SlideShare a Scribd company logo
1 of 83
Download to read offline
Bài 1: MỌI SỰ BẮT ĐẦU VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI
Câu gốc: “Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới
đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị,
hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền, đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng
nên cả. ” CoCl 1:16
I. CUỘC TÌM KIẾM MUÔN ĐỜI
1. Tầm quan trọng của mục đích cuộc đời: Mục đích của cuộc đời quan
trọng hơn cả sự thành đạt, sự bình an trong tâm trí, hơn cả hạnh phúc.
2. Cuộc tìm kiếm: Hàng ngàn năm qua, cuộc tìm kiếm mục đích của cuộc
sống đã làm rối trí con người trên đất.
II. BA LÝ DO LÀM BẠN BỐI RỐI
1. Chọn sai khởi điểm: Con người bối rối vì chọn sai khởi điểm. Con người
bắt đầu với chính mình: Tôi muốn trở nên như thế nào? Tôi phải làm gì cho
đời mình?
. Giop G 12:10 tuyên bố: “Trong tay Ngài cầm hồn của mọi vật sống và hơi
thở của cả loài người”. Tập chú vào chính bản thân mình, con người không
bao giờ có thể khám phá mục đích của đời mình ! Con người không tự tạo ra
chính mình, nên không thể tự khám phá lý do mình được tạo dựng.
2. Đảo lộn bản chất: Nhiều người cố dùng Chúa để hiện thực hóa bản thân,
nhưng như thế là đảo lộn bản chất. Con người không thể dùng Đức Chúa
Trời cho mục đích cá nhân của mình, vì con người do Đức Chúa Trời tạo
dựng, chứ không phải ngược lại.
3. Tự nỗ lực: Nhiều người khuyên chúng ta hãy tự nỗ lực. Họ nêu ra các
bước có thể tiên đoán trước nhằm tìm kiếm mục đích của cuộc đời như: Hãy
xem xét các ước mơ - Hãy làm rõ các giá trị - Hãy đặt ra vài mục tiêu - Hãy
xem bạn giỏi ở lãnh vực nào - Hãy kỷ luật để đạt mục tiêu - Đừng bao giờ
đầu hàng...
. Những điều nầy có thể dẫn đến thành công lớn. Tuy nhiên, thành công và
làm trọn mục đích cuộc đời không phải lúc nào cũng giống nhau: Chúng ta
có thể thành công vang dội theo tiêu chuẩn thế gian, nhưng vẫn đánh mất
những mục đích mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng chúng ta.
. Hãy tập trung vào đúng điều Đức Chúa Trời muốn bạn trở thành !
II. LÀM SAO KHÁM PHÁ MỤC ĐÍCH CUỘC ĐỜI ?
1. Suy đoán: Đây là điều hầu hết mọi người đều chọn để cố gắng khám phá
mục đích cuộc đời. Họ phỏng đoán, ước tính, đưa ra những giả thuyết...
a. Giới hạn của triết học: Triết học là một bộ môn quan trọng và hữu ích,
nhưng khi bàn đến vấn đề mục đích của cuộc sống, thì ngay cả những triết
gia khôn ngoan nhất cũng chỉ có thể suy đoán mà thôi !
b. Khảo cứu của tiến sĩ Hugh Moorhead: Phỏng vấn 250 triết gia, khoa học
gia, nhà văn và nhà tư tưởng nổi tiếng nhất thế giới về “ý nghĩa của cuộc
sống”, ông nhận được những lời phỏng đoán cùng với lời thừa nhận là họ
không biết, và phần lớn đã yêu cầu ông cho họ biết ông đã khám phá mục
đích của cuộc sống chưa !
2. Mặc khải: Cách tốt nhất để khám phá mục đích của một phát minh là đến
hỏi người sáng chế ra nó. Để khám phá mục đích của cuộc sống con người,
chúng ta có thể hỏi Đức Chúa Trời, Đấng sáng tạo chúng ta.
a. Qua Kinh Thánh: Chúng ta có thể đến với những điều Đức Chúa Trời bày
tỏ về sự sống trong Kinh Thánh là Lời của Ngài.
b. Năm mục đích: Qua Kinh Thánh, Đức Chúa Trời đã bày tỏ rõ ràng năm
mục đích cho cuộc đời chúng ta. Kinh Thánh giải thích lý do tại sao chúng ta
sống, cuộc sống phải như thế nào, phải tránh điều gì và phải mong đợi điều
gì trong tương lai...
III. BA Ý TƯỞNG CẦN NHỚ
1. Nền tảng căn bản: Đức Chúa Trời không chỉ là khởi điểm mà còn là cội
nguồn của cuộc đời chúng ta. Vì thế, để khám phá mục đích cuộc đời, chúng
ta phải tìm đến Lời Ngài, chứ không phải sự khôn ngoan đời nầy.
2. Ba ý tưởng căn bản: Eph Ep 1:11 nêu ra ba ý tưởng trong việc tìm kiếm
mục đích của cuộc đời:
a. Mối tương giao với Đức Chúa Jesus: Chúng ta chỉ có thể khám phá mục
đích cuộc đời thông qua mối tương giao với Đức Chúa Jesus.
b. Đức Chúa Trời có mục đích cho chúng ta: Mục đích cho cuộc đời chúng
ta đã được Đức Chúa Trời suy nghĩ và hoạch định từ rất lâu trước khi chúng
ta hiện hữu. Chúng ta có thể chọn nghề, chọn người bạn đời,... nhưng không
thể lựa chọn mục đích cho mình !
c. Mục đích hoàn vũ: Mục đích cuộc đời chúng ta phù hợp với một mục đích
hoàn vũ lớn hơn mà Đức Chúa Trời đã vạch ra cho cõi đời đời.
. Không có Đức Chúa Trời, cuộc sống sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả !
Bài 2: KHÔNG PHẢI NGẪU NHIÊN
Câu gốc: “Đức Giê-hô-va, là Đấng đã làm nên ngươi, đã gây nên ngươi từ
trong lòng mẹ, và sẽ giúp đỡ ngươi. ” EsIs 44:2a
I. ĐỨC CHÚA TRỜI HOẠCH ĐỊNH
1. Không phải tình cờ: Việc chúng ta sinh ra đời không phải là một nhầm
lẫn, rủi ro hay may mắn.
2. Đức Chúa Trời hoạch định: Cha mẹ bạn có thể đã không tính trước sự ra
đời của bạn, nhưng Đức Chúa Trời đã hoạch định và trông đợi điều đó.
. Đức Chúa Trời đã vẽ nên từng chi tiết nhỏ trên cuộc đời chúng ta, từ chủng
tộc, màu da, màu tóc đến những tài năng bẩm sinh hay những nét đặc trưng
của cá tính...
II. ĐỨC CHÚA TRỜI QUYẾT ĐỊNH
1. Quyết định thời gian: Đức Chúa Trời quyết định khi nào chúng ta sẽ ra
đời và sẽ sống bao lâu trên đất (Thi Tv 139:16).
2. Quyết định nơi chốn: Đức Chúa Trời quyết định chúng ta sẽ sinh ra ở đâu
và sống ở đâu theo mục đích của Ngài. Như thế, chủng tộc hay quốc tịch của
chúng ta cũng không phải là điều tình cờ.
3. Quyết định phương cách: Ngài cũng quyết định chúng ta sẽ được sinh ra
như thế nào, cha mẹ chúng ta là ai. Dù có những người cha, người mẹ không
hợp pháp, nhưng không hề có những đứa con không hợp pháp.
III. LÝ DO
1. Đức Chúa Trời là tình yêu: Kinh Thánh không nói Đức Chúa Trời có tình
yêu nhưng nói Đức Chúa Trời chính là tình yêu. Tình yêu là bản chất của
Đức Chúa Trời. Tình yêu Ngài đã trọn vẹn trong mối quan hệ Ba Ngôi,
nghĩa là Ngài không cần tạo dựng con người.
2. Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu: Tuy nhiên, Ngài đã tạo dựng chúng ta để
bày tỏ tình yêu Ngài cho chúng ta.
a. Tình yêu sửa soạn thế giới: Ngài đã nghĩ đến chúng ta trước khi dựng nên
thế giới và đây là lý do vì sao Ngài dựng nên thế giới thật chính xác để làm
nơi ở cho chúng ta (EsIs 45:18).
b. Tình yêu tái sanh chúng ta: Ngài đã dùng Lời chân thật sanh chúng ta, hầu
cho chúng ta trở nên trái đầu mùa của những vật Ngài dựng nên.
. Ngài xem chúng ta là tâm điểm của tình yêu Ngài (1:4). Chúng ta chỉ có thể
khám phá mục đích khi xem Chúa là trọng tâm của cuộc đời.
Bài 3: ĐƯỢC TẠO DỰNG CHO CÕI ĐỜI ĐỜI
Câu gốc: “Phàm vật Đức Chúa Trời đã làm nên đều là tốt lành trong thì nó.
Lại, Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người; dầu vậy, công việc
Đức Chúa Trời làm từ ban đầu đến cuối cùng, người không thế hiểu được. ”
TrGv 3:11
I. ĐỜI NẦY KHÔNG PHẢI LÀ TẤT CẢ
1. Thời gian ngắn ngủi: Địa cầu chỉ là hậu trường, là sự nếm thử cuộc đời
trong cõi đời đời. Dù cho một trăm năm cũng chỉ là một ngoặc đơn nhỏ bé
so với cõi đời đời.
2. Khát khao cõi đời đời: Bản năng bẩm sinh con người luôn hướng đến sự
bất diệt, vì con người được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời để sống
trong cõi đời đời. Ngài đặt khao khát đó trong chúng ta.
3. Thân thể tạm thời: Thân thể trần tục chỉ là sự hiện diện tạm thời của tâm
linh, và được gọi là “nhà tạm”( IICo 2Cr 5:1).
II. CHUẨN BỊ CHO CÕI ĐỜI ĐỜI
1. Hai sự lựa chọn: Cuộc đời trên đất có nhiều lựa chọn, nhưng cõi đời đời
chỉ có hai lựa chọn: Thiên đàng hay địa ngục !
2. Hai loại người: Nếu trông cậy Chúa Jesus, chúng ta sẽ sống với Chúa
Jesus đời đời. Nhưng kẻ khước từ tình yêu Ngài sẽ mãi mãi xa cách Ngài.
Như thế, có hai loại người: Những người nói với Chúa “ý Cha được nên” và
những người Chúa phải nói rằng “Hãy cứ làm theo ý ngươi”!
III. SỐNG TRONG ÁNH SÁNG CÕI ĐỜI ĐỜI
1. Những giá trị sẽ thay đổi: Khi sống trong ánh sáng cõi đời đời trong mối
tương giao gần gũi với Chúa, những giá trị sẽ thay đổi (Phi Pl 3:7). Chúng ta
sẽ sử dụng tiền của và thì giờ khôn ngoan hơn.
2. Thứ tự ưu tiên sẽ thay đổi: Những thứ tự ưu tiên sẽ được sắp đặt lại.
Chúng ta sẽ chú ý đến các mối quan hệ và nhân cách hơn là danh tiếng, sự
giàu có, sự thành đạt hay những trào lưu...
3. Khải tượng về cõi đời đời: Khải tượng về cõi đời đời sẽ khiến chúng ta
tận dụng trọn cuộc sống để chuẩn bị cho cõi đời đời. Nhưng cõi đời đời như
thế nào con người không thể hiểu nỗi (ICo1Cr 2:9), nếu không có sự mặc
khải của Đức Chúa Trời trong Lời Ngài.
4. Sự nhắc nhở: Thời điểm mà con người nghĩ về cõi đời đời là trong các
đám tang. Hãy sống mỗi ngày như là ngày cuối cùng của cuộc đời !
Bài 4: ĐIỀU GÌ LÈO LÁI CUỘC ĐỜI?
Câu gốc: “Ta cũng thấy mọi công lao và mọi nghề khéo là điều gây cho
người nầy kẻ khác ganh ghét nhau. Điều đó cũng là sự hư không, theo luồng
gió thổi. ” TrGv 4:4
Lèo lái là “hướng dẫn, điều khiển hoặc định hướng”. Có hàng trăm hoàn
cảnh, giá trị và những tình cảm có thể lèo lái cuộc đời con người.
I. NĂM ĐỘNG CƠ PHỔ BIẾN NHẤT
1. Mặc cảm tội lỗi: Nhiều người bị lèo lái bởi mặc cảm tội lỗi.
a. Mô tả: Họ sống cả đời loanh quanh những nuối tiếc hoặc cố gắng che đậy
sự xấu hổ của mình. Họ để ký ức, quá khứ điều khiển mình.
b. Kết quả: Họ tự trừng phạt mình cách vô thức khi ngầm phá hỏng thành
công của chính mình, khiến họ lang thang trong cuộc sống vô mục đích.
c. Giải quyết: Chúng ta là sản phẩm của quá khứ, nhưng không cần phải làm
tù nhân cho nó. Hãy xin Đức Chúa Trời Quyền năng ban cho chúng ta
những khởi đầu mới (Thi Tv 32:1) bởi sự tha thứ và biến đổi.
2. Lòng oán giận: Nhiều người bị lèo lái bởi lòng oán giận người khác.
a. Mô tả: Họ cứ bám lấy những đau khổ của mình với lòng oán giận.
b. Kết quả: Điều nầy khiến họ hoặc trở nên câm lặng khi đè nén cơn giận,
hoặc nổi điên lên và tuôn đổ cơn giận trên nhiều người. Nó chỉ khiến họ đau
đớn nhiều hơn người mà họ oán giận !
c. Giải quyết: Chúng ta không thể thay đổi quá khứ nhưng có thể rút ra
những bài học từ quá khứ rồi hãy bỏ đi. Đừng để nó làm khổ mình !
3. Sự sợ hãi: Nhiều người bị lèo lái bởi sự sợ hãi.
a. Mô tả: Sự sợ hãi có thể đến từ một kinh nghiệm đau buồn, những mong
ước phi thực tế, hoặc sống trong một gia đình khắt khe...
b. Kết quả: Họ sẽ bỏ lỡ những cơ hội lớn vì sợ thất bại, và thường cố gắng
duy trì nguyên trạng, không dám mạo hiểm... Sợ hãi là nhà tù khiến họ
không thể trở thành mẫu người Chúa muốn.
c. Giải quyết: Hãy chống lại nó bằng đức tin và tình yêu (IGi1Ga 4:18).
4. Chủ nghĩa vật chất: Nhiều người bị lèo lái bởi khao khát vật chất.
a. Mô tả: Họ luôn muốn có nhiều hơn vì nghĩ rằng họ sẽ được hạnh phúc
hơn, quan trọng hơn và an toàn hơn !
b. Giải quyết: Hãy nhớ giá trị con người không quyết định bằng của cải, rằng
chỉ có mối tương giao với Đức Chúa Trời mới giải quyết tất cả.
5. Nhu cầu được chấp nhận: Nhiều người muốn được người khác chấp nhận.
a. Mô tả: Họ cố gắng tìm sự chấp nhận nơi cha mẹ, vợ, chồng, con cái, bạn
bè, tập thể, xã hội... cố gắng làm vừa lòng mọi người !
b. Kết quả: Chạy theo đám đông, họ bị lạc mất trong đám đông và một trong
những chìa khóa của thất bại là cố gắng làm đẹp lòng mọi người. Họ sẽ đánh
mất những mục đích của Chúa cho đời mình (Mat Mt 6:24).
c. Giải quyết: Hãy khám phá và thực hiện mục đích Chúa cho chúng ta.
Không có gì quan trọng hơn là nhận biết mục đích của Chúa cho mình !
II. NHỮNG ÍCH LỢI CỦA ĐỜI SỐNG THEO ĐÚNG MỤC ĐÍCH
1. Khiến cuộc đời có ý nghĩa: Không có Đức Chúa Trời, cuộc sống không có
mục đích, và không có mục đích thì cuộc sống thật vô nghĩa (EsIs 49:4,
Giop G 7:16). Thảm kịch lớn nhất không phải là chết, mà là sống không có
mục đích. Hy vọng bắt nguồn từ một mục đích và hy vọng thật sự chỉ có
trong Đức Chúa Trời (Gie Gr 29:11, Eph Ep 3:20).
2. Khiến cuộc sống đơn giản hơn: Nó xác định điều phải làm và điều không
cần làm. Nó đánh giá tầm quan trọng của các công việc: Chúng ta không thể
làm hết mọi điều người khác muốn, nhưng có đủ thời gian để làm theo ý
muốn của Đức Chúa Trời. Nó sẽ dẫn đến bình an trong tâm trí.
3. Giúp tập trung cuộc đời: Nó sẽ giúp chúng ta tập trung nỗ lực và sức lực
vào những điều quan trọng, không bị xao lãng bởi những việc thứ yếu như
kẻ dại (5:17). Đời sống tập trung là đời sống hiệu quả nhất (Phi Pl 3:13-15)
và đừng lầm lẫn giữa hoạt động và hiệu năng.
4. Thúc đẩy cuộc đời: Mục đích luôn tạo nên nhiệt huyết. Chúng ta thường
kiệt sức và mất đi niềm vui vì những việc thứ yếu chứ không phải vì có quá
nhiều việc quan trọng. Niềm vui thật của cuộc sống đến từ sự hết lòng vì
mục đích chúng ta đã xác định cho mình.
5. Chuẩn bị cho cõi đời đời: Nhiều người cố gắng để lại một di sản trên trần
gian. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là những gì người khác nói về
cuộc đời chúng ta, bèn là những gì Đức Chúa Trời nói !
. Những thành tựu rồi sẽ qua đi, những kỷ lục sẽ bị phá, danh tiếng sẽ phai
mờ và những cống hiến rồi sẽ bị quên lãng...
. Chúng ta có mặt trên trần gian không phải để người ta ghi nhớ mình mà là
để chuẩn bị cho cõi đời đời (RoRm 14:10. IICo 2Cr 5:10). Có lẽ khi gặp
Chúa, Ngài sẽ hỏi chúng ta hai câu hỏi quan trọng: “Con đã có mối tương
giao thế nào với Con Ta?” và “Con đã làm gì với điều Ta ban cho con?”.
Bài 5: NHÌN CUỘC ĐỜI TỪ QUAN ĐIỂM ĐỨC CHÚA TRỜI
Câu gốc: “Vì, sự sống của anh em là chi? Chẳng qua như hơi nước, hiện ra
một lát rồi lại tan ngay. Anh em phải nói trái lại: Ví bằng Chúa muốn, và ta
còn sống, thì ta sẽ làm việc nọ việc kia. ” Gia Gc 4:14-15
I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÁCH NHÌN CUỘC ĐỜI
1. Những cách nhìn cuộc đời: Nhiều người xem cuộc đời là một rạp xiếc,
một bãi mìn, một tàu lượn cao tốc, một câu đố, một bản giao hưởng, một
hành trình, một vòng quay ngựa gỗ, một canh bạc, một cuộc đua...
2. Ảnh hưởng: Cách nhìn cuộc đời sẽ định hình cuộc đời, quyết định số
phận, tác động đến cách đầu tư thì giờ, tiền của, tài năng, xác định những ưu
tiên, những mục tiêu của chúng ta...
. Nếu cuộc đời là một bữa tiệc thì mục tiêu sẽ là vui chơi thỏa thích !
. Nếu cuộc đời là cuộc đua marathon thì sự chịu đựng sẽ được đề cao...
3. Ba quan niệm của Kinh Thánh về cuộc đời: Kinh Thánh nêu ra ba quan
niệm về cách Đức Chúa Trời nhìn cuộc sống con người: Cuộc sống là một
thử thách, một sự tín nhiệm, và một sự tạm bợ.
II. CUỘC SỐNG LÀ MỘT THỬ THÁCH
1. Đức Chúa Trời thử thách: Kinh Thánh cho thấy Đức Chúa Trời liên tục
thử thách nhân cách, đức tin, sự vâng phục, tình yêu, sự liêm chính và sự
trung thành của con người. Từ “thử thách” xuất hiện hơn 200 lần.
2. Phước hạnh của sự thử thách: Nhân cách vừa được phát triển, vừa được
thể hiện qua thử thách. Đức Chúa Trời luôn xem xét cách chúng ta đối diện
thử thách để chuẩn bị chúng ta vào chỗ cao hơn (IISu 2Sb 32:31).
. Nhận biết cuộc đời là một thử thách, chúng ta sẽ nhận ra rằng không có
điều gì là vô nghĩa trong cuộc đời, mà là cơ hội để phát triển nhân cách.
3. Đức Chúa Trời muốn chúng ta đắc thắng: Đức Chúa Trời muốn và cũng
dự liệu cho chúng ta sự đắc thắng, vượt qua những thử thách trong cuộc
sống. Bên cạnh sự thất bại của Ađam - Êva, của Cain, Samsôn, Đavít...,
chúng ta vẫn có thể thấy sự đắc thắng của Giôsép, Rutơ, Êxơtê, Đaniên...
. Đức Chúa Trời không bao giờ đưa chúng ta vào sự thử thách quá sức, vì
Ngài đã dự liệu con đường giải thoát (ICo1Cr 10:13), cũng như ban ân điển
dư dật hơn những thử thách mà chúng ta phải đối diện.
. Khi chúng ta vượt qua thử thách, Đức Chúa Trời có kế hoạch để ban
thưởng cho chúng ta trong cõi đời đời (Gia Gc 1:12).
III. CUỘC SỐNG LÀ MỘT SỰ TÍN NHIỆM
1. Người quản lý của Đức Chúa Trời: Thời gian, sức lực, sự khôn ngoan, các
cơ hội, các mối quan hệ cùng các tài nguyên đều là những món quà mà Đức
Chúa Trời đã tin cậy phó thác cho chúng ta quản lý.
. Như thế, Đức Chúa Trời là Chủ của mọi người và mọi vật trên trần gian
nầy. Chúng ta chỉ là người quản lý của bất cứ điều gì Đức Chúa Trời ban
cho chúng ta (Thi Tv 24:1).
. Chúng ta không hề thực sự sở hữu bất cứ điều gì trên trần gian nầy vì mọi
sự là của Đức Chúa Trời. Ngài chỉ cho chúng ta mượn khi chúng ta còn sống
trên đất.
2. Công việc người quản lý: Công việc đầu tiên Đức Chúa Trời giao phó cho
con người là quản trị và chăm lo mọi tài sản của Đức Chúa Trời trên đất.
Ngài đã tin cậy và giao phó những công trình sáng tạo của Ngài cho họ và
chỉ định họ làm người quản lý tài sản của Ngài.
. Ngày nay, công việc nầy vẫn còn hiện hữu và đó là một phần trong mục
đích của chúng ta. Chúng ta cần lưu ý hai điều:
a. Chúng ta không được quyền khoe khoang vì mọi điều chúng ta có đều bởi
sự ban cho của Đức Chúa Trời để chúng ta làm chức vụ quản lý tài sản của
Ngài (ICo1Cr 4:7).
b. Chúng ta phải hết sức cẩn thận khi sử dụng mọi điều Chúa tín nhiệm giao
phó vì chính Chúa đang là Đấng sở hữu, và đặc tính của người quản lý phải
là trung thành (4:2).
3. Sự thẩm định: Đến cuối cuộc đời, chúng ta sẽ được Chúa thẩm định và
ban thưởng hay quở trách tùy theo cách chúng ta quản lý những gì Đức
Chúa Trời tín nhiệm giao phó cho chúng ta. Chúa Jesus minh họa chân lý
nầy bằng câu chuyện các ta lâng (Mat Mt 25:14-29). Trong đó Ngài xác định
ba phần thưởng:
a. Được Chúa xác nhận: Ngài xác nhận chúng ta là đầy tớ ngay lành, trung
tín của Ngài và xác nhận công việc chúng ta là tốt lắm !
b. Được Chúa đề bạt: Ngài sẽ ban cho chúng ta được lãnh trách nhiệm lớn
hơn trong cõi đời đời, vì phần thưởng của người phục vụ Chúa là được phục
vụ Chúa nhiều hơn.
c. Được Chúa đề cao: Chúa mời gọi chúng ta vào chung hưởng niềm vui của
Chúa chúng ta.
. Như thế, có một mối liên hệ chặt chẽ giữa cách sử dụng tiền của và chất
lượng đời sống tâm linh và càng nhận nhiều thì trách nhiệm càng cao.
IV. CUỘC SỐNG CHỈ LÀ TẠM BỢ
1. Hai sự thật cần nhớ: Để tận dụng tối đa cuộc sống, cần nhớ hai điều:
a. Cuộc sống cực kỳ ngắn ngủi khi so với cõi đời đời: Nó được xem như cái
bóng (Giop G 8:9), làn sương, hơi nước (Gia Gc 4:14) mỏng manh (Thi Tv
39:4)...
b. Trần gian chỉ là nơi cư trú tạm thời: Chúng ta chỉ là khách lạ trên đất
(119:19), kẻ ở trọ đời nầy (IPhi 1Pr 1:17).
2. Lời khuyên và cảnh cáo: Chúng ta cần phải:
a. Nhìn cuộc sống giống như Chúa Jesus nhìn: Cần nhận biết bản chất, giá trị
và mục đích của nó để tận dụng nó cho cõi đời đời.
b. Nhìn cuộc sống khác hơn kẻ vô tín nhìn: Dù phải sống ở thế gian, sinh
hoạt với người thế gian, nhưng chúng ta phải khác họ (Phi Pl 3:19-20).
. Làm bạn với thế gian là tà dâm thuộc linh, là thù nghịch với Đức Chúa Trời
(Gia Gc 4:4).
. Làm bạn với thế gian là phản bội: Chúng ta là những đại sứ của Đức Chúa
Trời trong một thế giới thù địch. Chúng ta phải sống giữa thế gian, nhưng
không được quyền yêu mến nó (IGi1Ga 2:15) để rồi thỏa hiệp với nó mà
phản bội với Vua và Vương quốc của chúng ta (IICo 2Cr 5:20).
3. Quê hương thật: Chúng ta cần nhận thức rõ ràng và dứt khoát:
a. Trần gian không phải là quê hương của chúng ta: Điều nầy được thấy rõ
qua sự kiện chúng ta phải gặp nhiều khó khăn, đau buồn và sự ruồng bỏ
trong thế gian (GiGa 16:20, 33; 15:18-19).
. Để giữ chúng ta khỏi gắn bó với thế gian, Đức Chúa Trời cho phép chúng
ta cảm nhận khá nhiều bất mãn và không thỏa lòng trong cuộc sống. Chúng
ta sẽ không bao giờ được thỏa lòng trọn vẹn trên trần gian vì chúng ta được
tạo dựng không chỉ cho trần gian mà thôi.
. Vì thế, đừng tập chú vào những vương miện tạm thời (IPhi 1Pr 2:11).
b. Thiên đàng mới là quê hương thật của chúng ta: Nguồn gốc của chúng ta
ở trong cõi đời đời và Thiên đàng mới là quê hương thật của chúng ta. Vì
thế, chúng ta không còn lo lắng làm sao có đủ mọi thứ trên trần gian, làm
sao thành đạt về vật chất như người thế gian.
. Đó là lý do vì sao những anh hùng đức tin sẵn sàng chết trong tù, bị chém
đầu cùng đủ mọi hình thức tuận đạo khác: Họ ham mến một quê hương tốt
hơn (HeDt 11:13-16).
. Đó là lý do họ không so bì với vinh quang và sự thạnh vượng của người thế
gian: Họ sẽ nhận được điều muôn phần cao quý hơn khi họ “về nhà”.
Bài 6: NGUYÊN NHÂN CỦA MỌI SỰ
Câu gốc: “Vì muôn vật đều là từ Ngài, bởi Ngài, và hướng về Ngài. Vinh
hiển cho Ngài đời đời vô cùng! A-men. ” RoRm 11:36
I. MỤC ĐÍCH CỦA VŨ TRỤ
1. Mục đích: Mục đích cuối cùng của vũ trụ là để bày tỏ vinh hiển của Đức
Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã tạo dựng mọi sự vì sự vinh hiển của Ngài.
2. Ý nghĩa: Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời là chính Đức Chúa Trời: Đó là
ý nghĩa bản chất của Ngài, tầm quan trọng của Ngài, sự huy hoàng của Ngài,
quyền năng và sự hiện diện của Ngài.
. Mọi sự Đức Chúa Trời tạo nên đều phản ánh sự vinh hiển của Ngài theo
một cách nào đó, từ sự sống vi sinh đến giãi Ngân hà vĩ đại... Qua thiên
nhiên, chúng ta biết được Đức Chúa Trời là Đấng Toàn năng. Ngài thích sự
đa dạng, vẻ đẹp, có tổ chức, khôn ngoan và sáng tạo (Thi Tv 19:1).
II. SỰ VINH HIỂN ĐỨC CHÚA TRỜI ĐƯỢC BÀY TỎ
1. Liên tục bày tỏ: Xuyên suốt lịch sử, Đức Chúa Trời đã bày tỏ sự vinh hiển
của Ngài cho con người bằng nhiều cách. Đầu tiên tại vườn Êđen, sau đó
qua đền tạm và đền thờ, qua Chúa Jesus và bây giờ là qua Hội Thánh.
. Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời được mô tả như một ngọn lửa hay thiêu
đốt, một đám mây, sấm chớp và ánh sáng chói lòa (KhKh 21:23).
2. Cao điểm: Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời được bày tỏ rõ ràng nhất
trong Đức Chúa Jesus: Ngài là Anh sáng của thế gian, bày tỏ bản chất của
Đức Chúa Trời.
. Nhờ Chúa Jesus, chúng ta không còn ở trong bóng tối của tội lỗi và của sự
thiếu hiểu biết Đức Chúa Trời (HeDt 1:3, IICo 2Cr 4:6, GiGa 1:14).
III. THÁI ĐỘ CẦN CÓ
1. Thái độ: Chúng ta phải nhìn nhận, tôn cao, công bố, ngợi khen, bày tỏ và
sống vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.
2. Lý do: Chúng ta phải làm những điều đó vì Đức Chúa Trời xứng đáng
được như thế. Chúng ta mắc nợ Ngài về điều đó, vì đó là mục đích chúng ta
được Ngài tạo dựng.
3. Lời cảnh báo: Chỉ có hai tạo vật không chịu dâng vinh hiển cho Đức Chúa
Trời. Đó là ma quỷ và con người ! Đây là tội lỗi lớn hơn hết ! Mặt khác,
sống vì vinh hiển Đức Chúa Trời là thành công lớn nhất (EsIs 43:7).
Bài 7: LÀM SAO ĐỂ DÂNG VINH HIỂN CHO CHÚA?
Câu gốc: “Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho
làm. ” GiGa 17:4
I. BÍ QUYẾT
1. Gương Chúa Jesus: Chúa Jesus đã khẳng định “đồ ăn”của Ngài là làm
theo và làm trọn ý muốn Cha, và Ngài đã kết thúc cuộc đời bằng câu nói lịch
sử: “Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm. ”
Ngài tôn vinh Cha bằng cách làm trọn mục đích của Ngài trên đất.
2. Áp dụng: Khi tạo vật nào làm thành mục đích của mình, tạo vật ấy dâng
vinh hiển cho Đức Chúa Trời.
. Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên bạn để là chính bạn, chứ không phải một ai
khác hay một tạo vật nào khác. Hãy khám phá mục đích của Đức Chúa Trời
cho chính cá nhân bạn và hoàn tất để làm vinh hiển Ngài.
II. NĂM MỤC ĐÍCH ĐỨC CHÚA TRỜI CHO BẠN
1. Thờ phượng Đức Chúa Trời: Chúng ta dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa
Trời bằng cách thờ phượng Ngài.
a. Thế nào là thờ phượng Đức Chúa Trời? Thờ phượng Chúa không chỉ là
ngợi khen Chúa và cầu nguyện. Thờ phượng Chúa đích thật là sống tận
hưởng Ngài, yêu mến ngài và dâng hiến chính mình để sử dụng cho những
mục đích của Ngài (RoRm 12:1. 6:13).
b. Động cơ của sự thờ phượng Chúa: Sự thờ phượng Chúa phải xuất phát từ
tình yêu, lòng biết ơn và sự vui mừng, chứ không phải một nhiệm vụ. Sự thờ
phượng Chúa thật sẽ đưa chúng ta vào sự thỏa lòng nhất trong Ngài.
2. Yêu thương người khác: Chúng ta dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời
bằng cách yêu thương người khác:
a. Lý do: Chúng ta đã được tái sanh để thuộc về gia đình của Đức Chúa Trời
nên phải biết yêu thương gia đình của mình. Tình yêu anh em là bằng cớ
chứng tỏ chúng ta đã “vượt khỏi sự chết, qua sự sống”( IGi1Ga 3:14).
b. Kết quả: Khi chúng ta yêu thương nhau, mọi người sẽ nhận biết chúng ta
là môn đồ của Chúa Jesus và Đức Chúa Trời được vinh hiển (RoRm 15:7).
3. Trở nên giống Đấng Christ: Chúng ta dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa
Trời bằng cách trở nên giống như Đấng Christ qua trưởng thành thuộc linh,
nghĩa là giống Đấng Christ trong suy nghĩ, cảm nhận và hành động. Càng có
nhân cách giống Chúa, chúng ta càng dâng vinh hiển cho Ngài.
. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta một bản chất mới và một cuộc đời mới.
Ngài sẽ tiếp tục tiến trình biến đổi nhân cách chúng ta để đem lại nhiều kết
quả, làm vinh hiển Danh Cha trên trời (Mat Mt 5:16).
4. Phục vụ người khác: Chúng ta dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời bằng
cách phục vụ người khác. Chúng ta cần lưu ý:
a. Năng lực khác nhau: Mỗi người được Chúa “dệt” nên rất khác nhau với
những tài năng, ân tứ, kỹ năng và năng lực khác nhau.
b. Chức vụ quản gia: Tuy nhiên chúng ta chỉ là những quản gia, không được
sử dụng năng lực Chúa ban với mục đích vị kỷ, mà phải sử dụng để phục vụ
lẫn nhau, làm vinh hiển Đức Chúa Trời (IPhi 1Pr 4:10-11).
5. Nói cho người khác về Chúa: Chúng ta dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa
Trời bằng cách nói cho người khác về Chúa:
a. Lẽ thật phải được công bố: Lẽ thật về tình yêu Đức Chúa Trời và những
mục đích của Ngài cho con người cần phải được bày tỏ cho mọi người.
b. Một đặc quyền lớn: Đây không phải là một gánh nặng, nhưng là một đặc
quyền lớn giới thiệu Chúa Jesus cho người khác, giúp họ khám phá mục
đích của họ và chuẩn bị họ cho cõi đời đời (IICo 2Cr 4:15).
III. BẠN SẼ SỐNG VÌ ĐIỀU GÌ?
1. Phải có sự thay đổi: Muốn sống vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời, chúng ta
phải có nhiều thay đổi trong các ưu tiên, lịch làm việc, các mối quan hệ...
2. Ngã ba đường: Nhiều khi phải lựa chọn con đường khó: Dâng vinh hiển
cho Đức Chúa Trời hay chọn cuộc đời an nhàn, khoái lạc của ý riêng?
. Hãy nhớ đến phần thưởng đời đời và chính Chúa sẽ ban năng lực khi chúng
ta quyết định lựa chọn sống cho Ngài (IIPhi 2Pr 1:3. GiGa 12:27-28).
3. Sống chứ không phải hiện hữu: Chúa đang mời gọi chúng ta sống vì sự
vinh hiển Ngài, hoàn thành mục đích cuộc đời, chứ không phải đơn thuần
chỉ là hiện hữu trên đất.
4. Hai điều cần làm trước tiên: 1:12 kêu gọi mọi người trên trần gian phải
trước tiên thực hiện hai điều:
a. Trước hết, hãy tin: Hãy tin rằng Đức Chúa Trời yêu thương bạn và tạo
dựng bạn vì những mục đích tốt lành của Ngài. Bạn không phải là một sự
tình cờ, nhưng đã được tạo dựng cho cõi đời đời. Hãy tin rằng Chúa đã chọn
lựa bạn để tương giao với Chúa Jesus, Đấng đã chết thay cho bạn.
b. Thứ hai, hãy tiếp nhận: Hãy tiếp nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa, làm Chủ
đời sống bạn. Hãy tiếp nhận sự tha thứ và Đức Thánh Linh, Đấng ban năng
lực để bạn có thể làm trọn mục đích của Ngài cho bạn.
Bài 8: THỜ PHƯỢNG ĐỨC CHÚA TRỜI
Câu gốc: “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh hiển,
tôn quí và quyền lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý muốn
Chúa mà muôn vật mới có và đã được dựng nên. ” KhKh 4:11
I. NIỀM VUI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
1. Khi tạo dựng chúng ta: Chính Chúa nắn, dệt nên chúng ta và Ngài vui
mừng đón chào sự ra đời của chúng ta.
. Ngài không cần phải tạo dựng chúng ta nhưng Ngài đã lựa chọn tạo ra
chúng ta vì sự vui thích của Ngài.
. Vì thế, chúng ta hiện hữu là vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời, vì mục đích và
niềm vui của Ngài, để làm con của Ngài (Eph Ep 1:4-5).
. Đức Chúa Trời đã yêu quý chúng ta, ban cho chúng ta một giá trị, một tầm
quan trọng đối với Ngài, khiến chúng ta thấy cuộc đời thật ý nghĩa. Hãy nhớ
rằng Đức Chúa Trời muốn chúng ta tận hưởng cuộc sống chứ không phải
chịu đựng nó.
2. Khi chúng ta thờ phượng Ngài: Đức Chúa Trời đẹp lòng người thờ
phượng Ngài và tin cậy nơi tình yêu của Ngài (Thi Tv 147:11).
. Các nhà nhân loại học lưu ý rằng sự thờ phượng là một sự thúc giục phổ
quát đã được Đức Chúa Trời đan kết vào bản thể chúng ta, tự nhiên cũng
như nhu cầu ăn uống và thở vậy.
. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời chỉ ưa thích và đẹp lòng những người thờ
phượng Ngài với cả tâm thần và lẽ thật (GiGa 4:23).
II. THẾ NÀO LÀ THỜ PHƯỢNG ĐỨC CHÚA TRỜI?
1. Không phải chỉ là âm nhạc: Thờ phượng không đồng nghĩa với âm nhạc,
vì thật ra thờ phượng có trước âm nhạc: Ađam đã thờ phượng Chúa tại Êđen
trước khi có Giubanh (SaSt 4:21).
. Thờ phượng hoàn toàn độc lập với phong cách, âm lượng, nhịp độ của bài
hát hay các nhạc cụ.
. Không hề có cái gọi là âm nhạc Cơ Đốc vì chỉ chính lời hát mới khiến bài
hát trở thành Thánh ca, chứ không phải giai điệu “thuộc linh”!
. Có nhiều loại nhạc và nhiều khi âm nhạc của dân tộc nầy là tiếng động chói
tai đối với dân tộc khác, nhưng Đức Chúa Trời thích sự đa dạng của âm nhạc
được dâng lên Ngài với tất cả tâm linh và lẽ thật.
2. Không phải vì lợi ích của bạn: Chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời vì cớ
chính Ngài chứ không phải vì lợi ích của chúng ta, dù thật ra, chúng ta rất
được phước khi thờ phượng Đức Chúa Trời với tất cả tâm linh và lẽ thật.
. Động cơ của sự thờ phượng thật là dâng vinh hiển và sự vui thỏa lên cho
Đấng Sáng tạo mình, chứ không phải tìm kiếm vinh hiển cho mình hay làm
thỏa lòng chính mình.
. Chúa quở trách sự thờ phượng giả hình, nghi thức với những lời trống rỗng
đầy vẻ sùng kính mà lòng đang cách xa Chúa (EsIs 29:13).
3. Không phải là một phần cuộc sống bạn: Thờ phượng Chúa không phải chỉ
là những điều được thực hiện tại nhà thờ với sự phân biệt hai phần đạo và
đời trong cuộc sống.
4. Nhưng là chính cuộc đời bạn: Chúng ta phải thờ phượng Chúa luôn luôn
(Thi Tv 105:4) vì thân thể chúng ta luôn là đền thờ của Đức Chúa Trời
(ICo1Cr 3:16) và cả cuộc đời là sự thờ phượng Chúa.
. Chúng ta phải thờ phượng Chúa trong mọi nơi, mọi lúc, từ nơi “mặt trời
mọc đến nơi mặt trời lặn” (Thi Tv 113:3. 34:1).
. Chúng ta có thể thờ phượng Chúa bằng bất cứ một sinh hoạt bình thường
nào của đời sống. Điều nầy sẽ đem lại niềm vui trong cuộc sống.
III. BÍ QUYẾT
1. Làm mọi sự vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời: Mỗi việc làm đều có thể biến
thành một hành động thờ phượng khi chúng ta làm để ngợi khen, tôn vinh và
dâng sự vui thỏa lên cho Đức Chúa Trời (ICo1Cr 10:31).
2. Làm mọi sự như làm cho Chúa: Phao Lô dạy hễ làm việc gì hãy hết lòng
mà làm, như làm cho Chúa, chứ không phải làm cho người ta (CoCl 3:23).
Đây là bí quyết để có một lối sống thờ phượng Chúa, khiến những việc làm
khó chịu, nhàm chán sẽ trở nên niềm vui, đem lại phước hạnh cho cả người
phục vụ lẫn người được phục vụ...
3. Làm trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời: Mọi công việc bình thường sẽ
trở nên sự thờ phượng Chúa khi nó được dâng lên cho Chúa và thực hiện với
sự nhận thức sâu sắc về sự hiện diện của Ngài.
. Như một người đang yêu lúc nào cũng nghĩ đến người mình yêu, chúng ta
cần luôn nghĩ đến Chúa Jesus trong mọi sinh hoạt thường nhật của cuộc đời.
Nhận thức sự hiện diện của Chúa Jesus sẽ khiến chúng ta thận trọng trong
việc làm, thêm sức mạnh để tiến tới và phát triển tình yêu chúng ta đối với
Chúa càng sâu đậm hơn.
Bài 9: ĐIỀU KHIẾN ĐỨC CHÚA TRỜI VUI LÒNG
Câu gốc: “Cầu xin Đức Giê-hô-va ban phước cho ngươi và phù hộ ngươi!
Cầu xin Đức Giê-hô-va chiếu sáng mặt Ngài trên ngươi, và làm ơn cho
ngươi! Cầu xin Đức Giê-hô-va đoái xem ngươi và ban bình an cho ngươi!
Dan Ds 6:24-26
Làm vừa lòng Đức Chúa Trời là mục đích đầu tiên của cuộc đời. Vì thế phải
“xét điều chi vừa lòng Chúa” (Eph Ep 5:10). Trong thời Nô-ê, Đức Chúa
Trời đã tìm được một người làm vui lòng Ngài khiến nhân loại vẫn còn tồn
tại. Chúng ta sẽ học về năm hành động thờ phượng Đức Chúa Trời của Nô-ê
khiến Ngài vui lòng.
I. KHI CHÚNG TA YÊU NGÀI HƠN HẾT
1. Tương giao mật thiết với Chúa: Kinh Thánh giới thiệu Nô-ê là người
“công bình và trọn vẹn, đồng đi cùng Đức Chúa Trời”( SaSt 6:9). Đức Chúa
Trời muốn chúng ta tương giao với Ngài trong tình yêu (OsHs 6:6).
2. Nhận biết Chúa sâu sắc: Mối tương giao mật thiết sẽ đưa chúng ta vào sự
nhận biết Chúa sâu sắc để càng yêu Chúa hơn và kinh nghiệm tình yêu Chúa
ngọt ngào hơn. Đó là mục đích cuộc đời mỗi chúng ta.
3. Điều răn lớn nhất: Vì thế, Chúa Jesus đã gọi đó là điều răn lớn hơn hết khi
chúng ta “hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí yêu mến Chúa”.
II. KHI CHÚNG TA TIN CẬY CHÚA HẾT LÒNG
1. Ba nan đề Nô-ê phải đối diện: Khi nhận mạng lệnh Chúa truyền về việc
đóng tàu để cứu gia đình khỏi nước lụt, Nô-ê phải đối diện ba vấn đề:
a. Nô-ê chưa bao giờ thấy mưa, chỉ có hơi nước từ đất bay lên (SaSt 2:5).
b. Nô-ê sống cách xa bờ biển vài trăm dặm.
c. Tập hợp các súc vật để vào tàu là một nan đề quá lớn.
2. Tin cậy Đức Chúa Trời là một hành động thờ phượng: Mặc cho những lời
chỉ trích, Nô-ê vẫn cứ tin cậy Chúa, trông đợi Ngài (Thi Tv 147:11), vì biết
Chúa sẽ ban thưởng điều tốt nhất cho người tin cậy Ngài (HeDt 11:6).
III. KHI CHÚNG TA HẾT LÒNG VÂNG LỜI NGÀI
1. Làm đúng như điều Chúa dạy: Nô-ê đã vâng phục Chúa cách trọn vẹn,
chính xác, hết lòng (SaSt 6:22) trong niềm vui và nhiệt huyết (Thi Tv
100:2).
2. Phước hạnh của sự vâng phục: Vâng phục ngay lập tức dẫn đến sự hiểu
biết. Nó sẽ dạy chúng ta biết nhiều hơn về Đức Chúa Trời. Chính sự vâng
phục chứng minh đức tin thật của chúng ta nơi Chúa (Gia Gc 2:24) cũng như
tình yêu của chúng ta đối với Ngài (GiGa 14:21), khiến Ngài vui lòng.
IV. KHI CHÚNG TA NGỢI KHEN VÀ TẠ ƠN CHÚA KHÔNG THÔI
1. Ý nghĩa: Khi chúng ta ngợi khen và tạ ơn Chúa là chúng ta bày tỏ sự tôn
kính Chúa, biết ơn Ngài.
. Sau cơn nước lụt, điều đầu tiên Nô-ê thực hiện là dâng một của lễ thiêu để
tạ ơn Đức Chúa Trời. Ngày nay chúng ta có thể dâng “tế lễ” bằng lời ngợi
khen Chúa (HeDt 13:15. Thi Tv 116:17).
2. Ngợi khen tạ ơn Chúa về điều gì? Chúng ta ngợi khen Đức Chúa Trời về
chính Ngài và tạ ơn Ngài về những việc Ngài đã làm (69:30-31).
3. Hai chiều của sự thờ phượng Chúa: Chúng ta vui hưởng và tạ ơn Chúa về
những điều Ngài đã làm. Điều đó sẽ khiến Ngài vui lòng, nhưng nó cũng
làm tăng niềm vui của chúng ta nữa (68:3).
V. KHI CHÚNG TA LÀM TRỌN SỨ MẠNG CHÚA GIAO
1. Khi chúng ta làm mọi điều Chúa dạy: Đức Chúa Trời rất vui thích ngắm
từng chi tiết trong cuộc đời chúng ta. Mọi hoạt động của con người, ngoại
trừ tội lỗi, đều có thể khiến Đức Chúa Trời vui lòng nếu được thực hiện với
thái độ ngợi khen Chúa, bất kể điều đó thuộc linh hay thuộc thể.
2. Khi chúng ta tận dụng ân tứ Chúa ban: Đức Chúa Trời rất vui lòng khi
chúng ta tận dụng những ân tứ và tài năng Ngài ban trong mọi phương diện
của cuộc sống.
. Đức Chúa Trời ban cho mỗi người những ta-lâng khác nhau về sức mạnh,
khôn ngoan, tài khéo, năng khiếu âm nhạc, kỹ thuật...
. Đức Chúa Trời rất buồn khi chúng ta chôn giấu những ta-lâng Chúa ban,
hoặc cố gắng để trở thành một người khác, vì như thế là phủ nhận sự khôn
ngoan, tình yêu và quyền tể trị của Ngài khi tạo dựng chúng ta (EsIs 45:9).
3. Khi chúng ta tận hưởng sự sáng tạo của Ngài: Đức Chúa Trời ban cho
chúng ta những giác quan để tận hưởng mọi vẻ đẹp của cuộc sống trong sự
tạ ơn Ngài, vì mỗi ngày Ngài ban mọi sự dư dật cho chúng ta được hưởng
(ITi1Tm 6:17). Ngài yêu chúng ta như thể trên trái đất nầy chỉ có một mình
chúng ta !
4. Khi chúng ta hết lòng làm đẹp lòng Chúa: Đức Chúa Trời biết chúng ta
không thể toàn hảo và không phạm tội vì chúng ta chỉ là bụi đất (Thi Tv
103:14). Tuy nhiên, chúng ta phải biết làm hết sức để được đẹp lòng Chúa
(IICo 2Cr 5:9). Ngài muốn thấy thái độ của tấm lòng chúng ta.
KẾT LUẬN.
Đức Chúa Trời đang tìm những người như Nô-ê, sẵn sàng làm đẹp lòng
Ngài để Ngài ban phước và làm việc lớn của Ngài cho họ.
Bài 10: TRỌNG TÂM CỦA SỰ THỜ PHƯỢNG
Câu gốc: “Hãy phó chính mình anh em cho Đức Chúa Trời, dường như đã
chết mà nay trở nên sống, và dâng chi thể mình cho Đức Chúa Trời như là
đồ dùng về sự công bình. ” RoRm 6:13
I. TRỌNG TÂM CỦA SỰ THỜ PHƯỢNG LÀ GÌ?
1. Phó mình: Trọng tâm của sự thờ phượng Chúa là phó mình cho Ngài. Đó
chính là đáp ứng tự nhiên của chúng ta trước tình yêu và lòng nhơn từ kỳ
diệu của Đức Chúa Trời.
. Từ “phó mình” hàm ý một sự mất mát, một sự thất bại, một sự đầu hàng,
nhưng lại là bí quyết của đời sống đắc thắng, một sự thờ phượng Chúa phải
lẽ, đẹp lòng Ngài (12:1).
2. Những từ khác: Hành động phó dâng đời sống cho Chúa còn được gọi
bằng nhiều tên: Sự dâng hiến - Tôn Chúa Jesus làm Chủ - Vác thập tự giá -
Làm chết bản ngã - Đầu phục Đức Thánh Linh...
. Điều quan trọng không phải là từ ngữ mà là hành động tận hiến cho Chúa
100%.
II. PHÓ MÌNH NGHĨA LÀ GÌ?
1. Cần lưu ý : Phó mình không phải là sự trao dâng thụ động theo kiểu tiền
định, cũng không phải là chấp nhận nguyên trạng hay một sự kềm chế nhân
cách. Trái lại đây là hành động tích cực với sự tham dự của toàn bộ nhân
cách - lý trí, tình cảm, ý chí - để phát huy nhân cách thật.
2. Phó mình là vâng phục: Sự phó mình thể hiện rõ nhất trong sự vâng phục
vì không vâng phục Chúa thì không thể gọi Ngài là Chúa. Chúa đòi hỏi một
sự vâng phục tuyệt đối vì sự vâng phục nửa vời chính là sự bất tuân.
3. Phó mình là trông cậy: Phó dâng cho Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ nương
dựa nơi Ngài để Ngài toàn quyền làm việc (XuXh 14:14). Thay vì cố gắng
nhiều hơn, chúng ta cần biết trông cậy Chúa nhiều hơn (Thi Tv 37:7).
. Đối với nhiều người, lãnh vực khó khăn nhất của sự phó dâng là tiền bạc,
của cải. Vì thế Chúa Jesus đã cảnh cáo: “Chẳng ai được làm tôi hai chủ” và
“của cải ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó” (Mat Mt 6:24, 21).
. Gương phó mình cao cả nhất chính là Chúa Jesus. Ngài thưa với Cha:
“Không phải điều Con muốn mà theo điều Cha muốn” (Mac Mc 14:36),
nghĩa là điều Cha muốn cũng sẽ là điều Ngài muốn. Phó mình là một việc
khó khăn, một cuộc chiến đau đớn nhưng thật phước hạnh.
III. BÍ QUYẾT ĐỜI SỐNG PHÓ MÌNH
1. Ba rào cản: Ba rào cản ngăn trở chúng ta phó mình cho Chúa là:
a. Sự sợ hãi: Nhiều người không nhận thức được tình yêu Chúa cho mình.
b. Sự kiêu ngạo: Nhiều người chỉ muốn tự điều khiển cuộc đời của mình.
c. Sự mơ hồ: Nhiều người hiểu lầm ý nghĩa của sự phó dâng.
2. Hãy tin cậy Đức Chúa Trời: Lòng tin là điều cần yếu, là kết quả của sự
biết Chúa để yêu Ngài và tình yêu sẽ xua tan mọi sợ hãi (IGi1Ga 4:18).
a. Hãy biết Chúa yêu chúng ta dường nào: Ngài đã tạo dựng nên chúng ta,
quan tâm chăm sóc chúng ta (Mat Mt 10:30), hy sinh vì chúng ta (RoRm
5:8), tha thứ, kiên nhẫn với chúng ta và cứ yêu chúng ta cho đến cuối cùng...
b. Hãy biết rõ ý nghĩa sự phó mình: Chúa không phải là người cai nô lệ khắt
khe mà là Cha, Cứu Chúa, Bạn, và là Người yêu dấu của chúng ta. Sự phó
mình cho Chúa mới đưa chúng ta vào sự tự do thật (GiGa 8:36).
3. Hãy thừa nhận giới hạn của mình: Nguyên nhân của mọi nỗi bất hạnh là
vì con người muốn tự làm chủ, muốn “bằng Đức Chúa Trời” (SaSt 3:5). Hãy
chấp nhận những giới hạn của mình. Đừng cố gắng làm mọi sự để rồi bực
mình khi thất bại hay đố kỵ với người thành công hơn, mà hãy phó mình cho
Chúa để Ngài làm được mọi sự qua chúng ta (Phi Pl 4:13).
IV. PHƯỚC HẠNH CỦA ĐỜI SỐNG PHÓ MÌNH
1. Được bình an: Giop G 22:21 cho biết khi chúng ta thôi tranh cãi với Đức
Chúa Trời, nghĩa là khi bằng lòng đầu hàng, phó thác mọi sự trong Tay Đức
Chúa Trời, chúng ta sẽ kinh nghiệm sự bình an thật.
2. Được tự do thật: RoRm 6:17 cho biết khi dâng phó chính mình cho đường
lối Đức Chúa Trời thì tự do thật sẽ đến, những mạng lệnh của Chúa sẽ khiến
chúng ta sống trong sự tự do của Ngài.
3. Kinh nghiệm quyền năng của Đức Chúa Trời: Khi dâng phó chính mình
cho Chúa, chúng ta sẽ kinh nghiệm quyền năng của Đức Chúa Trời. Những
cám dỗ, nan đề... sẽ được giải quyết.
. Đây là một nghịch lý: Chiến thắng đến nhờ sự đầu hàng. Nhưng đó là kinh
nghiệm của Môise, Giôsuê... khi họ xưng mình là nô lệ của Chúa.
4. Cách sống duy nhất: Nếu không thờ phượng Đức Chúa Trời, con người sẽ
phải tôn thờ một điều gì hoặc một ai đó và sẽ nhận lấy hậu quả của quyết
định đó. Vì thế thuận phục Đức Chúa Trời không phải là cách sống tốt nhất
mà chính là cách sống duy nhất (RoRm 12:1. IICo 2Cr 5:9).
. Tuy nhiên thuận phục không phải là một việc làm một lần đủ cả, mà là một
thái độ sống mỗi ngày (ICo1Cr 15:31; LuLc 9:23).
Bài 11: LÀM NGƯỜI BẠN TỐT NHẤT CỦA CHÚA
Câu gốc: “Vì nếu khi chúng ta còn là thù nghịch cùng Đức Chúa Trời, mà đã
được hòa thuận với Ngài bởi sự chết của Con Ngài, thì huống chi nay đã hòa
thuận rồi, chúng ta sẽ nhờ sự sống của Con ấy mà được cứu là dường nào!”
RoRm 5:10
I. NGƯỜI BẠN TỐT NHẤT
1. Mối tương giao lý tưởng: Đức Chúa Trời có nhiều mối liên hệ với con
người nhưng Ngài muốn làm Người Bạn tốt nhất của mỗi chúng ta.
. Tại vườn Êđen, Đức Chúa Trời thiết lập mối tương giao lý tưởng với con
người: Mối tương giao mật thiết của tình yêu đơn sơ, không bị ngăn trở bởi
sự sợ hãi và mặc cảm tội lỗi, nhưng đầy niềm vui trong Ngài.
2. Thời Cựu Ước: Tội lỗi đã đánh mất mối tương giao lý tưởng. Vì thế, dù
có một số ít người được hưởng đặc ân làm bạn với Đức Chúa Trời, nhưng sự
kính sợ Đức Chúa Trời là điều phổ biến hơn.
3. Thời Tân Ước: Bức màn trong đền thờ đã bị xé đôi bày tỏ con người lại
có thể trực tiếp đến với Ba Ngôi Đức Chúa Trời bất cứ lúc nào (RoRm
5:11), nhờ ân điển và sự hy sinh của Chúa Jesus (HeDt 10:19; RoRm 5:18).
4. Đặc ân lớn nhất: Biết và yêu Chúa là đặc quyền lớn nhất của mỗi chúng ta
và đó cũng chính là niềm vui của Đức Chúa Trời.
. Chúa Jesus không gọi chúng ta là đầy tớ, nhưng là bạn hữu Ngài vì Ngài
sẵn sàng bày tỏ cho chúng ta mọi điều Ngài nghe nơi Cha (GiGa 15:15).
Thật ra, Đức Chúa Trời khao khát chúng ta biết rõ Ngài (Cong Cv 17:26-
27).
5. Sáu điều bí mật về tình bạn với Đức Chúa Trời: Muốn kết bạn thiết với
Đức Chúa Trời, chúng ta cần phải: Tương giao không ngừng với Ngài - Suy
gẫm không ngừng về Ngài và Lời Ngài - Thành thật với Ngài - Vâng phục
Ngài bởi đức tin - Coi trọng điều Ngài coi trọng - Khao khát Chúa nhiều
hơn.
II. TRỞ THÀNH NGƯỜI BẠN TỐT NHẤT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
1. Thông qua sự tương giao không ngừng: Không thể tương giao mật thiết
với Chúa nếu chúng ta chỉ đi nhà thờ hoặc ngay cả có thì giờ tĩnh nguyện
hằng ngày !
a. Giờ tĩnh nguyện vẫn chưa đủ: Thói quen tĩnh nguyện với Chúa, ở riêng
với Chúa là điều quan trọng vì Chúa Jesus đã làm gương cho chúng ta. Tuy
nhiên Ngài muốn hiện diện trong từng công việc, nan đề,... thậm chí trong
từng ý tưởng của chúng ta trong sự “cầu nguyện không thôi”.
b. Thực hành sự hiện diện của Đức Chúa Trời: Brother Lawrence viết:
. Hãy biến những công việc thông thường và nhỏ nhặt nhất thành những
công việc ngợi khen và tương giao với Đức Chúa Trời.
. Chìa khóa dẫn đến tình bạn với Đức Chúa Trời không phải là thay đổi công
việc bạn làm, nhưng là thay đổi thái độ của bạn đối với công việc.
. Hãy tập cầu nguyện những câu ngắn như nói chuyện với Chúa suốt cả ngày
thay vì cố gắng cầu nguyện thật dài dòng và phức tạp.
. Để có thể cầu nguyện không thôi, hãy dùng lời cầu nguyện “hơi thở” bằng
những câu nói ngắn, câu Kinh Thánh ngắn...
c. Luyện tập thói quen sống trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời: Phải bảo
đảm rằng động cơ cầu nguyện là tôn vinh Đức Chúa Trời chứ không phải
điều khiển Ngài.
. Có thể chúng ta cần phải có điều gì để nhắc nhở mình về sự hiện diện của
Chúa: Một câu ghi chú, một tiếng nhạc chuông mỗi 15 phút...
. Đừng tìm kiếm cảm xúc mà hãy nhận thức liên tục về sự thực Đức Chúa
Trời đang hiện hữu.
2. Thông qua sự suy gẫm không ngừng: Kinh Thánh luôn thúc giục chúng ta
suy gẫm về việc Đức Chúa Trời là Ai? Ngài đã làm gì? Ngài đã phán gì?
. Không thể kết bạn với Chúa Jesus, yêu mến Ngài nếu không biết Ngài.
Không thể biết Chúa nếu không biết Lời Ngài phán (ISa1Sm 3:21).
. Chúng ta không thể dùng cả ngày để học Kinh Thánh, nhưng chúng ta có
thể suy gẫm Lời Chúa suốt cả ngày, nhớ lại những câu chúng ta đã biết, đã
học thuộc...
. Suy gẫm không phải là một nghi thức huyền bí, khó khăn, mà đơn giản chỉ
là suy nghĩ có tập trung.
. Lo lắng là suy nghĩ có tập trung vào nan đề, còn suy gẫm là suy nghĩ có tập
trung vào Lời Chúa. Càng suy gẫm Lời Chúa nhiều bao nhiêu, chúng ta sẽ
bớt lo lắng bấy nhiêu.
. Phải biết đánh giá cao Lời Chúa trong đời sống: Đức Chúa Trời xem Gióp
và Đavít là những người bạn thiết của Ngài vì họ xem Lời Ngài giá trị hơn
mọi sự (Giop G 23:12. Thi Tv 119:97, 77:12).
. Kết quả của tình bạn chân thật là chia sẻ các bí mật: Khi chúng ta phát triển
thói quen suy gẫm Lời Chúa suốt ngày, Chúa sẽ chia sẻ những bí mật của
Ngài cho chúng ta (SaSt 18:17. Thi Tv 103:7a). Hãy tập ôn nhớ những lẽ
thật trong khi học Kinh Thánh, nghe giảng... và suy gẫm luôn, chúng ta sẽ
hiểu được những bí mật mà nhiều người chưa hề biết.
Bài 12: LÀM NGƯỜI BẠN TỐT NHẤT CỦA CHÚA (tt)
Câu gốc: “Vì Đức Giê-hô-va gớm ghiếc kẻ gian tà; Nhưng kết tình bậu bạn
cùng người ngay thẳng. ” ChCn 3:32
Tình bạn với Đức Chúa Trời cần được tích cực phát triển. Điều nầy đòi hỏi
lòng khao khát, thời gian và sức lực của chúng ta.
3. Phải thành thật với Đức Chúa Trời: Viên gạch đầu tiên để xây dựng tình
bạn sâu sắc hơn với Đức Chúa Trời chính là sự thành thật.
a. Thành thật trọn vẹn: Nếu sự toàn hảo là điều kiện để làm bạn với Đức
Chúa Trời thì không ai có thể làm bạn với Ngài. Vì thế, Chúa không đòi hỏi
sự toàn hảo mà đòi hỏi chúng ta thành thật hoàn toàn về những lỗi lầm và
những cảm nhận của chúng ta, vì Ngài là “Bạn của những kẻ thâu thuế và kẻ
có tội” (Mat Mt 11:9).
b. Gương thành thật: Trong Kinh Thánh, những người bạn của Đức Chúa
Trời rất chân thật về cảm nhận của họ và Chúa cho phép họ như thế:
. Ápraham chất vấn Chúa về việc tiêu diệt Sôđôm, Gômôrơ (SaSt 18:1-33).
. Đavít phàn nàn về những sự bất công, phản bội, bị bỏ rơi...
. Gióp bày tỏ sự khốn khổ trong hoạn nạn mình phải đối diện...
. Môise lưu ý Đức Chúa Trời về trách nhiệm của Ngài (XuXh 33:12-17).
c. Cởi mở nhưng không cay đắng: Tình bạn chân thật được xây dựng trên sự
cởi mở chân tình. Đức Chúa Trời chán ngấy những lời sáo rỗng, rập khuôn,
có thể đoán trước... Ngài muốn chúng ta chia sẻ cảm xúc thật của mình chứ
không phải những gì mình nghĩ là phải nói.
. Tuy nhiên, sự cay đắng là rào cản lớn nhất của tình bạn với Đức Chúa Trời.
Chúng ta có thể thắc mắc, nhưng hãy nhận thức rằng Đức Chúa Trời luôn
luôn hành động vì lợi ích của chúng ta, dù nhiều khi khiến chúng ta phải đau
đớn (RoRm 8:28).
d. Cẩm nang thờ phượng: Có thể nói Thi Thiên là cẩm nang của sự thờ
phượng Đức Chúa Trời, với nhiều lời nói tích cực, đam mê lẫn với những sợ
hãi, bối rối, thắc mắc, được kết thúc bằng lời cảm tạ, ngợi khen Chúa.
4. Phải vâng phục Đức Chúa Trời bởi đức tin:
a. Vâng phục là đặc tính của tình bạn: Chúa Jesus phán: “Ví thử các ngươi
làm theo điều Ta dạy, thì các ngươi là bạn hữu Ta” (GiGa 15:14).
b. Lý do: Dù là bạn của Đức Chúa Trời nhưng chúng ta không ngang hàng
với Ngài. Ngài là người lãnh đạo yêu thương của chúng ta. Hơn nữa, khi
vâng phục Chúa, chúng ta bày tỏ sự tin cậy nơi sự khôn ngoan của Ngài.
c. Động cơ: Chúng ta vâng phục Chúa không vì nghĩa vụ, áp lực hay sợ hãi
hình phạt, nhưng vì yêu Ngài, biết ơn Ngài và tin rằng Ngài yêu chúng ta,
biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta, khiến chúng ta vui mừng (GiGa 15:9-
11).
d. Khuôn mẫu: Khuôn mẫu cho tình bạn giữa chúng ta với Chúa Jesus chính
là mối tương giao giữa Ngài với Cha. Ngài vâng phục Cha vì tình yêu. Đây
là một tình bạn tích cực, khiến chúng ta dấn thân vào nếp sống thánh khiết,
yêu thương, sốt sắng chia sẻ Phúc Âm cho mọi người...
e. Những cơ hội nhỏ: Chúng ta thường khao khát làm việc lớn, nhưng Chúa
muốn chúng ta làm những việc nhỏ cho Ngài bởi tình yêu.
. Cơ hội lớn có thể hiếm hoi, nhưng những cơ hội nhỏ hằng ngày vẫn ở xung
quanh chúng ta, và Chúa muốn chúng ta vâng lời, trung tín trong những việc
nhỏ (ISa1Sm 15:22. LuLc 2:51).
5. Phải coi trọng điều Đức Chúa Trời coi trọng:
a. Thể hiện: Càng thân thiết với Chúa bao nhiêu, chúng ta lại càng quan tâm
đến những gì Ngài quan tâm, đau buồn về những gì Ngài đau buồn, và vui
mừng về những gì Ngài vui mừng.
. Phao Lô (IICo 2Cr 11:2), Đavít (Thi Tv 69:9)... là những gương tốt về điều
nầy.
b. Đức Chúa Trời coi trọng điều gì? Điều Đức Chúa Trời quan tâm nhiều
nhất là sự giải cứu con người. Ngài muốn tìm kiếm tất cả những người con
lạc mất của Ngài (Exe Ed 34:6-16).
. Điều ấn tượng nhất trong lòng Đức Chúa Trời là sự chết của Con Ngài.
. Điều ấn tượng thứ hai là khi con cái Ngài công bố sự giải cứu nhờ sự chết
của Con Ngài cho người khác. Vì thế, chúng ta phải quan tâm đến những
người xung quanh là những người Chúa rất quan tâm.
6. Phải khao khát Chúa nhiều hơn: Phải hết lòng tìm kiếm Chúa (Gie Gr
29:13).
a. Gương khao khát Chúa: Đavít khát khao trọn đời được ở trong nhà Đức
Giêhôva để chiêm ngưỡng Ngài, tương giao với Ngài (Thi Tv 27:4).
. Giacốp vật lộn với Đức Chúa Trời và tuyên bố: “Tôi chẳng cho Người đi
đâu, nếu Người không ban phước cho tôi” (SaSt 32:26).
. Phao Lô hết lòng tìm kiếm Chúa đến nỗi sẵn sàng từ bỏ mọi sự để nhận
biết Ngài, tương giao với Ngài (Phi Pl 3:8-10).
b. Một sự lựa chọn liên tục: Gần Chúa bao nhiêu là do chúng ta lựa chọn,
chứ không phải do tình cờ. Tuy nhiên, cần cẩn trọng kẻo đánh mất tình yêu
ban đầu như các tín hữu Ê-phê-sô (KhKh 2:4).
c. Nỗi đau trong đời: Nỗi đau có thể là nhiên liệu cho lòng nhiệt thành, tiếng
gọi thức tỉnh để kéo chúng ta trở lại mối tương giao với Chúa.
. Hãy khát khao cầu xin Chúa cho bạn biết Ngài hơn mọi điều khác...
Bài 13: SỰ THỜ PHƯỢNG ĐẸP LÒNG ĐỨC CHÚA TRỜI
Câu gốc: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính
mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi. ” Mac Mc 12:30
Đức Chúa Trời đòi hỏi một sự tận hiến trọn vẹn. Sự thờ phượng đẹp lòng
Đức Chúa Trời gồm có bốn đặc tính:
I. THỜ PHƯỢNG CHÚA CÁCH CHÂN THẬT
1. Thờ phượng Chúa bằng tâm thần: Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh
Đức Chúa Trời, nên có thể nói con người là một tâm linh cư ngụ trong một
thân thể. Thờ phượng Đức Chúa Trời là tâm linh chúng ta đáp lại Thánh
Linh của Đức Chúa Trời.
2. Thờ phượng Chúa hết lòng: Chúa đòi hỏi chúng ta phải hết lòng, hết linh
hồn... kính mến Chúa, nghĩa là sự thờ phượng thật phải xuất phát từ tấm
lòng, nếu không, đó là một sự sỉ nhục Đức Chúa Trời.
. Đức Chúa Trời không chỉ nghe lời chúng ta nói mà còn nhìn vào tấm lòng
của chúng ta (ISa1Sm 16:7).
. Sự thờ phượng có liên quan đến những tình cảm của chúng ta với những
cảm xúc sâu xa. Tuy nhiên, đó phải là tình cảm chân thật, vì chúng ta có thể
thờ phượng Chúa cách không hoàn hảo nhưng không thể thờ phượng Chúa
cách không chân thật.
II. THỜ PHƯỢNG CHÚA CÁCH CHÍNH XÁC
1. Tâm thần và lẽ thật: Chân thật chưa đủ vì dù chân thật, chúng ta vẫn có
thể sai lầm. Đó là lý do vì sao chúng ta phải thờ phượng Chúa bằng tâm thần
và lẽ thật: Phải vừa chân thật, vừa chính xác.
2. Nền tảng của sự thờ phượng: Sự thờ phượng thật phải đặt nền tảng trên lẽ
thật của Kinh Thánh, chứ không trên điều chúng ta suy nghĩ, khao khát để
trở thành một “thần tượng”. Sự thờ phượng Chúa mang tính chất tình cảm
sâu sắc hòa hợp với một tín lý vững vàng.
. Cần cẩn trọng với phong trào cảm xúc âm nhạc vì thờ phượng thật là tâm
linh chúng ta đáp ứng với Đức Chúa Trời chứ không phải với một giai điệu
âm nhạc, có thể kéo chúng ta ra khỏi Đức Chúa Trời !
3. Nhiều hình thức thờ phượng: Có rất nhiều hình thức thờ phượng Chúa vì
Đức Chúa Trời tạo dựng mỗi người là một cá thể khác nhau: Gần thiên
nhiên - thích cảm xúc - truyền thống - khổ hạnh - năng động - hướng ngoại -
hăng say - trầm tư - nghiên cứu... (Gary Thomas - Sacred Pathways). Hãy
thờ phượng Chúa bằng tâm thần và lẽ thật.
III. THỜ PHƯỢNG CHÚA CÓ SUY NGHĨ
1. Với cả tâm trí: Mạng lệnh “yêu Chúa với cả tâm trí” được lặp lại bốn lần
trong Tân Ước. Chúa không đẹp lòng việc hát Thánh ca theo thói quen, cầu
nguyện cách chiếu lệ, với những lời cảm thán thiếu suy nghĩ.
. Chúa Jesus gọi sự thờ phượng Chúa thiếu suy nghĩ là “những lời lặp vô
ích”. Thậm chí những khái niệm Kinh Thánh cũng có thể khiến thành sáo
rỗng khi bị lạm dụng và thiếu suy nghĩ (Alêlugia! Amen ! Thánh thay.. )
. Hãy suy nghĩ chín chắn về những gì chúng ta muốn nói với Chúa và hãy
nói bằng lời riêng của chính mình.
2. Phải cụ thể: Chúa rất vui khi chúng ta thưa với Ngài về một vài điều cụ
thể hơn là cả chục lời ngợi khen chung chung.
. Chúng ta có thể tìm hiểu các Danh xưng mà Chúa đã bày tỏ trong Kinh
Thánh, nói lên những khía cạnh khác nhau của bản tánh Ngài, để ca ngợi
Chúa bằng ngôn ngữ của chính chúng ta.
3. Phải trật tự: Phao Lô dành cả một chương để nói về chân lý “Mọi sự đều
nên làm cho phải phép và theo thứ tự” (ICo1Cr 14:40). Cần cẩn trọng về
chiêu bài “cảm động của Đức Thánh Linh” vì Ngài là Chúa của trật tự.
. Phao Lô cũng lưu ý về sự hiện diện của những người chưa tin Chúa trong
buổi nhóm. Hãy làm sao để buổi thờ phượng Chúa của chúng ta trở nên dễ
hiểu đối với họ (ICo1Cr 14:16-17).
IV. THỜ PHƯỢNG CHÚA CÁCH THỰC TIỄN
1. Dâng thân thể: Trong RoRm 12:1, Phao Lô khuyên chúng ta dâng thân thể
mình cho Chúa. Ông không bảo chỉ dâng tâm thần vì không có thân thể,
chúng ta không thể làm việc gì trên đất cả. Như thế, ông muốn nói rằng hãy
dâng cho Chúa điều chúng ta đang có với trọn vẹn lý trí, tình cảm và ý chí.
2. Của lễ sống: Của lễ Cựu ước là của lễ chết, nhưng Chúa muốn chúng ta
dâng lên Ngài một của lễ sống để liên tục sống cho Ngài (coi chừng sinh tế
sống có thể bò khỏi bàn thờ !). Chúa rất đẹp lòng khi chúng ta chân thành
dâng lên Chúa những lời tạ ơn, sự ăn năn, sự dâng hiến tiền của, sự phục vụ
và chia sẻ cho người khác về mọi nhu cầu nhất là chia sẻ Phúc Âm cho họ...
3. Của lễ có giá trị: Hãy dâng cho Chúa những của lễ có giá trị (IISa 2Sm
24:24). Phải loại bỏ bản ngã ra khỏi đối tượng thờ phượng. Hãy làm hết sức
mình để ngợi khen Chúa ngay cả khi mệt mỏi, chán nản...
. Hãy dâng chính tấm lòng để thực hiện sự thờ phượng Chúa, không chỉ là
âm nhạc ! (Matt Redman).
Bài 14: KHI CHÚA DƯỜNG NHƯ Ở XA
Câu gốc: “Tôi trông đợi Đức Giê-hô-va, là Đấng ẩn mặt Ngài khỏi nhà Gia-
cốp, tôi vẫn ngóng trông Ngài!” EsIs 8:17
I. SỰ THỜ PHƯỢNG CHÚA THẬT
1. Dễ hay khó? Thật dễ thờ phượng Đức Chúa Trời khi mọi sự trong đời
sống đều tốt đẹp. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ chịu !
2. Tâm tình phải đạt tới: Mức độ sâu sắc nhất của sự thờ phượng Chúa là
ngợi khen Chúa bất chấp những nỗi đau, tạ ơn Ngài trong mọi thử thách, tin
cậy Ngài khi gặp cám dỗ, đầu phục Ngài khi chịu khốn khó, và yêu mến
Ngài khi Ngài dường như ở quá xa !
II. NHẬN BIẾT HAY CẢM NHẬN
1. Vấn đề của cảm xúc: Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể cảm thấy
gần gũi Chúa. Có những lúc chúng ta cảm thấy Chúa dường như giấu mặt.
Người ta gọi đó là “đêm tối của linh hồn”, “chức vụ bóng đêm” hay “mùa
đông của tâm hồn”...
. Đavít là một người được xưng là “một người theo lòng Ngài” cũng thường
phàn nàn về sự vắng mặt của Đức Chúa Trời (Thi Tv 10:1, 22:1;, 43:2).
. Trước hoàn cảnh đó, nhiều người cũng bối rối, cố gắng xét mình để xưng
mọi tội lỗi vì sợ rằng mình đang bị Chúa kỷ luật, ân cần nhờ người khác cầu
thay, ngay cả kiêng ăn cầu nguyện... nhưng chẳng có gì thay đổi !
2. Câu giải đáp: Dĩ nhiên Chúa không lìa bỏ Đavít hay lìa bỏ chúng ta, vì
Ngài đã hứa chắc rằng: “Ta sẽ chẳng lìa ngươi, chẳng bỏ ngươi đâu”.
. Thông thường, cảm giác bị Đức Chúa Trời bỏ rơi lại không liên quan đến
tội lỗi mà chính là một thử nghiệm cho đức tin. Đây là một kinh nghiệm
bình thường để phát triển tình bạn của chúng ta với Chúa và mỗi Cơ Đốc
nhân đều trải qua điều nầy ít nhất một lần. Gióp đã thấy được chân lý nầy
trong Giop G 23:8-10 rằng “... Ngài đã thử rèn tôi, tôi sẽ ra như vàng”.
. Sai lầm phổ biến của Cơ Đốc nhân ngày nay là tìm kiếm một kinh nghiệm
thay vì tìm kiếm Đức Chúa Trời. Trên thực tế, Đức Chúa Trời thường cất bỏ
những cảm xúc để chúng ta không còn lệ thuộc vào chúng.
. Những con đỏ thuộc linh thường dựa vào cảm xúc và Đức Chúa Trời ban
cho họ nhiều cảm xúc cùng sự đáp lời thật ngoạn mục. Nhưng trên đường
trưởng thành, họ sẽ được “cai, dứt” những lệ thuộc nầy để chỉ tin cậy Ngài,
tin vào sự thật Đức Chúa Trời là Đấng Yêu thương, Toàn tại.
III. LÀM SAO NGỢI KHEN CHÚA KHI NGÀI “Ở XA”?
1. Hãy nói với Chúa đúng điều bạn cảm nhận: Hãy tuôn đổ lòng mình ra
trước mặt Chúa. Hãy nói hết mọi cảm xúc của chúng ta với Chúa (7:11.
29:4). Đavít đã viết: Tôi tin nên tôi nói, tôi đã bị buồn thảm lắm (Thi Tv
116:10). Đavít đã thẳng thắn bày tỏ đức tin sâu sắc:
. Trước hết ông vẫn tin cậy Đức Chúa Trời.
. Thứ hai, ông tin rằng Chúa sẽ lắng nghe lời cầu nguyện của ông.
. Thứ ba, ông tin rằng Chúa cho phép ông nói điều ông cảm nhận.
2. Hãy tập trung vào Đức Chúa Trời là Ai: Bất luận hoàn cảnh ra sao, hãy
bám lấy bản chất bất biến của Đức Chúa Trời: Ngài luôn là Đấng Tốt lành,
đầy tình yêu đối với chúng ta. Ngài luôn ở với, quan tâm, cảm thông, và có
kế hoạch tốt nhất cho cuộc đời chúng ta.
. Trong hoàn cảnh đen tối, Gióp vẫn có thể ngợi khen Chúa. Ông nói Ngài là
Đấng Tốt lành và Yêu thương (Giop G 10:12), Toàn năng (42:2), quan tâm
đến mọi chi tiết trong cuộc đời ông (23:10), là Đấng đang kiểm soát (34:13),
có kế hoạch cho cuộc đời ông (23:14), và Ngài sẽ cứu ông (19:25).
3. Hãy tin cậy Chúa luôn giữ lời hứa: Lúc khô hạn thuộc linh, cần phải:
a. Nhẫn nại nương dựa nơi lời hứa của Đức Chúa Trời (23:12), chứ không
dựa vào cảm xúc, vì tình bạn dựa vào cảm xúc thực sự rất nông cạn. Ngài
vẫn ở với chúng ta và ân điển Ngài vẫn luôn đầy dư.
b. Ý thức rằng Ngài đang đưa chúng ta vào một mức độ trưởng thành sâu sắc
hơn. Vì thế, nan đề sẽ không còn làm cho chúng ta bối rối mà trái lại sẽ trở
thành lý do cảm tạ Đức Chúa Trời.
. Khi cảm thấy bị bỏ rơi mà vẫn tiếp tục tin cậy Đức Chúa Trời, bất chấp
cảm nhận của mình, là chúng ta đang thờ phượng Ngài cách sâu sắc nhất.
. Lòng tin cậy Đức Chúa Trời khiến Gióp vẫn trung tín, ngay cả khi không
còn điều gì có ý nghĩa nữa ! Đức tin của ông thật mạnh mẽ trong cơn đau
đớn khi ông nói: Dẫu Chúa giết ta, ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài (13:15).
4. Hãy nhớ lại điều Chúa đã làm cho bạn: Nếu Chúa chưa làm điều gì khác
cho chúng ta thì Ngài vẫn xứng đáng được ngợi khen suốt quảng đời còn lại
của chúng ta vì điều Đấng Christ đã làm trên Thập tự giá.
. Thật không may là chúng ta thường quên những sự đau đớn Chúa chịu vì
cớ chúng ta. Lý do là sự quen thuộc dẫn đến xem thường !
. Hãy nhớ Chúa đã chịu sự đối đãi tàn bạo, độc ác, kinh khiếp chính vì để
chúng ta thoát khỏi hỏa ngục và được cùng chia sẻ vinh quang với Ngài.
. Hãy đếm ơn phước Chúa và ngợi khen Ngài, chúng ta sẽ thấy ơn phước
luôn luôn tuôn tràn !
Bài 15: GIA ĐÌNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Câu gốc: “Thật, Đấng mà muôn vật hướng về Ngài và bởi Ngài, vì muốn
đem nhiều con đến sự vinh hiển, thì đã khiến Đấng làm cội rễ sự cứu rỗi của
những con ấy, nhờ sự đau đớn mà nên trọn lành, là phải lắm. ” HeDt 2:10
I. GIA NHẬP GIA ĐÌNH ĐỨC CHÚA TRỜI
1. Ý muốn của Đức Chúa Trời: Đức Chúa Trời muốn có một gia đình, và
Ngài tạo dựng chúng ta để làm thành viên trong gia đình của Ngài.
a. Câu chuyện về gia đình Đức Chúa Trời: Kinh Thánh là câu chuyện về
việc Đức Chúa Trời xây dựng một gia đình gồm những người sẽ yêu thương,
tôn kính Ngài và đồng trị với Ngài đời đời (Eph Ep 1:5).
b. Lý do: Đức Chúa Trời là Tình yêu nên Ngài xem trọng các mối quan hệ
và mối quan hệ giữa Ba Ngôi Đức Chúa Trời là một mẫu mực trọn vẹn. Vì
thế Ngài không bao giờ cô đơn, Ngài không cần một gia đình. Tuy nhiên
Ngài có kế hoạch tạo dựng chúng ta để đem chúng ta vào gia đình của Ngài,
để chia sẻ với Ngài những điều Ngài có (Gia Gc 1:18).
2. Bí quyết gia nhập: Cách duy nhất để gia nhập gia đình của Đức Chúa Trời
là tái sanh: Khi chào đời, chúng ta là thành viên của gia đình loài người, và
chúng ta chỉ trở nên thành viên của gia đình Đức Chúa Trời khi chúng ta
được Ngài tái sanh (IPhi 1Pr 1:3. RoRm 8:15-16).
. Đức Chúa Trời mời gọi mọi người gia nhập gia đình của Ngài, nhưng chỉ
những người đặt đức tin nơi Chúa Jesus mới kinh nghiệm được điều đó
(GaGl 3:26).
3. Giá trị gia đình thuộc linh: Gia đình thuộc linh quan trọng hơn gia đình
thuộc thể vì sẽ còn tồn tại đời đời.
a. Gia đình thuộc thể là món quà Chúa ban nhưng rất tạm bợ và dễ tan vỡ
bởi xa cách, ly dị.. và cái chết không sao tránh khỏi.
b. Gia đình thuộc linh có giá trị đời đời. Đó là một sự hiệp nhất mạnh mẽ và
bền vững (Eph Ep 3:14-15).
II. NHỮNG ÍCH LỢI KHI THUỘC GIA ĐÌNH ĐỨC CHÚA TRỜI
1. Quà sinh nhật kỳ diệu: Giây phút được tái sanh, chúng ta nhận được một
số quà sinh nhật đáng ngạc nhiên: Được mang họ của gia đình, có những đặc
điểm của gia đình, những đặc ân trong gia đình, mối thông công mật thiết
trong gia đình, và cả di sản của gia đình nữa (GaGl 4:7).
2. Một di sản giàu có: Tân ước nhấnh mạnh đến di sản giàu có của chúng ta,
rằng Đức Chúa Trời sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của chúng ta y theo
sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển (Phi Pl 4:19). Ngay trong trần gian cũng
như trong cõi đời đời, chúng ta cũng nhận được sự giàu có của ân điển Chúa.
Di sản giàu có nầy gồm:
a. Chúng ta sẽ được ở với Đức Chúa Trời đời đời.
b. Chúng ta sẽ được Đức Chúa Trời biến đổi để trở nên giống Đấng Christ.
c. Chúng ta sẽ được Chúa giải thoát khỏi mọi đau đớn, sự chết, khốn khổ.
d. Chúng ta sẽ được ban thưởng và bổ nhiệm vào chức vụ phục vụ mới.
e. Chúng ta sẽ được dự phần vào sự vinh hiển của Đấng Christ.
3. Một di sản đời đời: Đây là cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, không suy
tàn, để dành trong các từng trời cho chúng ta (IPhi 1Pr 1:3-4). Vì thế, trong
mọi việc, chúng ta làm như làm cho Chúa để có thể nhận cơ nghiệp Chúa
ban như một phần thưởng cho người trung tín (CoCl 3:23-24).
III. LỄ BÁP-TÊM
1. Niềm tự hào gia đình: Những gia đình danh giá thường có niềm tự hào,
nhưng có bao nhiêu người tin Chúa có niềm tự hào về gia đình của Chúa?
2. Ý nghĩa lễ báp-têm: Lễ báp-têm không phải là một nghi thức tùy hứng.
Nó xác nhận sự công khai tuyên bố gia nhập gia đình của Đức Chúa Trời, và
hãnh diện về gia đình nầy.
3. Tầm quan trọng của lễ báp-têm: Trong Đại Mạng lệnh, Chúa Jesus nhấn
mạnh đến lễ báp-têm tương đương với công tác truyền giáo và chăm sóc vì
nó tượng trưng cho mục đích thứ hai: Gia nhập gia đình Đức Chúa Trời.
. Báp-têm không khiến chúng ta trở nên thành viên trong gia đình Đức Chúa
Trời vì chỉ có đức tin nơi Đấng Christ mới thực hiện điều đó. Tuy nhiên,
báp-têm là một hình ảnh thuộc thể của một lẽ thật thuộc linh, giống như
chiếc nhẫn cưới là biểu tượng của sự kết ước vợ chồng.
4. Khi nào làm báp-têm? Tân ước dạy làm báp-têm ngay sau khi một người
tin nhận Chúa Jesus (lễ Ngũ tuần, hoạn quan Êthiôpi, gia đình Cọt-nây, gia
đình người đề lao tại Philíp... ).
. Vì thế hãy làm báp-têm càng sớm càng tốt, đúng như mạng lệnh của chính
Chúa Jesus.
IV. ĐẶC ÂN LỚN NHẤT
1. Chúa nhận chúng ta vào gia đình của Ngài: Chúa Jesus không thẹn khi
nhận chúng ta là anh em (HeDt 2:11). Hãy vui thỏa trong lẽ thật nầy !
2. Lý do: Chúng ta là thành viên trong gia đình Đức Chúa Trời vì Ngài đã
thánh hóa chúng ta, khiến chúng ta làm theo ý muốn Cha (Mat Mt 12:49-
50).
Bài 16: ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT
Câu gốc: “Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình
để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho
tôi. ” ICo1Cr 13:3
I. BÀI HỌC QUAN TRỌNG NHẤT
1. Quan trọng nhất: Đức Chúa Trời là Tình yêu nên bài học quan trọng nhất
Ngài muốn chúng ta học trên trần gian nầy chính là cách yêu thương:
a. Chính trong tình yêu mà chúng ta giống Đức Chúa Trời nhất.
b. Tình yêu là nền tảng của mọi mạng lệnh Chúa truyền (GaGl 5:14).
2. Khó học nhất: Học yêu thương không vị kỷ vô cùng khó khăn vì nó đối
kháng với bản chất hướng ngã của chúng ta:
a. Chúa muốn chúng ta yêu thương mọi người, nhất là đối với anh chị em
trong gia đình của Đức Chúa Trời (IPhi 1Pr 2:17. GaGl 6:10).
b. Chúa muốn tình yêu phải là điểm đặc thù của gia đình Ngài (GiGa 13:35).
Trước khi sống yêu thương đời đời trên Thiên đàng, chúng ta phải học để
chuẩn bị chính mình cho nếp sống yêu thương đó.
c. Tình yêu không thể học trong sự cô lập: Cần có những người xung quanh
có thể làm chúng ta bực mình, bối rối, lo lắng... !!!
3. Ba lẽ thật: Thông qua mối thông công, chúng ta sẽ học được ba lẽ thật:
II. CÁCH TỐT NHẤT TẬN DỤNG CUỘC SỐNG LÀ YÊU THƯƠNG
1. Cuộc sống không tình yêu thật là vô ích:
a. Phần quan trọng nhất: Tình yêu không phải chỉ là một phần tốt mà là phần
quan trọng nhất của cuộc sống, cần “nôn nả tìm kiếm” (I. Cô 14:1;). Không
phải sự thành đạt hoặc của cải mà chính là các mối quan hệ mới là điều quan
trọng nhất.
b. Toàn bộ cuộc sống: Chúng ta thường cố nhồi nhét các mối quan hệ (thì
giờ cho vợ, con... ) vào lịch làm việc của mình, nhưng Chúa muốn chúng ta
nhận thức rằng các mối quan hệ là toàn bộ cuộc sống.
c. Mười điều răn: Mười điều răn đều hướng về các mối quan hệ: Sau khi học
yêu thương Đức Chúa Trời qua sự thờ phượng, chúng ta cần phải học yêu
thương người khác (Mat Mt 22:37-40).
d. Kẻ thù của các mối quan hệ: Sự bận rộn là kẻ thù của các mối quan hệ.
Chúng ta thường bận rộn để kiếm sống, để thành đạt..., nhưng trọng tâm của
cuộc đời chính là học biết yêu thương: Yêu Chúa và yêu người, nhất là đối
với những người thân yêu trong gia đình.
2. Tình yêu sẽ tồn tại đời đời: Tình yêu là ưu tiên hàng đầu vì tình yêu sẽ
trường tồn (ICo1Cr 13:13).
a. Tình yêu để lại một di sản: Cách đối xử với người khác, chứ không phải
sự giàu có hay thành đạt, là yếu tố ảnh hưởng lâu dài nhất mà chúng ta có
thể để lại trên trần gian nầy.
b. Tình yêu chứ không phải công việc: Điều quan trọng không phải là việc
làm mà chính là lượng tình yêu chúng ta đặt vào đó. Đừng đợi đến lúc sắp
lìa đời mới khám phá rằng các mối quan hệ mới là toàn bộ cuộc sống !
3. Chúng ta sẽ được đánh giá bằng tình yêu: Một trong những cách Đức
Chúa Trời sẽ đánh giá chúng ta là dựa vào phẩm chất các mối quan hệ. Ngài
sẽ xem xét cách chúng ta đối xử với người khác (Mat Mt 25:40).
. Hãy bắt đầu mỗi ngày với lời cầu xin Chúa ban cho chúng ta thời gian để
yêu Ngài và yêu thương người khác, vì đó là toàn bộ cuộc sống chúng ta.
III. CÁCH BIỂU HIỆN TỐT NHẤT LÀ THỜI GIAN
1. Món quà quý báu nhất: Tầm quan trọng của sự việc có thể đo lường bằng
lượng thời gian chúng ta đầu tư vào đó. Vì thế, món quà lớn nhất chúng ta
có thể tặng cho người khác chính là thời gian của chúng ta.
. Lý do là vì chúng ta có thể làm ra tiền..., nhưng không thể làm ra thời gian;
khi dành thời gian cho ai là chúng ta đã tặng cho họ một phần của cuộc sống
mình.
2. Món quà được khao khát nhiều nhất: Món quà được khao khát nhiều nhất
không phải là sự chu cấp, tiền của, đồ trang sức..., mà là sự chú ý tập trung,
là sự ban tặng chính mình cho người mình yêu (vợ, con... ).
. Chúng ta có thể ban cho mà không có tình yêu, nhưng không thể yêu mà
không ban cho, ban cho điều tốt nhất, ban cho chính mình (Eph Ep 5:2).
IV. THỜI ĐIỂM TỐT NHẤT ĐỂ YÊU LÀ NGAY BÂY GIỜ
1. Ngay bây giờ: Chần chờ là phản ứng bình thường trước một công việc
không quan trọng, nhưng tình yêu là điều quan trọng nhất, nên hãy thực hiện
ngay bây giờ, đang lúc có dịp tiện (GaGl 6:10. Eph Ep 5:16. ChCn 3:27).
2. Tại sao? Vì chúng ta không biết mình sẽ còn cơ hội bao lâu nữa:
. Vì hoàn cảnh luôn thay đổi, không thể lường trước được.
. Vì không có gì bảo đảm cho ngày mai.
. Vì có một ngày chúng ta sẽ đứng trước mặt Đức Chúa Trời để trả lời về
cách chúng ta sử dụng thời gian Ngài ban trên đất.
Tóm lại: Cuộc sống gồm ba lẽ thật quan trọng: Cách tận dụng tốt nhất cuộc
sống nầy chính là yêu thương - Cách bày tỏ tình yêu tốt nhất là thời gian -
Thời gian tốt nhất để yêu thương là ngay bây giờ.
Bài 17: MỘT NƠI ĐỂ THUỘC VỀ
Câu gốc: “Dường ấy anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là
kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà
của Đức Chúa Trời. ” Eph Ep 2:19
I. ĐƯỢC TẠO DỰNG CHO CỘNG ĐỒNG
1. Được kêu gọi để thuộc về: Ngay cả trong vườn Êđen hoàn hảo, Đức Chúa
Trời đã phán: “Loài người ở một mình thì không tốt”. Chúng ta được tạo
dựng cho cộng đồng, được nhào nặn cho mối thông công và được định hình
cho một gia đình.
. Trong gia đình của Đức Chúa Trời, chúng ta “hiệp nên một Thân trong
Đấng Christ”, để thuộc về nhau suốt cõi đời đời. Kinh Thánh không hề nói
đến một thánh nhân cô độc hay một nhà ẩn tu.
2. Thành viên của Hội Thánh: Thành viên của Hội Thánh là một bộ phận
sống của một Thân thể sống.
. Để các bộ phận làm trọn mục đích, chúng phải gắn liền với thân, nghĩa là
cùng gắn liền với các bộ phận khác. Chúng ta chỉ có thể khám phá vai trò
của mình trong cuộc đời thông qua các mối liên hệ với người khác.
II. HỘI THÁNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
1. Giá trị của Hội Thánh: Hội Thánh là công việc của Đức Chúa Trời trên
thế gian. Không điều gì có thể hủy diệt Hội Thánh của Ngài và Hội Thánh sẽ
tồn tại đời đời, đắc thắng mọi quyền lực của âm phủ (Mat Mt 16:18). Hội
Thánh quan trọng đến nỗi Chúa Jesus đã phải chịu chết trên Thập tự giá cho
Hội Thánh (Eph Ep 5:25).
2. Thái độ cần có đối với Hội Thánh: Kinh Thánh gọi Hội Thánh là “Cô
dâu”, là “Thân thể” của Đấng Christ. Đức Chúa Trời ban lệnh cho chúng ta
phải yêu Hội Thánh như chính Ngài đã yêu. Thật đáng buồn là có nhiều
người chỉ sử dụng Hội Thánh chứ không yêu Hội Thánh !
3. Mối thông công địa phương: Từ “Hội Thánh” thường ám chỉ một hội
chúng địa phương hữu hình. Chỉ có những người bị kỷ luật, dứt phép thông
công, là không thuộc một Hội Thánh địa phương nào cả !
. Chúng ta không còn là người ngoại hay kẻ ở trọ, mà là “người nhà”...
. Chủ nghĩa cá nhân độc lập đã tạo ra nhiều “trẻ mồ côi thuộc linh” hay
những “con thỏ tín nhân” nhảy từ Hội Thánh nầy qua Hội Thánh khác mà
không có một cam kết hay trách nhiệm gì với Hội Thánh cả.
III. TẠI SAO CẦN CÓ MỘT GIA ĐÌNH HỘI THÁNH ?
1. Gia đình Hội Thánh thừa nhận bạn là tín hữu thật: Chúa Jesus tuyên bố:
“Nếu các ngươi yêu nhau thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các
ngươi là môn đồ Ta”. Như thế, khi gia nhập Hội Thánh là Thân thể Đấng
Christ để sống trong tình yêu, chúng ta mới là Cơ Đốc nhân thật.
2. Gia đình Hội Thánh đưa bạn ra khỏi chỗ cô lập, hướng ngã: Hội Thánh
địa phương là lớp học về cách hòa thuận trong gia đình Đức Chúa Trời. Đó
là phòng thí nghiệm để thực hành tình yêu cảm thông, vô kỷ, qua đó chúng
ta học được mối thông công thật để liên hệ và lệ thuộc nhau.
. Cao điểm của mối thông công nầy là hết lòng hy sinh cho nhau (IGi1Ga
3:16), vì chúng ta làm điều nầy như làm cho Chúa chúng ta (CoCl 3:23).
3. Gia đình Hội Thánh giúp bạn phát triển cơ bắp thuộc linh: Không ai có
thể trưởng thành nếu chỉ là một khán giả thụ động của các chương trình thờ
phượng Chúa. Chỉ có sự dự phần vào sinh hoạt của Hội Thánh địa phương
mới giúp chúng ta phát triển cơ bắp thuộc linh, hoàn tất sứ mạng của riêng
mình và giúp phát triển Hội Thánh chung (Eph Ep 4:16).
. Hơn 50 lần Tân ước dùng cụm từ “lẫn nhau”, “cho nhau” để khuyên chúng
ta cầu nguyện cho nhau, khích lệ nhau, khuyên bảo nhau, chào hỏi nhau,
phục vụ nhau, chấp nhận nhau, tôn trọng nhau, tha thứ nhau, mang gánh
nặng cho nhau, hết lòng vì nhau, cùng nhiều việc hổ tương khác.
. Sự cô lập dễ rơi vào chỗ tự lừa dối về mức độ trưởng thành của mình: Sự
trưởng thành thật sự chỉ được hình thành qua các mối quan hệ ! Tinh thần
nhịn nhục, học hỏi lẫn nhau cùng tinh thần trách nhiệm cũng sẽ được phát
triển qua các mối quan hệ để góp phần cho sự trưởng thành thuộc linh.
4. Thân thể Đấng Christ cần bạn: Đức Chúa Trời có một vai trò duy nhất cho
bạn trong gia đình của Ngài. Khi chúng ta khám phá và phát triển ân tứ Chúa
ban, để làm trọn phần việc riêng Chúa giao cho mỗi người, chúng ta sẽ đem
lợi ích chung cho cả Hội Thánh (ICo1Cr 12:7).
5. Bạn sẽ chia sẻ sứ mạng Đấng Christ trong thế gian: Khi còn ở thế gian,
Chúa Jesus đã làm việc qua thân thể vật lý của Ngài, ngày nay Ngài cũng
đang làm việc qua Thân thể thuộc linh của Ngài là Hội Thánh.
. Đây là một đặc ân kỳ diệu Chúa ban: Chúng ta là những bàn tay, bàn chân,
đôi mắt và trái tim của Ngài, để làm việc Ngài chỉ định (Eph Ep 2:10).
6. Gia đình Hội Thánh giúp bạn khỏi sa ngã: Không ai được miễn trừ cám dỗ
và Chúa đã giao cho chúng ta trách nhiệm nâng đỡ lẫn nhau (HeDt 3:13).
Hội Thánh địa phương sẽ bảo vệ người lãnh đạo tin kính cũng như giúp họ
chăm sóc, bảo vệ bầy chiên của Chúa ở trong ràng chiên của Ngài.
Bài 18: SỐNG VỚI NHAU
Câu gốc: “Nguyền xin sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng anh em,
là bình an mà anh em đã được gọi đến đặng hiệp nên một thể; lại phải biết
ơn. ” CoCl 3:15
I. CUỘC SỐNG LÀ PHẢI SAN SẺ
1. Thông công thật: Ngày nay, từ “thông công” thường ám chỉ cuộc trò
chuyện, giao tế, ăn uống và vui chơi, hoặc buổi trà đàm sau giờ nhóm.
. Thông công thật không chỉ là có mặt tại các buổi thờ phượng Chúa, nhưng
là kinh nghiệm cuộc sống với nhau. Nó bao hàm những mạng lệnh yêu
thương vô kỷ, chân thành chia sẻ, tập thói quen phục vụ, ban cho hy sinh,
cảm thông yên ủi và những mạng lệnh “lẫn nhau” khác trong Kinh Thánh.
2. Kích cỡ nhóm thông công: Kích cỡ là điều quan trọng. Chúng ta có thể
thờ phượng Chúa với một đám đông, nhưng không thể thông công với cả
một đám đông được.
. Chúa Jesus chỉ chọn 12 môn đồ để được thông công mật thiết với Ngài.
Thật ra 12 là số lượng lớn nhất của một nhóm thông công để mọi người đều
có thể dự phần.
3. Nhóm tế bào: Sự sống của Thân thể Đấng Christ cũng giống như thân thể
chúng ta đều nằm trong các tế bào. Vì thế, mỗi tín hữu cần phải dự phần
trong một nhóm nhỏ trong Hội Thánh để thông công với nhau: Nhóm thông
công gia đình, lớp Trường Chúa nhật, nhóm nhỏ của ban ngành...
. Chúa Jesus đã ban một lời hứa lớn cho những nhóm nhỏ tín hữu: “Nơi nào
có hai ba người nhơn Danh Ta nhóm nhau lại, thì Ta ở giữa họ” (Mat Mt
18:20). Tuy nhiên, không phải nhóm nhỏ nào cũng kinh nghiệm điều đó !
II. ĐẶC TÍNH CỦA MỐI THÔNG CÔNG THẬT
1. Nơi con người kinh nghiệm sự chân thành: Mối thông công thật xảy đến
khi các thành viên chân thật về việc họ là ai và điều gì đang xảy ra trong
cuộc đời họ.
. Điều đáng buồn là tại nhiều Hội Thánh, mối thông công chỉ là “nhập vai”,
vận động cá nhân, giả vờ lịch sự và đề phòng lẫn nhau.
. IGi1Ga 1:7-8 dạy rằng chúng ta chỉ thông công thật khi cùng bước đi trong
sự sáng, để ánh sáng Chúa phơi bày sự thật. Gia Gc 5:16 cũng dạy chúng ta
xưng tội cùng nhau và cầu nguyện cho nhau để được “lành bệnh”.
. Dĩ nhiên, chân thật đòi hỏi cả lòng can đảm lẫn sự khiêm nhường.
2. Nơi con người kinh nghiệm sự tương thuộc: Tương thuộc là nghệ thuật
cho và nhận. Tương thuộc là trọng tâm của mối thông công: Xây dựng các
mối quan hệ hỗ tương, chia sẻ các trách nhiệm và giúp đỡ lẫn nhau.
. Dĩ nhiên Chúa không bắt chúng ta chịu trách nhiệm về mọi điều, Ngài chỉ
muốn chúng ta làm những gì có thể làm để giúp đỡ nhau.
. Kinh Thánh ban mạng lệnh chúng ta phải chia sẻ trách nhiệm hỗ tương
(hơn 50 lần), với mục đích làm nên hòa thuận và làm gương sáng cho nhau
(RoRm 14:18).
3. Nơi con người kinh nghiệm sự cảm thông: Cảm thông là bước vào và chia
sẻ nỗi đau của người khác. Là người thánh, chúng ta cần phải cảm thông,
nhơn từ, khiêm nhường, lịch sự và nhẫn nại (CoCl 3:12).
. Cảm thông đáp ứng hai nhu cầu căn bản của con người: Nhu cầu được hiểu
và nhu cầu được thừa nhận những cảm xúc của mình. Khi hiểu và thừa nhận
cảm xúc của một người nào là chúng ta đang xây dựng mối thông công.
. Có nhiều mức độ thông công khác nhau: Thông công trong học hỏi, thông
công khi phục vụ... nhưng có lẽ mối thông công sâu sắc nhất là thông công
thương khó khi bước vào nỗi đau đớn, buồn khổ của nhau và mang lấy gánh
nặng cho nhau (GaGl 6:2), vì chính lúc khủng hoảng, đau buồn, nghi ngờ
sâu sắc là lúc chúng ta cần nhau nhiều nhất (Giop G 6:14).
4. Nơi con người kinh nghiệm sự thương xót: Mối thông công là một nơi của
ân điển, nơi những lầm lỗi được thứ tha, là nơi sự thương xót chiến thắng
công lý. Thương xót là đặt mình vào vị trí của người khác để cảm thông và
cứu giúp.
. Tất cả chúng ta đều cần sự thương xót vì dễ vấp ngã, cần có sự giúp đỡ để
có thể đứng dậy (IICo 2Cr 2:7).
. Không thể có thông công nếu không biết tha thứ (CoCl 3:13), vì sự cay
đắng và thù hận luôn phá hỏng mối thông công. Dù bị làm tổn thương cố ý
hay vô tình, chúng ta cần phải có sự thương xót và ân điển để tái lập và duy
trì mối thông công.
. Lòng thương xót của Đức Chúa Trời đối với chúng ta là động cơ để chúng
ta bày tỏ lòng thương xót đối với người khác: Chúa không đòi hỏi chúng ta
tha thứ nhiều hơn những gì Ngài đã tha thứ chúng ta.
. Tha thứ là để cho quá khứ trôi đi, là điều phải làm ngay dù có được yêu cầu
hay không. Tuy nhiên sự tin cậy có liên quan đến hành vi trong tương lai cần
phải được củng cố theo thời gian, và nơi tốt nhất để khôi phục lòng tin cậy là
trong nhóm tế bào, nơi đem lại cả khích lệ lẫn trách nhiệm.
Bài 19: VUN ĐẮP CỘNG ĐỒNG
Câu gốc: “Bởi đó chúng ta nhận biết lòng yêu thương, ấy là Chúa đã vì
chúng ta bỏ sự sống; chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình vậy. ”
IGi1Ga 3:16
I. VUN ĐẮP CỘNG ĐỒNG ĐÒI HỎI CAM KẾT
1. Cộng tác với Đức Thánh Linh: Chỉ có Đức Thánh Linh mới tạo ra mối
thông công thật, nhưng Ngài vun đắp nó bằng những lựa chọn và cam kết
của chúng ta. Mối thông công cần quyền năng Đức Chúa Trời, nhưng cũng
cần sự cam kết hết lòng xây dựng của chúng ta (Eph Ep 4:2-3).
2. Thực trạng: Thật đáng buồn là có nhiều người lớn lên trong các gia đình
có các mối quan hệ không lành mạnh, nên thiếu những kỷ năng cần thiết cho
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky
Sach sang the-ky

More Related Content

What's hot

Hoi dap kinh thanh
Hoi dap kinh thanhHoi dap kinh thanh
Hoi dap kinh thanhco_doc_nhan
 
Sinh vienit.net --seo full upload by www.nguyencau.net
Sinh vienit.net --seo full upload by www.nguyencau.netSinh vienit.net --seo full upload by www.nguyencau.net
Sinh vienit.net --seo full upload by www.nguyencau.nethtpsccbb159
 
Thanh kinh nhap mon
Thanh kinh nhap monThanh kinh nhap mon
Thanh kinh nhap monco_doc_nhan
 
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi banKinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi banco_doc_nhan
 
Thu e pho-so(gian luot)
Thu e pho-so(gian luot)Thu e pho-so(gian luot)
Thu e pho-so(gian luot)co_doc_nhan
 
Tieu tien tri( gian luot)
Tieu tien tri( gian luot)Tieu tien tri( gian luot)
Tieu tien tri( gian luot)co_doc_nhan
 
Christ thuyet phuc
Christ thuyet phucChrist thuyet phuc
Christ thuyet phucco_doc_nhan
 
5 phut loi_chua_042014
5 phut loi_chua_0420145 phut loi_chua_042014
5 phut loi_chua_042014gxduchoa
 
A4 ngoi khen va tho phuong
A4 ngoi khen va tho phuongA4 ngoi khen va tho phuong
A4 ngoi khen va tho phuongco_doc_nhan
 
B3 cuu uoc luot khao
B3 cuu uoc luot khaoB3 cuu uoc luot khao
B3 cuu uoc luot khaoco_doc_nhan
 
Thong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copelandThong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copelandco_doc_nhan
 
A2 doi song sieu nhien
A2 doi song sieu nhienA2 doi song sieu nhien
A2 doi song sieu nhienco_doc_nhan
 

What's hot (18)

Hoi dap kinh thanh
Hoi dap kinh thanhHoi dap kinh thanh
Hoi dap kinh thanh
 
Sinh vienit.net --seo full upload by www.nguyencau.net
Sinh vienit.net --seo full upload by www.nguyencau.netSinh vienit.net --seo full upload by www.nguyencau.net
Sinh vienit.net --seo full upload by www.nguyencau.net
 
Thanh kinh nhap mon
Thanh kinh nhap monThanh kinh nhap mon
Thanh kinh nhap mon
 
So 173
So 173So 173
So 173
 
Kinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi banKinh thanh phan voi ban
Kinh thanh phan voi ban
 
So 161
So 161So 161
So 161
 
Ly do toi tin
Ly do toi tinLy do toi tin
Ly do toi tin
 
Tieu tien tri
Tieu tien triTieu tien tri
Tieu tien tri
 
Thu e pho-so(gian luot)
Thu e pho-so(gian luot)Thu e pho-so(gian luot)
Thu e pho-so(gian luot)
 
Tieu tien tri( gian luot)
Tieu tien tri( gian luot)Tieu tien tri( gian luot)
Tieu tien tri( gian luot)
 
Christ thuyet phuc
Christ thuyet phucChrist thuyet phuc
Christ thuyet phuc
 
Christ thuyet phuc
Christ thuyet phucChrist thuyet phuc
Christ thuyet phuc
 
So 170
So 170So 170
So 170
 
5 phut loi_chua_042014
5 phut loi_chua_0420145 phut loi_chua_042014
5 phut loi_chua_042014
 
A4 ngoi khen va tho phuong
A4 ngoi khen va tho phuongA4 ngoi khen va tho phuong
A4 ngoi khen va tho phuong
 
B3 cuu uoc luot khao
B3 cuu uoc luot khaoB3 cuu uoc luot khao
B3 cuu uoc luot khao
 
Thong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copelandThong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copeland
 
A2 doi song sieu nhien
A2 doi song sieu nhienA2 doi song sieu nhien
A2 doi song sieu nhien
 

Viewers also liked

Ejercicio de tablas y graficas
Ejercicio de tablas y graficasEjercicio de tablas y graficas
Ejercicio de tablas y graficasEsther Acosta
 
Happy Thanksgiving From "Florida Libraries"
Happy Thanksgiving From "Florida Libraries"Happy Thanksgiving From "Florida Libraries"
Happy Thanksgiving From "Florida Libraries"Maria Gebhardt
 
15 Award-Winning Websites With Beautiful (And Functional) Designs
15 Award-Winning Websites With Beautiful (And Functional) Designs15 Award-Winning Websites With Beautiful (And Functional) Designs
15 Award-Winning Websites With Beautiful (And Functional) Designsweb-template
 
Pracovní snídaně: Zavádíme integrační platformu v 75 minutách
Pracovní snídaně: Zavádíme integrační platformu v 75 minutáchPracovní snídaně: Zavádíme integrační platformu v 75 minutách
Pracovní snídaně: Zavádíme integrační platformu v 75 minutáchProfinit
 
Twitter - Quick Reference Guide
Twitter  - Quick Reference GuideTwitter  - Quick Reference Guide
Twitter - Quick Reference GuideMaria Gebhardt
 
The gift of life and god's compassionate heart
The gift of life and god's compassionate heartThe gift of life and god's compassionate heart
The gift of life and god's compassionate heartRobert Colquhoun
 
Términos básicos en estadística
Términos básicos en estadísticaTérminos básicos en estadística
Términos básicos en estadísticaJonathan Arevalo
 
Økonomisk forbedrende arbejdsprojekter i et Alment Boligselskab
Økonomisk forbedrende arbejdsprojekter i et Alment BoligselskabØkonomisk forbedrende arbejdsprojekter i et Alment Boligselskab
Økonomisk forbedrende arbejdsprojekter i et Alment BoligselskabRune Klitgaard
 
Enterprise Europe Network | Malopolska: Region of knowledge and innovation | ...
Enterprise Europe Network | Malopolska: Region of knowledge and innovation | ...Enterprise Europe Network | Malopolska: Region of knowledge and innovation | ...
Enterprise Europe Network | Malopolska: Region of knowledge and innovation | ...Invest Northern Ireland
 
Curso de investigación
Curso de investigaciónCurso de investigación
Curso de investigaciónKarinaPizarro
 

Viewers also liked (13)

Ejercicio de tablas y graficas
Ejercicio de tablas y graficasEjercicio de tablas y graficas
Ejercicio de tablas y graficas
 
Happy Thanksgiving From "Florida Libraries"
Happy Thanksgiving From "Florida Libraries"Happy Thanksgiving From "Florida Libraries"
Happy Thanksgiving From "Florida Libraries"
 
кешубаева ә.қ. мпик 11н
кешубаева ә.қ.  мпик 11нкешубаева ә.қ.  мпик 11н
кешубаева ә.қ. мпик 11н
 
15 Award-Winning Websites With Beautiful (And Functional) Designs
15 Award-Winning Websites With Beautiful (And Functional) Designs15 Award-Winning Websites With Beautiful (And Functional) Designs
15 Award-Winning Websites With Beautiful (And Functional) Designs
 
Pracovní snídaně: Zavádíme integrační platformu v 75 minutách
Pracovní snídaně: Zavádíme integrační platformu v 75 minutáchPracovní snídaně: Zavádíme integrační platformu v 75 minutách
Pracovní snídaně: Zavádíme integrační platformu v 75 minutách
 
Twitter - Quick Reference Guide
Twitter  - Quick Reference GuideTwitter  - Quick Reference Guide
Twitter - Quick Reference Guide
 
The gift of life and god's compassionate heart
The gift of life and god's compassionate heartThe gift of life and god's compassionate heart
The gift of life and god's compassionate heart
 
Términos básicos en estadística
Términos básicos en estadísticaTérminos básicos en estadística
Términos básicos en estadística
 
Q2 2009 Earning Report of Gannett, Inc.
Q2 2009 Earning Report of Gannett, Inc.Q2 2009 Earning Report of Gannett, Inc.
Q2 2009 Earning Report of Gannett, Inc.
 
Økonomisk forbedrende arbejdsprojekter i et Alment Boligselskab
Økonomisk forbedrende arbejdsprojekter i et Alment BoligselskabØkonomisk forbedrende arbejdsprojekter i et Alment Boligselskab
Økonomisk forbedrende arbejdsprojekter i et Alment Boligselskab
 
Proyecto sustentable
Proyecto sustentableProyecto sustentable
Proyecto sustentable
 
Enterprise Europe Network | Malopolska: Region of knowledge and innovation | ...
Enterprise Europe Network | Malopolska: Region of knowledge and innovation | ...Enterprise Europe Network | Malopolska: Region of knowledge and innovation | ...
Enterprise Europe Network | Malopolska: Region of knowledge and innovation | ...
 
Curso de investigación
Curso de investigaciónCurso de investigación
Curso de investigación
 

Similar to Sach sang the-ky

Song theo dung muc dich ( gian luot)
Song theo dung muc dich ( gian luot)Song theo dung muc dich ( gian luot)
Song theo dung muc dich ( gian luot)co_doc_nhan
 
C8 duoc soi dan boi duc thanh linh
C8 duoc soi dan boi duc thanh linhC8 duoc soi dan boi duc thanh linh
C8 duoc soi dan boi duc thanh linhco_doc_nhan
 
D1 tinh than trong dong vang
D1 tinh than trong dong vangD1 tinh than trong dong vang
D1 tinh than trong dong vangco_doc_nhan
 
Tim hieu hieu ve the gioi, xa hoi, con nguoi (2015 09-11)
Tim hieu hieu ve the gioi, xa hoi, con nguoi (2015 09-11)Tim hieu hieu ve the gioi, xa hoi, con nguoi (2015 09-11)
Tim hieu hieu ve the gioi, xa hoi, con nguoi (2015 09-11)Khánh Phan Quốc
 
E2 song de ban cho
E2 song de ban choE2 song de ban cho
E2 song de ban choco_doc_nhan
 
Dưới chân thầy
Dưới chân thầyDưới chân thầy
Dưới chân thầyH&N Homemade
 
Life management
Life managementLife management
Life managementLi Nguyen
 
Khuon mau ht dau tien
Khuon mau ht dau tienKhuon mau ht dau tien
Khuon mau ht dau tienco_doc_nhan
 
The cross of Christ and its meaning to Christians
The cross of Christ and its meaning to ChristiansThe cross of Christ and its meaning to Christians
The cross of Christ and its meaning to ChristiansNhan Tu Vo
 
7. Khoa học về Cái Chết
7. Khoa học về Cái Chết 7. Khoa học về Cái Chết
7. Khoa học về Cái Chết Little Daisy
 
THÁNH Ý CHO CUỘC ĐỜI TÔI LÀ GÌ?
THÁNH Ý CHO CUỘC ĐỜI TÔI LÀ GÌ?THÁNH Ý CHO CUỘC ĐỜI TÔI LÀ GÌ?
THÁNH Ý CHO CUỘC ĐỜI TÔI LÀ GÌ?Jimmy Nguyen
 
Chuong trinh gci
Chuong trinh gciChuong trinh gci
Chuong trinh gcico_doc_nhan
 
Thong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copelandThong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copelandLong Do Hoang
 
40 dieutamniemmuachay1
40 dieutamniemmuachay140 dieutamniemmuachay1
40 dieutamniemmuachay1Tuyet Tran
 
40 dieutamniemmuachay1
40 dieutamniemmuachay140 dieutamniemmuachay1
40 dieutamniemmuachay1Winter Sea
 

Similar to Sach sang the-ky (20)

Song theo dung muc dich ( gian luot)
Song theo dung muc dich ( gian luot)Song theo dung muc dich ( gian luot)
Song theo dung muc dich ( gian luot)
 
C8 duoc soi dan boi duc thanh linh
C8 duoc soi dan boi duc thanh linhC8 duoc soi dan boi duc thanh linh
C8 duoc soi dan boi duc thanh linh
 
So 152
So 152So 152
So 152
 
So 152
So 152So 152
So 152
 
D1 tinh than trong dong vang
D1 tinh than trong dong vangD1 tinh than trong dong vang
D1 tinh than trong dong vang
 
Tim hieu hieu ve the gioi, xa hoi, con nguoi (2015 09-11)
Tim hieu hieu ve the gioi, xa hoi, con nguoi (2015 09-11)Tim hieu hieu ve the gioi, xa hoi, con nguoi (2015 09-11)
Tim hieu hieu ve the gioi, xa hoi, con nguoi (2015 09-11)
 
E2 song de ban cho
E2 song de ban choE2 song de ban cho
E2 song de ban cho
 
Dưới chân thầy
Dưới chân thầyDưới chân thầy
Dưới chân thầy
 
duoi chan thay
duoi chan thay duoi chan thay
duoi chan thay
 
Life management
Life managementLife management
Life management
 
Khuon mau ht dau tien
Khuon mau ht dau tienKhuon mau ht dau tien
Khuon mau ht dau tien
 
The cross of Christ and its meaning to Christians
The cross of Christ and its meaning to ChristiansThe cross of Christ and its meaning to Christians
The cross of Christ and its meaning to Christians
 
7. Khoa học về Cái Chết
7. Khoa học về Cái Chết 7. Khoa học về Cái Chết
7. Khoa học về Cái Chết
 
THÁNH Ý CHO CUỘC ĐỜI TÔI LÀ GÌ?
THÁNH Ý CHO CUỘC ĐỜI TÔI LÀ GÌ?THÁNH Ý CHO CUỘC ĐỜI TÔI LÀ GÌ?
THÁNH Ý CHO CUỘC ĐỜI TÔI LÀ GÌ?
 
Giới Thiệu Tiên Thiên Đại Đạo
Giới Thiệu Tiên Thiên Đại ĐạoGiới Thiệu Tiên Thiên Đại Đạo
Giới Thiệu Tiên Thiên Đại Đạo
 
Chuong trinh gci
Chuong trinh gciChuong trinh gci
Chuong trinh gci
 
Thong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copelandThong diep tu kenneth copeland
Thong diep tu kenneth copeland
 
40 dieutamniemmuachay1
40 dieutamniemmuachay140 dieutamniemmuachay1
40 dieutamniemmuachay1
 
40 dieutamniemmuachay1
40 dieutamniemmuachay140 dieutamniemmuachay1
40 dieutamniemmuachay1
 
Dao duc lam nguoi tap2- 27-02-2013 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Dao duc lam nguoi  tap2- 27-02-2013 - THẦY THÍCH THÔNG LẠCDao duc lam nguoi  tap2- 27-02-2013 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
Dao duc lam nguoi tap2- 27-02-2013 - THẦY THÍCH THÔNG LẠC
 

More from co_doc_nhan

Vai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tienVai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tienco_doc_nhan
 
Truong dang christ
Truong dang christTruong dang christ
Truong dang christco_doc_nhan
 
Su phuc hung hau den
Su phuc hung hau denSu phuc hung hau den
Su phuc hung hau denco_doc_nhan
 
Su phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanhSu phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanhco_doc_nhan
 
Phuong phap saon bai giang 2
Phuong phap saon bai giang 2Phuong phap saon bai giang 2
Phuong phap saon bai giang 2co_doc_nhan
 
Phuong phap saon bai giang 1
Phuong phap saon bai giang 1Phuong phap saon bai giang 1
Phuong phap saon bai giang 1co_doc_nhan
 
Phuong phap day dao
Phuong phap day daoPhuong phap day dao
Phuong phap day daoco_doc_nhan
 
Phuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chuaPhuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chuaco_doc_nhan
 
Nhung nguyen tac lanh dao
Nhung nguyen tac lanh daoNhung nguyen tac lanh dao
Nhung nguyen tac lanh daoco_doc_nhan
 
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nhoNhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nhoco_doc_nhan
 
Nhiem vu giao duc
Nhiem vu giao ducNhiem vu giao duc
Nhiem vu giao ducco_doc_nhan
 
Nhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanhNhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanhco_doc_nhan
 

More from co_doc_nhan (20)

Vai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tienVai net ve hoi thanh dau tien
Vai net ve hoi thanh dau tien
 
Truong nhan su
Truong nhan suTruong nhan su
Truong nhan su
 
Truong dang christ
Truong dang christTruong dang christ
Truong dang christ
 
Thuat lanh dao
Thuat lanh daoThuat lanh dao
Thuat lanh dao
 
Tho phuong dct
Tho phuong dctTho phuong dct
Tho phuong dct
 
Tho phuong dct
Tho phuong dctTho phuong dct
Tho phuong dct
 
Tho phuong dct
Tho phuong dctTho phuong dct
Tho phuong dct
 
Su phuc hung hau den
Su phuc hung hau denSu phuc hung hau den
Su phuc hung hau den
 
Su phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanhSu phat trien tu nhien cua hoi thanh
Su phat trien tu nhien cua hoi thanh
 
Phuong phap saon bai giang 2
Phuong phap saon bai giang 2Phuong phap saon bai giang 2
Phuong phap saon bai giang 2
 
Phuong phap saon bai giang 1
Phuong phap saon bai giang 1Phuong phap saon bai giang 1
Phuong phap saon bai giang 1
 
Phuong phap day dao
Phuong phap day daoPhuong phap day dao
Phuong phap day dao
 
Phuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chuaPhuong cach rao giang loi chua
Phuong cach rao giang loi chua
 
Phuc vu chua
Phuc vu chuaPhuc vu chua
Phuc vu chua
 
Phuc vu chua
Phuc vu chuaPhuc vu chua
Phuc vu chua
 
Nhung nguyen tac lanh dao
Nhung nguyen tac lanh daoNhung nguyen tac lanh dao
Nhung nguyen tac lanh dao
 
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nhoNhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
Nhung dieu tot lanh den voi cac nhom nho
 
Nhom thanh cong
Nhom thanh congNhom thanh cong
Nhom thanh cong
 
Nhiem vu giao duc
Nhiem vu giao ducNhiem vu giao duc
Nhiem vu giao duc
 
Nhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanhNhan lanh va gin giu su chua lanh
Nhan lanh va gin giu su chua lanh
 

Sach sang the-ky

  • 1. Bài 1: MỌI SỰ BẮT ĐẦU VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI Câu gốc: “Vì muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được, hoặc ngôi vua, hoặc quyền cai trị, hoặc chấp chánh, hoặc cầm quyền, đều là bởi Ngài và vì Ngài mà được dựng nên cả. ” CoCl 1:16 I. CUỘC TÌM KIẾM MUÔN ĐỜI 1. Tầm quan trọng của mục đích cuộc đời: Mục đích của cuộc đời quan trọng hơn cả sự thành đạt, sự bình an trong tâm trí, hơn cả hạnh phúc. 2. Cuộc tìm kiếm: Hàng ngàn năm qua, cuộc tìm kiếm mục đích của cuộc sống đã làm rối trí con người trên đất. II. BA LÝ DO LÀM BẠN BỐI RỐI 1. Chọn sai khởi điểm: Con người bối rối vì chọn sai khởi điểm. Con người bắt đầu với chính mình: Tôi muốn trở nên như thế nào? Tôi phải làm gì cho đời mình? . Giop G 12:10 tuyên bố: “Trong tay Ngài cầm hồn của mọi vật sống và hơi thở của cả loài người”. Tập chú vào chính bản thân mình, con người không bao giờ có thể khám phá mục đích của đời mình ! Con người không tự tạo ra chính mình, nên không thể tự khám phá lý do mình được tạo dựng. 2. Đảo lộn bản chất: Nhiều người cố dùng Chúa để hiện thực hóa bản thân, nhưng như thế là đảo lộn bản chất. Con người không thể dùng Đức Chúa Trời cho mục đích cá nhân của mình, vì con người do Đức Chúa Trời tạo dựng, chứ không phải ngược lại. 3. Tự nỗ lực: Nhiều người khuyên chúng ta hãy tự nỗ lực. Họ nêu ra các bước có thể tiên đoán trước nhằm tìm kiếm mục đích của cuộc đời như: Hãy xem xét các ước mơ - Hãy làm rõ các giá trị - Hãy đặt ra vài mục tiêu - Hãy xem bạn giỏi ở lãnh vực nào - Hãy kỷ luật để đạt mục tiêu - Đừng bao giờ đầu hàng... . Những điều nầy có thể dẫn đến thành công lớn. Tuy nhiên, thành công và làm trọn mục đích cuộc đời không phải lúc nào cũng giống nhau: Chúng ta có thể thành công vang dội theo tiêu chuẩn thế gian, nhưng vẫn đánh mất những mục đích mà Đức Chúa Trời đã tạo dựng chúng ta. . Hãy tập trung vào đúng điều Đức Chúa Trời muốn bạn trở thành ! II. LÀM SAO KHÁM PHÁ MỤC ĐÍCH CUỘC ĐỜI ? 1. Suy đoán: Đây là điều hầu hết mọi người đều chọn để cố gắng khám phá mục đích cuộc đời. Họ phỏng đoán, ước tính, đưa ra những giả thuyết... a. Giới hạn của triết học: Triết học là một bộ môn quan trọng và hữu ích, nhưng khi bàn đến vấn đề mục đích của cuộc sống, thì ngay cả những triết
  • 2. gia khôn ngoan nhất cũng chỉ có thể suy đoán mà thôi ! b. Khảo cứu của tiến sĩ Hugh Moorhead: Phỏng vấn 250 triết gia, khoa học gia, nhà văn và nhà tư tưởng nổi tiếng nhất thế giới về “ý nghĩa của cuộc sống”, ông nhận được những lời phỏng đoán cùng với lời thừa nhận là họ không biết, và phần lớn đã yêu cầu ông cho họ biết ông đã khám phá mục đích của cuộc sống chưa ! 2. Mặc khải: Cách tốt nhất để khám phá mục đích của một phát minh là đến hỏi người sáng chế ra nó. Để khám phá mục đích của cuộc sống con người, chúng ta có thể hỏi Đức Chúa Trời, Đấng sáng tạo chúng ta. a. Qua Kinh Thánh: Chúng ta có thể đến với những điều Đức Chúa Trời bày tỏ về sự sống trong Kinh Thánh là Lời của Ngài. b. Năm mục đích: Qua Kinh Thánh, Đức Chúa Trời đã bày tỏ rõ ràng năm mục đích cho cuộc đời chúng ta. Kinh Thánh giải thích lý do tại sao chúng ta sống, cuộc sống phải như thế nào, phải tránh điều gì và phải mong đợi điều gì trong tương lai... III. BA Ý TƯỞNG CẦN NHỚ 1. Nền tảng căn bản: Đức Chúa Trời không chỉ là khởi điểm mà còn là cội nguồn của cuộc đời chúng ta. Vì thế, để khám phá mục đích cuộc đời, chúng ta phải tìm đến Lời Ngài, chứ không phải sự khôn ngoan đời nầy. 2. Ba ý tưởng căn bản: Eph Ep 1:11 nêu ra ba ý tưởng trong việc tìm kiếm mục đích của cuộc đời: a. Mối tương giao với Đức Chúa Jesus: Chúng ta chỉ có thể khám phá mục đích cuộc đời thông qua mối tương giao với Đức Chúa Jesus. b. Đức Chúa Trời có mục đích cho chúng ta: Mục đích cho cuộc đời chúng ta đã được Đức Chúa Trời suy nghĩ và hoạch định từ rất lâu trước khi chúng ta hiện hữu. Chúng ta có thể chọn nghề, chọn người bạn đời,... nhưng không thể lựa chọn mục đích cho mình ! c. Mục đích hoàn vũ: Mục đích cuộc đời chúng ta phù hợp với một mục đích hoàn vũ lớn hơn mà Đức Chúa Trời đã vạch ra cho cõi đời đời. . Không có Đức Chúa Trời, cuộc sống sẽ chẳng có ý nghĩa gì cả ! Bài 2: KHÔNG PHẢI NGẪU NHIÊN Câu gốc: “Đức Giê-hô-va, là Đấng đã làm nên ngươi, đã gây nên ngươi từ trong lòng mẹ, và sẽ giúp đỡ ngươi. ” EsIs 44:2a I. ĐỨC CHÚA TRỜI HOẠCH ĐỊNH 1. Không phải tình cờ: Việc chúng ta sinh ra đời không phải là một nhầm lẫn, rủi ro hay may mắn. 2. Đức Chúa Trời hoạch định: Cha mẹ bạn có thể đã không tính trước sự ra
  • 3. đời của bạn, nhưng Đức Chúa Trời đã hoạch định và trông đợi điều đó. . Đức Chúa Trời đã vẽ nên từng chi tiết nhỏ trên cuộc đời chúng ta, từ chủng tộc, màu da, màu tóc đến những tài năng bẩm sinh hay những nét đặc trưng của cá tính... II. ĐỨC CHÚA TRỜI QUYẾT ĐỊNH 1. Quyết định thời gian: Đức Chúa Trời quyết định khi nào chúng ta sẽ ra đời và sẽ sống bao lâu trên đất (Thi Tv 139:16). 2. Quyết định nơi chốn: Đức Chúa Trời quyết định chúng ta sẽ sinh ra ở đâu và sống ở đâu theo mục đích của Ngài. Như thế, chủng tộc hay quốc tịch của chúng ta cũng không phải là điều tình cờ. 3. Quyết định phương cách: Ngài cũng quyết định chúng ta sẽ được sinh ra như thế nào, cha mẹ chúng ta là ai. Dù có những người cha, người mẹ không hợp pháp, nhưng không hề có những đứa con không hợp pháp. III. LÝ DO 1. Đức Chúa Trời là tình yêu: Kinh Thánh không nói Đức Chúa Trời có tình yêu nhưng nói Đức Chúa Trời chính là tình yêu. Tình yêu là bản chất của Đức Chúa Trời. Tình yêu Ngài đã trọn vẹn trong mối quan hệ Ba Ngôi, nghĩa là Ngài không cần tạo dựng con người. 2. Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu: Tuy nhiên, Ngài đã tạo dựng chúng ta để bày tỏ tình yêu Ngài cho chúng ta. a. Tình yêu sửa soạn thế giới: Ngài đã nghĩ đến chúng ta trước khi dựng nên thế giới và đây là lý do vì sao Ngài dựng nên thế giới thật chính xác để làm nơi ở cho chúng ta (EsIs 45:18). b. Tình yêu tái sanh chúng ta: Ngài đã dùng Lời chân thật sanh chúng ta, hầu cho chúng ta trở nên trái đầu mùa của những vật Ngài dựng nên. . Ngài xem chúng ta là tâm điểm của tình yêu Ngài (1:4). Chúng ta chỉ có thể khám phá mục đích khi xem Chúa là trọng tâm của cuộc đời. Bài 3: ĐƯỢC TẠO DỰNG CHO CÕI ĐỜI ĐỜI Câu gốc: “Phàm vật Đức Chúa Trời đã làm nên đều là tốt lành trong thì nó. Lại, Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người; dầu vậy, công việc Đức Chúa Trời làm từ ban đầu đến cuối cùng, người không thế hiểu được. ” TrGv 3:11 I. ĐỜI NẦY KHÔNG PHẢI LÀ TẤT CẢ 1. Thời gian ngắn ngủi: Địa cầu chỉ là hậu trường, là sự nếm thử cuộc đời trong cõi đời đời. Dù cho một trăm năm cũng chỉ là một ngoặc đơn nhỏ bé so với cõi đời đời. 2. Khát khao cõi đời đời: Bản năng bẩm sinh con người luôn hướng đến sự
  • 4. bất diệt, vì con người được dựng nên theo hình ảnh Đức Chúa Trời để sống trong cõi đời đời. Ngài đặt khao khát đó trong chúng ta. 3. Thân thể tạm thời: Thân thể trần tục chỉ là sự hiện diện tạm thời của tâm linh, và được gọi là “nhà tạm”( IICo 2Cr 5:1). II. CHUẨN BỊ CHO CÕI ĐỜI ĐỜI 1. Hai sự lựa chọn: Cuộc đời trên đất có nhiều lựa chọn, nhưng cõi đời đời chỉ có hai lựa chọn: Thiên đàng hay địa ngục ! 2. Hai loại người: Nếu trông cậy Chúa Jesus, chúng ta sẽ sống với Chúa Jesus đời đời. Nhưng kẻ khước từ tình yêu Ngài sẽ mãi mãi xa cách Ngài. Như thế, có hai loại người: Những người nói với Chúa “ý Cha được nên” và những người Chúa phải nói rằng “Hãy cứ làm theo ý ngươi”! III. SỐNG TRONG ÁNH SÁNG CÕI ĐỜI ĐỜI 1. Những giá trị sẽ thay đổi: Khi sống trong ánh sáng cõi đời đời trong mối tương giao gần gũi với Chúa, những giá trị sẽ thay đổi (Phi Pl 3:7). Chúng ta sẽ sử dụng tiền của và thì giờ khôn ngoan hơn. 2. Thứ tự ưu tiên sẽ thay đổi: Những thứ tự ưu tiên sẽ được sắp đặt lại. Chúng ta sẽ chú ý đến các mối quan hệ và nhân cách hơn là danh tiếng, sự giàu có, sự thành đạt hay những trào lưu... 3. Khải tượng về cõi đời đời: Khải tượng về cõi đời đời sẽ khiến chúng ta tận dụng trọn cuộc sống để chuẩn bị cho cõi đời đời. Nhưng cõi đời đời như thế nào con người không thể hiểu nỗi (ICo1Cr 2:9), nếu không có sự mặc khải của Đức Chúa Trời trong Lời Ngài. 4. Sự nhắc nhở: Thời điểm mà con người nghĩ về cõi đời đời là trong các đám tang. Hãy sống mỗi ngày như là ngày cuối cùng của cuộc đời ! Bài 4: ĐIỀU GÌ LÈO LÁI CUỘC ĐỜI? Câu gốc: “Ta cũng thấy mọi công lao và mọi nghề khéo là điều gây cho người nầy kẻ khác ganh ghét nhau. Điều đó cũng là sự hư không, theo luồng gió thổi. ” TrGv 4:4 Lèo lái là “hướng dẫn, điều khiển hoặc định hướng”. Có hàng trăm hoàn cảnh, giá trị và những tình cảm có thể lèo lái cuộc đời con người. I. NĂM ĐỘNG CƠ PHỔ BIẾN NHẤT 1. Mặc cảm tội lỗi: Nhiều người bị lèo lái bởi mặc cảm tội lỗi. a. Mô tả: Họ sống cả đời loanh quanh những nuối tiếc hoặc cố gắng che đậy sự xấu hổ của mình. Họ để ký ức, quá khứ điều khiển mình. b. Kết quả: Họ tự trừng phạt mình cách vô thức khi ngầm phá hỏng thành công của chính mình, khiến họ lang thang trong cuộc sống vô mục đích. c. Giải quyết: Chúng ta là sản phẩm của quá khứ, nhưng không cần phải làm
  • 5. tù nhân cho nó. Hãy xin Đức Chúa Trời Quyền năng ban cho chúng ta những khởi đầu mới (Thi Tv 32:1) bởi sự tha thứ và biến đổi. 2. Lòng oán giận: Nhiều người bị lèo lái bởi lòng oán giận người khác. a. Mô tả: Họ cứ bám lấy những đau khổ của mình với lòng oán giận. b. Kết quả: Điều nầy khiến họ hoặc trở nên câm lặng khi đè nén cơn giận, hoặc nổi điên lên và tuôn đổ cơn giận trên nhiều người. Nó chỉ khiến họ đau đớn nhiều hơn người mà họ oán giận ! c. Giải quyết: Chúng ta không thể thay đổi quá khứ nhưng có thể rút ra những bài học từ quá khứ rồi hãy bỏ đi. Đừng để nó làm khổ mình ! 3. Sự sợ hãi: Nhiều người bị lèo lái bởi sự sợ hãi. a. Mô tả: Sự sợ hãi có thể đến từ một kinh nghiệm đau buồn, những mong ước phi thực tế, hoặc sống trong một gia đình khắt khe... b. Kết quả: Họ sẽ bỏ lỡ những cơ hội lớn vì sợ thất bại, và thường cố gắng duy trì nguyên trạng, không dám mạo hiểm... Sợ hãi là nhà tù khiến họ không thể trở thành mẫu người Chúa muốn. c. Giải quyết: Hãy chống lại nó bằng đức tin và tình yêu (IGi1Ga 4:18). 4. Chủ nghĩa vật chất: Nhiều người bị lèo lái bởi khao khát vật chất. a. Mô tả: Họ luôn muốn có nhiều hơn vì nghĩ rằng họ sẽ được hạnh phúc hơn, quan trọng hơn và an toàn hơn ! b. Giải quyết: Hãy nhớ giá trị con người không quyết định bằng của cải, rằng chỉ có mối tương giao với Đức Chúa Trời mới giải quyết tất cả. 5. Nhu cầu được chấp nhận: Nhiều người muốn được người khác chấp nhận. a. Mô tả: Họ cố gắng tìm sự chấp nhận nơi cha mẹ, vợ, chồng, con cái, bạn bè, tập thể, xã hội... cố gắng làm vừa lòng mọi người ! b. Kết quả: Chạy theo đám đông, họ bị lạc mất trong đám đông và một trong những chìa khóa của thất bại là cố gắng làm đẹp lòng mọi người. Họ sẽ đánh mất những mục đích của Chúa cho đời mình (Mat Mt 6:24). c. Giải quyết: Hãy khám phá và thực hiện mục đích Chúa cho chúng ta. Không có gì quan trọng hơn là nhận biết mục đích của Chúa cho mình ! II. NHỮNG ÍCH LỢI CỦA ĐỜI SỐNG THEO ĐÚNG MỤC ĐÍCH 1. Khiến cuộc đời có ý nghĩa: Không có Đức Chúa Trời, cuộc sống không có mục đích, và không có mục đích thì cuộc sống thật vô nghĩa (EsIs 49:4, Giop G 7:16). Thảm kịch lớn nhất không phải là chết, mà là sống không có mục đích. Hy vọng bắt nguồn từ một mục đích và hy vọng thật sự chỉ có trong Đức Chúa Trời (Gie Gr 29:11, Eph Ep 3:20). 2. Khiến cuộc sống đơn giản hơn: Nó xác định điều phải làm và điều không cần làm. Nó đánh giá tầm quan trọng của các công việc: Chúng ta không thể làm hết mọi điều người khác muốn, nhưng có đủ thời gian để làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Nó sẽ dẫn đến bình an trong tâm trí.
  • 6. 3. Giúp tập trung cuộc đời: Nó sẽ giúp chúng ta tập trung nỗ lực và sức lực vào những điều quan trọng, không bị xao lãng bởi những việc thứ yếu như kẻ dại (5:17). Đời sống tập trung là đời sống hiệu quả nhất (Phi Pl 3:13-15) và đừng lầm lẫn giữa hoạt động và hiệu năng. 4. Thúc đẩy cuộc đời: Mục đích luôn tạo nên nhiệt huyết. Chúng ta thường kiệt sức và mất đi niềm vui vì những việc thứ yếu chứ không phải vì có quá nhiều việc quan trọng. Niềm vui thật của cuộc sống đến từ sự hết lòng vì mục đích chúng ta đã xác định cho mình. 5. Chuẩn bị cho cõi đời đời: Nhiều người cố gắng để lại một di sản trên trần gian. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là những gì người khác nói về cuộc đời chúng ta, bèn là những gì Đức Chúa Trời nói ! . Những thành tựu rồi sẽ qua đi, những kỷ lục sẽ bị phá, danh tiếng sẽ phai mờ và những cống hiến rồi sẽ bị quên lãng... . Chúng ta có mặt trên trần gian không phải để người ta ghi nhớ mình mà là để chuẩn bị cho cõi đời đời (RoRm 14:10. IICo 2Cr 5:10). Có lẽ khi gặp Chúa, Ngài sẽ hỏi chúng ta hai câu hỏi quan trọng: “Con đã có mối tương giao thế nào với Con Ta?” và “Con đã làm gì với điều Ta ban cho con?”. Bài 5: NHÌN CUỘC ĐỜI TỪ QUAN ĐIỂM ĐỨC CHÚA TRỜI Câu gốc: “Vì, sự sống của anh em là chi? Chẳng qua như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay. Anh em phải nói trái lại: Ví bằng Chúa muốn, và ta còn sống, thì ta sẽ làm việc nọ việc kia. ” Gia Gc 4:14-15 I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÁCH NHÌN CUỘC ĐỜI 1. Những cách nhìn cuộc đời: Nhiều người xem cuộc đời là một rạp xiếc, một bãi mìn, một tàu lượn cao tốc, một câu đố, một bản giao hưởng, một hành trình, một vòng quay ngựa gỗ, một canh bạc, một cuộc đua... 2. Ảnh hưởng: Cách nhìn cuộc đời sẽ định hình cuộc đời, quyết định số phận, tác động đến cách đầu tư thì giờ, tiền của, tài năng, xác định những ưu tiên, những mục tiêu của chúng ta... . Nếu cuộc đời là một bữa tiệc thì mục tiêu sẽ là vui chơi thỏa thích ! . Nếu cuộc đời là cuộc đua marathon thì sự chịu đựng sẽ được đề cao... 3. Ba quan niệm của Kinh Thánh về cuộc đời: Kinh Thánh nêu ra ba quan niệm về cách Đức Chúa Trời nhìn cuộc sống con người: Cuộc sống là một thử thách, một sự tín nhiệm, và một sự tạm bợ. II. CUỘC SỐNG LÀ MỘT THỬ THÁCH 1. Đức Chúa Trời thử thách: Kinh Thánh cho thấy Đức Chúa Trời liên tục thử thách nhân cách, đức tin, sự vâng phục, tình yêu, sự liêm chính và sự trung thành của con người. Từ “thử thách” xuất hiện hơn 200 lần.
  • 7. 2. Phước hạnh của sự thử thách: Nhân cách vừa được phát triển, vừa được thể hiện qua thử thách. Đức Chúa Trời luôn xem xét cách chúng ta đối diện thử thách để chuẩn bị chúng ta vào chỗ cao hơn (IISu 2Sb 32:31). . Nhận biết cuộc đời là một thử thách, chúng ta sẽ nhận ra rằng không có điều gì là vô nghĩa trong cuộc đời, mà là cơ hội để phát triển nhân cách. 3. Đức Chúa Trời muốn chúng ta đắc thắng: Đức Chúa Trời muốn và cũng dự liệu cho chúng ta sự đắc thắng, vượt qua những thử thách trong cuộc sống. Bên cạnh sự thất bại của Ađam - Êva, của Cain, Samsôn, Đavít..., chúng ta vẫn có thể thấy sự đắc thắng của Giôsép, Rutơ, Êxơtê, Đaniên... . Đức Chúa Trời không bao giờ đưa chúng ta vào sự thử thách quá sức, vì Ngài đã dự liệu con đường giải thoát (ICo1Cr 10:13), cũng như ban ân điển dư dật hơn những thử thách mà chúng ta phải đối diện. . Khi chúng ta vượt qua thử thách, Đức Chúa Trời có kế hoạch để ban thưởng cho chúng ta trong cõi đời đời (Gia Gc 1:12). III. CUỘC SỐNG LÀ MỘT SỰ TÍN NHIỆM 1. Người quản lý của Đức Chúa Trời: Thời gian, sức lực, sự khôn ngoan, các cơ hội, các mối quan hệ cùng các tài nguyên đều là những món quà mà Đức Chúa Trời đã tin cậy phó thác cho chúng ta quản lý. . Như thế, Đức Chúa Trời là Chủ của mọi người và mọi vật trên trần gian nầy. Chúng ta chỉ là người quản lý của bất cứ điều gì Đức Chúa Trời ban cho chúng ta (Thi Tv 24:1). . Chúng ta không hề thực sự sở hữu bất cứ điều gì trên trần gian nầy vì mọi sự là của Đức Chúa Trời. Ngài chỉ cho chúng ta mượn khi chúng ta còn sống trên đất. 2. Công việc người quản lý: Công việc đầu tiên Đức Chúa Trời giao phó cho con người là quản trị và chăm lo mọi tài sản của Đức Chúa Trời trên đất. Ngài đã tin cậy và giao phó những công trình sáng tạo của Ngài cho họ và chỉ định họ làm người quản lý tài sản của Ngài. . Ngày nay, công việc nầy vẫn còn hiện hữu và đó là một phần trong mục đích của chúng ta. Chúng ta cần lưu ý hai điều: a. Chúng ta không được quyền khoe khoang vì mọi điều chúng ta có đều bởi sự ban cho của Đức Chúa Trời để chúng ta làm chức vụ quản lý tài sản của Ngài (ICo1Cr 4:7). b. Chúng ta phải hết sức cẩn thận khi sử dụng mọi điều Chúa tín nhiệm giao phó vì chính Chúa đang là Đấng sở hữu, và đặc tính của người quản lý phải là trung thành (4:2). 3. Sự thẩm định: Đến cuối cuộc đời, chúng ta sẽ được Chúa thẩm định và ban thưởng hay quở trách tùy theo cách chúng ta quản lý những gì Đức Chúa Trời tín nhiệm giao phó cho chúng ta. Chúa Jesus minh họa chân lý
  • 8. nầy bằng câu chuyện các ta lâng (Mat Mt 25:14-29). Trong đó Ngài xác định ba phần thưởng: a. Được Chúa xác nhận: Ngài xác nhận chúng ta là đầy tớ ngay lành, trung tín của Ngài và xác nhận công việc chúng ta là tốt lắm ! b. Được Chúa đề bạt: Ngài sẽ ban cho chúng ta được lãnh trách nhiệm lớn hơn trong cõi đời đời, vì phần thưởng của người phục vụ Chúa là được phục vụ Chúa nhiều hơn. c. Được Chúa đề cao: Chúa mời gọi chúng ta vào chung hưởng niềm vui của Chúa chúng ta. . Như thế, có một mối liên hệ chặt chẽ giữa cách sử dụng tiền của và chất lượng đời sống tâm linh và càng nhận nhiều thì trách nhiệm càng cao. IV. CUỘC SỐNG CHỈ LÀ TẠM BỢ 1. Hai sự thật cần nhớ: Để tận dụng tối đa cuộc sống, cần nhớ hai điều: a. Cuộc sống cực kỳ ngắn ngủi khi so với cõi đời đời: Nó được xem như cái bóng (Giop G 8:9), làn sương, hơi nước (Gia Gc 4:14) mỏng manh (Thi Tv 39:4)... b. Trần gian chỉ là nơi cư trú tạm thời: Chúng ta chỉ là khách lạ trên đất (119:19), kẻ ở trọ đời nầy (IPhi 1Pr 1:17). 2. Lời khuyên và cảnh cáo: Chúng ta cần phải: a. Nhìn cuộc sống giống như Chúa Jesus nhìn: Cần nhận biết bản chất, giá trị và mục đích của nó để tận dụng nó cho cõi đời đời. b. Nhìn cuộc sống khác hơn kẻ vô tín nhìn: Dù phải sống ở thế gian, sinh hoạt với người thế gian, nhưng chúng ta phải khác họ (Phi Pl 3:19-20). . Làm bạn với thế gian là tà dâm thuộc linh, là thù nghịch với Đức Chúa Trời (Gia Gc 4:4). . Làm bạn với thế gian là phản bội: Chúng ta là những đại sứ của Đức Chúa Trời trong một thế giới thù địch. Chúng ta phải sống giữa thế gian, nhưng không được quyền yêu mến nó (IGi1Ga 2:15) để rồi thỏa hiệp với nó mà phản bội với Vua và Vương quốc của chúng ta (IICo 2Cr 5:20). 3. Quê hương thật: Chúng ta cần nhận thức rõ ràng và dứt khoát: a. Trần gian không phải là quê hương của chúng ta: Điều nầy được thấy rõ qua sự kiện chúng ta phải gặp nhiều khó khăn, đau buồn và sự ruồng bỏ trong thế gian (GiGa 16:20, 33; 15:18-19). . Để giữ chúng ta khỏi gắn bó với thế gian, Đức Chúa Trời cho phép chúng ta cảm nhận khá nhiều bất mãn và không thỏa lòng trong cuộc sống. Chúng ta sẽ không bao giờ được thỏa lòng trọn vẹn trên trần gian vì chúng ta được tạo dựng không chỉ cho trần gian mà thôi. . Vì thế, đừng tập chú vào những vương miện tạm thời (IPhi 1Pr 2:11). b. Thiên đàng mới là quê hương thật của chúng ta: Nguồn gốc của chúng ta
  • 9. ở trong cõi đời đời và Thiên đàng mới là quê hương thật của chúng ta. Vì thế, chúng ta không còn lo lắng làm sao có đủ mọi thứ trên trần gian, làm sao thành đạt về vật chất như người thế gian. . Đó là lý do vì sao những anh hùng đức tin sẵn sàng chết trong tù, bị chém đầu cùng đủ mọi hình thức tuận đạo khác: Họ ham mến một quê hương tốt hơn (HeDt 11:13-16). . Đó là lý do họ không so bì với vinh quang và sự thạnh vượng của người thế gian: Họ sẽ nhận được điều muôn phần cao quý hơn khi họ “về nhà”. Bài 6: NGUYÊN NHÂN CỦA MỌI SỰ Câu gốc: “Vì muôn vật đều là từ Ngài, bởi Ngài, và hướng về Ngài. Vinh hiển cho Ngài đời đời vô cùng! A-men. ” RoRm 11:36 I. MỤC ĐÍCH CỦA VŨ TRỤ 1. Mục đích: Mục đích cuối cùng của vũ trụ là để bày tỏ vinh hiển của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã tạo dựng mọi sự vì sự vinh hiển của Ngài. 2. Ý nghĩa: Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời là chính Đức Chúa Trời: Đó là ý nghĩa bản chất của Ngài, tầm quan trọng của Ngài, sự huy hoàng của Ngài, quyền năng và sự hiện diện của Ngài. . Mọi sự Đức Chúa Trời tạo nên đều phản ánh sự vinh hiển của Ngài theo một cách nào đó, từ sự sống vi sinh đến giãi Ngân hà vĩ đại... Qua thiên nhiên, chúng ta biết được Đức Chúa Trời là Đấng Toàn năng. Ngài thích sự đa dạng, vẻ đẹp, có tổ chức, khôn ngoan và sáng tạo (Thi Tv 19:1). II. SỰ VINH HIỂN ĐỨC CHÚA TRỜI ĐƯỢC BÀY TỎ 1. Liên tục bày tỏ: Xuyên suốt lịch sử, Đức Chúa Trời đã bày tỏ sự vinh hiển của Ngài cho con người bằng nhiều cách. Đầu tiên tại vườn Êđen, sau đó qua đền tạm và đền thờ, qua Chúa Jesus và bây giờ là qua Hội Thánh. . Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời được mô tả như một ngọn lửa hay thiêu đốt, một đám mây, sấm chớp và ánh sáng chói lòa (KhKh 21:23). 2. Cao điểm: Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời được bày tỏ rõ ràng nhất trong Đức Chúa Jesus: Ngài là Anh sáng của thế gian, bày tỏ bản chất của Đức Chúa Trời. . Nhờ Chúa Jesus, chúng ta không còn ở trong bóng tối của tội lỗi và của sự thiếu hiểu biết Đức Chúa Trời (HeDt 1:3, IICo 2Cr 4:6, GiGa 1:14). III. THÁI ĐỘ CẦN CÓ 1. Thái độ: Chúng ta phải nhìn nhận, tôn cao, công bố, ngợi khen, bày tỏ và sống vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. 2. Lý do: Chúng ta phải làm những điều đó vì Đức Chúa Trời xứng đáng được như thế. Chúng ta mắc nợ Ngài về điều đó, vì đó là mục đích chúng ta
  • 10. được Ngài tạo dựng. 3. Lời cảnh báo: Chỉ có hai tạo vật không chịu dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Đó là ma quỷ và con người ! Đây là tội lỗi lớn hơn hết ! Mặt khác, sống vì vinh hiển Đức Chúa Trời là thành công lớn nhất (EsIs 43:7). Bài 7: LÀM SAO ĐỂ DÂNG VINH HIỂN CHO CHÚA? Câu gốc: “Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm. ” GiGa 17:4 I. BÍ QUYẾT 1. Gương Chúa Jesus: Chúa Jesus đã khẳng định “đồ ăn”của Ngài là làm theo và làm trọn ý muốn Cha, và Ngài đã kết thúc cuộc đời bằng câu nói lịch sử: “Con đã tôn vinh Cha trên đất, làm xong công việc Cha giao cho làm. ” Ngài tôn vinh Cha bằng cách làm trọn mục đích của Ngài trên đất. 2. Áp dụng: Khi tạo vật nào làm thành mục đích của mình, tạo vật ấy dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời. . Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên bạn để là chính bạn, chứ không phải một ai khác hay một tạo vật nào khác. Hãy khám phá mục đích của Đức Chúa Trời cho chính cá nhân bạn và hoàn tất để làm vinh hiển Ngài. II. NĂM MỤC ĐÍCH ĐỨC CHÚA TRỜI CHO BẠN 1. Thờ phượng Đức Chúa Trời: Chúng ta dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời bằng cách thờ phượng Ngài. a. Thế nào là thờ phượng Đức Chúa Trời? Thờ phượng Chúa không chỉ là ngợi khen Chúa và cầu nguyện. Thờ phượng Chúa đích thật là sống tận hưởng Ngài, yêu mến ngài và dâng hiến chính mình để sử dụng cho những mục đích của Ngài (RoRm 12:1. 6:13). b. Động cơ của sự thờ phượng Chúa: Sự thờ phượng Chúa phải xuất phát từ tình yêu, lòng biết ơn và sự vui mừng, chứ không phải một nhiệm vụ. Sự thờ phượng Chúa thật sẽ đưa chúng ta vào sự thỏa lòng nhất trong Ngài. 2. Yêu thương người khác: Chúng ta dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời bằng cách yêu thương người khác: a. Lý do: Chúng ta đã được tái sanh để thuộc về gia đình của Đức Chúa Trời nên phải biết yêu thương gia đình của mình. Tình yêu anh em là bằng cớ chứng tỏ chúng ta đã “vượt khỏi sự chết, qua sự sống”( IGi1Ga 3:14). b. Kết quả: Khi chúng ta yêu thương nhau, mọi người sẽ nhận biết chúng ta là môn đồ của Chúa Jesus và Đức Chúa Trời được vinh hiển (RoRm 15:7). 3. Trở nên giống Đấng Christ: Chúng ta dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời bằng cách trở nên giống như Đấng Christ qua trưởng thành thuộc linh, nghĩa là giống Đấng Christ trong suy nghĩ, cảm nhận và hành động. Càng có
  • 11. nhân cách giống Chúa, chúng ta càng dâng vinh hiển cho Ngài. . Đức Chúa Trời ban cho chúng ta một bản chất mới và một cuộc đời mới. Ngài sẽ tiếp tục tiến trình biến đổi nhân cách chúng ta để đem lại nhiều kết quả, làm vinh hiển Danh Cha trên trời (Mat Mt 5:16). 4. Phục vụ người khác: Chúng ta dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời bằng cách phục vụ người khác. Chúng ta cần lưu ý: a. Năng lực khác nhau: Mỗi người được Chúa “dệt” nên rất khác nhau với những tài năng, ân tứ, kỹ năng và năng lực khác nhau. b. Chức vụ quản gia: Tuy nhiên chúng ta chỉ là những quản gia, không được sử dụng năng lực Chúa ban với mục đích vị kỷ, mà phải sử dụng để phục vụ lẫn nhau, làm vinh hiển Đức Chúa Trời (IPhi 1Pr 4:10-11). 5. Nói cho người khác về Chúa: Chúng ta dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời bằng cách nói cho người khác về Chúa: a. Lẽ thật phải được công bố: Lẽ thật về tình yêu Đức Chúa Trời và những mục đích của Ngài cho con người cần phải được bày tỏ cho mọi người. b. Một đặc quyền lớn: Đây không phải là một gánh nặng, nhưng là một đặc quyền lớn giới thiệu Chúa Jesus cho người khác, giúp họ khám phá mục đích của họ và chuẩn bị họ cho cõi đời đời (IICo 2Cr 4:15). III. BẠN SẼ SỐNG VÌ ĐIỀU GÌ? 1. Phải có sự thay đổi: Muốn sống vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời, chúng ta phải có nhiều thay đổi trong các ưu tiên, lịch làm việc, các mối quan hệ... 2. Ngã ba đường: Nhiều khi phải lựa chọn con đường khó: Dâng vinh hiển cho Đức Chúa Trời hay chọn cuộc đời an nhàn, khoái lạc của ý riêng? . Hãy nhớ đến phần thưởng đời đời và chính Chúa sẽ ban năng lực khi chúng ta quyết định lựa chọn sống cho Ngài (IIPhi 2Pr 1:3. GiGa 12:27-28). 3. Sống chứ không phải hiện hữu: Chúa đang mời gọi chúng ta sống vì sự vinh hiển Ngài, hoàn thành mục đích cuộc đời, chứ không phải đơn thuần chỉ là hiện hữu trên đất. 4. Hai điều cần làm trước tiên: 1:12 kêu gọi mọi người trên trần gian phải trước tiên thực hiện hai điều: a. Trước hết, hãy tin: Hãy tin rằng Đức Chúa Trời yêu thương bạn và tạo dựng bạn vì những mục đích tốt lành của Ngài. Bạn không phải là một sự tình cờ, nhưng đã được tạo dựng cho cõi đời đời. Hãy tin rằng Chúa đã chọn lựa bạn để tương giao với Chúa Jesus, Đấng đã chết thay cho bạn. b. Thứ hai, hãy tiếp nhận: Hãy tiếp nhận Chúa Jesus làm Cứu Chúa, làm Chủ đời sống bạn. Hãy tiếp nhận sự tha thứ và Đức Thánh Linh, Đấng ban năng lực để bạn có thể làm trọn mục đích của Ngài cho bạn. Bài 8: THỜ PHƯỢNG ĐỨC CHÚA TRỜI
  • 12. Câu gốc: “Lạy Đức Chúa Trời là Chúa chúng tôi, Chúa đáng được vinh hiển, tôn quí và quyền lực; vì Chúa đã dựng nên muôn vật, và ấy là vì ý muốn Chúa mà muôn vật mới có và đã được dựng nên. ” KhKh 4:11 I. NIỀM VUI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI 1. Khi tạo dựng chúng ta: Chính Chúa nắn, dệt nên chúng ta và Ngài vui mừng đón chào sự ra đời của chúng ta. . Ngài không cần phải tạo dựng chúng ta nhưng Ngài đã lựa chọn tạo ra chúng ta vì sự vui thích của Ngài. . Vì thế, chúng ta hiện hữu là vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời, vì mục đích và niềm vui của Ngài, để làm con của Ngài (Eph Ep 1:4-5). . Đức Chúa Trời đã yêu quý chúng ta, ban cho chúng ta một giá trị, một tầm quan trọng đối với Ngài, khiến chúng ta thấy cuộc đời thật ý nghĩa. Hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời muốn chúng ta tận hưởng cuộc sống chứ không phải chịu đựng nó. 2. Khi chúng ta thờ phượng Ngài: Đức Chúa Trời đẹp lòng người thờ phượng Ngài và tin cậy nơi tình yêu của Ngài (Thi Tv 147:11). . Các nhà nhân loại học lưu ý rằng sự thờ phượng là một sự thúc giục phổ quát đã được Đức Chúa Trời đan kết vào bản thể chúng ta, tự nhiên cũng như nhu cầu ăn uống và thở vậy. . Tuy nhiên, Đức Chúa Trời chỉ ưa thích và đẹp lòng những người thờ phượng Ngài với cả tâm thần và lẽ thật (GiGa 4:23). II. THẾ NÀO LÀ THỜ PHƯỢNG ĐỨC CHÚA TRỜI? 1. Không phải chỉ là âm nhạc: Thờ phượng không đồng nghĩa với âm nhạc, vì thật ra thờ phượng có trước âm nhạc: Ađam đã thờ phượng Chúa tại Êđen trước khi có Giubanh (SaSt 4:21). . Thờ phượng hoàn toàn độc lập với phong cách, âm lượng, nhịp độ của bài hát hay các nhạc cụ. . Không hề có cái gọi là âm nhạc Cơ Đốc vì chỉ chính lời hát mới khiến bài hát trở thành Thánh ca, chứ không phải giai điệu “thuộc linh”! . Có nhiều loại nhạc và nhiều khi âm nhạc của dân tộc nầy là tiếng động chói tai đối với dân tộc khác, nhưng Đức Chúa Trời thích sự đa dạng của âm nhạc được dâng lên Ngài với tất cả tâm linh và lẽ thật. 2. Không phải vì lợi ích của bạn: Chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời vì cớ chính Ngài chứ không phải vì lợi ích của chúng ta, dù thật ra, chúng ta rất được phước khi thờ phượng Đức Chúa Trời với tất cả tâm linh và lẽ thật. . Động cơ của sự thờ phượng thật là dâng vinh hiển và sự vui thỏa lên cho Đấng Sáng tạo mình, chứ không phải tìm kiếm vinh hiển cho mình hay làm thỏa lòng chính mình.
  • 13. . Chúa quở trách sự thờ phượng giả hình, nghi thức với những lời trống rỗng đầy vẻ sùng kính mà lòng đang cách xa Chúa (EsIs 29:13). 3. Không phải là một phần cuộc sống bạn: Thờ phượng Chúa không phải chỉ là những điều được thực hiện tại nhà thờ với sự phân biệt hai phần đạo và đời trong cuộc sống. 4. Nhưng là chính cuộc đời bạn: Chúng ta phải thờ phượng Chúa luôn luôn (Thi Tv 105:4) vì thân thể chúng ta luôn là đền thờ của Đức Chúa Trời (ICo1Cr 3:16) và cả cuộc đời là sự thờ phượng Chúa. . Chúng ta phải thờ phượng Chúa trong mọi nơi, mọi lúc, từ nơi “mặt trời mọc đến nơi mặt trời lặn” (Thi Tv 113:3. 34:1). . Chúng ta có thể thờ phượng Chúa bằng bất cứ một sinh hoạt bình thường nào của đời sống. Điều nầy sẽ đem lại niềm vui trong cuộc sống. III. BÍ QUYẾT 1. Làm mọi sự vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời: Mỗi việc làm đều có thể biến thành một hành động thờ phượng khi chúng ta làm để ngợi khen, tôn vinh và dâng sự vui thỏa lên cho Đức Chúa Trời (ICo1Cr 10:31). 2. Làm mọi sự như làm cho Chúa: Phao Lô dạy hễ làm việc gì hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chứ không phải làm cho người ta (CoCl 3:23). Đây là bí quyết để có một lối sống thờ phượng Chúa, khiến những việc làm khó chịu, nhàm chán sẽ trở nên niềm vui, đem lại phước hạnh cho cả người phục vụ lẫn người được phục vụ... 3. Làm trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời: Mọi công việc bình thường sẽ trở nên sự thờ phượng Chúa khi nó được dâng lên cho Chúa và thực hiện với sự nhận thức sâu sắc về sự hiện diện của Ngài. . Như một người đang yêu lúc nào cũng nghĩ đến người mình yêu, chúng ta cần luôn nghĩ đến Chúa Jesus trong mọi sinh hoạt thường nhật của cuộc đời. Nhận thức sự hiện diện của Chúa Jesus sẽ khiến chúng ta thận trọng trong việc làm, thêm sức mạnh để tiến tới và phát triển tình yêu chúng ta đối với Chúa càng sâu đậm hơn. Bài 9: ĐIỀU KHIẾN ĐỨC CHÚA TRỜI VUI LÒNG Câu gốc: “Cầu xin Đức Giê-hô-va ban phước cho ngươi và phù hộ ngươi! Cầu xin Đức Giê-hô-va chiếu sáng mặt Ngài trên ngươi, và làm ơn cho ngươi! Cầu xin Đức Giê-hô-va đoái xem ngươi và ban bình an cho ngươi! Dan Ds 6:24-26 Làm vừa lòng Đức Chúa Trời là mục đích đầu tiên của cuộc đời. Vì thế phải “xét điều chi vừa lòng Chúa” (Eph Ep 5:10). Trong thời Nô-ê, Đức Chúa Trời đã tìm được một người làm vui lòng Ngài khiến nhân loại vẫn còn tồn
  • 14. tại. Chúng ta sẽ học về năm hành động thờ phượng Đức Chúa Trời của Nô-ê khiến Ngài vui lòng. I. KHI CHÚNG TA YÊU NGÀI HƠN HẾT 1. Tương giao mật thiết với Chúa: Kinh Thánh giới thiệu Nô-ê là người “công bình và trọn vẹn, đồng đi cùng Đức Chúa Trời”( SaSt 6:9). Đức Chúa Trời muốn chúng ta tương giao với Ngài trong tình yêu (OsHs 6:6). 2. Nhận biết Chúa sâu sắc: Mối tương giao mật thiết sẽ đưa chúng ta vào sự nhận biết Chúa sâu sắc để càng yêu Chúa hơn và kinh nghiệm tình yêu Chúa ngọt ngào hơn. Đó là mục đích cuộc đời mỗi chúng ta. 3. Điều răn lớn nhất: Vì thế, Chúa Jesus đã gọi đó là điều răn lớn hơn hết khi chúng ta “hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết trí yêu mến Chúa”. II. KHI CHÚNG TA TIN CẬY CHÚA HẾT LÒNG 1. Ba nan đề Nô-ê phải đối diện: Khi nhận mạng lệnh Chúa truyền về việc đóng tàu để cứu gia đình khỏi nước lụt, Nô-ê phải đối diện ba vấn đề: a. Nô-ê chưa bao giờ thấy mưa, chỉ có hơi nước từ đất bay lên (SaSt 2:5). b. Nô-ê sống cách xa bờ biển vài trăm dặm. c. Tập hợp các súc vật để vào tàu là một nan đề quá lớn. 2. Tin cậy Đức Chúa Trời là một hành động thờ phượng: Mặc cho những lời chỉ trích, Nô-ê vẫn cứ tin cậy Chúa, trông đợi Ngài (Thi Tv 147:11), vì biết Chúa sẽ ban thưởng điều tốt nhất cho người tin cậy Ngài (HeDt 11:6). III. KHI CHÚNG TA HẾT LÒNG VÂNG LỜI NGÀI 1. Làm đúng như điều Chúa dạy: Nô-ê đã vâng phục Chúa cách trọn vẹn, chính xác, hết lòng (SaSt 6:22) trong niềm vui và nhiệt huyết (Thi Tv 100:2). 2. Phước hạnh của sự vâng phục: Vâng phục ngay lập tức dẫn đến sự hiểu biết. Nó sẽ dạy chúng ta biết nhiều hơn về Đức Chúa Trời. Chính sự vâng phục chứng minh đức tin thật của chúng ta nơi Chúa (Gia Gc 2:24) cũng như tình yêu của chúng ta đối với Ngài (GiGa 14:21), khiến Ngài vui lòng. IV. KHI CHÚNG TA NGỢI KHEN VÀ TẠ ƠN CHÚA KHÔNG THÔI 1. Ý nghĩa: Khi chúng ta ngợi khen và tạ ơn Chúa là chúng ta bày tỏ sự tôn kính Chúa, biết ơn Ngài. . Sau cơn nước lụt, điều đầu tiên Nô-ê thực hiện là dâng một của lễ thiêu để tạ ơn Đức Chúa Trời. Ngày nay chúng ta có thể dâng “tế lễ” bằng lời ngợi khen Chúa (HeDt 13:15. Thi Tv 116:17). 2. Ngợi khen tạ ơn Chúa về điều gì? Chúng ta ngợi khen Đức Chúa Trời về chính Ngài và tạ ơn Ngài về những việc Ngài đã làm (69:30-31). 3. Hai chiều của sự thờ phượng Chúa: Chúng ta vui hưởng và tạ ơn Chúa về
  • 15. những điều Ngài đã làm. Điều đó sẽ khiến Ngài vui lòng, nhưng nó cũng làm tăng niềm vui của chúng ta nữa (68:3). V. KHI CHÚNG TA LÀM TRỌN SỨ MẠNG CHÚA GIAO 1. Khi chúng ta làm mọi điều Chúa dạy: Đức Chúa Trời rất vui thích ngắm từng chi tiết trong cuộc đời chúng ta. Mọi hoạt động của con người, ngoại trừ tội lỗi, đều có thể khiến Đức Chúa Trời vui lòng nếu được thực hiện với thái độ ngợi khen Chúa, bất kể điều đó thuộc linh hay thuộc thể. 2. Khi chúng ta tận dụng ân tứ Chúa ban: Đức Chúa Trời rất vui lòng khi chúng ta tận dụng những ân tứ và tài năng Ngài ban trong mọi phương diện của cuộc sống. . Đức Chúa Trời ban cho mỗi người những ta-lâng khác nhau về sức mạnh, khôn ngoan, tài khéo, năng khiếu âm nhạc, kỹ thuật... . Đức Chúa Trời rất buồn khi chúng ta chôn giấu những ta-lâng Chúa ban, hoặc cố gắng để trở thành một người khác, vì như thế là phủ nhận sự khôn ngoan, tình yêu và quyền tể trị của Ngài khi tạo dựng chúng ta (EsIs 45:9). 3. Khi chúng ta tận hưởng sự sáng tạo của Ngài: Đức Chúa Trời ban cho chúng ta những giác quan để tận hưởng mọi vẻ đẹp của cuộc sống trong sự tạ ơn Ngài, vì mỗi ngày Ngài ban mọi sự dư dật cho chúng ta được hưởng (ITi1Tm 6:17). Ngài yêu chúng ta như thể trên trái đất nầy chỉ có một mình chúng ta ! 4. Khi chúng ta hết lòng làm đẹp lòng Chúa: Đức Chúa Trời biết chúng ta không thể toàn hảo và không phạm tội vì chúng ta chỉ là bụi đất (Thi Tv 103:14). Tuy nhiên, chúng ta phải biết làm hết sức để được đẹp lòng Chúa (IICo 2Cr 5:9). Ngài muốn thấy thái độ của tấm lòng chúng ta. KẾT LUẬN. Đức Chúa Trời đang tìm những người như Nô-ê, sẵn sàng làm đẹp lòng Ngài để Ngài ban phước và làm việc lớn của Ngài cho họ. Bài 10: TRỌNG TÂM CỦA SỰ THỜ PHƯỢNG Câu gốc: “Hãy phó chính mình anh em cho Đức Chúa Trời, dường như đã chết mà nay trở nên sống, và dâng chi thể mình cho Đức Chúa Trời như là đồ dùng về sự công bình. ” RoRm 6:13 I. TRỌNG TÂM CỦA SỰ THỜ PHƯỢNG LÀ GÌ? 1. Phó mình: Trọng tâm của sự thờ phượng Chúa là phó mình cho Ngài. Đó chính là đáp ứng tự nhiên của chúng ta trước tình yêu và lòng nhơn từ kỳ diệu của Đức Chúa Trời. . Từ “phó mình” hàm ý một sự mất mát, một sự thất bại, một sự đầu hàng, nhưng lại là bí quyết của đời sống đắc thắng, một sự thờ phượng Chúa phải
  • 16. lẽ, đẹp lòng Ngài (12:1). 2. Những từ khác: Hành động phó dâng đời sống cho Chúa còn được gọi bằng nhiều tên: Sự dâng hiến - Tôn Chúa Jesus làm Chủ - Vác thập tự giá - Làm chết bản ngã - Đầu phục Đức Thánh Linh... . Điều quan trọng không phải là từ ngữ mà là hành động tận hiến cho Chúa 100%. II. PHÓ MÌNH NGHĨA LÀ GÌ? 1. Cần lưu ý : Phó mình không phải là sự trao dâng thụ động theo kiểu tiền định, cũng không phải là chấp nhận nguyên trạng hay một sự kềm chế nhân cách. Trái lại đây là hành động tích cực với sự tham dự của toàn bộ nhân cách - lý trí, tình cảm, ý chí - để phát huy nhân cách thật. 2. Phó mình là vâng phục: Sự phó mình thể hiện rõ nhất trong sự vâng phục vì không vâng phục Chúa thì không thể gọi Ngài là Chúa. Chúa đòi hỏi một sự vâng phục tuyệt đối vì sự vâng phục nửa vời chính là sự bất tuân. 3. Phó mình là trông cậy: Phó dâng cho Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ nương dựa nơi Ngài để Ngài toàn quyền làm việc (XuXh 14:14). Thay vì cố gắng nhiều hơn, chúng ta cần biết trông cậy Chúa nhiều hơn (Thi Tv 37:7). . Đối với nhiều người, lãnh vực khó khăn nhất của sự phó dâng là tiền bạc, của cải. Vì thế Chúa Jesus đã cảnh cáo: “Chẳng ai được làm tôi hai chủ” và “của cải ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó” (Mat Mt 6:24, 21). . Gương phó mình cao cả nhất chính là Chúa Jesus. Ngài thưa với Cha: “Không phải điều Con muốn mà theo điều Cha muốn” (Mac Mc 14:36), nghĩa là điều Cha muốn cũng sẽ là điều Ngài muốn. Phó mình là một việc khó khăn, một cuộc chiến đau đớn nhưng thật phước hạnh. III. BÍ QUYẾT ĐỜI SỐNG PHÓ MÌNH 1. Ba rào cản: Ba rào cản ngăn trở chúng ta phó mình cho Chúa là: a. Sự sợ hãi: Nhiều người không nhận thức được tình yêu Chúa cho mình. b. Sự kiêu ngạo: Nhiều người chỉ muốn tự điều khiển cuộc đời của mình. c. Sự mơ hồ: Nhiều người hiểu lầm ý nghĩa của sự phó dâng. 2. Hãy tin cậy Đức Chúa Trời: Lòng tin là điều cần yếu, là kết quả của sự biết Chúa để yêu Ngài và tình yêu sẽ xua tan mọi sợ hãi (IGi1Ga 4:18). a. Hãy biết Chúa yêu chúng ta dường nào: Ngài đã tạo dựng nên chúng ta, quan tâm chăm sóc chúng ta (Mat Mt 10:30), hy sinh vì chúng ta (RoRm 5:8), tha thứ, kiên nhẫn với chúng ta và cứ yêu chúng ta cho đến cuối cùng... b. Hãy biết rõ ý nghĩa sự phó mình: Chúa không phải là người cai nô lệ khắt khe mà là Cha, Cứu Chúa, Bạn, và là Người yêu dấu của chúng ta. Sự phó mình cho Chúa mới đưa chúng ta vào sự tự do thật (GiGa 8:36). 3. Hãy thừa nhận giới hạn của mình: Nguyên nhân của mọi nỗi bất hạnh là
  • 17. vì con người muốn tự làm chủ, muốn “bằng Đức Chúa Trời” (SaSt 3:5). Hãy chấp nhận những giới hạn của mình. Đừng cố gắng làm mọi sự để rồi bực mình khi thất bại hay đố kỵ với người thành công hơn, mà hãy phó mình cho Chúa để Ngài làm được mọi sự qua chúng ta (Phi Pl 4:13). IV. PHƯỚC HẠNH CỦA ĐỜI SỐNG PHÓ MÌNH 1. Được bình an: Giop G 22:21 cho biết khi chúng ta thôi tranh cãi với Đức Chúa Trời, nghĩa là khi bằng lòng đầu hàng, phó thác mọi sự trong Tay Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ kinh nghiệm sự bình an thật. 2. Được tự do thật: RoRm 6:17 cho biết khi dâng phó chính mình cho đường lối Đức Chúa Trời thì tự do thật sẽ đến, những mạng lệnh của Chúa sẽ khiến chúng ta sống trong sự tự do của Ngài. 3. Kinh nghiệm quyền năng của Đức Chúa Trời: Khi dâng phó chính mình cho Chúa, chúng ta sẽ kinh nghiệm quyền năng của Đức Chúa Trời. Những cám dỗ, nan đề... sẽ được giải quyết. . Đây là một nghịch lý: Chiến thắng đến nhờ sự đầu hàng. Nhưng đó là kinh nghiệm của Môise, Giôsuê... khi họ xưng mình là nô lệ của Chúa. 4. Cách sống duy nhất: Nếu không thờ phượng Đức Chúa Trời, con người sẽ phải tôn thờ một điều gì hoặc một ai đó và sẽ nhận lấy hậu quả của quyết định đó. Vì thế thuận phục Đức Chúa Trời không phải là cách sống tốt nhất mà chính là cách sống duy nhất (RoRm 12:1. IICo 2Cr 5:9). . Tuy nhiên thuận phục không phải là một việc làm một lần đủ cả, mà là một thái độ sống mỗi ngày (ICo1Cr 15:31; LuLc 9:23). Bài 11: LÀM NGƯỜI BẠN TỐT NHẤT CỦA CHÚA Câu gốc: “Vì nếu khi chúng ta còn là thù nghịch cùng Đức Chúa Trời, mà đã được hòa thuận với Ngài bởi sự chết của Con Ngài, thì huống chi nay đã hòa thuận rồi, chúng ta sẽ nhờ sự sống của Con ấy mà được cứu là dường nào!” RoRm 5:10 I. NGƯỜI BẠN TỐT NHẤT 1. Mối tương giao lý tưởng: Đức Chúa Trời có nhiều mối liên hệ với con người nhưng Ngài muốn làm Người Bạn tốt nhất của mỗi chúng ta. . Tại vườn Êđen, Đức Chúa Trời thiết lập mối tương giao lý tưởng với con người: Mối tương giao mật thiết của tình yêu đơn sơ, không bị ngăn trở bởi sự sợ hãi và mặc cảm tội lỗi, nhưng đầy niềm vui trong Ngài. 2. Thời Cựu Ước: Tội lỗi đã đánh mất mối tương giao lý tưởng. Vì thế, dù có một số ít người được hưởng đặc ân làm bạn với Đức Chúa Trời, nhưng sự kính sợ Đức Chúa Trời là điều phổ biến hơn. 3. Thời Tân Ước: Bức màn trong đền thờ đã bị xé đôi bày tỏ con người lại
  • 18. có thể trực tiếp đến với Ba Ngôi Đức Chúa Trời bất cứ lúc nào (RoRm 5:11), nhờ ân điển và sự hy sinh của Chúa Jesus (HeDt 10:19; RoRm 5:18). 4. Đặc ân lớn nhất: Biết và yêu Chúa là đặc quyền lớn nhất của mỗi chúng ta và đó cũng chính là niềm vui của Đức Chúa Trời. . Chúa Jesus không gọi chúng ta là đầy tớ, nhưng là bạn hữu Ngài vì Ngài sẵn sàng bày tỏ cho chúng ta mọi điều Ngài nghe nơi Cha (GiGa 15:15). Thật ra, Đức Chúa Trời khao khát chúng ta biết rõ Ngài (Cong Cv 17:26- 27). 5. Sáu điều bí mật về tình bạn với Đức Chúa Trời: Muốn kết bạn thiết với Đức Chúa Trời, chúng ta cần phải: Tương giao không ngừng với Ngài - Suy gẫm không ngừng về Ngài và Lời Ngài - Thành thật với Ngài - Vâng phục Ngài bởi đức tin - Coi trọng điều Ngài coi trọng - Khao khát Chúa nhiều hơn. II. TRỞ THÀNH NGƯỜI BẠN TỐT NHẤT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI 1. Thông qua sự tương giao không ngừng: Không thể tương giao mật thiết với Chúa nếu chúng ta chỉ đi nhà thờ hoặc ngay cả có thì giờ tĩnh nguyện hằng ngày ! a. Giờ tĩnh nguyện vẫn chưa đủ: Thói quen tĩnh nguyện với Chúa, ở riêng với Chúa là điều quan trọng vì Chúa Jesus đã làm gương cho chúng ta. Tuy nhiên Ngài muốn hiện diện trong từng công việc, nan đề,... thậm chí trong từng ý tưởng của chúng ta trong sự “cầu nguyện không thôi”. b. Thực hành sự hiện diện của Đức Chúa Trời: Brother Lawrence viết: . Hãy biến những công việc thông thường và nhỏ nhặt nhất thành những công việc ngợi khen và tương giao với Đức Chúa Trời. . Chìa khóa dẫn đến tình bạn với Đức Chúa Trời không phải là thay đổi công việc bạn làm, nhưng là thay đổi thái độ của bạn đối với công việc. . Hãy tập cầu nguyện những câu ngắn như nói chuyện với Chúa suốt cả ngày thay vì cố gắng cầu nguyện thật dài dòng và phức tạp. . Để có thể cầu nguyện không thôi, hãy dùng lời cầu nguyện “hơi thở” bằng những câu nói ngắn, câu Kinh Thánh ngắn... c. Luyện tập thói quen sống trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời: Phải bảo đảm rằng động cơ cầu nguyện là tôn vinh Đức Chúa Trời chứ không phải điều khiển Ngài. . Có thể chúng ta cần phải có điều gì để nhắc nhở mình về sự hiện diện của Chúa: Một câu ghi chú, một tiếng nhạc chuông mỗi 15 phút... . Đừng tìm kiếm cảm xúc mà hãy nhận thức liên tục về sự thực Đức Chúa Trời đang hiện hữu. 2. Thông qua sự suy gẫm không ngừng: Kinh Thánh luôn thúc giục chúng ta suy gẫm về việc Đức Chúa Trời là Ai? Ngài đã làm gì? Ngài đã phán gì?
  • 19. . Không thể kết bạn với Chúa Jesus, yêu mến Ngài nếu không biết Ngài. Không thể biết Chúa nếu không biết Lời Ngài phán (ISa1Sm 3:21). . Chúng ta không thể dùng cả ngày để học Kinh Thánh, nhưng chúng ta có thể suy gẫm Lời Chúa suốt cả ngày, nhớ lại những câu chúng ta đã biết, đã học thuộc... . Suy gẫm không phải là một nghi thức huyền bí, khó khăn, mà đơn giản chỉ là suy nghĩ có tập trung. . Lo lắng là suy nghĩ có tập trung vào nan đề, còn suy gẫm là suy nghĩ có tập trung vào Lời Chúa. Càng suy gẫm Lời Chúa nhiều bao nhiêu, chúng ta sẽ bớt lo lắng bấy nhiêu. . Phải biết đánh giá cao Lời Chúa trong đời sống: Đức Chúa Trời xem Gióp và Đavít là những người bạn thiết của Ngài vì họ xem Lời Ngài giá trị hơn mọi sự (Giop G 23:12. Thi Tv 119:97, 77:12). . Kết quả của tình bạn chân thật là chia sẻ các bí mật: Khi chúng ta phát triển thói quen suy gẫm Lời Chúa suốt ngày, Chúa sẽ chia sẻ những bí mật của Ngài cho chúng ta (SaSt 18:17. Thi Tv 103:7a). Hãy tập ôn nhớ những lẽ thật trong khi học Kinh Thánh, nghe giảng... và suy gẫm luôn, chúng ta sẽ hiểu được những bí mật mà nhiều người chưa hề biết. Bài 12: LÀM NGƯỜI BẠN TỐT NHẤT CỦA CHÚA (tt) Câu gốc: “Vì Đức Giê-hô-va gớm ghiếc kẻ gian tà; Nhưng kết tình bậu bạn cùng người ngay thẳng. ” ChCn 3:32 Tình bạn với Đức Chúa Trời cần được tích cực phát triển. Điều nầy đòi hỏi lòng khao khát, thời gian và sức lực của chúng ta. 3. Phải thành thật với Đức Chúa Trời: Viên gạch đầu tiên để xây dựng tình bạn sâu sắc hơn với Đức Chúa Trời chính là sự thành thật. a. Thành thật trọn vẹn: Nếu sự toàn hảo là điều kiện để làm bạn với Đức Chúa Trời thì không ai có thể làm bạn với Ngài. Vì thế, Chúa không đòi hỏi sự toàn hảo mà đòi hỏi chúng ta thành thật hoàn toàn về những lỗi lầm và những cảm nhận của chúng ta, vì Ngài là “Bạn của những kẻ thâu thuế và kẻ có tội” (Mat Mt 11:9). b. Gương thành thật: Trong Kinh Thánh, những người bạn của Đức Chúa Trời rất chân thật về cảm nhận của họ và Chúa cho phép họ như thế: . Ápraham chất vấn Chúa về việc tiêu diệt Sôđôm, Gômôrơ (SaSt 18:1-33). . Đavít phàn nàn về những sự bất công, phản bội, bị bỏ rơi... . Gióp bày tỏ sự khốn khổ trong hoạn nạn mình phải đối diện... . Môise lưu ý Đức Chúa Trời về trách nhiệm của Ngài (XuXh 33:12-17). c. Cởi mở nhưng không cay đắng: Tình bạn chân thật được xây dựng trên sự cởi mở chân tình. Đức Chúa Trời chán ngấy những lời sáo rỗng, rập khuôn,
  • 20. có thể đoán trước... Ngài muốn chúng ta chia sẻ cảm xúc thật của mình chứ không phải những gì mình nghĩ là phải nói. . Tuy nhiên, sự cay đắng là rào cản lớn nhất của tình bạn với Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể thắc mắc, nhưng hãy nhận thức rằng Đức Chúa Trời luôn luôn hành động vì lợi ích của chúng ta, dù nhiều khi khiến chúng ta phải đau đớn (RoRm 8:28). d. Cẩm nang thờ phượng: Có thể nói Thi Thiên là cẩm nang của sự thờ phượng Đức Chúa Trời, với nhiều lời nói tích cực, đam mê lẫn với những sợ hãi, bối rối, thắc mắc, được kết thúc bằng lời cảm tạ, ngợi khen Chúa. 4. Phải vâng phục Đức Chúa Trời bởi đức tin: a. Vâng phục là đặc tính của tình bạn: Chúa Jesus phán: “Ví thử các ngươi làm theo điều Ta dạy, thì các ngươi là bạn hữu Ta” (GiGa 15:14). b. Lý do: Dù là bạn của Đức Chúa Trời nhưng chúng ta không ngang hàng với Ngài. Ngài là người lãnh đạo yêu thương của chúng ta. Hơn nữa, khi vâng phục Chúa, chúng ta bày tỏ sự tin cậy nơi sự khôn ngoan của Ngài. c. Động cơ: Chúng ta vâng phục Chúa không vì nghĩa vụ, áp lực hay sợ hãi hình phạt, nhưng vì yêu Ngài, biết ơn Ngài và tin rằng Ngài yêu chúng ta, biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta, khiến chúng ta vui mừng (GiGa 15:9- 11). d. Khuôn mẫu: Khuôn mẫu cho tình bạn giữa chúng ta với Chúa Jesus chính là mối tương giao giữa Ngài với Cha. Ngài vâng phục Cha vì tình yêu. Đây là một tình bạn tích cực, khiến chúng ta dấn thân vào nếp sống thánh khiết, yêu thương, sốt sắng chia sẻ Phúc Âm cho mọi người... e. Những cơ hội nhỏ: Chúng ta thường khao khát làm việc lớn, nhưng Chúa muốn chúng ta làm những việc nhỏ cho Ngài bởi tình yêu. . Cơ hội lớn có thể hiếm hoi, nhưng những cơ hội nhỏ hằng ngày vẫn ở xung quanh chúng ta, và Chúa muốn chúng ta vâng lời, trung tín trong những việc nhỏ (ISa1Sm 15:22. LuLc 2:51). 5. Phải coi trọng điều Đức Chúa Trời coi trọng: a. Thể hiện: Càng thân thiết với Chúa bao nhiêu, chúng ta lại càng quan tâm đến những gì Ngài quan tâm, đau buồn về những gì Ngài đau buồn, và vui mừng về những gì Ngài vui mừng. . Phao Lô (IICo 2Cr 11:2), Đavít (Thi Tv 69:9)... là những gương tốt về điều nầy. b. Đức Chúa Trời coi trọng điều gì? Điều Đức Chúa Trời quan tâm nhiều nhất là sự giải cứu con người. Ngài muốn tìm kiếm tất cả những người con lạc mất của Ngài (Exe Ed 34:6-16). . Điều ấn tượng nhất trong lòng Đức Chúa Trời là sự chết của Con Ngài. . Điều ấn tượng thứ hai là khi con cái Ngài công bố sự giải cứu nhờ sự chết của Con Ngài cho người khác. Vì thế, chúng ta phải quan tâm đến những
  • 21. người xung quanh là những người Chúa rất quan tâm. 6. Phải khao khát Chúa nhiều hơn: Phải hết lòng tìm kiếm Chúa (Gie Gr 29:13). a. Gương khao khát Chúa: Đavít khát khao trọn đời được ở trong nhà Đức Giêhôva để chiêm ngưỡng Ngài, tương giao với Ngài (Thi Tv 27:4). . Giacốp vật lộn với Đức Chúa Trời và tuyên bố: “Tôi chẳng cho Người đi đâu, nếu Người không ban phước cho tôi” (SaSt 32:26). . Phao Lô hết lòng tìm kiếm Chúa đến nỗi sẵn sàng từ bỏ mọi sự để nhận biết Ngài, tương giao với Ngài (Phi Pl 3:8-10). b. Một sự lựa chọn liên tục: Gần Chúa bao nhiêu là do chúng ta lựa chọn, chứ không phải do tình cờ. Tuy nhiên, cần cẩn trọng kẻo đánh mất tình yêu ban đầu như các tín hữu Ê-phê-sô (KhKh 2:4). c. Nỗi đau trong đời: Nỗi đau có thể là nhiên liệu cho lòng nhiệt thành, tiếng gọi thức tỉnh để kéo chúng ta trở lại mối tương giao với Chúa. . Hãy khát khao cầu xin Chúa cho bạn biết Ngài hơn mọi điều khác... Bài 13: SỰ THỜ PHƯỢNG ĐẸP LÒNG ĐỨC CHÚA TRỜI Câu gốc: “Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi. ” Mac Mc 12:30 Đức Chúa Trời đòi hỏi một sự tận hiến trọn vẹn. Sự thờ phượng đẹp lòng Đức Chúa Trời gồm có bốn đặc tính: I. THỜ PHƯỢNG CHÚA CÁCH CHÂN THẬT 1. Thờ phượng Chúa bằng tâm thần: Chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Đức Chúa Trời, nên có thể nói con người là một tâm linh cư ngụ trong một thân thể. Thờ phượng Đức Chúa Trời là tâm linh chúng ta đáp lại Thánh Linh của Đức Chúa Trời. 2. Thờ phượng Chúa hết lòng: Chúa đòi hỏi chúng ta phải hết lòng, hết linh hồn... kính mến Chúa, nghĩa là sự thờ phượng thật phải xuất phát từ tấm lòng, nếu không, đó là một sự sỉ nhục Đức Chúa Trời. . Đức Chúa Trời không chỉ nghe lời chúng ta nói mà còn nhìn vào tấm lòng của chúng ta (ISa1Sm 16:7). . Sự thờ phượng có liên quan đến những tình cảm của chúng ta với những cảm xúc sâu xa. Tuy nhiên, đó phải là tình cảm chân thật, vì chúng ta có thể thờ phượng Chúa cách không hoàn hảo nhưng không thể thờ phượng Chúa cách không chân thật. II. THỜ PHƯỢNG CHÚA CÁCH CHÍNH XÁC 1. Tâm thần và lẽ thật: Chân thật chưa đủ vì dù chân thật, chúng ta vẫn có thể sai lầm. Đó là lý do vì sao chúng ta phải thờ phượng Chúa bằng tâm thần
  • 22. và lẽ thật: Phải vừa chân thật, vừa chính xác. 2. Nền tảng của sự thờ phượng: Sự thờ phượng thật phải đặt nền tảng trên lẽ thật của Kinh Thánh, chứ không trên điều chúng ta suy nghĩ, khao khát để trở thành một “thần tượng”. Sự thờ phượng Chúa mang tính chất tình cảm sâu sắc hòa hợp với một tín lý vững vàng. . Cần cẩn trọng với phong trào cảm xúc âm nhạc vì thờ phượng thật là tâm linh chúng ta đáp ứng với Đức Chúa Trời chứ không phải với một giai điệu âm nhạc, có thể kéo chúng ta ra khỏi Đức Chúa Trời ! 3. Nhiều hình thức thờ phượng: Có rất nhiều hình thức thờ phượng Chúa vì Đức Chúa Trời tạo dựng mỗi người là một cá thể khác nhau: Gần thiên nhiên - thích cảm xúc - truyền thống - khổ hạnh - năng động - hướng ngoại - hăng say - trầm tư - nghiên cứu... (Gary Thomas - Sacred Pathways). Hãy thờ phượng Chúa bằng tâm thần và lẽ thật. III. THỜ PHƯỢNG CHÚA CÓ SUY NGHĨ 1. Với cả tâm trí: Mạng lệnh “yêu Chúa với cả tâm trí” được lặp lại bốn lần trong Tân Ước. Chúa không đẹp lòng việc hát Thánh ca theo thói quen, cầu nguyện cách chiếu lệ, với những lời cảm thán thiếu suy nghĩ. . Chúa Jesus gọi sự thờ phượng Chúa thiếu suy nghĩ là “những lời lặp vô ích”. Thậm chí những khái niệm Kinh Thánh cũng có thể khiến thành sáo rỗng khi bị lạm dụng và thiếu suy nghĩ (Alêlugia! Amen ! Thánh thay.. ) . Hãy suy nghĩ chín chắn về những gì chúng ta muốn nói với Chúa và hãy nói bằng lời riêng của chính mình. 2. Phải cụ thể: Chúa rất vui khi chúng ta thưa với Ngài về một vài điều cụ thể hơn là cả chục lời ngợi khen chung chung. . Chúng ta có thể tìm hiểu các Danh xưng mà Chúa đã bày tỏ trong Kinh Thánh, nói lên những khía cạnh khác nhau của bản tánh Ngài, để ca ngợi Chúa bằng ngôn ngữ của chính chúng ta. 3. Phải trật tự: Phao Lô dành cả một chương để nói về chân lý “Mọi sự đều nên làm cho phải phép và theo thứ tự” (ICo1Cr 14:40). Cần cẩn trọng về chiêu bài “cảm động của Đức Thánh Linh” vì Ngài là Chúa của trật tự. . Phao Lô cũng lưu ý về sự hiện diện của những người chưa tin Chúa trong buổi nhóm. Hãy làm sao để buổi thờ phượng Chúa của chúng ta trở nên dễ hiểu đối với họ (ICo1Cr 14:16-17). IV. THỜ PHƯỢNG CHÚA CÁCH THỰC TIỄN 1. Dâng thân thể: Trong RoRm 12:1, Phao Lô khuyên chúng ta dâng thân thể mình cho Chúa. Ông không bảo chỉ dâng tâm thần vì không có thân thể, chúng ta không thể làm việc gì trên đất cả. Như thế, ông muốn nói rằng hãy dâng cho Chúa điều chúng ta đang có với trọn vẹn lý trí, tình cảm và ý chí. 2. Của lễ sống: Của lễ Cựu ước là của lễ chết, nhưng Chúa muốn chúng ta
  • 23. dâng lên Ngài một của lễ sống để liên tục sống cho Ngài (coi chừng sinh tế sống có thể bò khỏi bàn thờ !). Chúa rất đẹp lòng khi chúng ta chân thành dâng lên Chúa những lời tạ ơn, sự ăn năn, sự dâng hiến tiền của, sự phục vụ và chia sẻ cho người khác về mọi nhu cầu nhất là chia sẻ Phúc Âm cho họ... 3. Của lễ có giá trị: Hãy dâng cho Chúa những của lễ có giá trị (IISa 2Sm 24:24). Phải loại bỏ bản ngã ra khỏi đối tượng thờ phượng. Hãy làm hết sức mình để ngợi khen Chúa ngay cả khi mệt mỏi, chán nản... . Hãy dâng chính tấm lòng để thực hiện sự thờ phượng Chúa, không chỉ là âm nhạc ! (Matt Redman). Bài 14: KHI CHÚA DƯỜNG NHƯ Ở XA Câu gốc: “Tôi trông đợi Đức Giê-hô-va, là Đấng ẩn mặt Ngài khỏi nhà Gia- cốp, tôi vẫn ngóng trông Ngài!” EsIs 8:17 I. SỰ THỜ PHƯỢNG CHÚA THẬT 1. Dễ hay khó? Thật dễ thờ phượng Đức Chúa Trời khi mọi sự trong đời sống đều tốt đẹp. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ chịu ! 2. Tâm tình phải đạt tới: Mức độ sâu sắc nhất của sự thờ phượng Chúa là ngợi khen Chúa bất chấp những nỗi đau, tạ ơn Ngài trong mọi thử thách, tin cậy Ngài khi gặp cám dỗ, đầu phục Ngài khi chịu khốn khó, và yêu mến Ngài khi Ngài dường như ở quá xa ! II. NHẬN BIẾT HAY CẢM NHẬN 1. Vấn đề của cảm xúc: Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể cảm thấy gần gũi Chúa. Có những lúc chúng ta cảm thấy Chúa dường như giấu mặt. Người ta gọi đó là “đêm tối của linh hồn”, “chức vụ bóng đêm” hay “mùa đông của tâm hồn”... . Đavít là một người được xưng là “một người theo lòng Ngài” cũng thường phàn nàn về sự vắng mặt của Đức Chúa Trời (Thi Tv 10:1, 22:1;, 43:2). . Trước hoàn cảnh đó, nhiều người cũng bối rối, cố gắng xét mình để xưng mọi tội lỗi vì sợ rằng mình đang bị Chúa kỷ luật, ân cần nhờ người khác cầu thay, ngay cả kiêng ăn cầu nguyện... nhưng chẳng có gì thay đổi ! 2. Câu giải đáp: Dĩ nhiên Chúa không lìa bỏ Đavít hay lìa bỏ chúng ta, vì Ngài đã hứa chắc rằng: “Ta sẽ chẳng lìa ngươi, chẳng bỏ ngươi đâu”. . Thông thường, cảm giác bị Đức Chúa Trời bỏ rơi lại không liên quan đến tội lỗi mà chính là một thử nghiệm cho đức tin. Đây là một kinh nghiệm bình thường để phát triển tình bạn của chúng ta với Chúa và mỗi Cơ Đốc nhân đều trải qua điều nầy ít nhất một lần. Gióp đã thấy được chân lý nầy trong Giop G 23:8-10 rằng “... Ngài đã thử rèn tôi, tôi sẽ ra như vàng”. . Sai lầm phổ biến của Cơ Đốc nhân ngày nay là tìm kiếm một kinh nghiệm
  • 24. thay vì tìm kiếm Đức Chúa Trời. Trên thực tế, Đức Chúa Trời thường cất bỏ những cảm xúc để chúng ta không còn lệ thuộc vào chúng. . Những con đỏ thuộc linh thường dựa vào cảm xúc và Đức Chúa Trời ban cho họ nhiều cảm xúc cùng sự đáp lời thật ngoạn mục. Nhưng trên đường trưởng thành, họ sẽ được “cai, dứt” những lệ thuộc nầy để chỉ tin cậy Ngài, tin vào sự thật Đức Chúa Trời là Đấng Yêu thương, Toàn tại. III. LÀM SAO NGỢI KHEN CHÚA KHI NGÀI “Ở XA”? 1. Hãy nói với Chúa đúng điều bạn cảm nhận: Hãy tuôn đổ lòng mình ra trước mặt Chúa. Hãy nói hết mọi cảm xúc của chúng ta với Chúa (7:11. 29:4). Đavít đã viết: Tôi tin nên tôi nói, tôi đã bị buồn thảm lắm (Thi Tv 116:10). Đavít đã thẳng thắn bày tỏ đức tin sâu sắc: . Trước hết ông vẫn tin cậy Đức Chúa Trời. . Thứ hai, ông tin rằng Chúa sẽ lắng nghe lời cầu nguyện của ông. . Thứ ba, ông tin rằng Chúa cho phép ông nói điều ông cảm nhận. 2. Hãy tập trung vào Đức Chúa Trời là Ai: Bất luận hoàn cảnh ra sao, hãy bám lấy bản chất bất biến của Đức Chúa Trời: Ngài luôn là Đấng Tốt lành, đầy tình yêu đối với chúng ta. Ngài luôn ở với, quan tâm, cảm thông, và có kế hoạch tốt nhất cho cuộc đời chúng ta. . Trong hoàn cảnh đen tối, Gióp vẫn có thể ngợi khen Chúa. Ông nói Ngài là Đấng Tốt lành và Yêu thương (Giop G 10:12), Toàn năng (42:2), quan tâm đến mọi chi tiết trong cuộc đời ông (23:10), là Đấng đang kiểm soát (34:13), có kế hoạch cho cuộc đời ông (23:14), và Ngài sẽ cứu ông (19:25). 3. Hãy tin cậy Chúa luôn giữ lời hứa: Lúc khô hạn thuộc linh, cần phải: a. Nhẫn nại nương dựa nơi lời hứa của Đức Chúa Trời (23:12), chứ không dựa vào cảm xúc, vì tình bạn dựa vào cảm xúc thực sự rất nông cạn. Ngài vẫn ở với chúng ta và ân điển Ngài vẫn luôn đầy dư. b. Ý thức rằng Ngài đang đưa chúng ta vào một mức độ trưởng thành sâu sắc hơn. Vì thế, nan đề sẽ không còn làm cho chúng ta bối rối mà trái lại sẽ trở thành lý do cảm tạ Đức Chúa Trời. . Khi cảm thấy bị bỏ rơi mà vẫn tiếp tục tin cậy Đức Chúa Trời, bất chấp cảm nhận của mình, là chúng ta đang thờ phượng Ngài cách sâu sắc nhất. . Lòng tin cậy Đức Chúa Trời khiến Gióp vẫn trung tín, ngay cả khi không còn điều gì có ý nghĩa nữa ! Đức tin của ông thật mạnh mẽ trong cơn đau đớn khi ông nói: Dẫu Chúa giết ta, ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài (13:15). 4. Hãy nhớ lại điều Chúa đã làm cho bạn: Nếu Chúa chưa làm điều gì khác cho chúng ta thì Ngài vẫn xứng đáng được ngợi khen suốt quảng đời còn lại của chúng ta vì điều Đấng Christ đã làm trên Thập tự giá. . Thật không may là chúng ta thường quên những sự đau đớn Chúa chịu vì cớ chúng ta. Lý do là sự quen thuộc dẫn đến xem thường !
  • 25. . Hãy nhớ Chúa đã chịu sự đối đãi tàn bạo, độc ác, kinh khiếp chính vì để chúng ta thoát khỏi hỏa ngục và được cùng chia sẻ vinh quang với Ngài. . Hãy đếm ơn phước Chúa và ngợi khen Ngài, chúng ta sẽ thấy ơn phước luôn luôn tuôn tràn ! Bài 15: GIA ĐÌNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI Câu gốc: “Thật, Đấng mà muôn vật hướng về Ngài và bởi Ngài, vì muốn đem nhiều con đến sự vinh hiển, thì đã khiến Đấng làm cội rễ sự cứu rỗi của những con ấy, nhờ sự đau đớn mà nên trọn lành, là phải lắm. ” HeDt 2:10 I. GIA NHẬP GIA ĐÌNH ĐỨC CHÚA TRỜI 1. Ý muốn của Đức Chúa Trời: Đức Chúa Trời muốn có một gia đình, và Ngài tạo dựng chúng ta để làm thành viên trong gia đình của Ngài. a. Câu chuyện về gia đình Đức Chúa Trời: Kinh Thánh là câu chuyện về việc Đức Chúa Trời xây dựng một gia đình gồm những người sẽ yêu thương, tôn kính Ngài và đồng trị với Ngài đời đời (Eph Ep 1:5). b. Lý do: Đức Chúa Trời là Tình yêu nên Ngài xem trọng các mối quan hệ và mối quan hệ giữa Ba Ngôi Đức Chúa Trời là một mẫu mực trọn vẹn. Vì thế Ngài không bao giờ cô đơn, Ngài không cần một gia đình. Tuy nhiên Ngài có kế hoạch tạo dựng chúng ta để đem chúng ta vào gia đình của Ngài, để chia sẻ với Ngài những điều Ngài có (Gia Gc 1:18). 2. Bí quyết gia nhập: Cách duy nhất để gia nhập gia đình của Đức Chúa Trời là tái sanh: Khi chào đời, chúng ta là thành viên của gia đình loài người, và chúng ta chỉ trở nên thành viên của gia đình Đức Chúa Trời khi chúng ta được Ngài tái sanh (IPhi 1Pr 1:3. RoRm 8:15-16). . Đức Chúa Trời mời gọi mọi người gia nhập gia đình của Ngài, nhưng chỉ những người đặt đức tin nơi Chúa Jesus mới kinh nghiệm được điều đó (GaGl 3:26). 3. Giá trị gia đình thuộc linh: Gia đình thuộc linh quan trọng hơn gia đình thuộc thể vì sẽ còn tồn tại đời đời. a. Gia đình thuộc thể là món quà Chúa ban nhưng rất tạm bợ và dễ tan vỡ bởi xa cách, ly dị.. và cái chết không sao tránh khỏi. b. Gia đình thuộc linh có giá trị đời đời. Đó là một sự hiệp nhất mạnh mẽ và bền vững (Eph Ep 3:14-15). II. NHỮNG ÍCH LỢI KHI THUỘC GIA ĐÌNH ĐỨC CHÚA TRỜI 1. Quà sinh nhật kỳ diệu: Giây phút được tái sanh, chúng ta nhận được một số quà sinh nhật đáng ngạc nhiên: Được mang họ của gia đình, có những đặc điểm của gia đình, những đặc ân trong gia đình, mối thông công mật thiết trong gia đình, và cả di sản của gia đình nữa (GaGl 4:7).
  • 26. 2. Một di sản giàu có: Tân ước nhấnh mạnh đến di sản giàu có của chúng ta, rằng Đức Chúa Trời sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của chúng ta y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển (Phi Pl 4:19). Ngay trong trần gian cũng như trong cõi đời đời, chúng ta cũng nhận được sự giàu có của ân điển Chúa. Di sản giàu có nầy gồm: a. Chúng ta sẽ được ở với Đức Chúa Trời đời đời. b. Chúng ta sẽ được Đức Chúa Trời biến đổi để trở nên giống Đấng Christ. c. Chúng ta sẽ được Chúa giải thoát khỏi mọi đau đớn, sự chết, khốn khổ. d. Chúng ta sẽ được ban thưởng và bổ nhiệm vào chức vụ phục vụ mới. e. Chúng ta sẽ được dự phần vào sự vinh hiển của Đấng Christ. 3. Một di sản đời đời: Đây là cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, không suy tàn, để dành trong các từng trời cho chúng ta (IPhi 1Pr 1:3-4). Vì thế, trong mọi việc, chúng ta làm như làm cho Chúa để có thể nhận cơ nghiệp Chúa ban như một phần thưởng cho người trung tín (CoCl 3:23-24). III. LỄ BÁP-TÊM 1. Niềm tự hào gia đình: Những gia đình danh giá thường có niềm tự hào, nhưng có bao nhiêu người tin Chúa có niềm tự hào về gia đình của Chúa? 2. Ý nghĩa lễ báp-têm: Lễ báp-têm không phải là một nghi thức tùy hứng. Nó xác nhận sự công khai tuyên bố gia nhập gia đình của Đức Chúa Trời, và hãnh diện về gia đình nầy. 3. Tầm quan trọng của lễ báp-têm: Trong Đại Mạng lệnh, Chúa Jesus nhấn mạnh đến lễ báp-têm tương đương với công tác truyền giáo và chăm sóc vì nó tượng trưng cho mục đích thứ hai: Gia nhập gia đình Đức Chúa Trời. . Báp-têm không khiến chúng ta trở nên thành viên trong gia đình Đức Chúa Trời vì chỉ có đức tin nơi Đấng Christ mới thực hiện điều đó. Tuy nhiên, báp-têm là một hình ảnh thuộc thể của một lẽ thật thuộc linh, giống như chiếc nhẫn cưới là biểu tượng của sự kết ước vợ chồng. 4. Khi nào làm báp-têm? Tân ước dạy làm báp-têm ngay sau khi một người tin nhận Chúa Jesus (lễ Ngũ tuần, hoạn quan Êthiôpi, gia đình Cọt-nây, gia đình người đề lao tại Philíp... ). . Vì thế hãy làm báp-têm càng sớm càng tốt, đúng như mạng lệnh của chính Chúa Jesus. IV. ĐẶC ÂN LỚN NHẤT 1. Chúa nhận chúng ta vào gia đình của Ngài: Chúa Jesus không thẹn khi nhận chúng ta là anh em (HeDt 2:11). Hãy vui thỏa trong lẽ thật nầy ! 2. Lý do: Chúng ta là thành viên trong gia đình Đức Chúa Trời vì Ngài đã thánh hóa chúng ta, khiến chúng ta làm theo ý muốn Cha (Mat Mt 12:49- 50).
  • 27. Bài 16: ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT Câu gốc: “Dầu tôi phân phát gia tài để nuôi kẻ nghèo khó, lại bỏ thân mình để chịu đốt, song không có tình yêu thương, thì điều đó chẳng ích chi cho tôi. ” ICo1Cr 13:3 I. BÀI HỌC QUAN TRỌNG NHẤT 1. Quan trọng nhất: Đức Chúa Trời là Tình yêu nên bài học quan trọng nhất Ngài muốn chúng ta học trên trần gian nầy chính là cách yêu thương: a. Chính trong tình yêu mà chúng ta giống Đức Chúa Trời nhất. b. Tình yêu là nền tảng của mọi mạng lệnh Chúa truyền (GaGl 5:14). 2. Khó học nhất: Học yêu thương không vị kỷ vô cùng khó khăn vì nó đối kháng với bản chất hướng ngã của chúng ta: a. Chúa muốn chúng ta yêu thương mọi người, nhất là đối với anh chị em trong gia đình của Đức Chúa Trời (IPhi 1Pr 2:17. GaGl 6:10). b. Chúa muốn tình yêu phải là điểm đặc thù của gia đình Ngài (GiGa 13:35). Trước khi sống yêu thương đời đời trên Thiên đàng, chúng ta phải học để chuẩn bị chính mình cho nếp sống yêu thương đó. c. Tình yêu không thể học trong sự cô lập: Cần có những người xung quanh có thể làm chúng ta bực mình, bối rối, lo lắng... !!! 3. Ba lẽ thật: Thông qua mối thông công, chúng ta sẽ học được ba lẽ thật: II. CÁCH TỐT NHẤT TẬN DỤNG CUỘC SỐNG LÀ YÊU THƯƠNG 1. Cuộc sống không tình yêu thật là vô ích: a. Phần quan trọng nhất: Tình yêu không phải chỉ là một phần tốt mà là phần quan trọng nhất của cuộc sống, cần “nôn nả tìm kiếm” (I. Cô 14:1;). Không phải sự thành đạt hoặc của cải mà chính là các mối quan hệ mới là điều quan trọng nhất. b. Toàn bộ cuộc sống: Chúng ta thường cố nhồi nhét các mối quan hệ (thì giờ cho vợ, con... ) vào lịch làm việc của mình, nhưng Chúa muốn chúng ta nhận thức rằng các mối quan hệ là toàn bộ cuộc sống. c. Mười điều răn: Mười điều răn đều hướng về các mối quan hệ: Sau khi học yêu thương Đức Chúa Trời qua sự thờ phượng, chúng ta cần phải học yêu thương người khác (Mat Mt 22:37-40). d. Kẻ thù của các mối quan hệ: Sự bận rộn là kẻ thù của các mối quan hệ. Chúng ta thường bận rộn để kiếm sống, để thành đạt..., nhưng trọng tâm của cuộc đời chính là học biết yêu thương: Yêu Chúa và yêu người, nhất là đối với những người thân yêu trong gia đình. 2. Tình yêu sẽ tồn tại đời đời: Tình yêu là ưu tiên hàng đầu vì tình yêu sẽ trường tồn (ICo1Cr 13:13). a. Tình yêu để lại một di sản: Cách đối xử với người khác, chứ không phải
  • 28. sự giàu có hay thành đạt, là yếu tố ảnh hưởng lâu dài nhất mà chúng ta có thể để lại trên trần gian nầy. b. Tình yêu chứ không phải công việc: Điều quan trọng không phải là việc làm mà chính là lượng tình yêu chúng ta đặt vào đó. Đừng đợi đến lúc sắp lìa đời mới khám phá rằng các mối quan hệ mới là toàn bộ cuộc sống ! 3. Chúng ta sẽ được đánh giá bằng tình yêu: Một trong những cách Đức Chúa Trời sẽ đánh giá chúng ta là dựa vào phẩm chất các mối quan hệ. Ngài sẽ xem xét cách chúng ta đối xử với người khác (Mat Mt 25:40). . Hãy bắt đầu mỗi ngày với lời cầu xin Chúa ban cho chúng ta thời gian để yêu Ngài và yêu thương người khác, vì đó là toàn bộ cuộc sống chúng ta. III. CÁCH BIỂU HIỆN TỐT NHẤT LÀ THỜI GIAN 1. Món quà quý báu nhất: Tầm quan trọng của sự việc có thể đo lường bằng lượng thời gian chúng ta đầu tư vào đó. Vì thế, món quà lớn nhất chúng ta có thể tặng cho người khác chính là thời gian của chúng ta. . Lý do là vì chúng ta có thể làm ra tiền..., nhưng không thể làm ra thời gian; khi dành thời gian cho ai là chúng ta đã tặng cho họ một phần của cuộc sống mình. 2. Món quà được khao khát nhiều nhất: Món quà được khao khát nhiều nhất không phải là sự chu cấp, tiền của, đồ trang sức..., mà là sự chú ý tập trung, là sự ban tặng chính mình cho người mình yêu (vợ, con... ). . Chúng ta có thể ban cho mà không có tình yêu, nhưng không thể yêu mà không ban cho, ban cho điều tốt nhất, ban cho chính mình (Eph Ep 5:2). IV. THỜI ĐIỂM TỐT NHẤT ĐỂ YÊU LÀ NGAY BÂY GIỜ 1. Ngay bây giờ: Chần chờ là phản ứng bình thường trước một công việc không quan trọng, nhưng tình yêu là điều quan trọng nhất, nên hãy thực hiện ngay bây giờ, đang lúc có dịp tiện (GaGl 6:10. Eph Ep 5:16. ChCn 3:27). 2. Tại sao? Vì chúng ta không biết mình sẽ còn cơ hội bao lâu nữa: . Vì hoàn cảnh luôn thay đổi, không thể lường trước được. . Vì không có gì bảo đảm cho ngày mai. . Vì có một ngày chúng ta sẽ đứng trước mặt Đức Chúa Trời để trả lời về cách chúng ta sử dụng thời gian Ngài ban trên đất. Tóm lại: Cuộc sống gồm ba lẽ thật quan trọng: Cách tận dụng tốt nhất cuộc sống nầy chính là yêu thương - Cách bày tỏ tình yêu tốt nhất là thời gian - Thời gian tốt nhất để yêu thương là ngay bây giờ. Bài 17: MỘT NƠI ĐỂ THUỘC VỀ
  • 29. Câu gốc: “Dường ấy anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời. ” Eph Ep 2:19 I. ĐƯỢC TẠO DỰNG CHO CỘNG ĐỒNG 1. Được kêu gọi để thuộc về: Ngay cả trong vườn Êđen hoàn hảo, Đức Chúa Trời đã phán: “Loài người ở một mình thì không tốt”. Chúng ta được tạo dựng cho cộng đồng, được nhào nặn cho mối thông công và được định hình cho một gia đình. . Trong gia đình của Đức Chúa Trời, chúng ta “hiệp nên một Thân trong Đấng Christ”, để thuộc về nhau suốt cõi đời đời. Kinh Thánh không hề nói đến một thánh nhân cô độc hay một nhà ẩn tu. 2. Thành viên của Hội Thánh: Thành viên của Hội Thánh là một bộ phận sống của một Thân thể sống. . Để các bộ phận làm trọn mục đích, chúng phải gắn liền với thân, nghĩa là cùng gắn liền với các bộ phận khác. Chúng ta chỉ có thể khám phá vai trò của mình trong cuộc đời thông qua các mối liên hệ với người khác. II. HỘI THÁNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI 1. Giá trị của Hội Thánh: Hội Thánh là công việc của Đức Chúa Trời trên thế gian. Không điều gì có thể hủy diệt Hội Thánh của Ngài và Hội Thánh sẽ tồn tại đời đời, đắc thắng mọi quyền lực của âm phủ (Mat Mt 16:18). Hội Thánh quan trọng đến nỗi Chúa Jesus đã phải chịu chết trên Thập tự giá cho Hội Thánh (Eph Ep 5:25). 2. Thái độ cần có đối với Hội Thánh: Kinh Thánh gọi Hội Thánh là “Cô dâu”, là “Thân thể” của Đấng Christ. Đức Chúa Trời ban lệnh cho chúng ta phải yêu Hội Thánh như chính Ngài đã yêu. Thật đáng buồn là có nhiều người chỉ sử dụng Hội Thánh chứ không yêu Hội Thánh ! 3. Mối thông công địa phương: Từ “Hội Thánh” thường ám chỉ một hội chúng địa phương hữu hình. Chỉ có những người bị kỷ luật, dứt phép thông công, là không thuộc một Hội Thánh địa phương nào cả ! . Chúng ta không còn là người ngoại hay kẻ ở trọ, mà là “người nhà”... . Chủ nghĩa cá nhân độc lập đã tạo ra nhiều “trẻ mồ côi thuộc linh” hay những “con thỏ tín nhân” nhảy từ Hội Thánh nầy qua Hội Thánh khác mà không có một cam kết hay trách nhiệm gì với Hội Thánh cả. III. TẠI SAO CẦN CÓ MỘT GIA ĐÌNH HỘI THÁNH ? 1. Gia đình Hội Thánh thừa nhận bạn là tín hữu thật: Chúa Jesus tuyên bố: “Nếu các ngươi yêu nhau thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ Ta”. Như thế, khi gia nhập Hội Thánh là Thân thể Đấng
  • 30. Christ để sống trong tình yêu, chúng ta mới là Cơ Đốc nhân thật. 2. Gia đình Hội Thánh đưa bạn ra khỏi chỗ cô lập, hướng ngã: Hội Thánh địa phương là lớp học về cách hòa thuận trong gia đình Đức Chúa Trời. Đó là phòng thí nghiệm để thực hành tình yêu cảm thông, vô kỷ, qua đó chúng ta học được mối thông công thật để liên hệ và lệ thuộc nhau. . Cao điểm của mối thông công nầy là hết lòng hy sinh cho nhau (IGi1Ga 3:16), vì chúng ta làm điều nầy như làm cho Chúa chúng ta (CoCl 3:23). 3. Gia đình Hội Thánh giúp bạn phát triển cơ bắp thuộc linh: Không ai có thể trưởng thành nếu chỉ là một khán giả thụ động của các chương trình thờ phượng Chúa. Chỉ có sự dự phần vào sinh hoạt của Hội Thánh địa phương mới giúp chúng ta phát triển cơ bắp thuộc linh, hoàn tất sứ mạng của riêng mình và giúp phát triển Hội Thánh chung (Eph Ep 4:16). . Hơn 50 lần Tân ước dùng cụm từ “lẫn nhau”, “cho nhau” để khuyên chúng ta cầu nguyện cho nhau, khích lệ nhau, khuyên bảo nhau, chào hỏi nhau, phục vụ nhau, chấp nhận nhau, tôn trọng nhau, tha thứ nhau, mang gánh nặng cho nhau, hết lòng vì nhau, cùng nhiều việc hổ tương khác. . Sự cô lập dễ rơi vào chỗ tự lừa dối về mức độ trưởng thành của mình: Sự trưởng thành thật sự chỉ được hình thành qua các mối quan hệ ! Tinh thần nhịn nhục, học hỏi lẫn nhau cùng tinh thần trách nhiệm cũng sẽ được phát triển qua các mối quan hệ để góp phần cho sự trưởng thành thuộc linh. 4. Thân thể Đấng Christ cần bạn: Đức Chúa Trời có một vai trò duy nhất cho bạn trong gia đình của Ngài. Khi chúng ta khám phá và phát triển ân tứ Chúa ban, để làm trọn phần việc riêng Chúa giao cho mỗi người, chúng ta sẽ đem lợi ích chung cho cả Hội Thánh (ICo1Cr 12:7). 5. Bạn sẽ chia sẻ sứ mạng Đấng Christ trong thế gian: Khi còn ở thế gian, Chúa Jesus đã làm việc qua thân thể vật lý của Ngài, ngày nay Ngài cũng đang làm việc qua Thân thể thuộc linh của Ngài là Hội Thánh. . Đây là một đặc ân kỳ diệu Chúa ban: Chúng ta là những bàn tay, bàn chân, đôi mắt và trái tim của Ngài, để làm việc Ngài chỉ định (Eph Ep 2:10). 6. Gia đình Hội Thánh giúp bạn khỏi sa ngã: Không ai được miễn trừ cám dỗ và Chúa đã giao cho chúng ta trách nhiệm nâng đỡ lẫn nhau (HeDt 3:13). Hội Thánh địa phương sẽ bảo vệ người lãnh đạo tin kính cũng như giúp họ chăm sóc, bảo vệ bầy chiên của Chúa ở trong ràng chiên của Ngài. Bài 18: SỐNG VỚI NHAU Câu gốc: “Nguyền xin sự bình an của Đấng Christ cai trị trong lòng anh em, là bình an mà anh em đã được gọi đến đặng hiệp nên một thể; lại phải biết ơn. ” CoCl 3:15
  • 31. I. CUỘC SỐNG LÀ PHẢI SAN SẺ 1. Thông công thật: Ngày nay, từ “thông công” thường ám chỉ cuộc trò chuyện, giao tế, ăn uống và vui chơi, hoặc buổi trà đàm sau giờ nhóm. . Thông công thật không chỉ là có mặt tại các buổi thờ phượng Chúa, nhưng là kinh nghiệm cuộc sống với nhau. Nó bao hàm những mạng lệnh yêu thương vô kỷ, chân thành chia sẻ, tập thói quen phục vụ, ban cho hy sinh, cảm thông yên ủi và những mạng lệnh “lẫn nhau” khác trong Kinh Thánh. 2. Kích cỡ nhóm thông công: Kích cỡ là điều quan trọng. Chúng ta có thể thờ phượng Chúa với một đám đông, nhưng không thể thông công với cả một đám đông được. . Chúa Jesus chỉ chọn 12 môn đồ để được thông công mật thiết với Ngài. Thật ra 12 là số lượng lớn nhất của một nhóm thông công để mọi người đều có thể dự phần. 3. Nhóm tế bào: Sự sống của Thân thể Đấng Christ cũng giống như thân thể chúng ta đều nằm trong các tế bào. Vì thế, mỗi tín hữu cần phải dự phần trong một nhóm nhỏ trong Hội Thánh để thông công với nhau: Nhóm thông công gia đình, lớp Trường Chúa nhật, nhóm nhỏ của ban ngành... . Chúa Jesus đã ban một lời hứa lớn cho những nhóm nhỏ tín hữu: “Nơi nào có hai ba người nhơn Danh Ta nhóm nhau lại, thì Ta ở giữa họ” (Mat Mt 18:20). Tuy nhiên, không phải nhóm nhỏ nào cũng kinh nghiệm điều đó ! II. ĐẶC TÍNH CỦA MỐI THÔNG CÔNG THẬT 1. Nơi con người kinh nghiệm sự chân thành: Mối thông công thật xảy đến khi các thành viên chân thật về việc họ là ai và điều gì đang xảy ra trong cuộc đời họ. . Điều đáng buồn là tại nhiều Hội Thánh, mối thông công chỉ là “nhập vai”, vận động cá nhân, giả vờ lịch sự và đề phòng lẫn nhau. . IGi1Ga 1:7-8 dạy rằng chúng ta chỉ thông công thật khi cùng bước đi trong sự sáng, để ánh sáng Chúa phơi bày sự thật. Gia Gc 5:16 cũng dạy chúng ta xưng tội cùng nhau và cầu nguyện cho nhau để được “lành bệnh”. . Dĩ nhiên, chân thật đòi hỏi cả lòng can đảm lẫn sự khiêm nhường. 2. Nơi con người kinh nghiệm sự tương thuộc: Tương thuộc là nghệ thuật cho và nhận. Tương thuộc là trọng tâm của mối thông công: Xây dựng các mối quan hệ hỗ tương, chia sẻ các trách nhiệm và giúp đỡ lẫn nhau. . Dĩ nhiên Chúa không bắt chúng ta chịu trách nhiệm về mọi điều, Ngài chỉ muốn chúng ta làm những gì có thể làm để giúp đỡ nhau. . Kinh Thánh ban mạng lệnh chúng ta phải chia sẻ trách nhiệm hỗ tương (hơn 50 lần), với mục đích làm nên hòa thuận và làm gương sáng cho nhau (RoRm 14:18). 3. Nơi con người kinh nghiệm sự cảm thông: Cảm thông là bước vào và chia
  • 32. sẻ nỗi đau của người khác. Là người thánh, chúng ta cần phải cảm thông, nhơn từ, khiêm nhường, lịch sự và nhẫn nại (CoCl 3:12). . Cảm thông đáp ứng hai nhu cầu căn bản của con người: Nhu cầu được hiểu và nhu cầu được thừa nhận những cảm xúc của mình. Khi hiểu và thừa nhận cảm xúc của một người nào là chúng ta đang xây dựng mối thông công. . Có nhiều mức độ thông công khác nhau: Thông công trong học hỏi, thông công khi phục vụ... nhưng có lẽ mối thông công sâu sắc nhất là thông công thương khó khi bước vào nỗi đau đớn, buồn khổ của nhau và mang lấy gánh nặng cho nhau (GaGl 6:2), vì chính lúc khủng hoảng, đau buồn, nghi ngờ sâu sắc là lúc chúng ta cần nhau nhiều nhất (Giop G 6:14). 4. Nơi con người kinh nghiệm sự thương xót: Mối thông công là một nơi của ân điển, nơi những lầm lỗi được thứ tha, là nơi sự thương xót chiến thắng công lý. Thương xót là đặt mình vào vị trí của người khác để cảm thông và cứu giúp. . Tất cả chúng ta đều cần sự thương xót vì dễ vấp ngã, cần có sự giúp đỡ để có thể đứng dậy (IICo 2Cr 2:7). . Không thể có thông công nếu không biết tha thứ (CoCl 3:13), vì sự cay đắng và thù hận luôn phá hỏng mối thông công. Dù bị làm tổn thương cố ý hay vô tình, chúng ta cần phải có sự thương xót và ân điển để tái lập và duy trì mối thông công. . Lòng thương xót của Đức Chúa Trời đối với chúng ta là động cơ để chúng ta bày tỏ lòng thương xót đối với người khác: Chúa không đòi hỏi chúng ta tha thứ nhiều hơn những gì Ngài đã tha thứ chúng ta. . Tha thứ là để cho quá khứ trôi đi, là điều phải làm ngay dù có được yêu cầu hay không. Tuy nhiên sự tin cậy có liên quan đến hành vi trong tương lai cần phải được củng cố theo thời gian, và nơi tốt nhất để khôi phục lòng tin cậy là trong nhóm tế bào, nơi đem lại cả khích lệ lẫn trách nhiệm. Bài 19: VUN ĐẮP CỘNG ĐỒNG Câu gốc: “Bởi đó chúng ta nhận biết lòng yêu thương, ấy là Chúa đã vì chúng ta bỏ sự sống; chúng ta cũng nên bỏ sự sống vì anh em mình vậy. ” IGi1Ga 3:16 I. VUN ĐẮP CỘNG ĐỒNG ĐÒI HỎI CAM KẾT 1. Cộng tác với Đức Thánh Linh: Chỉ có Đức Thánh Linh mới tạo ra mối thông công thật, nhưng Ngài vun đắp nó bằng những lựa chọn và cam kết của chúng ta. Mối thông công cần quyền năng Đức Chúa Trời, nhưng cũng cần sự cam kết hết lòng xây dựng của chúng ta (Eph Ep 4:2-3). 2. Thực trạng: Thật đáng buồn là có nhiều người lớn lên trong các gia đình có các mối quan hệ không lành mạnh, nên thiếu những kỷ năng cần thiết cho