SlideShare a Scribd company logo
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP.HỒ CHÍ MINH
Nguyễn Thị Thúy Hằng
TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY
THIỆP – NGUỒN MẠCH DÂN GIAN
TRONG BỐI CẢNH
HIỆN ĐẠI, HẬU HIỆN ĐẠI
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
Thành phố Hồ Chí Minh – 2013
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP.HỒ CHÍ MINH
Nguyễn Thị Thúy Hằng
TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY
THIỆP – NGUỒN MẠCH DÂN GIAN
TRONG BỐI CẢNH
HIỆN ĐẠI, HẬU HIỆN ĐẠI
Chuyên ngành: Lý luận văn học
Mã số : 60 22 32
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
PGS.TS. NGUYỄN THÀNH THI
Thành phố Hồ Chí Minh – 2013
LỜI CẢM ƠN
Để hoàn thành luận văn này, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, tôi đã
nhận được sự chỉ bảo tận tâm của quý thầy cô, sự cổ vũ từ gia đình, bè bạn.
Bởi vậy, trước hết tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến PGS. TS Nguyễn
Thành Thi – người thầy đã hướng dẫn, chỉ bảo tận tình trong suốt quá trình
tôi thực hiện luận văn.
Cùng xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến quý thầy cô, những
người đã truyền cho tôi rất nhiều kiến thức bổ ích trong những năm học vừa
qua.
Cũng xin gửi lời cảm ơn đến Khoa Ngữ văn và Phòng sau đại học của
trường Đại học sư phạm Tp. Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi
hoàn thành luận văn.
Từ đáy lòng mình, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến bố mẹ của
tôi, hai em trai, người thân và bạn bè đã luôn động viên, ủng hộ, khích lệ tôi
trong suốt quá trình nghiên cứu và hoàn thành luận văn.
Tp. Hồ Chí Minh, tháng 1 năm 2013
Nguyễn Thị Thúy Hằng
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận văn thạc sĩ văn học “TRUYỆN NGẮN
NGUYỄN HUY THIỆP – NGUỒN MẠCH DÂN GIAN TRONG BỐI
CẢNH HIỆN ĐẠI, HẬU HIỆN ĐẠI” là công trình nghiên cứu của cá nhân
tôi, các số liệu và kết quả nghiên cứu trong luận văn là trung thực và không
trùng lặp với bất cứ công trình khoa học nào.
Tp. Hồ Chí Minh, tháng 1 năm 2013
Nguyễn Thị Thúy Hằng
MỤC LỤC
Trang phụ bìa
Lời cảm ơn
Lời cam đoan
Mục lục
MỞ ĐẦU ..........................................................................................................1
Chương 1: TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP: HÀNH TRÌNH
CỦA YẾU TỐ DÂN GIAN GIỮA THỜI HIỆN ĐẠI, HẬU HIỆN ĐẠI.11
1.1. Bối cảnh hiện đại, hậu hiện đại................................................................11
1.1.1. Khái niệm hiện đại, hậu hiện đại....................................................11
1.1.2. Hiện thực và con người trong quan niệm của chủ nghĩa hiện đại và
chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học.......................................................22
1.1.3. Bối cảnh đan xen hiện đại, hậu hiện đại trong văn học Việt Nam.25
1.2. Vị trí của yếu tố văn hóa dân gian trong bối cảnh hiện đại - hậu hiện đại ở
Việt Nam .........................................................................................................32
1.2.1. Khái quát về yếu tố văn hóa dân gian ............................................32
1.2.2. Yếu tố văn hóa dân gian giữa thời hiện đại, hậu hiện đại..............36
1.3. Con đường hiện đại hóa, hậu hiện đại hóa yếu tố dân gian trong truyện
ngắn Nguyễn Huy Thiệp.................................................................................40
1.3.1. Nguyễn Huy Thiệp và truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp................40
1.3.2. Sự gặp gỡ giữa dân gian - hiện đại, hậu hiện đại trong truyện ngắn
Nguyễn Huy Thiệp...................................................................................42
Chương 2: TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP VỚI VIỆC HIỆN
ĐẠI HÓA, HẬU HIỆN ĐẠI HÓA QUAN NIỆM DÂN GIAN VỀ CON
NGƯỜI...........................................................................................................46
2.1. Con người và quan niệm về con người trong tâm thức dân gian.............46
2.2. Con người trong tâm thức dân gian với cảm quan mang màu sắc hiện đại,
hậu hiện đại .....................................................................................................51
2.3. Con người trong tâm thức dân gian với thân phận giữa thời hiện đại, hậu
hiện đại ............................................................................................................60
2.4. Con người trong tâm thức dân gian với đời sống tâm linh thời hiện đại,
hậu hiện đại .....................................................................................................69
Chương 3: TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP VỚI VIỆC HIỆN
ĐẠI HÓA, HẬU HIỆN ĐẠI HÓA YẾU TỐ KỲ ẢO DÂN GIAN VÀ
NGÔN NGỮ DÂN GIAN.. ...........................................................................76
3.1. Hiện đại hóa, hậu hiện đại hóa yếu tố kỳ ảo dân gian .............................76
3.1.1. Khái quát về yếu tố kỳ ảo dân gian................................................76
3.1.2. Không – thời gian kì ảo trong tâm thức dân gian đan xen sắc thái
hiện đại, hậu hiện đại...............................................................................81
3.1.3. Nhân vật dân gian giữa thời hiện đại, hậu hiện đại........................93
3.2. Hiện đại hóa, hậu hiện đại hóa ngôn ngữ dân gian................................101
3.2.1. Tiếp thu và đổi mới ngôn ngữ dân gian theo hướng hiện đại hóa,
hậu hiện đại hóa......................................................................................101
3.2.2. Tiếp thu và đổi mới diễn ngôn tự sự dân gian theo hướng hiện đại
hóa, hậu hiện đại hóa..............................................................................107
KẾT LUẬN..................................................................................................116
TÀI LIỆU THAM KHẢO.............................................................................119
PHỤ LỤC......................................................................................................128
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan luận văn thạc sĩ văn học “TRUYỆN NGẮN NGUYỄN
HUY THIỆP – NGUỒN MẠCH DÂN GIAN TRONG BỐI CẢNH HIỆN
ĐẠI, HẬU HIỆN ĐẠI” là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi, các số liệu
và kết quả nghiên cứu trong luận văn là trung thực và không trùng lặp với bất
cứ công trình khoa học nào.
Tp. Hồ Chí Minh, tháng 11 năm 2012
Nguyễn Thị Thúy Hằng
1
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Nguyễn Huy Thiệp được xem là một hiện tượng văn học độc đáo trên
văn đàn Việt Nam những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI. Sự cách tân táo
bạo về ngôn ngữ và kỹ thuật viết truyện ngắn của ông ở vào thời điểm văn
học nước nhà mới chập chững tiến vào thời kỳ đổi mới đã tạo ra những làn
sóng dư luận trái chiều sôi động. Bên cạnh những cách tân mới mẻ về thủ
pháp, người đọc còn nhận thấy vẻ đẹp của giá trị truyền thống thể hiện qua
cách ông vận dụng những thành phần của yếu tố văn hóa dân gian, đặc biệt là
thành tựu của văn học dân gian trong các truyện ngắn của mình. Truyện ngắn
của ông, do vậy, còn “bàng bạc” không khí của truyện cổ tích và truyền
thuyết. Tuy nhiên, không chỉ có Nguyễn Huy Thiệp là người duy nhất sử
dụng yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác, ông khác biệt ở chỗ đã mang đến
hơi thở mới của thời đại mình. Yếu tố văn hóa dân gian vì thế vừa quen, vừa
lạ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
Khi Nguyễn Huy Thiệp và truyện ngắn của ông xuất hiện trên văn đàn,
người ta nhận thấy có sự xuất hiện của yếu tố dân gian trên nền tảng hiện đại
bên cạnh bóng dáng của một hệ hình thi pháp “lạ”. Về sau, sắc thái “lạ” này
có nhà nghiên cứu xem là đặc điểm của thi pháp hiện đại, có nhà nghiên cứu
lại cho rằng đó là là dấu ấn của thi pháp “hậu hiện đại. Sau khi những cuộc
tranh luận sôi nổi lắng lại, cùng tiếp nhận ngày càng cởi mở những lí thuyết
văn học đương đại thế giới, giới nghiên cứu đã đánh giá khách quan hơn về
truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Những sắc thái “lạ” kể trên đã được các nhà
nghiên cứu soi chiếu ở nhiều góc độ, nhiều lí thuyết nghiên cứu để giải mã
hiện tượng. Tuy nhiên bối cảnh làm tiền đề lí giải sự xuất hiện những hiện
tượng trên trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp cũng là vấn đề đáng được
2
quan tâm và sự tồn tại trong thế kết hợp của yếu tố văn hóa dân gian với
những yếu tố được phỏng đoán thuộc về hệ hình thi pháp hiện đại hay hậu
hiện đại dường như vẫn còn để ngỏ.
Từ những lí do trên, và để tìm hiểu bản chất của sự kết hợp làm nên đặc
sắc này, chúng tôi lựa chọn hướng đi tìm và lí giải nguồn mạch dân gian
trong bối cảnh hiện đại, hậu hiện đại nơi truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
2. Lịch sử vấn đề
Từ khi xuất hiện đến nay, con số bài viết, tiểu luận, luận văn viết về
truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp được công bố trên báo chí khá nhiều. Khoảng
mười năm sau đó, dư luận chia làm hai luồng ủng hộ và phản đối, chủ yếu tập
trung vào chùm truyện giả lịch sử Kiếm sắc – Vàng lửa – Phẩm tiết và phê
bình về thái độ, cách tiếp cận lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp. Một bên, các
nhà nghiên cứu sử học, mĩ học như Tạ Ngọc Liễn, Đỗ Văn Khang cho rằng
Nguyễn Huy Thiệp xuyên tạc, bóp méo lịch sử. Nhưng ở luồng ý kiến ngược
lại, các nhà phê bình văn học như Lại Nguyên Ân, Phạm Xuân Nguyên,…
trên cơ sở nhìn nhận khách quan, phân tích thấu đáo những đóng góp về cả
nội dung và nghệ thuật đã khẳng định lịch sử trong văn học là một lịch sử đã
được hư cấu, được nhìn theo cách hiểu, cách nghĩ của người viết, phục vụ cho
mục đích thể hiện đề tài, chủ đề của tác phẩm. Ngoài ra, những truyện ngắn
viết đề tài đời sống như Tướng về hưu, Huyền thoại phố phường,…. nhận
được nhiều lời khen về cách khám phá hiện thực táo bạo, dữ dội.
Vượt qua khoảng thời gian sóng gió kể trên, truyện ngắn Nguyễn Huy
Thiệp đã được tiếp nhận và đánh giá đúng giá trị của mình. Cộng với việc tiếp
thu nhiều lý thuyết phê bình văn học phương Tây, truyện ngắn của ông được
soi chiếu ở nhiều góc độ, từ nghệ thuật Ba – rốc , đến chủ nghĩa hiện sinh, phê
3
bình cổ mẫu, huyền thoại học, chủ nghĩa hậu hiện đại, thi pháp học, văn hóa
học…
Trong giới hạn phạm vi của đề tài, dưới đây chúng tôi chủ yếu đi khảo
sát những bài viết tiếp cận truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp từ lí thuyết văn
học hiện đại, hoặc hậu hiện đại và những bài viết, luận án xem xét ảnh hưởng
của yếu tố văn hóa dân gian lên truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
Tác giả Cao Kim Lan trong bài Lịch sử trong truyện ngắn Nguyễn Huy
Thiệp và những dấu vết của hệ hình thi pháp hậu hiện đại [44] nhận định
truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp nằm trong “hệ quy chiếu những đặc
trưng chủ yếu của hư cấu hậu hiện đại” thể hiện chủ yếu qua những tác phẩm
“siêu hư cấu sử kí” với mục đích làm “méo mó lịch sử một cách có ý thức
phản tỉnh”. Khảo sát chủ yếu chùm truyện giả lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp,
người viết nhận thấy có những dấu hiệu vượt ra ngoài hệ hình văn hóa văn
học quen thuộc. Một mặt người viết tìm hiểu các truyện ngắn này từ góc độ
của hệ hình thi pháp cũ, mặt khác cố gắng giải mã những tín hiệu “sai lệch”
bằng một hệ hình thi pháp mới. Ở khía cạnh thứ nhất, tác giả bài viết đi vào
tìm hiểu ba truyện ngắn trong một cấu trúc thống nhất được tạo bởi mô hình
tự sự của ba phạm trù cái tài – cái tâm – cái đẹp ứng với Kiếm sắc – Vàng lửa
– Phẩm tiết. Trong phần còn lại của bài viết, tác giả đã chỉ ra những dấu hiệu
của thi pháp hậu hiện đại trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thể hiện ở: kỹ
thuật ngụy tạo lịch sử trong tâm thế chối bỏ đại tự sự, người kể chuyện không
tin cậy và tâm thế bất tín nhận thức, phương thức đa kết phá vỡ kết cấu trung
tâm của tác phẩm. Bằng cách đánh giá thông qua việc đối sánh giữa đặc điểm
của hai hệ hình thi pháp cùng xuất hiện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp,
tác giả bài viết đã chỉ ra những dấu hiệu của hệ hình thi pháp mới – thi pháp
hậu hiện đại. Tuy nhiên, người viết cũng chỉ dừng lại ở việc chỉ ra những dấu
4
hiệu của hệ hình thi pháp mới mà chưa đi tiếp vào nghiên cứu mở rộng ảnh
hưởng cũng như hoạt động của hệ hình thi pháp này đối với các yếu tố khác
trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
Soi chiếu từ lý thuyết văn học hậu hiện đại, qua bài viết Những dấu hiệu
của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của
Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài [32], nhà nghiên cứu La Khắc Hòa
cho rằng có thể tìm thấy “những câu chuyện thể hiện tâm trạng và cảm quan
hậu hiện đại” với những câu chuyện về một “thế giới vô nghĩa vô hồn” và lấy
“nguyên tắc lạ hóa theo kiểu câu đố” là kỹ thuật nền tảng. Cũng theo tác giả
bài viết, đó là thế giới nghệ thuật “phân mảnh, đứt gãy mạch lạc, hình tượng
được kiến tạo theo nguyên tắc lạ hóa, văn bản ngôn từ nổi trên bình diện thứ
nhất của văn bản văn học, “lời” và “nghĩa” xô đẩy, giễu nhại nhau”. Nó tạo
nên một tâm trạng “hồ nghi tồn tại” như một loại hình tâm trạng làm nên cảm
quan mới – cảm quan hậu hiện đại. Ở đây, những đặc điểm mang dấu hiệu
của thi pháp hậu hiện đại đều được tác giả điểm qua nhưng bài viết cũng chỉ
dừng lại ở việc chỉ ra những “dấu hiệu” của chủ nghĩa hậu hiện đại mà chưa
có một cái nhìn toàn cảnh và sâu rộng hơn về vị trí và vai trò cũng như cách
sử dụng yếu tố này trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
Trong Cặp đôi nam/ nữ và quyền diễn giải lịch sử trong truyện ngắn
lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp [45] tác giả Phạm Ngọc Lan từ việc xác định
những yếu tố tạo điều kiện cho chủ nghĩa hậu hiện đại xuất hiện trong văn học
Việt Nam đã đề cập đến kỹ thuật siêu hư cấu biên sử trong truyện ngắn
Nguyễn Huy Thiệp. Theo người viết, bằng cách này, Nguyễn Huy Thiệp đã
“đặt diễn ngôn nam giới về phụ nữ và lịch sử bên trong sự diễn giải rộng lớn
hơn của phụ nữ, nhằm bóc trần những giới hạn và bất cập của diễn ngôn lịch
sử viết từ góc nhìn nam giới”. Điều này thể hiện “cảm thức hậu hiện đại độc
5
đáo của Nguyễn Huy Thiệp”. Trong bài viết, tác giả đã cung cấp một cái nhìn
cận cảnh về màu sắc hậu hiện đại xuất hiện trong cảm thức của tác giả trước
đời sống và con người. Nhưng cũng như những bài viết trước đó, người viết
cũng chỉ dừng lại ở một khía cạnh nhỏ trong cảm quan về con người của
truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
Trong cuốn sách Văn học hậu hiện đại: Lí thuyết và tiếp nhận mới
xuất bản đầu năm 2012, nhà nghiên cứu Lê Huy Bắc khẳng định “Có một nền
văn chương hậu hiện đại Việt Nam, điều này không thể phủ nhận” [11, tr.
305]. Ông cho rằng, từ việc “tư duy bằng bàn phím”, dùng “bàn phím” để
sáng tác văn chương thì “sản phẩm đó đa phần thiên sang hậu hiện đại” [11,
tr. 306]. Tác giả này cũng đi vào tìm hiểu và khẳng định những đặc điểm
thuộc về chủ nghĩa hậu hiện đại trong các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp
như tìm hiểu yếu tố “nhại” (chương 14), tính chất hỗn độn trong truyện ngắn
Không có vua (chương 15), và giải luận đề truyện Sang sông (chương 16).
Có thể nói, những đánh giá về chủ nghĩa hậu hiện đại và biểu hiện của nó
trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp được tác giả trình bày khá chủ quan,
nhưng cũng chỉ dừng lại ở một số ít các truyện ngắn mà ông cho rằng ở đó
các đặc điểm của chủ nghĩa hậu hiện đại được thể hiện nổi bật.
Nhìn chung, ngoài tác giả Lê Huy Bắc, các nhà nghiên cứu đều cho rằng
truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp truyện của ông mới chỉ xuất hiện những “dấu
ấn”, “dấu hiệu”, mang “cảm thức” chủ nghĩa hậu hiện đại.
Dưới đây, chúng tôi tiếp tục khảo sát những bài viết, luận án về ảnh
hưởng của yếu tố văn hóa dân gian và sự kết hợp dân gian – hiện đại trong
truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
6
Nhà nghiên cứu văn học người Nga T.N. Filimonova trong bài Những
ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp như hình mẫu các truyền thuyết
văn học cho rằng “yếu tố dân gian chiếm một vị trí to lớn trong sáng tác của
Nguyễn Huy Thiệp”[57, tr. 65], ông không đơn giản là mượn hay trích đoạn
mà là “sự ảnh hưởng, cách điệu hóa chúng”. Tác giả bài viết đã đề cập đến
ảnh hưởng của truyền thuyết đến sáng tác của nhà văn. Trong phần tiếp theo,
người viết đã đi chứng minh chùm truyện Những ngọn gió Hua Tát là
“truyền thuyết văn học” và kết luận Nguyễn Huy Thiệp đã “hiện đại hóa”
truyền thuyết, qua đó nêu bật những vấn đề vĩnh cửu về cái thiện, cái ác, số
phận… [57, tr. 74].
Đặng Anh Đào, cũng từ góc nhìn của huyền thoại học, trong bài Biển
không có thủy thần, nhận thấy trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp “sự đan
cài dị dạng – bình thường, cái bi đát và cái khôi hài, lệch lạc và cân đối tiềm
tàng trong triết lý và nghệ thuật lành mạnh của dân gian” [57, tr. 394].
Cả hai tác giả trên đều đi vào tìm hiểu một khía cạnh chịu ảnh hưởng của
văn hóa dân gian trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp nhưng cũng chỉ dừng
lại chỉ ra ảnh hưởng riêng lẻ của một số yếu tố thuộc văn hóa dân gian lên
truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
Ngoài những bài viết trên, luận văn thạc sĩ Ảnh hưởng của văn hóa dân
gian đối với truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là công trình nghiên cứu sâu về
yếu tố dân gian trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Tác giả luận văn,
Vương Thị Thu Hiền, đã khảo sát ảnh hưởng của các yếu tố văn học, ngôn
ngữ, tín ngưỡng dân gian lên truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ở các phương
diện cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ và giọng điệu. Tác giả luận văn cho hay,
Nguyễn Huy Thiệp đã thành công vận dụng yếu tố kì ảo vào xây dựng cốt
7
truyện tạo nên “dáng dấp của truyền thuyết, cổ tích dân gian” [29, tr. 11].
Người viết cũng khẳng định Nguyễn Huy Thiệp không chỉ tiếp thu mà còn có
ý thức sáng tạo, đổi mới cốt truyện dân gian tạo nên “ những đoạn kết “hiện
đại” như kết thúc ngược cổ tích, không có hậu, không khép kín mạch truyện”
[ 29, tr.101]. Người viết cũng nhận định Nguyễn Huy Thiệp đã “vận dụng khá
nhuần nhuyễn thành ngữ, tục ngữ nên gần gũi với ngôn ngữ sinh hoạt thường
ngày, mang đậm sắc thái ngôn ngữ dân gian” [29, tr.134] và kết hợp thành
công chất thơ với chất tự sự qua lối kể chuyện bằng văn xuôi lẫn văn vần tiếp
thu từ truyện cổ dân gian. Nhìn chung, luận văn đã chỉ ra những ảnh hưởng
chủ yếu của văn hóa dân gian lên truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
Ở bài viết Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp – hợp lưu giữa nguồn
mạch dân gian và tinh thần hiện đại, tác giả Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho
rằng truyện ngắn của nhà văn một mặt đồng vọng với chủ nghĩa hiện sinh
khi“phơi bày đến tận cùng một hiện thực đang ly tán, phân rã, mất đi tính
bản nguyên thống nhất, vẹn toàn”, mặt khác lại “bàng bạc và bảng lảng một
sắc màu dân gian, dân tộc, mà chìm dưới bề sâu của những thiên truyện ấy là
hạt nhân triết học dân gian” [16]. Người viết đã khám phá truyện ngắn
Nguyễn Huy Thiệp ở sự gặp gỡ giữa những lớp trầm tích của văn hóa dân
gian và tinh thần hiện đại. Một mặt, tác giả chỉ ra những khía cạnh thuộc về
văn hóa dân gian nằm trong sự tiếp nối có tính truyền thống của truyện ngắn
Nguyễn Huy Thiệp trong việc thể hiện triết lí sống dung hòa với tự nhiên của
con người, với vẻ đẹp của nhân vật nữ như hình bóng của tín ngưỡng thờ mẫu
hay rất nhiều nhân vật mang màu sắc cổ tích với hình ảnh dị dạng, xấu xí, bất
hạnh. Người viết kết luận rằng đó là những yếu tố thuộc truyện cổ được
Nguyễn Huy Thiệp vay mượn và tái tạo lại làm nên thế giới con người và
nhân vật đặc sắc của mình. Ở phần tiếp theo của bài viết, tác giả đã chỉ ra hình
8
ảnh của một “thế giới đang phân rã đầy xáo trộn” được dựng lên trong
những truyện ngắn nổi bật của Nguyễn Huy Thiệp và khẳng định vang vọng
lên từ những thế giới ấy là “sự rạn vỡ niềm tin truyền thống về một hiện thực
hài hòa, vận động xuôi chiều và lạc quan” với nhiều “lo âu”và “bi quan” mà
trong đó con người “hoảng sợ và hoang mang” trước một thế giới thiếu vắng
trung tâm định hướng. Từ những đặc điểm trên, người viết kết luận “Khai
phá những chủ đề như cái phi lý, sự cô đơn, tha hóa…, Nguyễn Huy Thiệp đã
hòa vào dòng chảy của Chủ nghĩa hiện đại trong văn học thế giới thế kỉ XX”.
Có thể nói, hầu hết các bài viết đều khẳng định yếu tố dân gian góp phần
làm nên đặc sắc của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Tuy nhiên chưa thấy có
bài viết chuyện sâu tìm hiểu sự gặp gỡ giữa những dấu hiệu hiện đại, hậu hiện
đại với yếu tố dân gian trong bối cảnh đan xen của thời hiện đại, hậu hiện đại.
Trên cơ sở tiếp thu những thành tựu nghiên cứu trên, chúng tôi sẽ đi vào tìm
hiểu đề tài Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp – nguồn mạch dân gian trong
bối cảnh hiện đại, hậu hiện đại.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Trong khuôn khổ của đề tài, chúng tôi tập trung khảo sát bốn mươi ba
truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp để tìm ra trong đó sự gặp gỡ, kết hợp
giữa yếu tố dân gian với yếu tố hiện đại, hậu hiện đại.
Các truyện được in chủ yếu trong:
Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Nxb Trẻ, 2003.
Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Nxb Phụ Nữ, Hà Nội,
2001.
Ngoài ra, để phục vụ việc so sánh, đối chiếu với các truyện cổ dân gian,
chúng tôi cũng khảo sát hai mươi truyện cổ tích dân gian trích từ Hợp tuyển
truyện cổ tích Việt Nam, Lữ Huy Nguyên – Đặng Văn Lung (Biên soạn và
9
giới thiệu), Nxb Văn Học, Hà Nội, 1996 . Và hai mươi truyền thuyết dân gian
trích từ Truyền thuyết dân gian người Việt (Quyển 3): Truyền thuyết về thời
Lí và thời Trần, GS.TS. Kiều Thu Hoạch (chủ biên), Trần Thị An, Mai Ngọc
Hồng (biên soạn), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009.
4. Phương pháp nghiên cứu
Để triển khai đề tài Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp – nguồn mạch
dân gian trong bối cảnh hiện đại, hậu hiện đại, chúng tôi đã vận dụng
những phương pháp nghiên cứu sau:
Phương pháp loại hình: Giúp tìm hiểu truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp
từ đặc trưng của thể loại truyện ngắn.
Phương pháp so sánh – đối chiếu: Đây là phương pháp chính, nhằm
làm nổi bật sự tiếp thu và đổi mới theo hướng hiện đại, hậu hiện đại yếu tố
văn hóa dân gian của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
Phương pháp liên ngành: Dựa trên các cứ liệu văn hóa dân gian và văn
học, tiếp cận một cách tổng hợp về truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, tìm ra sự
gặp gỡ giữa những yếu tố văn hóa dân gian với tinh thần của chủ nghĩa hiện
đại, hậu hiện đại.
Phương pháp hệ thống: Xem xét các yếu tố trong hệ thống tác phẩm,
sự tiếp thu và đổi mới ở những bộ phận chủ yếu của hệ thống nhằm tìm ra sự
thống nhất trong quá trình tiếp thu và đổi mới của truyện ngắn Nguyễn Huy
Thiệp đối với yếu tố dân gian.
5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
Với đề tài này, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp cận và lí giải được nguyên nhân
cũng như biểu hiện của sự kết hợp giữa các yếu tố dân gian và hiện đại, hậu
hiện đại trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, từ đó góp phần xác định
10
những đóng góp của nhà văn trong sự tiếp thu và thể hiện một hướng mới
trong sáng tác đối với nền văn học Việt Nam đương đại.
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và tài liệu tham khảo, phần nội
dung chính của luận văn gồm bốn chương:
Chương 1: Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp: hành trình của yếu tố
dân gian giữa thời hiện đại - hậu hiện đại
Trong chương một, chúng tôi sẽ đi vào khái quát những vấn đề lí thuyết
của chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại, xác định những điều kiện
dẫn đến sự tiếp thu và đổi mới theo hướng hiện đại, hậu hiện đại yếu tố văn
hóa dân gian trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
Chương 2: Hiện đại hóa, hậu hiện đại hóa quan niệm dân gian về
con người
Chương hai là phần luận văn trình bày về sự tiếp thu và đổi mới quan
niệm dân gian về con người theo hướng hiện đại hóa trong truyện ngắn
Nguyễn Huy Thiệp
Chương 3: Hiện đại hóa, hậu hiện đại hóa yếu tố kỳ ảo dân gian và
yếu tố ngôn ngữ dân gian
Tiếp nối các chương trên, chương ba trình bày sự đổi mới trong yếu tố
kì ảo dân gian và ngôn ngữ dân gian.
11
Chương 1
TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP: HÀNH TRÌNH CỦA
YẾU TỐ DÂN GIAN GIỮA THỜI HIỆN ĐẠI, HẬU HIỆN ĐẠI
1.1. Bối cảnh hiện đại, hậu hiện đại
1.1.1. Khái niệm hiện đại, hậu hiện đại
Các thuật ngữ hậu hiện đại (postmodern), thời hậu hiện đại
(postmodernity), chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) thường được tiếp
cận trong sự đối sánh với hiện đại (modern), thời hiện đại (modernity) và chủ
nghĩa hiện đại (modernism).
Thuật ngữ hiện đại, được viết thành chữ Modern và Moderne trong tiếng
Anh và tiếng Pháp. Từ này vốn xuất phát từ Modernus trong tiếng Latinh, có
hai nghĩa cận đại và hiện đại do “từ nguyên của nó có hai nghĩa là vừa mới
và bây giờ” [49, tr. 57] được dùng trong sự đối sánh với thời cổ đại. Theo nhà
nghiên cứu Lại Nguyên Ân, thuật ngữ này có nguồn gốc sâu xa từ việc các
đức cha của giáo hội Thiên Chúa giáo dùng từ modernus (mới, hiện tại) để chỉ
thế giới Thiên Chúa giáo (được chính thức công nhận vào thế kỉ thứ IV khi
Thiên Chúa giáo trở thành quốc giáo của đế chế La Mã) trong sự phân biệt
với thời kỳ đa thần trước đó được gọi là anticuus (cổ, cổ xưa). Khi thời kỳ
Ánh sáng xuất hiện ở Châu Âu (vào khoảng thế kỉ XV), Modernity, được bổ
sung thêm ý nghĩa chỉ tính chất bởi vậy cả hai thuật ngữ Modernity (thời hiện
đại), và Postmodernity (thời kỳ hậu hiện đại) là hai thuật ngữ “bao hàm ý
nghĩa thời gian và ngầm chứa ý nghĩa tính chất” [75, tr. 27], không tìm được
nghĩa tương đương khi được chuyển dịch sang tiếng Việt.
Về phương diện lịch sử, các nhà sử học lấy mốc chung là khoảng năm
1500 đến giữa thế kỷ XX để đánh dấu thời kỳ hiện đại (Modernity). Cũng có
12
ý kiến cho rằng thời hiện đại bắt đầu từ cuối thế kỉ XIX đến nửa đầu thế kỉ
XX. Tuy nhiên, cho đến nay, việc thời kỳ hiện đại đã thực sự kết thúc hay
chưa vẫn đang là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi. Về mặt kinh tế xã hội, thời
kỳ hiện đại chứng kiến sự phát triển thần tốc của quá trình công nghiệp hóa
với phương thức và quan hệ sản xuất tư bản mà một trong những hệ quả của
nó là sự bùng nổ của đô thị hóa. Còn về mặt văn hóa, thời kỳ hiện đại “nuôi
dưỡng trong nó sự đột phá của khoa học và các dòng tư tưởng mới” [31].
Tính chất hiện đại được Baudelaire nhận thức trong khi chỉ ra những giá
trị cũng như những điều kiện và sự phức tạp của thời hiện đại như “tính nhất
thời, ngẫu nhiên, và phù du trong thời kỳ hiện đại” [75, tr. 28]. Còn Jane Flax
(trong luận văn Thinking Fragments;Psychoanalysis, Feminism, and
Postmodernism in the Contemporary ) [75, tr. 28], tính hiện đại đặc trưng cho
thời kỳ hiện đại, tương tự như vậy, tính chất hậu hiện đại sẽ thuộc về thời hậu
hiện đại – thời mà xét về mặt thời gian, nối tiếp ngay sau thời hiện đại. Nhắc
đến tính chất hiện đại, không thể bỏ qua đặc điểm nổi bật của triết học hiện
đại là lấy lí tính làm cơ sở để tìm kiếm chân lý. Lí tính (của thời Khai sáng)
trở thành nguyên lí định hướng mọi hoạt động từ nghiên cứu lí thuyết đến
thực tiễn cuộc sống. Mọi tiêu chuẩn từ lí thuyết đến thực hành đều được khám
phá và xây dựng dựa trên lí tính, dựa vào đó “tư tưởng và hành động của
từng cá nhân, cấu trúc xã hội, sẽ hình thành” [75, tr.29]. Tính chất của thời
hiện đại, bởi vậy, mang đậm tính duy lý và tiến trình hợp lí hóa nhằm hướng
tới việc xây dựng sự trật tự, ổn định trong tất cả các lĩnh vực đời sống. Việc
xây dựng trật tự này sau đó được bảo vệ bằng cách giữ những tính chất ổn
định và trật tự ở thế “trấn áp” trong cặp đối lập nhị phân Trật tự/ Hỗn loạn, nó
lấn át gần như triệt để, đẩy phần còn lại lệch khỏi tâm vào vào một phạm trù
khác so với mình. Tính chất hiện đại được chuyển tải vào đời sống thường
13
nhật thông qua sức mạnh của những hoạt động của đời sống như nghệ thuật,
kinh tế, truyền thông của thời hiện đại. Việc này đẩy xã hội tiến vào quá trình
hiện đại hóa và hệ quả là những “thứ” thuộc về mặt “hỗn loạn” của cặp nhị
phân như thiếu văn minh, không hợp lý, không phải da trắng, không thuộc
Châu Âu… sẽ bị gạt ra khỏi trung tâm, trở thành những yếu tố cần được loại
trừ để “giữ ổn định”.
Để hợp thức hóa việc khai phóng cho phần còn lại của thế giới khỏi hỗn
loạn, nền văn minh hiện đại đã tạo ra những cỗ máy xâm lược khổng lồ của đế
quốc và thực dân. Hậu quả là, sự khủng hoảng thời hậu chiến (của cả hai cuộc
chiến tranh) và sự trỗi dậy mạnh mẽ của các dân tộc bị trị đã trở thành một
trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự khủng hoảng của thời hiện đại,
mở lối cho sự tiếp nối của thời hậu hiện đại về sau.
Mặc dù thời hiện đại xuất hiện từ khá sớm nhưng chủ nghĩa hiện đại
(modernism) chỉ chính thức ra đời trong lịch sử nhân loại vào khoảng nửa đầu
thế kỉ XX như là hệ quả của tư duy thời hiện đại.
Nếu như thời hiện đại chủ yếu ra đời do chủ nghĩa tư bản và công nghiệp
hóa thì chủ nghĩa hiện đại, xuất hiện vào những năm cuối thế kỉ XIX đến
khoảng những năm 60 của thế kỉ XX, lại là tiếng nói “thể hiện mối lo ngại và
sự thù ghét…là hình thức phê phán thời kỳ hiện đại, do đó, chủ nghĩa hiện đại
chính là sự đối lập, phản kháng lại hiện đại, mặc dù nó là một phần không thể
tách rời khỏi hiện đại”[31]. Trong văn học nghệ thuật, chủ nghĩa hiện đại là
“quan niệm thẩm mĩ – và sáng tác văn học nghệ thuật thể hiện nó – hình
thành vào những năm 1910 và phát triển tăng tốc trong hai thập niên giữa
hai cuộc địa chiến thế giới I và II” [4, tr. 65]. Quan điểm chung của các nhà
nghiên cứu cho rằng việc ra đời của chủ nghĩa hiện đại là xuất phát từ việc
“xem xét lại” những cơ sở triết học và nguyên tắc sáng tác của văn hóa nghệ
14
thuật thế kỉ XIX. Việc xem xét này đã dẫn đến những trường phái, khuynh
hướng ra đời tại thời điểm đó như chủ nghĩa vị lai, chủ nghĩa ấn tượng… dù
khác nhau ở nhiều phương diện nhưng lại có chung cảm nhận về thời đại của
mình như là thời của “những biến chuyển lịch sử kéo theo sự phá sản những
tín ngưỡng và giá trị tinh thần của những thế hệ tiền bối” [4, tr. 65]. Nhận
định này tất yếu dẫ đến yêu cầu đổi mới. Bởi vậy, người ta còn xem chủ nghĩa
hiện đại “phản kháng” đối với thực tại và là sự “nổi loạn” chống lại tư tưởng
bảo thủ trước đó, nhưng bản thân nó vẫn là sản phẩm của chính thời hiện đại,
bởi vậy nó đã gặp phải sự mâu thuẫn giằng xé giữa một bên là sự bế tắc và
một bên là sự kế thừa phát huy. Để thể hiện sự phản kháng, chủ nghĩa hiện đại
hướng tới “sự phủ định bằng những hình thức thể hiện khác biệt” [31] thông
qua việc phá vỡ những kết cấu, cách nhìn cũ, tạo ra hình thức trong các trào
lưu như chủ nghĩa đa đa, siêu thực, vị lai…. Dù thế, chủ nghĩa hiện đại vẫn
trở thành một phong trào lớn với sự ra đời của nhiều trường phái, trào lưu
nghệ thuật có ảnh hưởng không chỉ trong thời này mà còn lâu dài về sau.
Thuật ngữ hậu hiện đại (postmodern) được sử dụng gần như sớm nhất
bởi nhà phê bình P.D. Onise vào khoảng “năm 1934 trong tuyển tập thơ Tây
Ban Nha và Mĩ Latinh” [49, tr. 56] với nghĩa dùng để chỉ sự “vượt qua” chủ
nghĩa hiện đại (Modernismo – trào lưu văn học phát xuất từ châu Mĩ Latinh
năm 1980 [85, tr. 430], không có liên quan đến thuật ngữ Posmodern xuất
hiện trong các cuộc tranh luận triết học ở Pháp và sau đó được J. F. Lyotard
sử dụng trong cuốn La condition postmoderne. Khoảng từ những năm 70 – 80
của thế kỉ XX đến nay, thuật ngữ này đã trở nên phổ biến, được dùng trong
nhiều lĩnh vực: văn học nghệ thuật, kiến trúc, phim ảnh, truyền thông…cho
nên rất khó có được định nghĩa thật hàm súc, chính xác.
15
Postmodernity (thời hậu hiện đại) là thuật ngữ được các nhà nghiên cứu
dùng để chỉ thời hậu hiện đại ra đời ngay sau thời kỳ hiện đại với “những đặc
trưng về xã hội, triết học, khoa học, văn hóa, nghệ thuật tương phản gần như
hoàn toàn với thời hiện đại” [75, tr.16]. Thực chất, cho đến tận bây giờ, các
nhà nghiên cứu vẫn chưa có sự đồng thuận về mốc thời gian đánh dấu bước
chuyển từ thời hiện đại sang hậu hiện đại. Quan điểm cho rằng thời kỳ hậu
hiện đại ra đời vào khoảng những năm cuối thập kỉ 70 của thế kỉ XX chiếm
được sự đồng thuận nhiều hơn cả. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhận
định khó có sự phân định rõ ràng giữa hai thời hiện đại và hậu hiện đại. Chỉ
có thể nói, từ khoảng những năm cuối thập kỉ 70 trở đi, dấu hiệu của thời hậu
hiện đại ngày càng rõ nét và quan niệm về thời kỳ này cũng nhận được nhiều
sự đồng tình hơn của giới nghiên cứu văn hóa, xã hội, nghệ thuật, triết học….
Và, do những điều kiện phát sinh đặc thù, thời hậu hiện đại được xem là mới
chỉ thực sự xuất hiện ở Tây Âu. Anthony Gidden, nhà xã hội học người Anh
cho rằng thời hậu hiện đại ra đời từ “sự cấp tiến hóa của thời hiện đại” [72,
tr. 16]. Hay có thể nói, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại đã mang chủ nghĩa
hiện đại ra toàn thế giới đã góp phần dẫn tới sự ra đời của thời kỳ hậu hiện
đại. Do thời kỳ hậu hiện đại mới hình thành chưa được bao lâu, người ta vẫn
còn đang tranh luận về những chữ “hậu” (post-) sau đó nữa, cho nên việc
phân biệt tương đối giữa tính chất hậu hiện đại và chủ nghĩa hiện đại khó có
thể thực hiện được như với thời hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại.
Thuật ngữ chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) được dùng trong “sự
ảnh hưởng đối kháng với chủ nghĩa hiện đại” [9, tr. 157], chỉ một khuynh
hướng nghệ thuật xuất hiện nối tiếp chủ nghĩa hiện đại. Tuy nhiên, cũng như
khái niệm hậu hiện đại, chủ nghĩa hậu hiện đại là một khái niệm khó nhận
được sự đồng thuận chung của giới nghiên cứu. Dù chịu sinh tồn trong những
16
hoài nghi về sự tồn tại nhưng sự xuất hiện của các công trình nghiên cứu về
chủ nghĩa hâu hiện đại đã ở số hàng ngàn, cho nên sự tồn tại của chủ nghĩa
hậu hiện đại, ít ra là ở phương Tây, dẫu sao, cũng là hiện tượng khó có thể
chối cãi.
Chủ nghĩa hậu hiện đại ra đời từ những tiền đề kinh tế - xã hội, khoa học
tự nhiên và tư tưởng – lí luận phát sinh trong đời sống nhân loại thế kỉ XX.
Sự phát triển hồi phục của Tây Âu sau chiến tranh thế giới thứ hai đã tạo
tiền đề cho sự phát triển của khoa học công nghệ nhất là công nghệ thông tin
và các ngành tự động hóa. Điều này khiến chủ nghĩa tư bản ngày càng khẳng
định sức mạnh to lớn của mình cả về kinh tế lẫn chính trị và vươn tầm ảnh
hưởng về văn hóa – xã hội ngày càng sâu rộng ra thế giới, tạo ra quá trình
toàn cầu hóa với đặc điểm nổi bật là sự tồn tại một thị trường tương đối thống
nhất với những “yếu tố chủ yếu là sản xuất, tiêu dùng và hưởng thụ” [75, tr.
10]. Sự phục hồi thần tốc của nền kinh tế dẫn đến những thay đổi trong đời
sống xã hội. Một mặt nó tạo ra sự xuất hiện của lối sống tiêu dùng mặt khác
người ta vẫn thấy sự tồn tại thậm chí không ngừng sinh sôi những mâu thuẫn
và bất công xã hội thể hiện qua những phong trào nhân quyền, nữ quyền,
phong trào phản đối tình trạng ô nhiễm môi trường, chẳng hạn như phong trào
biểu tình của sinh viên Pháp vào năm 1968. Hệ quả của tình trạng này là sự
đổ vỡ niềm tin dành cho những thiết chế xã hội vốn được xem là rất ưu việt
với những khẩu hiệu về tự do, bình đẳng, bác ái. Đặc biệt hơn nữa, sự bùng
nổ của công nghệ thông tin, truyền thông, với mạng internet đã tạo ra một thế
giới ảo gần như chỉ xuất hiện trong tưởng tượng trước đó. Việc con người có
thể “hoạt động” trong thế giới ảo này “làm gia tăng sự phân mảnh, đa dạng
về văn hóa” [75, tr. 11], làm thay đổi nhận thức về hiện thực, về con người.
Những biến đổi trên đã khiến xã hội Tây Âu chuyển sang một giai đoạn mới,
17
giai đoạn mà các nhà sử học gọi là thời hậu hiện đại kéo theo sự xuất hiện của
chủ nghĩa hậu hiện đại.
Sự xuất hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại còn có cơ sở từ thành tựu của
khoa học tự nhiên thế kỉ XX. Đó là sự phát hiện ra thuyết tương đối và cơ học
lượng tử vào thập kỉ 20 của XX cung cấp bằng chứng cho thấy thực tại khách
quan “tồn tại phi tuyến, bất định, xác suất, đa tầng” [75, tr. 19]; định lí bất
toàn trong toán học của Kurt Gưdel (1906 - 1978) vào đầu thập niên 30 với
việc “từ bỏ tham vọng đưa ra những lí thuyết phổ quát mang tính hệ thống,
nhất quán, tuyệt đối ” [75; tr. 19]; nối tiếp, vào thập niên 60, lý thuyết tai biến
của René Thomas (1923 - 2002) chỉ ra rằng khoa học nên đi tìm những quy
luật bộ phận trong từng tình huống hơn là quy luật bao quát cho từng tình
huống; và trong thập niên 70, Edward Lorenz đưa ra lý thuyết hỗn độn chỉ ra
hướng đi tìm các quy luật xác suất đằng sau các hiện tượng ngẫu nhiên thay vì
tìm những quy luật tất định như các lý thuyết động học cổ điển khác. Những
thành tựu về khoa học tự nhiên cung cấp cái nhìn khác về thế giới mà trước
đây toàn quy luật, trật tự và ổn định, tạo nên “chất liệu” cần thiết cho sự ra
đời của chủ nghĩa hậu hiện đại.
Bối cảnh kinh tế, xã hội và những phát kiến mới về khoa học được tiếp
sức bởi những tư tưởng triết học có khuynh hướng “chống lại triết học truyền
thống, chống lại xu thế lấn át của mô hình lí tính, thực chứng” [75, tr. 22]. Đó
là tư tưởng của Friedrich Nietzsche (1844 - 1900) xem chân lý không phải là
cái “phổ quát, khách quan, tuyệt đối” mà là phụ thuộc vào từng môi trường,
hoàn cảnh, điều kiện nó phát sinh; là quy tắc trò chơi trong triết học ngôn ngữ
của Ludwig Wittgenstein (1889 - 1951) với tư tưởng chống tính hệ thống, quy
tắc này tạo nên từ sự đồng thuận giữa những người tham gia giao tiếp, theo
đó, không có một sự thống nhất nào giữa các trò chơi, chỉ có những “hệ
18
thống” tạo nên trong từng hoàn cảnh riêng; và John Dewey (1859 - 1952) với
quan niệm chân lý, tri thức và “tinh thần đổi mới triết học” [75, tr. 27],
Thomas Samuel Kuhn (1922 - 1996)… đã tạo nên những tiền đề về tư tưởng
cho sự ra đời của chủ nghĩa hậu hiện đại sau này.
Jean Francois Lyotard (1924 - 1998), Richard Rorty (1931 - 2007),
Jacques Derrida (1930 - 2004), Michel Foucault (1926 - 1984) là những nhà
tư tưởng chủ chốt của chủ nghĩa hậu hiện đại. Trong những công trình của
mình, họ đã cung cấp tư tưởng cơ bản cho chủ nghĩa hậu hiện đại.
Trước hết, các nhà hậu hiện đại chủ nghĩa chỉ ra cảm quan khác biệt của
con người trước thế giới thực tại. Đó là một “tâm thức”, một “thế giới quan”
mới. Trong đó, con người nhìn thế giới như một “khối hỗn độn”, không tuân
theo hệ thống, quy luật nào được đặt ra. Bởi vậy, thế giới không bị giới hạn
bởi số ít những điểm nhìn, những cực trị mà thuộc về số nhiều với đa điểm
nhìn, đa trị. Sự tồn tại ngẫu nhiên này phá bỏ quan niệm về những trung tâm,
khẳng định phi trung tâm mới là đặc tính của thế giới sự vật. Và các nhà hậu
hiện đại, tìm cách giải (de-) trung tâm. Phản ứng lại cố gắng sắp xếp lại trật tự
thế giới thành những hệ thống, tuân theo những quy luật theo những “câu
chuyện to tát chi phối văn minh của loài người” [75, tr. 127], khái niệm mà J.
F. Lyotard gọi là đại tự sự (meta – narrative), các nhà hậu hiện đại cho rằng
thế giới có sự tồn tại riêng, không tuân theo quy luật nào. Như thế, những đại
tự sự trên chỉ là kết quả của nỗ lực quy hoạch lại tự nhiên của con người bằng
lý trí, nó không thuộc về bản chất của thế giới. Thực chất, theo các nhà hậu
hiện đại, thế giới là sự hợp lại của những dạng tiểu tự sự tồn tại trong sự hỗn
độn, tạm bợ, ngẫu nhiên và nhất thời, không chịu sự áp đặt tư duy của bất cứ
đối tượng nào, có thể đồng hoặc nghịch hướng với cái khác. Đả phá sự tồn tại
của những đại tự sự, các nhà hậu hiện đại đi đến nhận thức hiện thực thời hậu
19
hiện đại và chỉ ra rằng hiện thực này được được dựng lên chủ yếu bằng
phương tiện truyền thông đại chúng như ti vi, mạng máy tính, văn học, cho
nên hiện thực mà con người đang thấy thực chất là hiện thực ảo. Đó là kiểu
hiện thực mà Jean Baudrillard gọi là thậm phồn hay phì đại (hyperreality) đa
chiều kích, có khả năng “mở rộng đến bất kì nơi nào trí tưởng tượng của con
người có thể vươn đến” [11, tr. 39]. Một hiện thực mới được tạo ra, trong đó
con người không tìm được những mẫu gốc để quy chiếu mọi hành động có
tính quy luật mà chỉ tìm thấy những bản sao hiện thực được tạo ra do nhu cầu
của xã hội tiêu dùng và bởi công nghệ số. Tính chất ảo của hiện thực ngày
càng gia tăng, quan niệm về hiện thực cũng lung lay trong ngổn ngang của
tầng tầng lớp lớp thế giới ảo.
Cũng theo các nhà hậu hiện đại, ngôn ngữ và dụng học của nó chính là
nền tảng tri thức của con người. Lí thuyết của các nhà hậu hiện đại dựa trên
ngôn ngữ và khả năng hành chức của nó. Từ đó, họ coi “thế giới là một văn
bản”. Jacques Derrida nói “Không có gì là ngoài văn bản”. Khi phân tích
mối quan hệ bằng biểu đồ hai trục dọc (liên kết giữa tác giả và người đọc) với
trục ngang (liên kết giữa văn bản này và các văn bản khác) Julia Kristeva đã
chỉ ra mỗi một văn bản được viết ra đều “lệ thuộc vào những quy ước đã hiện
diện từ trước” [11, tr.43]. Như vậy, văn bản này sẽ liên kết với không chỉ một
mà nhiều văn bản khác. Văn bản, do đó, là giao điểm của rất nhiều văn bản
khác theo không gian, thời gian, thể loại, loại hình, văn hóa…. Thế giới “văn
bản” này được thể hiện qua các trò chơi ngôn ngữ (language games) – khái
niệm được F. Lyotard vận dụng từ triết học của Ludwig Wittgenstein (1889 -
1951). Vì ngôn ngữ là nền tảng để con người xây dựng tri thức, nó đã bị lợi
dụng để tạo nên những đại tự sự chi phối xã hội. Các nhà hậu hiện đại chủ
trương dỡ bỏ những mô hình ngôn ngữ xáo mòn, “trả” ngôn ngữ về với bản
20
chất ngẫu hứng của nó. Theo đó, ngôn ngữ thoát khỏi những tập quán cũ, nó
được sử dụng như những “trò chơi” mà người tham gia quy ước luật chơi với
nhau. Những quy ước này khác nhau trong từng hoàn cảnh. Hơn nữa xuất
phát từ sự bất đồng quan điểm về sự biểu đạt của ngôn ngữ của các nhà hậu
hiện đại với cha đẻ của ngôn ngữ học hiện đại – F. de Saussure (1857 - 1913).
Trong khi F. de Saussure cho rằng mỗi cái biểu đạt tương ứng với một cái
được biểu đạt thì các nhà hậu hiện đại xem cái biểu đạt đồng thời là cái được
biểu đạt của một cái biểu đạt khác và cứ như vậy, không dừng lại. Sự đa dạng
của trò chơi ngôn ngữ và sư vô cùng tận của nghĩa tạo nên giới hạn vô tận cho
sáng tạo, nhất là trong văn học.
Trên đây là những định đề chính của triết học hậu hiện đại. Như đã trình
bày ở trên, sau khi ra đời, chủ nghĩa hậu hiện đại được xem là đã xuất hiện
gần như trong toàn bộ đời các lĩnh vực của đời sống xã hội nơi nó phát sinh.
Trong văn học, chủ nghĩa hậu hiện đại được xem là một hiện tượng có ảnh
hưởng ra toàn cầu, trong đó, theo nhận định của Barry Lewis thì văn chương
hư cấu hậu hiện đại là“một hiện tượng quốc tế, với những đại biểu quan trọng
từ khắp nơi trên thế giới: Gunter Grass và Peter Hankle (Đức); Georges
Perec và Monique Wittig (Pháp); Umberto Eco và Italo Calvino (Italy); […]
Gabriel Garcia Marquez (Colombia); J.M.Coetzee (Nam Phi) …” [47]. Ông
cũng cho rằng văn chương hậu hiện đại đặc trưng bởi việc sử dụng rộng rãi
thủ pháp nhại (parody), trò chơi ngôn ngữ, kỹ thuật lắp ghép, sự phá vỡ trật tự
thời gian, sự lỏng lẻo trong liên kết ý tưởng và sự đa nghi, hoang tưởng của
nhân vật.
Ngoài Tây Âu và Bắc Mỹ - nơi phát xuất, chủ nghĩa hậu hiện đại được
các xã hội khác tiếp nhận chủ yếu thông qua lĩnh vực văn hóa nghệ thuật (ở
Nga, Nhật, các nước Mĩ La Tinh, các nước Châu Phi…). Khi xâm nhập vào
21
các khu vực này, chủ nghĩa hậu hiện đại sẽ được tiếp biến và dung hợp với
những yếu tố thuộc về xã hội, văn hóa, tư tưởng địa phương tạo nên những
điểm đặc sắc cũng như phức tạp riêng. Đặc biệt là ở những nước thuộc địa cũ,
vốn bị phương Tây đặt ở thế đối sánh với nền văn minh của họ, bị gạt ra khỏi
trung tâm của nền văn minh nhân loại, nằm trong phạm trù của sự yếu ớt,
mông muội, kém văn minh. Chủ nghĩa hậu hiện đại đã cung cấp cho họ hướng
tư tưởng dẫn đến sự khẳng định mình, thoát khỏi “định nghĩa” của phương
Tây về phương Đông (đối với các thuộc địa phương Đông), hay thoát khỏi sự
áp đặt về văn hóa, thậm chí là lấn át nền văn hóa bản địa của các nước Mỹ
Latinh hay một số nước châu Phi của văn hóa thực dân. Ở những xã hội mà
nền công nghiệp hóa còn chưa hoàn thành, chủ nghĩa hậu hiện đại xuất hiện
dưới dạng những tính chất, yếu tố tồn tại đan xen với chủ nghĩa hiện đại – vốn
dĩ cũng chưa đi tới đỉnh cao ở những nơi này. Điều này tất yếu dẫn đến tạo ra
một môi trường phức hợp trong đó người ta nhận thấy, bên cạnh những tính
chất của chủ nghĩa hiện đại có sự xuất hiện ít nhiều, đậm nhạt khác nhau của
các yếu tố thuộc về chủ nghĩa hậu hiện đại.
Sự đan xen hiện đại – hậu hiện đại vẫn đang tồn tại ở phương Tây vì sự
rạch ròi giữa hai thời đại này gần như chưa từng được công nhận rõ ràng. Bên
cạnh đó, ở các xã hội đang phát triển, khi mà quá trình công nghiệp hóa vẫn
đang ở giai đoạn tiến hành, xã hội chưa tiến vào thời kì hiện đại hóa hoàn toàn
thì các yếu tố hậu hiện đại xâm nhập vào chủ yếu qua giao lưu cũng như do
những điều kiện của bản thân xã hội đó có những đặc điểm thuận lợi cho sự
bám rễ của chủ nghĩa hậu hiện đại. Tuy nhiên, sự gặp gỡ giữa hiện đại – hậu
hiện đại ở các xã hội đang phát triển có thể nói nghiêng về hướng tồn tại đan
xen thay vì gần như nối tiếp nhau trong một quá trình như tại các nước phát
22
triển. Sự tồn tại đan xen phức tạp này sẽ dẫn đến những khác biệt không nhỏ
khi hiện diện trong văn học nghệ thuật.
1.1.2. Hiện thực và con người trong quan niệm của chủ nghĩa hiện
đại và chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học
Trước chủ nghĩa hiện đại, mặc dù cũng hình thành trên nền tảng triết học
lý tính nhưng chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, tuy có những khác biệt
trong quan niệm, song gần như đều hướng tới kiếm tìm, lí giải một nguyên
tắc, một quy luật chung có khả năng “chi phối sự hình thành và thịnh suy của
mọi cái khác” [49, tr. 62]. Đó là tình cảm, lí tưởng trong quan niệm của chủ
nghĩa lãng mạn, là quan hệ kinh tế của chủ nghĩa hiện thực hay bản năng sinh
vật của chủ nghĩa tự nhiên. Những khuynh hướng này, bằng cách này hay
cách khác, nỗ lực đi tìm những trung tâm có chức năng thống nhất thuộc về
chiều sâu, bản chất tất yếu, quy luật chung của hiện thực, gần như loại ra
ngoài những hiện tượng có tính cá thể, ngẫu nhiên, nhỏ lẻ. Chủ nghĩa hiện đại
được cho rằng ra đời vào cuối thời hiện đại, nó phản kháng lại những tín điều
trước đó. Tuy nhiên, nói như nhà nghiên cứu Phương Lựu, nó“phá bỏ mô
thức chiều sâu” của các thế hệ tiền bối nhưng lại nỗ lực xây dựng những mô
thức chiều sâu của mình, điểm khác là các mô thức hiện đại không “rõ ràng,
xác định, khả chứng” như trước. Đó là vô thức của phân tâm học, là “hiện
sinh” của chủ nghĩa hiện sinh, cấu trúc bề sâu của chủ nghĩa cấu trúc, hình
thức của chủ nghĩa hình thức. Kết quả là, vẫn nằm trong vòng ảnh hưởng của
lí tính, nhưng những “trung tâm” của chủ nghĩa hiện đại không rõ ràng,
không thể nắm bắt. Trong khi đó, chủ nghĩa hậu hiện đại không công nhận sự
tồn tại của những “đại tự sự” của thời hiện đại. Trong quan niệm của mình,
chủ nghĩa hậu hiện đại nhìn hiện thực không trong sự thống nhất mà đa trị,
23
với những mảnh ghép khác nhau, không có trung tâm, và được tạo nên từ sự
lai ghép.
Chủ nghĩa hiện thực tin có hiện thực khách quan và nỗ lực để nhận thức,
tái hiện hiện thực khách quan đó một cách chân thực nhất; chủ nghĩa hiện đại,
do sự đổ vỡ đức tin vào “tính bền vững của văn chương” [2], cảm nhận sự
hỗn loạn phi lý của thực tại, nỗ lực kiếm tìm một thực tại “thuần khiết” thuộc
về “mô hình thế giới hài hòa” [2]. Quá trình chối bỏ và tìm kiếm này đã dẫn
đến sự “ra đời” của thế giới huyền thoại (trong sáng tác của E. Hemingway,
E.Pound), hay thế giới ý thức bên trong con người (trong trước tác của Marcel
Proust, J. Joyce, F. Kafka…). Song, nỗ lực này lại làm lộ ra một thực tại
“được xem như một vòng luẩn quẩn vĩnh viễn” [2] đậm sắc thái đoản mạch,
đứt gãy. Phương thức thể hiện hiện tại như trên – bằng cách đổi mới ngôn ngữ
so với chủ nghĩa hiện thực của thế kỉ XIX – đã chối bỏ nguyên tắc miêu tả đối
tượng trong mối tương quan với những sự vật, hiện tượng khác.
Chủ nghĩa hậu hiện đại, ngược lại, cho rằng hiện thực được nhận thức
khác nhau ở các nền văn hóa, không có một tri thức đồng nhất, cái toàn thể
của chủ nghĩa hiện đại thực chất là sự áp đặt ở nhiều phương diện, mức độ.
Hơn thế, chủ nghĩa hậu hiện đại còn đẩy quan niệm về hiện thực đi xa hơn khi
cho rằng thực tại không tồn tại ổn định mà ở trạng thái hỗn loạn, bị ngụy tạo
và thế giới chính là những liên văn bản không có điểm kết thúc trong đó các
văn bản tồn tại trong mối tương quan với những văn bản khác.
Không tin vào những “đại tự sự” đồng nghĩa với việc chủ nghĩa hậu hiện
đại không đồng ý với quan niệm cho rằng hiện thực được nỗ lực giữ ổn định
bằng những “hệ thống giải thích” có trong thời hiện đại. Thế giới dưới nhãn
quan của chủ nghĩa hậu hiện đại là thế giới của hỗn độn, của những mảnh
ghép. Đi xa hơn, chủ nghĩa hậu hiện đại quan niệm hiện thực thực chất chỉ là
24
những mô hình được ngụy tạo trong tư duy con người, nó không có bản gốc
và không thực sự tồn tại. Theo nhà nghiên cứu Đào Tuấn Ảnh, quan niệm này
giúp chúng ta lí giải vì sao, chủ nghĩa hậu hiện đại không chỉ tồn tại ở xã hội
hậu công nghiệp với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và sự lan
rộng của văn hóa đại chúng trong xã hội Phương Tây mà còn có dấu hiện xuất
hiện ở các xã hội khác nơi mà máy tính và thế giới ảo cũng xâm nhập vào sâu
trong đời sống của con người. Chỉ có điều, ở mỗi xã hội khác nhau, “điều
kiện hậu hiện đại” cũng không giống nhau. Không thừa nhận những mô hình
hiện thực gần với chân lý của chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa hậu hiện đại “lắp
ghép một thực tại giống như tấm kính vạn hoa mang đầy tính trích dẫn, chắp
vá” [2]. Đây là nguyên nhân vì sao thế giới lại là một kiểu “liên văn bản”
trong quan niệm của chủ nghĩa hậu hiện đại.
Nếu như con người trong chủ nghĩa hiện thực hiện lên như một điển hình
của giai cấp, thời đại mình; con người trong chủ nghĩa lãng mạn là con người
của những lý tưởng với khao khát thể hiện cái tôi cá nhân và nỗ lực vượt lên
thực tại; thì con người trong chủ nghĩa hiện đại, vì sống trong một thế giới
đang bị lung lay về niềm tin với những chân lí, quy luật thống nhất, lại “hay
lo âu, cô độc, mê sảng, phiêu lãng” [49, tr. 63]. Còn con người của thời hậu
hiện đại lại cô đơn, “vô nghĩa”, “trống rỗng” trong thế giới được bị ngụy tạo
bởi vô số những liên văn bản và sự hỗn loạn của thông tin, tri thức đang ở tình
trạng “phì đại”. Con người hậu hiện đại không có bóng dáng khổng lồ của
thời Phục Hưng, cũng không còn là con người duy lý giữa thời Ánh sáng,
càng không còn là con người, dù đang lạc lõng bởi thực tại phi lý, nhưng vẫn
cố kiếm tìm bản thể của mình như cuối thời hiện đại. Và con người hậu hiện
đại, hệ quả của những văn bản “liên văn bản”, có lúc không xác định vì nhiều
khi nó chỉ là sự “nhái lại hình tượng nhân vật lịch sử và văn học cổ điển” [2].
25
Như vậy, đến chủ nghĩa hậu hiện đại, con người hoài nghi về sự tồn tại
của cái tôi, con người bị phân tán, phi trung tâm, chỉ còn là những “chất liệu
tâm lí” (Nathalie Sarraute) như “tình cảm mâu thuẫn, mối xúc động nội tâm,
những đối thoại tiềm ẩn rời rạc” [49, tr. 64]. Con người, không còn băn
khoăn nỗ lực khẳng định cái tôi hoặc ít nhất đi tìm một điểm tựa như trước đó
trong chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện đại mà đánh mất cảm nhận về cõi
sống, về sự tồn tại, tất cả chìm đắm trong cảm xúc tuyệt đối hư vô trước thế
giới của những liên văn bản. Một mặt, điều này dẫn đến những suy nghĩ bi
quan cực đoan, mặt khác, nó cho thấy một cái nhìn bình đẳng hơn giữa những
“giai tầng người”, “không có chúa”, không có một đấng sáng thế nào toàn
năng, chỉ có con người cá nhân với sự phức diện đến cực độ của bản thể.
1.1.3. Bối cảnh đan xen hiện đại, hậu hiện đại trong văn học Việt
Nam
Năm 1945 được xem là mốc lịch sử đánh dấu thời kỳ hiện đại trong
lịch sử Việt Nam. Nhưng do điều kiện đặc thù của lịch sử, phải đến sau năm
1986, Việt Nam mới chính thức bước vào con đường hiện đại hóa, và quá
trình công nghiệp hóa cũng mới được manh nha khởi động. Tuy đã đạt được
những thành tựu không nhỏ, nhưng Việt Nam vẫn chỉ là một nước đang trong
quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với nền khoa học kỹ thuật còn hạn
chế. Cho đến bây giờ, các nhà nghiên cứu vẫn xác định xã hội Việt Nam đang
ở thời tiền hiện đại – tức là vẫn đang trong quá trình xác lập tính chất của thời
hiện đại.
Xét về mặt văn hóa nghệ thuật, những trào lưu tư tưởng hiện đại xuất
hiện ở Việt Nam sớm hơn so với mốc lịch sử trên, tức là vào khoảng những
năm 20 của thế kỉ trước trở đi, trong văn học nghệ thuật, quá trình này được
đánh dấu bằng cuộc hiện đại hóa văn học đầu thế kỉ trước (1930 - 1945).
26
Cuộc hiện đại hóa này đã đưa văn học nước ta thoát khỏi ảnh hưởng của nền
thi pháp trung đại trước đó mà tiếp nhận cũng như ứng dụng thi pháp hiện đại
vào sáng tác. Nhưng, ba mươi năm tiếp theo, vì đặc điểm riêng, nền văn học
không tiếp tục phát triển theo hướng này mà rẽ theo hướng khác, được sử thi
hóa và in đậm dấu ấn của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Cho đến giữa
những năm 80 của thế kỉ trước, khi công cuộc đổi mới bắt đầu, cùng với việc
“cởi trói” cho văn nghệ và mở rộng toàn diện giao lưu văn hóa với thế giới,
văn học Việt Nam mới rục rịch thay đổi để thích nghi với điều kiện mới. Lúc
này, những lí thuyết (về văn học và có ảnh hưởng đến văn học) của chủ nghĩa
hiện đại mà trước đây mới chỉ được tiếp nhận trong văn học miền Nam chính
thức và dần dần phủ rộng ra cả nước như: lí thuyết hình thức, cấu trúc, phân
tâm học…. Như vậy, đi sau thời điểm chủ nghĩa hiện đại ra đời ở phương
Tây khoảng nửa thế kỉ, trong bối cảnh nền kinh tế - văn hóa, xã hội tuy không
giống với phương Tây (khi phát sinh chủ nghĩa hiện đại, đã và đang ở giai
đoạn cuối của thời kỳ hiện đại với nền công nghiệp và khoa học kỹ thuật phát
triển cao độ), nhưng cũng đầy những phức tạp của thời kỳ quá độ, đánh dấu
bằng sự hoang mang khi bước sang một giai đoạn lịch sử khác, cộng với việc
thay đổi sâu sắc trong nội bộ xã hội do ảnh hưởng của quá trình công nghiệp
hóa, đô thị hóa dẫn đến sự bung vỡ của những hệ giá trị vốn ngự trị một thời
gian dài trong đời sống xã hội mà hệ quả của những xáo trộn về kinh tế - xã
hội, tư tưởng, văn hóa này là việc hình thành những dấu hiện của sự phản
kháng lại (với tư tưởng của thời trước đó) và sự mất phương hướng trước sự
tha hóa của trạng thái nhân thế cũng như nỗ lực nhìn nhận lại, đánh giá lại
những giá trị cũ, và kiếm tìm một điểm tựa tinh thần mới – những manh mối
của một trạng cảm của con người thời hiện đại. Điều này được bộc lộ trong
những sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Khắc
27
Trường…. Song, khi mà nền văn học Việt Nam chưa kịp hiện đại một cách
triệt để thì đã mang trong mình những dấu hiệu của một hệ hình thi pháp khác
mà sự xuất hiện của nó không những gây ra nhiều tranh luận trái chiều mà
còn hình thành nên một bối cảnh phức tạp trong văn học nước nhà. Đó chính
là chủ nghĩa hậu hiện đại.
Xoay quanh vấn đề chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam, có khá nhiều ý
kiến trái chiều. Những ý kiến này chủ yếu tập trung vào các vấn đề hoàn cảnh
hậu hiện đại có thực sự xuất hiện ở Việt Nam, sự tồn tại và biểu hiện của chủ
nghĩa hậu hiện đại trên thế giới và ở Việt Nam. Có hai luồng ý kiến cơ bản:
luồng thứ nhất, cho rằng chủ nghĩa hậu hiện đại thực chất chỉ là một “thuật
ngữ vô nghĩa” (Nguyễn Văn Dân) [15] do bị lạm dụng quá đà (cả trên thế giới
lẫn ở Việt Nam) và thực chất đó chỉ là cái “đỉnh cao ” hay “giai đoạn kịch
phát của chủ nghĩa hiện đại”; luồng ý kiến thứ hai, ngược lại, thừa nhận sự
tồn tại của chủ nghĩa hậu hiện đại trên thế giới cũng như nêu ra những ảnh
hưởng của nó vào văn học Việt Nam thông qua con đường giao lưu văn hóa
và nỗ lực chỉ ra những dấu hiệu, dấu ấn của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn
học Việt Nam (như của các nhà nghiên cứu Phương Lựu, Lê Huy Bắc, Phùng
Gia Thế, Lã Nguyên). Như vậy, trong quá trình nghiên cứu sự tiếp nhận cũng
như ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam đã xuất hiện cả sự phủ
nhận lẫn sự xác nhận, khẳng định, ủng hộ. Điều này không có gì lạ, đặc biệt là
khi các trào lưu tư tưởng, nghệ thuật di chuyển, xâm nhập từ nền văn hóa này
vào nền văn hóa khác trong quá trình giao lưu văn hóa toàn cầu như hiện nay.
Sự nghiên cứu, tiếp nhận trái chiều này phần nào giúp hình dung ra bối cảnh
phức tạp của sự tiếp nhận trên bình diện lí thuyết và việc áp dụng vào thực
tiễn sáng tác của chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam. Nghiêng về khuynh
hướng cho rằng chủ nghĩa hậu hiện đại không những tồn tại trong lịch trình tư
28
tưởng của nhân loại (mà nơi phát sinh là xã hội Tây Âu với điều kiện đặc
thù), đồng thời cũng xuất hiện với các mức độ khác nhau ở các quốc gia thậm
chí đang còn ở giai đoạn tiền hiện đại hoặc trong quá trình hiện đại hóa (Ấn
Độ, Trung Quốc, một số nước thuộc Châu Phi, Châu Mĩ – Latinh…), chúng
tôi sẽ đi vào khảo sát những điều kiện dẫn đến sự xuất hiện và tồn tại đan xen
của yếu tố hậu hiện đại bên cạnh yếu tố hiện đại trong nền văn học Việt Nam
đương đại.
Thực tế cho thấy, bất kỳ khuynh hướng tư tưởng, văn hóa có nguồn gốc
ngoại lai nào cũng chỉ có thể xuất hiện trong một nền văn hóa khi nó hội tụ đủ
điều kiện chủ quan và khách quan. Nói cách khác, những dấu hiệu của chủ
nghĩa hậu hiện đại xuất hiện trong văn chương Việt Nam, ngoài yếu tố do
giao lưu văn hóa, còn do chính những điều kiện của xã hội Việt Nam có cơ sở
để nó đâm rễ nảy chồi.
Sau khi trải qua hai cuộc chiến tranh kéo dài gần một phần ba thế kỉ XX,
Việt Nam mới có cơ hội chuyển mình từ xã hội nông nghiệp lạc hậu sang nền
công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Có thể nói, quá trình này, cho đến nay vẫn
đang diễn ra, chưa hoàn thành, dù có khá nhiều thành tựu đáng kể, nhưng Việt
Nam vẫn chỉ mới ở trong số những quốc gia đang phát triển. Điều này đồng
nghĩa với việc xã hội Việt Nam dường như chưa hội đủ yếu tố để tạo nên
“hoàn cảnh hậu hiện đại” thật sự như quan niệm của J. F. Lyotard. Mặc dù
vậy, không phải mọi lí thuyết đều rập khuôn áp dụng cho tất cả các đối tượng.
Tuy chưa có được một nền kinh tế tri thức với sự phát triển cao của khoa học
kỹ thuật, nhưng quá trình hội nhập, hiện đại hóa đất nước đã đưa vào Việt
Nam mạng lưới truyền thông, thông tin rộng lớn, đa dạng. Mạng lưới truyền
thông (đặc biệt là mạng internet) không chỉ đóng vai trò là đường dẫn tiếp xúc
với tư tưởng hậu hiện đại mà còn mở rộng không gian sống (sang thế giới ảo),
29
tăng cường đến vô hạn khả năng đa dạng hóa sự thể hiện của các yếu tố văn
hóa nội địa, của cá nhân con người, tạo nên số lượng vô hạn định những “văn
bản” – tạo cơ hội để những yếu tố hậu hiện đại tìm được “đất” sống.
Diễn biến phức tạp của quá trình hội nhập khi diễn ra sự va đập giữa nền
văn hóa nội địa, vốn đang bị xáo trộn bởi những biến động chính trị - kinh tế
của khoảng 20 năm cuối thế kỉ trước, với văn hóa ngoại lai dẫn đến sự bung
vỡ của “bảng giá trị cũ” [44] trong khi bảng giá trị mới chưa hình thành.
Cộng với sự hoài nghi vốn tiềm tàng trong văn học, văn hóa dân gian về
những giá trị “chính thống” đã tạo nên thái độ hoài nghi, hoang mang trước
hiện thực hỗn độn, tìm cách “viết lại lịch sử”, giải thiêng huyền thoại… tạo ra
một hiện thực từ nhiều điểm nhìn.
Khi so sánh những yếu tố hậu hiện đại trong văn học Việt Nam với văn
học Nga [2], tác giả Đào Tuấn Ảnh tìm thấy điểm chung giữa hiện tượng“phì
đại tư tưởng” của những xã hội đã hoặc chưa đi qua thời hiện đại, nơi chủ
nghĩa xã hội tồn tại cũng là một đặc điểm riêng của xã hội Việt Nam.
Ngoài ra, là một nước đã từng chịu sự xâm lăng của cả chủ nghĩa thực
dân mới và cũ, Việt Nam có những đặc điểm thường gặp của một nước “hậu
thực dân”, từng bị xem là nơi mông muội, cần được khai hóa (thực tế là thực
dân Pháp đã thực hiện hai cuộc khai thác thuộc địa vào đầu thế kỉ XX với mỹ
danh khai hóa). Nghĩa là, trong sự tồn tại, phát triển của mình, xã hội Việt
Nam vẫn đang tiềm ẩn những sự phản kháng của bộ phận mà E. Said xếp vào
phạm trù “the Other” (Cái khác) – một “cái” luôn ở thế bất ổn, kém văn minh,
kém phát triển so với Phương Tây, chịu sự áp đặt về văn hóa của chủ nghĩa
thực dân. Sự phản kháng tiềm tàng này là hình ảnh của nỗ lực “giải thiêng”,
“giải thực”, “giải trung tâm”, hướng về ý tưởng dân chủ của tư tưởng hậu hiện
đại dành cho những bộ phận vốn bị gạt ra ngoài sân khấu văn minh nhân loại.
30
Sự du nhập của chủ nghĩa hậu hiện đại vào Việt Nam có sự góp sức tích
cực của các công trình lý luận và tác phẩm văn học hậu hiện đại thế giới được
dịch và giới thiệu. Khoảng cuối những năm chín mươi của thế kỉ trước đến
đầu thế kỉ XXI, việc giới thiệu còn khá rụt rè, chủ yếu là qua những bài báo
được đăng nhỏ lẻ trên các tạp chí. Đến năm 2003, Trung tâm văn hóa đông
Tây đã in và giới thiệu cuốn sách Văn học hậu hiện đại thế giới – những vấn
đề lí thuyết, trong đó tập hợp những bài nghiên cứu khái quát về chủ nghĩa
hậu hiện đại. Năm 2006, nhà xuất bản Trẻ giới thiệu bộ sách nhập môn trong
đó có cuốn Chủ nghĩa hậu hiện đại của Richard Appignanesi cũng giới thiệu
những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa hậu hiện đại. Tuy nhiên, phải đến năm
2008, Điều kiện hậu hiện đại (J. F. Lyotard) một trong những tác phẩm kinh
điển của triết học hậu hiện đại được dịch giả Ngân Xuyên dịch và nhà xuất
bản Tri Thức giới thiệu mới mang đến cho độc giả cái nhìn tiệm cận hơn với
chủ nghĩa hậu hiện đại. Nối tiếp những tác phẩm trên, Chủ nghĩa hậu hiện
đại (2006), Chủ nghĩa hậu hiện đại – các vấn đề nhận thức luận (2011)
cùng của tác giả Trần Quang Thái, Lí thuyết văn học hậu hiện đại (2011) của
Phương Lựu, Văn học hậu hiện đại – Lí thuyết và tiếp nhận (2012) của Lê
Huy Bắc, Một nền lí luận văn học hiện đại (Nhìn qua thực tiễn Trung
Quốc) (2012) của Trần Đình Sử, cùng khá nhiều bài viết, bài nghiên cứu về
những khía cạnh khác nhau của chủ nghĩa hậu hiện đại của các nhà nghiên
cứu có uy tín đã mang hậu hiện đại “đến gần” hơn với Việt Nam, tạo cơ sở
cho việc nghiên cứu sâu hơn ảnh hưởng của trào lưu này đến thực tiễn văn
học nước nhà. Cuối năm 2012, khoa Ngữ Văn Trường đại học Sư phạm Hà
Nội sẽ tổ chức hội thảo khoa học quốc gia mang tên “Văn học hậu hiện đại –
lí thuyết và thực tiễn” dự báo sẽ mang đến cái nhìn toàn cảnh có tính tổng kết
về những xu hướng và các vấn đề nghiên cứu văn chương hậu hiện đại hiện
31
nay. Như vậy, những hoạt động trên đã không chỉ khẳng định sự tồn tại của
chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam, phân tích những yếu tố hậu
hiện đại trong bối cảnh đặc thù của xã hội Việt Nam mà còn trực tiếp tạo ra
những tiền đề lí luận cho việc nghiên cứu ảnh hưởng của trào lưu này.
Sẽ khó phản bác lại quan điểm cho rằng xã hội Việt Nam chưa hội đủ
những yếu tố của thời hậu hiện đại như đã diễn ra ở xã hội phương Tây nhưng
nhận định Việt Nam chưa có bối cảnh hậu hiện đại thực sự như xã hội chưa
tiến vào thời kì hậu công nghiệp, song đang nỗ lực để giải thực, chống lại
những tư tưởng áp đặt của đại tự sự phương Tây trước và sau khi đi xâm lược
có lẽ tương đối hợp lí. Nghĩa là trong xã hội Việt Nam, có sự tồn tại xen kẽ
của yếu tố hậu hiện đại trên nền tảng của thời hiện đại trong bối cảnh thời
hiện đại chưa thực sự “hoàn thành”. Nói cách khác, xét về mặt khuynh hướng
tư tưởng, chủ nghĩa hiện đại vẫn giữ vai trò chủ đạo, những yếu tố của chủ
nghĩa hậu hiện đại xuất hiện trong quá trình tiếp nhận văn hóa phương Tây
chủ yếu biểu hiện ở mảng văn học nghệ thuật và chỉ mới xuất hiện như ở cấp
sơ khởi. Cho nên, có thể xem, sự đan xen bối cảnh này là tiền đề dẫn đến sự
xuất hiện đồng thời của những tư tưởng, nhận thức về thế giới, con người, thủ
pháp nghệ thuật của cả (chủ nghĩa) hiện đại và (chủ nghĩa) hậu hiện đại trong
văn học. Tuy nhiên, việc tiếp thu và thể hiện trong tác phẩm không giống
nhau ở các tác giả. Đây là nguyên nhân vì sao, ở những tác phẩm được viết
sau năm 1986 của Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm
Thị Hoài, và của các tác giả viết gần đây như Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình
Phương, Tạ Duy Anh,… được cho rằng có sử dụng kết hợp cả các yếu tố thi
pháp hiện đại lẫn hậu hiện đại và mang hơi hướng của một kiểu cảm quan
khác trước, cảm quan gần với thời hậu hiện đại hơn. Nhưng, như đã trình bày
ở trên, cho đến bây giờ, sự khẳng định về việc sử dụng thi pháp hậu hiện đại
32
còn gây nhiều tranh cãi, gần đây nhất, cho nên các bài phê bình, nghiên cứu
thường có hướng đi tìm những dấu ấn, dấu hiệu của “hệ hình thi pháp” hậu
hiện đại, cảm quan hậu hiện đại trong các tác phẩm hơn là nghiên cứu một
cách bài bản và hệ thống với sự khẳng định chắc chắn như với các tác phẩm
không chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại. Chưa xuất hiện thật đậm
nét đồng nghĩa với việc chủ nghĩa hậu hiện đại được thể hiện trong văn học
qua sự kết hợp với các yếu tố nội sinh khác, đáng chú ý nhất là với yếu tố văn
hóa dân gian mà đặc sắc hơn cả có lẽ là trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
1.2. Vị trí của yếu tố văn hóa dân gian trong bối cảnh hiện đại - hậu
hiện đại ở Việt Nam
1.2.1. Khái quát về yếu tố văn hóa dân gian
Văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng, với nhiều cách hiểu, bao quát
gần như toàn bộ đời sống của con người bao gồm cả về phương diện vật chất
và tinh thần. Văn hóa không tự nhiên xuất hiện mà có nguồn gốc từ sự sáng
tạo của chính con người, giúp phân biệt loài người với động vật. Nhìn một
cách khái quát, văn hóa là sản phẩm của quá trình con người ứng xử với thế
giới (gồm cả với tự nhiên và xã hội).
Thuật ngữ văn hóa, xuất hiện rất sớm trong đời sống xã hội ở cả
phương Đông và phương Tây. Ở phương Đông, người ta tìm thấy từ này được
dùng rất sớm trong Chu Dịch ở quẻ Bi.Trong đó hai từ văn và hóa được dùng
trong câu “xem dáng vẻ con người, lấy đó mà giáo huấn thiên hạ” (Quan hồ
nhân văn dĩ hóa thành thiên hạ). Trong Cơ sở văn hóa Việt Nam, nhà nghiên
cứu Trần Quốc Vượng cho rằng, từ văn hóa được Lưu Hướng (77 – 6 Tr.CN)
sử dụng lần đầu với nghĩa như một phương thức giáo hóa con người. Còn ở
phương Tây, từ tương ứng với văn hóa (tiếng Anh và Pháp là culture, tiếng
33
Đức là kultur) có nguồn gố từ các dạng của động từ Latin colere là colo,
colui, cultus với hai nghĩa: giữ gìn, chăm sóc, tạo dựng trong trồng trọt; và
cầu cúng. Người La Mã đã sử dụng thuật ngữ này (cultura) từ thế kỉ thứ III
Tr. CN với nghĩa “văn chương”, “nhân văn”.
Ở Việt Nam, văn hóa cũng được dùng không đi ra ngoài các ý nghĩa
thường gặp. Nghĩa hẹp thì chỉ kiến thức, học vấn, lối sống, nghĩa rộng chỉ
toàn bộ những khía cạnh của đời sống con người.
Được con người tạo ra, mà không chỉ là sản phẩm của riêng dân tộc nào,
văn hóa do đó được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Theo các nhà nghiên cứu
văn hóa, đến nay số định nghĩa này đã lên đến vài trăm (năm 1952, A.Kroeber
và C.KLuckholn thống kê được 164). Bởi vậy đưa ra một định nghĩa toàn vẹn
cho khái niệm này là điều khó có thể thực hiện. Dưới đây, do giới hạn của
luận văn, chúng tôi sẽ chỉ khảo sát một số định nghĩa tiêu biểu.
Theo Từ điển trực tuyến Wikipedia, nhà nhân loại học người Anh
Edward Burnett Tylor (1832 - 1917) được xem là người đưa ra định nghĩa đầu
tiên với cách tiếp cận có tính chất bước ngoặt trong ngành nhân học hiện đại.
Ông cho rằng văn hóa hay văn minh hiểu theo nghĩa rộng là “một tổng thể
phức hợp gồm kiến thức, đức tin, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục,
và bất cứ những khả năng, tập quán nào mà con người thu nhận được với tư
cách là thành viên của xã hội”.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Quốc Vượng quan niệm: “Văn hóa…là
cái tự nhiên được biến đổi bởi con người […] để từ đố hình thành một lối
sống, một thế ứng xử, một thái độ tổng quát của con người đối với vũ trụ,,
thiên nhiên và xã hội, là cái vai trò của con người trong vũ trụ đó, với hệ
thống những chuẩn mực, những giá trị, những biểu tượng, những quan
34
niệm…tạo nên phong cách diễn tả tri thức và nghệ thuật của con người”
[100, tr.35 - 36].
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc đưa ra một
định nghĩa tương đối khái quát khi xem văn hóa là “ tổng thể những nét riêng
biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã
hội hay một nhóm người […]. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương,
những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá
trị, những tập tục và tín ngưỡng […] ” [29, tr. 11]
Sự phong phú trong cách hiểu về văn hóa bổ sung cho nội hàm khái
niệm ngày càng đa dạng các nét nghĩa. Và để khái quát lại những vấn đề
chính trong khái niệm văn hóa, chúng tôi dẫn lại quan niệm của nhà nghiên
cứu Chu Xuân Diên với các nét nghĩa cơ bản sau:
(1) Văn hóa là một hoạt động sáng tạo chỉ riêng con người mới có
(2) Hoạt động sáng tạo đó bao trùm lên mọi lĩnh vực hoạt động của đời
sống con người: đời sống vật chất, đời sống xã hội, đời sống tinh thần.
(3) Thành tựu của những hoạt động sáng tạo ấy là các giá trị văn hóa; các
giá trị văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng con đường
giáo dục
(4) Văn hóa mỗi cộng đồng người có những đặc tính riêng hình thành
trong lịch sử, phân biệt cộng đồng người này với cộng đồng người khác
Trong nền xã hội loài người nói chung và của mỗi dân tộc nói riêng, văn
hóa dân gian đóng vai trò như một dạng “mẫu gốc” của nền văn hóa đó. Nó
không chỉ xuất hiện sớm nhất trong lịch sử tồn tại của dân tộc mà còn có ảnh
hưởng sâu rộng và bền vững đồng thời trở thành “chìa khóa” giúp khám phá
những giá trị được xem như những hằng số của nền văn hóa mỗi dân tộc.
35
Còn thuật ngữ dân gian được hiểu là trong vùng (gian) dân. Như vậy,
văn hóa dân gian là văn hóa phát sinh từ đời sống của nhân dân, bao gồm
nhiều thành tố có liên quan mật thiết đến mọi mặt đời sống như văn học dân
gian, nghệ thuật dân gian, tín ngưỡng và lễ nghi dân gian, ngôn ngữ, truyền
thống phong tục, tập quán dân gian….
Trong nghiên cứu văn hóa dân gian, các nhà nghiên cứu trên thế giới sử
dụng thuật ngữ folklore (có nguồn gốc tiếng Anh, nghĩa là trí tuệ nhân dân).
Các nhà nghiên cứu folklore Liên Xô, bên cạnh ý kiến tương tự các học
giả phương Tây, còn có ý kiến cho rằng folklore nghiêng về văn học nghệ
thuật hơn.
Còn ở Việt Nam nội dung khái niệm văn hóa dân gian được hiểu tương
đối thống nhất, theo nghĩa hẹp thì là “văn học dân gian”, “văn nghệ dân gian”,
rộng hơn là “văn hóa dân gian bao gồm không chỉ riêng nghệ thuật dân gian
mà cả truyền thống dân gian” [29, tr. 19]. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân
gian Việt Nam như Đinh Gia Khánh, Ngô Đức Thịnh gần như có chung cách
tiếp cận khái niệm này từ góc độ thẩm mĩ. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu
Phạm Huy Thông, Trần Quốc Vượng, Chu Xuân Diên lại có cách hiểu rộng
hơn, khi cho rằng folklore (văn hóa dân gian) bao gồm tất cả các thành tố
không giới hạn trong các sáng tạo tinh thần, cũng không bị hạn chế bởi không
– thời gian và dân tộc (tất nhiên là những dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam).
Khảo sát qua các quan niệm có thể thấy tuy rộng hẹp khác nhau nhưng
quan điểm cho rằng văn hóa dân gian bao gồm nhiều thành tố đặc trưng về vật
chất và tinh thần hợp lí hơn cả. Bởi thực chất văn hóa dân gian biểu hiện ở
hầu hết các phương diện đời sống, và là đối tượng nghiên cứu mà nhiều ngành
khoa học cùng hướng tới.
36
Do đặc điểm riêng của đề tài, việc tìm hiểu yếu tố văn hóa dân gian trong
luận văn được giới hạn ở phạm vi những giá trị tinh thần. Trên cơ sở đối
chiếu việc sử dụng những thành tố dân gian như ngôn ngữ, tín ngưỡng, văn
học qua các thời kỳ để tìm ra sự khác biệt giữa yếu tố văn hóa dân gian của
thời hiện đại - hậu hiện đại trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
1.2.2. Yếu tố văn hóa dân gian giữa thời hiện đại, hậu hiện đại
Văn hóa và văn học có mối quan hệ đặc biệt gần gũi. Trước đây, dưới
góc nhìn triết học, văn hóa và văn học thường được nhìn trong mối quan hệ
đồng đẳng trong thượng tầng kiến trúc. Nhưng sự phát triển của ngành nghiên
cứu văn hóa những thập kỉ gần đây đã đem đến một cái nhìn mới cho mối
quan hệ này, theo đó, văn học có xu hướng được xem như một hệ thống thuộc
phạm trù văn hóa, chịu sự chi phối của văn hóa. Sự chi phối này ảnh hưởng
gần như toàn diện lên quá trình tạo tác trong văn học, nó tác động lên việc
sáng tác thông qua tác giả và thể hiện ra bằng “thành phẩm” là tác phẩm văn
học. Bởi mỗi nhà văn đều là sản phẩm của một nền văn hóa, do vậy việc văn
hóa tác động lên sự sáng tạo của người viết là “một đặc điểm có tính quy
luật” [29, tr. 21]. Như thế, việc chú trọng xem xét yếu tố văn hóa trong quá
trình văn học chính là cách để thấu hiểu văn học một cách toàn diện, sâu sắc
trong sự gắn bó với thời đại mà nó sinh thành.
Sự ảnh hưởng của văn hóa dân gian lên văn học viết tuy là quy luật
chung của các nền văn học nhưng do đặc điểm có tính truyền thống của mỗi
nền văn hóa mà quá trình đó diễn ra với những đặc thù riêng, gắn với điều
kiện của quốc gia. Đó là mối quan hệ không đơn giản, có tính bền vững cao,
với khả năng tác động và ảnh hưởng qua lại khá rõ nét. Và văn học Việt Nam
cũng không nằm ngoài quy luật này của văn chương nhân loại. Mối quan hệ
giữa văn học dân gian và văn học viết trong văn học Việt Nam thể hiện trước
37
tiên ở chỗ, từ lâu, văn hóa dân gian chính là một nguồn cảm hứng vô tận cho
văn học viết. Bởi vậy, những quan niệm về tín ngưỡng, tư tưởng là một trong
những yếu tố thường tìm thấy trong các tác phẩm văn học viết. Bên cạnh đó,
văn hóa dân gian, mà cụ thể là văn nghệ dân gian, còn cung cấp chất liệu cho
văn học viết. Đây là nguyên nhân vì sao, những yếu tố thuộc về thi pháp dân
gian được học tập, vận dụng đa dạng, phong phú trong văn học viết của nhiều
thế hệ. Cùng một yếu tố nhưng mỗi nhà văn lại có cách dùng khác nhau, tạo
nên nét đặc sắc riêng cho mình đồng thời chứng minh giá trị lâu bền của yếu
tố thuộc về văn hóa dân gian. Các yếu tố ngôn ngữ dân gian (ca dao, tục ngữ,
thành ngữ…) được thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều dùng trong sự quấn
quyện hài hòa với ngôn ngữ bác học trang trọng và các điển cổ hàm súc, thâm
thúy. Cũng những yếu tố ngôn ngữ dân gian, hơn một thế kỉ sau, khi vào thơ
Nguyễn Bính lại có bóng dáng của một kiểu “quê – nửa phố” khi kết hợp với
những yếu tố cách tân hiện đại của thời thơ Mới. Tương tự như thế, lời ăn
tiếng nói hàng ngày khi vào thơ Nguyễn Trãi thì dung dị, gần gũi; lúc xuất
hiện trong thơ Hồ Xuân Hương thì pha chút gì dữ dội, chao chát; vào thơ Tố
Hữu lại bình dị, ngọt ngào; trong văn Kim Lân thì quê kiểng, chất phác….
Như vậy, sự tiếp thu và cả tiếp nối những giá trị văn hóa dân gian đối với văn
học viết không tồn tại như những hiện tượng nhỏ lẻ mà nằm sâu trong nền văn
học dân tộc như một truyền thống, như một nguồn mạch với sức sống bền bỉ
được duy trì qua việc “truyền lửa” của nhiều thế hệ nhà văn từ cổ chí kim. Mà
Nguyễn Huy Thiệp, có thể nói, chính là một trong những “truyền nhân” xuất
sắc của truyền thống này.
Như đã trình bày ở trên, mối quan hệ văn hóa dân gian và văn học viết là
mối quan hệ hai chiều. Không chỉ văn học viết chịu ảnh hưởng của văn hóa
dân gian mà ngược lại, văn hóa dân gian cũng ít nhiều bị chi phối bởi văn học
38
viết. Và mặc dù văn học chỉ được xem là một thành tố trong văn hóa nhưng
lại là một thành tố năng động, có sức hoạt động và ảnh hưởng sâu rộng, do
được tạo ra bởi sáng tạo chủ quan của nhà văn và do sử dụng ngôn từ, văn học
có khả năng truyền tải thông tin rộng lớn trong cộng đồng. Bởi vậy, văn học
viết trước hết giúp lưu giữ những giá trị truyền thống của văn hóa dân gian.
Sau đó, nói như nhà nghiên cứu Trần Đình Sử trong bài Vai trò sáng tạo của
văn hóa thì văn học còn “sáng tạo những mô hình nhân cách”, “điều
chỉnh”,“lựa chọn” và “sáng tạo” văn hóa. Thật vậy, văn học viết không
những tiếp thu tinh hoa của văn hóa dân gian mà còn nỗ lực mô hình hóa
những nhân cách có tính tiêu biểu, những mô hình này, theo sự lưu truyền của
văn học viết trong dân gian, đã được nhân dân dân gian hóa thành nét văn hóa
đại chúng. Ví dụ tiêu biểu nhất chính là Nguyễn Du với Truyện Kiều. Một
mặt, văn hóa văn học dân gian thấm đượm trong những trang viết của Nguyễn
Du, đạt đỉnh cao về nghệ thuật trong thơ ông (thể lục bát, ngôn ngữ dân gian).
Mặt khác Truyện Kiều của Nguyễn Du lại được lưu truyền rộng rãi trong dân
gian, trở thành nét văn hóa, phong tục của người dân Việt như tục bói Kiều,
lẩy Kiều, tập Kiều. Tương tự như vậy, các truyện Nôm khuyết danh phần lớn
cũng là sáng tác của giới trí thức được dân gian hóa, hay về sau, Lục Vân
Tiên của Nguyễn Đình Chiểu cũng được yêu chuộng rộng rãi.
Ngoài việc được dân gian hóa, văn học viết còn ảnh hưởng đến yếu tố
dân gian khi “khoác” lên mình yếu tố văn hóa dân gian tinh thần của thời đại.
Đó là nguyên nhân vì sao yếu tố dân gian thời trung đại không giống thời hiện
đại. Đây không đơn thuần chỉ là việc sử dụng các yếu tố văn hóa dân gian như
những thủ pháp nghệ thuật mà còn cung cấp một cái nhìn mới ở một góc độ
khác với yếu tố văn hóa dân gian. Tuy việc này không phải là điều gì mới
trong quá trình sáng tác văn học nhưng đối với yếu tố văn hóa dân gian, đó lại
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY
Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY

More Related Content

What's hot

Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAYLuận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Luận văn: Tiểu thuyết của Đỗ Phấn từ góc nhìn sinh thái, HOT
Luận văn: Tiểu thuyết của Đỗ Phấn từ góc nhìn sinh thái, HOTLuận văn: Tiểu thuyết của Đỗ Phấn từ góc nhìn sinh thái, HOT
Luận văn: Tiểu thuyết của Đỗ Phấn từ góc nhìn sinh thái, HOT
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Đặc điểm nghệ thuật truyện của Kawabata Yasunari, 9đ
Luận văn: Đặc điểm nghệ thuật truyện của Kawabata Yasunari, 9đLuận văn: Đặc điểm nghệ thuật truyện của Kawabata Yasunari, 9đ
Luận văn: Đặc điểm nghệ thuật truyện của Kawabata Yasunari, 9đ
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận nhìn từ mã nhân vật và mã không gian
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận nhìn từ mã nhân vật và mã không gianLuận văn: Tiểu thuyết của Thuận nhìn từ mã nhân vật và mã không gian
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận nhìn từ mã nhân vật và mã không gian
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Khóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản Đà
Khóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản ĐàKhóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản Đà
Khóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản Đà
Dịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyếtLuận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn liên văn bản, HAY
Luận văn: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn liên văn bản, HAYLuận văn: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn liên văn bản, HAY
Luận văn: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn liên văn bản, HAY
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XXI
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XXILuận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XXI
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XXI
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đLuận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAYĐặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật ÁnhĐề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
nataliej4
 
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đ
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đLuận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đ
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đ
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Luận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAY
Luận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAYLuận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAY
Luận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương, HAY
Luận văn: Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương, HAYLuận văn: Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương, HAY
Luận văn: Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương, HAY
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Luận án: Kịch bản chèo đầu thế kỷ XX - truyền thống và biến đổi
Luận án: Kịch bản chèo đầu thế kỷ XX - truyền thống và biến đổiLuận án: Kịch bản chèo đầu thế kỷ XX - truyền thống và biến đổi
Luận án: Kịch bản chèo đầu thế kỷ XX - truyền thống và biến đổi
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
nataliej4
 
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOTCảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAYLuận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 

What's hot (20)

Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAYLuận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
Luận văn: Truyện ngắn Nguyễn Dậu dưới góc nhìn văn hóa, HAY
 
Luận văn: Tiểu thuyết của Đỗ Phấn từ góc nhìn sinh thái, HOT
Luận văn: Tiểu thuyết của Đỗ Phấn từ góc nhìn sinh thái, HOTLuận văn: Tiểu thuyết của Đỗ Phấn từ góc nhìn sinh thái, HOT
Luận văn: Tiểu thuyết của Đỗ Phấn từ góc nhìn sinh thái, HOT
 
Luận văn: Đặc điểm nghệ thuật truyện của Kawabata Yasunari, 9đ
Luận văn: Đặc điểm nghệ thuật truyện của Kawabata Yasunari, 9đLuận văn: Đặc điểm nghệ thuật truyện của Kawabata Yasunari, 9đ
Luận văn: Đặc điểm nghệ thuật truyện của Kawabata Yasunari, 9đ
 
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận nhìn từ mã nhân vật và mã không gian
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận nhìn từ mã nhân vật và mã không gianLuận văn: Tiểu thuyết của Thuận nhìn từ mã nhân vật và mã không gian
Luận văn: Tiểu thuyết của Thuận nhìn từ mã nhân vật và mã không gian
 
Khóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản Đà
Khóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản ĐàKhóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản Đà
Khóa Luận văn học về Mộng trong thơ của Tản Đà
 
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyếtLuận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
Luận văn: Motif hôn nhân giữa người và thần linh trong truyền thuyết
 
Luận văn: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn liên văn bản, HAY
Luận văn: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn liên văn bản, HAYLuận văn: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn liên văn bản, HAY
Luận văn: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn liên văn bản, HAY
 
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XXI
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XXILuận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XXI
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ nữ Việt Nam đầu thế kỉ XXI
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đLuận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
Luận văn: Phong cách nghệ thuật thơ Ý Nhi, HAY, 9đ
 
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAYĐặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
Đặc trưng nghệ thuật Truyện truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, HAY
 
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật ÁnhĐề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
Đề tài viết về thiếu niên qua ba tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh
 
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
Tiểu Luận Sử Thi Mahabharata Của Ấn Độ
 
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
Luận án: Nhân vật trong tiểu thuyết Việt Nam từ đầu thế kỷ XXI, HAY - Gửi miễ...
 
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đ
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đLuận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đ
Luận văn: Thiên nhiên trong thơ chữ hán Nguyễn Du, HAY, 9đ
 
Luận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAY
Luận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAYLuận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAY
Luận văn: Motif li tán trong thần thoại các tộc người thiểu số, HAY
 
Luận văn: Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương, HAY
Luận văn: Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương, HAYLuận văn: Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương, HAY
Luận văn: Dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Quế Hương, HAY
 
Luận án: Kịch bản chèo đầu thế kỷ XX - truyền thống và biến đổi
Luận án: Kịch bản chèo đầu thế kỷ XX - truyền thống và biến đổiLuận án: Kịch bản chèo đầu thế kỷ XX - truyền thống và biến đổi
Luận án: Kịch bản chèo đầu thế kỷ XX - truyền thống và biến đổi
 
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
 
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOTCảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
Cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn Việt Nam (1986 - 2010), HOT
 
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAYLuận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
Luận văn: Phong cách nghệ thuật của Nguyễn Nhật Ánh, HAY
 

Similar to Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY

Luận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quê
Luận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quêLuận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quê
Luận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quê
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và InrasaraLuận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệpLiên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Man_Ebook
 
Luận văn: Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đại
Luận văn: Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đạiLuận văn: Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đại
Luận văn: Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đại
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Luận văn: Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, HAY
Luận văn: Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, HAYLuận văn: Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, HAY
Luận văn: Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
NuioKila
 
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đLuận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Thơ cổ phong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từ góc nhìn thi pháp, HAY
Luận văn: Thơ cổ phong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từ góc nhìn thi pháp, HAYLuận văn: Thơ cổ phong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từ góc nhìn thi pháp, HAY
Luận văn: Thơ cổ phong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từ góc nhìn thi pháp, HAY
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAYLuận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOTLuận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Tiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng Vũ
Tiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng VũTiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng Vũ
Tiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng Vũ
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Luận Văn Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Học về Quá trình tiếp nhận tác phẩm của tô hoài
Luận Văn Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Học về Quá trình tiếp nhận tác phẩm của tô hoàiLuận Văn Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Học về Quá trình tiếp nhận tác phẩm của tô hoài
Luận Văn Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Học về Quá trình tiếp nhận tác phẩm của tô hoài
Dịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Luận văn: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn liên văn bản
Luận văn: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn liên văn bảnLuận văn: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn liên văn bản
Luận văn: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn liên văn bản
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Nghiên cứu yếu tố Kỳ Ảo qua cách sử dụng từ điểm âm trong Truyền Kỳ Mạn Lục c...
Nghiên cứu yếu tố Kỳ Ảo qua cách sử dụng từ điểm âm trong Truyền Kỳ Mạn Lục c...Nghiên cứu yếu tố Kỳ Ảo qua cách sử dụng từ điểm âm trong Truyền Kỳ Mạn Lục c...
Nghiên cứu yếu tố Kỳ Ảo qua cách sử dụng từ điểm âm trong Truyền Kỳ Mạn Lục c...
Dịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAYLuận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Diễn ngôn lịch sử trong tiểu thuyết sương mù tháng giêng của uông triều (2017...
Diễn ngôn lịch sử trong tiểu thuyết sương mù tháng giêng của uông triều (2017...Diễn ngôn lịch sử trong tiểu thuyết sương mù tháng giêng của uông triều (2017...
Diễn ngôn lịch sử trong tiểu thuyết sương mù tháng giêng của uông triều (2017...
Man_Ebook
 
Luận văn: Hình tượng tác giả trong tiểu thuyết thời kỳ đổi mới của Nguyễn Khải
Luận văn: Hình tượng tác giả trong tiểu thuyết thời kỳ đổi mới của Nguyễn KhảiLuận văn: Hình tượng tác giả trong tiểu thuyết thời kỳ đổi mới của Nguyễn Khải
Luận văn: Hình tượng tác giả trong tiểu thuyết thời kỳ đổi mới của Nguyễn Khải
Dịch Vụ Viết Thuê Khóa Luận Zalo/Telegram 0917193864
 
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy TựTìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Dịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 

Similar to Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY (20)

Luận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quê
Luận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quêLuận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quê
Luận văn: Cách nhìn về con người trong tiểu thuyết Người cùng quê
 
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và InrasaraLuận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara
Luận văn: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Hoàng Hưng và Inrasara
 
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệpLiên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
Liên văn bản trong sáng tác nguyễn huy thiệp
 
Luận văn: Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đại
Luận văn: Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đạiLuận văn: Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đại
Luận văn: Thơ Nguyễn Bình Phương từ góc nhìn của lí thuyết hậu hiện đại
 
Luận văn: Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, HAY
Luận văn: Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, HAYLuận văn: Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, HAY
Luận văn: Yếu tố kì ảo trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, HAY
 
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
Tiểu Luận Vai Trò Của Báo Chí Với Phản Ánh Tiêu Cực Của Xã Hội Hiện Nay 42728...
 
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đLuận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
 
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
HÌNH TƯỢNG NGƯỜI NÔNG DÂN TRONG VĂN HỌC ĐƯƠNG ĐẠI QUA TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN ...
 
Luận văn: Thơ cổ phong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từ góc nhìn thi pháp, HAY
Luận văn: Thơ cổ phong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từ góc nhìn thi pháp, HAYLuận văn: Thơ cổ phong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từ góc nhìn thi pháp, HAY
Luận văn: Thơ cổ phong Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từ góc nhìn thi pháp, HAY
 
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
Luận án: Nghệ thuật tự sự trong truyện ngắn Việt Nam sau 1975
 
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAYLuận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
Luận văn: Văn xuôi Hồ Anh Thái từ góc nhìn Liên văn hóa, HAY
 
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOTLuận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
Luận văn: Phương thức trần thuật của truyện ngắn thế sự, HOT
 
Tiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng Vũ
Tiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng VũTiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng Vũ
Tiểu thuyết “hoa hậu xứ mường” và “vương quốc ảo ảnh” của Phượng Vũ
 
Luận Văn Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Học về Quá trình tiếp nhận tác phẩm của tô hoài
Luận Văn Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Học về Quá trình tiếp nhận tác phẩm của tô hoàiLuận Văn Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Học về Quá trình tiếp nhận tác phẩm của tô hoài
Luận Văn Thạc Sĩ Ngôn Ngữ Học về Quá trình tiếp nhận tác phẩm của tô hoài
 
Luận văn: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn liên văn bản
Luận văn: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn liên văn bảnLuận văn: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn liên văn bản
Luận văn: Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh từ góc nhìn liên văn bản
 
Nghiên cứu yếu tố Kỳ Ảo qua cách sử dụng từ điểm âm trong Truyền Kỳ Mạn Lục c...
Nghiên cứu yếu tố Kỳ Ảo qua cách sử dụng từ điểm âm trong Truyền Kỳ Mạn Lục c...Nghiên cứu yếu tố Kỳ Ảo qua cách sử dụng từ điểm âm trong Truyền Kỳ Mạn Lục c...
Nghiên cứu yếu tố Kỳ Ảo qua cách sử dụng từ điểm âm trong Truyền Kỳ Mạn Lục c...
 
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAYLuận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
Luận văn: Sự chuyển biến trong văn học nửa cuối thế kỉ XIX, HAY
 
Diễn ngôn lịch sử trong tiểu thuyết sương mù tháng giêng của uông triều (2017...
Diễn ngôn lịch sử trong tiểu thuyết sương mù tháng giêng của uông triều (2017...Diễn ngôn lịch sử trong tiểu thuyết sương mù tháng giêng của uông triều (2017...
Diễn ngôn lịch sử trong tiểu thuyết sương mù tháng giêng của uông triều (2017...
 
Luận văn: Hình tượng tác giả trong tiểu thuyết thời kỳ đổi mới của Nguyễn Khải
Luận văn: Hình tượng tác giả trong tiểu thuyết thời kỳ đổi mới của Nguyễn KhảiLuận văn: Hình tượng tác giả trong tiểu thuyết thời kỳ đổi mới của Nguyễn Khải
Luận văn: Hình tượng tác giả trong tiểu thuyết thời kỳ đổi mới của Nguyễn Khải
 
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy TựTìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
Tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật truyện hoa tiên của Nguyễn Huy Tự
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864

200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhuadanh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay NhấtKinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểmKho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại họcKho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tửKho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhấtKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập KhẩuKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864 (20)

200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
 
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
 
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhuadanh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
 
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay NhấtKinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
 
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểmKho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại họcKho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
 
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tửKho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhấtKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập KhẩuKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
 

Recently uploaded

98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptxDẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
nvlinhchi1612
 
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
https://www.facebook.com/garmentspace
 
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in englishAV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
Qucbo964093
 
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdfBAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
phamthuhoai20102005
 
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdfGIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
Điện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
ngocnguyensp1
 
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nayẢnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
chinhkt50
 
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
duykhoacao
 

Recently uploaded (10)

98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
 
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptxDẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
 
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
 
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
 
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in englishAV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
 
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdfBAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
 
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdfGIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
 
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
 
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nayẢnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
 
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
 

Luận văn: Nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, HAY

  • 1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP.HỒ CHÍ MINH Nguyễn Thị Thúy Hằng TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP – NGUỒN MẠCH DÂN GIAN TRONG BỐI CẢNH HIỆN ĐẠI, HẬU HIỆN ĐẠI LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC Thành phố Hồ Chí Minh – 2013
  • 2. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM TP.HỒ CHÍ MINH Nguyễn Thị Thúy Hằng TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP – NGUỒN MẠCH DÂN GIAN TRONG BỐI CẢNH HIỆN ĐẠI, HẬU HIỆN ĐẠI Chuyên ngành: Lý luận văn học Mã số : 60 22 32 LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. NGUYỄN THÀNH THI Thành phố Hồ Chí Minh – 2013
  • 3. LỜI CẢM ƠN Để hoàn thành luận văn này, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, tôi đã nhận được sự chỉ bảo tận tâm của quý thầy cô, sự cổ vũ từ gia đình, bè bạn. Bởi vậy, trước hết tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến PGS. TS Nguyễn Thành Thi – người thầy đã hướng dẫn, chỉ bảo tận tình trong suốt quá trình tôi thực hiện luận văn. Cùng xin được bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến quý thầy cô, những người đã truyền cho tôi rất nhiều kiến thức bổ ích trong những năm học vừa qua. Cũng xin gửi lời cảm ơn đến Khoa Ngữ văn và Phòng sau đại học của trường Đại học sư phạm Tp. Hồ Chí Minh đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi hoàn thành luận văn. Từ đáy lòng mình, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến bố mẹ của tôi, hai em trai, người thân và bạn bè đã luôn động viên, ủng hộ, khích lệ tôi trong suốt quá trình nghiên cứu và hoàn thành luận văn. Tp. Hồ Chí Minh, tháng 1 năm 2013 Nguyễn Thị Thúy Hằng
  • 4. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan luận văn thạc sĩ văn học “TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP – NGUỒN MẠCH DÂN GIAN TRONG BỐI CẢNH HIỆN ĐẠI, HẬU HIỆN ĐẠI” là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi, các số liệu và kết quả nghiên cứu trong luận văn là trung thực và không trùng lặp với bất cứ công trình khoa học nào. Tp. Hồ Chí Minh, tháng 1 năm 2013 Nguyễn Thị Thúy Hằng
  • 5. MỤC LỤC Trang phụ bìa Lời cảm ơn Lời cam đoan Mục lục MỞ ĐẦU ..........................................................................................................1 Chương 1: TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP: HÀNH TRÌNH CỦA YẾU TỐ DÂN GIAN GIỮA THỜI HIỆN ĐẠI, HẬU HIỆN ĐẠI.11 1.1. Bối cảnh hiện đại, hậu hiện đại................................................................11 1.1.1. Khái niệm hiện đại, hậu hiện đại....................................................11 1.1.2. Hiện thực và con người trong quan niệm của chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học.......................................................22 1.1.3. Bối cảnh đan xen hiện đại, hậu hiện đại trong văn học Việt Nam.25 1.2. Vị trí của yếu tố văn hóa dân gian trong bối cảnh hiện đại - hậu hiện đại ở Việt Nam .........................................................................................................32 1.2.1. Khái quát về yếu tố văn hóa dân gian ............................................32 1.2.2. Yếu tố văn hóa dân gian giữa thời hiện đại, hậu hiện đại..............36 1.3. Con đường hiện đại hóa, hậu hiện đại hóa yếu tố dân gian trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.................................................................................40 1.3.1. Nguyễn Huy Thiệp và truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp................40 1.3.2. Sự gặp gỡ giữa dân gian - hiện đại, hậu hiện đại trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp...................................................................................42 Chương 2: TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP VỚI VIỆC HIỆN ĐẠI HÓA, HẬU HIỆN ĐẠI HÓA QUAN NIỆM DÂN GIAN VỀ CON NGƯỜI...........................................................................................................46 2.1. Con người và quan niệm về con người trong tâm thức dân gian.............46
  • 6. 2.2. Con người trong tâm thức dân gian với cảm quan mang màu sắc hiện đại, hậu hiện đại .....................................................................................................51 2.3. Con người trong tâm thức dân gian với thân phận giữa thời hiện đại, hậu hiện đại ............................................................................................................60 2.4. Con người trong tâm thức dân gian với đời sống tâm linh thời hiện đại, hậu hiện đại .....................................................................................................69 Chương 3: TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP VỚI VIỆC HIỆN ĐẠI HÓA, HẬU HIỆN ĐẠI HÓA YẾU TỐ KỲ ẢO DÂN GIAN VÀ NGÔN NGỮ DÂN GIAN.. ...........................................................................76 3.1. Hiện đại hóa, hậu hiện đại hóa yếu tố kỳ ảo dân gian .............................76 3.1.1. Khái quát về yếu tố kỳ ảo dân gian................................................76 3.1.2. Không – thời gian kì ảo trong tâm thức dân gian đan xen sắc thái hiện đại, hậu hiện đại...............................................................................81 3.1.3. Nhân vật dân gian giữa thời hiện đại, hậu hiện đại........................93 3.2. Hiện đại hóa, hậu hiện đại hóa ngôn ngữ dân gian................................101 3.2.1. Tiếp thu và đổi mới ngôn ngữ dân gian theo hướng hiện đại hóa, hậu hiện đại hóa......................................................................................101 3.2.2. Tiếp thu và đổi mới diễn ngôn tự sự dân gian theo hướng hiện đại hóa, hậu hiện đại hóa..............................................................................107 KẾT LUẬN..................................................................................................116 TÀI LIỆU THAM KHẢO.............................................................................119 PHỤ LỤC......................................................................................................128
  • 7. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan luận văn thạc sĩ văn học “TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP – NGUỒN MẠCH DÂN GIAN TRONG BỐI CẢNH HIỆN ĐẠI, HẬU HIỆN ĐẠI” là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi, các số liệu và kết quả nghiên cứu trong luận văn là trung thực và không trùng lặp với bất cứ công trình khoa học nào. Tp. Hồ Chí Minh, tháng 11 năm 2012 Nguyễn Thị Thúy Hằng
  • 8.
  • 9. 1 MỞ ĐẦU 1. Lí do chọn đề tài Nguyễn Huy Thiệp được xem là một hiện tượng văn học độc đáo trên văn đàn Việt Nam những năm cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI. Sự cách tân táo bạo về ngôn ngữ và kỹ thuật viết truyện ngắn của ông ở vào thời điểm văn học nước nhà mới chập chững tiến vào thời kỳ đổi mới đã tạo ra những làn sóng dư luận trái chiều sôi động. Bên cạnh những cách tân mới mẻ về thủ pháp, người đọc còn nhận thấy vẻ đẹp của giá trị truyền thống thể hiện qua cách ông vận dụng những thành phần của yếu tố văn hóa dân gian, đặc biệt là thành tựu của văn học dân gian trong các truyện ngắn của mình. Truyện ngắn của ông, do vậy, còn “bàng bạc” không khí của truyện cổ tích và truyền thuyết. Tuy nhiên, không chỉ có Nguyễn Huy Thiệp là người duy nhất sử dụng yếu tố văn hóa dân gian trong sáng tác, ông khác biệt ở chỗ đã mang đến hơi thở mới của thời đại mình. Yếu tố văn hóa dân gian vì thế vừa quen, vừa lạ trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Khi Nguyễn Huy Thiệp và truyện ngắn của ông xuất hiện trên văn đàn, người ta nhận thấy có sự xuất hiện của yếu tố dân gian trên nền tảng hiện đại bên cạnh bóng dáng của một hệ hình thi pháp “lạ”. Về sau, sắc thái “lạ” này có nhà nghiên cứu xem là đặc điểm của thi pháp hiện đại, có nhà nghiên cứu lại cho rằng đó là là dấu ấn của thi pháp “hậu hiện đại. Sau khi những cuộc tranh luận sôi nổi lắng lại, cùng tiếp nhận ngày càng cởi mở những lí thuyết văn học đương đại thế giới, giới nghiên cứu đã đánh giá khách quan hơn về truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Những sắc thái “lạ” kể trên đã được các nhà nghiên cứu soi chiếu ở nhiều góc độ, nhiều lí thuyết nghiên cứu để giải mã hiện tượng. Tuy nhiên bối cảnh làm tiền đề lí giải sự xuất hiện những hiện tượng trên trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp cũng là vấn đề đáng được
  • 10. 2 quan tâm và sự tồn tại trong thế kết hợp của yếu tố văn hóa dân gian với những yếu tố được phỏng đoán thuộc về hệ hình thi pháp hiện đại hay hậu hiện đại dường như vẫn còn để ngỏ. Từ những lí do trên, và để tìm hiểu bản chất của sự kết hợp làm nên đặc sắc này, chúng tôi lựa chọn hướng đi tìm và lí giải nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, hậu hiện đại nơi truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. 2. Lịch sử vấn đề Từ khi xuất hiện đến nay, con số bài viết, tiểu luận, luận văn viết về truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp được công bố trên báo chí khá nhiều. Khoảng mười năm sau đó, dư luận chia làm hai luồng ủng hộ và phản đối, chủ yếu tập trung vào chùm truyện giả lịch sử Kiếm sắc – Vàng lửa – Phẩm tiết và phê bình về thái độ, cách tiếp cận lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp. Một bên, các nhà nghiên cứu sử học, mĩ học như Tạ Ngọc Liễn, Đỗ Văn Khang cho rằng Nguyễn Huy Thiệp xuyên tạc, bóp méo lịch sử. Nhưng ở luồng ý kiến ngược lại, các nhà phê bình văn học như Lại Nguyên Ân, Phạm Xuân Nguyên,… trên cơ sở nhìn nhận khách quan, phân tích thấu đáo những đóng góp về cả nội dung và nghệ thuật đã khẳng định lịch sử trong văn học là một lịch sử đã được hư cấu, được nhìn theo cách hiểu, cách nghĩ của người viết, phục vụ cho mục đích thể hiện đề tài, chủ đề của tác phẩm. Ngoài ra, những truyện ngắn viết đề tài đời sống như Tướng về hưu, Huyền thoại phố phường,…. nhận được nhiều lời khen về cách khám phá hiện thực táo bạo, dữ dội. Vượt qua khoảng thời gian sóng gió kể trên, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đã được tiếp nhận và đánh giá đúng giá trị của mình. Cộng với việc tiếp thu nhiều lý thuyết phê bình văn học phương Tây, truyện ngắn của ông được soi chiếu ở nhiều góc độ, từ nghệ thuật Ba – rốc , đến chủ nghĩa hiện sinh, phê
  • 11. 3 bình cổ mẫu, huyền thoại học, chủ nghĩa hậu hiện đại, thi pháp học, văn hóa học… Trong giới hạn phạm vi của đề tài, dưới đây chúng tôi chủ yếu đi khảo sát những bài viết tiếp cận truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp từ lí thuyết văn học hiện đại, hoặc hậu hiện đại và những bài viết, luận án xem xét ảnh hưởng của yếu tố văn hóa dân gian lên truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Tác giả Cao Kim Lan trong bài Lịch sử trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp và những dấu vết của hệ hình thi pháp hậu hiện đại [44] nhận định truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp nằm trong “hệ quy chiếu những đặc trưng chủ yếu của hư cấu hậu hiện đại” thể hiện chủ yếu qua những tác phẩm “siêu hư cấu sử kí” với mục đích làm “méo mó lịch sử một cách có ý thức phản tỉnh”. Khảo sát chủ yếu chùm truyện giả lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp, người viết nhận thấy có những dấu hiệu vượt ra ngoài hệ hình văn hóa văn học quen thuộc. Một mặt người viết tìm hiểu các truyện ngắn này từ góc độ của hệ hình thi pháp cũ, mặt khác cố gắng giải mã những tín hiệu “sai lệch” bằng một hệ hình thi pháp mới. Ở khía cạnh thứ nhất, tác giả bài viết đi vào tìm hiểu ba truyện ngắn trong một cấu trúc thống nhất được tạo bởi mô hình tự sự của ba phạm trù cái tài – cái tâm – cái đẹp ứng với Kiếm sắc – Vàng lửa – Phẩm tiết. Trong phần còn lại của bài viết, tác giả đã chỉ ra những dấu hiệu của thi pháp hậu hiện đại trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thể hiện ở: kỹ thuật ngụy tạo lịch sử trong tâm thế chối bỏ đại tự sự, người kể chuyện không tin cậy và tâm thế bất tín nhận thức, phương thức đa kết phá vỡ kết cấu trung tâm của tác phẩm. Bằng cách đánh giá thông qua việc đối sánh giữa đặc điểm của hai hệ hình thi pháp cùng xuất hiện trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, tác giả bài viết đã chỉ ra những dấu hiệu của hệ hình thi pháp mới – thi pháp hậu hiện đại. Tuy nhiên, người viết cũng chỉ dừng lại ở việc chỉ ra những dấu
  • 12. 4 hiệu của hệ hình thi pháp mới mà chưa đi tiếp vào nghiên cứu mở rộng ảnh hưởng cũng như hoạt động của hệ hình thi pháp này đối với các yếu tố khác trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Soi chiếu từ lý thuyết văn học hậu hiện đại, qua bài viết Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam qua sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài [32], nhà nghiên cứu La Khắc Hòa cho rằng có thể tìm thấy “những câu chuyện thể hiện tâm trạng và cảm quan hậu hiện đại” với những câu chuyện về một “thế giới vô nghĩa vô hồn” và lấy “nguyên tắc lạ hóa theo kiểu câu đố” là kỹ thuật nền tảng. Cũng theo tác giả bài viết, đó là thế giới nghệ thuật “phân mảnh, đứt gãy mạch lạc, hình tượng được kiến tạo theo nguyên tắc lạ hóa, văn bản ngôn từ nổi trên bình diện thứ nhất của văn bản văn học, “lời” và “nghĩa” xô đẩy, giễu nhại nhau”. Nó tạo nên một tâm trạng “hồ nghi tồn tại” như một loại hình tâm trạng làm nên cảm quan mới – cảm quan hậu hiện đại. Ở đây, những đặc điểm mang dấu hiệu của thi pháp hậu hiện đại đều được tác giả điểm qua nhưng bài viết cũng chỉ dừng lại ở việc chỉ ra những “dấu hiệu” của chủ nghĩa hậu hiện đại mà chưa có một cái nhìn toàn cảnh và sâu rộng hơn về vị trí và vai trò cũng như cách sử dụng yếu tố này trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Trong Cặp đôi nam/ nữ và quyền diễn giải lịch sử trong truyện ngắn lịch sử của Nguyễn Huy Thiệp [45] tác giả Phạm Ngọc Lan từ việc xác định những yếu tố tạo điều kiện cho chủ nghĩa hậu hiện đại xuất hiện trong văn học Việt Nam đã đề cập đến kỹ thuật siêu hư cấu biên sử trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Theo người viết, bằng cách này, Nguyễn Huy Thiệp đã “đặt diễn ngôn nam giới về phụ nữ và lịch sử bên trong sự diễn giải rộng lớn hơn của phụ nữ, nhằm bóc trần những giới hạn và bất cập của diễn ngôn lịch sử viết từ góc nhìn nam giới”. Điều này thể hiện “cảm thức hậu hiện đại độc
  • 13. 5 đáo của Nguyễn Huy Thiệp”. Trong bài viết, tác giả đã cung cấp một cái nhìn cận cảnh về màu sắc hậu hiện đại xuất hiện trong cảm thức của tác giả trước đời sống và con người. Nhưng cũng như những bài viết trước đó, người viết cũng chỉ dừng lại ở một khía cạnh nhỏ trong cảm quan về con người của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Trong cuốn sách Văn học hậu hiện đại: Lí thuyết và tiếp nhận mới xuất bản đầu năm 2012, nhà nghiên cứu Lê Huy Bắc khẳng định “Có một nền văn chương hậu hiện đại Việt Nam, điều này không thể phủ nhận” [11, tr. 305]. Ông cho rằng, từ việc “tư duy bằng bàn phím”, dùng “bàn phím” để sáng tác văn chương thì “sản phẩm đó đa phần thiên sang hậu hiện đại” [11, tr. 306]. Tác giả này cũng đi vào tìm hiểu và khẳng định những đặc điểm thuộc về chủ nghĩa hậu hiện đại trong các tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp như tìm hiểu yếu tố “nhại” (chương 14), tính chất hỗn độn trong truyện ngắn Không có vua (chương 15), và giải luận đề truyện Sang sông (chương 16). Có thể nói, những đánh giá về chủ nghĩa hậu hiện đại và biểu hiện của nó trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp được tác giả trình bày khá chủ quan, nhưng cũng chỉ dừng lại ở một số ít các truyện ngắn mà ông cho rằng ở đó các đặc điểm của chủ nghĩa hậu hiện đại được thể hiện nổi bật. Nhìn chung, ngoài tác giả Lê Huy Bắc, các nhà nghiên cứu đều cho rằng truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp truyện của ông mới chỉ xuất hiện những “dấu ấn”, “dấu hiệu”, mang “cảm thức” chủ nghĩa hậu hiện đại. Dưới đây, chúng tôi tiếp tục khảo sát những bài viết, luận án về ảnh hưởng của yếu tố văn hóa dân gian và sự kết hợp dân gian – hiện đại trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.
  • 14. 6 Nhà nghiên cứu văn học người Nga T.N. Filimonova trong bài Những ngọn gió Hua Tát của Nguyễn Huy Thiệp như hình mẫu các truyền thuyết văn học cho rằng “yếu tố dân gian chiếm một vị trí to lớn trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp”[57, tr. 65], ông không đơn giản là mượn hay trích đoạn mà là “sự ảnh hưởng, cách điệu hóa chúng”. Tác giả bài viết đã đề cập đến ảnh hưởng của truyền thuyết đến sáng tác của nhà văn. Trong phần tiếp theo, người viết đã đi chứng minh chùm truyện Những ngọn gió Hua Tát là “truyền thuyết văn học” và kết luận Nguyễn Huy Thiệp đã “hiện đại hóa” truyền thuyết, qua đó nêu bật những vấn đề vĩnh cửu về cái thiện, cái ác, số phận… [57, tr. 74]. Đặng Anh Đào, cũng từ góc nhìn của huyền thoại học, trong bài Biển không có thủy thần, nhận thấy trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp “sự đan cài dị dạng – bình thường, cái bi đát và cái khôi hài, lệch lạc và cân đối tiềm tàng trong triết lý và nghệ thuật lành mạnh của dân gian” [57, tr. 394]. Cả hai tác giả trên đều đi vào tìm hiểu một khía cạnh chịu ảnh hưởng của văn hóa dân gian trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp nhưng cũng chỉ dừng lại chỉ ra ảnh hưởng riêng lẻ của một số yếu tố thuộc văn hóa dân gian lên truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Ngoài những bài viết trên, luận văn thạc sĩ Ảnh hưởng của văn hóa dân gian đối với truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là công trình nghiên cứu sâu về yếu tố dân gian trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Tác giả luận văn, Vương Thị Thu Hiền, đã khảo sát ảnh hưởng của các yếu tố văn học, ngôn ngữ, tín ngưỡng dân gian lên truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ở các phương diện cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ và giọng điệu. Tác giả luận văn cho hay, Nguyễn Huy Thiệp đã thành công vận dụng yếu tố kì ảo vào xây dựng cốt
  • 15. 7 truyện tạo nên “dáng dấp của truyền thuyết, cổ tích dân gian” [29, tr. 11]. Người viết cũng khẳng định Nguyễn Huy Thiệp không chỉ tiếp thu mà còn có ý thức sáng tạo, đổi mới cốt truyện dân gian tạo nên “ những đoạn kết “hiện đại” như kết thúc ngược cổ tích, không có hậu, không khép kín mạch truyện” [ 29, tr.101]. Người viết cũng nhận định Nguyễn Huy Thiệp đã “vận dụng khá nhuần nhuyễn thành ngữ, tục ngữ nên gần gũi với ngôn ngữ sinh hoạt thường ngày, mang đậm sắc thái ngôn ngữ dân gian” [29, tr.134] và kết hợp thành công chất thơ với chất tự sự qua lối kể chuyện bằng văn xuôi lẫn văn vần tiếp thu từ truyện cổ dân gian. Nhìn chung, luận văn đã chỉ ra những ảnh hưởng chủ yếu của văn hóa dân gian lên truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Ở bài viết Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp – hợp lưu giữa nguồn mạch dân gian và tinh thần hiện đại, tác giả Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho rằng truyện ngắn của nhà văn một mặt đồng vọng với chủ nghĩa hiện sinh khi“phơi bày đến tận cùng một hiện thực đang ly tán, phân rã, mất đi tính bản nguyên thống nhất, vẹn toàn”, mặt khác lại “bàng bạc và bảng lảng một sắc màu dân gian, dân tộc, mà chìm dưới bề sâu của những thiên truyện ấy là hạt nhân triết học dân gian” [16]. Người viết đã khám phá truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp ở sự gặp gỡ giữa những lớp trầm tích của văn hóa dân gian và tinh thần hiện đại. Một mặt, tác giả chỉ ra những khía cạnh thuộc về văn hóa dân gian nằm trong sự tiếp nối có tính truyền thống của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp trong việc thể hiện triết lí sống dung hòa với tự nhiên của con người, với vẻ đẹp của nhân vật nữ như hình bóng của tín ngưỡng thờ mẫu hay rất nhiều nhân vật mang màu sắc cổ tích với hình ảnh dị dạng, xấu xí, bất hạnh. Người viết kết luận rằng đó là những yếu tố thuộc truyện cổ được Nguyễn Huy Thiệp vay mượn và tái tạo lại làm nên thế giới con người và nhân vật đặc sắc của mình. Ở phần tiếp theo của bài viết, tác giả đã chỉ ra hình
  • 16. 8 ảnh của một “thế giới đang phân rã đầy xáo trộn” được dựng lên trong những truyện ngắn nổi bật của Nguyễn Huy Thiệp và khẳng định vang vọng lên từ những thế giới ấy là “sự rạn vỡ niềm tin truyền thống về một hiện thực hài hòa, vận động xuôi chiều và lạc quan” với nhiều “lo âu”và “bi quan” mà trong đó con người “hoảng sợ và hoang mang” trước một thế giới thiếu vắng trung tâm định hướng. Từ những đặc điểm trên, người viết kết luận “Khai phá những chủ đề như cái phi lý, sự cô đơn, tha hóa…, Nguyễn Huy Thiệp đã hòa vào dòng chảy của Chủ nghĩa hiện đại trong văn học thế giới thế kỉ XX”. Có thể nói, hầu hết các bài viết đều khẳng định yếu tố dân gian góp phần làm nên đặc sắc của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Tuy nhiên chưa thấy có bài viết chuyện sâu tìm hiểu sự gặp gỡ giữa những dấu hiệu hiện đại, hậu hiện đại với yếu tố dân gian trong bối cảnh đan xen của thời hiện đại, hậu hiện đại. Trên cơ sở tiếp thu những thành tựu nghiên cứu trên, chúng tôi sẽ đi vào tìm hiểu đề tài Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp – nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, hậu hiện đại. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Trong khuôn khổ của đề tài, chúng tôi tập trung khảo sát bốn mươi ba truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp để tìm ra trong đó sự gặp gỡ, kết hợp giữa yếu tố dân gian với yếu tố hiện đại, hậu hiện đại. Các truyện được in chủ yếu trong: Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Nxb Trẻ, 2003. Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Nxb Phụ Nữ, Hà Nội, 2001. Ngoài ra, để phục vụ việc so sánh, đối chiếu với các truyện cổ dân gian, chúng tôi cũng khảo sát hai mươi truyện cổ tích dân gian trích từ Hợp tuyển truyện cổ tích Việt Nam, Lữ Huy Nguyên – Đặng Văn Lung (Biên soạn và
  • 17. 9 giới thiệu), Nxb Văn Học, Hà Nội, 1996 . Và hai mươi truyền thuyết dân gian trích từ Truyền thuyết dân gian người Việt (Quyển 3): Truyền thuyết về thời Lí và thời Trần, GS.TS. Kiều Thu Hoạch (chủ biên), Trần Thị An, Mai Ngọc Hồng (biên soạn), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009. 4. Phương pháp nghiên cứu Để triển khai đề tài Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp – nguồn mạch dân gian trong bối cảnh hiện đại, hậu hiện đại, chúng tôi đã vận dụng những phương pháp nghiên cứu sau: Phương pháp loại hình: Giúp tìm hiểu truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp từ đặc trưng của thể loại truyện ngắn. Phương pháp so sánh – đối chiếu: Đây là phương pháp chính, nhằm làm nổi bật sự tiếp thu và đổi mới theo hướng hiện đại, hậu hiện đại yếu tố văn hóa dân gian của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Phương pháp liên ngành: Dựa trên các cứ liệu văn hóa dân gian và văn học, tiếp cận một cách tổng hợp về truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, tìm ra sự gặp gỡ giữa những yếu tố văn hóa dân gian với tinh thần của chủ nghĩa hiện đại, hậu hiện đại. Phương pháp hệ thống: Xem xét các yếu tố trong hệ thống tác phẩm, sự tiếp thu và đổi mới ở những bộ phận chủ yếu của hệ thống nhằm tìm ra sự thống nhất trong quá trình tiếp thu và đổi mới của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đối với yếu tố dân gian. 5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài Với đề tài này, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp cận và lí giải được nguyên nhân cũng như biểu hiện của sự kết hợp giữa các yếu tố dân gian và hiện đại, hậu hiện đại trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, từ đó góp phần xác định
  • 18. 10 những đóng góp của nhà văn trong sự tiếp thu và thể hiện một hướng mới trong sáng tác đối với nền văn học Việt Nam đương đại. 6. Cấu trúc luận văn Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và tài liệu tham khảo, phần nội dung chính của luận văn gồm bốn chương: Chương 1: Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp: hành trình của yếu tố dân gian giữa thời hiện đại - hậu hiện đại Trong chương một, chúng tôi sẽ đi vào khái quát những vấn đề lí thuyết của chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại, xác định những điều kiện dẫn đến sự tiếp thu và đổi mới theo hướng hiện đại, hậu hiện đại yếu tố văn hóa dân gian trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. Chương 2: Hiện đại hóa, hậu hiện đại hóa quan niệm dân gian về con người Chương hai là phần luận văn trình bày về sự tiếp thu và đổi mới quan niệm dân gian về con người theo hướng hiện đại hóa trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp Chương 3: Hiện đại hóa, hậu hiện đại hóa yếu tố kỳ ảo dân gian và yếu tố ngôn ngữ dân gian Tiếp nối các chương trên, chương ba trình bày sự đổi mới trong yếu tố kì ảo dân gian và ngôn ngữ dân gian.
  • 19. 11 Chương 1 TRUYỆN NGẮN NGUYỄN HUY THIỆP: HÀNH TRÌNH CỦA YẾU TỐ DÂN GIAN GIỮA THỜI HIỆN ĐẠI, HẬU HIỆN ĐẠI 1.1. Bối cảnh hiện đại, hậu hiện đại 1.1.1. Khái niệm hiện đại, hậu hiện đại Các thuật ngữ hậu hiện đại (postmodern), thời hậu hiện đại (postmodernity), chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) thường được tiếp cận trong sự đối sánh với hiện đại (modern), thời hiện đại (modernity) và chủ nghĩa hiện đại (modernism). Thuật ngữ hiện đại, được viết thành chữ Modern và Moderne trong tiếng Anh và tiếng Pháp. Từ này vốn xuất phát từ Modernus trong tiếng Latinh, có hai nghĩa cận đại và hiện đại do “từ nguyên của nó có hai nghĩa là vừa mới và bây giờ” [49, tr. 57] được dùng trong sự đối sánh với thời cổ đại. Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, thuật ngữ này có nguồn gốc sâu xa từ việc các đức cha của giáo hội Thiên Chúa giáo dùng từ modernus (mới, hiện tại) để chỉ thế giới Thiên Chúa giáo (được chính thức công nhận vào thế kỉ thứ IV khi Thiên Chúa giáo trở thành quốc giáo của đế chế La Mã) trong sự phân biệt với thời kỳ đa thần trước đó được gọi là anticuus (cổ, cổ xưa). Khi thời kỳ Ánh sáng xuất hiện ở Châu Âu (vào khoảng thế kỉ XV), Modernity, được bổ sung thêm ý nghĩa chỉ tính chất bởi vậy cả hai thuật ngữ Modernity (thời hiện đại), và Postmodernity (thời kỳ hậu hiện đại) là hai thuật ngữ “bao hàm ý nghĩa thời gian và ngầm chứa ý nghĩa tính chất” [75, tr. 27], không tìm được nghĩa tương đương khi được chuyển dịch sang tiếng Việt. Về phương diện lịch sử, các nhà sử học lấy mốc chung là khoảng năm 1500 đến giữa thế kỷ XX để đánh dấu thời kỳ hiện đại (Modernity). Cũng có
  • 20. 12 ý kiến cho rằng thời hiện đại bắt đầu từ cuối thế kỉ XIX đến nửa đầu thế kỉ XX. Tuy nhiên, cho đến nay, việc thời kỳ hiện đại đã thực sự kết thúc hay chưa vẫn đang là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi. Về mặt kinh tế xã hội, thời kỳ hiện đại chứng kiến sự phát triển thần tốc của quá trình công nghiệp hóa với phương thức và quan hệ sản xuất tư bản mà một trong những hệ quả của nó là sự bùng nổ của đô thị hóa. Còn về mặt văn hóa, thời kỳ hiện đại “nuôi dưỡng trong nó sự đột phá của khoa học và các dòng tư tưởng mới” [31]. Tính chất hiện đại được Baudelaire nhận thức trong khi chỉ ra những giá trị cũng như những điều kiện và sự phức tạp của thời hiện đại như “tính nhất thời, ngẫu nhiên, và phù du trong thời kỳ hiện đại” [75, tr. 28]. Còn Jane Flax (trong luận văn Thinking Fragments;Psychoanalysis, Feminism, and Postmodernism in the Contemporary ) [75, tr. 28], tính hiện đại đặc trưng cho thời kỳ hiện đại, tương tự như vậy, tính chất hậu hiện đại sẽ thuộc về thời hậu hiện đại – thời mà xét về mặt thời gian, nối tiếp ngay sau thời hiện đại. Nhắc đến tính chất hiện đại, không thể bỏ qua đặc điểm nổi bật của triết học hiện đại là lấy lí tính làm cơ sở để tìm kiếm chân lý. Lí tính (của thời Khai sáng) trở thành nguyên lí định hướng mọi hoạt động từ nghiên cứu lí thuyết đến thực tiễn cuộc sống. Mọi tiêu chuẩn từ lí thuyết đến thực hành đều được khám phá và xây dựng dựa trên lí tính, dựa vào đó “tư tưởng và hành động của từng cá nhân, cấu trúc xã hội, sẽ hình thành” [75, tr.29]. Tính chất của thời hiện đại, bởi vậy, mang đậm tính duy lý và tiến trình hợp lí hóa nhằm hướng tới việc xây dựng sự trật tự, ổn định trong tất cả các lĩnh vực đời sống. Việc xây dựng trật tự này sau đó được bảo vệ bằng cách giữ những tính chất ổn định và trật tự ở thế “trấn áp” trong cặp đối lập nhị phân Trật tự/ Hỗn loạn, nó lấn át gần như triệt để, đẩy phần còn lại lệch khỏi tâm vào vào một phạm trù khác so với mình. Tính chất hiện đại được chuyển tải vào đời sống thường
  • 21. 13 nhật thông qua sức mạnh của những hoạt động của đời sống như nghệ thuật, kinh tế, truyền thông của thời hiện đại. Việc này đẩy xã hội tiến vào quá trình hiện đại hóa và hệ quả là những “thứ” thuộc về mặt “hỗn loạn” của cặp nhị phân như thiếu văn minh, không hợp lý, không phải da trắng, không thuộc Châu Âu… sẽ bị gạt ra khỏi trung tâm, trở thành những yếu tố cần được loại trừ để “giữ ổn định”. Để hợp thức hóa việc khai phóng cho phần còn lại của thế giới khỏi hỗn loạn, nền văn minh hiện đại đã tạo ra những cỗ máy xâm lược khổng lồ của đế quốc và thực dân. Hậu quả là, sự khủng hoảng thời hậu chiến (của cả hai cuộc chiến tranh) và sự trỗi dậy mạnh mẽ của các dân tộc bị trị đã trở thành một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự khủng hoảng của thời hiện đại, mở lối cho sự tiếp nối của thời hậu hiện đại về sau. Mặc dù thời hiện đại xuất hiện từ khá sớm nhưng chủ nghĩa hiện đại (modernism) chỉ chính thức ra đời trong lịch sử nhân loại vào khoảng nửa đầu thế kỉ XX như là hệ quả của tư duy thời hiện đại. Nếu như thời hiện đại chủ yếu ra đời do chủ nghĩa tư bản và công nghiệp hóa thì chủ nghĩa hiện đại, xuất hiện vào những năm cuối thế kỉ XIX đến khoảng những năm 60 của thế kỉ XX, lại là tiếng nói “thể hiện mối lo ngại và sự thù ghét…là hình thức phê phán thời kỳ hiện đại, do đó, chủ nghĩa hiện đại chính là sự đối lập, phản kháng lại hiện đại, mặc dù nó là một phần không thể tách rời khỏi hiện đại”[31]. Trong văn học nghệ thuật, chủ nghĩa hiện đại là “quan niệm thẩm mĩ – và sáng tác văn học nghệ thuật thể hiện nó – hình thành vào những năm 1910 và phát triển tăng tốc trong hai thập niên giữa hai cuộc địa chiến thế giới I và II” [4, tr. 65]. Quan điểm chung của các nhà nghiên cứu cho rằng việc ra đời của chủ nghĩa hiện đại là xuất phát từ việc “xem xét lại” những cơ sở triết học và nguyên tắc sáng tác của văn hóa nghệ
  • 22. 14 thuật thế kỉ XIX. Việc xem xét này đã dẫn đến những trường phái, khuynh hướng ra đời tại thời điểm đó như chủ nghĩa vị lai, chủ nghĩa ấn tượng… dù khác nhau ở nhiều phương diện nhưng lại có chung cảm nhận về thời đại của mình như là thời của “những biến chuyển lịch sử kéo theo sự phá sản những tín ngưỡng và giá trị tinh thần của những thế hệ tiền bối” [4, tr. 65]. Nhận định này tất yếu dẫ đến yêu cầu đổi mới. Bởi vậy, người ta còn xem chủ nghĩa hiện đại “phản kháng” đối với thực tại và là sự “nổi loạn” chống lại tư tưởng bảo thủ trước đó, nhưng bản thân nó vẫn là sản phẩm của chính thời hiện đại, bởi vậy nó đã gặp phải sự mâu thuẫn giằng xé giữa một bên là sự bế tắc và một bên là sự kế thừa phát huy. Để thể hiện sự phản kháng, chủ nghĩa hiện đại hướng tới “sự phủ định bằng những hình thức thể hiện khác biệt” [31] thông qua việc phá vỡ những kết cấu, cách nhìn cũ, tạo ra hình thức trong các trào lưu như chủ nghĩa đa đa, siêu thực, vị lai…. Dù thế, chủ nghĩa hiện đại vẫn trở thành một phong trào lớn với sự ra đời của nhiều trường phái, trào lưu nghệ thuật có ảnh hưởng không chỉ trong thời này mà còn lâu dài về sau. Thuật ngữ hậu hiện đại (postmodern) được sử dụng gần như sớm nhất bởi nhà phê bình P.D. Onise vào khoảng “năm 1934 trong tuyển tập thơ Tây Ban Nha và Mĩ Latinh” [49, tr. 56] với nghĩa dùng để chỉ sự “vượt qua” chủ nghĩa hiện đại (Modernismo – trào lưu văn học phát xuất từ châu Mĩ Latinh năm 1980 [85, tr. 430], không có liên quan đến thuật ngữ Posmodern xuất hiện trong các cuộc tranh luận triết học ở Pháp và sau đó được J. F. Lyotard sử dụng trong cuốn La condition postmoderne. Khoảng từ những năm 70 – 80 của thế kỉ XX đến nay, thuật ngữ này đã trở nên phổ biến, được dùng trong nhiều lĩnh vực: văn học nghệ thuật, kiến trúc, phim ảnh, truyền thông…cho nên rất khó có được định nghĩa thật hàm súc, chính xác.
  • 23. 15 Postmodernity (thời hậu hiện đại) là thuật ngữ được các nhà nghiên cứu dùng để chỉ thời hậu hiện đại ra đời ngay sau thời kỳ hiện đại với “những đặc trưng về xã hội, triết học, khoa học, văn hóa, nghệ thuật tương phản gần như hoàn toàn với thời hiện đại” [75, tr.16]. Thực chất, cho đến tận bây giờ, các nhà nghiên cứu vẫn chưa có sự đồng thuận về mốc thời gian đánh dấu bước chuyển từ thời hiện đại sang hậu hiện đại. Quan điểm cho rằng thời kỳ hậu hiện đại ra đời vào khoảng những năm cuối thập kỉ 70 của thế kỉ XX chiếm được sự đồng thuận nhiều hơn cả. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhận định khó có sự phân định rõ ràng giữa hai thời hiện đại và hậu hiện đại. Chỉ có thể nói, từ khoảng những năm cuối thập kỉ 70 trở đi, dấu hiệu của thời hậu hiện đại ngày càng rõ nét và quan niệm về thời kỳ này cũng nhận được nhiều sự đồng tình hơn của giới nghiên cứu văn hóa, xã hội, nghệ thuật, triết học…. Và, do những điều kiện phát sinh đặc thù, thời hậu hiện đại được xem là mới chỉ thực sự xuất hiện ở Tây Âu. Anthony Gidden, nhà xã hội học người Anh cho rằng thời hậu hiện đại ra đời từ “sự cấp tiến hóa của thời hiện đại” [72, tr. 16]. Hay có thể nói, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại đã mang chủ nghĩa hiện đại ra toàn thế giới đã góp phần dẫn tới sự ra đời của thời kỳ hậu hiện đại. Do thời kỳ hậu hiện đại mới hình thành chưa được bao lâu, người ta vẫn còn đang tranh luận về những chữ “hậu” (post-) sau đó nữa, cho nên việc phân biệt tương đối giữa tính chất hậu hiện đại và chủ nghĩa hiện đại khó có thể thực hiện được như với thời hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại. Thuật ngữ chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism) được dùng trong “sự ảnh hưởng đối kháng với chủ nghĩa hiện đại” [9, tr. 157], chỉ một khuynh hướng nghệ thuật xuất hiện nối tiếp chủ nghĩa hiện đại. Tuy nhiên, cũng như khái niệm hậu hiện đại, chủ nghĩa hậu hiện đại là một khái niệm khó nhận được sự đồng thuận chung của giới nghiên cứu. Dù chịu sinh tồn trong những
  • 24. 16 hoài nghi về sự tồn tại nhưng sự xuất hiện của các công trình nghiên cứu về chủ nghĩa hâu hiện đại đã ở số hàng ngàn, cho nên sự tồn tại của chủ nghĩa hậu hiện đại, ít ra là ở phương Tây, dẫu sao, cũng là hiện tượng khó có thể chối cãi. Chủ nghĩa hậu hiện đại ra đời từ những tiền đề kinh tế - xã hội, khoa học tự nhiên và tư tưởng – lí luận phát sinh trong đời sống nhân loại thế kỉ XX. Sự phát triển hồi phục của Tây Âu sau chiến tranh thế giới thứ hai đã tạo tiền đề cho sự phát triển của khoa học công nghệ nhất là công nghệ thông tin và các ngành tự động hóa. Điều này khiến chủ nghĩa tư bản ngày càng khẳng định sức mạnh to lớn của mình cả về kinh tế lẫn chính trị và vươn tầm ảnh hưởng về văn hóa – xã hội ngày càng sâu rộng ra thế giới, tạo ra quá trình toàn cầu hóa với đặc điểm nổi bật là sự tồn tại một thị trường tương đối thống nhất với những “yếu tố chủ yếu là sản xuất, tiêu dùng và hưởng thụ” [75, tr. 10]. Sự phục hồi thần tốc của nền kinh tế dẫn đến những thay đổi trong đời sống xã hội. Một mặt nó tạo ra sự xuất hiện của lối sống tiêu dùng mặt khác người ta vẫn thấy sự tồn tại thậm chí không ngừng sinh sôi những mâu thuẫn và bất công xã hội thể hiện qua những phong trào nhân quyền, nữ quyền, phong trào phản đối tình trạng ô nhiễm môi trường, chẳng hạn như phong trào biểu tình của sinh viên Pháp vào năm 1968. Hệ quả của tình trạng này là sự đổ vỡ niềm tin dành cho những thiết chế xã hội vốn được xem là rất ưu việt với những khẩu hiệu về tự do, bình đẳng, bác ái. Đặc biệt hơn nữa, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông, với mạng internet đã tạo ra một thế giới ảo gần như chỉ xuất hiện trong tưởng tượng trước đó. Việc con người có thể “hoạt động” trong thế giới ảo này “làm gia tăng sự phân mảnh, đa dạng về văn hóa” [75, tr. 11], làm thay đổi nhận thức về hiện thực, về con người. Những biến đổi trên đã khiến xã hội Tây Âu chuyển sang một giai đoạn mới,
  • 25. 17 giai đoạn mà các nhà sử học gọi là thời hậu hiện đại kéo theo sự xuất hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại. Sự xuất hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại còn có cơ sở từ thành tựu của khoa học tự nhiên thế kỉ XX. Đó là sự phát hiện ra thuyết tương đối và cơ học lượng tử vào thập kỉ 20 của XX cung cấp bằng chứng cho thấy thực tại khách quan “tồn tại phi tuyến, bất định, xác suất, đa tầng” [75, tr. 19]; định lí bất toàn trong toán học của Kurt Gưdel (1906 - 1978) vào đầu thập niên 30 với việc “từ bỏ tham vọng đưa ra những lí thuyết phổ quát mang tính hệ thống, nhất quán, tuyệt đối ” [75; tr. 19]; nối tiếp, vào thập niên 60, lý thuyết tai biến của René Thomas (1923 - 2002) chỉ ra rằng khoa học nên đi tìm những quy luật bộ phận trong từng tình huống hơn là quy luật bao quát cho từng tình huống; và trong thập niên 70, Edward Lorenz đưa ra lý thuyết hỗn độn chỉ ra hướng đi tìm các quy luật xác suất đằng sau các hiện tượng ngẫu nhiên thay vì tìm những quy luật tất định như các lý thuyết động học cổ điển khác. Những thành tựu về khoa học tự nhiên cung cấp cái nhìn khác về thế giới mà trước đây toàn quy luật, trật tự và ổn định, tạo nên “chất liệu” cần thiết cho sự ra đời của chủ nghĩa hậu hiện đại. Bối cảnh kinh tế, xã hội và những phát kiến mới về khoa học được tiếp sức bởi những tư tưởng triết học có khuynh hướng “chống lại triết học truyền thống, chống lại xu thế lấn át của mô hình lí tính, thực chứng” [75, tr. 22]. Đó là tư tưởng của Friedrich Nietzsche (1844 - 1900) xem chân lý không phải là cái “phổ quát, khách quan, tuyệt đối” mà là phụ thuộc vào từng môi trường, hoàn cảnh, điều kiện nó phát sinh; là quy tắc trò chơi trong triết học ngôn ngữ của Ludwig Wittgenstein (1889 - 1951) với tư tưởng chống tính hệ thống, quy tắc này tạo nên từ sự đồng thuận giữa những người tham gia giao tiếp, theo đó, không có một sự thống nhất nào giữa các trò chơi, chỉ có những “hệ
  • 26. 18 thống” tạo nên trong từng hoàn cảnh riêng; và John Dewey (1859 - 1952) với quan niệm chân lý, tri thức và “tinh thần đổi mới triết học” [75, tr. 27], Thomas Samuel Kuhn (1922 - 1996)… đã tạo nên những tiền đề về tư tưởng cho sự ra đời của chủ nghĩa hậu hiện đại sau này. Jean Francois Lyotard (1924 - 1998), Richard Rorty (1931 - 2007), Jacques Derrida (1930 - 2004), Michel Foucault (1926 - 1984) là những nhà tư tưởng chủ chốt của chủ nghĩa hậu hiện đại. Trong những công trình của mình, họ đã cung cấp tư tưởng cơ bản cho chủ nghĩa hậu hiện đại. Trước hết, các nhà hậu hiện đại chủ nghĩa chỉ ra cảm quan khác biệt của con người trước thế giới thực tại. Đó là một “tâm thức”, một “thế giới quan” mới. Trong đó, con người nhìn thế giới như một “khối hỗn độn”, không tuân theo hệ thống, quy luật nào được đặt ra. Bởi vậy, thế giới không bị giới hạn bởi số ít những điểm nhìn, những cực trị mà thuộc về số nhiều với đa điểm nhìn, đa trị. Sự tồn tại ngẫu nhiên này phá bỏ quan niệm về những trung tâm, khẳng định phi trung tâm mới là đặc tính của thế giới sự vật. Và các nhà hậu hiện đại, tìm cách giải (de-) trung tâm. Phản ứng lại cố gắng sắp xếp lại trật tự thế giới thành những hệ thống, tuân theo những quy luật theo những “câu chuyện to tát chi phối văn minh của loài người” [75, tr. 127], khái niệm mà J. F. Lyotard gọi là đại tự sự (meta – narrative), các nhà hậu hiện đại cho rằng thế giới có sự tồn tại riêng, không tuân theo quy luật nào. Như thế, những đại tự sự trên chỉ là kết quả của nỗ lực quy hoạch lại tự nhiên của con người bằng lý trí, nó không thuộc về bản chất của thế giới. Thực chất, theo các nhà hậu hiện đại, thế giới là sự hợp lại của những dạng tiểu tự sự tồn tại trong sự hỗn độn, tạm bợ, ngẫu nhiên và nhất thời, không chịu sự áp đặt tư duy của bất cứ đối tượng nào, có thể đồng hoặc nghịch hướng với cái khác. Đả phá sự tồn tại của những đại tự sự, các nhà hậu hiện đại đi đến nhận thức hiện thực thời hậu
  • 27. 19 hiện đại và chỉ ra rằng hiện thực này được được dựng lên chủ yếu bằng phương tiện truyền thông đại chúng như ti vi, mạng máy tính, văn học, cho nên hiện thực mà con người đang thấy thực chất là hiện thực ảo. Đó là kiểu hiện thực mà Jean Baudrillard gọi là thậm phồn hay phì đại (hyperreality) đa chiều kích, có khả năng “mở rộng đến bất kì nơi nào trí tưởng tượng của con người có thể vươn đến” [11, tr. 39]. Một hiện thực mới được tạo ra, trong đó con người không tìm được những mẫu gốc để quy chiếu mọi hành động có tính quy luật mà chỉ tìm thấy những bản sao hiện thực được tạo ra do nhu cầu của xã hội tiêu dùng và bởi công nghệ số. Tính chất ảo của hiện thực ngày càng gia tăng, quan niệm về hiện thực cũng lung lay trong ngổn ngang của tầng tầng lớp lớp thế giới ảo. Cũng theo các nhà hậu hiện đại, ngôn ngữ và dụng học của nó chính là nền tảng tri thức của con người. Lí thuyết của các nhà hậu hiện đại dựa trên ngôn ngữ và khả năng hành chức của nó. Từ đó, họ coi “thế giới là một văn bản”. Jacques Derrida nói “Không có gì là ngoài văn bản”. Khi phân tích mối quan hệ bằng biểu đồ hai trục dọc (liên kết giữa tác giả và người đọc) với trục ngang (liên kết giữa văn bản này và các văn bản khác) Julia Kristeva đã chỉ ra mỗi một văn bản được viết ra đều “lệ thuộc vào những quy ước đã hiện diện từ trước” [11, tr.43]. Như vậy, văn bản này sẽ liên kết với không chỉ một mà nhiều văn bản khác. Văn bản, do đó, là giao điểm của rất nhiều văn bản khác theo không gian, thời gian, thể loại, loại hình, văn hóa…. Thế giới “văn bản” này được thể hiện qua các trò chơi ngôn ngữ (language games) – khái niệm được F. Lyotard vận dụng từ triết học của Ludwig Wittgenstein (1889 - 1951). Vì ngôn ngữ là nền tảng để con người xây dựng tri thức, nó đã bị lợi dụng để tạo nên những đại tự sự chi phối xã hội. Các nhà hậu hiện đại chủ trương dỡ bỏ những mô hình ngôn ngữ xáo mòn, “trả” ngôn ngữ về với bản
  • 28. 20 chất ngẫu hứng của nó. Theo đó, ngôn ngữ thoát khỏi những tập quán cũ, nó được sử dụng như những “trò chơi” mà người tham gia quy ước luật chơi với nhau. Những quy ước này khác nhau trong từng hoàn cảnh. Hơn nữa xuất phát từ sự bất đồng quan điểm về sự biểu đạt của ngôn ngữ của các nhà hậu hiện đại với cha đẻ của ngôn ngữ học hiện đại – F. de Saussure (1857 - 1913). Trong khi F. de Saussure cho rằng mỗi cái biểu đạt tương ứng với một cái được biểu đạt thì các nhà hậu hiện đại xem cái biểu đạt đồng thời là cái được biểu đạt của một cái biểu đạt khác và cứ như vậy, không dừng lại. Sự đa dạng của trò chơi ngôn ngữ và sư vô cùng tận của nghĩa tạo nên giới hạn vô tận cho sáng tạo, nhất là trong văn học. Trên đây là những định đề chính của triết học hậu hiện đại. Như đã trình bày ở trên, sau khi ra đời, chủ nghĩa hậu hiện đại được xem là đã xuất hiện gần như trong toàn bộ đời các lĩnh vực của đời sống xã hội nơi nó phát sinh. Trong văn học, chủ nghĩa hậu hiện đại được xem là một hiện tượng có ảnh hưởng ra toàn cầu, trong đó, theo nhận định của Barry Lewis thì văn chương hư cấu hậu hiện đại là“một hiện tượng quốc tế, với những đại biểu quan trọng từ khắp nơi trên thế giới: Gunter Grass và Peter Hankle (Đức); Georges Perec và Monique Wittig (Pháp); Umberto Eco và Italo Calvino (Italy); […] Gabriel Garcia Marquez (Colombia); J.M.Coetzee (Nam Phi) …” [47]. Ông cũng cho rằng văn chương hậu hiện đại đặc trưng bởi việc sử dụng rộng rãi thủ pháp nhại (parody), trò chơi ngôn ngữ, kỹ thuật lắp ghép, sự phá vỡ trật tự thời gian, sự lỏng lẻo trong liên kết ý tưởng và sự đa nghi, hoang tưởng của nhân vật. Ngoài Tây Âu và Bắc Mỹ - nơi phát xuất, chủ nghĩa hậu hiện đại được các xã hội khác tiếp nhận chủ yếu thông qua lĩnh vực văn hóa nghệ thuật (ở Nga, Nhật, các nước Mĩ La Tinh, các nước Châu Phi…). Khi xâm nhập vào
  • 29. 21 các khu vực này, chủ nghĩa hậu hiện đại sẽ được tiếp biến và dung hợp với những yếu tố thuộc về xã hội, văn hóa, tư tưởng địa phương tạo nên những điểm đặc sắc cũng như phức tạp riêng. Đặc biệt là ở những nước thuộc địa cũ, vốn bị phương Tây đặt ở thế đối sánh với nền văn minh của họ, bị gạt ra khỏi trung tâm của nền văn minh nhân loại, nằm trong phạm trù của sự yếu ớt, mông muội, kém văn minh. Chủ nghĩa hậu hiện đại đã cung cấp cho họ hướng tư tưởng dẫn đến sự khẳng định mình, thoát khỏi “định nghĩa” của phương Tây về phương Đông (đối với các thuộc địa phương Đông), hay thoát khỏi sự áp đặt về văn hóa, thậm chí là lấn át nền văn hóa bản địa của các nước Mỹ Latinh hay một số nước châu Phi của văn hóa thực dân. Ở những xã hội mà nền công nghiệp hóa còn chưa hoàn thành, chủ nghĩa hậu hiện đại xuất hiện dưới dạng những tính chất, yếu tố tồn tại đan xen với chủ nghĩa hiện đại – vốn dĩ cũng chưa đi tới đỉnh cao ở những nơi này. Điều này tất yếu dẫn đến tạo ra một môi trường phức hợp trong đó người ta nhận thấy, bên cạnh những tính chất của chủ nghĩa hiện đại có sự xuất hiện ít nhiều, đậm nhạt khác nhau của các yếu tố thuộc về chủ nghĩa hậu hiện đại. Sự đan xen hiện đại – hậu hiện đại vẫn đang tồn tại ở phương Tây vì sự rạch ròi giữa hai thời đại này gần như chưa từng được công nhận rõ ràng. Bên cạnh đó, ở các xã hội đang phát triển, khi mà quá trình công nghiệp hóa vẫn đang ở giai đoạn tiến hành, xã hội chưa tiến vào thời kì hiện đại hóa hoàn toàn thì các yếu tố hậu hiện đại xâm nhập vào chủ yếu qua giao lưu cũng như do những điều kiện của bản thân xã hội đó có những đặc điểm thuận lợi cho sự bám rễ của chủ nghĩa hậu hiện đại. Tuy nhiên, sự gặp gỡ giữa hiện đại – hậu hiện đại ở các xã hội đang phát triển có thể nói nghiêng về hướng tồn tại đan xen thay vì gần như nối tiếp nhau trong một quá trình như tại các nước phát
  • 30. 22 triển. Sự tồn tại đan xen phức tạp này sẽ dẫn đến những khác biệt không nhỏ khi hiện diện trong văn học nghệ thuật. 1.1.2. Hiện thực và con người trong quan niệm của chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Trước chủ nghĩa hiện đại, mặc dù cũng hình thành trên nền tảng triết học lý tính nhưng chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa tự nhiên, tuy có những khác biệt trong quan niệm, song gần như đều hướng tới kiếm tìm, lí giải một nguyên tắc, một quy luật chung có khả năng “chi phối sự hình thành và thịnh suy của mọi cái khác” [49, tr. 62]. Đó là tình cảm, lí tưởng trong quan niệm của chủ nghĩa lãng mạn, là quan hệ kinh tế của chủ nghĩa hiện thực hay bản năng sinh vật của chủ nghĩa tự nhiên. Những khuynh hướng này, bằng cách này hay cách khác, nỗ lực đi tìm những trung tâm có chức năng thống nhất thuộc về chiều sâu, bản chất tất yếu, quy luật chung của hiện thực, gần như loại ra ngoài những hiện tượng có tính cá thể, ngẫu nhiên, nhỏ lẻ. Chủ nghĩa hiện đại được cho rằng ra đời vào cuối thời hiện đại, nó phản kháng lại những tín điều trước đó. Tuy nhiên, nói như nhà nghiên cứu Phương Lựu, nó“phá bỏ mô thức chiều sâu” của các thế hệ tiền bối nhưng lại nỗ lực xây dựng những mô thức chiều sâu của mình, điểm khác là các mô thức hiện đại không “rõ ràng, xác định, khả chứng” như trước. Đó là vô thức của phân tâm học, là “hiện sinh” của chủ nghĩa hiện sinh, cấu trúc bề sâu của chủ nghĩa cấu trúc, hình thức của chủ nghĩa hình thức. Kết quả là, vẫn nằm trong vòng ảnh hưởng của lí tính, nhưng những “trung tâm” của chủ nghĩa hiện đại không rõ ràng, không thể nắm bắt. Trong khi đó, chủ nghĩa hậu hiện đại không công nhận sự tồn tại của những “đại tự sự” của thời hiện đại. Trong quan niệm của mình, chủ nghĩa hậu hiện đại nhìn hiện thực không trong sự thống nhất mà đa trị,
  • 31. 23 với những mảnh ghép khác nhau, không có trung tâm, và được tạo nên từ sự lai ghép. Chủ nghĩa hiện thực tin có hiện thực khách quan và nỗ lực để nhận thức, tái hiện hiện thực khách quan đó một cách chân thực nhất; chủ nghĩa hiện đại, do sự đổ vỡ đức tin vào “tính bền vững của văn chương” [2], cảm nhận sự hỗn loạn phi lý của thực tại, nỗ lực kiếm tìm một thực tại “thuần khiết” thuộc về “mô hình thế giới hài hòa” [2]. Quá trình chối bỏ và tìm kiếm này đã dẫn đến sự “ra đời” của thế giới huyền thoại (trong sáng tác của E. Hemingway, E.Pound), hay thế giới ý thức bên trong con người (trong trước tác của Marcel Proust, J. Joyce, F. Kafka…). Song, nỗ lực này lại làm lộ ra một thực tại “được xem như một vòng luẩn quẩn vĩnh viễn” [2] đậm sắc thái đoản mạch, đứt gãy. Phương thức thể hiện hiện tại như trên – bằng cách đổi mới ngôn ngữ so với chủ nghĩa hiện thực của thế kỉ XIX – đã chối bỏ nguyên tắc miêu tả đối tượng trong mối tương quan với những sự vật, hiện tượng khác. Chủ nghĩa hậu hiện đại, ngược lại, cho rằng hiện thực được nhận thức khác nhau ở các nền văn hóa, không có một tri thức đồng nhất, cái toàn thể của chủ nghĩa hiện đại thực chất là sự áp đặt ở nhiều phương diện, mức độ. Hơn thế, chủ nghĩa hậu hiện đại còn đẩy quan niệm về hiện thực đi xa hơn khi cho rằng thực tại không tồn tại ổn định mà ở trạng thái hỗn loạn, bị ngụy tạo và thế giới chính là những liên văn bản không có điểm kết thúc trong đó các văn bản tồn tại trong mối tương quan với những văn bản khác. Không tin vào những “đại tự sự” đồng nghĩa với việc chủ nghĩa hậu hiện đại không đồng ý với quan niệm cho rằng hiện thực được nỗ lực giữ ổn định bằng những “hệ thống giải thích” có trong thời hiện đại. Thế giới dưới nhãn quan của chủ nghĩa hậu hiện đại là thế giới của hỗn độn, của những mảnh ghép. Đi xa hơn, chủ nghĩa hậu hiện đại quan niệm hiện thực thực chất chỉ là
  • 32. 24 những mô hình được ngụy tạo trong tư duy con người, nó không có bản gốc và không thực sự tồn tại. Theo nhà nghiên cứu Đào Tuấn Ảnh, quan niệm này giúp chúng ta lí giải vì sao, chủ nghĩa hậu hiện đại không chỉ tồn tại ở xã hội hậu công nghiệp với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và sự lan rộng của văn hóa đại chúng trong xã hội Phương Tây mà còn có dấu hiện xuất hiện ở các xã hội khác nơi mà máy tính và thế giới ảo cũng xâm nhập vào sâu trong đời sống của con người. Chỉ có điều, ở mỗi xã hội khác nhau, “điều kiện hậu hiện đại” cũng không giống nhau. Không thừa nhận những mô hình hiện thực gần với chân lý của chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa hậu hiện đại “lắp ghép một thực tại giống như tấm kính vạn hoa mang đầy tính trích dẫn, chắp vá” [2]. Đây là nguyên nhân vì sao thế giới lại là một kiểu “liên văn bản” trong quan niệm của chủ nghĩa hậu hiện đại. Nếu như con người trong chủ nghĩa hiện thực hiện lên như một điển hình của giai cấp, thời đại mình; con người trong chủ nghĩa lãng mạn là con người của những lý tưởng với khao khát thể hiện cái tôi cá nhân và nỗ lực vượt lên thực tại; thì con người trong chủ nghĩa hiện đại, vì sống trong một thế giới đang bị lung lay về niềm tin với những chân lí, quy luật thống nhất, lại “hay lo âu, cô độc, mê sảng, phiêu lãng” [49, tr. 63]. Còn con người của thời hậu hiện đại lại cô đơn, “vô nghĩa”, “trống rỗng” trong thế giới được bị ngụy tạo bởi vô số những liên văn bản và sự hỗn loạn của thông tin, tri thức đang ở tình trạng “phì đại”. Con người hậu hiện đại không có bóng dáng khổng lồ của thời Phục Hưng, cũng không còn là con người duy lý giữa thời Ánh sáng, càng không còn là con người, dù đang lạc lõng bởi thực tại phi lý, nhưng vẫn cố kiếm tìm bản thể của mình như cuối thời hiện đại. Và con người hậu hiện đại, hệ quả của những văn bản “liên văn bản”, có lúc không xác định vì nhiều khi nó chỉ là sự “nhái lại hình tượng nhân vật lịch sử và văn học cổ điển” [2].
  • 33. 25 Như vậy, đến chủ nghĩa hậu hiện đại, con người hoài nghi về sự tồn tại của cái tôi, con người bị phân tán, phi trung tâm, chỉ còn là những “chất liệu tâm lí” (Nathalie Sarraute) như “tình cảm mâu thuẫn, mối xúc động nội tâm, những đối thoại tiềm ẩn rời rạc” [49, tr. 64]. Con người, không còn băn khoăn nỗ lực khẳng định cái tôi hoặc ít nhất đi tìm một điểm tựa như trước đó trong chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện đại mà đánh mất cảm nhận về cõi sống, về sự tồn tại, tất cả chìm đắm trong cảm xúc tuyệt đối hư vô trước thế giới của những liên văn bản. Một mặt, điều này dẫn đến những suy nghĩ bi quan cực đoan, mặt khác, nó cho thấy một cái nhìn bình đẳng hơn giữa những “giai tầng người”, “không có chúa”, không có một đấng sáng thế nào toàn năng, chỉ có con người cá nhân với sự phức diện đến cực độ của bản thể. 1.1.3. Bối cảnh đan xen hiện đại, hậu hiện đại trong văn học Việt Nam Năm 1945 được xem là mốc lịch sử đánh dấu thời kỳ hiện đại trong lịch sử Việt Nam. Nhưng do điều kiện đặc thù của lịch sử, phải đến sau năm 1986, Việt Nam mới chính thức bước vào con đường hiện đại hóa, và quá trình công nghiệp hóa cũng mới được manh nha khởi động. Tuy đã đạt được những thành tựu không nhỏ, nhưng Việt Nam vẫn chỉ là một nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với nền khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Cho đến bây giờ, các nhà nghiên cứu vẫn xác định xã hội Việt Nam đang ở thời tiền hiện đại – tức là vẫn đang trong quá trình xác lập tính chất của thời hiện đại. Xét về mặt văn hóa nghệ thuật, những trào lưu tư tưởng hiện đại xuất hiện ở Việt Nam sớm hơn so với mốc lịch sử trên, tức là vào khoảng những năm 20 của thế kỉ trước trở đi, trong văn học nghệ thuật, quá trình này được đánh dấu bằng cuộc hiện đại hóa văn học đầu thế kỉ trước (1930 - 1945).
  • 34. 26 Cuộc hiện đại hóa này đã đưa văn học nước ta thoát khỏi ảnh hưởng của nền thi pháp trung đại trước đó mà tiếp nhận cũng như ứng dụng thi pháp hiện đại vào sáng tác. Nhưng, ba mươi năm tiếp theo, vì đặc điểm riêng, nền văn học không tiếp tục phát triển theo hướng này mà rẽ theo hướng khác, được sử thi hóa và in đậm dấu ấn của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Cho đến giữa những năm 80 của thế kỉ trước, khi công cuộc đổi mới bắt đầu, cùng với việc “cởi trói” cho văn nghệ và mở rộng toàn diện giao lưu văn hóa với thế giới, văn học Việt Nam mới rục rịch thay đổi để thích nghi với điều kiện mới. Lúc này, những lí thuyết (về văn học và có ảnh hưởng đến văn học) của chủ nghĩa hiện đại mà trước đây mới chỉ được tiếp nhận trong văn học miền Nam chính thức và dần dần phủ rộng ra cả nước như: lí thuyết hình thức, cấu trúc, phân tâm học…. Như vậy, đi sau thời điểm chủ nghĩa hiện đại ra đời ở phương Tây khoảng nửa thế kỉ, trong bối cảnh nền kinh tế - văn hóa, xã hội tuy không giống với phương Tây (khi phát sinh chủ nghĩa hiện đại, đã và đang ở giai đoạn cuối của thời kỳ hiện đại với nền công nghiệp và khoa học kỹ thuật phát triển cao độ), nhưng cũng đầy những phức tạp của thời kỳ quá độ, đánh dấu bằng sự hoang mang khi bước sang một giai đoạn lịch sử khác, cộng với việc thay đổi sâu sắc trong nội bộ xã hội do ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa dẫn đến sự bung vỡ của những hệ giá trị vốn ngự trị một thời gian dài trong đời sống xã hội mà hệ quả của những xáo trộn về kinh tế - xã hội, tư tưởng, văn hóa này là việc hình thành những dấu hiện của sự phản kháng lại (với tư tưởng của thời trước đó) và sự mất phương hướng trước sự tha hóa của trạng thái nhân thế cũng như nỗ lực nhìn nhận lại, đánh giá lại những giá trị cũ, và kiếm tìm một điểm tựa tinh thần mới – những manh mối của một trạng cảm của con người thời hiện đại. Điều này được bộc lộ trong những sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Khắc
  • 35. 27 Trường…. Song, khi mà nền văn học Việt Nam chưa kịp hiện đại một cách triệt để thì đã mang trong mình những dấu hiệu của một hệ hình thi pháp khác mà sự xuất hiện của nó không những gây ra nhiều tranh luận trái chiều mà còn hình thành nên một bối cảnh phức tạp trong văn học nước nhà. Đó chính là chủ nghĩa hậu hiện đại. Xoay quanh vấn đề chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam, có khá nhiều ý kiến trái chiều. Những ý kiến này chủ yếu tập trung vào các vấn đề hoàn cảnh hậu hiện đại có thực sự xuất hiện ở Việt Nam, sự tồn tại và biểu hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại trên thế giới và ở Việt Nam. Có hai luồng ý kiến cơ bản: luồng thứ nhất, cho rằng chủ nghĩa hậu hiện đại thực chất chỉ là một “thuật ngữ vô nghĩa” (Nguyễn Văn Dân) [15] do bị lạm dụng quá đà (cả trên thế giới lẫn ở Việt Nam) và thực chất đó chỉ là cái “đỉnh cao ” hay “giai đoạn kịch phát của chủ nghĩa hiện đại”; luồng ý kiến thứ hai, ngược lại, thừa nhận sự tồn tại của chủ nghĩa hậu hiện đại trên thế giới cũng như nêu ra những ảnh hưởng của nó vào văn học Việt Nam thông qua con đường giao lưu văn hóa và nỗ lực chỉ ra những dấu hiệu, dấu ấn của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam (như của các nhà nghiên cứu Phương Lựu, Lê Huy Bắc, Phùng Gia Thế, Lã Nguyên). Như vậy, trong quá trình nghiên cứu sự tiếp nhận cũng như ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam đã xuất hiện cả sự phủ nhận lẫn sự xác nhận, khẳng định, ủng hộ. Điều này không có gì lạ, đặc biệt là khi các trào lưu tư tưởng, nghệ thuật di chuyển, xâm nhập từ nền văn hóa này vào nền văn hóa khác trong quá trình giao lưu văn hóa toàn cầu như hiện nay. Sự nghiên cứu, tiếp nhận trái chiều này phần nào giúp hình dung ra bối cảnh phức tạp của sự tiếp nhận trên bình diện lí thuyết và việc áp dụng vào thực tiễn sáng tác của chủ nghĩa hậu hiện đại ở Việt Nam. Nghiêng về khuynh hướng cho rằng chủ nghĩa hậu hiện đại không những tồn tại trong lịch trình tư
  • 36. 28 tưởng của nhân loại (mà nơi phát sinh là xã hội Tây Âu với điều kiện đặc thù), đồng thời cũng xuất hiện với các mức độ khác nhau ở các quốc gia thậm chí đang còn ở giai đoạn tiền hiện đại hoặc trong quá trình hiện đại hóa (Ấn Độ, Trung Quốc, một số nước thuộc Châu Phi, Châu Mĩ – Latinh…), chúng tôi sẽ đi vào khảo sát những điều kiện dẫn đến sự xuất hiện và tồn tại đan xen của yếu tố hậu hiện đại bên cạnh yếu tố hiện đại trong nền văn học Việt Nam đương đại. Thực tế cho thấy, bất kỳ khuynh hướng tư tưởng, văn hóa có nguồn gốc ngoại lai nào cũng chỉ có thể xuất hiện trong một nền văn hóa khi nó hội tụ đủ điều kiện chủ quan và khách quan. Nói cách khác, những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại xuất hiện trong văn chương Việt Nam, ngoài yếu tố do giao lưu văn hóa, còn do chính những điều kiện của xã hội Việt Nam có cơ sở để nó đâm rễ nảy chồi. Sau khi trải qua hai cuộc chiến tranh kéo dài gần một phần ba thế kỉ XX, Việt Nam mới có cơ hội chuyển mình từ xã hội nông nghiệp lạc hậu sang nền công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Có thể nói, quá trình này, cho đến nay vẫn đang diễn ra, chưa hoàn thành, dù có khá nhiều thành tựu đáng kể, nhưng Việt Nam vẫn chỉ mới ở trong số những quốc gia đang phát triển. Điều này đồng nghĩa với việc xã hội Việt Nam dường như chưa hội đủ yếu tố để tạo nên “hoàn cảnh hậu hiện đại” thật sự như quan niệm của J. F. Lyotard. Mặc dù vậy, không phải mọi lí thuyết đều rập khuôn áp dụng cho tất cả các đối tượng. Tuy chưa có được một nền kinh tế tri thức với sự phát triển cao của khoa học kỹ thuật, nhưng quá trình hội nhập, hiện đại hóa đất nước đã đưa vào Việt Nam mạng lưới truyền thông, thông tin rộng lớn, đa dạng. Mạng lưới truyền thông (đặc biệt là mạng internet) không chỉ đóng vai trò là đường dẫn tiếp xúc với tư tưởng hậu hiện đại mà còn mở rộng không gian sống (sang thế giới ảo),
  • 37. 29 tăng cường đến vô hạn khả năng đa dạng hóa sự thể hiện của các yếu tố văn hóa nội địa, của cá nhân con người, tạo nên số lượng vô hạn định những “văn bản” – tạo cơ hội để những yếu tố hậu hiện đại tìm được “đất” sống. Diễn biến phức tạp của quá trình hội nhập khi diễn ra sự va đập giữa nền văn hóa nội địa, vốn đang bị xáo trộn bởi những biến động chính trị - kinh tế của khoảng 20 năm cuối thế kỉ trước, với văn hóa ngoại lai dẫn đến sự bung vỡ của “bảng giá trị cũ” [44] trong khi bảng giá trị mới chưa hình thành. Cộng với sự hoài nghi vốn tiềm tàng trong văn học, văn hóa dân gian về những giá trị “chính thống” đã tạo nên thái độ hoài nghi, hoang mang trước hiện thực hỗn độn, tìm cách “viết lại lịch sử”, giải thiêng huyền thoại… tạo ra một hiện thực từ nhiều điểm nhìn. Khi so sánh những yếu tố hậu hiện đại trong văn học Việt Nam với văn học Nga [2], tác giả Đào Tuấn Ảnh tìm thấy điểm chung giữa hiện tượng“phì đại tư tưởng” của những xã hội đã hoặc chưa đi qua thời hiện đại, nơi chủ nghĩa xã hội tồn tại cũng là một đặc điểm riêng của xã hội Việt Nam. Ngoài ra, là một nước đã từng chịu sự xâm lăng của cả chủ nghĩa thực dân mới và cũ, Việt Nam có những đặc điểm thường gặp của một nước “hậu thực dân”, từng bị xem là nơi mông muội, cần được khai hóa (thực tế là thực dân Pháp đã thực hiện hai cuộc khai thác thuộc địa vào đầu thế kỉ XX với mỹ danh khai hóa). Nghĩa là, trong sự tồn tại, phát triển của mình, xã hội Việt Nam vẫn đang tiềm ẩn những sự phản kháng của bộ phận mà E. Said xếp vào phạm trù “the Other” (Cái khác) – một “cái” luôn ở thế bất ổn, kém văn minh, kém phát triển so với Phương Tây, chịu sự áp đặt về văn hóa của chủ nghĩa thực dân. Sự phản kháng tiềm tàng này là hình ảnh của nỗ lực “giải thiêng”, “giải thực”, “giải trung tâm”, hướng về ý tưởng dân chủ của tư tưởng hậu hiện đại dành cho những bộ phận vốn bị gạt ra ngoài sân khấu văn minh nhân loại.
  • 38. 30 Sự du nhập của chủ nghĩa hậu hiện đại vào Việt Nam có sự góp sức tích cực của các công trình lý luận và tác phẩm văn học hậu hiện đại thế giới được dịch và giới thiệu. Khoảng cuối những năm chín mươi của thế kỉ trước đến đầu thế kỉ XXI, việc giới thiệu còn khá rụt rè, chủ yếu là qua những bài báo được đăng nhỏ lẻ trên các tạp chí. Đến năm 2003, Trung tâm văn hóa đông Tây đã in và giới thiệu cuốn sách Văn học hậu hiện đại thế giới – những vấn đề lí thuyết, trong đó tập hợp những bài nghiên cứu khái quát về chủ nghĩa hậu hiện đại. Năm 2006, nhà xuất bản Trẻ giới thiệu bộ sách nhập môn trong đó có cuốn Chủ nghĩa hậu hiện đại của Richard Appignanesi cũng giới thiệu những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa hậu hiện đại. Tuy nhiên, phải đến năm 2008, Điều kiện hậu hiện đại (J. F. Lyotard) một trong những tác phẩm kinh điển của triết học hậu hiện đại được dịch giả Ngân Xuyên dịch và nhà xuất bản Tri Thức giới thiệu mới mang đến cho độc giả cái nhìn tiệm cận hơn với chủ nghĩa hậu hiện đại. Nối tiếp những tác phẩm trên, Chủ nghĩa hậu hiện đại (2006), Chủ nghĩa hậu hiện đại – các vấn đề nhận thức luận (2011) cùng của tác giả Trần Quang Thái, Lí thuyết văn học hậu hiện đại (2011) của Phương Lựu, Văn học hậu hiện đại – Lí thuyết và tiếp nhận (2012) của Lê Huy Bắc, Một nền lí luận văn học hiện đại (Nhìn qua thực tiễn Trung Quốc) (2012) của Trần Đình Sử, cùng khá nhiều bài viết, bài nghiên cứu về những khía cạnh khác nhau của chủ nghĩa hậu hiện đại của các nhà nghiên cứu có uy tín đã mang hậu hiện đại “đến gần” hơn với Việt Nam, tạo cơ sở cho việc nghiên cứu sâu hơn ảnh hưởng của trào lưu này đến thực tiễn văn học nước nhà. Cuối năm 2012, khoa Ngữ Văn Trường đại học Sư phạm Hà Nội sẽ tổ chức hội thảo khoa học quốc gia mang tên “Văn học hậu hiện đại – lí thuyết và thực tiễn” dự báo sẽ mang đến cái nhìn toàn cảnh có tính tổng kết về những xu hướng và các vấn đề nghiên cứu văn chương hậu hiện đại hiện
  • 39. 31 nay. Như vậy, những hoạt động trên đã không chỉ khẳng định sự tồn tại của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học Việt Nam, phân tích những yếu tố hậu hiện đại trong bối cảnh đặc thù của xã hội Việt Nam mà còn trực tiếp tạo ra những tiền đề lí luận cho việc nghiên cứu ảnh hưởng của trào lưu này. Sẽ khó phản bác lại quan điểm cho rằng xã hội Việt Nam chưa hội đủ những yếu tố của thời hậu hiện đại như đã diễn ra ở xã hội phương Tây nhưng nhận định Việt Nam chưa có bối cảnh hậu hiện đại thực sự như xã hội chưa tiến vào thời kì hậu công nghiệp, song đang nỗ lực để giải thực, chống lại những tư tưởng áp đặt của đại tự sự phương Tây trước và sau khi đi xâm lược có lẽ tương đối hợp lí. Nghĩa là trong xã hội Việt Nam, có sự tồn tại xen kẽ của yếu tố hậu hiện đại trên nền tảng của thời hiện đại trong bối cảnh thời hiện đại chưa thực sự “hoàn thành”. Nói cách khác, xét về mặt khuynh hướng tư tưởng, chủ nghĩa hiện đại vẫn giữ vai trò chủ đạo, những yếu tố của chủ nghĩa hậu hiện đại xuất hiện trong quá trình tiếp nhận văn hóa phương Tây chủ yếu biểu hiện ở mảng văn học nghệ thuật và chỉ mới xuất hiện như ở cấp sơ khởi. Cho nên, có thể xem, sự đan xen bối cảnh này là tiền đề dẫn đến sự xuất hiện đồng thời của những tư tưởng, nhận thức về thế giới, con người, thủ pháp nghệ thuật của cả (chủ nghĩa) hiện đại và (chủ nghĩa) hậu hiện đại trong văn học. Tuy nhiên, việc tiếp thu và thể hiện trong tác phẩm không giống nhau ở các tác giả. Đây là nguyên nhân vì sao, ở những tác phẩm được viết sau năm 1986 của Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, và của các tác giả viết gần đây như Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Tạ Duy Anh,… được cho rằng có sử dụng kết hợp cả các yếu tố thi pháp hiện đại lẫn hậu hiện đại và mang hơi hướng của một kiểu cảm quan khác trước, cảm quan gần với thời hậu hiện đại hơn. Nhưng, như đã trình bày ở trên, cho đến bây giờ, sự khẳng định về việc sử dụng thi pháp hậu hiện đại
  • 40. 32 còn gây nhiều tranh cãi, gần đây nhất, cho nên các bài phê bình, nghiên cứu thường có hướng đi tìm những dấu ấn, dấu hiệu của “hệ hình thi pháp” hậu hiện đại, cảm quan hậu hiện đại trong các tác phẩm hơn là nghiên cứu một cách bài bản và hệ thống với sự khẳng định chắc chắn như với các tác phẩm không chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại. Chưa xuất hiện thật đậm nét đồng nghĩa với việc chủ nghĩa hậu hiện đại được thể hiện trong văn học qua sự kết hợp với các yếu tố nội sinh khác, đáng chú ý nhất là với yếu tố văn hóa dân gian mà đặc sắc hơn cả có lẽ là trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. 1.2. Vị trí của yếu tố văn hóa dân gian trong bối cảnh hiện đại - hậu hiện đại ở Việt Nam 1.2.1. Khái quát về yếu tố văn hóa dân gian Văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng, với nhiều cách hiểu, bao quát gần như toàn bộ đời sống của con người bao gồm cả về phương diện vật chất và tinh thần. Văn hóa không tự nhiên xuất hiện mà có nguồn gốc từ sự sáng tạo của chính con người, giúp phân biệt loài người với động vật. Nhìn một cách khái quát, văn hóa là sản phẩm của quá trình con người ứng xử với thế giới (gồm cả với tự nhiên và xã hội). Thuật ngữ văn hóa, xuất hiện rất sớm trong đời sống xã hội ở cả phương Đông và phương Tây. Ở phương Đông, người ta tìm thấy từ này được dùng rất sớm trong Chu Dịch ở quẻ Bi.Trong đó hai từ văn và hóa được dùng trong câu “xem dáng vẻ con người, lấy đó mà giáo huấn thiên hạ” (Quan hồ nhân văn dĩ hóa thành thiên hạ). Trong Cơ sở văn hóa Việt Nam, nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng cho rằng, từ văn hóa được Lưu Hướng (77 – 6 Tr.CN) sử dụng lần đầu với nghĩa như một phương thức giáo hóa con người. Còn ở phương Tây, từ tương ứng với văn hóa (tiếng Anh và Pháp là culture, tiếng
  • 41. 33 Đức là kultur) có nguồn gố từ các dạng của động từ Latin colere là colo, colui, cultus với hai nghĩa: giữ gìn, chăm sóc, tạo dựng trong trồng trọt; và cầu cúng. Người La Mã đã sử dụng thuật ngữ này (cultura) từ thế kỉ thứ III Tr. CN với nghĩa “văn chương”, “nhân văn”. Ở Việt Nam, văn hóa cũng được dùng không đi ra ngoài các ý nghĩa thường gặp. Nghĩa hẹp thì chỉ kiến thức, học vấn, lối sống, nghĩa rộng chỉ toàn bộ những khía cạnh của đời sống con người. Được con người tạo ra, mà không chỉ là sản phẩm của riêng dân tộc nào, văn hóa do đó được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, đến nay số định nghĩa này đã lên đến vài trăm (năm 1952, A.Kroeber và C.KLuckholn thống kê được 164). Bởi vậy đưa ra một định nghĩa toàn vẹn cho khái niệm này là điều khó có thể thực hiện. Dưới đây, do giới hạn của luận văn, chúng tôi sẽ chỉ khảo sát một số định nghĩa tiêu biểu. Theo Từ điển trực tuyến Wikipedia, nhà nhân loại học người Anh Edward Burnett Tylor (1832 - 1917) được xem là người đưa ra định nghĩa đầu tiên với cách tiếp cận có tính chất bước ngoặt trong ngành nhân học hiện đại. Ông cho rằng văn hóa hay văn minh hiểu theo nghĩa rộng là “một tổng thể phức hợp gồm kiến thức, đức tin, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục, và bất cứ những khả năng, tập quán nào mà con người thu nhận được với tư cách là thành viên của xã hội”. Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Quốc Vượng quan niệm: “Văn hóa…là cái tự nhiên được biến đổi bởi con người […] để từ đố hình thành một lối sống, một thế ứng xử, một thái độ tổng quát của con người đối với vũ trụ,, thiên nhiên và xã hội, là cái vai trò của con người trong vũ trụ đó, với hệ thống những chuẩn mực, những giá trị, những biểu tượng, những quan
  • 42. 34 niệm…tạo nên phong cách diễn tả tri thức và nghệ thuật của con người” [100, tr.35 - 36]. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc đưa ra một định nghĩa tương đối khái quát khi xem văn hóa là “ tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay một nhóm người […]. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và tín ngưỡng […] ” [29, tr. 11] Sự phong phú trong cách hiểu về văn hóa bổ sung cho nội hàm khái niệm ngày càng đa dạng các nét nghĩa. Và để khái quát lại những vấn đề chính trong khái niệm văn hóa, chúng tôi dẫn lại quan niệm của nhà nghiên cứu Chu Xuân Diên với các nét nghĩa cơ bản sau: (1) Văn hóa là một hoạt động sáng tạo chỉ riêng con người mới có (2) Hoạt động sáng tạo đó bao trùm lên mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống con người: đời sống vật chất, đời sống xã hội, đời sống tinh thần. (3) Thành tựu của những hoạt động sáng tạo ấy là các giá trị văn hóa; các giá trị văn hóa được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng con đường giáo dục (4) Văn hóa mỗi cộng đồng người có những đặc tính riêng hình thành trong lịch sử, phân biệt cộng đồng người này với cộng đồng người khác Trong nền xã hội loài người nói chung và của mỗi dân tộc nói riêng, văn hóa dân gian đóng vai trò như một dạng “mẫu gốc” của nền văn hóa đó. Nó không chỉ xuất hiện sớm nhất trong lịch sử tồn tại của dân tộc mà còn có ảnh hưởng sâu rộng và bền vững đồng thời trở thành “chìa khóa” giúp khám phá những giá trị được xem như những hằng số của nền văn hóa mỗi dân tộc.
  • 43. 35 Còn thuật ngữ dân gian được hiểu là trong vùng (gian) dân. Như vậy, văn hóa dân gian là văn hóa phát sinh từ đời sống của nhân dân, bao gồm nhiều thành tố có liên quan mật thiết đến mọi mặt đời sống như văn học dân gian, nghệ thuật dân gian, tín ngưỡng và lễ nghi dân gian, ngôn ngữ, truyền thống phong tục, tập quán dân gian…. Trong nghiên cứu văn hóa dân gian, các nhà nghiên cứu trên thế giới sử dụng thuật ngữ folklore (có nguồn gốc tiếng Anh, nghĩa là trí tuệ nhân dân). Các nhà nghiên cứu folklore Liên Xô, bên cạnh ý kiến tương tự các học giả phương Tây, còn có ý kiến cho rằng folklore nghiêng về văn học nghệ thuật hơn. Còn ở Việt Nam nội dung khái niệm văn hóa dân gian được hiểu tương đối thống nhất, theo nghĩa hẹp thì là “văn học dân gian”, “văn nghệ dân gian”, rộng hơn là “văn hóa dân gian bao gồm không chỉ riêng nghệ thuật dân gian mà cả truyền thống dân gian” [29, tr. 19]. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam như Đinh Gia Khánh, Ngô Đức Thịnh gần như có chung cách tiếp cận khái niệm này từ góc độ thẩm mĩ. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Phạm Huy Thông, Trần Quốc Vượng, Chu Xuân Diên lại có cách hiểu rộng hơn, khi cho rằng folklore (văn hóa dân gian) bao gồm tất cả các thành tố không giới hạn trong các sáng tạo tinh thần, cũng không bị hạn chế bởi không – thời gian và dân tộc (tất nhiên là những dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam). Khảo sát qua các quan niệm có thể thấy tuy rộng hẹp khác nhau nhưng quan điểm cho rằng văn hóa dân gian bao gồm nhiều thành tố đặc trưng về vật chất và tinh thần hợp lí hơn cả. Bởi thực chất văn hóa dân gian biểu hiện ở hầu hết các phương diện đời sống, và là đối tượng nghiên cứu mà nhiều ngành khoa học cùng hướng tới.
  • 44. 36 Do đặc điểm riêng của đề tài, việc tìm hiểu yếu tố văn hóa dân gian trong luận văn được giới hạn ở phạm vi những giá trị tinh thần. Trên cơ sở đối chiếu việc sử dụng những thành tố dân gian như ngôn ngữ, tín ngưỡng, văn học qua các thời kỳ để tìm ra sự khác biệt giữa yếu tố văn hóa dân gian của thời hiện đại - hậu hiện đại trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp. 1.2.2. Yếu tố văn hóa dân gian giữa thời hiện đại, hậu hiện đại Văn hóa và văn học có mối quan hệ đặc biệt gần gũi. Trước đây, dưới góc nhìn triết học, văn hóa và văn học thường được nhìn trong mối quan hệ đồng đẳng trong thượng tầng kiến trúc. Nhưng sự phát triển của ngành nghiên cứu văn hóa những thập kỉ gần đây đã đem đến một cái nhìn mới cho mối quan hệ này, theo đó, văn học có xu hướng được xem như một hệ thống thuộc phạm trù văn hóa, chịu sự chi phối của văn hóa. Sự chi phối này ảnh hưởng gần như toàn diện lên quá trình tạo tác trong văn học, nó tác động lên việc sáng tác thông qua tác giả và thể hiện ra bằng “thành phẩm” là tác phẩm văn học. Bởi mỗi nhà văn đều là sản phẩm của một nền văn hóa, do vậy việc văn hóa tác động lên sự sáng tạo của người viết là “một đặc điểm có tính quy luật” [29, tr. 21]. Như thế, việc chú trọng xem xét yếu tố văn hóa trong quá trình văn học chính là cách để thấu hiểu văn học một cách toàn diện, sâu sắc trong sự gắn bó với thời đại mà nó sinh thành. Sự ảnh hưởng của văn hóa dân gian lên văn học viết tuy là quy luật chung của các nền văn học nhưng do đặc điểm có tính truyền thống của mỗi nền văn hóa mà quá trình đó diễn ra với những đặc thù riêng, gắn với điều kiện của quốc gia. Đó là mối quan hệ không đơn giản, có tính bền vững cao, với khả năng tác động và ảnh hưởng qua lại khá rõ nét. Và văn học Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật này của văn chương nhân loại. Mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết trong văn học Việt Nam thể hiện trước
  • 45. 37 tiên ở chỗ, từ lâu, văn hóa dân gian chính là một nguồn cảm hứng vô tận cho văn học viết. Bởi vậy, những quan niệm về tín ngưỡng, tư tưởng là một trong những yếu tố thường tìm thấy trong các tác phẩm văn học viết. Bên cạnh đó, văn hóa dân gian, mà cụ thể là văn nghệ dân gian, còn cung cấp chất liệu cho văn học viết. Đây là nguyên nhân vì sao, những yếu tố thuộc về thi pháp dân gian được học tập, vận dụng đa dạng, phong phú trong văn học viết của nhiều thế hệ. Cùng một yếu tố nhưng mỗi nhà văn lại có cách dùng khác nhau, tạo nên nét đặc sắc riêng cho mình đồng thời chứng minh giá trị lâu bền của yếu tố thuộc về văn hóa dân gian. Các yếu tố ngôn ngữ dân gian (ca dao, tục ngữ, thành ngữ…) được thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều dùng trong sự quấn quyện hài hòa với ngôn ngữ bác học trang trọng và các điển cổ hàm súc, thâm thúy. Cũng những yếu tố ngôn ngữ dân gian, hơn một thế kỉ sau, khi vào thơ Nguyễn Bính lại có bóng dáng của một kiểu “quê – nửa phố” khi kết hợp với những yếu tố cách tân hiện đại của thời thơ Mới. Tương tự như thế, lời ăn tiếng nói hàng ngày khi vào thơ Nguyễn Trãi thì dung dị, gần gũi; lúc xuất hiện trong thơ Hồ Xuân Hương thì pha chút gì dữ dội, chao chát; vào thơ Tố Hữu lại bình dị, ngọt ngào; trong văn Kim Lân thì quê kiểng, chất phác…. Như vậy, sự tiếp thu và cả tiếp nối những giá trị văn hóa dân gian đối với văn học viết không tồn tại như những hiện tượng nhỏ lẻ mà nằm sâu trong nền văn học dân tộc như một truyền thống, như một nguồn mạch với sức sống bền bỉ được duy trì qua việc “truyền lửa” của nhiều thế hệ nhà văn từ cổ chí kim. Mà Nguyễn Huy Thiệp, có thể nói, chính là một trong những “truyền nhân” xuất sắc của truyền thống này. Như đã trình bày ở trên, mối quan hệ văn hóa dân gian và văn học viết là mối quan hệ hai chiều. Không chỉ văn học viết chịu ảnh hưởng của văn hóa dân gian mà ngược lại, văn hóa dân gian cũng ít nhiều bị chi phối bởi văn học
  • 46. 38 viết. Và mặc dù văn học chỉ được xem là một thành tố trong văn hóa nhưng lại là một thành tố năng động, có sức hoạt động và ảnh hưởng sâu rộng, do được tạo ra bởi sáng tạo chủ quan của nhà văn và do sử dụng ngôn từ, văn học có khả năng truyền tải thông tin rộng lớn trong cộng đồng. Bởi vậy, văn học viết trước hết giúp lưu giữ những giá trị truyền thống của văn hóa dân gian. Sau đó, nói như nhà nghiên cứu Trần Đình Sử trong bài Vai trò sáng tạo của văn hóa thì văn học còn “sáng tạo những mô hình nhân cách”, “điều chỉnh”,“lựa chọn” và “sáng tạo” văn hóa. Thật vậy, văn học viết không những tiếp thu tinh hoa của văn hóa dân gian mà còn nỗ lực mô hình hóa những nhân cách có tính tiêu biểu, những mô hình này, theo sự lưu truyền của văn học viết trong dân gian, đã được nhân dân dân gian hóa thành nét văn hóa đại chúng. Ví dụ tiêu biểu nhất chính là Nguyễn Du với Truyện Kiều. Một mặt, văn hóa văn học dân gian thấm đượm trong những trang viết của Nguyễn Du, đạt đỉnh cao về nghệ thuật trong thơ ông (thể lục bát, ngôn ngữ dân gian). Mặt khác Truyện Kiều của Nguyễn Du lại được lưu truyền rộng rãi trong dân gian, trở thành nét văn hóa, phong tục của người dân Việt như tục bói Kiều, lẩy Kiều, tập Kiều. Tương tự như vậy, các truyện Nôm khuyết danh phần lớn cũng là sáng tác của giới trí thức được dân gian hóa, hay về sau, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu cũng được yêu chuộng rộng rãi. Ngoài việc được dân gian hóa, văn học viết còn ảnh hưởng đến yếu tố dân gian khi “khoác” lên mình yếu tố văn hóa dân gian tinh thần của thời đại. Đó là nguyên nhân vì sao yếu tố dân gian thời trung đại không giống thời hiện đại. Đây không đơn thuần chỉ là việc sử dụng các yếu tố văn hóa dân gian như những thủ pháp nghệ thuật mà còn cung cấp một cái nhìn mới ở một góc độ khác với yếu tố văn hóa dân gian. Tuy việc này không phải là điều gì mới trong quá trình sáng tác văn học nhưng đối với yếu tố văn hóa dân gian, đó lại