SlideShare a Scribd company logo
1 of 175
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỎ - ĐỊA CHẤT
PHẠM THỊ THÚY
NGHIÊN CỨU HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI
ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
LUẬN ÁN TIẾN SĨ KINH TẾ
HÀ NỘI, 2018
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỎ - ĐỊA CHẤT
PHẠM THỊ THÚY
NGHIÊN CỨU HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI
ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
NGÀNH : QUẢN LÝ KINH TẾ
MÃ SỐ : 9340410
LUẬN ÁN TIẾN SĨ KINH TẾ
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
1.TS. NGUYỄN DUY LẠC
2.TS. PHAN THỊ THÁI
HÀ NỘI, 2018
i
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan bản luận án này là công trình nghiên cứu khoa học của riêng
tôi. Các số liệu nêu trong luận án là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng. Những kết
luận khoa học của luận án chưa từng được công bố ở bất kỳ công trình nghiên cứu
nào khác.
Hà nội, ngày….. tháng…. năm ..…
Tác giả
Phạm Thị Thúy
ii
LỜI CẢM ƠN
Qua quá trình học tập và nghiên cứu, được sự tận tình giúp đỡ của các thầy cô
giáo, các nhà khoa học, các nhà quản lý, tôi đã hoàn thành chương trình học tập và
nghiên cứu luận án với đề tài “Nghiên cứu hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp
nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”.
Tôi xin chân thành cảm ơn Trường đại học Mỏ - Địa chất, Phòng Sau đại học,
khoa Kinh tế và quản trị kinh doanh; đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ tôi trong quá trình
học tập và nghiên cứu.
Tôi xin chân thành cảm ơn TS.Nguyễn Duy Lạc và TS.Phan Thị Thái đã tạo
mọi điều kiện và tận tình giúp đỡ tôi trong quá trình nghiên cứu đề tài. Tôi xin chân
thành cảm ơn các thầy giáo trong khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh đã góp ý cho tôi
hoàn thiện đề tài.
Tôi xin chân thành cảm ơn Khoa Kinh tế - Trường Cao đẳng công nghiệp Phúc
Yên, nơi tôi đang công tác và các đồng nghiệp đã tạo điều kiện, động viên và giúp đỡ
tôi vượt qua những khó khăn trong quá trình học tập và nghiên cứu.
Tôi xin chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các
đồng chí lãnh đạo các sở, ban ngành của Tỉnh đã giúp đỡ tôi trong quá trình phỏng vấn
và trao đổi về chủ trương chính sách và những thuận lợi và khó khăn trong việc đánh
giá về hiệu quả kinh tế - xã hội FDI tại Vĩnh Phúc trong thời gian qua.
Và cuối cùng tôi xin chân thành cảm ơn gia đình và người thân là những điểm
tựa vững chắc để tôi học tập, nghiên cứu và phát triển chuyên môn nghề nghiệp.
Nghiên cứu sinh
Phạm Thị Thúy
iii
MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN.............................................................................................................i
LỜI CẢM ƠN................................................................................................................. ii
MỤC LỤC..................................................................................................................... iii
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT......................................................................................vi
DANH MỤC CÁC BẢNG........................................................................................... vii
DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ, BIỂU ĐỒ......................................................................ix
MỞ ĐẦU .........................................................................................................................1
CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ
TÀI VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ...................................................................7
1.1. Tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài..............................7
1.1.1. Các công trình nghiên cứu liên quan đến hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư
trực tiếp nước ngoài..................................................................................................7
1.1.2. Các công trình nghiên cứu liên quan đến quản lý nhà nước đối với FDI.....15
1.1.3. Khoảng trống cho các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu .................................16
1.2. Quá trình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu.............................................19
1.2.1. Quá trình nghiên cứu ....................................................................................19
1.2.2. Phương pháp nghiên cứu ..............................................................................21
Kết luận chương 1 .........................................................................................................25
CHƯƠNG 2 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TRẠNG HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ
HỘI ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI................................................................26
2.1. Cơ sở lý luận hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài...................26
2.1.1. Đầu tư trực tiếp nước ngoài..........................................................................26
2.1.2. Hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài ...........................33
2.1.3. Lựa chọn chỉ tiêu phù hợp để đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội FDI ở cấp
địa phương ..............................................................................................................50
2.1.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước
ngoài vào địa phương..............................................................................................56
2.2. Thực tiễn hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài ở một số địa
phương khác và bài học kinh nghiệm cho tỉnh Vĩnh Phúc ........................................65
iv
2.2.1. Thực tiễn hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài ở một số
địa phương khác......................................................................................................65
2.2.2. Bài học rút ra cho tỉnh Vĩnh Phúc ................................................................79
Kết luận chương 2 .........................................................................................................81
CHƯƠNG 3 THỰC TRẠNG HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI ĐẦU TƯ TRỰC
TIẾP NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC......................................82
3.1. Khái quát chung về tỉnh Vĩnh Phúc ....................................................................82
3.1.1. Sơ lược về vị trí địa lý, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và các chính sách ưu
đãi đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc.................................................................................82
3.1.2. Kết quả đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh Vĩnh Phúc...............................89
3.2. Thực trạng hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh
Vĩnh Phúc trong giai đoạn 2011 – 2016 ....................................................................94
3.2.1. FDI đóng góp vào GRDP .............................................................................94
3.2.2. FDI đóng góp vào ngân sách ........................................................................97
3.2.3. FDI đóng góp vào xuất nhập khẩu................................................................99
3.2.4. FDI đóng góp vào tạo việc làm...................................................................102
3.2.5. FDI đóng góp vào mức độ cải thiện khoa học công nghệ ..........................105
3.2.6. FDI đóng góp vào mức độ cải thiện môi trường ........................................106
3.2.7. FDI đóng góp vào mức độ cải thiện cơ sở hạ tầng.....................................107
3.3. Phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực
tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc............................................................108
3.3.1. Nhân tố khách quan ....................................................................................108
3.3.2. Những nhân tố chủ quan.............................................................................109
3.4. Đánh giá chung về hiệu quả kinh tế - xã hội của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc......................................................................................113
3.4.1. Những kết quả đạt được và nguyên nhân ...................................................115
3.4.2. Những hạn chế và nguyên nhân..................................................................117
Kết luận chương 3 .......................................................................................................120
CHƯƠNG 4 GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI ĐẦU
TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC .................121
v
4.1. Dự báo triển vọng của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới ............121
4.1.1. Xu hướng thay đổi dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài trên thế giới ............121
4.1.2. Tác động của bối cảnh trong nước..............................................................122
4.1.3. Đường lối phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc...........................123
4.1.4. Mục tiêu và định hướng nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư trực
tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ........................................................124
4.2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của vốn đầu tư trực tiếp
nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc...................................................................125
4.2.1. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước ..........................................................125
4.2.2. Phát triển công nghiệp phụ trợ....................................................................128
4.2.3. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực ...............................................................130
4.2.4. Giải pháp về quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp...............132
4.3. Kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và Bộ ban ngành......................................139
4.3.1. Kiến nghị đối với Quốc Hội .......................................................................139
4.3.2. Kiến nghị đối với Chính phủ và các bộ ngành có liên quan.......................140
Kết luận chương 4 .......................................................................................................142
KẾT LUẬN .................................................................................................................143
DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ ............................................................146
TÀI LIỆU THAM KHẢO...........................................................................................147
PHỤ LỤC ....................................................................................................................155
vi
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
Chữ viết tắt Chữ viết đầy đủ
CCN Cụm công nghiệp
CNH-HĐH Công nghiệp hóa - hiện đại hóa
DN Doanh nghiệp
ĐTNN Đầu tư nước ngoài
FDI Đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investment)
IMF Quỹ tiền tệ quốc tế (International Monetary Fund)
KCN Khu công nghiệp
KKT Khu kinh tế
MNEs Công ty đa quốc gia (Multinational Enterprises)
ODA Hỗ trợ phát triển chính thức (Official Development
Assistance)
OEDC Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for
Economic Cooperation and Development)
SXKD Sản xuất kinh doanh
TNCs Công ty xuyên quốc gia (Transnational Corporation)
TNHH Trách nhiệm hữu hạn
UNCTAD Ủy ban thương mại và Phát triển của Liên hiệp quốc
WTO Tổ chức Thương mại Thế giới
XHCN Xã hội chủ nghĩa
R&D Nghiên cứu và phát triển (Research anh Development)
GRDP Tổng sản phẩm trên địa bàn (Gross Regional Domestic
Product)
GDP Tổng sản phẩm (Gross Domestic Product)
VA Giá trị gia tăng (Value added)
GO Giá trị sản xuất (Gross Output)
vii
DANH MỤC CÁC BẢNG
TT Tên bảng Trang
Bảng 1.1. Kết quả điều tra.............................................................................................24
Bảng 2.1. FDI phân theo quốc gia tại tỉnh Phú Thọ......................................................65
Bảng 2.2. FDI phân theo ngành kinh tế tại tỉnh Phú Thọ..............................................66
Bảng 2.3. Vốn đầu tư thực hiện tỉnh Phú Thọ theo nguồn vốn.....................................67
Bảng 2.4. GRDP tỉnh Phú Thọ theo thành phần kinh tế ...............................................67
Bảng 2.5. Thu ngân sách tỉnh Phú Thọ theo thành phần kinh tế...................................68
Bảng 2.6. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Phú Thọ theo thành phần kinh
tế ......................................................................................................................69
Bảng 2.7. Lao động đang làm việc tỉnh Phú Thọ theo thành phần kinh tế ...................70
Bảng 2.8. FDI phân theo quốc gia tại tỉnh Bắc Ninh (31/12/2016) ..............................72
Bảng 2.9. FDI phân theo ngành kinh tế tại tỉnh Bắc Ninh ............................................73
Bảng 2.10. Vốn đầu tư thực hiện tỉnh Bắc Ninh theo nguồn vốn .................................74
Bảng 2.11. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tỉnh Bắc Ninh theo thành phần kinh
tế ......................................................................................................................75
Bảng 2.12. Thu ngân sách tỉnh Bắc Ninh theo thành phần kinh tế ...............................76
Bảng 2.13. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Bắc Ninh theo thành phần
kinh tế ..............................................................................................................77
Bảng 2.14. Lao động đang làm việc tỉnh Bắc Ninh theo thành phần kinh tế................78
Bảng 3.1. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Vĩnh Phúc theo đối tác đầu tư ....................90
Bảng 3.2. Các dự án FDI đầu tư trên tỉnh Vĩnh Phúc phân theo lĩnh vực đầu tư .........91
Bảng 3.3. Tổng hợp các dự án FDI phân theo các khu công nghiệp (31/12/2016).......92
Bảng 3.4. Cơ cấu vốn đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc theo thành phần kinh tế .........................93
Bảng 3.5. Đóng góp của khu vực có vốn FDI vào cơ cấu vốn đầu tư thực hiện...........94
Bảng 3.6. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tỉnh Vĩnh Phúc theo thành phần kinh
tế ......................................................................................................................95
Bảng 3.7. Đóng góp của FDI vào GDP của một số địa phương và toàn quốc..............96
Bảng 3.8. Tỷ trọng đóng góp của FDI từng tỉnh vào GDP và GDPFDI toàn quốc.........96
viii
Bảng 3.9. Thu ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc theo thành phần kinh tế ...............................97
Bảng 3.10. Đóng góp của khu vực có vốn FDI tỉnh vào ngân sách nhà nước của một
số địa phương ..................................................................................................98
Bảng 3.11. Tỷ trọng đóng góp khu vực có vốn FDI tỉnh so với tổng FDI đóng góp
vào ngân sách nhà nước...................................................................................98
Bảng 3.12. Xuất khẩu hàng hóa tỉnh Vĩnh Phúc theo thành phần kinh tế...................100
Bảng 3.13. Đóng góp của khu vực có vốn FDI của các tỉnh vào thặng dư xuất khẩu
toàn quốc........................................................................................................101
Bảng 3.14. Lao động đang làm việc tỉnh Vĩnh Phúc theo thành phần kinh tế............102
Bảng 3.15. Đóng góp của khu vực có vốn FDI vào tạo việc làm cho người lao động103
Bảng 3.16. Kết quả khảo sát đánh giá mức độ gia tăng việc làm gián tiếp tại địa
phương...........................................................................................................104
Bảng 3.17. Kết quả khảo sát đánh giá mức độ cải thiện Khoa học, công nghệ của
tỉnh.................................................................................................................106
Bảng 3.18. Kết quả khảo sát đánh giá mức độ cải thiện môi trường ..........................107
Bảng 3.19. Kết quả khảo sát đánh giá mức độ cải thiện cơ sở hạ tầng .......................107
Bảng 3.20. Kết quả khảo sát đánh giá mức độ thuận lợi của các thủ tục hành chính
đối với DN FDI..............................................................................................111
Bảng 3.21. Kết quả khảo sát đánh giá mức độ chuyên nghiệp của cán bộ quản lý.....113
Bảng 3.22. Bảng tổng hợp kết quả một số chỉ tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội của 3
tỉnh Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc..............................................................114
ix
DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ, BIỂU ĐỒ
TT Tên hình vẽ, biểu đồ Trang
Hình 1.1. Quá trình nghiên cứu luận án ........................................................................20
Hình 2.1. Tỷ trọng FDI trong GRDP tỉnh Phú Thọ.......................................................67
Hình 2.2. Tỷ trọng FDI trong cơ cấu thu ngân sách tỉnh Phú Thọ................................68
Hình 2.3. Tỷ trọng lao động đang làm việc tại doanh nghiệp FDI trong tổng số lao
động đang làm việc của tỉnh Phú Thọ..............................................................70
Hình 2.4. Tỷ trọng FDI trong cơ cấu vốn đầu tư thực hiện tỉnh Bắc Ninh ...................74
Hình 2.5. Tỷ trọng FDI trong GRDP tỉnh Bắc Ninh .....................................................75
Hình 2.6. Tỷ trọng FDI trong cơ cấu thu ngân sách tỉnh Bắc Ninh ..............................76
Hình 2.7. Thặng dư xuất nhập khẩu tỉnh Bắc Ninh.......................................................78
Hình 2.8. Tỷ trọng lao động đang làm việc tại doanh nghiệp FDI trong tổng số lao
động đang làm việc của tỉnh Bắc Ninh ............................................................79
Hình 3.1. Bản đồ hành chính tỉnh Vĩnh Phúc................................................................83
Hình 3.2. Tỷ trọng FDI trong GRDP tỉnh Vĩnh Phúc ...................................................95
Hình 3.3. Tỷ trọng FDI trong cơ cấu thu ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc ............................97
Hình 3.4. Tỷ trọng lao động đang làm việc tại doanh nghiệp FDI trong tổng số lao
động đang làm việc của tỉnh Vĩnh Phúc ........................................................102
Hình 3.5. Đánh giá tổng hợp môi trường kinh tế của Vĩnh Phúc................................110
Hình 3.6. Đánh giá tổng hợp khả năng khai thác và sử dụng các dự án đầu tư trực tiếp
nước ngoài tại Vĩnh Phúc...............................................................................112
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Một nền kinh tế muốn phát triển, tăng trưởng nhanh và bền vững trước hết phải
đảm bảo đủ nhu cầu về vốn đầu tư. Muốn có vốn đầu tư lớn và dài hạn đòi hỏi phải gia
tăng tiết kiệm trong nước cũng như tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Với các
quốc gia đang phát triển, khi nguồn vốn đầu tư trong nước còn khan hiến chưa đủ đáp
ứng nhu cầu về vốn thì việc tiếp nhận vốn đầu tư của nước ngoài (FDI) càng trở nên cần
thiết mang lại những lợi ích to lớn cho quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế, nâng
cao mức thu nhập và đời sống của dân cư. Với những ưu điểm nổi bật của mình, việc
thu hút ngày càng nhiều FDI đã trở thành chiến lược phát triển kinh tế của mỗi quốc gia.
Đồng hành với việc tăng cường thu hút FDI thì việc đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội
của sử dụng vốn FDI làm cơ sở để Chính phủ quốc gia cũng như chính quyền các địa
phương có chiến lược thu hút đầu tư vào ngành nào, đề ra nhưng chính sách gì để sử
dụng tốt nhất đồng vốn đầu tư này cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương
là vấn đề rất cần thiết và cần được thực hiện thường xuyên trong từng giai đoạn của quá
trình phát triển kinh tế.
Đối với Việt Nam, mục tiêu đặt ra là thực hiện thành công quá trình Công
nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản trở
thành một nước công nghiệp. Để thực hiện thành công mục tiêu này chúng ta cần phải
có một nguồn vốn lớn để phục vụ cho nhu cầu của nền kinh tế. Nguồn vốn này có thể
được huy động từ nhiều kênh khác nhau, trong đó có vốn FDI. Mức tăng trưởng kinh
tế phụ thuộc rất lớn vào quy mô và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.
Thời gian qua, FDI đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát
triển của Việt Nam. Đồng thời, FDI cũng có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của
nền kinh tế, khơi dậy nguồn lực đầu tư trong nước, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu
kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, đổi mới thủ tục hành chính, hoàn thiện thể
chế kinh tế thị trường, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, thu hút FDI chưa
đạt được một số mục tiêu kỳ vọng về thu hút công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, đầu
tư phát triển hạ tầng và chuyển giao công nghệ. Chất lượng của dự án FDI nhìn chung
2
chưa cao, giá trị gia tăng thấp, chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ, sự tham gia đầu tư theo
chuỗi sản xuất của các tập đoàn xuyên quốc gia còn hạn chế. Một số doanh nghiệp FDI
sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; Một số doanh nghiệp FDI có biểu
hiện sử dụng phương thức chuyển giá để trốn thuế, gây thất thu ngân sách, không đảm
bảo quyền lợi chính đáng của người lao động... Vì vậy Chính phủ đã đề ra Nghị quyết
số 103/NĐ – CP ngày 29/8/2013 về “Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng
và quản lý FDI trong thời gian tới”. Một trong các yêu cầu của Nghị quyết số 103 đối
với các địa phương là cần đánh giá hiệu quả FDI và đề ra phương hướng nâng cao hiệu
quả sử dụng FDI phù hợp với điều kiện của địa phương mình.
Vĩnh Phúc là một tỉnh trung du miền núi, cửa ngõ phía Tây Bắc của thủ đô Hà
Nội. Với phương châm khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế so sánh của tỉnh,
trong thời gian qua tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, mở
rộng cửa mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng đầu tư phát triển các ngành
công nghiệp có lợi thế về nguyên liệu tại chỗ, có khả năng thu hồi vốn nhanh và đạt
hiệu quả cao. Ngay từ khi tái lập tỉnh (1997), lãnh đạo Tỉnh đã xác định rõ lợi thế so
sánh, xu hướng phát triển kinh tế quốc tế và khẳng định vai trò của nguồn vốn đầu tư
trực tiếp nước ngoài là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế - xã
hội. Sự tham gia của FDI đã kích thích phát triển đồng bộ, hoàn thiện cấu trúc phát
triển kinh tế và từng bước hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, giải quyết việc
làm cho lực lượng lao động tại địa phương, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, gia tăng
giá trị xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, tăng
thu ngân sách cho tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiệu quả kinh tế - xã
hội của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế,
chưa đáp ứng được những mục tiêu đề ra. Chính vì vậy, việc nghiên cứu và đánh giá
hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là hết sức cần thiết vì:
Thứ nhất, xuất phát từ thực trạng về tốc độ thực hiện và tính hiệu quả FDI trên địa
bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian qua. Trong thời gian vừa qua Vĩnh Phúc là một tỉnh
có lượng dự án FDI đăng ký nhiều nhưng nguồn vốn giải ngân và thực hiện còn rất
khiêm tốn, mặt khác có nhiều dự án FDI hoạt động chưa thực sự hiệu quả.
3
Thứ hai, nghiên cứu hiệu quả kinh tế xã hội FDI là cơ sở để đánh giá quản lý nhà
nước với các dự án này. Quản lý vĩ mô các dự án FDI hiện nay đang phải đối mặt với
bài toán chuyển giá và trốn thuế. Một hiện tượng khá phổ biến với các doanh nghiệp
FDI trên cả nước cũng như các doanh nghiệp FDI tại Vĩnh Phúc như HJC Vina,
Haesung Vina,....
Thứ ba, dự án FDI tập trung không đồng đều ở các khu vực và ngành nghề. Phần
lớn các dự án FDI đầu tư vào ngành công nghiệp, may mặc, điện tử, cơ khí mà ít quan
tâm tới ngành công nghệ cao. Số dự án tập trung chủ yếu ở các Huyện Bình Xuyên,
Vĩnh Tường, Phúc Yên. Do vậy sự phát triển kinh tế chưa đồng đều, nhiều huyện như
Sông Lô, Lập Thạch, Yên Lạc vẫn nghèo khó và lạc hậu. Vì vậy cần có nghiên cứu
tầm vĩ mô về tính hiệu quả kinh tế- xã hội của FDI mang lại cho tỉnh Vĩnh Phúc.
Thứ tư, xuất phát từ những hạn chế về khía cạnh xã hội, môi trường đặt ra với
các dự án FDI vào tỉnh Vĩnh Phúc. Mặc dù khá nhiều dự án FDI đạt doanh thu, lợi
nhuận cao nhưng vẫn còn tác động tiêu cực đến môi trường như tình trạng ô nhiễm
môi trường ngày càng trở nên trầm trọng. Một số doanh nghiệp không xây dựng hoặc
xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng không sử dụng mà xả trực tiếp ra môi trường
làm ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sinh thái và cuộc sống của những người dân
xung quanh. Các doanh nghiệp FDI quá chú trọng đến hiệu quả kinh tế mà quên đi lợi
ích của người lao động, bỏ qua tính hiệu quả kinh tế - xã hội nói chung. Điều này đi
ngược lại mục tiêu của Đảng và Nhà nước khi sử dụng dòng vốn FDI phải đảm bảo
cân bằng giữa các mặt kinh tế - xã hội.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của
FDI đối với tỉnh Vĩnh Phúc, tác giả đã quyết định lựa chọn đề tài nghiên cứu “Nghiên
cứu hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh
Phúc”. Đề tài có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn sâu sắc, hứa hẹn sẽ có nhiều đóng góp
tích cực đối với hoạt động quản lý vĩ mô của Nhà nước và vấn đề hiệu quả kinh tế - xã
hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
2. Mục đích nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của đề tài luận án là làm rõ những vấn đề cơ bản về lý
4
luận và thực tiễn hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài, trên cơ sở đó đề
xuất các định hướng và giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế - xã hội
FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
a. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là lý luận và thực tiễn hiệu quả kinh tế - xã
hội của FDI trên địa bàn tỉnh tiếp nhận FDI.
b. Phạm vi nghiên cứu
+ Về nội dung: Đánh giá về hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI thì thường đứng
trên các góc độ khác nhau: Góc độ của nhà đầu tư nước ngoài, góc độ quản lý nhà
nước, của địa phương và của ngành.
Luận án tập trung vào nghiên cứu về hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI đứng
trên góc độ quản lý nhà nước và địa phương tiếp nhận FDI, với các nội dung cơ bản về
hiệu quả, hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI, các nhân tố ảnh hưởng, hệ thống các chỉ
tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI, đưa ra một số các giải pháp nhằm nâng
cao hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI.
+ Về thời gian và không gian: Luận án tập trung nghiên cứu thu thập số liệu
điều tra về hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn
2011 – 2016 và định hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI trên
địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Thứ nhất, hệ thống hóa, đánh giá các công trình nghiên cứu liên quan đến đề
tài để rút ra những vấn đề khoa học mà luận án kế thừa và tiếp tục giải quyết.
- Thứ hai, trên cơ sở nghiên cứu khái quát cơ sở lý luận và thực tiễn FDI nói
chung và hiệu quả kinh tế xã hội của FDI nói riêng. Làm rõ nội hàm, tiêu chuẩn và
phương pháp đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI.
- Thứ ba, nghiên cứu kinh nghiệm của một số tỉnh có điều kiện tương đồng với
tỉnh Vĩnh Phúc những thành công và hạn chế của họ về việc quản lý và sử dụng nguồn
vốn FDI, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Vĩnh Phúc.
5
- Thứ tư, làm rõ thực trạng hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI trên địa bàn tỉnh
Vĩnh Phúc thời gian qua, chỉ ra hiệu quả đã đạt được, những tồn tại và nguyên nhân.
- Thứ năm, trên cơ sở nghiên cứu các nhân tố tác động đến hiệu quả kinh tế - xã
hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài, luận án đề xuất một số giải pháp và kiến nghị chủ
yếu nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội FDI tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020,
tầm nhìn 2030.
5. Những đóng góp mới của luận án
- Luận án đã hệ thống hóa và luận giải một số vấn đề lý luận hiệu quả kinh tế -
xã hội của FDI đứng từ góc độ nước, địa phương tiếp nhận đầu tư. Qua đó chỉ ra rằng,
hiện nay chưa có bộ tiêu chuẩn nào được ban hành để đánh giá hiệu quả kinh tế - xã
hội của FDI. Trên thế giới đang tồn tại 2 nhóm quan điểm khác nhau về đánh giá hiệu
quả kinh tế - xã hội của FDI là (1) Đánh giá theo một chỉ tiêu duy nhất không đơn vị
đo; (2) Đánh giá theo tổ hợp chỉ tiêu. Số lượng chỉ tiêu trong tổ hợp cần linh hoạt
nhằm phản ánh được hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI theo các mục tiêu khác nhau
đặt ra trong mỗi thời kỳ và thuận lợi trong thu thập và xử lý thông tin.
- Luận án đưa ra quan điểm là để đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội FDI vào nền
kinh tế địa phương của Việt Nam hiện nay cần dùng một tổ hợp các chỉ tiêu phù hợp
với điều kiện thực tế, bao gồm 7 chỉ tiêu cả định tính và định lượng phản ánh mức
đóng của FDI vào (1) Sự tăng trưởng kinh tế (GRDP); (2) Thu ngân sách nhà nước; (3)
Cán cân xuất nhập khẩu; (4) Tạo việc làm cho người lao động; (5) Cải thiện khoa học
công nghệ; (6) Cải thiện môi trường; (7) Thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng.
- Luận án đánh giá khá toàn diện hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI trên địa bàn
tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn 2011 – 2016, chỉ ra mức độ hiệu quả của nó ở mức
thấp hơn tỉnh có điều kiện tương tự là Bắc Ninh theo nhiều khía cạnh và các nhân tố
ảnh hưởng. Trong đó nhân tố cơ bản là: Môi trường pháp luật; Sự ổn định về chính trị
- kinh tế -xã hội; Trình độ quản lý của địa phương; Chiến lược phát triển công nghiệp
phụ trợ; Quy hoạch phát triển các KCN...
-Luận án đề ra một số các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội
của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Cụ thể cần tập trung vào một số các giải pháp
6
như: (1) Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; (2) Phát triển công nghiệp phụ trợ; (3)
Phát triển nguồn nhân lực chất; (4) Nâng cao chất lượng quy hoạch các KCN, cụm
công nghiệp.
6. Kết cấu nội dung của luận án
Ngoài phần mở đầu, kết luận và phần phụ lục, luận án được kết cấu gồm bốn
chương sau:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài và phương
pháp nghiên cứu.
Chương 2: Cơ sở lý luận và thực tiễn hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư trực
tiếp nước ngoài.
Chương 3: Thực trạng hiệu quả kinh - tế xã hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài
trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Chương 4: Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư trực tiếp
nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
7
CHƯƠNG 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI
VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1.1. Tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài
1.1.1. Các công trình nghiên cứu liên quan đến hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư
trực tiếp nước ngoài
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign direct investment - FDI) không chỉ là
nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế mà còn là nhân tố có tác động lan tỏa
đến rất nhiều khu vực khác. Cũng vì vậy và ở Việt Nam cũng như trên thế giới có
nhiều nghiên cứu liên quan đến FDI, hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội của FDI. Các
nghiên cứu gần đây gồm:
a. Các công trình nghiên cứu trong nước
(1) TS Vương Thị Bảo Bình (2016), Nghiên cứu đề xuất giải pháp thu hút, sử
dụng hiệu quả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh
Nghệ An giai đoạn 2013 - 2020, có tính đến 2025,[8] đề tài nghiên cứu khoa học cấp
Tỉnh. Công trình đã đánh giá thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
tại Nghệ An: làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế trong việc thu hút FDI
trên địa bàn Nghệ An, làm rõ nguyên nhân của các hạn chế đó (tình hình môi trường
đầu tư). Đánh giá thực trạng tác động vốn FDI đến tỉnh Nghệ An (bao gồm cả tác động
tích cực và tác động tiêu cực). Phân tích khả năng thu hút, phát huy hiệu quả vốn FDI
phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An giai đoạn 2013 - 2020, có tính đến 2025.
Đề xuất giải pháp tăng cường thu hút và phát huy hiệu quả vốn FDI vào Nghệ An giai
đoạn 2013-2020, có tính đến 2025.
(2) Lê Hữu Nghĩa, Lê Văn Chiến, Nguyễn Viết Thống (2014), sách chuyên
khảo Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến năng suất lao động và trình độ
công nghệ của Việt Nam [48], NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. Cuốn sách đã trình
bày cơ sở lý luận và thực tiễn của đầu tư trực tiếp nước ngoài, thực trạng đầu tư trực
8
tiếp nước ngoài ở Việt Nam, tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến năng suất
lao động và trình độ công nghệ của Việt Nam.
(3) TS Trương Thái Phương (2001), Chiến lược đôi mới chính sách huy động các
nguồn vốn nước ngoài phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 –
2010 [51], đề tài cấp Bộ, Bộ tài chính. Công trình đã đưa ra các giải pháp chủ yếu thu
hút nguồn vốn FDI gồm có: Đối mới cơ cấu FDI nhằm thúc đây chuyển dịch cơ cấu
kinh tế, nâng cao chất lượng xây dựng quy hoạch đối với FDI, hoàn thiện hệ thống pháp
luật và cơ chế chính sách quản lý nhằm cải thiện môi trường ĐTNN, mở rộng hợp tác
ĐTNN theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính,
cải tiến công tác tổ chức bộ máy quản lý, phân cấp và cơ chế thu hút vốn, nâng cấp cơ
sở hạ tầng, thúc đẩy hoạt động hỗ trợ, xúc tiến FDI, tăng cường công tác bảo hộ sở hữu
trí tuệ và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong nước phục vụ có hiệu quả
hoạt động FDI.
(4) Phùng Xuân Nhạ (2013), Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam: Lý luận
và thực tiễn, Đại học quốc gia Hà Nội. [44] Cuốn sách đã đề cập tới khái niệm, hình
thức đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhiều lý thuyết luận giải về nguyên nhân hình thành
đầu tư trực tiếp nước ngoài, bao gồm các lý thuyết truyền thống và các lý thuyết mới
về quốc tế hóa sản xuất, phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới FDI, các chính sách, biện
pháp thu hút FDI tại Việt Nam. Qua phân tích thực trạng thu hút FDI của Việt Nam
giai đoạn 1988 - 2011, trong cuốn sách đã trình bày những tác động của FDI tới sự
phát triển của Việt Nam, biểu hiện thông qua những tác động tích cực tới tăng trưởng
kinh tế, bổ sung vốn đầu tư và cán cân thanh toán quốc tế, chuyển giao và phát triển
công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và tạo việc làm, thúc đẩy xuất khẩu, liên kết các
ngành công nghiệp, các tác động khác, các tác động đặc biệt và tác động tới chủ quyền
quốc gia. Trong phân tích về tác động của FDI, cuốn sách cũng đồng thời cũng chỉ ra
một số ảnh hưởng không mong muốn như gia tăng tính phụ thuộc của nền kinh tế vào
FDI, ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái do sử dụng công nghệ lạc hậu, dẫn tới
hình thành độc quyền, ngăn cản cạnh tranh, làm tăng khoảng cách giàu nghèo…Cuốn
sách cũng cho rằng, mức độ tác động tích cực hoặc tiêu cực của FDI phụ thuộc vào
9
chính sách và điều kiện phát triển của nước tiếp nhận FDI, từ đó đã đưa ra một số gợi
ý về chính sách như tăng cường thu hút FDI khi khả năng tích lũy nội địa thấp, phát
triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ, đào tạo, quy định chặt chẽ cụ thể đối với FDI trong các
lĩnh vực dinh dưỡng, y tế, dược phẩm, quảng cáo, có chính sách phù hợp về khắc phục
chảy máu chất xám, bóc lột lao động quá mức, bảo hộ thị trường…
(5) Đỗ Đức Bình (2005), Sách chuyên khảo Đầu tư của các công ty xuyên quốc
gia (TNCs) tại Việt Nam [5], đã trình bày từ quan niệm về đầu tư quốc tế đến khái
niệm FDI, các TNCs, vai trò của TNCs trong nền kinh tế thế giới, kinh nghiệm thu hút
đầu tư của TNCs tại một số nước. Qua nghiên cứu phân tích thực trạng thu hút FDI nói
chung và từ TNCs nói riêng tại Việt Nam giai đoạn 1988 - 2004, trong cuốn sách đã
khái quát một số đóng góp của FDI đến các mặt kinh tế - xã hội ở Việt Nam như tham
gia tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, sản xuất và xuất khẩu, đa dạng hóa
và nâng cấp thiết bị, công nghệ. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng chỉ ra một số tác động
tiêu cực như mâu thuẫn với mục tiêu chiến lược chung và phát triển kinh tế - xã hội
của Việt Nam; lợi dụng ưu thế về vốn, công nghệ để thao túng trong các liên doanh,
cuốn sách cũng đề xuất các quan điểm, giải pháp tăng cường thu hút và sử dụng hiệu
quả FDI của các TNCs cho Việt Nam.
(6) Tổng cục thống kê (2016), Kỷ yếu hội thảo “Đánh giá hiệu quả của doanh
nghiệp FDI giai đoạn 2005-2014” [70], Kỷ yếu hội thảo bao gồm các bài tham luận,
các báo cáo, các nghiên cứu của nhiều cơ quan chức năng, nhiều chuyên gia về đầu tư
trực tiếp nước ngoài đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có
vốn đầu tư nước ngoài, theo đó việc đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp FDI
được dựa trên hai khía cạnh chính là: (1) Hiệu quả của bản thân các doanh nghiệp
FDI và (2) Đóng góp của các doanh nghiệp FDI cho nền kinh tế. Nhìn chung, các
doanh nghiệp FDI được đánh giá cao hơn các doanh nghiệp trong nước, tuy nhiên xét
về tổng thể, hiệu quả của các doanh nghiệp FDI còn thấp và có xu hướng giảm.
Nguyên nhân của tình trạng này thuộc về cả hai phía là nhà nước và chính bản thân
các doanh nghiệp.
10
(7) Bộ Kế hoạch và đầu tư (2012), Hội thảo đề án “Xây dựng bộ chỉ tiêu đánh
giá hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI ở Việt Nam”, đề án cấp bộ do Học viện
chính sách và phát triển chủ trì [15]. Mục tiêu của đề án này là xây dựng ra bộ chỉ tiêu
để đánh giá hiệu quả FDI ở Việt Nam, tuy nhiên khi hội thảo đưa ra hệ thống chỉ tiêu
thì đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, chính vì vậy bộ chỉ tiêu này cũng chưa được Bộ
Kế hoạch và đầu tư chính thức ban hành.
(8). Vũ Chí Lộc (1995), Hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tự trực tiếp nước
ngoài tại Việt Nam [37], Luận án tiến sỹ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Luận án
đã trình bày những vấn đề lý luận về hiệu quả của FDI được biểu hiện ở 2 mặt là hiệu
quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Về hiệu quả kinh tế tác giả quan niệm có bản chất như
đánh giá hiệu quả tài chính, phân tích chi phí lợi ích của dự án đầu tư, còn hiệu quả xã
hội là những tác động tích cực của dự án về mặt xã hội. Tác giả cũng đưa ra các chỉ
tiêu để đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội của FDI. Trên cơ sở các đánh giá về hiệu quả
KT-XH của FDI, tác giả đề xuất các giải pháp tăng cường thu hút và nâng cao hiệu
quả kinh tế - xã hội của FDI tại Việt Nam. Tuy nhiên, luận án được thực hiện vào năm
1995, sau 7 năm Luật đầu tư (1897) có hiệu lực, hầu hết các dự án FDI đang ở giai
đoạn đầu triển khai thực hiện, nhiều dự án chưa thể hoạt động có hiệu quả, nên đánh
giá hiệu quả kinh tế xã hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam còn hạn chế,
chưa đủ số liệu thực tiễn, và không còn phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay. Mặt
khác quan điểm về hiệu quả kinh tế của FDI của tác giả chưa xác định rõ đứng trên
góc độ nước tiếp nhận đầu tư hay chủ đầu tư, vì vậy cần có những nghiên cứu cụ thể
hơn nữa về hiệu quả kinh tế xã hội của FDI đứng trên góc độ quản lý của nước tiếp
nhận FDI.
(9) Nguyễn Thị Liên Hoa (2000), Các giải pháp thu hút và nâng cao hiệu quả
sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam [25], Luận án tiến sỹ, Đại học
Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Luận án đã trình bày và phân tích có hệ thống các vấn
đề lý luận thuộc phạm vi huy động vốn FDI, tổng hợp một số kinh nghiệm của các
nước trên thế giới trong lĩnh vực này, trên cơ sở đó rút ra những bài học có thể áp dụng
vào hoàn cảnh của Việt Nam. Luận án cũng phân tích thực trạng huy động và hiệu quả
11
sử dụng vốn FDI qua các giai đoạn khác nhau, phân tích những thành tựu và hạn chế
trong hoạt động FDI tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, luận án đưa ra những giải pháp
nhằm tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn FDI. Luận án được thực
hiện vào năm 2000, giai đoạn trước đây quan niệm về thu hút chỉ dừng lại ở việc quan
tâm đến số lượng vốn, số lượng dự án, đối tác đầu tư, nhưng chưa coi trọng đến chất
lượng của các dự án FDI. Bước vào giai đoạn mới, vấn đề thu hút FDI cần được
nghiên cứu trên quan điểm phù hợp với thực tiễn hơn. Ngoài ra, quan điểm về hiệu quả
sử dụng vốn FDI được tác giả phân tích trên cả hai góc độ: chủ đầu tư nước ngoài và
nước nhận đầu tư. Vì vậy, cần phải có những nghiên cứu sâu sắc và chi tiết hơn về
hiệu quả kinh tế - xã hội của vốn FDI đứng trên góc độ quản lý vĩ mô của nước tiếp
nhận vốn.
(10) Nguyễn Trọng Hải (2008), Vận dụng một số phương pháp thống kê phân
tích hiệu quả kinh tế của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam [22], Luận án
tiến sỹ, Đại học Kinh tế quốc dân. Trong luận án, tác giả đã hệ thống hóa và hoàn thiện
các khái niệm, các chỉ tiêu, quy trình phân tích thống kê về hiệu quả kinh tế của FDI.
Điểm mới của luận án là đã sử dụng thành công các phương pháp: phương pháp đồ thị
không gian ba chiều trong phân tích nhân tố, phân tích dãy số thời gian đa chỉ tiêu
phương pháp chỉ số mở rộng trong phân tích hiệu quả kinh tế. Tác giả đề xuất các giải
pháp và kiến nghị có tính khả thi nhằm nâng cao chất lượng của công tác phân tích
thống kê hiệu quả kinh tế FDI và tăng cường hiệu quả FDI tại Việt Nam. Tuy nhiên
trong nghiên cứu này, hiệu quả sử dụng vốn FDI mới chỉ dùng lại ở góc độ hiệu quả
kinh tế, chưa đề cập đến lý luận và thực trạng về hiệu quả xã hội của vốn FD1 đối với
nước tiếp nhận đầu tư.
(11) Hà Quang Tiến (2014), “Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến sự
phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc” [69], Luận án tiến sỹ, Học viện chính trị
quốc gia Hồ Chí Minh, Trong luận án tác giả đã làm rõ những tác động của FDI đến sự
phát triển kinh tế - xã hội, phân tích đánh giá tác động tích cực của FDI tới tăng trưởng
kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nguồn thu ngân sách, việc làm, môi trường cùng
với sự tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội các nguyên nhân có liên quan tới các tác
12
động đó. Trong công trình nghiên cứu này của tác giả cũng đưa ra một số các giải pháp
nhằm nâng cao hiệu quả tác động của FDI tới sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn
tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên trong luận án tác giả chưa phân tích và đánh giá được hiệu
quả kinh tế - xã hội của vốn FDI đứng trên quan điểm quản lý nhà nước của địa
phương tiếp nhận vốn đầu tư.
(12) Nguyễn Đại Thắng (2016), Kiểm soát hoạt động chuyển giá của các doanh
nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc [64], Luận án
tiến sỹ, Học viên tài chính. Trong luận án tác giả đã hệ thống hóa, bổ sung và phát
triển những vấn đề lý luận và kiểm soát các hoạt động chuyển giá của doanh nghiệp
FDI, đánh giá thực trạng hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn
tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ ra những thành công, hạn chế và chỉ ra nguyên nhân của hạn chế.
Tác giả cũng đề xuất hệ thống các giải pháp nhằm kiểm soát hoạt động chuyển giá của
các doanh nghiệp ở tỉnh Vĩnh Phúc.
(13) Nguyễn Ngọc Điệp (2015), “Hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp
có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh”
[20], Luận án tiến sỹ. Luận án đã phân tích và đề cập đến hiệu quả sử dụng vốn của
các doanh nghiệp FDI tại các khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở
đánh giá, phân tích thực trạng môi trường đầu tư tại các KCN Thành phố Hồ Chí
Minh, thực trạng sử dụng vốn của các doanh nghiệp FDI. Luận án cũng đưa ra các
nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho các doanh nghiệp FDI tại
các KCN Tp Hồ Chí Minh.
b. Các công trình nghiên cứu nước ngoài
(1) V.I. Lenin (2005), Toàn tập [35], NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. Nghiên
cứu của Lenin trong tác phẩm Chủ nghĩa đế quốc – giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư
bản. Ông cho rằng trong chủ nghĩa đế quốc, tích tụ và tập trung sản xuất tới một mức
độ nhất định sẽ dẫn đến hình thành các tổ chức độc quyền. Cùng với tích tụ và tập
trung tư bản, xuất khẩu tư bản được đẩy mạnh và trở thành cơ sở kinh tế quan trọng
của sự mở rộng phạm vi hoạt động quốc tế của các TNCs được hình thành từ các tổ
chức độc quyền từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Trong thời đại tư bản tài chính, có
13
một số quốc gia đã tích lũy được một lượng tư bản lớn, một bộ phận tư bản trở nên
thừa vì không tìm được nơi đầu tư có tỷ suất lợi nhuận cao trong nước nên buộc phải
xuất khẩu tư bản như một tất yếu. Theo Lênin, xuất khẩu tư bản là đầu tư ra nước
ngoài nhằm mục đích thu được lợi nhuận ở nước nhận đầu tư. Xuất khẩu tư bản thừa
chính là hoạt động đầu tư nước ngoài. Ông đề cập đến hai hình thức xuất khẩu tư bản
đó là: (i) xuất khẩu tư bản hoạt động, là hình thức chuyển tư bản sang các nước khác
để xây dựng những xí nghiệp mới hoặc mua lại các xí nghiệp đang hoạt động ở nước
nhập khẩu nhằm mục đích thu lợi nhuận cao, (ii) xuất khẩu tư bản cho vay, là hình
thức chính phủ cho các nước nghèo, lạc hậu vay tư bản nhằm mục đích thu lợi tức.
Qua nghiên cứu, ông cho rằng, xuất khẩu tư bản có tác động tích cực và tiêu cực đối
với nước xuất khẩu cũng như đối với nước nhập khẩu.
(2) Li and Liu (2005), "Foreign Direct Investment and Economic Growth: An
Increasingly Endogenous Relationship", World Development [83]. Qua khảo sát 88
quốc gia có tiếp nhận FDI (bao gồm cả nước phát triển và đang phát triển) đã chỉ ra
rằng, FDI và tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ mật thiết với nhau. Theo các tác giả
FDI không những trực tiếp tác động đến tăng trưởng kinh tế, mà còn thúc đẩy phát
triển nguồn nhân lực và công nghệ. Một điểm đáng lưu ý trong nghiên cứu này là,
nước nhận FDI phải có nguồn nhân lực và công nghệ đạt tới trình độ nhất định. Nếu
nước nhận FDI có trình độ nguồn nhân lực và công nghệ thấp hơn nước đầu tư thì sẽ
tác động tiêu cực đến nước nhận FDI.
(3) Institute of International economics “FDI in Developing Countries and
Economies in Transition: Opportunities, Dangers, and New Changes”, (Đầu tư nước
ngoài tại các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi: Cơ hội,
thách thức và những đổi mới) [82]. Khi phân tích về FDI đối với các nước đang phát
triển đã chỉ ra những tác động trái chiều của FDI đối với phát triển kinh tế - xã hội của
nước tiếp nhận. Từ phân tích một số điểm nổi bật của đầu tư nước ngoài tại các nước
đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi như FDI có được sự tăng trưởng
vượt bậc từ những năm 1990, vốn đầu tư nước ngoài FDI chiếm tỉ lệ lớn nhất và là
nguồn vốn ổn định nhất trong các dòng vốn tư nhân như dòng nợ, dòng vốn vay ngân
14
hàng thương mại, trái phiếu và các dòng vốn khác, sự phân phối của vốn đầu tư nước
ngoài tới các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi là không đồng
đều, đã đề cập đến vấn đề tác động của FDI tới phát triển, bao gồm:
Thứ nhất, tạo ra dòng tài chính phụ thêm của các nhà đầu tư nước ngoài từ đó
tạo ra áp lực cạnh tranh mạnh mẽ tại nước nhập khẩu FDI.
Thứ hai, có ảnh hưởng không tốt tới thị trường của nước nhập khẩu FDI do các
nhà đầu tư nước ngoài đến từ các thị trường quốc tế, nơi đang diễn ra cạnh tranh không
hoàn hảo, từ đó gây ra những khó khăn, thách đố đối với doanh nghiệp (DN) của nước
nhập khẩu FDI.
Thứ ba, vốn đầu tư nước ngoài FDI góp phần thúc đẩy tiết kiệm nội địa và
cung cấp thêm hiệu quả trong quản lý, marketing, và công nghệ để nâng cao năng
suất lao động.
Thứ tư, sử dụng hiệu quả FDI thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn đối với
nước nhập khẩu. Mối liên hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế (Mô hình Maign của FDI
và phát triển) được thể hiện thông qua sự gia tăng đầu tư sản xuất kinh doanh (SXKD)
của các DN nước ngoài. Mặc dù FDI có thể có một tác động rõ ràng, tích cực tới sự
phát triển của nước tiếp nhận, song cũng có thể tạo ra một số tác động tiêu cực như trở
thành nhân tố thúc đẩy sự hình thành tình trạng độc quyền nhóm thông qua thiết lập và
mở rộng DN kiểu gia đình, từ đó thu hẹp khả năng gia nhập thị trường của một số DN
của nước tiếp nhận.
Từ đó để phát huy vai trò tích cực của FDI, nước nhập khẩu FDI không những
cần có chính sách tăng cường thu hút FDI, mà còn phải có chính sách chủ động định
hướng FDI theo hướng hiệu quả. Lợi ích và cơ hội của các doanh nghiệp nước ngoài là
kiểm soát công nghệ, quyền sở hữu thương hiệu, đạt được qui mô kinh tế nhờ hoạt
động hợp tác trong đầu tư và một số tài sản vô hình khác nhận được từ các DN nước
ngoài chuyên nghiệp trong quản lý và tổ chức. Tuy nhiên các DN nước ngoài cũng
phải đối mặt với những rủi ro, bất lợi trong sử dụng lao động nội địa, chịu ảnh hưởng
không nhỏ từ phía các mối quan hệ cộng đồng tại địa phương, thị hiếu và văn hóa
truyền thống. Tài liệu này có phân tích tác động của FDI đến nền kinh tế của nước tiếp
15
nhận đầu tư nhưng chưa đề cập đến vấn đề đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu
quả FDI.
(4) UNCTAD (2013) [89], FDI có thể hỗ trợ phát triển cho địa phương bằng
cách: (i) bổ sung nguồn lực tài chính cho phát triển; (ii) đẩy mạnh canh tranh xuất
khẩu; (iii) tạo ra việc làm và phát triển kỹ năng làm việc cho người lao động; (iiii) tăng
cường trình độ công nghệ (bao gồm chuyển nhượng, khuếch tán và tạo ra công nghệ).
1.1.2. Các công trình nghiên cứu liên quan đến quản lý nhà nước đối với FDI
a. Các công trình trong nghiên cứu trong nước
(1) Trần Văn Nam (2005), “Quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp có vốn
đầu tư nước ngoài”, [41] NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội. Ở công trình nghiên
cứu này, tác giả làm rõ về cơ sở lý luận và thực tiễn về công cụ quản lý Nhà nước đối
với các doanh nghiệp có vốn ĐTNN. Tác giả đã nêu rõ thành tựu đạt được trò tổ chức
và quản lý các doanh nghiệp có vốn ĐTNN. Thông qua những số liệu cụ thể, tác giả đã
đánh giá thực trạng việc sử dụng các công cụ quản lý vĩ mô đối với hoạt động của các
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số các biện
pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp FDI.
(2) Nguyễn Văn Hùng (2007), “Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn
đầu tư nước ngoài ở Hà Nội – Thực trạng và giải pháp” [29], Luận án tiến sĩ. Tác giả
đã tập trung nghiên cứu làm rõ một số vấn đề cơ sở lý luận về quản lý nhà nước đối
với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài – FDI ở Việt Nam, trong đó có trình bày
về doanh nghiệp có vốn FDI, sự quản lý của nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn
FDI và quá trình đổi mới và hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với doanh nghiệp có vốn FDI
trên địa bàn Hà Nội; trong luận án phân tích tác động của doanh nghiệp FDI đến phát
triển kinh tế - xã hội ở Hà Nội và phân tích thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh
nghiệp FDI ở Hà Nội. Trên cơ sở phân tích và đánh giá thực trạng thì luận án chỉ ra
những thành công và hạn chế còn tồn tại trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp
FDI trên địa bàn Hà Nội.
(3) Nguyễn Thanh Nam (2009), “Quản lý nhà nước đối với đầu tư trực tiếp
nước ngoài ở tỉnh Phú Thọ hiện nay” [42], Luận án tiến sĩ, Đại học kinh tế quốc dân.
16
Luận án đã phân tích, đánh giá về quản lý nhà nước đối với FDI ở tỉnh Phú Thọ trong đó
có trình bầy tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội và tác động của FDI đến phát triển
kinh tế - xã hội. Luận án đã chỉ ra những thuận lợi và những hạn chế để từ đó đề xuất
các giải pháp nhằm hoàn thiện hơn về quản lý nhà nước đối với FDI ở tỉnh Phú Thọ.
b. Các công trình nghiên cứu nước ngoài
(1) Sengphaivanh Seng Aphone (2012), Quản lý nhà nước về thu hút đầu tư
trực tiếp nước ngoài (FDI) ở cộng hòa dân chủ nhân dân Lào [58], Luận án tiến sỹ,
Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Tác giả đã phân tích và làm rõ
hơn về cơ sở lý luận, thực tiễn của quản lý nhà nước về thu hút FDI. Phân tích thực
trạng quản lý nhà nước đối với thu hút FDI tại cộng hòa dân chủ nhân dân Lào từ 1988
đến 2012 từ đó đề xuất một số giải pháp hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với
thu hút FDI của cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
(2) Xiaohua Lin and Richard Germain (2015), The impact FDI on Chinesen
SOE performance: The role management decentralization [91], trong nghiên cứu các
tác giả đã tiến hành phân tích đánh giá hiệu quả của quản lý nhà nước đối với nguồn
vốn FDI tại Trung Quốc, từ đó đưa ra một số gợi ý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý
nhà nước đối với các doanh nghiệp có vốn FDI.
(3) Phonesay Vilaysack (2013), Quản lý nhà nước về đầu tư trực tiếp nước
ngoài trên địa bàn thành phố Viêng Chăn - nước công hòa dân chủ nhân dân Lào,
Luận văn thạc sỹ, Trường Đại học kinh tế quốc dân [52], Tác giả đã tổng hợp và phân
tích vai trò của quản lý nhà nước đối với vốn FDI trên địa bàn thành phố Viêng Chăn
của nước CHDNND Lào, trong bài của mình tác giả đã tiến hành phân tích thực trạng
quản lý nhà nước đối với FDI tại Thành phố Viêng Chăn - cộng hòa dân chủ nhân dân
Lào từ 2012 đến 2016 từ đó đề xuất một số giải pháp hoàn thiện công tác quản lý nhà
nước đối với FDI của thành phố Viêng Chăn - cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
1.1.3. Khoảng trống cho các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu
1.1.3.1. Những kết quả đã được khẳng định
Qua việc hệ thống hóa các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước như trên,
tác giả nhận thấy các nghiên cứu về FDI rất phong phú, mỗi đề tài, bài báo, sách
17
chuyên khảo, hội thảo, đề án cấp tỉnh, cấp bộ đã luận giải các vấn đề về FDI và hiệu
quả của FDI mang lại cho nước tiếp nhận đầu tư ở những khía cạnh khác nhau, nhưng
thống nhất một số các vấn đề sau:
+ Về mặt lý luận, các công trình đã đưa ra quan niệm chung về đầu tư trực tiếp
nước ngoài với tư cách là loại hình đầu tư đặc thù do chủ thể nước ngoài trực tiếp thực
hiện; đã luận giải khá rõ về sự cần thiết khách quan của việc thu hút, sử dụng FDI cho
phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam; đã
khái quát những hình thức chủ yếu và một số đặc điểm quan trọng của FDI nói chung
và đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam nói riêng.
+ Hiệu quả của FDI được các công trình đánh giá đứng trên hai góc độ chủ đầu
tư và góc độ quản lý vĩ mô của nước hoặc địa phương tiếp nhận đầu tư.
+ Đứng từ góc độ nước tiếp nhận đầu tư, các công trình nghiên cứu đều khẳng
định rằng, FDI là một bộ phận kinh tế quan trọng của địa phương, góp phần làm đa
dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, thúc
đẩy hoạt động xuất khẩu, tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh
nghiệp nước ngoài, giải quyết việc làm cho người lao động... Song cũng chỉ ra những
tác động tiêu cực của FDI đến môi trường, đến đời sống của người dân, đến chuyển
giai công nghệ...
+ Về đánh giá thực tế và giải pháp quản lý của nhà nước liên quan tới FDI có
thể khái quát thành 2 giai đoạn. Trong giai đoạn mới mở cửa (1987 – 1995) nền kinh
tế Việt Nam nói chung còn thiếu vốn đầu tư trầm trọng, vì vậy lúc đó các công trình
nghiên cứu chỉ quan tâm tới số vốn đầu tư gia tăng chứ chưa quan tâm chú trọng đến
hiệu quả kinh tế - xã hội của vốn FDI mang lại ra sao. Trong những năm gần đây, đi
cùng với việc gia tăng thu hút FDI, các nhà quản lý đã quan tâm và chú trọng đến hiệu
quả kinh tế - xã hội do FDI mang lại cho nền kinh tế.
+ Nhiều công trình đã chỉ ra rằng, để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội FDI
cần có cơ chế chính sách phù hợp nhằm tạo lập môi trường, thông thoáng, hấp dẫn, đảm
bảo kết hợp lợi ích giữa nhà đầu tư nước ngoài và lợi ích của quốc gia, địa phương tiếp
18
nhận FDI, đồng thời định hướng việc thu hút, sử dụng FDI, kiểm soát, giảm thiểu tác
động tiêu cực.
1.1.3.2. Một số vấn đề đặt ra và nhiệm vụ cần giải quyết
Nhìn từ vấn đề hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI theo góc độ nước, địa
phương tiếp nhận đầu tư, một số công trình đã bước đầu chú ý đến các chỉ tiêu phản
ánh tác động hai mặt của FDI tới phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm những tác động
tích cực và tác động tiêu cực. Đã có không ít luận giải về nguyên nhân của những tác
động tiêu cực của FDI đến phát triển kinh tế - xã hội của nước nhập khẩu FDI. Tuy
nhiên các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI của các công trình đưa ra
đang có những sự khác nhau mà chưa sự thống nhất. Bởi vì, mục tiêu chủ yếu trong thu
hút, sử dụng FDI đối với từng quốc gia, vùng lãnh thổ, địa phương là nhằm đẩy nhanh
sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, thành tựu trong thu hút FDI
có thể không đồng nhất với hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI. Bên cạnh các yếu tố gây
ra ảnh hưởng tiêu cực của FDI đến phát triển kinh tế - xã hội, còn có rất nhiều nguyên
nhân gây khó khăn cho việc phát huy vai trò tích cực của FDI đối với phát triển kinh tế -
xã hội. Vấn đề này cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau và chưa thực sự được
làm rõ, đòi hỏi phải có nghiên cứu đầy đủ mang tính hệ thống trên cơ sở phân tích các
ưu nhược điểm của các chỉ tiêu, phân tích điều kiện thực tế của quốc gia cũng những
mỗi địa phương để lựa chọn và xây dựng nên hệ thống chỉ tiêu đánh giá phù hợp. Đây là
khoảng trống về lý luận của đề tài luận án.
Bên cạnh việc nghiên cứu về FDI và tác động của FDI trên bình diện quốc gia,
đã có một số công trình đề cập tới FDI ở phạm vi địa phương cấp tỉnh, thành phố ở
Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đều cố gắng tập trung làm rõ tác động
của FDI đến từng mặt riêng biệt của quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn
tỉnh Vĩnh Phúc, vấn đề làm thế nào để tỉnh Vĩnh Phúc có thể vừa thu hút được nhiều
vốn FDI, vừa sử dụng có hiệu quả vốn FDI để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội FDI
vẫn đang là khoảng trống về thực tiễn cần được tiếp tục nghiên cứu và giải quyết.
Từ “khoảng trống” của các công trình nghiên cứu liên quan, đề tài luận án
hướng tới những nhiệm vụ cơ bản sau:
19
- Thứ nhất, trên cơ sở nghiên cứu khái quát cơ sở lý luận và thực tiễn FDI nói
chung và hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI nói riêng. Làm rõ nội hàm, tiêu chuẩn và
phương pháp đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI.
- Thứ hai, đưa ra quan điểm và lựa chọn một hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu
quả kinh tế - xã hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài phù hợp với điều kiện thực tế của
tỉnh Vĩnh Phúc.
- Thứ ba, làm rõ thực trạng hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI trên địa bàn tỉnh
Vĩnh Phúc thời gian qua, chỉ ra hiệu quả đã đạt được, những tồn tại và nguyên nhân.
- Thứ tư, trên cơ sở nghiên cứu các nhân tố tác động đến hiệu quả kinh tế - xã
hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài, luận án đề xuất một số giải pháp và kiến nghị chủ
yếu nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội FDI tại tỉnh Vĩnh Phúc.
1.2. Quá trình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu
1.2.1. Quá trình nghiên cứu
Luận án tiếp cận các vấn đề nghiên cứu từ góc độ quản lý nhà nước, tác giả
đứng vai trò là cán bộ quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh Vĩnh Phúc để phân
tích, đánh giá thực trạng hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa
bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Từ đó, tác giả đánh giá những tác động tích cực và những tác
động tiêu cực của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến nền kinh tế - xã hội của Tỉnh, sau đó
đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước
ngoài. Các nhóm giải pháp của luận án sẽ hướng tới vai trò quản lý nhà nước để nhằm
nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Quá trình nghiên cứu của NCS được mô tả như hình 1.1. Trong đó:
Bước 1: Bắt đầu từ việc nghiên cứu các công trình trong và ngoài nước có liên
quan đến hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI, bằng phương pháp phân tích tổng hợp, kết
quả đạt được là chỉ ra những nội dung có thể kế thừa và khoảng trống nghiên cứu.
20
Hình 1.1. Quá trình nghiên cứu luận án
Bước 2:
+ Trên cơ sở lý luận cơ bản về hiệu quả, hiệu quả đầu tư, FDI và hiệu quả kinh
tế - xã hội của FDI, NCS đưa ra quan điểm và lựa chọn, xây dựng khung lý thuyết về
chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI tại địa phương trên góc độ quản lý
vĩ mô của địa phương tiếp nhận vốn đầu tư, từ đó phân tích các nhân tố ảnh hưởng.
Nội dung
nghiên cứu
Kết quả
đạt được
Phương pháp
nghiên cứu
Phân tích,
tổng hợp
Tổng quan
nghiên cứu
Khoảng trống
cần nghiên cứu
Phân tích,
tổng hợp
Cơ sở lý luận &
Kinh nghiệm của
một số tỉnh
- Lựa chọn hệ
thống chỉ tiêu đánh
giá phù hợp.
- Bài học kinh
nghiệm cho Vĩnh
Phúc.
Phân tích, so
sánh, điều tra
khảo sát
Phân tích thực trạng hiệu
quả kinh tế - xã hội FDI
trên địa bàn tỉnh Vĩnh
Phúc
Những vấn đề
tồn tại, hạn chế
và nguyên nhân
Phân tích,
tổng hợp
Quan điểm, nội dung và giải
pháp nâng cao hiệu quả kinh
tế - xã hội FDI trên địa bàn
tỉnh Vĩnh Phúc
Đề xuất quan điểm,
giải pháp và kiên
nghị
21
+ NCS tìm hiểu kinh nghiệm của một số tỉnh có điều kiện kinh tế tương đồng
với tỉnh Vĩnh Phúc để rút ra bài học kinh nghiệm về nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội
FDI cho tỉnh Vĩnh Phúc.
Bước 3: NCS tìm hiểu, phân tích, đánh giá thực trạng hiệu quả kinh tế - xã hội
của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc bằng các phương pháp như thống kê, phân tích,
điều tra khảo sát bằng bảng hỏi, tổng hợp và so sánh một số tiêu chí đánh giá hiệu quả
kinh tế - xã hội của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc với một số tỉnh thành và với chỉ
tiêu chung của cả nước để rút ra những thành công, hạn chế và nguyên nhân của hạn
chế trong hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Bước 4: NCS phân tích bối cảnh, định hướng phát triển, nhu cầu về vốn đầu tư
toàn tỉnh cũng như nhu cầu về vốn FDI của tỉnh Vĩnh Phúc; kết hợp với cơ sở lý luận
và cơ sở thực tiễn nghiên cứu ở các bước trên, NCS đề xuất các định hướng và giải
pháp nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm
2020, tầm nhìn 2030. Đồng thời, NCS còn đưa ra một số kiến nghị với các cấp các
ngành liên quan.
1.2.2. Phương pháp nghiên cứu
Luận án được thực hiện trên cơ sở: Phương pháp luận chung duy vật biện
chứng và duy vật lịch sử; tiếp cận vấn đề mang tính hệ thống và logic. Đồng thời, kết
hợp hài hòa các phương pháp: Tổng hợp và phân tích; chuyên gia và kế thừa khoa học;
thống kê và so sánh; điều tra khảo sát, thu thập và xử lý thông tin…, cụ thể:
+ Phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử được thể hiện và
quán triệt trong quá trình nghiên cứu. Theo đó, khi nghiên cứu một vấn đề cần đặt
trong mối quan hệ tổng thể nhiều vấn đề, sự tương tác qua lại của nó với vấn đề khác.
Khi đánh giá thành công hay hạn chế, cũng như đề xuất các giải pháp phải căn cứ vào
thực tế, phù hợp với bối cảnh và điều kiện, thời điểm, địa phương cụ thể…
+ Phương pháp tổng hợp và phân tích được sử dụng trong quá trình thu thập,
xử lý dữ liệu; đặc biệt, trong diễn giải và phân tích chi tiết thực trạng. Việc phát hiện
những điểm mấu chốt và đưa ra các đề xuất, giải pháp mới nhằm nâng cao hiệu quả
22
kinh tế xã hội của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng dựa trên kết quả của quá trình
phân tích và tổng hợp nêu trên.
Việc thu thập tài liệu được tiến hành thông qua khai thác các văn bản quy phạm
pháp luật, báo cáo tổng kết 20, 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, các
đề tài khoa học, các bài báo khoa học đăng ở các tạp chí chuyên ngành có liên quan
làm cơ sở khoa học cho nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI trên địa bàn tỉnh
Vĩnh Phúc để so sánh và đưa ra các nhận định thực tế.
+ Phương pháp chuyên gia và kế thừa khoa học được sử dụng tích cực nhằm
tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý về một số vấn đề lý
luận và thực tế, tập trung vào ý kiến của các quản lý của doanh nghiệp FDI, chuyên gia
kỹ thuật và lãnh đạo chuyên ngành, cũng như nhà quản lý chính quyền các cấp hoạt
động trong lĩnh vực có liên quan đến FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Luận án sử
dụng một số tài liệu, tư liệu, kết quả nghiên cứu của các công trình nghiên cứu trong
và ngoài nước đã công bố về các vấn đề có liên quan, nhất là quá trình tiếp cận, khái
quát hóa cơ sở lý luận về hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI, cung cấp thông tin nền
tảng phục vụ triển khai nghiên cứu thực trạng về hiệu quả kinh tế xã hội của FDI…
Trên cơ sở đó, tác giả tiến hành tổng hợp, sàng lọc thông tin định tính nhằm tham
chiếu với kết quả phân tích thống kê, đề xuất định hướng, giải pháp nhằm nâng cao
hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
+ Phương pháp thống kê và so sánh chủ yếu được sử dụng trong chương 2 và
chương 3 nhằm tập hợp, phân tích các lý thuyết và các số liệu cả thứ cấp và sơ cấp,
phục vụ cho việc minh họa, luận giải các vấn đề, những kết quả trong quản lý FDI…
Khi thực hiện phương pháp thống kê so sánh tác giả sử dụng hệ thống số liệu theo
chuỗi thời gian từ 2011- 2016 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc để so sánh và đưa ra nhận
định thực tế.
+ Phương pháp điều tra, khảo sát thực tế được sử dụng nhằm tham khảo ý kiến
của các chuyên gia, cán bộ quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài tại phòng Quản lý đầu
tư nước ngoài – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, các cán bộ thuộc Ban quản lý
khu công nghiệp, các cán bộ thuộc Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở
23
Khoa học và Công nghệ, các chủ doanh nghiệp và cán bộ quản lý doanh nghiệp FDI
trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, một số hộ dân sinh sống gần các doanh nghiệp FDI có
chịu sự ảnh từ các doanh nghiệp FDI thông qua hai loại phiếu với hệ thống các câu hỏi
đóng. Đồng thời kết hợp với các phương pháp thống kê, so sánh, phân tích, quy nạp và
tổng hợp để bổ sung và cụ thể hóa các dữ liệu nghiên cứu.
+ Xây dựng và gửi phiếu điều tra: tác giả đã xây dựng 2 mẫu phiếu điều tra có
nội dung cơ bản giống nhau, nhưng phân biệt một số chỉ tiêu, chi tiết phù hợp với đối
tượng được khảo sát. Trong đó:
- Phiếu khảo sát số 01: khảo sát với các đối tượng là các cán bộ quản lý nhà
nước cấp địa phương và các cán bộ quản lý doanh nghiệp FDI như: Sở Kế hoạch và
Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, các
cán bộ thuộc Ban quản lý khu công nghiệp, các chủ doanh nghiệp và cán bộ quản lý
doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
- Phiếu khảo sát số 02: khảo sát với các đối tượng là dân cư sinh sống gần các
doanh nghiệp FDI có chịu sự ảnh hưởng từ các doanh nghiệp này trên địa bàn tỉnh
Vĩnh Phúc, tập trung chủ yếu vào các huyện, thị có nhiều doanh nghiệp FDI đóng trên
địa bàn như thành phố Phúc Yên, thành phố Vĩnh Yên, huyện Bình Xuyên…
Nội dung điều tra được phân thành 2 nhóm vấn đề sau:
(i) Thông tin về quản lý, điều hành các chính sách pháp luật của nhà nước
liên quan tới FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
(ii) Thông tin liên quan đến việc FDI đã đóng góp như thế nào đến hiệu quả
kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong quá trình thực hiện điều tra, tác giả đã cố gắng giảm thiểu những rủi ro
sai số bằng cách xây dựng bảng hỏi điều tra một cách kỹ lưỡng dựa trên cơ sở một số
tiêu chí của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thực hiện kiểm tra bảng hỏi
nhiều lần, phương pháp bài bản, chặt chẽ. Hơn nữa, trong quá trình điều tra, tác giả đã
liên hệ nhiều lần qua điện thoại hoặc email với các lãnh đạo ban ngành, các doanh
nghiệp để có kết quả điều tra tin cậy và cần thiết.
Kết quả điều tra trong bảng sau:
24
Bảng 1.1. Kết quả điều tra
STT Tiêu thức
Số phiếu
phát ra
Số phiếu
thu về
Số phiếu
đạt yêu
cầu
Tỷ lệ đạt yêu
cầu/ Tổng số
phiếu đạt yêu
cầu (%)
1 UBND tỉnh Vĩnh Phúc 35 30 28 18,67
2 Sở Khoa học và công nghệ
tỉnh Vĩnh Phúc 11 11 8 5,33
3 Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc 15 12 12 8,00
4 Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh
Vĩnh Phúc 25 22 21 14,00
5 Sở tài nguyên và môi trường
tỉnh Vĩnh Phúc 14 10 10 6,67
6 Ban quản lý các khu công
nghiệp 10 10 10 6,00
7 Doanh nghiệp FDI trên địa
bàn tỉnh Vĩnh Phúc 60 50 36 24,67
8 Dân cư sinh sống gần các
KCN 50 50 25 16,67
Tổng cộng 220 195 150 100
Trong tổng số phiếu phát ra là 220 phiếu thu về 195 phiếu trong đó có 150
phiếu thu về hợp lệ và đủ thông tin cần thiết, tin cậy phân tích, đánh giá phục vụ trực
tiếp cho nội dung luận án.
+ Xử lý và phân tích số liệu điều tra trên cơ sở các phiếu thu thập thông tin:
Tác giả dùng pháp pháp thống kê, lập bảng tổng hợp tính các chỉ số trên phần mềm
Excel để xử lý số liệu.
25
Kết luận chương 1
Đã có rất nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước về đầu tư trực tiếp nước ngoài
và hiệu quả kinh tế xã hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong chương 1 của luận án
đã hệ thống được những vấn đề cơ bản về hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI và quản lý
nhà nước đối với FDI của một số công trình nghiên cứu. Những kết quả nghiên cứu
này là cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để xây dựng khung lý thuyết nghiên cứu
về hiệu quả kinh tế - xã hội FDI và giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của
FDI. Trên cơ sở đánh giá kết quả của những nghiên cứu trước và những khoảng trống
còn chưa có đề tài nào giải quyết, luận án xác định được mục tiêu và nhiện vụ nghiên
cứu phù hợp để trả lời các câu hỏi đặt ra cho việc nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội FDI
trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc như:
- Nghiên cứu khái quát cơ sở lý luận và thực tiễn về FDI và hiệu quả kinh tế xã
hội của FDI. Làm rõ nội hàm, tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá hiệu quả kinh tế -
xã hội của FDI.
- Lựa chọn một hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư
trực tiếp nước ngoài phù hợp với điều kiện thực tế của Việt nam nói chung và các địa
phương nói riêng.
- Làm rõ thực trạng hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh
Phúc, chỉ ra hiệu quả đã đạt được, những tồn tại và nguyên nhân.
- Đề xuất một số giải pháp và kiến nghị chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả kinh
tế - xã hội FDI tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Để giải quyết được các nhiệm vụ trên, luận án đã thiết lập quá trình nghiên cứu,
cách tiếp cận và lựa chọn phương pháp nghiên cứu đề tài là các phương pháp truyền
thống được sử dụng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học kinh tế, xã hội.
26
CHƯƠNG 2
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TRẠNG HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI
ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI
2.1. Cơ sở lý luận hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài
2.1.1. Đầu tư trực tiếp nước ngoài
2.1.1.1. Khái niệm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
Tổ chức thương mại thế giới (World Trade Organization – WTO) đã đưa ra
định nghĩa như sau: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài diễn ra khi một nhà đầu tư từ một
nước (nước chủ đầu tư) có được một tài sản ở một nước khác (nước tiếp nhận đầu tư)
cùng với quyền quản lý tài sản đó”. Phương diện quản lý là thứ để phân biệt FDI với
các hình thức đầu tư khác. Trong phần lớn các trường hợp, nhà đầu tư và tài sản họ
quản lý ở nước ngoài là các cơ sở kinh doanh. Trong trường hợp này, nhà đầu tư
thường được gọi là “công ty mẹ” và các tài sản được gọi là “công ty con” hay “chi
nhánh công ty”.
Ủy ban thương mại và phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) trong Báo cáo
đầu tư thế giới năm 1999 cũng đưa ra định nghĩa “Đầu tư trực tiếp nước ngoài là hoạt
động đầu tư bao gồm mối quan hệ dài hạn, phản ánh lợi ích và quyền kiểm soát lâu dài
của một thực thể thường trú ở một nền kinh tế (nhà đầu tư nước ngoài hoặc công ty mẹ
nước ngoài) đối với một doanh nghiệp thường trú ở một nền kinh tế khác với nền kinh
tế của nhà đầu tư nước ngoài”. [89]
Trong báo cáo cán cân thanh toán quốc tế hàng năm của Quỹ tiền tệ quốc tế
(International Monetary Fund - IMF) đã đưa ra định nghĩa về FDI như sau: “Đầu tư
trực tiếp nước ngoài là đầu tư có lợi ích lâu dài của một doanh nghiệp tại một nước
khác (nước nhận đầu tư), không phải tại nước mà doanh nghiệp đang hoạt động (nước
đi đầu tư) với mục đích quản lý có hiệu quả doanh nghiệp”.[81]
Một số nhà kinh tế Trung Quốc coi FDI là sự sở hữu tư bản tại nước tiếp nhận
đầu tư bằng cách mua hoặc kiểm soát một thực thể kinh tế của nước đó. Khoản đầu tư
này phải đạt tỷ lệ cổ phần đủ lớn đề tạo ảnh hưởng quyết định, chi phối đối với thực
27
thể kinh tế đó. Như vậy, Trung Quốc đã chú trọng tới tỷ lệ vốn đầu tư phải đủ lớn để
nắm giữ quyền chi phối, kiểm soát doanh nghiệp. [84]
Theo Luật đầu tư được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ban hành số
59/2005/QH 11 quy định: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài là việc nhà đầu tư nước ngoài
đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền hoặc bất kỳ một tài sản nào để tiến hành các hoạt động
đầu tư và có tham gia quản lý hoạt động kinh doanh” [54]. Như vậy khái niệm về đầu tư
trực tiếp đã được rút gọn lại so với Luật đầu tư năm 1987.
Theo Luật đầu tư được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ban hành số
67/2014/QH13 có hiệu lực thi hành vào ngày 01/07/2015 quy định: “Đầu tư kinh
doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thống qua
việc thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức
kinh tế, đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư. Nhà đầu tư nước
ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài
thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước
ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông” [56]
Như vậy, trong Luật đầu tư 2014 không phân biệt rõ ràng giữa đầu tư trực tiếp và
đầu tư gián tiếp mà gọi chung là đầu tư kinh doanh. Theo Luật Đầu tư 2005 tất cả các dự
án có vốn nước ngoài không xác định tỷ lệ của nhà đầu tư nước của doanh nghiệp vẫn
phải cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Nay theo Luật Đầu tư 2014 quy định đối với các dự
án nhà đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài góp vốn 51 %
vốn điều lệ mới phải xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án của nhà đầu tư
nước ngoài. Đây thực sự là một bước mở nhằm góp phần thu hút, khuyến khích đầu tư
đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.
Theo giáo trình Quản trị Đầu tư quốc tế của PGS.TS Phan Duy Minh (2011)
đưa ra khái niệm về đầu tư quốc tế trực tiếp như sau: “Đầu tư quốc tế trực tiếp đó là
việc nhà đầu tư đưa tiền và các nguồn lực cần thiết từ một quốc gia sang quốc gia khác
và chuyển hóa chúng thành vốn để tổ chức hoạt động kinh doanh nhằm mục đích thu
lời tối đa. Trong đầu tư quốc tế trực tiếp nhà đầu tư trực tiếp tham gia vào việc tổ chức
điều hành, quản lý và sử dụng vốn đầu tư. Nói chung, các hoạt động đầu tư này chủ
28
yếu được diễn ra trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, bao gồm cả
sản xuất, thương mại và dịch vụ”. [40]
Tóm lại, bản chất của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là sự di chuyển một
khối lượng nguồn vốn kinh doanh dài hạn giữa các quốc gia, đi kèm với đầu tư vốn là
đầu tư công nghệ và tri thức kinh doanh, gắn liền với quyền điều hành và quản lý
doanh nghiệp của chủ đầu tư nhằm thu lợi nhuận. Chủ đầu tư nước ngoài phải đóng
góp toàn bộ hoặc một phần vốn đủ lớn tùy theo quy định của luật pháp từng nước
nhằm giành quyền kiểm soát và điều hành doanh nghiệp.
2.1.1.2. Đặc điểm của đầu tư trực tiếp nước ngoài
Một là, FDI là hình thức mà các nhà ĐTNN tự bỏ vốn ra kinh doanh, trực tiếp
điều hành sản xuất kinh doanh, làm ăn lâu dài ở nước sở tại, hoàn toàn tự chịu trách
nhiệm về kết quả đầu tư. Nước tiếp nhận FDI ít phải chịu những điều kiện ràng buộc
kèm theo của người cung ứng vốn như tiếp nhận ODA (Official Development
Assistance - hỗ trợ phát triển chính thức), kể cả kèm theo những điều kiện về chính trị
có ảnh hưởng đến công việc nội bộ, chủ quyền của nước đi vay. Còn vay thương mại
thì lãi suất thường cao, chính phủ và các doanh nghiệp của nước đi vay thường không
chịu đựng nổi, khó có khả năng trả nợ. FDI là hình thức được các nước đang phát triển
rất quan tâm và sử dụng vì nó giúp họ khai thác được tối đa nguồn lực của đất nước về
tài nguyên, con người…
Hai là, theo hình thức FDI, vốn của nhà ĐTNN nằm trực tiếp trong nhà xưởng,
thiết bị trên đất nước tiếp nhận đầu tư. Trong trường hợp vì một lý do nào đó chẳng
hạn như khủng hoảng tài chính - tiền tệ, nhà đầu tư phải chuyển đổi nó thành tiền bằng
cách bán hoặc thanh lý nhà máy mới thu hồi vốn và chuyển về nước được.
Ba là, các nước đang phát triển có đặc điểm là trình độ khoa học, công nghệ
thấp. Để rút ngắn khoảng cách và đuổi kịp các nước công nghiệp phát triển các nước
này cần nhanh chóng tiếp cận với các kỹ thuật mới, phương thức quản lý tiên tiến của
các nước phát triển. Chính vì vậy, FDI có tác động mạnh đến quá trình chuyển dịch cơ
cấu kinh tế của nước tiếp nhận đầu tư, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ
cấu vùng lãnh thổ, cơ cấu các thành phần kinh tế, cơ cấu đầu tư, cơ cấu công nghệ…
29
Bốn là, chủ thể chủ yếu của hoạt động FDI trên thế giới hiện nay là các Công ty
xuyên quốc gia và Công ty đa quốc gia với mạng lưới toàn cầu. Thông qua tiếp nhận đầu
tư của các Công ty xuyên quốc gia và Công ty đa quốc gia, nước tiếp nhận FDI có điều
kiện thuận lợi để tiếp cận và thâm nhập thị trường quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu,
làm quen với tập quán thương mại quốc tế, thích nghi nhanh với những thay đổi trên thị
trường thế giới…
2.1.1.3. Vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với nước tiếp nhận đầu tư
Thứ nhất, FDI là nguồn vốn quan trọng giúp cho các nước phát triển khắc phục
tình trạng thiếu vốn kéo dài. Ở các nước đang phát triển, xuất hiện một vòng luẩn
quẩn, thu nhập thấp dẫn đến tiết kiệm và đầu tư thấp, tiết kiệm và đầu tư thấp sẽ cản trở
quá trình phát triển của vốn và làm cho tích tụ vốn thấp, không đủ vốn cho đầu tư sẽ làm
cho năng lực sản xuất của quốc gia đó giảm, năng lực sản xuất giảm dẫn đến thu nhập
thấp và lại quay trở về chu kỳ ban đầu. FDI giải quyết được mâu thuẫn giữa nhu cầu
phát triển to lớn với nguồn lực tài chính khan hiếm, phá vỡ vòng luẩn quẩn nói trên, tăng
vốn cho đầu tư, huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế, tạo ra sự tăng trưởng kinh
tế dẫn đến thu nhập tăng.
Thứ hai, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn có vai trò tích cực góp phần
chuyển dịch cơ cấu kinh tế đất nước theo hướng công nghiệp hóa, bước đầu thông qua
thay đổi cơ cấu kinh tế ngành, chuyển đổi từ ngành sản xuất nông nghiệp sang sản
xuất công nghiệp và sau cùng là sang ngành sản xuất dịch vụ, hoặc thay đổi cơ cấu bên
trong của ngành sản xuất có năng suất thấp và công nghệ lạc hậu sang sản xuất có
năng suất cao và công nghệ hiện đại hơn.
Thứ ba, FDI tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong nền kinh tế nước chủ nhà. Khái niệm
“tác động lan tỏa” cũng được gọi là tác động tràn hay hiệu ứng lan tỏa. Tác động
“tràn” của FDI có thể hiểu là tác động mang tính gián tiếp xuất hiện khi sự có mặt của
doanh nghiệp FDI mang lại tác động đến nền kinh tế của nước sở tại nói chung và làm
cho doanh nghiệp trong nước nói riêng thay đổi hành vi của mình như thay đổi công
nghệ, thay đổi chiến lược kinh doanh. Tác động tràn có thể được coi là kết quả hoạt
động của các doanh nghiệp FDI diễn ra đồng thời với quá trình điều chỉnh hành vi của
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc
Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc

More Related Content

What's hot

What's hot (15)

Luận văn: Phát triển bền vững kinh tế biển ở Bến Tre, HAY, 9đ
Luận văn: Phát triển bền vững kinh tế biển ở Bến Tre, HAY, 9đLuận văn: Phát triển bền vững kinh tế biển ở Bến Tre, HAY, 9đ
Luận văn: Phát triển bền vững kinh tế biển ở Bến Tre, HAY, 9đ
 
Quản lý về hải quan đối với đầu tư trực tiếp tại khu kinh tế, HOT
Quản lý về hải quan đối với đầu tư trực tiếp tại khu kinh tế, HOTQuản lý về hải quan đối với đầu tư trực tiếp tại khu kinh tế, HOT
Quản lý về hải quan đối với đầu tư trực tiếp tại khu kinh tế, HOT
 
Luận văn: Hoàn thiện báo cáo tài chính khu vực công Việt Nam
Luận văn: Hoàn thiện báo cáo tài chính khu vực công Việt NamLuận văn: Hoàn thiện báo cáo tài chính khu vực công Việt Nam
Luận văn: Hoàn thiện báo cáo tài chính khu vực công Việt Nam
 
Nâng cao tính tuân thủ thuế của người nộp thuế ở Việt Nam
Nâng cao tính tuân thủ thuế của người nộp thuế ở Việt Nam Nâng cao tính tuân thủ thuế của người nộp thuế ở Việt Nam
Nâng cao tính tuân thủ thuế của người nộp thuế ở Việt Nam
 
Giải pháp bình ổn lãi suất tín dụng trong ngân hàng thương mại
Giải pháp bình ổn lãi suất tín dụng trong ngân hàng thương mạiGiải pháp bình ổn lãi suất tín dụng trong ngân hàng thương mại
Giải pháp bình ổn lãi suất tín dụng trong ngân hàng thương mại
 
Luận án: Phát triển kinh tế biên giới Việt – Trung (Tỉnh Quảng Ninh)
Luận án: Phát triển kinh tế biên giới Việt – Trung (Tỉnh Quảng Ninh)Luận án: Phát triển kinh tế biên giới Việt – Trung (Tỉnh Quảng Ninh)
Luận án: Phát triển kinh tế biên giới Việt – Trung (Tỉnh Quảng Ninh)
 
BÁO CÁO TỔNG HỢP ĐỀ ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ ...
BÁO CÁO TỔNG HỢP ĐỀ ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ ...BÁO CÁO TỔNG HỢP ĐỀ ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ ...
BÁO CÁO TỔNG HỢP ĐỀ ÁN ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ ...
 
Luận văn: Công tác quản lý thu bảo hiểm xã hội tại Trà Vinh, HAY
Luận văn: Công tác quản lý thu bảo hiểm xã hội tại Trà Vinh, HAYLuận văn: Công tác quản lý thu bảo hiểm xã hội tại Trà Vinh, HAY
Luận văn: Công tác quản lý thu bảo hiểm xã hội tại Trà Vinh, HAY
 
Luận văn: Hoàn thiện công tác quản lý tài chính tại các trường cao đẳng và tr...
Luận văn: Hoàn thiện công tác quản lý tài chính tại các trường cao đẳng và tr...Luận văn: Hoàn thiện công tác quản lý tài chính tại các trường cao đẳng và tr...
Luận văn: Hoàn thiện công tác quản lý tài chính tại các trường cao đẳng và tr...
 
Đề tài: Đẩy mạnh xuất khẩu lao động tại khu vực miền núi phía Bắc
Đề tài: Đẩy mạnh xuất khẩu lao động tại khu vực miền núi phía BắcĐề tài: Đẩy mạnh xuất khẩu lao động tại khu vực miền núi phía Bắc
Đề tài: Đẩy mạnh xuất khẩu lao động tại khu vực miền núi phía Bắc
 
Luận văn: Công tác kế toán tại trường ĐH công nghiệp Việt Hưng
Luận văn: Công tác kế toán tại trường ĐH công nghiệp Việt HưngLuận văn: Công tác kế toán tại trường ĐH công nghiệp Việt Hưng
Luận văn: Công tác kế toán tại trường ĐH công nghiệp Việt Hưng
 
Luận văn: Quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước
Luận văn: Quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nướcLuận văn: Quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước
Luận văn: Quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước
 
Luận văn: Kinh tế dịch vụ trong phát triển vùng biển tại Vũng Tàu
Luận văn: Kinh tế dịch vụ trong phát triển vùng biển tại Vũng TàuLuận văn: Kinh tế dịch vụ trong phát triển vùng biển tại Vũng Tàu
Luận văn: Kinh tế dịch vụ trong phát triển vùng biển tại Vũng Tàu
 
Quản lý doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, HAY - Gửi miễn phí...
Quản lý doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, HAY - Gửi miễn phí...Quản lý doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, HAY - Gửi miễn phí...
Quản lý doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, HAY - Gửi miễn phí...
 
Luận văn: Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, HOTLuận văn: Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước, HOT
 

Similar to Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc

ảNh hưởng của đô thị hóa đến việc làm của nông dân tỉnh vĩnh phúc
ảNh hưởng của đô thị hóa đến việc làm của nông dân tỉnh vĩnh phúcảNh hưởng của đô thị hóa đến việc làm của nông dân tỉnh vĩnh phúc
ảNh hưởng của đô thị hóa đến việc làm của nông dân tỉnh vĩnh phúc
https://www.facebook.com/garmentspace
 

Similar to Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc (20)

Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ...Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ...
Khóa luận tốt nghiệp Kinh tế Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các ...
 
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp trên địa b...
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp trên địa b...Thu hút vốn đầu tư trực tiếp đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp trên địa b...
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp trên địa b...
 
Luận Văn Thạc Sĩ thu hút đầu tư FDI vào các khu công nghiệp
Luận Văn Thạc Sĩ thu hút đầu tư FDI vào các khu công nghiệpLuận Văn Thạc Sĩ thu hút đầu tư FDI vào các khu công nghiệp
Luận Văn Thạc Sĩ thu hút đầu tư FDI vào các khu công nghiệp
 
ảNh hưởng của đô thị hóa đến việc làm của nông dân tỉnh vĩnh phúc
ảNh hưởng của đô thị hóa đến việc làm của nông dân tỉnh vĩnh phúcảNh hưởng của đô thị hóa đến việc làm của nông dân tỉnh vĩnh phúc
ảNh hưởng của đô thị hóa đến việc làm của nông dân tỉnh vĩnh phúc
 
một số giải pháp hoàn thiện công tác quản trị nguồn nhân lực tại Công ty TNHH...
một số giải pháp hoàn thiện công tác quản trị nguồn nhân lực tại Công ty TNHH...một số giải pháp hoàn thiện công tác quản trị nguồn nhân lực tại Công ty TNHH...
một số giải pháp hoàn thiện công tác quản trị nguồn nhân lực tại Công ty TNHH...
 
Luận văn: Thu hút đầu tư FDI vào các khu công nghiệp, HAY
Luận văn: Thu hút đầu tư FDI vào các khu công nghiệp, HAYLuận văn: Thu hút đầu tư FDI vào các khu công nghiệp, HAY
Luận văn: Thu hút đầu tư FDI vào các khu công nghiệp, HAY
 
Đề tài: Giải pháp thu hút đầu tư FDI vào khu công nghiệp Hải Phòng
Đề tài: Giải pháp thu hút đầu tư FDI vào khu công nghiệp Hải PhòngĐề tài: Giải pháp thu hút đầu tư FDI vào khu công nghiệp Hải Phòng
Đề tài: Giải pháp thu hút đầu tư FDI vào khu công nghiệp Hải Phòng
 
Đề tài Giải pháp tăng cường thu hút đầu tư fdi vào các khu công nghiệp hải ph...
Đề tài Giải pháp tăng cường thu hút đầu tư fdi vào các khu công nghiệp hải ph...Đề tài Giải pháp tăng cường thu hút đầu tư fdi vào các khu công nghiệp hải ph...
Đề tài Giải pháp tăng cường thu hút đầu tư fdi vào các khu công nghiệp hải ph...
 
Luận văn: Tăng cường thu hút đầu tư FDI vào các khu công nghiệp
Luận văn: Tăng cường thu hút đầu tư FDI vào các khu công nghiệpLuận văn: Tăng cường thu hút đầu tư FDI vào các khu công nghiệp
Luận văn: Tăng cường thu hút đầu tư FDI vào các khu công nghiệp
 
Giải pháp tăng cường thu hút đầu tư fdi vào các khu công nghiệp hải ...
Giải pháp tăng cường thu hút đầu tư fdi vào các khu công nghiệp hải ...Giải pháp tăng cường thu hút đầu tư fdi vào các khu công nghiệp hải ...
Giải pháp tăng cường thu hút đầu tư fdi vào các khu công nghiệp hải ...
 
Đề tài: Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, HOT
Đề tài: Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, HOTĐề tài: Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, HOT
Đề tài: Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, HOT
 
Luận văn: Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hải Phòng
Luận văn: Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hải PhòngLuận văn: Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hải Phòng
Luận văn: Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hải Phòng
 
Luận án: Phát triển thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tỉnh Vĩnh Phúc
Luận án: Phát triển thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tỉnh Vĩnh PhúcLuận án: Phát triển thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tỉnh Vĩnh Phúc
Luận án: Phát triển thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tỉnh Vĩnh Phúc
 
Luận Văn Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Tại Bảo Hiểm Xã Hội Tỉnh Hưng Yên
Luận Văn Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Tại Bảo Hiểm Xã Hội Tỉnh Hưng YênLuận Văn Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Tại Bảo Hiểm Xã Hội Tỉnh Hưng Yên
Luận Văn Hoàn Thiện Tổ Chức Kế Toán Tại Bảo Hiểm Xã Hội Tỉnh Hưng Yên
 
Hoàn Thiện Phương Pháp Lập Dự Toán Doanh Thu, Chi Hoạt Động Tại Bệnh Viện Đa ...
Hoàn Thiện Phương Pháp Lập Dự Toán Doanh Thu, Chi Hoạt Động Tại Bệnh Viện Đa ...Hoàn Thiện Phương Pháp Lập Dự Toán Doanh Thu, Chi Hoạt Động Tại Bệnh Viện Đa ...
Hoàn Thiện Phương Pháp Lập Dự Toán Doanh Thu, Chi Hoạt Động Tại Bệnh Viện Đa ...
 
Luận văn: Kinh tế cây ăn quả và vai trò trong phát triển kinh tế đối với ngườ...
Luận văn: Kinh tế cây ăn quả và vai trò trong phát triển kinh tế đối với ngườ...Luận văn: Kinh tế cây ăn quả và vai trò trong phát triển kinh tế đối với ngườ...
Luận văn: Kinh tế cây ăn quả và vai trò trong phát triển kinh tế đối với ngườ...
 
Luận văn: Giải pháp quản lý tiêu thụ sản phẩm của công ty vật tư y tế
Luận văn: Giải pháp quản lý tiêu thụ sản phẩm của công ty vật tư y tếLuận văn: Giải pháp quản lý tiêu thụ sản phẩm của công ty vật tư y tế
Luận văn: Giải pháp quản lý tiêu thụ sản phẩm của công ty vật tư y tế
 
Luận văn: Một số giải pháp quản lý tiêu thụ sản phẩm của công ty CP Dược và v...
Luận văn: Một số giải pháp quản lý tiêu thụ sản phẩm của công ty CP Dược và v...Luận văn: Một số giải pháp quản lý tiêu thụ sản phẩm của công ty CP Dược và v...
Luận văn: Một số giải pháp quản lý tiêu thụ sản phẩm của công ty CP Dược và v...
 
Luận văn: Quản lý vốn đầu tư xây dựng từ vốn nhà nước tỉnh Yên Bái
Luận văn: Quản lý vốn đầu tư xây dựng từ vốn nhà nước tỉnh Yên BáiLuận văn: Quản lý vốn đầu tư xây dựng từ vốn nhà nước tỉnh Yên Bái
Luận văn: Quản lý vốn đầu tư xây dựng từ vốn nhà nước tỉnh Yên Bái
 
Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Bình
Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh Quảng BìnhPhát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Bình
Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Bình
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864 (20)

200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
200 de tai khoa luạn tot nghiep nganh tam ly hoc
 
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành khách sạn,10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngân hàng, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ngữ văn, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ ô tô, 10 điểm
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản lý giáo dục mầm non, mới nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhấtDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ quản trị rủi ro, hay nhất
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏiDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tài chính ngân hàng, từ sinh viên giỏi
 
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểmDanh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
Danh sách 200 đề tài luận văn thạc sĩ tiêm chủng mở rộng, 10 điểm
 
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhuadanh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
danh sach 200 de tai luan van thac si ve rac nhua
 
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay NhấtKinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
Kinh Nghiệm Chọn 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Trị Hay Nhất
 
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểmKho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
Kho 200 Đề Tài Bài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Kế Toán, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại họcKho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Ngành Thủy Sản, từ các trường đại học
 
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tửKho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
Kho 200 đề tài luận văn ngành thương mại điện tử
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành điện tử viễn thông, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Giáo Dục Tiểu Học
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhấtKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành luật, hay nhất
 
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểmKho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
Kho 200 đề tài luận văn tốt nghiệp ngành quản trị văn phòng, 9 điểm
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin HọcKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Sư Phạm Tin Học
 
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập KhẩuKho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
Kho 200 Đề Tài Luận Văn Tốt Nghiệp Ngành Xuất Nhập Khẩu
 

Recently uploaded

xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfxemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
Xem Số Mệnh
 
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptxBài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
DungxPeach
 
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfSLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
hoangtuansinh1
 

Recently uploaded (20)

30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdfxemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
xemsomenh.com-Vòng Lộc Tồn - Vòng Bác Sĩ và Cách An Trong Vòng Lộc Tồn.pdf
 
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
TUYỂN TẬP ĐỀ THI GIỮA KÌ, CUỐI KÌ 2 MÔN VẬT LÍ LỚP 11 THEO HÌNH THỨC THI MỚI ...
 
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfxemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
 
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptxBài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
 
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docxbài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
bài thi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.docx
 
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng TạoĐề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
Đề thi tin học HK2 lớp 3 Chân Trời Sáng Tạo
 
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgspowerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
 
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdfSLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
SLIDE - Tu van, huong dan cong tac tuyen sinh-2024 (đầy đủ chi tiết).pdf
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI LÝ LUẬN VĂN HỌC NĂM HỌC 2023-2024 - MÔN NGỮ ...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.pptAccess: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
Access: Chuong III Thiet ke truy van Query.ppt
 
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng ĐồngGiới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
Giới thiệu Dự án Sản Phụ Khoa - Y Học Cộng Đồng
 
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ emcác nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
các nội dung phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em
 
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdfxemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
 
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
 
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhhkinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
kinh tế chính trị mác lênin chương hai và hàng hoá và sxxhh
 
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhàBài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
Bài học phòng cháy chữa cháy - PCCC tại tòa nhà
 
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình PhươngGiáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
Giáo trình nhập môn lập trình - Đặng Bình Phương
 

Hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài tỉnh Vĩnh Phúc

  • 1. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỎ - ĐỊA CHẤT PHẠM THỊ THÚY NGHIÊN CỨU HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC LUẬN ÁN TIẾN SĨ KINH TẾ HÀ NỘI, 2018
  • 2. BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỎ - ĐỊA CHẤT PHẠM THỊ THÚY NGHIÊN CỨU HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC NGÀNH : QUẢN LÝ KINH TẾ MÃ SỐ : 9340410 LUẬN ÁN TIẾN SĨ KINH TẾ NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC 1.TS. NGUYỄN DUY LẠC 2.TS. PHAN THỊ THÁI HÀ NỘI, 2018
  • 3. i LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan bản luận án này là công trình nghiên cứu khoa học của riêng tôi. Các số liệu nêu trong luận án là trung thực, có nguồn gốc rõ ràng. Những kết luận khoa học của luận án chưa từng được công bố ở bất kỳ công trình nghiên cứu nào khác. Hà nội, ngày….. tháng…. năm ..… Tác giả Phạm Thị Thúy
  • 4. ii LỜI CẢM ƠN Qua quá trình học tập và nghiên cứu, được sự tận tình giúp đỡ của các thầy cô giáo, các nhà khoa học, các nhà quản lý, tôi đã hoàn thành chương trình học tập và nghiên cứu luận án với đề tài “Nghiên cứu hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”. Tôi xin chân thành cảm ơn Trường đại học Mỏ - Địa chất, Phòng Sau đại học, khoa Kinh tế và quản trị kinh doanh; đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ tôi trong quá trình học tập và nghiên cứu. Tôi xin chân thành cảm ơn TS.Nguyễn Duy Lạc và TS.Phan Thị Thái đã tạo mọi điều kiện và tận tình giúp đỡ tôi trong quá trình nghiên cứu đề tài. Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy giáo trong khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh đã góp ý cho tôi hoàn thiện đề tài. Tôi xin chân thành cảm ơn Khoa Kinh tế - Trường Cao đẳng công nghiệp Phúc Yên, nơi tôi đang công tác và các đồng nghiệp đã tạo điều kiện, động viên và giúp đỡ tôi vượt qua những khó khăn trong quá trình học tập và nghiên cứu. Tôi xin chân thành cảm ơn các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các đồng chí lãnh đạo các sở, ban ngành của Tỉnh đã giúp đỡ tôi trong quá trình phỏng vấn và trao đổi về chủ trương chính sách và những thuận lợi và khó khăn trong việc đánh giá về hiệu quả kinh tế - xã hội FDI tại Vĩnh Phúc trong thời gian qua. Và cuối cùng tôi xin chân thành cảm ơn gia đình và người thân là những điểm tựa vững chắc để tôi học tập, nghiên cứu và phát triển chuyên môn nghề nghiệp. Nghiên cứu sinh Phạm Thị Thúy
  • 5. iii MỤC LỤC LỜI CAM ĐOAN.............................................................................................................i LỜI CẢM ƠN................................................................................................................. ii MỤC LỤC..................................................................................................................... iii DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT......................................................................................vi DANH MỤC CÁC BẢNG........................................................................................... vii DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ, BIỂU ĐỒ......................................................................ix MỞ ĐẦU .........................................................................................................................1 CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ...................................................................7 1.1. Tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài..............................7 1.1.1. Các công trình nghiên cứu liên quan đến hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài..................................................................................................7 1.1.2. Các công trình nghiên cứu liên quan đến quản lý nhà nước đối với FDI.....15 1.1.3. Khoảng trống cho các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu .................................16 1.2. Quá trình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu.............................................19 1.2.1. Quá trình nghiên cứu ....................................................................................19 1.2.2. Phương pháp nghiên cứu ..............................................................................21 Kết luận chương 1 .........................................................................................................25 CHƯƠNG 2 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TRẠNG HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI................................................................26 2.1. Cơ sở lý luận hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài...................26 2.1.1. Đầu tư trực tiếp nước ngoài..........................................................................26 2.1.2. Hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài ...........................33 2.1.3. Lựa chọn chỉ tiêu phù hợp để đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội FDI ở cấp địa phương ..............................................................................................................50 2.1.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài vào địa phương..............................................................................................56 2.2. Thực tiễn hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài ở một số địa phương khác và bài học kinh nghiệm cho tỉnh Vĩnh Phúc ........................................65
  • 6. iv 2.2.1. Thực tiễn hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài ở một số địa phương khác......................................................................................................65 2.2.2. Bài học rút ra cho tỉnh Vĩnh Phúc ................................................................79 Kết luận chương 2 .........................................................................................................81 CHƯƠNG 3 THỰC TRẠNG HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC......................................82 3.1. Khái quát chung về tỉnh Vĩnh Phúc ....................................................................82 3.1.1. Sơ lược về vị trí địa lý, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc.................................................................................82 3.1.2. Kết quả đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh Vĩnh Phúc...............................89 3.2. Thực trạng hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn 2011 – 2016 ....................................................................94 3.2.1. FDI đóng góp vào GRDP .............................................................................94 3.2.2. FDI đóng góp vào ngân sách ........................................................................97 3.2.3. FDI đóng góp vào xuất nhập khẩu................................................................99 3.2.4. FDI đóng góp vào tạo việc làm...................................................................102 3.2.5. FDI đóng góp vào mức độ cải thiện khoa học công nghệ ..........................105 3.2.6. FDI đóng góp vào mức độ cải thiện môi trường ........................................106 3.2.7. FDI đóng góp vào mức độ cải thiện cơ sở hạ tầng.....................................107 3.3. Phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc............................................................108 3.3.1. Nhân tố khách quan ....................................................................................108 3.3.2. Những nhân tố chủ quan.............................................................................109 3.4. Đánh giá chung về hiệu quả kinh tế - xã hội của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc......................................................................................113 3.4.1. Những kết quả đạt được và nguyên nhân ...................................................115 3.4.2. Những hạn chế và nguyên nhân..................................................................117 Kết luận chương 3 .......................................................................................................120 CHƯƠNG 4 GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC .................121
  • 7. v 4.1. Dự báo triển vọng của đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới ............121 4.1.1. Xu hướng thay đổi dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài trên thế giới ............121 4.1.2. Tác động của bối cảnh trong nước..............................................................122 4.1.3. Đường lối phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc...........................123 4.1.4. Mục tiêu và định hướng nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ........................................................124 4.2. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc...................................................................125 4.2.1. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước ..........................................................125 4.2.2. Phát triển công nghiệp phụ trợ....................................................................128 4.2.3. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực ...............................................................130 4.2.4. Giải pháp về quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp...............132 4.3. Kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và Bộ ban ngành......................................139 4.3.1. Kiến nghị đối với Quốc Hội .......................................................................139 4.3.2. Kiến nghị đối với Chính phủ và các bộ ngành có liên quan.......................140 Kết luận chương 4 .......................................................................................................142 KẾT LUẬN .................................................................................................................143 DANH MỤC CÔNG TRÌNH ĐÃ CÔNG BỐ ............................................................146 TÀI LIỆU THAM KHẢO...........................................................................................147 PHỤ LỤC ....................................................................................................................155
  • 8. vi DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT Chữ viết tắt Chữ viết đầy đủ CCN Cụm công nghiệp CNH-HĐH Công nghiệp hóa - hiện đại hóa DN Doanh nghiệp ĐTNN Đầu tư nước ngoài FDI Đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign Direct Investment) IMF Quỹ tiền tệ quốc tế (International Monetary Fund) KCN Khu công nghiệp KKT Khu kinh tế MNEs Công ty đa quốc gia (Multinational Enterprises) ODA Hỗ trợ phát triển chính thức (Official Development Assistance) OEDC Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (Organization for Economic Cooperation and Development) SXKD Sản xuất kinh doanh TNCs Công ty xuyên quốc gia (Transnational Corporation) TNHH Trách nhiệm hữu hạn UNCTAD Ủy ban thương mại và Phát triển của Liên hiệp quốc WTO Tổ chức Thương mại Thế giới XHCN Xã hội chủ nghĩa R&D Nghiên cứu và phát triển (Research anh Development) GRDP Tổng sản phẩm trên địa bàn (Gross Regional Domestic Product) GDP Tổng sản phẩm (Gross Domestic Product) VA Giá trị gia tăng (Value added) GO Giá trị sản xuất (Gross Output)
  • 9. vii DANH MỤC CÁC BẢNG TT Tên bảng Trang Bảng 1.1. Kết quả điều tra.............................................................................................24 Bảng 2.1. FDI phân theo quốc gia tại tỉnh Phú Thọ......................................................65 Bảng 2.2. FDI phân theo ngành kinh tế tại tỉnh Phú Thọ..............................................66 Bảng 2.3. Vốn đầu tư thực hiện tỉnh Phú Thọ theo nguồn vốn.....................................67 Bảng 2.4. GRDP tỉnh Phú Thọ theo thành phần kinh tế ...............................................67 Bảng 2.5. Thu ngân sách tỉnh Phú Thọ theo thành phần kinh tế...................................68 Bảng 2.6. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Phú Thọ theo thành phần kinh tế ......................................................................................................................69 Bảng 2.7. Lao động đang làm việc tỉnh Phú Thọ theo thành phần kinh tế ...................70 Bảng 2.8. FDI phân theo quốc gia tại tỉnh Bắc Ninh (31/12/2016) ..............................72 Bảng 2.9. FDI phân theo ngành kinh tế tại tỉnh Bắc Ninh ............................................73 Bảng 2.10. Vốn đầu tư thực hiện tỉnh Bắc Ninh theo nguồn vốn .................................74 Bảng 2.11. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tỉnh Bắc Ninh theo thành phần kinh tế ......................................................................................................................75 Bảng 2.12. Thu ngân sách tỉnh Bắc Ninh theo thành phần kinh tế ...............................76 Bảng 2.13. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Bắc Ninh theo thành phần kinh tế ..............................................................................................................77 Bảng 2.14. Lao động đang làm việc tỉnh Bắc Ninh theo thành phần kinh tế................78 Bảng 3.1. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Vĩnh Phúc theo đối tác đầu tư ....................90 Bảng 3.2. Các dự án FDI đầu tư trên tỉnh Vĩnh Phúc phân theo lĩnh vực đầu tư .........91 Bảng 3.3. Tổng hợp các dự án FDI phân theo các khu công nghiệp (31/12/2016).......92 Bảng 3.4. Cơ cấu vốn đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc theo thành phần kinh tế .........................93 Bảng 3.5. Đóng góp của khu vực có vốn FDI vào cơ cấu vốn đầu tư thực hiện...........94 Bảng 3.6. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tỉnh Vĩnh Phúc theo thành phần kinh tế ......................................................................................................................95 Bảng 3.7. Đóng góp của FDI vào GDP của một số địa phương và toàn quốc..............96 Bảng 3.8. Tỷ trọng đóng góp của FDI từng tỉnh vào GDP và GDPFDI toàn quốc.........96
  • 10. viii Bảng 3.9. Thu ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc theo thành phần kinh tế ...............................97 Bảng 3.10. Đóng góp của khu vực có vốn FDI tỉnh vào ngân sách nhà nước của một số địa phương ..................................................................................................98 Bảng 3.11. Tỷ trọng đóng góp khu vực có vốn FDI tỉnh so với tổng FDI đóng góp vào ngân sách nhà nước...................................................................................98 Bảng 3.12. Xuất khẩu hàng hóa tỉnh Vĩnh Phúc theo thành phần kinh tế...................100 Bảng 3.13. Đóng góp của khu vực có vốn FDI của các tỉnh vào thặng dư xuất khẩu toàn quốc........................................................................................................101 Bảng 3.14. Lao động đang làm việc tỉnh Vĩnh Phúc theo thành phần kinh tế............102 Bảng 3.15. Đóng góp của khu vực có vốn FDI vào tạo việc làm cho người lao động103 Bảng 3.16. Kết quả khảo sát đánh giá mức độ gia tăng việc làm gián tiếp tại địa phương...........................................................................................................104 Bảng 3.17. Kết quả khảo sát đánh giá mức độ cải thiện Khoa học, công nghệ của tỉnh.................................................................................................................106 Bảng 3.18. Kết quả khảo sát đánh giá mức độ cải thiện môi trường ..........................107 Bảng 3.19. Kết quả khảo sát đánh giá mức độ cải thiện cơ sở hạ tầng .......................107 Bảng 3.20. Kết quả khảo sát đánh giá mức độ thuận lợi của các thủ tục hành chính đối với DN FDI..............................................................................................111 Bảng 3.21. Kết quả khảo sát đánh giá mức độ chuyên nghiệp của cán bộ quản lý.....113 Bảng 3.22. Bảng tổng hợp kết quả một số chỉ tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội của 3 tỉnh Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc..............................................................114
  • 11. ix DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ, BIỂU ĐỒ TT Tên hình vẽ, biểu đồ Trang Hình 1.1. Quá trình nghiên cứu luận án ........................................................................20 Hình 2.1. Tỷ trọng FDI trong GRDP tỉnh Phú Thọ.......................................................67 Hình 2.2. Tỷ trọng FDI trong cơ cấu thu ngân sách tỉnh Phú Thọ................................68 Hình 2.3. Tỷ trọng lao động đang làm việc tại doanh nghiệp FDI trong tổng số lao động đang làm việc của tỉnh Phú Thọ..............................................................70 Hình 2.4. Tỷ trọng FDI trong cơ cấu vốn đầu tư thực hiện tỉnh Bắc Ninh ...................74 Hình 2.5. Tỷ trọng FDI trong GRDP tỉnh Bắc Ninh .....................................................75 Hình 2.6. Tỷ trọng FDI trong cơ cấu thu ngân sách tỉnh Bắc Ninh ..............................76 Hình 2.7. Thặng dư xuất nhập khẩu tỉnh Bắc Ninh.......................................................78 Hình 2.8. Tỷ trọng lao động đang làm việc tại doanh nghiệp FDI trong tổng số lao động đang làm việc của tỉnh Bắc Ninh ............................................................79 Hình 3.1. Bản đồ hành chính tỉnh Vĩnh Phúc................................................................83 Hình 3.2. Tỷ trọng FDI trong GRDP tỉnh Vĩnh Phúc ...................................................95 Hình 3.3. Tỷ trọng FDI trong cơ cấu thu ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc ............................97 Hình 3.4. Tỷ trọng lao động đang làm việc tại doanh nghiệp FDI trong tổng số lao động đang làm việc của tỉnh Vĩnh Phúc ........................................................102 Hình 3.5. Đánh giá tổng hợp môi trường kinh tế của Vĩnh Phúc................................110 Hình 3.6. Đánh giá tổng hợp khả năng khai thác và sử dụng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Vĩnh Phúc...............................................................................112
  • 12. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Một nền kinh tế muốn phát triển, tăng trưởng nhanh và bền vững trước hết phải đảm bảo đủ nhu cầu về vốn đầu tư. Muốn có vốn đầu tư lớn và dài hạn đòi hỏi phải gia tăng tiết kiệm trong nước cũng như tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Với các quốc gia đang phát triển, khi nguồn vốn đầu tư trong nước còn khan hiến chưa đủ đáp ứng nhu cầu về vốn thì việc tiếp nhận vốn đầu tư của nước ngoài (FDI) càng trở nên cần thiết mang lại những lợi ích to lớn cho quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế, nâng cao mức thu nhập và đời sống của dân cư. Với những ưu điểm nổi bật của mình, việc thu hút ngày càng nhiều FDI đã trở thành chiến lược phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Đồng hành với việc tăng cường thu hút FDI thì việc đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của sử dụng vốn FDI làm cơ sở để Chính phủ quốc gia cũng như chính quyền các địa phương có chiến lược thu hút đầu tư vào ngành nào, đề ra nhưng chính sách gì để sử dụng tốt nhất đồng vốn đầu tư này cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương là vấn đề rất cần thiết và cần được thực hiện thường xuyên trong từng giai đoạn của quá trình phát triển kinh tế. Đối với Việt Nam, mục tiêu đặt ra là thực hiện thành công quá trình Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Để thực hiện thành công mục tiêu này chúng ta cần phải có một nguồn vốn lớn để phục vụ cho nhu cầu của nền kinh tế. Nguồn vốn này có thể được huy động từ nhiều kênh khác nhau, trong đó có vốn FDI. Mức tăng trưởng kinh tế phụ thuộc rất lớn vào quy mô và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Thời gian qua, FDI đã đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Đồng thời, FDI cũng có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế, khơi dậy nguồn lực đầu tư trong nước, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải cách doanh nghiệp nhà nước, đổi mới thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, thu hút FDI chưa đạt được một số mục tiêu kỳ vọng về thu hút công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, đầu tư phát triển hạ tầng và chuyển giao công nghệ. Chất lượng của dự án FDI nhìn chung
  • 13. 2 chưa cao, giá trị gia tăng thấp, chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ, sự tham gia đầu tư theo chuỗi sản xuất của các tập đoàn xuyên quốc gia còn hạn chế. Một số doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường; Một số doanh nghiệp FDI có biểu hiện sử dụng phương thức chuyển giá để trốn thuế, gây thất thu ngân sách, không đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động... Vì vậy Chính phủ đã đề ra Nghị quyết số 103/NĐ – CP ngày 29/8/2013 về “Định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý FDI trong thời gian tới”. Một trong các yêu cầu của Nghị quyết số 103 đối với các địa phương là cần đánh giá hiệu quả FDI và đề ra phương hướng nâng cao hiệu quả sử dụng FDI phù hợp với điều kiện của địa phương mình. Vĩnh Phúc là một tỉnh trung du miền núi, cửa ngõ phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội. Với phương châm khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế so sánh của tỉnh, trong thời gian qua tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, mở rộng cửa mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế về nguyên liệu tại chỗ, có khả năng thu hồi vốn nhanh và đạt hiệu quả cao. Ngay từ khi tái lập tỉnh (1997), lãnh đạo Tỉnh đã xác định rõ lợi thế so sánh, xu hướng phát triển kinh tế quốc tế và khẳng định vai trò của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Sự tham gia của FDI đã kích thích phát triển đồng bộ, hoàn thiện cấu trúc phát triển kinh tế và từng bước hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động tại địa phương, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, gia tăng giá trị xuất khẩu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, tăng thu ngân sách cho tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa đáp ứng được những mục tiêu đề ra. Chính vì vậy, việc nghiên cứu và đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là hết sức cần thiết vì: Thứ nhất, xuất phát từ thực trạng về tốc độ thực hiện và tính hiệu quả FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian qua. Trong thời gian vừa qua Vĩnh Phúc là một tỉnh có lượng dự án FDI đăng ký nhiều nhưng nguồn vốn giải ngân và thực hiện còn rất khiêm tốn, mặt khác có nhiều dự án FDI hoạt động chưa thực sự hiệu quả.
  • 14. 3 Thứ hai, nghiên cứu hiệu quả kinh tế xã hội FDI là cơ sở để đánh giá quản lý nhà nước với các dự án này. Quản lý vĩ mô các dự án FDI hiện nay đang phải đối mặt với bài toán chuyển giá và trốn thuế. Một hiện tượng khá phổ biến với các doanh nghiệp FDI trên cả nước cũng như các doanh nghiệp FDI tại Vĩnh Phúc như HJC Vina, Haesung Vina,.... Thứ ba, dự án FDI tập trung không đồng đều ở các khu vực và ngành nghề. Phần lớn các dự án FDI đầu tư vào ngành công nghiệp, may mặc, điện tử, cơ khí mà ít quan tâm tới ngành công nghệ cao. Số dự án tập trung chủ yếu ở các Huyện Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Phúc Yên. Do vậy sự phát triển kinh tế chưa đồng đều, nhiều huyện như Sông Lô, Lập Thạch, Yên Lạc vẫn nghèo khó và lạc hậu. Vì vậy cần có nghiên cứu tầm vĩ mô về tính hiệu quả kinh tế- xã hội của FDI mang lại cho tỉnh Vĩnh Phúc. Thứ tư, xuất phát từ những hạn chế về khía cạnh xã hội, môi trường đặt ra với các dự án FDI vào tỉnh Vĩnh Phúc. Mặc dù khá nhiều dự án FDI đạt doanh thu, lợi nhuận cao nhưng vẫn còn tác động tiêu cực đến môi trường như tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng. Một số doanh nghiệp không xây dựng hoặc xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng không sử dụng mà xả trực tiếp ra môi trường làm ảnh hưởng nặng nề đến môi trường sinh thái và cuộc sống của những người dân xung quanh. Các doanh nghiệp FDI quá chú trọng đến hiệu quả kinh tế mà quên đi lợi ích của người lao động, bỏ qua tính hiệu quả kinh tế - xã hội nói chung. Điều này đi ngược lại mục tiêu của Đảng và Nhà nước khi sử dụng dòng vốn FDI phải đảm bảo cân bằng giữa các mặt kinh tế - xã hội. Nhận thức được tầm quan trọng của việc đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI đối với tỉnh Vĩnh Phúc, tác giả đã quyết định lựa chọn đề tài nghiên cứu “Nghiên cứu hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”. Đề tài có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn sâu sắc, hứa hẹn sẽ có nhiều đóng góp tích cực đối với hoạt động quản lý vĩ mô của Nhà nước và vấn đề hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. 2. Mục đích nghiên cứu Mục đích nghiên cứu của đề tài luận án là làm rõ những vấn đề cơ bản về lý
  • 15. 4 luận và thực tiễn hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài, trên cơ sở đó đề xuất các định hướng và giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế - xã hội FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu a. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là lý luận và thực tiễn hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI trên địa bàn tỉnh tiếp nhận FDI. b. Phạm vi nghiên cứu + Về nội dung: Đánh giá về hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI thì thường đứng trên các góc độ khác nhau: Góc độ của nhà đầu tư nước ngoài, góc độ quản lý nhà nước, của địa phương và của ngành. Luận án tập trung vào nghiên cứu về hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI đứng trên góc độ quản lý nhà nước và địa phương tiếp nhận FDI, với các nội dung cơ bản về hiệu quả, hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI, các nhân tố ảnh hưởng, hệ thống các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI, đưa ra một số các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI. + Về thời gian và không gian: Luận án tập trung nghiên cứu thu thập số liệu điều tra về hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2011 – 2016 và định hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn 2030. 4. Nhiệm vụ nghiên cứu - Thứ nhất, hệ thống hóa, đánh giá các công trình nghiên cứu liên quan đến đề tài để rút ra những vấn đề khoa học mà luận án kế thừa và tiếp tục giải quyết. - Thứ hai, trên cơ sở nghiên cứu khái quát cơ sở lý luận và thực tiễn FDI nói chung và hiệu quả kinh tế xã hội của FDI nói riêng. Làm rõ nội hàm, tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI. - Thứ ba, nghiên cứu kinh nghiệm của một số tỉnh có điều kiện tương đồng với tỉnh Vĩnh Phúc những thành công và hạn chế của họ về việc quản lý và sử dụng nguồn vốn FDI, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Vĩnh Phúc.
  • 16. 5 - Thứ tư, làm rõ thực trạng hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua, chỉ ra hiệu quả đã đạt được, những tồn tại và nguyên nhân. - Thứ năm, trên cơ sở nghiên cứu các nhân tố tác động đến hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài, luận án đề xuất một số giải pháp và kiến nghị chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội FDI tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn 2030. 5. Những đóng góp mới của luận án - Luận án đã hệ thống hóa và luận giải một số vấn đề lý luận hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI đứng từ góc độ nước, địa phương tiếp nhận đầu tư. Qua đó chỉ ra rằng, hiện nay chưa có bộ tiêu chuẩn nào được ban hành để đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI. Trên thế giới đang tồn tại 2 nhóm quan điểm khác nhau về đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI là (1) Đánh giá theo một chỉ tiêu duy nhất không đơn vị đo; (2) Đánh giá theo tổ hợp chỉ tiêu. Số lượng chỉ tiêu trong tổ hợp cần linh hoạt nhằm phản ánh được hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI theo các mục tiêu khác nhau đặt ra trong mỗi thời kỳ và thuận lợi trong thu thập và xử lý thông tin. - Luận án đưa ra quan điểm là để đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội FDI vào nền kinh tế địa phương của Việt Nam hiện nay cần dùng một tổ hợp các chỉ tiêu phù hợp với điều kiện thực tế, bao gồm 7 chỉ tiêu cả định tính và định lượng phản ánh mức đóng của FDI vào (1) Sự tăng trưởng kinh tế (GRDP); (2) Thu ngân sách nhà nước; (3) Cán cân xuất nhập khẩu; (4) Tạo việc làm cho người lao động; (5) Cải thiện khoa học công nghệ; (6) Cải thiện môi trường; (7) Thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng. - Luận án đánh giá khá toàn diện hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc trong giai đoạn 2011 – 2016, chỉ ra mức độ hiệu quả của nó ở mức thấp hơn tỉnh có điều kiện tương tự là Bắc Ninh theo nhiều khía cạnh và các nhân tố ảnh hưởng. Trong đó nhân tố cơ bản là: Môi trường pháp luật; Sự ổn định về chính trị - kinh tế -xã hội; Trình độ quản lý của địa phương; Chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ; Quy hoạch phát triển các KCN... -Luận án đề ra một số các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Cụ thể cần tập trung vào một số các giải pháp
  • 17. 6 như: (1) Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; (2) Phát triển công nghiệp phụ trợ; (3) Phát triển nguồn nhân lực chất; (4) Nâng cao chất lượng quy hoạch các KCN, cụm công nghiệp. 6. Kết cấu nội dung của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận và phần phụ lục, luận án được kết cấu gồm bốn chương sau: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài và phương pháp nghiên cứu. Chương 2: Cơ sở lý luận và thực tiễn hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chương 3: Thực trạng hiệu quả kinh - tế xã hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Chương 4: Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
  • 18. 7 CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 1.1. Tổng quan các công trình nghiên cứu có liên quan đến đề tài 1.1.1. Các công trình nghiên cứu liên quan đến hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài Đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign direct investment - FDI) không chỉ là nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế mà còn là nhân tố có tác động lan tỏa đến rất nhiều khu vực khác. Cũng vì vậy và ở Việt Nam cũng như trên thế giới có nhiều nghiên cứu liên quan đến FDI, hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội của FDI. Các nghiên cứu gần đây gồm: a. Các công trình nghiên cứu trong nước (1) TS Vương Thị Bảo Bình (2016), Nghiên cứu đề xuất giải pháp thu hút, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 - 2020, có tính đến 2025,[8] đề tài nghiên cứu khoa học cấp Tỉnh. Công trình đã đánh giá thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Nghệ An: làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế trong việc thu hút FDI trên địa bàn Nghệ An, làm rõ nguyên nhân của các hạn chế đó (tình hình môi trường đầu tư). Đánh giá thực trạng tác động vốn FDI đến tỉnh Nghệ An (bao gồm cả tác động tích cực và tác động tiêu cực). Phân tích khả năng thu hút, phát huy hiệu quả vốn FDI phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Nghệ An giai đoạn 2013 - 2020, có tính đến 2025. Đề xuất giải pháp tăng cường thu hút và phát huy hiệu quả vốn FDI vào Nghệ An giai đoạn 2013-2020, có tính đến 2025. (2) Lê Hữu Nghĩa, Lê Văn Chiến, Nguyễn Viết Thống (2014), sách chuyên khảo Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến năng suất lao động và trình độ công nghệ của Việt Nam [48], NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. Cuốn sách đã trình bày cơ sở lý luận và thực tiễn của đầu tư trực tiếp nước ngoài, thực trạng đầu tư trực
  • 19. 8 tiếp nước ngoài ở Việt Nam, tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến năng suất lao động và trình độ công nghệ của Việt Nam. (3) TS Trương Thái Phương (2001), Chiến lược đôi mới chính sách huy động các nguồn vốn nước ngoài phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 – 2010 [51], đề tài cấp Bộ, Bộ tài chính. Công trình đã đưa ra các giải pháp chủ yếu thu hút nguồn vốn FDI gồm có: Đối mới cơ cấu FDI nhằm thúc đây chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng xây dựng quy hoạch đối với FDI, hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách quản lý nhằm cải thiện môi trường ĐTNN, mở rộng hợp tác ĐTNN theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải tiến công tác tổ chức bộ máy quản lý, phân cấp và cơ chế thu hút vốn, nâng cấp cơ sở hạ tầng, thúc đẩy hoạt động hỗ trợ, xúc tiến FDI, tăng cường công tác bảo hộ sở hữu trí tuệ và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong nước phục vụ có hiệu quả hoạt động FDI. (4) Phùng Xuân Nhạ (2013), Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam: Lý luận và thực tiễn, Đại học quốc gia Hà Nội. [44] Cuốn sách đã đề cập tới khái niệm, hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhiều lý thuyết luận giải về nguyên nhân hình thành đầu tư trực tiếp nước ngoài, bao gồm các lý thuyết truyền thống và các lý thuyết mới về quốc tế hóa sản xuất, phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới FDI, các chính sách, biện pháp thu hút FDI tại Việt Nam. Qua phân tích thực trạng thu hút FDI của Việt Nam giai đoạn 1988 - 2011, trong cuốn sách đã trình bày những tác động của FDI tới sự phát triển của Việt Nam, biểu hiện thông qua những tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế, bổ sung vốn đầu tư và cán cân thanh toán quốc tế, chuyển giao và phát triển công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và tạo việc làm, thúc đẩy xuất khẩu, liên kết các ngành công nghiệp, các tác động khác, các tác động đặc biệt và tác động tới chủ quyền quốc gia. Trong phân tích về tác động của FDI, cuốn sách cũng đồng thời cũng chỉ ra một số ảnh hưởng không mong muốn như gia tăng tính phụ thuộc của nền kinh tế vào FDI, ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái do sử dụng công nghệ lạc hậu, dẫn tới hình thành độc quyền, ngăn cản cạnh tranh, làm tăng khoảng cách giàu nghèo…Cuốn sách cũng cho rằng, mức độ tác động tích cực hoặc tiêu cực của FDI phụ thuộc vào
  • 20. 9 chính sách và điều kiện phát triển của nước tiếp nhận FDI, từ đó đã đưa ra một số gợi ý về chính sách như tăng cường thu hút FDI khi khả năng tích lũy nội địa thấp, phát triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ, đào tạo, quy định chặt chẽ cụ thể đối với FDI trong các lĩnh vực dinh dưỡng, y tế, dược phẩm, quảng cáo, có chính sách phù hợp về khắc phục chảy máu chất xám, bóc lột lao động quá mức, bảo hộ thị trường… (5) Đỗ Đức Bình (2005), Sách chuyên khảo Đầu tư của các công ty xuyên quốc gia (TNCs) tại Việt Nam [5], đã trình bày từ quan niệm về đầu tư quốc tế đến khái niệm FDI, các TNCs, vai trò của TNCs trong nền kinh tế thế giới, kinh nghiệm thu hút đầu tư của TNCs tại một số nước. Qua nghiên cứu phân tích thực trạng thu hút FDI nói chung và từ TNCs nói riêng tại Việt Nam giai đoạn 1988 - 2004, trong cuốn sách đã khái quát một số đóng góp của FDI đến các mặt kinh tế - xã hội ở Việt Nam như tham gia tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, sản xuất và xuất khẩu, đa dạng hóa và nâng cấp thiết bị, công nghệ. Bên cạnh đó, cuốn sách cũng chỉ ra một số tác động tiêu cực như mâu thuẫn với mục tiêu chiến lược chung và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam; lợi dụng ưu thế về vốn, công nghệ để thao túng trong các liên doanh, cuốn sách cũng đề xuất các quan điểm, giải pháp tăng cường thu hút và sử dụng hiệu quả FDI của các TNCs cho Việt Nam. (6) Tổng cục thống kê (2016), Kỷ yếu hội thảo “Đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp FDI giai đoạn 2005-2014” [70], Kỷ yếu hội thảo bao gồm các bài tham luận, các báo cáo, các nghiên cứu của nhiều cơ quan chức năng, nhiều chuyên gia về đầu tư trực tiếp nước ngoài đánh giá hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, theo đó việc đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp FDI được dựa trên hai khía cạnh chính là: (1) Hiệu quả của bản thân các doanh nghiệp FDI và (2) Đóng góp của các doanh nghiệp FDI cho nền kinh tế. Nhìn chung, các doanh nghiệp FDI được đánh giá cao hơn các doanh nghiệp trong nước, tuy nhiên xét về tổng thể, hiệu quả của các doanh nghiệp FDI còn thấp và có xu hướng giảm. Nguyên nhân của tình trạng này thuộc về cả hai phía là nhà nước và chính bản thân các doanh nghiệp.
  • 21. 10 (7) Bộ Kế hoạch và đầu tư (2012), Hội thảo đề án “Xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI ở Việt Nam”, đề án cấp bộ do Học viện chính sách và phát triển chủ trì [15]. Mục tiêu của đề án này là xây dựng ra bộ chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả FDI ở Việt Nam, tuy nhiên khi hội thảo đưa ra hệ thống chỉ tiêu thì đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, chính vì vậy bộ chỉ tiêu này cũng chưa được Bộ Kế hoạch và đầu tư chính thức ban hành. (8). Vũ Chí Lộc (1995), Hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tự trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam [37], Luận án tiến sỹ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Luận án đã trình bày những vấn đề lý luận về hiệu quả của FDI được biểu hiện ở 2 mặt là hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Về hiệu quả kinh tế tác giả quan niệm có bản chất như đánh giá hiệu quả tài chính, phân tích chi phí lợi ích của dự án đầu tư, còn hiệu quả xã hội là những tác động tích cực của dự án về mặt xã hội. Tác giả cũng đưa ra các chỉ tiêu để đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội của FDI. Trên cơ sở các đánh giá về hiệu quả KT-XH của FDI, tác giả đề xuất các giải pháp tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI tại Việt Nam. Tuy nhiên, luận án được thực hiện vào năm 1995, sau 7 năm Luật đầu tư (1897) có hiệu lực, hầu hết các dự án FDI đang ở giai đoạn đầu triển khai thực hiện, nhiều dự án chưa thể hoạt động có hiệu quả, nên đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam còn hạn chế, chưa đủ số liệu thực tiễn, và không còn phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay. Mặt khác quan điểm về hiệu quả kinh tế của FDI của tác giả chưa xác định rõ đứng trên góc độ nước tiếp nhận đầu tư hay chủ đầu tư, vì vậy cần có những nghiên cứu cụ thể hơn nữa về hiệu quả kinh tế xã hội của FDI đứng trên góc độ quản lý của nước tiếp nhận FDI. (9) Nguyễn Thị Liên Hoa (2000), Các giải pháp thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam [25], Luận án tiến sỹ, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Luận án đã trình bày và phân tích có hệ thống các vấn đề lý luận thuộc phạm vi huy động vốn FDI, tổng hợp một số kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong lĩnh vực này, trên cơ sở đó rút ra những bài học có thể áp dụng vào hoàn cảnh của Việt Nam. Luận án cũng phân tích thực trạng huy động và hiệu quả
  • 22. 11 sử dụng vốn FDI qua các giai đoạn khác nhau, phân tích những thành tựu và hạn chế trong hoạt động FDI tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, luận án đưa ra những giải pháp nhằm tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn FDI. Luận án được thực hiện vào năm 2000, giai đoạn trước đây quan niệm về thu hút chỉ dừng lại ở việc quan tâm đến số lượng vốn, số lượng dự án, đối tác đầu tư, nhưng chưa coi trọng đến chất lượng của các dự án FDI. Bước vào giai đoạn mới, vấn đề thu hút FDI cần được nghiên cứu trên quan điểm phù hợp với thực tiễn hơn. Ngoài ra, quan điểm về hiệu quả sử dụng vốn FDI được tác giả phân tích trên cả hai góc độ: chủ đầu tư nước ngoài và nước nhận đầu tư. Vì vậy, cần phải có những nghiên cứu sâu sắc và chi tiết hơn về hiệu quả kinh tế - xã hội của vốn FDI đứng trên góc độ quản lý vĩ mô của nước tiếp nhận vốn. (10) Nguyễn Trọng Hải (2008), Vận dụng một số phương pháp thống kê phân tích hiệu quả kinh tế của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam [22], Luận án tiến sỹ, Đại học Kinh tế quốc dân. Trong luận án, tác giả đã hệ thống hóa và hoàn thiện các khái niệm, các chỉ tiêu, quy trình phân tích thống kê về hiệu quả kinh tế của FDI. Điểm mới của luận án là đã sử dụng thành công các phương pháp: phương pháp đồ thị không gian ba chiều trong phân tích nhân tố, phân tích dãy số thời gian đa chỉ tiêu phương pháp chỉ số mở rộng trong phân tích hiệu quả kinh tế. Tác giả đề xuất các giải pháp và kiến nghị có tính khả thi nhằm nâng cao chất lượng của công tác phân tích thống kê hiệu quả kinh tế FDI và tăng cường hiệu quả FDI tại Việt Nam. Tuy nhiên trong nghiên cứu này, hiệu quả sử dụng vốn FDI mới chỉ dùng lại ở góc độ hiệu quả kinh tế, chưa đề cập đến lý luận và thực trạng về hiệu quả xã hội của vốn FD1 đối với nước tiếp nhận đầu tư. (11) Hà Quang Tiến (2014), “Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc” [69], Luận án tiến sỹ, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trong luận án tác giả đã làm rõ những tác động của FDI đến sự phát triển kinh tế - xã hội, phân tích đánh giá tác động tích cực của FDI tới tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nguồn thu ngân sách, việc làm, môi trường cùng với sự tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội các nguyên nhân có liên quan tới các tác
  • 23. 12 động đó. Trong công trình nghiên cứu này của tác giả cũng đưa ra một số các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả tác động của FDI tới sự phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên trong luận án tác giả chưa phân tích và đánh giá được hiệu quả kinh tế - xã hội của vốn FDI đứng trên quan điểm quản lý nhà nước của địa phương tiếp nhận vốn đầu tư. (12) Nguyễn Đại Thắng (2016), Kiểm soát hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc [64], Luận án tiến sỹ, Học viên tài chính. Trong luận án tác giả đã hệ thống hóa, bổ sung và phát triển những vấn đề lý luận và kiểm soát các hoạt động chuyển giá của doanh nghiệp FDI, đánh giá thực trạng hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ ra những thành công, hạn chế và chỉ ra nguyên nhân của hạn chế. Tác giả cũng đề xuất hệ thống các giải pháp nhằm kiểm soát hoạt động chuyển giá của các doanh nghiệp ở tỉnh Vĩnh Phúc. (13) Nguyễn Ngọc Điệp (2015), “Hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các khu công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh” [20], Luận án tiến sỹ. Luận án đã phân tích và đề cập đến hiệu quả sử dụng vốn của các doanh nghiệp FDI tại các khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đánh giá, phân tích thực trạng môi trường đầu tư tại các KCN Thành phố Hồ Chí Minh, thực trạng sử dụng vốn của các doanh nghiệp FDI. Luận án cũng đưa ra các nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho các doanh nghiệp FDI tại các KCN Tp Hồ Chí Minh. b. Các công trình nghiên cứu nước ngoài (1) V.I. Lenin (2005), Toàn tập [35], NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. Nghiên cứu của Lenin trong tác phẩm Chủ nghĩa đế quốc – giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản. Ông cho rằng trong chủ nghĩa đế quốc, tích tụ và tập trung sản xuất tới một mức độ nhất định sẽ dẫn đến hình thành các tổ chức độc quyền. Cùng với tích tụ và tập trung tư bản, xuất khẩu tư bản được đẩy mạnh và trở thành cơ sở kinh tế quan trọng của sự mở rộng phạm vi hoạt động quốc tế của các TNCs được hình thành từ các tổ chức độc quyền từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Trong thời đại tư bản tài chính, có
  • 24. 13 một số quốc gia đã tích lũy được một lượng tư bản lớn, một bộ phận tư bản trở nên thừa vì không tìm được nơi đầu tư có tỷ suất lợi nhuận cao trong nước nên buộc phải xuất khẩu tư bản như một tất yếu. Theo Lênin, xuất khẩu tư bản là đầu tư ra nước ngoài nhằm mục đích thu được lợi nhuận ở nước nhận đầu tư. Xuất khẩu tư bản thừa chính là hoạt động đầu tư nước ngoài. Ông đề cập đến hai hình thức xuất khẩu tư bản đó là: (i) xuất khẩu tư bản hoạt động, là hình thức chuyển tư bản sang các nước khác để xây dựng những xí nghiệp mới hoặc mua lại các xí nghiệp đang hoạt động ở nước nhập khẩu nhằm mục đích thu lợi nhuận cao, (ii) xuất khẩu tư bản cho vay, là hình thức chính phủ cho các nước nghèo, lạc hậu vay tư bản nhằm mục đích thu lợi tức. Qua nghiên cứu, ông cho rằng, xuất khẩu tư bản có tác động tích cực và tiêu cực đối với nước xuất khẩu cũng như đối với nước nhập khẩu. (2) Li and Liu (2005), "Foreign Direct Investment and Economic Growth: An Increasingly Endogenous Relationship", World Development [83]. Qua khảo sát 88 quốc gia có tiếp nhận FDI (bao gồm cả nước phát triển và đang phát triển) đã chỉ ra rằng, FDI và tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ mật thiết với nhau. Theo các tác giả FDI không những trực tiếp tác động đến tăng trưởng kinh tế, mà còn thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và công nghệ. Một điểm đáng lưu ý trong nghiên cứu này là, nước nhận FDI phải có nguồn nhân lực và công nghệ đạt tới trình độ nhất định. Nếu nước nhận FDI có trình độ nguồn nhân lực và công nghệ thấp hơn nước đầu tư thì sẽ tác động tiêu cực đến nước nhận FDI. (3) Institute of International economics “FDI in Developing Countries and Economies in Transition: Opportunities, Dangers, and New Changes”, (Đầu tư nước ngoài tại các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi: Cơ hội, thách thức và những đổi mới) [82]. Khi phân tích về FDI đối với các nước đang phát triển đã chỉ ra những tác động trái chiều của FDI đối với phát triển kinh tế - xã hội của nước tiếp nhận. Từ phân tích một số điểm nổi bật của đầu tư nước ngoài tại các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi như FDI có được sự tăng trưởng vượt bậc từ những năm 1990, vốn đầu tư nước ngoài FDI chiếm tỉ lệ lớn nhất và là nguồn vốn ổn định nhất trong các dòng vốn tư nhân như dòng nợ, dòng vốn vay ngân
  • 25. 14 hàng thương mại, trái phiếu và các dòng vốn khác, sự phân phối của vốn đầu tư nước ngoài tới các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi là không đồng đều, đã đề cập đến vấn đề tác động của FDI tới phát triển, bao gồm: Thứ nhất, tạo ra dòng tài chính phụ thêm của các nhà đầu tư nước ngoài từ đó tạo ra áp lực cạnh tranh mạnh mẽ tại nước nhập khẩu FDI. Thứ hai, có ảnh hưởng không tốt tới thị trường của nước nhập khẩu FDI do các nhà đầu tư nước ngoài đến từ các thị trường quốc tế, nơi đang diễn ra cạnh tranh không hoàn hảo, từ đó gây ra những khó khăn, thách đố đối với doanh nghiệp (DN) của nước nhập khẩu FDI. Thứ ba, vốn đầu tư nước ngoài FDI góp phần thúc đẩy tiết kiệm nội địa và cung cấp thêm hiệu quả trong quản lý, marketing, và công nghệ để nâng cao năng suất lao động. Thứ tư, sử dụng hiệu quả FDI thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn đối với nước nhập khẩu. Mối liên hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế (Mô hình Maign của FDI và phát triển) được thể hiện thông qua sự gia tăng đầu tư sản xuất kinh doanh (SXKD) của các DN nước ngoài. Mặc dù FDI có thể có một tác động rõ ràng, tích cực tới sự phát triển của nước tiếp nhận, song cũng có thể tạo ra một số tác động tiêu cực như trở thành nhân tố thúc đẩy sự hình thành tình trạng độc quyền nhóm thông qua thiết lập và mở rộng DN kiểu gia đình, từ đó thu hẹp khả năng gia nhập thị trường của một số DN của nước tiếp nhận. Từ đó để phát huy vai trò tích cực của FDI, nước nhập khẩu FDI không những cần có chính sách tăng cường thu hút FDI, mà còn phải có chính sách chủ động định hướng FDI theo hướng hiệu quả. Lợi ích và cơ hội của các doanh nghiệp nước ngoài là kiểm soát công nghệ, quyền sở hữu thương hiệu, đạt được qui mô kinh tế nhờ hoạt động hợp tác trong đầu tư và một số tài sản vô hình khác nhận được từ các DN nước ngoài chuyên nghiệp trong quản lý và tổ chức. Tuy nhiên các DN nước ngoài cũng phải đối mặt với những rủi ro, bất lợi trong sử dụng lao động nội địa, chịu ảnh hưởng không nhỏ từ phía các mối quan hệ cộng đồng tại địa phương, thị hiếu và văn hóa truyền thống. Tài liệu này có phân tích tác động của FDI đến nền kinh tế của nước tiếp
  • 26. 15 nhận đầu tư nhưng chưa đề cập đến vấn đề đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả FDI. (4) UNCTAD (2013) [89], FDI có thể hỗ trợ phát triển cho địa phương bằng cách: (i) bổ sung nguồn lực tài chính cho phát triển; (ii) đẩy mạnh canh tranh xuất khẩu; (iii) tạo ra việc làm và phát triển kỹ năng làm việc cho người lao động; (iiii) tăng cường trình độ công nghệ (bao gồm chuyển nhượng, khuếch tán và tạo ra công nghệ). 1.1.2. Các công trình nghiên cứu liên quan đến quản lý nhà nước đối với FDI a. Các công trình trong nghiên cứu trong nước (1) Trần Văn Nam (2005), “Quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, [41] NXB Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội. Ở công trình nghiên cứu này, tác giả làm rõ về cơ sở lý luận và thực tiễn về công cụ quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp có vốn ĐTNN. Tác giả đã nêu rõ thành tựu đạt được trò tổ chức và quản lý các doanh nghiệp có vốn ĐTNN. Thông qua những số liệu cụ thể, tác giả đã đánh giá thực trạng việc sử dụng các công cụ quản lý vĩ mô đối với hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra một số các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp FDI. (2) Nguyễn Văn Hùng (2007), “Quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Hà Nội – Thực trạng và giải pháp” [29], Luận án tiến sĩ. Tác giả đã tập trung nghiên cứu làm rõ một số vấn đề cơ sở lý luận về quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài – FDI ở Việt Nam, trong đó có trình bày về doanh nghiệp có vốn FDI, sự quản lý của nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn FDI và quá trình đổi mới và hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với doanh nghiệp có vốn FDI trên địa bàn Hà Nội; trong luận án phân tích tác động của doanh nghiệp FDI đến phát triển kinh tế - xã hội ở Hà Nội và phân tích thực hiện quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp FDI ở Hà Nội. Trên cơ sở phân tích và đánh giá thực trạng thì luận án chỉ ra những thành công và hạn chế còn tồn tại trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp FDI trên địa bàn Hà Nội. (3) Nguyễn Thanh Nam (2009), “Quản lý nhà nước đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài ở tỉnh Phú Thọ hiện nay” [42], Luận án tiến sĩ, Đại học kinh tế quốc dân.
  • 27. 16 Luận án đã phân tích, đánh giá về quản lý nhà nước đối với FDI ở tỉnh Phú Thọ trong đó có trình bầy tổng quan về tình hình kinh tế - xã hội và tác động của FDI đến phát triển kinh tế - xã hội. Luận án đã chỉ ra những thuận lợi và những hạn chế để từ đó đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện hơn về quản lý nhà nước đối với FDI ở tỉnh Phú Thọ. b. Các công trình nghiên cứu nước ngoài (1) Sengphaivanh Seng Aphone (2012), Quản lý nhà nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ở cộng hòa dân chủ nhân dân Lào [58], Luận án tiến sỹ, Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Tác giả đã phân tích và làm rõ hơn về cơ sở lý luận, thực tiễn của quản lý nhà nước về thu hút FDI. Phân tích thực trạng quản lý nhà nước đối với thu hút FDI tại cộng hòa dân chủ nhân dân Lào từ 1988 đến 2012 từ đó đề xuất một số giải pháp hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với thu hút FDI của cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. (2) Xiaohua Lin and Richard Germain (2015), The impact FDI on Chinesen SOE performance: The role management decentralization [91], trong nghiên cứu các tác giả đã tiến hành phân tích đánh giá hiệu quả của quản lý nhà nước đối với nguồn vốn FDI tại Trung Quốc, từ đó đưa ra một số gợi ý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp có vốn FDI. (3) Phonesay Vilaysack (2013), Quản lý nhà nước về đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn thành phố Viêng Chăn - nước công hòa dân chủ nhân dân Lào, Luận văn thạc sỹ, Trường Đại học kinh tế quốc dân [52], Tác giả đã tổng hợp và phân tích vai trò của quản lý nhà nước đối với vốn FDI trên địa bàn thành phố Viêng Chăn của nước CHDNND Lào, trong bài của mình tác giả đã tiến hành phân tích thực trạng quản lý nhà nước đối với FDI tại Thành phố Viêng Chăn - cộng hòa dân chủ nhân dân Lào từ 2012 đến 2016 từ đó đề xuất một số giải pháp hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với FDI của thành phố Viêng Chăn - cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. 1.1.3. Khoảng trống cho các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu 1.1.3.1. Những kết quả đã được khẳng định Qua việc hệ thống hóa các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước như trên, tác giả nhận thấy các nghiên cứu về FDI rất phong phú, mỗi đề tài, bài báo, sách
  • 28. 17 chuyên khảo, hội thảo, đề án cấp tỉnh, cấp bộ đã luận giải các vấn đề về FDI và hiệu quả của FDI mang lại cho nước tiếp nhận đầu tư ở những khía cạnh khác nhau, nhưng thống nhất một số các vấn đề sau: + Về mặt lý luận, các công trình đã đưa ra quan niệm chung về đầu tư trực tiếp nước ngoài với tư cách là loại hình đầu tư đặc thù do chủ thể nước ngoài trực tiếp thực hiện; đã luận giải khá rõ về sự cần thiết khách quan của việc thu hút, sử dụng FDI cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam; đã khái quát những hình thức chủ yếu và một số đặc điểm quan trọng của FDI nói chung và đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam nói riêng. + Hiệu quả của FDI được các công trình đánh giá đứng trên hai góc độ chủ đầu tư và góc độ quản lý vĩ mô của nước hoặc địa phương tiếp nhận đầu tư. + Đứng từ góc độ nước tiếp nhận đầu tư, các công trình nghiên cứu đều khẳng định rằng, FDI là một bộ phận kinh tế quan trọng của địa phương, góp phần làm đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, giải quyết việc làm cho người lao động... Song cũng chỉ ra những tác động tiêu cực của FDI đến môi trường, đến đời sống của người dân, đến chuyển giai công nghệ... + Về đánh giá thực tế và giải pháp quản lý của nhà nước liên quan tới FDI có thể khái quát thành 2 giai đoạn. Trong giai đoạn mới mở cửa (1987 – 1995) nền kinh tế Việt Nam nói chung còn thiếu vốn đầu tư trầm trọng, vì vậy lúc đó các công trình nghiên cứu chỉ quan tâm tới số vốn đầu tư gia tăng chứ chưa quan tâm chú trọng đến hiệu quả kinh tế - xã hội của vốn FDI mang lại ra sao. Trong những năm gần đây, đi cùng với việc gia tăng thu hút FDI, các nhà quản lý đã quan tâm và chú trọng đến hiệu quả kinh tế - xã hội do FDI mang lại cho nền kinh tế. + Nhiều công trình đã chỉ ra rằng, để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội FDI cần có cơ chế chính sách phù hợp nhằm tạo lập môi trường, thông thoáng, hấp dẫn, đảm bảo kết hợp lợi ích giữa nhà đầu tư nước ngoài và lợi ích của quốc gia, địa phương tiếp
  • 29. 18 nhận FDI, đồng thời định hướng việc thu hút, sử dụng FDI, kiểm soát, giảm thiểu tác động tiêu cực. 1.1.3.2. Một số vấn đề đặt ra và nhiệm vụ cần giải quyết Nhìn từ vấn đề hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI theo góc độ nước, địa phương tiếp nhận đầu tư, một số công trình đã bước đầu chú ý đến các chỉ tiêu phản ánh tác động hai mặt của FDI tới phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm những tác động tích cực và tác động tiêu cực. Đã có không ít luận giải về nguyên nhân của những tác động tiêu cực của FDI đến phát triển kinh tế - xã hội của nước nhập khẩu FDI. Tuy nhiên các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI của các công trình đưa ra đang có những sự khác nhau mà chưa sự thống nhất. Bởi vì, mục tiêu chủ yếu trong thu hút, sử dụng FDI đối với từng quốc gia, vùng lãnh thổ, địa phương là nhằm đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, thành tựu trong thu hút FDI có thể không đồng nhất với hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI. Bên cạnh các yếu tố gây ra ảnh hưởng tiêu cực của FDI đến phát triển kinh tế - xã hội, còn có rất nhiều nguyên nhân gây khó khăn cho việc phát huy vai trò tích cực của FDI đối với phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề này cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau và chưa thực sự được làm rõ, đòi hỏi phải có nghiên cứu đầy đủ mang tính hệ thống trên cơ sở phân tích các ưu nhược điểm của các chỉ tiêu, phân tích điều kiện thực tế của quốc gia cũng những mỗi địa phương để lựa chọn và xây dựng nên hệ thống chỉ tiêu đánh giá phù hợp. Đây là khoảng trống về lý luận của đề tài luận án. Bên cạnh việc nghiên cứu về FDI và tác động của FDI trên bình diện quốc gia, đã có một số công trình đề cập tới FDI ở phạm vi địa phương cấp tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu đều cố gắng tập trung làm rõ tác động của FDI đến từng mặt riêng biệt của quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, vấn đề làm thế nào để tỉnh Vĩnh Phúc có thể vừa thu hút được nhiều vốn FDI, vừa sử dụng có hiệu quả vốn FDI để nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội FDI vẫn đang là khoảng trống về thực tiễn cần được tiếp tục nghiên cứu và giải quyết. Từ “khoảng trống” của các công trình nghiên cứu liên quan, đề tài luận án hướng tới những nhiệm vụ cơ bản sau:
  • 30. 19 - Thứ nhất, trên cơ sở nghiên cứu khái quát cơ sở lý luận và thực tiễn FDI nói chung và hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI nói riêng. Làm rõ nội hàm, tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI. - Thứ hai, đưa ra quan điểm và lựa chọn một hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Vĩnh Phúc. - Thứ ba, làm rõ thực trạng hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua, chỉ ra hiệu quả đã đạt được, những tồn tại và nguyên nhân. - Thứ tư, trên cơ sở nghiên cứu các nhân tố tác động đến hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài, luận án đề xuất một số giải pháp và kiến nghị chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội FDI tại tỉnh Vĩnh Phúc. 1.2. Quá trình nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu 1.2.1. Quá trình nghiên cứu Luận án tiếp cận các vấn đề nghiên cứu từ góc độ quản lý nhà nước, tác giả đứng vai trò là cán bộ quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh Vĩnh Phúc để phân tích, đánh giá thực trạng hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Từ đó, tác giả đánh giá những tác động tích cực và những tác động tiêu cực của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến nền kinh tế - xã hội của Tỉnh, sau đó đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các nhóm giải pháp của luận án sẽ hướng tới vai trò quản lý nhà nước để nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Quá trình nghiên cứu của NCS được mô tả như hình 1.1. Trong đó: Bước 1: Bắt đầu từ việc nghiên cứu các công trình trong và ngoài nước có liên quan đến hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI, bằng phương pháp phân tích tổng hợp, kết quả đạt được là chỉ ra những nội dung có thể kế thừa và khoảng trống nghiên cứu.
  • 31. 20 Hình 1.1. Quá trình nghiên cứu luận án Bước 2: + Trên cơ sở lý luận cơ bản về hiệu quả, hiệu quả đầu tư, FDI và hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI, NCS đưa ra quan điểm và lựa chọn, xây dựng khung lý thuyết về chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI tại địa phương trên góc độ quản lý vĩ mô của địa phương tiếp nhận vốn đầu tư, từ đó phân tích các nhân tố ảnh hưởng. Nội dung nghiên cứu Kết quả đạt được Phương pháp nghiên cứu Phân tích, tổng hợp Tổng quan nghiên cứu Khoảng trống cần nghiên cứu Phân tích, tổng hợp Cơ sở lý luận & Kinh nghiệm của một số tỉnh - Lựa chọn hệ thống chỉ tiêu đánh giá phù hợp. - Bài học kinh nghiệm cho Vĩnh Phúc. Phân tích, so sánh, điều tra khảo sát Phân tích thực trạng hiệu quả kinh tế - xã hội FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc Những vấn đề tồn tại, hạn chế và nguyên nhân Phân tích, tổng hợp Quan điểm, nội dung và giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc Đề xuất quan điểm, giải pháp và kiên nghị
  • 32. 21 + NCS tìm hiểu kinh nghiệm của một số tỉnh có điều kiện kinh tế tương đồng với tỉnh Vĩnh Phúc để rút ra bài học kinh nghiệm về nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội FDI cho tỉnh Vĩnh Phúc. Bước 3: NCS tìm hiểu, phân tích, đánh giá thực trạng hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc bằng các phương pháp như thống kê, phân tích, điều tra khảo sát bằng bảng hỏi, tổng hợp và so sánh một số tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc với một số tỉnh thành và với chỉ tiêu chung của cả nước để rút ra những thành công, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Bước 4: NCS phân tích bối cảnh, định hướng phát triển, nhu cầu về vốn đầu tư toàn tỉnh cũng như nhu cầu về vốn FDI của tỉnh Vĩnh Phúc; kết hợp với cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn nghiên cứu ở các bước trên, NCS đề xuất các định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Đồng thời, NCS còn đưa ra một số kiến nghị với các cấp các ngành liên quan. 1.2.2. Phương pháp nghiên cứu Luận án được thực hiện trên cơ sở: Phương pháp luận chung duy vật biện chứng và duy vật lịch sử; tiếp cận vấn đề mang tính hệ thống và logic. Đồng thời, kết hợp hài hòa các phương pháp: Tổng hợp và phân tích; chuyên gia và kế thừa khoa học; thống kê và so sánh; điều tra khảo sát, thu thập và xử lý thông tin…, cụ thể: + Phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử được thể hiện và quán triệt trong quá trình nghiên cứu. Theo đó, khi nghiên cứu một vấn đề cần đặt trong mối quan hệ tổng thể nhiều vấn đề, sự tương tác qua lại của nó với vấn đề khác. Khi đánh giá thành công hay hạn chế, cũng như đề xuất các giải pháp phải căn cứ vào thực tế, phù hợp với bối cảnh và điều kiện, thời điểm, địa phương cụ thể… + Phương pháp tổng hợp và phân tích được sử dụng trong quá trình thu thập, xử lý dữ liệu; đặc biệt, trong diễn giải và phân tích chi tiết thực trạng. Việc phát hiện những điểm mấu chốt và đưa ra các đề xuất, giải pháp mới nhằm nâng cao hiệu quả
  • 33. 22 kinh tế xã hội của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng dựa trên kết quả của quá trình phân tích và tổng hợp nêu trên. Việc thu thập tài liệu được tiến hành thông qua khai thác các văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo tổng kết 20, 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, các đề tài khoa học, các bài báo khoa học đăng ở các tạp chí chuyên ngành có liên quan làm cơ sở khoa học cho nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc để so sánh và đưa ra các nhận định thực tế. + Phương pháp chuyên gia và kế thừa khoa học được sử dụng tích cực nhằm tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý về một số vấn đề lý luận và thực tế, tập trung vào ý kiến của các quản lý của doanh nghiệp FDI, chuyên gia kỹ thuật và lãnh đạo chuyên ngành, cũng như nhà quản lý chính quyền các cấp hoạt động trong lĩnh vực có liên quan đến FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Luận án sử dụng một số tài liệu, tư liệu, kết quả nghiên cứu của các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước đã công bố về các vấn đề có liên quan, nhất là quá trình tiếp cận, khái quát hóa cơ sở lý luận về hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI, cung cấp thông tin nền tảng phục vụ triển khai nghiên cứu thực trạng về hiệu quả kinh tế xã hội của FDI… Trên cơ sở đó, tác giả tiến hành tổng hợp, sàng lọc thông tin định tính nhằm tham chiếu với kết quả phân tích thống kê, đề xuất định hướng, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. + Phương pháp thống kê và so sánh chủ yếu được sử dụng trong chương 2 và chương 3 nhằm tập hợp, phân tích các lý thuyết và các số liệu cả thứ cấp và sơ cấp, phục vụ cho việc minh họa, luận giải các vấn đề, những kết quả trong quản lý FDI… Khi thực hiện phương pháp thống kê so sánh tác giả sử dụng hệ thống số liệu theo chuỗi thời gian từ 2011- 2016 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc để so sánh và đưa ra nhận định thực tế. + Phương pháp điều tra, khảo sát thực tế được sử dụng nhằm tham khảo ý kiến của các chuyên gia, cán bộ quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài tại phòng Quản lý đầu tư nước ngoài – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc, các cán bộ thuộc Ban quản lý khu công nghiệp, các cán bộ thuộc Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở
  • 34. 23 Khoa học và Công nghệ, các chủ doanh nghiệp và cán bộ quản lý doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, một số hộ dân sinh sống gần các doanh nghiệp FDI có chịu sự ảnh từ các doanh nghiệp FDI thông qua hai loại phiếu với hệ thống các câu hỏi đóng. Đồng thời kết hợp với các phương pháp thống kê, so sánh, phân tích, quy nạp và tổng hợp để bổ sung và cụ thể hóa các dữ liệu nghiên cứu. + Xây dựng và gửi phiếu điều tra: tác giả đã xây dựng 2 mẫu phiếu điều tra có nội dung cơ bản giống nhau, nhưng phân biệt một số chỉ tiêu, chi tiết phù hợp với đối tượng được khảo sát. Trong đó: - Phiếu khảo sát số 01: khảo sát với các đối tượng là các cán bộ quản lý nhà nước cấp địa phương và các cán bộ quản lý doanh nghiệp FDI như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, các cán bộ thuộc Ban quản lý khu công nghiệp, các chủ doanh nghiệp và cán bộ quản lý doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. - Phiếu khảo sát số 02: khảo sát với các đối tượng là dân cư sinh sống gần các doanh nghiệp FDI có chịu sự ảnh hưởng từ các doanh nghiệp này trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, tập trung chủ yếu vào các huyện, thị có nhiều doanh nghiệp FDI đóng trên địa bàn như thành phố Phúc Yên, thành phố Vĩnh Yên, huyện Bình Xuyên… Nội dung điều tra được phân thành 2 nhóm vấn đề sau: (i) Thông tin về quản lý, điều hành các chính sách pháp luật của nhà nước liên quan tới FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. (ii) Thông tin liên quan đến việc FDI đã đóng góp như thế nào đến hiệu quả kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc. Trong quá trình thực hiện điều tra, tác giả đã cố gắng giảm thiểu những rủi ro sai số bằng cách xây dựng bảng hỏi điều tra một cách kỹ lưỡng dựa trên cơ sở một số tiêu chí của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thực hiện kiểm tra bảng hỏi nhiều lần, phương pháp bài bản, chặt chẽ. Hơn nữa, trong quá trình điều tra, tác giả đã liên hệ nhiều lần qua điện thoại hoặc email với các lãnh đạo ban ngành, các doanh nghiệp để có kết quả điều tra tin cậy và cần thiết. Kết quả điều tra trong bảng sau:
  • 35. 24 Bảng 1.1. Kết quả điều tra STT Tiêu thức Số phiếu phát ra Số phiếu thu về Số phiếu đạt yêu cầu Tỷ lệ đạt yêu cầu/ Tổng số phiếu đạt yêu cầu (%) 1 UBND tỉnh Vĩnh Phúc 35 30 28 18,67 2 Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc 11 11 8 5,33 3 Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc 15 12 12 8,00 4 Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc 25 22 21 14,00 5 Sở tài nguyên và môi trường tỉnh Vĩnh Phúc 14 10 10 6,67 6 Ban quản lý các khu công nghiệp 10 10 10 6,00 7 Doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc 60 50 36 24,67 8 Dân cư sinh sống gần các KCN 50 50 25 16,67 Tổng cộng 220 195 150 100 Trong tổng số phiếu phát ra là 220 phiếu thu về 195 phiếu trong đó có 150 phiếu thu về hợp lệ và đủ thông tin cần thiết, tin cậy phân tích, đánh giá phục vụ trực tiếp cho nội dung luận án. + Xử lý và phân tích số liệu điều tra trên cơ sở các phiếu thu thập thông tin: Tác giả dùng pháp pháp thống kê, lập bảng tổng hợp tính các chỉ số trên phần mềm Excel để xử lý số liệu.
  • 36. 25 Kết luận chương 1 Đã có rất nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước về đầu tư trực tiếp nước ngoài và hiệu quả kinh tế xã hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong chương 1 của luận án đã hệ thống được những vấn đề cơ bản về hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI và quản lý nhà nước đối với FDI của một số công trình nghiên cứu. Những kết quả nghiên cứu này là cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để xây dựng khung lý thuyết nghiên cứu về hiệu quả kinh tế - xã hội FDI và giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI. Trên cơ sở đánh giá kết quả của những nghiên cứu trước và những khoảng trống còn chưa có đề tài nào giải quyết, luận án xác định được mục tiêu và nhiện vụ nghiên cứu phù hợp để trả lời các câu hỏi đặt ra cho việc nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc như: - Nghiên cứu khái quát cơ sở lý luận và thực tiễn về FDI và hiệu quả kinh tế xã hội của FDI. Làm rõ nội hàm, tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI. - Lựa chọn một hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư trực tiếp nước ngoài phù hợp với điều kiện thực tế của Việt nam nói chung và các địa phương nói riêng. - Làm rõ thực trạng hiệu quả kinh tế - xã hội của FDI trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ ra hiệu quả đã đạt được, những tồn tại và nguyên nhân. - Đề xuất một số giải pháp và kiến nghị chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội FDI tại tỉnh Vĩnh Phúc. Để giải quyết được các nhiệm vụ trên, luận án đã thiết lập quá trình nghiên cứu, cách tiếp cận và lựa chọn phương pháp nghiên cứu đề tài là các phương pháp truyền thống được sử dụng trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học kinh tế, xã hội.
  • 37. 26 CHƯƠNG 2 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TRẠNG HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI 2.1. Cơ sở lý luận hiệu quả kinh tế - xã hội đầu tư trực tiếp nước ngoài 2.1.1. Đầu tư trực tiếp nước ngoài 2.1.1.1. Khái niệm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) Tổ chức thương mại thế giới (World Trade Organization – WTO) đã đưa ra định nghĩa như sau: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài diễn ra khi một nhà đầu tư từ một nước (nước chủ đầu tư) có được một tài sản ở một nước khác (nước tiếp nhận đầu tư) cùng với quyền quản lý tài sản đó”. Phương diện quản lý là thứ để phân biệt FDI với các hình thức đầu tư khác. Trong phần lớn các trường hợp, nhà đầu tư và tài sản họ quản lý ở nước ngoài là các cơ sở kinh doanh. Trong trường hợp này, nhà đầu tư thường được gọi là “công ty mẹ” và các tài sản được gọi là “công ty con” hay “chi nhánh công ty”. Ủy ban thương mại và phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) trong Báo cáo đầu tư thế giới năm 1999 cũng đưa ra định nghĩa “Đầu tư trực tiếp nước ngoài là hoạt động đầu tư bao gồm mối quan hệ dài hạn, phản ánh lợi ích và quyền kiểm soát lâu dài của một thực thể thường trú ở một nền kinh tế (nhà đầu tư nước ngoài hoặc công ty mẹ nước ngoài) đối với một doanh nghiệp thường trú ở một nền kinh tế khác với nền kinh tế của nhà đầu tư nước ngoài”. [89] Trong báo cáo cán cân thanh toán quốc tế hàng năm của Quỹ tiền tệ quốc tế (International Monetary Fund - IMF) đã đưa ra định nghĩa về FDI như sau: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài là đầu tư có lợi ích lâu dài của một doanh nghiệp tại một nước khác (nước nhận đầu tư), không phải tại nước mà doanh nghiệp đang hoạt động (nước đi đầu tư) với mục đích quản lý có hiệu quả doanh nghiệp”.[81] Một số nhà kinh tế Trung Quốc coi FDI là sự sở hữu tư bản tại nước tiếp nhận đầu tư bằng cách mua hoặc kiểm soát một thực thể kinh tế của nước đó. Khoản đầu tư này phải đạt tỷ lệ cổ phần đủ lớn đề tạo ảnh hưởng quyết định, chi phối đối với thực
  • 38. 27 thể kinh tế đó. Như vậy, Trung Quốc đã chú trọng tới tỷ lệ vốn đầu tư phải đủ lớn để nắm giữ quyền chi phối, kiểm soát doanh nghiệp. [84] Theo Luật đầu tư được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ban hành số 59/2005/QH 11 quy định: “Đầu tư trực tiếp nước ngoài là việc nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền hoặc bất kỳ một tài sản nào để tiến hành các hoạt động đầu tư và có tham gia quản lý hoạt động kinh doanh” [54]. Như vậy khái niệm về đầu tư trực tiếp đã được rút gọn lại so với Luật đầu tư năm 1987. Theo Luật đầu tư được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ban hành số 67/2014/QH13 có hiệu lực thi hành vào ngày 01/07/2015 quy định: “Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thống qua việc thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế, đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông” [56] Như vậy, trong Luật đầu tư 2014 không phân biệt rõ ràng giữa đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp mà gọi chung là đầu tư kinh doanh. Theo Luật Đầu tư 2005 tất cả các dự án có vốn nước ngoài không xác định tỷ lệ của nhà đầu tư nước của doanh nghiệp vẫn phải cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Nay theo Luật Đầu tư 2014 quy định đối với các dự án nhà đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài góp vốn 51 % vốn điều lệ mới phải xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án của nhà đầu tư nước ngoài. Đây thực sự là một bước mở nhằm góp phần thu hút, khuyến khích đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư tại Việt Nam. Theo giáo trình Quản trị Đầu tư quốc tế của PGS.TS Phan Duy Minh (2011) đưa ra khái niệm về đầu tư quốc tế trực tiếp như sau: “Đầu tư quốc tế trực tiếp đó là việc nhà đầu tư đưa tiền và các nguồn lực cần thiết từ một quốc gia sang quốc gia khác và chuyển hóa chúng thành vốn để tổ chức hoạt động kinh doanh nhằm mục đích thu lời tối đa. Trong đầu tư quốc tế trực tiếp nhà đầu tư trực tiếp tham gia vào việc tổ chức điều hành, quản lý và sử dụng vốn đầu tư. Nói chung, các hoạt động đầu tư này chủ
  • 39. 28 yếu được diễn ra trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, bao gồm cả sản xuất, thương mại và dịch vụ”. [40] Tóm lại, bản chất của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là sự di chuyển một khối lượng nguồn vốn kinh doanh dài hạn giữa các quốc gia, đi kèm với đầu tư vốn là đầu tư công nghệ và tri thức kinh doanh, gắn liền với quyền điều hành và quản lý doanh nghiệp của chủ đầu tư nhằm thu lợi nhuận. Chủ đầu tư nước ngoài phải đóng góp toàn bộ hoặc một phần vốn đủ lớn tùy theo quy định của luật pháp từng nước nhằm giành quyền kiểm soát và điều hành doanh nghiệp. 2.1.1.2. Đặc điểm của đầu tư trực tiếp nước ngoài Một là, FDI là hình thức mà các nhà ĐTNN tự bỏ vốn ra kinh doanh, trực tiếp điều hành sản xuất kinh doanh, làm ăn lâu dài ở nước sở tại, hoàn toàn tự chịu trách nhiệm về kết quả đầu tư. Nước tiếp nhận FDI ít phải chịu những điều kiện ràng buộc kèm theo của người cung ứng vốn như tiếp nhận ODA (Official Development Assistance - hỗ trợ phát triển chính thức), kể cả kèm theo những điều kiện về chính trị có ảnh hưởng đến công việc nội bộ, chủ quyền của nước đi vay. Còn vay thương mại thì lãi suất thường cao, chính phủ và các doanh nghiệp của nước đi vay thường không chịu đựng nổi, khó có khả năng trả nợ. FDI là hình thức được các nước đang phát triển rất quan tâm và sử dụng vì nó giúp họ khai thác được tối đa nguồn lực của đất nước về tài nguyên, con người… Hai là, theo hình thức FDI, vốn của nhà ĐTNN nằm trực tiếp trong nhà xưởng, thiết bị trên đất nước tiếp nhận đầu tư. Trong trường hợp vì một lý do nào đó chẳng hạn như khủng hoảng tài chính - tiền tệ, nhà đầu tư phải chuyển đổi nó thành tiền bằng cách bán hoặc thanh lý nhà máy mới thu hồi vốn và chuyển về nước được. Ba là, các nước đang phát triển có đặc điểm là trình độ khoa học, công nghệ thấp. Để rút ngắn khoảng cách và đuổi kịp các nước công nghiệp phát triển các nước này cần nhanh chóng tiếp cận với các kỹ thuật mới, phương thức quản lý tiên tiến của các nước phát triển. Chính vì vậy, FDI có tác động mạnh đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước tiếp nhận đầu tư, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu vùng lãnh thổ, cơ cấu các thành phần kinh tế, cơ cấu đầu tư, cơ cấu công nghệ…
  • 40. 29 Bốn là, chủ thể chủ yếu của hoạt động FDI trên thế giới hiện nay là các Công ty xuyên quốc gia và Công ty đa quốc gia với mạng lưới toàn cầu. Thông qua tiếp nhận đầu tư của các Công ty xuyên quốc gia và Công ty đa quốc gia, nước tiếp nhận FDI có điều kiện thuận lợi để tiếp cận và thâm nhập thị trường quốc tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, làm quen với tập quán thương mại quốc tế, thích nghi nhanh với những thay đổi trên thị trường thế giới… 2.1.1.3. Vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với nước tiếp nhận đầu tư Thứ nhất, FDI là nguồn vốn quan trọng giúp cho các nước phát triển khắc phục tình trạng thiếu vốn kéo dài. Ở các nước đang phát triển, xuất hiện một vòng luẩn quẩn, thu nhập thấp dẫn đến tiết kiệm và đầu tư thấp, tiết kiệm và đầu tư thấp sẽ cản trở quá trình phát triển của vốn và làm cho tích tụ vốn thấp, không đủ vốn cho đầu tư sẽ làm cho năng lực sản xuất của quốc gia đó giảm, năng lực sản xuất giảm dẫn đến thu nhập thấp và lại quay trở về chu kỳ ban đầu. FDI giải quyết được mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển to lớn với nguồn lực tài chính khan hiếm, phá vỡ vòng luẩn quẩn nói trên, tăng vốn cho đầu tư, huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế, tạo ra sự tăng trưởng kinh tế dẫn đến thu nhập tăng. Thứ hai, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn có vai trò tích cực góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đất nước theo hướng công nghiệp hóa, bước đầu thông qua thay đổi cơ cấu kinh tế ngành, chuyển đổi từ ngành sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp và sau cùng là sang ngành sản xuất dịch vụ, hoặc thay đổi cơ cấu bên trong của ngành sản xuất có năng suất thấp và công nghệ lạc hậu sang sản xuất có năng suất cao và công nghệ hiện đại hơn. Thứ ba, FDI tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong nền kinh tế nước chủ nhà. Khái niệm “tác động lan tỏa” cũng được gọi là tác động tràn hay hiệu ứng lan tỏa. Tác động “tràn” của FDI có thể hiểu là tác động mang tính gián tiếp xuất hiện khi sự có mặt của doanh nghiệp FDI mang lại tác động đến nền kinh tế của nước sở tại nói chung và làm cho doanh nghiệp trong nước nói riêng thay đổi hành vi của mình như thay đổi công nghệ, thay đổi chiến lược kinh doanh. Tác động tràn có thể được coi là kết quả hoạt động của các doanh nghiệp FDI diễn ra đồng thời với quá trình điều chỉnh hành vi của