SlideShare a Scribd company logo
1 of 204
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
PHẠM THANH TÂM
NGUỒN LỰC THANH NIÊN
ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TRONG
XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC
HÀ NỘI - 2019
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
PHẠM THANH TÂM
NGUỒN LỰC THANH NIÊN
ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TRONG
XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC
Mã số: 62 22 03 08
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS ĐỖ THỊ THẠCH
HÀ NỘI - 2019
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của
riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung
thực, có nguồn gốc rõ ràng và được trích dẫn đầy đủ theo
quy định.
Tác giả luận án
Phạm Thanh Tâm
MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU 1
CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN
LUẬN ÁN 7
1.1. Các công trình nghiên cứu liên quan đến luận án 7
1.2. Đánh giá kết quả nghiên cứu của các công trình tổng quan và những
nội dung cần tiếp tục nghiên cứu của luận án 24
CHƯƠNG 2: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ VAI TRÒ NGUỒN LỰC
THANH NIÊN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TRONG XÂY DỰNG
NÔNG THÔN MỚI 32
2.1. Nguồn lực thanh niên và xây dựng nông thôn mới 32
2.2. Các yếu tố tác động tới vai trò nguồn lực thanh niên đồng bằng sông
Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới 54
CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG THỰC HIỆN VAI TRÒ NGUỒN LỰC
THANH NIÊN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TRONG XÂY DỰNG
NÔNG THÔN MỚI VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA HIỆN NAY 72
3.1. Thực trạng thực hiện vai trò nguồn lực thanh niên đồng bằng sông Cửu Long
trong xây dựng nông thôn mới 72
3.2. Nguyên nhân của thành tựu, hạn chế và vấn đề đặt ra trong thực hiện
vai trò của nguồn lực thanh niên đồng bằng sông Cửu Long trong xây
dựng nông thôn mới hiện nay 96
CHƯƠNG 4: QUAN ĐIỂM, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT HUY VAI TRÒ
NGUỒN LỰC THANH NIÊN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TRONG
XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI 121
4.1. Quan điểm phát huy vai trò nguồn lực thanh niên đồng bằng sông Cửu Long
trong xây dựng nông thôn mới 121
4.2. Những giải pháp chủ yếu nhằm phát huy vai trò nguồn lực thanh niên
đồng bằng sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới 127
KẾT LUẬN 161
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ CÓ LIÊN
QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 163
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 164
PHỤ LỤC 179
DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT TRONG LUẬN ÁN
CNH, HĐH : Công nghiệp hóa, hiện đại hóa
ĐBSCL : Đồng bằng sông Cửu Long
MTTQ : Mặt trận Tổ quốc
NLCN : Nguồn lực con người
NTM : Nông thôn mới
TNNT : Thanh niên nông thôn
UBND : Uỷ ban nhân dân
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Nguồn lực thanh niên là bộ phận quan trọng của nguồn lực con người
(NLCN), là tài sản quý giá mà mỗi quốc gia và toàn nhân loại đều quan tâm,
chăm sóc, bồi dưỡng và tìm cách phát huy có hiệu quả trên con đường phát triển.
Ở Việt Nam, thanh niên chiếm tỷ lệ khoảng 27,7% dân số cả nước và hơn 46,5%
lực lượng lao động xã hội [11, tr.9], là một trong những nguồn lực tiên phong
góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Bước vào thời kỳ
đổi mới, nhất là thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH)
đất nước và hội nhập quốc tế, Đảng ta khẳng định: “Sự nghiệp đổi mới có thành
công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng
đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã
hội chủ nghĩa hay không, phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc
bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên” [20, tr.23].
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một vùng nằm ở cực Nam của Tổ
quốc gồm có 12 tỉnh và 01 thành phố trực thuộc Trung ương1
, với tổng diện tích
khoảng 40.000 km2. Đây là vùng có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế - xã
hội, văn hóa của khu vực phía Nam, có tiềm năng lớn trong phát triển nông
nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là sản xuất lương thực, nuôi trồng, đánh
bắt thuỷ sản và phát triển vườn cây ăn trái. Hiện nay, ĐBSCL có trên 17,5 triệu
người, trong đó, thanh niên chiếm tỷ lệ 24,55% dân số của vùng.
Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM) của Đảng, Nhà
nước, trong những năm qua, thanh niên ĐBSCL đã tích cực tham gia các phong
trào hành động cách mạng, xung kích, tình nguyện, thi đua lao động sản xuất
làm giàu cho bản thân mình và đã có đóng góp không nhỏ vào những thành công
của Chương trình xây dựng NTM của toàn vùng, được Đảng bộ, nhân dân các
tỉnh ghi nhận.
1
Bao gồm: An Giang, Long An, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Thành phố Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang,
Kiên Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long
2
Vai trò nổi bật của nguồn lực thanh niên trong xây dựng NTM ở ĐBSCL
được thể hiện: là lực lượng đi đầu trong thông tin, tuyên truyền, vận động các
tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng NTM; tiên phong trong phát triển hạ tầng
kinh tế - xã hội của địa phương; đi đầu trong giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi
trường nông thôn; tham gia tích cực trong phát triển sản xuất, tăng thu nhập, xóa
đói giảm nghèo, giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn
hóa ở địa phương; là lực lượng xung kích giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn
nông thôn, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở nông thôn vững mạnh.
Tuy nhiên, hiện nay, vai trò của nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây
dựng NTM vẫn còn chưa rõ nét, đóng góp của họ cho xây dựng NTM chưa
tương xứng với tiềm năng hiện có. Nhiều tiêu chí NTM trong thực hiện đòi hỏi
sự đóng góp trực tiếp của nguồn lực thanh niên nhưng tỷ lệ đạt được còn thấp
như văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm,... Số lượng, nhất là chất lượng
thanh niên nông thôn (TNNT) nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu của xây
dựng NTM ở địa phương (trình độ học vấn thấp; trình độ khoa học, kỹ thuật hạn
chế; đời sống khó khăn, việc làm thiếu, thu nhập bấp bênh,...).
Những hạn chế nêu trên ngoài nguyên nhân khách quan do đặc điểm về
điều kiện địa lý, tự nhiên của vùng; xuất phát điểm của nông thôn ĐBSCL rất
thấp; nguồn kinh phí Nhà nước chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng đầu tư xây
dựng NTM, còn do những nguyên nhân sau đây trực tiếp tác động: 1) Ở nhiều
địa phương, cấp ủy đảng chưa quan tâm đúng mức, thiếu sâu sát, thậm chí còn
khoán trắng cho tổ chức Đoàn trong lãnh đạo công tác thanh niên, thậm chí chưa
đánh giá đúng vị trí, vai trò của lớp trẻ trong đời sống xã hội; 2) Một số chính
sách về thanh niên chưa phù hợp nhưng chậm được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi
cho sát với thực tiễn; 3) Công tác vận động, tập hợp thanh niên vào tổ chức tỷ lệ
đạt chưa cao; 4) Bản thân một bộ phận thanh niên chưa có chí vươn lên, chưa
tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức giao cho, trong đó có nhiệm
vụ tham gia xây dựng NTM.
Những hạn chế và nguyên nhân nêu trên về phát huy vai trò nguồn lực
thanh niên trong xây dựng NTM đã cản trở trực tiếp đến kết quả việc thực hiện
3
Chương trình xây dựng NTM ở ĐBSCL. Tính đến đầu năm 2016, cả khu vực
ĐBSCL mới có 233/1260 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 18,49% (cả nước tính
đến 2/2016 là 19,7%), tổng số tiêu chí đạt được là 16.896 tiêu chí, bình quân đạt
13,48 tiêu chí/xã [5].
Chính vì vậy, nghiên cứu về: “Nguồn lực thanh niên đồng bằng sông
Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới ” có ý nghĩa lý luận và giá trị thực
tiễn cấp bách không chỉ đối với ĐBSCL mà còn góp phần phát huy vai trò
nguồn lực thanh niên trong chung tay xây dựng NTM ở nước ta hiện nay.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Trên cơ sở phân tích làm rõ một số vấn đề lý luận và thực trạng thực hiện
vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM, luận án đề xuất các
quan điểm, giải pháp phát huy vai trò nguồn lực thanh niên góp phần thực hiện
các mục tiêu xây dựng NTM ở ĐBSCL hiện nay.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến luận án
- Phân tích một số vấn đề lý luận về vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL
trong xây dựng NTM
- Phân tích, đánh giá thực trạng thực hiện vai trò nguồn lực thanh niên
ĐBSCL trong xây dựng NTM và vấn đề đặt ra hiện nay
- Trình bày quan điểm và đề xuất giải pháp phát huy vai trò nguồn lực
thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận án tập trung nghiên cứu vai trò, thực hiện vai trò nguồn lực thanh
niên ĐBSCL trong xây dựng NTM hiện nay.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Phạm vi về nội dung:
Thứ nhất, nguồn lực thanh niên bao gồm những nhân tố tiềm năng và
hiện hữu, tuy nhiên, trong khuôn khổ của luận án, tác giả chỉ nghiên cứu
4
những yếu tố hiện hữu của nguồn lực thanh niên (hay còn gọi là nguồn nhân
lực thanh niên).
Thứ hai, về xây dựng NTM. Căn cứ Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày
17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành “Bộ tiêu chí quốc gia về xã
nông thôn mới giai đoạn 2016-2020”, bao gồm 5 nhóm nội dung với 19 tiêu chí
cụ thể. Đồng thời căn cứ vào Quyết định số 324/QĐ-TTg ngày 18/02/2013 của
Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Đề án Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí
Minh tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013-2020”, luận án lựa chọn
và tập trung làm rõ vai trò nguồn lực thanh niên trong xây dựng NTM, gồm:
trong thông tin, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng
NTM; trong thực hiện các tiêu chí về “Hạ tầng kinh tế - xã hội”; trong thực hiện
các tiêu chí về “Kinh tế và tổ chức sản xuất”; trong thực hiện các tiêu chí về
“Văn hóa - xã hội - môi trường”; trong thực hiện các tiêu chí về “Hệ thống chính
trị” trong xây dựng NTM.
- Phạm vi về không gian: Đồng bằng sông Cửu Long gồm 12 tỉnh và 1
thành phố trực thuộc Trung ương, tuy nhiên, luận án tập trung tiến hành khảo sát
thực tiễn ở 3 tỉnh: Long An (tỉnh có nhiều thành công trong xây dựng NTM);
Sóc Trăng (tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số) và Cà Mau (tỉnh còn nhiều
khó khăn trong xây dựng NTM).
- Phạm vi về thời gian: Luận án nghiên cứu nguồn lực thanh niên, vai trò
nguồn lực thanh niên trong xây dựng NTM ở ĐBSCL từ năm 2010 đến nay (từ
khi có Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về
phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-
2020).
4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
- Luận án thực hiện dựa trên cơ sở hệ thống quan điểm của chủ nghĩa
Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nguồn lực thanh niên, về vấn đề nông
nghiệp, nông thôn; các quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam về công
tác thanh niên, về xây dựng NTM.
5
- Luận án sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và
chủ nghĩa duy vật lịch sử; các phương pháp nghiên cứu cụ thể như: phân tích,
tổng hợp, thống kê, so sánh, mô tả, điều tra xã hội học, trừu tượng hóa, khái
quát hóa. Phương pháp điều tra xã hội học được thực hiện:
Đối tượng và hình thức và khảo sát:
Khảo sát bằng phiếu hỏi: 360 phiếu đối với đối tượng thanh niên bao
gồm: TNNT (217 phiếu); thanh niên thành thị (81 phiếu); thanh niên dân tộc (62
phiếu, dân tộc Khmer) và 224 phiếu đối với đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý
xã (bao gồm cả tổ chức đoàn) và cán bộ phụ trách xây dựng NTM ở huyện, xã
thuộc các tỉnh ĐBSCL.
Phỏng vấn sâu 6 Chủ tịch, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) các xã
của tỉnh Cà Mau.
Địa bàn và thời gian tiến hành khảo sát:
Tại tỉnh Cà Mau, khảo sát từ ngày 21/7/2018 đến ngày 26/7/2018.
Tại tỉnh Sóc Trăng, khảo sát từ ngày 02/8/2018 đến ngày 05/8/2018.
Tại tỉnh Long An, khảo sát từ ngày 10/9/2018 đến ngày 14/9/2018.
Tổng số đối tượng được khảo sát là 584 người. Sau khi thu thập thông tin
từ các đối tượng được khảo sát, tác giả tiến hành tổng hợp, phân tích, đánh giá
các số liệu và kết quả được trình bày ở phần phụ lục của luận án.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
- Xây dựng khung lý thuyết luận án, trong đó góp phần làm rõ các khái
niệm công cụ gồm: khái niệm nguồn lực thanh niên, khái niệm vai trò nguồn
lực thanh niên. Đặc biệt, khung lý thuyết nghiên cứu xác định được 5 nội
dung vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM và chỉ ra
được các yếu tố tác động tới thực hiện vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL
trong xây dựng NTM.
- Luận án phân tích, làm rõ những kết quả đạt được và hạn chế trong thực
hiện vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM hiện nay cùng
nguyên nhân của nó; chỉ ra 4 vấn đề bất cập cần giải pháp đột phá để giải quyết.
6
- Luận án nêu được 4 nhóm giải pháp giải quyết 4 vấn đề bất cập đặt
ra nhằm phát huy vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM
hiện nay gồm: nhóm giải pháp về nhận thức; nhóm giải pháp về giáo dục -
đào tạo; nhóm giải pháp xây dựng đời sống văn hóa mới; nhóm giải pháp về
phát huy vai trò chủ thể nguồn lực thanh niên và tổ chức thanh niên trong
xây dựng NTM.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
- Kết quả của luận án góp phần cung cấp cơ sở lý luận, cơ sở khoa học
giúp các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan và tổ chức có liên quan ở ĐBSCL
có thể tham khảo trong xây dựng chính sách, giải pháp phát huy vai trò nguồn
lực thanh niên trong xây dựng NTM hiện nay.
- Luận án là tài liệu tham khảo cho các cá nhân, tổ chức quan tâm trong
nghiên cứu, giảng dạy, tuyên truyền các nội dung liên quan đến chủ đề luận án.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục,
luận án được kết cấu thành 4 chương, 8 tiết.
7
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
1.1. CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
1.1.1. Các công trình nghiên cứu trong nước liên quan đến luận án
1.1.1.1. Các công trình nghiên cứu về nguồn lực thanh niên, vai trò
nguồn lực thanh niên
Trong Báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam [11] do Bộ Nội vụ và
Qũy Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp thực hiện, đã đưa ra các chỉ số
định lượng và phân tích định tính về thực trạng giáo dục, việc làm và chăm sóc
sức khỏe cho thanh niên cũng như sự tham gia của thanh niên trong việc xây
dựng và thực thi chính sách trong các lĩnh vực này. Đồng thời báo cáo đưa ra các
khuyến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật để phát triển toàn
diện thanh niên trong thời gian tới. Đây là nguồn tài liệu thứ cấp hết sức quan
trọng được tham khảo để phân tích, nhận định, so sánh, đánh giá thực trạng
thanh niên ĐBSCL hiện nay.
Báo cáo Kết quả chủ yếu điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia
đình thời điểm 1/4/2016 [113] do Tổng Cục thống kê thực hiện, đã thống kê số
lượng dân số ĐBSCL theo từng nhóm tuổi khác nhau, đặc biệt là chia dân số
trong độ tuổi thanh niên thành 04 nhóm, xác định cụ thể số lượng thanh niên của
từng nhóm tuổi. Báo cáo cũng cho thấy cơ cấu dân số thanh niên theo từng nhóm
tuổi sống ở khu vực thành thị và khu vực nông thôn. Những số liệu được thống
kê trên sẽ được tham khảo, kế thừa để đánh giá thực trạng về số lượng, cơ cấu
nguồn lực thanh niên ĐBSCL hiện nay và đưa ra dự báo về số lượng thanh niên
trong thời gian tới để phục vụ xây dựng NTM.
Đề tài khoa học cấp bộ Điều tra thực trạng, đề xuất các giải pháp phát
triển nguồn lực trẻ các dân tộc thiểu số phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện
đại hóa [54] của Đặng Cảnh Khanh, đề cập đến các giải pháp để phát huy vai trò
nguồn lực thanh niên đồng bào các dân tộc thiểu số. Tác giả đã đánh giá được
8
một cách toàn diện thực trạng phát triển nguồn lực trẻ các dân tộc thiểu số. Trên
cơ sở đó, tác giả đã nêu lên những nội dung cơ bản, giải pháp khá toàn diện về
phát triển nguồn nhân lực trẻ các dân tộc thiểu số phục vụ cho sự nghiệp CNH,
HĐH đất nước. Những kết quả trên sẽ được nghiên cứu để vận dụng vào việc
xây dựng nhóm giải pháp nhằm phát huy vai trò nguồn lực thanh niên các dân
tộc thiểu số phục vụ xây dựng NTM.
Phát huy nguồn lực thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại
hóa ở Việt Nam hiện nay [74] của Nguyễn Thị Tú Oanh, đã trình bày cơ sở lý luận
khoa học về nội dung, vai trò và ý nghĩa của nguồn lực thanh niên. Tác giả chỉ rõ:
Nếu con người là nguồn động lực lớn nhất của sự phát triển xã hội, thì thanh niên
là bộ phận ưu tú, khởi sắc nhất cấu thành nguồn động lực ấy. Nói đến nguồn lực
thanh niên không chỉ nhìn nhận nó trên cơ sở số lượng thanh niên chiếm tỷ lệ cao
trong cơ cấu dân cư và lực lượng chủ yếu trên các lĩnh vực hoạt động của đời sống
xã hội, mà nguồn lực thanh niên còn được nhìn nhận là một lực lượng xã hội giàu
tiềm năng phát triển. Nguồn lực thanh niên là tài sản vô giá của đất nước hôm nay
và mai sau. Mặc dù luận án chưa làm rõ khái niệm nguồn lực thanh niên, nhưng
những gợi ý, định hướng quan trọng trong việc tiếp cận khái niệm nguồn lực
thanh niên sẽ được nghiên cứu, kế thừa để xây dựng khái niệm về nguồn lực thanh
niên, vai trò nguồn lực thanh niên trong luận án của tác giả.
Lương Thanh Tân Giáo dục thẩm mỹ trong việc hình thành lối sống văn
hóa cho thanh niên vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay [89] nêu lên định
hướng trong việc phát huy vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL thông qua việc
giáo dục thẩm mỹ cho thanh niên. Luận án chỉ ra bản chất, vai trò và thực trạng
của giáo dục thẩm mỹ trong việc hình thành lối sống văn hóa cho thanh niên. Đề
xuất phương hướng và giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của
giáo dục thẩm mỹ trong việc hình thành lối sống văn hóa cho thanh niên
ĐBSCL.
Trong các cuốn sách Quản lý nhà nước và công tác thanh niên trong thời
kỳ mới [9] của Vũ Trọng Kim; Quản lý nhà nước đối với công tác thanh niên
trong giai đoạn hiện nay [95] của Đoàn Văn Thái, đề cập đến việc phát huy vai
9
trò nguồn lực thanh niên thông qua công tác quản lý nhà nước đối với thanh
niên. Các cuốn sách nêu lên cơ sở lý luận của quản lý nhà nước đối với công tác
thanh niên, đặc điểm, nội dung, phương thức quản lý nhà nước về công tác thanh
niên. Đánh giá tình hình thanh niên Việt Nam hiện nay và những giải pháp tăng
cường quản lý nhà nước về công tác thanh niên trong thời kỳ mới.
Thanh niên và lối sống của thanh niên Việt Nam trong quá trình đổi mới
và hội nhập quốc tế [121] của Phạm Hồng Tung, đã đưa ra được khái niệm thanh
niên và lối sống thanh niên, những nét cơ bản về tình hình thanh niên Việt Nam;
những xu hướng biến đổi tích cực và tiêu cực trong lối sống của thanh niên Việt
Nam. Cuốn sách nêu lên những giải pháp cơ bản nhằm xây dựng lối sống lành
mạnh, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc cho thanh niên Việt Nam trong thời kỳ
hội nhập quốc tế. Đồng thời, công trình khoa học trên cũng nêu sự cần thiết phải
đẩy mạnh giáo dục truyền thống tốt đẹp cho thanh niên, bồi dưỡng những thế hệ
thanh niên vừa có đức vừa có tài để phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Mặc dù công trình chưa làm rõ hình thức, phương pháp xây dựng lối sống lành
mạnh cho thanh niên; chưa đề cập đến vai trò của tổ chức đảng, chính quyền và
các tổ chức đoàn thể trong tuyên truyền, giáo dục, xây dựng lối sống cho thanh
niên, nhưng có giá trị trong việc tham khảo, vận dụng, kế thừa để xây dựng một
số nội dung trong luận án của tác giả.
Đặng Nguyên Anh, trong cuốn Suy thoái kinh tế & những thách thức đối
với giải quyết việc làm thanh niên hiện nay [2] đề cập đến việc phát huy vai trò
của nguồn lực thanh niên thông qua vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên.
Cuốn sách đánh giá tình hình việc làm của thanh niên nước ta hiện nay; nêu lên
những vấn đề và bất cập trong việc làm thanh niên. Từ đó, tác giả nêu lên quan
điểm, phương hướng giải quyết việc làm và đề xuất giải pháp giải quyết việc làm
cho thanh niên.
Bài viết Kinh tế tri thức và sự phát triển của nguồn lực thanh niên [55]
của Đặng Cảnh Khanh, đề cập đến nguồn nhân lực thanh niên dưới góc độ là
một bộ phận quan trọng của nguồn nhân lực quốc gia, vừa có những yếu tố đặc
thù. Đồng thời tác giả cũng lưu ý các nhà nghiên cứu khoa học và hoạch định
10
chính sách cần phải phân biệt rõ ràng giữa khái niệm “tuổi trẻ” với “nguồn nhân
lực trẻ”, bởi hai khái niệm này không đồng nhất mặc dù chúng có nhiều điểm
tương đồng.
Thực trạng đời sống tinh thần của thanh niên các dân tộc thiểu số vùng
Tây Nam Bộ [41] của Vũ Ngọc Hà, bài viết cho thấy thanh niên các dân tộc thiểu
số vùng Tây Nam Bộ ở nước ta giao tiếp có tính chiều sâu còn khá hạn chế. Bên
cạnh đó có thể thấy rõ nguy cơ mai một ngôn ngữ, chữ viết cũng như trang phục
dân tộc trong cộng đồng người dân tộc thiểu số. Hơn nữa, các loại hình giải trí
thanh niên các dân tộc thiểu số tham gia còn khá nghèo nàn, họ chưa có điều
kiện tham gia các loại hình giải trí mang tính chất giao lưu, mở rộng các mối
quan hệ.
Phát huy vai trò xung kích của thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp đổi
mới đất nước [63] của Nguyễn Quang Liệu, bài viết đánh giá vai trò đặc biệt
quan trọng của thanh niên trong sự nghiệp đổi mới đất nước; khẳng định thanh
niên là lực lượng chiến lược của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây
dựng chủ nghĩa xã hội. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, cần tiếp tục
thực hiện, phát huy phong trào “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước”;
phát huy vai trò thanh niên trong học tập và nghiên cứu khoa học; phát huy vai
trò thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội; phát huy vai trò thanh niên với
nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
1.1.1.2. Các công trình nghiên cứu về nông thôn, xây dựng nông thôn mới
Đề tài khoa học cấp bộ Xây dựng mô hình nông thôn mới vùng đồng bào
dân tộc thiểu số ở Tây Bắc nước ta hiện nay [44] do Hoàng Văn Hoan làm chủ
nhiệm, nêu lên một số vấn đề lý luận và thực tiễn về mô hình xây dựng NTM
cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc; thực trạng mô hình NTM vùng
đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc; quan điểm, định hướng, giải pháp xây
dựng NTM vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc. Đề tài khoa học cấp bộ
Xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở các tỉnh
vùng Đông Nam Bộ - Thực trạng và giải pháp [58] do Võ Thành Khối làm chủ
nhiệm, nêu lên lý luận cơ bản về xây dựng mô hình NTM; đánh giá thực trạng
11
xây dựng mô hình NTM vùng Đông Nam Bộ và những vấn đề đặt ra trong quá
trình CNH, HĐH; quan điểm, giải pháp nhằm xây dựng mô hình NTM phù hợp
với xu hướng phát triển bền vững ở vùng Đông Nam Bộ. Các đề tài khoa học
cấp bộ về xây dựng NTN nêu trên được nghiên cứu ở hai vùng kinh tế - xã hội
quan trọng của đất nước, vì vậy có giá trị tham khảo sâu sắc về mặt lý luận, cách
thức, biện pháp trong xây dựng NTM ở ĐBSCL.
Cuốn sách Kinh nghiệm quốc tế về nông nghiệp, nông thôn, nông dân
trong quá trình công nghiệp hóa [86] của Đặng Kim Sơn, đã tổng hợp, phân tích
vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong quá trình công nghiệp hóa ở
nhiều nước trên thế giới, từ đó tác giả liên hệ vào điều kiện cụ thể của Việt Nam
với những vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn như vai trò của nông nghiệp
trong công nghiệp hóa, vấn đề cơ cấu sản xuất, giải quyết những vấn đề về đất
đai, lao động, môi trường,… Đây là những vấn đề Việt Nam còn gặp lúng túng
trong quá trình xây dựng NTM để thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn
hiện nay.
Trong cuốn sách Xây dựng nông thôn mới - Những vấn đề lý luận và thực
tiễn [79] do Vũ Văn Phúc chủ biên, gồm các bài viết của các nhà khoa học, lãnh
đạo các cơ quan Trung ương, các địa phương, các ngành, các cấp về xây dựng
NTM, với nội dung về những vấn đề lý luận chung và kinh nghiệm quốc tế trong
xây dựng NTM, thực tiễn xây dựng NTM ở Việt Nam hiện nay. Trong đó, có
những bài viết khá sâu về xây dựng NTM như bài viết “Xây dựng nông thôn mới
- những vấn đề lý luận và thực tiễn” [80] của Vũ Văn Phúc, đã nêu được tính tất
yếu khách quan của xây dựng NTM ở nước ta và những nội dung, mục tiêu cụ
thể của NTM đến năm 2020; đưa ra những đánh giá kết quả bước đầu trong triển
khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và kết luận thực
hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM sẽ góp phần nâng cao đời
sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Bên cạnh đó, bài viết chỉ ra
những hạn chế trong xây dựng NTM ở nước ta thời gian qua, đồng thời đưa ra
các giải pháp đẩy mạnh công tác xây dựng NTM trong thời gian tới ở nước ta.
12
Cuốn sách Nông thôn mới Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn
[51] của Hồ Xuân Hùng, trình bày tổng quan về nông thôn và xây dựng NTM ở
Việt Nam. Cuốn sách đánh giá khá sâu sắc vị trí, vai trò, đặc điểm của nông
thôn trong nền kinh tế hiện nay và nêu một số định hướng phát triển nông thôn
ở nước ta. Đặc biệt, cuốn sách khái quát mô hình lý thuyết và nội dung Chương
trình, mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM; phân tích ưu điểm và bất cập từ
các mô hình xây dựng NTM ở Việt Nam giai đoạn 2010-2015, nêu kinh
nghiệm các nước trên thế giới trong xây dựng NTM, từ đó đề xuất các giải
pháp chủ yếu nhằm tăng cường xây dựng NTM ở nước ta giai đoạn 2016-2020.
Trong cuốn sách Các tỉnh ủy đồng bằng sông Cửu Long lãnh đạo chuyển
dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay [73] của Bùi Văn
Nghiêm - Dương Trung Ý, khái quát được những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ
bản nhất về các tỉnh ủy ĐBSCL lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông
nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Các tác giả đánh giá thực trạng, nguyên nhân
và nêu lên kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế
nông nghiệp của các tỉnh ủy ĐBSCL. Trên cơ sở những đánh giá, luận giải các
vấn đề nêu trên, đưa ra phương hướng và những giải pháp cơ bản trong thực
hiện lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của các tỉnh ủy ĐBSCL
hiện nay.
Bài viết Nông nghiệp, nông dân, nông thôn - những vấn đề không thể
thiếu trong phát triển bền vững [120] của Đào Thế Tuấn, nêu các vấn đề cấp
bách cần tập trung giải quyết đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước
ta. Đây là ba vấn đề khác nhau, nhưng nếu không cùng được giải quyết một
cách đồng bộ thì không thể CNH, HĐH đất nước thành công. Để giải quyết các
vấn đề trên, cần có một hệ thống biện pháp phát triển nông thôn có hiệu lực đó
là: Nhà nước cần có chính sách phát triển nông thôn toàn diện, không chỉ tập
trung vào nông nghiệp, đồng thời Nhà nước phải hỗ trợ việc tăng cường năng
lực cho các cộng đồng nông thôn để nông dân có thể tham gia vào việc phát
triển nông thôn.
13
Đỗ Thị Thạch - Nguyễn Văn Quyết trong bài viết Kết quả thực hiện nghị
quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và những vấn đề đặt ra trong xây
dựng nông thôn mới [93] chỉ ra, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7
khóa X, kinh tế nông nghiệp từng bước được xây dựng theo hướng hiện đại; kết
cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, phát triển; đời sống vật chất và tinh thần
của cư dân nông thôn được cải thiện và nâng lên rõ nét. Bên cạnh đó, còn một số
vấn đề đặt ra như: một số cán bộ và người dân nông thôn chưa nhận thức đúng
về mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM; hệ thống chính trị nông thôn bộc lộ một
số yếu kém, bất cập,... Từ đó, nêu lên các giải pháp chủ yếu là: nâng cao sự
thống nhất về nhận thức trong toàn hệ thống chính trị về mục tiêu, nhiệm vụ xây
dựng NTM; đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho nông thôn; đổi mới, kiện toàn hệ
thống chính trị nông thôn đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM.
Các địa phương trong cả nước có nhiều bài viết về xây dựng NTM như
Bắc Giang thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn
mới [87] của Lại Thanh Sơn; Vĩnh Long sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26-
NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân,
nông thôn [103] của Đặng Thị Ngọc Thịnh; Tỉnh Quảng Bình huy động các
nguồn lực xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền
vững [8] của Lương Ngọc Bính,... Các bài viết đã đưa ra những báo cáo thực
tiễn xây dựng NTM tại các địa phương trên, từ đó rút ra những kinh nghiệm để
thực hiện NTM trong những năm tiếp theo. Đây là tư liệu tham khảo quý giá về
tình hình thực tế xây dựng NTM ở nhiều địa phương, qua đó sẽ rút ra những
bài học kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp phù hợp cho xây dựng NTM ở
ĐBSCL.
Gần đây nhất có bài viết Xây dựng nông thôn mới năm 2019 - Giữ vững
chất lượng, bứt phá về đích [48] của Vương Đình Huệ, đánh giá những kết quả
nổi bật của xây dựng NTM trong năm bản lề 2018; nêu lên định hướng nhiệm
vụ trong xây dựng NTM đến cuối năm 2019 là cả nước phấn đấu có khoảng
50% số xã đạt chuẩn NTM, có trên 70 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính
phủ công nhận đạt chuẩn NTM; mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có một đơn vị
14
cấp huyện đạt chuẩn NTM và cả nước không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Để đạt
được các nhiệm vụ xây dựng NTM nêu trên, tác giả chỉ ra 10 nhiệm vụ, giải
pháp mà các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, tích cực tập trung triển khai
thực hiện.
1.1.1.3. Các công trình nghiên cứu về xây dựng nông thôn mới ở đồng
bằng sông Cửu Long
Lê Quốc Khởi Các tỉnh uỷ ở đồng bằng sông Cửu Long lãnh đạo xây
dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay [60] nêu lên đặc điểm của nông
thôn ở ĐBSCL; quan niệm về NTM và xây dựng NTM ở ĐBSCL. Luận án đã
góp phần làm rõ khái niệm, nội dung, phương thức lãnh đạo của các tỉnh ủy ở
ĐBSCL đối với xây dựng NTM. Rút ra những kinh nghiệm trong lãnh đạo xây
dựng NTM của các tỉnh ủy ở ĐBSCL từ 2010 đến 2016. Đề xuất 06 nhóm giải
pháp chủ yếu có tính khả thi nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các tỉnh ủy ở
ĐBSCL đối với xây dựng NTM đến năm 2025 gồm: Một là, lãnh đạo đẩy mạnh
tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, tổ chức
Đảng, Chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân, nhất là nông dân
về xây dựng NTM; Hai là, tăng cường lãnh đạo công tác quy hoạch và thực hiện
quy hoạch xây dựng NTM; Ba là, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo xây
dựng NTM của các tỉnh ủy ở ĐBSCL; Bốn là, lãnh đạo đẩy mạnh khai thác, huy
động các nguồn lực, tăng cường đầu tư cho xây dựng NTM; Năm là, đổi mới
tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền, phát huy sức mạnh
của các đoàn thể chính trị - xã hội cơ sở ở nông thôn; Sáu là, tăng cường sự lãnh
đạo, chỉ đạo giúp đỡ của Trung ương. Những nội dung trên được tham khảo để
đánh giá làm rõ thêm các đặc điểm về kinh tế - xã hội của ĐBSCL có ảnh hưởng
đến xây dựng NTM, đồng thời cũng được tham khảo trong việc đưa ra các giải
pháp, đặc biệt là giải pháp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng,
chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong phát huy vai trò
nguồn lực thanh niên xây dựng NTM ở ĐBSCL.
Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới ở
đồng bằng sông Cửu Long hiện nay [50] của Phạm Huỳnh Minh Hùng, đã khái
15
quát được tính tất yếu và tầm quan trọng của việc phát huy vai trò chủ thể của
nông dân trong xây dựng NTM; xác định được 05 nội dung cơ bản của phát huy
vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng NTM; nêu lên những nhân tố cơ
bản ảnh hưởng đến phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng NTM;
đánh giá thực trạng phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng NTM
ở ĐBSCL hiện nay. Từ việc khái quát những vấn đề trên, luận án nêu lên 03 nội
dung định hướng và xác định 02 nhóm giải pháp gồm: nhóm giải pháp đối với
chủ thể nông dân ĐBSCL và nhóm giải pháp về xây dựng cơ chế, chính sách,
tạo môi trường thuận lợi cho nông dân xây dựng NTM để phát huy vai trò chủ
thể của nông dân trong xây dựng NTM ở ĐBSCL.
Cuốn sách Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng
đồng bằng sông Cửu Long do Vũ Văn Phúc chủ biên, các tác giả Võ Văn Thắng
và Huỳnh Thanh Hiếu trong bài viết Xây dựng nông thôn mới - Bước đi vững
chắc cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đồng
bằng sông Cửu Long [97] nêu rõ, xây dựng NTM là một trong những nội dung,
nhiệm vụ và là thành tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện
thành công quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Đánh giá kết quả đạt
được trong xây dựng NTM ở ĐBSCL, đồng thời chỉ ra những hạn chế là: Kết
quả thực hiện một số tiêu chí đạt kết quả rất thấp; còn một số địa phương chưa
có bước chuyển biến tích cực trong phấn đấu thực hiện các tiêu chí xây dựng
NTM; tiêu chí xây dựng hệ thống chính trị đạt kết quả rất thấp. Những hạn chế
này ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện hiệu quả CNH, HĐH nông nghiệp,
nông thôn ĐBSCL.
Bài viết Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng
sông Cửu Long tầm nhìn 2020 [115] của Hà Trang, nêu lên mục tiêu xây dựng
NTM ở ĐBSCL; các tiêu chí cần đạt được đến năm 2020 ở ĐBSCL; định hướng
phát triển các ngành, lĩnh vực ở ĐBSCL đến năm 2020. Bài viết có giá trị tham
khảo trong việc xây dựng phần lý luận về NTM và xác định số lượng các tiêu chí
cần đạt trong xây dựng NTM ở ĐBSCL đến năm 2020.
16
Tác giả Lê Hanh Thông, trong bài viết Xây dựng nông thôn mới ở đồng
bằng sông Cửu Long - Thực trạng và những vấn đề đặt ra [102] đánh giá khá rõ
nét thực trạng xây dựng NTM ở ĐBSCL, đồng thời trên cơ sở đó nêu lên những
vấn đề đặt ra trong xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí Quốc gia ở nông thôn
ĐBSCL. Bài báo nêu lên vai trò của hệ thống chính trị cơ sở và vai trò của nông
dân trong xây dựng NTM, một số yêu cầu trong xây dựng NTM ở ĐBSCL.
Những vấn đề tác giả nêu ra là tư liệu tham khảo để phân tích, so sánh, đối chiếu
với kết quả đạt được hiện nay, từ đó tiếp tục xác định những vấn đề đặt ra trong
xây dựng NTM ở ĐBSCL hiện nay và giai đoạn tiếp theo.
1.1.1.4. Các công trình nghiên cứu về vai trò thanh niên trong xây dựng
nông thôn, nông thôn mới
Cuốn sách Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng
đồng bằng sông Cửu Long do Vũ Văn Phúc chủ biên, trong bài viết Xây dựng
nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long - Thành tựu và những vấn đề đặt ra
[71] của Nguyễn Thị Thu Nga và Nguyễn Thị Vy, nêu những kết quả đạt được
từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM ở ĐBSCL; rút ra 07 bài học
kinh nghiệm trong xây dựng NTM ở ĐBSCL. Đặc biệt, bài học thứ năm về “Vai
trò của thanh niên trong phát triển NTM” cho thấy: Thanh niên là lực lượng
năng động nhất, qua các phong trào thanh niên có thể học tập, lựa chọn những
nhóm thanh niên tiêu biểu từng địa phương để tổ chức đào tạo, hỗ trợ tín dụng,
khoa học công nghệ,... để thanh niên trở thành những nhà tư vấn, quản lý địa
phương, chủ trang trại và doanh nghiệp quản lý chuyên nghiệp, hiện đại, áp dụng
công nghệ mới, xây dựng các tổ chức kinh tế NTM,... Những thanh niên này sẽ
là chủ nhân tương lai, chủ thể xây dựng NTM có tính năng động.
Nguyễn Đắc Vinh, trong bài viết Phát huy vai trò xung kích, tinh thần tình
nguyện của thanh niên trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
và hội nhập quốc tế [132] đánh giá khái quát vai trò của thanh niên trong tham
gia các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, “Thanh niên lập nghiệp”,
“Tuổi trẻ giữ nước”, “Thi đua tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt
Nam xã hội chủ nghĩa”, “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và
17
bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Tuổi trẻ
chung tay xây dựng nông thôn mới”,… Tác giả luận giải, thông qua những
phong trào cách mạng đó đã góp phần thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế -
xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, nhất là ở
vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Tổ quốc, đó cũng là góp phần thiết
thực cho xây dựng NTM của thanh niên. Trên cơ sở đó, tác giả đã đề xuất 4 nội
dung cơ bản để phát huy tốt hơn nữa vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của
thanh niên trong quá trình CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
Bài viết Từ phong trào “Thanh niên xung phong” đến phong trào “Thanh
niên tình nguyện” [133] của Nguyễn Đắc Vinh, làm rõ truyền thống tình nguyện,
hy sinh lợi ích của bản thân thanh niên để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng
của dân tộc. Tinh thần xung kích, tình nguyện trở thành một phẩm chất tốt đẹp
được trao truyền từ thế hệ thanh niên này đến thế hệ thanh niên khác. Tiếp nối
phong trào “Thanh niên xung phong”, hiện nay phong trào “Thanh niên tình
nguyện” đã tạo dựng hình ảnh đẹp về lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, xung
kích, đi đầu, không ngại gian khổ mang sức lực, trí tuệ góp phần xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc. Với tinh thần xung kích, tình nguyện trong xây dựng NTM,
thanh niên tham gia tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng giao
thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông,
xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, bảo vệ môi trường,… đã mang lại
nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng, góp phần quan trọng trong xây dựng
NTM. Trong điều kiện hiện nay, để tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Thanh niên
tình nguyện”, bài viết nêu lên 06 nội dung gồm: các hoạt động tình nguyện cần
bảo đảm tính rộng khắp; các hoạt động tình nguyện cần bảo đảm tính định
hướng; các hoạt động tình nguyện cần bảo đảm tính dẫn dắt; các hoạt động tình
nguyện cần bảo đảm tính cụ thể, thiết thực; trong tổ chức phong trào thanh niên
tình nguyện cần bảo đảm tính sáng tạo; các hoạt động tình nguyện cần bảo đảm
tính bền vững.
Bài viết Định hướng giá trị cho thanh niên thông qua các phong trào
hành động cách mạng của Đoàn hiện nay [78] của Lê Quốc Phong, nêu lên tính
18
cần thiết của việc định hướng giá trị cho thanh niên; hướng thanh niên tới “Tâm
trong”, “Trí sáng”, “Hoài bão lớn”; thanh niên Việt Nam rèn luyện, hình thành
các giá trị hình mẫu thông qua việc tham gia các phong trào hành động cách
mạng của Đoàn. Bài viết nêu rõ, thanh niên Việt Nam cần rèn luyện, hình thành
các giá trị hình mẫu bằng những phong trào tình nguyện cụ thể như “Tình
nguyện bảo vệ môi trường”, “Ứng phó biến đổi khí hậu”, “Tình nguyện tham gia
bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, “Tình nguyện bảo đảm an sinh xã hội”, đặc
biệt tham gia phong trào “Tình nguyện chung tay xây dựng NTM” để tuổi trẻ
cùng chung tay góp sức xây dựng thành công NTM.
1.1.2. Các công trình nghiên cứu ngoài nước liên quan đến luận án
1.1.2.1. Các công trình nghiên cứu về nguồn lực thanh niên, vai trò
nguồn lực thanh niên
The Asia Foundation The Youth Factor 2012 Survey of Malaysian Youth
Opinion (Tạm dịch: Nhân tố thanh niên - Khảo sát năm 2012 về ý kiến thanh
niên Malaysia) [100] cho thấy, thanh niên Malaysia chiếm 43% trong tổng dân
số, họ đóng vai trò rất quan trọng đối với đất nước. Có hơn 2100 thanh niên trên
tất cả các bang ở Malaysia đã tham gia vào cuộc khảo sát toàn diện, cuộc khảo
sát cung cấp thái độ, mối quan tâm và thực tiễn của thanh niên Malaysia về các
vấn đề chính trị, xã hội và kinh tế đương đại. Nội dung khảo sát cho thấy,
Malaysia cần các chiến lược hiệu quả và sáng suốt hơn để nuôi dưỡng tiềm năng
và tài năng của giới trẻ và khuyến khích họ tham gia vào các công việc của đất
nước. Kết quả khảo sát khẳng định, người trẻ tuổi Malaysia chắc chắn sẽ là nhân
tố quyết định của đất nước. Đây là tài liệu có thể tham khảo để chỉ ra vai trò
quan trọng của nguồn lực thanh niên ở Việt Nam trên các lĩnh vực đời sống xã
hội, cũng như sự cần thiết phải phát huy vai trò nguồn lực thanh niên trong xây
dựng, phát triển đất nước, xây dựng NTM.
Paula Lavis Why relationships are so important for children and young
people (Tạm dịch: Tại sao các mối quan hệ rất quan trọng đối với trẻ em và
những người trẻ tuổi) [76] cho thấy, là những sinh vật xã hội, khả năng hình
thành và duy trì các mối quan hệ là điều cần thiết cho chúng ta. Nó là một điều
19
kiện quan trọng để khỏe mạnh về tinh thần và có ý thức tích cực về sức khỏe.
Mối quan hệ là quan trọng trong suốt cuộc đời, nếu chúng ta có thể đảm bảo
rằng trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên có thể hình thành và duy trì các mối
quan hệ tích cực theo cách có ý nghĩa với chúng, điều này sẽ giúp chúng khởi
đầu tốt trong cuộc sống và hỗ trợ sự phát triển tinh thần của chúng. Có thể tham
khảo phương pháp được sử dụng trong công trình nghiên cứu trên cho việc thực
hiện mục tiêu phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần của thanh thiếu niên
Việt Nam.
Dengyang Kongchi Vấn đề phát huy nguồn lực thanh niên trong quá trình
công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào hiện nay [17]
nêu lên quan niệm về nguồn nhân lực, nguồn lực thanh niên, phát huy vai trò
nguồn lực thanh niên trong quá trình CNH, HĐH ở Lào; đánh giá thực trạng và
đề xuất 04 nhóm giải pháp chủ yếu để phát huy vai trò NLTN trong quá trình
CNH, HĐH ở Lào trong thời gian tới gồm: Đẩy mạnh công tác giáo dục - đào
tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực thanh niên đáp ứng yêu cầu quá trình
CNH, HĐH; phân bổ, sử dụng hợp lý nguồn lực thanh niên, giải quyết việc làm
và tạo điều kiện cho thanh niên làm việc trong quá trình CNH, HĐH; hoàn thiện
cơ chế, chính sách nhằm phát huy có hiệu quả nguồn lực thanh niên trong quá
trình CNH, HĐH; mở rộng dân chủ, khơi dậy sự nỗ lực của bản thân thanh niên
và đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm phát huy có hiệu quả vai trò nguồn lực thanh
niên trong quá trình CNH, HĐH.
Claire Lee Youth unemployment reaches 19-year high in South Korea
(Tạm dịch: Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên lên tới 19 tuổi ở Hàn Quốc) [15] cho
biết, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Hàn Quốc ở độ tuổi 25-34 đã đạt mức cao
nhất trong 19 năm. Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp trong số những người Hàn
Quốc có bằng đại học cũng đạt mức cao nhất kể từ năm 1999. Một số chuyên gia
cho rằng các chính sách lao động chuyên nghiệp hiện tại của chính phủ Moon
Jae-in, bao gồm tăng lương tối thiểu mới nhất và giảm số giờ làm việc hàng tuần
tối đa từ 68 xuống 52, có thể là những người đóng góp lớn cho số lượng thanh
niên Hàn Quốc không thể tìm được việc làm. Đây là kinh nghiệm đáng tham
20
khảo cho Việt Nam khi đưa ra chính sách lao động đối với thanh niên của Nhà
nước ta hiện nay.
International Fund for Agricuitural Development New policies and
investments urgently needed in support of rural youth in poorest countries, says
a new UN report (Tạm dịch: Một chính sách và đầu tư mới rất cần thiết để hỗ trợ
thanh niên nông thôn ở các nước nghèo nhất, báo cáo mới của Liên Hợp Quốc),
[53] cho thấy, khoảng 500 triệu thanh niên, khoảng một nửa dân số thanh niên
của các nước đang phát triển sống ở khu vực nông thôn. Con số này tăng lên 780
triệu khi bao gồm các khu vực bán nông thôn và ven đô thị. Những người trẻ này
dễ bị nghèo đói và bất bình đẳng và bị kìm hãm bởi một loạt các hạn chế, bao
gồm thiếu đào tạo và kỹ năng, hạn chế truy cập vào đất đai và tín dụng. Nhưng
với các chính sách và đầu tư đúng đắn, những người trẻ tuổi đó có thể thúc đẩy
tăng trưởng kinh tế ở khu vực nông thôn và cải thiện cuộc sống trong cộng đồng
của họ. Tham khảo tài liệu này, giúp chúng ta thấy được sự cần thiết phải xây
dựng chính sách hỗ trợ, đầu tư cho TNNT ở nước ta để phát huy vai trò của họ
trong xây dựng NTM.
1.1.2.2. Các công trình nghiên cứu về nông thôn, xây dựng nông
thôn mới
Dự án Nghiên cứu chính sách chung Việt Nam - Hàn Quốc về so sánh
chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào Semaul
Hàn Quốc [46] do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Trường Đại học
Yang Nam (Hàn Quốc) phối hợp xây dựng. Dự án tập trung so sánh, phân tích
phong trào Semaul ở Hàn Quốc và chương trình xây dựng NTM ở Việt Nam, chỉ
ra những điểm giống và khác biệt giữa hai chương trình, từ đó làm rõ những yếu
tố thành công, vấn đề hạn chế tiềm ẩn của chương trình xây dựng NTM của Việt
Nam. Trên cơ sở đó, đưa ra phương án cải cách cách thức tổ chức phát huy tối
đa các điểm mạnh, sửa đổi và hoàn thiện các vấn đề để chương trình xây dựng
NTM ở Việt Nam đạt hiệu quả và phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo.
Dự án cũng gợi ý một số chính sách cho chương trình xây dựng NTM ở Việt
Nam giai đoạn 2016 - 2020 về Chính sách để tăng cường sự tham gia của người
21
dân; Đổi mới phương thức thực hiện các tiêu chí trong Bộ tiêu chí NTM; Chính
sách đào tạo cán bộ thực hiện chương trình xây dựng NTM.
Đảng nhân dân cách mạng Lào lãnh đạo xây dựng nông thôn mới trong
giai đoạn hiện nay [13] của Bun Thoong Chít Ma Ni, nêu cơ sở lý luận và thực
tiễn để tiến hành xây dựng NTM ở Lào. Luận án nêu rõ về điều kiện kinh tế - xã
hội nước Lào khi xây dựng NTM có những khó khăn tương đồng Việt Nam như
nhiều tiềm năng, lợi thế ở nông thôn chưa được phát huy, cơ cấu kinh tế nông
thôn chưa có sự thay đổi đáng kể theo hướng CNH, HĐH, kết cấu hạ tầng còn
nhiều yếu kém, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức cơ sở đảng ở nông thôn
còn nhiều bất cập,... Từ thực trạng trên, luận án đề xuất phương hướng và 07 giải
pháp chủ yếu nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhân dân cách mạng Lào
đối với sự nghiệp xây dựng NTM ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trong giai
đoạn hiện nay.
Trong cuốn sách Xây dựng nông thôn mới - Những vấn đề lý luận và thực
tiễn do Vũ Văn Phúc chủ biên, các bài viết Chính sách phát triển nông thôn mới
ở Trung Quốc [82] và Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở một số nước/vùng
lãnh thổ và vấn đề đặt ra về xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay [83] của
Lê Minh Phụng, nêu lên Chính sách phát triển NTM ở Trung Quốc gồm: Quan
điểm, chủ trương của Đảng cộng sản Trung Quốc; chính sách đất đai; chính sách
tín dụng; chính sách về phát triển các tổ chức dân sự, hiệp hội, hợp tác xã; chính
sách xóa đói, giảm nghèo; chính sách miễn giảm thuế; chính sách môi trường;
chính sách xây dựng NTM. Phát triển NTM qua chính sách cụ thể của Nhật Bản,
Pháp, Hàn Quốc, Đài Loan, Hà Lan. Đây là những kinh nghiệm có giá trị tham
khảo trong việc xây dựng các chính sách phù hợp để phát huy vai trò nguồn lực
thanh niên phục vụ cho xây dựng NTM. Trong bài viết Xây dựng nông thôn mới
ở Việt Nam - kinh nghiệm từ Nhật Bản [66] của Nguyễn Thành Lợi, nêu lên mô
hình cơ bản xây dựng NTM của Nhật Bản; các giai đoạn xây dựng NTM ở Nhật
Bản (gồm 4 giai đoạn), từ đó rút ra kinh nghiệm của Nhật Bản trong công cuộc
xây dựng NTM. Đặc biệt, từ kinh nghiệm của Nhật Bản, tác giả đã đưa ra một số
gợi ý đối với Việt Nam. Đó là, để xây dựng NTM đạt được hiệu quả, cần phải
22
phát huy tối đa vai trò chỉ đạo của Chính phủ; lấy phát triển kinh tế nông thôn,
tăng thu nhập cho người nông dân làm hạt nhân then chốt; nêu cao tinh thần tự
lực, tự cường, lòng tin và lòng quyết tâm cho người nông dân. Những gợi ý thiết
thực này được tham khảo để rút ra bài học kinh nghiệm nhằm phát huy vai trò
của nguồn lực thanh niên trong xây dựng NTM hiện nay.
Cuốn sách Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp vùng đồng bằng sông
Hồng trong bối cảnh hội nhập quốc tế [65] của Đỗ Thị Thanh Loan, nêu lên kinh
nghiệm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của một số nước như Malaixia,
Thái Lan. Ở Malaixia thực hiện chính sách hỗ trợ trồng một số cây công nghiệp có
lợi thế; giải quyết thiếu hụt lao động nông nghiệp do lao động di cư ra thành thị;
nhà nước tạo mọi điều kiện cho tất cả các hình thức tổ chức kinh doanh sản xuất
trong nông nghiệp phát triển; xây dựng luật đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông
nghiệp thông thoáng; ban hành chính sách khuyến nông hỗ trợ các điền chủ nhỏ
và chính sách hỗ trợ công nghiệp chế biến. Ở Thái Lan thực hiện nhất quán chế độ
đa sở hữu và đa thành phần kinh tế; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông
sản; nhà nước khuyến khích mạnh các chủ thể kinh tế ở khu vực nông nghiệp thực
hiện chiến lược đa canh kết hợp với chuyên môn hóa một số sản phẩm có thế
mạnh cho tiêu dùng và xuất khẩu; nhà nước ban hành các chính sách khuyến nông
đối với từng vùng nông nghiệp; chính phủ ban hành chính sách ưu đãi về thuế và
trợ giá nông nghiệp nhằm khuyến khích nông nghiệp phát triển.
Bài viết Nông thôn và cải cách ở Nga [75] của ORLOV G.M, UVAROV
V. I, do Võ Kim Quyên dịch, phân tích, đánh giá tình hình tổ chức sản xuất ở
nông thôn nước Nga và nêu lên sự cần thiết phải đổi mới tổ chức sản xuất ở
nông thôn cho phù hợp với điều kiện mới; sự cần thiết phải tiến hành cải cách
nhằm đem lại nhiều tự do và tự chủ hơn cho nông thôn. Bài viết Những kết
quả, vấn đề và triển vọng chuyển sang thị trường ở nông thôn Trung Quốc [10]
của BONI L, do Nguyễn Y Na dịch, chỉ ra việc phát triển kinh tế thị trường ở
nông thôn Trung Quốc đã kích thích tăng cường độ lao động, nâng cao hiệu
quả lao động, thúc đẩy quá trình làm sâu thêm phân công lao động xã hội và
23
chuyên môn hóa ở nông thôn; phải thực hiện mô hình kết cấu lại và liên kết
nông nghiệp là một yếu tố quyết định để nâng cao hiệu quả sản xuất; việc phát
triển kinh tế thị trường ở nông thôn phải được nhà nước điều tiết bằng các
phương pháp kinh tế mới có khả năng kích thích lợi ích của nông dân và phân
phối hợp lý các nguồn lực.
1.1.2.3. Các công trình nghiên cứu về vai trò thanh niên trong xây dựng
nông thôn
International Labour Office Youth and rural development: evidence from
25 school-to-work transition surveys (Tạm dịch là: Thanh niên và phát triển
nông thôn: Bằng chứng từ 25 cuộc điều tra chuyển đổi từ trường học sang nơi
làm việc) [52], chỉ ra mối liên hệ giữa thanh niên và phát triển nông thôn ở các
nước đang phát triển với bằng chứng từ 25 khảo sát chuyển đổi từ trường học
sang nơi làm việc. Báo cáo đánh giá tình hình thị trường lao động thanh niên và
thành thị ở các nước đang phát triển; thực trạng về trình độ học vấn, thất nghiệp,
việc làm theo ngành nghề, tình trạng và sự ổn định của việc làm. Báo cáo tổng
quan tình hình việc làm của thanh niên ở khu vực nông thôn của châu Phi; những
việc làm dễ bị tổn thương ở khu vực nông thôn châu Phi; nêu các chính sách
thúc đẩy sinh kế tốt hơn của TNNT; đánh giá tình hình lao động, việc làm của
thanh niên ở nông thôn châu Phi cận Sahara,… từ đó chỉ ra mối liên hệ giữa
thanh niên và phát triển nông thôn ở các nước đang phát triển.
Development Centre Studies The Future of Rural Youth in Developing
Countries - Tapping the Potential of Local Value Chains (Tạm dịch là: Tương
lai của TNNT ở các nước đang phát triển - Khai thác tiềm năng của chuỗi giá trị)
[18], nêu lên tương lai của TNNT ở các nước đang phát triển. Cuốn sách chỉ rõ,
TNNT chiếm hơn một nửa dân số thanh niên ở các nước đang phát triển và sẽ
tiếp tục tăng trong 35 năm tới, nếu không chuyển đổi nông thôn và thực hiện
công nghiệp hóa xanh nhanh chóng để tạo ra nhiều việc làm một cách bền vững
thì đại đa số TNNT ở các nước đang phát triển không có nhiều lựa chọn ngoài
việc làm những công việc được trả lương thấp và không ổn định hoặc di cư. Đây
24
là kinh nghiệm đáng tham khảo về vấn đề việc làm trong NTM ở Việt Nam, đặc
biệt là trong NTM ở vùng ĐBSCL vào những năm tiếp theo.
Radhika Kapur Role of Youth in Rural Development (Tạm dịch là: Vai
trò của thanh niên trong phát triển nông thôn) [84] cho thấy, vai trò của thanh
niên ở nông thôn góp phần mang lại sự cải thiện trong cơ sở hạ tầng, làm tăng
mức sống dân cư và làm cho nông thôn phát triển tốt hơn. Thanh niên tham
gia vào hoạt động nông thôn mạnh mẽ, nhưng có những trở ngại nhất định
trong quá trình tham gia của họ như không đủ kiến thức và thông tin, cơ sở hạ
tầng yếu, chi phí và bất bình đẳng. Do vậy, để thanh niên thực hiện tốt vai trò
của mình cần trang bị, phát triển các kỹ năng cho họ như hoạt động của máy
móc, sản xuất hàng hóa, thể thao, âm nhạc, sử dụng công nghệ, máy
tính,... Đặc biệt, các tổ chức giáo dục rất cần thiết cho phát triển các vùng
nông thôn, giáo dục cho phép thanh niên tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn cho
chính mình. Đây là những vấn đề có thể tham khảo trong việc chỉ ra vai trò
của nguồn lực thanh niên và các yếu tố tác động đến thực hiện vai trò nguồn
lực thanh niên ở ĐBSCL hiện nay.
1.2. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA CÁC CÔNG TRÌNH TỔNG
QUAN VÀ NHỮNG NỘI DUNG CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU CỦA LUẬN ÁN
1.2.1. Đánh giá chung về các công trình nghiên cứu có liên quan
đến luận án
Qua việc hệ thống các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án,
tác giả có một số đánh giá, nhận xét như sau:
Một là, các công trình đều nghiên cứu về vấn đề liên quan đến thanh niên,
nguồn lực thanh niên, vai trò nguồn lực thanh niên, xây dựng NTM. Các tác giả
đã tập trung khai thác, làm rõ vấn đề lý luận và thực tiễn về những nội dung cụ
thể liên quan đến các vấn đề trên ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Về nguồn lực thanh niên, vai trò nguồn lực thanh niên, xây dựng NTM và
xây dựng NTM ở ĐBSCL:
Khái niệm “Thanh niên” được một số tác giả đưa ra những bàn luận khá
sâu sắc và khái niệm này tiếp tục được tác giả Phạm Hồng Tung luận giải rõ hơn
25
trong cuốn sách “Thanh niên và lối sống của thanh niên Việt Nam trong quá
trình đổi mới và hội nhập quốc tế” khi bàn luận về lối sống thanh niên nước ta
hiện nay. Về nguồn lực thanh niên, vai trò nguồn lực thanh niên cũng được nhiều
tác giả luận giải, đặc biệt có tác giả luận giải khá sâu sắc nguồn nhân lực thanh
niên dưới góc độ là một bộ phận quan trọng của nguồn nhân lực quốc gia vừa có
những yếu tố đặc thù, khi nghiên cứu nguồn lực thanh niên cần phải phân biệt rõ
ràng giữa khái niệm “tuổi trẻ” với “nguồn nhân lực trẻ”; có tác giả còn khẳng
định, thanh niên là lực lượng chiến lược của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ
nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tác giả Nguyễn Thị Tú Oanh trong luận án
của mình đã cho thấy cơ sở lý luận khoa học về nội dung, vai trò và ý nghĩa của
nguồn lực thanh niên và phát huy vai trò nguồn lực thanh niên trong sự nghiệp
CNH, HĐH. Ngoài ra, một số báo cáo khảo sát, công trình khoa học nước ngoài
còn khẳng định nguồn lực thanh niên chắc chắn sẽ là nhân tố quyết định của đất
nước (ở Malaysia). Những vấn đề về nguồn lực thanh niên, vai trò nguồn lực
thanh niên, phát huy vai trò nguồn lực thanh niên còn được các tác giả nước
ngoài bàn luận khá sâu sắc thông qua những bài viết và luận án tiến sỹ của họ.
Vấn đề xây dựng NTM ở nước ta nói chung và xây dựng NTM ở ĐBSCL,
hiện nay đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu và sự quan tâm của nhiều
tác giả. Từ những vấn đề chung như tính tất yếu khách quan của xây dựng NTM,
hệ thống lại quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, các quy định của Nhà
nước về xây dựng NTM, đến đánh giá khá sâu sắc về vị trí, vai trò, đặc điểm của
nông thôn trong nền kinh tế hiện nay. Có tác giả thông qua sách chuyên khảo
khái quát mô hình lý thuyết và nội dung Chương trình, mục tiêu Quốc gia về xây
dựng NTM; phân tích ưu điểm và bất cập từ các mô hình xây dựng NTM ở Việt
Nam giai đoạn 2010-2015, nêu lên kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong
xây dựng NTM. Một số luận án còn khái quát các vấn đề lý luận về xây dựng
NTM, tính tất yếu xây dựng NTM ở ĐBSCL. Đặc biệt, có các đề tài khoa học
cấp bộ nêu lên một số vấn đề lý luận và thực tiễn về mô hình xây dựng NTM
cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, ở vùng Đông Nam Bộ. Đây là
26
những tài liệu đáng tham khảo để trên cơ sở các nguồn lực hiện có, nhất là nguồn
lực thanh niên xác định mô hình NTM cho phù hợp với thực tế ở ĐBSCL.
Ngoài ra, còn có nhiều công trình khoa học ngoài nước cũng như của các
tác giả trong nước nghiên cứu về xây dựng NTM ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung
Quốc, Lào, Thái Lan, Malaysia,... đã chỉ ra vị trí, vai trò của NTM ở các nước,
rút ra những kinh nghiệm quý báu trong xây dựng NTM ở các nước cho Việt
Nam và ĐBSCL tham khảo trong xây dựng NTM.
Về thực trạng nguồn lực thanh niên, thực hiện vai trò nguồn lực thanh
niên trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, trong xây dựng NTM:
Đánh giá thực trạng nguồn lực thanh niên, thực hiện vai trò nguồn lực
thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, trong xây dựng NTM có nhiều
công trình khoa học tiếp cận ở các phương diện khác nhau. Dưới góc độ chỉ
đánh giá thực trạng nguồn lực thanh niên các dân tộc thiểu số đã được đề cập
đến thông qua đề tài khoa học cấp bộ. Đánh giá thực trạng nguồn lực thanh niên,
thực hiện vai trò nguồn lực thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH,
trong xây dựng NTM còn được thực hiện thông qua các cuốn sách chuyên khảo,
luận án với nhiều phương diện. Ở góc độ nhấn mạnh khía cạnh về thực trạng lối
sống của thanh niên Việt Nam hiện nay, đã có quyển sách chuyên khảo chỉ ra
những xu hướng biến đổi tích cực và tiêu cực của lối sống thanh niên Việt Nam
có tác động nhất định đến việc thực hiện vai trò nguồn lực thanh niên trong quá
trình đổi mới và hội nhập quốc tế.
Một số sách chuyên khảo đánh giá tình hình thanh niên Việt Nam dưới
góc độ quản lý nhà nước, có tác giả chỉ đánh giá riêng về thực trạng thanh niên
tiếp nhận các giá trị truyền thống dân tộc. Trong các luận án của mình, nhiều tác
giả đánh giá được thực trạng nguồn lực thanh niên về số lượng, cơ cấu, đặc biệt
là về chất lượng với nhiều khía cạnh của nó như: học vấn, chuyên môn, sức
khỏe, việc làm, nhận thức chính trị,... Đặc biệt, trong các báo cáo của Bộ Nội vụ
và Tổng Cục thống kê đã khảo sát, đánh giá tương đối đầy đủ và đưa ra được
những con số cụ thể về thực trạng nguồn lực thanh niên trên nhiều phương diện
khác nhau và thực hiện vai trò nguồn lực thanh niên ở một số lĩnh vực quan
27
trọng của đời sống xã hội như giáo dục, y tế, việc làm. Đặc biệt, còn có báo cáo
của tổ chức nước ngoài về thực trạng trình độ học vấn, thất nghiệp, việc làm theo
ngành nghề của thanh niên ở các nước đang phát triển và thanh niên ở nông
thôn châu Phi cận Sahara. Đây là những nội dung có thể tham chiếu trong xây
dựng NTM ở Việt Nam, cũng như ĐBSCL. Ngoài ra, còn có nhiều tài liệu
nước ngoài nghiên cứu về nguồn lực thanh niên, vai trò nguồn lực thanh niên
dưới các góc độ như tiến hành các khảo sát để chỉ ra vai trò rất quan trọng của
nguồn lực này đối với đất nước (ở Malaysia); chỉ ra tầm quan trọng trong các
mối quan hệ xã hội của thanh niên; tình trạng thất nghiệp của thanh niên (ở
Hàn Quốc); sự cần thiết phải có một chính sách và đầu tư mới để hỗ trợ
TNNT ở các nước nghèo.
Những nội dung khoa học nêu trên đã cung cấp nhiều thông tin có giá
trị cho luận án thực hiện khảo cứu và đánh giá thực trạng nguồn lực thanh
niên ĐBSCL trong xây dựng NTM. Đặc biệt, một số kết quả nghiên cứu đã
gợi mở, cung cấp thông tin, sự kiện để tác giả tham khảo làm luận cứ khoa
học cho đề tài của luận án.
Về quan điểm và giải pháp phát huy vai trò nguồn lực thanh niên trong
thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, trong xây dựng NTM:
Những quan điểm và giải pháp nhằm phát huy vai trò nguồn lực thanh
niên trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, trong xây dựng NTM cũng được các
tác giả nêu lên khá nhiều. Quan điểm và giải pháp phát huy vai trò nguồn lực
thanh niên thông qua phong trào hành động cách mạng được nhiều tác giả đề cập
đến trong các đề tài khoa học cấp bộ, luận án, sách chuyên khảo, bài báo. Phát
huy vai trò nguồn lực thanh niên thông qua giải pháp tạo việc làm cho thanh niên
được các tác giả đề cập đến thông qua những cuốn sách chuyên khảo và luận án
tiến sỹ. Tác giả Lương Thanh Tân nêu lên quan điểm và giải pháp phát huy vai
trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL thông qua việc giáo dục thẩm mỹ cho thanh
niên trong luận án tiến sỹ của mình. Một số tác giả thông qua những công trình
khoa học, sách chuyên khảo, bài viết còn đề cập đến việc phát huy vai trò nguồn
lực thanh niên bằng nhiều giải pháp như giáo dục các giá trị truyền thống dân tộc
28
cho thanh niên; xây dựng lối sống lành mạnh, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc
cho thanh niên. Các giải pháp như tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công
tác thanh niên; phát huy vai trò nguồn lực thanh niên thông qua công tác quản lý
nhà nước đối với thanh niên; phát huy vai trò nguồn lực thanh niên thông qua việc
đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức đoàn thanh niên cũng được đề cập.
Một số công trình khoa học còn đề cập đến những giải pháp phát huy vai
trò đối với từng đối tượng thanh niên. Cụ thể, giải pháp phát huy vai trò nguồn
lực thanh niên dân tộc thiểu số được tác giả Đặng Cảnh Khanh chỉ ra trong đề tài
khoa học cấp bộ “Điều tra thực trạng, đề xuất các giải pháp phát triển nguồn lực
trẻ các dân tộc thiểu số phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Bàn về giải pháp phát huy vai trò nguồn lực thanh niên ở các nước cũng
được nhiều tổ chức, nhà khoa học ngoài nước đưa ra các giải pháp khác nhau như
ban hành các chính sách thúc đẩy sinh kế tốt hơn cho TNNT (tổ chức ILO), nâng
cao vai trò quản lý của nhà nước, tạo việc làm cho nguồn lực thanh niên (tổ chức
OECD). Đặc biệt, tác giả Dengyang Kongchi đã nêu lên 04 nhóm giải pháp chủ
yếu để phát huy vai trò nguồn lực thanh niên gồm giải pháp về công tác giáo dục -
đào tạo; giải pháp sử dụng hợp lý nguồn lực thanh niên; giải pháp giải quyết việc
làm và giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, mở rộng dân chủ nhằm phát huy
có hiệu quả vai trò nguồn lực thanh niên trong quá trình CNH, HĐH.
Như vậy, vấn đề nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM mặc
dù chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu mang tính chuyên sâu, nhưng đã
có nhiều tác giả bàn về nguồn lực thanh niên, vai trò nguồn lực thanh niên, nêu
lên vị trí, vai trò quan trọng của nguồn lực thanh niên trong xây dựng NTM và
sự cần thiết phải phát huy vai trò nguồn lực thanh niên để xây dựng thành công
NTM. Cũng có công trình khoa học đề cập tới việc phát huy vai trò xung kích
của nguồn lực thanh niên trong thực hiện các phong trào hành động cách mạng
do tổ chức Đoàn phát động để góp phần xây dựng NTM.
Hai là, có nhiều công trình nghiên cứu về thanh niên, nguồn lực thanh
niên, vai trò nguồn lực thanh niên, phát huy vai trò nguồn lực thanh niên, xây
dựng NTM có nội dung liên quan đến đề tài luận án, nhưng vấn đề “Nguồn lực
29
thanh niên đồng bằng sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới” chưa
được nghiên cứu một cách mang tính chuyên sâu trong những công trình luận
văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, đề tài cấp bộ, cấp nhà nước hay sách chuyên khảo.
Nội dung gần gũi với đề tài tác giả lựa chọn thì mới chỉ được nghiên cứu ở một
vài khía cạnh khác nhau, số liệu, dẫn liệu đưa ra đánh giá thực trạng vai trò
nguồn lực thanh niên và xây dựng NTM ở ĐBSCL cũng chưa thật sự đầy đủ và
cũng chưa phải là số liệu mới.
Ba là, các công trình khoa học có liên quan chưa chỉ ra được những yếu tố
tác động đến thực hiện vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng
NTM, cũng như chưa xác định rõ vấn đề đặt ra trong thực hiện vai trò nguồn lực
thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM là những rào cản và thách thức gì để từ
đó xác định giải pháp cho phù hợp. Mặc dù các đề tài khoa học, công trình đã
công bố liên quan đến nguồn lực thanh niên, đến vấn đề xây dựng NTM nêu lên
được việc phát huy vai trò nguồn lực thanh niên thông qua nhiều giải pháp khác
nhau, nhưng chưa có công trình nào đưa ra được một hệ thống đồng bộ các giải
pháp mang tính khả thi để phát huy tốt nhất vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL
phục vụ cho xây dựng NTM hiện nay.
Với nhận định như vậy, có thể khẳng định đề tài “Nguồn lực thanh niên
đồng bằng sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới” cho đến thời điểm
hiện nay vẫn mang tính mới, không trùng lặp với bất cứ công trình khoa học
nào đã công bố.
1.2.2. Những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu của luận án
Thanh niên, nguồn lực thanh niên, vai trò nguồn lực thanh niên, phát huy
vai trò nguồn lực thanh niên, xây dựng NTM là những vấn đề đang thu hút sự
quan tâm, nghiên cứu của nhiều tác giả hiện nay. Qua những công trình nghiên
cứu cho thấy, các tác giả đã tiếp cận, khai thác những vấn đề trên ở nhiều
phương diện, góc độ khác nhau. Tuy vậy, các vấn đề trên vẫn còn những khoảng
trống để luận án “Nguồn lực thanh niên đồng bằng sông Cửu Long trong xây
dựng nông thôn mới” tập trung nghiên cứu, luận giải. Đó là những vấn đề sau:
30
Thứ nhất, làm rõ cơ sở lý luận về vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL
trong xây dựng NTM: Quan niệm về thanh niên; quan niệm về nguồn lực thanh
niên; quan niệm về vai trò nguồn lực thanh niên; quan niệm về xây dựng NTM;
xác định các nội dung vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng
NTM; chỉ ra những yếu tố tác động đến thực hiện vai trò nguồn lực thanh niên
ĐBSCL trong xây dựng NTM.
Thứ hai, đánh giá thực trạng thực hiện vai trò nguồn lực thanh niên
ĐBSCL trong xây dựng NTM và xác định những vấn đề đặt ra trong thực hiện
vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM hiện nay: Phân tích
các báo cáo, kết quả điều tra, khảo sát về tình hình thanh niên ĐBSCL tham gia
xây dựng NTM để chỉ ra những kết quả đạt được và hạn chế trong thực hiện vai
trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM. Đồng thời luận án chỉ ra
nguyên nhân của kết quả đạt được và những hạn chế của thực hiện vai trò nguồn
lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM, từ đó, xác định các vấn đề bất cập,
tồn tại, những rào cản trong thực hiện vấn đề trên.
Thứ ba, nêu quan điểm cơ bản và đề xuất giải pháp chủ yếu nhằm phát
huy vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM: Nêu lên 3 quan
điểm và đề xuất 04 nhóm giải pháp cho việc phát huy vai trò nguồn lực thanh
niên ĐBSCL trong xây dựng NTM gồm: Nhóm giải pháp về nhận thức; nhóm
giải pháp về giáo dục - đào tạo; nhóm giải pháp về xây dựng đời sống văn hóa
mới; nhóm giải pháp về phát huy vai trò chủ thể thanh niên và tổ chức của thanh
niên trong xây dựng NTM ở ĐBSCL hiện nay và giai đoạn tiếp theo.
Tiểu kết chương 1
Tất cả các công trình khoa học trong nước và ngoài nước nêu trên đều có
những cách tiếp cận khác nhau về thanh niên, nguồn lực thanh niên, vai trò
nguồn lực thanh niên, về xây dựng NTM, về phát huy vai trò nguồn lực thanh
niên trong xây dựng NTM.
Các công trình nghiên cứu, đặc biệt là kết quả nghiên cứu của các đề tài
khoa học đã bàn luận sâu sắc về nguồn lực thanh niên, luận giải rõ vị trí, vai trò
31
nguồn lực thanh niên đối với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là vai trò quan trọng
của nguồn lực thanh niên trong đóng góp xây dựng NTM. Nhiều công trình
nghiên cứu đã nêu ra những đóng góp cụ thể của nguồn lực thanh niên trong xây
dựng NTM và cho rằng sự tham gia của nguồn lực này trong xây dựng NTM là
một tất yếu. Các công trình nghiên cứu nêu lên những giải pháp cụ thể cần thực
hiện để tạo điều kiện cho nguồn lực thanh niên tham gia xây dựng NTM.
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu trong nước và ngoài nước đều
thống nhất cho rằng muốn phát huy vai trò nguồn lực thanh niên trong xây
dựng NTM cần thực hiện nhiều giải pháp như tăng cường vai trò lãnh đạo của
Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác thanh niên, đẩy
mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng NTM trong thanh niên. Phát huy vai
trò nguồn lực thanh niên bằng các giải pháp cụ thể khác như thông qua đào tạo
nghề, tạo việc làm, công tác giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng
cho thanh niên, giáo dục các giá trị truyền thống dân tộc, đổi mới phương thức
hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên,…
Có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về nguồn lực thanh niên, vai trò
nguồn lực thanh niên, xây dựng NTM, phát huy vai trò nguồn lực thanh niên
trong xây dựng NTM, do đó, khi thực hiện luận án “Nguồn lực thanh niên đồng
bằng sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới” tác giả tiến hành nghiên
cứu một cách kỹ lưỡng và nghiêm túc tất cả các công trình trên để rút ra những
luận cứ có giá trị khoa học và đề xuất những giải pháp mang tính khả thi cao
trong luận án.
32
Chương 2
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ VAI TRÒ
NGUỒN LỰC THANH NIÊN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
2.1. NGUỒN LỰC THANH NIÊN VÀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
2.1.1. Quan niệm về thanh niên và vai trò nguồn lực thanh niên
2.1.1.1. Quan niệm về thanh niên và đặc điểm của thanh niên
Quan niệm về thanh niên
Trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, vấn đề thanh niên luôn
được các quốc gia giành sự quan tâm đặc biệt. Theo đó, thuật ngữ thanh
niên ở mỗi quốc gia cũng được hiểu và tiếp cận theo nhiều cách tùy thuộc
vào nội dung, góc độ nhìn nhận hoặc cấp độ đánh giá. Do vậy, có lúc thanh
niên được dùng để chỉ một cá thể người trong độ tuổi thanh niên, có lúc
dùng để chỉ cả một lớp người trẻ tuổi, hoặc để chỉ giai đoạn phát triển đặc
biệt của đời người. Trong một số trường hợp, thuật ngữ thanh niên được
dùng để chỉ tính cách, phong cách trẻ trung của con người. Đặc biệt, thuật
ngữ thanh niên còn được dùng để chỉ một nhóm xã hội, một lực lượng
chính trị - xã hội. Trong Từ điển Oxford (Từ điển tiếng Anh) từ “youth”
(thanh niên) được giải thích: “Là người trẻ tuổi, trong giai đoạn giữa tuổi
thơ ấu và tuổi người lớn, hăng hái, nhiệt tình hoặc thiếu kinh nghiệm hoặc
chỉ những đặc trưng khác của độ tuổi này. Khi được dùng ở dạng số nhiều
thì từ này chỉ tập hợp những người trẻ tuổi” [1, tr.877].
Ở nước ta, thuật ngữ thanh niên được sử dụng phổ biến trong đời sống xã
hội với nhiều cách hiểu khác nhau. Theo Từ điển tiếng Việt, khái niệm thanh
niên được giải thích là “Người còn trẻ, đang ở độ tuổi trưởng thành” [130,
tr.913]. Xét ở khía cạnh ngôn ngữ đời thường, thuật ngữ thanh niên được dùng
để chỉ người trẻ tuổi, ở trong độ tuổi giữa trẻ em và người lớn. Thanh niên được
so sánh bằng hình tượng “Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”.
33
Ở mỗi góc độ nghiên cứu, khái niệm thanh niên ở nước ta được tiếp cận
khác nhau. Chẳng hạn, về mặt sinh học, các nhà nghiên cứu coi thanh niên là lớp
người trong độ tuổi có đủ tư chất để nhận thức, lĩnh hội về trách nhiệm, vai trò
của mình với tư cách là một “người lớn”, một thành viên trưởng thành của xã hội
[121, tr.51]. Các nhà tâm lý học lại nhìn nhận thanh niên gắn với “những biến
đổi về cơ thể, về tâm, sinh lý của con người trong giai đoạn quá độ từ trẻ em đến
người lớn, coi đó như một trong những cơ sở để phân tích sự trưởng thành của
con người và nhân cách con người trong độ tuổi thanh niên” [121, tr.53]. Theo
đó, thanh niên không phải là “trẻ con nhiều tuổi”, hay “người lớn ít tuổi” mà họ
đang trưởng thành về phương diện tâm lý - xã hội.
Các nhà nghiên cứu xã hội học xem “thanh niên là một giai đoạn phát
triển trong cuộc đời mỗi con người, nằm giữa độ tuổi trẻ em và độ tuổi người lớn.
Đó là khoảng thời gian con người trải qua giai đoạn quá độ, hoàn thiện dần bản
thân cả về thể chất và tinh thần, cả về sinh lý, tâm lý, tri thức, đạo đức và nhân
cách để trở thành thành viên trưởng thành của xã hội” [121, tr.58]. Do đó, đây
được xem là thời kỳ chuyển tiếp từ tuổi thơ phụ thuộc sang xác lập vai trò cá nhân
qua các hoạt động độc lập với tư cách là một công dân chủ thể của các quan hệ xã
hội. Về mặt xã hội, thanh niên là một nhóm nhân khẩu - xã hội đặc thù bao gồm
tất cả những thành viên trong một xã hội cụ thể đang ở trong độ tuổi thanh niên.
Dưới góc độ kinh tế học, thanh niên là một lực lượng lao động xã hội
hùng hậu, là nguồn lực bổ sung cho đội ngũ những người lao động trên mọi lĩnh
vực của đời sống xã hội.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đều quy định độ tuổi thanh niên bắt đầu
từ 15 tuổi (Australia, Mỹ, Singapo, Thái Lan, Newzealand, Vanauata,…) nhưng
tuổi kết thúc thì có sự khác biệt khá nhiều. Phần lớn các nước quy định mốc kết
thúc tuổi thanh niên là 24 tuổi (Newzealand, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ,
Srilanka,…), nhưng có quốc gia quy định mốc kết thúc tuổi thanh niên là 30 tuổi
(Bangladesh, Philippin,…), có quốc gia quy định là 35 tuổi (Ấn Độ, Madives,
Samoa,…), thậm chí có quốc gia quy định là 40 tuổi (Malaysia) [131, tr.13].
34
Ở nước ta, trước đây quan niệm độ tuổi thanh niên bắt đầu từ 14 đến 15
tuổi. Đây là độ tuổi con người cả nam và nữ bắt đầu bước vào tuổi dậy thì - một
dấu hiệu về thể chất của con người kết thúc tuổi trẻ em, bắt đầu giai đoạn quá độ
để bước vào tuổi người lớn. Riêng kết thúc tuổi thanh niên được tính theo 2 mốc
là 30 tuổi và 34 tuổi. Tuy nhiên, gần đây Nhà nước đã ban hành Luật thanh niên
2005, có hiệu lực từ ngày 01/7/2006, quy định thanh niên là: “Công dân Việt
Nam từ đủ mười sáu đến ba mươi tuổi” [110, tr.12]. Đây được xem là cơ sở pháp
lý cho việc xác định độ tuổi thanh niên hiện nay ở nước ta.
Trên cơ sở này, trong Báo cáo Quốc gia về thanh niên Việt Nam năm
2015 do Bộ Nội vụ xây dựng cũng đã xác định độ tuổi thanh niên Việt Nam hiện
nay là từ 16 đến 30 tuổi. Ở độ tuổi này, thanh niên là những người hết sức nhạy
bén, năng động, đầy nhiệt huyết, có năng lực trí tuệ, họ là lực lượng xung kích,
đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Từ những cách tiếp cận trên, có thể quan niệm chung về thanh niên (ở
Việt Nam) như sau: Thanh niên là một nhóm nhân khẩu - xã hội đặc thù bao
gồm những người trong độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi, thuộc mọi giai cấp, dân tộc,
tầng lớp xã hội, có mặt trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội; có
những đặc điểm riêng biệt, có vai trò to lớn trong xã hội hiện tại và quyết định
sự phát triển trong tương lai của xã hội.
Từ quan niệm trên cho thấy thanh niên có những đặc điểm cơ bản:
Thanh niên là một giai đoạn phát triển trong cuộc đời mỗi con người,
nằm giữa độ tuổi trẻ em và độ tuổi người lớn.
Đặc điểm nổi bật về tâm lý, xã hội của lứa tuổi thanh niên là khả năng
phân tích, suy luận, ưa cái mới, thích công bằng, có khả năng sáng tạo, mong
muốn được tin cậy và muốn được khẳng định mình. Chính đặc điểm này làm
cho thanh niên trở thành lớp người nhạy bén, năng động, không chấp nhận sự trì
trệ, bảo thủ, sẵn sàng đấu tranh cho cái mới.
Bên cạnh đó, do đặc điểm về tâm lý, thể chất làm cho thanh niên dễ mắc
phải những hạn chế nhất định như tính bồng bột, thiếu kinh nghiệm, phiêu lưu,
quá khích, liều lĩnh nếu không được định hướng và hướng dẫn một cách đúng
35
đắn. Trong thanh niên còn cả sự tiềm ẩn, đan xen những khả năng to lớn của yếu
tố tích cực lẫn tiêu cực. Đây là những vấn đề đáng lưu ý khi phát huy vai trò
NLTN phục vụ xây dựng NTM.
Thanh niên là một nhóm nhân khẩu - xã hội đặc thù.
Thanh niên là một nhóm nhân khẩu - xã hội chiếm số đông trong dân số
cả nước, thuộc mọi giai cấp, dân tộc, tầng lớp xã hội, có mặt ở tất cả các địa
phương, các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh của
đất nước. Đặc điểm về cơ cấu xã hội của thanh niên, họ là một đối tượng rất đa
dạng bao gồm các nhóm, các đối tượng khác nhau, nó hàm chứa trong đó những
cá thể ở độ tuổi thanh niên có nguồn gốc xuất thân khác nhau với nhiều ngành
nghề khác nhau, thói quen, tập tục khác nhau.
Nếu xét về độ tuổi, nhóm nhân khẩu - xã hội thanh niên bao gồm trong đó
nhiều nhóm nhỏ thuộc các độ tuổi thanh niên khác nhau, mỗi tiểu nhóm ngoài
các đặc điểm chung còn có những đặc điểm riêng về sinh lý, tâm lý, giáo dục,
nghề nghiệp và sự trưởng thành về mặt nhân cách. Ngoài ra, nhóm nhân khẩu -
xã hội thanh niên còn có thể được chia thành các tiểu nhóm khác nhau dựa trên
những tiêu chí khác nhau. Nếu chia theo địa bàn cư trú có thanh niên thành thị và
thanh niên nông thôn, còn chia theo nghề nghiệp có thanh niên công nhân, thanh
niên nông dân, thanh niên trí thức,… Các yếu tố khác như dân tộc, tôn giáo, giới
tính, giàu - nghèo,… cũng được coi là tiêu chí để phân chia thanh niên thành các
tiểu nhóm xã hội khác nhau.
Như vậy, ở bất cứ địa bàn, lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp, thành phần
dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp xã hội,… cũng có mặt thanh niên và họ
chính là lực lượng lao động trẻ, khỏe, năng động, sáng tạo luôn sẳn sàng đảm
đương mọi nhiệm vụ dù có khó khăn, vất vả.
Thanh niên là lớp người trẻ trung và năng động, đóng vai trò to lớn trong
xã hội hiện tại, thế hệ quyết định tương lai của quốc gia, dân tộc.
Thanh niên là lực lượng chiếm số đông trong xã hội, có vai trò quan trọng
đối với sự phát triển của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh
rằng thanh niên tiêu biểu cho sự phát triển tương lai của đất nước, là người chủ
36
tương lai của nước nhà. Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân
dịp tết nguyên đán năm 1946, Người viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một
đời người khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” [47, tr.385].
Thanh niên với tính cách là một thế hệ có quan hệ mật thiết với các thế hệ,
thừa hưởng những di sản của quá khứ và hiện tại trong cộng đồng xã hội, họ có
sứ mệnh đón nhận sự “trao truyền” giá trị, ủy thác trách nhiệm, gởi gắm niềm tin
của thế hệ đi trước. Cùng với sự phát triển của xã hội hiện nay, trình độ học vấn,
năng lực trí tuệ của thanh niên ngày càng được nâng cao hơn so với lớp thanh
niên thế hệ trước. Họ còn là nhóm dân cư có trình độ học vấn tương đối cao,
năng động, nhạy bén, dễ tiếp nhận và hội nhập, nên là lớp người có khả năng trở
thành xung lực cho sự phát triển của đất nước.
Do đó, có thể nói thanh niên chính là tương lai của quốc gia, dân tộc. Nếu
thế hệ thanh niên không được chuẩn bị chu đáo để tiếp nhận sự bàn giao sứ
mệnh, kế tục các thế hệ đi trước thì vận mệnh và tương lai của quốc gia dân tộc
sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ. Vì vậy, quan tâm tới việc
giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, hướng dẫn thanh niên là trách nhiệm
quan trọng của xã hội nhằm chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho họ nhận lãnh trách
nhiệm với thế hệ đi trước và tiếp tục sự nghiệp cách mạng của đất nước.
2.1.1.2. Quan niệm về nguồn lực thanh niên
Nguồn lực (resouces) là khái niệm đến nay chưa được bổ sung vào hầu
hết các loại từ điển ở nước ta (từ điển tiếng Việt, từ điển Bách khoa Việt
Nam,…). Tuy nhiên, đã có một số nhà khoa học bàn về phạm trù “nguồn lực”.
Tiếp cận dưới dạng tổng quát, có quan niệm cho rằng: “Nguồn lực là toàn
bộ những yếu tố đã, đang và sẽ có khả năng tạo ra sức mạnh tổng hợp thúc đẩy
quá trình cải biến tự nhiên và xã hội” [62, tr.34]. hoặc: “Nguồn lực được hiểu là
một hệ thống các nhân tố cả vật chất lẫn tinh thần đã, đang và sẽ có khả năng
góp phần thúc đẩy quá trình cải biến xã hội của một quốc gia dân tộc” [74, tr.21].
Quan niệm “nguồn lực” được nhiều người tán thành là một hệ thống các
nhân tố cả vật chất lẫn tinh thần, trong đó từng nhân tố có vai trò riêng nhưng
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới
Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới

More Related Content

What's hot

[123doc] dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-huyen-dien-ban-quang-nam
[123doc]   dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-huyen-dien-ban-quang-nam[123doc]   dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-huyen-dien-ban-quang-nam
[123doc] dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-huyen-dien-ban-quang-namLinh Nguyen
 
Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội -...
Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội  -...Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội  -...
Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội -...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

What's hot (15)

Luận văn: Quản lý Nhà nước về công tác thanh niên từ thực tiễn huyện Bình Sơn...
Luận văn: Quản lý Nhà nước về công tác thanh niên từ thực tiễn huyện Bình Sơn...Luận văn: Quản lý Nhà nước về công tác thanh niên từ thực tiễn huyện Bình Sơn...
Luận văn: Quản lý Nhà nước về công tác thanh niên từ thực tiễn huyện Bình Sơn...
 
Luận án: Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tại Tuyên Quang
Luận án: Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tại Tuyên QuangLuận án: Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tại Tuyên Quang
Luận án: Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tại Tuyên Quang
 
[123doc] dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-huyen-dien-ban-quang-nam
[123doc]   dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-huyen-dien-ban-quang-nam[123doc]   dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-huyen-dien-ban-quang-nam
[123doc] dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-huyen-dien-ban-quang-nam
 
Luận án: Thực hiện chính sách dân tộc ở Đắk Lắk ( 2003 - 2015 )
Luận án: Thực hiện chính sách dân tộc ở Đắk Lắk ( 2003 - 2015 )Luận án: Thực hiện chính sách dân tộc ở Đắk Lắk ( 2003 - 2015 )
Luận án: Thực hiện chính sách dân tộc ở Đắk Lắk ( 2003 - 2015 )
 
Luận án: Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk
Luận án: Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tại Đắk LắkLuận án: Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk
Luận án: Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk
 
Nâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh hiện nay
Nâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh hiện nayNâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh hiện nay
Nâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh hiện nay
 
Luận án: Việc làm của nữ thanh niên ở các huyện ngoại thành
Luận án: Việc làm của nữ thanh niên ở các huyện ngoại thànhLuận án: Việc làm của nữ thanh niên ở các huyện ngoại thành
Luận án: Việc làm của nữ thanh niên ở các huyện ngoại thành
 
Luận văn: Thực hiện chính sách phát triển thanh niên tỉnh Lạng Sơn
Luận văn: Thực hiện chính sách phát triển thanh niên tỉnh Lạng SơnLuận văn: Thực hiện chính sách phát triển thanh niên tỉnh Lạng Sơn
Luận văn: Thực hiện chính sách phát triển thanh niên tỉnh Lạng Sơn
 
Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội -...
Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội  -...Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội  -...
Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng nông thôn mới ở Hà Nội -...
 
Luận văn: Giải pháp chính sách đào tạo nghề cho thanh niên, HOT
Luận văn: Giải pháp chính sách đào tạo nghề cho thanh niên, HOTLuận văn: Giải pháp chính sách đào tạo nghề cho thanh niên, HOT
Luận văn: Giải pháp chính sách đào tạo nghề cho thanh niên, HOT
 
Giải quyết việc làm cho thanh niên ở quận Hà Đông, thành phố Hà Nội
Giải quyết việc làm cho thanh niên ở quận Hà Đông, thành phố Hà NộiGiải quyết việc làm cho thanh niên ở quận Hà Đông, thành phố Hà Nội
Giải quyết việc làm cho thanh niên ở quận Hà Đông, thành phố Hà Nội
 
Luận án: Nguồn nhân lực nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại h...
Luận án: Nguồn nhân lực nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại h...Luận án: Nguồn nhân lực nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại h...
Luận án: Nguồn nhân lực nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại h...
 
Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Quảng Nam
Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Quảng NamChính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Quảng Nam
Chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Quảng Nam
 
Đề tài: Chính sách xóa đói giảm nghèo tại xã Đông Triều, Quảng Ninh
Đề tài: Chính sách xóa đói giảm nghèo tại xã Đông Triều, Quảng NinhĐề tài: Chính sách xóa đói giảm nghèo tại xã Đông Triều, Quảng Ninh
Đề tài: Chính sách xóa đói giảm nghèo tại xã Đông Triều, Quảng Ninh
 
Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn tỉnh Đồng Nai
Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn tỉnh Đồng NaiPhát triển kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn tỉnh Đồng Nai
Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn tỉnh Đồng Nai
 

Similar to Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới

đề áN tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho...
đề áN tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho...đề áN tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho...
đề áN tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho...nataliej4
 
Quản lý nhà nước về công tác thanh niên huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
Quản lý nhà nước về công tác thanh niên huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng NgãiQuản lý nhà nước về công tác thanh niên huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
Quản lý nhà nước về công tác thanh niên huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng NgãiDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 

Similar to Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới (20)

Luận án: Phát huy nguồn lực thanh niên ở CHDCND Lào, HOT
Luận án: Phát huy nguồn lực thanh niên ở CHDCND Lào, HOTLuận án: Phát huy nguồn lực thanh niên ở CHDCND Lào, HOT
Luận án: Phát huy nguồn lực thanh niên ở CHDCND Lào, HOT
 
Luận Văn Chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính
Luận Văn Chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chínhLuận Văn Chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính
Luận Văn Chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính
 
Luận văn: Phát triển hạ tầng kinh tế nông thôn tỉnh Đồng Nai, 9đ
Luận văn: Phát triển hạ tầng kinh tế nông thôn tỉnh Đồng Nai, 9đLuận văn: Phát triển hạ tầng kinh tế nông thôn tỉnh Đồng Nai, 9đ
Luận văn: Phát triển hạ tầng kinh tế nông thôn tỉnh Đồng Nai, 9đ
 
đề áN tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho...
đề áN tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho...đề áN tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho...
đề áN tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho...
 
Đề tài: Nâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp Bắc Ninh, HAY
Đề tài: Nâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp Bắc Ninh, HAYĐề tài: Nâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp Bắc Ninh, HAY
Đề tài: Nâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp Bắc Ninh, HAY
 
Đề tài: Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn Đồng Nai, HOT
Đề tài: Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn Đồng Nai, HOTĐề tài: Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn Đồng Nai, HOT
Đề tài: Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn Đồng Nai, HOT
 
Luận văn: Sử dụng nguồn nhân lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội
Luận văn: Sử dụng nguồn nhân lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hộiLuận văn: Sử dụng nguồn nhân lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội
Luận văn: Sử dụng nguồn nhân lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội
 
Luận văn: Nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế ở Đồng Nai, HOT
Luận văn: Nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế ở Đồng Nai, HOTLuận văn: Nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế ở Đồng Nai, HOT
Luận văn: Nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế ở Đồng Nai, HOT
 
Quản lý nhà nước về công tác thanh niên huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
Quản lý nhà nước về công tác thanh niên huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng NgãiQuản lý nhà nước về công tác thanh niên huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
Quản lý nhà nước về công tác thanh niên huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi
 
Luận văn: Quản lý về công tác thanh niên tỉnh Quảng Ngãi, HOT
Luận văn: Quản lý về công tác thanh niên tỉnh Quảng Ngãi, HOTLuận văn: Quản lý về công tác thanh niên tỉnh Quảng Ngãi, HOT
Luận văn: Quản lý về công tác thanh niên tỉnh Quảng Ngãi, HOT
 
BÀI MẪU Luận văn Quản lý Nhà nước về công tác thanh niên, 9 ĐIỂM
BÀI MẪU Luận văn Quản lý Nhà nước về công tác thanh niên, 9 ĐIỂMBÀI MẪU Luận văn Quản lý Nhà nước về công tác thanh niên, 9 ĐIỂM
BÀI MẪU Luận văn Quản lý Nhà nước về công tác thanh niên, 9 ĐIỂM
 
Luận án: Thực hiện công bằng xã hội ở đồng bằng sông Hồng, HAY
Luận án: Thực hiện công bằng xã hội ở đồng bằng sông Hồng, HAYLuận án: Thực hiện công bằng xã hội ở đồng bằng sông Hồng, HAY
Luận án: Thực hiện công bằng xã hội ở đồng bằng sông Hồng, HAY
 
Luận án: Tạo nguồn cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số
Luận án: Tạo nguồn cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu sốLuận án: Tạo nguồn cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số
Luận án: Tạo nguồn cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số
 
Luận văn: Nâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh
Luận văn: Nâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp tỉnh Bắc NinhLuận văn: Nâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh
Luận văn: Nâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh
 
Luận án: Tu dưỡng tính Đảng cộng sản của cán bộ chủ chốt, HAY
Luận án: Tu dưỡng tính Đảng cộng sản của cán bộ chủ chốt, HAYLuận án: Tu dưỡng tính Đảng cộng sản của cán bộ chủ chốt, HAY
Luận án: Tu dưỡng tính Đảng cộng sản của cán bộ chủ chốt, HAY
 
Luận văn: Sử dụng nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế - xã hội
Luận văn: Sử dụng nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế - xã hộiLuận văn: Sử dụng nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế - xã hội
Luận văn: Sử dụng nguồn nhân lực trong phát triển kinh tế - xã hội
 
Chính sách phát triển nguồn nhân lực khu vực công tại Đà Nẵng
Chính sách phát triển nguồn nhân lực khu vực công tại Đà NẵngChính sách phát triển nguồn nhân lực khu vực công tại Đà Nẵng
Chính sách phát triển nguồn nhân lực khu vực công tại Đà Nẵng
 
Chính sách giải quyết việc làm cho thanh niên ở Quận Ba Đình
 Chính sách giải quyết việc làm cho thanh niên ở Quận Ba Đình Chính sách giải quyết việc làm cho thanh niên ở Quận Ba Đình
Chính sách giải quyết việc làm cho thanh niên ở Quận Ba Đình
 
Phát triển kinh tế ở vùng đồng bào công giáo tỉnh Đồng Nai
Phát triển kinh tế ở vùng đồng bào công giáo tỉnh Đồng NaiPhát triển kinh tế ở vùng đồng bào công giáo tỉnh Đồng Nai
Phát triển kinh tế ở vùng đồng bào công giáo tỉnh Đồng Nai
 
Luận văn: Văn hóa chính trị của thanh niên huyện Yên Lạc, HAY
Luận văn: Văn hóa chính trị của thanh niên huyện Yên Lạc, HAYLuận văn: Văn hóa chính trị của thanh niên huyện Yên Lạc, HAY
Luận văn: Văn hóa chính trị của thanh niên huyện Yên Lạc, HAY
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620 (20)

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 ĐiểmDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý TưởngDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 

Recently uploaded

Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfTrnHoa46
 
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảoKiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảohoanhv296
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanGNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanmyvh40253
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...hoangtuansinh1
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoámyvh40253
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...Nguyen Thanh Tu Collection
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfNguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgspowerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgsNmmeomeo
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptxNhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptxhoangvubaongoc112011
 

Recently uploaded (20)

Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
 
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảoKiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
 
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanGNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
Danh sách sinh viên tốt nghiệp Đại học - Cao đẳng Trường Đại học Phú Yên năm ...
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
 
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
GIÁO ÁN DẠY THÊM (KẾ HOẠCH BÀI DẠY BUỔI 2) - TIẾNG ANH 7 GLOBAL SUCCESS (2 CỘ...
 
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgspowerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptxNhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
 

Nguồn lực thanh niên ĐB sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới

  • 1. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH PHẠM THANH TÂM NGUỒN LỰC THANH NIÊN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC HÀ NỘI - 2019
  • 2. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH PHẠM THANH TÂM NGUỒN LỰC THANH NIÊN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC Mã số: 62 22 03 08 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS ĐỖ THỊ THẠCH HÀ NỘI - 2019
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng và được trích dẫn đầy đủ theo quy định. Tác giả luận án Phạm Thanh Tâm
  • 4. MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU 1 CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 7 1.1. Các công trình nghiên cứu liên quan đến luận án 7 1.2. Đánh giá kết quả nghiên cứu của các công trình tổng quan và những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu của luận án 24 CHƯƠNG 2: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ VAI TRÒ NGUỒN LỰC THANH NIÊN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI 32 2.1. Nguồn lực thanh niên và xây dựng nông thôn mới 32 2.2. Các yếu tố tác động tới vai trò nguồn lực thanh niên đồng bằng sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới 54 CHƯƠNG 3: THỰC TRẠNG THỰC HIỆN VAI TRÒ NGUỒN LỰC THANH NIÊN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI VÀ VẤN ĐỀ ĐẶT RA HIỆN NAY 72 3.1. Thực trạng thực hiện vai trò nguồn lực thanh niên đồng bằng sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới 72 3.2. Nguyên nhân của thành tựu, hạn chế và vấn đề đặt ra trong thực hiện vai trò của nguồn lực thanh niên đồng bằng sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới hiện nay 96 CHƯƠNG 4: QUAN ĐIỂM, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT HUY VAI TRÒ NGUỒN LỰC THANH NIÊN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI 121 4.1. Quan điểm phát huy vai trò nguồn lực thanh niên đồng bằng sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới 121 4.2. Những giải pháp chủ yếu nhằm phát huy vai trò nguồn lực thanh niên đồng bằng sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới 127 KẾT LUẬN 161 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 163 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 164 PHỤ LỤC 179
  • 5. DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT TRONG LUẬN ÁN CNH, HĐH : Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ĐBSCL : Đồng bằng sông Cửu Long MTTQ : Mặt trận Tổ quốc NLCN : Nguồn lực con người NTM : Nông thôn mới TNNT : Thanh niên nông thôn UBND : Uỷ ban nhân dân
  • 6. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Nguồn lực thanh niên là bộ phận quan trọng của nguồn lực con người (NLCN), là tài sản quý giá mà mỗi quốc gia và toàn nhân loại đều quan tâm, chăm sóc, bồi dưỡng và tìm cách phát huy có hiệu quả trên con đường phát triển. Ở Việt Nam, thanh niên chiếm tỷ lệ khoảng 27,7% dân số cả nước và hơn 46,5% lực lượng lao động xã hội [11, tr.9], là một trong những nguồn lực tiên phong góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Bước vào thời kỳ đổi mới, nhất là thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước và hội nhập quốc tế, Đảng ta khẳng định: “Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, cách mạng Việt Nam có vững bước theo con đường xã hội chủ nghĩa hay không, phần lớn tùy thuộc vào lực lượng thanh niên, vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên” [20, tr.23]. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một vùng nằm ở cực Nam của Tổ quốc gồm có 12 tỉnh và 01 thành phố trực thuộc Trung ương1 , với tổng diện tích khoảng 40.000 km2. Đây là vùng có vị trí quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa của khu vực phía Nam, có tiềm năng lớn trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là sản xuất lương thực, nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản và phát triển vườn cây ăn trái. Hiện nay, ĐBSCL có trên 17,5 triệu người, trong đó, thanh niên chiếm tỷ lệ 24,55% dân số của vùng. Thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM) của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, thanh niên ĐBSCL đã tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng, xung kích, tình nguyện, thi đua lao động sản xuất làm giàu cho bản thân mình và đã có đóng góp không nhỏ vào những thành công của Chương trình xây dựng NTM của toàn vùng, được Đảng bộ, nhân dân các tỉnh ghi nhận. 1 Bao gồm: An Giang, Long An, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Thành phố Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long
  • 7. 2 Vai trò nổi bật của nguồn lực thanh niên trong xây dựng NTM ở ĐBSCL được thể hiện: là lực lượng đi đầu trong thông tin, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng NTM; tiên phong trong phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương; đi đầu trong giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường nông thôn; tham gia tích cực trong phát triển sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn các giá trị văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương; là lực lượng xung kích giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn nông thôn, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở nông thôn vững mạnh. Tuy nhiên, hiện nay, vai trò của nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM vẫn còn chưa rõ nét, đóng góp của họ cho xây dựng NTM chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Nhiều tiêu chí NTM trong thực hiện đòi hỏi sự đóng góp trực tiếp của nguồn lực thanh niên nhưng tỷ lệ đạt được còn thấp như văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm,... Số lượng, nhất là chất lượng thanh niên nông thôn (TNNT) nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu của xây dựng NTM ở địa phương (trình độ học vấn thấp; trình độ khoa học, kỹ thuật hạn chế; đời sống khó khăn, việc làm thiếu, thu nhập bấp bênh,...). Những hạn chế nêu trên ngoài nguyên nhân khách quan do đặc điểm về điều kiện địa lý, tự nhiên của vùng; xuất phát điểm của nông thôn ĐBSCL rất thấp; nguồn kinh phí Nhà nước chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng đầu tư xây dựng NTM, còn do những nguyên nhân sau đây trực tiếp tác động: 1) Ở nhiều địa phương, cấp ủy đảng chưa quan tâm đúng mức, thiếu sâu sát, thậm chí còn khoán trắng cho tổ chức Đoàn trong lãnh đạo công tác thanh niên, thậm chí chưa đánh giá đúng vị trí, vai trò của lớp trẻ trong đời sống xã hội; 2) Một số chính sách về thanh niên chưa phù hợp nhưng chậm được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi cho sát với thực tiễn; 3) Công tác vận động, tập hợp thanh niên vào tổ chức tỷ lệ đạt chưa cao; 4) Bản thân một bộ phận thanh niên chưa có chí vươn lên, chưa tích cực trong thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức giao cho, trong đó có nhiệm vụ tham gia xây dựng NTM. Những hạn chế và nguyên nhân nêu trên về phát huy vai trò nguồn lực thanh niên trong xây dựng NTM đã cản trở trực tiếp đến kết quả việc thực hiện
  • 8. 3 Chương trình xây dựng NTM ở ĐBSCL. Tính đến đầu năm 2016, cả khu vực ĐBSCL mới có 233/1260 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 18,49% (cả nước tính đến 2/2016 là 19,7%), tổng số tiêu chí đạt được là 16.896 tiêu chí, bình quân đạt 13,48 tiêu chí/xã [5]. Chính vì vậy, nghiên cứu về: “Nguồn lực thanh niên đồng bằng sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới ” có ý nghĩa lý luận và giá trị thực tiễn cấp bách không chỉ đối với ĐBSCL mà còn góp phần phát huy vai trò nguồn lực thanh niên trong chung tay xây dựng NTM ở nước ta hiện nay. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2.1. Mục đích nghiên cứu Trên cơ sở phân tích làm rõ một số vấn đề lý luận và thực trạng thực hiện vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM, luận án đề xuất các quan điểm, giải pháp phát huy vai trò nguồn lực thanh niên góp phần thực hiện các mục tiêu xây dựng NTM ở ĐBSCL hiện nay. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu - Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến luận án - Phân tích một số vấn đề lý luận về vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM - Phân tích, đánh giá thực trạng thực hiện vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM và vấn đề đặt ra hiện nay - Trình bày quan điểm và đề xuất giải pháp phát huy vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu Luận án tập trung nghiên cứu vai trò, thực hiện vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM hiện nay. 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Phạm vi về nội dung: Thứ nhất, nguồn lực thanh niên bao gồm những nhân tố tiềm năng và hiện hữu, tuy nhiên, trong khuôn khổ của luận án, tác giả chỉ nghiên cứu
  • 9. 4 những yếu tố hiện hữu của nguồn lực thanh niên (hay còn gọi là nguồn nhân lực thanh niên). Thứ hai, về xây dựng NTM. Căn cứ Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành “Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020”, bao gồm 5 nhóm nội dung với 19 tiêu chí cụ thể. Đồng thời căn cứ vào Quyết định số 324/QĐ-TTg ngày 18/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Đề án Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2013-2020”, luận án lựa chọn và tập trung làm rõ vai trò nguồn lực thanh niên trong xây dựng NTM, gồm: trong thông tin, tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng NTM; trong thực hiện các tiêu chí về “Hạ tầng kinh tế - xã hội”; trong thực hiện các tiêu chí về “Kinh tế và tổ chức sản xuất”; trong thực hiện các tiêu chí về “Văn hóa - xã hội - môi trường”; trong thực hiện các tiêu chí về “Hệ thống chính trị” trong xây dựng NTM. - Phạm vi về không gian: Đồng bằng sông Cửu Long gồm 12 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương, tuy nhiên, luận án tập trung tiến hành khảo sát thực tiễn ở 3 tỉnh: Long An (tỉnh có nhiều thành công trong xây dựng NTM); Sóc Trăng (tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số) và Cà Mau (tỉnh còn nhiều khó khăn trong xây dựng NTM). - Phạm vi về thời gian: Luận án nghiên cứu nguồn lực thanh niên, vai trò nguồn lực thanh niên trong xây dựng NTM ở ĐBSCL từ năm 2010 đến nay (từ khi có Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010- 2020). 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án - Luận án thực hiện dựa trên cơ sở hệ thống quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nguồn lực thanh niên, về vấn đề nông nghiệp, nông thôn; các quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác thanh niên, về xây dựng NTM.
  • 10. 5 - Luận án sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử; các phương pháp nghiên cứu cụ thể như: phân tích, tổng hợp, thống kê, so sánh, mô tả, điều tra xã hội học, trừu tượng hóa, khái quát hóa. Phương pháp điều tra xã hội học được thực hiện: Đối tượng và hình thức và khảo sát: Khảo sát bằng phiếu hỏi: 360 phiếu đối với đối tượng thanh niên bao gồm: TNNT (217 phiếu); thanh niên thành thị (81 phiếu); thanh niên dân tộc (62 phiếu, dân tộc Khmer) và 224 phiếu đối với đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý xã (bao gồm cả tổ chức đoàn) và cán bộ phụ trách xây dựng NTM ở huyện, xã thuộc các tỉnh ĐBSCL. Phỏng vấn sâu 6 Chủ tịch, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) các xã của tỉnh Cà Mau. Địa bàn và thời gian tiến hành khảo sát: Tại tỉnh Cà Mau, khảo sát từ ngày 21/7/2018 đến ngày 26/7/2018. Tại tỉnh Sóc Trăng, khảo sát từ ngày 02/8/2018 đến ngày 05/8/2018. Tại tỉnh Long An, khảo sát từ ngày 10/9/2018 đến ngày 14/9/2018. Tổng số đối tượng được khảo sát là 584 người. Sau khi thu thập thông tin từ các đối tượng được khảo sát, tác giả tiến hành tổng hợp, phân tích, đánh giá các số liệu và kết quả được trình bày ở phần phụ lục của luận án. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án - Xây dựng khung lý thuyết luận án, trong đó góp phần làm rõ các khái niệm công cụ gồm: khái niệm nguồn lực thanh niên, khái niệm vai trò nguồn lực thanh niên. Đặc biệt, khung lý thuyết nghiên cứu xác định được 5 nội dung vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM và chỉ ra được các yếu tố tác động tới thực hiện vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM. - Luận án phân tích, làm rõ những kết quả đạt được và hạn chế trong thực hiện vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM hiện nay cùng nguyên nhân của nó; chỉ ra 4 vấn đề bất cập cần giải pháp đột phá để giải quyết.
  • 11. 6 - Luận án nêu được 4 nhóm giải pháp giải quyết 4 vấn đề bất cập đặt ra nhằm phát huy vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM hiện nay gồm: nhóm giải pháp về nhận thức; nhóm giải pháp về giáo dục - đào tạo; nhóm giải pháp xây dựng đời sống văn hóa mới; nhóm giải pháp về phát huy vai trò chủ thể nguồn lực thanh niên và tổ chức thanh niên trong xây dựng NTM. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án - Kết quả của luận án góp phần cung cấp cơ sở lý luận, cơ sở khoa học giúp các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan và tổ chức có liên quan ở ĐBSCL có thể tham khảo trong xây dựng chính sách, giải pháp phát huy vai trò nguồn lực thanh niên trong xây dựng NTM hiện nay. - Luận án là tài liệu tham khảo cho các cá nhân, tổ chức quan tâm trong nghiên cứu, giảng dạy, tuyên truyền các nội dung liên quan đến chủ đề luận án. 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án được kết cấu thành 4 chương, 8 tiết.
  • 12. 7 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 1.1. CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 1.1.1. Các công trình nghiên cứu trong nước liên quan đến luận án 1.1.1.1. Các công trình nghiên cứu về nguồn lực thanh niên, vai trò nguồn lực thanh niên Trong Báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam [11] do Bộ Nội vụ và Qũy Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp thực hiện, đã đưa ra các chỉ số định lượng và phân tích định tính về thực trạng giáo dục, việc làm và chăm sóc sức khỏe cho thanh niên cũng như sự tham gia của thanh niên trong việc xây dựng và thực thi chính sách trong các lĩnh vực này. Đồng thời báo cáo đưa ra các khuyến nghị nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật để phát triển toàn diện thanh niên trong thời gian tới. Đây là nguồn tài liệu thứ cấp hết sức quan trọng được tham khảo để phân tích, nhận định, so sánh, đánh giá thực trạng thanh niên ĐBSCL hiện nay. Báo cáo Kết quả chủ yếu điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình thời điểm 1/4/2016 [113] do Tổng Cục thống kê thực hiện, đã thống kê số lượng dân số ĐBSCL theo từng nhóm tuổi khác nhau, đặc biệt là chia dân số trong độ tuổi thanh niên thành 04 nhóm, xác định cụ thể số lượng thanh niên của từng nhóm tuổi. Báo cáo cũng cho thấy cơ cấu dân số thanh niên theo từng nhóm tuổi sống ở khu vực thành thị và khu vực nông thôn. Những số liệu được thống kê trên sẽ được tham khảo, kế thừa để đánh giá thực trạng về số lượng, cơ cấu nguồn lực thanh niên ĐBSCL hiện nay và đưa ra dự báo về số lượng thanh niên trong thời gian tới để phục vụ xây dựng NTM. Đề tài khoa học cấp bộ Điều tra thực trạng, đề xuất các giải pháp phát triển nguồn lực trẻ các dân tộc thiểu số phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa [54] của Đặng Cảnh Khanh, đề cập đến các giải pháp để phát huy vai trò nguồn lực thanh niên đồng bào các dân tộc thiểu số. Tác giả đã đánh giá được
  • 13. 8 một cách toàn diện thực trạng phát triển nguồn lực trẻ các dân tộc thiểu số. Trên cơ sở đó, tác giả đã nêu lên những nội dung cơ bản, giải pháp khá toàn diện về phát triển nguồn nhân lực trẻ các dân tộc thiểu số phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Những kết quả trên sẽ được nghiên cứu để vận dụng vào việc xây dựng nhóm giải pháp nhằm phát huy vai trò nguồn lực thanh niên các dân tộc thiểu số phục vụ xây dựng NTM. Phát huy nguồn lực thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay [74] của Nguyễn Thị Tú Oanh, đã trình bày cơ sở lý luận khoa học về nội dung, vai trò và ý nghĩa của nguồn lực thanh niên. Tác giả chỉ rõ: Nếu con người là nguồn động lực lớn nhất của sự phát triển xã hội, thì thanh niên là bộ phận ưu tú, khởi sắc nhất cấu thành nguồn động lực ấy. Nói đến nguồn lực thanh niên không chỉ nhìn nhận nó trên cơ sở số lượng thanh niên chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu dân cư và lực lượng chủ yếu trên các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, mà nguồn lực thanh niên còn được nhìn nhận là một lực lượng xã hội giàu tiềm năng phát triển. Nguồn lực thanh niên là tài sản vô giá của đất nước hôm nay và mai sau. Mặc dù luận án chưa làm rõ khái niệm nguồn lực thanh niên, nhưng những gợi ý, định hướng quan trọng trong việc tiếp cận khái niệm nguồn lực thanh niên sẽ được nghiên cứu, kế thừa để xây dựng khái niệm về nguồn lực thanh niên, vai trò nguồn lực thanh niên trong luận án của tác giả. Lương Thanh Tân Giáo dục thẩm mỹ trong việc hình thành lối sống văn hóa cho thanh niên vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay [89] nêu lên định hướng trong việc phát huy vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL thông qua việc giáo dục thẩm mỹ cho thanh niên. Luận án chỉ ra bản chất, vai trò và thực trạng của giáo dục thẩm mỹ trong việc hình thành lối sống văn hóa cho thanh niên. Đề xuất phương hướng và giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của giáo dục thẩm mỹ trong việc hình thành lối sống văn hóa cho thanh niên ĐBSCL. Trong các cuốn sách Quản lý nhà nước và công tác thanh niên trong thời kỳ mới [9] của Vũ Trọng Kim; Quản lý nhà nước đối với công tác thanh niên trong giai đoạn hiện nay [95] của Đoàn Văn Thái, đề cập đến việc phát huy vai
  • 14. 9 trò nguồn lực thanh niên thông qua công tác quản lý nhà nước đối với thanh niên. Các cuốn sách nêu lên cơ sở lý luận của quản lý nhà nước đối với công tác thanh niên, đặc điểm, nội dung, phương thức quản lý nhà nước về công tác thanh niên. Đánh giá tình hình thanh niên Việt Nam hiện nay và những giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về công tác thanh niên trong thời kỳ mới. Thanh niên và lối sống của thanh niên Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế [121] của Phạm Hồng Tung, đã đưa ra được khái niệm thanh niên và lối sống thanh niên, những nét cơ bản về tình hình thanh niên Việt Nam; những xu hướng biến đổi tích cực và tiêu cực trong lối sống của thanh niên Việt Nam. Cuốn sách nêu lên những giải pháp cơ bản nhằm xây dựng lối sống lành mạnh, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc cho thanh niên Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Đồng thời, công trình khoa học trên cũng nêu sự cần thiết phải đẩy mạnh giáo dục truyền thống tốt đẹp cho thanh niên, bồi dưỡng những thế hệ thanh niên vừa có đức vừa có tài để phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Mặc dù công trình chưa làm rõ hình thức, phương pháp xây dựng lối sống lành mạnh cho thanh niên; chưa đề cập đến vai trò của tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong tuyên truyền, giáo dục, xây dựng lối sống cho thanh niên, nhưng có giá trị trong việc tham khảo, vận dụng, kế thừa để xây dựng một số nội dung trong luận án của tác giả. Đặng Nguyên Anh, trong cuốn Suy thoái kinh tế & những thách thức đối với giải quyết việc làm thanh niên hiện nay [2] đề cập đến việc phát huy vai trò của nguồn lực thanh niên thông qua vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên. Cuốn sách đánh giá tình hình việc làm của thanh niên nước ta hiện nay; nêu lên những vấn đề và bất cập trong việc làm thanh niên. Từ đó, tác giả nêu lên quan điểm, phương hướng giải quyết việc làm và đề xuất giải pháp giải quyết việc làm cho thanh niên. Bài viết Kinh tế tri thức và sự phát triển của nguồn lực thanh niên [55] của Đặng Cảnh Khanh, đề cập đến nguồn nhân lực thanh niên dưới góc độ là một bộ phận quan trọng của nguồn nhân lực quốc gia, vừa có những yếu tố đặc thù. Đồng thời tác giả cũng lưu ý các nhà nghiên cứu khoa học và hoạch định
  • 15. 10 chính sách cần phải phân biệt rõ ràng giữa khái niệm “tuổi trẻ” với “nguồn nhân lực trẻ”, bởi hai khái niệm này không đồng nhất mặc dù chúng có nhiều điểm tương đồng. Thực trạng đời sống tinh thần của thanh niên các dân tộc thiểu số vùng Tây Nam Bộ [41] của Vũ Ngọc Hà, bài viết cho thấy thanh niên các dân tộc thiểu số vùng Tây Nam Bộ ở nước ta giao tiếp có tính chiều sâu còn khá hạn chế. Bên cạnh đó có thể thấy rõ nguy cơ mai một ngôn ngữ, chữ viết cũng như trang phục dân tộc trong cộng đồng người dân tộc thiểu số. Hơn nữa, các loại hình giải trí thanh niên các dân tộc thiểu số tham gia còn khá nghèo nàn, họ chưa có điều kiện tham gia các loại hình giải trí mang tính chất giao lưu, mở rộng các mối quan hệ. Phát huy vai trò xung kích của thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước [63] của Nguyễn Quang Liệu, bài viết đánh giá vai trò đặc biệt quan trọng của thanh niên trong sự nghiệp đổi mới đất nước; khẳng định thanh niên là lực lượng chiến lược của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, cần tiếp tục thực hiện, phát huy phong trào “Thanh niên lập nghiệp” và “Tuổi trẻ giữ nước”; phát huy vai trò thanh niên trong học tập và nghiên cứu khoa học; phát huy vai trò thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội; phát huy vai trò thanh niên với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. 1.1.1.2. Các công trình nghiên cứu về nông thôn, xây dựng nông thôn mới Đề tài khoa học cấp bộ Xây dựng mô hình nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc nước ta hiện nay [44] do Hoàng Văn Hoan làm chủ nhiệm, nêu lên một số vấn đề lý luận và thực tiễn về mô hình xây dựng NTM cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc; thực trạng mô hình NTM vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc; quan điểm, định hướng, giải pháp xây dựng NTM vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc. Đề tài khoa học cấp bộ Xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở các tỉnh vùng Đông Nam Bộ - Thực trạng và giải pháp [58] do Võ Thành Khối làm chủ nhiệm, nêu lên lý luận cơ bản về xây dựng mô hình NTM; đánh giá thực trạng
  • 16. 11 xây dựng mô hình NTM vùng Đông Nam Bộ và những vấn đề đặt ra trong quá trình CNH, HĐH; quan điểm, giải pháp nhằm xây dựng mô hình NTM phù hợp với xu hướng phát triển bền vững ở vùng Đông Nam Bộ. Các đề tài khoa học cấp bộ về xây dựng NTN nêu trên được nghiên cứu ở hai vùng kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước, vì vậy có giá trị tham khảo sâu sắc về mặt lý luận, cách thức, biện pháp trong xây dựng NTM ở ĐBSCL. Cuốn sách Kinh nghiệm quốc tế về nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong quá trình công nghiệp hóa [86] của Đặng Kim Sơn, đã tổng hợp, phân tích vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân trong quá trình công nghiệp hóa ở nhiều nước trên thế giới, từ đó tác giả liên hệ vào điều kiện cụ thể của Việt Nam với những vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn như vai trò của nông nghiệp trong công nghiệp hóa, vấn đề cơ cấu sản xuất, giải quyết những vấn đề về đất đai, lao động, môi trường,… Đây là những vấn đề Việt Nam còn gặp lúng túng trong quá trình xây dựng NTM để thực hiện CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn hiện nay. Trong cuốn sách Xây dựng nông thôn mới - Những vấn đề lý luận và thực tiễn [79] do Vũ Văn Phúc chủ biên, gồm các bài viết của các nhà khoa học, lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các địa phương, các ngành, các cấp về xây dựng NTM, với nội dung về những vấn đề lý luận chung và kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng NTM, thực tiễn xây dựng NTM ở Việt Nam hiện nay. Trong đó, có những bài viết khá sâu về xây dựng NTM như bài viết “Xây dựng nông thôn mới - những vấn đề lý luận và thực tiễn” [80] của Vũ Văn Phúc, đã nêu được tính tất yếu khách quan của xây dựng NTM ở nước ta và những nội dung, mục tiêu cụ thể của NTM đến năm 2020; đưa ra những đánh giá kết quả bước đầu trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và kết luận thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Bên cạnh đó, bài viết chỉ ra những hạn chế trong xây dựng NTM ở nước ta thời gian qua, đồng thời đưa ra các giải pháp đẩy mạnh công tác xây dựng NTM trong thời gian tới ở nước ta.
  • 17. 12 Cuốn sách Nông thôn mới Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn [51] của Hồ Xuân Hùng, trình bày tổng quan về nông thôn và xây dựng NTM ở Việt Nam. Cuốn sách đánh giá khá sâu sắc vị trí, vai trò, đặc điểm của nông thôn trong nền kinh tế hiện nay và nêu một số định hướng phát triển nông thôn ở nước ta. Đặc biệt, cuốn sách khái quát mô hình lý thuyết và nội dung Chương trình, mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM; phân tích ưu điểm và bất cập từ các mô hình xây dựng NTM ở Việt Nam giai đoạn 2010-2015, nêu kinh nghiệm các nước trên thế giới trong xây dựng NTM, từ đó đề xuất các giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường xây dựng NTM ở nước ta giai đoạn 2016-2020. Trong cuốn sách Các tỉnh ủy đồng bằng sông Cửu Long lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay [73] của Bùi Văn Nghiêm - Dương Trung Ý, khái quát được những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản nhất về các tỉnh ủy ĐBSCL lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Các tác giả đánh giá thực trạng, nguyên nhân và nêu lên kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của các tỉnh ủy ĐBSCL. Trên cơ sở những đánh giá, luận giải các vấn đề nêu trên, đưa ra phương hướng và những giải pháp cơ bản trong thực hiện lãnh đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của các tỉnh ủy ĐBSCL hiện nay. Bài viết Nông nghiệp, nông dân, nông thôn - những vấn đề không thể thiếu trong phát triển bền vững [120] của Đào Thế Tuấn, nêu các vấn đề cấp bách cần tập trung giải quyết đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta. Đây là ba vấn đề khác nhau, nhưng nếu không cùng được giải quyết một cách đồng bộ thì không thể CNH, HĐH đất nước thành công. Để giải quyết các vấn đề trên, cần có một hệ thống biện pháp phát triển nông thôn có hiệu lực đó là: Nhà nước cần có chính sách phát triển nông thôn toàn diện, không chỉ tập trung vào nông nghiệp, đồng thời Nhà nước phải hỗ trợ việc tăng cường năng lực cho các cộng đồng nông thôn để nông dân có thể tham gia vào việc phát triển nông thôn.
  • 18. 13 Đỗ Thị Thạch - Nguyễn Văn Quyết trong bài viết Kết quả thực hiện nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và những vấn đề đặt ra trong xây dựng nông thôn mới [93] chỉ ra, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, kinh tế nông nghiệp từng bước được xây dựng theo hướng hiện đại; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được cải thiện và nâng lên rõ nét. Bên cạnh đó, còn một số vấn đề đặt ra như: một số cán bộ và người dân nông thôn chưa nhận thức đúng về mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM; hệ thống chính trị nông thôn bộc lộ một số yếu kém, bất cập,... Từ đó, nêu lên các giải pháp chủ yếu là: nâng cao sự thống nhất về nhận thức trong toàn hệ thống chính trị về mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM; đa dạng hóa các nguồn đầu tư cho nông thôn; đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị nông thôn đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM. Các địa phương trong cả nước có nhiều bài viết về xây dựng NTM như Bắc Giang thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới [87] của Lại Thanh Sơn; Vĩnh Long sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 26- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn [103] của Đặng Thị Ngọc Thịnh; Tỉnh Quảng Bình huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững [8] của Lương Ngọc Bính,... Các bài viết đã đưa ra những báo cáo thực tiễn xây dựng NTM tại các địa phương trên, từ đó rút ra những kinh nghiệm để thực hiện NTM trong những năm tiếp theo. Đây là tư liệu tham khảo quý giá về tình hình thực tế xây dựng NTM ở nhiều địa phương, qua đó sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm và đưa ra các giải pháp phù hợp cho xây dựng NTM ở ĐBSCL. Gần đây nhất có bài viết Xây dựng nông thôn mới năm 2019 - Giữ vững chất lượng, bứt phá về đích [48] của Vương Đình Huệ, đánh giá những kết quả nổi bật của xây dựng NTM trong năm bản lề 2018; nêu lên định hướng nhiệm vụ trong xây dựng NTM đến cuối năm 2019 là cả nước phấn đấu có khoảng 50% số xã đạt chuẩn NTM, có trên 70 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM; mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có một đơn vị
  • 19. 14 cấp huyện đạt chuẩn NTM và cả nước không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Để đạt được các nhiệm vụ xây dựng NTM nêu trên, tác giả chỉ ra 10 nhiệm vụ, giải pháp mà các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, tích cực tập trung triển khai thực hiện. 1.1.1.3. Các công trình nghiên cứu về xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long Lê Quốc Khởi Các tỉnh uỷ ở đồng bằng sông Cửu Long lãnh đạo xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay [60] nêu lên đặc điểm của nông thôn ở ĐBSCL; quan niệm về NTM và xây dựng NTM ở ĐBSCL. Luận án đã góp phần làm rõ khái niệm, nội dung, phương thức lãnh đạo của các tỉnh ủy ở ĐBSCL đối với xây dựng NTM. Rút ra những kinh nghiệm trong lãnh đạo xây dựng NTM của các tỉnh ủy ở ĐBSCL từ 2010 đến 2016. Đề xuất 06 nhóm giải pháp chủ yếu có tính khả thi nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các tỉnh ủy ở ĐBSCL đối với xây dựng NTM đến năm 2025 gồm: Một là, lãnh đạo đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, tổ chức Đảng, Chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân, nhất là nông dân về xây dựng NTM; Hai là, tăng cường lãnh đạo công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng NTM; Ba là, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo xây dựng NTM của các tỉnh ủy ở ĐBSCL; Bốn là, lãnh đạo đẩy mạnh khai thác, huy động các nguồn lực, tăng cường đầu tư cho xây dựng NTM; Năm là, đổi mới tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội cơ sở ở nông thôn; Sáu là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo giúp đỡ của Trung ương. Những nội dung trên được tham khảo để đánh giá làm rõ thêm các đặc điểm về kinh tế - xã hội của ĐBSCL có ảnh hưởng đến xây dựng NTM, đồng thời cũng được tham khảo trong việc đưa ra các giải pháp, đặc biệt là giải pháp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong phát huy vai trò nguồn lực thanh niên xây dựng NTM ở ĐBSCL. Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay [50] của Phạm Huỳnh Minh Hùng, đã khái
  • 20. 15 quát được tính tất yếu và tầm quan trọng của việc phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng NTM; xác định được 05 nội dung cơ bản của phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng NTM; nêu lên những nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng NTM; đánh giá thực trạng phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng NTM ở ĐBSCL hiện nay. Từ việc khái quát những vấn đề trên, luận án nêu lên 03 nội dung định hướng và xác định 02 nhóm giải pháp gồm: nhóm giải pháp đối với chủ thể nông dân ĐBSCL và nhóm giải pháp về xây dựng cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi cho nông dân xây dựng NTM để phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng NTM ở ĐBSCL. Cuốn sách Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long do Vũ Văn Phúc chủ biên, các tác giả Võ Văn Thắng và Huỳnh Thanh Hiếu trong bài viết Xây dựng nông thôn mới - Bước đi vững chắc cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đồng bằng sông Cửu Long [97] nêu rõ, xây dựng NTM là một trong những nội dung, nhiệm vụ và là thành tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện thành công quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Đánh giá kết quả đạt được trong xây dựng NTM ở ĐBSCL, đồng thời chỉ ra những hạn chế là: Kết quả thực hiện một số tiêu chí đạt kết quả rất thấp; còn một số địa phương chưa có bước chuyển biến tích cực trong phấn đấu thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM; tiêu chí xây dựng hệ thống chính trị đạt kết quả rất thấp. Những hạn chế này ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện hiệu quả CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL. Bài viết Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long tầm nhìn 2020 [115] của Hà Trang, nêu lên mục tiêu xây dựng NTM ở ĐBSCL; các tiêu chí cần đạt được đến năm 2020 ở ĐBSCL; định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực ở ĐBSCL đến năm 2020. Bài viết có giá trị tham khảo trong việc xây dựng phần lý luận về NTM và xác định số lượng các tiêu chí cần đạt trong xây dựng NTM ở ĐBSCL đến năm 2020.
  • 21. 16 Tác giả Lê Hanh Thông, trong bài viết Xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long - Thực trạng và những vấn đề đặt ra [102] đánh giá khá rõ nét thực trạng xây dựng NTM ở ĐBSCL, đồng thời trên cơ sở đó nêu lên những vấn đề đặt ra trong xây dựng NTM theo Bộ tiêu chí Quốc gia ở nông thôn ĐBSCL. Bài báo nêu lên vai trò của hệ thống chính trị cơ sở và vai trò của nông dân trong xây dựng NTM, một số yêu cầu trong xây dựng NTM ở ĐBSCL. Những vấn đề tác giả nêu ra là tư liệu tham khảo để phân tích, so sánh, đối chiếu với kết quả đạt được hiện nay, từ đó tiếp tục xác định những vấn đề đặt ra trong xây dựng NTM ở ĐBSCL hiện nay và giai đoạn tiếp theo. 1.1.1.4. Các công trình nghiên cứu về vai trò thanh niên trong xây dựng nông thôn, nông thôn mới Cuốn sách Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long do Vũ Văn Phúc chủ biên, trong bài viết Xây dựng nông thôn mới ở đồng bằng sông Cửu Long - Thành tựu và những vấn đề đặt ra [71] của Nguyễn Thị Thu Nga và Nguyễn Thị Vy, nêu những kết quả đạt được từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM ở ĐBSCL; rút ra 07 bài học kinh nghiệm trong xây dựng NTM ở ĐBSCL. Đặc biệt, bài học thứ năm về “Vai trò của thanh niên trong phát triển NTM” cho thấy: Thanh niên là lực lượng năng động nhất, qua các phong trào thanh niên có thể học tập, lựa chọn những nhóm thanh niên tiêu biểu từng địa phương để tổ chức đào tạo, hỗ trợ tín dụng, khoa học công nghệ,... để thanh niên trở thành những nhà tư vấn, quản lý địa phương, chủ trang trại và doanh nghiệp quản lý chuyên nghiệp, hiện đại, áp dụng công nghệ mới, xây dựng các tổ chức kinh tế NTM,... Những thanh niên này sẽ là chủ nhân tương lai, chủ thể xây dựng NTM có tính năng động. Nguyễn Đắc Vinh, trong bài viết Phát huy vai trò xung kích, tinh thần tình nguyện của thanh niên trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế [132] đánh giá khái quát vai trò của thanh niên trong tham gia các phong trào “Ba sẵn sàng”, “Năm xung phong”, “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Thi đua tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”, “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và
  • 22. 17 bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”,… Tác giả luận giải, thông qua những phong trào cách mạng đó đã góp phần thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Tổ quốc, đó cũng là góp phần thiết thực cho xây dựng NTM của thanh niên. Trên cơ sở đó, tác giả đã đề xuất 4 nội dung cơ bản để phát huy tốt hơn nữa vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên trong quá trình CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Bài viết Từ phong trào “Thanh niên xung phong” đến phong trào “Thanh niên tình nguyện” [133] của Nguyễn Đắc Vinh, làm rõ truyền thống tình nguyện, hy sinh lợi ích của bản thân thanh niên để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Tinh thần xung kích, tình nguyện trở thành một phẩm chất tốt đẹp được trao truyền từ thế hệ thanh niên này đến thế hệ thanh niên khác. Tiếp nối phong trào “Thanh niên xung phong”, hiện nay phong trào “Thanh niên tình nguyện” đã tạo dựng hình ảnh đẹp về lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, xung kích, đi đầu, không ngại gian khổ mang sức lực, trí tuệ góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với tinh thần xung kích, tình nguyện trong xây dựng NTM, thanh niên tham gia tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn giao thông, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, bảo vệ môi trường,… đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng, góp phần quan trọng trong xây dựng NTM. Trong điều kiện hiện nay, để tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Thanh niên tình nguyện”, bài viết nêu lên 06 nội dung gồm: các hoạt động tình nguyện cần bảo đảm tính rộng khắp; các hoạt động tình nguyện cần bảo đảm tính định hướng; các hoạt động tình nguyện cần bảo đảm tính dẫn dắt; các hoạt động tình nguyện cần bảo đảm tính cụ thể, thiết thực; trong tổ chức phong trào thanh niên tình nguyện cần bảo đảm tính sáng tạo; các hoạt động tình nguyện cần bảo đảm tính bền vững. Bài viết Định hướng giá trị cho thanh niên thông qua các phong trào hành động cách mạng của Đoàn hiện nay [78] của Lê Quốc Phong, nêu lên tính
  • 23. 18 cần thiết của việc định hướng giá trị cho thanh niên; hướng thanh niên tới “Tâm trong”, “Trí sáng”, “Hoài bão lớn”; thanh niên Việt Nam rèn luyện, hình thành các giá trị hình mẫu thông qua việc tham gia các phong trào hành động cách mạng của Đoàn. Bài viết nêu rõ, thanh niên Việt Nam cần rèn luyện, hình thành các giá trị hình mẫu bằng những phong trào tình nguyện cụ thể như “Tình nguyện bảo vệ môi trường”, “Ứng phó biến đổi khí hậu”, “Tình nguyện tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, “Tình nguyện bảo đảm an sinh xã hội”, đặc biệt tham gia phong trào “Tình nguyện chung tay xây dựng NTM” để tuổi trẻ cùng chung tay góp sức xây dựng thành công NTM. 1.1.2. Các công trình nghiên cứu ngoài nước liên quan đến luận án 1.1.2.1. Các công trình nghiên cứu về nguồn lực thanh niên, vai trò nguồn lực thanh niên The Asia Foundation The Youth Factor 2012 Survey of Malaysian Youth Opinion (Tạm dịch: Nhân tố thanh niên - Khảo sát năm 2012 về ý kiến thanh niên Malaysia) [100] cho thấy, thanh niên Malaysia chiếm 43% trong tổng dân số, họ đóng vai trò rất quan trọng đối với đất nước. Có hơn 2100 thanh niên trên tất cả các bang ở Malaysia đã tham gia vào cuộc khảo sát toàn diện, cuộc khảo sát cung cấp thái độ, mối quan tâm và thực tiễn của thanh niên Malaysia về các vấn đề chính trị, xã hội và kinh tế đương đại. Nội dung khảo sát cho thấy, Malaysia cần các chiến lược hiệu quả và sáng suốt hơn để nuôi dưỡng tiềm năng và tài năng của giới trẻ và khuyến khích họ tham gia vào các công việc của đất nước. Kết quả khảo sát khẳng định, người trẻ tuổi Malaysia chắc chắn sẽ là nhân tố quyết định của đất nước. Đây là tài liệu có thể tham khảo để chỉ ra vai trò quan trọng của nguồn lực thanh niên ở Việt Nam trên các lĩnh vực đời sống xã hội, cũng như sự cần thiết phải phát huy vai trò nguồn lực thanh niên trong xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng NTM. Paula Lavis Why relationships are so important for children and young people (Tạm dịch: Tại sao các mối quan hệ rất quan trọng đối với trẻ em và những người trẻ tuổi) [76] cho thấy, là những sinh vật xã hội, khả năng hình thành và duy trì các mối quan hệ là điều cần thiết cho chúng ta. Nó là một điều
  • 24. 19 kiện quan trọng để khỏe mạnh về tinh thần và có ý thức tích cực về sức khỏe. Mối quan hệ là quan trọng trong suốt cuộc đời, nếu chúng ta có thể đảm bảo rằng trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên có thể hình thành và duy trì các mối quan hệ tích cực theo cách có ý nghĩa với chúng, điều này sẽ giúp chúng khởi đầu tốt trong cuộc sống và hỗ trợ sự phát triển tinh thần của chúng. Có thể tham khảo phương pháp được sử dụng trong công trình nghiên cứu trên cho việc thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần của thanh thiếu niên Việt Nam. Dengyang Kongchi Vấn đề phát huy nguồn lực thanh niên trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào hiện nay [17] nêu lên quan niệm về nguồn nhân lực, nguồn lực thanh niên, phát huy vai trò nguồn lực thanh niên trong quá trình CNH, HĐH ở Lào; đánh giá thực trạng và đề xuất 04 nhóm giải pháp chủ yếu để phát huy vai trò NLTN trong quá trình CNH, HĐH ở Lào trong thời gian tới gồm: Đẩy mạnh công tác giáo dục - đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn lực thanh niên đáp ứng yêu cầu quá trình CNH, HĐH; phân bổ, sử dụng hợp lý nguồn lực thanh niên, giải quyết việc làm và tạo điều kiện cho thanh niên làm việc trong quá trình CNH, HĐH; hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát huy có hiệu quả nguồn lực thanh niên trong quá trình CNH, HĐH; mở rộng dân chủ, khơi dậy sự nỗ lực của bản thân thanh niên và đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm phát huy có hiệu quả vai trò nguồn lực thanh niên trong quá trình CNH, HĐH. Claire Lee Youth unemployment reaches 19-year high in South Korea (Tạm dịch: Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên lên tới 19 tuổi ở Hàn Quốc) [15] cho biết, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Hàn Quốc ở độ tuổi 25-34 đã đạt mức cao nhất trong 19 năm. Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp trong số những người Hàn Quốc có bằng đại học cũng đạt mức cao nhất kể từ năm 1999. Một số chuyên gia cho rằng các chính sách lao động chuyên nghiệp hiện tại của chính phủ Moon Jae-in, bao gồm tăng lương tối thiểu mới nhất và giảm số giờ làm việc hàng tuần tối đa từ 68 xuống 52, có thể là những người đóng góp lớn cho số lượng thanh niên Hàn Quốc không thể tìm được việc làm. Đây là kinh nghiệm đáng tham
  • 25. 20 khảo cho Việt Nam khi đưa ra chính sách lao động đối với thanh niên của Nhà nước ta hiện nay. International Fund for Agricuitural Development New policies and investments urgently needed in support of rural youth in poorest countries, says a new UN report (Tạm dịch: Một chính sách và đầu tư mới rất cần thiết để hỗ trợ thanh niên nông thôn ở các nước nghèo nhất, báo cáo mới của Liên Hợp Quốc), [53] cho thấy, khoảng 500 triệu thanh niên, khoảng một nửa dân số thanh niên của các nước đang phát triển sống ở khu vực nông thôn. Con số này tăng lên 780 triệu khi bao gồm các khu vực bán nông thôn và ven đô thị. Những người trẻ này dễ bị nghèo đói và bất bình đẳng và bị kìm hãm bởi một loạt các hạn chế, bao gồm thiếu đào tạo và kỹ năng, hạn chế truy cập vào đất đai và tín dụng. Nhưng với các chính sách và đầu tư đúng đắn, những người trẻ tuổi đó có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở khu vực nông thôn và cải thiện cuộc sống trong cộng đồng của họ. Tham khảo tài liệu này, giúp chúng ta thấy được sự cần thiết phải xây dựng chính sách hỗ trợ, đầu tư cho TNNT ở nước ta để phát huy vai trò của họ trong xây dựng NTM. 1.1.2.2. Các công trình nghiên cứu về nông thôn, xây dựng nông thôn mới Dự án Nghiên cứu chính sách chung Việt Nam - Hàn Quốc về so sánh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phong trào Semaul Hàn Quốc [46] do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Trường Đại học Yang Nam (Hàn Quốc) phối hợp xây dựng. Dự án tập trung so sánh, phân tích phong trào Semaul ở Hàn Quốc và chương trình xây dựng NTM ở Việt Nam, chỉ ra những điểm giống và khác biệt giữa hai chương trình, từ đó làm rõ những yếu tố thành công, vấn đề hạn chế tiềm ẩn của chương trình xây dựng NTM của Việt Nam. Trên cơ sở đó, đưa ra phương án cải cách cách thức tổ chức phát huy tối đa các điểm mạnh, sửa đổi và hoàn thiện các vấn đề để chương trình xây dựng NTM ở Việt Nam đạt hiệu quả và phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo. Dự án cũng gợi ý một số chính sách cho chương trình xây dựng NTM ở Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 về Chính sách để tăng cường sự tham gia của người
  • 26. 21 dân; Đổi mới phương thức thực hiện các tiêu chí trong Bộ tiêu chí NTM; Chính sách đào tạo cán bộ thực hiện chương trình xây dựng NTM. Đảng nhân dân cách mạng Lào lãnh đạo xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay [13] của Bun Thoong Chít Ma Ni, nêu cơ sở lý luận và thực tiễn để tiến hành xây dựng NTM ở Lào. Luận án nêu rõ về điều kiện kinh tế - xã hội nước Lào khi xây dựng NTM có những khó khăn tương đồng Việt Nam như nhiều tiềm năng, lợi thế ở nông thôn chưa được phát huy, cơ cấu kinh tế nông thôn chưa có sự thay đổi đáng kể theo hướng CNH, HĐH, kết cấu hạ tầng còn nhiều yếu kém, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức cơ sở đảng ở nông thôn còn nhiều bất cập,... Từ thực trạng trên, luận án đề xuất phương hướng và 07 giải pháp chủ yếu nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhân dân cách mạng Lào đối với sự nghiệp xây dựng NTM ở Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trong giai đoạn hiện nay. Trong cuốn sách Xây dựng nông thôn mới - Những vấn đề lý luận và thực tiễn do Vũ Văn Phúc chủ biên, các bài viết Chính sách phát triển nông thôn mới ở Trung Quốc [82] và Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở một số nước/vùng lãnh thổ và vấn đề đặt ra về xây dựng nông thôn mới ở nước ta hiện nay [83] của Lê Minh Phụng, nêu lên Chính sách phát triển NTM ở Trung Quốc gồm: Quan điểm, chủ trương của Đảng cộng sản Trung Quốc; chính sách đất đai; chính sách tín dụng; chính sách về phát triển các tổ chức dân sự, hiệp hội, hợp tác xã; chính sách xóa đói, giảm nghèo; chính sách miễn giảm thuế; chính sách môi trường; chính sách xây dựng NTM. Phát triển NTM qua chính sách cụ thể của Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc, Đài Loan, Hà Lan. Đây là những kinh nghiệm có giá trị tham khảo trong việc xây dựng các chính sách phù hợp để phát huy vai trò nguồn lực thanh niên phục vụ cho xây dựng NTM. Trong bài viết Xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam - kinh nghiệm từ Nhật Bản [66] của Nguyễn Thành Lợi, nêu lên mô hình cơ bản xây dựng NTM của Nhật Bản; các giai đoạn xây dựng NTM ở Nhật Bản (gồm 4 giai đoạn), từ đó rút ra kinh nghiệm của Nhật Bản trong công cuộc xây dựng NTM. Đặc biệt, từ kinh nghiệm của Nhật Bản, tác giả đã đưa ra một số gợi ý đối với Việt Nam. Đó là, để xây dựng NTM đạt được hiệu quả, cần phải
  • 27. 22 phát huy tối đa vai trò chỉ đạo của Chính phủ; lấy phát triển kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho người nông dân làm hạt nhân then chốt; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, lòng tin và lòng quyết tâm cho người nông dân. Những gợi ý thiết thực này được tham khảo để rút ra bài học kinh nghiệm nhằm phát huy vai trò của nguồn lực thanh niên trong xây dựng NTM hiện nay. Cuốn sách Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng trong bối cảnh hội nhập quốc tế [65] của Đỗ Thị Thanh Loan, nêu lên kinh nghiệm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của một số nước như Malaixia, Thái Lan. Ở Malaixia thực hiện chính sách hỗ trợ trồng một số cây công nghiệp có lợi thế; giải quyết thiếu hụt lao động nông nghiệp do lao động di cư ra thành thị; nhà nước tạo mọi điều kiện cho tất cả các hình thức tổ chức kinh doanh sản xuất trong nông nghiệp phát triển; xây dựng luật đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp thông thoáng; ban hành chính sách khuyến nông hỗ trợ các điền chủ nhỏ và chính sách hỗ trợ công nghiệp chế biến. Ở Thái Lan thực hiện nhất quán chế độ đa sở hữu và đa thành phần kinh tế; ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông sản; nhà nước khuyến khích mạnh các chủ thể kinh tế ở khu vực nông nghiệp thực hiện chiến lược đa canh kết hợp với chuyên môn hóa một số sản phẩm có thế mạnh cho tiêu dùng và xuất khẩu; nhà nước ban hành các chính sách khuyến nông đối với từng vùng nông nghiệp; chính phủ ban hành chính sách ưu đãi về thuế và trợ giá nông nghiệp nhằm khuyến khích nông nghiệp phát triển. Bài viết Nông thôn và cải cách ở Nga [75] của ORLOV G.M, UVAROV V. I, do Võ Kim Quyên dịch, phân tích, đánh giá tình hình tổ chức sản xuất ở nông thôn nước Nga và nêu lên sự cần thiết phải đổi mới tổ chức sản xuất ở nông thôn cho phù hợp với điều kiện mới; sự cần thiết phải tiến hành cải cách nhằm đem lại nhiều tự do và tự chủ hơn cho nông thôn. Bài viết Những kết quả, vấn đề và triển vọng chuyển sang thị trường ở nông thôn Trung Quốc [10] của BONI L, do Nguyễn Y Na dịch, chỉ ra việc phát triển kinh tế thị trường ở nông thôn Trung Quốc đã kích thích tăng cường độ lao động, nâng cao hiệu quả lao động, thúc đẩy quá trình làm sâu thêm phân công lao động xã hội và
  • 28. 23 chuyên môn hóa ở nông thôn; phải thực hiện mô hình kết cấu lại và liên kết nông nghiệp là một yếu tố quyết định để nâng cao hiệu quả sản xuất; việc phát triển kinh tế thị trường ở nông thôn phải được nhà nước điều tiết bằng các phương pháp kinh tế mới có khả năng kích thích lợi ích của nông dân và phân phối hợp lý các nguồn lực. 1.1.2.3. Các công trình nghiên cứu về vai trò thanh niên trong xây dựng nông thôn International Labour Office Youth and rural development: evidence from 25 school-to-work transition surveys (Tạm dịch là: Thanh niên và phát triển nông thôn: Bằng chứng từ 25 cuộc điều tra chuyển đổi từ trường học sang nơi làm việc) [52], chỉ ra mối liên hệ giữa thanh niên và phát triển nông thôn ở các nước đang phát triển với bằng chứng từ 25 khảo sát chuyển đổi từ trường học sang nơi làm việc. Báo cáo đánh giá tình hình thị trường lao động thanh niên và thành thị ở các nước đang phát triển; thực trạng về trình độ học vấn, thất nghiệp, việc làm theo ngành nghề, tình trạng và sự ổn định của việc làm. Báo cáo tổng quan tình hình việc làm của thanh niên ở khu vực nông thôn của châu Phi; những việc làm dễ bị tổn thương ở khu vực nông thôn châu Phi; nêu các chính sách thúc đẩy sinh kế tốt hơn của TNNT; đánh giá tình hình lao động, việc làm của thanh niên ở nông thôn châu Phi cận Sahara,… từ đó chỉ ra mối liên hệ giữa thanh niên và phát triển nông thôn ở các nước đang phát triển. Development Centre Studies The Future of Rural Youth in Developing Countries - Tapping the Potential of Local Value Chains (Tạm dịch là: Tương lai của TNNT ở các nước đang phát triển - Khai thác tiềm năng của chuỗi giá trị) [18], nêu lên tương lai của TNNT ở các nước đang phát triển. Cuốn sách chỉ rõ, TNNT chiếm hơn một nửa dân số thanh niên ở các nước đang phát triển và sẽ tiếp tục tăng trong 35 năm tới, nếu không chuyển đổi nông thôn và thực hiện công nghiệp hóa xanh nhanh chóng để tạo ra nhiều việc làm một cách bền vững thì đại đa số TNNT ở các nước đang phát triển không có nhiều lựa chọn ngoài việc làm những công việc được trả lương thấp và không ổn định hoặc di cư. Đây
  • 29. 24 là kinh nghiệm đáng tham khảo về vấn đề việc làm trong NTM ở Việt Nam, đặc biệt là trong NTM ở vùng ĐBSCL vào những năm tiếp theo. Radhika Kapur Role of Youth in Rural Development (Tạm dịch là: Vai trò của thanh niên trong phát triển nông thôn) [84] cho thấy, vai trò của thanh niên ở nông thôn góp phần mang lại sự cải thiện trong cơ sở hạ tầng, làm tăng mức sống dân cư và làm cho nông thôn phát triển tốt hơn. Thanh niên tham gia vào hoạt động nông thôn mạnh mẽ, nhưng có những trở ngại nhất định trong quá trình tham gia của họ như không đủ kiến thức và thông tin, cơ sở hạ tầng yếu, chi phí và bất bình đẳng. Do vậy, để thanh niên thực hiện tốt vai trò của mình cần trang bị, phát triển các kỹ năng cho họ như hoạt động của máy móc, sản xuất hàng hóa, thể thao, âm nhạc, sử dụng công nghệ, máy tính,... Đặc biệt, các tổ chức giáo dục rất cần thiết cho phát triển các vùng nông thôn, giáo dục cho phép thanh niên tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn cho chính mình. Đây là những vấn đề có thể tham khảo trong việc chỉ ra vai trò của nguồn lực thanh niên và các yếu tố tác động đến thực hiện vai trò nguồn lực thanh niên ở ĐBSCL hiện nay. 1.2. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA CÁC CÔNG TRÌNH TỔNG QUAN VÀ NHỮNG NỘI DUNG CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU CỦA LUẬN ÁN 1.2.1. Đánh giá chung về các công trình nghiên cứu có liên quan đến luận án Qua việc hệ thống các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài luận án, tác giả có một số đánh giá, nhận xét như sau: Một là, các công trình đều nghiên cứu về vấn đề liên quan đến thanh niên, nguồn lực thanh niên, vai trò nguồn lực thanh niên, xây dựng NTM. Các tác giả đã tập trung khai thác, làm rõ vấn đề lý luận và thực tiễn về những nội dung cụ thể liên quan đến các vấn đề trên ở nhiều khía cạnh khác nhau. Về nguồn lực thanh niên, vai trò nguồn lực thanh niên, xây dựng NTM và xây dựng NTM ở ĐBSCL: Khái niệm “Thanh niên” được một số tác giả đưa ra những bàn luận khá sâu sắc và khái niệm này tiếp tục được tác giả Phạm Hồng Tung luận giải rõ hơn
  • 30. 25 trong cuốn sách “Thanh niên và lối sống của thanh niên Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế” khi bàn luận về lối sống thanh niên nước ta hiện nay. Về nguồn lực thanh niên, vai trò nguồn lực thanh niên cũng được nhiều tác giả luận giải, đặc biệt có tác giả luận giải khá sâu sắc nguồn nhân lực thanh niên dưới góc độ là một bộ phận quan trọng của nguồn nhân lực quốc gia vừa có những yếu tố đặc thù, khi nghiên cứu nguồn lực thanh niên cần phải phân biệt rõ ràng giữa khái niệm “tuổi trẻ” với “nguồn nhân lực trẻ”; có tác giả còn khẳng định, thanh niên là lực lượng chiến lược của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tác giả Nguyễn Thị Tú Oanh trong luận án của mình đã cho thấy cơ sở lý luận khoa học về nội dung, vai trò và ý nghĩa của nguồn lực thanh niên và phát huy vai trò nguồn lực thanh niên trong sự nghiệp CNH, HĐH. Ngoài ra, một số báo cáo khảo sát, công trình khoa học nước ngoài còn khẳng định nguồn lực thanh niên chắc chắn sẽ là nhân tố quyết định của đất nước (ở Malaysia). Những vấn đề về nguồn lực thanh niên, vai trò nguồn lực thanh niên, phát huy vai trò nguồn lực thanh niên còn được các tác giả nước ngoài bàn luận khá sâu sắc thông qua những bài viết và luận án tiến sỹ của họ. Vấn đề xây dựng NTM ở nước ta nói chung và xây dựng NTM ở ĐBSCL, hiện nay đã có nhiều công trình khoa học nghiên cứu và sự quan tâm của nhiều tác giả. Từ những vấn đề chung như tính tất yếu khách quan của xây dựng NTM, hệ thống lại quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, các quy định của Nhà nước về xây dựng NTM, đến đánh giá khá sâu sắc về vị trí, vai trò, đặc điểm của nông thôn trong nền kinh tế hiện nay. Có tác giả thông qua sách chuyên khảo khái quát mô hình lý thuyết và nội dung Chương trình, mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM; phân tích ưu điểm và bất cập từ các mô hình xây dựng NTM ở Việt Nam giai đoạn 2010-2015, nêu lên kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong xây dựng NTM. Một số luận án còn khái quát các vấn đề lý luận về xây dựng NTM, tính tất yếu xây dựng NTM ở ĐBSCL. Đặc biệt, có các đề tài khoa học cấp bộ nêu lên một số vấn đề lý luận và thực tiễn về mô hình xây dựng NTM cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc, ở vùng Đông Nam Bộ. Đây là
  • 31. 26 những tài liệu đáng tham khảo để trên cơ sở các nguồn lực hiện có, nhất là nguồn lực thanh niên xác định mô hình NTM cho phù hợp với thực tế ở ĐBSCL. Ngoài ra, còn có nhiều công trình khoa học ngoài nước cũng như của các tác giả trong nước nghiên cứu về xây dựng NTM ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Malaysia,... đã chỉ ra vị trí, vai trò của NTM ở các nước, rút ra những kinh nghiệm quý báu trong xây dựng NTM ở các nước cho Việt Nam và ĐBSCL tham khảo trong xây dựng NTM. Về thực trạng nguồn lực thanh niên, thực hiện vai trò nguồn lực thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, trong xây dựng NTM: Đánh giá thực trạng nguồn lực thanh niên, thực hiện vai trò nguồn lực thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, trong xây dựng NTM có nhiều công trình khoa học tiếp cận ở các phương diện khác nhau. Dưới góc độ chỉ đánh giá thực trạng nguồn lực thanh niên các dân tộc thiểu số đã được đề cập đến thông qua đề tài khoa học cấp bộ. Đánh giá thực trạng nguồn lực thanh niên, thực hiện vai trò nguồn lực thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, trong xây dựng NTM còn được thực hiện thông qua các cuốn sách chuyên khảo, luận án với nhiều phương diện. Ở góc độ nhấn mạnh khía cạnh về thực trạng lối sống của thanh niên Việt Nam hiện nay, đã có quyển sách chuyên khảo chỉ ra những xu hướng biến đổi tích cực và tiêu cực của lối sống thanh niên Việt Nam có tác động nhất định đến việc thực hiện vai trò nguồn lực thanh niên trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Một số sách chuyên khảo đánh giá tình hình thanh niên Việt Nam dưới góc độ quản lý nhà nước, có tác giả chỉ đánh giá riêng về thực trạng thanh niên tiếp nhận các giá trị truyền thống dân tộc. Trong các luận án của mình, nhiều tác giả đánh giá được thực trạng nguồn lực thanh niên về số lượng, cơ cấu, đặc biệt là về chất lượng với nhiều khía cạnh của nó như: học vấn, chuyên môn, sức khỏe, việc làm, nhận thức chính trị,... Đặc biệt, trong các báo cáo của Bộ Nội vụ và Tổng Cục thống kê đã khảo sát, đánh giá tương đối đầy đủ và đưa ra được những con số cụ thể về thực trạng nguồn lực thanh niên trên nhiều phương diện khác nhau và thực hiện vai trò nguồn lực thanh niên ở một số lĩnh vực quan
  • 32. 27 trọng của đời sống xã hội như giáo dục, y tế, việc làm. Đặc biệt, còn có báo cáo của tổ chức nước ngoài về thực trạng trình độ học vấn, thất nghiệp, việc làm theo ngành nghề của thanh niên ở các nước đang phát triển và thanh niên ở nông thôn châu Phi cận Sahara. Đây là những nội dung có thể tham chiếu trong xây dựng NTM ở Việt Nam, cũng như ĐBSCL. Ngoài ra, còn có nhiều tài liệu nước ngoài nghiên cứu về nguồn lực thanh niên, vai trò nguồn lực thanh niên dưới các góc độ như tiến hành các khảo sát để chỉ ra vai trò rất quan trọng của nguồn lực này đối với đất nước (ở Malaysia); chỉ ra tầm quan trọng trong các mối quan hệ xã hội của thanh niên; tình trạng thất nghiệp của thanh niên (ở Hàn Quốc); sự cần thiết phải có một chính sách và đầu tư mới để hỗ trợ TNNT ở các nước nghèo. Những nội dung khoa học nêu trên đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị cho luận án thực hiện khảo cứu và đánh giá thực trạng nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM. Đặc biệt, một số kết quả nghiên cứu đã gợi mở, cung cấp thông tin, sự kiện để tác giả tham khảo làm luận cứ khoa học cho đề tài của luận án. Về quan điểm và giải pháp phát huy vai trò nguồn lực thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, trong xây dựng NTM: Những quan điểm và giải pháp nhằm phát huy vai trò nguồn lực thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, trong xây dựng NTM cũng được các tác giả nêu lên khá nhiều. Quan điểm và giải pháp phát huy vai trò nguồn lực thanh niên thông qua phong trào hành động cách mạng được nhiều tác giả đề cập đến trong các đề tài khoa học cấp bộ, luận án, sách chuyên khảo, bài báo. Phát huy vai trò nguồn lực thanh niên thông qua giải pháp tạo việc làm cho thanh niên được các tác giả đề cập đến thông qua những cuốn sách chuyên khảo và luận án tiến sỹ. Tác giả Lương Thanh Tân nêu lên quan điểm và giải pháp phát huy vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL thông qua việc giáo dục thẩm mỹ cho thanh niên trong luận án tiến sỹ của mình. Một số tác giả thông qua những công trình khoa học, sách chuyên khảo, bài viết còn đề cập đến việc phát huy vai trò nguồn lực thanh niên bằng nhiều giải pháp như giáo dục các giá trị truyền thống dân tộc
  • 33. 28 cho thanh niên; xây dựng lối sống lành mạnh, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc cho thanh niên. Các giải pháp như tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên; phát huy vai trò nguồn lực thanh niên thông qua công tác quản lý nhà nước đối với thanh niên; phát huy vai trò nguồn lực thanh niên thông qua việc đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức đoàn thanh niên cũng được đề cập. Một số công trình khoa học còn đề cập đến những giải pháp phát huy vai trò đối với từng đối tượng thanh niên. Cụ thể, giải pháp phát huy vai trò nguồn lực thanh niên dân tộc thiểu số được tác giả Đặng Cảnh Khanh chỉ ra trong đề tài khoa học cấp bộ “Điều tra thực trạng, đề xuất các giải pháp phát triển nguồn lực trẻ các dân tộc thiểu số phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Bàn về giải pháp phát huy vai trò nguồn lực thanh niên ở các nước cũng được nhiều tổ chức, nhà khoa học ngoài nước đưa ra các giải pháp khác nhau như ban hành các chính sách thúc đẩy sinh kế tốt hơn cho TNNT (tổ chức ILO), nâng cao vai trò quản lý của nhà nước, tạo việc làm cho nguồn lực thanh niên (tổ chức OECD). Đặc biệt, tác giả Dengyang Kongchi đã nêu lên 04 nhóm giải pháp chủ yếu để phát huy vai trò nguồn lực thanh niên gồm giải pháp về công tác giáo dục - đào tạo; giải pháp sử dụng hợp lý nguồn lực thanh niên; giải pháp giải quyết việc làm và giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách, mở rộng dân chủ nhằm phát huy có hiệu quả vai trò nguồn lực thanh niên trong quá trình CNH, HĐH. Như vậy, vấn đề nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM mặc dù chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu mang tính chuyên sâu, nhưng đã có nhiều tác giả bàn về nguồn lực thanh niên, vai trò nguồn lực thanh niên, nêu lên vị trí, vai trò quan trọng của nguồn lực thanh niên trong xây dựng NTM và sự cần thiết phải phát huy vai trò nguồn lực thanh niên để xây dựng thành công NTM. Cũng có công trình khoa học đề cập tới việc phát huy vai trò xung kích của nguồn lực thanh niên trong thực hiện các phong trào hành động cách mạng do tổ chức Đoàn phát động để góp phần xây dựng NTM. Hai là, có nhiều công trình nghiên cứu về thanh niên, nguồn lực thanh niên, vai trò nguồn lực thanh niên, phát huy vai trò nguồn lực thanh niên, xây dựng NTM có nội dung liên quan đến đề tài luận án, nhưng vấn đề “Nguồn lực
  • 34. 29 thanh niên đồng bằng sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới” chưa được nghiên cứu một cách mang tính chuyên sâu trong những công trình luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ, đề tài cấp bộ, cấp nhà nước hay sách chuyên khảo. Nội dung gần gũi với đề tài tác giả lựa chọn thì mới chỉ được nghiên cứu ở một vài khía cạnh khác nhau, số liệu, dẫn liệu đưa ra đánh giá thực trạng vai trò nguồn lực thanh niên và xây dựng NTM ở ĐBSCL cũng chưa thật sự đầy đủ và cũng chưa phải là số liệu mới. Ba là, các công trình khoa học có liên quan chưa chỉ ra được những yếu tố tác động đến thực hiện vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM, cũng như chưa xác định rõ vấn đề đặt ra trong thực hiện vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM là những rào cản và thách thức gì để từ đó xác định giải pháp cho phù hợp. Mặc dù các đề tài khoa học, công trình đã công bố liên quan đến nguồn lực thanh niên, đến vấn đề xây dựng NTM nêu lên được việc phát huy vai trò nguồn lực thanh niên thông qua nhiều giải pháp khác nhau, nhưng chưa có công trình nào đưa ra được một hệ thống đồng bộ các giải pháp mang tính khả thi để phát huy tốt nhất vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL phục vụ cho xây dựng NTM hiện nay. Với nhận định như vậy, có thể khẳng định đề tài “Nguồn lực thanh niên đồng bằng sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới” cho đến thời điểm hiện nay vẫn mang tính mới, không trùng lặp với bất cứ công trình khoa học nào đã công bố. 1.2.2. Những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu của luận án Thanh niên, nguồn lực thanh niên, vai trò nguồn lực thanh niên, phát huy vai trò nguồn lực thanh niên, xây dựng NTM là những vấn đề đang thu hút sự quan tâm, nghiên cứu của nhiều tác giả hiện nay. Qua những công trình nghiên cứu cho thấy, các tác giả đã tiếp cận, khai thác những vấn đề trên ở nhiều phương diện, góc độ khác nhau. Tuy vậy, các vấn đề trên vẫn còn những khoảng trống để luận án “Nguồn lực thanh niên đồng bằng sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới” tập trung nghiên cứu, luận giải. Đó là những vấn đề sau:
  • 35. 30 Thứ nhất, làm rõ cơ sở lý luận về vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM: Quan niệm về thanh niên; quan niệm về nguồn lực thanh niên; quan niệm về vai trò nguồn lực thanh niên; quan niệm về xây dựng NTM; xác định các nội dung vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM; chỉ ra những yếu tố tác động đến thực hiện vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM. Thứ hai, đánh giá thực trạng thực hiện vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM và xác định những vấn đề đặt ra trong thực hiện vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM hiện nay: Phân tích các báo cáo, kết quả điều tra, khảo sát về tình hình thanh niên ĐBSCL tham gia xây dựng NTM để chỉ ra những kết quả đạt được và hạn chế trong thực hiện vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM. Đồng thời luận án chỉ ra nguyên nhân của kết quả đạt được và những hạn chế của thực hiện vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM, từ đó, xác định các vấn đề bất cập, tồn tại, những rào cản trong thực hiện vấn đề trên. Thứ ba, nêu quan điểm cơ bản và đề xuất giải pháp chủ yếu nhằm phát huy vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM: Nêu lên 3 quan điểm và đề xuất 04 nhóm giải pháp cho việc phát huy vai trò nguồn lực thanh niên ĐBSCL trong xây dựng NTM gồm: Nhóm giải pháp về nhận thức; nhóm giải pháp về giáo dục - đào tạo; nhóm giải pháp về xây dựng đời sống văn hóa mới; nhóm giải pháp về phát huy vai trò chủ thể thanh niên và tổ chức của thanh niên trong xây dựng NTM ở ĐBSCL hiện nay và giai đoạn tiếp theo. Tiểu kết chương 1 Tất cả các công trình khoa học trong nước và ngoài nước nêu trên đều có những cách tiếp cận khác nhau về thanh niên, nguồn lực thanh niên, vai trò nguồn lực thanh niên, về xây dựng NTM, về phát huy vai trò nguồn lực thanh niên trong xây dựng NTM. Các công trình nghiên cứu, đặc biệt là kết quả nghiên cứu của các đề tài khoa học đã bàn luận sâu sắc về nguồn lực thanh niên, luận giải rõ vị trí, vai trò
  • 36. 31 nguồn lực thanh niên đối với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là vai trò quan trọng của nguồn lực thanh niên trong đóng góp xây dựng NTM. Nhiều công trình nghiên cứu đã nêu ra những đóng góp cụ thể của nguồn lực thanh niên trong xây dựng NTM và cho rằng sự tham gia của nguồn lực này trong xây dựng NTM là một tất yếu. Các công trình nghiên cứu nêu lên những giải pháp cụ thể cần thực hiện để tạo điều kiện cho nguồn lực thanh niên tham gia xây dựng NTM. Nhìn chung, các công trình nghiên cứu trong nước và ngoài nước đều thống nhất cho rằng muốn phát huy vai trò nguồn lực thanh niên trong xây dựng NTM cần thực hiện nhiều giải pháp như tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác thanh niên, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về xây dựng NTM trong thanh niên. Phát huy vai trò nguồn lực thanh niên bằng các giải pháp cụ thể khác như thông qua đào tạo nghề, tạo việc làm, công tác giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên, giáo dục các giá trị truyền thống dân tộc, đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên,… Có nhiều công trình khoa học nghiên cứu về nguồn lực thanh niên, vai trò nguồn lực thanh niên, xây dựng NTM, phát huy vai trò nguồn lực thanh niên trong xây dựng NTM, do đó, khi thực hiện luận án “Nguồn lực thanh niên đồng bằng sông Cửu Long trong xây dựng nông thôn mới” tác giả tiến hành nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và nghiêm túc tất cả các công trình trên để rút ra những luận cứ có giá trị khoa học và đề xuất những giải pháp mang tính khả thi cao trong luận án.
  • 37. 32 Chương 2 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ VAI TRÒ NGUỒN LỰC THANH NIÊN ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI 2.1. NGUỒN LỰC THANH NIÊN VÀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI 2.1.1. Quan niệm về thanh niên và vai trò nguồn lực thanh niên 2.1.1.1. Quan niệm về thanh niên và đặc điểm của thanh niên Quan niệm về thanh niên Trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, vấn đề thanh niên luôn được các quốc gia giành sự quan tâm đặc biệt. Theo đó, thuật ngữ thanh niên ở mỗi quốc gia cũng được hiểu và tiếp cận theo nhiều cách tùy thuộc vào nội dung, góc độ nhìn nhận hoặc cấp độ đánh giá. Do vậy, có lúc thanh niên được dùng để chỉ một cá thể người trong độ tuổi thanh niên, có lúc dùng để chỉ cả một lớp người trẻ tuổi, hoặc để chỉ giai đoạn phát triển đặc biệt của đời người. Trong một số trường hợp, thuật ngữ thanh niên được dùng để chỉ tính cách, phong cách trẻ trung của con người. Đặc biệt, thuật ngữ thanh niên còn được dùng để chỉ một nhóm xã hội, một lực lượng chính trị - xã hội. Trong Từ điển Oxford (Từ điển tiếng Anh) từ “youth” (thanh niên) được giải thích: “Là người trẻ tuổi, trong giai đoạn giữa tuổi thơ ấu và tuổi người lớn, hăng hái, nhiệt tình hoặc thiếu kinh nghiệm hoặc chỉ những đặc trưng khác của độ tuổi này. Khi được dùng ở dạng số nhiều thì từ này chỉ tập hợp những người trẻ tuổi” [1, tr.877]. Ở nước ta, thuật ngữ thanh niên được sử dụng phổ biến trong đời sống xã hội với nhiều cách hiểu khác nhau. Theo Từ điển tiếng Việt, khái niệm thanh niên được giải thích là “Người còn trẻ, đang ở độ tuổi trưởng thành” [130, tr.913]. Xét ở khía cạnh ngôn ngữ đời thường, thuật ngữ thanh niên được dùng để chỉ người trẻ tuổi, ở trong độ tuổi giữa trẻ em và người lớn. Thanh niên được so sánh bằng hình tượng “Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”.
  • 38. 33 Ở mỗi góc độ nghiên cứu, khái niệm thanh niên ở nước ta được tiếp cận khác nhau. Chẳng hạn, về mặt sinh học, các nhà nghiên cứu coi thanh niên là lớp người trong độ tuổi có đủ tư chất để nhận thức, lĩnh hội về trách nhiệm, vai trò của mình với tư cách là một “người lớn”, một thành viên trưởng thành của xã hội [121, tr.51]. Các nhà tâm lý học lại nhìn nhận thanh niên gắn với “những biến đổi về cơ thể, về tâm, sinh lý của con người trong giai đoạn quá độ từ trẻ em đến người lớn, coi đó như một trong những cơ sở để phân tích sự trưởng thành của con người và nhân cách con người trong độ tuổi thanh niên” [121, tr.53]. Theo đó, thanh niên không phải là “trẻ con nhiều tuổi”, hay “người lớn ít tuổi” mà họ đang trưởng thành về phương diện tâm lý - xã hội. Các nhà nghiên cứu xã hội học xem “thanh niên là một giai đoạn phát triển trong cuộc đời mỗi con người, nằm giữa độ tuổi trẻ em và độ tuổi người lớn. Đó là khoảng thời gian con người trải qua giai đoạn quá độ, hoàn thiện dần bản thân cả về thể chất và tinh thần, cả về sinh lý, tâm lý, tri thức, đạo đức và nhân cách để trở thành thành viên trưởng thành của xã hội” [121, tr.58]. Do đó, đây được xem là thời kỳ chuyển tiếp từ tuổi thơ phụ thuộc sang xác lập vai trò cá nhân qua các hoạt động độc lập với tư cách là một công dân chủ thể của các quan hệ xã hội. Về mặt xã hội, thanh niên là một nhóm nhân khẩu - xã hội đặc thù bao gồm tất cả những thành viên trong một xã hội cụ thể đang ở trong độ tuổi thanh niên. Dưới góc độ kinh tế học, thanh niên là một lực lượng lao động xã hội hùng hậu, là nguồn lực bổ sung cho đội ngũ những người lao động trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đều quy định độ tuổi thanh niên bắt đầu từ 15 tuổi (Australia, Mỹ, Singapo, Thái Lan, Newzealand, Vanauata,…) nhưng tuổi kết thúc thì có sự khác biệt khá nhiều. Phần lớn các nước quy định mốc kết thúc tuổi thanh niên là 24 tuổi (Newzealand, Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Srilanka,…), nhưng có quốc gia quy định mốc kết thúc tuổi thanh niên là 30 tuổi (Bangladesh, Philippin,…), có quốc gia quy định là 35 tuổi (Ấn Độ, Madives, Samoa,…), thậm chí có quốc gia quy định là 40 tuổi (Malaysia) [131, tr.13].
  • 39. 34 Ở nước ta, trước đây quan niệm độ tuổi thanh niên bắt đầu từ 14 đến 15 tuổi. Đây là độ tuổi con người cả nam và nữ bắt đầu bước vào tuổi dậy thì - một dấu hiệu về thể chất của con người kết thúc tuổi trẻ em, bắt đầu giai đoạn quá độ để bước vào tuổi người lớn. Riêng kết thúc tuổi thanh niên được tính theo 2 mốc là 30 tuổi và 34 tuổi. Tuy nhiên, gần đây Nhà nước đã ban hành Luật thanh niên 2005, có hiệu lực từ ngày 01/7/2006, quy định thanh niên là: “Công dân Việt Nam từ đủ mười sáu đến ba mươi tuổi” [110, tr.12]. Đây được xem là cơ sở pháp lý cho việc xác định độ tuổi thanh niên hiện nay ở nước ta. Trên cơ sở này, trong Báo cáo Quốc gia về thanh niên Việt Nam năm 2015 do Bộ Nội vụ xây dựng cũng đã xác định độ tuổi thanh niên Việt Nam hiện nay là từ 16 đến 30 tuổi. Ở độ tuổi này, thanh niên là những người hết sức nhạy bén, năng động, đầy nhiệt huyết, có năng lực trí tuệ, họ là lực lượng xung kích, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Từ những cách tiếp cận trên, có thể quan niệm chung về thanh niên (ở Việt Nam) như sau: Thanh niên là một nhóm nhân khẩu - xã hội đặc thù bao gồm những người trong độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi, thuộc mọi giai cấp, dân tộc, tầng lớp xã hội, có mặt trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội; có những đặc điểm riêng biệt, có vai trò to lớn trong xã hội hiện tại và quyết định sự phát triển trong tương lai của xã hội. Từ quan niệm trên cho thấy thanh niên có những đặc điểm cơ bản: Thanh niên là một giai đoạn phát triển trong cuộc đời mỗi con người, nằm giữa độ tuổi trẻ em và độ tuổi người lớn. Đặc điểm nổi bật về tâm lý, xã hội của lứa tuổi thanh niên là khả năng phân tích, suy luận, ưa cái mới, thích công bằng, có khả năng sáng tạo, mong muốn được tin cậy và muốn được khẳng định mình. Chính đặc điểm này làm cho thanh niên trở thành lớp người nhạy bén, năng động, không chấp nhận sự trì trệ, bảo thủ, sẵn sàng đấu tranh cho cái mới. Bên cạnh đó, do đặc điểm về tâm lý, thể chất làm cho thanh niên dễ mắc phải những hạn chế nhất định như tính bồng bột, thiếu kinh nghiệm, phiêu lưu, quá khích, liều lĩnh nếu không được định hướng và hướng dẫn một cách đúng
  • 40. 35 đắn. Trong thanh niên còn cả sự tiềm ẩn, đan xen những khả năng to lớn của yếu tố tích cực lẫn tiêu cực. Đây là những vấn đề đáng lưu ý khi phát huy vai trò NLTN phục vụ xây dựng NTM. Thanh niên là một nhóm nhân khẩu - xã hội đặc thù. Thanh niên là một nhóm nhân khẩu - xã hội chiếm số đông trong dân số cả nước, thuộc mọi giai cấp, dân tộc, tầng lớp xã hội, có mặt ở tất cả các địa phương, các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước. Đặc điểm về cơ cấu xã hội của thanh niên, họ là một đối tượng rất đa dạng bao gồm các nhóm, các đối tượng khác nhau, nó hàm chứa trong đó những cá thể ở độ tuổi thanh niên có nguồn gốc xuất thân khác nhau với nhiều ngành nghề khác nhau, thói quen, tập tục khác nhau. Nếu xét về độ tuổi, nhóm nhân khẩu - xã hội thanh niên bao gồm trong đó nhiều nhóm nhỏ thuộc các độ tuổi thanh niên khác nhau, mỗi tiểu nhóm ngoài các đặc điểm chung còn có những đặc điểm riêng về sinh lý, tâm lý, giáo dục, nghề nghiệp và sự trưởng thành về mặt nhân cách. Ngoài ra, nhóm nhân khẩu - xã hội thanh niên còn có thể được chia thành các tiểu nhóm khác nhau dựa trên những tiêu chí khác nhau. Nếu chia theo địa bàn cư trú có thanh niên thành thị và thanh niên nông thôn, còn chia theo nghề nghiệp có thanh niên công nhân, thanh niên nông dân, thanh niên trí thức,… Các yếu tố khác như dân tộc, tôn giáo, giới tính, giàu - nghèo,… cũng được coi là tiêu chí để phân chia thanh niên thành các tiểu nhóm xã hội khác nhau. Như vậy, ở bất cứ địa bàn, lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp, thành phần dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp xã hội,… cũng có mặt thanh niên và họ chính là lực lượng lao động trẻ, khỏe, năng động, sáng tạo luôn sẳn sàng đảm đương mọi nhiệm vụ dù có khó khăn, vất vả. Thanh niên là lớp người trẻ trung và năng động, đóng vai trò to lớn trong xã hội hiện tại, thế hệ quyết định tương lai của quốc gia, dân tộc. Thanh niên là lực lượng chiếm số đông trong xã hội, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhấn mạnh rằng thanh niên tiêu biểu cho sự phát triển tương lai của đất nước, là người chủ
  • 41. 36 tương lai của nước nhà. Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp tết nguyên đán năm 1946, Người viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời người khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội” [47, tr.385]. Thanh niên với tính cách là một thế hệ có quan hệ mật thiết với các thế hệ, thừa hưởng những di sản của quá khứ và hiện tại trong cộng đồng xã hội, họ có sứ mệnh đón nhận sự “trao truyền” giá trị, ủy thác trách nhiệm, gởi gắm niềm tin của thế hệ đi trước. Cùng với sự phát triển của xã hội hiện nay, trình độ học vấn, năng lực trí tuệ của thanh niên ngày càng được nâng cao hơn so với lớp thanh niên thế hệ trước. Họ còn là nhóm dân cư có trình độ học vấn tương đối cao, năng động, nhạy bén, dễ tiếp nhận và hội nhập, nên là lớp người có khả năng trở thành xung lực cho sự phát triển của đất nước. Do đó, có thể nói thanh niên chính là tương lai của quốc gia, dân tộc. Nếu thế hệ thanh niên không được chuẩn bị chu đáo để tiếp nhận sự bàn giao sứ mệnh, kế tục các thế hệ đi trước thì vận mệnh và tương lai của quốc gia dân tộc sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ. Vì vậy, quan tâm tới việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, hướng dẫn thanh niên là trách nhiệm quan trọng của xã hội nhằm chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho họ nhận lãnh trách nhiệm với thế hệ đi trước và tiếp tục sự nghiệp cách mạng của đất nước. 2.1.1.2. Quan niệm về nguồn lực thanh niên Nguồn lực (resouces) là khái niệm đến nay chưa được bổ sung vào hầu hết các loại từ điển ở nước ta (từ điển tiếng Việt, từ điển Bách khoa Việt Nam,…). Tuy nhiên, đã có một số nhà khoa học bàn về phạm trù “nguồn lực”. Tiếp cận dưới dạng tổng quát, có quan niệm cho rằng: “Nguồn lực là toàn bộ những yếu tố đã, đang và sẽ có khả năng tạo ra sức mạnh tổng hợp thúc đẩy quá trình cải biến tự nhiên và xã hội” [62, tr.34]. hoặc: “Nguồn lực được hiểu là một hệ thống các nhân tố cả vật chất lẫn tinh thần đã, đang và sẽ có khả năng góp phần thúc đẩy quá trình cải biến xã hội của một quốc gia dân tộc” [74, tr.21]. Quan niệm “nguồn lực” được nhiều người tán thành là một hệ thống các nhân tố cả vật chất lẫn tinh thần, trong đó từng nhân tố có vai trò riêng nhưng