SlideShare a Scribd company logo
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
TẠ HƯƠNG TRANG
PHƯƠNG THỨC TRẦN THUẬT CỦA TRUYỆN NGẮN
THẾ SỰ - ĐỜI TƯ TRONG VĂN HỌC
VIỆT NAM TỪ SAU 1986
Ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 9. 22 .01 .21
LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS. LÊ QUANG HƯNG
HÀ NỘI – 2019
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết
quả nêu trong luận án là trung thực, đảm bảo tính chính xác và khoa học cao.
Các tài liệu tham khảo, trích dẫn đều có xuất xứ rõ ràng. Tôi xin chịu hoàn
toàn trách nhiệm về công trình nghiên cứu của mình.
Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2019
Tác giả luận án
Tạ Hương Trang
LỜI CẢM ƠN
Luận án được hoàn thành, tôi muốn bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc, chân
thành đến PGS.TS Lê Quang Hưng, người thầy hướng dẫn khoa học tận tình,
luôn sẵn sàng chia sẻ quan điểm, gợi mở nhiều ý tưởng hay, mới lạ, giúp tôi
có thêm nhiều tri thức lý luận và phương pháp tư duy, làm việc khoa học.
Tôi cũng xin được gửi lời cảm ơn đến Ban giám đốc Học viện Khoa
học xã hội, phòng Quản lý Đào tạo, các thầy cô trong khoa Văn học đã
thường xuyên động viên, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình nghiên cứu
của tôi.
Xin được bày tỏ lòng biết ơn tới Ban giám hiệu Trường Đại học Hải
Phòng, Khoa Ngữ văn – Địa lí nơi tôi công tác đã giúp đỡ tôi rất nhiều về mặt
thời gian để tôi hoàn thành chương trình học và luận án.
Cảm ơn bố mẹ, những người thân trong gia đình, đồng nghiệp, bạn
bè,... đã sẻ chia, giúp đỡ tôi trong suốt quá trình nghiên cứu và hoàn thành
luận án.
Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2018
Tác giả luận án
Tạ Hương Trang
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ......................................................................................................................1
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU.........................................8
1.1. Quan niệm chung về phương thức trần thuật trong truyện ngắn thế sự - đời tư....8
1.2. Tình hình nghiên cứu phương thức trần thuật trong văn xuôi Việt Nam từ sau
1986.............................................................................................................................17
1.3. Tình hình nghiên cứu phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư từ
sau 1986.......................................................................................................................26
Chương 2: TRUYỆN NGẮN THẾ SỰ - ĐỜI TƯ TRONG SỰ VẬN ĐỘNG,
PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ SAU 1986 ................................33
2.1. Những tiền đề cho sự phát triển của truyện ngắn thế sự - đời tư trong văn học
Việt Nam từ sau 1986..................................................................................................33
2.2. Khái quát truyện ngắn thế sự - đời tư trong nền văn xuôi Việt Nam từ sau 198656
Chương 3: ĐIỂM NHÌN TRẦN THUẬT, TỔ CHỨC TÌNH HUỐNG VÀ KẾT
CẤU TRONG TRUYỆN NGẮN THẾ SỰ - ĐỜI TƯ TỪ SAU 1986 ...................71
3.1. Ngôi kể và điểm nhìn trần thuật...........................................................................71
3.2. Tổ chức tình huống ..............................................................................................92
3.3. Nghệ thuật tổ chức kết cấu.................................................................................101
Chương 4: NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU TRẦN THUẬT CỦA TRUYỆN
NGẮN THẾ SỰ - ĐỜI TƯ TỪ SAU 1986 ............................................................119
4.1. Ngôn ngữ trần thuật ...........................................................................................119
4.2. Giọng điệu trần thuật..........................................................................................132
KẾT LUẬN..............................................................................................................148
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ CÓ LIÊN
QUAN ĐẾN LUẬN ÁN..........................................................................................151
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO...............................................................152
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
1.1. Trong quan niệm của lí thuyết tự sự học hiện đại thì tiểu thuyết là
thể loại tự sự cỡ lớn, có khả năng miêu tả bức tranh hiện thực rộng lớn và số
phận của một hay nhiều người. Trong khi đó, điều làm nên nét khác biệt giữa
truyện ngắn với tiểu thuyết hay những thể loại tự sự khác chính là ở chỗ dung
lượng ngắn, tập trung miêu tả một sự kiện, một tình huống hoặc một khoảnh
khắc nào đó xảy ra trong cuộc đời của nhân vật. Trong loại hình văn xuôi tự
sự, truyện ngắn được đánh giá là một thể loại có tính thích ứng cao với thời
đại nó tồn tại và phát triển. Trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường như
ngày nay, truyện ngắn phù hợp với thị hiếu của độc giả bận rộn khi họ không
có nhiều thời gian dành cho việc nhâm nhi chiêm nghiệm một tác phẩm.
Những ưu điểm kể trên khiến cho truyện ngắn là một trong những thể loại có
thể đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thời đại đổi mới, của độc giả sau 1986.
Lựa chọn mốc 1986 chúng tôi không chỉ giới hạn phạm vi nghiên cứu tác
phẩm mà hơn hết đó là mốc thời gian quan trọng diễn ra Đại hội VI của Đảng.
Bắt đầu từ đây văn nghệ thực sự được giải phóng kéo theo sự khai phóng các
thể loại khác về cả nội dung và hình thức biểu hiện. Mặt khác, đây cũng là
mốc thời gian ghi nhận những cách tân đáng chú ý của các thể loại văn học,
những tác phẩm truyện ngắn thực sự có giá trị cũng bắt đầu ra đời từ đây.
Văn xuôi nói chung, truyện ngắn giai đoạn sau năm 1986 nói riêng thực
sự đã tìm được cho mình một hướng đi mới dù đầy chông gai song lại đạt
được những thành tựu đáng ghi nhận. Về nội dung, nó bắt đầu đi sâu vào thế
giới nội tâm của con người để tìm hiểu và khái quát thành tâm lí điển hình của
thời đại. Những mảng như chiều sâu tâm linh, cõi vô thức hay sự cô đơn bản
thể, cô đơn nghệ sĩ... đều được nó nghiêm túc khám phá và sáng tạo. Về hình
thức, khác với quan niệm truyền thống, truyện ngắn sau 1986 không ngừng nỗ
lực kiếm tìm những phương thức biểu hiện phù hợp với yêu cầu đòi hỏi của
2
văn học. Bên cạnh những cây bút vẫn kiên trì cách viết truyện truyền thống
thì một loạt các cây bút với ý thức tự làm mới mãnh liệt đã ra đời như:
Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương...
1.2. Ở một phương diện khác, khi lựa chọn đề tài này, chúng tôi căn cứ
vào chủ đề và cảm hứng của văn xuôi sau 1986 nổi bật lên ba khuynh hướng
chính, đó là: khuynh hướng sử thi, khuynh hướng thế sự - đời tư và khuynh
hướng triết luận. Trong ba khuynh hướng ấy thì khuynh hướng thế sự - đời tư
được đánh giá là khuynh hướng thu hút nhiều người tham gia viết nhất, trở
thành niềm say mê hứng khởi sáng tác ở nhiều cây bút truyện ngắn xuất sắc.
Văn học trước 1975 quan tâm đến nội dung “viết cái gì” của các nhà
văn. Chính vì thế mà sự tỏa bóng của “chủ nghĩa đề tài” khá rộng lớn trong
văn xuôi. Những đề tài như ca ngợi cuộc chiến vĩ đại của dân tộc, những tấm
gương người tốt, việc tốt được đề cao còn những đề tài đi sâu vào miêu tả số
phận của cá nhân hay đời sống cá thể riêng biệt thì sẽ bị cấm đoán thậm chí
nhiều nhà văn bị treo bút trong một thời gian dài vì những gì họ viết ra không
đúng với tinh thần của thời đại. Song sang đến giai đoạn sau 1986, nhờ lời
kêu gọi của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh mà văn học được “cởi trói”. Cảm
hứng sử thi tồn tại trong suốt những năm tháng chiến tranh và một vài năm
sau đổi mới đã nhường chỗ cho cảm hứng thế sự - đời tư khi con người dần
trở về với cuộc sống thường nhật. Lựa chọn cảm hứng này trong sáng tác, các
nhà văn được mặc sức khám phá thế giới muôn hình muôn vẻ với những nhân
dạng tồn tại trong hiện thực đó. Mặt khác, nó cũng chi phối đến các phương
diện khác thuộc trần thuật học trong tác phẩm mà cụ thể là điểm nhìn trần
thuật, tổ chức tình huống, kết cấu, ngôn ngữ và giọng điệu... Có thể thấy đây
là một hướng đi dù không có nhiều cách tân quyết liệt về mặt hình thức nhưng
đã khắc tạc trên cây cổ thụ văn chương nỗi đằm sâu của những nhà văn sống
có trách nhiệm và nặng lòng với đời sống con người.
1.3. Nếu như văn học giai đoạn trước năm 1975 quan tâm đến nhà văn
3
thể hiện nội dung gì trong sáng tác của mình, những nội dung ấy có phù hợp
với lí tưởng của thời đại hay không, có giá trị cổ vũ tinh thần và ý chí của con
người trong thời đại ấy như thế nào... thì giai đoạn từ sau 1986, cái mà văn
học và công chúng quan tâm là nhà văn - anh đã làm mới “đứa con tinh thần”
của mình như thế nào, nói một cách khác là anh đã có thêm tiếng nói, cách
nói gì. Trong xu thế đổi mới, những gì anh viết ra nếu bị coi là cũ kĩ sẽ không
có chỗ đứng trong lòng bạn đọc, vì thế nỗ lực cách tân và làm mới trở thành
tuyên ngôn trong sáng tác của họ. Theo đó, nghệ thuật trần thuật trong tác
phẩm được đề cao hơn bao giờ hết, nó là “sự trình bày liên tục bằng lời văn
các chi tiết, sự kiện, tình tiết, quan hệ, biến đổi về xung đột và nhân vật một
cách cụ thể, hấp dẫn, theo một cách nhìn, cách cảm nhất định” (Trần Đình
Sử). Trong cấu trúc tác phẩm văn xuôi nói chung, truyện ngắn nói riêng thì
trần thuật bao gồm các yếu tố cấu thành nên một tác phẩm hoàn chỉnh, đồng
thời cũng tạo nên một “chất” khác lạ để phân biệt sáng tác của người này với
người khác, góp phần tạo nên cái “tầm” của nhà văn. Nhà văn nếu lựa chọn
hình thức trần thuật phù hợp sẽ đem lại hiệu quả trong cách truyền tải nội
dung, tư tưởng của tác phẩm.
Với những lí do trên, tìm hiểu Phương thức trần thuật của truyện ngắn
thế sự - đời tư trong văn học Việt Nam từ sau 1986 chính là một cách để phân
tích, đánh giá đầy đủ những đặc điểm, thành tựu của truyện ngắn Việt Nam
thời kì đổi mới trên các phương diện: đối tượng, nội dung phản ánh và hình
thức nghệ thuật. Bên cạnh đó chúng tôi mong muốn kết quả nghiên cứu của
luận án này sẽ là những tài liệu tham khảo có giá trị thực tiễn đối với công tác
nghiên cứu và giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng và phổ thông.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
2.1. Mục đích nghiên cứu
Tìm hiểu, đánh giá đặc điểm phương thức trần thuật của truyện ngắn
thế sự - đời tư trong văn học Việt Nam từ sau 1986 để khẳng định sự thống
4
nhất biện chứng giữa đối tượng, nội dung biểu hiện với phương thức thể hiện
trong thể loại truyện ngắn, khẳng định rõ thêm thành tựu của văn học Việt
Nam thời kì đổi mới.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích trên, luận án thực hiện những nhiệm vụ cơ bản sau:
- Đưa ra quan niệm về truyện ngắn thế sự - đời tư từ góc nhìn của lí
thuyết tự sự học hiện đại, từ sự khu biệt giữa truyện ngắn thế sự - đời tư với
các khuynh hướng truyện ngắn khác như truyện ngắn theo khuynh hướng sử
thi, truyện ngắn theo khuynh hướng triết luận.
- Chỉ ra những cơ sở cho sự phát triển của truyện ngắn theo khuynh
hướng thế sự - đời tư, tái hiện diện mạo của truyện ngắn theo khuynh hướng
này trong văn học Việt Nam từ sau 1986.
- Phân tích những đặc điểm của phương thức trần thuật qua các phương
diện như: điểm nhìn trần thuật, cách tổ chức tình huống, kết cấu.
- Phân tích những đặc điểm của phương thức trần thuật qua ngôn ngữ
và giọng điệu trần thuật.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Luận án của chúng tôi tập trung nghiên cứu thể loại truyện ngắn trong
văn học Việt Nam hiện đại (từ sau 1986 đến nay). Từ những khảo sát trên
thực tế tác phẩm, chúng tôi phân loại truyện ngắn thành 3 khuynh hướng: sử
thi, thế sự - đời tư và triết luận. Cảm hứng sáng tác chủ đạo là tiêu chí để
chúng tôi phân loại truyện ngắn thành các khuynh hướng như vậy. Trong đó
chúng tôi đặc biệt quan tâm tìm hiểu sự vận động và phát triển của truyện
ngắn thế sự - đời tư, lí giải những đặc điểm riêng của thể tài truyện ngắn này
trên cơ sở những lí thuyết chung về thể loại. Luận án tập trung vào phương
thức trần thuật bao gồm: điểm nhìn trần thuật, tổ chức tình huống, kết cấu,
ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật.
5
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Thực hiện đề tài này, chúng tôi dành sự quan tâm đến một số tập truyện
ngắn, tuyển tập truyện ngắn đã được xuất bản của các nhà văn tiêu biểu như
Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư,
Nguyễn Thị Thu Huệ... và một số cây bút trẻ có truyện ngắn đạt giải từ sau
1986 đến nay đã được in trong các tuyển tập.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đề tài, để thấy được sự vận động và
phát triển của truyện ngắn thế sự - đời tư trong văn học Việt Nam từ sau 1986,
chúng tôi mở rộng phạm vi nghiên cứu tới truyện ngắn trước và sau 1986 để
có cái nhìn đối sánh và sâu hơn về đối tượng.
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
4.1. Phương pháp luận
Luận án của chúng tôi chủ yếu sử dụng lí thuyết tự sự học hiện đại. Từ
cơ sở lí thuyết này, chúng tôi quan niệm truyện ngắn thế sự - đời tư như một
thể tài cơ bản của thể loại truyện ngắn. Ngoài ra chúng tôi tiếp cận truyện
ngắn thế sự - đời tư từ góc độ trần thuật học trong khảo sát, phân tích, khái
quát hóa, làm rõ hơn các yếu tố về hình thức biểu hiện như điểm nhìn, tình
huống, kết cấu, ngôn ngữ, giọng điệu... Mỗi yếu tố cụ thể đó mang nét riêng,
tạo ra đặc trưng khu biệt truyện ngắn thế sự - đời tư trong tiến trình vận động
và phát triển của văn học Việt Nam đương đại.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Để hoàn thành các nhiệm vụ khoa học đã xác định trước, chúng tôi vận
dụng một số phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau:
4.2.1. Phương pháp phân tích - tổng hợp
Phương pháp này được chúng tôi vận dụng để phân tích vị trí, những
đặc điểm thuộc phương thức trần thuật của truyện ngắn Việt Nam từ sau 1986
trên cơ sở ấy đi đến những kết luận mang tính tổng hợp nhất, khái quát nhất
về truyện ngắn thế sự - đời tư trong văn học Việt Nam từ sau 1986.
6
4.2.2. Phương pháp hệ thống
Chúng tôi sử dụng phương pháp này trong quá trình nghiên cứu để xem
xét, phân tích truyện ngắn về đề tài thế sự - đời tư trong văn học Việt Nam từ
sau 1986 trong hệ thống chung sự vận động, đổi mới của nền văn học Việt
Nam đặc biệt của văn xuôi sau 1986. Đồng thời xem xét, nghiên cứu phương
thức trần thuật của truyện ngắn về đề tài này như một hệ thống.
4.2.3. Phương pháp so sánh
Để khẳng định phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư
trong văn học Việt Nam từ sau 1986 có những nét riêng, độc đáo, chúng tôi đối
chiếu, so sánh với truyện ngắn cùng thể tài ở thời kì trước đó và so sánh với
truyện ngắn thuộc các đề tài khác thời kì từ sau 1986.
4.2.4. Phương pháp loại hình
Chúng tôi quan niệm truyện ngắn thế sự - đời tư là một loại hình với nội
dung phản ánh, kết cấu và phương thức trần thuật riêng.
4.2.5. Phương pháp lịch sử - xã hội
Chúng tôi xem xét, đánh giá truyện ngắn theo khuynh hướng thế sự -
đời tư trong bối cảnh vận động, đổi thay của xã hội Việt Nam từ sau 1986.
Đồng thời chúng tôi quan niệm rằng bản thân khuynh hướng này cũng có quá
trình phát triển của nó trong mấy mươi năm.
4.2.6. Phương pháp thống kê - phân loại
Phương pháp này được sử dụng trong quá trình khảo sát các tác phẩm
truyện ngắn thế sự - đời tư tiêu biểu từ sau 1986 nhằm có những cứ liệu xác
đáng cho các luận điểm.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
-Luận án cung cấp cái nhìn hệ thống về truyện ngắn Việt Nam giai
đoạn sau 1986 trong bước chuyển của lịch sử văn học, góp phần khẳng định
mối quan hệ biện chứng giữa nội dung phản ánh, kiểu nhân vật với phương
thức trần thuật trong thể loại này.
7
-Luận án là công trình đầu tiên tìm hiểu và phân tích một cách tương
đối toàn diện, có hệ thống về đặc điểm phương thức trần thuật của truyện
ngắn viết theo khuynh hướng thế sự - đời tư trong văn xuôi Việt Nam từ
sau 1986.
6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của luận án
6.1. Ý nghĩa lí luận
Bằng việc phân tích phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời
tư trong văn học Việt Nam từ sau 1986, luận án góp phần làm sáng tỏ ý nghĩa
của lí thuyết tự sự học hiện đại.
Xét về mặt cấu trúc loại hình, từ việc phân tích, đánh giá truyện ngắn
thế sự - đời tư luận án góp phần làm sáng tỏ mối quan hệ giữa quan niệm
nghệ thuật về hiện thực, con người với các phương diện thuộc thuộc phương
thức trần thuật của thể loại.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Với đề tài này, luận án đã khảo sát, khái quát, tổng kết bước đầu các
khuynh hướng truyện ngắn Việt Nam từ sau 1986 trong đó nổi bật là khuynh
hướng thế sự - đời tư. Từ đó, làm sáng tỏ sự vận động, phát triển, thành tựu và
hạn chế của thể loại truyện ngắn trong văn học Việt Nam hiện đại.
Bên cạnh đó, luận án có thể trở thành tài liệu tham khảo cho những
người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập, những ai quan tâm.
7. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, Luận án có nội dung chính gồm 4 chương
như sau:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu
Chương 2: Truyện ngắn thế sự - đời tư trong sự vận động, phát
triển của văn học Việt Nam từ sau 1986
Chương 3: Điểm nhìn trần thuật, tổ chức tình huống và kết cấu
trong truyện ngắn thế sự - đời tư từ sau 1986
Chương 4: Ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật của truyện ngắn thế
sự - đời tư từ sau 1986
8
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa: “Truyện ngắn là tác phẩm tự sự
cỡ nhỏ. Nội dung của truyện ngắn bao trùm hầu hết các phương diện của đời
sống: đời tư, thế sự hay sử thi nhưng cái độc đáo của nó là ngắn. Truyện ngắn
được viết ra để tiếp thu liền một mạch, đọc một hơi không nghỉ” [94; tr.370].
Song hành cùng sự phát triển của xã hội, truyện ngắn là một trong
những thể loại có lịch sử phát triển lâu dài và phức tạp. Sự biến động của xã
hội qua từng thời kì lịch sử phát triển của loài người kéo theo sự vận động và
biến đổi của truyện ngắn thế giới nói chung, truyện ngắn Việt Nam nói riêng.
Từ đầu thế kỉ XX đến nay, truyện ngắn hiện đại Việt Nam có những thay đổi
theo hướng tích cực để thích ứng với sự đổi thay của thời đại, đặc biệt từ thời
kì sau 1986, nó đã chứng tỏ là một thể loại có khả năng dung hòa được với
nhịp sống hối hả và bao quát được những vấn đề đặt ra trong xã hội ngày nay.
1.1. Quan niệm chung về phương thức trần thuật trong truyện
ngắn thế sự - đời tư
1.1.1. Khái niệm truyện ngắn thế sự - đời tư
Do tác động của hoàn cảnh chiến tranh, nội dung ưu tiên hàng đầu trong
các tác phẩm văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 là những biến cố lịch sử
trọng đại, nhiệm vụ của đời sống chính trị. Khuynh hướng sử thi vì thế nổi lên
như một khuynh hướng tiêu biểu và duy nhất của văn học giai đoạn này. Sau
đổi mới, văn xuôi từng bước thoát ra khỏi áp lực của “chủ nghĩa đề tài” bằng
kinh nghiệm cá nhân đột phá vào các vùng hiện thực mới, chủ quan hóa cách
nhìn đối với những hiện thực vốn quen thuộc. Giá trị tác phẩm bây giờ không
còn phụ thuộc vào đề tài nữa mà do cách xử lí nghệ thuật của nhà văn quyết
định. Tương ứng với các mảng hiện thực lớn cùng cảm hứng sáng tác của nhà
văn là những khuynh hướng: sử thi, thế sự - đời tư và triết luận. Trong luận án
này, chúng tôi đặc biệt dành sự quan tâm đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu truyện
9
ngắn thế sự - đời tư, lí giải những nguyên nhân hình thành, phát triển và sức hút
mạnh mẽ của khuynh hướng này đối với các nhà sáng tác.
Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) định nghĩa thế sự là “việc
đời”. Theo cách hiểu khái quát đó truyện ngắn thế sự là truyện ngắn viết về
cuộc sống đời thường, về thế thái nhân tình, về con người của thực tại.
Những truyện ngắn viết theo khuynh hướng này chú ý khẳng định giá trị thẩm
mĩ của cái đời thường, khám phá mọi phức tạp, éo le và cả cái cao quý trên
hành trình đi tìm sự sống và hạnh phúc của con người. Thế sự làm cho truyện
ngắn giàu tính thời sự, mở rộng phạm vi phản ánh của hiện thực đời sống.
Đây là một thể tài đã có truyền thống trong lịch sử văn học dân tộc. Từ các
bậc đại thi hào xưa như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến đã
khéo léo đưa vào trong sáng tác của mình bức tranh xã hội đương thời với sự
thối nát của giai cấp thống trị và nỗi bi thương của những người dân nghèo
khổ. Khuynh hướng này chỉ bị chững lại những năm 1945 - 1975 do văn học
dành sự ưu tiên cho những tác phẩm mang khuynh hướng sử thi, phù hợp với
hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ. Sang đến giai đoạn 1975, cảm hứng này tiếp
tục được “phục sinh” và có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bàn về thế
sự là bàn đến các nội dung: đặc tả bức tranh hiện thực đời sống muôn mặt
(hiện thực lớn - cuộc sống lao động kiến thiết và khôi phục đất nước; hiện
thực nhỏ - cuộc sống hàng ngày của mỗi con người) đồng thời đặc sắc của
những sáng tác viết theo khuynh hướng này còn ở chỗ nó phát hiện ra những
khiếm khuyết trong cơ chế xã hội thời mở cửa, dóng lên hồi chuông cảnh báo
kịp thời qua những mảnh hiện thực bị cắt rời, nham nhở.
Đời tư hay đời sống cá nhân được hiểu là “cuộc sống của một cá nhân,
đặc biệt được xem như toàn bộ sự lựa chọn cá nhân góp phần nhận dạng tính
cách một người” (Theo Từ điển Wikipedia tiếng Việt). Truyện ngắn mang cảm
hứng đời tư là truyện ngắn về số phận con người cá nhân. Nó hướng đến đời
sống tinh thần phong phú, phức tạp của con người với những ham mê, dục
10
vọng thường tình, những khắc khoải về số phận, những cảm xúc gần gũi, đời
thường. Những tác phẩm thuộc khuynh hướng này thường lấy đề tài trực tiếp
từ đời sống hiện tại. Điểm tựa cho kết cấu không phải là các biến cố lịch sử
mà là những chuyện hàng ngày, những quan hệ nhân sinh muôn thuở, những
ứng xử có tính phổ biến hay đột biến của con người. Qua đó nhà văn săn tìm
ý thức về nhân cách. Con người cá nhân, có lẽ, đã xuất hiện trong các thi
phẩm của các thi nhân từ rất lâu và có thể xem giai đoạn 1930 - 1945 với sự
xuất hiện của phong trào Thơ mới đã đánh dấu sự thức tỉnh và ý thức về bản
thể mạnh mẽ nhất: “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất - Không có chi bè bạn
nối cùng ta” (Xuân Diệu). Giai đoạn 1945 - 1975 do hoàn cảnh đặc thù con
người cá nhân chìm khuất nhường chỗ cho con người cộng đồng, lịch sử gọi
tên những người anh hùng mang những nét đẹp thời chiến trận, sử thi phủ lên
các sáng tác văn học tấm áo choàng của lịch sử, số phận của mỗi cá nhân như
một lẽ tất yếu, trùng khít với số phận của cộng đồng. Câu hỏi “ta vì ai?” vì thế
được ưu tiên hàng đầu. Khi cuộc sống trở về nhịp quay bình thường như nó
phải có, văn học trở về với đời sống cá nhân đó là một quy luật tất yếu. Văn
học sau 1975 lấy con người làm tâm điểm soi chiếu lịch sử. Con người từ
điểm nhìn lí tưởng hóa được đặt vào điểm nhìn thế sự, đời tư. Dòng chảy đời
thường ở thời đại ý thức cá nhân phát triển tạo cho con người một diện mạo
mới; phong phú, phức tạp, nhiều bí ẩn và nhà văn trong nỗ lực khám phá,
chiếm lĩnh đời sống nhận ra mỗi cá thể là “một tiểu vũ trụ” không thể biết hết,
không thể biết trước. Để con người hiện diện với các quan hệ nhân sinh cụ
thể, nhiều chiều, đó là cách xử lí phổ biến. Con người đời thường với những
ẩn mật, khuất lấp hiện lên muôn màu muôn vẻ: thực trạng nhân tính suy thoái,
con người ham mê dục vọng tầm thường, con người chìm sâu vào hào quang
quá khứ... nhưng tiêu biểu và nổi bật hơn cả chính là con người tìm được cách
khẳng định giá trị tự thân của mình, nói khác đi là con người có giá trị tự thân.
Đây được xem như là một trong những phát hiện mang tính nhân bản về con
11
người của các nhà văn giai đoạn này.
Từ những điều đã trình bày ở trên có thể hiểu truyện ngắn thế sự - đời
tư là truyện ngắn viết về cuộc sống hàng ngày và số phận của mỗi con người
cá nhân trong dòng chảy vô thường ấy. Sáng tác theo khuynh hướng thế sự -
đời tư, người cầm bút xem cuộc sống hàng ngày đang diễn ra là đối tượng
sinh động và thú vị, số phận con người cá nhân là một đích đến của văn
chương. Nói cách khác, nó chứng tỏ tinh thần nhân bản và ý thức dân chủ của
nhà văn. Sự phát triển của khuynh hướng văn học này gắn với những thay đổi
trong quan niệm về đối tượng, chức năng của văn chương, những thay đổi
trong hứng thú sáng tác của nhà văn và tâm thế tiếp nhận của công chúng.
Thể tài này không phải đến văn học sau 1975 mới có mà nó đã manh nha hình
thành thậm chí có thời kì phát triển đạt được nhiều thành tựu trước đó. Tuy
nhiên sự vận động của thể tài truyện ngắn này thăng giáng theo nhịp chuyển
dời của lịch sử và để đến thời kì sau đổi mới, hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận
lợi, nó một lần nữa được phục hồi và hứa hẹn sẽ có những thành tựu đáng
mong đợi.
Trong luận án, chúng tôi sử dụng khái niệm truyện ngắn thế sự - đời tư
như một công cụ khảo sát diện mạo một thể loại văn học dưới góc nhìn thể
tài. Cho nên, truyện ngắn thế sự - đời tư trước hết cũng mang những đặc trưng
thi pháp của thể loại truyện ngắn, một thể loại tự sự hiện đại độc đáo. Thứ
nữa, nó khai thác thể tài thế sự - đời tư dưới một góc nhìn, cách tiếp cận riêng,
mang hơi thở của lịch sử, thời đại, những tìm tòi, sáng tạo và tư tưởng riêng
của nhà văn. Xét đến cùng, truyện ngắn thế sự - đời tư cũng là một loại hình
diễn ngôn tự sự gắn liền với thế giới quan, nhân sinh quan, sản phẩm của một
hình thái ý thức xã hội, lịch sử mà nền tàng là tinh thần dân chủ, nhân văn, đối
thoại, hoài nghi. Thực tế đây không hẳn là một khái niệm mới mà chúng tôi đi
nghiên cứu một thể loại trong tiến trình lịch sử văn học, chịu ảnh hưởng trong
các tiêu chí phân chia của trường phái Pospelov. Với khái niệm công cụ này,
12
chúng tôi sẽ có dịp tìm hiểu kỹ hệ thống thi pháp của thể tài truyện ngắn này
ở nhiều cấp độ, phương diện như trần thuật, kết cấu, ngôn ngữ, để thấy những
thành tựu, đóng góp, cả hạn chế, nhược điểm, nhưng quan trọng hơn là sự vận
động, phát triển của thể tài trong lịch sử văn học và sự sáng tạo của các nhà
văn đổi mới.
1.1.2. Quan niệm chung về phương thức trần thuật
Với bất cứ tác phẩm nào thuộc loại hình tự sự (truyện) thì trần thuật
luôn là yếu tố then chốt, phương diện cơ bản. Theo đó, trần thuật thường được
hiểu là “việc giới thiệu, khái quát, thuyết minh, miêu tả đối với nhân vật, sự
kiện, hoàn cảnh, sự vật theo cách nhìn của một người trần thuật nhất định”
[94; tr.364]. Cho nên, có thể nói rằng trần thuật chính là việc tổ chức tác
phẩm tự sự theo một điểm nhìn, cách nhìn nhất định. Trần thuật gắn liền với
tất cả các yếu tố trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm như bố cục, kết cấu,
tổ chức không gian, thời gian, ngôn ngữ, giọng điệu. Nó là một hệ thống tổ
chức phức tạp “nhằm đưa hành động, lời nói của nhân vật vào đúng vị trí của
nó để người đọc có thể lĩnh hội theo đúng ý định tác giả (mối quan hệ giữa
câu chuyện và cốt truyện)” [94; tr.364].
Việc trần thuật bao giờ cũng gắn với một người kể và điểm nhìn nhất
định. Một tác phẩm tự sự có thể được kể theo người kể chuyện ở ngôi thứ ba,
đứng ngoài quan sát, ngôi thứ hai hoặc ngôi thứ nhất, tự thuật. Điểm nhìn trần
thuật có thể thay đổi linh hoạt, đan cài, di chuyển, luân phiên trong một tác
phẩm. Có nhiều cách trần thuật gắn với người trần thuật như trần thuật ở ngôi
thứ ba khách quan, trần thuật theo ngôi thứ nhất do một nhân vật trong tác
phẩm đảm nhiệm, trần thuật bằng dòng ý thức, độc thoại nội tâm. Mỗi điểm
nhìn này gắn với một tọa độ không gian, thời gian tạo thành trường nhìn, thể
hiện cách nhìn, cách cảm, lập trường, tư tưởng của người trần thuật và của tác
giả. Mỗi sự thay đổi sẽ đem đến một sắc thái, bình diện miêu tả, tái hiện, hay
tái tạo thế giới khác nhau, đem đến cảm xúc, ý nghĩa đa tầng lớp. Ngoài ra,
13
cách thành phần trần thuật còn gồm không gian, thời gian, giọng điệu, ngôn
ngữ, tiết tấu, nhịp điệu… Những yếu tố này tương tác, kết hợp hài hòa tạo nên
cấu trúc trần thuật nghệ thuật trong tác phẩm tự sự. Tuy nhiên, hai yếu tố then
chốt liên quan đến phương thức trần thuật là người kể chuyện và điểm nhìn
trần thuật.
Người kể chuyện hiểu theo nghĩa đen chính là người kể câu chuyện cho
người đọc nghe. Đây là nhân vật trung tâm của tự sự vì trên danh nghĩa toàn
bộ văn bản tự sự là sản phẩm của họ tạo ra. Bản thân người kể chuyện với các
yếu tố về chỗ đứng, điểm nhìn, cách thức kể lại câu chuyện sẽ tác động mạnh
đến cấu trúc truyện kể cũng như mạch truyện trong tác phẩm. Người kể
chuyện có vị trí, vai trò đặc biệt trong nghệ thuật tự sự. Nó chính là một
phương diện quan trọng thể hiện chủ thể, bởi thái độ của người kể chuyện với
thế giới câu chuyện được kể thống nhất, hoặc ít nhất cũng thống nhất ở một
phần, một phương diện nào đó với quan điểm, với lập trường tư tưởng của tác
giả. Vì vậy, mỗi loại hình diễn ngôn tự sự đều phải xây dựng một người kể
chuyện đặc thù để kể câu chuyện mà chủ thể muốn gửi tới đối tượng tiếp
nhận. R.Barthes từng nói “tự sự là cái có thể chuyển ngữ được mà không phải
chịu một tổn hại cơ bản nào”, và vai trò chuyển ngữ ấy đặt lên người kể
chuyện, điểm khác biệt cơ bản của tác phẩm tự sự với một bài thơ trữ tình hay
một diễn ngôn triết học.
Trong hệ thống trần thuật của một diễn ngôn tự sự, mối liên hệ giữa các
yếu tố người kể chuyện - nhân vật - người nghe được thiết lập trong một
chỉnh thể của chiến lược giao tiếp thể loại. Mối quan hệ hoàn chỉnh của ba
yếu tố đã đặt ra một vấn đề khác gắn bó chặt chẽ với người kể chuyện - vấn
đề điểm nhìn. Mỗi nhân vật người kể chuyện bao giờ cũng gắn với một vị trí,
một chỗ đứng nhất định trong không, thời gian, trong mô hình cấu trúc truyện
kể của thể loại, tạo nên những điểm nhìn khác nhau. Như vậy, điểm nhìn nghệ
thuật gắn liền với người kể chuyện. Nó thể hiện rõ vị trí của người kể với câu
14
chuyện được kể, từ đó xác định quyền năng của người kể chuyện trong tác
phẩm. Do đó, điểm nhìn nghệ thuật gắn với cái nhìn của chủ thể, mối quan
tâm của anh ta với các vấn đề được kể, tạo ra cái nhìn nghệ thuật cho tác
phẩm. Mỗi điểm nhìn thể hiện một vai, vị thế phát ngôn nào đó của chủ thể.
Trong nghệ thuật tự sự, vấn đề điểm nhìn thuộc về các kỹ thuật, nguyên tắc tự
sự. Nó là một trong những vấn đề then chốt của kết cấu tác phẩm, “cung cấp
một phương diện để người đọc nhìn sâu vào cấu tạo nghệ thuật và nhận ra đặc
điểm phong cách ở trong đó” [94; tr.113]. Tuy nhiên, nhìn từ hệ hình cấu trúc
văn bản tự sự, nghệ thuật kể chuyện có ba điểm nhìn: điểm nhìn nhân vật,
điểm nhìn người kể chuyện và điểm nhìn của người đọc. Khi truyện kể trở
nên phức tạp hơn thì điểm nhìn thứ tư nảy sinh từ sự khác biệt rõ rệt giữa
người kể chuyện và tác giả.
Trong tác phẩm tự sự, điểm nhìn có ý nghĩa quan trọng, là yếu tố cơ
bản nhất tạo nên phương thức trần thuật của văn bản, là phương tiện để tổ
chức, kết cấu văn bản nghệ thuật. Do đó, dựa vào việc sử dụng điểm nhìn mà
người ta phân chia ra nhiều phương thức tự sự/ trần thuật khác nhau. Theo Từ
điển thuật ngữ văn học thì “phương thức trần thuật được cấu thành bởi sự
phối hợp giữa tiêu cự trần thuật và cách kể” [94; tr.267]. Tiêu cự trần thuật có
thể chia thành hai loại: trần thuật biết hết - điểm nhìn toàn tri vầ trần thuật
theo điểm nhìn nhân vật - điểm nhìn hạn tri. Còn tư cách kể gắn với người kể
chuyện nên có thể chia thành người kể lộ diện (kể theo ngôi thứ nhất) hoặc
người kể ẩn tàng (kể theo ngôi thứ ba hoặc ngôi thứ hai).
Có rất nhiều quan niệm chia phương thức trần thuật thành nhiều loại
hình khác nhau. Song trên những điểm dị biệt vẫn có nét đại đồng là chủ yếu
dựa vào cách kể ở ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, gắn với cái nhìn toàn tri và
hạn tri, người kể lộ diện và ẩn tàng. Theo đó, nhìn chung, chúng ta có thể chia
thành một số phương thức sau:
1. Kể theo ngôi thứ ba, khách quan, người kể biết hết, tiêu cự bằng không.
15
2. Kể theo ngôi thứ ba, người kể biết hết, có bình luận.
3. Kể theo ngôi thứ ba, chủ quan do vận dụng điểm nhìn của nhân vật
(tiêu cự bên trong).
4. Kể theo ngôi thứ nhất của người kể bàng quan, đứng ngoài.
5. Kể theo ngôi thứ nhất có bình luận.
6. Kể theo ngôi thứ nhất mang điểm nhìn của người trong cuộc [94;
tr.267-268].
Bản thân sự phân chia thành các phương thức trần thuật trên đây đã thể
hiện quá trình vận động, phát triển của thể loại tự sự trong lịch sử văn học.
Khảo sát nghệ thuật tự sự trong tiến trình văn học chúng tôi nhận thấy phương
thức trần thuật theo ngôi thứ ba xuất hiện khá sớm, từ trong văn học dân gian
và trung đại, còn phương thức trần thuật theo ngôi thứ nhất, từ điểm nhìn bên
trong xuất hiện muộn hơn, bắt đầu từ các tác phẩm văn học hiện đại. Ngay
trong cùng một phương thức trần thuật theo ngôi thứ ba thì các tác phẩm tự sự
dân gian, trung đại chủ yếu theo các phương thức 1 và 2, phương thức 3 đến
thời cận, hiện đại mới có. Bởi chỉ khi xuất hiện ý thức cá nhân mạnh mẽ, rõ
rệt, biểu hiện trực tiếp, cụ thể thì điểm nhìn bên trong mới được sử dụng trong
nghệ thuật tự sự, để kể truyện đời và truyện của mình bằng góc nhìn, kinh
nghiệm, tư tưởng của cá nhân. Khái niệm “tiêu cự” trong phương thức trần
thuật giúp khu biệt được đặc trưng của từng thời kỳ, giai đoạn văn học khác
nhau có cùng một hình thức trần thuật: ví dụ như việc trần thuật theo ngôi thứ
ba trong văn học trung đại và hiện đại.
1.1.3. Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, đời tư
Tìm hiểu phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư, chúng
tôi vẫn sử dụng khái niệm phương thức trần thuật và các hình thức phương
thức trần thuật của tự sự nói chung. Tuy nhiên, khảo sát một thể loại tự sự cỡ
nhỏ là truyện ngắn, gắn với thể tài thế sự - đời tư trong bối cảnh văn học Việt
Nam những năm đổi mới (từ sau 1986), chúng tôi xem xét những phương
16
thức trần thuật đặc trưng được sử dụng, lý giải cặn kẽ hơn về các phương thức
trần thuật đó. Từ đó, chúng tôi sẽ bước đầu nhận diện đặc trưng thể loại gắn
với thể tài sẽ chi phối đến hệ thống thi pháp, ngôn ngữ nghệ thuật, mà với tự
sự thì quan trọng bậc nhất vẫn là trần thuật, sự kể, cách kể, chiến lược kể.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mở rộng khảo sát, tìm hiểu mọi yếu tố chi
phối đến các phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư như tình
huống/ sự kiện, kết cấu, ngôn ngữ, giọng điệu… để có cái nhìn toàn tri, đa
chiều, thấu đáo, đặt phương thức trần thuật trong chỉnh thể tổ chức nghệ thuật
của tác phẩm tự sự. Do đó, khái niệm phương thức trần thuật của truyện ngắn
thế sự - đời tư được hiểu linh động, mang tính chất công cụ như một cách tiếp
cận thể loại văn học này trong giai đoạn văn học đổi mới. Từ đó, chúng tôi đi
khu biệt, chỉ ra những đặc điểm riêng, mang tính đặc thù trong nghệ thuật trần
thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư với các kiểu thể tài khác như lịch sử, khu
biệt trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư trong giai đoạn văn học đổi mới
sau 1986 với truyện ngắn nói riêng và các thể loại tự sự nói trong trong giai
đoạn văn học sử thi 1945-1975.
Vì thế, chúng tôi không định nghĩa duy danh hay đưa ra khái niệm mới.
Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư là yếu tố hạt nhân, đặc
trưng nổi bật để chúng tôi tìm hiểu, khảo sát, diễn giải và tái hiện một phần
diện mạo của thể loại trong sự vận động của một giai đoạn văn học có nhiều
biến đổi mang tính bước ngoặt. Và việc đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu các
phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư thời kỳ từ sau 1986 đến
nay cũng là một cách thay đổi tọa độ, điểm nhìn, phương pháp tiếp cận các
hiện tượng trong lịch sử văn học: không đi theo lối mòn của lý thuyết phản
ánh mà tìm hiểu bề sâu cấu trúc thể loại trong sự phát triển, thay đổi. Do đó,
trần thuật là một cách thức đặc sắc, đặc thù và hữu dụng nhất để tái tạo hiện
thực trong các truyện ngắn, thể loại vẫn được coi là khái quát thế giới từ một
lát cắt, khoảnh khắc.
17
1.2. Tình hình nghiên cứu phương thức trần thuật trong văn xuôi
Việt Nam từ sau 1986
Vào những năm đầu của thế kỉ XX, phương thức trần thuật trong các
tác phẩm tự sự đã được giới nghiên cứu nước ta quan tâm và chú ý. Theo cách
hiểu truyền thống mà Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa, phương thức trần
thuật được hiểu là: “Phương thức trần thuật được cấu thành bởi sự phối hợp
giữa tiêu cự trần thuật và tư cách kể. Tiêu cự trần thuật có thể chia thành hai
loại: trần thuật biết hết và trần thuật theo điểm nhìn nhân vật. Tư cách kể có
thể chia thành người kể lộ diện (kể theo “ngôi thứ nhất”) hoặc người kể ẩn
tàng (kể theo “ngôi thứ ba” hoặc “ngôi thứ hai”). Hai yếu tố này kết hợp với
nhau tạo thành các phương thức tự sự khác nhau theo quan điểm của từng
chuyên gia...” [94; tr.267]. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu chúng tôi
thấy phương thức trần thuật được phát triển theo nghĩa rộng hơn chứ không
chỉ bó hẹp trong khuôn khổ của “ngôi kể” mà Từ điển thuật ngữ văn học đã
nêu. Khái niệm phương thức trần thuật mà chúng tôi sử dụng là một phương
diện cơ bản của tự sự, bao gồm rất nhiều vấn đề liên quan đến tổ chức và cấu
trúc một văn bản. Ở đây, chúng tôi bước đầu ghi nhận một số xu hướng nghệ
thuật trần thuật của truyện ngắn đương đại như sau: sự đa dạng hóa điểm nhìn
trần thuật; sự gia tăng hình thức trần thuật từ ngôi thứ nhất; ngôn ngữ trần
thuật giàu chất hiện thực đời thường; nhịp điệu trần thuật nhanh, tính thông
tin cao; truyện ngắn vận dụng nhiều hình thức trần thuật, trong đó tính chất đa
thanh của giọng điệu trần thuật biểu hiện ở sự đan cài các giọng điệu khác
nhau. Khác với văn học các giai đoạn trước, ta sẽ bắt gặp trong truyện ngắn từ
sau 1986 đến nay những chất giọng đặc biệt, đặc trưng như: giọng điệu mỉa
mai, châm biếm, giọng điệu hoài nghi bên cạnh những chất giọng truyền
thống như giọng khách quan, giọng ngợi ca,...
Trong lí thuyết tự sự học thì phương thức trần thuật là một phạm trù
nghiên cứu khá phức tạp. Nó bắt đầu manh nha từ chủ nghĩa hình thức Nga,
18
ngôn ngữ học Saussure, trường phái Praha, trường phái Tân Aristotle, triết
học phân tích, kí hiệu học, hậu cấu trúc chủ nghĩa...
Vào những năm 1960 - 1970 ở Pháp được ghi nhận là mốc thời gian
đánh dấu lĩnh vực nghiên cứu về tự sự học. Là một phương diện cơ bản của
loại hình tự sự, việc tìm hiểu phương thức trần thuật giúp chúng ta hiểu được
phương diện cấu trúc của tác tác phẩm. Về bản chất, đó là việc giới thiệu khái
quát, miêu tả đối với một sự kiện, hoàn cảnh và nhân vật theo cách nhìn của
một người trần thuật nhất định.
Nghệ thuật trần thuật là một hiện tượng lý thuyết khá phức tạp cần
nhiều sự kiến giải thỏa đáng. Từ thế kỉ XIX về trước thường xuất hiện trong
văn bản tự sự là kiểu trần thuật khách quan, do một người trần thuật “toàn tri”
kể theo ngôi thứ ba. Bắt đầu sang thế kỉ XX ghi nhận thêm kiểu trần thuật
theo ngôi thứ nhất xưng “tôi” kể chuyện mình hoặc chuyện mà mình được
chứng kiến.
Phương thức trần thuật là một hệ thống phức tạp gồm nhiều thành phần
nhưng do điều kiện thời gian và giới hạn của đề tài nên chúng tôi sẽ tìm hiểu
nghệ thuật tổ chức trần thuật ở các phương diện và hình thức trần thuật như:
ngôi kể và điểm nhìn trần thuật; cách tổ chức tình huống, kết cấu; ngôn ngữ
và giọng điệu trần thuật.
Phương thức trần thuật là một vấn đề quan trọng của lý thuyết tự sự đã
và đang thu hút và nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong và
ngoài nước. Ở đây, trong công trình nghiên cứu này, chúng tôi xin được đề
cập đến một vài công trình nghiên cứu của các lí thuyết gia nổi tiếng có ý
nghĩa định hướng về mặt lí thuyết đối với công trình của chúng tôi.
Một số nghiên cứu ngoài nước
Trước hết, ở nước ngoài, người có công đầu trong việc nghiên cứu nghệ
thuật tự sự phải kể đến là P.Lubbock, một nhà nghiên cứu người Anh. Trong
tác phẩm Nghệ thuật văn xuôi, ông đã đưa ra bốn hình thức trần thuật cơ bản.
19
Hình thức trần thuật thứ nhất có tên gọi: “toát yếu toàn cảnh” có đặc điểm là
sự xuất hiện của người trần thuật toàn tri, có quyền quyết định số phận các
nhân vật của mình. Hình thức trần thuật thứ hai có tên gọi là: “người trần
thuật kịch hóa” có đặc điểm người trần thuật đứng ở ngôi thứ nhất xưng “tôi”
kể lại câu chuyện mà mình được chứng kiến hoặc chính bản thân mình đã trải
qua. Hình thức trần thuật thứ ba có tên gọi: “ý thức kịch hóa” cho phép miêu
tả đời sống nội tâm phức tạp, sự giao tranh những xúc cảm tâm lí của nhân
vật. Cuối cùng là hình thức trần thuật thứ tư có tên: “kịch thực thụ” gần với
trình diễn sân khấu bởi vì ở đây trần thuật được đưa ra dưới dạng một cảnh
diễn trên sân khấu, người đọc chỉ có thể thấy được nhân dạng và các cuộc đối
thoại của nhân vật mà không hiểu gì về đời sống nội tâm. Và trong quan niệm
của mình, P.Lubbock coi hình thức trần thuật này là hình thức hoàn hảo nhất.
N.Fridman trong tác phẩm Điểm nhìn trong tiểu thuyết đã đưa ra một
sự phân loại tương đối chi tiết về người kể chuyện. Thứ nhất là hình thức
người kể chuyện “toàn năng biên tập”, người kể chuyện xuất hiện trong vai
“nhà xuất bản - nhà biên tập”, họ biết tất cả và có khả năng xâm nhập vào câu
chuyện dưới dạng những trao đổi về cuộc sống, phong tục và đạo đức. Thứ
hai là hình thức người kể chuyện “toàn năng trung tính”, không có sự can
thiệp trực tiếp của người kể chuyện. Thứ ba là hình thức trần thuật “tôi là
nhân chứng”, người kể chuyện kể từ ngôi thứ nhất, là một nhân vật trong
truyện nhưng không tham gia vào câu chuyện mà chỉ hiểu biết ít ỏi về các
nhân vật. Hình thức trần thuật thứ tư là hình thức “tôi là vai chính”, người kể
chuyện là nhân vật chính trong câu chuyện. Thứ năm là hình thức trần thuật
“toàn năng cục bộ đa bội”, người kể chuyện đứng bên ngoài câu chuyện, căn
cứ vào điểm nhìn của nhiều nhân vật để kể chuyện. Thứ sáu là hình thức trần
thuật “toàn năng cục bộ đơn bội”, người kể chuyện đứng bên ngoài và dựa
vào điểm nhìn của một nhân vật trong truyện để kể. Thứ bảy là hình thức trần
thuật theo “mô thức kịch” và cuối cùng là trần thuật theo kiểu “camera”. Ở
20
hai hình thức sau này hầu như người kể chuyện chỉ khách quan ghi lại các sự
việc, hiện tượng mà không tỏ bất cứ một thái độ chủ quan nào.
Pospelov, một nhà nghiên cứu Liên Xô trong cuốn Dẫn luận nghiên
cứu văn học cũng bàn về vị trí người trần thuật trong nghệ thuật trần thuật đã
phát biểu: “Trần thuật tự sự bao giờ cũng được tiến hành từ phía một người
nào đó. Trong sử thi, tiểu thuyết, cổ tích, truyện ngắn trực tiếp hay gián tiếp
đều có người trần thuật” [136; tr.88]. Theo Pospelov thì “người trần thuật là
loại người môi giới các hiện tượng được miêu tả và người nghe hoặc người
đọc là người chứng kiến và người cắt nghĩa các sự việc xảy ra”. Ở đây,
Pospelov đã đặc biệt quan tâm đến vai trò của người kể chuyện trong nghệ
thuật trần thuật. Ông cũng cho rằng có hai kiểu người trần thuật phổ biến:
“Hình thức thứ nhất của miêu tả tự sự là trần thuật từ ngôi thứ ba không nhân
vật hóa mà đằng sau là tác giả. Nhưng người trần thuật cũng hoàn toàn có thể
xuất hiện trong tác phẩm dưới hình thức một cái “tôi” nào đó” [136; tr.88].
Một số nghiên cứu trong nước
Bên cạnh các nhà nghiên cứu nước ngoài, các nhà nghiên cứu trong
nước cũng dành sự quan tâm đến nghệ thuật trần thuật . Trong cuốn Tự sự học
tập 1, Lại Nguyên Ân với bài viết “Về việc mở ra môn Trần thuật học trong
ngành nghiên cứu văn học ở Việt Nam” đã đồng nhất trần thuật học với tự sự
học và cho rằng: “Thực chất hoạt động trần thuật là kể, là thuật; cái được
thuật, được kể, trong tác phẩm văn học tự sự là chuyện” [141; tr.132] và
“Trần thuật học hiện đại quan niệm tác phẩm nghệ thuật như một hiện tượng
giao tiếp nghệ thuật” [141; tr.139].
Trần Đình Sử trong Từ điển thuật ngữ văn học đã đưa ra ý kiến khá hệ
thống và sâu sắc về vấn đề này. Nhà nghiên cứu cho rằng: “Người trần thuật
là một nhân vật hư cấu hoặc có thật, mà văn bản tự sự là do hành vi ngôn ngữ
của anh ta tạo thành” [94; tr.221]. Ông chỉ ra năm chức năng của người trần
thuật: “1) chức năng kể chuyện, trần thuật; 2) chức năng truyền đạt, đóng vai
21
một yếu tố của tổ chức tự sự; 3) chức năng chỉ dẫn, thuộc phương pháp trần
thuật; 4) chức năng bình luận; 5) chức năng nhân vật hóa” [94; tr.223]. Nhà
nghiên cứu còn phân biệt người trần thuật với bản thân tác giả: “trong trần
thuật viết phi văn học (như báo chí, lịch sử), người trần thuật nói chung đồng
nhất với tác giả. Nhưng trong tác phẩm trần thuật mang tính chất văn học thì
người trần thuật lại khác, nó bị trừu tượng hóa đi, trở thành một nhân vật hoặc
ẩn hoặc hiện trong tác phẩm tự sự” [94; tr.222].
Trong Tự sự học tập 2, Phương Lựu lại đưa ra vấn đề về phân loại góc
nhìn trần thuật. Ông cho rằng “góc nhìn (perspective), cũng nhiều khi được
gọi là điểm nhìn (point of view), theo thu hoạch còn hạn hẹp vốn có của
chúng tôi, thì có ba loại khác nhau. Một là “góc nhìn hiểu biết” rất biến hóa,
có mặt khắp nơi, hầu như không bị hạn chế nào, thí dụ trong Hội chợ phù hoa
của W.M.Thackeray. Hai là “góc nhìn bên trong” tức là nhìn theo tri thức, tư
tưởng, tình cảm của một hay nhiều nhân vật để trần thuật một sự kiện hay
toàn bộ câu chuyện. Ba là “góc nhìn bên ngoài” là góc nhìn không phải của
bất cứ nhân vật nào trong truyện, gần giống với loại một, nhưng không đi sâu
biểu hiện tư tưởng, tình cảm, nội tâm v.v..., mà chỉ tả hoặc kể lại sự kiện hoặc
ngôn ngữ, cử chỉ, hành động, ngoại hình và hoàn cảnh của nhân vật trong
truyện như Rặng đồi tựa đàn voi trắng của Hemingway” [143; tr.190]. Như
vậy, nhà nghiên cứu đã chỉ ra một phương diện trong nghệ thuật trần thuật đó
là điểm nhìn trần thuật.
Trần Huyền Sâm cũng trong cuốn chuyên luận này có bài viết “Kiểu tự
sự đánh tráo chủ thể trần thuật trong tiểu thuyết hậu hiện đại”, Trần Mạnh
Tiến có bài “Nghệ thuật trần thuật trong một số tự truyện tiêu biểu giai đoạn
1930 – 1945”, Nguyễn Việt Hà có bài “Hoạt lực trần thuật trong tiểu thuyết
Tình ơi là tình của Elfied Jelinek”... Các nhà nghiên cứu này lần lượt đưa ra
những cách hiểu của mình về lí thuyết trần thuật.
Như vậy qua sự trình bày ở trên, có thể thấy rằng các nhà nghiên cứu
22
trong và ngoài nước đều rất quan tâm đến nghệ thuật trần thuật. Chúng tôi
nhận thấy những ý kiến trên đều đi đến sự nhất quán khi cho rằng có hai kiểu
người trần thuật: trần thuật ngôi thứ nhất và trần thuật ngôi thứ ba. Nhìn
chung, các nhà nghiên cứu tỏ ra quan tâm nhiều đến người kể chuyện còn
phương thức trần thuật biểu hiện ra sao thì chưa có công trình nghiên cứu nào
chỉ ra một cách hệ thống và cụ thể.
Luận án của chúng tôi trước hết xác định vai trò của phương thức trần
thuật trong tác phẩm tự sự. Chúng tôi quan niệm trần thuật trong truyện ngắn
là một phương diện thuộc đặc trưng thi pháp thể loại. Trần thuật tồn tại với
nội dung trần thuật và hình thức trần thuật. Theo chúng tôi, phương thức trần
thuật trong văn chương có quan hệ mật thiết, chịu sự chi phối của nội dung
phản ánh, kiểu nhân vật. Phương thức trần thuật ấy là một hệ thống bao gồm
nhiều phương diện đó là: điểm nhìn trần thuật, tổ chức tình huống, kết cấu,
ngôn ngữ, giọng điệu...
Về phương thức trần thuật của truyện ngắn giai đoạn từ sau 1986 cho
đến nay từng có khá nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu. Các ý kiến thường
tập trung đánh giá về một hay một vài phương diện nghệ thuật. Bích Thu
trong bài “Những thành tựu của truyện ngắn sau 1975” cho rằng: “Trong một
thời gian không dài truyện ngắn đã làm được nhiều vấn đề mà tiểu thuyết
chưa kịp làm, đã tạo ra nhiều phong cách sáng tạo có giọng điệu riêng. Xét
trong hệ thống chung của các loại hình văn xuôi, nghệ thuật truyện ngắn đã
đạt được những thành tựu đáng kể trong nghệ thuật xây dựng cốt truyện, trong
cách nhìn nghệ thuật về con người và trong sáng tạo ngôn từ” [219]. Theo nhà
nghiên cứu, truyện ngắn “có xu hướng tự nới mở, đa dạng hơn trong cách
thức diễn đạt... Có sự tác động, hòa trộn giữa ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ
người kể chuyện” [219]. Biện giải về điều này theo nhà nghiên cứu là do
những biến động xảy ra trong đời sống xã hội, yêu cầu của thời đại, sự thay
đổi ý thức thẩm mỹ của cả nhà văn và độc giả.
23
Nguyễn Văn Long trong cuốn Văn học Việt Nam sau 1975 - Những vấn
đề nghiên cứu và giảng dạy khẳng định: “từ bỏ sự áp đặt một quan điểm được
cho là đúng đắn nhất vì đó là quan điểm của cộng đồng, ngày nay người viết
có thể đưa ra nhiều quan điểm khác nhau, chính kiến khác nhau. Để làm được
điều đó, cách tốt nhất là chuyển dịch điểm nhìn vào nhiều nhân vật để mỗi
nhân vật có thể tự nói lên quan điểm, thái độ của mình và để cho các ý thức
cùng có quyền phát ngôn, cùng đối thoại” [110; tr.20]. Bên cạnh đó là “sự
thay đổi vai kể, cách đưa truyện lồng trong truyện, sự đảo ngược và xen kẽ
vào các tình tiết, sự việc không theo một trật tự thời gian duy nhất” [110,
tr.20] là những nét mới trong nghệ thuật biểu hiện.
Cùng quan tâm tới hình thức biểu hiện của truyện ngắn, Thái Phan
Vàng Anh qua bài nghiên cứu “Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn đương
đại” đã chỉ ra những đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ truyện ngắn đương đại,
đó là tính chất hiện đại, tính chất văn hóa vùng miền và tính chất đa thanh. Từ
việc đi nghiên cứu ngôn ngữ trong truyện, tác giả đã phác họa những nét khá
cơ bản về diện mạo của truyện ngắn thời kì sau đổi mới đến nay.
Hỏa Diệu Thúy thông qua bài viết “Sự vận động của truyện ngắn Việt
Nam sau 1975 qua những cách tân về hình thức” đã mang đến một cái nhìn
khái quát về những nỗ lực cách tân nhằm đổi mới thể loại của nhiều cây bút
truyện ngắn. Theo nhà nghiên cứu, về mặt hình thức, truyện ngắn Việt Nam
sau 1975 có những thay đổi ở các phương diện như: tổ chức cốt truyện, trần
thuật và ngôn ngữ và khẳng định giai đoạn sau 1975 “là giai đoạn mà truyện
ngắn Việt Nam có dạng thức thể loại phong phú và đa dạng nhất so với từ trước
đến giờ với các dạng thức tiêu biểu: truyện cực ngắn, truyện ngắn ngắn, truyện
siêu ngắn (truyện mi ni); truyện trong truyện và truyện liên hoàn; truyện giả thể
loại (giả ngụ ngôn, giả cổ tích, giả truyền thuyết, giả truyền kỳ)” [226].
Lê Hương Thủy trong “Một góc nhìn truyện ngắn 2008” nhận định:
“Thực tế cho thấy trong năm vừa qua, số lượng các tập truyện ngắn được in ra
24
rất nhiều. Theo thống kê chưa thật đầy đủ thì số các tập truyện ngắn của từng
tác giả in và lưu chiểu ở Thư viện Quốc gia năm 2008 lên đến 50 đầu sách” và
“một số cây bút vẫn tiếp tục xu hướng cách tân, đổi mới lối viết” [227].
Lý Hoài Thu khi tổng kết sự vận động của các thể loại văn xuôi trong
thời kì đổi mới đã có những kiến giải: “Bên cạnh tiếu thuyết, truyện vừa và
truyện ngắn (trung thiên tiểu thuyết và đoản thiên tiểu thuyết) trong các thập
niên qua phát triển mạnh mẽ, có thể gọi là rực rỡ. Không phải ngẫu nhiên mà
người ta gọi đây là thời kì “lên ngôi” của truyện ngắn. Điều này hoàn toàn có
thể cắt nghĩa được bởi trong nhịp độ của đời sống công nghiệp hiện đại, dưới
sức ép từ phía các phương tiện nghe nhìn, truyện ngắn đã phát huy được ưu
thế của mình một cách hiệu quả” [222].
Phùng Gia Thế trong bài viết “Dấu ấn hậu hiện đại trong văn học Việt
Nam sau 1986” đã bày tỏ quan điểm của mình: “Sự đa dạng và dịch chuyển
liên tục điểm nhìn nghệ thuật, không có nhân vật trung tâm, lý tưởng; sự vặn
gẫy vai nhân vật và vai tính cách trong hình tượng; vô số các hình tượng nhại;
nhiều kết thúc; có thể “tháo dỡ” được; sự chuyển dịch, pha trộn làm đứt gãy
những giới hạn thể loại truyền thống; một “cuộc chơi” thể loại, kiểu truyện
ngắn - tư liệu, truyện ngắn - nhật kí, truyện ngắn - dòng ý thức, truyện ngắn -
chân dung” [217].
Ở một bài viết khác, Nguyễn Thành nhận định: Truyện ngắn đương đại
đang diễn ra sự thay đổi thi pháp thể loại, trong đó “một số nhà văn đương đại
thường sử dụng lối kết cấu lắp ghép, phân mảnh. Kiểu kết cấu này dựa trên kĩ
thuật lắp ghép (collage) của nghệ thuật điện ảnh” và “hình thức truyện lồng
truyện được nhiều nhà văn đương đại sử dụng” [216]. Ngoài sự đổi mới kết
cấu, các nhà văn hiện nay còn thay đổi cách thức trần thuật bằng cách “lựa
chọn hai phương thức trần thuật từ ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba” và “các nhà
văn đương đại thường vận dụng tối đa sự luân phiên điểm nhìn trong cùng
một tác phẩm để tạo cho cái thế giới được viết ra đa thanh, phức hợp” [216].
25
Bên cạnh đó, một số bài viết trong những năm gần đây lại hướng sự
chú ý của mình về sáng tác của thế hệ nhà văn mới thuộc thế hệ 198x. Lối viết
“lạ” cùng với sự cách tân tiến dần đến hậu hiện đại đã góp phần không nhỏ
trong việc đổi mới nghệ thuật trần thuật.
Bùi Thị Quỳnh Biển qua bài viết “Đặc điểm ngôn ngữ trong truyện ngắn
của thế hệ (nhà văn) 198x”, đã chỉ ra một số những hướng thay đổi trong ngôn
ngữ truyện ngắn đương đại. Tác giả đã chỉ ra sự tác động qua lại của bối cảnh xã
hội đã thúc đẩy các nhà văn trẻ không ngừng nỗ lực làm mới cách viết của mình.
Tiếp theo Trần Quang Thưởng với bài “Truyện ngắn 198x, những
thành tựu bị bỏ lỡ” đã nhấn mạnh những điều sau: “Những đóng góp của
truyện ngắn 198x là khá đáng kể. Đó là việc mở rộng phạm vi, quan niệm về
thể loại bằng cách tạo ra sự kéo dãn dung lượng trang viết, gia tăng hàm
lượng hiện thực được phản ánh, tạo ra sự hỗn dung thể loại bằng cách cho
phép thâm nhập vào truyện ngắn hình bóng của tiểu thuyết, thậm chí được
phân chia chương hồi một cách khá mạch lạc. Bên cạnh việc kéo dãn dung
lượng là một phép ngược lại: co hẹp dung lượng truyện, mỗi truyện ngắn co
khi chỉ gồm 1 hoặc 2 trang in. Sự khẳng định bản ngã hiện sinh của các nhà
văn thế hệ 198x được thể hiện bởi việc chủ yếu sử dụng điểm nhìn hiện tại.
Ngôn ngữ truyện ngắn là thứ ngôn ngữ đậm chất đời thường, thậm chí là thứ
ngôn ngữ chát, ngôn ngữ blog đang ngổn ngang, trần trụi” [229] .
Nguyễn Hoài Thu qua bài viết “Truyện ngắn 8x - một thái độ sống và
sáng tạo” đã cho rằng: “Những truyện ngắn 8x có phần non nớt, vụng dại
trong cách nghĩ cũng như trong cách viết. Nhưng chính trong các sáng tác đó
các cây bút lại tỏ ra dày dặn, tỏ ra trải nghiệm, tỏ ra hiểu biết về cuộc đời,
nhân thế, về những quy luật sáng tạo văn chương và kỹ thuật ngôn từ” [221].
Ngoài ra, trong những năm gần đây, nhiều luận văn, luận án khoa học
cũng đề cập đến vấn đề đổi mới thi pháp thể loại truyện ngắn đương đại ở
nhiều khía cạnh khác nhau. Có thể kể tên các tác giả luận văn tiêu biểu như
26
Lê Thị Thanh Huyền với Ý thức về nhịp điệu trong một số tiểu thuyết Việt Nam
thời đổi mới, Lưu Thị Thu Hà với Sự vận động của truyện ngắn Việt Nam từ
1986 đến nay, nhìn từ góc độ hình thức thể loại, Nguyễn Thị Minh Nguyệt với
Nghệ thuật kết cấu trong truyện ngắn Nguyễn Khải, Vũ Đình Phùng với Tìm
hiểu nghệ thuật tổ chức cốt truyện trong truyện ngắn đương đại (qua truyện
ngắn Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Huy Thiệp), Một số vấn đề đổi mới thi pháp
thể loại trong truyện ngắn Việt Nam đương đại của Trần Thanh Việt, Nghệ thuật
trần thuật truyện ngắn Việt Nam đầu thế kỉ XX (1900 - 1932) của Hoàng Thị
Thu Giang, nghiên cứu sinh Hoàng Dĩ Đình với đề tài Ngôn ngữ trần thuật trong
truyện ngắn Việt Nam sau 1975 (Trên tư liệu truyện ngắn ba nhà văn nữ:
Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Võ Thị Hảo)...
Các luận văn, luận án trên đã đề cập đến vấn đề đổi mới thi pháp thể
loại truyện ngắn thông qua việc đi sâu tìm hiểu các kiểu cốt truyện và kết cấu
mang tính cách tân như cốt truyện phân mảnh, cốt truyện có cấu trúc lỏng, cốt
truyện đảo lộn thời gian sự kiện, kết cấu tâm lý, kết cấu mở. Trong những
công trình này, các tác giả cũng đề cập đến sự thay đổi giọng điệu, sự lên ngôi
của giọng giễu nhại, giọng hài hước, giọng chiêm nghiệm...; đề cập đến tác
động của việc tổ chức không gian với việc hình thành tính cách nhân vật.
Kế thừa, tiếp thu những thành quả nghiên cứu nói trên, chúng tôi thực
hiện đề tài: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư trong văn
học Việt Nam từ sau 1986, chúng tôi hi vọng qua cách tiếp cận, phân tích,
đánh giá của mình sẽ góp thêm một tiếng nói khiêm tốn khẳng định những giá
trị, thành tựu của mảng truyện ngắn thế sự - đời tư trong dòng chảy chung của
văn học Việt Nam.
1.3. Tình hình nghiên cứu phương thức trần thuật của truyện ngắn
thế sự - đời tư từ sau 1986
27
Sau 1986, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng “cởi trói” cho văn nghệ,
các văn nghệ sĩ cũng đã tự tìm cách cởi trói cho chính mình. Mảng hiện thực
đổ vỡ của thời chiến tranh nhường chỗ cho hiện thực phồn tạp của thời hậu
chiến. Những mảng màu tranh tối tranh sáng của cuộc sống hiện thời cần
ngòi bút khám phá, thể hiện của người nghệ sĩ tài hoa hơn bao giờ hết. Nếu
như giai đoạn trước 1975 hiện thực là cái đã biết trước thì sang giai đoạn
này, hiện thực lại là cái chưa thể biết trước và không thể biết hết. Nhà văn
giai đoạn trước 1975 là những nhà tiên tri trong tác phẩm của mình, họ có
quyền quyết định số phận của nhân vật đồng thời đưa ra những dự đoán
chính xác về sự phát triển của nhân vật trong hiện thực “hoàn nguyên” ấy.
Sau 1986, cùng với sự mở rộng biên độ của cái nhìn, hiện thực lúc này đây
không còn là một hiện thực duy nhất, rộng lớn, có thể đoán định mà là
những gì không còn nguyên phiến, thậm chí bị cắt rời nham nhở. Đó có thể
là một không gian bé nhỏ: khu phố, trong căn nhà thậm chí căn phòng bé
mọn... Ở đó, con người cá nhân được mặc sức sống đúng với bản ngã của
chính mình. Nhà văn chỉ đóng vai trò là người kể chuyện, đôi khi tham gia
vào câu chuyện nhưng anh ta không có vai trò quyết định số phận nhân vật
hay phán truyền một chân lí nào cả. Anh ta chỉ đưa ra định hướng và kêu gọi
nhân vật, bạn đọc đối thoại cùng với mình.
Người ta nói nhiều đến sự khuôn hẹp của đề tài những năm đất nước
phải oằn mình chống chọi trong đạn bom. Những năm tháng ấy là sự lên ngôi
của “chủ nghĩa” đề tài. Những tác phẩm được ghi nhận và được công chúng
hồ hởi đón nhận phải là những sáng tác viết về hiện thực chiến tranh, kêu gọi
và cổ vũ tinh thần chiến đấu; những tác phẩm ngợi ca người anh hùng dân tộc,
những cá nhân kiệt xuất góp phần đưa đất nước thoát khỏi cảnh mưa bom bão
đạn... Những tác phẩm viết về cái bi sẽ không có chỗ đứng trong hoàn cảnh
như vậy, nó sẽ bị người ta lạnh lùng gạt phắt. Khuynh hướng sử thi với giọng
điệu ngợi ca hiện thực và con người trở thành khuynh hướng chủ đạo của văn
28
học giai đoạn này. Sự đổ bóng của nó xuống các sáng tác thông qua việc tái
hiện lại lịch sử với những người anh hùng đại diện cho tinh thần quyết chiến
quyết thắng của cả dân tộc (Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành, Mảnh trăng
cuối rừng - Nguyễn Minh Châu...).
Văn xuôi sau 1986 từng bước thoát khỏi từ trường của chủ nghĩa “đề
tài’, thay vào đó là sự mở đường để tìm tòi những vùng hiện thực mới và đi
vào đời sống cá thể của mỗi con người. Những năm đầu sau đổi mới, dư âm
của hai cuộc chiến tranh vệ quốc vẫn còn cho nên đâu đó trong văn xuôi vẫn
còn có những nhà văn miệt mài theo đuổi khuynh hướng sử thi như một cách
để ngợi ca và vãn hồi quá khứ. Tuy nhiên, từ những năm 1990 trở đi, ý thức
về sự không hợp thời của những tác phẩm chỉ chuyên chú đi ngợi ca lịch sử,
khuynh hướng thế sự - đời tư như một sự tất yếu quay trở lại trong đời sống
văn học. Nó góp phần giải quyết những băn khoăn, trăn trở của người nghệ sĩ
khi sống trong một hiện thực mới đa dạng và phồn tạp... Những nhà văn thành
công khi viết về khuynh hướng này có thể kể đến Nguyễn Minh Châu, Bảo
Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Thu Huệ,
Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Tư... Chính họ đã đem đến cho văn xuôi nói
chung, truyện ngắn nói riêng thời kì này một hơi thở mới lạ và thu hút đông
đảo bạn đọc đón nhận.
Điểm qua tình hình nghiên cứu về văn học Việt Nam từ sau năm 1986 đến
nay chúng tôi nhận thấy số lượng các công trình, bài viết trực tiếp đề cập đến vấn
đề thế sự - đời tư trong mảng văn xuôi mà cụ thể hơn là truyện ngắn Việt Nam từ
sau 1986 còn ít ỏi so với những thành tựu mà khuynh hướng này đạt được.
Đề cập tới nội dung phản ánh của truyện ngắn sau 1986, Phạm Xuân
Nguyên trong bài “Truyện ngắn và cuộc sống hôm nay” viết năm 1994 đánh
giá: “Truyện ngắn hôm nay tiếp xúc, xới lật các mảng hiện thực ở cả hai chiều
quá khứ và hiện tại để mong góp một tiếng nói định vị cho người đọc, một thái
độ nhìn nhận, đánh giá những việc, những người của bây giờ, nơi đây” [207].
29
Năm 2000, Bùi Việt Thắng trong chuyên luận Truyện ngắn, những vấn
đề lí thuyết và thực tiễn thể loại, đã không trở lại những vấn đề như đề tài, chủ
đề, nhân vật, ngôn ngữ mà đi từ định nghĩa, nguồn gốc để xác định các yếu tố
đặc trưng, các kiểu truyện ngắn. Từ đó ông cung cấp một cái nhìn khái quát
về sự phát triển của truyện ngắn Việt Nam thế kỉ XX. Đây có thể xem như
một công trình nghiên cứu toàn diện, công phu về các vấn đề lý thuyết của thể
loại văn học này, có ý nghĩa định hướng lý luận quan trọng với công trình của
chúng tôi.
Năm 2011, Lê Huy Bắc trong bài viết “Khái niệm chủ nghĩa hậu hiện
đại và truyện ngắn hậu hiện đại”, khi xác định khái niệm “chủ nghĩa hậu hiện
đại”, tác giả đồng thời xem xét truyện ngắn hậu hiện đại với quan điểm “thế
giới truyện ngắn hậu hiện đại đa dạng hơn bất cứ một biểu hiện đa dạng nào
khác. Có bao nhiêu kiểu dạng sáng tạo nghệ thuật ngôn từ văn xuôi được con
người biết đến thì đều lộ diện trong kho tàng truyện hậu hiện đại” [168]. Theo
nhà nghiên cứu, truyện ngắn là thể loại thể hiện sự năng động nhất trong việc
thể hiện những cách tân cả về nội dung và hình thức. Tác giả khẳng định văn
học Việt Nam sau 1975, đặc biệt sau 1986 có những “dấu hiệu” của chủ nghĩa
hậu hiện đại, việc nghiên cứu về đặc điểm truyện ngắn Việt Nam theo hướng
hậu hiện đại là rất cần thiết.
Nhà văn Nguyên Ngọc trong bài viết “Văn xuôi sau 1975 - thử thăm dò
đôi nét về quy luật phát triển”, thừa nhận vai trò tiên quyết của truyện ngắn.
Theo ông, “truyện ngắn hiện nay đang vượt qua tiểu thuyết. Nó sớm đạt đến
tính khách quan xã hội cao hơn, nó đi thẳng vào vấn đề thân phận con người,
thế giới bên trong của con người, ý nghĩa nhân sinh, lẽ sống, con người ở đời
sâu và sắc hơn” [204].
Xu thế mới này cũng được tác giả Bùi Việt Thắng khẳng định và lí giải:
“Truyện ngắn sau 1975 tập trung nghiên cứu hiện trạng tinh thần xã hội sau
chiến tranh - đó là hiện trạng phức tạp và đa dạng đan xen các mặt tích cực và
30
tiêu cực. Nhìn chung các nhà văn đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, không
né tránh và viết về sự thật. Chuyện đời thường vì thế nổi trội trong đa số
truyện ngắn trong giai đoạn này, thậm chí đã trở thành một quan niệm văn
học đời thường” [147].
Nhà nghiên cứu Lý Hoài Thu trong bài viết “Sự vận động của các thể
văn xuôi trong văn học thời kì đổi mới” đã chỉ ra: “Cùng với sự gia tăng của
những tên tuổi mới và số lượng tác phẩm, truyện ngắn thời kì này đã mở ra
nhiều tìm tòi cả trong tiếp nhận hiện thực lẫn thi pháp thể loại. Đó là chiều
sâu triết lý và những cảm nhận về sự cô đơn của thân phận con người, là sự
đan cài giữa cái ảo và cá thực, giữa chất thơ và văn xuôi” [222].
Bài viết năm 2010, tác giả Hỏa Diệu Thúy đi sâu tìm hiểu “Về một số
khuynh hướng thể tài của truyện ngắn Việt Nam sau 1975”, đó là: khuynh
hướng sử thi; khuynh hướng thế sự, đời tư; khuynh hướng triết lí, triết luận.
Ba khuynh hướng này vừa thể hiện diện mạo, vừa bộc lộ sự vận động của
truyện ngắn từ sau 1975 đến nay. Và dù cho có đề cập đến thì nó cũng chỉ ở
một bình diện hay một biểu hiện nhỏ của khuynh hướng này như bài viết:
“Diễn ngôn thế sự - đời tư trong truyện ngắn Lê Minh Khuê thời kì đổi mới”
của Cao Thị Hồng; “Cảm hứng thế sự trong truyện ngắn Lê Minh Khuê” của
Lê Hồ Quang;...
Có thể thấy, phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư
cũng giống như các phương thức trần thuật trong tự sự nói chung. Tuy nhiên,
đây là loại hình truyện ngắn tiếp cận đời sống theo kiểu thể tài riêng nên các
phương thức trần thuật cũng được sử dụng sáng tạo, kết hợp linh hoạt, gắn
liền với cách nhìn, tiếp cận hiện thực cuộc sống và con người riêng. Mặt khác,
các phương thức trần thuật trong truyện ngắn thế sự - đời tư còn chịu sự chi
phối của đặc trưng thể loại truyện ngắn với hệ thống thi pháp, cách tiếp cận
đời sống riêng, phù hợp với dung lượng ngắn, lối viết súc tích. Do đó, khi
khảo sát các phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư trong văn
31
học Việt Nam sau 1986, chúng tôi đi sâu vào những phương thức chính, đặc
trưng trong tổng thể tổ chức cấu trúc nghệ thuật tự sự của tác phẩm và mối
quan hệ tương tác với bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa của thời đại.
Bên cạnh đó, phương thức trần thuật cũng được chúng tôi sử dụng như
một khái niệm lý thuyết công cụ để đi sâu nghiên cứu, khảo sát diện mạo
truyện ngắn thế sự - đời tư sau 1986. Tuy trần thuật là thành phần then chốt
của nghệ thuật tự sự song các yếu tố khác như kết cấu, sự kiện, tình huống,
ngôn ngữ, giọng điệu cũng có ý nghĩa quan trọng. Chúng tôi sẽ phân tích mối
quan hệ tương tác giữa các phương thức trần thuật với các yếu tố đó, tạo nên
cái nhìn toàn diện, hệ thống, trên mọi phương diện trong thế giới nghệ thuật
của truyện ngắn thế sự - đời tư giai đoạn này. Đồng thời, khi khảo sát khía
cạnh các phương thức trần thuật, chúng tôi cũng đặt truyện ngắn thế sự - đời
tư sau 1986 như một lát cắt trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc. Từ đó, sự
biến động, phát triển của truyện ngắn nói chung, truyện ngắn thế sự - đời tư
nói riêng, nhất là trong cấu trúc trần thuật sẽ được làm sáng rõ trong cái nhìn
so sánh, đối chiếu ở các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, khoa học.
Như vậy, qua khảo sát chúng tôi nhận thấy: Nguồn tư liệu về truyện
ngắn sau 1986 ở Việt Nam khá phong phú và đa dạng từ những chuyên luận
giàu chất lí thuyết cho đến những công trình nghiên cứu cụ thể song mới chỉ
được nhìn nhận ở những khía cạnh mang tính bao quát, thiên về lý thuyết thể
loại nhiều hơn là ứng dụng những lý thuyết đó vào sáng tác thực tế của thế hệ
các nhà văn sau đổi mới. Những tài liệu trên đã gợi mở cho chúng tôi một
hướng đi mới trong việc tiếp cận sáng tác của các nhà văn sau 1986 nói
chung, truyện ngắn nói riêng. Hướng triển khai của chúng tôi là rút nhận, khái
quát tinh thần cơ bản của truyện ngắn sau 1986 và vận dụng khảo sát sáng tác
truyện ngắn theo khuynh hướng thế sự - đời tư của một số cây bút văn xuôi
tiêu biểu trưởng thành sau 1986 trên cái nhìn so sánh với các cây bút trước đó
và đương thời.
32
Tiểu kết chương 1
Khi bàn về truyện ngắn từ sau 1986 nói chung, phương thức trần thuật
của truyện ngắn từ sau 1986 nói riêng, sự thật hiển nhiên là những nghiên
cứu, quan niệm thể loại đã bao hàm truyện ngắn theo khuynh hướng thế sự -
đời tư. Mỗi nghiên cứu, công trình, bài viết đã đề cập đến một khía cạnh nào
đó của khuynh hướng truyện ngắn này trong quá trình vận động, phát triển
của văn học Việt Nam từ sau 1986. Tuy nhiên, qua khảo sát, chúng tôi nhận
thấy chưa có một công trình nào mang tầm phổ quát thâu tóm những thành
tựu về truyện ngắn thế sự - đời tư sau 1986 nói chung, đi sâu nghiên cứu
phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư từ sau 1986 nói riêng.
Trên tinh thần tiếp thu các công trình đã công bố trước đó cùng với sự tìm tòi,
sáng tạo chúng tôi mạnh dạn triển khai công trình Phương thức trần thuật của
truyện ngắn thế sự - đời tư trong văn học Việt Nam từ sau 1986 hi vọng sẽ
đóng góp thêm một cách nhìn tổng quan, toàn diện về một khuynh hướng văn
học lớn cũng như thành tựu trên phương diện trần thuật của truyện ngắn thuộc
khuynh hướng này dựa trên những lý thuyết thể loại nền tảng.
Với mục đích nêu trên, trong luận án này, khái niệm truyện ngắn thế sự
- đời tư chúng tôi sử dụng như một công cụ để khảo sát một xu hướng thể tài
gắn với hình thức thể loại trong giai đoạn văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Tìm hiểu các phương thức trần thuật trong truyện ngắn thế sự - đời tư chúng
tôi tiếp tục sử dụng những công cụ lý thuyết nền tảng trong tự sự học hiện đại,
đặc biệt là về trần thuật và các phương thức trần thuật trong mối quan hệ
tương tác của người kể chuyện - điểm nhìn mà quan trọng nhất là cự ly và
cách kể. Việc đi sâu nghiên cứu phương thức trần thuật cũng là cách thức tiếp
cận trọn vẹn một khuynh hướng thể loại từ cấu trúc bên trong, bằng cái nhìn
đa chiều. Bởi trần thuật là nhân tố nền tảng chi phối đến cả không gian, thời
gian nghệ thuật, sự kiện, kết cấu, ngôn từ, giọng điệu trong tác phẩm. Với góc
tiếp cận này, truyện ngắn thế sự - đời tư vừa được khảo sát trên diện rộng -
đặt trong tiến trình vận động, phát triển của nền văn học hiện đại; vừa được
phân tích, lý giải ở chiều sâu - trong cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm.
33
Chương 2
TRUYỆN NGẮN THẾ SỰ - ĐỜI TƯ TRONG SỰ VẬN ĐỘNG, PHÁT
TRIỂN CỦA VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ SAU 1986
2.1. Những tiền đề cho sự phát triển của truyện ngắn thế sự - đời tư trong
văn học Việt Nam từ sau 1986
2.1.1. Hoàn cảnh lịch sử, xã hội nhiều biến động trong công cuộc đổi
mới đất nước
Năm 1975 cuộc kháng chiến chống Mĩ trường kì đã kết thúc thắng lợi
với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, non sông nối liền một dải, đất nước
thống nhất bước vào thời kì khôi phục và phát triển. Trong chặng đầu tiên trên
con đường độc lập, tự do, thống nhất đất nước, nhân dân ta đã phải đối mặt
với vô vàn những thách thức, hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh kéo dài
suốt mấy mươi năm. Môi trường bị hủy hoại nặng nề bởi hàng triệu tấn bom
đạn và những chất hóa học độc hại khác. Hơn hai mươi năm đất nước bị chia
cắt, sự đối lập về hệ tư tưởng, chính trị và những khác biệt về kinh tế, văn hóa
cần phải qua nhiều thời gian nữa mới có thể xóa đi sự cách biệt ấy... Cùng với
những khó khăn về mặt xã hội chúng ta phải đối mặt với chính sách cấm vận,
cô lập Việt Nam của các thế lực đế quốc thù địch, sự khủng hoảng và tan rã
của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Những chủ trương, chính sách kinh
tế - xã hội chủ quan, duy ý chí đẩy đất nước ta rơi vào cuộc khủng hoảng kinh
tế nặng nề những năm 80. Những nguyên tắc, phương châm tổ chức quản lí xã
hội cũ ngày càng trở nên lạc hậu, xơ cứng trước sự sinh động, đổi thay của
thời đại và yêu cầu phải giải quyết những di chứng nặng nề, lâu dài của chiến
tranh. Đưa đất nước thoát ra ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu được xem
là nhiệm vụ cấp bách lúc này.
Những biến động của xã hội và những tác động của bên ngoài là những
nguyên nhân dẫn đến công cuộc đổi mới toàn diện năm 1986. Đại hội Đảng
toàn quốc lần thứ VI với tinh thần “nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật”, Đảng ta
34
đã nghiêm khắc tự phê bình những chủ trương, chính sách nóng vội trước đó
và đề ra đường lối phát triển mới. Quyết tâm xóa bỏ cơ chế quản lí tập trung
quan liêu, bao cấp để hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường theo định
hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế hàng hóa, kinh tế nhiều thành
phần... là những chủ trương lớn, từng bước đưa đất nước ta vào thế ổn định và
phát triển.
Mặt khác, trước đây trong điều kiện chiến tranh thì những vấn đề như
nhu cầu, khát vọng cũng như đau khổ của cá nhân tạm thời bị gác lại để lo
cho vận mệnh của cộng đồng. Tất cả đều hướng về cái chung, về một ngày
mai giành chiến thắng. Giờ đây, cuộc sống thời bình trở lại, con người có
những thay đổi trong tâm tư, tình cảm, buộc phải đối mặt với những nhu cầu
trần tục liên quan đến chính mình cũng như các giá trị nhân bản của nó. Trong
vài năm đầu những giá trị tồn dư của một “thời xa vắng” vẫn được khơi lên để
thắp thêm niềm tin và ý chí cho con người nhưng hiện thực đời sống khắc
nghiệt đã bóp nát những điều không còn hợp thời ấy. Một bộ phận không nhỏ
gồm cả những con người đã từng đi ra từ cuộc chiến nay trở về với đời sống
thực tại cũng không khỏi lạc lõng và chán nản.
Tựu chung lại, bối cảnh lịch sử - xã hội sau đổi mới đã tạo tiền đề quan
trọng cho các tác phẩm văn xuôi thể hiện cuộc sống con người sinh động với
muôn mặt phồn tạp mà ở đó đời sống của mỗi cá nhân, cá thể được các nhà
văn quan tâm khai thác và tìm hiểu kĩ lưỡng.
2.1.2. Quan niệm nghệ thuật mới về con người
Nếu trước năm 1975 con người trong quan niệm của các nhà văn là con
người mang tính giai cấp, vẻ đẹp của con người phải là vẻ đẹp đại diện chung
cho cả cộng đồng, chất sử thi soi rọi vào trong hình tượng nhân vật, phủ lên
nó “bộ áo xã hội” đẹp đẽ. Con người được “tắm rửa trong bầu không khí vô
trùng”, hình tượng con người được xây dựng với vóc dáng hiên ngang của
thời đại, mang những phẩm chất cao đẹp. Nói như Chế Lan Viên thì đó là
35
những năm tháng: “đất nước có chung khuôn mặt. Nụ cười tiễn đưa con nghìn
bà mẹ như nhau”. Ngọn gió của công cuộc đổi mới tác động mạnh mẽ vào đời
sống văn chương, khuyến khích các nhà văn từ bỏ vị trí là một anh tuyên
truyền trở thành một người “dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”. Con
người trong đời sống văn học hôm nay được nhìn ở nhiều vị thế, trong tính đa
chiều của mọi mối quan hệ: con người trong mối quan hệ với xã hội, với
những người xung quanh, với chính mình; con người được khai thác ở đời
sống dục vọng, tâm linh... Điều dễ nhận ra là trong phần lớn các tác phẩm văn
học thời kì này, con người không còn là nhất phiến, đơn trị mà luôn là con
người đa diện, đa trị, lưỡng phân, trong con người đan cài, chen lẫn, giao
tranh bóng tối và ánh sáng, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và quỷ sứ, cao
cả và tầm thường... Đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người trong văn
xuôi sau 1986 bắt đầu với việc lấy con người làm tâm điểm soi ngắm lịch sử.
Con người từ điểm nhìn lí tưởng hóa được đặt vào điểm nhìn thế sự, đời tư.
Dòng chảy đời thường ở thời đại ý thức cá nhân phát triển tạo cho con người
một diện mạo mới; phong phú, phức tạp và nhiều bí ẩn và nhà văn trong nỗ
lực khám phá, chiếm lĩnh đời sống nhận ra mỗi cá thể là “tiểu vũ trụ” huyền
bí cần tìm tòi, khai mở.
2.1.2.1. Từ quan niệm con người kiểu sử thi chuyển dần sang quan
niệm con người thế sự, đời tư
Văn học giai đoạn 1945 - 1975 hình thành và phát triển trong hoàn
cảnh đặc biệt: chiến tranh. Điều này chi phối không nhỏ đến những quy luật
phát triển của lịch sử cũng như văn chương. Văn học uốn mình theo những
thăng trầm trồi sụt của lịch sử, tự ý thức mình như một thứ vũ khí sắc nhọn,
một công cụ tư tưởng hữu ích của lịch sử, hướng đến xây dựng những “con
người cộng đồng”, con người trong những năm tháng này chính là một sản
phẩm hoàn hảo của lịch sử. Con người khoác lên mình “bộ áo xã hội trùng
khít với chính nó”, dù muốn hay không thì lợi ích giai cấp buộc nhà văn phải
36
chọn cách nhìn về con người phiến diện, một chiều như vậy. Nam Cao điều
chỉnh ngòi bút của mình theo cách nghĩ của những anh Vệ quốc quân,
Nguyễn Huy Tưởng giác ngộ về thời đại đổi mới tạo ra “những người lính
Việt Nam điển hình”...
Sau năm 1975, đất nước bước vào thời kì đổi mới, đại hội VI và VII
của Đảng đều nhấn mạnh “nhân tố con người”: “tôn trọng con người, phát
huy sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân (...), xây dựng từng con người,
quan tâm phát hiện và bồi dưỡng nhân tài” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn
quốc lần thứ VI). Được dẫn lối bởi lí tưởng và lời kêu gọi của Đảng, các nhà
văn chuẩn bị hành trang sẵn sàng “dấn thân và nhập cuộc” vào cuộc sống
phồn tạp “ngoài kia”, vào cái hiện thực ngỡ bé nhỏ mà mênh mông không
“biết trước”, không tài nào đoán định, vào cuộc sống của những con người
sau khi trút đi bộ áo xã hội đẹp đẽ, giờ đây trở về với cuộc sống thường nhật.
Họ là ai? Họ sẽ đi về đâu?...
Mặt khác, xã hội loài người được hình thành và phát triển dựa trên
những chuẩn giá trị của thời đại. Tuy nhiên, trong một xã hội công nghiệp
phát triển như vũ bão hiện nay thì những chuẩn giá trị cũ đã bị mất đi, trong
khi đó những chuẩn giá trị mới chưa kịp hình thành, xã hội đứng trước nguy
cơ khủng hoảng giá trị trầm trọng. Cùng với việc nhận thức lại lịch sử, đặt cái
nhìn hoài nghi vào quá khứ, vào lịch sử; các nhà văn còn có ý thức thức nhận
lại những giá trị của con người đã in sâu vào tiềm thức cộng đồng và đặt ra
vấn đề cần nhìn nhận lại chính mình trên con đường hoàn thiện. Con người
phức tạp như thế cho nên không thể dùng một tiêu chí lịch sử hay đạo đức mà
cân đo đong đếm, mọi sự lí tưởng và thần thánh hóa sẽ làm cho nó trở nên
rỗng tuếch và giả tạo.
Cảm hứng thế sự sau 1986 đem lại cho văn xuôi nói chung, truyện ngắn
nói riêng nhiều chất đời thường hơn, trước hết là ở khả năng chiếm lĩnh con
người từ góc độ đời tư. Con người riêng lẻ, cá thể, cá nhân cũng chính là con
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT

More Related Content

What's hot

Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAYĐặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
nataliej4
 
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAYLuận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt NamLuận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdfTruyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
NuioKila
 
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAYLuận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháiLuận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
nataliej4
 
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
nataliej4
 
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận từ góc nhìn kí hiệu học văn học trở nên cấp t...
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận từ góc nhìn kí hiệu học văn học trở nên cấp t...Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận từ góc nhìn kí hiệu học văn học trở nên cấp t...
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận từ góc nhìn kí hiệu học văn học trở nên cấp t...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đLuận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
nataliej4
 
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
321+ Đề Tài Báo Cáo Tốt Nghiệp Ngành Văn Học – Điểm Cao Nhất Hiện Nay!
321+ Đề Tài Báo Cáo Tốt Nghiệp Ngành Văn Học – Điểm Cao Nhất Hiện Nay!321+ Đề Tài Báo Cáo Tốt Nghiệp Ngành Văn Học – Điểm Cao Nhất Hiện Nay!
321+ Đề Tài Báo Cáo Tốt Nghiệp Ngành Văn Học – Điểm Cao Nhất Hiện Nay!
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Luận văn: Nhân vật trong truyện Vũ Trọng Phụng và Ngọc Giao
Luận văn: Nhân vật trong truyện Vũ Trọng Phụng và Ngọc GiaoLuận văn: Nhân vật trong truyện Vũ Trọng Phụng và Ngọc Giao
Luận văn: Nhân vật trong truyện Vũ Trọng Phụng và Ngọc Giao
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIXLuận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
nataliej4
 
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOTLuận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki MurakamiLuận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Dịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAYLuận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 

What's hot (20)

Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAYĐặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
 
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
Cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ sau 1986 qua các tác giả: Vi Thùy Linh, Ly ...
 
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAYLuận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
 
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt NamLuận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
Luận văn: Hình tượng người phụ nữ trong thơ trữ tình Việt Nam
 
Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdfTruyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
Truyện trinh thám Việt Nam từ góc nhìn thi pháp thể loại 6793117.pdf
 
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAYLuận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
 
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh tháiLuận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
Luận văn thế giới nghệ thuật trong truyện ngắn hồ anh thái
 
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
 
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận từ góc nhìn kí hiệu học văn học trở nên cấp t...
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận từ góc nhìn kí hiệu học văn học trở nên cấp t...Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận từ góc nhìn kí hiệu học văn học trở nên cấp t...
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận từ góc nhìn kí hiệu học văn học trở nên cấp t...
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đLuận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
 
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
 
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
 
321+ Đề Tài Báo Cáo Tốt Nghiệp Ngành Văn Học – Điểm Cao Nhất Hiện Nay!
321+ Đề Tài Báo Cáo Tốt Nghiệp Ngành Văn Học – Điểm Cao Nhất Hiện Nay!321+ Đề Tài Báo Cáo Tốt Nghiệp Ngành Văn Học – Điểm Cao Nhất Hiện Nay!
321+ Đề Tài Báo Cáo Tốt Nghiệp Ngành Văn Học – Điểm Cao Nhất Hiện Nay!
 
Luận văn: Nhân vật trong truyện Vũ Trọng Phụng và Ngọc Giao
Luận văn: Nhân vật trong truyện Vũ Trọng Phụng và Ngọc GiaoLuận văn: Nhân vật trong truyện Vũ Trọng Phụng và Ngọc Giao
Luận văn: Nhân vật trong truyện Vũ Trọng Phụng và Ngọc Giao
 
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
 
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIXLuận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
Luận văn: Thơ ngôn chí của tác giả nhà nho hành đạo nửa sau XIX
 
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
KHÁT VỌNG NỮ QUYỀN TRONG THƠ VI THÙY LINH 2827260
 
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOTLuận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
Luận văn: Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lan Khai, HOT
 
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki MurakamiLuận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
Luận văn: Kiểu nhân vật đi tìm bản ngã trong tiểu thuyết của Haruki Murakami
 
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAYLuận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
 

Similar to Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT

Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh TháiĐặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
Dịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAYLuận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAYLuận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đLuận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Diễn ngôn lịch sử trong tiểu thuyết sương mù tháng giêng của uông triều (2017...
Diễn ngôn lịch sử trong tiểu thuyết sương mù tháng giêng của uông triều (2017...Diễn ngôn lịch sử trong tiểu thuyết sương mù tháng giêng của uông triều (2017...
Diễn ngôn lịch sử trong tiểu thuyết sương mù tháng giêng của uông triều (2017...
Man_Ebook
 
Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay, Trần Viết Thiện
Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay, Trần Viết ThiệnSự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay, Trần Viết Thiện
Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay, Trần Viết Thiện
Man_Ebook
 
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy TựTìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Dịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAYLuận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Ảnh hưởng của văn học dân gian trong văn xuôi và thơ ca Tày
Ảnh hưởng của văn học dân gian trong văn xuôi và thơ ca TàyẢnh hưởng của văn học dân gian trong văn xuôi và thơ ca Tày
Ảnh hưởng của văn học dân gian trong văn xuôi và thơ ca Tày
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quê
Luận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quêLuận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quê
Luận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quê
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm Mắt bão, Ngựa thép, Luật chơi
Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm Mắt bão, Ngựa thép, Luật chơiNghệ thuật tự sự trong tác phẩm Mắt bão, Ngựa thép, Luật chơi
Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm Mắt bão, Ngựa thép, Luật chơi
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
CHẤT LIỆU TRUYỆN DÂN GIAN TRONG CHUYỆN NGÀY XƯA MỘT TRĂM CỔ TÍCH CỦA TÔ HOÀI
CHẤT LIỆU TRUYỆN DÂN GIAN TRONG CHUYỆN NGÀY XƯA MỘT TRĂM CỔ TÍCH CỦA TÔ HOÀICHẤT LIỆU TRUYỆN DÂN GIAN TRONG CHUYỆN NGÀY XƯA MỘT TRĂM CỔ TÍCH CỦA TÔ HOÀI
CHẤT LIỆU TRUYỆN DÂN GIAN TRONG CHUYỆN NGÀY XƯA MỘT TRĂM CỔ TÍCH CỦA TÔ HOÀI
lamluanvan.net Viết thuê luận văn
 
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệpLiên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Man_Ebook
 
Tiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng Vũ
Tiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng VũTiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng Vũ
Tiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng Vũ
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Tim hieu dac_trung_ngon_ngu_trong_truyen_ki_cua_nguyen_tuan_4705
Tim hieu dac_trung_ngon_ngu_trong_truyen_ki_cua_nguyen_tuan_4705Tim hieu dac_trung_ngon_ngu_trong_truyen_ki_cua_nguyen_tuan_4705
Tim hieu dac_trung_ngon_ngu_trong_truyen_ki_cua_nguyen_tuan_4705
Garment Space Blog0
 
Tailieu.vncty.com the loai-tuy_but_trong_van_hoc_viet_nam_tu_1930_den_1975
Tailieu.vncty.com   the loai-tuy_but_trong_van_hoc_viet_nam_tu_1930_den_1975Tailieu.vncty.com   the loai-tuy_but_trong_van_hoc_viet_nam_tu_1930_den_1975
Tailieu.vncty.com the loai-tuy_but_trong_van_hoc_viet_nam_tu_1930_den_1975
Trần Đức Anh
 
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và InrasaraLuận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara, HAY
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara, HAYLuận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara, HAY
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara, HAY
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Luận văn: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận văn học, 9 ĐIỂM
Luận văn: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận văn học, 9 ĐIỂMLuận văn: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận văn học, 9 ĐIỂM
Luận văn: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận văn học, 9 ĐIỂM
Viết Thuê Khóa Luận _ ZALO 0917.193.864 default
 
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAYLuận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 

Similar to Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT (20)

Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh TháiĐặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
Đặc điểm thể chân dung và văn học của Hồ Anh Thái
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAYLuận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
 
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAYLuận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
 
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đLuận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
 
Diễn ngôn lịch sử trong tiểu thuyết sương mù tháng giêng của uông triều (2017...
Diễn ngôn lịch sử trong tiểu thuyết sương mù tháng giêng của uông triều (2017...Diễn ngôn lịch sử trong tiểu thuyết sương mù tháng giêng của uông triều (2017...
Diễn ngôn lịch sử trong tiểu thuyết sương mù tháng giêng của uông triều (2017...
 
Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay, Trần Viết Thiện
Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay, Trần Viết ThiệnSự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay, Trần Viết Thiện
Sự tương tác thể loại trong văn xuôi Việt Nam từ 1986 đến nay, Trần Viết Thiện
 
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy TựTìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
 
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAYLuận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
Luận văn: Chất thơ trong Truyện đường rừng của Lan Khai, HAY
 
Ảnh hưởng của văn học dân gian trong văn xuôi và thơ ca Tày
Ảnh hưởng của văn học dân gian trong văn xuôi và thơ ca TàyẢnh hưởng của văn học dân gian trong văn xuôi và thơ ca Tày
Ảnh hưởng của văn học dân gian trong văn xuôi và thơ ca Tày
 
Luận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quê
Luận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quêLuận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quê
Luận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quê
 
Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm Mắt bão, Ngựa thép, Luật chơi
Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm Mắt bão, Ngựa thép, Luật chơiNghệ thuật tự sự trong tác phẩm Mắt bão, Ngựa thép, Luật chơi
Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm Mắt bão, Ngựa thép, Luật chơi
 
CHẤT LIỆU TRUYỆN DÂN GIAN TRONG CHUYỆN NGÀY XƯA MỘT TRĂM CỔ TÍCH CỦA TÔ HOÀI
CHẤT LIỆU TRUYỆN DÂN GIAN TRONG CHUYỆN NGÀY XƯA MỘT TRĂM CỔ TÍCH CỦA TÔ HOÀICHẤT LIỆU TRUYỆN DÂN GIAN TRONG CHUYỆN NGÀY XƯA MỘT TRĂM CỔ TÍCH CỦA TÔ HOÀI
CHẤT LIỆU TRUYỆN DÂN GIAN TRONG CHUYỆN NGÀY XƯA MỘT TRĂM CỔ TÍCH CỦA TÔ HOÀI
 
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệpLiên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
 
Tiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng Vũ
Tiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng VũTiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng Vũ
Tiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng Vũ
 
Tim hieu dac_trung_ngon_ngu_trong_truyen_ki_cua_nguyen_tuan_4705
Tim hieu dac_trung_ngon_ngu_trong_truyen_ki_cua_nguyen_tuan_4705Tim hieu dac_trung_ngon_ngu_trong_truyen_ki_cua_nguyen_tuan_4705
Tim hieu dac_trung_ngon_ngu_trong_truyen_ki_cua_nguyen_tuan_4705
 
Tailieu.vncty.com the loai-tuy_but_trong_van_hoc_viet_nam_tu_1930_den_1975
Tailieu.vncty.com   the loai-tuy_but_trong_van_hoc_viet_nam_tu_1930_den_1975Tailieu.vncty.com   the loai-tuy_but_trong_van_hoc_viet_nam_tu_1930_den_1975
Tailieu.vncty.com the loai-tuy_but_trong_van_hoc_viet_nam_tu_1930_den_1975
 
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và InrasaraLuận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara
 
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara, HAY
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara, HAYLuận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara, HAY
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara, HAY
 
Luận văn: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận văn học, 9 ĐIỂM
Luận văn: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận văn học, 9 ĐIỂMLuận văn: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận văn học, 9 ĐIỂM
Luận văn: Vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong lý luận văn học, 9 ĐIỂM
 
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAYLuận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
Luận án: Nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam từ 1986 đến 2010, HAY
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 ĐiểmDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý TưởngDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620 (20)

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 ĐiểmDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý TưởngDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 

Recently uploaded

AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in englishAV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
Qucbo964093
 
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
ngocnguyensp1
 
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
https://www.facebook.com/garmentspace
 
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptxDẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
nvlinhchi1612
 
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdfGIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
Điện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
duykhoacao
 
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nayẢnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
chinhkt50
 
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdfBAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
phamthuhoai20102005
 

Recently uploaded (10)

AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in englishAV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
 
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
 
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
 
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
 
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
 
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptxDẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
 
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdfGIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
 
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
 
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nayẢnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
 
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdfBAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
 

Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT

  • 1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI TẠ HƯƠNG TRANG PHƯƠNG THỨC TRẦN THUẬT CỦA TRUYỆN NGẮN THẾ SỰ - ĐỜI TƯ TRONG VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ SAU 1986 Ngành: Văn học Việt Nam Mã số: 9. 22 .01 .21 LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. LÊ QUANG HƯNG HÀ NỘI – 2019
  • 2. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các kết quả nêu trong luận án là trung thực, đảm bảo tính chính xác và khoa học cao. Các tài liệu tham khảo, trích dẫn đều có xuất xứ rõ ràng. Tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về công trình nghiên cứu của mình. Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2019 Tác giả luận án Tạ Hương Trang
  • 3. LỜI CẢM ƠN Luận án được hoàn thành, tôi muốn bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc, chân thành đến PGS.TS Lê Quang Hưng, người thầy hướng dẫn khoa học tận tình, luôn sẵn sàng chia sẻ quan điểm, gợi mở nhiều ý tưởng hay, mới lạ, giúp tôi có thêm nhiều tri thức lý luận và phương pháp tư duy, làm việc khoa học. Tôi cũng xin được gửi lời cảm ơn đến Ban giám đốc Học viện Khoa học xã hội, phòng Quản lý Đào tạo, các thầy cô trong khoa Văn học đã thường xuyên động viên, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình nghiên cứu của tôi. Xin được bày tỏ lòng biết ơn tới Ban giám hiệu Trường Đại học Hải Phòng, Khoa Ngữ văn – Địa lí nơi tôi công tác đã giúp đỡ tôi rất nhiều về mặt thời gian để tôi hoàn thành chương trình học và luận án. Cảm ơn bố mẹ, những người thân trong gia đình, đồng nghiệp, bạn bè,... đã sẻ chia, giúp đỡ tôi trong suốt quá trình nghiên cứu và hoàn thành luận án. Hà Nội, ngày 10 tháng 11 năm 2018 Tác giả luận án Tạ Hương Trang
  • 4. MỤC LỤC MỞ ĐẦU ......................................................................................................................1 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU.........................................8 1.1. Quan niệm chung về phương thức trần thuật trong truyện ngắn thế sự - đời tư....8 1.2. Tình hình nghiên cứu phương thức trần thuật trong văn xuôi Việt Nam từ sau 1986.............................................................................................................................17 1.3. Tình hình nghiên cứu phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư từ sau 1986.......................................................................................................................26 Chương 2: TRUYỆN NGẮN THẾ SỰ - ĐỜI TƯ TRONG SỰ VẬN ĐỘNG, PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ SAU 1986 ................................33 2.1. Những tiền đề cho sự phát triển của truyện ngắn thế sự - đời tư trong văn học Việt Nam từ sau 1986..................................................................................................33 2.2. Khái quát truyện ngắn thế sự - đời tư trong nền văn xuôi Việt Nam từ sau 198656 Chương 3: ĐIỂM NHÌN TRẦN THUẬT, TỔ CHỨC TÌNH HUỐNG VÀ KẾT CẤU TRONG TRUYỆN NGẮN THẾ SỰ - ĐỜI TƯ TỪ SAU 1986 ...................71 3.1. Ngôi kể và điểm nhìn trần thuật...........................................................................71 3.2. Tổ chức tình huống ..............................................................................................92 3.3. Nghệ thuật tổ chức kết cấu.................................................................................101 Chương 4: NGÔN NGỮ VÀ GIỌNG ĐIỆU TRẦN THUẬT CỦA TRUYỆN NGẮN THẾ SỰ - ĐỜI TƯ TỪ SAU 1986 ............................................................119 4.1. Ngôn ngữ trần thuật ...........................................................................................119 4.2. Giọng điệu trần thuật..........................................................................................132 KẾT LUẬN..............................................................................................................148 DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐÃ CÔNG BỐ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN..........................................................................................151 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO...............................................................152
  • 5. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài 1.1. Trong quan niệm của lí thuyết tự sự học hiện đại thì tiểu thuyết là thể loại tự sự cỡ lớn, có khả năng miêu tả bức tranh hiện thực rộng lớn và số phận của một hay nhiều người. Trong khi đó, điều làm nên nét khác biệt giữa truyện ngắn với tiểu thuyết hay những thể loại tự sự khác chính là ở chỗ dung lượng ngắn, tập trung miêu tả một sự kiện, một tình huống hoặc một khoảnh khắc nào đó xảy ra trong cuộc đời của nhân vật. Trong loại hình văn xuôi tự sự, truyện ngắn được đánh giá là một thể loại có tính thích ứng cao với thời đại nó tồn tại và phát triển. Trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường như ngày nay, truyện ngắn phù hợp với thị hiếu của độc giả bận rộn khi họ không có nhiều thời gian dành cho việc nhâm nhi chiêm nghiệm một tác phẩm. Những ưu điểm kể trên khiến cho truyện ngắn là một trong những thể loại có thể đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thời đại đổi mới, của độc giả sau 1986. Lựa chọn mốc 1986 chúng tôi không chỉ giới hạn phạm vi nghiên cứu tác phẩm mà hơn hết đó là mốc thời gian quan trọng diễn ra Đại hội VI của Đảng. Bắt đầu từ đây văn nghệ thực sự được giải phóng kéo theo sự khai phóng các thể loại khác về cả nội dung và hình thức biểu hiện. Mặt khác, đây cũng là mốc thời gian ghi nhận những cách tân đáng chú ý của các thể loại văn học, những tác phẩm truyện ngắn thực sự có giá trị cũng bắt đầu ra đời từ đây. Văn xuôi nói chung, truyện ngắn giai đoạn sau năm 1986 nói riêng thực sự đã tìm được cho mình một hướng đi mới dù đầy chông gai song lại đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Về nội dung, nó bắt đầu đi sâu vào thế giới nội tâm của con người để tìm hiểu và khái quát thành tâm lí điển hình của thời đại. Những mảng như chiều sâu tâm linh, cõi vô thức hay sự cô đơn bản thể, cô đơn nghệ sĩ... đều được nó nghiêm túc khám phá và sáng tạo. Về hình thức, khác với quan niệm truyền thống, truyện ngắn sau 1986 không ngừng nỗ lực kiếm tìm những phương thức biểu hiện phù hợp với yêu cầu đòi hỏi của
  • 6. 2 văn học. Bên cạnh những cây bút vẫn kiên trì cách viết truyện truyền thống thì một loạt các cây bút với ý thức tự làm mới mãnh liệt đã ra đời như: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương... 1.2. Ở một phương diện khác, khi lựa chọn đề tài này, chúng tôi căn cứ vào chủ đề và cảm hứng của văn xuôi sau 1986 nổi bật lên ba khuynh hướng chính, đó là: khuynh hướng sử thi, khuynh hướng thế sự - đời tư và khuynh hướng triết luận. Trong ba khuynh hướng ấy thì khuynh hướng thế sự - đời tư được đánh giá là khuynh hướng thu hút nhiều người tham gia viết nhất, trở thành niềm say mê hứng khởi sáng tác ở nhiều cây bút truyện ngắn xuất sắc. Văn học trước 1975 quan tâm đến nội dung “viết cái gì” của các nhà văn. Chính vì thế mà sự tỏa bóng của “chủ nghĩa đề tài” khá rộng lớn trong văn xuôi. Những đề tài như ca ngợi cuộc chiến vĩ đại của dân tộc, những tấm gương người tốt, việc tốt được đề cao còn những đề tài đi sâu vào miêu tả số phận của cá nhân hay đời sống cá thể riêng biệt thì sẽ bị cấm đoán thậm chí nhiều nhà văn bị treo bút trong một thời gian dài vì những gì họ viết ra không đúng với tinh thần của thời đại. Song sang đến giai đoạn sau 1986, nhờ lời kêu gọi của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh mà văn học được “cởi trói”. Cảm hứng sử thi tồn tại trong suốt những năm tháng chiến tranh và một vài năm sau đổi mới đã nhường chỗ cho cảm hứng thế sự - đời tư khi con người dần trở về với cuộc sống thường nhật. Lựa chọn cảm hứng này trong sáng tác, các nhà văn được mặc sức khám phá thế giới muôn hình muôn vẻ với những nhân dạng tồn tại trong hiện thực đó. Mặt khác, nó cũng chi phối đến các phương diện khác thuộc trần thuật học trong tác phẩm mà cụ thể là điểm nhìn trần thuật, tổ chức tình huống, kết cấu, ngôn ngữ và giọng điệu... Có thể thấy đây là một hướng đi dù không có nhiều cách tân quyết liệt về mặt hình thức nhưng đã khắc tạc trên cây cổ thụ văn chương nỗi đằm sâu của những nhà văn sống có trách nhiệm và nặng lòng với đời sống con người. 1.3. Nếu như văn học giai đoạn trước năm 1975 quan tâm đến nhà văn
  • 7. 3 thể hiện nội dung gì trong sáng tác của mình, những nội dung ấy có phù hợp với lí tưởng của thời đại hay không, có giá trị cổ vũ tinh thần và ý chí của con người trong thời đại ấy như thế nào... thì giai đoạn từ sau 1986, cái mà văn học và công chúng quan tâm là nhà văn - anh đã làm mới “đứa con tinh thần” của mình như thế nào, nói một cách khác là anh đã có thêm tiếng nói, cách nói gì. Trong xu thế đổi mới, những gì anh viết ra nếu bị coi là cũ kĩ sẽ không có chỗ đứng trong lòng bạn đọc, vì thế nỗ lực cách tân và làm mới trở thành tuyên ngôn trong sáng tác của họ. Theo đó, nghệ thuật trần thuật trong tác phẩm được đề cao hơn bao giờ hết, nó là “sự trình bày liên tục bằng lời văn các chi tiết, sự kiện, tình tiết, quan hệ, biến đổi về xung đột và nhân vật một cách cụ thể, hấp dẫn, theo một cách nhìn, cách cảm nhất định” (Trần Đình Sử). Trong cấu trúc tác phẩm văn xuôi nói chung, truyện ngắn nói riêng thì trần thuật bao gồm các yếu tố cấu thành nên một tác phẩm hoàn chỉnh, đồng thời cũng tạo nên một “chất” khác lạ để phân biệt sáng tác của người này với người khác, góp phần tạo nên cái “tầm” của nhà văn. Nhà văn nếu lựa chọn hình thức trần thuật phù hợp sẽ đem lại hiệu quả trong cách truyền tải nội dung, tư tưởng của tác phẩm. Với những lí do trên, tìm hiểu Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư trong văn học Việt Nam từ sau 1986 chính là một cách để phân tích, đánh giá đầy đủ những đặc điểm, thành tựu của truyện ngắn Việt Nam thời kì đổi mới trên các phương diện: đối tượng, nội dung phản ánh và hình thức nghệ thuật. Bên cạnh đó chúng tôi mong muốn kết quả nghiên cứu của luận án này sẽ là những tài liệu tham khảo có giá trị thực tiễn đối với công tác nghiên cứu và giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng và phổ thông. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án 2.1. Mục đích nghiên cứu Tìm hiểu, đánh giá đặc điểm phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư trong văn học Việt Nam từ sau 1986 để khẳng định sự thống
  • 8. 4 nhất biện chứng giữa đối tượng, nội dung biểu hiện với phương thức thể hiện trong thể loại truyện ngắn, khẳng định rõ thêm thành tựu của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu Để đạt được mục đích trên, luận án thực hiện những nhiệm vụ cơ bản sau: - Đưa ra quan niệm về truyện ngắn thế sự - đời tư từ góc nhìn của lí thuyết tự sự học hiện đại, từ sự khu biệt giữa truyện ngắn thế sự - đời tư với các khuynh hướng truyện ngắn khác như truyện ngắn theo khuynh hướng sử thi, truyện ngắn theo khuynh hướng triết luận. - Chỉ ra những cơ sở cho sự phát triển của truyện ngắn theo khuynh hướng thế sự - đời tư, tái hiện diện mạo của truyện ngắn theo khuynh hướng này trong văn học Việt Nam từ sau 1986. - Phân tích những đặc điểm của phương thức trần thuật qua các phương diện như: điểm nhìn trần thuật, cách tổ chức tình huống, kết cấu. - Phân tích những đặc điểm của phương thức trần thuật qua ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án 3.1. Đối tượng nghiên cứu Luận án của chúng tôi tập trung nghiên cứu thể loại truyện ngắn trong văn học Việt Nam hiện đại (từ sau 1986 đến nay). Từ những khảo sát trên thực tế tác phẩm, chúng tôi phân loại truyện ngắn thành 3 khuynh hướng: sử thi, thế sự - đời tư và triết luận. Cảm hứng sáng tác chủ đạo là tiêu chí để chúng tôi phân loại truyện ngắn thành các khuynh hướng như vậy. Trong đó chúng tôi đặc biệt quan tâm tìm hiểu sự vận động và phát triển của truyện ngắn thế sự - đời tư, lí giải những đặc điểm riêng của thể tài truyện ngắn này trên cơ sở những lí thuyết chung về thể loại. Luận án tập trung vào phương thức trần thuật bao gồm: điểm nhìn trần thuật, tổ chức tình huống, kết cấu, ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật.
  • 9. 5 3.2. Phạm vi nghiên cứu Thực hiện đề tài này, chúng tôi dành sự quan tâm đến một số tập truyện ngắn, tuyển tập truyện ngắn đã được xuất bản của các nhà văn tiêu biểu như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thị Thu Huệ... và một số cây bút trẻ có truyện ngắn đạt giải từ sau 1986 đến nay đã được in trong các tuyển tập. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện đề tài, để thấy được sự vận động và phát triển của truyện ngắn thế sự - đời tư trong văn học Việt Nam từ sau 1986, chúng tôi mở rộng phạm vi nghiên cứu tới truyện ngắn trước và sau 1986 để có cái nhìn đối sánh và sâu hơn về đối tượng. 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu của luận án 4.1. Phương pháp luận Luận án của chúng tôi chủ yếu sử dụng lí thuyết tự sự học hiện đại. Từ cơ sở lí thuyết này, chúng tôi quan niệm truyện ngắn thế sự - đời tư như một thể tài cơ bản của thể loại truyện ngắn. Ngoài ra chúng tôi tiếp cận truyện ngắn thế sự - đời tư từ góc độ trần thuật học trong khảo sát, phân tích, khái quát hóa, làm rõ hơn các yếu tố về hình thức biểu hiện như điểm nhìn, tình huống, kết cấu, ngôn ngữ, giọng điệu... Mỗi yếu tố cụ thể đó mang nét riêng, tạo ra đặc trưng khu biệt truyện ngắn thế sự - đời tư trong tiến trình vận động và phát triển của văn học Việt Nam đương đại. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Để hoàn thành các nhiệm vụ khoa học đã xác định trước, chúng tôi vận dụng một số phương pháp nghiên cứu chủ yếu sau: 4.2.1. Phương pháp phân tích - tổng hợp Phương pháp này được chúng tôi vận dụng để phân tích vị trí, những đặc điểm thuộc phương thức trần thuật của truyện ngắn Việt Nam từ sau 1986 trên cơ sở ấy đi đến những kết luận mang tính tổng hợp nhất, khái quát nhất về truyện ngắn thế sự - đời tư trong văn học Việt Nam từ sau 1986.
  • 10. 6 4.2.2. Phương pháp hệ thống Chúng tôi sử dụng phương pháp này trong quá trình nghiên cứu để xem xét, phân tích truyện ngắn về đề tài thế sự - đời tư trong văn học Việt Nam từ sau 1986 trong hệ thống chung sự vận động, đổi mới của nền văn học Việt Nam đặc biệt của văn xuôi sau 1986. Đồng thời xem xét, nghiên cứu phương thức trần thuật của truyện ngắn về đề tài này như một hệ thống. 4.2.3. Phương pháp so sánh Để khẳng định phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư trong văn học Việt Nam từ sau 1986 có những nét riêng, độc đáo, chúng tôi đối chiếu, so sánh với truyện ngắn cùng thể tài ở thời kì trước đó và so sánh với truyện ngắn thuộc các đề tài khác thời kì từ sau 1986. 4.2.4. Phương pháp loại hình Chúng tôi quan niệm truyện ngắn thế sự - đời tư là một loại hình với nội dung phản ánh, kết cấu và phương thức trần thuật riêng. 4.2.5. Phương pháp lịch sử - xã hội Chúng tôi xem xét, đánh giá truyện ngắn theo khuynh hướng thế sự - đời tư trong bối cảnh vận động, đổi thay của xã hội Việt Nam từ sau 1986. Đồng thời chúng tôi quan niệm rằng bản thân khuynh hướng này cũng có quá trình phát triển của nó trong mấy mươi năm. 4.2.6. Phương pháp thống kê - phân loại Phương pháp này được sử dụng trong quá trình khảo sát các tác phẩm truyện ngắn thế sự - đời tư tiêu biểu từ sau 1986 nhằm có những cứ liệu xác đáng cho các luận điểm. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án -Luận án cung cấp cái nhìn hệ thống về truyện ngắn Việt Nam giai đoạn sau 1986 trong bước chuyển của lịch sử văn học, góp phần khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa nội dung phản ánh, kiểu nhân vật với phương thức trần thuật trong thể loại này.
  • 11. 7 -Luận án là công trình đầu tiên tìm hiểu và phân tích một cách tương đối toàn diện, có hệ thống về đặc điểm phương thức trần thuật của truyện ngắn viết theo khuynh hướng thế sự - đời tư trong văn xuôi Việt Nam từ sau 1986. 6. Ý nghĩa lí luận và thực tiễn của luận án 6.1. Ý nghĩa lí luận Bằng việc phân tích phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư trong văn học Việt Nam từ sau 1986, luận án góp phần làm sáng tỏ ý nghĩa của lí thuyết tự sự học hiện đại. Xét về mặt cấu trúc loại hình, từ việc phân tích, đánh giá truyện ngắn thế sự - đời tư luận án góp phần làm sáng tỏ mối quan hệ giữa quan niệm nghệ thuật về hiện thực, con người với các phương diện thuộc thuộc phương thức trần thuật của thể loại. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn Với đề tài này, luận án đã khảo sát, khái quát, tổng kết bước đầu các khuynh hướng truyện ngắn Việt Nam từ sau 1986 trong đó nổi bật là khuynh hướng thế sự - đời tư. Từ đó, làm sáng tỏ sự vận động, phát triển, thành tựu và hạn chế của thể loại truyện ngắn trong văn học Việt Nam hiện đại. Bên cạnh đó, luận án có thể trở thành tài liệu tham khảo cho những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập, những ai quan tâm. 7. Cấu trúc của luận án Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, Luận án có nội dung chính gồm 4 chương như sau: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu Chương 2: Truyện ngắn thế sự - đời tư trong sự vận động, phát triển của văn học Việt Nam từ sau 1986 Chương 3: Điểm nhìn trần thuật, tổ chức tình huống và kết cấu trong truyện ngắn thế sự - đời tư từ sau 1986 Chương 4: Ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư từ sau 1986
  • 12. 8 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa: “Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ. Nội dung của truyện ngắn bao trùm hầu hết các phương diện của đời sống: đời tư, thế sự hay sử thi nhưng cái độc đáo của nó là ngắn. Truyện ngắn được viết ra để tiếp thu liền một mạch, đọc một hơi không nghỉ” [94; tr.370]. Song hành cùng sự phát triển của xã hội, truyện ngắn là một trong những thể loại có lịch sử phát triển lâu dài và phức tạp. Sự biến động của xã hội qua từng thời kì lịch sử phát triển của loài người kéo theo sự vận động và biến đổi của truyện ngắn thế giới nói chung, truyện ngắn Việt Nam nói riêng. Từ đầu thế kỉ XX đến nay, truyện ngắn hiện đại Việt Nam có những thay đổi theo hướng tích cực để thích ứng với sự đổi thay của thời đại, đặc biệt từ thời kì sau 1986, nó đã chứng tỏ là một thể loại có khả năng dung hòa được với nhịp sống hối hả và bao quát được những vấn đề đặt ra trong xã hội ngày nay. 1.1. Quan niệm chung về phương thức trần thuật trong truyện ngắn thế sự - đời tư 1.1.1. Khái niệm truyện ngắn thế sự - đời tư Do tác động của hoàn cảnh chiến tranh, nội dung ưu tiên hàng đầu trong các tác phẩm văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 là những biến cố lịch sử trọng đại, nhiệm vụ của đời sống chính trị. Khuynh hướng sử thi vì thế nổi lên như một khuynh hướng tiêu biểu và duy nhất của văn học giai đoạn này. Sau đổi mới, văn xuôi từng bước thoát ra khỏi áp lực của “chủ nghĩa đề tài” bằng kinh nghiệm cá nhân đột phá vào các vùng hiện thực mới, chủ quan hóa cách nhìn đối với những hiện thực vốn quen thuộc. Giá trị tác phẩm bây giờ không còn phụ thuộc vào đề tài nữa mà do cách xử lí nghệ thuật của nhà văn quyết định. Tương ứng với các mảng hiện thực lớn cùng cảm hứng sáng tác của nhà văn là những khuynh hướng: sử thi, thế sự - đời tư và triết luận. Trong luận án này, chúng tôi đặc biệt dành sự quan tâm đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu truyện
  • 13. 9 ngắn thế sự - đời tư, lí giải những nguyên nhân hình thành, phát triển và sức hút mạnh mẽ của khuynh hướng này đối với các nhà sáng tác. Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) định nghĩa thế sự là “việc đời”. Theo cách hiểu khái quát đó truyện ngắn thế sự là truyện ngắn viết về cuộc sống đời thường, về thế thái nhân tình, về con người của thực tại. Những truyện ngắn viết theo khuynh hướng này chú ý khẳng định giá trị thẩm mĩ của cái đời thường, khám phá mọi phức tạp, éo le và cả cái cao quý trên hành trình đi tìm sự sống và hạnh phúc của con người. Thế sự làm cho truyện ngắn giàu tính thời sự, mở rộng phạm vi phản ánh của hiện thực đời sống. Đây là một thể tài đã có truyền thống trong lịch sử văn học dân tộc. Từ các bậc đại thi hào xưa như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến đã khéo léo đưa vào trong sáng tác của mình bức tranh xã hội đương thời với sự thối nát của giai cấp thống trị và nỗi bi thương của những người dân nghèo khổ. Khuynh hướng này chỉ bị chững lại những năm 1945 - 1975 do văn học dành sự ưu tiên cho những tác phẩm mang khuynh hướng sử thi, phù hợp với hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ. Sang đến giai đoạn 1975, cảm hứng này tiếp tục được “phục sinh” và có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Bàn về thế sự là bàn đến các nội dung: đặc tả bức tranh hiện thực đời sống muôn mặt (hiện thực lớn - cuộc sống lao động kiến thiết và khôi phục đất nước; hiện thực nhỏ - cuộc sống hàng ngày của mỗi con người) đồng thời đặc sắc của những sáng tác viết theo khuynh hướng này còn ở chỗ nó phát hiện ra những khiếm khuyết trong cơ chế xã hội thời mở cửa, dóng lên hồi chuông cảnh báo kịp thời qua những mảnh hiện thực bị cắt rời, nham nhở. Đời tư hay đời sống cá nhân được hiểu là “cuộc sống của một cá nhân, đặc biệt được xem như toàn bộ sự lựa chọn cá nhân góp phần nhận dạng tính cách một người” (Theo Từ điển Wikipedia tiếng Việt). Truyện ngắn mang cảm hứng đời tư là truyện ngắn về số phận con người cá nhân. Nó hướng đến đời sống tinh thần phong phú, phức tạp của con người với những ham mê, dục
  • 14. 10 vọng thường tình, những khắc khoải về số phận, những cảm xúc gần gũi, đời thường. Những tác phẩm thuộc khuynh hướng này thường lấy đề tài trực tiếp từ đời sống hiện tại. Điểm tựa cho kết cấu không phải là các biến cố lịch sử mà là những chuyện hàng ngày, những quan hệ nhân sinh muôn thuở, những ứng xử có tính phổ biến hay đột biến của con người. Qua đó nhà văn săn tìm ý thức về nhân cách. Con người cá nhân, có lẽ, đã xuất hiện trong các thi phẩm của các thi nhân từ rất lâu và có thể xem giai đoạn 1930 - 1945 với sự xuất hiện của phong trào Thơ mới đã đánh dấu sự thức tỉnh và ý thức về bản thể mạnh mẽ nhất: “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất - Không có chi bè bạn nối cùng ta” (Xuân Diệu). Giai đoạn 1945 - 1975 do hoàn cảnh đặc thù con người cá nhân chìm khuất nhường chỗ cho con người cộng đồng, lịch sử gọi tên những người anh hùng mang những nét đẹp thời chiến trận, sử thi phủ lên các sáng tác văn học tấm áo choàng của lịch sử, số phận của mỗi cá nhân như một lẽ tất yếu, trùng khít với số phận của cộng đồng. Câu hỏi “ta vì ai?” vì thế được ưu tiên hàng đầu. Khi cuộc sống trở về nhịp quay bình thường như nó phải có, văn học trở về với đời sống cá nhân đó là một quy luật tất yếu. Văn học sau 1975 lấy con người làm tâm điểm soi chiếu lịch sử. Con người từ điểm nhìn lí tưởng hóa được đặt vào điểm nhìn thế sự, đời tư. Dòng chảy đời thường ở thời đại ý thức cá nhân phát triển tạo cho con người một diện mạo mới; phong phú, phức tạp, nhiều bí ẩn và nhà văn trong nỗ lực khám phá, chiếm lĩnh đời sống nhận ra mỗi cá thể là “một tiểu vũ trụ” không thể biết hết, không thể biết trước. Để con người hiện diện với các quan hệ nhân sinh cụ thể, nhiều chiều, đó là cách xử lí phổ biến. Con người đời thường với những ẩn mật, khuất lấp hiện lên muôn màu muôn vẻ: thực trạng nhân tính suy thoái, con người ham mê dục vọng tầm thường, con người chìm sâu vào hào quang quá khứ... nhưng tiêu biểu và nổi bật hơn cả chính là con người tìm được cách khẳng định giá trị tự thân của mình, nói khác đi là con người có giá trị tự thân. Đây được xem như là một trong những phát hiện mang tính nhân bản về con
  • 15. 11 người của các nhà văn giai đoạn này. Từ những điều đã trình bày ở trên có thể hiểu truyện ngắn thế sự - đời tư là truyện ngắn viết về cuộc sống hàng ngày và số phận của mỗi con người cá nhân trong dòng chảy vô thường ấy. Sáng tác theo khuynh hướng thế sự - đời tư, người cầm bút xem cuộc sống hàng ngày đang diễn ra là đối tượng sinh động và thú vị, số phận con người cá nhân là một đích đến của văn chương. Nói cách khác, nó chứng tỏ tinh thần nhân bản và ý thức dân chủ của nhà văn. Sự phát triển của khuynh hướng văn học này gắn với những thay đổi trong quan niệm về đối tượng, chức năng của văn chương, những thay đổi trong hứng thú sáng tác của nhà văn và tâm thế tiếp nhận của công chúng. Thể tài này không phải đến văn học sau 1975 mới có mà nó đã manh nha hình thành thậm chí có thời kì phát triển đạt được nhiều thành tựu trước đó. Tuy nhiên sự vận động của thể tài truyện ngắn này thăng giáng theo nhịp chuyển dời của lịch sử và để đến thời kì sau đổi mới, hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi, nó một lần nữa được phục hồi và hứa hẹn sẽ có những thành tựu đáng mong đợi. Trong luận án, chúng tôi sử dụng khái niệm truyện ngắn thế sự - đời tư như một công cụ khảo sát diện mạo một thể loại văn học dưới góc nhìn thể tài. Cho nên, truyện ngắn thế sự - đời tư trước hết cũng mang những đặc trưng thi pháp của thể loại truyện ngắn, một thể loại tự sự hiện đại độc đáo. Thứ nữa, nó khai thác thể tài thế sự - đời tư dưới một góc nhìn, cách tiếp cận riêng, mang hơi thở của lịch sử, thời đại, những tìm tòi, sáng tạo và tư tưởng riêng của nhà văn. Xét đến cùng, truyện ngắn thế sự - đời tư cũng là một loại hình diễn ngôn tự sự gắn liền với thế giới quan, nhân sinh quan, sản phẩm của một hình thái ý thức xã hội, lịch sử mà nền tàng là tinh thần dân chủ, nhân văn, đối thoại, hoài nghi. Thực tế đây không hẳn là một khái niệm mới mà chúng tôi đi nghiên cứu một thể loại trong tiến trình lịch sử văn học, chịu ảnh hưởng trong các tiêu chí phân chia của trường phái Pospelov. Với khái niệm công cụ này,
  • 16. 12 chúng tôi sẽ có dịp tìm hiểu kỹ hệ thống thi pháp của thể tài truyện ngắn này ở nhiều cấp độ, phương diện như trần thuật, kết cấu, ngôn ngữ, để thấy những thành tựu, đóng góp, cả hạn chế, nhược điểm, nhưng quan trọng hơn là sự vận động, phát triển của thể tài trong lịch sử văn học và sự sáng tạo của các nhà văn đổi mới. 1.1.2. Quan niệm chung về phương thức trần thuật Với bất cứ tác phẩm nào thuộc loại hình tự sự (truyện) thì trần thuật luôn là yếu tố then chốt, phương diện cơ bản. Theo đó, trần thuật thường được hiểu là “việc giới thiệu, khái quát, thuyết minh, miêu tả đối với nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh, sự vật theo cách nhìn của một người trần thuật nhất định” [94; tr.364]. Cho nên, có thể nói rằng trần thuật chính là việc tổ chức tác phẩm tự sự theo một điểm nhìn, cách nhìn nhất định. Trần thuật gắn liền với tất cả các yếu tố trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm như bố cục, kết cấu, tổ chức không gian, thời gian, ngôn ngữ, giọng điệu. Nó là một hệ thống tổ chức phức tạp “nhằm đưa hành động, lời nói của nhân vật vào đúng vị trí của nó để người đọc có thể lĩnh hội theo đúng ý định tác giả (mối quan hệ giữa câu chuyện và cốt truyện)” [94; tr.364]. Việc trần thuật bao giờ cũng gắn với một người kể và điểm nhìn nhất định. Một tác phẩm tự sự có thể được kể theo người kể chuyện ở ngôi thứ ba, đứng ngoài quan sát, ngôi thứ hai hoặc ngôi thứ nhất, tự thuật. Điểm nhìn trần thuật có thể thay đổi linh hoạt, đan cài, di chuyển, luân phiên trong một tác phẩm. Có nhiều cách trần thuật gắn với người trần thuật như trần thuật ở ngôi thứ ba khách quan, trần thuật theo ngôi thứ nhất do một nhân vật trong tác phẩm đảm nhiệm, trần thuật bằng dòng ý thức, độc thoại nội tâm. Mỗi điểm nhìn này gắn với một tọa độ không gian, thời gian tạo thành trường nhìn, thể hiện cách nhìn, cách cảm, lập trường, tư tưởng của người trần thuật và của tác giả. Mỗi sự thay đổi sẽ đem đến một sắc thái, bình diện miêu tả, tái hiện, hay tái tạo thế giới khác nhau, đem đến cảm xúc, ý nghĩa đa tầng lớp. Ngoài ra,
  • 17. 13 cách thành phần trần thuật còn gồm không gian, thời gian, giọng điệu, ngôn ngữ, tiết tấu, nhịp điệu… Những yếu tố này tương tác, kết hợp hài hòa tạo nên cấu trúc trần thuật nghệ thuật trong tác phẩm tự sự. Tuy nhiên, hai yếu tố then chốt liên quan đến phương thức trần thuật là người kể chuyện và điểm nhìn trần thuật. Người kể chuyện hiểu theo nghĩa đen chính là người kể câu chuyện cho người đọc nghe. Đây là nhân vật trung tâm của tự sự vì trên danh nghĩa toàn bộ văn bản tự sự là sản phẩm của họ tạo ra. Bản thân người kể chuyện với các yếu tố về chỗ đứng, điểm nhìn, cách thức kể lại câu chuyện sẽ tác động mạnh đến cấu trúc truyện kể cũng như mạch truyện trong tác phẩm. Người kể chuyện có vị trí, vai trò đặc biệt trong nghệ thuật tự sự. Nó chính là một phương diện quan trọng thể hiện chủ thể, bởi thái độ của người kể chuyện với thế giới câu chuyện được kể thống nhất, hoặc ít nhất cũng thống nhất ở một phần, một phương diện nào đó với quan điểm, với lập trường tư tưởng của tác giả. Vì vậy, mỗi loại hình diễn ngôn tự sự đều phải xây dựng một người kể chuyện đặc thù để kể câu chuyện mà chủ thể muốn gửi tới đối tượng tiếp nhận. R.Barthes từng nói “tự sự là cái có thể chuyển ngữ được mà không phải chịu một tổn hại cơ bản nào”, và vai trò chuyển ngữ ấy đặt lên người kể chuyện, điểm khác biệt cơ bản của tác phẩm tự sự với một bài thơ trữ tình hay một diễn ngôn triết học. Trong hệ thống trần thuật của một diễn ngôn tự sự, mối liên hệ giữa các yếu tố người kể chuyện - nhân vật - người nghe được thiết lập trong một chỉnh thể của chiến lược giao tiếp thể loại. Mối quan hệ hoàn chỉnh của ba yếu tố đã đặt ra một vấn đề khác gắn bó chặt chẽ với người kể chuyện - vấn đề điểm nhìn. Mỗi nhân vật người kể chuyện bao giờ cũng gắn với một vị trí, một chỗ đứng nhất định trong không, thời gian, trong mô hình cấu trúc truyện kể của thể loại, tạo nên những điểm nhìn khác nhau. Như vậy, điểm nhìn nghệ thuật gắn liền với người kể chuyện. Nó thể hiện rõ vị trí của người kể với câu
  • 18. 14 chuyện được kể, từ đó xác định quyền năng của người kể chuyện trong tác phẩm. Do đó, điểm nhìn nghệ thuật gắn với cái nhìn của chủ thể, mối quan tâm của anh ta với các vấn đề được kể, tạo ra cái nhìn nghệ thuật cho tác phẩm. Mỗi điểm nhìn thể hiện một vai, vị thế phát ngôn nào đó của chủ thể. Trong nghệ thuật tự sự, vấn đề điểm nhìn thuộc về các kỹ thuật, nguyên tắc tự sự. Nó là một trong những vấn đề then chốt của kết cấu tác phẩm, “cung cấp một phương diện để người đọc nhìn sâu vào cấu tạo nghệ thuật và nhận ra đặc điểm phong cách ở trong đó” [94; tr.113]. Tuy nhiên, nhìn từ hệ hình cấu trúc văn bản tự sự, nghệ thuật kể chuyện có ba điểm nhìn: điểm nhìn nhân vật, điểm nhìn người kể chuyện và điểm nhìn của người đọc. Khi truyện kể trở nên phức tạp hơn thì điểm nhìn thứ tư nảy sinh từ sự khác biệt rõ rệt giữa người kể chuyện và tác giả. Trong tác phẩm tự sự, điểm nhìn có ý nghĩa quan trọng, là yếu tố cơ bản nhất tạo nên phương thức trần thuật của văn bản, là phương tiện để tổ chức, kết cấu văn bản nghệ thuật. Do đó, dựa vào việc sử dụng điểm nhìn mà người ta phân chia ra nhiều phương thức tự sự/ trần thuật khác nhau. Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì “phương thức trần thuật được cấu thành bởi sự phối hợp giữa tiêu cự trần thuật và cách kể” [94; tr.267]. Tiêu cự trần thuật có thể chia thành hai loại: trần thuật biết hết - điểm nhìn toàn tri vầ trần thuật theo điểm nhìn nhân vật - điểm nhìn hạn tri. Còn tư cách kể gắn với người kể chuyện nên có thể chia thành người kể lộ diện (kể theo ngôi thứ nhất) hoặc người kể ẩn tàng (kể theo ngôi thứ ba hoặc ngôi thứ hai). Có rất nhiều quan niệm chia phương thức trần thuật thành nhiều loại hình khác nhau. Song trên những điểm dị biệt vẫn có nét đại đồng là chủ yếu dựa vào cách kể ở ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, gắn với cái nhìn toàn tri và hạn tri, người kể lộ diện và ẩn tàng. Theo đó, nhìn chung, chúng ta có thể chia thành một số phương thức sau: 1. Kể theo ngôi thứ ba, khách quan, người kể biết hết, tiêu cự bằng không.
  • 19. 15 2. Kể theo ngôi thứ ba, người kể biết hết, có bình luận. 3. Kể theo ngôi thứ ba, chủ quan do vận dụng điểm nhìn của nhân vật (tiêu cự bên trong). 4. Kể theo ngôi thứ nhất của người kể bàng quan, đứng ngoài. 5. Kể theo ngôi thứ nhất có bình luận. 6. Kể theo ngôi thứ nhất mang điểm nhìn của người trong cuộc [94; tr.267-268]. Bản thân sự phân chia thành các phương thức trần thuật trên đây đã thể hiện quá trình vận động, phát triển của thể loại tự sự trong lịch sử văn học. Khảo sát nghệ thuật tự sự trong tiến trình văn học chúng tôi nhận thấy phương thức trần thuật theo ngôi thứ ba xuất hiện khá sớm, từ trong văn học dân gian và trung đại, còn phương thức trần thuật theo ngôi thứ nhất, từ điểm nhìn bên trong xuất hiện muộn hơn, bắt đầu từ các tác phẩm văn học hiện đại. Ngay trong cùng một phương thức trần thuật theo ngôi thứ ba thì các tác phẩm tự sự dân gian, trung đại chủ yếu theo các phương thức 1 và 2, phương thức 3 đến thời cận, hiện đại mới có. Bởi chỉ khi xuất hiện ý thức cá nhân mạnh mẽ, rõ rệt, biểu hiện trực tiếp, cụ thể thì điểm nhìn bên trong mới được sử dụng trong nghệ thuật tự sự, để kể truyện đời và truyện của mình bằng góc nhìn, kinh nghiệm, tư tưởng của cá nhân. Khái niệm “tiêu cự” trong phương thức trần thuật giúp khu biệt được đặc trưng của từng thời kỳ, giai đoạn văn học khác nhau có cùng một hình thức trần thuật: ví dụ như việc trần thuật theo ngôi thứ ba trong văn học trung đại và hiện đại. 1.1.3. Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, đời tư Tìm hiểu phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư, chúng tôi vẫn sử dụng khái niệm phương thức trần thuật và các hình thức phương thức trần thuật của tự sự nói chung. Tuy nhiên, khảo sát một thể loại tự sự cỡ nhỏ là truyện ngắn, gắn với thể tài thế sự - đời tư trong bối cảnh văn học Việt Nam những năm đổi mới (từ sau 1986), chúng tôi xem xét những phương
  • 20. 16 thức trần thuật đặc trưng được sử dụng, lý giải cặn kẽ hơn về các phương thức trần thuật đó. Từ đó, chúng tôi sẽ bước đầu nhận diện đặc trưng thể loại gắn với thể tài sẽ chi phối đến hệ thống thi pháp, ngôn ngữ nghệ thuật, mà với tự sự thì quan trọng bậc nhất vẫn là trần thuật, sự kể, cách kể, chiến lược kể. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mở rộng khảo sát, tìm hiểu mọi yếu tố chi phối đến các phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư như tình huống/ sự kiện, kết cấu, ngôn ngữ, giọng điệu… để có cái nhìn toàn tri, đa chiều, thấu đáo, đặt phương thức trần thuật trong chỉnh thể tổ chức nghệ thuật của tác phẩm tự sự. Do đó, khái niệm phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư được hiểu linh động, mang tính chất công cụ như một cách tiếp cận thể loại văn học này trong giai đoạn văn học đổi mới. Từ đó, chúng tôi đi khu biệt, chỉ ra những đặc điểm riêng, mang tính đặc thù trong nghệ thuật trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư với các kiểu thể tài khác như lịch sử, khu biệt trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư trong giai đoạn văn học đổi mới sau 1986 với truyện ngắn nói riêng và các thể loại tự sự nói trong trong giai đoạn văn học sử thi 1945-1975. Vì thế, chúng tôi không định nghĩa duy danh hay đưa ra khái niệm mới. Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư là yếu tố hạt nhân, đặc trưng nổi bật để chúng tôi tìm hiểu, khảo sát, diễn giải và tái hiện một phần diện mạo của thể loại trong sự vận động của một giai đoạn văn học có nhiều biến đổi mang tính bước ngoặt. Và việc đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu các phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư thời kỳ từ sau 1986 đến nay cũng là một cách thay đổi tọa độ, điểm nhìn, phương pháp tiếp cận các hiện tượng trong lịch sử văn học: không đi theo lối mòn của lý thuyết phản ánh mà tìm hiểu bề sâu cấu trúc thể loại trong sự phát triển, thay đổi. Do đó, trần thuật là một cách thức đặc sắc, đặc thù và hữu dụng nhất để tái tạo hiện thực trong các truyện ngắn, thể loại vẫn được coi là khái quát thế giới từ một lát cắt, khoảnh khắc.
  • 21. 17 1.2. Tình hình nghiên cứu phương thức trần thuật trong văn xuôi Việt Nam từ sau 1986 Vào những năm đầu của thế kỉ XX, phương thức trần thuật trong các tác phẩm tự sự đã được giới nghiên cứu nước ta quan tâm và chú ý. Theo cách hiểu truyền thống mà Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa, phương thức trần thuật được hiểu là: “Phương thức trần thuật được cấu thành bởi sự phối hợp giữa tiêu cự trần thuật và tư cách kể. Tiêu cự trần thuật có thể chia thành hai loại: trần thuật biết hết và trần thuật theo điểm nhìn nhân vật. Tư cách kể có thể chia thành người kể lộ diện (kể theo “ngôi thứ nhất”) hoặc người kể ẩn tàng (kể theo “ngôi thứ ba” hoặc “ngôi thứ hai”). Hai yếu tố này kết hợp với nhau tạo thành các phương thức tự sự khác nhau theo quan điểm của từng chuyên gia...” [94; tr.267]. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu chúng tôi thấy phương thức trần thuật được phát triển theo nghĩa rộng hơn chứ không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ của “ngôi kể” mà Từ điển thuật ngữ văn học đã nêu. Khái niệm phương thức trần thuật mà chúng tôi sử dụng là một phương diện cơ bản của tự sự, bao gồm rất nhiều vấn đề liên quan đến tổ chức và cấu trúc một văn bản. Ở đây, chúng tôi bước đầu ghi nhận một số xu hướng nghệ thuật trần thuật của truyện ngắn đương đại như sau: sự đa dạng hóa điểm nhìn trần thuật; sự gia tăng hình thức trần thuật từ ngôi thứ nhất; ngôn ngữ trần thuật giàu chất hiện thực đời thường; nhịp điệu trần thuật nhanh, tính thông tin cao; truyện ngắn vận dụng nhiều hình thức trần thuật, trong đó tính chất đa thanh của giọng điệu trần thuật biểu hiện ở sự đan cài các giọng điệu khác nhau. Khác với văn học các giai đoạn trước, ta sẽ bắt gặp trong truyện ngắn từ sau 1986 đến nay những chất giọng đặc biệt, đặc trưng như: giọng điệu mỉa mai, châm biếm, giọng điệu hoài nghi bên cạnh những chất giọng truyền thống như giọng khách quan, giọng ngợi ca,... Trong lí thuyết tự sự học thì phương thức trần thuật là một phạm trù nghiên cứu khá phức tạp. Nó bắt đầu manh nha từ chủ nghĩa hình thức Nga,
  • 22. 18 ngôn ngữ học Saussure, trường phái Praha, trường phái Tân Aristotle, triết học phân tích, kí hiệu học, hậu cấu trúc chủ nghĩa... Vào những năm 1960 - 1970 ở Pháp được ghi nhận là mốc thời gian đánh dấu lĩnh vực nghiên cứu về tự sự học. Là một phương diện cơ bản của loại hình tự sự, việc tìm hiểu phương thức trần thuật giúp chúng ta hiểu được phương diện cấu trúc của tác tác phẩm. Về bản chất, đó là việc giới thiệu khái quát, miêu tả đối với một sự kiện, hoàn cảnh và nhân vật theo cách nhìn của một người trần thuật nhất định. Nghệ thuật trần thuật là một hiện tượng lý thuyết khá phức tạp cần nhiều sự kiến giải thỏa đáng. Từ thế kỉ XIX về trước thường xuất hiện trong văn bản tự sự là kiểu trần thuật khách quan, do một người trần thuật “toàn tri” kể theo ngôi thứ ba. Bắt đầu sang thế kỉ XX ghi nhận thêm kiểu trần thuật theo ngôi thứ nhất xưng “tôi” kể chuyện mình hoặc chuyện mà mình được chứng kiến. Phương thức trần thuật là một hệ thống phức tạp gồm nhiều thành phần nhưng do điều kiện thời gian và giới hạn của đề tài nên chúng tôi sẽ tìm hiểu nghệ thuật tổ chức trần thuật ở các phương diện và hình thức trần thuật như: ngôi kể và điểm nhìn trần thuật; cách tổ chức tình huống, kết cấu; ngôn ngữ và giọng điệu trần thuật. Phương thức trần thuật là một vấn đề quan trọng của lý thuyết tự sự đã và đang thu hút và nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Ở đây, trong công trình nghiên cứu này, chúng tôi xin được đề cập đến một vài công trình nghiên cứu của các lí thuyết gia nổi tiếng có ý nghĩa định hướng về mặt lí thuyết đối với công trình của chúng tôi. Một số nghiên cứu ngoài nước Trước hết, ở nước ngoài, người có công đầu trong việc nghiên cứu nghệ thuật tự sự phải kể đến là P.Lubbock, một nhà nghiên cứu người Anh. Trong tác phẩm Nghệ thuật văn xuôi, ông đã đưa ra bốn hình thức trần thuật cơ bản.
  • 23. 19 Hình thức trần thuật thứ nhất có tên gọi: “toát yếu toàn cảnh” có đặc điểm là sự xuất hiện của người trần thuật toàn tri, có quyền quyết định số phận các nhân vật của mình. Hình thức trần thuật thứ hai có tên gọi là: “người trần thuật kịch hóa” có đặc điểm người trần thuật đứng ở ngôi thứ nhất xưng “tôi” kể lại câu chuyện mà mình được chứng kiến hoặc chính bản thân mình đã trải qua. Hình thức trần thuật thứ ba có tên gọi: “ý thức kịch hóa” cho phép miêu tả đời sống nội tâm phức tạp, sự giao tranh những xúc cảm tâm lí của nhân vật. Cuối cùng là hình thức trần thuật thứ tư có tên: “kịch thực thụ” gần với trình diễn sân khấu bởi vì ở đây trần thuật được đưa ra dưới dạng một cảnh diễn trên sân khấu, người đọc chỉ có thể thấy được nhân dạng và các cuộc đối thoại của nhân vật mà không hiểu gì về đời sống nội tâm. Và trong quan niệm của mình, P.Lubbock coi hình thức trần thuật này là hình thức hoàn hảo nhất. N.Fridman trong tác phẩm Điểm nhìn trong tiểu thuyết đã đưa ra một sự phân loại tương đối chi tiết về người kể chuyện. Thứ nhất là hình thức người kể chuyện “toàn năng biên tập”, người kể chuyện xuất hiện trong vai “nhà xuất bản - nhà biên tập”, họ biết tất cả và có khả năng xâm nhập vào câu chuyện dưới dạng những trao đổi về cuộc sống, phong tục và đạo đức. Thứ hai là hình thức người kể chuyện “toàn năng trung tính”, không có sự can thiệp trực tiếp của người kể chuyện. Thứ ba là hình thức trần thuật “tôi là nhân chứng”, người kể chuyện kể từ ngôi thứ nhất, là một nhân vật trong truyện nhưng không tham gia vào câu chuyện mà chỉ hiểu biết ít ỏi về các nhân vật. Hình thức trần thuật thứ tư là hình thức “tôi là vai chính”, người kể chuyện là nhân vật chính trong câu chuyện. Thứ năm là hình thức trần thuật “toàn năng cục bộ đa bội”, người kể chuyện đứng bên ngoài câu chuyện, căn cứ vào điểm nhìn của nhiều nhân vật để kể chuyện. Thứ sáu là hình thức trần thuật “toàn năng cục bộ đơn bội”, người kể chuyện đứng bên ngoài và dựa vào điểm nhìn của một nhân vật trong truyện để kể. Thứ bảy là hình thức trần thuật theo “mô thức kịch” và cuối cùng là trần thuật theo kiểu “camera”. Ở
  • 24. 20 hai hình thức sau này hầu như người kể chuyện chỉ khách quan ghi lại các sự việc, hiện tượng mà không tỏ bất cứ một thái độ chủ quan nào. Pospelov, một nhà nghiên cứu Liên Xô trong cuốn Dẫn luận nghiên cứu văn học cũng bàn về vị trí người trần thuật trong nghệ thuật trần thuật đã phát biểu: “Trần thuật tự sự bao giờ cũng được tiến hành từ phía một người nào đó. Trong sử thi, tiểu thuyết, cổ tích, truyện ngắn trực tiếp hay gián tiếp đều có người trần thuật” [136; tr.88]. Theo Pospelov thì “người trần thuật là loại người môi giới các hiện tượng được miêu tả và người nghe hoặc người đọc là người chứng kiến và người cắt nghĩa các sự việc xảy ra”. Ở đây, Pospelov đã đặc biệt quan tâm đến vai trò của người kể chuyện trong nghệ thuật trần thuật. Ông cũng cho rằng có hai kiểu người trần thuật phổ biến: “Hình thức thứ nhất của miêu tả tự sự là trần thuật từ ngôi thứ ba không nhân vật hóa mà đằng sau là tác giả. Nhưng người trần thuật cũng hoàn toàn có thể xuất hiện trong tác phẩm dưới hình thức một cái “tôi” nào đó” [136; tr.88]. Một số nghiên cứu trong nước Bên cạnh các nhà nghiên cứu nước ngoài, các nhà nghiên cứu trong nước cũng dành sự quan tâm đến nghệ thuật trần thuật . Trong cuốn Tự sự học tập 1, Lại Nguyên Ân với bài viết “Về việc mở ra môn Trần thuật học trong ngành nghiên cứu văn học ở Việt Nam” đã đồng nhất trần thuật học với tự sự học và cho rằng: “Thực chất hoạt động trần thuật là kể, là thuật; cái được thuật, được kể, trong tác phẩm văn học tự sự là chuyện” [141; tr.132] và “Trần thuật học hiện đại quan niệm tác phẩm nghệ thuật như một hiện tượng giao tiếp nghệ thuật” [141; tr.139]. Trần Đình Sử trong Từ điển thuật ngữ văn học đã đưa ra ý kiến khá hệ thống và sâu sắc về vấn đề này. Nhà nghiên cứu cho rằng: “Người trần thuật là một nhân vật hư cấu hoặc có thật, mà văn bản tự sự là do hành vi ngôn ngữ của anh ta tạo thành” [94; tr.221]. Ông chỉ ra năm chức năng của người trần thuật: “1) chức năng kể chuyện, trần thuật; 2) chức năng truyền đạt, đóng vai
  • 25. 21 một yếu tố của tổ chức tự sự; 3) chức năng chỉ dẫn, thuộc phương pháp trần thuật; 4) chức năng bình luận; 5) chức năng nhân vật hóa” [94; tr.223]. Nhà nghiên cứu còn phân biệt người trần thuật với bản thân tác giả: “trong trần thuật viết phi văn học (như báo chí, lịch sử), người trần thuật nói chung đồng nhất với tác giả. Nhưng trong tác phẩm trần thuật mang tính chất văn học thì người trần thuật lại khác, nó bị trừu tượng hóa đi, trở thành một nhân vật hoặc ẩn hoặc hiện trong tác phẩm tự sự” [94; tr.222]. Trong Tự sự học tập 2, Phương Lựu lại đưa ra vấn đề về phân loại góc nhìn trần thuật. Ông cho rằng “góc nhìn (perspective), cũng nhiều khi được gọi là điểm nhìn (point of view), theo thu hoạch còn hạn hẹp vốn có của chúng tôi, thì có ba loại khác nhau. Một là “góc nhìn hiểu biết” rất biến hóa, có mặt khắp nơi, hầu như không bị hạn chế nào, thí dụ trong Hội chợ phù hoa của W.M.Thackeray. Hai là “góc nhìn bên trong” tức là nhìn theo tri thức, tư tưởng, tình cảm của một hay nhiều nhân vật để trần thuật một sự kiện hay toàn bộ câu chuyện. Ba là “góc nhìn bên ngoài” là góc nhìn không phải của bất cứ nhân vật nào trong truyện, gần giống với loại một, nhưng không đi sâu biểu hiện tư tưởng, tình cảm, nội tâm v.v..., mà chỉ tả hoặc kể lại sự kiện hoặc ngôn ngữ, cử chỉ, hành động, ngoại hình và hoàn cảnh của nhân vật trong truyện như Rặng đồi tựa đàn voi trắng của Hemingway” [143; tr.190]. Như vậy, nhà nghiên cứu đã chỉ ra một phương diện trong nghệ thuật trần thuật đó là điểm nhìn trần thuật. Trần Huyền Sâm cũng trong cuốn chuyên luận này có bài viết “Kiểu tự sự đánh tráo chủ thể trần thuật trong tiểu thuyết hậu hiện đại”, Trần Mạnh Tiến có bài “Nghệ thuật trần thuật trong một số tự truyện tiêu biểu giai đoạn 1930 – 1945”, Nguyễn Việt Hà có bài “Hoạt lực trần thuật trong tiểu thuyết Tình ơi là tình của Elfied Jelinek”... Các nhà nghiên cứu này lần lượt đưa ra những cách hiểu của mình về lí thuyết trần thuật. Như vậy qua sự trình bày ở trên, có thể thấy rằng các nhà nghiên cứu
  • 26. 22 trong và ngoài nước đều rất quan tâm đến nghệ thuật trần thuật. Chúng tôi nhận thấy những ý kiến trên đều đi đến sự nhất quán khi cho rằng có hai kiểu người trần thuật: trần thuật ngôi thứ nhất và trần thuật ngôi thứ ba. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu tỏ ra quan tâm nhiều đến người kể chuyện còn phương thức trần thuật biểu hiện ra sao thì chưa có công trình nghiên cứu nào chỉ ra một cách hệ thống và cụ thể. Luận án của chúng tôi trước hết xác định vai trò của phương thức trần thuật trong tác phẩm tự sự. Chúng tôi quan niệm trần thuật trong truyện ngắn là một phương diện thuộc đặc trưng thi pháp thể loại. Trần thuật tồn tại với nội dung trần thuật và hình thức trần thuật. Theo chúng tôi, phương thức trần thuật trong văn chương có quan hệ mật thiết, chịu sự chi phối của nội dung phản ánh, kiểu nhân vật. Phương thức trần thuật ấy là một hệ thống bao gồm nhiều phương diện đó là: điểm nhìn trần thuật, tổ chức tình huống, kết cấu, ngôn ngữ, giọng điệu... Về phương thức trần thuật của truyện ngắn giai đoạn từ sau 1986 cho đến nay từng có khá nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu. Các ý kiến thường tập trung đánh giá về một hay một vài phương diện nghệ thuật. Bích Thu trong bài “Những thành tựu của truyện ngắn sau 1975” cho rằng: “Trong một thời gian không dài truyện ngắn đã làm được nhiều vấn đề mà tiểu thuyết chưa kịp làm, đã tạo ra nhiều phong cách sáng tạo có giọng điệu riêng. Xét trong hệ thống chung của các loại hình văn xuôi, nghệ thuật truyện ngắn đã đạt được những thành tựu đáng kể trong nghệ thuật xây dựng cốt truyện, trong cách nhìn nghệ thuật về con người và trong sáng tạo ngôn từ” [219]. Theo nhà nghiên cứu, truyện ngắn “có xu hướng tự nới mở, đa dạng hơn trong cách thức diễn đạt... Có sự tác động, hòa trộn giữa ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ người kể chuyện” [219]. Biện giải về điều này theo nhà nghiên cứu là do những biến động xảy ra trong đời sống xã hội, yêu cầu của thời đại, sự thay đổi ý thức thẩm mỹ của cả nhà văn và độc giả.
  • 27. 23 Nguyễn Văn Long trong cuốn Văn học Việt Nam sau 1975 - Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy khẳng định: “từ bỏ sự áp đặt một quan điểm được cho là đúng đắn nhất vì đó là quan điểm của cộng đồng, ngày nay người viết có thể đưa ra nhiều quan điểm khác nhau, chính kiến khác nhau. Để làm được điều đó, cách tốt nhất là chuyển dịch điểm nhìn vào nhiều nhân vật để mỗi nhân vật có thể tự nói lên quan điểm, thái độ của mình và để cho các ý thức cùng có quyền phát ngôn, cùng đối thoại” [110; tr.20]. Bên cạnh đó là “sự thay đổi vai kể, cách đưa truyện lồng trong truyện, sự đảo ngược và xen kẽ vào các tình tiết, sự việc không theo một trật tự thời gian duy nhất” [110, tr.20] là những nét mới trong nghệ thuật biểu hiện. Cùng quan tâm tới hình thức biểu hiện của truyện ngắn, Thái Phan Vàng Anh qua bài nghiên cứu “Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn đương đại” đã chỉ ra những đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ truyện ngắn đương đại, đó là tính chất hiện đại, tính chất văn hóa vùng miền và tính chất đa thanh. Từ việc đi nghiên cứu ngôn ngữ trong truyện, tác giả đã phác họa những nét khá cơ bản về diện mạo của truyện ngắn thời kì sau đổi mới đến nay. Hỏa Diệu Thúy thông qua bài viết “Sự vận động của truyện ngắn Việt Nam sau 1975 qua những cách tân về hình thức” đã mang đến một cái nhìn khái quát về những nỗ lực cách tân nhằm đổi mới thể loại của nhiều cây bút truyện ngắn. Theo nhà nghiên cứu, về mặt hình thức, truyện ngắn Việt Nam sau 1975 có những thay đổi ở các phương diện như: tổ chức cốt truyện, trần thuật và ngôn ngữ và khẳng định giai đoạn sau 1975 “là giai đoạn mà truyện ngắn Việt Nam có dạng thức thể loại phong phú và đa dạng nhất so với từ trước đến giờ với các dạng thức tiêu biểu: truyện cực ngắn, truyện ngắn ngắn, truyện siêu ngắn (truyện mi ni); truyện trong truyện và truyện liên hoàn; truyện giả thể loại (giả ngụ ngôn, giả cổ tích, giả truyền thuyết, giả truyền kỳ)” [226]. Lê Hương Thủy trong “Một góc nhìn truyện ngắn 2008” nhận định: “Thực tế cho thấy trong năm vừa qua, số lượng các tập truyện ngắn được in ra
  • 28. 24 rất nhiều. Theo thống kê chưa thật đầy đủ thì số các tập truyện ngắn của từng tác giả in và lưu chiểu ở Thư viện Quốc gia năm 2008 lên đến 50 đầu sách” và “một số cây bút vẫn tiếp tục xu hướng cách tân, đổi mới lối viết” [227]. Lý Hoài Thu khi tổng kết sự vận động của các thể loại văn xuôi trong thời kì đổi mới đã có những kiến giải: “Bên cạnh tiếu thuyết, truyện vừa và truyện ngắn (trung thiên tiểu thuyết và đoản thiên tiểu thuyết) trong các thập niên qua phát triển mạnh mẽ, có thể gọi là rực rỡ. Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi đây là thời kì “lên ngôi” của truyện ngắn. Điều này hoàn toàn có thể cắt nghĩa được bởi trong nhịp độ của đời sống công nghiệp hiện đại, dưới sức ép từ phía các phương tiện nghe nhìn, truyện ngắn đã phát huy được ưu thế của mình một cách hiệu quả” [222]. Phùng Gia Thế trong bài viết “Dấu ấn hậu hiện đại trong văn học Việt Nam sau 1986” đã bày tỏ quan điểm của mình: “Sự đa dạng và dịch chuyển liên tục điểm nhìn nghệ thuật, không có nhân vật trung tâm, lý tưởng; sự vặn gẫy vai nhân vật và vai tính cách trong hình tượng; vô số các hình tượng nhại; nhiều kết thúc; có thể “tháo dỡ” được; sự chuyển dịch, pha trộn làm đứt gãy những giới hạn thể loại truyền thống; một “cuộc chơi” thể loại, kiểu truyện ngắn - tư liệu, truyện ngắn - nhật kí, truyện ngắn - dòng ý thức, truyện ngắn - chân dung” [217]. Ở một bài viết khác, Nguyễn Thành nhận định: Truyện ngắn đương đại đang diễn ra sự thay đổi thi pháp thể loại, trong đó “một số nhà văn đương đại thường sử dụng lối kết cấu lắp ghép, phân mảnh. Kiểu kết cấu này dựa trên kĩ thuật lắp ghép (collage) của nghệ thuật điện ảnh” và “hình thức truyện lồng truyện được nhiều nhà văn đương đại sử dụng” [216]. Ngoài sự đổi mới kết cấu, các nhà văn hiện nay còn thay đổi cách thức trần thuật bằng cách “lựa chọn hai phương thức trần thuật từ ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba” và “các nhà văn đương đại thường vận dụng tối đa sự luân phiên điểm nhìn trong cùng một tác phẩm để tạo cho cái thế giới được viết ra đa thanh, phức hợp” [216].
  • 29. 25 Bên cạnh đó, một số bài viết trong những năm gần đây lại hướng sự chú ý của mình về sáng tác của thế hệ nhà văn mới thuộc thế hệ 198x. Lối viết “lạ” cùng với sự cách tân tiến dần đến hậu hiện đại đã góp phần không nhỏ trong việc đổi mới nghệ thuật trần thuật. Bùi Thị Quỳnh Biển qua bài viết “Đặc điểm ngôn ngữ trong truyện ngắn của thế hệ (nhà văn) 198x”, đã chỉ ra một số những hướng thay đổi trong ngôn ngữ truyện ngắn đương đại. Tác giả đã chỉ ra sự tác động qua lại của bối cảnh xã hội đã thúc đẩy các nhà văn trẻ không ngừng nỗ lực làm mới cách viết của mình. Tiếp theo Trần Quang Thưởng với bài “Truyện ngắn 198x, những thành tựu bị bỏ lỡ” đã nhấn mạnh những điều sau: “Những đóng góp của truyện ngắn 198x là khá đáng kể. Đó là việc mở rộng phạm vi, quan niệm về thể loại bằng cách tạo ra sự kéo dãn dung lượng trang viết, gia tăng hàm lượng hiện thực được phản ánh, tạo ra sự hỗn dung thể loại bằng cách cho phép thâm nhập vào truyện ngắn hình bóng của tiểu thuyết, thậm chí được phân chia chương hồi một cách khá mạch lạc. Bên cạnh việc kéo dãn dung lượng là một phép ngược lại: co hẹp dung lượng truyện, mỗi truyện ngắn co khi chỉ gồm 1 hoặc 2 trang in. Sự khẳng định bản ngã hiện sinh của các nhà văn thế hệ 198x được thể hiện bởi việc chủ yếu sử dụng điểm nhìn hiện tại. Ngôn ngữ truyện ngắn là thứ ngôn ngữ đậm chất đời thường, thậm chí là thứ ngôn ngữ chát, ngôn ngữ blog đang ngổn ngang, trần trụi” [229] . Nguyễn Hoài Thu qua bài viết “Truyện ngắn 8x - một thái độ sống và sáng tạo” đã cho rằng: “Những truyện ngắn 8x có phần non nớt, vụng dại trong cách nghĩ cũng như trong cách viết. Nhưng chính trong các sáng tác đó các cây bút lại tỏ ra dày dặn, tỏ ra trải nghiệm, tỏ ra hiểu biết về cuộc đời, nhân thế, về những quy luật sáng tạo văn chương và kỹ thuật ngôn từ” [221]. Ngoài ra, trong những năm gần đây, nhiều luận văn, luận án khoa học cũng đề cập đến vấn đề đổi mới thi pháp thể loại truyện ngắn đương đại ở nhiều khía cạnh khác nhau. Có thể kể tên các tác giả luận văn tiêu biểu như
  • 30. 26 Lê Thị Thanh Huyền với Ý thức về nhịp điệu trong một số tiểu thuyết Việt Nam thời đổi mới, Lưu Thị Thu Hà với Sự vận động của truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay, nhìn từ góc độ hình thức thể loại, Nguyễn Thị Minh Nguyệt với Nghệ thuật kết cấu trong truyện ngắn Nguyễn Khải, Vũ Đình Phùng với Tìm hiểu nghệ thuật tổ chức cốt truyện trong truyện ngắn đương đại (qua truyện ngắn Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Huy Thiệp), Một số vấn đề đổi mới thi pháp thể loại trong truyện ngắn Việt Nam đương đại của Trần Thanh Việt, Nghệ thuật trần thuật truyện ngắn Việt Nam đầu thế kỉ XX (1900 - 1932) của Hoàng Thị Thu Giang, nghiên cứu sinh Hoàng Dĩ Đình với đề tài Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975 (Trên tư liệu truyện ngắn ba nhà văn nữ: Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Thị Vàng Anh, Võ Thị Hảo)... Các luận văn, luận án trên đã đề cập đến vấn đề đổi mới thi pháp thể loại truyện ngắn thông qua việc đi sâu tìm hiểu các kiểu cốt truyện và kết cấu mang tính cách tân như cốt truyện phân mảnh, cốt truyện có cấu trúc lỏng, cốt truyện đảo lộn thời gian sự kiện, kết cấu tâm lý, kết cấu mở. Trong những công trình này, các tác giả cũng đề cập đến sự thay đổi giọng điệu, sự lên ngôi của giọng giễu nhại, giọng hài hước, giọng chiêm nghiệm...; đề cập đến tác động của việc tổ chức không gian với việc hình thành tính cách nhân vật. Kế thừa, tiếp thu những thành quả nghiên cứu nói trên, chúng tôi thực hiện đề tài: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư trong văn học Việt Nam từ sau 1986, chúng tôi hi vọng qua cách tiếp cận, phân tích, đánh giá của mình sẽ góp thêm một tiếng nói khiêm tốn khẳng định những giá trị, thành tựu của mảng truyện ngắn thế sự - đời tư trong dòng chảy chung của văn học Việt Nam. 1.3. Tình hình nghiên cứu phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư từ sau 1986
  • 31. 27 Sau 1986, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng “cởi trói” cho văn nghệ, các văn nghệ sĩ cũng đã tự tìm cách cởi trói cho chính mình. Mảng hiện thực đổ vỡ của thời chiến tranh nhường chỗ cho hiện thực phồn tạp của thời hậu chiến. Những mảng màu tranh tối tranh sáng của cuộc sống hiện thời cần ngòi bút khám phá, thể hiện của người nghệ sĩ tài hoa hơn bao giờ hết. Nếu như giai đoạn trước 1975 hiện thực là cái đã biết trước thì sang giai đoạn này, hiện thực lại là cái chưa thể biết trước và không thể biết hết. Nhà văn giai đoạn trước 1975 là những nhà tiên tri trong tác phẩm của mình, họ có quyền quyết định số phận của nhân vật đồng thời đưa ra những dự đoán chính xác về sự phát triển của nhân vật trong hiện thực “hoàn nguyên” ấy. Sau 1986, cùng với sự mở rộng biên độ của cái nhìn, hiện thực lúc này đây không còn là một hiện thực duy nhất, rộng lớn, có thể đoán định mà là những gì không còn nguyên phiến, thậm chí bị cắt rời nham nhở. Đó có thể là một không gian bé nhỏ: khu phố, trong căn nhà thậm chí căn phòng bé mọn... Ở đó, con người cá nhân được mặc sức sống đúng với bản ngã của chính mình. Nhà văn chỉ đóng vai trò là người kể chuyện, đôi khi tham gia vào câu chuyện nhưng anh ta không có vai trò quyết định số phận nhân vật hay phán truyền một chân lí nào cả. Anh ta chỉ đưa ra định hướng và kêu gọi nhân vật, bạn đọc đối thoại cùng với mình. Người ta nói nhiều đến sự khuôn hẹp của đề tài những năm đất nước phải oằn mình chống chọi trong đạn bom. Những năm tháng ấy là sự lên ngôi của “chủ nghĩa” đề tài. Những tác phẩm được ghi nhận và được công chúng hồ hởi đón nhận phải là những sáng tác viết về hiện thực chiến tranh, kêu gọi và cổ vũ tinh thần chiến đấu; những tác phẩm ngợi ca người anh hùng dân tộc, những cá nhân kiệt xuất góp phần đưa đất nước thoát khỏi cảnh mưa bom bão đạn... Những tác phẩm viết về cái bi sẽ không có chỗ đứng trong hoàn cảnh như vậy, nó sẽ bị người ta lạnh lùng gạt phắt. Khuynh hướng sử thi với giọng điệu ngợi ca hiện thực và con người trở thành khuynh hướng chủ đạo của văn
  • 32. 28 học giai đoạn này. Sự đổ bóng của nó xuống các sáng tác thông qua việc tái hiện lại lịch sử với những người anh hùng đại diện cho tinh thần quyết chiến quyết thắng của cả dân tộc (Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành, Mảnh trăng cuối rừng - Nguyễn Minh Châu...). Văn xuôi sau 1986 từng bước thoát khỏi từ trường của chủ nghĩa “đề tài’, thay vào đó là sự mở đường để tìm tòi những vùng hiện thực mới và đi vào đời sống cá thể của mỗi con người. Những năm đầu sau đổi mới, dư âm của hai cuộc chiến tranh vệ quốc vẫn còn cho nên đâu đó trong văn xuôi vẫn còn có những nhà văn miệt mài theo đuổi khuynh hướng sử thi như một cách để ngợi ca và vãn hồi quá khứ. Tuy nhiên, từ những năm 1990 trở đi, ý thức về sự không hợp thời của những tác phẩm chỉ chuyên chú đi ngợi ca lịch sử, khuynh hướng thế sự - đời tư như một sự tất yếu quay trở lại trong đời sống văn học. Nó góp phần giải quyết những băn khoăn, trăn trở của người nghệ sĩ khi sống trong một hiện thực mới đa dạng và phồn tạp... Những nhà văn thành công khi viết về khuynh hướng này có thể kể đến Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Thu Huệ, Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Tư... Chính họ đã đem đến cho văn xuôi nói chung, truyện ngắn nói riêng thời kì này một hơi thở mới lạ và thu hút đông đảo bạn đọc đón nhận. Điểm qua tình hình nghiên cứu về văn học Việt Nam từ sau năm 1986 đến nay chúng tôi nhận thấy số lượng các công trình, bài viết trực tiếp đề cập đến vấn đề thế sự - đời tư trong mảng văn xuôi mà cụ thể hơn là truyện ngắn Việt Nam từ sau 1986 còn ít ỏi so với những thành tựu mà khuynh hướng này đạt được. Đề cập tới nội dung phản ánh của truyện ngắn sau 1986, Phạm Xuân Nguyên trong bài “Truyện ngắn và cuộc sống hôm nay” viết năm 1994 đánh giá: “Truyện ngắn hôm nay tiếp xúc, xới lật các mảng hiện thực ở cả hai chiều quá khứ và hiện tại để mong góp một tiếng nói định vị cho người đọc, một thái độ nhìn nhận, đánh giá những việc, những người của bây giờ, nơi đây” [207].
  • 33. 29 Năm 2000, Bùi Việt Thắng trong chuyên luận Truyện ngắn, những vấn đề lí thuyết và thực tiễn thể loại, đã không trở lại những vấn đề như đề tài, chủ đề, nhân vật, ngôn ngữ mà đi từ định nghĩa, nguồn gốc để xác định các yếu tố đặc trưng, các kiểu truyện ngắn. Từ đó ông cung cấp một cái nhìn khái quát về sự phát triển của truyện ngắn Việt Nam thế kỉ XX. Đây có thể xem như một công trình nghiên cứu toàn diện, công phu về các vấn đề lý thuyết của thể loại văn học này, có ý nghĩa định hướng lý luận quan trọng với công trình của chúng tôi. Năm 2011, Lê Huy Bắc trong bài viết “Khái niệm chủ nghĩa hậu hiện đại và truyện ngắn hậu hiện đại”, khi xác định khái niệm “chủ nghĩa hậu hiện đại”, tác giả đồng thời xem xét truyện ngắn hậu hiện đại với quan điểm “thế giới truyện ngắn hậu hiện đại đa dạng hơn bất cứ một biểu hiện đa dạng nào khác. Có bao nhiêu kiểu dạng sáng tạo nghệ thuật ngôn từ văn xuôi được con người biết đến thì đều lộ diện trong kho tàng truyện hậu hiện đại” [168]. Theo nhà nghiên cứu, truyện ngắn là thể loại thể hiện sự năng động nhất trong việc thể hiện những cách tân cả về nội dung và hình thức. Tác giả khẳng định văn học Việt Nam sau 1975, đặc biệt sau 1986 có những “dấu hiệu” của chủ nghĩa hậu hiện đại, việc nghiên cứu về đặc điểm truyện ngắn Việt Nam theo hướng hậu hiện đại là rất cần thiết. Nhà văn Nguyên Ngọc trong bài viết “Văn xuôi sau 1975 - thử thăm dò đôi nét về quy luật phát triển”, thừa nhận vai trò tiên quyết của truyện ngắn. Theo ông, “truyện ngắn hiện nay đang vượt qua tiểu thuyết. Nó sớm đạt đến tính khách quan xã hội cao hơn, nó đi thẳng vào vấn đề thân phận con người, thế giới bên trong của con người, ý nghĩa nhân sinh, lẽ sống, con người ở đời sâu và sắc hơn” [204]. Xu thế mới này cũng được tác giả Bùi Việt Thắng khẳng định và lí giải: “Truyện ngắn sau 1975 tập trung nghiên cứu hiện trạng tinh thần xã hội sau chiến tranh - đó là hiện trạng phức tạp và đa dạng đan xen các mặt tích cực và
  • 34. 30 tiêu cực. Nhìn chung các nhà văn đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh và viết về sự thật. Chuyện đời thường vì thế nổi trội trong đa số truyện ngắn trong giai đoạn này, thậm chí đã trở thành một quan niệm văn học đời thường” [147]. Nhà nghiên cứu Lý Hoài Thu trong bài viết “Sự vận động của các thể văn xuôi trong văn học thời kì đổi mới” đã chỉ ra: “Cùng với sự gia tăng của những tên tuổi mới và số lượng tác phẩm, truyện ngắn thời kì này đã mở ra nhiều tìm tòi cả trong tiếp nhận hiện thực lẫn thi pháp thể loại. Đó là chiều sâu triết lý và những cảm nhận về sự cô đơn của thân phận con người, là sự đan cài giữa cái ảo và cá thực, giữa chất thơ và văn xuôi” [222]. Bài viết năm 2010, tác giả Hỏa Diệu Thúy đi sâu tìm hiểu “Về một số khuynh hướng thể tài của truyện ngắn Việt Nam sau 1975”, đó là: khuynh hướng sử thi; khuynh hướng thế sự, đời tư; khuynh hướng triết lí, triết luận. Ba khuynh hướng này vừa thể hiện diện mạo, vừa bộc lộ sự vận động của truyện ngắn từ sau 1975 đến nay. Và dù cho có đề cập đến thì nó cũng chỉ ở một bình diện hay một biểu hiện nhỏ của khuynh hướng này như bài viết: “Diễn ngôn thế sự - đời tư trong truyện ngắn Lê Minh Khuê thời kì đổi mới” của Cao Thị Hồng; “Cảm hứng thế sự trong truyện ngắn Lê Minh Khuê” của Lê Hồ Quang;... Có thể thấy, phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư cũng giống như các phương thức trần thuật trong tự sự nói chung. Tuy nhiên, đây là loại hình truyện ngắn tiếp cận đời sống theo kiểu thể tài riêng nên các phương thức trần thuật cũng được sử dụng sáng tạo, kết hợp linh hoạt, gắn liền với cách nhìn, tiếp cận hiện thực cuộc sống và con người riêng. Mặt khác, các phương thức trần thuật trong truyện ngắn thế sự - đời tư còn chịu sự chi phối của đặc trưng thể loại truyện ngắn với hệ thống thi pháp, cách tiếp cận đời sống riêng, phù hợp với dung lượng ngắn, lối viết súc tích. Do đó, khi khảo sát các phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư trong văn
  • 35. 31 học Việt Nam sau 1986, chúng tôi đi sâu vào những phương thức chính, đặc trưng trong tổng thể tổ chức cấu trúc nghệ thuật tự sự của tác phẩm và mối quan hệ tương tác với bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa của thời đại. Bên cạnh đó, phương thức trần thuật cũng được chúng tôi sử dụng như một khái niệm lý thuyết công cụ để đi sâu nghiên cứu, khảo sát diện mạo truyện ngắn thế sự - đời tư sau 1986. Tuy trần thuật là thành phần then chốt của nghệ thuật tự sự song các yếu tố khác như kết cấu, sự kiện, tình huống, ngôn ngữ, giọng điệu cũng có ý nghĩa quan trọng. Chúng tôi sẽ phân tích mối quan hệ tương tác giữa các phương thức trần thuật với các yếu tố đó, tạo nên cái nhìn toàn diện, hệ thống, trên mọi phương diện trong thế giới nghệ thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư giai đoạn này. Đồng thời, khi khảo sát khía cạnh các phương thức trần thuật, chúng tôi cũng đặt truyện ngắn thế sự - đời tư sau 1986 như một lát cắt trong tiến trình lịch sử văn học dân tộc. Từ đó, sự biến động, phát triển của truyện ngắn nói chung, truyện ngắn thế sự - đời tư nói riêng, nhất là trong cấu trúc trần thuật sẽ được làm sáng rõ trong cái nhìn so sánh, đối chiếu ở các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, khoa học. Như vậy, qua khảo sát chúng tôi nhận thấy: Nguồn tư liệu về truyện ngắn sau 1986 ở Việt Nam khá phong phú và đa dạng từ những chuyên luận giàu chất lí thuyết cho đến những công trình nghiên cứu cụ thể song mới chỉ được nhìn nhận ở những khía cạnh mang tính bao quát, thiên về lý thuyết thể loại nhiều hơn là ứng dụng những lý thuyết đó vào sáng tác thực tế của thế hệ các nhà văn sau đổi mới. Những tài liệu trên đã gợi mở cho chúng tôi một hướng đi mới trong việc tiếp cận sáng tác của các nhà văn sau 1986 nói chung, truyện ngắn nói riêng. Hướng triển khai của chúng tôi là rút nhận, khái quát tinh thần cơ bản của truyện ngắn sau 1986 và vận dụng khảo sát sáng tác truyện ngắn theo khuynh hướng thế sự - đời tư của một số cây bút văn xuôi tiêu biểu trưởng thành sau 1986 trên cái nhìn so sánh với các cây bút trước đó và đương thời.
  • 36. 32 Tiểu kết chương 1 Khi bàn về truyện ngắn từ sau 1986 nói chung, phương thức trần thuật của truyện ngắn từ sau 1986 nói riêng, sự thật hiển nhiên là những nghiên cứu, quan niệm thể loại đã bao hàm truyện ngắn theo khuynh hướng thế sự - đời tư. Mỗi nghiên cứu, công trình, bài viết đã đề cập đến một khía cạnh nào đó của khuynh hướng truyện ngắn này trong quá trình vận động, phát triển của văn học Việt Nam từ sau 1986. Tuy nhiên, qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy chưa có một công trình nào mang tầm phổ quát thâu tóm những thành tựu về truyện ngắn thế sự - đời tư sau 1986 nói chung, đi sâu nghiên cứu phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư từ sau 1986 nói riêng. Trên tinh thần tiếp thu các công trình đã công bố trước đó cùng với sự tìm tòi, sáng tạo chúng tôi mạnh dạn triển khai công trình Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự - đời tư trong văn học Việt Nam từ sau 1986 hi vọng sẽ đóng góp thêm một cách nhìn tổng quan, toàn diện về một khuynh hướng văn học lớn cũng như thành tựu trên phương diện trần thuật của truyện ngắn thuộc khuynh hướng này dựa trên những lý thuyết thể loại nền tảng. Với mục đích nêu trên, trong luận án này, khái niệm truyện ngắn thế sự - đời tư chúng tôi sử dụng như một công cụ để khảo sát một xu hướng thể tài gắn với hình thức thể loại trong giai đoạn văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Tìm hiểu các phương thức trần thuật trong truyện ngắn thế sự - đời tư chúng tôi tiếp tục sử dụng những công cụ lý thuyết nền tảng trong tự sự học hiện đại, đặc biệt là về trần thuật và các phương thức trần thuật trong mối quan hệ tương tác của người kể chuyện - điểm nhìn mà quan trọng nhất là cự ly và cách kể. Việc đi sâu nghiên cứu phương thức trần thuật cũng là cách thức tiếp cận trọn vẹn một khuynh hướng thể loại từ cấu trúc bên trong, bằng cái nhìn đa chiều. Bởi trần thuật là nhân tố nền tảng chi phối đến cả không gian, thời gian nghệ thuật, sự kiện, kết cấu, ngôn từ, giọng điệu trong tác phẩm. Với góc tiếp cận này, truyện ngắn thế sự - đời tư vừa được khảo sát trên diện rộng - đặt trong tiến trình vận động, phát triển của nền văn học hiện đại; vừa được phân tích, lý giải ở chiều sâu - trong cấu trúc nghệ thuật của tác phẩm.
  • 37. 33 Chương 2 TRUYỆN NGẮN THẾ SỰ - ĐỜI TƯ TRONG SỰ VẬN ĐỘNG, PHÁT TRIỂN CỦA VĂN HỌC VIỆT NAM TỪ SAU 1986 2.1. Những tiền đề cho sự phát triển của truyện ngắn thế sự - đời tư trong văn học Việt Nam từ sau 1986 2.1.1. Hoàn cảnh lịch sử, xã hội nhiều biến động trong công cuộc đổi mới đất nước Năm 1975 cuộc kháng chiến chống Mĩ trường kì đã kết thúc thắng lợi với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, non sông nối liền một dải, đất nước thống nhất bước vào thời kì khôi phục và phát triển. Trong chặng đầu tiên trên con đường độc lập, tự do, thống nhất đất nước, nhân dân ta đã phải đối mặt với vô vàn những thách thức, hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh kéo dài suốt mấy mươi năm. Môi trường bị hủy hoại nặng nề bởi hàng triệu tấn bom đạn và những chất hóa học độc hại khác. Hơn hai mươi năm đất nước bị chia cắt, sự đối lập về hệ tư tưởng, chính trị và những khác biệt về kinh tế, văn hóa cần phải qua nhiều thời gian nữa mới có thể xóa đi sự cách biệt ấy... Cùng với những khó khăn về mặt xã hội chúng ta phải đối mặt với chính sách cấm vận, cô lập Việt Nam của các thế lực đế quốc thù địch, sự khủng hoảng và tan rã của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Những chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội chủ quan, duy ý chí đẩy đất nước ta rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế nặng nề những năm 80. Những nguyên tắc, phương châm tổ chức quản lí xã hội cũ ngày càng trở nên lạc hậu, xơ cứng trước sự sinh động, đổi thay của thời đại và yêu cầu phải giải quyết những di chứng nặng nề, lâu dài của chiến tranh. Đưa đất nước thoát ra ra khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu được xem là nhiệm vụ cấp bách lúc này. Những biến động của xã hội và những tác động của bên ngoài là những nguyên nhân dẫn đến công cuộc đổi mới toàn diện năm 1986. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI với tinh thần “nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật”, Đảng ta
  • 38. 34 đã nghiêm khắc tự phê bình những chủ trương, chính sách nóng vội trước đó và đề ra đường lối phát triển mới. Quyết tâm xóa bỏ cơ chế quản lí tập trung quan liêu, bao cấp để hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nền kinh tế hàng hóa, kinh tế nhiều thành phần... là những chủ trương lớn, từng bước đưa đất nước ta vào thế ổn định và phát triển. Mặt khác, trước đây trong điều kiện chiến tranh thì những vấn đề như nhu cầu, khát vọng cũng như đau khổ của cá nhân tạm thời bị gác lại để lo cho vận mệnh của cộng đồng. Tất cả đều hướng về cái chung, về một ngày mai giành chiến thắng. Giờ đây, cuộc sống thời bình trở lại, con người có những thay đổi trong tâm tư, tình cảm, buộc phải đối mặt với những nhu cầu trần tục liên quan đến chính mình cũng như các giá trị nhân bản của nó. Trong vài năm đầu những giá trị tồn dư của một “thời xa vắng” vẫn được khơi lên để thắp thêm niềm tin và ý chí cho con người nhưng hiện thực đời sống khắc nghiệt đã bóp nát những điều không còn hợp thời ấy. Một bộ phận không nhỏ gồm cả những con người đã từng đi ra từ cuộc chiến nay trở về với đời sống thực tại cũng không khỏi lạc lõng và chán nản. Tựu chung lại, bối cảnh lịch sử - xã hội sau đổi mới đã tạo tiền đề quan trọng cho các tác phẩm văn xuôi thể hiện cuộc sống con người sinh động với muôn mặt phồn tạp mà ở đó đời sống của mỗi cá nhân, cá thể được các nhà văn quan tâm khai thác và tìm hiểu kĩ lưỡng. 2.1.2. Quan niệm nghệ thuật mới về con người Nếu trước năm 1975 con người trong quan niệm của các nhà văn là con người mang tính giai cấp, vẻ đẹp của con người phải là vẻ đẹp đại diện chung cho cả cộng đồng, chất sử thi soi rọi vào trong hình tượng nhân vật, phủ lên nó “bộ áo xã hội” đẹp đẽ. Con người được “tắm rửa trong bầu không khí vô trùng”, hình tượng con người được xây dựng với vóc dáng hiên ngang của thời đại, mang những phẩm chất cao đẹp. Nói như Chế Lan Viên thì đó là
  • 39. 35 những năm tháng: “đất nước có chung khuôn mặt. Nụ cười tiễn đưa con nghìn bà mẹ như nhau”. Ngọn gió của công cuộc đổi mới tác động mạnh mẽ vào đời sống văn chương, khuyến khích các nhà văn từ bỏ vị trí là một anh tuyên truyền trở thành một người “dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”. Con người trong đời sống văn học hôm nay được nhìn ở nhiều vị thế, trong tính đa chiều của mọi mối quan hệ: con người trong mối quan hệ với xã hội, với những người xung quanh, với chính mình; con người được khai thác ở đời sống dục vọng, tâm linh... Điều dễ nhận ra là trong phần lớn các tác phẩm văn học thời kì này, con người không còn là nhất phiến, đơn trị mà luôn là con người đa diện, đa trị, lưỡng phân, trong con người đan cài, chen lẫn, giao tranh bóng tối và ánh sáng, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và quỷ sứ, cao cả và tầm thường... Đổi mới quan niệm nghệ thuật về con người trong văn xuôi sau 1986 bắt đầu với việc lấy con người làm tâm điểm soi ngắm lịch sử. Con người từ điểm nhìn lí tưởng hóa được đặt vào điểm nhìn thế sự, đời tư. Dòng chảy đời thường ở thời đại ý thức cá nhân phát triển tạo cho con người một diện mạo mới; phong phú, phức tạp và nhiều bí ẩn và nhà văn trong nỗ lực khám phá, chiếm lĩnh đời sống nhận ra mỗi cá thể là “tiểu vũ trụ” huyền bí cần tìm tòi, khai mở. 2.1.2.1. Từ quan niệm con người kiểu sử thi chuyển dần sang quan niệm con người thế sự, đời tư Văn học giai đoạn 1945 - 1975 hình thành và phát triển trong hoàn cảnh đặc biệt: chiến tranh. Điều này chi phối không nhỏ đến những quy luật phát triển của lịch sử cũng như văn chương. Văn học uốn mình theo những thăng trầm trồi sụt của lịch sử, tự ý thức mình như một thứ vũ khí sắc nhọn, một công cụ tư tưởng hữu ích của lịch sử, hướng đến xây dựng những “con người cộng đồng”, con người trong những năm tháng này chính là một sản phẩm hoàn hảo của lịch sử. Con người khoác lên mình “bộ áo xã hội trùng khít với chính nó”, dù muốn hay không thì lợi ích giai cấp buộc nhà văn phải
  • 40. 36 chọn cách nhìn về con người phiến diện, một chiều như vậy. Nam Cao điều chỉnh ngòi bút của mình theo cách nghĩ của những anh Vệ quốc quân, Nguyễn Huy Tưởng giác ngộ về thời đại đổi mới tạo ra “những người lính Việt Nam điển hình”... Sau năm 1975, đất nước bước vào thời kì đổi mới, đại hội VI và VII của Đảng đều nhấn mạnh “nhân tố con người”: “tôn trọng con người, phát huy sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân (...), xây dựng từng con người, quan tâm phát hiện và bồi dưỡng nhân tài” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI). Được dẫn lối bởi lí tưởng và lời kêu gọi của Đảng, các nhà văn chuẩn bị hành trang sẵn sàng “dấn thân và nhập cuộc” vào cuộc sống phồn tạp “ngoài kia”, vào cái hiện thực ngỡ bé nhỏ mà mênh mông không “biết trước”, không tài nào đoán định, vào cuộc sống của những con người sau khi trút đi bộ áo xã hội đẹp đẽ, giờ đây trở về với cuộc sống thường nhật. Họ là ai? Họ sẽ đi về đâu?... Mặt khác, xã hội loài người được hình thành và phát triển dựa trên những chuẩn giá trị của thời đại. Tuy nhiên, trong một xã hội công nghiệp phát triển như vũ bão hiện nay thì những chuẩn giá trị cũ đã bị mất đi, trong khi đó những chuẩn giá trị mới chưa kịp hình thành, xã hội đứng trước nguy cơ khủng hoảng giá trị trầm trọng. Cùng với việc nhận thức lại lịch sử, đặt cái nhìn hoài nghi vào quá khứ, vào lịch sử; các nhà văn còn có ý thức thức nhận lại những giá trị của con người đã in sâu vào tiềm thức cộng đồng và đặt ra vấn đề cần nhìn nhận lại chính mình trên con đường hoàn thiện. Con người phức tạp như thế cho nên không thể dùng một tiêu chí lịch sử hay đạo đức mà cân đo đong đếm, mọi sự lí tưởng và thần thánh hóa sẽ làm cho nó trở nên rỗng tuếch và giả tạo. Cảm hứng thế sự sau 1986 đem lại cho văn xuôi nói chung, truyện ngắn nói riêng nhiều chất đời thường hơn, trước hết là ở khả năng chiếm lĩnh con người từ góc độ đời tư. Con người riêng lẻ, cá thể, cá nhân cũng chính là con