SlideShare a Scribd company logo
1 of 54
Download to read offline
PHẦN GIỚI THIỆU
Phần 1 của quyển sách này rất quan trọng. Chúng ta cần phải giải quyết mối
liên hệ của chúng ta với Chúa để có thể trở nên mạnh mẽ trong Đấng Christ
và trở thành “một người giúp đỡ thích hợp”. Vai trò của người phụ nữ trong
mọi bình diện của cuộc sống đều có liên quan đến các mối quan hệ. Cách
thức chúng ta duy trì các mối quan hệ chính là lời làm chứng sống động nhất
của chúng ta.
Là người phụ nữ Cơ Đốc chúng ta cũng cần đánh giá lại vai trò của chúng ta
trong gia đình bởi vì nền tảng gia đình đang bị tấn công ác liệt. Đang có
khuynh hướng xem thường hôn nhân gia đình trong thế giới ngày nay và thế
hệ trẻ đang đặt câu hỏi: “Tại sao cần phải lập gia đình ?”. Các quốc gia đang
phải lập ra những luật lệ mới để giải quyết tình trạng sống chung ngoài hôn
thú đang trở nên rất phổ biến. Những người trẻ hôm nay đang đứng trước
một tình thế tiến thoái lưỡng nan bởi vì hôn nhân có vẻ như rất dễ đổ vỡ.
Tình yêu thương, lòng tin cậy và sự cam kết hứa nguyện đều có thể bị gạt
qua một bên để nhường chỗ cho những lợi ích riêng tư.
Sự ích kỷ, “tấm lòng cứng cỏi” của thế gian đã ảnh hưởng đến hôn nhân và
gia đình Cơ Đốc. Những nguyên tắc của Kinh thánh không còn nữa. Ngày
nay người ta rất dễ quyết định ly dị hoặc ly thân. Trước đây những điều này
chỉ phổ biến ở các nước phương Tây nhưng ngày nay nó đã bắt đầu trở nên
trầm trọng đối với những người trẻ tại các quốc gia đang phát triển.
Điều đáng buồn là các gia đình Cơ Đốc và ngay cả gia đình của những vị
lãnh đạo Hội thánh cũng có nhiều vấn đề. Chúng ta đã thất bại trong việc
làm chứng về điều này cho thế gian. Vì thế, là những người phụ nữ Cơ Đốc,
chúng ta cần phải xác định lại vị trí của mình trong hôn nhân gia đình.
Mục đích của hôn nhân là gì ? Chúng ta cần phải suy nghĩ về điều đó, ghi
chép lại và sẵn sàng đem ra thực hiện như một công tác phục vụ Chúa và
như một lời làm chứng sống động về Ngài cho thế gian. Đây chính là mục
tiêu mà những người phụ nữ Cơ Đốc phải nhắm đến.
HÔN NHÂN LÀ CHƯƠNG TRÌNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Giao ước hôn nhân
Hôn nhân không phải là sản phẩm của lịch sử ! Hôn nhân chính là chương
trình của Đức Chúa Trời cho con người trong suốt mọi thời đại. Đức Chúa
Trời là Chúa của giao ước và hôn nhân chính là một hình thức giao ước.
ChCn 2:17
“Nàng lìa bỏ bạn của buổi đang thì,
Và quên sự giao ước của Đức Chúa Trời mình”
Lời Chúa trong sách Châm ngôn đã khẳng định một cách dứt khoát chế độ
một vợ một chồng cũng như sự thánh khiết của hôn nhân và gia đình.
“Các ngươi lại còn làm sự nầy:các ngươi lấy nước mắt, khóc lóc, than thở
mà che lấp bàn thờ Đức Giê-hô-va, nên nỗi Ngài không nhìn đến của lễ nữa,
và không vui lòng nhận lấy vật dâng bởi tay các ngươi. Các ngươi lại nói
rằng:Vì sao ? Aáy là vì Đức Giê-hô-va làm chứng giữa ngươi và vợ ngươi
lấy lúc tuổi trẻ, mà ngươi đãi nó cách phỉnh dối, dầu rằng nó là bạn ngươi và
là vợ giao ước của ngươi” (MaMl 2:13,14)
Từ ngữ GIAO ƯỚC được định nghĩa trong tự điển như sau:
Một sự cam kết long trọng giữa hai hoặc nhiều người với nhau
Một sự cam kết có tính cách pháp lý
Một giao kèo
Do đó hôn nhân Cơ Đốc là một GIAO ƯỚC giữa người nam và người nữ
cùng nhau thề nguyện trước mặt Chúa sẽ trung thành với nhau suốt đời trong
một giao ước long trọng và chặt chẽ nhất. “Vậy người ta không nên phân rẽ
những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp” (Mac Mc 10:9)
Kinh thánh rất coi trọng hôn nhân:
ChCn 18:22 “Ai tìm được một người vợ, tức tìm được một đều phước”
Gie Gr 29:5,6 “Hãy xây nhà và ở; hãy trồng vườn và ăn trái; hãy lấy vợ cho
con trai, gả chồng cho con gái, hầu cho chúng nó đẻ ra con trai và con gái.
Hãy lấy vợ cho con trai, gả chồng cho con gái, hầu cho chúng nó đẻ ra con
trai và con gái. Ssố các ngươi khá thêm nhiều ra ở đó và đừng kém đi”
ITi1Tm 3:12 “Các chấp sự chỉ nên làm chồng của một vợ mà thôi, phải khéo
cai trị con cái và nhà riêng mình”
ITi1Tm 5:14 “Vậy ta muốn những gái góa còn trẻ nên lấy chồng, sanh con
cái, cai trị nhà mình, khỏi làm cớ cho kẻ thù nghịch nói xấu”
HeDt 13:4 “Mọi người phải kính trọng sự hôn nhân, chốn khuê phòng chớ
có ô uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ dâm dục cùng kẻ phạm tội ngoại
tình”
Việc tạo dựng nên người nữ - Sự bày tỏ của tình yêu
Việc tạo dựng nên người nữ đã bày tỏ tình yêu thương sâu sắc của Đức Chúa
Trời đối với chúng ta. Ngài không những chỉ quan tâm đến việc sinh sản con
cái, nhưng Ngài cũng quan tâm đến tình trạng cô đơn của người nam, bởi vì
Ađam đã không thể tìm được người bạn nào giữa các thú vật và ông rất cần
một người để giúp đỡ mình. Và thế là Ngài đã tạo dựng nên một người giúp
đỡ rất phù hợp cho Ađam, là người sẽ bổ túc cho ông và cũng là người có
thể cùng có một tần số với ông về mặt tinh thần, thể chất, tình cảm cũng như
thuộc linh. “Nhưng về phần Ađam, thì chẳng tìm được một ai giúp đỡ giống
như mình hết” (SaSt 2:20). Khi tạo dựng Eâva Đức Chúa Trời đã tạo dựng
một người bạn hoàn toàn phù hợp với Ađam. “Giêhôva Đức Chúa Trời dùng
xương sườn đã lấy nơi Ađam làm nên một người nữ, đưa đến cùng Ađam”
(SaSt 2:22).
Việc tạo dựng nên người nữ rất đặc biệt. Điều này nhằm thực hiện một mục
đích rất cụ thể. “Đức Chúa Trời đã dựng nên người nữ” - Từ ngữ Hêbơrơ
“panah” được dịch là “dựng nên” có nguyên nghĩa là được tạo dựng một
cách khéo léo. Kinh thánh đã không dùng từ ngữ “asah” là từ ngữ vẫn
thường dùng để nói về sự khéo léo.
Như vậy người nữ đã được tạo dựng một cách đặc biệt để đáp ứng với nhu
cầu của người nam. Điều mà Ađam cần đó là một người giúp đỡ giống như
ông. Chính từ ngữ “người giúp đỡ” đã bày tỏ ý nghĩa và tầm quan trọng của
người phụ nữ .
“Giúp đỡ” có nghĩa là đáp ứng những gì cần thiết - có nghĩa là đem lại sự
yên ủi khi gặp khó khăn, giúp đỡ, phục vụ …
Với tình yêu thương cao cả, Đức Chúa Trời đã quyết định lấy xương sườn
của Ađam để dựng nên người nữ, và như thế người nữ không những chỉ là
một người giúp đỡ nhưng còn là người bạn đường của người đàn ông. Êva
đã được dựng nên để mang lại sự hoàn hảo cho Ađam, hầu cho Ađam có thể
nhìn thấy sự trọn vẹn của mình nơi Êva và tìm thấy nơi Êva những điều bù
đắp cho sự thiếu sót của mình.
Khi người nam và người nữ kết hiệp với nhau để làm nên sự trọn vẹn thì họ
trở thành một sự phản ảnh tình yêu của Đức Chúa Trời và bày tỏ ý chỉ tốt
lành của Ngài. Ngài đã xác định rằng mối quan hệ hôn nhân ưu tiên hơn và
vượt qua mối quan hệ với cha mẹ. “Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha
mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt” (SaSt 2:24).
Sẽ không có mối liên hệ nào hay sự ràng buộc nào quan trọng hơn mối liên
hệ giữa chồng và vợ.
Việc tạo dựng nên người nữ là một sự bày tỏ tình yêu và mối liên hệ giữa
người nam và người nữ trong hôn nhân chính là sự thể hiện của tình yêu.
MỤC ĐÍCH CỦA HÔN NHÂN
Hôn nhân được thiết lập bởi Đức Chúa Trời có ba mục đích:
Tình bè bạn, tình chăn gối
Sinh sản con cái
Vì lợi ích của xã hội
Tình bạn trong hôn nhân
Sách hướng dẫn nghi lễ hôn phối của giáo hội Anh quốc giáo xác định mục
đích của hôn nhân là: “để phục vụ lợi ích của xã hội, đem lại sự giúp đỡ và
khích lệ cho cả vợ lẫn chồng khi thịnh vượng cũng như lúc khó khăn. Tạo
điều kiện để các bản năng và tình cảm tự nhiên được dựng nên bởi Đức
Chúa Trời được thánh hóa và sử dụng một cách đúng đắn, cũng như tạo điều
kiện để mỗi cá nhân được Đức Chúa Trời kêu gọi sống đời sống lứa đôi cần
phải sống một cách thánh khiết”.
Ngày nay tại các nước phương Tây cũng như các nước đang phát triển,
những quan điểm truyền thống trong hôn nhân bắt đầu thay đổi nhiều. Trước
đây người chồng được coi là người chủ gia đình và người vợ chỉ lo công
việc nội trợ. Ngày nay người ta đang nhấn mạnh đến sự chia xẻ trách nhiệm
chung giữa vợ chồng. Đang có một phong trào kêu gọi sự bình đẳng nam nữ
ở sở làm cũng như tại gia đình. Tuy nhiên, mối quan hệ căn bản giữa vợ
chồng vẫn giữ nguyên:đó là nhu cầu về tình bạn, tình yêu, tình chăn gối và
sự thành đạt chung.
Việc sinh sản, nuôi dưỡng con cái và mối liên hệ chăn gối chỉ là một phần
nhỏ trong đời sống hôn nhân. Phần quan trọng hơn của đời sống hôn nhân
đó là chia xẻ cuộc sống, suy nghĩ, tình cảm, nỗi lo âu và niềm hạnh phúc.
Ý nghĩa của hôn nhân chính là sự chia xẻ cuộc sống, một tình bạn bền vững,
một người bạn đời chung thủy và một tình bạn thân thiết.
Hôn nhân là điều đẹp đẽ nhất, kỳ diệu nhất và ý nghĩa nhất.
Chúng ta bước vào hôn nhân với tất cả hành trang vốn có của mình:Sự sợ
hãi, tự ti mặc cảm và tất cả những thiếu sót bất toàn của mỗi con người.
Như tôi đã nói trong những phần trước, một trong những vấn đề của tôi là sự
tự ti mặc cảm và ý nghĩ cho rằng mình không có giá trị. Tôi không bao giờ
nghĩ rằng mình có thể tốt bằng nhà tôi. Nhà tôi lớn hơn tôi vài tuổi và là một
mục sư Anh quốc giáo, là người mà tôi vô cùng kính phục và ngưỡng mộ.
Sự kính sợ mà tôi thường có đối với Đức Chúa Trời cũng như đối với cha tôi
chính là yếu tố nổi bật nhất trong mối quan hệ với chồng tôi. Tôi cứ luôn sợ
rằng nhà tôi sẽ chú ý đến một người phụ nữ khác có cuộc sống thuộc linh
hơn tôi.
Vì thế tôi cố gắng cư xử một cách tốt đẹp như một cô bé ngoan ngoãn và
không bao giờ muốn chồng tôi thấy được những khía cạnh xấu của tôi, bởi
vì tôi nghĩ rằng nếu chồng tôi nhận ra những điều đó thì sẽ không còn yêu
thương tôi nữa.
Tôi đã nhìn chồng tôi như một tượng đài cao cả.
Tôi không bao giờ có thể nghĩ đến sự bình đẳng nam nữ.
Nhà tôi không hề hay biết gì về những dằn vặt nội tâm của tôi.
Do ý tưởng cho rằng mình không tốt đủ nên tôi đã không phát huy vai trò
tích cực của tôi trong đời sống hôn nhân. Tôi đã không chấp nhận chính
mình và có một hình ảnh rất tiêu cực về chính mình. Chính vì thế cả những
điều nhỏ nhặt nhất cũng có thể khiến tôi bối rối và cảm thấy khốn khổ, dễ bị
tổn thương, ganh tị. Và điều tệ hơn là tôi không dám thú nhận mình có
những tình cảm đó.
Tôi đau khổ và lặn hụp trong tâm trạng bất ổn và không bao giờ dám nghĩ
rằng chồng tôi thực sự yêu thương tôi. Tôi tự cho rằng mình là con người
kém cỏi và luôn thấy rằng chồng tôi ở vị trí cao hơn. Sự mất bình đẳng này
đã không giúp chúng tôi xây dựng được một tình bạn chân thật và sâu đậm.
Chúng tôi còn giữ được mối hôn nhân tốt đẹp chỉ vì chúng tôi yêu mến Chúa
và hết lòng muốn phục vụ Ngài. Chúng tôi rất bận rộn trong công tác phục
vụ Chúa. Tôi cũng cảm thấy được Chúa kêu gọi như chồng tôi. Rất nhiều lần
tôi che giấu những tình cảm riêng của mình bằng các việc làm. Chỉ khi tôi
được hòa thuận với Đức Chúa Trời và chấp nhận chính mình, giữ địa vị cân
bằng với chồng tôi như một người bạn đời thì tình bằng hữu mới bắt đầu
phát triển.
Cảm tạ Chúa, Ngài đã chữa lành cho tôi và phục hồi hôn nhân của chúng tôi.
“Nhưng làm thế nào mối liên hệ hôn nhân giữa một người nam và một người
nữ có thể phát triển đến mức tốt đẹp nhất mà Đức Chúa Trời đã ấn định ?
Điều này đòi hỏi một tình yêu sâu sắc và không ngừng rèn luyện. Ở đây có
một yếu tố quan trọng hơn mọi yếu tố khác. Đó là tình bè bạn - tình bằng
hữu giữa hai con người trong đó mỗi người phát triển đến điều tốt đẹp nhất
và ban phát cũng như nhận lãnh tối đa những gì mà hai người có thể chia xẻ
cho nhau. Một khi hôn nhân không đạt đến sự chia xẻ đó thì đã đánh mất ý
nghĩa cao cả nhất”.
Trải qua năm tháng, tôi và nhà tôi đã trưởng thành trong tình bạn đối với
nhau. Tôi không còn coi nhà tôi là thần tượng nữa. Không phải bởi vì nhà tôi
không còn hấp dẫn như trước, nhưng chỉ vì chúng tôi đã trưởng thành trong
sự hiểu biết và chấp nhận lẫn nhau cả những ưu điểm và khuyết điểm. Người
chồng hay người vợ không nên trở thành một điều gì đó ngăn trở sự phát
triển nhân cách của người kia, nhưng với tình yêu thương họ cần phải chia
xẻ cuộc sống, nâng đỡ và gây dựng lẫn nhau.
Hôn nhân là cả một quá trình ban cho và tiếp nhận, hôn nhân có nghĩa là một
tình bè bạn chân thật và bền vững.
Hôn nhân chính là tình bè bạn và tình bạn cần thời gian để phát triển.
Trong tác phẩm “Tình Bạn”, tác giả Jim Conway đã nêu lên mười yếu tố
chính của tình bạn:
Tình bạn là điều rất quan trọng trong hôn nhân, bởi vì một ngày nào đó
những đứa con đã từng chiếm mất thời giờ và vị trí trong gia đình sẽ trưởng
thành và rời khỏi gia đình. Một trong những kinh nghiệm buồn bã nhất là vợ
chồng nhận ra rằng mình không có một nền tảng chung và gia đình chỉ là
một căn nhà trống trải. Thời gian đã trôi qua nhưng mối liên hệ giữa vợ
chồng đã không được vun đắp tài bồi. Mối quan hệ đó đã không nẩy nở để
trở thành một vườn hoa với đầy tình yêu thương và tình bạn chân thật,
nhưng đã trở nên một khu vườn hoang vắng, khô hạn và buồn tẻ. Có những
cặp vợ chồng đã bước vào hôn nhân với tình yêu nồng thắm và hạnh phúc,
nhưng sau đó chỉ còn là đống tro tàn của sự chịu đựng và niềm vui gượng
gạo.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nêu trên là người
phụ nữ đã chỉ sống cho con cái hoặc cho sự nghiệp, và người chồng chỉ đóng
vai trò thứ yếu trong đời sống của họ. Người phụ nữ có thể quá quan tâm
đến con cái mà không chú ý đến việc đáp ứng nhu cầu của người chồng. Đến
khi con cái đã khôn lớn và tự lập thì những người phụ nữ này thường rơi vào
tình trạng khủng hoảng, cô đơn và cảm thấy tự ti mặc cảm, có cảm giác như
mình không còn cần thiết nữa. Vợ, chồng có thể sống chung dưới một mái
nhà,ø nhưng người đàn ông đã tự tạo cho mình một cuộc sống riêng với
những thú vui riêng. Họ không có điều gì chung để chia xẻ cả. Cuộc sống
của họ như hai đường thẳng song song không hề gặp nhau.
Tuy nhiên nếu chúng ta sống cuộc đời đặt Chúa làm trung tâm của mình chứ
không phải là bản ngã, thì chúng ta sẽ có thể xây dựng một cuộc hôn nhân
với tình bạn bền vững chứ không phải chỉ là mối quan hệ gượng gạo.
Vấn đề giới tính
“Hôn nhân được Đức Chúa Trời thiết lập với mục đích để các bản năng và
tình cảm tự nhiên mà Tạo hóa phú bẩm cho con người có thể được thánh hóa
và sử dụng một cách đúng đắn; và để cho những người được Chúa kêu gọi
sống cuộc sống gia đình có thểõ tiếp tục bước đi trong “sự thánh khiết”.
(Sách Cầu nguyện của Giáo hội Anh quốc giáo xuất bản năm 1928).
Những sự bày tỏ bình thường của các bản năng tự nhiên được Tạo hóa phú
bẩm đã khiến cho hôn nhân trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc đối với cả vợ lẫn
chồng. Bản năng tính dục rất thường bị lạm dụng và giải thích một cách sai
lạc. Với tư cách là người phụ nữ của Đức Chúa Trời, chúng ta cần phải giữ
cho vấn đề tính dục luôn thánh khiết và đẹp đẽ như ý định của Đức Chúa
Trời đã thiết lập. (Vấn đề tính dục sẽ được bàn thêm ở Chương 6 “Tính dục
trong hôn nhân”).
Việc duy trì nòi giống.
“Hãy sinh sản thêm nhiều và làm cho đầy dẫy đất” (SaSt 1:28)
Thật kỳ diệu khi Đức Chúa Trời muốn dùng chúng ta để cộng tác với Ngài
trong chương trình sáng tạo.
Một vị mục sư đã nói như sau: “Điều rõ ràng là con người có những bản
năng, nhưng con người cũng có lý trí và ý chí tự do, và bởi đó con người có
thể cộng tác một cách chủ động với Đức Chúa Trời trong việc tạo dựng nên
sự sống. Ý thức rằng chính người chồng, người vợ có khả năng để sinh sản
ra con cái đáng phải dẫn chúng ta đến thái độ hạ mình và kính sợ một cách
sâu xa”.
Con cái là phần thưởng của Đức Chúa Trời
“Kìa con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra,
Bông trái của tử cung là phần thưởng.
Con trai sanh trong buổi đương thì khác nào mũi tên nơi tay dõng sĩ.
Phước cho người nào vắt nó đầy gùi mình
Người sẽ không hổ thẹn” (Thi Tv 127:3-5)
“Mão triều thiên của ông già ấy là con cháu” (ChCn 17:6)
Chính Đức Chúa Trời đã thiết lập gia đình. Ngài muốn các con trẻ được sinh
ra và trưởng dưỡng trong gia đình. Ngài muốn chúng được sinh ra bởi người
cha, người mẹ đã đến với nhau trong sự kết ước sẽ trung thành trong tình
yêu thương. Gia đình chính là kiệt tác của Đức Chúa Trời !
“Đức Giê-Hô-Va làm cho kẻ cô độc có nhà ở” (Thi Tv 68:6). Đức Chúa Trời
muốn rằng các trẻ em được sinh ra trong thế giới này sẽ được sống trong
mối liên hệ với cha mẹ, anh chị em, chú bác, cô dì, ông bà nội ngoại. Đây
chính là môi trường tốt đẹp nhất cho các em.
Những cặp vợ chồng son sẻ cần nhìn thấy mục đích đặc biệt của Chúa cho
mình. Nếu những cặp vợ chồng đó bằng lòng vâng phục Chúa và phục vụ
Ngài, họ sẽ có thể được phước rất nhiều trong công tác phục vụ Chúa và
người khác. Việc tiếp nhận con nuôi cũng có thể là một khả năng và điều đó
cũng chính là một công tác phục vụ thiếu nhi đặc biệt.
Chúng tôi biết một phụ nữ kia trong Hội thánh đã nhiều lần bị sẩy thai và
không thể có con. Bà rất yêu mến Chúa và có lòng sốt sắng. Bà đã dành hết
tâm trí cho chương trình Trường Chúa nhật và các lớp Kinh thánh tại một
nhà thờ ở Calcutta. Bà cũng tổ chức những sinh hoạt vui chơi cho các em
thiếu nhi tại nhà của mình và đặc biệt quan tâm đến những trẻ em nghèo
thiếu. Bà thể hiện một nhân cách dịu dàng, nhân từ và không bao giờ tự
thương hại mình. Bà quả thật là một gương mẫu sáng chói về tình yêu
thương của Chúa Cứu thế.
Có thể nêu lên như một ví dụ, khi chúng tôi đưa con gái lên ba tuổi tên
Debbie đến bệnh viện ở Vellore, miền nam Aán độ để được bác sĩ giải phẫu
thì người phụ nữ này đem đến cho chúng tôi một quà tặng. Bà đã cẩn thận
gói từng món quà nhỏ cho từng ngày mà con tôi sẽ phải trải qua trong bệnh
viện.
Tấm lòng yêu thương chăm sóc của bà có thể nói là không giới hạn. Bà rất
được phước và thỏa lòng trong cuộc sống cũng như trong chức vụ chăm sóc
các thiếu nhi của bà. Bản năng làm mẹ của bà đã trở thành nguồn phước
hạnh cho nhiều người.
Mặc dầu trong các mục đích của hôn nhân, việc sinh sản con cái được Kinh
thánh nhắc đến sau, tuy nhiên các mục đích đều có tầm quan trọng như nhau.
Chúng ta tiến đến hôn nhân không phải chỉ là để sanh sản con cái. Con cái
chính là bông trái của tình yêu, tình yêu thương giữa vợ chồng và tình yêu
thương đối với Đức Chúa Trời.
Hôn nhân là nền tảng của xã hội
Gia đình Cơ Đốc chính là một lời chứng sống động và mạnh mẽ. Có tác giả
tuyên bố rằng: “Đức Chúa Trời đã không đặt tương lai của nhân loại dựa
trên Hội thánh hay trên quốc gia nhưng đặt nền tảng trên các gia đình”. Gia
đình chính là cột trụ của xã hội bởi vì gia đình Cơ Đốc chính là nơi bảo vệ
các giá trị đạo đức của xã hội.
Nơi nào giá trị đạo đức suy đồi thì nơi đó nền tảng gia đình cũng đổ vỡ.
“Mục đích của hôn nhân là giúp mỗi cá nhân phát triển đến mức độ tốt đẹp
nhất trong bầu không khí tự do, độc lập. Bởi vì sự thịnh vượng của xã hội và
đất nước tùy thuộc vào sự sự phát triển của mỗi cá nhân trong gia đình, nên
chúng ta cần phải học hỏi để làm sao gây dựng được những gia đình tốt
đẹp”. (Jack Dominion)
CÁC NGUYÊN TẮC CỦA HÔN NHÂN CƠ ĐỐC GIÁO
Hôn nhân là mối liên hệ gắn bó trọn đời
Hôn nhân là một sự cam kết gắn bó suốt đời cho đến khi đầu bạc răng long !
“Vậy người ta không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp”
(Mac Mc 10:9)
Lý tưởng và mục đích của hôn nhân Cơ Đốc giáo đó là sự bền vững suốt
đời, sự hiệp một và thánh khiết. Hôn nhân không thể bị phân chia và đời
sống vợ chồng chính là sự hiệp một hoàn toàn của hai cá thể nam và nữ cùng
nhau quy hướng về Đức Chúa Trời, bước theo luật lệ của Ngài và cùng cam
kết ra sức vun đắp để hôn nhân của họ kết quả tốt đẹp.
Việc cam kết với nhau và với Đức Chúa Trời như vậy là một yếu tố nền tảng
trong hôn nhân.
Đức Chúa Trời muốn rằng hôn nhân là một cam kết vĩnh cửu. Ngài đã thiết
lập hôn nhân để đạt đến mục đích của Ngài chứ không chỉ phục vụ cho sự
thoải mái và vui thú của con người mà thôi. Hôn nhân Cơ Đốc giáo đòi hỏi
sự cam kết đạt đến mục đích của hôn nhân.
“Nhưng từ lúc đầu sáng thế, Đức Chúa Trời làm ra một người nam và một
nữ. Vì cớ đó, người nam lìa cha mẹ mình mà dính díu với vợ; và hai người
cùng nên một thịt mà thôi.Như thế, vợ chồng chẳng phải là hai nữa, mà chỉ
là một thịt. Vậy người ta không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã
phối hiệp ” (Mac Mc 10:6-9)
Khi có người hỏi Chúa Giê-xu về vấn đề ly dị và việc Môi-se nhượng bộ cho
phép ly thân. Ngài đã nhấn mạnh đến nguyên tắc sau đây: “Aáy vì cớ lòng
các ngươi cứng cỏi, nên người đã truyền mạng nầy cho” (Mac Mc 10:5).
Chúa Giê-xu muốn nói rằng luật pháp đã phần nào muốn chiều theo con
người và đã có sự nhượng bộ. Tuy nhiên luật pháp của Đức Chúa Trời đối
với con người và những giá trị tinh thần vốn vượt trên những luật lệ của loài
người. Chúa Giê-xu đã nhắc lại Lời Chúa: “Điều gì Đức Chúa Trời đã kết
hiệp thì loài người không được phân rẽ”.
Chúa Giê-xu đã chuyển vấn đề từ chỗ những gì phù hợp với luật pháp sang
những gì thuộc về mục đích của Đức Chúa Trời - tức là những khía cạnh đạo
đức và thuộc linh của hôn nhân. Ngài nhấn mạnh đến hôn nhân bền vững và
thánh khiết. Ngài cũng bày tỏ mối quan tâm về tình trạng phụ nữ trong thời
đại của Ngài. Vào thời đó nam giới luôn được đề cao và những đặc quyền
của phái nam luôn được nhấn mạnh trong suy nghĩ và sinh hoạt tôn giáo của
người Do thái thời đó. Chúa Giê-xu nhấn mạnh đến sự bình đẳng giữa nam
và nữ và điều này đã có ảnh hưởng to lớn trên dân tộc của Ngài và cả thế
giới.
Cuộc sống có thể rất khắc nghiệt, có những cặp vợ chồng bước vào hôn nhân
với những kỳ vọng và lý tưởng đẹp đẽ nhất, bỗng nhận thấy rằng đã rơi vào
mớ bòng bong của những mâu thuẫn nội tâm và đã trải qua địa ngục trần
gian, trong một cuộc hôn nhân đầy sóng gió về đủ mọi mặt.
Thực trạng bi thảm như vậy cứ được phép tiếp diễn hay sao ? Đó có phải là
điều Chúa Giê-xu mong muốn không ? Nếu câu trả lời là có, thì nghĩa là
chúng ta đã đặt Chúa Giê-xu ngang hàng với những người sùng bái luật pháp
mà Ngài vốn chống đối lại.
Chúng ta không nên khiến ly dị trở thành một điều dễ dãi chỉ phục vụ cho
những lý do ích kỷ và vô đạo đức. Đối với những trường hợp thực sự khó
khăn, Hội thánh cần phải yên ủi và giúp đỡ những người đau khổ và thiệt
thòi bởi vì ly dị chắc chắn sẽ để lại những vết thương sâu sắc cho người bị
ruồng bỏ.
Trong hôn nhân, những người vợ, người chồng Cơ Đốc cần phải sống một
cách có trách nhiệm đối với mục đích của Đức Chúa Trời trong hôn nhân,
chứ không làm theo đường lối dễ dãi của đời này. Đặc tính cơ bản nhất của
hôn nhân Cơ Đốc giáo là sự trường cửu. Ý nghĩa của sự trường cửu có nghĩa
là tồn tại một cách bền vững, lâu dài chứ không chỉ tạm thời, ngắn ngủi.
Thế giới chúng ta đang sống hôm nay đầy dẫy những bất ổn gây nên bởi sự
thiếu bền vững trong hôn nhân, đến nỗi trước khi bước vào hôn nhân nhiều
người đã ký những hợp đồng nhằm bảo đảm quyền lợi của mình. “Nếu như
hôn nhân không tốt đẹp thì chúng ta có thể chia tay”. Điều này cũng giống
như một sự mặc cả sẽ đòi lại tiền nếu sản phẩm không đạt chất lượng. Với
sự nghi ngờ như vậy thì làm sao hôn nhân có thể bền vững được. Ngay từ
đầu họ đã không dứt khoát cam kết đi theo những nguyên tắc của Đức Chúa
Trời.
Là những người phụ nữ Cơ Đốc, chúng ta không được phép mặc cả gì hết.
Chỉ có “cái chết mới có thể chia lìa” chúng ta. Khi bước vào hôn nhân,
chúng ta đã cam kết với Đức Chúa Trời và với người phối ngẫu của mình là
sẽ trợ giúp lẫn nhau để cùng hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời trong
đời sống chúng ta.
Ở Trung tâm Giáo dục Hôn nhân của chúng tôi, đã nhiều lần tôi có dịp làm
công tác khuyên bảo đối với những phụ nữ trong các quốc gia đang phát
triển, là những người vì những lý do văn hóa và truyền thống đã lập gia đình
với người không tin Chúa. Thơ I Phierơ Chương 3 có thể được áp dụng cho
những trường hợp này. Mặc dù phải đối diện với rất nhiều khó khăn, phần
lớn những phụ nữ này đã giữ vững lời cam kết về một hôn nhân trường cửu.
Họ có thể cảm thấy dễ dàng hơn nhiều khi quyết định ly thân và rẽ qua một
hướng khác để tìm kiếm những điều thư thả hơn cho tình cảm và đời sống
của họ.
Một trong những phụ nữ đó là một người có học thức đã kể cho tôi nghe về
chồng của chị là người có địa vị trong xã hội. Người chồng này không
những có rất nhiều thê thiếp mà mỗi khi một trong những thê thiếp đó sanh
nở, thì ông đều đem những đứa bé đó cho người vợ cả chăm sóc.
Chị đã kể lại rằng: “Chồng tôi luôn nói rằng ông rất yêu quý tôi”. Ông
thường nói với những cộng sự của ông rằng tôi là một người vợ rất tốt.
Điều duy nhất mà tôi có thể nói với chị ta là: “Tôi rất thông cảm với hoàn
cảnh của chị”.
Cả cuộc đời tôi sẽ không thể quên được ánh mắt rất biết ơn của chị đối với
tôi.
Sau khi tôi cầu nguyện, chị bắt đầu kể cho tôi nghe những tổn thương trong
đời sống của chị. Chị đã phải chịu đựng biết bao tủi nhục, chán chường,
hoang mang, lo lắng. Lòng tôi vô cùng thương cảm cho chị.
Chị đã bày tỏ nỗi niềm cho tôi và thổ lộ tất cả những đau đớn và cay đắng
chị đã âm thầm chịu đựng. Thế nhưng, vượt qua tất cả những điều đó, cái
duy nhất đọng lại trong tâm trí tôi là những lời chị nói trong nước mắt: “Bây
giờ tôi có cả một đại gia đình mười bốn đứa con. Tôi nghĩ rằng Chúa đã cho
tôi tất cả những đứa con này. Bà có thể thấy đó, tôi có một cơ hội rất đặc biệt
để đưa dắt chúng đến với Chúa Cứu thế Giê-xu và nuôi dưỡng chúng trong
đức tin Cơ Đốc”.
Tôi nhận thấy người phụ nữ này quả là một thánh nhân.
Bà đã chấp nhận đóng vai trò dưỡng dục những đứa con riêng của chồng và
vượt qua tất cả những dị nghị bởi vì bà đã đặt Chúa lên trên hết.
Quả đúng như Kinh thánh đã chép, những đứa con của bà sẽ “trỗi dậy và nói
rằng bà là người có phước” (ChCn 31:28).
Tôi cầu xin Chúa ban cho tôi một tấm lòng thật thương cảm đối với những
phụ nữ vẫn trung tín sống như một Cơ Đốc nhân trong một hoàn cảnh trái
ngược.
Hôn nhân là một sự hiệp một
“Thế thì, vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi” (Mat Mt
19:6)
Đức Chúa Trời đã dựng nên người nam và người nữ để bổ túc lẫn cho nhau.
Nói bổ túc có nghĩa là làm cho đầy đủ bằng cách bổ sung những điều thiếu
sót và khiến trở nên trọn vẹn.
Vậy nên sự hiệp một giữa người nam và người nữ sẽ đem lại sự hoàn hảo và
trọn vẹn. Sự hiệp một này được bày tỏ qua mái ấm gia đình. Gia đình chính
là tế bào của xã hội theo như chương trình của Đức Chúa Trời. Một khi tế
bào gia đình bị phá hủy hay phân rẽ thì hậu quả của nó rất to lớn, bởi vì nó
không chỉ ảnh hưởng đến gia đình nhưng là toàn thể xã hội. Bởi vì mục đích
của hôn nhân vượt qua lợi ích và vui thú của hai người nam nữ và là một
điều rất quan trọng trong chương trình sáng tạo của Đức Chúa Trời, nên hôn
nhân cần được quy hướng về Đức Chúa Trời và những mục đích cao cả của
Ngài, thì mới giữ được sự hợp nhất trong gia đình.
“Kết hợp” hay “hiệp một” nghĩa đen có nghĩa là dính kết, nối kết, ràng buộc
lại với nhau để trở thành một cũng giống như xi măng nối kết các viên gạch
với nhau.
Chúa Giê-xu phán rằng: “Loài người không được phân rẽ”. Sự hiệp một
trong hôn nhân rất thánh khiết và một khi chúng ta hiểu được sự thánh khiết
đó, chúng ta có thể ý thức sự đau đớn và bi thảm của sự phân rẽ, chia cắt
“hai con người đã trở nên một thịt”. Điều này sâu sắc hơn công thức toán
học thông thường:Một cộng một bằng hai. Ở đây không phải là một người
cộng với một người nhưng là một sự hòa hợp trọn vẹn về thân xác, tâm trí
cũng như tâm linh.
Họ không còn là hai nữa nhưng chỉ là một.
Ý nghĩa sâu xa của tình yêu trong hôn nhân đó là “cả hai đã trở nên một”.
Họ có thể có mục tiêu riêng cho mỗi người nhưng họ hoàn toàn chia xẻ cuộc
sống và mọi vui buồn của nó. Sự hiệp một về mục tiêu và nỗ lực trong hôn
nhân chắc chắn sẽ đạt đến kết quả.
Người phụ nữ sẽ ý thức rất rõ sự hiệp một trong hôn nhân khi người chồng
của mình vì lý do nào đó phải xa nhà trong một thời gian. Lần đầu tiên tôi có
kinh nghiệm này khi tôi phải rời Úc Châu để giảng tại một trường Kinh
thánh ở Singapore. Tôi dắt theo Johnny và để nhà tôi Richard ở lại với ba
cháu gái. Nhà tôi nói với tôi trên điện thoại: “Anh cảm thấy nhà cửa sao lạnh
lẽo quá !” (mặc dù nhà tôi ở nhà cùng với ba đứa con khác).
Nhà tôi cũng thường xuyên phải đi xa. Một đôi vợ chồng trẻ đã có lần hỏi
liệu tôi có thể quen với việc chồng vắng nhà hay không. Tôi trả lời họ rằng
tôi không bao giờ có thể làm quen được với điều đó, nhưng chỉ có thể học để
đối phó với khó khăn này. Và mặc dù nhiều năm tháng đã trôi qua, nhưng
mỗi khi Richard vắng nhà, tôi vẫn có cảm giác trống trải dường như một
phần nào đó của tôi đã bị mất đi.
Và nhà tôi thực sự là một phần của tôi !
Hôn nhân Cơ Đốc đúng nghĩa không phải chỉ là sự hiệp một về mặt thân xác
(trở nên một thịt) nhưng cũng là sự thống nhất về mục tiêu và mục đích của
đời sống nữa. Người phụ nữ không hề mất đi nhân cách của mình như nhiều
người lầm tưởng. Thực ra sự hiệp một trong hôn nhân khiến cho cả người
nam và người nữ đều đạt đến chỗ trọn vẹn khi người phụ nữ bằng lòng dâng
hiến cho chồng và cũng nhận lại từ người chồng của mình.
Trong khi làm công tác khuyên bảo các phụ nữ, tôi thường nghe họ phàn nàn
về những điều tiêu cực đã làm phai lạt mối liên hệ với người bạn đời của
mình. Đợi cho họ trút hết tâm sự của mình, tôi mới hỏi: “ Hai anh chị đã gặp
nhau trong cơ hội nào ? Điều gì đã khiến hai anh chị đến với nhau ?”.
Các chị em thường nhắc đến thuở ban đầu đầy hạnh phúc và đầy những điều
tích cực. Nét mặt của các chị em dịu lại. Ánh mắt cũng nhẹ nhàng thay cho
những buồn bã căng thẳng.
Rồi tôi hỏi các chị em về những điều tích cực trong hoàn cảnh hiện tại: “Chị
có nhận thấy những đức tính nào đáng khâm phục nơi người chồng mình và
những điểm tích cực trong hôn nhân của anh chị không ?”. Thật là bất ngờ
khi các chị em bắt đầu nhận ra rằng những điều đẹp đẽ vượt qua những điều
tiêu cực; và cùng hợp tác với chồng, họ có thể tiếp tục vun đắp cho hạnh
phúc của mình. Hai người vẫn còn yêu thương gắn bó với nhau và bất cứ sự
phân rẽ nào cũng đem lại những mất mát và đau khổ lớn lao.
Hôn nhân là một sự kết hiệp
Sự độc lập riêng tư của hôn nhân được nói đến trong Cựu ước và được Chúa
Giê-xu nhắc lại: “Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu
cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt” (SaSt 2:24).
Lìa bỏ để có thể kết hiệp, một điều tuyệt diệu biết bao !
Lời Chúa ở đây xác định chế độ hôn nhân một vợ một chồng, chung thủy,
bền vững, hiệp một và độc lập. Hôn nhân là một mối liên hệ gắn bó dựa trên
sự kết hiệp giữa người nam và người nữ. Vì thế, hôn nhân cũng có tính chất
độc lập, nghĩa là mọi điều khác phải được đặt bên ngoài sự thân thiết riêng
tư giữa vợ chồng. Hôn nhân nối kết hai con người đã bằng lòng phân rẽ khỏi
những ràng buộc đối với cha mẹ, hoặc bất cứ mối liên hệ nào có thể xen vào
mối liên hệ riêng biệt giữa họ với nhau trong hôn nhân.
Một khi Lời dạy của Chúa trong vấn đề này không được vâng theo thì sẽ
đem lại biết bao nan đề và đau khổ.
Trong một số nền văn hóa, mối liên hệ với cha mẹ vẫn tiếp tục được duy trì
và người ta đã không tuân theo sự dạy dỗ của Chúa. Tại một số quốc gia,
người ta có thể thấy tình trạng đại gia đình sống chung với nhau và người
mẹ chồng chính là người sắp xếp mọi việc trong nhà. Ở một số nước khác,
lại có tình trạng người con trai cả nhận lãnh trách nhiệm săn sóc cha mẹ, và
con dâu sẽ phải phụng dưỡng cha mẹ chồng và phải luôn chứng tỏ mình là
người con dâu hiếu thảo.
Ngược lại theo văn hóa phương tây, thì đôi vợ chồng mới sẽ phải tự lo liệu
cho gia đình của mình. Tuy nhiên những người thân trong gia đình hai bên
có thể không sống chung trong nhà nhưng vẫn còn ràng buộc về mặt tình
cảm. Chúng tôi đã nhận ra điều này khi tôi và nhà tôi rời Úc Châu để làm
việc tại Singapore. Mấy người con rể của chúng tôi đã tâm sự rằng sau khi
chúng tôi ra đi, con gái của chúng tôi suốt mấy tuần lễ đã trằn trọc mãi mới
ngủ được !
Việc ra đi đã khiến chúng tôi buồn bã nhưng cũng giúp chúng tôi học được
một điều. Những người con gái của chúng tôi cần phải nhận ra rằng đã là vợ
chồng có nghĩa là đã trở thành một đơn vị độc lập. Gia đình là của đôi vợ
chồng chứ không phải là của cha mẹ nữa.
Một người con gái của tôi đã viết: “Bỗng nhiên con đã nhận ra điều này.
Con đã không còn thuộc về gia đình của ba má nữa. Bây giờ con đã có gia
đình riêng của chính mình !”
Đây chính là quá trình của sự trưởng thành để đạt đến những mục đích của
Đức Chúa Trời đối với gia đình. Sự độc lập là một điều cần thiết để xây
dựng một gia đình mới.
Nếu cha mẹ đôi bên xâm phạm sự độc lập của gia đình mới thì sẽ không
giúp cho đôi vợ chồng có thể gắn bó với nhau. Nếu người con trai cứ tiếp tục
lệ thuộc vào ý kiến của cha mẹ mình mà không chú ý đến những nhu cầu của
người vợ, thì chắc chắn sẽ đưa đến sự cay đắng, buồn giận. Nếu người vợ có
thể gói quần áo trở về nhà cha mẹ mình bất cứ lúc nào, thì cũng không thể
xây dựng hôn nhân tốt đẹp được.
Nếu người mẹ chồng cứ níu kéo lấy con trai của mình, thì người con đó sẽ
gặp rất nhiều khó khăn trong việc chia xẻ thời giờ và tình cảm của mình
dành cho hai người phụ nữ.
Khi người mẹ chồng dùng tình cảm để gây sức ép trên con mình thì sẽ khiến
người con bị lệ thuộc và không trưởng thành được.
Tôi được biết một phụ nữ đã định ly dị với chồng chỉ vì người mẹ chồng
luôn tạo áp lực trên con trai của mình. Người vợ trẻ luôn cảm thấy xúc phạm
và không được tôn trọng nên đã sinh ra những tình cảm giận hờn và cay
đắng. Vì muốn người chồng chú ý và thông cảm cho hoàn cảnh của mình
nên người phụ nữ này đã lên tiếng đòi ly dị. Sau khi khuyên giải, tôi và
người phụ nữ này đã cầu nguyện xin Chúa gỡ bỏ tất cả những rắc rối và
cùng nhau nhìn thẳng vào vấn đề. Sau đó cô ta đã có thể đối diện với những
cảm xúc của mình và xem xét một cách khách quan những giải pháp có thể
đem ra bàn luận với chồng.
Những hoàn cảnh đáng tiếc như thế có thể đã không xảy ra nếu như những
bậc cha mẹ và con cái đều biết vâng theo Lời dạy dỗ của Chúa. Tất cả những
sự ràng buộc của cha mẹ về mặt tinh thần cũng như vật chất đều cần phải
được dỡ bỏ thì hôn nhân mới có thể phát triển tốt đẹp được. Điều này không
có nghĩa là cha mẹ thôi không còn yêu thương, giúp đỡ và thông cảm với
con cái nữa, nhưng đúng hơn giữa cha mẹ và con cái cần phải bắt đầu một
mối quan hệ mới dựa trên tình yêu thương, tình bè bạn và sự độc lập.
Hôn nhân là một điều thánh khiết
Là một người phụ nữ của Đức Chúa Trời, chúng ta cần phải ý thức rõ sự
thánh khiết của hôn nhân. Kinh thánh nhấn mạnh: “Điều gì Đức Chúa Trời
đã kết hiệp, loài người không được phân rẽ”. Qua nếp sống hôn nhân và mối
liên hệ tốt đẹp giữa vợ chồng thì gia đình có thể trở thành một lời làm chứng
về sự cứu rỗi, tình yêu thương và sự tha thứ. Quả là một gương mẫu sáng
chói về sự tha thứ và tình yêu thương khi vợ chồng hứa nguyện sẽ “chung
thủy với nhau lúc vui cũng như lúc buồn, khi thịnh vượng cũng như lúc khó
khăn, khi khỏe mạnh cũng như lúc đau ốm”. Đôi vợ chồng cùng kinh
nghiệm sự biến đổi trong đời sống qua sự chia xẻ tình yêu thương với nhau.
Hai người sẽ cùng nhau vươn lên vượt qua tất cả bệnh tật, cô đơn, sự bất an
và lòng ích kỷ để cảm thấy trong sâu thẳm nhất nhân cách của mỗi người
được chữa lành và biến đổi. “Bởi vì, chồng không tin Chúa, nhơn vợ mình
được nên thánh, vợ không tin Chúa, nhơn chồng mình tin Chúa được nên
thánh”. (ICo1Cr 7:14)
Người chồng chưa tin Chúa sẽ có thể được thuyết phục “vì thấy cách ăn ở
của chị em là tinh sạch và cung kính” (IPhi 1Pr 3:2). “Mọi người phải kính
trọng sự hôn nhân, chốn khuê phòng chớ có ô uế vì Đức Chúa Trời sẽ đoán
phạt kẻ dâm dục cùng kẻ phạm tội ngoại tình” (HeDt 13:4).
Ngoại tình không những chỉ là xúc phạm người bạn đời của mình nhưng
cũng là phạm tội đối với Chúa bởi vì ngoại tình có nghĩa là công khai phủ
nhận sự dạy dỗ của Lời Chúa.
Nếu lời hứa nguyện không được tuân giữ thì chắc chắn sẽ dẫn đến sự nghi
ngờ. Dầu có được tha thứ chăng nữa thì nó vẫn để lại bóng mây u ám của sự
nghi ngờ về lòng trung thành của người vợ hay người chồng. Nỗi đau khổ
của người phụ nữ là: “Tôi có thể tha thứ cho anh ấy nhưng lòng tin của tôi
nơi anh ấy đã bị sứt mẻ !”. Chính vì thế luật pháp của Chúa đòi hỏi chốn
khuê phòng không được ô uế. Bởi ân điển và tình yêu của Chúa mà người vợ
hay người chồng đã bị xúc phạm có thể cứu vãn lại hôn nhân của mình.
Một phụ nữ đã đến gặp tôi để xin tham vấn về trường hợp của chị. Hoàn
cảnh của chị không phải là cá biệt trong xã hội chị đang sống. Chị là vợ bé
của một người đàn ông. Trước đó chị cùng với hai con nhỏ đã bị xua đuổi
khỏi gia đình. Chồng chị đã sống với người phụ nữ khác. Chị gặp một người
đàn ông khác và người này đã tỏ ra tử tế và chăm sóc cho chị. Cảm kích về
điều đó, chị đã bằng lòng làm vợ bé cho người này. Tình trạng trên đã kéo
dài trong nhiều năm, nhưng khi nghe Lời Chúa, chị cảm thấy bị cáo trách và
quyết định phải thay đổi.
Đức Chúa Trời có thể ban cho chúng ta ân điển của Ngài để giúp chúng ta
sửa chữa lại !
Trong thời Tân ước tội ngoại tình đã bị xét đoán một cách rất nặng nề.
Ở một số quốc gia, quan tòa có thể quyết định bỏ tù hay đánh đòn một cách
công khai những người phạm tội ngoại tình. Tuy nhiên, ngày nay trên khắp
thế giới việc ngoại tình đã được coi là một điều bình thường và được xã hội
chấp nhận. Việc lạm dụng tình dục trong giới trẻ cũng đã vượt khỏi tầm
kiểm soát. Chính vì thế ở giữa vòng các Cơ Đốc nhân, thái độ đối với tính
dục là vấn đề trở nên rất quan trọng. Chúng ta phải trở nên nhân chứng cho
Chúa trong một thế giới suy đồi và phải rất cảnh giác trước mọi cám dỗ và
tội lỗi liên quan đến tính dục.
Nhà tôi tỏ ra là một người đàn ông rất khôn ngoan. Trong thời gian chúng tôi
quen biết nhau, nhà tôi phải đi học ở Canterbury còn tôi thì sinh sống ở Luân
Đôn. Phương tiện chính để chúng tôi giữ liên lạc với nhau ấy là những bức
thư rất dài và đầy ắp tâm sự. Lúc đó Richard là một mục sư trẻ còn tôi thì
hãy còn là một Cơ Đốc nhân mới mẻ. Những lá thư chúng tôi viết cho nhau
rất là lý tưởng và thuộc linh nhưng cũng rất thường khi Richard đã có những
lời nhắc nhở rất thực tế.
Trong một lá thư anh ấy đã viết: “Em biết đó, em là một phụ nữ rất dễ
thương và có một tính tình dễ mến. Mặc dầu chúng ta có thể nói rằng chúng
ta sẽ chắc chắn giữ lời thề nguyện với nhau; tuy nhiên, trong cuộc sống
chúng ta không tránh khỏi những giây phút cảm thấy một người nào đó cũng
rất hấp dẫn. Điều đó không hẳn là phạm tội. Tuy nhiên ma quỷ rất tinh quái
và nó rất khéo léo trong việc lợi dụng các hoàn cảnh để thực hiện ý đồ của
nó. Cả anh và em, chúng ta đều có thể bị cám dỗ để nghĩ đến một người
khác phái. Có thể có một lúc nào đó, do một yếu tố bất ngờ nào đó, chúng ta
bỗng cảm thấy ai đó trở nên rất hấp dẫn đối với chúng ta. Vì thế điều quan
trọng đối với chúng ta trước khi bước vào hôn nhân, ấy là phải cùng nhau
quyết tâm chỉ dành riêng đời sống cho nhau mà thôi”.
Lúc đó có khi tôi đã nghĩ rằng người chồng sắp cưới của tôi quá lo xa. Cảm
tạ Chúa, tôi và Richard đã và vẫn tiếp tục kinh nghiệm một mối liên hệ tình
cảm càng ngày càng gắn bó với nhau hơn. Chúa đã gìn giữ chúng tôi không
rơi vào sai lầm. Sau này khi càng chín chắn hơn, tôi càng cảm tạ Chúa nhiều
hơn vì Ngài đã ban cho Richard sự khôn ngoan và sáng suốt.
Chúng ta rất có thể gặp những người mà chúng ta cảm thấy thích cũng như
muốn chuyện trò với họ. Điều này là tự nhiên và bình thường chừng nào mà
những cảm xúc dễ thương đó chưa trở thành những tư tưởng lãng mạn và
không trong sạch.
Nếu chúng ta bước vào một mối liên hệ thân thiết với một người nào khác
hơn là người bạn đời của mình thì điều đó đáng gọi là lừa dối. Vậy nên
chúng ta cần tránh đừng bước vào những mối liên hệ hoặc bắt đầu những
tình cảm mà chúng ta biết rõ rằng chẳng đi đến đâu cả.
Việc ngoại tình dù chỉ là trong tư tưởng cũng đã là tội lỗi và sẽ phá hủy tất
cả những gì là tốt đẹp và phá đổ hạnh phúc mà Chúa đã thiết lập cho hôn
nhân.
Vì vậy, phụ nữ chúng ta cần phải hết sức cảnh giác về mối quan hệ với
người khác phái. “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để các ngươi khỏi sa vào
chước cám dỗ”. Chúng ta cần phải có suy nghĩ và thái độ đúng đắn (RoRm
16:16): “Hãy lấy cái hôn thánh mà chào nhau”. Kinh thánh chép như vậy.
Tuy nhiên một khi cái hôn không còn là thánh khiết nữa thì phải dừng lại !
Chúa Giê-xu phán rằng nếu một người nam nhìn một người nữ mà trong
lòng động lòng tham muốn thì người đó đã phạm tội ngoại tình. Thế còn đối
với phụ nữ thì sao ? Phụ nữ cũng giống như vậy. Trong công tác tham vấn
cho các phụ nữ tôi được nghe nhiều chị em, kể cả những chị em trong Hội
thánh tâm sự rằng đã bị cám dỗ về điều này và chúng tôi đã cầu nguyện xin
Chúa giải cứu khỏi điều đó.
Một người phụ nữ khôn ngoan sẽ nhận biết khi nào những mối liên hệ xã
giao bắt đầu có vấn đề. Người phụ nữ cần nhận biết rằng nếu muốn giữ sự
thánh khiết của hôn nhân thì không thể thỏa hiệp được. Phụ nữ chúng ta cần
phải có thái độ đoan trang - điều này bao gồm sự trong sạch, đức độ, giữ gìn
phẩm hạnh, không gây cớ vấp phạm hoặc cố tình quyến rũ người khác.
Người phụ nữ tin kính Chúa không để một kẽ hở nào cho Satan cám dỗ !
Nhiều người cho rằng quan hệ nam nữ ngoài hôn nhân chỉ đơn giản là thỏa
mãn nhu cầu. Họ có thể nói: “Tôi vẫn yêu vợ tôi” hoặc “Tôi vẫn yêu chồng
tôi nhưng…”. Việc tìm kiếm khoái lạc tính dục ngoài hôn nhân chỉ có thể
định nghĩa là tội lỗi. Thật đáng buồn khi ý định của Đức Chúa Trời về một
hôn nhân thánh khiết đã bị phá hỏng chỉ bởi vì con người ham muốn những
khoái lạc xác thịt ngoài hôn nhân.
Trong bài giảng trên núi Chúa Giê-xu đã đề cập đến vấn đề ngoại tình. Ngài
đã đề cập đến cả việc ngoại tình cụ thể lẫn việc phạm tội trong tâm trí. Ngài
đã phán nếu chúng ta nuôi dưỡng những dục vọng xác thịt trong tâm trí thì
đã là phạm tội rồi. Trong Mat Mt 15:19 và Mac Mc 7:21 Chúa Giê-xu liệt kê
tội ngoại tình chung với các tội lỗi khác và xác nhận rằng tội lỗi xuất phát từ
tấm lòng. Ngài đã bày tỏ ý muốn của Cha Thiên thượng về một hôn nhân
bền vững và chung thủy cả trong tư tưởng cũng như trong hành động.
Dĩ nhiên người phụ nữ vẫn có thể gặp gỡ với người khác phái và có mối liên
hệ tốt đẹp như những người bạn tuy nhiên những mối liên hệ này không
được phá vỡ tình cảm đối với người chồng. Những mối liên hệ tình cảm
được nói đến ở đây thường xảy ra trong sở làm. Vậy nên chúng ta cần phải
rất cảnh giác trước những cám dỗ. Ma quỷ như sư tử rống rình mò muốn cắn
nuốt những gì là tốt đẹp.
Một khi chúng ta hiểu rằng liên hệ xác thịt chỉ được dành cho hôn nhân thì
chúng ta cần hết sức thận trọng trong các mối quan hệ. Một mối tình vụng
trộm là một điều xấu xa, ích kỷ và phá hoại. Chỉ một phút chiều theo dục
vọng chúng ta sẽ có thể phá hỏng cả đời sống của mình và của những người
khác.
Có những dấu hiệu gì báo cho biết những mối quan hệ như thế bắt đầu trở
nên nguy hiểm:
Nếu đó là những mối quan hệ bí mật và người chồng không hề hay biết về
điều đó
Khi những cuộc gặp gỡ càng ngày càng trở nên hấp dẫn và hai người mong
gặp nhau thường hơn
Khi một người bắt đầu so sánh người bạn mới của mình với chồng
Khi bắt đầu suy nghĩ mơ mộng về người bạn mới quen
Khi người chồng bị loại ra ngoài mối liên hệ này
Khi bạn cảm thấy bối rối và chú ý đến mình nhiều hơn khi có mặt người đó
Dầu “lòng con người là dối trá hơn mọi sự” nhưng không có ai dám gọi một
cuộc tình vụng trộm là một tình bạn hoặc tình đồng nghiệp. Những hành
động mờ ám sẽ dẫn đến đổ vỡ và đau khổ. Để trở thành người phụ nữ của
Đức Chúa Trời, chúng ta cần phải giữ tình cảm gắn bó với người bạn đời
duy nhất của mình và giữ mối quan hệ đúng đắn với những người khác.
“Tình bè bạn thân hữu ngoài hôn nhân cần phải bảo đảm rằng sẽ không gây
trở ngại gì cho mối quan hệ vợ chồng. Có nghĩa là thời giờ, sự quan tâm,
chăm sóc và tình cảm giữa hai vợ chồng nhất thiết không được tách rời.
Mối quan hệ bạn bè có thể đem lại một số lợi ích nhưng cũng hàm chứa một
số nguy hiểm. Một khi mối quan hệ thân hữu giữa những người khác phái
trở nên thường xuyên thì chúng ta cũng cần gia tăng sự cảnh giác, kỷ luật và
sự tôn trọng đối với người bạn đó”ù.
Nếu một phụ nữ ngoại tình với một người bạn của mình thì người phụ nữ đó
đã phá hủy chính tình bạn quý báu đối với người đó.
Vì vinh hiển Chúa, chúng ta cần trung thành với lý tưởng mà Chúa đã thiết
lập.
Nếu chúng ta lỡ thất bại trong vấn đề này - mặc dầu mới chỉ là những ước
muốn tội lỗi chứ chưa vi phạm cụ thể - chúng ta cần đến với Chúa trong sự
ăn năn. Một số chị em có thể đưa ra câu hỏi liệu có nên thổ lộ những yếu
đuối với người chồng của mình hay không. Điều này tùy thuộc vào việc giữa
vợ chồng có sự thông cảm và sự hiểu biết nhau như thế nào và điều đó có
đem lại ích lợi hay không. Trút bỏ gánh nặng tội lỗi của mình bằng cách gây
tổn thương cho người khác là một điều không nên. Tuy nhiên nếu người
chồng là một Cơ Đốc nhân trưởng thành thì có thể cầu nguyện và giúp đỡ
người vợ cûa mình chiến thắng những cám dỗ đó. Nếu chúng ta được đầy
dẫy Thánh Linh thì chắc chắn sẽ không làm theo “những ưa muốn của xác
thịt”.
Chúng ta cần luôn luôn cầu nguyện xin Chúa rửa sạch lòng chúng ta và làm
chúng ta tinh khiết.
Trong trường hợp đã phạm tội ngoại tình một cách cụ thể thì có lẽ rất cần
phải thú nhận với người chồng. Bởi vì sẽ đau khổ hơn rất nhiều khi người
chồng biết được chuyện đó qua một người khác. Chấp nhận tha thứ cho
người vợ hay người chồng phạm tội ngoại tình là một thách thức lớn đối với
tình yêu. Nếu chúng ta thật lòng ăn năn, Chúa sẽ tha thứ và hàn gắn hôn
nhân của chúng ta.
Trong một số trường hợp, người phụ nữ có thể nói rằng mình đã tha thứ cho
người chồng ngoại tình, nhưng lại lợi dụng thất bại của người chồng để luôn
gây sức ép khiến người chồng phải ý thức rằng mình đã sai lầm. Những cuộc
hôn nhân như vậy có thể dẫn đến tan vỡ. Chúng ta luôn cần sự tha thứ nếu
chúng ta muốn duy trì mối quan hệ với nhau.
Một đứa con của chúng tôi đã dạy cho tôi hiểu rằng thế nào là thật sự tha
thứ. Con gái tôi đã làm một điều sai trật. Sau đó đã đến xin lỗi và xin tôi tha
thứ. Nó nói với tôi: “Mẹ hãy hứa với con rằng mẹ sẽ không bao giờ nhắc lại
điều này nữa !”. Tôi hiểu con tôi muốn nói như thế này: “Xin mẹ đừng đay
nghiến, trách móc nữa. Xin mẹ đừng nhắc lại chuyện này !”
Phụ nữ chúng ta thường hay có thói quen nhắc lại lỗi lầm mỗi khi có chuyện
cãi vã. Đã bằng lòng tha thứ thì tha thứ cho hoàn toàn như Chúa đã tha thứ
cho chúng ta. Vết dơ tội lỗi cần phải được tẩy sạch nếu như người đó chứng
tỏ rằng không còn tiếp tục phạm tội nữa. Thế nhưng, có một số người lại cho
rằng họ có thể tha thứ nhưng không thể quên lỗi lầm được. Vâng, có thể là
chúng ta không quên được, nhưng một khi đã tha thứ thì nếu có nhớ lại cũng
không nên tiếp tục cay đắng trong lòng.
Tha thứ nghĩa là vẫn còn nhớ nhưng không còn cay đắng nữa.
Sự tha thứ thật chính là biểu hiện của tình yêu. Như thế là thấu hiểu được
nguyên tắc của Đức Chúa Trời: “Hãy tha thứ cho nhau như Ta đã tha thứ
cho các ngươi”. Chúng ta đem lòng thương xót tha thứ mà Chúa đã dành cho
chúng ta để đối xử với người khác và qua đó chúng ta phản ánh tình thương
và lòng tha thứ của Ngài.
Hôn nhân chính là hình bóng về tình yêu thương của Chúa Cứu thế (Eph Ep
5:23-33). Sự cao đẹp của hôn nhân là do sự thánh khiết của nó, thánh khiết
bởi vì Đức Chúa Trời đã thiết lập hôn nhân. Đức Chúa Trời là Đấng thánh
khiết đã thiết lập nên mối liên hệ thánh khiết giữa người nam và người nữ.
Những Cơ Đốc nhân đã được tái sanh đều kinh nghiệm được tình yêu
thương của Đức Chúa Trời trong Chúa Cứu thế. Trong hôn nhân, khi hai
người nam nữ đón nhận tình yêu thương của nhau thì sự đón nhận đó hoàn
toàn vô điều kiện.
Trong mối liên hệ yêu thương, tình trạng thuộc linh của người tín đồ sẽ được
tăng trưởng bởi vì họ không chỉ dành tình thương cho nhau nhưng cũng chia
xẻ tình thương với gia đình và bạn hữu nữa. Sự hiểu biết sâu xa hơn về tình
yêu thương sẽ giúp họ nhận thức tình yêu thương của Chúa được bày tỏ qua
tình cảm của họ dành cho nhau. Sự hiểu biết và ý thức như thế sẽ khiến đôi
nam nữ bước vào mối liên hệ sâu xa hơn với Đức Chúa Trời là nguồn tình
yêu.
Khi yêu là chấp nhận dấn thân và khi bước vào hôn nhân cũng có nghĩa là
phải dấn thân, nhưng đó là điều phù hợp với ý muốn và chương trình của
Đức Chúa Trời. Việc sống chung ngoài hôn thú là trái với luật pháp của Đức
Chúa Trời. Người phụ nữ chấp nhận sự sống chung như vậy là điều thật
đáng tiếc vì người phụ nữ cần sự an ninh và mối quan hệ như vậy chỉ xây
dựng trên cát mà thôi.
Sự kết ước với nhau trong hôn nhân Cơ Đốc sẽ đem đến sự an ninh và nền
tảng tốt đẹp cho mối quan hệ bền vững. Tình trạng an ninh này sẽ giúp vợ
chồng có thể chia xẻ gánh nặng và giải quyết những nan đề, loại bỏ sự sợ
hãi, lo lắng và hiểu lầm. Một cuộc hôn nhân như thế sẽ đưa đến kết quả là
tình yêu bền vững, tình bạn sâu xa và sự trưởng thành.
Hôn nhân có bền chặt hay không là tùy thuộc vào sự cam kết, hứa nguyện
của cả vợ lẫn chồng.
Sự cam kết dấn thân trong hôn nhân cũng giống như sự cam kết của Chúa
Giê-xu đối với Hội thánh. Ngài đã bằng lòng hiến cả mạng sống mình để
cứu chuộc Hội thánh. Sự sống cứu độ của Chúa Giê-xu được biểu hiện qua
thân thể của Ngài là Hội thánh. Hôn nhân được trình bày một cách đẹp đẽ
nhất qua hình ảnh Đấng Christ và hôn thê của Ngài tức là Hội thánh. Người
chồng phải săn sóc người vợ của mình như Đấng Christ đã săn sóc Hội
thánh. Mục đích của Chúa Giê-xu đối với Hội thánh là: “đặng tỏ ra Hội
thánh đầy vinh hiển, không vết, không nhăn, không chi giống như vậy,
nhưng thánh sạch không chỗ trách được ở trước mặt Ngài”. (Eph Ep 5:27).
Điều này nói lên sự chăm sóc, yêu thương, trìu mến, đề cao và tôn trọng.
Hội thánh là sự đầy đủ của Đấng Christ như thế nào thì người vợ, người
chồng cũng bổ túc cho nhau như thế.
Sự đẹp đẽ của hôn nhân là ở chỗ con người có thể đạt đến mục tiêu cao cả
nhất bởi vì Đức Chúa Trời đã thiết lập như vậy. Một khi những nguyên tắc
của hôn nhân Cơ Đốc được tôn trọng và vâng theo, thì mối quan hệ vợ
chồng sẽ trở nên rất đẹp đẽ, bởi vì sự liên kết đó là lời làm chứng về Chúa
Giê-xu và tình yêu thương của Ngài đối với Hội thánh là thân thể Ngài.
VAI TRÒ THUẬN PHỤC CỦA NGƯỜI VỢ
Một người phụ nữ mới lập gia đình đã thốt lên: “Tôi phải thuận phục chồng
mình sao ? Tôi là một con người tự do chứ nào có phải nô lệ của ai đâu !”
Một người khác nói với tôi như sau: “Đối với đa số đàn ông thì người phụ
nữ chỉ là để đáp ứng nhu cầu tính dục mà thôi ! Trong hay ngoài Hội thánh
thì cũng chẳng khác gì cả !”
Có thể quả quyết rằng sự tấn công của phong trào đòi bình đẳng cho nữ giới
đã xâm nhập vào Hội thánh, và đôi khi cuộc tấn công đó mạnh mẽ chẳng
kém gì ở ngoài xã hội. Nhưng ngược lại có một nguyên nhân nào đó đang
gây nên sự tan vỡ của gia đình, sự gia tăng những vụ ly dị, tình trạng con cái
ngỗ nghịch và những tệ nạn trong xã hội. Có lẽ chúng ta là những người của
thời đại tân tiến cũng nên nghiên cứu xem Kinh thánh nói gì về điều này.
Kinh thánh dạy dỗ rất đơn sơ và rõ ràng rằng để trở thành người phụ nữ của
Đức Chúa Trời chúng ta cần chấp nhận địa vị thuận phục. Trong mối quan
hệ hôn nhân, vai trò của người vợ và người chồng đều được xác định một
cách rõ ràng bởi Lời Chúa.
Tôi không chú ý đến chữ thuận phục nhiều lắm. Mặc dầu trong lời hứa của
lễ hôn phối có nhắc đến từ ngữ vâng lời. Nhưng ý nghĩa của chữ vâng lời và
thuận phục chỉ trở nên rõ ràng đối với tôi qua kinh nghiệm.
Tôi thuộc loại người chỉ có thể học được sau những kinh nghiệm đau đớn.
Do tính chất bướng bỉnh, ương ngạnh và kiêu ngạo của tôi nên khó khăn
lắm, tôi mới học được nguyên tắc “yêu thương và vâng phục” của Kinh
thánh.
Nếu có người nào hỏi liệu tôi có vâng phục hay không thì câu trả lời của tôi
là “Vâng, có vâng phục nhưng trong lòng đầy tức tối !”
Có thể nêu một thí dụ, một lần kia tôi đã cảm thấy rất bực bội và tức giận khi
chồng tôi thực hiện uy quyền của mình. Chúng tôi mới đến nhận quản nhiệm
một Hội thánh và cả hai đều làm việc vất vả để xây dựng Hội thánh. Ngoài
ra tôi còn phải chăm sóc bốn đứa con nhỏ dưới 11 tuổi mà đứa nhỏ nhất lại
bị tàn tật. Rồi lại còn phải dọn dẹp tư thất, cùng vô số công việc trong Hội
thánh như tổ chức nhóm phụ nữ, trường Chúa Nhựt và làm thư ký cho nhà
tôi. Cũng trong khoảng thời gian này, tôi thường được mời làm diễn giả
trong buổi nhóm ở các Hội thánh khác, và điều đó khiến tôi rất bận rộn và
căng thẳng.
Một hôm nhà tôi nói với tôi: “Em chỉ nên nhận lời chia xẻ mỗi tháng một lần
và luôn phải được sự đồng ý của anh.”
Trong một tích tắc tôi hầu như không còn tin ở tai của mình nữa. Nhà tôi
dường như đã trở thành một người chồng độc đoán và quan liêu bất chấp các
đức tính tốt khác.
Tôi không nói gì cả nhưng trong lòng đầy bực bội và cố nén không bày tỏ sự
bực tức ra ngoài. Tuy nhiên thời gian qua đi và với việc học hỏi Lời Chúa kỹ
hơn, tôi nhận ra rằng nhà tôi đã sử dụng quyền bính mà Chúa đã ban cho
mình với tư cách là một người làm chủ gia đình. Nhà tôi đã giúp cho tôi thấy
rằng tôi đã quá lo lắng công tác hầu việc Chúa đến mức trở nên căng thẳng.
Tôi cần có người giúp để có thể quân bình lại cuộc sống của mình.
Với ý thức trách nhiệm về vai trò làm chủ gia đình mà Chúa đã thiết lập, nhà
tôi đã không có ý kiểm soát tôi nhưng thực ra là cố gắng để giúp tôi tránh
khỏi những gánh nặng quá đáng trong đời sống. Lúc đó tôi đã không sắp đặt
những thứ tự ưu tiên một cách hợp lý. Sự can thiệp của chồng tôi đã đưa đến
một kết quả tốt đẹp là cả hai chúng tôi sẽ cùng đồng ý với nhau về việc tôi
có nên nhận một lời mời giảng dạy Lời Chúa hay không. “Vợ phải phục tùng
chồng như vâng phục Chúa”. Và “Vợ phải thuận phục chồng trong mọi sự”
(Eph Ep 5:22,24). “Hỡi người làm vợ , hãy phục chồng mình, hầu cho nếu
có người chồng nào không vâng theo Đạo. Dẫu chẳng lấy lời khuyên bảo,
chỉ bởi cách ăn ở của vợ, cũng đủ hóa theo” (IPhi 1Pr 3:1).
Có người đã hỏi vị giáo sĩ đã nghỉ hưu sau mấy chục năm chức vụ và đã
từng chứng kiến nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ rằng đâu là bí quyết để xây
dựng một gia đình Cơ Đốc thực sự hạnh phúc ? Nhà truyền giáo và cũng là
chủ một gia đình hạnh phúc, mà con cái đều tin kính Chúa đã trả lời: “Người
cha phải là người chủ gia đình. Đức Chúa Trời thiết lập người cha trong gia
đình với hai vai trò quan trọng. Trước tiên người cha là thầy tế lễ của Đức
Chúa Trời. Chính người cha có vai trò lãnh đạo và hướng dẫn vợ con về mặt
thuộc linh. Tuy nhiên cũng quan trọng không kém là vai trò người cha trong
việc gây dựng tình yêu thương. Điều đó có nghĩa là người làm chủ gia đình
phải nêu gương mẫu về tình yêu thương một cách cụ thể. Nếu trong gia đình
có điều gì căng thẳng hoặc mâu thuẫn, người cha cần phải nhờ Lời Chúa
hướng dẫn để chấn chỉnh lại. Người cha chính là người lãnh đạo trong gia
đình cũng như người thuyền trưởng trên một con tàu. Người cha cần phải trở
thành người lãnh đạo vững chắc và đáng tin cậy nhưng không bao giờ được
phép độc đoán”.
Dầu từng trải và ý kiến của bạn về trách nhiệm làm chủ gia đình của người
chồng có như thế nào chăng nữa, bạn có thể thấy qua câu trả lời của vị giáo
sĩ rằng người chồng làm chủ gia đình chính là ý định và chương trình của
Đức Chúa Trời.
Trải qua nhiều thế kỷ, từ ngữ thuận phục trong Kinh thánh đã bị hiểu lầm và
lạm dụng chỉ để đề cao người chồng. Còn người vợ thì phải thuận phục và
vâng lời một cách vô điều kiện.
Chúng ta cần phải trở về với ý nghĩa căn bản của sự thuận phục. Chúng ta
cần phải tiếp tục giảng dạy mạnh mẽ về tình yêu thương và sự bình đẳng.
Tuy nhiên vai trò thuận phục của người phụ nữ vẫn là nền tảng của một hôn
nhân tốt đẹp. Những người phụ nữ Cơ Đốc cần phải hiểu rõ vấn đề thì mới
chấp nhận vai trò của người chồng và làm tốt vai trò của mình với tư cách là
người vợ, người mẹ trong gia đình.
Ý nghĩa của sự thuận phục là:
Vâng theo sự điều khiển và thẩm quyền của người khác.
Nghe theo sự phán quyết và quan điểm của người khác
Vâng lời, tuân hành
Vâng phục, khiêm nhường
Sự thuận phục trong Kinh thánh có nghĩa là vâng phục lẫn nhau bởi lòng
kính sợ Đấng Christ. “Những lời hứa nguyện trong hôn nhân đều có ý nghĩa
như nhau đối với người chồng cũng như người vợ. Tình yêu thương trong
gia đình là một tình yêu thương hỗ tương”.
Vâng phục trong tình yêu thương
“Hỡi người làm vợ, hãy phục chồng mình” (IPhi 1Pr 3:1).
Khi chúng tôi còn ở bên Úc Châu, một người hàng xóm muốn mời tôi cùng
đi chơi phố. Tôi trả lời: “Tôi cần phải hỏi ý kiến chồng tôi đã”.
Người hàng xóm của tôi hơi bị bất ngờ trong một chốc và nói: “Chị chưa
được giải phóng sao ?”.
Việc hỏi ý kiến và cho nhà tôi biết tôi đi đâu chỉ đơn giản là giữ lịch sự đối
với nhau. Tôi cũng muốn chồng tôi hỏi ý kiến tôi như vậy. Đó không phải là
xin phép nhưng là ý thức mối quan hệ, sự hiệp nhất và trách nhiệm của
chúng tôi đối với nhau. Khi bình luận về thơ Phierơ, William Barclay đã
viết: “Sứ đồ Phierơ không yêu cầu những người vợ phải đứng lên giảng dạy
hay biện giáo. Ông không yêu cầu những người phụ nữ phải chứng minh
rằng không có sự khác biệt giữa nô lệ và tự do, người Do Thái và người
ngoại bang, nam hoặc nữ, nhưng tất cả đều bình đẳng trong Đấng Christ.
“Sứ đồ Phierơ chỉ kêu gọi những người vợ làm một điều rất đơn giản là hãy
đóng vai trò một người vợ hiền. Dùng chính sự yêu thương của mình làm
một bài giảng hùng hồn. Người vợ cần phải thuận phục. Đây không phải là
sự thuận phục một cách tiêu cực nhưng như một tác giả đã định nghĩa rất
đúng, đó là “sự tự nguyện từ bỏ bản ngã”. Đó chính là sự thuận phục đặt nền
tảng trên sự từ bỏ kiêu ngạo và bản ngã và trên tinh thần phục vụ. Đây
không phải là sự thuận phục do sợ hãi nhưng là “sự thuận phục trong tình
yêu thương trọn vẹn”.
Tình yêu thương đối với Chúa Cứu thế và đối với chồng mình !
Sứ đồ Phierơ đã dùng chữ “cũng vậy” là muốn ám chỉ đến gương mẫu của
Chúa Giê-xu. Vâng phục như Chúa Cứu thế đã vâng phục trên thập tự giá để
làm vinh hiển cho Đức Chúa Cha. Sự vâng phục của Chúa Giê-xu chính là
sự vâng phục bởi tình yêu thương đối với Cha Thiên Thượng.
Vâng phục không phải dựa trên địa vị người trên hay người dưới, nhưng là
do hiểu rõ mối quan hệ và sự bình đẳng nhưng cũng khác biệt trong vai trò
người vợ và người chồng.
Vâng phục không có nghĩa là yếu đuối.
Vâng phục trái lại có nghĩa mạnh mẽ, tích cực. Bởi vì đây là sự vâng phục
bởi tình yêu thương !
Qua thơ thánh Phao Lô gởi tín đồ Cô-lô-se, chúng ta biết rằng nếp sống Cơ
Đốc nhân trong gia đình sẽ giúp phát triển mối quan hệ vợ chồng trở thành
mối quan hệ đầy yêu thương và chia xẻ trách nhiệm. Ngày nay, vị trí và
quyền lợi của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội đã được
công nhận. Điều này giúp ngăn chặn sự lạm dụng quyền hành của người đàn
ông. Sự thuận phục đúng nghĩa của người vợ sẽ giúp duy trì và phát triển
tình yêu thương.
Vâng phục quyền làm chủ gia đình chứ không phải vâng phục sự độc đoán
Lời Chúa trong Eph Ep 5:22 và 5:28,29 chép ;
“Vợ phải vâng phục chồng như vâng phục Chúa”.
“Cũng một thể ấy, chồng phải yêu vợ như chính thân mình. Ai yêu vợ mình
thì yêu chính mình vậy. Vì chẳng hề có người nào ghét chính thân mình,
nhưng nuôi nấng, săn sóc nó như Đấng Christ đối với Hội thánh”.
Vai trò làm chủ gia đình của người chồng chính là cơ nghiệp mà người đàn
ông được thừa hưởng từ Chúa. Nhiều người đã từ bỏ vai trò này và không
vâng theo ý chỉ của Chúa đặt để họ là người bảo vệ, chăm sóc và yêu thương
vợ mình. Ngược lại họ đã trở thành những người cai trị độc đoán trong gia
đình. Một số người hoàn toàn thoái thác trách nhiệm của mình hoặc thực
hiện trách nhiệm đó một cách rất thụ động.
Bởi vì vai trò của người vợ là phụ giúp nên người vợ cần khích lệ người
chồng trong vai trò làm chủ gia đình. Hãy giúp người chồng thực hiện tốt
trách nhiệm của mình. Người vợ không nên làm giảm giá trị người chồng
mà phải nâng đỡ người chồng. Nhiều người đã không thực hiện trách nhiệm
làm chủ gia đình là do đã chịu ảnh hưởng của một người mẹ có tính tình độc
đoán và cứng rắn, hoặc ảnh hưởng của một người cha có tính tình thụ động.
Nếu một người nam có người mẹ tính tình cứng rắn và độc đoán, người đó
có khuynh hướng muốn người vợ mình cũng có đặc điểm đó. Thực ra, trong
hôn nhân người vợ cũng cần đóng vai trò của người mẹ trong mức độ nào
đó.
Chúng ta hãy nghe hai người phụ nữ chia xẻ về quyết tâm làm một người vợ
đúng theo sự dạy dỗ của Kinh thánh. Họ đã thực hiện những điều mà họ đã
học từ trong Kinh thánh. Cả hai người đều muốn giúp người chồng có tính
tình mềm yếu trở thành người làm chủ gia đình và thừa hưởng vinh quang
của Chúa.
Một người giữ chức vụ lãnh đạo trong Hội thánh trong khi người chồng đã
nghỉ hưu và không còn tích cực nữa. Bà chia xẻ với chúng tôi rằng bà là một
người rất tích cực tham gia các công tác trong Hội thánh. Tuy nhiên bà cảm
thấy Chúa muốn bà từ bỏ một số chức vụ trong Hội thánh. Bà muốn người
chồng đóng một vai trò tích cực hơn trong Hội thánh và thực sự là chủ của
gia đình. Trong tinh thần yêu thương và trách nhiệm, bà đã quyết định giúp
đỡ để người chồng vươn lên giữ vị trí là người lãnh đạo trong gia đình và
trong Hội thánh.
Bà đã thành công. Hiện nay cả hai vợ chồng đều hầu việc Chúa một cách rất
có kết quả !
Người phụ nữ thứ hai đã từng phải than thở về người chồng bởi vì bà phải
quyết định mọi việc trong gia đình. Bà cảm thấy rất bực bội khi chính bà là
người phải quyết định về việc có đi ăn cơm tiệm hay không và ăn khi nào !
Bà chia xẻ: “Trong suốt cuộc sống vợ chồng, tôi đã phải vừa đóng vai người
mẹ vừa đóng vai người cha”. Tôi nhận trách nhiệm dạy dỗ con cái và tôi
cũng là người phải trang trải những khoản chi tiêu trong gia đình. Chồng tôi
là một người vô tâm vô tư. Khả năng đặc biệt nhất của chồng tôi ấy là gây ra
những rắc rối để tôi phải giải quyết.
Nếu có hỏa hoạn xảy ra, nhà tôi sẽ chết cháy nếu tôi không bảo ông ấy chạy
ra khỏi nhà.
Gia đình của bà sống theo kiểu vợ chồng đều làm việc và có quỹ riêng.
Đồng lương của bà được dùng vào việc trang trải những chi tiêu cho bà và
các con. Tuy nhiên một khi đã quyết định vâng theo sự dạy dỗ của Kinh
thánh về hôn nhân, bà đã từ bỏ công việc để có thể ở trong vị trí tùy thuộc sự
cung ứng tài chánh của người chồng. Khi cần phải quyết định điều gì, bà đã
khéo léo hỏi ý kiến chồng mình. Vị mục sư đã khuyên bà như sau: “Chị hãy
kiên nhẫn. Chúng ta sẽ rất vui nếu thấy những ý định của chúng ta thành
công trong một thời gian ngắn nhưng sự thay đổi và chữa lành cần phải có
thời gian. Và điều quan trọng hơn là niềm vui được nhìn thấy Đức Thánh
Linh hành động để tạo nên mối liên hệ gia đình tốt đẹp”.
Và quả nhiên điều đó đã xảy ra. Bà không những chỉ tin vào sự dạy dỗ của
Kinh thánh về hôn nhân nhưng cũng đã bằng lòng thực hành những điều
này.
Bà đã chia xẻ: “Tôi không thấy mình bị lệ thuộc vào người chồng nhưng trái
lại, tôi cảm thấy rất tự do. Vai trò phụ giúp của người vợ là một điều rất tốt
đẹp. Chúng tôi đã hợp tác với nhau để đem lại vinh hiển cho Chúa !”
Tôi muốn anh em đều hiểu rằng “Đấng Christ là đầu mọi người; người đàn
ông là đầu người đàn bà; và Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Christ”
(ICo1Cr 11:3)
Đức Chúa Trời và Thánh Linh của Ngài sẽ làm công việc tốt đẹp trong
người chồng của chúng ta. Nếu chúng ta bằng lòng vâng theo Lời Chúa về
vai trò người vợ thì Ngài cũng sẽ ban thưởng và đáp lời cầu nguyện của
chúng ta. Chúng ta sẽ được nhìn thấy người chồng vốn bản tính yếu đuối và
nhút nhát sẽ trở thành người lãnh đạo trong Hội thánh và là người chủ gia
đình. Khi chúng ta bày tỏ thái độ thuận phục đối với chồng, chúng ta sẽ
khiến người chồng phát huy được bản năng của một người bảo vệ mà Chúa
phú bẩm cho họ.
Một người vợ cứng rắn sẽ làm khô héo mối liên hệ trong gia đình.
Trước khi bạn lên tiếng phản đối, tôi đề nghị bạn xem lại các nguyên tắc của
Kinh thánh. Nên nhớ rằng một tập thể luôn cần có một người lãnh đạo. Hãy
nhìn nhận sự khôn ngoan của Đấng Tạo hóa khi thiết lập hôn nhân vừa là
mối quan hệ giữa chồng với vợ và cũng là giữa vợ với chồng. Bạn có thể
yên tâm rằng Đức Chúa Trời không bao giờ sắp đặt để người nam chiếm thế
thượng phong trên người nữ và nếu họ có làm như thế thì họ đã phạm tội với
Đức Chúa Trời.
Thuận phục một cách tự nguyện
“Hỡi người làm vợ, hãy vâng phục chồng mình, y như đều đó theo Chúa
đáng phải nên vậy” (CoCl 3:18). Lời Chúa ở đây bảo đảm rằng chúng ta
đang làm đúng ý Chúa khi thuận phục chồng.
“Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chứ không phải
làm cho người ta” (CoCl 3:23). Sự thuận phục của người phụ nữ là do sự tự
nguyện. Chúng ta bằng lòng chấp nhận vị trí thuận phục là vì chúng ta muốn
vâng theo Lời Chúa và làm đẹp lòng Ngài. Vì muốn tôn cao Chúa nên chúng
ta bằng lòng từ bỏ quyền lợi của mình và tự đặt mình dưới thẩm quyền của
người khác. Một hành động tự nguyện đòi hỏi sự vận dụng ý chí nên nó
không hề có nghĩa là giảm giá trị của con người !
Thông thường người phụ nữ lập gia đình khi đã có sự nghiệp và đã từng
đóng vai trò lãnh đạo. Vì thế người chồng chỉ cần một chút khôn ngoan cũng
đủ nhận thấy mình được tôn trọng như thế nào khi người vợ chấp nhận vâng
phục chồng. Nếu người chồng biết rằng vợ mình là một người hiểu biết và
có cá tính thì chắc chắn phải đối xử với người vợ một cách dịu dàng và tử tế.
Người chồng sẽ biết lắng nghe và tôn trọng người vợ.
Như thế sự thuận phục là vấn đề của sự tự nguyện, khi người phụ nữ bằng
lòng đặt mình dưới sự bảo vệ của người chồng. Phụ nữ cần nhận thấy rằng
không phải Đức Chúa Trời đối xử bất công với phụ nữ, nhưng Ngài muốn
bảo vệ phụ nữ.
Chúng ta cần dành cho người chồng nhiệm vụ yêu thương, săn sóc chúng ta
như họ phải làm đối với thân thể mình. Một sự vâng phục như vậy trước tiên
và trong căn bản đòi hỏi tinh thần đầu phục Chúa. Chỉ khi nào chúng ta đặt
Chúa lên trên hết thì sự thuận phục của chúng ta mới có ý nghĩa và không
bao gồm một chút bực bội nào. Chính Thánh Linh của Đức Chúa Trời sẽ
hành động trong đời sống của chúng ta để chúng ta vừa muốn vừa có thể làm
đẹp lòng Đức Chúa Trời.
HÔN NHÂN LÀ MỘT MỐI LIÊN HỆ
Không phải tự nhiên mà có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Hôn nhân tốt đẹp chỉ có thể là thành quả của những nỗ lực không ngừng của
cả vợ lẫn chồng.
Dầu cho người vợ hoặc người chồng có khả năng và trưởng thành đến đâu
thì họ cũng không thể chỉ đóng vai khán giả trong cuộc hôn nhân của mìnhï.
Họ cần phải tham gia một cách tích cực. Cả người nam và người nữ cần phải
quyết định xem họ muốn đạt đến mục đích gì trong cuộc sống chung. Họ cần
phải quyết định xem những điều gì cần phải tránh xa. Và họ cũng cần hợp
tác với nhau để đạt đến mục đích.
Rõ ràng điểm then chốt ở đây chính là sự giao tiếp, đối thoại !
Sự thông công, giao tiếp
Một khi chúng ta mở lòng mình cho một người khác ấy là chúng ta đã khai
mở con đường để tình yêu tuôn chảy.
Sự thông công đúng nghĩa sẽ giúp gây dựng mối liên hệ tốt đẹp. Thông công
có nghĩa là chia xẻ với nhau chứ không phải là đòi hỏi, gây sức ép.
Với tư cách là người phụ nữ của Đức Chúa Trời, là người được dựng nên để
giúp đỡ, chúng ta được Chúa ban cho khả năng để đáp ứng những nhu cầu
của người chồng về mọi mặt:
Thể xác
Tinh thần
Tâm linh
Chúng ta sẽ xây dựng mối liên hệ mật thiết với chồng mình một cách toàn
diện !
Chúng ta sẽ thuộc về người chồng không phải như một đồ vật nhưng như là
người thừa hưởng cơ nghiệp. Chúng ta đồng hưởng cơ nghiệp của Chúa với
chồng mình.
“Vì họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống” (IPhi 1Pr 3:7).
Chúng ta có một vai trò rất quan trọng. Đức Chúa Trời đặt sự thành công của
hôn nhân cũng như hạnh phúc của người chồng trong bàn tay mỗi chúng ta.
Điều hiển nhiên là bởi vì người nam và người nữ rất khác biệt nên cách đối
xử của họ với nhau cũng khác biệt. Một vị bác sĩ đã nói rằng bà nhận thấy
những người đàn ông rất khác với những điều bà đã nghỉ. Không những họ
khác với phái nữ về thân xác nhưng cũng khác về tinh thần nữa. Các tế bào
trong máu của người nam cũng rất khác và hệ thống thần kinh của họ cũng
vậy. Điều này giải thích tại sao cách suy nghĩ và cách sống của họ khác với
phái nữ.
Một lần nữa, ở đây vấn đề nam nữ không còn là vấn đề phái nào quan trọng
hơn, nhưng vấn đề chỉ là có sự khác biệt giữa nam và nữ. Nếu như người
chồng và người vợ hiểu rõ sự khác biệt của nhau, thì họ sẽ có thể đối xử với
nhau một cách đầy cảm thông. Không những chỉ cảm thông, nhưng cũng đầy
trân trọng và biết ơn lẫn nhau.
Sự khác biệt này thể hiện rất rõ trong cách thức bày tỏ tình cảm của người
nam và người nữ.
Một phụ nữ đã đến than phiền với tôi rằng người chồng của cô không chịu
nói chuyện với cô. Anh ta đi làm về rồi trốn ở trong phòng hoặc bật ti vi lên
xem.
Người vợ cảm thấy rất chán nản và đã nghĩ đến chuyện ly hôn !
Chỉ thoáng nhìn qua căn nhà của ho,ï người ta cũng có thể thấy ngay bằng
chứng về sự khéo tay của người chồng. Tuy nhiên, vì anh ta ít nói nên người
vợ cảm thấy rất buồn bực. Người vợ rất có thể đã muốn nóng nảy đập vỡ hết
tất cả những vật dụng dễ thương mà người chồng đã làm.
Người phụ nữ này rất cần học để hiểu sự khác biệt của phái nam.
Có thể nêu lên một ví dụ, người đàn ông thường rất khó bày tỏ tình cảm của
mình qua lời nói. Họ thường bày tỏ tình cảm qua những món quà tặng hay
qua việc chăm sóc gia đình và qua sinh hoạt tính dục. Ngược lại người phụ
nữ lại muốn người chồng bày tỏ tình cảm của mình bằng những lời nói rất
êm ái “anh yêu em lắm !”. Người phụ nữ rất thích được nghe những lời nói
yêu thương và dịu dàng.
Nếu như vợ chồng có thể học để bày tỏ tình cảm cả vui lẫn buồn, thì họ sẽ
có thể xây dựng được một hôn nhân vô cùng tốt đẹp. Ở những lớp dự bị hôn
nhân, người ta khuyến khích những cặp vợ chồng dù sống chung trong một
mái nhà nhưng cũng nên viết thư trao đổi với nhau. Thư từ có thể giúp diễn
tả ý tưởng một cách rõ ràng và là một phương cách để bày tỏ tình cảm, nhất
là khi người phụ nữ có thể ở trong tâm trạng: “Tôi đã chán ngấy phải nói
chuyện với một người im như thóc !”.
Chúng ta có thể rơi vào ba hình thức rất tiêu cực trong mối thông công giao
tiếp:
Thái độ trả đũa
Thái độ độc đoán quan liêu hoặc
Thái độ xa lánh
Thái độ trả đũa
Người vợ bắt đầu có thái độ trả đũa khi cảm thấy bất an, không được yêu
thương, thông cảm, bị lên án, bị bỏ quên, xem thường, hoặc khi không được
đáp ứng các nhu cầu.
Sự trả đũa lên đến cao điểm có thể biểu hiện qua hình thức chiến tranh lạnh,
im lặng một cách lạnh lùng, tảng lờ như không biết, hoặc ở một thái cực
khác thì sẽ la lối, trách mắng và có những cử chỉ gây hấn.
Cả hai thái độ trả đũa như trên đều bị Kinh thánh lên án và đều gây ra xáo
trộn trong gia đình.
Để có được một gia đình hạnh phúc, tôi đề nghị nên dành một buổi tối đọc
Lời Chúa trong Rôma 12. Thật là tuyệt vời nếu như cả hai vợ chồng cùng
ngồi lại đọc Lời Chúa với nhau !
Dưới đây là hình ảnh đẹp đẽ mà chúng ta đọc thấy trong thơ Rôma. Trong
hai câu đầu tiên có nhắc đến bàn thờ là nơi chúng ta dâng hiến chính mình
và tất cả những gì thuộc về mình. Sau đó từ câu 16 đến câu 21 mô tả đời
sống được đổi mới của chúng ta, khi tính tình và nhân cách của chúng ta
được thay đổi bởi Đức Thánh Linh.
Chúng ta có thể ghi nhận những điều này qua đoạn Kinh thánh nêu trên.
Phải ở cho hiệp ý nhau
Chớ lấy ác trả ác cho ai
Phải chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người
Hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người
Đừng tự báo thù
Nếu kẻ thù của anh chị em đói hãy cho ăn
Có khát hãy cho uống
Hãy lấy điều thiện thắng điều ác.
Đây chính là tiêu chuẩn đạo đức của Cơ Đốc giáo. (Tôi chắc rằng chúng ta
có thể áp dụng tiêu chuẩn này đối với chồng mình !).
Thật là một bức tranh tuyệt vời về hạnh phúc hôn nhân.
Thái độ thống trị
Thái độ thống trị là hậu quả hợp lý của thái độ trả đũa khi người chồng cứng
cỏi nổi lên và chiếm giữ vai trò thống trị. Mối liên hệ sẽ càng trở nên tồi tệ
hơn khi một phía rút lui và tạo nên hình ảnh của mối liên hệ ảm đạm.
Phía thống trị bắt đầu thể hiện các đặc tính quan liêu, ích kỷ, độc đoán, có
thái độ bề trên và coi thường người bạn đời của mình.
Ngược lại, người ở trong vai trò bị thống trị sẽ thể hiện một nhân cách đã bị
thui chột, nín lặng, cứng cỏi, thụ động, và cũng coi thường người chồng của
mình.
CoCl 3:8-10 dạy chúng ta phải từ bỏ giận hờn, ghen ghét, nói hành và những
lời tục tĩu xấu xa.
Chúng ta cần phải từ bỏ người cũ và mặc lấy người mới đã được dựng nên
theo hình ảnh của Đấng Christ.
Thái độ xa lánh
Thái độ thống trị chắc chắn dẫn đến thái độ xa lánh. Khi vợ chồng giữ thái
độ xa lánh nhau thì hôn nhân chỉ còn là mối liên hệ bên ngoài, bằng mặt chứ
không bằng lòng. Mỗi người đi một ngả giống như hai đường thẳng song
song không bao giờ gặp nhau. Hôn nhân như thế khó lòng tránh khỏi tan vỡ,
và nếu còn sống với nhau thì chẳng qua chỉ là giữ lễ mà thôi.
Người ta chọn thái độ xa lánh để tránh phải đối đầu và tranh cãi cách mệt
mỏi. Thay vào đo,ù họ lựa chọn thái độ nín chịu trong yên lặng. Thái độ xa
lánh có thể là một cách đối phó với vấn đề nhưng nó cũng giết chết mối liên
hệ tốt đẹp và hạnh phúc.
Sự trục trặc trong mối giao tiếp là dấu hiệu của những vấn đề trầm trọng !
Thông thường, những thái độ không vui vẻ trong mối giao tiếp chính là biểu
hiện của một vấn đề trầm trọng hơn. Chẳng hạn những phụ nữ bị ức chế
thường không thỏa mãn trong mối quan hệ tính dục và khiến cho người
chồng cũng cảm thấy không thoải mái.
Một người vợ đã thổ lộ với tôi: “Chồng tôi rất coi thường tôi trước mặt
người khác. Tôi rất sợ phải có mặt chung với những đôi vợ chồng cùng lứa
tuổi với chúng tôi. Anh ấy cố tình trêu chọc tôi bằng cách khen ngợi trang
phục và vẻ duyên dáng của các phụ nữ khác và công khai chê trách tôi”.
Tôi liền hỏi cô ta: “Thế còn mối quan hệ chăn gối với chồng cô thì sao ?”
Tôi cảm thấy cô ta hơi khựng lại, nhưng cũng có thể thấy rằng cô ta hiểu là
tôi rất muốn giúp đỡ cô.
Pha một chút ngập ngừng, cô ta trả lời: “Nhà tôi thích chuyện đó hơn tôi
nhiều”.
Tôi hỏi tiếp: “Thế có khi nào chị từ chối chồng mình điều đó không ?”
Cô hỏi lại là: “Không phải là phụ nữ nào cũng thường làm như vậy sao ?”
“Vậy khi anh chị đến với nhau thì thái độ chị như thế nào ?”
Chị ta đáp: “Thường thường tôi chỉ chịu đựng mà thôi”.
Tôi ngừng lại và thầm cầu nguyện trong lòng.
Rồi tôi nói với chị: “Đức Chúa Trời đã ban cho con người có khả năng tính
dục và điều đó rất tốt đẹp trong hôn nhân. Tôi chắc rằng chồng chị không có
gì bất thường về tính dục cả khi anh ta coi sự gần gũi về thân xác như là biểu
hiện tình cảm thân thiết với chị”.
Những giọt lệ bắt đầu lăn dài trên gương mặt của chị: “Khi chồng tôi tỏ thái
độ bực bội với tôi trước mặt người khác. Điều đó có nghĩa là chồng tôi muốn
trả đũa vì tôi từ chối chuyện đó không ?”
Tôi trả lời: “Có thể hiểu như chị vừa nói. Nói đúng hơn anh ta cảm thấy bị từ
chối và tổn thương và chỉ biết phản ứng bằng cách đó”
Thông thường mối quan hệ giao tiếp tốt đẹp đóng vai trò cầu nối quan trọng
trong mọi mối quan hệ. Chúng ta cần phá vỡ những lớp băng và học tập để
chia xẻ những suy nghĩ với nhau. Điều này đặc biệt khó khăn đối với nam
giới. Họ thường không dễ dàng nói ra những suy nghĩ của họ. Điều có vẻ tự
nhiên đối với phụ nữ lại là điều phải học tập rất khó khăn đối với người đàn
ông. Những việc người vợ có thể nói ra rất thoải mái thì người chồng lại tỏ
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan

More Related Content

What's hot

Doi song tinh yeu cua doi lua
Doi song tinh yeu cua doi luaDoi song tinh yeu cua doi lua
Doi song tinh yeu cua doi luaco_doc_nhan
 
English loichuc
English loichucEnglish loichuc
English loichucspacecop
 
Thong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copelandThong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copelandco_doc_nhan
 
Nội san Loisusong.net 2013-10.pdf
Nội san Loisusong.net 2013-10.pdfNội san Loisusong.net 2013-10.pdf
Nội san Loisusong.net 2013-10.pdfFapxiu PiuPiu
 
Tam su voi chua moi ngay tuan 6 phuc sinh
Tam su voi chua moi ngay tuan 6 phuc sinhTam su voi chua moi ngay tuan 6 phuc sinh
Tam su voi chua moi ngay tuan 6 phuc sinhLe Vu
 

What's hot (12)

Ttdc 5 2021
Ttdc 5 2021Ttdc 5 2021
Ttdc 5 2021
 
Doi song tinh yeu cua doi lua
Doi song tinh yeu cua doi luaDoi song tinh yeu cua doi lua
Doi song tinh yeu cua doi lua
 
English loichuc
English loichucEnglish loichuc
English loichuc
 
Thong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copelandThong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copeland
 
Nội san Loisusong.net 2013-10.pdf
Nội san Loisusong.net 2013-10.pdfNội san Loisusong.net 2013-10.pdf
Nội san Loisusong.net 2013-10.pdf
 
So 160
So 160So 160
So 160
 
Tam su voi chua moi ngay tuan 6 phuc sinh
Tam su voi chua moi ngay tuan 6 phuc sinhTam su voi chua moi ngay tuan 6 phuc sinh
Tam su voi chua moi ngay tuan 6 phuc sinh
 
So 174
So 174So 174
So 174
 
B Tch Hon Phoi 1
B Tch Hon Phoi 1B Tch Hon Phoi 1
B Tch Hon Phoi 1
 
Tong hop
Tong hopTong hop
Tong hop
 
GIÁO LÝ HÔN NHÂN
GIÁO LÝ HÔN NHÂNGIÁO LÝ HÔN NHÂN
GIÁO LÝ HÔN NHÂN
 
B Tch Hon Phoi
B Tch Hon PhoiB Tch Hon Phoi
B Tch Hon Phoi
 

Similar to Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan

Hon nhan va gia dinh
Hon nhan va gia dinhHon nhan va gia dinh
Hon nhan va gia dinhco_doc_nhan
 
Tinh yeu va hon nhan
Tinh yeu va hon nhanTinh yeu va hon nhan
Tinh yeu va hon nhanLong Do Hoang
 
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chayHoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chayLong Do Hoang
 
VỢ CHỒNG & ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN
VỢ CHỒNG & ĐỜI SỐNG HÔN NHÂNVỢ CHỒNG & ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN
VỢ CHỒNG & ĐỜI SỐNG HÔN NHÂNMinh Anh Thai
 
Ttdc 1 2010 Mau
Ttdc 1 2010 MauTtdc 1 2010 Mau
Ttdc 1 2010 MauNguyen
 
Thong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copelandThong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copelandLong Do Hoang
 
5 phut loi_chua_042014
5 phut loi_chua_0420145 phut loi_chua_042014
5 phut loi_chua_042014gxduchoa
 
Nguoi xay dung hon nhan
Nguoi xay dung hon nhanNguoi xay dung hon nhan
Nguoi xay dung hon nhanLong Do Hoang
 
Nguoi xay dung hon nhan
Nguoi xay dung hon nhanNguoi xay dung hon nhan
Nguoi xay dung hon nhanco_doc_nhan
 
TS. BÙI QUANG XUÂN. HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH GX HOABINH.pptx
TS. BÙI QUANG XUÂN. HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH  GX HOABINH.pptxTS. BÙI QUANG XUÂN. HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH  GX HOABINH.pptx
TS. BÙI QUANG XUÂN. HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH GX HOABINH.pptxBùi Quang Xuân
 
De thong cam nhau
De thong cam nhauDe thong cam nhau
De thong cam nhauco_doc_nhan
 
Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019
Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019
Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019TiLiu5
 
Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019
Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019
Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019phamhieu56
 
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nhoNhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nhoco_doc_nhan
 

Similar to Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan (20)

Hon nhan va gia dinh
Hon nhan va gia dinhHon nhan va gia dinh
Hon nhan va gia dinh
 
Tinh yeu va hon nhan
Tinh yeu va hon nhanTinh yeu va hon nhan
Tinh yeu va hon nhan
 
So 171
So 171So 171
So 171
 
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chayHoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
 
VỢ CHỒNG & ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN
VỢ CHỒNG & ĐỜI SỐNG HÔN NHÂNVỢ CHỒNG & ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN
VỢ CHỒNG & ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN
 
Ttdc 1 2010 Mau
Ttdc 1 2010 MauTtdc 1 2010 Mau
Ttdc 1 2010 Mau
 
Ttdc 1 2010 Mau
Ttdc 1 2010 MauTtdc 1 2010 Mau
Ttdc 1 2010 Mau
 
Cn 27 B
Cn 27 BCn 27 B
Cn 27 B
 
Tiểu luận về hôn nhân trong luật hôn nhân và gia đình.doc
Tiểu luận về hôn nhân trong luật hôn nhân và gia đình.docTiểu luận về hôn nhân trong luật hôn nhân và gia đình.doc
Tiểu luận về hôn nhân trong luật hôn nhân và gia đình.doc
 
Thong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copelandThong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copeland
 
5 phut loi_chua_042014
5 phut loi_chua_0420145 phut loi_chua_042014
5 phut loi_chua_042014
 
Nguoi xay dung hon nhan
Nguoi xay dung hon nhanNguoi xay dung hon nhan
Nguoi xay dung hon nhan
 
Nguoi xay dung hon nhan
Nguoi xay dung hon nhanNguoi xay dung hon nhan
Nguoi xay dung hon nhan
 
TS. BÙI QUANG XUÂN. HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH GX HOABINH.pptx
TS. BÙI QUANG XUÂN. HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH  GX HOABINH.pptxTS. BÙI QUANG XUÂN. HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH  GX HOABINH.pptx
TS. BÙI QUANG XUÂN. HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH GX HOABINH.pptx
 
De thong cam nhau
De thong cam nhauDe thong cam nhau
De thong cam nhau
 
De thong cam nhau
De thong cam nhauDe thong cam nhau
De thong cam nhau
 
Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019
Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019
Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019
 
Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019
Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019
Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019
 
Bài mẫu tiểu luận về Luật hôn nhân và gia đình, HAY
Bài mẫu tiểu luận về Luật hôn nhân và gia đình, HAYBài mẫu tiểu luận về Luật hôn nhân và gia đình, HAY
Bài mẫu tiểu luận về Luật hôn nhân và gia đình, HAY
 
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nhoNhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
 

More from co_doc_nhan

Vai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tienVai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tienco_doc_nhan
 
Truong dang christ
Truong dang christTruong dang christ
Truong dang christco_doc_nhan
 
Su phuc hung hau den
Su phuc hung hau denSu phuc hung hau den
Su phuc hung hau denco_doc_nhan
 
Su phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanhSu phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanhco_doc_nhan
 
Phuong phap saon bai giang 2
Phuong phap saon bai giang 2Phuong phap saon bai giang 2
Phuong phap saon bai giang 2co_doc_nhan
 
Phuong phap saon bai giang 1
Phuong phap saon bai giang 1Phuong phap saon bai giang 1
Phuong phap saon bai giang 1co_doc_nhan
 
Phuong phap day dao
Phuong phap day daoPhuong phap day dao
Phuong phap day daoco_doc_nhan
 
Phuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chuaPhuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chuaco_doc_nhan
 
Nhung nguyen tac lanh dao
Nhung nguyen tac lanh daoNhung nguyen tac lanh dao
Nhung nguyen tac lanh daoco_doc_nhan
 
Nhiem vu giao duc
Nhiem vu giao ducNhiem vu giao duc
Nhiem vu giao ducco_doc_nhan
 
Nhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanhNhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanhco_doc_nhan
 
Nguyen tac tho phuong
Nguyen tac tho phuongNguyen tac tho phuong
Nguyen tac tho phuongco_doc_nhan
 

More from co_doc_nhan (20)

Vai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tienVai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tien
 
Truong nhan su
Truong nhan suTruong nhan su
Truong nhan su
 
Truong dang christ
Truong dang christTruong dang christ
Truong dang christ
 
Thuat lanh dao
Thuat lanh daoThuat lanh dao
Thuat lanh dao
 
Tho phuong dct
Tho phuong dctTho phuong dct
Tho phuong dct
 
Tho phuong dct
Tho phuong dctTho phuong dct
Tho phuong dct
 
Tho phuong dct
Tho phuong dctTho phuong dct
Tho phuong dct
 
Su phuc hung hau den
Su phuc hung hau denSu phuc hung hau den
Su phuc hung hau den
 
Su phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanhSu phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanh
 
Phuong phap saon bai giang 2
Phuong phap saon bai giang 2Phuong phap saon bai giang 2
Phuong phap saon bai giang 2
 
Phuong phap saon bai giang 1
Phuong phap saon bai giang 1Phuong phap saon bai giang 1
Phuong phap saon bai giang 1
 
Phuong phap day dao
Phuong phap day daoPhuong phap day dao
Phuong phap day dao
 
Phuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chuaPhuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chua
 
Phuc vu chua
Phuc vu chuaPhuc vu chua
Phuc vu chua
 
Phuc vu chua
Phuc vu chuaPhuc vu chua
Phuc vu chua
 
Nhung nguyen tac lanh dao
Nhung nguyen tac lanh daoNhung nguyen tac lanh dao
Nhung nguyen tac lanh dao
 
Nhom thanh cong
Nhom thanh congNhom thanh cong
Nhom thanh cong
 
Nhiem vu giao duc
Nhiem vu giao ducNhiem vu giao duc
Nhiem vu giao duc
 
Nhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanhNhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanh
 
Nguyen tac tho phuong
Nguyen tac tho phuongNguyen tac tho phuong
Nguyen tac tho phuong
 

Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan

  • 1. PHẦN GIỚI THIỆU Phần 1 của quyển sách này rất quan trọng. Chúng ta cần phải giải quyết mối liên hệ của chúng ta với Chúa để có thể trở nên mạnh mẽ trong Đấng Christ và trở thành “một người giúp đỡ thích hợp”. Vai trò của người phụ nữ trong mọi bình diện của cuộc sống đều có liên quan đến các mối quan hệ. Cách thức chúng ta duy trì các mối quan hệ chính là lời làm chứng sống động nhất của chúng ta. Là người phụ nữ Cơ Đốc chúng ta cũng cần đánh giá lại vai trò của chúng ta trong gia đình bởi vì nền tảng gia đình đang bị tấn công ác liệt. Đang có khuynh hướng xem thường hôn nhân gia đình trong thế giới ngày nay và thế hệ trẻ đang đặt câu hỏi: “Tại sao cần phải lập gia đình ?”. Các quốc gia đang phải lập ra những luật lệ mới để giải quyết tình trạng sống chung ngoài hôn thú đang trở nên rất phổ biến. Những người trẻ hôm nay đang đứng trước một tình thế tiến thoái lưỡng nan bởi vì hôn nhân có vẻ như rất dễ đổ vỡ. Tình yêu thương, lòng tin cậy và sự cam kết hứa nguyện đều có thể bị gạt qua một bên để nhường chỗ cho những lợi ích riêng tư. Sự ích kỷ, “tấm lòng cứng cỏi” của thế gian đã ảnh hưởng đến hôn nhân và gia đình Cơ Đốc. Những nguyên tắc của Kinh thánh không còn nữa. Ngày nay người ta rất dễ quyết định ly dị hoặc ly thân. Trước đây những điều này chỉ phổ biến ở các nước phương Tây nhưng ngày nay nó đã bắt đầu trở nên trầm trọng đối với những người trẻ tại các quốc gia đang phát triển. Điều đáng buồn là các gia đình Cơ Đốc và ngay cả gia đình của những vị lãnh đạo Hội thánh cũng có nhiều vấn đề. Chúng ta đã thất bại trong việc làm chứng về điều này cho thế gian. Vì thế, là những người phụ nữ Cơ Đốc, chúng ta cần phải xác định lại vị trí của mình trong hôn nhân gia đình. Mục đích của hôn nhân là gì ? Chúng ta cần phải suy nghĩ về điều đó, ghi chép lại và sẵn sàng đem ra thực hiện như một công tác phục vụ Chúa và như một lời làm chứng sống động về Ngài cho thế gian. Đây chính là mục tiêu mà những người phụ nữ Cơ Đốc phải nhắm đến. HÔN NHÂN LÀ CHƯƠNG TRÌNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI Giao ước hôn nhân Hôn nhân không phải là sản phẩm của lịch sử ! Hôn nhân chính là chương trình của Đức Chúa Trời cho con người trong suốt mọi thời đại. Đức Chúa Trời là Chúa của giao ước và hôn nhân chính là một hình thức giao ước. ChCn 2:17
  • 2. “Nàng lìa bỏ bạn của buổi đang thì, Và quên sự giao ước của Đức Chúa Trời mình” Lời Chúa trong sách Châm ngôn đã khẳng định một cách dứt khoát chế độ một vợ một chồng cũng như sự thánh khiết của hôn nhân và gia đình. “Các ngươi lại còn làm sự nầy:các ngươi lấy nước mắt, khóc lóc, than thở mà che lấp bàn thờ Đức Giê-hô-va, nên nỗi Ngài không nhìn đến của lễ nữa, và không vui lòng nhận lấy vật dâng bởi tay các ngươi. Các ngươi lại nói rằng:Vì sao ? Aáy là vì Đức Giê-hô-va làm chứng giữa ngươi và vợ ngươi lấy lúc tuổi trẻ, mà ngươi đãi nó cách phỉnh dối, dầu rằng nó là bạn ngươi và là vợ giao ước của ngươi” (MaMl 2:13,14) Từ ngữ GIAO ƯỚC được định nghĩa trong tự điển như sau: Một sự cam kết long trọng giữa hai hoặc nhiều người với nhau Một sự cam kết có tính cách pháp lý Một giao kèo Do đó hôn nhân Cơ Đốc là một GIAO ƯỚC giữa người nam và người nữ cùng nhau thề nguyện trước mặt Chúa sẽ trung thành với nhau suốt đời trong một giao ước long trọng và chặt chẽ nhất. “Vậy người ta không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp” (Mac Mc 10:9) Kinh thánh rất coi trọng hôn nhân: ChCn 18:22 “Ai tìm được một người vợ, tức tìm được một đều phước” Gie Gr 29:5,6 “Hãy xây nhà và ở; hãy trồng vườn và ăn trái; hãy lấy vợ cho con trai, gả chồng cho con gái, hầu cho chúng nó đẻ ra con trai và con gái. Hãy lấy vợ cho con trai, gả chồng cho con gái, hầu cho chúng nó đẻ ra con trai và con gái. Ssố các ngươi khá thêm nhiều ra ở đó và đừng kém đi” ITi1Tm 3:12 “Các chấp sự chỉ nên làm chồng của một vợ mà thôi, phải khéo cai trị con cái và nhà riêng mình” ITi1Tm 5:14 “Vậy ta muốn những gái góa còn trẻ nên lấy chồng, sanh con cái, cai trị nhà mình, khỏi làm cớ cho kẻ thù nghịch nói xấu” HeDt 13:4 “Mọi người phải kính trọng sự hôn nhân, chốn khuê phòng chớ có ô uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ dâm dục cùng kẻ phạm tội ngoại tình” Việc tạo dựng nên người nữ - Sự bày tỏ của tình yêu Việc tạo dựng nên người nữ đã bày tỏ tình yêu thương sâu sắc của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Ngài không những chỉ quan tâm đến việc sinh sản con cái, nhưng Ngài cũng quan tâm đến tình trạng cô đơn của người nam, bởi vì Ađam đã không thể tìm được người bạn nào giữa các thú vật và ông rất cần một người để giúp đỡ mình. Và thế là Ngài đã tạo dựng nên một người giúp đỡ rất phù hợp cho Ađam, là người sẽ bổ túc cho ông và cũng là người có
  • 3. thể cùng có một tần số với ông về mặt tinh thần, thể chất, tình cảm cũng như thuộc linh. “Nhưng về phần Ađam, thì chẳng tìm được một ai giúp đỡ giống như mình hết” (SaSt 2:20). Khi tạo dựng Eâva Đức Chúa Trời đã tạo dựng một người bạn hoàn toàn phù hợp với Ađam. “Giêhôva Đức Chúa Trời dùng xương sườn đã lấy nơi Ađam làm nên một người nữ, đưa đến cùng Ađam” (SaSt 2:22). Việc tạo dựng nên người nữ rất đặc biệt. Điều này nhằm thực hiện một mục đích rất cụ thể. “Đức Chúa Trời đã dựng nên người nữ” - Từ ngữ Hêbơrơ “panah” được dịch là “dựng nên” có nguyên nghĩa là được tạo dựng một cách khéo léo. Kinh thánh đã không dùng từ ngữ “asah” là từ ngữ vẫn thường dùng để nói về sự khéo léo. Như vậy người nữ đã được tạo dựng một cách đặc biệt để đáp ứng với nhu cầu của người nam. Điều mà Ađam cần đó là một người giúp đỡ giống như ông. Chính từ ngữ “người giúp đỡ” đã bày tỏ ý nghĩa và tầm quan trọng của người phụ nữ . “Giúp đỡ” có nghĩa là đáp ứng những gì cần thiết - có nghĩa là đem lại sự yên ủi khi gặp khó khăn, giúp đỡ, phục vụ … Với tình yêu thương cao cả, Đức Chúa Trời đã quyết định lấy xương sườn của Ađam để dựng nên người nữ, và như thế người nữ không những chỉ là một người giúp đỡ nhưng còn là người bạn đường của người đàn ông. Êva đã được dựng nên để mang lại sự hoàn hảo cho Ađam, hầu cho Ađam có thể nhìn thấy sự trọn vẹn của mình nơi Êva và tìm thấy nơi Êva những điều bù đắp cho sự thiếu sót của mình. Khi người nam và người nữ kết hiệp với nhau để làm nên sự trọn vẹn thì họ trở thành một sự phản ảnh tình yêu của Đức Chúa Trời và bày tỏ ý chỉ tốt lành của Ngài. Ngài đã xác định rằng mối quan hệ hôn nhân ưu tiên hơn và vượt qua mối quan hệ với cha mẹ. “Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt” (SaSt 2:24). Sẽ không có mối liên hệ nào hay sự ràng buộc nào quan trọng hơn mối liên hệ giữa chồng và vợ. Việc tạo dựng nên người nữ là một sự bày tỏ tình yêu và mối liên hệ giữa người nam và người nữ trong hôn nhân chính là sự thể hiện của tình yêu. MỤC ĐÍCH CỦA HÔN NHÂN Hôn nhân được thiết lập bởi Đức Chúa Trời có ba mục đích: Tình bè bạn, tình chăn gối Sinh sản con cái Vì lợi ích của xã hội Tình bạn trong hôn nhân
  • 4. Sách hướng dẫn nghi lễ hôn phối của giáo hội Anh quốc giáo xác định mục đích của hôn nhân là: “để phục vụ lợi ích của xã hội, đem lại sự giúp đỡ và khích lệ cho cả vợ lẫn chồng khi thịnh vượng cũng như lúc khó khăn. Tạo điều kiện để các bản năng và tình cảm tự nhiên được dựng nên bởi Đức Chúa Trời được thánh hóa và sử dụng một cách đúng đắn, cũng như tạo điều kiện để mỗi cá nhân được Đức Chúa Trời kêu gọi sống đời sống lứa đôi cần phải sống một cách thánh khiết”. Ngày nay tại các nước phương Tây cũng như các nước đang phát triển, những quan điểm truyền thống trong hôn nhân bắt đầu thay đổi nhiều. Trước đây người chồng được coi là người chủ gia đình và người vợ chỉ lo công việc nội trợ. Ngày nay người ta đang nhấn mạnh đến sự chia xẻ trách nhiệm chung giữa vợ chồng. Đang có một phong trào kêu gọi sự bình đẳng nam nữ ở sở làm cũng như tại gia đình. Tuy nhiên, mối quan hệ căn bản giữa vợ chồng vẫn giữ nguyên:đó là nhu cầu về tình bạn, tình yêu, tình chăn gối và sự thành đạt chung. Việc sinh sản, nuôi dưỡng con cái và mối liên hệ chăn gối chỉ là một phần nhỏ trong đời sống hôn nhân. Phần quan trọng hơn của đời sống hôn nhân đó là chia xẻ cuộc sống, suy nghĩ, tình cảm, nỗi lo âu và niềm hạnh phúc. Ý nghĩa của hôn nhân chính là sự chia xẻ cuộc sống, một tình bạn bền vững, một người bạn đời chung thủy và một tình bạn thân thiết. Hôn nhân là điều đẹp đẽ nhất, kỳ diệu nhất và ý nghĩa nhất. Chúng ta bước vào hôn nhân với tất cả hành trang vốn có của mình:Sự sợ hãi, tự ti mặc cảm và tất cả những thiếu sót bất toàn của mỗi con người. Như tôi đã nói trong những phần trước, một trong những vấn đề của tôi là sự tự ti mặc cảm và ý nghĩ cho rằng mình không có giá trị. Tôi không bao giờ nghĩ rằng mình có thể tốt bằng nhà tôi. Nhà tôi lớn hơn tôi vài tuổi và là một mục sư Anh quốc giáo, là người mà tôi vô cùng kính phục và ngưỡng mộ. Sự kính sợ mà tôi thường có đối với Đức Chúa Trời cũng như đối với cha tôi chính là yếu tố nổi bật nhất trong mối quan hệ với chồng tôi. Tôi cứ luôn sợ rằng nhà tôi sẽ chú ý đến một người phụ nữ khác có cuộc sống thuộc linh hơn tôi. Vì thế tôi cố gắng cư xử một cách tốt đẹp như một cô bé ngoan ngoãn và không bao giờ muốn chồng tôi thấy được những khía cạnh xấu của tôi, bởi vì tôi nghĩ rằng nếu chồng tôi nhận ra những điều đó thì sẽ không còn yêu thương tôi nữa. Tôi đã nhìn chồng tôi như một tượng đài cao cả. Tôi không bao giờ có thể nghĩ đến sự bình đẳng nam nữ. Nhà tôi không hề hay biết gì về những dằn vặt nội tâm của tôi. Do ý tưởng cho rằng mình không tốt đủ nên tôi đã không phát huy vai trò
  • 5. tích cực của tôi trong đời sống hôn nhân. Tôi đã không chấp nhận chính mình và có một hình ảnh rất tiêu cực về chính mình. Chính vì thế cả những điều nhỏ nhặt nhất cũng có thể khiến tôi bối rối và cảm thấy khốn khổ, dễ bị tổn thương, ganh tị. Và điều tệ hơn là tôi không dám thú nhận mình có những tình cảm đó. Tôi đau khổ và lặn hụp trong tâm trạng bất ổn và không bao giờ dám nghĩ rằng chồng tôi thực sự yêu thương tôi. Tôi tự cho rằng mình là con người kém cỏi và luôn thấy rằng chồng tôi ở vị trí cao hơn. Sự mất bình đẳng này đã không giúp chúng tôi xây dựng được một tình bạn chân thật và sâu đậm. Chúng tôi còn giữ được mối hôn nhân tốt đẹp chỉ vì chúng tôi yêu mến Chúa và hết lòng muốn phục vụ Ngài. Chúng tôi rất bận rộn trong công tác phục vụ Chúa. Tôi cũng cảm thấy được Chúa kêu gọi như chồng tôi. Rất nhiều lần tôi che giấu những tình cảm riêng của mình bằng các việc làm. Chỉ khi tôi được hòa thuận với Đức Chúa Trời và chấp nhận chính mình, giữ địa vị cân bằng với chồng tôi như một người bạn đời thì tình bằng hữu mới bắt đầu phát triển. Cảm tạ Chúa, Ngài đã chữa lành cho tôi và phục hồi hôn nhân của chúng tôi. “Nhưng làm thế nào mối liên hệ hôn nhân giữa một người nam và một người nữ có thể phát triển đến mức tốt đẹp nhất mà Đức Chúa Trời đã ấn định ? Điều này đòi hỏi một tình yêu sâu sắc và không ngừng rèn luyện. Ở đây có một yếu tố quan trọng hơn mọi yếu tố khác. Đó là tình bè bạn - tình bằng hữu giữa hai con người trong đó mỗi người phát triển đến điều tốt đẹp nhất và ban phát cũng như nhận lãnh tối đa những gì mà hai người có thể chia xẻ cho nhau. Một khi hôn nhân không đạt đến sự chia xẻ đó thì đã đánh mất ý nghĩa cao cả nhất”. Trải qua năm tháng, tôi và nhà tôi đã trưởng thành trong tình bạn đối với nhau. Tôi không còn coi nhà tôi là thần tượng nữa. Không phải bởi vì nhà tôi không còn hấp dẫn như trước, nhưng chỉ vì chúng tôi đã trưởng thành trong sự hiểu biết và chấp nhận lẫn nhau cả những ưu điểm và khuyết điểm. Người chồng hay người vợ không nên trở thành một điều gì đó ngăn trở sự phát triển nhân cách của người kia, nhưng với tình yêu thương họ cần phải chia xẻ cuộc sống, nâng đỡ và gây dựng lẫn nhau. Hôn nhân là cả một quá trình ban cho và tiếp nhận, hôn nhân có nghĩa là một tình bè bạn chân thật và bền vững. Hôn nhân chính là tình bè bạn và tình bạn cần thời gian để phát triển. Trong tác phẩm “Tình Bạn”, tác giả Jim Conway đã nêu lên mười yếu tố chính của tình bạn: Tình bạn là điều rất quan trọng trong hôn nhân, bởi vì một ngày nào đó những đứa con đã từng chiếm mất thời giờ và vị trí trong gia đình sẽ trưởng
  • 6. thành và rời khỏi gia đình. Một trong những kinh nghiệm buồn bã nhất là vợ chồng nhận ra rằng mình không có một nền tảng chung và gia đình chỉ là một căn nhà trống trải. Thời gian đã trôi qua nhưng mối liên hệ giữa vợ chồng đã không được vun đắp tài bồi. Mối quan hệ đó đã không nẩy nở để trở thành một vườn hoa với đầy tình yêu thương và tình bạn chân thật, nhưng đã trở nên một khu vườn hoang vắng, khô hạn và buồn tẻ. Có những cặp vợ chồng đã bước vào hôn nhân với tình yêu nồng thắm và hạnh phúc, nhưng sau đó chỉ còn là đống tro tàn của sự chịu đựng và niềm vui gượng gạo. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nêu trên là người phụ nữ đã chỉ sống cho con cái hoặc cho sự nghiệp, và người chồng chỉ đóng vai trò thứ yếu trong đời sống của họ. Người phụ nữ có thể quá quan tâm đến con cái mà không chú ý đến việc đáp ứng nhu cầu của người chồng. Đến khi con cái đã khôn lớn và tự lập thì những người phụ nữ này thường rơi vào tình trạng khủng hoảng, cô đơn và cảm thấy tự ti mặc cảm, có cảm giác như mình không còn cần thiết nữa. Vợ, chồng có thể sống chung dưới một mái nhà,ø nhưng người đàn ông đã tự tạo cho mình một cuộc sống riêng với những thú vui riêng. Họ không có điều gì chung để chia xẻ cả. Cuộc sống của họ như hai đường thẳng song song không hề gặp nhau. Tuy nhiên nếu chúng ta sống cuộc đời đặt Chúa làm trung tâm của mình chứ không phải là bản ngã, thì chúng ta sẽ có thể xây dựng một cuộc hôn nhân với tình bạn bền vững chứ không phải chỉ là mối quan hệ gượng gạo. Vấn đề giới tính “Hôn nhân được Đức Chúa Trời thiết lập với mục đích để các bản năng và tình cảm tự nhiên mà Tạo hóa phú bẩm cho con người có thể được thánh hóa và sử dụng một cách đúng đắn; và để cho những người được Chúa kêu gọi sống cuộc sống gia đình có thểõ tiếp tục bước đi trong “sự thánh khiết”. (Sách Cầu nguyện của Giáo hội Anh quốc giáo xuất bản năm 1928). Những sự bày tỏ bình thường của các bản năng tự nhiên được Tạo hóa phú bẩm đã khiến cho hôn nhân trở nên đẹp đẽ và hạnh phúc đối với cả vợ lẫn chồng. Bản năng tính dục rất thường bị lạm dụng và giải thích một cách sai lạc. Với tư cách là người phụ nữ của Đức Chúa Trời, chúng ta cần phải giữ cho vấn đề tính dục luôn thánh khiết và đẹp đẽ như ý định của Đức Chúa Trời đã thiết lập. (Vấn đề tính dục sẽ được bàn thêm ở Chương 6 “Tính dục trong hôn nhân”). Việc duy trì nòi giống.
  • 7. “Hãy sinh sản thêm nhiều và làm cho đầy dẫy đất” (SaSt 1:28) Thật kỳ diệu khi Đức Chúa Trời muốn dùng chúng ta để cộng tác với Ngài trong chương trình sáng tạo. Một vị mục sư đã nói như sau: “Điều rõ ràng là con người có những bản năng, nhưng con người cũng có lý trí và ý chí tự do, và bởi đó con người có thể cộng tác một cách chủ động với Đức Chúa Trời trong việc tạo dựng nên sự sống. Ý thức rằng chính người chồng, người vợ có khả năng để sinh sản ra con cái đáng phải dẫn chúng ta đến thái độ hạ mình và kính sợ một cách sâu xa”. Con cái là phần thưởng của Đức Chúa Trời “Kìa con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giê-hô-va mà ra, Bông trái của tử cung là phần thưởng. Con trai sanh trong buổi đương thì khác nào mũi tên nơi tay dõng sĩ. Phước cho người nào vắt nó đầy gùi mình Người sẽ không hổ thẹn” (Thi Tv 127:3-5) “Mão triều thiên của ông già ấy là con cháu” (ChCn 17:6) Chính Đức Chúa Trời đã thiết lập gia đình. Ngài muốn các con trẻ được sinh ra và trưởng dưỡng trong gia đình. Ngài muốn chúng được sinh ra bởi người cha, người mẹ đã đến với nhau trong sự kết ước sẽ trung thành trong tình yêu thương. Gia đình chính là kiệt tác của Đức Chúa Trời ! “Đức Giê-Hô-Va làm cho kẻ cô độc có nhà ở” (Thi Tv 68:6). Đức Chúa Trời muốn rằng các trẻ em được sinh ra trong thế giới này sẽ được sống trong mối liên hệ với cha mẹ, anh chị em, chú bác, cô dì, ông bà nội ngoại. Đây chính là môi trường tốt đẹp nhất cho các em. Những cặp vợ chồng son sẻ cần nhìn thấy mục đích đặc biệt của Chúa cho mình. Nếu những cặp vợ chồng đó bằng lòng vâng phục Chúa và phục vụ Ngài, họ sẽ có thể được phước rất nhiều trong công tác phục vụ Chúa và người khác. Việc tiếp nhận con nuôi cũng có thể là một khả năng và điều đó cũng chính là một công tác phục vụ thiếu nhi đặc biệt. Chúng tôi biết một phụ nữ kia trong Hội thánh đã nhiều lần bị sẩy thai và không thể có con. Bà rất yêu mến Chúa và có lòng sốt sắng. Bà đã dành hết tâm trí cho chương trình Trường Chúa nhật và các lớp Kinh thánh tại một nhà thờ ở Calcutta. Bà cũng tổ chức những sinh hoạt vui chơi cho các em thiếu nhi tại nhà của mình và đặc biệt quan tâm đến những trẻ em nghèo thiếu. Bà thể hiện một nhân cách dịu dàng, nhân từ và không bao giờ tự thương hại mình. Bà quả thật là một gương mẫu sáng chói về tình yêu thương của Chúa Cứu thế.
  • 8. Có thể nêu lên như một ví dụ, khi chúng tôi đưa con gái lên ba tuổi tên Debbie đến bệnh viện ở Vellore, miền nam Aán độ để được bác sĩ giải phẫu thì người phụ nữ này đem đến cho chúng tôi một quà tặng. Bà đã cẩn thận gói từng món quà nhỏ cho từng ngày mà con tôi sẽ phải trải qua trong bệnh viện. Tấm lòng yêu thương chăm sóc của bà có thể nói là không giới hạn. Bà rất được phước và thỏa lòng trong cuộc sống cũng như trong chức vụ chăm sóc các thiếu nhi của bà. Bản năng làm mẹ của bà đã trở thành nguồn phước hạnh cho nhiều người. Mặc dầu trong các mục đích của hôn nhân, việc sinh sản con cái được Kinh thánh nhắc đến sau, tuy nhiên các mục đích đều có tầm quan trọng như nhau. Chúng ta tiến đến hôn nhân không phải chỉ là để sanh sản con cái. Con cái chính là bông trái của tình yêu, tình yêu thương giữa vợ chồng và tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời. Hôn nhân là nền tảng của xã hội Gia đình Cơ Đốc chính là một lời chứng sống động và mạnh mẽ. Có tác giả tuyên bố rằng: “Đức Chúa Trời đã không đặt tương lai của nhân loại dựa trên Hội thánh hay trên quốc gia nhưng đặt nền tảng trên các gia đình”. Gia đình chính là cột trụ của xã hội bởi vì gia đình Cơ Đốc chính là nơi bảo vệ các giá trị đạo đức của xã hội. Nơi nào giá trị đạo đức suy đồi thì nơi đó nền tảng gia đình cũng đổ vỡ. “Mục đích của hôn nhân là giúp mỗi cá nhân phát triển đến mức độ tốt đẹp nhất trong bầu không khí tự do, độc lập. Bởi vì sự thịnh vượng của xã hội và đất nước tùy thuộc vào sự sự phát triển của mỗi cá nhân trong gia đình, nên chúng ta cần phải học hỏi để làm sao gây dựng được những gia đình tốt đẹp”. (Jack Dominion) CÁC NGUYÊN TẮC CỦA HÔN NHÂN CƠ ĐỐC GIÁO Hôn nhân là mối liên hệ gắn bó trọn đời Hôn nhân là một sự cam kết gắn bó suốt đời cho đến khi đầu bạc răng long ! “Vậy người ta không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp” (Mac Mc 10:9) Lý tưởng và mục đích của hôn nhân Cơ Đốc giáo đó là sự bền vững suốt đời, sự hiệp một và thánh khiết. Hôn nhân không thể bị phân chia và đời sống vợ chồng chính là sự hiệp một hoàn toàn của hai cá thể nam và nữ cùng nhau quy hướng về Đức Chúa Trời, bước theo luật lệ của Ngài và cùng cam kết ra sức vun đắp để hôn nhân của họ kết quả tốt đẹp.
  • 9. Việc cam kết với nhau và với Đức Chúa Trời như vậy là một yếu tố nền tảng trong hôn nhân. Đức Chúa Trời muốn rằng hôn nhân là một cam kết vĩnh cửu. Ngài đã thiết lập hôn nhân để đạt đến mục đích của Ngài chứ không chỉ phục vụ cho sự thoải mái và vui thú của con người mà thôi. Hôn nhân Cơ Đốc giáo đòi hỏi sự cam kết đạt đến mục đích của hôn nhân. “Nhưng từ lúc đầu sáng thế, Đức Chúa Trời làm ra một người nam và một nữ. Vì cớ đó, người nam lìa cha mẹ mình mà dính díu với vợ; và hai người cùng nên một thịt mà thôi.Như thế, vợ chồng chẳng phải là hai nữa, mà chỉ là một thịt. Vậy người ta không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp ” (Mac Mc 10:6-9) Khi có người hỏi Chúa Giê-xu về vấn đề ly dị và việc Môi-se nhượng bộ cho phép ly thân. Ngài đã nhấn mạnh đến nguyên tắc sau đây: “Aáy vì cớ lòng các ngươi cứng cỏi, nên người đã truyền mạng nầy cho” (Mac Mc 10:5). Chúa Giê-xu muốn nói rằng luật pháp đã phần nào muốn chiều theo con người và đã có sự nhượng bộ. Tuy nhiên luật pháp của Đức Chúa Trời đối với con người và những giá trị tinh thần vốn vượt trên những luật lệ của loài người. Chúa Giê-xu đã nhắc lại Lời Chúa: “Điều gì Đức Chúa Trời đã kết hiệp thì loài người không được phân rẽ”. Chúa Giê-xu đã chuyển vấn đề từ chỗ những gì phù hợp với luật pháp sang những gì thuộc về mục đích của Đức Chúa Trời - tức là những khía cạnh đạo đức và thuộc linh của hôn nhân. Ngài nhấn mạnh đến hôn nhân bền vững và thánh khiết. Ngài cũng bày tỏ mối quan tâm về tình trạng phụ nữ trong thời đại của Ngài. Vào thời đó nam giới luôn được đề cao và những đặc quyền của phái nam luôn được nhấn mạnh trong suy nghĩ và sinh hoạt tôn giáo của người Do thái thời đó. Chúa Giê-xu nhấn mạnh đến sự bình đẳng giữa nam và nữ và điều này đã có ảnh hưởng to lớn trên dân tộc của Ngài và cả thế giới. Cuộc sống có thể rất khắc nghiệt, có những cặp vợ chồng bước vào hôn nhân với những kỳ vọng và lý tưởng đẹp đẽ nhất, bỗng nhận thấy rằng đã rơi vào mớ bòng bong của những mâu thuẫn nội tâm và đã trải qua địa ngục trần gian, trong một cuộc hôn nhân đầy sóng gió về đủ mọi mặt. Thực trạng bi thảm như vậy cứ được phép tiếp diễn hay sao ? Đó có phải là điều Chúa Giê-xu mong muốn không ? Nếu câu trả lời là có, thì nghĩa là chúng ta đã đặt Chúa Giê-xu ngang hàng với những người sùng bái luật pháp mà Ngài vốn chống đối lại. Chúng ta không nên khiến ly dị trở thành một điều dễ dãi chỉ phục vụ cho những lý do ích kỷ và vô đạo đức. Đối với những trường hợp thực sự khó khăn, Hội thánh cần phải yên ủi và giúp đỡ những người đau khổ và thiệt thòi bởi vì ly dị chắc chắn sẽ để lại những vết thương sâu sắc cho người bị
  • 10. ruồng bỏ. Trong hôn nhân, những người vợ, người chồng Cơ Đốc cần phải sống một cách có trách nhiệm đối với mục đích của Đức Chúa Trời trong hôn nhân, chứ không làm theo đường lối dễ dãi của đời này. Đặc tính cơ bản nhất của hôn nhân Cơ Đốc giáo là sự trường cửu. Ý nghĩa của sự trường cửu có nghĩa là tồn tại một cách bền vững, lâu dài chứ không chỉ tạm thời, ngắn ngủi. Thế giới chúng ta đang sống hôm nay đầy dẫy những bất ổn gây nên bởi sự thiếu bền vững trong hôn nhân, đến nỗi trước khi bước vào hôn nhân nhiều người đã ký những hợp đồng nhằm bảo đảm quyền lợi của mình. “Nếu như hôn nhân không tốt đẹp thì chúng ta có thể chia tay”. Điều này cũng giống như một sự mặc cả sẽ đòi lại tiền nếu sản phẩm không đạt chất lượng. Với sự nghi ngờ như vậy thì làm sao hôn nhân có thể bền vững được. Ngay từ đầu họ đã không dứt khoát cam kết đi theo những nguyên tắc của Đức Chúa Trời. Là những người phụ nữ Cơ Đốc, chúng ta không được phép mặc cả gì hết. Chỉ có “cái chết mới có thể chia lìa” chúng ta. Khi bước vào hôn nhân, chúng ta đã cam kết với Đức Chúa Trời và với người phối ngẫu của mình là sẽ trợ giúp lẫn nhau để cùng hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời trong đời sống chúng ta. Ở Trung tâm Giáo dục Hôn nhân của chúng tôi, đã nhiều lần tôi có dịp làm công tác khuyên bảo đối với những phụ nữ trong các quốc gia đang phát triển, là những người vì những lý do văn hóa và truyền thống đã lập gia đình với người không tin Chúa. Thơ I Phierơ Chương 3 có thể được áp dụng cho những trường hợp này. Mặc dù phải đối diện với rất nhiều khó khăn, phần lớn những phụ nữ này đã giữ vững lời cam kết về một hôn nhân trường cửu. Họ có thể cảm thấy dễ dàng hơn nhiều khi quyết định ly thân và rẽ qua một hướng khác để tìm kiếm những điều thư thả hơn cho tình cảm và đời sống của họ. Một trong những phụ nữ đó là một người có học thức đã kể cho tôi nghe về chồng của chị là người có địa vị trong xã hội. Người chồng này không những có rất nhiều thê thiếp mà mỗi khi một trong những thê thiếp đó sanh nở, thì ông đều đem những đứa bé đó cho người vợ cả chăm sóc. Chị đã kể lại rằng: “Chồng tôi luôn nói rằng ông rất yêu quý tôi”. Ông thường nói với những cộng sự của ông rằng tôi là một người vợ rất tốt. Điều duy nhất mà tôi có thể nói với chị ta là: “Tôi rất thông cảm với hoàn cảnh của chị”. Cả cuộc đời tôi sẽ không thể quên được ánh mắt rất biết ơn của chị đối với tôi. Sau khi tôi cầu nguyện, chị bắt đầu kể cho tôi nghe những tổn thương trong đời sống của chị. Chị đã phải chịu đựng biết bao tủi nhục, chán chường,
  • 11. hoang mang, lo lắng. Lòng tôi vô cùng thương cảm cho chị. Chị đã bày tỏ nỗi niềm cho tôi và thổ lộ tất cả những đau đớn và cay đắng chị đã âm thầm chịu đựng. Thế nhưng, vượt qua tất cả những điều đó, cái duy nhất đọng lại trong tâm trí tôi là những lời chị nói trong nước mắt: “Bây giờ tôi có cả một đại gia đình mười bốn đứa con. Tôi nghĩ rằng Chúa đã cho tôi tất cả những đứa con này. Bà có thể thấy đó, tôi có một cơ hội rất đặc biệt để đưa dắt chúng đến với Chúa Cứu thế Giê-xu và nuôi dưỡng chúng trong đức tin Cơ Đốc”. Tôi nhận thấy người phụ nữ này quả là một thánh nhân. Bà đã chấp nhận đóng vai trò dưỡng dục những đứa con riêng của chồng và vượt qua tất cả những dị nghị bởi vì bà đã đặt Chúa lên trên hết. Quả đúng như Kinh thánh đã chép, những đứa con của bà sẽ “trỗi dậy và nói rằng bà là người có phước” (ChCn 31:28). Tôi cầu xin Chúa ban cho tôi một tấm lòng thật thương cảm đối với những phụ nữ vẫn trung tín sống như một Cơ Đốc nhân trong một hoàn cảnh trái ngược. Hôn nhân là một sự hiệp một “Thế thì, vợ chồng không phải là hai nữa, nhưng một thịt mà thôi” (Mat Mt 19:6) Đức Chúa Trời đã dựng nên người nam và người nữ để bổ túc lẫn cho nhau. Nói bổ túc có nghĩa là làm cho đầy đủ bằng cách bổ sung những điều thiếu sót và khiến trở nên trọn vẹn. Vậy nên sự hiệp một giữa người nam và người nữ sẽ đem lại sự hoàn hảo và trọn vẹn. Sự hiệp một này được bày tỏ qua mái ấm gia đình. Gia đình chính là tế bào của xã hội theo như chương trình của Đức Chúa Trời. Một khi tế bào gia đình bị phá hủy hay phân rẽ thì hậu quả của nó rất to lớn, bởi vì nó không chỉ ảnh hưởng đến gia đình nhưng là toàn thể xã hội. Bởi vì mục đích của hôn nhân vượt qua lợi ích và vui thú của hai người nam nữ và là một điều rất quan trọng trong chương trình sáng tạo của Đức Chúa Trời, nên hôn nhân cần được quy hướng về Đức Chúa Trời và những mục đích cao cả của Ngài, thì mới giữ được sự hợp nhất trong gia đình. “Kết hợp” hay “hiệp một” nghĩa đen có nghĩa là dính kết, nối kết, ràng buộc lại với nhau để trở thành một cũng giống như xi măng nối kết các viên gạch với nhau. Chúa Giê-xu phán rằng: “Loài người không được phân rẽ”. Sự hiệp một trong hôn nhân rất thánh khiết và một khi chúng ta hiểu được sự thánh khiết đó, chúng ta có thể ý thức sự đau đớn và bi thảm của sự phân rẽ, chia cắt “hai con người đã trở nên một thịt”. Điều này sâu sắc hơn công thức toán học thông thường:Một cộng một bằng hai. Ở đây không phải là một người
  • 12. cộng với một người nhưng là một sự hòa hợp trọn vẹn về thân xác, tâm trí cũng như tâm linh. Họ không còn là hai nữa nhưng chỉ là một. Ý nghĩa sâu xa của tình yêu trong hôn nhân đó là “cả hai đã trở nên một”. Họ có thể có mục tiêu riêng cho mỗi người nhưng họ hoàn toàn chia xẻ cuộc sống và mọi vui buồn của nó. Sự hiệp một về mục tiêu và nỗ lực trong hôn nhân chắc chắn sẽ đạt đến kết quả. Người phụ nữ sẽ ý thức rất rõ sự hiệp một trong hôn nhân khi người chồng của mình vì lý do nào đó phải xa nhà trong một thời gian. Lần đầu tiên tôi có kinh nghiệm này khi tôi phải rời Úc Châu để giảng tại một trường Kinh thánh ở Singapore. Tôi dắt theo Johnny và để nhà tôi Richard ở lại với ba cháu gái. Nhà tôi nói với tôi trên điện thoại: “Anh cảm thấy nhà cửa sao lạnh lẽo quá !” (mặc dù nhà tôi ở nhà cùng với ba đứa con khác). Nhà tôi cũng thường xuyên phải đi xa. Một đôi vợ chồng trẻ đã có lần hỏi liệu tôi có thể quen với việc chồng vắng nhà hay không. Tôi trả lời họ rằng tôi không bao giờ có thể làm quen được với điều đó, nhưng chỉ có thể học để đối phó với khó khăn này. Và mặc dù nhiều năm tháng đã trôi qua, nhưng mỗi khi Richard vắng nhà, tôi vẫn có cảm giác trống trải dường như một phần nào đó của tôi đã bị mất đi. Và nhà tôi thực sự là một phần của tôi ! Hôn nhân Cơ Đốc đúng nghĩa không phải chỉ là sự hiệp một về mặt thân xác (trở nên một thịt) nhưng cũng là sự thống nhất về mục tiêu và mục đích của đời sống nữa. Người phụ nữ không hề mất đi nhân cách của mình như nhiều người lầm tưởng. Thực ra sự hiệp một trong hôn nhân khiến cho cả người nam và người nữ đều đạt đến chỗ trọn vẹn khi người phụ nữ bằng lòng dâng hiến cho chồng và cũng nhận lại từ người chồng của mình. Trong khi làm công tác khuyên bảo các phụ nữ, tôi thường nghe họ phàn nàn về những điều tiêu cực đã làm phai lạt mối liên hệ với người bạn đời của mình. Đợi cho họ trút hết tâm sự của mình, tôi mới hỏi: “ Hai anh chị đã gặp nhau trong cơ hội nào ? Điều gì đã khiến hai anh chị đến với nhau ?”. Các chị em thường nhắc đến thuở ban đầu đầy hạnh phúc và đầy những điều tích cực. Nét mặt của các chị em dịu lại. Ánh mắt cũng nhẹ nhàng thay cho những buồn bã căng thẳng. Rồi tôi hỏi các chị em về những điều tích cực trong hoàn cảnh hiện tại: “Chị có nhận thấy những đức tính nào đáng khâm phục nơi người chồng mình và những điểm tích cực trong hôn nhân của anh chị không ?”. Thật là bất ngờ khi các chị em bắt đầu nhận ra rằng những điều đẹp đẽ vượt qua những điều tiêu cực; và cùng hợp tác với chồng, họ có thể tiếp tục vun đắp cho hạnh phúc của mình. Hai người vẫn còn yêu thương gắn bó với nhau và bất cứ sự phân rẽ nào cũng đem lại những mất mát và đau khổ lớn lao.
  • 13. Hôn nhân là một sự kết hiệp Sự độc lập riêng tư của hôn nhân được nói đến trong Cựu ước và được Chúa Giê-xu nhắc lại: “Bởi vậy cho nên người nam sẽ lìa cha mẹ mà dính díu cùng vợ mình, và cả hai sẽ nên một thịt” (SaSt 2:24). Lìa bỏ để có thể kết hiệp, một điều tuyệt diệu biết bao ! Lời Chúa ở đây xác định chế độ hôn nhân một vợ một chồng, chung thủy, bền vững, hiệp một và độc lập. Hôn nhân là một mối liên hệ gắn bó dựa trên sự kết hiệp giữa người nam và người nữ. Vì thế, hôn nhân cũng có tính chất độc lập, nghĩa là mọi điều khác phải được đặt bên ngoài sự thân thiết riêng tư giữa vợ chồng. Hôn nhân nối kết hai con người đã bằng lòng phân rẽ khỏi những ràng buộc đối với cha mẹ, hoặc bất cứ mối liên hệ nào có thể xen vào mối liên hệ riêng biệt giữa họ với nhau trong hôn nhân. Một khi Lời dạy của Chúa trong vấn đề này không được vâng theo thì sẽ đem lại biết bao nan đề và đau khổ. Trong một số nền văn hóa, mối liên hệ với cha mẹ vẫn tiếp tục được duy trì và người ta đã không tuân theo sự dạy dỗ của Chúa. Tại một số quốc gia, người ta có thể thấy tình trạng đại gia đình sống chung với nhau và người mẹ chồng chính là người sắp xếp mọi việc trong nhà. Ở một số nước khác, lại có tình trạng người con trai cả nhận lãnh trách nhiệm săn sóc cha mẹ, và con dâu sẽ phải phụng dưỡng cha mẹ chồng và phải luôn chứng tỏ mình là người con dâu hiếu thảo. Ngược lại theo văn hóa phương tây, thì đôi vợ chồng mới sẽ phải tự lo liệu cho gia đình của mình. Tuy nhiên những người thân trong gia đình hai bên có thể không sống chung trong nhà nhưng vẫn còn ràng buộc về mặt tình cảm. Chúng tôi đã nhận ra điều này khi tôi và nhà tôi rời Úc Châu để làm việc tại Singapore. Mấy người con rể của chúng tôi đã tâm sự rằng sau khi chúng tôi ra đi, con gái của chúng tôi suốt mấy tuần lễ đã trằn trọc mãi mới ngủ được ! Việc ra đi đã khiến chúng tôi buồn bã nhưng cũng giúp chúng tôi học được một điều. Những người con gái của chúng tôi cần phải nhận ra rằng đã là vợ chồng có nghĩa là đã trở thành một đơn vị độc lập. Gia đình là của đôi vợ chồng chứ không phải là của cha mẹ nữa. Một người con gái của tôi đã viết: “Bỗng nhiên con đã nhận ra điều này. Con đã không còn thuộc về gia đình của ba má nữa. Bây giờ con đã có gia đình riêng của chính mình !” Đây chính là quá trình của sự trưởng thành để đạt đến những mục đích của Đức Chúa Trời đối với gia đình. Sự độc lập là một điều cần thiết để xây dựng một gia đình mới. Nếu cha mẹ đôi bên xâm phạm sự độc lập của gia đình mới thì sẽ không
  • 14. giúp cho đôi vợ chồng có thể gắn bó với nhau. Nếu người con trai cứ tiếp tục lệ thuộc vào ý kiến của cha mẹ mình mà không chú ý đến những nhu cầu của người vợ, thì chắc chắn sẽ đưa đến sự cay đắng, buồn giận. Nếu người vợ có thể gói quần áo trở về nhà cha mẹ mình bất cứ lúc nào, thì cũng không thể xây dựng hôn nhân tốt đẹp được. Nếu người mẹ chồng cứ níu kéo lấy con trai của mình, thì người con đó sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chia xẻ thời giờ và tình cảm của mình dành cho hai người phụ nữ. Khi người mẹ chồng dùng tình cảm để gây sức ép trên con mình thì sẽ khiến người con bị lệ thuộc và không trưởng thành được. Tôi được biết một phụ nữ đã định ly dị với chồng chỉ vì người mẹ chồng luôn tạo áp lực trên con trai của mình. Người vợ trẻ luôn cảm thấy xúc phạm và không được tôn trọng nên đã sinh ra những tình cảm giận hờn và cay đắng. Vì muốn người chồng chú ý và thông cảm cho hoàn cảnh của mình nên người phụ nữ này đã lên tiếng đòi ly dị. Sau khi khuyên giải, tôi và người phụ nữ này đã cầu nguyện xin Chúa gỡ bỏ tất cả những rắc rối và cùng nhau nhìn thẳng vào vấn đề. Sau đó cô ta đã có thể đối diện với những cảm xúc của mình và xem xét một cách khách quan những giải pháp có thể đem ra bàn luận với chồng. Những hoàn cảnh đáng tiếc như thế có thể đã không xảy ra nếu như những bậc cha mẹ và con cái đều biết vâng theo Lời dạy dỗ của Chúa. Tất cả những sự ràng buộc của cha mẹ về mặt tinh thần cũng như vật chất đều cần phải được dỡ bỏ thì hôn nhân mới có thể phát triển tốt đẹp được. Điều này không có nghĩa là cha mẹ thôi không còn yêu thương, giúp đỡ và thông cảm với con cái nữa, nhưng đúng hơn giữa cha mẹ và con cái cần phải bắt đầu một mối quan hệ mới dựa trên tình yêu thương, tình bè bạn và sự độc lập. Hôn nhân là một điều thánh khiết Là một người phụ nữ của Đức Chúa Trời, chúng ta cần phải ý thức rõ sự thánh khiết của hôn nhân. Kinh thánh nhấn mạnh: “Điều gì Đức Chúa Trời đã kết hiệp, loài người không được phân rẽ”. Qua nếp sống hôn nhân và mối liên hệ tốt đẹp giữa vợ chồng thì gia đình có thể trở thành một lời làm chứng về sự cứu rỗi, tình yêu thương và sự tha thứ. Quả là một gương mẫu sáng chói về sự tha thứ và tình yêu thương khi vợ chồng hứa nguyện sẽ “chung thủy với nhau lúc vui cũng như lúc buồn, khi thịnh vượng cũng như lúc khó khăn, khi khỏe mạnh cũng như lúc đau ốm”. Đôi vợ chồng cùng kinh nghiệm sự biến đổi trong đời sống qua sự chia xẻ tình yêu thương với nhau. Hai người sẽ cùng nhau vươn lên vượt qua tất cả bệnh tật, cô đơn, sự bất an và lòng ích kỷ để cảm thấy trong sâu thẳm nhất nhân cách của mỗi người được chữa lành và biến đổi. “Bởi vì, chồng không tin Chúa, nhơn vợ mình
  • 15. được nên thánh, vợ không tin Chúa, nhơn chồng mình tin Chúa được nên thánh”. (ICo1Cr 7:14) Người chồng chưa tin Chúa sẽ có thể được thuyết phục “vì thấy cách ăn ở của chị em là tinh sạch và cung kính” (IPhi 1Pr 3:2). “Mọi người phải kính trọng sự hôn nhân, chốn khuê phòng chớ có ô uế vì Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ dâm dục cùng kẻ phạm tội ngoại tình” (HeDt 13:4). Ngoại tình không những chỉ là xúc phạm người bạn đời của mình nhưng cũng là phạm tội đối với Chúa bởi vì ngoại tình có nghĩa là công khai phủ nhận sự dạy dỗ của Lời Chúa. Nếu lời hứa nguyện không được tuân giữ thì chắc chắn sẽ dẫn đến sự nghi ngờ. Dầu có được tha thứ chăng nữa thì nó vẫn để lại bóng mây u ám của sự nghi ngờ về lòng trung thành của người vợ hay người chồng. Nỗi đau khổ của người phụ nữ là: “Tôi có thể tha thứ cho anh ấy nhưng lòng tin của tôi nơi anh ấy đã bị sứt mẻ !”. Chính vì thế luật pháp của Chúa đòi hỏi chốn khuê phòng không được ô uế. Bởi ân điển và tình yêu của Chúa mà người vợ hay người chồng đã bị xúc phạm có thể cứu vãn lại hôn nhân của mình. Một phụ nữ đã đến gặp tôi để xin tham vấn về trường hợp của chị. Hoàn cảnh của chị không phải là cá biệt trong xã hội chị đang sống. Chị là vợ bé của một người đàn ông. Trước đó chị cùng với hai con nhỏ đã bị xua đuổi khỏi gia đình. Chồng chị đã sống với người phụ nữ khác. Chị gặp một người đàn ông khác và người này đã tỏ ra tử tế và chăm sóc cho chị. Cảm kích về điều đó, chị đã bằng lòng làm vợ bé cho người này. Tình trạng trên đã kéo dài trong nhiều năm, nhưng khi nghe Lời Chúa, chị cảm thấy bị cáo trách và quyết định phải thay đổi. Đức Chúa Trời có thể ban cho chúng ta ân điển của Ngài để giúp chúng ta sửa chữa lại ! Trong thời Tân ước tội ngoại tình đã bị xét đoán một cách rất nặng nề. Ở một số quốc gia, quan tòa có thể quyết định bỏ tù hay đánh đòn một cách công khai những người phạm tội ngoại tình. Tuy nhiên, ngày nay trên khắp thế giới việc ngoại tình đã được coi là một điều bình thường và được xã hội chấp nhận. Việc lạm dụng tình dục trong giới trẻ cũng đã vượt khỏi tầm kiểm soát. Chính vì thế ở giữa vòng các Cơ Đốc nhân, thái độ đối với tính dục là vấn đề trở nên rất quan trọng. Chúng ta phải trở nên nhân chứng cho Chúa trong một thế giới suy đồi và phải rất cảnh giác trước mọi cám dỗ và tội lỗi liên quan đến tính dục. Nhà tôi tỏ ra là một người đàn ông rất khôn ngoan. Trong thời gian chúng tôi quen biết nhau, nhà tôi phải đi học ở Canterbury còn tôi thì sinh sống ở Luân Đôn. Phương tiện chính để chúng tôi giữ liên lạc với nhau ấy là những bức thư rất dài và đầy ắp tâm sự. Lúc đó Richard là một mục sư trẻ còn tôi thì hãy còn là một Cơ Đốc nhân mới mẻ. Những lá thư chúng tôi viết cho nhau
  • 16. rất là lý tưởng và thuộc linh nhưng cũng rất thường khi Richard đã có những lời nhắc nhở rất thực tế. Trong một lá thư anh ấy đã viết: “Em biết đó, em là một phụ nữ rất dễ thương và có một tính tình dễ mến. Mặc dầu chúng ta có thể nói rằng chúng ta sẽ chắc chắn giữ lời thề nguyện với nhau; tuy nhiên, trong cuộc sống chúng ta không tránh khỏi những giây phút cảm thấy một người nào đó cũng rất hấp dẫn. Điều đó không hẳn là phạm tội. Tuy nhiên ma quỷ rất tinh quái và nó rất khéo léo trong việc lợi dụng các hoàn cảnh để thực hiện ý đồ của nó. Cả anh và em, chúng ta đều có thể bị cám dỗ để nghĩ đến một người khác phái. Có thể có một lúc nào đó, do một yếu tố bất ngờ nào đó, chúng ta bỗng cảm thấy ai đó trở nên rất hấp dẫn đối với chúng ta. Vì thế điều quan trọng đối với chúng ta trước khi bước vào hôn nhân, ấy là phải cùng nhau quyết tâm chỉ dành riêng đời sống cho nhau mà thôi”. Lúc đó có khi tôi đã nghĩ rằng người chồng sắp cưới của tôi quá lo xa. Cảm tạ Chúa, tôi và Richard đã và vẫn tiếp tục kinh nghiệm một mối liên hệ tình cảm càng ngày càng gắn bó với nhau hơn. Chúa đã gìn giữ chúng tôi không rơi vào sai lầm. Sau này khi càng chín chắn hơn, tôi càng cảm tạ Chúa nhiều hơn vì Ngài đã ban cho Richard sự khôn ngoan và sáng suốt. Chúng ta rất có thể gặp những người mà chúng ta cảm thấy thích cũng như muốn chuyện trò với họ. Điều này là tự nhiên và bình thường chừng nào mà những cảm xúc dễ thương đó chưa trở thành những tư tưởng lãng mạn và không trong sạch. Nếu chúng ta bước vào một mối liên hệ thân thiết với một người nào khác hơn là người bạn đời của mình thì điều đó đáng gọi là lừa dối. Vậy nên chúng ta cần tránh đừng bước vào những mối liên hệ hoặc bắt đầu những tình cảm mà chúng ta biết rõ rằng chẳng đi đến đâu cả. Việc ngoại tình dù chỉ là trong tư tưởng cũng đã là tội lỗi và sẽ phá hủy tất cả những gì là tốt đẹp và phá đổ hạnh phúc mà Chúa đã thiết lập cho hôn nhân. Vì vậy, phụ nữ chúng ta cần phải hết sức cảnh giác về mối quan hệ với người khác phái. “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để các ngươi khỏi sa vào chước cám dỗ”. Chúng ta cần phải có suy nghĩ và thái độ đúng đắn (RoRm 16:16): “Hãy lấy cái hôn thánh mà chào nhau”. Kinh thánh chép như vậy. Tuy nhiên một khi cái hôn không còn là thánh khiết nữa thì phải dừng lại ! Chúa Giê-xu phán rằng nếu một người nam nhìn một người nữ mà trong lòng động lòng tham muốn thì người đó đã phạm tội ngoại tình. Thế còn đối với phụ nữ thì sao ? Phụ nữ cũng giống như vậy. Trong công tác tham vấn cho các phụ nữ tôi được nghe nhiều chị em, kể cả những chị em trong Hội thánh tâm sự rằng đã bị cám dỗ về điều này và chúng tôi đã cầu nguyện xin Chúa giải cứu khỏi điều đó.
  • 17. Một người phụ nữ khôn ngoan sẽ nhận biết khi nào những mối liên hệ xã giao bắt đầu có vấn đề. Người phụ nữ cần nhận biết rằng nếu muốn giữ sự thánh khiết của hôn nhân thì không thể thỏa hiệp được. Phụ nữ chúng ta cần phải có thái độ đoan trang - điều này bao gồm sự trong sạch, đức độ, giữ gìn phẩm hạnh, không gây cớ vấp phạm hoặc cố tình quyến rũ người khác. Người phụ nữ tin kính Chúa không để một kẽ hở nào cho Satan cám dỗ ! Nhiều người cho rằng quan hệ nam nữ ngoài hôn nhân chỉ đơn giản là thỏa mãn nhu cầu. Họ có thể nói: “Tôi vẫn yêu vợ tôi” hoặc “Tôi vẫn yêu chồng tôi nhưng…”. Việc tìm kiếm khoái lạc tính dục ngoài hôn nhân chỉ có thể định nghĩa là tội lỗi. Thật đáng buồn khi ý định của Đức Chúa Trời về một hôn nhân thánh khiết đã bị phá hỏng chỉ bởi vì con người ham muốn những khoái lạc xác thịt ngoài hôn nhân. Trong bài giảng trên núi Chúa Giê-xu đã đề cập đến vấn đề ngoại tình. Ngài đã đề cập đến cả việc ngoại tình cụ thể lẫn việc phạm tội trong tâm trí. Ngài đã phán nếu chúng ta nuôi dưỡng những dục vọng xác thịt trong tâm trí thì đã là phạm tội rồi. Trong Mat Mt 15:19 và Mac Mc 7:21 Chúa Giê-xu liệt kê tội ngoại tình chung với các tội lỗi khác và xác nhận rằng tội lỗi xuất phát từ tấm lòng. Ngài đã bày tỏ ý muốn của Cha Thiên thượng về một hôn nhân bền vững và chung thủy cả trong tư tưởng cũng như trong hành động. Dĩ nhiên người phụ nữ vẫn có thể gặp gỡ với người khác phái và có mối liên hệ tốt đẹp như những người bạn tuy nhiên những mối liên hệ này không được phá vỡ tình cảm đối với người chồng. Những mối liên hệ tình cảm được nói đến ở đây thường xảy ra trong sở làm. Vậy nên chúng ta cần phải rất cảnh giác trước những cám dỗ. Ma quỷ như sư tử rống rình mò muốn cắn nuốt những gì là tốt đẹp. Một khi chúng ta hiểu rằng liên hệ xác thịt chỉ được dành cho hôn nhân thì chúng ta cần hết sức thận trọng trong các mối quan hệ. Một mối tình vụng trộm là một điều xấu xa, ích kỷ và phá hoại. Chỉ một phút chiều theo dục vọng chúng ta sẽ có thể phá hỏng cả đời sống của mình và của những người khác. Có những dấu hiệu gì báo cho biết những mối quan hệ như thế bắt đầu trở nên nguy hiểm: Nếu đó là những mối quan hệ bí mật và người chồng không hề hay biết về điều đó Khi những cuộc gặp gỡ càng ngày càng trở nên hấp dẫn và hai người mong gặp nhau thường hơn Khi một người bắt đầu so sánh người bạn mới của mình với chồng Khi bắt đầu suy nghĩ mơ mộng về người bạn mới quen Khi người chồng bị loại ra ngoài mối liên hệ này Khi bạn cảm thấy bối rối và chú ý đến mình nhiều hơn khi có mặt người đó
  • 18. Dầu “lòng con người là dối trá hơn mọi sự” nhưng không có ai dám gọi một cuộc tình vụng trộm là một tình bạn hoặc tình đồng nghiệp. Những hành động mờ ám sẽ dẫn đến đổ vỡ và đau khổ. Để trở thành người phụ nữ của Đức Chúa Trời, chúng ta cần phải giữ tình cảm gắn bó với người bạn đời duy nhất của mình và giữ mối quan hệ đúng đắn với những người khác. “Tình bè bạn thân hữu ngoài hôn nhân cần phải bảo đảm rằng sẽ không gây trở ngại gì cho mối quan hệ vợ chồng. Có nghĩa là thời giờ, sự quan tâm, chăm sóc và tình cảm giữa hai vợ chồng nhất thiết không được tách rời. Mối quan hệ bạn bè có thể đem lại một số lợi ích nhưng cũng hàm chứa một số nguy hiểm. Một khi mối quan hệ thân hữu giữa những người khác phái trở nên thường xuyên thì chúng ta cũng cần gia tăng sự cảnh giác, kỷ luật và sự tôn trọng đối với người bạn đó”ù. Nếu một phụ nữ ngoại tình với một người bạn của mình thì người phụ nữ đó đã phá hủy chính tình bạn quý báu đối với người đó. Vì vinh hiển Chúa, chúng ta cần trung thành với lý tưởng mà Chúa đã thiết lập. Nếu chúng ta lỡ thất bại trong vấn đề này - mặc dầu mới chỉ là những ước muốn tội lỗi chứ chưa vi phạm cụ thể - chúng ta cần đến với Chúa trong sự ăn năn. Một số chị em có thể đưa ra câu hỏi liệu có nên thổ lộ những yếu đuối với người chồng của mình hay không. Điều này tùy thuộc vào việc giữa vợ chồng có sự thông cảm và sự hiểu biết nhau như thế nào và điều đó có đem lại ích lợi hay không. Trút bỏ gánh nặng tội lỗi của mình bằng cách gây tổn thương cho người khác là một điều không nên. Tuy nhiên nếu người chồng là một Cơ Đốc nhân trưởng thành thì có thể cầu nguyện và giúp đỡ người vợ cûa mình chiến thắng những cám dỗ đó. Nếu chúng ta được đầy dẫy Thánh Linh thì chắc chắn sẽ không làm theo “những ưa muốn của xác thịt”. Chúng ta cần luôn luôn cầu nguyện xin Chúa rửa sạch lòng chúng ta và làm chúng ta tinh khiết. Trong trường hợp đã phạm tội ngoại tình một cách cụ thể thì có lẽ rất cần phải thú nhận với người chồng. Bởi vì sẽ đau khổ hơn rất nhiều khi người chồng biết được chuyện đó qua một người khác. Chấp nhận tha thứ cho người vợ hay người chồng phạm tội ngoại tình là một thách thức lớn đối với tình yêu. Nếu chúng ta thật lòng ăn năn, Chúa sẽ tha thứ và hàn gắn hôn nhân của chúng ta. Trong một số trường hợp, người phụ nữ có thể nói rằng mình đã tha thứ cho người chồng ngoại tình, nhưng lại lợi dụng thất bại của người chồng để luôn gây sức ép khiến người chồng phải ý thức rằng mình đã sai lầm. Những cuộc hôn nhân như vậy có thể dẫn đến tan vỡ. Chúng ta luôn cần sự tha thứ nếu chúng ta muốn duy trì mối quan hệ với nhau.
  • 19. Một đứa con của chúng tôi đã dạy cho tôi hiểu rằng thế nào là thật sự tha thứ. Con gái tôi đã làm một điều sai trật. Sau đó đã đến xin lỗi và xin tôi tha thứ. Nó nói với tôi: “Mẹ hãy hứa với con rằng mẹ sẽ không bao giờ nhắc lại điều này nữa !”. Tôi hiểu con tôi muốn nói như thế này: “Xin mẹ đừng đay nghiến, trách móc nữa. Xin mẹ đừng nhắc lại chuyện này !” Phụ nữ chúng ta thường hay có thói quen nhắc lại lỗi lầm mỗi khi có chuyện cãi vã. Đã bằng lòng tha thứ thì tha thứ cho hoàn toàn như Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Vết dơ tội lỗi cần phải được tẩy sạch nếu như người đó chứng tỏ rằng không còn tiếp tục phạm tội nữa. Thế nhưng, có một số người lại cho rằng họ có thể tha thứ nhưng không thể quên lỗi lầm được. Vâng, có thể là chúng ta không quên được, nhưng một khi đã tha thứ thì nếu có nhớ lại cũng không nên tiếp tục cay đắng trong lòng. Tha thứ nghĩa là vẫn còn nhớ nhưng không còn cay đắng nữa. Sự tha thứ thật chính là biểu hiện của tình yêu. Như thế là thấu hiểu được nguyên tắc của Đức Chúa Trời: “Hãy tha thứ cho nhau như Ta đã tha thứ cho các ngươi”. Chúng ta đem lòng thương xót tha thứ mà Chúa đã dành cho chúng ta để đối xử với người khác và qua đó chúng ta phản ánh tình thương và lòng tha thứ của Ngài. Hôn nhân chính là hình bóng về tình yêu thương của Chúa Cứu thế (Eph Ep 5:23-33). Sự cao đẹp của hôn nhân là do sự thánh khiết của nó, thánh khiết bởi vì Đức Chúa Trời đã thiết lập hôn nhân. Đức Chúa Trời là Đấng thánh khiết đã thiết lập nên mối liên hệ thánh khiết giữa người nam và người nữ. Những Cơ Đốc nhân đã được tái sanh đều kinh nghiệm được tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong Chúa Cứu thế. Trong hôn nhân, khi hai người nam nữ đón nhận tình yêu thương của nhau thì sự đón nhận đó hoàn toàn vô điều kiện. Trong mối liên hệ yêu thương, tình trạng thuộc linh của người tín đồ sẽ được tăng trưởng bởi vì họ không chỉ dành tình thương cho nhau nhưng cũng chia xẻ tình thương với gia đình và bạn hữu nữa. Sự hiểu biết sâu xa hơn về tình yêu thương sẽ giúp họ nhận thức tình yêu thương của Chúa được bày tỏ qua tình cảm của họ dành cho nhau. Sự hiểu biết và ý thức như thế sẽ khiến đôi nam nữ bước vào mối liên hệ sâu xa hơn với Đức Chúa Trời là nguồn tình yêu. Khi yêu là chấp nhận dấn thân và khi bước vào hôn nhân cũng có nghĩa là phải dấn thân, nhưng đó là điều phù hợp với ý muốn và chương trình của Đức Chúa Trời. Việc sống chung ngoài hôn thú là trái với luật pháp của Đức Chúa Trời. Người phụ nữ chấp nhận sự sống chung như vậy là điều thật đáng tiếc vì người phụ nữ cần sự an ninh và mối quan hệ như vậy chỉ xây dựng trên cát mà thôi. Sự kết ước với nhau trong hôn nhân Cơ Đốc sẽ đem đến sự an ninh và nền
  • 20. tảng tốt đẹp cho mối quan hệ bền vững. Tình trạng an ninh này sẽ giúp vợ chồng có thể chia xẻ gánh nặng và giải quyết những nan đề, loại bỏ sự sợ hãi, lo lắng và hiểu lầm. Một cuộc hôn nhân như thế sẽ đưa đến kết quả là tình yêu bền vững, tình bạn sâu xa và sự trưởng thành. Hôn nhân có bền chặt hay không là tùy thuộc vào sự cam kết, hứa nguyện của cả vợ lẫn chồng. Sự cam kết dấn thân trong hôn nhân cũng giống như sự cam kết của Chúa Giê-xu đối với Hội thánh. Ngài đã bằng lòng hiến cả mạng sống mình để cứu chuộc Hội thánh. Sự sống cứu độ của Chúa Giê-xu được biểu hiện qua thân thể của Ngài là Hội thánh. Hôn nhân được trình bày một cách đẹp đẽ nhất qua hình ảnh Đấng Christ và hôn thê của Ngài tức là Hội thánh. Người chồng phải săn sóc người vợ của mình như Đấng Christ đã săn sóc Hội thánh. Mục đích của Chúa Giê-xu đối với Hội thánh là: “đặng tỏ ra Hội thánh đầy vinh hiển, không vết, không nhăn, không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch không chỗ trách được ở trước mặt Ngài”. (Eph Ep 5:27). Điều này nói lên sự chăm sóc, yêu thương, trìu mến, đề cao và tôn trọng. Hội thánh là sự đầy đủ của Đấng Christ như thế nào thì người vợ, người chồng cũng bổ túc cho nhau như thế. Sự đẹp đẽ của hôn nhân là ở chỗ con người có thể đạt đến mục tiêu cao cả nhất bởi vì Đức Chúa Trời đã thiết lập như vậy. Một khi những nguyên tắc của hôn nhân Cơ Đốc được tôn trọng và vâng theo, thì mối quan hệ vợ chồng sẽ trở nên rất đẹp đẽ, bởi vì sự liên kết đó là lời làm chứng về Chúa Giê-xu và tình yêu thương của Ngài đối với Hội thánh là thân thể Ngài. VAI TRÒ THUẬN PHỤC CỦA NGƯỜI VỢ Một người phụ nữ mới lập gia đình đã thốt lên: “Tôi phải thuận phục chồng mình sao ? Tôi là một con người tự do chứ nào có phải nô lệ của ai đâu !” Một người khác nói với tôi như sau: “Đối với đa số đàn ông thì người phụ nữ chỉ là để đáp ứng nhu cầu tính dục mà thôi ! Trong hay ngoài Hội thánh thì cũng chẳng khác gì cả !” Có thể quả quyết rằng sự tấn công của phong trào đòi bình đẳng cho nữ giới đã xâm nhập vào Hội thánh, và đôi khi cuộc tấn công đó mạnh mẽ chẳng kém gì ở ngoài xã hội. Nhưng ngược lại có một nguyên nhân nào đó đang gây nên sự tan vỡ của gia đình, sự gia tăng những vụ ly dị, tình trạng con cái ngỗ nghịch và những tệ nạn trong xã hội. Có lẽ chúng ta là những người của thời đại tân tiến cũng nên nghiên cứu xem Kinh thánh nói gì về điều này. Kinh thánh dạy dỗ rất đơn sơ và rõ ràng rằng để trở thành người phụ nữ của Đức Chúa Trời chúng ta cần chấp nhận địa vị thuận phục. Trong mối quan hệ hôn nhân, vai trò của người vợ và người chồng đều được xác định một
  • 21. cách rõ ràng bởi Lời Chúa. Tôi không chú ý đến chữ thuận phục nhiều lắm. Mặc dầu trong lời hứa của lễ hôn phối có nhắc đến từ ngữ vâng lời. Nhưng ý nghĩa của chữ vâng lời và thuận phục chỉ trở nên rõ ràng đối với tôi qua kinh nghiệm. Tôi thuộc loại người chỉ có thể học được sau những kinh nghiệm đau đớn. Do tính chất bướng bỉnh, ương ngạnh và kiêu ngạo của tôi nên khó khăn lắm, tôi mới học được nguyên tắc “yêu thương và vâng phục” của Kinh thánh. Nếu có người nào hỏi liệu tôi có vâng phục hay không thì câu trả lời của tôi là “Vâng, có vâng phục nhưng trong lòng đầy tức tối !” Có thể nêu một thí dụ, một lần kia tôi đã cảm thấy rất bực bội và tức giận khi chồng tôi thực hiện uy quyền của mình. Chúng tôi mới đến nhận quản nhiệm một Hội thánh và cả hai đều làm việc vất vả để xây dựng Hội thánh. Ngoài ra tôi còn phải chăm sóc bốn đứa con nhỏ dưới 11 tuổi mà đứa nhỏ nhất lại bị tàn tật. Rồi lại còn phải dọn dẹp tư thất, cùng vô số công việc trong Hội thánh như tổ chức nhóm phụ nữ, trường Chúa Nhựt và làm thư ký cho nhà tôi. Cũng trong khoảng thời gian này, tôi thường được mời làm diễn giả trong buổi nhóm ở các Hội thánh khác, và điều đó khiến tôi rất bận rộn và căng thẳng. Một hôm nhà tôi nói với tôi: “Em chỉ nên nhận lời chia xẻ mỗi tháng một lần và luôn phải được sự đồng ý của anh.” Trong một tích tắc tôi hầu như không còn tin ở tai của mình nữa. Nhà tôi dường như đã trở thành một người chồng độc đoán và quan liêu bất chấp các đức tính tốt khác. Tôi không nói gì cả nhưng trong lòng đầy bực bội và cố nén không bày tỏ sự bực tức ra ngoài. Tuy nhiên thời gian qua đi và với việc học hỏi Lời Chúa kỹ hơn, tôi nhận ra rằng nhà tôi đã sử dụng quyền bính mà Chúa đã ban cho mình với tư cách là một người làm chủ gia đình. Nhà tôi đã giúp cho tôi thấy rằng tôi đã quá lo lắng công tác hầu việc Chúa đến mức trở nên căng thẳng. Tôi cần có người giúp để có thể quân bình lại cuộc sống của mình. Với ý thức trách nhiệm về vai trò làm chủ gia đình mà Chúa đã thiết lập, nhà tôi đã không có ý kiểm soát tôi nhưng thực ra là cố gắng để giúp tôi tránh khỏi những gánh nặng quá đáng trong đời sống. Lúc đó tôi đã không sắp đặt những thứ tự ưu tiên một cách hợp lý. Sự can thiệp của chồng tôi đã đưa đến một kết quả tốt đẹp là cả hai chúng tôi sẽ cùng đồng ý với nhau về việc tôi có nên nhận một lời mời giảng dạy Lời Chúa hay không. “Vợ phải phục tùng chồng như vâng phục Chúa”. Và “Vợ phải thuận phục chồng trong mọi sự” (Eph Ep 5:22,24). “Hỡi người làm vợ , hãy phục chồng mình, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo Đạo. Dẫu chẳng lấy lời khuyên bảo, chỉ bởi cách ăn ở của vợ, cũng đủ hóa theo” (IPhi 1Pr 3:1).
  • 22. Có người đã hỏi vị giáo sĩ đã nghỉ hưu sau mấy chục năm chức vụ và đã từng chứng kiến nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ rằng đâu là bí quyết để xây dựng một gia đình Cơ Đốc thực sự hạnh phúc ? Nhà truyền giáo và cũng là chủ một gia đình hạnh phúc, mà con cái đều tin kính Chúa đã trả lời: “Người cha phải là người chủ gia đình. Đức Chúa Trời thiết lập người cha trong gia đình với hai vai trò quan trọng. Trước tiên người cha là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời. Chính người cha có vai trò lãnh đạo và hướng dẫn vợ con về mặt thuộc linh. Tuy nhiên cũng quan trọng không kém là vai trò người cha trong việc gây dựng tình yêu thương. Điều đó có nghĩa là người làm chủ gia đình phải nêu gương mẫu về tình yêu thương một cách cụ thể. Nếu trong gia đình có điều gì căng thẳng hoặc mâu thuẫn, người cha cần phải nhờ Lời Chúa hướng dẫn để chấn chỉnh lại. Người cha chính là người lãnh đạo trong gia đình cũng như người thuyền trưởng trên một con tàu. Người cha cần phải trở thành người lãnh đạo vững chắc và đáng tin cậy nhưng không bao giờ được phép độc đoán”. Dầu từng trải và ý kiến của bạn về trách nhiệm làm chủ gia đình của người chồng có như thế nào chăng nữa, bạn có thể thấy qua câu trả lời của vị giáo sĩ rằng người chồng làm chủ gia đình chính là ý định và chương trình của Đức Chúa Trời. Trải qua nhiều thế kỷ, từ ngữ thuận phục trong Kinh thánh đã bị hiểu lầm và lạm dụng chỉ để đề cao người chồng. Còn người vợ thì phải thuận phục và vâng lời một cách vô điều kiện. Chúng ta cần phải trở về với ý nghĩa căn bản của sự thuận phục. Chúng ta cần phải tiếp tục giảng dạy mạnh mẽ về tình yêu thương và sự bình đẳng. Tuy nhiên vai trò thuận phục của người phụ nữ vẫn là nền tảng của một hôn nhân tốt đẹp. Những người phụ nữ Cơ Đốc cần phải hiểu rõ vấn đề thì mới chấp nhận vai trò của người chồng và làm tốt vai trò của mình với tư cách là người vợ, người mẹ trong gia đình. Ý nghĩa của sự thuận phục là: Vâng theo sự điều khiển và thẩm quyền của người khác. Nghe theo sự phán quyết và quan điểm của người khác Vâng lời, tuân hành Vâng phục, khiêm nhường Sự thuận phục trong Kinh thánh có nghĩa là vâng phục lẫn nhau bởi lòng kính sợ Đấng Christ. “Những lời hứa nguyện trong hôn nhân đều có ý nghĩa như nhau đối với người chồng cũng như người vợ. Tình yêu thương trong gia đình là một tình yêu thương hỗ tương”.
  • 23. Vâng phục trong tình yêu thương “Hỡi người làm vợ, hãy phục chồng mình” (IPhi 1Pr 3:1). Khi chúng tôi còn ở bên Úc Châu, một người hàng xóm muốn mời tôi cùng đi chơi phố. Tôi trả lời: “Tôi cần phải hỏi ý kiến chồng tôi đã”. Người hàng xóm của tôi hơi bị bất ngờ trong một chốc và nói: “Chị chưa được giải phóng sao ?”. Việc hỏi ý kiến và cho nhà tôi biết tôi đi đâu chỉ đơn giản là giữ lịch sự đối với nhau. Tôi cũng muốn chồng tôi hỏi ý kiến tôi như vậy. Đó không phải là xin phép nhưng là ý thức mối quan hệ, sự hiệp nhất và trách nhiệm của chúng tôi đối với nhau. Khi bình luận về thơ Phierơ, William Barclay đã viết: “Sứ đồ Phierơ không yêu cầu những người vợ phải đứng lên giảng dạy hay biện giáo. Ông không yêu cầu những người phụ nữ phải chứng minh rằng không có sự khác biệt giữa nô lệ và tự do, người Do Thái và người ngoại bang, nam hoặc nữ, nhưng tất cả đều bình đẳng trong Đấng Christ. “Sứ đồ Phierơ chỉ kêu gọi những người vợ làm một điều rất đơn giản là hãy đóng vai trò một người vợ hiền. Dùng chính sự yêu thương của mình làm một bài giảng hùng hồn. Người vợ cần phải thuận phục. Đây không phải là sự thuận phục một cách tiêu cực nhưng như một tác giả đã định nghĩa rất đúng, đó là “sự tự nguyện từ bỏ bản ngã”. Đó chính là sự thuận phục đặt nền tảng trên sự từ bỏ kiêu ngạo và bản ngã và trên tinh thần phục vụ. Đây không phải là sự thuận phục do sợ hãi nhưng là “sự thuận phục trong tình yêu thương trọn vẹn”. Tình yêu thương đối với Chúa Cứu thế và đối với chồng mình ! Sứ đồ Phierơ đã dùng chữ “cũng vậy” là muốn ám chỉ đến gương mẫu của Chúa Giê-xu. Vâng phục như Chúa Cứu thế đã vâng phục trên thập tự giá để làm vinh hiển cho Đức Chúa Cha. Sự vâng phục của Chúa Giê-xu chính là sự vâng phục bởi tình yêu thương đối với Cha Thiên Thượng. Vâng phục không phải dựa trên địa vị người trên hay người dưới, nhưng là do hiểu rõ mối quan hệ và sự bình đẳng nhưng cũng khác biệt trong vai trò người vợ và người chồng. Vâng phục không có nghĩa là yếu đuối. Vâng phục trái lại có nghĩa mạnh mẽ, tích cực. Bởi vì đây là sự vâng phục bởi tình yêu thương ! Qua thơ thánh Phao Lô gởi tín đồ Cô-lô-se, chúng ta biết rằng nếp sống Cơ Đốc nhân trong gia đình sẽ giúp phát triển mối quan hệ vợ chồng trở thành mối quan hệ đầy yêu thương và chia xẻ trách nhiệm. Ngày nay, vị trí và quyền lợi của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội đã được công nhận. Điều này giúp ngăn chặn sự lạm dụng quyền hành của người đàn
  • 24. ông. Sự thuận phục đúng nghĩa của người vợ sẽ giúp duy trì và phát triển tình yêu thương. Vâng phục quyền làm chủ gia đình chứ không phải vâng phục sự độc đoán Lời Chúa trong Eph Ep 5:22 và 5:28,29 chép ; “Vợ phải vâng phục chồng như vâng phục Chúa”. “Cũng một thể ấy, chồng phải yêu vợ như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy. Vì chẳng hề có người nào ghét chính thân mình, nhưng nuôi nấng, săn sóc nó như Đấng Christ đối với Hội thánh”. Vai trò làm chủ gia đình của người chồng chính là cơ nghiệp mà người đàn ông được thừa hưởng từ Chúa. Nhiều người đã từ bỏ vai trò này và không vâng theo ý chỉ của Chúa đặt để họ là người bảo vệ, chăm sóc và yêu thương vợ mình. Ngược lại họ đã trở thành những người cai trị độc đoán trong gia đình. Một số người hoàn toàn thoái thác trách nhiệm của mình hoặc thực hiện trách nhiệm đó một cách rất thụ động. Bởi vì vai trò của người vợ là phụ giúp nên người vợ cần khích lệ người chồng trong vai trò làm chủ gia đình. Hãy giúp người chồng thực hiện tốt trách nhiệm của mình. Người vợ không nên làm giảm giá trị người chồng mà phải nâng đỡ người chồng. Nhiều người đã không thực hiện trách nhiệm làm chủ gia đình là do đã chịu ảnh hưởng của một người mẹ có tính tình độc đoán và cứng rắn, hoặc ảnh hưởng của một người cha có tính tình thụ động. Nếu một người nam có người mẹ tính tình cứng rắn và độc đoán, người đó có khuynh hướng muốn người vợ mình cũng có đặc điểm đó. Thực ra, trong hôn nhân người vợ cũng cần đóng vai trò của người mẹ trong mức độ nào đó. Chúng ta hãy nghe hai người phụ nữ chia xẻ về quyết tâm làm một người vợ đúng theo sự dạy dỗ của Kinh thánh. Họ đã thực hiện những điều mà họ đã học từ trong Kinh thánh. Cả hai người đều muốn giúp người chồng có tính tình mềm yếu trở thành người làm chủ gia đình và thừa hưởng vinh quang của Chúa. Một người giữ chức vụ lãnh đạo trong Hội thánh trong khi người chồng đã nghỉ hưu và không còn tích cực nữa. Bà chia xẻ với chúng tôi rằng bà là một người rất tích cực tham gia các công tác trong Hội thánh. Tuy nhiên bà cảm thấy Chúa muốn bà từ bỏ một số chức vụ trong Hội thánh. Bà muốn người chồng đóng một vai trò tích cực hơn trong Hội thánh và thực sự là chủ của gia đình. Trong tinh thần yêu thương và trách nhiệm, bà đã quyết định giúp đỡ để người chồng vươn lên giữ vị trí là người lãnh đạo trong gia đình và trong Hội thánh. Bà đã thành công. Hiện nay cả hai vợ chồng đều hầu việc Chúa một cách rất có kết quả !
  • 25. Người phụ nữ thứ hai đã từng phải than thở về người chồng bởi vì bà phải quyết định mọi việc trong gia đình. Bà cảm thấy rất bực bội khi chính bà là người phải quyết định về việc có đi ăn cơm tiệm hay không và ăn khi nào ! Bà chia xẻ: “Trong suốt cuộc sống vợ chồng, tôi đã phải vừa đóng vai người mẹ vừa đóng vai người cha”. Tôi nhận trách nhiệm dạy dỗ con cái và tôi cũng là người phải trang trải những khoản chi tiêu trong gia đình. Chồng tôi là một người vô tâm vô tư. Khả năng đặc biệt nhất của chồng tôi ấy là gây ra những rắc rối để tôi phải giải quyết. Nếu có hỏa hoạn xảy ra, nhà tôi sẽ chết cháy nếu tôi không bảo ông ấy chạy ra khỏi nhà. Gia đình của bà sống theo kiểu vợ chồng đều làm việc và có quỹ riêng. Đồng lương của bà được dùng vào việc trang trải những chi tiêu cho bà và các con. Tuy nhiên một khi đã quyết định vâng theo sự dạy dỗ của Kinh thánh về hôn nhân, bà đã từ bỏ công việc để có thể ở trong vị trí tùy thuộc sự cung ứng tài chánh của người chồng. Khi cần phải quyết định điều gì, bà đã khéo léo hỏi ý kiến chồng mình. Vị mục sư đã khuyên bà như sau: “Chị hãy kiên nhẫn. Chúng ta sẽ rất vui nếu thấy những ý định của chúng ta thành công trong một thời gian ngắn nhưng sự thay đổi và chữa lành cần phải có thời gian. Và điều quan trọng hơn là niềm vui được nhìn thấy Đức Thánh Linh hành động để tạo nên mối liên hệ gia đình tốt đẹp”. Và quả nhiên điều đó đã xảy ra. Bà không những chỉ tin vào sự dạy dỗ của Kinh thánh về hôn nhân nhưng cũng đã bằng lòng thực hành những điều này. Bà đã chia xẻ: “Tôi không thấy mình bị lệ thuộc vào người chồng nhưng trái lại, tôi cảm thấy rất tự do. Vai trò phụ giúp của người vợ là một điều rất tốt đẹp. Chúng tôi đã hợp tác với nhau để đem lại vinh hiển cho Chúa !” Tôi muốn anh em đều hiểu rằng “Đấng Christ là đầu mọi người; người đàn ông là đầu người đàn bà; và Đức Chúa Trời là đầu của Đấng Christ” (ICo1Cr 11:3) Đức Chúa Trời và Thánh Linh của Ngài sẽ làm công việc tốt đẹp trong người chồng của chúng ta. Nếu chúng ta bằng lòng vâng theo Lời Chúa về vai trò người vợ thì Ngài cũng sẽ ban thưởng và đáp lời cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta sẽ được nhìn thấy người chồng vốn bản tính yếu đuối và nhút nhát sẽ trở thành người lãnh đạo trong Hội thánh và là người chủ gia đình. Khi chúng ta bày tỏ thái độ thuận phục đối với chồng, chúng ta sẽ khiến người chồng phát huy được bản năng của một người bảo vệ mà Chúa phú bẩm cho họ. Một người vợ cứng rắn sẽ làm khô héo mối liên hệ trong gia đình. Trước khi bạn lên tiếng phản đối, tôi đề nghị bạn xem lại các nguyên tắc của Kinh thánh. Nên nhớ rằng một tập thể luôn cần có một người lãnh đạo. Hãy
  • 26. nhìn nhận sự khôn ngoan của Đấng Tạo hóa khi thiết lập hôn nhân vừa là mối quan hệ giữa chồng với vợ và cũng là giữa vợ với chồng. Bạn có thể yên tâm rằng Đức Chúa Trời không bao giờ sắp đặt để người nam chiếm thế thượng phong trên người nữ và nếu họ có làm như thế thì họ đã phạm tội với Đức Chúa Trời. Thuận phục một cách tự nguyện “Hỡi người làm vợ, hãy vâng phục chồng mình, y như đều đó theo Chúa đáng phải nên vậy” (CoCl 3:18). Lời Chúa ở đây bảo đảm rằng chúng ta đang làm đúng ý Chúa khi thuận phục chồng. “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chứ không phải làm cho người ta” (CoCl 3:23). Sự thuận phục của người phụ nữ là do sự tự nguyện. Chúng ta bằng lòng chấp nhận vị trí thuận phục là vì chúng ta muốn vâng theo Lời Chúa và làm đẹp lòng Ngài. Vì muốn tôn cao Chúa nên chúng ta bằng lòng từ bỏ quyền lợi của mình và tự đặt mình dưới thẩm quyền của người khác. Một hành động tự nguyện đòi hỏi sự vận dụng ý chí nên nó không hề có nghĩa là giảm giá trị của con người ! Thông thường người phụ nữ lập gia đình khi đã có sự nghiệp và đã từng đóng vai trò lãnh đạo. Vì thế người chồng chỉ cần một chút khôn ngoan cũng đủ nhận thấy mình được tôn trọng như thế nào khi người vợ chấp nhận vâng phục chồng. Nếu người chồng biết rằng vợ mình là một người hiểu biết và có cá tính thì chắc chắn phải đối xử với người vợ một cách dịu dàng và tử tế. Người chồng sẽ biết lắng nghe và tôn trọng người vợ. Như thế sự thuận phục là vấn đề của sự tự nguyện, khi người phụ nữ bằng lòng đặt mình dưới sự bảo vệ của người chồng. Phụ nữ cần nhận thấy rằng không phải Đức Chúa Trời đối xử bất công với phụ nữ, nhưng Ngài muốn bảo vệ phụ nữ. Chúng ta cần dành cho người chồng nhiệm vụ yêu thương, săn sóc chúng ta như họ phải làm đối với thân thể mình. Một sự vâng phục như vậy trước tiên và trong căn bản đòi hỏi tinh thần đầu phục Chúa. Chỉ khi nào chúng ta đặt Chúa lên trên hết thì sự thuận phục của chúng ta mới có ý nghĩa và không bao gồm một chút bực bội nào. Chính Thánh Linh của Đức Chúa Trời sẽ hành động trong đời sống của chúng ta để chúng ta vừa muốn vừa có thể làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. HÔN NHÂN LÀ MỘT MỐI LIÊN HỆ Không phải tự nhiên mà có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Hôn nhân tốt đẹp chỉ có thể là thành quả của những nỗ lực không ngừng của
  • 27. cả vợ lẫn chồng. Dầu cho người vợ hoặc người chồng có khả năng và trưởng thành đến đâu thì họ cũng không thể chỉ đóng vai khán giả trong cuộc hôn nhân của mìnhï. Họ cần phải tham gia một cách tích cực. Cả người nam và người nữ cần phải quyết định xem họ muốn đạt đến mục đích gì trong cuộc sống chung. Họ cần phải quyết định xem những điều gì cần phải tránh xa. Và họ cũng cần hợp tác với nhau để đạt đến mục đích. Rõ ràng điểm then chốt ở đây chính là sự giao tiếp, đối thoại ! Sự thông công, giao tiếp Một khi chúng ta mở lòng mình cho một người khác ấy là chúng ta đã khai mở con đường để tình yêu tuôn chảy. Sự thông công đúng nghĩa sẽ giúp gây dựng mối liên hệ tốt đẹp. Thông công có nghĩa là chia xẻ với nhau chứ không phải là đòi hỏi, gây sức ép. Với tư cách là người phụ nữ của Đức Chúa Trời, là người được dựng nên để giúp đỡ, chúng ta được Chúa ban cho khả năng để đáp ứng những nhu cầu của người chồng về mọi mặt: Thể xác Tinh thần Tâm linh Chúng ta sẽ xây dựng mối liên hệ mật thiết với chồng mình một cách toàn diện ! Chúng ta sẽ thuộc về người chồng không phải như một đồ vật nhưng như là người thừa hưởng cơ nghiệp. Chúng ta đồng hưởng cơ nghiệp của Chúa với chồng mình. “Vì họ sẽ cùng anh em hưởng phước sự sống” (IPhi 1Pr 3:7). Chúng ta có một vai trò rất quan trọng. Đức Chúa Trời đặt sự thành công của hôn nhân cũng như hạnh phúc của người chồng trong bàn tay mỗi chúng ta. Điều hiển nhiên là bởi vì người nam và người nữ rất khác biệt nên cách đối xử của họ với nhau cũng khác biệt. Một vị bác sĩ đã nói rằng bà nhận thấy những người đàn ông rất khác với những điều bà đã nghỉ. Không những họ khác với phái nữ về thân xác nhưng cũng khác về tinh thần nữa. Các tế bào trong máu của người nam cũng rất khác và hệ thống thần kinh của họ cũng vậy. Điều này giải thích tại sao cách suy nghĩ và cách sống của họ khác với phái nữ. Một lần nữa, ở đây vấn đề nam nữ không còn là vấn đề phái nào quan trọng hơn, nhưng vấn đề chỉ là có sự khác biệt giữa nam và nữ. Nếu như người chồng và người vợ hiểu rõ sự khác biệt của nhau, thì họ sẽ có thể đối xử với nhau một cách đầy cảm thông. Không những chỉ cảm thông, nhưng cũng đầy trân trọng và biết ơn lẫn nhau.
  • 28. Sự khác biệt này thể hiện rất rõ trong cách thức bày tỏ tình cảm của người nam và người nữ. Một phụ nữ đã đến than phiền với tôi rằng người chồng của cô không chịu nói chuyện với cô. Anh ta đi làm về rồi trốn ở trong phòng hoặc bật ti vi lên xem. Người vợ cảm thấy rất chán nản và đã nghĩ đến chuyện ly hôn ! Chỉ thoáng nhìn qua căn nhà của ho,ï người ta cũng có thể thấy ngay bằng chứng về sự khéo tay của người chồng. Tuy nhiên, vì anh ta ít nói nên người vợ cảm thấy rất buồn bực. Người vợ rất có thể đã muốn nóng nảy đập vỡ hết tất cả những vật dụng dễ thương mà người chồng đã làm. Người phụ nữ này rất cần học để hiểu sự khác biệt của phái nam. Có thể nêu lên một ví dụ, người đàn ông thường rất khó bày tỏ tình cảm của mình qua lời nói. Họ thường bày tỏ tình cảm qua những món quà tặng hay qua việc chăm sóc gia đình và qua sinh hoạt tính dục. Ngược lại người phụ nữ lại muốn người chồng bày tỏ tình cảm của mình bằng những lời nói rất êm ái “anh yêu em lắm !”. Người phụ nữ rất thích được nghe những lời nói yêu thương và dịu dàng. Nếu như vợ chồng có thể học để bày tỏ tình cảm cả vui lẫn buồn, thì họ sẽ có thể xây dựng được một hôn nhân vô cùng tốt đẹp. Ở những lớp dự bị hôn nhân, người ta khuyến khích những cặp vợ chồng dù sống chung trong một mái nhà nhưng cũng nên viết thư trao đổi với nhau. Thư từ có thể giúp diễn tả ý tưởng một cách rõ ràng và là một phương cách để bày tỏ tình cảm, nhất là khi người phụ nữ có thể ở trong tâm trạng: “Tôi đã chán ngấy phải nói chuyện với một người im như thóc !”. Chúng ta có thể rơi vào ba hình thức rất tiêu cực trong mối thông công giao tiếp: Thái độ trả đũa Thái độ độc đoán quan liêu hoặc Thái độ xa lánh Thái độ trả đũa Người vợ bắt đầu có thái độ trả đũa khi cảm thấy bất an, không được yêu thương, thông cảm, bị lên án, bị bỏ quên, xem thường, hoặc khi không được đáp ứng các nhu cầu. Sự trả đũa lên đến cao điểm có thể biểu hiện qua hình thức chiến tranh lạnh, im lặng một cách lạnh lùng, tảng lờ như không biết, hoặc ở một thái cực khác thì sẽ la lối, trách mắng và có những cử chỉ gây hấn. Cả hai thái độ trả đũa như trên đều bị Kinh thánh lên án và đều gây ra xáo trộn trong gia đình. Để có được một gia đình hạnh phúc, tôi đề nghị nên dành một buổi tối đọc
  • 29. Lời Chúa trong Rôma 12. Thật là tuyệt vời nếu như cả hai vợ chồng cùng ngồi lại đọc Lời Chúa với nhau ! Dưới đây là hình ảnh đẹp đẽ mà chúng ta đọc thấy trong thơ Rôma. Trong hai câu đầu tiên có nhắc đến bàn thờ là nơi chúng ta dâng hiến chính mình và tất cả những gì thuộc về mình. Sau đó từ câu 16 đến câu 21 mô tả đời sống được đổi mới của chúng ta, khi tính tình và nhân cách của chúng ta được thay đổi bởi Đức Thánh Linh. Chúng ta có thể ghi nhận những điều này qua đoạn Kinh thánh nêu trên. Phải ở cho hiệp ý nhau Chớ lấy ác trả ác cho ai Phải chăm tìm điều thiện trước mặt mọi người Hãy hết sức mình mà hòa thuận với mọi người Đừng tự báo thù Nếu kẻ thù của anh chị em đói hãy cho ăn Có khát hãy cho uống Hãy lấy điều thiện thắng điều ác. Đây chính là tiêu chuẩn đạo đức của Cơ Đốc giáo. (Tôi chắc rằng chúng ta có thể áp dụng tiêu chuẩn này đối với chồng mình !). Thật là một bức tranh tuyệt vời về hạnh phúc hôn nhân. Thái độ thống trị Thái độ thống trị là hậu quả hợp lý của thái độ trả đũa khi người chồng cứng cỏi nổi lên và chiếm giữ vai trò thống trị. Mối liên hệ sẽ càng trở nên tồi tệ hơn khi một phía rút lui và tạo nên hình ảnh của mối liên hệ ảm đạm. Phía thống trị bắt đầu thể hiện các đặc tính quan liêu, ích kỷ, độc đoán, có thái độ bề trên và coi thường người bạn đời của mình. Ngược lại, người ở trong vai trò bị thống trị sẽ thể hiện một nhân cách đã bị thui chột, nín lặng, cứng cỏi, thụ động, và cũng coi thường người chồng của mình. CoCl 3:8-10 dạy chúng ta phải từ bỏ giận hờn, ghen ghét, nói hành và những lời tục tĩu xấu xa. Chúng ta cần phải từ bỏ người cũ và mặc lấy người mới đã được dựng nên theo hình ảnh của Đấng Christ. Thái độ xa lánh Thái độ thống trị chắc chắn dẫn đến thái độ xa lánh. Khi vợ chồng giữ thái độ xa lánh nhau thì hôn nhân chỉ còn là mối liên hệ bên ngoài, bằng mặt chứ không bằng lòng. Mỗi người đi một ngả giống như hai đường thẳng song song không bao giờ gặp nhau. Hôn nhân như thế khó lòng tránh khỏi tan vỡ,
  • 30. và nếu còn sống với nhau thì chẳng qua chỉ là giữ lễ mà thôi. Người ta chọn thái độ xa lánh để tránh phải đối đầu và tranh cãi cách mệt mỏi. Thay vào đo,ù họ lựa chọn thái độ nín chịu trong yên lặng. Thái độ xa lánh có thể là một cách đối phó với vấn đề nhưng nó cũng giết chết mối liên hệ tốt đẹp và hạnh phúc. Sự trục trặc trong mối giao tiếp là dấu hiệu của những vấn đề trầm trọng ! Thông thường, những thái độ không vui vẻ trong mối giao tiếp chính là biểu hiện của một vấn đề trầm trọng hơn. Chẳng hạn những phụ nữ bị ức chế thường không thỏa mãn trong mối quan hệ tính dục và khiến cho người chồng cũng cảm thấy không thoải mái. Một người vợ đã thổ lộ với tôi: “Chồng tôi rất coi thường tôi trước mặt người khác. Tôi rất sợ phải có mặt chung với những đôi vợ chồng cùng lứa tuổi với chúng tôi. Anh ấy cố tình trêu chọc tôi bằng cách khen ngợi trang phục và vẻ duyên dáng của các phụ nữ khác và công khai chê trách tôi”. Tôi liền hỏi cô ta: “Thế còn mối quan hệ chăn gối với chồng cô thì sao ?” Tôi cảm thấy cô ta hơi khựng lại, nhưng cũng có thể thấy rằng cô ta hiểu là tôi rất muốn giúp đỡ cô. Pha một chút ngập ngừng, cô ta trả lời: “Nhà tôi thích chuyện đó hơn tôi nhiều”. Tôi hỏi tiếp: “Thế có khi nào chị từ chối chồng mình điều đó không ?” Cô hỏi lại là: “Không phải là phụ nữ nào cũng thường làm như vậy sao ?” “Vậy khi anh chị đến với nhau thì thái độ chị như thế nào ?” Chị ta đáp: “Thường thường tôi chỉ chịu đựng mà thôi”. Tôi ngừng lại và thầm cầu nguyện trong lòng. Rồi tôi nói với chị: “Đức Chúa Trời đã ban cho con người có khả năng tính dục và điều đó rất tốt đẹp trong hôn nhân. Tôi chắc rằng chồng chị không có gì bất thường về tính dục cả khi anh ta coi sự gần gũi về thân xác như là biểu hiện tình cảm thân thiết với chị”. Những giọt lệ bắt đầu lăn dài trên gương mặt của chị: “Khi chồng tôi tỏ thái độ bực bội với tôi trước mặt người khác. Điều đó có nghĩa là chồng tôi muốn trả đũa vì tôi từ chối chuyện đó không ?” Tôi trả lời: “Có thể hiểu như chị vừa nói. Nói đúng hơn anh ta cảm thấy bị từ chối và tổn thương và chỉ biết phản ứng bằng cách đó” Thông thường mối quan hệ giao tiếp tốt đẹp đóng vai trò cầu nối quan trọng trong mọi mối quan hệ. Chúng ta cần phá vỡ những lớp băng và học tập để chia xẻ những suy nghĩ với nhau. Điều này đặc biệt khó khăn đối với nam giới. Họ thường không dễ dàng nói ra những suy nghĩ của họ. Điều có vẻ tự nhiên đối với phụ nữ lại là điều phải học tập rất khó khăn đối với người đàn ông. Những việc người vợ có thể nói ra rất thoải mái thì người chồng lại tỏ