SlideShare a Scribd company logo
TỪ NÔNG THÔN ĐẾN TRIỆU ĐÔ
Lê Anh Tuấn
10.10.2023
Tập 2
TỪ NÔNG THÔN ĐẾN TRIỆU ĐÔ 1
CHƯƠNG 1: MỞ ĐẦU 4
MỤC LỤC 6
Mối duyên kì lạ với 2 người anh tên Nam 9
FPT Software: “Đếch biết gì cũng tiến” 12
Con đường đi tới trăm triệu đô 13
Những phẩm chất của "Người Lãnh đạo cấp 5" 23
Những công ty từ zero đến rất to 27
Routine - cuộc chơi thời trang cần bền bỉ và đi vào chiều sâu 27
KIOTVIET - Think Big - Start Small 28
Wolfoo - Amanotes: Từ nông thôn đến Disney 31
CHƯƠNG 2: ĐI QUA TÂM BÃO 33
Gumac - Thương hiệu Việt đứng trước ngã rẽ định mệnh 33
Thương hiệu thời trang Việt trước phong ba 35
Suy thoái thì phải làm gì? 37
CHƯƠNG 3: CƠN SÓNG THẦN TIKTOK , SHORT VIDEO VÀ SHOPPERTAINMENT 40
Góc nhìn khởi nghiệp TMĐT từ anh Nguyễn Ngọc Điệp - CEO Vatgia 42
Video ngắn là xu hướng không thể đảo ngược 45
Shoppertainment (mua sắm giải trí) thay đổi hành vi mua sắm 48
TikTok - Đừng gọi anh là Idol 49
DC Group - Khi cuộc chơi mới được dẫn dắt bởi những cá tính không biết sợ 50
Bắc DC, Nam Tikplus 52
Vibula- Làm điều Như Ý sẽ đến ngày Quang Vinh 54
Polomanor và chuyện chưa kể về Ông chú Polo 56
Social Commerce lên ngôi 66
Đến nông dân cũng livestream bán hàng 70
Chiến thần Livestream. Nữ hoàng phòng Live 71
Social Selling 74
Dương Trọng Nghĩa - từ đòi nợ đến Founder 75
Đào tạo trên mây và khai vấn cộng đồng 80
Kiếm tiền bằng bán chuyên môn của chính mình 83
CHƯƠNG 4: BÁN CHUYÊN MÔN GIÁ CAO và HUẤN LUYỆN VIÊN SỐ 88
Minh Khôi- Từ BĐS dòng tiền tới bí mật học viện số 89
Mai Xuân Đạt - từ chuyên gia Marketing, OKR thành Coach doanh nghiệp triệu $ 91
Mô hình huấn luyện giá cao 96
Học viện số: Con đường Xây dựng sản phẩm ít tốn kém 99
4 Mô Hình huấn luyện tốt nhất năm 2023 100
CHƯƠNG 5: D2C Ecommerce (direct to customer) 107
Sokfarm- từ xứ dừa vượt biển đến xứ Cờ hoa 109
D2C thời trang, cuộc chơi của Local brand 112
D2C trong kinh doanh Thực phẩm/ F&B online 115
Mô hình bếp tự động Expand 118
F&B. Smart restaurant - quản trị một nhà hàng bằng Công nghệ và Dữ liệu 121
Lão concept và cuộc phiêu lưu trong ngành F&B. 128
Ngành Dược phẩm/ Thực phẩm chức năng - cuộc chơi lớn giờ mới chỉ bắt đầu 131
4 giai đoạn vàng của ngành Dược phẩm/ TPCN 131
CVI - mô hình kinh doanh kết hợp 3 nhà kiểu mẫu 132
Cuộc chơi lớn cần những cái đầu sành sỏi về Chính sách, Pháp Lý 137
TPCN Việt Nam trong cuộc chơi toàn cầu 139
CHƯƠNG 6: GO GLOBAL - Hành trình từ nông thôn ra biển lớn 144
Tại sao Global lại ngon? 145
Dropshipping - đưa hàng hóa từ Trung Quốc/ Việt Nam đi khắp thế giới 147
Xây Brand - cuộc chơi tỉ đô 151
Chiến lược đàn cá con 155
ETSY - cuộc chơi của Đàn cá con 156
Thế giới phẳng 160
Tư duy và chiến lược nghiên cứu chọn Sản phẩm trong Global Ecommerce 161
Nên bắt đầu từ đâu, với số vốn bao nhiêu là vừa ? 163
POD (print on demand) - từ nông thôn đến Nasdaq 164
2021 và bây giờ mới kể. 167
Làm ăn với Mỹ và Trung Quốc 177
Cơn sóng TikTok đang thổi sức cho Cross Border 179
Cross-border ĐNA, chuyện không mới nhưng chưa bao giờ hết hot 182
Amazon, cánh cửa lớn nhất đã mở 185
Biển càng lớn thì càng nhiều cơn sóng dữ 187
2023-2025: Kinh doanh Việt Nam hay global 188
CHƯƠNG 7: CUỘC CHƠI HỆ SINH THÁI 190
Tân Bình - Tân Phú - Bình Tân 190
Hội Bình Lợi, Beecom và Nguyễn Thành Phi 192
Cuộc chơi hệ sinh thái ngách 204
Phần mềm và sản phẩm số 205
Hoàng Minh Quân - từ Gamer thành Entrepreneur 207
CHƯƠNG 8: CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ CÂU CHUYỆN CÁ CHÉP VƯỢT VŨ MÔN 217
Chuyển đổi số là câu chuyện nhức nhối với ngay cả những tổ chức lớn 217
Số hoá vận hành chuỗi bán lẻ hoặc công ty Ecommerce quy mô dưới 500 tỉ 223
Con người- quy trình- công cụ trong Vận hành 224
Những bài học trong chuyển đổi số của chuỗi bán lẻ thời trang 226
American Dream chắp cánh bởi sức mạnh Con người - Quy trình - Công cụ 253
Quản lí, gia tăng trải nghiệm Khách hàng đa kênh ở chuỗi bán lẻ 259
Cả thanh xuân xây dựng phần mềm Quản lí khách hàng trung thành và Zalo app 261
Thế khó của các startup SaaS Việt Nam (không chỉ là CNV Loyalty) 262
Cuộc chơi lớn Mini app 263
SAAS - hay SÁT 267
Đinh Thái Hà và cuộc chinh phục thị trường CSKH qua tin nhắn / thoại 268
SAAS - SALE SALE SALE 273
Xây Hệ thống Công nghệ dành cho con nhà nghèo mảng Giáo dục 274
Chuyển đổi số lấy con người làm trung tâm - case study từ GearVN 279
CHƯƠNG 9: TỪ TRIỆU ĐÔ TỚI FOMO 284
Tiền của Khách hàng không biết đi đâu cả rồi? 288
FOCUS, hay FOMO!!! 292
NHỮNG CÔNG TY SỐNG ỔN 293
Những Công ty sống ổn 294
Khởi nghiệp là hành trình 10 năm 295
Những cái bẫy Tăng trưởng, Mở rộng không tính toán rồi trả giá 298
CHƯƠNG 10: THUYỀN TO SÓNG LỚN 300
Học được gì từ hành trình tỉ đô của FPT software 300
Bài học về việc tổ chức bộ máy và trao quyền 300
Văn hoá và Lý tưởng 302
Học từ các Tập đoàn Đa quốc gia (Corp) 308
ĐỊNH GIÁ VÀ M&A. 311
Gọi vốn và Huy động sức mạnh cộng đồng để chơi game lớn 314
Dự đoán và ứng phó trong khủng hoảng (2022 - 2024) 315
Bài học ứng phó khủng hoảng từ Thế giới di động 315
2023- ván cờ cần thay đổi cách chơi 319
Tâm thế người Founder trước cơn bão lớn 322
LỜI KẾT 325
PHỤ LỤC 325
CHƯƠNG 1: MỞ ĐẦU
Tập 1 “Từ nông thôn đến triệu đô” là mối duyên lành với mình. Hơn 10,000 bản ebook và sách đã
được phát hành. Rất nhiều người đã nhắn tin cảm ơn và hỏi mình sâu hơn về các mô hình mới.
Nhiều đàn anh còn hẹn gặp để nhờ mình tư vấn và kết nối cho các anh tài trong làng TMĐT. Có
một chú 60 tuổi mua sách chỉ để đưa cho cậu con trai 20 tuổi vẫn còn mê game với hi vọng
thằng nhỏ có thêm động lực. Rồi rất nhiều bạn sinh viên, lao động, nông dân đã thức tỉnh ước mơ.
Mình nghĩ thành công của cuốn sách là khi nó sống được trong cộng đồng chứ không phải là số
lượng bán ra.
Vì thế mình bắt tay vào viết ngay tập 2 và còn đặt ra tham vọng mỗi năm 1 tập, cho đến tận 20
năm nữa. Điều đó khả thi mà vì kinh tế liên tục phát triển, những mô hình mới những cách thức
mới cứ thế sản sinh và các bài học kể mãi còn không hết. Hơn nữa mình là người làm kinh doanh,
mình cũng muốn có được 1 series để đời và tạo dựng tên tuổi lắm chứ.
Nhưng thực sự tập 2 mình viết rất chậm vì mấy lí do:
- Thứ nhất là 2 đợt Covid + khủng hoảng kinh tế + đóng băng BĐS làm cho mọi thứ trở nên chao
đảo. Nhiều cái mình từng dự đoán hoặc tin tưởng không còn đúng nữa. Nên chính mình cũng
hoang mang là sẽ viết cái gì đây?
- Thứ hai là những mô hình mới cần thời gian để kiểm chứng trước khi đưa vào sách. Chẳng hạn
mình từng nghĩ TikTok rất quan trọng, nhưng rồi nhận ra là cũng có nhiều điểm yếu, các idol
TikTok cũng bấp bênh lắm chứ không hẳn ngon ăn như đứng ngoài đoán.
- Thứ ba là định hướng để viết tập 2 cần khác với tập 1 vì không thể đi mãi một lối mòn. Mình cứ
trăn trở mãi viết thế nào cho hay. Mình không muốn viết những thứ hời hợt, nông cạn vì kiến thức
mà truyền tải lệch lạc sẽ gây họa cho người đọc. Nên cứ lần lữa mãi chưa xong.
Thế rồi tháng 6.2023, mình tham gia buổi họp mặt kết hợp chia sẻ từ anh Nguyễn Thành Nam -
Cựu CEO FPT về lịch sử đi lên từ 0 tới x tỉ đô của FPT Software. Anh Nam nhấn mạnh rằng các
bài học lịch sử trong các công ty cần ghi chép lại để các thế hệ lãnh đạo đi sau có cái mà tra cứu.
Vì thế mấy năm qua, anh Nam đã chủ biên 2 cuốn sách được giới Doanh nhân đón nhận nhiệt liệt
là “FPT Bí lục" và “Đếch biết gì cũng tiến", lấy câu chuyện chính về FPT để phân tích những mô
hình quản trị hiệu quả ở VN. Cái hay là anh Nam luôn kết hợp được những triết lí kinh doanh thâm
sâu với những đặc thù của văn hóa dân tộc, đặt trong bối cảnh thời vận.
Vô tình cuốn "Từ nông thôn đến triệu đô" cũng đi theo kiểu kể chuyện sử và có nhiều tư tưởng
tương đồng. Mình tự tin hơn hẳn. Có những người đi trước như anh Nam soi đường và thúc giục
thì mình phải chạy thật nhanh cho kịp với thời cuộc.
Mình quyết định rằng tập 2 sẽ tập trung vào câu chuyện và bài học, các nhân vật là minh chứng.
Như thế cuốn sách mới có giá trị lâu dài. Mình chắc chắn là anh em sẽ thích kể chuyện kiểu này.
Vừa gần gũi, vừa sống động, vừa có chiều sâu quản trị, vừa đắc nhân tâm. Chúng ta cần hiểu bản
chất của từng xu hướng, từng mô hình, từng cách thức để ngẫm lại bản thân, tìm hướng đi cho
tương lai. Mình sẽ tạo ra một tấm bản đồ để anh em chọn lựa rồi quyết định. Đó là vai trò mình tự
tin làm tốt nhất ở thời điểm này.
Tập 2 sẽ là sự pha trộn về tư tưởng giữa 3 cuốn sách:
- "Đông Âu anh hùng truyện": viết về các sói già Đông Âu thống trị kinh tế Việt Nam, giải mã căn
nguyên thành bại của họ. Tác giả, anh Hoài Nam là pho tàng về kinh tế chính trị và có khả năng
kể chuyện như kiếm hiệp nên dù sách bán giá mấy triệu mỗi cuốn vẫn đắt như tôm tươi.
- "Đếch biết gì cũng tiến": Ngồn ngộn các sự kiện, nhân vật, bài học và triết lí, mọi câu chuyện
trong sách đều có bối cảnh và diễn tiến để suy ngẫm. “Đếch biết gì cũng tiến" rất đúng với tinh
thần của SME/ Startup - những người ít nguồn lực ít mối quan hệ nhưng vẫn dũng cảm khai phá
thế giới TMĐT/ MMO và đạt nhiều thành tựu đáng giá. Tác giả, anh Thành Nam cho rằng người
Việt có năng lực sáng tạo những thứ chưa từng có lời giải, vì thế các doanh nghiệp Việt luôn đi rất
nhanh trong các mô hình mới và vận dụng tài tình nguồn lực hữu hạn để tạo nên thành công.
Mình hoàn toàn đồng ý với nhận định đó vì suốt mấy năm qua, khi tiếp xúc với hàng ngàn anh em
SME VN, mình thấy được những bài học vô cùng giá trị, thậm chí là hiếm thấy trên thế giới. Vì thế
mình rất nỗ lực ghi chép, đúc kết lại để lan tỏa những góc nhìn thực tế, đa chiều và tích cực kết
nối các anh em vào những hoạt động chất lượng. Những bài học và cảm hứng từ anh Nam đã
thúc đẩy mình phải viết cho xong tập 2 này. Kể cả Đếch biết gì cũng viết.
- Thế giới phẳng (Thomas Friedman): 2005, vào thời điểm thất vọng nhất của cuộc đời, mình đã
đọc cuốn sách này. Tư tưởng đi trước thời đại và những câu chuyện vĩ đại trong đó đã hun đúc
tinh thần kinh doanh trong mình. Thế là mình từ một đứa học Kỹ thuật đã quyết định dấn thân vào
con đường kiếm tiền dựa vào những nguồn lực của Internet/ Số hoá, đúng như tinh thần của "Thế
giới phẳng".
Tập 2 có điều gì khác biệt so với tập 1?
- Đầu tiên mình sẽ giảm bớt việc đi sâu vào một cá nhân (Hero). Lí do đơn giản vì cá nhân có thể
thay đổi về tư tưởng, lối sống, cách làm ăn. Tôn vinh cá nhân quá thì dễ khiến các bạn trẻ từ thần
tượng đến thất vọng trong phút chốc. Cá nhân vẫn quan trọng nhưng nên là một mảnh ghép của
thời cuộc, đặt trong các mô hình kinh doanh thì hợp lý hơn. Mình sẽ đúc kết bài học nhiều hơn và
diễn giải bằng sơ đồ, biểu mẫu để anh em tham khảo, trong đó cá nhân là minh chứng sống.
- Tiếp theo mình sẽ viết về cả thất bại, vì học từ thất bại luôn luôn giá trị. Nhất là mấy năm qua
nhiều bạn đã rớt xuống vực vì sự non nớt ngây ngô trước biến động khó lường của thời cuộc và
chủ quan vì chưa trải qua những thất bại. Ta thấy nhiều tấm gương thành công, nhưng có mấy ai
học theo được, còn thất bại thì luôn chứa đựng rất nhiều bài học.
- Thứ ba, mình sẽ nói nhiều hơn về các mô hình của tương lai để anh em có định hướng mà
chuẩn bị. AI (trí tuệ nhân tạo), Livestream, Cross border Ecommerce, Global business chắc chắn là
những mảnh đất bùng nổ trong vài năm nữa, rất nhiều người tiên phong đã kiếm được bộn rồi.
Vậy anh em có muốn đón sóng hay là đành chậm chân lần nữa?
- Thứ tư, mình sẽ nói về các mô hình kinh doanh dựa vào nguồn lực cá nhân hoặc địa phương,
tạm gọi là Solopreneur. Lý do? Mình tin là với sự bùng nổ của hạ tầng giao thông và Social
network thì sống ở đâu mà kiếm tiền được đều tốt cả, chứ không nhất thiết phải vật lộn thành
phố. Thực tế làn sóng về quê của U30, U40 đã diễn ra khá mạnh rồi, nhưng không phải về để ở
ẩn mà họ vẫn hội nhập sâu rộng vào các lĩnh vực kinh doanh và sáng tạo nên nhiều mô hình đặc
biệt hiệu quả. Thậm chí nhiều bạn ngồi ở vườn nhà bán hàng trên Amazon kiếm đô la không hề là
lạ. Khi các mô hình ở địa phương phát triển thì nguồn nhân lực thành phố sẽ chuyển dịch về, gián
tiếp giảm áp lực đô thị và thúc đẩy sự phát triển các vùng quê. Đó là điều tuyệt vời đáng để chờ
đợi trong vài năm tới.
- Thứ năm, mình sẽ kể nhiều hơn về những bài học từ tập đoàn lớn như FPT, Thegioididong,
PNJ...thực tế các anh em phất lên nhanh sẽ sớm gặp phải những bài toán khó giải vì đụng trần
năng lực và sa ngã vào những chiếc bẫy fomo. Lúc đó ta cần học từ tập đoàn vì họ đã trải qua
nhiều giai đoạn thăng trầm, tích luỹ quá nhiều bài học rồi. Mình sẽ trích dẫn nhiều nhất từ FPT
Software vì được anh Nam trực tiếp diễn giải rất nhiều bài học sâu sắc.
- Cuối cùng mình sẽ nói về các tư tưởng kinh doanh mà SME cần coi trọng: profit first, tinh gọn,
global, địa phương...Sau nhiều năm kinh doanh có vẻ dễ dàng và lướt sóng khá êm thì hầu như ai
cũng đối mặt với vô vàn thử thách khi kinh tế lâm vào khủng hoảng. Lúc này cần quay lại triết lí cơ
bản của kinh doanh: tạo giá trị - sinh lợi nhuận - nhân bản. Mọi thứ sẽ đỡ mông lung hơn khi gắn
với mục tiêu cụ thể liên quan tới giá trị.
“Từ nông thôn đến triệu đô” quả là một hành trình dài và đầy thách thức. Nếu trước đây con
đường đó mất chục năm thì bây giờ chỉ vài năm. Những người trong tập 1 và tập 2 đáng tuyên
dương không phải vì số tiền họ kiếm được, mà vì họ đã tiên phong khai phá và truyền bá cách
thức kinh doanh mới mẻ hiệu quả cho hàng triệu người vươn lên. Tất nhiên câu chuyện nào cũng
có rất nhiều mảng xám, nốt trầm và sa ngã. Chúng ta hãy học tinh thần và hướng đi của người đi
trước, còn lại con đường vẫn do bàn chân mình vạch ra.
MỤC LỤC
Chương 1: Mở đầu
Mình sẽ kể về những cảm hứng cho tập 2 này: chuyện về 2 người anh tên Nam, chuyện về hành
trình từ zero lên tỉ đô của FPT Software, chuyện về những startup trăm triệu đô. Chúng ta sẽ thấy
rằng hành trình đi lên đỉnh đòi hỏi sự chuẩn bị công phu và trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm,
chứ không hề có lối tắt.
Chương 2: Đi qua tâm bão
Tập 1 ra đời ngay trước khi dịch, lúc đó mọi thứ còn rất màu hồng. Trải qua 2 đợt dịch nhiều doanh
nghiệp từ đỉnh cao đâm thẳng xuống vực sâu. Nhiều Founder không còn giữ được sự tập trung
mà lan man quá nhiều hướng. Tuy vậy vẫn còn nhiều anh em trong tập 1 mạnh mẽ vượt tâm bão
và từng bước thiết lập được những nền móng vững chắc cho tăng trưởng:
- Coolmate gọi vốn được nhiều vòng và đang là startup thời trang online được định giá cao nhất
Việt Nam.
- Gumac tinh gọn lại và bắt đầu hiệu quả.
- Mieu vẫn duy trì tỉ suất lợi nhuận cao nhất ngành.
- Vaithuhay bắt đầu bán vài nghìn sản phẩm ra toàn cầu mỗi tháng.
- Velacorp thì xây hẳn một building mới và tham vọng IPO trong thời gian ngắn
Dịch bệnh và khủng hoảng phơi bày những điểm yếu của startup, nhưng cách họ đối mặt và vượt
qua từng nút thắt mang đến rất nhiều bài học. Mình sẽ vẽ lại một thời kì đáng nhớ vừa trôi qua và
chia sẻ nhiều keywords để ngẫm nghĩ cho giai đoạn tới. Cá nhân mình đánh giá đây là phần lắng
đọng nhất trong tập 2
Chương 3. Cơn sóng thần TikTok, Short video, Shoppertainment
Chắc chắn TikTok là làn sóng đáng chú ý nhất 2 năm qua và có thể nhiều năm nữa. TikTok sẽ sinh
ra rất nhiều triệu phú sinh năm 2000, vậy các anh em 8x 9x có cảm thấy mình bắt buộc phải hồi
teen chưa?
May mắn là mình chơi với các anh em làm TikTok thời đầu: TikPlus, DC Group, TikPage, TikSell,
Vibula…. chứng kiến họ từ Zero lên tỉ view (và trăm tỉ đồng), nên thấy được cả hai mặt tối và sáng.
Mình cũng liên tưởng đến Facebook thời 201x, thuở hồng hoang đó đã tạo ra hàng vạn triệu phú
9x. Có rất nhiều bài học quan trọng để anh em không bỏ lỡ cơn sóng 10 năm tới này.
Sự bùng nổ của Tiktok và Shoppertainment cũng kéo theo các mô hình đại lý, CTV, Dropship,
Affiliate lên ngôi, cộng hưởng bởi sự tiến hóa của thanh toán trực tuyến và hạ tầng giao nhận. Các
Boss mỹ phẩm/ Thực phẩm chức năng (TPCN) tuyển dụng đào tạo ra hàng ngàn người cùng bán
cùng chia sẻ lợi ích, đẩy một công ty từ 0 lên vài trăm tỉ chỉ một vài năm. Rất nhiều Idol, KOC,
KOL,... có khả năng đẩy sale/marketing bằng cả một công ty cỡ vừa. Từ bán sản phẩm còn mở ra
bán tri thức rồi đầu tư tài chính, tạo thành cả hệ sinh thái đáng mơ ước. Mình cho rằng các mô
hình kinh doanh tinh gọn, bùng nổ dựa vào các nền tảng Video/ Social sẽ tạo ra thời kì thịnh
vượng tiếp theo cho các bạn Kinh doanh online
Tiktok/ Social commerce cũng khiến cho rất nhiều người kinh doanh nông sản tìm thấy đường ra
và trở thành những ngôi sao sáng: Sokfarm, Hector, Laha coffee, Foodmap....Nông thôn nghèo,
buồn, hay lạc hậu là chuyện của 10 năm trước. Mình tin chắc 10 năm tiếp theo sẽ có rất nhiều
triệu phú $ ở nông thôn (à mà thật ra giờ về quê mua đất cũng cần tiền tỉ rồi).
Chương 4. Bán chuyên môn giá cao và huấn luyện viên số
Có bao giờ bạn nghĩ một cá nhân có thể tự làm sản phẩm online (hoặc bán sản phẩm có sẵn)
cũng kiếm được vài trăm triệu/ tháng dù không sở hữu năng lực đặc biệt? Có bao giờ bạn nghĩ
rằng mình có thể tạo ra những khóa học, cuốn sách bằng kiến thức chuyên môn sẵn có rồi bán
được cho cả cõi mạng. Có bao giờ bạn nghĩ một khóa huấn luyện có giá vài tỉ? Rất nhiều người đã
đi theo con đường Business Coach/ Life coach, vừa đạt được thành công tài chính, vừa giúp được
nhiều người cùng phát triển. Bí mật thành công của họ là gì ? Những cái tên suốt ngày nổi bật
trên facebook, youtube rốt cuộc họ đang làm gì ? Chúng ta cùng điểm qua những gương mặt tiêu
biểu từ thấp đến cao
Chương 5. Direct to consumer và Social Commerce
Có bao giờ bạn nghĩ một cá nhân có thể tự làm sản phẩm online (hoặc bán sản phẩm có sẵn)
cũng kiếm được vài trăm triệu/ tháng dù không sở hữu năng lực đặc biệt? Ta đã nghe quá nhiều
về những cái tên đi lên từ Livestream như Hà Linh, Dương Minh Hải, Phạm Thoại…. Ta cũng nghe
đến những công ty sản xuất rồi bán trực tiếp cho người tiêu dùng trên khắp các nền tảng như
Polomanor, Coolmate…..Họ đã làm thế nào?
Chương 6. Go Global - hành trình từ nông thôn ra biển lớn
Viết về những anh em ngồi Việt Nam kiếm tiền trên khắp thế giới (Global Ecommerce/ MMO). Đây
là nhóm kiếm tiền nhiều nhất trong khủng hoảng. Khi mà cả Việt Nam đang lockdown (thế giới
cũng thế) thì nhóm này ngồi nhà vít ads chốt đơn, bán từ cái khẩu trang, áo thun đến đồ tưởng
niệm. Số tiền kiếm nhiều khủng khiếp, có những bạn theo cái đà đó mà xây nhà máy, sản xuất
sản phẩm bán toàn cầu. Có những công ty vài năm đã từ 0 lên tới chục triệu đô mỗi tháng. Nhưng
họ rất kín tiếng, không xuất hiện và không muốn chia sẻ nhiều nên ít ai biết. May mắn là sau hơn 1
năm ngồi từ cafe tới bàn nhậu, từ vỉa hè ngầm tới cao ốc, mình cũng có được rất nhiều thông tin
quý báu và những bài học tâm đắc để đào sâu cho anh em. Kinh doanh toàn cầu (Go Global) là
con đường tuyệt vời để mở ra chân trời mới về kiến thức và trải nghiệm, những bạn trẻ ngồi VN
được vinh danh trong top triệu đô các nền tảng Amazon, Shopify, Teespring…không còn là điều
xa lạ
Chương 7. Cuộc chơi hệ sinh thái ngách
Từ một mảng mở ra các mảng mới, tận dụng hạ tầng, dòng tiền và đòn bẩy; từ một công ty nhỏ
thành 1 tập đoàn đa ngành. Đó không phải chỉ là cuộc chơi của các ông lớn mà các bạn trẻ bây
giờ cũng đang theo đuổi quyết liệt. Những group, holdings vươn lên mang trong mình khát vọng
hóa rồng. Nhưng để trở thành 1 hệ sinh thái thực thụ có sức mạnh và khả năng cạnh tranh, đòi hỏi
tầm lãnh đạo và khả năng quản trị xuất sắc. Mình sẽ lấy các ví dụ thành công, thất bại để mọi
người cùng theo dõi
Chương 8. Chuyển đổi số và câu chuyện cá chép vượt vũ môn
Xuất thân mình là Tech và vẫn làm Tech suốt 15 năm qua nên chứng kiến hàng ngàn Tech startup
đến rồi đi. Những người có thành tựu nhất mình đều chơi với họ từ ngày đầu như: Haravan, Base,
Ecomobi, ViHAT...Vậy điểm chung để thành công là gì? Làm sao xây dựng được một công ty SaaS
có chiều sâu sản phẩm lẫn khả năng tự grow? Làm sao để doanh nghiệp biết vận dụng Tech thế
nào cho hiệu quả để tạo ra tăng trưởng? Rất nhiều thứ mình đã quan sát, cả thành lẫn bại, để đúc
kết ra. Phần này mình rất tâm huyết vì cả sự nghiệp mình không thành công về Tech.
Chương 9. Từ triệu đô tới Fomo
Kinh tế tăng trưởng nóng và dòng vốn rẻ đổ vào liên tục tạo nên những cơn sóng thần thay đổi
cuộc sống hàng triệu người; nhưng rồi khi thủy triều rút mới biết ai còn mặc quần. Nhiều Founder
một thời hoành tráng đã sụp đổ, nhiều vụ bóc phốt nhau, nợ nần kéo nhau xuống hố, nhiều lời
tiên tri về tương lai hóa ra là trò đùa. Phần này mình sẽ nói về những thất bại điển hình và những
cái bẫy với những anh em khởi nghiệp, kinh doanh để tránh lặp lại trong tương lai.
Chương 10. Thuyền to sóng lớn
Cuộc cạnh tranh bây giờ không còn là giữa người Việt với nhau mà là toàn cầu. Các doanh nghiệp
nhỏ từ Đông Nam Á, Nhật, Hàn, nhất là Trung Quốc ào ạt qua Việt Nam để kinh doanh và tấn
công vào đủ mọi ngóc ngách. Họ không chỉ đi theo đường kinh doanh mà theo cả đường văn hóa
và nền tảng bán hàng. Phía sau TikTok, Shopee hay Lazada là cả một chiến lược thâu tóm thị
trường. Những doanh nghiệp Việt đang chống chọi thế nào và làm sao để cùng nhau phát triển?
Đó là câu hỏi lớn. Mình không tự trả lời được mà sẽ mời nhiều anh em cùng nói lên tâm tình.
Để mở đầu, mình mượn lời của một cô gái thôn quê đang ngồi ở HN bán hàng Dropship ở Mỹ rất
thành công nhưng khá giản dị và kín tiếng: “Mình rất thích tiêu đề: Từ nông thôn tới triệu đô. 6 từ
thôi nhưng nó là cả quá trình nỗ lực; là mồ hôi, máu, nước mắt và vô vàn những cung bậc cảm xúc
của biết bao con người. Cuốn sách về một thế giới mà có lẽ không có quá nhiều các bạn đang
làm công việc truyền thống biết, không quá mới mẻ ở Việt Nam nhưng vẫn là khá xa lạ với nhiều
người. Bạn nào quan tâm có thể đọc nha”.
Mối duyên kì lạ với 2 người anh tên Nam
Anh Nguyễn Hy Hoài Nam - tác giả của cuốn sách lừng danh “Đông Âu anh hùng truyện” kể về
sự nghiệp và số phận của những sói già Đông Âu đã thống trị nền kinh tế Việt Nam từ đầu mở
cửa đến nay. Phải là người có nội lực thâm hậu, nhãn quan sắc bén, nguồn tư liệu sâu rộng và mối
quan hệ mạnh mẽ thế nào thì mới có thể kể chuyện về những tài phiệt nổi danh và cả những siêu
tỷ phú kín tiếng. Các bạn có thể tìm mua bộ sách này để hiểu về cả một thời kì sáng tối của kinh
tế Việt Nam và dự đoán về những thành bại của các tập đoàn sắp tới
Anh Nam là cháu ngoại của cụ Nguyễn Xiển, từng đi học Liên Xô rồi về Việt Nam kinh doanh, có
mối quan hệ sâu rộng với cả giới kinh doanh, chính trị, nghệ thuật. Mình theo dõi anh Nam từ đầu
những năm 2010 vì anh thường viết rất dài rất sâu về những sự kiện lịch sử trên Facebook, với
những số liệu dẫn chứng lập luận sắc nét. Nội dung từ cuốn sách “Đông Âu anh hùng truyện”
mình có đọc đâu đó trên Facebook anh Nam rồi nên khi anh ra sách thì mình vô cùng háo hức.
Một duyên lành đến khi Phùng Đại Lộc- người bạn của mình giới thiệu với anh Nam cuốn “Từ
nông thôn đến triệu đô” vì thấy nét tương đồng giữa 2 quyển. Có thể nói cuốn sách của mình là
phiên bản thấp hơn, đi theo triết lí kể chuyện của anh Nam, gọi vui thì cuốn mình là “Đông Lào
Startup truyện”.
Anh Nam có đọc và cảm ơn mình đã tặng sách. Anh cũng ngợi khen sách mới mẻ, hợp thời và
truyền được cảm hứng cho giới trẻ. Mình biết là mình đã làm được một điều có giá trị.
Anh Nguyễn Thành Nam là 1 trong 13 người sáng lập FPT và đảm nhiệm chức vụ CEO FPT (2008 -
2011). Anh Nam tự nhận mình là người ham chơi nên anh luôn bình dân, giao du với đủ mọi tầng
lớp và học hỏi đủ thứ từ chính trị, nghệ thuật, võ đạo, quân sự. Trên Facebook anh thường viết rất
dài rất sâu về những câu chuyện khởi nghiệp và các sự kiện lịch sử, lối viết vô cùng dễ hiểu hóm
hỉnh, đầy triết lí thâm sâu. Mình theo dõi Facebook anh Nam từ đầu những năm 2010 và học được
vô số kiến thức giá trị từ đó, phong cách viết lẫn tư duy kinh doanh của mình có một số điểm ảnh
hưởng kiểu của anh. Mình cũng được tham gia nhóm chat “Đầu gà” trên Facebook, có những đàn
anh xuất chúng hàng ngày chia sẻ như anh Nam, anh Phan Minh Tâm (Chủ tịch 24h), anh Nguyễn
Diệp (Chủ tịch MoMo), anh Trần Anh Dũng (Chủ tịch MOG), Phạm Kim Long (tác giả Unikey) và các
bạn khởi nghiệp cùng thời với mình như Phan Thanh Giản (clip.tv), Đinh Lê Đạt (Antsomi), Đỗ Hữu
Hưng (Accestrade), Ngô Đức Lợi (Antbuddy), Minh Nguyễn (Aka digital), Hộ Nguyễn (Blueseed
group), Trần Hải Linh ( Sendo)....Nghe các anh nói chuyện mỗi ngày giống như học một khóa MBA
trọn đời. Thi thoảng sẽ có gặp mặt offline để thắt chặt tình thân.
Lần gặp quan trọng nhất của nhóm Đầu gà là T6.2023. Lúc này anh Nam vừa viết xong bản thảo
cuốn “Đếch biết gì cũng tiến” kể về hành trình khởi nghiệp của FPT Software năm 1998 trải qua
nhiều gian nan cho tới khi sắp cán mốc tỉ đô doanh thu (2023). Anh Nam có gửi bọn mình xem
bản thảo để nhờ góp ý. Câu chuyện quá hay và quá nhiều triết lí sâu sắc nên Đinh Lê Đạt đề nghị
anh Nam tổ chức 2 ngày chia sẻ trực tiếp cho anh em trên Đà Lạt. Và một khóa học ngắn ngày
không giống ai đã được tổ chức tại cánh đồng hoa The Florest của Lê Xuân Trường - người đã tạo
nên trang batdongsan.com.vn rồi bán cho Propertyguru năm 2018
"Hành trình xuất khẩu phần mềm của FPT Software từ 1998 đến khi rơi vào ngõ cụt 2000 rồi thấy
được ánh sáng cuối đường hầm 2002 và hướng tới mốc tỉ đô doanh thu 2023". Hầu hết mọi lí
thuyết mà ta học MBA đều soi chiếu rõ qua từng thành bại, từng lựa chọn, từng quyết định trong
cuốn sách này. Anh Nam diễn giải những thứ phức tạp qua lăng kính văn hoá và lồng ghép với
các bài học lịch sử của dân tộc. Vì thế mà mọi thứ thật sống động, giản đơn, có quy tắc, có
nguyên do. Có nhiều chuyện là đặc thù của FPT, không thể học 100%, nhưng với những ai đã kinh
doanh chìm nổi nhiều năm và đứng trước các ngưỡng cửa thành bại gang tấc, thì ắt sẽ đồng cảm.
Mình tin chắc rằng câu chuyện về FPT (hoặc Vingroup, Viettel, Thegioididong, Masan, PNJ...) mới
là những thứ mà startup Việt Nam nên học đầu tiên. Những mô hình từ các công ty Âu Mỹ hay
Nhật Hàn đều rất tuyệt nhưng có quá nhiều khác biệt về hoàn cảnh, văn hóa để ứng dụng được.
Vì thế nên việc nghiên cứu các bài học từ những công ty hàng đầu Việt Nam hay những startup
đã đi trước đạt được nhiều thành tựu là việc cần thiết để những người mới khởi nghiệp có thể nhìn
thấy bài học, hoặc sai lầm để rút ra vốn liếng cho bản thân.
Cả 2 anh Nam đều là những nhà lãnh đạo tinh thần và người truyền lửa xuất sắc. Mình như là
người học trò thầm lặng của hai anh suốt hơn 10 năm qua, và may mắn là cũng có những tư duy
hành động tương đồng. Vì thế mình càng có động lực để viết nên cuốn sách này.
FPT Software: “Đếch biết gì cũng tiến”
Khi mình bước chân vào đại học 2001 thì cái tên FPT đã rất nổi tiếng ở Việt Nam. FPT software
làm phần mềm- ngành hot khủng khiếp, ước mơ của những đứa học khối A chuyên Toán như
mình. Ra trường, bạn mình cũng có nhiều đứa làm ở FPT Software, có cậu bạn tên Hiền đến bây
giờ vẫn còn làm và sống hẳn bên Nhật rất viên mãn. Còn mình thì đi làm cho các công ty nước
ngoài với mức lương tốt hơn rồi khởi nghiệp 2008 nên không quan tâm lắm tới FPT software nữa.
2009, mình kết bạn trên Facebook với nhiều lãnh đạo FPT thời đầu như anh Nguyễn Thành Nam,
Hoàng Minh Châu, Hoàng Nam Tiến, Đỗ Cao Bảo. Mình cảm thấy rất thán phục vì các anh đều có
lượng tri thức khủng khiếp và cách diễn giải vô cùng dễ hiểu dễ đi vào lòng người. Mình thật sự
biết ơn các anh đã khai sáng cho mình (và nhiều anh em thời đầu khởi nghiệp) cũng như truyền
cảm hứng để bọn mình theo đuổi giấc mơ lớn.
Rồi mình tiếp tục kết bạn với những người xuất thân từ Visky (“Vườn Chim”) của FPT (Visky): Trần
Anh Dũng (Chủ tịch MOG), Nguyễn Hòa Bình (Shark Bình), Phan Thanh Giản (Clip.tv), Đỗ Hữu
Hưng (CEO Accesstrade), Đắc Nguyễn (Shopdunk)…và các thế hệ quản lí sau này của FPT như
Đinh Lê Đạt (Antsomi), Trần Hữu Đức (CEO Viisa), Trần Hải Linh (Chủ tịch Sendo), Đức Lê (FPT
Play), Phùng Tiến Công (Nhacso.net). Mỗi người đều có lí tưởng và năng lực xuất sắc. Mình hiểu
rằng FPT phải là công ty như thế nào mà lại sản sinh ra nhiều anh tài đến thế.
Trần Anh Dũng (Chủ tịch MOG) có viết rằng: Visky nếu làm tới nơi tới chốn thì đã có hàng chục
Unicorn. Họ đã làm Vitalk (ứng dụng chat trước cả Zalo), Nhacso.net (trang nghe nhạc trực tuyến
số một thời đó), Banbe.net (MXH ra đời chỉ sau Facebook vài năm). Anh Trương Gia Bình cũng
dành rất nhiều thời gian và công sức để đào tạo, truyền lửa, rồi kéo anh em đi Trung Quốc,
Singapore xem các mô hình khởi nghiệp tiên tiến nhất thời đó. Visky tan rã khoảng 2011. Dù
không thành công nhưng “lò Visky” đã hun đúc tinh thần khởi nghiệp và tạo nên nền tảng cho
hàng trăm anh em sau này lập nên sự nghiệp.
Cofounder Vườn Chim chia sẻ đầy tiếc nuối trên trang cá nhân sau khi rời FPT.
“Ý tưởng vượt trội, tầm nhìn xa, nhân tài hội tụ… Cái sai duy nhất của Vườn Chim có lẽ là sai thời
điểm. Cái ngày ấy nếu FPT làm tới cùng và ngày ấy nếu chúng tôi không ngây ngô, ngày ấy nếu
làm vì sứ mệnh phụng sự xã hội như các lãnh đạo vừa tuyên thệ, ngày ấy nếu chúng tôi làm
khác, ngày ấy nếu có niềm tin, ngày ấy nếu ... Thì giờ đã có FPT 2.0, Vitalk đã biến thành Zalo,
ViMua đã biến thành Lazada + Adayroi + Sendo, ViEdu đã biến thành ViOlympic.vn + Topica +
BigSchool + Gotit + Funix, ViKim đã biến thành Momo + 123pay + Payoo, Vimuzic đã biến thành
Nhaccuatui + Zing MP3"
Chuyện về FPT software mình sẽ viết chi tiết hơn và lồng ghép trong các phần sau. Nhắc lại,
chúng ta không thể sao chép được FPT, nhưng có thể học được nhiều điều hay ho (và cả những
điều không hay). Đó là giá trị của lịch sử của các bài học đã phải trả bằng công sức biết bao thế
hệ mở đường.
Con đường đi tới trăm triệu đô
Đây là một trong những slide đắt giá của anh Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Thegioididong được chia
sẻ năm 2019. Để trở thành một tập đoàn tỉ đô như ngày nay, Thegioididong phải trải qua 3- 5 năm
đầu chật vật khi nguồn lực hữu hạn và thị trường liên tục thay đổi. Cho đến khi tìm ra được mô
hình đúng và xây được đội ngũ, văn hoá doanh nghiệp riêng, họ mới từng bước đi đến đỉnh cao.
Chúng ta hay bị ám ảnh bởi các con số và thành tựu của những doanh nghiệp lớn mà quên mất
rằng họ cũng phải mất bao năm vật lộn với biết bao sóng gió để có được kết quả. Người ta hay đi
tìm bí kíp thành công mà xem nhẹ các nguyên lý nền tảng. Rất nhiều SME/ Startup muốn đốt cháy
giai đoạn bằng những phép màu “growth hacking” mới nhận ra là không thể đánh bại được quy
luật thị trường.
2022-2023 là hai năm mất mát. Các Siêu tập đoàn sa vào nợ nần. Các Unicorn đứng bên bờ vực
phá sản. Các biểu tượng startup phải thu hẹp quy mô và quay trở về cốt lõi của kinh doanh: Lợi
nhuận. Các bạn trẻ may mắn kiếm tiền trong những làn sóng Online/ Ecommerce trước đó cũng
đối mặt muôn vàn khó khăn khi thời bán hàng dễ đã qua mất. Tất cả đều phải chấp nhận đi chậm
lại, học từ nền móng và tập trung vào con đường đúng. Và nhiều người phải nhìn nhận lại mục
tiêu, sứ mệnh cuộc đời mình là gì? Có nhất thiết phải kiếm (nhiều) tiền như trước hay không?
Trong số họ có những người tìm đến thiền, chữa lành, bỏ phố về rừng, lập làng sinh thái…Cuộc
sống sẽ tốt hơn khi người ta bớt tham lam và cùng nhau vun đắp nền tảng cho mai sau.
Vậy con đường từ Zero đi lên quy mô trăm triệu đô như thế nào? Mình thì không đủ tầm để nói
đến các công ty tỉ đô nhưng từ vài triệu đến trăm triệu thì tiếp xúc khá nhiều. Mình sẽ đúc kết một
số đặc điểm cho anh em quan sát và tự đánh giá xem đang ở đâu.
Các chặng đường tăng trưởng của SME:
1. Hữu cơ: 1-3 triệu đô
Các công ty dưới 3 năm tìm đúng thị trường, chọn được sản phẩm dịch vụ phù hợp thì tăng trưởng
rất nhanh. Từ 0 lên vài triệu đô, mua nhà, sắm xe, mở shop, xây kênh rất hoành tráng. Nhiều tiền
rồi tái đầu tư kinh doanh hoặc đầu tư BĐS, tài chính…Ở tập 1 mình đã kể rất nhiều tấm gương như
thế.
Lúc này có lẽ là vui nhất. Cơ hội rộng mở. Nhân sự đoàn kết. Mối quan hệ sâu rộng. Nhất là khát
vọng luôn dạt dào.
Tuy vậy lớn hơn một chút sẽ bắt đầu xuất hiện nhiều vấn đề.
Phần lớn nhất sẽ do tầm lãnh đạo chưa tới, góc nhìn non nớt, lao vào cái ngắn hạn để bị vuột mất
cơ hội lớn. Ví dụ hồi 2008-2011, công ty mình đồng sáng lập là một Digital Marketing Agency phát
triển bậc nhất, nắm trong tay các khách hàng khủng như Samsung, Castrol, Nestle, Coke…. Tiền
có và việc không thiếu, chúng mình ngồi đó rung đùi và thu tiền Tiếc thay chúng mình không thấy
cái dài hạn: công nghệ (Google, Facebook ads) sẽ làm giảm vai trò của con người và cách thức
làm marketing/ ecommerce, và nhân sự rồi sẽ thay đổi. Vì thế chúng mình đã không quyết liệt xây
dựng quy trình, hệ thống hay nền tảng riêng....để rồi mãi sau này, khi mở rộng quy mô thì bắt đầu
gặp sự cố và xoay xở mãi không lớn được. Trong khi các Agency nhỏ hơn lúc đó biết nhìn xa và
chuẩn bị nền móng từ đầu thì đến giờ đã lớn gấp chục lần, có agency đã IPO.
Một phần nữa là mô hình kinh doanh sẽ luôn bị thay đổi do thời thế. Đôi khi chúng ta đang làm ăn
ngon quá mà quên tự hỏi lại xem mô hình kinh doanh mình là gì, có bất ổn hay rủi ro không? Rồi
cứ mải miết đi tìm dự án kiếm tiền mà không xây được mô hình. Khi thời cuộc thay đổi, ta không
kịp trở tay.
Ví dụ 2 năm qua, thứ nuôi sống các anh em bán online là Facebook ads đã thay đổi: khó ra đơn,
tài khoản bị quét, khách chuyển sang mua trên Social và Sàn... trong khi TikTok bùng lên như vũ
bão. Những ai chậm chuyển dịch sẽ khó thở, thậm chí phải cắt giảm, co kéo lại.
Ban đầu, văn hoá doanh nghiệp và tinh thần nhân sự rất đơn giản: quá vui, quá thân thương nên
quên rằng chúng ta cần minh bạch, chuyên nghiệp và vượt ngưỡng. Vì thế đến khi công ty cần
nâng tầm thì nhân sự và tổ chức không đáp ứng nổi.
Những lãnh đạo, mô hình nào không thể vượt qua những giới hạn này đều chạm ngưỡng và bắt
đầu thu gọn. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận không lớn nữa mà cứ giữ đều đều cho vui. Không
sao cả vì con số nào (triệu hay tỉ) là tuỳ vào mục tiêu sống và số phận mỗi người.
2. Bơm thúc: 5-10 triệu đô
Khi hữu cơ hết tác dụng thì phải bón thúc để cây lớn và ra hoa. Đây là quá trình các công ty đều
phải trải qua nếu muốn lớn. Lúc này điều tất yếu là phải thay đổi Tâm thế, Mô hình và nâng tầm
năng lực lãnh đạo:
- Tuyển nhân tài từ bên ngoài, thanh lọc đội ngũ, chuẩn chỉnh quy trình. Nhiều công ty còn đổi văn
phòng, mua sắm xe, phúc lợi hoành tráng...Tuy vậy điểm chết người là nếu cái mới và cái cũ
không hoà hợp thì sẽ đổ vỡ từ ngay trong nội tại. Bè phái, mâu thuẫn và các đổ vỡ có khi không
đỡ được.
- Thay đổi cấu trúc sản phẩm. Lúc này đòi hỏi doanh nghiệp phải học cái mới và chấp nhận giảm
tăng trưởng ngắn hạn. Ví dụ Giao hàng nhanh (GHN) đã chuyển đổi từ một công ty giao hàng (last
mile) thành tập đoàn Logistics với cả hệ thống kho bãi, giải pháp ứng dụng công nghệ thông
minh. Bước đi này tốn kém và đòi hỏi phải đánh đổi nhưng bắt buộc để đi tới đỉnh cao hơn.
- Gọi vốn. Không chỉ là thêm tiền mà còn thay đổi cả cách vận hành và mô hình quản trị.
Cleverads - agency cùng thời với công ty mình sau khi gọi vốn từ Cyber Agent, Yello digital đã lên
sàn, có lúc đạt tới định giá ngàn tỉ.
Giai đoạn này hầu hết Doanh nghiệp sẽ gặp vấn đề. Vì đang yên đang lành, lãnh đạo buộc phải
từ bỏ bớt quyền lực, không được tự do nữa, rồi phải áp dụng các quy tắc, luật lệ rắc rối. Vì đang
có tiền lại không được “Cash out" mà còn phải tiếp tục đầu tư ngược lại rồi còn phải đi gọi vốn,
vay mượn…Nhiều doanh nghiệp không thể vượt qua, nhiều lãnh đạo đối mặt với những vụ kiện
tụng, tranh chấp do không lường hết độ phức tạp của cuộc chơi lớn.
Những doanh nghiệp qua được sẽ bắt đầu bứt phá và tạo ra khoảng cách so với đối thủ. Điển
hình như Concung, mất 6 năm đầu để xây dựng nội lực, sau đó đã nhảy vọt so với Bibomart,
Kidplaza, Tuticare…
Nhưng nhắc lại lẫn nữa không bao giờ có đường tắt. Nhiều khi nguồn vốn đổ vào nhiều quá và
năng lực lãnh đạo không theo kịp sẽ giết chết doanh nghiệp. Câu chuyện của Soya Garden từ vài
cửa hàng gọi vốn trăm tỉ rồi mở ra hàng trăm cửa hàng, chỉ sau 2 mùa dịch đã tan hoang là minh
chứng.
Hầu hết những doanh nghiệp xuất hiện trong tập 1 và 2 sẽ đối mặt với những vấn đề như thế này,
mình sẽ phân tích để mọi người có thêm bài học.
3. Bơm thúc + Bán: 10 triệu - 20 triệu đô
Các công ty bắt đầu phát triển thành Group hoặc Holding, phân tách thành các mảng có P&L
riêng, và cứ mỗi mảng lại bơm thúc rồi gọi vốn rồi bán (hoặc IPO). Tiền nhân tiền nhanh kinh
khủng. Đến lúc này đã là cuộc chơi của tài chính và đòn bẩy rồi. Các tập đoàn lớn hầu như sẽ
thực hiện cách thức đó, điển hình là:
- Vingroup lấy dòng tiền từ BĐS mở ra các mảng mới: bán lẻ, giáo dục, y tế, sản xuất, ô tô...Cứ sau
vài năm họ lại bán vốn hoặc IPO một công ty con và thu về tỉ đô
- VNG kiếm tiền từ game rồi đốt ngàn tỉ xây Zalo. Giờ thì Zalo được định giá 2 tỉ đô. Các mảng mới
cũng mở ra và tăng trưởng rất nhanh (tất nhiên đóng lại cũng không ít).
- Thegioididong mở ra chuỗi điện máy (Dienmayxanh), rồi rau củ quả (Bachhoaxanh), nhà thuốc
(Ankhang), thời trang (Avafashion)...Gần đây có thông tin Bách Hóa Xanh đang chuẩn bị bán 20%
vốn ở mức định giá 1.5 tỉ đô.
- Nexttech kiếm tiền từ mảng dịch vụ thanh toán và hậu cần cho thương mại điện tử. Sau đó lấy
tiền đi đầu tư các công ty khác, rồi lại đẩy lên và bán....Quy mô tăng chóng mặt.
Các ví dụ này để mọi người hình dung về cách làm thôi. Chuyện của tập đoàn phức tạp hơn nhiều
nên mình không đủ thông tin để bàn sâu.
SME nếu hiểu cách thức này thì sẽ lớn nhanh hơn và biết tận dụng đòn bẩy khôn ngoan hơn. Tuy
nhiên đây là cuộc chơi đòi hỏi phải có hiểu biết sâu và sự tham gia của những Quỹ đầu tư chuyên
nghiệp. Nhiều anh em mới hiểu sơ sài đã vội vã đi huy động vốn, mở hệ sinh thái, đầu tư dàn trải
để rồi mất hết những gì đã tích lũy, còn mất cả tình nghĩa, ước mơ
Nhiều doanh nghiệp sau giai đoạn ban đầu, đạt được những thành công nhất định, Founder và
đội ngũ nòng cốt rủng rỉnh tài chính rồi cũng rơi vào tình trạng "Bẫy thu nhập trung bình". Thay vì
đầu tư vào kinh doanh thì lan man sang các hướng lướt sóng và ham kiếm tiền hơn là tạo giá trị:
- Ít đầu tư R&D, ít có các dự án dài hạn
- Suy giảm năng lực cốt lõi, mai một sản phẩm chiến lược
- Mất nhân tài, người ở lại cũng mất đi động lực
- Quản trị hời hợt, nội bộ nảy sinh nhiều vấn đề, bè phái lên ngôi
Chỉ một số ít doanh nghiệp vượt qua được ngưỡng này, để trở thành doanh nghiệp tăng trưởng
"Nhanh, Bền Vững" và có quy mô hay vị thế
Ta cần hiểu các giai đoạn phát triển để có cách binh cuộc chơi cho phù hợp. Cho dù đang phải
kiếm ăn mỗi ngày nhưng vẫn cần nhìn xa, chịu đầu tư nền tảng quản trị, nhân lực cho cuộc chơi
lớn về sau. Muốn có sự nhảy vọt về chất thì phải tích lũy đủ lượng
Velacorp (VELA) 7 năm từ 1 đến trăm triệu đô
Tháng 1.2023, mình được Hiếu mời đi khai trương văn phòng mới của VELA, một toà nhà 7 tầng
bề thế ngay trung tâm Bình Thạnh. Hiếu còn bảo bọn em muốn mua luôn mà chủ nhà không bán.
Mình nghe chỉ biết thở dài.
Hành trình hơn 10 năm của VELA thật đáng kinh ngạc. Từ nhóm sinh viên khởi nghiệp bằng mảng
vận chuyển hàng hoá từ Trung Quốc về Việt Nam giờ đã thành một hệ sinh thái phục vụ TMĐT
trải trên hàng chục quốc gia với hệ thống kho bãi, xe cộ, mạng lưới đối tác và công nghệ hoàn
chỉnh. Hơn 800 nhân viên, riêng ở Trung Quốc 150 người, sắp mở sang cả Bắc Mỹ. VELA là công
ty hoàn toàn Việt Nam, lãnh đạo bởi mấy anh em 8x- 9x, tự làm tự sống (chưa có quỹ). Vài năm
nữa VELA lên sàn, nhất định mình sẽ canh mua cổ phiếu
VELA có 2 mảng cực kì mạnh là nhập hàng từ Trung Quốc về và mảng bán hàng ở Đông Nam Á.
Anh em làm TMĐT đều biết là làm được 1 trong 2 mảng đã rất khó rồi vì liên quan đến pháp lý,
thuế, tài chính, con người, chính quyền….
Khởi đầu của VELA cũng vất vả. Năm 2017, VELA khi mảng TMĐT gặp nhiều khó khăn, Nguyễn
Thành Hiếu cùng một số anh em khăn gói sang Philippines trực tiếp vận hành để tìm cho ra con
đường. Hiếu từng đứng giữa thủ đô Manila cầm tấm bảng xả hàng tồn và ăn nằm cùng anh em cả
ngày lẫn đêm. Nhờ một năm ở Philippines mà Hiếu đã học được bài học bằng nhiều năm ở Việt
Nam và dần đưa VELA bứt phá
Thành công đến từ việc đánh cược vào tương lai. Ngay từ những ngày đầu, VELA đã có niềm tin
sắt đá vào Cross- Border E-Commerce. Vì thế mà họ luôn sẵn sàng thử nghiệm các mô hình bán
hàng qua Indonesia, Philippines, Malaysia, Thailand và thiết lập mối quan hệ với những nhà máy,
công ty logistics lớn nhất Trung Quốc. Khi Cross- Border bùng nổ từ 2018, các anh em mới bắt tay
làm thì VELA đã là tượng đài.
Năm 2016, Hiếu và cộng sự đã bỏ 10 triệu đô tiền túi lập quỹ VELAFUND, giải ngân cho hơn chục
startup, đến giờ vẫn còn 4 doanh nghiệp đang phát triển tốt. Hiếu bảo giá trị nhận về là vô vàn
bài học để xây dựng hàng chục doanh nghiệp lớn hơn chứ không phải tiền, vì nếu số tiền đó đầu
tư đất thì bây giờ thành vài chục triệu đô rồi. Hiếu nói: “Xây một công ty nhỏ để nhập hàng và bán
thì rất lãi nhưng xây một công ty để IPO đòi hỏi chuẩn chỉnh về mọi mặt và phải đánh đổi. Vì thế
anh em xác định muốn kiếm tiền hay làm việc lớn? Đường mình, mình chọn chứ đừng bắt chước
người khác mà không hiểu rõ nguồn lực bản thân.”
VELA đang dốc toàn lực cho cuộc chơi “go global”. Sẽ sớm thôi, các seller chỉ cần ngồi ở Việt
Nam đặt hàng các nhà máy Trung Quốc để OEM (đặt hàng gia công sản phẩm theo yêu cầu) rồi
bán khắp thế giới.
Xu hướng không thể đảo ngược là F2C (factory to customer): hàng sẽ đi từ nhà máy đến người
mua, thông qua các công ty làm dịch vụ fulfillment/ logistics/ payment/ legal. VELA là một mắt
xích quan trọng trong đó. Tuy thế VELA không làm hết mà hợp tác với những đối tác mạnh của
từng nước và thiết lập quy trình vận hành để khớp các đầu mối với nhau. VELA có công ty ở Hồng
Kông xử lí thuế, công ty ở Trung Quốc sản xuất, công ty ở Việt Nam lo phần công nghệ. Nhìn
VELA rất lớn nhưng năng lực lõi là “kết nối” chứ không ôm đồm,
Để chuẩn bị cho cuộc chơi tầm cỡ, VELA mấy năm nay quyết liệt xây dựng những năng lực cốt lõi
ngang tầm khu vực
1. Pháp lý và quy trình chuẩn chỉnh
Đặc thù mảng vận chuyển hàng hoá đa quốc gia đòi hỏi phải tuân thủ pháp lý chặt chẽ nếu
không rất dễ ăn hành. Mỗi nước đòi hỏi pháp lý khác nhau nên doanh nghiệp vừa phải tuân thủ
vừa phải biết tận dụng sao cho có lợi nhất. Phải hiểu và tuân thủ đủ thứ từ bản quyền, luật, thuế,
vận chuyển, văn hóa... Những việc này không quá khó để hiểu vì mọi quy định đều khá rõ ràng,
nhưng làm sao vận hành xuyên suốt, an toàn và tối ưu thì sẽ có ngàn việc không tên mà chỉ cần
một sai sót thì nguy cơ gãy cả chuỗi
Ví dụ:
Nhập hàng sẽ có khoảng 40 quy trình, nếu làm thủ công thì khi lên ngàn đơn mỗi ngày sẽ ngộp
thở. VELA phải xây hẳn platform công nghệ để tự động hoá 80%, mất 3 năm và một đống tiền,
nhưng kết quả thì mỹ mãn.
Hoặc quản lí kho. Nếu chỉ vài trăm mã hàng thì con người vẫn làm được. Nhưng khi lên tới quy mô
vài ngàn mã hàng, vài chục ngàn đơn tại nhiều nước, thì từng SKU trong kho phải được sắp xếp
quản lí cực kì chuẩn, tự động hoá tới từng mét vuông. Nhắc lại là để làm được cần có một hệ
thống chuẩn chỉnh từ con người, quy trình đến công nghệ.
2. Tối ưu dòng tiền
Mỗi năm dòng tiền đổ qua VELA hàng ngàn tỉ đồng chia thành hàng trăm khoản mục. Chỉ cần tối
ưu 1% mỗi khoản là thu về lợi nhuận lớn rồi. Cái vi diệu hơn là nếu biết cách tận dụng dòng tiền
đó kết hợp với đòn bẩy để đầu tư tài sản hay startup thì hệ sinh thái tăng trưởng vô cùng mạnh
mẽ
Ví dụ hàng hoá thì được hoàn thuế (tuỳ loại), chạy Ads ngân sách lớn thì được Facebook/ Google
hoàn lại % (rebate). Khi nhận tiền đô rồi thanh toán Ads bằng đô thì không phát sinh chênh lệch tỉ
giá. Vài chục đồng lẻ nhưng nhân lên hàng triệu đô, con số thu về rất lớn. Có dòng tiền để mua
tài sản hoặc đầu tư startup thì vài năm lại nhân mấy lần.
Quản trị được ngoại tệ, và phân bổ dòng tiền khéo léo thì có lãi tài chính. Ví dụ:
- Tiền hàng thu bằng vnđ nhưng mua bằng đô thì làm sao để giảm được % phí ?
- Tiền mặt và công nợ phải hỗ trợ làm sao để không hụt dòng tiền?
- Tiền Ads thì dùng tài khoản nào để tiết kiệm và ổn định?
Với dòng tiền ngàn tỉ ra vào mỗi năm thì vài % bằng cả căn penthouse. Nên các nghiệp vụ phải
rất chuyên nghiệp, khôn ngoan và đúng luật.
3. Xây dựng đội ngũ chiến binh
Nhân sự VELA bóc tách ra thì không xuất sắc, và trải rộng trên nhiều quốc gia nên việc phối hợp
từ xa không đơn giản. Đặc thù như vậy đòi hỏi lãnh đạo phải có năng lực biến họ thành các chiến
binh thích ứng với nhiều vai và làm việc bằng cả trái tim.
Quản lí ngàn người, đa quốc gia phải kết hợp 3 hướng:
- Leadership của Ban lãnh đạo phải cực kì mạnh mẽ để tất cả nhân sự đều tâm phục, khẩu phục.
Văn hoá công ty cũng phải rất rõ nét để năng lượng và khí chất tuôn chảy trong cả hệ thống,
- Cộng sự đồng chí hướng và chia sẻ lợi ích. VELA có hàng chục giám đốc bộ phận và vài chục
quản lí, hầu như mảng nào cũng trao quyền và quản trị theo mục tiêu. Các anh em đi với nhau từ
thời đầu nên tư duy và cách làm rất ăn khớp.
- Cơ hội làm cái mới luôn mở rộng, đủ hấp dẫn những anh em có tham vọng được phát triển, cạnh
tranh lành mạnh và khởi nghiệp trong chính doanh nghiệp. Nhờ đó nhân viên thăng tiến liên tục.
Cơ hội nhiều thì nhân sự càng gắn bó. Đếm sơ sơ lúc nào VELA cũng có tầm chục dự án tiềm
năng triệu lên tới triệu đô / tháng. Đất dụng võ cho anh em không bao giờ thiếu.
4. Chọn đúng game lớn để chơi
Hãy nhớ, muốn kiếm tiền được thật nhiều thì cuộc chơi là Hạ tầng hoặc Tiền tệ. VELA tập trung
vào 2 mảng Hàng hoá và Vận chuyển - đều là hạ tầng tạo ra dòng tiền lớn. VELA không lấn sang
mảng Bán lẻ để tránh giẫm chân đối tác. VELA cũng không lan man qua các mảng đầu cơ lướt
sóng, mà rất tập trung vào cuộc chơi chính để xây dựng vị thế vững chắc.
FWB (Friend with Business)
Đầu 2023, mình thành lập một nhóm gọi là FWB (Friend with Business) quy tụ gần 100 anh em
đang kinh doanh Online/ TMĐ. Hội chia sẻ kiến thức kinh doanh, quản trị mỗi tuần rồi tiện beer
bọt kết nối luôn. Hiếu cho mình mượn hẳn tầng 7 của VELA làm nơi tổ chức. Hiếu bảo: “anh rủ
thật nhiều người về làm cho năng lượng và tri thức lan toả thật mạnh. Anh cứ xem VELA như là
nhà của mọi người.” Nhiều tối thứ bảy, Hiếu còn ở lại văn phòng, khuya hắn vẫn lên giao lưu với
anh em rồi sáng hôm sau đi công tác.
Hình: Hội anh em FWB (Friend with Business) thường xuyên tụ họp chia sẻ kiến thức và kết nối tại
VELA. Đúng là nơi địa linh nhân kiệt
VELA có một phòng tiếp khách rất đẹp ở tầng 2, điểm nhấn là cái bàn trà bằng gỗ mua từ Trung
Quốc. Mỗi lần mình ghé chơi, Hiếu tự tay pha trà Phổ Nhĩ rồi hai anh em ngồi đàm đạo suốt mấy
tiếng liền. Hiếu bảo văn hoá tiếp khách của Trung Quốc là uống trà, ngồi nhấp ngụm trà trong
không gian tĩnh lặng thì sẽ nảy sinh nhiều ý tưởng lớn. Hiếu kể cho mình nghe về nền TMĐT và
Logistic của Trung Quốc, văn hoá làm việc và các quy tắc giao thương quốc tế. Mình cảm nhận
được năng lượng và hào khí trong từng lời Hiếu chia sẻ.
Một lần nọ, Hiếu mời mình và Hồ Chí Quyết ngồi uống trà. Hiếu giới thiệu Quyết, CEO của Thành
Vinh group với 300 nhân sự bán hàng khắp Đông Nam Á. Nghe Hiếu, Quyết kể về những dự định
và tham vọng khiến mình càng có niềm tin lớn lao vào câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam vươn
ra biển lớn.
Nói tới VELA thì phải nói tới tay chơi còn hùng mạnh hơn: GHN
2012, khi Giaohangnhanh (GHN) thành lập, Lương Duy Hoài mới tốt nghiệp đại học Bách Khoa
được vài năm. Mình hay gặp Hoài, Thi và Ngôn (CEO Ahamove - công ty trong hệ sinh thái GHN)
vì mấy anh em đều là dân Bách Khoa CNTT đi khởi nghiệp, nói chuyện hợp nhau. Lúc đấy mình
không hiểu mảng giao hàng có gì hay mà mấy bạn máu thế. Thực tế thì Hoài sớm nhìn thấy tương
lai của Logistics/ Ecommerce và lĩnh hội được tư duy lãnh đạo từ những đàn anh trong
Thegioididong. Hoài khiến mình sáng rõ hẳn ra về hai từ Lãnh đạo. Những năm sau ít gặp Hoài
nhưng mình luôn theo dõi các bước phát triển thần tốc của GHN (và cả Ahamove), và đúc kết một
điều quan trọng nhất cho thành công của họ: LÃNH ĐẠO.
Những công ty lớn nhất Việt Nam đều có các nhà lãnh đạo thật sự lôi cuốn: anh Tài
(Thegioididong), anh Dương (Thaco), anh Vượng (Vingroup), anh Long (Hoà Phát)…Những doanh
nghiệp nhỏ hơn (trăm triệu đô) cũng đều được dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo xuất sắc. Kể cả
một công ty nhỏ vẫn cần phải có người Lãnh đạo (và đội ngũ quản trị) đủ sức ảnh hưởng để nhân
viên nhìn vào và chiến đấu hết mình.
Trong giới SME/ Startup, có thể kể đến các nhà lãnh đạo như thế: Hoài (GHN), Tuấn (F88), Vân
(Gumac), Nhu (Coolmate), Hoà (Yody)… những người có khả năng vẽ nên tương lai, khiến cho đội
ngũ chiến đấu quên mình.
Anh Thành Nam nói rằng ở FSoft cứ mỗi quản lí sẽ có vài người sẵn sàng thay thế, vì vậy ông nào
muốn rời ghế thì rất thoải mái rằng có người đi sau làm tốt hơn. Thực tế sau khi anh Nam rời FSoft
năm thì 3- 4 đời lãnh đạo tiếp theo đều tiếp quản rất trơn tru và đưa FSoft tăng trưởng gấp chục
lần.
Năng lực Lãnh đạo đến từ 3 phẩm chất chính:
- Đặt mục tiêu lớn (BHAG: Big, Hairy, Audacious Goals) và khả năng thuyết phục mọi người tin vào
mục tiêu đó. Ví dụ Vân Gumac đặt mục tiêu là công ty thời trang số 1 Việt Nam, cạnh tranh với
ZARA, hay Hoà Yody cạnh tranh với Uniqlo. Nghe hoang đường nhưng đội ngũ của họ tin vào
điều đó, vậy là đủ. Tương tự, mục tiêu vô địch WC là mệnh lệnh và nỗi ám ảnh suốt 22 năm
Argentina mới thực hiện được. Không mấy ai đủ kiên nhẫn và niềm tin vào nó, nhưng Messi và
Scaloni đã truyền được cho cả tập thể và đất nước ngọn đuốc chiến thắng.
- Khả năng truyền cảm hứng: luôn tạo ra năng lượng và tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ.
Mình đến Gumac rất nhiều lần và đều rất bị cuốn vào nguồn năng lượng rực cháy mà bất kì nhân
sự nào cũng có. Team Coolmate thì luôn cháy hết mình trên cả online lẫn offline, vì thế từng cá
nhân đều nỗ lực và vượt ngưỡng.
- Chính trực và công minh: giao trách nhiệm rõ ràng, thưởng phạt nghiêm minh, coi trọng quyền
lợi của tập thể. Điều này khiến mọi người tâm phục khẩu phục và không bao giờ lăn tăn về những
lợi ích vụn vặt.
Đa số nhà Lãnh đạo các SME lúc ban đầu chỉ ở cấp độ lãnh đạo số 3: dẫn dắt đội ngũ tạo ra Kết
quả. Nếu chỉ dừng lại ở đó thì SME mãi là Small medium. Nhà Lãnh đạo phải liên tục đổi mới,
nâng cấp và vươn tầm bản thân cùng đội ngũ kế cận để lên đến cấp độ số 4, đỉnh cao nhấ là số 5
Những phẩm chất của "Người Lãnh đạo cấp 5"
1. Tầm nhìn vượt trội.
Bill Gate, Mark Zuckerberg, Elon Musk, Sergey Brin đều có tầm nhìn rõ ràng, lớn lao ngay từ khi
bắt đầu! Vì vậy mà ngay khi còn là startup họ đã thu hút được quỹ lớn, nhân tài xuất chúng!
Ở Việt Nam, Lãnh đạo lớn của FPT, Vietjet, TGDD, ... đều có tầm nhìn lớn từ khi mới bắt đầu! Khi
doanh nghiệp đến quy mô tỉ USD, các anh chị vẫn sôi nổi nhiệt huyết, vì những mục tiêu lớn hơn
Tiền.
Lãnh đạo cấp độ 5 luôn là người đào sâu, tìm kiếm và chỉ ra con đường cho cả tổ chức! Lãnh đạo
thiếu đi tầm nhìn, như tổ chức mất đi con mắt, dù có mạnh cỡ nào, cũng sớm sa sút!
2. Cam kết:
Đưa một doanh nghiệp nhỏ đến thành tựu đã đòi hỏi sự hy sinh và nỗ lực khủng khiếp, nhưng đó
là giai đoạn của One Man Show - Một anh hùng làm nên tất cả!
Để doanh nghiệp lớn mạnh, đó là All Men Show! Và kỷ luật, cam kết là điều quyết định!
Cam kết là lời hứa phải thực hiện bằng mọi giá với khách hàng, đồng đội, đối tác và chính mình!
Lãnh đạo cam kết luôn có lòng tin của anh em, khách hàng, có chữ TÍN và sức ảnh hưởng ngày
càng lớn! Cam kết có nghĩa là đánh đổi, được việc lớn, phải hy sinh cái nhỏ, được tương lai phải
đầu tư hiện tại, được tập thể phải hạ thấp cái tôi!
Nhiều lãnh đạo, doanh nghiệp khi doanh nghiệp nhỏ thì giữ được cam kết này, nhưng khi lớn, có
nhiều mối quan tâm. Khi có nhiều điều để mất, thì không giữ được, chữ tín, lòng tin mất dần.
1998, khi FPT Software mới thành lập, anh Trương Gia Bình đã đặt mục tiêu doanh thu tỉ đô, và đề
ra quyết tâm: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải xuất khẩu phần mềm”. Cho tới
2004, FPT Software vẫn chưa có lãi, tiền vốn mất cả triệu đô, nhiều ánh mắt nghi ngờ, nhưng anh
Bình và anh Nam vẫn cam kết với mục tiêu ban đầu và lặn lội khắp khu vực để tìm cho được con
đường. Đến 2023, FPT Software gần như sẽ đạt doanh thu tỉ đô. Một tầm nhìn kéo dài 25 năm và
cam kết của hàng nghìn người sắp thành hiện thực.
3. Dụng nhân:
Doanh nghiệp càng lớn, càng cần nhiều nhân tài. Chính con người, lãnh đạo kế cận giỏi sẽ tiếp
tục viết tiếp ước mơ và hiện thực hoá nó. Doanh nghiệp trong bất kỳ thời điểm nào cũng cần
chăm lo đội ngũ kế cận F1, F2, F3... Có đội ngũ lãnh đạo kế cận giỏi hơn Founder là may mắn, có
như vậy mới chuyển giao và trở nên bền vững!
Cốt lõi của dụng nhân là chọn được đúng người đúng việc. Một đội quá nhiều ngôi sao chưa chắc
thắng và đội có ít người tài nhưng có đấu pháp hợp lý chưa chắc thua. Cái hay của Leader là tuỳ
vào con người và hoàn cảnh mà đưa ra các quyết định hợp lý và không ngừng cải tiến từng chi
tiết. Mấu chốt của làm Kinh doanh là tìm ra những con người đúng với triết lí để đưa họ vào đúng
vị trí và kích hoạt tối đa tiềm năng.
Ví dụ: từ khi khởi nghiệp 2008 thì mình hầu như chọn các bạn sinh viên để đào tạo, hoặc những
bạn làm trái ngành muốn chuyển sang Digital. Vì mình tin là các bạn đó có thừa khao khát lẫn nỗ
lực để vượt lên. Mà chi phí cho đội đó năm đầu tiên lại rất rẻ so với tuyển những bạn có năng lực
sẵn. Cứ 3 tháng là làm được việc, 6 tháng là có kỹ năng như người có kinh nghiệp một năm. 2
năm lên Lead, 3 năm lên Manager, 5 năm có thể làm đầu tàu một công ty nhỏ. Nhờ thế mình có
thể gầy dựng nhiều công ty (nhỏ) mà không tốn kém nhiều chi phí đầu tư và nếu sai thì sửa rất
nhanh.
Công ty tiêu biểu của Dụng nhân và xây dựng Văn hoá doanh nghiệp là Thegioididong. Các bạn
lên Youtube search bài nói chuyện của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài sẽ thấy cả một pho tàng. Mình
tiếp xúc nhiều SME và thấy là các sếp không mạnh về dụng nhân, nên thường xuyên thiếu nguồn
lực (hoặc lại dư thừa những nguồn lực kém cỏi). Nhưng muốn dụng nhân cần có chiều sâu và trải
nghiệm về kinh doanh, tâm lý, nhân sinh...những thứ này cần đam mê mới đi sâu được. Đa số chủ
tịch tập đoàn đều rất đỉnh về món này, nó là phần quan trọng nhất họ cần có còn những năng lực
khác có thể thuê được.
Dụng nhân đi kèm với bài toán chia bánh. Khi công ty nhỏ thì chỉ chia bánh mì, công ty to lên thì
phải chia bánh tiền. Đụng tới tiền là đụng tới tâm tính, phẩm giá...cái này phải luyện rất lâu mới
tỉnh được.
4. Lãnh đạo bằng xây dựng văn hóa và giá trị cốt lõi:
Giá trị cốt lõi của nhà vô địch World cup Argentina là: đoàn kết, hết sức, biết người biết ta. Một tập
thể không quá mạnh ở từng cá nhân (trừ Messi, Dimaria) nhưng vô cùng bất khuất ở khía cạnh tập
thể. Argentina sau thời Maradona có vô số các tài năng xuất chúng nhưng không sở hữu Giá trị
cốt lõi đó nên chỉ đi tới nửa chừng.
Các công ty mình sáng lập đều có một giá trị cốt lõi là tận tâm. Kể cả nửa đêm ai nhắn hỏi thì
mình vẫn trả lời và bất kể cuối tuần nhân viên vẫn sẵn sàng phục vụ khách hàng. Nói thì dễ nhưng
để làm được liên tục qua nhiều năm, nhiều thế hệ thì không dễ. Giá trị cốt lõi phải đi kèm với
quyền lợi. Chúng ta không thể hô hào khẩu hiệu mà không đảm bảo phúc lợi cho nhân viên, cũng
không thể nói đạo lý mà bụng đói. Nên khi công ty nhỏ thì Giá trị cốt lõi thực dụng và có thể triển
khai.
Giá trị cốt lõi cũng cần gắn với mô hình kinh doanh. Ví dụ bạn là công ty môi giới BĐS thì cứ đặt
Giá trị cốt lõi là "khôn lanh" đi, vì khôn lanh mới kiếm được đất ngon chứ. Còn công ty bán lẻ thì
"bắt trend" vì cái đó ra tiền mà, chứ đừng "innovation" vì nhân viên đa phần là mấy bạn Sinh viên
partime hay bán hàng thì innovate cái gì. Xây dựng văn hoá không khó, cứ cái gì thấy hiệu quả
mà hợp với sì tai mình thì làm. Thấy nhiều anh em copy từ Apple Amazon nhiều quá trong khi họ
đã đi trước mình trăm năm và nhân sự giỏi gấp mình trăm lần.
Một tên tuổi mình rất muốn viết trong sách "Từ nông thôn đến triệu đô" là Yody.vn.
Yody thành lập từ 2013 bởi Nguyễn Việt Hoà, cửa hàng đầu tiên ở quê nhà Hải Dương. Tập trung
vào phân khúc thời trang công sở (sơmi, đồng phục từ 300-500). Tới 2016 Yody có 16 cửa hàng,
Hoà đi học về quản trị, nhân bản doanh nghiệp, rồi tới các Kỹ năng truyền cảm hứng, văn hóa
doanh nghiệp. Văn hoá Yody rất “dị”, kiểu như 8h đứng vỗ tay và trưa thì ra nắng nhảy nhót. Hoà
cũng đi dạy về doanh chủ, mục tiêu là để tìm kiếm các đối tác có năng lượng phù hợp để mở cửa
hàng. Hoà có ước mơ mãnh liệt biến Yody thành Zara Việt Nam. miệt mài mở chuỗi từ 2017 tới giờ
có 200 cửa hàng, bằng hình thức cho các Manager góp vốn tại từng cửa hàng. Rồi mở nhà máy
rất lớn ở Hải dương
Những điểm độc đáo nhất của Yody:
- Đào tạo nội bộ liên tục: từ tầm nhìn, sứ mệnh, Kỹ năng, teamwork, có hẳn xe đưa đón
nhân viên từ Hà Nội về Hải Dương, có ăn trưa miễn phí. Anh em chỉ yên tâm mà làm việc.
- Thử thách bản thân: chạy, thi Ironman. Lãnh đạo cũng đứng ra bán hàng, livestream. Yody
có đội core team sẵn sàng chiến đấu khô máu cho mục tiêu IPO.
- Sản phẩm đơn giản, dễ mặc, giá hợp lý. Những dịp khai trương giá còn giảm rất hấp dẫn
đến dân tỉnh lẻ vẫn mua được.
- Quyết tâm chuyển dịch online. Tới 2020 mới đẩy mạnh nhưng có hẳn một đội đông đảo
chỉ làm livestream và một đội Tech 70 người làm hệ thống TMĐT.
Mình có biết Nguyễn Việt Hoà, nhưng chưa đủ duyên để gặp. Bài viết ngắn của Đoàn Văn Tuyển
sẽ giúp mọi người cảm nhận rõ ràng về Giá trị cốt lõi và Tầm lãnh đạo của Yody:
- Tốc độ (và sự thích nghi) là thứ quan trọng nhất.
Nhìn Yody phát triển đôi khi mình cảm thấy sởn gai ốc. Cho dù chưa mạnh ở các thành phố lớn
nhưng những gì Yody làm ở các thành phố nhỏ hơn thật dã man. Cửa hàng 4600m2 ở Bắc
Giang, 4 mặt tiền. Trong số hơn 110 cửa hàng của Yody có đến 15 cửa hàng trên 1000m2, vị trí
toàn đắc địa. Hoà có nói một câu mình rất thích, ở thời điểm này thì tốc độ quan trọng hơn to hay
nhỏ.
Những brand thời trang lớn 5-7 năm trước ở Việt Nam rất nhiều, trong số đó giờ đã nhỏ đi rất
nhiều thậm chí biến mất. Lý do lớn nhất có lẽ là họ đi chậm. Quả thật nhìn vào tốc độ phát triển
và tốc độ học tập của các bạn Yody mình thực sự khâm phục. Trong tình hình như hiện tại, mọi
thứ đang thu lại thì các bạn lại đang bung sức (mục tiêu mở thêm xx cửa hàng mới trong tình hình
dịch như hiện tại). Nhìn các bạn thấy tốc độ làm, tốc độ học của mình còn chậm quá.
- Niềm tin là thứ mang lại tốc độ:
Trong số những thứ mang lại tốc độ mình thấy rõ ràng là niềm tin là thứ quan trọng nhất. Niềm tin
vào bản thân và niềm tin vào người lãnh đạo là thứ giúp tổ chức đi nhanh hơn. Mình nhớ hồi còn
làm Adflex, team toàn những đứa cực kỳ "ngáo" nhưng lại đi nhanh không tưởng. Bởi càng ngáo
càng ít sợ, càng ngáo càng tự tin.
Mình nhớ lần đầu gặp team của Hoà ở Hải Dương một năm trước, anh em nhìn vào mảng online
một cách rất "ngây thơ", nhưng có lẽ chính sự ngây thơ đó khiến các bạn ít suy nghĩ, bớt những
câu hỏi kiểu: "Nếu....thì..." hay "Cái này khó vì....". Tất nhiên mọi thứ cũng cần có logic nhưng điều
đầu tiên là lòng tin, tin vào bản thân, tin vào đồng đội và tin vào lãnh đạo. Nếu không có lòng tin
làm gì có chuyện lao mình đi làm dù vẫn còn chưa biết gì như vậy, làm gì có sự bắt đầu huống hồ
là logic. Rõ ràng lòng tin là thứ quan trọng nhất của tổ chức (Hoà chia sẻ 3 yếu tố: Tầm nhìn, lòng
tin & hành động quyết liệt).
- Tư duy cầu tiến:
Một thứ nữa mình học được là "tư duy cầu tiến" ( Growth Mindset). Khác với fixed mindset hay
tạm gọi là "tư duy kinh nghiệm", tuy duy cầu tiến đặt bối cảnh của mục tiêu vào những thứ mình
chưa biết hay thậm chí là mình không biết rằng mình không biết. Nó giống như cách mà John
Kennedy nói về mục tiêu chinh phục mặt trăng: Chúng tôi sẽ đi đến mặt trăng bằng những cỗ
máy được sản xuất bởi những vật liệu mà giờ nó còn chưa được phát minh ra. Thay vì giới hạn
bản thân bởi những gì đã biết thì chúng ta cần thách thức bản thân bởi những gì chúng ta còn
chưa biết rằng nó có tồn tại trên đời. Quả thật những gì học được từ các bạn là rất nhiều. Xung
quanh quá nhiều người giỏi và mỗi ngày mình đi chậm lại là một ngày mình đi lùi. Nếu mục tiêu,
thử thách không khiến bạn cứ nghĩ đến là "sợ đái ra quần" thì có lẽ thử thách đó chưa đủ lớn.
Muốn lên cấp độ cao thì phải học. Những đàn anh lãnh đạo tập đoàn mình biết đều học kinh
khủng, học ở Harvard, học từ các guru, và học một cách say mê. Các doanh nghiệp trẻ mới nổi
gần đây quy mô 200-500 người cũng bắt đầu tham gia các khóa học về quản trị, IPO, dẫn dắt sự
đổi mới….Endeavour (Chiến Đạo), 1 tổ chức phi lợi nhuận được nhiều đàn anh hỗ trợ tài chính
(trong đó có anh Nguyễn Thành Nam) có rất nhiều buổi đào tạo/ hội thảo rất hay về các chủ đề
này với sự chia sẻ từ những Chuyên gia / Lãnh đạo đầu ngành
Thực tế học thôi, còn vận hành doanh nghiệp rất khác vì sự mâu thuẫn về lợi ích và văn hoá là
điều quá khó giải. Vì sao?
- Người Việt Nam mình rất cảm tính và hay so đo chứ không chuyên nghiệp như Tây. Các mâu
thuẫn xảy ra khi xử lí không khéo thành phốt, doanh nghiệp sập trong phút mốt.
- Một công ty muốn đi theo mô hình bài bản thì kinh doanh phải rất vững và nguồn tiền phải dồi
dào để duy trì được bộ máy vận hành như thế. Quay trở lại 2012, công ty mình thất bại vì không
đủ tiền để xây dựng bộ phận hậu phương theo kịp sự phát triển nên các công ty tiền tuyến ức chế
mà tan rã.
- Trình độ quản trị và xây dựng văn hoá phải rất xuất sắc thì mới giữ được hàng trăm cái đầu ngồi
quy tụ với nhau.
Các mô hình quản trị đều có những nguyên tắc giống nhau. Càng đọc nhiều càng tiếp cận nhiều
thì tư duy mở mang ra, rồi từ đó tìm thấy cách thức riêng cho doanh nghiệp mình. Sẽ rất khó có
hình mẫu nào tuyệt đối đúng hay tuyệt đối hợp với mình để mà copy.
Những công ty từ zero đến rất to
Routine - cuộc chơi thời trang cần bền bỉ và đi vào chiều sâu
Routine thuộc thế hệ những anh em đầu tiên bán thời trang Việt Nam xuất khẩu đầu tiên, từ
những năm 201x. Tới khoảng 2015-2017 thì OZ (tên cũ) mạnh bậc nhất về phân phối sỉ thời trang ở
Sài Gòn, tiền nhiều không phải nghĩ. Rất nhiều anh em đi theo mô hình đó và kiếm tiền tỉ như Trần
Viết Hưng (Hẻm Store), Vinh Đặng ( 1990Store), Trần Đại Dương (Somehow)
Sau đó Tuấn và Hương (2 vợ chồng sáng lập, sinh năm 89) quyết định bỏ luôn OZ để xây một
brand riêng tên là Routine. Hiện nay Routine có hơn 20 cửa hàng, một nhà máy, quy mô không
quá lớn nhưng cách làm luôn được anh em nể trọng và học hỏi. Vậy bài học là gì?
1. Vision:
Khi các anh em khác vẫn còn say sưa vì kiếm tiền từ phân phối quá dễ thì Tuấn đã thấy rằng mô
hình đó sớm muộn sẽ gặp khó, và không thể tăng trưởng được nữa vì cạnh tranh gay gắt. Việt
Nam có nhân công tốt, kinh nghiệm gia công may xịn, hoàn toàn có thể làm được Brand mới.
Routine ra đời, một trong những Local Brand tiên phong và bắt đầu đi tìm mô hình.
2. Focus:
Để làm brand, Tuấn quyết định bỏ luôn mảng bán sỉ đang rất ăn nên làm ra. Điều này hơi khó
hiểu vì có thể duy trì song song. Tuấn cười nói đó là sự lựa chọn: khi mình all-in vào một thứ thì
mới có thể làm tới tận cùng, còn vẫn lăn tăn giữa ngắn hạn với dài hạn sẽ không bứt lên được.
Đây cũng là điểm yếu của nhiều Founder trẻ: quá nhiều cơ hội, làm gì cũng ra tiền nên không tập
trung hoàn toàn vào con đường mình chọn. Tất nhiên, đó vẫn là sự lựa chọn. Nếu bạn chọn "giàu
có" thì cứ làm gì ra tiền đều tốt. Nếu bạn chọn "giá trị" thì hãy làm điều gì đó thật xứng đáng, tất
nhiên tiền sẽ đến.
3. D2C (direct to customer)
Đi rất sâu vào chuỗi giá trị: mở nhà máy, mở store, bán sàn TMĐT, kiểm soát toàn bộ hệ thống
bằng ERP. Câu chuyện ERP cũng rất đau đầu: trước đây họ dùng KiotViet, sau đó quyết triển khai
ERP bằng Microsoft, tốn tiền kinh khủng mà nhân viên thì phản đối vì khó dùng. Mất 3 năm và
thay đổi liên tục mới ổn được. Đến giờ ERP và Tech đang đóng góp quan trọng vào khả năng vận
hành của Routine.
Tuấn là người cực kì cầu toàn với sản phẩm, luôn đặt ra tiêu chí cực cao, ngay cả nhiều xưởng gia
công cho Nhật còn chưa đáp ứng được đòi hỏi. Cửa hàng mở rất thận trọng, tới giờ mới 20 cái, tự
mở chứ không huy động vốn. Gần đây họ bắt đầu làm nhượng quyền nhưng rất kĩ tính chọn đối
tác chứ không làm ồ ạt.
Routine cũng không đẩy mạnh sàn, họ hướng tới nhóm khách tại cửa hàng là nhóm đòi hỏi cao về
chất lượng và dịch vụ hơn. Website, cửa hàng đều làm chỉnh chu tới từng chi tiết. Vì thế tỉ lệ khách
hàng trung thành rất cao, đơn giá trị lớn.
Routine tái đầu tư hầu hết lợi nhuận vào sản xuất và vận hành, họ liên tục đẩy năng lực lên tầm
mới. Thời trang ngày càng khó: giá nguyên vật liệu đã tăng 40% (giá bán lẻ không tăng), đối tác
luôn thúc ép, sàn giảm giá liên tục...chỉ có nâng cao nội lực mới cạnh tranh lâu bền.
4. Chuyên tâm:
Tuấn rất khiêm tốn, lắng nghe, và cực kì ít xuất hiện trên truyền thông. Tuấn nói rằng mình còn
làm chưa tốt nên mỗi ngày còn trăm thứ để xử lý. Tuấn học hỏi rất nhiều, qua tận Pháp để học
cách làm nhà máy. Hiện Tuấn trực tiếp quản lí hết mọi thứ, nhất là khâu sản xuất và thiết kế - cốt
lõi của thời trang. Về điểm này thì mình nghĩ các Founder không cần học, có người thích chuyên
tâm tỉ mẩn, có người thích giao việc và truyền cảm hứng.
5. Đội ngũ và văn hóa:
Routine có hơn 100 nhân sự ở Headquarter rất gắn kết và lành. Mùa dịch không cắt giảm mấy mà
vẫn bày ra bán rau để có thu nhập. Qua văn phòng lúc 7h vẫn thấy anh em hăng say làm việc
trong im lặng. Phong cách văn phòng tối giản, yên lành kiểu Nhật. Cách quản trị của Tuấn khá
nhẹ nhàng, lắng nghe và thấu hiểu con người.
Mình kể câu chuyện về Routine như một tấm gương đáng để học hỏi và suy ngẫm. Thật ra những
điều đó, chắc anh em nghe nhiều rồi, không có gì quá mới nhưng để làm được là cả quá trình
đánh đổi và đi sâu tới tận cùng.
KIOTVIET - Think Big - Start Small
2.9.2021, KiotViet được quỹ KKR đầu tư 45 triệu đô. Đó là con số quá khủng của một Startup nhất
là trong bối cảnh dịch bệnh. Anh Phan Minh Tâm, chủ tịch STI Holding đã thông báo đầu
tiên và gửi lời chúc đến KiotViet.
Mình cùng Mạnh Hùng (Sobanhang), Bùi Việt Cường (cựu quản lý Maybanhang), Đinh Khánh
Nam, cựu CEO Edumall (Topica) thảo luận tâm sự mỏng để phân tích thêm bài học cho mọi
người. 45 triệu USD là tiền của người khác nhưng thành công hay thất bại của họ chính là bài học
cho chúng ta. Quan sát, học hỏi và tối ưu lại mô hình kinh doanh thì sẽ có ngày đổi vận
Mình lấy cảm hứng từ KiotViet để phân tích về một mô hình Startup lý tưởng, dám làm lớn từ quy
mô nhỏ cho anh em suy ngẫm. Thông tin không nhất thiết chính xác, và không ám chỉ cụ thể về
bên trong KiotViet, hiểu tinh thần thôi nhé.
Think Big
Mình không biết lúc khởi sự thì các Founder KiotViet nghĩ gì trong đầu. Mình đoán thế này:
- Ban đầu CitiGold được một số công ty lớn đặt làm software quản lí điểm bán (POS), họ thấy làm
dễ quá (tính năng đơn giản) mà ứng dụng hữu ích quá nên bắt đầu nhìn vào Mass market.
- Market size quá lớn: có hàng triệu điểm bán cần POS, từ công ty to đến bà tạp hoá. Mỗi người
sẵn sàng trả vài triệu/ năm. Tăng trưởng hai chữ số mỗi năm.
- Không có Market Leader: thì đây chính là Đại dương xanh (Blue ocean)
Vì thế Citigold quyết tâm phát triển một product độc lập theo dạng SaaS có tên là KiotViet.
Bài học ở đây là muốn Think big thì:
- Market phải lớn, ít cạnh tranh và tăng trưởng cao
- Nhu cầu có tính thường xuyên và lặp lại
- Dễ phát triển, tinh chỉnh và triển khai sản phẩm
Start Small
Ban đầu KiotViet chỉ giải quyết mỗi việc nhập đơn hàng, in bill. Đây là những nhu cầu đơn giản và
cần kíp nhất. Xây một sản phẩm công nghệ như vậy không khó với một công ty có đội Tech sẵn.
Market profit cũng không cần phải nghĩ, vì có sẵn một số hợp đồng lớn,các yêu cầu liên tục cứ
thế mà làm. Bài học rút ra là làm gì cũng nên dựa trên nguồn lực có sẵn, tốt hơn là có khách trả
tiền để vừa làm vừa tối ưu. Tới đây mình thấy chuyện rất giống CNV Loyalty hay Sobanhang.
Chuyện về 2 Startup này sẽ có trong phần tiếp theo.
Từ SaaS, Kiotviet tiến lên cung cấp cả máy POS. Lý do: các tiệm tạp hoá chả lẽ phải trang bị PC/
laptop chỉ để bán hàng? 1 cái máy POS gọn nhẹ giá rẻ có sẵn SaaS, lắp đặt triển khai training
trong một buổi là xong. Dễ đến mức bà ngoại bạn cũng xài được.
Từ đó họ sẽ có 2 dòng doanh thu:
- SaaS: lãi gộp lên đến 70% sau khi đã trừ hoa hồng cho đại lý, đối tác
- Máy POS: lãi gộp lên đến 50% vì hàng Trung Quốc nhập rất rẻ
Có 2 dòng doanh thu là điều cực kì lợi hại trong kinh doanh vì:
- Giá trị đơn cao. Nếu bán SaaS thì được 3 triệu nhưng bán thêm POS cộng dịch vụ đi kèm thì 10
triệu. Tăng gấp 3
- Dễ làm chương trình khuyến mãi: mua POS tặng SaaS, mua SaaS giảm 10% POS...
- Giữ chân khách lâu hơn: bán cả phần cứng lẫn phần mềm và dịch vụ hỗ trợ thì khách có muốn
đổi bên khác cũng phải nghĩ
Move Fast
Nhiều Công ty không tới đích được là do quá làng nhàng. Mình rất nể cách chiếm lĩnh thị trường
của KiotViet (hoặc Base, Haravan sau này):
- Đội sale cực đông, vài trăm người càn quét từ vùng sâu đến ngõ hẻm
- Chính sách % cho sale hay đối tác cực kì hấp dẫn. Làm chăm chỉ mỗi tháng một sale kiếm vài
chục củ thật hơn cả mơ.
- Tuyển dụng, đào tạo và sàng lọc đội ngũ liên tục, giao KPI ngất ngưởng. Vì vậy nên dù đông
nhưng vẫn luôn có hiệu suất cao.
Ở đây sản phẩm không đóng vai trò cốt lõi nữa. Bán SaaS, POS lúc này không khác gì bán nước
ngọt. Một điều hay nữa là KiotViet chuyển dịch rất nhanh sang TMĐT. Lúc đầu họ phục vụ nhóm
tạp hoá, sau đó làm SaaS phục vụ nhóm bán hàng online. Đây là bước đi hợp thời vì nhóm online
rất đông đảo và thích nghi công nghệ cực nhanh. Từ POS lấn sang quản lí kho, CRM và một phần
là Tài chính.
Tới đây thì KiotViet là lựa chọn "tất yếu" cho mọi nhà bán hàng dù online hay offline. Market size
gấp 3 lần (vài triệu doanh nghiệp + hộ kinh doanh + cá nhân) và tăng trưởng thị trường hai con số
mỗi năm. Dù sản phẩm không đóng vai trò cốt lõi nhưng nó đã có quá nhiều tính năng và giá trị
sử dụng đủ tốt, đối thủ có muốn copy không hề đơn giản.
Next?
Chuyện còn hấp dẫn. Sau nhiều năm, KiotViet nắm trong tay hàng triệu nhà bán hàng. Họ biết
từng người bán hàng gì, ở đâu, doanh số bao nhiêu, giá vốn, tỉ suất lợi nhuận....vậy đoán xem họ
sẽ làm gì?
1. Phân phối
Theo tin vỉa hè, chỉ riêng mảng mỹ phẩm thống kê qua KiotViet mỗi năm gần 1 tỉ đô. Vậy thử đoán
xem dòng hàng hoá mỗi năm có phải 3 tỉ đô hay không? Sẽ ra sao nếu KiotViet kiếm được lãi 1%
trên con số đó? 30 triệu USD !!!
Làm sao?
Kiotviet liên kết với các công ty phân phối lớn (distributor) để cấp hàng cho người bán với giá cả
và công nợ tốt hơn. Ai không đủ tiền nhập hàng sẽ có ngân hàng đồng hành cho vay dựa trên
dòng doanh thu của họ (đã nắm được qua hệ thống). Các công ty Logistics đảm nhiệm phần giao
hàng. Cuộc chơi quá khủng khiếp.
Next? Next?
Chuyện còn hấp dẫn hơn nếu có KiotPay hay KiotCredit hướng tới người mua. Mà thôi không đủ
khả năng đoán nữa.
Nhắc lại đây là một phân tích về mô hình lí tưởng. Còn KiotViet có làm vậy hay không thì mình
không biết. Thực tế cả mảng POS lẫn mảng Phân phối đều khó nhai, không hề dành cho tay mơ.
Ta sẽ thấy các trở ngại lớn của SaaS trong chương sau
Wolfoo - Amanotes: Từ nông thôn đến Disney
Hầu như ông bố nào cũng biết Peppa Pig - chú heo dễ thương và tinh nghịch trở thành biểu
tượng toàn cầu. Một số người cũng biết đến chú sói Wofoo nhưng ít ai biết làm ra nhân vật này là
S-connect, một công ty hoàn toàn Việt Nam.
Kể về Wofoo thì có lẽ nhiều lắm, mượn lời anh Nguyễn Thành Nam cho dễ thương:
“Ông Nam biết không: Mỹ có Mickey, Nhật Bản có Doraemon, Việt Nam có Wolfoo đấy. Cu cháu
từ Úc về hào hứng khoe. Thế là 2 ông cháu đội mưa đi thăm trụ sở “Disney” của Việt Nam.
Đúng hôm mưa to, nên cu cháu có cơ hội được tận mắt chứng kiến vịnh Triều Khúc dập dồn sóng
vỗ. Chắc nghĩ văn phòng phải hoành tráng như DisneyLand nên ku cậu có vẻ hơi thất vọng khi
thấy Disney Việt Nam chỉ là một tòa nhà rất đơn giản, nằm trong khu đất mới xây khá lộn xộn
trong ngõ 286 Nguyễn Xiển.
Tất nhiên là cu cậu không biết hơn 600 anh chị, cô chú ở đây đang sản xuất và đưa lên mạng
mỗi ngày hàng chục các đoạn phim hoạt hình, tạo nên 4.25 tỉ truy cập hằng tháng trên Youtube
và Facebook cho sói con dễ thương Wolfoo và các anh chị em của nó.
Hoàng - giám đốc công ty, nói với tôi: “bọn em là studio độc lập có sản lượng lớn nhất thế giới.”
Khi tôi hỏi bí kíp thành công, anh trả lời khá bất ngờ: tuân thủ triệt để những hướng dẫn của
YoutubeKid về việc tạo ra các sản phẩm. Anh cho rằng chúng ta thường hay tỏ ra sáng tạo, bỏ
qua các chỉ dẫn của chuyên gia. Điều thú vị là đại đa số nhân viên, trừ một số vị trí chủ chốt, là
những người yêu nghệ thuật nghiệp dư, chẳng cần phải tốt nghiệp đại học mỹ thuật nào cả. Bản
thân Hoàng là kỹ sư CNTT tốt nghiệp Học viện kỹ thuật quân sự. Anh nói: các bạn trẻ, đặc biệt là
các bạn nữ rất tỉ mỉ và khéo léo, phù hợp để làm phim hoạt hình. Công ty của Hoàng cũng đã
triển khai khu vui chơi Wolfoo Land và ngày 13/10 tới sẽ ra mắt bộ phim hoạt hình chiếu rạp đầu
tiên có tên là “Hòn đảo kỳ diệu””.
Với quy mô lớn và phát hành toàn cầu, Wolfoo phải cạnh tranh trực tiếp với các ông lớn như
Peppa Pig. Nên vấn đề đau đầu nhất của Hoàng bây giờ là xử lý các kiện cáo về vi phạm bản
quyền. Tôi an ủi: ra biển thì sóng lớn, sóng lớn sẽ có cá to. Rất cần bản lĩnh và thông minh, vì
mình chưa mạnh đổ tiền để thuê luật sư xoi mói như đối thủ. Anh em luật trẻ Việt Nam nào tự tin
có thể thi đấu toàn cầu, liên lạc với Hoàng, để tham gia đội tuyển “chiến” trận tầm WorldCup
này. Cu cháu, sau khi tự tay nặn các cây nấm và được đích thân giám đốc đánh giá tạm được và
trả 10 nghìn đồng, rồi cho đổi thành bộ xếp hình Cảnh sát Wolfoo đã hoàn toàn thỏa mãn. Ra về,
còn góp ý cho giám đốc là Pando (một người bạn của Wolfoo) được vẽ trên tường hầm xe, phải
có tai đen chứ không để trắng như thế này”.
Rất tiếc khi cuốn sách này sắp in thì Wolfoo bị Youtube xóa hết video sau khi vướng vào kiện tụng
với Peppa Pig. Mình tin là Hoàng và cộng sự sẽ sớm vượt qua sự cố này để tìm ra con đường rực
rỡ hơn
Amanotes thành lập tại Việt Nam vào năm 2014 bởi Võ Tuấn Bình (Bill Võ) và Nguyễn Tuấn Cường
(Silver Nguyễn). Từ một startup công nghệ chỉ làm được vài game mobile trong giai đoạn đầu, đến
nay, Amanotes đã có hơn 200 nhân sự, đạt hơn 2,7 tỷ lượt tải ứng dụng tại 190 quốc gia, là nhà
phát hành game âm nhạc có lượt tải về lớn nhất trên toàn cầu. Trụ sở của Amanotes trên cùng
con đường với công ty mình (cũng làm phần mềm), cách nhau 1km nhưng họ cách xa mình cả
ngàn lần.
Bình Võ, 8x đời cuối, là thanh niên từ thôn làng ra, rất giỏi thổi sáo đánh đàn nhưng việc cạnh
tranh mảng game trên thế giới đòi hỏi Kỹ năng khác. Cốt lõi của Amanotes là Tốc độ: họ học hỏi
những game hot nhất rồi cải biến lại với tốc độ nhanh nhất trước khi hết xu hướng. Về điểm này
thì kĩ sư Việt Nam giỏi và năng suất hơn phương Tây rất nhiều.
Cũng như Wolfoo, Amanotes không giỏi làm ra cái mới nhưng xuất sắc trong việc học và cải biên
từ cái đã thành công. Phảng phất bài học từ FPT Software đúng không? Đúng thế. Hãy cứ mơ thật
lớn. Học các mô hình đã thành công rực rỡ. Và vận dụng khéo léo hơn khả năng, thành công nhất
định sẽ tới.
Ta khó trở thành một Thegioididong thứ 2, nhưng hoàn toàn có thể thành Thegioididong đầu tiên
trong ngành giáo dục, mỹ phẩm, nông sản, nước hoa…Đó cũng chính là điều mình muốn chia sẻ
trong tập 2 này.
CHƯƠNG 2: ĐI QUA TÂM BÃO
Mùa Covid, mình ở nhà sưu tầm được ít nhiều câu chuyện thấm đẫm nước mắt của các bạn bè
kinh doanh thành cuốn ebook . Mọi người đọc chắc sẽ thấy nhiều
Corona kí sự - A1demy.pdf
đồng cảm
Mình cũng gặp gỡ nhiều anh em (qua Zoom) để đàm đạo về những giải pháp vượt dịch rồi tổ
chức các buổi chia sẻ bài học cho các bạn trẻ. Những phần dưới đây mình viết từ đợt dịch, vẫn
còn nguyên giá trị cho cả thời gian sắp tới. Vì chúng ta vẫn có thể phải đối diện với những dịch
bệnh kinh hoàng hơn trong tươi lai. Và vì chúng ta vẫn có những ổ dịch ngay chính bên trong
doanh nghiệp mình
Khi đọc bản thảo, Nguyễn Mạnh Tấn, CMO Haravan, người luôn nắm rất sát thực trạng của các
anh em bán lẻ/ TMĐT góp ý: bây giờ nhiều doanh nghiệp đang rất đuối, rất loay hoay không biết
phải làm gì, anh hãy viết ra những đúc kết và định hướng giúp họ hiểu những việc cần làm tiếp
theo. Mình cảm thấy quá khó vì những gì khó khăn hôm nay chính các công ty của mình đang
phải đối mặt và chưa biết có tìm được cách thức vượt qua hay không thì lấy tư cách gì để khuyên
ai. Tuy nhiên mình cũng có trách nhiệm phải giải quyết 1 phần yêu cầu này để đáp ứng mong đợi
từ mọi người, vì trong số độc giả chắc 50% là những người có theo dõi mình thường xuyên trên
Facebook. Trong mỗi chương mình đều cố gắng đút kết gọn rồi đưa thêm phương hướng hành
động, hi vọng mọi người sẽ tìm ra được 1 vài keywords nào đó để áp dụng.
Những bài học vượt dịch tuy đã trôi xa nhưng giá trị vẫn còn nóng hổi. Và rất nhiều keywords đắt
giá để chiêm nghiệm. Với những bạn trẻ cuối 8x, đầu 9x trở đi được hưởng lợi từ chu kì 10 năm
tăng trưởng nóng của nền kinh tế (2012 - 2021) thì những cú vấp trong đợt này là cần thiết để đi
xa hơn. Bạn sẽ khó mà đạt tới thành công lớn nếu chưa chịu đựng những thất bại từ sớm
Gumac là 1 câu chuyện điển hình. Lên như diều. Rồi gục ngã vì những sai lầm khi mở rộng và
chống chọi với 2 đợt dịch trời giáng. Cắt lỗ, đóng bớt văn phòng Hà Nội, cắt các cửa hàng không
phù hợp. Vân cũng không đi thiền nữa mà quay lại cùng vợ trực tiếp điều hành công ty, bình tĩnh,
gỡ từng nút thắt, và vượt qua một cách bình thản. Gumac 2023 có rất nhiều vết sẹo và cả những
thương tổn chưa lành chứ không hề long lanh như trong tập 1. Nhưng Vân vẫn ở đó, bất khuất và
hào sảng thiết lập những cuộc chơi mới bền chắc hơn. Câu chuyện của Gumac kể lại sơ lược ở
đây để nhấn mạnh một điều rằng: Kinh doanh có lúc đúng lúc sai nhưng chỉ cần ý chí không phai
thì sẽ mãi là người không chiến bại.
Gumac - Thương hiệu Việt đứng trước ngã rẽ định mệnh
Tâm sự của Vân giữa những ngày nước sôi lửa bỏng
“Trưa nay test Covid cho 30 người ở lại ký túc xá công ty, kết quả may mắn là âm tính. Nói may
mắn là bởi vì các công ty xung quanh đều bị Covid và phải đóng cửa hết, bên mình tuy đóng cửa
nhưng bên trong vẫn làm việc được khi tổ chức ăn ở và làm việc tại công ty.
Cá nhân mình thời gian qua cũng căng như dây đàn, 2 vợ chồng phải cân nhắc rất nhiều thứ, cứ
nâng lên đặt xuống nhiều thứ, từ việc quyết định đóng văn phòng miền Bắc cho tới việc tính toán
Đọc thử. Tập 2 - Từ nông thôn đến triệu đô.pdf
Đọc thử. Tập 2 - Từ nông thôn đến triệu đô.pdf
Đọc thử. Tập 2 - Từ nông thôn đến triệu đô.pdf
Đọc thử. Tập 2 - Từ nông thôn đến triệu đô.pdf
Đọc thử. Tập 2 - Từ nông thôn đến triệu đô.pdf
Đọc thử. Tập 2 - Từ nông thôn đến triệu đô.pdf
Đọc thử. Tập 2 - Từ nông thôn đến triệu đô.pdf
Đọc thử. Tập 2 - Từ nông thôn đến triệu đô.pdf
Đọc thử. Tập 2 - Từ nông thôn đến triệu đô.pdf
Đọc thử. Tập 2 - Từ nông thôn đến triệu đô.pdf
Đọc thử. Tập 2 - Từ nông thôn đến triệu đô.pdf
Đọc thử. Tập 2 - Từ nông thôn đến triệu đô.pdf

More Related Content

What's hot

Kỹ năng tham vấn tâm lý
Kỹ năng tham vấn tâm lýKỹ năng tham vấn tâm lý
Kỹ năng tham vấn tâm lý
ĐHKHXH&NV HN
 
Pokemon flora sky guide
Pokemon flora sky guidePokemon flora sky guide
Pokemon flora sky guide
Snakebyte
 

What's hot (17)

Kỹ năng tham vấn tâm lý
Kỹ năng tham vấn tâm lýKỹ năng tham vấn tâm lý
Kỹ năng tham vấn tâm lý
 
Kinh thi tập I-Đức Khổng tử
Kinh thi tập I-Đức Khổng tửKinh thi tập I-Đức Khổng tử
Kinh thi tập I-Đức Khổng tử
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với CNXHTư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH
 
Tích lũy tư bản và các nhân tố ảnh hưởng đến quy mô tích luỹ.doc
Tích lũy tư bản và các nhân tố ảnh hưởng đến quy mô tích luỹ.docTích lũy tư bản và các nhân tố ảnh hưởng đến quy mô tích luỹ.doc
Tích lũy tư bản và các nhân tố ảnh hưởng đến quy mô tích luỹ.doc
 
Bài tổng hợp
Bài tổng hợpBài tổng hợp
Bài tổng hợp
 
[Tâm Việt] 6 chiếc mũ tư duy
[Tâm Việt] 6 chiếc mũ tư duy[Tâm Việt] 6 chiếc mũ tư duy
[Tâm Việt] 6 chiếc mũ tư duy
 
Powerpoint Thế giới ảo
Powerpoint Thế giới ảoPowerpoint Thế giới ảo
Powerpoint Thế giới ảo
 
SYB3012 - Khoi su doanh nghiep - FPT Polytechic
SYB3012 - Khoi su doanh nghiep - FPT PolytechicSYB3012 - Khoi su doanh nghiep - FPT Polytechic
SYB3012 - Khoi su doanh nghiep - FPT Polytechic
 
Hoàn thiện mô hình kinh doanh
Hoàn thiện mô hình kinh doanhHoàn thiện mô hình kinh doanh
Hoàn thiện mô hình kinh doanh
 
"Nói về mình" - cẩm nang về coming out
"Nói về mình" - cẩm nang về coming out"Nói về mình" - cẩm nang về coming out
"Nói về mình" - cẩm nang về coming out
 
Báo cáo cuối kỳ ATHENA 31/07/2014
Báo cáo cuối kỳ ATHENA 31/07/2014Báo cáo cuối kỳ ATHENA 31/07/2014
Báo cáo cuối kỳ ATHENA 31/07/2014
 
Báo cáo System hacking
Báo cáo System hackingBáo cáo System hacking
Báo cáo System hacking
 
Khoi nghiep mr.huy
Khoi nghiep mr.huyKhoi nghiep mr.huy
Khoi nghiep mr.huy
 
Luận Văn Vấn đề đạo đức trong triết học của I. Kant và ý nghĩa thời đại.doc
Luận Văn Vấn đề đạo đức trong triết học của I. Kant và ý nghĩa thời đại.docLuận Văn Vấn đề đạo đức trong triết học của I. Kant và ý nghĩa thời đại.doc
Luận Văn Vấn đề đạo đức trong triết học của I. Kant và ý nghĩa thời đại.doc
 
Pokemon flora sky guide
Pokemon flora sky guidePokemon flora sky guide
Pokemon flora sky guide
 
Bến bờ yêu thương
Bến bờ yêu thươngBến bờ yêu thương
Bến bờ yêu thương
 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc - TẢI FREE ZALO: 093 45...
Tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc - TẢI FREE ZALO: 093 45...Tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc - TẢI FREE ZALO: 093 45...
Tư tưởng Hồ Chí Minh về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc - TẢI FREE ZALO: 093 45...
 

Similar to Đọc thử. Tập 2 - Từ nông thôn đến triệu đô.pdf

Từ nông thôn đến triệu đô - hay lược sử 15 năm Thương mại điện tử VN
Từ nông thôn đến triệu đô - hay lược sử 15 năm Thương mại điện tử VNTừ nông thôn đến triệu đô - hay lược sử 15 năm Thương mại điện tử VN
Từ nông thôn đến triệu đô - hay lược sử 15 năm Thương mại điện tử VN
Tuan Le
 
Tập san TOPICA số 42 tháng 10/2013
Tập san TOPICA số 42 tháng 10/2013Tập san TOPICA số 42 tháng 10/2013
Tập san TOPICA số 42 tháng 10/2013
Cao Cong Minh
 
[5 chương đầu] làm ít hơn kiếm tiền nhiều hơn
[5 chương đầu] làm ít hơn kiếm tiền nhiều hơn[5 chương đầu] làm ít hơn kiếm tiền nhiều hơn
[5 chương đầu] làm ít hơn kiếm tiền nhiều hơn
Hiền Ơi
 
Câu truyện thương hiệu
Câu truyện thương hiệuCâu truyện thương hiệu
Câu truyện thương hiệu
hoatuy
 
Làn sóng thứ ba kỷ nguyên mới trong kinh doanh theo mạng
Làn sóng thứ ba   kỷ nguyên mới trong kinh doanh theo mạngLàn sóng thứ ba   kỷ nguyên mới trong kinh doanh theo mạng
Làn sóng thứ ba kỷ nguyên mới trong kinh doanh theo mạng
Anh Khoa Nguyễn
 
tiểu luận quan hệ công chúng
tiểu luận quan hệ công chúng tiểu luận quan hệ công chúng
tiểu luận quan hệ công chúng
Kim Lài Hoàng Thị
 
[Sách Hay] Marketing Cho Bán Lẻ
[Sách Hay] Marketing Cho Bán Lẻ[Sách Hay] Marketing Cho Bán Lẻ
[Sách Hay] Marketing Cho Bán Lẻ
Đức Lê
 

Similar to Đọc thử. Tập 2 - Từ nông thôn đến triệu đô.pdf (20)

Từ nông thôn đến triệu đô - hay lược sử 15 năm Thương mại điện tử VN
Từ nông thôn đến triệu đô - hay lược sử 15 năm Thương mại điện tử VNTừ nông thôn đến triệu đô - hay lược sử 15 năm Thương mại điện tử VN
Từ nông thôn đến triệu đô - hay lược sử 15 năm Thương mại điện tử VN
 
New the next wave_lan_song_moi_www.imgroup.vn(1)
New the next wave_lan_song_moi_www.imgroup.vn(1)New the next wave_lan_song_moi_www.imgroup.vn(1)
New the next wave_lan_song_moi_www.imgroup.vn(1)
 
Bimat dotcom-chương-1-3
Bimat dotcom-chương-1-3Bimat dotcom-chương-1-3
Bimat dotcom-chương-1-3
 
bí quyết tay trắng thành triệu phú
bí quyết tay trắng thành triệu phúbí quyết tay trắng thành triệu phú
bí quyết tay trắng thành triệu phú
 
Tập san TOPICA số 42 tháng 10/2013
Tập san TOPICA số 42 tháng 10/2013Tập san TOPICA số 42 tháng 10/2013
Tập san TOPICA số 42 tháng 10/2013
 
[5 chương đầu] làm ít hơn kiếm tiền nhiều hơn
[5 chương đầu] làm ít hơn kiếm tiền nhiều hơn[5 chương đầu] làm ít hơn kiếm tiền nhiều hơn
[5 chương đầu] làm ít hơn kiếm tiền nhiều hơn
 
Doc thu-hanhtrinh30ngaybanhangquadienthoai
Doc thu-hanhtrinh30ngaybanhangquadienthoaiDoc thu-hanhtrinh30ngaybanhangquadienthoai
Doc thu-hanhtrinh30ngaybanhangquadienthoai
 
BM19 "Brand Manager"
BM19 "Brand Manager"BM19 "Brand Manager"
BM19 "Brand Manager"
 
Sách Kotler Bàn Về Tiếp Thị - Tạo Lập Và Thống Lĩnh Thị Trường
Sách Kotler Bàn Về Tiếp Thị - Tạo Lập Và Thống Lĩnh Thị TrườngSách Kotler Bàn Về Tiếp Thị - Tạo Lập Và Thống Lĩnh Thị Trường
Sách Kotler Bàn Về Tiếp Thị - Tạo Lập Và Thống Lĩnh Thị Trường
 
Nghệ thuật săn việc
Nghệ thuật săn việcNghệ thuật săn việc
Nghệ thuật săn việc
 
Câu truyện thương hiệu
Câu truyện thương hiệuCâu truyện thương hiệu
Câu truyện thương hiệu
 
Làn sóng thứ ba kỷ nguyên mới trong kinh doanh theo mạng
Làn sóng thứ ba   kỷ nguyên mới trong kinh doanh theo mạngLàn sóng thứ ba   kỷ nguyên mới trong kinh doanh theo mạng
Làn sóng thứ ba kỷ nguyên mới trong kinh doanh theo mạng
 
tiểu luận quan hệ công chúng
tiểu luận quan hệ công chúng tiểu luận quan hệ công chúng
tiểu luận quan hệ công chúng
 
[Sách Hay] Marketing Cho Bán Lẻ
[Sách Hay] Marketing Cho Bán Lẻ[Sách Hay] Marketing Cho Bán Lẻ
[Sách Hay] Marketing Cho Bán Lẻ
 
Kế hoạch khởi sự kinh doanh Thành lập cửa hàng quần áo thời trang nữ My LAN M...
Kế hoạch khởi sự kinh doanh Thành lập cửa hàng quần áo thời trang nữ My LAN M...Kế hoạch khởi sự kinh doanh Thành lập cửa hàng quần áo thời trang nữ My LAN M...
Kế hoạch khởi sự kinh doanh Thành lập cửa hàng quần áo thời trang nữ My LAN M...
 
Luận văn Thành lập cửa hàng quần áo thời trang nữ.docx
Luận văn Thành lập cửa hàng quần áo thời trang nữ.docxLuận văn Thành lập cửa hàng quần áo thời trang nữ.docx
Luận văn Thành lập cửa hàng quần áo thời trang nữ.docx
 
Điều gì khiến khách hàng chi tiền
Điều gì khiến khách hàng chi tiềnĐiều gì khiến khách hàng chi tiền
Điều gì khiến khách hàng chi tiền
 
Cẩm Nang Marketing Online - Khủng Minh
Cẩm Nang Marketing Online - Khủng MinhCẩm Nang Marketing Online - Khủng Minh
Cẩm Nang Marketing Online - Khủng Minh
 
Lam it hon kiem nhieu tien hon 5 chuong dau
Lam it hon kiem nhieu tien hon 5 chuong dauLam it hon kiem nhieu tien hon 5 chuong dau
Lam it hon kiem nhieu tien hon 5 chuong dau
 
Cam nang-marketing-online-richdad loc
Cam nang-marketing-online-richdad locCam nang-marketing-online-richdad loc
Cam nang-marketing-online-richdad loc
 

More from Tuan Le

Sách Affiliate marketing - Nghề của tương lai
Sách Affiliate marketing - Nghề của tương laiSách Affiliate marketing - Nghề của tương lai
Sách Affiliate marketing - Nghề của tương lai
Tuan Le
 
Xây dựng Mô hình kinh doanh Social + commerce
Xây dựng Mô hình kinh doanh  Social + commerceXây dựng Mô hình kinh doanh  Social + commerce
Xây dựng Mô hình kinh doanh Social + commerce
Tuan Le
 
Quản trị và phân tích số liệu Từ excel đến Business Intelligence
Quản trị và phân tích số liệu Từ excel đến Business IntelligenceQuản trị và phân tích số liệu Từ excel đến Business Intelligence
Quản trị và phân tích số liệu Từ excel đến Business Intelligence
Tuan Le
 
Hành trình 10 năm của một Full stack digital marketer
Hành trình 10 năm của một Full stack digital marketerHành trình 10 năm của một Full stack digital marketer
Hành trình 10 năm của một Full stack digital marketer
Tuan Le
 
Growth mastermind
Growth mastermindGrowth mastermind
Growth mastermind
Tuan Le
 

More from Tuan Le (20)

Sách Affiliate marketing - Nghề của tương lai
Sách Affiliate marketing - Nghề của tương laiSách Affiliate marketing - Nghề của tương lai
Sách Affiliate marketing - Nghề của tương lai
 
Vietnam Pharmaceuticals & Healthcare Report - Q3 2022.pdf
Vietnam Pharmaceuticals & Healthcare Report - Q3 2022.pdfVietnam Pharmaceuticals & Healthcare Report - Q3 2022.pdf
Vietnam Pharmaceuticals & Healthcare Report - Q3 2022.pdf
 
Data driven marketing - forbes
Data driven marketing - forbesData driven marketing - forbes
Data driven marketing - forbes
 
Xây dựng Mô hình kinh doanh Social + commerce
Xây dựng Mô hình kinh doanh  Social + commerceXây dựng Mô hình kinh doanh  Social + commerce
Xây dựng Mô hình kinh doanh Social + commerce
 
Quản trị và phân tích số liệu Từ excel đến Business Intelligence
Quản trị và phân tích số liệu Từ excel đến Business IntelligenceQuản trị và phân tích số liệu Từ excel đến Business Intelligence
Quản trị và phân tích số liệu Từ excel đến Business Intelligence
 
Hành trình 10 năm của một Full stack digital marketer
Hành trình 10 năm của một Full stack digital marketerHành trình 10 năm của một Full stack digital marketer
Hành trình 10 năm của một Full stack digital marketer
 
Growth mastermind
Growth mastermindGrowth mastermind
Growth mastermind
 
Retailing in vietnam 2016
Retailing in vietnam 2016Retailing in vietnam 2016
Retailing in vietnam 2016
 
Data driven marketing - Email marketing
Data driven marketing - Email marketingData driven marketing - Email marketing
Data driven marketing - Email marketing
 
Sự khác biệt giữa Data driven marketing với Marketing
Sự khác biệt giữa Data driven marketing với MarketingSự khác biệt giữa Data driven marketing với Marketing
Sự khác biệt giữa Data driven marketing với Marketing
 
Social media marketing - ứng dụng của data-driven marketing
Social media marketing - ứng dụng của data-driven marketingSocial media marketing - ứng dụng của data-driven marketing
Social media marketing - ứng dụng của data-driven marketing
 
Tong quan Social media Listening
Tong quan Social media ListeningTong quan Social media Listening
Tong quan Social media Listening
 
Data driven marketing
Data driven marketingData driven marketing
Data driven marketing
 
Mobile marketing association - MMA
Mobile marketing association - MMAMobile marketing association - MMA
Mobile marketing association - MMA
 
Vietnam hotel & tourism investment conference 15 nov 2012
Vietnam hotel & tourism investment conference 15 nov 2012Vietnam hotel & tourism investment conference 15 nov 2012
Vietnam hotel & tourism investment conference 15 nov 2012
 
Tourism Vietnam - q3 - 2013
Tourism  Vietnam - q3 - 2013Tourism  Vietnam - q3 - 2013
Tourism Vietnam - q3 - 2013
 
The age of programmatic ads
The age of programmatic ads The age of programmatic ads
The age of programmatic ads
 
Vietnam digital landscape 2015 - by Moore.vn
Vietnam digital landscape 2015 - by Moore.vnVietnam digital landscape 2015 - by Moore.vn
Vietnam digital landscape 2015 - by Moore.vn
 
Vietnamese kids behaviors 2010
Vietnamese kids behaviors 2010Vietnamese kids behaviors 2010
Vietnamese kids behaviors 2010
 
Programatic goes Global - DataXu
Programatic goes Global - DataXuProgramatic goes Global - DataXu
Programatic goes Global - DataXu
 

Đọc thử. Tập 2 - Từ nông thôn đến triệu đô.pdf

  • 1. TỪ NÔNG THÔN ĐẾN TRIỆU ĐÔ Lê Anh Tuấn 10.10.2023 Tập 2 TỪ NÔNG THÔN ĐẾN TRIỆU ĐÔ 1 CHƯƠNG 1: MỞ ĐẦU 4 MỤC LỤC 6 Mối duyên kì lạ với 2 người anh tên Nam 9 FPT Software: “Đếch biết gì cũng tiến” 12 Con đường đi tới trăm triệu đô 13 Những phẩm chất của "Người Lãnh đạo cấp 5" 23 Những công ty từ zero đến rất to 27 Routine - cuộc chơi thời trang cần bền bỉ và đi vào chiều sâu 27 KIOTVIET - Think Big - Start Small 28 Wolfoo - Amanotes: Từ nông thôn đến Disney 31 CHƯƠNG 2: ĐI QUA TÂM BÃO 33 Gumac - Thương hiệu Việt đứng trước ngã rẽ định mệnh 33 Thương hiệu thời trang Việt trước phong ba 35 Suy thoái thì phải làm gì? 37 CHƯƠNG 3: CƠN SÓNG THẦN TIKTOK , SHORT VIDEO VÀ SHOPPERTAINMENT 40 Góc nhìn khởi nghiệp TMĐT từ anh Nguyễn Ngọc Điệp - CEO Vatgia 42 Video ngắn là xu hướng không thể đảo ngược 45 Shoppertainment (mua sắm giải trí) thay đổi hành vi mua sắm 48 TikTok - Đừng gọi anh là Idol 49 DC Group - Khi cuộc chơi mới được dẫn dắt bởi những cá tính không biết sợ 50 Bắc DC, Nam Tikplus 52 Vibula- Làm điều Như Ý sẽ đến ngày Quang Vinh 54 Polomanor và chuyện chưa kể về Ông chú Polo 56 Social Commerce lên ngôi 66 Đến nông dân cũng livestream bán hàng 70 Chiến thần Livestream. Nữ hoàng phòng Live 71 Social Selling 74 Dương Trọng Nghĩa - từ đòi nợ đến Founder 75 Đào tạo trên mây và khai vấn cộng đồng 80
  • 2. Kiếm tiền bằng bán chuyên môn của chính mình 83 CHƯƠNG 4: BÁN CHUYÊN MÔN GIÁ CAO và HUẤN LUYỆN VIÊN SỐ 88 Minh Khôi- Từ BĐS dòng tiền tới bí mật học viện số 89 Mai Xuân Đạt - từ chuyên gia Marketing, OKR thành Coach doanh nghiệp triệu $ 91 Mô hình huấn luyện giá cao 96 Học viện số: Con đường Xây dựng sản phẩm ít tốn kém 99 4 Mô Hình huấn luyện tốt nhất năm 2023 100 CHƯƠNG 5: D2C Ecommerce (direct to customer) 107 Sokfarm- từ xứ dừa vượt biển đến xứ Cờ hoa 109 D2C thời trang, cuộc chơi của Local brand 112 D2C trong kinh doanh Thực phẩm/ F&B online 115 Mô hình bếp tự động Expand 118 F&B. Smart restaurant - quản trị một nhà hàng bằng Công nghệ và Dữ liệu 121 Lão concept và cuộc phiêu lưu trong ngành F&B. 128 Ngành Dược phẩm/ Thực phẩm chức năng - cuộc chơi lớn giờ mới chỉ bắt đầu 131 4 giai đoạn vàng của ngành Dược phẩm/ TPCN 131 CVI - mô hình kinh doanh kết hợp 3 nhà kiểu mẫu 132 Cuộc chơi lớn cần những cái đầu sành sỏi về Chính sách, Pháp Lý 137 TPCN Việt Nam trong cuộc chơi toàn cầu 139 CHƯƠNG 6: GO GLOBAL - Hành trình từ nông thôn ra biển lớn 144 Tại sao Global lại ngon? 145 Dropshipping - đưa hàng hóa từ Trung Quốc/ Việt Nam đi khắp thế giới 147 Xây Brand - cuộc chơi tỉ đô 151 Chiến lược đàn cá con 155 ETSY - cuộc chơi của Đàn cá con 156 Thế giới phẳng 160 Tư duy và chiến lược nghiên cứu chọn Sản phẩm trong Global Ecommerce 161 Nên bắt đầu từ đâu, với số vốn bao nhiêu là vừa ? 163 POD (print on demand) - từ nông thôn đến Nasdaq 164 2021 và bây giờ mới kể. 167 Làm ăn với Mỹ và Trung Quốc 177 Cơn sóng TikTok đang thổi sức cho Cross Border 179 Cross-border ĐNA, chuyện không mới nhưng chưa bao giờ hết hot 182 Amazon, cánh cửa lớn nhất đã mở 185 Biển càng lớn thì càng nhiều cơn sóng dữ 187 2023-2025: Kinh doanh Việt Nam hay global 188 CHƯƠNG 7: CUỘC CHƠI HỆ SINH THÁI 190 Tân Bình - Tân Phú - Bình Tân 190 Hội Bình Lợi, Beecom và Nguyễn Thành Phi 192
  • 3. Cuộc chơi hệ sinh thái ngách 204 Phần mềm và sản phẩm số 205 Hoàng Minh Quân - từ Gamer thành Entrepreneur 207 CHƯƠNG 8: CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ CÂU CHUYỆN CÁ CHÉP VƯỢT VŨ MÔN 217 Chuyển đổi số là câu chuyện nhức nhối với ngay cả những tổ chức lớn 217 Số hoá vận hành chuỗi bán lẻ hoặc công ty Ecommerce quy mô dưới 500 tỉ 223 Con người- quy trình- công cụ trong Vận hành 224 Những bài học trong chuyển đổi số của chuỗi bán lẻ thời trang 226 American Dream chắp cánh bởi sức mạnh Con người - Quy trình - Công cụ 253 Quản lí, gia tăng trải nghiệm Khách hàng đa kênh ở chuỗi bán lẻ 259 Cả thanh xuân xây dựng phần mềm Quản lí khách hàng trung thành và Zalo app 261 Thế khó của các startup SaaS Việt Nam (không chỉ là CNV Loyalty) 262 Cuộc chơi lớn Mini app 263 SAAS - hay SÁT 267 Đinh Thái Hà và cuộc chinh phục thị trường CSKH qua tin nhắn / thoại 268 SAAS - SALE SALE SALE 273 Xây Hệ thống Công nghệ dành cho con nhà nghèo mảng Giáo dục 274 Chuyển đổi số lấy con người làm trung tâm - case study từ GearVN 279 CHƯƠNG 9: TỪ TRIỆU ĐÔ TỚI FOMO 284 Tiền của Khách hàng không biết đi đâu cả rồi? 288 FOCUS, hay FOMO!!! 292 NHỮNG CÔNG TY SỐNG ỔN 293 Những Công ty sống ổn 294 Khởi nghiệp là hành trình 10 năm 295 Những cái bẫy Tăng trưởng, Mở rộng không tính toán rồi trả giá 298 CHƯƠNG 10: THUYỀN TO SÓNG LỚN 300 Học được gì từ hành trình tỉ đô của FPT software 300 Bài học về việc tổ chức bộ máy và trao quyền 300 Văn hoá và Lý tưởng 302 Học từ các Tập đoàn Đa quốc gia (Corp) 308 ĐỊNH GIÁ VÀ M&A. 311 Gọi vốn và Huy động sức mạnh cộng đồng để chơi game lớn 314 Dự đoán và ứng phó trong khủng hoảng (2022 - 2024) 315 Bài học ứng phó khủng hoảng từ Thế giới di động 315 2023- ván cờ cần thay đổi cách chơi 319 Tâm thế người Founder trước cơn bão lớn 322 LỜI KẾT 325 PHỤ LỤC 325
  • 4. CHƯƠNG 1: MỞ ĐẦU Tập 1 “Từ nông thôn đến triệu đô” là mối duyên lành với mình. Hơn 10,000 bản ebook và sách đã được phát hành. Rất nhiều người đã nhắn tin cảm ơn và hỏi mình sâu hơn về các mô hình mới. Nhiều đàn anh còn hẹn gặp để nhờ mình tư vấn và kết nối cho các anh tài trong làng TMĐT. Có một chú 60 tuổi mua sách chỉ để đưa cho cậu con trai 20 tuổi vẫn còn mê game với hi vọng thằng nhỏ có thêm động lực. Rồi rất nhiều bạn sinh viên, lao động, nông dân đã thức tỉnh ước mơ. Mình nghĩ thành công của cuốn sách là khi nó sống được trong cộng đồng chứ không phải là số lượng bán ra. Vì thế mình bắt tay vào viết ngay tập 2 và còn đặt ra tham vọng mỗi năm 1 tập, cho đến tận 20 năm nữa. Điều đó khả thi mà vì kinh tế liên tục phát triển, những mô hình mới những cách thức mới cứ thế sản sinh và các bài học kể mãi còn không hết. Hơn nữa mình là người làm kinh doanh, mình cũng muốn có được 1 series để đời và tạo dựng tên tuổi lắm chứ. Nhưng thực sự tập 2 mình viết rất chậm vì mấy lí do: - Thứ nhất là 2 đợt Covid + khủng hoảng kinh tế + đóng băng BĐS làm cho mọi thứ trở nên chao đảo. Nhiều cái mình từng dự đoán hoặc tin tưởng không còn đúng nữa. Nên chính mình cũng hoang mang là sẽ viết cái gì đây? - Thứ hai là những mô hình mới cần thời gian để kiểm chứng trước khi đưa vào sách. Chẳng hạn mình từng nghĩ TikTok rất quan trọng, nhưng rồi nhận ra là cũng có nhiều điểm yếu, các idol TikTok cũng bấp bênh lắm chứ không hẳn ngon ăn như đứng ngoài đoán. - Thứ ba là định hướng để viết tập 2 cần khác với tập 1 vì không thể đi mãi một lối mòn. Mình cứ trăn trở mãi viết thế nào cho hay. Mình không muốn viết những thứ hời hợt, nông cạn vì kiến thức mà truyền tải lệch lạc sẽ gây họa cho người đọc. Nên cứ lần lữa mãi chưa xong. Thế rồi tháng 6.2023, mình tham gia buổi họp mặt kết hợp chia sẻ từ anh Nguyễn Thành Nam - Cựu CEO FPT về lịch sử đi lên từ 0 tới x tỉ đô của FPT Software. Anh Nam nhấn mạnh rằng các bài học lịch sử trong các công ty cần ghi chép lại để các thế hệ lãnh đạo đi sau có cái mà tra cứu. Vì thế mấy năm qua, anh Nam đã chủ biên 2 cuốn sách được giới Doanh nhân đón nhận nhiệt liệt là “FPT Bí lục" và “Đếch biết gì cũng tiến", lấy câu chuyện chính về FPT để phân tích những mô hình quản trị hiệu quả ở VN. Cái hay là anh Nam luôn kết hợp được những triết lí kinh doanh thâm sâu với những đặc thù của văn hóa dân tộc, đặt trong bối cảnh thời vận. Vô tình cuốn "Từ nông thôn đến triệu đô" cũng đi theo kiểu kể chuyện sử và có nhiều tư tưởng tương đồng. Mình tự tin hơn hẳn. Có những người đi trước như anh Nam soi đường và thúc giục thì mình phải chạy thật nhanh cho kịp với thời cuộc. Mình quyết định rằng tập 2 sẽ tập trung vào câu chuyện và bài học, các nhân vật là minh chứng. Như thế cuốn sách mới có giá trị lâu dài. Mình chắc chắn là anh em sẽ thích kể chuyện kiểu này.
  • 5. Vừa gần gũi, vừa sống động, vừa có chiều sâu quản trị, vừa đắc nhân tâm. Chúng ta cần hiểu bản chất của từng xu hướng, từng mô hình, từng cách thức để ngẫm lại bản thân, tìm hướng đi cho tương lai. Mình sẽ tạo ra một tấm bản đồ để anh em chọn lựa rồi quyết định. Đó là vai trò mình tự tin làm tốt nhất ở thời điểm này. Tập 2 sẽ là sự pha trộn về tư tưởng giữa 3 cuốn sách: - "Đông Âu anh hùng truyện": viết về các sói già Đông Âu thống trị kinh tế Việt Nam, giải mã căn nguyên thành bại của họ. Tác giả, anh Hoài Nam là pho tàng về kinh tế chính trị và có khả năng kể chuyện như kiếm hiệp nên dù sách bán giá mấy triệu mỗi cuốn vẫn đắt như tôm tươi. - "Đếch biết gì cũng tiến": Ngồn ngộn các sự kiện, nhân vật, bài học và triết lí, mọi câu chuyện trong sách đều có bối cảnh và diễn tiến để suy ngẫm. “Đếch biết gì cũng tiến" rất đúng với tinh thần của SME/ Startup - những người ít nguồn lực ít mối quan hệ nhưng vẫn dũng cảm khai phá thế giới TMĐT/ MMO và đạt nhiều thành tựu đáng giá. Tác giả, anh Thành Nam cho rằng người Việt có năng lực sáng tạo những thứ chưa từng có lời giải, vì thế các doanh nghiệp Việt luôn đi rất nhanh trong các mô hình mới và vận dụng tài tình nguồn lực hữu hạn để tạo nên thành công. Mình hoàn toàn đồng ý với nhận định đó vì suốt mấy năm qua, khi tiếp xúc với hàng ngàn anh em SME VN, mình thấy được những bài học vô cùng giá trị, thậm chí là hiếm thấy trên thế giới. Vì thế mình rất nỗ lực ghi chép, đúc kết lại để lan tỏa những góc nhìn thực tế, đa chiều và tích cực kết nối các anh em vào những hoạt động chất lượng. Những bài học và cảm hứng từ anh Nam đã thúc đẩy mình phải viết cho xong tập 2 này. Kể cả Đếch biết gì cũng viết. - Thế giới phẳng (Thomas Friedman): 2005, vào thời điểm thất vọng nhất của cuộc đời, mình đã đọc cuốn sách này. Tư tưởng đi trước thời đại và những câu chuyện vĩ đại trong đó đã hun đúc tinh thần kinh doanh trong mình. Thế là mình từ một đứa học Kỹ thuật đã quyết định dấn thân vào con đường kiếm tiền dựa vào những nguồn lực của Internet/ Số hoá, đúng như tinh thần của "Thế giới phẳng". Tập 2 có điều gì khác biệt so với tập 1? - Đầu tiên mình sẽ giảm bớt việc đi sâu vào một cá nhân (Hero). Lí do đơn giản vì cá nhân có thể thay đổi về tư tưởng, lối sống, cách làm ăn. Tôn vinh cá nhân quá thì dễ khiến các bạn trẻ từ thần tượng đến thất vọng trong phút chốc. Cá nhân vẫn quan trọng nhưng nên là một mảnh ghép của thời cuộc, đặt trong các mô hình kinh doanh thì hợp lý hơn. Mình sẽ đúc kết bài học nhiều hơn và diễn giải bằng sơ đồ, biểu mẫu để anh em tham khảo, trong đó cá nhân là minh chứng sống. - Tiếp theo mình sẽ viết về cả thất bại, vì học từ thất bại luôn luôn giá trị. Nhất là mấy năm qua nhiều bạn đã rớt xuống vực vì sự non nớt ngây ngô trước biến động khó lường của thời cuộc và chủ quan vì chưa trải qua những thất bại. Ta thấy nhiều tấm gương thành công, nhưng có mấy ai học theo được, còn thất bại thì luôn chứa đựng rất nhiều bài học. - Thứ ba, mình sẽ nói nhiều hơn về các mô hình của tương lai để anh em có định hướng mà chuẩn bị. AI (trí tuệ nhân tạo), Livestream, Cross border Ecommerce, Global business chắc chắn là những mảnh đất bùng nổ trong vài năm nữa, rất nhiều người tiên phong đã kiếm được bộn rồi. Vậy anh em có muốn đón sóng hay là đành chậm chân lần nữa? - Thứ tư, mình sẽ nói về các mô hình kinh doanh dựa vào nguồn lực cá nhân hoặc địa phương, tạm gọi là Solopreneur. Lý do? Mình tin là với sự bùng nổ của hạ tầng giao thông và Social
  • 6. network thì sống ở đâu mà kiếm tiền được đều tốt cả, chứ không nhất thiết phải vật lộn thành phố. Thực tế làn sóng về quê của U30, U40 đã diễn ra khá mạnh rồi, nhưng không phải về để ở ẩn mà họ vẫn hội nhập sâu rộng vào các lĩnh vực kinh doanh và sáng tạo nên nhiều mô hình đặc biệt hiệu quả. Thậm chí nhiều bạn ngồi ở vườn nhà bán hàng trên Amazon kiếm đô la không hề là lạ. Khi các mô hình ở địa phương phát triển thì nguồn nhân lực thành phố sẽ chuyển dịch về, gián tiếp giảm áp lực đô thị và thúc đẩy sự phát triển các vùng quê. Đó là điều tuyệt vời đáng để chờ đợi trong vài năm tới. - Thứ năm, mình sẽ kể nhiều hơn về những bài học từ tập đoàn lớn như FPT, Thegioididong, PNJ...thực tế các anh em phất lên nhanh sẽ sớm gặp phải những bài toán khó giải vì đụng trần năng lực và sa ngã vào những chiếc bẫy fomo. Lúc đó ta cần học từ tập đoàn vì họ đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, tích luỹ quá nhiều bài học rồi. Mình sẽ trích dẫn nhiều nhất từ FPT Software vì được anh Nam trực tiếp diễn giải rất nhiều bài học sâu sắc. - Cuối cùng mình sẽ nói về các tư tưởng kinh doanh mà SME cần coi trọng: profit first, tinh gọn, global, địa phương...Sau nhiều năm kinh doanh có vẻ dễ dàng và lướt sóng khá êm thì hầu như ai cũng đối mặt với vô vàn thử thách khi kinh tế lâm vào khủng hoảng. Lúc này cần quay lại triết lí cơ bản của kinh doanh: tạo giá trị - sinh lợi nhuận - nhân bản. Mọi thứ sẽ đỡ mông lung hơn khi gắn với mục tiêu cụ thể liên quan tới giá trị. “Từ nông thôn đến triệu đô” quả là một hành trình dài và đầy thách thức. Nếu trước đây con đường đó mất chục năm thì bây giờ chỉ vài năm. Những người trong tập 1 và tập 2 đáng tuyên dương không phải vì số tiền họ kiếm được, mà vì họ đã tiên phong khai phá và truyền bá cách thức kinh doanh mới mẻ hiệu quả cho hàng triệu người vươn lên. Tất nhiên câu chuyện nào cũng có rất nhiều mảng xám, nốt trầm và sa ngã. Chúng ta hãy học tinh thần và hướng đi của người đi trước, còn lại con đường vẫn do bàn chân mình vạch ra. MỤC LỤC Chương 1: Mở đầu Mình sẽ kể về những cảm hứng cho tập 2 này: chuyện về 2 người anh tên Nam, chuyện về hành trình từ zero lên tỉ đô của FPT Software, chuyện về những startup trăm triệu đô. Chúng ta sẽ thấy rằng hành trình đi lên đỉnh đòi hỏi sự chuẩn bị công phu và trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, chứ không hề có lối tắt. Chương 2: Đi qua tâm bão Tập 1 ra đời ngay trước khi dịch, lúc đó mọi thứ còn rất màu hồng. Trải qua 2 đợt dịch nhiều doanh nghiệp từ đỉnh cao đâm thẳng xuống vực sâu. Nhiều Founder không còn giữ được sự tập trung mà lan man quá nhiều hướng. Tuy vậy vẫn còn nhiều anh em trong tập 1 mạnh mẽ vượt tâm bão và từng bước thiết lập được những nền móng vững chắc cho tăng trưởng: - Coolmate gọi vốn được nhiều vòng và đang là startup thời trang online được định giá cao nhất Việt Nam.
  • 7. - Gumac tinh gọn lại và bắt đầu hiệu quả. - Mieu vẫn duy trì tỉ suất lợi nhuận cao nhất ngành. - Vaithuhay bắt đầu bán vài nghìn sản phẩm ra toàn cầu mỗi tháng. - Velacorp thì xây hẳn một building mới và tham vọng IPO trong thời gian ngắn Dịch bệnh và khủng hoảng phơi bày những điểm yếu của startup, nhưng cách họ đối mặt và vượt qua từng nút thắt mang đến rất nhiều bài học. Mình sẽ vẽ lại một thời kì đáng nhớ vừa trôi qua và chia sẻ nhiều keywords để ngẫm nghĩ cho giai đoạn tới. Cá nhân mình đánh giá đây là phần lắng đọng nhất trong tập 2 Chương 3. Cơn sóng thần TikTok, Short video, Shoppertainment Chắc chắn TikTok là làn sóng đáng chú ý nhất 2 năm qua và có thể nhiều năm nữa. TikTok sẽ sinh ra rất nhiều triệu phú sinh năm 2000, vậy các anh em 8x 9x có cảm thấy mình bắt buộc phải hồi teen chưa? May mắn là mình chơi với các anh em làm TikTok thời đầu: TikPlus, DC Group, TikPage, TikSell, Vibula…. chứng kiến họ từ Zero lên tỉ view (và trăm tỉ đồng), nên thấy được cả hai mặt tối và sáng. Mình cũng liên tưởng đến Facebook thời 201x, thuở hồng hoang đó đã tạo ra hàng vạn triệu phú 9x. Có rất nhiều bài học quan trọng để anh em không bỏ lỡ cơn sóng 10 năm tới này. Sự bùng nổ của Tiktok và Shoppertainment cũng kéo theo các mô hình đại lý, CTV, Dropship, Affiliate lên ngôi, cộng hưởng bởi sự tiến hóa của thanh toán trực tuyến và hạ tầng giao nhận. Các Boss mỹ phẩm/ Thực phẩm chức năng (TPCN) tuyển dụng đào tạo ra hàng ngàn người cùng bán cùng chia sẻ lợi ích, đẩy một công ty từ 0 lên vài trăm tỉ chỉ một vài năm. Rất nhiều Idol, KOC, KOL,... có khả năng đẩy sale/marketing bằng cả một công ty cỡ vừa. Từ bán sản phẩm còn mở ra bán tri thức rồi đầu tư tài chính, tạo thành cả hệ sinh thái đáng mơ ước. Mình cho rằng các mô hình kinh doanh tinh gọn, bùng nổ dựa vào các nền tảng Video/ Social sẽ tạo ra thời kì thịnh vượng tiếp theo cho các bạn Kinh doanh online Tiktok/ Social commerce cũng khiến cho rất nhiều người kinh doanh nông sản tìm thấy đường ra và trở thành những ngôi sao sáng: Sokfarm, Hector, Laha coffee, Foodmap....Nông thôn nghèo, buồn, hay lạc hậu là chuyện của 10 năm trước. Mình tin chắc 10 năm tiếp theo sẽ có rất nhiều triệu phú $ ở nông thôn (à mà thật ra giờ về quê mua đất cũng cần tiền tỉ rồi). Chương 4. Bán chuyên môn giá cao và huấn luyện viên số Có bao giờ bạn nghĩ một cá nhân có thể tự làm sản phẩm online (hoặc bán sản phẩm có sẵn) cũng kiếm được vài trăm triệu/ tháng dù không sở hữu năng lực đặc biệt? Có bao giờ bạn nghĩ rằng mình có thể tạo ra những khóa học, cuốn sách bằng kiến thức chuyên môn sẵn có rồi bán được cho cả cõi mạng. Có bao giờ bạn nghĩ một khóa huấn luyện có giá vài tỉ? Rất nhiều người đã đi theo con đường Business Coach/ Life coach, vừa đạt được thành công tài chính, vừa giúp được nhiều người cùng phát triển. Bí mật thành công của họ là gì ? Những cái tên suốt ngày nổi bật trên facebook, youtube rốt cuộc họ đang làm gì ? Chúng ta cùng điểm qua những gương mặt tiêu biểu từ thấp đến cao
  • 8. Chương 5. Direct to consumer và Social Commerce Có bao giờ bạn nghĩ một cá nhân có thể tự làm sản phẩm online (hoặc bán sản phẩm có sẵn) cũng kiếm được vài trăm triệu/ tháng dù không sở hữu năng lực đặc biệt? Ta đã nghe quá nhiều về những cái tên đi lên từ Livestream như Hà Linh, Dương Minh Hải, Phạm Thoại…. Ta cũng nghe đến những công ty sản xuất rồi bán trực tiếp cho người tiêu dùng trên khắp các nền tảng như Polomanor, Coolmate…..Họ đã làm thế nào? Chương 6. Go Global - hành trình từ nông thôn ra biển lớn Viết về những anh em ngồi Việt Nam kiếm tiền trên khắp thế giới (Global Ecommerce/ MMO). Đây là nhóm kiếm tiền nhiều nhất trong khủng hoảng. Khi mà cả Việt Nam đang lockdown (thế giới cũng thế) thì nhóm này ngồi nhà vít ads chốt đơn, bán từ cái khẩu trang, áo thun đến đồ tưởng niệm. Số tiền kiếm nhiều khủng khiếp, có những bạn theo cái đà đó mà xây nhà máy, sản xuất sản phẩm bán toàn cầu. Có những công ty vài năm đã từ 0 lên tới chục triệu đô mỗi tháng. Nhưng họ rất kín tiếng, không xuất hiện và không muốn chia sẻ nhiều nên ít ai biết. May mắn là sau hơn 1 năm ngồi từ cafe tới bàn nhậu, từ vỉa hè ngầm tới cao ốc, mình cũng có được rất nhiều thông tin quý báu và những bài học tâm đắc để đào sâu cho anh em. Kinh doanh toàn cầu (Go Global) là con đường tuyệt vời để mở ra chân trời mới về kiến thức và trải nghiệm, những bạn trẻ ngồi VN được vinh danh trong top triệu đô các nền tảng Amazon, Shopify, Teespring…không còn là điều xa lạ Chương 7. Cuộc chơi hệ sinh thái ngách Từ một mảng mở ra các mảng mới, tận dụng hạ tầng, dòng tiền và đòn bẩy; từ một công ty nhỏ thành 1 tập đoàn đa ngành. Đó không phải chỉ là cuộc chơi của các ông lớn mà các bạn trẻ bây giờ cũng đang theo đuổi quyết liệt. Những group, holdings vươn lên mang trong mình khát vọng hóa rồng. Nhưng để trở thành 1 hệ sinh thái thực thụ có sức mạnh và khả năng cạnh tranh, đòi hỏi tầm lãnh đạo và khả năng quản trị xuất sắc. Mình sẽ lấy các ví dụ thành công, thất bại để mọi người cùng theo dõi Chương 8. Chuyển đổi số và câu chuyện cá chép vượt vũ môn Xuất thân mình là Tech và vẫn làm Tech suốt 15 năm qua nên chứng kiến hàng ngàn Tech startup đến rồi đi. Những người có thành tựu nhất mình đều chơi với họ từ ngày đầu như: Haravan, Base, Ecomobi, ViHAT...Vậy điểm chung để thành công là gì? Làm sao xây dựng được một công ty SaaS có chiều sâu sản phẩm lẫn khả năng tự grow? Làm sao để doanh nghiệp biết vận dụng Tech thế nào cho hiệu quả để tạo ra tăng trưởng? Rất nhiều thứ mình đã quan sát, cả thành lẫn bại, để đúc kết ra. Phần này mình rất tâm huyết vì cả sự nghiệp mình không thành công về Tech. Chương 9. Từ triệu đô tới Fomo
  • 9. Kinh tế tăng trưởng nóng và dòng vốn rẻ đổ vào liên tục tạo nên những cơn sóng thần thay đổi cuộc sống hàng triệu người; nhưng rồi khi thủy triều rút mới biết ai còn mặc quần. Nhiều Founder một thời hoành tráng đã sụp đổ, nhiều vụ bóc phốt nhau, nợ nần kéo nhau xuống hố, nhiều lời tiên tri về tương lai hóa ra là trò đùa. Phần này mình sẽ nói về những thất bại điển hình và những cái bẫy với những anh em khởi nghiệp, kinh doanh để tránh lặp lại trong tương lai. Chương 10. Thuyền to sóng lớn Cuộc cạnh tranh bây giờ không còn là giữa người Việt với nhau mà là toàn cầu. Các doanh nghiệp nhỏ từ Đông Nam Á, Nhật, Hàn, nhất là Trung Quốc ào ạt qua Việt Nam để kinh doanh và tấn công vào đủ mọi ngóc ngách. Họ không chỉ đi theo đường kinh doanh mà theo cả đường văn hóa và nền tảng bán hàng. Phía sau TikTok, Shopee hay Lazada là cả một chiến lược thâu tóm thị trường. Những doanh nghiệp Việt đang chống chọi thế nào và làm sao để cùng nhau phát triển? Đó là câu hỏi lớn. Mình không tự trả lời được mà sẽ mời nhiều anh em cùng nói lên tâm tình. Để mở đầu, mình mượn lời của một cô gái thôn quê đang ngồi ở HN bán hàng Dropship ở Mỹ rất thành công nhưng khá giản dị và kín tiếng: “Mình rất thích tiêu đề: Từ nông thôn tới triệu đô. 6 từ thôi nhưng nó là cả quá trình nỗ lực; là mồ hôi, máu, nước mắt và vô vàn những cung bậc cảm xúc của biết bao con người. Cuốn sách về một thế giới mà có lẽ không có quá nhiều các bạn đang làm công việc truyền thống biết, không quá mới mẻ ở Việt Nam nhưng vẫn là khá xa lạ với nhiều người. Bạn nào quan tâm có thể đọc nha”. Mối duyên kì lạ với 2 người anh tên Nam Anh Nguyễn Hy Hoài Nam - tác giả của cuốn sách lừng danh “Đông Âu anh hùng truyện” kể về sự nghiệp và số phận của những sói già Đông Âu đã thống trị nền kinh tế Việt Nam từ đầu mở cửa đến nay. Phải là người có nội lực thâm hậu, nhãn quan sắc bén, nguồn tư liệu sâu rộng và mối quan hệ mạnh mẽ thế nào thì mới có thể kể chuyện về những tài phiệt nổi danh và cả những siêu tỷ phú kín tiếng. Các bạn có thể tìm mua bộ sách này để hiểu về cả một thời kì sáng tối của kinh tế Việt Nam và dự đoán về những thành bại của các tập đoàn sắp tới Anh Nam là cháu ngoại của cụ Nguyễn Xiển, từng đi học Liên Xô rồi về Việt Nam kinh doanh, có mối quan hệ sâu rộng với cả giới kinh doanh, chính trị, nghệ thuật. Mình theo dõi anh Nam từ đầu những năm 2010 vì anh thường viết rất dài rất sâu về những sự kiện lịch sử trên Facebook, với những số liệu dẫn chứng lập luận sắc nét. Nội dung từ cuốn sách “Đông Âu anh hùng truyện” mình có đọc đâu đó trên Facebook anh Nam rồi nên khi anh ra sách thì mình vô cùng háo hức. Một duyên lành đến khi Phùng Đại Lộc- người bạn của mình giới thiệu với anh Nam cuốn “Từ nông thôn đến triệu đô” vì thấy nét tương đồng giữa 2 quyển. Có thể nói cuốn sách của mình là phiên bản thấp hơn, đi theo triết lí kể chuyện của anh Nam, gọi vui thì cuốn mình là “Đông Lào Startup truyện”.
  • 10. Anh Nam có đọc và cảm ơn mình đã tặng sách. Anh cũng ngợi khen sách mới mẻ, hợp thời và truyền được cảm hứng cho giới trẻ. Mình biết là mình đã làm được một điều có giá trị. Anh Nguyễn Thành Nam là 1 trong 13 người sáng lập FPT và đảm nhiệm chức vụ CEO FPT (2008 - 2011). Anh Nam tự nhận mình là người ham chơi nên anh luôn bình dân, giao du với đủ mọi tầng lớp và học hỏi đủ thứ từ chính trị, nghệ thuật, võ đạo, quân sự. Trên Facebook anh thường viết rất dài rất sâu về những câu chuyện khởi nghiệp và các sự kiện lịch sử, lối viết vô cùng dễ hiểu hóm hỉnh, đầy triết lí thâm sâu. Mình theo dõi Facebook anh Nam từ đầu những năm 2010 và học được vô số kiến thức giá trị từ đó, phong cách viết lẫn tư duy kinh doanh của mình có một số điểm ảnh hưởng kiểu của anh. Mình cũng được tham gia nhóm chat “Đầu gà” trên Facebook, có những đàn anh xuất chúng hàng ngày chia sẻ như anh Nam, anh Phan Minh Tâm (Chủ tịch 24h), anh Nguyễn Diệp (Chủ tịch MoMo), anh Trần Anh Dũng (Chủ tịch MOG), Phạm Kim Long (tác giả Unikey) và các bạn khởi nghiệp cùng thời với mình như Phan Thanh Giản (clip.tv), Đinh Lê Đạt (Antsomi), Đỗ Hữu Hưng (Accestrade), Ngô Đức Lợi (Antbuddy), Minh Nguyễn (Aka digital), Hộ Nguyễn (Blueseed group), Trần Hải Linh ( Sendo)....Nghe các anh nói chuyện mỗi ngày giống như học một khóa MBA trọn đời. Thi thoảng sẽ có gặp mặt offline để thắt chặt tình thân. Lần gặp quan trọng nhất của nhóm Đầu gà là T6.2023. Lúc này anh Nam vừa viết xong bản thảo cuốn “Đếch biết gì cũng tiến” kể về hành trình khởi nghiệp của FPT Software năm 1998 trải qua nhiều gian nan cho tới khi sắp cán mốc tỉ đô doanh thu (2023). Anh Nam có gửi bọn mình xem bản thảo để nhờ góp ý. Câu chuyện quá hay và quá nhiều triết lí sâu sắc nên Đinh Lê Đạt đề nghị anh Nam tổ chức 2 ngày chia sẻ trực tiếp cho anh em trên Đà Lạt. Và một khóa học ngắn ngày không giống ai đã được tổ chức tại cánh đồng hoa The Florest của Lê Xuân Trường - người đã tạo nên trang batdongsan.com.vn rồi bán cho Propertyguru năm 2018
  • 11.
  • 12. "Hành trình xuất khẩu phần mềm của FPT Software từ 1998 đến khi rơi vào ngõ cụt 2000 rồi thấy được ánh sáng cuối đường hầm 2002 và hướng tới mốc tỉ đô doanh thu 2023". Hầu hết mọi lí thuyết mà ta học MBA đều soi chiếu rõ qua từng thành bại, từng lựa chọn, từng quyết định trong cuốn sách này. Anh Nam diễn giải những thứ phức tạp qua lăng kính văn hoá và lồng ghép với các bài học lịch sử của dân tộc. Vì thế mà mọi thứ thật sống động, giản đơn, có quy tắc, có nguyên do. Có nhiều chuyện là đặc thù của FPT, không thể học 100%, nhưng với những ai đã kinh doanh chìm nổi nhiều năm và đứng trước các ngưỡng cửa thành bại gang tấc, thì ắt sẽ đồng cảm. Mình tin chắc rằng câu chuyện về FPT (hoặc Vingroup, Viettel, Thegioididong, Masan, PNJ...) mới là những thứ mà startup Việt Nam nên học đầu tiên. Những mô hình từ các công ty Âu Mỹ hay Nhật Hàn đều rất tuyệt nhưng có quá nhiều khác biệt về hoàn cảnh, văn hóa để ứng dụng được. Vì thế nên việc nghiên cứu các bài học từ những công ty hàng đầu Việt Nam hay những startup đã đi trước đạt được nhiều thành tựu là việc cần thiết để những người mới khởi nghiệp có thể nhìn thấy bài học, hoặc sai lầm để rút ra vốn liếng cho bản thân. Cả 2 anh Nam đều là những nhà lãnh đạo tinh thần và người truyền lửa xuất sắc. Mình như là người học trò thầm lặng của hai anh suốt hơn 10 năm qua, và may mắn là cũng có những tư duy hành động tương đồng. Vì thế mình càng có động lực để viết nên cuốn sách này. FPT Software: “Đếch biết gì cũng tiến” Khi mình bước chân vào đại học 2001 thì cái tên FPT đã rất nổi tiếng ở Việt Nam. FPT software làm phần mềm- ngành hot khủng khiếp, ước mơ của những đứa học khối A chuyên Toán như mình. Ra trường, bạn mình cũng có nhiều đứa làm ở FPT Software, có cậu bạn tên Hiền đến bây giờ vẫn còn làm và sống hẳn bên Nhật rất viên mãn. Còn mình thì đi làm cho các công ty nước ngoài với mức lương tốt hơn rồi khởi nghiệp 2008 nên không quan tâm lắm tới FPT software nữa. 2009, mình kết bạn trên Facebook với nhiều lãnh đạo FPT thời đầu như anh Nguyễn Thành Nam, Hoàng Minh Châu, Hoàng Nam Tiến, Đỗ Cao Bảo. Mình cảm thấy rất thán phục vì các anh đều có lượng tri thức khủng khiếp và cách diễn giải vô cùng dễ hiểu dễ đi vào lòng người. Mình thật sự biết ơn các anh đã khai sáng cho mình (và nhiều anh em thời đầu khởi nghiệp) cũng như truyền cảm hứng để bọn mình theo đuổi giấc mơ lớn. Rồi mình tiếp tục kết bạn với những người xuất thân từ Visky (“Vườn Chim”) của FPT (Visky): Trần Anh Dũng (Chủ tịch MOG), Nguyễn Hòa Bình (Shark Bình), Phan Thanh Giản (Clip.tv), Đỗ Hữu Hưng (CEO Accesstrade), Đắc Nguyễn (Shopdunk)…và các thế hệ quản lí sau này của FPT như Đinh Lê Đạt (Antsomi), Trần Hữu Đức (CEO Viisa), Trần Hải Linh (Chủ tịch Sendo), Đức Lê (FPT Play), Phùng Tiến Công (Nhacso.net). Mỗi người đều có lí tưởng và năng lực xuất sắc. Mình hiểu rằng FPT phải là công ty như thế nào mà lại sản sinh ra nhiều anh tài đến thế. Trần Anh Dũng (Chủ tịch MOG) có viết rằng: Visky nếu làm tới nơi tới chốn thì đã có hàng chục Unicorn. Họ đã làm Vitalk (ứng dụng chat trước cả Zalo), Nhacso.net (trang nghe nhạc trực tuyến
  • 13. số một thời đó), Banbe.net (MXH ra đời chỉ sau Facebook vài năm). Anh Trương Gia Bình cũng dành rất nhiều thời gian và công sức để đào tạo, truyền lửa, rồi kéo anh em đi Trung Quốc, Singapore xem các mô hình khởi nghiệp tiên tiến nhất thời đó. Visky tan rã khoảng 2011. Dù không thành công nhưng “lò Visky” đã hun đúc tinh thần khởi nghiệp và tạo nên nền tảng cho hàng trăm anh em sau này lập nên sự nghiệp. Cofounder Vườn Chim chia sẻ đầy tiếc nuối trên trang cá nhân sau khi rời FPT. “Ý tưởng vượt trội, tầm nhìn xa, nhân tài hội tụ… Cái sai duy nhất của Vườn Chim có lẽ là sai thời điểm. Cái ngày ấy nếu FPT làm tới cùng và ngày ấy nếu chúng tôi không ngây ngô, ngày ấy nếu làm vì sứ mệnh phụng sự xã hội như các lãnh đạo vừa tuyên thệ, ngày ấy nếu chúng tôi làm khác, ngày ấy nếu có niềm tin, ngày ấy nếu ... Thì giờ đã có FPT 2.0, Vitalk đã biến thành Zalo, ViMua đã biến thành Lazada + Adayroi + Sendo, ViEdu đã biến thành ViOlympic.vn + Topica + BigSchool + Gotit + Funix, ViKim đã biến thành Momo + 123pay + Payoo, Vimuzic đã biến thành Nhaccuatui + Zing MP3" Chuyện về FPT software mình sẽ viết chi tiết hơn và lồng ghép trong các phần sau. Nhắc lại, chúng ta không thể sao chép được FPT, nhưng có thể học được nhiều điều hay ho (và cả những điều không hay). Đó là giá trị của lịch sử của các bài học đã phải trả bằng công sức biết bao thế hệ mở đường. Con đường đi tới trăm triệu đô Đây là một trong những slide đắt giá của anh Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Thegioididong được chia sẻ năm 2019. Để trở thành một tập đoàn tỉ đô như ngày nay, Thegioididong phải trải qua 3- 5 năm đầu chật vật khi nguồn lực hữu hạn và thị trường liên tục thay đổi. Cho đến khi tìm ra được mô hình đúng và xây được đội ngũ, văn hoá doanh nghiệp riêng, họ mới từng bước đi đến đỉnh cao.
  • 14. Chúng ta hay bị ám ảnh bởi các con số và thành tựu của những doanh nghiệp lớn mà quên mất rằng họ cũng phải mất bao năm vật lộn với biết bao sóng gió để có được kết quả. Người ta hay đi tìm bí kíp thành công mà xem nhẹ các nguyên lý nền tảng. Rất nhiều SME/ Startup muốn đốt cháy giai đoạn bằng những phép màu “growth hacking” mới nhận ra là không thể đánh bại được quy luật thị trường. 2022-2023 là hai năm mất mát. Các Siêu tập đoàn sa vào nợ nần. Các Unicorn đứng bên bờ vực phá sản. Các biểu tượng startup phải thu hẹp quy mô và quay trở về cốt lõi của kinh doanh: Lợi nhuận. Các bạn trẻ may mắn kiếm tiền trong những làn sóng Online/ Ecommerce trước đó cũng đối mặt muôn vàn khó khăn khi thời bán hàng dễ đã qua mất. Tất cả đều phải chấp nhận đi chậm lại, học từ nền móng và tập trung vào con đường đúng. Và nhiều người phải nhìn nhận lại mục tiêu, sứ mệnh cuộc đời mình là gì? Có nhất thiết phải kiếm (nhiều) tiền như trước hay không? Trong số họ có những người tìm đến thiền, chữa lành, bỏ phố về rừng, lập làng sinh thái…Cuộc sống sẽ tốt hơn khi người ta bớt tham lam và cùng nhau vun đắp nền tảng cho mai sau. Vậy con đường từ Zero đi lên quy mô trăm triệu đô như thế nào? Mình thì không đủ tầm để nói đến các công ty tỉ đô nhưng từ vài triệu đến trăm triệu thì tiếp xúc khá nhiều. Mình sẽ đúc kết một số đặc điểm cho anh em quan sát và tự đánh giá xem đang ở đâu.
  • 15. Các chặng đường tăng trưởng của SME: 1. Hữu cơ: 1-3 triệu đô Các công ty dưới 3 năm tìm đúng thị trường, chọn được sản phẩm dịch vụ phù hợp thì tăng trưởng rất nhanh. Từ 0 lên vài triệu đô, mua nhà, sắm xe, mở shop, xây kênh rất hoành tráng. Nhiều tiền rồi tái đầu tư kinh doanh hoặc đầu tư BĐS, tài chính…Ở tập 1 mình đã kể rất nhiều tấm gương như thế. Lúc này có lẽ là vui nhất. Cơ hội rộng mở. Nhân sự đoàn kết. Mối quan hệ sâu rộng. Nhất là khát vọng luôn dạt dào. Tuy vậy lớn hơn một chút sẽ bắt đầu xuất hiện nhiều vấn đề. Phần lớn nhất sẽ do tầm lãnh đạo chưa tới, góc nhìn non nớt, lao vào cái ngắn hạn để bị vuột mất cơ hội lớn. Ví dụ hồi 2008-2011, công ty mình đồng sáng lập là một Digital Marketing Agency phát triển bậc nhất, nắm trong tay các khách hàng khủng như Samsung, Castrol, Nestle, Coke…. Tiền có và việc không thiếu, chúng mình ngồi đó rung đùi và thu tiền Tiếc thay chúng mình không thấy cái dài hạn: công nghệ (Google, Facebook ads) sẽ làm giảm vai trò của con người và cách thức làm marketing/ ecommerce, và nhân sự rồi sẽ thay đổi. Vì thế chúng mình đã không quyết liệt xây dựng quy trình, hệ thống hay nền tảng riêng....để rồi mãi sau này, khi mở rộng quy mô thì bắt đầu gặp sự cố và xoay xở mãi không lớn được. Trong khi các Agency nhỏ hơn lúc đó biết nhìn xa và chuẩn bị nền móng từ đầu thì đến giờ đã lớn gấp chục lần, có agency đã IPO. Một phần nữa là mô hình kinh doanh sẽ luôn bị thay đổi do thời thế. Đôi khi chúng ta đang làm ăn ngon quá mà quên tự hỏi lại xem mô hình kinh doanh mình là gì, có bất ổn hay rủi ro không? Rồi
  • 16. cứ mải miết đi tìm dự án kiếm tiền mà không xây được mô hình. Khi thời cuộc thay đổi, ta không kịp trở tay. Ví dụ 2 năm qua, thứ nuôi sống các anh em bán online là Facebook ads đã thay đổi: khó ra đơn, tài khoản bị quét, khách chuyển sang mua trên Social và Sàn... trong khi TikTok bùng lên như vũ bão. Những ai chậm chuyển dịch sẽ khó thở, thậm chí phải cắt giảm, co kéo lại. Ban đầu, văn hoá doanh nghiệp và tinh thần nhân sự rất đơn giản: quá vui, quá thân thương nên quên rằng chúng ta cần minh bạch, chuyên nghiệp và vượt ngưỡng. Vì thế đến khi công ty cần nâng tầm thì nhân sự và tổ chức không đáp ứng nổi. Những lãnh đạo, mô hình nào không thể vượt qua những giới hạn này đều chạm ngưỡng và bắt đầu thu gọn. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận không lớn nữa mà cứ giữ đều đều cho vui. Không sao cả vì con số nào (triệu hay tỉ) là tuỳ vào mục tiêu sống và số phận mỗi người. 2. Bơm thúc: 5-10 triệu đô Khi hữu cơ hết tác dụng thì phải bón thúc để cây lớn và ra hoa. Đây là quá trình các công ty đều phải trải qua nếu muốn lớn. Lúc này điều tất yếu là phải thay đổi Tâm thế, Mô hình và nâng tầm năng lực lãnh đạo: - Tuyển nhân tài từ bên ngoài, thanh lọc đội ngũ, chuẩn chỉnh quy trình. Nhiều công ty còn đổi văn phòng, mua sắm xe, phúc lợi hoành tráng...Tuy vậy điểm chết người là nếu cái mới và cái cũ không hoà hợp thì sẽ đổ vỡ từ ngay trong nội tại. Bè phái, mâu thuẫn và các đổ vỡ có khi không đỡ được. - Thay đổi cấu trúc sản phẩm. Lúc này đòi hỏi doanh nghiệp phải học cái mới và chấp nhận giảm tăng trưởng ngắn hạn. Ví dụ Giao hàng nhanh (GHN) đã chuyển đổi từ một công ty giao hàng (last mile) thành tập đoàn Logistics với cả hệ thống kho bãi, giải pháp ứng dụng công nghệ thông minh. Bước đi này tốn kém và đòi hỏi phải đánh đổi nhưng bắt buộc để đi tới đỉnh cao hơn. - Gọi vốn. Không chỉ là thêm tiền mà còn thay đổi cả cách vận hành và mô hình quản trị. Cleverads - agency cùng thời với công ty mình sau khi gọi vốn từ Cyber Agent, Yello digital đã lên sàn, có lúc đạt tới định giá ngàn tỉ. Giai đoạn này hầu hết Doanh nghiệp sẽ gặp vấn đề. Vì đang yên đang lành, lãnh đạo buộc phải từ bỏ bớt quyền lực, không được tự do nữa, rồi phải áp dụng các quy tắc, luật lệ rắc rối. Vì đang có tiền lại không được “Cash out" mà còn phải tiếp tục đầu tư ngược lại rồi còn phải đi gọi vốn, vay mượn…Nhiều doanh nghiệp không thể vượt qua, nhiều lãnh đạo đối mặt với những vụ kiện tụng, tranh chấp do không lường hết độ phức tạp của cuộc chơi lớn. Những doanh nghiệp qua được sẽ bắt đầu bứt phá và tạo ra khoảng cách so với đối thủ. Điển hình như Concung, mất 6 năm đầu để xây dựng nội lực, sau đó đã nhảy vọt so với Bibomart, Kidplaza, Tuticare… Nhưng nhắc lại lẫn nữa không bao giờ có đường tắt. Nhiều khi nguồn vốn đổ vào nhiều quá và năng lực lãnh đạo không theo kịp sẽ giết chết doanh nghiệp. Câu chuyện của Soya Garden từ vài
  • 17. cửa hàng gọi vốn trăm tỉ rồi mở ra hàng trăm cửa hàng, chỉ sau 2 mùa dịch đã tan hoang là minh chứng. Hầu hết những doanh nghiệp xuất hiện trong tập 1 và 2 sẽ đối mặt với những vấn đề như thế này, mình sẽ phân tích để mọi người có thêm bài học. 3. Bơm thúc + Bán: 10 triệu - 20 triệu đô Các công ty bắt đầu phát triển thành Group hoặc Holding, phân tách thành các mảng có P&L riêng, và cứ mỗi mảng lại bơm thúc rồi gọi vốn rồi bán (hoặc IPO). Tiền nhân tiền nhanh kinh khủng. Đến lúc này đã là cuộc chơi của tài chính và đòn bẩy rồi. Các tập đoàn lớn hầu như sẽ thực hiện cách thức đó, điển hình là: - Vingroup lấy dòng tiền từ BĐS mở ra các mảng mới: bán lẻ, giáo dục, y tế, sản xuất, ô tô...Cứ sau vài năm họ lại bán vốn hoặc IPO một công ty con và thu về tỉ đô - VNG kiếm tiền từ game rồi đốt ngàn tỉ xây Zalo. Giờ thì Zalo được định giá 2 tỉ đô. Các mảng mới cũng mở ra và tăng trưởng rất nhanh (tất nhiên đóng lại cũng không ít). - Thegioididong mở ra chuỗi điện máy (Dienmayxanh), rồi rau củ quả (Bachhoaxanh), nhà thuốc (Ankhang), thời trang (Avafashion)...Gần đây có thông tin Bách Hóa Xanh đang chuẩn bị bán 20% vốn ở mức định giá 1.5 tỉ đô. - Nexttech kiếm tiền từ mảng dịch vụ thanh toán và hậu cần cho thương mại điện tử. Sau đó lấy tiền đi đầu tư các công ty khác, rồi lại đẩy lên và bán....Quy mô tăng chóng mặt. Các ví dụ này để mọi người hình dung về cách làm thôi. Chuyện của tập đoàn phức tạp hơn nhiều nên mình không đủ thông tin để bàn sâu. SME nếu hiểu cách thức này thì sẽ lớn nhanh hơn và biết tận dụng đòn bẩy khôn ngoan hơn. Tuy nhiên đây là cuộc chơi đòi hỏi phải có hiểu biết sâu và sự tham gia của những Quỹ đầu tư chuyên nghiệp. Nhiều anh em mới hiểu sơ sài đã vội vã đi huy động vốn, mở hệ sinh thái, đầu tư dàn trải để rồi mất hết những gì đã tích lũy, còn mất cả tình nghĩa, ước mơ Nhiều doanh nghiệp sau giai đoạn ban đầu, đạt được những thành công nhất định, Founder và đội ngũ nòng cốt rủng rỉnh tài chính rồi cũng rơi vào tình trạng "Bẫy thu nhập trung bình". Thay vì đầu tư vào kinh doanh thì lan man sang các hướng lướt sóng và ham kiếm tiền hơn là tạo giá trị: - Ít đầu tư R&D, ít có các dự án dài hạn - Suy giảm năng lực cốt lõi, mai một sản phẩm chiến lược - Mất nhân tài, người ở lại cũng mất đi động lực - Quản trị hời hợt, nội bộ nảy sinh nhiều vấn đề, bè phái lên ngôi Chỉ một số ít doanh nghiệp vượt qua được ngưỡng này, để trở thành doanh nghiệp tăng trưởng "Nhanh, Bền Vững" và có quy mô hay vị thế
  • 18. Ta cần hiểu các giai đoạn phát triển để có cách binh cuộc chơi cho phù hợp. Cho dù đang phải kiếm ăn mỗi ngày nhưng vẫn cần nhìn xa, chịu đầu tư nền tảng quản trị, nhân lực cho cuộc chơi lớn về sau. Muốn có sự nhảy vọt về chất thì phải tích lũy đủ lượng Velacorp (VELA) 7 năm từ 1 đến trăm triệu đô Tháng 1.2023, mình được Hiếu mời đi khai trương văn phòng mới của VELA, một toà nhà 7 tầng bề thế ngay trung tâm Bình Thạnh. Hiếu còn bảo bọn em muốn mua luôn mà chủ nhà không bán. Mình nghe chỉ biết thở dài. Hành trình hơn 10 năm của VELA thật đáng kinh ngạc. Từ nhóm sinh viên khởi nghiệp bằng mảng vận chuyển hàng hoá từ Trung Quốc về Việt Nam giờ đã thành một hệ sinh thái phục vụ TMĐT trải trên hàng chục quốc gia với hệ thống kho bãi, xe cộ, mạng lưới đối tác và công nghệ hoàn chỉnh. Hơn 800 nhân viên, riêng ở Trung Quốc 150 người, sắp mở sang cả Bắc Mỹ. VELA là công ty hoàn toàn Việt Nam, lãnh đạo bởi mấy anh em 8x- 9x, tự làm tự sống (chưa có quỹ). Vài năm nữa VELA lên sàn, nhất định mình sẽ canh mua cổ phiếu VELA có 2 mảng cực kì mạnh là nhập hàng từ Trung Quốc về và mảng bán hàng ở Đông Nam Á. Anh em làm TMĐT đều biết là làm được 1 trong 2 mảng đã rất khó rồi vì liên quan đến pháp lý, thuế, tài chính, con người, chính quyền…. Khởi đầu của VELA cũng vất vả. Năm 2017, VELA khi mảng TMĐT gặp nhiều khó khăn, Nguyễn Thành Hiếu cùng một số anh em khăn gói sang Philippines trực tiếp vận hành để tìm cho ra con đường. Hiếu từng đứng giữa thủ đô Manila cầm tấm bảng xả hàng tồn và ăn nằm cùng anh em cả ngày lẫn đêm. Nhờ một năm ở Philippines mà Hiếu đã học được bài học bằng nhiều năm ở Việt Nam và dần đưa VELA bứt phá Thành công đến từ việc đánh cược vào tương lai. Ngay từ những ngày đầu, VELA đã có niềm tin sắt đá vào Cross- Border E-Commerce. Vì thế mà họ luôn sẵn sàng thử nghiệm các mô hình bán hàng qua Indonesia, Philippines, Malaysia, Thailand và thiết lập mối quan hệ với những nhà máy, công ty logistics lớn nhất Trung Quốc. Khi Cross- Border bùng nổ từ 2018, các anh em mới bắt tay làm thì VELA đã là tượng đài. Năm 2016, Hiếu và cộng sự đã bỏ 10 triệu đô tiền túi lập quỹ VELAFUND, giải ngân cho hơn chục startup, đến giờ vẫn còn 4 doanh nghiệp đang phát triển tốt. Hiếu bảo giá trị nhận về là vô vàn bài học để xây dựng hàng chục doanh nghiệp lớn hơn chứ không phải tiền, vì nếu số tiền đó đầu tư đất thì bây giờ thành vài chục triệu đô rồi. Hiếu nói: “Xây một công ty nhỏ để nhập hàng và bán thì rất lãi nhưng xây một công ty để IPO đòi hỏi chuẩn chỉnh về mọi mặt và phải đánh đổi. Vì thế anh em xác định muốn kiếm tiền hay làm việc lớn? Đường mình, mình chọn chứ đừng bắt chước người khác mà không hiểu rõ nguồn lực bản thân.” VELA đang dốc toàn lực cho cuộc chơi “go global”. Sẽ sớm thôi, các seller chỉ cần ngồi ở Việt Nam đặt hàng các nhà máy Trung Quốc để OEM (đặt hàng gia công sản phẩm theo yêu cầu) rồi bán khắp thế giới. Xu hướng không thể đảo ngược là F2C (factory to customer): hàng sẽ đi từ nhà máy đến người mua, thông qua các công ty làm dịch vụ fulfillment/ logistics/ payment/ legal. VELA là một mắt
  • 19. xích quan trọng trong đó. Tuy thế VELA không làm hết mà hợp tác với những đối tác mạnh của từng nước và thiết lập quy trình vận hành để khớp các đầu mối với nhau. VELA có công ty ở Hồng Kông xử lí thuế, công ty ở Trung Quốc sản xuất, công ty ở Việt Nam lo phần công nghệ. Nhìn VELA rất lớn nhưng năng lực lõi là “kết nối” chứ không ôm đồm, Để chuẩn bị cho cuộc chơi tầm cỡ, VELA mấy năm nay quyết liệt xây dựng những năng lực cốt lõi ngang tầm khu vực 1. Pháp lý và quy trình chuẩn chỉnh Đặc thù mảng vận chuyển hàng hoá đa quốc gia đòi hỏi phải tuân thủ pháp lý chặt chẽ nếu không rất dễ ăn hành. Mỗi nước đòi hỏi pháp lý khác nhau nên doanh nghiệp vừa phải tuân thủ vừa phải biết tận dụng sao cho có lợi nhất. Phải hiểu và tuân thủ đủ thứ từ bản quyền, luật, thuế, vận chuyển, văn hóa... Những việc này không quá khó để hiểu vì mọi quy định đều khá rõ ràng, nhưng làm sao vận hành xuyên suốt, an toàn và tối ưu thì sẽ có ngàn việc không tên mà chỉ cần một sai sót thì nguy cơ gãy cả chuỗi Ví dụ: Nhập hàng sẽ có khoảng 40 quy trình, nếu làm thủ công thì khi lên ngàn đơn mỗi ngày sẽ ngộp thở. VELA phải xây hẳn platform công nghệ để tự động hoá 80%, mất 3 năm và một đống tiền, nhưng kết quả thì mỹ mãn. Hoặc quản lí kho. Nếu chỉ vài trăm mã hàng thì con người vẫn làm được. Nhưng khi lên tới quy mô vài ngàn mã hàng, vài chục ngàn đơn tại nhiều nước, thì từng SKU trong kho phải được sắp xếp quản lí cực kì chuẩn, tự động hoá tới từng mét vuông. Nhắc lại là để làm được cần có một hệ thống chuẩn chỉnh từ con người, quy trình đến công nghệ. 2. Tối ưu dòng tiền Mỗi năm dòng tiền đổ qua VELA hàng ngàn tỉ đồng chia thành hàng trăm khoản mục. Chỉ cần tối ưu 1% mỗi khoản là thu về lợi nhuận lớn rồi. Cái vi diệu hơn là nếu biết cách tận dụng dòng tiền đó kết hợp với đòn bẩy để đầu tư tài sản hay startup thì hệ sinh thái tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ Ví dụ hàng hoá thì được hoàn thuế (tuỳ loại), chạy Ads ngân sách lớn thì được Facebook/ Google hoàn lại % (rebate). Khi nhận tiền đô rồi thanh toán Ads bằng đô thì không phát sinh chênh lệch tỉ giá. Vài chục đồng lẻ nhưng nhân lên hàng triệu đô, con số thu về rất lớn. Có dòng tiền để mua tài sản hoặc đầu tư startup thì vài năm lại nhân mấy lần. Quản trị được ngoại tệ, và phân bổ dòng tiền khéo léo thì có lãi tài chính. Ví dụ: - Tiền hàng thu bằng vnđ nhưng mua bằng đô thì làm sao để giảm được % phí ? - Tiền mặt và công nợ phải hỗ trợ làm sao để không hụt dòng tiền? - Tiền Ads thì dùng tài khoản nào để tiết kiệm và ổn định? Với dòng tiền ngàn tỉ ra vào mỗi năm thì vài % bằng cả căn penthouse. Nên các nghiệp vụ phải rất chuyên nghiệp, khôn ngoan và đúng luật.
  • 20. 3. Xây dựng đội ngũ chiến binh Nhân sự VELA bóc tách ra thì không xuất sắc, và trải rộng trên nhiều quốc gia nên việc phối hợp từ xa không đơn giản. Đặc thù như vậy đòi hỏi lãnh đạo phải có năng lực biến họ thành các chiến binh thích ứng với nhiều vai và làm việc bằng cả trái tim. Quản lí ngàn người, đa quốc gia phải kết hợp 3 hướng: - Leadership của Ban lãnh đạo phải cực kì mạnh mẽ để tất cả nhân sự đều tâm phục, khẩu phục. Văn hoá công ty cũng phải rất rõ nét để năng lượng và khí chất tuôn chảy trong cả hệ thống, - Cộng sự đồng chí hướng và chia sẻ lợi ích. VELA có hàng chục giám đốc bộ phận và vài chục quản lí, hầu như mảng nào cũng trao quyền và quản trị theo mục tiêu. Các anh em đi với nhau từ thời đầu nên tư duy và cách làm rất ăn khớp. - Cơ hội làm cái mới luôn mở rộng, đủ hấp dẫn những anh em có tham vọng được phát triển, cạnh tranh lành mạnh và khởi nghiệp trong chính doanh nghiệp. Nhờ đó nhân viên thăng tiến liên tục. Cơ hội nhiều thì nhân sự càng gắn bó. Đếm sơ sơ lúc nào VELA cũng có tầm chục dự án tiềm năng triệu lên tới triệu đô / tháng. Đất dụng võ cho anh em không bao giờ thiếu. 4. Chọn đúng game lớn để chơi Hãy nhớ, muốn kiếm tiền được thật nhiều thì cuộc chơi là Hạ tầng hoặc Tiền tệ. VELA tập trung vào 2 mảng Hàng hoá và Vận chuyển - đều là hạ tầng tạo ra dòng tiền lớn. VELA không lấn sang mảng Bán lẻ để tránh giẫm chân đối tác. VELA cũng không lan man qua các mảng đầu cơ lướt sóng, mà rất tập trung vào cuộc chơi chính để xây dựng vị thế vững chắc. FWB (Friend with Business) Đầu 2023, mình thành lập một nhóm gọi là FWB (Friend with Business) quy tụ gần 100 anh em đang kinh doanh Online/ TMĐ. Hội chia sẻ kiến thức kinh doanh, quản trị mỗi tuần rồi tiện beer bọt kết nối luôn. Hiếu cho mình mượn hẳn tầng 7 của VELA làm nơi tổ chức. Hiếu bảo: “anh rủ thật nhiều người về làm cho năng lượng và tri thức lan toả thật mạnh. Anh cứ xem VELA như là nhà của mọi người.” Nhiều tối thứ bảy, Hiếu còn ở lại văn phòng, khuya hắn vẫn lên giao lưu với anh em rồi sáng hôm sau đi công tác.
  • 21. Hình: Hội anh em FWB (Friend with Business) thường xuyên tụ họp chia sẻ kiến thức và kết nối tại VELA. Đúng là nơi địa linh nhân kiệt VELA có một phòng tiếp khách rất đẹp ở tầng 2, điểm nhấn là cái bàn trà bằng gỗ mua từ Trung Quốc. Mỗi lần mình ghé chơi, Hiếu tự tay pha trà Phổ Nhĩ rồi hai anh em ngồi đàm đạo suốt mấy tiếng liền. Hiếu bảo văn hoá tiếp khách của Trung Quốc là uống trà, ngồi nhấp ngụm trà trong không gian tĩnh lặng thì sẽ nảy sinh nhiều ý tưởng lớn. Hiếu kể cho mình nghe về nền TMĐT và Logistic của Trung Quốc, văn hoá làm việc và các quy tắc giao thương quốc tế. Mình cảm nhận được năng lượng và hào khí trong từng lời Hiếu chia sẻ. Một lần nọ, Hiếu mời mình và Hồ Chí Quyết ngồi uống trà. Hiếu giới thiệu Quyết, CEO của Thành Vinh group với 300 nhân sự bán hàng khắp Đông Nam Á. Nghe Hiếu, Quyết kể về những dự định và tham vọng khiến mình càng có niềm tin lớn lao vào câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn. Nói tới VELA thì phải nói tới tay chơi còn hùng mạnh hơn: GHN 2012, khi Giaohangnhanh (GHN) thành lập, Lương Duy Hoài mới tốt nghiệp đại học Bách Khoa được vài năm. Mình hay gặp Hoài, Thi và Ngôn (CEO Ahamove - công ty trong hệ sinh thái GHN) vì mấy anh em đều là dân Bách Khoa CNTT đi khởi nghiệp, nói chuyện hợp nhau. Lúc đấy mình
  • 22. không hiểu mảng giao hàng có gì hay mà mấy bạn máu thế. Thực tế thì Hoài sớm nhìn thấy tương lai của Logistics/ Ecommerce và lĩnh hội được tư duy lãnh đạo từ những đàn anh trong Thegioididong. Hoài khiến mình sáng rõ hẳn ra về hai từ Lãnh đạo. Những năm sau ít gặp Hoài nhưng mình luôn theo dõi các bước phát triển thần tốc của GHN (và cả Ahamove), và đúc kết một điều quan trọng nhất cho thành công của họ: LÃNH ĐẠO. Những công ty lớn nhất Việt Nam đều có các nhà lãnh đạo thật sự lôi cuốn: anh Tài (Thegioididong), anh Dương (Thaco), anh Vượng (Vingroup), anh Long (Hoà Phát)…Những doanh nghiệp nhỏ hơn (trăm triệu đô) cũng đều được dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo xuất sắc. Kể cả một công ty nhỏ vẫn cần phải có người Lãnh đạo (và đội ngũ quản trị) đủ sức ảnh hưởng để nhân viên nhìn vào và chiến đấu hết mình. Trong giới SME/ Startup, có thể kể đến các nhà lãnh đạo như thế: Hoài (GHN), Tuấn (F88), Vân (Gumac), Nhu (Coolmate), Hoà (Yody)… những người có khả năng vẽ nên tương lai, khiến cho đội ngũ chiến đấu quên mình. Anh Thành Nam nói rằng ở FSoft cứ mỗi quản lí sẽ có vài người sẵn sàng thay thế, vì vậy ông nào muốn rời ghế thì rất thoải mái rằng có người đi sau làm tốt hơn. Thực tế sau khi anh Nam rời FSoft năm thì 3- 4 đời lãnh đạo tiếp theo đều tiếp quản rất trơn tru và đưa FSoft tăng trưởng gấp chục lần. Năng lực Lãnh đạo đến từ 3 phẩm chất chính: - Đặt mục tiêu lớn (BHAG: Big, Hairy, Audacious Goals) và khả năng thuyết phục mọi người tin vào mục tiêu đó. Ví dụ Vân Gumac đặt mục tiêu là công ty thời trang số 1 Việt Nam, cạnh tranh với ZARA, hay Hoà Yody cạnh tranh với Uniqlo. Nghe hoang đường nhưng đội ngũ của họ tin vào điều đó, vậy là đủ. Tương tự, mục tiêu vô địch WC là mệnh lệnh và nỗi ám ảnh suốt 22 năm Argentina mới thực hiện được. Không mấy ai đủ kiên nhẫn và niềm tin vào nó, nhưng Messi và Scaloni đã truyền được cho cả tập thể và đất nước ngọn đuốc chiến thắng. - Khả năng truyền cảm hứng: luôn tạo ra năng lượng và tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ. Mình đến Gumac rất nhiều lần và đều rất bị cuốn vào nguồn năng lượng rực cháy mà bất kì nhân sự nào cũng có. Team Coolmate thì luôn cháy hết mình trên cả online lẫn offline, vì thế từng cá nhân đều nỗ lực và vượt ngưỡng. - Chính trực và công minh: giao trách nhiệm rõ ràng, thưởng phạt nghiêm minh, coi trọng quyền lợi của tập thể. Điều này khiến mọi người tâm phục khẩu phục và không bao giờ lăn tăn về những lợi ích vụn vặt.
  • 23. Đa số nhà Lãnh đạo các SME lúc ban đầu chỉ ở cấp độ lãnh đạo số 3: dẫn dắt đội ngũ tạo ra Kết quả. Nếu chỉ dừng lại ở đó thì SME mãi là Small medium. Nhà Lãnh đạo phải liên tục đổi mới, nâng cấp và vươn tầm bản thân cùng đội ngũ kế cận để lên đến cấp độ số 4, đỉnh cao nhấ là số 5 Những phẩm chất của "Người Lãnh đạo cấp 5" 1. Tầm nhìn vượt trội. Bill Gate, Mark Zuckerberg, Elon Musk, Sergey Brin đều có tầm nhìn rõ ràng, lớn lao ngay từ khi bắt đầu! Vì vậy mà ngay khi còn là startup họ đã thu hút được quỹ lớn, nhân tài xuất chúng! Ở Việt Nam, Lãnh đạo lớn của FPT, Vietjet, TGDD, ... đều có tầm nhìn lớn từ khi mới bắt đầu! Khi doanh nghiệp đến quy mô tỉ USD, các anh chị vẫn sôi nổi nhiệt huyết, vì những mục tiêu lớn hơn Tiền. Lãnh đạo cấp độ 5 luôn là người đào sâu, tìm kiếm và chỉ ra con đường cho cả tổ chức! Lãnh đạo thiếu đi tầm nhìn, như tổ chức mất đi con mắt, dù có mạnh cỡ nào, cũng sớm sa sút! 2. Cam kết: Đưa một doanh nghiệp nhỏ đến thành tựu đã đòi hỏi sự hy sinh và nỗ lực khủng khiếp, nhưng đó là giai đoạn của One Man Show - Một anh hùng làm nên tất cả! Để doanh nghiệp lớn mạnh, đó là All Men Show! Và kỷ luật, cam kết là điều quyết định! Cam kết là lời hứa phải thực hiện bằng mọi giá với khách hàng, đồng đội, đối tác và chính mình! Lãnh đạo cam kết luôn có lòng tin của anh em, khách hàng, có chữ TÍN và sức ảnh hưởng ngày càng lớn! Cam kết có nghĩa là đánh đổi, được việc lớn, phải hy sinh cái nhỏ, được tương lai phải đầu tư hiện tại, được tập thể phải hạ thấp cái tôi!
  • 24. Nhiều lãnh đạo, doanh nghiệp khi doanh nghiệp nhỏ thì giữ được cam kết này, nhưng khi lớn, có nhiều mối quan tâm. Khi có nhiều điều để mất, thì không giữ được, chữ tín, lòng tin mất dần. 1998, khi FPT Software mới thành lập, anh Trương Gia Bình đã đặt mục tiêu doanh thu tỉ đô, và đề ra quyết tâm: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải xuất khẩu phần mềm”. Cho tới 2004, FPT Software vẫn chưa có lãi, tiền vốn mất cả triệu đô, nhiều ánh mắt nghi ngờ, nhưng anh Bình và anh Nam vẫn cam kết với mục tiêu ban đầu và lặn lội khắp khu vực để tìm cho được con đường. Đến 2023, FPT Software gần như sẽ đạt doanh thu tỉ đô. Một tầm nhìn kéo dài 25 năm và cam kết của hàng nghìn người sắp thành hiện thực. 3. Dụng nhân: Doanh nghiệp càng lớn, càng cần nhiều nhân tài. Chính con người, lãnh đạo kế cận giỏi sẽ tiếp tục viết tiếp ước mơ và hiện thực hoá nó. Doanh nghiệp trong bất kỳ thời điểm nào cũng cần chăm lo đội ngũ kế cận F1, F2, F3... Có đội ngũ lãnh đạo kế cận giỏi hơn Founder là may mắn, có như vậy mới chuyển giao và trở nên bền vững! Cốt lõi của dụng nhân là chọn được đúng người đúng việc. Một đội quá nhiều ngôi sao chưa chắc thắng và đội có ít người tài nhưng có đấu pháp hợp lý chưa chắc thua. Cái hay của Leader là tuỳ vào con người và hoàn cảnh mà đưa ra các quyết định hợp lý và không ngừng cải tiến từng chi tiết. Mấu chốt của làm Kinh doanh là tìm ra những con người đúng với triết lí để đưa họ vào đúng vị trí và kích hoạt tối đa tiềm năng. Ví dụ: từ khi khởi nghiệp 2008 thì mình hầu như chọn các bạn sinh viên để đào tạo, hoặc những bạn làm trái ngành muốn chuyển sang Digital. Vì mình tin là các bạn đó có thừa khao khát lẫn nỗ lực để vượt lên. Mà chi phí cho đội đó năm đầu tiên lại rất rẻ so với tuyển những bạn có năng lực sẵn. Cứ 3 tháng là làm được việc, 6 tháng là có kỹ năng như người có kinh nghiệp một năm. 2 năm lên Lead, 3 năm lên Manager, 5 năm có thể làm đầu tàu một công ty nhỏ. Nhờ thế mình có thể gầy dựng nhiều công ty (nhỏ) mà không tốn kém nhiều chi phí đầu tư và nếu sai thì sửa rất nhanh. Công ty tiêu biểu của Dụng nhân và xây dựng Văn hoá doanh nghiệp là Thegioididong. Các bạn lên Youtube search bài nói chuyện của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài sẽ thấy cả một pho tàng. Mình tiếp xúc nhiều SME và thấy là các sếp không mạnh về dụng nhân, nên thường xuyên thiếu nguồn lực (hoặc lại dư thừa những nguồn lực kém cỏi). Nhưng muốn dụng nhân cần có chiều sâu và trải nghiệm về kinh doanh, tâm lý, nhân sinh...những thứ này cần đam mê mới đi sâu được. Đa số chủ tịch tập đoàn đều rất đỉnh về món này, nó là phần quan trọng nhất họ cần có còn những năng lực khác có thể thuê được. Dụng nhân đi kèm với bài toán chia bánh. Khi công ty nhỏ thì chỉ chia bánh mì, công ty to lên thì phải chia bánh tiền. Đụng tới tiền là đụng tới tâm tính, phẩm giá...cái này phải luyện rất lâu mới tỉnh được. 4. Lãnh đạo bằng xây dựng văn hóa và giá trị cốt lõi: Giá trị cốt lõi của nhà vô địch World cup Argentina là: đoàn kết, hết sức, biết người biết ta. Một tập thể không quá mạnh ở từng cá nhân (trừ Messi, Dimaria) nhưng vô cùng bất khuất ở khía cạnh tập
  • 25. thể. Argentina sau thời Maradona có vô số các tài năng xuất chúng nhưng không sở hữu Giá trị cốt lõi đó nên chỉ đi tới nửa chừng. Các công ty mình sáng lập đều có một giá trị cốt lõi là tận tâm. Kể cả nửa đêm ai nhắn hỏi thì mình vẫn trả lời và bất kể cuối tuần nhân viên vẫn sẵn sàng phục vụ khách hàng. Nói thì dễ nhưng để làm được liên tục qua nhiều năm, nhiều thế hệ thì không dễ. Giá trị cốt lõi phải đi kèm với quyền lợi. Chúng ta không thể hô hào khẩu hiệu mà không đảm bảo phúc lợi cho nhân viên, cũng không thể nói đạo lý mà bụng đói. Nên khi công ty nhỏ thì Giá trị cốt lõi thực dụng và có thể triển khai. Giá trị cốt lõi cũng cần gắn với mô hình kinh doanh. Ví dụ bạn là công ty môi giới BĐS thì cứ đặt Giá trị cốt lõi là "khôn lanh" đi, vì khôn lanh mới kiếm được đất ngon chứ. Còn công ty bán lẻ thì "bắt trend" vì cái đó ra tiền mà, chứ đừng "innovation" vì nhân viên đa phần là mấy bạn Sinh viên partime hay bán hàng thì innovate cái gì. Xây dựng văn hoá không khó, cứ cái gì thấy hiệu quả mà hợp với sì tai mình thì làm. Thấy nhiều anh em copy từ Apple Amazon nhiều quá trong khi họ đã đi trước mình trăm năm và nhân sự giỏi gấp mình trăm lần. Một tên tuổi mình rất muốn viết trong sách "Từ nông thôn đến triệu đô" là Yody.vn. Yody thành lập từ 2013 bởi Nguyễn Việt Hoà, cửa hàng đầu tiên ở quê nhà Hải Dương. Tập trung vào phân khúc thời trang công sở (sơmi, đồng phục từ 300-500). Tới 2016 Yody có 16 cửa hàng, Hoà đi học về quản trị, nhân bản doanh nghiệp, rồi tới các Kỹ năng truyền cảm hứng, văn hóa doanh nghiệp. Văn hoá Yody rất “dị”, kiểu như 8h đứng vỗ tay và trưa thì ra nắng nhảy nhót. Hoà cũng đi dạy về doanh chủ, mục tiêu là để tìm kiếm các đối tác có năng lượng phù hợp để mở cửa hàng. Hoà có ước mơ mãnh liệt biến Yody thành Zara Việt Nam. miệt mài mở chuỗi từ 2017 tới giờ có 200 cửa hàng, bằng hình thức cho các Manager góp vốn tại từng cửa hàng. Rồi mở nhà máy rất lớn ở Hải dương Những điểm độc đáo nhất của Yody: - Đào tạo nội bộ liên tục: từ tầm nhìn, sứ mệnh, Kỹ năng, teamwork, có hẳn xe đưa đón nhân viên từ Hà Nội về Hải Dương, có ăn trưa miễn phí. Anh em chỉ yên tâm mà làm việc. - Thử thách bản thân: chạy, thi Ironman. Lãnh đạo cũng đứng ra bán hàng, livestream. Yody có đội core team sẵn sàng chiến đấu khô máu cho mục tiêu IPO. - Sản phẩm đơn giản, dễ mặc, giá hợp lý. Những dịp khai trương giá còn giảm rất hấp dẫn đến dân tỉnh lẻ vẫn mua được. - Quyết tâm chuyển dịch online. Tới 2020 mới đẩy mạnh nhưng có hẳn một đội đông đảo chỉ làm livestream và một đội Tech 70 người làm hệ thống TMĐT. Mình có biết Nguyễn Việt Hoà, nhưng chưa đủ duyên để gặp. Bài viết ngắn của Đoàn Văn Tuyển sẽ giúp mọi người cảm nhận rõ ràng về Giá trị cốt lõi và Tầm lãnh đạo của Yody: - Tốc độ (và sự thích nghi) là thứ quan trọng nhất. Nhìn Yody phát triển đôi khi mình cảm thấy sởn gai ốc. Cho dù chưa mạnh ở các thành phố lớn nhưng những gì Yody làm ở các thành phố nhỏ hơn thật dã man. Cửa hàng 4600m2 ở Bắc Giang, 4 mặt tiền. Trong số hơn 110 cửa hàng của Yody có đến 15 cửa hàng trên 1000m2, vị trí
  • 26. toàn đắc địa. Hoà có nói một câu mình rất thích, ở thời điểm này thì tốc độ quan trọng hơn to hay nhỏ. Những brand thời trang lớn 5-7 năm trước ở Việt Nam rất nhiều, trong số đó giờ đã nhỏ đi rất nhiều thậm chí biến mất. Lý do lớn nhất có lẽ là họ đi chậm. Quả thật nhìn vào tốc độ phát triển và tốc độ học tập của các bạn Yody mình thực sự khâm phục. Trong tình hình như hiện tại, mọi thứ đang thu lại thì các bạn lại đang bung sức (mục tiêu mở thêm xx cửa hàng mới trong tình hình dịch như hiện tại). Nhìn các bạn thấy tốc độ làm, tốc độ học của mình còn chậm quá. - Niềm tin là thứ mang lại tốc độ: Trong số những thứ mang lại tốc độ mình thấy rõ ràng là niềm tin là thứ quan trọng nhất. Niềm tin vào bản thân và niềm tin vào người lãnh đạo là thứ giúp tổ chức đi nhanh hơn. Mình nhớ hồi còn làm Adflex, team toàn những đứa cực kỳ "ngáo" nhưng lại đi nhanh không tưởng. Bởi càng ngáo càng ít sợ, càng ngáo càng tự tin. Mình nhớ lần đầu gặp team của Hoà ở Hải Dương một năm trước, anh em nhìn vào mảng online một cách rất "ngây thơ", nhưng có lẽ chính sự ngây thơ đó khiến các bạn ít suy nghĩ, bớt những câu hỏi kiểu: "Nếu....thì..." hay "Cái này khó vì....". Tất nhiên mọi thứ cũng cần có logic nhưng điều đầu tiên là lòng tin, tin vào bản thân, tin vào đồng đội và tin vào lãnh đạo. Nếu không có lòng tin làm gì có chuyện lao mình đi làm dù vẫn còn chưa biết gì như vậy, làm gì có sự bắt đầu huống hồ là logic. Rõ ràng lòng tin là thứ quan trọng nhất của tổ chức (Hoà chia sẻ 3 yếu tố: Tầm nhìn, lòng tin & hành động quyết liệt). - Tư duy cầu tiến: Một thứ nữa mình học được là "tư duy cầu tiến" ( Growth Mindset). Khác với fixed mindset hay tạm gọi là "tư duy kinh nghiệm", tuy duy cầu tiến đặt bối cảnh của mục tiêu vào những thứ mình chưa biết hay thậm chí là mình không biết rằng mình không biết. Nó giống như cách mà John Kennedy nói về mục tiêu chinh phục mặt trăng: Chúng tôi sẽ đi đến mặt trăng bằng những cỗ máy được sản xuất bởi những vật liệu mà giờ nó còn chưa được phát minh ra. Thay vì giới hạn bản thân bởi những gì đã biết thì chúng ta cần thách thức bản thân bởi những gì chúng ta còn chưa biết rằng nó có tồn tại trên đời. Quả thật những gì học được từ các bạn là rất nhiều. Xung quanh quá nhiều người giỏi và mỗi ngày mình đi chậm lại là một ngày mình đi lùi. Nếu mục tiêu, thử thách không khiến bạn cứ nghĩ đến là "sợ đái ra quần" thì có lẽ thử thách đó chưa đủ lớn. Muốn lên cấp độ cao thì phải học. Những đàn anh lãnh đạo tập đoàn mình biết đều học kinh khủng, học ở Harvard, học từ các guru, và học một cách say mê. Các doanh nghiệp trẻ mới nổi gần đây quy mô 200-500 người cũng bắt đầu tham gia các khóa học về quản trị, IPO, dẫn dắt sự đổi mới….Endeavour (Chiến Đạo), 1 tổ chức phi lợi nhuận được nhiều đàn anh hỗ trợ tài chính (trong đó có anh Nguyễn Thành Nam) có rất nhiều buổi đào tạo/ hội thảo rất hay về các chủ đề này với sự chia sẻ từ những Chuyên gia / Lãnh đạo đầu ngành Thực tế học thôi, còn vận hành doanh nghiệp rất khác vì sự mâu thuẫn về lợi ích và văn hoá là điều quá khó giải. Vì sao? - Người Việt Nam mình rất cảm tính và hay so đo chứ không chuyên nghiệp như Tây. Các mâu thuẫn xảy ra khi xử lí không khéo thành phốt, doanh nghiệp sập trong phút mốt.
  • 27. - Một công ty muốn đi theo mô hình bài bản thì kinh doanh phải rất vững và nguồn tiền phải dồi dào để duy trì được bộ máy vận hành như thế. Quay trở lại 2012, công ty mình thất bại vì không đủ tiền để xây dựng bộ phận hậu phương theo kịp sự phát triển nên các công ty tiền tuyến ức chế mà tan rã. - Trình độ quản trị và xây dựng văn hoá phải rất xuất sắc thì mới giữ được hàng trăm cái đầu ngồi quy tụ với nhau. Các mô hình quản trị đều có những nguyên tắc giống nhau. Càng đọc nhiều càng tiếp cận nhiều thì tư duy mở mang ra, rồi từ đó tìm thấy cách thức riêng cho doanh nghiệp mình. Sẽ rất khó có hình mẫu nào tuyệt đối đúng hay tuyệt đối hợp với mình để mà copy. Những công ty từ zero đến rất to Routine - cuộc chơi thời trang cần bền bỉ và đi vào chiều sâu Routine thuộc thế hệ những anh em đầu tiên bán thời trang Việt Nam xuất khẩu đầu tiên, từ những năm 201x. Tới khoảng 2015-2017 thì OZ (tên cũ) mạnh bậc nhất về phân phối sỉ thời trang ở Sài Gòn, tiền nhiều không phải nghĩ. Rất nhiều anh em đi theo mô hình đó và kiếm tiền tỉ như Trần Viết Hưng (Hẻm Store), Vinh Đặng ( 1990Store), Trần Đại Dương (Somehow) Sau đó Tuấn và Hương (2 vợ chồng sáng lập, sinh năm 89) quyết định bỏ luôn OZ để xây một brand riêng tên là Routine. Hiện nay Routine có hơn 20 cửa hàng, một nhà máy, quy mô không quá lớn nhưng cách làm luôn được anh em nể trọng và học hỏi. Vậy bài học là gì? 1. Vision: Khi các anh em khác vẫn còn say sưa vì kiếm tiền từ phân phối quá dễ thì Tuấn đã thấy rằng mô hình đó sớm muộn sẽ gặp khó, và không thể tăng trưởng được nữa vì cạnh tranh gay gắt. Việt Nam có nhân công tốt, kinh nghiệm gia công may xịn, hoàn toàn có thể làm được Brand mới. Routine ra đời, một trong những Local Brand tiên phong và bắt đầu đi tìm mô hình. 2. Focus: Để làm brand, Tuấn quyết định bỏ luôn mảng bán sỉ đang rất ăn nên làm ra. Điều này hơi khó hiểu vì có thể duy trì song song. Tuấn cười nói đó là sự lựa chọn: khi mình all-in vào một thứ thì mới có thể làm tới tận cùng, còn vẫn lăn tăn giữa ngắn hạn với dài hạn sẽ không bứt lên được. Đây cũng là điểm yếu của nhiều Founder trẻ: quá nhiều cơ hội, làm gì cũng ra tiền nên không tập trung hoàn toàn vào con đường mình chọn. Tất nhiên, đó vẫn là sự lựa chọn. Nếu bạn chọn "giàu có" thì cứ làm gì ra tiền đều tốt. Nếu bạn chọn "giá trị" thì hãy làm điều gì đó thật xứng đáng, tất nhiên tiền sẽ đến. 3. D2C (direct to customer) Đi rất sâu vào chuỗi giá trị: mở nhà máy, mở store, bán sàn TMĐT, kiểm soát toàn bộ hệ thống bằng ERP. Câu chuyện ERP cũng rất đau đầu: trước đây họ dùng KiotViet, sau đó quyết triển khai
  • 28. ERP bằng Microsoft, tốn tiền kinh khủng mà nhân viên thì phản đối vì khó dùng. Mất 3 năm và thay đổi liên tục mới ổn được. Đến giờ ERP và Tech đang đóng góp quan trọng vào khả năng vận hành của Routine. Tuấn là người cực kì cầu toàn với sản phẩm, luôn đặt ra tiêu chí cực cao, ngay cả nhiều xưởng gia công cho Nhật còn chưa đáp ứng được đòi hỏi. Cửa hàng mở rất thận trọng, tới giờ mới 20 cái, tự mở chứ không huy động vốn. Gần đây họ bắt đầu làm nhượng quyền nhưng rất kĩ tính chọn đối tác chứ không làm ồ ạt. Routine cũng không đẩy mạnh sàn, họ hướng tới nhóm khách tại cửa hàng là nhóm đòi hỏi cao về chất lượng và dịch vụ hơn. Website, cửa hàng đều làm chỉnh chu tới từng chi tiết. Vì thế tỉ lệ khách hàng trung thành rất cao, đơn giá trị lớn. Routine tái đầu tư hầu hết lợi nhuận vào sản xuất và vận hành, họ liên tục đẩy năng lực lên tầm mới. Thời trang ngày càng khó: giá nguyên vật liệu đã tăng 40% (giá bán lẻ không tăng), đối tác luôn thúc ép, sàn giảm giá liên tục...chỉ có nâng cao nội lực mới cạnh tranh lâu bền. 4. Chuyên tâm: Tuấn rất khiêm tốn, lắng nghe, và cực kì ít xuất hiện trên truyền thông. Tuấn nói rằng mình còn làm chưa tốt nên mỗi ngày còn trăm thứ để xử lý. Tuấn học hỏi rất nhiều, qua tận Pháp để học cách làm nhà máy. Hiện Tuấn trực tiếp quản lí hết mọi thứ, nhất là khâu sản xuất và thiết kế - cốt lõi của thời trang. Về điểm này thì mình nghĩ các Founder không cần học, có người thích chuyên tâm tỉ mẩn, có người thích giao việc và truyền cảm hứng. 5. Đội ngũ và văn hóa: Routine có hơn 100 nhân sự ở Headquarter rất gắn kết và lành. Mùa dịch không cắt giảm mấy mà vẫn bày ra bán rau để có thu nhập. Qua văn phòng lúc 7h vẫn thấy anh em hăng say làm việc trong im lặng. Phong cách văn phòng tối giản, yên lành kiểu Nhật. Cách quản trị của Tuấn khá nhẹ nhàng, lắng nghe và thấu hiểu con người. Mình kể câu chuyện về Routine như một tấm gương đáng để học hỏi và suy ngẫm. Thật ra những điều đó, chắc anh em nghe nhiều rồi, không có gì quá mới nhưng để làm được là cả quá trình đánh đổi và đi sâu tới tận cùng. KIOTVIET - Think Big - Start Small 2.9.2021, KiotViet được quỹ KKR đầu tư 45 triệu đô. Đó là con số quá khủng của một Startup nhất là trong bối cảnh dịch bệnh. Anh Phan Minh Tâm, chủ tịch STI Holding đã thông báo đầu tiên và gửi lời chúc đến KiotViet.
  • 29. Mình cùng Mạnh Hùng (Sobanhang), Bùi Việt Cường (cựu quản lý Maybanhang), Đinh Khánh Nam, cựu CEO Edumall (Topica) thảo luận tâm sự mỏng để phân tích thêm bài học cho mọi người. 45 triệu USD là tiền của người khác nhưng thành công hay thất bại của họ chính là bài học cho chúng ta. Quan sát, học hỏi và tối ưu lại mô hình kinh doanh thì sẽ có ngày đổi vận Mình lấy cảm hứng từ KiotViet để phân tích về một mô hình Startup lý tưởng, dám làm lớn từ quy mô nhỏ cho anh em suy ngẫm. Thông tin không nhất thiết chính xác, và không ám chỉ cụ thể về bên trong KiotViet, hiểu tinh thần thôi nhé. Think Big Mình không biết lúc khởi sự thì các Founder KiotViet nghĩ gì trong đầu. Mình đoán thế này: - Ban đầu CitiGold được một số công ty lớn đặt làm software quản lí điểm bán (POS), họ thấy làm dễ quá (tính năng đơn giản) mà ứng dụng hữu ích quá nên bắt đầu nhìn vào Mass market. - Market size quá lớn: có hàng triệu điểm bán cần POS, từ công ty to đến bà tạp hoá. Mỗi người sẵn sàng trả vài triệu/ năm. Tăng trưởng hai chữ số mỗi năm. - Không có Market Leader: thì đây chính là Đại dương xanh (Blue ocean)
  • 30. Vì thế Citigold quyết tâm phát triển một product độc lập theo dạng SaaS có tên là KiotViet. Bài học ở đây là muốn Think big thì: - Market phải lớn, ít cạnh tranh và tăng trưởng cao - Nhu cầu có tính thường xuyên và lặp lại - Dễ phát triển, tinh chỉnh và triển khai sản phẩm Start Small Ban đầu KiotViet chỉ giải quyết mỗi việc nhập đơn hàng, in bill. Đây là những nhu cầu đơn giản và cần kíp nhất. Xây một sản phẩm công nghệ như vậy không khó với một công ty có đội Tech sẵn. Market profit cũng không cần phải nghĩ, vì có sẵn một số hợp đồng lớn,các yêu cầu liên tục cứ thế mà làm. Bài học rút ra là làm gì cũng nên dựa trên nguồn lực có sẵn, tốt hơn là có khách trả tiền để vừa làm vừa tối ưu. Tới đây mình thấy chuyện rất giống CNV Loyalty hay Sobanhang. Chuyện về 2 Startup này sẽ có trong phần tiếp theo. Từ SaaS, Kiotviet tiến lên cung cấp cả máy POS. Lý do: các tiệm tạp hoá chả lẽ phải trang bị PC/ laptop chỉ để bán hàng? 1 cái máy POS gọn nhẹ giá rẻ có sẵn SaaS, lắp đặt triển khai training trong một buổi là xong. Dễ đến mức bà ngoại bạn cũng xài được. Từ đó họ sẽ có 2 dòng doanh thu: - SaaS: lãi gộp lên đến 70% sau khi đã trừ hoa hồng cho đại lý, đối tác - Máy POS: lãi gộp lên đến 50% vì hàng Trung Quốc nhập rất rẻ Có 2 dòng doanh thu là điều cực kì lợi hại trong kinh doanh vì: - Giá trị đơn cao. Nếu bán SaaS thì được 3 triệu nhưng bán thêm POS cộng dịch vụ đi kèm thì 10 triệu. Tăng gấp 3 - Dễ làm chương trình khuyến mãi: mua POS tặng SaaS, mua SaaS giảm 10% POS... - Giữ chân khách lâu hơn: bán cả phần cứng lẫn phần mềm và dịch vụ hỗ trợ thì khách có muốn đổi bên khác cũng phải nghĩ Move Fast Nhiều Công ty không tới đích được là do quá làng nhàng. Mình rất nể cách chiếm lĩnh thị trường của KiotViet (hoặc Base, Haravan sau này): - Đội sale cực đông, vài trăm người càn quét từ vùng sâu đến ngõ hẻm - Chính sách % cho sale hay đối tác cực kì hấp dẫn. Làm chăm chỉ mỗi tháng một sale kiếm vài chục củ thật hơn cả mơ. - Tuyển dụng, đào tạo và sàng lọc đội ngũ liên tục, giao KPI ngất ngưởng. Vì vậy nên dù đông nhưng vẫn luôn có hiệu suất cao. Ở đây sản phẩm không đóng vai trò cốt lõi nữa. Bán SaaS, POS lúc này không khác gì bán nước ngọt. Một điều hay nữa là KiotViet chuyển dịch rất nhanh sang TMĐT. Lúc đầu họ phục vụ nhóm tạp hoá, sau đó làm SaaS phục vụ nhóm bán hàng online. Đây là bước đi hợp thời vì nhóm online rất đông đảo và thích nghi công nghệ cực nhanh. Từ POS lấn sang quản lí kho, CRM và một phần là Tài chính.
  • 31. Tới đây thì KiotViet là lựa chọn "tất yếu" cho mọi nhà bán hàng dù online hay offline. Market size gấp 3 lần (vài triệu doanh nghiệp + hộ kinh doanh + cá nhân) và tăng trưởng thị trường hai con số mỗi năm. Dù sản phẩm không đóng vai trò cốt lõi nhưng nó đã có quá nhiều tính năng và giá trị sử dụng đủ tốt, đối thủ có muốn copy không hề đơn giản. Next? Chuyện còn hấp dẫn. Sau nhiều năm, KiotViet nắm trong tay hàng triệu nhà bán hàng. Họ biết từng người bán hàng gì, ở đâu, doanh số bao nhiêu, giá vốn, tỉ suất lợi nhuận....vậy đoán xem họ sẽ làm gì? 1. Phân phối Theo tin vỉa hè, chỉ riêng mảng mỹ phẩm thống kê qua KiotViet mỗi năm gần 1 tỉ đô. Vậy thử đoán xem dòng hàng hoá mỗi năm có phải 3 tỉ đô hay không? Sẽ ra sao nếu KiotViet kiếm được lãi 1% trên con số đó? 30 triệu USD !!! Làm sao? Kiotviet liên kết với các công ty phân phối lớn (distributor) để cấp hàng cho người bán với giá cả và công nợ tốt hơn. Ai không đủ tiền nhập hàng sẽ có ngân hàng đồng hành cho vay dựa trên dòng doanh thu của họ (đã nắm được qua hệ thống). Các công ty Logistics đảm nhiệm phần giao hàng. Cuộc chơi quá khủng khiếp. Next? Next? Chuyện còn hấp dẫn hơn nếu có KiotPay hay KiotCredit hướng tới người mua. Mà thôi không đủ khả năng đoán nữa. Nhắc lại đây là một phân tích về mô hình lí tưởng. Còn KiotViet có làm vậy hay không thì mình không biết. Thực tế cả mảng POS lẫn mảng Phân phối đều khó nhai, không hề dành cho tay mơ. Ta sẽ thấy các trở ngại lớn của SaaS trong chương sau Wolfoo - Amanotes: Từ nông thôn đến Disney Hầu như ông bố nào cũng biết Peppa Pig - chú heo dễ thương và tinh nghịch trở thành biểu tượng toàn cầu. Một số người cũng biết đến chú sói Wofoo nhưng ít ai biết làm ra nhân vật này là S-connect, một công ty hoàn toàn Việt Nam. Kể về Wofoo thì có lẽ nhiều lắm, mượn lời anh Nguyễn Thành Nam cho dễ thương: “Ông Nam biết không: Mỹ có Mickey, Nhật Bản có Doraemon, Việt Nam có Wolfoo đấy. Cu cháu từ Úc về hào hứng khoe. Thế là 2 ông cháu đội mưa đi thăm trụ sở “Disney” của Việt Nam. Đúng hôm mưa to, nên cu cháu có cơ hội được tận mắt chứng kiến vịnh Triều Khúc dập dồn sóng vỗ. Chắc nghĩ văn phòng phải hoành tráng như DisneyLand nên ku cậu có vẻ hơi thất vọng khi thấy Disney Việt Nam chỉ là một tòa nhà rất đơn giản, nằm trong khu đất mới xây khá lộn xộn trong ngõ 286 Nguyễn Xiển. Tất nhiên là cu cậu không biết hơn 600 anh chị, cô chú ở đây đang sản xuất và đưa lên mạng mỗi ngày hàng chục các đoạn phim hoạt hình, tạo nên 4.25 tỉ truy cập hằng tháng trên Youtube và Facebook cho sói con dễ thương Wolfoo và các anh chị em của nó. Hoàng - giám đốc công ty, nói với tôi: “bọn em là studio độc lập có sản lượng lớn nhất thế giới.”
  • 32. Khi tôi hỏi bí kíp thành công, anh trả lời khá bất ngờ: tuân thủ triệt để những hướng dẫn của YoutubeKid về việc tạo ra các sản phẩm. Anh cho rằng chúng ta thường hay tỏ ra sáng tạo, bỏ qua các chỉ dẫn của chuyên gia. Điều thú vị là đại đa số nhân viên, trừ một số vị trí chủ chốt, là những người yêu nghệ thuật nghiệp dư, chẳng cần phải tốt nghiệp đại học mỹ thuật nào cả. Bản thân Hoàng là kỹ sư CNTT tốt nghiệp Học viện kỹ thuật quân sự. Anh nói: các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nữ rất tỉ mỉ và khéo léo, phù hợp để làm phim hoạt hình. Công ty của Hoàng cũng đã triển khai khu vui chơi Wolfoo Land và ngày 13/10 tới sẽ ra mắt bộ phim hoạt hình chiếu rạp đầu tiên có tên là “Hòn đảo kỳ diệu””. Với quy mô lớn và phát hành toàn cầu, Wolfoo phải cạnh tranh trực tiếp với các ông lớn như Peppa Pig. Nên vấn đề đau đầu nhất của Hoàng bây giờ là xử lý các kiện cáo về vi phạm bản quyền. Tôi an ủi: ra biển thì sóng lớn, sóng lớn sẽ có cá to. Rất cần bản lĩnh và thông minh, vì mình chưa mạnh đổ tiền để thuê luật sư xoi mói như đối thủ. Anh em luật trẻ Việt Nam nào tự tin có thể thi đấu toàn cầu, liên lạc với Hoàng, để tham gia đội tuyển “chiến” trận tầm WorldCup này. Cu cháu, sau khi tự tay nặn các cây nấm và được đích thân giám đốc đánh giá tạm được và trả 10 nghìn đồng, rồi cho đổi thành bộ xếp hình Cảnh sát Wolfoo đã hoàn toàn thỏa mãn. Ra về, còn góp ý cho giám đốc là Pando (một người bạn của Wolfoo) được vẽ trên tường hầm xe, phải có tai đen chứ không để trắng như thế này”. Rất tiếc khi cuốn sách này sắp in thì Wolfoo bị Youtube xóa hết video sau khi vướng vào kiện tụng với Peppa Pig. Mình tin là Hoàng và cộng sự sẽ sớm vượt qua sự cố này để tìm ra con đường rực rỡ hơn Amanotes thành lập tại Việt Nam vào năm 2014 bởi Võ Tuấn Bình (Bill Võ) và Nguyễn Tuấn Cường (Silver Nguyễn). Từ một startup công nghệ chỉ làm được vài game mobile trong giai đoạn đầu, đến nay, Amanotes đã có hơn 200 nhân sự, đạt hơn 2,7 tỷ lượt tải ứng dụng tại 190 quốc gia, là nhà phát hành game âm nhạc có lượt tải về lớn nhất trên toàn cầu. Trụ sở của Amanotes trên cùng con đường với công ty mình (cũng làm phần mềm), cách nhau 1km nhưng họ cách xa mình cả ngàn lần. Bình Võ, 8x đời cuối, là thanh niên từ thôn làng ra, rất giỏi thổi sáo đánh đàn nhưng việc cạnh tranh mảng game trên thế giới đòi hỏi Kỹ năng khác. Cốt lõi của Amanotes là Tốc độ: họ học hỏi những game hot nhất rồi cải biến lại với tốc độ nhanh nhất trước khi hết xu hướng. Về điểm này thì kĩ sư Việt Nam giỏi và năng suất hơn phương Tây rất nhiều. Cũng như Wolfoo, Amanotes không giỏi làm ra cái mới nhưng xuất sắc trong việc học và cải biên từ cái đã thành công. Phảng phất bài học từ FPT Software đúng không? Đúng thế. Hãy cứ mơ thật lớn. Học các mô hình đã thành công rực rỡ. Và vận dụng khéo léo hơn khả năng, thành công nhất định sẽ tới. Ta khó trở thành một Thegioididong thứ 2, nhưng hoàn toàn có thể thành Thegioididong đầu tiên trong ngành giáo dục, mỹ phẩm, nông sản, nước hoa…Đó cũng chính là điều mình muốn chia sẻ trong tập 2 này.
  • 33. CHƯƠNG 2: ĐI QUA TÂM BÃO Mùa Covid, mình ở nhà sưu tầm được ít nhiều câu chuyện thấm đẫm nước mắt của các bạn bè kinh doanh thành cuốn ebook . Mọi người đọc chắc sẽ thấy nhiều Corona kí sự - A1demy.pdf đồng cảm Mình cũng gặp gỡ nhiều anh em (qua Zoom) để đàm đạo về những giải pháp vượt dịch rồi tổ chức các buổi chia sẻ bài học cho các bạn trẻ. Những phần dưới đây mình viết từ đợt dịch, vẫn còn nguyên giá trị cho cả thời gian sắp tới. Vì chúng ta vẫn có thể phải đối diện với những dịch bệnh kinh hoàng hơn trong tươi lai. Và vì chúng ta vẫn có những ổ dịch ngay chính bên trong doanh nghiệp mình Khi đọc bản thảo, Nguyễn Mạnh Tấn, CMO Haravan, người luôn nắm rất sát thực trạng của các anh em bán lẻ/ TMĐT góp ý: bây giờ nhiều doanh nghiệp đang rất đuối, rất loay hoay không biết phải làm gì, anh hãy viết ra những đúc kết và định hướng giúp họ hiểu những việc cần làm tiếp theo. Mình cảm thấy quá khó vì những gì khó khăn hôm nay chính các công ty của mình đang phải đối mặt và chưa biết có tìm được cách thức vượt qua hay không thì lấy tư cách gì để khuyên ai. Tuy nhiên mình cũng có trách nhiệm phải giải quyết 1 phần yêu cầu này để đáp ứng mong đợi từ mọi người, vì trong số độc giả chắc 50% là những người có theo dõi mình thường xuyên trên Facebook. Trong mỗi chương mình đều cố gắng đút kết gọn rồi đưa thêm phương hướng hành động, hi vọng mọi người sẽ tìm ra được 1 vài keywords nào đó để áp dụng. Những bài học vượt dịch tuy đã trôi xa nhưng giá trị vẫn còn nóng hổi. Và rất nhiều keywords đắt giá để chiêm nghiệm. Với những bạn trẻ cuối 8x, đầu 9x trở đi được hưởng lợi từ chu kì 10 năm tăng trưởng nóng của nền kinh tế (2012 - 2021) thì những cú vấp trong đợt này là cần thiết để đi xa hơn. Bạn sẽ khó mà đạt tới thành công lớn nếu chưa chịu đựng những thất bại từ sớm Gumac là 1 câu chuyện điển hình. Lên như diều. Rồi gục ngã vì những sai lầm khi mở rộng và chống chọi với 2 đợt dịch trời giáng. Cắt lỗ, đóng bớt văn phòng Hà Nội, cắt các cửa hàng không phù hợp. Vân cũng không đi thiền nữa mà quay lại cùng vợ trực tiếp điều hành công ty, bình tĩnh, gỡ từng nút thắt, và vượt qua một cách bình thản. Gumac 2023 có rất nhiều vết sẹo và cả những thương tổn chưa lành chứ không hề long lanh như trong tập 1. Nhưng Vân vẫn ở đó, bất khuất và hào sảng thiết lập những cuộc chơi mới bền chắc hơn. Câu chuyện của Gumac kể lại sơ lược ở đây để nhấn mạnh một điều rằng: Kinh doanh có lúc đúng lúc sai nhưng chỉ cần ý chí không phai thì sẽ mãi là người không chiến bại. Gumac - Thương hiệu Việt đứng trước ngã rẽ định mệnh Tâm sự của Vân giữa những ngày nước sôi lửa bỏng “Trưa nay test Covid cho 30 người ở lại ký túc xá công ty, kết quả may mắn là âm tính. Nói may mắn là bởi vì các công ty xung quanh đều bị Covid và phải đóng cửa hết, bên mình tuy đóng cửa nhưng bên trong vẫn làm việc được khi tổ chức ăn ở và làm việc tại công ty. Cá nhân mình thời gian qua cũng căng như dây đàn, 2 vợ chồng phải cân nhắc rất nhiều thứ, cứ nâng lên đặt xuống nhiều thứ, từ việc quyết định đóng văn phòng miền Bắc cho tới việc tính toán