SlideShare a Scribd company logo
1 of 100
Download to read offline
Mục Lục
Hồi Phục Trên Đường Chạy
Tác giả: Jill Briscoe
Lời Nói Đầu của Stuart Briscoe
Lời Giới Thiệu
1 Chỉ Vì Tôi Là Tôi
2 Thách Thức hay Ràng Buộc
3 Đấng Christ là Đấng Cai Trị -
Không Phải Là Khách
4 Như Thế Nào Là Mở?
5 Ồ, Tôi Không Ngờ Chuyện Đó Lại Xảy Ra!
6 Khi Khả Năng Không Phù Hợp
Với Vai Trò Của Bạn
7 Tìm Sự Quân Bình
8 Sống Với Chỉ Trích
9 Hồi Phục Trên Đường Chạy
Lời nói đầu
Một bộ phim hoạt hình nổi tiếng miêu tả hai con lừa có đuôi cột chung với
nhau. Trong cảnh đầu chúng đang nhìn về hai hướng khác nhau, mỗi con
đang say sưa ngắm nhìn đống cỏ khô. Cảnh thứ hai cho thấy chúng đang
giằng kéo nhau dữ dội, cả hai đều không tiến lên được chút nào cả và đang
duỗi đuôi hết cỡ. Trong cảnh thứ ba chúng nhận ra rằng nỗ lực nãy giờ của
chúng là vô ích và đang ngồi chung với nhau thảo luận vấn đề, và trong cảnh
cuối cùng, với nụ cười rạng ngời niềm vui của loài lừa, chúng cùng nhau
bước đi, con này bước đến đống cỏ theo sau là con kia!
Trước hiểm họa bị hiểu lầm, tôi có dám ám chỉ rằng một số cuộc hôn nhân
của tôi tớ Chúa không phải không giống những con lừa của mình không?
Không, tôi không ngụ ý rằng Hội Thánh của quí vị đối xử với quí vị như
những con lừa và cho các bạn ăn cỏ khô hay khi khó khăn ràng buột, thì
cũng như những cái đuôi bị cột vào nhau mà thôi! Tôi muốn nói là chúng ta
rất thường gặp những cuộc hôn nhân của các tôi tớ Chúa bị áp lực gay gắt
đến như vậy. Cả hai đều có những nhu cầu và những mơ ước, những ưu tiên
và những mong đợi, nhưng đáng buồn thay những điều đó lại đang ở hai
hướng trái ngược nhau.
Những người phối ngẫu đang giằng kéo rất mạnh, nhưng không ai đến được
đống cỏ khô của mình. Không ai thật sự được sung mãn, hạnh phúc cả.
Vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn vì họ không dành thời gian để cùng ngồi lại
với nhau, nói chuyện và lắng nghe. Đôi khi bởi vì họ quá bận rộn. Thông
thường là do vấn đề miễn cưỡng hay bất đắc dĩ nhiều hơn, có thể do một
trong hai người cảm thấy lúng túng khi phải đối diện với chuyện khó xử.
Hay có thể là do cảm giác tội lỗi khi họ không thể đáp ứng những mong đợi
rất con người hay khi so sánh với những tiêu chuẩn thiên thượng. Vì thế họ
cứ tiếp tục kéo và kéo, xoay xở chỉ để thắt chặt cái gút và kéo căng đuôi của
mình.
Cuốn sách dùng để giúp những đôi vợ chồng đang ở trong chức vụ cùng
ngồi xuống, giúp nhau nhận diện những mong đợi, và nghĩ ra những phương
cách giúp cả hai cùng giải quyết được vấn đề. Tôi biết đây là một bài tập cần
thiết vì Jill và tôi đã có những bằng cớ chắc chắn, nhiều phương cách, cùng
những ý tưởng rõ ràng, và chúng tôi cũng đã chia sẻ về sự giằng kéo ở hai
phương khác nhau của vợ chồng chúng tôi. Nhưng một khi chúng tôi được
chuẩn bị để công nhận điều này và cùng dõi bước với nhau, chúng tôi thành
tựu nhiều hơn. Và chúng tôi tìm thấy cho nhau và ở nhau nhiều hơn là cỏ
khô nữa. Chúng tôi tìm thấy vàng, bạc và đá quí. Tôi hy vọng các bạn cũng
sẽ như vậy.
STUART BRISCOE
Lời giới thiệu
ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ MỤC ĐÍCH LIÊN QUAN ĐẾN CHÚNG TA
MÀ NGÀI CHƯA TỎ RA; VÌ THẾ,
MỖI NGÀY LÀ THIÊNG LIÊNG
TRONG SỰ MONG ĐỢI ĐẦY NGẠC NHIÊN.
- PHILLIPS BROOKS
Chúng ta cần phải bắt đầu với một câu hỏi cơ bản: tại sao lại là một cuốn
sách đặc biệt dành cho vợ của những tôi tớ Chúa? Câu trả lời: vì tất cả
những lý do tốt lành!
Thứ nhất , vợ người hầu việc Chúa góp phần không nhỏ trong dân số của
chúng ta ngày nay . Hiện đang có hàng ngàn phụ nữ chỉ trong Châu Mỹ nằm
trong phạm trù này. Để dễ hiểu hơn, tôi sẽ gọi họ là “vợ người hầu việc
Chúa” trong suốt phần còn lại của sách. Nhiều người vợ này có chồng là
mục sư, những người khác thì cộng tác với chồng trong công tác thanh niên
hay truyền giáo, hay trong những chương trình dành cho những người không
nhà, những người nghiện ma túy, những người bị bỏ rơi, và những người
nghèo khổ.
Một số những người vợ này đang sống bày tỏ khải tượng mà họ đã chia sẻ
với chồng mình từ khi họ bắt đầu cuộc sống chung với nhau.
Những người khác có chồng làm những công việc “đời” và giữa chừng lại
đổi sang công việc phong phú hơn nhưng thách thức hơn của chức vụ.
Nhưng, như một người vợ đã cho tôi biết, “chức vụ của nghề thứ hai có vấn
đề! Và tôi không làm tốt công việc của mình.”
Một số người vợ đang hầu việc theo lựa chọn.
Những người khác đang bị sốc. Họ nói với tôi những điều như: “Ồ, tôi chưa
bao giờ lường trước được điều này!”
Tất cả họ đều có những nhu cầu đặc trưng đối với người làm việc trong chức
vụ. Trong nhiều năm, các mục sư và những nhà truyền giáo đã có những hội
nghị dành để thảo luận những nhu cầu cụ thể của họ. Tôi nghĩ đó cũng là
thời điểm mà người bạn đời của họ cùng nhận được sự khích lệ và sự giúp
đỡ cụ thể.
Thứ hai , vợ người hầu việc Chúa có những nhu cầu cụ thể ít khi được đáp
ứng trong những cuốn sách khác dành cho phụ nữ .
Tôi đã từng là “vợ người hầu việc Chúa” ba mươi ba năm. Và tôi đã có được
đặc ân biết hàng trăm vợ tôi tớ Chúa giống như tôi. Chúng tôi đã lớn lên và
rên rỉ cùng nhau! Tôi không lạ gì đối với những gian nan và những phần
thưởng của chúng tôi.
Không những thế, nhưng qua những cuộc hội thảo quốc tế, tôi đã từng có
đặc ân thu nhặt sự khôn ngoan của những phụ nữ đã từng sẻ chia chức vụ
muôn màu muôn vẻ của chồng mình tại vô số những nơi chốn khác nhau.
Nói chung, chúng tôi đã cóp nhặt một kho tài liệu. Và chúng tôi nghĩ đây là
thời điểm tỏ bày những thông tin đó ra.
Nếu các bạn là vợ người hầu việc Chúa, hãy biết rằng những trang sách này
được viết theo những nhu cầu, những thắc mắc, những đấu tranh, và những
thành tựu của các bạn.
Thứ ba , một cuốn sách như thế này thật cần thiết cho một nhóm rất đông
những người khác - chồng của vợ người hầu việc Chúa !
Thực tế từ khảo sát của Hội Truyền Giáo Quốc Gia cho biết một trong
những nguyên nhân chính khiến hàng trăm tôi tớ Chúa xa rời chức vụ là vì
căng thẳng đặt trên vợ người hầu việc Chúa.
Nếu bạn có một người vợ mục sư không hạnh phúc, bạn sẽ có một mục sư
không hạnh phúc, và đó là thời điểm nhiều người chung quanh nhận biết
điều đó. Đôi khi giáo phái hay tổ chức tôn giáo cử mục sư và vợ đến dự các
cuộc hội thảo “người chăn bầy”, tại đó tất cả các mục sư đều họp lại với
nhau. Nhưng còn vợ của họ? Vợ của họ được dẫn đi sở thú hay siêu thị! À,
tôi thích đi mua sắm (tôi không thích voi), nhưng tôi có thể làm tất cả những
điều đó ở nhà. Thật ra tôi nghĩ rằng điều mà chúng tôi, vợ người hầu việc
Chúa, đang tìm kiếm khi đến dự những cuộc hội thảo này là sự giúp đỡ đáng
kể trong việc trình bày một số nhu cầu trong chức vụ đặc biệt của mình .
Làm vợ mục sư không giống như làm mục sư; làm vợ của người phụ trách
thanh niên không như làm người phụ trách thanh niên (mặc dù một số người
mong đợi nhiều như vậy). Và điều đó không phải chỉ đơn thuần như là làm
vợ thôi đâu. Vợ người hầu việc Chúa có hàng loạt những trách nhiệm, mong
đợi, và những căng thẳng đi kèm với vai trò của họ. Và chúng ta không biết
làm thế nào để giải quyết những vấn đề này theo phương pháp thẩm thấu,
mà tại đó chúng ta gần gũi với chồng và trông mong rằng những điều chồng
mình đang dạy dỗ phần nào đi vào khoảng trống kiến thức của chúng ta.
Chúng ta cần sự giúp đỡ để gắn liền với những cơ hội và sự khôn ngoan đặc
thù của mình để biết cách giải tỏa áp lực.
Lúc hai vợ chồng lìa khỏi chức vụ, thường có tổn thất lớn lao đối với hôn
nhân và những cá nhân đó. Như vậy, cuốn sách này có khả năng là một cuốn
sách đem lại rất nhiều thất vọng vì chúng ta phải đối diện với những căng
thẳng và những tổn thương của mình, nói về những điều đó, cố gắng giải
quyết cơn giận dữ của mình, và cùng làm đau lòng nhau.
Nhưng tựa đề của sách không phải là “Tại sao vợ người hầu việc Chúa
không muốn tiếp tục cương vị đó nếu họ có cơ hội làm lại từ đầu”! Tôi
muốn nói với các bạn rằng các bạn không cô đơn! Và tôi không chỉ ngụ ý
rằng “họa vô đơn chí”. Trong quyền năng và ân điển của Đức Chúa Giê-xu
tôi tin chúng ta có thể giải quyết những xung đột sâu xa này và tìm thấy sự
chữa lành cũng như sự giúp đỡ. Tôi biết điều này là thật không chỉ bắt nguồn
từ hành trình đức tin và chức vụ của tôi mà còn xuất phát từ vô số những câu
chuyện của những người khác trên cùng con thuyền, trên khắp cả thế giới.
Các bạn thấy đấy, tôi thật sự tin rằng vai trò của vợ người hầu việc Chúa là
một đặc ân - không phải là một hình phạt. Đó không phải là một bản án tù.
Nếu tôi không tin chắc điều này, tôi đã huỷ bỏ dự án này ngay bây giờ.
Người đang sống trong tư thất có thể gặp khó khăn - nhưng đó là những khó
khăn dành cho những người có đặc ân và có thể được giải tỏa. Có niềm vui
thật trong việc sống bày tỏ mục đích của Đức Chúa Trời đối với cuộc đời
của chúng ta. Chúng ta, vợ người hầu việc Chúa, thật sự là những người rất
đặc biệt! Chúng ta hãy cùng nhau khám phá niềm vui thật ấy nhé.
Chỉ Vì Tôi Là Tôi
TÔI LÀ TÙ BINH CỦA NHỮNG MONG ĐỢI CỦA NGƯỜI KHÁC
HAY ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BỞI NHỮNG LỜI HỨA THIÊN THƯỢNG?
- HENRI NOUWEN
Mặc dù vai trò của phụ nữ đã thay đổi rất nhiều qua hàng thế kỷ, nhưng một
sự kiện không bao giờ đổi thay: Chúa Giê-xu đã đối xử với phụ nữ với tấm
lòng ưu ái và kính trọng hết sức đặc biệt. Trong thời phụ nữ được xem như
những công dân thuộc tầng lớp thấp hèn hơn, Ngài đã dành thời gian chăm
nom và đáp ứng những nhu cầu cụ thể của họ. Ngài đã không sợ bị xã hội
tẩy chay khi trò chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri bên giếng; Ngài đã chữa
lành người đàn bà bị rong kinh. Đặc biệt hơn cả, Ngài đã cho phép phụ nữ
giúp đỡ Ngài, đón nhận sự phục vụ của họ. Phụ nữ là người đầu tiên sinh ra
Ngài, có mặt bên Ngài trong những giờ phút cuối cùng trên thập tự giá, và là
người đầu tiên đi loan tin về sự phuc sinh của Ngài. Chúa đã chấp nhận tình
yêu và sự ngưỡng mộ của Ma-ri làng Bê-tha-ni khi bà đập bể lọ dầu quí để
xức cho Ngài. Ngài cũng đã bênh vực bà khi các môn đồ quở trách những
hành động “phí phạm” của bà. Trong LuLc 8:1-55 chúng ta thấy rằng nhiều
phụ nữ nổi tiếng đã cùng đi đây đó với Ngài, giúp đỡ cho những nhu cầu của
Ngài. Vì vậy, Chúa Giê-xu đã giúp đỡ phụ nữ, cùng làm việc với phụ nữ và
cũng được ích lợi từ sự hầu việc của họ đối với Ngài .
Sứ đồ Phao-lô cũng chia sẻ chức vụ của mình với phụ nữ và giao phó cho họ
rất nhiều việc. Không đi vào những lĩnh vực “nóng” của sự tranh cãi liên
quan đến việc liệu phụ nữ có nên giúp đỡ cho người nam hay không, chúng
ta rất tự tin trong việc nói rằng sứ đồ Phao-lô, ít ra cũng đã tán thành phụ nữ
chăm sóc giúp đỡ phụ nữ. Điều đó có ý nghĩa rất lớn trong thời Phao-lô, và
điều đó thậm chí còn có ý nghĩa hơn nhiều trong thời đại của chúng ta ngày
nay.
Ngày nay, một trong những tranh cãi quyết liệt nhất nhằm giải thích tại sao
phụ nữ cần phải trang bị bản thân để có thể chăm sóc đặc biệt phụ nữ là do
sự đổ vỡ kinh khiếp của gia đình. Một phụ nữ đã nói với tôi: “Tôi đã từng bị
một người đàn ông quấy rối và tôi phải đến đây để xin lời khuyên của bà.”
“Cô có muốn gặp nhà tư vấn của chúng tôi không?”, tôi hỏi.
“Bà có cả tư vấn nam lẫn nữ phải không?”. Cô ấy hỏi ngược lại tôi.
“Có chứ”. Tôi đáp.
“Vậy thì tôi sẽ gặp nhà tư vấn nữ”, cô nói. “Tôi đã gặp nhà tư vấn nam rồi”.
Thật cũng dễ hiểu khi cô ấy không muốn trao đổi với người khác giới. Tuy
nhiên, cô rất dễ dàng tiếp nhận sự khích lệ của một phụ nữ khác. Và điều
này thật ý nghĩa.
Cuối cùng, có ai ngoài phụ nữ có thể cảm nhận được nỗi đau của một nạn
nhân bị cưỡng dâm? Và có ai ngoài một người mẹ có thể hoàn toàn cảm
thông với một phụ nữ trẻ vô sinh hay đã từng bị sẩy thai hoặc phải vật lộn
với việc phải giam mình suốt cả ngày dài với con mọn? Có ai ngoài phụ nữ
có thể cảm thông với những cảm xúc thay đổi thất thường do kinh nguyệt
gây ra hay những biến đổi rõ rệt khi chúng ta bước qua tuổi 50?
Người cùng giới thật sự có thể tiếp cận rất nhiều vấn đề. Chúng ta có thể
bước vào ngay trong tấm lòng và cuộc đời của một nửa nhân loại và giới
thiệu Đấng Christ, tất cả chỉ vì chúng ta là phụ nữ - thật ra, “Chỉ vì tôi là
tôi”! Lẽ ra chúng ta không có trở ngại gì trong việc trở nên nguồn phước tại
bất cứ nơi nào chúng ta sống, làm việc và vui chơi. Nhưng theo như vợ của
một tôi tớ Chúa đã nói với tôi: “Trước khi sứ điệp của Đức Chúa Trời có thể
giải phóng những linh hồn khác, sự giải phóng đó bắt buộc phải thật sự xảy
ra trong chính mình tôi.”
Tôi nhận thấy rằng phụ nữ rất sáng tạo, thông minh, có nhiều sáng kiến,
nhạy cảm, có năng khiếu, có khả năng khuyến khích, tháo vát, thiêng liêng,
có năng lực và rất dẻo dai! Đức Chúa Trời biết điều đó là thật bởi vì Ngài đã
dựng nên chúng ta. Ngài đã định rằng tất cả chúng ta đều phải trở nên mẫu
người như Ngài đã tạo dựng và rằng tất cả những điều chúng ta biết phải
được dùng để đem cả thế giới quay về với Ngài. Nhưng tôi tin rằng Ngài đặc
biệt có hoạch định (dù chắc chắn là không biệt riêng) rằng chúng ta phải trở
nên “chính mình”.
Lúc đầu, tôi không bằng lòng với ý tưởng này. Lần đầu tiên khi tôi trở thành
vợ mục sư, tôi khựng lại khi một người đàn bà bề ngoài trông có vẻ đáng sợ
đến mời tôi góp phần vào công việc dành cho phụ nữ trong Hội thánh. Để từ
chối, tôi chọn việc cọng tác với ban thiếu niên - vì tôi có ân tứ, tình yêu
thương và năng lực đối với lứa tuổi này.
Nhưng vị trí của tôi lại đòi hỏi một sự dấn thân nhất định đối với chức vụ
nhỏ nhưng tốt đẹp của nữ giới trong mối tương giao. Tôi bắt đầu thấy rằng
làm “vợ mục sư” cho tôi một cơ hội chưa từng thấy để có tác động hay ảnh
hưởng mạnh mẽ trên chính trung tâm của Hội Thánh. Theo suy nghĩ khiêm
nhường của tôi, có vô số những nốt thăng mà cũng có vô số những nốt trầm
trong địa vị của tôi. Có một lần tôi đã thưa với Chúa điều Ngài đã biết rất rõ
- rằng tôi đặc biệt không thích ở bên cạnh phụ nữ, và rằng tôi không muốn
dành thời gian với nhóm người đó - tôi có thể nói thêm rằng tấm lòng tôi ở
trong tay Ngài, và Ngài có trọn quyền để thay đổi nó. Tôi bỏ mặc tình hình
hiện tại, nhưng Ngài thì không. Ngài phán, “Cám ơn con, Jill”, và lấy tấm
lòng tôi đặt trong tay Ngài, sưởi ấm nó bằng chính tình yêu của Ngài đối với
phụ nữ, và dẫn tôi vào một cuộc phiêu lưu trong chức vụ phụ nư đến nỗi hai
mươi năm sau đó tôi vẫn nhớ như in.
Thật vậy, có chỗ dành cho phụ nữ trong chức vụ trọn thời gian hay bán thời
gian, cho dù người đó còn độc thân hay đã có gia đình. Nữ giới là một lực
lượng đáng kể xuyên suốt Kinh Thánh, những quyết định của họ quyết định
số phận của các quốc gia, sự sẵn sàng hầu việc Chúa của họ đã tạo nên
những tấm gương khiêm nhường và đầy uy quyền (vâng, hai phẩm chất này
có thể đi chung với nhau!).
Trong cuốn sách hay nhất của họ, Daughters of the Church : Women and
Ministry from New Testament Times to the Present (tạm dịch Con gái của
Hội Thánh : Phụ nữ và chức vụ từ thời Tân Ước cho đến hiện tại ), Ruth
Tucker và Walter L. Liefield nói rằng trong phần giới thiệu về sự nghiên cứu
lịch sử, “Chúng tôi đã nhận thấy rằng phụ nữ rất tích cực trong những lĩnh
vực rộng lớn khác nhau của chức vụ trong Hội Thánh đã được thể chế hóa
bất chấp những lời công bố và những sắc lệnh chính thức mang tính đối
kháng”. Và “Phụ nữ trong các Hội Thánh Tin Lành được kế thừa di sản tìm
kiếm (và đôi khi giành được) những vị trí ý nghĩa trong Hội Thánh để hầu
việc Chúa hiệu quả hơn”. Tôi cũng muốn nói thêm rằng vợ người hầu việc
Chúa đã có địa vị - đơn giản bởi vì cô ấy là cô ấy! Có lẽ cô ấy kết hôn với
trưởng ban thanh niên, và đã được ban tặng một địa vị đặc ân và một cơ hội
để tạo nên sự khác biệt cho Đức Chúa Trời và Nước Ngài.
Hỡi vợ người hầu việc Chúa, có một chỗ dành cho bạn. Có một mục đích
thiên thượng đặt dưới những tranh đấu và những cám dỗ hằng ngày của bạn.
Đức Chúa Trời luôn có những kế hoạch tuyệt vời dành cho bạn.
Thế thì , có thể một số bạn sẽ hỏi tôi, sao mà tôi khốn khổ thế này ? Tại sao
tôi lại cảm thấy không chủ đích , bất lực và thậm chí “bị sử dụng ” nữa ? Tại
sao tôi sẽ phải làm hầu như mọi thứ để tìm thấy ai đó thật sự hiểu được
những nhu cầu của mình ? Bất kỳ vợ người hầu việc Chúa nào cũng đều cảm
thấy như vậy ở điểm dừng nào đó trong cuộc hành trình của mình. Tôi đã
nghe nhiều câu nói đầy thất vọng từ những phụ nữ bề ngoài trông có vẻ như
một tấm gương của tính hiệu quả và lòng tự tin.
Bạn biết có bao nhiêu tôi tớ Chúa hay vợ họ đã ngoại tình, ngay cả khi còn
trong chức vụ lãnh đạo Hội Thánh? Một khảo sát gần đây cho biết khoảng
3% những người được phỏng vấn đang đấu tranh trong lĩnh vực đó. Một phụ
nữ dính dấp đến ngoại tình kể với tôi: “Tình dục chỉ là một phần nhỏ trong
lý do khiến tôi ngoại tình”. Bạn sẽ nghe tất cả những nguyên nhân dẫn đến
sự không chung thuỷ, nhưng đa số, như người phụ nữ kia, có thể truy
nguyên vấn nạn là do cô đơn và thiếu lòng tự trọng, hay không có sự hiệp
một trong cuộc sống với người bạn đời. Ý thức “chức vụ” thậm chí không
tồn tại trong suy nghĩ của họ. Một số nhu cầu lớn lao không được đáp ứng.
Quá nhiều phụ nữ trong chức vụ không bao giờ học tập để sống như thể thật
sự có vị trí đặc biệt dành cho họ, một vị trí được thiết lập nên bởi Đức Chúa
Trời và được Ngài trân trọng.
“Làm sao tôi biết vị trí của mình ở đâu?”
“Tất cả đều rất tốt”, bạn nói, “đó không phải là vấn đề của tôi. Tôi muốn biết
địa vị của mình ở đâu . Hay địa vị của tôi là gì ? Cuộc sống mỗi ngày càng
trở nên phức tạp. Chắc chắn đã có đủ người sẵn sàng nói với tôi điều tôi sẽ
phải làm, nhưng tôi không thể lắng nghe tất cả mọi người”. À, điều đó đúng.
Và dĩ nhiên không phải tất cả mọi người đều nói đúng. Rất có thể không một
ai trong số họ biết điều gì là đúng cho bạn. Câu chuyện của bạn là thế - là
chuyện của bạn. Hành trình của bạn có thể được vạch ra chỉ bởi sự hợp tác
của chính bạn với Cha thiên thượng mà thôi.
Nơi để bắt đầu sự nhận biết địa vị của bạn là ở trong Kinh Thánh. Bởi điều
này, tôi không ngụ ý rằng việc đọc một mẩu Kinh thánh nào đó sẽ giúp bạn
tự động biết liệu có nên học Kinh Thánh hay nên huấn luyện nhóm phụ nữ
nào (nếu có). Tôi chưa nói đến phần chi tiết, chúng ta cần phải đạt được
những nguyên tắc chung trước. Vì thế chúng ta hãy xem Kinh Thánh nói gì
về vị trí của phụ nữ - và từ đó vị trí của vợ người hầu việc Chúa - trong cơ
cấu tổ chức của Đức Chúa Trời.
Thi Thiên 139 nói với chúng ta rằng Đức Chúa Trời đã dò xét và biết chúng
ta cách hoàn toàn. Thánh vịnh ấy nói rằng chúng ta không thể chạy trốn khỏi
Thần của Đức Chúa Trời (câu 7-12). Thánh vịnh ấy bảo đảm với chúng ta
rằng Đức Chúa Trời là ánh sáng trong những giờ phút tối tăm nhất của
chúng ta và luôn hiện diện để che chở chúng ta (câu 10, 12). Các câu 13-16
là những từ tuyệt vời. Đấng Tạo Hóa yêu dấu của chúng ta đã cẩn thận nắn
nên chúng ta vì mục đích tồn tại của chúng ta. Ngay trước khi chúng ta được
sinh ra Ngài đã suy nghĩ về chúng ta và những ngày tháng chúng ta sẽ đối
diện. “Số các ngày định cho tôi (không phải một số ngày, và không phải chỉ
các ngày tốt lành) đã biên và sổ Chúa trước khi chưa có một ngày trong các
ngày ấy” (câu 16). Tác giả Thi Thiên nói rằng đây là những ý tưởng tuyệt
vời. Tôi tán thành.
Nhưng Thi Thiên 139 không chỉ viết cho một mình Đa-vít. Thánh vịnh này
cũng không phải chỉ viết cho chồng các bạn. Thánh vịnh này được viết cho
tất cả chúng ta. Chúng ta, những phụ nữ, được tạo dựng bởi tay Đức Chúa
Trời để trở thành những người giúp việc cho Đức Chúa Trời! Ngài đã định
(biệt riêng cho Ngài) mỗi ngày 24 giờ; làm sao những ngày của chúng ta có
thể được lặp lại? Sau khi đọc phân đoạn Kinh Thánh này, tôi đã viết bên lề
trang Kinh Thánh: Một trang trắng được lật qua ở trên thiên đàng mỗi ngày -
Đức Chúa Trời có cây viết trong tay Ngài ; Ngài đã sẵn sàng để viết về tôi -
thật thú vị làm sao !
“Tôi biết điều Chúa phán, nhưng Ngài không phải là Đấng duy nhất đang
nói “
Tôi có thể nghe vài người trong các bạn nói: “Mỗi ngày của tôi dường như
không được sắp đặt hay đặc biệt gì đối với tôi cả. Hoàn toàn tốt đẹp để tôi
biết được nơi mình đang đứng trong sự phối hợp mọi sự trên quan điểm thần
học của Đức Chúa Trời. Nhưng điều đó không giải quyết được những thách
thức và những mối tương quan thực tiễn diễn ra ngày qua ngày của tôi. Tôi
sống trong một thế giới có nhiều người, nhiều tình huống, và kẻ thù luôn vây
quanh, tìm cách phá hoại bất kỳ hình ảnh tốt đẹp nào mà tôi đã đạt được từ
lẽ thật của Đức Chúa Trời”. Nếu như vậy thì chúng ta hãy nghiên cứu một
vài phương sách để ứng phó với cuộc chiến. Nói cách khác, chúng ta tìm sự
giúp đỡ ở đâu?
Một ảnh tượng tốt lành về chính mình được nuôi dưỡng bằng tình bằng hữu .
Theo một nhóm khảo sát thông tin, 44% vợ của các mục sư không có bạn
thiết, và 30% không có bạn hay một nhóm người nào để từ đó họ có thể
nhận được sự an ủi và khích lệ. Nhưng chúng ta hãy đoán có bao nhiêu
người trong số những phụ nữ này cầu xin sự giúp đỡ khi họ thật sự cần đến?
Một phần trăm . Ngay cả khi họ ở trong cảnh hiểm nghèo về mặt tinh thần,
chỉ một phần trăm la lên rằng: “Hãy giúp tôi với!”. Vậy thì tại sao đây lại là
vấn đề? Có thể có nhiều lý do nhưng một trong những lý do chính đó là bản
chất hời hợt của mối quan hệ bằng hữu thật sự tồn tại đối với vợ người hầu
việc Chúa.
Quá nhiều người trong Hội Thánh chúng ta đang đói khát thuộc linh và cảm
xúc. Họ làm cho chúng ta bị kiệt quệ thay vì nâng đỡ chúng ta. Họ không có
mối quan hệ bằng hữu thật sự để trao tặng. Và giờ đây điều mà vợ người hầu
việc Chúa cần (nếu có), thì đó là tình bằng hữu. Và tôi không ngụ ý rằng đó
chỉ là những người chúng ta quen biết do cùng nhau đi uống nước hay cùng
đi đến phố mua sắm. Mối quan hệ bằng hữu thật sự là một phần trong hoạch
định của Đức Chúa Trời. Mỗi người cần ít nhất một người bạn thân. Đây là
điều rất quan trọng trong chức vụ.
Đối với vợ người hầu việc Chúa, điều này có thể hơi khó. Ví dụ như, vợ của
tôi tớ Chúa không bao giờ được xem như người cùng cấp với người
“thường” (vấn nạn này cũng xảy ra cho người chồng). Hoặc người ta giả
định bạn xa cách đối với họ, hoặc chính họ cách ly đối với bạn. Không
những thế, nhiều người trong Hội Thánh hay một số nhóm người hầu việc
Chúa cảm thấy rất sợ hãi hay rất dễ bị tổn thương khi họ nhìn thấy những
yếu đuối ở người “lãnh đạo” và vợ người lãnh đạo của mình. Họ hơi e ngại
khi biết được điều thật sự đang diễn ra trong đời sống chúng ta, đặc biệt nếu
điều đó là xấu xa hay gây thương tổn. Bằng cách này hay cách khác họ suy
nghĩ rằng có thể chúng ta là những vấn nạn “nêu trên”.
Vì lý do này, rất ít vợ tôi tớ Chúa có bạn (nếu ai đó có bạn) ngoài Hội Thánh
hay tổ chức của họ. Đôi khi họ là vợ của những người đang trong chức vụ.
Đôi khi họ là những con người với những sở thích ngoài chức vụ, như văn
chương, thể thao, hay nghề thủ công. Nhưng, hầu hết thời gian, vợ người
hầu việc Chúa, sống khép kín như thể họ đang ở trong những hoạt động và
yêu cầu của gia đình mình, không có tình bằng hữu chân thật nào cả. Họ đã
được dạy rằng phải trông đợi liên tục Đức Chúa Trời sẽ đáp ứng mọi nhu
cầu của họ.
Thật ra, Đức Chúa Trời đã hoạch định đáp ứng tất cả những nhu cầu của
chúng ta. Nhưng Ngài đáp ứng những nhu cầu đó bằng những công cụ thiết
thực, một trong những công cụ đó là những mối quan hệ gần gũi và ý nghĩa.
Tôi đã tranh chiến với điều này trong tình huống truyền giáo cho thanh niên
vì vợ người lãnh đạo của chúng tôi tin rằng bạn không nên có những mối
quan hệ thân thiết trong nhóm. Cô ấy cảm thấy, có lẽ theo kinh nghiệm, rằng
điều đó gây căng thẳng và xích mích. Có lẽ vì cô đã không có bạn thân nên
cô nghĩ rằng chúng ta, vợ người hầu việc Chúa sẽ không cần ai cả. Cô có thể
sống một cuộc sống như thế cách tuyệt vời, nhưng tôi đã không thể. Tôi đã
rất cố gắng để giống như cô ấy, vì tôi ngưỡng mộ cô và thích theo gương của
cô. Nhưng tôi là loại người cần có bạn để trở nên người tốt nhất mình có thể.
Khi tôi đọc Kinh Thánh, tôi thấy chính Chúa Giê-xu cũng có bạn: mười hai
người bạn tốt, ba người bạn rất tốt, một người bạn thân!
Hãy suy nghĩ về những vòng tròn tình bạn của Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu
không bao giờ hối tiếc vì đã có bạn, hay vì bạn mà Ngài gặp rắc rối, ngay cả
giữa mười hai người bạn của Ngài. Ngài luôn đem ba người bạn rất tốt của
Ngài ra khỏi đám đông mà không giải thích lý do tại sao, và hẳn nhiên điều
đó gây ra sự ganh tị và ghen tức của những người khác. Chúa Giê-xu làm
gương cho tình bạn vì Ngài đã quyết định cần đến nó và biết rằng trong tất
cả chúng ta ai cũng đều cần đến nó. Ngài biết rằng phụ nữ đặc biệt rất cần
đến tình bạn của những phụ nữ khác.
Vì thế trong suốt khoảng thời gian riêng biệt của mình, tôi biết rằng tôi cần
phải học hỏi về Chúa Giê-xu và những tình bạn của Ngài một cách rất thực
tiễn. Vì thế tôi ngồi xuống bàn nơi nhà bếp và vẽ ba vòng tròn đồng tâm.
Vòng tròn lớn nhất tượng trưng cho mười hai sứ đồ, vòng tròn thứ hai cho
ba người bạn tốt và vòng tròn trong cùng tượng trưng cho tình bạn đặc biệt
của Ngài. Tôi cầu nguyện, cầu hỏi Chúa xem những cá nhân nào trong cuộc
đời tôi thuộc vào những vòng tròn ấy. Và sau đó tôi vẽ một vòng tròn ở
ngoài vòng tròn cho mười hai người bạn, vòng tròn này tượng trưng cho bảy
mươi người - những người quen biết với Chúa Giê-xu. Khu vực ngoài vòng
tròn đó tượng trưng cho đám đông.
Như vậy điều gì đã xảy ra cho tôi trong ngày hôm đó? Khi tôi viết tên trên
những vòng tròn đó thì cuối cùng tôi đã không còn cảm thấy tội lỗi khi có
bạn nữa - hay khi dành quá nhiều thời gian với “bảy mươi người”, hay nhiều
thì giờ với “mười hai”, cũng như với “ba”, và vân vân. Vì tôi được tự do để
theo đuổi tình bạn, nhiều nhu cầu được đáp ứng, và tôi đã có thể trở nên một
người vợ của người đặc trách thanh niên tốt hơn (và ít căng thẳng hơn).
Bạn thân có tầm ảnh hưởng rất lớn. Tại sao bạn hữu lại cần thiết đến như
vậy? Trước hết, bạn thân biết cách lắng nghe. Họ để bạn dốc đổ bầu tâm sự,
khóc, và trút cơn giận dữ. Họ giúp chúng ta xử lý những từng trải của mình,
và trở nên trung thực và thành thật. Nếu những người vợ tôi tớ Chúa không
hạnh phúc mà tôi đã từng gặp có thể làm một hay hai điều trong số những
điều này trên nền tảng cơ bản thông thường, họ sẽ cảm thấy tốt hơn ngay lập
tức. Tôi biết tôi đã làm được điều đó!
Ở một thời điểm trong chức vụ của chúng tôi khi chồng tôi có thời gian đi xa
rất nhiều, tôi tìm thấy tình bạn của một phụ nữ như một người cứu hộ. Mừng
thay, tôi đã trải qua gian đoạn học tập đó mà tôi vừa miêu tả và đã có thể
rộng mở đón nhận tình bạn đối với Angela. Cô ấy là một người bạn chân
thật - thẳng thắn trao đổi ý kiến với tôi trong tình yêu thương (và khi bạn
trao đổi ý kiến với nhau trong tình yêu thương bạn sẽ không bao giờ bị đả
kích), “ở bên cạnh” tôi trong những thời khắc nghiệt ngã và sung sướng
trong những ngày mới bắt đầu nuôi con mọn và trên hết là làm tôi cười. Tôi
khám phá rằng liệu pháp cười dễ thường xảy ra giữa những người bạn thân,
giải tỏa căng thẳng. Cô ấy cũng là người chị, bạn cùng làm việc với tôi trong
các dự án. Nhiều lần khi chúng tôi về đến nhà quá nửa đêm, mệt mỏi nhưng
vui vẻ sau những nỗ lực truyền giáo cho thanh niên, chúng tôi cùng nhau
uống một cốc trà. Bên Angela tôi nhận thấy một tìnhbạn bình đẳng và đây là
một kinh nghiệm rất mới mẻ đối với tôi.
Như tôi viết trong Thank you for being a friend , (tạm dịch Cám ơn bạn đã
làm bạn tôi - xuất phát từ chức vụ của Briscoe), một cuốn sách viết về tình
bạn với Angela và những phụ nữ khác trong cuộc đời tôi: “Tình bạn của
chúng tôi bao quát và không vị lợi bao lâu, thì Đức Chúa Trời khiến cuộc
sống và chức vụ của chúng tôi phong phú không thể dò lường bấy lâu”.
Tôi nhận thấy rằng những người bạn tốt thật sự biết chấp nhận. Họ sẽ không
bị ảnh hưởng khi những bất toàn của bạn rọi trên họ. Lúc đầu họ không thần
tượng bạn, nên khi bạn thất bại hay phô bày những yếu đuối của mình, tình
yêu và sự cảm kích của họ vẫn không di dời. Tôi khám phá ra rằng tình yêu
không mù quáng. Chỉ tình yêu mới có thể nhìn thấy được.
Bạn tốt cho bạn biết sự thật về chính bản thân bạn. Hầu như lúc nào họ cũng
không cần phải nói với bạn mặt trái của sự thật; bạn đã quá quen với những
điểm yếu của mình.
Không, một người bạn nói đi nói lại với bạn về những điều tích cực của bạn.
Cô ấy nhìn bạn bằng đôi mắt nhân từ hơn bạn nhìn chính bản thân. Bạn có
biết rằng nhiều phụ nữ trong chức vụ là những người có sự nỗ lực - họ là
những người đạt được những thành tựu cao? Tính cách của những người đó
thường là tính cách của những người khó với chính bản thân mình, không
bao giờ thỏa mãn. Một người bạn tốt biết bạn đủ rõ để quyết định nói với
bạn khi nào là lúc nên “bớt đau buồn”. Bạn hữu thường khích lệ, thường là
những người lãnh đạo vui vẻ đối với nhau suốt cả cuộc đời.
Một người bạn chân thật có thể ảnh hưởng rất lớn. Vì thế có lẽ đây là thời
điểm bạn nên cầu nguyện xin Chúa đem đến cho mình một người bạn. Có lẽ
Đức Chúa Trời đã đem đến người đó cho bạn rồi, nhưng bạn đã quá tập
trung vào bản thân mình nên không thể nhìn thấy điều đó. Điều đó dễ làm
lắm. Có lẽ đang có một người ngay bên cạnh bạn sẽ rất giỏi trong việc đáp
lại tình cảm và sự ủng hộ của bạn. Chúng tôi đã quá tuân theo lập trình đến
nỗi đã suy nghĩ rằng chúng tôi phải luôn là người ban cho, và những người
khác phải là người nhận lãnh. Hãy nhìn vào những mối quan hệ hiện tại của
bạn và khảo sát tiềm năng của những mối quan hệ đó.
Có thể bạn sẽ không tìm thấy một người bạn trong nhóm của mình. Điều đó
không quan trọng. Điều quan trọng là tìm một người bạn. Mặc dù đôi khi
Đức Chúa Trời đem chúng ta qua những giai đoạn cô đơn, hay thậm chí
những giai đoạn không có tình bằng hữu để dạy chúng ta phụ thuộc vào
Ngài, rằng những tình trạng đó chỉ là tạm thời mà thôi. Chúng ta được định
phải sống liên hệ với những người khác.
Một ảnh tượng tốt đẹp về chính mình nên được nuôi dưỡng bởi người bạn
thân nhất - người phối ngẫu của bạn .
Chắc chắn chồng bạn phải trở nên không những là người bạn tốt, mà còn là
nguồn phản hồi tích cực cho bạn, giúp bạn duy trì hình ảnh tốt đẹp của chính
mình. Nhưng sự thật đáng buồn là nhiều người phối ngẫu lại gây thiệt hại
cho hình ảnh của người bạn đời mình hơn là trở nên ích lợi cho hình ảnh của
bạn đời mình.
Đây là một phạm trù lớn lao và phức tạp của những mối quan hệ, và tôi sẽ
không cố gắng đề cập đầy đủ ở đây, nhưng tôi sẽ đi vào chi tiết trong
chương 6. Bây giờ, chúng ta chỉ có thể nhắc nhở chính mình hai nguyên tắc
quan trọng.
Người chồng bị đổ trách nhiệm phải là nguồn duy nhất đáp ứng mọi sự theo
bản ngã của người vợ sẽ bị thất bại chỉ trong vài tuần . Vợ có thể quá phụ
thuộc vào chồng vì lòng tự trọng của mình, và sự phụ thuộc đó thông thường
sẽ đem lại tác dụng ngược. Người phối ngẫu không được hoạch định chỉ để
mang loại gánh nặng đó. Vì thế, điều cấp bách là phụ nữ phải đặt lòng tự
trọng của mình nương dựa vào Đức Chúa Trời và Lời của Ngài, nuôi dưỡng
chăm sóc nó qua những mối quan hệ khác bên cạnh mối quan hệ hôn nhân -
đặc biệt với những phụ nữ Cơ Đốc.
Người chồng luôn không tự động nhận biết điều phải làm để bênh vực lòng
tự trọng của vợ . Chỉ vì chồng và vợ không thể đọc được tâm trí của nhau về
những điều khác, đôi khi họ không thể nghĩ ra điều gì khiến cho người kia
cảm thấy tốt đẹp về chính mình. Có thể chúng ta cần phải đủ can đảm để nói
với nhau điều chúng ta cần trong lĩnh vực này. Có thể bạn cần phải nói với
chồng mình, ví dụ như, “Em cần anh nói với em rằng em trông thật dễ
thương! - đặc biệt khi em có thai!” Đôi khi người phối ngẫu (đặc biệt những
người mới cưới) không biết đủ về lịch sử bản thân của người kia để biết điều
gì sẽ làm cho người kia tổn thương. Nhiều tổn thương xảy ra trong hôn nhân
vì sự thờ ơ xao lãng. Nếu bạn muốn chồng cùng tham gia trong nỗ lực để
giúp cho ảnh tượng của chính bạn, anh ấy sẽ cần thông tin cụ thể nào đó từ
phía bạn. Bạn không thể e ngại bộc lộ chính mình cho anh ấy. Nuôi dưỡng
lòng tự trọng của nhau xảy ra ở nhiều mức độ, và sẽ mất thời gian. Nhưng
điều đó có thể và sẽ xảy ra, nếu cả hai vợ chồng bạn cùng nỗ lực. Và nỗ lực
đó cũng sẽ đem lại ích lợi trong nhiều lĩnh vực khác của hôn nhân của bạn.
Tôi nhớ rất rõ việc cảm thấy rất không tương xứng trong một nhóm những
người tôi thường hay gọi là những “phụ nữ cực mốt” (tôi không thể trang
phục theo kiểu như vậy). Stuart dường như luôn thư giãn trong những tình
huống chúng tôi nhìn thấy chính mình, chứ không phải tôi. Mẹ tôi thường
hay bảo tôi rằng: “Trang phục đẹp là trang phục phù hợp với từng dịp cụ
thể”. Nhưng đó là vấn đề. Là vợ tôi tớ Chúa “nghèo”, làm sao tôi có thể ăn
mặc hợp thời cho giống với những người đó được? Hình ảnh của tôi được
bao bọc trong cách tôi nhìn những người khác và không phải cách tôi trông
có vẻ như thế nào đối với Đấng Christ. Như tôi đã liên hệ trong Thank you
for being a friend (tạm dịch Cám ơn bạn đã làm bạn tôi ): “ Tôi thấy mình
đang là khách trong một ‘biệt thự’ rộng lớn. Chúng tôi phải thay đồ để ăn tối
trong một buồng ngủ ‘nhỏ’ (khoảng bằng cỡ nửa căn nhà!). Những quí bà
khác đang lấy ra cho mình những bồ đồ sang trọng đắt tiền và gỡ những mác
quần áo hiệu Dior của pha trình diễn thời trang mới nhất! Đến lượt pha trình
diễn của mình, nhờ có thời gian giải lao, tôi nán lại lâu hơn trong đó nên da
tôi bắt đầu đẫm ướt mồ hôi! Buồn bã với lấy chiếc khăn tắm sặc sỡ và lúc đó
tôi tự hỏi chính bản thân mình liệu ‘cái đó’ có đỡ hơn chiếc áo đầm của tôi
không, tôi cố gắng quấn chiếc khăn đó quanh mình theo kiểu sari (áo quần
của phụ nữ Hinđu). Tất nhiên lúc đó tôi trông có vẻ duyên dáng và nổi bật
lắm, nhưng tôi biết điều đó chẳng nghĩa lý gì và tôi miễn cưỡng chấp nhận
mình nổi bật với chiếc khăn choàng sặc sỡ kia, tay cầm chiếc váy xô. Tôi
gặp một người ăn vận cực kỳ sang trọng khen tôi rất chân thành, ‘Chị Jill ơi,
trông chị xinh xắn làm sao!’ Chị ấy đã tập trung mọi sự chú ý của một phụ
nữ để ngắm nhìn tôi. “Chỉ là đồ rẻ tiền thôi mà.” Tôi thì thào như thể vừa bị
bắt quả tang ăn cắp ở cửa hàng vậy. Tôi không cần phải nói như thế, nhưng
dù sao tôi cũng đã nói rồi. Tại sao mình lại làm như vậy ? Tôi giận dữ hỏi
chính mình. Tại sao tôi không thể mỉm cười và nói ‘cảm ơn’ vì đó là một cái
váy đẹp và rất duyên dáng như tất cả những cái áo khác , không phải chỉ bởi
đắt tiền . Tất nhiên tôi biết trong lòng mình, phản ứng của tôi là sự thú tội
với những phụ nữ khác rằng do vẻ bề ngoài của mình nên tôi cảm thấy hoàn
toàn không xứng hợp với tất cả mọi người ở đó. Lúc ấy tôi chưa thấy rằng
khi Đức Chúa Giê-xu đã đứng trước Phi-lát, Ngài mặc chiếc áo thô sơ đẹp
đẽ của Ngài thay vì chiếc áo choàng La Mã. Lúc đó trông khác biệt đến làm
sao! Trang phục của Ngài không ngăn cản người ta lắng nghe Ngài, điều đó
là chắc chắn! Làm sao tôi vẫn còn tin rằng những người cực mốt kia chỉ sẽ
lắng nghe tôi nếu tôi cũng ăn vận đồ cực mốt giống như họ? Tôi không hiểu
tại sao mình không trở lại với những kỷ niệm trong những năm tháng đặc
trách thanh niên và nhớ rằng tôi đã không mặc áo khoác và quần jeans để
được lũ trẻ trên đường phố lắng nghe chính bản thân mình.
Sau đó ít lâu Đức Chúa Trời làm một phép lạ trong lòng tôi qua lời của Ngài
nhưng hầu như qua sự giúp đỡ thiết thực và khôi hài của Stuart. Chuyện đó
xảy ra sau khi anh trìu mến thuyết phục tôi chấp nhận lời mời của một người
cực mốt đến Washington để nói chuyện với những người cực mốt!…
Tôi đã có thể thấy rằng ‘chỉ vì tôi là tôi’ có nghĩa là tôi đã hoàn toàn phù hợp
với dịp tiện và cơ hội - bất kể tôi đang vận trang phục nào. Tất nhiên điều
này không có nghĩa là bạn ăn mặc như một con cún, nhưng bạn trang phục
làm sao cho thích hợp như có thể và đừng để cho tâm trí bạn bị vướng bận
bởi những điều không cần thiết đó. Điều thật sự cần thiết là Đức Chúa Trời
có thể bảo đảm cho tôi rằng tôi là người đáng yêu trong mắt Ngài, và điều đó
giải quyết được tất cả.”
Một ảnh tượng đẹp về chính mình phải tách rời với các vấn đề đặc thù .
Một điều thú vị mà tôi vừa học bằng cách hỏi nhiều câu hỏi đó là vợ mục sư
trong các Hội Thánh có khoảng dưới một trăm tín hữu dùng những từ hay
những cụm từ trong câu trả lời của mình là khốn khổ , quá nhiều , muốn
thoát khỏi , thất vọng với chính bản thân , bối rối , ngã lòng , buồn bã , lỗi
lầm của tôi . Vợ các tôi tớ Chúa trong các Hội Thánh có số tín đồ trên một
trăm dùng những từ hay những cụm từ như căng thẳng , thách thức , tốt , thử
, muốn làm tốt hơn , hãy cho tôi kỹ năng , hãy giúp đỡ tôi cách thực tiễn . Vì
thế tôi đi đến kết luận rằng giá trị của người lãnh đạo Cơ Đốc và vợ thường
được bao bọc trong những điều đang xảy ra trong công việc của họ. Ví dụ
như “Số lượng”. “Chúng ta phải làm một số điều sao cho có nhiều người đến
nhóm”, họ nói với nhau. Đôi khi vợ mục sư đã chán nản tâm sự với tôi, “Có
lẽ em là lý do khiến cho chúng em không tăng trưởng”.
Có một sự chuyên chế về số lượng - trong việc đếm đầu người . Hiện tại tôi
đang hầu việc Chúa tại một Hội Thánh lớn. Nhưng tôi không luôn luôn phục
vụ trong các Hội Thánh lớn hay có nhiều tín hữu. Tôi là người Anh quốc.
Đôi khi tôi đi năm mươi đến một trăm dặm để nói chuyện với mười hay hai
mươi người trong Hội Thánh. Tôi đã làm điều đó trong nhiều năm, vì thế tôi
biết rõ cái mình cần tiêu hao năng lượng để đạt được và cố không đếm quân
số đang ở trước mặt mình. Điều đó có thể sẽ gây thất vọng.
Khi tôi đi khắp thế giới và gặp gỡ những người vợ tôi tớ Chúa trong từng
tình huống cụ thể tôi nhận thấy rằng nhiều người trong số họ đang bị khủng
bố bởi quân số. Ví dụ như, có bao nhiêu người đến tham dự nhóm phụ nữ.
Nhưng sự giúp đỡ lớn nhất đối với tôi là tôi có hai cô con dâu là vợ người
hầu việc Chúa. Hiện tại chúng là niềm vui, nguồn giúp đỡ và cảm hứng của
tôi. Cá nhân tôi đang quan sát và lắng nghe hai cô con gái của mình, những
người có thể sẽ là những đại diện rất tốt cho phần lớn những tình huống của
vợ người hầu việc Chúa. Tôi được dạy dỗ rất nhiều từ nơi hai con của mình,
nhưng chúng cũng đang tranh chiến với những cái tôi đã từng tranh chiến -
ví dụ như vấn đề số lượng chẳng hạn.
Khi con trai lớn của chúng tôi, Dave, lần đầu nói với tôi rằng cháu đang hầu
việc Chúa với một Hội Thánh nhỏ tại Menominee, phía trên của bán đảo
Michigan (cách Bắc Cực một dặm, xa quá!), tôi nói, “Menominee là ở đâu
hả con, Dave?”
“Đó là một thành phố nhỏ và hiện tại nền kinh tế ở đó đang suy sụp, mẹ ạ”,
cháu trả lời. “Các nhà máy đóng tàu đang gặp rắc rối, và có rất nhiều người
đang dời đi chỗ khác. Nhưng đó cũng là một vùng ngoại ô thành phố tuyệt
đẹp”.
Đó là câu chuyện của bốn năm về trước. Lúc đó chúng tôi gọi điện thoại cho
cháu và tôi nói: “Công việc dạo này thế nào hở Dave? Mọi sự tiến triển như
thế nào rồi?”
Và cháu trả lời: “Mẹ à, Chúa Nhật Hội Thánh con có nhiều người dự nhóm
lắm”.
Tôi nói: “Dave, mẹ không hỏi Hội Thánh có bao nhiêu người dự nhóm. Mẹ
hỏi, Hội Thánh phát triển thế nào?”
Số lượng là điều mà một mục sư trẻ dự định sẽ quan tâm đến rất nhiều.
Trong thâm tâm Dave, giá trị và khả năng của cháu với tư cách là một mục
sư dường như đang bị đe doạ, phụ thuộc vào số lượng người dự nhóm tại
Hội Thánh. Tôi nhớ chồng tôi đã nói rất khéo với cháu rằng: “Dave, khi con
suy nghĩ đến sự phát triển Hội Thánh trong khu vực như khu vực của con,
thì duy trì có nghĩa là phát triển”. Và điều đó đã giúp cho Dave rất nhiều, vì
đó là điểm mà cháu bắt đầu với cuộc sống vợ chồng trong nhiều năm - ở cấp
độ duy trì. Cháu đã tập để quân số không ảnh hưởng cháu, và bây giờ Đức
Chúa Trời đã dẫn dắt cả Hội Thánh ấy vào trong giai đoạn phát triển dưới sự
lãnh đạo của cháu.
Nếu bạn ở trong một khu vực mà tại đó công việc làm đang bị mất, và nửa
số lão niên Hội Thánh dời đến Florida để nghỉ đông, hãy nhớ - “duy trì là
phát triển”. Hãy dừng lại ở đó. “Cái này nữa, cũng sẽ qua thôi!”
Vì thế, là vợ người hầu việc Chúa, bạn phải tách riêng quân số khỏi chính
bạn và và chồng bạn. Số lượng không bao giờ phản ánh câu truyện hoàn
chỉnh, và đôi khi một phần của câu chuyện nó phản ánh không liên hệ gì với
lý do tại sao bạn lại ở chỗ đó.
Áp chế của thành kiến và quan điểm . Tôi thường bị người ta hỏi rằng tôi
cảm thấy như thế nào khi bị qui là “vợ mục sư”. Bản thân tôi không ngại gì
cả, nhưng đây là vấn đề hết sức tế nhị đối với một số phụ nữ, và sự phản đối
của họ là hoàn toàn hợp lý. Xét cho cùng, bạn không giới thiệu chung chung
ai đó là “vợ người thu gom rác” hay “vợ kế toán công cộng”!
Mặc dù uy tín của phụ nữ nói chung đã nâng cao rất nhiều trong vài thập
niên gần đây, nhưng vẫn còn nhiều thành kiến và chủ nghĩa bá quyền nước
lớn, đặc biệt trong Hội Thánh. Nó có khuynh hướng bộc lộ rất rõ giữa các
Cơ Đốc Nhân. Bạn chỉ phải quyết định cách bạn sẽ đối diện với nó mà thôi.
Làm vợ tôi tớ Chúa cho bạn một nền tảng để nêu gương những phản ứng tốt
đẹp của mình khi người ta đối xử với bạn như một người lệ thuộc vào chồng
- hay hoàn toàn làm ngơ với bạn! Hãy dùng nó như một cơ hội để bày tỏ một
tinh thần khoan dung.
Đối với mình, tôi cố gắng đón nhận tất cả những sỉ nhục như thể đó là những
lời tán dương và không giữ chúng lại cho riêng mình. Được kêu gọi làm “vợ
mục sư” hay “vợ giáo sĩ” dù sao cũng là một lời chúc mừng rồi. Điều đó cho
chúng ta một danh hiệu trong ý nghĩa của điều họ cảm xúc về chúng ta.
“Đây không phải chỉ là một bà vợ già. Đây là vợ của mục sư chúng tôi.” Hãy
cố giữ đừng để điều đó làm cho bạn thất vọng. Đối với một số người điều đó
thật sự là một danh hiệu vinh dự. Có thể họ sẽ không ngừng suy nghĩ rằng
bạn có danh hiệu và một đặc tính khác với chồng. Một số người trong những
người đó đã sống theo văn hóa của Hội Thánh nơi mà có thể đặc tính riêng
của họ không được xem trọng, và họ chỉ nhìn thấy bạn qua màng lọc văn
hóa ấy mà thôi.
Nhưng cũng có khuôn mẫu trong tâm trí con người về điều mà vợ mục sư
phải được gọi và họ phải ứng xử như thế nào, phải ăn mặc ra sao, phải như
thế nào. Bạn có thể nhẹ nhàng phá vỡ khuôn mẫu đó bằng cách luôn là một
người mẫu mực và tuyệt vời. Có thể bạn sẽ gặp chống đối, ví dụ như người
ta sẽ nói rằng, “Chị biết đấy, chị vừa mới nói điều này. Tôi biết bởi vì…” Có
thể họ không ý thức được mức độ mà danh hiệu khiến bạn cảm xúc. Hầu
như họ không cố tình gây tổn hại cho bạn.
Có những danh hiệu, và có những quan điểm, và một số những quan điểm
đó rất mạnh mẽ có ảnh hưởng rất lớn trong nhóm chức vụ. Tôi sẽ đề cập đến
nhiều hơn trong đề tài mong đợi và chỉ trích trong chương 8.
Bây giờ, hãy cố gắng nhìn vào cái bạn cần phải tách riêng khỏi hình ảnh của
mình. Và hãy tập trau dồi những điều ảnh hưởng đến cách bạn nhìn chính
mình. Hãy tập nói -mỗi ngày - “Chỉ vì tôi là tôi” - Tôi chính là người dành
cho chồng tôi và cho những điều Đức Chúa Trời đã hoạch định!
Lạy Chúa , Ngài là sự giúp đỡ của chúng con
trải qua các thời đại ,
Hy vọng của chúng con trong những năm hầu đến ,
Nơi ẩn náu của chúng con trong gió bão ,
Và là nhà đời đời của chúng con .
- Isaac Watts
Thách Thứchay Ràng Buộc?
CÓ BAO NHIÊU DÒNG SÔNG
BẠN NGHĨ là KHÔNG THỂ VƯỢT QUA?
CÓ BAO NHIÊU NGỌN NÚI BẠN KHÔNG THỂ XUYÊN QUA?
ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ THỂ LÀM NHỮNG ĐIỀU KHÔNG THỂ,
VÀ NGÀI CÓ THỂ LÀM NHỮNG ĐIỀU
MÀ KHÔNG MỘT THẾ LỰC NÀO KHÁC CÓ THỂ.
- CORRIE TEN BOOM
Một sinh viên hội thảo nói với tôi rằng: “Bà biết không, tôi kết hôn với một
nha sĩ. Sau đó anh quyết định đi vào chức vụ, và chuyện đó tốt thôi. Tôi ở
bên cạnh anh ấy và tôi cùng bước đi với anh. Tôi có công việc của riêng
mình, nghề nghiệp của cá nhân tôi, và sự thay đổi kia không gây ảnh hưởng
gì đến nó; Tôi cứ nghĩ như vậy. Nhưng anh không cần phải mong muốn tôi
dành tất cả thời gian rãnh rỗi của mình cho nhà thờ. Sau hết, tôi không dành
tất cả thời gian rãnh rỗi của mình cho phòng nha khoa”.
Tôi có thể hiểu được cảm xúc của chị ấy, nhưng tôi cũng biết rằng chị và
chồng trong những hoàn cảnh khó khăn phải sát cánh bên nhau. Chúng ta
nói về sự khác biệt giữa chức vụ và những thiên hướng khác, bởi vì dù cho
bạn dành thời gian ở phòng nha khoa hay phòng mạch đều là không thích
hợp. Chức vụ có những yếu tố thuộc cùng một phạm trù và nếu chúng ta biết
về điều đó trước khi chúng ta bước vào chức vụ, chúng ta có thể tránh cho
mình rất nhiều phiền muộn.
Những thách thức của chức vụ
Công việc chăn dắt người khác có những thách thức cụ thể. Hai vấn đề rất
quan trọng là thời gian và năng lực cảm xúc . Thứ nhất, chức vụ là công việc
bạn làm vào ban đêm. Tôi không hiểu làm thể nào hai vợ chồng cùng đi đến
trường thần học với nhau nhưng không nắm rõ vấn đề này. Nhưng tôi biết
rằng một khi bạn ra trường và bước vào chức vụ, những căng thẳng và
những khó khăn giữa hai vợ chồng phát sinh, thường bởi vì chiều tối người
vợ phải ở nhà một mình. Tôi hay nghe câu này: “Tối nào ông ấy cũng vắng
nhà cả”.
“Chứ chị mong đợi điều gì?”, tôi hỏi. “Thế thì chị đang làm việc với những
người tình nguyện - với những người làm việc bán thời gian. Khi nào họ đến
gặp chồng chị? Ban đêm. Như vậy bản chất công việc đòi hỏi một lượng lớn
công việc phải được thực hiện vào ban đêm”. Có thể bạn sẽ rất nản lòng về
điều đó, và những căng thẳng có thể được thể hiện trong những thái độ tiêu
cực đối với Hội thánh, đối với những người đang giữ chồng bạn khỏi bạn và
gia đình.
Cuối cùng, bạn sẽ có thể dễ nổi cáu với những yêu cầu như thế. Tôi nghe
những phụ nữ trẻ nói rằng: “Chúng tôi cần anh ấy ở nhà lúc 6 -7 giờ tối để
dỗ mấy đứa nhỏ ngủ”. Hay: “Vì anh ấy là mục sư, có thể một đêm hay thậm
chí hai đêm trong tuần thì chấp nhận được, nhưng hoàn toàn không hơn
được nữa”. Là vợ người hầu việc Chúa, chúng ta cần phải rất linh động. Có
một số điều rất cụ thể đi kèm với việc được kêu gọi vào trong mối quan hệ
cộng tác Cơ Đốc, và một trong số đó là thời gian biểu phải thường xuyên
được chỉnh sửa. Những ưu tiên cần phải thường xuyên được đánh giá lại.
Một thách thức đặc biệt đối với thiên hướng trong chức vụ là sự đầu tư cảm
xúc cần thiết. Bạn sẽ kiệt quệ cảm xúc khi bạn ban tặng nó cho những người
khác. Những nhà chuyên nghiệp như những nhà tâm lý học, những bác sĩ,
giáo sư, và nhà tư vấn, cũng đầu tư cảm xúc rất nhiều vào những người họ
phục vụ. Nhưng hầu hết những người chuyên nghiệp đó ban đêm về nhà, bỏ
mặc thân chủ mình. Đối với họ, có ranh giới cách biệt giữa công việc và gia
đình rất rõ ràng. Tôi biết nhiều người trong số họ đã làm ngoài giờ rất nhiều,
và nhiều người quan tâm quá mức yêu cầu của công việc, nhưng công việc
không “mong đợi” họ nhất định phải dành cả ngày lẫn đêm hay mọi thời
gian cho công việc. Chức vụ thì có “mong đợi” đấy. Tại sao? Lý do Hội
Thánh là gia đình. Những mối quan hệ của bạn ít cố định hoặc cố định hơn.
Tôi sẽ làm sáng tỏ điều này. Như Đức Chúa Trời đã hoạch định, những
người mà vì họ bạn bước vào chức vụ là một phần cố định trong cuộc sống
của chính bạn, như những thành viên trong gia đình thuộc linh. Bạn sẽ
không bao giờ hoàn toàn lìa khỏi họ. Bạn có thể đi nghỉ, và đặt một khoảng
cách nhỏ giữa bạn với họ, đi xa để giũ sạch khỏi tâm trí và tấm lòng mình,
nhưng cho đến khi bạn chuyển sang chức vụ trọn thời gian, những người đó
vẫn xem mình có quan hệ gần gũi với bạn. Trong tâm trí họ gia đình của
chính bạn chỉ là một phần nhỏ trong đại gia đình bạn đang thuộc về.
Trước khi bạn trở nên quá thất vọng đối với điều này và quyết định rằng
chức vụ không dành cho bạn, hay bạn không biết liệu mình có thể thích gia
đình mà Đức Chúa Trời đã sắp đặt trên bạn, hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời
hứa với bạn rằng sức lực Ngài sẽ luôn phù hợp với bất kỳ trách nhiệm nào,
bất kể áp lực công việc lớn thế nào. Ngài phán: “Đấng đã gọi anh em là
thành tín, chính Ngài sẽ làm việc đó” (ITe1Tx 5:24), và Ngài khích lệ Phao-
lô qua lời phán: “sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối” (IICo 2Cr
12:9-10). Phao-lô nói thêm rằng: “Vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh
mẽ”.
Sự thành tín của Đức Chúa Trời sẽ an ủi nâng đỡ bạn trong những lúc vui
sướng nhất cũng như lúc đau buồn nhất trong chức vụ của bạn. Ngài sẽ
không bao giờ lìa khỏi bạn. Đôi khi tôi suy nghĩ Ngài muốn chúng ta cảm
thấy không xứng đáng ngõ hầu Ngài có thể chỉ cho chúng ta thấy Ngài vững
chãi và mạnh mẽ đến dường bao. Một trong những tình huống Ngài đã dùng
hầu hết trong cuộc đời tôi để giữ tôi luôn sống lệ thuộc Ngài là “thay đổi”,
và luôn có rất nhiều tình huống như vậy trong chức vụ.
Thay đổi: Tốt quá, sợ quá!
Chồng tôi và tôi thường đi đó đây với nhau. Ngay khi chúng tôi nhận phòng
khách sạn, tôi bận bịu với việc sắp xếp quần áo vào trong ngăn tủ của khách
sạn.
“Em đang làm gì vậy?”, Stuart hỏi. “Chúng ta chỉ ở đây một đêm thôi”.
“Em chỉ đang làm tổ thôi mà; rồi em sẽ có thể sẵn sàng để đương đầu với
một ngày mới”, tôi nói với anh ấy. Một số chị em đương đầu với một cái tổ
trống, tôi đang đương đầu với một cái tổ di động!
Sự thay đổi làm gián đoạn thói quen làm tổ của tôi, xâm nhập vào sự thoải
mái của tôi. Nói đến từ thay đổi là tôi lạnh cả người. Chúng ta, vợ người hầu
việc Chúa, khó tránh khỏi những sai sót. Tôi đã tập sống gương mẫu - ở bất
cứ nơi nào - bằng cách làm ra vẻ như tôi sẽ mãi mãi gắn bó với cương vị đó
vậy. Nếu không tôi sẽ không bao giờ gắn bó với dự án mới, hay đầu tư chính
mình vào đời sống của một ai, hay đóng góp sức mình cho nhóm một cách
không vui vẻ.
Những năm tháng liên tục thay đổi, tôi phải thừa nhận rằng mình đã tìm thấy
một số những lợi ích. Thay đổi có thể là sự khuyến khích rất lớn cho sự tăng
trưởng tâm linh. Thay đổi đem lại kinh nghiệm cho cuộc sống mới với
những cơ hội khám phá và sử dụng những kỹ năng cá nhân.
Thay đổi thách thức chúng ta. Tất cả chúng ta cần có một cái gì đó để kéo
chúng ta ra khỏi chu trình thường nhật - mà ai đó đã nói rằng “chỉ là một
quan tài có nắp bật!”
Nhờ sự thay đổi chúng ta có một khởi đầu mới, một trang giấy sạch, một cơ
hội để làm lại. Hy vọng đó đổi mới chúng ta. Ấy là một cơ hội để làm điều
đó ngay lúc này.
Một lý do khác nữa là chúng ta cần phải nhiệt tình trong việc hưởng ứng với
sự thay đổi đó là nêu gương những phản ứng đối với mối thông công Cơ
Đốc, đặc biệt trong cộng đồng phụ nữ. Phụ nữ nói chung và các nhóm phụ
nữ nói riêng thích làm những việc mình thường hay làm. Câu tôi ưa thích đó
là: “Từ nay cho đến đời đời, A-men”. Tôi nghĩ rằng những nhân cách khó
tính hơn sẽ nổi lên trong Hội Thánh khi bạn cố gắng tiến hành thay đổi vì
bất kỳ lý do nào khác. Tôi nghe kể có một Hội Thánh sa thải mục sư của
mình vì ông ấy cố thay đổi nhiều việc. Vị mục sư sắp đến chú ý điều này và
khi ông muốn đổi vị trí cây đàn piano từ phía bên trái sang phía bên phải bục
giảng đã khôn ngoan dời mỗi tháng ba tấc! Lần này Hội Thánh không có sự
chia rẽ! Tôi không biết liệu câu chuyện đó có thật không, nhưng tôi biết bạn
phải dời cây đàn piano mỗi tháng ba tấc (xét cho cùng, chuyện đâu vẫn còn
có đó) và không nên cố giải quyết vấn đề trong một sớm một chiều. Bạn
phải dẫn dắt dân sự đi ở tốc độ mà họ sẵn lòng đi. Hơn nữa, nếu bạn có thể
thấy rằng sự thay đổi đó có thể thay đổi chúng ta khi chúng ta tiến hành, có
thể sự nêu gương của chúng ta sẽ trở nên ích lợi khi những thay đổi tập thể
trong mối thông công cần phải được thực hiện.
Băn khoăn lo lắng có thể là lĩnh vực khó khăn nhất trong của sự thay đổi,
nhưng mỗi suy nghĩ lo lắng cho chúng ta cơ hội tin cậy Chúa cách mới mẻ
hơn.
Thay đổi buộc chúng ta phải lượng giá đời sống mình. Tôi đã từng ở đâu ,
tôi đang ở đâu và tôi đang đi đâu ?
Vì thế nếu chúng ta nhìn chức vụ như là điều luôn thay đổi - cho rằng dân sự
là công việc của chúng ta là một sự thật hiển nhiên - thì chúng ta có thể tích
cực tiến về phía trước hơn là lùi ra sau để rơi vào những suy nghĩ tiêu cực.
Tôi đã nhận thấy rằng không gì gây buồn chán cho tôi nhanh bằng nỗi lo
lắng và sợ thay đổi. Khi tiếp cận với sự thay đổi cách tiêu cực, tôi đang đi
ngược lại với sự sinh tồn của bản thân.
Lo lắng không bao giờ cướp đi những đau khổ
của ngày mai , nó chỉ làm cạn kiệt sức lực
của hôm nay mà thôi . - Corrie Ten Boom
Có nhiều ngày vợ người hầu việc Chúa đơn giản chỉ quyết định để sinh tồn.
Nếu bạn cự tuyệt quá lâu, bạn chỉ có thể suy sụp mà thôi.
Có thể bạn sẽ suy nghĩ rằng tôi đang quá bi quan khi nói như vậy về tất cả
chúng ta, những người đang ở trong chức vụ. Nhưng tôi biết rất nhiều về
những phụ nữ đang tranh đấu với “nỗi kinh khiếp” đối với điều mà Đức
Chúa Trời yêu cầu ở họ trong một tình huống mới. Một số người sẽ nói:
“Chị Jill này, đó không phải là điều Đức Chúa Trời yêu cầu ở tôi, điều đang
làm hao mòn sức lực của tôi, nhưng đó là điều mà Hội Thánh nghĩ rằng Đức
Chúa Trời yêu cầu nơi tôi”. Tôi cũng biết các chị em phụ nữ đang mang tâm
trạng nặng nề bởi vai trò của họ là vợ người hầu việc Chúa và đang trong
tình trạng sống còn .
Một khi bạn đã giải phóng chính mình khỏi những mong đợi nặng trĩu mà
mình không định gánh vác, bạn sẽ tìm thấy năng lực để chấp nhận thay đổi
và sống tích cực hơn. Trong chương sau, chúng ta sẽ nói về những mong
đợi, những gánh nặng phải mang hay không phải mang, và sự cân bằng. Nếu
những gì bạn đã đọc trong sách này từ đầu đến giờ làm bạn hoảng sợ thì xin
đừng dừng lại ở đây. Chúng ta phải đối diện với những điều gây sợ hãi
trước. Chúng ta phải hiểu được cuộc sống mình thật sự như thế nào, và
những vấn đề nào liên quan trong việc trở nên vợ người hầu việc Chúa. Tôi
đang giữ lại tin tức tốt lành nhất để nói sau cùng, vì thế bạn đừng nên thất
vọng.
Tìm kiếm một khuôn mẫu theo Thánh Kinh: Phi-e-rơ và vợ
Tôi nhìn vào Kinh Thánh, cố tìm một đôi vợ chồng để dùng làm khuôn mẫu
của mối thông công gia đình hầu việc Chúa bền vững, bởi vì tôi thích dùng
ví dụ. Nhưng đôi vợ chồng này rất khó tìm. Trong sách Sáng Thế Ký, có A-
đam và Ê-va. Nhưng thật sự bạn không thể dùng họ - hãy nhìn xem công
việc gia đình họ đổ vỡ thế nào! Tiếp theo bạn hãy nhìn vào gia đình Giô-sép
và nhận thấy rằng những người anh đã ném em mình xuống hố. Có phải do
một chút ghen tị và sự thiên vị trong cách đối xử của cha mẹ? Tốt hơn không
nên dùng gương mẫu đó!
Ngay cả khi bạn đọc kỹ Kinh Thánh Tân Ước thì bạn cũng rất khó tìm thấy
một đôi vợ chồng mà chúng ta có thể liên hệ, người mà chúng ta có thể đem
vào thế kỷ 21 và nói: “Được thôi, chúng ta hãy xem mình có thể học được
điều gì”. Nhưng, nghiên cứu góc cạnh của câu Kinh Thánh, vốn là thói quen
của mình, tôi thấy một người phụ nữ đang đứng trong bóng tối: vợ của Phi-
e-rơ.
Bạn đang suy nghĩ: Ai vậy ? Ông ấy có vợ à ? Đúng, Phi-e-rơ có vợ. Và như
tôi đã nghiên cứu trong IPhi-e-rơ 3 theo tinh thần này, tôi nhận thấy rằng
những phần của thư tín mà ông đang viết toàn là về hôn nhân - có lẽ rải rác
nhắm vào một đôi vợ chồng trẻ. Một số phụ nữ đã trở nên những tín hữu và
muốn học biết cách chinh phục người đàn ông của mình cho Đấng Christ.
Có thể hôn nhân là vấn đề thực tiễn cho những người kết hôn với tín đồ. Có
những khó khăn và vấn nạn liên quan đến những ngày tháng nguy hiểm khi
sống chung với nhau, và cuối cùng, viễn cảnh hôn nhân lúc đó trong bối
cảnh văn hóa trần tục không còn hoàn toàn phù hợp với Cơ Đốc giáo. Phải
cần đến một số chỉ dẫn và giải thích.
Khi nói chuyện, mục sư thường kể về những kinh nghiệm của bản thân
mình, kinh nghiệm tốt hoặc kinh nghiệm xấu. Tôi không thể tin được rằng
Phi-e-rơ đã viết IPhi-e-rơ 3 mà không suy nghĩ về bản thân và vợ mình. Tôi
không nghĩ rằng bạn có thể chia sẻ về mối thông công trong hôn nhân mà
không thực hành điều đó. Và vì thế tôi đọc IPhi 1Pr 3:1-7 và những câu
Kinh Thánh tương ứng trong đoạn 4 và suy nghĩ về những điều đó. Phải
chăng Phi-e-rơ rút ra bài học từ kinh nghiệm của chính mình với vợ? Đó là
sự suy đoán, nhưng tôi cho rằng nhiều điều trong lời ông nói đã được thực
hiện trong mối quan hệ hôn nhân của chính ông. Điều đó cho tôi sự tiếp cận
rõ ràng đối với phần Kinh Thánh này, và từ phần chia sẻ đó tôi đã học hỏi
được rất nhiều và tôi đã chia sẻ cho rất nhiều người chồng và người vợ đang
trong chức vụ.
Vì thế chúng ta biết rằng Phi-e-rơ là một môn đồ của Chúa Giê-xu, và chúng
ta biết rằng ông có vợ. Nhưng một người vợ như thế nào? Một bình luận phụ
thêm của sứ đồ Phao-lô cho chúng ta manh mối rằng bà ấy cũng là một môn
đồ. Phao-lô, khi đối diện với sự chỉ trích mà ông đang nhận lãnh, bào chữa
cho địa vị của ông. Ông đang nhìn vào các sứ đồ đang bước đi trên con
đường chức vụ, và nói với những người buộc tội ông rằng: “Tôi có quyền
cưới cho mình một người vợ tin kính như Phi-e-rơ và các sứ đồ khác, nhưng
tôi chẳng từng dùng quyền ấy. Tôi chịu mọi sự hầu cho khỏi làm ngăn trở
Tin Lành của Đấng Christ” (ICo1Cr 9:3-6, diễn nghĩa). Đây là bằng chứng
rất rõ ràng chứng tỏ cả Phi-e-rơ và vợ ông đều là những tín đồ tận hiến cho
Chúa, là những người cùng đi đó đây với nhau và cùng trong chức vụ.
Có thể chúng ta tự hỏi,Vậy thì Phi-e-rơ và vợ ông có liên quan gì đến chúg
ta nhỉ ? Chuyện đó xảy ra cách đây quá lâu rồi . Nhưng mọi sự đó đều liên
quan đến chúng ta, vì Phi-e-rơ và vợ cùng ở trong chức vụ, và bởi vì Phi-e-
rơ đã đề cập đến vợ chồng trong thư tín của mình khá rõ ràng. Ông là nhà
lãnh đạo thuộc linh cấp cao trong Hội Thánh. Ông bị bắt bớ, bỏ tù, được
Thánh Linh ban quyền năng, và đã dùng quyền năng ấy cách mạnh mẽ trong
việc rao truyền Tin Lành. Ngay từ đầu lúc ông mời về nhà một người thầy
giảng Tin Lành đó đây tên Giê-xu, người mà vợ Phi-e-rơ đã mời dùng bữa
và chứng kiến sự chữa lành cho bà gia ngay tại chỗ, chúng ta biết rằng người
phụ nữ này đang ở trung tâm của chức vụ.
Có một cơ hội tốt đẹp đó là vợ của Phi-e-rơ đã làm một “bà góa trong chức
vụ” trong một khoảng thời gian, có thể khoảng ba năm. Không có bằng
chứng nào chứng tỏ rằng bà cùng đi với các môn đồ trong suốt ba năm chức
vụ của Chúa Giê-xu trên đất. Có thể bà đã gặp gỡ chồng mình khi những
chuyến đi của đoàn đem họ đến gần với nhau. Có thể bà chỉ theo đoàn người
khi có thể, cố hết sức để tìm hiểu xem những gì đang xảy ra với chồng. Tôi
chắc rằng những năm đó là cú sốc đối với bà, người phụ nữ này đã nhiều
năm là vợ của một ngư dân bình thường, một phụ nữ Ga-li-lê giản dị hiền
lành.
Những bản sao hiện đại có thể được tìm thấy trong cuốn First Ladies of the
Parish : Historical Portraits of Pastor’ Wives của Ruth Tucker (tạm dịch
Những Tấm Gương Vợ Người Hầu Việc Chúa Trong Lịch Sử ), cho chúng
ta thấy được vợ của những nhân vật nổi tiếng như Luther, Calvin, Wesley,
và Spurgeon. “Người ta thường hay cho rằng vợ của những mục sư đa tài
được ca ngợi nên có một người vợ ngang tài với mình” (trang 150).
Catherine Marshall viết: “Tôi không cách nào đo lường được tiêu chuẩn ấy”
(trang 151). Catherine tìm kiếm chỗ thích hợp cho mình. “Ở tuổi 23 cô thiếu
nữ vốn thường hay sử dụng cầu thang sau nhà để tránh gặp mặt với người
khác, nay phải liên tục làm người chủ trong các lãnh vực giao tế xã hội tại
một trong những Hội Thánh lớn nhất của khu trung tâm thành phố
Washington. Cô nhanh chóng nhận ra rằng những mong đợi của cô đối với
vai trò đó vượt xa khả năng thành tựu của cô” (trang 150). Người nào tự
nhiên e thẹn như Catherine sẽ cần phải tin cậy nơi Chúa là Đấng kết hợp
cách hoàn hảo những đôi vợ chồng trong chức vụ để phù hợp với công việc
Ngài giao phó.
Tôi tin chắc rằng giai đoạn không cân xứng và cô đơn này không nằm trong
nhật ký công tác của vợ Phi-e-rơ khi bà kết hôn với ông. Nhưng một ngày
kia Chúa Giê-xu bước vào trong cuộc đời của bà và dắt chồng đi khỏi bà
trong ba năm, và bà đã phải điều chỉnh để thích ứng với một thế giới hoàn
toàn mới.
Có lẽ bà đã có một bầy con để trông nom. Tôi tự hỏi điều gì đã xảy ra cho
thu nhập của bà trong khoảng thời gian ba năm đó? Có phải bà và các con
dời về nhà ngoại ở cho đến khi - khi bà con thân thích biết chắc - chồng bà
thật sự ý thức được điều đó? Bà có sống với những lời chế giễu nhạo báng
của gia đình và láng giềng không? Bạn có thể hình dung ra sự bất ổn của bà
ấy không? Đây là một phụ nữ biết được ý nghĩa của sự thay đổi và ý thức
được thế giới của mình đã đảo lộn như thế nào. Có lẽ điều duy nhất có thể
giúp đỡ là ký ức về Chúa Giê-xu trong gia đình bà, đó là chữa lành đoàn
người trước cửa nhà bà, rao giảng những lời khích lệ mà chưa ai từng được
nghe. Có phải bà đã không chứng kiến mẹ mình ngay lập tức được chữa lành
khỏi những cơn sốt không? Tôi tin rằng những ký ức đó về chính Chúa Giê-
xu - chính điều này đã hình thành đức tin nơi bà - là điều duy nhất mà vợ của
Phi-e-rơ đã phải nương cậy vào trong những năm ấy. Dĩ nhiên bà biết tình
yêu của Phi-e-rơ đối với mình, nhưng thậm chí trong một cuộc hôn nhân
vững mạnh như thế mà người chồng rũ bỏ trách nhiệm và ra đi như thế cũng
gây rối rắm không ít. Bất kỳ người vợ nào cũng cảm thấy bất an và tự hỏi tôi
kết hôn với người đàn ông này để làm gì. Nhưng bà có ký ức của riêng mình
về Chúa Giê-xu. Bà có đức tin nơi Con Đức Chúa Trời.
Xuyên suốt phần còn lại của sách này, chúng ta sẽ nghiên cứu một số lời
khuyên mà Phi-e-rơ đã nêu ra trong thư tín của mình. Chúng ta sẽ suy nghĩ
về những căng thẳng và những áp lực xảy đến cho cuộc sống của những đôi
vợ chồng hầu việc Chúa, đặc biệt là vợ người hầu việc Chúa. Và chúng ta sẽ
thảo luận một số phương cách cơ bản mà các bạn có thể giải quyết những
vấn đề tiêu cực và nhấn mạnh những vấn đề tích cực.
Nếu bạn đọc được cuốn sách này vì đang bị tổn thương, không biết phải làm
gì trong tình huống của bạn, hãy nhớ đến vợ của Phi-e-rơ. Bà là một trong
những người tiên phong. Bà đã sống với nỗi đau đớn, nỗi cô đơn và sự bất
ổn định. Nhưng bà đã có mối tương giao cá nhân với Chúa Giê-xu. Và bạn
cũng vậy.
Hãy uống cho thật no say tình yêu thương
của Đức Chúa Trời , và tình yêu của vợ cùng con cái ,
của chồng và bạn hữu , bạn sẽ trở nên
thánh khiết hơn , khỏe mạnh hơn , giản dị hơn
và cao quí hơn . - Oswald Chambers
Đấng Christ Là Đấng Cai Trị - Không Phải Là Khách
CHÚNG TA THẢY ĐỀU LÀ CON NGƯỜI GIAN ÁC
NẾU KHÔNG CÓ BÀN TAY ĐIỀU KHIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI.
- WILLIAM WARD AYER
BỤC GIẢNG LÀ NƠI HIỂM NGUY
CHO BẤT KỲ NGƯỜI CON TRAI NÀO CỦA A-ĐAM.
- JOHN STOTT
Tôi sẽ thêm vào câu nói của John Stott rằng tư thất của mục sư là một nơi
nguy hiểm cho bất kỳ người con gái nào của Ê-va. Ê-va đã dùng hay đã lạm
dụng cơ hội của mình với A-đam trong trong tình huống dự liệu trước của
Đức Chúa Trời, và bà đã không lựa chọn vâng lời và đầu phục ý chỉ tối cao
của Đức Chúa Trời. Tôi đã khám phá ra rằng Ê-va đang sống trong tôi. Luôn
có một thế lực ở bên trong bảo tôi làm theo ý riêng của mình thay vì làm
theo điều Đức Chúa Trời đã kêu gọi tôi. Chức vụ cung cấp cho vợ người hầu
việc Chúa cả cơ hội làm việc cho đến khi kiệt sức mới thôi lẫn cơ hội lựa
chọn thoát ra khỏi tất cả những trách nhiệm, và đặt bản thân và gia đình lên
hàng đầu. Một số vợ của người hầu việc Chúa mà tôi đã gặp thì liên hệ với
Hội Thánh như vợ của những tín đồ bình thường hơn là hiện tại họ đang là
những người vợ của các tôi tớ Chúa trọn thời gian.
Tôi thường hỏi họ câu hỏi: “Chị sẽ làm gì nếu chị không làm vợ mục sư?
Hay chị sẽ làm công việc gì trong Hội Thánh nếu chị kết hôn với một tín đồ
bình thường? Nếu chị nghĩ bản thân mình đang phụ thuộc vào Hội Thánh
của những tín hữu này như là một tín đồ tin kính Chúa, chị nghĩ mình sẽ làm
gì?”
Tôi hỏi câu hỏi này bởi vì tôi tin rằng chúng ta không cần phải ngưng những
việc chúng ta đang làm bởi vì chúng ta kết hôn, hay ít ra chúng ta không nên
nếu chúng ta là những tín hữu. Phi-e-rơ nói về vấn đề cùng hưởng phước sự
sống (IPhi 1Pr 3:7). Và trong phần Kinh Thánh khác chúng ta học biết rằng
chúng ta là những kẻ đồng kế tự với Đấng Christ. Mối tương giao cá nhân
của chúng ta với Christ không thể bị sa sút nếu chúng ta kết hôn; mà nên
được cải tiến. Nói cách khác, chúng ta bước đi lên với Chúa.
Phải, nếu bạn nên một với chồng, và bạn có đặc ân lớn lao khi được kết hôn
với người nam mà Đức Chúa Trời đã lựa chọn cách đặc biệt để làm sứ mạng
rất đặc biệt, nhưng điều đó không thừa nhận sự không tồn tại của bạn . Bạn
không trở nên một ai cả, là người không có khả năng và tính cách. Hy vọng
bạn đang trở nên giống Đấng Christ hơn mỗi ngày. Là một người vợ Cơ
Đốc, điều đó nên là mục tiêu của bạn, dù bạn không kết hôn với người lãnh
đạo Hội Thánh chăng nữa. Tôi tin rằng Phi-e-rơ và vợ ông đã nhấn mạnh
mục tiêu trở nên giống Christ hơn và cùng nhau nỗ lực để đạt được điều đó.
Họ là những người cùng nhau hưởng phước sự sống (xem IPhi-e-rơ 3).
Đáng buồn thay, nhiều phụ nữ không nhìn chính mình theo cách này. Họ đã
để cuộc sống mình - những ân tứ và chương trình của Đức Chúa Trời cho họ
- bị chôn vùi bởi đặc tính mới của mình, thậm chí còn dùng nó để giải phóng
mình khỏi những buổi nhóm thờ phượng nữa. Thông thường khi tổ chức
những cuộc hội nghị cho vợ người hầu việc Chúa, chúng tôi chia những chị
em phụ nữ thành các nhóm nhỏ và cùng nhau thảo luận những vấn đề này.
Thường thì một nửa số người vợ các tôi tớ Chúa phản đối câu “đồng là kẻ kế
tự”. Họ nói với tôi: “Chị muốn nói gì khi cho rằng tôi được kêu gọi? Vâng,
tôi là Cơ Đốc Nhân, nhưng tôi đang đứng ngoài cuộc và làm người lãnh đạo
vui vẻ. Tôi sẽ là một người bạn đời biết nâng đỡ, nhưng tôi không được kêu
gọi. Anh ấy được kêu gọi. Họ không thuê tôi. Họ thuê anh ấy.”
“Đúng”, tôi đáp, “nhưng tôi tin rằng anh ấy đi đến chỗ phục vụ vì anh tin
rằng Đức Chúa Trời đã ‘kêu gọi’ anh phục sự Ngài ở đó và không phải vì
một nhóm người thuê anh. Thế nào là sự kêu gọi? Nếu chị là môn đồ sau đó
cũng được kêu gọi để theo anh cùng hầu việc Ngài ”.
“À, thế thì được”, chị đáp, “nhưng tôi không được kêu gọi như chồng tôi”.
“Không, chính chị được kêu gọi cách cá nhân kia mà!”
Điều tôi muốn nói từ “kêu gọi” theo ý nghĩa trách nhiệm thuộc linh của từng
người chúng ta trước Chúa. Trách nhiệm của chúng ta là phục vụ trong tinh
thần môn đệ.
Trong vai trò và chức năng ở chỗ bạn nhận biết chính mình, sự kêu gọi của
bạn phải được bày tỏ. Nhưng chắc chắn bạn đã được kêu gọi để hầu việc hay
chăn bầy, nếu bạn xưng mình là môn đồ của Chúa Giê-xu. Bạn là một môn
đồ dưới hình thức vợ người hầu việc Chúa, cũng như người khác là môn đồ
của Chúa Giê-xu dưới hình thức là một người thợ máy hay giáo viên trường
phổ thông. Những điều chúng ta làm, những công tác chúng ta thực hiện xếp
hàng thứ yếu sau yếu tố con người chúng ta trong Christ như thế nào.
Điều chúng tôi yêu thích đó là
chúng tôi sẽ trở nên tương đồng với nhau
- Bernard of Clairvaux
Chúa Giê-xu là ai đối với bạn?
Có một câu chuyện trong Giăng 2 kể về Chúa Giê-xu đi dự tiệc cưới tại xứ
Ca-na. Bạn biết câu chuyện - Ngài là khách mời, và Ngài đã đến ngồi chung
bàn với những người khách khác. Theo tục lệ, chủ tổ chức (“chủ nhà”, trong
bản NIV) buổi tiệc ngồi giữa cô dâu và chú rể ở bàn đầu. Người này trông
coi bữa tiệc; ông là người đưa ra những mệnh lệnh.
Trong suốt bữa tiệc, một việc nghiêm trọng đã xảy ra - hết rượu. Thay vì đến
với người trông coi bữa tiệc (người mà đáng ra họ nên đến với), các đầy tớ
lại đến với Ma-ri. Họ nói: “Người ta không có rượu nữa”. Có lẽ họ đến với
bà vì bà phụ trách phần thức ăn và rượu - tôi không biết. Họ không biết mình
sẽ làm gì. Trong nền văn hoá thời đó sẽ rất khiếm nhã nếu nhà thiếu thức ăn
hay thiếu rượu. Chắc chắn họ không tìm Chúa Giê-xu để xin Ngài làm phép
lạ bởi vì Ngài chưa làm phép lạ nào. Nhưng sau đó, Ma-ri nói với những
người giúp việc, họ đến gần Chúa Giê-xu và thưa với Ngài: “Người ta không
có rượu nữa”.
Chúa Giê-xu biểu họ rằng: “Hãy đổ nước đầy những ché này… Bây giờ hãy
múc đi, đem cho kẻ coi tiệc” (GiGa 2:7-8). Và các đầy tớ đã vâng lời, mặc
dù họ đã liều bằng cách làm theo những điều Ngài phán bảo. Dù họ biết họ
đang bưng nước ra đãi tiệc, nhưng họ đã làm điều đó- và phép lạ đã xảy ra.
Người coi tiệc rất đỗi ngạc nhiên và la lên rằng: “Mọi người đều đãi rượu
ngon trước, sau khi người ta uống nhiều rồi, thì kế đến rượu vừa vừa. Còn
ngươi, ngươi lại giữ rượu ngon đến bây giờ” (2:10).
Chúa Giê-xu đã biến nước thành rượu khi Ngài đảm nhận đám tiệc và đưa ra
mệnh lệnh.
Hãy dùng câu truyện đó và dùng nó như một bức tranh hôn nhân trong chốc
lát. Quá nhiều người tôi biết muốn Chúa Giê-xu làm khách trong tiệc cưới
mình , nhưng họ không muốn Ngài làm chủ hôn của mình . Và tôi tin rằng
cả hai người, đặc biệt trong chức vụ, phải đảm bảo rằng ChúaGiê-xu là Đấng
chi phối hôn nhân của họ. Trước tiên Ngài phải kiểm soát đời sống họ cách
cá nhân. Làm sao bạn biết liệu Ngài có phải là Đấng chủ tể hay không? Như
Ma-ri nói với những đầy tớ trong câu chuyện: “Người biểu chi hãy vâng
theo cả” (2:5). Còn bạn thì sao? Bạn có đang làm theo những điều Ngài đã
dạy bảo bạn phải làm không? Bạn có vâng lời không? Ngài có phải là Đấng
cai trị không?
Khi Chúa Giê-xu không còn làm khách trong cuộc hôn nhân ấy, và trở thành
người coi tiệc, Ngài đã biến nước thành rượu và Kinh Thánh cho chúng ta
biết rằng rượu đó ngon hơn hết thảy các loại rượu mà họ đã nếm qua. Cũng
một thể ấy, tôi tin mối quan hệ hôn nhân trong chức vụ có thể trở nên thú vị
lạ thường, hơn tất cả những điều đã từng xảy ra trước đó. Ngài, như Kinh
Thánh nói, “đã giữ rượu ngon đến bây giờ”. Tất cả những vấn nạn đã được
phô bày trong khảo sát của chúng ta sẽ không cần thiết nếu nguyên tắc của
mối thông công Cơ Đốc là đúng, nếu Đức Chúa Trời là Chúa trong cuộc
sống của riêng bạn, nếu Đức Chúa Trời là Đấng kiểm soát mối quan hệ của
bạn với chồng.
Hôn nhân hạnh phúc
không phải là hợp đồng giữa hai người
mà là giao ước thánh giữa ba người .
Đấng Christ thường không bao giờ
được mời đến dự tiệc cưới
và thấy trong nhà
không còn chỗ nào cho Ngài .
- Donald T. Kauffman
Ý nghĩa của sự dấn thân
Khi Stuart và tôi đính hôn, chúng tôi muốn một chiếc nhẫn ba hột kim cương
đính ở trên, không chỉ vì đó là chiếc nhẫn đính hôn tiêu biểu của người Châu
Âu, mà đối với chúng tôi nó còn là biểu tượng. Chúng tôi nghĩ rằng Christ là
hột chính giữa còn Stuart và tôi ở hai bên. Mỗi ngày tôi nhìn vào chiếc nhẫn
đính hôn của mình và nhắc nhở chính mình tất cả những hột kim cương đó
tượng trưng cho điều gì. Nó nhắc cho tôi một lần nữa rằng Đức Chúa Trời là
Đấng Chủ Tể của hôn nhân chúng tôi. Và những góc cạnh của viên kim
cương tượng trưng cho những phương diện của cuộc sống chung là điều tôi
lưu ý để nhắc nhở chính mình, đặc biệt khi tôi là vợ người hầu việc Chúa.
Tôi đã học biết rằng không cần phải có sự dấn thân trọn vẹn của mỗi người
đối với Chúa và với nhau mới làm cho hôn nhân được kết quả - nhưng đó
chính là sự giao kết của Đức Chúa Trời với chúng ta. Ngài là sợi dây thứ ba.
Ngài luôn luôn làm trọn những việc Ngài đã hứa. Chúng ta có thể rồi sẽ tan
đi và vội bội bạc, nhưng Ngài vẫn luôn thành tín.
Một sợi dây bện ba tao lấy làm khó đứt .
- TrGv 4:12
Vì thế Đức Chúa Trời phải ở giữa trung tâm của mối quan hệ hôn nhân của
chúng ta. Chúng ta phải trông mong vào sự hiện diện của Ngài. Ngài là
“dành cho” chúng ta. Thế thì chúng ta cần phải sống với sự thừa nhận rằng
chúng ta cũng dấn thân vì chức vụ như chồng mình vậy. Nếu không, trọn
thời gian chúng ta hầu việc Chúa sẽ là khoảng thời gian rất khổ sở đối với
chúng ta. Chính từ sự dấn thân này - của anh ấy và của chúng ta - mà chúng
ta có được niềm vui và sự sôi nổi đi kèm với chức vụ kết quả của chúng ta.
Giô-suê nói: “Nhưng ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê-hô-va” (Gios Gs 24:15
). Câu Kinh Thánh ấy bắt đầu với từ “ta”: nhưng tôi , tôi sẽ phục sự Chúa.
Rồi chồng tôi và tôi sẽ cùng nhau phục sự Ngài. Và các con tôi, sẽ không
đứng bên lề, nhưng chúng sẽ làm phần công việc mình để cùng cộng tác với
chúng tôi trong sứ mạng này - Chúa, chồng tôi, tôi, và các con. “Sự hiệp một
của gia đình” đem đến sự hòa thuận cho cả nhà.
Quá nhiều mối quan hệ gia đình không hoà thuận vì nhiều người vợ không ý
thức được mục đích hay giá trị và họ cảm thấy rằng mình đang bị kéo lê ở
sau đuôi của “sự kêu gọi” của chồng mình. Là một tín hữu, sự kêu gọi của
bạn được bảo đảm. Nếu bạn đã kết hôn, thì Đức Chúa Trời hoạch định rằng
các bạn sẽ cùng nhau khám phá những huyền nhiệm này: ân cần lắng nghe
nhau, cầu nguyện với nhau, học tập và vâng phục lẫn nhau.
Điều quan trọng là phải biết Chúa Giê-xu đang ở chỗ nào trong đời sống của
chính bạn. Đó mới là vấn đề. Khi Christ đứng ở vị trí đầu tiên, những
phương diện khác của những tranh đấu trong bạn sẽ thay đổi. Ví dụ như,
chúng được đặt để trực tiếp trong sự quan phòng của Ngài. Bạn không cần
phải đối diện với chúng với sức riêng của mình nữa. Bạn có một Bạn Hữu
thiên thượng.
Hãy xây dựng đức tin của bạn trên
Đức Chúa Giêxu Christ .
Bất kể có một trăm lẻ một điều gây áp lực cho bạn , hãy hoàn toàn cách ly
với những điều đó
và trông đợi Chúa . - Bà Charles E. Cowman
Như Thế Nào Là Mở?
PHẨM CHẤT CƠ BẢN CỦA NHÀ TRUYỀN GIÁO
KHÔNG PHẢI LÀ TÌNH YÊU ĐỐI VỚI LINH HỒN,
NHƯ CHÚNG TA THƯỜNG NGHE,
NHƯNG LÀ TÌNH YÊU ĐỐI VỚI ĐẤNG CHRIST.
- VANCE HAVNER
ĐỐI VỚI TÔI TOÀN HẢO HƠN LỜI CA NGỢI,
“BÀ TIẾP ĐÃI CHÁU TỬ TẾ QUÁ!”
LÀ LỜI THÌ THẦM CỦA CHÁU GÁI MỚI NHẬN BIẾT CHÚA,
“CẢM ƠN BÀ ĐÃ ĐÓN TIẾP CHÁU. ĐỨC CHÚA TRỜI
CÓ NGỰ TRỊ Ở ĐÂY, TRONG NGÔI NHÀ NÀY”.
- KAREN BURTON MAINS
Nếu chúng ta đang sắp bước vào chức vụ, chúng ta phải học biết rằng hôn
nhân chúng ta không phải là hôn nhân của chúng ta. Nhà của chúng ta không
phải là nhà của chúng ta.Tư thất của chúng ta không phải là tư thất của
chúng ta (và tôi không ngụ ý rằng nó thuộc về Hội Thánh). Tất cả đều thuộc
về Đức Chúa Trời.
Những điều này thật khó nói, nhưng nếu bạn là vợ người hầu việc Chúa, ắt
bạn đã khám phá ra rằng điều đó là thật. Hầu hết chúng ta đều học biết một
cách khó khăn.
Trở nên người tiếp đón
Cách đây nhiều năm, sau khi tôi trở thành Cơ Đốc Nhân, tôi có đọc một
cuốn sách, tác giả là một nhà truyền giáo, có tựa đề Have we no rights ? (tạm
dịch là Có phải chúng ta không có quyền ?). Tôi rất vui là mình đã đọc nó
trong những năm đầu mới bước đi với Chúa. Đó là một báu vật quí giá, được
viết bởi một nhà truyền giáo dày dạn kinh nghiệm. Khi bà đi đến phần thừa
nhận rằng mình có quyền - có quyền đối với sự riêng tư trong gia đình của
chính mình, quyền ăn theo cách mình muốn, với những đồ dùng mình chọn,
quyền làm tất cả những chuyện mình luôn làm. Nhưng Đức Chúa Trời bắt
đầu liên hệ với bà cho đến khi bà đi đến điểm nói rằng: “Tôi không có quyền
gì cả”. Và bây giờ bà ấy đã đổi khác!
Điều đó đã gây ấn tượng cho tôi rất sâu sắc bởi vì tôi là người Anh, và nhà
của người đàn ông Anh là lâu đài. Nếu bạn tranh đấu với những vấn đề riêng
tư trong chức vụ, tôi thật sự hiểu được - bởi vì tôi được sanh ra với ý thức về
sự riêng tư của một phụ nữ Anh. Tôi không “tự nhiên” vui vẻ hưởng ứng với
“sự xâm phạm” vốn dĩ là một phần trong sự hầu việc Chúa. Và vì vậy đối
với tôi, việc học cách tiếp nhận người khác trong danh Đức Chúa Giê-xu vào
bất kỳ lúc nào, bất kể đêm hay ngày là điều thật sự rất khó.
Nếu nhà chúng ta thuộc về Ngài, Chúa Giê-xu có trọn quyền mời tất cả mọi
người Ngài thích vào nhà chúng ta. Và Chúa Giê-xu có một số người bạn kỳ
quặc. Tôi bắt đầu ghi chú ngay rằng những người bạn của Chúa Giê-xu
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay
Hoi phuc tren duong chay

More Related Content

Similar to Hoi phuc tren duong chay

Sách Nghệ Thuật Sống Quân Bình
Sách Nghệ Thuật Sống Quân BìnhSách Nghệ Thuật Sống Quân Bình
Sách Nghệ Thuật Sống Quân BìnhNhân Nguyễn Sỹ
 
De thong cam nhau
De thong cam nhauDe thong cam nhau
De thong cam nhauco_doc_nhan
 
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhanNguoi phu nu cua dct trong hon nhan
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhanLong Do Hoang
 
Tinh yeu va hon nhan
Tinh yeu va hon nhanTinh yeu va hon nhan
Tinh yeu va hon nhanLong Do Hoang
 
Dam song tren bo vuc
Dam song tren bo vucDam song tren bo vuc
Dam song tren bo vucLong Do Hoang
 
Dam song tren bo vuc
Dam song tren bo vucDam song tren bo vuc
Dam song tren bo vucco_doc_nhan
 
Nguoi xay dung hon nhan
Nguoi xay dung hon nhanNguoi xay dung hon nhan
Nguoi xay dung hon nhanco_doc_nhan
 
Nguoi xay dung hon nhan
Nguoi xay dung hon nhanNguoi xay dung hon nhan
Nguoi xay dung hon nhanLong Do Hoang
 
Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019
Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019
Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019TiLiu5
 
Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019
Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019
Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019phamhieu56
 
5 phut loi_chua_042014
5 phut loi_chua_0420145 phut loi_chua_042014
5 phut loi_chua_042014gxduchoa
 
Thong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copelandThong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copelandLong Do Hoang
 
Thong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copelandThong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copelandco_doc_nhan
 
Nhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi songNhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi songco_doc_nhan
 
Nhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi songNhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi songLong Do Hoang
 
Tu duy trieu phu. Tư duy triệu phú
Tu duy trieu phu. Tư duy triệu phúTu duy trieu phu. Tư duy triệu phú
Tu duy trieu phu. Tư duy triệu phúViệt Long Plaza
 
Em doc than em quyen ru
Em doc than em quyen ruEm doc than em quyen ru
Em doc than em quyen ruJenny Nguyen
 
Dan tron cuoc doi
Dan tron cuoc doiDan tron cuoc doi
Dan tron cuoc doico_doc_nhan
 

Similar to Hoi phuc tren duong chay (20)

Sách Nghệ Thuật Sống Quân Bình
Sách Nghệ Thuật Sống Quân BìnhSách Nghệ Thuật Sống Quân Bình
Sách Nghệ Thuật Sống Quân Bình
 
So 171
So 171So 171
So 171
 
De thong cam nhau
De thong cam nhauDe thong cam nhau
De thong cam nhau
 
De thong cam nhau
De thong cam nhauDe thong cam nhau
De thong cam nhau
 
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhanNguoi phu nu cua dct trong hon nhan
Nguoi phu nu cua dct trong hon nhan
 
Tinh yeu va hon nhan
Tinh yeu va hon nhanTinh yeu va hon nhan
Tinh yeu va hon nhan
 
Dam song tren bo vuc
Dam song tren bo vucDam song tren bo vuc
Dam song tren bo vuc
 
Dam song tren bo vuc
Dam song tren bo vucDam song tren bo vuc
Dam song tren bo vuc
 
Nguoi xay dung hon nhan
Nguoi xay dung hon nhanNguoi xay dung hon nhan
Nguoi xay dung hon nhan
 
Nguoi xay dung hon nhan
Nguoi xay dung hon nhanNguoi xay dung hon nhan
Nguoi xay dung hon nhan
 
Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019
Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019
Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019
 
Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019
Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019
Cẩm Nang Hạnh Phúc Gia Đình Kitô - D. Wahrheit_10551612092019
 
5 phut loi_chua_042014
5 phut loi_chua_0420145 phut loi_chua_042014
5 phut loi_chua_042014
 
Thong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copelandThong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copeland
 
Thong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copelandThong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copeland
 
Nhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi songNhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi song
 
Nhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi songNhung thac mac ve doi song
Nhung thac mac ve doi song
 
Tu duy trieu phu. Tư duy triệu phú
Tu duy trieu phu. Tư duy triệu phúTu duy trieu phu. Tư duy triệu phú
Tu duy trieu phu. Tư duy triệu phú
 
Em doc than em quyen ru
Em doc than em quyen ruEm doc than em quyen ru
Em doc than em quyen ru
 
Dan tron cuoc doi
Dan tron cuoc doiDan tron cuoc doi
Dan tron cuoc doi
 

More from co_doc_nhan

Vai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tienVai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tienco_doc_nhan
 
Truong dang christ
Truong dang christTruong dang christ
Truong dang christco_doc_nhan
 
Su phuc hung hau den
Su phuc hung hau denSu phuc hung hau den
Su phuc hung hau denco_doc_nhan
 
Su phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanhSu phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanhco_doc_nhan
 
Phuong phap saon bai giang 2
Phuong phap saon bai giang 2Phuong phap saon bai giang 2
Phuong phap saon bai giang 2co_doc_nhan
 
Phuong phap saon bai giang 1
Phuong phap saon bai giang 1Phuong phap saon bai giang 1
Phuong phap saon bai giang 1co_doc_nhan
 
Phuong phap day dao
Phuong phap day daoPhuong phap day dao
Phuong phap day daoco_doc_nhan
 
Phuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chuaPhuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chuaco_doc_nhan
 
Nhung nguyen tac lanh dao
Nhung nguyen tac lanh daoNhung nguyen tac lanh dao
Nhung nguyen tac lanh daoco_doc_nhan
 
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nhoNhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nhoco_doc_nhan
 
Nhiem vu giao duc
Nhiem vu giao ducNhiem vu giao duc
Nhiem vu giao ducco_doc_nhan
 
Nhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanhNhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanhco_doc_nhan
 

More from co_doc_nhan (20)

Vai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tienVai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tien
 
Truong nhan su
Truong nhan suTruong nhan su
Truong nhan su
 
Truong dang christ
Truong dang christTruong dang christ
Truong dang christ
 
Thuat lanh dao
Thuat lanh daoThuat lanh dao
Thuat lanh dao
 
Tho phuong dct
Tho phuong dctTho phuong dct
Tho phuong dct
 
Tho phuong dct
Tho phuong dctTho phuong dct
Tho phuong dct
 
Tho phuong dct
Tho phuong dctTho phuong dct
Tho phuong dct
 
Su phuc hung hau den
Su phuc hung hau denSu phuc hung hau den
Su phuc hung hau den
 
Su phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanhSu phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanh
 
Phuong phap saon bai giang 2
Phuong phap saon bai giang 2Phuong phap saon bai giang 2
Phuong phap saon bai giang 2
 
Phuong phap saon bai giang 1
Phuong phap saon bai giang 1Phuong phap saon bai giang 1
Phuong phap saon bai giang 1
 
Phuong phap day dao
Phuong phap day daoPhuong phap day dao
Phuong phap day dao
 
Phuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chuaPhuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chua
 
Phuc vu chua
Phuc vu chuaPhuc vu chua
Phuc vu chua
 
Phuc vu chua
Phuc vu chuaPhuc vu chua
Phuc vu chua
 
Nhung nguyen tac lanh dao
Nhung nguyen tac lanh daoNhung nguyen tac lanh dao
Nhung nguyen tac lanh dao
 
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nhoNhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
 
Nhom thanh cong
Nhom thanh congNhom thanh cong
Nhom thanh cong
 
Nhiem vu giao duc
Nhiem vu giao ducNhiem vu giao duc
Nhiem vu giao duc
 
Nhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanhNhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanh
 

Hoi phuc tren duong chay

  • 1. Mục Lục Hồi Phục Trên Đường Chạy Tác giả: Jill Briscoe Lời Nói Đầu của Stuart Briscoe Lời Giới Thiệu 1 Chỉ Vì Tôi Là Tôi 2 Thách Thức hay Ràng Buộc 3 Đấng Christ là Đấng Cai Trị - Không Phải Là Khách 4 Như Thế Nào Là Mở? 5 Ồ, Tôi Không Ngờ Chuyện Đó Lại Xảy Ra! 6 Khi Khả Năng Không Phù Hợp Với Vai Trò Của Bạn 7 Tìm Sự Quân Bình 8 Sống Với Chỉ Trích 9 Hồi Phục Trên Đường Chạy Lời nói đầu Một bộ phim hoạt hình nổi tiếng miêu tả hai con lừa có đuôi cột chung với nhau. Trong cảnh đầu chúng đang nhìn về hai hướng khác nhau, mỗi con đang say sưa ngắm nhìn đống cỏ khô. Cảnh thứ hai cho thấy chúng đang giằng kéo nhau dữ dội, cả hai đều không tiến lên được chút nào cả và đang duỗi đuôi hết cỡ. Trong cảnh thứ ba chúng nhận ra rằng nỗ lực nãy giờ của chúng là vô ích và đang ngồi chung với nhau thảo luận vấn đề, và trong cảnh cuối cùng, với nụ cười rạng ngời niềm vui của loài lừa, chúng cùng nhau bước đi, con này bước đến đống cỏ theo sau là con kia! Trước hiểm họa bị hiểu lầm, tôi có dám ám chỉ rằng một số cuộc hôn nhân của tôi tớ Chúa không phải không giống những con lừa của mình không? Không, tôi không ngụ ý rằng Hội Thánh của quí vị đối xử với quí vị như những con lừa và cho các bạn ăn cỏ khô hay khi khó khăn ràng buột, thì cũng như những cái đuôi bị cột vào nhau mà thôi! Tôi muốn nói là chúng ta rất thường gặp những cuộc hôn nhân của các tôi tớ Chúa bị áp lực gay gắt đến như vậy. Cả hai đều có những nhu cầu và những mơ ước, những ưu tiên và những mong đợi, nhưng đáng buồn thay những điều đó lại đang ở hai
  • 2. hướng trái ngược nhau. Những người phối ngẫu đang giằng kéo rất mạnh, nhưng không ai đến được đống cỏ khô của mình. Không ai thật sự được sung mãn, hạnh phúc cả. Vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn vì họ không dành thời gian để cùng ngồi lại với nhau, nói chuyện và lắng nghe. Đôi khi bởi vì họ quá bận rộn. Thông thường là do vấn đề miễn cưỡng hay bất đắc dĩ nhiều hơn, có thể do một trong hai người cảm thấy lúng túng khi phải đối diện với chuyện khó xử. Hay có thể là do cảm giác tội lỗi khi họ không thể đáp ứng những mong đợi rất con người hay khi so sánh với những tiêu chuẩn thiên thượng. Vì thế họ cứ tiếp tục kéo và kéo, xoay xở chỉ để thắt chặt cái gút và kéo căng đuôi của mình. Cuốn sách dùng để giúp những đôi vợ chồng đang ở trong chức vụ cùng ngồi xuống, giúp nhau nhận diện những mong đợi, và nghĩ ra những phương cách giúp cả hai cùng giải quyết được vấn đề. Tôi biết đây là một bài tập cần thiết vì Jill và tôi đã có những bằng cớ chắc chắn, nhiều phương cách, cùng những ý tưởng rõ ràng, và chúng tôi cũng đã chia sẻ về sự giằng kéo ở hai phương khác nhau của vợ chồng chúng tôi. Nhưng một khi chúng tôi được chuẩn bị để công nhận điều này và cùng dõi bước với nhau, chúng tôi thành tựu nhiều hơn. Và chúng tôi tìm thấy cho nhau và ở nhau nhiều hơn là cỏ khô nữa. Chúng tôi tìm thấy vàng, bạc và đá quí. Tôi hy vọng các bạn cũng sẽ như vậy. STUART BRISCOE Lời giới thiệu ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ MỤC ĐÍCH LIÊN QUAN ĐẾN CHÚNG TA MÀ NGÀI CHƯA TỎ RA; VÌ THẾ, MỖI NGÀY LÀ THIÊNG LIÊNG TRONG SỰ MONG ĐỢI ĐẦY NGẠC NHIÊN. - PHILLIPS BROOKS Chúng ta cần phải bắt đầu với một câu hỏi cơ bản: tại sao lại là một cuốn sách đặc biệt dành cho vợ của những tôi tớ Chúa? Câu trả lời: vì tất cả những lý do tốt lành! Thứ nhất , vợ người hầu việc Chúa góp phần không nhỏ trong dân số của chúng ta ngày nay . Hiện đang có hàng ngàn phụ nữ chỉ trong Châu Mỹ nằm trong phạm trù này. Để dễ hiểu hơn, tôi sẽ gọi họ là “vợ người hầu việc Chúa” trong suốt phần còn lại của sách. Nhiều người vợ này có chồng là
  • 3. mục sư, những người khác thì cộng tác với chồng trong công tác thanh niên hay truyền giáo, hay trong những chương trình dành cho những người không nhà, những người nghiện ma túy, những người bị bỏ rơi, và những người nghèo khổ. Một số những người vợ này đang sống bày tỏ khải tượng mà họ đã chia sẻ với chồng mình từ khi họ bắt đầu cuộc sống chung với nhau. Những người khác có chồng làm những công việc “đời” và giữa chừng lại đổi sang công việc phong phú hơn nhưng thách thức hơn của chức vụ. Nhưng, như một người vợ đã cho tôi biết, “chức vụ của nghề thứ hai có vấn đề! Và tôi không làm tốt công việc của mình.” Một số người vợ đang hầu việc theo lựa chọn. Những người khác đang bị sốc. Họ nói với tôi những điều như: “Ồ, tôi chưa bao giờ lường trước được điều này!” Tất cả họ đều có những nhu cầu đặc trưng đối với người làm việc trong chức vụ. Trong nhiều năm, các mục sư và những nhà truyền giáo đã có những hội nghị dành để thảo luận những nhu cầu cụ thể của họ. Tôi nghĩ đó cũng là thời điểm mà người bạn đời của họ cùng nhận được sự khích lệ và sự giúp đỡ cụ thể. Thứ hai , vợ người hầu việc Chúa có những nhu cầu cụ thể ít khi được đáp ứng trong những cuốn sách khác dành cho phụ nữ . Tôi đã từng là “vợ người hầu việc Chúa” ba mươi ba năm. Và tôi đã có được đặc ân biết hàng trăm vợ tôi tớ Chúa giống như tôi. Chúng tôi đã lớn lên và rên rỉ cùng nhau! Tôi không lạ gì đối với những gian nan và những phần thưởng của chúng tôi. Không những thế, nhưng qua những cuộc hội thảo quốc tế, tôi đã từng có đặc ân thu nhặt sự khôn ngoan của những phụ nữ đã từng sẻ chia chức vụ muôn màu muôn vẻ của chồng mình tại vô số những nơi chốn khác nhau. Nói chung, chúng tôi đã cóp nhặt một kho tài liệu. Và chúng tôi nghĩ đây là thời điểm tỏ bày những thông tin đó ra. Nếu các bạn là vợ người hầu việc Chúa, hãy biết rằng những trang sách này được viết theo những nhu cầu, những thắc mắc, những đấu tranh, và những thành tựu của các bạn. Thứ ba , một cuốn sách như thế này thật cần thiết cho một nhóm rất đông những người khác - chồng của vợ người hầu việc Chúa ! Thực tế từ khảo sát của Hội Truyền Giáo Quốc Gia cho biết một trong những nguyên nhân chính khiến hàng trăm tôi tớ Chúa xa rời chức vụ là vì căng thẳng đặt trên vợ người hầu việc Chúa. Nếu bạn có một người vợ mục sư không hạnh phúc, bạn sẽ có một mục sư không hạnh phúc, và đó là thời điểm nhiều người chung quanh nhận biết điều đó. Đôi khi giáo phái hay tổ chức tôn giáo cử mục sư và vợ đến dự các
  • 4. cuộc hội thảo “người chăn bầy”, tại đó tất cả các mục sư đều họp lại với nhau. Nhưng còn vợ của họ? Vợ của họ được dẫn đi sở thú hay siêu thị! À, tôi thích đi mua sắm (tôi không thích voi), nhưng tôi có thể làm tất cả những điều đó ở nhà. Thật ra tôi nghĩ rằng điều mà chúng tôi, vợ người hầu việc Chúa, đang tìm kiếm khi đến dự những cuộc hội thảo này là sự giúp đỡ đáng kể trong việc trình bày một số nhu cầu trong chức vụ đặc biệt của mình . Làm vợ mục sư không giống như làm mục sư; làm vợ của người phụ trách thanh niên không như làm người phụ trách thanh niên (mặc dù một số người mong đợi nhiều như vậy). Và điều đó không phải chỉ đơn thuần như là làm vợ thôi đâu. Vợ người hầu việc Chúa có hàng loạt những trách nhiệm, mong đợi, và những căng thẳng đi kèm với vai trò của họ. Và chúng ta không biết làm thế nào để giải quyết những vấn đề này theo phương pháp thẩm thấu, mà tại đó chúng ta gần gũi với chồng và trông mong rằng những điều chồng mình đang dạy dỗ phần nào đi vào khoảng trống kiến thức của chúng ta. Chúng ta cần sự giúp đỡ để gắn liền với những cơ hội và sự khôn ngoan đặc thù của mình để biết cách giải tỏa áp lực. Lúc hai vợ chồng lìa khỏi chức vụ, thường có tổn thất lớn lao đối với hôn nhân và những cá nhân đó. Như vậy, cuốn sách này có khả năng là một cuốn sách đem lại rất nhiều thất vọng vì chúng ta phải đối diện với những căng thẳng và những tổn thương của mình, nói về những điều đó, cố gắng giải quyết cơn giận dữ của mình, và cùng làm đau lòng nhau. Nhưng tựa đề của sách không phải là “Tại sao vợ người hầu việc Chúa không muốn tiếp tục cương vị đó nếu họ có cơ hội làm lại từ đầu”! Tôi muốn nói với các bạn rằng các bạn không cô đơn! Và tôi không chỉ ngụ ý rằng “họa vô đơn chí”. Trong quyền năng và ân điển của Đức Chúa Giê-xu tôi tin chúng ta có thể giải quyết những xung đột sâu xa này và tìm thấy sự chữa lành cũng như sự giúp đỡ. Tôi biết điều này là thật không chỉ bắt nguồn từ hành trình đức tin và chức vụ của tôi mà còn xuất phát từ vô số những câu chuyện của những người khác trên cùng con thuyền, trên khắp cả thế giới. Các bạn thấy đấy, tôi thật sự tin rằng vai trò của vợ người hầu việc Chúa là một đặc ân - không phải là một hình phạt. Đó không phải là một bản án tù. Nếu tôi không tin chắc điều này, tôi đã huỷ bỏ dự án này ngay bây giờ. Người đang sống trong tư thất có thể gặp khó khăn - nhưng đó là những khó khăn dành cho những người có đặc ân và có thể được giải tỏa. Có niềm vui thật trong việc sống bày tỏ mục đích của Đức Chúa Trời đối với cuộc đời của chúng ta. Chúng ta, vợ người hầu việc Chúa, thật sự là những người rất đặc biệt! Chúng ta hãy cùng nhau khám phá niềm vui thật ấy nhé. Chỉ Vì Tôi Là Tôi
  • 5. TÔI LÀ TÙ BINH CỦA NHỮNG MONG ĐỢI CỦA NGƯỜI KHÁC HAY ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BỞI NHỮNG LỜI HỨA THIÊN THƯỢNG? - HENRI NOUWEN Mặc dù vai trò của phụ nữ đã thay đổi rất nhiều qua hàng thế kỷ, nhưng một sự kiện không bao giờ đổi thay: Chúa Giê-xu đã đối xử với phụ nữ với tấm lòng ưu ái và kính trọng hết sức đặc biệt. Trong thời phụ nữ được xem như những công dân thuộc tầng lớp thấp hèn hơn, Ngài đã dành thời gian chăm nom và đáp ứng những nhu cầu cụ thể của họ. Ngài đã không sợ bị xã hội tẩy chay khi trò chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri bên giếng; Ngài đã chữa lành người đàn bà bị rong kinh. Đặc biệt hơn cả, Ngài đã cho phép phụ nữ giúp đỡ Ngài, đón nhận sự phục vụ của họ. Phụ nữ là người đầu tiên sinh ra Ngài, có mặt bên Ngài trong những giờ phút cuối cùng trên thập tự giá, và là người đầu tiên đi loan tin về sự phuc sinh của Ngài. Chúa đã chấp nhận tình yêu và sự ngưỡng mộ của Ma-ri làng Bê-tha-ni khi bà đập bể lọ dầu quí để xức cho Ngài. Ngài cũng đã bênh vực bà khi các môn đồ quở trách những hành động “phí phạm” của bà. Trong LuLc 8:1-55 chúng ta thấy rằng nhiều phụ nữ nổi tiếng đã cùng đi đây đó với Ngài, giúp đỡ cho những nhu cầu của Ngài. Vì vậy, Chúa Giê-xu đã giúp đỡ phụ nữ, cùng làm việc với phụ nữ và cũng được ích lợi từ sự hầu việc của họ đối với Ngài . Sứ đồ Phao-lô cũng chia sẻ chức vụ của mình với phụ nữ và giao phó cho họ rất nhiều việc. Không đi vào những lĩnh vực “nóng” của sự tranh cãi liên quan đến việc liệu phụ nữ có nên giúp đỡ cho người nam hay không, chúng ta rất tự tin trong việc nói rằng sứ đồ Phao-lô, ít ra cũng đã tán thành phụ nữ chăm sóc giúp đỡ phụ nữ. Điều đó có ý nghĩa rất lớn trong thời Phao-lô, và điều đó thậm chí còn có ý nghĩa hơn nhiều trong thời đại của chúng ta ngày nay. Ngày nay, một trong những tranh cãi quyết liệt nhất nhằm giải thích tại sao phụ nữ cần phải trang bị bản thân để có thể chăm sóc đặc biệt phụ nữ là do sự đổ vỡ kinh khiếp của gia đình. Một phụ nữ đã nói với tôi: “Tôi đã từng bị một người đàn ông quấy rối và tôi phải đến đây để xin lời khuyên của bà.” “Cô có muốn gặp nhà tư vấn của chúng tôi không?”, tôi hỏi. “Bà có cả tư vấn nam lẫn nữ phải không?”. Cô ấy hỏi ngược lại tôi. “Có chứ”. Tôi đáp. “Vậy thì tôi sẽ gặp nhà tư vấn nữ”, cô nói. “Tôi đã gặp nhà tư vấn nam rồi”. Thật cũng dễ hiểu khi cô ấy không muốn trao đổi với người khác giới. Tuy nhiên, cô rất dễ dàng tiếp nhận sự khích lệ của một phụ nữ khác. Và điều này thật ý nghĩa. Cuối cùng, có ai ngoài phụ nữ có thể cảm nhận được nỗi đau của một nạn nhân bị cưỡng dâm? Và có ai ngoài một người mẹ có thể hoàn toàn cảm
  • 6. thông với một phụ nữ trẻ vô sinh hay đã từng bị sẩy thai hoặc phải vật lộn với việc phải giam mình suốt cả ngày dài với con mọn? Có ai ngoài phụ nữ có thể cảm thông với những cảm xúc thay đổi thất thường do kinh nguyệt gây ra hay những biến đổi rõ rệt khi chúng ta bước qua tuổi 50? Người cùng giới thật sự có thể tiếp cận rất nhiều vấn đề. Chúng ta có thể bước vào ngay trong tấm lòng và cuộc đời của một nửa nhân loại và giới thiệu Đấng Christ, tất cả chỉ vì chúng ta là phụ nữ - thật ra, “Chỉ vì tôi là tôi”! Lẽ ra chúng ta không có trở ngại gì trong việc trở nên nguồn phước tại bất cứ nơi nào chúng ta sống, làm việc và vui chơi. Nhưng theo như vợ của một tôi tớ Chúa đã nói với tôi: “Trước khi sứ điệp của Đức Chúa Trời có thể giải phóng những linh hồn khác, sự giải phóng đó bắt buộc phải thật sự xảy ra trong chính mình tôi.” Tôi nhận thấy rằng phụ nữ rất sáng tạo, thông minh, có nhiều sáng kiến, nhạy cảm, có năng khiếu, có khả năng khuyến khích, tháo vát, thiêng liêng, có năng lực và rất dẻo dai! Đức Chúa Trời biết điều đó là thật bởi vì Ngài đã dựng nên chúng ta. Ngài đã định rằng tất cả chúng ta đều phải trở nên mẫu người như Ngài đã tạo dựng và rằng tất cả những điều chúng ta biết phải được dùng để đem cả thế giới quay về với Ngài. Nhưng tôi tin rằng Ngài đặc biệt có hoạch định (dù chắc chắn là không biệt riêng) rằng chúng ta phải trở nên “chính mình”. Lúc đầu, tôi không bằng lòng với ý tưởng này. Lần đầu tiên khi tôi trở thành vợ mục sư, tôi khựng lại khi một người đàn bà bề ngoài trông có vẻ đáng sợ đến mời tôi góp phần vào công việc dành cho phụ nữ trong Hội thánh. Để từ chối, tôi chọn việc cọng tác với ban thiếu niên - vì tôi có ân tứ, tình yêu thương và năng lực đối với lứa tuổi này. Nhưng vị trí của tôi lại đòi hỏi một sự dấn thân nhất định đối với chức vụ nhỏ nhưng tốt đẹp của nữ giới trong mối tương giao. Tôi bắt đầu thấy rằng làm “vợ mục sư” cho tôi một cơ hội chưa từng thấy để có tác động hay ảnh hưởng mạnh mẽ trên chính trung tâm của Hội Thánh. Theo suy nghĩ khiêm nhường của tôi, có vô số những nốt thăng mà cũng có vô số những nốt trầm trong địa vị của tôi. Có một lần tôi đã thưa với Chúa điều Ngài đã biết rất rõ - rằng tôi đặc biệt không thích ở bên cạnh phụ nữ, và rằng tôi không muốn dành thời gian với nhóm người đó - tôi có thể nói thêm rằng tấm lòng tôi ở trong tay Ngài, và Ngài có trọn quyền để thay đổi nó. Tôi bỏ mặc tình hình hiện tại, nhưng Ngài thì không. Ngài phán, “Cám ơn con, Jill”, và lấy tấm lòng tôi đặt trong tay Ngài, sưởi ấm nó bằng chính tình yêu của Ngài đối với phụ nữ, và dẫn tôi vào một cuộc phiêu lưu trong chức vụ phụ nư đến nỗi hai mươi năm sau đó tôi vẫn nhớ như in. Thật vậy, có chỗ dành cho phụ nữ trong chức vụ trọn thời gian hay bán thời gian, cho dù người đó còn độc thân hay đã có gia đình. Nữ giới là một lực
  • 7. lượng đáng kể xuyên suốt Kinh Thánh, những quyết định của họ quyết định số phận của các quốc gia, sự sẵn sàng hầu việc Chúa của họ đã tạo nên những tấm gương khiêm nhường và đầy uy quyền (vâng, hai phẩm chất này có thể đi chung với nhau!). Trong cuốn sách hay nhất của họ, Daughters of the Church : Women and Ministry from New Testament Times to the Present (tạm dịch Con gái của Hội Thánh : Phụ nữ và chức vụ từ thời Tân Ước cho đến hiện tại ), Ruth Tucker và Walter L. Liefield nói rằng trong phần giới thiệu về sự nghiên cứu lịch sử, “Chúng tôi đã nhận thấy rằng phụ nữ rất tích cực trong những lĩnh vực rộng lớn khác nhau của chức vụ trong Hội Thánh đã được thể chế hóa bất chấp những lời công bố và những sắc lệnh chính thức mang tính đối kháng”. Và “Phụ nữ trong các Hội Thánh Tin Lành được kế thừa di sản tìm kiếm (và đôi khi giành được) những vị trí ý nghĩa trong Hội Thánh để hầu việc Chúa hiệu quả hơn”. Tôi cũng muốn nói thêm rằng vợ người hầu việc Chúa đã có địa vị - đơn giản bởi vì cô ấy là cô ấy! Có lẽ cô ấy kết hôn với trưởng ban thanh niên, và đã được ban tặng một địa vị đặc ân và một cơ hội để tạo nên sự khác biệt cho Đức Chúa Trời và Nước Ngài. Hỡi vợ người hầu việc Chúa, có một chỗ dành cho bạn. Có một mục đích thiên thượng đặt dưới những tranh đấu và những cám dỗ hằng ngày của bạn. Đức Chúa Trời luôn có những kế hoạch tuyệt vời dành cho bạn. Thế thì , có thể một số bạn sẽ hỏi tôi, sao mà tôi khốn khổ thế này ? Tại sao tôi lại cảm thấy không chủ đích , bất lực và thậm chí “bị sử dụng ” nữa ? Tại sao tôi sẽ phải làm hầu như mọi thứ để tìm thấy ai đó thật sự hiểu được những nhu cầu của mình ? Bất kỳ vợ người hầu việc Chúa nào cũng đều cảm thấy như vậy ở điểm dừng nào đó trong cuộc hành trình của mình. Tôi đã nghe nhiều câu nói đầy thất vọng từ những phụ nữ bề ngoài trông có vẻ như một tấm gương của tính hiệu quả và lòng tự tin. Bạn biết có bao nhiêu tôi tớ Chúa hay vợ họ đã ngoại tình, ngay cả khi còn trong chức vụ lãnh đạo Hội Thánh? Một khảo sát gần đây cho biết khoảng 3% những người được phỏng vấn đang đấu tranh trong lĩnh vực đó. Một phụ nữ dính dấp đến ngoại tình kể với tôi: “Tình dục chỉ là một phần nhỏ trong lý do khiến tôi ngoại tình”. Bạn sẽ nghe tất cả những nguyên nhân dẫn đến sự không chung thuỷ, nhưng đa số, như người phụ nữ kia, có thể truy nguyên vấn nạn là do cô đơn và thiếu lòng tự trọng, hay không có sự hiệp một trong cuộc sống với người bạn đời. Ý thức “chức vụ” thậm chí không tồn tại trong suy nghĩ của họ. Một số nhu cầu lớn lao không được đáp ứng. Quá nhiều phụ nữ trong chức vụ không bao giờ học tập để sống như thể thật sự có vị trí đặc biệt dành cho họ, một vị trí được thiết lập nên bởi Đức Chúa Trời và được Ngài trân trọng.
  • 8. “Làm sao tôi biết vị trí của mình ở đâu?” “Tất cả đều rất tốt”, bạn nói, “đó không phải là vấn đề của tôi. Tôi muốn biết địa vị của mình ở đâu . Hay địa vị của tôi là gì ? Cuộc sống mỗi ngày càng trở nên phức tạp. Chắc chắn đã có đủ người sẵn sàng nói với tôi điều tôi sẽ phải làm, nhưng tôi không thể lắng nghe tất cả mọi người”. À, điều đó đúng. Và dĩ nhiên không phải tất cả mọi người đều nói đúng. Rất có thể không một ai trong số họ biết điều gì là đúng cho bạn. Câu chuyện của bạn là thế - là chuyện của bạn. Hành trình của bạn có thể được vạch ra chỉ bởi sự hợp tác của chính bạn với Cha thiên thượng mà thôi. Nơi để bắt đầu sự nhận biết địa vị của bạn là ở trong Kinh Thánh. Bởi điều này, tôi không ngụ ý rằng việc đọc một mẩu Kinh thánh nào đó sẽ giúp bạn tự động biết liệu có nên học Kinh Thánh hay nên huấn luyện nhóm phụ nữ nào (nếu có). Tôi chưa nói đến phần chi tiết, chúng ta cần phải đạt được những nguyên tắc chung trước. Vì thế chúng ta hãy xem Kinh Thánh nói gì về vị trí của phụ nữ - và từ đó vị trí của vợ người hầu việc Chúa - trong cơ cấu tổ chức của Đức Chúa Trời. Thi Thiên 139 nói với chúng ta rằng Đức Chúa Trời đã dò xét và biết chúng ta cách hoàn toàn. Thánh vịnh ấy nói rằng chúng ta không thể chạy trốn khỏi Thần của Đức Chúa Trời (câu 7-12). Thánh vịnh ấy bảo đảm với chúng ta rằng Đức Chúa Trời là ánh sáng trong những giờ phút tối tăm nhất của chúng ta và luôn hiện diện để che chở chúng ta (câu 10, 12). Các câu 13-16 là những từ tuyệt vời. Đấng Tạo Hóa yêu dấu của chúng ta đã cẩn thận nắn nên chúng ta vì mục đích tồn tại của chúng ta. Ngay trước khi chúng ta được sinh ra Ngài đã suy nghĩ về chúng ta và những ngày tháng chúng ta sẽ đối diện. “Số các ngày định cho tôi (không phải một số ngày, và không phải chỉ các ngày tốt lành) đã biên và sổ Chúa trước khi chưa có một ngày trong các ngày ấy” (câu 16). Tác giả Thi Thiên nói rằng đây là những ý tưởng tuyệt vời. Tôi tán thành. Nhưng Thi Thiên 139 không chỉ viết cho một mình Đa-vít. Thánh vịnh này cũng không phải chỉ viết cho chồng các bạn. Thánh vịnh này được viết cho tất cả chúng ta. Chúng ta, những phụ nữ, được tạo dựng bởi tay Đức Chúa Trời để trở thành những người giúp việc cho Đức Chúa Trời! Ngài đã định (biệt riêng cho Ngài) mỗi ngày 24 giờ; làm sao những ngày của chúng ta có thể được lặp lại? Sau khi đọc phân đoạn Kinh Thánh này, tôi đã viết bên lề trang Kinh Thánh: Một trang trắng được lật qua ở trên thiên đàng mỗi ngày - Đức Chúa Trời có cây viết trong tay Ngài ; Ngài đã sẵn sàng để viết về tôi - thật thú vị làm sao ! “Tôi biết điều Chúa phán, nhưng Ngài không phải là Đấng duy nhất đang nói “ Tôi có thể nghe vài người trong các bạn nói: “Mỗi ngày của tôi dường như
  • 9. không được sắp đặt hay đặc biệt gì đối với tôi cả. Hoàn toàn tốt đẹp để tôi biết được nơi mình đang đứng trong sự phối hợp mọi sự trên quan điểm thần học của Đức Chúa Trời. Nhưng điều đó không giải quyết được những thách thức và những mối tương quan thực tiễn diễn ra ngày qua ngày của tôi. Tôi sống trong một thế giới có nhiều người, nhiều tình huống, và kẻ thù luôn vây quanh, tìm cách phá hoại bất kỳ hình ảnh tốt đẹp nào mà tôi đã đạt được từ lẽ thật của Đức Chúa Trời”. Nếu như vậy thì chúng ta hãy nghiên cứu một vài phương sách để ứng phó với cuộc chiến. Nói cách khác, chúng ta tìm sự giúp đỡ ở đâu? Một ảnh tượng tốt lành về chính mình được nuôi dưỡng bằng tình bằng hữu . Theo một nhóm khảo sát thông tin, 44% vợ của các mục sư không có bạn thiết, và 30% không có bạn hay một nhóm người nào để từ đó họ có thể nhận được sự an ủi và khích lệ. Nhưng chúng ta hãy đoán có bao nhiêu người trong số những phụ nữ này cầu xin sự giúp đỡ khi họ thật sự cần đến? Một phần trăm . Ngay cả khi họ ở trong cảnh hiểm nghèo về mặt tinh thần, chỉ một phần trăm la lên rằng: “Hãy giúp tôi với!”. Vậy thì tại sao đây lại là vấn đề? Có thể có nhiều lý do nhưng một trong những lý do chính đó là bản chất hời hợt của mối quan hệ bằng hữu thật sự tồn tại đối với vợ người hầu việc Chúa. Quá nhiều người trong Hội Thánh chúng ta đang đói khát thuộc linh và cảm xúc. Họ làm cho chúng ta bị kiệt quệ thay vì nâng đỡ chúng ta. Họ không có mối quan hệ bằng hữu thật sự để trao tặng. Và giờ đây điều mà vợ người hầu việc Chúa cần (nếu có), thì đó là tình bằng hữu. Và tôi không ngụ ý rằng đó chỉ là những người chúng ta quen biết do cùng nhau đi uống nước hay cùng đi đến phố mua sắm. Mối quan hệ bằng hữu thật sự là một phần trong hoạch định của Đức Chúa Trời. Mỗi người cần ít nhất một người bạn thân. Đây là điều rất quan trọng trong chức vụ. Đối với vợ người hầu việc Chúa, điều này có thể hơi khó. Ví dụ như, vợ của tôi tớ Chúa không bao giờ được xem như người cùng cấp với người “thường” (vấn nạn này cũng xảy ra cho người chồng). Hoặc người ta giả định bạn xa cách đối với họ, hoặc chính họ cách ly đối với bạn. Không những thế, nhiều người trong Hội Thánh hay một số nhóm người hầu việc Chúa cảm thấy rất sợ hãi hay rất dễ bị tổn thương khi họ nhìn thấy những yếu đuối ở người “lãnh đạo” và vợ người lãnh đạo của mình. Họ hơi e ngại khi biết được điều thật sự đang diễn ra trong đời sống chúng ta, đặc biệt nếu điều đó là xấu xa hay gây thương tổn. Bằng cách này hay cách khác họ suy nghĩ rằng có thể chúng ta là những vấn nạn “nêu trên”. Vì lý do này, rất ít vợ tôi tớ Chúa có bạn (nếu ai đó có bạn) ngoài Hội Thánh hay tổ chức của họ. Đôi khi họ là vợ của những người đang trong chức vụ. Đôi khi họ là những con người với những sở thích ngoài chức vụ, như văn
  • 10. chương, thể thao, hay nghề thủ công. Nhưng, hầu hết thời gian, vợ người hầu việc Chúa, sống khép kín như thể họ đang ở trong những hoạt động và yêu cầu của gia đình mình, không có tình bằng hữu chân thật nào cả. Họ đã được dạy rằng phải trông đợi liên tục Đức Chúa Trời sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của họ. Thật ra, Đức Chúa Trời đã hoạch định đáp ứng tất cả những nhu cầu của chúng ta. Nhưng Ngài đáp ứng những nhu cầu đó bằng những công cụ thiết thực, một trong những công cụ đó là những mối quan hệ gần gũi và ý nghĩa. Tôi đã tranh chiến với điều này trong tình huống truyền giáo cho thanh niên vì vợ người lãnh đạo của chúng tôi tin rằng bạn không nên có những mối quan hệ thân thiết trong nhóm. Cô ấy cảm thấy, có lẽ theo kinh nghiệm, rằng điều đó gây căng thẳng và xích mích. Có lẽ vì cô đã không có bạn thân nên cô nghĩ rằng chúng ta, vợ người hầu việc Chúa sẽ không cần ai cả. Cô có thể sống một cuộc sống như thế cách tuyệt vời, nhưng tôi đã không thể. Tôi đã rất cố gắng để giống như cô ấy, vì tôi ngưỡng mộ cô và thích theo gương của cô. Nhưng tôi là loại người cần có bạn để trở nên người tốt nhất mình có thể. Khi tôi đọc Kinh Thánh, tôi thấy chính Chúa Giê-xu cũng có bạn: mười hai người bạn tốt, ba người bạn rất tốt, một người bạn thân! Hãy suy nghĩ về những vòng tròn tình bạn của Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu không bao giờ hối tiếc vì đã có bạn, hay vì bạn mà Ngài gặp rắc rối, ngay cả giữa mười hai người bạn của Ngài. Ngài luôn đem ba người bạn rất tốt của Ngài ra khỏi đám đông mà không giải thích lý do tại sao, và hẳn nhiên điều đó gây ra sự ganh tị và ghen tức của những người khác. Chúa Giê-xu làm gương cho tình bạn vì Ngài đã quyết định cần đến nó và biết rằng trong tất cả chúng ta ai cũng đều cần đến nó. Ngài biết rằng phụ nữ đặc biệt rất cần đến tình bạn của những phụ nữ khác. Vì thế trong suốt khoảng thời gian riêng biệt của mình, tôi biết rằng tôi cần phải học hỏi về Chúa Giê-xu và những tình bạn của Ngài một cách rất thực tiễn. Vì thế tôi ngồi xuống bàn nơi nhà bếp và vẽ ba vòng tròn đồng tâm. Vòng tròn lớn nhất tượng trưng cho mười hai sứ đồ, vòng tròn thứ hai cho ba người bạn tốt và vòng tròn trong cùng tượng trưng cho tình bạn đặc biệt của Ngài. Tôi cầu nguyện, cầu hỏi Chúa xem những cá nhân nào trong cuộc đời tôi thuộc vào những vòng tròn ấy. Và sau đó tôi vẽ một vòng tròn ở ngoài vòng tròn cho mười hai người bạn, vòng tròn này tượng trưng cho bảy mươi người - những người quen biết với Chúa Giê-xu. Khu vực ngoài vòng tròn đó tượng trưng cho đám đông. Như vậy điều gì đã xảy ra cho tôi trong ngày hôm đó? Khi tôi viết tên trên những vòng tròn đó thì cuối cùng tôi đã không còn cảm thấy tội lỗi khi có bạn nữa - hay khi dành quá nhiều thời gian với “bảy mươi người”, hay nhiều
  • 11. thì giờ với “mười hai”, cũng như với “ba”, và vân vân. Vì tôi được tự do để theo đuổi tình bạn, nhiều nhu cầu được đáp ứng, và tôi đã có thể trở nên một người vợ của người đặc trách thanh niên tốt hơn (và ít căng thẳng hơn). Bạn thân có tầm ảnh hưởng rất lớn. Tại sao bạn hữu lại cần thiết đến như vậy? Trước hết, bạn thân biết cách lắng nghe. Họ để bạn dốc đổ bầu tâm sự, khóc, và trút cơn giận dữ. Họ giúp chúng ta xử lý những từng trải của mình, và trở nên trung thực và thành thật. Nếu những người vợ tôi tớ Chúa không hạnh phúc mà tôi đã từng gặp có thể làm một hay hai điều trong số những điều này trên nền tảng cơ bản thông thường, họ sẽ cảm thấy tốt hơn ngay lập tức. Tôi biết tôi đã làm được điều đó! Ở một thời điểm trong chức vụ của chúng tôi khi chồng tôi có thời gian đi xa rất nhiều, tôi tìm thấy tình bạn của một phụ nữ như một người cứu hộ. Mừng thay, tôi đã trải qua gian đoạn học tập đó mà tôi vừa miêu tả và đã có thể rộng mở đón nhận tình bạn đối với Angela. Cô ấy là một người bạn chân thật - thẳng thắn trao đổi ý kiến với tôi trong tình yêu thương (và khi bạn trao đổi ý kiến với nhau trong tình yêu thương bạn sẽ không bao giờ bị đả kích), “ở bên cạnh” tôi trong những thời khắc nghiệt ngã và sung sướng trong những ngày mới bắt đầu nuôi con mọn và trên hết là làm tôi cười. Tôi khám phá rằng liệu pháp cười dễ thường xảy ra giữa những người bạn thân, giải tỏa căng thẳng. Cô ấy cũng là người chị, bạn cùng làm việc với tôi trong các dự án. Nhiều lần khi chúng tôi về đến nhà quá nửa đêm, mệt mỏi nhưng vui vẻ sau những nỗ lực truyền giáo cho thanh niên, chúng tôi cùng nhau uống một cốc trà. Bên Angela tôi nhận thấy một tìnhbạn bình đẳng và đây là một kinh nghiệm rất mới mẻ đối với tôi. Như tôi viết trong Thank you for being a friend , (tạm dịch Cám ơn bạn đã làm bạn tôi - xuất phát từ chức vụ của Briscoe), một cuốn sách viết về tình bạn với Angela và những phụ nữ khác trong cuộc đời tôi: “Tình bạn của chúng tôi bao quát và không vị lợi bao lâu, thì Đức Chúa Trời khiến cuộc sống và chức vụ của chúng tôi phong phú không thể dò lường bấy lâu”. Tôi nhận thấy rằng những người bạn tốt thật sự biết chấp nhận. Họ sẽ không bị ảnh hưởng khi những bất toàn của bạn rọi trên họ. Lúc đầu họ không thần tượng bạn, nên khi bạn thất bại hay phô bày những yếu đuối của mình, tình yêu và sự cảm kích của họ vẫn không di dời. Tôi khám phá ra rằng tình yêu không mù quáng. Chỉ tình yêu mới có thể nhìn thấy được. Bạn tốt cho bạn biết sự thật về chính bản thân bạn. Hầu như lúc nào họ cũng không cần phải nói với bạn mặt trái của sự thật; bạn đã quá quen với những điểm yếu của mình. Không, một người bạn nói đi nói lại với bạn về những điều tích cực của bạn. Cô ấy nhìn bạn bằng đôi mắt nhân từ hơn bạn nhìn chính bản thân. Bạn có biết rằng nhiều phụ nữ trong chức vụ là những người có sự nỗ lực - họ là
  • 12. những người đạt được những thành tựu cao? Tính cách của những người đó thường là tính cách của những người khó với chính bản thân mình, không bao giờ thỏa mãn. Một người bạn tốt biết bạn đủ rõ để quyết định nói với bạn khi nào là lúc nên “bớt đau buồn”. Bạn hữu thường khích lệ, thường là những người lãnh đạo vui vẻ đối với nhau suốt cả cuộc đời. Một người bạn chân thật có thể ảnh hưởng rất lớn. Vì thế có lẽ đây là thời điểm bạn nên cầu nguyện xin Chúa đem đến cho mình một người bạn. Có lẽ Đức Chúa Trời đã đem đến người đó cho bạn rồi, nhưng bạn đã quá tập trung vào bản thân mình nên không thể nhìn thấy điều đó. Điều đó dễ làm lắm. Có lẽ đang có một người ngay bên cạnh bạn sẽ rất giỏi trong việc đáp lại tình cảm và sự ủng hộ của bạn. Chúng tôi đã quá tuân theo lập trình đến nỗi đã suy nghĩ rằng chúng tôi phải luôn là người ban cho, và những người khác phải là người nhận lãnh. Hãy nhìn vào những mối quan hệ hiện tại của bạn và khảo sát tiềm năng của những mối quan hệ đó. Có thể bạn sẽ không tìm thấy một người bạn trong nhóm của mình. Điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là tìm một người bạn. Mặc dù đôi khi Đức Chúa Trời đem chúng ta qua những giai đoạn cô đơn, hay thậm chí những giai đoạn không có tình bằng hữu để dạy chúng ta phụ thuộc vào Ngài, rằng những tình trạng đó chỉ là tạm thời mà thôi. Chúng ta được định phải sống liên hệ với những người khác. Một ảnh tượng tốt đẹp về chính mình nên được nuôi dưỡng bởi người bạn thân nhất - người phối ngẫu của bạn . Chắc chắn chồng bạn phải trở nên không những là người bạn tốt, mà còn là nguồn phản hồi tích cực cho bạn, giúp bạn duy trì hình ảnh tốt đẹp của chính mình. Nhưng sự thật đáng buồn là nhiều người phối ngẫu lại gây thiệt hại cho hình ảnh của người bạn đời mình hơn là trở nên ích lợi cho hình ảnh của bạn đời mình. Đây là một phạm trù lớn lao và phức tạp của những mối quan hệ, và tôi sẽ không cố gắng đề cập đầy đủ ở đây, nhưng tôi sẽ đi vào chi tiết trong chương 6. Bây giờ, chúng ta chỉ có thể nhắc nhở chính mình hai nguyên tắc quan trọng. Người chồng bị đổ trách nhiệm phải là nguồn duy nhất đáp ứng mọi sự theo bản ngã của người vợ sẽ bị thất bại chỉ trong vài tuần . Vợ có thể quá phụ thuộc vào chồng vì lòng tự trọng của mình, và sự phụ thuộc đó thông thường sẽ đem lại tác dụng ngược. Người phối ngẫu không được hoạch định chỉ để mang loại gánh nặng đó. Vì thế, điều cấp bách là phụ nữ phải đặt lòng tự trọng của mình nương dựa vào Đức Chúa Trời và Lời của Ngài, nuôi dưỡng chăm sóc nó qua những mối quan hệ khác bên cạnh mối quan hệ hôn nhân - đặc biệt với những phụ nữ Cơ Đốc.
  • 13. Người chồng luôn không tự động nhận biết điều phải làm để bênh vực lòng tự trọng của vợ . Chỉ vì chồng và vợ không thể đọc được tâm trí của nhau về những điều khác, đôi khi họ không thể nghĩ ra điều gì khiến cho người kia cảm thấy tốt đẹp về chính mình. Có thể chúng ta cần phải đủ can đảm để nói với nhau điều chúng ta cần trong lĩnh vực này. Có thể bạn cần phải nói với chồng mình, ví dụ như, “Em cần anh nói với em rằng em trông thật dễ thương! - đặc biệt khi em có thai!” Đôi khi người phối ngẫu (đặc biệt những người mới cưới) không biết đủ về lịch sử bản thân của người kia để biết điều gì sẽ làm cho người kia tổn thương. Nhiều tổn thương xảy ra trong hôn nhân vì sự thờ ơ xao lãng. Nếu bạn muốn chồng cùng tham gia trong nỗ lực để giúp cho ảnh tượng của chính bạn, anh ấy sẽ cần thông tin cụ thể nào đó từ phía bạn. Bạn không thể e ngại bộc lộ chính mình cho anh ấy. Nuôi dưỡng lòng tự trọng của nhau xảy ra ở nhiều mức độ, và sẽ mất thời gian. Nhưng điều đó có thể và sẽ xảy ra, nếu cả hai vợ chồng bạn cùng nỗ lực. Và nỗ lực đó cũng sẽ đem lại ích lợi trong nhiều lĩnh vực khác của hôn nhân của bạn. Tôi nhớ rất rõ việc cảm thấy rất không tương xứng trong một nhóm những người tôi thường hay gọi là những “phụ nữ cực mốt” (tôi không thể trang phục theo kiểu như vậy). Stuart dường như luôn thư giãn trong những tình huống chúng tôi nhìn thấy chính mình, chứ không phải tôi. Mẹ tôi thường hay bảo tôi rằng: “Trang phục đẹp là trang phục phù hợp với từng dịp cụ thể”. Nhưng đó là vấn đề. Là vợ tôi tớ Chúa “nghèo”, làm sao tôi có thể ăn mặc hợp thời cho giống với những người đó được? Hình ảnh của tôi được bao bọc trong cách tôi nhìn những người khác và không phải cách tôi trông có vẻ như thế nào đối với Đấng Christ. Như tôi đã liên hệ trong Thank you for being a friend (tạm dịch Cám ơn bạn đã làm bạn tôi ): “ Tôi thấy mình đang là khách trong một ‘biệt thự’ rộng lớn. Chúng tôi phải thay đồ để ăn tối trong một buồng ngủ ‘nhỏ’ (khoảng bằng cỡ nửa căn nhà!). Những quí bà khác đang lấy ra cho mình những bồ đồ sang trọng đắt tiền và gỡ những mác quần áo hiệu Dior của pha trình diễn thời trang mới nhất! Đến lượt pha trình diễn của mình, nhờ có thời gian giải lao, tôi nán lại lâu hơn trong đó nên da tôi bắt đầu đẫm ướt mồ hôi! Buồn bã với lấy chiếc khăn tắm sặc sỡ và lúc đó tôi tự hỏi chính bản thân mình liệu ‘cái đó’ có đỡ hơn chiếc áo đầm của tôi không, tôi cố gắng quấn chiếc khăn đó quanh mình theo kiểu sari (áo quần của phụ nữ Hinđu). Tất nhiên lúc đó tôi trông có vẻ duyên dáng và nổi bật lắm, nhưng tôi biết điều đó chẳng nghĩa lý gì và tôi miễn cưỡng chấp nhận mình nổi bật với chiếc khăn choàng sặc sỡ kia, tay cầm chiếc váy xô. Tôi gặp một người ăn vận cực kỳ sang trọng khen tôi rất chân thành, ‘Chị Jill ơi, trông chị xinh xắn làm sao!’ Chị ấy đã tập trung mọi sự chú ý của một phụ nữ để ngắm nhìn tôi. “Chỉ là đồ rẻ tiền thôi mà.” Tôi thì thào như thể vừa bị bắt quả tang ăn cắp ở cửa hàng vậy. Tôi không cần phải nói như thế, nhưng
  • 14. dù sao tôi cũng đã nói rồi. Tại sao mình lại làm như vậy ? Tôi giận dữ hỏi chính mình. Tại sao tôi không thể mỉm cười và nói ‘cảm ơn’ vì đó là một cái váy đẹp và rất duyên dáng như tất cả những cái áo khác , không phải chỉ bởi đắt tiền . Tất nhiên tôi biết trong lòng mình, phản ứng của tôi là sự thú tội với những phụ nữ khác rằng do vẻ bề ngoài của mình nên tôi cảm thấy hoàn toàn không xứng hợp với tất cả mọi người ở đó. Lúc ấy tôi chưa thấy rằng khi Đức Chúa Giê-xu đã đứng trước Phi-lát, Ngài mặc chiếc áo thô sơ đẹp đẽ của Ngài thay vì chiếc áo choàng La Mã. Lúc đó trông khác biệt đến làm sao! Trang phục của Ngài không ngăn cản người ta lắng nghe Ngài, điều đó là chắc chắn! Làm sao tôi vẫn còn tin rằng những người cực mốt kia chỉ sẽ lắng nghe tôi nếu tôi cũng ăn vận đồ cực mốt giống như họ? Tôi không hiểu tại sao mình không trở lại với những kỷ niệm trong những năm tháng đặc trách thanh niên và nhớ rằng tôi đã không mặc áo khoác và quần jeans để được lũ trẻ trên đường phố lắng nghe chính bản thân mình. Sau đó ít lâu Đức Chúa Trời làm một phép lạ trong lòng tôi qua lời của Ngài nhưng hầu như qua sự giúp đỡ thiết thực và khôi hài của Stuart. Chuyện đó xảy ra sau khi anh trìu mến thuyết phục tôi chấp nhận lời mời của một người cực mốt đến Washington để nói chuyện với những người cực mốt!… Tôi đã có thể thấy rằng ‘chỉ vì tôi là tôi’ có nghĩa là tôi đã hoàn toàn phù hợp với dịp tiện và cơ hội - bất kể tôi đang vận trang phục nào. Tất nhiên điều này không có nghĩa là bạn ăn mặc như một con cún, nhưng bạn trang phục làm sao cho thích hợp như có thể và đừng để cho tâm trí bạn bị vướng bận bởi những điều không cần thiết đó. Điều thật sự cần thiết là Đức Chúa Trời có thể bảo đảm cho tôi rằng tôi là người đáng yêu trong mắt Ngài, và điều đó giải quyết được tất cả.” Một ảnh tượng đẹp về chính mình phải tách rời với các vấn đề đặc thù . Một điều thú vị mà tôi vừa học bằng cách hỏi nhiều câu hỏi đó là vợ mục sư trong các Hội Thánh có khoảng dưới một trăm tín hữu dùng những từ hay những cụm từ trong câu trả lời của mình là khốn khổ , quá nhiều , muốn thoát khỏi , thất vọng với chính bản thân , bối rối , ngã lòng , buồn bã , lỗi lầm của tôi . Vợ các tôi tớ Chúa trong các Hội Thánh có số tín đồ trên một trăm dùng những từ hay những cụm từ như căng thẳng , thách thức , tốt , thử , muốn làm tốt hơn , hãy cho tôi kỹ năng , hãy giúp đỡ tôi cách thực tiễn . Vì thế tôi đi đến kết luận rằng giá trị của người lãnh đạo Cơ Đốc và vợ thường được bao bọc trong những điều đang xảy ra trong công việc của họ. Ví dụ như “Số lượng”. “Chúng ta phải làm một số điều sao cho có nhiều người đến nhóm”, họ nói với nhau. Đôi khi vợ mục sư đã chán nản tâm sự với tôi, “Có lẽ em là lý do khiến cho chúng em không tăng trưởng”. Có một sự chuyên chế về số lượng - trong việc đếm đầu người . Hiện tại tôi đang hầu việc Chúa tại một Hội Thánh lớn. Nhưng tôi không luôn luôn phục
  • 15. vụ trong các Hội Thánh lớn hay có nhiều tín hữu. Tôi là người Anh quốc. Đôi khi tôi đi năm mươi đến một trăm dặm để nói chuyện với mười hay hai mươi người trong Hội Thánh. Tôi đã làm điều đó trong nhiều năm, vì thế tôi biết rõ cái mình cần tiêu hao năng lượng để đạt được và cố không đếm quân số đang ở trước mặt mình. Điều đó có thể sẽ gây thất vọng. Khi tôi đi khắp thế giới và gặp gỡ những người vợ tôi tớ Chúa trong từng tình huống cụ thể tôi nhận thấy rằng nhiều người trong số họ đang bị khủng bố bởi quân số. Ví dụ như, có bao nhiêu người đến tham dự nhóm phụ nữ. Nhưng sự giúp đỡ lớn nhất đối với tôi là tôi có hai cô con dâu là vợ người hầu việc Chúa. Hiện tại chúng là niềm vui, nguồn giúp đỡ và cảm hứng của tôi. Cá nhân tôi đang quan sát và lắng nghe hai cô con gái của mình, những người có thể sẽ là những đại diện rất tốt cho phần lớn những tình huống của vợ người hầu việc Chúa. Tôi được dạy dỗ rất nhiều từ nơi hai con của mình, nhưng chúng cũng đang tranh chiến với những cái tôi đã từng tranh chiến - ví dụ như vấn đề số lượng chẳng hạn. Khi con trai lớn của chúng tôi, Dave, lần đầu nói với tôi rằng cháu đang hầu việc Chúa với một Hội Thánh nhỏ tại Menominee, phía trên của bán đảo Michigan (cách Bắc Cực một dặm, xa quá!), tôi nói, “Menominee là ở đâu hả con, Dave?” “Đó là một thành phố nhỏ và hiện tại nền kinh tế ở đó đang suy sụp, mẹ ạ”, cháu trả lời. “Các nhà máy đóng tàu đang gặp rắc rối, và có rất nhiều người đang dời đi chỗ khác. Nhưng đó cũng là một vùng ngoại ô thành phố tuyệt đẹp”. Đó là câu chuyện của bốn năm về trước. Lúc đó chúng tôi gọi điện thoại cho cháu và tôi nói: “Công việc dạo này thế nào hở Dave? Mọi sự tiến triển như thế nào rồi?” Và cháu trả lời: “Mẹ à, Chúa Nhật Hội Thánh con có nhiều người dự nhóm lắm”. Tôi nói: “Dave, mẹ không hỏi Hội Thánh có bao nhiêu người dự nhóm. Mẹ hỏi, Hội Thánh phát triển thế nào?” Số lượng là điều mà một mục sư trẻ dự định sẽ quan tâm đến rất nhiều. Trong thâm tâm Dave, giá trị và khả năng của cháu với tư cách là một mục sư dường như đang bị đe doạ, phụ thuộc vào số lượng người dự nhóm tại Hội Thánh. Tôi nhớ chồng tôi đã nói rất khéo với cháu rằng: “Dave, khi con suy nghĩ đến sự phát triển Hội Thánh trong khu vực như khu vực của con, thì duy trì có nghĩa là phát triển”. Và điều đó đã giúp cho Dave rất nhiều, vì đó là điểm mà cháu bắt đầu với cuộc sống vợ chồng trong nhiều năm - ở cấp độ duy trì. Cháu đã tập để quân số không ảnh hưởng cháu, và bây giờ Đức Chúa Trời đã dẫn dắt cả Hội Thánh ấy vào trong giai đoạn phát triển dưới sự lãnh đạo của cháu.
  • 16. Nếu bạn ở trong một khu vực mà tại đó công việc làm đang bị mất, và nửa số lão niên Hội Thánh dời đến Florida để nghỉ đông, hãy nhớ - “duy trì là phát triển”. Hãy dừng lại ở đó. “Cái này nữa, cũng sẽ qua thôi!” Vì thế, là vợ người hầu việc Chúa, bạn phải tách riêng quân số khỏi chính bạn và và chồng bạn. Số lượng không bao giờ phản ánh câu truyện hoàn chỉnh, và đôi khi một phần của câu chuyện nó phản ánh không liên hệ gì với lý do tại sao bạn lại ở chỗ đó. Áp chế của thành kiến và quan điểm . Tôi thường bị người ta hỏi rằng tôi cảm thấy như thế nào khi bị qui là “vợ mục sư”. Bản thân tôi không ngại gì cả, nhưng đây là vấn đề hết sức tế nhị đối với một số phụ nữ, và sự phản đối của họ là hoàn toàn hợp lý. Xét cho cùng, bạn không giới thiệu chung chung ai đó là “vợ người thu gom rác” hay “vợ kế toán công cộng”! Mặc dù uy tín của phụ nữ nói chung đã nâng cao rất nhiều trong vài thập niên gần đây, nhưng vẫn còn nhiều thành kiến và chủ nghĩa bá quyền nước lớn, đặc biệt trong Hội Thánh. Nó có khuynh hướng bộc lộ rất rõ giữa các Cơ Đốc Nhân. Bạn chỉ phải quyết định cách bạn sẽ đối diện với nó mà thôi. Làm vợ tôi tớ Chúa cho bạn một nền tảng để nêu gương những phản ứng tốt đẹp của mình khi người ta đối xử với bạn như một người lệ thuộc vào chồng - hay hoàn toàn làm ngơ với bạn! Hãy dùng nó như một cơ hội để bày tỏ một tinh thần khoan dung. Đối với mình, tôi cố gắng đón nhận tất cả những sỉ nhục như thể đó là những lời tán dương và không giữ chúng lại cho riêng mình. Được kêu gọi làm “vợ mục sư” hay “vợ giáo sĩ” dù sao cũng là một lời chúc mừng rồi. Điều đó cho chúng ta một danh hiệu trong ý nghĩa của điều họ cảm xúc về chúng ta. “Đây không phải chỉ là một bà vợ già. Đây là vợ của mục sư chúng tôi.” Hãy cố giữ đừng để điều đó làm cho bạn thất vọng. Đối với một số người điều đó thật sự là một danh hiệu vinh dự. Có thể họ sẽ không ngừng suy nghĩ rằng bạn có danh hiệu và một đặc tính khác với chồng. Một số người trong những người đó đã sống theo văn hóa của Hội Thánh nơi mà có thể đặc tính riêng của họ không được xem trọng, và họ chỉ nhìn thấy bạn qua màng lọc văn hóa ấy mà thôi. Nhưng cũng có khuôn mẫu trong tâm trí con người về điều mà vợ mục sư phải được gọi và họ phải ứng xử như thế nào, phải ăn mặc ra sao, phải như thế nào. Bạn có thể nhẹ nhàng phá vỡ khuôn mẫu đó bằng cách luôn là một người mẫu mực và tuyệt vời. Có thể bạn sẽ gặp chống đối, ví dụ như người ta sẽ nói rằng, “Chị biết đấy, chị vừa mới nói điều này. Tôi biết bởi vì…” Có thể họ không ý thức được mức độ mà danh hiệu khiến bạn cảm xúc. Hầu như họ không cố tình gây tổn hại cho bạn. Có những danh hiệu, và có những quan điểm, và một số những quan điểm đó rất mạnh mẽ có ảnh hưởng rất lớn trong nhóm chức vụ. Tôi sẽ đề cập đến
  • 17. nhiều hơn trong đề tài mong đợi và chỉ trích trong chương 8. Bây giờ, hãy cố gắng nhìn vào cái bạn cần phải tách riêng khỏi hình ảnh của mình. Và hãy tập trau dồi những điều ảnh hưởng đến cách bạn nhìn chính mình. Hãy tập nói -mỗi ngày - “Chỉ vì tôi là tôi” - Tôi chính là người dành cho chồng tôi và cho những điều Đức Chúa Trời đã hoạch định! Lạy Chúa , Ngài là sự giúp đỡ của chúng con trải qua các thời đại , Hy vọng của chúng con trong những năm hầu đến , Nơi ẩn náu của chúng con trong gió bão , Và là nhà đời đời của chúng con . - Isaac Watts Thách Thứchay Ràng Buộc? CÓ BAO NHIÊU DÒNG SÔNG BẠN NGHĨ là KHÔNG THỂ VƯỢT QUA? CÓ BAO NHIÊU NGỌN NÚI BẠN KHÔNG THỂ XUYÊN QUA? ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ THỂ LÀM NHỮNG ĐIỀU KHÔNG THỂ, VÀ NGÀI CÓ THỂ LÀM NHỮNG ĐIỀU MÀ KHÔNG MỘT THẾ LỰC NÀO KHÁC CÓ THỂ. - CORRIE TEN BOOM Một sinh viên hội thảo nói với tôi rằng: “Bà biết không, tôi kết hôn với một nha sĩ. Sau đó anh quyết định đi vào chức vụ, và chuyện đó tốt thôi. Tôi ở bên cạnh anh ấy và tôi cùng bước đi với anh. Tôi có công việc của riêng mình, nghề nghiệp của cá nhân tôi, và sự thay đổi kia không gây ảnh hưởng gì đến nó; Tôi cứ nghĩ như vậy. Nhưng anh không cần phải mong muốn tôi dành tất cả thời gian rãnh rỗi của mình cho nhà thờ. Sau hết, tôi không dành tất cả thời gian rãnh rỗi của mình cho phòng nha khoa”. Tôi có thể hiểu được cảm xúc của chị ấy, nhưng tôi cũng biết rằng chị và chồng trong những hoàn cảnh khó khăn phải sát cánh bên nhau. Chúng ta nói về sự khác biệt giữa chức vụ và những thiên hướng khác, bởi vì dù cho bạn dành thời gian ở phòng nha khoa hay phòng mạch đều là không thích hợp. Chức vụ có những yếu tố thuộc cùng một phạm trù và nếu chúng ta biết về điều đó trước khi chúng ta bước vào chức vụ, chúng ta có thể tránh cho mình rất nhiều phiền muộn. Những thách thức của chức vụ Công việc chăn dắt người khác có những thách thức cụ thể. Hai vấn đề rất quan trọng là thời gian và năng lực cảm xúc . Thứ nhất, chức vụ là công việc
  • 18. bạn làm vào ban đêm. Tôi không hiểu làm thể nào hai vợ chồng cùng đi đến trường thần học với nhau nhưng không nắm rõ vấn đề này. Nhưng tôi biết rằng một khi bạn ra trường và bước vào chức vụ, những căng thẳng và những khó khăn giữa hai vợ chồng phát sinh, thường bởi vì chiều tối người vợ phải ở nhà một mình. Tôi hay nghe câu này: “Tối nào ông ấy cũng vắng nhà cả”. “Chứ chị mong đợi điều gì?”, tôi hỏi. “Thế thì chị đang làm việc với những người tình nguyện - với những người làm việc bán thời gian. Khi nào họ đến gặp chồng chị? Ban đêm. Như vậy bản chất công việc đòi hỏi một lượng lớn công việc phải được thực hiện vào ban đêm”. Có thể bạn sẽ rất nản lòng về điều đó, và những căng thẳng có thể được thể hiện trong những thái độ tiêu cực đối với Hội thánh, đối với những người đang giữ chồng bạn khỏi bạn và gia đình. Cuối cùng, bạn sẽ có thể dễ nổi cáu với những yêu cầu như thế. Tôi nghe những phụ nữ trẻ nói rằng: “Chúng tôi cần anh ấy ở nhà lúc 6 -7 giờ tối để dỗ mấy đứa nhỏ ngủ”. Hay: “Vì anh ấy là mục sư, có thể một đêm hay thậm chí hai đêm trong tuần thì chấp nhận được, nhưng hoàn toàn không hơn được nữa”. Là vợ người hầu việc Chúa, chúng ta cần phải rất linh động. Có một số điều rất cụ thể đi kèm với việc được kêu gọi vào trong mối quan hệ cộng tác Cơ Đốc, và một trong số đó là thời gian biểu phải thường xuyên được chỉnh sửa. Những ưu tiên cần phải thường xuyên được đánh giá lại. Một thách thức đặc biệt đối với thiên hướng trong chức vụ là sự đầu tư cảm xúc cần thiết. Bạn sẽ kiệt quệ cảm xúc khi bạn ban tặng nó cho những người khác. Những nhà chuyên nghiệp như những nhà tâm lý học, những bác sĩ, giáo sư, và nhà tư vấn, cũng đầu tư cảm xúc rất nhiều vào những người họ phục vụ. Nhưng hầu hết những người chuyên nghiệp đó ban đêm về nhà, bỏ mặc thân chủ mình. Đối với họ, có ranh giới cách biệt giữa công việc và gia đình rất rõ ràng. Tôi biết nhiều người trong số họ đã làm ngoài giờ rất nhiều, và nhiều người quan tâm quá mức yêu cầu của công việc, nhưng công việc không “mong đợi” họ nhất định phải dành cả ngày lẫn đêm hay mọi thời gian cho công việc. Chức vụ thì có “mong đợi” đấy. Tại sao? Lý do Hội Thánh là gia đình. Những mối quan hệ của bạn ít cố định hoặc cố định hơn. Tôi sẽ làm sáng tỏ điều này. Như Đức Chúa Trời đã hoạch định, những người mà vì họ bạn bước vào chức vụ là một phần cố định trong cuộc sống của chính bạn, như những thành viên trong gia đình thuộc linh. Bạn sẽ không bao giờ hoàn toàn lìa khỏi họ. Bạn có thể đi nghỉ, và đặt một khoảng cách nhỏ giữa bạn với họ, đi xa để giũ sạch khỏi tâm trí và tấm lòng mình, nhưng cho đến khi bạn chuyển sang chức vụ trọn thời gian, những người đó vẫn xem mình có quan hệ gần gũi với bạn. Trong tâm trí họ gia đình của chính bạn chỉ là một phần nhỏ trong đại gia đình bạn đang thuộc về.
  • 19. Trước khi bạn trở nên quá thất vọng đối với điều này và quyết định rằng chức vụ không dành cho bạn, hay bạn không biết liệu mình có thể thích gia đình mà Đức Chúa Trời đã sắp đặt trên bạn, hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời hứa với bạn rằng sức lực Ngài sẽ luôn phù hợp với bất kỳ trách nhiệm nào, bất kể áp lực công việc lớn thế nào. Ngài phán: “Đấng đã gọi anh em là thành tín, chính Ngài sẽ làm việc đó” (ITe1Tx 5:24), và Ngài khích lệ Phao- lô qua lời phán: “sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối” (IICo 2Cr 12:9-10). Phao-lô nói thêm rằng: “Vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ”. Sự thành tín của Đức Chúa Trời sẽ an ủi nâng đỡ bạn trong những lúc vui sướng nhất cũng như lúc đau buồn nhất trong chức vụ của bạn. Ngài sẽ không bao giờ lìa khỏi bạn. Đôi khi tôi suy nghĩ Ngài muốn chúng ta cảm thấy không xứng đáng ngõ hầu Ngài có thể chỉ cho chúng ta thấy Ngài vững chãi và mạnh mẽ đến dường bao. Một trong những tình huống Ngài đã dùng hầu hết trong cuộc đời tôi để giữ tôi luôn sống lệ thuộc Ngài là “thay đổi”, và luôn có rất nhiều tình huống như vậy trong chức vụ. Thay đổi: Tốt quá, sợ quá! Chồng tôi và tôi thường đi đó đây với nhau. Ngay khi chúng tôi nhận phòng khách sạn, tôi bận bịu với việc sắp xếp quần áo vào trong ngăn tủ của khách sạn. “Em đang làm gì vậy?”, Stuart hỏi. “Chúng ta chỉ ở đây một đêm thôi”. “Em chỉ đang làm tổ thôi mà; rồi em sẽ có thể sẵn sàng để đương đầu với một ngày mới”, tôi nói với anh ấy. Một số chị em đương đầu với một cái tổ trống, tôi đang đương đầu với một cái tổ di động! Sự thay đổi làm gián đoạn thói quen làm tổ của tôi, xâm nhập vào sự thoải mái của tôi. Nói đến từ thay đổi là tôi lạnh cả người. Chúng ta, vợ người hầu việc Chúa, khó tránh khỏi những sai sót. Tôi đã tập sống gương mẫu - ở bất cứ nơi nào - bằng cách làm ra vẻ như tôi sẽ mãi mãi gắn bó với cương vị đó vậy. Nếu không tôi sẽ không bao giờ gắn bó với dự án mới, hay đầu tư chính mình vào đời sống của một ai, hay đóng góp sức mình cho nhóm một cách không vui vẻ. Những năm tháng liên tục thay đổi, tôi phải thừa nhận rằng mình đã tìm thấy một số những lợi ích. Thay đổi có thể là sự khuyến khích rất lớn cho sự tăng trưởng tâm linh. Thay đổi đem lại kinh nghiệm cho cuộc sống mới với những cơ hội khám phá và sử dụng những kỹ năng cá nhân. Thay đổi thách thức chúng ta. Tất cả chúng ta cần có một cái gì đó để kéo chúng ta ra khỏi chu trình thường nhật - mà ai đó đã nói rằng “chỉ là một quan tài có nắp bật!” Nhờ sự thay đổi chúng ta có một khởi đầu mới, một trang giấy sạch, một cơ
  • 20. hội để làm lại. Hy vọng đó đổi mới chúng ta. Ấy là một cơ hội để làm điều đó ngay lúc này. Một lý do khác nữa là chúng ta cần phải nhiệt tình trong việc hưởng ứng với sự thay đổi đó là nêu gương những phản ứng đối với mối thông công Cơ Đốc, đặc biệt trong cộng đồng phụ nữ. Phụ nữ nói chung và các nhóm phụ nữ nói riêng thích làm những việc mình thường hay làm. Câu tôi ưa thích đó là: “Từ nay cho đến đời đời, A-men”. Tôi nghĩ rằng những nhân cách khó tính hơn sẽ nổi lên trong Hội Thánh khi bạn cố gắng tiến hành thay đổi vì bất kỳ lý do nào khác. Tôi nghe kể có một Hội Thánh sa thải mục sư của mình vì ông ấy cố thay đổi nhiều việc. Vị mục sư sắp đến chú ý điều này và khi ông muốn đổi vị trí cây đàn piano từ phía bên trái sang phía bên phải bục giảng đã khôn ngoan dời mỗi tháng ba tấc! Lần này Hội Thánh không có sự chia rẽ! Tôi không biết liệu câu chuyện đó có thật không, nhưng tôi biết bạn phải dời cây đàn piano mỗi tháng ba tấc (xét cho cùng, chuyện đâu vẫn còn có đó) và không nên cố giải quyết vấn đề trong một sớm một chiều. Bạn phải dẫn dắt dân sự đi ở tốc độ mà họ sẵn lòng đi. Hơn nữa, nếu bạn có thể thấy rằng sự thay đổi đó có thể thay đổi chúng ta khi chúng ta tiến hành, có thể sự nêu gương của chúng ta sẽ trở nên ích lợi khi những thay đổi tập thể trong mối thông công cần phải được thực hiện. Băn khoăn lo lắng có thể là lĩnh vực khó khăn nhất trong của sự thay đổi, nhưng mỗi suy nghĩ lo lắng cho chúng ta cơ hội tin cậy Chúa cách mới mẻ hơn. Thay đổi buộc chúng ta phải lượng giá đời sống mình. Tôi đã từng ở đâu , tôi đang ở đâu và tôi đang đi đâu ? Vì thế nếu chúng ta nhìn chức vụ như là điều luôn thay đổi - cho rằng dân sự là công việc của chúng ta là một sự thật hiển nhiên - thì chúng ta có thể tích cực tiến về phía trước hơn là lùi ra sau để rơi vào những suy nghĩ tiêu cực. Tôi đã nhận thấy rằng không gì gây buồn chán cho tôi nhanh bằng nỗi lo lắng và sợ thay đổi. Khi tiếp cận với sự thay đổi cách tiêu cực, tôi đang đi ngược lại với sự sinh tồn của bản thân. Lo lắng không bao giờ cướp đi những đau khổ của ngày mai , nó chỉ làm cạn kiệt sức lực của hôm nay mà thôi . - Corrie Ten Boom Có nhiều ngày vợ người hầu việc Chúa đơn giản chỉ quyết định để sinh tồn. Nếu bạn cự tuyệt quá lâu, bạn chỉ có thể suy sụp mà thôi. Có thể bạn sẽ suy nghĩ rằng tôi đang quá bi quan khi nói như vậy về tất cả chúng ta, những người đang ở trong chức vụ. Nhưng tôi biết rất nhiều về những phụ nữ đang tranh đấu với “nỗi kinh khiếp” đối với điều mà Đức
  • 21. Chúa Trời yêu cầu ở họ trong một tình huống mới. Một số người sẽ nói: “Chị Jill này, đó không phải là điều Đức Chúa Trời yêu cầu ở tôi, điều đang làm hao mòn sức lực của tôi, nhưng đó là điều mà Hội Thánh nghĩ rằng Đức Chúa Trời yêu cầu nơi tôi”. Tôi cũng biết các chị em phụ nữ đang mang tâm trạng nặng nề bởi vai trò của họ là vợ người hầu việc Chúa và đang trong tình trạng sống còn . Một khi bạn đã giải phóng chính mình khỏi những mong đợi nặng trĩu mà mình không định gánh vác, bạn sẽ tìm thấy năng lực để chấp nhận thay đổi và sống tích cực hơn. Trong chương sau, chúng ta sẽ nói về những mong đợi, những gánh nặng phải mang hay không phải mang, và sự cân bằng. Nếu những gì bạn đã đọc trong sách này từ đầu đến giờ làm bạn hoảng sợ thì xin đừng dừng lại ở đây. Chúng ta phải đối diện với những điều gây sợ hãi trước. Chúng ta phải hiểu được cuộc sống mình thật sự như thế nào, và những vấn đề nào liên quan trong việc trở nên vợ người hầu việc Chúa. Tôi đang giữ lại tin tức tốt lành nhất để nói sau cùng, vì thế bạn đừng nên thất vọng. Tìm kiếm một khuôn mẫu theo Thánh Kinh: Phi-e-rơ và vợ Tôi nhìn vào Kinh Thánh, cố tìm một đôi vợ chồng để dùng làm khuôn mẫu của mối thông công gia đình hầu việc Chúa bền vững, bởi vì tôi thích dùng ví dụ. Nhưng đôi vợ chồng này rất khó tìm. Trong sách Sáng Thế Ký, có A- đam và Ê-va. Nhưng thật sự bạn không thể dùng họ - hãy nhìn xem công việc gia đình họ đổ vỡ thế nào! Tiếp theo bạn hãy nhìn vào gia đình Giô-sép và nhận thấy rằng những người anh đã ném em mình xuống hố. Có phải do một chút ghen tị và sự thiên vị trong cách đối xử của cha mẹ? Tốt hơn không nên dùng gương mẫu đó! Ngay cả khi bạn đọc kỹ Kinh Thánh Tân Ước thì bạn cũng rất khó tìm thấy một đôi vợ chồng mà chúng ta có thể liên hệ, người mà chúng ta có thể đem vào thế kỷ 21 và nói: “Được thôi, chúng ta hãy xem mình có thể học được điều gì”. Nhưng, nghiên cứu góc cạnh của câu Kinh Thánh, vốn là thói quen của mình, tôi thấy một người phụ nữ đang đứng trong bóng tối: vợ của Phi- e-rơ. Bạn đang suy nghĩ: Ai vậy ? Ông ấy có vợ à ? Đúng, Phi-e-rơ có vợ. Và như tôi đã nghiên cứu trong IPhi-e-rơ 3 theo tinh thần này, tôi nhận thấy rằng những phần của thư tín mà ông đang viết toàn là về hôn nhân - có lẽ rải rác nhắm vào một đôi vợ chồng trẻ. Một số phụ nữ đã trở nên những tín hữu và muốn học biết cách chinh phục người đàn ông của mình cho Đấng Christ. Có thể hôn nhân là vấn đề thực tiễn cho những người kết hôn với tín đồ. Có những khó khăn và vấn nạn liên quan đến những ngày tháng nguy hiểm khi sống chung với nhau, và cuối cùng, viễn cảnh hôn nhân lúc đó trong bối
  • 22. cảnh văn hóa trần tục không còn hoàn toàn phù hợp với Cơ Đốc giáo. Phải cần đến một số chỉ dẫn và giải thích. Khi nói chuyện, mục sư thường kể về những kinh nghiệm của bản thân mình, kinh nghiệm tốt hoặc kinh nghiệm xấu. Tôi không thể tin được rằng Phi-e-rơ đã viết IPhi-e-rơ 3 mà không suy nghĩ về bản thân và vợ mình. Tôi không nghĩ rằng bạn có thể chia sẻ về mối thông công trong hôn nhân mà không thực hành điều đó. Và vì thế tôi đọc IPhi 1Pr 3:1-7 và những câu Kinh Thánh tương ứng trong đoạn 4 và suy nghĩ về những điều đó. Phải chăng Phi-e-rơ rút ra bài học từ kinh nghiệm của chính mình với vợ? Đó là sự suy đoán, nhưng tôi cho rằng nhiều điều trong lời ông nói đã được thực hiện trong mối quan hệ hôn nhân của chính ông. Điều đó cho tôi sự tiếp cận rõ ràng đối với phần Kinh Thánh này, và từ phần chia sẻ đó tôi đã học hỏi được rất nhiều và tôi đã chia sẻ cho rất nhiều người chồng và người vợ đang trong chức vụ. Vì thế chúng ta biết rằng Phi-e-rơ là một môn đồ của Chúa Giê-xu, và chúng ta biết rằng ông có vợ. Nhưng một người vợ như thế nào? Một bình luận phụ thêm của sứ đồ Phao-lô cho chúng ta manh mối rằng bà ấy cũng là một môn đồ. Phao-lô, khi đối diện với sự chỉ trích mà ông đang nhận lãnh, bào chữa cho địa vị của ông. Ông đang nhìn vào các sứ đồ đang bước đi trên con đường chức vụ, và nói với những người buộc tội ông rằng: “Tôi có quyền cưới cho mình một người vợ tin kính như Phi-e-rơ và các sứ đồ khác, nhưng tôi chẳng từng dùng quyền ấy. Tôi chịu mọi sự hầu cho khỏi làm ngăn trở Tin Lành của Đấng Christ” (ICo1Cr 9:3-6, diễn nghĩa). Đây là bằng chứng rất rõ ràng chứng tỏ cả Phi-e-rơ và vợ ông đều là những tín đồ tận hiến cho Chúa, là những người cùng đi đó đây với nhau và cùng trong chức vụ. Có thể chúng ta tự hỏi,Vậy thì Phi-e-rơ và vợ ông có liên quan gì đến chúg ta nhỉ ? Chuyện đó xảy ra cách đây quá lâu rồi . Nhưng mọi sự đó đều liên quan đến chúng ta, vì Phi-e-rơ và vợ cùng ở trong chức vụ, và bởi vì Phi-e- rơ đã đề cập đến vợ chồng trong thư tín của mình khá rõ ràng. Ông là nhà lãnh đạo thuộc linh cấp cao trong Hội Thánh. Ông bị bắt bớ, bỏ tù, được Thánh Linh ban quyền năng, và đã dùng quyền năng ấy cách mạnh mẽ trong việc rao truyền Tin Lành. Ngay từ đầu lúc ông mời về nhà một người thầy giảng Tin Lành đó đây tên Giê-xu, người mà vợ Phi-e-rơ đã mời dùng bữa và chứng kiến sự chữa lành cho bà gia ngay tại chỗ, chúng ta biết rằng người phụ nữ này đang ở trung tâm của chức vụ. Có một cơ hội tốt đẹp đó là vợ của Phi-e-rơ đã làm một “bà góa trong chức vụ” trong một khoảng thời gian, có thể khoảng ba năm. Không có bằng chứng nào chứng tỏ rằng bà cùng đi với các môn đồ trong suốt ba năm chức vụ của Chúa Giê-xu trên đất. Có thể bà đã gặp gỡ chồng mình khi những chuyến đi của đoàn đem họ đến gần với nhau. Có thể bà chỉ theo đoàn người
  • 23. khi có thể, cố hết sức để tìm hiểu xem những gì đang xảy ra với chồng. Tôi chắc rằng những năm đó là cú sốc đối với bà, người phụ nữ này đã nhiều năm là vợ của một ngư dân bình thường, một phụ nữ Ga-li-lê giản dị hiền lành. Những bản sao hiện đại có thể được tìm thấy trong cuốn First Ladies of the Parish : Historical Portraits of Pastor’ Wives của Ruth Tucker (tạm dịch Những Tấm Gương Vợ Người Hầu Việc Chúa Trong Lịch Sử ), cho chúng ta thấy được vợ của những nhân vật nổi tiếng như Luther, Calvin, Wesley, và Spurgeon. “Người ta thường hay cho rằng vợ của những mục sư đa tài được ca ngợi nên có một người vợ ngang tài với mình” (trang 150). Catherine Marshall viết: “Tôi không cách nào đo lường được tiêu chuẩn ấy” (trang 151). Catherine tìm kiếm chỗ thích hợp cho mình. “Ở tuổi 23 cô thiếu nữ vốn thường hay sử dụng cầu thang sau nhà để tránh gặp mặt với người khác, nay phải liên tục làm người chủ trong các lãnh vực giao tế xã hội tại một trong những Hội Thánh lớn nhất của khu trung tâm thành phố Washington. Cô nhanh chóng nhận ra rằng những mong đợi của cô đối với vai trò đó vượt xa khả năng thành tựu của cô” (trang 150). Người nào tự nhiên e thẹn như Catherine sẽ cần phải tin cậy nơi Chúa là Đấng kết hợp cách hoàn hảo những đôi vợ chồng trong chức vụ để phù hợp với công việc Ngài giao phó. Tôi tin chắc rằng giai đoạn không cân xứng và cô đơn này không nằm trong nhật ký công tác của vợ Phi-e-rơ khi bà kết hôn với ông. Nhưng một ngày kia Chúa Giê-xu bước vào trong cuộc đời của bà và dắt chồng đi khỏi bà trong ba năm, và bà đã phải điều chỉnh để thích ứng với một thế giới hoàn toàn mới. Có lẽ bà đã có một bầy con để trông nom. Tôi tự hỏi điều gì đã xảy ra cho thu nhập của bà trong khoảng thời gian ba năm đó? Có phải bà và các con dời về nhà ngoại ở cho đến khi - khi bà con thân thích biết chắc - chồng bà thật sự ý thức được điều đó? Bà có sống với những lời chế giễu nhạo báng của gia đình và láng giềng không? Bạn có thể hình dung ra sự bất ổn của bà ấy không? Đây là một phụ nữ biết được ý nghĩa của sự thay đổi và ý thức được thế giới của mình đã đảo lộn như thế nào. Có lẽ điều duy nhất có thể giúp đỡ là ký ức về Chúa Giê-xu trong gia đình bà, đó là chữa lành đoàn người trước cửa nhà bà, rao giảng những lời khích lệ mà chưa ai từng được nghe. Có phải bà đã không chứng kiến mẹ mình ngay lập tức được chữa lành khỏi những cơn sốt không? Tôi tin rằng những ký ức đó về chính Chúa Giê- xu - chính điều này đã hình thành đức tin nơi bà - là điều duy nhất mà vợ của Phi-e-rơ đã phải nương cậy vào trong những năm ấy. Dĩ nhiên bà biết tình yêu của Phi-e-rơ đối với mình, nhưng thậm chí trong một cuộc hôn nhân vững mạnh như thế mà người chồng rũ bỏ trách nhiệm và ra đi như thế cũng
  • 24. gây rối rắm không ít. Bất kỳ người vợ nào cũng cảm thấy bất an và tự hỏi tôi kết hôn với người đàn ông này để làm gì. Nhưng bà có ký ức của riêng mình về Chúa Giê-xu. Bà có đức tin nơi Con Đức Chúa Trời. Xuyên suốt phần còn lại của sách này, chúng ta sẽ nghiên cứu một số lời khuyên mà Phi-e-rơ đã nêu ra trong thư tín của mình. Chúng ta sẽ suy nghĩ về những căng thẳng và những áp lực xảy đến cho cuộc sống của những đôi vợ chồng hầu việc Chúa, đặc biệt là vợ người hầu việc Chúa. Và chúng ta sẽ thảo luận một số phương cách cơ bản mà các bạn có thể giải quyết những vấn đề tiêu cực và nhấn mạnh những vấn đề tích cực. Nếu bạn đọc được cuốn sách này vì đang bị tổn thương, không biết phải làm gì trong tình huống của bạn, hãy nhớ đến vợ của Phi-e-rơ. Bà là một trong những người tiên phong. Bà đã sống với nỗi đau đớn, nỗi cô đơn và sự bất ổn định. Nhưng bà đã có mối tương giao cá nhân với Chúa Giê-xu. Và bạn cũng vậy. Hãy uống cho thật no say tình yêu thương của Đức Chúa Trời , và tình yêu của vợ cùng con cái , của chồng và bạn hữu , bạn sẽ trở nên thánh khiết hơn , khỏe mạnh hơn , giản dị hơn và cao quí hơn . - Oswald Chambers Đấng Christ Là Đấng Cai Trị - Không Phải Là Khách CHÚNG TA THẢY ĐỀU LÀ CON NGƯỜI GIAN ÁC NẾU KHÔNG CÓ BÀN TAY ĐIỀU KHIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI. - WILLIAM WARD AYER BỤC GIẢNG LÀ NƠI HIỂM NGUY CHO BẤT KỲ NGƯỜI CON TRAI NÀO CỦA A-ĐAM. - JOHN STOTT Tôi sẽ thêm vào câu nói của John Stott rằng tư thất của mục sư là một nơi nguy hiểm cho bất kỳ người con gái nào của Ê-va. Ê-va đã dùng hay đã lạm dụng cơ hội của mình với A-đam trong trong tình huống dự liệu trước của Đức Chúa Trời, và bà đã không lựa chọn vâng lời và đầu phục ý chỉ tối cao của Đức Chúa Trời. Tôi đã khám phá ra rằng Ê-va đang sống trong tôi. Luôn có một thế lực ở bên trong bảo tôi làm theo ý riêng của mình thay vì làm theo điều Đức Chúa Trời đã kêu gọi tôi. Chức vụ cung cấp cho vợ người hầu việc Chúa cả cơ hội làm việc cho đến khi kiệt sức mới thôi lẫn cơ hội lựa chọn thoát ra khỏi tất cả những trách nhiệm, và đặt bản thân và gia đình lên hàng đầu. Một số vợ của người hầu việc Chúa mà tôi đã gặp thì liên hệ với
  • 25. Hội Thánh như vợ của những tín đồ bình thường hơn là hiện tại họ đang là những người vợ của các tôi tớ Chúa trọn thời gian. Tôi thường hỏi họ câu hỏi: “Chị sẽ làm gì nếu chị không làm vợ mục sư? Hay chị sẽ làm công việc gì trong Hội Thánh nếu chị kết hôn với một tín đồ bình thường? Nếu chị nghĩ bản thân mình đang phụ thuộc vào Hội Thánh của những tín hữu này như là một tín đồ tin kính Chúa, chị nghĩ mình sẽ làm gì?” Tôi hỏi câu hỏi này bởi vì tôi tin rằng chúng ta không cần phải ngưng những việc chúng ta đang làm bởi vì chúng ta kết hôn, hay ít ra chúng ta không nên nếu chúng ta là những tín hữu. Phi-e-rơ nói về vấn đề cùng hưởng phước sự sống (IPhi 1Pr 3:7). Và trong phần Kinh Thánh khác chúng ta học biết rằng chúng ta là những kẻ đồng kế tự với Đấng Christ. Mối tương giao cá nhân của chúng ta với Christ không thể bị sa sút nếu chúng ta kết hôn; mà nên được cải tiến. Nói cách khác, chúng ta bước đi lên với Chúa. Phải, nếu bạn nên một với chồng, và bạn có đặc ân lớn lao khi được kết hôn với người nam mà Đức Chúa Trời đã lựa chọn cách đặc biệt để làm sứ mạng rất đặc biệt, nhưng điều đó không thừa nhận sự không tồn tại của bạn . Bạn không trở nên một ai cả, là người không có khả năng và tính cách. Hy vọng bạn đang trở nên giống Đấng Christ hơn mỗi ngày. Là một người vợ Cơ Đốc, điều đó nên là mục tiêu của bạn, dù bạn không kết hôn với người lãnh đạo Hội Thánh chăng nữa. Tôi tin rằng Phi-e-rơ và vợ ông đã nhấn mạnh mục tiêu trở nên giống Christ hơn và cùng nhau nỗ lực để đạt được điều đó. Họ là những người cùng nhau hưởng phước sự sống (xem IPhi-e-rơ 3). Đáng buồn thay, nhiều phụ nữ không nhìn chính mình theo cách này. Họ đã để cuộc sống mình - những ân tứ và chương trình của Đức Chúa Trời cho họ - bị chôn vùi bởi đặc tính mới của mình, thậm chí còn dùng nó để giải phóng mình khỏi những buổi nhóm thờ phượng nữa. Thông thường khi tổ chức những cuộc hội nghị cho vợ người hầu việc Chúa, chúng tôi chia những chị em phụ nữ thành các nhóm nhỏ và cùng nhau thảo luận những vấn đề này. Thường thì một nửa số người vợ các tôi tớ Chúa phản đối câu “đồng là kẻ kế tự”. Họ nói với tôi: “Chị muốn nói gì khi cho rằng tôi được kêu gọi? Vâng, tôi là Cơ Đốc Nhân, nhưng tôi đang đứng ngoài cuộc và làm người lãnh đạo vui vẻ. Tôi sẽ là một người bạn đời biết nâng đỡ, nhưng tôi không được kêu gọi. Anh ấy được kêu gọi. Họ không thuê tôi. Họ thuê anh ấy.” “Đúng”, tôi đáp, “nhưng tôi tin rằng anh ấy đi đến chỗ phục vụ vì anh tin rằng Đức Chúa Trời đã ‘kêu gọi’ anh phục sự Ngài ở đó và không phải vì một nhóm người thuê anh. Thế nào là sự kêu gọi? Nếu chị là môn đồ sau đó cũng được kêu gọi để theo anh cùng hầu việc Ngài ”. “À, thế thì được”, chị đáp, “nhưng tôi không được kêu gọi như chồng tôi”. “Không, chính chị được kêu gọi cách cá nhân kia mà!”
  • 26. Điều tôi muốn nói từ “kêu gọi” theo ý nghĩa trách nhiệm thuộc linh của từng người chúng ta trước Chúa. Trách nhiệm của chúng ta là phục vụ trong tinh thần môn đệ. Trong vai trò và chức năng ở chỗ bạn nhận biết chính mình, sự kêu gọi của bạn phải được bày tỏ. Nhưng chắc chắn bạn đã được kêu gọi để hầu việc hay chăn bầy, nếu bạn xưng mình là môn đồ của Chúa Giê-xu. Bạn là một môn đồ dưới hình thức vợ người hầu việc Chúa, cũng như người khác là môn đồ của Chúa Giê-xu dưới hình thức là một người thợ máy hay giáo viên trường phổ thông. Những điều chúng ta làm, những công tác chúng ta thực hiện xếp hàng thứ yếu sau yếu tố con người chúng ta trong Christ như thế nào. Điều chúng tôi yêu thích đó là chúng tôi sẽ trở nên tương đồng với nhau - Bernard of Clairvaux Chúa Giê-xu là ai đối với bạn? Có một câu chuyện trong Giăng 2 kể về Chúa Giê-xu đi dự tiệc cưới tại xứ Ca-na. Bạn biết câu chuyện - Ngài là khách mời, và Ngài đã đến ngồi chung bàn với những người khách khác. Theo tục lệ, chủ tổ chức (“chủ nhà”, trong bản NIV) buổi tiệc ngồi giữa cô dâu và chú rể ở bàn đầu. Người này trông coi bữa tiệc; ông là người đưa ra những mệnh lệnh. Trong suốt bữa tiệc, một việc nghiêm trọng đã xảy ra - hết rượu. Thay vì đến với người trông coi bữa tiệc (người mà đáng ra họ nên đến với), các đầy tớ lại đến với Ma-ri. Họ nói: “Người ta không có rượu nữa”. Có lẽ họ đến với bà vì bà phụ trách phần thức ăn và rượu - tôi không biết. Họ không biết mình sẽ làm gì. Trong nền văn hoá thời đó sẽ rất khiếm nhã nếu nhà thiếu thức ăn hay thiếu rượu. Chắc chắn họ không tìm Chúa Giê-xu để xin Ngài làm phép lạ bởi vì Ngài chưa làm phép lạ nào. Nhưng sau đó, Ma-ri nói với những người giúp việc, họ đến gần Chúa Giê-xu và thưa với Ngài: “Người ta không có rượu nữa”. Chúa Giê-xu biểu họ rằng: “Hãy đổ nước đầy những ché này… Bây giờ hãy múc đi, đem cho kẻ coi tiệc” (GiGa 2:7-8). Và các đầy tớ đã vâng lời, mặc dù họ đã liều bằng cách làm theo những điều Ngài phán bảo. Dù họ biết họ đang bưng nước ra đãi tiệc, nhưng họ đã làm điều đó- và phép lạ đã xảy ra. Người coi tiệc rất đỗi ngạc nhiên và la lên rằng: “Mọi người đều đãi rượu ngon trước, sau khi người ta uống nhiều rồi, thì kế đến rượu vừa vừa. Còn ngươi, ngươi lại giữ rượu ngon đến bây giờ” (2:10). Chúa Giê-xu đã biến nước thành rượu khi Ngài đảm nhận đám tiệc và đưa ra mệnh lệnh. Hãy dùng câu truyện đó và dùng nó như một bức tranh hôn nhân trong chốc lát. Quá nhiều người tôi biết muốn Chúa Giê-xu làm khách trong tiệc cưới
  • 27. mình , nhưng họ không muốn Ngài làm chủ hôn của mình . Và tôi tin rằng cả hai người, đặc biệt trong chức vụ, phải đảm bảo rằng ChúaGiê-xu là Đấng chi phối hôn nhân của họ. Trước tiên Ngài phải kiểm soát đời sống họ cách cá nhân. Làm sao bạn biết liệu Ngài có phải là Đấng chủ tể hay không? Như Ma-ri nói với những đầy tớ trong câu chuyện: “Người biểu chi hãy vâng theo cả” (2:5). Còn bạn thì sao? Bạn có đang làm theo những điều Ngài đã dạy bảo bạn phải làm không? Bạn có vâng lời không? Ngài có phải là Đấng cai trị không? Khi Chúa Giê-xu không còn làm khách trong cuộc hôn nhân ấy, và trở thành người coi tiệc, Ngài đã biến nước thành rượu và Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng rượu đó ngon hơn hết thảy các loại rượu mà họ đã nếm qua. Cũng một thể ấy, tôi tin mối quan hệ hôn nhân trong chức vụ có thể trở nên thú vị lạ thường, hơn tất cả những điều đã từng xảy ra trước đó. Ngài, như Kinh Thánh nói, “đã giữ rượu ngon đến bây giờ”. Tất cả những vấn nạn đã được phô bày trong khảo sát của chúng ta sẽ không cần thiết nếu nguyên tắc của mối thông công Cơ Đốc là đúng, nếu Đức Chúa Trời là Chúa trong cuộc sống của riêng bạn, nếu Đức Chúa Trời là Đấng kiểm soát mối quan hệ của bạn với chồng. Hôn nhân hạnh phúc không phải là hợp đồng giữa hai người mà là giao ước thánh giữa ba người . Đấng Christ thường không bao giờ được mời đến dự tiệc cưới và thấy trong nhà không còn chỗ nào cho Ngài . - Donald T. Kauffman Ý nghĩa của sự dấn thân Khi Stuart và tôi đính hôn, chúng tôi muốn một chiếc nhẫn ba hột kim cương đính ở trên, không chỉ vì đó là chiếc nhẫn đính hôn tiêu biểu của người Châu Âu, mà đối với chúng tôi nó còn là biểu tượng. Chúng tôi nghĩ rằng Christ là hột chính giữa còn Stuart và tôi ở hai bên. Mỗi ngày tôi nhìn vào chiếc nhẫn đính hôn của mình và nhắc nhở chính mình tất cả những hột kim cương đó tượng trưng cho điều gì. Nó nhắc cho tôi một lần nữa rằng Đức Chúa Trời là Đấng Chủ Tể của hôn nhân chúng tôi. Và những góc cạnh của viên kim cương tượng trưng cho những phương diện của cuộc sống chung là điều tôi lưu ý để nhắc nhở chính mình, đặc biệt khi tôi là vợ người hầu việc Chúa. Tôi đã học biết rằng không cần phải có sự dấn thân trọn vẹn của mỗi người đối với Chúa và với nhau mới làm cho hôn nhân được kết quả - nhưng đó chính là sự giao kết của Đức Chúa Trời với chúng ta. Ngài là sợi dây thứ ba.
  • 28. Ngài luôn luôn làm trọn những việc Ngài đã hứa. Chúng ta có thể rồi sẽ tan đi và vội bội bạc, nhưng Ngài vẫn luôn thành tín. Một sợi dây bện ba tao lấy làm khó đứt . - TrGv 4:12 Vì thế Đức Chúa Trời phải ở giữa trung tâm của mối quan hệ hôn nhân của chúng ta. Chúng ta phải trông mong vào sự hiện diện của Ngài. Ngài là “dành cho” chúng ta. Thế thì chúng ta cần phải sống với sự thừa nhận rằng chúng ta cũng dấn thân vì chức vụ như chồng mình vậy. Nếu không, trọn thời gian chúng ta hầu việc Chúa sẽ là khoảng thời gian rất khổ sở đối với chúng ta. Chính từ sự dấn thân này - của anh ấy và của chúng ta - mà chúng ta có được niềm vui và sự sôi nổi đi kèm với chức vụ kết quả của chúng ta. Giô-suê nói: “Nhưng ta và nhà ta sẽ phục sự Đức Giê-hô-va” (Gios Gs 24:15 ). Câu Kinh Thánh ấy bắt đầu với từ “ta”: nhưng tôi , tôi sẽ phục sự Chúa. Rồi chồng tôi và tôi sẽ cùng nhau phục sự Ngài. Và các con tôi, sẽ không đứng bên lề, nhưng chúng sẽ làm phần công việc mình để cùng cộng tác với chúng tôi trong sứ mạng này - Chúa, chồng tôi, tôi, và các con. “Sự hiệp một của gia đình” đem đến sự hòa thuận cho cả nhà. Quá nhiều mối quan hệ gia đình không hoà thuận vì nhiều người vợ không ý thức được mục đích hay giá trị và họ cảm thấy rằng mình đang bị kéo lê ở sau đuôi của “sự kêu gọi” của chồng mình. Là một tín hữu, sự kêu gọi của bạn được bảo đảm. Nếu bạn đã kết hôn, thì Đức Chúa Trời hoạch định rằng các bạn sẽ cùng nhau khám phá những huyền nhiệm này: ân cần lắng nghe nhau, cầu nguyện với nhau, học tập và vâng phục lẫn nhau. Điều quan trọng là phải biết Chúa Giê-xu đang ở chỗ nào trong đời sống của chính bạn. Đó mới là vấn đề. Khi Christ đứng ở vị trí đầu tiên, những phương diện khác của những tranh đấu trong bạn sẽ thay đổi. Ví dụ như, chúng được đặt để trực tiếp trong sự quan phòng của Ngài. Bạn không cần phải đối diện với chúng với sức riêng của mình nữa. Bạn có một Bạn Hữu thiên thượng. Hãy xây dựng đức tin của bạn trên Đức Chúa Giêxu Christ . Bất kể có một trăm lẻ một điều gây áp lực cho bạn , hãy hoàn toàn cách ly với những điều đó và trông đợi Chúa . - Bà Charles E. Cowman Như Thế Nào Là Mở? PHẨM CHẤT CƠ BẢN CỦA NHÀ TRUYỀN GIÁO KHÔNG PHẢI LÀ TÌNH YÊU ĐỐI VỚI LINH HỒN,
  • 29. NHƯ CHÚNG TA THƯỜNG NGHE, NHƯNG LÀ TÌNH YÊU ĐỐI VỚI ĐẤNG CHRIST. - VANCE HAVNER ĐỐI VỚI TÔI TOÀN HẢO HƠN LỜI CA NGỢI, “BÀ TIẾP ĐÃI CHÁU TỬ TẾ QUÁ!” LÀ LỜI THÌ THẦM CỦA CHÁU GÁI MỚI NHẬN BIẾT CHÚA, “CẢM ƠN BÀ ĐÃ ĐÓN TIẾP CHÁU. ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ NGỰ TRỊ Ở ĐÂY, TRONG NGÔI NHÀ NÀY”. - KAREN BURTON MAINS Nếu chúng ta đang sắp bước vào chức vụ, chúng ta phải học biết rằng hôn nhân chúng ta không phải là hôn nhân của chúng ta. Nhà của chúng ta không phải là nhà của chúng ta.Tư thất của chúng ta không phải là tư thất của chúng ta (và tôi không ngụ ý rằng nó thuộc về Hội Thánh). Tất cả đều thuộc về Đức Chúa Trời. Những điều này thật khó nói, nhưng nếu bạn là vợ người hầu việc Chúa, ắt bạn đã khám phá ra rằng điều đó là thật. Hầu hết chúng ta đều học biết một cách khó khăn. Trở nên người tiếp đón Cách đây nhiều năm, sau khi tôi trở thành Cơ Đốc Nhân, tôi có đọc một cuốn sách, tác giả là một nhà truyền giáo, có tựa đề Have we no rights ? (tạm dịch là Có phải chúng ta không có quyền ?). Tôi rất vui là mình đã đọc nó trong những năm đầu mới bước đi với Chúa. Đó là một báu vật quí giá, được viết bởi một nhà truyền giáo dày dạn kinh nghiệm. Khi bà đi đến phần thừa nhận rằng mình có quyền - có quyền đối với sự riêng tư trong gia đình của chính mình, quyền ăn theo cách mình muốn, với những đồ dùng mình chọn, quyền làm tất cả những chuyện mình luôn làm. Nhưng Đức Chúa Trời bắt đầu liên hệ với bà cho đến khi bà đi đến điểm nói rằng: “Tôi không có quyền gì cả”. Và bây giờ bà ấy đã đổi khác! Điều đó đã gây ấn tượng cho tôi rất sâu sắc bởi vì tôi là người Anh, và nhà của người đàn ông Anh là lâu đài. Nếu bạn tranh đấu với những vấn đề riêng tư trong chức vụ, tôi thật sự hiểu được - bởi vì tôi được sanh ra với ý thức về sự riêng tư của một phụ nữ Anh. Tôi không “tự nhiên” vui vẻ hưởng ứng với “sự xâm phạm” vốn dĩ là một phần trong sự hầu việc Chúa. Và vì vậy đối với tôi, việc học cách tiếp nhận người khác trong danh Đức Chúa Giê-xu vào bất kỳ lúc nào, bất kể đêm hay ngày là điều thật sự rất khó. Nếu nhà chúng ta thuộc về Ngài, Chúa Giê-xu có trọn quyền mời tất cả mọi người Ngài thích vào nhà chúng ta. Và Chúa Giê-xu có một số người bạn kỳ quặc. Tôi bắt đầu ghi chú ngay rằng những người bạn của Chúa Giê-xu