SlideShare a Scribd company logo
1 of 560
Download to read offline
Chỉ đạo thực hiện
BAN THƯỜNG VỤ HUYỆN ỦY LAI VUNG
Tổ chức thực hiện
BAN TUYÊN GIÁO HUYỆN ỦY LAI VUNG
Biên soạn
TS. PHẠM XUÂN VŨ
THS. NGUYỄN THẾ HỒNG
BAN TUYÊN GIÁO HUYỆN ỦY LAI VUNG
Hình ảnh tư liệu
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lai Vung cung cấp và sưu tầm
LỜI NHÀ XUẤT BẢN
Với lịch sử phát triển hơn 300 năm, Đồng Tháp được biết
đến là một vùng đất có lịch sử hào hùng trong đấu tranh cách
mạng. Là huyện nằm ở phía nam của tỉnh, Lai Vung có vị trí
quan trọng với hệ thống giao thông thủy bộ thuận tiện, được
nhiều bậc tiền hiền đến khai khẩn, mở mang ruộng đất...
Trải qua bao khó khăn, gian khổ, vùng đất Lai Vung luôn
kiên cường, bất khuất. Với bề dày truyền thống, nhân dân
Lai Vung đã sớm tiếp thu và đến với chủ nghĩa Mác - Lênin
và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhanh chóng hòa nhập vào các
phong trào cách mạng cùng với cả nước nói chung, tỉnh Đồng
Tháp nói riêng, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Hòa bình lập lại, Đảng bộ và nhân dân Lai Vung đã phát
huy những thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức để vươn
mình phát triển. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp,
toàn diện của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp,
Đảng bộ và nhân dân huyện Lai Vung đã tập trung khắc
phục mọi khó khăn, ổn định sản xuất, đời sống; xây dựng,
củng cố hệ thống chính trị, thực hiện đường lối đổi mới, từng
bước ổn định và phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan
trọng rất đáng tự hào.
Nhằm góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách
mạng cho thế hệ trẻ, thiết thực chào mừng Đại hội Đảng
bộ huyện Lai Vung lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025,
6 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015)
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Ban
Chấp hành Đảng bộ huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp xuất
bản cuốn sách Lịch sử truyền thống cách mạng huyện
Lai Vung (1929 - 2015). Cuốn sách ghi lại chặng đường
lịch sử 86 năm đấu tranh, xây dựng và phát triển của Đảng
bộ và nhân dân huyện Lai Vung từ khi có chi bộ Đảng ra đời
lãnh đạo nhân dân đoàn kết đấu tranh, giành chính quyền
thắng lợi, góp phần hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân
tộc, thống nhất nước nhà và tiếp tục sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới; qua đó
góp phần giáo dục cho đảng viên và nhân dân trong huyện,
nhất là thế hệ trẻ tự hào về lịch sử hào hùng của quê hương,
phát huy truyền thống, vững bước đi lên trong sự nghiệp
xây dựng đất nước theo đường lối đổi mới của Đảng. Cuốn
sách cũng là lời tri ân sâu sắc đến những con người đã đóng
góp công sức, trí tuệ của mình trong cuộc đấu tranh giành
độc lập trước đây và xây dựng quê hương hôm nay. Cuốn
sách sẽ là tài liệu hữu ích cho những bạn đọc yêu thích tìm
hiểu, nghiên cứu về truyền thống lịch sử cách mạng.
Mặc dù đã rất cố gắng nhưng cuốn sách khó tránh khỏi
những hạn chế, thiếu sót. Rất mong nhận được góp ý của
bạn đọc để lần xuất bản sau cuốn sách được hoàn thiện hơn.
Trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.
Tháng 7 năm 2020
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT
LỜI NÓI ĐẦU
Lai Vung là huyện phía nam của tỉnh Đồng Tháp, có vị
trí quan trọng với hệ thống giao thông thủy bộ thuận tiện
nối liền huyện với quốc lộ 80, 54 đi Thành phố Hồ Chí Minh
và thành phố Cần Thơ cùng các tỉnh khác trong khu vực
Tây Nam Bộ.
Vào khoảng thế kỷ XVII, những lớp lưu dân đầu tiên cùng
các bậc tiền hiền đã kiên cường, vượt mọi gian khổ đến vùng
đất Lai Vung để quy dân lập làng, sau đó các bậc hậu hiền tiếp
tục khai khẩn, mở mang ruộng đất... Cùng với cả dân tộc, trải
qua bao khó khăn bởi thiên nhiên khắc nghiệt trong buổi đầu
khai hoang rồi đến các cuộc chiến tranh giữa các thế lực phong
kiến hay sự xâm lược và cai trị của thực dân, đế quốc, tay sai,
vùng đất Lai Vung luôn được giữ vững bằng sự kiên cường, ý
chí quyết tâm, đoàn kết của con người nơi đây. Dưới ách áp
bức nặng nề của các thế lực ngoại xâm, tình yêu quê hương
xứ sở, niềm khao khát độc lập, tự do đã hun đúc cho nhân dân
Lai Vung có một lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần đấu
tranh kiên cường bất khuất. Truyền thống yêu nước đó là điều
kiện thuận lợi để chủ nghĩa Mác - Lênin sớm bám rễ và phát
triển, cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành ngọn đuốc
soi đường cho nhân dân Lai Vung cùng cả nước hoàn thành
sự nghiệp giải phóng dân tộc, tiếp tục xây dựng, phát triển và
bảo vệ Tổ quốc đến hôm nay và cho mai sau.
8 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015)
Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của
Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường và
nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, giáo dục lịch sử
Đảng Cộng sản Việt Nam và để ghi lại những chặng đường
lịch sử vẻ vang của Đảng bộ cùng nhân dân địa phương,
trong nhiều năm qua Ban Thường vụ Huyện ủy Lai Vung
đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp cùng các
ngành liên quan thực hiện công tác sưu tầm tư liệu, biên
soạn Lịch sử truyền thống cách mạng huyện Lai Vung
(1929 - 2015) vì xét thấy đây là công việc cấp thiết nhằm
gìn giữ, kế thừa, tuyên truyền và giáo dục truyền thống
cách mạng địa phương.
Bên cạnh việc đề cập đến lịch sử hình thành vùng đất
Lai Vung, những đặc điểm tự nhiên và dân cư, sự thay đổi
địa giới hành chính của huyện qua các thời kỳ, nội dung
cuốn sách khắc họa lại cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ,
oanh liệt của Đảng bộ và nhân dân huyện Lai Vung trong
thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ
xâm lược; những khó khăn, thách thức của địa phương sau
giải phóng cùng những thành tựu, hạn chế trong công cuộc
xây dựng quê hương trong thời kỳ đổi mới; ghi nhớ truyền
thống tiêu biểu và những bài học kinh nghiệm trong công
tác lãnh đạo của Đảng bộ huyện.
Quá trình sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn cuốn sách này
đã trải qua một thời gian khá dài, có sự kế thừa trong công
tác chỉ đạo và nghiên cứu giữa các thế hệ lãnh đạo của huyện.
LỜI NÓI ĐẦU 9
Do điều kiện chiến tranh lâu dài, ác liệt, tài liệu thành văn
bị thất lạc, không còn nhiều, nên việc sưu tầm và biên soạn
gặp nhiều khó khăn. Nhưng may mắn là các vị cán bộ lão
thành cách mạng, các cán bộ quân sự, binh vận, chiến sĩ du
kích và nhân dân, các đồng chí nguyên lãnh đạo địa phương
qua các thời kỳ đã cung cấp nhiều thông tin đáng tin cậy,
làm sáng tỏ nhiều vấn đề, giúp cho việc xây dựng bản thảo
được cơ bản đầy đủ và trung thực với lịch sử.
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày miền Nam hoàn toàn
giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020),
cũng là kỷ niệm 45 năm huyện Lai Vung được giải phóng
(02/5/1975 - 02/5/2020), đồng thời hướng đến chào mừng
Đại hội đại biểu lần thứ VII Đảng bộ huyện Lai Vung,
nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Huyện ủy trân
trọng giới thiệu cuốn sách Lịch sử truyền thống cách
mạng huyện Lai Vung (1929 - 2015). Đây là sự ghi
nhận, biết ơn của Đảng bộ và nhân dân trong huyện đối
với những những người có công góp phần xây dựng và bảo
vệ quê hương Lai Vung qua các thời kỳ lịch sử. Đồng thời
cũng mong muốn các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân
trong huyện, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau có sự
kế thừa, học tập, phát huy hơn nữa những truyền thống
lịch sử quý báu này, hun đúc thêm động lực, quyết tâm và
trách nhiệm trong việc giữ gìn tinh thần đoàn kết, cùng
nhau góp sức xây dựng huyện Lai Vung ngày càng phát
triển bền vững.
10 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015)
Ban Thường vụ Huyện ủy Lai Vung chân thành cảm ơn
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp,
các bậc lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên là lãnh
đạo tỉnh, huyện, cán bộ, chiến sĩ từng chiến đấu, công tác
tại địa phương cùng các cá nhân, đơn vị trong và ngoài huyện
đã có nhiều hỗ trợ, đóng góp tư liệu, sự kiện, thông tin giúp
Ban biên soạn hoàn thành bản thảo Lịch sử truyền thống
cách mạng huyện Lai Vung (1929 - 2015). Mong được
tiếp thu ý kiến đóng góp của các đồng chí cán bộ, đảng viên
cùng nhân dân để tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa khi tái bản.
Lai Vung, ngày 03 tháng 02 năm 2020
T/M BAN THƯỜNG VỤ HUYỆN ỦY
				 BÍ THƯ
			 Đinh Văn Dũng
PHẦN MỞ ĐẦU
KHÁI QUÁT VỀ VÙNG ĐẤT
VÀ CON NGƯỜI LAI VUNG
12
13
Chương 1
TỔNG QUAN VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN,
KINH TẾ VÀ XÃ HỘI
I- ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
Về vị trí địa lý, huyện Lai Vung nằm ở tọa độ từ 10o
08’ đến
10o
24’ vĩ độ Bắc và từ 105o
33’ đến 105o
44’ kinh độ Đông,
nằm ở phía nam tỉnh Đồng Tháp. Phía bắc giáp huyện
Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp), phía nam giáp huyện Bình Tân
(tỉnh Vĩnh Long), phía tây giáp sông Hậu, ngăn cách với
thành phố Cần Thơ, phía đông giáp thành phố Sa Đéc và
huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp).
Diện tích tự nhiên của huyện là 23.844,45ha (chiếm
6,79% diện tích toàn tỉnh Đồng Tháp, chiếm 0,07% diện tích
cả nước). Trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 19.496,04
(chiếm 81,76%), diện tích đất phi nông nghiệp là 4.348,41
(chiếm 18,24%)1
.
Địa hình tương đối bằng phẳng, có độ cao ven sông Tiền
và sông Hậu, trũng lòng máng ở giữa, cao độ phổ biến (+0,9)-
(+0,1), cao nhất (+2,0), thấp nhất (+0,8), bề mặt địa hình bị
1. Nguyễn Trà Nguyên Trân: “Đánh giá đặc tính vật lý - hóa
học đất vườn trồng cam quýt ở huyện Lai Vung - Đồng Tháp”,
Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố
Hồ Chí Minh, 2016, tr. 11.
14 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015)
chia cắt bởi hệ thống kinh mương dầy đặc. Độ cao trung
bình so với mặt biển từ 1 - 1,5m. Khu vực vùng trũng của
huyện cao 0,8m so với mực nước biển (đó là khu vực lung Cá Trê
thuộc xã Long Thắng).
Về tính chất đất đai, có hai loại chính là đất phù sa
(chiếm 47,53%) và đất phèn (chiếm 45,41%), nguồn đất sét
trữ lượng tương đối lớn tập trung ở các xã Tân Dương,
Hòa Thành, Tân Phước, Tân Thành phục vụ cho ngành sản
xuất vật liệu xây dựng.
Khí hậu nhiệt đới gió mùa, chủ yếu theo hai hướng tây
nam và đông bắc (từ tháng 5 đến tháng 11), ngoài ra còn có
gió chướng (từ tháng 2 đến tháng 4), mùa mưa có lốc xoáy.
Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 (chiếm 90 - 92% lượng
mưa cả năm), mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau
(chiếm 8 - 10% lượng mưa cả năm).
Chế độ thủy văn, chịu tác động của ba yếu tố là lũ,
mưa nội đồng và thủy triều biến động. Căn cứ vào mực
nước, chế độ triều và địa hình có thể chia thành ba vùng:
vùng tự chảy hoàn toàn (cao trình dưới 0,8m), vùng bơm
hỗ trợ (cao trình từ 1,0 - 1,2m), vùng bơm toàn bộ (cao
trình từ 1,2 - 1,5m). Hệ thống sông rạch chiếm 7,06%
diện tích tự nhiên toàn huyện. “Trong địa phận Đồng
Tháp, sông Hậu chỉ chảy qua hai huyện Lai Vung và Lấp
Vò với chiều dài khoảng 34km, lòng sông thẳng, tác dụng
xâm thực và bồi lắng yếu, nơi rộng nhất trên sông Hậu
của tỉnh ở khu vực Định Yên: 1.600m, nơi hẹp nhất là ở
Chương 1: TỔNG QUAN VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ VÀ XÃ HỘI 15
xã Phong Hòa: 900m. Độ sâu trung bình của sông Hậu
khoảng 16m. Do lòng sông Hậu thẳng, sự biến đổi của bờ
sông hầu như không đáng kể”1
. Trên địa bàn huyện có
nhiều sông, rạch nhỏ phân bố khắp vùng, cung cấp nước
sinh hoạt và sản xuất.
II- ĐẶC ĐIỂM VỀ KINH TẾ, VĂN HÓA,
XÃ HỘI VÀ DÂN CƯ
Kinh tế truyền thống của huyện là nông nghiệp trồng
lúa nước, ngoài ra huyện còn có thế mạnh về trồng cây ăn
trái, nông sản, hoa màu. Tiểu thủ công nghiệp với các nghề
truyền thống như đan lờ lọp (xã Hoà Long), đan cần xé, đan
bội (xã Tân Thành), đóng xuồng, ghe (xã Long Hậu), nghề
nem, bì ở các xã ven quốc lộ 54, 80, các ngành khác có xay
xát lúa gạo (xã Tân Dương và xã Long Thắng), sản xuất
nước đá (xã Vĩnh Thới và xã Phong Hòa). Về công nghiệp,
trước năm 1975 huyện không có các khu công nghiệp tập
trung. Sau năm 1975, huyện chú trọng đầu tư và ưu tiên
phát triển chế biến nông, thủy sản, thức ăn gia súc, công
nghiệp may mặc, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp,
các dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, ít gây ô
nhiễm môi trường. Thương mại - dịch vụ phát triển với tốc
độ khá nhanh cùng cả nước từ khi chuyển sang mô hình
1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp: Địa chí tỉnh Đồng Tháp,
Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2013, tr. 122.
16 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015)
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa1
. Tốc độ
tăng trưởng kinh tế của huyện thuộc loại khá so với các địa
phương trong tỉnh Đồng Tháp, năm 2015 đạt 8,6%, trong
đó, lĩnh vực nông nghiệp đạt 3,53%, thủy sản: 1,00%, công
nghiệp: 7,15%, xây dựng: 5,14%, tổng mức bán lẻ hàng hóa
và doanh thu dịch vụ đạt 12,13%. Cơ cấu kinh tế chuyển
dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp,
tăng khu vực công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Thu
nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 29 triệu đồng/người
(tương đương 1.318USD/người).
Về giao thông, truyền thống của cư dân Lai Vung là di
chuyển bằng xuồng, ghe. Hệ thống giao thông đường bộ có từ
thời Pháp thuộc và sau năm 1975 được phát triển thêm như
đường liên tỉnh lộ 8 (nay là quốc lộ 80)2
dài gần 53km, lộ 37
(nay thuộc một phần quốc lộ 54)3
, lộ 29 (nay là đường ĐT851,
từ quốc lộ 80, thị trấn Lai Vung - quốc lộ 54, Tân Thành),
lộ 13 chạy qua xã Tân Dương (nay là đường tỉnh ĐT852, từ
quốc lộ 80, Long Hưng B - ĐT848 phường An Hòa) một số
1. Quyết định số 448/QĐ-UBND-HC, ngày 24/4/2009 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc quy hoạch phát triển
ngành thương mại giai đoạn 2011 - 2020.
2. Từ Bắc Mỹ Thuận (nay là cầu Mỹ Thuận) qua các quận
Đức Tôn (nay là huyện Châu Thành), Đức Thịnh (nay là thành
phố Sa Đéc), Đức Thành (nay là huyện Lai Vung), Lấp Vò rồi vượt
sông Hậu tại điểm Bắc Vàm Cống đi tỉnh An Giang, Kiên Giang.
3. Nối với quốc lộ 80 tại điểm Bắc Vàm Cống (huyện Lấp Vò)
chạy qua các huyện Lấp Vò, Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp), các
huyện Bình Tân, Bình Minh, Tam Bình, Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long),
kết thúc tại thành phố Trà Vinh.
Chương 1: TỔNG QUAN VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ VÀ XÃ HỘI 17
đường tỉnh đi qua địa bàn huyện được xây dựng mới như
đường tỉnh ĐT853 (từ quốc lộ 80, Tân Phú Đông - quốc lộ
54 Phong Hòa)...1
. Hiện nay, đường bộ từ huyện lỵ Lai Vung
đến các địa phương lân cận theo cung đường chính sau:
Lai Vung - thành phố Long Xuyên; Lai Vung - thành phố
Cao Lãnh; Lai Vung - thành phố Sa Đéc; Lai Vung - thành
phố Cần Thơ. Ngoài ra, hệ thống giao thông đường bộ liên
xã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát
triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đi lại của người dân.
Về dân cư, tính đến năm 2019 toàn huyện có 164.242
người, phần lớn là dân tộc Kinh, còn dân tộc Khmer và dân
tộc Hoa chiếm tỷ lệ nhỏ. Cơ cấu dân số, nam giới chiếm tỷ
lệ 49,5%, nữ giới chiếm tỷ lệ 50,5%2
. Cư dân Lai Vung có
nhiều nguồn gốc giống như các vùng khác của Nam Bộ: là
những lưu dân đến từ miền Trung, có một số ít bộ phận
binh lính trong cuộc nội chiến Tây Sơn - Nguyễn Ánh3
. Buổi
đầu khai hoang lập ấp dân cư có tập quán sống ven sông,
1. Nối quốc lộ 80 tại thị trấn Lai Vung, qua xã Long Hậu
thông với quốc lộ 54 tại xã Tân Thành.
2. Số liệu thống kê năm 2019, Ủy ban nhân dân huyện Lai Vung.
3. Vùng đất Tầm Phong Long (có An Giang, Đồng Tháp hiện
nay), các giáo dân đã chiếm ngụ một số địa điểm sau khi lệnh
cấm đạo được ban hành như ở Cái Đôi (1778), Bãi Dinh (cù lao
Giêng năm 1778), Lò Ót (Bò Ót năm 1779), Năng Gù (1845). Vì
thế, trên địa bàn Lai Vung không có nhà thờ Thiên Chúa giáo xây
dựng trong thời gian cấm đạo của Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Cư
dân của huyện có nguồn gốc từ giáo dân chủ yếu là thời gian sau
này khi Thiên Chúa giáo được truyền bá rộng rãi. Xem Nguyễn
Thế Anh và cộng sự: Nam tiến của dân tộc Việt Nam, Nhà sách
Khai Trí, 1970, tr. 13 - 14 ghi chép.
18 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015)
rạch tự nhiên vì lúc đó chưa có hoặc ít có kinh và đường giao
thông bộ. Sau năm 1975, phần lớn dân cư sinh sống tập
trung dọc theo các tuyến kinh và đường giao thông. Dân số
địa phương tương đối trẻ, có khoảng 110.000 người trong độ
tuổi lao động, cung cấp nguồn lao động dồi dào, kết hợp với
những điều kiện thuận lợi mà huyện có góp phần thúc đẩy
kinh tế - xã hội phát triển.
Về giáo dục, thời khai hoang lập làng đến thời phong kiến
người dân nơi đây ít được học hành. Từ năm 1945 - 1975,
người dân được tiếp cận hai loại hình giáo dục là giáo dục
vùng chính quyền cách mạng và chính quyền cũ, tuy nhiên
học hành bị hạn chế do chiến tranh. Sau năm 1975, hệ thống
trường học các cấp được hình thành, mọi tầng lớp dân cư có
điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận giáo dục.
Về y tế, trước năm 1975 hoạt động khám chữa bệnh
bị hạn chế do thiếu cơ sở vật chất, thuốc men, nhân dân
chữa bệnh bằng phương cách dân gian, dùng thuốc nam,
thuốc bắc. Từ sau giải phóng đến nay, huyện có bệnh viện
đa khoa, phòng khám khu vực, 12 xã, thị trấn đều có trạm
y tế đạt chuẩn quốc gia. Nhiều chính sách về y tế, chăm sóc
và bảo vệ sức khỏe nhân dân được quan tâm.
Sau ngày 30/4/1975, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể
dục - thể thao trên địa bàn huyện phát triển mạnh như hò,
ca cổ, ngâm thơ, sinh hoạt câu lạc bộ “Đờn ca tài tử”; đua
xuồng là môn thể thao mang đậm nét truyền thống của
người dân Lai Vung.
Chương 1: TỔNG QUAN VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ VÀ XÃ HỘI 19
Về chính sách xã hội, với phong trào đền ơn đáp nghĩa,
uống nước nhớ nguồn được các cơ quan, đơn vị, các địa
phương cùng nhân dân thực hiện kịp thời, đầy đủ. Công tác
xóa đói, giảm nghèo được xem là nhiệm vụ trọng tâm của
Đảng bộ và chính quyền.
Về tín ngưỡng, tôn giáo, huyện Lai Vung có 7 tôn giáo
được công nhận tư cách pháp nhân, gồm Phật giáo Hòa Hảo,
Phật giáo, Tin Lành, Công giáo, Cao Đài các phái, Tịnh Độ
cư sĩ và Phật giáo Tứ Ân. Toàn huyện có 33 cơ sở thờ tự của
các tôn giáo: chùa Phật giáo (19 cơ sở), nhà thờ Công giáo (3
cơ sở), nhà thờ Tin Lành (1 cơ sở), thánh thất Cao Đài các
phái (6 cơ sở), chùa Phật giáo Hòa Hảo (4 cơ sở), có 109 chức
sắc tôn giáo, 165 chức việc tôn giáo1
. Phần lớn tín đồ là nhân
dân lao động, có tinh thần yêu nước, đồng thời họ có niềm tin
tôn giáo sâu sắc và nhu cầu sinh hoạt tôn giáo bình thường.
Tín đồ các tôn giáo luôn gắn bó chặt chẽ với cộng đồng dân cư,
vừa chăm lo xây dựng tình làng, nghĩa xóm, đi theo sự lãnh
đạo của Đảng và đóng góp một phần quan trọng vào sự nghiệp
cách mạng toàn dân, vừa duy trì các sinh hoạt tôn giáo gắn
bó với phương châm “tốt đời đẹp đạo” trong cả thời chiến và
1. Số lượng tín đồ các tôn giáo khoảng 43.731/161.432 tín đồ,
chiếm 27,09%, gồm Phật giáo Hòa Hảo (23.936 tín đồ), Phật giáo
Việt Nam (10.182 tín đồ), Tin Lành (769 tín đồ), Công giáo (2.265
tín đồ), Cao Đài các phái (6.524 tín đồ), Tịnh Độ cư sĩ (55 tín đồ),
Phật giáo Tứ Ân (349 tín đồ). Xem Ủy ban nhân dân huyện Lai
Vung: Báo cáo sơ kết 20 năm thực hiện Thông báo số 165-TB/TW
của Thường vụ Bộ Chính trị về chủ trương đối với Phật giáo Hòa
Hảo trong tình hình mới, số 124/BC-UBND, ngày 11/5/2018.
20 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015)
thời hòa bình. Tín ngưỡng dân gian mang những nét tương
đồng gắn liền với nền sản xuất thuần nông nghiệp. Chịu
ảnh hưởng về Tam giáo (gồm Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo)
nên phần đông người dân Lai Vung lấy đạo thờ cúng ông bà
làm trọng. Trong quá trình định cư, do tiếp thu với nền văn
hóa của các dân tộc khác là Chăm, Hoa, Khmer mà người
dân thờ các vị thần khác nhau như: nhóm chịu ảnh hưởng
của văn hóa Hoa có tín ngưỡng thờ Quan công (chùa Ông)
và thờ Bà Thiên Hậu (chùa Bà); nhóm chịu ảnh hưởng của
văn hóa Chăm thờ Bà chúa Xứ; nhóm chịu ảnh hưởng của
văn hóa Khmer thì thờ Thổ thần, ông Tà. Ngoài ra, người
dân Lai Vung còn có tập tục thờ các nhân vật lịch sử có công
với nước và thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Về nhà ở, trong buổi đầu khai phá, người dân thường
chọn xây nhà ở những nơi có bến sông để thuận tiện cho
việc đi lại, sinh hoạt. Người dân thường chọn những vật
liệu có sẵn trong vườn, hoặc ở địa phương như các loại gỗ...
để xây nhà. Cấu trúc, kỹ thuật nhà của cư dân xưa mô
phỏng kiểu nhà truyền thống của người Việt ở miền Bắc
và chủ yếu là miền Trung. Một trong những điểm nổi bật
trong việc xây nhà là kỹ thuật đóng kèo và đòn tay theo
kiểu guốc chèo, gọi là thả kèo đòn tay hai giàn, trong đó kèo
và đòn tay được lắp mộng không dùng đinh. Mỗi ngôi nhà
là không gian riêng của từng gia đình, nên tùy vào sở thích
và khả năng kinh tế mà người chủ nhà có cách bày trí cho
ngôi nhà khác nhau. Thông thường, ngôi nhà bao gồm nhà
trên và nhà dưới: nhà trên là nơi thờ phụng ông bà tổ tiên
Chương 1: TỔNG QUAN VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ VÀ XÃ HỘI 21
và tiếp khách quan trọng, nhà dưới là nơi diễn ra sinh hoạt
hằng ngày của gia đình, sau này được cải tiến cho phù hợp,
thích nghi với khí hậu nóng ẩm. Cách bố trí nhà ở của cư
dân tổng thể gần giống nhau. Tùy theo khuôn viên thổ cư
rộng hay hẹp, có thể chia thành mấy dạng bố trí tổng thể
chính nhìn từ ngoài vào như sau: sân - nhà - vườn - ao cá
hay vườn - sân - nhà - vườn - ao cá. Hai dạng này thường
thấy ở địa bàn dân cư ven đường, do đất thổ cư hẹp, có thể
biến dạng còn: vườn - nhà hay sân - nhà. Bên cạnh đó là,
sân - nhà - bến nước hay bến nước - sân - nhà - vườn. Hai
dạng này được bố trí cho địa bàn cư trú ven sông, rạch.
Sông, rạch có thể ở phía trước hoặc sau nhà, do đó có thể
bến nước nằm ở phía trước hoặc phía sau hay bên hông nhà.
Cầu gỗ, tre, bê tông bắc chùi xuống sông, kinh, rạch, dùng
làm nơi đậu xuồng ghe, sinh hoạt hằng ngày. Nhà quay về
hướng nào không quan trọng mà cần bố trí như thế nào cho
phù hợp với cảnh trí xung quanh và mặt tiền nhà hướng ra
đường hoặc sông, kinh, rạch.
Mang nét đặc thù của cư dân sông nước đồng bằng sông
Cửu Long, cư dân nơi đây có thể hò, hát vọng cổ; các hoạt
động văn hóa dân gian phát triển khá phong phú, đa dạng
với nhiều loại hình, các điệu lý, câu hò, thơ ca ca ngợi tình
yêu cuộc sống, con người, đậm đà tính mộc mạc, bộc trực.
Người dân Lai Vung mang đặc điểm tính cách người
Nam Bộ là chuộng sự phóng khoáng, thẳng thắn, sinh hoạt
đơn giản, không cầu kỳ, lao động chăm chỉ.
22 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015)
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và
đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân Lai Vung một lòng đi theo
Đảng, quyết tâm làm cách mạng, quyết tâm kháng chiến để
giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ nền độc
lập, tự do của Tổ quốc. Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn
giải phóng đến nay, nhân dân Lai Vung không ngừng phấn
đấu đạt được những thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế - xã
hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, các
đoàn thể nhân dân và cùng nhân dân trong tỉnh, cả nước
thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu “Dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
23
Chương 2
LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT LAI VUNG TỪ BUỔI ĐẦU
KHAI HOANG ĐẾN CUỐI THẾ KỶ XIX
ĐẦU THẾ KỶ XX
I- NGUỒN GỐC LỊCH SỬ VÀ SỰ HÌNH THÀNH
ĐỊA DANH LAI VUNG
1. Nguồn gốc tên gọi địa danh Lai Vung
Tên gọi Lai Vung hình thành bắt đầu từ chợ và sông được
ghi chép chính thức trong sách Gia Định thành thông chí của
Trịnh Hoài Đức. Trong phần “Sơn xuyên chí” viết về trấn Vĩnh
Thanh, có hai lần ghi chép liên quan đến tên gọi Lai Vung.
Bản dịch của Hậu học Lý Việt Dũng, mục viết Hồi luân thủy
tam kỳ (Ngã ba nước xoáy)1
: “Tục gọi là Nước Xoáy, ở địa phận
thôn Tân Long. Phía tây có ngòi nhỏ thông với sông Thủ Ô,
cạn hẹp khó đi; nhánh phía bắc đi 33 dặm đến sông Sa Đéc;
nhánh phía nam đi hơn 71 dặm qua kinh Cường Oai (tục gọi
là Cái Tắt Lai Vung), đến Kỳ Can (Cán Cờ), Thung Dung, rồi
đến sông Cường Oai ra sông Hậu Giang; nhánh phía tây chảy
1. Hồi Luân Thủy tam kỳ (tức ngã ba Nước Xoáy). Di cảo của
Trương Vĩnh Ký cho biết tên tiếng Khmer của sông này là Prêk
tưk vil. Prêk là sông, tưk là nước, vil là chóng mặt (tức xoáy mòng
mòng). Vậy sông Nước Xoáy (Hồi Luân Thủy) là dịch theo ý tiếng
Khmer.
24 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015)
18 dặm cũng qua kinh Cường Oai chuyển theo ngòi Lưu Thủy
đến sông Thủ Ô rồi đến ngã ba sông: nhánh phía bắc đi 6 dặm
đến sông Hội An, rồi chảy ra Tiền Giang; nhánh phía tây chảy
hơn 71 dặm xuống sông Cường Oai rồi ra Hậu Giang...”1
. Theo
ghi chép về địa danh xưa thì chợ Lai Vung nằm trong thôn
Tân Lộc, theo Địa bạ tỉnh An Giang thôn Tân Lộc cùng với
thôn Long Hậu thuộc xứ Vu Lai, thuộc tổng An Phú, huyện
Đông Xuyên, có địa giới là phía đông giáp thôn Tân Phong
(tổng An Trường huyện Vĩnh An). Phía tây giáp thôn Định An.
Phía nam giáp sông Cái. Phía bắc giáp thôn Long Hậu. Diện
tích thực canh là “4336,3 mẫu ta, gồm 480 sở. Sơn điền 3632
mẫu. Thổ canh 713 mẫu, trong đó có tới 576, 5 mẫu trồng cau,
trong khi toàn huyện chỉ có 612,2 mẫu”2
. Trong Monographie
de la province de Sadec (Chuyên khảo về tỉnh Sa Đéc, tập
VIII, năm 1903), ghi chép: Sa Đéc có tới 2.848ha trồng cau,
dừa chiếm 730,50ha. Cau được trồng tập trung ở làng Tân
Lộc. Ngoài việc dùng để ăn trầu, cau còn là chất phụ gia quan
trọng trong nghề nhuộm. Để trái cau chín khô trên cây, nước
chát của nó mới đủ độ cầm màu. Làng Tân Lộc là nơi trồng
nhiều cau, có chợ bán cau, nổi tiếng với loại cau để chín khô
trên cây. Người Khmer bản địa gọi loại cau khô rủ trên cây là
Sla Tamvun, nên vùng này được họ gọi là Srôk Sla Tamvun
hoặc Phsar Cla Tamvun. Người Việt phát âm thành xóm /Xla
1. Lý Việt Dũng (dịch và chú giải): Gia Định thành thông chí,
2004, tr. 38.
2. Nguyễn Đình Đầu: Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - An Giang,
Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, tr. 231.
Chương 2: LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT LAI VUNG TỪ BUỔI ĐẦU KHAI HOANG... 25
Tam Vung/ hoặc còn có một cách gọi khác, chợ /Xla Tầm Vung/.
Theo khuynh hướng thịnh âm và giản lược của ngôn ngữ: /Xla
Tầm Vung/ lược bớt âm /Tầm/ biến thành Xla Vung, rồi Việt
hóa, bỏ âm /X/ của /Xla/ và nói trại đi thành /Lai/, cuối cùng trở
thành Lai Vung. Khảo cứu đến thời điểm hiện tại thì tên gọi
Lai Vung là một địa danh có nguồn gốc từ ngôn ngữ Khmer,
được Việt hóa dưới dạng phiên âm toàn phần. Như vậy, tên gọi
Lai Vung ra đời trong buổi đầu khai hoang mở cõi bên bờ sông
Hậu, ghi đậm dấu ấn lịch sử trong diễn trình xây dựng cuộc
sống trên vùng đất mới với thành quả đầy sáng tạo trong nông
nghiệp: đào mương lên liếp lập vườn trồng cau - một trong hai
hoạt động kinh tế chính của Nam Kỳ lúc bấy giờ.
2. Sự thay đổi địa giới hành chính của huyện
Lai Vung
● Từ thời khai hoang lập làng, lập ấp đến chính quyền
phong kiến nhà Nguyễn
Khi người Việt vào khai hoang, lập ấp thì địa danh
Lai Vung đã có, dùng để chỉ một con sông, một vùng đất.
Năm 1757, Nguyễn Cư Trinh sau khi tiếp thu miền đất giữa
sông Tiền và sông Hậu (còn gọi là Tầm Phong Long)1
, tên
gọi Lai Vung dần xuất hiện trong văn bản pháp lý của Nhà
nước, Lai Vung thuộc Đạo Đông Khẩu. Năm 1779, sau khi
1. Tầm Phong Long trước thế kỷ XVIII là vùng đất rộng lớn từ
biên giới Việt Nam - Campuchia, chạy dọc theo sông Tiền và sông
Hậu xuống tới Trà Vang (Trà Vinh) và Ba Thắc (Sóc Trăng và Bạc
Liêu). Bề ngang từ Hà Tiên sang đến đất Tầm Bôn (Tân An) và từ
Ba Thắc đến Tầm Bào (Vĩnh Long), Trấn Giang (Cần Thơ).
26 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015)
Nguyễn Ánh chiếm lại Gia Định, chia phủ Gia Định thành 4
dinh, Lai Vung thuộc dinh Long Hồ. Năm 1780 dinh Long
Hồ đổi thành dinh Vĩnh Trấn. Năm 1808, dinh Vĩnh Trấn
đổi thành Vĩnh Thanh trấn. Vùng đất Lai Vung thời Gia
Long thuộc An Giang xưa. Theo Gia Định thành thông chí,
bấy giờ An Giang có 2 huyện là Vĩnh An và Vĩnh Định.
Huyện Vĩnh An nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, Lai Vung
thuộc huyện Vĩnh An (tỉnh An Giang). Thời Minh Mệnh,
năm 1832 đổi trấn thành tỉnh, Nam Kỳ có 6 tỉnh (gồm Gia
Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà
Tiên), Lai Vung thuộc huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh
An Giang. Theo địa bạ các năm 1836, 1839, 1853, Lai Vung
vẫn thuộc huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang.
● Sự phân chia địa giới hành chính huyện Lai Vung của
thực dân Pháp và Mỹ - ngụy
Năm 1868, sau khi thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây
(gồm Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên), Nam Kỳ được chia
thành 25 hạt tham biện, sau đó phân lại còn 18 hạt tham
biện. Hạt Sa Đéc (phủ Tân Thành), đặt lỵ tại Sa Đéc gồm
3 huyện (gồm An Xuyên, Vĩnh An, Phong Phú). Lai Vung
thuộc huyện Vĩnh An. Theo Nghị định ngày 05/01/1876, thực
dân Pháp bỏ hẳn hệ thống Nam Kỳ lục tỉnh và chia thành 4
khu vực là Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bassac (vùng Hậu
Giang). Lai Vung thuộc khu vực Vĩnh Long (gồm các hạt
Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và Sa Đéc). Hạt Sa Đéc đặt
lỵ tại Sa Đéc, nơi có toà bố, điện tín, bưu trạm và trường
Chương 2: LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT LAI VUNG TỪ BUỔI ĐẦU KHAI HOANG... 27
học. Trong hệ thống chợ chính của hạt Sa Đéc thì Lai Vung
có hai chợ là Long Hậu và Lai Vung (Tân Lộc), toàn hạt “có
dân là 102.421 người, diện tích trồng trọt trên 25.334,82ha
(riêng lúa 17.772,23ha), gồm 6 tổng với 84 thôn”1
. Nghị định
ngày 20/12/1889 bãi bỏ danh xưng địa hạt, tòa bố, tham biện
đổi thành tỉnh, chủ tỉnh hay tỉnh trưởng. Vùng An Giang
bao gồm 5 tỉnh (Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Cần Thơ,
Sóc Trăng). Lai Vung thuộc tỉnh Sa Đéc. Năm 1900, thực
dân Pháp chia Nam Kỳ thành 20 tỉnh, tỉnh Sa Đéc đến năm
1903 có 10 tổng, 79 làng; vùng Lai Vung có 2 tổng, 17 làng
(tổng An Phong có 8 làng với 16.410 dân, tổng An Thới có 9
làng với 21.603 dân). Ngày 01/4/1916 theo Nghị định của
Toàn quyền Đông Dương, tỉnh Sa Đéc được chia thành 3
quận là Cao Lãnh, Châu Thành, Lai Vung với 10 tổng,
79 làng. Quận Lai Vung chính thức được thành lập với
2 tổng An Phong2
và An Thới3
khoảng 40.000 dân. Năm
1917, tỉnh Sa Đéc có 3 quận gồm Châu Thành, Cao Lãnh,
Lai Vung4
. Quận Lai Vung có 2 tổng gồm An Thới và An
Phong với 16 làng. Tổng An Thới có 9 làng; tổng An Phong
có 7 làng. Năm 1925 quận Lai Vung vẫn với 2 tổng nhưng
1. Nguyễn Đình Đầu: Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - An
Giang, Sđd, tr. 91.
2. Tổng An Phong gồm 7 làng: Hưng Quới, Hậu Thành, Long
Hưng, Nhơn Quới, Tân Dương, Tân Bình Hòa, Vĩnh Thạnh.
3. Tổng An Thới gồm 9 làng: Hòa Long, Long Thắng, Long Hậu,
Nhơn Hòa, Tân Lộc, Tân Phước, Tân Hòa, Vĩnh Thới, Phú Thành.
4. Diện tích năm 1917 của tỉnh Sa Đéc là 1.353km2
với 3
quận, 10 tổng, 70 xã. Xem Nguyễn Đình Đầu: Nghiên cứu địa bạ
triều Nguyễn - An Giang, Sđd, tr. 104.
28 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015)
chỉ có 13 làng. Năm 1930, quận Sa Đéc có các tổng An Hội,
An Thạnh Thương, An Thạnh Hạ, An Mỹ; quận Lai Vung
có các tổng An Phong, An Thới; quận Cao Lãnh có các tổng
An Thạnh, Phong Nẫm, Phong Thạnh.
Tỉnh Sa Đéc với 3 quận như cũ đến năm 1954, đơn vị hành
chính dưới cấp quận vẫn duy trì cấp tổng, cấp làng đổi thành
cấp xã và quận Lai Vung có 11 xã1
. Theo Sắc lệnh số 143-NV
ngày 22/10/1955, chính quyền Việt Nam Cộng hòa cắt giao
quận Lấp Vò (trước đó thuộc tỉnh Long Xuyên) cho tỉnh Sa
Đéc (Sa Đéc có 4 quận là Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung, Châu
Thành). Cuối năm 1956, Cao Lãnh thuộc tỉnh Kiến Phong
nên Sa Đéc còn 3 quận. Theo Nghị định số 3086 BNV/NC/NĐ
ngày 08/10/1957 của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, tỉnh
Sa Đéc bị giải thể, các xã của quận Lai Vung nhập vào tỉnh
Vĩnh Long. Ngày 11/7/1962 theo Nghị định số 178/NV, chính
quyền Việt Nam Cộng hòa chia 3 quận Châu Thành, Sa Đéc,
Lấp Vò thành 4 quận mới là Đức Thịnh (Sa Đéc), Đức Tôn
(Châu Thành cũ), Lấp Vò, Đức Thành (phần lớn địa giới
Lai Vung cũ). Ngày 24/9/1966, tỉnh Sa Đéc được tái lập, địa
bàn huyện Lai Vung là quận Đức Thành, tỉnh Sa Đéc. Quận
Đức Thành (Lai Vung) gồm 3 tổng và 8 xã. Tổng Tiên Nghĩa
(gồm xã Hòa Long, Long Thắng), Tổng Tỷ Thiện (gồm xã
Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước), Tổng An Khương (gồm
xã Phong Hòa, Vĩnh Thới, Tân Hòa Bình). Tháng 12/1970,
1. 11 xã gồm Long Hưng, Vĩnh Thạnh, Tân Dương, Hòa
Thành, Hòa Long, Long Thắng, Long Hậu, Tân Thành, Tân
Phước, Tân Hòa, Vĩnh Thới.
Chương 2: LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT LAI VUNG TỪ BUỔI ĐẦU KHAI HOANG... 29
tỉnh Sa Đéc gồm 4 quận (Đức Thành, Đức Thịnh, Đức Tôn,
Lấp Vò) có 36 xã. Quận Đức Thành (Lai Vung) thuộc Sa Đéc
với diện tích 220,2km, dân số 67.678 người với 8 xã1
, gồm các
xã Hòa Long, Long Hậu, Long Thắng, Phong Hòa, Tân Hòa
Bình, Tân Phước, Tân Thành, Vĩnh Thới.
● Địa giới hành chính theo phân chia của chính quyền
cách mạng
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công,
quận Lai Vung thuộc tỉnh Sa Đéc. Nghị định số 48/NĐ
ngày 18/02/1949 của Ủy ban kháng chiến hành chính
Nam Bộ, đổi tên cấp hành chính quận, làng thành huyện,
xã. Huyện Lai Vung thuộc tỉnh Sa Đéc. Tháng 6/1951 tỉnh
Long Châu Sa được thành lập, do hợp nhất hai tỉnh Long
Châu Tiền và Sa Đéc. Tỉnh Long Châu Sa bao gồm một phần
tỉnh Châu Đốc, một phần tỉnh Long Xuyên và tỉnh Sa Đéc.
Tỉnh này gồm 7 huyện: Châu Thành (Sa Đéc), Lai Vung,
Cao Lãnh, Tân Hồng, Tân Châu, Phú Châu, Chợ Mới. Tháng
7/1951, nhập thêm huyện Lấp Vò vào tỉnh Long Châu Sa.
Tỉnh Long Châu Sa tồn tại đến năm 1954. Sau Hiệp định
Giơnevơ, chính quyền cách mạng chủ trương bố trí hệ thống
chỉ đạo của Đảng theo đơn vị hành chính của chính quyền
Việt Nam Cộng hòa, theo đó giải thể tỉnh Long Châu Sa,
thành lập các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc. Lai Vung
lúc này thuộc tỉnh Sa Đéc.
1. Xem Nguyễn Đình Đầu: Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn -
An Giang, Sđd, tr. 110.
30 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015)
Từ năm 1957 - 1974, các huyện Lai Vung, Lấp Vò,
Châu Thành và Sa Đéc được nhập vào tỉnh Vĩnh Long. Tên
gọi Lai Vung không còn trên bản đồ hành chính thời kỳ này,
Huyện ủy Bình Minh (Vĩnh Long) tiếp nhận địa bàn 2 xã cũ
của Lai Vung là Tân Hòa và Vĩnh Thới. Các xã Long Hậu,
Tân Thành, Tân Phước, Vĩnh Thạnh, Long Hưng thuộc sự
quản lý của Huyện ủy Lấp Vò. Các xã Hòa Long, Tân Dương,
Hòa Thành, Long Thắng thuộc chỉ đạo kháng chiến của
Huyện ủy Sa Đéc.
Tháng 6/1962, Tỉnh ủy Vĩnh Long đề nghị Khu ủy
Khu 9 thành lập huyện Lê Hà với 9 xã là Hòa Long, Long
Thắng, Tân Dương, Hòa Thành, Tân Khánh, Tân Đông, Tân
Khánh Tây, Tân An Trung, Tân Mỹ. Đầu năm 1963, xã Hòa
Long và xã Long Thắng của huyện được cắt giao cho Sa Đéc.
Tháng 10/1967, 7 xã của huyện Lê Hà và 2 xã Hòa Long,
Long Thắng của Sa Đéc nhập lại và đổi thành huyện Sa Đéc.
Tháng 8/1974, tỉnh Sa Đéc tái lập gồm các huyện
Cao Lãnh, Kiến Văn, Mỹ An, Chợ Mới, Lai Vung, Lấp Vò,
thị xã Sa Đéc. Huyện Lai Vung tái lập với 10 xã là Hòa
Long, Tân Dương, Hòa Thành, Long Thắng, Long Hậu, Tân
Thành, Tân Phước, Tân Hòa, Vĩnh Thới, Phong Hòa.
Sau năm 1975, Lai Vung và Lấp Vò được sáp nhập với
tên gọi huyện Lấp Vò1
.
1. Huyện Lấp Vò có 15 xã là Long Hưng, Dương Hòa, Định
Yên, Phong Hòa, Tân Thới, Bình Thành, Vĩnh Thạnh, Bình An
Trung, Mỹ An Hưng, Tân Mỹ, Long Hậu, Phước Thành, Tân
Khánh Trung, Tân Khánh Đông, Hòa Thắng.
Chương 2: LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT LAI VUNG TỪ BUỔI ĐẦU KHAI HOANG... 31
Ngày 05/01/1981, Hội đồng Chính phủ Nhà nước Việt Nam
ban hành Quyết định số 04-CP, đổi tên huyện Lấp Vò thành
huyện Thạnh Hưng.
Theo Quyết định số 77/HĐBT ngày 27/6/1989 của Hội đồng
Bộ trưởng, huyện Lai Vung chính thức được tái lập trên cơ
sở chia tách từ huyện Thạnh Hưng. Sau khi tái lập, huyện
Lai Vung có 11 xã gồm Tân Dương, Hòa Thành, Long Thắng,
Hòa Long, Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành, Vĩnh Thới,
Tân Hòa, Định Hòa và Phong Hòa gồm 23.864ha và 142.267
nhân khẩu. Sau đó, chia xã Hòa Long thành hai đơn vị hành
chính lấy tên là xã Hòa Long và thị trấn Lai Vung. Huyện lỵ
đặt tại thị trấn Lai Vung.
II- NHỮNG THÀNH TỰU BUỔI ĐẦU KHAI HOANG
Năm 1698, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam
kinh lược, xác lập chủ quyền của người Việt trên vùng đất
mới, lập ra hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn, gọi chung là
Gia Định phủ, trên phần đất từ sông Đồng Nai đến sông
Tiền. Vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, từ Vĩnh
Long ngược lên đến Châu Đốc được người Khmer gọi là
Kompong Luông (người Việt đọc trại là Tầm Phong Long).
Năm 1757, triều đình Chân Lạp đại loạn, để giữ được quyền
lực chính trị, Nặc Ông Tôn dựa vào thế lực chúa Nguyễn,
được chúa Nguyễn giúp lên ngôi và đã dâng chúa Thế Tông
(Nguyễn Phúc Khoát) đất Tầm Phong Long. Cai cơ Nghi biểu
hầu Nguyễn Cư Trinh thay mặt chúa Nguyễn, tiếp thu vùng
32 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015)
đất Tầm Phong Long và chia thành ba đạo1
. Trong đó Đông
Khẩu Đạo gồm các huyện Châu Thành, thành phố Sa Đéc,
huyện Lai Vung và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp ngày
nay. Trụ sở đồn trú tại Sa Đéc (thôn Vĩnh Phước). Dưới thời
các chúa Nguyễn, đạo là phân hạt hành chính dưới trấn và
dinh, dành cho những vùng đất mới tiếp quản, mới khai
hoang. Ngay sau khi thành lập, Châu Đốc Đạo, Tân Châu
Đạo và Đông Khẩu Đạo được đặt dưới sự quản lý của dinh
Long Hồ, đứng đầu là Nguyễn Cư Trinh. Năm 1775, chúa
Nguyễn Phước Thuần (Nguyễn Ánh) chạy vào Nam mở đầu
cho cuộc nội chiến với Tây Sơn trên đất Gia Định. Vùng đất
Lai Vung góp phần đóng vai trò quan trọng trong quá trình
khôi phục lực lượng chống Tây Sơn của Nguyễn Ánh. Từ đây,
làm bàn đạp Nguyễn Ánh đem quân đánh Tây Sơn, thu phục
được toàn bộ đất Gia Định. Tháng 10/1787, Nguyễn Ánh về
1. Hai đạo còn lại là: Đạo Châu Đốc đóng tại Châu Đốc quản
lý phần đất thuộc các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và Châu Đốc
(thuộc An Giang ngày nay). Đạo Tân Châu quản lý phần đất hai
huyện Chợ Mới và thị xã Tân Châu của An Giang ngày nay. Đạo
Thủ Tân Châu trị sở đóng tại thôn Mỹ Hưng ở đầu cù lao Giêng
(tên chữ Hán là Dinh Châu), ở vùng này sông Tiền rất rộng, có
nhiều cù lao, cồn, bãi trên sông (cù lao Tây, cù lao Cái Vừng, cù
lao Chả Và, cù lao Tản Dù), lại có sông Vàm Nao nối liền sông
Hậu ở phía bắc, tại vàm Nước Xoáy chảy rất xiết, địa thế vô cùng
hiểm trở, để tăng cường khả năng bảo vệ biên giới, chúa Nguyễn
cho lập thêm hai đồn thủ ở hai bờ bắc và nam sông, do đạo Tân
Châu kiêm quản: (1) Thủ Chiến Sai (âm Khmer Kiên Svai) nằm
trên bờ sông Vàm Nao, gần vàm rạch Ông Chưởng (thuộc thôn
Tú Điền nay là xã Kiến An, huyện Chợ Mới, An Giang, hiện còn
dấu vết nền đồn cũ Chiến Sai hay Cựu Chiến Sai); (2) Thủ còn lại
đóng ở bờ bắc tại vàm Đốc Vàng.
Chương 2: LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT LAI VUNG TỪ BUỔI ĐẦU KHAI HOANG... 33
Sa Đéc, đại bản doanh đóng ở thôn Tân Long (sau đổi thành
Long Hưng) cạnh rạch Hồi Oa (Nước Xoáy). Để bảo vệ bản
doanh, Nguyễn Ánh cho dân quân xây dựng hai bảo (còn gọi
là thành) bằng đất án ngữ là Bảo Tiền ở thôn Long Thắng
và Bảo Hậu ở thôn Phong Hòa1
.
Quá trình khai hoang, mở làng lập ấp ở Lai Vung gắn
liền với những biến đổi chính trị ở vùng đất phương Nam.
Vùng đất Long Hưng - Sa Đéc xưa, thu hút và hấp dẫn
nhiều lưu dân ra sức khai khẩn, từ đó, mở rộng khai phá phần
lớn đất Tầm Phong Long, hình thành nên huyện Lai Vung
và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp ngày nay. Từ năm
1790, công cuộc khai phá vùng đất Tầm Phong Long được
1. Bảo Tiền, nay còn di tích nằm cách bờ rạch Cái Bàng
khoảng 250m, ở ấp Long Định, xã Long Thắng. Bảo Tiền rộng
khoảng gần 1ha, được đắp cao hơn mặt đất tự nhiên gần 1m,
xung quanh có hào sâu; phía ngoài có tường thành bằng đất cao
gần 4m, vuông vức mỗi cạnh 150m. Bốn gốc thành có bố trí bốn ụ
súng đại bác. Từ rạch Cái Bàng dẫn vào Bảo Tiền bằng một con
kinh tại vàm kinh có một đồn canh, gọi là đồn Thổ Sơn. Bảo Hậu,
nay thuộc ấp Định Phong, xã Định Hòa. Rạch Cái Bàng chảy đến
Ngã Năm thông với Rạch Gỗ, rạch này đổ nước vào sông Hậu tại
vàm Cả Sâu. Bảo Hậu nằm cách bờ rạch này chừng 80m, cách
vàm Cả Sâu 7km. Quy mô Bảo Hậu nhỏ hơn Bảo Tiền, rộng gần
1.000m2
, cũng được đắp cao hơn mặt đất tự nhiên gần 1m. Xung
quanh có hào sâu, mỗi cạnh dài 60m, cách hào khoảng 20m là
tường thành cao khoảng 2m, trên có trồng sao, tre. Từ rạch Gỗ có
con kinh dẫn vào bảo (hiện nay đã lấp cạn). Giữa Bảo Tiền và Bảo
Hậu liên lạc nhau ở mặt trước, Bảo Hậu bảo vệ mặt sau. Nhưng
căn cứ trên thực địa, điều này được nghiên cứu là chưa chính xác,
vì cả Bảo Tiền và Bảo Hậu đều nằm ở mặt sau của đồn trung tâm
ở Nước Xoáy. Tham khảo thêm: Ủy ban nhân dân huyện Lấp Vò:
Lịch sử vùng Long Hưng (thế kỷ XVIII - 2000), Đồng Tháp, 2005.
34 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015)
đẩy mạnh thêm một bước kể từ khi chúa Nguyễn Ánh cho
đặt chức Điền tuần quan, khuyến khích khẩn hoang, lập
làng, phát triển kinh tế nông nghiệp, cho lập Châu Giang
thổ bảo (đồn Châu Giang) và các đồn lũy là đồn Hồi Oa, thủ
Đông Xuyên, thủ Cường Uy, để giữ gìn an ninh trật tự. Nhờ
vậy, dân chúng tự động vào khai phá ở đạo Đông Khẩu và
đạo Châu Đốc ngày càng đông.
Vùng đất Long Hưng xưa thuộc châu Định Viễn, dinh
Long Hồ, năm 1802 đổi thành Vĩnh Trấn và năm 1808 trở
thành trấn Vĩnh Thanh. Đến nay chưa có tư liệu về số thôn,
ấp thành lập được trước năm 1800. Trong “Gia Định thành
thông chí” của Trịnh Hoài Đức thì Lai Vung đầu thế kỷ XIX
thuộc trấn Vĩnh Thanh với 12 thôn là Long Hậu, Định Hòa,
Đông Thành, Tân Hòa, Nhơn Hòa, Tân Lộc, Tân Lộc Trung,
Phú Lộc, Tân Sơn, Tân Thạnh, Tân Bình, Tân Phước. Vào
thời điểm này, công tác quản lý hành chính ở Nam Bộ nói
chung còn rất lỏng lẻo, diện tích khai phá được đưa vào
canh tác đều do người dân tự khai báo, không thông qua
đo đạc, kiểm tra nên khó thống kê con số cụ thể để mô tả
thành tựu của công cuộc khai hoang. Hơn nữa, trong khai
báo người dân không dùng đơn vị địa chính (mẫu ta) mà tính
bằng dây, bằng khoảnh hoặc thửa, nên không thể quy chiếu
thành đơn vị đạc điền để tính diện tích được và để trốn
thuế người dân không kê khai đúng sự thật. Cuộc đo đạc
địa chính vào năm 1836 có một số thôn đã đạt diện tích vào
hàng cao nhất trong số 1.637 thôn ở Nam Bộ, cụ thể như
thôn Tân Lộc, với 4.336 mẫu ta, đứng thứ 3, thôn Tân Long
Chương 2: LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT LAI VUNG TỪ BUỔI ĐẦU KHAI HOANG... 35
(sau này là Long Hưng) với 4.110 mẫu ta, đứng thứ 4, thôn
Long Hậu, với 3.116 mẫu ta, đứng thứ 14.
Lưu dân người Việt đến cư trú ở vùng Lai Vung không
chỉ dưới hình thức di dân tự nhiên mà còn diễn ra bằng
hình thức chuyển cư tại chỗ và các cuộc di dân cơ chế, có
tổ chức với số lượng lớn. Trong suốt diễn trình khai hoang
lưu dân còn khai thác các nguồn lợi tự nhiên tại chỗ như cá
tôm, chim thú, mật ong và các loại gỗ. Mặc dù với kỹ thuật,
trình độ canh tác còn kém, năng suất còn thấp nhưng với
nguồn lợi thiên nhiên phong phú, khai thác dễ dàng cũng
đã mang lại cho lưu dân cuộc sống khá hơn nơi quê cũ. Sau
năm 1757, một mặt do điều kiện khai hoang khá thuận lợi
và được chúa Nguyễn thiết lập cơ sở hành chính, có pháp
luật bảo vệ, vùng này hấp dẫn nhiều lưu dân hơn. Công
cuộc khẩn hoang diễn ra nhanh chóng hơn, dân biết thâm
canh làm thủy lợi. Ngày nay còn lại di tích ở các con rạch
trên địa bàn huyện, góp phần làm khu vực Long Hậu, Tân
Lộc sau là Tân Thành (Lai Vung) trở thành trung tâm dân
cư quan trọng từ sông Tiền đến sông Hậu.
Thành phần tham gia khai phá vùng đồng bằng sông
Cửu Long nói chung và Long Hưng - Sa Đéc xưa (gồm Lai Vung)
nói riêng rất đa dạng. Bên cạnh những cuộc khai phá lẻ tẻ
của dân nghèo, chúa Nguyễn còn chiêu mộ những nhà giàu
có ở miền Trung, đưa gia nhân, dân chiêu mộ vào khai phá.
Những phú nông có điều kiện thuê mướn dân nghèo trong
công việc khai hoang, canh tác, kết quả mang lại cho họ
36 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015)
sở hữu diện tích ruộng đất rất lớn. Các chúa Nguyễn còn
sử dụng binh lính, tù phạm và mộ dân khai hoang lập đồn
điền. Trên thực địa ngày nay còn có một số địa danh có liên
quan đến việc thiết lập đồn điền khu vực Lấp Vò - Lai Vung
như rạch Mương Điều chảy qua xã Tân Mỹ và Tân Khánh
Tây. Kinh Đồn Điền chảy qua hai xã Tân Mỹ và Long Hưng
nối liền với rạch Nước Xoáy và Bờ Rào. Rạch Cai Quản chảy
qua xã Vĩnh Thạnh và xã Long Hưng.
Đến giữa thế kỷ XIX, do trốn tránh chiến tranh, nạn
bóc lột, bao chiếm ruộng đất dưới chế độ phong kiến, một
bộ phận nông dân, nhất là ở miền Trung, từng đợt lưu tán
vào phương Nam tìm cuộc sống mới. Ngoài đức tính cần
cù, siêng năng, trong lao động họ còn thông minh sáng tạo,
biết vận dụng điều kiện thiên nhiên đưa vào phục vụ cuộc
sống. Kết quả là một vùng đất rộng lớn ở phía Nam của Tổ
quốc bị hoang hóa mấy trăm năm với sình lầy, rừng rậm đã
trở thành ruộng vườn xanh tốt, dân cư đông đúc, sinh hoạt
kinh tế - xã hội phong phú, đa dạng ở hai bên bờ sông Tiền,
sông Hậu. Đồng thời với việc khai hoang thì cư dân còn
lập nên các làng cư ngụ, ban đầu chủ yếu là “làng rừng”,
“làng sông” về sau “làng đồng” phát triển và phổ biến hơn.
Đình, chùa, miễu được lập, trở thành nơi sinh hoạt cộng
đồng bằng các hình thức tín ngưỡng dân gian của lưu dân
buổi đầu khai phá như đình Tân Dương (xã Tân Dương),
đình Nhơn Hòa (xã Long Thắng), đình Tân Thành (xã Tân
Thành), miếu Thần nông (xã Hòa Long), miếu Thành hoàng
(xã Long Hậu), chùa Cái Cát (xã Long Thắng). Như vậy,
Chương 2: LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT LAI VUNG TỪ BUỔI ĐẦU KHAI HOANG... 37
chính những điều kiện địa lý thuận lợi, sông rạch chằng
chịt, đất đai phì nhiêu đã thu hút lưu dân từ nhiều vùng
đến và biến vùng Lai Vung xưa thành một trung tâm dân
cư đông đúc vào đầu thế kỷ XX. Tỉnh Sa Đéc có một số làng
được xếp vào loại đông nhất tỉnh như làng Hội An: 8.675
người; làng Long Hậu: 5.712 người; làng Tân Quy Đông:
4.913 người1
.
Trải qua bao thế hệ lao động, sinh sống, chiến đấu trên
quê hương mới với đồng rộng sông dài, thiên nhiên ít khắc
nghiệt hơn so với quê cũ, đặc điểm truyền thống của người
Việt trong lưu dân chẳng những không bị xói mòn mà còn
được vun bồi kiên định hơn. Cuộc sống trên quê hương mới
được xây dựng trên cơ sở nội dung mới của mối quan hệ
giữa người với người, giữa người với thiên nhiên.
III- PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CHỐNG
PHONG KIẾN VÀ THỰC DÂN PHÁP CỦA NHÂN DÂN
LAI VUNG CUỐI THẾ KỶ XIX - ĐẦU THẾ KỶ XX
Từ buổi khai hoang, lập ấp, nhân dân Lai Vung luôn
phát huy tinh thần đoàn kết, đấu tranh, khắc phục những
khó khăn của thiên nhiên; Đến khi nhà nước tham gia
quản lý, thiết lập bộ máy cai trị thì một lòng đấu tranh
chống cường quyền áp bức, bóc lột và sau đó chống thực dân
1. Hội nghiên cứu Đông Dương: Chuyên khảo về tỉnh Sa Đéc,
tập VIII (1903), biên dịch Nguyễn Nghị - Nguyễn Thanh Long,
Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2017, tr. 22 - 25.
38 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015)
xâm lược đô hộ. Những truyền thống tốt đẹp này được phát
huy thành truyền thống cách mạng khi có Đảng lãnh đạo
trong thời chiến lẫn thời bình sau này. Những năm 1777 -
1789, cuộc nội chiến Tây Sơn - Nguyễn Ánh diễn ra, vùng
đất Lai Vung là một trong những căn cứ để Nguyễn Ánh
củng cố lực lượng. Ngày nay, vùng này còn lưu lại một số
di tích liên quan1
. Sau khi nhà Nguyễn thành lập, những
mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ phong kiến không
vượt ra ngoài quy luật khách quan. Những chủ trương và
biện pháp khai hoang thời nội chiến của Nguyễn Ánh tạo
điều kiện thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất và hình
thành nên tầng lớp địa chủ lớn trên địa bàn sau này. Vì là
vùng đất mới khai phá, đất rộng người thưa, nên tiến trình
hình thành mâu thuẫn và bản chất bóc lột ở đây khác với
ở Trung Bộ và Bắc Bộ. Trong tiến trình khai hoang từng
bước xã hội Nam Bộ hình thành ba tầng lớp: đại điền chủ,
tiểu điền chủ trực canh và tá điền cùng nông dân nghèo đi
ở bạn (làm thuê). Mâu thuẫn giữa đại điền chủ và các tầng
lớp khác thường không gay gắt, chủ yếu được hình thành
trên cơ sở bất bình đẳng trong việc phân phối thành quả lao
động và được bổ sung bởi một yếu tố khác, đó là sự tranh
chấp quyền sở hữu đất đai giữa điền chủ nhỏ trực canh và
đại điền chủ. Vì thế những mâu thuẫn này chưa tạo nên các
phong trào đấu tranh nông dân mạnh mẽ góp phần thay đổi
1. Theo dân gian những địa danh Long Hậu, Long Thành,
Long Hòa, Hòa Long, Long Thắng, Long Hưng bắt nguồn từ niên
hiệu Gia Long.
Chương 2: LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT LAI VUNG TỪ BUỔI ĐẦU KHAI HOANG... 39
triều đại như ở các thế kỷ trước. Nông dân ở khu vực Nam Bộ
tham gia các cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình chủ yếu
do sự lôi kéo của các thế lực muốn xác lập địa vị chính trị.
Ngày 01/9/1858 liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng
tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), mở đầu cuộc chiến tranh
xâm lược nước ta. Địa bàn Lai Vung, có hai anh em Đỗ
Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự, đi qua kinh lý trên hành trình
kháng chiến chống thực dân Pháp. Vùng Sa Đéc xưa có ông
Nguyễn Văn Bút (Thống chế Bút) và ông Võ Đình Sâm (còn
gọi là Đinh Sâm) là người phủ Tân Thành. Sau khi thực
dân Pháp chiếm sáu tỉnh Nam Kỳ, năm 1867 nghĩa binh do
Thống chế Bút chỉ huy đột nhập đánh phá đồn Pháp tại Tân
Quy Đông, tiêu diệt nhiều tên địch đã gây tiếng vang lớn
trong vùng. Sau đó, Thống chế Bút cùng với Võ Đình Sâm
lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Láng Hầm1
, đây là cuộc khởi
nghĩa lớn ở miền Tây. Tại Phong Điền, nghĩa binh nổi dậy
thanh trừng Cai tổng Định Bảo là Nguyễn Văn Vĩnh. Sau
đó rút về An Giang, phân tán hoạt động khắp vùng rộng
lớn từ Sa Đéc, Vĩnh Long cho đến Mỹ Tho, Định Tường. Ít
lâu sau, thực dân Pháp sử dụng tay sai Trần Bá Lộc truy
lùng, bắt được Thống chế Bút và hành quyết ông tại chợ
Sa Đéc nhằm lung lạc tinh thần yêu nước của nhân dân ta.
Khí tiết của hai ông đã ảnh hưởng và thắp sáng tinh thần
yêu nước cho người dân Lai Vung.
1. Vùng Ba Láng thuộc huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ
ngày nay.
40 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015)
Sau khi cơ bản hoàn thành thôn tính Việt Nam, thực
dân Pháp câu kết với tay sai ra sức vơ vét, bóc lột của cải,
ruộng đất và sức lao động của nhân dân ta, nhất là nông
dân. Nhân dân Lai Vung phải đối mặt với các thế lực cường
hào, ác bá khi thực dân Pháp cai trị. Ở Phong Hòa có địa
chủ Võ Văn Thăng, Hội đồng Đông, Huyện Hàm Lực, mỗi
tên có trên 50 mẫu ruộng, phần lớn đất đai ở đây thuộc
quyền sở hữu của hơn 20 địa chủ, bên cạnh bóc lột bằng tô
thuế, bọn địa chủ còn tự quyết định nâng giá lúa tăng hay
giảm, mỗi công 3 giạ, có khi lên tới 5 giạ lúa trong khi đó
lúa mùa năng suất thấp, mỗi năm nông dân chỉ thu hoạch
được từ 7 - 10 giạ lúa. Những năm bị thiên tai mất mùa,
nông dân phải nợ địa chủ do không đủ tô thuế nộp, năm sau
trả nợ gấp hai lần vay. Ở Hòa Thành, ngoài số địa chủ trong
xã, số địa chủ ở nơi khác chiếm hữu ruộng đất cũng rất lớn
như Tham biện Võng ở Vĩnh Phước, địa chủ người Pháp, địa
chủ Tăng Thị Mỹ, Cai Tập. Hương chức cường quyền như Cả
Hào, Cả Mãnh ở Tân Bình, Hương hào Chành ở Hậu Thành
càng đẩy nhân dân Hòa Thành đến chỗ cùng cực. Hơn 90%
nông dân Hòa Thành phải vất vả lao động quần quật quanh
năm nhưng cuộc sống vẫn cơ cực. Đi đôi với việc bần cùng hóa
nông dân, thực dân và tay sai còn ra sức bóp nghẹt các quyền
tự do dân chủ của nhân dân, tăng cường chính sách đàn áp
khủng bố các tổ chức và những người yêu nước, những người
có tinh thần phản kháng.
Bước sang những thập niên đầu thế kỷ XX, phong trào
yêu nước theo lập trường tư sản với xu hướng cải cách
Chương 2: LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT LAI VUNG TỪ BUỔI ĐẦU KHAI HOANG... 41
chính trị xã hội, kinh tế rồi mới đến chống ngoại xâm đóng
vai trò chủ đạo. Các phong trào Duy Tân có ảnh hưởng rộng
khắp cả nước, ở Nam Kỳ có phong trào Minh Tân do Trần
Chánh Chiếu, Nguyễn An Khương phát động. Sau Chiến
tranh thế giới thứ nhất mặc dù còn nhiều hạn chế về số
lượng, về thế lực kinh tế và chính trị, nhưng với tinh thần
dân tộc, dân chủ, giai cấp tư sản Việt Nam đã bắt đầu vươn
lên vũ đài đấu tranh với thực dân Pháp bằng một số cuộc đấu
tranh cụ thể với những hình thức khác nhau. Năm 1919 -
1923 có “Phong trào quốc gia” của bộ phận tư sản và địa chủ
lớp trên. Năm 1923 xuất hiện Đảng Lập hiến của Bùi Quang
Chiêu ở Sài Gòn. Năm 1925-1926 diễn ra phong trào yêu
nước dân chủ công khai của tiểu tư sản thành thị và tư sản
lớp dưới với nhiều tổ chức chính trị như: Việt Nam Nghĩa
đoàn, Phục Việt (1925), Hưng Nam, Thanh niên cao vọng
(1926); ra nhiều báo chí tiến bộ như Chuông rạn (La Cloche
fêlée), Người nhà quê (Le Nhaque), An Nam trẻ (La jeune
Annam). Năm 1927 - 1930 có“Phong trào cách mạng quốc
gia tư sản” gắn liền với sự ra đời và hoạt động của Việt Nam
Quốc dân Đảng (25/12/1927). Vùng Đồng Tháp xuất hiện các
phong trào yêu nước mang màu sắc tôn giáo như tổ chức
Thiên địa hội với nhiều tên gọi khác nhau: ở Sa Đéc có Hội
Đồng bào Ái chưởng ở Rạch Trê có 50 hội viên do ông Nguyễn
Văn Xứ (còn gọi là thầy Phùng) chỉ huy; nhóm Ái Chưởng hội
do Trần Văn Học chỉ huy. Mặc dù thất bại, nhưng các phong
trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản góp phần
cổ vũ mạnh mẽ tinh thần yêu nước của nhân dân ta, trong đó
42 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015)
có nhân dân Lai Vung, bồi đắp thêm cho chủ nghĩa yêu nước,
đặc biệt góp phần thúc đẩy những nhà yêu nước, nhất là lớp
thanh niên trí thức có khuynh hướng dân chủ tư sản chọn
lựa một con đường cứu nước mới, giải phóng dân tộc theo xu
thế của thời đại và phù hợp với lịch sử Việt Nam.
*
* *
Vùng đất Lai Vung từ thế kỷ XVII, trong một thời gian
lịch sử không dài lắm, nhưng bằng ý chí và nghị lực phi
thường, những lớp lưu dân đã biến một vùng đất hoang vu,
rừng rậm, sình lầy, thú dữ, thành một vùng ruộng vườn
tươi tốt, làng xóm trù phú. Địa mạo tự nhiên này góp phần
hình thành nên những nét tính cách, tâm lý của con người
Lai Vung. Cư dân ở Lai Vung hầu hết là người Việt từ các
tỉnh miền Trung di cư vào sống ôn hòa với nhóm nhỏ lưu
dân người Hoa và một số ít người Khmer. Đó là một quá
trình ổn định, dựng làng, lập xóm trong một lối sống nghĩa
tình đậm đà, đoàn kết chặt chẽ. Con người Lai Vung vốn
cần cù, chất phác, nhân ái, nay còn mang thêm tính cách
mới của người tiên phong kiên cường, bất khuất, phóng
khoáng, nghĩa hiệp. Vùng đất này còn cho con người Lai
Vung tâm thế vừa bảo lưu vốn văn hóa truyền thống của
mình vừa tranh thủ giao lưu, đón nhận tinh hoa văn hóa
của các vùng, địa phương khác.
Lịch sử dân tộc Việt Nam từ thời vua Hùng dựng nước
đến nay là lịch sử của một dân tộc anh hùng, không ngừng
Chương 2: LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT LAI VUNG TỪ BUỔI ĐẦU KHAI HOANG... 43
đấu tranh kiên cường cố gắng vượt qua thiên nhiên khắc
nghiệt, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược để tồn tại và phát
triển. Cùng với cả dân tộc, trải qua bao khó khăn bởi thiên
nhiên khắc nghiệt trong buổi đầu khai phá, chiến tranh
giữa các thế lực phong kiến rồi đến sự xâm lược và cai trị
của thực dân, tay sai, vùng đất Lai Vung được giữ vững với
những truyền thống tốt đẹp. Ách áp bức nặng nề, tình yêu
quê hương xứ sở, lòng khao khát độc lập, tự do đã hun đúc
cho nhân dân Lai Vung lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần
đấu tranh kiên cường, bất khuất. Truyền thống yêu nước đó
là điều kiện thuận lợi để chủ nghĩa Mác - Lênin sớm bám rễ
và phát triển, là ngọn đuốc soi đường cho nhân dân Lai Vung
cùng cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc.
44
Nghề đan lờ lọp ở huyện Lai Vung
Nghề trồng quýt hồng ở Lai Vung
45
Nghề đóng xuồng ghe ở Bà Đài, xã Long Hậu, huyện Lai Vung
Nghề làm nem Lai Vung
46
Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia chùa Bửu Hưng (Cả Cát),
huyện Lai Vung
Người dân thu hoạch lúa ở huyện Lai Vung
47
PHẦN THỨ NHẤT
ĐẢNG BỘ HUYỆN LAI VUNG TRONG
THỜI KỲ CÁCH MẠNG DÂN TỘC DÂN CHỦ
(1929 - 1975)
48
49
Chương 3
CÁC CHI BỘ ĐẢNG RA ĐỜI, LÃNH ĐẠO
PHONG TRÀO CÁCH MẠNG VÀ ĐẤU TRANH
GIÀNH CHÍNH QUYỀN (1929 - 1945)
I- SỰ RA ĐỜI CỦA CÁC TỔ CHỨC CÁCH MẠNG VÀ
CHI BỘ ĐẢNG Ở LAI VUNG
Từ những năm 1925 - 1926 trở đi ở Nam Kỳ bùng lên
một phong trào yêu nước mang sắc thái mới, đó là sự xuất
hiện của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do chiến sĩ
cộng sản quốc tế Nguyễn Ái Quốc sáng lập (tháng 6/1925
tại Quảng Châu, Trung Quốc). Đây là tổ chức tiền thân,
chuẩn bị cho sự ra đời của một Đảng mácxít - lêninnít ở
Việt Nam. Đến cuối năm 1926, Hội Việt Nam Cách mạng
Thanh niên có cơ sở khắp Nam Kỳ.
Ở tỉnh Sa Đéc, phong trào đấu tranh yêu nước của
nhân dân lên khá cao trong thời kỳ này, vào tháng 02 và
tháng 3/1927, tỉnh có bốn thanh niên được giới thiệu dự lớp
huấn luyện do Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên
mở tại Quảng Châu (Trung Quốc)1
. Cuối khóa huấn luyện,
1. Bốn thanh niên của tỉnh Sa Đéc gồm: Lưu Kim Phong (quê
ở Hòa An, Cao Lãnh), Võ Bữu Bính (quê ở Đất Sét, Mỹ An Hưng,
Châu Thành), Nguyễn Văn Phát (quê ở Hội An, Cái Tàu Thượng
thuộc Mỹ An Hưng, Châu Thành - nay là Lấp Vò), Nguyễn Thuật
(quê ở Tân Phú Đông, Châu Thành - nay thuộc thành phố Sa Đéc).
50 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015)
họ chính thức được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách
mạng Thanh niên và trở về nước được phân công hoạt động
ở địa phận Sa Đéc. Để thống nhất chỉ đạo hoạt động, Tổng
bộ ghép thành một tiểu tổ do đồng chí Nguyễn Văn Phát
làm Tổ trưởng và được Kỳ bộ giao cho nhiệm vụ tìm địa
điểm, đứng tên xin phép mở trường. Ngôi trường có tên gọi
“Sa Đéc học đường”, nhiệm vụ trước mắt là tuyên truyền
phong trào yêu nước trong học sinh, thanh niên, công nhân,
nông dân trong khu vực Sa Đéc và vùng lân cận, giáo dục
cho họ thấy được sự bất công trong xã hội dưới sự cai trị của
thực dân và tay sai, đồng thời nâng cao ý thức về sức mạnh
đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, từ phong
trào chọn những cá nhân tích cực, tiên tiến để kết nạp vào
Hội. Đến cuối năm 1928, tổ chức của Hội phát triển trong
toàn tỉnh gồm tổ Cao Lãnh có 7 hội viên, tổ Cái Tàu Thượng
có 4 hội viên, tổ Lấp Vò có 3 hội viên, thị xã Sa Đéc có 1 hội
viên, tổ Bình Thành có 3 hội viên, tổ Tân Thành - Tân Phú
có 4 hội viên, tổ Tân Dương có 2 hội viên1
.
Trong phong trào đấu tranh chung cùng cả nước, sự ra đời
và phát triển nhanh chóng tổ chức cách mạng ở Lai Vung đến
cuối năm 1929, phản ánh sự phát triển của phong trào đấu
tranh chống thực dân xâm lược, đô hộ, tay sai của nhân dân
trên địa bàn. Phong Hòa và Tân Dương là hai địa phương có
tổ chức cơ sở Đảng đầu tiên ở Lai Vung.
1. Tổ Tân Dương có hai hội viên là Phan Văn Bảy và Giáo Tứ.
Chương 3: CÁC CHI BỘ ĐẢNG RA ĐỜI, LÃNH ĐẠO PHONG TRÀO... (1929 - 1945) 51
Ở Phong Hòa1
năm 1926, Trần Kim Giáp, một thanh niên
yêu nước của địa phương đến quận Ô Môn (Cần Thơ), tìm ông
Nguyễn An Cư để nhờ giới thiệu gặp cụ Phan Châu Trinh. Sau
cuộc tiếp xúc, anh trở về quê vận động phong trào yêu nước,
đầu năm 1927, Trần Kim Giáp liên hệ với các hội viên ở Cần
Thơ là đồng chí Châu Văn Liêm, Trần Ngọc Quế, ở Long
Xuyên là đồng chí Lê Văn Sô. Anh được kết nạp vào Hội và tổ
chức phân công hoạt động ở Thới Lai, quận Ô Môn nhưng anh
thường xuyên về Phong Hòa giáo dục lòng yêu nước cho thanh
niên, học sinh và nhân dân lao động. Thực hiện chủ trương
của Đặc ủy Hậu Giang2
, đồng chí Hà Huy Giáp được điều về
Bù Hút (Phong Hòa), hoạt động gây dựng cơ sở Đảng. Tiểu
tổ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên của Phong Hòa
ngày càng phát triển, từ 3 thanh niên là Trần Nhật Tân,
Đặng Văn Thân, Nguyễn Văn Huynh, sau đó kết nạp thêm
1. Lúc này thuộc quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ cũ.
2. Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang (Đặc ủy Hậu Giang)
tổ chức thành lập vào trung tuần tháng 9/1929, tại căn nhà trệt ở làng
LongTuyền,tổngĐịnhThới,quậnÔMôn,tỉnhCầnThơ(naylàsố34/7,
đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố
Cần Thơ) do đồng chí Châu Văn Liêm chủ trì. Ban Chấp hành Đặc ủy
đầu tiên gồm các đồng chí Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Nguyễn
Văn Tây (Thanh Sơn), Lê Văn Sô, Nguyễn Văn Trí... Bí thư là đồng
chí Ung Văn Khiêm. Chủ trương của Đặc ủy là khẩn trương chọn các
đồng chí vững vàng trong tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên để
kết nạp vào Đảng và thành lập các chi bộ Đảng ở các xí nghiệp, trường
học, đường phố và ở nông thôn. Xem Nguyễn Thị Thảo: Vai trò lịch sử
và ảnh hưởng của chi bộ Đảng đầu tiên đối với phong trào cách mạng
ở Cần Thơ và trong vùng, Thành ủy Cần Thơ, Hội thảo “Vai trò lịch sử
và ảnh hưởng của Chi bộ Đảng đầu tiên đối với phong trào cách mạng
ở Cần Thơ và trong vùng”, 2009, tr. 178 - 183.
52 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015)
Nguyễn Văn Chỉ, Thái Sang Nam, Nguyễn Nhật Hiểu,
Nguyễn Văn Giáo, Nguyễn Ngọc Sơn, Sáu Bình, Mười Dư,
Năm Đặng, trụ sở của tổ ở nhà bà Trần Thị Đờn. Tổ liên
hệ với các cơ sở cách mạng ở Cần Thơ, Long Xuyên, Sa Đéc
để tiếp thu sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Kỳ bộ Hội
Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Để che mắt mật thám,
thầy giáo Giáp mở trường tư tại đây, dạy trẻ em tại nhà
anh Ba Thân.
Ở Tân Dương, thực hiện chủ trương vô sản hóa, đồng
chí Hà Huy Giáp tiến hành tuyên truyền, giáo dục tư tưởng
yêu nước cho tầng lớp công nhân, nông dân và một số trí thức
yêu nước trên địa bàn1
. Năm 1927, đồng chí Phan Văn Bảy2
1. Đồng chí Hà Huy Giáp xin vào làm công nhân tại lò gạch
của Hội đồng Hựu trong xã để tiếp cận, giác ngộ công nhân tại đây.
2. Đồng chí Phan Văn Bảy (tức Bảy Cùi), sinh năm 1910 tại
làng Tân Dương, tổng An Phong, quận Lai Vung, tỉnh Sa Đéc
(nay là xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Lúc
nhỏ, Phan Văn Bảy học trường xã, rất thông minh và chăm học.
Năm 1926, đồng chí trúng tuyển thứ hạng nhất vào Trường trung
học Cần Thơ và được cấp học bổng. Năm 1931 đồng chí bị địch
bắt, đày đi Côn Đảo. Tuy bị tù đày và bị cực hình nhưng đồng
chí Phan Văn Bảy vẫn giữ vững ý chí, khí tiết. Năm 1936, đồng
chí mãn hạn tù và bị cấm không cho về Sa Đéc cư trú, đồng chí
về sống ở Cần Thơ. Tại đây, đồng chí đã tham gia lãnh đạo nhiều
cuộc đấu tranh của quần chúng tại Cần Thơ trong cao trào Mặt
trận Dân chủ (1936 - 1939). Về sau, đồng chí được cử vào Ban
Liên tỉnh miền Tây. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (năm 1940),
đồng chí được cử làm Phó Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ kiêm Bí thư Liên
Tỉnh ủy Hậu Giang. Ngày 05/6/1941, đồng chí Phan Văn Bảy
cùng một số đồng chí trong Liên Tỉnh ủy, Xứ ủy bị địch bắt, đến
ngày 22/7/1942 đồng chí hy sinh tại Hóc Môn (nay thuộc Thành
phố Hồ Chí Minh).
Chương 3: CÁC CHI BỘ ĐẢNG RA ĐỜI, LÃNH ĐẠO PHONG TRÀO... (1929 - 1945) 53
được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại
Cần Thơ, sau đó tham gia lãnh đạo một cuộc míttinh lớn
của trường chống sự đàn áp và bớt tiền ăn của học sinh nội
trú, vì vậy năm 1928, đồng chí bị chính quyền thực dân
Pháp cấm học. Sau khi rời Cần Thơ, đồng chí phụ trách
phong trào cách mạng ở Tân Dương trên cơ sở các tổ chức
do đồng chí Hà Huy Giáp thành lập.
Khi mới ra đời, các tiểu tổ Phong Hòa, Tân Dương tiến
hành lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh hợp pháp,
chống lại tề xã và địa chủ đòi giảm thuế, giảm xâu, chống
hà hiếp nhân dân.
Ở Phong Hòa có Cai tổng Sóc và Hương quản Thăng là
hai địa chủ có mối thù sâu nặng với nông dân. Theo chỉ đạo,
tiểu tổ lên kế hoạch với hai phương án, một là bí mật thanh
trừng Cai tổng và Hương quản, hai là nếu thanh trừng
không được thì đánh đòn tâm lý hạ uy tín, buộc nhượng
bộ. Tháng 02/1929, tiểu tổ Phong Hòa tập hợp khoảng 50
thanh niên, đa số là hội viên các tổ chức quần chúng, bí mật
đột nhập bao vây nhà Hương quản Thăng, nhưng kế hoạch
bị lộ do sự phản bội của một người trong tổ chức. Kết quả,
dưới sự chỉ huy của Cai tổng Sóc, 20 thanh niên tham gia
ám sát Hương quản Thăng bị bắt và chính quyền thực dân
tỉnh Cần Thơ kết án tù từ 5 đến 25 năm, đày đi Côn Đảo. Sự
kiện trên để lại cho tiểu tổ cách mạng ở Phong Hòa bài
học kinh nghiệm quý báu là khi kết nạp hội viên phải rà
soát thành phần tham gia, thường xuyên giáo dục hội
54 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015)
viên giữ vững tinh thần đấu tranh cách mạng, đặt lợi ích dân
tộc lên trên lợi ích cá nhân, giai cấp. Sau khi Đặc ủy Hậu
Giang thành lập (tháng 9/1929), theo chỉ đạo của đồng chí
Hà Huy Giáp và đồng chí Ung Văn Khiêm, tiểu tổ Phong
Hòa chuẩn bị thành lập chi bộ Đảng với 7 hội viên được sự
hướng dẫn của đồng chí Lưu Kim Phong đã học tập chính
cương, sách lược vắn tắt của An Nam Cộng sản Đảng1
. Cuối
tháng 11/1929, tại khu vườn của ông Đặng Văn Thân (gần
ngã ba rạch Bù Hút), cuộc họp bí mật được tổ chức, đồng chí
Lưu Kim Phong, thay mặt Đảng cấp trên, kết nạp 7 hội viên
Thanh niên cách mạng Đồng chí hội vào Đảng gồm Đặng
Văn Thân, Nguyễn Văn Huynh, Trần Kim Giáp, Trần Nhật
Tân, Nguyễn Văn Chỉ, Trần Kim Đảnh, Nguyễn Ngọc Sơn
và tiến hành thành lập chi bộ An Nam Cộng sản Đảng, do
đồng chí Nguyễn Duy Hanh làm Bí thư2
. Ngoài số đảng viên
1. Do sự phân hóa của tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh
niên, một số chi bộ của An Nam Cộng sản Đảng đã được thành
lập tại một số tỉnh Nam Kỳ trong thời gian từ tháng 8 đến tháng
10/1929. Tuy nhiên, An Nam Cộng sản Đảng chính thức ra đời
tháng 11/1929 với việc thành lập Ban Lâm thời chỉ đạo ngày
07/11/1929 và đến ngày 15/11/1929, Ban Lâm thời chỉ đạo được
chuyển thành Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của An Nam
Cộng sản Đảng, đóng trụ sở tại Sài Gòn, gồm các đồng chí Châu
Văn Liêm, Nguyễn Nghĩa (Nguyễn Thiệu), Ung Văn Khiêm, Đỗ
Quảng, Huỳnh Quảng, đồng chí Châu Văn Liêm làm Bí thư.
2. Nguyễn Duy Hanh là Phó Bí thư Chi bộ vùng Lấp Vò,
thành lập cuối tháng 10/1929, được cấp trên điều đến Phong Hòa.
Tháng 01/1930, đồng chí Nguyễn Thị Lựu làm Bí thư chi bộ thay
đồng chí Hanh được rút lên trên. Sau đó, Đặc ủy điều đồng chí
Lựu làm công tác khác, đồng chí Đặng Văn Thân làm Bí thư.
Chương 3: CÁC CHI BỘ ĐẢNG RA ĐỜI, LÃNH ĐẠO PHONG TRÀO... (1929 - 1945) 55
tại chỗ, các đồng chí Nguyễn Thị Lựu, Nguyễn Thị Đầy, Trần
Văn Mảng (thuộc Chi bộ Cao Lãnh) được phân công về
Phong Hòa hoạt động để hỗ trợ cho phong trào địa phương.
Ở Tân Dương, đồng chí Phan Văn Bảy tích cực tuyên
truyền vận động cách mạng và thành lập một Chi bộ Hội
Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào cuối năm 19291
. Khi
thống nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản
Việt Nam thì Chi bộ Tân Dương ra đời với 8 đảng viên, do
đồng chí Phan Văn Bảy làm Bí thư. Sau khi chi bộ thành
lập, đã phối hợp với các chi bộ lận cận tiến hành lãnh đạo
quần chúng đấu tranh chống tề xã với khẩu hiệu “Không đi
xâu vào ngày mùa, nếu đi xâu phải cấp gạo và trả công mỗi
ngày 1 cắc (10 xu)”, khi chính quyền địch ra sức bắt dân đinh
trên địa bàn xã phải làm xâu đắp hương lộ 13 (từ Sa Đéc qua
Cái Tắc) phục vụ cho chính sách cai trị của chúng. Mặc dù,
phong trào đấu tranh không giành được thắng lợi nhưng đã
gây được tiếng vang, góp thêm động lực cho phong trào đấu
tranh ở các địa phương trên địa bàn Lai Vung lúc bấy giờ.
Các tổ chức đảng trên địa bàn Lai Vung, thông qua các
hội tương tế, ái hữu, vạn cấy, vạn cày, vạn phát để tập hợp
đông đảo các tầng lớp, các lứa tuổi vào các tổ chức, và qua
tổ chức, giáo dục cho nhân dân lao động lòng yêu nước,
sức mạnh đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái,
1. Khi thống nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng
sản Việt Nam, đồng chí làm Bí thư Chi bộ xã Tân Dương. Chi bộ
được thành lập vào tháng 3/1930 có 8 đảng viên.
56 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015)
thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, mặt khác khơi dậy lòng căm
thù thực dân Pháp xâm lược, bọn địa chủ cường hào.
Sự ra đời của các chi bộ như Phong Hòa, Tân Dương
đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng cho phong trào cách
mạng Lai Vung tiến lên một bước mới, hòa nhịp với phong
trào cách mạng của tỉnh và cả nước.
II- PHONG TRÀO CÁCH MẠNG CỦA NHÂN DÂN LAI VUNG
DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG (1930 - 1945)
1. Phong trào đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh,
dân chủ (1930 - 1939)
Ngày 03/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời
đánh dấu bước ngoặt của cách mạng nước ta, mở đầu cho
phong trào giải phóng dân tộc do lực lượng tiên phong của
giai cấp công nhân với hệ tư tưởng Mác - Lênin lãnh đạo.
Tại tỉnh Sa Đéc, phong trào đấu tranh do các đồng chí Ung
Văn Khiêm, Phạm Hữu Lầu, cán bộ Xứ ủy Nam Kỳ bí mật
trực tiếp chỉ đạo phong trào.
Trên cơ sở chỉ đạo của cấp trên, căn cứ vào thực tiễn
tại địa phương, các chi bộ ở Lai Vung có hình thức tổ chức
lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh phù hợp. Nổi bật
là cuộc đấu tranh do Chi bộ Tân Dương tổ chức vào sáng
13/5/19301
, lãnh đạo phong trào là đồng chí Phan Văn Bảy.
Trước đó, chi bộ nhận được mật báo của hai cơ sở nội tuyến
1. Theo âm lịch là ngày cúng đình làng (dương lịch là ngày
09/6/1930).
Chương 3: CÁC CHI BỘ ĐẢNG RA ĐỜI, LÃNH ĐẠO PHONG TRÀO... (1929 - 1945) 57
là Tư Khương và Năm Mạnh1
về việc Tỉnh trưởng Sa Đéc
người Pháp Esquivillon đi kinh lý trong vùng. Kế hoạch
đấu tranh là “hình thức bên ngoài là huy động quần chúng
có khẩu hiệu hoan nghênh Tỉnh trưởng, nhưng bên trong
phải chuẩn bị khẩu hiệu đấu tranh. Khi Tỉnh trưởng đến
thì hạ khẩu hiệu hoan nghênh trương băng khẩu hiệu theo
yêu cầu đấu tranh mục đích là để Quận trưởng Đường và tề
xã không ngăn cản quần chúng tập trung. Phân công đảng
viên và quần chúng cốt cán đi vận động đồng bào xã Tân
Dương và các xã lân cận tham gia cuộc đấu tranh. Nếu có
bị đàn áp phải kiên quyết giữ vững đội ngũ, khi có lệnh mới
được giải tán”2
. Nhân dân tập trung tại rạch Xẻo Tre, sau
đó kéo đến trụ sở tề xã Tân Dương cạnh đình làng khoảng
700 người, đến 9 giờ sáng chiếc ca nô chở Tỉnh trưởng và
đoàn kinh lý đến Tân Dương đoàn biểu tình căng băng rôn,
biểu ngữ yêu sách: hoãn thuế thân, bỏ thuế công xi heo
(thuế sát sinh), thuế hoa chi chợ, hoãn bắt dân đi xâu để
dân làm mùa, nếu đi xâu phải trả tiền công và giảm miễn
thuế công điền công thổ. Khí thế đấu tranh lên cao, một số
người trong đoàn biểu tình lội xuống nước kéo chiếc ca nô
lên cạn buộc chặt vào cột cầu và đòi Tỉnh trưởng phải cam
kết thực hiện nội dung yêu sách của nhân dân. Tỉnh trưởng
nhượng bộ và hứa giải quyết bằng cách ký vào bản yêu sách.
Sự kiện đấu tranh trở thành biểu tượng cho tinh thần
1, 2. Xem Ban Tuyên giáo Đồng Tháp: Lịch sử Đảng bộ huyện
Thạnh Hưng (1927 - 1945), 1986, t. 1, tr. 26, 26 - 27.
58 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015)
yêu nước kiên cường của nhân dân Tân Dương nói riêng và
Lai Vung nói chung trong giai đoạn lịch sử này.
Tại Phong Hòa, trung tuần tháng 3/1930, chi bộ huy
động lực lượng trong vùng phối hợp với lực lượng một số làng
của quận Ô Môn, có khoảng trên 3.000 người đi từ Phong
Hòa sang bắc Cần Thơ, đến thẳng dinh Tỉnh trưởng đưa yêu
sách: hoãn đi xâu để dân gieo mạ làm mùa, hoãn thu thuế
thân, bỏ thuế đuôi chuột, được đồng bào Cần Thơ nhiệt tình
ủng hộ cuộc đấu tranh. Trước khí thế và sức mạnh của quần
chúng, Tỉnh trưởng Cần Thơ phải chấp nhận yêu sách của
đoàn biểu tình và sau đó Thống đốc Nam Kỳ ra lệnh hoãn
thu thuế trong hai tháng. Để đáp ứng yêu cầu tình hình cách
mạng, Chi bộ Phong Hòa thành lập Ban chỉ huy lực lượng
phía bắc sông Hậu1
. Ngay sau khi thành lập, ngày 29/5/1930,
thi hành Chỉ thị của Đặc ủy Hậu Giang, Chi bộ Phong Hòa
huy động đảng viên và hội viên nông hội của địa phương, có
sự trợ lực của một số đảng viên Chi bộ Cao Lãnh, Tân Dương
(Sa Đéc), Tam Bình (Vĩnh Long) với khoảng trên 1.200 người
vượt sông Hậu sang phối hợp với Chi bộ Thới Lai - Cờ Đỏ,
đến quận lỵ Ô Môn tiếp tục đấu tranh đòi bỏ thuế thân, thuế
hoa chi chợ, thuế bến đò, thuế công xi heo, giảm tô, giảm tức,
chia lại công điền, công thổ cho dân cày nghèo. Lực lượng tập
trung địa điểm trên 3.000 người, sau đó phát triển lên hàng
nghìn người, nhưng vì thiếu cảnh giác không có kế hoạch
1. Gồm các đồng chí: Trần Kim Giáp, Trần Nhật Tân, Nguyễn
Văn Huynh, Đặng Văn Thân.
Chương 3: CÁC CHI BỘ ĐẢNG RA ĐỜI, LÃNH ĐẠO PHONG TRÀO... (1929 - 1945) 59
sẵn sàng đối phó nên khi đoàn biểu tình đến bến bắc Cần Thơ
thì bị địch tập trung lực lượng đàn áp. Đồng chí Trần Văn
Mảng và 10 đồng chí đảng viên của Phong Hòa bị địch bắt,
chi bộ còn lại 4 đảng viên1
. Để bảo toàn lực lượng, các đảng
viên và quần chúng trung kiên bị lộ phải chuyển vùng hoạt
động, các đảng viên nòng cốt ở lại bám cơ sở hoạt động để giữ
gìn và phát triển lực lượng sau này.
Ở các địa phương khác trên địa bàn như Long Hậu,
Long Thắng, Tân Thành, mặc dù chưa có chi bộ lãnh đạo
nhưng nhân dân tham gia đấu tranh bằng nhiều hình thức
dưới sự hướng dẫn của các đảng viên từ địa phương khác đến.
Các phong trào biểu tình, đấu tranh chính trị ở Lai Vung
thể hiện đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, biết vận
dụng sáng tạo hình thức đấu tranh, tập hợp được sức mạnh
của quần chúng với tinh thần đấu tranh kiên cường làm cho
thực dân, tay sai phải nhượng bộ. Các cuộc đấu tranh tạo
ra và hình thành một trận địa cách mạng mới đó là sự liên
kết giữa giai cấp công nhân và giai cấp nông dân, từ đây uy
tín của các chi bộ đảng ngày càng cao, tiếng nói của Đảng đi
vào con tim, khối óc của quần chúng lao động.
Tháng 10/1930, ở Lai Vung dấy lên phong trào treo cờ
búa liềm, dán khẩu hiệu, rải truyền đơn, đốt pháo tre ủng
hộ “Nghệ Tĩnh đỏ” nhằm hưởng ứng kỷ niệm Cách mạng
tháng Mười Nga (7/11/1930).
1. Gồm các đồng chí: Trân Nhật Tân, Trần Kim Đảnh,
Nguyễn Văn Chỉ.
60 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015)
Tháng 7/1931, Liên Tỉnh ủy Vĩnh Long - Sa Đéc họp
tại Sa Đéc, do phản bội của một đảng viên1
, một số cán bộ
chủ chốt của Liên Tỉnh ủy và các chi bộ về họp bị địch bắt,
trong đó có đồng chí Phan Văn Thâu (Chi bộ Tân Dương).
Cơ quan Liên Tỉnh ủy và Đặc ủy Hậu Giang bị địch đánh
phá, một số tổ chức đảng lần lượt bị vỡ. Đây là một tổn thất
lớn của cách mạng nói chung và của Lai Vung nói riêng lúc
bấy giờ.
Từ đây đến cuối năm 1933 đầu năm 1934, phong trào
cách mạng ở Lai Vung bước vào giai đoạn thoái trào.
Đầu năm 1935, phong trào cách mạng trên địa bàn
tỉnh, quận được khôi phục hoạt động trở lại. Các chi bộ ở
Lai Vung nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Liên Tỉnh ủy
Vĩnh Long - Sa Đéc, hay của Đặc ủy Hậu Giang, có lúc là
Đặc ủy Long - Châu - Rạch - Hà (gồm các tỉnh Long Xuyên,
Châu Đốc, Rạch Giá, Hà Tiên). Các đảng viên luôn quán
triệt chương trình hành động của cấp trên kiên quyết vượt
mọi khó khăn, hy sinh gian khổ bám cơ sở hoạt động, đã
được nhân dân hết lòng che chở, từng bước khôi phục lại
cơ sở, xây dựng lại phong trào, để lãnh đạo nhân dân bước
vào giai đoạn đấu tranh mới của cách mạng. Các chi bộ
Tân Dương, Phong Hòa lần lượt được tổ chức lại. Phong
trào đấu tranh của tổ chức quần chúng được khôi phục và
phát triển thông qua một số tổ chức mang tính chất tương trợ
1. Phan Thới Lai (tự Tám Lai), sau này trở thành mật thám
công khai của địch.
Chương 3: CÁC CHI BỘ ĐẢNG RA ĐỜI, LÃNH ĐẠO PHONG TRÀO... (1929 - 1945) 61
như Hội tương tế ái hữu, Hội cạo gió trị bệnh, một số nơi có
nhóm hoạt động truyền bá chữ Quốc ngữ.
Ngày 26/7/1936, trên tờ báo Tranh đấu (La Lutte)
phát hành tại Sài Gòn, Nguyễn An Ninh, một trí thức yêu
nước nổi tiếng lúc bấy giờ, đăng lời kêu gọi cổ động thành
lập Ủy ban trù bị tiến tới triệu tập Đông Dương đại hội. Lời
kêu gọi được các tầng lớp quần chúng và tổ chức chính trị
xã hội nhiệt liệt hưởng ứng. Ngày 13/8/1936, Ủy ban trù bị
Đông Dương đại hội được thành lập tại Sài Gòn và các ủy
ban hành động lần lượt được tổ chức khắp các tỉnh Nam Kỳ.
Ở khu vực phía nam và bắc sông Tiền, từ giữa tháng 8 đến
đầu tháng 9/1936, nhiều địa phương thành lập Ủy ban hành
động, trước mắt là đấu tranh đòi quyền lợi hằng ngày bằng
các bản “thỉnh nguyện”, triệt để lợi dụng những khả năng
công khai, hợp pháp để phát triển các tổ chức quần chúng,
qua đó phát động quần chúng đấu tranh. Ở Lai Vung, Ủy
ban hành động được thành lập tại một số nơi có phong trào
cách mạng mạnh như Phong Hòa, Tân Dương, từ đây một
số đảng viên bám trụ hoạt động bí mật và một số tù chính
trị trở về dưới sự chỉ đạo của Liên Tỉnh ủy ra sức củng cố
lại phong trào cách mạng. Tuy nhiên, phong trào phát triển
tương đối chậm do địch tăng cường cảnh giác, một số tài
liệu chuyển từ Sài Gòn về địa phương bởi các đồng chí Hai
Tân, Sáu Ngọ chỉ phổ biến trong phạm vi hẹp.
Trước tình hình phong trào đấu tranh của quần chúng
ngày càng mạnh mẽ và ảnh hưởng uy tín của Đảng ngày càng
62 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015)
lan rộng khắp nơi trong nước, lực lượng phản động trong
giới cầm quyền của thực dân Pháp nhanh chóng ra mặt
chống phá phong trào Đông Dương đại hội, phá phong trào
cách mạng như ngày 15/9/1936 ra lệnh giải tán các ủy ban
hành động, cấm tất cả các cuộc hội họp, míttinh của nhân
dân. Đông Dương đại hội bị cấm, nhưng phong trào đấu
tranh đòi dân sinh, dân chủ, phong trào cách mạng không
vì thế mà giảm sút, ngược lại, vẫn phát triển ngày càng
mạnh mẽ với nhiều hình thức phong phú, quy mô các cuộc
đấu tranh rộng lớn hơn.
Tháng 3/1937, cùng với phong trào đấu tranh của nông
dân phía bắc sông Tiền như cuộc đấu tranh của nông dân
trồng thuốc lá ở Hòa An, Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây
(Cao Lãnh), một số nơi thuộc quận Châu Thành, Lai Vung
tổ chức những hội quần chúng đơn giản như Hội cạo gió trị
bệnh, Hội tương tế ái hữu, Hội đá banh. Cuối năm 1937,
Đảng chủ trương phát động phong trào truyền bá chữ Quốc
ngữ nhằm góp phần nâng cao khả năng biết đọc, biết viết
cho người dân, nhất là các tầng lớp nhân dân lao động.
Phong trào được nhân dân trong tỉnh nói chung, Lai Vung
nói riêng hưởng ứng mạnh mẽ.
Phong trào cách mạng ở Lai Vung những năm 1936 -
1939 diễn ra có ảnh hưởng nhất định tới các khu vực lân
cận như Cần Thơ, Vĩnh Long. Mặc dù, chưa có sự phối hợp
hành động thống nhất trên toàn địa bàn nhưng dưới sự lãnh
đạo của các chi bộ tiêu biểu như Phong Hòa, Tân Dương,
Chương 3: CÁC CHI BỘ ĐẢNG RA ĐỜI, LÃNH ĐẠO PHONG TRÀO... (1929 - 1945) 63
phong trào vẫn được duy trì, các cuộc đấu tranh liên tục
diễn ra. Các chi bộ, cụ thể hóa chỉ đạo của cấp trên tạo
nhiều hình thức tập hợp quần chúng vào tổ chức, đưa khẩu
hiệu đấu tranh thích hợp, đúng với yêu cầu và phù hợp với
trình độ các tầng lớp nhân dân. Qua các phong trào đấu
tranh đã khơi dậy được tinh thần cách mạng, lòng yêu nước
nồng nàn của các tầng lớp nhân dân, từ đó mở rộng tuyên
truyền chủ nghĩa cộng sản, đường lối cách mạng, xây dựng
được một đội quân chính trị lớn mạnh trong công nhân,
nông dân, trí thức, học sinh trên địa bàn. Bằng các hình
thức hoạt động linh hoạt, phong phú, đa dạng, đáp ứng
được những lợi ích, yêu cầu thiết thực của đại bộ phận quần
chúng nhân dân, cách mạng Lai Vung tạo được niềm tin,
thế đứng trong lòng quần chúng, dần dần nâng trình độ
giác ngộ chính trị cho họ về quyền lợi dân chủ và dân tộc,
rèn luyện cho họ dày dạn trong đấu tranh. Những kết quả
đấu tranh trong cao trào cách mạng 1936 - 1939 của Đảng
và nhân dân Lai Vung đánh dấu một bước phát triển quan
trọng, tạo cơ sở vững chắc cho phong trào đấu tranh cách
mạng trong những năm kế tiếp, nhất là cao trào tổng khởi
nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945.
2. Nhân dân Lai Vung trong cuộc khởi nghĩa
giành chính quyền (1940 - 1945)
Ngày 28/9/1939, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định
giải tán và tịch thu tài sản Hội ái hữu, các nghiệp đoàn
được thành lập trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong
LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong

More Related Content

Similar to LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong

Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch - Số 1139 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch - Số 1139 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch - Số 1139 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch - Số 1139 - vanhien.vnPham Long
 
Bài thu hoạch thực tế.doc
Bài thu hoạch thực tế.docBài thu hoạch thực tế.doc
Bài thu hoạch thực tế.doctrmynguyn98
 
Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.ssuser499fca
 
Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.ssuser499fca
 
Nghiên cứu các hình thức nghi lễ và giá trị văn hóa của lễ hội đua thuyền tru...
Nghiên cứu các hình thức nghi lễ và giá trị văn hóa của lễ hội đua thuyền tru...Nghiên cứu các hình thức nghi lễ và giá trị văn hóa của lễ hội đua thuyền tru...
Nghiên cứu các hình thức nghi lễ và giá trị văn hóa của lễ hội đua thuyền tru...nataliej4
 
Luận văn: Nhân dân Lệ Thủy (Quảng Bình) trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ...
Luận văn: Nhân dân Lệ Thủy (Quảng Bình) trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ...Luận văn: Nhân dân Lệ Thủy (Quảng Bình) trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ...
Luận văn: Nhân dân Lệ Thủy (Quảng Bình) trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ...Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Lich su viet_nam[1]
Lich su viet_nam[1]Lich su viet_nam[1]
Lich su viet_nam[1]Wild Wolf
 
[Kinh tế ASEAN] Kinh tế Lào
[Kinh tế ASEAN] Kinh tế Lào [Kinh tế ASEAN] Kinh tế Lào
[Kinh tế ASEAN] Kinh tế Lào Thủy Nguyễn
 
Lễ hội đình làng trung nghĩa nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng
Lễ hội đình làng trung nghĩa   nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồngLễ hội đình làng trung nghĩa   nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng
Lễ hội đình làng trung nghĩa nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồngttkhhanam
 
Lễ hội đình làng trung nghĩa nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng
Lễ hội đình làng trung nghĩa   nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồngLễ hội đình làng trung nghĩa   nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng
Lễ hội đình làng trung nghĩa nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồngttkhhanam
 

Similar to LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong (20)

Cuong thuyet trinh gts
Cuong thuyet trinh gtsCuong thuyet trinh gts
Cuong thuyet trinh gts
 
Thực trạng xây dựng gia đình văn hóa gắn với phong trào xây dựng nông thôn mớ...
Thực trạng xây dựng gia đình văn hóa gắn với phong trào xây dựng nông thôn mớ...Thực trạng xây dựng gia đình văn hóa gắn với phong trào xây dựng nông thôn mớ...
Thực trạng xây dựng gia đình văn hóa gắn với phong trào xây dựng nông thôn mớ...
 
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch - Số 1139 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch - Số 1139 - vanhien.vnToàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch - Số 1139 - vanhien.vn
Toàn cảnh văn hóa, thể thao và du lịch - Số 1139 - vanhien.vn
 
162
162162
162
 
CHUYỂN BIẾN KINH TẾ, XÃ HỘI HUYỆN DUY TIÊN TỈNH HÀ NAM (1996 - 2015) - TẢI FR...
CHUYỂN BIẾN KINH TẾ, XÃ HỘI HUYỆN DUY TIÊN TỈNH HÀ NAM (1996 - 2015) - TẢI FR...CHUYỂN BIẾN KINH TẾ, XÃ HỘI HUYỆN DUY TIÊN TỈNH HÀ NAM (1996 - 2015) - TẢI FR...
CHUYỂN BIẾN KINH TẾ, XÃ HỘI HUYỆN DUY TIÊN TỈNH HÀ NAM (1996 - 2015) - TẢI FR...
 
Bài thu hoạch thực tế.doc
Bài thu hoạch thực tế.docBài thu hoạch thực tế.doc
Bài thu hoạch thực tế.doc
 
Nâng cao hiệu quả quản lý di tích lịch sử - văn hóa tại Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Na...
Nâng cao hiệu quả quản lý di tích lịch sử - văn hóa tại Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Na...Nâng cao hiệu quả quản lý di tích lịch sử - văn hóa tại Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Na...
Nâng cao hiệu quả quản lý di tích lịch sử - văn hóa tại Vĩnh Cửu tỉnh Đồng Na...
 
Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.
 
Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.Khóa luận sư phạm lịch sử.
Khóa luận sư phạm lịch sử.
 
Nghiên cứu các hình thức nghi lễ và giá trị văn hóa của lễ hội đua thuyền tru...
Nghiên cứu các hình thức nghi lễ và giá trị văn hóa của lễ hội đua thuyền tru...Nghiên cứu các hình thức nghi lễ và giá trị văn hóa của lễ hội đua thuyền tru...
Nghiên cứu các hình thức nghi lễ và giá trị văn hóa của lễ hội đua thuyền tru...
 
Trung Tâm Văn Hóa Huyện An Lão.doc
Trung Tâm Văn Hóa Huyện An Lão.docTrung Tâm Văn Hóa Huyện An Lão.doc
Trung Tâm Văn Hóa Huyện An Lão.doc
 
Luận văn: Nhân dân Lệ Thủy (Quảng Bình) trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ...
Luận văn: Nhân dân Lệ Thủy (Quảng Bình) trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ...Luận văn: Nhân dân Lệ Thủy (Quảng Bình) trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ...
Luận văn: Nhân dân Lệ Thủy (Quảng Bình) trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ...
 
Luận văn: Nhân dân Lệ Thủy trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Luận văn: Nhân dân Lệ Thủy trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nướcLuận văn: Nhân dân Lệ Thủy trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Luận văn: Nhân dân Lệ Thủy trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
 
177
177177
177
 
Lich su viet_nam[1]
Lich su viet_nam[1]Lich su viet_nam[1]
Lich su viet_nam[1]
 
Luận văn: Giáo dục phổ thông huyện Ứng Hòa, Hà Tây (1991-2008)
Luận văn: Giáo dục phổ thông huyện Ứng Hòa, Hà Tây (1991-2008)Luận văn: Giáo dục phổ thông huyện Ứng Hòa, Hà Tây (1991-2008)
Luận văn: Giáo dục phổ thông huyện Ứng Hòa, Hà Tây (1991-2008)
 
Luận văn lịch sử : Giáo dục phổ thông huyện Ứng Hòa
Luận văn lịch sử : Giáo dục phổ thông huyện Ứng HòaLuận văn lịch sử : Giáo dục phổ thông huyện Ứng Hòa
Luận văn lịch sử : Giáo dục phổ thông huyện Ứng Hòa
 
[Kinh tế ASEAN] Kinh tế Lào
[Kinh tế ASEAN] Kinh tế Lào [Kinh tế ASEAN] Kinh tế Lào
[Kinh tế ASEAN] Kinh tế Lào
 
Lễ hội đình làng trung nghĩa nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng
Lễ hội đình làng trung nghĩa   nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồngLễ hội đình làng trung nghĩa   nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng
Lễ hội đình làng trung nghĩa nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng
 
Lễ hội đình làng trung nghĩa nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng
Lễ hội đình làng trung nghĩa   nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồngLễ hội đình làng trung nghĩa   nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng
Lễ hội đình làng trung nghĩa nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng
 

More from style tshirt

Tài liệu triển khai, hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ...
Tài liệu triển khai, hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ...Tài liệu triển khai, hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ...
Tài liệu triển khai, hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ...style tshirt
 
các chính sách-cam-nang-giam-ngheo-1 (1).pdf
các chính sách-cam-nang-giam-ngheo-1 (1).pdfcác chính sách-cam-nang-giam-ngheo-1 (1).pdf
các chính sách-cam-nang-giam-ngheo-1 (1).pdfstyle tshirt
 
scdi-tai-lieu-nghiep-vu-tro-giup-xa-hoi-2019_PGB2Omi.pdf
scdi-tai-lieu-nghiep-vu-tro-giup-xa-hoi-2019_PGB2Omi.pdfscdi-tai-lieu-nghiep-vu-tro-giup-xa-hoi-2019_PGB2Omi.pdf
scdi-tai-lieu-nghiep-vu-tro-giup-xa-hoi-2019_PGB2Omi.pdfstyle tshirt
 
Sile Báo cáo sơ kết giua ky giam ngheo.pptx
Sile Báo cáo sơ kết giua ky giam ngheo.pptxSile Báo cáo sơ kết giua ky giam ngheo.pptx
Sile Báo cáo sơ kết giua ky giam ngheo.pptxstyle tshirt
 
SỔ TAY LẠNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG ĐỒNG THÁP.
SỔ TAY LẠNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG ĐỒNG THÁP.SỔ TAY LẠNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG ĐỒNG THÁP.
SỔ TAY LẠNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG ĐỒNG THÁP.style tshirt
 
Bệnh học nam giới với sinh sản và tình dục.pdf
Bệnh học nam giới với sinh sản và tình dục.pdfBệnh học nam giới với sinh sản và tình dục.pdf
Bệnh học nam giới với sinh sản và tình dục.pdfstyle tshirt
 
Tìm hiểu về môn học Thống kê xã hội học.pdf
Tìm hiểu về môn học Thống kê xã hội học.pdfTìm hiểu về môn học Thống kê xã hội học.pdf
Tìm hiểu về môn học Thống kê xã hội học.pdfstyle tshirt
 
Hiểu biết về Tâm sinh lý phụ nữ giới.pdf
Hiểu biết về Tâm sinh lý phụ nữ giới.pdfHiểu biết về Tâm sinh lý phụ nữ giới.pdf
Hiểu biết về Tâm sinh lý phụ nữ giới.pdfstyle tshirt
 
nhasachmienphi-ban-thiet-ke-vi-dai tạo hóa.pdf
nhasachmienphi-ban-thiet-ke-vi-dai tạo hóa.pdfnhasachmienphi-ban-thiet-ke-vi-dai tạo hóa.pdf
nhasachmienphi-ban-thiet-ke-vi-dai tạo hóa.pdfstyle tshirt
 
nhasachmienphi-nhuc-bo-doan sách hay hâp[s đãn
nhasachmienphi-nhuc-bo-doan sách hay hâp[s đãnnhasachmienphi-nhuc-bo-doan sách hay hâp[s đãn
nhasachmienphi-nhuc-bo-doan sách hay hâp[s đãnstyle tshirt
 
nhasachmienphi-tinh-duc-hoc-dai-cuong.pdf
nhasachmienphi-tinh-duc-hoc-dai-cuong.pdfnhasachmienphi-tinh-duc-hoc-dai-cuong.pdf
nhasachmienphi-tinh-duc-hoc-dai-cuong.pdfstyle tshirt
 
nhasachmienphi-78-cau-hoi-ve-nha-lanh-dao.pdf
nhasachmienphi-78-cau-hoi-ve-nha-lanh-dao.pdfnhasachmienphi-78-cau-hoi-ve-nha-lanh-dao.pdf
nhasachmienphi-78-cau-hoi-ve-nha-lanh-dao.pdfstyle tshirt
 
nhasachmienphi-thien-dinh-va-tam-tri-dieu-ky.pdf
nhasachmienphi-thien-dinh-va-tam-tri-dieu-ky.pdfnhasachmienphi-thien-dinh-va-tam-tri-dieu-ky.pdf
nhasachmienphi-thien-dinh-va-tam-tri-dieu-ky.pdfstyle tshirt
 
nhasachmienphi-kheo-an-noi-se-co-duoc-thien-ha.pdf
nhasachmienphi-kheo-an-noi-se-co-duoc-thien-ha.pdfnhasachmienphi-kheo-an-noi-se-co-duoc-thien-ha.pdf
nhasachmienphi-kheo-an-noi-se-co-duoc-thien-ha.pdfstyle tshirt
 
Tìm hiểu nhasachmienphi-vo-nga-vo-uu.pdf
Tìm hiểu nhasachmienphi-vo-nga-vo-uu.pdfTìm hiểu nhasachmienphi-vo-nga-vo-uu.pdf
Tìm hiểu nhasachmienphi-vo-nga-vo-uu.pdfstyle tshirt
 
[downloadsachmienphi.com] Tuổi Mới Lớn Và Vấn Đề Tình Dục.pdf
[downloadsachmienphi.com] Tuổi Mới Lớn Và Vấn Đề Tình Dục.pdf[downloadsachmienphi.com] Tuổi Mới Lớn Và Vấn Đề Tình Dục.pdf
[downloadsachmienphi.com] Tuổi Mới Lớn Và Vấn Đề Tình Dục.pdfstyle tshirt
 
nhasachmienphi tìm về -bi-an-cua-nhan-loai.pdf
nhasachmienphi tìm về -bi-an-cua-nhan-loai.pdfnhasachmienphi tìm về -bi-an-cua-nhan-loai.pdf
nhasachmienphi tìm về -bi-an-cua-nhan-loai.pdfstyle tshirt
 
Những vấn đề lý luận cơ bản về phát triển xã hội.pdf
Những vấn đề lý luận cơ bản về phát triển xã hội.pdfNhững vấn đề lý luận cơ bản về phát triển xã hội.pdf
Những vấn đề lý luận cơ bản về phát triển xã hội.pdfstyle tshirt
 
Tìm hiểu về Giáo trình lý thuyết kế toán.pdf
Tìm hiểu về Giáo trình lý thuyết kế toán.pdfTìm hiểu về Giáo trình lý thuyết kế toán.pdf
Tìm hiểu về Giáo trình lý thuyết kế toán.pdfstyle tshirt
 
Tìm hiểu về cách người ta Quy hoạch vùng.pdf
Tìm hiểu về cách người ta Quy hoạch vùng.pdfTìm hiểu về cách người ta Quy hoạch vùng.pdf
Tìm hiểu về cách người ta Quy hoạch vùng.pdfstyle tshirt
 

More from style tshirt (20)

Tài liệu triển khai, hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ...
Tài liệu triển khai, hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ...Tài liệu triển khai, hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ...
Tài liệu triển khai, hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ...
 
các chính sách-cam-nang-giam-ngheo-1 (1).pdf
các chính sách-cam-nang-giam-ngheo-1 (1).pdfcác chính sách-cam-nang-giam-ngheo-1 (1).pdf
các chính sách-cam-nang-giam-ngheo-1 (1).pdf
 
scdi-tai-lieu-nghiep-vu-tro-giup-xa-hoi-2019_PGB2Omi.pdf
scdi-tai-lieu-nghiep-vu-tro-giup-xa-hoi-2019_PGB2Omi.pdfscdi-tai-lieu-nghiep-vu-tro-giup-xa-hoi-2019_PGB2Omi.pdf
scdi-tai-lieu-nghiep-vu-tro-giup-xa-hoi-2019_PGB2Omi.pdf
 
Sile Báo cáo sơ kết giua ky giam ngheo.pptx
Sile Báo cáo sơ kết giua ky giam ngheo.pptxSile Báo cáo sơ kết giua ky giam ngheo.pptx
Sile Báo cáo sơ kết giua ky giam ngheo.pptx
 
SỔ TAY LẠNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG ĐỒNG THÁP.
SỔ TAY LẠNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG ĐỒNG THÁP.SỔ TAY LẠNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG ĐỒNG THÁP.
SỔ TAY LẠNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG ĐỒNG THÁP.
 
Bệnh học nam giới với sinh sản và tình dục.pdf
Bệnh học nam giới với sinh sản và tình dục.pdfBệnh học nam giới với sinh sản và tình dục.pdf
Bệnh học nam giới với sinh sản và tình dục.pdf
 
Tìm hiểu về môn học Thống kê xã hội học.pdf
Tìm hiểu về môn học Thống kê xã hội học.pdfTìm hiểu về môn học Thống kê xã hội học.pdf
Tìm hiểu về môn học Thống kê xã hội học.pdf
 
Hiểu biết về Tâm sinh lý phụ nữ giới.pdf
Hiểu biết về Tâm sinh lý phụ nữ giới.pdfHiểu biết về Tâm sinh lý phụ nữ giới.pdf
Hiểu biết về Tâm sinh lý phụ nữ giới.pdf
 
nhasachmienphi-ban-thiet-ke-vi-dai tạo hóa.pdf
nhasachmienphi-ban-thiet-ke-vi-dai tạo hóa.pdfnhasachmienphi-ban-thiet-ke-vi-dai tạo hóa.pdf
nhasachmienphi-ban-thiet-ke-vi-dai tạo hóa.pdf
 
nhasachmienphi-nhuc-bo-doan sách hay hâp[s đãn
nhasachmienphi-nhuc-bo-doan sách hay hâp[s đãnnhasachmienphi-nhuc-bo-doan sách hay hâp[s đãn
nhasachmienphi-nhuc-bo-doan sách hay hâp[s đãn
 
nhasachmienphi-tinh-duc-hoc-dai-cuong.pdf
nhasachmienphi-tinh-duc-hoc-dai-cuong.pdfnhasachmienphi-tinh-duc-hoc-dai-cuong.pdf
nhasachmienphi-tinh-duc-hoc-dai-cuong.pdf
 
nhasachmienphi-78-cau-hoi-ve-nha-lanh-dao.pdf
nhasachmienphi-78-cau-hoi-ve-nha-lanh-dao.pdfnhasachmienphi-78-cau-hoi-ve-nha-lanh-dao.pdf
nhasachmienphi-78-cau-hoi-ve-nha-lanh-dao.pdf
 
nhasachmienphi-thien-dinh-va-tam-tri-dieu-ky.pdf
nhasachmienphi-thien-dinh-va-tam-tri-dieu-ky.pdfnhasachmienphi-thien-dinh-va-tam-tri-dieu-ky.pdf
nhasachmienphi-thien-dinh-va-tam-tri-dieu-ky.pdf
 
nhasachmienphi-kheo-an-noi-se-co-duoc-thien-ha.pdf
nhasachmienphi-kheo-an-noi-se-co-duoc-thien-ha.pdfnhasachmienphi-kheo-an-noi-se-co-duoc-thien-ha.pdf
nhasachmienphi-kheo-an-noi-se-co-duoc-thien-ha.pdf
 
Tìm hiểu nhasachmienphi-vo-nga-vo-uu.pdf
Tìm hiểu nhasachmienphi-vo-nga-vo-uu.pdfTìm hiểu nhasachmienphi-vo-nga-vo-uu.pdf
Tìm hiểu nhasachmienphi-vo-nga-vo-uu.pdf
 
[downloadsachmienphi.com] Tuổi Mới Lớn Và Vấn Đề Tình Dục.pdf
[downloadsachmienphi.com] Tuổi Mới Lớn Và Vấn Đề Tình Dục.pdf[downloadsachmienphi.com] Tuổi Mới Lớn Và Vấn Đề Tình Dục.pdf
[downloadsachmienphi.com] Tuổi Mới Lớn Và Vấn Đề Tình Dục.pdf
 
nhasachmienphi tìm về -bi-an-cua-nhan-loai.pdf
nhasachmienphi tìm về -bi-an-cua-nhan-loai.pdfnhasachmienphi tìm về -bi-an-cua-nhan-loai.pdf
nhasachmienphi tìm về -bi-an-cua-nhan-loai.pdf
 
Những vấn đề lý luận cơ bản về phát triển xã hội.pdf
Những vấn đề lý luận cơ bản về phát triển xã hội.pdfNhững vấn đề lý luận cơ bản về phát triển xã hội.pdf
Những vấn đề lý luận cơ bản về phát triển xã hội.pdf
 
Tìm hiểu về Giáo trình lý thuyết kế toán.pdf
Tìm hiểu về Giáo trình lý thuyết kế toán.pdfTìm hiểu về Giáo trình lý thuyết kế toán.pdf
Tìm hiểu về Giáo trình lý thuyết kế toán.pdf
 
Tìm hiểu về cách người ta Quy hoạch vùng.pdf
Tìm hiểu về cách người ta Quy hoạch vùng.pdfTìm hiểu về cách người ta Quy hoạch vùng.pdf
Tìm hiểu về cách người ta Quy hoạch vùng.pdf
 

LS DANG BO LAI VUNG vuong quóc quyt hong

  • 1.
  • 2.
  • 3.
  • 4. Chỉ đạo thực hiện BAN THƯỜNG VỤ HUYỆN ỦY LAI VUNG Tổ chức thực hiện BAN TUYÊN GIÁO HUYỆN ỦY LAI VUNG Biên soạn TS. PHẠM XUÂN VŨ THS. NGUYỄN THẾ HỒNG BAN TUYÊN GIÁO HUYỆN ỦY LAI VUNG Hình ảnh tư liệu Ban Tuyên giáo Huyện ủy Lai Vung cung cấp và sưu tầm
  • 5. LỜI NHÀ XUẤT BẢN Với lịch sử phát triển hơn 300 năm, Đồng Tháp được biết đến là một vùng đất có lịch sử hào hùng trong đấu tranh cách mạng. Là huyện nằm ở phía nam của tỉnh, Lai Vung có vị trí quan trọng với hệ thống giao thông thủy bộ thuận tiện, được nhiều bậc tiền hiền đến khai khẩn, mở mang ruộng đất... Trải qua bao khó khăn, gian khổ, vùng đất Lai Vung luôn kiên cường, bất khuất. Với bề dày truyền thống, nhân dân Lai Vung đã sớm tiếp thu và đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhanh chóng hòa nhập vào các phong trào cách mạng cùng với cả nước nói chung, tỉnh Đồng Tháp nói riêng, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. Hòa bình lập lại, Đảng bộ và nhân dân Lai Vung đã phát huy những thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức để vươn mình phát triển. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, Đảng bộ và nhân dân huyện Lai Vung đã tập trung khắc phục mọi khó khăn, ổn định sản xuất, đời sống; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, thực hiện đường lối đổi mới, từng bước ổn định và phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng rất đáng tự hào. Nhằm góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho thế hệ trẻ, thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Lai Vung lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020 - 2025,
  • 6. 6 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015) Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp xuất bản cuốn sách Lịch sử truyền thống cách mạng huyện Lai Vung (1929 - 2015). Cuốn sách ghi lại chặng đường lịch sử 86 năm đấu tranh, xây dựng và phát triển của Đảng bộ và nhân dân huyện Lai Vung từ khi có chi bộ Đảng ra đời lãnh đạo nhân dân đoàn kết đấu tranh, giành chính quyền thắng lợi, góp phần hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà và tiếp tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn cách mạng mới; qua đó góp phần giáo dục cho đảng viên và nhân dân trong huyện, nhất là thế hệ trẻ tự hào về lịch sử hào hùng của quê hương, phát huy truyền thống, vững bước đi lên trong sự nghiệp xây dựng đất nước theo đường lối đổi mới của Đảng. Cuốn sách cũng là lời tri ân sâu sắc đến những con người đã đóng góp công sức, trí tuệ của mình trong cuộc đấu tranh giành độc lập trước đây và xây dựng quê hương hôm nay. Cuốn sách sẽ là tài liệu hữu ích cho những bạn đọc yêu thích tìm hiểu, nghiên cứu về truyền thống lịch sử cách mạng. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng cuốn sách khó tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót. Rất mong nhận được góp ý của bạn đọc để lần xuất bản sau cuốn sách được hoàn thiện hơn. Trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc. Tháng 7 năm 2020 NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT
  • 7. LỜI NÓI ĐẦU Lai Vung là huyện phía nam của tỉnh Đồng Tháp, có vị trí quan trọng với hệ thống giao thông thủy bộ thuận tiện nối liền huyện với quốc lộ 80, 54 đi Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Cần Thơ cùng các tỉnh khác trong khu vực Tây Nam Bộ. Vào khoảng thế kỷ XVII, những lớp lưu dân đầu tiên cùng các bậc tiền hiền đã kiên cường, vượt mọi gian khổ đến vùng đất Lai Vung để quy dân lập làng, sau đó các bậc hậu hiền tiếp tục khai khẩn, mở mang ruộng đất... Cùng với cả dân tộc, trải qua bao khó khăn bởi thiên nhiên khắc nghiệt trong buổi đầu khai hoang rồi đến các cuộc chiến tranh giữa các thế lực phong kiến hay sự xâm lược và cai trị của thực dân, đế quốc, tay sai, vùng đất Lai Vung luôn được giữ vững bằng sự kiên cường, ý chí quyết tâm, đoàn kết của con người nơi đây. Dưới ách áp bức nặng nề của các thế lực ngoại xâm, tình yêu quê hương xứ sở, niềm khao khát độc lập, tự do đã hun đúc cho nhân dân Lai Vung có một lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất. Truyền thống yêu nước đó là điều kiện thuận lợi để chủ nghĩa Mác - Lênin sớm bám rễ và phát triển, cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành ngọn đuốc soi đường cho nhân dân Lai Vung cùng cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, tiếp tục xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc đến hôm nay và cho mai sau.
  • 8. 8 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015) Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, giáo dục lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và để ghi lại những chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng bộ cùng nhân dân địa phương, trong nhiều năm qua Ban Thường vụ Huyện ủy Lai Vung đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp cùng các ngành liên quan thực hiện công tác sưu tầm tư liệu, biên soạn Lịch sử truyền thống cách mạng huyện Lai Vung (1929 - 2015) vì xét thấy đây là công việc cấp thiết nhằm gìn giữ, kế thừa, tuyên truyền và giáo dục truyền thống cách mạng địa phương. Bên cạnh việc đề cập đến lịch sử hình thành vùng đất Lai Vung, những đặc điểm tự nhiên và dân cư, sự thay đổi địa giới hành chính của huyện qua các thời kỳ, nội dung cuốn sách khắc họa lại cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ, oanh liệt của Đảng bộ và nhân dân huyện Lai Vung trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; những khó khăn, thách thức của địa phương sau giải phóng cùng những thành tựu, hạn chế trong công cuộc xây dựng quê hương trong thời kỳ đổi mới; ghi nhớ truyền thống tiêu biểu và những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo của Đảng bộ huyện. Quá trình sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn cuốn sách này đã trải qua một thời gian khá dài, có sự kế thừa trong công tác chỉ đạo và nghiên cứu giữa các thế hệ lãnh đạo của huyện.
  • 9. LỜI NÓI ĐẦU 9 Do điều kiện chiến tranh lâu dài, ác liệt, tài liệu thành văn bị thất lạc, không còn nhiều, nên việc sưu tầm và biên soạn gặp nhiều khó khăn. Nhưng may mắn là các vị cán bộ lão thành cách mạng, các cán bộ quân sự, binh vận, chiến sĩ du kích và nhân dân, các đồng chí nguyên lãnh đạo địa phương qua các thời kỳ đã cung cấp nhiều thông tin đáng tin cậy, làm sáng tỏ nhiều vấn đề, giúp cho việc xây dựng bản thảo được cơ bản đầy đủ và trung thực với lịch sử. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020), cũng là kỷ niệm 45 năm huyện Lai Vung được giải phóng (02/5/1975 - 02/5/2020), đồng thời hướng đến chào mừng Đại hội đại biểu lần thứ VII Đảng bộ huyện Lai Vung, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Huyện ủy trân trọng giới thiệu cuốn sách Lịch sử truyền thống cách mạng huyện Lai Vung (1929 - 2015). Đây là sự ghi nhận, biết ơn của Đảng bộ và nhân dân trong huyện đối với những những người có công góp phần xây dựng và bảo vệ quê hương Lai Vung qua các thời kỳ lịch sử. Đồng thời cũng mong muốn các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện, nhất là thế hệ trẻ hôm nay và mai sau có sự kế thừa, học tập, phát huy hơn nữa những truyền thống lịch sử quý báu này, hun đúc thêm động lực, quyết tâm và trách nhiệm trong việc giữ gìn tinh thần đoàn kết, cùng nhau góp sức xây dựng huyện Lai Vung ngày càng phát triển bền vững.
  • 10. 10 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015) Ban Thường vụ Huyện ủy Lai Vung chân thành cảm ơn Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Hội Khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp, các bậc lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh, huyện, cán bộ, chiến sĩ từng chiến đấu, công tác tại địa phương cùng các cá nhân, đơn vị trong và ngoài huyện đã có nhiều hỗ trợ, đóng góp tư liệu, sự kiện, thông tin giúp Ban biên soạn hoàn thành bản thảo Lịch sử truyền thống cách mạng huyện Lai Vung (1929 - 2015). Mong được tiếp thu ý kiến đóng góp của các đồng chí cán bộ, đảng viên cùng nhân dân để tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa khi tái bản. Lai Vung, ngày 03 tháng 02 năm 2020 T/M BAN THƯỜNG VỤ HUYỆN ỦY BÍ THƯ Đinh Văn Dũng
  • 11. PHẦN MỞ ĐẦU KHÁI QUÁT VỀ VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI LAI VUNG
  • 12. 12
  • 13. 13 Chương 1 TỔNG QUAN VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ VÀ XÃ HỘI I- ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN Về vị trí địa lý, huyện Lai Vung nằm ở tọa độ từ 10o 08’ đến 10o 24’ vĩ độ Bắc và từ 105o 33’ đến 105o 44’ kinh độ Đông, nằm ở phía nam tỉnh Đồng Tháp. Phía bắc giáp huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp), phía nam giáp huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long), phía tây giáp sông Hậu, ngăn cách với thành phố Cần Thơ, phía đông giáp thành phố Sa Đéc và huyện Châu Thành (tỉnh Đồng Tháp). Diện tích tự nhiên của huyện là 23.844,45ha (chiếm 6,79% diện tích toàn tỉnh Đồng Tháp, chiếm 0,07% diện tích cả nước). Trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 19.496,04 (chiếm 81,76%), diện tích đất phi nông nghiệp là 4.348,41 (chiếm 18,24%)1 . Địa hình tương đối bằng phẳng, có độ cao ven sông Tiền và sông Hậu, trũng lòng máng ở giữa, cao độ phổ biến (+0,9)- (+0,1), cao nhất (+2,0), thấp nhất (+0,8), bề mặt địa hình bị 1. Nguyễn Trà Nguyên Trân: “Đánh giá đặc tính vật lý - hóa học đất vườn trồng cam quýt ở huyện Lai Vung - Đồng Tháp”, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh, 2016, tr. 11.
  • 14. 14 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015) chia cắt bởi hệ thống kinh mương dầy đặc. Độ cao trung bình so với mặt biển từ 1 - 1,5m. Khu vực vùng trũng của huyện cao 0,8m so với mực nước biển (đó là khu vực lung Cá Trê thuộc xã Long Thắng). Về tính chất đất đai, có hai loại chính là đất phù sa (chiếm 47,53%) và đất phèn (chiếm 45,41%), nguồn đất sét trữ lượng tương đối lớn tập trung ở các xã Tân Dương, Hòa Thành, Tân Phước, Tân Thành phục vụ cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Khí hậu nhiệt đới gió mùa, chủ yếu theo hai hướng tây nam và đông bắc (từ tháng 5 đến tháng 11), ngoài ra còn có gió chướng (từ tháng 2 đến tháng 4), mùa mưa có lốc xoáy. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 (chiếm 90 - 92% lượng mưa cả năm), mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau (chiếm 8 - 10% lượng mưa cả năm). Chế độ thủy văn, chịu tác động của ba yếu tố là lũ, mưa nội đồng và thủy triều biến động. Căn cứ vào mực nước, chế độ triều và địa hình có thể chia thành ba vùng: vùng tự chảy hoàn toàn (cao trình dưới 0,8m), vùng bơm hỗ trợ (cao trình từ 1,0 - 1,2m), vùng bơm toàn bộ (cao trình từ 1,2 - 1,5m). Hệ thống sông rạch chiếm 7,06% diện tích tự nhiên toàn huyện. “Trong địa phận Đồng Tháp, sông Hậu chỉ chảy qua hai huyện Lai Vung và Lấp Vò với chiều dài khoảng 34km, lòng sông thẳng, tác dụng xâm thực và bồi lắng yếu, nơi rộng nhất trên sông Hậu của tỉnh ở khu vực Định Yên: 1.600m, nơi hẹp nhất là ở
  • 15. Chương 1: TỔNG QUAN VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ VÀ XÃ HỘI 15 xã Phong Hòa: 900m. Độ sâu trung bình của sông Hậu khoảng 16m. Do lòng sông Hậu thẳng, sự biến đổi của bờ sông hầu như không đáng kể”1 . Trên địa bàn huyện có nhiều sông, rạch nhỏ phân bố khắp vùng, cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất. II- ĐẶC ĐIỂM VỀ KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI VÀ DÂN CƯ Kinh tế truyền thống của huyện là nông nghiệp trồng lúa nước, ngoài ra huyện còn có thế mạnh về trồng cây ăn trái, nông sản, hoa màu. Tiểu thủ công nghiệp với các nghề truyền thống như đan lờ lọp (xã Hoà Long), đan cần xé, đan bội (xã Tân Thành), đóng xuồng, ghe (xã Long Hậu), nghề nem, bì ở các xã ven quốc lộ 54, 80, các ngành khác có xay xát lúa gạo (xã Tân Dương và xã Long Thắng), sản xuất nước đá (xã Vĩnh Thới và xã Phong Hòa). Về công nghiệp, trước năm 1975 huyện không có các khu công nghiệp tập trung. Sau năm 1975, huyện chú trọng đầu tư và ưu tiên phát triển chế biến nông, thủy sản, thức ăn gia súc, công nghiệp may mặc, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, các dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, ít gây ô nhiễm môi trường. Thương mại - dịch vụ phát triển với tốc độ khá nhanh cùng cả nước từ khi chuyển sang mô hình 1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp: Địa chí tỉnh Đồng Tháp, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2013, tr. 122.
  • 16. 16 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015) kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa1 . Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện thuộc loại khá so với các địa phương trong tỉnh Đồng Tháp, năm 2015 đạt 8,6%, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp đạt 3,53%, thủy sản: 1,00%, công nghiệp: 7,15%, xây dựng: 5,14%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 12,13%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp, tăng khu vực công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 29 triệu đồng/người (tương đương 1.318USD/người). Về giao thông, truyền thống của cư dân Lai Vung là di chuyển bằng xuồng, ghe. Hệ thống giao thông đường bộ có từ thời Pháp thuộc và sau năm 1975 được phát triển thêm như đường liên tỉnh lộ 8 (nay là quốc lộ 80)2 dài gần 53km, lộ 37 (nay thuộc một phần quốc lộ 54)3 , lộ 29 (nay là đường ĐT851, từ quốc lộ 80, thị trấn Lai Vung - quốc lộ 54, Tân Thành), lộ 13 chạy qua xã Tân Dương (nay là đường tỉnh ĐT852, từ quốc lộ 80, Long Hưng B - ĐT848 phường An Hòa) một số 1. Quyết định số 448/QĐ-UBND-HC, ngày 24/4/2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc quy hoạch phát triển ngành thương mại giai đoạn 2011 - 2020. 2. Từ Bắc Mỹ Thuận (nay là cầu Mỹ Thuận) qua các quận Đức Tôn (nay là huyện Châu Thành), Đức Thịnh (nay là thành phố Sa Đéc), Đức Thành (nay là huyện Lai Vung), Lấp Vò rồi vượt sông Hậu tại điểm Bắc Vàm Cống đi tỉnh An Giang, Kiên Giang. 3. Nối với quốc lộ 80 tại điểm Bắc Vàm Cống (huyện Lấp Vò) chạy qua các huyện Lấp Vò, Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp), các huyện Bình Tân, Bình Minh, Tam Bình, Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long), kết thúc tại thành phố Trà Vinh.
  • 17. Chương 1: TỔNG QUAN VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ VÀ XÃ HỘI 17 đường tỉnh đi qua địa bàn huyện được xây dựng mới như đường tỉnh ĐT853 (từ quốc lộ 80, Tân Phú Đông - quốc lộ 54 Phong Hòa)...1 . Hiện nay, đường bộ từ huyện lỵ Lai Vung đến các địa phương lân cận theo cung đường chính sau: Lai Vung - thành phố Long Xuyên; Lai Vung - thành phố Cao Lãnh; Lai Vung - thành phố Sa Đéc; Lai Vung - thành phố Cần Thơ. Ngoài ra, hệ thống giao thông đường bộ liên xã được bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đi lại của người dân. Về dân cư, tính đến năm 2019 toàn huyện có 164.242 người, phần lớn là dân tộc Kinh, còn dân tộc Khmer và dân tộc Hoa chiếm tỷ lệ nhỏ. Cơ cấu dân số, nam giới chiếm tỷ lệ 49,5%, nữ giới chiếm tỷ lệ 50,5%2 . Cư dân Lai Vung có nhiều nguồn gốc giống như các vùng khác của Nam Bộ: là những lưu dân đến từ miền Trung, có một số ít bộ phận binh lính trong cuộc nội chiến Tây Sơn - Nguyễn Ánh3 . Buổi đầu khai hoang lập ấp dân cư có tập quán sống ven sông, 1. Nối quốc lộ 80 tại thị trấn Lai Vung, qua xã Long Hậu thông với quốc lộ 54 tại xã Tân Thành. 2. Số liệu thống kê năm 2019, Ủy ban nhân dân huyện Lai Vung. 3. Vùng đất Tầm Phong Long (có An Giang, Đồng Tháp hiện nay), các giáo dân đã chiếm ngụ một số địa điểm sau khi lệnh cấm đạo được ban hành như ở Cái Đôi (1778), Bãi Dinh (cù lao Giêng năm 1778), Lò Ót (Bò Ót năm 1779), Năng Gù (1845). Vì thế, trên địa bàn Lai Vung không có nhà thờ Thiên Chúa giáo xây dựng trong thời gian cấm đạo của Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Cư dân của huyện có nguồn gốc từ giáo dân chủ yếu là thời gian sau này khi Thiên Chúa giáo được truyền bá rộng rãi. Xem Nguyễn Thế Anh và cộng sự: Nam tiến của dân tộc Việt Nam, Nhà sách Khai Trí, 1970, tr. 13 - 14 ghi chép.
  • 18. 18 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015) rạch tự nhiên vì lúc đó chưa có hoặc ít có kinh và đường giao thông bộ. Sau năm 1975, phần lớn dân cư sinh sống tập trung dọc theo các tuyến kinh và đường giao thông. Dân số địa phương tương đối trẻ, có khoảng 110.000 người trong độ tuổi lao động, cung cấp nguồn lao động dồi dào, kết hợp với những điều kiện thuận lợi mà huyện có góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Về giáo dục, thời khai hoang lập làng đến thời phong kiến người dân nơi đây ít được học hành. Từ năm 1945 - 1975, người dân được tiếp cận hai loại hình giáo dục là giáo dục vùng chính quyền cách mạng và chính quyền cũ, tuy nhiên học hành bị hạn chế do chiến tranh. Sau năm 1975, hệ thống trường học các cấp được hình thành, mọi tầng lớp dân cư có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận giáo dục. Về y tế, trước năm 1975 hoạt động khám chữa bệnh bị hạn chế do thiếu cơ sở vật chất, thuốc men, nhân dân chữa bệnh bằng phương cách dân gian, dùng thuốc nam, thuốc bắc. Từ sau giải phóng đến nay, huyện có bệnh viện đa khoa, phòng khám khu vực, 12 xã, thị trấn đều có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Nhiều chính sách về y tế, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được quan tâm. Sau ngày 30/4/1975, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao trên địa bàn huyện phát triển mạnh như hò, ca cổ, ngâm thơ, sinh hoạt câu lạc bộ “Đờn ca tài tử”; đua xuồng là môn thể thao mang đậm nét truyền thống của người dân Lai Vung.
  • 19. Chương 1: TỔNG QUAN VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ VÀ XÃ HỘI 19 Về chính sách xã hội, với phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn được các cơ quan, đơn vị, các địa phương cùng nhân dân thực hiện kịp thời, đầy đủ. Công tác xóa đói, giảm nghèo được xem là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ và chính quyền. Về tín ngưỡng, tôn giáo, huyện Lai Vung có 7 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân, gồm Phật giáo Hòa Hảo, Phật giáo, Tin Lành, Công giáo, Cao Đài các phái, Tịnh Độ cư sĩ và Phật giáo Tứ Ân. Toàn huyện có 33 cơ sở thờ tự của các tôn giáo: chùa Phật giáo (19 cơ sở), nhà thờ Công giáo (3 cơ sở), nhà thờ Tin Lành (1 cơ sở), thánh thất Cao Đài các phái (6 cơ sở), chùa Phật giáo Hòa Hảo (4 cơ sở), có 109 chức sắc tôn giáo, 165 chức việc tôn giáo1 . Phần lớn tín đồ là nhân dân lao động, có tinh thần yêu nước, đồng thời họ có niềm tin tôn giáo sâu sắc và nhu cầu sinh hoạt tôn giáo bình thường. Tín đồ các tôn giáo luôn gắn bó chặt chẽ với cộng đồng dân cư, vừa chăm lo xây dựng tình làng, nghĩa xóm, đi theo sự lãnh đạo của Đảng và đóng góp một phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng toàn dân, vừa duy trì các sinh hoạt tôn giáo gắn bó với phương châm “tốt đời đẹp đạo” trong cả thời chiến và 1. Số lượng tín đồ các tôn giáo khoảng 43.731/161.432 tín đồ, chiếm 27,09%, gồm Phật giáo Hòa Hảo (23.936 tín đồ), Phật giáo Việt Nam (10.182 tín đồ), Tin Lành (769 tín đồ), Công giáo (2.265 tín đồ), Cao Đài các phái (6.524 tín đồ), Tịnh Độ cư sĩ (55 tín đồ), Phật giáo Tứ Ân (349 tín đồ). Xem Ủy ban nhân dân huyện Lai Vung: Báo cáo sơ kết 20 năm thực hiện Thông báo số 165-TB/TW của Thường vụ Bộ Chính trị về chủ trương đối với Phật giáo Hòa Hảo trong tình hình mới, số 124/BC-UBND, ngày 11/5/2018.
  • 20. 20 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015) thời hòa bình. Tín ngưỡng dân gian mang những nét tương đồng gắn liền với nền sản xuất thuần nông nghiệp. Chịu ảnh hưởng về Tam giáo (gồm Nho giáo, Lão giáo, Phật giáo) nên phần đông người dân Lai Vung lấy đạo thờ cúng ông bà làm trọng. Trong quá trình định cư, do tiếp thu với nền văn hóa của các dân tộc khác là Chăm, Hoa, Khmer mà người dân thờ các vị thần khác nhau như: nhóm chịu ảnh hưởng của văn hóa Hoa có tín ngưỡng thờ Quan công (chùa Ông) và thờ Bà Thiên Hậu (chùa Bà); nhóm chịu ảnh hưởng của văn hóa Chăm thờ Bà chúa Xứ; nhóm chịu ảnh hưởng của văn hóa Khmer thì thờ Thổ thần, ông Tà. Ngoài ra, người dân Lai Vung còn có tập tục thờ các nhân vật lịch sử có công với nước và thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Về nhà ở, trong buổi đầu khai phá, người dân thường chọn xây nhà ở những nơi có bến sông để thuận tiện cho việc đi lại, sinh hoạt. Người dân thường chọn những vật liệu có sẵn trong vườn, hoặc ở địa phương như các loại gỗ... để xây nhà. Cấu trúc, kỹ thuật nhà của cư dân xưa mô phỏng kiểu nhà truyền thống của người Việt ở miền Bắc và chủ yếu là miền Trung. Một trong những điểm nổi bật trong việc xây nhà là kỹ thuật đóng kèo và đòn tay theo kiểu guốc chèo, gọi là thả kèo đòn tay hai giàn, trong đó kèo và đòn tay được lắp mộng không dùng đinh. Mỗi ngôi nhà là không gian riêng của từng gia đình, nên tùy vào sở thích và khả năng kinh tế mà người chủ nhà có cách bày trí cho ngôi nhà khác nhau. Thông thường, ngôi nhà bao gồm nhà trên và nhà dưới: nhà trên là nơi thờ phụng ông bà tổ tiên
  • 21. Chương 1: TỔNG QUAN VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ VÀ XÃ HỘI 21 và tiếp khách quan trọng, nhà dưới là nơi diễn ra sinh hoạt hằng ngày của gia đình, sau này được cải tiến cho phù hợp, thích nghi với khí hậu nóng ẩm. Cách bố trí nhà ở của cư dân tổng thể gần giống nhau. Tùy theo khuôn viên thổ cư rộng hay hẹp, có thể chia thành mấy dạng bố trí tổng thể chính nhìn từ ngoài vào như sau: sân - nhà - vườn - ao cá hay vườn - sân - nhà - vườn - ao cá. Hai dạng này thường thấy ở địa bàn dân cư ven đường, do đất thổ cư hẹp, có thể biến dạng còn: vườn - nhà hay sân - nhà. Bên cạnh đó là, sân - nhà - bến nước hay bến nước - sân - nhà - vườn. Hai dạng này được bố trí cho địa bàn cư trú ven sông, rạch. Sông, rạch có thể ở phía trước hoặc sau nhà, do đó có thể bến nước nằm ở phía trước hoặc phía sau hay bên hông nhà. Cầu gỗ, tre, bê tông bắc chùi xuống sông, kinh, rạch, dùng làm nơi đậu xuồng ghe, sinh hoạt hằng ngày. Nhà quay về hướng nào không quan trọng mà cần bố trí như thế nào cho phù hợp với cảnh trí xung quanh và mặt tiền nhà hướng ra đường hoặc sông, kinh, rạch. Mang nét đặc thù của cư dân sông nước đồng bằng sông Cửu Long, cư dân nơi đây có thể hò, hát vọng cổ; các hoạt động văn hóa dân gian phát triển khá phong phú, đa dạng với nhiều loại hình, các điệu lý, câu hò, thơ ca ca ngợi tình yêu cuộc sống, con người, đậm đà tính mộc mạc, bộc trực. Người dân Lai Vung mang đặc điểm tính cách người Nam Bộ là chuộng sự phóng khoáng, thẳng thắn, sinh hoạt đơn giản, không cầu kỳ, lao động chăm chỉ.
  • 22. 22 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015) Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân Lai Vung một lòng đi theo Đảng, quyết tâm làm cách mạng, quyết tâm kháng chiến để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đến nay, nhân dân Lai Vung không ngừng phấn đấu đạt được những thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân và cùng nhân dân trong tỉnh, cả nước thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
  • 23. 23 Chương 2 LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT LAI VUNG TỪ BUỔI ĐẦU KHAI HOANG ĐẾN CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX I- NGUỒN GỐC LỊCH SỬ VÀ SỰ HÌNH THÀNH ĐỊA DANH LAI VUNG 1. Nguồn gốc tên gọi địa danh Lai Vung Tên gọi Lai Vung hình thành bắt đầu từ chợ và sông được ghi chép chính thức trong sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức. Trong phần “Sơn xuyên chí” viết về trấn Vĩnh Thanh, có hai lần ghi chép liên quan đến tên gọi Lai Vung. Bản dịch của Hậu học Lý Việt Dũng, mục viết Hồi luân thủy tam kỳ (Ngã ba nước xoáy)1 : “Tục gọi là Nước Xoáy, ở địa phận thôn Tân Long. Phía tây có ngòi nhỏ thông với sông Thủ Ô, cạn hẹp khó đi; nhánh phía bắc đi 33 dặm đến sông Sa Đéc; nhánh phía nam đi hơn 71 dặm qua kinh Cường Oai (tục gọi là Cái Tắt Lai Vung), đến Kỳ Can (Cán Cờ), Thung Dung, rồi đến sông Cường Oai ra sông Hậu Giang; nhánh phía tây chảy 1. Hồi Luân Thủy tam kỳ (tức ngã ba Nước Xoáy). Di cảo của Trương Vĩnh Ký cho biết tên tiếng Khmer của sông này là Prêk tưk vil. Prêk là sông, tưk là nước, vil là chóng mặt (tức xoáy mòng mòng). Vậy sông Nước Xoáy (Hồi Luân Thủy) là dịch theo ý tiếng Khmer.
  • 24. 24 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015) 18 dặm cũng qua kinh Cường Oai chuyển theo ngòi Lưu Thủy đến sông Thủ Ô rồi đến ngã ba sông: nhánh phía bắc đi 6 dặm đến sông Hội An, rồi chảy ra Tiền Giang; nhánh phía tây chảy hơn 71 dặm xuống sông Cường Oai rồi ra Hậu Giang...”1 . Theo ghi chép về địa danh xưa thì chợ Lai Vung nằm trong thôn Tân Lộc, theo Địa bạ tỉnh An Giang thôn Tân Lộc cùng với thôn Long Hậu thuộc xứ Vu Lai, thuộc tổng An Phú, huyện Đông Xuyên, có địa giới là phía đông giáp thôn Tân Phong (tổng An Trường huyện Vĩnh An). Phía tây giáp thôn Định An. Phía nam giáp sông Cái. Phía bắc giáp thôn Long Hậu. Diện tích thực canh là “4336,3 mẫu ta, gồm 480 sở. Sơn điền 3632 mẫu. Thổ canh 713 mẫu, trong đó có tới 576, 5 mẫu trồng cau, trong khi toàn huyện chỉ có 612,2 mẫu”2 . Trong Monographie de la province de Sadec (Chuyên khảo về tỉnh Sa Đéc, tập VIII, năm 1903), ghi chép: Sa Đéc có tới 2.848ha trồng cau, dừa chiếm 730,50ha. Cau được trồng tập trung ở làng Tân Lộc. Ngoài việc dùng để ăn trầu, cau còn là chất phụ gia quan trọng trong nghề nhuộm. Để trái cau chín khô trên cây, nước chát của nó mới đủ độ cầm màu. Làng Tân Lộc là nơi trồng nhiều cau, có chợ bán cau, nổi tiếng với loại cau để chín khô trên cây. Người Khmer bản địa gọi loại cau khô rủ trên cây là Sla Tamvun, nên vùng này được họ gọi là Srôk Sla Tamvun hoặc Phsar Cla Tamvun. Người Việt phát âm thành xóm /Xla 1. Lý Việt Dũng (dịch và chú giải): Gia Định thành thông chí, 2004, tr. 38. 2. Nguyễn Đình Đầu: Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - An Giang, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, tr. 231.
  • 25. Chương 2: LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT LAI VUNG TỪ BUỔI ĐẦU KHAI HOANG... 25 Tam Vung/ hoặc còn có một cách gọi khác, chợ /Xla Tầm Vung/. Theo khuynh hướng thịnh âm và giản lược của ngôn ngữ: /Xla Tầm Vung/ lược bớt âm /Tầm/ biến thành Xla Vung, rồi Việt hóa, bỏ âm /X/ của /Xla/ và nói trại đi thành /Lai/, cuối cùng trở thành Lai Vung. Khảo cứu đến thời điểm hiện tại thì tên gọi Lai Vung là một địa danh có nguồn gốc từ ngôn ngữ Khmer, được Việt hóa dưới dạng phiên âm toàn phần. Như vậy, tên gọi Lai Vung ra đời trong buổi đầu khai hoang mở cõi bên bờ sông Hậu, ghi đậm dấu ấn lịch sử trong diễn trình xây dựng cuộc sống trên vùng đất mới với thành quả đầy sáng tạo trong nông nghiệp: đào mương lên liếp lập vườn trồng cau - một trong hai hoạt động kinh tế chính của Nam Kỳ lúc bấy giờ. 2. Sự thay đổi địa giới hành chính của huyện Lai Vung ● Từ thời khai hoang lập làng, lập ấp đến chính quyền phong kiến nhà Nguyễn Khi người Việt vào khai hoang, lập ấp thì địa danh Lai Vung đã có, dùng để chỉ một con sông, một vùng đất. Năm 1757, Nguyễn Cư Trinh sau khi tiếp thu miền đất giữa sông Tiền và sông Hậu (còn gọi là Tầm Phong Long)1 , tên gọi Lai Vung dần xuất hiện trong văn bản pháp lý của Nhà nước, Lai Vung thuộc Đạo Đông Khẩu. Năm 1779, sau khi 1. Tầm Phong Long trước thế kỷ XVIII là vùng đất rộng lớn từ biên giới Việt Nam - Campuchia, chạy dọc theo sông Tiền và sông Hậu xuống tới Trà Vang (Trà Vinh) và Ba Thắc (Sóc Trăng và Bạc Liêu). Bề ngang từ Hà Tiên sang đến đất Tầm Bôn (Tân An) và từ Ba Thắc đến Tầm Bào (Vĩnh Long), Trấn Giang (Cần Thơ).
  • 26. 26 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015) Nguyễn Ánh chiếm lại Gia Định, chia phủ Gia Định thành 4 dinh, Lai Vung thuộc dinh Long Hồ. Năm 1780 dinh Long Hồ đổi thành dinh Vĩnh Trấn. Năm 1808, dinh Vĩnh Trấn đổi thành Vĩnh Thanh trấn. Vùng đất Lai Vung thời Gia Long thuộc An Giang xưa. Theo Gia Định thành thông chí, bấy giờ An Giang có 2 huyện là Vĩnh An và Vĩnh Định. Huyện Vĩnh An nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, Lai Vung thuộc huyện Vĩnh An (tỉnh An Giang). Thời Minh Mệnh, năm 1832 đổi trấn thành tỉnh, Nam Kỳ có 6 tỉnh (gồm Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên), Lai Vung thuộc huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang. Theo địa bạ các năm 1836, 1839, 1853, Lai Vung vẫn thuộc huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành, tỉnh An Giang. ● Sự phân chia địa giới hành chính huyện Lai Vung của thực dân Pháp và Mỹ - ngụy Năm 1868, sau khi thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây (gồm Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên), Nam Kỳ được chia thành 25 hạt tham biện, sau đó phân lại còn 18 hạt tham biện. Hạt Sa Đéc (phủ Tân Thành), đặt lỵ tại Sa Đéc gồm 3 huyện (gồm An Xuyên, Vĩnh An, Phong Phú). Lai Vung thuộc huyện Vĩnh An. Theo Nghị định ngày 05/01/1876, thực dân Pháp bỏ hẳn hệ thống Nam Kỳ lục tỉnh và chia thành 4 khu vực là Sài Gòn, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Bassac (vùng Hậu Giang). Lai Vung thuộc khu vực Vĩnh Long (gồm các hạt Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và Sa Đéc). Hạt Sa Đéc đặt lỵ tại Sa Đéc, nơi có toà bố, điện tín, bưu trạm và trường
  • 27. Chương 2: LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT LAI VUNG TỪ BUỔI ĐẦU KHAI HOANG... 27 học. Trong hệ thống chợ chính của hạt Sa Đéc thì Lai Vung có hai chợ là Long Hậu và Lai Vung (Tân Lộc), toàn hạt “có dân là 102.421 người, diện tích trồng trọt trên 25.334,82ha (riêng lúa 17.772,23ha), gồm 6 tổng với 84 thôn”1 . Nghị định ngày 20/12/1889 bãi bỏ danh xưng địa hạt, tòa bố, tham biện đổi thành tỉnh, chủ tỉnh hay tỉnh trưởng. Vùng An Giang bao gồm 5 tỉnh (Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Cần Thơ, Sóc Trăng). Lai Vung thuộc tỉnh Sa Đéc. Năm 1900, thực dân Pháp chia Nam Kỳ thành 20 tỉnh, tỉnh Sa Đéc đến năm 1903 có 10 tổng, 79 làng; vùng Lai Vung có 2 tổng, 17 làng (tổng An Phong có 8 làng với 16.410 dân, tổng An Thới có 9 làng với 21.603 dân). Ngày 01/4/1916 theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, tỉnh Sa Đéc được chia thành 3 quận là Cao Lãnh, Châu Thành, Lai Vung với 10 tổng, 79 làng. Quận Lai Vung chính thức được thành lập với 2 tổng An Phong2 và An Thới3 khoảng 40.000 dân. Năm 1917, tỉnh Sa Đéc có 3 quận gồm Châu Thành, Cao Lãnh, Lai Vung4 . Quận Lai Vung có 2 tổng gồm An Thới và An Phong với 16 làng. Tổng An Thới có 9 làng; tổng An Phong có 7 làng. Năm 1925 quận Lai Vung vẫn với 2 tổng nhưng 1. Nguyễn Đình Đầu: Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - An Giang, Sđd, tr. 91. 2. Tổng An Phong gồm 7 làng: Hưng Quới, Hậu Thành, Long Hưng, Nhơn Quới, Tân Dương, Tân Bình Hòa, Vĩnh Thạnh. 3. Tổng An Thới gồm 9 làng: Hòa Long, Long Thắng, Long Hậu, Nhơn Hòa, Tân Lộc, Tân Phước, Tân Hòa, Vĩnh Thới, Phú Thành. 4. Diện tích năm 1917 của tỉnh Sa Đéc là 1.353km2 với 3 quận, 10 tổng, 70 xã. Xem Nguyễn Đình Đầu: Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - An Giang, Sđd, tr. 104.
  • 28. 28 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015) chỉ có 13 làng. Năm 1930, quận Sa Đéc có các tổng An Hội, An Thạnh Thương, An Thạnh Hạ, An Mỹ; quận Lai Vung có các tổng An Phong, An Thới; quận Cao Lãnh có các tổng An Thạnh, Phong Nẫm, Phong Thạnh. Tỉnh Sa Đéc với 3 quận như cũ đến năm 1954, đơn vị hành chính dưới cấp quận vẫn duy trì cấp tổng, cấp làng đổi thành cấp xã và quận Lai Vung có 11 xã1 . Theo Sắc lệnh số 143-NV ngày 22/10/1955, chính quyền Việt Nam Cộng hòa cắt giao quận Lấp Vò (trước đó thuộc tỉnh Long Xuyên) cho tỉnh Sa Đéc (Sa Đéc có 4 quận là Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành). Cuối năm 1956, Cao Lãnh thuộc tỉnh Kiến Phong nên Sa Đéc còn 3 quận. Theo Nghị định số 3086 BNV/NC/NĐ ngày 08/10/1957 của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, tỉnh Sa Đéc bị giải thể, các xã của quận Lai Vung nhập vào tỉnh Vĩnh Long. Ngày 11/7/1962 theo Nghị định số 178/NV, chính quyền Việt Nam Cộng hòa chia 3 quận Châu Thành, Sa Đéc, Lấp Vò thành 4 quận mới là Đức Thịnh (Sa Đéc), Đức Tôn (Châu Thành cũ), Lấp Vò, Đức Thành (phần lớn địa giới Lai Vung cũ). Ngày 24/9/1966, tỉnh Sa Đéc được tái lập, địa bàn huyện Lai Vung là quận Đức Thành, tỉnh Sa Đéc. Quận Đức Thành (Lai Vung) gồm 3 tổng và 8 xã. Tổng Tiên Nghĩa (gồm xã Hòa Long, Long Thắng), Tổng Tỷ Thiện (gồm xã Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước), Tổng An Khương (gồm xã Phong Hòa, Vĩnh Thới, Tân Hòa Bình). Tháng 12/1970, 1. 11 xã gồm Long Hưng, Vĩnh Thạnh, Tân Dương, Hòa Thành, Hòa Long, Long Thắng, Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước, Tân Hòa, Vĩnh Thới.
  • 29. Chương 2: LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT LAI VUNG TỪ BUỔI ĐẦU KHAI HOANG... 29 tỉnh Sa Đéc gồm 4 quận (Đức Thành, Đức Thịnh, Đức Tôn, Lấp Vò) có 36 xã. Quận Đức Thành (Lai Vung) thuộc Sa Đéc với diện tích 220,2km, dân số 67.678 người với 8 xã1 , gồm các xã Hòa Long, Long Hậu, Long Thắng, Phong Hòa, Tân Hòa Bình, Tân Phước, Tân Thành, Vĩnh Thới. ● Địa giới hành chính theo phân chia của chính quyền cách mạng Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, quận Lai Vung thuộc tỉnh Sa Đéc. Nghị định số 48/NĐ ngày 18/02/1949 của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, đổi tên cấp hành chính quận, làng thành huyện, xã. Huyện Lai Vung thuộc tỉnh Sa Đéc. Tháng 6/1951 tỉnh Long Châu Sa được thành lập, do hợp nhất hai tỉnh Long Châu Tiền và Sa Đéc. Tỉnh Long Châu Sa bao gồm một phần tỉnh Châu Đốc, một phần tỉnh Long Xuyên và tỉnh Sa Đéc. Tỉnh này gồm 7 huyện: Châu Thành (Sa Đéc), Lai Vung, Cao Lãnh, Tân Hồng, Tân Châu, Phú Châu, Chợ Mới. Tháng 7/1951, nhập thêm huyện Lấp Vò vào tỉnh Long Châu Sa. Tỉnh Long Châu Sa tồn tại đến năm 1954. Sau Hiệp định Giơnevơ, chính quyền cách mạng chủ trương bố trí hệ thống chỉ đạo của Đảng theo đơn vị hành chính của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, theo đó giải thể tỉnh Long Châu Sa, thành lập các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Sa Đéc. Lai Vung lúc này thuộc tỉnh Sa Đéc. 1. Xem Nguyễn Đình Đầu: Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - An Giang, Sđd, tr. 110.
  • 30. 30 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015) Từ năm 1957 - 1974, các huyện Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành và Sa Đéc được nhập vào tỉnh Vĩnh Long. Tên gọi Lai Vung không còn trên bản đồ hành chính thời kỳ này, Huyện ủy Bình Minh (Vĩnh Long) tiếp nhận địa bàn 2 xã cũ của Lai Vung là Tân Hòa và Vĩnh Thới. Các xã Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước, Vĩnh Thạnh, Long Hưng thuộc sự quản lý của Huyện ủy Lấp Vò. Các xã Hòa Long, Tân Dương, Hòa Thành, Long Thắng thuộc chỉ đạo kháng chiến của Huyện ủy Sa Đéc. Tháng 6/1962, Tỉnh ủy Vĩnh Long đề nghị Khu ủy Khu 9 thành lập huyện Lê Hà với 9 xã là Hòa Long, Long Thắng, Tân Dương, Hòa Thành, Tân Khánh, Tân Đông, Tân Khánh Tây, Tân An Trung, Tân Mỹ. Đầu năm 1963, xã Hòa Long và xã Long Thắng của huyện được cắt giao cho Sa Đéc. Tháng 10/1967, 7 xã của huyện Lê Hà và 2 xã Hòa Long, Long Thắng của Sa Đéc nhập lại và đổi thành huyện Sa Đéc. Tháng 8/1974, tỉnh Sa Đéc tái lập gồm các huyện Cao Lãnh, Kiến Văn, Mỹ An, Chợ Mới, Lai Vung, Lấp Vò, thị xã Sa Đéc. Huyện Lai Vung tái lập với 10 xã là Hòa Long, Tân Dương, Hòa Thành, Long Thắng, Long Hậu, Tân Thành, Tân Phước, Tân Hòa, Vĩnh Thới, Phong Hòa. Sau năm 1975, Lai Vung và Lấp Vò được sáp nhập với tên gọi huyện Lấp Vò1 . 1. Huyện Lấp Vò có 15 xã là Long Hưng, Dương Hòa, Định Yên, Phong Hòa, Tân Thới, Bình Thành, Vĩnh Thạnh, Bình An Trung, Mỹ An Hưng, Tân Mỹ, Long Hậu, Phước Thành, Tân Khánh Trung, Tân Khánh Đông, Hòa Thắng.
  • 31. Chương 2: LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT LAI VUNG TỪ BUỔI ĐẦU KHAI HOANG... 31 Ngày 05/01/1981, Hội đồng Chính phủ Nhà nước Việt Nam ban hành Quyết định số 04-CP, đổi tên huyện Lấp Vò thành huyện Thạnh Hưng. Theo Quyết định số 77/HĐBT ngày 27/6/1989 của Hội đồng Bộ trưởng, huyện Lai Vung chính thức được tái lập trên cơ sở chia tách từ huyện Thạnh Hưng. Sau khi tái lập, huyện Lai Vung có 11 xã gồm Tân Dương, Hòa Thành, Long Thắng, Hòa Long, Long Hậu, Tân Phước, Tân Thành, Vĩnh Thới, Tân Hòa, Định Hòa và Phong Hòa gồm 23.864ha và 142.267 nhân khẩu. Sau đó, chia xã Hòa Long thành hai đơn vị hành chính lấy tên là xã Hòa Long và thị trấn Lai Vung. Huyện lỵ đặt tại thị trấn Lai Vung. II- NHỮNG THÀNH TỰU BUỔI ĐẦU KHAI HOANG Năm 1698, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược, xác lập chủ quyền của người Việt trên vùng đất mới, lập ra hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn, gọi chung là Gia Định phủ, trên phần đất từ sông Đồng Nai đến sông Tiền. Vùng đất nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, từ Vĩnh Long ngược lên đến Châu Đốc được người Khmer gọi là Kompong Luông (người Việt đọc trại là Tầm Phong Long). Năm 1757, triều đình Chân Lạp đại loạn, để giữ được quyền lực chính trị, Nặc Ông Tôn dựa vào thế lực chúa Nguyễn, được chúa Nguyễn giúp lên ngôi và đã dâng chúa Thế Tông (Nguyễn Phúc Khoát) đất Tầm Phong Long. Cai cơ Nghi biểu hầu Nguyễn Cư Trinh thay mặt chúa Nguyễn, tiếp thu vùng
  • 32. 32 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015) đất Tầm Phong Long và chia thành ba đạo1 . Trong đó Đông Khẩu Đạo gồm các huyện Châu Thành, thành phố Sa Đéc, huyện Lai Vung và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp ngày nay. Trụ sở đồn trú tại Sa Đéc (thôn Vĩnh Phước). Dưới thời các chúa Nguyễn, đạo là phân hạt hành chính dưới trấn và dinh, dành cho những vùng đất mới tiếp quản, mới khai hoang. Ngay sau khi thành lập, Châu Đốc Đạo, Tân Châu Đạo và Đông Khẩu Đạo được đặt dưới sự quản lý của dinh Long Hồ, đứng đầu là Nguyễn Cư Trinh. Năm 1775, chúa Nguyễn Phước Thuần (Nguyễn Ánh) chạy vào Nam mở đầu cho cuộc nội chiến với Tây Sơn trên đất Gia Định. Vùng đất Lai Vung góp phần đóng vai trò quan trọng trong quá trình khôi phục lực lượng chống Tây Sơn của Nguyễn Ánh. Từ đây, làm bàn đạp Nguyễn Ánh đem quân đánh Tây Sơn, thu phục được toàn bộ đất Gia Định. Tháng 10/1787, Nguyễn Ánh về 1. Hai đạo còn lại là: Đạo Châu Đốc đóng tại Châu Đốc quản lý phần đất thuộc các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn và Châu Đốc (thuộc An Giang ngày nay). Đạo Tân Châu quản lý phần đất hai huyện Chợ Mới và thị xã Tân Châu của An Giang ngày nay. Đạo Thủ Tân Châu trị sở đóng tại thôn Mỹ Hưng ở đầu cù lao Giêng (tên chữ Hán là Dinh Châu), ở vùng này sông Tiền rất rộng, có nhiều cù lao, cồn, bãi trên sông (cù lao Tây, cù lao Cái Vừng, cù lao Chả Và, cù lao Tản Dù), lại có sông Vàm Nao nối liền sông Hậu ở phía bắc, tại vàm Nước Xoáy chảy rất xiết, địa thế vô cùng hiểm trở, để tăng cường khả năng bảo vệ biên giới, chúa Nguyễn cho lập thêm hai đồn thủ ở hai bờ bắc và nam sông, do đạo Tân Châu kiêm quản: (1) Thủ Chiến Sai (âm Khmer Kiên Svai) nằm trên bờ sông Vàm Nao, gần vàm rạch Ông Chưởng (thuộc thôn Tú Điền nay là xã Kiến An, huyện Chợ Mới, An Giang, hiện còn dấu vết nền đồn cũ Chiến Sai hay Cựu Chiến Sai); (2) Thủ còn lại đóng ở bờ bắc tại vàm Đốc Vàng.
  • 33. Chương 2: LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT LAI VUNG TỪ BUỔI ĐẦU KHAI HOANG... 33 Sa Đéc, đại bản doanh đóng ở thôn Tân Long (sau đổi thành Long Hưng) cạnh rạch Hồi Oa (Nước Xoáy). Để bảo vệ bản doanh, Nguyễn Ánh cho dân quân xây dựng hai bảo (còn gọi là thành) bằng đất án ngữ là Bảo Tiền ở thôn Long Thắng và Bảo Hậu ở thôn Phong Hòa1 . Quá trình khai hoang, mở làng lập ấp ở Lai Vung gắn liền với những biến đổi chính trị ở vùng đất phương Nam. Vùng đất Long Hưng - Sa Đéc xưa, thu hút và hấp dẫn nhiều lưu dân ra sức khai khẩn, từ đó, mở rộng khai phá phần lớn đất Tầm Phong Long, hình thành nên huyện Lai Vung và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp ngày nay. Từ năm 1790, công cuộc khai phá vùng đất Tầm Phong Long được 1. Bảo Tiền, nay còn di tích nằm cách bờ rạch Cái Bàng khoảng 250m, ở ấp Long Định, xã Long Thắng. Bảo Tiền rộng khoảng gần 1ha, được đắp cao hơn mặt đất tự nhiên gần 1m, xung quanh có hào sâu; phía ngoài có tường thành bằng đất cao gần 4m, vuông vức mỗi cạnh 150m. Bốn gốc thành có bố trí bốn ụ súng đại bác. Từ rạch Cái Bàng dẫn vào Bảo Tiền bằng một con kinh tại vàm kinh có một đồn canh, gọi là đồn Thổ Sơn. Bảo Hậu, nay thuộc ấp Định Phong, xã Định Hòa. Rạch Cái Bàng chảy đến Ngã Năm thông với Rạch Gỗ, rạch này đổ nước vào sông Hậu tại vàm Cả Sâu. Bảo Hậu nằm cách bờ rạch này chừng 80m, cách vàm Cả Sâu 7km. Quy mô Bảo Hậu nhỏ hơn Bảo Tiền, rộng gần 1.000m2 , cũng được đắp cao hơn mặt đất tự nhiên gần 1m. Xung quanh có hào sâu, mỗi cạnh dài 60m, cách hào khoảng 20m là tường thành cao khoảng 2m, trên có trồng sao, tre. Từ rạch Gỗ có con kinh dẫn vào bảo (hiện nay đã lấp cạn). Giữa Bảo Tiền và Bảo Hậu liên lạc nhau ở mặt trước, Bảo Hậu bảo vệ mặt sau. Nhưng căn cứ trên thực địa, điều này được nghiên cứu là chưa chính xác, vì cả Bảo Tiền và Bảo Hậu đều nằm ở mặt sau của đồn trung tâm ở Nước Xoáy. Tham khảo thêm: Ủy ban nhân dân huyện Lấp Vò: Lịch sử vùng Long Hưng (thế kỷ XVIII - 2000), Đồng Tháp, 2005.
  • 34. 34 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015) đẩy mạnh thêm một bước kể từ khi chúa Nguyễn Ánh cho đặt chức Điền tuần quan, khuyến khích khẩn hoang, lập làng, phát triển kinh tế nông nghiệp, cho lập Châu Giang thổ bảo (đồn Châu Giang) và các đồn lũy là đồn Hồi Oa, thủ Đông Xuyên, thủ Cường Uy, để giữ gìn an ninh trật tự. Nhờ vậy, dân chúng tự động vào khai phá ở đạo Đông Khẩu và đạo Châu Đốc ngày càng đông. Vùng đất Long Hưng xưa thuộc châu Định Viễn, dinh Long Hồ, năm 1802 đổi thành Vĩnh Trấn và năm 1808 trở thành trấn Vĩnh Thanh. Đến nay chưa có tư liệu về số thôn, ấp thành lập được trước năm 1800. Trong “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức thì Lai Vung đầu thế kỷ XIX thuộc trấn Vĩnh Thanh với 12 thôn là Long Hậu, Định Hòa, Đông Thành, Tân Hòa, Nhơn Hòa, Tân Lộc, Tân Lộc Trung, Phú Lộc, Tân Sơn, Tân Thạnh, Tân Bình, Tân Phước. Vào thời điểm này, công tác quản lý hành chính ở Nam Bộ nói chung còn rất lỏng lẻo, diện tích khai phá được đưa vào canh tác đều do người dân tự khai báo, không thông qua đo đạc, kiểm tra nên khó thống kê con số cụ thể để mô tả thành tựu của công cuộc khai hoang. Hơn nữa, trong khai báo người dân không dùng đơn vị địa chính (mẫu ta) mà tính bằng dây, bằng khoảnh hoặc thửa, nên không thể quy chiếu thành đơn vị đạc điền để tính diện tích được và để trốn thuế người dân không kê khai đúng sự thật. Cuộc đo đạc địa chính vào năm 1836 có một số thôn đã đạt diện tích vào hàng cao nhất trong số 1.637 thôn ở Nam Bộ, cụ thể như thôn Tân Lộc, với 4.336 mẫu ta, đứng thứ 3, thôn Tân Long
  • 35. Chương 2: LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT LAI VUNG TỪ BUỔI ĐẦU KHAI HOANG... 35 (sau này là Long Hưng) với 4.110 mẫu ta, đứng thứ 4, thôn Long Hậu, với 3.116 mẫu ta, đứng thứ 14. Lưu dân người Việt đến cư trú ở vùng Lai Vung không chỉ dưới hình thức di dân tự nhiên mà còn diễn ra bằng hình thức chuyển cư tại chỗ và các cuộc di dân cơ chế, có tổ chức với số lượng lớn. Trong suốt diễn trình khai hoang lưu dân còn khai thác các nguồn lợi tự nhiên tại chỗ như cá tôm, chim thú, mật ong và các loại gỗ. Mặc dù với kỹ thuật, trình độ canh tác còn kém, năng suất còn thấp nhưng với nguồn lợi thiên nhiên phong phú, khai thác dễ dàng cũng đã mang lại cho lưu dân cuộc sống khá hơn nơi quê cũ. Sau năm 1757, một mặt do điều kiện khai hoang khá thuận lợi và được chúa Nguyễn thiết lập cơ sở hành chính, có pháp luật bảo vệ, vùng này hấp dẫn nhiều lưu dân hơn. Công cuộc khẩn hoang diễn ra nhanh chóng hơn, dân biết thâm canh làm thủy lợi. Ngày nay còn lại di tích ở các con rạch trên địa bàn huyện, góp phần làm khu vực Long Hậu, Tân Lộc sau là Tân Thành (Lai Vung) trở thành trung tâm dân cư quan trọng từ sông Tiền đến sông Hậu. Thành phần tham gia khai phá vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Long Hưng - Sa Đéc xưa (gồm Lai Vung) nói riêng rất đa dạng. Bên cạnh những cuộc khai phá lẻ tẻ của dân nghèo, chúa Nguyễn còn chiêu mộ những nhà giàu có ở miền Trung, đưa gia nhân, dân chiêu mộ vào khai phá. Những phú nông có điều kiện thuê mướn dân nghèo trong công việc khai hoang, canh tác, kết quả mang lại cho họ
  • 36. 36 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015) sở hữu diện tích ruộng đất rất lớn. Các chúa Nguyễn còn sử dụng binh lính, tù phạm và mộ dân khai hoang lập đồn điền. Trên thực địa ngày nay còn có một số địa danh có liên quan đến việc thiết lập đồn điền khu vực Lấp Vò - Lai Vung như rạch Mương Điều chảy qua xã Tân Mỹ và Tân Khánh Tây. Kinh Đồn Điền chảy qua hai xã Tân Mỹ và Long Hưng nối liền với rạch Nước Xoáy và Bờ Rào. Rạch Cai Quản chảy qua xã Vĩnh Thạnh và xã Long Hưng. Đến giữa thế kỷ XIX, do trốn tránh chiến tranh, nạn bóc lột, bao chiếm ruộng đất dưới chế độ phong kiến, một bộ phận nông dân, nhất là ở miền Trung, từng đợt lưu tán vào phương Nam tìm cuộc sống mới. Ngoài đức tính cần cù, siêng năng, trong lao động họ còn thông minh sáng tạo, biết vận dụng điều kiện thiên nhiên đưa vào phục vụ cuộc sống. Kết quả là một vùng đất rộng lớn ở phía Nam của Tổ quốc bị hoang hóa mấy trăm năm với sình lầy, rừng rậm đã trở thành ruộng vườn xanh tốt, dân cư đông đúc, sinh hoạt kinh tế - xã hội phong phú, đa dạng ở hai bên bờ sông Tiền, sông Hậu. Đồng thời với việc khai hoang thì cư dân còn lập nên các làng cư ngụ, ban đầu chủ yếu là “làng rừng”, “làng sông” về sau “làng đồng” phát triển và phổ biến hơn. Đình, chùa, miễu được lập, trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng bằng các hình thức tín ngưỡng dân gian của lưu dân buổi đầu khai phá như đình Tân Dương (xã Tân Dương), đình Nhơn Hòa (xã Long Thắng), đình Tân Thành (xã Tân Thành), miếu Thần nông (xã Hòa Long), miếu Thành hoàng (xã Long Hậu), chùa Cái Cát (xã Long Thắng). Như vậy,
  • 37. Chương 2: LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT LAI VUNG TỪ BUỔI ĐẦU KHAI HOANG... 37 chính những điều kiện địa lý thuận lợi, sông rạch chằng chịt, đất đai phì nhiêu đã thu hút lưu dân từ nhiều vùng đến và biến vùng Lai Vung xưa thành một trung tâm dân cư đông đúc vào đầu thế kỷ XX. Tỉnh Sa Đéc có một số làng được xếp vào loại đông nhất tỉnh như làng Hội An: 8.675 người; làng Long Hậu: 5.712 người; làng Tân Quy Đông: 4.913 người1 . Trải qua bao thế hệ lao động, sinh sống, chiến đấu trên quê hương mới với đồng rộng sông dài, thiên nhiên ít khắc nghiệt hơn so với quê cũ, đặc điểm truyền thống của người Việt trong lưu dân chẳng những không bị xói mòn mà còn được vun bồi kiên định hơn. Cuộc sống trên quê hương mới được xây dựng trên cơ sở nội dung mới của mối quan hệ giữa người với người, giữa người với thiên nhiên. III- PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CHỐNG PHONG KIẾN VÀ THỰC DÂN PHÁP CỦA NHÂN DÂN LAI VUNG CUỐI THẾ KỶ XIX - ĐẦU THẾ KỶ XX Từ buổi khai hoang, lập ấp, nhân dân Lai Vung luôn phát huy tinh thần đoàn kết, đấu tranh, khắc phục những khó khăn của thiên nhiên; Đến khi nhà nước tham gia quản lý, thiết lập bộ máy cai trị thì một lòng đấu tranh chống cường quyền áp bức, bóc lột và sau đó chống thực dân 1. Hội nghiên cứu Đông Dương: Chuyên khảo về tỉnh Sa Đéc, tập VIII (1903), biên dịch Nguyễn Nghị - Nguyễn Thanh Long, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2017, tr. 22 - 25.
  • 38. 38 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015) xâm lược đô hộ. Những truyền thống tốt đẹp này được phát huy thành truyền thống cách mạng khi có Đảng lãnh đạo trong thời chiến lẫn thời bình sau này. Những năm 1777 - 1789, cuộc nội chiến Tây Sơn - Nguyễn Ánh diễn ra, vùng đất Lai Vung là một trong những căn cứ để Nguyễn Ánh củng cố lực lượng. Ngày nay, vùng này còn lưu lại một số di tích liên quan1 . Sau khi nhà Nguyễn thành lập, những mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ phong kiến không vượt ra ngoài quy luật khách quan. Những chủ trương và biện pháp khai hoang thời nội chiến của Nguyễn Ánh tạo điều kiện thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất và hình thành nên tầng lớp địa chủ lớn trên địa bàn sau này. Vì là vùng đất mới khai phá, đất rộng người thưa, nên tiến trình hình thành mâu thuẫn và bản chất bóc lột ở đây khác với ở Trung Bộ và Bắc Bộ. Trong tiến trình khai hoang từng bước xã hội Nam Bộ hình thành ba tầng lớp: đại điền chủ, tiểu điền chủ trực canh và tá điền cùng nông dân nghèo đi ở bạn (làm thuê). Mâu thuẫn giữa đại điền chủ và các tầng lớp khác thường không gay gắt, chủ yếu được hình thành trên cơ sở bất bình đẳng trong việc phân phối thành quả lao động và được bổ sung bởi một yếu tố khác, đó là sự tranh chấp quyền sở hữu đất đai giữa điền chủ nhỏ trực canh và đại điền chủ. Vì thế những mâu thuẫn này chưa tạo nên các phong trào đấu tranh nông dân mạnh mẽ góp phần thay đổi 1. Theo dân gian những địa danh Long Hậu, Long Thành, Long Hòa, Hòa Long, Long Thắng, Long Hưng bắt nguồn từ niên hiệu Gia Long.
  • 39. Chương 2: LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT LAI VUNG TỪ BUỔI ĐẦU KHAI HOANG... 39 triều đại như ở các thế kỷ trước. Nông dân ở khu vực Nam Bộ tham gia các cuộc khởi nghĩa chống lại triều đình chủ yếu do sự lôi kéo của các thế lực muốn xác lập địa vị chính trị. Ngày 01/9/1858 liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Địa bàn Lai Vung, có hai anh em Đỗ Thừa Luông và Đỗ Thừa Tự, đi qua kinh lý trên hành trình kháng chiến chống thực dân Pháp. Vùng Sa Đéc xưa có ông Nguyễn Văn Bút (Thống chế Bút) và ông Võ Đình Sâm (còn gọi là Đinh Sâm) là người phủ Tân Thành. Sau khi thực dân Pháp chiếm sáu tỉnh Nam Kỳ, năm 1867 nghĩa binh do Thống chế Bút chỉ huy đột nhập đánh phá đồn Pháp tại Tân Quy Đông, tiêu diệt nhiều tên địch đã gây tiếng vang lớn trong vùng. Sau đó, Thống chế Bút cùng với Võ Đình Sâm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Láng Hầm1 , đây là cuộc khởi nghĩa lớn ở miền Tây. Tại Phong Điền, nghĩa binh nổi dậy thanh trừng Cai tổng Định Bảo là Nguyễn Văn Vĩnh. Sau đó rút về An Giang, phân tán hoạt động khắp vùng rộng lớn từ Sa Đéc, Vĩnh Long cho đến Mỹ Tho, Định Tường. Ít lâu sau, thực dân Pháp sử dụng tay sai Trần Bá Lộc truy lùng, bắt được Thống chế Bút và hành quyết ông tại chợ Sa Đéc nhằm lung lạc tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Khí tiết của hai ông đã ảnh hưởng và thắp sáng tinh thần yêu nước cho người dân Lai Vung. 1. Vùng Ba Láng thuộc huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ ngày nay.
  • 40. 40 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015) Sau khi cơ bản hoàn thành thôn tính Việt Nam, thực dân Pháp câu kết với tay sai ra sức vơ vét, bóc lột của cải, ruộng đất và sức lao động của nhân dân ta, nhất là nông dân. Nhân dân Lai Vung phải đối mặt với các thế lực cường hào, ác bá khi thực dân Pháp cai trị. Ở Phong Hòa có địa chủ Võ Văn Thăng, Hội đồng Đông, Huyện Hàm Lực, mỗi tên có trên 50 mẫu ruộng, phần lớn đất đai ở đây thuộc quyền sở hữu của hơn 20 địa chủ, bên cạnh bóc lột bằng tô thuế, bọn địa chủ còn tự quyết định nâng giá lúa tăng hay giảm, mỗi công 3 giạ, có khi lên tới 5 giạ lúa trong khi đó lúa mùa năng suất thấp, mỗi năm nông dân chỉ thu hoạch được từ 7 - 10 giạ lúa. Những năm bị thiên tai mất mùa, nông dân phải nợ địa chủ do không đủ tô thuế nộp, năm sau trả nợ gấp hai lần vay. Ở Hòa Thành, ngoài số địa chủ trong xã, số địa chủ ở nơi khác chiếm hữu ruộng đất cũng rất lớn như Tham biện Võng ở Vĩnh Phước, địa chủ người Pháp, địa chủ Tăng Thị Mỹ, Cai Tập. Hương chức cường quyền như Cả Hào, Cả Mãnh ở Tân Bình, Hương hào Chành ở Hậu Thành càng đẩy nhân dân Hòa Thành đến chỗ cùng cực. Hơn 90% nông dân Hòa Thành phải vất vả lao động quần quật quanh năm nhưng cuộc sống vẫn cơ cực. Đi đôi với việc bần cùng hóa nông dân, thực dân và tay sai còn ra sức bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ của nhân dân, tăng cường chính sách đàn áp khủng bố các tổ chức và những người yêu nước, những người có tinh thần phản kháng. Bước sang những thập niên đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước theo lập trường tư sản với xu hướng cải cách
  • 41. Chương 2: LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT LAI VUNG TỪ BUỔI ĐẦU KHAI HOANG... 41 chính trị xã hội, kinh tế rồi mới đến chống ngoại xâm đóng vai trò chủ đạo. Các phong trào Duy Tân có ảnh hưởng rộng khắp cả nước, ở Nam Kỳ có phong trào Minh Tân do Trần Chánh Chiếu, Nguyễn An Khương phát động. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất mặc dù còn nhiều hạn chế về số lượng, về thế lực kinh tế và chính trị, nhưng với tinh thần dân tộc, dân chủ, giai cấp tư sản Việt Nam đã bắt đầu vươn lên vũ đài đấu tranh với thực dân Pháp bằng một số cuộc đấu tranh cụ thể với những hình thức khác nhau. Năm 1919 - 1923 có “Phong trào quốc gia” của bộ phận tư sản và địa chủ lớp trên. Năm 1923 xuất hiện Đảng Lập hiến của Bùi Quang Chiêu ở Sài Gòn. Năm 1925-1926 diễn ra phong trào yêu nước dân chủ công khai của tiểu tư sản thành thị và tư sản lớp dưới với nhiều tổ chức chính trị như: Việt Nam Nghĩa đoàn, Phục Việt (1925), Hưng Nam, Thanh niên cao vọng (1926); ra nhiều báo chí tiến bộ như Chuông rạn (La Cloche fêlée), Người nhà quê (Le Nhaque), An Nam trẻ (La jeune Annam). Năm 1927 - 1930 có“Phong trào cách mạng quốc gia tư sản” gắn liền với sự ra đời và hoạt động của Việt Nam Quốc dân Đảng (25/12/1927). Vùng Đồng Tháp xuất hiện các phong trào yêu nước mang màu sắc tôn giáo như tổ chức Thiên địa hội với nhiều tên gọi khác nhau: ở Sa Đéc có Hội Đồng bào Ái chưởng ở Rạch Trê có 50 hội viên do ông Nguyễn Văn Xứ (còn gọi là thầy Phùng) chỉ huy; nhóm Ái Chưởng hội do Trần Văn Học chỉ huy. Mặc dù thất bại, nhưng các phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản góp phần cổ vũ mạnh mẽ tinh thần yêu nước của nhân dân ta, trong đó
  • 42. 42 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015) có nhân dân Lai Vung, bồi đắp thêm cho chủ nghĩa yêu nước, đặc biệt góp phần thúc đẩy những nhà yêu nước, nhất là lớp thanh niên trí thức có khuynh hướng dân chủ tư sản chọn lựa một con đường cứu nước mới, giải phóng dân tộc theo xu thế của thời đại và phù hợp với lịch sử Việt Nam. * * * Vùng đất Lai Vung từ thế kỷ XVII, trong một thời gian lịch sử không dài lắm, nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường, những lớp lưu dân đã biến một vùng đất hoang vu, rừng rậm, sình lầy, thú dữ, thành một vùng ruộng vườn tươi tốt, làng xóm trù phú. Địa mạo tự nhiên này góp phần hình thành nên những nét tính cách, tâm lý của con người Lai Vung. Cư dân ở Lai Vung hầu hết là người Việt từ các tỉnh miền Trung di cư vào sống ôn hòa với nhóm nhỏ lưu dân người Hoa và một số ít người Khmer. Đó là một quá trình ổn định, dựng làng, lập xóm trong một lối sống nghĩa tình đậm đà, đoàn kết chặt chẽ. Con người Lai Vung vốn cần cù, chất phác, nhân ái, nay còn mang thêm tính cách mới của người tiên phong kiên cường, bất khuất, phóng khoáng, nghĩa hiệp. Vùng đất này còn cho con người Lai Vung tâm thế vừa bảo lưu vốn văn hóa truyền thống của mình vừa tranh thủ giao lưu, đón nhận tinh hoa văn hóa của các vùng, địa phương khác. Lịch sử dân tộc Việt Nam từ thời vua Hùng dựng nước đến nay là lịch sử của một dân tộc anh hùng, không ngừng
  • 43. Chương 2: LỊCH SỬ VÙNG ĐẤT LAI VUNG TỪ BUỔI ĐẦU KHAI HOANG... 43 đấu tranh kiên cường cố gắng vượt qua thiên nhiên khắc nghiệt, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược để tồn tại và phát triển. Cùng với cả dân tộc, trải qua bao khó khăn bởi thiên nhiên khắc nghiệt trong buổi đầu khai phá, chiến tranh giữa các thế lực phong kiến rồi đến sự xâm lược và cai trị của thực dân, tay sai, vùng đất Lai Vung được giữ vững với những truyền thống tốt đẹp. Ách áp bức nặng nề, tình yêu quê hương xứ sở, lòng khao khát độc lập, tự do đã hun đúc cho nhân dân Lai Vung lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất. Truyền thống yêu nước đó là điều kiện thuận lợi để chủ nghĩa Mác - Lênin sớm bám rễ và phát triển, là ngọn đuốc soi đường cho nhân dân Lai Vung cùng cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc.
  • 44. 44 Nghề đan lờ lọp ở huyện Lai Vung Nghề trồng quýt hồng ở Lai Vung
  • 45. 45 Nghề đóng xuồng ghe ở Bà Đài, xã Long Hậu, huyện Lai Vung Nghề làm nem Lai Vung
  • 46. 46 Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia chùa Bửu Hưng (Cả Cát), huyện Lai Vung Người dân thu hoạch lúa ở huyện Lai Vung
  • 47. 47 PHẦN THỨ NHẤT ĐẢNG BỘ HUYỆN LAI VUNG TRONG THỜI KỲ CÁCH MẠNG DÂN TỘC DÂN CHỦ (1929 - 1975)
  • 48. 48
  • 49. 49 Chương 3 CÁC CHI BỘ ĐẢNG RA ĐỜI, LÃNH ĐẠO PHONG TRÀO CÁCH MẠNG VÀ ĐẤU TRANH GIÀNH CHÍNH QUYỀN (1929 - 1945) I- SỰ RA ĐỜI CỦA CÁC TỔ CHỨC CÁCH MẠNG VÀ CHI BỘ ĐẢNG Ở LAI VUNG Từ những năm 1925 - 1926 trở đi ở Nam Kỳ bùng lên một phong trào yêu nước mang sắc thái mới, đó là sự xuất hiện của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do chiến sĩ cộng sản quốc tế Nguyễn Ái Quốc sáng lập (tháng 6/1925 tại Quảng Châu, Trung Quốc). Đây là tổ chức tiền thân, chuẩn bị cho sự ra đời của một Đảng mácxít - lêninnít ở Việt Nam. Đến cuối năm 1926, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên có cơ sở khắp Nam Kỳ. Ở tỉnh Sa Đéc, phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân lên khá cao trong thời kỳ này, vào tháng 02 và tháng 3/1927, tỉnh có bốn thanh niên được giới thiệu dự lớp huấn luyện do Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên mở tại Quảng Châu (Trung Quốc)1 . Cuối khóa huấn luyện, 1. Bốn thanh niên của tỉnh Sa Đéc gồm: Lưu Kim Phong (quê ở Hòa An, Cao Lãnh), Võ Bữu Bính (quê ở Đất Sét, Mỹ An Hưng, Châu Thành), Nguyễn Văn Phát (quê ở Hội An, Cái Tàu Thượng thuộc Mỹ An Hưng, Châu Thành - nay là Lấp Vò), Nguyễn Thuật (quê ở Tân Phú Đông, Châu Thành - nay thuộc thành phố Sa Đéc).
  • 50. 50 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015) họ chính thức được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và trở về nước được phân công hoạt động ở địa phận Sa Đéc. Để thống nhất chỉ đạo hoạt động, Tổng bộ ghép thành một tiểu tổ do đồng chí Nguyễn Văn Phát làm Tổ trưởng và được Kỳ bộ giao cho nhiệm vụ tìm địa điểm, đứng tên xin phép mở trường. Ngôi trường có tên gọi “Sa Đéc học đường”, nhiệm vụ trước mắt là tuyên truyền phong trào yêu nước trong học sinh, thanh niên, công nhân, nông dân trong khu vực Sa Đéc và vùng lân cận, giáo dục cho họ thấy được sự bất công trong xã hội dưới sự cai trị của thực dân và tay sai, đồng thời nâng cao ý thức về sức mạnh đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, từ phong trào chọn những cá nhân tích cực, tiên tiến để kết nạp vào Hội. Đến cuối năm 1928, tổ chức của Hội phát triển trong toàn tỉnh gồm tổ Cao Lãnh có 7 hội viên, tổ Cái Tàu Thượng có 4 hội viên, tổ Lấp Vò có 3 hội viên, thị xã Sa Đéc có 1 hội viên, tổ Bình Thành có 3 hội viên, tổ Tân Thành - Tân Phú có 4 hội viên, tổ Tân Dương có 2 hội viên1 . Trong phong trào đấu tranh chung cùng cả nước, sự ra đời và phát triển nhanh chóng tổ chức cách mạng ở Lai Vung đến cuối năm 1929, phản ánh sự phát triển của phong trào đấu tranh chống thực dân xâm lược, đô hộ, tay sai của nhân dân trên địa bàn. Phong Hòa và Tân Dương là hai địa phương có tổ chức cơ sở Đảng đầu tiên ở Lai Vung. 1. Tổ Tân Dương có hai hội viên là Phan Văn Bảy và Giáo Tứ.
  • 51. Chương 3: CÁC CHI BỘ ĐẢNG RA ĐỜI, LÃNH ĐẠO PHONG TRÀO... (1929 - 1945) 51 Ở Phong Hòa1 năm 1926, Trần Kim Giáp, một thanh niên yêu nước của địa phương đến quận Ô Môn (Cần Thơ), tìm ông Nguyễn An Cư để nhờ giới thiệu gặp cụ Phan Châu Trinh. Sau cuộc tiếp xúc, anh trở về quê vận động phong trào yêu nước, đầu năm 1927, Trần Kim Giáp liên hệ với các hội viên ở Cần Thơ là đồng chí Châu Văn Liêm, Trần Ngọc Quế, ở Long Xuyên là đồng chí Lê Văn Sô. Anh được kết nạp vào Hội và tổ chức phân công hoạt động ở Thới Lai, quận Ô Môn nhưng anh thường xuyên về Phong Hòa giáo dục lòng yêu nước cho thanh niên, học sinh và nhân dân lao động. Thực hiện chủ trương của Đặc ủy Hậu Giang2 , đồng chí Hà Huy Giáp được điều về Bù Hút (Phong Hòa), hoạt động gây dựng cơ sở Đảng. Tiểu tổ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên của Phong Hòa ngày càng phát triển, từ 3 thanh niên là Trần Nhật Tân, Đặng Văn Thân, Nguyễn Văn Huynh, sau đó kết nạp thêm 1. Lúc này thuộc quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ cũ. 2. Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang (Đặc ủy Hậu Giang) tổ chức thành lập vào trung tuần tháng 9/1929, tại căn nhà trệt ở làng LongTuyền,tổngĐịnhThới,quậnÔMôn,tỉnhCầnThơ(naylàsố34/7, đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) do đồng chí Châu Văn Liêm chủ trì. Ban Chấp hành Đặc ủy đầu tiên gồm các đồng chí Ung Văn Khiêm, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Tây (Thanh Sơn), Lê Văn Sô, Nguyễn Văn Trí... Bí thư là đồng chí Ung Văn Khiêm. Chủ trương của Đặc ủy là khẩn trương chọn các đồng chí vững vàng trong tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên để kết nạp vào Đảng và thành lập các chi bộ Đảng ở các xí nghiệp, trường học, đường phố và ở nông thôn. Xem Nguyễn Thị Thảo: Vai trò lịch sử và ảnh hưởng của chi bộ Đảng đầu tiên đối với phong trào cách mạng ở Cần Thơ và trong vùng, Thành ủy Cần Thơ, Hội thảo “Vai trò lịch sử và ảnh hưởng của Chi bộ Đảng đầu tiên đối với phong trào cách mạng ở Cần Thơ và trong vùng”, 2009, tr. 178 - 183.
  • 52. 52 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015) Nguyễn Văn Chỉ, Thái Sang Nam, Nguyễn Nhật Hiểu, Nguyễn Văn Giáo, Nguyễn Ngọc Sơn, Sáu Bình, Mười Dư, Năm Đặng, trụ sở của tổ ở nhà bà Trần Thị Đờn. Tổ liên hệ với các cơ sở cách mạng ở Cần Thơ, Long Xuyên, Sa Đéc để tiếp thu sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Để che mắt mật thám, thầy giáo Giáp mở trường tư tại đây, dạy trẻ em tại nhà anh Ba Thân. Ở Tân Dương, thực hiện chủ trương vô sản hóa, đồng chí Hà Huy Giáp tiến hành tuyên truyền, giáo dục tư tưởng yêu nước cho tầng lớp công nhân, nông dân và một số trí thức yêu nước trên địa bàn1 . Năm 1927, đồng chí Phan Văn Bảy2 1. Đồng chí Hà Huy Giáp xin vào làm công nhân tại lò gạch của Hội đồng Hựu trong xã để tiếp cận, giác ngộ công nhân tại đây. 2. Đồng chí Phan Văn Bảy (tức Bảy Cùi), sinh năm 1910 tại làng Tân Dương, tổng An Phong, quận Lai Vung, tỉnh Sa Đéc (nay là xã Tân Dương, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp). Lúc nhỏ, Phan Văn Bảy học trường xã, rất thông minh và chăm học. Năm 1926, đồng chí trúng tuyển thứ hạng nhất vào Trường trung học Cần Thơ và được cấp học bổng. Năm 1931 đồng chí bị địch bắt, đày đi Côn Đảo. Tuy bị tù đày và bị cực hình nhưng đồng chí Phan Văn Bảy vẫn giữ vững ý chí, khí tiết. Năm 1936, đồng chí mãn hạn tù và bị cấm không cho về Sa Đéc cư trú, đồng chí về sống ở Cần Thơ. Tại đây, đồng chí đã tham gia lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh của quần chúng tại Cần Thơ trong cao trào Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939). Về sau, đồng chí được cử vào Ban Liên tỉnh miền Tây. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (năm 1940), đồng chí được cử làm Phó Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ kiêm Bí thư Liên Tỉnh ủy Hậu Giang. Ngày 05/6/1941, đồng chí Phan Văn Bảy cùng một số đồng chí trong Liên Tỉnh ủy, Xứ ủy bị địch bắt, đến ngày 22/7/1942 đồng chí hy sinh tại Hóc Môn (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh).
  • 53. Chương 3: CÁC CHI BỘ ĐẢNG RA ĐỜI, LÃNH ĐẠO PHONG TRÀO... (1929 - 1945) 53 được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Cần Thơ, sau đó tham gia lãnh đạo một cuộc míttinh lớn của trường chống sự đàn áp và bớt tiền ăn của học sinh nội trú, vì vậy năm 1928, đồng chí bị chính quyền thực dân Pháp cấm học. Sau khi rời Cần Thơ, đồng chí phụ trách phong trào cách mạng ở Tân Dương trên cơ sở các tổ chức do đồng chí Hà Huy Giáp thành lập. Khi mới ra đời, các tiểu tổ Phong Hòa, Tân Dương tiến hành lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh hợp pháp, chống lại tề xã và địa chủ đòi giảm thuế, giảm xâu, chống hà hiếp nhân dân. Ở Phong Hòa có Cai tổng Sóc và Hương quản Thăng là hai địa chủ có mối thù sâu nặng với nông dân. Theo chỉ đạo, tiểu tổ lên kế hoạch với hai phương án, một là bí mật thanh trừng Cai tổng và Hương quản, hai là nếu thanh trừng không được thì đánh đòn tâm lý hạ uy tín, buộc nhượng bộ. Tháng 02/1929, tiểu tổ Phong Hòa tập hợp khoảng 50 thanh niên, đa số là hội viên các tổ chức quần chúng, bí mật đột nhập bao vây nhà Hương quản Thăng, nhưng kế hoạch bị lộ do sự phản bội của một người trong tổ chức. Kết quả, dưới sự chỉ huy của Cai tổng Sóc, 20 thanh niên tham gia ám sát Hương quản Thăng bị bắt và chính quyền thực dân tỉnh Cần Thơ kết án tù từ 5 đến 25 năm, đày đi Côn Đảo. Sự kiện trên để lại cho tiểu tổ cách mạng ở Phong Hòa bài học kinh nghiệm quý báu là khi kết nạp hội viên phải rà soát thành phần tham gia, thường xuyên giáo dục hội
  • 54. 54 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015) viên giữ vững tinh thần đấu tranh cách mạng, đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, giai cấp. Sau khi Đặc ủy Hậu Giang thành lập (tháng 9/1929), theo chỉ đạo của đồng chí Hà Huy Giáp và đồng chí Ung Văn Khiêm, tiểu tổ Phong Hòa chuẩn bị thành lập chi bộ Đảng với 7 hội viên được sự hướng dẫn của đồng chí Lưu Kim Phong đã học tập chính cương, sách lược vắn tắt của An Nam Cộng sản Đảng1 . Cuối tháng 11/1929, tại khu vườn của ông Đặng Văn Thân (gần ngã ba rạch Bù Hút), cuộc họp bí mật được tổ chức, đồng chí Lưu Kim Phong, thay mặt Đảng cấp trên, kết nạp 7 hội viên Thanh niên cách mạng Đồng chí hội vào Đảng gồm Đặng Văn Thân, Nguyễn Văn Huynh, Trần Kim Giáp, Trần Nhật Tân, Nguyễn Văn Chỉ, Trần Kim Đảnh, Nguyễn Ngọc Sơn và tiến hành thành lập chi bộ An Nam Cộng sản Đảng, do đồng chí Nguyễn Duy Hanh làm Bí thư2 . Ngoài số đảng viên 1. Do sự phân hóa của tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên, một số chi bộ của An Nam Cộng sản Đảng đã được thành lập tại một số tỉnh Nam Kỳ trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 10/1929. Tuy nhiên, An Nam Cộng sản Đảng chính thức ra đời tháng 11/1929 với việc thành lập Ban Lâm thời chỉ đạo ngày 07/11/1929 và đến ngày 15/11/1929, Ban Lâm thời chỉ đạo được chuyển thành Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của An Nam Cộng sản Đảng, đóng trụ sở tại Sài Gòn, gồm các đồng chí Châu Văn Liêm, Nguyễn Nghĩa (Nguyễn Thiệu), Ung Văn Khiêm, Đỗ Quảng, Huỳnh Quảng, đồng chí Châu Văn Liêm làm Bí thư. 2. Nguyễn Duy Hanh là Phó Bí thư Chi bộ vùng Lấp Vò, thành lập cuối tháng 10/1929, được cấp trên điều đến Phong Hòa. Tháng 01/1930, đồng chí Nguyễn Thị Lựu làm Bí thư chi bộ thay đồng chí Hanh được rút lên trên. Sau đó, Đặc ủy điều đồng chí Lựu làm công tác khác, đồng chí Đặng Văn Thân làm Bí thư.
  • 55. Chương 3: CÁC CHI BỘ ĐẢNG RA ĐỜI, LÃNH ĐẠO PHONG TRÀO... (1929 - 1945) 55 tại chỗ, các đồng chí Nguyễn Thị Lựu, Nguyễn Thị Đầy, Trần Văn Mảng (thuộc Chi bộ Cao Lãnh) được phân công về Phong Hòa hoạt động để hỗ trợ cho phong trào địa phương. Ở Tân Dương, đồng chí Phan Văn Bảy tích cực tuyên truyền vận động cách mạng và thành lập một Chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào cuối năm 19291 . Khi thống nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam thì Chi bộ Tân Dương ra đời với 8 đảng viên, do đồng chí Phan Văn Bảy làm Bí thư. Sau khi chi bộ thành lập, đã phối hợp với các chi bộ lận cận tiến hành lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống tề xã với khẩu hiệu “Không đi xâu vào ngày mùa, nếu đi xâu phải cấp gạo và trả công mỗi ngày 1 cắc (10 xu)”, khi chính quyền địch ra sức bắt dân đinh trên địa bàn xã phải làm xâu đắp hương lộ 13 (từ Sa Đéc qua Cái Tắc) phục vụ cho chính sách cai trị của chúng. Mặc dù, phong trào đấu tranh không giành được thắng lợi nhưng đã gây được tiếng vang, góp thêm động lực cho phong trào đấu tranh ở các địa phương trên địa bàn Lai Vung lúc bấy giờ. Các tổ chức đảng trên địa bàn Lai Vung, thông qua các hội tương tế, ái hữu, vạn cấy, vạn cày, vạn phát để tập hợp đông đảo các tầng lớp, các lứa tuổi vào các tổ chức, và qua tổ chức, giáo dục cho nhân dân lao động lòng yêu nước, sức mạnh đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, 1. Khi thống nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí làm Bí thư Chi bộ xã Tân Dương. Chi bộ được thành lập vào tháng 3/1930 có 8 đảng viên.
  • 56. 56 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015) thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, mặt khác khơi dậy lòng căm thù thực dân Pháp xâm lược, bọn địa chủ cường hào. Sự ra đời của các chi bộ như Phong Hòa, Tân Dương đã tạo ra một bước ngoặt quan trọng cho phong trào cách mạng Lai Vung tiến lên một bước mới, hòa nhịp với phong trào cách mạng của tỉnh và cả nước. II- PHONG TRÀO CÁCH MẠNG CỦA NHÂN DÂN LAI VUNG DƯỚI SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG (1930 - 1945) 1. Phong trào đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ (1930 - 1939) Ngày 03/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu bước ngoặt của cách mạng nước ta, mở đầu cho phong trào giải phóng dân tộc do lực lượng tiên phong của giai cấp công nhân với hệ tư tưởng Mác - Lênin lãnh đạo. Tại tỉnh Sa Đéc, phong trào đấu tranh do các đồng chí Ung Văn Khiêm, Phạm Hữu Lầu, cán bộ Xứ ủy Nam Kỳ bí mật trực tiếp chỉ đạo phong trào. Trên cơ sở chỉ đạo của cấp trên, căn cứ vào thực tiễn tại địa phương, các chi bộ ở Lai Vung có hình thức tổ chức lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh phù hợp. Nổi bật là cuộc đấu tranh do Chi bộ Tân Dương tổ chức vào sáng 13/5/19301 , lãnh đạo phong trào là đồng chí Phan Văn Bảy. Trước đó, chi bộ nhận được mật báo của hai cơ sở nội tuyến 1. Theo âm lịch là ngày cúng đình làng (dương lịch là ngày 09/6/1930).
  • 57. Chương 3: CÁC CHI BỘ ĐẢNG RA ĐỜI, LÃNH ĐẠO PHONG TRÀO... (1929 - 1945) 57 là Tư Khương và Năm Mạnh1 về việc Tỉnh trưởng Sa Đéc người Pháp Esquivillon đi kinh lý trong vùng. Kế hoạch đấu tranh là “hình thức bên ngoài là huy động quần chúng có khẩu hiệu hoan nghênh Tỉnh trưởng, nhưng bên trong phải chuẩn bị khẩu hiệu đấu tranh. Khi Tỉnh trưởng đến thì hạ khẩu hiệu hoan nghênh trương băng khẩu hiệu theo yêu cầu đấu tranh mục đích là để Quận trưởng Đường và tề xã không ngăn cản quần chúng tập trung. Phân công đảng viên và quần chúng cốt cán đi vận động đồng bào xã Tân Dương và các xã lân cận tham gia cuộc đấu tranh. Nếu có bị đàn áp phải kiên quyết giữ vững đội ngũ, khi có lệnh mới được giải tán”2 . Nhân dân tập trung tại rạch Xẻo Tre, sau đó kéo đến trụ sở tề xã Tân Dương cạnh đình làng khoảng 700 người, đến 9 giờ sáng chiếc ca nô chở Tỉnh trưởng và đoàn kinh lý đến Tân Dương đoàn biểu tình căng băng rôn, biểu ngữ yêu sách: hoãn thuế thân, bỏ thuế công xi heo (thuế sát sinh), thuế hoa chi chợ, hoãn bắt dân đi xâu để dân làm mùa, nếu đi xâu phải trả tiền công và giảm miễn thuế công điền công thổ. Khí thế đấu tranh lên cao, một số người trong đoàn biểu tình lội xuống nước kéo chiếc ca nô lên cạn buộc chặt vào cột cầu và đòi Tỉnh trưởng phải cam kết thực hiện nội dung yêu sách của nhân dân. Tỉnh trưởng nhượng bộ và hứa giải quyết bằng cách ký vào bản yêu sách. Sự kiện đấu tranh trở thành biểu tượng cho tinh thần 1, 2. Xem Ban Tuyên giáo Đồng Tháp: Lịch sử Đảng bộ huyện Thạnh Hưng (1927 - 1945), 1986, t. 1, tr. 26, 26 - 27.
  • 58. 58 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015) yêu nước kiên cường của nhân dân Tân Dương nói riêng và Lai Vung nói chung trong giai đoạn lịch sử này. Tại Phong Hòa, trung tuần tháng 3/1930, chi bộ huy động lực lượng trong vùng phối hợp với lực lượng một số làng của quận Ô Môn, có khoảng trên 3.000 người đi từ Phong Hòa sang bắc Cần Thơ, đến thẳng dinh Tỉnh trưởng đưa yêu sách: hoãn đi xâu để dân gieo mạ làm mùa, hoãn thu thuế thân, bỏ thuế đuôi chuột, được đồng bào Cần Thơ nhiệt tình ủng hộ cuộc đấu tranh. Trước khí thế và sức mạnh của quần chúng, Tỉnh trưởng Cần Thơ phải chấp nhận yêu sách của đoàn biểu tình và sau đó Thống đốc Nam Kỳ ra lệnh hoãn thu thuế trong hai tháng. Để đáp ứng yêu cầu tình hình cách mạng, Chi bộ Phong Hòa thành lập Ban chỉ huy lực lượng phía bắc sông Hậu1 . Ngay sau khi thành lập, ngày 29/5/1930, thi hành Chỉ thị của Đặc ủy Hậu Giang, Chi bộ Phong Hòa huy động đảng viên và hội viên nông hội của địa phương, có sự trợ lực của một số đảng viên Chi bộ Cao Lãnh, Tân Dương (Sa Đéc), Tam Bình (Vĩnh Long) với khoảng trên 1.200 người vượt sông Hậu sang phối hợp với Chi bộ Thới Lai - Cờ Đỏ, đến quận lỵ Ô Môn tiếp tục đấu tranh đòi bỏ thuế thân, thuế hoa chi chợ, thuế bến đò, thuế công xi heo, giảm tô, giảm tức, chia lại công điền, công thổ cho dân cày nghèo. Lực lượng tập trung địa điểm trên 3.000 người, sau đó phát triển lên hàng nghìn người, nhưng vì thiếu cảnh giác không có kế hoạch 1. Gồm các đồng chí: Trần Kim Giáp, Trần Nhật Tân, Nguyễn Văn Huynh, Đặng Văn Thân.
  • 59. Chương 3: CÁC CHI BỘ ĐẢNG RA ĐỜI, LÃNH ĐẠO PHONG TRÀO... (1929 - 1945) 59 sẵn sàng đối phó nên khi đoàn biểu tình đến bến bắc Cần Thơ thì bị địch tập trung lực lượng đàn áp. Đồng chí Trần Văn Mảng và 10 đồng chí đảng viên của Phong Hòa bị địch bắt, chi bộ còn lại 4 đảng viên1 . Để bảo toàn lực lượng, các đảng viên và quần chúng trung kiên bị lộ phải chuyển vùng hoạt động, các đảng viên nòng cốt ở lại bám cơ sở hoạt động để giữ gìn và phát triển lực lượng sau này. Ở các địa phương khác trên địa bàn như Long Hậu, Long Thắng, Tân Thành, mặc dù chưa có chi bộ lãnh đạo nhưng nhân dân tham gia đấu tranh bằng nhiều hình thức dưới sự hướng dẫn của các đảng viên từ địa phương khác đến. Các phong trào biểu tình, đấu tranh chính trị ở Lai Vung thể hiện đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, biết vận dụng sáng tạo hình thức đấu tranh, tập hợp được sức mạnh của quần chúng với tinh thần đấu tranh kiên cường làm cho thực dân, tay sai phải nhượng bộ. Các cuộc đấu tranh tạo ra và hình thành một trận địa cách mạng mới đó là sự liên kết giữa giai cấp công nhân và giai cấp nông dân, từ đây uy tín của các chi bộ đảng ngày càng cao, tiếng nói của Đảng đi vào con tim, khối óc của quần chúng lao động. Tháng 10/1930, ở Lai Vung dấy lên phong trào treo cờ búa liềm, dán khẩu hiệu, rải truyền đơn, đốt pháo tre ủng hộ “Nghệ Tĩnh đỏ” nhằm hưởng ứng kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1930). 1. Gồm các đồng chí: Trân Nhật Tân, Trần Kim Đảnh, Nguyễn Văn Chỉ.
  • 60. 60 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015) Tháng 7/1931, Liên Tỉnh ủy Vĩnh Long - Sa Đéc họp tại Sa Đéc, do phản bội của một đảng viên1 , một số cán bộ chủ chốt của Liên Tỉnh ủy và các chi bộ về họp bị địch bắt, trong đó có đồng chí Phan Văn Thâu (Chi bộ Tân Dương). Cơ quan Liên Tỉnh ủy và Đặc ủy Hậu Giang bị địch đánh phá, một số tổ chức đảng lần lượt bị vỡ. Đây là một tổn thất lớn của cách mạng nói chung và của Lai Vung nói riêng lúc bấy giờ. Từ đây đến cuối năm 1933 đầu năm 1934, phong trào cách mạng ở Lai Vung bước vào giai đoạn thoái trào. Đầu năm 1935, phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh, quận được khôi phục hoạt động trở lại. Các chi bộ ở Lai Vung nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Liên Tỉnh ủy Vĩnh Long - Sa Đéc, hay của Đặc ủy Hậu Giang, có lúc là Đặc ủy Long - Châu - Rạch - Hà (gồm các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá, Hà Tiên). Các đảng viên luôn quán triệt chương trình hành động của cấp trên kiên quyết vượt mọi khó khăn, hy sinh gian khổ bám cơ sở hoạt động, đã được nhân dân hết lòng che chở, từng bước khôi phục lại cơ sở, xây dựng lại phong trào, để lãnh đạo nhân dân bước vào giai đoạn đấu tranh mới của cách mạng. Các chi bộ Tân Dương, Phong Hòa lần lượt được tổ chức lại. Phong trào đấu tranh của tổ chức quần chúng được khôi phục và phát triển thông qua một số tổ chức mang tính chất tương trợ 1. Phan Thới Lai (tự Tám Lai), sau này trở thành mật thám công khai của địch.
  • 61. Chương 3: CÁC CHI BỘ ĐẢNG RA ĐỜI, LÃNH ĐẠO PHONG TRÀO... (1929 - 1945) 61 như Hội tương tế ái hữu, Hội cạo gió trị bệnh, một số nơi có nhóm hoạt động truyền bá chữ Quốc ngữ. Ngày 26/7/1936, trên tờ báo Tranh đấu (La Lutte) phát hành tại Sài Gòn, Nguyễn An Ninh, một trí thức yêu nước nổi tiếng lúc bấy giờ, đăng lời kêu gọi cổ động thành lập Ủy ban trù bị tiến tới triệu tập Đông Dương đại hội. Lời kêu gọi được các tầng lớp quần chúng và tổ chức chính trị xã hội nhiệt liệt hưởng ứng. Ngày 13/8/1936, Ủy ban trù bị Đông Dương đại hội được thành lập tại Sài Gòn và các ủy ban hành động lần lượt được tổ chức khắp các tỉnh Nam Kỳ. Ở khu vực phía nam và bắc sông Tiền, từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9/1936, nhiều địa phương thành lập Ủy ban hành động, trước mắt là đấu tranh đòi quyền lợi hằng ngày bằng các bản “thỉnh nguyện”, triệt để lợi dụng những khả năng công khai, hợp pháp để phát triển các tổ chức quần chúng, qua đó phát động quần chúng đấu tranh. Ở Lai Vung, Ủy ban hành động được thành lập tại một số nơi có phong trào cách mạng mạnh như Phong Hòa, Tân Dương, từ đây một số đảng viên bám trụ hoạt động bí mật và một số tù chính trị trở về dưới sự chỉ đạo của Liên Tỉnh ủy ra sức củng cố lại phong trào cách mạng. Tuy nhiên, phong trào phát triển tương đối chậm do địch tăng cường cảnh giác, một số tài liệu chuyển từ Sài Gòn về địa phương bởi các đồng chí Hai Tân, Sáu Ngọ chỉ phổ biến trong phạm vi hẹp. Trước tình hình phong trào đấu tranh của quần chúng ngày càng mạnh mẽ và ảnh hưởng uy tín của Đảng ngày càng
  • 62. 62 LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG HUYỆN LAI VUNG (1929 - 2015) lan rộng khắp nơi trong nước, lực lượng phản động trong giới cầm quyền của thực dân Pháp nhanh chóng ra mặt chống phá phong trào Đông Dương đại hội, phá phong trào cách mạng như ngày 15/9/1936 ra lệnh giải tán các ủy ban hành động, cấm tất cả các cuộc hội họp, míttinh của nhân dân. Đông Dương đại hội bị cấm, nhưng phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, phong trào cách mạng không vì thế mà giảm sút, ngược lại, vẫn phát triển ngày càng mạnh mẽ với nhiều hình thức phong phú, quy mô các cuộc đấu tranh rộng lớn hơn. Tháng 3/1937, cùng với phong trào đấu tranh của nông dân phía bắc sông Tiền như cuộc đấu tranh của nông dân trồng thuốc lá ở Hòa An, Tân Thuận Đông, Tân Thuận Tây (Cao Lãnh), một số nơi thuộc quận Châu Thành, Lai Vung tổ chức những hội quần chúng đơn giản như Hội cạo gió trị bệnh, Hội tương tế ái hữu, Hội đá banh. Cuối năm 1937, Đảng chủ trương phát động phong trào truyền bá chữ Quốc ngữ nhằm góp phần nâng cao khả năng biết đọc, biết viết cho người dân, nhất là các tầng lớp nhân dân lao động. Phong trào được nhân dân trong tỉnh nói chung, Lai Vung nói riêng hưởng ứng mạnh mẽ. Phong trào cách mạng ở Lai Vung những năm 1936 - 1939 diễn ra có ảnh hưởng nhất định tới các khu vực lân cận như Cần Thơ, Vĩnh Long. Mặc dù, chưa có sự phối hợp hành động thống nhất trên toàn địa bàn nhưng dưới sự lãnh đạo của các chi bộ tiêu biểu như Phong Hòa, Tân Dương,
  • 63. Chương 3: CÁC CHI BỘ ĐẢNG RA ĐỜI, LÃNH ĐẠO PHONG TRÀO... (1929 - 1945) 63 phong trào vẫn được duy trì, các cuộc đấu tranh liên tục diễn ra. Các chi bộ, cụ thể hóa chỉ đạo của cấp trên tạo nhiều hình thức tập hợp quần chúng vào tổ chức, đưa khẩu hiệu đấu tranh thích hợp, đúng với yêu cầu và phù hợp với trình độ các tầng lớp nhân dân. Qua các phong trào đấu tranh đã khơi dậy được tinh thần cách mạng, lòng yêu nước nồng nàn của các tầng lớp nhân dân, từ đó mở rộng tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, đường lối cách mạng, xây dựng được một đội quân chính trị lớn mạnh trong công nhân, nông dân, trí thức, học sinh trên địa bàn. Bằng các hình thức hoạt động linh hoạt, phong phú, đa dạng, đáp ứng được những lợi ích, yêu cầu thiết thực của đại bộ phận quần chúng nhân dân, cách mạng Lai Vung tạo được niềm tin, thế đứng trong lòng quần chúng, dần dần nâng trình độ giác ngộ chính trị cho họ về quyền lợi dân chủ và dân tộc, rèn luyện cho họ dày dạn trong đấu tranh. Những kết quả đấu tranh trong cao trào cách mạng 1936 - 1939 của Đảng và nhân dân Lai Vung đánh dấu một bước phát triển quan trọng, tạo cơ sở vững chắc cho phong trào đấu tranh cách mạng trong những năm kế tiếp, nhất là cao trào tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945. 2. Nhân dân Lai Vung trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền (1940 - 1945) Ngày 28/9/1939, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định giải tán và tịch thu tài sản Hội ái hữu, các nghiệp đoàn được thành lập trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương