SlideShare a Scribd company logo
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
ĐINH THỊ HIỀN
TRUYỆN NGẮN NGUYỄN DẬU DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM
HÀ NỘI, 2019
iê
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
ĐINH THỊ HIỀN
TRUYỆN NGẮN NGUYỄN DẬU DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA
Ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 8 22 01 21
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS. LÊ THỊ DỤC TÚ
HÀ NỘI, 2019
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Đề tài do cá nhân
tôi nghiên cứu; các số liệu, kết quả nêu trong luận văn là trung thực và có nguồn trích
dẫn; bố cục, phông chữ của luận văn đúng với quy định và đề tài chưa từng được ai
công bố trong bất kỳ công trình nào khác.
Hà Nội, ngày tháng năm 2019
HỌC VIÊN
Đinh Thị Hiền
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU..............................................................................................................................1
Chương 1. MỐI QUAN HỆ GIỮA VĂN HÓA – VĂN HỌC VÀ HÀNH TRÌNH
SÁNG TÁC CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN DẬU............................................................7
1.1. Khái niệm văn hóa - văn học....................................................................................7
1.2. Mối quan hệ giữa văn hóa và văn học......................................................................9
1.3. Phương pháp tiếp cận văn học dưới góc nhìn văn hóa .........................................11
1.4. Hành trình sáng tác của nhà văn Nguyễn Dậu .....................................................13
Chương 2. CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRONG TRUYỆN NGẮNCỦA
NGUYỄN DẬU ................................................................................................................19
2.1. Con người – đối tượng thẩm mĩ mang dấu ấn văn hóa.........................................19
2.2. Không gian - nơi lưu giữ những giá trị văn hóa....................................................44
Chương 3. MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬTTRONG TRUYỆN
NGẮN NGUYỄN DẬU...................................................................................................56
3.1. Cốt truyện.................................................................................................................56
3.2. Tình huống truyện...................................................................................................64
3.3.Giọng điệu trần thuật................................................................................................70
KẾT LUẬN.......................................................................................................................79
TÀI LIỆU THAM KHẢO..............................................................................................81
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Văn học và văn hóa có mối quan hệ gắn bó mật thiết. Văn học là một bộ phận của
văn hóa, một trong những yếu tố quan trọng góp phần hình thành bản sắc văn hóa dân
tộc. Văn học không chỉ có khả năng nhận thức, phản ánh, truyền tải và lưu giữ các giá trị
văn hóa mà còn góp phần kiến tạo các giá trị văn hóa mới. Diện mạo và các giá trị văn
hóa tiêu biểu của một cộng đồng người được thể hiện qua văn học.
Có nhiều cách tiếp cận trong nghiên cứu văn học. Trong thời đại hội nhập ngày nay,
cùng với những tiến bộ của nghiên cứu văn học và thời đại, cần có cách nhìn, cách đánh
giá mới mẻ hơn, khoa học, hữu hiệu, chân xác hơn về tác phẩm văn chương. Tiếp cận tác
phẩm văn học dưới góc nhìn văn hóa là một hướng khai thác xuất hiện từ đầu thế kỉ XX,
giúp người nghiên cứu vừa có thể khai thác sâu giá trị nội tại của tác phẩm, vừa có cái
nhìn bao quát toàn diện về giá trị của tác phẩm trong cái nhìn soi chiếu với văn hóa của
cộng đồng, dân tộc.
Truyện ngắn có những đặc điểm và thế mạnh riêng trong các thể loại văn học.
Truyện ngắn là một thể loại tự sự có hình thức ngắn gọn, cơ động mà vẫn chuyển tải
được những vấn đề cơ bản của đời sống: “nội dung của truyện ngắn bao trùm hầu hết các
phương diện của đời sống: đời sống thế sự hay sử thi, nhưng cái độc đáo của nó là ngắn.
Truyện ngắn được viết ra để tiếp thu liền một mạch, đọc một hơi không nghỉ”. Với đặc
điểm nhỏ gọn, phong phú về ngôn ngữ, nhân vật, tình tiết, truyện ngắn là thể loại gần gũi
với đời sống hàng ngày và giữ ưu thế trong việc truyền tải bức tranh muôn màu của đời
sống sinh hoạt vật chất cũng như tinh thần của con người.
Trong dòng văn học đương đại, nhà văn Nguyễn Dậu xuất hiện lặng lẽ, điềm
đạm nhưng cũng đã để lại một dấu ấn đậm nét. Dù hành trình sáng tác không liên tục
nhưng sự nghiệp văn học của ông khá dày dặn, phong phú với một phong cách riêng
biệt, đặc biệt là ở thể loại truyện ngắn. Tuy nhiên, truyện ngắn Nguyễn Dậu chưa được
nhắc đến nhiều trong các tài liệu học tập và nghiên cứu. Chưa có nhiều công trình nghiên
cứu truyện ngắn của ông một cách hệ thống, chuyên sâu và toàn diện. Hơn nữa, các công
2
trình nghiên cứu mới chỉ đề cập đến một vài nét về phong cách truyện ngắn của Nguyễn
Dậu thông qua một số lượng nhân vật và một số nét đặc trưng trong nghệ thuật viết
truyện ngắn, chưa đi sâu vào mối quan hệ giữa văn hóa và văn học trong truyện ngắn
của ông.
Vì thế, luận văn này mong muốn đi sâu vào tìm hiểu thế giới nghệ thuật của
truyện ngắn Nguyễn Dậu đặt trong mối liên hệ giữa văn học và văn hóa. Với phương
pháp tiếp cận văn hóa học, chúng tôi muốn đóng góp một vài ý kiến chủ quan đối với
hiện tượng truyện ngắn Nguyễn Dậu, hi vọng góp phần có cái nhìn đúng đắn, toàn diện
hơn về nhà văn. Từ đó, khẳng định vị trí và đánh giá một cách thỏa đáng đóng góp của
nhà văn cho thể loại truyện ngắn nói riêng, văn học Việt Nam đương đại nói chung.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Truyện ngắn Nguyễn Dậu như đã nói là một hiện tượng văn học không mới. Tuy
nhiên, trong nhiều thập kỉ, truyện ngắn của ông không được nhắc đến nhiều trong các tài
liệu học tập và nghiên cứu. Cũng đã có một số những bài nhận xét khái quát về truyện
ngắn Nguyễn Dậu nhưng mới chỉ dừng lại ở từng truyện ngắn hay từng tập truyện riêng
lẻ. Chưa có một cái nhìn hệ thống khi nhận diện truyện ngắn của nhà văn này. Vì vậy,
chưa làm rõ đựợc những nét đặc sắc của truyện ngắn Nguyễn Dậu, nhất là đặt dưới góc
nhìn văn hóa.
Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Dậu được nhắc đến chủ yếu là các bài
giới thiệu ngắn theo dạng tiểu sử trong các tuyển tập văn học vùng miền. Những đồng
nghiệp yêu mến trân trọng cuộc đời người nghệ sĩ đã viết bài về ông để nhắc nhở, để tiếc
thương cho một người có tài mà văn nghiệp truân chuyên trong một thời kì biến động
của lịch sử. Nhà văn Nguyễn Dậu được nhắc đến qua vài dòng giới thiệu về tiểu sử (năm
sinh, năm mất, quê quán và một vài nét về quá trình làm việc) trong thư mục của thư
viện Hải Phòng và qua các bài viết của đồng nghiệp. Về sự nghiệp văn chương, cũng chỉ
có một số bài viết giới thiệu sơ lược về quá trình từ cầm bút đến thành danh của nhà văn
Nguyễn Dậu.
3
Trên trang http://daibieunhandan.vn ngày 17/7/2007, nhà văn Nguyễn Dậu được
nhắc đến trong bài viết có tên Truyện làng văn của tác giả Hoàng An. Tác giả Hoàng An
đã giới thiệu Nguyễn Dậu là một cây bút văn xuôi với nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn
như Mở hầm, Nàng Kiều Như, Nhọc nhằn sông Luộc, Xanh vàng trắng đỏ đen (tiểu
thuyết), Con thú bị ruồng bỏ, Chó sói ngửi chân, Hương khói lòng ai (tập truyện ngắn)...
và là một nhà văn có sức viết mãnh liệt. Trong khoảng chừng mươi năm cuối đời, do
mắc bệnh tim nặng và biết được quỹ thời gian của mình còn eo hẹp nên ông ít giao du,
kiệm lời và tập trung sức lực cho sáng tác. Ông viết khá nhanh. Có truyện ngắn, ông viết
một đêm là xong. Chỉ trong một thời gian ngắn cuối đời, Nguyễn Dậu cho xuất bản liên
tục ba bốn cuốn tiểu thuyết dày dặn cỡ ba, bốn trăm trang.
Bài viết Nhà văn Nguyễn Dậu và sức sống của ngòi bút của tác giả Vũ Quốc Văn
đăng trên trang vanthoviet.com (1/9/2011) đã biên niên lại cuộc đời và sự nghiệp của
Nguyễn Dậu, hé lộ một cuộc đời nhiều cay đắng, nhọc nhằn, truân chuyên của nhà văn
trong đời thực cũng như trong văn chương. Tác giả Vũ Quốc Văn cho hay, Nguyễn Dậu
đã bị phê phán từ sự kiện tác phẩm bị “xét lại” của văn học những năm 1960 mà theo lối
phê bình lúc đó gọi là các tác phẩm viết theo kiểu “tự nhiên chủ nghĩa”. Các tiểu thuyết
Mở hầm của Nguyễn Dậu cùng các tiểu thuyết Nhãn đầu mùa của tác giả Xuân Tùng,
Trần Thanh, Mùa hoa dẻ của Văn Linh đã bị giới phê bình lúc đó khai tử. Sau sự kiện
ấy, Nguyễn Dậu đã xa rời sự nghiệp viết trong nhiều năm, nhưng lòng yêu nghề đã hối
thúc ông quay trở lại, sáng tác trong niềm đam mê sáng tạo mãnh liệt trong những năm
cuối đời.
Bài viết Nguyễn Dậu - Nhọc nhằn sông Luộc, tác giả Kiến Văn (đăng trên tạp chí
Văn nghệ Quân đội ra ngày 22/09/1911) lại tập trung vào quãng đời sau khi tiểu thuyết
Mở hầm bị phê phán. Bài viết đã cho thấy tác giả vẫn vẹn nguyên niềm say mê với
nghiệp viết sau 28 năm không cầm bút. Các sáng tác trong chặng đường mười năm cuối
đời của ông thể hiện lòng yêu nghề, yêu đời, đem đến thông điệp về lối sống có lương tri
cho mọi người.
4
Bài Nhà văn Nguyễn Dậu và nhà văn Vũ Bão, hai người anh, hai bàn phím, một
giấc mơ…của nhà văn Nguyễn Khắc Phục đăng trên trannhuong.net (16/7/2013) kể lại
một kỉ niệm trùng hợp về hai nhà văn Nguyễn Dậu và nhà văn Vũ Bão. Hai nhà văn
được bạn bè đồng nghiệp tặng cho chiếc máy chữ để bớt đi sự nhọc nhằn trong sáng tác
nhưng cả hai không dùng được bao lâu thì qua đời. Dù cặm cụi lao lực vất vả trên từng
trang viết, không hề có sự hỗ trợ của công nghệ nhưng nhà văn Nguyễn Dậu và Vũ Bão
để lại một sự nghiệp văn chương phong phú, giàu có, truyền tải thông điệp nhân văn đến
với độc giả: “hai người anh, hai bàn phím gõ chữ mà cùng một giấc mơ: Mơ văn
chương tử tế giúp ích cho đời, văn chương cho thỏa chí tang bồng hồ thỉ, văn chương là
sống, yêu, hi vọng và hướng tới những điều tốt đẹp nhất…”. Những tác phẩm mà nhà
văn Nguyễn Dậu để lại, đặc biệt ở giai đoạn sau Đổi mới, đã chứng minh giá trị nhân văn
sâu sắc đằng sau những trang viết vô cùng hấp dẫn của ông.
Nhà nghiên cứu Lê Thị Dục Tú trong cuốn Từ điển tác phẩm văn xuôi (tập 3)
cũng đánh giá về truyện ngắn của Nguyễn Dậu. Từ việc khái quát nội dung cụ thể của
hai tập truyện ngắn Đôi hoa tai lóng lánh và Con thú bị bỏ hoang, nhà nghiên cứu khẳng
định nét đặc sắc nghệ thuật trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu là “Văn của Nguyễn Dậu
mang sắc thái ngôn ngữ đời thường. Cách kể chuyện ở ngôi thứ nhất (nhân vật xưng
“tôi”) làm cho truyện của ông giàu sức thuyết phục. Đồng thời, nhà nghiên cứu cũng
nhận định về giá trị nội dung tư tưởng trong truyện của Nguyễn Dậu là “bức thông điệp
của hầu hết các truyện của Nguyễn Dậu là tình thương và lòng nhân hậu. Chỉ có điều đó
mới cảm hóa được con người và làm cho cuộc sống tốt đẹp lên” [34, tr.221-223].
Luận văn Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu của tác giả Lê
Thị Vân Khánh là công trình nghiên cứu đầu tiên có cái nhìn tương đối hệ thống về
truyện ngắn của Nguyễn Dậu. Đặt truyện ngắn của Nguyễn Dậu trong tương quan với
truyện ngắn Việt Nam đương đại, tác giả đã chỉ ra các kiểu nhân vật cũng như một số
phương diện nghệ thuật trong truyện ngắn của nhà văn. Qua đó, người viết đã phần nào
phác thảo những nét đặc sắc trong phong cách sáng tác cũng như một số những đóng
góp nổi bật của nhà văn.
5
Từ sau 1975, Việt Nam bước sang một thời kì mới, thời kì thống nhất đất nước,
tự do, hòa bình và dân chủ. Không khí dân chủ và hiện thực đời sống đa dạng đã tạo tiền
đề cho sự xuất hiện của các cây bút trẻ. Giới nghiên cứu phê bình văn học lúc này tập
trung ưu tiên nghiên cứu về các tên tuổi mới với sự phá cách trong lựa chọn đề tài và bút
pháp. Bên cạnh đó, nghiên cứu văn học tập trung vào các tên tuổi bước từ thời chiến
tranh sang thời Đổi mới như Bảo Ninh, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp…
Trong bối cảnh đó, tên tuổi của Nguyễn Dậu dường như bị lãng quên. Vì thế, như
một yêu cầu tất yếu, cần phải xem xét, khẳng định lại giá trị văn chương của Nguyễn
Dậu nói chung và truyện ngắn của Nguyễn Dậu nói riêng. Luận văn Truyện ngắn
Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa hy vọng sẽ đưa lại cái nhìn đầy đủ và chi tiết hơn về
truyện ngắn Nguyễn Dậu, góp phần làm sáng rõ rõ mối quan hệ giữa văn học và văn
hóa; đồng thời cho thấy những đóng góp nổi bật của nhà văn về tư tưởng và đặc sắc nghệ
thuật trong truyện ngắn dưới góc nhìn văn hóa.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Luận văn hướng tới việc giải quyết những vấn đề sau:
- Luận văn dựa vào các phạm trù văn hóa, soi tỏ mối quan hệ giữa văn hóa và văn
học, khẳng định những phương thức biểu đạt của văn hóa trong văn học.
- Luận văn đi sâu vào truyện ngắn của Nguyễn Dậu như một hiện tượng văn hóa
cụ thể, chỉ ra những giá trị ẩn sâu trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu, từ đó làm rõ căn
nguyên tồn tại chất văn hóa trong sáng tác của nhà văn.
- Khẳng định nét độc đáo về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật trong truyện ngắn của
Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa. Qua đó làm làm nổi bật sự đóng góp của Nguyễn
Dậu trong văn học Việt Nam hiện đại.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Ở đề tài này, người viết hướng tới đối tượng nghiên cứu là truyện ngắn của nhà văn
Nguyễn Dậu và những giá trị văn hóa biểu hiện trong các tác phẩm, khảo sát trong các
tập truyện ngắn được viết từ sau năm 1986.
6
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Luận văn nghiên cứu những bình diện văn hóa được đề cập trong truyện ngắn của
nhà văn Nguyễn Dậu, tập trung ở các tập truyện ngắn được viết từ sau năm 1986, bao
gồmcác tập truyện ngắn sau: Con thú bị ruồng bỏ (1990), Đôi hoa tai lóng lánh (1996),
Bảng lảng hoàng hôn(1997),Gió núi mây ngàn (2000).
Trong quá trình nghiên cứu, đề tài sẽ có sự đối sánh với các tác phẩm khác cùng
nằm trong dòng chảy văn học đương đại Việt Nam.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
Khi thực hiện đề tài này, tác giả sử dụng một số phương pháp nghiên cứu sau:
- Phương pháp tiếp cận hệ thống.
- Phuơng pháp phân tích, tổng hợp
- Phương pháp liên ngành
- Phương pháp phân tích văn bản
Quá trình nghiên cứu đề tài đồng thời sử dụng các thao tác: so sánh - đối
chiếu…nhằm bổ trợ cho việc triển khai đề tài.
6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn
- Luận văn góp phần làm rõ mối quan hệ giữa văn hóa và văn học, khẳng định vai
trò của phương pháp nghiên cứu văn học dưới góc nhìn văn hóa.
- Luận văn góp phần tìm hiểu những giá trị văn hóa trong truyện ngắn của
Nguyễn Dậu. Từ đó, góp phần khẳng định tên tuổi, vị trí của Nguyễn Dậu trong nền văn
học Việt Nam hiện đại.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, luận văn bao gồm 3 chương:
Chương 1: Mối quan hệ giữa văn học và văn hóa và hành trình tác của nhà văn
Nguyễn Dậu
Chương 2: Những giá trị văn hóa tiêu biểu trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu
Chương 3: Một số phương diện nghệ thuật thể hiện những giá trị văn hóa trong
truyện ngắn Nguyễn Dậu
7
Chương1
MỐI QUAN HỆ GIỮA VĂN HÓA – VĂN HỌC
VÀ HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN DẬU
1.1. Khái niệm văn hóa.
Văn hóa là khái niệm được đề cập đến trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu như dân tộc
học, nhân loại học, dân gian học, địa văn hóa học, văn hóa học, xã hội học,...và trong mỗi
lĩnh vực nghiên cứu đó định nghĩa về văn hóa cũng khác nhau. Ngay từ năm 1952, hai
nhà nhân loại học Mỹ là Alfred Kroeber và Clyde Kluckhohn đã từng thống kê có tới
164 định nghĩa khác nhau. Theo nhà nghiên cứu Phan Ngọc thì cho đến năm 1994,
những định nghĩa về văn hóa trên thế giới đã chạm ngưỡng con số kỉ lục là 420 định
nghĩa. Những con số khổng lồ đó phán ánh những cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau
về văn hóa, đồng thời là minh chứng cho tính đa nguyên của văn hóa.
Văn hóa được bắt nguồn từ chữ Latinh "Cultus" mà nghĩa gốc là gieo trồng, được
dùng theo nghĩa Cultus Agri là "gieo trồng ruộng đất" và Cultus Animi là "gieo trồng
tinh thần" tức là "sự giáo dục bồi dưỡng tâm hồn con người”. Đây là khái niệm mang nội
hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và
tinh thần của con người. Khi nói về văn hóa, mỗi người có một quan điểm khác nhau.
Chúng tôi chỉ xin trích dẫn một vài định nghĩa được coi là tiêu biểu nhất:
Tại hội nghị Quốc tế UNESCO (1992) tại Mexico, các nhà văn hóa trên thế giới đã
thống nhất khái niệm về văn hóa như sau: Văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt về
vật chất và tinh thần, trí tuệ và cảm xúc, quyết định tính cách của một xã hội hay một
nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống,
những quyền cơ bản về con người, những hệ thống và giá trị, tập tục và tín ngưỡng. Văn
hóa đem lại cho con người khả năng soi xét về bản thân.[49]
Theo tác giả Edouard Herriot thì “Văn hóa là cái còn lại khi ta đã quên đi tất cả, là
cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả”.[55;tr.1]
8
Ở trong nước, khái niệm văn hóa được đề cập đến trong môt số công trình nghiên
cứu của các nhà văn hóa như: Phan Ngọc, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Phan Kế
Bính, Trần Ngọc Thêm, Từ Chi…
Theo Từ điển Tiếng Việt (1992), văn hóa được định nghĩa là: “Tổng thể nói chụng
những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch
sử”.[33;tr1079]
Chủ tịch Hồ Chí Minh lại cho rằng văn hóa là toàn bộ những gì do con người sáng
tạo và phát minh ra: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới
sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn
học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoại hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương
thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự
tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản
sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn.[43;tr.55]
Với cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, văn hóa là những gì đối lập với thiên nhiên và
do con người sáng tạo nên: “Nói tới văn hóa là nói tới một lĩnh vực vô cùng phong phú
và rộng lớn, bao gồm tất cả những gì không phải là thiên nhiên mà có liên quan đến con
người trong suốt quá trình tồn tại, phát triển, quá trình con người làm nên lịch sử… (văn
hóa) bao gồm cả hệ thống giá trị: tư tưởng và tình cảm, đạo đức với phẩm chất, trí tuệ
và tài năng, sự nhạy cảm và sự tiếp thu cái mới từ bên ngoài, ý thức bảo vệ tài sản và
bản lĩnh của cộng đồng dân tộc, sức đề kháng và sức chiến đấu bảo vệ mình và không
ngừng lớn mạnh” .[56;tr.3]
Trong tác phẩm Cơ sở văn hóa Việt Nam và Tìm hểu về văn hóa Việt Nam, nhà
nghiên cứu Trần Ngọc Thêm khẳng định nội hàm văn hóa bao gồm những giá trị vật
chất và tinh thần do con người sáng tạo ra và phải mang tính nhân tính: “Văn hóa là một
hệ thống hữu cơ các giá tri vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra và tích lũy qua
quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự
nhiên và xã hội” [55, tr. 24].
9
Văn học là một loại hình sáng tác, tái hiện những vấn đề của đời sống xã hội và con
người. Phương thức sáng tạo của văn học được thông qua sự hư cấu, cách thể hiện nội
dung các đề tài được biểu hiện qua ngôn ngữ.
Văn học có các thể loại khác nhau như: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch bản, lí
luận phê bình. Văn học có lịch sử phát triển từ lâu đời, là sự phát triển của văn học dân
gian.
Nhìn chung, các định nghĩa về văn hóa hiện nay rất đa dạng. Sự đa dạng của các
khái niệm phản ánh những hướng tiếp cận khác nhau. Trong mỗi thời điểm lịch sử, khái
niệm văn hóa lại có nét khác biệt, bản thân chúng không thể bao quát đầy đủ nội hàm
rộng lớn của văn hóa mà chỉ tóm lược khía cạnh nào đó của văn hóa. Tuy nhiên, các định
nghĩa về văn hóa đều thống nhất coi văn hóa là sản phẩm sáng tạo của con người, được
tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người và xã hội. Văn hóa là tổng hòa
tất cả các khía cạnh của đời sống, mang dấu ấn của con người. Văn hóa cũng thể hiện
trình độ phát triển của con người, là nấc thang đưa con người vượt lên trên những loài
động vật khác, là kết quả của sự tiến hóa nhân loại.
1.2. Mối quan hệ giữa văn hóa và văn học
Xét trong mối quan hệ giữa văn học và văn hóa thì văn học chính là một bộ phận
trong tổng thể của văn hóa, một yếu tố không thể tách rời của hệ thống văn hóa. Trong
công trình Mỹ học sáng tạo ngôn từ, M. Bakhtin xác định: “Văn học là một bộ phận
không thể tách rời của văn hóa. Không thể hiểu nó ngoài cái mạch nguyên vẹn của toàn
bộ văn hóa của một thời đại trong đó nó tồn tại”.[4;tr.2] Đây là mối quan hệ khăng khít,
tương trợ lẫn nhau và mang tính biện chứng, phản ánh đặc điểm có tính quy luật của
quan hệ riêng chung mang tầm triết học: “cái riêng chỉ tồn tại trong mức độ liên hệ với
cái chung. Cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng”. Văn học là thành
tố của văn hóa thể hiện mối quan hệ tác động, chi phối giữa hệ thống với thành tố, giữa
toàn thể với bộ phận trong cơ tầng văn hóa. Mối quan hệ giữa văn học với văn hóa được
thể hiện trên các phương diện sau đây:
10
Trước hết, văn học là sản phẩm và là hiện thân của văn hóa. Văn học là một bộ
phận trong tổng thể hệ hình văn hóa, không nằm ngoài hệ thống văn hóa. Văn học phản
ánh hiện thực thông qua lăng kính văn hóa và là hiện thân của văn hóa. Điều đó có nghĩa
là trong văn học luôn bộc lộ rõ nét bản chất văn hóa của một đất nước. Văn học là sản
phẩm của lịch sử, là sản phẩm sáng tạo của loài người, có trách nhiệm phản ánh lịch sử
tồn tại của các thời đại với những giá trị mang bản sắc riêng. Trong văn học luôn bộc lộ
rõ nét bản sắc văn hóa của một đất nước và những tác phẩm văn học luôn mang trong
mình những biểu hiện văn hóa của một vùng quê, một đất nước. Tác giả Trần Lê Bảo
khẳng định: “Văn học chẳng những là một bộ phận của văn hóa, chịu sự chi phối ảnh
hưởng trực tiếp từ văn hóa mà còn là một trong những phương diện tồn tại và bảo lưu
văn hóa. Văn học chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường văn hóa thời đại và truyền
thống văn hóa độc đáo của một dân tộc, đồng thời thể hiện cả nội hàm tâm lí văn hóa
độc đáo của một thời đại và một cộng đồng dân tộc. Cùng với hệ thống giá trị văn hóa là
những mô thức văn hóa riêng của một cộng đồng dân tộc, văn học đã tự giác tiếp nhận
và thể hiện những giá trị và mô thức mà cả cộng đồng tôn trọng và tuân thủ” [4, tr. 5].
Văn học là tấm gương phản chiếu văn hóa và nhà văn là “người thư kí trung
thành của thời đại” (Balzac). Tác phẩm là đứa con tinh thần của người nghệ sĩ, là sản
phẩm của thời đại. Nhà văn đắm mình trong không khí thời đại, nắm vững tinh thần thời
đại cùng với môi trường, vốn sống, vốn văn hóa…để hình thành ý tưởng nghệ thuật. Vì
thế, người cầm bút dù muốn hay không cũng tiếp nhận và tái tạo những thành tố văn hóa
của cộng đồng mình, những nét đặc trưng văn hóa mỗi vùng miền và chỉ thực sự trở
thành nhà văn lớn khi đạt đến tầm vóc của một nhà văn hóa – tư tưởng.
Văn học có chức năng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống
của cha ông để lại và nhà văn là cầu nối chuyển giao những giá trị đó.
Không những thế, văn học còn là sự kết tinh các giá trị văn hóa và sản sinh ra các giá trị
văn hóa tinh thần mới. Nhà thơ Tố Hữu đã từng nói: “Văn học thực chất là cuộc đời.
Văn học sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi xuất phát và
cũng là nơi đi tới của văn học”. Trong cuộc đời, cái bản chất nhất, làm nên tính người
11
chính là văn hóa, là những ứng xử văn hóa, quy chuẩn đạo đức làm người. Văn học gìn
giữ và bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống. Nhà văn khi sáng tạo luôn chịu sự chi
phối của các thành tố, những quy phạm của văn hóa cộng đồng, tuân thủ nghiêm ngặt
những hệ giá trị ngầm được hoạch định sẵn trong tâm thức văn hóa của mỗi người.
Những giá trị tốt đẹp của văn học sẽ được lưu truyền, gìn giữ và phát huy trong các thế
hệ con người và thời đại dân tộc.
Văn học còn có khả năng đặc biệt, tạo ra các giá trị văn hóa, trong đó quan trọng
nhất là giá trị ngôn ngữ dân tộc và những giá trị tư tưởng của mỗi cá nhân con người
trong dân tộc. Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng: “Sáng tạo văn học không đơn giản chỉ là
nói càng nhiều về các hiện tượng mới của đời sống. Các hiện tượng mới chưa chắc đã là
văn hóa. Nó có thể nhất thời và sớm muộn sẽ bị đào thải. Cùng với việc sáng tạo ra nhân
sinh quan, sáng tạo cách cảm nhận mới và đánh giá mới đối với đời sống, văn học phải
sáng tạongôn ngữ mới, hình thức mới [54, tr.2].Trên hành trình phát triển của dân tộc,
ngôn ngữ văn học luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và sáng tạo các
giá trị văn hóa dân tộc. Những giá trị ngôn ngữ truyền thống, đặc biệt là ngôn ngữ dân
gian luôn là tài sản quý giá của mỗi dân tộc trong bất cứ thời kì nào.
Bên cạnh đó, văn học còn bảo vệ, gìn giữ và hun đúc lên một giá trị độc đáo là
nhân phẩm con người, nhân cách văn hóa. Văn học có khả năng tác động, điều chỉnh
hành vi của con người trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên, xã hội và với chính
bản thân. Văn học góp phần cấu tạo, hoàn thiện, phát triển nhân cách con người trong
tổng hòa nhân cách văn hóa dân tộc, nhân loại. Văn học không chỉ phản ánh các giá trị
như đạo lí làm người, các chuẩn mực, phong tục, tập quán, tín ngưỡng… mà còn hun
đúc nên các giá trị đạo lí, nâng lên tầm tư tưởng và giáo dục cho thế hệ mai sau.
1.3. Phương pháp tiếp cận văn học dưới góc nhìn văn hóa
Với mối quan hệ khăng khít không thể tách rời như vậy, cho nên, nghiên cứu
văn học phải luôn đặt nó trong mối quan hệ với văn hóa. Một trong những người khởi
xướng cho xu hướng tiếp cận văn học bằng văn hóa là Mikhail. M. Bakhtin – Giáo sư
văn học người Nga. Bakhtin quan niệm: “Trước hết khoa học nghiên cứu văn học cần
12
phải gắn bó chặt chẽ với văn hóa. Không thể hiểu nó ngoài cái bối cảnh nguyên vẹn của
toàn bộ văn hóa một thời đại trong đó nó tồn tại. Không được tách nó khỏi các bộ phận
khác của văn hóa, cũng như không được như người ta vẫn làm, và trực tiếp gắn với các
nhân tố xã hội – kinh tế, vượt qua đầu văn hóa. Những nhân tố xã hội – kinh tế tác động
tới toàn bộ văn hóa nói chung, và chỉ thông qua văn hóa, mới tác động được tới văn học.
(M. Bakhtin, Mỹ học sáng tạo ngôn từ). Ở nước ta, không ít công trình nghiên cứu văn
học đi sâu vào tìm hiểu bản sắc dân tộc trong văn học, xem bản sắc dân tộc như là phẩm
chất của văn học và ngược lại, không ít những công trình nghiên cứu văn hóa xem trọng
dẫn liệu văn học như những dấu hiệu, tiêu chí góp phần làm sáng tỏ đặc điểm văn hóa,
bản sắc văn hóa của dân tộc.
Nghiên cứu tác phẩm văn học theo quan điểm văn hóa là vận dụng những tri thức về văn
hóa để nhận diện giải mã các yếu tố của thi pháp tác phẩm. Phương pháp này ưu tiên cho
việc phục nguyên không gian văn hóa trong đó tác phẩm đã ra đời, xác lập sự chi phối
của các quan niệm triết học, tôn giáo, đạo đức, luật pháp, chính trị, thẩm mĩ…từng tồn tại
trong không gian văn hóa xác định đối với tác phẩm về các mặt xây dựng nhân vật, kết
cấu, mô típ, hình tượng, ngôn ngữ. Đây thực chất là phương pháp tiếp cận liên ngành,
yêu cầu vận dụng tổng hợp các tri thức về lịch sử, nhân học, tôn giáo, khảo cổ học…để
làm sáng tỏ các hiện tượng thi pháp trong các tác phẩm văn học. Phương pháp tiếp cận
văn hóa học lấy con người làm trung tâm để để xây dựng hệ thống vấn đề miêu tả trong
tác phẩm. Con người với tư cách là thực thể văn hóa bao giờ cũng tồn tại trong ba mối
quan hệ cơ bản: quan hệ với môi trường tự nhiên, quan hệ với xã hội và quan hệ với
chính mình.
Mặc dù là phương pháp tiếp cận văn học ra đời sau nhưng phương pháp tiếp cận
văn học dưới góc nhìn văn hóa vẫn khẳng định được thế mạnh của mình. Phương pháp
tiếp cận văn học dưới góc nhìn văn hóa giúp độc giả có thể hình dung được đời sống văn
hóa với những phong tục, tập quán, quan niệm đạo đức, ứng xử xã hội…của một thời đại
nơi mà tác phẩm được sinh ra. Hơn nữa, phương pháp tiếp cận văn hóa học giúp người
thưởng thức tác phẩm văn học xác định được vị trí, vai trò của người sáng tác trong hành
13
trình phát triển của lịch sử văn hóa – văn học dân tộc. Không những thế, góc nhìn văn
hóa sẽ khắc phục được hạn chế khám phá văn học chỉ gói gọn trong phạm vi hạn hẹp ở
góc nhìn đơn lẻ, mang tính chất chuyên biệt. Cuối cùng, với cách tiếp cận văn hóa, người
nghiên cứu sẽ có thể tìm kiếm những cấp độ ý nghĩa độc đáo trong quá trình giải mã các
hiện tượng văn học mới mẻ, dị biệt.
Tác giả Đỗ Thị Ngọc Chi trong công trình nghiên cứu của mình đã yêu cầu
người nghiên cứu tác phẩm văn học dưới góc nhìn văn hóa cần phải: “1) Phải đặt văn
học trong bối cảnh rộng lớn của văn hóa xã hội hoặc trong ảnh hưởng qua lại của văn
học đối với các hiện tượng văn hóa khác; 2) Xem văn học là bộ phận của văn hóa thì
văn bản văn học cũng là một sản phẩm văn hóa vì thế cần giải mã nó trong ngữ cảnh
văn hóa; 3) Văn học là một trong những loại hình nghệ thuật có khả năng bao quát,
chạm tới cái mạch ngầm sâu thẳm của đời sống văn hóa cũng như chiều sâu tư tưởng
của người nghệ sĩ[10;tr17].Theo đó, phương pháp tiếp cận văn hóa học có những tiêu chí
khi nghiên cứu, đánh giá một hiện tượng văn học: Thứ nhất, phải chú ý đến các quan hệ
xã hội và các kiểu hình tượng xã hội trong văn học, chẳng hạn như các kiểu không gian
tồn tại của con người như không gian sản xuất, không gian đấu tranh, không gian sinh
hoạt, không gian xã hội mang màu sắc chính trị….; thứ hai là quan hệ của con người với
thiên nhiên và các hình tượng thiên nhiên; thứ ba là quan niệm con người gắn với hoàn
cảnh lịch sử cụ thể. Nguyên tắc của phương pháp tiếp cận dưới góc nhìn văn hóa là
không chỉ đi tìm ảnh hưởng của văn hóa đương thời đối với văn học mà còn truy nguyên
đến các truyền thống xa xưa của cộng đồng.
1.4. Hành trình sáng tác của nhà văn Nguyễn Dậu
1.4.1. Tiểu sử nhà văn Nguyễn Dậu
Nhà văn Nguyễn Dậu tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Song, cũng có tên là Trương
Mẫn Song (vì mẹ ông họ Trương). Ông sinh ra tại Cống Xuất, khu Xi măng của thành
phố Hải Phòng. Quê gốc của ông ở huyện Hoài Đức, Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội.
Nguyễn Dậu có duyên với binh nghiệp. Sau khi học lớp Nhất trường Giăng
Duypuy (Jean Dupuis) cũng là lúc cách mạng tháng Tám nổ ra, Nguyễn Dậu tham gia
14
công tác tuyên truyền ở Hải Phòng, sau đó gia nhập quân đội, học trường Thiếu sinh
quân rồi phục vụ ở bộ binh, pháo binh, quân y. Sau cách mạng Trung Quốc thành công,
năm 1950 được quân đội cử sang Trung Quốc học khóa đào tạo sĩ quan. Trong thời gian
ở quân đội, ông từng là cán bộ quân y, cao xạ, dã pháo 105 ly.
Năm 1954 về công tác tại phòng Văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục chính trị, rồi
chuyển ngành lần lượt công tác ở xưởng phim, biên tập viên Nhà xuất bản phổ thông,
Tòa soạn báo Văn nghệ, Sở Văn hóa Hà Nội. Với mong muốn được trải nghiệm cuộc
sống theo phương châm “sống đã rồi hãy viết” (Nam Cao), Nguyễn Dậu đã dũng cảm từ
bỏ cuộc sống phố phường, đưa cả vợ con theo mình về vùng than Cẩm Phả để lao động
và viết văn. Vừa làm thợ cuốc than để kiếm sống, Nguyễn Dậu vừa cặm cụi ghi chép,
gom nhặt các chi tiết đời sống chuẩn bị cho sự ra đời của tác phẩm. Chính nhờ có hai
năm lăn lộn vất vả ở vùng than này mà Nguyễn Dậu có cảm hứng và tư liệu hiện thực để
viết bộ tiểu thuyết Mở hầm - một trong những tác phẩm mở đầu của văn học ở miền
Bắc trong thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dù thiên tiểu thuyết này bị phê phán nhưng
Nguyễn Dậu vẫn quyết tâm theo đuổi sự nghiệp văn chương. Rời vùng than ở Quảng
Ninh, Nguyễn Dậu lên vùng mỏ thiếc ở Tĩnh Túc, về Hải Phòng, vào khu 4, đến với các
công trường, xưởng máy, trận địa để thâm nhập thực tế, lấy tư liệu cho sáng tác.
Trong giai đoạn giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, với tinh thần xông pha của một nhà
văn – chiến sĩ, Nguyễn Dậu bất chấp hiểm nguy, có mặt ở hầu khắp các vùng đất máy
bay Mĩ bắn phá ác liệt như cầu Bùn, cầu Giát, phà Ghép... của vùng trọng điểm Thanh –
Nghệ Tĩnh. Khát vọng sáng tác đã giúp nhà văn quên đi mọi khó khăn, nhọc nhằn của
đời sống kháng chiến, cháy hết mình cho việc sống và viết. Thành quả của sự khổ luyện
vất vả ấy chính là sự ra đời của các tập truyện ngắn Huệ Ngọc, Trở lại đảo (Nhà xuất bản
phổ thông), Người ngoại ô (Nhà xuất bản văn học) cùng hàng trăm bài báo phản ánh
thực tế chiến đấu của chiến sĩ và nhân dân nơi tuyến lửa mà nhà văn đang bám trụ.
Sau năm 1975, Nguyễn Dậu lại tiếp tục cuộc phiêu lưu mới. Ông đi vào miền
Nam, sang đất Campuchia rồi quay về Hà Nội. Vì cuộc sống mưu sinh vất vả, Nguyễn
Dậu phải làm đủ nghề kiếm sống như bán dép, làm thợ cắt tóc ngoài vỉa hè. Tuy nhiên,
15
điều đáng quý là ông chưa lúc nào từ bỏ “mộng văn chương”, vẫn say mê với từng con
chữ. Sau gần ba mươi năm không cầm bút, Nguyễn Dậu trở lại với văn chương bằng sự
hăm hở, háo hức vẫn vẹn nguyên niềm say mê sáng tạo. Cảm hứng và sinh lực sáng tạo
vẫn nảy nở căng trào giúp ông cho ra đời “những thiên truyện ngắn ám ảnh, hấp dẫn đến
mức kinh điển”. Với ý tưởng mới, cách viết mới, những tập truyện ngắn của ông thời kì
này đánh dấu một thời kì mới trong văn nghiệp, đưa ông vào hàng tên tuổi những nhà
văn đương đại tiêu biểu.
Nhìn lại cuộc đời của Nguyễn Dậu, có thể thấy, cuộc đời ông nhiều sóng gió,
thăng trầm, trải qua không ít những gian truân nhưng ông vẫn luôn sống hết mình với
cuộc đời, vẫn tha thiết với văn chương, nghệ thuật và cháy hết mình vì lí tưởng. Chính
việc phải lăn lộn trong cuộc đời đầy những nhọc nhằn đã giúp cho những trang viết của
ông luôn chân thực, sống động, tươi mới mang hơi thở của cuộc sống đời thường nhiều
buồn vui lẫn lộn. Với một nền tảng học vấn vững vàng của cả Tây học và Hán học, kết
hợp với những trải nghiệm trong cuộc sống, Nguyễn Dậu tạo nên được một phong cách
riêng biệt trong văn chương, ghi một dấu ấn không thể phai mờ trong văn học Việt Nam
hiện đại. Ông được ghi tên trong Từ điển văn học Việt Nam (bộ mới) do Nhà xuất bản
Thế Giới ban hành năm 2005.
1.4.2. Hành trình sáng tác
Nhà văn Nguyễn Dậu ra nhập làng văn vào năm 1955 với tiểu thuyết đầu tay Nữ
du kích Cam Lộ. Năm 1961, ông trở nên nổi tiếng, được nhiều người biết đến, trở thành
hiện tượng của văn đàn lúc ấy với tiểu thuyết Mở hầm. Với bút lực dồi dào, chỉ trong
một thời gian ngắn sau đó, Nguyễn Dậu xuất bản hàng loạt tập truyện ngắn và tiểu thuyết
trình làng.
Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Dậu nhìn tổng quát có thể chia làm hai chặng
đường. Chặng thứ nhất, từ năm 1955 đến năm 1962, khép lại với sự kiện tiểu thuyết Mở
hầm. Các tác phẩm tiêu biểu trong giai đoạn này là tiểu thuyết Đôi bờ (Nxb Thanh niên,
1958), Mở hầm (Nxb Thanh niên, 1961), Vòm trời Tĩnh Túc (Nxb Lao Động, 1963); các
tập truyện ngắn: Ánh đèn trong lò (Nxb Văn học, 1961), Huệ Ngọc (Nxb Văn học
16
1962)... Các tác phẩm này đều ra đời trong cái lấm lem than bụi ở các nhà máy, hầm mỏ,
công trường mà nhà văn đã sống và làm việc nên đều ngồn ngộn các chi tiết của đời sống
thực tế, giàu giá trị hiện thực.
Chặng đường thứ hai là những sáng tác viết ra sau thời kì Đổi mới. Giai đoạn
này, ông viết khỏe, viết đều và còn viết rất nhanh. Ông trở lại văn đàn với bút lực dồi dào
lạ thường. Về điều này, nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình có lần đã biểu dương
Nguyễn Dậu, với những nhận định, đánh giá đầy yêu mến và trân trọng về văn chương
ông: “Bút lực của nhà văn có tuổi này là dường như còn rất dồi dào. Dồi dào không phải
chỉ ở chỗ viết khỏe, in đều mà cái chính là ở văn phong, ở lối nhìn, cách nghĩ, ở cả phía
khai thác đề tài, đối tượng miêu tả” [9]. Chỉ trong gần chục năm cuối của thế kỉ trước,
Nguyễn Dậu đã cho ra đời hàng loạt những tập truyện ngắn: Con thú bị ruồng bỏ (Nhà
xuất bản Hội Nhà văn, 1988), Rùa hồ Gươm ( Nhà xuất bản Hà Nội, 1990, Hương khói
lòng ai (Nhà xuất bản Văn học, 1994), Đôi hoa tai lóng lánh (Nhà xuất bản Văn học,
1995), Phật tại tâm (Nhà xuất bản Văn học, 1995), Bảng lảng hoàng hôn (Nhà xuất bản
Văn học, 1997)... Tác phẩm của ông thời kì này phản ánh những vui buồn của kiếp
người với biết bao chiêm nghiệm của chính ông trong suốt một cuộc đời đầy nhọc nhằn,
sóng gió. Ông viết về niềm vui và nỗi đau đớn của một con chó săn của một ông tướng;
ông viết về nỗi lo âu, xót xa của những con rùa ở Hồ Gươm; con người trong sáng tác
của ông đều là những người ở dưới đáy của xã hội bị sóng gió cuộc đời vùi dập, sống
không địa vị, không danh phận nhưng luôn luôn phải vật lộn để giữ phần nhân tính và
thiện căn của mình. Ông cũng đi sâu khai thác những tâm tư, tình cảm uẩn khúc, éo le
của con người mà thời điểm ấy người ta ngại đề cập với một cái nhìn đôn hậu, chan chứa
yêu thương. Văn phong của ông giai đoạn này sâu lắng trong suy tư, trầm tĩnh, hồn hậu
trong cảm xúc với biết bao nhiêu chiêm nghiệm từng trải trong cuộc đời. Nhà phê bình
văn học Ngô Vĩnh Bình nhận xét: “đọc truyện ngắn Nguyễn Dậu chúng ta chẳng thấy
những điều triết lý to tát mà dường như chúng ta luôn nhận được những bài học về cuộc
sống lăn lóc đầy khổ đau của con người trong thế giới người. Và đọc ông, mỗi người
thấy yêu thêm đồng loại, thấy tin tưởng ở sức mạnh tiềm ẩn cũng như sự trong sáng vốn
17
có của chính mình để vượt qua thử thách, để hướng tới ánh sáng ngay cả khi ở trong
những góc tối tăm nhất” [9].
Nhận định về sáng tác của Nguyễn Dậu, tác giả Anh Chi trong bài viết Nhà văn
Nguyễn Dậu đã nhận xét: ở trong giai đoạn sáng tác thứ nhất: “Nguyễn Dậu lăn xả vào
thực tế lao động ở các hầm mỏ; và với sức trẻ, ông viết say mê, gấp gáp. Văn ông giai
đoạn đó ngồn ngọn sức sống, sự tươi nguyên nên có thể bị coi là tự nhiên chủ nghĩa”.
Với giai đoạn sáng tác thứ hai: “Văn ông giai đoạn này vững vàng về bố cục, mạnh bao
trong suy tư, sắc sảo trong mô tả và đặc biệt là sâu lắng trong xúc cảm”.
Nguyễn Dậu là người nghệ sĩ đa tài. Không chỉ viết văn, ông còn sáng tác thơ ca,
tấu hài, kịch, chèo. Ngoài ra, với sự thông thạo Pháp văn, Trung văn, ông còn là tác giả
của nhiều ấn phẩm dịch thuật:Tất cả hiến dâng Đảng (1954); Người bí thư xã (1956);
Ngôi sao đỏ Đổng Tồn Thụy (1958); Anh hùng chiến đấu Triều Tiên (1958); Tống Nhạc
Phi (1959); Niềm hy vọng hòa bình (1961); Cuốn sách thấy ở Thuận Xuyên (1962).
Nguyễn Dậu còn dịch một số truyện Việt Nam sang Trung văn như Má Năm
(Nguyễn Văn Thông); Ông Năm Hạng (Nguyễn Quang Sáng); Huệ Ngọc (Nguyễn Dậu)
đều do nhà xuất bản Bắc Kinh ấn hành năm 1963.
Có thể thấy, với sự cần cù, miệt mài và một ý thức đầy tinh thần trách nhiệm của
người cầm bút, Nguyễn Dậu xứng đáng là một nhà văn tiêu biểu trong dòng văn học
đương đại. Ông nhận được sự yêu mến, nể phục của không ít bạn bè đồng nghiệp. Họ
đều dùng những lời lẽ đầy trân trọng và đánh giá cao tài năng nghệ thuật cũng như nhân
cách của Nguyễn Dậu. Tác giả Nguyễn Đình Thi khẳng định: “Nguyễn Dậu là một cây
bút sắc sảo và bạo dạn”. Tác giả Ngô Vĩnh Bình lại có một so sánh xác đáng: “Nếu có
thể ví văn đàn với bóng đá thì nhà văn Nguyễn Dậu là cầu thủ hiệp một đá khá xuất sắc,
hiệp hai bị treo giò, vào đá hai hiệp phụ lại ghi được những bàn thắng đẹp mắt làm mọi
người hân hoan và sửng sốt”. Tác giả Bảo Vũ lại so sánh Nguyễn Dậu như một nhà tu
khổ hạnh mà vô cùng đáng trọng: “Nói đến sự nể phục với một nhà văn là không cần
thiết. Anh ta đi ngang qua cõi đời này với sứ mệnh của nhà truyền giáo. Đó là công việc
khuyến thiện và tôn vinh con người. Trong giáo phái, có thể anh ta chỉ ở đẳng cấp thấp;
18
nhưng những gì người thầy tu khổ hạnh ấy để lại cho đời, dù chỉ là một dấu vết mờ nhạt
thôi, cũng đủ để người ta cúi mình trước nấm mồ của anh”. Nhà nghiên cứu Lê Thi Dục
Tú trong bài viết “Đội ngũ các nhà văn Việt Nam viết truyện ngắn đương đại” in trên
báo Văn nghệ quân đội số ra ngày 8/11/2012, nhà văn Nguyễn Dậu được đặt bên cạnh
những cây bút quen thuộc Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Xuân
Thiều, Đỗ Chu. Theo đó, Nguyễn Dậu là một trong những nhà văn gạo cội, kịp đổi mới
ngòi bút để phù hợp với những chuyển biến của thời cuộc.
Tiểu kết chương
Văn hóa là sản phẩm của con người, văn hóa được tạo ra và phát triển trong quan
hệ qua lại giữa con người và xã hội. Văn hóa và văn học có mối quan hệ hữu cơ mật
thiết. Việc nghiên cứu văn học dưới góc nhìn văn hóa là một hướng đi cần thiết và có
triển vọng. Cách tiếp cận này giúp chúng ta lí giải trọn vẹn hơn tác phẩm nghệ thuật, cắt
nghĩa một cách rõ ràng hơn những phương diện nội dung và hình thức của tác phẩm,
cũng như góp phần lí giải thị hiếu của độc giả, tâm lí sáng tác và những đóng góp của
nhà văn với nền văn học.
Nguyễn Dậu đã sống và viết với tất cả niềm say mê và sự nhiệt huyết, sôi nổi, vô
tư của một nhà văn – người trí thức – người lính trong những năm tháng nhọc nhằn mà
vĩ đại của lịch sử dân tộc từ ngày Cách mạng tháng Tám bùng nổ cho đến thời kì sau Đổi
mới. Với gần năm mươi năm cầm bút, dẫu không liên tục nhưng Nguyễn Dậu đã để lại
một sự nghiệp nghệ thuật đa dạng từ tiểu thuyết, truyện ngắn cho đến thơ ca, tấu hài,
kịch, chèo và dịch thuật. Ông đã góp phần làm nên những thành tựu rực rỡ của văn học
nước nhà. Bạn bè, đồng nghiệp và độc giả yêu mến và trân trọng ông không chỉ bởi tài
năng nghệ thuật mà còn bởi nhân cách lớn của một sống hết mình vì lí tưởng, vì cuộc đời
và vì những người thân yêu. Việc tìm hiểu, nghiên cứu giá trị tác phẩm của Nguyễn Dậu
là trách nhiệm của thế hệ sau để phát hiện và tôn vinh những đóng góp mà ông để lại cho
văn học nói riêng và cuộc đời nói chung.
19
Chương 2
CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRONG TRUYỆN NGẮN
CỦA NGUYỄN DẬU
2.1. Con người – đối tượng thẩm mĩ mang dấu ấn văn hóa
Con người là nhân tố quan trọng nhất của văn hóa. Con người tạo ra văn hóa và
đồng thời là một phần của văn hóa, chịu sự ràng buộc của văn hóa. Qua ngôn ngữ, cử
chỉ, thói quen sinh hoạt vật chất, tinh thần của con người có thể nhận diện được tín
hiệu, đặc trưng văn hóa của dân tộc đó. Vì thế, văn hóa và con người có mối quan hệ
bền chặt, tác động và chi phối lẫn nhau, biểu thị mối quan hệ giữa cái chung với cái
riêng, cá nhân với cộng đồng.
Trong sự phát triển của văn hóa, con người thể hiện hai chức năng: vừa là đối
tượng vừa là chủ thể văn hóa. Hay nói cách khác, con người vừa là chủ thể sáng tạo
văn hóa vừa là khách thể văn hóa, lưu giữ những giá trị truyền thống xa xưa để lại.
Bàn về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam truyền thống,
nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) nhấn mạnh: “Những giá trị bền vững,
những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử
hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý
chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình -
làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù,
sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống...” (Nghị
quyết Trung ương 5 khóa VIII, dangcongsan.vn).
Đặc tính văn hóa dân tộc đã được các nhà nghiên cứu văn hóa, như: Đào Duy
Anh, Nguyễn Văn Huyên, Trần Trọng Kim, Phan Kế Bính... nhận diện qua tâm lý, tính
cách, phẩm chất con người trong mối tương tác với môi trường tự nhiên, điều kiện địa
lý, hoàn cảnh lịch sử. Cũng theo các nhà nghiên cứu, hệ giá trị văn hóa của con người
Việt Nam gồm có những phẩm chất, tính cách như có nhân cách, lối sống tốt đẹp với
các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng
tạo; có ý thức tôn trọng pháp luật, hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử,
20
văn hóa dân tộc.; có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ; có lối sống
mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người; sống và làm việc theo Hiến pháp và
pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã
hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội; khẳng định, tôn
vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân
văn… (http://lyluanchinhtri.vn)
Nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu là đối tượng thẩm mĩ mang dấu ấn
văn hóa được nhà văn xây dựng theo những chuẩn mực hệ giá trị văn hóa dân tộc, thể
hiện những phẩm chất và cốt cách văn hóa như lối ứng xử nghĩa tình, sự bao dung,
rộng lượng, vị tha; lối sống trọng danh dự; yêu mến và trân trọng với những giá trị văn
hóa; tình yêu và trách nhiệm với quê hương, đất nước... Soi chiếu nhân vật dưới góc
nhìn văn hóa, nhà văn xây dựng nhân vật trên hai phương diện: những con người
chuẩn mực theo hệ giá trị văn hóa dân tộc, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa và
con người tha hóa, đánh mất nhân phẩm và phá hủy những giá trị văn hóa dân tộc.
2.1.1. Mẫu nhân vật chuẩn mực theo hệ giá trị văn hóa
Là một người từng bôn ba đây đó, trải nghiệm lăn lộn trong nhiều môi trường
sống khác nhau nên những truyện ngắn của Nguyễn Dậu phản ánh cuộc sống, lối ứng
xử của nhiều tầng lớp, giai cấp khác nhau: từ những người lao động cho tới người trí
thức; từ những anh lính giải ngũ cho đến các nhà văn, họa sĩ; từ những ni cô, nhà sư,
bác phó cạo cho đến những quan chức có thế lực; từ những người phụ nữ bình dân cho
đến những người phụ nữ quý phái, có học thức... Họ đều là những người có lối sống và
ứng xử đẹp theo chuẩn mực giá trị văn hóa dân tộc. Tựu chung lại, có thể thấy nhân vật
của Nguyễn Dậu tập trung vào ba kiểu nhân vật: người lính đã giải ngũ, người nghệ sĩ
và người trí thức.
2.1.1.1. Mẫu nhân vật là những người lính đã giải ngũ
Trong sáng tác của mình, Nguyễn Dậu dành nhiều tình cảm yêu mến, sự trân
trọng và ngưỡng mộ với những người lính trở về từ quân ngũ. Họ không chỉ là những
người sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự, mà khi trở về cuộc sống đời thường, vẫn
21
nêu cao tấm gương sống đẹp, giàu tình yêu thương, vị tha, thủy chung, yêu mến những
giá trị văn hóa cổ xưa và đầy tinh thần trách nhiệm với quê hương, đất nước.
Truyện ngắn Hương khói lòng ai viết về người thiếu tướng Đoàn Văn Mãi. Ông
là hiện thân cho vẻ đẹp của lớp người lính già trong cuộc sống đời thường. Không chỉ
đẹp ở vẻ ngoài tráng kiện mà ông còn có một tâm hồn đôn hậu, bao dung, giàu lòng
trắc ẩn. Hơn hai mươi năm sống trong một ngôi biệt thự của một gia đình chí sĩ tản cư,
được nhà nước cấp, mặc dù bị bạn bè và vợ con cho là gàn dở, cổ lỗ hay giễu cợt và
chê bai nhưng thiếu tướng vẫn cương quyết giữ lại những thứ cũ kĩ trong ngôi nhà như
cái án thư, cỗ tràng kỉ, những câu đối, tủ chè, sập gụ cho đến cả cái hương án tổ tiên.
Trong khi những người bạn ngang cấp của ông cho rằng những câu đối chữ nho treo
đầy các cột là quá “cổ lỗ sĩ”, đáng “vứt! vứt tất” thì thiếu tướng vẫn một mực khẳng
định giá trị bất biến của chúng: “Những câu đối ấy đều viết về tổ tiên phúc đức, con
hiền cháu thảo cả. Cái giáo huấn ấy thì đến muôn đời sau vẫn chẳng bao giờ cũ”. Điều
kì lạ hơn là ông còn thờ cúng cả ảnh của một bà cụ già mà ông đoán là mẹ già hoặc bà
cụ tổ của cái gia đình tản cư kia. Những ngày rằm và mùng một, ông vẫn thắp và cắm
lên bát nhang ba nén hương cùng với một đĩa hoa thơm. Ông giải thích một cách hồn
hậu: “Để một vong hồn hương lạnh khói tàn là không nên. Vả lại, tôi tự coi bà cụ kia
như một người cô, người mẹ của mình. Sau này do sự tấn công mãnh liệt của đàn con
“trẻ trung và tràn đầy phong cách hiện đại”, ông cũng dần dần nhượng bộ để cho
chúng thu hẹp vườn hoa, phá cái cổng được xây theo lối “tiền viên hậu sảnh”, kiêng
những án thư, bàn ghế cũ lên trên gác.Tuy vậy, ông vẫn kiên quyết không cho chúng
đụng đến hương án có thờ hình ảnh bà lão cố tổ và không cho xê dịch và hủy bỏ mấy
chậu hoa có trồng những cây lưu niên, sần sùi, uốn khúc rồng rắn mà chỉ riêng ông mới
hiểu được những “thế” của chúng.
Nếu như những người lính già như thiếu tướng Đoàn Văn Mãi là người biết trân
trọng những di sản văn hóa cổ truyền và có một đời sống tâm linh sâu sắc thì thế hệ
những người lính trẻ trong sáng tác của nhà văn Nguyễn Dậu lại là những người rất trẻ
22
trung, có tri thức sâu rộng, lí tưởng cao đẹp, năng nổ, nhiệt huyết, ra sức đem tài chí
của mình làm giàu đẹp cho quê hương.
Nhân vật người đại úy trong truyện ngắn Hồn biển quê hương là một chàng trai
giàu tri thức văn hóa và có lí tưởng cao đẹp. Anh say mê từng trang văn trong tiểu
thuyết Những người khốn khổ của đại văn hào Victo – Huygo. Anh cũng yêu mến, trân
trọng và nâng niu vẻ đẹp dân dã, mộc mạc mà thiêng liêng của thôn quê: “những chiếc
bánh bèo, miếng cùi dừa, bánh đa kê, nồi khoai sọ chám mật, chiếc lược gẫy răng của
chị gái, sợi xà – tích nối truyền nhiều đời của mẹ, mảnh yếm hoa hiên của bà, lưng trâu
và vạt cỏ ven đê, cô Tấm với hoàng tử, tiếng hát chèo ở sân đình, con trâu lá đa và mùi
cà cuống nướng”. Tình yêu ấy đã trở thành động lực để anh “đã đổ máu để bảo vệ hải
đảo. Mai kia còn có thể đổ máu, thậm chí hi sinh”. Chính sự nhiệt huyết cống hiến của
anh đã làm thay đổi suy nghĩ của người con gái tên Lý - một nữ kĩ sư cơ khí giỏi đang
định mang con chạy trốn sang nước ngoài vì cảm thấy nhục nhã do bị một gã Sở
Khanh lừa gạt. Anh đã khuyên cô gái phải ở lại đất nước, phải dũng cảm đối mặt với
sự thật, phải chiến đấu với mọi điều tồi tệ để trụ vững. Lời khuyên của anh với cô gái
thật chân thành, rộng lượng và cao cả: “Em hãy đứng cao hơn mọi lỗi lầm của chính
mình. Em hãy tha thứ cho em, tha thứ cho kẻ gây ra sự tồi tệ, tha thứ tất cả. Nghĩa là
em hãy quên đi mọi sự phiền lòng. Em chỉ còn nhớ đến đất nước và nhân dân còn
nhiều đau khổ gian truân, rồi làm việc là đủ”.
Nhân vật Toàn trong truyện Gió sông thổi tạt cánh chim đang là một thầy giáo
dạy tiểu học nhưng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đã khoác ba lô, đeo cây
súng lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Khi là một thầy giáo, Toàn là một “người
thầy hiền hậu, giảng dạy tận tình, tính tình khoáng đạt không thiên vị trìu mến hoặc trù
úm học sinh nào; thậm chí, mỗi tháng Toàn còn trích một phần lương ít ỏi của giáo
viên để giúp cho các em nghèo thiếu”. Khi ở trong quân ngũ, anh là một chiến sĩ pháo
binh, chuyên phụ trách các máy quan trắc và tính toán các thông số phát xạ, các tọa độ
của pháo binh địch để về huấn luyện cho các chiến sĩ khác. Chỉ sau sáu năm cống hiến
hết mình cho quân đội, Toàn đã lên tới cấp hàm đại úy. Khi ra quân, anh trở lại quê
23
hương, tình nguyện nộp đơn xin dạy học tại trường cũ khiến ông trưởng phòng giáo
dục huyện không khỏi kinh ngạc: “Bây gờ người ta bỏ đi làm kinh tế hết, thế mà anh
lại yêu nghề “bán cháo phổi”. Anh làm tôi sung sướng quá!”. Toàn được cấp trên giao
cho đảm nhiệm chức hiệu trưởng của trường tiểu học tại quê nhà. Với lòng nhiệt tình
cộng thêm với sự siêng năng, chăm chỉ, Toàn ngày đêm tận tụy hết lòng với công việc
trường lớp. Không chỉ làm tốt công việc cấp trên giao cho như xây lại trường lớp, đóng
sửa bàn ghế, phân công chủ nhiệm các lớp, chấn chỉnh đội ngũ giáo viên, anh còn lặn
lội lên tận Sở và Bộ kiến nghị tăng lương cho giáo viên. Thêm nữa, Toàn còn vạch ra
một kế hoạch “làm kinh tế”: khoét sâu, khơi rộng và dọn sạch những rãnh lớn bao
quanh trường học để thả cá; nhận đấu thầu đất để làm lò gạch. Thu nhập thêm từ những
hoạt động ấy, Toàn dùng để nâng lương cho giáo viên, xây dựng và tôn tạo thêm các
lớp học. Những hoạt động của Toàn đã đem lại sự giàu đẹp cho trường lớp quê hương.
Anh trở nên nổi tiếng, được báo đài, ti vi, điện ảnh tìm tới để viết bài tôn vinh. Nhưng
Toàn không đi đâu, đùn đẩy cho hai chị hiệu phó đi thay mà vẫn là chỉ một người
“khiêm nhường như một anh bộ đội đích thực còn tại ngũ”. Nhân vật Toàn chính là
hình ảnh kiểu mẫu của những chàng trai thời đại mới, rất năng nổ, nhiệt huyết, cần cù
sáng tạo trong lao động mà vẫn rất giản dị, khiêm nhường.
Không chỉ có suy nghĩ và hành động đẹp vì quê hương, đất nước, trong đời
sống riêng tư, những người lính là những con người có nghị lực phi thường, sống giản
dị, lương thiện, có một lối ứng xử bao dung, vị tha, tràn đầy tình thương. Nhân vật anh
đại úy trong truyện ngắn Hồn biển quê hương biết đứng trêních kỉ cá nhân của
mộtchàng trai thanh tân để đón nhận người phụ nữ đã có con. Với hành động cao cả ấy,
anh không chỉ có được hạnh phúc của riêng mình theo “trái tim mách bảo” mà cò giữ
lại một nữ kĩ sư cơ khí giỏi để phục vụ đất nước. Cũng vị tha, nhân hậu như thế, thầy
giáo Toàn trong truyện ngắn Gió sông thổi tạt cánh chimlà một chàng trai ba mươi
“giỏi giang, mạnh mẽ, lừng lẫy tiếng tăm” “chỉ khua tay trái cũng vớ được hàng tá con
gái lành lặn, tốt đẹp” nhưng Toàn lại cứ đắm đuối mãi với Thảo – cô người yêu cũ đã
bị tàn phế liệt cả hai chân. Anh không hề trách móc, oán hận Thảo về việc không giữ
24
lời thề năm xưa, định lấy tên Đãng – chủ tiệm vàng trên phố. Anh càng yêu thương và
quyết tâm đến với Thảo hơn khi cô ấy vì bị liệt hai chân mà bị tên Đãng bỏ rơi. Bất
chấp mọi sự ngăn cản của gia đình, Toàn vẫn một mực khẳng định tình yêu mãnh liệt,
thủy chung, duy nhất với Thảo: “Thảo! Nghe anh nói đây! Em hãy bố trí một vạn quả
mìn và một trăm khẩu liên thanh để ngăn cản anh, anh vẫn sẽ băng đến cùng em, em
rõ chưa? Chỉ có một điều duy nhất là chúng ta sẽ phải nên vợ nên chồng, thế thôi!”.
Những người lính không chỉ sắt đá, kiên cường khi ở nơi chiến trường mà còn rất say
đắm, thủy chung trong tình yêu. Nhân vật cả Sẹo trong truyện Đôi hoa tai lóng lánh tên
là Nguyễn Đức Tích, từng là một chiến sĩ đặc công có giấy xuất ngũ sau khi bị thương
tích nặng nề ở Quảng Trị. Đòn roi tra tấn khủng khiếp của kẻ thù không làm anh gục
ngã. Khi mang tấm thân tàn phế trở lại quê hương thì cả gia đình cùng ngôi nhà thân
yêu đã bị bom mĩ phá hủy san bằng. “Anh đau đớn nhưng ngạo nghễ đứng vững, và
bằng một cái chân thọt, một cái lưng gù, anh dựng lại nhà cửa, vườn tược”. Anh đã
chiến thắng thần chết, chiến thắng chiến tranh, chiến thắng rủi ro, song lại hoàn toàn
ngã gục khi Thanh Luân - người yêu anh đi lấy chồng. Để chạy trốn những đau khổ
giày vò, anh đã bỏ làng đến nhà bia sinh – nơi trú ngụ của những người vô gia cư để
sống. Dù có lúc được những kẻ giang hồ tôn lên làm “băng trưởng” nhưng anh không
làm, sống lương thiện bằng nghề khắc bút và mò cá và không làm hại ai. Cả khi đau
buồn mà uống rượu say, anh cũng không bao giờ tỏ vẻ bét nhè, hung hãn gây gổ ở
ngoài đường. Khi tình cờ gặp lại con gái Thanh Luân và biết nó mang tên giống anh –
Nguyễn Thị Đức Tích thì anh vô cùng xúc động. Anh đau khổ khi biết người yêu cũ
của mình sống không hạnh phúc. Anh đã dành toàn bộ sức lực còn lại của cuộc đời
mình, bất chấp ngày nắng nóng hay rét mướt, miệt mài bắt cá để đổi được lấy bông hoa
tai tặng cho cô bé để cô mang về tặng lại mẹ. Có thể nói, những người chiến sĩ như
Toàn hay Cả Sẹo đều là những con người sống đẹp hết mình vì quê hương, đất nước và
sẵn sàng hi sinh vì người mình yêu thương.
Không chỉ hi sinh vì người mình yêu, những người chiến sĩ còn sẵn lòng gánh
vác trách nhiệm vì đồng đội của mình. Đó là người chiến sĩ Lê Đình Lượng trong
25
truyện ngắn “Duyên lạ”. Lượng vốn là một chàng trai Hà Thành đẹp trai, lãng mạn,
đang học dở năm thứ hai khoa Văn thì có giấy gọi nhập ngũ. Từng phải đối mặt với
đau thương khủng khiếp khi khi mất sạch cả một gia đình lớn bởi một trận bom hủy
diệt B52 nhưng Lượng vẫn có những suy nghĩ thật cao thượng về chiến tranh: “Chiến
đấu và biệt ly có phải chỉ cướp sạch mọi thứ thôi đâu. Nó cho chúng ta nhiều thứ đấy
chứ. Nó cướp đi hạnh phúc, máu đàn ông, nước mắt đàn bà, đôi khi cả sinh mệnh.
Nhưng nó cho cũng nhiều em ạ. Nó cho niềm tự hào dân tộc, nó cho ta ý chí và nghị
lực, nó cho ta sự tôi luyện và trưởng thành, nó cho ta sự đẹp đẽ cả thể xác lẫn linh
hồn”. Dù đã quyết tâm suốt đời theo nghiệp binh nhưng anh không thể cưỡng lại khi
một mối “duyên lạ” ập đến. Khi ở chiến trường, anh bất ngờ khi người C trưởng tên là
Phạm Khắc Lương giống mình như hai giọt nước. Hai người gắn bó với nhau như anh
em ruột thịt. Nhưng do một tai nạn, Phạm Khắc Lương không qua khỏi. Trước khi
nhắm mắt, Phạm Khắc Lương nhờ Lê Đình Lương thay mình làm con trai thực sự suốt
đời của bố mẹ anh và làm chồng của Ngát – vợ anh. Nhận lời trăng trối thiêng liêng
của đồng đội, sau chiến tranh, Lê Đình Lương đã trở về quê hương của Phạm Khắc
Lượng để làm tròn bổn phận của một người con, một người chồng. Như vậy, những
người chiến sĩ trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu không chỉ là những người có suy
nghĩ đẹp mà còn có hành động cao thượng, luôn hết lòng vì quê hương, đất nước, gia
đình, những người yêu, và đồng đội.
2.1.1.2. Mẫu nhân vật là những người nghệ sĩ
Ở bất cứ thời đại nào, người nghệ sĩ chân chính luôn là người kết tinh tinh hoa
văn hóa của dân tộc. Ở họ không chỉ có niềm đam mê và tài năng trong nghệ thuật mà
còn có nhân cách của người nghệ sĩ đích thực: phải biết đam mê sáng tạo cái đẹp để
cống hiến cho cuộc đời, phải dũng cảm đấu tranh cho lẽ phải, cho cái thiện, phải luôn
hết lòng vì con người, vì cuộc đời.
Trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu, mẫu nhân vật là nghệ sĩ rất đa dạng. Đó có
thể là người có năng khiếu nghệ thuật như nhà văn, nhà thơ, họa sĩ… hoặc có thể là
những người không có tài năng nhưng lại có tâm hồn nghệ sĩ, biết đam mê cái đẹp và
26
kính mến cái tài. Nhân vật nghệ sĩ xuất hiện trong nhiều truyện ngắn: Mỗi cuộc đời
một thoáng chốc, Màu xanh từ những màu lam, Phong lan đen, Mật rắn, Gió núi mây
ngàn, Muôn nẻo xe lăn…Họ có đặc điểm chung là những người đam mê cái đẹp, sẵn
sàng xả thân hết mình vì nghệ thuật, có tâm hồn giàu lòng trắc ẩn, luôn trăn trở trước
cuộc sống và số phận con người, sống đôn hậu, yêu thương con người.
Nhân vật ông họa sĩ già trong truyện Muôn nẻo xe lăn từng có một ước mơ đẹp
thời tuổi trẻ “một chiếc xe lăn do ngựa kéo, ở trong đó có cả một xưởng vẽ và một cô
vợ yêu chồng, để anh đi khắp chân trời góc bể”. Về già, ông chưa thực hiện được trọn
vẹn ước mơ của mình vì có một cuộc đời riêng lận đận. Tuy nhiên, ông vẫn say mê vẽ
và có ít nhiều thành tựu trong hội họa. Ông là hiện thân cho những con người “sinh ra
để dấn thân cho cuộc sống, cho nghệ thuật, cho cái đẹp, cho yêu đương, cho khổ đau,
không hề run sợ trước mọi điều ác, cũng không hề mỏi tay trước mọi điều thiện”.
Nguyễn Dậu đã ghi lại một khoảnh khắc đời sống để cho thấy vẻ đẹp tâm hồn của
người họa sĩ này. Đó là những ngày ông họa sĩ say sưa ở một quán cơm chỉ để vẽ đi vẽ
lại khuôn mặt của một bà có cái búi tóc theo kiểu búi tó. Dường như, trong nghề hội
họa cũng như trong nghệ thuật, không có giới hạn cho sự thành công viên mãn của một
tác phẩm nghệ thuật nên “riêng khuôn mặt của bà búi tó thì họa sĩ vẽ đi vẽ lại đến hàng
trăm lần, hết vẽ lại xé, xé xong lại vẽ với niềm trân trọng và say mê tưởng chừng không
biết thế nào là cạn kiệt”. Nhà họa sĩ giải thích về việc làm của mình “nghề nghiệp của
chúng tôi là cần có nhiều kí họa. Từ hàng ngàn kí họa, chúng tôi sẽ chưng cất lấy một
hai bức họa nào đó rồi đặt nó trước mắt người đời”. Qua tâm sự của họa sĩ, có thể
nhận thấy, nghệ thuật không chỉ đòi hỏi sự say mê mà vẫn cần một thái độ làm việc
nghiêm túc, một sự kiên trì, nỗ lực trong lao động sáng tạo. Giữa vô số những khách
hàng ngày nào cũng qua lại quán cơm, ông họa sĩ chỉ say mê vẽ bà búi tó. Đó là một
phụ nữ nhìn bề ngoài rất hiền hậu, trang nhã nhưng ẩn đằng sau đó là một số phận bi
kịch khi phải sống với một lão chồng làm xếp nhưng gia trưởng. Ngày nào bà cũng ra
quán cơm ngồi rất lâu vì không muốn trở về ngôi nhà mà bà coi như “một phòng giam
nhỏ với một ông cai tù nghiệt ngã”. Rõ ràng, người họa sĩ vẽ đi vẽ lại khuôn mặt bà búi
27
tó vì chỉ trên khuôn mặt ấy thôi cũng phản ánh giông bão một đời người. Nghệ thuật là
như vậy, luôn vì cuộc đời và vì con người. Những trang viết của Nguyễn Dậu luôn tràn
đầy tinh thần nhân văn là vì thế.
Nhân vật nghệ sĩ trong sáng tác của Nguyễn Dậu không chỉ sáng tạo nghệ thuật
mà luôn dấn thân vào cuộc đời, sống cùng cuộc đời với biết bao chuyện vui buồn và
luôn tác động tích cực tới những người xung quanh bằng chính nhân cách cao đẹp của
mình. Đó là hình ảnh các nhà văn trong các truyện ngắn Phong lan đen, Mật rắn, Gió
núi mây ngàn. Trong các truyện ngắn này, nhà văn thường để cho người kể chuyện
xuất hiện ở ngôi thứ nhất, vừa là một nhà văn nhưng đồng thời là một bác phó cạo hoặc
một cán bộ đường sắt. Người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, mang bóng dáng của chính
tác giả, được xây dựng để gửi gắm những suy nghĩ về con người và cuộc đời.
Nhân vật nhà văn xuất hiện trong ngôi kể thứ nhất trong truyện Phong lan đen
luôn day dứt trăn trở về một cô gái tên Nhược Lan “một cô gái mười tám mà có hai bộ
mặt”. Cô ấy vừa nhút nhát hiền hậu như một khuê nữ cao quý nhất trần gian, “có kiến
thức sâu rộng, sách vở nào cũng thông, sự kiện nào cũng hiểu, lại rất mực xinh xắn và
hiền thục” vừa là một Lan “lột”, “một nữ chúa quỷ quyệt” chỉ huy vạch kế hoạch, điều
khiển bọn côn đồ bụi đời quanh Hồ Gươm. Sau này, chính nhân vật “tôi” đã khuyên
Thanh Tâm, người yêu của Nhược Lan phải biết dùng tình yêu để cảm hóa cô gái ấy:
“Tôi khẳng định rằng chỉ có cậu, cô ấy sẽ trở nên lương thiện. Vì sao ấy à, vì cô ấy yêu
cậu. Khi yêu người ta trở nên tốt đẹp hơn hoặc cố gắng trở thành người tốt đep hơn”.
“Này, yêu nữa đi. Yêu nhiều nữa. Cậu sẽ có một cô vợ tốt, xã hội sẽ có một công dân
tốt. Con người, ai cũng muốn vươn lên, muốn có tình yêu thương cụ thể, chứ không cần
những lời ba oa, rỗng tuếch!”. Rõ ràng, qua việc xây dựng nhân vật, Nguyễn Dậu gửi
gắm niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của tình yêu, niềm tin vào bản tính tốt đẹp của
con người. Tất cả những điều ấy chỉ có được khi con người ta luôn biết đặt tình yêu, sự
cao thượng, lòng nhân hậu, vị tha lên trên hết trong ứng xử giữa con người với con
người.
28
Điều đặc biệt của Nguyễn Dậu khi xây dựng kiểu nhân vật nghệ sĩ là nhà văn
không chú trọng nhấn mạnh đến tài năng của người nghệ sĩ. Tác giả chủ yếu quan tâm
đến cách ứng xử phóng khoáng, nhân hậu, đầy ân tình của những con người không có
tài năng nghệ thuật nhưng lại có thể phát hiện ra cái tài; yêu mến, trân trọng cái tài, cái
đẹp; tìm mọi cách để khích lệ, động viên nghệ sĩ sáng tác; làm nảy nở, thăng hoa cảm
hứng sáng tạo trong những người nghệ sĩ.
Truyện ngắn Ngày mai nở rộ một nhành mai như cái tên của chính nó, nói về
việc phát hiện và ươm mầm cho một tài năng ca hát thiên bẩm. Cái Lã là một đứa trẻ
mồ côi bán bánh ở hồ Gươm. Hàng ngày nó đi cất bánh về rồi đi rao bán. Tiếng rao
của nó ban đầu khô, cứng, vô hồn, dần dà trở nên êm ấm hơn, vang vọng hơn, thậm chí
luyến láy du dương hơn. Bản thân nó không hề biết rằng nó được trời phú cho một
giọng hát vô giá, cho đến khi nó gặp một ông khách mà nó gọi là ông nhạc sĩ. Ban đầu,
ông nhạc sĩ ấy đã chấp nhận trả gấp đôi tiền bánh với điều kiện cái Lã phải rao bán
bánh cho ông nghe mười lần. Nghe xong, ông khách ấy đã rất xúc động, rút khăn chấm
nước mắt và dặn nó phải thường xuyên tập hát. Điều khiến ông kinh ngạc là một đứa
trẻ lang thang như cái Lã lại có « năng khiếu thẩm âm và phát âm chuẩn xác tuyệt
vời ». Sự thực thì ông nhạc sĩ không biết rằng dù sống vất vưởng đầu đường xó chợ
nhưng cái Lã lại được sống trong tình yêu thương, đùm bọc và dạy dỗ của những
người có tài năng nghệ thuật. Đó là một chú Lê mù chuyên nghề bán sáo trúc ở gốc đa
đền Bà Kiệu : « Chú Lê ngày đêm thổi sáo và hát. Tiếng sáo của chú Lâm ly, réo rắt,
tiếng hát của chú lại càng trầm ấm và tình cảm hơn ». Nhờ tiếng hát của chú mà cái Lã
thuộc nhiều bài dân ca sa mạc, bồng mạc và cải lương Nam Bộ. Ngoài chú Lê, cái Lã
còn được cụ Từ - một bà cụ từng có một tuổi trẻ làm nghề hát ả đảo, tài năng đến mức
« vua biết mặt, chúa biết tên » nhưng về già cô đơn, không con cháu, không ruột rà
máu mủ - dạy cho nó hàng trăm điệu ca trù cổ xưa. Khi phát hiện ra tài năng đặc biệt
ấy của cái Lã, ông nhạc sĩ kia, mỗi khi đi dạo quanh bờ hồ, ông đều dành thời gian dạy
nó cách phát âm, thẩm âm. Ban đầu, ông yêu cầu cái Lã phải sửa ngay lập tức bánh mì
« lóng » thành bánh mì « nóng ». Sau đó thì ông chia cả câu « ai bánh mì nóng giòn đê
29
– ê » thành vài nhịp cao thấp, nhanh chậm, luyến láy để cái Lã luyện đi luyện lại trở
thành một câu hát thực sự xuyên vào lòng người. Ông kiên trì rèn tập cho cô gái với
niềm tin tưởng «mai sau con sẽ tặng cho cuộc đời này một kho báu». Ông còn hứa hẹn
sẽ tìm nơi để giúp đỡ cái Lã « ta sẽ cần đi gặp một vài nơi vài chốn để trò chuyện với
họ về con ». Rõ ràng, ông nhạc sĩ, cái Lã, chú Lê mù và bà cụ Từ hát ả đào không hề
có mối quan hệ ruột thịt nhưng họ lại gắn kết với nhau bằng cái duyên tri kỉ của những
con người tài hoa, yêu mến và trân trọng, nâng niu, dìu dắt để cái tài nảy nở, đơm hoa,
kết trái hiến dâng cho cuộc đời.
Nếu như trong truyện Ngày mai nở rộ một nhành mai, tất cả các nhân vật đều ít
nhiều có tài năng nghệ thuật thì trong truyện ngắn Mỗi cuộc đời một thoáng chốc, hai
vợ chồng người lái xe quê ở Huế tuy không biết vẽ, nhưng lại có « óc thẩm mĩ tinh tế
về hội họa », đã làm một việc làm vô cùng cao thượng. Ông tù già trong tác phẩm vốn
là một họa sĩ chuyên vẽ tranh sơn dầu nhưng đang muốn trốn ra nước ngoài sinh sống
để quên đi « cú sốc thần kinh dữ dội » trong quá khứ. Vì không muốn cái sự « sụi lụi
tinh thần » hủy hoại một họa sĩ tài hoa nên hai vợ chồng người lái xe đã bàn nhau để
chị vợ đóng giả một người « tình nhân tri kỉ » thường xuyên động viên khích lệ giúp
cho người tù già quên đi những buồn đau mà tập trung sáng tạo nghệ thuật. Không chỉ
đóng giả là cô vợ bé để vào thăm người họa sĩ khi ông ở trong tù, mà khi ông ra tù,
người phụ nữ kia vẫn thường xuyên viết những bức thư với những lời lẽ đằm thắm, tha
thiết đã kích thích trong họa sĩ niềm hào hứng sáng tạo : « Quả thật, Nguyễn Tầm Tư
đã vẽ được nhiều chính bởi có sự nồng ấm từ những lá thư đó tỏa ra sưởi ấm trái tim
nhiều lúc giá lạnh và nỗi cô đơn, bệnh tật của ông ». Người họa sĩ càng đam mê sáng
tạo hơn nữa khi người con gái xứ Huế kia có một lời hứa với ông: « Con sẽ chỉ ra thăm
Hà Nội khi nào chú dắt tay vào chính gian phòng triển lãm của chú ». Họa sĩ lao vào
làm việc một cách hăng say, miệt mài với nghị lực phi thường và một quyết tâm mãnh
liệt khiến cho bạn bè thân quen trong giới nghệ thuật đều kinh dị trước sự lạ lùng ấy.
Để rồi, chỉ trong một thời gian ngắn, « những bức vẽ lấp lánh, sắc cạnh, chan chứa
tình nghĩa con người » đã lần rượt ra đời và cũng chẳng mấy chốc, họa sĩ đã hoàn
30
thành xong phòng triển lãm tranh để dâng tặng cho đời. Rõ ràng, với tấm lòng của
những Dương Lễ, những Châu Long và với niềm trân trọng, ngưỡng mộ cái tài, cái
đẹp, vợ chồng người lái xe đã phục sinh cuộc đời của một con người, đã cứu vớt, nâng
đỡ tài năng của một nghệ sĩ để làm đẹp thêm cho cuộc đời. Đó là cách ứng xử đầy bao
dung, độ lượng, nhân ái giữa con người với con người; là cách sống nhân văn, cao
thượng, đẹp đẽ của những người cùng đam mê cái Tài, cái Đẹp.
Cũng lặp lại mô tip đóng giả « người tình nhân tri kỉ » trong nghệ thuật như
truyện ngắn Mỗi cuộc đời một thoáng chốc, truyện ngắn Màu xanh từ những màu lam
lại là phần sau đầy ý nghĩa của một cuộc tình dang dở giữa những người có tâm hồn
văn chương. Nhân vật « tôi » là một nhà văn yêu một cô gái Huế tên là Thái Phượng.
Thái Phượng có ước mơ cháy bỏng là « trở thành một cô giáo giảng văn cho các em
nhỏ suốt đời ». Cô có kiến thức sâu rộng về văn học và rất sắc sảo trong việc phân tích,
nhận xét. Dù có lúc không hài lòng với văn phẩm của người yêu nhưng cô vẫn rất
« trân trọng gìn giữ hơn mọi thứ quí nhất trên đời ». Do sự nóng nảy của tuổi trẻ,
« tôi » và Thái Phượng phải xa cách, không lấy được nhau. Thái Phượng trở thành vợ
của một cán bộ trung đoàn và đã cùng chồng hi sinh ở chân thành Quảng Trị năm
1968. Còn « tôi », cả một thời gian dài đằng đẵng cũng không cầm bút viết nữa do một
tai nạn nghề nghiệp « một cuốn tiểu thuyết của tôi bị băm vằm tơi bời ». Khoảng ba
mươi năm sau, trong một chuyến tàu qua Huế, « tôi » đã tình cờ được gặp con gái của
Thái Phượng tên là Phượng Thái. « Tôi » không biết người yêu cũ đã hi sinh và khao
khát được gặp lại. Phượng Thái cũng giấu giếm việc mẹ mình đã mất. Sau cuộc gặp gỡ
ấy, « tôi » đã nhận được những bức thư của cô con gái Phượng Thái mà ông cứ nghĩ là
của người yêu cũ. Phượng Thái đã giả danh mẹ mình viết thư động viên, khích lệ
« tôi » viết văn trở lại bằng lời lẽ vừa tha thiết vừa hối thúc mạnh mẽ : « …em mong
mỏi, em kêu gọi, em ra mệnh lệnh cho anh phải viết trở lại. Anh hãy viết trở lại đi, viết
bằng sự say mê con người…Hãy sáng tạo đi ! Dù đã già nua và héo mòn, nhưng tình
yêu của em sẽ chạy song song, thậm chí vượt lên trên với đà viết của anh ». Nhờ có
động lực tình yêu ấy mà « tôi » đã dần dần hồi sinh với « con tim lạnh giá dần dà ấm
31
nóng, sôi sục và tràn trề nhựa sống ». « Tôi » đã cầm bút trở lại với một sức mạnh phi
thường « ngòi bút của tôi đã phi nước đại » vượt qua sự già nua của tuổi tác. Như đã
hứa trong thư, Phượng Thái đã luôn đồng hành cùng với những văn phẩm mới ra lò
của « người yêu của mẹ ». Phượng Thái – mà « tôi » vẫn nghĩ là Thái Phượng – đã
« mổ xẻ rất kỹ, phê phán sâu sắc và khích lệ cũng nồng nhiệt » các tác phẩm của « tôi »
cùng với niềm tự hào, ngưỡng mộ. Điều đáng trân trọng ở cả ba nhân vật Thái Phượng,
Phượng Thái và « tôi » không phải chỉ vì họ là những người đam mê văn chương, trân
trọng những tinh hoa văn học, ngưỡng mộ những người có tài năng nghệ thuật, khao
khát được sáng tạo mà trên hết, họ còn là những có lí tưởng lớn lao, cao đẹp muốn đem
tài năng để phục vụ cuộc sống, nhân dân, đất nước. Vì lí tưởng ấy nên Phượng Thái
mới đặt ra quy định cho người yêu của mẹ mình: « Em sẽ gặp lại anh khi nào thực sự
thấy anh rạng rỡ ngòi bút vì cuộc sống khốn khổ nhưng đẹp đẽ của dân tộc chúng ta ».
Bản thân « tôi » cũng nhận ra rằng, ban đầu viết trở lại là do sự thúc giục của tình yêu
cá nhân nhưng dần dần, « tôi » đã vượt qua cái ngưỡng tình cảm cá nhân « thấy say
mê, thấy thiêng liêng, thấy cao quí bởi tình yêu cuộc sống, yêu đồng loại, yêu những
cái thơm tho, và yêu cả những điều đau đớn trong xã hội nữa, cuối cùng là yêu chính
cái sự nghiệp của bản thân mình »
2.1.1.3. Mẫu nhân vật người trí thức
Trong sáng tác của mình, Nguyễn Dậu dành nhiều mến mộ khi viết về người trí
thức. Nhân vật người trí thức trong sáng tác của Nguyễn Dậu có tri thức về văn hóa,
khoa học, có lối ứng xử cá nhân giữa con người với con người đầy bao dung, cao
thượng vị tha theo chuẩn mực giá trị đạo đức dân tộc; có lí tưởng cao đẹp, hết lòng vì
quê hương, đất nước.
Nhân vật người trí thức trong sáng tác của Nguyễn Dậu trước hết là những
người phụ nữ sống đẹp theo chuẩn mực văn hóa. Nhân vật Ngát trong truyện ngắn
«Duyên lạ » là mẫu người phụ nữ có trí tuệ, có lí tưởng lại thủy chung, đức hạnh.
Trong công việc, cô là người trí thức yêu nghề, có nghị lực vươn lên, khát khao được
cống hiến cho đất nước. Cô theo học tiến sĩ nông học với khát vọng « có được một
32
giống lúa thần kì để dân khỏi đói ». Cô đã kiên trì nghiên cứu, thử nghiệm và cho ra
đời « hàng chục giống lúa cao sản. Sau khi được lai ghép và vun dưỡng trong môi
trường đặc biệt, lúa của em đã cho một loạt giống mới hoàn toàn cao vọt về sản lượng
và đột biến về phẩm chất ». Trong đời sống riêng tư, cô là một người vợ hiền thục, thủy
chung, một nàng dâu nết na, hiếu thảo. Ngát lấy chồng được một tháng thì chồng cô
lên đường nhập ngũ. Khi nghe tin chồng hi sinh, cô đã trải qua « mười năm đau thương
vô hạn ». Thời gian đằng đẵng không làm phôi pha tình yêu của nàng dành cho chồng :
« nàng đã yêu chồng, yêu đến mức biết rằng sau anh, sẽ không còn ai đạt được niềm
yêu như vậy nữa ». Ngát không đi bước nữa không phải vì hi vọng chồng mình còn
sống mà chỉ đơn giản là « chưa thấy nguội lạnh mối tình đầu hoặc chưa tìm được một
tình yêu nào vượt trội với tầm mức của mối tình cũ » . Dù vẫn đắm đuối trong cuộc hôn
nhân đầu tiên nhưng Ngát không hề bi lụy. Cô vẫn vươn lên, vượt qua đau thương
bằng một nghị lực phi thường để « vừa hết mình trong công tác, vừa tận nghĩa phụng
dưỡng cha mẹ chồng » khiến cho « bố mẹ chồng nể trọng thương yêu. Họ hàng và
hàng xóm đều tấm tắc khen ngợi ; bầu bạn cũng tin cẩn và mến phục ». Chính tình
yêu, lòng chung thủy của những người phụ nữ trong sáng tác của Nguyễn Dậu đã trở
thành sức mạnh tinh thần để họ tiếp tục sống một cách kiêu hãnh, mạnh mẽ, vượt qua
đau thương, chăm sóc cho gia đình và cống hiến cho quê hương, đất nước.
Nếu như lòng chung thủy làm nên vẻ đẹp văn hóa của người phụ nữ trong
đời sống gia đình thì sự bao dung, yêu thương, vị tha làm nên cốt cách văn hóa của họ
trong mối quan hệ với xã hội. Trong truyện Thung lũng mờ sương, cô gái trẻ Thanh
Luânđã nhận nuôi một đứa trẻ bị bỏ rơi mà không hề đắn đo suy nghĩ, thậm chí còn
tràn ngập niềm hạnh phúc vì được cưu mang một linh hồn thơ dại « cô đón lấy đứa bé,
ghì miết vào lòng và nước mắt lăn chảy ròng ròng ». Cũng có nghĩa cử cao đẹp như
vậy, bà Loan trong truyện Hồi nào đó, ta cùng nhau đã nuôi dưỡng, yêu thương con
của vợ chồng tên phản gián từng tra tấn đánh đập bà như con đẻ của mình. Sau này,
đứa bé ấy lớn lên trở thành « một công dân tốt đẹp của xã hội, thành đứa con hiếu thảo
của gia đình ». Người phụ nữ trong sáng tác của Nguyễn Dậu luôn sẵn lòng yêu
33
thương, vị tha cho chính kẻ thù của mình. Truyện ngắn Sức mạnh đàn bà lại cho thấy
cách ứng xử đầy vị tha của một cô giáo khi chồng mình ngoại tình. Chồng cô giáo
Thanh Liên là một ủy viên thanh tra giáo dục nhưng lại ngoại tình với một cô học sinh
cũ. Biết được hành vi xấu xa, đồi bại của chồng, Thanh Liên không hề tức giận, cay cú,
điên cuồng mà rất bình tĩnh đối phó với chồng và tình nhân một cách cao thượng, khôn
ngoan. Khi bắt quả tang cuộc tình vụng trộm, cô khéo léo tìm cách tách li chồng và tình
nhân. Sau đó, cô đề nghị tình nhân của chồng phải trả lời thật chân thực những câu hỏi
của cô. Qua lời khai của cô gái, Liên đã hiểu cô gái chỉ là « nạn nhân của sự lừa gạt ».
Cho nên, thay vì đưa cô gái ra đồn công an hoặc đánh xé thì cô chỉ trò chuyện để cô gái
tự nhận thấy hành vi đáng xấu hổ của mình. Cách ứng xử của Liên khiến cô gái kia
hoàn toàn nể phục, cô nói trong sự rưng rưng xúc động và biết ơn : « Thật tình, em sợ
chị quá đi mất thôi. Thà chị đánh em, xé em, em cũng không thể thấy kinh sợ, nể trọng
bằng sự rộng lượng và tử tế của chị từ nãy giờ […]. Em dã vỡ lẽ, đã tỉnh ngộ […].
Thưa cô giáo, cô đã cho em nhiều bài học, chỉ một lúc ». Khi cô gái nói sẽ nhổ vào mặt
chồng Liên nếu anh ta còn tìm đến, Liên đã cho cô gái một bài học sâu sắc về cách ứng
xử đẹp trong xã hội: « Không nên như vậy. Cô cứ lịch sự và tự trọng là đủ. Trong cái
thế giới phức tạp này, những sinh linh nhỏ bé và khốn khổ như chị em ta, chẳng có
quyền nhổ vào mặt ai cả. Có lúc họ xấu, ta tốt, cũng có lúc họ tốt, ta xấu. Nếu ai cũng
nhổ vào mặt ai cả thì toàn thành phố này cũng chỉ bán giẻ lau mặt cũng chẳng đủ ».
Bài học văn hóa mà Liên dạy cho cô học trò dại dột chính là dù đúng dù sai thì luôn
cần phải biết lịch sự và tự trọng. Đó là điều làm nên cốt cách văn hóa của những người
phụ nữ trong sáng tác của Nguyễn Dậu.
Nhân vật người trí thức trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu làm nhiều ngành
nghề khác nhau, giữ những địa vị khác nhau trong xã hội. Đó là những nhà văn, giáo
viên, họa sĩ, kỹ sư xây dựng, kỹ sư nông học, kỹ sư cơ khí, thầy thuốc…Điều đặc biệt
là tác giả không đi sâu vào việc miêu tả trình độ nghề nghiệp của kiểu nhân vật này mà
đặt họ vào cuộc sống đời thường với các mối quan hệ nhân sinh phức tạp để từ đó bộc
lộ nhân cách, phẩm chất đạo đức phù hợp với giá trị văn hóa dân tộc.
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY

More Related Content

What's hot

Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh ChâuLuận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
Dịch vụ viết thuê Khóa Luận - ZALO 0932091562
 
Luận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam
Luận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt namLuận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam
Luận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAYLuận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAYLuận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đLuận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyếtLuận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoá
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoáLuận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoá
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoá
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAYLuận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAYĐặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Luận văn: Nhân vật trong truyện Vũ Trọng Phụng và Ngọc Giao
Luận văn: Nhân vật trong truyện Vũ Trọng Phụng và Ngọc GiaoLuận văn: Nhân vật trong truyện Vũ Trọng Phụng và Ngọc Giao
Luận văn: Nhân vật trong truyện Vũ Trọng Phụng và Ngọc Giao
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOTCảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdfTruyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
NuioKila
 
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOTLuận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đ
Luận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đLuận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đ
Luận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đ
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
KHÓA LUẬN ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT TRINH THÁM HIGASHINO KEIGO 5652858.pdf
KHÓA LUẬN ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT TRINH THÁM HIGASHINO KEIGO 5652858.pdfKHÓA LUẬN ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT TRINH THÁM HIGASHINO KEIGO 5652858.pdf
KHÓA LUẬN ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT TRINH THÁM HIGASHINO KEIGO 5652858.pdf
NuioKila
 
Luận văn: Thơ cổ phong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từ góc nhìn thi pháp, HAY
Luận văn: Thơ cổ phong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từ góc nhìn thi pháp, HAYLuận văn: Thơ cổ phong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từ góc nhìn thi pháp, HAY
Luận văn: Thơ cổ phong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từ góc nhìn thi pháp, HAY
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Luận văn: Tản văn Việt Linh và Nguyễn Ngọc Tư – từ đặc trưng thể loại, 9đ
Luận văn: Tản văn Việt Linh và Nguyễn Ngọc Tư – từ đặc trưng thể loại, 9đLuận văn: Tản văn Việt Linh và Nguyễn Ngọc Tư – từ đặc trưng thể loại, 9đ
Luận văn: Tản văn Việt Linh và Nguyễn Ngọc Tư – từ đặc trưng thể loại, 9đ
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Luận văn: Đặc trưng cơ bản của Văn học dân gian Bến Tre, HOT
Luận văn: Đặc trưng cơ bản của Văn học dân gian Bến Tre, HOTLuận văn: Đặc trưng cơ bản của Văn học dân gian Bến Tre, HOT
Luận văn: Đặc trưng cơ bản của Văn học dân gian Bến Tre, HOT
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

What's hot (20)

Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh ChâuLuận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
Luận văn: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Minh Châu
 
Luận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam
Luận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt namLuận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam
Luận văn: Văn hóa tâm linh trong truyện ngắn, tiểu thuyết việt nam
 
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAYLuận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
 
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAYLuận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
 
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đLuận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
 
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyếtLuận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
 
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoá
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoáLuận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoá
Luận văn: Yếu tố phong tục trong truyện cổ tích người Việt từ góc nhìn văn hoá
 
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAYLuận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
Luận văn: Văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Đàn hương hình, HAY
 
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAYĐặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
 
Luận văn: Nhân vật trong truyện Vũ Trọng Phụng và Ngọc Giao
Luận văn: Nhân vật trong truyện Vũ Trọng Phụng và Ngọc GiaoLuận văn: Nhân vật trong truyện Vũ Trọng Phụng và Ngọc Giao
Luận văn: Nhân vật trong truyện Vũ Trọng Phụng và Ngọc Giao
 
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOTCảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
 
Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdfTruyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
 
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận án: Đặc điểm của loại truyện thơ Nôm tự thuật, HAY - Gửi miễn phí qua za...
 
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOTLuận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
 
Luận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đ
Luận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đLuận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đ
Luận văn: Biểu tượng nước và đá trong thơ Hồ Xuân Hương, 9đ
 
KHÓA LUẬN ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT TRINH THÁM HIGASHINO KEIGO 5652858.pdf
KHÓA LUẬN ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT TRINH THÁM HIGASHINO KEIGO 5652858.pdfKHÓA LUẬN ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT TRINH THÁM HIGASHINO KEIGO 5652858.pdf
KHÓA LUẬN ĐẶC ĐIỂM TIỂU THUYẾT TRINH THÁM HIGASHINO KEIGO 5652858.pdf
 
Luận văn: Thơ cổ phong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từ góc nhìn thi pháp, HAY
Luận văn: Thơ cổ phong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từ góc nhìn thi pháp, HAYLuận văn: Thơ cổ phong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từ góc nhìn thi pháp, HAY
Luận văn: Thơ cổ phong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từ góc nhìn thi pháp, HAY
 
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
 
Luận văn: Tản văn Việt Linh và Nguyễn Ngọc Tư – từ đặc trưng thể loại, 9đ
Luận văn: Tản văn Việt Linh và Nguyễn Ngọc Tư – từ đặc trưng thể loại, 9đLuận văn: Tản văn Việt Linh và Nguyễn Ngọc Tư – từ đặc trưng thể loại, 9đ
Luận văn: Tản văn Việt Linh và Nguyễn Ngọc Tư – từ đặc trưng thể loại, 9đ
 
Luận văn: Đặc trưng cơ bản của Văn học dân gian Bến Tre, HOT
Luận văn: Đặc trưng cơ bản của Văn học dân gian Bến Tre, HOTLuận văn: Đặc trưng cơ bản của Văn học dân gian Bến Tre, HOT
Luận văn: Đặc trưng cơ bản của Văn học dân gian Bến Tre, HOT
 

Similar to Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY

PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
nataliej4
 
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAYLuận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy TựTìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Dịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đLuận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Cảm Hứng Trào Lộng Trong Truyện Ngắn Bích Ngân.doc
Cảm Hứng Trào Lộng Trong Truyện Ngắn Bích Ngân.docCảm Hứng Trào Lộng Trong Truyện Ngắn Bích Ngân.doc
Cảm Hứng Trào Lộng Trong Truyện Ngắn Bích Ngân.doc
Dịch vụ viết đề tài trọn gói 0934.573.149
 
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt NamLuận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...
BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...
BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
Đặc Điểm Tiểu Thuyết Lịch Sử Nguyễn Triệu Luật.doc
Đặc Điểm Tiểu Thuyết Lịch Sử Nguyễn Triệu Luật.docĐặc Điểm Tiểu Thuyết Lịch Sử Nguyễn Triệu Luật.doc
Đặc Điểm Tiểu Thuyết Lịch Sử Nguyễn Triệu Luật.doc
Dịch vụ viết đề tài trọn gói 0934.573.149
 
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Phong Cách Nghệ Thuật Phan Thị Vàng Anh Qua Truyện Ngắn.doc
Phong Cách Nghệ Thuật Phan Thị Vàng Anh Qua Truyện Ngắn.docPhong Cách Nghệ Thuật Phan Thị Vàng Anh Qua Truyện Ngắn.doc
Phong Cách Nghệ Thuật Phan Thị Vàng Anh Qua Truyện Ngắn.doc
Dịch vụ viết đề tài trọn gói 0934.573.149
 
AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG.pdf
AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG.pdfAI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG.pdf
AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG.pdf
ngTrang74
 
Tailieu.vncty.com the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
Tailieu.vncty.com   the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...Tailieu.vncty.com   the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
Tailieu.vncty.com the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
Trần Đức Anh
 
Nghệ Thuật Trần Thuật Trong Văn Xuôi Võ Thị Xuân Hà.doc
Nghệ Thuật Trần Thuật Trong Văn Xuôi Võ Thị Xuân Hà.docNghệ Thuật Trần Thuật Trong Văn Xuôi Võ Thị Xuân Hà.doc
Nghệ Thuật Trần Thuật Trong Văn Xuôi Võ Thị Xuân Hà.doc
Dịch vụ viết đề tài trọn gói 0934.573.149
 
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
nataliej4
 
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
nataliej4
 
Luận văn: Tiểu thuyết của Đỗ Phấn từ góc nhìn sinh thái, HOT
Luận văn: Tiểu thuyết của Đỗ Phấn từ góc nhìn sinh thái, HOTLuận văn: Tiểu thuyết của Đỗ Phấn từ góc nhìn sinh thái, HOT
Luận văn: Tiểu thuyết của Đỗ Phấn từ góc nhìn sinh thái, HOT
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Nghệ Thuật Tự Sự Của Tiểu Thuyết Trung Trung Đỉnh Qua Lạc Rừng Và Lính Trận.doc
Nghệ Thuật Tự Sự Của Tiểu Thuyết Trung Trung Đỉnh Qua Lạc Rừng Và Lính Trận.docNghệ Thuật Tự Sự Của Tiểu Thuyết Trung Trung Đỉnh Qua Lạc Rừng Và Lính Trận.doc
Nghệ Thuật Tự Sự Của Tiểu Thuyết Trung Trung Đỉnh Qua Lạc Rừng Và Lính Trận.doc
Dịch vụ viết đề tài trọn gói 0934.573.149
 
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh TháiĐặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
Dịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Xuân diệu về tác gia và tác phẩm
Xuân diệu về tác gia và tác phẩmXuân diệu về tác gia và tác phẩm
Xuân diệu về tác gia và tác phẩm
jackjohn45
 
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki MurakamiLuận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Dịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 

Similar to Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY (20)

PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
PHÊ BÌNH NGHIÊN CỨU VĂN HỌC
 
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAYLuận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
 
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy TựTìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đLuận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
 
Cảm Hứng Trào Lộng Trong Truyện Ngắn Bích Ngân.doc
Cảm Hứng Trào Lộng Trong Truyện Ngắn Bích Ngân.docCảm Hứng Trào Lộng Trong Truyện Ngắn Bích Ngân.doc
Cảm Hứng Trào Lộng Trong Truyện Ngắn Bích Ngân.doc
 
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt NamLuận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
 
BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...
BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...
BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI CHUYÊN SÂU MÔN NGỮ VĂN 7 DÙNG CHUNG 3 BỘ SÁCH NĂM 202...
 
Đặc Điểm Tiểu Thuyết Lịch Sử Nguyễn Triệu Luật.doc
Đặc Điểm Tiểu Thuyết Lịch Sử Nguyễn Triệu Luật.docĐặc Điểm Tiểu Thuyết Lịch Sử Nguyễn Triệu Luật.doc
Đặc Điểm Tiểu Thuyết Lịch Sử Nguyễn Triệu Luật.doc
 
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
 
Phong Cách Nghệ Thuật Phan Thị Vàng Anh Qua Truyện Ngắn.doc
Phong Cách Nghệ Thuật Phan Thị Vàng Anh Qua Truyện Ngắn.docPhong Cách Nghệ Thuật Phan Thị Vàng Anh Qua Truyện Ngắn.doc
Phong Cách Nghệ Thuật Phan Thị Vàng Anh Qua Truyện Ngắn.doc
 
AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG.pdf
AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG.pdfAI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG.pdf
AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG.pdf
 
Tailieu.vncty.com the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
Tailieu.vncty.com   the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...Tailieu.vncty.com   the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
Tailieu.vncty.com the gioi-nhan_vat_trong_truyen_ngan_nguyen_cong_hoan_va_t...
 
Nghệ Thuật Trần Thuật Trong Văn Xuôi Võ Thị Xuân Hà.doc
Nghệ Thuật Trần Thuật Trong Văn Xuôi Võ Thị Xuân Hà.docNghệ Thuật Trần Thuật Trong Văn Xuôi Võ Thị Xuân Hà.doc
Nghệ Thuật Trần Thuật Trong Văn Xuôi Võ Thị Xuân Hà.doc
 
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
 
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
 
Luận văn: Tiểu thuyết của Đỗ Phấn từ góc nhìn sinh thái, HOT
Luận văn: Tiểu thuyết của Đỗ Phấn từ góc nhìn sinh thái, HOTLuận văn: Tiểu thuyết của Đỗ Phấn từ góc nhìn sinh thái, HOT
Luận văn: Tiểu thuyết của Đỗ Phấn từ góc nhìn sinh thái, HOT
 
Nghệ Thuật Tự Sự Của Tiểu Thuyết Trung Trung Đỉnh Qua Lạc Rừng Và Lính Trận.doc
Nghệ Thuật Tự Sự Của Tiểu Thuyết Trung Trung Đỉnh Qua Lạc Rừng Và Lính Trận.docNghệ Thuật Tự Sự Của Tiểu Thuyết Trung Trung Đỉnh Qua Lạc Rừng Và Lính Trận.doc
Nghệ Thuật Tự Sự Của Tiểu Thuyết Trung Trung Đỉnh Qua Lạc Rừng Và Lính Trận.doc
 
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh TháiĐặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
 
Xuân diệu về tác gia và tác phẩm
Xuân diệu về tác gia và tác phẩmXuân diệu về tác gia và tác phẩm
Xuân diệu về tác gia và tác phẩm
 
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki MurakamiLuận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877

Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Bệnh Viện Chỉnh Hình Và Phục Hồi...
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Bệnh Viện Chỉnh Hình Và Phục Hồi...Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Bệnh Viện Chỉnh Hình Và Phục Hồi...
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Bệnh Viện Chỉnh Hình Và Phục Hồi...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Sự Nghiệp Thuộc Sở Xây...
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Sự Nghiệp Thuộc Sở Xây...Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Sự Nghiệp Thuộc Sở Xây...
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Sự Nghiệp Thuộc Sở Xây...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Hoàn Thiện Công Tác Hạch Toán Kế Toán Tại Các Đơn Vị Dự Toán Cấp...
Hoàn Thiện Công Tác Hạch Toán Kế Toán Tại Các Đơn Vị Dự Toán Cấp...Hoàn Thiện Công Tác Hạch Toán Kế Toán Tại Các Đơn Vị Dự Toán Cấp...
Hoàn Thiện Công Tác Hạch Toán Kế Toán Tại Các Đơn Vị Dự Toán Cấp...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Sở Giáo Dục Và Đào Tạo ...
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Sở Giáo Dục Và Đào Tạo ...Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Sở Giáo Dục Và Đào Tạo ...
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Sở Giáo Dục Và Đào Tạo ...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...
Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...
Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Thuộc Trung Tâm Y Tế
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Thuộc Trung Tâm Y TếHoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Thuộc Trung Tâm Y Tế
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Thuộc Trung Tâm Y Tế
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Tiểu Luận Thực Trạng Đời Sống Văn Hóa Của Công Nhân Khu Công Nghiệp - Hay T...
Tiểu Luận Thực Trạng Đời Sống Văn Hóa Của Công Nhân Khu Công Nghiệp - Hay T...Tiểu Luận Thực Trạng Đời Sống Văn Hóa Của Công Nhân Khu Công Nghiệp - Hay T...
Tiểu Luận Thực Trạng Đời Sống Văn Hóa Của Công Nhân Khu Công Nghiệp - Hay T...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Tiểu Luận Quản Lý Hoạt Động Nhà Văn Hóa - Đỉnh Của Chóp!
Tiểu Luận Quản Lý Hoạt Động Nhà Văn Hóa - Đỉnh Của Chóp!Tiểu Luận Quản Lý Hoạt Động Nhà Văn Hóa - Đỉnh Của Chóp!
Tiểu Luận Quản Lý Hoạt Động Nhà Văn Hóa - Đỉnh Của Chóp!
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hóa - Hay Bá Cháy!
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hóa - Hay Bá Cháy!Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hóa - Hay Bá Cháy!
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hóa - Hay Bá Cháy!
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Thiết Chế Văn Hóa - Hay Quên Lối Ra!.
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Thiết Chế Văn Hóa - Hay Quên Lối Ra!.Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Thiết Chế Văn Hóa - Hay Quên Lối Ra!.
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Thiết Chế Văn Hóa - Hay Quên Lối Ra!.
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Tiểu Luận Quản Lý Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Chùa Tứ Kỳ - Hay Bá Đạo!
Tiểu Luận Quản Lý Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Chùa Tứ Kỳ - Hay Bá Đạo!Tiểu Luận Quản Lý Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Chùa Tứ Kỳ - Hay Bá Đạo!
Tiểu Luận Quản Lý Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Chùa Tứ Kỳ - Hay Bá Đạo!
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Tiểu Luận Quản Lý Các Dịch Vụ Văn Hóa Tại Khu Du Lịch - Hay Xĩu Ngang!
Tiểu Luận Quản Lý Các Dịch Vụ Văn Hóa Tại Khu Du Lịch - Hay Xĩu Ngang!Tiểu Luận Quản Lý Các Dịch Vụ Văn Hóa Tại Khu Du Lịch - Hay Xĩu Ngang!
Tiểu Luận Quản Lý Các Dịch Vụ Văn Hóa Tại Khu Du Lịch - Hay Xĩu Ngang!
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...
Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...
Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Lễ Hội Tịch - Xuất Sắc Nhất!
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Lễ Hội Tịch - Xuất Sắc Nhất!Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Lễ Hội Tịch - Xuất Sắc Nhất!
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Lễ Hội Tịch - Xuất Sắc Nhất!
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Di Tích Và Phát Triển Du Lịch - Hay Nhứ...
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Di Tích Và Phát Triển Du Lịch - Hay Nhứ...Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Di Tích Và Phát Triển Du Lịch - Hay Nhứ...
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Di Tích Và Phát Triển Du Lịch - Hay Nhứ...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Tiểu Luận Bảo Vệ Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Dân Tộc - Hay Chảy Ke!
Tiểu Luận Bảo Vệ Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Dân Tộc - Hay Chảy Ke!Tiểu Luận Bảo Vệ Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Dân Tộc - Hay Chảy Ke!
Tiểu Luận Bảo Vệ Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Dân Tộc - Hay Chảy Ke!
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Quy Trình Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Sự Kiện Taf
Quy Trình Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Sự Kiện TafQuy Trình Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Sự Kiện Taf
Quy Trình Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Sự Kiện Taf
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Thực Trạng Hoạt Động Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Quảng Cáo
Thực Trạng Hoạt Động Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Quảng CáoThực Trạng Hoạt Động Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Quảng Cáo
Thực Trạng Hoạt Động Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Quảng Cáo
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...
Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...
Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Hoàn Thiện Quy Trình Dịch Vụ Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Đầu Tư
Hoàn Thiện Quy Trình Dịch Vụ Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Đầu TưHoàn Thiện Quy Trình Dịch Vụ Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Đầu Tư
Hoàn Thiện Quy Trình Dịch Vụ Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Đầu Tư
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877 (20)

Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Bệnh Viện Chỉnh Hình Và Phục Hồi...
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Bệnh Viện Chỉnh Hình Và Phục Hồi...Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Bệnh Viện Chỉnh Hình Và Phục Hồi...
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Bệnh Viện Chỉnh Hình Và Phục Hồi...
 
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Sự Nghiệp Thuộc Sở Xây...
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Sự Nghiệp Thuộc Sở Xây...Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Sự Nghiệp Thuộc Sở Xây...
Hoàn Thiện Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Sự Nghiệp Thuộc Sở Xây...
 
Hoàn Thiện Công Tác Hạch Toán Kế Toán Tại Các Đơn Vị Dự Toán Cấp...
Hoàn Thiện Công Tác Hạch Toán Kế Toán Tại Các Đơn Vị Dự Toán Cấp...Hoàn Thiện Công Tác Hạch Toán Kế Toán Tại Các Đơn Vị Dự Toán Cấp...
Hoàn Thiện Công Tác Hạch Toán Kế Toán Tại Các Đơn Vị Dự Toán Cấp...
 
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Sở Giáo Dục Và Đào Tạo ...
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Sở Giáo Dục Và Đào Tạo ...Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Sở Giáo Dục Và Đào Tạo ...
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Sở Giáo Dục Và Đào Tạo ...
 
Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...
Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...
Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Quản Trị Tại Công Ty Tnhh Thương Mại Đầu Tư Và Phá...
 
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Thuộc Trung Tâm Y Tế
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Thuộc Trung Tâm Y TếHoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Thuộc Trung Tâm Y Tế
Hoàn Thiện Tổ Chức Công Tác Kế Toán Tại Các Đơn Vị Thuộc Trung Tâm Y Tế
 
Tiểu Luận Thực Trạng Đời Sống Văn Hóa Của Công Nhân Khu Công Nghiệp - Hay T...
Tiểu Luận Thực Trạng Đời Sống Văn Hóa Của Công Nhân Khu Công Nghiệp - Hay T...Tiểu Luận Thực Trạng Đời Sống Văn Hóa Của Công Nhân Khu Công Nghiệp - Hay T...
Tiểu Luận Thực Trạng Đời Sống Văn Hóa Của Công Nhân Khu Công Nghiệp - Hay T...
 
Tiểu Luận Quản Lý Hoạt Động Nhà Văn Hóa - Đỉnh Của Chóp!
Tiểu Luận Quản Lý Hoạt Động Nhà Văn Hóa - Đỉnh Của Chóp!Tiểu Luận Quản Lý Hoạt Động Nhà Văn Hóa - Đỉnh Của Chóp!
Tiểu Luận Quản Lý Hoạt Động Nhà Văn Hóa - Đỉnh Của Chóp!
 
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hóa - Hay Bá Cháy!
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hóa - Hay Bá Cháy!Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hóa - Hay Bá Cháy!
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Văn Hóa - Hay Bá Cháy!
 
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Thiết Chế Văn Hóa - Hay Quên Lối Ra!.
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Thiết Chế Văn Hóa - Hay Quên Lối Ra!.Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Thiết Chế Văn Hóa - Hay Quên Lối Ra!.
Tiểu Luận Quản Lý Nhà Nước Về Thiết Chế Văn Hóa - Hay Quên Lối Ra!.
 
Tiểu Luận Quản Lý Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Chùa Tứ Kỳ - Hay Bá Đạo!
Tiểu Luận Quản Lý Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Chùa Tứ Kỳ - Hay Bá Đạo!Tiểu Luận Quản Lý Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Chùa Tứ Kỳ - Hay Bá Đạo!
Tiểu Luận Quản Lý Di Tích Kiến Trúc Nghệ Thuật Chùa Tứ Kỳ - Hay Bá Đạo!
 
Tiểu Luận Quản Lý Các Dịch Vụ Văn Hóa Tại Khu Du Lịch - Hay Xĩu Ngang!
Tiểu Luận Quản Lý Các Dịch Vụ Văn Hóa Tại Khu Du Lịch - Hay Xĩu Ngang!Tiểu Luận Quản Lý Các Dịch Vụ Văn Hóa Tại Khu Du Lịch - Hay Xĩu Ngang!
Tiểu Luận Quản Lý Các Dịch Vụ Văn Hóa Tại Khu Du Lịch - Hay Xĩu Ngang!
 
Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...
Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...
Tiểu Luận Nâng Cao Hiệu Quả Công Tác Quản Lý Các Điểm Di Tích Lịch Sử Văn H...
 
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Lễ Hội Tịch - Xuất Sắc Nhất!
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Lễ Hội Tịch - Xuất Sắc Nhất!Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Lễ Hội Tịch - Xuất Sắc Nhất!
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Lễ Hội Tịch - Xuất Sắc Nhất!
 
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Di Tích Và Phát Triển Du Lịch - Hay Nhứ...
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Di Tích Và Phát Triển Du Lịch - Hay Nhứ...Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Di Tích Và Phát Triển Du Lịch - Hay Nhứ...
Tiểu Luận Công Tác Quản Lý Di Tích Và Phát Triển Du Lịch - Hay Nhứ...
 
Tiểu Luận Bảo Vệ Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Dân Tộc - Hay Chảy Ke!
Tiểu Luận Bảo Vệ Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Dân Tộc - Hay Chảy Ke!Tiểu Luận Bảo Vệ Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Dân Tộc - Hay Chảy Ke!
Tiểu Luận Bảo Vệ Và Phát Huy Di Sản Văn Hóa Dân Tộc - Hay Chảy Ke!
 
Quy Trình Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Sự Kiện Taf
Quy Trình Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Sự Kiện TafQuy Trình Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Sự Kiện Taf
Quy Trình Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Cổ Phần Truyền Thông Và Sự Kiện Taf
 
Thực Trạng Hoạt Động Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Quảng Cáo
Thực Trạng Hoạt Động Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Quảng CáoThực Trạng Hoạt Động Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Quảng Cáo
Thực Trạng Hoạt Động Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Quảng Cáo
 
Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...
Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...
Một Số Kiến Nghị Để Nâng Cao Hiệu Quảng Đối Với Dịch Vụ Quảng Cáo Và Tổ Chức ...
 
Hoàn Thiện Quy Trình Dịch Vụ Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Đầu Tư
Hoàn Thiện Quy Trình Dịch Vụ Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Đầu TưHoàn Thiện Quy Trình Dịch Vụ Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Đầu Tư
Hoàn Thiện Quy Trình Dịch Vụ Tổ Chức Sự Kiện Của Công Ty Đầu Tư
 

Recently uploaded

98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nayẢnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
chinhkt50
 
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
ngocnguyensp1
 
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in englishAV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
Qucbo964093
 
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptxDẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
nvlinhchi1612
 
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdfBAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
phamthuhoai20102005
 
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
duykhoacao
 
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdfGIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
Điện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
https://www.facebook.com/garmentspace
 

Recently uploaded (10)

98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
 
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nayẢnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
 
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
 
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in englishAV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
 
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptxDẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
 
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
 
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdfBAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
 
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
 
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdfGIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
 
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
 

Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY

  • 1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI ĐINH THỊ HIỀN TRUYỆN NGẮN NGUYỄN DẬU DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM HÀ NỘI, 2019
  • 2. iê VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI ĐINH THỊ HIỀN TRUYỆN NGẮN NGUYỄN DẬU DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HÓA Ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 8 22 01 21 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. LÊ THỊ DỤC TÚ HÀ NỘI, 2019
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Đề tài do cá nhân tôi nghiên cứu; các số liệu, kết quả nêu trong luận văn là trung thực và có nguồn trích dẫn; bố cục, phông chữ của luận văn đúng với quy định và đề tài chưa từng được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Hà Nội, ngày tháng năm 2019 HỌC VIÊN Đinh Thị Hiền
  • 4. MỤC LỤC MỞ ĐẦU..............................................................................................................................1 Chương 1. MỐI QUAN HỆ GIỮA VĂN HÓA – VĂN HỌC VÀ HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN DẬU............................................................7 1.1. Khái niệm văn hóa - văn học....................................................................................7 1.2. Mối quan hệ giữa văn hóa và văn học......................................................................9 1.3. Phương pháp tiếp cận văn học dưới góc nhìn văn hóa .........................................11 1.4. Hành trình sáng tác của nhà văn Nguyễn Dậu .....................................................13 Chương 2. CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRONG TRUYỆN NGẮNCỦA NGUYỄN DẬU ................................................................................................................19 2.1. Con người – đối tượng thẩm mĩ mang dấu ấn văn hóa.........................................19 2.2. Không gian - nơi lưu giữ những giá trị văn hóa....................................................44 Chương 3. MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬTTRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN DẬU...................................................................................................56 3.1. Cốt truyện.................................................................................................................56 3.2. Tình huống truyện...................................................................................................64 3.3.Giọng điệu trần thuật................................................................................................70 KẾT LUẬN.......................................................................................................................79 TÀI LIỆU THAM KHẢO..............................................................................................81
  • 5. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Văn học và văn hóa có mối quan hệ gắn bó mật thiết. Văn học là một bộ phận của văn hóa, một trong những yếu tố quan trọng góp phần hình thành bản sắc văn hóa dân tộc. Văn học không chỉ có khả năng nhận thức, phản ánh, truyền tải và lưu giữ các giá trị văn hóa mà còn góp phần kiến tạo các giá trị văn hóa mới. Diện mạo và các giá trị văn hóa tiêu biểu của một cộng đồng người được thể hiện qua văn học. Có nhiều cách tiếp cận trong nghiên cứu văn học. Trong thời đại hội nhập ngày nay, cùng với những tiến bộ của nghiên cứu văn học và thời đại, cần có cách nhìn, cách đánh giá mới mẻ hơn, khoa học, hữu hiệu, chân xác hơn về tác phẩm văn chương. Tiếp cận tác phẩm văn học dưới góc nhìn văn hóa là một hướng khai thác xuất hiện từ đầu thế kỉ XX, giúp người nghiên cứu vừa có thể khai thác sâu giá trị nội tại của tác phẩm, vừa có cái nhìn bao quát toàn diện về giá trị của tác phẩm trong cái nhìn soi chiếu với văn hóa của cộng đồng, dân tộc. Truyện ngắn có những đặc điểm và thế mạnh riêng trong các thể loại văn học. Truyện ngắn là một thể loại tự sự có hình thức ngắn gọn, cơ động mà vẫn chuyển tải được những vấn đề cơ bản của đời sống: “nội dung của truyện ngắn bao trùm hầu hết các phương diện của đời sống: đời sống thế sự hay sử thi, nhưng cái độc đáo của nó là ngắn. Truyện ngắn được viết ra để tiếp thu liền một mạch, đọc một hơi không nghỉ”. Với đặc điểm nhỏ gọn, phong phú về ngôn ngữ, nhân vật, tình tiết, truyện ngắn là thể loại gần gũi với đời sống hàng ngày và giữ ưu thế trong việc truyền tải bức tranh muôn màu của đời sống sinh hoạt vật chất cũng như tinh thần của con người. Trong dòng văn học đương đại, nhà văn Nguyễn Dậu xuất hiện lặng lẽ, điềm đạm nhưng cũng đã để lại một dấu ấn đậm nét. Dù hành trình sáng tác không liên tục nhưng sự nghiệp văn học của ông khá dày dặn, phong phú với một phong cách riêng biệt, đặc biệt là ở thể loại truyện ngắn. Tuy nhiên, truyện ngắn Nguyễn Dậu chưa được nhắc đến nhiều trong các tài liệu học tập và nghiên cứu. Chưa có nhiều công trình nghiên cứu truyện ngắn của ông một cách hệ thống, chuyên sâu và toàn diện. Hơn nữa, các công
  • 6. 2 trình nghiên cứu mới chỉ đề cập đến một vài nét về phong cách truyện ngắn của Nguyễn Dậu thông qua một số lượng nhân vật và một số nét đặc trưng trong nghệ thuật viết truyện ngắn, chưa đi sâu vào mối quan hệ giữa văn hóa và văn học trong truyện ngắn của ông. Vì thế, luận văn này mong muốn đi sâu vào tìm hiểu thế giới nghệ thuật của truyện ngắn Nguyễn Dậu đặt trong mối liên hệ giữa văn học và văn hóa. Với phương pháp tiếp cận văn hóa học, chúng tôi muốn đóng góp một vài ý kiến chủ quan đối với hiện tượng truyện ngắn Nguyễn Dậu, hi vọng góp phần có cái nhìn đúng đắn, toàn diện hơn về nhà văn. Từ đó, khẳng định vị trí và đánh giá một cách thỏa đáng đóng góp của nhà văn cho thể loại truyện ngắn nói riêng, văn học Việt Nam đương đại nói chung. 2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài Truyện ngắn Nguyễn Dậu như đã nói là một hiện tượng văn học không mới. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỉ, truyện ngắn của ông không được nhắc đến nhiều trong các tài liệu học tập và nghiên cứu. Cũng đã có một số những bài nhận xét khái quát về truyện ngắn Nguyễn Dậu nhưng mới chỉ dừng lại ở từng truyện ngắn hay từng tập truyện riêng lẻ. Chưa có một cái nhìn hệ thống khi nhận diện truyện ngắn của nhà văn này. Vì vậy, chưa làm rõ đựợc những nét đặc sắc của truyện ngắn Nguyễn Dậu, nhất là đặt dưới góc nhìn văn hóa. Cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Nguyễn Dậu được nhắc đến chủ yếu là các bài giới thiệu ngắn theo dạng tiểu sử trong các tuyển tập văn học vùng miền. Những đồng nghiệp yêu mến trân trọng cuộc đời người nghệ sĩ đã viết bài về ông để nhắc nhở, để tiếc thương cho một người có tài mà văn nghiệp truân chuyên trong một thời kì biến động của lịch sử. Nhà văn Nguyễn Dậu được nhắc đến qua vài dòng giới thiệu về tiểu sử (năm sinh, năm mất, quê quán và một vài nét về quá trình làm việc) trong thư mục của thư viện Hải Phòng và qua các bài viết của đồng nghiệp. Về sự nghiệp văn chương, cũng chỉ có một số bài viết giới thiệu sơ lược về quá trình từ cầm bút đến thành danh của nhà văn Nguyễn Dậu.
  • 7. 3 Trên trang http://daibieunhandan.vn ngày 17/7/2007, nhà văn Nguyễn Dậu được nhắc đến trong bài viết có tên Truyện làng văn của tác giả Hoàng An. Tác giả Hoàng An đã giới thiệu Nguyễn Dậu là một cây bút văn xuôi với nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn như Mở hầm, Nàng Kiều Như, Nhọc nhằn sông Luộc, Xanh vàng trắng đỏ đen (tiểu thuyết), Con thú bị ruồng bỏ, Chó sói ngửi chân, Hương khói lòng ai (tập truyện ngắn)... và là một nhà văn có sức viết mãnh liệt. Trong khoảng chừng mươi năm cuối đời, do mắc bệnh tim nặng và biết được quỹ thời gian của mình còn eo hẹp nên ông ít giao du, kiệm lời và tập trung sức lực cho sáng tác. Ông viết khá nhanh. Có truyện ngắn, ông viết một đêm là xong. Chỉ trong một thời gian ngắn cuối đời, Nguyễn Dậu cho xuất bản liên tục ba bốn cuốn tiểu thuyết dày dặn cỡ ba, bốn trăm trang. Bài viết Nhà văn Nguyễn Dậu và sức sống của ngòi bút của tác giả Vũ Quốc Văn đăng trên trang vanthoviet.com (1/9/2011) đã biên niên lại cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Dậu, hé lộ một cuộc đời nhiều cay đắng, nhọc nhằn, truân chuyên của nhà văn trong đời thực cũng như trong văn chương. Tác giả Vũ Quốc Văn cho hay, Nguyễn Dậu đã bị phê phán từ sự kiện tác phẩm bị “xét lại” của văn học những năm 1960 mà theo lối phê bình lúc đó gọi là các tác phẩm viết theo kiểu “tự nhiên chủ nghĩa”. Các tiểu thuyết Mở hầm của Nguyễn Dậu cùng các tiểu thuyết Nhãn đầu mùa của tác giả Xuân Tùng, Trần Thanh, Mùa hoa dẻ của Văn Linh đã bị giới phê bình lúc đó khai tử. Sau sự kiện ấy, Nguyễn Dậu đã xa rời sự nghiệp viết trong nhiều năm, nhưng lòng yêu nghề đã hối thúc ông quay trở lại, sáng tác trong niềm đam mê sáng tạo mãnh liệt trong những năm cuối đời. Bài viết Nguyễn Dậu - Nhọc nhằn sông Luộc, tác giả Kiến Văn (đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội ra ngày 22/09/1911) lại tập trung vào quãng đời sau khi tiểu thuyết Mở hầm bị phê phán. Bài viết đã cho thấy tác giả vẫn vẹn nguyên niềm say mê với nghiệp viết sau 28 năm không cầm bút. Các sáng tác trong chặng đường mười năm cuối đời của ông thể hiện lòng yêu nghề, yêu đời, đem đến thông điệp về lối sống có lương tri cho mọi người.
  • 8. 4 Bài Nhà văn Nguyễn Dậu và nhà văn Vũ Bão, hai người anh, hai bàn phím, một giấc mơ…của nhà văn Nguyễn Khắc Phục đăng trên trannhuong.net (16/7/2013) kể lại một kỉ niệm trùng hợp về hai nhà văn Nguyễn Dậu và nhà văn Vũ Bão. Hai nhà văn được bạn bè đồng nghiệp tặng cho chiếc máy chữ để bớt đi sự nhọc nhằn trong sáng tác nhưng cả hai không dùng được bao lâu thì qua đời. Dù cặm cụi lao lực vất vả trên từng trang viết, không hề có sự hỗ trợ của công nghệ nhưng nhà văn Nguyễn Dậu và Vũ Bão để lại một sự nghiệp văn chương phong phú, giàu có, truyền tải thông điệp nhân văn đến với độc giả: “hai người anh, hai bàn phím gõ chữ mà cùng một giấc mơ: Mơ văn chương tử tế giúp ích cho đời, văn chương cho thỏa chí tang bồng hồ thỉ, văn chương là sống, yêu, hi vọng và hướng tới những điều tốt đẹp nhất…”. Những tác phẩm mà nhà văn Nguyễn Dậu để lại, đặc biệt ở giai đoạn sau Đổi mới, đã chứng minh giá trị nhân văn sâu sắc đằng sau những trang viết vô cùng hấp dẫn của ông. Nhà nghiên cứu Lê Thị Dục Tú trong cuốn Từ điển tác phẩm văn xuôi (tập 3) cũng đánh giá về truyện ngắn của Nguyễn Dậu. Từ việc khái quát nội dung cụ thể của hai tập truyện ngắn Đôi hoa tai lóng lánh và Con thú bị bỏ hoang, nhà nghiên cứu khẳng định nét đặc sắc nghệ thuật trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu là “Văn của Nguyễn Dậu mang sắc thái ngôn ngữ đời thường. Cách kể chuyện ở ngôi thứ nhất (nhân vật xưng “tôi”) làm cho truyện của ông giàu sức thuyết phục. Đồng thời, nhà nghiên cứu cũng nhận định về giá trị nội dung tư tưởng trong truyện của Nguyễn Dậu là “bức thông điệp của hầu hết các truyện của Nguyễn Dậu là tình thương và lòng nhân hậu. Chỉ có điều đó mới cảm hóa được con người và làm cho cuộc sống tốt đẹp lên” [34, tr.221-223]. Luận văn Thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu của tác giả Lê Thị Vân Khánh là công trình nghiên cứu đầu tiên có cái nhìn tương đối hệ thống về truyện ngắn của Nguyễn Dậu. Đặt truyện ngắn của Nguyễn Dậu trong tương quan với truyện ngắn Việt Nam đương đại, tác giả đã chỉ ra các kiểu nhân vật cũng như một số phương diện nghệ thuật trong truyện ngắn của nhà văn. Qua đó, người viết đã phần nào phác thảo những nét đặc sắc trong phong cách sáng tác cũng như một số những đóng góp nổi bật của nhà văn.
  • 9. 5 Từ sau 1975, Việt Nam bước sang một thời kì mới, thời kì thống nhất đất nước, tự do, hòa bình và dân chủ. Không khí dân chủ và hiện thực đời sống đa dạng đã tạo tiền đề cho sự xuất hiện của các cây bút trẻ. Giới nghiên cứu phê bình văn học lúc này tập trung ưu tiên nghiên cứu về các tên tuổi mới với sự phá cách trong lựa chọn đề tài và bút pháp. Bên cạnh đó, nghiên cứu văn học tập trung vào các tên tuổi bước từ thời chiến tranh sang thời Đổi mới như Bảo Ninh, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp… Trong bối cảnh đó, tên tuổi của Nguyễn Dậu dường như bị lãng quên. Vì thế, như một yêu cầu tất yếu, cần phải xem xét, khẳng định lại giá trị văn chương của Nguyễn Dậu nói chung và truyện ngắn của Nguyễn Dậu nói riêng. Luận văn Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa hy vọng sẽ đưa lại cái nhìn đầy đủ và chi tiết hơn về truyện ngắn Nguyễn Dậu, góp phần làm sáng rõ rõ mối quan hệ giữa văn học và văn hóa; đồng thời cho thấy những đóng góp nổi bật của nhà văn về tư tưởng và đặc sắc nghệ thuật trong truyện ngắn dưới góc nhìn văn hóa. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu Luận văn hướng tới việc giải quyết những vấn đề sau: - Luận văn dựa vào các phạm trù văn hóa, soi tỏ mối quan hệ giữa văn hóa và văn học, khẳng định những phương thức biểu đạt của văn hóa trong văn học. - Luận văn đi sâu vào truyện ngắn của Nguyễn Dậu như một hiện tượng văn hóa cụ thể, chỉ ra những giá trị ẩn sâu trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu, từ đó làm rõ căn nguyên tồn tại chất văn hóa trong sáng tác của nhà văn. - Khẳng định nét độc đáo về tư tưởng, nội dung, nghệ thuật trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa. Qua đó làm làm nổi bật sự đóng góp của Nguyễn Dậu trong văn học Việt Nam hiện đại. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu Ở đề tài này, người viết hướng tới đối tượng nghiên cứu là truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Dậu và những giá trị văn hóa biểu hiện trong các tác phẩm, khảo sát trong các tập truyện ngắn được viết từ sau năm 1986.
  • 10. 6 4.2. Phạm vi nghiên cứu Luận văn nghiên cứu những bình diện văn hóa được đề cập trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Dậu, tập trung ở các tập truyện ngắn được viết từ sau năm 1986, bao gồmcác tập truyện ngắn sau: Con thú bị ruồng bỏ (1990), Đôi hoa tai lóng lánh (1996), Bảng lảng hoàng hôn(1997),Gió núi mây ngàn (2000). Trong quá trình nghiên cứu, đề tài sẽ có sự đối sánh với các tác phẩm khác cùng nằm trong dòng chảy văn học đương đại Việt Nam. 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu Khi thực hiện đề tài này, tác giả sử dụng một số phương pháp nghiên cứu sau: - Phương pháp tiếp cận hệ thống. - Phuơng pháp phân tích, tổng hợp - Phương pháp liên ngành - Phương pháp phân tích văn bản Quá trình nghiên cứu đề tài đồng thời sử dụng các thao tác: so sánh - đối chiếu…nhằm bổ trợ cho việc triển khai đề tài. 6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn - Luận văn góp phần làm rõ mối quan hệ giữa văn hóa và văn học, khẳng định vai trò của phương pháp nghiên cứu văn học dưới góc nhìn văn hóa. - Luận văn góp phần tìm hiểu những giá trị văn hóa trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu. Từ đó, góp phần khẳng định tên tuổi, vị trí của Nguyễn Dậu trong nền văn học Việt Nam hiện đại. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, luận văn bao gồm 3 chương: Chương 1: Mối quan hệ giữa văn học và văn hóa và hành trình tác của nhà văn Nguyễn Dậu Chương 2: Những giá trị văn hóa tiêu biểu trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu Chương 3: Một số phương diện nghệ thuật thể hiện những giá trị văn hóa trong truyện ngắn Nguyễn Dậu
  • 11. 7 Chương1 MỐI QUAN HỆ GIỮA VĂN HÓA – VĂN HỌC VÀ HÀNH TRÌNH SÁNG TÁC CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN DẬU 1.1. Khái niệm văn hóa. Văn hóa là khái niệm được đề cập đến trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu như dân tộc học, nhân loại học, dân gian học, địa văn hóa học, văn hóa học, xã hội học,...và trong mỗi lĩnh vực nghiên cứu đó định nghĩa về văn hóa cũng khác nhau. Ngay từ năm 1952, hai nhà nhân loại học Mỹ là Alfred Kroeber và Clyde Kluckhohn đã từng thống kê có tới 164 định nghĩa khác nhau. Theo nhà nghiên cứu Phan Ngọc thì cho đến năm 1994, những định nghĩa về văn hóa trên thế giới đã chạm ngưỡng con số kỉ lục là 420 định nghĩa. Những con số khổng lồ đó phán ánh những cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau về văn hóa, đồng thời là minh chứng cho tính đa nguyên của văn hóa. Văn hóa được bắt nguồn từ chữ Latinh "Cultus" mà nghĩa gốc là gieo trồng, được dùng theo nghĩa Cultus Agri là "gieo trồng ruộng đất" và Cultus Animi là "gieo trồng tinh thần" tức là "sự giáo dục bồi dưỡng tâm hồn con người”. Đây là khái niệm mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Khi nói về văn hóa, mỗi người có một quan điểm khác nhau. Chúng tôi chỉ xin trích dẫn một vài định nghĩa được coi là tiêu biểu nhất: Tại hội nghị Quốc tế UNESCO (1992) tại Mexico, các nhà văn hóa trên thế giới đã thống nhất khái niệm về văn hóa như sau: Văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt về vật chất và tinh thần, trí tuệ và cảm xúc, quyết định tính cách của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản về con người, những hệ thống và giá trị, tập tục và tín ngưỡng. Văn hóa đem lại cho con người khả năng soi xét về bản thân.[49] Theo tác giả Edouard Herriot thì “Văn hóa là cái còn lại khi ta đã quên đi tất cả, là cái vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả”.[55;tr.1]
  • 12. 8 Ở trong nước, khái niệm văn hóa được đề cập đến trong môt số công trình nghiên cứu của các nhà văn hóa như: Phan Ngọc, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Phan Kế Bính, Trần Ngọc Thêm, Từ Chi… Theo Từ điển Tiếng Việt (1992), văn hóa được định nghĩa là: “Tổng thể nói chụng những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử”.[33;tr1079] Chủ tịch Hồ Chí Minh lại cho rằng văn hóa là toàn bộ những gì do con người sáng tạo và phát minh ra: Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoại hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá. Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn.[43;tr.55] Với cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, văn hóa là những gì đối lập với thiên nhiên và do con người sáng tạo nên: “Nói tới văn hóa là nói tới một lĩnh vực vô cùng phong phú và rộng lớn, bao gồm tất cả những gì không phải là thiên nhiên mà có liên quan đến con người trong suốt quá trình tồn tại, phát triển, quá trình con người làm nên lịch sử… (văn hóa) bao gồm cả hệ thống giá trị: tư tưởng và tình cảm, đạo đức với phẩm chất, trí tuệ và tài năng, sự nhạy cảm và sự tiếp thu cái mới từ bên ngoài, ý thức bảo vệ tài sản và bản lĩnh của cộng đồng dân tộc, sức đề kháng và sức chiến đấu bảo vệ mình và không ngừng lớn mạnh” .[56;tr.3] Trong tác phẩm Cơ sở văn hóa Việt Nam và Tìm hểu về văn hóa Việt Nam, nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm khẳng định nội hàm văn hóa bao gồm những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra và phải mang tính nhân tính: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá tri vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội” [55, tr. 24].
  • 13. 9 Văn học là một loại hình sáng tác, tái hiện những vấn đề của đời sống xã hội và con người. Phương thức sáng tạo của văn học được thông qua sự hư cấu, cách thể hiện nội dung các đề tài được biểu hiện qua ngôn ngữ. Văn học có các thể loại khác nhau như: tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch bản, lí luận phê bình. Văn học có lịch sử phát triển từ lâu đời, là sự phát triển của văn học dân gian. Nhìn chung, các định nghĩa về văn hóa hiện nay rất đa dạng. Sự đa dạng của các khái niệm phản ánh những hướng tiếp cận khác nhau. Trong mỗi thời điểm lịch sử, khái niệm văn hóa lại có nét khác biệt, bản thân chúng không thể bao quát đầy đủ nội hàm rộng lớn của văn hóa mà chỉ tóm lược khía cạnh nào đó của văn hóa. Tuy nhiên, các định nghĩa về văn hóa đều thống nhất coi văn hóa là sản phẩm sáng tạo của con người, được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người và xã hội. Văn hóa là tổng hòa tất cả các khía cạnh của đời sống, mang dấu ấn của con người. Văn hóa cũng thể hiện trình độ phát triển của con người, là nấc thang đưa con người vượt lên trên những loài động vật khác, là kết quả của sự tiến hóa nhân loại. 1.2. Mối quan hệ giữa văn hóa và văn học Xét trong mối quan hệ giữa văn học và văn hóa thì văn học chính là một bộ phận trong tổng thể của văn hóa, một yếu tố không thể tách rời của hệ thống văn hóa. Trong công trình Mỹ học sáng tạo ngôn từ, M. Bakhtin xác định: “Văn học là một bộ phận không thể tách rời của văn hóa. Không thể hiểu nó ngoài cái mạch nguyên vẹn của toàn bộ văn hóa của một thời đại trong đó nó tồn tại”.[4;tr.2] Đây là mối quan hệ khăng khít, tương trợ lẫn nhau và mang tính biện chứng, phản ánh đặc điểm có tính quy luật của quan hệ riêng chung mang tầm triết học: “cái riêng chỉ tồn tại trong mức độ liên hệ với cái chung. Cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng”. Văn học là thành tố của văn hóa thể hiện mối quan hệ tác động, chi phối giữa hệ thống với thành tố, giữa toàn thể với bộ phận trong cơ tầng văn hóa. Mối quan hệ giữa văn học với văn hóa được thể hiện trên các phương diện sau đây:
  • 14. 10 Trước hết, văn học là sản phẩm và là hiện thân của văn hóa. Văn học là một bộ phận trong tổng thể hệ hình văn hóa, không nằm ngoài hệ thống văn hóa. Văn học phản ánh hiện thực thông qua lăng kính văn hóa và là hiện thân của văn hóa. Điều đó có nghĩa là trong văn học luôn bộc lộ rõ nét bản chất văn hóa của một đất nước. Văn học là sản phẩm của lịch sử, là sản phẩm sáng tạo của loài người, có trách nhiệm phản ánh lịch sử tồn tại của các thời đại với những giá trị mang bản sắc riêng. Trong văn học luôn bộc lộ rõ nét bản sắc văn hóa của một đất nước và những tác phẩm văn học luôn mang trong mình những biểu hiện văn hóa của một vùng quê, một đất nước. Tác giả Trần Lê Bảo khẳng định: “Văn học chẳng những là một bộ phận của văn hóa, chịu sự chi phối ảnh hưởng trực tiếp từ văn hóa mà còn là một trong những phương diện tồn tại và bảo lưu văn hóa. Văn học chịu ảnh hưởng trực tiếp từ môi trường văn hóa thời đại và truyền thống văn hóa độc đáo của một dân tộc, đồng thời thể hiện cả nội hàm tâm lí văn hóa độc đáo của một thời đại và một cộng đồng dân tộc. Cùng với hệ thống giá trị văn hóa là những mô thức văn hóa riêng của một cộng đồng dân tộc, văn học đã tự giác tiếp nhận và thể hiện những giá trị và mô thức mà cả cộng đồng tôn trọng và tuân thủ” [4, tr. 5]. Văn học là tấm gương phản chiếu văn hóa và nhà văn là “người thư kí trung thành của thời đại” (Balzac). Tác phẩm là đứa con tinh thần của người nghệ sĩ, là sản phẩm của thời đại. Nhà văn đắm mình trong không khí thời đại, nắm vững tinh thần thời đại cùng với môi trường, vốn sống, vốn văn hóa…để hình thành ý tưởng nghệ thuật. Vì thế, người cầm bút dù muốn hay không cũng tiếp nhận và tái tạo những thành tố văn hóa của cộng đồng mình, những nét đặc trưng văn hóa mỗi vùng miền và chỉ thực sự trở thành nhà văn lớn khi đạt đến tầm vóc của một nhà văn hóa – tư tưởng. Văn học có chức năng bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại và nhà văn là cầu nối chuyển giao những giá trị đó. Không những thế, văn học còn là sự kết tinh các giá trị văn hóa và sản sinh ra các giá trị văn hóa tinh thần mới. Nhà thơ Tố Hữu đã từng nói: “Văn học thực chất là cuộc đời. Văn học sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi xuất phát và cũng là nơi đi tới của văn học”. Trong cuộc đời, cái bản chất nhất, làm nên tính người
  • 15. 11 chính là văn hóa, là những ứng xử văn hóa, quy chuẩn đạo đức làm người. Văn học gìn giữ và bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống. Nhà văn khi sáng tạo luôn chịu sự chi phối của các thành tố, những quy phạm của văn hóa cộng đồng, tuân thủ nghiêm ngặt những hệ giá trị ngầm được hoạch định sẵn trong tâm thức văn hóa của mỗi người. Những giá trị tốt đẹp của văn học sẽ được lưu truyền, gìn giữ và phát huy trong các thế hệ con người và thời đại dân tộc. Văn học còn có khả năng đặc biệt, tạo ra các giá trị văn hóa, trong đó quan trọng nhất là giá trị ngôn ngữ dân tộc và những giá trị tư tưởng của mỗi cá nhân con người trong dân tộc. Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng: “Sáng tạo văn học không đơn giản chỉ là nói càng nhiều về các hiện tượng mới của đời sống. Các hiện tượng mới chưa chắc đã là văn hóa. Nó có thể nhất thời và sớm muộn sẽ bị đào thải. Cùng với việc sáng tạo ra nhân sinh quan, sáng tạo cách cảm nhận mới và đánh giá mới đối với đời sống, văn học phải sáng tạongôn ngữ mới, hình thức mới [54, tr.2].Trên hành trình phát triển của dân tộc, ngôn ngữ văn học luôn đóng một vai trò quan trọng trong việc lưu giữ và sáng tạo các giá trị văn hóa dân tộc. Những giá trị ngôn ngữ truyền thống, đặc biệt là ngôn ngữ dân gian luôn là tài sản quý giá của mỗi dân tộc trong bất cứ thời kì nào. Bên cạnh đó, văn học còn bảo vệ, gìn giữ và hun đúc lên một giá trị độc đáo là nhân phẩm con người, nhân cách văn hóa. Văn học có khả năng tác động, điều chỉnh hành vi của con người trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên, xã hội và với chính bản thân. Văn học góp phần cấu tạo, hoàn thiện, phát triển nhân cách con người trong tổng hòa nhân cách văn hóa dân tộc, nhân loại. Văn học không chỉ phản ánh các giá trị như đạo lí làm người, các chuẩn mực, phong tục, tập quán, tín ngưỡng… mà còn hun đúc nên các giá trị đạo lí, nâng lên tầm tư tưởng và giáo dục cho thế hệ mai sau. 1.3. Phương pháp tiếp cận văn học dưới góc nhìn văn hóa Với mối quan hệ khăng khít không thể tách rời như vậy, cho nên, nghiên cứu văn học phải luôn đặt nó trong mối quan hệ với văn hóa. Một trong những người khởi xướng cho xu hướng tiếp cận văn học bằng văn hóa là Mikhail. M. Bakhtin – Giáo sư văn học người Nga. Bakhtin quan niệm: “Trước hết khoa học nghiên cứu văn học cần
  • 16. 12 phải gắn bó chặt chẽ với văn hóa. Không thể hiểu nó ngoài cái bối cảnh nguyên vẹn của toàn bộ văn hóa một thời đại trong đó nó tồn tại. Không được tách nó khỏi các bộ phận khác của văn hóa, cũng như không được như người ta vẫn làm, và trực tiếp gắn với các nhân tố xã hội – kinh tế, vượt qua đầu văn hóa. Những nhân tố xã hội – kinh tế tác động tới toàn bộ văn hóa nói chung, và chỉ thông qua văn hóa, mới tác động được tới văn học. (M. Bakhtin, Mỹ học sáng tạo ngôn từ). Ở nước ta, không ít công trình nghiên cứu văn học đi sâu vào tìm hiểu bản sắc dân tộc trong văn học, xem bản sắc dân tộc như là phẩm chất của văn học và ngược lại, không ít những công trình nghiên cứu văn hóa xem trọng dẫn liệu văn học như những dấu hiệu, tiêu chí góp phần làm sáng tỏ đặc điểm văn hóa, bản sắc văn hóa của dân tộc. Nghiên cứu tác phẩm văn học theo quan điểm văn hóa là vận dụng những tri thức về văn hóa để nhận diện giải mã các yếu tố của thi pháp tác phẩm. Phương pháp này ưu tiên cho việc phục nguyên không gian văn hóa trong đó tác phẩm đã ra đời, xác lập sự chi phối của các quan niệm triết học, tôn giáo, đạo đức, luật pháp, chính trị, thẩm mĩ…từng tồn tại trong không gian văn hóa xác định đối với tác phẩm về các mặt xây dựng nhân vật, kết cấu, mô típ, hình tượng, ngôn ngữ. Đây thực chất là phương pháp tiếp cận liên ngành, yêu cầu vận dụng tổng hợp các tri thức về lịch sử, nhân học, tôn giáo, khảo cổ học…để làm sáng tỏ các hiện tượng thi pháp trong các tác phẩm văn học. Phương pháp tiếp cận văn hóa học lấy con người làm trung tâm để để xây dựng hệ thống vấn đề miêu tả trong tác phẩm. Con người với tư cách là thực thể văn hóa bao giờ cũng tồn tại trong ba mối quan hệ cơ bản: quan hệ với môi trường tự nhiên, quan hệ với xã hội và quan hệ với chính mình. Mặc dù là phương pháp tiếp cận văn học ra đời sau nhưng phương pháp tiếp cận văn học dưới góc nhìn văn hóa vẫn khẳng định được thế mạnh của mình. Phương pháp tiếp cận văn học dưới góc nhìn văn hóa giúp độc giả có thể hình dung được đời sống văn hóa với những phong tục, tập quán, quan niệm đạo đức, ứng xử xã hội…của một thời đại nơi mà tác phẩm được sinh ra. Hơn nữa, phương pháp tiếp cận văn hóa học giúp người thưởng thức tác phẩm văn học xác định được vị trí, vai trò của người sáng tác trong hành
  • 17. 13 trình phát triển của lịch sử văn hóa – văn học dân tộc. Không những thế, góc nhìn văn hóa sẽ khắc phục được hạn chế khám phá văn học chỉ gói gọn trong phạm vi hạn hẹp ở góc nhìn đơn lẻ, mang tính chất chuyên biệt. Cuối cùng, với cách tiếp cận văn hóa, người nghiên cứu sẽ có thể tìm kiếm những cấp độ ý nghĩa độc đáo trong quá trình giải mã các hiện tượng văn học mới mẻ, dị biệt. Tác giả Đỗ Thị Ngọc Chi trong công trình nghiên cứu của mình đã yêu cầu người nghiên cứu tác phẩm văn học dưới góc nhìn văn hóa cần phải: “1) Phải đặt văn học trong bối cảnh rộng lớn của văn hóa xã hội hoặc trong ảnh hưởng qua lại của văn học đối với các hiện tượng văn hóa khác; 2) Xem văn học là bộ phận của văn hóa thì văn bản văn học cũng là một sản phẩm văn hóa vì thế cần giải mã nó trong ngữ cảnh văn hóa; 3) Văn học là một trong những loại hình nghệ thuật có khả năng bao quát, chạm tới cái mạch ngầm sâu thẳm của đời sống văn hóa cũng như chiều sâu tư tưởng của người nghệ sĩ[10;tr17].Theo đó, phương pháp tiếp cận văn hóa học có những tiêu chí khi nghiên cứu, đánh giá một hiện tượng văn học: Thứ nhất, phải chú ý đến các quan hệ xã hội và các kiểu hình tượng xã hội trong văn học, chẳng hạn như các kiểu không gian tồn tại của con người như không gian sản xuất, không gian đấu tranh, không gian sinh hoạt, không gian xã hội mang màu sắc chính trị….; thứ hai là quan hệ của con người với thiên nhiên và các hình tượng thiên nhiên; thứ ba là quan niệm con người gắn với hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Nguyên tắc của phương pháp tiếp cận dưới góc nhìn văn hóa là không chỉ đi tìm ảnh hưởng của văn hóa đương thời đối với văn học mà còn truy nguyên đến các truyền thống xa xưa của cộng đồng. 1.4. Hành trình sáng tác của nhà văn Nguyễn Dậu 1.4.1. Tiểu sử nhà văn Nguyễn Dậu Nhà văn Nguyễn Dậu tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Song, cũng có tên là Trương Mẫn Song (vì mẹ ông họ Trương). Ông sinh ra tại Cống Xuất, khu Xi măng của thành phố Hải Phòng. Quê gốc của ông ở huyện Hoài Đức, Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội. Nguyễn Dậu có duyên với binh nghiệp. Sau khi học lớp Nhất trường Giăng Duypuy (Jean Dupuis) cũng là lúc cách mạng tháng Tám nổ ra, Nguyễn Dậu tham gia
  • 18. 14 công tác tuyên truyền ở Hải Phòng, sau đó gia nhập quân đội, học trường Thiếu sinh quân rồi phục vụ ở bộ binh, pháo binh, quân y. Sau cách mạng Trung Quốc thành công, năm 1950 được quân đội cử sang Trung Quốc học khóa đào tạo sĩ quan. Trong thời gian ở quân đội, ông từng là cán bộ quân y, cao xạ, dã pháo 105 ly. Năm 1954 về công tác tại phòng Văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục chính trị, rồi chuyển ngành lần lượt công tác ở xưởng phim, biên tập viên Nhà xuất bản phổ thông, Tòa soạn báo Văn nghệ, Sở Văn hóa Hà Nội. Với mong muốn được trải nghiệm cuộc sống theo phương châm “sống đã rồi hãy viết” (Nam Cao), Nguyễn Dậu đã dũng cảm từ bỏ cuộc sống phố phường, đưa cả vợ con theo mình về vùng than Cẩm Phả để lao động và viết văn. Vừa làm thợ cuốc than để kiếm sống, Nguyễn Dậu vừa cặm cụi ghi chép, gom nhặt các chi tiết đời sống chuẩn bị cho sự ra đời của tác phẩm. Chính nhờ có hai năm lăn lộn vất vả ở vùng than này mà Nguyễn Dậu có cảm hứng và tư liệu hiện thực để viết bộ tiểu thuyết Mở hầm - một trong những tác phẩm mở đầu của văn học ở miền Bắc trong thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dù thiên tiểu thuyết này bị phê phán nhưng Nguyễn Dậu vẫn quyết tâm theo đuổi sự nghiệp văn chương. Rời vùng than ở Quảng Ninh, Nguyễn Dậu lên vùng mỏ thiếc ở Tĩnh Túc, về Hải Phòng, vào khu 4, đến với các công trường, xưởng máy, trận địa để thâm nhập thực tế, lấy tư liệu cho sáng tác. Trong giai đoạn giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, với tinh thần xông pha của một nhà văn – chiến sĩ, Nguyễn Dậu bất chấp hiểm nguy, có mặt ở hầu khắp các vùng đất máy bay Mĩ bắn phá ác liệt như cầu Bùn, cầu Giát, phà Ghép... của vùng trọng điểm Thanh – Nghệ Tĩnh. Khát vọng sáng tác đã giúp nhà văn quên đi mọi khó khăn, nhọc nhằn của đời sống kháng chiến, cháy hết mình cho việc sống và viết. Thành quả của sự khổ luyện vất vả ấy chính là sự ra đời của các tập truyện ngắn Huệ Ngọc, Trở lại đảo (Nhà xuất bản phổ thông), Người ngoại ô (Nhà xuất bản văn học) cùng hàng trăm bài báo phản ánh thực tế chiến đấu của chiến sĩ và nhân dân nơi tuyến lửa mà nhà văn đang bám trụ. Sau năm 1975, Nguyễn Dậu lại tiếp tục cuộc phiêu lưu mới. Ông đi vào miền Nam, sang đất Campuchia rồi quay về Hà Nội. Vì cuộc sống mưu sinh vất vả, Nguyễn Dậu phải làm đủ nghề kiếm sống như bán dép, làm thợ cắt tóc ngoài vỉa hè. Tuy nhiên,
  • 19. 15 điều đáng quý là ông chưa lúc nào từ bỏ “mộng văn chương”, vẫn say mê với từng con chữ. Sau gần ba mươi năm không cầm bút, Nguyễn Dậu trở lại với văn chương bằng sự hăm hở, háo hức vẫn vẹn nguyên niềm say mê sáng tạo. Cảm hứng và sinh lực sáng tạo vẫn nảy nở căng trào giúp ông cho ra đời “những thiên truyện ngắn ám ảnh, hấp dẫn đến mức kinh điển”. Với ý tưởng mới, cách viết mới, những tập truyện ngắn của ông thời kì này đánh dấu một thời kì mới trong văn nghiệp, đưa ông vào hàng tên tuổi những nhà văn đương đại tiêu biểu. Nhìn lại cuộc đời của Nguyễn Dậu, có thể thấy, cuộc đời ông nhiều sóng gió, thăng trầm, trải qua không ít những gian truân nhưng ông vẫn luôn sống hết mình với cuộc đời, vẫn tha thiết với văn chương, nghệ thuật và cháy hết mình vì lí tưởng. Chính việc phải lăn lộn trong cuộc đời đầy những nhọc nhằn đã giúp cho những trang viết của ông luôn chân thực, sống động, tươi mới mang hơi thở của cuộc sống đời thường nhiều buồn vui lẫn lộn. Với một nền tảng học vấn vững vàng của cả Tây học và Hán học, kết hợp với những trải nghiệm trong cuộc sống, Nguyễn Dậu tạo nên được một phong cách riêng biệt trong văn chương, ghi một dấu ấn không thể phai mờ trong văn học Việt Nam hiện đại. Ông được ghi tên trong Từ điển văn học Việt Nam (bộ mới) do Nhà xuất bản Thế Giới ban hành năm 2005. 1.4.2. Hành trình sáng tác Nhà văn Nguyễn Dậu ra nhập làng văn vào năm 1955 với tiểu thuyết đầu tay Nữ du kích Cam Lộ. Năm 1961, ông trở nên nổi tiếng, được nhiều người biết đến, trở thành hiện tượng của văn đàn lúc ấy với tiểu thuyết Mở hầm. Với bút lực dồi dào, chỉ trong một thời gian ngắn sau đó, Nguyễn Dậu xuất bản hàng loạt tập truyện ngắn và tiểu thuyết trình làng. Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Dậu nhìn tổng quát có thể chia làm hai chặng đường. Chặng thứ nhất, từ năm 1955 đến năm 1962, khép lại với sự kiện tiểu thuyết Mở hầm. Các tác phẩm tiêu biểu trong giai đoạn này là tiểu thuyết Đôi bờ (Nxb Thanh niên, 1958), Mở hầm (Nxb Thanh niên, 1961), Vòm trời Tĩnh Túc (Nxb Lao Động, 1963); các tập truyện ngắn: Ánh đèn trong lò (Nxb Văn học, 1961), Huệ Ngọc (Nxb Văn học
  • 20. 16 1962)... Các tác phẩm này đều ra đời trong cái lấm lem than bụi ở các nhà máy, hầm mỏ, công trường mà nhà văn đã sống và làm việc nên đều ngồn ngộn các chi tiết của đời sống thực tế, giàu giá trị hiện thực. Chặng đường thứ hai là những sáng tác viết ra sau thời kì Đổi mới. Giai đoạn này, ông viết khỏe, viết đều và còn viết rất nhanh. Ông trở lại văn đàn với bút lực dồi dào lạ thường. Về điều này, nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình có lần đã biểu dương Nguyễn Dậu, với những nhận định, đánh giá đầy yêu mến và trân trọng về văn chương ông: “Bút lực của nhà văn có tuổi này là dường như còn rất dồi dào. Dồi dào không phải chỉ ở chỗ viết khỏe, in đều mà cái chính là ở văn phong, ở lối nhìn, cách nghĩ, ở cả phía khai thác đề tài, đối tượng miêu tả” [9]. Chỉ trong gần chục năm cuối của thế kỉ trước, Nguyễn Dậu đã cho ra đời hàng loạt những tập truyện ngắn: Con thú bị ruồng bỏ (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1988), Rùa hồ Gươm ( Nhà xuất bản Hà Nội, 1990, Hương khói lòng ai (Nhà xuất bản Văn học, 1994), Đôi hoa tai lóng lánh (Nhà xuất bản Văn học, 1995), Phật tại tâm (Nhà xuất bản Văn học, 1995), Bảng lảng hoàng hôn (Nhà xuất bản Văn học, 1997)... Tác phẩm của ông thời kì này phản ánh những vui buồn của kiếp người với biết bao chiêm nghiệm của chính ông trong suốt một cuộc đời đầy nhọc nhằn, sóng gió. Ông viết về niềm vui và nỗi đau đớn của một con chó săn của một ông tướng; ông viết về nỗi lo âu, xót xa của những con rùa ở Hồ Gươm; con người trong sáng tác của ông đều là những người ở dưới đáy của xã hội bị sóng gió cuộc đời vùi dập, sống không địa vị, không danh phận nhưng luôn luôn phải vật lộn để giữ phần nhân tính và thiện căn của mình. Ông cũng đi sâu khai thác những tâm tư, tình cảm uẩn khúc, éo le của con người mà thời điểm ấy người ta ngại đề cập với một cái nhìn đôn hậu, chan chứa yêu thương. Văn phong của ông giai đoạn này sâu lắng trong suy tư, trầm tĩnh, hồn hậu trong cảm xúc với biết bao nhiêu chiêm nghiệm từng trải trong cuộc đời. Nhà phê bình văn học Ngô Vĩnh Bình nhận xét: “đọc truyện ngắn Nguyễn Dậu chúng ta chẳng thấy những điều triết lý to tát mà dường như chúng ta luôn nhận được những bài học về cuộc sống lăn lóc đầy khổ đau của con người trong thế giới người. Và đọc ông, mỗi người thấy yêu thêm đồng loại, thấy tin tưởng ở sức mạnh tiềm ẩn cũng như sự trong sáng vốn
  • 21. 17 có của chính mình để vượt qua thử thách, để hướng tới ánh sáng ngay cả khi ở trong những góc tối tăm nhất” [9]. Nhận định về sáng tác của Nguyễn Dậu, tác giả Anh Chi trong bài viết Nhà văn Nguyễn Dậu đã nhận xét: ở trong giai đoạn sáng tác thứ nhất: “Nguyễn Dậu lăn xả vào thực tế lao động ở các hầm mỏ; và với sức trẻ, ông viết say mê, gấp gáp. Văn ông giai đoạn đó ngồn ngọn sức sống, sự tươi nguyên nên có thể bị coi là tự nhiên chủ nghĩa”. Với giai đoạn sáng tác thứ hai: “Văn ông giai đoạn này vững vàng về bố cục, mạnh bao trong suy tư, sắc sảo trong mô tả và đặc biệt là sâu lắng trong xúc cảm”. Nguyễn Dậu là người nghệ sĩ đa tài. Không chỉ viết văn, ông còn sáng tác thơ ca, tấu hài, kịch, chèo. Ngoài ra, với sự thông thạo Pháp văn, Trung văn, ông còn là tác giả của nhiều ấn phẩm dịch thuật:Tất cả hiến dâng Đảng (1954); Người bí thư xã (1956); Ngôi sao đỏ Đổng Tồn Thụy (1958); Anh hùng chiến đấu Triều Tiên (1958); Tống Nhạc Phi (1959); Niềm hy vọng hòa bình (1961); Cuốn sách thấy ở Thuận Xuyên (1962). Nguyễn Dậu còn dịch một số truyện Việt Nam sang Trung văn như Má Năm (Nguyễn Văn Thông); Ông Năm Hạng (Nguyễn Quang Sáng); Huệ Ngọc (Nguyễn Dậu) đều do nhà xuất bản Bắc Kinh ấn hành năm 1963. Có thể thấy, với sự cần cù, miệt mài và một ý thức đầy tinh thần trách nhiệm của người cầm bút, Nguyễn Dậu xứng đáng là một nhà văn tiêu biểu trong dòng văn học đương đại. Ông nhận được sự yêu mến, nể phục của không ít bạn bè đồng nghiệp. Họ đều dùng những lời lẽ đầy trân trọng và đánh giá cao tài năng nghệ thuật cũng như nhân cách của Nguyễn Dậu. Tác giả Nguyễn Đình Thi khẳng định: “Nguyễn Dậu là một cây bút sắc sảo và bạo dạn”. Tác giả Ngô Vĩnh Bình lại có một so sánh xác đáng: “Nếu có thể ví văn đàn với bóng đá thì nhà văn Nguyễn Dậu là cầu thủ hiệp một đá khá xuất sắc, hiệp hai bị treo giò, vào đá hai hiệp phụ lại ghi được những bàn thắng đẹp mắt làm mọi người hân hoan và sửng sốt”. Tác giả Bảo Vũ lại so sánh Nguyễn Dậu như một nhà tu khổ hạnh mà vô cùng đáng trọng: “Nói đến sự nể phục với một nhà văn là không cần thiết. Anh ta đi ngang qua cõi đời này với sứ mệnh của nhà truyền giáo. Đó là công việc khuyến thiện và tôn vinh con người. Trong giáo phái, có thể anh ta chỉ ở đẳng cấp thấp;
  • 22. 18 nhưng những gì người thầy tu khổ hạnh ấy để lại cho đời, dù chỉ là một dấu vết mờ nhạt thôi, cũng đủ để người ta cúi mình trước nấm mồ của anh”. Nhà nghiên cứu Lê Thi Dục Tú trong bài viết “Đội ngũ các nhà văn Việt Nam viết truyện ngắn đương đại” in trên báo Văn nghệ quân đội số ra ngày 8/11/2012, nhà văn Nguyễn Dậu được đặt bên cạnh những cây bút quen thuộc Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Xuân Thiều, Đỗ Chu. Theo đó, Nguyễn Dậu là một trong những nhà văn gạo cội, kịp đổi mới ngòi bút để phù hợp với những chuyển biến của thời cuộc. Tiểu kết chương Văn hóa là sản phẩm của con người, văn hóa được tạo ra và phát triển trong quan hệ qua lại giữa con người và xã hội. Văn hóa và văn học có mối quan hệ hữu cơ mật thiết. Việc nghiên cứu văn học dưới góc nhìn văn hóa là một hướng đi cần thiết và có triển vọng. Cách tiếp cận này giúp chúng ta lí giải trọn vẹn hơn tác phẩm nghệ thuật, cắt nghĩa một cách rõ ràng hơn những phương diện nội dung và hình thức của tác phẩm, cũng như góp phần lí giải thị hiếu của độc giả, tâm lí sáng tác và những đóng góp của nhà văn với nền văn học. Nguyễn Dậu đã sống và viết với tất cả niềm say mê và sự nhiệt huyết, sôi nổi, vô tư của một nhà văn – người trí thức – người lính trong những năm tháng nhọc nhằn mà vĩ đại của lịch sử dân tộc từ ngày Cách mạng tháng Tám bùng nổ cho đến thời kì sau Đổi mới. Với gần năm mươi năm cầm bút, dẫu không liên tục nhưng Nguyễn Dậu đã để lại một sự nghiệp nghệ thuật đa dạng từ tiểu thuyết, truyện ngắn cho đến thơ ca, tấu hài, kịch, chèo và dịch thuật. Ông đã góp phần làm nên những thành tựu rực rỡ của văn học nước nhà. Bạn bè, đồng nghiệp và độc giả yêu mến và trân trọng ông không chỉ bởi tài năng nghệ thuật mà còn bởi nhân cách lớn của một sống hết mình vì lí tưởng, vì cuộc đời và vì những người thân yêu. Việc tìm hiểu, nghiên cứu giá trị tác phẩm của Nguyễn Dậu là trách nhiệm của thế hệ sau để phát hiện và tôn vinh những đóng góp mà ông để lại cho văn học nói riêng và cuộc đời nói chung.
  • 23. 19 Chương 2 CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN DẬU 2.1. Con người – đối tượng thẩm mĩ mang dấu ấn văn hóa Con người là nhân tố quan trọng nhất của văn hóa. Con người tạo ra văn hóa và đồng thời là một phần của văn hóa, chịu sự ràng buộc của văn hóa. Qua ngôn ngữ, cử chỉ, thói quen sinh hoạt vật chất, tinh thần của con người có thể nhận diện được tín hiệu, đặc trưng văn hóa của dân tộc đó. Vì thế, văn hóa và con người có mối quan hệ bền chặt, tác động và chi phối lẫn nhau, biểu thị mối quan hệ giữa cái chung với cái riêng, cá nhân với cộng đồng. Trong sự phát triển của văn hóa, con người thể hiện hai chức năng: vừa là đối tượng vừa là chủ thể văn hóa. Hay nói cách khác, con người vừa là chủ thể sáng tạo văn hóa vừa là khách thể văn hóa, lưu giữ những giá trị truyền thống xa xưa để lại. Bàn về hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam truyền thống, nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) nhấn mạnh: “Những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống...” (Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, dangcongsan.vn). Đặc tính văn hóa dân tộc đã được các nhà nghiên cứu văn hóa, như: Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Trần Trọng Kim, Phan Kế Bính... nhận diện qua tâm lý, tính cách, phẩm chất con người trong mối tương tác với môi trường tự nhiên, điều kiện địa lý, hoàn cảnh lịch sử. Cũng theo các nhà nghiên cứu, hệ giá trị văn hóa của con người Việt Nam gồm có những phẩm chất, tính cách như có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo; có ý thức tôn trọng pháp luật, hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử,
  • 24. 20 văn hóa dân tộc.; có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ; có lối sống mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ môi trường; kết hợp hài hòa tính tích cực cá nhân và tính tích cực xã hội; đề cao trách nhiệm cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội; khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn… (http://lyluanchinhtri.vn) Nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu là đối tượng thẩm mĩ mang dấu ấn văn hóa được nhà văn xây dựng theo những chuẩn mực hệ giá trị văn hóa dân tộc, thể hiện những phẩm chất và cốt cách văn hóa như lối ứng xử nghĩa tình, sự bao dung, rộng lượng, vị tha; lối sống trọng danh dự; yêu mến và trân trọng với những giá trị văn hóa; tình yêu và trách nhiệm với quê hương, đất nước... Soi chiếu nhân vật dưới góc nhìn văn hóa, nhà văn xây dựng nhân vật trên hai phương diện: những con người chuẩn mực theo hệ giá trị văn hóa dân tộc, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa và con người tha hóa, đánh mất nhân phẩm và phá hủy những giá trị văn hóa dân tộc. 2.1.1. Mẫu nhân vật chuẩn mực theo hệ giá trị văn hóa Là một người từng bôn ba đây đó, trải nghiệm lăn lộn trong nhiều môi trường sống khác nhau nên những truyện ngắn của Nguyễn Dậu phản ánh cuộc sống, lối ứng xử của nhiều tầng lớp, giai cấp khác nhau: từ những người lao động cho tới người trí thức; từ những anh lính giải ngũ cho đến các nhà văn, họa sĩ; từ những ni cô, nhà sư, bác phó cạo cho đến những quan chức có thế lực; từ những người phụ nữ bình dân cho đến những người phụ nữ quý phái, có học thức... Họ đều là những người có lối sống và ứng xử đẹp theo chuẩn mực giá trị văn hóa dân tộc. Tựu chung lại, có thể thấy nhân vật của Nguyễn Dậu tập trung vào ba kiểu nhân vật: người lính đã giải ngũ, người nghệ sĩ và người trí thức. 2.1.1.1. Mẫu nhân vật là những người lính đã giải ngũ Trong sáng tác của mình, Nguyễn Dậu dành nhiều tình cảm yêu mến, sự trân trọng và ngưỡng mộ với những người lính trở về từ quân ngũ. Họ không chỉ là những người sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự, mà khi trở về cuộc sống đời thường, vẫn
  • 25. 21 nêu cao tấm gương sống đẹp, giàu tình yêu thương, vị tha, thủy chung, yêu mến những giá trị văn hóa cổ xưa và đầy tinh thần trách nhiệm với quê hương, đất nước. Truyện ngắn Hương khói lòng ai viết về người thiếu tướng Đoàn Văn Mãi. Ông là hiện thân cho vẻ đẹp của lớp người lính già trong cuộc sống đời thường. Không chỉ đẹp ở vẻ ngoài tráng kiện mà ông còn có một tâm hồn đôn hậu, bao dung, giàu lòng trắc ẩn. Hơn hai mươi năm sống trong một ngôi biệt thự của một gia đình chí sĩ tản cư, được nhà nước cấp, mặc dù bị bạn bè và vợ con cho là gàn dở, cổ lỗ hay giễu cợt và chê bai nhưng thiếu tướng vẫn cương quyết giữ lại những thứ cũ kĩ trong ngôi nhà như cái án thư, cỗ tràng kỉ, những câu đối, tủ chè, sập gụ cho đến cả cái hương án tổ tiên. Trong khi những người bạn ngang cấp của ông cho rằng những câu đối chữ nho treo đầy các cột là quá “cổ lỗ sĩ”, đáng “vứt! vứt tất” thì thiếu tướng vẫn một mực khẳng định giá trị bất biến của chúng: “Những câu đối ấy đều viết về tổ tiên phúc đức, con hiền cháu thảo cả. Cái giáo huấn ấy thì đến muôn đời sau vẫn chẳng bao giờ cũ”. Điều kì lạ hơn là ông còn thờ cúng cả ảnh của một bà cụ già mà ông đoán là mẹ già hoặc bà cụ tổ của cái gia đình tản cư kia. Những ngày rằm và mùng một, ông vẫn thắp và cắm lên bát nhang ba nén hương cùng với một đĩa hoa thơm. Ông giải thích một cách hồn hậu: “Để một vong hồn hương lạnh khói tàn là không nên. Vả lại, tôi tự coi bà cụ kia như một người cô, người mẹ của mình. Sau này do sự tấn công mãnh liệt của đàn con “trẻ trung và tràn đầy phong cách hiện đại”, ông cũng dần dần nhượng bộ để cho chúng thu hẹp vườn hoa, phá cái cổng được xây theo lối “tiền viên hậu sảnh”, kiêng những án thư, bàn ghế cũ lên trên gác.Tuy vậy, ông vẫn kiên quyết không cho chúng đụng đến hương án có thờ hình ảnh bà lão cố tổ và không cho xê dịch và hủy bỏ mấy chậu hoa có trồng những cây lưu niên, sần sùi, uốn khúc rồng rắn mà chỉ riêng ông mới hiểu được những “thế” của chúng. Nếu như những người lính già như thiếu tướng Đoàn Văn Mãi là người biết trân trọng những di sản văn hóa cổ truyền và có một đời sống tâm linh sâu sắc thì thế hệ những người lính trẻ trong sáng tác của nhà văn Nguyễn Dậu lại là những người rất trẻ
  • 26. 22 trung, có tri thức sâu rộng, lí tưởng cao đẹp, năng nổ, nhiệt huyết, ra sức đem tài chí của mình làm giàu đẹp cho quê hương. Nhân vật người đại úy trong truyện ngắn Hồn biển quê hương là một chàng trai giàu tri thức văn hóa và có lí tưởng cao đẹp. Anh say mê từng trang văn trong tiểu thuyết Những người khốn khổ của đại văn hào Victo – Huygo. Anh cũng yêu mến, trân trọng và nâng niu vẻ đẹp dân dã, mộc mạc mà thiêng liêng của thôn quê: “những chiếc bánh bèo, miếng cùi dừa, bánh đa kê, nồi khoai sọ chám mật, chiếc lược gẫy răng của chị gái, sợi xà – tích nối truyền nhiều đời của mẹ, mảnh yếm hoa hiên của bà, lưng trâu và vạt cỏ ven đê, cô Tấm với hoàng tử, tiếng hát chèo ở sân đình, con trâu lá đa và mùi cà cuống nướng”. Tình yêu ấy đã trở thành động lực để anh “đã đổ máu để bảo vệ hải đảo. Mai kia còn có thể đổ máu, thậm chí hi sinh”. Chính sự nhiệt huyết cống hiến của anh đã làm thay đổi suy nghĩ của người con gái tên Lý - một nữ kĩ sư cơ khí giỏi đang định mang con chạy trốn sang nước ngoài vì cảm thấy nhục nhã do bị một gã Sở Khanh lừa gạt. Anh đã khuyên cô gái phải ở lại đất nước, phải dũng cảm đối mặt với sự thật, phải chiến đấu với mọi điều tồi tệ để trụ vững. Lời khuyên của anh với cô gái thật chân thành, rộng lượng và cao cả: “Em hãy đứng cao hơn mọi lỗi lầm của chính mình. Em hãy tha thứ cho em, tha thứ cho kẻ gây ra sự tồi tệ, tha thứ tất cả. Nghĩa là em hãy quên đi mọi sự phiền lòng. Em chỉ còn nhớ đến đất nước và nhân dân còn nhiều đau khổ gian truân, rồi làm việc là đủ”. Nhân vật Toàn trong truyện Gió sông thổi tạt cánh chim đang là một thầy giáo dạy tiểu học nhưng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đã khoác ba lô, đeo cây súng lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Khi là một thầy giáo, Toàn là một “người thầy hiền hậu, giảng dạy tận tình, tính tình khoáng đạt không thiên vị trìu mến hoặc trù úm học sinh nào; thậm chí, mỗi tháng Toàn còn trích một phần lương ít ỏi của giáo viên để giúp cho các em nghèo thiếu”. Khi ở trong quân ngũ, anh là một chiến sĩ pháo binh, chuyên phụ trách các máy quan trắc và tính toán các thông số phát xạ, các tọa độ của pháo binh địch để về huấn luyện cho các chiến sĩ khác. Chỉ sau sáu năm cống hiến hết mình cho quân đội, Toàn đã lên tới cấp hàm đại úy. Khi ra quân, anh trở lại quê
  • 27. 23 hương, tình nguyện nộp đơn xin dạy học tại trường cũ khiến ông trưởng phòng giáo dục huyện không khỏi kinh ngạc: “Bây gờ người ta bỏ đi làm kinh tế hết, thế mà anh lại yêu nghề “bán cháo phổi”. Anh làm tôi sung sướng quá!”. Toàn được cấp trên giao cho đảm nhiệm chức hiệu trưởng của trường tiểu học tại quê nhà. Với lòng nhiệt tình cộng thêm với sự siêng năng, chăm chỉ, Toàn ngày đêm tận tụy hết lòng với công việc trường lớp. Không chỉ làm tốt công việc cấp trên giao cho như xây lại trường lớp, đóng sửa bàn ghế, phân công chủ nhiệm các lớp, chấn chỉnh đội ngũ giáo viên, anh còn lặn lội lên tận Sở và Bộ kiến nghị tăng lương cho giáo viên. Thêm nữa, Toàn còn vạch ra một kế hoạch “làm kinh tế”: khoét sâu, khơi rộng và dọn sạch những rãnh lớn bao quanh trường học để thả cá; nhận đấu thầu đất để làm lò gạch. Thu nhập thêm từ những hoạt động ấy, Toàn dùng để nâng lương cho giáo viên, xây dựng và tôn tạo thêm các lớp học. Những hoạt động của Toàn đã đem lại sự giàu đẹp cho trường lớp quê hương. Anh trở nên nổi tiếng, được báo đài, ti vi, điện ảnh tìm tới để viết bài tôn vinh. Nhưng Toàn không đi đâu, đùn đẩy cho hai chị hiệu phó đi thay mà vẫn là chỉ một người “khiêm nhường như một anh bộ đội đích thực còn tại ngũ”. Nhân vật Toàn chính là hình ảnh kiểu mẫu của những chàng trai thời đại mới, rất năng nổ, nhiệt huyết, cần cù sáng tạo trong lao động mà vẫn rất giản dị, khiêm nhường. Không chỉ có suy nghĩ và hành động đẹp vì quê hương, đất nước, trong đời sống riêng tư, những người lính là những con người có nghị lực phi thường, sống giản dị, lương thiện, có một lối ứng xử bao dung, vị tha, tràn đầy tình thương. Nhân vật anh đại úy trong truyện ngắn Hồn biển quê hương biết đứng trêních kỉ cá nhân của mộtchàng trai thanh tân để đón nhận người phụ nữ đã có con. Với hành động cao cả ấy, anh không chỉ có được hạnh phúc của riêng mình theo “trái tim mách bảo” mà cò giữ lại một nữ kĩ sư cơ khí giỏi để phục vụ đất nước. Cũng vị tha, nhân hậu như thế, thầy giáo Toàn trong truyện ngắn Gió sông thổi tạt cánh chimlà một chàng trai ba mươi “giỏi giang, mạnh mẽ, lừng lẫy tiếng tăm” “chỉ khua tay trái cũng vớ được hàng tá con gái lành lặn, tốt đẹp” nhưng Toàn lại cứ đắm đuối mãi với Thảo – cô người yêu cũ đã bị tàn phế liệt cả hai chân. Anh không hề trách móc, oán hận Thảo về việc không giữ
  • 28. 24 lời thề năm xưa, định lấy tên Đãng – chủ tiệm vàng trên phố. Anh càng yêu thương và quyết tâm đến với Thảo hơn khi cô ấy vì bị liệt hai chân mà bị tên Đãng bỏ rơi. Bất chấp mọi sự ngăn cản của gia đình, Toàn vẫn một mực khẳng định tình yêu mãnh liệt, thủy chung, duy nhất với Thảo: “Thảo! Nghe anh nói đây! Em hãy bố trí một vạn quả mìn và một trăm khẩu liên thanh để ngăn cản anh, anh vẫn sẽ băng đến cùng em, em rõ chưa? Chỉ có một điều duy nhất là chúng ta sẽ phải nên vợ nên chồng, thế thôi!”. Những người lính không chỉ sắt đá, kiên cường khi ở nơi chiến trường mà còn rất say đắm, thủy chung trong tình yêu. Nhân vật cả Sẹo trong truyện Đôi hoa tai lóng lánh tên là Nguyễn Đức Tích, từng là một chiến sĩ đặc công có giấy xuất ngũ sau khi bị thương tích nặng nề ở Quảng Trị. Đòn roi tra tấn khủng khiếp của kẻ thù không làm anh gục ngã. Khi mang tấm thân tàn phế trở lại quê hương thì cả gia đình cùng ngôi nhà thân yêu đã bị bom mĩ phá hủy san bằng. “Anh đau đớn nhưng ngạo nghễ đứng vững, và bằng một cái chân thọt, một cái lưng gù, anh dựng lại nhà cửa, vườn tược”. Anh đã chiến thắng thần chết, chiến thắng chiến tranh, chiến thắng rủi ro, song lại hoàn toàn ngã gục khi Thanh Luân - người yêu anh đi lấy chồng. Để chạy trốn những đau khổ giày vò, anh đã bỏ làng đến nhà bia sinh – nơi trú ngụ của những người vô gia cư để sống. Dù có lúc được những kẻ giang hồ tôn lên làm “băng trưởng” nhưng anh không làm, sống lương thiện bằng nghề khắc bút và mò cá và không làm hại ai. Cả khi đau buồn mà uống rượu say, anh cũng không bao giờ tỏ vẻ bét nhè, hung hãn gây gổ ở ngoài đường. Khi tình cờ gặp lại con gái Thanh Luân và biết nó mang tên giống anh – Nguyễn Thị Đức Tích thì anh vô cùng xúc động. Anh đau khổ khi biết người yêu cũ của mình sống không hạnh phúc. Anh đã dành toàn bộ sức lực còn lại của cuộc đời mình, bất chấp ngày nắng nóng hay rét mướt, miệt mài bắt cá để đổi được lấy bông hoa tai tặng cho cô bé để cô mang về tặng lại mẹ. Có thể nói, những người chiến sĩ như Toàn hay Cả Sẹo đều là những con người sống đẹp hết mình vì quê hương, đất nước và sẵn sàng hi sinh vì người mình yêu thương. Không chỉ hi sinh vì người mình yêu, những người chiến sĩ còn sẵn lòng gánh vác trách nhiệm vì đồng đội của mình. Đó là người chiến sĩ Lê Đình Lượng trong
  • 29. 25 truyện ngắn “Duyên lạ”. Lượng vốn là một chàng trai Hà Thành đẹp trai, lãng mạn, đang học dở năm thứ hai khoa Văn thì có giấy gọi nhập ngũ. Từng phải đối mặt với đau thương khủng khiếp khi khi mất sạch cả một gia đình lớn bởi một trận bom hủy diệt B52 nhưng Lượng vẫn có những suy nghĩ thật cao thượng về chiến tranh: “Chiến đấu và biệt ly có phải chỉ cướp sạch mọi thứ thôi đâu. Nó cho chúng ta nhiều thứ đấy chứ. Nó cướp đi hạnh phúc, máu đàn ông, nước mắt đàn bà, đôi khi cả sinh mệnh. Nhưng nó cho cũng nhiều em ạ. Nó cho niềm tự hào dân tộc, nó cho ta ý chí và nghị lực, nó cho ta sự tôi luyện và trưởng thành, nó cho ta sự đẹp đẽ cả thể xác lẫn linh hồn”. Dù đã quyết tâm suốt đời theo nghiệp binh nhưng anh không thể cưỡng lại khi một mối “duyên lạ” ập đến. Khi ở chiến trường, anh bất ngờ khi người C trưởng tên là Phạm Khắc Lương giống mình như hai giọt nước. Hai người gắn bó với nhau như anh em ruột thịt. Nhưng do một tai nạn, Phạm Khắc Lương không qua khỏi. Trước khi nhắm mắt, Phạm Khắc Lương nhờ Lê Đình Lương thay mình làm con trai thực sự suốt đời của bố mẹ anh và làm chồng của Ngát – vợ anh. Nhận lời trăng trối thiêng liêng của đồng đội, sau chiến tranh, Lê Đình Lương đã trở về quê hương của Phạm Khắc Lượng để làm tròn bổn phận của một người con, một người chồng. Như vậy, những người chiến sĩ trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu không chỉ là những người có suy nghĩ đẹp mà còn có hành động cao thượng, luôn hết lòng vì quê hương, đất nước, gia đình, những người yêu, và đồng đội. 2.1.1.2. Mẫu nhân vật là những người nghệ sĩ Ở bất cứ thời đại nào, người nghệ sĩ chân chính luôn là người kết tinh tinh hoa văn hóa của dân tộc. Ở họ không chỉ có niềm đam mê và tài năng trong nghệ thuật mà còn có nhân cách của người nghệ sĩ đích thực: phải biết đam mê sáng tạo cái đẹp để cống hiến cho cuộc đời, phải dũng cảm đấu tranh cho lẽ phải, cho cái thiện, phải luôn hết lòng vì con người, vì cuộc đời. Trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu, mẫu nhân vật là nghệ sĩ rất đa dạng. Đó có thể là người có năng khiếu nghệ thuật như nhà văn, nhà thơ, họa sĩ… hoặc có thể là những người không có tài năng nhưng lại có tâm hồn nghệ sĩ, biết đam mê cái đẹp và
  • 30. 26 kính mến cái tài. Nhân vật nghệ sĩ xuất hiện trong nhiều truyện ngắn: Mỗi cuộc đời một thoáng chốc, Màu xanh từ những màu lam, Phong lan đen, Mật rắn, Gió núi mây ngàn, Muôn nẻo xe lăn…Họ có đặc điểm chung là những người đam mê cái đẹp, sẵn sàng xả thân hết mình vì nghệ thuật, có tâm hồn giàu lòng trắc ẩn, luôn trăn trở trước cuộc sống và số phận con người, sống đôn hậu, yêu thương con người. Nhân vật ông họa sĩ già trong truyện Muôn nẻo xe lăn từng có một ước mơ đẹp thời tuổi trẻ “một chiếc xe lăn do ngựa kéo, ở trong đó có cả một xưởng vẽ và một cô vợ yêu chồng, để anh đi khắp chân trời góc bể”. Về già, ông chưa thực hiện được trọn vẹn ước mơ của mình vì có một cuộc đời riêng lận đận. Tuy nhiên, ông vẫn say mê vẽ và có ít nhiều thành tựu trong hội họa. Ông là hiện thân cho những con người “sinh ra để dấn thân cho cuộc sống, cho nghệ thuật, cho cái đẹp, cho yêu đương, cho khổ đau, không hề run sợ trước mọi điều ác, cũng không hề mỏi tay trước mọi điều thiện”. Nguyễn Dậu đã ghi lại một khoảnh khắc đời sống để cho thấy vẻ đẹp tâm hồn của người họa sĩ này. Đó là những ngày ông họa sĩ say sưa ở một quán cơm chỉ để vẽ đi vẽ lại khuôn mặt của một bà có cái búi tóc theo kiểu búi tó. Dường như, trong nghề hội họa cũng như trong nghệ thuật, không có giới hạn cho sự thành công viên mãn của một tác phẩm nghệ thuật nên “riêng khuôn mặt của bà búi tó thì họa sĩ vẽ đi vẽ lại đến hàng trăm lần, hết vẽ lại xé, xé xong lại vẽ với niềm trân trọng và say mê tưởng chừng không biết thế nào là cạn kiệt”. Nhà họa sĩ giải thích về việc làm của mình “nghề nghiệp của chúng tôi là cần có nhiều kí họa. Từ hàng ngàn kí họa, chúng tôi sẽ chưng cất lấy một hai bức họa nào đó rồi đặt nó trước mắt người đời”. Qua tâm sự của họa sĩ, có thể nhận thấy, nghệ thuật không chỉ đòi hỏi sự say mê mà vẫn cần một thái độ làm việc nghiêm túc, một sự kiên trì, nỗ lực trong lao động sáng tạo. Giữa vô số những khách hàng ngày nào cũng qua lại quán cơm, ông họa sĩ chỉ say mê vẽ bà búi tó. Đó là một phụ nữ nhìn bề ngoài rất hiền hậu, trang nhã nhưng ẩn đằng sau đó là một số phận bi kịch khi phải sống với một lão chồng làm xếp nhưng gia trưởng. Ngày nào bà cũng ra quán cơm ngồi rất lâu vì không muốn trở về ngôi nhà mà bà coi như “một phòng giam nhỏ với một ông cai tù nghiệt ngã”. Rõ ràng, người họa sĩ vẽ đi vẽ lại khuôn mặt bà búi
  • 31. 27 tó vì chỉ trên khuôn mặt ấy thôi cũng phản ánh giông bão một đời người. Nghệ thuật là như vậy, luôn vì cuộc đời và vì con người. Những trang viết của Nguyễn Dậu luôn tràn đầy tinh thần nhân văn là vì thế. Nhân vật nghệ sĩ trong sáng tác của Nguyễn Dậu không chỉ sáng tạo nghệ thuật mà luôn dấn thân vào cuộc đời, sống cùng cuộc đời với biết bao chuyện vui buồn và luôn tác động tích cực tới những người xung quanh bằng chính nhân cách cao đẹp của mình. Đó là hình ảnh các nhà văn trong các truyện ngắn Phong lan đen, Mật rắn, Gió núi mây ngàn. Trong các truyện ngắn này, nhà văn thường để cho người kể chuyện xuất hiện ở ngôi thứ nhất, vừa là một nhà văn nhưng đồng thời là một bác phó cạo hoặc một cán bộ đường sắt. Người kể chuyện ở ngôi thứ nhất, mang bóng dáng của chính tác giả, được xây dựng để gửi gắm những suy nghĩ về con người và cuộc đời. Nhân vật nhà văn xuất hiện trong ngôi kể thứ nhất trong truyện Phong lan đen luôn day dứt trăn trở về một cô gái tên Nhược Lan “một cô gái mười tám mà có hai bộ mặt”. Cô ấy vừa nhút nhát hiền hậu như một khuê nữ cao quý nhất trần gian, “có kiến thức sâu rộng, sách vở nào cũng thông, sự kiện nào cũng hiểu, lại rất mực xinh xắn và hiền thục” vừa là một Lan “lột”, “một nữ chúa quỷ quyệt” chỉ huy vạch kế hoạch, điều khiển bọn côn đồ bụi đời quanh Hồ Gươm. Sau này, chính nhân vật “tôi” đã khuyên Thanh Tâm, người yêu của Nhược Lan phải biết dùng tình yêu để cảm hóa cô gái ấy: “Tôi khẳng định rằng chỉ có cậu, cô ấy sẽ trở nên lương thiện. Vì sao ấy à, vì cô ấy yêu cậu. Khi yêu người ta trở nên tốt đẹp hơn hoặc cố gắng trở thành người tốt đep hơn”. “Này, yêu nữa đi. Yêu nhiều nữa. Cậu sẽ có một cô vợ tốt, xã hội sẽ có một công dân tốt. Con người, ai cũng muốn vươn lên, muốn có tình yêu thương cụ thể, chứ không cần những lời ba oa, rỗng tuếch!”. Rõ ràng, qua việc xây dựng nhân vật, Nguyễn Dậu gửi gắm niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của tình yêu, niềm tin vào bản tính tốt đẹp của con người. Tất cả những điều ấy chỉ có được khi con người ta luôn biết đặt tình yêu, sự cao thượng, lòng nhân hậu, vị tha lên trên hết trong ứng xử giữa con người với con người.
  • 32. 28 Điều đặc biệt của Nguyễn Dậu khi xây dựng kiểu nhân vật nghệ sĩ là nhà văn không chú trọng nhấn mạnh đến tài năng của người nghệ sĩ. Tác giả chủ yếu quan tâm đến cách ứng xử phóng khoáng, nhân hậu, đầy ân tình của những con người không có tài năng nghệ thuật nhưng lại có thể phát hiện ra cái tài; yêu mến, trân trọng cái tài, cái đẹp; tìm mọi cách để khích lệ, động viên nghệ sĩ sáng tác; làm nảy nở, thăng hoa cảm hứng sáng tạo trong những người nghệ sĩ. Truyện ngắn Ngày mai nở rộ một nhành mai như cái tên của chính nó, nói về việc phát hiện và ươm mầm cho một tài năng ca hát thiên bẩm. Cái Lã là một đứa trẻ mồ côi bán bánh ở hồ Gươm. Hàng ngày nó đi cất bánh về rồi đi rao bán. Tiếng rao của nó ban đầu khô, cứng, vô hồn, dần dà trở nên êm ấm hơn, vang vọng hơn, thậm chí luyến láy du dương hơn. Bản thân nó không hề biết rằng nó được trời phú cho một giọng hát vô giá, cho đến khi nó gặp một ông khách mà nó gọi là ông nhạc sĩ. Ban đầu, ông nhạc sĩ ấy đã chấp nhận trả gấp đôi tiền bánh với điều kiện cái Lã phải rao bán bánh cho ông nghe mười lần. Nghe xong, ông khách ấy đã rất xúc động, rút khăn chấm nước mắt và dặn nó phải thường xuyên tập hát. Điều khiến ông kinh ngạc là một đứa trẻ lang thang như cái Lã lại có « năng khiếu thẩm âm và phát âm chuẩn xác tuyệt vời ». Sự thực thì ông nhạc sĩ không biết rằng dù sống vất vưởng đầu đường xó chợ nhưng cái Lã lại được sống trong tình yêu thương, đùm bọc và dạy dỗ của những người có tài năng nghệ thuật. Đó là một chú Lê mù chuyên nghề bán sáo trúc ở gốc đa đền Bà Kiệu : « Chú Lê ngày đêm thổi sáo và hát. Tiếng sáo của chú Lâm ly, réo rắt, tiếng hát của chú lại càng trầm ấm và tình cảm hơn ». Nhờ tiếng hát của chú mà cái Lã thuộc nhiều bài dân ca sa mạc, bồng mạc và cải lương Nam Bộ. Ngoài chú Lê, cái Lã còn được cụ Từ - một bà cụ từng có một tuổi trẻ làm nghề hát ả đảo, tài năng đến mức « vua biết mặt, chúa biết tên » nhưng về già cô đơn, không con cháu, không ruột rà máu mủ - dạy cho nó hàng trăm điệu ca trù cổ xưa. Khi phát hiện ra tài năng đặc biệt ấy của cái Lã, ông nhạc sĩ kia, mỗi khi đi dạo quanh bờ hồ, ông đều dành thời gian dạy nó cách phát âm, thẩm âm. Ban đầu, ông yêu cầu cái Lã phải sửa ngay lập tức bánh mì « lóng » thành bánh mì « nóng ». Sau đó thì ông chia cả câu « ai bánh mì nóng giòn đê
  • 33. 29 – ê » thành vài nhịp cao thấp, nhanh chậm, luyến láy để cái Lã luyện đi luyện lại trở thành một câu hát thực sự xuyên vào lòng người. Ông kiên trì rèn tập cho cô gái với niềm tin tưởng «mai sau con sẽ tặng cho cuộc đời này một kho báu». Ông còn hứa hẹn sẽ tìm nơi để giúp đỡ cái Lã « ta sẽ cần đi gặp một vài nơi vài chốn để trò chuyện với họ về con ». Rõ ràng, ông nhạc sĩ, cái Lã, chú Lê mù và bà cụ Từ hát ả đào không hề có mối quan hệ ruột thịt nhưng họ lại gắn kết với nhau bằng cái duyên tri kỉ của những con người tài hoa, yêu mến và trân trọng, nâng niu, dìu dắt để cái tài nảy nở, đơm hoa, kết trái hiến dâng cho cuộc đời. Nếu như trong truyện Ngày mai nở rộ một nhành mai, tất cả các nhân vật đều ít nhiều có tài năng nghệ thuật thì trong truyện ngắn Mỗi cuộc đời một thoáng chốc, hai vợ chồng người lái xe quê ở Huế tuy không biết vẽ, nhưng lại có « óc thẩm mĩ tinh tế về hội họa », đã làm một việc làm vô cùng cao thượng. Ông tù già trong tác phẩm vốn là một họa sĩ chuyên vẽ tranh sơn dầu nhưng đang muốn trốn ra nước ngoài sinh sống để quên đi « cú sốc thần kinh dữ dội » trong quá khứ. Vì không muốn cái sự « sụi lụi tinh thần » hủy hoại một họa sĩ tài hoa nên hai vợ chồng người lái xe đã bàn nhau để chị vợ đóng giả một người « tình nhân tri kỉ » thường xuyên động viên khích lệ giúp cho người tù già quên đi những buồn đau mà tập trung sáng tạo nghệ thuật. Không chỉ đóng giả là cô vợ bé để vào thăm người họa sĩ khi ông ở trong tù, mà khi ông ra tù, người phụ nữ kia vẫn thường xuyên viết những bức thư với những lời lẽ đằm thắm, tha thiết đã kích thích trong họa sĩ niềm hào hứng sáng tạo : « Quả thật, Nguyễn Tầm Tư đã vẽ được nhiều chính bởi có sự nồng ấm từ những lá thư đó tỏa ra sưởi ấm trái tim nhiều lúc giá lạnh và nỗi cô đơn, bệnh tật của ông ». Người họa sĩ càng đam mê sáng tạo hơn nữa khi người con gái xứ Huế kia có một lời hứa với ông: « Con sẽ chỉ ra thăm Hà Nội khi nào chú dắt tay vào chính gian phòng triển lãm của chú ». Họa sĩ lao vào làm việc một cách hăng say, miệt mài với nghị lực phi thường và một quyết tâm mãnh liệt khiến cho bạn bè thân quen trong giới nghệ thuật đều kinh dị trước sự lạ lùng ấy. Để rồi, chỉ trong một thời gian ngắn, « những bức vẽ lấp lánh, sắc cạnh, chan chứa tình nghĩa con người » đã lần rượt ra đời và cũng chẳng mấy chốc, họa sĩ đã hoàn
  • 34. 30 thành xong phòng triển lãm tranh để dâng tặng cho đời. Rõ ràng, với tấm lòng của những Dương Lễ, những Châu Long và với niềm trân trọng, ngưỡng mộ cái tài, cái đẹp, vợ chồng người lái xe đã phục sinh cuộc đời của một con người, đã cứu vớt, nâng đỡ tài năng của một nghệ sĩ để làm đẹp thêm cho cuộc đời. Đó là cách ứng xử đầy bao dung, độ lượng, nhân ái giữa con người với con người; là cách sống nhân văn, cao thượng, đẹp đẽ của những người cùng đam mê cái Tài, cái Đẹp. Cũng lặp lại mô tip đóng giả « người tình nhân tri kỉ » trong nghệ thuật như truyện ngắn Mỗi cuộc đời một thoáng chốc, truyện ngắn Màu xanh từ những màu lam lại là phần sau đầy ý nghĩa của một cuộc tình dang dở giữa những người có tâm hồn văn chương. Nhân vật « tôi » là một nhà văn yêu một cô gái Huế tên là Thái Phượng. Thái Phượng có ước mơ cháy bỏng là « trở thành một cô giáo giảng văn cho các em nhỏ suốt đời ». Cô có kiến thức sâu rộng về văn học và rất sắc sảo trong việc phân tích, nhận xét. Dù có lúc không hài lòng với văn phẩm của người yêu nhưng cô vẫn rất « trân trọng gìn giữ hơn mọi thứ quí nhất trên đời ». Do sự nóng nảy của tuổi trẻ, « tôi » và Thái Phượng phải xa cách, không lấy được nhau. Thái Phượng trở thành vợ của một cán bộ trung đoàn và đã cùng chồng hi sinh ở chân thành Quảng Trị năm 1968. Còn « tôi », cả một thời gian dài đằng đẵng cũng không cầm bút viết nữa do một tai nạn nghề nghiệp « một cuốn tiểu thuyết của tôi bị băm vằm tơi bời ». Khoảng ba mươi năm sau, trong một chuyến tàu qua Huế, « tôi » đã tình cờ được gặp con gái của Thái Phượng tên là Phượng Thái. « Tôi » không biết người yêu cũ đã hi sinh và khao khát được gặp lại. Phượng Thái cũng giấu giếm việc mẹ mình đã mất. Sau cuộc gặp gỡ ấy, « tôi » đã nhận được những bức thư của cô con gái Phượng Thái mà ông cứ nghĩ là của người yêu cũ. Phượng Thái đã giả danh mẹ mình viết thư động viên, khích lệ « tôi » viết văn trở lại bằng lời lẽ vừa tha thiết vừa hối thúc mạnh mẽ : « …em mong mỏi, em kêu gọi, em ra mệnh lệnh cho anh phải viết trở lại. Anh hãy viết trở lại đi, viết bằng sự say mê con người…Hãy sáng tạo đi ! Dù đã già nua và héo mòn, nhưng tình yêu của em sẽ chạy song song, thậm chí vượt lên trên với đà viết của anh ». Nhờ có động lực tình yêu ấy mà « tôi » đã dần dần hồi sinh với « con tim lạnh giá dần dà ấm
  • 35. 31 nóng, sôi sục và tràn trề nhựa sống ». « Tôi » đã cầm bút trở lại với một sức mạnh phi thường « ngòi bút của tôi đã phi nước đại » vượt qua sự già nua của tuổi tác. Như đã hứa trong thư, Phượng Thái đã luôn đồng hành cùng với những văn phẩm mới ra lò của « người yêu của mẹ ». Phượng Thái – mà « tôi » vẫn nghĩ là Thái Phượng – đã « mổ xẻ rất kỹ, phê phán sâu sắc và khích lệ cũng nồng nhiệt » các tác phẩm của « tôi » cùng với niềm tự hào, ngưỡng mộ. Điều đáng trân trọng ở cả ba nhân vật Thái Phượng, Phượng Thái và « tôi » không phải chỉ vì họ là những người đam mê văn chương, trân trọng những tinh hoa văn học, ngưỡng mộ những người có tài năng nghệ thuật, khao khát được sáng tạo mà trên hết, họ còn là những có lí tưởng lớn lao, cao đẹp muốn đem tài năng để phục vụ cuộc sống, nhân dân, đất nước. Vì lí tưởng ấy nên Phượng Thái mới đặt ra quy định cho người yêu của mẹ mình: « Em sẽ gặp lại anh khi nào thực sự thấy anh rạng rỡ ngòi bút vì cuộc sống khốn khổ nhưng đẹp đẽ của dân tộc chúng ta ». Bản thân « tôi » cũng nhận ra rằng, ban đầu viết trở lại là do sự thúc giục của tình yêu cá nhân nhưng dần dần, « tôi » đã vượt qua cái ngưỡng tình cảm cá nhân « thấy say mê, thấy thiêng liêng, thấy cao quí bởi tình yêu cuộc sống, yêu đồng loại, yêu những cái thơm tho, và yêu cả những điều đau đớn trong xã hội nữa, cuối cùng là yêu chính cái sự nghiệp của bản thân mình » 2.1.1.3. Mẫu nhân vật người trí thức Trong sáng tác của mình, Nguyễn Dậu dành nhiều mến mộ khi viết về người trí thức. Nhân vật người trí thức trong sáng tác của Nguyễn Dậu có tri thức về văn hóa, khoa học, có lối ứng xử cá nhân giữa con người với con người đầy bao dung, cao thượng vị tha theo chuẩn mực giá trị đạo đức dân tộc; có lí tưởng cao đẹp, hết lòng vì quê hương, đất nước. Nhân vật người trí thức trong sáng tác của Nguyễn Dậu trước hết là những người phụ nữ sống đẹp theo chuẩn mực văn hóa. Nhân vật Ngát trong truyện ngắn «Duyên lạ » là mẫu người phụ nữ có trí tuệ, có lí tưởng lại thủy chung, đức hạnh. Trong công việc, cô là người trí thức yêu nghề, có nghị lực vươn lên, khát khao được cống hiến cho đất nước. Cô theo học tiến sĩ nông học với khát vọng « có được một
  • 36. 32 giống lúa thần kì để dân khỏi đói ». Cô đã kiên trì nghiên cứu, thử nghiệm và cho ra đời « hàng chục giống lúa cao sản. Sau khi được lai ghép và vun dưỡng trong môi trường đặc biệt, lúa của em đã cho một loạt giống mới hoàn toàn cao vọt về sản lượng và đột biến về phẩm chất ». Trong đời sống riêng tư, cô là một người vợ hiền thục, thủy chung, một nàng dâu nết na, hiếu thảo. Ngát lấy chồng được một tháng thì chồng cô lên đường nhập ngũ. Khi nghe tin chồng hi sinh, cô đã trải qua « mười năm đau thương vô hạn ». Thời gian đằng đẵng không làm phôi pha tình yêu của nàng dành cho chồng : « nàng đã yêu chồng, yêu đến mức biết rằng sau anh, sẽ không còn ai đạt được niềm yêu như vậy nữa ». Ngát không đi bước nữa không phải vì hi vọng chồng mình còn sống mà chỉ đơn giản là « chưa thấy nguội lạnh mối tình đầu hoặc chưa tìm được một tình yêu nào vượt trội với tầm mức của mối tình cũ » . Dù vẫn đắm đuối trong cuộc hôn nhân đầu tiên nhưng Ngát không hề bi lụy. Cô vẫn vươn lên, vượt qua đau thương bằng một nghị lực phi thường để « vừa hết mình trong công tác, vừa tận nghĩa phụng dưỡng cha mẹ chồng » khiến cho « bố mẹ chồng nể trọng thương yêu. Họ hàng và hàng xóm đều tấm tắc khen ngợi ; bầu bạn cũng tin cẩn và mến phục ». Chính tình yêu, lòng chung thủy của những người phụ nữ trong sáng tác của Nguyễn Dậu đã trở thành sức mạnh tinh thần để họ tiếp tục sống một cách kiêu hãnh, mạnh mẽ, vượt qua đau thương, chăm sóc cho gia đình và cống hiến cho quê hương, đất nước. Nếu như lòng chung thủy làm nên vẻ đẹp văn hóa của người phụ nữ trong đời sống gia đình thì sự bao dung, yêu thương, vị tha làm nên cốt cách văn hóa của họ trong mối quan hệ với xã hội. Trong truyện Thung lũng mờ sương, cô gái trẻ Thanh Luânđã nhận nuôi một đứa trẻ bị bỏ rơi mà không hề đắn đo suy nghĩ, thậm chí còn tràn ngập niềm hạnh phúc vì được cưu mang một linh hồn thơ dại « cô đón lấy đứa bé, ghì miết vào lòng và nước mắt lăn chảy ròng ròng ». Cũng có nghĩa cử cao đẹp như vậy, bà Loan trong truyện Hồi nào đó, ta cùng nhau đã nuôi dưỡng, yêu thương con của vợ chồng tên phản gián từng tra tấn đánh đập bà như con đẻ của mình. Sau này, đứa bé ấy lớn lên trở thành « một công dân tốt đẹp của xã hội, thành đứa con hiếu thảo của gia đình ». Người phụ nữ trong sáng tác của Nguyễn Dậu luôn sẵn lòng yêu
  • 37. 33 thương, vị tha cho chính kẻ thù của mình. Truyện ngắn Sức mạnh đàn bà lại cho thấy cách ứng xử đầy vị tha của một cô giáo khi chồng mình ngoại tình. Chồng cô giáo Thanh Liên là một ủy viên thanh tra giáo dục nhưng lại ngoại tình với một cô học sinh cũ. Biết được hành vi xấu xa, đồi bại của chồng, Thanh Liên không hề tức giận, cay cú, điên cuồng mà rất bình tĩnh đối phó với chồng và tình nhân một cách cao thượng, khôn ngoan. Khi bắt quả tang cuộc tình vụng trộm, cô khéo léo tìm cách tách li chồng và tình nhân. Sau đó, cô đề nghị tình nhân của chồng phải trả lời thật chân thực những câu hỏi của cô. Qua lời khai của cô gái, Liên đã hiểu cô gái chỉ là « nạn nhân của sự lừa gạt ». Cho nên, thay vì đưa cô gái ra đồn công an hoặc đánh xé thì cô chỉ trò chuyện để cô gái tự nhận thấy hành vi đáng xấu hổ của mình. Cách ứng xử của Liên khiến cô gái kia hoàn toàn nể phục, cô nói trong sự rưng rưng xúc động và biết ơn : « Thật tình, em sợ chị quá đi mất thôi. Thà chị đánh em, xé em, em cũng không thể thấy kinh sợ, nể trọng bằng sự rộng lượng và tử tế của chị từ nãy giờ […]. Em dã vỡ lẽ, đã tỉnh ngộ […]. Thưa cô giáo, cô đã cho em nhiều bài học, chỉ một lúc ». Khi cô gái nói sẽ nhổ vào mặt chồng Liên nếu anh ta còn tìm đến, Liên đã cho cô gái một bài học sâu sắc về cách ứng xử đẹp trong xã hội: « Không nên như vậy. Cô cứ lịch sự và tự trọng là đủ. Trong cái thế giới phức tạp này, những sinh linh nhỏ bé và khốn khổ như chị em ta, chẳng có quyền nhổ vào mặt ai cả. Có lúc họ xấu, ta tốt, cũng có lúc họ tốt, ta xấu. Nếu ai cũng nhổ vào mặt ai cả thì toàn thành phố này cũng chỉ bán giẻ lau mặt cũng chẳng đủ ». Bài học văn hóa mà Liên dạy cho cô học trò dại dột chính là dù đúng dù sai thì luôn cần phải biết lịch sự và tự trọng. Đó là điều làm nên cốt cách văn hóa của những người phụ nữ trong sáng tác của Nguyễn Dậu. Nhân vật người trí thức trong truyện ngắn của Nguyễn Dậu làm nhiều ngành nghề khác nhau, giữ những địa vị khác nhau trong xã hội. Đó là những nhà văn, giáo viên, họa sĩ, kỹ sư xây dựng, kỹ sư nông học, kỹ sư cơ khí, thầy thuốc…Điều đặc biệt là tác giả không đi sâu vào việc miêu tả trình độ nghề nghiệp của kiểu nhân vật này mà đặt họ vào cuộc sống đời thường với các mối quan hệ nhân sinh phức tạp để từ đó bộc lộ nhân cách, phẩm chất đạo đức phù hợp với giá trị văn hóa dân tộc.