trù điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan” của Phạm Văn Nhuận đề cập đến năng lực với tư cách là một trong các yếu tố tạo thành phẩm chất của chủ thể. Theo tác giả, năng lực của chủ thể được phân chia theo nhiều loại, tùy theo các góc độ khác nhau, có thể chia năng lực gồm: năng lực nhận thức (trí tuệ); năng lực hoạt động thực tiễn; năng lực sáng tạo hay năng lực tái tạo…; chia năng lực theo các bậc thang nhận thức có năng lực cảm giác, tri giác, biểu tượng, ghi nhớ; theo phương
  • 15. 11 pháp thao tác lại có năng lực phân tích, năng lực tổng hợp, trừu tượng, khái quát [84, tr.59], v.v.. Cùng cách tiếp cận này, có thể kể đến một số luận án Tiến sĩ Triết học như: “Vai trò của đạo đức với sự hình thành nhân cách con người Việt Nam trong điều kiện đổi mới hiện nay” của Lê Thị Thủy [117]; “Giáo dục giá trị đạo đức truyền thống với việc hình thành và phát triển nhân cách cho sinh viên khu vực Tây Nguyên trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay” của Phạm Huy Thành [109]. Trong đó, các tác giả đã nhấn mạnh tính chủ thể của năng lực, đề cập đến năng lực như là một bộ phận của nhân cách con người. Chia cấu trúc của năng lực bao gồm: năng lực xã hội hóa, năng lực chủ thể hóa, năng lực hành động và năng lực giao tiếp xã hội… Từ góc độ phát triển con người, nhiều nhà nghiên cứu coi phát triển năng lực cá nhân là một khía cạnh trong phát triển con người, hướng tới sự phát triển toàn diện của con người. Tác giả Phạm Thành Nghị trong bài viết “Tiếp cận năng lực trong phát triển con người” [81, tr.17-22] cho rằng, trong việc tìm kiếm một cách tiếp cận cung cấp cơ chế chung cho sự phát triển con người trong mọi điều kiện xã hội và tạo dựng cơ chế bền vững cho phát triển con người, thì tiếp cận năng lực có ưu thế nổi trội trong giải quyết những bất ổn trong xã hội. Theo tác giả, năng lực ở đây được hiểu là tổ hợp khả năng thực hiện được các chức năng (sống có đủ dinh dưỡng, được xóa mù, được mặc ấm, được thỏa mãn nhu cầu văn hóa, giao tiếp xã hội…). Sự phát triển của con người suy cho cùng là sự phát triển năng lực và tăng cường năng lực là mở rộng tự do, mở rộng cơ hội lựa chọn của con người. Năng lực được phát triển không chỉ mang ý nghĩa công cụ giúp đạt được lựa chọn mà còn mang ý nghĩa tự thân làm mở rộng cơ hội lựa chọn của con người. Việc thực hiện tiếp cận năng lực chính là tạo điều kiện cho con người thực hiện các chức năng thông qua tăng cường khả năng của con người thực hiện các chức năng một cách tự do, con người có cơ hội mở rộng tự do của mình thông qua học tập trong môi trường giáo dục đúng nghĩa. Nguyễn Đình Tuấn trong bài viết “Nghiên cứu phát triển con người: quan điểm, xu hướng và những gợi mở” đã phân tích các quan điểm về phát triển con người của UNDP đưa ra trong Báo cáo phát triển con người. Tác giả cho rằng, khái
  • 16. 12 niệm phát triển con người của UNDP đã phản ánh bao quát những vấn đề năng lực tự nhiên và năng lực xã hội của con người. Phát triển con người chính là để phát triển năng lực con người. Phát triển con người là mở rộng các cơ hội và nâng cao năng lực lựa chọn của con người. Phát triển con người mang ý nghĩa là tăng cường năng lực và sức khỏe cho con người để họ có thể tham gia vào các hoạt động của cuộc sống. Ở đây, nâng cao năng lực cho con người trước hết là năng lực về sinh thể và năng lực về tinh thần (năng lực sinh thể là nâng cao sức khỏe cho con người; năng lực tinh thần là nâng cao kiến thức, kỹ năng cho con người). Khi con người có năng lực sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn hơn trong cuộc sống và đôi khi chính năng lực sẽ tạo ra những cơ hội mới để con người lựa chọn [133, tr.12]. Tiếp cận năng lực từ góc độ phát triển con người, tác giả Nguyễn Trọng Chuẩn trong bài viết “Để phát triển con người một cách bền vững” cho rằng: phát triển con người một cách bền vững là phát triển thường xuyên, liên tục và lâu dài tất cả những năng lực thể chất, tinh thần, trí tuệ, nhân cách, tức là phát triển những năng lực bản chất nhất nhưng đang ở dưới dạng tiềm năng của con người. Qua đó làm phong phú thêm và ngày một nâng cao hơn chất lượng cuộc sống của mỗi người cũng như của cả cộng đồng, đồng thời qua đó tạo động lực bền vững cho sự phát triển kinh tế - xã hội [20, tr.6-7]. Như vậy, theo tác giả, phát triển những năng lực bản chất người chính là để phát triển con người một cách bền vững - nhân tố đảm bảo sự phát triển lâu dài, chắc chắn nhất cho sự phát triển đất nước. Hồ Sĩ Quý trong giáo trình “Con người và phát triển con người” đã đưa ra những vấn đề lý luận về con người và phát triển con người, tác giả làm rõ những vấn đề cụ thể như khoa học về con người, con người và phát triển con người trong quan niệm của chủ nghĩa Mác, nghiên cứu con người trước nhu cầu của sự phát triển... Tác giả cho rằng, theo lý thuyết phát triển con người, để đáp ứng được những thách thức to lớn của sự phát triển, con người Việt Nam trong thế kỷ XXI là con người có năng lực sinh thể khỏe mạnh và năng lực tinh thần cao đẹp. Việc cải thiện đồng bộ, hợp lý các chỉ số cụ thể của phát triển con người thì yêu cầu về sự phát triển con người một cách toàn diện - con người Việt Nam có năng lực sinh thể khỏe mạnh và có năng lực tinh thần cao đẹp sẽ được đảm bảo [100, tr.254-255]... Việc nghiên cứu những công trình về con người, phát triển con người và việc tiếp
  • 17. 13 cận phát triển năng lực từ góc độ phát triển con người trên đây có ý nghĩa thiết thực cho luận án, là một trong những cơ sở lý luận để tác giả luận án nghiên cứu vấn đề lý luận về phát triển năng lực cá nhân con người. Ngoài ra, trong các bài viết “Mấy suy nghĩ về hướng tiếp cận con người trong chủ nghĩa xã hội” [53] và “Mấy vấn đề đặt ra đối với việc nghiên cứu con người ở Việt Nam” của Nguyễn Văn Huyên [54]; bài viết “Phát triển vì con người trong quan niệm của Mác và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm mục tiêu phát triển con người ở nước ta hiện nay” [121]; “Học thuyết Mác về con người về vai trò sáng tạo lịch sử của con người, phát triển con người và giải phóng con người” của Đặng Hữu Toàn [122]; hay trong “Quan điểm của C.Mác về phát triển con người và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay” của Nguyễn Văn Sơn [103]… cũng đề cập đến năng lực và phát triển năng lực từ góc độ nghiên cứu con người và phát triển con người. Bên cạnh đó, đã có rất nhiều các công trình nghiên cứu vấn đề phát triển các loại năng lực khác nhau như năng lực trí tuệ, năng lực tư duy, năng lực sáng tạo, năng lực lãnh đạo, quản lý, năng lực kinh doanh, năng lực tổng kết thực tiễn… cho các đối tượng khác nhau như đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, đội ngũ sĩ quan, sinh viên, học viên… Với đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhiều tác giả cũng tập trung nhấn mạnh phát triển năng lực tư duy, năng lực tổng kết thực tiễn, năng lực lãnh đạo,… cho các đối tượng này. Có thể kể đến một số bài viết như: “Phát triển năng lực tư duy của người cán bộ lãnh đạo hiện nay” của Hồ Bá Thâm [112]; bài viết “Phẩm chất, năng lực người lãnh đạo theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa” của Nguyễn Văn Huyên [55]; bài viết “Triết học và năng lực tư duy của con người trong kỷ nguyên toàn cầu” của Lương Đình Hải [46]; đề tài cấp Bộ “Nâng cao năng lực tổng kết thực tiễn của đội ngũ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng” của Trần Văn Phòng [88]; sách “Nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn của cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng” của Trần Văn Phòng [89]… Với đối tượng là sĩ quan trong quân đội, việc chú trọng phát triển năng lực trí tuệ, năng lực tư duy sáng tạo,… cho đối tượng này cũng được nhiều tác giả quan tâm. Có thể kể đến các công trình của các giả: Lê Quý Trịnh với “Phát triển năng lực trí tuệ của sĩ quan trẻ trong quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay” [127]; Trần Văn
  • 18. 14 Riễn với “Phát triển tư duy biện chứng duy vật của học viên đào tạo sĩ quan khoa học kỹ thuật quân sự hiện nay” [102];… Với đối tượng sinh viên, học viên các học viện, các trường đại học, cao đẳng cũng được nhiều học giả quan tâm nghiên cứu vấn đề phát triển năng lực tư duy biện chứng, tư duy lý luận, năng lực sáng tạo… cho họ. Chẳng hạn, Trần Viết Quang với “Phát triển năng lực tư duy lý luận cho sinh viên thông qua giảng dạy triết học Mác - Lênin” [96]; Hoàng Thúc Lân với cuốn sách “Phát triển năng lực tư duy biện chứng cho sinh viên Việt Nam hiện nay” [63]… Để hiểu rõ hơn về năng lực cá nhân và phát triển năng lực cá nhân, tác giả luận án cũng có nghiên cứu, tham khảo một số công trình liên quan đến vấn đề cá nhân và phát triển cá nhân. Chẳng hạn: công trình “Sự phát triển của cá nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” [36] của Đoàn Đức Hiếu; “Tâm lý học cá nhân” [22] của A.G. Côvaliốp; đề tài cấp Bộ “Quan hệ giữa cá nhân và xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay” [90] của Trần Văn Phòng… đã cung cấp cho tác giả luận án một số cơ sở lý luận về vấn đề cá nhân và phát triển cá nhân trong việc luận giải năng lực cá nhân và phát triển năng lực con người. Có thể nói, đã có rất nhiều các công trình đề cập đến khái niệm năng lực và phát triển năng lực ở trong và ngoài nước, với rất nhiều các khía cạnh nghiên cứu khác nhau. Các công trình này đã cung cấp cho tác giả luận án những cơ sở lý luận chung nhất về khái niệm năng lực và phát triển năng lực. Tuy nhiên, các quan niệm này lại chủ yếu được xem xét từ góc độ tâm lý học, giáo dục học, số các công trình nghiên cứu liên quan đến vấn đề năng lực và phát triển năng lực dưới góc độ triết học lại chủ yếu nghiên cứu một năng lực cụ thể cho một đối tượng cụ thể. Việc nghiên cứu vấn đề phát triển năng lực cá nhân con người một cách chung nhất về các nội dung như khái niệm năng lực cá nhân và phát triển năng lực cá nhân, thực chất của việc phát triển năng lực cá nhân, đặc biệt, việc nghiên cứu vấn đề phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam về mặt lý luận, nhất là dưới góc độ triết học vẫn còn là một mảng trống. 1.1.2. Các công trình liên quan đến hội nhập quốc tế, tác động và yêu cầu của hội nhập quốc tế đối với phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam Cho đến nay, đã có rất nhiều các công trình nghiên cứu có đề cập tới hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, luận án chỉ xem xét các tài liệu có liên quan đến hội nhập
  • 19. 15 quốc tế với những tác động và yêu cầu của hội nhập quốc tế đối với vấn đề phát triển con người, nhất là phát triển năng lực cá nhân con người hiện nay. Trong sách “Một số vấn đề phát triển kinh tế của Việt Nam hiện nay” của Đỗ Hoài Nam, Võ Đại Lược [78] đã phân tích tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế tới các lĩnh vực kinh tế cũng như xã hội ở Việt Nam, trong đó có phát triển con người. Các tác giả đã phân tích chỉ rõ những ảnh hưởng của hội nhập quốc tế đến sự phát triển con người thông qua tăng trưởng kinh tế, việc làm, môi trường, phân phối thu nhập và bình đẳng xã hội… Đây là một số cơ sở lý luận cho tác giả luận án trong việc phân tích những tác động của hội nhập quốc tế đến sự phát triển năng lực cá nhân con người. Bài viết“Những đòi hỏi về phẩm chất - năng lực giảng viên trong không gian giáo dục hội nhập” của Nguyễn Văn Đệ [39] chỉ ra những yêu cầu về năng lực và phẩm chất của giảng viên trong không gian giáo dục hội nhập. Theo tác giả, những yêu cầu về năng lực của giảng viên trong không gian giáo dục hội nhập là: Thứ nhất, có năng lực hiểu biết về chuyên môn, có năng lực triển khai chương trình dạy học, có năng lực sử dụng phương pháp dạy học, đánh giá, tự học, tự nghiên cứu khoa học và ứng dụng, có năng lực sử dụng ngoại ngữ và biết sử dụng các thiết bị dạy học. Thứ hai, có năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề, năng lực cố vấn và hỗ trợ người học phát triển, làm chủ được các chiến lược dạy học, giáo dục, có khả năng nắm bắt, phân tích và phản ánh thực tiễn dạy học, có khả năng làm chủ và kiến tạo tri thức. Thứ ba, có năng lực xã hội hóa, nghĩa là phải có năng lực chẩn đoán, tư duy sáng tạo, có khả năng cung ứng dịch vụ cho xã hội, có ảnh hưởng tích cực đến xã hội, có khả năng thể hiện tính linh hoạt của xã hội, mềm dẻo trong cuộc sống, có khả năng vận động các tổ chức cá nhân tham gia vào sự nghiệp giáo dục. Thứ tư, có năng lực giao tiếp, nghĩa là phải có kỹ năng giao tiếp, trao đổi và thu nhận thông tin, thiết lập quan hệ và duy trì các quan hệ, có quan hệ đồng nghiệp và xã hội có lợi cho sự hợp tác và phát triển giáo dục. Trong công trình “Văn hóa và con người Việt Nam trong đổi mới và hội nhập quốc tế” của Hoàng Chí Bảo [1] đã phân tích sâu sắc văn hóa và con người Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay ở nước ta và sự phát triển văn hóa ở châu Á - Thái Bình Dương trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI. Qua đó, tác giả chỉ
  • 20. 16 ra sự phát triển nhu cầu tinh thần và tính đa dạng của nhu cầu tinh thần, của đời sống tinh thần của con người trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Công trình đã cung cấp cho tác giả luận án một cái nhìn khái quát về vấn đề con người và phát triển con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Trong sách “Tính tích cực chính trị của công dân Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế” của Nguyễn Thị Kim Hoa đã phân tích những tác động của hội nhập quốc tế đến đời sống chính trị - xã hội Việt Nam, trong đó hội nhập quốc tế có thể thúc đẩy tính tích cực chính trị của công dân, tạo điều kiện cho công dân chủ động nâng cao văn hóa chính trị của mình… Từ đó, tác giả chỉ ra những thách thức và yêu cầu đối với việc phát huy tính tích cực chính trị của công dân Việt Nam, chỉ ra những hạn chế của công dân Việt Nam trong hội nhập quốc tế, trong đó có một số hạn chế thuộc về vấn đề năng lực của con người Việt Nam. Đó là năng lực hội nhập thực tế của công dân Việt Nam so với các nước khác còn hạn chế; công dân Việt Nam thiếu kiến thức, kỹ năng hội nhập (kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử, kỹ năng lao động, xử lý công việc, kỹ năng sống, kỹ năng hợp tác, kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng sáng tạo, năng lực thực hành…) để chủ động tiếp cận những giá trị mới [48, tr.153-163]… Trong Đề tài khoa học cấp cơ sở “Giáo dục, đào tạo với việc phát triển con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay” của Bùi Thị Phương Thùy [116] đã đưa ra một số cơ sở lý luận về vấn đề hội nhập quốc tế như khái niệm, tính tất yếu khách quan của hội nhập quốc tế. Từ đó, tác giả cũng chỉ ra những tác động của hội nhập quốc tế đến việc phát triển con người Việt Nam hiện nay trên cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Luận giải về yêu cầu của hội nhập quốc tế đối với con người Việt Nam hiện nay, theo tác giả, hội nhập quốc tế đòi hỏi: Một là, con người cần tích cực học tập, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu thực tiễn hội nhập. Hai là, con người cần rèn luyện tốt các kỹ năng, nâng cao năng lực ứng phó với những biến động của tiến trình hội nhập. Ba là, tiến trình hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu nâng cao sức khoẻ, rèn luyện ý thức kỷ luật, hoàn thiện nhân cách, phẩm chất đạo đức đối với con người. Những phân tích này là cơ sở để tác giả luận án tham khảo trong xem xét tác động của hội nhập quốc tế và yêu cầu của phát triển năng lực cá nhân con người trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
  • 21. 17 Trong bài viết “Một số yêu cầu đối với nguồn nhân lực Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập Asean 2015” của Lê Trường Giang, Ngô Văn Nam và Đặng Thìn Hùng [41] cũng đã chỉ ra một số yêu cầu cần phải có ở nguồn nhân lực Việt Nam nhằm đáp ứng những đòi hỏi của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập toàn cầu và khu vực Asean. Đó là kỹ năng giao tiếp và làm việc tập thể; kỹ năng thông tin trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức triển khai công việc; kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả; kỹ năng thích ứng, giải quyết vấn đề nảy sinh, v.v.. Ngoài ra, một số công trình nghiên cứu như: “Nhà nước với việc phát huy nội lực và ngoại lực trong hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay” Nguyễn Kim Phượng [95]; sách “Vai trò của nhà nước Việt Nam trong chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” của Hoàng Thị Kim Oanh [87]; công trình “Hội nhập kinh tế quốc tế 30 năm nhìn lại” của Vũ Văn Phúc, Phạm Minh Chính [93]… đã đưa ra những quan niệm về hội nhập quốc tế, nội dung của hội nhập quốc tế; tính tất yếu khách quan của hội nhập quốc tế, phân tích những kết quả đạt được, hạn chế và vấn đề đặt ra đối với nước ta trong thời kỳ hội nhập, v.v.. Đây là những tham khảo cho tác giả trong nghiên cứu và luận giải về hội nhập quốc tế, những tác động của hội nhập quốc tế đến sự phát triển năng lực cá nhân con người. Qua khảo sát, có thể thấy, đã có một số công trình đề cập đến những tác động và yêu cầu của hội nhập quốc tế đối với việc phát triển con người Việt Nam, hay phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam trên một số mặt, một số lĩnh vực nhất định. Cho đến nay, số các công trình liên quan đến những tác động và yêu cầu của hội nhập quốc tế đối với việc phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam vẫn còn chưa nhiều. 1.2. CÁC NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN THỰC TRẠNG VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG VIỆC PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CÁ NHÂN CON NGƯỜI VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP QUỐC TẾ HIỆN NAY Công trình “Nâng cao năng lực và phẩm chất của phóng viên báo chí trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”của Hà Đăng [38]. Tác giả đã phân tích thực trạng về năng lực, phẩm chất của phóng viên báo chí. Từ đó, tác giả đã chỉ ra những
  • 22. 18 vấn đề đặt ra cần phải giải quyết như: học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế; đạo đức nghề nghiệp của một số phóng viên đang là vấn đề báo động; trình độ cập nhật chính trị, thông tin chưa đạt yêu cầu; trình độ sử dụng trang thiết bị thông tin, ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình nhiệm vụ mới. Giải quyết được những vấn đề này nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất của phóng viên báo chí, đáp ứng ngang tầm đòi hỏi từ các điều kiện của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Trong bài “Tiêu chuẩn công chức và vấn đề năng lực trong quá trình tiếp tục cải cách công vụ, công chức” của Trần Anh Tuấn [131] lưu ý việc gắn tiêu chuẩn công chức với tiêu chuẩn năng lực. Đồng thời, chỉ ra những bất cập trong thực trạng năng lực cán bộ công chức là chưa chú trọng vấn đề năng lực của đội ngũ cán bộ công chức. Tác giả khẳng định, năng lực của đội ngũ công chức hiện nay là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng quyết định đến kết quả hoạt động công vụ. Thể hiện rõ nhất ở năng lực tham mưu, hoạch định chính sách; năng lực soạn thảo văn bản; năng lực phối hợp làm việc với đồng nghiệp; năng lực làm việc theo nhóm; năng lực giao tiếp và ứng xử trong hoạt động công vụ... Công trình “Xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam phục vụ sự nghiệp chấn hưng đất nước” của Nguyễn Văn Khánh [59] đã luận giải nhiều vấn đề cả về lý luận và thực tiễn của việc phát triển nguồn lực trí tuệ Việt Nam. Trong đó, một số bài viết đã chỉ rõ những thành tựu và hạn chế trong phát triển năng lực trí tuệ con người Việt Nam mà cụ thể là của đội ngũ cán bộ khoa học về trình độ nhận thức, năng lực tư duy, năng lực sáng tạo. Qua đây, tác giả luận án có thể kế thừa được một số kết quả nghiên cứu nhất định trong việc nhận định về thực trạng phát triển năng lực trí tuệ cho con người Việt Nam hiện nay. Trong công trình “Vai trò của tri thức khoa học trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay” của Trần Hồng Lưu [69] đã phân tích thực trạng nguồn nhân lực khoa học - công nghệ và tình hình sử dụng tri thức khoa học ở nước ta hiện nay. Tác giả chỉ ra những ưu điểm và nhất là những hạn chế cần phải khắc phục của nguồn nhân lực khoa học - công nghệ Việt Nam. Đa số lực lượng lao động còn hạn chế về thể lực, tri thức khoa học, kỹ thuật và trình độ chuyên môn; đội ngũ cán bộ công chức còn thiếu kiến thức quản lý nhà nước; đội ngũ lao động
  • 23. 19 trong lĩnh vực nghiên cứu, triển khai còn ít, thiếu điều kiện hoạt động, sáng tạo; sự hẫng hụt về đội ngũ cán bộ đầu ngành, số cán bộ trẻ chưa theo kịp để đáp ứng nhu cầu đổi mới, sáng tạo, v.v.. Nghiên cứu này cung cấp cho tác giả luận án có thêm cơ sở để luận giải thực trạng phát triển năng lực trí tuệ và năng lực làm việc của con người Việt Nam. Cuốn sách “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” của Vũ Văn Phúc, Nguyễn Duy Hùng [92], đã phân tích thực trạng, những bất cập, thách thức và một số vấn đề đặt ra từ việc phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn lực chất lượng cao nói riêng ở nước ta hiện nay đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; v.v.. Có thể thấy, tuy công trình không đề cập trực tiếp đến vấn đề phát triển năng lực con người Việt Nam, song qua các chuyên đề cụ thể về phát triển nguồn nhân lực trên một số ngành, lĩnh vực cụ thể, các tác giả cũng đề cập rải rác một số ưu điểm và hạn chế trong phát triển năng lực con người Việt Nam trên các mặt như năng lực trí tuệ, năng lực sáng tạo, năng lực tư duy, năng lực làm việc, năng lực thích ứng… của người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Công trình “Khai thác và phát triển tài nguyên nhân lực Việt Nam” của Nguyễn Văn Phúc, Mai Thị Thu [91] đã phân tích cụ thể thực trạng phát triển và sử dụng tài nguyên nhân lực ở Việt Nam. Trong đó, nhóm tác giả chỉ ra những bất cập của đội ngũ lao động Việt Nam hiện nay; những bất cập trong khai thác, sử dụng tài nguyên nhân lực ở Việt Nam; và những bất cập trong phát triển tài nguyên nhân lực ở Việt Nam một cách rất cụ thể. Chẳng hạn, lực lượng lao động Việt Nam chưa được khai thác tốt; hiệu quả sử dụng lao động Việt Nam thấp; nhận thức chưa chính xác và đầy đủ về tài nguyên nhân lực; hệ thống đào tạo, phát triển tài nguyên nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu; mục tiêu, chương trình đào tạo, phát triển tài nguyên nhân lực chưa rõ, chưa bám sát nhu cầu; lực lượng cán bộ trong hệ thống đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu… Với sự phân tích những bất cập trong phát triển và sử dụng tài nguyên nhân lực, chính là cơ sở quan trọng để đưa ra các định hướng và giải pháp để giải quyết tình trạng này. Bài viết “Yêu cầu của nhà tuyển dụng về những kỹ năng cơ bản dưới góc nhìn của sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học xã hội và nhân văn” của Nguyễn
  • 24. 20 Thị Lan, Mai Linh [62] thông qua việc phân tích nhiều số liệu cụ thể để đánh giá mức độ đáp ứng của sinh viên khi ra trường theo yêu cầu của nhà tuyển dụng như: về mức độ đáp ứng các kỹ năng chuyên môn, về sự phù hợp của chuyên ngành đào tạo với công việc, về khả năng đáp ứng các kỹ năng mềm… Đây cũng là một gợi ý cho nghiên cứu sinh nghiên cứu đánh giá một số ưu điểm và hạn chế trong việc phát triển một số năng lực cho con người Việt Nam như năng lực làm việc, năng lực sống. Bài viết “Chất lượng lao động trình độ cao ở Việt Nam: những hạn chế cơ bản” của Nguyễn Bá Ngọc, Đặng Đỗ Quyên [83] đã phân tích, cung cấp một số minh chứng, số liệu cụ thể cho tác giả luận án làm cơ sở thực tiễn để tiếp tục luận giải những hạn chế về năng lực làm việc của con người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, có nhiều bài viết đăng trên tạp chí, bản tin như: “Năng suất lao động ở Việt Nam - từ góc nhìn cơ cấu lao động và kỹ năng” của Nguyễn Bá Ngọc, Phạm Minh Thu [82], cũng đã chỉ ra những hạn chế cơ bản của người lao động Việt Nam. Trong đó có hạn chế về năng lực làm việc, năng lực thích ứng… Các số liệu điều tra như: “Báo cáo điều tra lao động và việc làm năm 2014, 2015, quý 1 năm 2016” [126]; “Niên giám thống kê năm 2014, 2015” của Tổng cục thống kê [124]; [125]; hay “Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam” của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng cục thống kê [7]; “Bản tin ILO” của Văn phòng ILO (Tổ chức Lao động quốc tế) Việt Nam [139];… đã cung cấp những số liệu quan trọng và cái nhìn tổng thể cho tác giả luận án đánh giá thực trạng phát triển năng lực trí tuệ, năng lực làm việc, năng lực tư duy sáng tạo… của con người Việt Nam hiện nay. Qua đó, có thể thấy, số công trình liên quan đến đến thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với việc phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam, nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế còn khá ít ỏi, được đề cập rải rác trong những công trình nghiên cứu khác nhau. Do đó, vấn đề đặt ra từ thực trạng phát triển năng lực con người Việt Nam trong hội nhập quốc tế còn là một vấn đề khá mới mẻ. Hầu như chưa có một công trình nào cung cấp một cách tổng thể những vấn đề liên quan đến thực trạng và những vấn đề đặt ra đối với việc phát triển năng lực cá nhân con
  • 25. 21 người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu trên, ở một khía cạnh nhất định, đã cung cấp cho tác giả luận án những cơ sở, căn cứ, số liệu cụ thể cũng như gợi mở cách tiếp cận để luận giải những vấn đề liên quan đến thực trạng phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam. Nhiều công trình, nhiều nghiên cứu tuy không còn mới, nhưng cũng giúp tác giả luận án có thêm cái nhìn tổng thể để có được những đánh giá đúng đắn về những vấn đề nghiên cứu. 1.3. CÁC NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NHẰM PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CÁ NHÂN CON NGƯỜI VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP QUỐC TẾ HIỆN NAY Trong “Tâm lý học nhân cách - Một số vấn đề lý luận” của Nguyễn Ngọc Bích đã chỉ ra một số điều kiện để phát triển và bồi dưỡng năng lực của con người. Một là, cần phải chú ý đến sự khác biệt cá nhân về năng lực. Điều này sẽ tạo điều kiện phát triển phong phú và toàn diện các năng lực cho con người trong chừng mực nhất định. Hai là, tạo điều kiện cho trẻ em tham gia vào các hoạt động là cách tốt nhất để hình thành năng lực ở chúng. Ba là, hình thành và phát triển năng lực cho học sinh không tách rời việc giáo dục đạo đức cho chúng. Bốn là, cần quan tâm đúng mức đến trẻ em có năng khiếu và vấn đề bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Năm là, cần có phương pháp dạy dỗ đúng đắn để hình thành năng lực và tài năng cho học sinh [2, tr.250, 266-273]. Tuy mới chỉ dừng lại ở việc phát triển năng lực cho đối tượng là trẻ em, học sinh, nhưng cũng gợi mở một số hướng giải quyết cho tác giả luận án khi xây dựng hệ thống phương hướng và giải pháp nhằm phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam. Trong sách “Sự phát triển của cá nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” của Đoàn Đức Hiếu đã đề xuất các giải pháp để phát triển cá nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trong đó, theo tác giả luận án, có một số giải pháp thiết thực có tác dụng thúc đẩy phát triển cá nhân cũng như phát triển năng lực cá nhân con người trong điều kiện mới. Đó là cần phải “quan tâm đến nhu cầu và lợi ích cá nhân”, bởi lợi ích cá nhân là động lực quan trọng nhất “kích thích mọi người đi xây dựng tương lai” và cũng là “điều kiện cho sự thực hiện lợi ích của cộng đồng”. Một giải pháp khác cũng là cần
  • 26. 22 thiết cho việc phát triển năng lực cá nhân con người đó là cần phải “xây dựng cơ chế đánh giá cá nhân” một cách khách quan, khoa học tránh cào bằng, chủ quan, định kiến trong đánh giá [47, tr.128-170]… Bài viết “Phát huy năng lực sáng tạo, xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia để hội nhập vào xu thế phát triển kinh tế tri thức toàn cầu” của Đặng Hữu [52] đã chỉ ra những giải pháp cần phải thực hiện để phát huy năng lực sáng tạo của con người nhằm đáp ứng yêu cầu của thời đại. Tác giả nhấn mạnh việc cần phải thiết lập hệ thống đổi mới quốc gia, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên mọi mặt của đời sống xã hội để phát triển kinh tế tri thức. Đồng thời, cần phải đẩy mạnh cải cách triệt để nền giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - yếu tố chi phối nhất đối với năng lực sáng tạo và tốc độ đổi mới. Mặt khác, cần phát triển và ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội - động lực mạnh mẽ thúc đẩy đổi mới và phát triển, tiến vào kinh tế tri thức. Đây là những giải pháp khá hợp lý nhằm phát huy năng lực sáng tạo của con người trong nền kinh tế tri thức và toàn cầu hóa ở nước ta hiện nay. Trong bài viết “Kích thích năng lực tư duy cho người học” của Bùi Thị Hường [51] đã đưa ra một trong những phương pháp tích cực để khai thác năng lực tiềm ẩn bên trong của người học, đó là phương pháp kích thích năng lực tư duy cho người học. Để kích thích năng lực tư duy, người dạy phải biết tạo nên bốn phương diện trong người học, đó là: 1) Tạo cho người học niềm say mê, hứng thú qua hoạt động học tập. 2) Làm cho người học nhận rõ tương lai của bản thân phụ thuộc có tính chất quyết định vào trình độ học vấn và các tri thức có được qua hoạt động học tập của họ. 3) Tạo ra khả năng biết nỗ lực cá nhân ở người học, khả năng khắc phục những lỗ hổng kiến thức của mình qua hoạt động học tập. 4) Từng bước làm cho người học biết kết quả của nỗ lực cá nhân được biểu hiện thành bước tiến trong trình độ tư duy của chính họ. Muốn kích thích bốn phương diện tinh thần của người học, người dạy cần chú ý tới các điều kiện sau: năng lực người học, năng lực người dạy, nội dung dạy học, môi trường và trình độ văn minh của thời đại. Bài viết “Xây dựng và phát triển con người, nâng cao chất lượng nguồn lực con người đã trở thành nhân tố quyết định sức mạnh của công cuộc đổi mới ở Việt
  • 27. 23 Nam hiện nay” của Nguyễn Thế Kiệt [61] đã phân tích tính cấp thiết của việc xây dựng và phát triển con người Việt Nam trong công cuộc đổi mới hiện nay. Tác giả đưa ra một số giải pháp để thực hiện thắng lợi công việc lớn lao này: Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức; Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; Từng bước hoàn thiện và mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa; Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy đảng và nhà nước. Đây cũng là một gợi ý quan trọng cho nghiên cứu sinh. Bài viết “Tiêu chuẩn công chức và vấn đề năng lực trong quá trình tiếp tục cải cách công vụ, công chức” của Trần Anh Tuấn [131] đã đề xuất một số ý kiến về hoàn thiện tiêu chuẩn công chức gắn với yếu tố năng lực, theo hướng chú trọng yếu tố năng lực, trọng dụng người có tài năng, năng lực trong hoạt động công vụ sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, tiếp tục đổi mới chế độ công vụ, công chức ở nước ta hiện nay. Những kiến nghị này cũng gợi mở cho tác giả trong việc nghiên cứu, đề xuất phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam. Công trình “Xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam phục vụ sự nghiệp chấn hưng đất nước” của Nguyễn Văn Khánh [59] đã luận giải nhiều vấn đề cả về lý luận và thực tiễn của việc phát triển nguồn lực trí tuệ Việt Nam. Trong đó, nhiều bài viết đã đưa ra một số quan điểm định hướng, giải pháp nhằm phát huy nguồn lực trí tuệ con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Từ những giải pháp vĩ mô, vi mô, cho đến những kiến nghị, đề xuất đều nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực trí tuệ, phát triển năng lực trí tuệ con người Việt Nam cả về nguồn lực khoa học công nghệ, cũng như nguồn lực khoa học xã hội trên các mặt như trình độ nhận thức, năng lực tư duy, năng lực sáng tạo... Cuốn sách “Vai trò của pháp luật trong quá trình hình thành nhân cách” của Nguyễn Đình Đặng Lục đã nhấn mạnh đến nhiệm vụ “giáo dục và bồi dưỡng kỹ năng sống nhằm hình thành những phẩm chất cá nhân cả về đạo đức và chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của sự phát triển” [67, tr.230]. Bởi, theo tác giả, kỹ năng sống là khái niệm có nội hàm rất rộng, đó là năng lực cá nhân để thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong quá trình tham gia vào đời sống hàng ngày của cộng
  • 28. 24 đồng, là những năng lực đáp ứng và những hành vi tích cực giúp cá nhân giải quyết hiệu quả những yêu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày, là khả năng vận dụng những kiến thức thu được vào thực tế… Từ đó, tác giả đưa ra nhiều biện pháp cụ thể nhằm giáo dục, bồi dưỡng kỹ năng sống trong giáo dục pháp luật trong quá trình hình thành nhân cách cho con người Việt Nam nói chung và cho thế hệ trẻ nói riêng. Bài viết “Chất lượng lao động trình độ cao ở Việt Nam: những hạn chế cơ bản” của Nguyễn Bá Ngọc, Đặng Đỗ Quyên [83] đã chỉ ra quan điểm, phương hướng phải nâng cao chất lượng lao động trình độ cao ở Việt Nam phải trở thành nhân tố quan trọng nhất trong cạnh tranh và phát triển. Để làm được điều đó, nhóm tác giả đã chỉ ra một số giải pháp cơ bản: 1. Tạo dựng môi trường và vị thế cho lao động trình độ cao hoạt động; 2. Đổi mới giáo dục - đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại; 3. Đổi mới mô hình tăng trưởng, thực sự coi khoa học- công nghệ là quốc sách hàng đầu; 4. Kết nối cung - cầu lao động trình độ cao và quản trị thị trường lao động. Đây là những giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng lao động, cũng như nâng cao năng lực làm việc của con người Việt Nam. Bài viết “Một số giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam nhằm đáp ứng tốt hơn với yêu cầu của thị trường lao động khi hội nhập AEC” của Lê Thu Huyền, Nguyễn Thị Hồng Hạnh [56] đã chỉ ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động khi hội nhập. Trong đó, tác giả có đề cập đến một số giải pháp liên quan đến nâng cao năng lực cho người lao động trên các mặt như nâng cao trình độ chuyên môn, tác phong nghề nghiệp, kỹ năng mềm, rèn luyện tay nghề... Chẳng hạn, xây dựng cơ chế để doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động tham gia xây dựng, đánh giá, điều chỉnh chương trình đào tạo, hướng dẫn thực hành, thực tập và đánh giá năng lực người học, hướng tới doanh nghiệp phải là chủ thể đào tạo nghề nghiệp; chuyển chương trình đào tạo từ chủ yếu trang bị kiến thức sang mục tiêu phát triển kỹ năng và năng lực thực hành nghề cho người học; chú trọng đào tạo cơ bản và đào tạo nâng cao kỹ năng mềm, rèn luyện tác phong nghề nghiệp đặc biệt đào tạo kiến thức về ngoại ngữ; v.v..
  • 29. 25 Ngoài ra, trong một số công trình khác cũng đề xuất các quan điểm và giải pháp nhằm xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, phát triển con người Việt Nam hiện đại một cách toàn diện… Chẳng hạn, sách “Triết học Mác - Lênin về con người và xây dựng con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” của Vũ Thiện Vương [143]; Luận án “Quan điểm của C.Mác về phát triển con người và sự vận dụng ở Việt Nam hiện nay” của Nguyễn Văn Sơn [103]; Luận án “Vấn đề phát triển con người toàn diện ở Việt Nam hiện nay” của Phùng Danh Cường [25] v.v.. Đây là những quan điểm định hướng và giải pháp khá cụ thể, gợi mở cho tác giả luận án một số ý tưởng trong việc đưa ra hệ thống những giải pháp phù hợp cho vấn đề của luận án. Có thể khẳng định, trong những nghiên cứu trên đây chưa có công trình nào đưa ra một hệ thống toàn diện các quan điểm và giải pháp trong việc phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế. Song, từ những lát cát và những góc độ khác nhau, phần nào các công trình này đã đưa ra được một số quan điểm, giải pháp cụ thể nhằm phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam ở một số mặt cụ thể của năng lực. Đây chính là những gợi mở cho tác giả luận án trong xây dựng hệ thống một số quan điểm và giải pháp về phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay. 1.4. GIÁ TRỊ CỦA CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU ĐÃ TỔNG QUAN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU, LÀM SÁNG TỎ THÊM Giá trị của các công trình nghiên cứu đã tổng quan dưới góc độ tiếp cận của đề tài luận án Các công trình nghiên cứu nêu trên có những giá trị mà trong quá trình nghiên cứu tác giả luận án có thể tham khảo và kế thừa, cụ thể: Một là, các công trình nghiên cứu đã làm sáng tỏ trên nhiều phương diện về khái niệm con người, cá nhân; khái niệm phát triển con người, phát triển cá nhân; khái niệm năng lực, phát triển năng lực... Trong các công trình này, hầu hết các tác giả đã phân tích chỉ rõ những yêu cầu và tầm quan trọng của việc phát triển con người; hay phát triển năng lực cho một số đối tượng cá nhân cụ thể, trên một vài năng lực cụ thể của con người; cung cấp một số quan niệm về hội nhập quốc tế và
  • 30. 26 tính tất yếu, sự tác động của hội nhập quốc tế đến đời sống kinh tế - xã hội cũng như con người… Những kết quả nghiên cứu đó ít nhiều cung cấp cho tác giả những cơ sở lý luận về con người và sự phát triển con người, sự phát triển toàn diện của cá nhân con người; về sự phát triển năng lực cụ thể cho cá nhân con người; về khái niệm hội nhập quốc tế và tác động của hội nhập quốc tế đến phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam. Thông qua đó, tác giả có những căn cứ để luận chứng cho những vấn đề lý luận của mình trong đề tài, nhất là vấn đề về sự phát triển toàn diện năng lực cá nhân con người. Hai là, thông qua các nghiên cứu trên, các tác giả đã phân tích thực trạng, đưa ra mặt tích cực và hạn chế của việc phát triển con người, phát triển cá nhân; hay phát triển năng lực con người trong từng năng lực cụ thể (như năng lực sáng tạo, năng lực tổ chức thực tiễn, năng lực thích ứng nghề, năng lực tư duy...), cho một số đối tượng cụ thể (như học sinh, sinh viên, cán bộ lãnh đạo quản lý...). Đồng thời, chỉ ra một số vấn đề đặt ra và những nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, yếu kém trong xây dựng, phát triển con người và phát triển một số năng lực cụ thể cho con người Việt Nam ở một số đối tượng nhất định trong quá trình đổi mới, đáp ứng yêu cầu của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Qua đó, tác giả luận án có thể kế thừa ở mức độ nhất định việc phân tích thực trạng của việc phát triển một số năng lực cụ thể cho những đối tượng cụ thể của con người Việt Nam. Trên cơ sở đó, tác giả luận án có một số căn cứ để phân tích, khái quát vấn đề thực trạng phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam nói chung trong điều kiện hội nhập quốc tế. Ba là, các công trình nghiên cứu cũng đã bước đầu làm rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước ta đối với việc xây dựng và phát triển con người Việt Nam hay phát triển một số năng lực cụ thể của con người. Từ đó đã đưa ra một số quan điểm cơ bản, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển con người hay phát triển một số năng lực cụ thể cho các đối tượng nhất định nhằm đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Đây là những cơ sở giúp đề tài luận án khái quát, tìm ra những quan điểm và giải pháp cụ thể, phù hợp cho vấn đề mà luận án cần giải quyết.
  • 31. 27 Những mảng trống trong các công trình nghiên cứu đã tổng quan dưới góc độ tiếp cận của đề tài luận án Bên cạnh những giá trị nhất định về mặt khoa học của các công trình nghiên cứu đã tổng quan nêu trên đối với đề tài luận án, dưới góc độ nghiên cứu của đề tài luận án thì những công trình đó còn một số vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ. Nhìn chung, tuy đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề lý luận về phát triển cá nhân con người, phát triển năng lực con người trên nhiều bình diện, nhiều góc độ khác nhau, nhưng những công trình nghiên cứu về năng lực và phát triển năng lực con người lại chủ yếu được nhìn nhận dưới góc độ tâm lý học, giáo dục học, xã hội học, kinh tế học, v.v.. Hầu như chưa có một công trình nào nghiên cứu vấn đề phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu của điều kiện hội nhập quốc tế dưới góc độ triết học một cách hệ thống. Đồng thời, tuy đã có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề năng lực của con người, nhưng lại chỉ đi vào một năng lực cụ thể nhất định như năng lực tổ chức thực tiễn, năng lực tư duy, năng lực sáng tạo, năng lực thích ứng…, hay là năng lực, phẩm chất của một đối tượng cụ thể như người cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên… Có thể nói, cho đến nay, chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách hệ thống vấn đề phát triển năng lực cá nhân con người nói chung, nhất là vấn đề phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế. Đã có nhiều các công trình nghiên cứu về vấn đề phát triển con người, phát triển một số năng lực cụ thể của con người trong những điều kiện khác nhau của đất nước, như kinh tế thị trường, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa, kinh tế tri thức, v.v.. Tuy nhiên, số lượng công trình có nghiên cứu về phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam nói chung đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế còn khá thưa thớt. Do vậy, những vấn đề cần phải giải quyết về mặt khái niệm, thực trạng và hệ thống giải pháp nhằm phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế còn là một mảng trống lớn. Một số vấn đề mà luận án cần tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ. Có thể nói, những kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học trên có giá trị và ý nghĩa nhất định đối với tác giả luận án. Đó là những tài liệu góp phần gợi
  • 32. 28 mở, định hướng cho tác giả luận án một số vấn đề khoa học cần được nghiên cứu, làm sáng rõ trong điều kiện hiện nay. Một số công trình đã góp phần cung cấp cho luận án những căn cứ khoa học để khái quát, vận dụng, nghiên cứu, luận giải vấn đề đặt ra cần giải quyết trong đề tài luận án. Cho đến nay, vấn đề phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế dưới góc độ triết học một cách hệ thống vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu giải quyết. Vì vậy, tác giả luận án đã chọn vấn đề này làm đề tài nghiên cứu. Hướng nghiên cứu của đề tài luận án sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề cơ bản sau: Một là, nghiên cứu làm rõ mặt lý luận về năng lực, phát triển năng lực cá nhân con người và một số vấn đề lý luận về hội nhập quốc tế. Đặc biệt, chỉ ra những yêu cầu của hội nhập quốc tế đối với việc phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam. Hai là, nghiên cứu làm rõ mặt thực tiễn của việc phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế. Nghĩa là phân tích thực trạng, chỉ ra mặt tích cực, hạn chế trong việc phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế những năm qua. Từ đó, chỉ ra nguyên nhân của hạn chế và một số vấn đề đặt ra từ thực trạng này. Ba là, đề xuất một số quan điểm và các nhóm giải pháp cơ bản có tính thực tiễn, khả thi, phù hợp điều kiện Việt Nam nhằm phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Đây là những vấn đề có ý nghĩa thực tiễn cấp bách, cần phải tiếp tục nghiên cứu cụ thể, đề ra những giải pháp đúng đắn nhằm phát triển năng lực cá nhân con người Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của hội nhập quốc tế - một đòi hỏi cấp thiết từ tình hình thực tiễn của đất nước. Thực hiện đề tài luận án chính là góp phần vào nhiệm vụ trên.
  • 33. 29 Chương 2 PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CÁ NHÂN CON NGƯỜI VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN HỘI NHẬP QUỐC TẾ - MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN 2.1. PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC CÁ NHÂN CON NGƯỜI VIỆT NAM - KHÁI NIỆM, THỰC CHẤT VÀ NHỮNG NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG 2.1.1. Khái niệm năng lực cá nhân Để hiểu khái niệm năng lực cá nhân, trước hết cần tìm hiểu khái niệm năng lực. Có rất nhiều quan điểm khác nhau về năng lực tùy theo góc độ tiếp cận. Trong quan điểm của các nhà triết học mácxít, năng lực và năng lực cá nhân con người được đặt trong tổng hòa về phẩm chất, nhân cách của con người. Con người là một thực thể thống nhất giữa cái tự nhiên và cái xã hội. Với tư cách là thực thể tự nhiên, hơn nữa là thực thể tự nhiên sống, con người “được phú cho những lực lượng tự nhiên, những lực lượng sống, nó là thực thể tự nhiên hoạt động; những lực lượng đó tồn tại trong nó dưới hình thức thiên bẩm và năng lực, dưới hình thức năng khiếu” [17, tr.342]. Như vậy, các năng lực hình thành trên cơ sở của các tư chất tự nhiên bẩm sinh và dưới hình thức năng khiếu. Tuy nhiên, trên cơ sở chung của các đặc điểm năng lực giống loài, những động cơ, hứng thú, nhân cách được hình thành phụ thuộc vào điều kiện xã hội cụ thể của cuộc sống cá nhân, hay là “tính hiện thực”, là các mối “quan hệ xã hội” của con người. Mỗi cá nhân biến tiềm năng giống loài, tiềm năng của các mối quan hệ xã hội thành nhân cách thông qua hoạt động, học tập, giáo dục trong điều kiện lịch sử cụ thể của đời sống cá nhân. Năng lực được đặt trong tổng hòa nhân cách, phẩm chất của con người, nhưng năng lực con người không phải hoàn toàn tự nhiên mà chủ yếu do hoạt động, học tập, rèn luyện và giáo dục mà có. Theo C.Mác, “tư tưởng căn bản không thể thực hiện được cái gì hết. Muốn thực hiện tư tưởng thì cần có những con người sử dụng lực lượng thực tiễn” [11, tr.181] và “đời sống thực tiễn” là nơi sản sinh ra mọi năng lực, tài năng. Theo C.Mác và Ph. Ăngghen, năng lực của mỗi người chính là sức mạnh vốn có hoặc do học tập, rèn luyện, tu dưỡng dưới dạng tiềm năng, khả năng, mang tính chủ quan kết hợp với những lực lượng vật chất khơi dậy tiềm năng sức mạnh đó của mỗi cá nhân nhằm đạt được mục tiêu nhất định. C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng:
  • 34. 30 Cái năng lực cho đến nay chỉ tồn tại như một tiềm năng ở những cá nhân tự giải phóng mình, bắt đầu hoạt động như là một sức mạnh thực sự, hoặc là cái sức mạnh đã tồn tại đó lớn lên nhờ việc thủ tiêu sự hạn chế. Việc thủ tiêu sự hạn chế, kết quả đơn thuần của sự sáng tạo ra sức mạnh mới, tất nhiên có thể được coi là cái chủ yếu [12, tr.439]. Kế thừa quan điểm của C.Mác và Ph.Ăngghen, V.I.Lênin cho rằng, thông qua hoạt động thực tiễn, con người mới phát lộ tài năng. Những phẩm chất “kết hợp với năng lực hiểu biết về con người, với năng lực giải quyết những vấn đề tổ chức, thì... mới có thể rèn luyện ra những nhà tổ chức lớn” [137, tr.94]. Tuy chưa đưa ra quan niệm về năng lực, nhưng V.I.Lênin luôn đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ trong xây dựng xã hội mới, phải chú trọng phát triển các năng lực cho con người, nhất là đội ngũ lãnh đạo như năng lực lao động, năng lực nhận thức, năng lực tư duy, năng lực tổ chức thực tiễn, năng lực lãnh đạo,... Theo ông, “một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất trong sự nghiệp xây dựng quân đội là đào tạo những chiến sĩ có năng lực nhất, có nghị lực nhất và trung thành nhất với sự nghiệp của chủ nghĩa xã hội, để họ lên nắm các chức vụ chỉ huy” [137, tr.514], hay, “điều rất quan trọng là tìm ra được một đồng chí có đủ những năng lực” [137, tr.274]... Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, năng lực chính là mặt “tài” của con người. Bên cạnh “đức” thì “tài” là một yếu tố không thể thiếu được của con người, nhất là với người cán bộ. Người cán bộ phải “chuyên”, phải có “tài”, có năng lực, trí tuệ, trình độ chuyên môn, có năng lực lãnh đạo, quản lý, có năng lực tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước,v.v.. Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của năng lực, Người đặc biệt chú trọng việc tuyển dụng “những người có năng lực, có đạo đức vào gánh vác công việc to tát của quốc gia” [71, tr.132]. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “bất kỳ cơ quan nào, bộ đội nào, cũng cần phải chọn một nhóm người hăng hái, trung thành, có năng lực, giữ kỷ luật, đoàn kết họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo” [72, tr.330]. Vì vậy, “Việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe... Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy” [71, tr.43]... Có thể thấy, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa đưa ra định nghĩa đầy đủ về năng lực, nhưng đã đưa ra những gợi
  • 35. 31 mở, định hướng cho việc xây dựng khái niệm cũng như việc phát triển năng lực con người cho các nhà nghiên cứu sau này. Cho đến nay, đã có nhiều nhà nghiên cứu, tùy theo mỗi góc độ tiếp cận, hiểu khái niệm năng lực theo nhiều chiều cạnh khác nhau. Nhiều nhà nghiên cứu quan niệm năng lực là một tổ hợp phẩm chất tâm lý cá nhân, là tổng hợp những thuộc tính độc đáo của con người; năng lực của con người luôn gắn liền với hoạt động của chính họ. Để thực hiện có hiệu quả các hoạt động của mình, con người cần phải có một số phẩm chất tâm lý cần thiết và tổ hợp những phẩm chất này được gọi là năng lực. Khi nói đến năng lực cần phải hiểu năng lực không phải là một thuộc tính tâm lý duy nhất nào đó mà là tổng hợp các thuộc tính tâm lý cá nhân đáp ứng được những yêu cầu hoạt động thực tiễn và bảo đảm hoạt động đó đạt được kết quả tối ưu. Theo tác giả Phạm Tất Dong: “Năng lực là sự tổng hợp những thuộc tính của cá nhân con người, đáp ứng những yêu cầu của hoạt động và đảm bảo cho hoạt động đạt được những kết quả cao” [26, tr.72]. Phạm Minh Hạc cũng khẳng định: “Năng lực chính là một tổ hợp đặc điểm tâm lý của một con người (còn gọi là tổ hợp thuộc tính tâm lý của nhân cách), tổ hợp đặc điểm này vận hành theo một mục đích nhất định, tạo ra kết quả của một hoạt động nào đấy”, hay, “năng lực là các đặc điểm tâm lý cá biệt tạo thành điều kiện quy định tốc độ, chiều sâu, cường độ của việc tác động và đối tượng lao động” [42, tr.146]. Lê Thị Bừng và Nguyễn Thị Vân Hương cũng quan niệm, năng lực là “tổng hợp những thuộc tính độc đáo của cá nhân, phù hợp với những yêu cầu đặc trưng của một hoạt động nhất định, nhằm đảm bảo việc hoàn thành có kết quả tốt trong lĩnh vực hoạt động ấy” [10, tr.10]... Các nhà nghiên cứu ở góc độ tiếp cận này đã khẳng định năng lực là một thuộc tính tâm lý vô cùng quan trọng đối với mỗi con người. Năng lực là tổng hợp các đặc điểm, thuộc tính tâm lý của cá nhân phù hợp với yêu cầu đặc trưng của một hoạt động nhất định nhằm đảm bảo cho hoạt động đó đạt hiệu quả cao. Năng lực cho biết con người có thể làm được gì và làm đến đâu, nó bảo đảm cho con người tiến hành được các hoạt động cải tạo tự nhiên và xã hội hiệu quả. Bên cạnh đó, có rất nhiều người coi năng lực là khả năng, tiềm năng, kỹ năng… bẩm sinh sẵn có hoặc được hình thành thông qua rèn luyện của con người nhằm đạt được hiệu quả hành động. Theo Amartya Sen, năng lực là tổ hợp khả