SlideShare a Scribd company logo
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
NGUYỄN MINH NHẬT
THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN TỪ THỰC TIỄN
CỦA THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
LUẬN VĂN THẠC SĨ CHÍNH SÁCH CÔNG
ĐÀ NẴNG, năm 2019
VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
NGUYỄN MINH NHẬT
THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN TỪ THỰC TIỄN
CỦA THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Chuyên ngành: Chính sách công
Mã số: 834.04.02
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
TS. NGUYỄN BÌNH GIANG
HÀ NỘI, năm 2019
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng của tôi. Các
số liệu, tài liệu được trích dẫn trong luận văn theo nguồn đã công bố. Kết quả
nêu trong luận văn này là trung thực và chưa từng được công bố trong bất kỳ
công trình nào khác.
Tác giả
Nguyễn Minh Nhật
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ..........................................................................................................1
CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA CHÍNH
SÁCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN ........................................................9
1.1. Các khái niệm cơ sở...................................................................................9
1.2. Các yếu tố tác động tới việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường
biển..................................................................................................................19
CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG THỰC HIỆN VÀ TRIỂN KHAI
CHÍNH SÁCH MÔI TRƯỜNG BIỂN ĐÀ NẴNG ....................................28
2.1. Khái quát về môi trường biển ở Đà Nẵng................................................28
2.2. Thực trạng môi trường biển Đà Nẵng......................................................31
2.3. Chủ trương và chính sách bảo vệ môi trường biển của thành phố Đà
Nẵng ................................................................................................................36
2.4. Đánh giá việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển ở Đà Nẵng 51
CHƯƠNG 3. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG
NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH BẢO VỆ MÔI
TRƯỜNG BIỂN CỦA THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG .....................................60
3.1. Quan điểm và định hướng hoàn thiện chính sách bảo vệ môi trường .....60
3.2. Các giải pháp Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển của Thành
phố Đà Nẵng....................................................................................................63
KẾT LUẬN....................................................................................................77
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
BVMT Bảo vệ môi trường
CLB Câu lạc bộ
CNH, HĐH Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa
HĐND Hội đồng nhân dân
KCN Khu công nghiệp
MT Môi trường
QLNN Quản lí nhà nước
TNMT Tài nguyên môi trường
UBND Ủy ban nhân dân
DANH MỤC CÁC HÌNH
Hình 2.1. Sơ đồ Tổ chức Bộ máy quản lý Nhà nước về MT tại thành phố
Đà Nẵng...........................................................................................................46
Hình 2.2. Sơ đồ tổ chức bộ máy Sở Tài nguyên và môi trường Đà Nẵng
Chức năng và nhiệm vụ về lĩnh vực MT của Sở TNMT Đà Nẵng.................47
Hình 2.3. Sơ đồ tổ chức bộ máy của Chi cục Bảo vệ môi trường Thành phố
Đà Nẵng...........................................................................................................47
Hình 2.4. Sơ đồ cơ cấu bộ máy Chi Cục Biển và Hải đảo Thành phố Đà
Nẵng ................................................................................................................48
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Đà Nẵng là một trong số 28 thành phố ven biển của cả nước; một
thành miền Trung với 6/8 quận, huyện của thành phố tiếp giáp với biển, trong
đó có huyện đảo Hoàng Sa. Nhắc đến Đà Nẵng là nhắc đến thành phố đáng
sống nhất Việt Nam, một thành phố xinh đẹp mà vẫn giữ nét cổ kính hai bên
bờ sông Hàn. Với hơn 92km bờ biến, với nhiều bãi tắm đẹp lý tưởng như: Mỹ
Khê, Non Nước, Bắc Mỹ An, Nam Ô, Xuân Thiều.. Các bãi tắm ở Đà Nẵng
đều có bãi cát trắng, mực nước nông, có độ mặn vừa phải và quanh năm trong
xanh. Để khai thác lợi thế của đường bờ biển dài cùng những bãi biển hoàn
hảo, những năm gần đây Đà Nẵng đã nhanh chóng xây dựng chiến lược phát
triển kinh tế biển, trong đó, đặc biệt tập trung khai thác thế mạnh về du lịch và
ngành công nghiệp chế biến thủy sản. Với một vị trí đia lý đặc biệt cùng với
sự phát triển nhanh chóng về đô thị Đà Nẵng luôn là điểm đến du lịch hàng
đầu của các du khách trong và ngoài nước,
Tuy nhiên, Thành phố hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi
trường đáng báo động vì nhiều nguyên nhân. Toàn thành phố với 44 cửa cống
xả nước thải ra biển tính từ quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà,
Ngũ Hành Sơn. Tất cả hệ thống cống thoát này bao gồm cả cống xả và hệ
thống thu gom nước mưa và nước thải đều không được thiết kế để xử lý nước
trước khi chảy thải ra môi trường. Bên cạnh đó còn có một số tác động gây ô
nhiễm môi trường biển như: tốc độ gia tăng dân số ngày càng nhanh, nhu cầu
phát triển kinh tế ngày càng cao trong bối cảnh các nguồn tài nguyên đất liền
ngày càng cạn kiệt, càng đẩy mạnh khuynh hướng tiến ra biển, khai thác biển,
làm giàu từ biển.
Nhưng đi kèm với việc tăng cường khai thác tài nguyên biển lại là các
2
phương thức thiếu tính bền vững. Các hoạt động khai thác chủ yếu chỉ tập
trung vào các mục tiêu phát triển kinh tế để đạt được lợi nhuận tối đa, trong
khi xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường. trong nhiều trường hợp bị khai thác
quá mức, hệ sinh thái biển bị đe dọa nghiêm trọng, môi trường biển nhiều nơi
trở nên ô nhiễm đến mức báo động; chất lượng các nguồn nước suy giảm
mạnh; điều kiện vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo. Đặc biệt trong bối
cảnh tác động của biến đổi khí hậu với các biểu hiện chính là sự gia tăng mực
nước biển và nhiệt độ của trái đất tăng cao đang làm cho nhiều nguồn tài
nguyên biển bị khai thác cạn kiệt, … là những nguyên nhân làm ảnh hưởng
đến môi trường biển hay nói một cách khác Môi trường ven biển hiện nay
đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức, tác động không nhỏ đến
phát triển kinh tế - xã hội đất nước và bảo đảm nguồn sống cho người dân.
Hiện nay ô nhiễm môi trường biển đã là một vấn đề mà cả xã hội phải quan
tâm. Đặc biệt là những thành phố lớn như Đà Nẵng.
Một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường biển tại
Đà Nẵng là do việc thiếu chính sách bảo vệ môi trường biển và việc thực hiện
chính sách bảo vệ môi trường biển khi triển khai thực hiện còn nhiều bất cập
chưa phù hợp với thực tiễn.
2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài
Hiên nay bảo vệ môi trường biển là vấn đề được các cấp, các ngành,
các địa phương đều quan tâm; trong những năm qua, đã có rất nhiều nhà khoa
học trong và ngoài nước, tác giả viết bài trên các sách báo, tạp chí, bài luận
văn, đề tài khoa học đã nghiên cứu về bảo vệ môi trường (BVMT) biển và
chính sách bảo vệ môi trường biển. Tiêu biểu có các công trình sau:
2.1. Các công trình nghiên cứu về bảo vệ môi trường biển
- Công trình “Bảo vệ môi trường biển vấn đề và giải pháp” của tiến sĩ
Nguyễn Hồng Thao đề cập đến: Những vấn đề chung, có tính cấp thiết của
3
việc BVMT biển cùng những công ước quốc tế quan trọng liên quan đến vấn
đề này. Đề cập tình hình ÔNMT biển Việt Nam hiện nay, việc tổ chức phòng
chống, hạn chế ô nhiễm. Đặc biệt cuốn sách còn giới thiệu một số văn bản
luật quan trọng của Việt Nam về bảo vệ, phòng chống, ô nhiễm môi trường
biển.
- Cuốn sách “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo
vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Viện chiến
lược, chính sách TN&MT thực hiện. Cuốn sách làm rõ hơn về biển, về tiềm
năng, lợi thế và các tác động bất lợi từ biển; thúc đẩy khai thác, sử dụng các
nguồn tài nguyên thiên nhiên biển theo hướng bền vững; gìn giữ chất lượng
môi trường nước biển; duy trì chức năng sinh thái và năng suất sinh học của
các hệ sinh thái biển, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Biển Việt
Nam đến năm 2020, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
- Bài viết của TS Lê Thị Thanh Hà về Bảo vệ môi trường biển đảo ở
nước ta hiện nay đăng trên tạp chí Lý luận chính trị số 12/2015 đã chỉ ra vai
trò của biển đảo đối với sự sống của con người, thực trạng môi trường biển
đảo đang bị ô nhiễm ở Việt Nam hiện nay và một số giải pháp nhằm bảo vệ
môi trường biển, đảo ở nước ta hiện nay.
2.2. Các công trình nghiên cứu về bảo vệ môi trường biển của Đà
Nẵng
Bài viết: “Nghiên cứu khảo sát hiện trạng ăn mòn phá huỷ của các công
trình bê tông cốt thép và khả năng xâm thực của môi trường vùng ven biển
Thành phố Đà Nẵng” của tác giả Trương Hoài Chính, Trần Văn Quang,
Nguyễn Phan Phú - Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và tác giả Huỳnh
Quyền trường Đại học Bách khoa Hồ Chí Minh được đăng trong Tạp chí
Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng. Bài viết nhằm nêu ra cơ sở dữ
liệu để minh chứng cho khả năng xâm thực mạnh của môi trường ven biển Đà
4
Nẵng, là cơ sở cho việc đánh giá đưa ra những biện pháp, công nghệ phù hợp
nhằm bảo vệ chống ăn mòn xâm thực, nâng cao tuổi thọ cho các công trình
vùng ven biển Đà Nẵng, đặc biệt là các công trình cầu cảng, góp phần vào sự
phát triểnbền vững kinh tế của thành phố.
Bài viết: “Đà Nẵng bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch biển”
của Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tưởng được đăng trong Tạp chí Du lịch. Bài viết
chỉ ra thực trạng các bãi biển Đà Nẵng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi
nước thải, rác thải từ các nguồn sinh hoạt, dịch vụ du lịch, công nghiệp... của
thành phố và đề ra những giải pháp cụ thể, lâu dài nhằm bảo vệ môi trường du
lịch biển Đà Nẵng…
Các nghiên cứu này là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích và đã nêu ra
được những tồn tại và giải pháp trong việc bảo vệ môi trường biển. Tuy
nhiên, các nghiên cứu trên chỉ mới đề cập tới các lĩnh vực riêng, chưa có bài
viết nào đánh giá một cách toàn diện về tình hình thực hiện các chính sách về
bảo vệ môi trường biển của địa phương.
Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XXI,
nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra là xây dựng thành phố Đà Nẵng là “Thành phố môi
trường” có các dịch vụ kiểu mẫu và là trung tâm về giáo dục - đào tạo, y tế chất
lượng cao, phát triển nền kinh tế tri thức công nghệ cao, phát huy thế mạnh về
dịch vụ - du lịch; có môi trường tự nhiên và môi trường xã hội lành mạnh thì
cần phải rà soát, đánh giá lại tình hình thực hiện các chính sách bảo vệ môi
trường trong thời gian qua, những thành tựu cũng như những tồn tại, hạn chế
chưa khắc phục được. Từ đó đề ra các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả
các chính sách bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Xuất phát từ lý do trên, tôi chọn đề tài “Thực hiện chính sách bảo vệ
môi trường biển từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng” làm luận văn thạc sĩ của
mình, luận văn có sự kế thừa, phát triển những thành quả của các đề tài liên
5
quan trước đó để đánh giá, phân tích, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp với
tình hình thực tế và chủ trương Thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 trở thành
“Thành phố môi trường”.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của luận văn này là Nhằm làm rõ những vấn đề lý
luận và thực tiễn về thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển. Qua đó, phân
tích, đánh giá tình hình thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển tại thành
phố Đà Nẵng, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường công tác
thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
nói riêng và trên cả nước nói chung.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích nghiên cứu trên, luận văn có nhiệm vụ:
Thứ nhất, hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn, làm rõ các khái niệm
nghiên cứu cơ bản về thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển.
Thứ hai, khảo sát, phân tích thực trạng việc thực hiện chính sách bảo vệ
môi trường biển ở thành phố Đà Nẵng từ đó xác định những thành tựu, hạn
chế và nguyên nhân.
Thứ ba, đề xuất những giải pháp tăng cường thực hiện chính sách bảo
vệ môi trường biển từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là việc thực hiện chính sách bảo vệ
môi trường biển từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về nội dung, luận văn chỉ tập trung nghiên cứu các vấn đề lý luận, pháp
lý và thực tiễn liên quan đến việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển.
6
- Về không gian, luận văn tập trung nghiên cứu thực trạng thực hiện
chính sách bảo vệ môi trường biển từ thực tiễn phố Đà Nẵng.
- Về thời gian, luận văn chỉ tập trung nghiên cứu thực trạng thực hiện
chính sách thành phố Đà Nẵng trong vòng 05 năm trở lại đây (2014- Đến
nay).
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu
5.1. Phương pháp luận
Luận văn vận dụng cách tiếp cận nghiên cứu chính sách công đa ngành,
liên ngành khoa học xã hội, trong đó chú ý nhiều đến tiếp cận thực hiện chính
sách có sự tham dự, tham gia của các chủ thể chính sách.
5.2 Phương pháp nghiên cứu
Đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu chính sách công kết hợp giữa
nghiên cứu lý thuyết và thực tế.
- Phương pháp thu thập thông tin: còn gọi là phân tích và tổng hợp,
được sử dụng để thu thập, phân tích và khai thác thông tin từ các nguồn có
sẵn liên quan đến đề tài nghiên cứu, bao gồm các văn kiện, tài liệu, nghị
quyết, quyết định của Đảng, Nhà nước, bộ, ngành ở Trung ương và địa
phương; các công trình nghiên cứu, các báo cáo, tài liệu thống kê của chính
quyền, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân liên quan trực tiếp hoặc gián
tiếp tới chính sách bảo vệ môi trường biển ở nước ta nói chung và thành phố
Đà Nẵng nói riêng. Đồng thời, thu thập thông tin từ các tài liệu của các tổ
chức và học giả trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài.
- Phương pháp khảo sát thực địa: nhằm quan sát và thu thập thông tin
ở các điểm đen về ô nhiễm môi trường biển, gồm quan sát tại chỗ kết hợp với
gặp gỡ, trao đổi và phỏng vấn nhanh, đánh giá nhanh thực tế.
- Phương pháp phỏng vấn sâu: Phỏng vấn sâu là phương pháp được
dùng khá phổ biến trong nghiên cứu xã hội học, đó là phương pháp đối thoại
7
trực tiếp với đối tượng nhằm thu thập thông tin và kiểm tra các giả định, theo
đó tác giả tiếp xúc với một số cán bộ phụ trách quản lý môi trường, một số tổ
chức, đoàn thể và người dân địa phương để tìm hiểu, phỏng vấn sâu về một số
vấn đề trọng yếu của thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển với các câu
hỏi đã được chuẩn bị trước.
- Phương pháp phân tích chính sách: Là đánh giá tính toàn vẹn, tính
thống nhất, tính khả thi và hiệu quả của chính sách nhằm điều chỉnh cho phù
hợp với mục tiêu và thực tế.
- Phương pháp thống kê: Là phương pháp thu thập, tổng hợp, trình bày
số liệu, tính toán các đặc trưng của đối tượng nghiên cứu nhằm phục vụ cho
quá trình phân tích, dự đoán và đề ra các quyết định.Phương pháp này được
sử dụng chủ yếu phục vụ cho nội dung về thực trạng và đánh giá thực trạng
thực hiện chính sách tại thành phố Đà nẵng.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
6.1. Ý nghĩa lý luận
- Nghiên cứu này đã vận dụng các lý thuyết về chính sách công và quy
trình phân tích một chính sách công để làm rõ một số vấn đề về khoa học và
thực tiễn của một chính sách cụ thể; làm rõ một số vấn đề thực hiện chính
sách bảo vệ môi trường từ góc độ tiếp cận lý thuyết khoa học chính sách
công.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
- Luận văn giúp Nhận thức sâu sắc hơn vai trò của môi trường đối với
sự phát triển bền vững giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Cung cấp
luận cứ khoa học cho việc nhận thức, quán triệt sâu rộng quan điểm bảo vệ
môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành, các
tổ chức, cộng đồng và của mọi người dân và trên cơ sở đó cụ thể hóa chính
sách và tổ chức thực hiện chính sách BVMT một cách hiệu quả hơn.
8
- Kết quả đánh giá nghiên cứu làm sáng tỏ, minh chứng cho các thuyết
liên quan đến chính sách công, từ đó hình thành các tiến trình đề xuất các giải
pháp chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chính sách đã ban hành.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung chính của luận văn được chia
làm ba chương lần lượt thực hiện ba nhiệm vụ nghiên cứu đã nêu ở trên:
Chương 1. Cơ sở lý luận và thực tiễn của chính sách bảo vệ môi trường
biển.
Chương 2. Thực trạng thực hiện và triển khai chính sách môi trường
biển Đà Nẵng.
Chương 3. Phương hướng và giải pháp tăng cường nâng cao hiệu quả
thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển của thành phố Đà Nẵng.
9
CHƯƠNG 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA CHÍNH SÁCH
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN
1.1. Các khái niệm cơ sở
1.1.1. Khái niệm Chính sách bảo vệ môi trường biển
Chính sách là tập hợp các chủ trương và hành động về phương diện nào
đó của Chính phủ nó bao gồm các mục tiêu mà chính phủ muốn đạt được và
cách làm để thực hiện các mục tiêu đó. Những mục tiêu này bao gồm sự phát
triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội - môi trường.
Chính sách môi trường là những chủ trương, biện pháp mang tính chiến
lược, thời đoạn, nhằm giải quyết một nhiệm vụ bảo vệ môi trường cụ thể nào
đó, trong một giai đoạn nhất định.
Chính sách bảo vệ môi trường là những chủ trương, biện pháp mang
tính chiến lược, thời đoạn, nhằm giải quyết một nhiệm vụ bảo vệ môi trường
cụ thể nào đó, trong một giai đoạn nhất định.
Chính sách bảo vệ môi trường (hay chính sách môi trường) là chính
sách công. Như vậy, có thể định nghĩa Chính sách bảo vệ môi trường là tập
hợp các quyết định của Nhà nước nhằm đưa ra các mục tiêu, giải pháp, công
cụ chính sách để giải quyết các vấn đề về bảo vệ môi trường nhằm thực hiện
các mục tiêu bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững của đất nước.
Theo khoản 3, Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2005 định nghĩa “Bảo vệ
môi trường là hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp; phòng
ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường, ứng phó sự cố môi trường;
khắc phục ô nhiễm, suy thoái, phục hồi và cải thiện môi trường; khai thác, sử
dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học”[19,
tr.78].
10
Môi trường biển được định nghĩa trên nhiều phương diện khác nhau, nếu
xét về phương diện phạm vi địa lý, môi trường biển là toàn bộ vùng nước biển
của trái đất với tất cả những gì có trong đó. Theo Điều 1, khoản 4 Công ước
của Liên hợp quốc tế Luật biển năm 1982, môi trường biển được hiểu bao
gồm các tài nguyên sinh vật, các hệ sinh thái biển và chất lượng nước biển,
cảnh quan biển [12]. Năm 1992, tại Hội nghị thượng đỉnh trái đất về bảo vệ
môi trường họp tại Rio De Janeiro (Brazil), là chương trình hành động phát
triển bền vững. Ở chương 17 trong chương hành động 21 (Agenda 21) định
nghĩa: “Môi trường biển là vùng bao gồm các đại dương và các biển, các
vùng ven biển tạo thành một tổng thể, một thành phần cơ bản của hệ thống
duy trì cuộc sống toàn cầu và là tài sản hữu ích tạo cơ hội cho sự phát triển
bền vững”. Định nghĩa này được coi là định nghĩa chính thức về “môi trường
biển”.
Bảo vệ môi trường biển là những chủ trương, chính sách và hoạt động
thực tiễn của Đảng, Nhà nước, nhân dân nhằm giữ gìn, khai thác, bảo vệ, cải
tạo, phục hồi các yếu tố cấu thành môi trường biển gồm:nước biển, các sinh
vật thủy, hải sản trong lòng biển, rêu rong tảo trong nước biển và các tài
nguyên thiên nhiên có trong lòng biển.
Chính sách bảo vệ môi trường biển là một loại chính sách công nhằm bảo
vệ môi trường biển, tập trung vào các vấn đề môi trường biển và có liên quan
chặt chẽ với các bộ phận khác của chính sách bảo vệ môi trường.Theo PGS.TS
Đỗ Phú Hải thì “Chính sách công là tập hợp các Quyết định chính trị có liên
quan của Nhà nước nhằm lựa chọn mục tiêu, giải pháp và công cụ thực hiện
nhằm giải quyết các vấn đề của xã hội theo mục tiêu tổng thể đã xác định”.
Như vậy,chính sách bảo vệ môi trường biển là một tập hợp các quy định,
quyết định quản lýnhà nước về bảo vệ môi trường biển nhằm lựa chọn các
mục tiêu, giải pháp và công cụ thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề môi
11
trường biển theo mục tiêu tổng thể đã xác định.
Tài nguyên biển và hải đảo bao gồm tài nguyên sinh vật và tài nguyên
phi sinh vật thuộc khối nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng đất
ven biển và quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm thuộc chủ
quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Nhà nước ta
có những chính sách về bảo vệ môi trường biển là bảo vệ tài nguyên, môi
trường biển và hải đảo cụ thể:
Một là, nhà nước bảo đảm bảo vệ môi trường biển, tài nguyên biển và
hải đảo được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững
theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo
vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Hai là, nhà nước huy động các nguồn lực, khuyến khích đẩy mạnh công
tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải
đảo; ưu tiên cho vùng biển sâu, biển xa, hải đảo, vùng biển quốc tế liền kề và
các tài nguyên mới có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm
quốc phòng, an ninh; có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia
khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Ba là,tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; nâng
cao hiệu quả công tác phối hợp trong việc kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa,
ứng phó sự cố môi trường biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, nước biển dâng;
quản lý chặt chẽ hoạt động nhận chìm ở biển.
Bốn là, đầu tư nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, dự báo về tài
nguyên, môi trường biển và hải đảo; thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu
tổng hợp, đồng bộ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ phát
triển kinh tế biển, quốc phòng, an ninh.
Năm là, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong quản lý,
khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên nguyên
12
tắc giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia.
1.1.2. Đối tượng của Chính sách bảo vệ môi trường biển
Trong những năm qua, cùng với sự hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng
sâu sắc và toàn diện, kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng,
ngày càng khẳng định được vị thế trên trường quốc tế. Kinh tế luôn đạt mức
tăng trưởng cao, tạo nhiều thuận lợi cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước, xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, thực trạng môi trường đang
nảy sinh nhiều hệ lụy phức tạp, trong đó, vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi
trường biển đang có xu hướng gia tăng, ngày một gay gắt, đe dọa trực tiếp tới
các thành quả về phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy đối tượng của chính sách
bảo vệ môi trường biển ở đây chính là:
- Áp lực môi trường biển đe dọa tới sự phát triển bền vững, đó là các áp
lực lên môi trường do các hoạt động sản xuất và dân sinh đang ngày càng rõ
nét như: nuôi trồng và chế biến thuỷ sản; chế biến thực phẩm; hoạt động dân
sinh; hoạt động phát triển công nghiệp và các ảnh hưởng của biến đổi khí
hậu...
- Việc phát triển các khu công nghiệp ở nước ta diễn ra khá nhanh, công
tác quản lý, BVMT tại các khu công nghiệp đã có những chuyển biến tích
cực, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại tình trạng nhiều khu công nghiệp đang hoạt
động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, chưa xử lý nước thải, khí
thải, chất thải rắn đạt yêu cầu, gây ô nhiễm môi trường biển và ảnh hưởng đến
đời sống của người dân
- Mặt khác, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đầu tư xây dựng các
dự án mới chỉ chú trọng tới lợi nhuận mà bỏ qua một số điều kiện về công tác
BVMT biển, như không đánh giá tác động môi trường, không chú trọng việc
xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Ô nhiễm môi trường không khí ở khu vực
13
đô thị cũng ngày càng gia tăng, chủ yếu từ phương tiện giao thông, hoạt động
xây dựng và chất thải sinh hoạt.
1.1.3. Mục tiêu và nguyên tắc của Chính sách bảo vệ môi trường biển
Chính sách bảo vệ môi trường biển của nước ta hiện nay phải đảm bảo
các nguyên tắc cơ bản sau:
Một là, chính sách bảo vệ môi trường biển phải là sự thể chế hóa chủ
trương, đường lối lãnh đạo của Đảng về công tác bảo vệ môi trường.
Trong quá trình đổi mới, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ
đạo công tác ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và BVMT, đã được
nêu trong các nghị quyết, chỉ thị Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong
chính sách, pháp luật về đất đai, chiến lược biển, khoáng sản và bảo vệ môi
trường. Để chủ trương của Đảng về bảo vệ môi trường biển đi vào cuộc sống,
các cấp chính quyền phải cụ thể hóa bằng các chính sách môi trường bằng
Luật Bảo vệ Môi trường (trong nước) và các Công ước quốc tế về môi trường.
Hai là, chính sách bảo vệ môi trường biển phải bám sát thực trạng môi
trường của đất nước.
Việt Nam có một vùng biển đặc quyền kinh tế trên 1.000.000 km2
và
hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ, hai quần đảo là Trường Sa và Hoàng Sa, bờ biển kéo
dài trên 3.260 km. Đây là những tiền đề cho phép hoạch định một chiến lược
biển, phù hợp với xu thế phát triển của một quốc gia biển. Nhưng thực trạng
về ô nhiễm môi trường biển đang là vấn đề báo động "đỏ".
Ba là, chính sách bảo vệ môi trường biển đóng vai trò quyết định cho sự
phát triển bền vững của quốc gia.
Trước tình trạng môi trường biển đảo Việt Nam đang có những biểu
hiện ô nhiễm nghiêm trọng, làm mất đi môi trường sống của nhiều sinh vật
biển và ảnh hưởng tới sự phát triển xã hội của con người, có khả năng chúng
ta không hoàn thành được mục tiêu thiên niên kỷ là phát triển bền vững. Do
14
vậy, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm tới việc bảo vệ môi trường biển
đảo thông qua việc ký kết, ban hành các chủ trương, chính sách, văn bản quy
phạm pháp luật các cấp.
- Việt Nam cũng đã ký kết các văn bản pháp lý quốc tế về bảo vệ môi
trường biển; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2009/NĐ-CP về quản lý
tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Hội nghị lần thứ tư
ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) đã thông qua Nghị quyết số 09-
NQ/TW ngày 9/2/2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 ”, trong
đó nhấn mạnh "Thế kỷ XXI được thế giới xem là thế kỷ của đại dương”.
Chính phủ đã ra Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP, ngày 30-5-2007 và Thủ
tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 137/2007/QĐ-TTg, ngày 21-8-
2007, phê duyệt Đề án tổ chức thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên
tai trên biển; Quyết định số 373/QĐ-TTg, ngày 23-3-2010, phê duyệt Đề án
đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững
biển và hải đảo Việt Nam... Các cơ quan ở Trung ương và địa phương, cùng
với các lực lượng vũ trang đã chủ động xây dựng kế hoạch, trực tiếp triển
khai chương trình hành động của Chính phủ và đã đạt được những kết quả
quan trọng.
Nhà nước thay mặt xã hội, thể hiện ý chí xã hội, biến ý chí đó thành
pháp luật. Vì vậy, các mục tiêu chung về BVMT biển, vì lợi ích chung của
cộng đồng, xã hội cần được thể chế hóa, pháp luật hóa trong Luật và mọi chủ
thể trong xã hội phải có trách nhiệm thi hành.
1.1.4. Nội dung của Chính sách bảo vệ môi trường biển
Trước đây, ở Việt Nam do nhận thức về tài nguyên biển còn hạn chế,
chưa chú trọng các dạng tài nguyên phi vật chất, khai thác quá mức, gây lãng
phí tài nguyên, suy thoái môi trường biển và hải đảo. Trong xu thế chung của
thế giới, coi “Thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương” cũng như nhận thức được
15
những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Việt Nam đã bước
đầu thiết lập chính sách quản lý TN&MT biển và hải đảo theo phương thức
tổng hợp trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế với các nội dung chủ yếu:
Một là, quản lý TN&MT biển hợp lý, hiệu quả, bền vững theo chiến
lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ
quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng an ninh. Để thực hiện nội dung trên,
thời gian qua, nhà nước đã thành lập hệ thống cơ quan quản lý tổng hợp và
thống nhất về biển và hải đảo từ Trung ương đến địa phương; hoạch định và
tổ chức thực hiện các chính sách, cơ chế, công cụ điều phối liên ngành, liên
vùng để bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng hiệu
quả, duy trì chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái nhằm phát triển bền vững,
bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam
trên biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1570/QĐ-TTg
phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT biển
đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 2295/QĐ-TTg phê
duyệt Chiến lược quản lý đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm
2030.
Hai là, khuyến khích đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu
khoa học về TN&MT biển và hải đảo; thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ
liệu tổng hợp, đồng bộ về TN&MT biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế
biển, quốc phòng, an ninh; khuyến khích tổ chức cá nhân khai thác, sử dụng
bền vững tài nguyên, BVMT biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển, ứng phó
với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Ba là, tăng cường BVMT biển và hải đảo; kiểm soát ô nhiễm môi
trường biển; ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển; nhận chìm ở
biển; trách nhiệm của nhà nước, tổ chức, cá nhân trong BVMT biển và hải
16
đảo. Triển khai Quyết định số 1278/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Phê
duyệt Kế hoạch thực hiện Tuyên bố chung và Chương trình khung giữa Việt
Nam, Campuchia, Thái Lan về hợp tác sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu vùng
vịnh Thái Lan”, Quyết định số 1864/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện
Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với
Chính phủ nước Cộng hòa Philipin về hợp tác trong lĩnh vực ứng phó sự cố
tràn dầu trên biển”.Việc triển khai các quyết định này nhằm thực hiện các
nghĩa vụ mà Việt Nam đã cam kết hợp tác trong việc sẵn sàng ứng phó kịp
thời, hiệu quả sự cố tràn dầu tại vùng biển tiếp giáp giữa Việt Nam và các
nước liên quan.
Bốn là, nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, dự báo về TN&MT biển
và hải đảo; thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp, đồng bộ về
TN&MT biển và hải đảo nhằm quản lý hiệu quả TN&MT biển và hải đảo,
ứng phó kịp thời và phòng chống thiên tai từ biển, kết nối và chia sẻ thông tin
bảo đảm thông suốt từ Trung ương đến địa phương; tham gia các hệ thống
quan trắc, giám sát biển và đại dương của khu vực, thế giới.
Năm là, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong quản lý,
khai thác, sử dụng tài nguyên, BVMT biển và hải đảo trên nguyên tắc giữ
vững độc lập, chủ quyền quốc gia; bảo đảm nguyên tắc xây dựng vùng biển
hòa bình, hợp tác, hữu nghị cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ
quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng pháp luật Việt Nam và các điều ước
quốc tế có liên quan.
Để thực hiện đầy đủ và có hiệu quả những nội dung chính sách về
BVMT biển, hệ thống cơ quan quản lý phải được xây dựng từ Trung ương
đến địa phương; cần phải tổ chức thành hệ thống các cơ quan có nhiệm vụ
BVMT biển; thiết lập chính sách quản lý TN&MT biển và hải đảo hợp lý, hiệu
quả, bền vững pháp lý để điều chỉnh các hoạt động phát triển có liên quan đến
17
môi trường nhằm BVMT biển hiện nay.
1.1.5. Công cụ của Chính sách bảo vệ môi trường biển
Về cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ
môi trường biển hiện nay dựa trên cơ sở các Luật pháp chung bao gồm:
- Luật pháp Quốc tế:
Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường biển hiện nay có khoản 300
công ước quốc tế về bảo vệ môi trường. Trong đó, có các công ước sau về bảo
vệ môi trường biển:
+ Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS).
+ Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu (MARPOL 73/78).
+ Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển 1974
(SOLAS).
+ Công ước quốc tế sẵn sàng ứng phó và hợp tác đối với việc xử lý ô
nhiễm dầu năm 1990 (OPRC).
+ Công ước về ngăn ngừa ô nhiễm biển và do chất thải và những vật liệu
khác (London 1972).
+ Công ước quốc tế Hồng Kông về tái sinh tàu an toàn, thân thiện môi
trường năm 2009 (SR 2009)...
Cấp Trung ương
Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được thành lập đã khẩn trương xây
dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 25/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng
3 năm 2009 về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải
đảo. Đặc biệt, Luật Biển Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 21-6-2012
đã có những quy định cụ thể về gìn giữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển
(Điều 35). Luật quy định cấm những hành vi hủy hoại, làm suy thoái môi
trường, hệ sinh thái biển, hải đảo; vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển,
quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được
18
cấp có thẩm quyền phê duyệt và công bố;
Ngoài Luật BVMT biển, nhà nước có các văn bản pháp lý khác dưới luật
để quản lý, chỉ đạo việc BVMT biển bao gồm: pháp lệnh do ủy ban Thường
vụ Quốc hội thông qua, Chủ tịch nước ký lệnh ban hành; nghị định và quyết
định do Chính phủ ban hành để hướng dẫn và cụ thể hóa luật; quyết định và
quy định do các Bộ và ủy ban nhân dân các cấp ban hành; chỉ thị và thông tư
hướng dẫn do Cục Môi trường, Bộ TN &MT và Cục BVMT biển ban hành.
Cấp địa phương
Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu, giúp UBND cấp
tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và
hải đảo trên địa bàn địa phương, trong đó có môi trường biển. Trên cơ sở
những văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, năm 2010, Bộ Nội vụ và Bộ
Tài nguyên và Môi trường tiếp tục ban hành Thông tư liên tịch số
26/2010/TTLT-BNV-BTNMT ngày 05/11/2010 hướng dẫn hướng dẫn chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Chi cục Biển và Hải đảo
trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, Chi cục Biển và Hải đảo là
cơ quan quản lý nhà nước về biển và hải đảo ở cấp địa phương.
Hệ thống công cụ pháp lý để BVMT biển của quốc gia chính là khung
khổ pháp lý để điều chỉnh các quan hệ phát sinh giữa các chủ thể trong các
hoạt động phát triển có liên quan đến môi trường nhằm BVMT của con
người. Nếu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BVMT của quốc gia rõ
ràng, cụ thể, phù hợp với thực tế, được ban hành kịp thời, đồng bộ, đầy đủ thì
nó sẽ đi vào cuộc sống, được các tổ chức, cá nhân chấp nhận và thực hiện tốt.
Ngược lại, văn bản quy phạm pháp luật về BVMT của quốc gia không rõ
ràng, không sát với thực tế, chồng chéo, mâu thuẫn nhau thì sẽ khó khăn trong
tổ chức triển khai thực hiện.
Với chức năng: nhận thức, giáo dục, điều chỉnh, phân công xã hội, bảo
19
vệ và giải quyết các xung đột, Luật BVMT biển giúp nhà nước quản lý công
việc BVMT biển hiệu quả trong xã hội.
1.1.6 Quy trình thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển
Quá trình tổ chức thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển diễn ra
trong thời gian dài và có liên quan tới nhiều tổ chức, cá nhân vì thế, để chính
sách bảo vệ môi trường biển mang lại hiệu quả và kết quả như mong muốn thì
quá trình tổ chức thực hiện cần được thực hiện theo một quy trình khoa học,
hợp lý và phù hợp với những điều kiện khách quan của chính sách. Cụ thể các
bước như sau:
Bước 1: Xây dựng chính sách bảo vệ môi trường biển trên cơ sở chủ
trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn của địa phương
Trước khi đưa chính sách bảo vệ môi trường biển vào cuộc sống cần xây
dựng chính sách bảo vệ môi trường biển. Chính sách bảo vệ môi trường biển
trước hết phải trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng. Sau đó là chính
sách cụ thể về bảo vệ môi trường biển, phải dựa trên cơ sở pháp luật của Nhà
nước và đặc biệt phải tùy tình hình cụ thể ô nhiễm môi trường biển của địa
phương đó để xây dựng chính sách cho phù hợp. Đây là nhiệm vụ đầu tiên và
quan trọng nhất trong quá trình triển khai chính sách BVMT biển của từng địa
phương cụ thể. Hiệu quả thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển phụ
thuộc vào chất lượng, tính chính xác, tính khả thi của bản kết hoạch thực hiện
chính sách.
Chính sách bảo vệ môi trường biển cần được xây dựng trước khi đưa
vào thực hiện. Chính sách đúng giúp hành động đúng, chính sách sai dẫn đến
hành động thực hiện sai. Vì vậy, yêu cầu khi xây dựng chính cần đầu tư thời
gian, con người và đặc biệt phải khảo sát thực trạng môi trường biển chính
xác cả về tiềm năng lẫn thực trạng ô nhiễm. Sau khi có chính sách, các cơ
quan có nhiệm vụ triển khai thực thi chính sách bảo vệ môi trường biển từ
20
Trung ương đến địa phương đều phải xây dựng kế hoạch, chương trình hành
động cho phù hợp với yêu cầu của chính sách. Ngoài ra, trong bản kế hoạch
thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển cần phải xây dựng nội quy, quy
chế tổ chức điều hành thực hiện chính sách; về nhiệm vụ, quyền hạn của các
cơ quan nhà nước và cán bộ công chức tham gia tổ chức điều hành chính
sách.
Bước 2: Lập kế hoạch về quản lý môi trường biển
Kế hoạch bảo vệ môi trường biển là khâu cần thiết nhất để thực hiện
chính sách bảo vệ môi trường biển đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả của
chính sách.Kế hoạch là một quá trình giúp bạn lập nên được các mốc thời
gianđể thực hiện các nhiệm vụ, các công việc trong quá trình triển khai thực
hiện chính sách bảo vệ môi trường.
Giai đoạn đầu tiên, phân tích cơ hội, giúp bám chắc kế hoạch vào thực
tế.
Giai đoạn 2, hãy xác định mục tiêu và đặt ra trọng tâm kế hoạch.
Giai đoạn 3, tìm ra càng nhiều cách khác nhau để đạt được mục tiêu
càng tốt. Bằng việc sử dụng thời gian vào việc này, bạn có thể tìm được một
giải pháp tốt hơn giải pháp hiện có, hoặc có thể cải thiện giải pháp hiện có
bằng việc tham khảo các giải pháp khác.
Tiếp theo, lựa chọn cách tiếp cận tốt nhất, và lập một kế hoạch chi tiết
để tiến hành. Đánh giá kế hoạch này để chắc chắn rằng nó đáng để thực hiện.
Nếu không, quay trở lại bước đầu và cải thiện kế hoạch hoặc lập một kế
hoạch khác. Nếu không có kế hoạch nào có vẻ khả thi hơn để quản lý ô nhiễm
môi trường thì không nên thay đổi gì cả. Khi bạn đã lựa chọn được phương
hướng hoạt động, và chứng minh được rằng nó khả thi, thì hãy thực hiện nó.
Khi kết thúc một kế hoạch, hãy xem xét và rút ra bài học. Rồi áp dụng chúng
vào việc lập kế hoạch quản lý môi trường mới trong tương lai.
21
Bước 3. Phổ biến, tuyên truyền chính sáchbảo vệ môi trường biển
Thiếu hiểu biết về môi trường chính là một trong những nguyên nhân
quan trọng dẫn đến sự ô nhiễm, suy thoái môi trường nói chung và môi
trường biển nói riêng. Bởi khi con người thiếu hiểu biết, ít kiến thức về môi
trường, không thấy được vai trò, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường
nên không có động cơ để bảo vệ môi trường. Đồng thời thiếu hiểu biết sẽ dẫn
đến con người không biết cách bảo vệ môi trường, từ đó dẫn đến hậu quả con
người xả thải gây ô nhiễm môi trường mà không biết được hậu quả của nó và
hơn thế nữa là không đưa ra được những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ, cải
thiện môi trường. Mặt khác, xuất phát từ tình hình thực tiễn nhận thức về
quan điểm phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường của nhân dân chưa đầy đủ,
sâu sắc, do vậy mọi người cần phải có nhận thức đúng đắn để từ đó có hành
động đúng trong BVMT biển.
Phổ biến, tuyên truyền chính sách tốt giúp cho các đối tượng thực hiện
chính sách và mọi người dân hiểu rõ về mục đích, yêu cầu của chính sách; về
tính đúng đắn của chính sách trong điều kiện nhất định về tính khả thi của
chính sách ... để họ tự giác thực hiện theo yêu cầu quản lý của nhà nước.
Việc phổ biến, tuyên truyền chính sách bảo vệ môi trường biển cho mọi
người dân không chỉ giúp cho các ngư dân mà mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ
mục đích, yêu cầu của việc phải bảo vệ môi trường biển, môi trường sống của
người dân. Đồng thời giúp các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường nhận
thức đầy đủ, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường biển.
Bước 4, Thực hiện và điều hành chính sách bảo vệ môi trường biển
Trong lý luận về tiếp cận cách thức quản lý, có ba mô hình chính thường
được áp dụng trên thế giới, bao gồm các mô hình mệnh lệnh, tự nguyện và
dựa trên thị trường. Mỗi một mô hình đều có những ưu nhược điểm riêng,
song đều có thể áp dụng trong quản lý tài nguyên và môi trường, dù có thể ở
22
những mức độ khác nhau. Phương thức mệnh lệnh thì thường đòi hỏi các cơ
quan, tổ chức, các cá nhân phải đáp ứng được những yêu cầu hành chính đã
được đặt ra. Phương thức kinh tế có những điểm chung với phương thức
mệnh lệnh, song điểm khác biệt ở chỗ những yêu cầu đặt ra thì dựa trên các lí
do kinh tế, thị trường. Phương thức tự nguyện thì dựa nhiều vào ý thức tự
giác, thông qua tuyên truyền, giáo dục và vận động để thuyết phục người
khác. Thực tế đã chứng minh rằng không một phương thức nào là tối ưu cho
mọi tình huống, và việc chọn lựa các phương thức cho các tình huống cụ thể
hay việc phối hợp giữa các mô hình là một lựa chọn hiệu quả hơn. Chẳng hạn,
nếu như mục đích chính của chúng ta là đòi hỏi một/một số hành vi cụ thể nào
đó cần phải được thực hiện, thì mô hình mệnh lệnh xem ra là thích hợp, như
cấp phép hay cấm một loại hoạt động nào đó, hay ra quyết định buộc người
gây ô nhiễm phải khắc phục các thiệt hại môi trường... Nhưng nếu chúng ta
muốn khuyến khích một/một số hành vi nào đó, việc áp dụng nhiều phương
pháp một lúc sẽ thích hợp hơn. Bởi vậy, lựa chọn cách thức quản lý nào còn
phải phụ thuộc vào từng tình huống cụ thể. Không có câu trả lời chung cho
mọi câu hỏi. Phân công vai trò và trách nhiệm trong quản lý, cũng giống như
trong các lĩnh vực khác, đóng một vị trí quan trọng trong hoạt động quản lý
tài nguyên và môi trường. Bên cạnh việc phân định vai trò giữa trung ương và
địa phương, giữa mô hình tập trung và phân cấp, thì việc xác định nhiệm vụ
của mỗi cơ quan trong từng lĩnh vực cũng là điều rất cần thiết. Chẳng hạn,
trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường có rất nhiều nhóm lĩnh vực nhỏ hơn
có thể phân ra như: quản lý tài nguyên thiên nhiên, quy hoạch và sử dụng đất,
các vấn đề nông nghiệp, kiếm soát ô nhiễm... Thông thường, để thuận tiện
cho hoạt động quản lý, mỗi nhóm lĩnh vực này sẽ do các cơ quan khác nhau
phụ trách.
Tuy nhiên, một hệ quả rất khó tránh khỏi đó là sự phân công như vậy sẽ
23
dẫn tới sự cạnh tranh và xung đột về thẩm quyền giữa các cơ quan. Ví dụ như
cùng một loại tài nguyên, có thể cùng chịu sự quản lý giữa cơ quan môi
trường và cơ quan thương mại. Vậy thì việc phân định vai trò và phối hợp
giữa các cơ quan sẽ là rất hữu ích trong những trường hợp như vậy. Phần tới
chúng ta sẽ xem xét tới kinh nghiệm quốc tế trong việc làm rõ vai trò và trách
nhiệm của các cơ quan khác nhau trong quản lý tài nguyên và môi trường.
Bước 5: Kiểm tra và hành động khắc phục
Kiểm tra sát sao tình hình tổ chức thực hiện chính sách bảo vệ môi
trường biển nhằm vừa kịp thời bổ sung hoàn thiện chính sách, vừa lên kế
hoạch hành động khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường biển. Đồng thời
chấn chỉnh lại công tác tổ chức, thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển.
Chủ thể kiển tra và điều chỉnh thực hiện chính sách bảo vệ môi trường
biển là các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường từ trung ương đến địa
phương. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan và chính xác về kết quả kiểm
tra, đánh giá quá trình này còn cần có sự tham gia của các tổ chức đoàn thể
nhân dân, thậm chí là của chính các ngư dân được hưởng lợi từ việc BVMT
biển.
Bước 6: Tổng kết việc thực hiện chính sách và rút bài học kinh nghiệm
Tổng kết việc thực hiện chính sách để trên cơ sở đó rút ra bài học kinh
nghiệm là một khâu không thể thiếu trong quá trình thực hiện chính sách bảo
vệ môi trường biển. Vì tổng kết việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường
biển là phân tích và đánh giá khái quát những vấn đề thực hiện chính sách,
những mặt thực hiện được và những mặt chưa thực hiện được. còn bất cập
trong chính sách để rút ra bài học cho chỉ đạo tiếp theo cũng như bổ sung,
phát triển chính sách nói chung, chủ trương đường lối, chính sách bảo vệ môi
trường biển nói riêng. Không có tổng kết việc thực hiện chính sách thì không
có chính sách tiếp theo, mà không có những chính sách tiếp theo thì không có
24
việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển tiếp theo. Thông qua tổng
kết thực tiễn, giúp cán bộ xây dựng chính sách, đưa ra những quyết định phù
hợp với thực tế ở địa phương mình. Thông qua tổng kết việc thực hiện chính
sách bảo vệ môi trường biển họ mới có điều kiện phân tích, so sánh tổng hợp
để thấy được những gì đã đạt được, những khó khăn, hạn chế, những vướng
mắc mà quá trình tổ chức thực hiện quyết định gặp phải. Tổng kết thực hiện
chính sách bảo vệ môi trường biển giúp phát hiện ra những vấn đề thực tiễn
đặt ra chưa được giải quyết, những quyết định chưa phù hợp, chưa hiệu quả
cần phải sửa đổi, bổ sung. Mặt khác, chính thông qua quá trình tổng kết thực
hiện chính sách bảo vệ môi trường biển mỗi cán bộ xây dựng chính sách có
điều kiện để rèn luyện tư duy lý luận, tư duy biện chứng, khả năng vận dụng
lý luận vào thực tiễn, trên cơ sở đó nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý.
1.2. Các yếu tố tác động tới việc thực hiện chính sách bảo vệ môi
trường biển
1.2.1. Yếu tố bên trong
Thứ nhất yếu tố con người
- Tỷ lệ gia tăng dân số ở các vùng biển cũng thường cao đột biến, dẫn
đến các hoạt động phát triển kinh tế như dịch vụ, thương mại của con người
cũng tăng cao cộng với việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên lãng phí. Kết quả,
gây sức ép rất lớn đến môi trường biển, làm suy giảm, suy thoái tài nguyên
biển ở những vùng ven bờ.
- Lối sống và trình độ dân trí còn thấp: người dân cư ven biển chủ yếu
đến từ nhiều nơi, họ là dân nhiều vùng miền; họ sống tập trung thành cụm,
hình thành những “vạn chài”; ngoài mục đích kiếm tiền nuôi sống bản thân
thì việc bảo vệ nguồn lợi từ biển, môi trường biển coi như nằm ngoài sự để
tâm của họ.
- Các hoạt động trên biển như: vận tải hàng hải, nuôi và đánh bắt hải
25
sản, phát triển cảng và nạo vét đáy biển, du lịch biển, thăm dò và khai thác
khoáng sản biển (chủ yếu dầu khí), nhận chìm tàu; tràn dầu, thải dầu, đổ thải
phóng xạ, hoá chất độc hại..., các chất thải không qua xử lý đổ ra sông, suối
cuối cùng “trăm sông đổ ra biển cả” gây ô nhiễm môi trường biển.
Thứ hai, yếu tố quản lý
Vẫn còn các cấp chính quyền chưa hoặc chưa nhận thức đầy đủ và quan
tâm đúng mức đối với công tác bảo vệ môi trường như buông lỏng quản lý,
thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát về môi trường biển nên việc
thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường biển còn hạn chế.
Vì thế việc tăng cường công tác quản lý, nâng cao vai trò trách nhiệm
của các sở, ban, ngành và đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác bảo vệ môi
trường biển là rất cần thiết thì chính sách báo vệ môi trường biển mới được
thực thi, đưa vào cuộc sống hiệu quả hơn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường
biển.
Thứ ba, yếu tố luật pháp, chính sách
- Luật Môi trường quốc tế là tổng thể các nguyên tắc, quy phạm quốc tế
điều chỉnh mối quan hệ giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế trong việc ngăn
chặn, loại trừ thiệt hại gây ra cho môi trường của từng quốc gia và môi trường
ngoài phạm vi sử dụng của quốc gia.
- Luật Môi trường quốc gia là tổng hợp các quy phạm pháp luật, các
nguyên tắc pháp lý điều chỉnh các quan hệ phát sinh giữa các chủ thể trong
quá trình các chủ thể sử dụng hoặc tác động đến một hoặc một vài yếu tố của
môi trường trên cơ sở kết hợp các phương pháp điều chỉnh khác nhau, nhằm
bảo vệ một cách có hiệu quả môi trường sống của con người.
Cho đến nay, đã có hàng nghìn các văn bản luật quốc tế về môi trường.
Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều văn bản trong số đó. Song pháp luật quốc
tế về BVMT biển do nhiều nước ký kết hoặc tham gia lại không có hiệu lực
26
trực tiếp trên lãnh thổ một quốc gia cụ thể nào. Muốn thi hành trên phạm vi
lãnh thổ quốc gia nào đó, các quy phạm của Luật quốc tế về BVMT biển cần
phải chuyển hóa thành quy phạm pháp luật quốc gia, nghĩa là nhà nước phải
phê chuẩn các văn bản này.
Vì vậy, các mục tiêu chung về BVMT biển, vì lợi ích chung của cộng
đồng, xã hội cần được thể chế hóa, pháp luật hóa trong Luật và mọi chủ thể
trong xã hội phải có trách nhiệm thi hành
Bên cạnh yếu tố pháp luật, còn là những yếu tố về chính sách. Hiện nay,
cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường biển và việc tổ chức thực
hiện của các cơ quan chức năng vẫn còn những hạn chế, bất cập. Theo thống
kê của Bộ Tư pháp (2014), hiện có khoảng 300 văn bản pháp luật về bảo vệ
môi trường. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản này vẫn còn chưa hoàn thiện,
thiếu đồng bộ, thiếu chi tiết, chưa bám sát thực tế, tính ổn định không cao,
tình trạng văn bản mới được ban hành chưa lâu đã phải sửa đổi, bổ sung, từ
đó làm hạn chế hiệu quả điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, các hoạt
động kinh tế,... trong việc bảo vệ môi trường biển.
Mặt khác trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ chuyên
trách công tác bảo vệ môi trường biển hạn chế, dẫn đến không chỉ làm cho
các chính sách về bảo vệ môi trường biển bất cập so với thực tiễn đòi hỏi mà
còn làm cho chính sách chậm hoặc khó đi vào cuộc sống, thậm chí cản trở
thực hiện các mục tiêu bảo vệ môi trường.
1.2.2. Yếu tố bên ngoài
Yếu tố tự nhiên
- Các vi sinh vật gây hại: các loại vi sinh vật biển, vi tảo biển gây hại
cho biển gia tăng về số lượng, tham gia vào hiện tượng thuỷ triều đỏ, làm suy
giảm các sinh vật biển có lợi.
- Các hoạt động địa chất như: núi lửa dưới lòng đất, bão, các cơn địa
27
chấn, sóng thần… làm chết hàng loạt vi sinh vật biển, xác của chúng không
được xử lý đã gây ô nhiễm vùng biển đới bờ. Bên cạnh đó sự đứt gãy của vỏ
trái đất làm rò rỉ những mỏ dầu ở đáy đại dương cũng đã góp phần gây ra tình
trạng ô nhiễm môi trường biển.
- Không khí ô nhiễm: Các hoạt động tương tác biển - khí cũng kéo theo
hiện tượng lắng đọng các chất gây ô nhiễm xuống biển. Nồng độ CO2
được
hoà tan vào trong nước biển tăng lên nhanh chóng cùng với nhiều chất gây
nguy hại và bụi kim loại nặng được không khí mang ra biển. Sự gia tăng nhiệt
độ trong khí quyển của trái đất do hiệu ứng nhà kính đã kéo theo sự dâng cao
của mực nước biển và thay đổi môi trường sinh thái biển.
Tiểu kết Chương 1
Trong chương 1, luận văn đã trình bày khái quát những vấn đề lý luận về
chính sách bảo vệ môi trường biển và những vấn đề liên quan đến chính sách
bảo vệ môi trường biển ở Thành Phố Đà Nẵng.
Thứ nhất, luận văn nêu khái niệm chung về môi trường biển, ô nhiễm
môi trường biển là gì? Bảo vệ môi trường biển, Chính sách bảo vệ môi trường
biển của Việt Nam; phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới việc thực hiện chính
sách bảo vệ môi trường biển; nêu ra các chính sách chủ yếu nhằm bảo vệ môi
trường biển.
Thứ hai, luận văn tập trung phân tích cơ sở thực tiễn về thực hiện chính
sách bảo vệ môi trường biển của Việt Nam, bài học kinh nghiệm cho Đà Nẵng
từ các chính sách đó và nhiệm vụ của Đà Nẵng trong việc bảo vệ môi trường
biển.
Kết quả nghiên cứu của Chương 1 sẽ là cơ sở lý luận để thực hiện các
nội dung tiếp theo của đề tài, đồng thời là cơ sở lý luận có thể áp dụng vào
việc thực thi hiệu quả chính sách bảo vệ môi trường biển của thành phố Đà
Nang.
28
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG THỰC HIỆN VÀ TRIỂN KHAI CHÍNH SÁCH
MÔI TRƯỜNG BIỂN ĐÀ NẴNG
2.1. Khái quát về môi trường biển ở Đà Nẵng
2.1.1 Điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế xã hội Thành phố Đà
Nẵng
2.1.1.1. Điều kiện tự nhiên
Thành phố Đà Nẵng nằm ở 150
55’20” đến 160
14’10” vĩ tuyến Bắc,
1070
18’30” đến 1080
20’00” kinh tuyến Đông dọc theo vùng duyên hải Nam
Trung Bộ. Với một vị trí địa lý đặc biệt có thể nói Đà Nẵng thuận lợi về các
tuyến đường biển, đường hàng không quốc tế; là một trong những cửa ngõ
quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, đông bắc Campuchia,
Thái Lan và Myanma.
Bờ biển Đà Nẵng dài khoảng 92 km, có vịnh nước sâu với cửa biển Liên
Chiểu, Tiên Sa, có vùng lãnh hải thềm lục địa với độ sâu 200m; các bãi tắm ở
Đà Nẵng đều có bãi cát trắng, mực nước nông, có độ mặn vừa phải và quanh
năm trong xanh; hàng năm, nơi đây đón rất nhiều lượt du khách phương xa đến
thưởng thức vẻ đẹp và tham gia các trò chơi trên biển sở hữu bờ biển cát trắng
mịn với nhiều bãi tắm trong sạch.
Hơn 5 năm qua Đà Nẵng đã tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải
thiện môi trường, nâng cao an sinh xã hội và được coi là "Thành phố đáng
sống" của Việt Nam. Đà Nẵng nổi tiếng không chỉ với Việt Nam và với cả
thế giới Năm 2018, Đà Nẵng được chọn đại diện cho Việt Nam lọt vào top 10
địa điểm tốt nhất để sống ở nước ngoài do Tạp chí du lịch Live and Invest
Overseas (LIO) bình chọn.
29
2.1.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội
Nằm ở Cửa ngõ phía Đông của Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC)
là một trong năm hành lang kinh tế được phát triển theo sáng kiến của Ngân
hàng Phát triển Châu Á ở khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông. Đà Nẵng được
xác định là thành phố đóng vai trò hạt nhân tăng trưởng, tạo động lực thúc
đẩy phát triển cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Với nền kinh tế khá đa dạng bao gồm cả công nghiệp, nông nghiệp, dịch
vụ, du lịch, thương mại; về thế mạnh kinh tế biển của Đà Nẵng, không thể
không nhắc đến nguồn tài nguyên biển; vùng biển Đà Nẵng có ngư trường
rộng trên 15.000 km2, với trữ lượng nguồn lợi thủy sản khoảng 1.140.000
tấn, chiếm 43% tổng trữ lượng của cả nước. Khu vực biển Nam Hải Vân -
Bán đảo Sơn Trà có các hệ sinh thái với tính đa dạng sinh học cao như rạn san
hô, thảm cỏ biển, rong biển và các chủng loại sinh vật quý.
Do đó Thành phố Đà Nẵng luôn xác định, biển là nguồn tài nguyên vô
cùng quý giá, rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng.Vì
thế du lịch biển được xác định là một trong các ngành kinh tế mũi nhọn của
thành phố.
2.1.2. Những ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đến
môi trường biển Thành phố Đà Nẵng
2.1.2.1. Những ảnh hưởng tích cực
Thông qua việc phân tích, đánh giá các số liệu về điều kiện tự nhiên,
KT-XH đến môi trường biển cho thấy công tác bảo vệ môi trường biển trên
địa bàn Thành phố có những thuận lợi sau:
Thứ nhất, việc xây dựng, cụ thể hóa chính sách, pháp luật về BVMT
biển được triển khai nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực
tiễn
Thứ hai, tổ chức bộ máy trong QLNN đã thực hiện được như: thành lập
30
hệ thống cơ quan quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo từ Trung
ương đến địa phương; phân cấp quản lý biển cho Thành phố; thành lập Phòng
Quản lý đa dạng sinh học trực thuộc Chi cục BVMT; thành lập Phòng Biển và
Hải đảo trực thuộc UBND cấp huyện đối với Huyện đảo;
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1570/QĐ-
TTg phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT
biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 2295/QĐ-TTg
phê duyệt Chiến lược quản lý đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến
năm 2030.
Thứ ba, có nhiều tổ chức quốc tế hợp tác thực hiện các chương trình, dự
án như: Môi trường và Khoa học, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Cơ quan Quản lý
Đại dương và Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), Tổ chức Bảo tồn Thiên
nhiên quốc tế (IUCN) trong dự án QLTHVB...
Thứ tư, việc triển khai, tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo
dục về Quản lý nhà nước, bảo vệ môi trường, bảo vệ biển có những thuận lợi
nhất định, trách nhiệm của nhà nước, tổ chức, cá nhân trong BVMT biển và
hải đảo trong việc thực hiện các chủ trương được triển khai nhanh chóng; đạt
hiệu quả cao hơn và khá đồng đều ở khu vực ven biển;
2.1.2.2. Những ảnh hưởng tiêu cực
Bên cạnh những mặt tích cực cũng còn có những tồn tại trong công tác
bảo vệ môi trường biển tại thành phố:
Thứ nhất, quá trình mở rộng không gian đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng,
khai thác tài nguyên đất… đã gây nên những tác động đến môi trường sinh thái
và đa dạng sinh học của thành phố” các khu công nghiệp cũng như kinh tế biển
đã làm cho những áp lực về ô nhiễm với môi trường biển ngày càng nghiêm
trọng
Thứ hai, việc tiếp giáp biên giới biển với Trung Quốc, là nước có mức độ ô
31
nhiễm biển ngày càng lớn cũng gây ra những khó khăn nhất định trong BVMT
biển của Đà Nẵng.
Thứ ba, con người đã khai thác thiên nhiên và làm cạn kiệt các nguồn tài
nguyên không thể tái tạo được (dầu mỏ, kim loại,....), gây ô nhiễm môi trường
đất (xả rác bừa bãi, xả thải các chất ô nhiễm mà đất không có khả năng làm
sạch...); nước (thải các nguồn nước chưa qua xử lý và mức ô nhiễm vượt quá
khả năng tự làm sạch của nước, các sự cố tràn dầu....); không khí (các phương
tiện giao thông, các nhà máy không có hệ thống xử lý khí thải...)
Thứ tư, ngành dịch vụ chiếm trên 50% trong cơ cấu kinh tế, do đó lượng
khách du lịch ngày càng tăng, đặc biệt, vào những ngày lễ hội với sự tập trung
lớn du khách như vậy, thì càng gây áp lực cho môi trường nói chung và môi
trường biển Đà Nẵng nói riêng.
Thứ năm, QLNN về BVMT biển gặp khó khăn khi phải điều hòa lợi ích
giữa nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều chủ thể có liên quan đến biển.
Thứ sáu, so với thực tiễn BVMT thì bộ máy quản lý chưa đáp ứng được
yêu cầu hiện nay, còn mỏng, thiếu kinh nghiệm, địa bàn rộng, tính chất và
mức độ gây ô nhiễm BVB bờ ngày càng phức tạp. Do đó yêu cầu BVMT Đà
Nẵng phục vụ phát triển du lịch bền vững ngày càng trở thành áp lực đối với
hoạt động quản lý.
Thứ bảy, công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với
hành vi gây ô nhiễm BVB gặp khó khăn khi địa bàn rộng, nguồn gây ô nhiễm đa
dạng.
2.2. Thực trạng môi trường biển Đà Nẵng
2.2.1. Điểm mạnh
Nằm sát Biển Đông thành phố Đà Nẵng với nhiều điều kiện tự nhiên
thuận lợi sẽ dễ dàng phát triển toàn diện mọi mặt, trên mọi lĩnh vực:
Về hệ sinh thái biển, theo tài liệu khảo sát năm 2002 của Viện Hải
32
dương học Nha Trang, thì Đà Nẵng khá đa dạng về hệ sinh thái: hiện có 7
điểm tạo ra rạn san hô, chạy dọc ven biển từ chân đèo Hải Vân đến bán đảo
Sơn Trà.
Quần thể các rạn san hô này tập trung nhiều nhất ở ven vùng bờ phía Bắc
vịnh Đà Nẵng và vùng phía Nam bán đảo Sơn Trà với diện tích trên 58ha. Các
rạn san hô vùng biển ven bờ Đà Nẵng này còn là nơi cư trú của gần 74 loài thuộc
44 giống và 26 họ cá rạn san hô đã được xác định.
Về chất lượng nước biển, kết quả phân tích chất lượng nước biển ven bờ
ngày 07/5/2016 của Sở Tài nguyên và Môi trường tại 08 vị trí khu vực bãi tắm
gồm: Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê, Non Nước, Bãi Rạng; cầu cảng Tiên Sa; cửa
sông Phú Lộc; cửa sông Cu Đê; cảng Liên Chiểu theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc
gia cho thấy các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo yêu cầu
phục vụ mục đích thể thao, giải trí dưới nước.
Tài nguyên biển Đà Nẵng, nằm trong ngư trường trọng điểm của miền
Trung, với trữ lượng khoảng 1.140.000 tấn, chiếm 43% tổng trữ lượng cả
nước, gồm trên 670 giống, loài, trong đó hải sản có giá trị kinh tế cao là 110
loài. Khu vực biển Nam Hải Vân - Bán đảo Sơn Trà có các hệ sinh thái đa
dạng cao như rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển và các chủng loại sinh vật
quý, là tài sản phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế xã hội.
Về hải sản nuôi trồng, hiện nay, thành phố có hơn 1 nghìn ha mặt nước với
nhiều ao hồ, vịnh biển, thuận lợi cho nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt và lợ có
mức tăng trưởng cao về giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản từ 14 - 15%/năm.
Đây là lợi thế cho việc khai thác và phát triển nghề nuôi trồng thủy sản của thành
phố.
Về chế biến hải sản, trên địa bàn Đà Nẵng hiện có hơn 20 đơn vị chế
biến hải sản xuất khẩu, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản được
thành phố quan tâm hỗ trợ đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ cao. Giá trị kim
33
ngạch xuất khẩu thủy sản hằng năm đạt trên 150 triệu USD; phấn đấu đến
năm 2020 đạt 320 triệu USD.
* Hình ảnh môi trường bảo đảm là 1 trong những yếu tố quan trọng
được Đà Nẵng đề cao trong chiến lược phát triển (Phụ lục 01)
Bên cạnh đó, thành phố phát triển nhanh số lượng tàu cá công suất lớn và
cải hoán nâng cấp tàu cá công suất nhỏ để vươn khơi hình thành các đội tàu cùng
nghề 10 - 15 chiếc/đội để hỗ trợ nhau khai thác trên biển, đầu tư đóng mới 130 -
150 tàu có công suất từ 200 CV/chiếc trở lên và cải hoán nâng cấp ít nhất 800
tàu cá có công suất nhỏ, đưa tổng công suất tàu cá Đà Nẵng lên 30.000 CV.
*Hình ảnh quận Sơn Trà, Đà Nẵng luôn chú trọng phát triển đội tàu vỏ
thép (Phụ lục 02)
Về du lịch biển đảo, bên cạnh lợi thế khai thác hải sản, Đà Nẵng còn sở
hữu tiềm năng lớn về du lịch từ biển đảo với nhiều bãi biển đẹp nằm rải rác từ
bắc đến nam như: Nam Ô, Xuân Thiều, Thanh Bình, Tiên Sa, Sơn Trà, Mỹ
Khê, Bắc Mỹ An, Non Nước... Đến Đà Nẵng, du khách có thể thư giãn nghỉ
ngơi, tắm biển và tham quan nhiều điểm du lịch của thành phố như: Bảo tàng
nghệ thuật điêu khắc Chămpa, khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ, danh thắng Ngũ
Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà... với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí,
ẩm thực hấp dẫn.
Với lợi thế trên Đà Nẵng có thế mạnh về du lịch di sản gắn với du lịch
sinh thái biển và nghỉ dưỡng ven bờ đủ sức thu hút và giữ chân du khách.
Thành phố Đà Nẵng cũng đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ vùng
ven biển, để thúc đẩy phát triển kinh tế chung, trong đó có mũi nhọn kinh tế
biển.
2.2.2. Thách thức
Bên cạnh những lợi thế tiềm năng đã nêu trên ô nhiễm môi trường biển
ở thành phố Đà Nẵng đang ở mức khống chế, tuy nhiên nếu không có các giải
34
pháp phát triển kinh tế hợp lý thì sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, có thể kể đến
các nguồn ô nhiễm do hoạt động kinh tế biển tại thành phố Đà Nẵng như:
Ô nhiễm biển từ đất liền:
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác tài nguyên đất và sự phát triển
nhanh của ngành công nghiệp, du lịch của địa phương. Các dự án lấn biển
như Khu Đô thị Đa Phước, Khu Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang... đã tác động
đến môi trường, hệ sinh thái vùng bờ Đà Nẵng. Năm 2012, Khu Dịch vụ
Thủy sản Thọ Quang là điểm nóng nhất về ô nhiễm môi trường. Trong nội ô
thành phố Đà Nẵng, lượng bụi, lưu huỳnh điôxit, tiếng ồn, hóa chất độc hại đều
vượt tiêu chuẩn cho phép.
Quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá tạo ra sự dịch chuyển nhân
khẩu học. Trong vòng 10 năm từ năm 2000 đến đầu năm 2010, dân số Đà
Nẵng tăng lên từ 661.800 lên đến trên 800.000 người. Sự gia tăng dân số đây
cũng là một vấn đề cần xem xét và giải quyết liên quan đến những chất thải
do con người gây ô nhiễm đối với môi trường biển.
Hiện nay, trên 80% rạn san hô của thành phố Đà Nẵng đang ở tình trạng
rất xấu, kết quả điều tra năm 2016 cho thấy diện tích san hô khu vực ven biển
Đà Nẵng không có khả năng phục hồi là 81%; và rác thải là một trong những
nguyên nhân chính được xác định gây nguy hại cho rạn san hô.
Bên cạnh đó, môi trường biển Đà Nẵng còn phải “gánh” rác thải từ hệ
thống cống thu gom nước mưa của thành phố chung với thu gom nước thải
sinh hoạt, khi mưa lớn thoát không kịp tràn ra biển mang theo rác và tình
trạng xả rác bừa bãi tại các âu thuyền, bến bãi… “Rác thải nhựa là một thách
thức lớn đối với môi trưởng biển, hiện nay chưa có số liệu thông kê về nguồn
rác thải nhựa trên biển biển, tuy nhiên có thể nhận thấy rất rõ một lượng lớn rác
thải nhựa đang tồn tại trong vùng biển Đà Nẵng.”
Hoạt động từ các khu công nghiệp cũng đã gây ra ô nhiễm môi trường:
35
Năm 2010, lượng nước thải công nghiệp khoảng 6.835 m³/ngày. Điển hình, ô
nhiễm Bàu Tràm Khu công nghiệp Hoà Khánh, ô nhiễm khói bụi của Nhà
máy xi măng Hoà Khương, xi măng Cosevco; ô nhiễm nước thải của Công Ty
WeiSerXin Industrial; công ty Phong Nha…0 chưa được xử lý, trôi ra biển
không những làm cho biển ô nhiễm mà còn có tác hại xấu đến sức khỏe con
người và mọi loài sinh vật sống ở đây.
*Hình ảnh nước, rác thải xả ra biển (Phụ lục 03)
Hoạt động nông nghiệp cũng góp phần ô nhiễm biển đáng kể. Số liệu về
các chất đồng, kẽm, asen, DDT và thuốc trừ sâu 666 theo các luồng nước đổ
vào các con sông, suối cũng như cống rãnh sau đó đổ vào biển làm suy giảm
hệ sinh thái và ô nhiễm vùng ven bờ; chất thải từ các trại nuôi trồng thuỷ sản
ven biển và trên biển là nguồn gây ô nhiễm hữu cơ quan trọng.
Du lịch Đà Nẵng phát triển nhanh với các khu du lịch như: bán đảo Sơn
Trà, Bãi Nam, Bãi Bụt, Bãi Tiên Sa; các biệt thự cao cấp nam Sơn Trà;
Furama - Non Nước… Tuy nhiên mặt trái của vấn đề là do việc phát triển
chưa theo đúng quy hoạch đã làm giảm đi độ che phủ của cây xanh ảnh hưởng
đến môi trường.
Ô nhiễm từ vận tải biển, sự cố tràn dầu:
Nằm trên đường giao lưu hàng hải quốc tế có mật độ lớn nên khả năng ô
nhiễm biển do tàu thuyền gây ra là rất lớn, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có
08 kho xăng dầu lớn với tổng sức chứa 144.018 m3, 110 cây xăng/dầu bán lẻ
Nguồn ô nhiễm dầu do hoạt động của các tàu vận tải và đánh cá trong nước
ước tính hàng năm thải ra biển Việt Nam khoảng 337 tấn. Lợi ích kinh tế đi
kèm khai thác quá mức trữ lượng dầu cho việc vận tải đường biển cũng làm
cho một lượng dầu lớn bị rò rỉ gây ô nhiễm biển, ảnh hưởng đến rất lớn cho
môi trường biển và những vùng nuôi trồng hải sản.
36
Ô nhiễm từ vấn đề khai thác tài nguyên quá mức:
Đà Nẵng đang phải đối mặt với hai vấn đề lớn trong khai thác là đánh
bắt quá mức trong vùng ven bờ và sử dụng những phương tiện đánh bắt có
tính huỷ diệt. Sản lượng khai thác trung bình hàng năm của Đà Nẵng vào
khoảng 36.801 tấn/năm (2010), trong đó 68,2 % sản lượng này đã khai thác ở
vùng nước nông ven biển. Nhiều loài cá và sinh vật biển có nguy cơ tuyệt
chủng, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao.
Một thực trạng khác đáng báo động là các loài thủy sinh vật và nguồn san
hô tại vùng biển Đà Nẵng cũng đang bị đe dọa. Kết quả khảo sát mới nhất cho
thấy, độ phủ của các rạn san hô vùng ven bờ còn trong tình trạng tốt nhất chỉ đạt
giá trị tối đa là bậc 3 (31-50%), tập trung tại khu vực Bãi Bụt, Hục Lỡ, Mũi Súng
và Bãi Nồm (Sơn Trà) (Nhóm cá có kích thước nhỏ 1-10cm chiếm đến 93,1%,
trong khi đó nhóm cá có kích thước 21-30cm thì hầu như không còn trên rạn...)
Bên cạnh đó thị trường quà lưu niệm, nhu cầu ăn uống đã dẫn đến việc
khai thác quá mức các nguồn lợi từ biển để làm đồ mỹ nghệ, trang trí , các
loại quí hiếm, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển và suy giảm đa dạng sinh
học
2.3. Chủ trương và chính sách bảo vệ môi trường biển của thành
phố Đà Nẵng
2.3.1. Chủ trương bảo vệ môi trường biển của thành phố
Trước thực trạng báo động về ô nhiễm môi trường biển, vấn đề bảo vệ
môi trường biển đã trở thành vấn đề nóng bỏng và cấp thiết hiện nay. Đảng và
Chính quyền thành phố Đà Nẵng đã có nhiều quyết tâm trong việc giải quyết
vấn đề ô nhiễm môi trường biển.
Trên cơ sở Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến
năm 2020, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chương trình hành động số 13-
CTr/TU về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH TW (khóa X) về
37
Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, với quan điểm: xây dựng thành phố
Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển có tốc độ phát triển cao, phát
triển kinh tế, xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền
vững; ưu tiên thích đáng để thu hút mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế
biển và bảo vệ môi trường biển, tạo chuyển biến mạnh trên các lĩnh vực kinh
tế theo hướng CNH, HĐH; tranh thủ hợp tác quốc tế phát triển kinh tế biển
trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, giữ vững chủ quyền và an ninh trên
biển; phát triển kinh tế gắn kết chặt chẽ với quốc phòng an ninh, bảo vệ toàn
vẹn chủ quyền vùng biển, bảo vệ tổ quốc.
Với tầm nhìn chiến lược đưa Đà Nẵng trở thành Thành phố thân thiện
môi trường, UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt Đề án “Xây dựng Đà Nẵng
- Thành phố môi trường”. Đề án được xây dựng với mục tiêu hướng đến năm
2020, các yêu cầu về chất lượng môi trường đất, môi trường nước và môi
trường không khí trên toàn thành phố được bảo đảm, tạo sự an toàn về sức
khỏe, môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, sự tin tưởng của du khách
trong nước và quốc tế khi đến Đà Nẵng.
Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng vừa phê duyệt chủ trương cho phép lắp
đặt máy lược rác tự động tại cửa xả Mỹ An (biển Mỹ Khê) nhằm bảo vệ biển
Đà Nẵng trước nguy cơ ô nhiễm bởi rác thải từ cửa xả chảy ra bãi biển Mỹ
Khê , phê duyệt các dự án đầu tư mới phải yêu cầu các chủ đầu tư có Trạm
XLNT độc lập đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu sức
chịu tải của các Trạm XLNT tập trung, đồng thời chỉ đạo Công ty Thoát nước
và XLNT nghiên cứu giải pháp công nghệ nhằm có biện pháp đầu tư xử lý
đối với nước thải ra môi trường tại các cửa xả ra biển, đảm bảo nước thải ra
môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật cho phép. Tăng cường công tác quan trắc
môi trường, theo dõi chất lượng môi trường nước biển ven bờ nhằm có giải
pháp quản lý.
38
Công ty Môi trường Đô thị lắp đặt từ 30 đến 50 thùng rác tại 5 bãi biển
để người dân và khách du lịch bỏ rác vào thùng và đưa vào sử dụng một máy
sàn cát hiện đại để làm sạch bãi biển. Điều đáng nói, Đà Nẵng cũng đã cho
xây dựng nhiều công trình vệ sinh công cộng ở các bãi biển và hàng trăm hộ
kinh doanh ăn uống trên các bãi tắm cam kết về kinh doanh văn minh, lịch sự
và thân thiện trên biển.
Đồng thời, duy trì phong trào ra quân ngày chủ nhật xanh sạch đẹp trên
toàn địa bàn thành phố, huy động sự tham gia của người dân, học sinh sinh
viên, các doanh nghiệp trong hoạt động thu gom rác trên các bãi biển, tuyên
truyền cho nhân dân và du khách trong việc chung tay bảo vệ môi trường biển
bằng nhiều hình thức phong phú. Thường xuyên kiểm tra, xử phạt vi phạm
hành chính đối với hành vi xả rác tại các bãi biển du lịch.
Nhằm hướng đến mục tiêu trở thành đô thị đủ năng lực để ngăn ngừa ô
nhiễm, suy thoái môi trường; xử lý, khắc phục các sự cố môi trường nói chung
và môi trường biển nói riêng; thành phố đã sớm ban hành các chính sách về
bảo vệ môi trường và có nhiều giải pháp quyết liệt để chỉ đạo để thực hiện.
Trên cơ sở quy định của các Luật, thành phố đã ban hành một số văn
bản chỉ đạo về công tác bảo vệ môi trường và bảo vệ môi trường biển:
- Quyết định số 18/2017/QĐ-UBND của UBND Thành phố ngày
08/06/2017 về Phân cấp thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước
thải công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
- Quyết định số 376/QĐ-UBND Phê duyệt Kế hoạch tuyên truyền pháp
luật về bảo vệ môi trường năm 2017. Quy định số 43/2016/QĐ-UBND ngày
15/12/2016 về Quy định hoạt động Ngăn ngừa và Ứng phó sự cố tràn dầu trên
địa bàn thành phố Đà Nẵng.
- Quyết định số 3184/QĐ-UBND của UBND Thành phố ngày 23/5/2016 về
việc ban hành kế hoạch tổ chức diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu thành phố Đà
39
Nẵng năm 2016.
Kế hoạch số 1824 /KH-UBND ngày 10/03/2014 về Quản lý tài nguyên
và bảo vệ môi trường trong vùng biển huyện Hoàng Sa thành phố Đà Nẵng.
Cùng với đó vấn đề hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường biển được đẩy
mạnh, vấn đề gia nhập, thực thi các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường
biển được chú trọng.
2.3.2. Chính sách về bảo vệ môi trường biển của thành phố Đà Nẵng
Nhằm thực hiện Nghị quyết lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương (Khóa
X) “về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Thành phố Đà Nẵng đã đề
ra những chính sách cụ thể đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường biển của
Thành phố:
2.3.2.1. Tổ chức tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết về chiến lược biển
Việt Nam đến năm 2020 và các luật pháp liên quan về biển, bảo vệ môi
trường biển
Một là, mở các lớp tập huấn cho ngư dân và cộng đồng dân cư ven biển
về luật pháp trong nước, công ước quốc tế liên quan đến biển. Nâng cao nhận
thức của nhân dân về vai trò của biển và trách nhiệm của mỗi người dân trong
công tác bảo vệ nguồn tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển và giữ vững
an ninh, chủ quyền vùng biển;
Hai là, xây dựng phóng sự, phim tài liệu về tiềm năng, lợi thế và vai trò
của kinh tế biển đối với sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố; khai thác
các nguồn lợi sinh vật phải theo đúng thời vụ, bằng phương tiện, công cụ đã
được quy định, bảo đảm cân bằng sinh thái.
Ba là, tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nước và công ước
quốc tế về biển trên các phương tiện thông tin đại chúng;
Bốn là, nâng cao năng lực của cán bộ các cấp trong công tác quản lý,
bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên biển; kêu gọi tất cả các tổ chức, cơ
40
quan, doanh nghiệp và người dân đang sống, học tập, làm việc trên địa bàn
chung sức để góp phần bảo vệ môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp bằng
những hành động thiết thực như: ra quân làm sạch bãi biển và các dòng sông;
Năm là, tổ chức các phong trào văn hóa - xã hội làm thay đổi nhận thức,
thói quen, lối sống trong cộng đồng theo hướng thân thiện với môi trường; xây
dựng ý thức bảo tồn đa dạng sinh học biển và tinh thần dân tộc đối với việc bảo
vệ chủ quyền quốc gia trên biển; vận động người dân thay đổi hành vi theo
hướng tích cực để bảo vệ môi trường, phòng chống suy thoái, ô nhiễm môi
trường.
2.3.2.2. Quy hoạch, hình thành các khu đô thị, các khu công nghiệp, cụm
công nghiệp ven biển
Một là, hình thành các cụm công nghiệp biển gắn với các khu công
nghiệp tập trung, hệ thống hạ tầng của thành phố để hướng mạnh vào công
nghiệp chế biến và xuất khẩu của thành phố đặc biệt là khu vực ven biển. Phát
triển du lịch biển chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế.
Hai là, khai thác tiềm năng, lợi thế khu vực ven biển để tập trung phát triển
đô thị trong tương lai, tạo sự chuyển biến tích cực về kinh tế - văn hoá - xã hội của
khu vực ven biển.
Ba là sớm quy hoạch thành lập KKT ven biển theo Kết luận số 75-
KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Xuân Phúc trong đó đề cập phát triển Đà Nẵng trở thành một trung
tâm kinh tế biển; để có cơ chế chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư,
doanh nghiệp, nhất là về thuế, chuyển giao công nghệ, đất đai. Với mô hình
KKT ven biển là tổng hợp một trong những trung tâm về dịch vụ, công
nghiệp, chế biến, dịch vụ cảng, logistics, du lịch, thương mại, dịch vụ; phát
triển đô thị và những ngành kinh tế khác gắn với Hành lang Kinh tế Đông
Tây.
41
2.3.2.3. Phát triển du lịch biển chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế
Để ngành du lịch biển phát triển tiềm năng và lợi thế từ biển đáp ứng
nhu cầu phát triển chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế thành phố cần xây
dựng chương trình phát triển sản phẩm văn hóa du lịch biển đặc thù, chất
lượng cao, bằng cách:
- Nghiên cứu và đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển tiềm năng, lợi
thế của biển; triển khai phát triển các sản phẩm du lịch biển, loại hình du lịch
gắn với tiềm năng, lợi thế về biển của thành phố;
- Rà soát, sắp xếp lại hệ thống các lĩnh vực, loại hình du lịch biển; đầu
tư và quản lý một cách chiến lược cả về cơ sở vật chất, dịch vụ và con người
cho các trung tâm du lịch biển đảo đã được xác định. Đặc biệt, cần phát huy
yếu tố văn hoá của từng địa phương trong phát triển du lịch biển để tạo dấu ấn
riêng và thu hút khách du lịch quay trở lại nhiều lần.
-Thực hiện các mô hình chuyển đổi nghề cá ven bờ sang tổ chức dịch
vụ phục vụ khách du lịch; xây dựng các mô hình làng nghề nuôi thuỷ đặc sản
nước ngọt theo tiêu chuẩn sạch, tạo sản phẩm phục vụ du khách tham quan du
lịch ; xây dựng tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc thành tuyến đường kiểu
mẫu; xây dựng Dự án Khu Bảo tồn thiên nhiên rừng biển tại khu vực Bán đảo
Sơn Trà - Nam Hải Vân.
-Tăng cường đổi mới các hình thức tuyên truyền, quảng bá du lịch
biển, văn hoá biển, sản phẩm biển, ứng dụng khoa học công nghệ cao liên
quan đến biển; tạo một số sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng để thu hút
khách du lịch.
-Điều tra, đánh giá hiện trạng nguồn tài nguyên sinh vật rừng, biển tại
khu vực. Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ven bờ, cụ thể là các rạn san khô, thảm cỏ
biển và các hệ sinh thái tại vùng biển ven bờ Nam Hải Vân - Sơn Trà; bảo tồn
nguồn tài nguyên sinh vật biển và nguồn tài nguyên rừng, hình thành khu bảo
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP  Đà Nẵng

More Related Content

What's hot

Tiểu luận ô nhiễm môi trường - hậu quả và giải pháp - ZALO 093 189 2701
Tiểu luận ô nhiễm môi trường - hậu quả và giải pháp - ZALO 093 189 2701Tiểu luận ô nhiễm môi trường - hậu quả và giải pháp - ZALO 093 189 2701
Tiểu luận ô nhiễm môi trường - hậu quả và giải pháp - ZALO 093 189 2701
Viết thuê báo cáo thực tập giá rẻ
 
Nhận định đúng sai luật lao động
Nhận định đúng sai luật lao độngNhận định đúng sai luật lao động
Nhận định đúng sai luật lao động
Bee Bee
 
BÀI MẪU Khóa luận: Pháp luật về bảo vệ môi trường biển,9 ĐIỂM
BÀI MẪU Khóa luận: Pháp luật về bảo vệ môi trường biển,9 ĐIỂMBÀI MẪU Khóa luận: Pháp luật về bảo vệ môi trường biển,9 ĐIỂM
BÀI MẪU Khóa luận: Pháp luật về bảo vệ môi trường biển,9 ĐIỂM
Viết Thuê Khóa Luận _ ZALO 0917.193.864 default
 
Tiểu luận kinh tế phát triển - Tài nguyên thiên nhiên
Tiểu luận kinh tế phát triển - Tài nguyên thiên nhiênTiểu luận kinh tế phát triển - Tài nguyên thiên nhiên
Tiểu luận kinh tế phát triển - Tài nguyên thiên nhiên
Ngọc Hưng
 
Đề cương ôn thi môn Phương pháp luận nghiên cứu khoa học
Đề cương ôn thi môn Phương pháp luận nghiên cứu khoa họcĐề cương ôn thi môn Phương pháp luận nghiên cứu khoa học
Đề cương ôn thi môn Phương pháp luận nghiên cứu khoa họcHo Chi Minh University of Pedagogy
 
Luận văn: Phát triển du lịch biển, đảo tại tỉnh Kiên Giang, HAY, 9đ
Luận văn: Phát triển du lịch biển, đảo tại tỉnh Kiên Giang, HAY, 9đLuận văn: Phát triển du lịch biển, đảo tại tỉnh Kiên Giang, HAY, 9đ
Luận văn: Phát triển du lịch biển, đảo tại tỉnh Kiên Giang, HAY, 9đ
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Phí bảo vệ môi trường theo pháp luật Việt Nam, HOT
Luận văn: Phí bảo vệ môi trường theo pháp luật Việt Nam, HOTLuận văn: Phí bảo vệ môi trường theo pháp luật Việt Nam, HOT
Luận văn: Phí bảo vệ môi trường theo pháp luật Việt Nam, HOT
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Luận văn: Pháp luật về nước thải công nghiệp ở Việt Nam, HAY
Luận văn: Pháp luật về nước thải công nghiệp ở Việt Nam, HAYLuận văn: Pháp luật về nước thải công nghiệp ở Việt Nam, HAY
Luận văn: Pháp luật về nước thải công nghiệp ở Việt Nam, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Cach xay dung du an theo khung logic
Cach xay dung du an theo khung logicCach xay dung du an theo khung logic
Cach xay dung du an theo khung logic
foreman
 
quản lý tài nguyên và môi trường nước
quản lý tài nguyên và môi trường nướcquản lý tài nguyên và môi trường nước
quản lý tài nguyên và môi trường nước
huuduyen12
 
Luận văn: Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Hà Nội, HAY, 9đ
Luận văn: Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Hà Nội, HAY, 9đLuận văn: Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Hà Nội, HAY, 9đ
Luận văn: Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Hà Nội, HAY, 9đ
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Tài nguyên nước và hiện trạng sử dụng nước ở việt nam
Tài nguyên nước và hiện trạng sử dụng nước ở việt namTài nguyên nước và hiện trạng sử dụng nước ở việt nam
Tài nguyên nước và hiện trạng sử dụng nước ở việt nam
Tuấn Nguyễn
 
Phân tích nội dung lý thuyết của W. Rostow
Phân tích nội dung lý thuyết của W. RostowPhân tích nội dung lý thuyết của W. Rostow
Phân tích nội dung lý thuyết của W. Rostow
Digiword Ha Noi
 
Quản lý nguồn nước
Quản lý nguồn nướcQuản lý nguồn nước
Quản lý nguồn nướcTuấn Đạt
 
Đề tài: Pháp luật về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản
Đề tài: Pháp luật về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sảnĐề tài: Pháp luật về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản
Đề tài: Pháp luật về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Ảnh hưởng của Mạng xã hội và Internet đối với sinh viên Đại học
Ảnh hưởng của Mạng xã hội và Internet đối với sinh viên Đại họcẢnh hưởng của Mạng xã hội và Internet đối với sinh viên Đại học
Ảnh hưởng của Mạng xã hội và Internet đối với sinh viên Đại học
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Nhận thức và thái độ về các mạng xã hội của học sinh
Luận văn: Nhận thức và thái độ về các mạng xã hội của học sinhLuận văn: Nhận thức và thái độ về các mạng xã hội của học sinh
Luận văn: Nhận thức và thái độ về các mạng xã hội của học sinh
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Tài nguyên rừng
Tài nguyên rừngTài nguyên rừng
Tài nguyên rừng
Hương Vũ
 
Luận văn: Pháp luật về bảo vệ môi trường không khí ở Việt Nam
Luận văn: Pháp luật về bảo vệ môi trường không khí ở Việt NamLuận văn: Pháp luật về bảo vệ môi trường không khí ở Việt Nam
Luận văn: Pháp luật về bảo vệ môi trường không khí ở Việt Nam
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Đề tài: Quản lý về khai thác tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam, HOT
Đề tài: Quản lý về khai thác tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam, HOTĐề tài: Quản lý về khai thác tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam, HOT
Đề tài: Quản lý về khai thác tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam, HOT
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 

What's hot (20)

Tiểu luận ô nhiễm môi trường - hậu quả và giải pháp - ZALO 093 189 2701
Tiểu luận ô nhiễm môi trường - hậu quả và giải pháp - ZALO 093 189 2701Tiểu luận ô nhiễm môi trường - hậu quả và giải pháp - ZALO 093 189 2701
Tiểu luận ô nhiễm môi trường - hậu quả và giải pháp - ZALO 093 189 2701
 
Nhận định đúng sai luật lao động
Nhận định đúng sai luật lao độngNhận định đúng sai luật lao động
Nhận định đúng sai luật lao động
 
BÀI MẪU Khóa luận: Pháp luật về bảo vệ môi trường biển,9 ĐIỂM
BÀI MẪU Khóa luận: Pháp luật về bảo vệ môi trường biển,9 ĐIỂMBÀI MẪU Khóa luận: Pháp luật về bảo vệ môi trường biển,9 ĐIỂM
BÀI MẪU Khóa luận: Pháp luật về bảo vệ môi trường biển,9 ĐIỂM
 
Tiểu luận kinh tế phát triển - Tài nguyên thiên nhiên
Tiểu luận kinh tế phát triển - Tài nguyên thiên nhiênTiểu luận kinh tế phát triển - Tài nguyên thiên nhiên
Tiểu luận kinh tế phát triển - Tài nguyên thiên nhiên
 
Đề cương ôn thi môn Phương pháp luận nghiên cứu khoa học
Đề cương ôn thi môn Phương pháp luận nghiên cứu khoa họcĐề cương ôn thi môn Phương pháp luận nghiên cứu khoa học
Đề cương ôn thi môn Phương pháp luận nghiên cứu khoa học
 
Luận văn: Phát triển du lịch biển, đảo tại tỉnh Kiên Giang, HAY, 9đ
Luận văn: Phát triển du lịch biển, đảo tại tỉnh Kiên Giang, HAY, 9đLuận văn: Phát triển du lịch biển, đảo tại tỉnh Kiên Giang, HAY, 9đ
Luận văn: Phát triển du lịch biển, đảo tại tỉnh Kiên Giang, HAY, 9đ
 
Luận văn: Phí bảo vệ môi trường theo pháp luật Việt Nam, HOT
Luận văn: Phí bảo vệ môi trường theo pháp luật Việt Nam, HOTLuận văn: Phí bảo vệ môi trường theo pháp luật Việt Nam, HOT
Luận văn: Phí bảo vệ môi trường theo pháp luật Việt Nam, HOT
 
Luận văn: Pháp luật về nước thải công nghiệp ở Việt Nam, HAY
Luận văn: Pháp luật về nước thải công nghiệp ở Việt Nam, HAYLuận văn: Pháp luật về nước thải công nghiệp ở Việt Nam, HAY
Luận văn: Pháp luật về nước thải công nghiệp ở Việt Nam, HAY
 
Cach xay dung du an theo khung logic
Cach xay dung du an theo khung logicCach xay dung du an theo khung logic
Cach xay dung du an theo khung logic
 
quản lý tài nguyên và môi trường nước
quản lý tài nguyên và môi trường nướcquản lý tài nguyên và môi trường nước
quản lý tài nguyên và môi trường nước
 
Luận văn: Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Hà Nội, HAY, 9đ
Luận văn: Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Hà Nội, HAY, 9đLuận văn: Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Hà Nội, HAY, 9đ
Luận văn: Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Hà Nội, HAY, 9đ
 
Tài nguyên nước và hiện trạng sử dụng nước ở việt nam
Tài nguyên nước và hiện trạng sử dụng nước ở việt namTài nguyên nước và hiện trạng sử dụng nước ở việt nam
Tài nguyên nước và hiện trạng sử dụng nước ở việt nam
 
Phân tích nội dung lý thuyết của W. Rostow
Phân tích nội dung lý thuyết của W. RostowPhân tích nội dung lý thuyết của W. Rostow
Phân tích nội dung lý thuyết của W. Rostow
 
Quản lý nguồn nước
Quản lý nguồn nướcQuản lý nguồn nước
Quản lý nguồn nước
 
Đề tài: Pháp luật về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản
Đề tài: Pháp luật về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sảnĐề tài: Pháp luật về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản
Đề tài: Pháp luật về bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản
 
Ảnh hưởng của Mạng xã hội và Internet đối với sinh viên Đại học
Ảnh hưởng của Mạng xã hội và Internet đối với sinh viên Đại họcẢnh hưởng của Mạng xã hội và Internet đối với sinh viên Đại học
Ảnh hưởng của Mạng xã hội và Internet đối với sinh viên Đại học
 
Luận văn: Nhận thức và thái độ về các mạng xã hội của học sinh
Luận văn: Nhận thức và thái độ về các mạng xã hội của học sinhLuận văn: Nhận thức và thái độ về các mạng xã hội của học sinh
Luận văn: Nhận thức và thái độ về các mạng xã hội của học sinh
 
Tài nguyên rừng
Tài nguyên rừngTài nguyên rừng
Tài nguyên rừng
 
Luận văn: Pháp luật về bảo vệ môi trường không khí ở Việt Nam
Luận văn: Pháp luật về bảo vệ môi trường không khí ở Việt NamLuận văn: Pháp luật về bảo vệ môi trường không khí ở Việt Nam
Luận văn: Pháp luật về bảo vệ môi trường không khí ở Việt Nam
 
Đề tài: Quản lý về khai thác tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam, HOT
Đề tài: Quản lý về khai thác tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam, HOTĐề tài: Quản lý về khai thác tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam, HOT
Đề tài: Quản lý về khai thác tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam, HOT
 

Similar to Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP Đà Nẵng

Luận Văn Phát triển đánh bắt thuỷ sản Quận Sơn Trà, Thành phố Đà nẵng.doc
Luận Văn Phát triển đánh bắt thuỷ sản Quận Sơn Trà, Thành phố Đà nẵng.docLuận Văn Phát triển đánh bắt thuỷ sản Quận Sơn Trà, Thành phố Đà nẵng.doc
Luận Văn Phát triển đánh bắt thuỷ sản Quận Sơn Trà, Thành phố Đà nẵng.doc
sividocz
 
Luận văn: Chính sách hỗ trợ ngư dân quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng
Luận văn: Chính sách hỗ trợ ngư dân quận Thanh Khê, TP Đà NẵngLuận văn: Chính sách hỗ trợ ngư dân quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng
Luận văn: Chính sách hỗ trợ ngư dân quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Nc qua trinh boi lap cua de gi
Nc qua trinh boi lap cua de giNc qua trinh boi lap cua de gi
Nc qua trinh boi lap cua de giNguyen Thanh Luan
 
Luận văn: Chính sách phát triển du lịch biển tại TP Đà Nẵng, HAY
Luận văn: Chính sách phát triển du lịch biển tại TP Đà Nẵng, HAYLuận văn: Chính sách phát triển du lịch biển tại TP Đà Nẵng, HAY
Luận văn: Chính sách phát triển du lịch biển tại TP Đà Nẵng, HAY
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Luận văn: Thực hiện chính sách phát triển du lịch biển Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách phát triển du lịch biển Đà NẵngLuận văn: Thực hiện chính sách phát triển du lịch biển Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách phát triển du lịch biển Đà Nẵng
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Khóa luận: Pháp luật về bảo vệ môi trường biển, HAY, 9 ĐIỂM
Khóa luận: Pháp luật về bảo vệ môi trường biển, HAY, 9 ĐIỂMKhóa luận: Pháp luật về bảo vệ môi trường biển, HAY, 9 ĐIỂM
Khóa luận: Pháp luật về bảo vệ môi trường biển, HAY, 9 ĐIỂM
Viết Thuê Khóa Luận _ ZALO 0917.193.864 default
 
Phát Triển Dịch Vụ Hậu Cần Nghề Cá Thành Phố Đà Nẵng.doc
Phát Triển Dịch Vụ Hậu Cần Nghề Cá Thành Phố Đà Nẵng.docPhát Triển Dịch Vụ Hậu Cần Nghề Cá Thành Phố Đà Nẵng.doc
Phát Triển Dịch Vụ Hậu Cần Nghề Cá Thành Phố Đà Nẵng.doc
Dịch vụ viết đề tài trọn gói 0934.573.149
 
LUẬN VĂN THẠC SĨ: TÀI NGUYÊN DU LỊCH BIỂN VIỆT NAM CHO PHÁT TRIỂN DU LỊCH NGH...
LUẬN VĂN THẠC SĨ: TÀI NGUYÊN DU LỊCH BIỂN VIỆT NAM CHO PHÁT TRIỂN DU LỊCH NGH...LUẬN VĂN THẠC SĨ: TÀI NGUYÊN DU LỊCH BIỂN VIỆT NAM CHO PHÁT TRIỂN DU LỊCH NGH...
LUẬN VĂN THẠC SĨ: TÀI NGUYÊN DU LỊCH BIỂN VIỆT NAM CHO PHÁT TRIỂN DU LỊCH NGH...
ssuserc1c2711
 
Cam nang quy hoach khong gian bien final
Cam nang quy hoach khong gian bien finalCam nang quy hoach khong gian bien final
Cam nang quy hoach khong gian bien finalNguyen Thanh Luan
 
Phát Triển Khai Thác Hải Sản Ở Thành Phố Đà Nẵng.doc
Phát Triển Khai Thác Hải Sản Ở Thành Phố Đà Nẵng.docPhát Triển Khai Thác Hải Sản Ở Thành Phố Đà Nẵng.doc
Phát Triển Khai Thác Hải Sản Ở Thành Phố Đà Nẵng.doc
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Tác động kinh tế của biến đổi khí hậu đến khai thác thuỷ sản, HAY
Tác động kinh tế của biến đổi khí hậu đến khai thác thuỷ sản, HAYTác động kinh tế của biến đổi khí hậu đến khai thác thuỷ sản, HAY
Tác động kinh tế của biến đổi khí hậu đến khai thác thuỷ sản, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
2014 Khoa hoc cong nghe bien Viet Nam
2014 Khoa hoc cong nghe bien Viet Nam2014 Khoa hoc cong nghe bien Viet Nam
2014 Khoa hoc cong nghe bien Viet NamTran Duc Thanh
 
Luận văn: Chính sách phát triển kinh tế biển tại huyện Hoài Nhơn
Luận văn: Chính sách phát triển kinh tế biển tại huyện Hoài NhơnLuận văn: Chính sách phát triển kinh tế biển tại huyện Hoài Nhơn
Luận văn: Chính sách phát triển kinh tế biển tại huyện Hoài Nhơn
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
LUẬN VĂN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN TỪ THỰC TIỄN HUYỆN HOÀI...
LUẬN VĂN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN TỪ THỰC TIỄN HUYỆN HOÀI...LUẬN VĂN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN TỪ THỰC TIỄN HUYỆN HOÀI...
LUẬN VĂN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN TỪ THỰC TIỄN HUYỆN HOÀI...
KhoTi1
 
Luận văn: Chính sách bảo vệ môi trường huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi
Luận văn: Chính sách bảo vệ môi trường huyện Sơn Hà, Quảng NgãiLuận văn: Chính sách bảo vệ môi trường huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi
Luận văn: Chính sách bảo vệ môi trường huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Luận văn: Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá tp Đà Nẵng, 9đ
Luận văn: Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá tp Đà Nẵng, 9đLuận văn: Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá tp Đà Nẵng, 9đ
Luận văn: Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá tp Đà Nẵng, 9đ
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Quản lý về môi trường tại quận Ngũ Hành Sơn, HAY
Luận văn: Quản lý về môi trường tại quận Ngũ Hành Sơn, HAYLuận văn: Quản lý về môi trường tại quận Ngũ Hành Sơn, HAY
Luận văn: Quản lý về môi trường tại quận Ngũ Hành Sơn, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
He thong thoat_nuoc_cua_thanh_pho_ha_noi
He thong thoat_nuoc_cua_thanh_pho_ha_noiHe thong thoat_nuoc_cua_thanh_pho_ha_noi
He thong thoat_nuoc_cua_thanh_pho_ha_noi
Lan Dinh
 
Luận văn: Đạo đức môi trường ở sinh viên Trường ĐH Hải Dương
Luận văn: Đạo đức môi trường ở sinh viên Trường ĐH Hải DươngLuận văn: Đạo đức môi trường ở sinh viên Trường ĐH Hải Dương
Luận văn: Đạo đức môi trường ở sinh viên Trường ĐH Hải Dương
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Luân Văn Phát triển khai thác thủy sản ven bờ ở vùng biển Huyện Vạn Ninh Tỉnh...
Luân Văn Phát triển khai thác thủy sản ven bờ ở vùng biển Huyện Vạn Ninh Tỉnh...Luân Văn Phát triển khai thác thủy sản ven bờ ở vùng biển Huyện Vạn Ninh Tỉnh...
Luân Văn Phát triển khai thác thủy sản ven bờ ở vùng biển Huyện Vạn Ninh Tỉnh...
Dịch vụ viết đề tài trọn gói 0934.573.149
 

Similar to Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP Đà Nẵng (20)

Luận Văn Phát triển đánh bắt thuỷ sản Quận Sơn Trà, Thành phố Đà nẵng.doc
Luận Văn Phát triển đánh bắt thuỷ sản Quận Sơn Trà, Thành phố Đà nẵng.docLuận Văn Phát triển đánh bắt thuỷ sản Quận Sơn Trà, Thành phố Đà nẵng.doc
Luận Văn Phát triển đánh bắt thuỷ sản Quận Sơn Trà, Thành phố Đà nẵng.doc
 
Luận văn: Chính sách hỗ trợ ngư dân quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng
Luận văn: Chính sách hỗ trợ ngư dân quận Thanh Khê, TP Đà NẵngLuận văn: Chính sách hỗ trợ ngư dân quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng
Luận văn: Chính sách hỗ trợ ngư dân quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng
 
Nc qua trinh boi lap cua de gi
Nc qua trinh boi lap cua de giNc qua trinh boi lap cua de gi
Nc qua trinh boi lap cua de gi
 
Luận văn: Chính sách phát triển du lịch biển tại TP Đà Nẵng, HAY
Luận văn: Chính sách phát triển du lịch biển tại TP Đà Nẵng, HAYLuận văn: Chính sách phát triển du lịch biển tại TP Đà Nẵng, HAY
Luận văn: Chính sách phát triển du lịch biển tại TP Đà Nẵng, HAY
 
Luận văn: Thực hiện chính sách phát triển du lịch biển Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách phát triển du lịch biển Đà NẵngLuận văn: Thực hiện chính sách phát triển du lịch biển Đà Nẵng
Luận văn: Thực hiện chính sách phát triển du lịch biển Đà Nẵng
 
Khóa luận: Pháp luật về bảo vệ môi trường biển, HAY, 9 ĐIỂM
Khóa luận: Pháp luật về bảo vệ môi trường biển, HAY, 9 ĐIỂMKhóa luận: Pháp luật về bảo vệ môi trường biển, HAY, 9 ĐIỂM
Khóa luận: Pháp luật về bảo vệ môi trường biển, HAY, 9 ĐIỂM
 
Phát Triển Dịch Vụ Hậu Cần Nghề Cá Thành Phố Đà Nẵng.doc
Phát Triển Dịch Vụ Hậu Cần Nghề Cá Thành Phố Đà Nẵng.docPhát Triển Dịch Vụ Hậu Cần Nghề Cá Thành Phố Đà Nẵng.doc
Phát Triển Dịch Vụ Hậu Cần Nghề Cá Thành Phố Đà Nẵng.doc
 
LUẬN VĂN THẠC SĨ: TÀI NGUYÊN DU LỊCH BIỂN VIỆT NAM CHO PHÁT TRIỂN DU LỊCH NGH...
LUẬN VĂN THẠC SĨ: TÀI NGUYÊN DU LỊCH BIỂN VIỆT NAM CHO PHÁT TRIỂN DU LỊCH NGH...LUẬN VĂN THẠC SĨ: TÀI NGUYÊN DU LỊCH BIỂN VIỆT NAM CHO PHÁT TRIỂN DU LỊCH NGH...
LUẬN VĂN THẠC SĨ: TÀI NGUYÊN DU LỊCH BIỂN VIỆT NAM CHO PHÁT TRIỂN DU LỊCH NGH...
 
Cam nang quy hoach khong gian bien final
Cam nang quy hoach khong gian bien finalCam nang quy hoach khong gian bien final
Cam nang quy hoach khong gian bien final
 
Phát Triển Khai Thác Hải Sản Ở Thành Phố Đà Nẵng.doc
Phát Triển Khai Thác Hải Sản Ở Thành Phố Đà Nẵng.docPhát Triển Khai Thác Hải Sản Ở Thành Phố Đà Nẵng.doc
Phát Triển Khai Thác Hải Sản Ở Thành Phố Đà Nẵng.doc
 
Tác động kinh tế của biến đổi khí hậu đến khai thác thuỷ sản, HAY
Tác động kinh tế của biến đổi khí hậu đến khai thác thuỷ sản, HAYTác động kinh tế của biến đổi khí hậu đến khai thác thuỷ sản, HAY
Tác động kinh tế của biến đổi khí hậu đến khai thác thuỷ sản, HAY
 
2014 Khoa hoc cong nghe bien Viet Nam
2014 Khoa hoc cong nghe bien Viet Nam2014 Khoa hoc cong nghe bien Viet Nam
2014 Khoa hoc cong nghe bien Viet Nam
 
Luận văn: Chính sách phát triển kinh tế biển tại huyện Hoài Nhơn
Luận văn: Chính sách phát triển kinh tế biển tại huyện Hoài NhơnLuận văn: Chính sách phát triển kinh tế biển tại huyện Hoài Nhơn
Luận văn: Chính sách phát triển kinh tế biển tại huyện Hoài Nhơn
 
LUẬN VĂN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN TỪ THỰC TIỄN HUYỆN HOÀI...
LUẬN VĂN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN TỪ THỰC TIỄN HUYỆN HOÀI...LUẬN VĂN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN TỪ THỰC TIỄN HUYỆN HOÀI...
LUẬN VĂN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN TỪ THỰC TIỄN HUYỆN HOÀI...
 
Luận văn: Chính sách bảo vệ môi trường huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi
Luận văn: Chính sách bảo vệ môi trường huyện Sơn Hà, Quảng NgãiLuận văn: Chính sách bảo vệ môi trường huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi
Luận văn: Chính sách bảo vệ môi trường huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi
 
Luận văn: Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá tp Đà Nẵng, 9đ
Luận văn: Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá tp Đà Nẵng, 9đLuận văn: Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá tp Đà Nẵng, 9đ
Luận văn: Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá tp Đà Nẵng, 9đ
 
Luận văn: Quản lý về môi trường tại quận Ngũ Hành Sơn, HAY
Luận văn: Quản lý về môi trường tại quận Ngũ Hành Sơn, HAYLuận văn: Quản lý về môi trường tại quận Ngũ Hành Sơn, HAY
Luận văn: Quản lý về môi trường tại quận Ngũ Hành Sơn, HAY
 
He thong thoat_nuoc_cua_thanh_pho_ha_noi
He thong thoat_nuoc_cua_thanh_pho_ha_noiHe thong thoat_nuoc_cua_thanh_pho_ha_noi
He thong thoat_nuoc_cua_thanh_pho_ha_noi
 
Luận văn: Đạo đức môi trường ở sinh viên Trường ĐH Hải Dương
Luận văn: Đạo đức môi trường ở sinh viên Trường ĐH Hải DươngLuận văn: Đạo đức môi trường ở sinh viên Trường ĐH Hải Dương
Luận văn: Đạo đức môi trường ở sinh viên Trường ĐH Hải Dương
 
Luân Văn Phát triển khai thác thủy sản ven bờ ở vùng biển Huyện Vạn Ninh Tỉnh...
Luân Văn Phát triển khai thác thủy sản ven bờ ở vùng biển Huyện Vạn Ninh Tỉnh...Luân Văn Phát triển khai thác thủy sản ven bờ ở vùng biển Huyện Vạn Ninh Tỉnh...
Luân Văn Phát triển khai thác thủy sản ven bờ ở vùng biển Huyện Vạn Ninh Tỉnh...
 

More from Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562

Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...
Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...
Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...
Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...
Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Nghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.doc
Nghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.docNghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.doc
Nghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.doc
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Xây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.doc
Xây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.docXây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.doc
Xây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.doc
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Phát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.doc
Phát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.docPhát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.doc
Phát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.doc
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...
Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...
Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...
Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...
Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Ánh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.doc
Ánh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.docÁnh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.doc
Ánh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.doc
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...
Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...
Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...
Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...
Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Diễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.doc
Diễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.docDiễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.doc
Diễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.doc
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 

More from Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562 (20)

Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...
Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...
Nghiên Cứu Thu Nhận Pectin Từ Một Số Nguồn Thực Vật Và Sản Xuất Màng Pectin S...
 
Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...
Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...
Phát Triển Cho Vay Hộ Kinh Doanh Tại Ngân Hàng Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông...
 
Nghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.doc
Nghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.docNghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.doc
Nghiên Cứu Nhiễu Loạn Điện Áp Trong Lưới Điện Phân Phối.doc
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Kết Quả Kinh Doanh Của Các Công Ty Ngành...
 
Xây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.doc
Xây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.docXây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.doc
Xây Dựng Công Cụ Sinh Dữ Liệu Thử Tự Động Cho Chương Trình Java.doc
 
Phát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.doc
Phát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.docPhát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.doc
Phát Triển Công Nghiệp Huyện Điện Bàn Tỉnh Quảng Nam.doc
 
Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...
Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...
Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Dân Trên Địa Bàn Huyện Quảng Ninh, Tỉnh Quảng Bình...
 
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
Vận Dụng Mô Hình Hồi Quy Ngưỡng Trong Nghiên Cứu Tác Động Của Nợ Lên Giá Trị ...
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Cấu Trúc Vốn Của Doanh Nghiệp Ngành Hàng...
 
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
Nghiên Cứu Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Đến Hiệu Quả Kinh Doanh Của Các Doanh Nghiệp...
 
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
Hoàn Thiện Công Tác Thẩm Định Giá Tài Sản Bảo Đảm Trong Hoạt Động Cho Vay Tại...
 
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
Biện Pháp Quản Lý Xây Dựng Ngân Hàng Câu Hỏi Kiểm Tra Đánh Giá Kết Quả Học Tậ...
 
Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...
Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...
Hoàn Thiện Công Tác Huy Động Vốn Tại Ngân Hàng Tmcp Công Thương Việt Nam Chi ...
 
Ánh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.doc
Ánh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.docÁnh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.doc
Ánh Xạ Đóng Trong Không Gian Mêtric Suy Rộng.doc
 
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
Giải Pháp Hạn Chế Nợ Xấu Đối Với Khách Hàng Doanh Nghiệp Tại Ngân Hàng Thương...
 
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
Hoàn Thiện Công Tác Đào Tạo Đội Ngũ Cán Bộ Công Chức Phường Trên Địa Bàn Quận...
 
Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...
Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...
Giải Pháp Marketing Cho Dịch Vụ Ngân Hàng Điện Tử Tại Ngân Hàng Tmcp Hàng Hải...
 
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
Biện Pháp Quản Lý Công Tác Tự Đánh Giá Trong Kiểm Định Chất Lượng Giáo Dục Cá...
 
Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...
Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...
Kiểm Soát Rủi Ro Tín Dụng Trong Cho Vay Ngành Xây Dựng Tại Nhtmcp Công Thương...
 
Diễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.doc
Diễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.docDiễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.doc
Diễn Ngôn Lịch Sử Trong Biên Bản Chiến Tranh 1-2 -3- 4.75 Của Trần Mai Hạnh.doc
 

Recently uploaded

YHocData.com-bộ-câu-hỏi-mô-phôi.pdf đầy đủ
YHocData.com-bộ-câu-hỏi-mô-phôi.pdf đầy đủYHocData.com-bộ-câu-hỏi-mô-phôi.pdf đầy đủ
YHocData.com-bộ-câu-hỏi-mô-phôi.pdf đầy đủ
duyanh05052004
 
THONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdf
THONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdfTHONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdf
THONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdf
QucHHunhnh
 
Halloween vocabulary for kids in primary school
Halloween vocabulary for kids in primary schoolHalloween vocabulary for kids in primary school
Halloween vocabulary for kids in primary school
AnhPhm265031
 
BÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docx
BÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docxBÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docx
BÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docx
HngL891608
 
Khí huyết và tân dịch - Y học cổ truyền VN
Khí huyết và tân dịch - Y học cổ truyền VNKhí huyết và tân dịch - Y học cổ truyền VN
Khí huyết và tân dịch - Y học cổ truyền VN
ThaiTrinh16
 
trắc nhiệm ký sinh.docxddddddddddddddddd
trắc nhiệm ký sinh.docxdddddddddddddddddtrắc nhiệm ký sinh.docxddddddddddddddddd
trắc nhiệm ký sinh.docxddddddddddddddddd
my21xn0084
 
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
TỔNG HỢP 135 CÂU HỎI DI TRUYỀN PHÂN TỬ LUYỆN THI HỌC SINH GIỎI THPT MÔN SINH ...
TỔNG HỢP 135 CÂU HỎI DI TRUYỀN PHÂN TỬ LUYỆN THI HỌC SINH GIỎI THPT MÔN SINH ...TỔNG HỢP 135 CÂU HỎI DI TRUYỀN PHÂN TỬ LUYỆN THI HỌC SINH GIỎI THPT MÔN SINH ...
TỔNG HỢP 135 CÂU HỎI DI TRUYỀN PHÂN TỬ LUYỆN THI HỌC SINH GIỎI THPT MÔN SINH ...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
Tai-lieu-Boi-Duong-HSG-môn-Ngữ-Văn-THPT-Tập-1.docx
Tai-lieu-Boi-Duong-HSG-môn-Ngữ-Văn-THPT-Tập-1.docxTai-lieu-Boi-Duong-HSG-môn-Ngữ-Văn-THPT-Tập-1.docx
Tai-lieu-Boi-Duong-HSG-môn-Ngữ-Văn-THPT-Tập-1.docx
NhNguynTQunh
 
bài dự thi chính luận 2024 đảng chọn lọc.docx
bài dự thi chính luận 2024 đảng chọn lọc.docxbài dự thi chính luận 2024 đảng chọn lọc.docx
bài dự thi chính luận 2024 đảng chọn lọc.docx
HiYnThTh
 
Biểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều
Biểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang ThiềuBiểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều
Biểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều
lamluanvan.net Viết thuê luận văn
 
Từ ngữ về con người và chiến tranh trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm.pdf
Từ ngữ về con người và chiến tranh trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm.pdfTừ ngữ về con người và chiến tranh trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm.pdf
Từ ngữ về con người và chiến tranh trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm.pdf
Man_Ebook
 
BÀI TẬP DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 12 - CẢ NĂM - THEO FORM THI MỚI BGD 2025 (DÙNG C...
BÀI TẬP DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 12 - CẢ NĂM - THEO FORM THI MỚI BGD 2025 (DÙNG C...BÀI TẬP DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 12 - CẢ NĂM - THEO FORM THI MỚI BGD 2025 (DÙNG C...
BÀI TẬP DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 12 - CẢ NĂM - THEO FORM THI MỚI BGD 2025 (DÙNG C...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
Smartbiz_He thong MES nganh may mac_2024june
Smartbiz_He thong MES nganh may mac_2024juneSmartbiz_He thong MES nganh may mac_2024june
Smartbiz_He thong MES nganh may mac_2024june
SmartBiz
 
Các bình diện Ngôn ngữ học đối chiếu.pdf
Các bình diện Ngôn ngữ học đối chiếu.pdfCác bình diện Ngôn ngữ học đối chiếu.pdf
Các bình diện Ngôn ngữ học đối chiếu.pdf
linhlevietdav
 
Tuyển tập 9 chuyên đề bồi dưỡng Toán lớp 5 cơ bản và nâng cao ôn thi vào lớp ...
Tuyển tập 9 chuyên đề bồi dưỡng Toán lớp 5 cơ bản và nâng cao ôn thi vào lớp ...Tuyển tập 9 chuyên đề bồi dưỡng Toán lớp 5 cơ bản và nâng cao ôn thi vào lớp ...
Tuyển tập 9 chuyên đề bồi dưỡng Toán lớp 5 cơ bản và nâng cao ôn thi vào lớp ...
Bồi Dưỡng HSG Toán Lớp 3
 
tiếng việt dành cho sinh viên ngoại ngữ h
tiếng việt dành cho sinh viên ngoại ngữ htiếng việt dành cho sinh viên ngoại ngữ h
tiếng việt dành cho sinh viên ngoại ngữ h
huynhanhthu082007
 
Bài tập chương 5. Năng lượng phản ứng.docx
Bài tập chương 5. Năng lượng phản ứng.docxBài tập chương 5. Năng lượng phản ứng.docx
Bài tập chương 5. Năng lượng phản ứng.docx
gorse871
 
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT - Luận Văn Uy Tín.docx
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT - Luận Văn Uy Tín.docxLUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT - Luận Văn Uy Tín.docx
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT - Luận Văn Uy Tín.docx
Luận Văn Uy Tín
 
DANH SÁCH XÉT TUYỂN SỚM_NĂM 2023_học ba DPY.pdf
DANH SÁCH XÉT TUYỂN SỚM_NĂM 2023_học ba DPY.pdfDANH SÁCH XÉT TUYỂN SỚM_NĂM 2023_học ba DPY.pdf
DANH SÁCH XÉT TUYỂN SỚM_NĂM 2023_học ba DPY.pdf
thanhluan21
 

Recently uploaded (20)

YHocData.com-bộ-câu-hỏi-mô-phôi.pdf đầy đủ
YHocData.com-bộ-câu-hỏi-mô-phôi.pdf đầy đủYHocData.com-bộ-câu-hỏi-mô-phôi.pdf đầy đủ
YHocData.com-bộ-câu-hỏi-mô-phôi.pdf đầy đủ
 
THONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdf
THONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdfTHONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdf
THONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdf
 
Halloween vocabulary for kids in primary school
Halloween vocabulary for kids in primary schoolHalloween vocabulary for kids in primary school
Halloween vocabulary for kids in primary school
 
BÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docx
BÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docxBÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docx
BÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docx
 
Khí huyết và tân dịch - Y học cổ truyền VN
Khí huyết và tân dịch - Y học cổ truyền VNKhí huyết và tân dịch - Y học cổ truyền VN
Khí huyết và tân dịch - Y học cổ truyền VN
 
trắc nhiệm ký sinh.docxddddddddddddddddd
trắc nhiệm ký sinh.docxdddddddddddddddddtrắc nhiệm ký sinh.docxddddddddddddddddd
trắc nhiệm ký sinh.docxddddddddddddddddd
 
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...
 
TỔNG HỢP 135 CÂU HỎI DI TRUYỀN PHÂN TỬ LUYỆN THI HỌC SINH GIỎI THPT MÔN SINH ...
TỔNG HỢP 135 CÂU HỎI DI TRUYỀN PHÂN TỬ LUYỆN THI HỌC SINH GIỎI THPT MÔN SINH ...TỔNG HỢP 135 CÂU HỎI DI TRUYỀN PHÂN TỬ LUYỆN THI HỌC SINH GIỎI THPT MÔN SINH ...
TỔNG HỢP 135 CÂU HỎI DI TRUYỀN PHÂN TỬ LUYỆN THI HỌC SINH GIỎI THPT MÔN SINH ...
 
Tai-lieu-Boi-Duong-HSG-môn-Ngữ-Văn-THPT-Tập-1.docx
Tai-lieu-Boi-Duong-HSG-môn-Ngữ-Văn-THPT-Tập-1.docxTai-lieu-Boi-Duong-HSG-môn-Ngữ-Văn-THPT-Tập-1.docx
Tai-lieu-Boi-Duong-HSG-môn-Ngữ-Văn-THPT-Tập-1.docx
 
bài dự thi chính luận 2024 đảng chọn lọc.docx
bài dự thi chính luận 2024 đảng chọn lọc.docxbài dự thi chính luận 2024 đảng chọn lọc.docx
bài dự thi chính luận 2024 đảng chọn lọc.docx
 
Biểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều
Biểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang ThiềuBiểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều
Biểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều
 
Từ ngữ về con người và chiến tranh trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm.pdf
Từ ngữ về con người và chiến tranh trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm.pdfTừ ngữ về con người và chiến tranh trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm.pdf
Từ ngữ về con người và chiến tranh trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm.pdf
 
BÀI TẬP DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 12 - CẢ NĂM - THEO FORM THI MỚI BGD 2025 (DÙNG C...
BÀI TẬP DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 12 - CẢ NĂM - THEO FORM THI MỚI BGD 2025 (DÙNG C...BÀI TẬP DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 12 - CẢ NĂM - THEO FORM THI MỚI BGD 2025 (DÙNG C...
BÀI TẬP DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 12 - CẢ NĂM - THEO FORM THI MỚI BGD 2025 (DÙNG C...
 
Smartbiz_He thong MES nganh may mac_2024june
Smartbiz_He thong MES nganh may mac_2024juneSmartbiz_He thong MES nganh may mac_2024june
Smartbiz_He thong MES nganh may mac_2024june
 
Các bình diện Ngôn ngữ học đối chiếu.pdf
Các bình diện Ngôn ngữ học đối chiếu.pdfCác bình diện Ngôn ngữ học đối chiếu.pdf
Các bình diện Ngôn ngữ học đối chiếu.pdf
 
Tuyển tập 9 chuyên đề bồi dưỡng Toán lớp 5 cơ bản và nâng cao ôn thi vào lớp ...
Tuyển tập 9 chuyên đề bồi dưỡng Toán lớp 5 cơ bản và nâng cao ôn thi vào lớp ...Tuyển tập 9 chuyên đề bồi dưỡng Toán lớp 5 cơ bản và nâng cao ôn thi vào lớp ...
Tuyển tập 9 chuyên đề bồi dưỡng Toán lớp 5 cơ bản và nâng cao ôn thi vào lớp ...
 
tiếng việt dành cho sinh viên ngoại ngữ h
tiếng việt dành cho sinh viên ngoại ngữ htiếng việt dành cho sinh viên ngoại ngữ h
tiếng việt dành cho sinh viên ngoại ngữ h
 
Bài tập chương 5. Năng lượng phản ứng.docx
Bài tập chương 5. Năng lượng phản ứng.docxBài tập chương 5. Năng lượng phản ứng.docx
Bài tập chương 5. Năng lượng phản ứng.docx
 
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT - Luận Văn Uy Tín.docx
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT - Luận Văn Uy Tín.docxLUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT - Luận Văn Uy Tín.docx
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT - Luận Văn Uy Tín.docx
 
DANH SÁCH XÉT TUYỂN SỚM_NĂM 2023_học ba DPY.pdf
DANH SÁCH XÉT TUYỂN SỚM_NĂM 2023_học ba DPY.pdfDANH SÁCH XÉT TUYỂN SỚM_NĂM 2023_học ba DPY.pdf
DANH SÁCH XÉT TUYỂN SỚM_NĂM 2023_học ba DPY.pdf
 

Luận văn: Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển TP Đà Nẵng

  • 1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGUYỄN MINH NHẬT THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN TỪ THỰC TIỄN CỦA THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG LUẬN VĂN THẠC SĨ CHÍNH SÁCH CÔNG ĐÀ NẴNG, năm 2019
  • 2. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGUYỄN MINH NHẬT THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN TỪ THỰC TIỄN CỦA THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG Chuyên ngành: Chính sách công Mã số: 834.04.02 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC TS. NGUYỄN BÌNH GIANG HÀ NỘI, năm 2019
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng của tôi. Các số liệu, tài liệu được trích dẫn trong luận văn theo nguồn đã công bố. Kết quả nêu trong luận văn này là trung thực và chưa từng được công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Tác giả Nguyễn Minh Nhật
  • 4. MỤC LỤC MỞ ĐẦU ..........................................................................................................1 CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA CHÍNH SÁCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN ........................................................9 1.1. Các khái niệm cơ sở...................................................................................9 1.2. Các yếu tố tác động tới việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển..................................................................................................................19 CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG THỰC HIỆN VÀ TRIỂN KHAI CHÍNH SÁCH MÔI TRƯỜNG BIỂN ĐÀ NẴNG ....................................28 2.1. Khái quát về môi trường biển ở Đà Nẵng................................................28 2.2. Thực trạng môi trường biển Đà Nẵng......................................................31 2.3. Chủ trương và chính sách bảo vệ môi trường biển của thành phố Đà Nẵng ................................................................................................................36 2.4. Đánh giá việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển ở Đà Nẵng 51 CHƯƠNG 3. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN CỦA THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG .....................................60 3.1. Quan điểm và định hướng hoàn thiện chính sách bảo vệ môi trường .....60 3.2. Các giải pháp Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển của Thành phố Đà Nẵng....................................................................................................63 KẾT LUẬN....................................................................................................77 TÀI LIỆU THAM KHẢO PHỤ LỤC
  • 5. DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT BVMT Bảo vệ môi trường CLB Câu lạc bộ CNH, HĐH Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa HĐND Hội đồng nhân dân KCN Khu công nghiệp MT Môi trường QLNN Quản lí nhà nước TNMT Tài nguyên môi trường UBND Ủy ban nhân dân
  • 6. DANH MỤC CÁC HÌNH Hình 2.1. Sơ đồ Tổ chức Bộ máy quản lý Nhà nước về MT tại thành phố Đà Nẵng...........................................................................................................46 Hình 2.2. Sơ đồ tổ chức bộ máy Sở Tài nguyên và môi trường Đà Nẵng Chức năng và nhiệm vụ về lĩnh vực MT của Sở TNMT Đà Nẵng.................47 Hình 2.3. Sơ đồ tổ chức bộ máy của Chi cục Bảo vệ môi trường Thành phố Đà Nẵng...........................................................................................................47 Hình 2.4. Sơ đồ cơ cấu bộ máy Chi Cục Biển và Hải đảo Thành phố Đà Nẵng ................................................................................................................48
  • 7. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Đà Nẵng là một trong số 28 thành phố ven biển của cả nước; một thành miền Trung với 6/8 quận, huyện của thành phố tiếp giáp với biển, trong đó có huyện đảo Hoàng Sa. Nhắc đến Đà Nẵng là nhắc đến thành phố đáng sống nhất Việt Nam, một thành phố xinh đẹp mà vẫn giữ nét cổ kính hai bên bờ sông Hàn. Với hơn 92km bờ biến, với nhiều bãi tắm đẹp lý tưởng như: Mỹ Khê, Non Nước, Bắc Mỹ An, Nam Ô, Xuân Thiều.. Các bãi tắm ở Đà Nẵng đều có bãi cát trắng, mực nước nông, có độ mặn vừa phải và quanh năm trong xanh. Để khai thác lợi thế của đường bờ biển dài cùng những bãi biển hoàn hảo, những năm gần đây Đà Nẵng đã nhanh chóng xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển, trong đó, đặc biệt tập trung khai thác thế mạnh về du lịch và ngành công nghiệp chế biến thủy sản. Với một vị trí đia lý đặc biệt cùng với sự phát triển nhanh chóng về đô thị Đà Nẵng luôn là điểm đến du lịch hàng đầu của các du khách trong và ngoài nước, Tuy nhiên, Thành phố hiện đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về môi trường đáng báo động vì nhiều nguyên nhân. Toàn thành phố với 44 cửa cống xả nước thải ra biển tính từ quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Tất cả hệ thống cống thoát này bao gồm cả cống xả và hệ thống thu gom nước mưa và nước thải đều không được thiết kế để xử lý nước trước khi chảy thải ra môi trường. Bên cạnh đó còn có một số tác động gây ô nhiễm môi trường biển như: tốc độ gia tăng dân số ngày càng nhanh, nhu cầu phát triển kinh tế ngày càng cao trong bối cảnh các nguồn tài nguyên đất liền ngày càng cạn kiệt, càng đẩy mạnh khuynh hướng tiến ra biển, khai thác biển, làm giàu từ biển. Nhưng đi kèm với việc tăng cường khai thác tài nguyên biển lại là các
  • 8. 2 phương thức thiếu tính bền vững. Các hoạt động khai thác chủ yếu chỉ tập trung vào các mục tiêu phát triển kinh tế để đạt được lợi nhuận tối đa, trong khi xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường. trong nhiều trường hợp bị khai thác quá mức, hệ sinh thái biển bị đe dọa nghiêm trọng, môi trường biển nhiều nơi trở nên ô nhiễm đến mức báo động; chất lượng các nguồn nước suy giảm mạnh; điều kiện vệ sinh môi trường chưa được đảm bảo. Đặc biệt trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu với các biểu hiện chính là sự gia tăng mực nước biển và nhiệt độ của trái đất tăng cao đang làm cho nhiều nguồn tài nguyên biển bị khai thác cạn kiệt, … là những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến môi trường biển hay nói một cách khác Môi trường ven biển hiện nay đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức, tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước và bảo đảm nguồn sống cho người dân. Hiện nay ô nhiễm môi trường biển đã là một vấn đề mà cả xã hội phải quan tâm. Đặc biệt là những thành phố lớn như Đà Nẵng. Một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường biển tại Đà Nẵng là do việc thiếu chính sách bảo vệ môi trường biển và việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển khi triển khai thực hiện còn nhiều bất cập chưa phù hợp với thực tiễn. 2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài Hiên nay bảo vệ môi trường biển là vấn đề được các cấp, các ngành, các địa phương đều quan tâm; trong những năm qua, đã có rất nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, tác giả viết bài trên các sách báo, tạp chí, bài luận văn, đề tài khoa học đã nghiên cứu về bảo vệ môi trường (BVMT) biển và chính sách bảo vệ môi trường biển. Tiêu biểu có các công trình sau: 2.1. Các công trình nghiên cứu về bảo vệ môi trường biển - Công trình “Bảo vệ môi trường biển vấn đề và giải pháp” của tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao đề cập đến: Những vấn đề chung, có tính cấp thiết của
  • 9. 3 việc BVMT biển cùng những công ước quốc tế quan trọng liên quan đến vấn đề này. Đề cập tình hình ÔNMT biển Việt Nam hiện nay, việc tổ chức phòng chống, hạn chế ô nhiễm. Đặc biệt cuốn sách còn giới thiệu một số văn bản luật quan trọng của Việt Nam về bảo vệ, phòng chống, ô nhiễm môi trường biển. - Cuốn sách “Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Viện chiến lược, chính sách TN&MT thực hiện. Cuốn sách làm rõ hơn về biển, về tiềm năng, lợi thế và các tác động bất lợi từ biển; thúc đẩy khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên biển theo hướng bền vững; gìn giữ chất lượng môi trường nước biển; duy trì chức năng sinh thái và năng suất sinh học của các hệ sinh thái biển, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước. - Bài viết của TS Lê Thị Thanh Hà về Bảo vệ môi trường biển đảo ở nước ta hiện nay đăng trên tạp chí Lý luận chính trị số 12/2015 đã chỉ ra vai trò của biển đảo đối với sự sống của con người, thực trạng môi trường biển đảo đang bị ô nhiễm ở Việt Nam hiện nay và một số giải pháp nhằm bảo vệ môi trường biển, đảo ở nước ta hiện nay. 2.2. Các công trình nghiên cứu về bảo vệ môi trường biển của Đà Nẵng Bài viết: “Nghiên cứu khảo sát hiện trạng ăn mòn phá huỷ của các công trình bê tông cốt thép và khả năng xâm thực của môi trường vùng ven biển Thành phố Đà Nẵng” của tác giả Trương Hoài Chính, Trần Văn Quang, Nguyễn Phan Phú - Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và tác giả Huỳnh Quyền trường Đại học Bách khoa Hồ Chí Minh được đăng trong Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng. Bài viết nhằm nêu ra cơ sở dữ liệu để minh chứng cho khả năng xâm thực mạnh của môi trường ven biển Đà
  • 10. 4 Nẵng, là cơ sở cho việc đánh giá đưa ra những biện pháp, công nghệ phù hợp nhằm bảo vệ chống ăn mòn xâm thực, nâng cao tuổi thọ cho các công trình vùng ven biển Đà Nẵng, đặc biệt là các công trình cầu cảng, góp phần vào sự phát triểnbền vững kinh tế của thành phố. Bài viết: “Đà Nẵng bảo vệ môi trường trong phát triển du lịch biển” của Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tưởng được đăng trong Tạp chí Du lịch. Bài viết chỉ ra thực trạng các bãi biển Đà Nẵng đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi nước thải, rác thải từ các nguồn sinh hoạt, dịch vụ du lịch, công nghiệp... của thành phố và đề ra những giải pháp cụ thể, lâu dài nhằm bảo vệ môi trường du lịch biển Đà Nẵng… Các nghiên cứu này là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích và đã nêu ra được những tồn tại và giải pháp trong việc bảo vệ môi trường biển. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên chỉ mới đề cập tới các lĩnh vực riêng, chưa có bài viết nào đánh giá một cách toàn diện về tình hình thực hiện các chính sách về bảo vệ môi trường biển của địa phương. Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra là xây dựng thành phố Đà Nẵng là “Thành phố môi trường” có các dịch vụ kiểu mẫu và là trung tâm về giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, phát triển nền kinh tế tri thức công nghệ cao, phát huy thế mạnh về dịch vụ - du lịch; có môi trường tự nhiên và môi trường xã hội lành mạnh thì cần phải rà soát, đánh giá lại tình hình thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường trong thời gian qua, những thành tựu cũng như những tồn tại, hạn chế chưa khắc phục được. Từ đó đề ra các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các chính sách bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Xuất phát từ lý do trên, tôi chọn đề tài “Thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng” làm luận văn thạc sĩ của mình, luận văn có sự kế thừa, phát triển những thành quả của các đề tài liên
  • 11. 5 quan trước đó để đánh giá, phân tích, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế và chủ trương Thành phố Đà Nẵng đến năm 2020 trở thành “Thành phố môi trường”. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3.1. Mục đích nghiên cứu Mục đích nghiên cứu của luận văn này là Nhằm làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển. Qua đó, phân tích, đánh giá tình hình thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển tại thành phố Đà Nẵng, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường công tác thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói riêng và trên cả nước nói chung. 3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt được mục đích nghiên cứu trên, luận văn có nhiệm vụ: Thứ nhất, hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn, làm rõ các khái niệm nghiên cứu cơ bản về thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển. Thứ hai, khảo sát, phân tích thực trạng việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển ở thành phố Đà Nẵng từ đó xác định những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân. Thứ ba, đề xuất những giải pháp tăng cường thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận văn là việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng. 4.2. Phạm vi nghiên cứu - Về nội dung, luận văn chỉ tập trung nghiên cứu các vấn đề lý luận, pháp lý và thực tiễn liên quan đến việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển.
  • 12. 6 - Về không gian, luận văn tập trung nghiên cứu thực trạng thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển từ thực tiễn phố Đà Nẵng. - Về thời gian, luận văn chỉ tập trung nghiên cứu thực trạng thực hiện chính sách thành phố Đà Nẵng trong vòng 05 năm trở lại đây (2014- Đến nay). 5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu 5.1. Phương pháp luận Luận văn vận dụng cách tiếp cận nghiên cứu chính sách công đa ngành, liên ngành khoa học xã hội, trong đó chú ý nhiều đến tiếp cận thực hiện chính sách có sự tham dự, tham gia của các chủ thể chính sách. 5.2 Phương pháp nghiên cứu Đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu chính sách công kết hợp giữa nghiên cứu lý thuyết và thực tế. - Phương pháp thu thập thông tin: còn gọi là phân tích và tổng hợp, được sử dụng để thu thập, phân tích và khai thác thông tin từ các nguồn có sẵn liên quan đến đề tài nghiên cứu, bao gồm các văn kiện, tài liệu, nghị quyết, quyết định của Đảng, Nhà nước, bộ, ngành ở Trung ương và địa phương; các công trình nghiên cứu, các báo cáo, tài liệu thống kê của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới chính sách bảo vệ môi trường biển ở nước ta nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Đồng thời, thu thập thông tin từ các tài liệu của các tổ chức và học giả trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài. - Phương pháp khảo sát thực địa: nhằm quan sát và thu thập thông tin ở các điểm đen về ô nhiễm môi trường biển, gồm quan sát tại chỗ kết hợp với gặp gỡ, trao đổi và phỏng vấn nhanh, đánh giá nhanh thực tế. - Phương pháp phỏng vấn sâu: Phỏng vấn sâu là phương pháp được dùng khá phổ biến trong nghiên cứu xã hội học, đó là phương pháp đối thoại
  • 13. 7 trực tiếp với đối tượng nhằm thu thập thông tin và kiểm tra các giả định, theo đó tác giả tiếp xúc với một số cán bộ phụ trách quản lý môi trường, một số tổ chức, đoàn thể và người dân địa phương để tìm hiểu, phỏng vấn sâu về một số vấn đề trọng yếu của thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển với các câu hỏi đã được chuẩn bị trước. - Phương pháp phân tích chính sách: Là đánh giá tính toàn vẹn, tính thống nhất, tính khả thi và hiệu quả của chính sách nhằm điều chỉnh cho phù hợp với mục tiêu và thực tế. - Phương pháp thống kê: Là phương pháp thu thập, tổng hợp, trình bày số liệu, tính toán các đặc trưng của đối tượng nghiên cứu nhằm phục vụ cho quá trình phân tích, dự đoán và đề ra các quyết định.Phương pháp này được sử dụng chủ yếu phục vụ cho nội dung về thực trạng và đánh giá thực trạng thực hiện chính sách tại thành phố Đà nẵng. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn 6.1. Ý nghĩa lý luận - Nghiên cứu này đã vận dụng các lý thuyết về chính sách công và quy trình phân tích một chính sách công để làm rõ một số vấn đề về khoa học và thực tiễn của một chính sách cụ thể; làm rõ một số vấn đề thực hiện chính sách bảo vệ môi trường từ góc độ tiếp cận lý thuyết khoa học chính sách công. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn - Luận văn giúp Nhận thức sâu sắc hơn vai trò của môi trường đối với sự phát triển bền vững giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Cung cấp luận cứ khoa học cho việc nhận thức, quán triệt sâu rộng quan điểm bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành, các tổ chức, cộng đồng và của mọi người dân và trên cơ sở đó cụ thể hóa chính sách và tổ chức thực hiện chính sách BVMT một cách hiệu quả hơn.
  • 14. 8 - Kết quả đánh giá nghiên cứu làm sáng tỏ, minh chứng cho các thuyết liên quan đến chính sách công, từ đó hình thành các tiến trình đề xuất các giải pháp chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chính sách đã ban hành. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung chính của luận văn được chia làm ba chương lần lượt thực hiện ba nhiệm vụ nghiên cứu đã nêu ở trên: Chương 1. Cơ sở lý luận và thực tiễn của chính sách bảo vệ môi trường biển. Chương 2. Thực trạng thực hiện và triển khai chính sách môi trường biển Đà Nẵng. Chương 3. Phương hướng và giải pháp tăng cường nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển của thành phố Đà Nẵng.
  • 15. 9 CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA CHÍNH SÁCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN 1.1. Các khái niệm cơ sở 1.1.1. Khái niệm Chính sách bảo vệ môi trường biển Chính sách là tập hợp các chủ trương và hành động về phương diện nào đó của Chính phủ nó bao gồm các mục tiêu mà chính phủ muốn đạt được và cách làm để thực hiện các mục tiêu đó. Những mục tiêu này bao gồm sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội - môi trường. Chính sách môi trường là những chủ trương, biện pháp mang tính chiến lược, thời đoạn, nhằm giải quyết một nhiệm vụ bảo vệ môi trường cụ thể nào đó, trong một giai đoạn nhất định. Chính sách bảo vệ môi trường là những chủ trương, biện pháp mang tính chiến lược, thời đoạn, nhằm giải quyết một nhiệm vụ bảo vệ môi trường cụ thể nào đó, trong một giai đoạn nhất định. Chính sách bảo vệ môi trường (hay chính sách môi trường) là chính sách công. Như vậy, có thể định nghĩa Chính sách bảo vệ môi trường là tập hợp các quyết định của Nhà nước nhằm đưa ra các mục tiêu, giải pháp, công cụ chính sách để giải quyết các vấn đề về bảo vệ môi trường nhằm thực hiện các mục tiêu bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững của đất nước. Theo khoản 3, Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2005 định nghĩa “Bảo vệ môi trường là hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp; phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường, ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, phục hồi và cải thiện môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ đa dạng sinh học”[19, tr.78].
  • 16. 10 Môi trường biển được định nghĩa trên nhiều phương diện khác nhau, nếu xét về phương diện phạm vi địa lý, môi trường biển là toàn bộ vùng nước biển của trái đất với tất cả những gì có trong đó. Theo Điều 1, khoản 4 Công ước của Liên hợp quốc tế Luật biển năm 1982, môi trường biển được hiểu bao gồm các tài nguyên sinh vật, các hệ sinh thái biển và chất lượng nước biển, cảnh quan biển [12]. Năm 1992, tại Hội nghị thượng đỉnh trái đất về bảo vệ môi trường họp tại Rio De Janeiro (Brazil), là chương trình hành động phát triển bền vững. Ở chương 17 trong chương hành động 21 (Agenda 21) định nghĩa: “Môi trường biển là vùng bao gồm các đại dương và các biển, các vùng ven biển tạo thành một tổng thể, một thành phần cơ bản của hệ thống duy trì cuộc sống toàn cầu và là tài sản hữu ích tạo cơ hội cho sự phát triển bền vững”. Định nghĩa này được coi là định nghĩa chính thức về “môi trường biển”. Bảo vệ môi trường biển là những chủ trương, chính sách và hoạt động thực tiễn của Đảng, Nhà nước, nhân dân nhằm giữ gìn, khai thác, bảo vệ, cải tạo, phục hồi các yếu tố cấu thành môi trường biển gồm:nước biển, các sinh vật thủy, hải sản trong lòng biển, rêu rong tảo trong nước biển và các tài nguyên thiên nhiên có trong lòng biển. Chính sách bảo vệ môi trường biển là một loại chính sách công nhằm bảo vệ môi trường biển, tập trung vào các vấn đề môi trường biển và có liên quan chặt chẽ với các bộ phận khác của chính sách bảo vệ môi trường.Theo PGS.TS Đỗ Phú Hải thì “Chính sách công là tập hợp các Quyết định chính trị có liên quan của Nhà nước nhằm lựa chọn mục tiêu, giải pháp và công cụ thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề của xã hội theo mục tiêu tổng thể đã xác định”. Như vậy,chính sách bảo vệ môi trường biển là một tập hợp các quy định, quyết định quản lýnhà nước về bảo vệ môi trường biển nhằm lựa chọn các mục tiêu, giải pháp và công cụ thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề môi
  • 17. 11 trường biển theo mục tiêu tổng thể đã xác định. Tài nguyên biển và hải đảo bao gồm tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật thuộc khối nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng đất ven biển và quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Nhà nước ta có những chính sách về bảo vệ môi trường biển là bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cụ thể: Một là, nhà nước bảo đảm bảo vệ môi trường biển, tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Hai là, nhà nước huy động các nguồn lực, khuyến khích đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; ưu tiên cho vùng biển sâu, biển xa, hải đảo, vùng biển quốc tế liền kề và các tài nguyên mới có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Ba là,tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong việc kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, nước biển dâng; quản lý chặt chẽ hoạt động nhận chìm ở biển. Bốn là, đầu tư nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, dự báo về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp, đồng bộ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển, quốc phòng, an ninh. Năm là, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên nguyên
  • 18. 12 tắc giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia. 1.1.2. Đối tượng của Chính sách bảo vệ môi trường biển Trong những năm qua, cùng với sự hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu sắc và toàn diện, kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, ngày càng khẳng định được vị thế trên trường quốc tế. Kinh tế luôn đạt mức tăng trưởng cao, tạo nhiều thuận lợi cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, thực trạng môi trường đang nảy sinh nhiều hệ lụy phức tạp, trong đó, vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường biển đang có xu hướng gia tăng, ngày một gay gắt, đe dọa trực tiếp tới các thành quả về phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy đối tượng của chính sách bảo vệ môi trường biển ở đây chính là: - Áp lực môi trường biển đe dọa tới sự phát triển bền vững, đó là các áp lực lên môi trường do các hoạt động sản xuất và dân sinh đang ngày càng rõ nét như: nuôi trồng và chế biến thuỷ sản; chế biến thực phẩm; hoạt động dân sinh; hoạt động phát triển công nghiệp và các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu... - Việc phát triển các khu công nghiệp ở nước ta diễn ra khá nhanh, công tác quản lý, BVMT tại các khu công nghiệp đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại tình trạng nhiều khu công nghiệp đang hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, chưa xử lý nước thải, khí thải, chất thải rắn đạt yêu cầu, gây ô nhiễm môi trường biển và ảnh hưởng đến đời sống của người dân - Mặt khác, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước khi đầu tư xây dựng các dự án mới chỉ chú trọng tới lợi nhuận mà bỏ qua một số điều kiện về công tác BVMT biển, như không đánh giá tác động môi trường, không chú trọng việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Ô nhiễm môi trường không khí ở khu vực
  • 19. 13 đô thị cũng ngày càng gia tăng, chủ yếu từ phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng và chất thải sinh hoạt. 1.1.3. Mục tiêu và nguyên tắc của Chính sách bảo vệ môi trường biển Chính sách bảo vệ môi trường biển của nước ta hiện nay phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản sau: Một là, chính sách bảo vệ môi trường biển phải là sự thể chế hóa chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng về công tác bảo vệ môi trường. Trong quá trình đổi mới, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và BVMT, đã được nêu trong các nghị quyết, chỉ thị Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong chính sách, pháp luật về đất đai, chiến lược biển, khoáng sản và bảo vệ môi trường. Để chủ trương của Đảng về bảo vệ môi trường biển đi vào cuộc sống, các cấp chính quyền phải cụ thể hóa bằng các chính sách môi trường bằng Luật Bảo vệ Môi trường (trong nước) và các Công ước quốc tế về môi trường. Hai là, chính sách bảo vệ môi trường biển phải bám sát thực trạng môi trường của đất nước. Việt Nam có một vùng biển đặc quyền kinh tế trên 1.000.000 km2 và hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ, hai quần đảo là Trường Sa và Hoàng Sa, bờ biển kéo dài trên 3.260 km. Đây là những tiền đề cho phép hoạch định một chiến lược biển, phù hợp với xu thế phát triển của một quốc gia biển. Nhưng thực trạng về ô nhiễm môi trường biển đang là vấn đề báo động "đỏ". Ba là, chính sách bảo vệ môi trường biển đóng vai trò quyết định cho sự phát triển bền vững của quốc gia. Trước tình trạng môi trường biển đảo Việt Nam đang có những biểu hiện ô nhiễm nghiêm trọng, làm mất đi môi trường sống của nhiều sinh vật biển và ảnh hưởng tới sự phát triển xã hội của con người, có khả năng chúng ta không hoàn thành được mục tiêu thiên niên kỷ là phát triển bền vững. Do
  • 20. 14 vậy, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm tới việc bảo vệ môi trường biển đảo thông qua việc ký kết, ban hành các chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật các cấp. - Việt Nam cũng đã ký kết các văn bản pháp lý quốc tế về bảo vệ môi trường biển; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Hội nghị lần thứ tư ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) đã thông qua Nghị quyết số 09- NQ/TW ngày 9/2/2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 ”, trong đó nhấn mạnh "Thế kỷ XXI được thế giới xem là thế kỷ của đại dương”. Chính phủ đã ra Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP, ngày 30-5-2007 và Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 137/2007/QĐ-TTg, ngày 21-8- 2007, phê duyệt Đề án tổ chức thông tin phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trên biển; Quyết định số 373/QĐ-TTg, ngày 23-3-2010, phê duyệt Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam... Các cơ quan ở Trung ương và địa phương, cùng với các lực lượng vũ trang đã chủ động xây dựng kế hoạch, trực tiếp triển khai chương trình hành động của Chính phủ và đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhà nước thay mặt xã hội, thể hiện ý chí xã hội, biến ý chí đó thành pháp luật. Vì vậy, các mục tiêu chung về BVMT biển, vì lợi ích chung của cộng đồng, xã hội cần được thể chế hóa, pháp luật hóa trong Luật và mọi chủ thể trong xã hội phải có trách nhiệm thi hành. 1.1.4. Nội dung của Chính sách bảo vệ môi trường biển Trước đây, ở Việt Nam do nhận thức về tài nguyên biển còn hạn chế, chưa chú trọng các dạng tài nguyên phi vật chất, khai thác quá mức, gây lãng phí tài nguyên, suy thoái môi trường biển và hải đảo. Trong xu thế chung của thế giới, coi “Thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương” cũng như nhận thức được
  • 21. 15 những tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Việt Nam đã bước đầu thiết lập chính sách quản lý TN&MT biển và hải đảo theo phương thức tổng hợp trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế với các nội dung chủ yếu: Một là, quản lý TN&MT biển hợp lý, hiệu quả, bền vững theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng an ninh. Để thực hiện nội dung trên, thời gian qua, nhà nước đã thành lập hệ thống cơ quan quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo từ Trung ương đến địa phương; hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách, cơ chế, công cụ điều phối liên ngành, liên vùng để bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng hiệu quả, duy trì chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái nhằm phát triển bền vững, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1570/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 2295/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quản lý đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hai là, khuyến khích đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về TN&MT biển và hải đảo; thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp, đồng bộ về TN&MT biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển, quốc phòng, an ninh; khuyến khích tổ chức cá nhân khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT biển và hải đảo, phát triển kinh tế biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Ba là, tăng cường BVMT biển và hải đảo; kiểm soát ô nhiễm môi trường biển; ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển; nhận chìm ở biển; trách nhiệm của nhà nước, tổ chức, cá nhân trong BVMT biển và hải
  • 22. 16 đảo. Triển khai Quyết định số 1278/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Tuyên bố chung và Chương trình khung giữa Việt Nam, Campuchia, Thái Lan về hợp tác sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu vùng vịnh Thái Lan”, Quyết định số 1864/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Chính phủ nước Cộng hòa Philipin về hợp tác trong lĩnh vực ứng phó sự cố tràn dầu trên biển”.Việc triển khai các quyết định này nhằm thực hiện các nghĩa vụ mà Việt Nam đã cam kết hợp tác trong việc sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả sự cố tràn dầu tại vùng biển tiếp giáp giữa Việt Nam và các nước liên quan. Bốn là, nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, dự báo về TN&MT biển và hải đảo; thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp, đồng bộ về TN&MT biển và hải đảo nhằm quản lý hiệu quả TN&MT biển và hải đảo, ứng phó kịp thời và phòng chống thiên tai từ biển, kết nối và chia sẻ thông tin bảo đảm thông suốt từ Trung ương đến địa phương; tham gia các hệ thống quan trắc, giám sát biển và đại dương của khu vực, thế giới. Năm là, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, BVMT biển và hải đảo trên nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia; bảo đảm nguyên tắc xây dựng vùng biển hòa bình, hợp tác, hữu nghị cùng phát triển trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan. Để thực hiện đầy đủ và có hiệu quả những nội dung chính sách về BVMT biển, hệ thống cơ quan quản lý phải được xây dựng từ Trung ương đến địa phương; cần phải tổ chức thành hệ thống các cơ quan có nhiệm vụ BVMT biển; thiết lập chính sách quản lý TN&MT biển và hải đảo hợp lý, hiệu quả, bền vững pháp lý để điều chỉnh các hoạt động phát triển có liên quan đến
  • 23. 17 môi trường nhằm BVMT biển hiện nay. 1.1.5. Công cụ của Chính sách bảo vệ môi trường biển Về cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và bảo vệ môi trường biển hiện nay dựa trên cơ sở các Luật pháp chung bao gồm: - Luật pháp Quốc tế: Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường biển hiện nay có khoản 300 công ước quốc tế về bảo vệ môi trường. Trong đó, có các công ước sau về bảo vệ môi trường biển: + Công ước năm 1982 của Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS). + Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm từ tàu (MARPOL 73/78). + Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển 1974 (SOLAS). + Công ước quốc tế sẵn sàng ứng phó và hợp tác đối với việc xử lý ô nhiễm dầu năm 1990 (OPRC). + Công ước về ngăn ngừa ô nhiễm biển và do chất thải và những vật liệu khác (London 1972). + Công ước quốc tế Hồng Kông về tái sinh tàu an toàn, thân thiện môi trường năm 2009 (SR 2009)... Cấp Trung ương Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam được thành lập đã khẩn trương xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 25/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2009 về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Đặc biệt, Luật Biển Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 21-6-2012 đã có những quy định cụ thể về gìn giữ, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển (Điều 35). Luật quy định cấm những hành vi hủy hoại, làm suy thoái môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo; vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được
  • 24. 18 cấp có thẩm quyền phê duyệt và công bố; Ngoài Luật BVMT biển, nhà nước có các văn bản pháp lý khác dưới luật để quản lý, chỉ đạo việc BVMT biển bao gồm: pháp lệnh do ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, Chủ tịch nước ký lệnh ban hành; nghị định và quyết định do Chính phủ ban hành để hướng dẫn và cụ thể hóa luật; quyết định và quy định do các Bộ và ủy ban nhân dân các cấp ban hành; chỉ thị và thông tư hướng dẫn do Cục Môi trường, Bộ TN &MT và Cục BVMT biển ban hành. Cấp địa phương Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo trên địa bàn địa phương, trong đó có môi trường biển. Trên cơ sở những văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, năm 2010, Bộ Nội vụ và Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục ban hành Thông tư liên tịch số 26/2010/TTLT-BNV-BTNMT ngày 05/11/2010 hướng dẫn hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Chi cục Biển và Hải đảo trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, Chi cục Biển và Hải đảo là cơ quan quản lý nhà nước về biển và hải đảo ở cấp địa phương. Hệ thống công cụ pháp lý để BVMT biển của quốc gia chính là khung khổ pháp lý để điều chỉnh các quan hệ phát sinh giữa các chủ thể trong các hoạt động phát triển có liên quan đến môi trường nhằm BVMT của con người. Nếu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về BVMT của quốc gia rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tế, được ban hành kịp thời, đồng bộ, đầy đủ thì nó sẽ đi vào cuộc sống, được các tổ chức, cá nhân chấp nhận và thực hiện tốt. Ngược lại, văn bản quy phạm pháp luật về BVMT của quốc gia không rõ ràng, không sát với thực tế, chồng chéo, mâu thuẫn nhau thì sẽ khó khăn trong tổ chức triển khai thực hiện. Với chức năng: nhận thức, giáo dục, điều chỉnh, phân công xã hội, bảo
  • 25. 19 vệ và giải quyết các xung đột, Luật BVMT biển giúp nhà nước quản lý công việc BVMT biển hiệu quả trong xã hội. 1.1.6 Quy trình thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển Quá trình tổ chức thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển diễn ra trong thời gian dài và có liên quan tới nhiều tổ chức, cá nhân vì thế, để chính sách bảo vệ môi trường biển mang lại hiệu quả và kết quả như mong muốn thì quá trình tổ chức thực hiện cần được thực hiện theo một quy trình khoa học, hợp lý và phù hợp với những điều kiện khách quan của chính sách. Cụ thể các bước như sau: Bước 1: Xây dựng chính sách bảo vệ môi trường biển trên cơ sở chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn của địa phương Trước khi đưa chính sách bảo vệ môi trường biển vào cuộc sống cần xây dựng chính sách bảo vệ môi trường biển. Chính sách bảo vệ môi trường biển trước hết phải trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng. Sau đó là chính sách cụ thể về bảo vệ môi trường biển, phải dựa trên cơ sở pháp luật của Nhà nước và đặc biệt phải tùy tình hình cụ thể ô nhiễm môi trường biển của địa phương đó để xây dựng chính sách cho phù hợp. Đây là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình triển khai chính sách BVMT biển của từng địa phương cụ thể. Hiệu quả thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển phụ thuộc vào chất lượng, tính chính xác, tính khả thi của bản kết hoạch thực hiện chính sách. Chính sách bảo vệ môi trường biển cần được xây dựng trước khi đưa vào thực hiện. Chính sách đúng giúp hành động đúng, chính sách sai dẫn đến hành động thực hiện sai. Vì vậy, yêu cầu khi xây dựng chính cần đầu tư thời gian, con người và đặc biệt phải khảo sát thực trạng môi trường biển chính xác cả về tiềm năng lẫn thực trạng ô nhiễm. Sau khi có chính sách, các cơ quan có nhiệm vụ triển khai thực thi chính sách bảo vệ môi trường biển từ
  • 26. 20 Trung ương đến địa phương đều phải xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cho phù hợp với yêu cầu của chính sách. Ngoài ra, trong bản kế hoạch thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển cần phải xây dựng nội quy, quy chế tổ chức điều hành thực hiện chính sách; về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan nhà nước và cán bộ công chức tham gia tổ chức điều hành chính sách. Bước 2: Lập kế hoạch về quản lý môi trường biển Kế hoạch bảo vệ môi trường biển là khâu cần thiết nhất để thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả của chính sách.Kế hoạch là một quá trình giúp bạn lập nên được các mốc thời gianđể thực hiện các nhiệm vụ, các công việc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách bảo vệ môi trường. Giai đoạn đầu tiên, phân tích cơ hội, giúp bám chắc kế hoạch vào thực tế. Giai đoạn 2, hãy xác định mục tiêu và đặt ra trọng tâm kế hoạch. Giai đoạn 3, tìm ra càng nhiều cách khác nhau để đạt được mục tiêu càng tốt. Bằng việc sử dụng thời gian vào việc này, bạn có thể tìm được một giải pháp tốt hơn giải pháp hiện có, hoặc có thể cải thiện giải pháp hiện có bằng việc tham khảo các giải pháp khác. Tiếp theo, lựa chọn cách tiếp cận tốt nhất, và lập một kế hoạch chi tiết để tiến hành. Đánh giá kế hoạch này để chắc chắn rằng nó đáng để thực hiện. Nếu không, quay trở lại bước đầu và cải thiện kế hoạch hoặc lập một kế hoạch khác. Nếu không có kế hoạch nào có vẻ khả thi hơn để quản lý ô nhiễm môi trường thì không nên thay đổi gì cả. Khi bạn đã lựa chọn được phương hướng hoạt động, và chứng minh được rằng nó khả thi, thì hãy thực hiện nó. Khi kết thúc một kế hoạch, hãy xem xét và rút ra bài học. Rồi áp dụng chúng vào việc lập kế hoạch quản lý môi trường mới trong tương lai.
  • 27. 21 Bước 3. Phổ biến, tuyên truyền chính sáchbảo vệ môi trường biển Thiếu hiểu biết về môi trường chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự ô nhiễm, suy thoái môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng. Bởi khi con người thiếu hiểu biết, ít kiến thức về môi trường, không thấy được vai trò, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường nên không có động cơ để bảo vệ môi trường. Đồng thời thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến con người không biết cách bảo vệ môi trường, từ đó dẫn đến hậu quả con người xả thải gây ô nhiễm môi trường mà không biết được hậu quả của nó và hơn thế nữa là không đưa ra được những giải pháp hữu hiệu để bảo vệ, cải thiện môi trường. Mặt khác, xuất phát từ tình hình thực tiễn nhận thức về quan điểm phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường của nhân dân chưa đầy đủ, sâu sắc, do vậy mọi người cần phải có nhận thức đúng đắn để từ đó có hành động đúng trong BVMT biển. Phổ biến, tuyên truyền chính sách tốt giúp cho các đối tượng thực hiện chính sách và mọi người dân hiểu rõ về mục đích, yêu cầu của chính sách; về tính đúng đắn của chính sách trong điều kiện nhất định về tính khả thi của chính sách ... để họ tự giác thực hiện theo yêu cầu quản lý của nhà nước. Việc phổ biến, tuyên truyền chính sách bảo vệ môi trường biển cho mọi người dân không chỉ giúp cho các ngư dân mà mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ mục đích, yêu cầu của việc phải bảo vệ môi trường biển, môi trường sống của người dân. Đồng thời giúp các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường nhận thức đầy đủ, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường biển. Bước 4, Thực hiện và điều hành chính sách bảo vệ môi trường biển Trong lý luận về tiếp cận cách thức quản lý, có ba mô hình chính thường được áp dụng trên thế giới, bao gồm các mô hình mệnh lệnh, tự nguyện và dựa trên thị trường. Mỗi một mô hình đều có những ưu nhược điểm riêng, song đều có thể áp dụng trong quản lý tài nguyên và môi trường, dù có thể ở
  • 28. 22 những mức độ khác nhau. Phương thức mệnh lệnh thì thường đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, các cá nhân phải đáp ứng được những yêu cầu hành chính đã được đặt ra. Phương thức kinh tế có những điểm chung với phương thức mệnh lệnh, song điểm khác biệt ở chỗ những yêu cầu đặt ra thì dựa trên các lí do kinh tế, thị trường. Phương thức tự nguyện thì dựa nhiều vào ý thức tự giác, thông qua tuyên truyền, giáo dục và vận động để thuyết phục người khác. Thực tế đã chứng minh rằng không một phương thức nào là tối ưu cho mọi tình huống, và việc chọn lựa các phương thức cho các tình huống cụ thể hay việc phối hợp giữa các mô hình là một lựa chọn hiệu quả hơn. Chẳng hạn, nếu như mục đích chính của chúng ta là đòi hỏi một/một số hành vi cụ thể nào đó cần phải được thực hiện, thì mô hình mệnh lệnh xem ra là thích hợp, như cấp phép hay cấm một loại hoạt động nào đó, hay ra quyết định buộc người gây ô nhiễm phải khắc phục các thiệt hại môi trường... Nhưng nếu chúng ta muốn khuyến khích một/một số hành vi nào đó, việc áp dụng nhiều phương pháp một lúc sẽ thích hợp hơn. Bởi vậy, lựa chọn cách thức quản lý nào còn phải phụ thuộc vào từng tình huống cụ thể. Không có câu trả lời chung cho mọi câu hỏi. Phân công vai trò và trách nhiệm trong quản lý, cũng giống như trong các lĩnh vực khác, đóng một vị trí quan trọng trong hoạt động quản lý tài nguyên và môi trường. Bên cạnh việc phân định vai trò giữa trung ương và địa phương, giữa mô hình tập trung và phân cấp, thì việc xác định nhiệm vụ của mỗi cơ quan trong từng lĩnh vực cũng là điều rất cần thiết. Chẳng hạn, trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường có rất nhiều nhóm lĩnh vực nhỏ hơn có thể phân ra như: quản lý tài nguyên thiên nhiên, quy hoạch và sử dụng đất, các vấn đề nông nghiệp, kiếm soát ô nhiễm... Thông thường, để thuận tiện cho hoạt động quản lý, mỗi nhóm lĩnh vực này sẽ do các cơ quan khác nhau phụ trách. Tuy nhiên, một hệ quả rất khó tránh khỏi đó là sự phân công như vậy sẽ
  • 29. 23 dẫn tới sự cạnh tranh và xung đột về thẩm quyền giữa các cơ quan. Ví dụ như cùng một loại tài nguyên, có thể cùng chịu sự quản lý giữa cơ quan môi trường và cơ quan thương mại. Vậy thì việc phân định vai trò và phối hợp giữa các cơ quan sẽ là rất hữu ích trong những trường hợp như vậy. Phần tới chúng ta sẽ xem xét tới kinh nghiệm quốc tế trong việc làm rõ vai trò và trách nhiệm của các cơ quan khác nhau trong quản lý tài nguyên và môi trường. Bước 5: Kiểm tra và hành động khắc phục Kiểm tra sát sao tình hình tổ chức thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển nhằm vừa kịp thời bổ sung hoàn thiện chính sách, vừa lên kế hoạch hành động khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường biển. Đồng thời chấn chỉnh lại công tác tổ chức, thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển. Chủ thể kiển tra và điều chỉnh thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển là các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khách quan và chính xác về kết quả kiểm tra, đánh giá quá trình này còn cần có sự tham gia của các tổ chức đoàn thể nhân dân, thậm chí là của chính các ngư dân được hưởng lợi từ việc BVMT biển. Bước 6: Tổng kết việc thực hiện chính sách và rút bài học kinh nghiệm Tổng kết việc thực hiện chính sách để trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm là một khâu không thể thiếu trong quá trình thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển. Vì tổng kết việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển là phân tích và đánh giá khái quát những vấn đề thực hiện chính sách, những mặt thực hiện được và những mặt chưa thực hiện được. còn bất cập trong chính sách để rút ra bài học cho chỉ đạo tiếp theo cũng như bổ sung, phát triển chính sách nói chung, chủ trương đường lối, chính sách bảo vệ môi trường biển nói riêng. Không có tổng kết việc thực hiện chính sách thì không có chính sách tiếp theo, mà không có những chính sách tiếp theo thì không có
  • 30. 24 việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển tiếp theo. Thông qua tổng kết thực tiễn, giúp cán bộ xây dựng chính sách, đưa ra những quyết định phù hợp với thực tế ở địa phương mình. Thông qua tổng kết việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển họ mới có điều kiện phân tích, so sánh tổng hợp để thấy được những gì đã đạt được, những khó khăn, hạn chế, những vướng mắc mà quá trình tổ chức thực hiện quyết định gặp phải. Tổng kết thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển giúp phát hiện ra những vấn đề thực tiễn đặt ra chưa được giải quyết, những quyết định chưa phù hợp, chưa hiệu quả cần phải sửa đổi, bổ sung. Mặt khác, chính thông qua quá trình tổng kết thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển mỗi cán bộ xây dựng chính sách có điều kiện để rèn luyện tư duy lý luận, tư duy biện chứng, khả năng vận dụng lý luận vào thực tiễn, trên cơ sở đó nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý. 1.2. Các yếu tố tác động tới việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển 1.2.1. Yếu tố bên trong Thứ nhất yếu tố con người - Tỷ lệ gia tăng dân số ở các vùng biển cũng thường cao đột biến, dẫn đến các hoạt động phát triển kinh tế như dịch vụ, thương mại của con người cũng tăng cao cộng với việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên lãng phí. Kết quả, gây sức ép rất lớn đến môi trường biển, làm suy giảm, suy thoái tài nguyên biển ở những vùng ven bờ. - Lối sống và trình độ dân trí còn thấp: người dân cư ven biển chủ yếu đến từ nhiều nơi, họ là dân nhiều vùng miền; họ sống tập trung thành cụm, hình thành những “vạn chài”; ngoài mục đích kiếm tiền nuôi sống bản thân thì việc bảo vệ nguồn lợi từ biển, môi trường biển coi như nằm ngoài sự để tâm của họ. - Các hoạt động trên biển như: vận tải hàng hải, nuôi và đánh bắt hải
  • 31. 25 sản, phát triển cảng và nạo vét đáy biển, du lịch biển, thăm dò và khai thác khoáng sản biển (chủ yếu dầu khí), nhận chìm tàu; tràn dầu, thải dầu, đổ thải phóng xạ, hoá chất độc hại..., các chất thải không qua xử lý đổ ra sông, suối cuối cùng “trăm sông đổ ra biển cả” gây ô nhiễm môi trường biển. Thứ hai, yếu tố quản lý Vẫn còn các cấp chính quyền chưa hoặc chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đối với công tác bảo vệ môi trường như buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát về môi trường biển nên việc thực hiện các chính sách bảo vệ môi trường biển còn hạn chế. Vì thế việc tăng cường công tác quản lý, nâng cao vai trò trách nhiệm của các sở, ban, ngành và đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác bảo vệ môi trường biển là rất cần thiết thì chính sách báo vệ môi trường biển mới được thực thi, đưa vào cuộc sống hiệu quả hơn và giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển. Thứ ba, yếu tố luật pháp, chính sách - Luật Môi trường quốc tế là tổng thể các nguyên tắc, quy phạm quốc tế điều chỉnh mối quan hệ giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế trong việc ngăn chặn, loại trừ thiệt hại gây ra cho môi trường của từng quốc gia và môi trường ngoài phạm vi sử dụng của quốc gia. - Luật Môi trường quốc gia là tổng hợp các quy phạm pháp luật, các nguyên tắc pháp lý điều chỉnh các quan hệ phát sinh giữa các chủ thể trong quá trình các chủ thể sử dụng hoặc tác động đến một hoặc một vài yếu tố của môi trường trên cơ sở kết hợp các phương pháp điều chỉnh khác nhau, nhằm bảo vệ một cách có hiệu quả môi trường sống của con người. Cho đến nay, đã có hàng nghìn các văn bản luật quốc tế về môi trường. Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều văn bản trong số đó. Song pháp luật quốc tế về BVMT biển do nhiều nước ký kết hoặc tham gia lại không có hiệu lực
  • 32. 26 trực tiếp trên lãnh thổ một quốc gia cụ thể nào. Muốn thi hành trên phạm vi lãnh thổ quốc gia nào đó, các quy phạm của Luật quốc tế về BVMT biển cần phải chuyển hóa thành quy phạm pháp luật quốc gia, nghĩa là nhà nước phải phê chuẩn các văn bản này. Vì vậy, các mục tiêu chung về BVMT biển, vì lợi ích chung của cộng đồng, xã hội cần được thể chế hóa, pháp luật hóa trong Luật và mọi chủ thể trong xã hội phải có trách nhiệm thi hành Bên cạnh yếu tố pháp luật, còn là những yếu tố về chính sách. Hiện nay, cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường biển và việc tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng vẫn còn những hạn chế, bất cập. Theo thống kê của Bộ Tư pháp (2014), hiện có khoảng 300 văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản này vẫn còn chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, thiếu chi tiết, chưa bám sát thực tế, tính ổn định không cao, tình trạng văn bản mới được ban hành chưa lâu đã phải sửa đổi, bổ sung, từ đó làm hạn chế hiệu quả điều chỉnh hành vi của các cá nhân, tổ chức, các hoạt động kinh tế,... trong việc bảo vệ môi trường biển. Mặt khác trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác bảo vệ môi trường biển hạn chế, dẫn đến không chỉ làm cho các chính sách về bảo vệ môi trường biển bất cập so với thực tiễn đòi hỏi mà còn làm cho chính sách chậm hoặc khó đi vào cuộc sống, thậm chí cản trở thực hiện các mục tiêu bảo vệ môi trường. 1.2.2. Yếu tố bên ngoài Yếu tố tự nhiên - Các vi sinh vật gây hại: các loại vi sinh vật biển, vi tảo biển gây hại cho biển gia tăng về số lượng, tham gia vào hiện tượng thuỷ triều đỏ, làm suy giảm các sinh vật biển có lợi. - Các hoạt động địa chất như: núi lửa dưới lòng đất, bão, các cơn địa
  • 33. 27 chấn, sóng thần… làm chết hàng loạt vi sinh vật biển, xác của chúng không được xử lý đã gây ô nhiễm vùng biển đới bờ. Bên cạnh đó sự đứt gãy của vỏ trái đất làm rò rỉ những mỏ dầu ở đáy đại dương cũng đã góp phần gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường biển. - Không khí ô nhiễm: Các hoạt động tương tác biển - khí cũng kéo theo hiện tượng lắng đọng các chất gây ô nhiễm xuống biển. Nồng độ CO2 được hoà tan vào trong nước biển tăng lên nhanh chóng cùng với nhiều chất gây nguy hại và bụi kim loại nặng được không khí mang ra biển. Sự gia tăng nhiệt độ trong khí quyển của trái đất do hiệu ứng nhà kính đã kéo theo sự dâng cao của mực nước biển và thay đổi môi trường sinh thái biển. Tiểu kết Chương 1 Trong chương 1, luận văn đã trình bày khái quát những vấn đề lý luận về chính sách bảo vệ môi trường biển và những vấn đề liên quan đến chính sách bảo vệ môi trường biển ở Thành Phố Đà Nẵng. Thứ nhất, luận văn nêu khái niệm chung về môi trường biển, ô nhiễm môi trường biển là gì? Bảo vệ môi trường biển, Chính sách bảo vệ môi trường biển của Việt Nam; phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới việc thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển; nêu ra các chính sách chủ yếu nhằm bảo vệ môi trường biển. Thứ hai, luận văn tập trung phân tích cơ sở thực tiễn về thực hiện chính sách bảo vệ môi trường biển của Việt Nam, bài học kinh nghiệm cho Đà Nẵng từ các chính sách đó và nhiệm vụ của Đà Nẵng trong việc bảo vệ môi trường biển. Kết quả nghiên cứu của Chương 1 sẽ là cơ sở lý luận để thực hiện các nội dung tiếp theo của đề tài, đồng thời là cơ sở lý luận có thể áp dụng vào việc thực thi hiệu quả chính sách bảo vệ môi trường biển của thành phố Đà Nang.
  • 34. 28 CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG THỰC HIỆN VÀ TRIỂN KHAI CHÍNH SÁCH MÔI TRƯỜNG BIỂN ĐÀ NẴNG 2.1. Khái quát về môi trường biển ở Đà Nẵng 2.1.1 Điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế xã hội Thành phố Đà Nẵng 2.1.1.1. Điều kiện tự nhiên Thành phố Đà Nẵng nằm ở 150 55’20” đến 160 14’10” vĩ tuyến Bắc, 1070 18’30” đến 1080 20’00” kinh tuyến Đông dọc theo vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Với một vị trí địa lý đặc biệt có thể nói Đà Nẵng thuận lợi về các tuyến đường biển, đường hàng không quốc tế; là một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, đông bắc Campuchia, Thái Lan và Myanma. Bờ biển Đà Nẵng dài khoảng 92 km, có vịnh nước sâu với cửa biển Liên Chiểu, Tiên Sa, có vùng lãnh hải thềm lục địa với độ sâu 200m; các bãi tắm ở Đà Nẵng đều có bãi cát trắng, mực nước nông, có độ mặn vừa phải và quanh năm trong xanh; hàng năm, nơi đây đón rất nhiều lượt du khách phương xa đến thưởng thức vẻ đẹp và tham gia các trò chơi trên biển sở hữu bờ biển cát trắng mịn với nhiều bãi tắm trong sạch. Hơn 5 năm qua Đà Nẵng đã tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường, nâng cao an sinh xã hội và được coi là "Thành phố đáng sống" của Việt Nam. Đà Nẵng nổi tiếng không chỉ với Việt Nam và với cả thế giới Năm 2018, Đà Nẵng được chọn đại diện cho Việt Nam lọt vào top 10 địa điểm tốt nhất để sống ở nước ngoài do Tạp chí du lịch Live and Invest Overseas (LIO) bình chọn.
  • 35. 29 2.1.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội Nằm ở Cửa ngõ phía Đông của Hành lang Kinh tế Đông - Tây (EWEC) là một trong năm hành lang kinh tế được phát triển theo sáng kiến của Ngân hàng Phát triển Châu Á ở khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông. Đà Nẵng được xác định là thành phố đóng vai trò hạt nhân tăng trưởng, tạo động lực thúc đẩy phát triển cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Với nền kinh tế khá đa dạng bao gồm cả công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, thương mại; về thế mạnh kinh tế biển của Đà Nẵng, không thể không nhắc đến nguồn tài nguyên biển; vùng biển Đà Nẵng có ngư trường rộng trên 15.000 km2, với trữ lượng nguồn lợi thủy sản khoảng 1.140.000 tấn, chiếm 43% tổng trữ lượng của cả nước. Khu vực biển Nam Hải Vân - Bán đảo Sơn Trà có các hệ sinh thái với tính đa dạng sinh học cao như rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển và các chủng loại sinh vật quý. Do đó Thành phố Đà Nẵng luôn xác định, biển là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng.Vì thế du lịch biển được xác định là một trong các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. 2.1.2. Những ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội đến môi trường biển Thành phố Đà Nẵng 2.1.2.1. Những ảnh hưởng tích cực Thông qua việc phân tích, đánh giá các số liệu về điều kiện tự nhiên, KT-XH đến môi trường biển cho thấy công tác bảo vệ môi trường biển trên địa bàn Thành phố có những thuận lợi sau: Thứ nhất, việc xây dựng, cụ thể hóa chính sách, pháp luật về BVMT biển được triển khai nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn Thứ hai, tổ chức bộ máy trong QLNN đã thực hiện được như: thành lập
  • 36. 30 hệ thống cơ quan quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo từ Trung ương đến địa phương; phân cấp quản lý biển cho Thành phố; thành lập Phòng Quản lý đa dạng sinh học trực thuộc Chi cục BVMT; thành lập Phòng Biển và Hải đảo trực thuộc UBND cấp huyện đối với Huyện đảo; Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1570/QĐ- TTg phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 2295/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quản lý đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Thứ ba, có nhiều tổ chức quốc tế hợp tác thực hiện các chương trình, dự án như: Môi trường và Khoa học, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Cơ quan Quản lý Đại dương và Khí quyển Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) trong dự án QLTHVB... Thứ tư, việc triển khai, tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về Quản lý nhà nước, bảo vệ môi trường, bảo vệ biển có những thuận lợi nhất định, trách nhiệm của nhà nước, tổ chức, cá nhân trong BVMT biển và hải đảo trong việc thực hiện các chủ trương được triển khai nhanh chóng; đạt hiệu quả cao hơn và khá đồng đều ở khu vực ven biển; 2.1.2.2. Những ảnh hưởng tiêu cực Bên cạnh những mặt tích cực cũng còn có những tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường biển tại thành phố: Thứ nhất, quá trình mở rộng không gian đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác tài nguyên đất… đã gây nên những tác động đến môi trường sinh thái và đa dạng sinh học của thành phố” các khu công nghiệp cũng như kinh tế biển đã làm cho những áp lực về ô nhiễm với môi trường biển ngày càng nghiêm trọng Thứ hai, việc tiếp giáp biên giới biển với Trung Quốc, là nước có mức độ ô
  • 37. 31 nhiễm biển ngày càng lớn cũng gây ra những khó khăn nhất định trong BVMT biển của Đà Nẵng. Thứ ba, con người đã khai thác thiên nhiên và làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên không thể tái tạo được (dầu mỏ, kim loại,....), gây ô nhiễm môi trường đất (xả rác bừa bãi, xả thải các chất ô nhiễm mà đất không có khả năng làm sạch...); nước (thải các nguồn nước chưa qua xử lý và mức ô nhiễm vượt quá khả năng tự làm sạch của nước, các sự cố tràn dầu....); không khí (các phương tiện giao thông, các nhà máy không có hệ thống xử lý khí thải...) Thứ tư, ngành dịch vụ chiếm trên 50% trong cơ cấu kinh tế, do đó lượng khách du lịch ngày càng tăng, đặc biệt, vào những ngày lễ hội với sự tập trung lớn du khách như vậy, thì càng gây áp lực cho môi trường nói chung và môi trường biển Đà Nẵng nói riêng. Thứ năm, QLNN về BVMT biển gặp khó khăn khi phải điều hòa lợi ích giữa nhiều ngành, lĩnh vực, nhiều chủ thể có liên quan đến biển. Thứ sáu, so với thực tiễn BVMT thì bộ máy quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu hiện nay, còn mỏng, thiếu kinh nghiệm, địa bàn rộng, tính chất và mức độ gây ô nhiễm BVB bờ ngày càng phức tạp. Do đó yêu cầu BVMT Đà Nẵng phục vụ phát triển du lịch bền vững ngày càng trở thành áp lực đối với hoạt động quản lý. Thứ bảy, công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với hành vi gây ô nhiễm BVB gặp khó khăn khi địa bàn rộng, nguồn gây ô nhiễm đa dạng. 2.2. Thực trạng môi trường biển Đà Nẵng 2.2.1. Điểm mạnh Nằm sát Biển Đông thành phố Đà Nẵng với nhiều điều kiện tự nhiên thuận lợi sẽ dễ dàng phát triển toàn diện mọi mặt, trên mọi lĩnh vực: Về hệ sinh thái biển, theo tài liệu khảo sát năm 2002 của Viện Hải
  • 38. 32 dương học Nha Trang, thì Đà Nẵng khá đa dạng về hệ sinh thái: hiện có 7 điểm tạo ra rạn san hô, chạy dọc ven biển từ chân đèo Hải Vân đến bán đảo Sơn Trà. Quần thể các rạn san hô này tập trung nhiều nhất ở ven vùng bờ phía Bắc vịnh Đà Nẵng và vùng phía Nam bán đảo Sơn Trà với diện tích trên 58ha. Các rạn san hô vùng biển ven bờ Đà Nẵng này còn là nơi cư trú của gần 74 loài thuộc 44 giống và 26 họ cá rạn san hô đã được xác định. Về chất lượng nước biển, kết quả phân tích chất lượng nước biển ven bờ ngày 07/5/2016 của Sở Tài nguyên và Môi trường tại 08 vị trí khu vực bãi tắm gồm: Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê, Non Nước, Bãi Rạng; cầu cảng Tiên Sa; cửa sông Phú Lộc; cửa sông Cu Đê; cảng Liên Chiểu theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho thấy các thông số đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo yêu cầu phục vụ mục đích thể thao, giải trí dưới nước. Tài nguyên biển Đà Nẵng, nằm trong ngư trường trọng điểm của miền Trung, với trữ lượng khoảng 1.140.000 tấn, chiếm 43% tổng trữ lượng cả nước, gồm trên 670 giống, loài, trong đó hải sản có giá trị kinh tế cao là 110 loài. Khu vực biển Nam Hải Vân - Bán đảo Sơn Trà có các hệ sinh thái đa dạng cao như rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển và các chủng loại sinh vật quý, là tài sản phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế xã hội. Về hải sản nuôi trồng, hiện nay, thành phố có hơn 1 nghìn ha mặt nước với nhiều ao hồ, vịnh biển, thuận lợi cho nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt và lợ có mức tăng trưởng cao về giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản từ 14 - 15%/năm. Đây là lợi thế cho việc khai thác và phát triển nghề nuôi trồng thủy sản của thành phố. Về chế biến hải sản, trên địa bàn Đà Nẵng hiện có hơn 20 đơn vị chế biến hải sản xuất khẩu, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản được thành phố quan tâm hỗ trợ đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ cao. Giá trị kim
  • 39. 33 ngạch xuất khẩu thủy sản hằng năm đạt trên 150 triệu USD; phấn đấu đến năm 2020 đạt 320 triệu USD. * Hình ảnh môi trường bảo đảm là 1 trong những yếu tố quan trọng được Đà Nẵng đề cao trong chiến lược phát triển (Phụ lục 01) Bên cạnh đó, thành phố phát triển nhanh số lượng tàu cá công suất lớn và cải hoán nâng cấp tàu cá công suất nhỏ để vươn khơi hình thành các đội tàu cùng nghề 10 - 15 chiếc/đội để hỗ trợ nhau khai thác trên biển, đầu tư đóng mới 130 - 150 tàu có công suất từ 200 CV/chiếc trở lên và cải hoán nâng cấp ít nhất 800 tàu cá có công suất nhỏ, đưa tổng công suất tàu cá Đà Nẵng lên 30.000 CV. *Hình ảnh quận Sơn Trà, Đà Nẵng luôn chú trọng phát triển đội tàu vỏ thép (Phụ lục 02) Về du lịch biển đảo, bên cạnh lợi thế khai thác hải sản, Đà Nẵng còn sở hữu tiềm năng lớn về du lịch từ biển đảo với nhiều bãi biển đẹp nằm rải rác từ bắc đến nam như: Nam Ô, Xuân Thiều, Thanh Bình, Tiên Sa, Sơn Trà, Mỹ Khê, Bắc Mỹ An, Non Nước... Đến Đà Nẵng, du khách có thể thư giãn nghỉ ngơi, tắm biển và tham quan nhiều điểm du lịch của thành phố như: Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chămpa, khu du lịch Bà Nà - Suối Mơ, danh thắng Ngũ Hành Sơn, bán đảo Sơn Trà... với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, ẩm thực hấp dẫn. Với lợi thế trên Đà Nẵng có thế mạnh về du lịch di sản gắn với du lịch sinh thái biển và nghỉ dưỡng ven bờ đủ sức thu hút và giữ chân du khách. Thành phố Đà Nẵng cũng đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ vùng ven biển, để thúc đẩy phát triển kinh tế chung, trong đó có mũi nhọn kinh tế biển. 2.2.2. Thách thức Bên cạnh những lợi thế tiềm năng đã nêu trên ô nhiễm môi trường biển ở thành phố Đà Nẵng đang ở mức khống chế, tuy nhiên nếu không có các giải
  • 40. 34 pháp phát triển kinh tế hợp lý thì sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, có thể kể đến các nguồn ô nhiễm do hoạt động kinh tế biển tại thành phố Đà Nẵng như: Ô nhiễm biển từ đất liền: Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác tài nguyên đất và sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp, du lịch của địa phương. Các dự án lấn biển như Khu Đô thị Đa Phước, Khu Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang... đã tác động đến môi trường, hệ sinh thái vùng bờ Đà Nẵng. Năm 2012, Khu Dịch vụ Thủy sản Thọ Quang là điểm nóng nhất về ô nhiễm môi trường. Trong nội ô thành phố Đà Nẵng, lượng bụi, lưu huỳnh điôxit, tiếng ồn, hóa chất độc hại đều vượt tiêu chuẩn cho phép. Quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá tạo ra sự dịch chuyển nhân khẩu học. Trong vòng 10 năm từ năm 2000 đến đầu năm 2010, dân số Đà Nẵng tăng lên từ 661.800 lên đến trên 800.000 người. Sự gia tăng dân số đây cũng là một vấn đề cần xem xét và giải quyết liên quan đến những chất thải do con người gây ô nhiễm đối với môi trường biển. Hiện nay, trên 80% rạn san hô của thành phố Đà Nẵng đang ở tình trạng rất xấu, kết quả điều tra năm 2016 cho thấy diện tích san hô khu vực ven biển Đà Nẵng không có khả năng phục hồi là 81%; và rác thải là một trong những nguyên nhân chính được xác định gây nguy hại cho rạn san hô. Bên cạnh đó, môi trường biển Đà Nẵng còn phải “gánh” rác thải từ hệ thống cống thu gom nước mưa của thành phố chung với thu gom nước thải sinh hoạt, khi mưa lớn thoát không kịp tràn ra biển mang theo rác và tình trạng xả rác bừa bãi tại các âu thuyền, bến bãi… “Rác thải nhựa là một thách thức lớn đối với môi trưởng biển, hiện nay chưa có số liệu thông kê về nguồn rác thải nhựa trên biển biển, tuy nhiên có thể nhận thấy rất rõ một lượng lớn rác thải nhựa đang tồn tại trong vùng biển Đà Nẵng.” Hoạt động từ các khu công nghiệp cũng đã gây ra ô nhiễm môi trường:
  • 41. 35 Năm 2010, lượng nước thải công nghiệp khoảng 6.835 m³/ngày. Điển hình, ô nhiễm Bàu Tràm Khu công nghiệp Hoà Khánh, ô nhiễm khói bụi của Nhà máy xi măng Hoà Khương, xi măng Cosevco; ô nhiễm nước thải của Công Ty WeiSerXin Industrial; công ty Phong Nha…0 chưa được xử lý, trôi ra biển không những làm cho biển ô nhiễm mà còn có tác hại xấu đến sức khỏe con người và mọi loài sinh vật sống ở đây. *Hình ảnh nước, rác thải xả ra biển (Phụ lục 03) Hoạt động nông nghiệp cũng góp phần ô nhiễm biển đáng kể. Số liệu về các chất đồng, kẽm, asen, DDT và thuốc trừ sâu 666 theo các luồng nước đổ vào các con sông, suối cũng như cống rãnh sau đó đổ vào biển làm suy giảm hệ sinh thái và ô nhiễm vùng ven bờ; chất thải từ các trại nuôi trồng thuỷ sản ven biển và trên biển là nguồn gây ô nhiễm hữu cơ quan trọng. Du lịch Đà Nẵng phát triển nhanh với các khu du lịch như: bán đảo Sơn Trà, Bãi Nam, Bãi Bụt, Bãi Tiên Sa; các biệt thự cao cấp nam Sơn Trà; Furama - Non Nước… Tuy nhiên mặt trái của vấn đề là do việc phát triển chưa theo đúng quy hoạch đã làm giảm đi độ che phủ của cây xanh ảnh hưởng đến môi trường. Ô nhiễm từ vận tải biển, sự cố tràn dầu: Nằm trên đường giao lưu hàng hải quốc tế có mật độ lớn nên khả năng ô nhiễm biển do tàu thuyền gây ra là rất lớn, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 08 kho xăng dầu lớn với tổng sức chứa 144.018 m3, 110 cây xăng/dầu bán lẻ Nguồn ô nhiễm dầu do hoạt động của các tàu vận tải và đánh cá trong nước ước tính hàng năm thải ra biển Việt Nam khoảng 337 tấn. Lợi ích kinh tế đi kèm khai thác quá mức trữ lượng dầu cho việc vận tải đường biển cũng làm cho một lượng dầu lớn bị rò rỉ gây ô nhiễm biển, ảnh hưởng đến rất lớn cho môi trường biển và những vùng nuôi trồng hải sản.
  • 42. 36 Ô nhiễm từ vấn đề khai thác tài nguyên quá mức: Đà Nẵng đang phải đối mặt với hai vấn đề lớn trong khai thác là đánh bắt quá mức trong vùng ven bờ và sử dụng những phương tiện đánh bắt có tính huỷ diệt. Sản lượng khai thác trung bình hàng năm của Đà Nẵng vào khoảng 36.801 tấn/năm (2010), trong đó 68,2 % sản lượng này đã khai thác ở vùng nước nông ven biển. Nhiều loài cá và sinh vật biển có nguy cơ tuyệt chủng, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao. Một thực trạng khác đáng báo động là các loài thủy sinh vật và nguồn san hô tại vùng biển Đà Nẵng cũng đang bị đe dọa. Kết quả khảo sát mới nhất cho thấy, độ phủ của các rạn san hô vùng ven bờ còn trong tình trạng tốt nhất chỉ đạt giá trị tối đa là bậc 3 (31-50%), tập trung tại khu vực Bãi Bụt, Hục Lỡ, Mũi Súng và Bãi Nồm (Sơn Trà) (Nhóm cá có kích thước nhỏ 1-10cm chiếm đến 93,1%, trong khi đó nhóm cá có kích thước 21-30cm thì hầu như không còn trên rạn...) Bên cạnh đó thị trường quà lưu niệm, nhu cầu ăn uống đã dẫn đến việc khai thác quá mức các nguồn lợi từ biển để làm đồ mỹ nghệ, trang trí , các loại quí hiếm, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên biển và suy giảm đa dạng sinh học 2.3. Chủ trương và chính sách bảo vệ môi trường biển của thành phố Đà Nẵng 2.3.1. Chủ trương bảo vệ môi trường biển của thành phố Trước thực trạng báo động về ô nhiễm môi trường biển, vấn đề bảo vệ môi trường biển đã trở thành vấn đề nóng bỏng và cấp thiết hiện nay. Đảng và Chính quyền thành phố Đà Nẵng đã có nhiều quyết tâm trong việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường biển. Trên cơ sở Nghị quyết số 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Chương trình hành động số 13- CTr/TU về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH TW (khóa X) về
  • 43. 37 Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, với quan điểm: xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển có tốc độ phát triển cao, phát triển kinh tế, xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững; ưu tiên thích đáng để thu hút mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế biển và bảo vệ môi trường biển, tạo chuyển biến mạnh trên các lĩnh vực kinh tế theo hướng CNH, HĐH; tranh thủ hợp tác quốc tế phát triển kinh tế biển trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, giữ vững chủ quyền và an ninh trên biển; phát triển kinh tế gắn kết chặt chẽ với quốc phòng an ninh, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền vùng biển, bảo vệ tổ quốc. Với tầm nhìn chiến lược đưa Đà Nẵng trở thành Thành phố thân thiện môi trường, UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”. Đề án được xây dựng với mục tiêu hướng đến năm 2020, các yêu cầu về chất lượng môi trường đất, môi trường nước và môi trường không khí trên toàn thành phố được bảo đảm, tạo sự an toàn về sức khỏe, môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, sự tin tưởng của du khách trong nước và quốc tế khi đến Đà Nẵng. Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng vừa phê duyệt chủ trương cho phép lắp đặt máy lược rác tự động tại cửa xả Mỹ An (biển Mỹ Khê) nhằm bảo vệ biển Đà Nẵng trước nguy cơ ô nhiễm bởi rác thải từ cửa xả chảy ra bãi biển Mỹ Khê , phê duyệt các dự án đầu tư mới phải yêu cầu các chủ đầu tư có Trạm XLNT độc lập đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu sức chịu tải của các Trạm XLNT tập trung, đồng thời chỉ đạo Công ty Thoát nước và XLNT nghiên cứu giải pháp công nghệ nhằm có biện pháp đầu tư xử lý đối với nước thải ra môi trường tại các cửa xả ra biển, đảm bảo nước thải ra môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật cho phép. Tăng cường công tác quan trắc môi trường, theo dõi chất lượng môi trường nước biển ven bờ nhằm có giải pháp quản lý.
  • 44. 38 Công ty Môi trường Đô thị lắp đặt từ 30 đến 50 thùng rác tại 5 bãi biển để người dân và khách du lịch bỏ rác vào thùng và đưa vào sử dụng một máy sàn cát hiện đại để làm sạch bãi biển. Điều đáng nói, Đà Nẵng cũng đã cho xây dựng nhiều công trình vệ sinh công cộng ở các bãi biển và hàng trăm hộ kinh doanh ăn uống trên các bãi tắm cam kết về kinh doanh văn minh, lịch sự và thân thiện trên biển. Đồng thời, duy trì phong trào ra quân ngày chủ nhật xanh sạch đẹp trên toàn địa bàn thành phố, huy động sự tham gia của người dân, học sinh sinh viên, các doanh nghiệp trong hoạt động thu gom rác trên các bãi biển, tuyên truyền cho nhân dân và du khách trong việc chung tay bảo vệ môi trường biển bằng nhiều hình thức phong phú. Thường xuyên kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xả rác tại các bãi biển du lịch. Nhằm hướng đến mục tiêu trở thành đô thị đủ năng lực để ngăn ngừa ô nhiễm, suy thoái môi trường; xử lý, khắc phục các sự cố môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng; thành phố đã sớm ban hành các chính sách về bảo vệ môi trường và có nhiều giải pháp quyết liệt để chỉ đạo để thực hiện. Trên cơ sở quy định của các Luật, thành phố đã ban hành một số văn bản chỉ đạo về công tác bảo vệ môi trường và bảo vệ môi trường biển: - Quyết định số 18/2017/QĐ-UBND của UBND Thành phố ngày 08/06/2017 về Phân cấp thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng - Quyết định số 376/QĐ-UBND Phê duyệt Kế hoạch tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường năm 2017. Quy định số 43/2016/QĐ-UBND ngày 15/12/2016 về Quy định hoạt động Ngăn ngừa và Ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. - Quyết định số 3184/QĐ-UBND của UBND Thành phố ngày 23/5/2016 về việc ban hành kế hoạch tổ chức diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu thành phố Đà
  • 45. 39 Nẵng năm 2016. Kế hoạch số 1824 /KH-UBND ngày 10/03/2014 về Quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong vùng biển huyện Hoàng Sa thành phố Đà Nẵng. Cùng với đó vấn đề hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường biển được đẩy mạnh, vấn đề gia nhập, thực thi các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường biển được chú trọng. 2.3.2. Chính sách về bảo vệ môi trường biển của thành phố Đà Nẵng Nhằm thực hiện Nghị quyết lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương (Khóa X) “về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Thành phố Đà Nẵng đã đề ra những chính sách cụ thể đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường biển của Thành phố: 2.3.2.1. Tổ chức tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và các luật pháp liên quan về biển, bảo vệ môi trường biển Một là, mở các lớp tập huấn cho ngư dân và cộng đồng dân cư ven biển về luật pháp trong nước, công ước quốc tế liên quan đến biển. Nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò của biển và trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác bảo vệ nguồn tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển và giữ vững an ninh, chủ quyền vùng biển; Hai là, xây dựng phóng sự, phim tài liệu về tiềm năng, lợi thế và vai trò của kinh tế biển đối với sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố; khai thác các nguồn lợi sinh vật phải theo đúng thời vụ, bằng phương tiện, công cụ đã được quy định, bảo đảm cân bằng sinh thái. Ba là, tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nước và công ước quốc tế về biển trên các phương tiện thông tin đại chúng; Bốn là, nâng cao năng lực của cán bộ các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên biển; kêu gọi tất cả các tổ chức, cơ
  • 46. 40 quan, doanh nghiệp và người dân đang sống, học tập, làm việc trên địa bàn chung sức để góp phần bảo vệ môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp bằng những hành động thiết thực như: ra quân làm sạch bãi biển và các dòng sông; Năm là, tổ chức các phong trào văn hóa - xã hội làm thay đổi nhận thức, thói quen, lối sống trong cộng đồng theo hướng thân thiện với môi trường; xây dựng ý thức bảo tồn đa dạng sinh học biển và tinh thần dân tộc đối với việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; vận động người dân thay đổi hành vi theo hướng tích cực để bảo vệ môi trường, phòng chống suy thoái, ô nhiễm môi trường. 2.3.2.2. Quy hoạch, hình thành các khu đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ven biển Một là, hình thành các cụm công nghiệp biển gắn với các khu công nghiệp tập trung, hệ thống hạ tầng của thành phố để hướng mạnh vào công nghiệp chế biến và xuất khẩu của thành phố đặc biệt là khu vực ven biển. Phát triển du lịch biển chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Hai là, khai thác tiềm năng, lợi thế khu vực ven biển để tập trung phát triển đô thị trong tương lai, tạo sự chuyển biến tích cực về kinh tế - văn hoá - xã hội của khu vực ven biển. Ba là sớm quy hoạch thành lập KKT ven biển theo Kết luận số 75- KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong đó đề cập phát triển Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển; để có cơ chế chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhất là về thuế, chuyển giao công nghệ, đất đai. Với mô hình KKT ven biển là tổng hợp một trong những trung tâm về dịch vụ, công nghiệp, chế biến, dịch vụ cảng, logistics, du lịch, thương mại, dịch vụ; phát triển đô thị và những ngành kinh tế khác gắn với Hành lang Kinh tế Đông Tây.
  • 47. 41 2.3.2.3. Phát triển du lịch biển chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế Để ngành du lịch biển phát triển tiềm năng và lợi thế từ biển đáp ứng nhu cầu phát triển chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế thành phố cần xây dựng chương trình phát triển sản phẩm văn hóa du lịch biển đặc thù, chất lượng cao, bằng cách: - Nghiên cứu và đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển tiềm năng, lợi thế của biển; triển khai phát triển các sản phẩm du lịch biển, loại hình du lịch gắn với tiềm năng, lợi thế về biển của thành phố; - Rà soát, sắp xếp lại hệ thống các lĩnh vực, loại hình du lịch biển; đầu tư và quản lý một cách chiến lược cả về cơ sở vật chất, dịch vụ và con người cho các trung tâm du lịch biển đảo đã được xác định. Đặc biệt, cần phát huy yếu tố văn hoá của từng địa phương trong phát triển du lịch biển để tạo dấu ấn riêng và thu hút khách du lịch quay trở lại nhiều lần. -Thực hiện các mô hình chuyển đổi nghề cá ven bờ sang tổ chức dịch vụ phục vụ khách du lịch; xây dựng các mô hình làng nghề nuôi thuỷ đặc sản nước ngọt theo tiêu chuẩn sạch, tạo sản phẩm phục vụ du khách tham quan du lịch ; xây dựng tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc thành tuyến đường kiểu mẫu; xây dựng Dự án Khu Bảo tồn thiên nhiên rừng biển tại khu vực Bán đảo Sơn Trà - Nam Hải Vân. -Tăng cường đổi mới các hình thức tuyên truyền, quảng bá du lịch biển, văn hoá biển, sản phẩm biển, ứng dụng khoa học công nghệ cao liên quan đến biển; tạo một số sản phẩm, loại hình du lịch đặc trưng để thu hút khách du lịch. -Điều tra, đánh giá hiện trạng nguồn tài nguyên sinh vật rừng, biển tại khu vực. Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ven bờ, cụ thể là các rạn san khô, thảm cỏ biển và các hệ sinh thái tại vùng biển ven bờ Nam Hải Vân - Sơn Trà; bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật biển và nguồn tài nguyên rừng, hình thành khu bảo