SlideShare a Scribd company logo
1 of 242
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
ĐỖ THỊ THANH HƯƠNG
TÍN NGƯỠNG TỨ VỊ THÁNH TỔ
Ở MỘT SỐ NGÔI CHÙA
VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG HIỆN NAY
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH TÔN GIÁO HỌC
HÀ NỘI - 2020
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH
ĐỖ THỊ THANH HƯƠNG
TÍN NGƯỠNG TỨ VỊ THÁNH TỔ
Ở MỘT SỐ NGÔI CHÙA
VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG HIỆN NAY
LUẬN ÁN TIẾN SĨ
CHUYÊN NGÀNH TÔN GIÁO HỌC
Mã số: 62 22 03 09
Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS,TS ĐỖ LAN HIỀN
2. TS. TẠ QUỐC KHÁNH
HÀ NỘI - 2020
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng
tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực, có
nguồn gốc rõ ràng và được trích dẫn đầy đủ theo quy định.
Tác giả
Đỗ Thị Thanh Hương
MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU 1
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ NHỮNG VẤN
ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 8
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu 8
1.2. Những vấn đề lý luận cơ bản liên quan đến luận án 23
Chương 2: NHẬN DIỆN TÍN NGƯỠNG TỨ VỊ THÁNH TỔ Ở MỘT SỐ
NGÔI CHÙA VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG 31
2.1. Điều kiện hình thành tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ 31
2.2. Đối tượng thờ cúng 55
2.3. Cơ sở thờ tự Tứ vị Thánh tổ 62
Chương 3: THỰC TRẠNG TÍN NGƯỠNG TỨ VỊ THÁNH TỔ Ở MỘT SỐ
NGÔI CHÙA VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG 69
3.1. Niềm tin của người dân vào Tứ vị Thánh tổ 69
3.2. Thực hành nghi lễ đối với Tứ vị Thánh tổ 79
3.3. Những biến đổi của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa
vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay 97
Chương 4: ĐẶC ĐIỂM, VAI TRÒ VÀ MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ NHẰM
PHÁT HUY GIÁ TRỊ CỦA TÍN NGƯỠNG TỨ VỊ THÁNH TỔ TRONG
ĐỜI SỐNG XÃ HỘI HIỆN NAY 115
4.1. Một vài đặc điểm của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ 115
4.2. Vai trò của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ trong đời sống xã hội hiện nay 130
4.3. Một số khuyến nghị nhằm phát huy giá trị của tín ngưỡng Tứ vị Thánh
tổ trong đời sống xã hội hiện nay 142
KẾT LUẬN 150
DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN
ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 154
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 155
PHỤ LỤC
DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT
Viết tắt Viết thường
(AL) Âm lịch
BBPV Biên bản phỏng vấn
NCS Nghiên cứu sinh
GS Giáo sư
NXB Nhà xuất bản
PGS Phó giáo sư
TS Tiến sĩ
Tr Trang
UBND Uỷ ban nhân dân
DANH MỤC CÁC BẢNG
Trang
3.1. Mức độ tin của người dân vào Tứ vị Thánh tổ 72
3.2. Mức độ tin của người dân vào sự phù hộ độ trì của Tứ vị Thánh tổ 73
3.3. Tự thừa nhận của người dân vào sự linh thiêng và đã chứng nghiệm 74
3.4. So sánh tỷ lệ giới chứng nghiệm sự linh thiêng của Tứ vị Thánh tổ 74
3.5. So sánh tỷ lệ độ tuổi chứng nghiệm sự linh thiêng của Tứ vị
Thánh tổ 75
3.6. Tần xuất đi lễ Thánh của người dân 79
3.7. Về nghề nghiệp của cá nhân thực hành nghi lễ 89
3.8. Về độ tuổi của cá nhân thực hành nghi lễ 90
3.9. Đánh giá về tình hình an ninh trật tự và vệ sinh môi trường 106
4.1. Vị trí của Tứ vị Thánh tổ trong đời sống tín ngưỡng của người dân 135
DANH MỤC CÁC BIỂU ĐỒ
Trang
3.1. Tỷ lệ người dân biết và không biết về Tứ vị Thánh tổ 71
3.2. Mức độ tin của người dân vào Tứ vị Thánh tổ 73
3.3. Mục đích của cá nhân thực hành nghi lễ 94
3.4. Cảm xúc của cá nhân sau khi thực hành nghi lễ 96
1
MỞ ĐẦU
1. Lý do lựa chọn nghiên cứu
Tứ vị Thánh tổ là bốn vị thiền sư danh tiếng của Phật giáo Việt Nam thời Lý,
gồm Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải, Nguyễn Minh Không, tu
hành đắc đạo, tinh thông ngũ phương, có thể hàng long, phục hổ, hô phong, hoán
vũ, cầu đảo, chữa bệnh,…, sau khi viên tịch các vị được nhân dân kính ngưỡng, thờ
phụng, tôn xưng thành bậc Thánh trong đời sống tín ngưỡng của người dân tại
nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Hồng. Việc thờ phụng Tứ vị Thánh tổ đã
hình thành từ lâu diễn ra ở nhiều loại hình cơ sở thờ tự như Đình, Đền, Chùa, tương
ứng với mỗi loại hình đó các vị được tôn thờ là Thành Hoàng, Thần và Thánh.
Trong đó, việc thờ các vị ở chùa và tôn vinh thành bậc Thánh là phổ biến, tạo nên
mô hình chùa "tiền Phật, hậu Thánh", có nhiều giá trị về lịch sử, văn hoá, mang
đậm giá trị bản sắc văn hoá dân tộc.
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ được tích hợp và tiếp biến bởi các yếu tố Mật
giáo trong Phật giáo và Tín ngưỡng dân gian, phong tục, lễ nghi truyền thống, đây
là nét tiêu biểu trong đời sống tâm linh của người Việt. Trải qua thời gian và biến
thiên của lịch sử, tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ vẫn được duy trì, khẳng định vị trí
trong đời sống tinh thần của người dân và có một vị trí riêng trong kho tàng tín
ngưỡng của người Việt, tạo nên những sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc. Những
ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ luôn có sức hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân đến
tham quan, chiêm bái, thực hành nghi lễ, cầu xin sự gia hộ của các vị Thánh và tin
tưởng rằng các Thánh sẽ ban sức khoẻ, bình an, tài, lộc và những điều may mắn,
nâng đỡ, hỗ trợ họ vượt qua những bất trắc, khó khăn trong cuộc sống.
Nếu như trước đây, việc thực hành tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ chỉ bó hẹp trong
cộng đồng làng xã, đến nay nhờ sự phát triển nhiều mặt của kinh tế - xã hội và sự
quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với tín ngưỡng, tôn giáo, tín ngưỡng Tứ vị
Thánh tổ thông qua lễ hội truyền thống đã vượt khỏi quy mô của làng, xã, mở rộng
phạm vi ra liên làng, liên xã, thậm chí mở rộng ra cả vùng đồng bằng sông Hồng.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, việc bảo tồn
và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những nhân tố quan trọng
để giữ gìn văn hoá Việt, tìm hiểu tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ có tác dụng làm rõ hơn
tính đặc sắc của một loại hình văn hoá. Tuy nhiên nghiên cứu, tìm hiểu về loại hình
này mới chỉ được quan tâm trong khoảng hai chục năm trở lại đây, các đề tài nghiên
cứu được tiếp cận dưới góc độ sử học, văn hoá học, khảo cổ học, dân tộc học, chủ
yếu đề cập đến cơ sở thờ tự, lễ hội tín ngưỡng của cộng đồng như là loại hình văn
hóa dân gian, chưa có công trình nghiên cứu tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ đi sâu tìm
2
hiểu ở khía cạnh về tín ngưỡng, tôn giáo. Để bổ sung cho khoảng trống trong
nghiên cứu, luận án tiếp cận tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ dưới góc độ tôn giáo học,
nhằm nhận diện, đánh giá thực trạng trên ba yếu tố là niềm tin, thực hành và những
biến đổi của tín ngưỡng, từ đó phân tích đặc điểm, vai trò của tín ngưỡng Tứ vị
Thánh tổ trong đời sống xã hội hiện nay, để có cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị của
tín ngưỡng độc đáo này trong kho tàng văn hóa Việt. Đây là việc làm cần thiết để
mở ra góc nhìn mới trong nghiên cứu về tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ. Với những lý
do trên, nghiên cứu sinh (NCS) lựa chọn đề tài "Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một
số ngôi chùa vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay" làm luận án tiến sĩ chuyên
ngành tôn giáo học.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án
2.1. Mục đích nghiên cứu
Nhận diện và làm rõ thực trạng tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi
chùa vùng đồng bằng sông Hồng, luận án chỉ ra và phân tích một số đặc điểm, vai
trò của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ trong đời sống xã hội, góp phần nâng cao nhận
thức, đồng thời cho thấy sức sống bền bỉ về mặt thời gian và những ảnh hưởng về
mặt không gian của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ, từ đó đưa ra khuyến nghị nhằm phát
huy giá trị của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ trong đời sống xã hội hiện nay.
2.2. Nhiệm vụ
Thứ nhất, nhận diện tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ qua các yếu tố hình thành,
đối tượng thờ cúng, cơ sở thờ tự.
Thứ hai, phân tích, đánh giá thực trạng tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ qua các
yếu tố niềm tin, thực hành và những biến đổi của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ trong
đời sống xã hội hiện nay.
Thứ ba, luận án nêu, phân tích đặc điểm, vai trò và đưa ra một số khuyến
nghị nhằm phát huy giá trị của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ trong đời sống xã hội
hiện nay.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng đồng bằng sông Hồng
hiện nay.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
- Về nội dung: Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ xuất hiện từ thời Lý. Sau khi các
vị sư Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải, Nguyễn Minh Không
viên tịch, được triều đình và nhân dân đèn nhang, thờ phụng và tôn vinh thành các
vị Thánh, đã hình thành nên một dòng tín ngưỡng riêng biệt với không gian thiêng ở
vùng đồng bằng sông Hồng, với thời gian thiêng gần mười thế kỷ, từ thời Lý đến
3
tận ngày nay. Vì thế, luận án không nhằm mục đích chứng minh có một loại hình tín
ngưỡng riêng biệt là tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ mà luận án nhận diện tín ngưỡng
Tứ vị Thánh tổ qua điều kiện hình thành, hành trạng của các Thánh, một số ngôi
chùa thờ Thánh tiêu biểu và thực trạng tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi
chùa vùng đồng bằng sông Hồng, trên cơ sở đó chỉ ra đặc điểm, vai trò, đưa ra một
số khuyến nghị nhằm phát huy giá trị của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ trong đời sống
xã hội hiện nay.
- Về không gian:
Qua khảo sát ban đầu cho thấy, có hơn 50 ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ rải rác
khắp vùng đồng bằng sông Hồng (có chùa thờ 1 vị có chùa thờ hai vị, có chùa thờ 3
vị và hiện chưa khảo sát được có ngôi chùa nào thờ cả 4 vị, xem phụ lục số 1). Tuy
nhiên, luận án tập trung nghiên cứu ở một số ngôi chùa đặc trưng và mang tính đại
diện như: Chùa Thầy, chùa Láng (Hà Nội), chùa Keo (Thái Bình), chùa Keo Hành
Thiện, chùa Cổ Lễ, chùa Nghĩa Xá (Nam Định). Ngoài ra, luận án mở rộng tìm hiểu
một số ngôi chùa khác thờ Tứ vị Thánh tổ để làm luận cứ so sánh như chùa Đại Bi,
chùa Tây Lạc, chùa Lương Hàn (Nam Định), chùa Di Nậu, chùa Tổng, chùa Đồng
Bụt (Hà Nội), chùa Ông (Hưng Yên),…
Căn cứ lựa chọn không gian nghiên cứu:
Thứ nhất, trong sáu ngôi chùa lựa chọn nghiên cứu chính có ba ngôi chùa
được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, các ngôi chùa còn lại đều được xếp hạng di
tích quốc gia hoặc di tích lịch sử văn hoá, có nhiều giá trị về mặt lịch sử, văn hoá,
kiến trúc nghệ thuật và tâm linh.
Thứ hai, các ngôi chùa trong đối tượng nghiên cứu đảm bảo tính đặc thù về
mặt tín ngưỡng: Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ tồn tại trên khắp vùng đồng bằng sông
Hồng, nhưng vùng trung tâm của tín ngưỡng tập trung ở bốn tỉnh Hà Nội, Nam
Định, Thái Bình, Ninh Bình. Kết quả khảo sát thực địa cho thấy việc thờ phụng Tứ
vị Thánh tổ mang tính riêng rẽ, mỗi vị Thánh có vị trí đặc biệt riêng đối với người
dân của từng địa phương, nếu tiếp cận theo không gian văn hoá, hình thành "vùng
trung tâm" và "vùng lan toả", mỗi vị Thánh có mối quan hệ riêng với không gian
văn hoá của từng vùng: Từ Đạo Hạnh được thờ ở nhiều ngôi chùa ở Hà Nội, Hưng
Yên, Nam Định nhưng vùng trung tâm thờ Từ Đạo Hạnh là Hà Nội và việc thờ vị
Thánh này được quy tụ ở hai ngôi chùa nổi tiếng là chùa Thầy và chùa Láng, vào
mùa xuân hàng năm nơi đây trở thành vùng lễ hội thờ Thánh Từ Đạo Hạnh. Dương
Không Lộ được thờ ở nhiều ngôi chùa ở các tỉnh Hà Nội, Thái Bình, Nam Định,
nhưng vùng trung tâm thờ Dương Không Lộ là Thái Bình và Nam Định (trước đây
là vùng Trấn Sơn Nam Hạ), việc thờ tự vị Thánh này được quy tụ về hai ngôi chùa
nổi tiếng chùa Keo Thái Bình và chùa Keo Hành Thiện Nam Định. Nguyễn Giác
4
Hải được phối thờ cùng hai vị Thánh Từ Đạo Hạnh và Không Lộ tại nhiều ngôi
chùa ở các tỉnh Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, nhưng vùng trung tâm thờ Thánh
thuộc về tỉnh Nam Định, ngôi chùa Nghĩa Xá là ngôi chùa đại diện cho việc thờ
Thánh Nguyễn Giác Hải, đây là nơi Thánh tu hành và thành đạo. Thánh Nguyễn
Minh Không được thờ ở nhiều ngôi chùa trên địa bàn khắp các tỉnh ở đồng bằng
sông Hồng như Bắc Giang, Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương nhưng vùng
trung tâm thờ Thánh thuộc về hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình, ngôi chùa Cổ Lễ
(Nam Định) đại diện cho các ngôi chùa thờ Thánh Nguyễn Minh Không.
Thứ ba, các ngôi chùa nằm trong đối tượng nghiên cứu đảm bảo bao quát
không gian ở các vị trí khác nhau của vùng đồng bằng sông Hồng. Như đã trình bày
ở trên, hiện có hơn 50 ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ nằm rải rác khắp vùng đồng
bằng sông Hồng, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Ninh
Bình. Với địa bàn phân bố nêu trên, việc lựa chọn các ngôi chùa ở các vị trí khác
nhau tạo cơ hội cho luận án đưa ra những nhận xét mang tính khách quan. Mặc dù ở
các địa bàn khác nhau nhưng sinh hoạt tín ngưỡng đều liên quan tới Tứ vị Thánh tổ,
có điểm chung về thờ Thánh và ở mỗi cơ sở thờ tự có nét riêng trong biểu hiện.
Việc lựa chọn vị trí nghiên cứu cũng góp phần làm rõ mối quan hệ giữa tín ngưỡng
Tứ vị Thánh tổ với môi trường địa lý và xã hội. Chính vì lẽ đó, luận án sẽ tiến hành
nghiên cứu sâu ở những ngôi chùa như đã trình bày ở trên.
- Về thời gian: Luận án chú trọng tìm hiểu những sinh hoạt tín ngưỡng Tứ vị
Thánh tổ từ năm 2003 đến nay (Mốc năm 2003, Nghị quyết số 25/NQ-TW của Ban
Chấp hành trung ương Đảng khoá IX về công tác tôn giáo, đánh dấu thêm một bước
đổi mới trong tư duy nhận thức về tín ngưỡng tôn giáo).
4. Phương pháp nghiên cứu của luận án
4.1. Phương pháp luận
Luận án dựa trên quan điểm chủ nghĩa Mác - Lê`nin, tư tưởng Hồ Chí Minh;
quan điểm của Đảng Cộng sản, Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo và vai
trò của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Tín ngưỡng, tôn giáo là hiện tượng xã hội phức tạp, thể hiện ở tính đa dạng,
đa diện và đa chức năng, liên quan đến nhiều mặt của đời sống xã hội, vì thế đối với
nghiên cứu tôn giáo không thể dùng một loại phương pháp nghiên cứu riêng biệt
nào, mà cần phải được nghiên cứu bằng hệ thống những phương pháp. Vì thế, luận
án sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành, cụ thể:
- Phương pháp phân tích tổng hợp và phân tích hệ thống: Đây là phương
pháp cơ bản và quan trọng được sử dụng phổ biến trong hầu hết các nghiên cứu
khoa học, đặc biệt trong trường hợp khi đối tượng nghiên cứu có mối quan hệ đa chiều
5
với môi trường xung quanh và có những biến đổi theo không gian và thời gian. Luận
án sử dụng phương pháp này nhằm đưa ra bức tranh tổng quát, hệ thống về tín ngưỡng
Tứ vị Thánh tổ. Ngoài ra, tính hệ thống còn được thể hiện ở việc kế thừa các kết quả
nghiên cứu của các công trình trước đây có liên quan được đề cập ở chương Tổng quan.
- Phương pháp thống kê, so sánh, điều tra xã hội học (quan sát, tham dự,
phỏng vấn, điều tra bảng hỏi): Phương pháp này được sử dụng nhằm tiếp cận thêm
một bước với không gian tín ngưỡng, tôn giáo với những ghi chép, khảo tả, thu thập
thông tin từ các địa bàn. Trong quá trình quan sát, tham dự, NCS tiến hành gặp gỡ,
trao đổi, phỏng vấn người dân đến thực hành nghi lễ tại các cơ sở thờ tự, các vị sư
trụ trì, ông Thống, bà Tự những người được cắt cử coi sóc các ngôi chùa mà luận án
đề cập. Nội dung phỏng vấn sẽ là nguồn tư liệu định tính hữu ích, giúp nhận diện rõ
nét hơn về niềm tin và thực hành tín ngưỡng của người dân vùng đồng bằng sông
Hồng. Đồng thời, luận án tổ chức điều tra xã hội học tập trung vào 04 ngôi chùa
mang tính đại diện là chùa Thầy (Hà Nội), chùa Keo (Thái Bình), chùa Cổ Lễ (Nam
Định) và chùa Nghĩa Xá (Nam Định) với mẫu phiếu dành cho các cá nhân, những
người đến lễ Thánh tại các ngôi chùa trên (Xem phụ lục số 4) để đánh giá về niềm
tin và những thực hành tín ngưỡng của họ. Phải nói thêm rằng, không gian nghiên
cứu là các ngôi chùa ở đó có hai đối tượng thờ là Phật và Thánh, người dân khi đến
lễ ở các ngôi chùa này đều thể hiện niềm tin song song, họ không chỉ tin vào Phật
mà còn tin vào Thánh. Có một điều rất thú vị, khi nói đến chùa chúng ta đều cho
rằng chủ thể chính là Phật và việc thờ Phật là chính yếu và quan trọng nhất, tuy
nhiên ở các ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ lại có nét đặc sắc riêng, đó là phần thờ
Thánh luôn được chú trọng hơn thờ Phật, điều này được thể hiện ở kiến trúc, cách
thức bài trí, sắp xếp, bố cục tổng thể của ngôi chùa và các sinh hoạt tâm linh. Tiếp
nữa, các ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ sau khi các vị viên tịch không có sư trụ trì
nên việc đèn hương thờ phụng các Thánh là các ông Thống, bà Tự người làm nghề
thầy cúng, họ được dân làng cắt cử trông coi hương khói trong chùa, điều này cũng
cho thấy yếu tố thờ Thánh được trọng hơn thờ Phật. Trong giới hạn của đề tài NCS
tập trung làm rõ về niềm tin và thực hành của cá nhân người đi lễ đối với vị Thánh
được thờ phụng trong chùa, vì thế mẫu phiếu thiết kế các câu hỏi chỉ tập trung vào
các vị Thánh được thờ ở các ngôi chùa mà luận án tiến hành khảo sát. Mẫu khảo sát
lựa chọn thuận tiện, với tổng số phiếu khảo sát phát ra là 500 thu về là 457 phiếu và
được tiến hành tại Điện Thánh nên tương đối khách quan.
Từ kết quả thu nhận được, luận án sẽ tổng hợp, phân tích các vấn đề cần
nghiên cứu như mô tả về cơ sở thờ tự; làm rõ thực trạng niềm tin của người dân
vùng đồng bằng sông Hồng vào Tứ vị Thánh tổ; mô tả, phân tích những thực hành
tín ngưỡng của cộng đồng, của cá nhân và những biến đổi hiện nay của tín ngưỡng
6
Tứ vị Thánh tổ. Những nhận định, đánh giá, kết luận trong luận án đều có cơ sở
khoa học.
- Phương pháp dân tộc học: Khi tìm hiểu về tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ,
NCS còn sử dụng phương pháp dân tộc học, thông qua những chuyến đi thực tế đến
các cơ sở thờ tự và tham dự các nghi lễ, lễ hội thờ Tứ vị Thánh tổ, quan sát các hành vi
thực hành nghi lễ của cộng đồng, của các cá nhân diễn ra vào thời điểm lễ hội và các
thời điểm khác trong năm. Phương pháp dân tộc học giúp NCS tìm hiểu sâu hơn và lý
giải về niềm tin và biểu hiện niềm tin thông qua thực hành tín ngưỡng tín ngưỡng Tứ vị
Thánh tổ của cộng đồng và của cá nhân những người đến lễ Thánh.
- Phương pháp nghiên cứu văn bản: Phương pháp này nhằm sưu tầm, tập
hợp và hệ thống các tài liệu đã công bố được nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác
nhau có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến luận án. Các nghiên cứu đi trước
chính là nền tảng khoa học vừa mang tính lý luận vừa mang tính thực tiễn, giúp
cung cấp nền tảng lý luận, phương pháp nghiên cứu, kiến thức, quan điểm để NCS
thực hiện luận án này.
5. Đóng góp mới của luận án
Một là, luận án nhận diện tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở vùng đồng bằng sông
Hồng thông qua các yếu tố hình thành, đối tượng thờ cúng và cơ sở thờ tự.
Hai là, luận án vận dụng lý thuyết thực thể tôn giáo để nghiên cứu tín
ngưỡng Tứ vị Thánh tổ trên hai lõi cấu trúc là niềm tin và thực hành tín ngưỡng,
góp phần kiểm chứng mức độ phù hợp của lý thuyết này trong việc nghiên cứu một
loại hình tín ngưỡng độc đáo ở vùng đồng bằng sông Hồng.
Ba là, cung cấp thêm các cơ sở dữ liệu về tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở vùng
đồng bằng sông Hồng từ năm 2003 đến nay, góp phần nâng cao nhận thức, từ đó có
một số khuyến nghị nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của tín ngưỡng độc đáo này.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
6.1. Ý nghĩa lý luận
- Luận án góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về điều kiện hình thành và
làm rõ thực trạng tín ngưỡng Tứ vị Thánh qua hai thành tố niềm tin và thực hành.
- Kết quả nghiên cứu của luận án là một minh chứng cho sự phù hợp của lý
thuyết thực thể tôn giáo khi được vận dụng để nghiên cứu một loại hình tín ngưỡng
dân gian không đủ các tiêu chí như tôn giáo thể chế.
- Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần làm rõ hơn giá trị văn hoá của
dân tộc thông qua việc tìm hiểu về một loại hình tín ngưỡng đó là tín ngưỡng thờ
Thánh, ở đây là những nhân vật lịch sử có thật được "thần thánh hóa", một nét đặc
trưng trong đời sống tín ngưỡng của người Việt.
7
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
- Luận án làm rõ đặc điểm và vai trò của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ để các
nhà quản lý về tín ngưỡng có thể tham khảo, từ đó xây dựng chính sách văn hoá,
chính sách tôn giáo hợp lý, nâng cao và phát huy giá trị của tín ngưỡng Tứ vị Thánh
tổ trong điều kiện đa dạng về tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay.
- Luận án cũng gợi mở hướng nghiên cứu mới về tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ
cho các nghiên cứu tiếp theo thuộc các chuyên ngành tôn giáo học, văn hoá học.
Kết quả nghiên cứu của luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo, tài liệu
nghiên cứu, giảng dạy chuyên ngành tôn giáo học và về tín ngưỡng, tôn giáo nói chung.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận
án gồm 4 chương, 11 tiết.
8
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN
CƠ BẢN LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
1.1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
Để giải quyết nhiệm vụ đặt ra trong luận án, việc tổng quan các công trình đã
nghiên cứu liên quan đến tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ nhằm hiểu rõ những nội dung
liên quan đến đề tài mà NCS kế thừa trong luận án và chỉ ra những nội dung chưa
được nghiên cứu, luận án cần làm rõ.
1.1.1. Các công trình nghiên cứu nhận diện tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ
1.1.1.1. Các công trình nghiên cứu về Mật giáo Phật giáo thời Lý
Nghiên cứu về Mật giáo Phật giáo thời Lý được thể hiện trong các công trình
nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam, dưới góc độ triết học, sử học, phật học,
khá phong phú. Trong phần tổng luận này NCS lựa chọn một số nghiên cứu tiêu
biểu, mang tính đại diện:
Tác phẩm "Lịch sử Phật giáo Việt Nam" của Nguyễn Tài Thư [139], đây là tác
phẩm được viết dưới góc độ triết học, mặc dù được viết theo các dữ liệu lịch sử nhưng
có tư duy khác biệt và trình bày hệ thống, khoa học về lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Chương III của tác phẩm đã khai thác khá toàn diện các dữ liệu lịch sử để làm rõ bức
tranh của Phật giáo thời Lý với những đóng góp to lớn cho chính trị và xã hội đương
thời. Thời kỳ này thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi phát triển từ thế hệ 11 đến thế hệ 19,
trong phương pháp tu tập, hành trì của nhiều nhà sư thể hiện các phép tu Mật giáo, đại
diện tiêu biểu là sư Từ Đạo Hạnh, Trì Bát, Minh Không, Thiền Nham, Giới Không, các
sư thường thi triển phép thuật thần thông để thuần phục ác thú, cầu đảo, chữa bệnh…
Phái Vô Ngôn Thông phát triển từ thế hệ thứ 5 đến thế hệ 15 và cũng chịu ảnh hưởng
của Mật giáo tuy không sâu đậm như phái Tì Ni Đa Lưu Chi, tiêu biểu là các nhà sư
Không Lộ, Giác Hải, Nguyện Học, Tịnh Giới, các sư chuyên tâm nghiên cứu pháp môn
đà la ni, có nhiều phép thuật thần thông như bay trên không, đi dưới nước, cầu mưa cầu
nắng, trì chú. Đến đời vua Lý Anh Tông, Lý Cao Tông tính chất Mật tông tăng lên do
các vị vua này đều sùng tín yếu tố Mật giáo trong Phật giáo.
Tác phẩm "Lịch sử Phật giáo Việt Nam" của tác giả Lê Mạnh Thát [126], tác
giả đã sử dụng phương pháp đối sánh lịch sử để trình bày diễn biến của lịch sử Phật
giáo thời Lý thông qua các nhân vật tôn giáo để khắc họa đặc điểm và trường phái
cơ bản. Mặc dù tác giả chú trọng đến yếu tố thiền học của cả hai phái Tì Ni Đa Lưu
Chi và Vô Ngôn Thông thông qua các nhân vật lịch sử như Vạn Hạnh, Đa Bảo,
Định Hương, khẳng định sự gắn bó chặt chẽ giữa Phật giáo và triều đình nhà Lý.
Mặc dù không đề cập đến yếu tố Mật giáo ở giai đoạn này một cách rõ nét nhưng
9
tác giả cũng đã không bỏ qua phương thức tu tập hành trì tam muội và đà la ni đó là
những phương thức tu tập của Mật giáo đều xuất hiện ở các hai phái thiền này "Đối
với giới xuất gia vẫn diễn ra lễ thọ giới cụ túc, tu các pháp thiền quán và đầu đà, trì
các tam muội và đà la ni" [tr.678]. Ngoài ra, yếu tố Mật giáo trong Phật giáo thời Lý
được thể hiện trong tác phẩm thông qua việc mô tả, giới thiệu tượng pháp được tôn
thờ ở các chùa: "Trước hết là năm đức Như Lai của Mật giáo gồm có Đa Bảo, Bảo
Thắng, Diệu Sắc Thân, Quảng Bác Thân và Cam Lồ Vương" [tr.691].
Tác phẩm "Việt Nam Phật giáo sử luận" của tác giả Nguyễn Lang [90], đã đề
cập đến Mật giáo trong sinh hoạt tôn giáo của hai phái thiền Tì Ni Đa Lưu Chi và
Vô Ngôn Thông tại chương V và chương VI, yếu tố Mật giáo được coi là đặc điểm của
cả hai phái và khẳng định các vị vua thời Lý đã nhờ tới Mật giáo để được yểm trợ và
che chở. Tác giả cũng nêu cụ thể những vị sư sống ở thời Lý chịu ảnh hưởng của Mật
giáo như: Đạo Hạnh, Trì Bát, Không Lộ, Giác Hải, Nguyện Học. Tác giả khẳng định:
"Mật giáo thịnh hành tại Việt Nam từ những thế kỷ thứ bảy và thứ tám; tuy thiền phái
Vô Ngôn Thông cố sức tự bảo vệ không để Mật giáo thâm nhập (Thông Biện chống
Đại Điên và Bát Nhã) nhưng vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng của giáo lý này. Sự kiện
cho ta thấy tầm quan trọng của Mật giáo ở Việt Nam từ ngày Tì Ni Đa Lưu Chi đến
Việt Nam qua Đinh, Tiền Lê cho đến cuối Lý" [tr.183-184].
Tác phẩm "Lịch sử đạo Phật Việt Nam" của tác giả Nguyễn Duy Hinh [57],
tác giả tiếp cận dưới góc độ lịch sử đã chứng minh từ thế kỷ XI đến XIV là thời kỳ
cực thịnh của Phật giáo. Thông qua các sự kiện lịch sử theo biên niên sử của Đại
Việt sử ký toàn thư tác giả đã nêu ra các sự kiện liên quan đến Phật giáo dưới thời
nhà Lý, bắt đầu bằng sự kiện Lý Công Uẩn lên ngôi. Tiếp đến, tác giả đi vào nghiên
cứu từng sơn môn và từng nhà sư, khẳng định trong hoạt động tôn giáo của một số
vị sư mặc dù đều là những thế hệ truyền thừa của hai Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi
và Vô Ngôn Thông nhưng lại không thuần túy thiền sư: "Tư tưởng của Đạo Hạnh
ảnh hưởng Mật giáo dạng Lạt Ma giáo của Tây Tạng với đầu thai, phát hiện đứa trẻ
Phật sống. Đạo Hạnh không phải là thiền sư" [tr.159]; "nhà sư Thiền Nham thuộc
truyền thống sơn môn Dâu với đặc điểm trì tụng đà la ni, cầu mưa, không phải là
thiền sư" [tr.163]; "Không Lộ không phải thiền sư, ông chuyên thần chú và có pháp
thuật thuộc truyền thống sơn môn Dâu hơn là sơn môn Kiến sơ" [tr.246]; "Giác Hải
không phải là thiền sư mà là pháp sư" [tr.282]. Tác phẩm là một kênh tham khảo
hữu ích của luận án.
1.1.1.2. Các công trình nghiên cứu về hành trạng của Tứ vị Thánh tổ
Nhận diện tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ thông quan việc nghiên cứu hành trạng
của các Thánh cũng được thể hiện qua nhiều tác phẩm và chủ yếu được tiếp cận
dưới góc độ sử học, tiêu biểu phải kể đến:
10
Bộ chính sử "Đại Việt Sử Ký Toàn Thư" của Nhà xuất bản Văn hoá thông tin
[104; 105]. Trong phần biên soạn về giai đoạn lịch sử thời Lý, có những tư liệu lịch
sử về Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không [104, tr.342, 376, 384], vì là văn bản
chính sử nên đã lược bỏ đi nhiều tình tiết ly kỳ về hành trạng của Tứ vị Thánh tổ,
nhưng với việc những vị thiền sư của Phật giáo và hoạt động tôn giáo của họ trở thành
một sự kiện văn hoá, được đưa vào trong chính sử cho thấy sự ảnh hưởng của Tứ vị
Thánh tổ đối với triều đình nhà Lý. Tư liệu ít ỏi về các vị Thánh được nêu trong tài liệu
này đặt nền móng cho việc nghiên cứu tìm hiểu về tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ.
Tiếp đến là tác phẩm "Việt Điện U Linh tập lục toàn biên những câu chuyện
thần linh cổ nhất nước ta" của Sống Mới [114], đây là bộ huyền sử của Việt Nam
viết về những câu chuyện thần linh cổ xưa của nước Việt, tài liệu ghi chép về những
huyền sử của các vị Thần được phụng tự trong đình, chùa với nhiều tình tiết ly kỳ,
nhuốm mầu huyền bí, nhưng đã biểu hiện được một phần dân tộc tính với màu sắc
rất Việt, tại trang 199 viết về sự tích sư Từ Đạo Hạnh "Từ Đạo Hạnh đại Thánh sự
tích thực lục". Tác phẩm là một kênh để tìm hiểu về hành trạng của một trong Tứ vị
Thánh tổ thời Lý là Từ Đạo Hạnh, nhân vật lịch sử được huyền thoại hoá, dân gian
hoá, nhưng vẫn phảng phất đâu đó là một con người bình dị, gần gũi với đời.
Không thể không nhắc đến tác phẩm "Thiền Uyển Tập Anh" [107], được ghi
vào đời Trần, ghi chép lại tiểu sử và các tông phái thiền học từ cuối thời Bắc thuộc
cho đến các thời Đinh, Lê, Lý, Trần. Tác phẩm ghi chép khá chi tiết về tiểu sử, hành
trạng của Tứ vị Thánh tổ. Trong đó, Từ Đạo Hạnh [tr.197] và Nguyễn Minh Không
[tr.213] thuộc về thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi, Nguyễn Giác Hải [tr.138] và Dương
Không Lộ [tr.105] thuộc về thiền phái Vô Ngôn Thông. Tác phẩm giúp cho việc
đánh giá những đóng góp của Tứ vị Thánh tổ đối với Phật giáo, triều đình và nhân
dân trong một giai đoạn lịch sử của dân tộc.
Các sử gia triều Nguyễn cũng rất quan tâm đến tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ,
thể hiện qua tác phẩm "Đại Nam Nhất Thống Chí" của Nhà xuất bản Thuận Hoá
[43; 44], đây là tác phẩm tổng hợp nghiên cứu về địa lý - lịch sử,…. Sự tích và các
ngôi đền thờ Tứ vị Thánh tổ đều được ghi chép ở trong các mục Đền Miếu, Chùa
quán, Tăng ở các tỉnh Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, thể hiện rõ nét tại tập 3 của
tác phẩm này. Cụ thể: phần viết về tỉnh Hà Nội trong mục Tăng có viết "Từ Lộ tự là
Đạo Hạnh, người trại Yên Lãng huyện Thanh Trì, tu ở chùa Phật Tích huyện Yên
Sơn, là cao tăng đời Lý" [44, tr.232], phần viết về tỉnh Ninh Bình, trong mục Đền
Miếu có nói đến hai vị thiền sư đời Lý là Nguyễn Giác Hải và Nguyễn Minh Không
cả hai cũng đều là những vị sư tu hành vào thời Lý, tinh thông phép thuật, "một năm
gặp đại hạn, nhà sư lấy giấy dán vào cái giỏ bằng tre, ra sông xách nước tưới vào
ruộng thành vũng bàn chân, nước ở vũng ấy chảy ra bốn phía, nước chảy đến đâu
11
đều thành khe, ngòi, nhân dân được nhờ" [44, tr.274]. Phần về tỉnh Nam Định, mục
Chùa quán viết về chùa Thần Quang "trước là Nghiêm Quang ở xã Dũng Nhuệ,
huyện Giao Thuỷ là nơi trụ trì của Dương Không Lộ, nay vẫn hiển linh phàm cầu
đảo về việc thuỷ hạn tai thương đều ứng nghiệm" [44, tr.357], mục Tăng có ghi
chép về thiền sư Không Lộ và Giác Hải giống như Lĩnh Nam Chích Quái [tr.370].
Tác phẩm đã ghi chép sơ lược về tiểu sử của bốn vị thiền sư thời Lý và những nơi
thờ tự họ cho thấy các vị được thờ tự ở hai loại hình di tích là Đền và Chùa.
Tác phẩm "Nam Hải Dị Nhân" của tác giả Phan Kế Bính [20], tác phẩm trở
thành bộ sưu tập nổi tiếng về các truyền tích và dã sử ở nước ta. Trong chương viết về
các vị tiên tích đã trình bày về thân thế sự nghiệp của hai vị Từ Đạo Hạnh [tr.153-158]
và Nguyễn Minh Không [tr.158-161]. Qua lối kể chuyện mộc mạc, hình ảnh của hai vị
hiện lên đều là những bậc kỳ tài " (…) từ bấy giờ pháp lực càng lấn tới, nội là rắn độc
trong núi, hùm dữ trên rừng cũng có phép sai khiến được" [tr.155]. Câu chuyện về Đạo
Hạnh và Minh Không cũng gần với các tác phẩm đã nêu trên hầu như ít có dị biệt.
Tác phẩm "Việt Nam Phật Giáo Sử Luận" của tác giả Nguyễn Lang [90]. Tác
phẩm đã miêu tả về pháp thuật của thiền sư Từ Đạo Hạnh giống như những miêu tả
trong Thiền Uyển Tập Anh, cho thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của yếu tố Mật giáo
trong hoạt động tôn giáo của vị sư này: "… từ đó pháp lực càng tăng, duyên thiền
càng chính, có thể sai sử điều phục sơn đà dã thú, cầu mưa, cầu tạnh, chú thuỷ trị
bệnh không gì là không ứng nghiệm" [tr.139].
Tác phẩm "Chùa Keo" của tác giả Bùi Duy Lan, Phạm Đức Duật [86]. Đây
là tác phẩm chuyên khảo về ngôi chùa Keo (Thái Bình). Tại phần I, hai tác giả đặc
biệt chú ý đến tìm hiểu về lịch sử ngôi chùa và sự tích thiền sư Dương Không Lộ,
dựa trên nhiều tài liệu trong đó dựa vào cuốn sách "Quốc sư Bảo lục" của tiến sĩ
Đặng Xuân Bảng để so sánh và đối chiếu với các tài liệu khác có liên quan đến
thiền sư Dương Không Lộ, chỉ ra nguyên nhân gây nhầm lẫn và giải thích nhiều vấn
đề liên quan đến sự tích về hai vị thiền sư Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không.
Từ đó tác giả đi đến kết luận: (i) Không Lộ là đạo hiệu của một nhà sư có thật ở thời
Lý; (ii) Không Lộ và Minh Không là hai người khác nhau [tr.23]. Tác giả cũng đã chỉ
ra nguyên nhân của sự nhầm lẫn giữa hai vị sư này là do sự tích của hai vị sư có nhiều
điểm tương đồng: (i) Cả hai người đều chữa bệnh cho vua nhà Lý, Không Lộ chữa
bệnh sợ tiếng tắc kè kêu của vua Lý Nhân Tông, Minh Không chữa bệnh hoá hổ cho
vua Lý Thần Tông; (ii) cả hai đều được phong làm Quốc sư; (iii) Minh Không cũng
tu học ở chùa Diên Phúc, sau đổi tên là Viên Quang nơi mà Không Lộ, Giác Hải
trước đó đã từng tu [tr.23-24]. Tác phẩm thể hiện tinh thần nghiên cứu công phu,
nghiêm túc, đã làm sáng tỏ một số vấn đề còn nhầm lẫn giữa hai vị thiền sư nổi tiếng
là Không Lộ và Minh Không.
12
Tác phẩm "Từ Đạo Hạnh Trần Nhân Tôn những trái chiều lịch sử" của
Nguyễn Mạnh Cường, Đinh Viết Lực, Nguyễn Đức Dũng [30]. Tác phẩm gồm 5
chương. (i) Khái lược về đời sống tâm linh của người Việt thời Lý; (ii) Thiền sư Từ
Đạo Hạnh từ nhà sư tới nhà Vua; (iii) Vài nét về đời sống tâm linh của người Việt
thời Trần; (iv) Trần Nhân Tông từ nhà Vua tới nhà sư; (v) Những vấn đề lịch sử
đang đặt ra. Tác phẩm tiếp cận vấn đề dưới góc độ lịch sử.
Sự trái chiều của lịch sử chính là sự hình thành tu luyện và cung cách làm
vua của mỗi người, Từ Đạo Hạnh là từ một nhà sư đến nhà vua còn Trần Nhân
Tông là từ nhà vua đến nhà sư. Việc nhà sư đến nhà vua thông qua hình tượng Từ
Đạo Hạnh chính là cuộc chiến giành giật ngôi vua của hai thế lực tôn giáo là Phật giáo
và Đạo giáo. Trong cuộc chiến này Phật giáo chiếm ưu thế, vương quyền và thần
quyền lúc này trở thành một và không có sự tách bạch. Còn Trần Nhân Tông lại có
hành trình ngược lại đó là đi từ nhà vua đến nhà sư và lập ra phái thiền mới nhằm mục
đích tạo ra một liên minh để cố kết cộng đồng, nêu cao tinh thần đoàn kết của người
dân Đại Việt nhằm chống giặc ngoại xâm, đồng thời tách bạch thần quyền ra khỏi
vương quyền nhằm trả lại cho vua quyền thế tục là để cai trị và xây dựng đất nước. Tác
phẩm đã đưa ra những sự kiện lịch sử, cùng với đó là những đối sánh lịch sử nhằm
làm rõ hơn đời sống tín ngưỡng của người Việt dưới thời Lý, Trần.
Dưới ngòi bút của các sử gia, nhận diện về tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ thông
qua việc nghiên cứu về hành trạng của Tứ vị Thánh tổ được thể hiện khá chi tiết. Họ
đều là những bậc kỳ tài, tinh thông về học thuật, đạo pháp, có công với đạo và đời,
được nhiều đời sau ghi nhớ công trạng, trong hoạt động tôn giáo của họ mang đậm
yếu tố Mật giáo. Cũng qua hành trạng và hoạt động tôn giáo của các sư cho thấy sự
tồn tại của một nền văn hoá Phật giáo đặc biệt là yếu tố Mật giáo Phật giáo trong
lịch sử dân tộc và những đóng góp của Phật giáo trên các mặt của đời sống xã hội.
Phật giáo thời Lý đã đóng góp cho dân tộc nhiều bậc kỳ túc cao tăng, tham gia
mạnh mẽ vào đời sống thế tục, duy trì những hoạt động tâm linh. Mặt khác cũng
cho thấy những tác động của Phật giáo đối với đời sống tín ngưỡng của người Việt,
ảnh hưởng của yếu tố Mật trong Phật giáo đối với Tín ngưỡng dân gian.
1.1.1.3. Các công trình nghiên cứu về các ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ
Đây là lĩnh vực cũng được nhiều nhà khoa học tập trung khai thác và tiếp cận
dưới góc độ khảo cổ học tôn giáo, kiến trúc, mỹ thuật, văn hoá học, có thể kể đến một
số công trình tiêu biểu:
Tác phẩm "Chùa Việt Nam"của nhóm tác giả Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự,
Phạm Ngọc Long [121]. Tác phẩm được chia thành 2 phần: (i) Chùa Việt Nam,
trong đó giới thiệu khái quát về những ngôi chùa Việt, từ việc chọn đất phải là nơi
đắc địa, các vật liệu sử dụng, lối kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, Tam hay kiểu chữ
13
Công để xây dựng chùa, cách bài trí tượng thờ trong các ngôi chùa. Một nội dung
lớn nữa được trình bày trong phần này là Chùa Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, sự
quan tâm của triều đình phong kiến đối với Phật giáo thông qua việc cho xây dựng
chùa, sự khác nhau trong lối kiến trúc, (ii) tác phẩm giới thiệu khái lược và kèm
theo hình ảnh minh họa về 118 ngôi chùa của 61 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó
có một số chùa thờ các vị Thánh Tổ như chùa Lý Quốc Sư [tr.102]; chùa Thày, chùa
Láng [tr.122]; chùa Keo [tr.230]; chùa Cổ Lễ [tr.270]; chùa Bái Đính [tr.302].
Tác phẩm "Chùa Việt" của tác giả Trần Lâm Biền [18]. Ngôi chùa là nơi kết
tụ tinh thần của người Việt và ngôi chùa cũng cõng trên lưng bao vấn đề của lịch sử
dân tộc, đây không chỉ là nơi người dân gửi gắm mối liên hệ với thần linh qua các
nghi lễ mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư. Tác phẩm đã hướng
người đọc theo từng bước: Diễn biến của ngôi chùa Việt; Văn hóa - Hướng - Bố cục
chung trong các ngôi chùa thông qua các vấn đề như kiến trúc, thế đất, cấu trúc bộ
khung và giới thiệu một số ngôi chùa qua các thời.
Tác giả viết về chùa Thầy nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh tu hành và hoằng pháp
"việc thờ Từ Đạo Hạnh là nhu cầu căn bản của người chùa Thầy, chùa Láng (Hà
Nội). Đây là một phản ánh tâm thức dân dã để khẳng định về yếu tố dung hội giữa
Phật giáo và tín ngưỡng dân gian, đồng thời biểu hiện một hướng đi của tư tưởng
Việt" [tr.125]. Công trình có nhiều thông tin khoa học đem đến cho người đọc
những hiểu biết về lịch sử, kiến trúc, cách thức bài trí thờ tự, dấu ấn Mật tông biểu
hiện ở các pho tượng, khám thờ và đời sống tín ngưỡng của người dân xung quanh
ngôi chùa Thầy. Tác giả cũng đã khẳng định về sự dung hợp giữa yếu tố Mật trong
Phật giáo với Tín ngưỡng dân gian thể hiện qua ngôi chùa này.
Tác phẩm "Chùa Bối Khê nhìn từ khảo cổ học Phật giáo" của tác giả Nguyễn
Quốc Tuấn [151]. Tác phẩm gồm 4 chương, trong chương 4, đã trình bày về các loại
chùa tiền Phật, hậu Thánh ở miền Bắc Việt Nam và đưa ra nhận định, cấu trúc bình
đồ tiền Phật, hậu Thánh hình thành mà biết rõ được là vào cuối thế kỷ 17, định hình
vào thế kỷ 18 và được duy trì cho đến thời Nguyễn. Tác giả đã so sánh về cấu trúc
của chùa Bối Khê (Đại Bi) với hai ngôi chùa tiền Phật, hậu Thánh đặc sắc ở miền
Bắc đều mang tên Keo ở Nam Định và Thái Bình để chỉ ra những điểm chung và
những điểm khác biệt giữa các ngôi chùa. Không dừng lại ở đó, tác giả còn so sánh
chùa Bối Khê với bảy ngôi chùa thờ Thánh khác đều ở miền Bắc trên bình diện kỹ
thuật, ý nghĩa và đặc điểm của các thành phần kiến trúc, nghệ thuật tạo tượng,... Tác
phẩm dưới góc độ nghiên cứu về khảo cổ chủ yếu tìm hiểu về kiến trúc, di vật và niên
đại thông qua việc nghiên cứu một di tích tôn giáo cụ thể đó là chùa Bối Khê với việc
thờ Thánh Nguyễn Bình An, một nhân vật tôn giáo dưới thời nhà Trần, thông qua đó
minh chứng tính hỗn hợp tôn giáo giữa Phật giáo, Đạo giáo, bản địa hoá tôn giáo du
nhập ở người Việt trong lịch sử.
14
Tác phẩm "Chùa Thầy (Thiên Phúc Tự)" của tác giả Nguyễn Văn Tiến [136].
Trên cơ sở Luận án tiến sĩ sử học chuyên ngành khảo cổ học, tác giả đã sửa đổi, bổ
sung để ra mắt bạn đọc. Chùa Thầy được nghiên cứu dưới góc độ khảo cổ học nhằm
làm rõ những đặc trưng về kiến trúc, nghệ thuật trang trí, nghệ thuật điêu khắc đồng
thời qua đó cũng làm sáng tỏ thái độ của các triều đại phong kiến đối với Phật giáo và
thấy được vị trí của chùa Thầy trong lịch sử của Phật giáo Việt Nam. Mặt khác, chùa
Thầy còn được nghiên cứu trong mối tương quan với các ngôi chùa "tiền Phật hậu
Thánh" để đi đến nhận định chùa Thầy là khởi nguồn của những ngôi chùa có kiểu
"tiền Phật hậu Thánh" ở vùng đồng bằng sông Hồng. Tác phẩm đã góp phần làm rõ nét
hơn về chùa Thầy, ngôi chùa ngoài thờ Phật còn thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh một vị
thiền sư nổi tiếng dưới thời Lý ở cả ba kiếp vi Tiên, vi Phật, vi Quốc vương, giúp độc
giả nhận thức sâu sắc về giá trị văn hóa của dân tộc được biểu hiện qua ngôi chùa.
Chùa Thầy không chỉ làm phong phú thêm cho các ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ mà
còn góp phần làm phong phú thêm giá trị lịch sử và văn hoá Phật giáo Việt Nam.
Tác phẩm "108 Danh lam cổ tự Việt Nam" của tác giả Võ Văn Tường [155].
Đây là một cuốn sách ảnh, gồm 838 bức ảnh giới thiệu các ngôi chùa ở 33 tỉnh, thành
phố, từ các ngôi chùa cổ ở miền Bắc, miền Trung cho đến những ngôi chùa mang nét
kiến trúc hiện đại ở miền Nam và những hình ảnh về chi tiết kiến trúc trang trí bên
trong ngôi chùa, kèm theo đó là những giới thiệu vắn tắt về lịch sử của từng ngôi chùa,
trong đó có giới thiệu về chùa Lý Quốc Sư, chùa Thiên Phúc (chùa Thầy), chùa Thần
Quang (chùa Keo).
Tác phẩm "Chùa Keo" của tác giả Bùi Duy Lan, Phạm Đức Duật [86]. Tại
phần II, đã tìm hiểu về kiến trúc của ngôi chùa Keo qua hai không gian thờ tự là Điện
Phật và Điện Thánh cùng với một số hạng mục kiến trúc khác như Gác Chuông, một số
tượng thờ và những cổ vật quý ở chùa Keo có những giá trị tiêu biểu.
Cũng nghiên cứu về chùa Keo còn có "Chùa Keo Lịch sử và Nghệ thuật kiến
trúc" của tác giả Đặng Hữu Tuyền [156]. Công trình tiếp cận chùa Keo ở góc độ
khảo cổ học, phân tích về lịch sử xây dựng chùa, kiến trúc của chùa Keo và chỉ ra
những đặc điểm về kiến trúc của ngôi chùa nổi tiếng này, đồng thời tác giả cũng
đưa ra những nhận định: chùa Keo là một công trình có quy mô lớn và bố cục chặt
chẽ; chùa Keo là một phức hợp kiến trúc độc đáo trong kiến trúc Phật giáo ở Việt
Nam; đây là công trình kiến trúc phản ánh các giá trị lịch sử văn hoá mạnh mẽ.
Luận án tiến sĩ "Những ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh ở vùng Châu thổ Bắc
Bộ" của tác giả Phạm Thị Thu Hương [71]. Thông qua hình thức khảo tả về kiến trúc
và di vật, luận án đã chỉ ra một số đặc điểm về kiến trúc của những ngôi chùa "tiền
Phật hậu Thánh" trong đó có một số ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ như chùa Thầy (Hà
Nội), chùa Ông (Hưng Yên), chùa Keo (Thái Bình), chùa Keo Hành Thiện (Nam
15
Định), chùa Điềm Giang (Ninh Bình). Tác giả cho rằng, các ngôi chùa này đều là dạng
kiến trúc Phật giáo đặc biệt và chỉ xuất hiện phổ biến ở vùng châu thổ Bắc Bộ, bởi đây
là cái nôi của người Việt, nơi hình thành và nuôi dưỡng tâm hồn văn hoá Việt, nơi bảo
tồn những phong tục tập quán tín ngưỡng mà các địa bàn khác không thể có được
[tr.91], điểm khác biệt của chùa "tiền Phật hậu Thánh" thể hiện ở hệ thống di vật đặc
sắc như ngai thờ, khám thờ, kiệu, bát bửu, lỗ bộ… và nhất là hệ thống sắc phong-loại di
vật hầu như không xuất hiện trong những dạng chùa khác" [tr.109]. Luận án đã đưa ra
những nhìn nhận về chùa "tiền Phật hậu thánh" từ một số phương diện như trong lịch
sử tư tưởng của người Việt và bản sắc văn hóa Việt.
Tác phẩm "Sáng giá chùa xưa, Mỹ thuật Phật giáo" của tác giả Chu Quang Trứ
[141]. Ngôi chùa là văn hoá vật thể có sớm nhất và gắn bó sâu sắc với nhân dân, là
không gian thiêng của làng quê, là điểm hội tụ và toả sáng của văn hoá dân tộc. Trong
phần II của tác phẩm viết về một số ngôi chùa và các di vật đặc sắc trong đó có bài viết
về Chùa Thầy - niềm hạnh phúc trời ban [tr.162-175]; Nét đẹp chùa Keo [tr.201-228].
Với bài viết Chùa Thầy - niềm hạnh phúc trời ban, cho thấy chùa Thầy được
dựng từ thời Đinh, và các triều đại tiếp theo đã tu bổ để mở rộng quy mô, chùa gắn
liền với làng quê thanh bình, không gian ngôi chùa hoà hợp với nội dung thờ tự
Phật và Thánh Từ. Chùa vốn không có sư, sau thiền sư Từ Đạo Hạnh chỉ có các ông
Thống trông nom chùa. Chùa Thầy là một công trình kiến trúc hàng đầu trong di sản
nghệ thuật cổ truyền của dân tộc.
Với bài viết Nét đẹp chùa Keo, ngôi chùa Keo cổ đã tách thành hai chùa ở
hai bên bờ sông Hồng thuộc hai tỉnh Nam Định và Thái Bình hiện nay, hai ngôi
chùa này vẫn giữ được vị thế đại danh lam, biểu hiện đặc trưng của văn hoá dân tộc,
nơi đây thờ thiền sư Dương Không Lộ là nhân vật lịch sử thời Lý nhưng cuộc đời
đầy tính huyền thoại là nhà sư nhưng cũng là dân chài, là thầy thuốc, là đạo sỹ.
Giống như chùa Thầy hai ngôi chùa này đều không có tháp mộ sư, việc chăm sóc
ngôi chùa do dân làng cắt cử thay phiên nhau, còn việc hành lễ do các ông thầy
cúng trong làng thực hiện.
Cả hai bài viết về hai ngôi chùa đều đi từ lịch sử cho đến hiện tại, không chỉ
dừng lại ở kiến trúc, mỹ thuật, các di vật trong chùa mà còn là đối tượng thờ cúng
đó là hai nhân vật Phật giáo thiền sư Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ và đời sống
tín ngưỡng của người dân trong vùng biểu hiện thông qua lễ hội truyền thống. Qua
đó thấy lớp văn hoá Phật giáo đã giao hòa với lớp văn hoá cổ truyền của dân tộc.
Đây là những nét văn hoá đặc sắc trong các ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ và chính
những ngôi chùa là nơi hội tụ và lan tỏa những nét văn hoá đặc sắc đó.
Kỷ yếu hội thảo khoa học "Chùa Thầy và chư Thánh tổ sư" của Ban Văn hoá
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Viện Nghiên cứu Tôn giáo [14]. Tác
16
phẩm là tập hợp gồm 50 bài viết của nhiều tác giả với nhiều cách tiếp cận khác
nhau, với cách nhìn đa chiều đã tạo ra một bức tranh đa dạng về chùa Thầy. Hội
thảo tập trung vào bốn chủ điểm: Bối cảnh Phật giáo triều Lý với xứ Đoài; Chùa
Thầy trong lịch sử và hiện tại; Sự nghiệp của Thánh tổ Từ Đạo Hạnh; Chư Tổ và cố
Hòa thượng Thích Viên Thành gắn bó với chùa Thầy.
Kỷ yếu Hội thảo là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, khẳng định Phật giáo thời
Lý đã mang đến cho dân tộc thế đứng văn hoá, tinh thần độc lập, tự chủ. Phật giáo càng
thêm gần gũi với nhân dân khi các bậc tu hành được Thánh hoá trở thành một phần của
tín ngưỡng dân gian và bất tử trong tâm hồn người Việt. Mặt khác, tác phẩm cũng
khẳng định vị trí, vai trò của chùa Thầy gắn liền với thiền sư Từ Đạo Hạnh, góp phần
tạo nên sự toả sáng của Phật giáo thời Lý và Phật giáo Việt Nam trong dòng chảy lịch
sử. Chùa Thầy cũng là nơi sản sinh ra lễ hội độc đáo tạo nên một lễ hội của vùng, của
miền được lưu truyền từ ngàn xưa thể hiện giá trị văn hoá của dân tộc.
1.1.2. Các công trình nghiên cứu về niềm tin, thực hành và những biến đổi
của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ
Đây là một phần trong nội dung nghiên cứu còn nhiều khoảng trống, riêng phần
nghiên cứu về niềm tin và những biến đổi trong thực hành tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ
hầu như chưa có đề tài nào tiếp cận mà phần lớn các đề tài được khai thác dưới góc độ
văn hoá học và chủ yếu nghiên cứu về những sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng
thông qua các lễ hội truyền thống, cụ thể:
Tác phẩm "Nếp cũ - Hội hè đình đám" (quyển Thượng) của tác giả Toan Ánh
[4] viết: "hội hè đình đám của dân chứng tỏ ý niệm thiêng liêng tôn giáo của người
dân qua nghi lễ, nêu cao lòng biết ơn của người dân đối với các bực anh hùng đất
nước cũng như đối với các vị thần linh, nhất là các vị Thành Hoàng đã che chở phù
hộ cho dân mỗi xã và nhất là đã từng là những dịp để người dân ôn lại lễ nghi, nhớ
lại phong tục" [tr.7]. Tác giả giới thiệu về Sài Sơn và lễ hội chùa Thầy với hai nội
dung cần chú ý (i) sự tích ông Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tôn, (ii) Hang Thánh
hóa và di tích của ông Từ Đạo Hạnh.
Tác phẩm "Lễ hội Việt Nam" của tác giả Lê Trung Vũ, Lê Hồng Lý [168],
giới thiệu về hơn 300 lễ hội tiêu biểu của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Tác
phẩm có đề cập đến hội chùa Láng và nhân vật Từ Đạo Hạnh, với các sự tích, câu
chuyện ly kỳ nhuốm mầu huyền thoại đã góp phần làm cho lễ hội chùa Láng trở nên
vô cùng hấp dẫn. Gắn với sự tích thiền sư Từ Đạo Hạnh còn có lễ hội chùa Thầy với
sự kiện Ngài hóa Phật, hội chùa Thầy thể hiện niềm ao ước về cuộc sống tốt đẹp và
cũng là thể hiện đạo lý nhớ nguồn của dân tộc. Tác phẩm còn giới thiệu về lễ hội chùa
Keo Thái Bình, chùa Keo Nam Định gắn với vị thánh Dương Không Lộ, những nét đặc
trưng trong cuộc đời của vị thiền sư này được tái hiện thông qua nghi lễ tôn giáo, một
số tập tục cổ truyền và những hình thức biểu diễn nghệ thuật dân gian.
17
Tác phẩm "Lễ hội Việt Nam" của tác giả Vũ Ngọc Khánh [79], giới thiệu về
những lễ hội tiêu biểu của cả ba miền Bắc, Trung và Nam, trong đó có lễ hội chùa
Thầy (Hà Nội) và chùa Keo (Thái Bình). Lễ hội chùa Thầy được tổ chức vào tháng
3 âm lịch (AL) hàng năm nhằm tưởng niệm sư Từ Đạo Hạnh, "lễ hội diễn ra là sự
hòa hợp giữa tín ngưỡng dân gian, Phật giáo và Đạo giáo" [tr.31]. Lễ hội chùa Keo
(Thái Bình) được diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 13 - 15/9 (AL) hàng năm để suy tôn
thiền sư Không Lộ, "lễ hội phản ánh được lối sống của vùng dân cư ven sông mang
màu sắc văn hóa nông nghiệp của đồng bằng Bắc Bộ" [tr.105]. Cuốn sách đã cho
thấy diện mạo chung của lễ hội Việt Nam, các lễ hội này đều mang đậm tính lịch
sử, văn hóa, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và là nhu cầu không thể thiếu của
cộng đồng dân cư.
Tác phẩm "Đạo Thánh ở Việt Nam" của tác giả Vũ Ngọc Khánh [78], nghiên
cứu về tín ngưỡng thờ Thánh. Dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu văn hoá dân gian,
tác giả đã phác họa bức tranh về Đạo Thánh. Thánh Láng (Từ Đạo Hạnh), Thánh
Không Lộ được nhắc đến trong tác phẩm là những vị Thánh thuộc các hệ thống
khác nhằm nói đến những vị Thánh xuất hiện ở các tôn giáo, xét về tư cách thì được
tôn là những vị Thánh sư, được nhân dân công nhận là Thánh Việt Nam. Viết về
đức Thánh Láng: "Gọi là đức Thánh Láng vì ông được thờ ở chùa Láng Hà Nội,
thánh Láng có sự tích rất độc đáo: vừa là con người trần tục, vừa là đạo sĩ, vừa là
nhà sư" [tr.520]. Tác giả cũng đã nêu một số nét về lễ hội ở ngôi chùa Keo (Thái
Bình), nơi thờ Thánh Không Lộ: "hàng năm thường có hai lần mở hội chùa: Hội vui
xuân vào ngày mùng 4 tết Nguyên Đán, hội tháng chín vào các ngày 13,14,15. Hội
tháng chín ngoài tính chất hội thi tài còn mang tính chất hội lịch sử, nhiều lễ tiết
mang tính chất tôn giáo nhưng đậm đà sắc thái sinh hoạt văn hoá dân gian, vì thế
hội tháng chín có sức hấp dẫn, cuốn hút mọi tầng lớp nhân dân" [tr.533].
Tác phẩm "Lễ hội cổ truyền" của tác giả Lê Trung Vũ [167], đã phân tích về
mối quan hệ giữa lễ hội với môi trường tự nhiên, xã hội, lịch sử và các chặng đường
tồn tại của lễ hội; lễ hội với đặc trưng chứa đựng những lớp văn hóa bồi tụ. Lễ hội
là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt, hàm
chứa tâm tưởng vừa kín đáo, vừa sâu xa, bao trùm đó là tôn thờ các vị thần thánh,
và thần thánh chính là hình ảnh hội tụ những phẩm chất tốt đẹp mà cả làng hướng
tới. Họ là những người có công lao dựng làng, lập nước, có công ơn truyền nghề, có
công lao đánh giặc, chống thiên tai, dịch bệnh…. "Hội làng là nơi biểu hiện tập
trung tư tưởng và tâm lý của dân làng, bao gồm lòng sùng kính những bậc có công
với làng, nước, ý thức cộng đồng, nguyện vọng, ước mơ về một cuộc sống thái
bình, thịnh vượng" [tr.9]. Tác phẩm cũng đã miêu tả về lễ hội chùa Keo (Thái
Bình), hàng năm Chùa Keo có hai lần mở hội, Hội xuân vào mùng 4 tết và Hội thu
18
vào các ngày 13,14,15/9 (AL) và hội thu mới là ngày hội chính. Hội thu mang đậm
tính lịch sử, gắn liền với cuộc đời của Không Lộ thiền sư, lễ nhằm tái hiện lại gốc
tích, công lao của ngài. Tác phẩm khá đặc sắc đã vẽ lại bức tranh chung về lễ hội và
hội làng của người Việt ở Bắc Bộ.
Tác phẩm "Lễ hội cổ truyền ở Nam Định" của Hội Văn nghệ dân gian [65],
gồm 3 chương: (i) quá trình hình thành và phát triển lễ hội ở Nam Định (ii) Một số
hội làng điển hình ở Nam Định giới thiệu về 40 hội điển hình, (iii) Lịch lễ hội cổ
truyền ở Nam Định. Trong 40 lễ hội điển hình tác giả có giới thiệu đến lễ hội chùa
Keo Hành Thiện (Nam Định) với rước phụng nghinh và bơi trải đứng gắn với sư
Dương Không Lộ và lễ hội chùa Cổ Lễ (Nam Định) gắn với sư Nguyễn Minh
Không với nhiều câu chuyện kể về lúc sinh thời của các Thánh.
Cũng trong luận án tiến sĩ "Những ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh ở vùng Châu
thổ Bắc Bộ" của tác giả Phạm Thị Thu Hương [71]. Chương 3, luận án đã trình bày về
lễ hội và phong tục có liên quan ở một số ngôi chùa, trong đó có lễ hội chùa Thầy (Hà
Nội), chùa Ông (Hưng Yên), chùa Keo (Thái Bình), chùa Keo Hành Thiện (Nam
Định), chùa Điềm Giang (Ninh Bình) và chỉ ra những đặc điểm của lễ hội. Tác giả cho
rằng: lễ hội ở các ngôi chùa tiền Phật, hậu Thánh đều là những lễ hội lớn, quy tụ dân
chúng ở trong vùng và thu hút đông đảo người dân ở địa phương khác về dự hội, có
ảnh hưởng và khả năng lan toả các giá trị văn hoá đến cộng đồng. Mầu sắc được sử
dụng trong lễ hội chủ yếu là màu đỏ, vàng và trắng thể hiện trong đồ thờ và trang phục,
những màu sắc này đầy chất biểu tượng, màu đỏ tượng trưng cho Trời, màu vàng
tượng trưng cho Đất, màu trắng tượng trưng cho Nước, đó là ba yếu tố quan trọng tạo
nên sự ấm no, hạnh phúc của người dân và người nông dân thờ Thánh với tất cả sự
kính trọng [tr.148-149].
Luận án tiến sĩ "Thánh Không Lộ trong đời sống văn hoá của cư dân duyên
hải Bắc Bộ" của tác giả Lê Thị Thu Hà [48]. Luận án đã nghiên cứu sự hình thành,
sáng tạo các di sản văn hoá vật thể hay còn gọi cách khác đó là cơ sở thờ tự liên
quan đến Thánh Không Lộ trên ba hình thức thờ tự là Chùa, Đình và Đền. Tác giả
nhận định các loại hình di tích thờ Thánh Không Lộ mang đậm dấu ấn kiến trúc
truyền thống của người Việt từ vị trí địa lý, bố cục mặt bằng tổng thể đến đặc điểm
kiến trúc và thần điện, mỗi loại hình lại thờ Thánh Không Lộ với tư cách riêng, biển
hiện sự hỗn dung trong tín ngưỡng thờ thần của người Việt [tr.78]. Cùng với việc
nghiên cứu các cơ sở thờ tự, luận án cũng nghiên cứu về lễ hội tại các di tích thờ
Thánh Không Lộ. Công trình nghiên cứu này trên cơ sở kế thừa của các nghiên cứu
trước và đã có những bổ sung nghiên cứu mở rộng về cơ sở thờ tự và lễ hội liên
quan đến Thánh Không Lộ ở hai loại hình di tích là Đình và Đền. Cho thấy, Dương
Không Lộ một vị thiền sư thời Lý, được tôn vinh thành Thánh, Thành Hoàng và
19
Thần, được thờ tự ở cả ba loại hình di tích Chùa, Đình, Đền, trở thành đại biểu chung
của cộng đồng, có sứ mệnh bảo hộ và trách nhiệm với đời sống thịnh suy của cộng
đồng ấy, việc suy tôn ấy cho thấy công lao to lớn của ngài đối với người dân và đây là
nét độc đáo của tục thờ Thánh Dương Không Lộ ở vùng đồng bằng sông Hồng.
Bài viết "Một số đặc điểm lễ hội trong các ngôi chùa thờ Tứ Thánh Tổ ở
đồng bằng bắc bộ" của tác giả Tạ Quốc Khánh [77]. Trên cơ sở đề cập khái quát về
thân thế và sự nghiệp của Tứ vị Thánh tổ, gồm: Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ,
Nguyễn Giác Hải, Nguyễn Minh Không, nội dung bài viết tập trung phân tích một
số đặc điểm lễ hội trong các ngôi chùa thờ Tứ Thánh tổ ở đồng bằng Bắc Bộ, đặc
biệt là sự hỗn dung giữa yếu tố Phật giáo với yếu tố văn hóa tâm linh truyền thống
của người Việt khu vực này. Về lễ hội trong các ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ tác
giả cho rằng: "...Các nghi lễ, trò diễn trong lễ hội có liên quan đến tiểu sử, hành
trạng của Tứ Thánh tổ, xét theo lịch lễ hội, các chùa thờ Tứ Thánh tổ đều tổ chức
đại lễ vào dịp Thánh sinh hoặc Thánh hóa, chẳng hạn các chùa thờ Từ Đạo Hạnh
đều tổ chức lễ hội từ mùng 5 đến mùng 7/3, trong đó lễ chính vào mùng 7" [tr.4].
Các lễ hội này đều thể hiện tín ngưỡng tâm linh của cư dân trong vùng, đồng thời là
một trong những hình thức cố kết cộng đồng.
1.1.3. Nhận xét về tình hình nghiên cứu và những vấn đề đặt ra luận án
cần tập trung nghiên cứu
1.1.3.1. Nhận xét về tình hình nghiên cứu
Qua tổng thuật tình hình nghiên cứu về tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số
ngôi chùa vùng đồng bằng sông Hồng, NCS rút ra một số nhận xét sau:
- Những vấn đề nghiên cứu đã được đề cập tới
Có nhiều cách tiếp cận khác nhau trực tiếp hoặc gián tiếp dưới nhiều góc độ
nghiên cứu khác nhau liên quan đến đề tài luận án, các cách tiếp cận đó đều đạt
được những thành tựu nhất định trong nghiên cứu về tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ.
Tuy nhiên tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ qua các nghiên cứu trước chưa toàn diện, vì
thế chưa phác hoạ được diện mạo đầy đủ:
+ Về yếu tố Mật giáo trong Phật giáo thời Lý: Các tác giả mới tập trung
nghiên cứu về Phật giáo thời Lý, trong đó đã đề cập đến Mật giáo nhưng chưa coi
đó là một trong những yếu tố chính để hình thành nên tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ.
Các tác phẩm chỉ ra bốn vị Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải,
Nguyễn Minh Không tu tập theo Mật giáo nhưng chưa chỉ ra được giá trị của yếu tố
Mật, nhờ quá trình tu tập theo Mật giáo, bốn vị thiền sư đã đạt được những thành
tựu, đạt các phép thần thông, các phép phương thuật, cầu đảo, chính những phép
thuật này thu nhiếp đại chúng và được dân tôn vinh phong thành Thánh. Từ Tứ vị
Thánh tổ, một số vấn đề được đặt ra: Tại sao dưới thời Lý có nhiều vị sư tu tập theo
20
yếu tố Mật giáo và cũng đạt được phép thần thông như Thiền Nham, Trì Bát,
Nguyện Học,… nhưng họ không được dân gian phong Thánh? Và tại sao lại chỉ
xuất hiện Tứ vị Thánh tổ dưới thời Lý mặc dù trước thời Lý và sau thời Lý yếu tố
Mật giáo nổi trội và cũng có nhiều nhà sư tu học đều đạt thành tựu nhưng không
được tôn vinh thành bậc Thánh? Chưa có nghiên cứu nào trả lời cho câu hỏi này,
vấn đề này luận án tiếp cận và kiến giải.
+ Về hành trạng Tứ vị Thánh tổ: Trong các nghiên cứu, hành trạng của Tứ vị
Thánh tổ được nêu cơ bản thống nhất, nhiều nét tương đồng, hoạt động tôn giáo của
các Thánh mang đậm dấu ấn Mật giáo, thường dùng bùa chú, ấn quyết trong quá
trình hành đạo. Mặc dù họ đều là vị sư tu theo lối thiền tông và thuộc về hai phái
thiền Tì Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông nhưng yếu tố thiền mờ nhạt, qua đó cho
thấy bối cảnh Phật giáo đương thời và cũng giúp hiểu thêm được tính chất Phật giáo
và tư tưởng xã hội thời Lý. Dưới thời Lý, tinh thần Phật giáo Đại thừa liên kết với
tinh thần ma thuật, thần thông của tín ngưỡng dân gian, sự đan xen, giao hoà này
cũng chính là một đặc trưng của Phật giáo khi du nhập vào Việt Nam và ở mỗi thời
kỳ lại có sự biến đổi cho phù hợp với đời sống tín ngưỡng của người Việt.
Riêng Thánh Dương Không Lộ hành trạng không được ghi chép nhiều trong
các thư tịch, nên các nghiên cứu phần lớn phải dựa vào truyền thuyết và huyền thoại
dẫn đến một số chi tiết không rõ ràng, vì thế đã có không ít nghiên cứu cho rằng
Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không là một. Gần đây, có một số công trình
nghiên cứu đã chứng minh Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không là hai người
khác như bài viết Về nhân thân hai vị Quốc sư thời Lý Dương Không Lộ và Nguyễn
Minh Không của tác giả Chu Huy in trên Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 8, năm
2006; tác phẩm Chùa Keo của hai tác giả Bùi Duy Lan, Phạm Đức Duật; bài viết
Vấn đề tiểu sử hai thiền sư thời Lý: Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không của
Phạm Đức Duật in trên Tạp chí Hán Nôm số 6 (91), năm 2008. Các nghiên cứu đều
đưa ra nhận định: Dương Không Lộ là vị sư thời Lý thuộc thế hệ trước với Từ Đạo
Hạnh và Nguyễn Giác Hải còn Nguyễn Minh Không thuộc thế hệ sau và là học trò
của Từ Đạo Hạnh. Tuy nhiên, vấn đề nhân thân của hai vị sư và là một hay hai
người không thuộc đối tượng nghiên cứu của luận án. Trên cơ sở của các nghiên
cứu đi trước đã khai mở NCS kế thừa và đồng tình với quan điểm cho rằng Dương
Không Lộ và Nguyễn Minh Không là hai vị sư khác nhau, được tôn thờ trong nhiều
ngôi chùa ở vùng đồng bằng sông Hồng, dân gian tôn xưng là Thánh tổ, là đối
tượng được trình bày trong luận án.
+ Về cơ sở thờ tự (các ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ): Được thể hiện trong
nhiều nghiên cứu, có các công trình nghiên cứu về từng ngôi chùa riêng lẻ như
nghiên cứu về chùa Thầy (Hà Nội) của Nguyễn Văn Tiến, nghiên cứu về chùa Keo
(Thái Bình) của Phạm Duy Lan, Bùi Đức Duật và của Đặng Hữu Tuyền.
21
Công trình nghiên cứu về nhiều ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ như tác phẩm
Chùa Việt Nam của nhóm tác giả Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long;
tác phẩm Chùa Việt của tác giả Trần Lâm Biền; luận án tiến sĩ "Những ngôi chùa
tiền Phật, hậu Thánh" của Phạm Thị Thu Hương. Các tác giả đã đề cập đến các ngôi
chùa như chùa Thầy (Hà Nội), chùa Ông (Hưng Yên), chùa Keo (Thái Bình), chùa Keo
Hành Thiện (Nam Định), chùa Cổ Lễ (Nam Định),... Các ngôi chùa này được nghiên
cứu dưới góc độ kiến trúc, di vật, đã đưa ra đặc điểm của cơ sở thờ tự nhưng đều là
những đặc điểm của kiến trúc mà không phải là đặc điểm chung của các ngôi chùa thờ
Tứ vị Thánh tổ, trong đó chưa nói lên sự hỗn dung tôn giáo thể hiện trong cách thức
bài trí thờ tự và tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ là loại hình tín ngưỡng phức hợp.
Nhìn chung, các tác giả đều thể hiện quan điểm thống nhất coi các ngôi chùa
thờ Tứ vị Thánh tổ là nơi lưu giữ giá trị về văn hoá, kiến trúc và giá trị về tinh thần,
đồng thời các ngôi chùa này chính là một biểu hiện rõ nét cho việc dung hợp của
Phật giáo với Tín ngưỡng dân gian. Các nghiên cứu cũng đã đưa ra những đánh giá,
nhận định về giá trị và những nét đặc sắc của các ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ.
+ Về niềm tin, thực hành và những biến đổi của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ là
mảng đề tài còn khá mờ nhạt. Khảo sát các công trình nghiên cứu đi trước cho thấy
vấn đề niềm tin và những biến đổi của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ hầu như chưa
được đề cập đến, các nghiên cứu trước chủ yếu đề cập đến thực hành tín ngưỡng
của cộng đồng thông qua các lễ hội truyền thống tại các ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh
tổ dưới góc độ văn hoá học, biểu hiện qua các nghi lễ Mộc dục, nghi lễ Rước, nghi
lễ Tế,… và các trò diễn dân gian. Đây là những nghi lễ truyền thống được trao
truyền qua nhiều thế hệ nhằm tỏ lòng thành kính và nhắc nhở con cháu ghi nhớ
công đức của các bậc tiền nhân, thể hiện tinh thần cố kết cộng đồng. Mặc dù mỗi lễ
hội tôn vinh và biểu dương công trạng của mỗi vị Thánh khác nhau, hình thức thể
hiện cũng có những khác biệt nhất định, nhưng đều tương đồng về bản chất và ý
nghĩa tôn giáo. Thông qua lễ hội truyền thống đã cho thấy cốt lõi và bản chất của tín
ngưỡng Tứ vị Thánh tổ, ẩn chứa sâu bên trong chính là những thông điệp về đời
sống văn hoá, tâm linh của người dân vùng đồng bằng sông Hồng. Mỗi lễ hội tín
ngưỡng liên quan đến Tứ vị Thánh tổ đều mang những nét đặc sắc riêng có, nổi bật ở
vùng đồng bằng sông Hồng.
Nhìn chung, các công trình đi trước đều có tính khoa học cao, nghiên cứu
công phu. Mỗi tác giả đều có những hướng nghiên cứu riêng nên vấn đề nghiên cứu
phong phú, đa dạng và sâu sắc. Các công trình đều có giá trị cao về mặt lý luận và
thực tiễn, không chỉ cung cấp nguồn tư liệu quý mà còn là những đánh giá, nhận
định khoa học để luận án tiếp thu, kế thừa, đồng thời những nghiên cứu trước cũng
gợi ý để NCS tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu về vấn đề này.
22
- Những vấn đề nghiên cứu trước chưa tiếp cận
Các nghiên cứu đi trước chủ yếu tiếp cận tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ dưới
góc độ sử học, khảo cổ học, kiến trúc học, mỹ thuật học, văn hoá học, phật học và
mới chỉ dừng lại nghiên cứu những trường hợp đơn lẻ về từng vị Thánh hoặc về
từng ngôi chùa, hoặc một vài ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ. Tìm hiểu về tín ngưỡng
Tứ vị Thánh tổ thể hiện ở các công trình nghiên cứu trên còn là những mảnh ghép
chưa hoàn chỉnh, chưa phác hoạ được bức tranh tổng thể về tín ngưỡng Tứ vị Thánh
tổ ở vùng đồng bằng sông Hồng. Chưa có công trình nghiên cứu chuyên biệt nào về
tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ, tiếp cận dưới góc độ tôn giáo học để nhận diện và chỉ ra
thực trạng tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ dưới nhãn quan tôn giáo học.
Một số nghiên cứu dưới góc độ văn hoá học đã tiếp cận đến hoạt động tín
ngưỡng của cộng đồng biểu hiện qua lễ hội truyền thống, thông qua những nghi lễ
cổ truyền nhưng chưa coi đó là những thực hành tín ngưỡng, tôn giáo của cộng
đồng. Các nghiên cứu chưa đề cập đến niềm tin tôn giáo của người dân vùng đồng
bằng sông Hồng vào Tứ vị Thánh tổ và các thực hành mang tính tôn giáo của các cá
nhân, họ xem Tứ vị Thánh tổ là đối tượng thiêng, có thể ban phúc, giáng hoạ, có
khả năng ban tài, ban lộc, ban những điều may mắn và tác động tới cuộc sống của
họ nơi trần thế. Cũng chưa có nghiên cứu nào đề cập đến những biến đổi của tín
ngưỡng Tứ vị Thánh tổ trong bối cảnh hiện nay để thấy rằng tín ngưỡng Tứ vị
Thánh tổ có những biến đổi để thích nghi với xã hội đương đại, qua đó phản ánh
quy luật vận động của những thực thể tồn tại khách quan trong xã hội và những biến
chuyển trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo.
1.1.3.2. Những vấn đề đặt ra luận án tập trung nghiên cứu
Trên cơ sở tổng luận những vấn đề đã được nghiên cứu liên quan đến luận án,
những giá trị của các công trình nghiên cứu trước mà luận án kế thừa và những vấn đề
chưa được tiếp cận nghiên cứu về tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng
đồng bằng sông Hồng, luận án sẽ tập trung nghiên cứu một số nội dung cơ bản sau:
- Nhận diện tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ qua các điều kiện hình thành, đối
tượng thờ cúng, cơ sở thờ tự;
- Phân tích, đánh giá thực trạng tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ qua các yếu tố
niềm tin, thực hành, những biến đổi của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ;
- Từ thực trạng niềm tin, thực hành và những biến đổi của tín ngưỡng, luận án
chỉ ra đặc điểm, vai trò của tín ngưỡng tứ vị Thánh tổ trong đời sống xã hội hiện nay,
từ đó góp phần nâng cao thêm một bước nhận thức về tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở
vùng đồng bằng sông Hồng và bước đầu đưa ra một số khuyến nghị nhằm phát huy
giá trị của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ trong đời sống xã hội ở vùng đồng bằng sông
Hồng hiện nay.
23
1.2. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN
1.2.1. Một số khái niệm công cụ
Thống nhất khái niệm là một nội dung hết sức quan trọng, nhằm mục đích sử
dụng khái niệm sao cho chính xác. Trong luận án NCS trình bày một số khái niệm
coi đó là những quy chuẩn, đây không phải là những khái niệm mới mà trên cơ sở
của các nghiên cứu trước, luận án kế thừa và đưa ra khái niệm phù hợp với nội dung
và đối tượng nghiên cứu của đề tài.
Tín ngưỡng: là hình thái ý thức phản ánh niềm tin, sự ngưỡng mộ và những
hoạt động để bày tỏ niềm tin của con người vào các lực lượng siêu nhiên, các nhân
vật huyền thoại hoặc lịch sử có thật mà con người cho là linh thiêng, có sức mạnh
thần bí, tác động đến đời sống tâm linh của con người được con người thờ phụng,
cầu khấn và mong muốn được sự che chở, giúp đỡ từ các đấng thiêng đó.
Thánh: Trong cuốn từ điển Phật học Hán - Việt nêu: "Thánh âm tiếng Phạn là A -
Ly - da, nghĩa là chính. Chứng đắc chính đạo gọi là Thánh, là bậc có trí tuệ viên mãn, có
các phép thần thông, đã dứt được mọi khổ não, ra khỏi vòng luân hồi" [108, tr.1187].
Cuốn Từ điển Bách khoa Việt Nam nêu: "Thánh là danh hiệu để chỉ những
người tài giỏi, sáng suốt, đức độ, có công trạng. Sau khi qua đời những người đó
được thờ cúng coi như các vị thần linh…" [Error! Reference source not found.,
tr.162].
GS. Vũ Ngọc Khánh trong tác phẩm chuyên khảo của mình về Đạo Thánh đã
đưa ra quan niệm về Thánh: "Thánh vốn là để chỉ vào bậc tài năng xuất sắc, đạo đức
cao cả" [78, tr.42].
GS. Trần Lâm Biền trong tác phẩm Chùa Việt cho rằng: "Thánh là Thần
nhưng yếu tố trí tuệ được quan tâm nhiều hơn là sự linh thiêng" [18].
Dưới góc nhìn của dân gian thường hay ghép khái niệm Thánh với khái niệm
Thần hình thành cặp ghép "Thánh Thần", nếu như các vị được tôn là "Thần" cũng
có người tốt, người xấu, tà thần, dâm thần, thì trong tâm thức dân gian những vị
được tôn xưng thành bậc "Thánh" là vị thần linh hoàn thiện, hoàn mỹ, có tính nhiệm
mầu, biến hoá, ban phúc, giáng họa, là chỗ dựa tinh thần cho quần chúng nhân dân.
Qua các quan điểm trên về Thánh cho thấy nổi lên các yếu tố: Đức và Tài,
trong cái Tài đặc biệt là phải có phép thuật thần thông. Vậy, trong giới hạn của luận
án, Thánh trong Tứ Thánh tổ được hiểu: là những nhân vật lịch sử có thật, thông
minh, trí tuệ, có phép thuật thần thông, có nhiều công lao đóng góp cho đất nước và
nhân dân, khi mất đi được nhân dân tưởng nhớ, tôn vinh và thờ phụng, trở thành
đấng thiêng có nhiều quyền năng, có thể ban phúc, giáng họa, tác động đến cuộc
sống của con người nơi trần thế.
Tổ: yếu tố bao hàm tính lịch sử, gốc hoặc nguồn cội.
24
Trong cuốn Từ điển Phật học Hán Việt nêu khái niệm về Tổ Sư: "Người đầu tiên
lập pháp, làm thầy của mọi người. Riêng về Phật giáo gọi chư vị lãnh đạo Phật giáo nối
tiếp nhau mà gìn giữ Phật pháp sau đức Phật Thích - ca là tổ sư" [108, tr.1359]. Như
vậy, Tổ trong Phật giáo được hiểu là những người có công đặt nền tảng, khai sinh,
truyền thừa hoặc truyền bá lý thuyết hay cách thức tu hành của một tông phái, một
sơn môn hoặc một hệ phái và được các thế hệ tiếp theo suy tôn là Tổ. Tứ vị Thánh
tổ là những vị tổ sư của hai thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông, Từ
Đạo Hạnh là vị tổ sư đời thứ 12; Nguyễn Minh Không là tổ sư đời thứ 13 của dòng
thiền Tì Ni Đa Lưu Chi, còn Dương Không Lộ là tổ sư đời thứ 9 và Nguyễn Giác
Hải là tổ sư đời thứ 10 của dòng thiền Vô Ngôn Thông.
Tổ, trong nghề nghiệp, là những người có công sáng lập và truyền dạy một
nghề nào đó cho đời sau, được những người làm cùng một nghề suy tôn thành Tổ
nghề và thờ cúng để bảo trợ cho nghề đó. Tứ vị Thánh tổ cũng được dân gian coi là
những vị tổ nghề của tín ngưỡng dân gian, Từ Đạo Hạnh là ông tổ của nghề múa
rối, Nguyễn Minh Không là ông tổ của nghề đúc đồng, Dương Không Lộ và
Nguyễn Giác Hải là ông tổ của nghề chài lưới đánh bắt cá trên sông nước.
Thánh tổ: là một từ ghép bởi hai danh từ "Thánh" và "Tổ". Vậy Thánh tổ được
hiểu là: Những nhân vật lịch sử thông minh, trí tuệ, có phép thuật thần thông đồng
thời các vị cũng là Tổ sư của một sơn môn, hệ phái trong Phật giáo và là những vị Tổ
nghề có nhiều công lao đối với đất nước và nhân dân, khi mất đi được nhân dân
tưởng nhớ, tôn vinh và thờ phụng, trở thành đấng thiêng có nhiều quyền năng, có thể
ban phúc, giáng hoạ, tác động đến cuộc sống của con người nơi trần thế.
Tứ vị Thánh tổ: là bốn vị thiền sư của Phật giáo Từ Đạo Hạnh, Dương
Không Lộ, Nguyễn Giác Hải, Nguyễn Minh Không là những người thông minh, trí
tuệ với những phép thuật tinh thông, có nhiều công lao đóng góp cho triều đình và
nhân dân được nhân dân kính ngưỡng tôn thành bậc Thánh, các vị vừa là những vị Tổ
sư của hai thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông đồng thời vừa là những
vị Tổ nghề múa rối, nghề đúc đồng và nghề chài lưới đánh cá trên sông nước.
Tại sao lại lựa chọn Tứ vị: Trong tư duy của người phương Đông nói chung
và người Việt nói riêng, bộ tứ là biểu hiện của sự đầy đủ, vững chắc, vĩnh cửu, hạnh
phúc và mang tính triết lí sâu sắc. Có thể thấy cơ cấu bền vững giá trị vật chất và
tinh thần phần lớn được bắt đầu bằng "bộ tứ" như: Tứ đại: địa, thuỷ, hoả, phong; Tứ
linh: long, lân, quy, phụng; Tứ thời: xuân, hạ, thu, đông, Tứ phương: đông, tây,
nam, bắc; Tứ đức: Công, dung, ngôn, hạnh; Tứ quý: tùng, cúc, trúc, mai; Tứ tượng
trong phong thuỷ. Trong biểu tượng tinh thần của người Việt còn có Tứ bất tử, Tứ
phủ, Tứ trấn; trong các tôn giáo như Phật giáo có Tứ Diệu đế, Tứ Ân, Tứ Thánh
quả, Tứ thiền, trong Công giáo có Tứ chung để chỉ về 4 sự việc: chết, phán xét,
25
thiên đàng, hỏa ngục… Việc chọn lấy 4 trong toàn thể của một tập hợp là chọn sự
tiêu biểu, độc đáo và mang tính tượng trưng hay biểu tượng, là sự lựa chọn hợp lý
của dân gian. Tứ vị Thánh tổ cũng là một tập hợp như vậy, sự lựa chọn bốn vị Từ
Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải, Nguyễn Minh Không trở thành Tứ
vị Thánh tổ thể hiện đặc trưng tiêu biểu giá trị văn hoá tinh thần của người Việt đồng
thời thể hiện sự tài tình của dân gian, điều này cũng lý giải tại sao đến thời Trần mặc dù
xuất hiện nhân vật Nguyễn Bình An được dân gian tôn xưng thành Thánh Bối nhưng
không xếp trong một tập hợp chung với Tứ vị Thánh tổ để thờ cúng.
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ: là hệ thống niềm tin và cách thức biểu hiện niềm
tin thông qua những thực hành của cá nhân và cộng đồng với việc tôn thờ những vị
thiền sư của Phật giáo là Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải,
Nguyễn Minh Không trở thành những đấng thiêng, nhằm cầu mong sự che chở, phù
hộ, độ trì, động viên, hỗ trợ về mặt tinh thần, giúp người dân vượt qua những khó
khăn trong cuộc sống. Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ là tín ngưỡng tôn giáo (Tổ sư) và
còn là một tín ngưỡng dân gian (tổ nghề) trong đời sống tâm linh của người Việt.
Đồng bằng sông Hồng: Là vùng địa lý - văn hoá, nằm quanh khu vực hạ lưu
sông Hồng thuộc miền Bắc Việt Nam, bao gồm lên 10 tỉnh gồm: Bắc Ninh, Hà
Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình và
Vĩnh Phúc.
1.2.2. Khung lý thuyết nghiên cứu
1.2.2.1. Câu hỏi nghiên cứu
Luận án tập trung trả lời câu hỏi: Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi
chùa vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay như thế nào?
Cụ thể luận án giải quyết các vấn đề sau:
- Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ có diện mạo như thế nào?
- Thực trạng tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ hiện nay ra sao?
- Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ có đặc điểm, vai trònhư thế nào?
1.2.2.2. Giả thiết nghiên cứu
- Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ được hình thành bởi sự dung hợp của hai yếu tố
Phật giáo và Tín ngưỡng dân gian của người Việt, xuất hiện dưới thời Lý, trải qua
biến thiên của lịch sử, hình thành nên dòng tín ngưỡng riêng rẽ và mang tính địa
phương và chỉ tồn tại ở vùng đồng bằng sông Hồng trong đó vùng trung tâm của
tính ngưỡng là các tỉnh Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình.
- Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ hiện nay phát triển mạnh mẽ không chỉ bó hẹp
theo kiểu chuông làng nào làng đấy đánh, Thánh làng nào làng đấy thờ chỉ thuộc
về một cộng đồng làng, xã, mà đã phát triển ra liên làng, liên xã thậm chỉ phát triển
ra cả vùng, thu hút đông đảo người dân đến các ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ để
bày tỏ niềm tin và thực hành tín ngưỡng. Với sự biến đổi của đời sống xã hội, phải
26
chăng tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ cũng có những thay đổi để thích ứng với hiện thực
xã hội và khẳng định là một thực thể tồn tại độc lập.
- Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ đã tạo lập được một vùng địa lý riêng ở vùng
đồng bằng sông Hồng, một vùng đất tồn tại đan xen nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn
giáo, từ sự ra đời của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ phải chăng đã hình thành một loại
hình chùa độc đáo "tiền Phật, hậu Thánh"? Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ góp phần
giữ mối liên kết cộng đồng làng xã, trở thành điểm tựa tinh thần của người dân vùng
đồng bằng sông Hồng.
1.2.2.3. Lý thuyết nghiên cứu
Thứ nhất, lý thuyết tiếp biến văn hóa:
Tiếp biến văn hóa (Acculturation) là khái niệm được các nhà nhân học
phương tây đưa ra vào những thập niên đầu thế kỷ XX và trở nên phổ biến, khi tiến
hành nghiên cứu về sự biến đổi văn hóa của các nhóm di dân người Châu Âu đến
Mỹ với các nhóm dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời trên đất Mỹ. Người sinh ra lý
thuyết này là Franz Boas (1858- 1948), ông là một học giả người Mỹ gốc Do Thái,
tiếp đến là những học trò của ông như: E. Sapir, R. Benedict, M. Herskovits…, và
nổi bật là nhà nghiên cứu AL. Kroeber, ông cho rằng tiếp biến văn hóa bao gồm
những biến đổi sản sinh ra trong một nền văn hóa do ảnh hưởng của một nền văn
hóa khác, kết quả dẫn đến là sự tương đồng của hai nền văn hóa đó gia tăng.
Trong The Culumbia Encyclopedi, đã đưa ra một định nghĩa khá chi tiết về
tiếp biến văn hóa: Tiếp biến văn hóa là những biến đổi do kết quả của sự tiếp xúc
giữa các nền văn hóa khác nhau qua thời gian, tiếp xúc có thể đem lại những hiệu
quả rõ rệt, như việc một nền văn hóa này vay mượn một số nét từ nền văn hóa khác,
hoặc là sự dung hợp tương đối của các nền văn hóa riêng rẽ [Dẫn theo 83, tr.46].
Ở Việt Nam nghiên cứu về tiếp biến văn hóa đã được các nhà khoa học quan
tâm như Giáo sư (GS) Hà Văn Tấn, GS Trần Quốc Vượng, Phó Giáo sư. Tiến sĩ
(PGS.TS) Trần Ngọc Thêm,… Trong cuốn "Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam"
[129], PGS. TS. Trần Ngọc Thêm cho rằng:
Các nền văn hóa gần gũi nhau thì có thể từ tiếp xúc đến giao lưu và
trong việc giao lưu ấy có thể xảy ra hiện tượng những yếu tố của nền
văn hóa này thâm nhập vào nền văn hóa kia (tiếp thu thụ động) hoặc nền
văn hóa này vay mượn những yếu tố của nền văn hóa kia (tiếp thu chủ
động); rồi trên cơ sở những yếu tố nội sinh và ngoại sinh ấy mà điều
chỉnh, biến cải cho phù hợp gây ra sự tiếp biến văn hóa [129, tr.35].
Tôn giáo là một thành tố của văn hoá, hay nói cách khác không thể đề cập đến
văn hoá của một dân tộc nếu không đề cập đến tôn giáo của dân tộc ấy. Trong bối cảnh
tiếp biến văn hoá diễn ra thì chắc chắn cũng diễn ra quá trình tiếp biến về tôn giáo.
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620

More Related Content

What's hot

LUẬN ÁN TÔN GIÁO HỌC TÔN GIÁO VÀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO Ở HÀ NỘI HIỆN NAY_10242212...
LUẬN ÁN TÔN GIÁO HỌC TÔN GIÁO VÀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO Ở HÀ NỘI HIỆN NAY_10242212...LUẬN ÁN TÔN GIÁO HỌC TÔN GIÁO VÀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO Ở HÀ NỘI HIỆN NAY_10242212...
LUẬN ÁN TÔN GIÁO HỌC TÔN GIÁO VÀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO Ở HÀ NỘI HIỆN NAY_10242212...PinkHandmade
 
Ảnh hưởng của phật giáo đến lối sống của người việt nam hiện nay
Ảnh hưởng của phật giáo đến lối sống của người việt nam hiện nayẢnh hưởng của phật giáo đến lối sống của người việt nam hiện nay
Ảnh hưởng của phật giáo đến lối sống của người việt nam hiện nayMan_Ebook
 
Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt hiện...
Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt hiện...Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt hiện...
Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt hiện...nataliej4
 
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ nataliej4
 
LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI DÂ...
LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI DÂ...LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI DÂ...
LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI DÂ...OnTimeVitThu
 
Lịch Sử Văn Minh Thế Giới Vũ Dương Ninh
Lịch Sử Văn Minh Thế Giới Vũ Dương Ninh Lịch Sử Văn Minh Thế Giới Vũ Dương Ninh
Lịch Sử Văn Minh Thế Giới Vũ Dương Ninh nataliej4
 
BIẾN ĐỔI CỦA DIỄN XƯỚNG NGHI LỄ LÊN ĐỒNG (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ...
BIẾN ĐỔI CỦA DIỄN XƯỚNG NGHI LỄ LÊN ĐỒNG (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ...BIẾN ĐỔI CỦA DIỄN XƯỚNG NGHI LỄ LÊN ĐỒNG (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ...
BIẾN ĐỔI CỦA DIỄN XƯỚNG NGHI LỄ LÊN ĐỒNG (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ...PinkHandmade
 
LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA N...
LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA N...LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA N...
LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA N...OnTimeVitThu
 
Luận án: Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về khuyến học của Nghệ An - Gửi miễn phí ...
Luận án: Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về khuyến học của Nghệ An - Gửi miễn phí ...Luận án: Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về khuyến học của Nghệ An - Gửi miễn phí ...
Luận án: Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về khuyến học của Nghệ An - Gửi miễn phí ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Triết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch Sử
Triết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch SửTriết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch Sử
Triết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch SửMan_Ebook
 

What's hot (20)

LUẬN ÁN TÔN GIÁO HỌC TÔN GIÁO VÀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO Ở HÀ NỘI HIỆN NAY_10242212...
LUẬN ÁN TÔN GIÁO HỌC TÔN GIÁO VÀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO Ở HÀ NỘI HIỆN NAY_10242212...LUẬN ÁN TÔN GIÁO HỌC TÔN GIÁO VÀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO Ở HÀ NỘI HIỆN NAY_10242212...
LUẬN ÁN TÔN GIÁO HỌC TÔN GIÁO VÀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO Ở HÀ NỘI HIỆN NAY_10242212...
 
Ảnh hưởng của phật giáo đến lối sống của người việt nam hiện nay
Ảnh hưởng của phật giáo đến lối sống của người việt nam hiện nayẢnh hưởng của phật giáo đến lối sống của người việt nam hiện nay
Ảnh hưởng của phật giáo đến lối sống của người việt nam hiện nay
 
Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt hiện...
Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt hiện...Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt hiện...
Sự dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt hiện...
 
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ
XÃ HỘI HỌC VĂN HOÁ
 
Luận án: Vai trò của chính quyền về chính sách tôn giáo ở Thanh Hoá
Luận án: Vai trò của chính quyền về chính sách tôn giáo ở Thanh HoáLuận án: Vai trò của chính quyền về chính sách tôn giáo ở Thanh Hoá
Luận án: Vai trò của chính quyền về chính sách tôn giáo ở Thanh Hoá
 
LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI DÂ...
LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI DÂ...LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI DÂ...
LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA CÔNG GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG VĂN HÓA TINH THẦN CỦA NGƯỜI DÂ...
 
Ảnh hưởng của Nho giáo đến đời sống tinh thần của người Việt Nam
Ảnh hưởng của Nho giáo đến đời sống tinh thần của người Việt NamẢnh hưởng của Nho giáo đến đời sống tinh thần của người Việt Nam
Ảnh hưởng của Nho giáo đến đời sống tinh thần của người Việt Nam
 
Lịch Sử Văn Minh Thế Giới Vũ Dương Ninh
Lịch Sử Văn Minh Thế Giới Vũ Dương Ninh Lịch Sử Văn Minh Thế Giới Vũ Dương Ninh
Lịch Sử Văn Minh Thế Giới Vũ Dương Ninh
 
BIẾN ĐỔI CỦA DIỄN XƯỚNG NGHI LỄ LÊN ĐỒNG (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ...
BIẾN ĐỔI CỦA DIỄN XƯỚNG NGHI LỄ LÊN ĐỒNG (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ...BIẾN ĐỔI CỦA DIỄN XƯỚNG NGHI LỄ LÊN ĐỒNG (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ...
BIẾN ĐỔI CỦA DIỄN XƯỚNG NGHI LỄ LÊN ĐỒNG (QUA NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP TỈNH NAM ...
 
Luận án: Phật giáo Việt Nam thời Minh Mạng (1820 – 1840), HOT
Luận án: Phật giáo Việt Nam thời Minh Mạng (1820 – 1840), HOTLuận án: Phật giáo Việt Nam thời Minh Mạng (1820 – 1840), HOT
Luận án: Phật giáo Việt Nam thời Minh Mạng (1820 – 1840), HOT
 
LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA N...
LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA N...LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA N...
LUẬN VĂN: ẢNH HƯỞNG CỦA NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO ĐẾN ĐỜI SỐNG TINH THẦN CỦA N...
 
Luận văn: Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Xơ Đăng tỉnh Kon Tum
Luận văn: Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Xơ Đăng tỉnh Kon TumLuận văn: Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Xơ Đăng tỉnh Kon Tum
Luận văn: Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Xơ Đăng tỉnh Kon Tum
 
Luận văn: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường
Luận văn: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc MườngLuận văn: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường
Luận văn: Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường
 
Luận án: Quá trình hình thành lễ hội cung đình ở Huế, HAY
Luận án: Quá trình hình thành lễ hội cung đình ở Huế, HAYLuận án: Quá trình hình thành lễ hội cung đình ở Huế, HAY
Luận án: Quá trình hình thành lễ hội cung đình ở Huế, HAY
 
Luận văn: Quản lý di tích đình - đền Hào Nam tại Hà Nội, HAY, 9đ
Luận văn: Quản lý di tích đình - đền Hào Nam tại Hà Nội, HAY, 9đLuận văn: Quản lý di tích đình - đền Hào Nam tại Hà Nội, HAY, 9đ
Luận văn: Quản lý di tích đình - đền Hào Nam tại Hà Nội, HAY, 9đ
 
Luận án: Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về khuyến học của Nghệ An - Gửi miễn phí ...
Luận án: Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về khuyến học của Nghệ An - Gửi miễn phí ...Luận án: Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về khuyến học của Nghệ An - Gửi miễn phí ...
Luận án: Nghiên cứu tư liệu Hán Nôm về khuyến học của Nghệ An - Gửi miễn phí ...
 
Luận văn: Tư tưởng Nho, Phật của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ
Luận văn: Tư tưởng Nho, Phật của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn DữLuận văn: Tư tưởng Nho, Phật của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ
Luận văn: Tư tưởng Nho, Phật của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ
 
Triết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch Sử
Triết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch SửTriết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch Sử
Triết Học Ấn Độ Cổ Đại - Nội Dung, Đặc Điểm Và ý Nghĩa Lịch Sử
 
Luận văn: Xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, HAY
Luận văn: Xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, HAYLuận văn: Xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, HAY
Luận văn: Xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam, HAY
 
Đề tài: Phát huy giá trị làng nghề thêu ren Văn Lâm tỉnh Ninh Bình
Đề tài: Phát huy giá trị làng nghề thêu ren Văn Lâm tỉnh Ninh BìnhĐề tài: Phát huy giá trị làng nghề thêu ren Văn Lâm tỉnh Ninh Bình
Đề tài: Phát huy giá trị làng nghề thêu ren Văn Lâm tỉnh Ninh Bình
 

Similar to Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620

Mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Qua nghiên cứu mộ...
Mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Qua nghiên cứu mộ...Mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Qua nghiên cứu mộ...
Mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Qua nghiên cứu mộ...NuioKila
 
[123doc] - tin-nguong-tho-cung-to-tien-va-nhung-gia-tri-cua-no-trong-doi-song...
[123doc] - tin-nguong-tho-cung-to-tien-va-nhung-gia-tri-cua-no-trong-doi-song...[123doc] - tin-nguong-tho-cung-to-tien-va-nhung-gia-tri-cua-no-trong-doi-song...
[123doc] - tin-nguong-tho-cung-to-tien-va-nhung-gia-tri-cua-no-trong-doi-song...NuioKila
 
Tìm hiểu nghi lễ cầu an qua khảo cứu một số ngôi chùa ở Hà Nội hiện nay
Tìm hiểu nghi lễ cầu an qua khảo cứu một số ngôi chùa ở Hà Nội hiện nayTìm hiểu nghi lễ cầu an qua khảo cứu một số ngôi chùa ở Hà Nội hiện nay
Tìm hiểu nghi lễ cầu an qua khảo cứu một số ngôi chùa ở Hà Nội hiện nayDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 
KHẢO CỨU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ Ở GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM HIỆN NAY.pdf
KHẢO CỨU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ Ở GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM HIỆN NAY.pdfKHẢO CỨU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ Ở GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM HIỆN NAY.pdf
KHẢO CỨU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ Ở GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM HIỆN NAY.pdfHanaTiti
 
Luận án: Ảnh hưởng qua lại giữa Phật giáo và phụ nữ (qua nghiên cứu một số tỉ...
Luận án: Ảnh hưởng qua lại giữa Phật giáo và phụ nữ (qua nghiên cứu một số tỉ...Luận án: Ảnh hưởng qua lại giữa Phật giáo và phụ nữ (qua nghiên cứu một số tỉ...
Luận án: Ảnh hưởng qua lại giữa Phật giáo và phụ nữ (qua nghiên cứu một số tỉ...Dịch vụ viết thuê Khóa Luận - ZALO 0932091562
 
LUẬN VĂN: SỰ HỘI NHẬP PHẬT GIÁO VỚI TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜ...
LUẬN VĂN: SỰ HỘI NHẬP PHẬT GIÁO VỚI TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜ...LUẬN VĂN: SỰ HỘI NHẬP PHẬT GIÁO VỚI TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜ...
LUẬN VĂN: SỰ HỘI NHẬP PHẬT GIÁO VỚI TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜ...OnTimeVitThu
 
HÀNH HƢƠNG PHẬT GIÁO CHÙA HƢƠNG HIỆN NAY.pdf
HÀNH HƢƠNG PHẬT GIÁO CHÙA HƢƠNG HIỆN NAY.pdfHÀNH HƢƠNG PHẬT GIÁO CHÙA HƢƠNG HIỆN NAY.pdf
HÀNH HƢƠNG PHẬT GIÁO CHÙA HƢƠNG HIỆN NAY.pdfHanaTiti
 
Kinh thanh va dao duc hoc
Kinh thanh va dao duc hocKinh thanh va dao duc hoc
Kinh thanh va dao duc hocco_doc_nhan
 
LUẬN VĂN: SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA THIỀN PHÁI LÂM TẾ CHÚC THÁNH TẠI TỈ...
LUẬN VĂN: SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA THIỀN PHÁI LÂM TẾ CHÚC THÁNH TẠI TỈ...LUẬN VĂN: SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA THIỀN PHÁI LÂM TẾ CHÚC THÁNH TẠI TỈ...
LUẬN VĂN: SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA THIỀN PHÁI LÂM TẾ CHÚC THÁNH TẠI TỈ...OnTimeVitThu
 
Ảnh hưởng của công giáo đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân tỉnh Nin...
Ảnh hưởng của công giáo đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân tỉnh Nin...Ảnh hưởng của công giáo đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân tỉnh Nin...
Ảnh hưởng của công giáo đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân tỉnh Nin...HanaTiti
 
Luận văn : Quá trình phục dựng di tích và lễ Hội Đền Tiên
Luận văn : Quá trình phục dựng di tích và lễ Hội Đền TiênLuận văn : Quá trình phục dựng di tích và lễ Hội Đền Tiên
Luận văn : Quá trình phục dựng di tích và lễ Hội Đền TiênDịch vụ Làm Luận Văn 0936885877
 

Similar to Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620 (20)

Mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Qua nghiên cứu mộ...
Mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Qua nghiên cứu mộ...Mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Qua nghiên cứu mộ...
Mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian Việt Nam (Qua nghiên cứu mộ...
 
[123doc] - tin-nguong-tho-cung-to-tien-va-nhung-gia-tri-cua-no-trong-doi-song...
[123doc] - tin-nguong-tho-cung-to-tien-va-nhung-gia-tri-cua-no-trong-doi-song...[123doc] - tin-nguong-tho-cung-to-tien-va-nhung-gia-tri-cua-no-trong-doi-song...
[123doc] - tin-nguong-tho-cung-to-tien-va-nhung-gia-tri-cua-no-trong-doi-song...
 
Tìm hiểu nghi lễ cầu an qua khảo cứu một số ngôi chùa ở Hà Nội hiện nay
Tìm hiểu nghi lễ cầu an qua khảo cứu một số ngôi chùa ở Hà Nội hiện nayTìm hiểu nghi lễ cầu an qua khảo cứu một số ngôi chùa ở Hà Nội hiện nay
Tìm hiểu nghi lễ cầu an qua khảo cứu một số ngôi chùa ở Hà Nội hiện nay
 
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAYLuận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
Luận án: Công giáo trong cộng đồng người Mông ở Lào Cai, HAY
 
KHẢO CỨU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ Ở GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM HIỆN NAY.pdf
KHẢO CỨU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ Ở GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM HIỆN NAY.pdfKHẢO CỨU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ Ở GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM HIỆN NAY.pdf
KHẢO CỨU DÒNG MẾN THÁNH GIÁ Ở GIÁO PHẬN PHÁT DIỆM HIỆN NAY.pdf
 
Đền Tân La trong đời sống của người dân xã Bảo Khê, Hưng Yên
Đền Tân La trong đời sống của người dân xã Bảo Khê, Hưng YênĐền Tân La trong đời sống của người dân xã Bảo Khê, Hưng Yên
Đền Tân La trong đời sống của người dân xã Bảo Khê, Hưng Yên
 
Luận án giá trị văn hóa của đạo cao đài trong đời sống cư dân nam bộ.doc
Luận án giá trị văn hóa của đạo cao đài trong đời sống cư dân nam bộ.docLuận án giá trị văn hóa của đạo cao đài trong đời sống cư dân nam bộ.doc
Luận án giá trị văn hóa của đạo cao đài trong đời sống cư dân nam bộ.doc
 
Luận án: Ảnh hưởng qua lại giữa Phật giáo và phụ nữ (qua nghiên cứu một số tỉ...
Luận án: Ảnh hưởng qua lại giữa Phật giáo và phụ nữ (qua nghiên cứu một số tỉ...Luận án: Ảnh hưởng qua lại giữa Phật giáo và phụ nữ (qua nghiên cứu một số tỉ...
Luận án: Ảnh hưởng qua lại giữa Phật giáo và phụ nữ (qua nghiên cứu một số tỉ...
 
LUẬN VĂN: SỰ HỘI NHẬP PHẬT GIÁO VỚI TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜ...
LUẬN VĂN: SỰ HỘI NHẬP PHẬT GIÁO VỚI TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜ...LUẬN VĂN: SỰ HỘI NHẬP PHẬT GIÁO VỚI TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜ...
LUẬN VĂN: SỰ HỘI NHẬP PHẬT GIÁO VỚI TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜ...
 
Tóm Tắt Luận Văn Thạc Sĩ Nhân sinh quan trong kinh tân ước của Kitô giáo.doc
Tóm Tắt Luận Văn Thạc Sĩ  Nhân sinh quan trong kinh tân ước của Kitô giáo.docTóm Tắt Luận Văn Thạc Sĩ  Nhân sinh quan trong kinh tân ước của Kitô giáo.doc
Tóm Tắt Luận Văn Thạc Sĩ Nhân sinh quan trong kinh tân ước của Kitô giáo.doc
 
Luận Văn Về Nhân Sinh Quan Trong Kinh Tân Ước Của Kitô Giáo.docx
Luận Văn Về Nhân Sinh Quan Trong Kinh Tân Ước Của Kitô Giáo.docxLuận Văn Về Nhân Sinh Quan Trong Kinh Tân Ước Của Kitô Giáo.docx
Luận Văn Về Nhân Sinh Quan Trong Kinh Tân Ước Của Kitô Giáo.docx
 
Luận án: Hành hương Phật giáo chùa Hương hiện nay, HAY
Luận án: Hành hương Phật giáo chùa Hương hiện nay, HAYLuận án: Hành hương Phật giáo chùa Hương hiện nay, HAY
Luận án: Hành hương Phật giáo chùa Hương hiện nay, HAY
 
HÀNH HƢƠNG PHẬT GIÁO CHÙA HƢƠNG HIỆN NAY.pdf
HÀNH HƢƠNG PHẬT GIÁO CHÙA HƢƠNG HIỆN NAY.pdfHÀNH HƢƠNG PHẬT GIÁO CHÙA HƢƠNG HIỆN NAY.pdf
HÀNH HƢƠNG PHẬT GIÁO CHÙA HƢƠNG HIỆN NAY.pdf
 
Kinh thanh va dao duc hoc
Kinh thanh va dao duc hocKinh thanh va dao duc hoc
Kinh thanh va dao duc hoc
 
LUẬN VĂN: SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA THIỀN PHÁI LÂM TẾ CHÚC THÁNH TẠI TỈ...
LUẬN VĂN: SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA THIỀN PHÁI LÂM TẾ CHÚC THÁNH TẠI TỈ...LUẬN VĂN: SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA THIỀN PHÁI LÂM TẾ CHÚC THÁNH TẠI TỈ...
LUẬN VĂN: SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA THIỀN PHÁI LÂM TẾ CHÚC THÁNH TẠI TỈ...
 
Ảnh hưởng tín ngưỡng truyền thống đến đạo của người công giáo
Ảnh hưởng tín ngưỡng truyền thống đến đạo của người công giáoẢnh hưởng tín ngưỡng truyền thống đến đạo của người công giáo
Ảnh hưởng tín ngưỡng truyền thống đến đạo của người công giáo
 
Ảnh hưởng của công giáo đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân tỉnh Nin...
Ảnh hưởng của công giáo đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân tỉnh Nin...Ảnh hưởng của công giáo đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân tỉnh Nin...
Ảnh hưởng của công giáo đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân tỉnh Nin...
 
Luận văn : Quá trình phục dựng di tích và lễ Hội Đền Tiên
Luận văn : Quá trình phục dựng di tích và lễ Hội Đền TiênLuận văn : Quá trình phục dựng di tích và lễ Hội Đền Tiên
Luận văn : Quá trình phục dựng di tích và lễ Hội Đền Tiên
 
Luận văn: Quá trình phục dựng di tích và lễ hội đền Tiên tại Phú Thọ
Luận văn: Quá trình phục dựng di tích và lễ hội đền Tiên tại Phú ThọLuận văn: Quá trình phục dựng di tích và lễ hội đền Tiên tại Phú Thọ
Luận văn: Quá trình phục dựng di tích và lễ hội đền Tiên tại Phú Thọ
 
Luận văn: Quá trình phục dựng di tích và lễ hội đền Tiên, 9đ
Luận văn: Quá trình phục dựng di tích và lễ hội đền Tiên, 9đLuận văn: Quá trình phục dựng di tích và lễ hội đền Tiên, 9đ
Luận văn: Quá trình phục dựng di tích và lễ hội đền Tiên, 9đ
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620 (20)

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 ĐiểmDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý TưởngDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 

Recently uploaded

SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfhoangtuansinh1
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...Nguyen Thanh Tu Collection
 
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngGiới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngYhoccongdong.com
 
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảoKiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảohoanhv296
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoámyvh40253
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...Nguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIĐiện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docxTHAO316680
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfTrnHoa46
 
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanGNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanmyvh40253
 
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptxNhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptxhoangvubaongoc112011
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................TrnHoa46
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...Nguyen Thanh Tu Collection
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfNguyen Thanh Tu Collection
 
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh cho
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh choCD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh cho
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh chonamc250
 

Recently uploaded (20)

SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
SÁNG KIẾN ÁP DỤNG CLT (COMMUNICATIVE LANGUAGE TEACHING) VÀO QUÁ TRÌNH DẠY - H...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
 
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdfChuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
Chuong trinh dao tao Su pham Khoa hoc tu nhien, ma nganh - 7140247.pdf
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
TỔNG HỢP ĐỀ THI CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT MÔN NGỮ VĂN NĂM ...
 
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngGiới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
 
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảoKiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
Kiểm tra cuối học kì 1 sinh học 12 đề tham khảo
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
 
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quanGNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
GNHH và KBHQ - giao nhận hàng hoá và khai báo hải quan
 
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptxNhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
Nhiễm khuẩn tiêu hóa-Tiêu chảy do vi khuẩn.pptx
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
 
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdfBỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
BỘ LUYỆN NGHE VÀO 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ LỜI - CÓ FILE NGHE.pdf
 
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh cho
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh choCD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh cho
CD21 Exercise 2.1 KEY.docx tieng anh cho
 

Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng ĐB sông Hồng - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620

  • 1. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH ĐỖ THỊ THANH HƯƠNG TÍN NGƯỠNG TỨ VỊ THÁNH TỔ Ở MỘT SỐ NGÔI CHÙA VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG HIỆN NAY LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH TÔN GIÁO HỌC HÀ NỘI - 2020
  • 2. HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH ĐỖ THỊ THANH HƯƠNG TÍN NGƯỠNG TỨ VỊ THÁNH TỔ Ở MỘT SỐ NGÔI CHÙA VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG HIỆN NAY LUẬN ÁN TIẾN SĨ CHUYÊN NGÀNH TÔN GIÁO HỌC Mã số: 62 22 03 09 Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS,TS ĐỖ LAN HIỀN 2. TS. TẠ QUỐC KHÁNH HÀ NỘI - 2020
  • 3. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng và được trích dẫn đầy đủ theo quy định. Tác giả Đỗ Thị Thanh Hương
  • 4. MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU 1 Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 8 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu 8 1.2. Những vấn đề lý luận cơ bản liên quan đến luận án 23 Chương 2: NHẬN DIỆN TÍN NGƯỠNG TỨ VỊ THÁNH TỔ Ở MỘT SỐ NGÔI CHÙA VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG 31 2.1. Điều kiện hình thành tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ 31 2.2. Đối tượng thờ cúng 55 2.3. Cơ sở thờ tự Tứ vị Thánh tổ 62 Chương 3: THỰC TRẠNG TÍN NGƯỠNG TỨ VỊ THÁNH TỔ Ở MỘT SỐ NGÔI CHÙA VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG 69 3.1. Niềm tin của người dân vào Tứ vị Thánh tổ 69 3.2. Thực hành nghi lễ đối với Tứ vị Thánh tổ 79 3.3. Những biến đổi của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay 97 Chương 4: ĐẶC ĐIỂM, VAI TRÒ VÀ MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ NHẰM PHÁT HUY GIÁ TRỊ CỦA TÍN NGƯỠNG TỨ VỊ THÁNH TỔ TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI HIỆN NAY 115 4.1. Một vài đặc điểm của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ 115 4.2. Vai trò của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ trong đời sống xã hội hiện nay 130 4.3. Một số khuyến nghị nhằm phát huy giá trị của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ trong đời sống xã hội hiện nay 142 KẾT LUẬN 150 DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 154 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 155 PHỤ LỤC
  • 5. DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT Viết tắt Viết thường (AL) Âm lịch BBPV Biên bản phỏng vấn NCS Nghiên cứu sinh GS Giáo sư NXB Nhà xuất bản PGS Phó giáo sư TS Tiến sĩ Tr Trang UBND Uỷ ban nhân dân
  • 6. DANH MỤC CÁC BẢNG Trang 3.1. Mức độ tin của người dân vào Tứ vị Thánh tổ 72 3.2. Mức độ tin của người dân vào sự phù hộ độ trì của Tứ vị Thánh tổ 73 3.3. Tự thừa nhận của người dân vào sự linh thiêng và đã chứng nghiệm 74 3.4. So sánh tỷ lệ giới chứng nghiệm sự linh thiêng của Tứ vị Thánh tổ 74 3.5. So sánh tỷ lệ độ tuổi chứng nghiệm sự linh thiêng của Tứ vị Thánh tổ 75 3.6. Tần xuất đi lễ Thánh của người dân 79 3.7. Về nghề nghiệp của cá nhân thực hành nghi lễ 89 3.8. Về độ tuổi của cá nhân thực hành nghi lễ 90 3.9. Đánh giá về tình hình an ninh trật tự và vệ sinh môi trường 106 4.1. Vị trí của Tứ vị Thánh tổ trong đời sống tín ngưỡng của người dân 135
  • 7. DANH MỤC CÁC BIỂU ĐỒ Trang 3.1. Tỷ lệ người dân biết và không biết về Tứ vị Thánh tổ 71 3.2. Mức độ tin của người dân vào Tứ vị Thánh tổ 73 3.3. Mục đích của cá nhân thực hành nghi lễ 94 3.4. Cảm xúc của cá nhân sau khi thực hành nghi lễ 96
  • 8. 1 MỞ ĐẦU 1. Lý do lựa chọn nghiên cứu Tứ vị Thánh tổ là bốn vị thiền sư danh tiếng của Phật giáo Việt Nam thời Lý, gồm Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải, Nguyễn Minh Không, tu hành đắc đạo, tinh thông ngũ phương, có thể hàng long, phục hổ, hô phong, hoán vũ, cầu đảo, chữa bệnh,…, sau khi viên tịch các vị được nhân dân kính ngưỡng, thờ phụng, tôn xưng thành bậc Thánh trong đời sống tín ngưỡng của người dân tại nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Hồng. Việc thờ phụng Tứ vị Thánh tổ đã hình thành từ lâu diễn ra ở nhiều loại hình cơ sở thờ tự như Đình, Đền, Chùa, tương ứng với mỗi loại hình đó các vị được tôn thờ là Thành Hoàng, Thần và Thánh. Trong đó, việc thờ các vị ở chùa và tôn vinh thành bậc Thánh là phổ biến, tạo nên mô hình chùa "tiền Phật, hậu Thánh", có nhiều giá trị về lịch sử, văn hoá, mang đậm giá trị bản sắc văn hoá dân tộc. Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ được tích hợp và tiếp biến bởi các yếu tố Mật giáo trong Phật giáo và Tín ngưỡng dân gian, phong tục, lễ nghi truyền thống, đây là nét tiêu biểu trong đời sống tâm linh của người Việt. Trải qua thời gian và biến thiên của lịch sử, tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ vẫn được duy trì, khẳng định vị trí trong đời sống tinh thần của người dân và có một vị trí riêng trong kho tàng tín ngưỡng của người Việt, tạo nên những sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc. Những ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ luôn có sức hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân đến tham quan, chiêm bái, thực hành nghi lễ, cầu xin sự gia hộ của các vị Thánh và tin tưởng rằng các Thánh sẽ ban sức khoẻ, bình an, tài, lộc và những điều may mắn, nâng đỡ, hỗ trợ họ vượt qua những bất trắc, khó khăn trong cuộc sống. Nếu như trước đây, việc thực hành tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ chỉ bó hẹp trong cộng đồng làng xã, đến nay nhờ sự phát triển nhiều mặt của kinh tế - xã hội và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với tín ngưỡng, tôn giáo, tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ thông qua lễ hội truyền thống đã vượt khỏi quy mô của làng, xã, mở rộng phạm vi ra liên làng, liên xã, thậm chí mở rộng ra cả vùng đồng bằng sông Hồng. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, việc bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những nhân tố quan trọng để giữ gìn văn hoá Việt, tìm hiểu tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ có tác dụng làm rõ hơn tính đặc sắc của một loại hình văn hoá. Tuy nhiên nghiên cứu, tìm hiểu về loại hình này mới chỉ được quan tâm trong khoảng hai chục năm trở lại đây, các đề tài nghiên cứu được tiếp cận dưới góc độ sử học, văn hoá học, khảo cổ học, dân tộc học, chủ yếu đề cập đến cơ sở thờ tự, lễ hội tín ngưỡng của cộng đồng như là loại hình văn hóa dân gian, chưa có công trình nghiên cứu tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ đi sâu tìm
  • 9. 2 hiểu ở khía cạnh về tín ngưỡng, tôn giáo. Để bổ sung cho khoảng trống trong nghiên cứu, luận án tiếp cận tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ dưới góc độ tôn giáo học, nhằm nhận diện, đánh giá thực trạng trên ba yếu tố là niềm tin, thực hành và những biến đổi của tín ngưỡng, từ đó phân tích đặc điểm, vai trò của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ trong đời sống xã hội hiện nay, để có cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị của tín ngưỡng độc đáo này trong kho tàng văn hóa Việt. Đây là việc làm cần thiết để mở ra góc nhìn mới trong nghiên cứu về tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ. Với những lý do trên, nghiên cứu sinh (NCS) lựa chọn đề tài "Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay" làm luận án tiến sĩ chuyên ngành tôn giáo học. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án 2.1. Mục đích nghiên cứu Nhận diện và làm rõ thực trạng tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng đồng bằng sông Hồng, luận án chỉ ra và phân tích một số đặc điểm, vai trò của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ trong đời sống xã hội, góp phần nâng cao nhận thức, đồng thời cho thấy sức sống bền bỉ về mặt thời gian và những ảnh hưởng về mặt không gian của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ, từ đó đưa ra khuyến nghị nhằm phát huy giá trị của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ trong đời sống xã hội hiện nay. 2.2. Nhiệm vụ Thứ nhất, nhận diện tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ qua các yếu tố hình thành, đối tượng thờ cúng, cơ sở thờ tự. Thứ hai, phân tích, đánh giá thực trạng tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ qua các yếu tố niềm tin, thực hành và những biến đổi của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ trong đời sống xã hội hiện nay. Thứ ba, luận án nêu, phân tích đặc điểm, vai trò và đưa ra một số khuyến nghị nhằm phát huy giá trị của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ trong đời sống xã hội hiện nay. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay. 3.2. Phạm vi nghiên cứu - Về nội dung: Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ xuất hiện từ thời Lý. Sau khi các vị sư Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải, Nguyễn Minh Không viên tịch, được triều đình và nhân dân đèn nhang, thờ phụng và tôn vinh thành các vị Thánh, đã hình thành nên một dòng tín ngưỡng riêng biệt với không gian thiêng ở vùng đồng bằng sông Hồng, với thời gian thiêng gần mười thế kỷ, từ thời Lý đến
  • 10. 3 tận ngày nay. Vì thế, luận án không nhằm mục đích chứng minh có một loại hình tín ngưỡng riêng biệt là tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ mà luận án nhận diện tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ qua điều kiện hình thành, hành trạng của các Thánh, một số ngôi chùa thờ Thánh tiêu biểu và thực trạng tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng đồng bằng sông Hồng, trên cơ sở đó chỉ ra đặc điểm, vai trò, đưa ra một số khuyến nghị nhằm phát huy giá trị của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ trong đời sống xã hội hiện nay. - Về không gian: Qua khảo sát ban đầu cho thấy, có hơn 50 ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ rải rác khắp vùng đồng bằng sông Hồng (có chùa thờ 1 vị có chùa thờ hai vị, có chùa thờ 3 vị và hiện chưa khảo sát được có ngôi chùa nào thờ cả 4 vị, xem phụ lục số 1). Tuy nhiên, luận án tập trung nghiên cứu ở một số ngôi chùa đặc trưng và mang tính đại diện như: Chùa Thầy, chùa Láng (Hà Nội), chùa Keo (Thái Bình), chùa Keo Hành Thiện, chùa Cổ Lễ, chùa Nghĩa Xá (Nam Định). Ngoài ra, luận án mở rộng tìm hiểu một số ngôi chùa khác thờ Tứ vị Thánh tổ để làm luận cứ so sánh như chùa Đại Bi, chùa Tây Lạc, chùa Lương Hàn (Nam Định), chùa Di Nậu, chùa Tổng, chùa Đồng Bụt (Hà Nội), chùa Ông (Hưng Yên),… Căn cứ lựa chọn không gian nghiên cứu: Thứ nhất, trong sáu ngôi chùa lựa chọn nghiên cứu chính có ba ngôi chùa được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, các ngôi chùa còn lại đều được xếp hạng di tích quốc gia hoặc di tích lịch sử văn hoá, có nhiều giá trị về mặt lịch sử, văn hoá, kiến trúc nghệ thuật và tâm linh. Thứ hai, các ngôi chùa trong đối tượng nghiên cứu đảm bảo tính đặc thù về mặt tín ngưỡng: Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ tồn tại trên khắp vùng đồng bằng sông Hồng, nhưng vùng trung tâm của tín ngưỡng tập trung ở bốn tỉnh Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình. Kết quả khảo sát thực địa cho thấy việc thờ phụng Tứ vị Thánh tổ mang tính riêng rẽ, mỗi vị Thánh có vị trí đặc biệt riêng đối với người dân của từng địa phương, nếu tiếp cận theo không gian văn hoá, hình thành "vùng trung tâm" và "vùng lan toả", mỗi vị Thánh có mối quan hệ riêng với không gian văn hoá của từng vùng: Từ Đạo Hạnh được thờ ở nhiều ngôi chùa ở Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định nhưng vùng trung tâm thờ Từ Đạo Hạnh là Hà Nội và việc thờ vị Thánh này được quy tụ ở hai ngôi chùa nổi tiếng là chùa Thầy và chùa Láng, vào mùa xuân hàng năm nơi đây trở thành vùng lễ hội thờ Thánh Từ Đạo Hạnh. Dương Không Lộ được thờ ở nhiều ngôi chùa ở các tỉnh Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, nhưng vùng trung tâm thờ Dương Không Lộ là Thái Bình và Nam Định (trước đây là vùng Trấn Sơn Nam Hạ), việc thờ tự vị Thánh này được quy tụ về hai ngôi chùa nổi tiếng chùa Keo Thái Bình và chùa Keo Hành Thiện Nam Định. Nguyễn Giác
  • 11. 4 Hải được phối thờ cùng hai vị Thánh Từ Đạo Hạnh và Không Lộ tại nhiều ngôi chùa ở các tỉnh Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, nhưng vùng trung tâm thờ Thánh thuộc về tỉnh Nam Định, ngôi chùa Nghĩa Xá là ngôi chùa đại diện cho việc thờ Thánh Nguyễn Giác Hải, đây là nơi Thánh tu hành và thành đạo. Thánh Nguyễn Minh Không được thờ ở nhiều ngôi chùa trên địa bàn khắp các tỉnh ở đồng bằng sông Hồng như Bắc Giang, Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hải Dương nhưng vùng trung tâm thờ Thánh thuộc về hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình, ngôi chùa Cổ Lễ (Nam Định) đại diện cho các ngôi chùa thờ Thánh Nguyễn Minh Không. Thứ ba, các ngôi chùa nằm trong đối tượng nghiên cứu đảm bảo bao quát không gian ở các vị trí khác nhau của vùng đồng bằng sông Hồng. Như đã trình bày ở trên, hiện có hơn 50 ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ nằm rải rác khắp vùng đồng bằng sông Hồng, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Với địa bàn phân bố nêu trên, việc lựa chọn các ngôi chùa ở các vị trí khác nhau tạo cơ hội cho luận án đưa ra những nhận xét mang tính khách quan. Mặc dù ở các địa bàn khác nhau nhưng sinh hoạt tín ngưỡng đều liên quan tới Tứ vị Thánh tổ, có điểm chung về thờ Thánh và ở mỗi cơ sở thờ tự có nét riêng trong biểu hiện. Việc lựa chọn vị trí nghiên cứu cũng góp phần làm rõ mối quan hệ giữa tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ với môi trường địa lý và xã hội. Chính vì lẽ đó, luận án sẽ tiến hành nghiên cứu sâu ở những ngôi chùa như đã trình bày ở trên. - Về thời gian: Luận án chú trọng tìm hiểu những sinh hoạt tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ từ năm 2003 đến nay (Mốc năm 2003, Nghị quyết số 25/NQ-TW của Ban Chấp hành trung ương Đảng khoá IX về công tác tôn giáo, đánh dấu thêm một bước đổi mới trong tư duy nhận thức về tín ngưỡng tôn giáo). 4. Phương pháp nghiên cứu của luận án 4.1. Phương pháp luận Luận án dựa trên quan điểm chủ nghĩa Mác - Lê`nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm của Đảng Cộng sản, Nhà nước Việt Nam về tín ngưỡng, tôn giáo và vai trò của tín ngưỡng, tôn giáo trong đời sống xã hội. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Tín ngưỡng, tôn giáo là hiện tượng xã hội phức tạp, thể hiện ở tính đa dạng, đa diện và đa chức năng, liên quan đến nhiều mặt của đời sống xã hội, vì thế đối với nghiên cứu tôn giáo không thể dùng một loại phương pháp nghiên cứu riêng biệt nào, mà cần phải được nghiên cứu bằng hệ thống những phương pháp. Vì thế, luận án sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành, cụ thể: - Phương pháp phân tích tổng hợp và phân tích hệ thống: Đây là phương pháp cơ bản và quan trọng được sử dụng phổ biến trong hầu hết các nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong trường hợp khi đối tượng nghiên cứu có mối quan hệ đa chiều
  • 12. 5 với môi trường xung quanh và có những biến đổi theo không gian và thời gian. Luận án sử dụng phương pháp này nhằm đưa ra bức tranh tổng quát, hệ thống về tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ. Ngoài ra, tính hệ thống còn được thể hiện ở việc kế thừa các kết quả nghiên cứu của các công trình trước đây có liên quan được đề cập ở chương Tổng quan. - Phương pháp thống kê, so sánh, điều tra xã hội học (quan sát, tham dự, phỏng vấn, điều tra bảng hỏi): Phương pháp này được sử dụng nhằm tiếp cận thêm một bước với không gian tín ngưỡng, tôn giáo với những ghi chép, khảo tả, thu thập thông tin từ các địa bàn. Trong quá trình quan sát, tham dự, NCS tiến hành gặp gỡ, trao đổi, phỏng vấn người dân đến thực hành nghi lễ tại các cơ sở thờ tự, các vị sư trụ trì, ông Thống, bà Tự những người được cắt cử coi sóc các ngôi chùa mà luận án đề cập. Nội dung phỏng vấn sẽ là nguồn tư liệu định tính hữu ích, giúp nhận diện rõ nét hơn về niềm tin và thực hành tín ngưỡng của người dân vùng đồng bằng sông Hồng. Đồng thời, luận án tổ chức điều tra xã hội học tập trung vào 04 ngôi chùa mang tính đại diện là chùa Thầy (Hà Nội), chùa Keo (Thái Bình), chùa Cổ Lễ (Nam Định) và chùa Nghĩa Xá (Nam Định) với mẫu phiếu dành cho các cá nhân, những người đến lễ Thánh tại các ngôi chùa trên (Xem phụ lục số 4) để đánh giá về niềm tin và những thực hành tín ngưỡng của họ. Phải nói thêm rằng, không gian nghiên cứu là các ngôi chùa ở đó có hai đối tượng thờ là Phật và Thánh, người dân khi đến lễ ở các ngôi chùa này đều thể hiện niềm tin song song, họ không chỉ tin vào Phật mà còn tin vào Thánh. Có một điều rất thú vị, khi nói đến chùa chúng ta đều cho rằng chủ thể chính là Phật và việc thờ Phật là chính yếu và quan trọng nhất, tuy nhiên ở các ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ lại có nét đặc sắc riêng, đó là phần thờ Thánh luôn được chú trọng hơn thờ Phật, điều này được thể hiện ở kiến trúc, cách thức bài trí, sắp xếp, bố cục tổng thể của ngôi chùa và các sinh hoạt tâm linh. Tiếp nữa, các ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ sau khi các vị viên tịch không có sư trụ trì nên việc đèn hương thờ phụng các Thánh là các ông Thống, bà Tự người làm nghề thầy cúng, họ được dân làng cắt cử trông coi hương khói trong chùa, điều này cũng cho thấy yếu tố thờ Thánh được trọng hơn thờ Phật. Trong giới hạn của đề tài NCS tập trung làm rõ về niềm tin và thực hành của cá nhân người đi lễ đối với vị Thánh được thờ phụng trong chùa, vì thế mẫu phiếu thiết kế các câu hỏi chỉ tập trung vào các vị Thánh được thờ ở các ngôi chùa mà luận án tiến hành khảo sát. Mẫu khảo sát lựa chọn thuận tiện, với tổng số phiếu khảo sát phát ra là 500 thu về là 457 phiếu và được tiến hành tại Điện Thánh nên tương đối khách quan. Từ kết quả thu nhận được, luận án sẽ tổng hợp, phân tích các vấn đề cần nghiên cứu như mô tả về cơ sở thờ tự; làm rõ thực trạng niềm tin của người dân vùng đồng bằng sông Hồng vào Tứ vị Thánh tổ; mô tả, phân tích những thực hành tín ngưỡng của cộng đồng, của cá nhân và những biến đổi hiện nay của tín ngưỡng
  • 13. 6 Tứ vị Thánh tổ. Những nhận định, đánh giá, kết luận trong luận án đều có cơ sở khoa học. - Phương pháp dân tộc học: Khi tìm hiểu về tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ, NCS còn sử dụng phương pháp dân tộc học, thông qua những chuyến đi thực tế đến các cơ sở thờ tự và tham dự các nghi lễ, lễ hội thờ Tứ vị Thánh tổ, quan sát các hành vi thực hành nghi lễ của cộng đồng, của các cá nhân diễn ra vào thời điểm lễ hội và các thời điểm khác trong năm. Phương pháp dân tộc học giúp NCS tìm hiểu sâu hơn và lý giải về niềm tin và biểu hiện niềm tin thông qua thực hành tín ngưỡng tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ của cộng đồng và của cá nhân những người đến lễ Thánh. - Phương pháp nghiên cứu văn bản: Phương pháp này nhằm sưu tầm, tập hợp và hệ thống các tài liệu đã công bố được nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến luận án. Các nghiên cứu đi trước chính là nền tảng khoa học vừa mang tính lý luận vừa mang tính thực tiễn, giúp cung cấp nền tảng lý luận, phương pháp nghiên cứu, kiến thức, quan điểm để NCS thực hiện luận án này. 5. Đóng góp mới của luận án Một là, luận án nhận diện tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở vùng đồng bằng sông Hồng thông qua các yếu tố hình thành, đối tượng thờ cúng và cơ sở thờ tự. Hai là, luận án vận dụng lý thuyết thực thể tôn giáo để nghiên cứu tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ trên hai lõi cấu trúc là niềm tin và thực hành tín ngưỡng, góp phần kiểm chứng mức độ phù hợp của lý thuyết này trong việc nghiên cứu một loại hình tín ngưỡng độc đáo ở vùng đồng bằng sông Hồng. Ba là, cung cấp thêm các cơ sở dữ liệu về tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở vùng đồng bằng sông Hồng từ năm 2003 đến nay, góp phần nâng cao nhận thức, từ đó có một số khuyến nghị nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của tín ngưỡng độc đáo này. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án 6.1. Ý nghĩa lý luận - Luận án góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về điều kiện hình thành và làm rõ thực trạng tín ngưỡng Tứ vị Thánh qua hai thành tố niềm tin và thực hành. - Kết quả nghiên cứu của luận án là một minh chứng cho sự phù hợp của lý thuyết thực thể tôn giáo khi được vận dụng để nghiên cứu một loại hình tín ngưỡng dân gian không đủ các tiêu chí như tôn giáo thể chế. - Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần làm rõ hơn giá trị văn hoá của dân tộc thông qua việc tìm hiểu về một loại hình tín ngưỡng đó là tín ngưỡng thờ Thánh, ở đây là những nhân vật lịch sử có thật được "thần thánh hóa", một nét đặc trưng trong đời sống tín ngưỡng của người Việt.
  • 14. 7 6.2. Ý nghĩa thực tiễn - Luận án làm rõ đặc điểm và vai trò của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ để các nhà quản lý về tín ngưỡng có thể tham khảo, từ đó xây dựng chính sách văn hoá, chính sách tôn giáo hợp lý, nâng cao và phát huy giá trị của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ trong điều kiện đa dạng về tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay. - Luận án cũng gợi mở hướng nghiên cứu mới về tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ cho các nghiên cứu tiếp theo thuộc các chuyên ngành tôn giáo học, văn hoá học. Kết quả nghiên cứu của luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo, tài liệu nghiên cứu, giảng dạy chuyên ngành tôn giáo học và về tín ngưỡng, tôn giáo nói chung. 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án gồm 4 chương, 11 tiết.
  • 15. 8 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 1.1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU Để giải quyết nhiệm vụ đặt ra trong luận án, việc tổng quan các công trình đã nghiên cứu liên quan đến tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ nhằm hiểu rõ những nội dung liên quan đến đề tài mà NCS kế thừa trong luận án và chỉ ra những nội dung chưa được nghiên cứu, luận án cần làm rõ. 1.1.1. Các công trình nghiên cứu nhận diện tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ 1.1.1.1. Các công trình nghiên cứu về Mật giáo Phật giáo thời Lý Nghiên cứu về Mật giáo Phật giáo thời Lý được thể hiện trong các công trình nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam, dưới góc độ triết học, sử học, phật học, khá phong phú. Trong phần tổng luận này NCS lựa chọn một số nghiên cứu tiêu biểu, mang tính đại diện: Tác phẩm "Lịch sử Phật giáo Việt Nam" của Nguyễn Tài Thư [139], đây là tác phẩm được viết dưới góc độ triết học, mặc dù được viết theo các dữ liệu lịch sử nhưng có tư duy khác biệt và trình bày hệ thống, khoa học về lịch sử Phật giáo Việt Nam. Chương III của tác phẩm đã khai thác khá toàn diện các dữ liệu lịch sử để làm rõ bức tranh của Phật giáo thời Lý với những đóng góp to lớn cho chính trị và xã hội đương thời. Thời kỳ này thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi phát triển từ thế hệ 11 đến thế hệ 19, trong phương pháp tu tập, hành trì của nhiều nhà sư thể hiện các phép tu Mật giáo, đại diện tiêu biểu là sư Từ Đạo Hạnh, Trì Bát, Minh Không, Thiền Nham, Giới Không, các sư thường thi triển phép thuật thần thông để thuần phục ác thú, cầu đảo, chữa bệnh… Phái Vô Ngôn Thông phát triển từ thế hệ thứ 5 đến thế hệ 15 và cũng chịu ảnh hưởng của Mật giáo tuy không sâu đậm như phái Tì Ni Đa Lưu Chi, tiêu biểu là các nhà sư Không Lộ, Giác Hải, Nguyện Học, Tịnh Giới, các sư chuyên tâm nghiên cứu pháp môn đà la ni, có nhiều phép thuật thần thông như bay trên không, đi dưới nước, cầu mưa cầu nắng, trì chú. Đến đời vua Lý Anh Tông, Lý Cao Tông tính chất Mật tông tăng lên do các vị vua này đều sùng tín yếu tố Mật giáo trong Phật giáo. Tác phẩm "Lịch sử Phật giáo Việt Nam" của tác giả Lê Mạnh Thát [126], tác giả đã sử dụng phương pháp đối sánh lịch sử để trình bày diễn biến của lịch sử Phật giáo thời Lý thông qua các nhân vật tôn giáo để khắc họa đặc điểm và trường phái cơ bản. Mặc dù tác giả chú trọng đến yếu tố thiền học của cả hai phái Tì Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông thông qua các nhân vật lịch sử như Vạn Hạnh, Đa Bảo, Định Hương, khẳng định sự gắn bó chặt chẽ giữa Phật giáo và triều đình nhà Lý. Mặc dù không đề cập đến yếu tố Mật giáo ở giai đoạn này một cách rõ nét nhưng
  • 16. 9 tác giả cũng đã không bỏ qua phương thức tu tập hành trì tam muội và đà la ni đó là những phương thức tu tập của Mật giáo đều xuất hiện ở các hai phái thiền này "Đối với giới xuất gia vẫn diễn ra lễ thọ giới cụ túc, tu các pháp thiền quán và đầu đà, trì các tam muội và đà la ni" [tr.678]. Ngoài ra, yếu tố Mật giáo trong Phật giáo thời Lý được thể hiện trong tác phẩm thông qua việc mô tả, giới thiệu tượng pháp được tôn thờ ở các chùa: "Trước hết là năm đức Như Lai của Mật giáo gồm có Đa Bảo, Bảo Thắng, Diệu Sắc Thân, Quảng Bác Thân và Cam Lồ Vương" [tr.691]. Tác phẩm "Việt Nam Phật giáo sử luận" của tác giả Nguyễn Lang [90], đã đề cập đến Mật giáo trong sinh hoạt tôn giáo của hai phái thiền Tì Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông tại chương V và chương VI, yếu tố Mật giáo được coi là đặc điểm của cả hai phái và khẳng định các vị vua thời Lý đã nhờ tới Mật giáo để được yểm trợ và che chở. Tác giả cũng nêu cụ thể những vị sư sống ở thời Lý chịu ảnh hưởng của Mật giáo như: Đạo Hạnh, Trì Bát, Không Lộ, Giác Hải, Nguyện Học. Tác giả khẳng định: "Mật giáo thịnh hành tại Việt Nam từ những thế kỷ thứ bảy và thứ tám; tuy thiền phái Vô Ngôn Thông cố sức tự bảo vệ không để Mật giáo thâm nhập (Thông Biện chống Đại Điên và Bát Nhã) nhưng vẫn không tránh khỏi ảnh hưởng của giáo lý này. Sự kiện cho ta thấy tầm quan trọng của Mật giáo ở Việt Nam từ ngày Tì Ni Đa Lưu Chi đến Việt Nam qua Đinh, Tiền Lê cho đến cuối Lý" [tr.183-184]. Tác phẩm "Lịch sử đạo Phật Việt Nam" của tác giả Nguyễn Duy Hinh [57], tác giả tiếp cận dưới góc độ lịch sử đã chứng minh từ thế kỷ XI đến XIV là thời kỳ cực thịnh của Phật giáo. Thông qua các sự kiện lịch sử theo biên niên sử của Đại Việt sử ký toàn thư tác giả đã nêu ra các sự kiện liên quan đến Phật giáo dưới thời nhà Lý, bắt đầu bằng sự kiện Lý Công Uẩn lên ngôi. Tiếp đến, tác giả đi vào nghiên cứu từng sơn môn và từng nhà sư, khẳng định trong hoạt động tôn giáo của một số vị sư mặc dù đều là những thế hệ truyền thừa của hai Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông nhưng lại không thuần túy thiền sư: "Tư tưởng của Đạo Hạnh ảnh hưởng Mật giáo dạng Lạt Ma giáo của Tây Tạng với đầu thai, phát hiện đứa trẻ Phật sống. Đạo Hạnh không phải là thiền sư" [tr.159]; "nhà sư Thiền Nham thuộc truyền thống sơn môn Dâu với đặc điểm trì tụng đà la ni, cầu mưa, không phải là thiền sư" [tr.163]; "Không Lộ không phải thiền sư, ông chuyên thần chú và có pháp thuật thuộc truyền thống sơn môn Dâu hơn là sơn môn Kiến sơ" [tr.246]; "Giác Hải không phải là thiền sư mà là pháp sư" [tr.282]. Tác phẩm là một kênh tham khảo hữu ích của luận án. 1.1.1.2. Các công trình nghiên cứu về hành trạng của Tứ vị Thánh tổ Nhận diện tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ thông quan việc nghiên cứu hành trạng của các Thánh cũng được thể hiện qua nhiều tác phẩm và chủ yếu được tiếp cận dưới góc độ sử học, tiêu biểu phải kể đến:
  • 17. 10 Bộ chính sử "Đại Việt Sử Ký Toàn Thư" của Nhà xuất bản Văn hoá thông tin [104; 105]. Trong phần biên soạn về giai đoạn lịch sử thời Lý, có những tư liệu lịch sử về Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Minh Không [104, tr.342, 376, 384], vì là văn bản chính sử nên đã lược bỏ đi nhiều tình tiết ly kỳ về hành trạng của Tứ vị Thánh tổ, nhưng với việc những vị thiền sư của Phật giáo và hoạt động tôn giáo của họ trở thành một sự kiện văn hoá, được đưa vào trong chính sử cho thấy sự ảnh hưởng của Tứ vị Thánh tổ đối với triều đình nhà Lý. Tư liệu ít ỏi về các vị Thánh được nêu trong tài liệu này đặt nền móng cho việc nghiên cứu tìm hiểu về tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ. Tiếp đến là tác phẩm "Việt Điện U Linh tập lục toàn biên những câu chuyện thần linh cổ nhất nước ta" của Sống Mới [114], đây là bộ huyền sử của Việt Nam viết về những câu chuyện thần linh cổ xưa của nước Việt, tài liệu ghi chép về những huyền sử của các vị Thần được phụng tự trong đình, chùa với nhiều tình tiết ly kỳ, nhuốm mầu huyền bí, nhưng đã biểu hiện được một phần dân tộc tính với màu sắc rất Việt, tại trang 199 viết về sự tích sư Từ Đạo Hạnh "Từ Đạo Hạnh đại Thánh sự tích thực lục". Tác phẩm là một kênh để tìm hiểu về hành trạng của một trong Tứ vị Thánh tổ thời Lý là Từ Đạo Hạnh, nhân vật lịch sử được huyền thoại hoá, dân gian hoá, nhưng vẫn phảng phất đâu đó là một con người bình dị, gần gũi với đời. Không thể không nhắc đến tác phẩm "Thiền Uyển Tập Anh" [107], được ghi vào đời Trần, ghi chép lại tiểu sử và các tông phái thiền học từ cuối thời Bắc thuộc cho đến các thời Đinh, Lê, Lý, Trần. Tác phẩm ghi chép khá chi tiết về tiểu sử, hành trạng của Tứ vị Thánh tổ. Trong đó, Từ Đạo Hạnh [tr.197] và Nguyễn Minh Không [tr.213] thuộc về thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi, Nguyễn Giác Hải [tr.138] và Dương Không Lộ [tr.105] thuộc về thiền phái Vô Ngôn Thông. Tác phẩm giúp cho việc đánh giá những đóng góp của Tứ vị Thánh tổ đối với Phật giáo, triều đình và nhân dân trong một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Các sử gia triều Nguyễn cũng rất quan tâm đến tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ, thể hiện qua tác phẩm "Đại Nam Nhất Thống Chí" của Nhà xuất bản Thuận Hoá [43; 44], đây là tác phẩm tổng hợp nghiên cứu về địa lý - lịch sử,…. Sự tích và các ngôi đền thờ Tứ vị Thánh tổ đều được ghi chép ở trong các mục Đền Miếu, Chùa quán, Tăng ở các tỉnh Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, thể hiện rõ nét tại tập 3 của tác phẩm này. Cụ thể: phần viết về tỉnh Hà Nội trong mục Tăng có viết "Từ Lộ tự là Đạo Hạnh, người trại Yên Lãng huyện Thanh Trì, tu ở chùa Phật Tích huyện Yên Sơn, là cao tăng đời Lý" [44, tr.232], phần viết về tỉnh Ninh Bình, trong mục Đền Miếu có nói đến hai vị thiền sư đời Lý là Nguyễn Giác Hải và Nguyễn Minh Không cả hai cũng đều là những vị sư tu hành vào thời Lý, tinh thông phép thuật, "một năm gặp đại hạn, nhà sư lấy giấy dán vào cái giỏ bằng tre, ra sông xách nước tưới vào ruộng thành vũng bàn chân, nước ở vũng ấy chảy ra bốn phía, nước chảy đến đâu
  • 18. 11 đều thành khe, ngòi, nhân dân được nhờ" [44, tr.274]. Phần về tỉnh Nam Định, mục Chùa quán viết về chùa Thần Quang "trước là Nghiêm Quang ở xã Dũng Nhuệ, huyện Giao Thuỷ là nơi trụ trì của Dương Không Lộ, nay vẫn hiển linh phàm cầu đảo về việc thuỷ hạn tai thương đều ứng nghiệm" [44, tr.357], mục Tăng có ghi chép về thiền sư Không Lộ và Giác Hải giống như Lĩnh Nam Chích Quái [tr.370]. Tác phẩm đã ghi chép sơ lược về tiểu sử của bốn vị thiền sư thời Lý và những nơi thờ tự họ cho thấy các vị được thờ tự ở hai loại hình di tích là Đền và Chùa. Tác phẩm "Nam Hải Dị Nhân" của tác giả Phan Kế Bính [20], tác phẩm trở thành bộ sưu tập nổi tiếng về các truyền tích và dã sử ở nước ta. Trong chương viết về các vị tiên tích đã trình bày về thân thế sự nghiệp của hai vị Từ Đạo Hạnh [tr.153-158] và Nguyễn Minh Không [tr.158-161]. Qua lối kể chuyện mộc mạc, hình ảnh của hai vị hiện lên đều là những bậc kỳ tài " (…) từ bấy giờ pháp lực càng lấn tới, nội là rắn độc trong núi, hùm dữ trên rừng cũng có phép sai khiến được" [tr.155]. Câu chuyện về Đạo Hạnh và Minh Không cũng gần với các tác phẩm đã nêu trên hầu như ít có dị biệt. Tác phẩm "Việt Nam Phật Giáo Sử Luận" của tác giả Nguyễn Lang [90]. Tác phẩm đã miêu tả về pháp thuật của thiền sư Từ Đạo Hạnh giống như những miêu tả trong Thiền Uyển Tập Anh, cho thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của yếu tố Mật giáo trong hoạt động tôn giáo của vị sư này: "… từ đó pháp lực càng tăng, duyên thiền càng chính, có thể sai sử điều phục sơn đà dã thú, cầu mưa, cầu tạnh, chú thuỷ trị bệnh không gì là không ứng nghiệm" [tr.139]. Tác phẩm "Chùa Keo" của tác giả Bùi Duy Lan, Phạm Đức Duật [86]. Đây là tác phẩm chuyên khảo về ngôi chùa Keo (Thái Bình). Tại phần I, hai tác giả đặc biệt chú ý đến tìm hiểu về lịch sử ngôi chùa và sự tích thiền sư Dương Không Lộ, dựa trên nhiều tài liệu trong đó dựa vào cuốn sách "Quốc sư Bảo lục" của tiến sĩ Đặng Xuân Bảng để so sánh và đối chiếu với các tài liệu khác có liên quan đến thiền sư Dương Không Lộ, chỉ ra nguyên nhân gây nhầm lẫn và giải thích nhiều vấn đề liên quan đến sự tích về hai vị thiền sư Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không. Từ đó tác giả đi đến kết luận: (i) Không Lộ là đạo hiệu của một nhà sư có thật ở thời Lý; (ii) Không Lộ và Minh Không là hai người khác nhau [tr.23]. Tác giả cũng đã chỉ ra nguyên nhân của sự nhầm lẫn giữa hai vị sư này là do sự tích của hai vị sư có nhiều điểm tương đồng: (i) Cả hai người đều chữa bệnh cho vua nhà Lý, Không Lộ chữa bệnh sợ tiếng tắc kè kêu của vua Lý Nhân Tông, Minh Không chữa bệnh hoá hổ cho vua Lý Thần Tông; (ii) cả hai đều được phong làm Quốc sư; (iii) Minh Không cũng tu học ở chùa Diên Phúc, sau đổi tên là Viên Quang nơi mà Không Lộ, Giác Hải trước đó đã từng tu [tr.23-24]. Tác phẩm thể hiện tinh thần nghiên cứu công phu, nghiêm túc, đã làm sáng tỏ một số vấn đề còn nhầm lẫn giữa hai vị thiền sư nổi tiếng là Không Lộ và Minh Không.
  • 19. 12 Tác phẩm "Từ Đạo Hạnh Trần Nhân Tôn những trái chiều lịch sử" của Nguyễn Mạnh Cường, Đinh Viết Lực, Nguyễn Đức Dũng [30]. Tác phẩm gồm 5 chương. (i) Khái lược về đời sống tâm linh của người Việt thời Lý; (ii) Thiền sư Từ Đạo Hạnh từ nhà sư tới nhà Vua; (iii) Vài nét về đời sống tâm linh của người Việt thời Trần; (iv) Trần Nhân Tông từ nhà Vua tới nhà sư; (v) Những vấn đề lịch sử đang đặt ra. Tác phẩm tiếp cận vấn đề dưới góc độ lịch sử. Sự trái chiều của lịch sử chính là sự hình thành tu luyện và cung cách làm vua của mỗi người, Từ Đạo Hạnh là từ một nhà sư đến nhà vua còn Trần Nhân Tông là từ nhà vua đến nhà sư. Việc nhà sư đến nhà vua thông qua hình tượng Từ Đạo Hạnh chính là cuộc chiến giành giật ngôi vua của hai thế lực tôn giáo là Phật giáo và Đạo giáo. Trong cuộc chiến này Phật giáo chiếm ưu thế, vương quyền và thần quyền lúc này trở thành một và không có sự tách bạch. Còn Trần Nhân Tông lại có hành trình ngược lại đó là đi từ nhà vua đến nhà sư và lập ra phái thiền mới nhằm mục đích tạo ra một liên minh để cố kết cộng đồng, nêu cao tinh thần đoàn kết của người dân Đại Việt nhằm chống giặc ngoại xâm, đồng thời tách bạch thần quyền ra khỏi vương quyền nhằm trả lại cho vua quyền thế tục là để cai trị và xây dựng đất nước. Tác phẩm đã đưa ra những sự kiện lịch sử, cùng với đó là những đối sánh lịch sử nhằm làm rõ hơn đời sống tín ngưỡng của người Việt dưới thời Lý, Trần. Dưới ngòi bút của các sử gia, nhận diện về tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ thông qua việc nghiên cứu về hành trạng của Tứ vị Thánh tổ được thể hiện khá chi tiết. Họ đều là những bậc kỳ tài, tinh thông về học thuật, đạo pháp, có công với đạo và đời, được nhiều đời sau ghi nhớ công trạng, trong hoạt động tôn giáo của họ mang đậm yếu tố Mật giáo. Cũng qua hành trạng và hoạt động tôn giáo của các sư cho thấy sự tồn tại của một nền văn hoá Phật giáo đặc biệt là yếu tố Mật giáo Phật giáo trong lịch sử dân tộc và những đóng góp của Phật giáo trên các mặt của đời sống xã hội. Phật giáo thời Lý đã đóng góp cho dân tộc nhiều bậc kỳ túc cao tăng, tham gia mạnh mẽ vào đời sống thế tục, duy trì những hoạt động tâm linh. Mặt khác cũng cho thấy những tác động của Phật giáo đối với đời sống tín ngưỡng của người Việt, ảnh hưởng của yếu tố Mật trong Phật giáo đối với Tín ngưỡng dân gian. 1.1.1.3. Các công trình nghiên cứu về các ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ Đây là lĩnh vực cũng được nhiều nhà khoa học tập trung khai thác và tiếp cận dưới góc độ khảo cổ học tôn giáo, kiến trúc, mỹ thuật, văn hoá học, có thể kể đến một số công trình tiêu biểu: Tác phẩm "Chùa Việt Nam"của nhóm tác giả Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long [121]. Tác phẩm được chia thành 2 phần: (i) Chùa Việt Nam, trong đó giới thiệu khái quát về những ngôi chùa Việt, từ việc chọn đất phải là nơi đắc địa, các vật liệu sử dụng, lối kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, Tam hay kiểu chữ
  • 20. 13 Công để xây dựng chùa, cách bài trí tượng thờ trong các ngôi chùa. Một nội dung lớn nữa được trình bày trong phần này là Chùa Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, sự quan tâm của triều đình phong kiến đối với Phật giáo thông qua việc cho xây dựng chùa, sự khác nhau trong lối kiến trúc, (ii) tác phẩm giới thiệu khái lược và kèm theo hình ảnh minh họa về 118 ngôi chùa của 61 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có một số chùa thờ các vị Thánh Tổ như chùa Lý Quốc Sư [tr.102]; chùa Thày, chùa Láng [tr.122]; chùa Keo [tr.230]; chùa Cổ Lễ [tr.270]; chùa Bái Đính [tr.302]. Tác phẩm "Chùa Việt" của tác giả Trần Lâm Biền [18]. Ngôi chùa là nơi kết tụ tinh thần của người Việt và ngôi chùa cũng cõng trên lưng bao vấn đề của lịch sử dân tộc, đây không chỉ là nơi người dân gửi gắm mối liên hệ với thần linh qua các nghi lễ mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân cư. Tác phẩm đã hướng người đọc theo từng bước: Diễn biến của ngôi chùa Việt; Văn hóa - Hướng - Bố cục chung trong các ngôi chùa thông qua các vấn đề như kiến trúc, thế đất, cấu trúc bộ khung và giới thiệu một số ngôi chùa qua các thời. Tác giả viết về chùa Thầy nơi thiền sư Từ Đạo Hạnh tu hành và hoằng pháp "việc thờ Từ Đạo Hạnh là nhu cầu căn bản của người chùa Thầy, chùa Láng (Hà Nội). Đây là một phản ánh tâm thức dân dã để khẳng định về yếu tố dung hội giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian, đồng thời biểu hiện một hướng đi của tư tưởng Việt" [tr.125]. Công trình có nhiều thông tin khoa học đem đến cho người đọc những hiểu biết về lịch sử, kiến trúc, cách thức bài trí thờ tự, dấu ấn Mật tông biểu hiện ở các pho tượng, khám thờ và đời sống tín ngưỡng của người dân xung quanh ngôi chùa Thầy. Tác giả cũng đã khẳng định về sự dung hợp giữa yếu tố Mật trong Phật giáo với Tín ngưỡng dân gian thể hiện qua ngôi chùa này. Tác phẩm "Chùa Bối Khê nhìn từ khảo cổ học Phật giáo" của tác giả Nguyễn Quốc Tuấn [151]. Tác phẩm gồm 4 chương, trong chương 4, đã trình bày về các loại chùa tiền Phật, hậu Thánh ở miền Bắc Việt Nam và đưa ra nhận định, cấu trúc bình đồ tiền Phật, hậu Thánh hình thành mà biết rõ được là vào cuối thế kỷ 17, định hình vào thế kỷ 18 và được duy trì cho đến thời Nguyễn. Tác giả đã so sánh về cấu trúc của chùa Bối Khê (Đại Bi) với hai ngôi chùa tiền Phật, hậu Thánh đặc sắc ở miền Bắc đều mang tên Keo ở Nam Định và Thái Bình để chỉ ra những điểm chung và những điểm khác biệt giữa các ngôi chùa. Không dừng lại ở đó, tác giả còn so sánh chùa Bối Khê với bảy ngôi chùa thờ Thánh khác đều ở miền Bắc trên bình diện kỹ thuật, ý nghĩa và đặc điểm của các thành phần kiến trúc, nghệ thuật tạo tượng,... Tác phẩm dưới góc độ nghiên cứu về khảo cổ chủ yếu tìm hiểu về kiến trúc, di vật và niên đại thông qua việc nghiên cứu một di tích tôn giáo cụ thể đó là chùa Bối Khê với việc thờ Thánh Nguyễn Bình An, một nhân vật tôn giáo dưới thời nhà Trần, thông qua đó minh chứng tính hỗn hợp tôn giáo giữa Phật giáo, Đạo giáo, bản địa hoá tôn giáo du nhập ở người Việt trong lịch sử.
  • 21. 14 Tác phẩm "Chùa Thầy (Thiên Phúc Tự)" của tác giả Nguyễn Văn Tiến [136]. Trên cơ sở Luận án tiến sĩ sử học chuyên ngành khảo cổ học, tác giả đã sửa đổi, bổ sung để ra mắt bạn đọc. Chùa Thầy được nghiên cứu dưới góc độ khảo cổ học nhằm làm rõ những đặc trưng về kiến trúc, nghệ thuật trang trí, nghệ thuật điêu khắc đồng thời qua đó cũng làm sáng tỏ thái độ của các triều đại phong kiến đối với Phật giáo và thấy được vị trí của chùa Thầy trong lịch sử của Phật giáo Việt Nam. Mặt khác, chùa Thầy còn được nghiên cứu trong mối tương quan với các ngôi chùa "tiền Phật hậu Thánh" để đi đến nhận định chùa Thầy là khởi nguồn của những ngôi chùa có kiểu "tiền Phật hậu Thánh" ở vùng đồng bằng sông Hồng. Tác phẩm đã góp phần làm rõ nét hơn về chùa Thầy, ngôi chùa ngoài thờ Phật còn thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh một vị thiền sư nổi tiếng dưới thời Lý ở cả ba kiếp vi Tiên, vi Phật, vi Quốc vương, giúp độc giả nhận thức sâu sắc về giá trị văn hóa của dân tộc được biểu hiện qua ngôi chùa. Chùa Thầy không chỉ làm phong phú thêm cho các ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ mà còn góp phần làm phong phú thêm giá trị lịch sử và văn hoá Phật giáo Việt Nam. Tác phẩm "108 Danh lam cổ tự Việt Nam" của tác giả Võ Văn Tường [155]. Đây là một cuốn sách ảnh, gồm 838 bức ảnh giới thiệu các ngôi chùa ở 33 tỉnh, thành phố, từ các ngôi chùa cổ ở miền Bắc, miền Trung cho đến những ngôi chùa mang nét kiến trúc hiện đại ở miền Nam và những hình ảnh về chi tiết kiến trúc trang trí bên trong ngôi chùa, kèm theo đó là những giới thiệu vắn tắt về lịch sử của từng ngôi chùa, trong đó có giới thiệu về chùa Lý Quốc Sư, chùa Thiên Phúc (chùa Thầy), chùa Thần Quang (chùa Keo). Tác phẩm "Chùa Keo" của tác giả Bùi Duy Lan, Phạm Đức Duật [86]. Tại phần II, đã tìm hiểu về kiến trúc của ngôi chùa Keo qua hai không gian thờ tự là Điện Phật và Điện Thánh cùng với một số hạng mục kiến trúc khác như Gác Chuông, một số tượng thờ và những cổ vật quý ở chùa Keo có những giá trị tiêu biểu. Cũng nghiên cứu về chùa Keo còn có "Chùa Keo Lịch sử và Nghệ thuật kiến trúc" của tác giả Đặng Hữu Tuyền [156]. Công trình tiếp cận chùa Keo ở góc độ khảo cổ học, phân tích về lịch sử xây dựng chùa, kiến trúc của chùa Keo và chỉ ra những đặc điểm về kiến trúc của ngôi chùa nổi tiếng này, đồng thời tác giả cũng đưa ra những nhận định: chùa Keo là một công trình có quy mô lớn và bố cục chặt chẽ; chùa Keo là một phức hợp kiến trúc độc đáo trong kiến trúc Phật giáo ở Việt Nam; đây là công trình kiến trúc phản ánh các giá trị lịch sử văn hoá mạnh mẽ. Luận án tiến sĩ "Những ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh ở vùng Châu thổ Bắc Bộ" của tác giả Phạm Thị Thu Hương [71]. Thông qua hình thức khảo tả về kiến trúc và di vật, luận án đã chỉ ra một số đặc điểm về kiến trúc của những ngôi chùa "tiền Phật hậu Thánh" trong đó có một số ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ như chùa Thầy (Hà Nội), chùa Ông (Hưng Yên), chùa Keo (Thái Bình), chùa Keo Hành Thiện (Nam
  • 22. 15 Định), chùa Điềm Giang (Ninh Bình). Tác giả cho rằng, các ngôi chùa này đều là dạng kiến trúc Phật giáo đặc biệt và chỉ xuất hiện phổ biến ở vùng châu thổ Bắc Bộ, bởi đây là cái nôi của người Việt, nơi hình thành và nuôi dưỡng tâm hồn văn hoá Việt, nơi bảo tồn những phong tục tập quán tín ngưỡng mà các địa bàn khác không thể có được [tr.91], điểm khác biệt của chùa "tiền Phật hậu Thánh" thể hiện ở hệ thống di vật đặc sắc như ngai thờ, khám thờ, kiệu, bát bửu, lỗ bộ… và nhất là hệ thống sắc phong-loại di vật hầu như không xuất hiện trong những dạng chùa khác" [tr.109]. Luận án đã đưa ra những nhìn nhận về chùa "tiền Phật hậu thánh" từ một số phương diện như trong lịch sử tư tưởng của người Việt và bản sắc văn hóa Việt. Tác phẩm "Sáng giá chùa xưa, Mỹ thuật Phật giáo" của tác giả Chu Quang Trứ [141]. Ngôi chùa là văn hoá vật thể có sớm nhất và gắn bó sâu sắc với nhân dân, là không gian thiêng của làng quê, là điểm hội tụ và toả sáng của văn hoá dân tộc. Trong phần II của tác phẩm viết về một số ngôi chùa và các di vật đặc sắc trong đó có bài viết về Chùa Thầy - niềm hạnh phúc trời ban [tr.162-175]; Nét đẹp chùa Keo [tr.201-228]. Với bài viết Chùa Thầy - niềm hạnh phúc trời ban, cho thấy chùa Thầy được dựng từ thời Đinh, và các triều đại tiếp theo đã tu bổ để mở rộng quy mô, chùa gắn liền với làng quê thanh bình, không gian ngôi chùa hoà hợp với nội dung thờ tự Phật và Thánh Từ. Chùa vốn không có sư, sau thiền sư Từ Đạo Hạnh chỉ có các ông Thống trông nom chùa. Chùa Thầy là một công trình kiến trúc hàng đầu trong di sản nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. Với bài viết Nét đẹp chùa Keo, ngôi chùa Keo cổ đã tách thành hai chùa ở hai bên bờ sông Hồng thuộc hai tỉnh Nam Định và Thái Bình hiện nay, hai ngôi chùa này vẫn giữ được vị thế đại danh lam, biểu hiện đặc trưng của văn hoá dân tộc, nơi đây thờ thiền sư Dương Không Lộ là nhân vật lịch sử thời Lý nhưng cuộc đời đầy tính huyền thoại là nhà sư nhưng cũng là dân chài, là thầy thuốc, là đạo sỹ. Giống như chùa Thầy hai ngôi chùa này đều không có tháp mộ sư, việc chăm sóc ngôi chùa do dân làng cắt cử thay phiên nhau, còn việc hành lễ do các ông thầy cúng trong làng thực hiện. Cả hai bài viết về hai ngôi chùa đều đi từ lịch sử cho đến hiện tại, không chỉ dừng lại ở kiến trúc, mỹ thuật, các di vật trong chùa mà còn là đối tượng thờ cúng đó là hai nhân vật Phật giáo thiền sư Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ và đời sống tín ngưỡng của người dân trong vùng biểu hiện thông qua lễ hội truyền thống. Qua đó thấy lớp văn hoá Phật giáo đã giao hòa với lớp văn hoá cổ truyền của dân tộc. Đây là những nét văn hoá đặc sắc trong các ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ và chính những ngôi chùa là nơi hội tụ và lan tỏa những nét văn hoá đặc sắc đó. Kỷ yếu hội thảo khoa học "Chùa Thầy và chư Thánh tổ sư" của Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Viện Nghiên cứu Tôn giáo [14]. Tác
  • 23. 16 phẩm là tập hợp gồm 50 bài viết của nhiều tác giả với nhiều cách tiếp cận khác nhau, với cách nhìn đa chiều đã tạo ra một bức tranh đa dạng về chùa Thầy. Hội thảo tập trung vào bốn chủ điểm: Bối cảnh Phật giáo triều Lý với xứ Đoài; Chùa Thầy trong lịch sử và hiện tại; Sự nghiệp của Thánh tổ Từ Đạo Hạnh; Chư Tổ và cố Hòa thượng Thích Viên Thành gắn bó với chùa Thầy. Kỷ yếu Hội thảo là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, khẳng định Phật giáo thời Lý đã mang đến cho dân tộc thế đứng văn hoá, tinh thần độc lập, tự chủ. Phật giáo càng thêm gần gũi với nhân dân khi các bậc tu hành được Thánh hoá trở thành một phần của tín ngưỡng dân gian và bất tử trong tâm hồn người Việt. Mặt khác, tác phẩm cũng khẳng định vị trí, vai trò của chùa Thầy gắn liền với thiền sư Từ Đạo Hạnh, góp phần tạo nên sự toả sáng của Phật giáo thời Lý và Phật giáo Việt Nam trong dòng chảy lịch sử. Chùa Thầy cũng là nơi sản sinh ra lễ hội độc đáo tạo nên một lễ hội của vùng, của miền được lưu truyền từ ngàn xưa thể hiện giá trị văn hoá của dân tộc. 1.1.2. Các công trình nghiên cứu về niềm tin, thực hành và những biến đổi của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ Đây là một phần trong nội dung nghiên cứu còn nhiều khoảng trống, riêng phần nghiên cứu về niềm tin và những biến đổi trong thực hành tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ hầu như chưa có đề tài nào tiếp cận mà phần lớn các đề tài được khai thác dưới góc độ văn hoá học và chủ yếu nghiên cứu về những sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng thông qua các lễ hội truyền thống, cụ thể: Tác phẩm "Nếp cũ - Hội hè đình đám" (quyển Thượng) của tác giả Toan Ánh [4] viết: "hội hè đình đám của dân chứng tỏ ý niệm thiêng liêng tôn giáo của người dân qua nghi lễ, nêu cao lòng biết ơn của người dân đối với các bực anh hùng đất nước cũng như đối với các vị thần linh, nhất là các vị Thành Hoàng đã che chở phù hộ cho dân mỗi xã và nhất là đã từng là những dịp để người dân ôn lại lễ nghi, nhớ lại phong tục" [tr.7]. Tác giả giới thiệu về Sài Sơn và lễ hội chùa Thầy với hai nội dung cần chú ý (i) sự tích ông Từ Đạo Hạnh và vua Lý Thần Tôn, (ii) Hang Thánh hóa và di tích của ông Từ Đạo Hạnh. Tác phẩm "Lễ hội Việt Nam" của tác giả Lê Trung Vũ, Lê Hồng Lý [168], giới thiệu về hơn 300 lễ hội tiêu biểu của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Tác phẩm có đề cập đến hội chùa Láng và nhân vật Từ Đạo Hạnh, với các sự tích, câu chuyện ly kỳ nhuốm mầu huyền thoại đã góp phần làm cho lễ hội chùa Láng trở nên vô cùng hấp dẫn. Gắn với sự tích thiền sư Từ Đạo Hạnh còn có lễ hội chùa Thầy với sự kiện Ngài hóa Phật, hội chùa Thầy thể hiện niềm ao ước về cuộc sống tốt đẹp và cũng là thể hiện đạo lý nhớ nguồn của dân tộc. Tác phẩm còn giới thiệu về lễ hội chùa Keo Thái Bình, chùa Keo Nam Định gắn với vị thánh Dương Không Lộ, những nét đặc trưng trong cuộc đời của vị thiền sư này được tái hiện thông qua nghi lễ tôn giáo, một số tập tục cổ truyền và những hình thức biểu diễn nghệ thuật dân gian.
  • 24. 17 Tác phẩm "Lễ hội Việt Nam" của tác giả Vũ Ngọc Khánh [79], giới thiệu về những lễ hội tiêu biểu của cả ba miền Bắc, Trung và Nam, trong đó có lễ hội chùa Thầy (Hà Nội) và chùa Keo (Thái Bình). Lễ hội chùa Thầy được tổ chức vào tháng 3 âm lịch (AL) hàng năm nhằm tưởng niệm sư Từ Đạo Hạnh, "lễ hội diễn ra là sự hòa hợp giữa tín ngưỡng dân gian, Phật giáo và Đạo giáo" [tr.31]. Lễ hội chùa Keo (Thái Bình) được diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 13 - 15/9 (AL) hàng năm để suy tôn thiền sư Không Lộ, "lễ hội phản ánh được lối sống của vùng dân cư ven sông mang màu sắc văn hóa nông nghiệp của đồng bằng Bắc Bộ" [tr.105]. Cuốn sách đã cho thấy diện mạo chung của lễ hội Việt Nam, các lễ hội này đều mang đậm tính lịch sử, văn hóa, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và là nhu cầu không thể thiếu của cộng đồng dân cư. Tác phẩm "Đạo Thánh ở Việt Nam" của tác giả Vũ Ngọc Khánh [78], nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Thánh. Dưới góc nhìn của nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, tác giả đã phác họa bức tranh về Đạo Thánh. Thánh Láng (Từ Đạo Hạnh), Thánh Không Lộ được nhắc đến trong tác phẩm là những vị Thánh thuộc các hệ thống khác nhằm nói đến những vị Thánh xuất hiện ở các tôn giáo, xét về tư cách thì được tôn là những vị Thánh sư, được nhân dân công nhận là Thánh Việt Nam. Viết về đức Thánh Láng: "Gọi là đức Thánh Láng vì ông được thờ ở chùa Láng Hà Nội, thánh Láng có sự tích rất độc đáo: vừa là con người trần tục, vừa là đạo sĩ, vừa là nhà sư" [tr.520]. Tác giả cũng đã nêu một số nét về lễ hội ở ngôi chùa Keo (Thái Bình), nơi thờ Thánh Không Lộ: "hàng năm thường có hai lần mở hội chùa: Hội vui xuân vào ngày mùng 4 tết Nguyên Đán, hội tháng chín vào các ngày 13,14,15. Hội tháng chín ngoài tính chất hội thi tài còn mang tính chất hội lịch sử, nhiều lễ tiết mang tính chất tôn giáo nhưng đậm đà sắc thái sinh hoạt văn hoá dân gian, vì thế hội tháng chín có sức hấp dẫn, cuốn hút mọi tầng lớp nhân dân" [tr.533]. Tác phẩm "Lễ hội cổ truyền" của tác giả Lê Trung Vũ [167], đã phân tích về mối quan hệ giữa lễ hội với môi trường tự nhiên, xã hội, lịch sử và các chặng đường tồn tại của lễ hội; lễ hội với đặc trưng chứa đựng những lớp văn hóa bồi tụ. Lễ hội là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt, hàm chứa tâm tưởng vừa kín đáo, vừa sâu xa, bao trùm đó là tôn thờ các vị thần thánh, và thần thánh chính là hình ảnh hội tụ những phẩm chất tốt đẹp mà cả làng hướng tới. Họ là những người có công lao dựng làng, lập nước, có công ơn truyền nghề, có công lao đánh giặc, chống thiên tai, dịch bệnh…. "Hội làng là nơi biểu hiện tập trung tư tưởng và tâm lý của dân làng, bao gồm lòng sùng kính những bậc có công với làng, nước, ý thức cộng đồng, nguyện vọng, ước mơ về một cuộc sống thái bình, thịnh vượng" [tr.9]. Tác phẩm cũng đã miêu tả về lễ hội chùa Keo (Thái Bình), hàng năm Chùa Keo có hai lần mở hội, Hội xuân vào mùng 4 tết và Hội thu
  • 25. 18 vào các ngày 13,14,15/9 (AL) và hội thu mới là ngày hội chính. Hội thu mang đậm tính lịch sử, gắn liền với cuộc đời của Không Lộ thiền sư, lễ nhằm tái hiện lại gốc tích, công lao của ngài. Tác phẩm khá đặc sắc đã vẽ lại bức tranh chung về lễ hội và hội làng của người Việt ở Bắc Bộ. Tác phẩm "Lễ hội cổ truyền ở Nam Định" của Hội Văn nghệ dân gian [65], gồm 3 chương: (i) quá trình hình thành và phát triển lễ hội ở Nam Định (ii) Một số hội làng điển hình ở Nam Định giới thiệu về 40 hội điển hình, (iii) Lịch lễ hội cổ truyền ở Nam Định. Trong 40 lễ hội điển hình tác giả có giới thiệu đến lễ hội chùa Keo Hành Thiện (Nam Định) với rước phụng nghinh và bơi trải đứng gắn với sư Dương Không Lộ và lễ hội chùa Cổ Lễ (Nam Định) gắn với sư Nguyễn Minh Không với nhiều câu chuyện kể về lúc sinh thời của các Thánh. Cũng trong luận án tiến sĩ "Những ngôi chùa tiền Phật hậu Thánh ở vùng Châu thổ Bắc Bộ" của tác giả Phạm Thị Thu Hương [71]. Chương 3, luận án đã trình bày về lễ hội và phong tục có liên quan ở một số ngôi chùa, trong đó có lễ hội chùa Thầy (Hà Nội), chùa Ông (Hưng Yên), chùa Keo (Thái Bình), chùa Keo Hành Thiện (Nam Định), chùa Điềm Giang (Ninh Bình) và chỉ ra những đặc điểm của lễ hội. Tác giả cho rằng: lễ hội ở các ngôi chùa tiền Phật, hậu Thánh đều là những lễ hội lớn, quy tụ dân chúng ở trong vùng và thu hút đông đảo người dân ở địa phương khác về dự hội, có ảnh hưởng và khả năng lan toả các giá trị văn hoá đến cộng đồng. Mầu sắc được sử dụng trong lễ hội chủ yếu là màu đỏ, vàng và trắng thể hiện trong đồ thờ và trang phục, những màu sắc này đầy chất biểu tượng, màu đỏ tượng trưng cho Trời, màu vàng tượng trưng cho Đất, màu trắng tượng trưng cho Nước, đó là ba yếu tố quan trọng tạo nên sự ấm no, hạnh phúc của người dân và người nông dân thờ Thánh với tất cả sự kính trọng [tr.148-149]. Luận án tiến sĩ "Thánh Không Lộ trong đời sống văn hoá của cư dân duyên hải Bắc Bộ" của tác giả Lê Thị Thu Hà [48]. Luận án đã nghiên cứu sự hình thành, sáng tạo các di sản văn hoá vật thể hay còn gọi cách khác đó là cơ sở thờ tự liên quan đến Thánh Không Lộ trên ba hình thức thờ tự là Chùa, Đình và Đền. Tác giả nhận định các loại hình di tích thờ Thánh Không Lộ mang đậm dấu ấn kiến trúc truyền thống của người Việt từ vị trí địa lý, bố cục mặt bằng tổng thể đến đặc điểm kiến trúc và thần điện, mỗi loại hình lại thờ Thánh Không Lộ với tư cách riêng, biển hiện sự hỗn dung trong tín ngưỡng thờ thần của người Việt [tr.78]. Cùng với việc nghiên cứu các cơ sở thờ tự, luận án cũng nghiên cứu về lễ hội tại các di tích thờ Thánh Không Lộ. Công trình nghiên cứu này trên cơ sở kế thừa của các nghiên cứu trước và đã có những bổ sung nghiên cứu mở rộng về cơ sở thờ tự và lễ hội liên quan đến Thánh Không Lộ ở hai loại hình di tích là Đình và Đền. Cho thấy, Dương Không Lộ một vị thiền sư thời Lý, được tôn vinh thành Thánh, Thành Hoàng và
  • 26. 19 Thần, được thờ tự ở cả ba loại hình di tích Chùa, Đình, Đền, trở thành đại biểu chung của cộng đồng, có sứ mệnh bảo hộ và trách nhiệm với đời sống thịnh suy của cộng đồng ấy, việc suy tôn ấy cho thấy công lao to lớn của ngài đối với người dân và đây là nét độc đáo của tục thờ Thánh Dương Không Lộ ở vùng đồng bằng sông Hồng. Bài viết "Một số đặc điểm lễ hội trong các ngôi chùa thờ Tứ Thánh Tổ ở đồng bằng bắc bộ" của tác giả Tạ Quốc Khánh [77]. Trên cơ sở đề cập khái quát về thân thế và sự nghiệp của Tứ vị Thánh tổ, gồm: Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải, Nguyễn Minh Không, nội dung bài viết tập trung phân tích một số đặc điểm lễ hội trong các ngôi chùa thờ Tứ Thánh tổ ở đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là sự hỗn dung giữa yếu tố Phật giáo với yếu tố văn hóa tâm linh truyền thống của người Việt khu vực này. Về lễ hội trong các ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ tác giả cho rằng: "...Các nghi lễ, trò diễn trong lễ hội có liên quan đến tiểu sử, hành trạng của Tứ Thánh tổ, xét theo lịch lễ hội, các chùa thờ Tứ Thánh tổ đều tổ chức đại lễ vào dịp Thánh sinh hoặc Thánh hóa, chẳng hạn các chùa thờ Từ Đạo Hạnh đều tổ chức lễ hội từ mùng 5 đến mùng 7/3, trong đó lễ chính vào mùng 7" [tr.4]. Các lễ hội này đều thể hiện tín ngưỡng tâm linh của cư dân trong vùng, đồng thời là một trong những hình thức cố kết cộng đồng. 1.1.3. Nhận xét về tình hình nghiên cứu và những vấn đề đặt ra luận án cần tập trung nghiên cứu 1.1.3.1. Nhận xét về tình hình nghiên cứu Qua tổng thuật tình hình nghiên cứu về tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng đồng bằng sông Hồng, NCS rút ra một số nhận xét sau: - Những vấn đề nghiên cứu đã được đề cập tới Có nhiều cách tiếp cận khác nhau trực tiếp hoặc gián tiếp dưới nhiều góc độ nghiên cứu khác nhau liên quan đến đề tài luận án, các cách tiếp cận đó đều đạt được những thành tựu nhất định trong nghiên cứu về tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ. Tuy nhiên tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ qua các nghiên cứu trước chưa toàn diện, vì thế chưa phác hoạ được diện mạo đầy đủ: + Về yếu tố Mật giáo trong Phật giáo thời Lý: Các tác giả mới tập trung nghiên cứu về Phật giáo thời Lý, trong đó đã đề cập đến Mật giáo nhưng chưa coi đó là một trong những yếu tố chính để hình thành nên tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ. Các tác phẩm chỉ ra bốn vị Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải, Nguyễn Minh Không tu tập theo Mật giáo nhưng chưa chỉ ra được giá trị của yếu tố Mật, nhờ quá trình tu tập theo Mật giáo, bốn vị thiền sư đã đạt được những thành tựu, đạt các phép thần thông, các phép phương thuật, cầu đảo, chính những phép thuật này thu nhiếp đại chúng và được dân tôn vinh phong thành Thánh. Từ Tứ vị Thánh tổ, một số vấn đề được đặt ra: Tại sao dưới thời Lý có nhiều vị sư tu tập theo
  • 27. 20 yếu tố Mật giáo và cũng đạt được phép thần thông như Thiền Nham, Trì Bát, Nguyện Học,… nhưng họ không được dân gian phong Thánh? Và tại sao lại chỉ xuất hiện Tứ vị Thánh tổ dưới thời Lý mặc dù trước thời Lý và sau thời Lý yếu tố Mật giáo nổi trội và cũng có nhiều nhà sư tu học đều đạt thành tựu nhưng không được tôn vinh thành bậc Thánh? Chưa có nghiên cứu nào trả lời cho câu hỏi này, vấn đề này luận án tiếp cận và kiến giải. + Về hành trạng Tứ vị Thánh tổ: Trong các nghiên cứu, hành trạng của Tứ vị Thánh tổ được nêu cơ bản thống nhất, nhiều nét tương đồng, hoạt động tôn giáo của các Thánh mang đậm dấu ấn Mật giáo, thường dùng bùa chú, ấn quyết trong quá trình hành đạo. Mặc dù họ đều là vị sư tu theo lối thiền tông và thuộc về hai phái thiền Tì Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông nhưng yếu tố thiền mờ nhạt, qua đó cho thấy bối cảnh Phật giáo đương thời và cũng giúp hiểu thêm được tính chất Phật giáo và tư tưởng xã hội thời Lý. Dưới thời Lý, tinh thần Phật giáo Đại thừa liên kết với tinh thần ma thuật, thần thông của tín ngưỡng dân gian, sự đan xen, giao hoà này cũng chính là một đặc trưng của Phật giáo khi du nhập vào Việt Nam và ở mỗi thời kỳ lại có sự biến đổi cho phù hợp với đời sống tín ngưỡng của người Việt. Riêng Thánh Dương Không Lộ hành trạng không được ghi chép nhiều trong các thư tịch, nên các nghiên cứu phần lớn phải dựa vào truyền thuyết và huyền thoại dẫn đến một số chi tiết không rõ ràng, vì thế đã có không ít nghiên cứu cho rằng Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không là một. Gần đây, có một số công trình nghiên cứu đã chứng minh Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không là hai người khác như bài viết Về nhân thân hai vị Quốc sư thời Lý Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không của tác giả Chu Huy in trên Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 8, năm 2006; tác phẩm Chùa Keo của hai tác giả Bùi Duy Lan, Phạm Đức Duật; bài viết Vấn đề tiểu sử hai thiền sư thời Lý: Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không của Phạm Đức Duật in trên Tạp chí Hán Nôm số 6 (91), năm 2008. Các nghiên cứu đều đưa ra nhận định: Dương Không Lộ là vị sư thời Lý thuộc thế hệ trước với Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Giác Hải còn Nguyễn Minh Không thuộc thế hệ sau và là học trò của Từ Đạo Hạnh. Tuy nhiên, vấn đề nhân thân của hai vị sư và là một hay hai người không thuộc đối tượng nghiên cứu của luận án. Trên cơ sở của các nghiên cứu đi trước đã khai mở NCS kế thừa và đồng tình với quan điểm cho rằng Dương Không Lộ và Nguyễn Minh Không là hai vị sư khác nhau, được tôn thờ trong nhiều ngôi chùa ở vùng đồng bằng sông Hồng, dân gian tôn xưng là Thánh tổ, là đối tượng được trình bày trong luận án. + Về cơ sở thờ tự (các ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ): Được thể hiện trong nhiều nghiên cứu, có các công trình nghiên cứu về từng ngôi chùa riêng lẻ như nghiên cứu về chùa Thầy (Hà Nội) của Nguyễn Văn Tiến, nghiên cứu về chùa Keo (Thái Bình) của Phạm Duy Lan, Bùi Đức Duật và của Đặng Hữu Tuyền.
  • 28. 21 Công trình nghiên cứu về nhiều ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ như tác phẩm Chùa Việt Nam của nhóm tác giả Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long; tác phẩm Chùa Việt của tác giả Trần Lâm Biền; luận án tiến sĩ "Những ngôi chùa tiền Phật, hậu Thánh" của Phạm Thị Thu Hương. Các tác giả đã đề cập đến các ngôi chùa như chùa Thầy (Hà Nội), chùa Ông (Hưng Yên), chùa Keo (Thái Bình), chùa Keo Hành Thiện (Nam Định), chùa Cổ Lễ (Nam Định),... Các ngôi chùa này được nghiên cứu dưới góc độ kiến trúc, di vật, đã đưa ra đặc điểm của cơ sở thờ tự nhưng đều là những đặc điểm của kiến trúc mà không phải là đặc điểm chung của các ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ, trong đó chưa nói lên sự hỗn dung tôn giáo thể hiện trong cách thức bài trí thờ tự và tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ là loại hình tín ngưỡng phức hợp. Nhìn chung, các tác giả đều thể hiện quan điểm thống nhất coi các ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ là nơi lưu giữ giá trị về văn hoá, kiến trúc và giá trị về tinh thần, đồng thời các ngôi chùa này chính là một biểu hiện rõ nét cho việc dung hợp của Phật giáo với Tín ngưỡng dân gian. Các nghiên cứu cũng đã đưa ra những đánh giá, nhận định về giá trị và những nét đặc sắc của các ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ. + Về niềm tin, thực hành và những biến đổi của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ là mảng đề tài còn khá mờ nhạt. Khảo sát các công trình nghiên cứu đi trước cho thấy vấn đề niềm tin và những biến đổi của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ hầu như chưa được đề cập đến, các nghiên cứu trước chủ yếu đề cập đến thực hành tín ngưỡng của cộng đồng thông qua các lễ hội truyền thống tại các ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ dưới góc độ văn hoá học, biểu hiện qua các nghi lễ Mộc dục, nghi lễ Rước, nghi lễ Tế,… và các trò diễn dân gian. Đây là những nghi lễ truyền thống được trao truyền qua nhiều thế hệ nhằm tỏ lòng thành kính và nhắc nhở con cháu ghi nhớ công đức của các bậc tiền nhân, thể hiện tinh thần cố kết cộng đồng. Mặc dù mỗi lễ hội tôn vinh và biểu dương công trạng của mỗi vị Thánh khác nhau, hình thức thể hiện cũng có những khác biệt nhất định, nhưng đều tương đồng về bản chất và ý nghĩa tôn giáo. Thông qua lễ hội truyền thống đã cho thấy cốt lõi và bản chất của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ, ẩn chứa sâu bên trong chính là những thông điệp về đời sống văn hoá, tâm linh của người dân vùng đồng bằng sông Hồng. Mỗi lễ hội tín ngưỡng liên quan đến Tứ vị Thánh tổ đều mang những nét đặc sắc riêng có, nổi bật ở vùng đồng bằng sông Hồng. Nhìn chung, các công trình đi trước đều có tính khoa học cao, nghiên cứu công phu. Mỗi tác giả đều có những hướng nghiên cứu riêng nên vấn đề nghiên cứu phong phú, đa dạng và sâu sắc. Các công trình đều có giá trị cao về mặt lý luận và thực tiễn, không chỉ cung cấp nguồn tư liệu quý mà còn là những đánh giá, nhận định khoa học để luận án tiếp thu, kế thừa, đồng thời những nghiên cứu trước cũng gợi ý để NCS tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu về vấn đề này.
  • 29. 22 - Những vấn đề nghiên cứu trước chưa tiếp cận Các nghiên cứu đi trước chủ yếu tiếp cận tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ dưới góc độ sử học, khảo cổ học, kiến trúc học, mỹ thuật học, văn hoá học, phật học và mới chỉ dừng lại nghiên cứu những trường hợp đơn lẻ về từng vị Thánh hoặc về từng ngôi chùa, hoặc một vài ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ. Tìm hiểu về tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ thể hiện ở các công trình nghiên cứu trên còn là những mảnh ghép chưa hoàn chỉnh, chưa phác hoạ được bức tranh tổng thể về tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở vùng đồng bằng sông Hồng. Chưa có công trình nghiên cứu chuyên biệt nào về tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ, tiếp cận dưới góc độ tôn giáo học để nhận diện và chỉ ra thực trạng tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ dưới nhãn quan tôn giáo học. Một số nghiên cứu dưới góc độ văn hoá học đã tiếp cận đến hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng biểu hiện qua lễ hội truyền thống, thông qua những nghi lễ cổ truyền nhưng chưa coi đó là những thực hành tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng. Các nghiên cứu chưa đề cập đến niềm tin tôn giáo của người dân vùng đồng bằng sông Hồng vào Tứ vị Thánh tổ và các thực hành mang tính tôn giáo của các cá nhân, họ xem Tứ vị Thánh tổ là đối tượng thiêng, có thể ban phúc, giáng hoạ, có khả năng ban tài, ban lộc, ban những điều may mắn và tác động tới cuộc sống của họ nơi trần thế. Cũng chưa có nghiên cứu nào đề cập đến những biến đổi của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ trong bối cảnh hiện nay để thấy rằng tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ có những biến đổi để thích nghi với xã hội đương đại, qua đó phản ánh quy luật vận động của những thực thể tồn tại khách quan trong xã hội và những biến chuyển trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. 1.1.3.2. Những vấn đề đặt ra luận án tập trung nghiên cứu Trên cơ sở tổng luận những vấn đề đã được nghiên cứu liên quan đến luận án, những giá trị của các công trình nghiên cứu trước mà luận án kế thừa và những vấn đề chưa được tiếp cận nghiên cứu về tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng đồng bằng sông Hồng, luận án sẽ tập trung nghiên cứu một số nội dung cơ bản sau: - Nhận diện tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ qua các điều kiện hình thành, đối tượng thờ cúng, cơ sở thờ tự; - Phân tích, đánh giá thực trạng tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ qua các yếu tố niềm tin, thực hành, những biến đổi của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ; - Từ thực trạng niềm tin, thực hành và những biến đổi của tín ngưỡng, luận án chỉ ra đặc điểm, vai trò của tín ngưỡng tứ vị Thánh tổ trong đời sống xã hội hiện nay, từ đó góp phần nâng cao thêm một bước nhận thức về tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở vùng đồng bằng sông Hồng và bước đầu đưa ra một số khuyến nghị nhằm phát huy giá trị của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ trong đời sống xã hội ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay.
  • 30. 23 1.2. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 1.2.1. Một số khái niệm công cụ Thống nhất khái niệm là một nội dung hết sức quan trọng, nhằm mục đích sử dụng khái niệm sao cho chính xác. Trong luận án NCS trình bày một số khái niệm coi đó là những quy chuẩn, đây không phải là những khái niệm mới mà trên cơ sở của các nghiên cứu trước, luận án kế thừa và đưa ra khái niệm phù hợp với nội dung và đối tượng nghiên cứu của đề tài. Tín ngưỡng: là hình thái ý thức phản ánh niềm tin, sự ngưỡng mộ và những hoạt động để bày tỏ niềm tin của con người vào các lực lượng siêu nhiên, các nhân vật huyền thoại hoặc lịch sử có thật mà con người cho là linh thiêng, có sức mạnh thần bí, tác động đến đời sống tâm linh của con người được con người thờ phụng, cầu khấn và mong muốn được sự che chở, giúp đỡ từ các đấng thiêng đó. Thánh: Trong cuốn từ điển Phật học Hán - Việt nêu: "Thánh âm tiếng Phạn là A - Ly - da, nghĩa là chính. Chứng đắc chính đạo gọi là Thánh, là bậc có trí tuệ viên mãn, có các phép thần thông, đã dứt được mọi khổ não, ra khỏi vòng luân hồi" [108, tr.1187]. Cuốn Từ điển Bách khoa Việt Nam nêu: "Thánh là danh hiệu để chỉ những người tài giỏi, sáng suốt, đức độ, có công trạng. Sau khi qua đời những người đó được thờ cúng coi như các vị thần linh…" [Error! Reference source not found., tr.162]. GS. Vũ Ngọc Khánh trong tác phẩm chuyên khảo của mình về Đạo Thánh đã đưa ra quan niệm về Thánh: "Thánh vốn là để chỉ vào bậc tài năng xuất sắc, đạo đức cao cả" [78, tr.42]. GS. Trần Lâm Biền trong tác phẩm Chùa Việt cho rằng: "Thánh là Thần nhưng yếu tố trí tuệ được quan tâm nhiều hơn là sự linh thiêng" [18]. Dưới góc nhìn của dân gian thường hay ghép khái niệm Thánh với khái niệm Thần hình thành cặp ghép "Thánh Thần", nếu như các vị được tôn là "Thần" cũng có người tốt, người xấu, tà thần, dâm thần, thì trong tâm thức dân gian những vị được tôn xưng thành bậc "Thánh" là vị thần linh hoàn thiện, hoàn mỹ, có tính nhiệm mầu, biến hoá, ban phúc, giáng họa, là chỗ dựa tinh thần cho quần chúng nhân dân. Qua các quan điểm trên về Thánh cho thấy nổi lên các yếu tố: Đức và Tài, trong cái Tài đặc biệt là phải có phép thuật thần thông. Vậy, trong giới hạn của luận án, Thánh trong Tứ Thánh tổ được hiểu: là những nhân vật lịch sử có thật, thông minh, trí tuệ, có phép thuật thần thông, có nhiều công lao đóng góp cho đất nước và nhân dân, khi mất đi được nhân dân tưởng nhớ, tôn vinh và thờ phụng, trở thành đấng thiêng có nhiều quyền năng, có thể ban phúc, giáng họa, tác động đến cuộc sống của con người nơi trần thế. Tổ: yếu tố bao hàm tính lịch sử, gốc hoặc nguồn cội.
  • 31. 24 Trong cuốn Từ điển Phật học Hán Việt nêu khái niệm về Tổ Sư: "Người đầu tiên lập pháp, làm thầy của mọi người. Riêng về Phật giáo gọi chư vị lãnh đạo Phật giáo nối tiếp nhau mà gìn giữ Phật pháp sau đức Phật Thích - ca là tổ sư" [108, tr.1359]. Như vậy, Tổ trong Phật giáo được hiểu là những người có công đặt nền tảng, khai sinh, truyền thừa hoặc truyền bá lý thuyết hay cách thức tu hành của một tông phái, một sơn môn hoặc một hệ phái và được các thế hệ tiếp theo suy tôn là Tổ. Tứ vị Thánh tổ là những vị tổ sư của hai thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông, Từ Đạo Hạnh là vị tổ sư đời thứ 12; Nguyễn Minh Không là tổ sư đời thứ 13 của dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi, còn Dương Không Lộ là tổ sư đời thứ 9 và Nguyễn Giác Hải là tổ sư đời thứ 10 của dòng thiền Vô Ngôn Thông. Tổ, trong nghề nghiệp, là những người có công sáng lập và truyền dạy một nghề nào đó cho đời sau, được những người làm cùng một nghề suy tôn thành Tổ nghề và thờ cúng để bảo trợ cho nghề đó. Tứ vị Thánh tổ cũng được dân gian coi là những vị tổ nghề của tín ngưỡng dân gian, Từ Đạo Hạnh là ông tổ của nghề múa rối, Nguyễn Minh Không là ông tổ của nghề đúc đồng, Dương Không Lộ và Nguyễn Giác Hải là ông tổ của nghề chài lưới đánh bắt cá trên sông nước. Thánh tổ: là một từ ghép bởi hai danh từ "Thánh" và "Tổ". Vậy Thánh tổ được hiểu là: Những nhân vật lịch sử thông minh, trí tuệ, có phép thuật thần thông đồng thời các vị cũng là Tổ sư của một sơn môn, hệ phái trong Phật giáo và là những vị Tổ nghề có nhiều công lao đối với đất nước và nhân dân, khi mất đi được nhân dân tưởng nhớ, tôn vinh và thờ phụng, trở thành đấng thiêng có nhiều quyền năng, có thể ban phúc, giáng hoạ, tác động đến cuộc sống của con người nơi trần thế. Tứ vị Thánh tổ: là bốn vị thiền sư của Phật giáo Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải, Nguyễn Minh Không là những người thông minh, trí tuệ với những phép thuật tinh thông, có nhiều công lao đóng góp cho triều đình và nhân dân được nhân dân kính ngưỡng tôn thành bậc Thánh, các vị vừa là những vị Tổ sư của hai thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi và Vô Ngôn Thông đồng thời vừa là những vị Tổ nghề múa rối, nghề đúc đồng và nghề chài lưới đánh cá trên sông nước. Tại sao lại lựa chọn Tứ vị: Trong tư duy của người phương Đông nói chung và người Việt nói riêng, bộ tứ là biểu hiện của sự đầy đủ, vững chắc, vĩnh cửu, hạnh phúc và mang tính triết lí sâu sắc. Có thể thấy cơ cấu bền vững giá trị vật chất và tinh thần phần lớn được bắt đầu bằng "bộ tứ" như: Tứ đại: địa, thuỷ, hoả, phong; Tứ linh: long, lân, quy, phụng; Tứ thời: xuân, hạ, thu, đông, Tứ phương: đông, tây, nam, bắc; Tứ đức: Công, dung, ngôn, hạnh; Tứ quý: tùng, cúc, trúc, mai; Tứ tượng trong phong thuỷ. Trong biểu tượng tinh thần của người Việt còn có Tứ bất tử, Tứ phủ, Tứ trấn; trong các tôn giáo như Phật giáo có Tứ Diệu đế, Tứ Ân, Tứ Thánh quả, Tứ thiền, trong Công giáo có Tứ chung để chỉ về 4 sự việc: chết, phán xét,
  • 32. 25 thiên đàng, hỏa ngục… Việc chọn lấy 4 trong toàn thể của một tập hợp là chọn sự tiêu biểu, độc đáo và mang tính tượng trưng hay biểu tượng, là sự lựa chọn hợp lý của dân gian. Tứ vị Thánh tổ cũng là một tập hợp như vậy, sự lựa chọn bốn vị Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải, Nguyễn Minh Không trở thành Tứ vị Thánh tổ thể hiện đặc trưng tiêu biểu giá trị văn hoá tinh thần của người Việt đồng thời thể hiện sự tài tình của dân gian, điều này cũng lý giải tại sao đến thời Trần mặc dù xuất hiện nhân vật Nguyễn Bình An được dân gian tôn xưng thành Thánh Bối nhưng không xếp trong một tập hợp chung với Tứ vị Thánh tổ để thờ cúng. Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ: là hệ thống niềm tin và cách thức biểu hiện niềm tin thông qua những thực hành của cá nhân và cộng đồng với việc tôn thờ những vị thiền sư của Phật giáo là Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Nguyễn Giác Hải, Nguyễn Minh Không trở thành những đấng thiêng, nhằm cầu mong sự che chở, phù hộ, độ trì, động viên, hỗ trợ về mặt tinh thần, giúp người dân vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ là tín ngưỡng tôn giáo (Tổ sư) và còn là một tín ngưỡng dân gian (tổ nghề) trong đời sống tâm linh của người Việt. Đồng bằng sông Hồng: Là vùng địa lý - văn hoá, nằm quanh khu vực hạ lưu sông Hồng thuộc miền Bắc Việt Nam, bao gồm lên 10 tỉnh gồm: Bắc Ninh, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình và Vĩnh Phúc. 1.2.2. Khung lý thuyết nghiên cứu 1.2.2.1. Câu hỏi nghiên cứu Luận án tập trung trả lời câu hỏi: Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ ở một số ngôi chùa vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay như thế nào? Cụ thể luận án giải quyết các vấn đề sau: - Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ có diện mạo như thế nào? - Thực trạng tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ hiện nay ra sao? - Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ có đặc điểm, vai trònhư thế nào? 1.2.2.2. Giả thiết nghiên cứu - Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ được hình thành bởi sự dung hợp của hai yếu tố Phật giáo và Tín ngưỡng dân gian của người Việt, xuất hiện dưới thời Lý, trải qua biến thiên của lịch sử, hình thành nên dòng tín ngưỡng riêng rẽ và mang tính địa phương và chỉ tồn tại ở vùng đồng bằng sông Hồng trong đó vùng trung tâm của tính ngưỡng là các tỉnh Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. - Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ hiện nay phát triển mạnh mẽ không chỉ bó hẹp theo kiểu chuông làng nào làng đấy đánh, Thánh làng nào làng đấy thờ chỉ thuộc về một cộng đồng làng, xã, mà đã phát triển ra liên làng, liên xã thậm chỉ phát triển ra cả vùng, thu hút đông đảo người dân đến các ngôi chùa thờ Tứ vị Thánh tổ để bày tỏ niềm tin và thực hành tín ngưỡng. Với sự biến đổi của đời sống xã hội, phải
  • 33. 26 chăng tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ cũng có những thay đổi để thích ứng với hiện thực xã hội và khẳng định là một thực thể tồn tại độc lập. - Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ đã tạo lập được một vùng địa lý riêng ở vùng đồng bằng sông Hồng, một vùng đất tồn tại đan xen nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo, từ sự ra đời của tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ phải chăng đã hình thành một loại hình chùa độc đáo "tiền Phật, hậu Thánh"? Tín ngưỡng Tứ vị Thánh tổ góp phần giữ mối liên kết cộng đồng làng xã, trở thành điểm tựa tinh thần của người dân vùng đồng bằng sông Hồng. 1.2.2.3. Lý thuyết nghiên cứu Thứ nhất, lý thuyết tiếp biến văn hóa: Tiếp biến văn hóa (Acculturation) là khái niệm được các nhà nhân học phương tây đưa ra vào những thập niên đầu thế kỷ XX và trở nên phổ biến, khi tiến hành nghiên cứu về sự biến đổi văn hóa của các nhóm di dân người Châu Âu đến Mỹ với các nhóm dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời trên đất Mỹ. Người sinh ra lý thuyết này là Franz Boas (1858- 1948), ông là một học giả người Mỹ gốc Do Thái, tiếp đến là những học trò của ông như: E. Sapir, R. Benedict, M. Herskovits…, và nổi bật là nhà nghiên cứu AL. Kroeber, ông cho rằng tiếp biến văn hóa bao gồm những biến đổi sản sinh ra trong một nền văn hóa do ảnh hưởng của một nền văn hóa khác, kết quả dẫn đến là sự tương đồng của hai nền văn hóa đó gia tăng. Trong The Culumbia Encyclopedi, đã đưa ra một định nghĩa khá chi tiết về tiếp biến văn hóa: Tiếp biến văn hóa là những biến đổi do kết quả của sự tiếp xúc giữa các nền văn hóa khác nhau qua thời gian, tiếp xúc có thể đem lại những hiệu quả rõ rệt, như việc một nền văn hóa này vay mượn một số nét từ nền văn hóa khác, hoặc là sự dung hợp tương đối của các nền văn hóa riêng rẽ [Dẫn theo 83, tr.46]. Ở Việt Nam nghiên cứu về tiếp biến văn hóa đã được các nhà khoa học quan tâm như Giáo sư (GS) Hà Văn Tấn, GS Trần Quốc Vượng, Phó Giáo sư. Tiến sĩ (PGS.TS) Trần Ngọc Thêm,… Trong cuốn "Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam" [129], PGS. TS. Trần Ngọc Thêm cho rằng: Các nền văn hóa gần gũi nhau thì có thể từ tiếp xúc đến giao lưu và trong việc giao lưu ấy có thể xảy ra hiện tượng những yếu tố của nền văn hóa này thâm nhập vào nền văn hóa kia (tiếp thu thụ động) hoặc nền văn hóa này vay mượn những yếu tố của nền văn hóa kia (tiếp thu chủ động); rồi trên cơ sở những yếu tố nội sinh và ngoại sinh ấy mà điều chỉnh, biến cải cho phù hợp gây ra sự tiếp biến văn hóa [129, tr.35]. Tôn giáo là một thành tố của văn hoá, hay nói cách khác không thể đề cập đến văn hoá của một dân tộc nếu không đề cập đến tôn giáo của dân tộc ấy. Trong bối cảnh tiếp biến văn hoá diễn ra thì chắc chắn cũng diễn ra quá trình tiếp biến về tôn giáo.