SlideShare a Scribd company logo
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ
VĂN HỌC TRUNG QUỐC
Tác giả: Trần Lê Hoa Tranh
Phần A. NHỮNG VẤN ĐỀ GIỚI THUYẾT
A.1. CÁCH CHIA THỜI KÌ VĂN HỌC
Văn học Pháp chia làm nhiều thời kỳ, mỗi thời kỳ tương ứng với một
thế kỷ: như thế kỷ XVII là thời kỳ cổ điển, thế kỷ XVIII là thời kỳ ánh sáng, thế
kỷ XIX là lãng mạn.
Văn học Anh vừa chia theo thế kỷ, như thế kỷ XVIII là thế kỷ xung đột
giữa hai phái duy lý và kinh nghiệm, nhưng cũng chia theo từng triều đại, như
có triều đại Elisabeth, tức thời kỳ văn học Phục hưng, triều đại Victoria, là thời
kỳ văn học hiện thực.
Nhưng văn học Trung quốc thì ta phải chia theo triều đại. Các học giả
Trung Hoa từ xưa đến nay đều nhận rằng ở nước họ, chính trị ảnh hưởng
mật thiết đến văn học. Các thể loại văn học đều nhờ sự thúc đẩy giúp đỡ của
chính trị mà phát triển, như phú thịnh đời Hán, thơ thịnh đời Đường, từ đời
Tống, tuồng đời Nguyên, tiểu thuyết đời Minh - Thanh...
Như vậy chúng tôi sẽ triển khai học phần này theo hướng trên,
đi vào từng triều đại nên nét nổi bật thành tựu văn học của triều đại đó triều
đại nào không có gì nổi bật sẽ bỏ qua.
Bố cục chung của mỗi phần sẽ là:
- Vài nét về tình hình chính trị - xã hội.
- Tình hình văn học.
- Các tác giả hoặc thể loại chính của thời kỳ đó.
A.2. CÁC TRIỀU ĐẠI LỊCH SỬ TRUNG HOA
Khoảng 50 vạn năm trước, trên lưu vực sông Hoàng Hà đã có dấu vết
của loài người, tính từ khi có xã hội loài người thì lịch sử Trung Quốc đã tồn
tại khoảng 5000 năm. Người ta chia lịch sử Trung Quốc làm 6 giai đoạn lớn:
- Nguyên thủy: hàng vạn năm về trước đến đời Hạ (-2200)
- Nô lệ: Hạ đến Tần (-220)
- Phong kiến: Tần đến chiến tranh thuốc phiện (-220 đến 1840)
- Cận đại: chiến tranh thuốc phiện đến 1919
- Hiện đại: từ 1919-1949.
- Đương đại: từ 1949 đến nay.
Đó là cách phân chia lịch sử của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, còn
đối với các học giả phương Tây thì lịch sử Trung Quốc chỉ được xác định rõ
ràng từ năm 1000 trước Công nguyên mà thôi. Theo họ, cuốn sách lịch sử cổ
nhất là Kinh Thư của Khổng Tử (cuốn sách này cho rằng lịch sử Trung Quốc
được bắt đầu từ năm 2205 trước Công nguyên) là cuốn sách không đáng tin
cậy vì không thể kiểm chứng được mức độ chân thực lịch sử từ nó vì đây là
một tác phẩm văn chương. Họ chỉ công nhận lịch sử Trung Hoa từ đời Chu
trở đi (-1150)
Tương truyền rằng ông tổ của dân tộc Trung Hoa là Bàn Cổ. Rồi tới các
đời Tam Hoàng (Thiên hoàng, Địa hoàng, Nhân hoàng), Hữu Sào, Toại Nhân,
Phục Hy, Thần Nông. Lúc bấy giờ Trung Quốc gồm nhiều bộ lạc.
Hoàng Đế (-2700 đến -2600) dẹp các chư hầu và được tôn làm thiên
tử, truyền ngôi được 5 đời.
Sau đó đến Đường Nghiêu (-2359 đến -2259) và Ngu Thuấn (-2256
đến -2208). Hai vua Nghiêu Thuấn đều nhường ngôi cho những người tài đức
trong thiên hạ. Trung Quốc thời nay rất thịnh trị và văn ninh đây là những triều
đại được đời sau nhắc đến như một mẫu mực của sự thái bình, an lạc. Vua
Nghiêu, Thuấn được xem như những ông vua hiền, tài giỏi.
Đến vua Võ (nhà Hạ) (-2205 đến -1784) Trung Quốc bắt đầu là một
nước có tổ chức, ngôi báu lại là cha truyền con nối đến vua Kiệt.
Vua Thành Thang diệt vua Kiệt lập ra nhà Thương (-1783 đến -1135),
Ân là cuối Thương (thời Thánh Gióng ở ta), đến đời vua Trụ lại bị nhà Chu
diệt.
Nhà Chu chia làm hai thời kỳ: thời kỳ thứ nhất đóng đô ở đất Phong
nên gọi là Tây Chu (-1134 đến -770), đến đời U Vương sợ rợ Tây Nhung nên
dời đô đến Lạc Dương, gọi là Đông Chu (-770 đến - 247). Từ khi nhà Chu dời
sang Đông, vua suy nhược, chư hầu lộng quyền, đánh nhau không ngớt, dân
tình vô cùng khốn khổ. Đầu nhà Chu, chư hầu có đến trên 1000 thôn tính lẫn
nhau sau còn độ 100. Những nước mạnh là: Tề, Sở, Tấn, Tần, Lỗ, Tống.
Những nước này thay nhau làm Bá là Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Tống
Tương Công, Sở Trang Công, Tần Mục Công. Khổng Tử chép thời loạn lạc
ấy trong cuốn kinh Xuân Thu, vì thế người đời sau gọi thời này là thời Xuân
Thu.
Từ năm -403 đến -221, các chư hầu đánh nhau liên miên, đó là thời
Chiến Quốc, có 7 nước mạnh nhất là Tần, Sở, Yên, Tề, Triệu, Ngụy, Hàn.
Sau Tần diệt nhà Chu và 6 nước chư hầu kia, thống nhất Trung guốc.
Nhà Tần chỉ tồn tại được 15 năm. Lưu Bang và Hạng Võ lật đổ nhà
Tần, rồi đánh nhau 10 năm (Hán Sở tranh hùng), cuối cùng Lưu Bang thắng
lập nên nhà Hán.
Nhà Hán (-206-211) chia ra hai thời: Tây Hán và Đông Hán. Thời Đông
Hán, Trung Quốc là một đế quốc rộng lớn, hùng mạnh, chuyên đi thôn tính
các nước khác (Việt Nam thời Hai Bà Trưng). Cuối đời Hán là loạn Tam quốc
(Thục, Ngụy, Ngô) từ năm 211 đến 264.
Ngụy thắng, lập nhà Ngụy được hơn 40 năm, lại bị họ Tư Mã lật đổ lập
nên nhà Tấn. Nhà Tấn tồn tại 125 năm. Cuối đời Tấn, 5 tộc hồ ở phương Bắc
vào uy hiếp nên dời đô về phương Nam (Đông Tấn), tôi bị Tống cướp ngôi.
Từ đó Trung Quốc chia làm hai khu vực: Bắc và Nam. Lục triều thay nhau cai
quản... hơn 300 năm loạn lạc. Thời nay gọi là Ngụy - Tấn - Nam Bắc triều là
vì vậy.
Cuối thế kỷ 6, Tùy (họ Dương) thống nhất Trung Quốc về một mối
nhưng chỉ tồn tại 37 năm, nhà Đường (họ Lý) lật đổ và thay thế (618-905),
đây là thời đại hoàng kim của chế độ phong kiến Trung Quốc.
907- 960 là thời Ngũ Đại - Thập Quốc: Ngũ đại là Hậu Lương. Hậu
Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu ở phía Bắc. Ở phía Nam là 9 nước Ngô,
Nam Đường, Ngô Việt, Tiền Thục, Hậu Thục, Nam Hán, Sỡ Mân, Nam Bình,
cùng với Bắc Hán là 10 nước, sử gọi là Thập quốc.
Triệu Khuông Dẫn thống nhất Trung Quốc, lập ra nhà Tống (960-1212),
đầu tiên gọi la Bắc Tống (960-1127), sau rợ Kim tàn phá nên dời đô xuống
phía Nam gọi là Nam Tống.
Thành Cát Tư Hãn (1162- 1227) xâm lược Trung Quốc, lập ra nhà
Nguyên (1260-1368), chính quyền ngoại bang đầu tiên.
Chu Nguyên Chương lãnh đạo nông dân khởi nghĩa lật đổ nhà Nguyên,
lập ra nhà Minh (1368-1644). Cuối đời Minh triều đình suy yếu khởi nghĩa
nông dân nổ ra liên tục. Lý Tự Thành lãnh đạo khởi nghĩa thành công nhưng
Ngô Tam Quế phản, mở cửa cho người Mãn Châu vào cướp đoạt thành quả
khởi nghĩa, lập ra nhà Thanh (1644- 1912). Chính quyền ngoại bang thứ hai..
Đây là triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Hoa.
Nhìn chung, lịch sử Trung Hoa có những đặc điểm sau:
- Trung Quốc là một trong những cái nôi văn minh sớm nhất của nhân
loại, nhiều phát minh thời cổ đại của nhân loại phải ghi công người Trung
Quốc. Theo nhận xét của một nhà khoa học người Mỹ trong cuốn China, Land
of Discovery and Invention (Trung Quốc, xứ sở của phát kiến và phát minh)
thì "Có lẽ tới hơn một nửa số phát ninh và phát kiến quan trọng được lấy làm
nền tảng cho sự phát triển của thế giới ngày nay đều xuất xứ từ Trung Quốc"
đặc biệt là những phát kiến trong nông nghiệp như kỹ thuật trồng cây thành
luống, làm cỏ nhiều lượt, gieo hạt thẳng hàng, lưỡi cày sắt... Ngoài ra người
Trung Quốc còn có 3 phát minh lớn: giấy viết, nghề in, thuốc súng và la bàn
nam châm. Thời Tấn đã xuất hiện hệ thống cân đo, thời Hán số pi đã được
phát hiện...
- Người Trung Quốc đi trước về sau: đời Đường văn hóa Trung Quốc
cao nhất thế giới, nhưng sau đó thì phát triển chậm chạp, đến thời cận đại thì
trở nên lạc hậu.
- Chế độ phong kiến kéo dài (21 thế kỷ) đã kìm hãm sự phát triển của
xã hội. Đó là chế độ phong kiến kiểu tông pháp thị tộc (theo chiều dọc của
dòng họ chứ không phải thành bang dân chủ như phương Tây) lại do Nho
giáo thống trị (lấy đức làm đầu, đào tạo nền giả chứ không phải tự giả, chủ
trương sĩ, nông, công, thương, trọng nông ức thương), tư tưởng kém giải
phóng, khoa học thực nghiệm kém phát triển, vì thế sự lạc hậu, trì trệ kéo dài.
- Cách mạng tư sản nổ ra quá muộn, lại non yếu, què quặt.
A.3. CÁC THỜI KỲ VĂN HỌC
Khó có thể tìm thấy nền văn học nào có quá trình phát triển lâu dài mà
liên tục như Trung Quốc.
Lịch sử nền văn học ấy qua 25 thế kỷ là một đại dương của vô số tác
phẩm mà nhiều nền văn học khác hợp lại cũng chưa thể sánh nổi.
- Văn học tiên Tần:
+ Thơ: Kinh Thi, Sở Từ.
+ Văn: Văn nghị luận của các triết gia (tản văn chư tử)
+ Văn ký sự thời Xuân Thu. (tản văn lịch sử)
- Văn học từ đời Tần- Tuỳ:
+ Thời Tần-Hán (chủ yếu là đời Hán vì Tần chỉ tồn tại 15 năm): Thơ ca
Nhạc phủ: được xem là Kinh thi của đời Hán, là tập hợp thơ ca dân gian.
Sử ký Tư Mã Thiên, Phú Tư Mã Tương Như (đời Hán)
+Thời Ngụy:Thơ Kiến An thất tử và ba cha con họ Tào.
+ Thời Tấn: Văn chương hình thức chủ nghĩa nhưng có một nhà thơ
khác lạ: Đào Tiềm.
+ Nam Bắc triều: Chiến tranh liên miền nên văn học không phát triển,
nhưng lý luận phát triển: Lưu Hiệp, Chung Vinh.
- Văn học đời Đường: tất cả các thể loại đều phát triển, nổi bật nhất là
thơ Đường và tiểu thuyết truyền ký đời Đường.
- Văn học đời Tống: Thơ Tô Đông Pha, Lục Du. Học “Đường(2)-
Tống(6) bát đại gia", Từ.
- Văn học đời Nguyên: văn xuôi không phát triển nhiều duy chỉ có một
loại: ca kịch. Học tập kịch Quan Hán Khanh, Vương Thực Phủ.
- Văn học đời Minh- Thanh: tiểu thuyết cổ điển, Tuồng Thang Hiển Tổ.
- Văn học cận đai: Lương Khải Siêu.
- Văn học hiện đại: Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Tào Ngu, Mao Thuẫn.
- Văn học đương đại: Trương Hiền Lượng, Giả Bình Ao (Đại lục), Kim
Dung (Hồng Kông), Quỳnh Dao (Đài Loan).
A.4. VÀI NÉT VỀ VĂN HỌC NGUYÊN THỦY CỦA TRUNG QUỐC.
Văn học Trung guốc là một trong những nền văn học cổ nhất trên thế
giới. Từ hơn 3000 năm trước đã xuất hiện nhiều bài thơ ca ngắn, thần thoại
và truyền thuyết. Tuy vậy, cho đến nay chưa có một công trình nào sưa tập
đầy đủ và có hệ thống mảng văn học dân gian của Trung Quốc (giải thích: có
nhiều lý do, có lẽ là do ngày xưa xã hội Trung Quốc không coi trọng mảng văn
học truyền miệng, cho là không có giá trị. Hoặc là tầng lớp nho gia rất thực tế,
cho thần thoại truyền thuyết là tưởng tượng, không thực tế nên không sưu
tầm, hay văn học Trung Quốc bắt nguồn từ phương Bắc, người phương Bắc
thực tế, không thích lãng mạn, bay bổng nên không đánh giá cao thần thoại)
1. Thơ ca: một số bài trong các sách thời Chiến Quốc (-480 đến -221)
như Thượng Thư, Lã Thị Xuân Thu, Sử ký Tư Mã Thiên... Ba bài được xem
là cổ nhất là Kích nhưỡng ca, Khanh Vân ca và Nam Phong ca, tuy vậy
những bài thơ này do truyền miệng nên có lẽ đã được người đời sau trau
chuốt lại nên tình điệu rất giống thơ Sở Từ.
2.Thần thoai: một số truyện trong bộ Sơn hải kinh, Trang tử, Liệt tử
(Chiến quốc), Hoài nam tử (Hán). Qua một số truyện như Tinh Vệ lấp biển,
Khoa Phụ đuổi theo mặt trời, Nữ Oa luyện đá vá trời... Tuy ít nhưng thần thoại
Trung quốc cũng mang đầy đủ những đặc điểm của thần thoại: vừa thực tế
(xuất phát từ hiện thực, xã hội), vừa lãng mạn, bay bổng. Nó mang cái đẹp
hồn nhiên, chất phác, mộc mạc của con người nguyên thủy, nói lên những
nhận thức ấu trĩ của con người về vũ trụ, tự nhiên, phản ánh ước mơ chinh
phục và gần gũi với thiên nhiên. Thần thoại Trung Quốc thường ngắn, gọn, rõ
ràng, ít hình ảnh, ít chi tiết, sức tưởng tượng như thần thoại phương Tây.
Nhân vật cũng không có nguồn gốc, phả hệ như thần thoại Hy Lạp. Nói chung
là chưa có sức hấp dẫn nghệ thuật cao, tuy vậy vẫn là nguồn vốn quý giá cho
các nhà sáng tác sau này (ví dụ: truyện Nữ Oa luyện đá vá trời: những viên
đá của bà trải qua mấy ngàn năm trở thành hòn đá sau là Giả Bảo Ngọc trong
Hồng Lâu Mộng...)
- Truyện Tinh Vệ lấp biển: Trên ngọn núi Phát Cưu, cây cối mọc um
tùm xanh tốt. Có một con chim anh dạng tựa giống con quạ nhưng đâu có
vằn, mỏ trắng, chân đỏ, gọi là chim Tinh Vệ vì nó thường kêu “tinh vệ!", “tinh
vệ!". Chim này vốn là con gái nhỏ của Viêm đế tên Nữ Oa. Nữ Oa đi chơi ở
biển Đông gặp nước dâng to, bị chết đuối không về được mới hóa thành chim
Tinh Vệ. Ngày ngày, Tinh Vệ bay lên ngọn núi phía Tây, nhặt từng viên đá
ngậm vào mỏ đem thả xuống như để lấp kín biển Đông" -> niềm khát khao
của con người muốn chiến thắng nạn lũ lụt, chinh phục thiên nhiên. Hình ảnh
con chim miệt mài lấp biển có lẽ muốn nói đến tinh thân kiên trì nhẫn nại của
con người.
- Truyện Khoa Phụ đuổi theo mặt trời. Người nguyên thủy ở hang rất sợ
bóng tối, sợ lạnh giá, rắn rết. Họ muốn níu kéo mặt trời lại chiếu sáng và sưởi
ấm họ mãi mãi: “Trên ngọn núi Thành Đô có một vị thần tên là Khoa Phụ, hình
dáng kỳ lạ, hai tai đeo hai con rắn vàng, hai tay quấn hai con rắn vàng. Khoa
Phụ đuổi theo mặt trời đuổi mãi mà chẳng kịp. Khát nước, uống một hơi cạn
cả sông Hà sông Vị, vẫn chưa hết khát, lại uống khô cả đầm Đại Trạch. Thế
mà vẫn không kịp mặt trời. Cuối cùng Khoa Phụ khát quá ngã xuống chết, cây
gậy cầm tay quăng ra bỗng hóa thành một vườn cây xanh tươi”. Chi tiết cuối
cùng thật lãng mạn.
3. Truyền thuyết: Thần thoại là truyện hoàn toàn hư cấu và thiên về
hiện tượng tự nhiên còn truyền thuyết là truyện có một chút dấu vết lịch sử rồi
gia cố thêm, chủ yếu nói về hiện tượng xã hội. Ví dụ như truyện về Tam
Hoàng, Ngũ Đế, về Phục Hy, Thần Nông, về Đế Cốc, Đế Nghiêu, Thuấn,
truyện nhường ngôi của Nghiên Thuần, truyện Nghiêu gả Nga Hoàng và Nữ
Anh cho Thuấn những truyền thuyết này phần nào mang ý nghĩa dã sử.
Phần B. CÁC THỜI KỲ VĂN HỌC
Chương 1. VĂN HỌC TIÊN TẦN-KHỞI NGUYÊN CỦA VĂN HỌC VIẾT
TRUNG HOA
Văn học tiên Tần là khởi nguồn của dòng sông văn học Trung Hoa, là
móng nền vững chắc cho tòa nhà văn học Trung Quốc. Giai đoạn này rất
quan trọng. Không phải sự mở đầu nào cũng non nớt, ấu trĩ mà rất tiêu biểu,
có ảnh hưởng đến các giai đoạn sau và các nước trong khu vực.
Ba thành tựu nổi bật:
1. Kinh thi. (3 tiết)
2. Sở từ.
3. Tản văn thời Chiến quốc.
I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ XÃ HỘI.
Cuối đời Ân Thương (-1100), bộ tộc Chu nổi lên ở vùng lưu vực sông Vị
Thủy (tỉnh Thiểm Tây), có thế mạnh về nông nghiệp, dần dân phát triển hùng
mạnh. Đến giữa thế kỷ 11 trước Công nguyên, Chu Vũ Vương lật Thương lập
ra nhà Chu, thay thế chế độ nô lệ bằng chế độ phong kiến phân quyền, cải
tiến quan hệ sản xuất, thi hành chế độ tỉnh điền (chia đất ra 9 khu, hình chữ
"tỉnh", mỗi nhà lãnh một khu chung quanh, và chung nhau cày cấy khu giữa
cho nhà vua), đời sống nhân dân được cải thiện, kinh tế nông ngiệp được đẩy
mạnh, đồ đồng được sử dụng khá nhiều.
Đến thời Đông Chu (-770), nhờ phát minh ra đồ sắt, công cụ lao động
được cải tiến, sản xuất nông nghiệp càng phát triển. Từ đó, thương nghiệp
bắt đầu hình thành và ngày càng phát đạt.
Về chính trị thời Tây Chu. Vua Chu tự xưng là thiên tử. Thiên tử phong
đất cho chư hầu. Giai đoạn đầu, chế độ đẳng cấp và tông pháp còn được duy
trì, về sau, vương triều nhà Chu suy yếu, không khống chế được các nước
chư hầu, nhiều nước lớn thôn tính nước nhỏ dẫn đến tình trạng chiến tranh
liên miên không dứt. Thời Xuân Thu 242 năm có đến 483 cuộc chiến tranh
lớn nhỏ. Thời Tây Chu có hàng ngàn nước, đến Xuân Thu còn hơn 100, đến
Chiến Quốc còn 7 nước lớn là Tần, Tề, Sở, Yên, Ngụy, Triệu, Hàn. Chiến
tranh càng khắc nghiệt, mâu thuẫn càng gay gắt, đời sống nhân dân khốn khổ
hơn.
Về tư tưởng và văn hóa, xã hội hình thành một giai tầng mới- sĩ tạo
thành lực lượng quan trọng của hoạt động văn hóa xã hội đương thời. Đây là
những tri thức có học vấn uyên bác, có người giỏi về chính trị, ngoại giao, có
thể thao túng chính trị các nước, có người giỏi thiên văn, địa lý, tướng số
(khoa học và mê tín lẫn lộn). Nhiều kẻ sĩ đã vận dụng tài năng, óc quan sát để
ghi chép lại các chủ trương những biện pháp giải quyết tình hình xã hội,
những quan điểm triết lý cao siêu... Từ đó nổi lên không khí "bách gia tranh
minh" rất sôi nổi. Các học thuyết, học phái cũng xuất hiện: Phái Nho gia của
Khổng- Mạnh chủ trương khôi phục chế độ chính trị thời Tây Chu, đề cao chế
độ đẳng cấp (tư tưởng của tầng lớp quý tộc sa sút nhưng tích cực); phái Đạo
gia của Lão-Trang phản đối văn minh tiến bộ, chủ trương về với thiên nhiên
thuần phục đơn giản (quý tộc sa sút nhưng tiêu cực); Phái Mặc gia của Mặc
Tử phản đối xa hoa, chủ trương hòa bình, kiêm ái (chủ trương của tầng lớp
nông dân và thương nghiệp thủ công); phái Pháp gia của Thương Ửng, Hàn
Phi chủ trương cai trị bằng pháp luật (giai cấp địa chủ mới lên)… Hoạt động
của tầng lớp Sĩ có tác dụng tích cực thúc đẩy nền văn hóa và văn học đương
thời.
II. VĂN HỌC.
1. Kinh thi. (3 tiết)
a) Khái quát.
Trung quốc là đất nước "thi ca chi bang", người Trung Quốc rất yêu thơ
(phương Tây cũng yêu thơ nhưng có lúc cũng chụp một vòng hoa vào đầu thi
nhân rỏi đuổi ra khỏi thành phố (lấy ý từ câu nói của), còn người Trung Quốc
thì ai cũng làm thơ, họ dùng thơ để lựa nhân tài, nói như Lâm Ngữ Đường:
thơ là tôn giáo của người Trung Hoa thì Kinh thi là thánh điển của nền tôn
giáo ấy...
- Kinh thi là thành tựu văn học đầu tiên đánh dấu sự chuyển tiếp từ văn
học truyền miệng sang văn học viết của Trung Quốc. Đây là tuyển tập thơ cổ
gồm 305 bài được sáng tác cách dây 2500 năm vào khoảng thế kỷ 6 trước
Công nguyên trong khoảng thời gian hơn 500 năm từ đầu Tây Chu (- 1100)
đến giữa Xuân Thu (-600), đây là giai đoạn cuối nô lệ đầu phong kiến, chủ
yếu là áp bức bóc lột kiểu nô lệ, lễ giáo phong kiến chưa ăn sâu như sau này.
Nó là sáng tác của tầng lớp nhân dân lao động, một số ít của tầng lớp quý tộc
và sĩ đại phu. Kinh Thi tiêu biểu cho nền văn hóa phương Bắc (cùng với triết
học Khổng-Mạnh; Sở từ cho nền văn hóa phương Nam cùng với triết học
Lão-Trang).
- Kinh thi là gì? Chữ Kinh có hai nghĩa: kinh điển, nghĩa là chuẩn mực,
Kinh thi là chuẩn mực của thơ ca; nghĩa thứ hai là đạo thường, đạo muôn đời,
bất biến.
Về sau, các sách vở nho gia dùng để dạy học trò đều được suy tôn là
Kinh: Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Xuân Thu (về sau thêm Dịch là lục kinh). Như vậy
Kinh thi là tên gọi do các nhà nho đặt ra, gọi thế vì thói quen chứ không có
nghĩa khẳng định nó như kinh điển nho gia.
- Biên soạn: có ba thuyết:
+ Do Không Tử biên soạn: trong sách Sử kỷ Tư Mã Thiên viết: từ 3000
bài Kinh thi, Khổng Tử soạn lại thành 300 bài để dạy học trò. Không đúng, vì
trước Không Tử đã có quyển Kinh thi 305 bài. Nhưng Không Tử có san định
và giải thích. Sách Luận ngữ có nhiều chỗ ghi lại những câu nói chứng tỏ ông
rất coi trọng thơ, Kinh thi trước đấy chỉ dùng cho mục đích giải trí, trong các
nghi lễ hoặc trình bày quan niệm xã hội, chính trị, về sau nhờ Khổng Tử đề
cao mà trở thành tài liệu văn học, giáo dục của tầng lớp quí tộc, ông gắn nó
với "tam cương": Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán, nhĩ
chi sự phụ, viễn chi sự quân, đa thức ư điểu thú, thảo mộc chi danh" (thơ có
thể làm phấn khởi ý chí, có thể xem xét việc hay dở, có thể hoà hợp mọi
người, bày tỏ nỗi sầu oán, gần thì thờ cha, xa thì thờ vua, lại biết được nhiều
tên chim muông, cây cỏ). "Bất học thi, dĩ vô ngôn" (Không học thơ thì không
ăn nói được)...
+ Do các quan “thái thi” (thu nhặt thơ ca) đời Chu chọn lựa để dâng
vua. Có một phần nhưng không phải tất cả.
+ Công lao chính là của các nhạc quan (quan coi âm nhạc) thu thập âm
nhạc. Công lao chính là của nhiều thế hệ lưu truyền.
Đến đời Tần, Kinh thi bị thiêu hủy cùng nhiều sách vở khác trong vụ
“đốt sách chôn nho” của Tần Thủy Hoàng, đến đời Hán được sưu tập lại và
truyền dạy chính thức cho đệ tử nho gia. Có nhiều dị bản Kinh thi được lưu
truyền như Lỗ thi do Thần Bồi nước Lỗ truyền, Tề thi do Viêm Cố nước Tề,
Hàn thi do Hàn Anh nước Yên. Mao thi do Mao Hanh nước Triệu), trong đó
bản Mao thi được công nhận là tương đối chính xác và lưu truyền đến nay.
Ba bản kia đến đời Tùy là mất hẳn.
- Phân loại:Tiêu chuẩn phân loại là nhạc điệu (vì đời Chu thơ thường
gắn liền với nhạc), thường chia làm 3 bộ phận:
+ Phong: còn gọi là Quốc Phong gồm 160 bài, là các bài dân ca của
các địa phương và nước chư hầu và phần giá trị nhất trong Kinh thi chủ yếu
là thơ ca dân gian, phản ánh cuộc sống hiện thực của nhân dân lao động.
+ Nhã: gồm Tiểu Nhã (nhạc khúc của quí tộc, sĩ đại phu gồm 80 bài, nội
dung gần với Phong) và Đại Nhã (nhạc khúc triều đình gồm 25 bài, là sáng
tác của quí tộc nhằm ca ngợi trời đất, vua chúa…
+ Tụng: 40 bài, tán tụng thượng đế, thần inh, dùng trong các cuộc tế lễ
Cách chia trên không hoàn toàn chính xác vì trong nhã cũng có nhiều
bài theo nhạc phong, trong phong lại cũng có bài của quí tộc... mà lại không
nói lên được nội dung tác phẩm.
Người ta thường theo cách chia mới: thơ ca quí tộc và thơ ca dân gian.
Dân gian bao gồm hầu hết Phong, một phần Tiểu Nhã. Chúng ta chủ yếu học
phần thơ ca dân gian.
b) Nội dung.
* Cuộc sống áp bức bóc lột và tinh thần phản kháng của nhân dân lao
động.
- Kinh thi là bức tranh nguyên vẹn cuộc sống của nhân dân bị áp bức
dưới chế độ nô lệ, trong khi chủ nô thì ăn sung mặc sướng Những bài thơ nói
về nội dung này là Thất nguyệt (tháng bảy: tuy mang dáng dấp một bài ca
“nông gia lịch” (công việc nhà nông mỗi tháng) nhưng thể hiện cuộc sống đầu
tắt mặt tối, khốn khổ quanh năm. Cái hay của bài là ở sự chiến thắng của
nhân sinh quan người lao động, như công việc đã lôi cuốn họ, làm họ quên
hết mọi khổ cực bất công, và trong thái độ lao động hồ hởi của họ, ta thấy rõ
sự lạc quan (“văn học dân gian hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa bi quan”-
Gorky)
- Phu phen tạp dịch: hai phương thức bóc lột phong kiến cơ bản là địa
tô và lao dịch. Người lao động thời kỳ tiền phong kiến này phải đi phu, làm tạp
dịch cho lãnh chúa: Bảo vũ, quân tử vu dịch, Thức mị, Thỏ viên, Cát lũy...
miêu tả cảnh cơ cực, nỗi đắng cay, lòng oán giận của nhân dân.
- Tinh thần phản kháng: Nếu trong Thất nguyệt người lao động còn an
phận thủ thường thì trong hai bài Phạt đàn và Thạc thử lòng oán hận đã bùng
nổ. Người lao động đã chất vấn thẳng vào mặt bọn bóc lột, họ ý thức được
nguyên nhân gây nên cảnh sống cực khổ của anh
Phạt đàn: bài thơ có 3 đoạn, đầu mỗi đoạn đều miêu tả cảnh lao động
vất vả của những người nông nô theo mức độ tăng tiến dần. Trong cảnh sống
không lối thoát đó, họ bắt đầu hoài nghi (hoài nghi là đầu mối của sự phản
kháng), tác giả thét lên phẫn nộ:
Tai to mặt lớn ai ơi
Bỏ ngay cái thói ngồi rồi ăn không.
Đó là sự bùng nổ tất yếu của logic sự việc: tự việc tái hiện khung cảnh
lao động khổ sai, đến hoài nghi về cảnh bất công ngang trái rồi chất vấn cảnh
cáo bọn thống trị. Bài thơ láy đi láy lại 3 lần lời cảnh cáo bọn bóc lột, lòng căm
thù như dồn nén lại, ý chí phản kháng hun đúc thêm. Điểm đáng nói là ở đây
sự phản kháng đã bắn trúng đích: bản chất bọn thống trị là ngồi mát ăn bát
vàng. Bài thơ là biểu hiện mạnh mẽ tinh thần phản kháng của quần chúng lao
động thời cổ
Về nghệ thuật, bài thơ có ưu điểm: thể hiện lối trùng chương điệp cú
của Kinh thi để nhấn mạnh trọng tâm: cuộc sống cực khổ của người nô lệ và
tâm tư phẫn uất.
Thạc thử cũng giống như Phạt đàn nhưng không cỏn là ẩn dụ mà là
minh dụ. Bọn chủ nô ở đây không được gọi là quân tử một cách mỉa mai mà
gọi thẳng là con chuột. Về tư tưởng Thạc thử trội hơn, dứt khoát, mạnh mẽ
hơn (không than vắn thở dài mà tỏ ý đoạn tuyệt muốn bỏ đi-đây là chỗ tiến bộ
mà cũng là điểm hạn chế, ảo tưởng: ở đâu không có chuột? Tuy vậy, tư
tưởng của họ không thể vượt quá thời đại bấy giờ sự phản kháng cao nhất
của họ là bỏ trốn). Về hình thức cũng tận dụng lối trùng chương điệp cú.
Đây là hai bài thơ tiêu biểu cho chủ đề chống áp bức bóc lột trong Kinh
thi, thể hiện tinh thần chống đối mạnh mẽ, lịch sử đang bước những bước
chân chậm chạp. Họ chưa tìm ra được phương thức đấu tranh, mãi đến 9 thế
kỷ sau mới có cuộc nổi dậy của nô lệ đưa đến sự thành lập nhà Tần. Tinh
thần phản kháng và đấu tranh của họ là động lực thúc đẩy lịch sử tiến tới.
* Phản đối chiến tranh phi nghĩa
Từ Tây Chu đến giữa Xuân Thu trong vòng 500 năm có hàng nghìn
cuộc chiến tranh (Xuân Thu vô nghĩa chiến-Mạnh Tử), có 3 loại chiến tranh:
chiến tranh bành trướng xâm lược, chiến tranh tranh giành đất đai giữa các
lãnh chúa, chiến tranh chống sự xâm lược của ngoại tộc. Nhiều bãi thơ trong
Kinh thi đã phản ánh cuộc sống điêu linh, tâm trạng đau buồn và thái độ phê
phán, oán trách: Hà thảo bất hoàng (Cỏ nào chẳng vàng úa), Đông sơn (Núi
Đông), Thái vi (Hái rau vi)-cảnh người lính trở về không phải trong khúc khải
hoàn mà trong mưa sa gió táp buôn thảm, Kích cổ (Đánh trống)- sự chia ly tử
biệt gây đau xót (Do lai chính chiến địa, bất kiến kỷ nhân hoàn- Lý Bạch), Trắc
hỗ (Trèo lên đồ trọc)-người lính thương nhớ quê hương, tưởng tượng nghe
tiếng than thở của người thân, Phỉ phong (Gió kia)…
Cùng với chinh phu còn có chinh phụ: không phải là cuộc chia ly của
giai cấp quí tộc “biếng cài trâm, vắng đưa thoi" như trong Chinh phụ ngâm mà
đối vớii những người bình dân, người chồng ra đi còn gây khốn khổ cho gia
đình, đe dọa cuộc sống vợ con...
Có thể nói Kinh thi là ngọn nguồn của thơ ca phản chiến thời cổ đại
Trung Quốc.
* Thơ nói về tình vêu, hôn nhân.
1. Những bài thơ trong sáng, đẹp đẽ, táo bạo, thẳng thắn, chân thật
nhất trong Kinh thi là nói về tình yêu trong lao động. Từ Tần về sau, đạo đức
của chế độ phong kiến chuyên chế và chế độ tông pháp gia trưởng, khó có
thể tìm thấy hình ảnh những cô gái chủ động, tinh nghịch, tươi vui, dí dỏm
như trong Kinh thi, những cô gái gọi người yêu là “chú bé kháu khỉnh” (Giảo
đồng), rủ người yêu đi trẩy hội, tặng hoa cho người yêu dưới ánh nắng xuân
(Trăn vĩ, yêu cầu người yêu hát giữa đất trời gió lộng (Thác hề) bắt người yêu
lội qua sông rộng (Khiên thường), hẹn người yêu đến rồi trốn đi để cuộc hẹn
hò thêm xao xuyến, hồi hộp, nhớ mong (Tĩnh nữ)... Tình yêu của người lao
động không có cái kiểu cách quí tộc như Thôi Oanh Oanh, cái suy tính của
giai cấp bóc lột như Tiết Bảo Thoa... nó phản ánh nhân sinh quan lành mạnh
của người lao động.
Mở đầu Kinh thi là bài Quan thư nổi tiếng. Đó là bài áp quyển (để lên
đầu vì hay). Khổng Tử khen: “Quan thư vui mà không sa đà, buồn mà không
thảm thương", nghĩa là đúng mức, hợp đạo trung dung. Bài thơ có năm
chương thể hiện một chàng trai theo đuổi một cô gái trẻ đẹp. Nghe tiếng chim
cưu gọi nhau, anh ta mơ tưởng đến cô gái, rồi nhớ thương, trằn trọc, rồi
tưởng tượng đến ngày cưới... Điểm quan trọng của bài thơ, đó là tình yêu bắt
nguồn từ lao động. Chàng trai cảm cô gái qua cái đẹp uyển chuyển, khéo léo
của cô gái khi cô đang hái rau hạnh.
Quan thư hay còn vì cách tỉ (tiếng chim gù ví với sự quyến luyến của
đôi lứa), hứng (từ tiếng chim đến tiếng lòng). Tác giả đã từ xa đến gần, từ vật
đến người, từ ướm đến hỏi, làm ta liên tưởng đến bài ca dao Cô kia tát nước
đầu đình của VN.
Cùng một chủ đề như thế là bài Tĩnh nữ, so với Quan thư đã tiến thêm
một bước trong cung bậc tình yêu. Ở Quan thư là sự nhớ mong của người
con trai, còn ở đây là người con gái hẹn gặp. Khổng Tử không đề cao bài này
vì người con gái chủ động (giống như bài Giảo đồng)
Ca ngợi đời sống vợ chồng hài hòa, đầm ấm: Nữ viết kê minh (Vợ bảo
gà gáy rồi), Đào yêu, Xuất kỳ đông môn...
2. Thế nhưng trong một xã hội đã có bóng dáng của phân biệt giai cấp,
tư tưởng trọng nam khinh nữ, nam quyền thì Kinh thi cũng có những bài dựng
lên sinh động hình ảnh người phụ nữ đau khổ. Mới đầu có thể chỉ là sự khắc
khoải, chờ đợi tình yêu đến (Phiến hữu mai-Quả mai rụng). Sau đó tăng dần
lên: nhớ người yêu nhưng sợ cha mẹ quở trách, dư luận xì xào (Nhớ anh
Trọng tử), người phụ nữ bị chồng ruồng bỏ (Manh-chàng trai, Cốc phong-Gió
đông), Bách chu (chiếc thuyền gỗ bách) là lời nguyền rủa hôn nhân bao biện,
là khát vọng hôn nhân tự chủ. Cho nên Hồ Xuân Hương mới ví thân phận
người phụ nữ là
Chiếc bách buồn về phận nổi nênh
Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh
Tóm lại: thơ tình yêu chiếm quá nửa trong Kinh thi. Đó là những bài tình
ca trong sáng, tươi mát, khẳng định hạnh phúc của tình yêu trong lao động.
Tuy vậy, trong một xã hội bước đầu có những tư tưởng bất bình đẳng nam
nữ, thì Kinh thi cũng là tiếng nói oán hờn lên án lễ giáo phong kiến ngăn cản
tình yêu, hôn nhân tự do.
c) Nghệ thuật
1. Điểm nổi bật của Kinh thi là phản ánh chân thật, sinh động. Lê
QuíĐôn trong Vân đài loạt ngữ nói: "thơ phát khởi trong lòng người ta. Ba
trăm bài thơ trong Kinh thi phần nhiều là của nông dân, phụ nữ làm ra mà
cũng có những bài văn sĩ đời sau không theo kịp như thế là vì nó chân thực".
Đại bộ phận trong Kinh thi là thơ trữ tình, tức là chú trọng diễn đạt nội
tâm. Tính chân thực trong Kinh thi biểu hiện ở chỗ miêu tả tâm trạng chân
thực. Các tác giả đã nói về cuộc sống, tình yêu của chính mình, những niềm
vui, nỗi khổ, nỗi oán hờn, ước mơ của bản thân một cách mộc mạc mà chân
thực, giản dị mà sâu sắc. Không có sự lạm dụng của các thủ pháp nghệ thuật
tinh vi, bóng bẩy, vẽ vời.
2. Phú, tỉ, hứng là thủ pháp nghệ thuật nổi bật của Kinh thi, ảnh hưởng
rộng rãi đến thơ ca sau này.
Phú là phô bày, diễn tả, chỉ thẳng sự vật mà nói.
Tỉ là so sánh, mượn cái cụ thể nói cái trừu tượng (Thạc thử)
Hứng là khêu gợi, mượn sự vật bên ngoài để khêu gợi tình cảm bên
trong, trước tả sự vật, sau tả lòng mình (Quan thư-từ tiếng chim gù đến tiếng
lứa đôi, là tỉ mà cũng là hứng)
3. Về kết cấu, nổi bật là lối trùng chương điệp cú, các chương thường
được lặp đi lặp lại nhưng mức độ cao hơn, sâu hơn do thay đổi một số từ.
Điều đó một phần do sự chi phối của âm nhạc, và có cả vũ đạo. Phạt đàn,
Thực thử khiến ta liên tưởng đến vừa hát vừa múa.
4. Văn điệu tự nhiên, không câu nệ số chữ, nổi bật nét dân ca, ca dao,
tiết tấu uyển chuyển, du dương như có nhạc điệu.
Kinh thi có ảnh hưởng sâu rộng đến các đời sau: điển tích sinh động
phong phú: tang trung bộc thượng (trên bộc trong dâu) chỉ sự hẹn hò trai gái,
đào yêu để chỉ người con gái ít tuổi, cù lao chín chữ: công lao cha mẹ, chiếc
bách: thân phận người phụ nữ, cầm sắt: duyên vợ chồng... lối thơ 4 chữ bắt
nguồn từ Kinh thi, các nhà lý luận, nhà thơ đời sau mỗi khi chống lại các loại
văn học hình thức chủ nghĩa đều kêu gọi học tập Kinh thi (vì tính chân thực và
hiện thực). Còn có thể xem Kinh thi là một loại “bách khoa toàn thư” mà
nghiên cứu bất cứ mặt nào trong đời sống tinh thần và xã hội của Trung Quốc
cổ đại đều không thể bỏ qua.
2. Sở từ.
a) Giới thiệu chung về sở từ và khuất nguyên.
1. Nếu Kinh thi tiêu biểu cho văn hóa phương Bắc thì Sở từ tiêu biểu
cho văn hóa phương Nam (về triết học: Khổng Mạnh phương Bắc, Lão Trang
phương Nam. Đến đây nói qua một số điểm khác biệt giữa phương Bắc và
phương Nam về địa lý, văn hóa...
Phương Bắc Phương Nam
- Địa lý: phía Bắc trên lưu vực sông
Hoàng Hà
- Khí hậu lạnh lẽo, khô khan, sản
vật thưa thớt, nghèo nàn.
- Tính tình: vì phải cố gắng kiếm ăn
nên thiên về lý trí, hiện thực
- Trên lưu vực sông Dương Tử.
- Khí hậu ấm áp, cây cỏ xanh tươi, sản
vật phong phú
- Sống an vui, nhàn nhã: lãng mạn, thiên
về tình cảm, ít thực tế
- Phương Bắc trọng sự hùng
mạnh, nghiêm túc (Hội họa có Lý
Tư, bút pháp nghiêm cẩn)
- Phương Nam trọng sự mềm mại, diễm
lệ (Vương Duy bút pháp mềm mại. Chữ
viết Vương Hy Chi tươi đẹp, phóng
khoáng...)
- Là bước phát triển mới so với Kinh thi, cùng với Kinh thi là hai viên
ngọc quí giá có tác dụng khơi nguồn cho sự phát triển của thơ ca cổ Trung
Quốc: “Mạc bất đồng tổ Phong Tao” (Thẩm ước thời Tề Lương) tức là không
có thơ ca nào mà không cùng tổ tiên với Kinh thi (Phong) và Sở từ (Tao). Sở
từ tiếp theo Kinh thi, cũng phản ánh sâu sắc hiện thực theo những nội dung
xoáy sâu hơn và bằng một nghệ thuật trau truốt hơn. Kinh thi phản ánh những
vấn đề xã hội chung chung, Sở từ có nhân vật, hình tượng cụ thể hơn. Kinh
thi chủ yếu là thơ bốn chữ, ngôn từ giản dị trong sáng, Sở từ năm đến bảy
chữ, ngôn từ hàm súc mỹ lệ, văn pháp cách điệu uyển chuyển, thường dùng
trợ từ “hề”.
- Thể hiện sắc thái địa phương rõ rệt: tác giả có tên họ, thân thế cụ thể.
Giọng điệu, sự vật, tên đất, tên sông, cỏ cây hay hoa lá điều là đất của Sở.
Mang đậm nét cá tính qua lí tưởng, cảnh ngộ, nhiệt tình…
- Sở từ là tuyển tập thơ ca được Khuất Nguyên sáng tác theo một thể
văn mới dựa trên cơ sở những ca dao dân ca nước Sở, người Hán gọi là thể
Tao (vì thiên Ly Tao là tác phẩm tiêu biểu) hoặc Sở từ (lời ca nước Sở).
2. Khuất Nguyên (340-278 TCN). Khuất Nguyên tên Bình, Nguyên là
tên chữ. Ông người nước Sở, sống vào nửa sau đời Chiến quốc, lúc tình
trạng bảy nước Tần, Sở, Tề, Ngụy, Triệu, Hàn (3 nước này vốn là nước Tấn),
Yên (thất hùng) đang xâu xé và đi vào giai đoạn quyết định, cũng là lúc nước
Sở từ chỗ cường thịnh đi đến chỗ diệt vong. Dưới thời Sở Hoài Vương, từng
được trọng dụng, làm đến chục Tả đỗ, chỉ dưới lệnh doãn (tương đương Tể
tướng). Khuất Nguyên chủ trương đối nội bằng biện pháp hạn chế đặc quyền
của bọn đại quí tộc, đối ngoại chủ trương liên Tề chống Tần (hợp Tung).
Lúc bấy giờ trong 7 nước mạnh kinh thành hai phái khác nhau: phái
hợp tung do Tô Tần khởi xướng, chủ trương liên hiệp các nước theo chiều
dọc Nam Bắc ở phía đông để chống Tần, phía Tây; phái liên hoành do
Trương Nghi khởi xướng, chủ trương liên hiệp các nước theo chiều ngang
đầu hàng thỏa hiệp với Tần, tôn Tần là hoàng đế. Biết khai thác và làm nổi
bật được thế mạnh của Tần nên đi đến đâu Trương Nghi cũng được hoan
nghênh. Nhưng khi về nước thì mô hình lại thay đổi, Trương Nghi không
được trọng dụng, sáu nước còn lại biết tin, lại quay sang chống Tần, tuy
đường lối liên hoành không thành công trọn vẹn nhưng hoạt động của
Trương Nghi cũng đã làm sứt mẻ khối hợp tung, tạo nên những bất hoà, nghi
kỵ, và Tần, với những ưu thế sẵn có, tiếp tục phát triển mạnh. Rốt cuộc, năm
221 TCN, sau khi lần lượt thôn tính các nước lớn nhỏ, Tần Doanh Chính lên
ngôi hoàng đế, thống nhất toàn lãnh thổ, lập nên chế độ phong kiến trung
ương tập quyền đầu tiên ở Trung quốc, chấm dứt những cuộc chiến tranh "vô
nghĩa chiến".
Trở lại tình hình nước Sở, lúc đầu Sở theo đường lối hợp tung, sau Sở
Hoài Vương ngư muội và bất lực, nghe lời những kẻ gian định như Tịnh Tụ,
Cận Thượng, Hoài Vương dần dần bỏ rơi Khuất Nguyên, cách chức Tả đồ,
thậm chí còn đày đi Hán Bắc. Sau khi Hoài Vương bỏ mạng ở đất Tần,
Khoảnh Tương Vương nối nghiệp, tình hình chính trị nước Sở càng thêm rối
ren, Khuất Nguyên lại bị đày xuống vùng Giang Nam và đến khi Sính đô bị
quân Tần tấn công tận mắt thấy trăm họ điêu linh, tan tác, Khuất Nguyên nhảy
xuống sông Mịch xa tự tử, tương truyền ông qua đời vào ngày 5.5 âm lịch,
nhân dân thương tiếc ông và có nhiều hình thức tưởng nhớ ông đã trở thành
tục lệ hàng năm trong dân gian.
Tác phẩm Khuất Nguyên gồm thơ. từ, phú, gọi chung là Sở từ. Cửu
chương gồm 9 bài: Tích tụng (Tiếc làm thơ), Thiệp giang (Qua sông), Ai Sính
(Thương nhớ Sính đô), Trừu tư (Tỏ bày tâm sự), Hoài Sa (Nhớ Trường Sa),
Tư Mỹ nhân (Nhớ người đẹp), Tích vãng nhật (Nhớ xưa), Bi hồi phong (Buồn
nhớ gió), đặc biệt là bài Quất tụng (Ca tụng quýt), dùng vẻ đẹp của hoa, lá,
quả quýt để biểu hiện phẩm chất trong sạch của mình (cách miêu tả ẩn dụ
giống Ly tao), ông miêu tả chùm rễ cắm sâu vào đất để thể hiện tinh thần kiên
định (giống như Nguyễn Trãi ca ngợi cây tùng "cội rễ bền, dời chẳng động".
Cửu ca gồm 11 bài dân ca được Khuất Nguyên cải biên (Đông Hoàng Thái
Nhất, Đông quân, Vân Trưng quân, Nông quân, Nông phu nhân, Đại tư mệnh,
Hà bá, Thiếu tư mệnh, Sơn quỷ, guốc thương, Lễ hồn), nói về việc tế các
thần mặt trời, núi, mây, nữ thần sông Tương, thần coi việc sinh con... đặc biệt
có bài Quốc thương (Hồn tử sĩ) có âm hưởng văn tế các chiến sĩ trận
vong.Thiên vấn là một bài thơ độc đáo viết theo thể thơ 4 chữ gồm trên 170
câu hỏi về đủ các vấn đề tự nhiên, xã hội, qua đó có thể thấy kiến thức uyên
bác, khuynh hướng tư tưởng khai sáng của nhà thơ, cũng là dấu ấn của thời
đại “trăm nhà đua tiếng”
b) Ly tao-tác phẩm du tiêu biểu nhất của khuất nguyên và của sở
từ.
1. Ly tao gồm 373 câu, 2490 chữ, là bài thơ trữ tính cá nhân đầu tiên,
thiên trường thi đầu tiên trong lịch sử thơ ca Trung Quốc. Có 3 cách giải thích
nghĩa tên bài thơ: Lo buồn trong chia ly (Ly tao giả, ly ưu giả- Tư Mã Thiên),
Gặp phải điều lo âu (Ban Cố), buồn bực (Du Quốc An), như vậy có thể xác
định Ly tao được sáng tác lúc nhà thơ bị vua Sở ruồng bỏ, có nghĩa là nỗi đau
buồn chia ly, ở đây là của ly với Sở vương, với Sính đô và nước Sở.
2. Cảm hứng chủ đạo: Ly tao là thơ trữ tình, tác giả bộc bạch tâm sự. Ở
đãy tác giả nói đến lịch sử, hoa thơm cỏ lạ, thế giới thần tiên... nhưng đó chỉ
là mượn ngoài để nói trong, mượn người để nói mình. Mọi hình ảnh trong Ly
tao đều nhuốm chung một cảm hứng, đó là: Nỗi niềm cay đắng khi khát vọng
làm giàu mạnh cho đất nước bị vùi dập, nhân cách bị bôi nhọ song song đó là
tinh thần bất khuất quyết không bỏ chính thay tà, bỏ trong thay đục, thà chết
để bảo toàn khí tiết.
3. Bài thơ chia làm 3 phần:
Phần 1: nặng về tả thực, trình bày gia thế và sự ra đời đẹp đẽ của
mình, sự tu dưỡng bản thân và hoài bão to lớn muốn xây dựng đất nước.
Tiếp theo đó là những vấp váp của nhà thơ trên con đường chính trị do sự mù
quáng của nhà thơ và sự xúc xiểm của bọn nịnh thần. Tuy vậy nhà thơ vẫn
kiên trì với lý tưởng của mình.
Phần 2: đậm màu sắc lãng mạn, nhà thơ lên đường đi tới tương lai tươi
sáng, thổ lộ tâm sự trong đền vua Thuần, rồi ra đi khắp nơi tìm kiếm người
bạn lòng, tìm đến những thế giới hư ảo nhưng đều thất bại.
Phần 3: Nhà thơ đi tìm thầy bói. Mâu thuẫn trong tâm trạng nhà thơ:
Linh Phân khuyên Khuất Nguyên bỏ nước Sở mà đi song Vu Hàm khuyên
nán lại chờ đợi. Nhìn thực tế ngày càng tồi tệ của nước Sở Khuất Nguyên
quyết định dứt áo ra đi nhưng tâm tư vẫn xót xa, dằn vặt. Vừa mới lên đường,
nằm lại quê hương, nhà thơ không thể cất bước. Và Ly tao cũng kết thúc tại
đây, đúng lúc nỗi đau khổ của nhà thơ đã đến độ tột cùng, mâu thuẫn dường
như đã đến chỗ bế tắc (rời quê hương thì không đành, ở lại thì không ai hợp
chí hướng) nhưng thực chất đã được giải quyết viên mãn trên cơ sở lòng yêu
nước nông nàn, ông chỉ còn con đường "theo chân Bành Hàm" để giữ trọn
khí tiết, đó cũng là dự cảm về một kết thúc bi ai của cuộc đời nhà thơ.
Một số học giả đời Thanh lại có cách chia khác. Họ chia Ly tao làm 2
phần, phần trên là thực (có hư), phần dưới là hư (có thực). Rõ ràng thế giới
hư ảo chỉ là cái bóng của thế giới hiện thực. Thất bại trong hư ảo là sự phản
ánh độc đáo thất bại trong hiện thực.
4. Giá tư tư tưởng: Ly tao thể hiện đầy xúc động bi kịch Khuất Nguyên.
Đó là bi kịch của một nhà chính trị sáng suốt nhưng không gặp thời, là bi kịch
của một nhân cách cao cả không chịu vướng bùn nhơ thế tục.
5. Giá trị nghệ thuật.
-Thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ độc đáo của Ly tao là khoa trương mạnh
mẽ, nhân cách hóa và đặc biệt là ẩn dụ, tỷ dụ rất nhiều (chăm lo tu dưỡng tài
năng thì nói là uống sương sa, ăn hoa quí, khoác hoa thơm cỏ lạ lên mình
cho thêm đẹp thêm xinh; đào tạo người tài giỏi cho đất nước thì nói là chăm
bón vun xới hoa huệ, hoa lan; trung với vua thì nói là chung thủy với người
yêu; trách vua trước trọng dụng sau ruồng bỏ thì nói là người yêu thay dạ đổi
lòng....). Bài thơ mang màu sắc lãng mạn rất rõ thông qua hàng loạt chi tiết
thần thoại, truyền thuyết, nhân vật lịch sử, thầy bói, mây, núi, sông, hoa cỏ thú
vật đã tạo nên một bài thơ hoàn chỉnh, tráng lệ. Đọc Ly tao như bước vào một
rừng hình ảnh nhưng không rườm rà mà liên kết, nhất quán chạy suốt bài
thơ.
Đất Sở thịnh hành Vu giáo, vì thế không ngạc nhiên khi Sở từ mang
màu sắc thần thoại sâu đậm, thời đại Khuất Nguyên, người Sở vẫn còn chìm
đắm trong một thế giới thần thoại + tưởng tượng ly kỳ + tình cảm nồng cháy.
- Hiếm có bài thơ nào xúc động hàng bao thế hệ độc giả như ly tao, mỗi
chữ là một tiếng thở dài, mỗi giọt nước mắt, đó là những dòng thơ gan ruột,
chân thành, tha thiết. Lý Bạch nói:
Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt.
Sở vương đài tạ không sơn khâu.
(thơ từ Khuất Nguyên vẫn sáng cùng mặt trăng, mặt trời.
Còn lâu đài của vua Sở đà biến thành gó hoang)
Không chỉ đối lập hai loại nhân cách mà còn khẳng định cái trường cửu
của văn chương nghệ thuật khi nó đạt đến chân thiện mỹ.
c) Kết luận
- Xét về địa vị, Khuất Nguyên là nhà chính trị, nhưng với thành tựu sáng
tác, ông được đời sau thừa nhận là bậc thầy thơ ca. Ông là người mở đầu
cho thơ trữ tình lãng mạn của Trung Quốc. Ly tao trở thành biểu tượng của
thơ ca (nàng Ly tao, Tao đàn). Những thi nhân đời sau có cá tính và xúc cảm
mạnh mẽ như Lý Bạch đều nhận được sự gợi mở của Khuất Nguyên: khoáng
đạt, tráng lệ, không gian mở rộng...
- Ảnh hưởng của ông đối với đời sau không phải chỉ bằng thơ mà còn
bằng cả nhân cách, đạo lý làm người. Ông ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà
thơ cổ điển Việt Nam (Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Cao Ba quát..., đặc
biệt là Nguyễn Du. Hai lần đi sứ Trung Quốc, Nguyễn Du đều viếng Khuất
Nguyên và làm tất cả 5 bài thơ Tịnh Khuất Nguyên:
Bất thiệp Hồ Nam đạo
An trí ương thủ thâm,
Bất độc Hoài sa phú
An thức Khuất Nguyên tâm
Khuất Nguyên tâm, long giang thủa
Thiên thu, Vạn thu thanh kiến để.
(Không đi qua đường Hồ Nam,
Làm sao biết sông Tương sâu
Không đọc bài phú Hoài Sa,
Làm sao biết được tấm lòng Khuất Nguyên
Lòng dạ Khuất Nguyên trong suốt như nước sông Tương
Ngàn vạn năm vẫn nhìn thấy đáy)
- Năm 1953 toàn thế giới đã kỷ niệm 2230 năm sinh Khuất Nguyên.
Nhân dân thế giới đã xem tác phẩm của ông như một thành quả chung của
nhân loại.
3. Văn xuôi- tản văn thời chiến quốc.
Về thơ ca có hai thành tựu lớn là Kinh khi và Sở từ thì về văn xuôi cũng
có sự phát triển rực rỡ. Bộ phận này được chia thành hai loại: Tản văn lịch sử
và tản văn chư tử.
a) Tản văn lịch sử. (Văn ký sử)
Là các tác phẩm ghi chép, trình bày các sự kiện lịch sử song có giá trị
văn chương.
Cuối thời Xuân Thu đầu thời Chiến Quốc mới bắt đầu có người thu
thập, chỉnh lý biên soạn những trước tác lịch sử. Bộ đầu tiên là Xuân Thu do
Khổng Tử biên soạn, ghi chép các sự việc từ khoảng -722 đến -480, văn
phong ngắn gọn, súc tích nhưng chỉ là những tác phẩm sử học. Phải đến các
bộ Tả truyện, Quốc ngữ, Chiến quốc sách... mới được xem là thành tựu văn
học.
- Tả truyện, là tên viết tắt của Tả Thị Xuân Thu truyện được viết theo
biên niên, Quốc ngữ viết theo từng nước. Do Tả Khâu Minh người nước Lỗ
dựa vào bộ Xuân Thu và một số sử liệu khác viết ra, những sự kiện lịch sử
trong gần 3 thế kỷ được tái hiện khéo léo và chân thật, đó là những cuộc
chiến tranh phức tạp và ác liệt nhằm tranh bá đỗ vương và thôn tính lẫn nhau
của bọn vua chúa các nước chư hầu, tác phẩm ít khi miêu tả cảnh chiến
trường mà chú ý nhiều hơn đến quá trình chuẩn bị cũng như nêu hậu quả của
nó, đặc biệt là chú ý phản ánh tính chất chiến tranh và những nỗi đau khổ của
dân chúng.
Cách trình bày sự việc rất khéo, rõ ràqng mà không vụn vặt, cô đọng
mà uyển chuyển, đặc biệt hấp dẫn là miêu tả những trận đánh. Qua đó nêu
bật tính cách nhân vật: Trận Tề và Lỗ ở Trường Thược (nhân vật Tào Uế),
Trận Sở và Tống ở sông Hoành (Tử Ngư), Trận Tần và Tấn ở Hào Sơn (Kiển
Thúc)...
Tả truyện đạt được hiệu quả "không tả biển lớn mà nghe tiếng sóng
không vẽ núi cao mà thấy nhấp nhô" (ví dụ chỉ qua tiếng khóc tiễn con của
Kiến Thúc ta thấy được bao điều: hình ảnh một hiền thần dũng cảm, có tầm
nhìn xa trông rộng, tính chất phi nghĩa của cuộc chiến do Tần phát động, tính
quyết liệt của chiến tranh, sự thất bại thảm hại tất yếu của Tần...), đặt cơ sở
cho loại tiểu thuyết như Tam quốc Chí diễn nghĩa đời sau.
Tào Uế luận chiến được dạy ở bậc Sơ trung (trung học cơ sở) và Trận
Hào Sơn được dạy ở bậc Cao trung (phổ thông trung học) của Trung Quốc ->
nhiều bài học sinh động về chiến tranh bổ ích mà Tả truyện truyền lại cho hậu
thế.
- Quốc ngữ, bộ biệt sử đầu tiên của Trung Quốc. Ghi chép những sự
kiện lịch sử quan trọng của một số nước thời Xuân Thu. Đây là công trình của
một số người kế tiếp nhau hoàn thành vào thời Chiến Quốc. Quốc ngữ ít
ghi sự việc, mà ghi nhiều những câu nói của một số nhân vật lịch sử. Nhiều
đoạn văn khá hay, có ý nghĩa giáo dục.
- Chiến Quốc sách: tác giả chưa biết, ghi lại những mưu kế, sách lược
ngoại giao, chính trị mà các biện sĩ nêu lên cho các vua chúa đương thời,
khẳng định vai trò kẻ sĩ trong đời sống kinh tế xã hội cuối thời Đông Chu.
Giá trị nghệ thuật của bộ sách thể hiện ở việc khắc họa tính cách nhân
vật: Phùng Noãn (còn đọc là Phùng Huyên) trong thiên Phùng Noãn làm thực
khách của Mạnh Thường quân, Tô Tần với thuyết hợp tung, liên hoành... Tư
Mã Thiên về sau chịu ảnh hưởng bộ sách này khi xây dựng một số nhân vật
(Kinh Kha...): ở lối văn lưu loát phóng túng, uyển chuyển; vận dụng những
chuyện ngư ngôn sinh động mà người Trung guốc ai cũng biết như "ngao cò
tranh nhau, ngư ông đắc lợi", "vẽ rắn thêm chân", “cáo mượn oai hổ”, “mất dê
mới sửa chuồng”...
b) Tản văn chư tử. (Văn nghị luận của các triết gia)
Còn gọi là tản văn triết học. Sau Xuân Thu, xã hội Trung Quốc có nhiều
biến đổi lớn do sản xuất phát triển, do sự rối ren của tình hình chiến tranh...
Nhiều luồng tư tưởng đại biểu cho lợi ích của nhiều tầng lớp và giai cấp khác
nhau xuất hiện, đây là thời kỳ sử gọi là Bách gia tranh ninh (trăm nhả đua
tiếng), và Bách gia chư tử (một cách gọi khoa trương thực ra không có đến
100 nhà), nhờ vậy mà học thuật phát triển rất nhanh. Rất nhiều trước tác thể
hiện sự tu dưỡng nghệ thuật khá cao của tác giả. Đáng chú ý có các bộ Luận
ngữ, Mạnh Tử, Mặc Tử, Trang Tử, Tuân Tử, Hàn Phi Tử...
- Luận ngữ. Luận ngữ tuy không phải là một bộ sách lớn, nhưng là một
trong những bộ sách kinh điển của Nho gia, thái độ về cuộc sống quan niệm
về tư tưởng mà nó thể hiện có một ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử văn hóa
và tư tưởng của Trung Quốc. Sách gồm 20 thiên, viết theo thể ngữ lục văn
xuôi thời cổ, ngôn ngữ nói miệng nên đơn giản, rõ ràng, ghi lại những lời nói
và hoạt động của Khổng Tử cùng một số học trò của ông. Khổng Tử là người
sáng lập ra đạo Nho. Tư tưởng của ông về cơ bản là bảo thủ (vì sinh ở
phương Bắc). Ủng hộ lợi ích của tập đoàn quí tộc thống trị, tôn trọng đẳng
cấp, mặt khác có điểm tiến bộ đó là: tôn trọng hiền tài, đưa ra những chính
sách đúng đắn về giáo dục, nghệ thuật.
- Mạnh Tử, cũng là bộ sách kinh điển của Nho gia, có tất cả bảy
chương, do Mạnh Kha là học trò của Khổng Tử biên soạn. Phát huy những
nội dung của Nho gia có cải cách chút ít cho hợp thời. Trong văn xuôi của
chư tử đời Tiên Tần, sách Mạnh Tử và Trang Tử mang tính văn học rõ nét
nhất. Về mặt nghệ thuật, có giá trị hơn Luận ngữ vì sử dụng nhiều ngụ ngôn,
tỷ dụ, văn hùng biện, dí dỏm, giàu sức thuyết phục.
- Mặc Tử, ghi lại học thuyết của Mặc Địch, người sáng lập ra phái Mặc
gia, cạnh tranh ảnh hưởng với Nho gia đương thời. Xuất thân dân nghèo nên
học thuyết của ông về cơ bản đại biểu cho lợi ích của tầng lớp nông dân, tiểu
thủ công và thương nhân. Chủ trương của ông là: kiêm ái, tiết dụng, phi
công... tiến bộ nhưng chỉ là ảo tưởng trong xã hội đương thời. Văn chương
ông mộc mạc. chất phác, tự nhiên. Ông chủ trương “thượng chất” chứ không:
thượng văn, cốt thực dụng, không cần hoa mỹ, vì thế đọc văn ông thấy rõ
ràng, lý lẽ chặt chẽ, phân minh, khởi đầu cho lối văn biện luận sau này.
- Trang Tử: Trang Chu soạn, sống cùng thời với Mạnh Tử, tiếp thu tư
tưởng của lão Tử, tức là về mặt triết học đã nhìn thấy một số qui luật trong tự
nhiên theo thuyết duy vật nhưng thô sơ. Về chính trị thì phủ nhận hiện thực,
muốn quay về xã hội nguyên thủy. Bộ sác này là tác phẩm triết học nhưng
không khô khan, nặng nề mà giàu ý vị văn học, ngôn ngữ trong sáng tươi
đẹp, khoa trương mạnh bạo, ngụ ngôn sắc sảo. Sách Trang Tử chính là bộ
sách tiêu biểu cho thành tựu cao nhất của văn xuôi Tiên Tần.
Chương 2. VĂN HỌC ĐỜI TẦN-HÁN
Chủ yếu là đời Hán vì nhà Tần chỉ tồn tại có 15 năm.
I. BỐI CẢNH XÃ HỘI. (1 tiết)
Năm 221 trước CN Tần tiêu diệt được Tề, thống nhất Trung Quốc,
dựng lên vương triều phong kiến chuyên chế trung ương tập quyền đầu tiên
trong lịch sử, nhưng nhà Tần chỉ tồn tại 15 năm, 3 đời vua, chánh sự hà khắc,
thuế khóa nặng nề, khởi nghĩa nông dân nổi lên khắp nơi. Hạng Võ và Lưu
Bang đã dựa vào các lực lượng khởi nghĩa để diệt Tần. Sau đó Lưu Bang lại
diệt Hạng Võ. Lên ngôi hoàng đế. Lập nên nhà Hán.
Nhà Hán bắt đầu từ năm 206 trước CN, chia làm hai thời kỳ: Tây Hán (-
206 đến 8 SCN) và Đông Hán (25-219), ở giữa là cuộc nổi lên rồi thất bại của
Vương Mãng.
Kinh tế Trung Quốc thời kỳ này phát triển khá mạnh: nông nghiệp có
nhiều tiến bộ về công cụ, thủ công nghiệp phát đạt kích thích hoạt động
thương mại, các thành thị buôn bán ngày một nhiều lên: Lạc Dương, Thành
Đô, Lâm Truy, Dương Lịch...
Về chính trị, nhà Hán sau khi ổn định trật tự xã hội ra sức xây dựng đế
quốc Hán, tiến hành mở rộng biên cương, thôn tính nhiều bộ lạc và các nước
nhỏ lân cận.
Về văn hóa, vì là chính quyền chuyên chế nên có những biện pháp để
bảo vệ và tăng cường sự thống trị của nó, tình trạng trăm nhà đua tiếng thời
Chiến quốc không thể tồn tại nữa. Tần Thủy Hoàng khi tiến hành thống nhất
văn tự, pháp lệnh, áo mão cũng tiến hành khống chế tư tưởng, sử thi các
nước (trừ Tần), thi thư, sách vở đều bị đốt hết, 460 nho sinh bị đem chôn
sống, ông muốn dùng chính sách ngu dân và luật pháp nghiêm khắc để thống
trị đất nước. Khi nhà Hán lên thay, đã cho thu gom lại các sách đã bị đốt, thực
chất chính sách mềm dẻo hơn là "bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật" của
Đổng Trọng Thư, thực chất Nho học của Đổng khác với của Khổng Tử: duy trì
và bảo vệ tuyệt đối quyền lực của nhà vua, hoàn toàn mang tư tưởng thống trị
của nhà nước.
II. TÌNH HÌNH VĂN HỌC.
Thời đại nhà Hán chính là thời đại mà giá trị văn hóa bắt đầu được
trọng thị. Văn học đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống
tinh thần của nhân dân (sự xuất hiện của Hán phú là một thể loại hoàn toàn
mang tính văn học, không dính đến sử, triết...). Sáng tác văn học rất hưng
thịnh, số lượng dồi dào. Đã xuất hiện một nhóm người chuyên hoạt động văn
học, dựa vào tài năng văn học mà được quan chức, lấy việc sáng tác văn học
làm sự nghiệp chính. Đây là một đặc điểm nổi bật, hiện tượng này chưa từng
có trong thời Tiên Tần (chỉ có nhà quân sự, ngoại giao... không có nhà văn.
Khuất Nguyên là nhà chính trị), từ đây về sau hiện tượng này là bình thương.
Từ đời Hán trở về sau, dạng thức văn học mang tính địa phương dần dần bị
xoá mất, thay vào đó là dạng thức văn học mang tính toàn quốc và lấy kinh đô
làm trung tâm.
Sự hình thành một quốc gia trung ương tập quyền khiến cho văn nhân
đời Hán có một tầm nhìn xa rộng hơn, từ đó sinh ra những tác phẩm lớn
(chuyến đi của Tư Mã Thiên có ý nghĩa tượng trưng là vậy: ông có dịp đối
diện không phải với các nước chư hầu mà là một thế giới hoàn chỉnh, rộng
lớn, tự ý thức không gian và thời gian hoàn chỉnh như vậy mới có thể miêu tả
hoàn chỉnh tác phẩm của mình, do vậy mà bộ Sử ký có quy mô chưa từng có,
đó chính là sản phẩm của thời đại)
Văn học Tiên Tần là nguồn cội của văn học Trung Quốc, có ảnh hưởng
sâu xa, nhưng những thể loại thời này về sau ít dùng (thơ 4 chữ và thể Tao...)
Đời nhà Hán xuất hiện nhiều thể loại văn học mới đặt nền tảng quan trọng
cho đời sau: thơ ngũ ngôn, từ phú, ai điếu, tụng...
Những thành tựu đáng chú ý của thời Hán là:
- Phú.
- Thơ ca nhạc phủ.
- Sử ký
1. Phú.
Hay còn gọi là từ phú, vì đây là hình thức thoát thai từ Sở từ, là một thứ
văn thể đặc thù đứng giữa thơ và văn, lấy sư khoa trương và phô diễn làm
đặc trưng, trong khi Sở từ tuy có nhân tố văn xuôi hóa nhưng văn là một loại
thơ trữ tình, nồng nhiệt. Giả Nghi (201 - 169 TCN) là nhà phú giai đoạn
chuyển tiếp với hai bài Điếu Khuất Nguyên phú và Phục điểu phú (phú chim
bằng); Tư Mã Tương Như có nhiều bài phú nổi tiếng lưu danh (29 bài) nhưng
thất truyền chỉ còn 6 bài: Tử hư phú, Thượng lâm phú, Đại nhân phú, Trường
môn phú, mỹ nhân phú, Ai nhị thế phú. Hai bài đầu là sáng tác tiêu biểu của
ông và xác lập thể chế, cấu trúc một bài phú điển hình. Các tác giả sau này
cơ bản mô phỏng theo thể thức của hai bài nói trên, chỉ thay đổi đề tài và
ngôn ngữ.
Điểm nổi bật của hai bài phú nói trên là phô trương và hoa mỹ, điều này
phản ánh tinh thần của thời đại. Thời Hán Võ Đế, vật chất, tài nguyên dồi dào,
bản đồ Trung Quốc mở rộng, kinh tế phát triển... dục vọng bành trướng, vì thế
những bài phú "khuyên trăm châm biếm một" của Tư Mã Tương Như cũng
một mặt thuận theo dục vọng của giai cấp thống trị mà trở thành văn học
bành trướng, một mặt lại tuân theo tư tưởng Nho gia tranh thủ nền tảng đạo
đức "nhân nghĩa bề ngoài". Nội dung hai bài phú được triển khai bằng cách
đối đáp qua một cái khung hư cấu: sứ giả nước Sở đi sứ nước Tề khoe với vị
đại thần nước Tề về phong cảnh đất Sở, rồi vị quan nước Tề cũng không thua
kém khoe non sông nước Tề hùng vĩ hơn. Bài phú dài hơn 4000 chữ chỉ để
miêu tả chuyện đi chơi, săn bắn. Lấy đó làm trung tâm để bao quát tất cả núi,
biển, cung điện, ngự uyển, rừng rậm, sản vật, chim muông, âm nhạc ca vũ,
phục sức đồ dùng, tiệc tùng yến ẩm... tác giả đã dùng một ngòi bút khoa
trương, ngôn từ hoa mỹ miêu tả một không gian vĩ đại tạo nên một bức tranh
hoành tráng phong phú và một khí thế tráng lệ.
Hai bài phú đã thể hiện một ý thức và kỹ xảo tu từ cao độ, hoàn toàn
loại bỏ những từ ngữ giản đơn còn sót lại trong Sở từ. Về mặt hình thức câu,
câu sáu chữ chỉ còn được dùng để trang sức cho những đoạn quan trọng,
câu bốn chữ được dùng nhiều nhất chen với ba chữ và bảy chữ. Tuy vậy,
ngôn ngữ được tu từ hóa cao độ khó tránh khỏi sự trúc trắc khó hiểu, khô
khan nặng nề (ví dụ Cung oán ngâm khúc của ta), nhưng nếu bỏ những
khuyết điểm đó thì đặc điểm cơ bản của phú cũng không còn tồn tại nữa.
2.Thơ ca nhạc phủ. (2 tiết)
a) Tình hình chung về nhạc phủ.
Đầu tiên nó chỉ cơ quan nhà nước (quan phủ) chủ quản về âm nhạc
đặc biệt phát triển vào đời Hán Vũ Đế, nhiệm vụ cụ thể của nó bao gồm việc
chế định nhạc phổ, huấn luyện nhạc công, sưu tập dân ca, sáng tác ca từ.
Đặc biệt việc sưu tập dân ca phát triển rất mạnh, từ các địa phương trải rộng
ra cả nước. Có bốn loại nhạc phủ đời Hán là: Giao miếu ca từ, Cổ súy khúc
từ (quân nhạc), Tương hòa ca từ, Tạp khúc ca từ (nhũng tác phẩm đã bị thất
truyền). Giao miếu là các nhạc chương do các văn nhân sáng tạo để dùng
vào việc cử hành điển lễ của triều đình. Còn dân ca chủ yếu ở ba loại sau,
nhất là trong loại Tương hòa.
b) Thành tựu của nhạc vùng dân ca đời Hán.
Nhạc phủ dân ca được xem là sáng tác trong dân gian, có sức sống
mãnh liệt, nên có địa vị cao trong văn học sử Trung Quốc, thường được ví là
Kinh thi thời Hán. Vì sao gọi là Kinh thi thời Hán, có một số đặc sắc của Kinh
thi nhưng lại còn phát triển hơn, đó là:
+ Mang hơi hướng cuộc sống rất đậm đà, lần đầu tiên phản ánh rất cụ
thể nỗi khó khăn và đau khổ trong cuộc sống hàng ngày của nhân dân tầng
lớp dưới (lưu ý là các thể loại khác như Từ phú, Sử ký chỉ ghi chép một số
giai cấp đặc thù, ít có nhân dân lao động). Chỉ có phần Quốc Phong trong
Kinh thi có vài bài như Phạt đàn, Tháng Bảy... nhưng chỉ kể lại một cách khái
quát, không cụ thể và sâu sắc. Còn trong nhạc phủ, nhiều bài rất mới mẻ: Phụ
bệnh hành (Một người phụ nữ bị bệnh nặng, trước khi chết dặn chồng nuôi
con đừng hắt hủi chúng. Nhưng sau khi bà chết, con đói, phải đi xin ăn, lại
còn không biết mẹ đã chết nên khóc đòi mẹ, rất cảm động), bài Cô nhi hành
(cô nhi con một gia đình giàu có, nhưng sau khi cha mẹ chết trở thành nô lệ
trong nhà anh ruột và chị dâu của mình, chịu đựng gió sương phong trần "trên
đầu đầy chấy, mặt mũi bám đầy bụi bặm, thế nhưng vẫn không được nghỉ
ngơi. Anh cả bảo nấu cơm, chị dâu bảo chăn ngựa", "sáng sớm đi gánh
nước, chiều tối mới về nhà", “mùa đông không áo ấm, mùa hè không áo
đơn”...., đây là thực trạng của người dân tầng lớp dưới bấy giờ.
-> Mở đầu cho một đặc điểm rõ rệt trong thi ca Trung Quốc, đó là phản
ánh sự đau khổ trong cuộc sống.
+ Đặt nền tảng cho thi ca kể chuyện, từ trước chỉ là thơ trữ tình là
chính. Khoảng 1/3 số nhạc phủ dân ca là thơ kể chuyện. Để phản ánh sâu
sắc cuộc sống, không gì tốt hơn hình thức kể chuyện. Thơ kể chuyện trong
nhạc phủ dân ca thương ngắn gọn, chọn lựa những sự kiện điển hình để biểu
hiện, mâu thuẫn tập trung vào một điểm, khỏi trình bày dài dòng. Ví dụ bài
Diễm ca hành (người làm thuê được chủ nhà vá áo giúp khiến ông chủ ghen
ghét, người làm thuê than vãn thế này thì về quê sướng hơn, nhưng trở về thì
làm gì, nếu không bị cuộc sống dồn ép thì họ đâu phải bỏ xứ ra đi? Tuy sự
việc ngắn ngủi nhưng làm người đọc liên tưởng biết bao khó khăn vất vả của
người lưu lạc), bài Thập ngũ tòng quân chinh càng nổi bật hơn (“thập ngũ
tòng quân chinh, bát thập thuỷ đắc quy. Đạo phùng hương lý nhân: "Gia trung
hữu a thùy", “Dao khán thị quân gia, tòng bách chủng luỹ lũy”. Thố tùng cẩu
đậu nhập, trỉ tùng lương thượng phạn, thái quỳ trí tác canh. Canh phạn nhất
thời thục, bất tri di. Xuất môn đông hướng khán, lệ lạc triêm ngã y. Dịch
nghĩa: Mười lăm đi lính trận, tám mươi mới trở về. Trên đường gặp người
quen: “nhà tôi còn ai kìa?”, "Xa trông ấy nhà ông, tòng bách và mộ buồn". Thỏ
rừng chui lỗ chó, nóc nhà trĩ rừng bay. Sân giữa đầy lúa dại, giếng kia quỳ
rừng bao. Giọt lúa để nấu cơm, hái quỳ để làm canh. Cơm canh đều chín cả,
nhưng biết để dành ai? Ra cửa nhìn về đông, áo tôi lệ ướt rồi -> Bài thơ chỉ
có 16 câu mà hàm lượng của nó rất lớn. 65 năm sống trong quân ngũ, lúc
nào cũng nhớ quê hương, đến khi trở về thân nhân đã ra đi vĩnh viễn. Một lão
già tóc bạc đối diện với ngôi nhà hoang vu đổ nát, cuộc sống thực là đau khổ.
+ Sự thể hiện sôi nổi, trực tiếp và nồng nàn, không như Kinh thi còn ôn
hòa và khuôn khổ (có thế Khổng Tử mới khen ngợi chứ), còn thơ ca nhạc phủ
diễn đạt rất mãnh hệt, dù là nói về chiến tranh, tình yêu, quê hương, đều dốc
hết tình cảm không hạn chế (Tiếp thu của Sở từ). Ví dụ hai bài sau:
Chiến thành nam: Chiến thành nam, tử quách bắc, dã tử bất táng ô khả
thực. Vị ngã vị vô: “Thả vi khách hào! Dã tử lượng bất táng, hủ nhục an năng
khứ tứ đào?”. Thủy thanh kích ích, bồ vĩ minh minh, hiếu kỵ chiến đấu tử, nô
mã bồi hồi minh...". Dịch nghĩa: Đánh thành nam, chết quách bắc. Chết ngoài
đồng không chôn, quạ ăn xác mất. Nhưng hãy giúp tôi nói với quạ: “Hãy khóc
cho ngươi chiến binh tha phương này đi, chết ngoài đồng tất nhiên không
được chôn. Vậy mớ thịt thối kia sao thoát khỏi mỏ nhà ngươi?”. Tiếng nước
chảy róc rách, lau sậy mọc âm u. Người kỵ binh dũng cảm đã chết trận, còn
con ngựa thì cứ mãi hí dài... -> chiến trường sau trận đánh quạ bay vần vũ
tìm thi thể người chết kiếm ăn, diễn tả cảnh chiến tranh ác liệt và bi thương
như vậy trong Kinh thi không hề thấy bóng dáng.
Thượng tà: Thượng tà! Ngã dục dữ quân tương tri, trường mệnh vô
tuyệt suy. Sơn vô lăng, giang thủy vi kiệt, đông lôi chấn chân, hạ vũ tuyết,
thiên địa hợp, nải cảm dữ quân tuyệt!". Dịch nghĩa: Trời ơi! Em muốn được
tương thân tương ái với chàng, kéo dài mãi mãi không bao giờ chấm dứt. Chỉ
khi nào núi non sông cạn, mùa đông sấm nổ ầm ầm, mùa hè tuyết rơi lả tả,
trời đất dính nhau làm một thì em mới tuyệt tình với chàng! -> Bài thơ giản
đơn, nhưng có sức mạnh, nhân vật đã dùng 5 hiện tượng tự nhiên không thể
xảy ra được để bày tỏ tình yêu mãnh liệt. Trong Kinh thi tình yêu bao giờ cũng
lý trí, bình tĩnh. Đây là một nỗ lực đòi giải phóng tình cảm của nhân dân lao
động.
c) Mạch Thượng Tang và Khổng Tước Đông Nam Phi.
Là hai tác phẩm ưu tú nhất trong dân ca nhạc phủ, cũng là tiêu biểu cho
thơ kể chuyện.
Mạch thượng tang: có một nguồn gốc sâu xa, phụ nữ trung Quốc hay đi
hái lá dâu nuôi tằm vào mùa xuân, cũng là nơi trai gái gặp nhau hẹn hò, như
bài Thập mẫu chí gian trong Kinh thi, câu thơ Tang gian bộc thượng (trên bộc
trong dâu) ngụ ý chuyện trai gái là vì vậy.
MTT còn có tên là Diễm ca La Phu hành, là một bài thơ vui viết về một
cô gái đẹp tên là Tần La Phu (là tên gọi chung các cô gái đẹp thời nhà Hán)
đang hái dâu tại Nam Ngung, mọi người trông thấy cô đều ái mộ: “Người đi
đường thấy La Phu, đặt gánh vuốt râu nhìn. Thiếu niên thấy La Phu, lột nón
sửa búi tóc. Người cày quên cả cây, người cuốc quên cả cuốc. Ai nấy quên
giận hờn, chỉ ngồi ngắm La Phu. Sứ quân từ nam đến, năm ngựa đứng chần
chừ… Sứ quân hỏi La Phu: “Chịu ngồi chung xe không?... La Phu dứt khoát
từ chối và đem chồng mình ra khoe khoang…: “Sứ quân tự hữu phụ, La Phu
tự hữu phu…” “Da dẻ sạch và trắng, hàm râu lại khá dài. Bước đi thực chững
chạc, chầm chậm trong phủ riêng. Giữa nơi đông nghìn người, đều bảo
chồng tôi xinh”, để từ chối dứt khoát lời tỏ tình của sứ quân. Tác giả bài thơ
không có ý thể hiện theo hướng một cảnh tượng lãng mạn giữa đôi trai gái
bất ngờ gặp nhau, mà muốn đi theo hướng luân lý đạo đức chính thống. Tác
phẩm lấy tính lãng mạn để mở đầu câu chuyện, rồi lại lấy sự hài hước để kết
thúc để tránh lối thuyết giáo đạo đức khô khan vô vị, vì thế thoả mãn tâm lý
quần chúng. Bài thơ có ảnh hưởng lớn, những thi nhân đời sau như Tào
Thực, Lục Cơ, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị có mô phỏng theo nó.
Khổng Tước Đông Nam Phi: là câu chuyện có thật, toàn bài thơ dài 353
câu, 1765 chữ, là bài thơ kể chuyện dài hiếm thấy trong kịch gia tình thương
thấy trong xã hội phong kiến. Tiêu Trọng Khanh thương yêu người vợ là Lưu
Lan Chi nhưng mẹ của Tiêu lại không thích con dâu, mâu thuẫn ngày càng
quyết liệt, mẹ mắng chửi thậm tệ rồi bắt cưới vợ khác. Tiêu bảo vợ về nhà
một thời gian rồi sẽ tính. Thế nhưng khi về nhà lại bị người anh ruột ép nàng
lấy người khác, quá bế tắc, Lưu Lan Chi quyết tìm đến cái chết. Tối trước khi
đám cưới, Lưu và Tiêu ôm nhau tự sát. Hai nhà chôn chung họ vào một ngôi
mộ. -> Bi kịch phản ánh số phận bi đát của người phụ nữ trong xã hội phong
kiến, không được quyền định đoạt số phận của mình. Thành công của bài thơ
là miêu tả tâm lý sinh động, sử dụng thuần thục thể thơ 5 chữ, diễn tả tình
yêu kéo dài vô tận kể cả khi chết (giống Romeo va Julliette), người đời sau rất
yêu thích, nhiều tác phẩm dân gian chịu ảnh hưởng sâu sắc bài thơ này như
Lương Sơn Bá- Chúc Anh Đài.
3. Sử Ký. (3 tiết)
Phú của Tư Mã Tương Như va Sử ký của Tư Mã Thiên có chỗ giống
nhau về mặt biểu hiện ý thức thời đại, nhưng như vậy không có nghĩa là về
mặt tư tưởng nghệ thuật như nhau. Tư Mã Tương Như viết ra những bài phú
phù hợp với ý thích của nhà vua, còn Tư mã Thiên trái lại duy trì được lập
trường độc lập của một học giả, Sử ký chẳng những có một khí phách hùng
hồn, phản ánh được áp lực của chế độ quân chủ chuyên chế đè nặng lên tư
tưởng và văn hóa trong xã hội mà còn ý thức được mâu thuẫn xã hội phức
tạp, thể hiện những ưu tư sâu sắc đối với xã hội và lịch sử của người cầm
bút... là những điều mà Hán phú không thể có được.
a) Tác giả
Nếu như Khuất Nguyên viết Ly Tao bằng cả cuộc đời bi kịch phẫn uất
của mình thì Tư Mã Thiên cũng viết Sử ký bằng cả cuộc đời căm hờn tủi nhục
trong xã hội phong kiến bất công tàn bạo.
Về cuộc đời Tư Mã Thiên có những điểm đáng chú ý sau đây:
1. Tư Mã Thiên (145-87 TCN) tự Tử Trường, quê quán thuộc Thiểm
Tây ngày nay. Cha ông là Tư Mã Đàm, một học giả uyên bác, rất chú ý đến
sự giáo dục con cái. Năm 10 tuổi theo cha lúc này là Thái Sử lệnh đến
Trường An học với nhiều học giả nổi tiếng thời bấy giờ như Đang Trọng Thư,
Khổng An Quốc...Tư Mã Đàm là một người hết sử chân chính, dũng cảm bảo
vệ sự thật (ví dụ: nhà chép sử nước Tề vì chép việc Thôi Trữ giết vua nên bị
Thôi Trữ chém, người em lên thay vẫn chép "Thôi Trữ giết anh là Trang
Công", cũng bị giết, người em thứ ba lên thay vẫn chép thế, Thôi Trữ không
dám giết nữa). Tư Mã Đàm có ý định viết sử nhà Hán, nhưng chưa kịp làm thì
chết, lúc đó Tư Mã Thiên 30 tuổi. Ông dặn con phải thực hiện ý định đó của
mình.
2. Năm 20 tuổi, ông bắt đầu đi chu du khắp nơi, thăm những di tích lịch
sử, những nhân vật lịch sử mà trong truyền thuyết có nói đến: lên núi Cối kê
nghe chuyện Việt Vương Câu Tiễn, đến sông Mịch La khóc Khuất Nguyên,
lên miền Bắc thăm quê Khổng Tử, thăm di tích Mạnh Thường quân, thăm quê
Lưu Bang,... Về sau ông lại theo vua Võ Đế đi nhiều nơi, dấu chân ông in
khắp các địa phương trong cả nước. Đến đâu ông cũng hỏi han, ghi chép về
hình thể sông núi, phong thổ, nhân tình, truyền thuyết. Những cuộc chu du
này làm cho tư tưởng và nhãn quang của ông được mở rộng, giúp ông sưu
tập được nhiều tài liệu, có tác dụng rất lớn khi ông viết bộ Sử ký sau này.
Thời bấy giờ giao thông đi lại khó khăn, trộm cướp như ong, việc đi du lịch
của ông là một hành động dũng cảm của người làm công tác khoa học.
3. Họa Lý Lăng. Sau khi cha chết, ông nối nghiệp cha làm Thái sử lệnh
bắt đầu tìm đọc, nghiên cứu các sử liệu, chuẩn bị cho việc viết sử thì xảy ra
họa Lý Lăng. Lý Lăng là cháu của Lý Quảng (Lý tướng quân liệt truyện), năm
99 TCN cấm quân chống trả sự xâm nhập của Hung nô. Sau nhiều trận chiến
bị thất bại, lý Lăng đã đầu hàng. Võ đế hết sức giận dữ. Tư Mã Thiên dâng sớ
trần tình về việc Lý Lăng đầu hàng là bất đắc dĩ, sau nay chắc chắn sẽ có cơ
hội báo đáp lại Hán triều. Sự biện hộ của Tư Mã Thiên làm cho vua Võ đế
thêm tức giận, bắt giam ông, giao pháp quan xét xử. Ông bị cung hình (một
trong năm hình phạt thảm khốc thời cổ: khắc vào mặt, xẻo mũi, cắt dương
vật, chặt chân, cắt đầu). Luật nhà Hán có thể dùng tiền chuộc, nhưng nhà
nghèo, bạn bè không ai giúp, ông không còn cách nào khác. Qua sự kiện này,
Tư Mã Thiên có một sự nhận thức mới đối với quyền lực tuyệt đối của nhà
vua chuyên chế, cũng như đối với cảnh ngộ trong cuộc đời luôn bị sức mạnh
từ bên ngoài chi phối. Trong nhà giam, nhiều lần ông định tự tử, nhưng ông
lại không bằng lòng kết thúc mạng sống quí báu của mình trước một tình
huống hoàn toàn không có giá trị như vậy, ông noi gương Khổng Tử (giữa
thời loạn vẫn viết kinh Xuân Thu), Khuất Nguyên (bị đi đày vẫn viết Ly Tao),
lấy việc viết sử làm mục tiêu tối cao trong cuộc đời. Đó cũng là một hình thức
phản kháng mà ông áp dụng đối với sự lạm dụng quyền uy của nhà vua và sự
tàn bạo của số mệnh. Vào năm 93 TCN, ông đã hoàn thành bộ Sử ký, tất cả
12 năm để hoàn thành trước tác vĩ đại này.
Sử ký nguyên có tên là Thái Sử Công Thư, đến cuối đời Đông Hán mới
được gọi là Sử ký. Đó là một trước tác có hệ thống hoàn chỉnh đầu tiên do
một cá nhân hoàn thành. Toàn bộ sách có 130 quyển, hơn 52 vạn chữ.
b) Giá trị sử học của Sử Ký.
Đây là bộ sử đầu tiên của loài người viết về một dân tộc trong thời gian
gần 3000 năm từ Hoàng đế đến Hán Vũ đế. Đây cũng là một bộ sử hết sức
đặc biệt vì bao gồm mọi mặt của đời sống xã hội: chính trị, kinh tế, văn hóa,
luật pháp... là bộ bách khoa toàn thư của Trung Quốc thời cổ: quách Mạt
Nhược nói: "Công lao của Tư Mã Thiên so với Khổng Tứ không hơn không
kém".
Sử ký có 5 phần: Bản kỷ, biểu, thư, thế gia, liệt truyện.
- Bản kỷ: ghi chép sự tích các đế vương (ngũ đế: Hoàng đế, Chuyên
Húc, Cốc, Nghiêu, Thuấn; Hạ, Thương, Chu, Tần, Hạng Vũ, Hán Cao Tổ, Lữ
Hậu, Hiếu Văn, Hiếu Cảnh, Hiếu Vũ), tất cả 12 bản kỷ. Đặc biệt ông làm bản
kỷ cho Hạng Vũ dù Hạng chưa làm vua nhưng có công lớn trong việc tiêu diệt
Tần; làm bản kỷ cho Lữ Hậu mà không cho Hiếu Huệ đế vì trên thực tế Lữ
Hậu thao túng mọi quyền hành. Nghĩa là ông đánh giá địa vị của nhân vật lịch
sử dựa vào thành tựu thực tế của họ chứ không phải dựa vào việc họ có một
thứ danh vị nào đó. Bản kỷ không chỉ ghi chép niên biểu mà còn đi sâu vào
các sự kiện, tính cách các nhân vật. Nó là sử mà cũng là văn học, một loại
truyện ký.
- Biểu: là dùng hình thức biểu mẫu để chia các sự kiện trong từng thời
kỹ lịch sử căn cứ vào niên đại. Có 10 biểu, là những công trình sử học rất
nghiêm túc và có giá trị.
- Thư: Ghi chép những kiến thức chuyên môn trong nhiều lĩnh vực gồm
8 thư như Lễ thư, Nhạc thư. Luật thư, Lịch thư, Thiên quan thư, Phong thiện
thư (cúng bái), Hà cừ thư (sông đào), Binh chuẩn thư.
- Còn Thế gia và Liệt truyện mang nhiều tính văn học nên không nói ở
đây. (Giải thích: Thế gia là những gia tộc cha truyền con nối, những truyện ký
về các nhân vật được thờ cúng nhiều đời như Khổng Tử, Trần Thắng...; Liệt
truyện là phần ghi chép những câu chuyện về nhân vật không ghi ở Bản kỷ va
Thế gia). Ngoài ra còn một bộ phận ghi chép lịch sử các dân tộc ở vùng biên
cương Trung Quốc.
Nhìn chung, với tư cách là một bộ sử, Sử ký có những ưu điểm
- Thái độ của ông là thái đô phê phán chứ không ca ngợi, nhất là đối
với lịch sử của vương triều nhà Hán, với thể chế chính tả đương thời trước
sau ông dùng ngòi bút lạnh lùng, khách quan. chính sử của các triều đại sau
Sử ký, phần lớn đều do triều đình chủ trì dựa theo ý chí của nhà vua để biên
soạn, trái lại Tư Mã Thiên tuy là sử quan của triều đình nhưng lại không thể
hiện ý chí của người thống trị tối cao là vua Hán Vũ Đế, nghe đâu có vài đoạn
còn làm ông vua này tức giận, đòi xé bỏ. Ông vạch trần những sai trái của cả
nhà vua khai sinh ra triều Hán là Lưu Bang, chỉ rõ những tiêu cực trong triều
đình: vua sử dụng bọn quan lại tàn ác, bao che người thân, mê tín cầu trên,
bon chen, đấu đá nhau... Sự phê phán đó không phải là bôi đen hay phủ định
một cách đơn thuần mà là sự ghi chép lịch sử thể hiện cá tính nhân vật một
cách cụ thể và đáng tin. Từ đó đưa ra một cái nhìn hoài nghi va suy tư sâu
sắc: Thì ra những người giành được địa vị cao chưa chắc là phẩm chất cao
quý, còn những người thất bại thì trái lại (ví dụ trường hợp Lưu Bang và Hạng
Vũ). Thể tài sử học của Sử ký, lần đầu tiên lấy con người là trọng tâm để ghi
chép lịch sử, khác với trước lấy sự kiện lịch sử, thời gian lịch sử làm trung
tâm, con người chưa được chú ý đầy đủ. Viết về triều đại mình sống là dũng
cảm, khen chê không nể nang lại càng dũng cảm. Thông thường các sử gia
Trung Quốc chi kể về những triều đại đã qua và nếu có viết về triều đại mình
đang sống thì cũng chỉ dừng lại ở mức độ ghi chép sự việc không bình phẩm.
Đó là thái độ dũng cảm bảo vệ sự thật, chính nhờ vậy mà ngày nay chúng ta
còn những trang sách nói rõ sự thật đời Hán.
- Quan điểm của Tư Mã Thiên là quan điểm duy vật và khoa học.. ông
không thần bí hóa vua chúa, coi việc trị vì của dòng họ là mệnh trời. Theo
ông, sự thay đổi các triều đại là có quy luật, là sự vận động của lịch sử. (Các
sử gia đời sau huyền bí hóa sự xuất hiện của Lưu Bang, ông thì không, ông
miêu tả Lưu Bang từ lúc xuất thân, đến lúc cùng nông dân khởi nghĩa... cách
lý giải việc dựng nghiệp của Lưu Bang là có thực và thuyết phục).
- Bám chắc vào sư thật, nhân vật của Tư Mã Thiên có một độ tin cậy
khá cao, đó là do ông tôn trọng sự thật, quan niệm này khác xa những nhà
viết sử Hy Lạp, La Mã cổ đại (trữ Thuxiđit), họ thường xem sử là một công
trình nghệ thuật, nhân vật thường có những bài diễn văn rất hay nhưng là do
tác giả viết ra, không ai lấy đó làm cơ sở chính cho việc nghiên cứu Hy Lạp,
La Mã cả. Còn Sử ký trước nay vẫn là uy tin lớn nhất của cổ sử Trung Hoa.
- Ông có Quan điểm nhân dân khi viết sử. Lịch sử không phải do vua
chúa tạo nên mà là quảng đại quần chúng. Ông ca ngợi Trần Thiệp, Ngô
Quảng, những lãnh tụ khởi nghĩa nông dân, chính những cuộc khởi nghĩa này
là tiền đề cho sự sụp đổ của đế chế Tần.
Tóm lại, với tư cách là một nhà viết sử, Tư Mã Thiên đã đứng trên lập
trường nhân dân, có thái độ khoa học và đã dũng cảm bảo vệ chân lý. Sử ký
do đó trở thành một bộ sử có giá trị khoa học cao.
c) Giá trị văn học của Sử ký
Lỗ Tấn gọi Sử ký là “Văn vận chi Ly Tao” (Thiên Ly tao viết bằng văn
xuôi). Trừ Thư và Biểu ra, Liệt truyện, Thế gia, Bản kỷ là những tác phẩm
truyện ký sinh động, chân thực, nét cá tính nhân vật cao. Liệt truyện có thể coi
là những tác phẩm văn học hoàn chỉnh. Giá trị văn học của sử ký ở những
mặt sau: nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật và ngôn ngữ.
1. Nghệ thuật kể chuyện: sử gia tiên Tần là những nhà kể chuyện khá
hứng thú và đó chính là nguồn tư liệu nhất định cho Sử ký: Tuy vậy, sử tiên
Tần chủ yếu vẫn là ghi chép, kể lại những sự kiện lịch sử có đầu có đuôi một
cách hoàn chỉnh, thái độ kể chuyện mang tính sử học (thông qua những sự
kiện đó bày tỏ thái độ phê phán hay khen chê về mặt chính trị và đạo đức).
Tư Mã Thiên trái lại ngoài ghi chép, kể lại sự việc còn cố gắng tái hiện cảnh
tượng từng xảy ra trong lịch sử và ý thức hoạt đông của nhân vật, phản ánh
mạnh mẽ nhiều mặt sinh hoạt của loài người, vì thế thái độ kể chuyện của Tư
Mã Thiên mang tính văn học rõ rệt.
* Phương thức kể chuyên cơ bản trong Sử ký là kể lại một cách khách
quan, đứng ngoài sự kiện, luôn ở ngôi thứ ba. Chỉ có phần bình sau cùng,
ông mới xuất hiện với tư cách là người luận bàn.-> Tạo một không gian xoay
trở rất rộng cho ngòi bút. Tuy vậy ông cũng bộc lộ lập trường va khuynh
hướng của mình thông qua so sánh những hoạt động khác nhau của các
nhân vật lịch sử, sự triển khai các sự kiện lịch sử.
* Lối kể chuyện sống động như thật, tạo ra chuỗi chuyện kể Liên hoàn
(truyện Tín Lăng Quân là do những câu chuyện như thân nghinh Hầu Sinh,
trộm phu cứu Triệu...; truyện Liêm Pha và Lạn Tương Như thì gồm hoàn trả
ngọc cho nước Triệu, cuộc họp tại Mãnh Trì, tự mang roi đến tạ tội...-> câu
chuyện phức tạp, biến hóa, hấp dẫn chứ không đơn giản, một chiều), chuyện
về nhân vật này liên quan đến nhân vật khác và có thể xem qua lại để bổ túc
tính cách nhân vật (tính cách Ngũ Tử Tư được bổ túc trong phần viết về Việt
vương Câu Tiễn, Ngô vương Phù Sai; của Lưu Bang trong phần viết về Hạng
Võ và ngược lại, của Lã Bất Vi trong phần nói về Lý Tư liệt truyện, Tần Thủy
Hoàng bản kỷ...)
* Lối kể chuyện đầy kịch tính: Tư Mã Thiên thích triển khai những câu
chuyện trong hoàn cảnh hiện thực có sự xung đột mâu thuẫn gay gắt, nhân
vật tự mình trực tiếp hành động, thể hiện bản thân làm cho đọc giả quên mất
sự tồn tại của nhân vật người kể chuyện (câu chuyện về Lý Quảng, câu
chuyện Hồng môn yến...). lối kể chuyện này có rất nhiều ưu điểm: hiệu quả
văn học rất hiện thực, mang tính khẩn trương tạo sức hấp dẫn cho tác phẩm
khỏi phải diễn giải dài dòng, qua xung đột gay gắt dễ bộc lộ tính cách nhân
vật.
2. Nghê thuật xây dưng nhân vật: trong Tả truyện, Chiến Quốc sách
một số nhân vật có cá tính nhất định: tuy vậy miêu tả nhân vật chỉ là vụn vặt
trong quá trình kể chuyện, thiếu tính hoàn chỉnh. Sử ký đã nâng cao, phát
triển nghệ thuật xây dựng nhân vật lên một bước cao hơn với những đặc
điểm rõ rệt, để lại nhiều nhân vật khá ấn tượng.
- Hành nghìn nhân vật sống động với đủ mọi tầng lớp, mọi số phận. Từ
đế vương (Lưu Bang, Hạng Võ, Tần Thủy Hoàng...), anh hùng quân tử (Mạnh
Thường quân, Hàn Tín, Lý Quảng...), kẻ tiểu nhân, triết gia (Khổng Tử, Trang
Tử...). nhà du thuyết (Trương Nghi, Tô Tần), các lãnh tụ nông dân (Trần
Thiệp, Ngô Quảng...), các hiệp khách (Kinh Kha, Nhiếp Chính...)... Trong Sử
ký có cả một nhân loại mênh mông về mặt này, Tư Mã Thiên có thể sánh với
những nhà văn lớn nhất của nhân loại, với những âm hưởng lãng mạn, màu
sắc truyền kỳ về những nhân vật trong truyện, thật chẳng khắc nào một bộ sử
thi anh hùng, quy mô của tác phẩm làm ta choáng ngợp, bút lực của tác giả
làm ta kinh sợ.
- Khi xây dựng nhân vật, các nhà viết sử thường xét tư thế lịch sử của
họ (mô tả họ trong những giây phút làm nên lịch sử, Tư Mã Thiên còn chú ý
đến quá trình hình thành tích cách, sự thay đổi trong vận mệnh nhân vật. Đối
với những nhân vật có sự nghiệp lẫy lừng ông thường miêu tả người đó khi
hãy còn hàn vi, bị khinh khi chà đạp, khi họ chưa đóng vai trò lịch sử, thì tính
cách nhân vật mới dày dạn, sắc nét. (Ví dụ Lưu Bang lúc còn hàn vi ăn quỵt
tiền rượu của bà Vương, cho đến khi trở thành vua thì ngồi xổm mà tiếp
khách...). Thái độ của Tư Mã Thiên nghiêng hẳn về những nhân vật bi kịch
anh hùng (Hạng Vũ, Khuất Nguyên, Lý Quảng...), ông không tán thành một
cuộc sống cầu an, vụn vặt, vì vậy những đoạn viết về Hạng Vũ lúc tự sát khi
thất bại đến 1, 2 nghìn chữ đối với việc viết sử hoàn toàn không cần thiết
nhưng lại đem đến hiệu quả cao cho một tác phẩm văn học. Những bi kịch đó
cho thấy tâm tư của riêng tác giả gửi vào trang viết, đó là sức phản kháng
mãnh liệt của những con người có nhân cách cao thượng đối với số phận.
- Khéo miêu tả tính cách nhân vật thông qua:
+ Ngoại hình và tinh thần thường thống nhất với nhau.
+ Hành động bộc lộ tính cách, mở đầu cho truyền thống dùng hành
động thể hiện tính cách trong văn học cổ điển Trung Quốc.
+ Giải thích lý do phát triển tính cách là do hoàn cảnh sống của nhân
vật (Lã Bất Vi là thương nhân nên cách suy nghĩ, hành động giống như con
buôn...)
+ Qua đối thoại bộc lộ tính cách (Lưu Bang khi thấy Tần Thủy Hoàng
làm vua thì thèm muốn, Hạng Vũ thì nghĩ có thể lật đổ hắn để thay thế -> chí
khí hai người đã khác nhau; Trần Thiệp khi làm vua có người bạn nông dân
đến thăm nói "chu choa, Thiệp làm vương trông sang gớm -> tính chất phác
và lỗ mãng của người phát ngôn, rất gần với sự thật).
+ Đặt nó trong sự đối lập với các nhân vật khác: Lý Tư, Triệu Cao,
Hạng Vũ-Lưu Bang, Ngũ Tử Tư-Bá Phỉ...
Cái hay trong việc xây dựng nhân vật của Tư Mã Thiên là thế, ông khai
thác các nguyên nhân hình thành và phát triển tính cách một cách hợp lý,
logich, đầy thuyết phục, không phải sinh ra đã là vĩ nhân.
3. Nghê thuật ngôn ngữ: được mọi ngươi khen là thành tựu mẫu mực
của cổ văn. Tư Mã Thiên đã hình thành một lối văn tự sự giản dị thuần phác,
lưu loát nhưng sinh động và đa dạng, đồng thời không kém tính chính xác của
một tác phẩm sử học.
Về cơ bản Sử ký được viết theo lối văn viết sách, nhưng lại không khác
khẩu ngữ đương thời, trong sách còn trích dẫn nhiều lối nói của quần chúng,
tục ngữ phương ngôn làm tăng thêm sinh khí cho ngôn ngữ, câu văn dường
như không trau chuốt lắm, nhưng nghe rất xuôi tai, do Tư Mã Thiên trong lúc
kể chuyện dốc hết tình cảm của mình vào nên câu văn có sức truyền cảm
mạnh.
Tóm lại, Sử ký là tác phẩm có giá trị nhiều mặt, trước hết là một tác
phẩm sử học có giá trị vì tính khoa học, quan điểm tiến bộ; cũng đồng thời là
một tác phẩm văn học lớn vì nó mang đặc trưng của văn học, đó là tính tình
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC
LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC

More Related Content

What's hot

PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT
PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT
PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT
nataliej4
 
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đLuận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAYLuận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐGIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
longvanhien
 
Đề Tài “những tư tưởng cơ bản của nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với nền vă...
Đề Tài “những tư tưởng cơ bản của nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với nền vă...Đề Tài “những tư tưởng cơ bản của nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với nền vă...
Đề Tài “những tư tưởng cơ bản của nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với nền vă...Huynh Loc
 
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh ChâuĐề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
Dịch vụ viết thuê Khóa Luận - ZALO 0932091562
 
Truyền thuyết thánh gióng đặc điểm và giá trị văn hóa. luận án tiến sĩ văn hó...
Truyền thuyết thánh gióng đặc điểm và giá trị văn hóa. luận án tiến sĩ văn hó...Truyền thuyết thánh gióng đặc điểm và giá trị văn hóa. luận án tiến sĩ văn hó...
Truyền thuyết thánh gióng đặc điểm và giá trị văn hóa. luận án tiến sĩ văn hó...
jackjohn45
 
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
nataliej4
 
Luận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam Bộ
Luận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam BộLuận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam Bộ
Luận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam Bộ
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đ
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đThế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đ
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đ
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAYLuận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAYLuận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Nghệ thuật tự sự trong truyện thiếu nhi về loài vật của Tô Hoài
Luận văn: Nghệ thuật tự sự trong truyện thiếu nhi về loài vật của Tô HoàiLuận văn: Nghệ thuật tự sự trong truyện thiếu nhi về loài vật của Tô Hoài
Luận văn: Nghệ thuật tự sự trong truyện thiếu nhi về loài vật của Tô Hoài
Viết Thuê Khóa Luận _ ZALO 0917.193.864 default
 
Luận văn: Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, 9đ
Luận văn: Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, 9đLuận văn: Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, 9đ
Luận văn: Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, 9đ
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
nataliej4
 
Luận án: Nhân vật trong truyện kỳ ảo trung đại Việt Nam và Hàn Quốc
Luận án: Nhân vật trong truyện kỳ ảo trung đại Việt Nam và Hàn QuốcLuận án: Nhân vật trong truyện kỳ ảo trung đại Việt Nam và Hàn Quốc
Luận án: Nhân vật trong truyện kỳ ảo trung đại Việt Nam và Hàn Quốc
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
nataliej4
 
Luận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hử
Luận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hửLuận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hử
Luận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hử
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Xơ Đăng - Gửi miễn ph...
 Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Xơ Đăng - Gửi miễn ph... Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Xơ Đăng - Gửi miễn ph...
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Xơ Đăng - Gửi miễn ph...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Cơ Sở VăN HóA ViệT Nam
Cơ Sở VăN HóA ViệT NamCơ Sở VăN HóA ViệT Nam
Cơ Sở VăN HóA ViệT Namguest2414f
 

What's hot (20)

PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT
PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT
PHONG CÁCH HỌC TIẾNG VIỆT
 
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đLuận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
Luận văn: Thể loại truyền kì trong tiến trình văn học Việt Nam, 9đ
 
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAYLuận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
Luận văn: Dạy học đọc - hiểu thơ Đường theo đặc trưng thể loại, HAY
 
GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐGIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
GIÁO TRÌNH VĂN HỌC DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
 
Đề Tài “những tư tưởng cơ bản của nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với nền vă...
Đề Tài “những tư tưởng cơ bản của nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với nền vă...Đề Tài “những tư tưởng cơ bản của nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với nền vă...
Đề Tài “những tư tưởng cơ bản của nho giáo và ảnh hưởng của nó đối với nền vă...
 
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh ChâuĐề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
Đề tài: Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Minh Châu
 
Truyền thuyết thánh gióng đặc điểm và giá trị văn hóa. luận án tiến sĩ văn hó...
Truyền thuyết thánh gióng đặc điểm và giá trị văn hóa. luận án tiến sĩ văn hó...Truyền thuyết thánh gióng đặc điểm và giá trị văn hóa. luận án tiến sĩ văn hó...
Truyền thuyết thánh gióng đặc điểm và giá trị văn hóa. luận án tiến sĩ văn hó...
 
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
TIỂU THUYẾT HIỆN THỰC NGA THẾ KỶ XIX
 
Luận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam Bộ
Luận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam BộLuận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam Bộ
Luận văn: Phương tiện và biện pháp tu từ trong ca dao Nam Bộ
 
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đ
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đThế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đ
Thế giới nhân vật trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975, 9đ
 
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAYLuận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
Luận văn: Cái Tôi cô đơn trong thơ mới và thơ đương đại, HAY
 
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAYLuận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
Luận án: Tiểu thuyết Việt Nam từ góc nhìn phê bình sinh thái, HAY
 
Luận văn: Nghệ thuật tự sự trong truyện thiếu nhi về loài vật của Tô Hoài
Luận văn: Nghệ thuật tự sự trong truyện thiếu nhi về loài vật của Tô HoàiLuận văn: Nghệ thuật tự sự trong truyện thiếu nhi về loài vật của Tô Hoài
Luận văn: Nghệ thuật tự sự trong truyện thiếu nhi về loài vật của Tô Hoài
 
Luận văn: Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, 9đ
Luận văn: Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, 9đLuận văn: Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, 9đ
Luận văn: Nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, 9đ
 
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
Nhà Văn Việt Nam Hiện Đại Chân Dung Và Phong Cách
 
Luận án: Nhân vật trong truyện kỳ ảo trung đại Việt Nam và Hàn Quốc
Luận án: Nhân vật trong truyện kỳ ảo trung đại Việt Nam và Hàn QuốcLuận án: Nhân vật trong truyện kỳ ảo trung đại Việt Nam và Hàn Quốc
Luận án: Nhân vật trong truyện kỳ ảo trung đại Việt Nam và Hàn Quốc
 
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
NGUYỄN TRÃI VỀ TÁC GIA VÀ TÁC PHẨM
 
Luận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hử
Luận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hửLuận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hử
Luận văn: Phương thức biểu hiện nhân vật anh hùng trong thủy hử
 
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Xơ Đăng - Gửi miễn ph...
 Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Xơ Đăng - Gửi miễn ph... Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Xơ Đăng - Gửi miễn ph...
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Xơ Đăng - Gửi miễn ph...
 
Cơ Sở VăN HóA ViệT Nam
Cơ Sở VăN HóA ViệT NamCơ Sở VăN HóA ViệT Nam
Cơ Sở VăN HóA ViệT Nam
 

Similar to LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC

Su Trung Quoc Nguyen Hien Le Vnthuquan.Net (V2)
Su Trung Quoc Nguyen Hien Le Vnthuquan.Net (V2)Su Trung Quoc Nguyen Hien Le Vnthuquan.Net (V2)
Su Trung Quoc Nguyen Hien Le Vnthuquan.Net (V2)
vinhbinh2010
 
Vài nét về sự phát triển TRIẾT HỌC TRUNG HOA
Vài nét về sự phát triển TRIẾT HỌC TRUNG HOAVài nét về sự phát triển TRIẾT HỌC TRUNG HOA
Vài nét về sự phát triển TRIẾT HỌC TRUNG HOAvinhbinh2010
 
bài thuyết trình lịch sử văn minh thế giới.pptx
bài thuyết trình lịch sử văn minh thế giới.pptxbài thuyết trình lịch sử văn minh thế giới.pptx
bài thuyết trình lịch sử văn minh thế giới.pptx
hle111834
 
Hàn phi tử
Hàn phi tửHàn phi tử
Hàn phi tử
Dam Nguyen
 
Sự hình thành họ vũ ở việt nam
Sự hình thành họ vũ ở việt namSự hình thành họ vũ ở việt nam
Sự hình thành họ vũ ở việt nam
nataliej4
 
Thành tựu văn minh Trung Hoa
Thành tựu văn minh Trung HoaThành tựu văn minh Trung Hoa
Thành tựu văn minh Trung Hoathaodang312
 
Ngôn ngữ, chữ viết và văn học ở việt namtruonghocso.com
Ngôn ngữ, chữ viết và văn học ở việt namtruonghocso.comNgôn ngữ, chữ viết và văn học ở việt namtruonghocso.com
Ngôn ngữ, chữ viết và văn học ở việt namtruonghocso.comThế Giới Tinh Hoa
 
Nhóm 4- Mạng lưới á âu phi
Nhóm 4- Mạng lưới á âu phiNhóm 4- Mạng lưới á âu phi
Nhóm 4- Mạng lưới á âu phi
MrNguyenTienPhong
 
Lịch sử hành chính nhà nước việt nam
Lịch sử hành chính nhà nước việt namLịch sử hành chính nhà nước việt nam
Lịch sử hành chính nhà nước việt nam
jackjohn45
 
Lịch sử văn học việt nam tập 3
Lịch sử văn học việt nam   tập 3Lịch sử văn học việt nam   tập 3
Lịch sử văn học việt nam tập 3
jackjohn45
 
Trantho tamquocchi-thanhblog
Trantho tamquocchi-thanhblogTrantho tamquocchi-thanhblog
Trantho tamquocchi-thanhblog
thanhblog
 
Nghiên cứu so sánh cảm hứng an bần lạc đạo trong sáng tác văn học thế kỷ 16 v...
Nghiên cứu so sánh cảm hứng an bần lạc đạo trong sáng tác văn học thế kỷ 16 v...Nghiên cứu so sánh cảm hứng an bần lạc đạo trong sáng tác văn học thế kỷ 16 v...
Nghiên cứu so sánh cảm hứng an bần lạc đạo trong sáng tác văn học thế kỷ 16 v...
nataliej4
 
nguyendu.pptx
nguyendu.pptxnguyendu.pptx
nguyendu.pptx
KinTrnCh
 
Thuyết trình của Thành An.pptx
Thuyết trình của Thành An.pptxThuyết trình của Thành An.pptx
Thuyết trình của Thành An.pptx
minh950099
 
Nhà Mạc ba thời kỳ = Vanhien.vn
Nhà Mạc ba thời kỳ = Vanhien.vnNhà Mạc ba thời kỳ = Vanhien.vn
Nhà Mạc ba thời kỳ = Vanhien.vn
Pham Long
 
Luận văn: Thanh Hóa trong cuộc chống Nguyên - Mông, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận văn: Thanh Hóa trong cuộc chống Nguyên - Mông, HAY - Gửi miễn phí qua za...Luận văn: Thanh Hóa trong cuộc chống Nguyên - Mông, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận văn: Thanh Hóa trong cuộc chống Nguyên - Mông, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Luận văn: Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông
Luận văn: Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - MôngLuận văn: Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông
Luận văn: Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
THANH HÓA TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG NGUYÊN - MÔNG VÀ CHỐNG CHIÊM THÀNH (THẾ KỶ X...
THANH HÓA TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG NGUYÊN - MÔNG VÀ CHỐNG CHIÊM THÀNH (THẾ KỶ X...THANH HÓA TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG NGUYÊN - MÔNG VÀ CHỐNG CHIÊM THÀNH (THẾ KỶ X...
THANH HÓA TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG NGUYÊN - MÔNG VÀ CHỐNG CHIÊM THÀNH (THẾ KỶ X...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
LỊCH SỬ VĂN MINH TRUNG HOA -Will Durant-Dịch:Nguyễn Hiến Lê
LỊCH SỬ VĂN MINH TRUNG HOA -Will Durant-Dịch:Nguyễn Hiến LêLỊCH SỬ VĂN MINH TRUNG HOA -Will Durant-Dịch:Nguyễn Hiến Lê
LỊCH SỬ VĂN MINH TRUNG HOA -Will Durant-Dịch:Nguyễn Hiến Lêvinhbinh2010
 
Dong Kinh Nghia Thuc
Dong Kinh Nghia ThucDong Kinh Nghia Thuc
Dong Kinh Nghia ThucVũ Hiếu
 

Similar to LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC (20)

Su Trung Quoc Nguyen Hien Le Vnthuquan.Net (V2)
Su Trung Quoc Nguyen Hien Le Vnthuquan.Net (V2)Su Trung Quoc Nguyen Hien Le Vnthuquan.Net (V2)
Su Trung Quoc Nguyen Hien Le Vnthuquan.Net (V2)
 
Vài nét về sự phát triển TRIẾT HỌC TRUNG HOA
Vài nét về sự phát triển TRIẾT HỌC TRUNG HOAVài nét về sự phát triển TRIẾT HỌC TRUNG HOA
Vài nét về sự phát triển TRIẾT HỌC TRUNG HOA
 
bài thuyết trình lịch sử văn minh thế giới.pptx
bài thuyết trình lịch sử văn minh thế giới.pptxbài thuyết trình lịch sử văn minh thế giới.pptx
bài thuyết trình lịch sử văn minh thế giới.pptx
 
Hàn phi tử
Hàn phi tửHàn phi tử
Hàn phi tử
 
Sự hình thành họ vũ ở việt nam
Sự hình thành họ vũ ở việt namSự hình thành họ vũ ở việt nam
Sự hình thành họ vũ ở việt nam
 
Thành tựu văn minh Trung Hoa
Thành tựu văn minh Trung HoaThành tựu văn minh Trung Hoa
Thành tựu văn minh Trung Hoa
 
Ngôn ngữ, chữ viết và văn học ở việt namtruonghocso.com
Ngôn ngữ, chữ viết và văn học ở việt namtruonghocso.comNgôn ngữ, chữ viết và văn học ở việt namtruonghocso.com
Ngôn ngữ, chữ viết và văn học ở việt namtruonghocso.com
 
Nhóm 4- Mạng lưới á âu phi
Nhóm 4- Mạng lưới á âu phiNhóm 4- Mạng lưới á âu phi
Nhóm 4- Mạng lưới á âu phi
 
Lịch sử hành chính nhà nước việt nam
Lịch sử hành chính nhà nước việt namLịch sử hành chính nhà nước việt nam
Lịch sử hành chính nhà nước việt nam
 
Lịch sử văn học việt nam tập 3
Lịch sử văn học việt nam   tập 3Lịch sử văn học việt nam   tập 3
Lịch sử văn học việt nam tập 3
 
Trantho tamquocchi-thanhblog
Trantho tamquocchi-thanhblogTrantho tamquocchi-thanhblog
Trantho tamquocchi-thanhblog
 
Nghiên cứu so sánh cảm hứng an bần lạc đạo trong sáng tác văn học thế kỷ 16 v...
Nghiên cứu so sánh cảm hứng an bần lạc đạo trong sáng tác văn học thế kỷ 16 v...Nghiên cứu so sánh cảm hứng an bần lạc đạo trong sáng tác văn học thế kỷ 16 v...
Nghiên cứu so sánh cảm hứng an bần lạc đạo trong sáng tác văn học thế kỷ 16 v...
 
nguyendu.pptx
nguyendu.pptxnguyendu.pptx
nguyendu.pptx
 
Thuyết trình của Thành An.pptx
Thuyết trình của Thành An.pptxThuyết trình của Thành An.pptx
Thuyết trình của Thành An.pptx
 
Nhà Mạc ba thời kỳ = Vanhien.vn
Nhà Mạc ba thời kỳ = Vanhien.vnNhà Mạc ba thời kỳ = Vanhien.vn
Nhà Mạc ba thời kỳ = Vanhien.vn
 
Luận văn: Thanh Hóa trong cuộc chống Nguyên - Mông, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận văn: Thanh Hóa trong cuộc chống Nguyên - Mông, HAY - Gửi miễn phí qua za...Luận văn: Thanh Hóa trong cuộc chống Nguyên - Mông, HAY - Gửi miễn phí qua za...
Luận văn: Thanh Hóa trong cuộc chống Nguyên - Mông, HAY - Gửi miễn phí qua za...
 
Luận văn: Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông
Luận văn: Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - MôngLuận văn: Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông
Luận văn: Thanh Hóa trong cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông
 
THANH HÓA TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG NGUYÊN - MÔNG VÀ CHỐNG CHIÊM THÀNH (THẾ KỶ X...
THANH HÓA TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG NGUYÊN - MÔNG VÀ CHỐNG CHIÊM THÀNH (THẾ KỶ X...THANH HÓA TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG NGUYÊN - MÔNG VÀ CHỐNG CHIÊM THÀNH (THẾ KỶ X...
THANH HÓA TRONG CUỘC CHIẾN CHỐNG NGUYÊN - MÔNG VÀ CHỐNG CHIÊM THÀNH (THẾ KỶ X...
 
LỊCH SỬ VĂN MINH TRUNG HOA -Will Durant-Dịch:Nguyễn Hiến Lê
LỊCH SỬ VĂN MINH TRUNG HOA -Will Durant-Dịch:Nguyễn Hiến LêLỊCH SỬ VĂN MINH TRUNG HOA -Will Durant-Dịch:Nguyễn Hiến Lê
LỊCH SỬ VĂN MINH TRUNG HOA -Will Durant-Dịch:Nguyễn Hiến Lê
 
Dong Kinh Nghia Thuc
Dong Kinh Nghia ThucDong Kinh Nghia Thuc
Dong Kinh Nghia Thuc
 

More from nataliej4

đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
nataliej4
 
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
nataliej4
 
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
nataliej4
 
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc giaTừ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
nataliej4
 
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngCông tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
nataliej4
 
Bài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcBài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốc
nataliej4
 
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin họcđề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
nataliej4
 
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngGiáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
nataliej4
 
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnLựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
nataliej4
 
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
nataliej4
 
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree towerSổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
nataliej4
 
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
nataliej4
 
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtBài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
nataliej4
 
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
nataliej4
 
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
nataliej4
 
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngBài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
nataliej4
 
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhBài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
nataliej4
 
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning introGiới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
nataliej4
 
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcLý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
nataliej4
 
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
nataliej4
 

More from nataliej4 (20)

đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
 
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
 
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
 
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc giaTừ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
 
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngCông tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
 
Bài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcBài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốc
 
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin họcđề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
 
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngGiáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
 
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnLựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
 
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
 
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree towerSổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
 
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
 
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtBài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
 
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
 
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
 
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngBài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
 
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhBài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
 
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning introGiới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
 
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcLý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
 
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
 

Recently uploaded

Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nayẢnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
chinhkt50
 
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdfGIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
Điện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
https://www.facebook.com/garmentspace
 
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
duykhoacao
 
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
ngocnguyensp1
 
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdfBAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
phamthuhoai20102005
 
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in englishAV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
Qucbo964093
 
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptxDẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
nvlinhchi1612
 

Recently uploaded (10)

Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nayẢnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
 
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
 
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdfGIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
 
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
 
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
 
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
 
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdfBAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
 
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
 
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in englishAV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
 
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptxDẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
 

LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC

  • 1. LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC LỊCH SỬ VĂN HỌC TRUNG QUỐC Tác giả: Trần Lê Hoa Tranh Phần A. NHỮNG VẤN ĐỀ GIỚI THUYẾT A.1. CÁCH CHIA THỜI KÌ VĂN HỌC Văn học Pháp chia làm nhiều thời kỳ, mỗi thời kỳ tương ứng với một thế kỷ: như thế kỷ XVII là thời kỳ cổ điển, thế kỷ XVIII là thời kỳ ánh sáng, thế kỷ XIX là lãng mạn. Văn học Anh vừa chia theo thế kỷ, như thế kỷ XVIII là thế kỷ xung đột giữa hai phái duy lý và kinh nghiệm, nhưng cũng chia theo từng triều đại, như có triều đại Elisabeth, tức thời kỳ văn học Phục hưng, triều đại Victoria, là thời kỳ văn học hiện thực. Nhưng văn học Trung quốc thì ta phải chia theo triều đại. Các học giả Trung Hoa từ xưa đến nay đều nhận rằng ở nước họ, chính trị ảnh hưởng mật thiết đến văn học. Các thể loại văn học đều nhờ sự thúc đẩy giúp đỡ của chính trị mà phát triển, như phú thịnh đời Hán, thơ thịnh đời Đường, từ đời Tống, tuồng đời Nguyên, tiểu thuyết đời Minh - Thanh... Như vậy chúng tôi sẽ triển khai học phần này theo hướng trên, đi vào từng triều đại nên nét nổi bật thành tựu văn học của triều đại đó triều đại nào không có gì nổi bật sẽ bỏ qua. Bố cục chung của mỗi phần sẽ là: - Vài nét về tình hình chính trị - xã hội. - Tình hình văn học. - Các tác giả hoặc thể loại chính của thời kỳ đó.
  • 2. A.2. CÁC TRIỀU ĐẠI LỊCH SỬ TRUNG HOA Khoảng 50 vạn năm trước, trên lưu vực sông Hoàng Hà đã có dấu vết của loài người, tính từ khi có xã hội loài người thì lịch sử Trung Quốc đã tồn tại khoảng 5000 năm. Người ta chia lịch sử Trung Quốc làm 6 giai đoạn lớn: - Nguyên thủy: hàng vạn năm về trước đến đời Hạ (-2200) - Nô lệ: Hạ đến Tần (-220) - Phong kiến: Tần đến chiến tranh thuốc phiện (-220 đến 1840) - Cận đại: chiến tranh thuốc phiện đến 1919 - Hiện đại: từ 1919-1949. - Đương đại: từ 1949 đến nay. Đó là cách phân chia lịch sử của các nhà nghiên cứu Trung Quốc, còn đối với các học giả phương Tây thì lịch sử Trung Quốc chỉ được xác định rõ ràng từ năm 1000 trước Công nguyên mà thôi. Theo họ, cuốn sách lịch sử cổ nhất là Kinh Thư của Khổng Tử (cuốn sách này cho rằng lịch sử Trung Quốc được bắt đầu từ năm 2205 trước Công nguyên) là cuốn sách không đáng tin cậy vì không thể kiểm chứng được mức độ chân thực lịch sử từ nó vì đây là một tác phẩm văn chương. Họ chỉ công nhận lịch sử Trung Hoa từ đời Chu trở đi (-1150) Tương truyền rằng ông tổ của dân tộc Trung Hoa là Bàn Cổ. Rồi tới các đời Tam Hoàng (Thiên hoàng, Địa hoàng, Nhân hoàng), Hữu Sào, Toại Nhân, Phục Hy, Thần Nông. Lúc bấy giờ Trung Quốc gồm nhiều bộ lạc. Hoàng Đế (-2700 đến -2600) dẹp các chư hầu và được tôn làm thiên tử, truyền ngôi được 5 đời. Sau đó đến Đường Nghiêu (-2359 đến -2259) và Ngu Thuấn (-2256 đến -2208). Hai vua Nghiêu Thuấn đều nhường ngôi cho những người tài đức trong thiên hạ. Trung Quốc thời nay rất thịnh trị và văn ninh đây là những triều đại được đời sau nhắc đến như một mẫu mực của sự thái bình, an lạc. Vua Nghiêu, Thuấn được xem như những ông vua hiền, tài giỏi.
  • 3. Đến vua Võ (nhà Hạ) (-2205 đến -1784) Trung Quốc bắt đầu là một nước có tổ chức, ngôi báu lại là cha truyền con nối đến vua Kiệt. Vua Thành Thang diệt vua Kiệt lập ra nhà Thương (-1783 đến -1135), Ân là cuối Thương (thời Thánh Gióng ở ta), đến đời vua Trụ lại bị nhà Chu diệt. Nhà Chu chia làm hai thời kỳ: thời kỳ thứ nhất đóng đô ở đất Phong nên gọi là Tây Chu (-1134 đến -770), đến đời U Vương sợ rợ Tây Nhung nên dời đô đến Lạc Dương, gọi là Đông Chu (-770 đến - 247). Từ khi nhà Chu dời sang Đông, vua suy nhược, chư hầu lộng quyền, đánh nhau không ngớt, dân tình vô cùng khốn khổ. Đầu nhà Chu, chư hầu có đến trên 1000 thôn tính lẫn nhau sau còn độ 100. Những nước mạnh là: Tề, Sở, Tấn, Tần, Lỗ, Tống. Những nước này thay nhau làm Bá là Tề Hoàn Công, Tấn Văn Công, Tống Tương Công, Sở Trang Công, Tần Mục Công. Khổng Tử chép thời loạn lạc ấy trong cuốn kinh Xuân Thu, vì thế người đời sau gọi thời này là thời Xuân Thu. Từ năm -403 đến -221, các chư hầu đánh nhau liên miên, đó là thời Chiến Quốc, có 7 nước mạnh nhất là Tần, Sở, Yên, Tề, Triệu, Ngụy, Hàn. Sau Tần diệt nhà Chu và 6 nước chư hầu kia, thống nhất Trung guốc. Nhà Tần chỉ tồn tại được 15 năm. Lưu Bang và Hạng Võ lật đổ nhà Tần, rồi đánh nhau 10 năm (Hán Sở tranh hùng), cuối cùng Lưu Bang thắng lập nên nhà Hán. Nhà Hán (-206-211) chia ra hai thời: Tây Hán và Đông Hán. Thời Đông Hán, Trung Quốc là một đế quốc rộng lớn, hùng mạnh, chuyên đi thôn tính các nước khác (Việt Nam thời Hai Bà Trưng). Cuối đời Hán là loạn Tam quốc (Thục, Ngụy, Ngô) từ năm 211 đến 264. Ngụy thắng, lập nhà Ngụy được hơn 40 năm, lại bị họ Tư Mã lật đổ lập nên nhà Tấn. Nhà Tấn tồn tại 125 năm. Cuối đời Tấn, 5 tộc hồ ở phương Bắc vào uy hiếp nên dời đô về phương Nam (Đông Tấn), tôi bị Tống cướp ngôi. Từ đó Trung Quốc chia làm hai khu vực: Bắc và Nam. Lục triều thay nhau cai
  • 4. quản... hơn 300 năm loạn lạc. Thời nay gọi là Ngụy - Tấn - Nam Bắc triều là vì vậy. Cuối thế kỷ 6, Tùy (họ Dương) thống nhất Trung Quốc về một mối nhưng chỉ tồn tại 37 năm, nhà Đường (họ Lý) lật đổ và thay thế (618-905), đây là thời đại hoàng kim của chế độ phong kiến Trung Quốc. 907- 960 là thời Ngũ Đại - Thập Quốc: Ngũ đại là Hậu Lương. Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu ở phía Bắc. Ở phía Nam là 9 nước Ngô, Nam Đường, Ngô Việt, Tiền Thục, Hậu Thục, Nam Hán, Sỡ Mân, Nam Bình, cùng với Bắc Hán là 10 nước, sử gọi là Thập quốc. Triệu Khuông Dẫn thống nhất Trung Quốc, lập ra nhà Tống (960-1212), đầu tiên gọi la Bắc Tống (960-1127), sau rợ Kim tàn phá nên dời đô xuống phía Nam gọi là Nam Tống. Thành Cát Tư Hãn (1162- 1227) xâm lược Trung Quốc, lập ra nhà Nguyên (1260-1368), chính quyền ngoại bang đầu tiên. Chu Nguyên Chương lãnh đạo nông dân khởi nghĩa lật đổ nhà Nguyên, lập ra nhà Minh (1368-1644). Cuối đời Minh triều đình suy yếu khởi nghĩa nông dân nổ ra liên tục. Lý Tự Thành lãnh đạo khởi nghĩa thành công nhưng Ngô Tam Quế phản, mở cửa cho người Mãn Châu vào cướp đoạt thành quả khởi nghĩa, lập ra nhà Thanh (1644- 1912). Chính quyền ngoại bang thứ hai.. Đây là triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Hoa. Nhìn chung, lịch sử Trung Hoa có những đặc điểm sau: - Trung Quốc là một trong những cái nôi văn minh sớm nhất của nhân loại, nhiều phát minh thời cổ đại của nhân loại phải ghi công người Trung Quốc. Theo nhận xét của một nhà khoa học người Mỹ trong cuốn China, Land of Discovery and Invention (Trung Quốc, xứ sở của phát kiến và phát minh) thì "Có lẽ tới hơn một nửa số phát ninh và phát kiến quan trọng được lấy làm nền tảng cho sự phát triển của thế giới ngày nay đều xuất xứ từ Trung Quốc" đặc biệt là những phát kiến trong nông nghiệp như kỹ thuật trồng cây thành luống, làm cỏ nhiều lượt, gieo hạt thẳng hàng, lưỡi cày sắt... Ngoài ra người
  • 5. Trung Quốc còn có 3 phát minh lớn: giấy viết, nghề in, thuốc súng và la bàn nam châm. Thời Tấn đã xuất hiện hệ thống cân đo, thời Hán số pi đã được phát hiện... - Người Trung Quốc đi trước về sau: đời Đường văn hóa Trung Quốc cao nhất thế giới, nhưng sau đó thì phát triển chậm chạp, đến thời cận đại thì trở nên lạc hậu. - Chế độ phong kiến kéo dài (21 thế kỷ) đã kìm hãm sự phát triển của xã hội. Đó là chế độ phong kiến kiểu tông pháp thị tộc (theo chiều dọc của dòng họ chứ không phải thành bang dân chủ như phương Tây) lại do Nho giáo thống trị (lấy đức làm đầu, đào tạo nền giả chứ không phải tự giả, chủ trương sĩ, nông, công, thương, trọng nông ức thương), tư tưởng kém giải phóng, khoa học thực nghiệm kém phát triển, vì thế sự lạc hậu, trì trệ kéo dài. - Cách mạng tư sản nổ ra quá muộn, lại non yếu, què quặt. A.3. CÁC THỜI KỲ VĂN HỌC Khó có thể tìm thấy nền văn học nào có quá trình phát triển lâu dài mà liên tục như Trung Quốc. Lịch sử nền văn học ấy qua 25 thế kỷ là một đại dương của vô số tác phẩm mà nhiều nền văn học khác hợp lại cũng chưa thể sánh nổi. - Văn học tiên Tần: + Thơ: Kinh Thi, Sở Từ. + Văn: Văn nghị luận của các triết gia (tản văn chư tử) + Văn ký sự thời Xuân Thu. (tản văn lịch sử) - Văn học từ đời Tần- Tuỳ: + Thời Tần-Hán (chủ yếu là đời Hán vì Tần chỉ tồn tại 15 năm): Thơ ca Nhạc phủ: được xem là Kinh thi của đời Hán, là tập hợp thơ ca dân gian. Sử ký Tư Mã Thiên, Phú Tư Mã Tương Như (đời Hán) +Thời Ngụy:Thơ Kiến An thất tử và ba cha con họ Tào.
  • 6. + Thời Tấn: Văn chương hình thức chủ nghĩa nhưng có một nhà thơ khác lạ: Đào Tiềm. + Nam Bắc triều: Chiến tranh liên miền nên văn học không phát triển, nhưng lý luận phát triển: Lưu Hiệp, Chung Vinh. - Văn học đời Đường: tất cả các thể loại đều phát triển, nổi bật nhất là thơ Đường và tiểu thuyết truyền ký đời Đường. - Văn học đời Tống: Thơ Tô Đông Pha, Lục Du. Học “Đường(2)- Tống(6) bát đại gia", Từ. - Văn học đời Nguyên: văn xuôi không phát triển nhiều duy chỉ có một loại: ca kịch. Học tập kịch Quan Hán Khanh, Vương Thực Phủ. - Văn học đời Minh- Thanh: tiểu thuyết cổ điển, Tuồng Thang Hiển Tổ. - Văn học cận đai: Lương Khải Siêu. - Văn học hiện đại: Lỗ Tấn, Quách Mạt Nhược, Tào Ngu, Mao Thuẫn. - Văn học đương đại: Trương Hiền Lượng, Giả Bình Ao (Đại lục), Kim Dung (Hồng Kông), Quỳnh Dao (Đài Loan). A.4. VÀI NÉT VỀ VĂN HỌC NGUYÊN THỦY CỦA TRUNG QUỐC. Văn học Trung guốc là một trong những nền văn học cổ nhất trên thế giới. Từ hơn 3000 năm trước đã xuất hiện nhiều bài thơ ca ngắn, thần thoại và truyền thuyết. Tuy vậy, cho đến nay chưa có một công trình nào sưa tập đầy đủ và có hệ thống mảng văn học dân gian của Trung Quốc (giải thích: có nhiều lý do, có lẽ là do ngày xưa xã hội Trung Quốc không coi trọng mảng văn học truyền miệng, cho là không có giá trị. Hoặc là tầng lớp nho gia rất thực tế, cho thần thoại truyền thuyết là tưởng tượng, không thực tế nên không sưu tầm, hay văn học Trung Quốc bắt nguồn từ phương Bắc, người phương Bắc thực tế, không thích lãng mạn, bay bổng nên không đánh giá cao thần thoại) 1. Thơ ca: một số bài trong các sách thời Chiến Quốc (-480 đến -221) như Thượng Thư, Lã Thị Xuân Thu, Sử ký Tư Mã Thiên... Ba bài được xem là cổ nhất là Kích nhưỡng ca, Khanh Vân ca và Nam Phong ca, tuy vậy
  • 7. những bài thơ này do truyền miệng nên có lẽ đã được người đời sau trau chuốt lại nên tình điệu rất giống thơ Sở Từ. 2.Thần thoai: một số truyện trong bộ Sơn hải kinh, Trang tử, Liệt tử (Chiến quốc), Hoài nam tử (Hán). Qua một số truyện như Tinh Vệ lấp biển, Khoa Phụ đuổi theo mặt trời, Nữ Oa luyện đá vá trời... Tuy ít nhưng thần thoại Trung quốc cũng mang đầy đủ những đặc điểm của thần thoại: vừa thực tế (xuất phát từ hiện thực, xã hội), vừa lãng mạn, bay bổng. Nó mang cái đẹp hồn nhiên, chất phác, mộc mạc của con người nguyên thủy, nói lên những nhận thức ấu trĩ của con người về vũ trụ, tự nhiên, phản ánh ước mơ chinh phục và gần gũi với thiên nhiên. Thần thoại Trung Quốc thường ngắn, gọn, rõ ràng, ít hình ảnh, ít chi tiết, sức tưởng tượng như thần thoại phương Tây. Nhân vật cũng không có nguồn gốc, phả hệ như thần thoại Hy Lạp. Nói chung là chưa có sức hấp dẫn nghệ thuật cao, tuy vậy vẫn là nguồn vốn quý giá cho các nhà sáng tác sau này (ví dụ: truyện Nữ Oa luyện đá vá trời: những viên đá của bà trải qua mấy ngàn năm trở thành hòn đá sau là Giả Bảo Ngọc trong Hồng Lâu Mộng...) - Truyện Tinh Vệ lấp biển: Trên ngọn núi Phát Cưu, cây cối mọc um tùm xanh tốt. Có một con chim anh dạng tựa giống con quạ nhưng đâu có vằn, mỏ trắng, chân đỏ, gọi là chim Tinh Vệ vì nó thường kêu “tinh vệ!", “tinh vệ!". Chim này vốn là con gái nhỏ của Viêm đế tên Nữ Oa. Nữ Oa đi chơi ở biển Đông gặp nước dâng to, bị chết đuối không về được mới hóa thành chim Tinh Vệ. Ngày ngày, Tinh Vệ bay lên ngọn núi phía Tây, nhặt từng viên đá ngậm vào mỏ đem thả xuống như để lấp kín biển Đông" -> niềm khát khao của con người muốn chiến thắng nạn lũ lụt, chinh phục thiên nhiên. Hình ảnh con chim miệt mài lấp biển có lẽ muốn nói đến tinh thân kiên trì nhẫn nại của con người. - Truyện Khoa Phụ đuổi theo mặt trời. Người nguyên thủy ở hang rất sợ bóng tối, sợ lạnh giá, rắn rết. Họ muốn níu kéo mặt trời lại chiếu sáng và sưởi ấm họ mãi mãi: “Trên ngọn núi Thành Đô có một vị thần tên là Khoa Phụ, hình dáng kỳ lạ, hai tai đeo hai con rắn vàng, hai tay quấn hai con rắn vàng. Khoa
  • 8. Phụ đuổi theo mặt trời đuổi mãi mà chẳng kịp. Khát nước, uống một hơi cạn cả sông Hà sông Vị, vẫn chưa hết khát, lại uống khô cả đầm Đại Trạch. Thế mà vẫn không kịp mặt trời. Cuối cùng Khoa Phụ khát quá ngã xuống chết, cây gậy cầm tay quăng ra bỗng hóa thành một vườn cây xanh tươi”. Chi tiết cuối cùng thật lãng mạn. 3. Truyền thuyết: Thần thoại là truyện hoàn toàn hư cấu và thiên về hiện tượng tự nhiên còn truyền thuyết là truyện có một chút dấu vết lịch sử rồi gia cố thêm, chủ yếu nói về hiện tượng xã hội. Ví dụ như truyện về Tam Hoàng, Ngũ Đế, về Phục Hy, Thần Nông, về Đế Cốc, Đế Nghiêu, Thuấn, truyện nhường ngôi của Nghiên Thuần, truyện Nghiêu gả Nga Hoàng và Nữ Anh cho Thuấn những truyền thuyết này phần nào mang ý nghĩa dã sử. Phần B. CÁC THỜI KỲ VĂN HỌC Chương 1. VĂN HỌC TIÊN TẦN-KHỞI NGUYÊN CỦA VĂN HỌC VIẾT TRUNG HOA Văn học tiên Tần là khởi nguồn của dòng sông văn học Trung Hoa, là móng nền vững chắc cho tòa nhà văn học Trung Quốc. Giai đoạn này rất quan trọng. Không phải sự mở đầu nào cũng non nớt, ấu trĩ mà rất tiêu biểu, có ảnh hưởng đến các giai đoạn sau và các nước trong khu vực. Ba thành tựu nổi bật: 1. Kinh thi. (3 tiết) 2. Sở từ. 3. Tản văn thời Chiến quốc. I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ XÃ HỘI. Cuối đời Ân Thương (-1100), bộ tộc Chu nổi lên ở vùng lưu vực sông Vị Thủy (tỉnh Thiểm Tây), có thế mạnh về nông nghiệp, dần dân phát triển hùng mạnh. Đến giữa thế kỷ 11 trước Công nguyên, Chu Vũ Vương lật Thương lập ra nhà Chu, thay thế chế độ nô lệ bằng chế độ phong kiến phân quyền, cải
  • 9. tiến quan hệ sản xuất, thi hành chế độ tỉnh điền (chia đất ra 9 khu, hình chữ "tỉnh", mỗi nhà lãnh một khu chung quanh, và chung nhau cày cấy khu giữa cho nhà vua), đời sống nhân dân được cải thiện, kinh tế nông ngiệp được đẩy mạnh, đồ đồng được sử dụng khá nhiều. Đến thời Đông Chu (-770), nhờ phát minh ra đồ sắt, công cụ lao động được cải tiến, sản xuất nông nghiệp càng phát triển. Từ đó, thương nghiệp bắt đầu hình thành và ngày càng phát đạt. Về chính trị thời Tây Chu. Vua Chu tự xưng là thiên tử. Thiên tử phong đất cho chư hầu. Giai đoạn đầu, chế độ đẳng cấp và tông pháp còn được duy trì, về sau, vương triều nhà Chu suy yếu, không khống chế được các nước chư hầu, nhiều nước lớn thôn tính nước nhỏ dẫn đến tình trạng chiến tranh liên miên không dứt. Thời Xuân Thu 242 năm có đến 483 cuộc chiến tranh lớn nhỏ. Thời Tây Chu có hàng ngàn nước, đến Xuân Thu còn hơn 100, đến Chiến Quốc còn 7 nước lớn là Tần, Tề, Sở, Yên, Ngụy, Triệu, Hàn. Chiến tranh càng khắc nghiệt, mâu thuẫn càng gay gắt, đời sống nhân dân khốn khổ hơn. Về tư tưởng và văn hóa, xã hội hình thành một giai tầng mới- sĩ tạo thành lực lượng quan trọng của hoạt động văn hóa xã hội đương thời. Đây là những tri thức có học vấn uyên bác, có người giỏi về chính trị, ngoại giao, có thể thao túng chính trị các nước, có người giỏi thiên văn, địa lý, tướng số (khoa học và mê tín lẫn lộn). Nhiều kẻ sĩ đã vận dụng tài năng, óc quan sát để ghi chép lại các chủ trương những biện pháp giải quyết tình hình xã hội, những quan điểm triết lý cao siêu... Từ đó nổi lên không khí "bách gia tranh minh" rất sôi nổi. Các học thuyết, học phái cũng xuất hiện: Phái Nho gia của Khổng- Mạnh chủ trương khôi phục chế độ chính trị thời Tây Chu, đề cao chế độ đẳng cấp (tư tưởng của tầng lớp quý tộc sa sút nhưng tích cực); phái Đạo gia của Lão-Trang phản đối văn minh tiến bộ, chủ trương về với thiên nhiên thuần phục đơn giản (quý tộc sa sút nhưng tiêu cực); Phái Mặc gia của Mặc Tử phản đối xa hoa, chủ trương hòa bình, kiêm ái (chủ trương của tầng lớp nông dân và thương nghiệp thủ công); phái Pháp gia của Thương Ửng, Hàn
  • 10. Phi chủ trương cai trị bằng pháp luật (giai cấp địa chủ mới lên)… Hoạt động của tầng lớp Sĩ có tác dụng tích cực thúc đẩy nền văn hóa và văn học đương thời. II. VĂN HỌC. 1. Kinh thi. (3 tiết) a) Khái quát. Trung quốc là đất nước "thi ca chi bang", người Trung Quốc rất yêu thơ (phương Tây cũng yêu thơ nhưng có lúc cũng chụp một vòng hoa vào đầu thi nhân rỏi đuổi ra khỏi thành phố (lấy ý từ câu nói của), còn người Trung Quốc thì ai cũng làm thơ, họ dùng thơ để lựa nhân tài, nói như Lâm Ngữ Đường: thơ là tôn giáo của người Trung Hoa thì Kinh thi là thánh điển của nền tôn giáo ấy... - Kinh thi là thành tựu văn học đầu tiên đánh dấu sự chuyển tiếp từ văn học truyền miệng sang văn học viết của Trung Quốc. Đây là tuyển tập thơ cổ gồm 305 bài được sáng tác cách dây 2500 năm vào khoảng thế kỷ 6 trước Công nguyên trong khoảng thời gian hơn 500 năm từ đầu Tây Chu (- 1100) đến giữa Xuân Thu (-600), đây là giai đoạn cuối nô lệ đầu phong kiến, chủ yếu là áp bức bóc lột kiểu nô lệ, lễ giáo phong kiến chưa ăn sâu như sau này. Nó là sáng tác của tầng lớp nhân dân lao động, một số ít của tầng lớp quý tộc và sĩ đại phu. Kinh Thi tiêu biểu cho nền văn hóa phương Bắc (cùng với triết học Khổng-Mạnh; Sở từ cho nền văn hóa phương Nam cùng với triết học Lão-Trang). - Kinh thi là gì? Chữ Kinh có hai nghĩa: kinh điển, nghĩa là chuẩn mực, Kinh thi là chuẩn mực của thơ ca; nghĩa thứ hai là đạo thường, đạo muôn đời, bất biến. Về sau, các sách vở nho gia dùng để dạy học trò đều được suy tôn là Kinh: Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Xuân Thu (về sau thêm Dịch là lục kinh). Như vậy Kinh thi là tên gọi do các nhà nho đặt ra, gọi thế vì thói quen chứ không có nghĩa khẳng định nó như kinh điển nho gia.
  • 11. - Biên soạn: có ba thuyết: + Do Không Tử biên soạn: trong sách Sử kỷ Tư Mã Thiên viết: từ 3000 bài Kinh thi, Khổng Tử soạn lại thành 300 bài để dạy học trò. Không đúng, vì trước Không Tử đã có quyển Kinh thi 305 bài. Nhưng Không Tử có san định và giải thích. Sách Luận ngữ có nhiều chỗ ghi lại những câu nói chứng tỏ ông rất coi trọng thơ, Kinh thi trước đấy chỉ dùng cho mục đích giải trí, trong các nghi lễ hoặc trình bày quan niệm xã hội, chính trị, về sau nhờ Khổng Tử đề cao mà trở thành tài liệu văn học, giáo dục của tầng lớp quí tộc, ông gắn nó với "tam cương": Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán, nhĩ chi sự phụ, viễn chi sự quân, đa thức ư điểu thú, thảo mộc chi danh" (thơ có thể làm phấn khởi ý chí, có thể xem xét việc hay dở, có thể hoà hợp mọi người, bày tỏ nỗi sầu oán, gần thì thờ cha, xa thì thờ vua, lại biết được nhiều tên chim muông, cây cỏ). "Bất học thi, dĩ vô ngôn" (Không học thơ thì không ăn nói được)... + Do các quan “thái thi” (thu nhặt thơ ca) đời Chu chọn lựa để dâng vua. Có một phần nhưng không phải tất cả. + Công lao chính là của các nhạc quan (quan coi âm nhạc) thu thập âm nhạc. Công lao chính là của nhiều thế hệ lưu truyền. Đến đời Tần, Kinh thi bị thiêu hủy cùng nhiều sách vở khác trong vụ “đốt sách chôn nho” của Tần Thủy Hoàng, đến đời Hán được sưu tập lại và truyền dạy chính thức cho đệ tử nho gia. Có nhiều dị bản Kinh thi được lưu truyền như Lỗ thi do Thần Bồi nước Lỗ truyền, Tề thi do Viêm Cố nước Tề, Hàn thi do Hàn Anh nước Yên. Mao thi do Mao Hanh nước Triệu), trong đó bản Mao thi được công nhận là tương đối chính xác và lưu truyền đến nay. Ba bản kia đến đời Tùy là mất hẳn. - Phân loại:Tiêu chuẩn phân loại là nhạc điệu (vì đời Chu thơ thường gắn liền với nhạc), thường chia làm 3 bộ phận:
  • 12. + Phong: còn gọi là Quốc Phong gồm 160 bài, là các bài dân ca của các địa phương và nước chư hầu và phần giá trị nhất trong Kinh thi chủ yếu là thơ ca dân gian, phản ánh cuộc sống hiện thực của nhân dân lao động. + Nhã: gồm Tiểu Nhã (nhạc khúc của quí tộc, sĩ đại phu gồm 80 bài, nội dung gần với Phong) và Đại Nhã (nhạc khúc triều đình gồm 25 bài, là sáng tác của quí tộc nhằm ca ngợi trời đất, vua chúa… + Tụng: 40 bài, tán tụng thượng đế, thần inh, dùng trong các cuộc tế lễ Cách chia trên không hoàn toàn chính xác vì trong nhã cũng có nhiều bài theo nhạc phong, trong phong lại cũng có bài của quí tộc... mà lại không nói lên được nội dung tác phẩm. Người ta thường theo cách chia mới: thơ ca quí tộc và thơ ca dân gian. Dân gian bao gồm hầu hết Phong, một phần Tiểu Nhã. Chúng ta chủ yếu học phần thơ ca dân gian. b) Nội dung. * Cuộc sống áp bức bóc lột và tinh thần phản kháng của nhân dân lao động. - Kinh thi là bức tranh nguyên vẹn cuộc sống của nhân dân bị áp bức dưới chế độ nô lệ, trong khi chủ nô thì ăn sung mặc sướng Những bài thơ nói về nội dung này là Thất nguyệt (tháng bảy: tuy mang dáng dấp một bài ca “nông gia lịch” (công việc nhà nông mỗi tháng) nhưng thể hiện cuộc sống đầu tắt mặt tối, khốn khổ quanh năm. Cái hay của bài là ở sự chiến thắng của nhân sinh quan người lao động, như công việc đã lôi cuốn họ, làm họ quên hết mọi khổ cực bất công, và trong thái độ lao động hồ hởi của họ, ta thấy rõ sự lạc quan (“văn học dân gian hoàn toàn xa lạ với chủ nghĩa bi quan”- Gorky) - Phu phen tạp dịch: hai phương thức bóc lột phong kiến cơ bản là địa tô và lao dịch. Người lao động thời kỳ tiền phong kiến này phải đi phu, làm tạp dịch cho lãnh chúa: Bảo vũ, quân tử vu dịch, Thức mị, Thỏ viên, Cát lũy... miêu tả cảnh cơ cực, nỗi đắng cay, lòng oán giận của nhân dân.
  • 13. - Tinh thần phản kháng: Nếu trong Thất nguyệt người lao động còn an phận thủ thường thì trong hai bài Phạt đàn và Thạc thử lòng oán hận đã bùng nổ. Người lao động đã chất vấn thẳng vào mặt bọn bóc lột, họ ý thức được nguyên nhân gây nên cảnh sống cực khổ của anh Phạt đàn: bài thơ có 3 đoạn, đầu mỗi đoạn đều miêu tả cảnh lao động vất vả của những người nông nô theo mức độ tăng tiến dần. Trong cảnh sống không lối thoát đó, họ bắt đầu hoài nghi (hoài nghi là đầu mối của sự phản kháng), tác giả thét lên phẫn nộ: Tai to mặt lớn ai ơi Bỏ ngay cái thói ngồi rồi ăn không. Đó là sự bùng nổ tất yếu của logic sự việc: tự việc tái hiện khung cảnh lao động khổ sai, đến hoài nghi về cảnh bất công ngang trái rồi chất vấn cảnh cáo bọn thống trị. Bài thơ láy đi láy lại 3 lần lời cảnh cáo bọn bóc lột, lòng căm thù như dồn nén lại, ý chí phản kháng hun đúc thêm. Điểm đáng nói là ở đây sự phản kháng đã bắn trúng đích: bản chất bọn thống trị là ngồi mát ăn bát vàng. Bài thơ là biểu hiện mạnh mẽ tinh thần phản kháng của quần chúng lao động thời cổ Về nghệ thuật, bài thơ có ưu điểm: thể hiện lối trùng chương điệp cú của Kinh thi để nhấn mạnh trọng tâm: cuộc sống cực khổ của người nô lệ và tâm tư phẫn uất. Thạc thử cũng giống như Phạt đàn nhưng không cỏn là ẩn dụ mà là minh dụ. Bọn chủ nô ở đây không được gọi là quân tử một cách mỉa mai mà gọi thẳng là con chuột. Về tư tưởng Thạc thử trội hơn, dứt khoát, mạnh mẽ hơn (không than vắn thở dài mà tỏ ý đoạn tuyệt muốn bỏ đi-đây là chỗ tiến bộ mà cũng là điểm hạn chế, ảo tưởng: ở đâu không có chuột? Tuy vậy, tư tưởng của họ không thể vượt quá thời đại bấy giờ sự phản kháng cao nhất của họ là bỏ trốn). Về hình thức cũng tận dụng lối trùng chương điệp cú. Đây là hai bài thơ tiêu biểu cho chủ đề chống áp bức bóc lột trong Kinh thi, thể hiện tinh thần chống đối mạnh mẽ, lịch sử đang bước những bước
  • 14. chân chậm chạp. Họ chưa tìm ra được phương thức đấu tranh, mãi đến 9 thế kỷ sau mới có cuộc nổi dậy của nô lệ đưa đến sự thành lập nhà Tần. Tinh thần phản kháng và đấu tranh của họ là động lực thúc đẩy lịch sử tiến tới. * Phản đối chiến tranh phi nghĩa Từ Tây Chu đến giữa Xuân Thu trong vòng 500 năm có hàng nghìn cuộc chiến tranh (Xuân Thu vô nghĩa chiến-Mạnh Tử), có 3 loại chiến tranh: chiến tranh bành trướng xâm lược, chiến tranh tranh giành đất đai giữa các lãnh chúa, chiến tranh chống sự xâm lược của ngoại tộc. Nhiều bãi thơ trong Kinh thi đã phản ánh cuộc sống điêu linh, tâm trạng đau buồn và thái độ phê phán, oán trách: Hà thảo bất hoàng (Cỏ nào chẳng vàng úa), Đông sơn (Núi Đông), Thái vi (Hái rau vi)-cảnh người lính trở về không phải trong khúc khải hoàn mà trong mưa sa gió táp buôn thảm, Kích cổ (Đánh trống)- sự chia ly tử biệt gây đau xót (Do lai chính chiến địa, bất kiến kỷ nhân hoàn- Lý Bạch), Trắc hỗ (Trèo lên đồ trọc)-người lính thương nhớ quê hương, tưởng tượng nghe tiếng than thở của người thân, Phỉ phong (Gió kia)… Cùng với chinh phu còn có chinh phụ: không phải là cuộc chia ly của giai cấp quí tộc “biếng cài trâm, vắng đưa thoi" như trong Chinh phụ ngâm mà đối vớii những người bình dân, người chồng ra đi còn gây khốn khổ cho gia đình, đe dọa cuộc sống vợ con... Có thể nói Kinh thi là ngọn nguồn của thơ ca phản chiến thời cổ đại Trung Quốc. * Thơ nói về tình vêu, hôn nhân. 1. Những bài thơ trong sáng, đẹp đẽ, táo bạo, thẳng thắn, chân thật nhất trong Kinh thi là nói về tình yêu trong lao động. Từ Tần về sau, đạo đức của chế độ phong kiến chuyên chế và chế độ tông pháp gia trưởng, khó có thể tìm thấy hình ảnh những cô gái chủ động, tinh nghịch, tươi vui, dí dỏm như trong Kinh thi, những cô gái gọi người yêu là “chú bé kháu khỉnh” (Giảo đồng), rủ người yêu đi trẩy hội, tặng hoa cho người yêu dưới ánh nắng xuân (Trăn vĩ, yêu cầu người yêu hát giữa đất trời gió lộng (Thác hề) bắt người yêu
  • 15. lội qua sông rộng (Khiên thường), hẹn người yêu đến rồi trốn đi để cuộc hẹn hò thêm xao xuyến, hồi hộp, nhớ mong (Tĩnh nữ)... Tình yêu của người lao động không có cái kiểu cách quí tộc như Thôi Oanh Oanh, cái suy tính của giai cấp bóc lột như Tiết Bảo Thoa... nó phản ánh nhân sinh quan lành mạnh của người lao động. Mở đầu Kinh thi là bài Quan thư nổi tiếng. Đó là bài áp quyển (để lên đầu vì hay). Khổng Tử khen: “Quan thư vui mà không sa đà, buồn mà không thảm thương", nghĩa là đúng mức, hợp đạo trung dung. Bài thơ có năm chương thể hiện một chàng trai theo đuổi một cô gái trẻ đẹp. Nghe tiếng chim cưu gọi nhau, anh ta mơ tưởng đến cô gái, rồi nhớ thương, trằn trọc, rồi tưởng tượng đến ngày cưới... Điểm quan trọng của bài thơ, đó là tình yêu bắt nguồn từ lao động. Chàng trai cảm cô gái qua cái đẹp uyển chuyển, khéo léo của cô gái khi cô đang hái rau hạnh. Quan thư hay còn vì cách tỉ (tiếng chim gù ví với sự quyến luyến của đôi lứa), hứng (từ tiếng chim đến tiếng lòng). Tác giả đã từ xa đến gần, từ vật đến người, từ ướm đến hỏi, làm ta liên tưởng đến bài ca dao Cô kia tát nước đầu đình của VN. Cùng một chủ đề như thế là bài Tĩnh nữ, so với Quan thư đã tiến thêm một bước trong cung bậc tình yêu. Ở Quan thư là sự nhớ mong của người con trai, còn ở đây là người con gái hẹn gặp. Khổng Tử không đề cao bài này vì người con gái chủ động (giống như bài Giảo đồng) Ca ngợi đời sống vợ chồng hài hòa, đầm ấm: Nữ viết kê minh (Vợ bảo gà gáy rồi), Đào yêu, Xuất kỳ đông môn... 2. Thế nhưng trong một xã hội đã có bóng dáng của phân biệt giai cấp, tư tưởng trọng nam khinh nữ, nam quyền thì Kinh thi cũng có những bài dựng lên sinh động hình ảnh người phụ nữ đau khổ. Mới đầu có thể chỉ là sự khắc khoải, chờ đợi tình yêu đến (Phiến hữu mai-Quả mai rụng). Sau đó tăng dần lên: nhớ người yêu nhưng sợ cha mẹ quở trách, dư luận xì xào (Nhớ anh Trọng tử), người phụ nữ bị chồng ruồng bỏ (Manh-chàng trai, Cốc phong-Gió đông), Bách chu (chiếc thuyền gỗ bách) là lời nguyền rủa hôn nhân bao biện,
  • 16. là khát vọng hôn nhân tự chủ. Cho nên Hồ Xuân Hương mới ví thân phận người phụ nữ là Chiếc bách buồn về phận nổi nênh Giữa dòng ngao ngán nỗi lênh đênh Tóm lại: thơ tình yêu chiếm quá nửa trong Kinh thi. Đó là những bài tình ca trong sáng, tươi mát, khẳng định hạnh phúc của tình yêu trong lao động. Tuy vậy, trong một xã hội bước đầu có những tư tưởng bất bình đẳng nam nữ, thì Kinh thi cũng là tiếng nói oán hờn lên án lễ giáo phong kiến ngăn cản tình yêu, hôn nhân tự do. c) Nghệ thuật 1. Điểm nổi bật của Kinh thi là phản ánh chân thật, sinh động. Lê QuíĐôn trong Vân đài loạt ngữ nói: "thơ phát khởi trong lòng người ta. Ba trăm bài thơ trong Kinh thi phần nhiều là của nông dân, phụ nữ làm ra mà cũng có những bài văn sĩ đời sau không theo kịp như thế là vì nó chân thực". Đại bộ phận trong Kinh thi là thơ trữ tình, tức là chú trọng diễn đạt nội tâm. Tính chân thực trong Kinh thi biểu hiện ở chỗ miêu tả tâm trạng chân thực. Các tác giả đã nói về cuộc sống, tình yêu của chính mình, những niềm vui, nỗi khổ, nỗi oán hờn, ước mơ của bản thân một cách mộc mạc mà chân thực, giản dị mà sâu sắc. Không có sự lạm dụng của các thủ pháp nghệ thuật tinh vi, bóng bẩy, vẽ vời. 2. Phú, tỉ, hứng là thủ pháp nghệ thuật nổi bật của Kinh thi, ảnh hưởng rộng rãi đến thơ ca sau này. Phú là phô bày, diễn tả, chỉ thẳng sự vật mà nói. Tỉ là so sánh, mượn cái cụ thể nói cái trừu tượng (Thạc thử) Hứng là khêu gợi, mượn sự vật bên ngoài để khêu gợi tình cảm bên trong, trước tả sự vật, sau tả lòng mình (Quan thư-từ tiếng chim gù đến tiếng lứa đôi, là tỉ mà cũng là hứng)
  • 17. 3. Về kết cấu, nổi bật là lối trùng chương điệp cú, các chương thường được lặp đi lặp lại nhưng mức độ cao hơn, sâu hơn do thay đổi một số từ. Điều đó một phần do sự chi phối của âm nhạc, và có cả vũ đạo. Phạt đàn, Thực thử khiến ta liên tưởng đến vừa hát vừa múa. 4. Văn điệu tự nhiên, không câu nệ số chữ, nổi bật nét dân ca, ca dao, tiết tấu uyển chuyển, du dương như có nhạc điệu. Kinh thi có ảnh hưởng sâu rộng đến các đời sau: điển tích sinh động phong phú: tang trung bộc thượng (trên bộc trong dâu) chỉ sự hẹn hò trai gái, đào yêu để chỉ người con gái ít tuổi, cù lao chín chữ: công lao cha mẹ, chiếc bách: thân phận người phụ nữ, cầm sắt: duyên vợ chồng... lối thơ 4 chữ bắt nguồn từ Kinh thi, các nhà lý luận, nhà thơ đời sau mỗi khi chống lại các loại văn học hình thức chủ nghĩa đều kêu gọi học tập Kinh thi (vì tính chân thực và hiện thực). Còn có thể xem Kinh thi là một loại “bách khoa toàn thư” mà nghiên cứu bất cứ mặt nào trong đời sống tinh thần và xã hội của Trung Quốc cổ đại đều không thể bỏ qua. 2. Sở từ. a) Giới thiệu chung về sở từ và khuất nguyên. 1. Nếu Kinh thi tiêu biểu cho văn hóa phương Bắc thì Sở từ tiêu biểu cho văn hóa phương Nam (về triết học: Khổng Mạnh phương Bắc, Lão Trang phương Nam. Đến đây nói qua một số điểm khác biệt giữa phương Bắc và phương Nam về địa lý, văn hóa... Phương Bắc Phương Nam - Địa lý: phía Bắc trên lưu vực sông Hoàng Hà - Khí hậu lạnh lẽo, khô khan, sản vật thưa thớt, nghèo nàn. - Tính tình: vì phải cố gắng kiếm ăn nên thiên về lý trí, hiện thực - Trên lưu vực sông Dương Tử. - Khí hậu ấm áp, cây cỏ xanh tươi, sản vật phong phú - Sống an vui, nhàn nhã: lãng mạn, thiên về tình cảm, ít thực tế
  • 18. - Phương Bắc trọng sự hùng mạnh, nghiêm túc (Hội họa có Lý Tư, bút pháp nghiêm cẩn) - Phương Nam trọng sự mềm mại, diễm lệ (Vương Duy bút pháp mềm mại. Chữ viết Vương Hy Chi tươi đẹp, phóng khoáng...) - Là bước phát triển mới so với Kinh thi, cùng với Kinh thi là hai viên ngọc quí giá có tác dụng khơi nguồn cho sự phát triển của thơ ca cổ Trung Quốc: “Mạc bất đồng tổ Phong Tao” (Thẩm ước thời Tề Lương) tức là không có thơ ca nào mà không cùng tổ tiên với Kinh thi (Phong) và Sở từ (Tao). Sở từ tiếp theo Kinh thi, cũng phản ánh sâu sắc hiện thực theo những nội dung xoáy sâu hơn và bằng một nghệ thuật trau truốt hơn. Kinh thi phản ánh những vấn đề xã hội chung chung, Sở từ có nhân vật, hình tượng cụ thể hơn. Kinh thi chủ yếu là thơ bốn chữ, ngôn từ giản dị trong sáng, Sở từ năm đến bảy chữ, ngôn từ hàm súc mỹ lệ, văn pháp cách điệu uyển chuyển, thường dùng trợ từ “hề”. - Thể hiện sắc thái địa phương rõ rệt: tác giả có tên họ, thân thế cụ thể. Giọng điệu, sự vật, tên đất, tên sông, cỏ cây hay hoa lá điều là đất của Sở. Mang đậm nét cá tính qua lí tưởng, cảnh ngộ, nhiệt tình… - Sở từ là tuyển tập thơ ca được Khuất Nguyên sáng tác theo một thể văn mới dựa trên cơ sở những ca dao dân ca nước Sở, người Hán gọi là thể Tao (vì thiên Ly Tao là tác phẩm tiêu biểu) hoặc Sở từ (lời ca nước Sở). 2. Khuất Nguyên (340-278 TCN). Khuất Nguyên tên Bình, Nguyên là tên chữ. Ông người nước Sở, sống vào nửa sau đời Chiến quốc, lúc tình trạng bảy nước Tần, Sở, Tề, Ngụy, Triệu, Hàn (3 nước này vốn là nước Tấn), Yên (thất hùng) đang xâu xé và đi vào giai đoạn quyết định, cũng là lúc nước Sở từ chỗ cường thịnh đi đến chỗ diệt vong. Dưới thời Sở Hoài Vương, từng được trọng dụng, làm đến chục Tả đỗ, chỉ dưới lệnh doãn (tương đương Tể tướng). Khuất Nguyên chủ trương đối nội bằng biện pháp hạn chế đặc quyền của bọn đại quí tộc, đối ngoại chủ trương liên Tề chống Tần (hợp Tung). Lúc bấy giờ trong 7 nước mạnh kinh thành hai phái khác nhau: phái hợp tung do Tô Tần khởi xướng, chủ trương liên hiệp các nước theo chiều
  • 19. dọc Nam Bắc ở phía đông để chống Tần, phía Tây; phái liên hoành do Trương Nghi khởi xướng, chủ trương liên hiệp các nước theo chiều ngang đầu hàng thỏa hiệp với Tần, tôn Tần là hoàng đế. Biết khai thác và làm nổi bật được thế mạnh của Tần nên đi đến đâu Trương Nghi cũng được hoan nghênh. Nhưng khi về nước thì mô hình lại thay đổi, Trương Nghi không được trọng dụng, sáu nước còn lại biết tin, lại quay sang chống Tần, tuy đường lối liên hoành không thành công trọn vẹn nhưng hoạt động của Trương Nghi cũng đã làm sứt mẻ khối hợp tung, tạo nên những bất hoà, nghi kỵ, và Tần, với những ưu thế sẵn có, tiếp tục phát triển mạnh. Rốt cuộc, năm 221 TCN, sau khi lần lượt thôn tính các nước lớn nhỏ, Tần Doanh Chính lên ngôi hoàng đế, thống nhất toàn lãnh thổ, lập nên chế độ phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Trung quốc, chấm dứt những cuộc chiến tranh "vô nghĩa chiến". Trở lại tình hình nước Sở, lúc đầu Sở theo đường lối hợp tung, sau Sở Hoài Vương ngư muội và bất lực, nghe lời những kẻ gian định như Tịnh Tụ, Cận Thượng, Hoài Vương dần dần bỏ rơi Khuất Nguyên, cách chức Tả đồ, thậm chí còn đày đi Hán Bắc. Sau khi Hoài Vương bỏ mạng ở đất Tần, Khoảnh Tương Vương nối nghiệp, tình hình chính trị nước Sở càng thêm rối ren, Khuất Nguyên lại bị đày xuống vùng Giang Nam và đến khi Sính đô bị quân Tần tấn công tận mắt thấy trăm họ điêu linh, tan tác, Khuất Nguyên nhảy xuống sông Mịch xa tự tử, tương truyền ông qua đời vào ngày 5.5 âm lịch, nhân dân thương tiếc ông và có nhiều hình thức tưởng nhớ ông đã trở thành tục lệ hàng năm trong dân gian. Tác phẩm Khuất Nguyên gồm thơ. từ, phú, gọi chung là Sở từ. Cửu chương gồm 9 bài: Tích tụng (Tiếc làm thơ), Thiệp giang (Qua sông), Ai Sính (Thương nhớ Sính đô), Trừu tư (Tỏ bày tâm sự), Hoài Sa (Nhớ Trường Sa), Tư Mỹ nhân (Nhớ người đẹp), Tích vãng nhật (Nhớ xưa), Bi hồi phong (Buồn nhớ gió), đặc biệt là bài Quất tụng (Ca tụng quýt), dùng vẻ đẹp của hoa, lá, quả quýt để biểu hiện phẩm chất trong sạch của mình (cách miêu tả ẩn dụ giống Ly tao), ông miêu tả chùm rễ cắm sâu vào đất để thể hiện tinh thần kiên
  • 20. định (giống như Nguyễn Trãi ca ngợi cây tùng "cội rễ bền, dời chẳng động". Cửu ca gồm 11 bài dân ca được Khuất Nguyên cải biên (Đông Hoàng Thái Nhất, Đông quân, Vân Trưng quân, Nông quân, Nông phu nhân, Đại tư mệnh, Hà bá, Thiếu tư mệnh, Sơn quỷ, guốc thương, Lễ hồn), nói về việc tế các thần mặt trời, núi, mây, nữ thần sông Tương, thần coi việc sinh con... đặc biệt có bài Quốc thương (Hồn tử sĩ) có âm hưởng văn tế các chiến sĩ trận vong.Thiên vấn là một bài thơ độc đáo viết theo thể thơ 4 chữ gồm trên 170 câu hỏi về đủ các vấn đề tự nhiên, xã hội, qua đó có thể thấy kiến thức uyên bác, khuynh hướng tư tưởng khai sáng của nhà thơ, cũng là dấu ấn của thời đại “trăm nhà đua tiếng” b) Ly tao-tác phẩm du tiêu biểu nhất của khuất nguyên và của sở từ. 1. Ly tao gồm 373 câu, 2490 chữ, là bài thơ trữ tính cá nhân đầu tiên, thiên trường thi đầu tiên trong lịch sử thơ ca Trung Quốc. Có 3 cách giải thích nghĩa tên bài thơ: Lo buồn trong chia ly (Ly tao giả, ly ưu giả- Tư Mã Thiên), Gặp phải điều lo âu (Ban Cố), buồn bực (Du Quốc An), như vậy có thể xác định Ly tao được sáng tác lúc nhà thơ bị vua Sở ruồng bỏ, có nghĩa là nỗi đau buồn chia ly, ở đây là của ly với Sở vương, với Sính đô và nước Sở. 2. Cảm hứng chủ đạo: Ly tao là thơ trữ tình, tác giả bộc bạch tâm sự. Ở đãy tác giả nói đến lịch sử, hoa thơm cỏ lạ, thế giới thần tiên... nhưng đó chỉ là mượn ngoài để nói trong, mượn người để nói mình. Mọi hình ảnh trong Ly tao đều nhuốm chung một cảm hứng, đó là: Nỗi niềm cay đắng khi khát vọng làm giàu mạnh cho đất nước bị vùi dập, nhân cách bị bôi nhọ song song đó là tinh thần bất khuất quyết không bỏ chính thay tà, bỏ trong thay đục, thà chết để bảo toàn khí tiết. 3. Bài thơ chia làm 3 phần: Phần 1: nặng về tả thực, trình bày gia thế và sự ra đời đẹp đẽ của mình, sự tu dưỡng bản thân và hoài bão to lớn muốn xây dựng đất nước. Tiếp theo đó là những vấp váp của nhà thơ trên con đường chính trị do sự mù
  • 21. quáng của nhà thơ và sự xúc xiểm của bọn nịnh thần. Tuy vậy nhà thơ vẫn kiên trì với lý tưởng của mình. Phần 2: đậm màu sắc lãng mạn, nhà thơ lên đường đi tới tương lai tươi sáng, thổ lộ tâm sự trong đền vua Thuần, rồi ra đi khắp nơi tìm kiếm người bạn lòng, tìm đến những thế giới hư ảo nhưng đều thất bại. Phần 3: Nhà thơ đi tìm thầy bói. Mâu thuẫn trong tâm trạng nhà thơ: Linh Phân khuyên Khuất Nguyên bỏ nước Sở mà đi song Vu Hàm khuyên nán lại chờ đợi. Nhìn thực tế ngày càng tồi tệ của nước Sở Khuất Nguyên quyết định dứt áo ra đi nhưng tâm tư vẫn xót xa, dằn vặt. Vừa mới lên đường, nằm lại quê hương, nhà thơ không thể cất bước. Và Ly tao cũng kết thúc tại đây, đúng lúc nỗi đau khổ của nhà thơ đã đến độ tột cùng, mâu thuẫn dường như đã đến chỗ bế tắc (rời quê hương thì không đành, ở lại thì không ai hợp chí hướng) nhưng thực chất đã được giải quyết viên mãn trên cơ sở lòng yêu nước nông nàn, ông chỉ còn con đường "theo chân Bành Hàm" để giữ trọn khí tiết, đó cũng là dự cảm về một kết thúc bi ai của cuộc đời nhà thơ. Một số học giả đời Thanh lại có cách chia khác. Họ chia Ly tao làm 2 phần, phần trên là thực (có hư), phần dưới là hư (có thực). Rõ ràng thế giới hư ảo chỉ là cái bóng của thế giới hiện thực. Thất bại trong hư ảo là sự phản ánh độc đáo thất bại trong hiện thực. 4. Giá tư tư tưởng: Ly tao thể hiện đầy xúc động bi kịch Khuất Nguyên. Đó là bi kịch của một nhà chính trị sáng suốt nhưng không gặp thời, là bi kịch của một nhân cách cao cả không chịu vướng bùn nhơ thế tục. 5. Giá trị nghệ thuật. -Thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ độc đáo của Ly tao là khoa trương mạnh mẽ, nhân cách hóa và đặc biệt là ẩn dụ, tỷ dụ rất nhiều (chăm lo tu dưỡng tài năng thì nói là uống sương sa, ăn hoa quí, khoác hoa thơm cỏ lạ lên mình cho thêm đẹp thêm xinh; đào tạo người tài giỏi cho đất nước thì nói là chăm bón vun xới hoa huệ, hoa lan; trung với vua thì nói là chung thủy với người yêu; trách vua trước trọng dụng sau ruồng bỏ thì nói là người yêu thay dạ đổi
  • 22. lòng....). Bài thơ mang màu sắc lãng mạn rất rõ thông qua hàng loạt chi tiết thần thoại, truyền thuyết, nhân vật lịch sử, thầy bói, mây, núi, sông, hoa cỏ thú vật đã tạo nên một bài thơ hoàn chỉnh, tráng lệ. Đọc Ly tao như bước vào một rừng hình ảnh nhưng không rườm rà mà liên kết, nhất quán chạy suốt bài thơ. Đất Sở thịnh hành Vu giáo, vì thế không ngạc nhiên khi Sở từ mang màu sắc thần thoại sâu đậm, thời đại Khuất Nguyên, người Sở vẫn còn chìm đắm trong một thế giới thần thoại + tưởng tượng ly kỳ + tình cảm nồng cháy. - Hiếm có bài thơ nào xúc động hàng bao thế hệ độc giả như ly tao, mỗi chữ là một tiếng thở dài, mỗi giọt nước mắt, đó là những dòng thơ gan ruột, chân thành, tha thiết. Lý Bạch nói: Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt. Sở vương đài tạ không sơn khâu. (thơ từ Khuất Nguyên vẫn sáng cùng mặt trăng, mặt trời. Còn lâu đài của vua Sở đà biến thành gó hoang) Không chỉ đối lập hai loại nhân cách mà còn khẳng định cái trường cửu của văn chương nghệ thuật khi nó đạt đến chân thiện mỹ. c) Kết luận - Xét về địa vị, Khuất Nguyên là nhà chính trị, nhưng với thành tựu sáng tác, ông được đời sau thừa nhận là bậc thầy thơ ca. Ông là người mở đầu cho thơ trữ tình lãng mạn của Trung Quốc. Ly tao trở thành biểu tượng của thơ ca (nàng Ly tao, Tao đàn). Những thi nhân đời sau có cá tính và xúc cảm mạnh mẽ như Lý Bạch đều nhận được sự gợi mở của Khuất Nguyên: khoáng đạt, tráng lệ, không gian mở rộng... - Ảnh hưởng của ông đối với đời sau không phải chỉ bằng thơ mà còn bằng cả nhân cách, đạo lý làm người. Ông ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà thơ cổ điển Việt Nam (Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Cao Ba quát..., đặc
  • 23. biệt là Nguyễn Du. Hai lần đi sứ Trung Quốc, Nguyễn Du đều viếng Khuất Nguyên và làm tất cả 5 bài thơ Tịnh Khuất Nguyên: Bất thiệp Hồ Nam đạo An trí ương thủ thâm, Bất độc Hoài sa phú An thức Khuất Nguyên tâm Khuất Nguyên tâm, long giang thủa Thiên thu, Vạn thu thanh kiến để. (Không đi qua đường Hồ Nam, Làm sao biết sông Tương sâu Không đọc bài phú Hoài Sa, Làm sao biết được tấm lòng Khuất Nguyên Lòng dạ Khuất Nguyên trong suốt như nước sông Tương Ngàn vạn năm vẫn nhìn thấy đáy) - Năm 1953 toàn thế giới đã kỷ niệm 2230 năm sinh Khuất Nguyên. Nhân dân thế giới đã xem tác phẩm của ông như một thành quả chung của nhân loại. 3. Văn xuôi- tản văn thời chiến quốc. Về thơ ca có hai thành tựu lớn là Kinh khi và Sở từ thì về văn xuôi cũng có sự phát triển rực rỡ. Bộ phận này được chia thành hai loại: Tản văn lịch sử và tản văn chư tử. a) Tản văn lịch sử. (Văn ký sử) Là các tác phẩm ghi chép, trình bày các sự kiện lịch sử song có giá trị văn chương. Cuối thời Xuân Thu đầu thời Chiến Quốc mới bắt đầu có người thu thập, chỉnh lý biên soạn những trước tác lịch sử. Bộ đầu tiên là Xuân Thu do
  • 24. Khổng Tử biên soạn, ghi chép các sự việc từ khoảng -722 đến -480, văn phong ngắn gọn, súc tích nhưng chỉ là những tác phẩm sử học. Phải đến các bộ Tả truyện, Quốc ngữ, Chiến quốc sách... mới được xem là thành tựu văn học. - Tả truyện, là tên viết tắt của Tả Thị Xuân Thu truyện được viết theo biên niên, Quốc ngữ viết theo từng nước. Do Tả Khâu Minh người nước Lỗ dựa vào bộ Xuân Thu và một số sử liệu khác viết ra, những sự kiện lịch sử trong gần 3 thế kỷ được tái hiện khéo léo và chân thật, đó là những cuộc chiến tranh phức tạp và ác liệt nhằm tranh bá đỗ vương và thôn tính lẫn nhau của bọn vua chúa các nước chư hầu, tác phẩm ít khi miêu tả cảnh chiến trường mà chú ý nhiều hơn đến quá trình chuẩn bị cũng như nêu hậu quả của nó, đặc biệt là chú ý phản ánh tính chất chiến tranh và những nỗi đau khổ của dân chúng. Cách trình bày sự việc rất khéo, rõ ràqng mà không vụn vặt, cô đọng mà uyển chuyển, đặc biệt hấp dẫn là miêu tả những trận đánh. Qua đó nêu bật tính cách nhân vật: Trận Tề và Lỗ ở Trường Thược (nhân vật Tào Uế), Trận Sở và Tống ở sông Hoành (Tử Ngư), Trận Tần và Tấn ở Hào Sơn (Kiển Thúc)... Tả truyện đạt được hiệu quả "không tả biển lớn mà nghe tiếng sóng không vẽ núi cao mà thấy nhấp nhô" (ví dụ chỉ qua tiếng khóc tiễn con của Kiến Thúc ta thấy được bao điều: hình ảnh một hiền thần dũng cảm, có tầm nhìn xa trông rộng, tính chất phi nghĩa của cuộc chiến do Tần phát động, tính quyết liệt của chiến tranh, sự thất bại thảm hại tất yếu của Tần...), đặt cơ sở cho loại tiểu thuyết như Tam quốc Chí diễn nghĩa đời sau. Tào Uế luận chiến được dạy ở bậc Sơ trung (trung học cơ sở) và Trận Hào Sơn được dạy ở bậc Cao trung (phổ thông trung học) của Trung Quốc -> nhiều bài học sinh động về chiến tranh bổ ích mà Tả truyện truyền lại cho hậu thế. - Quốc ngữ, bộ biệt sử đầu tiên của Trung Quốc. Ghi chép những sự kiện lịch sử quan trọng của một số nước thời Xuân Thu. Đây là công trình của
  • 25. một số người kế tiếp nhau hoàn thành vào thời Chiến Quốc. Quốc ngữ ít ghi sự việc, mà ghi nhiều những câu nói của một số nhân vật lịch sử. Nhiều đoạn văn khá hay, có ý nghĩa giáo dục. - Chiến Quốc sách: tác giả chưa biết, ghi lại những mưu kế, sách lược ngoại giao, chính trị mà các biện sĩ nêu lên cho các vua chúa đương thời, khẳng định vai trò kẻ sĩ trong đời sống kinh tế xã hội cuối thời Đông Chu. Giá trị nghệ thuật của bộ sách thể hiện ở việc khắc họa tính cách nhân vật: Phùng Noãn (còn đọc là Phùng Huyên) trong thiên Phùng Noãn làm thực khách của Mạnh Thường quân, Tô Tần với thuyết hợp tung, liên hoành... Tư Mã Thiên về sau chịu ảnh hưởng bộ sách này khi xây dựng một số nhân vật (Kinh Kha...): ở lối văn lưu loát phóng túng, uyển chuyển; vận dụng những chuyện ngư ngôn sinh động mà người Trung guốc ai cũng biết như "ngao cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi", "vẽ rắn thêm chân", “cáo mượn oai hổ”, “mất dê mới sửa chuồng”... b) Tản văn chư tử. (Văn nghị luận của các triết gia) Còn gọi là tản văn triết học. Sau Xuân Thu, xã hội Trung Quốc có nhiều biến đổi lớn do sản xuất phát triển, do sự rối ren của tình hình chiến tranh... Nhiều luồng tư tưởng đại biểu cho lợi ích của nhiều tầng lớp và giai cấp khác nhau xuất hiện, đây là thời kỳ sử gọi là Bách gia tranh ninh (trăm nhả đua tiếng), và Bách gia chư tử (một cách gọi khoa trương thực ra không có đến 100 nhà), nhờ vậy mà học thuật phát triển rất nhanh. Rất nhiều trước tác thể hiện sự tu dưỡng nghệ thuật khá cao của tác giả. Đáng chú ý có các bộ Luận ngữ, Mạnh Tử, Mặc Tử, Trang Tử, Tuân Tử, Hàn Phi Tử... - Luận ngữ. Luận ngữ tuy không phải là một bộ sách lớn, nhưng là một trong những bộ sách kinh điển của Nho gia, thái độ về cuộc sống quan niệm về tư tưởng mà nó thể hiện có một ảnh hưởng sâu rộng trong lịch sử văn hóa và tư tưởng của Trung Quốc. Sách gồm 20 thiên, viết theo thể ngữ lục văn xuôi thời cổ, ngôn ngữ nói miệng nên đơn giản, rõ ràng, ghi lại những lời nói và hoạt động của Khổng Tử cùng một số học trò của ông. Khổng Tử là người sáng lập ra đạo Nho. Tư tưởng của ông về cơ bản là bảo thủ (vì sinh ở
  • 26. phương Bắc). Ủng hộ lợi ích của tập đoàn quí tộc thống trị, tôn trọng đẳng cấp, mặt khác có điểm tiến bộ đó là: tôn trọng hiền tài, đưa ra những chính sách đúng đắn về giáo dục, nghệ thuật. - Mạnh Tử, cũng là bộ sách kinh điển của Nho gia, có tất cả bảy chương, do Mạnh Kha là học trò của Khổng Tử biên soạn. Phát huy những nội dung của Nho gia có cải cách chút ít cho hợp thời. Trong văn xuôi của chư tử đời Tiên Tần, sách Mạnh Tử và Trang Tử mang tính văn học rõ nét nhất. Về mặt nghệ thuật, có giá trị hơn Luận ngữ vì sử dụng nhiều ngụ ngôn, tỷ dụ, văn hùng biện, dí dỏm, giàu sức thuyết phục. - Mặc Tử, ghi lại học thuyết của Mặc Địch, người sáng lập ra phái Mặc gia, cạnh tranh ảnh hưởng với Nho gia đương thời. Xuất thân dân nghèo nên học thuyết của ông về cơ bản đại biểu cho lợi ích của tầng lớp nông dân, tiểu thủ công và thương nhân. Chủ trương của ông là: kiêm ái, tiết dụng, phi công... tiến bộ nhưng chỉ là ảo tưởng trong xã hội đương thời. Văn chương ông mộc mạc. chất phác, tự nhiên. Ông chủ trương “thượng chất” chứ không: thượng văn, cốt thực dụng, không cần hoa mỹ, vì thế đọc văn ông thấy rõ ràng, lý lẽ chặt chẽ, phân minh, khởi đầu cho lối văn biện luận sau này. - Trang Tử: Trang Chu soạn, sống cùng thời với Mạnh Tử, tiếp thu tư tưởng của lão Tử, tức là về mặt triết học đã nhìn thấy một số qui luật trong tự nhiên theo thuyết duy vật nhưng thô sơ. Về chính trị thì phủ nhận hiện thực, muốn quay về xã hội nguyên thủy. Bộ sác này là tác phẩm triết học nhưng không khô khan, nặng nề mà giàu ý vị văn học, ngôn ngữ trong sáng tươi đẹp, khoa trương mạnh bạo, ngụ ngôn sắc sảo. Sách Trang Tử chính là bộ sách tiêu biểu cho thành tựu cao nhất của văn xuôi Tiên Tần. Chương 2. VĂN HỌC ĐỜI TẦN-HÁN Chủ yếu là đời Hán vì nhà Tần chỉ tồn tại có 15 năm. I. BỐI CẢNH XÃ HỘI. (1 tiết)
  • 27. Năm 221 trước CN Tần tiêu diệt được Tề, thống nhất Trung Quốc, dựng lên vương triều phong kiến chuyên chế trung ương tập quyền đầu tiên trong lịch sử, nhưng nhà Tần chỉ tồn tại 15 năm, 3 đời vua, chánh sự hà khắc, thuế khóa nặng nề, khởi nghĩa nông dân nổi lên khắp nơi. Hạng Võ và Lưu Bang đã dựa vào các lực lượng khởi nghĩa để diệt Tần. Sau đó Lưu Bang lại diệt Hạng Võ. Lên ngôi hoàng đế. Lập nên nhà Hán. Nhà Hán bắt đầu từ năm 206 trước CN, chia làm hai thời kỳ: Tây Hán (- 206 đến 8 SCN) và Đông Hán (25-219), ở giữa là cuộc nổi lên rồi thất bại của Vương Mãng. Kinh tế Trung Quốc thời kỳ này phát triển khá mạnh: nông nghiệp có nhiều tiến bộ về công cụ, thủ công nghiệp phát đạt kích thích hoạt động thương mại, các thành thị buôn bán ngày một nhiều lên: Lạc Dương, Thành Đô, Lâm Truy, Dương Lịch... Về chính trị, nhà Hán sau khi ổn định trật tự xã hội ra sức xây dựng đế quốc Hán, tiến hành mở rộng biên cương, thôn tính nhiều bộ lạc và các nước nhỏ lân cận. Về văn hóa, vì là chính quyền chuyên chế nên có những biện pháp để bảo vệ và tăng cường sự thống trị của nó, tình trạng trăm nhà đua tiếng thời Chiến quốc không thể tồn tại nữa. Tần Thủy Hoàng khi tiến hành thống nhất văn tự, pháp lệnh, áo mão cũng tiến hành khống chế tư tưởng, sử thi các nước (trừ Tần), thi thư, sách vở đều bị đốt hết, 460 nho sinh bị đem chôn sống, ông muốn dùng chính sách ngu dân và luật pháp nghiêm khắc để thống trị đất nước. Khi nhà Hán lên thay, đã cho thu gom lại các sách đã bị đốt, thực chất chính sách mềm dẻo hơn là "bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật" của Đổng Trọng Thư, thực chất Nho học của Đổng khác với của Khổng Tử: duy trì và bảo vệ tuyệt đối quyền lực của nhà vua, hoàn toàn mang tư tưởng thống trị của nhà nước. II. TÌNH HÌNH VĂN HỌC.
  • 28. Thời đại nhà Hán chính là thời đại mà giá trị văn hóa bắt đầu được trọng thị. Văn học đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhân dân (sự xuất hiện của Hán phú là một thể loại hoàn toàn mang tính văn học, không dính đến sử, triết...). Sáng tác văn học rất hưng thịnh, số lượng dồi dào. Đã xuất hiện một nhóm người chuyên hoạt động văn học, dựa vào tài năng văn học mà được quan chức, lấy việc sáng tác văn học làm sự nghiệp chính. Đây là một đặc điểm nổi bật, hiện tượng này chưa từng có trong thời Tiên Tần (chỉ có nhà quân sự, ngoại giao... không có nhà văn. Khuất Nguyên là nhà chính trị), từ đây về sau hiện tượng này là bình thương. Từ đời Hán trở về sau, dạng thức văn học mang tính địa phương dần dần bị xoá mất, thay vào đó là dạng thức văn học mang tính toàn quốc và lấy kinh đô làm trung tâm. Sự hình thành một quốc gia trung ương tập quyền khiến cho văn nhân đời Hán có một tầm nhìn xa rộng hơn, từ đó sinh ra những tác phẩm lớn (chuyến đi của Tư Mã Thiên có ý nghĩa tượng trưng là vậy: ông có dịp đối diện không phải với các nước chư hầu mà là một thế giới hoàn chỉnh, rộng lớn, tự ý thức không gian và thời gian hoàn chỉnh như vậy mới có thể miêu tả hoàn chỉnh tác phẩm của mình, do vậy mà bộ Sử ký có quy mô chưa từng có, đó chính là sản phẩm của thời đại) Văn học Tiên Tần là nguồn cội của văn học Trung Quốc, có ảnh hưởng sâu xa, nhưng những thể loại thời này về sau ít dùng (thơ 4 chữ và thể Tao...) Đời nhà Hán xuất hiện nhiều thể loại văn học mới đặt nền tảng quan trọng cho đời sau: thơ ngũ ngôn, từ phú, ai điếu, tụng... Những thành tựu đáng chú ý của thời Hán là: - Phú. - Thơ ca nhạc phủ. - Sử ký 1. Phú.
  • 29. Hay còn gọi là từ phú, vì đây là hình thức thoát thai từ Sở từ, là một thứ văn thể đặc thù đứng giữa thơ và văn, lấy sư khoa trương và phô diễn làm đặc trưng, trong khi Sở từ tuy có nhân tố văn xuôi hóa nhưng văn là một loại thơ trữ tình, nồng nhiệt. Giả Nghi (201 - 169 TCN) là nhà phú giai đoạn chuyển tiếp với hai bài Điếu Khuất Nguyên phú và Phục điểu phú (phú chim bằng); Tư Mã Tương Như có nhiều bài phú nổi tiếng lưu danh (29 bài) nhưng thất truyền chỉ còn 6 bài: Tử hư phú, Thượng lâm phú, Đại nhân phú, Trường môn phú, mỹ nhân phú, Ai nhị thế phú. Hai bài đầu là sáng tác tiêu biểu của ông và xác lập thể chế, cấu trúc một bài phú điển hình. Các tác giả sau này cơ bản mô phỏng theo thể thức của hai bài nói trên, chỉ thay đổi đề tài và ngôn ngữ. Điểm nổi bật của hai bài phú nói trên là phô trương và hoa mỹ, điều này phản ánh tinh thần của thời đại. Thời Hán Võ Đế, vật chất, tài nguyên dồi dào, bản đồ Trung Quốc mở rộng, kinh tế phát triển... dục vọng bành trướng, vì thế những bài phú "khuyên trăm châm biếm một" của Tư Mã Tương Như cũng một mặt thuận theo dục vọng của giai cấp thống trị mà trở thành văn học bành trướng, một mặt lại tuân theo tư tưởng Nho gia tranh thủ nền tảng đạo đức "nhân nghĩa bề ngoài". Nội dung hai bài phú được triển khai bằng cách đối đáp qua một cái khung hư cấu: sứ giả nước Sở đi sứ nước Tề khoe với vị đại thần nước Tề về phong cảnh đất Sở, rồi vị quan nước Tề cũng không thua kém khoe non sông nước Tề hùng vĩ hơn. Bài phú dài hơn 4000 chữ chỉ để miêu tả chuyện đi chơi, săn bắn. Lấy đó làm trung tâm để bao quát tất cả núi, biển, cung điện, ngự uyển, rừng rậm, sản vật, chim muông, âm nhạc ca vũ, phục sức đồ dùng, tiệc tùng yến ẩm... tác giả đã dùng một ngòi bút khoa trương, ngôn từ hoa mỹ miêu tả một không gian vĩ đại tạo nên một bức tranh hoành tráng phong phú và một khí thế tráng lệ. Hai bài phú đã thể hiện một ý thức và kỹ xảo tu từ cao độ, hoàn toàn loại bỏ những từ ngữ giản đơn còn sót lại trong Sở từ. Về mặt hình thức câu, câu sáu chữ chỉ còn được dùng để trang sức cho những đoạn quan trọng, câu bốn chữ được dùng nhiều nhất chen với ba chữ và bảy chữ. Tuy vậy,
  • 30. ngôn ngữ được tu từ hóa cao độ khó tránh khỏi sự trúc trắc khó hiểu, khô khan nặng nề (ví dụ Cung oán ngâm khúc của ta), nhưng nếu bỏ những khuyết điểm đó thì đặc điểm cơ bản của phú cũng không còn tồn tại nữa. 2.Thơ ca nhạc phủ. (2 tiết) a) Tình hình chung về nhạc phủ. Đầu tiên nó chỉ cơ quan nhà nước (quan phủ) chủ quản về âm nhạc đặc biệt phát triển vào đời Hán Vũ Đế, nhiệm vụ cụ thể của nó bao gồm việc chế định nhạc phổ, huấn luyện nhạc công, sưu tập dân ca, sáng tác ca từ. Đặc biệt việc sưu tập dân ca phát triển rất mạnh, từ các địa phương trải rộng ra cả nước. Có bốn loại nhạc phủ đời Hán là: Giao miếu ca từ, Cổ súy khúc từ (quân nhạc), Tương hòa ca từ, Tạp khúc ca từ (nhũng tác phẩm đã bị thất truyền). Giao miếu là các nhạc chương do các văn nhân sáng tạo để dùng vào việc cử hành điển lễ của triều đình. Còn dân ca chủ yếu ở ba loại sau, nhất là trong loại Tương hòa. b) Thành tựu của nhạc vùng dân ca đời Hán. Nhạc phủ dân ca được xem là sáng tác trong dân gian, có sức sống mãnh liệt, nên có địa vị cao trong văn học sử Trung Quốc, thường được ví là Kinh thi thời Hán. Vì sao gọi là Kinh thi thời Hán, có một số đặc sắc của Kinh thi nhưng lại còn phát triển hơn, đó là: + Mang hơi hướng cuộc sống rất đậm đà, lần đầu tiên phản ánh rất cụ thể nỗi khó khăn và đau khổ trong cuộc sống hàng ngày của nhân dân tầng lớp dưới (lưu ý là các thể loại khác như Từ phú, Sử ký chỉ ghi chép một số giai cấp đặc thù, ít có nhân dân lao động). Chỉ có phần Quốc Phong trong Kinh thi có vài bài như Phạt đàn, Tháng Bảy... nhưng chỉ kể lại một cách khái quát, không cụ thể và sâu sắc. Còn trong nhạc phủ, nhiều bài rất mới mẻ: Phụ bệnh hành (Một người phụ nữ bị bệnh nặng, trước khi chết dặn chồng nuôi con đừng hắt hủi chúng. Nhưng sau khi bà chết, con đói, phải đi xin ăn, lại còn không biết mẹ đã chết nên khóc đòi mẹ, rất cảm động), bài Cô nhi hành (cô nhi con một gia đình giàu có, nhưng sau khi cha mẹ chết trở thành nô lệ
  • 31. trong nhà anh ruột và chị dâu của mình, chịu đựng gió sương phong trần "trên đầu đầy chấy, mặt mũi bám đầy bụi bặm, thế nhưng vẫn không được nghỉ ngơi. Anh cả bảo nấu cơm, chị dâu bảo chăn ngựa", "sáng sớm đi gánh nước, chiều tối mới về nhà", “mùa đông không áo ấm, mùa hè không áo đơn”...., đây là thực trạng của người dân tầng lớp dưới bấy giờ. -> Mở đầu cho một đặc điểm rõ rệt trong thi ca Trung Quốc, đó là phản ánh sự đau khổ trong cuộc sống. + Đặt nền tảng cho thi ca kể chuyện, từ trước chỉ là thơ trữ tình là chính. Khoảng 1/3 số nhạc phủ dân ca là thơ kể chuyện. Để phản ánh sâu sắc cuộc sống, không gì tốt hơn hình thức kể chuyện. Thơ kể chuyện trong nhạc phủ dân ca thương ngắn gọn, chọn lựa những sự kiện điển hình để biểu hiện, mâu thuẫn tập trung vào một điểm, khỏi trình bày dài dòng. Ví dụ bài Diễm ca hành (người làm thuê được chủ nhà vá áo giúp khiến ông chủ ghen ghét, người làm thuê than vãn thế này thì về quê sướng hơn, nhưng trở về thì làm gì, nếu không bị cuộc sống dồn ép thì họ đâu phải bỏ xứ ra đi? Tuy sự việc ngắn ngủi nhưng làm người đọc liên tưởng biết bao khó khăn vất vả của người lưu lạc), bài Thập ngũ tòng quân chinh càng nổi bật hơn (“thập ngũ tòng quân chinh, bát thập thuỷ đắc quy. Đạo phùng hương lý nhân: "Gia trung hữu a thùy", “Dao khán thị quân gia, tòng bách chủng luỹ lũy”. Thố tùng cẩu đậu nhập, trỉ tùng lương thượng phạn, thái quỳ trí tác canh. Canh phạn nhất thời thục, bất tri di. Xuất môn đông hướng khán, lệ lạc triêm ngã y. Dịch nghĩa: Mười lăm đi lính trận, tám mươi mới trở về. Trên đường gặp người quen: “nhà tôi còn ai kìa?”, "Xa trông ấy nhà ông, tòng bách và mộ buồn". Thỏ rừng chui lỗ chó, nóc nhà trĩ rừng bay. Sân giữa đầy lúa dại, giếng kia quỳ rừng bao. Giọt lúa để nấu cơm, hái quỳ để làm canh. Cơm canh đều chín cả, nhưng biết để dành ai? Ra cửa nhìn về đông, áo tôi lệ ướt rồi -> Bài thơ chỉ có 16 câu mà hàm lượng của nó rất lớn. 65 năm sống trong quân ngũ, lúc nào cũng nhớ quê hương, đến khi trở về thân nhân đã ra đi vĩnh viễn. Một lão già tóc bạc đối diện với ngôi nhà hoang vu đổ nát, cuộc sống thực là đau khổ.
  • 32. + Sự thể hiện sôi nổi, trực tiếp và nồng nàn, không như Kinh thi còn ôn hòa và khuôn khổ (có thế Khổng Tử mới khen ngợi chứ), còn thơ ca nhạc phủ diễn đạt rất mãnh hệt, dù là nói về chiến tranh, tình yêu, quê hương, đều dốc hết tình cảm không hạn chế (Tiếp thu của Sở từ). Ví dụ hai bài sau: Chiến thành nam: Chiến thành nam, tử quách bắc, dã tử bất táng ô khả thực. Vị ngã vị vô: “Thả vi khách hào! Dã tử lượng bất táng, hủ nhục an năng khứ tứ đào?”. Thủy thanh kích ích, bồ vĩ minh minh, hiếu kỵ chiến đấu tử, nô mã bồi hồi minh...". Dịch nghĩa: Đánh thành nam, chết quách bắc. Chết ngoài đồng không chôn, quạ ăn xác mất. Nhưng hãy giúp tôi nói với quạ: “Hãy khóc cho ngươi chiến binh tha phương này đi, chết ngoài đồng tất nhiên không được chôn. Vậy mớ thịt thối kia sao thoát khỏi mỏ nhà ngươi?”. Tiếng nước chảy róc rách, lau sậy mọc âm u. Người kỵ binh dũng cảm đã chết trận, còn con ngựa thì cứ mãi hí dài... -> chiến trường sau trận đánh quạ bay vần vũ tìm thi thể người chết kiếm ăn, diễn tả cảnh chiến tranh ác liệt và bi thương như vậy trong Kinh thi không hề thấy bóng dáng. Thượng tà: Thượng tà! Ngã dục dữ quân tương tri, trường mệnh vô tuyệt suy. Sơn vô lăng, giang thủy vi kiệt, đông lôi chấn chân, hạ vũ tuyết, thiên địa hợp, nải cảm dữ quân tuyệt!". Dịch nghĩa: Trời ơi! Em muốn được tương thân tương ái với chàng, kéo dài mãi mãi không bao giờ chấm dứt. Chỉ khi nào núi non sông cạn, mùa đông sấm nổ ầm ầm, mùa hè tuyết rơi lả tả, trời đất dính nhau làm một thì em mới tuyệt tình với chàng! -> Bài thơ giản đơn, nhưng có sức mạnh, nhân vật đã dùng 5 hiện tượng tự nhiên không thể xảy ra được để bày tỏ tình yêu mãnh liệt. Trong Kinh thi tình yêu bao giờ cũng lý trí, bình tĩnh. Đây là một nỗ lực đòi giải phóng tình cảm của nhân dân lao động. c) Mạch Thượng Tang và Khổng Tước Đông Nam Phi. Là hai tác phẩm ưu tú nhất trong dân ca nhạc phủ, cũng là tiêu biểu cho thơ kể chuyện. Mạch thượng tang: có một nguồn gốc sâu xa, phụ nữ trung Quốc hay đi hái lá dâu nuôi tằm vào mùa xuân, cũng là nơi trai gái gặp nhau hẹn hò, như
  • 33. bài Thập mẫu chí gian trong Kinh thi, câu thơ Tang gian bộc thượng (trên bộc trong dâu) ngụ ý chuyện trai gái là vì vậy. MTT còn có tên là Diễm ca La Phu hành, là một bài thơ vui viết về một cô gái đẹp tên là Tần La Phu (là tên gọi chung các cô gái đẹp thời nhà Hán) đang hái dâu tại Nam Ngung, mọi người trông thấy cô đều ái mộ: “Người đi đường thấy La Phu, đặt gánh vuốt râu nhìn. Thiếu niên thấy La Phu, lột nón sửa búi tóc. Người cày quên cả cây, người cuốc quên cả cuốc. Ai nấy quên giận hờn, chỉ ngồi ngắm La Phu. Sứ quân từ nam đến, năm ngựa đứng chần chừ… Sứ quân hỏi La Phu: “Chịu ngồi chung xe không?... La Phu dứt khoát từ chối và đem chồng mình ra khoe khoang…: “Sứ quân tự hữu phụ, La Phu tự hữu phu…” “Da dẻ sạch và trắng, hàm râu lại khá dài. Bước đi thực chững chạc, chầm chậm trong phủ riêng. Giữa nơi đông nghìn người, đều bảo chồng tôi xinh”, để từ chối dứt khoát lời tỏ tình của sứ quân. Tác giả bài thơ không có ý thể hiện theo hướng một cảnh tượng lãng mạn giữa đôi trai gái bất ngờ gặp nhau, mà muốn đi theo hướng luân lý đạo đức chính thống. Tác phẩm lấy tính lãng mạn để mở đầu câu chuyện, rồi lại lấy sự hài hước để kết thúc để tránh lối thuyết giáo đạo đức khô khan vô vị, vì thế thoả mãn tâm lý quần chúng. Bài thơ có ảnh hưởng lớn, những thi nhân đời sau như Tào Thực, Lục Cơ, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị có mô phỏng theo nó. Khổng Tước Đông Nam Phi: là câu chuyện có thật, toàn bài thơ dài 353 câu, 1765 chữ, là bài thơ kể chuyện dài hiếm thấy trong kịch gia tình thương thấy trong xã hội phong kiến. Tiêu Trọng Khanh thương yêu người vợ là Lưu Lan Chi nhưng mẹ của Tiêu lại không thích con dâu, mâu thuẫn ngày càng quyết liệt, mẹ mắng chửi thậm tệ rồi bắt cưới vợ khác. Tiêu bảo vợ về nhà một thời gian rồi sẽ tính. Thế nhưng khi về nhà lại bị người anh ruột ép nàng lấy người khác, quá bế tắc, Lưu Lan Chi quyết tìm đến cái chết. Tối trước khi đám cưới, Lưu và Tiêu ôm nhau tự sát. Hai nhà chôn chung họ vào một ngôi mộ. -> Bi kịch phản ánh số phận bi đát của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, không được quyền định đoạt số phận của mình. Thành công của bài thơ là miêu tả tâm lý sinh động, sử dụng thuần thục thể thơ 5 chữ, diễn tả tình
  • 34. yêu kéo dài vô tận kể cả khi chết (giống Romeo va Julliette), người đời sau rất yêu thích, nhiều tác phẩm dân gian chịu ảnh hưởng sâu sắc bài thơ này như Lương Sơn Bá- Chúc Anh Đài. 3. Sử Ký. (3 tiết) Phú của Tư Mã Tương Như va Sử ký của Tư Mã Thiên có chỗ giống nhau về mặt biểu hiện ý thức thời đại, nhưng như vậy không có nghĩa là về mặt tư tưởng nghệ thuật như nhau. Tư Mã Tương Như viết ra những bài phú phù hợp với ý thích của nhà vua, còn Tư mã Thiên trái lại duy trì được lập trường độc lập của một học giả, Sử ký chẳng những có một khí phách hùng hồn, phản ánh được áp lực của chế độ quân chủ chuyên chế đè nặng lên tư tưởng và văn hóa trong xã hội mà còn ý thức được mâu thuẫn xã hội phức tạp, thể hiện những ưu tư sâu sắc đối với xã hội và lịch sử của người cầm bút... là những điều mà Hán phú không thể có được. a) Tác giả Nếu như Khuất Nguyên viết Ly Tao bằng cả cuộc đời bi kịch phẫn uất của mình thì Tư Mã Thiên cũng viết Sử ký bằng cả cuộc đời căm hờn tủi nhục trong xã hội phong kiến bất công tàn bạo. Về cuộc đời Tư Mã Thiên có những điểm đáng chú ý sau đây: 1. Tư Mã Thiên (145-87 TCN) tự Tử Trường, quê quán thuộc Thiểm Tây ngày nay. Cha ông là Tư Mã Đàm, một học giả uyên bác, rất chú ý đến sự giáo dục con cái. Năm 10 tuổi theo cha lúc này là Thái Sử lệnh đến Trường An học với nhiều học giả nổi tiếng thời bấy giờ như Đang Trọng Thư, Khổng An Quốc...Tư Mã Đàm là một người hết sử chân chính, dũng cảm bảo vệ sự thật (ví dụ: nhà chép sử nước Tề vì chép việc Thôi Trữ giết vua nên bị Thôi Trữ chém, người em lên thay vẫn chép "Thôi Trữ giết anh là Trang Công", cũng bị giết, người em thứ ba lên thay vẫn chép thế, Thôi Trữ không dám giết nữa). Tư Mã Đàm có ý định viết sử nhà Hán, nhưng chưa kịp làm thì chết, lúc đó Tư Mã Thiên 30 tuổi. Ông dặn con phải thực hiện ý định đó của mình.
  • 35. 2. Năm 20 tuổi, ông bắt đầu đi chu du khắp nơi, thăm những di tích lịch sử, những nhân vật lịch sử mà trong truyền thuyết có nói đến: lên núi Cối kê nghe chuyện Việt Vương Câu Tiễn, đến sông Mịch La khóc Khuất Nguyên, lên miền Bắc thăm quê Khổng Tử, thăm di tích Mạnh Thường quân, thăm quê Lưu Bang,... Về sau ông lại theo vua Võ Đế đi nhiều nơi, dấu chân ông in khắp các địa phương trong cả nước. Đến đâu ông cũng hỏi han, ghi chép về hình thể sông núi, phong thổ, nhân tình, truyền thuyết. Những cuộc chu du này làm cho tư tưởng và nhãn quang của ông được mở rộng, giúp ông sưu tập được nhiều tài liệu, có tác dụng rất lớn khi ông viết bộ Sử ký sau này. Thời bấy giờ giao thông đi lại khó khăn, trộm cướp như ong, việc đi du lịch của ông là một hành động dũng cảm của người làm công tác khoa học. 3. Họa Lý Lăng. Sau khi cha chết, ông nối nghiệp cha làm Thái sử lệnh bắt đầu tìm đọc, nghiên cứu các sử liệu, chuẩn bị cho việc viết sử thì xảy ra họa Lý Lăng. Lý Lăng là cháu của Lý Quảng (Lý tướng quân liệt truyện), năm 99 TCN cấm quân chống trả sự xâm nhập của Hung nô. Sau nhiều trận chiến bị thất bại, lý Lăng đã đầu hàng. Võ đế hết sức giận dữ. Tư Mã Thiên dâng sớ trần tình về việc Lý Lăng đầu hàng là bất đắc dĩ, sau nay chắc chắn sẽ có cơ hội báo đáp lại Hán triều. Sự biện hộ của Tư Mã Thiên làm cho vua Võ đế thêm tức giận, bắt giam ông, giao pháp quan xét xử. Ông bị cung hình (một trong năm hình phạt thảm khốc thời cổ: khắc vào mặt, xẻo mũi, cắt dương vật, chặt chân, cắt đầu). Luật nhà Hán có thể dùng tiền chuộc, nhưng nhà nghèo, bạn bè không ai giúp, ông không còn cách nào khác. Qua sự kiện này, Tư Mã Thiên có một sự nhận thức mới đối với quyền lực tuyệt đối của nhà vua chuyên chế, cũng như đối với cảnh ngộ trong cuộc đời luôn bị sức mạnh từ bên ngoài chi phối. Trong nhà giam, nhiều lần ông định tự tử, nhưng ông lại không bằng lòng kết thúc mạng sống quí báu của mình trước một tình huống hoàn toàn không có giá trị như vậy, ông noi gương Khổng Tử (giữa thời loạn vẫn viết kinh Xuân Thu), Khuất Nguyên (bị đi đày vẫn viết Ly Tao), lấy việc viết sử làm mục tiêu tối cao trong cuộc đời. Đó cũng là một hình thức phản kháng mà ông áp dụng đối với sự lạm dụng quyền uy của nhà vua và sự
  • 36. tàn bạo của số mệnh. Vào năm 93 TCN, ông đã hoàn thành bộ Sử ký, tất cả 12 năm để hoàn thành trước tác vĩ đại này. Sử ký nguyên có tên là Thái Sử Công Thư, đến cuối đời Đông Hán mới được gọi là Sử ký. Đó là một trước tác có hệ thống hoàn chỉnh đầu tiên do một cá nhân hoàn thành. Toàn bộ sách có 130 quyển, hơn 52 vạn chữ. b) Giá trị sử học của Sử Ký. Đây là bộ sử đầu tiên của loài người viết về một dân tộc trong thời gian gần 3000 năm từ Hoàng đế đến Hán Vũ đế. Đây cũng là một bộ sử hết sức đặc biệt vì bao gồm mọi mặt của đời sống xã hội: chính trị, kinh tế, văn hóa, luật pháp... là bộ bách khoa toàn thư của Trung Quốc thời cổ: quách Mạt Nhược nói: "Công lao của Tư Mã Thiên so với Khổng Tứ không hơn không kém". Sử ký có 5 phần: Bản kỷ, biểu, thư, thế gia, liệt truyện. - Bản kỷ: ghi chép sự tích các đế vương (ngũ đế: Hoàng đế, Chuyên Húc, Cốc, Nghiêu, Thuấn; Hạ, Thương, Chu, Tần, Hạng Vũ, Hán Cao Tổ, Lữ Hậu, Hiếu Văn, Hiếu Cảnh, Hiếu Vũ), tất cả 12 bản kỷ. Đặc biệt ông làm bản kỷ cho Hạng Vũ dù Hạng chưa làm vua nhưng có công lớn trong việc tiêu diệt Tần; làm bản kỷ cho Lữ Hậu mà không cho Hiếu Huệ đế vì trên thực tế Lữ Hậu thao túng mọi quyền hành. Nghĩa là ông đánh giá địa vị của nhân vật lịch sử dựa vào thành tựu thực tế của họ chứ không phải dựa vào việc họ có một thứ danh vị nào đó. Bản kỷ không chỉ ghi chép niên biểu mà còn đi sâu vào các sự kiện, tính cách các nhân vật. Nó là sử mà cũng là văn học, một loại truyện ký. - Biểu: là dùng hình thức biểu mẫu để chia các sự kiện trong từng thời kỹ lịch sử căn cứ vào niên đại. Có 10 biểu, là những công trình sử học rất nghiêm túc và có giá trị. - Thư: Ghi chép những kiến thức chuyên môn trong nhiều lĩnh vực gồm 8 thư như Lễ thư, Nhạc thư. Luật thư, Lịch thư, Thiên quan thư, Phong thiện thư (cúng bái), Hà cừ thư (sông đào), Binh chuẩn thư.
  • 37. - Còn Thế gia và Liệt truyện mang nhiều tính văn học nên không nói ở đây. (Giải thích: Thế gia là những gia tộc cha truyền con nối, những truyện ký về các nhân vật được thờ cúng nhiều đời như Khổng Tử, Trần Thắng...; Liệt truyện là phần ghi chép những câu chuyện về nhân vật không ghi ở Bản kỷ va Thế gia). Ngoài ra còn một bộ phận ghi chép lịch sử các dân tộc ở vùng biên cương Trung Quốc. Nhìn chung, với tư cách là một bộ sử, Sử ký có những ưu điểm - Thái độ của ông là thái đô phê phán chứ không ca ngợi, nhất là đối với lịch sử của vương triều nhà Hán, với thể chế chính tả đương thời trước sau ông dùng ngòi bút lạnh lùng, khách quan. chính sử của các triều đại sau Sử ký, phần lớn đều do triều đình chủ trì dựa theo ý chí của nhà vua để biên soạn, trái lại Tư Mã Thiên tuy là sử quan của triều đình nhưng lại không thể hiện ý chí của người thống trị tối cao là vua Hán Vũ Đế, nghe đâu có vài đoạn còn làm ông vua này tức giận, đòi xé bỏ. Ông vạch trần những sai trái của cả nhà vua khai sinh ra triều Hán là Lưu Bang, chỉ rõ những tiêu cực trong triều đình: vua sử dụng bọn quan lại tàn ác, bao che người thân, mê tín cầu trên, bon chen, đấu đá nhau... Sự phê phán đó không phải là bôi đen hay phủ định một cách đơn thuần mà là sự ghi chép lịch sử thể hiện cá tính nhân vật một cách cụ thể và đáng tin. Từ đó đưa ra một cái nhìn hoài nghi va suy tư sâu sắc: Thì ra những người giành được địa vị cao chưa chắc là phẩm chất cao quý, còn những người thất bại thì trái lại (ví dụ trường hợp Lưu Bang và Hạng Vũ). Thể tài sử học của Sử ký, lần đầu tiên lấy con người là trọng tâm để ghi chép lịch sử, khác với trước lấy sự kiện lịch sử, thời gian lịch sử làm trung tâm, con người chưa được chú ý đầy đủ. Viết về triều đại mình sống là dũng cảm, khen chê không nể nang lại càng dũng cảm. Thông thường các sử gia Trung Quốc chi kể về những triều đại đã qua và nếu có viết về triều đại mình đang sống thì cũng chỉ dừng lại ở mức độ ghi chép sự việc không bình phẩm. Đó là thái độ dũng cảm bảo vệ sự thật, chính nhờ vậy mà ngày nay chúng ta còn những trang sách nói rõ sự thật đời Hán.
  • 38. - Quan điểm của Tư Mã Thiên là quan điểm duy vật và khoa học.. ông không thần bí hóa vua chúa, coi việc trị vì của dòng họ là mệnh trời. Theo ông, sự thay đổi các triều đại là có quy luật, là sự vận động của lịch sử. (Các sử gia đời sau huyền bí hóa sự xuất hiện của Lưu Bang, ông thì không, ông miêu tả Lưu Bang từ lúc xuất thân, đến lúc cùng nông dân khởi nghĩa... cách lý giải việc dựng nghiệp của Lưu Bang là có thực và thuyết phục). - Bám chắc vào sư thật, nhân vật của Tư Mã Thiên có một độ tin cậy khá cao, đó là do ông tôn trọng sự thật, quan niệm này khác xa những nhà viết sử Hy Lạp, La Mã cổ đại (trữ Thuxiđit), họ thường xem sử là một công trình nghệ thuật, nhân vật thường có những bài diễn văn rất hay nhưng là do tác giả viết ra, không ai lấy đó làm cơ sở chính cho việc nghiên cứu Hy Lạp, La Mã cả. Còn Sử ký trước nay vẫn là uy tin lớn nhất của cổ sử Trung Hoa. - Ông có Quan điểm nhân dân khi viết sử. Lịch sử không phải do vua chúa tạo nên mà là quảng đại quần chúng. Ông ca ngợi Trần Thiệp, Ngô Quảng, những lãnh tụ khởi nghĩa nông dân, chính những cuộc khởi nghĩa này là tiền đề cho sự sụp đổ của đế chế Tần. Tóm lại, với tư cách là một nhà viết sử, Tư Mã Thiên đã đứng trên lập trường nhân dân, có thái độ khoa học và đã dũng cảm bảo vệ chân lý. Sử ký do đó trở thành một bộ sử có giá trị khoa học cao. c) Giá trị văn học của Sử ký Lỗ Tấn gọi Sử ký là “Văn vận chi Ly Tao” (Thiên Ly tao viết bằng văn xuôi). Trừ Thư và Biểu ra, Liệt truyện, Thế gia, Bản kỷ là những tác phẩm truyện ký sinh động, chân thực, nét cá tính nhân vật cao. Liệt truyện có thể coi là những tác phẩm văn học hoàn chỉnh. Giá trị văn học của sử ký ở những mặt sau: nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật và ngôn ngữ. 1. Nghệ thuật kể chuyện: sử gia tiên Tần là những nhà kể chuyện khá hứng thú và đó chính là nguồn tư liệu nhất định cho Sử ký: Tuy vậy, sử tiên Tần chủ yếu vẫn là ghi chép, kể lại những sự kiện lịch sử có đầu có đuôi một cách hoàn chỉnh, thái độ kể chuyện mang tính sử học (thông qua những sự
  • 39. kiện đó bày tỏ thái độ phê phán hay khen chê về mặt chính trị và đạo đức). Tư Mã Thiên trái lại ngoài ghi chép, kể lại sự việc còn cố gắng tái hiện cảnh tượng từng xảy ra trong lịch sử và ý thức hoạt đông của nhân vật, phản ánh mạnh mẽ nhiều mặt sinh hoạt của loài người, vì thế thái độ kể chuyện của Tư Mã Thiên mang tính văn học rõ rệt. * Phương thức kể chuyên cơ bản trong Sử ký là kể lại một cách khách quan, đứng ngoài sự kiện, luôn ở ngôi thứ ba. Chỉ có phần bình sau cùng, ông mới xuất hiện với tư cách là người luận bàn.-> Tạo một không gian xoay trở rất rộng cho ngòi bút. Tuy vậy ông cũng bộc lộ lập trường va khuynh hướng của mình thông qua so sánh những hoạt động khác nhau của các nhân vật lịch sử, sự triển khai các sự kiện lịch sử. * Lối kể chuyện sống động như thật, tạo ra chuỗi chuyện kể Liên hoàn (truyện Tín Lăng Quân là do những câu chuyện như thân nghinh Hầu Sinh, trộm phu cứu Triệu...; truyện Liêm Pha và Lạn Tương Như thì gồm hoàn trả ngọc cho nước Triệu, cuộc họp tại Mãnh Trì, tự mang roi đến tạ tội...-> câu chuyện phức tạp, biến hóa, hấp dẫn chứ không đơn giản, một chiều), chuyện về nhân vật này liên quan đến nhân vật khác và có thể xem qua lại để bổ túc tính cách nhân vật (tính cách Ngũ Tử Tư được bổ túc trong phần viết về Việt vương Câu Tiễn, Ngô vương Phù Sai; của Lưu Bang trong phần viết về Hạng Võ và ngược lại, của Lã Bất Vi trong phần nói về Lý Tư liệt truyện, Tần Thủy Hoàng bản kỷ...) * Lối kể chuyện đầy kịch tính: Tư Mã Thiên thích triển khai những câu chuyện trong hoàn cảnh hiện thực có sự xung đột mâu thuẫn gay gắt, nhân vật tự mình trực tiếp hành động, thể hiện bản thân làm cho đọc giả quên mất sự tồn tại của nhân vật người kể chuyện (câu chuyện về Lý Quảng, câu chuyện Hồng môn yến...). lối kể chuyện này có rất nhiều ưu điểm: hiệu quả văn học rất hiện thực, mang tính khẩn trương tạo sức hấp dẫn cho tác phẩm khỏi phải diễn giải dài dòng, qua xung đột gay gắt dễ bộc lộ tính cách nhân vật.
  • 40. 2. Nghê thuật xây dưng nhân vật: trong Tả truyện, Chiến Quốc sách một số nhân vật có cá tính nhất định: tuy vậy miêu tả nhân vật chỉ là vụn vặt trong quá trình kể chuyện, thiếu tính hoàn chỉnh. Sử ký đã nâng cao, phát triển nghệ thuật xây dựng nhân vật lên một bước cao hơn với những đặc điểm rõ rệt, để lại nhiều nhân vật khá ấn tượng. - Hành nghìn nhân vật sống động với đủ mọi tầng lớp, mọi số phận. Từ đế vương (Lưu Bang, Hạng Võ, Tần Thủy Hoàng...), anh hùng quân tử (Mạnh Thường quân, Hàn Tín, Lý Quảng...), kẻ tiểu nhân, triết gia (Khổng Tử, Trang Tử...). nhà du thuyết (Trương Nghi, Tô Tần), các lãnh tụ nông dân (Trần Thiệp, Ngô Quảng...), các hiệp khách (Kinh Kha, Nhiếp Chính...)... Trong Sử ký có cả một nhân loại mênh mông về mặt này, Tư Mã Thiên có thể sánh với những nhà văn lớn nhất của nhân loại, với những âm hưởng lãng mạn, màu sắc truyền kỳ về những nhân vật trong truyện, thật chẳng khắc nào một bộ sử thi anh hùng, quy mô của tác phẩm làm ta choáng ngợp, bút lực của tác giả làm ta kinh sợ. - Khi xây dựng nhân vật, các nhà viết sử thường xét tư thế lịch sử của họ (mô tả họ trong những giây phút làm nên lịch sử, Tư Mã Thiên còn chú ý đến quá trình hình thành tích cách, sự thay đổi trong vận mệnh nhân vật. Đối với những nhân vật có sự nghiệp lẫy lừng ông thường miêu tả người đó khi hãy còn hàn vi, bị khinh khi chà đạp, khi họ chưa đóng vai trò lịch sử, thì tính cách nhân vật mới dày dạn, sắc nét. (Ví dụ Lưu Bang lúc còn hàn vi ăn quỵt tiền rượu của bà Vương, cho đến khi trở thành vua thì ngồi xổm mà tiếp khách...). Thái độ của Tư Mã Thiên nghiêng hẳn về những nhân vật bi kịch anh hùng (Hạng Vũ, Khuất Nguyên, Lý Quảng...), ông không tán thành một cuộc sống cầu an, vụn vặt, vì vậy những đoạn viết về Hạng Vũ lúc tự sát khi thất bại đến 1, 2 nghìn chữ đối với việc viết sử hoàn toàn không cần thiết nhưng lại đem đến hiệu quả cao cho một tác phẩm văn học. Những bi kịch đó cho thấy tâm tư của riêng tác giả gửi vào trang viết, đó là sức phản kháng mãnh liệt của những con người có nhân cách cao thượng đối với số phận. - Khéo miêu tả tính cách nhân vật thông qua:
  • 41. + Ngoại hình và tinh thần thường thống nhất với nhau. + Hành động bộc lộ tính cách, mở đầu cho truyền thống dùng hành động thể hiện tính cách trong văn học cổ điển Trung Quốc. + Giải thích lý do phát triển tính cách là do hoàn cảnh sống của nhân vật (Lã Bất Vi là thương nhân nên cách suy nghĩ, hành động giống như con buôn...) + Qua đối thoại bộc lộ tính cách (Lưu Bang khi thấy Tần Thủy Hoàng làm vua thì thèm muốn, Hạng Vũ thì nghĩ có thể lật đổ hắn để thay thế -> chí khí hai người đã khác nhau; Trần Thiệp khi làm vua có người bạn nông dân đến thăm nói "chu choa, Thiệp làm vương trông sang gớm -> tính chất phác và lỗ mãng của người phát ngôn, rất gần với sự thật). + Đặt nó trong sự đối lập với các nhân vật khác: Lý Tư, Triệu Cao, Hạng Vũ-Lưu Bang, Ngũ Tử Tư-Bá Phỉ... Cái hay trong việc xây dựng nhân vật của Tư Mã Thiên là thế, ông khai thác các nguyên nhân hình thành và phát triển tính cách một cách hợp lý, logich, đầy thuyết phục, không phải sinh ra đã là vĩ nhân. 3. Nghê thuật ngôn ngữ: được mọi ngươi khen là thành tựu mẫu mực của cổ văn. Tư Mã Thiên đã hình thành một lối văn tự sự giản dị thuần phác, lưu loát nhưng sinh động và đa dạng, đồng thời không kém tính chính xác của một tác phẩm sử học. Về cơ bản Sử ký được viết theo lối văn viết sách, nhưng lại không khác khẩu ngữ đương thời, trong sách còn trích dẫn nhiều lối nói của quần chúng, tục ngữ phương ngôn làm tăng thêm sinh khí cho ngôn ngữ, câu văn dường như không trau chuốt lắm, nhưng nghe rất xuôi tai, do Tư Mã Thiên trong lúc kể chuyện dốc hết tình cảm của mình vào nên câu văn có sức truyền cảm mạnh. Tóm lại, Sử ký là tác phẩm có giá trị nhiều mặt, trước hết là một tác phẩm sử học có giá trị vì tính khoa học, quan điểm tiến bộ; cũng đồng thời là một tác phẩm văn học lớn vì nó mang đặc trưng của văn học, đó là tính tình