SlideShare a Scribd company logo
1 of 19
Download to read offline
Hiệu qủa hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở
tỉnh Thanh Hoá.
Lê Thị Hương
Trường Đại học Quốc gia Hà Nội; Khoa Luật
Chuyên ngành: Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật; Mã số: 60 38 01
Người hướng dẫn: GS. TS Nguyễn Đăng Dung.
Năm bảo vệ: 2012
Abstract. Làm rõ cơ sở lý luận về vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương
thức hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp xã; khái niệm, tiêu chí đánh giá và điều kiện
đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã. Phân tích thực trạng hoạt động của HĐND cấp
xã ở tỉnh Thanh Hóa để tìm ra ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của những ưu điểm, hạn chế. Đề
xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa.
Keywords: Pháp luật Việt Nam; Hội đồng nhân dân cấp xã; Thanh Hóa; Lịch sử nhà nước và
pháp luật
Content.
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong hệ thống Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, HĐND cấp xã (cấp xã gồm: xã, phường, thị
trấn) có vị trí, vai trò quan trọng, là nơi gần dân nhất, trực tiếp thực thi đường lối, chính sách của Đảng,
pháp luật của Nhà nước tại địa phương và là nơi trực tiếp quyết định những chủ trương, biện pháp quan
trọng để xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. HĐND cấp
xã là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, do nhân dân địa
phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
Nhận thức được vai trò quan trọng đó, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc đổi mới, nâng
cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng nhấn mạnh: "Nâng cao chất lượng hoạt động
của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của chính quyền
địa phương trong phạm vi được phân cấp. Phát huy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân".
Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 725/2009/NQ-UBTVQH tại một số địa phương thí điểm không tổ
chức HĐND ở huyện, quận, phường. Như vậy, ở những địa phương không tổ chức HĐND huyện thì hoạt
động của HĐND xã, thị trấn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, cần phải nâng cao hiệu quả hoạt động của
HĐND xã, thị trấn là yêu cầu bức thiết.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tiếp tục khẳng định: "Tiếp tục đổi mới tổ
chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân
và Ủy ban nhân dân các cấp, bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ
chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp. Nghiên cứu tổ chức, thẩm quyền của
chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo. Tiếp tục thực hiện thí điểm chủ trương không tổ chức Hội đồng
nhân dân huyện, quận, phường".
Quán triệt, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong thời gian qua
hoạt động của HĐND cấp xã đã có những chuyển biến tích cực, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đổi
mới đất nước, khẳng định được vai trò là cơ quan đại biểu của nhân dân địa phương, là nơi đảm bảo
quyền làm chủ của nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của HĐND cấp xã hiện nay do nhiều nguyên nhân
vẫn còn những hạn chế nhất định, thực chất chưa tương xứng với vị trí, vai trò của nó trong hệ thống cơ quan
quyền lực nhà nước cũng như với nhiệm vụ mà nhân dân giao phó. Nhiều nơi hoạt động của HĐND cấp xã
chỉ mang tính hình thức, tính đại diện và khả năng thay mặt nhân dân quyết định các vấn đề quan trọng ở địa
phương thấp, dẫn đến việc vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, cản trở quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội.
Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã hiện nay là yêu cầu bức thiết.
Từ cơ sở lý luận và thực tiễn cho thấy nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã là
đòi hỏi khách quan, là yêu cầu cấp thiết.
Chính vì vậy, tác giả lựa chọn đề tài "Hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh
Thanh Hóa" làm luận văn thạc sĩ Luật học.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Vấn đề nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND nói chung, HĐND cấp xã nói riêng đã được nhiều nhà
khoa học quan tâm nghiên cứu, tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau. Có thể nêu một số công trình sau:
- Tổ chức chính quyền nhà nước ở địa phương, của PGS.TS Nguyễn Đăng Dung, Nxb Đồng Nai, năm
1997.
- Đổi mới hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã, của Trần Nho Thìn, Luận án
tiến sĩ, năm 2000.
- Đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, của Lê Minh
Thông, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 6/1999.
- Tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã trong giai đoạn hiện nay, của ThS. Nguyễn
Hoàng Anh, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 5/2003.
- Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009, của Đinh Ngọc
Giang, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 2/2005.
- Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các
cấp, của ThS. Nguyễn Quốc Tuấn, Tổ chức nhà nước, số 4/2004.
Các công trình trên đã tiếp cận tổ chức và hoạt động của HĐND ở nhiều góc độ, nhiều khía cạnh với
những luận giải, đánh giá khoa học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên có thể nói cho đến nay chưa có
một đề tài độc lập đi sâu nghiên cứu hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa để tổng kết,
đánh giá những thành tựu, hạn chế, qua đó đưa ra những giải pháp có giá trị thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả
hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa.
3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn
3.1. Mục đích của luận văn
Mục đích của luận văn là đề xuất những quan điểm và các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt
động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa hiện nay.
3.2. Nhiệm vụ của luận văn
Để thực hiện được mục đích trên, luận văn có nhiệm vụ làm rõ cơ sở lý luận về vị trí, tính chất, chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của HĐND cấp xã; khái niệm, tiêu chí đánh giá và
điều kiện đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã; phân tích thực trạng hoạt động của HĐND cấp
xã ở tỉnh Thanh Hóa để tìm ra ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của những ưu điểm, hạn chế; trên cơ sở
đó đưa ra quan điểm, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận văn là những vấn đề lý luận về hoạt động của HĐND cấp xã và được
giới hạn trong thực tiễn hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa từ năm 2004 đến nay.
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu
5.1. Cơ sở lý luận
Luận văn được thực hiện trên cơ sở lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan
điểm của Đảng và Nhà nước ta về nhà nước và pháp luật XHCN, về tổ chức và hoạt động của HĐND.
5.2. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng phương pháp luận của triết học Mác - Lênin kết hợp phương pháp phân tích, tổng
hợp, thống kê, so sánh, khảo sát thực tế… Phương pháp phân tích, tổng hợp được sử dụng ở cả ba chương
để làm sáng tỏ các vấn đề lý luận, cũng như đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao
hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa. Phương pháp thống kê, so sánh, khảo sát thực tế
được sử dụng chủ yếu ở chương 2, nhằm đánh giá đúng đắn thực trạng hoạt động của HĐND cấp xã ở
tỉnh Thanh Hóa.
6. Đóng góp mới về khoa học của luận văn
Với việc đi sâu nghiên cứu những vấn đề liên quan đến hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh
Thanh Hóa, luận văn sẽ có những đóng góp mới như sau:
- Luận văn góp phần làm sáng tỏ về mặt lý luận hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã như khái niệm,
tiêu chí đánh giá, điều kiện đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã.
- Đánh giá một cách hệ thống, toàn diện thực trạng hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa từ
năm 2004 đến nay.
- Đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa.
7. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lý luận về hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã.
Chương 2: Thực trạng hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa.
Chương 3: Quan điểm và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh
Thanh Hóa.
Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG
CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CẤP XÃ
1.1. Vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của Hội đồng
nhân dân cấp xã
1.1.1. Vị trí, tính chất của Hội đồng nhân dân cấp xã
Điều 119 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Điều 1 Luật tổ chức HĐND và Ủy ban
nhân dân (UBND) năm 2003 quy định: "Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương,
đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách
nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên".
1.1.2. Chức năng của Hội đồng nhân dân cấp xã
- Quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương
- Chức năng giám sát.
1.1.3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp xã
Để HĐND cấp xã thực hiện tốt chức năng của mình, Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 đã cụ
thể hóa thành các nhiệm vụ và quyền hạn trong các lĩnh vực sau đây:
- Trong lĩnh vực kinh tế (Điều 29),
- Trong lĩnh vực giáo dục, y tế, xã hội và đời sống, văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, bảo vệ tài
nguyên môi trường (Điều 30),
- Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội (Điều31,
- Trong lĩnh vực thi hành pháp luật (Điều 33),
- Trong lĩnh vực xây dựng chính quyền địa phương (Điều 34),
- HĐND phường thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điều 29, 30, 31, 32, 33 34 và 35.
1.1.4. Phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã
1.1.4.1. Kỳ họp của Hội đồng nhân dân cấp xã
1.1.4.2. Hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã
1.1.4.3. Hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã
1.2. Khái niệm, tiêu chí đánh giá và điều kiện đảm bảo hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân
dân cấp xã
1.2.1. Khái niệm hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã
Hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã là kết quả thu được đảm bảo sự phù hợp giữa việc thực hiện
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định so với những chi phí hợp lý về thời gian, trí lực, vật lực,
nguồn lực lao động… phục vụ hoạt động của HĐND cấp xã.
Theo Điều 8, Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 thì hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã được bảo
đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp HĐND, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND, UBND và các đại
biểu HĐND cùng cấp.
1.2.2. Tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã
Để đánh giá hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã cần có những tiêu chí nhất định. Mỗi tiêu chí là
một căn cứ để xác định hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở một phương diện khác nhau. Xuất phát từ
quan niệm về hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã, tác giả xin nêu một số tiêu chí đánh giá hiệu quả
hoạt động của HĐND cấp xã như sau:
1.2.2.1. Đảm bảo dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã.
Trong quá trình tổ chức và hoạt động của HĐND cấp xã, việc đảm bảo dân chủ là yêu cầu hết sức
quan trọng. Một mặt, đảm bảo dân chủ là nguyên tắc hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và
HĐND cấp xã nói riêng, nó thể hiện bản chất của chế độ chính trị. Mặt khác, chỉ khi đảm bảo dân chủ
trong tổ chức và hoạt động của HĐND cấp xã thì mới tạo ra được sự đồng thuận xã hội - một trong những
điều kiện căn bản nhất để hoạt động của HĐND cấp xã đạt hiệu quả trong thực tế.
1.2.2.2. Tạo ra sự chuyển biến tích cực về tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương
Để đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung và HĐND cấp xã nói riêng, phải
xem xét đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả
hoạt động của HĐND cấp xã, bởi tất cả các hoạt động của HĐND cấp xã suy cho cùng không ngoài mục
đích thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển.
Hoạt động của HĐND cấp xã là hoạt động mang tính chính trị - xã hội, kết quả của nó thường phải có
thời gian nhất định 01 tháng, 01 năm, 5 năm… hoặc lâu hơn nữa mới đưa lại kết quả cụ thể, do đó việc
định lượng và đo lường là hết sức khó khăn. Tuy nhiên có thể xem xét, đánh giá hiệu quả hoạt động của
HĐND cấp xã trên các mặt sau:
Thứ nhất, về hiệu quả xã hội, đó là khả năng phát hiện và giải quyết các vấn đề nổi cộm ở địa
phương, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Thứ hai, về hiệu quả kinh tế, thể hiện qua việc thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Hiệu quả hoạt
động của HĐND cấp xã có thể được xác định dựa trên sự chuyển biến tích cực của tình hình kinh tế - xã
hội ở địa phương sau nhiệm kỳ hoạt động của HĐND cấp xã hoặc sau khi có chủ trương, biện pháp phát
triển kinh tế ở địa phương.
Muốn biết hoạt động của HĐND cấp xã có mang lại hiệu quả hay không chúng ta phải so sánh tình
hình kinh tế - xã hội của địa phương trước và sau hoạt động theo nhiệm kỳ của HĐND cấp xã hoặc sau
khi có những chủ trương phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nếu tình hình kinh tế - xã hội trên địa
bàn có những chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao thì điều đó cho thấy hoạt
động của HĐND cấp xã đã mang lại hiệu quả. Ngược lại, nếu không có sự chuyển biến tích cực tức là
HĐND cấp xã hoạt động không có hiệu quả.
Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trên thực tế hoàn toàn không chỉ do tác động
của HĐND cấp xã mà còn chịu sự tác động tổng hợp của nhiều yếu tố khác. Vì vậy, khi đánh giá hiệu quả
hoạt động của HĐND cấp xã theo tiêu chí này cũng chỉ ở mức độ tương đối.
1.2.2.3. Kết quả hoạt động mang lại so với chi phí bỏ ra
Hiệu quả là chỉ số so sánh giữa kết quả đạt được với chi phí bỏ ra (trong đó: chi phí bỏ ra ít hơn, kết
quả đạt được cao hơn). Kết quả hoạt động mang lại là kết quả về kinh tế - xã hội đạt được, còn chi phí bỏ
ra là những hao tổn cần thiết để đạt được kết quả, bao gồm: nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính, các
hao tổn vật chất khác như điện, nước… Tất cả chi phí cho hoạt động của HĐND cấp xã cần ở mức thấp
nhưng phải đủ đảm bảo cho các chủ thể hoạt động tốt, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn
luật định để đạt được những kết quả ở mức cao nhất.
Hoạt động của HĐND cấp xã chủ yếu mang tính chính trị - xã hội nên để tính kết quả thu về so với
chi phí bỏ ra là điều rất khó. Bởi yếu tố vừa định lượng, vừa định tính không chỉ thể hiện ở kết quả thu về
mà ngay cả trong đầu tư, chi phí bỏ ra. Vì vậy, khi căn cứ vào tiêu chí này để đánh giá hiệu quả hoạt động
của HĐND cấp xã thì cũng chỉ tính toán ở mức độ tương đối. Có những hoạt động nếu tính dưới góc độ
kinh tế thì không mang lại lợi ích thiết thực nhưng dưới góc độ xã hội lại mang lại hiệu quả rất lớn.
Chẳng hạn trong một số lĩnh vực nếu HĐND cấp xã giám sát đến cùng và triệt để không những góp phần
tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn có tác dụng to lớn trong việc chấn chỉnh các vấn đề
chính trị. Do đó, khi căn cứ vào yếu tố chi phí, kết quả để xem xét hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã
phải kết hợp xem xét cả hiệu quả kinh tế và hiệu quả chính trị - xã hội.
Khi đánh giá hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã phải dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau căn cứ
điều kiện, hoàn cảnh cụ thể tình hình của địa phương, những nhân tố bên ngoài tác động ảnh hưởng đến
hoạt động của HĐND cấp xã. Có như vậy mới đảm bảo được tính khách quan và thực tế.
1.2.3. Điều kiện đảm bảo hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã
1.2.3.1. Đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã
Đối với hoạt động của HĐND cấp xã, sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng chính là yếu tố quan trọng đầu
tiên quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã. Mọi hoạt động của HĐND
cấp xã đều phải căn cứ vào lãnh đạo của cấp ủy, từ việc xây dựng chương trình, nội dung kỳ họp của
HĐND, đến việc tổ chức kỳ họp… đều phải xin ý kiến của cấp ủy Đảng. Trong quá trình hoạt động của
HĐND cấp xã, những vấn đề nổi cộm, liên quan đến cơ chế, chính sách, đến cán bộ lãnh đạo đều được
tổng hợp, báo cáo tranh thủ ý kiến của cấp ủy để có phương án giải quyết đúng đắn.
Trong công tác giám sát của HĐND cấp xã, trước khi quyết định nội dung giám sát cụ thể phải tổ
chức thảo luận, thống nhất trong tập thể Đảng đoàn HĐND và báo cáo xin ý kiến của Ban Thường trực
Đảng ủy. Trong quá trình giám sát của HĐND cấp xã phải thường xuyên có sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ
với Đảng ủy để trao đổi, cung cấp thông tin có liên quan đến nội dung giám sát. Việc kết luận và kiến
nghị các biện pháp xử lý qua giám sát của HĐND về nguyên tắc phải đảm bảo tính thực tiễn khách quan,
đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của HĐND, tuy nhiên những vấn đề nhạy cảm
phải báo cáo Đảng ủy trước khi kết luận chính thức.
Để HĐND cấp xã thực hiện tốt hoạt động của mình thì cần phải có sự lãnh đạo của Đảng ủy cơ sở.
Các cấp ủy Đảng chỉ nên thực hiện lãnh đạo HĐND dựa trên những định hướng và kiểm tra việc thực
hiện định hướng đó. Sự bao biện, làm thay của cấp ủy Đảng đối với HĐND thực chất là biến cơ quan dân
cử thành công cụ thực hiện thiếu sức sống, hình thức.
1.2.3.2. Ban hành đầy đủ các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân
cấp xã
Muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã thì trước hết phải ban hành đầy đủ các
quy định pháp luật về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Các quy định đó phải đảm bảo tính
đồng bộ, phải cụ thể, rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, dễ áp dụng, không phải chờ các văn bản pháp lý có hiệu lực
thấp hơn hướng dẫn, giải thích. Có như vậy HĐND mới có cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện tốt chức
năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình.
1.2.3.3. Tổ chức bộ máy của Thường trực và bộ phận giúp việc của Hội đồng nhân dân cấp xã
Muốn nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã đòi hỏi phải có một bộ máy đủ khả năng thực
hiện một cách tốt nhất chức năng quyết định và giám sát. Bất kỳ cơ quan nào nếu có một tổ chức hợp lý
và đồng bộ sẽ tạo nên guồng máy làm việc nhịp nhàng, hiệu quả công việc sẽ cao hơn.
Để thực hiện tốt hoạt động của mình, HĐND cấp xã phải ngày càng chú ý hoàn thiện về mặt tổ chức.
Hiện nay, Thường trực HĐND cấp xã có 2 thành viên thì chỉ có Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên
trách, còn tuyệt đại đa số Chủ tịch HĐND hoạt động kiêm nhiệm (kiêm Bí thư Đảng ủy xã); không có các
Ban của HĐND cấp xã. Vì vậy, để đảm bảo chế độ làm việc tập thể và tạo sự thống nhất về mặt tổ chức
của Thường trực HĐND ở cả ba cấp; đồng thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay, cần phải tiếp tục tập
trung nghiên cứu đổi mới về mặt tổ chức bộ máy và hoạt động của HĐND cấp xã. Phải đảm bảo số lượng đại
biểu chuyên trách trong Thường trực, bổ sung chức danh ủy viên Thường trực HĐND cấp xã; thành lập các
Ban của HĐND cấp xã để tránh tình trạng công việc bị ùn tắc, hoạt động mang tính hình thức, thiếu hiệu quả.
Bên cạnh đó phải đặc biệt quan tâm bố trí chuyên viên phục vụ hoạt động của HĐND cấp xã. Có như vậy
mới đảm đương được công việc của HĐND cấp xã. Chuyên viên giúp việc là rất cần thiết, nhất là đối với
HĐND cấp xã hiện nay Chủ tịch HĐND kiêm Bí thư Đảng ủy xã. Chuyên viên giúp việc chính là người
tham mưu đắc lực cho HĐND cấp xã. Hoạt động của chuyên viên là một bộ phận quan trọng cấu thành
sức mạnh của HĐND cấp xã. Nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã đòi hỏi phải có chuyên
viên giúp việc có năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức tốt.
1.2.3.4. Phẩm chất, năng lực, trách nhiệm của đại biểu HĐND cấp xã
Đại biểu HĐND cấp xã có vị trí, vai trò rất quan trọng. Đại biểu HĐND cấp xã do nhân dân địa phương
bầu ra, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương. Là cầu nối quan trọng giữa chính quyền Nhà
nước với nhân dân. Vừa chịu trách nhiệm trước cử tri, vừa chịu trách nhiệm trước cơ quan quyền lực nhà
nước ở địa phương. Chính vì vậy, đòi hỏi người đại biểu nhân dân phải là những người có phẩm chất, năng
lực, trình độ và tinh thần trách nhiệm cao.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã, để đại biểu HĐND cấp xã thực sự xứng đáng với
danh hiệu cao quý "người đại biểu nhân dân" đòi hỏi họ phải không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức,
nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng giám sát, kỹ năng tiếp xúc cử tri, kỹ năng tổng hợp, phân tích…phát
huy tinh thần trách nhiệm được pháp luật quy định và nhân dân trực tiếp giao cho.
1.2.3.5. Điều kiện vật chất, chi phí cho hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã
Muốn nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã cần phải đầu tư chi phí và điều kiện vật chất
cho hoạt động của HĐND cấp xã.
HĐND cấp xã cần có trụ sở riêng và được bố trí, sắp xếp hợp lý để trụ sở của HĐND phải vừa là nơi
làm việc, vừa là nơi cử tri có thể trực tiếp đến bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình đối với cơ quan dân
cử. Đồng thời cần phải đầu tư nhiều hơn nữa các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động của
HĐND cấp xã. Đối với đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách cần được trang bị phương tiện thông tin
liên lạc, tài liệu, phòng làm việc hợp lý, tương xứng với trách nhiệm của đại biểu. Đối với các chức danh
kiêm nhiệm của HĐND nên có chế độ thỏa đáng để động viên, khuyến khích họ nâng cao tinh thần trách
nhiệm của mình.
Phải tăng cường đầu tư chi phí theo yêu cầu của từng nội dung hoạt động. Nếu có đầu tư thỏa đáng sẽ
góp phần tích cực nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã. Tuy nhiên đầu tư chi phí cho hoạt
động của HĐND cấp xã phải tối ưu. Nghĩa là chỉ đủ mức cần thiết và triệt để tiết kiệm, chống lãng phí.
Nhiều khi chỉ với mức kinh phí hạn hẹp nhưng tổ chức thực hiện tốt, tìm ra hình thức và phương pháp
thích hợp thì hiệu quả đem lại vẫn cao.
Như vậy, đảm bảo các điều kiện cần thiết, chế độ chính sách hợp lý là một trong những yếu tố quan
trọng đem lại chất lượng, hiệu lực, hiệu quả cho hoạt động của HĐND cấp xã.
Chương 2
THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CẤP XÃ Ở TỈNH THANH HÓA
2.1. Khái quát điều kiện tự nhiên, tình hình kinh tế - xã hội và cơ cấu, tổ chức của Hội đồng
nhân dân cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa
2.1.1. Khái quát điều kiện tự nhiên và tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa
2.1.2. Cơ cấu, tổ chức của Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2004 - 2011 và
nhiệm kỳ 2011 - 2016
Thanh Hóa có 637 đơn vị hành chính cấp xã (xã, phường, thị trấn). Cử tri ở tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ
2004 - 2011 đã bầu 16.025 đại biểu HĐND cấp xã, nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã bầu được 16073 đại biểu
HĐND cấp xã.
Bảng 2.1: Cơ cấu, số lượng đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2004 - 2011
và nhiệm kỳ 2011 - 2016.
Nhiệm kỳ
Nữ
(tỉ lệ %)
Dân tộc
(tỉ lệ %)
Tôn giáo
(tỉ lệ %)
Tái cử
(tỉ lệ %)
Chuyên trách Mặt
trận, đoàn thể
Ngoài Đảng
(tỉ lệ %)
2004-2011 3190
(19,91%)
3514
(21,93%)
338
(2,11%)
6471
40,38%
1875
11,7%
3594
22,5%
2011-2016
3262
(20,29%)
3602
(22,41%)
319
(1,98%)
7265
45,2%
1834
11,41%
6250
(38,88%)
Bảng 2.2: Trình độ văn hóa và chuyên môn của đại biểu HĐND cấp xã
tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2004 - 2011 và nhiệm kỳ 2011 - 2016
Nhiệm kỳ
Trình độ văn hóa Trình độ chuyên môn
Tiểu học
Trung học
cơ sở
Trung học phổ
thông
Sơ cấp Trung cấp
Đại học,
Sau đại học
2004-2011
165
(1,03%)
576
35,97%
10094
(63%)
961
(6%)
2701
(16,8%)
416
(2,59%)
2011-2016
75
(0,47%)
3508
(21,8%)
12385
77,05%
816
(5,08%
5432
(33,8%)
1782
(11,09%)
Nguồn: Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Bảng 2.3: Trình độ lý luận chính trị và quản lý nhà nước của đại biểu HĐND cấp xã tỉnh Thanh Hóa
nhiệm kỳ 2004 - 2011 và nhiệm kỳ 2011 - 2016
Nhiệm kỳ Trình độ chính trị Trình độ quản lý nhà nước
Sơ cấp
Trung
cấp
Đại học,
Cao cấp
Sơ cấp
Trung
cấp
Đại học,
Sau đại
học
2004-2011
2345
14,63%
4609
28,76%
84
0,52%
712
4,44%
1418
8,85%
35
0,21%
2011-2016
2565
15,96%
6318
39,31%
87
0,54%
388
2,41%
2549
15,86%
75
0,47%
Nguồn: Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Từ kết quả bảng 2.2 và bảng 2.3 cho thấy: Nhiệm kỳ 2011 - 2016 chất lượng đại biểu được nâng lên
so với nhiệm kỳ 2004 - 2011, đảm bảo các tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, uy tín, phẩm chất đạo đức,
chính trị.
Bảng 2.4: Độ tuổi đại biểu HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa
nhiệm kỳ 2004 - 2011 và nhiệm kỳ 2011 - 2016
Nhiệm kỳ Dưới 35 tuổi Từ 35- 50 tuổi Trên 50 tuổi
2004- 2011 3398 (21,2%) 10658 (66,5%) 2069 (12,9%)
2011- 2016 2985 (18,57%) 8748 (54,43%) 4340 (27%)
Nguồn: Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Từ kết quả bảng 2.4 cho thấy: Độ tuổi của đại biểu HĐND cấp xã từ 35 trở lên tương đối cao, họ đã
có bề dày kinh nghiệm cuộc sống nên hoạt động của HĐND cấp xã cũng được nâng cao.
* Về tổ chức bộ máy của HĐND cấp xã
Tại kỳ họp thứ nhất, HĐND cấp xã trong tỉnh đã kiện toàn tổ chức và bầu đủ số lượng thành viên
Thường trực HĐND (2 người) theo luật định
Bảng 2.5: Số liệu cơ cấu, tổ chức Thường trực HĐND cấp xã
nhiệm kỳ 2004 - 2011 và nhiệm kỳ 2011 - 2016
Nhiệm kỳ
Chức vụ
2004 - 2011 2011 - 2016
Chủ tịch
HĐND
Phó Chủ
tịch
HĐND
Chủ tịch
HĐND
Phó Chủ
tịch
HĐND
Tổng số 637 637 637 637
Bí thư 604 612
Phó Bí thư 11 2 13 3
Ủy viên thường
trực
14 127 10 129
Cấp ủy 7 489 2 489
Không cấp ủy 1 19 16
Chuyên trách 22 624 12 628
Nguồn: Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Từ kết quả điều tra ở bảng 2.5 cho thấy: Chủ tịch HĐND cấp xã chủ yếu do Bí thư kiêm nhiệm (nhiệm kỳ
2004 - 2011 chiếm 94,8%, nhiệm kì 2011 - 2016 chiếm 96,07%) nên đã tăng cường được sự lãnh đạo của cấp
ủy Đảng đối với hoạt động của HĐND. Phó Chủ tịch HĐND cấp xã chủ yếu hoạt động chuyên trách (nhiệm
kỳ 2004 - 2011 chiếm 97,95%; nhiệm kỳ 2011 - 2016 chiếm 98,58%). Tuy nhiên, còn một số địa phương Phó
Chủ tịch HĐND không hoạt động chuyên trách nên hoạt động của Thường trực gặp nhiều khó khăn.
Bảng 2.6: Về trình độ chuyên môn của Thường trực HĐND cấp xã
nhiệm kỳ 2004 - 2011 và nhiệm kỳ 2011- 2016
Nhiệm kỳ Chức vụ Tổng số
Trình độ chuyên môn
Đại học Cao đẳng Trung cấp Không
2004- 2011
Chủ tịch
HĐND
637
33
5,18%
21
3,29%
487
76,45%
96
15,07%
Phó Chủ tịch
HĐND
637
34
5,33%
18
(2,82%)
500
78,49%
85
13,34%
2011-2016
Chủ tịch
HĐND
637
39
6,12%
31
(4,87%)
538
84,45%
29
4,55%
Phó chủ tịch
HĐND
637
37
5,8%
20
(3,14%)
548
86,02%
32
5,02%
Nguồn: Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Qua số liệu trên cho thấy, trình độ chuyên môn của Thường trực HĐND cấp xã còn hạn chế. Một số
địa phương Chủ tịch HĐND cấp xã không có có trình độ chuyên môn chiếm 15,07% (nhiệm kỳ 2004 -
2011) và chiếm 4,55% (nhiệm kỳ 2011 - 2016). Phó Chủ tịch HĐND không có trình độ chuyên môn
chiếm 13,34% (nhiệm kỳ 2004 - 2011), 5,02% (nhiệm kỳ 2011 - 2016). Điều này đã làm ảnh hưởng
không nhỏ đến chất lượng hoạt động của Thường trực HĐND cấp xã trong quá trình chỉ đạo thực hiện các
nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
2.2. Hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa từ năm 2004 đến nay
2.2.1. Thực trạng hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa từ năm 2004 đến nay
2.2.2. Đánh giá về ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của những ưu điểm, hạn chế
- Ưu điểm
* Nguyên nhân của những ưu điểm
Có được những kết quả đáng phấn khởi trên là bởi những nguyên nhân cơ bản sau:
- Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về vai trò, vị trí của HĐND cấp xã đã được
nâng lên đáng kể. Các cấp ủy Đảng luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để HĐND cấp xã phát huy vai
trò của mình trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
- Thể chế hóa đường lối, quan điểm đổi mới của Đảng, các văn bản pháp luật về bầu cử đại biểu
HĐND, Luật tổ chức và hoạt động của HĐND được sửa đổi, bổ sung tương đối đồng bộ đã tạo hành lang
pháp lý thuận lợi cho HĐND cấp xã thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình.
- Cơ cấu đại biểu tương đối hợp lý, đảm bảo tính đại diện cho các thành phần dân cư, tôn giáo, dân
tộc, đoàn thể ở địa phương. Chất lượng đại biểu ngày càng được nâng lên.
- Hoạt động của HĐND cấp xã được đổi mới, nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng. Đặc biệt, Luật tổ chức
HĐND và UBND năm 2003 đã bổ sung 1 chương quy định về hoạt động giám sát của HĐND, Thường
trực HĐND và đại biểu HĐND. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa triển
khai thực hiện hoạt động giám sát có kết quả.
- Củng cố và phát huy được mối quan hệ công tác giữa HĐND cấp xã với các cơ quan, tổ chức hữu quan.
- Các điều kiện đảm bảo của HĐND đã được quan tâm, kinh phí hoạt động được nâng lên ở mức hợp
lý hơn.
- Hạn chế
* Nguyên nhân của những hạn chế trong hoạt động của HĐND cấp xã
Để có cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất những phương hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt
động của HDND cấp xã cần phải xác định đúng đắn những nguyên nhân hạn chế hiệu lực, hiệu quả hoạt
động của nó. Có thể xác định rằng, hoạt động giám sát của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa còn yếu kém,
hình thức là do những nguyên nhân cơ bản sau:
- Nhận thức về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp xã của không ít cấp ủy
Đảng chưa thực sự đầy đủ thể hiện trong công tác bố trí nhân sự HĐND, hiệp thương, lựa chọn bầu đại biểu
HĐND cấp xã. Bên cạnh đó công tác quy hoạch cán bộ HĐND cấp xã có nơi, có lúc chưa được quan tâm
đúng tầm, không ít đại biểu sau khi được bầu đã không thực sự nhiệt tình, tâm huyết với công tác chuyên trách
tại HĐND cấp xã nên ở một số địa phương lực lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND cấp xã còn
thiếu và yếu.
- Một số văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND đã được sửa đổi, bổ sung nhưng chưa
thực sự đồng bộ.
- Tỉ lệ đại biểu là cán bộ lãnh đạo của UBND, cấp ủy và đoàn thể trong HĐND cấp xã còn cao, đại
biểu ngoài đảng chiếm tỉ lệ thấp, do đó các đại biểu vẫn còn tư tưởng nể nang, ngại va chạm, biết nhưng
không dám nói hoặc nói như thế nào để giữ hòa khí. Mối quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu ở
một số địa phương chưa được giải quyết hợp lý; năng lực, hiểu biết pháp luật của một số đại biểu HĐND
cấp xã còn hạn chế, chưa phát huy được vai trò của người đại biểu nhân dân.
- Tổ chức của HĐND cấp xã chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, thể hiện ở chỗ Thường trực HĐND
cấp xã chỉ gồm 2 thành viên là Chủ tịch và Phó chủ tịch HĐND, không có ủy viên thường trực; Trong đó, chỉ có
Phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách, hầu hết Chủ tịch HĐND cấp xã hoạt động kiêm nhiệm nên
không có nhiều thời gian chỉ đạo, sâu sát tới mọi hoạt động thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, do vậy
hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã chưa cao.
- Các điều kiện đảm bảo hoạt động của HĐND cấp xã đã được quan tâm nhưng chưa thực sự đáp ứng
với yêu cầu hoạt động như chưa có trụ sở làm việc độc lập; kinh phí hoạt động còn thiếu so với yêu cầu: kinh
phí chi cho hoạt động tiếp xúc cử tri tại thôn, bản rất ít; kinh phí hoạt động của đại biểu thấp; thông tin phục
vụ cho đại biểu còn quá ít dẫn đến việc nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội, chủ trương, chính sách của Đảng,
pháp luật của Nhà nước còn hạn chế; HĐND cấp xã chưa bố trí được người tham mưu, giúp việc, điều
này cũng ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã.
- Việc thực hiện các quy định về mối quan hệ giữa UBND cấp xã, các cán bộ chuyên môn của UBND
với Thường trực HĐND cùng cấp chưa thật tốt. Chưa tạo điều kiện cho Thường trực HĐND cấp xã nắm
bắt đầy đủ thông tin về hoạt động của UBND và các cán bộ chuyên môn của UBND; Thường trực HĐND
cấp xã chưa thường xuyên đôn đốc UBND cùng cấp để giải quyết dứt điểm các ý kiến, kiến nghị của cử
tri, điều đó đã ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của HĐND cấp xã.
Chương 3
QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN CẤP XÃ Ở TỈNH THANH HÓA
3.1. Yêu cầu khách quan nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh
Thanh hóa
3.1.1. Xuất phát từ yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân,
do dân, vì dân
3.1.2. Xuất phát từ những bất cập giữa vị trí, vai trò và chức năng của Hội đồng nhân dân cấp xã
với thực trạng hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa hiện nay
3.1.3. Xuất phát từ yêu cầu nâng cao vai trò quản lý của chính quyền địa phương
3.2. Quan điểm nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa
3.2.1. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam về nâng cao hiệu quả hoạt động
các cơ quan dân cử nói chung và hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã nói riêng
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa trước hết cần nắm vững các quan
điểm do Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII), Đại hội VIII, Hội nghị lần thứ 3,
lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, Đại hội IX, X XI của Đảng đề ra. Trên cơ sở chủ
trương đổi mới của Đảng, Văn kiện Đại Hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVII tiếp tục khẳng
định: "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, trước hết là nâng cao
chất lượng các kỳ họp, tạo điều kiện để các đại biểu Hội đồng nhân dân phát huy trí tuệ, thảo luận và quyết
định những vấn đề quan trọng đối với sự phát triển bền vững của tỉnh. Đồng thời đề cao trách nhiệm của đại
biểu HĐND trong việc chất vấn và giám sát việc thực hiện nội dung trả lời chất vấn của các cơ quan nhà
nước; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thu thập và phản ánh trung thực với cơ quan có
thẩm quyền những kiến nghị của cử tri".
Những quan điểm trên của Đảng cộng sản Việt nam, của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa chính là cơ sở lý luận, là
ngọn đuốc soi đường trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa.
3.2.2. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và chức năng của Hội đồng nhân dân cấp xã
HĐND cấp xã là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện
vọng của nhân dân địa phương, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương và giám sát.
Vì vậy, muốn nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã thì trước hết phải nhận thức đúng vị trí, vai
trò và chức năng của HĐND cấp xã. Nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò, chức năng của HĐND cấp xã là
yêu cầu không chỉ đối với bản thân HĐND, Thường trực HĐND, đại biểu HĐND cấp xã mà còn là trách
nhiệm của các cấp ủy đảng, các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội và mọi công
dân. Trên cơ sở nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò và chức năng của HĐND cấp xã, mới giúp đại biểu
HĐND cấp xã xác định đúng hướng, đúng mục tiêu, nhiệm vụ của mình; giúp họ xây dựng được niềm tin,
động lực, tinh thần, thái độ, trách nhiệm.
3.2.3 Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã phải được tiến hành có kế
hoạch, thường xuyên và liên tục
Việc nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa phải được tiến hành thường
xuyên, liên tục vì các hoạt động của HĐND cấp xã diễn ra một cách liên tục và theo quy định của pháp
luật. Nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã thực chất là nâng cao hiệu quả của việc thực hiện
các chức năng của HĐND cấp xã.
3.3. Những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Thanh
Hóa hiện nay
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa cần có sự kết hợp của nhiều yếu
tố, từ vấn đề thể chế, con người đến các điều kiện cơ sở vật chất... nghĩa là phát huy sức mạnh tổng hợp.
Do vậy, các giải pháp đưa ra phải mang tính toàn diện và đồng bộ. Trên cơ sở đánh giá thực trạng hoạt
động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa và chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém có thể đưa
ra một số giải pháp sau:
3.3.1. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với Hội đồng nhân dân cấp xã
Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng là vấn đề có tính nguyên tắc, quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt
động của HĐND. Thực tế cho thấy, ở đâu cấp ủy đảng nhận thức đúng vị trí, vai trò của HĐND và có
phương thức lãnh đạo đúng đắn thì ở đó chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND được nâng lên. Vì
vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy
đảng đối với hệ thống chính trị ở địa phương nói chung và HĐND các cấp nói riêng. Trong quá trình đổi
mới tổ chức và hoạt động của HĐND cấp xã cần phải đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng bằng chủ
trương, đường lối, Nghị quyết và lãnh đạo công tác bầu cử đại biểu HĐND.
3.3.2. Tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân
dân cấp xã
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND nói chung và HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa nói riêng, yêu
cầu trước hết là phải hoàn thiện các quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND cấp xã, cụ thể:
- Sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND năm 2003
- Ban hành Luật giám sát của HĐND
- Sửa đổi, bổ sung Điều 3, Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 2003.
- Sửa đổi, bổ sung Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004
- Sửa đổi nghị định 133/2004/NĐ-CP ngày 9 tháng 6 năm 2004 theo hướng bố trí chuyên viên phục
vụ hoạt động của HĐND cấp xã.
3.3.3. Nâng cao năng lực của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã
Năng lực của đại biểu HĐND cấp xã là nhân tố quyết định chất lượng hoạt động của HĐND cùng
cấp. Chính vì vậy, HĐND cấp xã cần thường xuyên quan tâm nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu
và có những giải pháp thiết thực khắc phục những thiếu hụt về kiến thức, hạn chế về kỹ năng hoạt động
của đại biểu, cụ thể:
- Phải đảm bảo hài hòa giữa cơ cấu và chất lượng của đại biểu HĐND cấp xã.
- Mỗi đại biểu phải thường xuyên tự nghiên cứu, nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng và hiểu biết
đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, năng động, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn.
- Phải kịp thời, thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng hoạt động, trình độ chuyên môn cho đại biểu HĐND
cấp xã.
- Tạo không khí dân chủ trong các hoạt động của HĐND để đại biểu HĐND phát huy khả năng, trí tuệ,
tâm huyết với hoạt động của cơ quan dân cử.
- Đổi mới và tăng cường công tác thông tin phục vụ hoạt động của đại biểu.
- Đổi mới cơ chế hoạt động của đại biểu, Tổ đại biểu HĐND; nội dung sinh hoạt của đại biểu, Tổ đại
biểu phải phong phú, chất lượng.
3.3.4. Nâng cao chất lượng kỳ họp của Hội đồng nhân dân cấp xã
- Chuẩn bị kỳ họp chu đáo
- Nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri trước kỳ họp
- Tăng thêm thời gian cho kỳ họp: Cần phải tăng thêm thời gian cho mỗi kỳ họp, ít nhất là 2 ngày.
- Công tác điều hành kỳ họp: Chủ tọa kỳ họp là người điều hành kỳ họp. Vì vậy, đòi hỏi chủ tọa phải
nâng cao năng lực, trí tuệ, có khả năng dự kiến, dự báo được những tình huống có thể xảy ra ngoài
chương trình nghị sự để tránh bị động, lúng túng. Đồng thời Chủ tọa phải có phương pháp, nghệ thuật
điều hành đảm bảo cho kỳ họp đạt đúng mục đích, yêu cầu đề ra.
- Nâng cao chất lượng xem xét báo cáo, thảo luận tại kỳ họp
- Nâng cao hiệu quả chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp
- Ban hành Nghị quyết: Việc ban hành Nghị quyết của HĐND cấp xã phải tuân thủ nghiêm chỉnh
những quy trình do luật định.
3.3.5. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND cấp xã đòi hỏi các thành viên Thường trực
cần nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó phải
nâng cao kỹ năng tiếp xúc cử tri; kỹ năng thu thập, lựa chọn và phân tích thông tin liên quan đến hoạt
động giám sát; xem xét, đánh giá và kiến nghị sát với tình hình thực tế, đúng với bản chất, yêu cầu của
vấn đề; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát. Thường trực
HĐND cần thường xuyên tổ chức giao ban, hội thảo, tổng kết, sơ kết để học hỏi, rút kinh nghiệm, thông
qua đó nâng cao năng lực hoạt động cho từng đại biểu.
3.3.6. Tạo các điều kiện thuận lợi cho hoạt động Hội đồng nhân dân cấp xã
* Đảm bảo điều kiện thông tin cho hoạt động của đại biểu HĐND cấp xã
- Phải cung cấp đầy đủ, kịp thời các Nghị quyết của Đảng, văn bản pháp luật, báo cáo tình hình kinh
tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương, thông báo kết luận giám sát…đến từng đại biểu HĐND
cấp xã. Các tài liệu liên quan đến nội dung kỳ họp cần phải được gửi sớm chậm nhất 5 ngày trước ngày
khai mạc để các đại biểu có thời gian nghiên cứu, phân tích, đối chiếu thông tin một cách kỹ lưỡng.
- Khi có vấn đề bức xúc, nổi cộm, có đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc có ý kiến cử tri phản ánh thì cần
có sự cung cấp, trao đổi thông tin giữa Thường trực HĐND cấp xã với đại biểu để biết và thực hiện trách
nhiệm của mình theo quy định.
* Đảm bảo điều kiện vật chất cần thiết cho hoạt động của HĐND cấp xã:
- Cần đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa như đảm bảo về trụ
sở làm việc, trang thiết bị làm việc, phương tiện thông tin liên lạc…
- Với chủ trương cần tăng số đại biểu là dân, là người ngoài Đảng, là đại biểu chuyên trách thì phải tăng
mức kinh phí hoạt động cho các đại biểu HĐND cấp xã lên ít nhất là bằng mức lương tối thiểu. Cùng với các
chế độ cung cấp báo chí, tài liệu cũng phải được thực hiện đầy đủ. Như vậy mới thực sự đảm bảo cho người
đại biểu HĐND có thể chuyên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.
KẾT LUẬN
Kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, HĐND các cấp nói
riêng là một trong những yêu cầu quan trọng để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do
nhân dân và vì nhân dân. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng khẳng định: "Tiếp tục
đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định
và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp".
Quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, HĐND các cấp ở tỉnh Thanh Hóa trong
thời gian qua đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của mình, phát huy dân
chủ, đảm bảo quyền là chủ của nhân dân; đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; hướng tới xây
dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.
Cùng với bước chuyển mình mạnh mẽ của mảnh đất Thanh Hóa anh hùng, trong thời gian qua, hoạt động
của HĐND các cấp nói chung, hoạt động của HĐND cấp xã nói riêng đã đạt được những kết quả to lớn.
HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa đã khẳng định được sự trưởng thành của mình trên mọi lĩnh vực hoạt động;
thực sự trở thành cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại biểu HĐND thực sự xứng đáng với danh hiệu
cao quý "người đại biểu nhân dân". Vị thế, vai trò của HĐND cấp xã ngày càng được nâng cao trong điều kiện
đổi mới đất nước. Góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, tạo điều
kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện
đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa thời gian qua chưa thực sự ngang
tầm với vị trí, vai trò; vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập như: Chất lượng kỳ họp chưa cao, nhiều nghị quyết
được ban hành không phát huy được hiệu quả trên thực tế, phải sửa đổi, bổ sung; hoạt động tiếp xúc cử tri vẫn
chưa khắc phục được tính hình thức, có nơi đại biểu vẫn là "cử tri chuyên nghiệp"; hoạt động xem xét báo cáo,
chất vấn trả lời chất vấn tại kỳ họp vẫn còn mang tính hình thức; Việc lựa chọn nội dung giám sát còn dàn
trải, thiếu chọn lọc, giám sát chưa sâu, chất lượng kết luận, kiến nghị sau giám sát chưa cao; việc đôn đốc
thực hiện kết luận, kiến nghị chưa được quan tâm đúng mức; nhiều đại biểu chưa phát huy hết vai trò, trách
nhiệm của mình… ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa.
Vì vậy, nghiên cứu để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã
ở tỉnh Thanh Hóa là đòi hỏi bức thiết, có ý nghĩa to lớn trong việc tiếp tục củng cố tổ chức và hoạt động
của cơ quan đại biểu của nhân dân; tăng cường trách nhiệm của đại biểu, đáp ứng lòng mong mỏi, đòi hỏi
của cử tri và nhân dân địa phương.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá những thành tựu và hạn chế trong hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh
Thanh Hóa, luận văn đưa ra một số quan điểm chỉ đạo, những giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả
hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa. Các giải pháp trên phải được thực hiện một cách đồng bộ
để phát huy hơn nữa sức mạnh của HĐND cấp xã, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước ngày càng trong
sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay.
References.
1. Nguyễn Đăng Dung (1997), Tổ chức chính quyền nhà nước ở địa phương, Nxb Đồng Nai, Đồng Nai
2. Nguyễn Đăng Dung (1998), Hội đồng nhân dân trong hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước, Nxb
Pháp lý, Hà Nội.
3. Vũ Đức Đán (2005), "Vấn đề bồi dưỡng nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân
dân", Quản lý nhà nước.
4. Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (2006), Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Nxb Thanh Hóa.
5. Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (2010), Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Nxb Thanh Hóa.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà
Nội.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà
Nội.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam (1992), Văn kiện Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Khóa VII,
Nxb Sự thật, Hà Nội.
9. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị
quốc gia, Hà Nội.
10. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Khóa
VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
11. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị
quốc gia, Hà Nội.
12. Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa
IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
13. Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi
mới (1986-2006), Hà Nội.
14. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc
gia, Hà Nội.
15. Đảng Cộng sản Việt Nam (2007), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Khóa
X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
16. Đảng Cộng sản Việt Nam (2009), Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Khóa
X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
17. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị
quốc gia, Hà Nội.
18. Bùi Xuân Đức (2007), Đổi mới và hoàn thiện nhà nước trong giai đoạn hiện nay, Nxb Tư pháp, Hà
Nội.
19. Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa (2007), Báo cáo kết quả thực hiện đề tài "Thực trạng và những
giải pháp nâng cao chất lượng giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp ở tỉnh Thanh
Hóa",
20. Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa (2011), Báo cáo tổng kết tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân
dân các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2011, Thanh Hóa.
21. Trần Đình Hoan (2008), Quan điểm và nguyên tắc đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam giai đoạn
2005 - 2020, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
22. Phạm Ngọc Kỳ (2007), Quyền giám sát của Hội đồng nhân dân và kỹ năng giám sát cơ bản, Nxb Tư
pháp, Hà Nội.
23. Nguyễn Văn Mạnh (2002), "Cơ sở lý luận về nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật cho người lao
động trong các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn Hà Nội", Kỷ yếu khoa học đề tài cấp bộ: Nâng
cao hiệu quả giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn
Hà Nội hiện nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.
24. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
25. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
26. Chân Phương (1996), "Chuyên viên Hội đồng nhân dân, những điều cần trao đổi", Người đại biểu
nhân dân, (12).
27. Lê Minh Quân (2003), Xây dựng nhà nước pháp quyền đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước
theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
28. Quốc hội (1946), Hiến pháp, Hà Nội.
29. Quốc hội (1959), Hiến pháp, Hà Nội.
30. Quốc hội (1962), Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp, Hà Nội.
31. Quốc hội (1980), Hiến pháp, Hà Nội.
32. Quốc hội (1989), Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Hà Nội.
33. Quốc hội (1992), Hiến pháp, Hà Nội.
34. Quốc hội (1994), Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Hà Nội.
35. Quốc hội (2001), Hiến pháp (sửa đổi, bổ sung), Hà Nội.
36. Quốc hội (2003), Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Hà Nội.
37. Quốc hội (2004), Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân
dân, Hà Nội.
38. Quốc hội (2010), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử
đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (sửa đổi), Hà Nội.
39. Từ điển Bách khoa Luật (1987), Mátxcơva.
40. Từ điển Học sinh (1971), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
41. Từ điển Lepetitlasousse (1999), Paris.
42. Từ điển Luật học (1999), Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội
43. Từ điển Tiếng Việt (1994), Nxb khoa học xã hội, Hà Nội
44. Phạm Hồng Thái (2002), "Một số vấn đề về vị trí, tính chất của Hội đồng nhân dân", Quản lý nhà
nước, (9).
45. Lê Minh Thông (Chủ biên) (2001), Một số vấn đề về hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy
nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
46. Lê Minh Thông (2002), Những vấn đề lý luận và thực tiễn về chính quyền địa phương ở Việt Nam
hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
47. Lê Minh Thông (2002), "Một số quan điểm đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương
ở nước ta hiện nay", Nghiên cứu lập pháp, (8).
48. Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa (2004), Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân
các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009, Thanh Hóa.
49. Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa (2011), Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân
các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016, Thanh Hóa.
50. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2005), Nghị quyết 753 ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng nhân
dân, Hà Nội.
51. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2007), Kỷ yếu Hội nghị toàn quốc về tổ chức và hoạt động của Hội
đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Hà Nội.
52. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2009), Nghị quyết 725 quy định tại một số địa phương thí điểm không
tổ chức Hội đồng nhân dân ở huyện, quận, phường, Hà Nội.
53. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2010), Kỷ yếu Hội nghị toàn quốc về tổ chức và hoạt động của Hội
đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Hà Nội.
54. Văn phòng Quốc hội (2001), Kỷ yếu Hội thảo nâng cao năng lực và hiệu quả giám sát của Hội đồng
nhân dân, Hà Nội.

More Related Content

What's hot

Huong dan hieu qua hoat dong hoi dong nhan dan
Huong dan hieu qua hoat dong hoi dong nhan danHuong dan hieu qua hoat dong hoi dong nhan dan
Huong dan hieu qua hoat dong hoi dong nhan danHoangNhan20
 
Luận án: Pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc, HAY - Gửi miễn phí q...
Luận án: Pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc, HAY - Gửi miễn phí q...Luận án: Pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc, HAY - Gửi miễn phí q...
Luận án: Pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc, HAY - Gửi miễn phí q...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

What's hot (20)

Luận văn: Hoạt động chất vấn của Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng
Luận văn: Hoạt động chất vấn của Hội đồng nhân dân TP Đà NẵngLuận văn: Hoạt động chất vấn của Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng
Luận văn: Hoạt động chất vấn của Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng
 
Luận văn: Năng lực cán bộ Ủy ban nhân dân cấp xã tỉnh Đắk Nông
Luận văn: Năng lực cán bộ Ủy ban nhân dân cấp xã tỉnh Đắk NôngLuận văn: Năng lực cán bộ Ủy ban nhân dân cấp xã tỉnh Đắk Nông
Luận văn: Năng lực cán bộ Ủy ban nhân dân cấp xã tỉnh Đắk Nông
 
Hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp huyện tỉnh Nam Định
Hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp huyện tỉnh Nam ĐịnhHoạt động của Hội đồng nhân dân cấp huyện tỉnh Nam Định
Hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp huyện tỉnh Nam Định
 
Luận án: Tổ chức và hoạt động của chính quyền huyện tại TP Hà Nội
Luận án: Tổ chức và hoạt động của chính quyền huyện tại TP Hà NộiLuận án: Tổ chức và hoạt động của chính quyền huyện tại TP Hà Nội
Luận án: Tổ chức và hoạt động của chính quyền huyện tại TP Hà Nội
 
Luận văn: Hoạt động của Hội đồng nhân dân xã, tỉnh Phú Yên
Luận văn: Hoạt động của Hội đồng nhân dân xã, tỉnh Phú YênLuận văn: Hoạt động của Hội đồng nhân dân xã, tỉnh Phú Yên
Luận văn: Hoạt động của Hội đồng nhân dân xã, tỉnh Phú Yên
 
Luận văn: Hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định, HOT
Luận văn: Hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định, HOTLuận văn: Hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định, HOT
Luận văn: Hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Nam Định, HOT
 
Hoạt động giám sát của HĐND cấp huyện tỉnh Quảng Ngãi, HAY
Hoạt động giám sát của HĐND cấp huyện tỉnh Quảng Ngãi, HAYHoạt động giám sát của HĐND cấp huyện tỉnh Quảng Ngãi, HAY
Hoạt động giám sát của HĐND cấp huyện tỉnh Quảng Ngãi, HAY
 
Luận văn: Hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, HOT
Luận văn: Hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, HOTLuận văn: Hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, HOT
Luận văn: Hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, HOT
 
Luận văn: Hoạt động của chính quyền xã tại tỉnh Hưng Yên, HOT
Luận văn: Hoạt động của chính quyền xã tại tỉnh Hưng Yên, HOTLuận văn: Hoạt động của chính quyền xã tại tỉnh Hưng Yên, HOT
Luận văn: Hoạt động của chính quyền xã tại tỉnh Hưng Yên, HOT
 
Luận văn: Vai trò của HĐND trong hệ thống chính trị huyện Nhà Bè
Luận văn: Vai trò của HĐND trong hệ thống chính trị huyện Nhà BèLuận văn: Vai trò của HĐND trong hệ thống chính trị huyện Nhà Bè
Luận văn: Vai trò của HĐND trong hệ thống chính trị huyện Nhà Bè
 
Luận văn: Hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã theo Luật, HOT
Luận văn: Hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã theo Luật, HOTLuận văn: Hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã theo Luật, HOT
Luận văn: Hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã theo Luật, HOT
 
Luận văn: Tổ chức và hoạt động của các cơ quan địa phương
Luận văn: Tổ chức và hoạt động của các cơ quan địa phươngLuận văn: Tổ chức và hoạt động của các cơ quan địa phương
Luận văn: Tổ chức và hoạt động của các cơ quan địa phương
 
Luận văn: Tổ chức và hoạt động của UBND cấp xã tại Tp. HCM
Luận văn: Tổ chức và hoạt động của UBND cấp xã tại Tp. HCMLuận văn: Tổ chức và hoạt động của UBND cấp xã tại Tp. HCM
Luận văn: Tổ chức và hoạt động của UBND cấp xã tại Tp. HCM
 
Huong dan hieu qua hoat dong hoi dong nhan dan
Huong dan hieu qua hoat dong hoi dong nhan danHuong dan hieu qua hoat dong hoi dong nhan dan
Huong dan hieu qua hoat dong hoi dong nhan dan
 
Luận văn: Quy chế làm việc của UBND quận tại TPHCM, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận văn: Quy chế làm việc của UBND quận tại TPHCM, HAY - Gửi miễn phí qua za...Luận văn: Quy chế làm việc của UBND quận tại TPHCM, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận văn: Quy chế làm việc của UBND quận tại TPHCM, HAY - Gửi miễn phí qua za...
 
Luận văn: Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Quảng Bình, HAY
Luận văn: Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Quảng Bình, HAYLuận văn: Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Quảng Bình, HAY
Luận văn: Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Quảng Bình, HAY
 
Luận văn: Tổ chức hoạt động của chính quyền thành phố thuộc tỉnh
Luận văn: Tổ chức hoạt động của chính quyền thành phố thuộc tỉnhLuận văn: Tổ chức hoạt động của chính quyền thành phố thuộc tỉnh
Luận văn: Tổ chức hoạt động của chính quyền thành phố thuộc tỉnh
 
Luận án: Pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc, HAY - Gửi miễn phí q...
Luận án: Pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc, HAY - Gửi miễn phí q...Luận án: Pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc, HAY - Gửi miễn phí q...
Luận án: Pháp luật về dân chủ cấp xã ở các tỉnh Tây Bắc, HAY - Gửi miễn phí q...
 
Đề tài: Pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở, Hà Nội, HOT
Đề tài: Pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở, Hà Nội, HOTĐề tài: Pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở, Hà Nội, HOT
Đề tài: Pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở, Hà Nội, HOT
 
Luận văn: Tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, HAY, 9đ
Luận văn: Tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, HAY, 9đLuận văn: Tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, HAY, 9đ
Luận văn: Tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, HAY, 9đ
 

Similar to Cap xa thanh hoa

Chính quyền cấp xã
Chính quyền cấp xãChính quyền cấp xã
Chính quyền cấp xãVThnhNam7
 

Similar to Cap xa thanh hoa (20)

Tổ chức và hoạt động của văn phòng UBND cấp huyện, HAY
Tổ chức và hoạt động của văn phòng UBND cấp huyện, HAYTổ chức và hoạt động của văn phòng UBND cấp huyện, HAY
Tổ chức và hoạt động của văn phòng UBND cấp huyện, HAY
 
Luận văn thạc sĩ: Giám sát của Hội đồng nhân dân cấp huyện, HAY
Luận văn thạc sĩ: Giám sát của Hội đồng nhân dân cấp huyện, HAYLuận văn thạc sĩ: Giám sát của Hội đồng nhân dân cấp huyện, HAY
Luận văn thạc sĩ: Giám sát của Hội đồng nhân dân cấp huyện, HAY
 
Luận văn: Hoạt động chất vấn của Hội đồng nhân dân tại Đà Nẵng
Luận văn: Hoạt động chất vấn của Hội đồng nhân dân tại Đà NẵngLuận văn: Hoạt động chất vấn của Hội đồng nhân dân tại Đà Nẵng
Luận văn: Hoạt động chất vấn của Hội đồng nhân dân tại Đà Nẵng
 
Hoạt động của Ban Hội đồng nhân dân TP trực thuộc trung ương
Hoạt động của Ban Hội đồng nhân dân TP trực thuộc trung ươngHoạt động của Ban Hội đồng nhân dân TP trực thuộc trung ương
Hoạt động của Ban Hội đồng nhân dân TP trực thuộc trung ương
 
Luận văn: Giám sát của Hội đồng nhân dân phường quận Đống Đa
Luận văn: Giám sát của Hội đồng nhân dân phường quận Đống ĐaLuận văn: Giám sát của Hội đồng nhân dân phường quận Đống Đa
Luận văn: Giám sát của Hội đồng nhân dân phường quận Đống Đa
 
Luận văn: Tổ chức và Hoạt động của hội đồng nhân dân cấp xã, HAY
Luận văn: Tổ chức và Hoạt động của hội đồng nhân dân cấp xã, HAYLuận văn: Tổ chức và Hoạt động của hội đồng nhân dân cấp xã, HAY
Luận văn: Tổ chức và Hoạt động của hội đồng nhân dân cấp xã, HAY
 
Tổ chức và hoạt động của chính quyền phường quận Phú Nhuận, 9đ
Tổ chức và hoạt động của chính quyền phường quận Phú Nhuận, 9đTổ chức và hoạt động của chính quyền phường quận Phú Nhuận, 9đ
Tổ chức và hoạt động của chính quyền phường quận Phú Nhuận, 9đ
 
Bài mẫu Luận văn thạc sĩ hội đồng nhân dân, 9 ĐIỂM
Bài mẫu Luận văn thạc sĩ hội đồng nhân dân, 9 ĐIỂMBài mẫu Luận văn thạc sĩ hội đồng nhân dân, 9 ĐIỂM
Bài mẫu Luận văn thạc sĩ hội đồng nhân dân, 9 ĐIỂM
 
BÀI MẪU Luận văn Tổ chức hội đồng nhân dân, HAY, 9 ĐIỂM
BÀI MẪU Luận văn Tổ chức hội đồng nhân dân, HAY, 9 ĐIỂMBÀI MẪU Luận văn Tổ chức hội đồng nhân dân, HAY, 9 ĐIỂM
BÀI MẪU Luận văn Tổ chức hội đồng nhân dân, HAY, 9 ĐIỂM
 
Bài mẫu Luận văn: Tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, HAY
Bài mẫu Luận văn: Tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, HAYBài mẫu Luận văn: Tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, HAY
Bài mẫu Luận văn: Tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, HAY
 
Đề tài: Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên giang
Đề tài: Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên giangĐề tài: Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên giang
Đề tài: Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên giang
 
Luận văn: Hoạt động của đại biểu HĐND cấp huyện tại Đà Nẵng
Luận văn: Hoạt động của đại biểu HĐND cấp huyện tại Đà NẵngLuận văn: Hoạt động của đại biểu HĐND cấp huyện tại Đà Nẵng
Luận văn: Hoạt động của đại biểu HĐND cấp huyện tại Đà Nẵng
 
Chính quyền cấp xã
Chính quyền cấp xãChính quyền cấp xã
Chính quyền cấp xã
 
Luận văn: Hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã tỉnh An Giang
Luận văn: Hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã tỉnh An GiangLuận văn: Hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã tỉnh An Giang
Luận văn: Hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã tỉnh An Giang
 
Luận văn: Pháp luật về hoạt động của UBND phường tỉnh Ninh Bình
Luận văn: Pháp luật về hoạt động của UBND phường tỉnh Ninh BìnhLuận văn: Pháp luật về hoạt động của UBND phường tỉnh Ninh Bình
Luận văn: Pháp luật về hoạt động của UBND phường tỉnh Ninh Bình
 
Hoạt động chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh - Thực trạng giải pháp...
Hoạt động chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh - Thực trạng giải pháp...Hoạt động chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh - Thực trạng giải pháp...
Hoạt động chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh - Thực trạng giải pháp...
 
Giám sát hoạt động của hội đồng nhân dân cấp xã tại tỉnh Lâm Đồng.docx
Giám sát hoạt động của hội đồng nhân dân cấp xã tại tỉnh Lâm Đồng.docxGiám sát hoạt động của hội đồng nhân dân cấp xã tại tỉnh Lâm Đồng.docx
Giám sát hoạt động của hội đồng nhân dân cấp xã tại tỉnh Lâm Đồng.docx
 
Luận văn: Tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân Quận
Luận văn: Tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân QuậnLuận văn: Tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân Quận
Luận văn: Tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân Quận
 
Luận văn: Hoạt động của Hội đồng nhân dân Quận tại Tp HCM
Luận văn: Hoạt động của Hội đồng nhân dân Quận tại Tp HCMLuận văn: Hoạt động của Hội đồng nhân dân Quận tại Tp HCM
Luận văn: Hoạt động của Hội đồng nhân dân Quận tại Tp HCM
 
Hoạt động của Hội đồng nhân dân theo Luật Tổ chức chính quyền
Hoạt động của Hội đồng nhân dân theo Luật Tổ chức chính quyềnHoạt động của Hội đồng nhân dân theo Luật Tổ chức chính quyền
Hoạt động của Hội đồng nhân dân theo Luật Tổ chức chính quyền
 

Recently uploaded

Dây cáp điện Trần Phú Eco - Catalogue 2023.pdf
Dây cáp điện Trần Phú Eco - Catalogue 2023.pdfDây cáp điện Trần Phú Eco - Catalogue 2023.pdf
Dây cáp điện Trần Phú Eco - Catalogue 2023.pdfOrient Homes
 
CNXHKH-Chương-2.-Sứ-mệnh-lịch-sử-của-giai-cấp-công-nhân.pdf
CNXHKH-Chương-2.-Sứ-mệnh-lịch-sử-của-giai-cấp-công-nhân.pdfCNXHKH-Chương-2.-Sứ-mệnh-lịch-sử-của-giai-cấp-công-nhân.pdf
CNXHKH-Chương-2.-Sứ-mệnh-lịch-sử-của-giai-cấp-công-nhân.pdfThanhH487859
 
CATALOGUE ART-DNA 2023-2024-Orient Homes.pdf
CATALOGUE ART-DNA 2023-2024-Orient Homes.pdfCATALOGUE ART-DNA 2023-2024-Orient Homes.pdf
CATALOGUE ART-DNA 2023-2024-Orient Homes.pdfOrient Homes
 
Chương 7 Chủ nghĩa xã hội khoa học neu slide
Chương 7 Chủ nghĩa xã hội khoa học neu slideChương 7 Chủ nghĩa xã hội khoa học neu slide
Chương 7 Chủ nghĩa xã hội khoa học neu slideKiuTrang523831
 
Catalog ống nước Europipe upvc-ppr2022.pdf
Catalog ống nước Europipe upvc-ppr2022.pdfCatalog ống nước Europipe upvc-ppr2022.pdf
Catalog ống nước Europipe upvc-ppr2022.pdfOrient Homes
 
Catalogue Cadisun CÁP HẠ THẾ (26-09-2020).pdf
Catalogue Cadisun CÁP HẠ THẾ (26-09-2020).pdfCatalogue Cadisun CÁP HẠ THẾ (26-09-2020).pdf
Catalogue Cadisun CÁP HẠ THẾ (26-09-2020).pdfOrient Homes
 
CATALOG Đèn, thiết bị điện ASIA LIGHTING 2023.pdf
CATALOG Đèn, thiết bị điện ASIA LIGHTING 2023.pdfCATALOG Đèn, thiết bị điện ASIA LIGHTING 2023.pdf
CATALOG Đèn, thiết bị điện ASIA LIGHTING 2023.pdfOrient Homes
 
2020.Catalogue CÁP TR131321313UNG THẾ.pdf
2020.Catalogue CÁP TR131321313UNG THẾ.pdf2020.Catalogue CÁP TR131321313UNG THẾ.pdf
2020.Catalogue CÁP TR131321313UNG THẾ.pdfOrient Homes
 
catalogue-cap-trung-va-ha-the-ls-vina.pdf
catalogue-cap-trung-va-ha-the-ls-vina.pdfcatalogue-cap-trung-va-ha-the-ls-vina.pdf
catalogue-cap-trung-va-ha-the-ls-vina.pdfOrient Homes
 
Catalogue cáp điện GOLDCUP 2023(kỹ thuật).pdf
Catalogue cáp điện GOLDCUP 2023(kỹ thuật).pdfCatalogue cáp điện GOLDCUP 2023(kỹ thuật).pdf
Catalogue cáp điện GOLDCUP 2023(kỹ thuật).pdfOrient Homes
 
Tạp dề là gì? Tổng hợp các kiểu dáng tạp dề xu hướng
Tạp dề là gì? Tổng hợp các kiểu dáng tạp dề xu hướngTạp dề là gì? Tổng hợp các kiểu dáng tạp dề xu hướng
Tạp dề là gì? Tổng hợp các kiểu dáng tạp dề xu hướngMay Ong Vang
 
CATALOG cáp cadivi_1.3.2024_compressed.pdf
CATALOG cáp cadivi_1.3.2024_compressed.pdfCATALOG cáp cadivi_1.3.2024_compressed.pdf
CATALOG cáp cadivi_1.3.2024_compressed.pdfOrient Homes
 
CATALOGUE Cáp điện Taya (FR, FPR) 2023.pdf
CATALOGUE Cáp điện Taya (FR, FPR) 2023.pdfCATALOGUE Cáp điện Taya (FR, FPR) 2023.pdf
CATALOGUE Cáp điện Taya (FR, FPR) 2023.pdfOrient Homes
 
Catalogue-thiet-bi-chieu-sang-DUHAL-2023.pdf
Catalogue-thiet-bi-chieu-sang-DUHAL-2023.pdfCatalogue-thiet-bi-chieu-sang-DUHAL-2023.pdf
Catalogue-thiet-bi-chieu-sang-DUHAL-2023.pdfOrient Homes
 
Catalog Dây cáp điện CADIVI ky thuat.pdf
Catalog Dây cáp điện CADIVI ky thuat.pdfCatalog Dây cáp điện CADIVI ky thuat.pdf
Catalog Dây cáp điện CADIVI ky thuat.pdfOrient Homes
 

Recently uploaded (15)

Dây cáp điện Trần Phú Eco - Catalogue 2023.pdf
Dây cáp điện Trần Phú Eco - Catalogue 2023.pdfDây cáp điện Trần Phú Eco - Catalogue 2023.pdf
Dây cáp điện Trần Phú Eco - Catalogue 2023.pdf
 
CNXHKH-Chương-2.-Sứ-mệnh-lịch-sử-của-giai-cấp-công-nhân.pdf
CNXHKH-Chương-2.-Sứ-mệnh-lịch-sử-của-giai-cấp-công-nhân.pdfCNXHKH-Chương-2.-Sứ-mệnh-lịch-sử-của-giai-cấp-công-nhân.pdf
CNXHKH-Chương-2.-Sứ-mệnh-lịch-sử-của-giai-cấp-công-nhân.pdf
 
CATALOGUE ART-DNA 2023-2024-Orient Homes.pdf
CATALOGUE ART-DNA 2023-2024-Orient Homes.pdfCATALOGUE ART-DNA 2023-2024-Orient Homes.pdf
CATALOGUE ART-DNA 2023-2024-Orient Homes.pdf
 
Chương 7 Chủ nghĩa xã hội khoa học neu slide
Chương 7 Chủ nghĩa xã hội khoa học neu slideChương 7 Chủ nghĩa xã hội khoa học neu slide
Chương 7 Chủ nghĩa xã hội khoa học neu slide
 
Catalog ống nước Europipe upvc-ppr2022.pdf
Catalog ống nước Europipe upvc-ppr2022.pdfCatalog ống nước Europipe upvc-ppr2022.pdf
Catalog ống nước Europipe upvc-ppr2022.pdf
 
Catalogue Cadisun CÁP HẠ THẾ (26-09-2020).pdf
Catalogue Cadisun CÁP HẠ THẾ (26-09-2020).pdfCatalogue Cadisun CÁP HẠ THẾ (26-09-2020).pdf
Catalogue Cadisun CÁP HẠ THẾ (26-09-2020).pdf
 
CATALOG Đèn, thiết bị điện ASIA LIGHTING 2023.pdf
CATALOG Đèn, thiết bị điện ASIA LIGHTING 2023.pdfCATALOG Đèn, thiết bị điện ASIA LIGHTING 2023.pdf
CATALOG Đèn, thiết bị điện ASIA LIGHTING 2023.pdf
 
2020.Catalogue CÁP TR131321313UNG THẾ.pdf
2020.Catalogue CÁP TR131321313UNG THẾ.pdf2020.Catalogue CÁP TR131321313UNG THẾ.pdf
2020.Catalogue CÁP TR131321313UNG THẾ.pdf
 
catalogue-cap-trung-va-ha-the-ls-vina.pdf
catalogue-cap-trung-va-ha-the-ls-vina.pdfcatalogue-cap-trung-va-ha-the-ls-vina.pdf
catalogue-cap-trung-va-ha-the-ls-vina.pdf
 
Catalogue cáp điện GOLDCUP 2023(kỹ thuật).pdf
Catalogue cáp điện GOLDCUP 2023(kỹ thuật).pdfCatalogue cáp điện GOLDCUP 2023(kỹ thuật).pdf
Catalogue cáp điện GOLDCUP 2023(kỹ thuật).pdf
 
Tạp dề là gì? Tổng hợp các kiểu dáng tạp dề xu hướng
Tạp dề là gì? Tổng hợp các kiểu dáng tạp dề xu hướngTạp dề là gì? Tổng hợp các kiểu dáng tạp dề xu hướng
Tạp dề là gì? Tổng hợp các kiểu dáng tạp dề xu hướng
 
CATALOG cáp cadivi_1.3.2024_compressed.pdf
CATALOG cáp cadivi_1.3.2024_compressed.pdfCATALOG cáp cadivi_1.3.2024_compressed.pdf
CATALOG cáp cadivi_1.3.2024_compressed.pdf
 
CATALOGUE Cáp điện Taya (FR, FPR) 2023.pdf
CATALOGUE Cáp điện Taya (FR, FPR) 2023.pdfCATALOGUE Cáp điện Taya (FR, FPR) 2023.pdf
CATALOGUE Cáp điện Taya (FR, FPR) 2023.pdf
 
Catalogue-thiet-bi-chieu-sang-DUHAL-2023.pdf
Catalogue-thiet-bi-chieu-sang-DUHAL-2023.pdfCatalogue-thiet-bi-chieu-sang-DUHAL-2023.pdf
Catalogue-thiet-bi-chieu-sang-DUHAL-2023.pdf
 
Catalog Dây cáp điện CADIVI ky thuat.pdf
Catalog Dây cáp điện CADIVI ky thuat.pdfCatalog Dây cáp điện CADIVI ky thuat.pdf
Catalog Dây cáp điện CADIVI ky thuat.pdf
 

Cap xa thanh hoa

  • 1. Hiệu qủa hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Thanh Hoá. Lê Thị Hương Trường Đại học Quốc gia Hà Nội; Khoa Luật Chuyên ngành: Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật; Mã số: 60 38 01 Người hướng dẫn: GS. TS Nguyễn Đăng Dung. Năm bảo vệ: 2012 Abstract. Làm rõ cơ sở lý luận về vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp xã; khái niệm, tiêu chí đánh giá và điều kiện đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã. Phân tích thực trạng hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa để tìm ra ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của những ưu điểm, hạn chế. Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa. Keywords: Pháp luật Việt Nam; Hội đồng nhân dân cấp xã; Thanh Hóa; Lịch sử nhà nước và pháp luật Content. PHẦN MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Trong hệ thống Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp, HĐND cấp xã (cấp xã gồm: xã, phường, thị trấn) có vị trí, vai trò quan trọng, là nơi gần dân nhất, trực tiếp thực thi đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tại địa phương và là nơi trực tiếp quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. HĐND cấp xã là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. Nhận thức được vai trò quan trọng đó, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng nhấn mạnh: "Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi được phân cấp. Phát huy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân". Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 725/2009/NQ-UBTVQH tại một số địa phương thí điểm không tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường. Như vậy, ở những địa phương không tổ chức HĐND huyện thì hoạt động của HĐND xã, thị trấn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, cần phải nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND xã, thị trấn là yêu cầu bức thiết. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tiếp tục khẳng định: "Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ
  • 2. chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp. Nghiên cứu tổ chức, thẩm quyền của chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo. Tiếp tục thực hiện thí điểm chủ trương không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường". Quán triệt, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong thời gian qua hoạt động của HĐND cấp xã đã có những chuyển biến tích cực, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp đổi mới đất nước, khẳng định được vai trò là cơ quan đại biểu của nhân dân địa phương, là nơi đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của HĐND cấp xã hiện nay do nhiều nguyên nhân vẫn còn những hạn chế nhất định, thực chất chưa tương xứng với vị trí, vai trò của nó trong hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước cũng như với nhiệm vụ mà nhân dân giao phó. Nhiều nơi hoạt động của HĐND cấp xã chỉ mang tính hình thức, tính đại diện và khả năng thay mặt nhân dân quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương thấp, dẫn đến việc vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, cản trở quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội. Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã hiện nay là yêu cầu bức thiết. Từ cơ sở lý luận và thực tiễn cho thấy nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã là đòi hỏi khách quan, là yêu cầu cấp thiết. Chính vì vậy, tác giả lựa chọn đề tài "Hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa" làm luận văn thạc sĩ Luật học. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Vấn đề nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND nói chung, HĐND cấp xã nói riêng đã được nhiều nhà khoa học quan tâm nghiên cứu, tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau. Có thể nêu một số công trình sau: - Tổ chức chính quyền nhà nước ở địa phương, của PGS.TS Nguyễn Đăng Dung, Nxb Đồng Nai, năm 1997. - Đổi mới hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã, của Trần Nho Thìn, Luận án tiến sĩ, năm 2000. - Đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, của Lê Minh Thông, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 6/1999. - Tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã trong giai đoạn hiện nay, của ThS. Nguyễn Hoàng Anh, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số 5/2003. - Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009, của Đinh Ngọc Giang, Tạp chí Quản lý nhà nước, số 2/2005. - Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, của ThS. Nguyễn Quốc Tuấn, Tổ chức nhà nước, số 4/2004. Các công trình trên đã tiếp cận tổ chức và hoạt động của HĐND ở nhiều góc độ, nhiều khía cạnh với những luận giải, đánh giá khoa học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên có thể nói cho đến nay chưa có một đề tài độc lập đi sâu nghiên cứu hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa để tổng kết, đánh giá những thành tựu, hạn chế, qua đó đưa ra những giải pháp có giá trị thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa. 3. Mục đích và nhiệm vụ của luận văn 3.1. Mục đích của luận văn
  • 3. Mục đích của luận văn là đề xuất những quan điểm và các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa hiện nay. 3.2. Nhiệm vụ của luận văn Để thực hiện được mục đích trên, luận văn có nhiệm vụ làm rõ cơ sở lý luận về vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của HĐND cấp xã; khái niệm, tiêu chí đánh giá và điều kiện đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã; phân tích thực trạng hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa để tìm ra ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của những ưu điểm, hạn chế; trên cơ sở đó đưa ra quan điểm, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận văn là những vấn đề lý luận về hoạt động của HĐND cấp xã và được giới hạn trong thực tiễn hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa từ năm 2004 đến nay. 5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu 5.1. Cơ sở lý luận Luận văn được thực hiện trên cơ sở lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về nhà nước và pháp luật XHCN, về tổ chức và hoạt động của HĐND. 5.2. Phương pháp nghiên cứu Luận văn sử dụng phương pháp luận của triết học Mác - Lênin kết hợp phương pháp phân tích, tổng hợp, thống kê, so sánh, khảo sát thực tế… Phương pháp phân tích, tổng hợp được sử dụng ở cả ba chương để làm sáng tỏ các vấn đề lý luận, cũng như đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa. Phương pháp thống kê, so sánh, khảo sát thực tế được sử dụng chủ yếu ở chương 2, nhằm đánh giá đúng đắn thực trạng hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa. 6. Đóng góp mới về khoa học của luận văn Với việc đi sâu nghiên cứu những vấn đề liên quan đến hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa, luận văn sẽ có những đóng góp mới như sau: - Luận văn góp phần làm sáng tỏ về mặt lý luận hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã như khái niệm, tiêu chí đánh giá, điều kiện đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã. - Đánh giá một cách hệ thống, toàn diện thực trạng hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa từ năm 2004 đến nay. - Đề xuất những giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa. 7. Kết cấu của luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương: Chương 1: Cơ sở lý luận về hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã. Chương 2: Thực trạng hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa. Chương 3: Quan điểm và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa.
  • 4. Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CẤP XÃ 1.1. Vị trí, tính chất, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã 1.1.1. Vị trí, tính chất của Hội đồng nhân dân cấp xã Điều 119 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và Điều 1 Luật tổ chức HĐND và Ủy ban nhân dân (UBND) năm 2003 quy định: "Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên". 1.1.2. Chức năng của Hội đồng nhân dân cấp xã - Quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương - Chức năng giám sát. 1.1.3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp xã Để HĐND cấp xã thực hiện tốt chức năng của mình, Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 đã cụ thể hóa thành các nhiệm vụ và quyền hạn trong các lĩnh vực sau đây: - Trong lĩnh vực kinh tế (Điều 29), - Trong lĩnh vực giáo dục, y tế, xã hội và đời sống, văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, bảo vệ tài nguyên môi trường (Điều 30), - Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội (Điều31, - Trong lĩnh vực thi hành pháp luật (Điều 33), - Trong lĩnh vực xây dựng chính quyền địa phương (Điều 34), - HĐND phường thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điều 29, 30, 31, 32, 33 34 và 35. 1.1.4. Phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã 1.1.4.1. Kỳ họp của Hội đồng nhân dân cấp xã 1.1.4.2. Hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã 1.1.4.3. Hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã 1.2. Khái niệm, tiêu chí đánh giá và điều kiện đảm bảo hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã 1.2.1. Khái niệm hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã Hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã là kết quả thu được đảm bảo sự phù hợp giữa việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định so với những chi phí hợp lý về thời gian, trí lực, vật lực, nguồn lực lao động… phục vụ hoạt động của HĐND cấp xã. Theo Điều 8, Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 thì hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã được bảo đảm bằng hiệu quả của các kỳ họp HĐND, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND, UBND và các đại
  • 5. biểu HĐND cùng cấp. 1.2.2. Tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã Để đánh giá hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã cần có những tiêu chí nhất định. Mỗi tiêu chí là một căn cứ để xác định hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở một phương diện khác nhau. Xuất phát từ quan niệm về hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã, tác giả xin nêu một số tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã như sau: 1.2.2.1. Đảm bảo dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã. Trong quá trình tổ chức và hoạt động của HĐND cấp xã, việc đảm bảo dân chủ là yêu cầu hết sức quan trọng. Một mặt, đảm bảo dân chủ là nguyên tắc hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và HĐND cấp xã nói riêng, nó thể hiện bản chất của chế độ chính trị. Mặt khác, chỉ khi đảm bảo dân chủ trong tổ chức và hoạt động của HĐND cấp xã thì mới tạo ra được sự đồng thuận xã hội - một trong những điều kiện căn bản nhất để hoạt động của HĐND cấp xã đạt hiệu quả trong thực tế. 1.2.2.2. Tạo ra sự chuyển biến tích cực về tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương Để đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước nói chung và HĐND cấp xã nói riêng, phải xem xét đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã, bởi tất cả các hoạt động của HĐND cấp xã suy cho cùng không ngoài mục đích thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển. Hoạt động của HĐND cấp xã là hoạt động mang tính chính trị - xã hội, kết quả của nó thường phải có thời gian nhất định 01 tháng, 01 năm, 5 năm… hoặc lâu hơn nữa mới đưa lại kết quả cụ thể, do đó việc định lượng và đo lường là hết sức khó khăn. Tuy nhiên có thể xem xét, đánh giá hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã trên các mặt sau: Thứ nhất, về hiệu quả xã hội, đó là khả năng phát hiện và giải quyết các vấn đề nổi cộm ở địa phương, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Thứ hai, về hiệu quả kinh tế, thể hiện qua việc thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã có thể được xác định dựa trên sự chuyển biến tích cực của tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương sau nhiệm kỳ hoạt động của HĐND cấp xã hoặc sau khi có chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế ở địa phương. Muốn biết hoạt động của HĐND cấp xã có mang lại hiệu quả hay không chúng ta phải so sánh tình hình kinh tế - xã hội của địa phương trước và sau hoạt động theo nhiệm kỳ của HĐND cấp xã hoặc sau khi có những chủ trương phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Nếu tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn có những chuyển biến tích cực, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao thì điều đó cho thấy hoạt động của HĐND cấp xã đã mang lại hiệu quả. Ngược lại, nếu không có sự chuyển biến tích cực tức là HĐND cấp xã hoạt động không có hiệu quả. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trên thực tế hoàn toàn không chỉ do tác động của HĐND cấp xã mà còn chịu sự tác động tổng hợp của nhiều yếu tố khác. Vì vậy, khi đánh giá hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã theo tiêu chí này cũng chỉ ở mức độ tương đối. 1.2.2.3. Kết quả hoạt động mang lại so với chi phí bỏ ra Hiệu quả là chỉ số so sánh giữa kết quả đạt được với chi phí bỏ ra (trong đó: chi phí bỏ ra ít hơn, kết quả đạt được cao hơn). Kết quả hoạt động mang lại là kết quả về kinh tế - xã hội đạt được, còn chi phí bỏ ra là những hao tổn cần thiết để đạt được kết quả, bao gồm: nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, tài chính, các
  • 6. hao tổn vật chất khác như điện, nước… Tất cả chi phí cho hoạt động của HĐND cấp xã cần ở mức thấp nhưng phải đủ đảm bảo cho các chủ thể hoạt động tốt, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn luật định để đạt được những kết quả ở mức cao nhất. Hoạt động của HĐND cấp xã chủ yếu mang tính chính trị - xã hội nên để tính kết quả thu về so với chi phí bỏ ra là điều rất khó. Bởi yếu tố vừa định lượng, vừa định tính không chỉ thể hiện ở kết quả thu về mà ngay cả trong đầu tư, chi phí bỏ ra. Vì vậy, khi căn cứ vào tiêu chí này để đánh giá hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã thì cũng chỉ tính toán ở mức độ tương đối. Có những hoạt động nếu tính dưới góc độ kinh tế thì không mang lại lợi ích thiết thực nhưng dưới góc độ xã hội lại mang lại hiệu quả rất lớn. Chẳng hạn trong một số lĩnh vực nếu HĐND cấp xã giám sát đến cùng và triệt để không những góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội mà còn có tác dụng to lớn trong việc chấn chỉnh các vấn đề chính trị. Do đó, khi căn cứ vào yếu tố chi phí, kết quả để xem xét hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã phải kết hợp xem xét cả hiệu quả kinh tế và hiệu quả chính trị - xã hội. Khi đánh giá hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã phải dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau căn cứ điều kiện, hoàn cảnh cụ thể tình hình của địa phương, những nhân tố bên ngoài tác động ảnh hưởng đến hoạt động của HĐND cấp xã. Có như vậy mới đảm bảo được tính khách quan và thực tế. 1.2.3. Điều kiện đảm bảo hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã 1.2.3.1. Đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã Đối với hoạt động của HĐND cấp xã, sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng chính là yếu tố quan trọng đầu tiên quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã. Mọi hoạt động của HĐND cấp xã đều phải căn cứ vào lãnh đạo của cấp ủy, từ việc xây dựng chương trình, nội dung kỳ họp của HĐND, đến việc tổ chức kỳ họp… đều phải xin ý kiến của cấp ủy Đảng. Trong quá trình hoạt động của HĐND cấp xã, những vấn đề nổi cộm, liên quan đến cơ chế, chính sách, đến cán bộ lãnh đạo đều được tổng hợp, báo cáo tranh thủ ý kiến của cấp ủy để có phương án giải quyết đúng đắn. Trong công tác giám sát của HĐND cấp xã, trước khi quyết định nội dung giám sát cụ thể phải tổ chức thảo luận, thống nhất trong tập thể Đảng đoàn HĐND và báo cáo xin ý kiến của Ban Thường trực Đảng ủy. Trong quá trình giám sát của HĐND cấp xã phải thường xuyên có sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ với Đảng ủy để trao đổi, cung cấp thông tin có liên quan đến nội dung giám sát. Việc kết luận và kiến nghị các biện pháp xử lý qua giám sát của HĐND về nguyên tắc phải đảm bảo tính thực tiễn khách quan, đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của HĐND, tuy nhiên những vấn đề nhạy cảm phải báo cáo Đảng ủy trước khi kết luận chính thức. Để HĐND cấp xã thực hiện tốt hoạt động của mình thì cần phải có sự lãnh đạo của Đảng ủy cơ sở. Các cấp ủy Đảng chỉ nên thực hiện lãnh đạo HĐND dựa trên những định hướng và kiểm tra việc thực hiện định hướng đó. Sự bao biện, làm thay của cấp ủy Đảng đối với HĐND thực chất là biến cơ quan dân cử thành công cụ thực hiện thiếu sức sống, hình thức. 1.2.3.2. Ban hành đầy đủ các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã Muốn nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã thì trước hết phải ban hành đầy đủ các quy định pháp luật về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Các quy định đó phải đảm bảo tính đồng bộ, phải cụ thể, rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, dễ áp dụng, không phải chờ các văn bản pháp lý có hiệu lực thấp hơn hướng dẫn, giải thích. Có như vậy HĐND mới có cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình. 1.2.3.3. Tổ chức bộ máy của Thường trực và bộ phận giúp việc của Hội đồng nhân dân cấp xã
  • 7. Muốn nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã đòi hỏi phải có một bộ máy đủ khả năng thực hiện một cách tốt nhất chức năng quyết định và giám sát. Bất kỳ cơ quan nào nếu có một tổ chức hợp lý và đồng bộ sẽ tạo nên guồng máy làm việc nhịp nhàng, hiệu quả công việc sẽ cao hơn. Để thực hiện tốt hoạt động của mình, HĐND cấp xã phải ngày càng chú ý hoàn thiện về mặt tổ chức. Hiện nay, Thường trực HĐND cấp xã có 2 thành viên thì chỉ có Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách, còn tuyệt đại đa số Chủ tịch HĐND hoạt động kiêm nhiệm (kiêm Bí thư Đảng ủy xã); không có các Ban của HĐND cấp xã. Vì vậy, để đảm bảo chế độ làm việc tập thể và tạo sự thống nhất về mặt tổ chức của Thường trực HĐND ở cả ba cấp; đồng thời đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay, cần phải tiếp tục tập trung nghiên cứu đổi mới về mặt tổ chức bộ máy và hoạt động của HĐND cấp xã. Phải đảm bảo số lượng đại biểu chuyên trách trong Thường trực, bổ sung chức danh ủy viên Thường trực HĐND cấp xã; thành lập các Ban của HĐND cấp xã để tránh tình trạng công việc bị ùn tắc, hoạt động mang tính hình thức, thiếu hiệu quả. Bên cạnh đó phải đặc biệt quan tâm bố trí chuyên viên phục vụ hoạt động của HĐND cấp xã. Có như vậy mới đảm đương được công việc của HĐND cấp xã. Chuyên viên giúp việc là rất cần thiết, nhất là đối với HĐND cấp xã hiện nay Chủ tịch HĐND kiêm Bí thư Đảng ủy xã. Chuyên viên giúp việc chính là người tham mưu đắc lực cho HĐND cấp xã. Hoạt động của chuyên viên là một bộ phận quan trọng cấu thành sức mạnh của HĐND cấp xã. Nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã đòi hỏi phải có chuyên viên giúp việc có năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức tốt. 1.2.3.4. Phẩm chất, năng lực, trách nhiệm của đại biểu HĐND cấp xã Đại biểu HĐND cấp xã có vị trí, vai trò rất quan trọng. Đại biểu HĐND cấp xã do nhân dân địa phương bầu ra, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương. Là cầu nối quan trọng giữa chính quyền Nhà nước với nhân dân. Vừa chịu trách nhiệm trước cử tri, vừa chịu trách nhiệm trước cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Chính vì vậy, đòi hỏi người đại biểu nhân dân phải là những người có phẩm chất, năng lực, trình độ và tinh thần trách nhiệm cao. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã, để đại biểu HĐND cấp xã thực sự xứng đáng với danh hiệu cao quý "người đại biểu nhân dân" đòi hỏi họ phải không ngừng trau dồi phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng giám sát, kỹ năng tiếp xúc cử tri, kỹ năng tổng hợp, phân tích…phát huy tinh thần trách nhiệm được pháp luật quy định và nhân dân trực tiếp giao cho. 1.2.3.5. Điều kiện vật chất, chi phí cho hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã Muốn nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã cần phải đầu tư chi phí và điều kiện vật chất cho hoạt động của HĐND cấp xã. HĐND cấp xã cần có trụ sở riêng và được bố trí, sắp xếp hợp lý để trụ sở của HĐND phải vừa là nơi làm việc, vừa là nơi cử tri có thể trực tiếp đến bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình đối với cơ quan dân cử. Đồng thời cần phải đầu tư nhiều hơn nữa các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động của HĐND cấp xã. Đối với đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách cần được trang bị phương tiện thông tin liên lạc, tài liệu, phòng làm việc hợp lý, tương xứng với trách nhiệm của đại biểu. Đối với các chức danh kiêm nhiệm của HĐND nên có chế độ thỏa đáng để động viên, khuyến khích họ nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình. Phải tăng cường đầu tư chi phí theo yêu cầu của từng nội dung hoạt động. Nếu có đầu tư thỏa đáng sẽ góp phần tích cực nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã. Tuy nhiên đầu tư chi phí cho hoạt động của HĐND cấp xã phải tối ưu. Nghĩa là chỉ đủ mức cần thiết và triệt để tiết kiệm, chống lãng phí. Nhiều khi chỉ với mức kinh phí hạn hẹp nhưng tổ chức thực hiện tốt, tìm ra hình thức và phương pháp thích hợp thì hiệu quả đem lại vẫn cao. Như vậy, đảm bảo các điều kiện cần thiết, chế độ chính sách hợp lý là một trong những yếu tố quan trọng đem lại chất lượng, hiệu lực, hiệu quả cho hoạt động của HĐND cấp xã.
  • 8. Chương 2 THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CẤP XÃ Ở TỈNH THANH HÓA 2.1. Khái quát điều kiện tự nhiên, tình hình kinh tế - xã hội và cơ cấu, tổ chức của Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa 2.1.1. Khái quát điều kiện tự nhiên và tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa 2.1.2. Cơ cấu, tổ chức của Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2004 - 2011 và nhiệm kỳ 2011 - 2016 Thanh Hóa có 637 đơn vị hành chính cấp xã (xã, phường, thị trấn). Cử tri ở tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2004 - 2011 đã bầu 16.025 đại biểu HĐND cấp xã, nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã bầu được 16073 đại biểu HĐND cấp xã. Bảng 2.1: Cơ cấu, số lượng đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2004 - 2011 và nhiệm kỳ 2011 - 2016. Nhiệm kỳ Nữ (tỉ lệ %) Dân tộc (tỉ lệ %) Tôn giáo (tỉ lệ %) Tái cử (tỉ lệ %) Chuyên trách Mặt trận, đoàn thể Ngoài Đảng (tỉ lệ %) 2004-2011 3190 (19,91%) 3514 (21,93%) 338 (2,11%) 6471 40,38% 1875 11,7% 3594 22,5% 2011-2016 3262 (20,29%) 3602 (22,41%) 319 (1,98%) 7265 45,2% 1834 11,41% 6250 (38,88%) Bảng 2.2: Trình độ văn hóa và chuyên môn của đại biểu HĐND cấp xã tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2004 - 2011 và nhiệm kỳ 2011 - 2016 Nhiệm kỳ Trình độ văn hóa Trình độ chuyên môn Tiểu học Trung học cơ sở Trung học phổ thông Sơ cấp Trung cấp Đại học, Sau đại học 2004-2011 165 (1,03%) 576 35,97% 10094 (63%) 961 (6%) 2701 (16,8%) 416 (2,59%) 2011-2016 75 (0,47%) 3508 (21,8%) 12385 77,05% 816 (5,08% 5432 (33,8%) 1782 (11,09%) Nguồn: Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Bảng 2.3: Trình độ lý luận chính trị và quản lý nhà nước của đại biểu HĐND cấp xã tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2004 - 2011 và nhiệm kỳ 2011 - 2016 Nhiệm kỳ Trình độ chính trị Trình độ quản lý nhà nước
  • 9. Sơ cấp Trung cấp Đại học, Cao cấp Sơ cấp Trung cấp Đại học, Sau đại học 2004-2011 2345 14,63% 4609 28,76% 84 0,52% 712 4,44% 1418 8,85% 35 0,21% 2011-2016 2565 15,96% 6318 39,31% 87 0,54% 388 2,41% 2549 15,86% 75 0,47% Nguồn: Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Từ kết quả bảng 2.2 và bảng 2.3 cho thấy: Nhiệm kỳ 2011 - 2016 chất lượng đại biểu được nâng lên so với nhiệm kỳ 2004 - 2011, đảm bảo các tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, uy tín, phẩm chất đạo đức, chính trị. Bảng 2.4: Độ tuổi đại biểu HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2004 - 2011 và nhiệm kỳ 2011 - 2016 Nhiệm kỳ Dưới 35 tuổi Từ 35- 50 tuổi Trên 50 tuổi 2004- 2011 3398 (21,2%) 10658 (66,5%) 2069 (12,9%) 2011- 2016 2985 (18,57%) 8748 (54,43%) 4340 (27%) Nguồn: Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Từ kết quả bảng 2.4 cho thấy: Độ tuổi của đại biểu HĐND cấp xã từ 35 trở lên tương đối cao, họ đã có bề dày kinh nghiệm cuộc sống nên hoạt động của HĐND cấp xã cũng được nâng cao. * Về tổ chức bộ máy của HĐND cấp xã Tại kỳ họp thứ nhất, HĐND cấp xã trong tỉnh đã kiện toàn tổ chức và bầu đủ số lượng thành viên Thường trực HĐND (2 người) theo luật định Bảng 2.5: Số liệu cơ cấu, tổ chức Thường trực HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2004 - 2011 và nhiệm kỳ 2011 - 2016 Nhiệm kỳ Chức vụ 2004 - 2011 2011 - 2016 Chủ tịch HĐND Phó Chủ tịch HĐND Chủ tịch HĐND Phó Chủ tịch HĐND Tổng số 637 637 637 637 Bí thư 604 612 Phó Bí thư 11 2 13 3 Ủy viên thường trực 14 127 10 129 Cấp ủy 7 489 2 489
  • 10. Không cấp ủy 1 19 16 Chuyên trách 22 624 12 628 Nguồn: Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Từ kết quả điều tra ở bảng 2.5 cho thấy: Chủ tịch HĐND cấp xã chủ yếu do Bí thư kiêm nhiệm (nhiệm kỳ 2004 - 2011 chiếm 94,8%, nhiệm kì 2011 - 2016 chiếm 96,07%) nên đã tăng cường được sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của HĐND. Phó Chủ tịch HĐND cấp xã chủ yếu hoạt động chuyên trách (nhiệm kỳ 2004 - 2011 chiếm 97,95%; nhiệm kỳ 2011 - 2016 chiếm 98,58%). Tuy nhiên, còn một số địa phương Phó Chủ tịch HĐND không hoạt động chuyên trách nên hoạt động của Thường trực gặp nhiều khó khăn. Bảng 2.6: Về trình độ chuyên môn của Thường trực HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2004 - 2011 và nhiệm kỳ 2011- 2016 Nhiệm kỳ Chức vụ Tổng số Trình độ chuyên môn Đại học Cao đẳng Trung cấp Không 2004- 2011 Chủ tịch HĐND 637 33 5,18% 21 3,29% 487 76,45% 96 15,07% Phó Chủ tịch HĐND 637 34 5,33% 18 (2,82%) 500 78,49% 85 13,34% 2011-2016 Chủ tịch HĐND 637 39 6,12% 31 (4,87%) 538 84,45% 29 4,55% Phó chủ tịch HĐND 637 37 5,8% 20 (3,14%) 548 86,02% 32 5,02% Nguồn: Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Qua số liệu trên cho thấy, trình độ chuyên môn của Thường trực HĐND cấp xã còn hạn chế. Một số địa phương Chủ tịch HĐND cấp xã không có có trình độ chuyên môn chiếm 15,07% (nhiệm kỳ 2004 - 2011) và chiếm 4,55% (nhiệm kỳ 2011 - 2016). Phó Chủ tịch HĐND không có trình độ chuyên môn chiếm 13,34% (nhiệm kỳ 2004 - 2011), 5,02% (nhiệm kỳ 2011 - 2016). Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của Thường trực HĐND cấp xã trong quá trình chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. 2.2. Hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa từ năm 2004 đến nay 2.2.1. Thực trạng hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa từ năm 2004 đến nay 2.2.2. Đánh giá về ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân của những ưu điểm, hạn chế - Ưu điểm * Nguyên nhân của những ưu điểm Có được những kết quả đáng phấn khởi trên là bởi những nguyên nhân cơ bản sau:
  • 11. - Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về vai trò, vị trí của HĐND cấp xã đã được nâng lên đáng kể. Các cấp ủy Đảng luôn quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi để HĐND cấp xã phát huy vai trò của mình trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. - Thể chế hóa đường lối, quan điểm đổi mới của Đảng, các văn bản pháp luật về bầu cử đại biểu HĐND, Luật tổ chức và hoạt động của HĐND được sửa đổi, bổ sung tương đối đồng bộ đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho HĐND cấp xã thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình. - Cơ cấu đại biểu tương đối hợp lý, đảm bảo tính đại diện cho các thành phần dân cư, tôn giáo, dân tộc, đoàn thể ở địa phương. Chất lượng đại biểu ngày càng được nâng lên. - Hoạt động của HĐND cấp xã được đổi mới, nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng. Đặc biệt, Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 đã bổ sung 1 chương quy định về hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND và đại biểu HĐND. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện hoạt động giám sát có kết quả. - Củng cố và phát huy được mối quan hệ công tác giữa HĐND cấp xã với các cơ quan, tổ chức hữu quan. - Các điều kiện đảm bảo của HĐND đã được quan tâm, kinh phí hoạt động được nâng lên ở mức hợp lý hơn. - Hạn chế * Nguyên nhân của những hạn chế trong hoạt động của HĐND cấp xã Để có cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất những phương hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của HDND cấp xã cần phải xác định đúng đắn những nguyên nhân hạn chế hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nó. Có thể xác định rằng, hoạt động giám sát của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa còn yếu kém, hình thức là do những nguyên nhân cơ bản sau: - Nhận thức về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp xã của không ít cấp ủy Đảng chưa thực sự đầy đủ thể hiện trong công tác bố trí nhân sự HĐND, hiệp thương, lựa chọn bầu đại biểu HĐND cấp xã. Bên cạnh đó công tác quy hoạch cán bộ HĐND cấp xã có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng tầm, không ít đại biểu sau khi được bầu đã không thực sự nhiệt tình, tâm huyết với công tác chuyên trách tại HĐND cấp xã nên ở một số địa phương lực lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND cấp xã còn thiếu và yếu. - Một số văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND đã được sửa đổi, bổ sung nhưng chưa thực sự đồng bộ. - Tỉ lệ đại biểu là cán bộ lãnh đạo của UBND, cấp ủy và đoàn thể trong HĐND cấp xã còn cao, đại biểu ngoài đảng chiếm tỉ lệ thấp, do đó các đại biểu vẫn còn tư tưởng nể nang, ngại va chạm, biết nhưng không dám nói hoặc nói như thế nào để giữ hòa khí. Mối quan hệ giữa cơ cấu và chất lượng đại biểu ở một số địa phương chưa được giải quyết hợp lý; năng lực, hiểu biết pháp luật của một số đại biểu HĐND cấp xã còn hạn chế, chưa phát huy được vai trò của người đại biểu nhân dân. - Tổ chức của HĐND cấp xã chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao, thể hiện ở chỗ Thường trực HĐND cấp xã chỉ gồm 2 thành viên là Chủ tịch và Phó chủ tịch HĐND, không có ủy viên thường trực; Trong đó, chỉ có Phó chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách, hầu hết Chủ tịch HĐND cấp xã hoạt động kiêm nhiệm nên không có nhiều thời gian chỉ đạo, sâu sát tới mọi hoạt động thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, do vậy hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã chưa cao. - Các điều kiện đảm bảo hoạt động của HĐND cấp xã đã được quan tâm nhưng chưa thực sự đáp ứng với yêu cầu hoạt động như chưa có trụ sở làm việc độc lập; kinh phí hoạt động còn thiếu so với yêu cầu: kinh phí chi cho hoạt động tiếp xúc cử tri tại thôn, bản rất ít; kinh phí hoạt động của đại biểu thấp; thông tin phục
  • 12. vụ cho đại biểu còn quá ít dẫn đến việc nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước còn hạn chế; HĐND cấp xã chưa bố trí được người tham mưu, giúp việc, điều này cũng ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã. - Việc thực hiện các quy định về mối quan hệ giữa UBND cấp xã, các cán bộ chuyên môn của UBND với Thường trực HĐND cùng cấp chưa thật tốt. Chưa tạo điều kiện cho Thường trực HĐND cấp xã nắm bắt đầy đủ thông tin về hoạt động của UBND và các cán bộ chuyên môn của UBND; Thường trực HĐND cấp xã chưa thường xuyên đôn đốc UBND cùng cấp để giải quyết dứt điểm các ý kiến, kiến nghị của cử tri, điều đó đã ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của HĐND cấp xã. Chương 3 QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CẤP XÃ Ở TỈNH THANH HÓA 3.1. Yêu cầu khách quan nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Thanh hóa 3.1.1. Xuất phát từ yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân 3.1.2. Xuất phát từ những bất cập giữa vị trí, vai trò và chức năng của Hội đồng nhân dân cấp xã với thực trạng hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa hiện nay 3.1.3. Xuất phát từ yêu cầu nâng cao vai trò quản lý của chính quyền địa phương 3.2. Quan điểm nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa 3.2.1. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam về nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ quan dân cử nói chung và hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã nói riêng Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa trước hết cần nắm vững các quan điểm do Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII), Đại hội VIII, Hội nghị lần thứ 3, lần thứ 7 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, Đại hội IX, X XI của Đảng đề ra. Trên cơ sở chủ trương đổi mới của Đảng, Văn kiện Đại Hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVII tiếp tục khẳng định: "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, trước hết là nâng cao chất lượng các kỳ họp, tạo điều kiện để các đại biểu Hội đồng nhân dân phát huy trí tuệ, thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng đối với sự phát triển bền vững của tỉnh. Đồng thời đề cao trách nhiệm của đại biểu HĐND trong việc chất vấn và giám sát việc thực hiện nội dung trả lời chất vấn của các cơ quan nhà nước; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thu thập và phản ánh trung thực với cơ quan có thẩm quyền những kiến nghị của cử tri". Những quan điểm trên của Đảng cộng sản Việt nam, của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa chính là cơ sở lý luận, là ngọn đuốc soi đường trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa. 3.2.2. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và chức năng của Hội đồng nhân dân cấp xã HĐND cấp xã là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương và giám sát. Vì vậy, muốn nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã thì trước hết phải nhận thức đúng vị trí, vai trò và chức năng của HĐND cấp xã. Nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò, chức năng của HĐND cấp xã là
  • 13. yêu cầu không chỉ đối với bản thân HĐND, Thường trực HĐND, đại biểu HĐND cấp xã mà còn là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, các tổ chức xã hội và mọi công dân. Trên cơ sở nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò và chức năng của HĐND cấp xã, mới giúp đại biểu HĐND cấp xã xác định đúng hướng, đúng mục tiêu, nhiệm vụ của mình; giúp họ xây dựng được niềm tin, động lực, tinh thần, thái độ, trách nhiệm. 3.2.3 Nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã phải được tiến hành có kế hoạch, thường xuyên và liên tục Việc nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa phải được tiến hành thường xuyên, liên tục vì các hoạt động của HĐND cấp xã diễn ra một cách liên tục và theo quy định của pháp luật. Nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã thực chất là nâng cao hiệu quả của việc thực hiện các chức năng của HĐND cấp xã. 3.3. Những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa hiện nay Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố, từ vấn đề thể chế, con người đến các điều kiện cơ sở vật chất... nghĩa là phát huy sức mạnh tổng hợp. Do vậy, các giải pháp đưa ra phải mang tính toàn diện và đồng bộ. Trên cơ sở đánh giá thực trạng hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa và chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém có thể đưa ra một số giải pháp sau: 3.3.1. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với Hội đồng nhân dân cấp xã Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng là vấn đề có tính nguyên tắc, quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Thực tế cho thấy, ở đâu cấp ủy đảng nhận thức đúng vị trí, vai trò của HĐND và có phương thức lãnh đạo đúng đắn thì ở đó chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND được nâng lên. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với hệ thống chính trị ở địa phương nói chung và HĐND các cấp nói riêng. Trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động của HĐND cấp xã cần phải đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng bằng chủ trương, đường lối, Nghị quyết và lãnh đạo công tác bầu cử đại biểu HĐND. 3.3.2. Tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã Để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND nói chung và HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa nói riêng, yêu cầu trước hết là phải hoàn thiện các quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của HĐND cấp xã, cụ thể: - Sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND năm 2003 - Ban hành Luật giám sát của HĐND - Sửa đổi, bổ sung Điều 3, Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 2003. - Sửa đổi, bổ sung Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004 - Sửa đổi nghị định 133/2004/NĐ-CP ngày 9 tháng 6 năm 2004 theo hướng bố trí chuyên viên phục vụ hoạt động của HĐND cấp xã. 3.3.3. Nâng cao năng lực của đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã Năng lực của đại biểu HĐND cấp xã là nhân tố quyết định chất lượng hoạt động của HĐND cùng cấp. Chính vì vậy, HĐND cấp xã cần thường xuyên quan tâm nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu
  • 14. và có những giải pháp thiết thực khắc phục những thiếu hụt về kiến thức, hạn chế về kỹ năng hoạt động của đại biểu, cụ thể: - Phải đảm bảo hài hòa giữa cơ cấu và chất lượng của đại biểu HĐND cấp xã. - Mỗi đại biểu phải thường xuyên tự nghiên cứu, nâng cao trình độ, rèn luyện kỹ năng và hiểu biết đầy đủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, năng động, sáng tạo trong hoạt động thực tiễn. - Phải kịp thời, thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng hoạt động, trình độ chuyên môn cho đại biểu HĐND cấp xã. - Tạo không khí dân chủ trong các hoạt động của HĐND để đại biểu HĐND phát huy khả năng, trí tuệ, tâm huyết với hoạt động của cơ quan dân cử. - Đổi mới và tăng cường công tác thông tin phục vụ hoạt động của đại biểu. - Đổi mới cơ chế hoạt động của đại biểu, Tổ đại biểu HĐND; nội dung sinh hoạt của đại biểu, Tổ đại biểu phải phong phú, chất lượng. 3.3.4. Nâng cao chất lượng kỳ họp của Hội đồng nhân dân cấp xã - Chuẩn bị kỳ họp chu đáo - Nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri trước kỳ họp - Tăng thêm thời gian cho kỳ họp: Cần phải tăng thêm thời gian cho mỗi kỳ họp, ít nhất là 2 ngày. - Công tác điều hành kỳ họp: Chủ tọa kỳ họp là người điều hành kỳ họp. Vì vậy, đòi hỏi chủ tọa phải nâng cao năng lực, trí tuệ, có khả năng dự kiến, dự báo được những tình huống có thể xảy ra ngoài chương trình nghị sự để tránh bị động, lúng túng. Đồng thời Chủ tọa phải có phương pháp, nghệ thuật điều hành đảm bảo cho kỳ họp đạt đúng mục đích, yêu cầu đề ra. - Nâng cao chất lượng xem xét báo cáo, thảo luận tại kỳ họp - Nâng cao hiệu quả chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp - Ban hành Nghị quyết: Việc ban hành Nghị quyết của HĐND cấp xã phải tuân thủ nghiêm chỉnh những quy trình do luật định. 3.3.5. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND cấp xã đòi hỏi các thành viên Thường trực cần nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó phải nâng cao kỹ năng tiếp xúc cử tri; kỹ năng thu thập, lựa chọn và phân tích thông tin liên quan đến hoạt động giám sát; xem xét, đánh giá và kiến nghị sát với tình hình thực tế, đúng với bản chất, yêu cầu của vấn đề; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát. Thường trực HĐND cần thường xuyên tổ chức giao ban, hội thảo, tổng kết, sơ kết để học hỏi, rút kinh nghiệm, thông qua đó nâng cao năng lực hoạt động cho từng đại biểu. 3.3.6. Tạo các điều kiện thuận lợi cho hoạt động Hội đồng nhân dân cấp xã * Đảm bảo điều kiện thông tin cho hoạt động của đại biểu HĐND cấp xã - Phải cung cấp đầy đủ, kịp thời các Nghị quyết của Đảng, văn bản pháp luật, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương, thông báo kết luận giám sát…đến từng đại biểu HĐND
  • 15. cấp xã. Các tài liệu liên quan đến nội dung kỳ họp cần phải được gửi sớm chậm nhất 5 ngày trước ngày khai mạc để các đại biểu có thời gian nghiên cứu, phân tích, đối chiếu thông tin một cách kỹ lưỡng. - Khi có vấn đề bức xúc, nổi cộm, có đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc có ý kiến cử tri phản ánh thì cần có sự cung cấp, trao đổi thông tin giữa Thường trực HĐND cấp xã với đại biểu để biết và thực hiện trách nhiệm của mình theo quy định. * Đảm bảo điều kiện vật chất cần thiết cho hoạt động của HĐND cấp xã: - Cần đảm bảo cơ sở vật chất cho hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa như đảm bảo về trụ sở làm việc, trang thiết bị làm việc, phương tiện thông tin liên lạc… - Với chủ trương cần tăng số đại biểu là dân, là người ngoài Đảng, là đại biểu chuyên trách thì phải tăng mức kinh phí hoạt động cho các đại biểu HĐND cấp xã lên ít nhất là bằng mức lương tối thiểu. Cùng với các chế độ cung cấp báo chí, tài liệu cũng phải được thực hiện đầy đủ. Như vậy mới thực sự đảm bảo cho người đại biểu HĐND có thể chuyên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. KẾT LUẬN Kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, HĐND các cấp nói riêng là một trong những yêu cầu quan trọng để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng khẳng định: "Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp, bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp". Quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, HĐND các cấp ở tỉnh Thanh Hóa trong thời gian qua đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của mình, phát huy dân chủ, đảm bảo quyền là chủ của nhân dân; đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; hướng tới xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Cùng với bước chuyển mình mạnh mẽ của mảnh đất Thanh Hóa anh hùng, trong thời gian qua, hoạt động của HĐND các cấp nói chung, hoạt động của HĐND cấp xã nói riêng đã đạt được những kết quả to lớn. HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa đã khẳng định được sự trưởng thành của mình trên mọi lĩnh vực hoạt động; thực sự trở thành cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại biểu HĐND thực sự xứng đáng với danh hiệu cao quý "người đại biểu nhân dân". Vị thế, vai trò của HĐND cấp xã ngày càng được nâng cao trong điều kiện đổi mới đất nước. Góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa thời gian qua chưa thực sự ngang tầm với vị trí, vai trò; vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập như: Chất lượng kỳ họp chưa cao, nhiều nghị quyết được ban hành không phát huy được hiệu quả trên thực tế, phải sửa đổi, bổ sung; hoạt động tiếp xúc cử tri vẫn chưa khắc phục được tính hình thức, có nơi đại biểu vẫn là "cử tri chuyên nghiệp"; hoạt động xem xét báo cáo, chất vấn trả lời chất vấn tại kỳ họp vẫn còn mang tính hình thức; Việc lựa chọn nội dung giám sát còn dàn trải, thiếu chọn lọc, giám sát chưa sâu, chất lượng kết luận, kiến nghị sau giám sát chưa cao; việc đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị chưa được quan tâm đúng mức; nhiều đại biểu chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình… ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa. Vì vậy, nghiên cứu để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa là đòi hỏi bức thiết, có ý nghĩa to lớn trong việc tiếp tục củng cố tổ chức và hoạt động
  • 16. của cơ quan đại biểu của nhân dân; tăng cường trách nhiệm của đại biểu, đáp ứng lòng mong mỏi, đòi hỏi của cử tri và nhân dân địa phương. Trên cơ sở phân tích, đánh giá những thành tựu và hạn chế trong hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa, luận văn đưa ra một số quan điểm chỉ đạo, những giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã ở tỉnh Thanh Hóa. Các giải pháp trên phải được thực hiện một cách đồng bộ để phát huy hơn nữa sức mạnh của HĐND cấp xã, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay. References. 1. Nguyễn Đăng Dung (1997), Tổ chức chính quyền nhà nước ở địa phương, Nxb Đồng Nai, Đồng Nai 2. Nguyễn Đăng Dung (1998), Hội đồng nhân dân trong hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước, Nxb Pháp lý, Hà Nội. 3. Vũ Đức Đán (2005), "Vấn đề bồi dưỡng nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân", Quản lý nhà nước. 4. Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (2006), Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Nxb Thanh Hóa. 5. Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa (2010), Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Nxb Thanh Hóa. 6. Đảng Cộng sản Việt Nam (1987), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội. 7. Đảng Cộng sản Việt Nam (1991), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội. 8. Đảng Cộng sản Việt Nam (1992), Văn kiện Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Khóa VII, Nxb Sự thật, Hà Nội. 9. Đảng Cộng sản Việt Nam (1996), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 10. Đảng Cộng sản Việt Nam (1998), Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 11. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 12. Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 13. Đảng Cộng sản Việt Nam (2005), Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm đổi mới (1986-2006), Hà Nội.
  • 17. 14. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 15. Đảng Cộng sản Việt Nam (2007), Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 16. Đảng Cộng sản Việt Nam (2009), Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Khóa X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 17. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 18. Bùi Xuân Đức (2007), Đổi mới và hoàn thiện nhà nước trong giai đoạn hiện nay, Nxb Tư pháp, Hà Nội. 19. Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa (2007), Báo cáo kết quả thực hiện đề tài "Thực trạng và những giải pháp nâng cao chất lượng giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp ở tỉnh Thanh Hóa", 20. Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa (2011), Báo cáo tổng kết tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2011, Thanh Hóa. 21. Trần Đình Hoan (2008), Quan điểm và nguyên tắc đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam giai đoạn 2005 - 2020, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 22. Phạm Ngọc Kỳ (2007), Quyền giám sát của Hội đồng nhân dân và kỹ năng giám sát cơ bản, Nxb Tư pháp, Hà Nội. 23. Nguyễn Văn Mạnh (2002), "Cơ sở lý luận về nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn Hà Nội", Kỷ yếu khoa học đề tài cấp bộ: Nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật cho người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn Hà Nội hiện nay, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. 24. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 25. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 26. Chân Phương (1996), "Chuyên viên Hội đồng nhân dân, những điều cần trao đổi", Người đại biểu nhân dân, (12). 27. Lê Minh Quân (2003), Xây dựng nhà nước pháp quyền đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 28. Quốc hội (1946), Hiến pháp, Hà Nội. 29. Quốc hội (1959), Hiến pháp, Hà Nội.
  • 18. 30. Quốc hội (1962), Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp, Hà Nội. 31. Quốc hội (1980), Hiến pháp, Hà Nội. 32. Quốc hội (1989), Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Hà Nội. 33. Quốc hội (1992), Hiến pháp, Hà Nội. 34. Quốc hội (1994), Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Hà Nội. 35. Quốc hội (2001), Hiến pháp (sửa đổi, bổ sung), Hà Nội. 36. Quốc hội (2003), Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Hà Nội. 37. Quốc hội (2004), Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Hà Nội. 38. Quốc hội (2010), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (sửa đổi), Hà Nội. 39. Từ điển Bách khoa Luật (1987), Mátxcơva. 40. Từ điển Học sinh (1971), Nxb Giáo dục, Hà Nội. 41. Từ điển Lepetitlasousse (1999), Paris. 42. Từ điển Luật học (1999), Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội 43. Từ điển Tiếng Việt (1994), Nxb khoa học xã hội, Hà Nội 44. Phạm Hồng Thái (2002), "Một số vấn đề về vị trí, tính chất của Hội đồng nhân dân", Quản lý nhà nước, (9). 45. Lê Minh Thông (Chủ biên) (2001), Một số vấn đề về hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội. 46. Lê Minh Thông (2002), Những vấn đề lý luận và thực tiễn về chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. 47. Lê Minh Thông (2002), "Một số quan điểm đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay", Nghiên cứu lập pháp, (8). 48. Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa (2004), Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009, Thanh Hóa. 49. Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa (2011), Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016, Thanh Hóa.
  • 19. 50. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2005), Nghị quyết 753 ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân, Hà Nội. 51. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2007), Kỷ yếu Hội nghị toàn quốc về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Hà Nội. 52. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2009), Nghị quyết 725 quy định tại một số địa phương thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở huyện, quận, phường, Hà Nội. 53. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (2010), Kỷ yếu Hội nghị toàn quốc về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Hà Nội. 54. Văn phòng Quốc hội (2001), Kỷ yếu Hội thảo nâng cao năng lực và hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân, Hà Nội.