SlideShare a Scribd company logo
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
ThS. VŨ MỘNG ĐÓA
LỜI MỞ ĐẦU
Cuốn giáo trình Tâm lý học xã hội này được biên soạn dành cho sinh
viên Khoa Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng - Trường Đại học Đà Lạt.
Nội dung của cuốn giáo trình bao gồm 3 chương:
- Chương 1: Tâm lý học xã hội là một khoa học
- Chương 2: Các hiện tượng tâm lý xã hội
- Chương 3: Tâm lý nhóm nhỏ Mục tiêu của giáo trình nhằm:
- Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về bản chất và lịch
sử hình thành tâm lý học xã hội.
- Giúp sinh viên nhận thức rõ bản chất của các hiện tượng tâm lý xã hội
trong quá trình hoạt động và giao tiếp giữa các cá nhân.
- Giúp sinh viên nắm vững những đặc điểm tâm lý và các giai đoạn phát
triển của nhóm xã hội. Từ đó có thể vận dụng vào trong quá trình thực hành
công tác xã hội với nhóm xã hội cụ thể.
Trong quá trình biên soạn giáo trình này tác giả đã cố gắng rất nhiều để
hoàn thành kịp thời cung cấp cho sinh viên. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi
những hạn chế và thiếu sót nhất định. Tác giả kính mong nhận được sự đóng
góp và bổ sung ý kiến của bạn đọc.
Đà Lạt, ngày 21 tháng 06 năm 2007
Tác giả
Vũ Mộng Đóa
Chương 1. TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI LÀ MỘT KHOA HỌC
I. Bản chất, đối tượng, nhiệm vụ nghiên cứu của Tâm lý học xã hội
1. Khái niệm tâm lý học xã hội
Bản chất của Tâm lý học xã hội:
+ Đó là tâm lý chung của nhiều người. Nó được hình thành từ một hệ
thống động cơ của một nhóm xã hội cụ thể (nhu cầu xã hội, tâm thế, niềm tin
xã hội, v.v...)
+ Tâm lý xã hội luôn luôn phản ánh thực tại đời sống của một nhóm
người. Tồn tại nào thì tâm lý ấy.
+ Tâm lý học xã hội có bản chất từ hoạt động và giao tiếp (tính duy vật
của tâm lý học xã hội).
Theo Từ điển tâm lý học Tiếng Anh của Arther S. Rebel and Emily
Rebel, tâm lý học xã hội được định nghĩa là một phân ngành của tâm lý học,
nó tập trung nghiên cứu các khía cạnh của hành vi con người bao gồm các cá
nhân, các nhóm, các tổ chức xã hội và xã hội mang tính tổng thể.
Theo từ điển Tâm lý học xã hội do Vũ Dũng chủ biên, tâm lý học xã hội
là một phân ngành của tâm lý học, nghiên cứu các quy luật khách quan của
sự tác động qua lại giữa các yếu tố tâm lý và xã hội trong hoạt động của cá
nhân và các nhóm người. Tâm lý học xã hội nghiên cứu đặc điểm tâm lý của
các nhóm xã hội, các tầng lớp và các giai cấp khác nhau trong xã hội, nghiên
cứu các đặc tính (giai cấp, dân tộc, v.v) và các quy luật hình thành những loại
hình nhân cách mang tính lịch sử, xã hội, nghiên cứu các cơ chế quan hệ qua
lại về mặt tâm lý xã hội trong các nhóm xã hội khác nhau, nghiên cứu các
hình thức giao tiếp khác nhau trong tập thể.
Tóm lại, theo chúng tôi, tâm lý học xã hội là một phân ngành của tâm lý
học, nó tập trung nghiên cứu các hiện tượng tâm lý của một nhóm xã hội cụ
thể, nảy sinh từ sự tác động qua lại trong hoạt động và trong giao tiếp giữa
các cá nhân ở trong nhóm. Nó chi phối thái độ, hành vi, cử chỉ của cá nhân
khi họ ở trong nhóm đó.
2. Đối tượng của Tâm lý học xã hội
Tâm lý học xã hội cũng giống như nhiều ngành khoa học khác, việc xác
định đối tượng nghiên cứu là một vấn đề phức tạp và khó khăn nhất. Hiện nay
vẫn có nhiều quan điểm khác nhau giữa các nhà tâm lý học của các trường
phái tâm lý học về đối tượng nghiên cứu của tâm lý học xã hội. Trong đó, đặc
biệt là có sự khác nhau khá rõ nét giữa tâm lý học Xô viết (cũ) và tâm lý học
phương Tây.
Các nhà tâm lý học Xô viết cho rằng, đối tượng của tâm lý học xã hội là
nghiên cứu các hiện tượng tâm lý xã hội của nhóm. Tuy nhiên, trong số
những nhà tâm lý học Xô viết cũng có những quan điểm cụ thể không hoàn
toàn đồng nhất nhau.
Các nhà tâm lý học Xô viết (cũ), tiêu biểu như: E. X. Kuzơmin, V. I.
Xelivanop, K. K. Platonop, E. V. Sôrôkhôva cho rằng đối tượng nghiên cứu
của tâm lý học xã hội là nhân cách “phân loại kiểu người về mặt xã hội - lịch
sử”, “các đặc điểm tâm lý của nhân cách”, “sự quy định của xã hội đối với tâm
lý của cá nhân”. Một số tác giả khác như V. N. Kolbanopxki, A. I. Goriaseva,
A. V. Baranova, A. G. Kovaliop cho rằng đối tượng của tâm lý học xã hội là
“những hiện tượng tâm lý của những khối người đông đảo”, “là tâm lý của tập
thể”, “sự cộng đồng về tâm lý”. Còn B. D. Parưghin, N. X. Manxurop cho rằng
tâm lý học xã hội vừa nghiên cứu tâm lý của nhóm, của khối người đông đảo,
vừa nghiên cứu đặc điểm hành vi của nhân cách, của cá nhân khi ở trong
nhóm.
A.G. Kovaliop thì cho rằng “đối tượng của tâm lý học xã hội là nghiên
cứu những nét đặc trưng tâm lý của các nhóm xã hội, các tập thể, cũng như
những quy luật hình thành và quy luật hoạt động của các tập thể, các nhóm
trong quá trình tác động và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các cá nhân”.
Khác với quan điểm của các nhà tâm lý học Xô viết trước đây và các
nhà tâm lý học Nga hiện nay, các nhà tâm lý học phương tây lại tiếp cận từ
góc độ khác. Các nhà tâm lý học phương tây cho rằng, đối tượng của tâm lý
học xã hội là nghiên cứu hành vi của cá nhân trong những điều kiện, hoàn
cảnh và môi trường xã hội. Đó là nhận định khái quát, tuy nhiên, nếu xem xét
một cách cụ thể cũng có một số vấn đề sau đây:
+ Quan điểm của Jones và Gerard (1967) cho rằng đối tượng của tâm
lý học xã hội là nghiên cứu hành vi cá nhân như là chức năng kích thích xã
hội. Ở đây, các tác giả đã nhấn mạnh đến ảnh hưởng qua lại giữa các cá
nhân trong nhóm.
+ Quan điểm của các nhà tâm lý học M. Sherif và C. W. Sherif (1956),
Mc David Harari (1968),. cho rằng tâm lý học xã hội cần nghiên cứu kinh
nghiệm và hành vi của cá nhân trong môi trường xã hội nhất định.
+ Quan điểm thứ ba cho rằng đối tượng của tâm lý học xã hội là nghiên
cứu mối quan hệ tương hỗ giữa cá nhân và môi trường xã hội (các nhà tâm lý
học đại diện như: Jack H. Curtis Richard Dewey, David G. Myer)
Cách tiếp cận thứ nhất (trường phái tâm lý học Xô viết) mang tính khái
quát hơn, chúng có phạm vi rộng. Cách tiếp cận thứ hai mang tính cụ thể, rõ
ràng: nhận thức - thái độ - tình cảm - hành vi.
Như vậy, có thể hiểu rằng: Đối tượng của tâm lý học xã hội nằm ở bản
chất các hiện tượng tâm lý xã hội đã được phân tích ở trên. Đó là cái tâm lý
của những nhóm xã hội cụ thể, bao gồm những nét tâm lý chung nhất, đặc
trưng nhất của nhóm được tạo nên từ sự tác động qua lại giữa các cá nhân
trong nhóm. Nó không phải là cái tâm lý như là sản phẩm hoạt động của chủ
thể mỗi người dưới những tác động của hiện thực khách quan. Nó cũng
không phải là cái tổng số đơn giản những đặc điểm tâm lý của tất cả những
cá nhân trong nhóm hợp thành.
3. Nhiệm vụ của Tâm lý học xã hội
Tâm lý học xã hội có hai nhiệm vụ chính là nghiên cứu lý luận và
nghiên cứu ứng dụng.
1) Nghiên cứu lý luận
- Xác lập được hệ thống các khái niệm, phạm trù khoa học riêng nằm
trong cấu trúc hợp lý, mang đặc thù của khoa học mình. Hiện nay một số khái
niệm, phạm trù cấu trúc của tâm lý học xã hội còn chưa rõ ràng để có thể
phân biệt được ranh giới của nó với những khoa học lân cận.
- Phát hiện được các quy luật hình thành và phát triển của các hiện
tượng tâm lý xã hội, chỉ ra cách sử dụng chúng vào việc phát huy nhân tố con
người trong các điều kiện hoạt động khác nhau. Cụ thể là những quy luật của
sự tác động qua lại trong nhóm, vai trò của cá nhân, vai trò của nhóm trong
quá trình này, những điều kiện chủ quan và khách quan của sự hình thành
nên những hiện tượng tâm lý xã hội và những hình thái biến động trong tâm lý
xã hội.
2) Nghiên cứu ứng dụng
Những quy luật chung của Tâm lý học xã hội được vận dụng vào một
số lĩnh vực khoa học khác cũng như trong nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội.
Từ đó tạo nên những chuyên ngành khác nhau của tâm lý học xã hội.
- Tâm lý học dân tộc: Đây là một chuyên ngành quan trọng của tâm lý
học xã hội. Nó nghiên cứu tâm lý dân tộc và những biến đổi của tâm lý dân
tộc gắn với những chuyển biến lịch sử diễn ra trong đời sống các dân tộc.
Nhận thức được tính phong phú, đa dạng hay độc đáo của một dân tộc là yêu
cầu cần thiết trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, con người của một
quốc gia. Việc nghiên cứu tâm lý dân tộc còn góp phần quan trọng trong sự
hiểu biết giữa các dân tộc, là cơ sở của mối quan hệ hợp tác và liên kết giữa
các nước với nhau.
- Tâm lý học xã hội trong công tác lãnh đạo và quản lý xã hội. Đây là
một chuyên ngành mới của tâm lý học xã hội, nó đi sâu vào nghiên cứu các
hiện tượng tâm lý trong hệ thống quản lý, chỉ ra các đặc điểm, cơ chế và quy
luật tâm lý đang có ảnh hưởng tới hoạt động này trên cơ sở đó nêu ra những
yêu cầu về phẩm chất và năng lực tâm lý cần thiết của những người lãnh đạo
và bị lãnh đạo quản lý.
- Tâm lý học xã hội trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh
Chuyên ngành này nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng,
nghệ thuật bán hàng, thông tin quảng cáo v.v.Trên cơ sở đó, nêu ra yêu cầu
đối với cơ sở sản xuất về số lượng và chất lượng, hình thức của các loại
hàng hoá, dịch vụ.
- Tâm lý học xã hội trong tín ngưỡng tôn giáo, trong thông tin đại
chúng, trong giáo dục y tế, trong đời sống gia đình, trong dư luận xã hội và
tâm trạng quần chúng.
Phạm vi ứng dụng của tâm lý học xã hội rất rộng. Nó sẽ ngày càng
được mở rộng theo sự đòi hỏi của thực tiễn, cũng như khả năng đáp ứng
trong quá trình phát triển của nó.
II. Sơ lược về sự hình thành và phát triển của Tâm lý học xã hội
Tâm lý học xã hội đã ra đời và phát triển được gần một thế kỷ. Song,
những tiền đề để ra đời ngành khoa học này thì đã xuất hiện từ rất sớm. Nói
về sự hình thành và phát triển của Tâm lý học xã hội, trước hết phải tìm hiểu
những tiền đề để ra đời ngành tâm lý học này.
1. Những tiền đề triết học.
Cũng giống như sự ra đời của tâm lý học, sự hình thành Tâm lý học xã
hội có sự đóng góp rất quan trọng của các tư tưởng triết học. Có thể đưa ra
một số những tiền đề cơ bản sau:
1.1. Quan điểm của một số nhà triết học Hy Lạp cổ đại
Khi nói về quan điểm của các nhà triết học Hy Lạp cổ đại có ảnh hưởng
tới sự ra đời của Tâm lý học xã hội, chúng ta chú ý nhiều hơn đến quan điểm
về xã hội và con người của Platon và Aristotle.
- Platon (427 - 374 TCN) trong luận thuyết về đạo đức xã hội và trong
phác thảo về một xã hội lý tưởng của mình, ông đã rất chú ý đến các quan hệ
liên nhân cách. Ông cũng chỉ ra sự ảnh hưởng của các cá nhân đến sự ổn
định của nhà nước.
Trong các tác phẩm của mình, Platon đã quan tâm đến các kiểu loại
nhân cách xã hội. Theo ông, trong xã hội có ba kiểu nhân cách cơ bản:
a/Những người luôn luôn cố gắng làm vừa lòng người khác (người hướng tới
xúc cảm), b/Những người say sưa theo đuổi quyền lực và sự nổi danh (người
hướng đến quyền lực) và c/Những người luôn có khao khát hiểu biết (người
hướng đến tri thức). Ba kiểu nhân cách trên phản ánh ba yếu tố tâm lý của
con người: tình cảm, ý chí và trí tuệ.
- Aristotle (354 - 322TCN) là một người mở đường vĩ đại của khoa học
xã hội. Ông đánh giá cao yếu tố tình cảm. Theo ông, có 3 động lực của sự
liên kết con người: tình bạn, sở thích, và đồng nhất. Trong đó, tình bạn là
động cơ của đa số các nhóm xã hội.
Aristotle đánh giá cao vai trò của các nhóm xã hội đối với con người.
Ông cho rằng, con người cần phải sống trong các nhóm xã hội như gia đình
và nhà nước. Nhóm xã hội cơ bản nhất đối với con người là gia đình. Quan
điểm này của ông vẫn còn rất phù hợp với xã hội hiện đại ngày nay. Điều
đáng chú ý là Aristotle xem xét con người và khả năng của nó trong các phản
ứng xã hội, quan hệ và hoàn cảnh xã hội.
Có thể nói, mặc dù các quan điểm của các nhà triết học Hy Lạp còn khá
xa vời các tri thức Tâm lý học xã hội hiện đại, nhưng các tư tưởng này có ảnh
hưởng không nhỏ đến các tư tưởng nói chung và tâm lý học xã hội nói riêng ở
châu Âu sau này.
1.2. Một số quan điểm về xã hội và cá nhân của các nhà tư tưởng La
Mã
Quan điểm về xã hội và cá nhân của một số nhà tư tưởng La Mã như
M.T.
Cicero; St. Augustine rất đáng được quan tâm trong nghiên cứu các
tiền đề triết học của sự phát triển Tâm lý học xã hội.
M.T. Cicero là đại biểu xuất sắc của tư tưởng La Mã. Khi nghiên cứu về
con người và xã hội, ông rất quan tâm đến vấn đề pháp luật, con người phải
hành động như thế nào trong khuôn khổ luật pháp của xã hội.
St. Augustine (354 - 430 sau CN), ông là đại biểu xuất sắc về tư tưởng
xã hội trong thời đại của ông. Các quan điểm của ông về xã hội và cá nhân
được tâm lý học xã hội hiện đại đánh giá cao. Đó là các quan điểm về sự liên
kết của con người, về vai trò của nhóm xã hội đối với việc hình thành quan
điểm, thái độ của cá nhân. Song, các quan điểm của ông lại bị ảnh hưởng lớn
của tư tưởng tôn giáo. Augustine đánh giá cao vai trò của Chúa Trời và các
lực lượng thần thánh đối với cuộc sống thực tại của con người. Theo ông, cá
nhân không chỉ có quan hệ tương tác với các cá nhân khác mà còn có quan
hệ với Chúa.
1.3. Những học thuyết về sự thoả thuận xã hội.
Những học thuyết về sự thoả thuận xã hội do T. Hobber (1588 - 1679),
J. Locke (1632 - 1704), và J.J. Rousseau (1712 - 1778) đưa ra đã được xem
như sự mở đường cho Tâm lý học xã hội hiện đại. Các tác giả đã quan tâm
nghiên cứu rất nhiều về mối quan hệ giữa xã hội và cá nhân.
Học thuyết về sự thoả thuận xã hội của Hobber được phát triển dựa
trên 3 yếu tố:
- Định đề: bản năng con người bị hạn chế và cô lập từ những người
cùng tầng lớp hoặc từ tầng lớp đối lập của xã hội.
- Nguyên nhân hoặc thiết lập các nguyên nhân: Tại sao con người tự
đặt mình vào các mối liên kết với người khác.
- Thiết lập các quy tắc đạo đức từ hai lý do trên.
Locke không tin rằng có tồn tại một nhà nước thời kỳ tiền xã hội. Ông
đưa ra quan điểm cho rằng con người luôn sống trong xã hội, nhà nước trở
thành phương tiện để chấn chỉnh sai trái, bất công và bảo vệ quyền lợi chính
đáng của con người về cuộc sống, tự do và sở hữu.
So với học thuyết về thoả thuận xã hội của Hobber và Locke thì học
thuyết về sự thoả thuận xã hội của Rousseau được đánh giá cao hơn. Cũng
giống như Hobber, ông bắt đầu bằng việc tìm hiểu những hành vi bản năng
của con người, sau đó nghiên cứu mối tương tác giữa người với người, giữa
cá nhân và xã hội. Ông cho rằng, trật tự xã hội là điều bất khả xâm phạm. Nó
được xây dựng trên cơ sở lợi ích của đa số mọi người. Cái trật tự này không
thể bắt nguồn từ bản năng của con người mà cần phải được xây dựng trên
sự thoả thuận.
2. Những trường phái đầu tiên trong xã hội học và tâm lý học.
2.1. Các trường phái xã hội học
Vai trò của xã hội học trong việc hình thành Tâm lý học xã hội được thể
hiện qua sự ảnh hưởng của các quan điểm của một số nhà xã hội học.
- Auguste Comte (1790 - 1857)
Comte đã phân chia tâm lý học theo hai khía cạnh: sinh học và xã hội
học. Sự phân chia này có giá trị nhất định trong Tâm lý học xã hội.
Khi nói về nhân cách con người, ông đã thiên về khía cạnh bản năng.
Theo ông, bản năng con người chia thành 2 loại chính: sự ích kỷ và lòng vị
tha. Tính vị tha của bản năng có thể dẫn con người đến sự mềm yếu, nhu
nhược. Ông cho rằng, xã hội cần khuyến khích lòng vị tha của con người như
một mục đích trọng tâm của tổ chức, bên cạnh đó cần hạn chế tính ích kỷ của
cá nhân.
Mặc dù rất quan tâm đến tâm lý học cá nhân, nhưng Comte vẫn nhấn
mạnh rằng đơn vị xã hội thực là gia đình, nhờ nó mà xã hội phát triển. Gia
đình, theo ông ngoài việc duy trì nòi giống còn nuôi dưỡng lòng vị tha của con
người. Từ mái ấm gia đình, cá nhân sẽ trở thành thành viên xã hội hữu ích.
Tâm lý học cá nhân theo hướng bản năng của Comte đã tác động mạnh đến
tâm lý học xã hội tận đầu thế kỷ XX.
- Gabriel Tarde (1843 - 1904)
Tarde là một người sáng lập ra tâm lý học cá nhân trên cơ sở của xã
hội học. Ông phản đối những quan điểm thái quá của tâm lý học cá nhân thời
đó.
Một công trình nghiên cứu của Tarde có ảnh hưởng lớn đến sự ra đời
của tâm lý học xã hội là cuốn: “Những quy luật của sự bắt chước”. Trong
cuốn sách này ông đã lý giải cơ sở xã hội của sự tương tác giữa các cá nhân.
Ông cũng là người đầu tiên đưa ra khái niệm mới về sự tương tác. Đây là một
tiền đề dẫn đến sự hình thành tâm lý học xã hội.
- Durkheim (1858 - 1917)
Quan điểm của Durkheim là phản đối sự đề cao quá mức tâm lý học cá
nhân khi ông nhấn mạnh đến hệ thống quy định xã hội. Ông ca ngợi và thích
tranh luận về học thuyết “ý thức tập thể”.
Trong các nghiên cứu của mình, ông quan tâm nhiều đến các kiểu loại
hành vi của nhóm hơn là các hành vi của cá nhân. Những nghiên cứu của
ông về “ý thức tập thể” là đóng góp đặc biệt quan trọng cho tâm lý học xã hội.
- G. Lebon (1841 - 1931)
Trong các nghiên cứu của mình, ông chú ý nhiều đến tâm lý học nhóm.
Ông đã làm sáng tỏ thêm những quan điểm của Durkheim về các hiện tượng
tâm lý của nhóm. Lebon cũng bị ảnh hưởng bởi Tâm lý học xã hội của Tarde.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của Lebon là cuốn “Đám đông” (The crowd).
Trong cuốn sách này ông đã phân tích rất sâu sắc về tâm lý đám đông - một
hiện tượng tâm lý rất đặc thù của Tâm lý học xã hội. Với cuốn sách này, ông
đã trở thành người mở đường về vấn đề “hành vi tập thể” hiện đại.
- Charles Horton Cooley (1863 - 1929)
Cooley là nhà xã hội học Mỹ, người có quan điểm hiện đại về mối quan
hệ giữa xã hội và cá nhân. Ông nhấn mạnh, không thể tách rời yếu tố xã hội
và yếu tố cá nhân trong cuộc sống của con người.
Ông đã viết ba cuốn sách nổi tiếng về vấn đề này: Bản chất con người
và trật tự xã hội; Tổ chức xã hội; Sự phát triển xã hội. Cooley bị ảnh hưởng
bởi học thuyết “bắt chước” của Tarde, quan điểm về đồng nhất của Schaffle
và tâm lý học của W.James.
- E.A. Ross (1866 - 1951)
Ross là nhà xã hội học người Mỹ, người đã viết cuốn sách Tâm lý học
xã hội (1908) - một trong những cuốn sách giáo khoa đầu tiên về ngành khoa
học này. Nếu Cooley nhấn mạnh hơn đến khía cạnh tập thể thì Ross lại chú ý
đến cả khía cạnh xã hội và khía cạnh cá nhân trong nghiên cứu quan hệ giữa
xã hội và cá nhân.
Theo ông, vai trò của xã hội thể hiện qua sự ảnh hưởng của nhóm tới
cá nhân và vai trò của cá nhân thể hiện qua sự ảnh hưởng của cá nhân tới
nhóm. Các vai trò này xảy ra trong các hoàn cảnh xã hội. Quan điểm này của
Ross đã bị ảnh hưởng bởi quan điểm của Tarde về “sự bắt chước” trong đời
sống xã hội.
2.2. Các trường phái Tâm lý học
- Thuyết hành vi của Watson:
Thuyết hành vi ra đời vào năm 1913 trong bối cảnh Tâm lý học nội
quan bước vào thời kỳ khủng hoảng và một số nhà tâm lý học cho rằng cần
phải xác định lại đối tượng nghiên cứu của tâm lý học.
Thuyết hành vi là cơ sở để tâm lý học đầu thế kỷ XX từ bỏ di sản của
trường phái nội quan và đưa Tâm lý học xã hội hiện đại đến chỗ tìm hiểu con
người thông qua các hoàn cảnh xã hội và trước hết là nghiên cứu hành vi của
con người.
Sự đóng góp to lớn của thuyết hành vi đối với Tâm lý học xã hội thể
hiện ở chỗ nó là cơ sở để các nhà tâm lý học phương Tây (trước hết là các
nhà tâm lý học Mỹ) xác định đối tượng nghiên cứu của ngành khoa học này -
hành vi xã hội của con người.
- Thuyết cấu trúc của W. Wundt
Một trong những đóng góp lớn của ông đối với việc ra đời của Tâm lý
học xã hội là cuốn sách Tâm lý học dân tộc. Cuốn sách này gồm 10 tập, được
ông viết trong 20 năm (1900 - 1920).
Theo ông, tâm lý học xã hội là một phân ngành cần thiết của Tâm lý
học. Ông cho rằng không thể nghiên cứu con người như một cá nhân đơn lẻ,
mà cần phải nghiên cứu con người trong những mối quan hệ của con người.
- Tâm lý học Gestalt
Một trong những đại biểu xuất sắc nhất của tâm lý học Gestalt là
K.Lewin, ông đã dành nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu khía cạnh quan
trọng của Tâm lý học xã hội
- nhóm nhỏ và nhóm nói chung. Lewin đã sáng lập ra Trung tâm nghiên
cứu động thái nhóm. Ông cũng là tác giả của một phương pháp nghiên cứu
mới trong tâm lý học xã hội - phương pháp nhóm tập luyện (training group).
3. Tâm lý học xã hội trở thành một khoa học độc lập
Tâm lý học xã hội trở thành một khoa học độc lập được đánh dấu bằng
sự kiện cuốn sách giáo khoa đầu tiên về Tâm lý học xã hội được xuất bản vào
năm 1908. Đó là cuốn Tâm lý học xã hội (Social Psychology) của tác giả
Edward A. Ross. Cuốn sách của ông dựa trên cơ sở kết hợp hai khoa học
tâm lý học và xã hội học. Nội dung chính được đề cập trong cuốn sách này là
sự bắt chước được hình thành, phát triển và thực hiện như thế nào. Ông đã
sử dụng hiện tượng bắt chước để giải thích sự thay đổi tư tưởng, thói quen
và quan điểm giữa các thành viên trong các nhóm xã hội.
Một sự kiện quan trọng nữa góp phần làm cho Tâm lý học xã hội trở
thành khoa học độc lập, đó là sự ra đời cuốn sách có tên: Nhập môn Tâm lý
học xã hội (Introduction to Social Psychology) của Mc. Dougall. Trong cuốn
sách này tác giả đã lý giải sự giống nhau về hành vi giữa cá nhân trong nhóm
xã hội thông qua sự bắt chước.
Tính đến năm 1954, đã có 52 cuốn sách giáo khoa về Tâm lý học xã
hội xuất bản, đến năm 1968 con số này đã tăng lên gần 100 cuốn và tính đến
năm 1980, số sách giáo khoa về Tâm lý học xã hội đã lên tới gần 150 cuốn,
gần chục tạp chí về tâm lý học xã hội và một số lượng lớn các tuyển tập bài
viết, các sách tham khảo có giá trị về ngành khoa học này được hoàn thành.
Trong gần một thế kỷ vừa qua, người ta có thể nhận thấy hai xu hướng phát
triển của Tâm lý học xã hội: Tâm lý học xã hội phương Tây và Tâm lý học xã
hội Xô viết. Hai xu hướng này có sự khác biệt nhất định.
Tâm lý học xã hội Xô viết chú ý nhiều đến nghiên cứu các đặc điểm tâm
lý của nhóm, trong đó đặc biệt là tập thể (một loại nhóm chính thức) và các
nhóm lớn như giai cấp, dân tộc,... Tâm lý học xã hội phương Tây lại quan tâm
nhiều hơn đến việc nghiên cứu kinh nghiệm và hành vi xã hội. Tính thực tiễn,
ứng dụng trong các nghiên cứu của Tâm lý học phương Tây được thể hiện
rất rõ nét.
Ở nước ta, Tâm lý học xã hội là một ngành còn rất non trẻ. Song, trong
thời gian gần đây, ngành khoa học này đã có những bước phát triển quan
trọng. Tâm lý học được giảng dạy ở nhiều trường Đại học, học viện và trường
cao đẳng. Nhiều công trình nghiêu cứu về Tâm lý học xã hội đã được dịch và
biên soạn. Tính đến nay chúng ta đã có hàng chục cuốn sách giáo khoa,
nhiều tài liệu tham khảo đã được các nhà Tâm lý học Việt Nam biên soạn và
xuất bản nhằm phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu Tâm lý học
xã hội.
III. Các phương pháp nghiên cứu của Tâm lý học xã hội
1. Những nguyên tắc nghiên cứu
1.1. Phải đảm bảo tính chất khách quan
Nghiên cứu phải đảm bảo tính khách quan, trước hết là phải nghiên
cứu từ chính bản thân sự vật, hiện tượng, phải xem xét sự vật, hiện tượng
như chúng vốn có trong thực tế, ghi nhận mọi chi tiết, mọi biểu hiện của
chúng.
1.2. Phải nghiên cứu sự vật và hiện tượng trong các mối liên hệ của
chúng
Tất cả các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên đều liên hệ, tác động qua
lại với nhau. Vì vậy, khi nghiên cứu phải đặt chúng trong mối quan hệ, liên hệ
giữa chúng nhằm vạch ra được sự ảnh hưởng lẫn nhau, mối quan hệ nhân
quả và những quy luật của sự tác động qua lại giữa chúng. Khi nghiên cứu
các hiện tượng tâm lý xã hội cần thực hiện tốt các yêu cầu này, bởi vì mỗi
hiện tượng tâm lý xã hội đều chịu sự ảnh hưởng và liên quan của các hiện
tượng khác.
1.3. Phải nghiên cứu sự vật và hiện tượng trong sự phát triển.
Mỗi sự vật và hiện tượng trong tự nhiên hay trong xã hội đều có quá
trình nảy sinh, vận động và phát triển. Tâm lý cá nhân hay của xã hội đều
nằm trong quy luật này, có sự phát triển và biến đổi về chất. Bởi vậy, khi
nghiên cứu các hiện tượng tâm lý xã hội, nhà khoa học cần xem xét chúng
trong một quá trình.
1.4. Phải nghiên cứu sự vật và hiện tượng trong một chỉnh thể toàn vẹn
Mỗi sự vật và hiện tượng đều có một cấu trúc nhất định. Bởi vậy, yêu
cầu đặt ra đối với các nhà khoa học là phải nghiên cứu sự vật và hiện tượng
với cả hệ thống các thành phần trong cấu trúc của chúng cũng như mối liên
hệ và quan hệ của các thành phần ấy.
2. Những phương pháp nghiên cứu
2.1. Phươngpháp quan sát
Quan sát là sự tri giác chủ động và có hệ thống các hiện tượng tâm lý
nhằm tìm ra các đặc điểm đặc trưng và có ý nghĩa của chúng. Trong tâm lý
học xã hội, phương pháp quan sát được sử dụng để nghiên cứu hành vi xã
hội.
• Các bước tiến hành quan sát:
- Xác định mục đích, nhiệm vụ quan sát (quan sát để làm gì)
- Lựa chọn khách thể quan sát, tình huống quan sát và đối tượng quan
sát (quan sát ai, quan sát cái gì)
- Lựa chọn cách thức quan sát để ít ảnh hưởng đến khách thể quan
sát và thu được những thông tin cần thiết (quan sát như thế nào)
• Nhiệm vụ quan sát: là định hướng ban đầu về khách thể, đề xuất giả
thuyết và kiểm tra giả thuyết. Các tình huống quan sát có thể là tình huống tự
nhiên hoặc tình huống thực nghiệm (do người quan sát chủ động) tạo nên
• Đối tượng quan sát: là những hành động ngôn ngữ hoặc phi ngôn
ngữ của con người trong nhóm hay liên nhóm. Cụ thể là:
- Hành động nói (hành động ngôn ngữ). Ở đây cần chú ý quan sát tính
định hướng, tần số, cường độ, mức độ diễn cảm, đặc điểm của ngôn từ, ngữ
pháp, cách phát âm.
- Những hành động diễn cảm thể hiện qua nét mặt, thái độ, hành động.
- Cử chỉ di chuyển, trạng thái đứng im của con người, khoảng cách
giữa người này với người khác, tốc độ, phương hướng vận động, sự va
chạm...
• Một số ưu điểm và hạn chế:
- Ưu điểm: Nó được sử dụng rộng rãi, chiếm ưu thế trong việc thu thập
các biểu hiện của tâm lý xã hội. Trong phương pháp này, nhà khoa học có thể
sử dụng những máy móc hiện đại như máy ảnh, máy ghi âm, máy quay phim
để ghi lại những hiện tượng cần nghiên cứu, khi cần có thể quan sát lại nhiều
lần bảo đảm tính khách quan.
- Hạn chế: phương pháp này còn có hạn chế là nó đòi hỏi nhiều thời
gian; nó chỉ cung cấp những tài liệu về các biểu hiện bề ngoài có tính cảm
tính. Bởi vậy, khi dùng phương pháp này nhà khoa học phải thu thập tài liệu
với số liệu đủ lớn để có thể chọn lọc trong đó những tài liệu cần thiết.
2.2. Phươngpháp nghiên cứu sản phẩm.
Sản phẩm hoạt động bao giờ cũng mang đậm nét những đặc điểm tâm
lý của nhóm người tạo ra nó, bao gồm sản phẩm vật chất và tinh thần. Các
sản phẩm vật chất như: nhà cửa, vật dụng thông thường,. các sản phẩm tinh
thần như âm nhạc, phong
tục, tập quán,. Qua sản phẩm hoạt động, nhà khoa học có thể tìm hiểu
về trình độ nhận thức, mức độ kỹ xảo, nội dung tình cảm, đặc điểm tính cách
của các nhóm người khác nhau.
2.3. Phươngpháp điều tra.
Dùng để hiểu rõ thái độ của mọi người đối với các biến cố xã hội,
những nhiệm vụ xã hội có liên quan đến họ cũng như nhu cầu, nguyện vọng,
định hướng hoạt động của họ trong tương lai. Phương pháp này được sử
dụng rộng rãi để nghiên cứu thông qua công cụ là bảng hỏi.
• Các nguyên tắc đặt câu hỏi:
- Trong một câu hỏi chỉ cần tìm hiểu một khía cạnh, không nên chứa
đựng nhiều nội dung nghiên cứu.
- Nên tránh sử dụng các thuật ngữ nước ngoài không được sử dụng
rộng rãi trong xã hội, tránh các thuật ngữ chuyên môn quá hẹp, tránh các từ
đa nghĩa.
- Không nên đưa ra các câu hỏi quá dài, đặc biệt là khi hỏi trực tiếp.
- Nếu trong câu hỏi có sử dụng các thuật ngữ không phổ biến thì người
điều tra viên có thể giải thích thêm về câu hỏi này để cho khách thể hiểu
được.
- Các câu hỏi cần được cụ thể hoá, đơn giản hoá đến mức độ cao nhất,
tránh đặt câu hỏi một cách chung chung, khó hiểu (rườm rà, tối nghĩa)
- Khi đặt câu hỏi có thể đưa ra các phương án trả lời mà mọi người đều
có thể hiểu như nhau.
- Cần tránh đặt các câu hỏi khuôn mẫu, sáo rỗng hay kiểu “đánh đố” đối
với
khách thể nghiên cứu
- Cần tránh đưa ra các câu hỏi tạo nên thái độ tiêu cực đối với người
được hỏi.
• Câu hỏi đóng và câu hỏi mở
- Câu hỏi đóng là các câu hỏi đưa ra các phương án trả lời, đòi hỏi
khách thể nghiên cứu phải chọn một hay một số trong các phương án trả lời.
Có hai loại câu hỏi đóng: câu hỏi đóng phân đôi và câu hỏi đóng có
nhiều phương án trả lời.
- Câu hỏi mở: là dạng câu hỏi không đưa ra các phương án trả lời.
Theo yêu cầu của câu hỏi, khách thể tự bộc lộ suy nghĩ của mình.
• Cách thức trình bày bảng hỏi:
Để bảng hỏi được trả lời tốt, khi xây dựng chúng ta cần chú ý đến một
số khía cạnh sau:
- Ở trang đầu của bảng hỏi ghi rõ cơ quan, tổ chức tiến hành điều tra.
- Tiếp theo là lời mở đầu (nêu mục đích, yêu cầu của bảng hỏi). Trong
lời mở đầu cần cam kết giữ bí mật tên, tuổi cho người được hỏi. Nên viết
ngăn gọn, lịch sự.
- Ở phần cuối bảng hỏi nên có lời cảm ơn người được hỏi.
- Cần chú ý đến hình thức trình bày bảng hỏi: kiểu chữ, cách trình bày,
• Những ưu điểm và hạn chế
- Ưu điểm: Cho phép tiến hành nghiên cứu trên một địa bàn rộng với số
lượng lớn khách thể nghiên cứu. Có thể thu được thông tin về nhiều sự kiện
khác nhau trong thời gian ngắn. Không chỉ thu thập được thông tin trong hiện
tại mà trong cả quá khứ và tương lai.
- Hạn chế: Số liệu điều tra chủ yếu dựa vào đánh giá của khách thể.
Độ tin cậy của thông tin phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, khả năng tự trình
bày các vấn đề của khách thể. Ngoài ra, độ tin cậy của thông tin còn phụ
thuộc vào khả năng thiết kế bảng hỏi của người nghiên cứu, vào sự hợp tác
của khách thể
Để bổ sung phương pháp điều tra, người ta đã dùng phương pháp
phỏng vấn kèm theo. Phương pháp phỏng vấn hay trò chuyện có mục đích
giúp cho người điều tra thâm nhập vào cuộc sống xã hội mà họ muốn nghiên
cứu, có được thông tin ban đầu về xã hội ấy. Qua trò chuyện sẽ gây được
không khí tự nhiên, gần gũi giữa người điều tra và người được điều tra khiến
họ có thể thông cảm hơn, tích cực hưởng ứng và trả lời chính xác.
Phỏng vấn cũng bị hạn chế là tốn thời gian, nên chỉ có thể tiến hành
trong một diện hẹp, có lựa chọn, thông thường là những người lãnh đạo,
những cá nhân tiêu biểu.
2.4. Phươngpháp thực nghiệm
Đây là phương pháp trong đó nhà khoa học chủ động gây ra hiện
tượng cần nghiên cứu và đặt người được thực nghiệm vào hoàn cảnh đòi hỏi
họ phải có hoạt động tích cực.
Ưu điểm: Thực nghiệm tâm lý xã hội có thể tiến hành dưới nhiều hình
thức tự nhiên hoặc tiến hành trong phòng thí nghiệm. Phương pháp thực
nghiệm giúp cho quá trình nhận thức hiện thực nhanh chóng hơn phương
pháp khác. Nó đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của việc nghiên cứu khoa
học đem lại những kết quả đáng tin cậy.
Nhược điểm: Trong tâm lý học xã hội, thực nghiệm là một phương pháp
rất phức tạp, rất khó sử dụng. Bởi vì nó được thực nghiệm đối với con người.
Nó không chỉ liên quan đến vấn đề tri thức, tổ chức, giáo dục, tuyên truyền
v.v. mà còn liên quan đến các chuẩn mực đạo đức và cả pháp luật.
2.5. Phươngpháp trắc nghiệm xã hội
Trắc nghiệm xã hội có nghĩa là đo lường xã hội. Phương pháp này
được xây dựng trên cơ sở lý luận tâm lý học về xã hội và test tâm lý xã hội
nhằm đánh giá các mối liên hệ cảm xúc liên nhân cách trong nhóm.
Phương pháp trắc nghiệm xã hội do L. Moreno (1892 - 1974) sáng lập.
Moreno đã đưa ra phương pháp này để tìm hiểu các cấu trúc tâm lý xã hội
trong các quan hệ liên nhân cách của nhóm. Các cấu trúc này không chỉ xác
định các đặc điểm của nhóm mà còn xác định trạng thái tinh thần của con
người.
■ Nhiệm vụ của trắc nghiệm xã hội
Trắc nghiệm xã hội được sử dụng, để chẩn đoán những quan hệ liên
nhân cách và liên nhóm với những mục đích làm cho chúng thay đổi tốt hơn
và hoàn thiện chúng.
Trắc nghiệm xã hội có thể nghiên cứu các kiểu loại hành vi xã hội của
con người trong điều kiện hoạt động của nhóm, đánh giá sự tương hợp tâm lý
xã hội của các thành viên trong các nhóm xã hội cụ thể.
Song nhiệm vụ cơ bản của trắc nghiệm xã hội là nghiên cứu cấu trúc
không chính thức của các nhóm xã hội và bầu không khí tâm lý của nhóm.
■ Các giai đoạn thực hiện trắc nghiệm xã hội
* Các giai đoạn thực hiện
- Xác định nhiệm vụ, khách thể nghiên cứu
- Xác định các giả thuyết nghiên cứu cơ bản
- Xây dựng bảng hỏi
Bảng hỏi của trắc nghiệm xã hội gồm các câu hỏi liên quan đến những
khía cạnh cảm xúc của các quan hệ tương hỗ giữa các cá nhân trong nhóm.
Đòi hỏi những người tiến hành trắc nghiệm phải thể hiện được mối quan hệ
thân ái, gần gũi, cởi mở với các khách thể làm trắc nghiệm. Vì quan hệ như
vậy sẽ kích thích được lòng nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm của khách thể
nghiên cứu.
* Các hình thức lựa chọn mẫu trong trắc nghiệm
- Sự lựa chọn không hạn chế
Nếu trong nhóm có 12 thành viên thì mỗi người trong nhóm sẽ lựa chọn
11 người còn lại của nhóm (trừ bản thân mình) để thực hiện trắc nghiệm.
Công thức lựa chọn ở đây là: N - 1, trong đó N là số lượng các thành
viên của nhóm thực nghiệm. Như vậy, sẽ có (N - 1) người được lựa chọn để
tham gia thực nghiệm.
Ưu điểm: khả năng lựa chọn như nhau đối với các thành viên. Nó có
thể làm cho các thành viên bộc lộ được cảm xúc của mình. Đây có thể là lát
cắt qua mối liên hệ liên nhân cách phức tạp trong cấu trúc nhóm.
Nhược điểm: kỹ thuật tính toán khá phức tạp, khó khăn khi nhóm trắc
nghiệm có nhiều thành viên. Một nhược điểm khác là xác suất nhận được từ
sự lựa chọn ngẫu nhiên là rất lớn. Ví dụ, ta có thể nhận được câu trả lời “Tôi
chọn tất cả”
- Sự lựa chọn hạn chế
Ở đây các khách thể được phép chọn số lượng hạn chế các thành viên
của nhóm (số lượng này theo quy định của người làm trắc nghiệm). Ví dụ,
trong nhóm trắc nghiệm có 25 người thì mỗi thành viên được lựa chọn 4
người.
Ưu điểm: có độ tin cậy cao hơn vì nó sẽ làm người thực hiện trắc
nghiệm có ý thức trách nhiệm, chú ý hơn khi lựa chọn.
Vấn đề ở đây là chọn bao nhiêu thành viên là hợp lý. J.Moreno và E.
Jenking đã đưa ra công thức về xác suất của sự ngẫu nhiên:
P(A) = d/(N - 1)
P là xác suất của sự kiện ngẫu nhiên (A) của sự lựa chọn theo trắc
nghiệm xã hội.
N là số lượng các thành viên của nhóm d là sự lựa chọn hạn chế.
Thông thường, trị số P(A) dao động trong khoảng từ 0,20 - 0,30. Khi
biết P(A) và N thì ta có thể xác định được số lượng lựa chọn hạn chế d.
Nhược điểm của cách lựa chọn này là không có khả năng lựa làm sáng
tỏ những quan hệ tương hỗ phức tạp trong nhóm.
Để khắc phục nhược điểm của mỗi cách lựa chọn, ta có thể kết hợp cả
hai cách lựa chọn này. Giai đoạn một là lựa chọn không hạn chế, giai đoạn
hai là sự lựa chọn hạn chế.
■ Phiếu trắc nghiệm xã hội
Kết quả nghiên cứu phụ thuộc rất nhiều vào phiếu trắc nghiệm xã hội.
Khi xây dựng phiếu trắc nghiệm cần chú ý một số điểm sau:
- Số lượng các câu hỏi trong phiếu không nên quá nhiều.
-Trong trường hợp nghiên cứu nhiều người và số lượng câu hỏi trắc
nghiệm lớn chúng ta có thể chia ra thành một số phiếu trắc nghiệm nhỏ hơn
theo các nội dung nghiên cứu.
Phiếu trắc nghiệm xã hội được xây dựng theo trình tự sau:
Bước 1: Chuẩn bị danh sách các thành viên của nhóm trắc nghiệm. Mỗi
thành viên nắm được số thứ tự của mình trong danh sách đó.
Bước 2: Xây dựng phiếu điều tra.
Ở phần đầu của phiếu hướng dẫn cách thực hiện trắc nghiệm (hướng
dẫn cách trả lời các câu hỏi). Khi trả lời các câu hỏi người được trắc nghiệm
cần đánh số thứ tự các thành viên trong nhóm theo danh sách ở phần cột lựa
chọn.
Các câu hỏi trắc nghiệm được chia thành hai nhóm:
+ Nhóm I: Người được trắc nghiệm đưa ra sự lựa chọn của mình về
các thành viên của nhóm.
+ Nhóm II: Người được trắc nghiệm đánh giá xem ai trong số các thành
viên của nhóm sẽ chọn mình vào vị trí đó. Tức là đánh giá về khả năng lựa
chọn của nhóm đối với bản thân anh ta.
Trên đây là một số những phương pháp nghiên cứu cơ bản trong tâm lý
học xã hội. Các phương pháp này được sử dụng kết hợp với nhau tuỳ theo
mục đích của nhà nghiên cứu.
Chương 2. CÁC HIỆN TƯỢNG TÂM LÝ XÃ HỘI
I. Khái niệm chung về hiện tượng tâm lý xã hội
Con người luôn sống trong một môi trường xã hội nhất định: gia đình,
trường học, công ti, xí nghiệp,... Trong quá trình đó các cá nhân có sự tác
động qua lại lẫn nhau. Sự tác động này đã điều chỉnh thái độ, hành vi của cá
nhân và nhóm dẫn đến quá trình xã hội hoá cá nhân, hình thành nên những
hiện tượng tâm lý đặc trưng của nhóm.
Tâm lý xã hội bao gồm những hiện tượng tâm lý chung của một nhóm
xã hội nảy sinh từ tác động qua lại trong hoạt động và giao tiếp giữa các
thành viên trong nhóm, chi phối thái độ hành vi của các cá nhân khi hiện diện
trong nhóm.
Những hiện tượng tâm lý xã hội có mối liên hệ mật thiết với nhau, chi
phối lẫn nhau. Nó có diễn biến rất phức tạp mặc dù được hình thành và phát
triển có quy luật.. Khi xã hội ngày càng phát triển, các mối quan hệ xã hội
ngày càng trở nên phức tạp và đa dạng. Chính trong quá trình đó nảy sinh
nhiều các hiện tượng tâm lý xã hội khác nhau. Việc nghiên cứu các hiện
tượng tâm lý xã hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong thực tiễn hiện nay.
II. Các hiện tượng tâm lý xã hội cơ bản
1. Tri giác xã hội
1.1. Khái niệm Tri giác xã hội
Tri giác xã hội là sự cảm nhận, hiểu biết và sự đánh giá của chủ thể tri
giác về các đối tượng xã hội: các cá nhân, nhóm người, bản thân mình, hoặc
các hiện tượng xảy ra có sự tham gia của con người.
Tri giác xã hội đó là hiện tượng nhận biết xã hội. Nó phụ thuộc vào đối
tượng mà chúng ta đang tri giác, đặc biệt là phụ thuộc vào mục đích, kinh
nghiệm, nguyện vọng của chúng ta. Nó còn phụ thuộc vào hoàn cảnh, bối
cảnh của chúng ta. Thực chất của tri giác xã hội là tri giác những người và
kiểu người trong xã hội.
Tri giác xã hội có nghĩa là thông qua các biểu hiện và hành vi bên ngoài
kết hợp với một vài đặc điểm nhân cách của người đó (do chúng ta cảm nhận
được) để hiểu được mục đích, phương hướng hành động hoặc để hiểu được
người khác.
Tri giác xã hội khác với tri giác vật thể ở chỗ đối tượng tri giác là một
thực thể tích cực, có tình cảm và thái độ riêng của mình.
Cấu trúc của bất kỳ một quá trình tri giác xã hội nào cũng bao gồm: chủ
thể tri giác, đối tượng tri giác, quá trình tri giác và kết quả tri giác, sự ảnh
hưởng của tri giác xã hội tới sự điều chỉnh hành vi và hoạt động của cá nhân,
của các nhóm xã hội.
1.2. Các cơ chế tri giác xã hội
Các công trình nghiên cứu đã cố gắng chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng
của quá trình tri giác xã hội. Đó là: ấn tượng ban đầu, quy gán xã hội, định
kiến xã hội.
1.2.1. Ấn tượng ban đầu
Ấn tượng ban đầu là hình ảnh tổng thể mà chúng ta có được về một
người khác hoặc về nhóm xã hội dựa trên một sự nhìn nhận, đánh giá một
cách chung chung thông qua những biểu hiện về diện mạo, lời nói, cử chỉ, tác
phong, ánh mắt,. Sau lần tiếp xúc ban đầu ta sẽ có một ấn tượng nhất định về
đối tượng của mình.
Thông thường sau lần gặp gỡ đầu tiên (tri giác, nhận thức), về mặt vô
thức, trong đầu chúng ta hiểu về người đó: liệu có chơi được hay không?
người này có thích mình không?... Chúng ta quy lại một nhân cách chung, do
đó nó chi phối rất nhiều trong quá trình tri giác lần sau.
Ấn tượng ban đầu được hình thành trên cơ sở:
■ Đặc điểm trung tâm
Trong quá trình ứng xử xã hội, giao tiếp thông thường ở mỗi cá nhân có
nổi lên một đặc điểm nào đó và chúng ta đã lấy nó để suy luận về họ.
Nhà tâm lý học Mỹ, Asch Solomon, nghiên cứu về ấn tượng ban đầu đã
tiến hành thí nghiệm như sau:
Cho hai nhóm sinh viên hai bảng ghi các đặc điểm tính cách. Nội dung
của hai bảng như nhau, chỉ khác một điểm: “tính nồng nhiệt” của người A thay
thế bằng “tính lạnh lùng” của người B.
Ngừơi A Người B
Thông minh
Khéo léo
Cần cù
Nồng nhiệt
Kiên quyết
Thực tế
Thận trọng
Thông minh
Khéo léo
Cần cù
Lạnh lùng
Kiên quyết
Thực tế
Thận trọng
Ông yêu cầu hai nhóm sinh viên đưa ra nhận định của mình về người
có những đặc điểm trong bảng. Các sinh viên nhận xét người A là một người
tin tưởng vào những điều đúng đắn, muốn mọi người hiểu quan điểm của
mình, chân thành khi tranh luận và mong ý kiến, quan điểm đó được thừa
nhận.
Nhóm sinh viên thứ hai cho rằng người B là một kẻ lừa dối, thấy mình
thành công, thông minh đã tưởng là khác người, đó là người tính toán, lãnh
cảm.
Từ thí nghiệm này ông kết luận: chính cặp đặc điểm trung tâm “nồng
nhiệt - lạnh lùng” là yếu tố chính trong quá trình hình thành ấn tượng. Nếu
thay đổi cặp đặc điểm này thì ấn tượng chung cũng bị ảnh hưởng. Các cặp
đặc điểm trung tâm không chỉ đem lại những ấn tượng khác nhau mà còn gợi
thêm những cảm tưởng khác nhau như tính nồng nhiệt đã làm 90% sinh viên
đánh giá người A là hào hiệp, 75% sinh viên đánh giá là hài hước. Còn tính
“lạnh lùng” chỉ có 10% sinh viên nhận định người B là hào hiệp hoặc hài
hước.
Ấn tượng ban đầu được hình thành trên cơ sở một vài đặc điểm biểu
hiện ra ngoài mang tính nổi bật trong một hoàn cảnh nào đó. Đặc điểm ấy
thường gọi là đặc điểm trung tâm. Nó quyết định, khống chế cách thức và
chiều hướng suy nghĩ cảm nhận của người tri giác. Vì thế, không phải lúc nào
chúng ta tri giác cũng đúng.
■ Sơ đồ nhân cách tiềm ẩn.
Trong cuộc sống, do tiếp xúc ứng xử, chúng ta thường có một cách
thức hay gán ghép các yếu tố với nhau thành một nhân cách.
- Trong mỗi con người đều có sẵn một sơ đồ liên hệ giữa các tính cách
của con
người với nhau. Chúng ta hay gán ghép những nét tính cách, phẩm
chất giống nhau lại. Khi tiếp xúc với các cá nhân trong xã hội, thì mối liên hệ
nét tính cách tốt hay xấu nó được hoạt hoá và chúng ta dùng để đánh giá
người khác. Sự hoạt hoá - liên kết giữa các nét tính cách đã ảnh hưởng đến
việc chúng ta đánh giá người khác dựa vào kinh nghiệm của chúng ta, nghĩa
là chúng ta đặt con người bằng phạm trù sơ lược, bằng kinh nghiệm.
Khái niệm sơ đồ nhân cách tiềm ẩn: nhằm mô tả một biểu tượng tinh
thần sơ lược có chức năng hiểu biết hiện thực bằng cách giản lược những
phức tạp của đối tượng, thực tế, dự đoán được các phản ứng hành động của
đối tác, định ra cái chuẩn có khả năng nhờ đó có thể kiểm tra được người
khác và hành động của họ.
Sơ đồ nhân cách ngầm ẩn nó phụ thuộc vào:
+ Kinh nghiệm (những ý niệm, tri thức của chúng ta có về người khác),
chúng ta sẽ có phản ứng tích cực hay tiêu cực về các nhóm xã hội khác.
+ Động cơ (lý do hành động), đó là hoạt động của chúng ta hướng vào
để đạt được mong muốn, ý đồ của chúng ta.
+ Hoàn cảnh, bối cảnh cụ thể. Nó quy định cách thức chúng ta nhìn
nhận người khác, quy định chuẩn mực của sự đánh giá.
■ Thông tin đầu tiên
Là những tri thức, cảm xúc của con người, trật tự của những thông tin
quy định cách chúng ta đánh giá người khác.
Thứ tự thông tin rất quan trọng trong việc quan sát người khác, những
thông tin đến sớm nhất, đầu tiên bao giờ cũng tác động gây cho người ta có
sự tri giác gây ấn tượng lớn. Nó tạo nên sự áp đặt, nó chi phối làm sai lệch
cách chúng ta cảm nhận người khác.
Thông tin ban đầu có tính quyết định khi tri giác người lạ, còn đối với
người quen thì thông tin cuối cùng lại có ý nghĩa hơn cả.
Như vậy, ấn tượng ban đầu mang tính chủ quan khó xác định, bị nhiều
hiệu ứng tác động không dễ xoá nhoà. Nó quyết định nhiều thái độ ứng xử
tiếp đó của chúng ta đối với đối tượng.
1.2.2. Quy gán xã hội
Việc chúng ta giải thích các sự kiện xã hội hay nhận định về người khác
bằng cách gán những nguyên nhân ổn định nằm trong kinh nghiệm của bản
thân, gọi là quy gán xã hội.
Quy gán xã hội, đó là quá trình suy diễn nhằm hiểu ý nghĩa hành động
của người khác bằng cách tìm những nguyên nhân hợp lý để giải thích cho
các sự kiện, hành động luôn biến đổi trong xã hội.
Quy gán xã hội tuân theo những nguyên tắc:
- Nguyên tắc tâm lý ngây thơ: chúng ta luôn tìm cách khám phá nguyên
nhân hành vi để hiểu và dự đoán sự kiện sắp tới, với mong muốn có thể giám
sát được môi trường và mọi vật xung quanh. Heider (nhà tâm lý học Mỹ) gọi
xu thế này là tâm lý ngây thơ vốn có ở mỗi người.
- Nguyên tắc suy diễn tương ứng: Khi quan sát hành vi của người
khác, ta luôn tìm cách suy diễn ý nghĩa của hành vi đó tương ứng với những
gì ta thấy. Nếu chúng ta có nhiều thông tin về mục đích hoạt động của đối
tượng thì sự suy diễn tương ứng càng chính xác. Sự suy diễn tương ứng
nhằm đi đến một quy gán nào đó bị ảnh hưởng bởi 3 yếu tố sau:
+ Chuỗi hành vi không thống nhất
+ Hành vi xã hội được mong đợi hay hành vi không được mong đợi
+ Những hành vi được tự do lựa chọn dễ suy diễn hơn hành vi bắt
buộc.
Cách suy diễn tương ứng để tìm nguyên nhân hành vi không phải lúc
nào cũng chính xác. Sự suy diễn tương ứng chỉ phản ánh được lượng thông
tin chúng ta có về đối tượng. Khi cá nhân không có thông tin chi tiết, cụ thể
nên hay dựa vào một điều bất kỳ mà người đó biết để quy gán hoặc cho là
thế này, hoặc thế kia.
- Nguyên tắc suy diễn nhân quả: thường biểu hiện bởi 3 yếu tố: Chủ
quan, khách quan, đối tượng.
Theo một quy luật chung: khi cá nhân thành công thì thường quy gán
nghiêng về bản thân theo xu hướng quy gán vào nâng cao năng lực, phẩm
chất của mình.
Ngược lại, khi thất bại cá nhân thường đổ lỗi cho khách quan. Còn đối
với người khác khi thành công chúng ta hay quy gán cho là khách quan, khi
họ thất bại lại quy gán do chủ quan của họ.
Trong quá trình quy gán chúng ta hay cho thái độ và hành vi của mình
là chuẩn, hành vi của người khác là không chuẩn. Từ đó, chúng ta nhìn nó để
chiếu theo người khác, ép người khác theo chuẩn của mình.
Một trong những nhược điểm của con người khi quy gán nguyên nhân
hành vi là ảo tưởng rằng mình có khả năng kiểm soát được mọi yếu tố quyết
định thành công hay thất bại. Ví dụ: như trò chơi sổ xố, người ta có cảm
tưởng rằng có nhiều cơ hội thắng cuộc nếu tự do lựa chọn vé số.
2. Định kiến xã hội (Social Prejudice)
2.1. Khái niệm định kiến xã hội
Theo từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên thì: Định kiến là ý kiến
riêng đã có sẵn, khó có thể thay đổi được.
Như chúng ta đã biết, định kiến cùng với khuôn đúc là một trong những
dạng thức của Tri giác giác xã hội. Sự phân tích khái niệm định kiến
(Prejudice), một khái niệm cổ điển của tâm lý học xã hội, góp phần cho phép
ta nám được một trong những dạng thức biểu hiện các hệ thống tri giác của
chúng ta, cũng như góp phần cho phép cụ thể hoá các cơ chế xây dựng các
hiện thực về mặt tinh thần và xã hội, sự vận hành của những dư luận và sự
tin tưởng xã hội.
2.1.1. Một số định nghĩa của các nhà Tâm lý học xã hội
Về vấn đề định nghĩa thế nào là Định kiến xã hội cũng có nhiều ý kiến
khác nhau, mỗi tác giả khi xem xét định kiến xã hội ở góc độ riêng của mình
đã đưa lại những định nghĩa sao cho phù hợp với vấn đề mà họ đang nghiên
cứu. Ở đây chúng ta chỉ xem xét những định nghĩa của các nhà tâm lý học xã
hội.
Trước hết ta xem xét khái niệm Định khuôn xã hội. Thuật ngữ Định
khuôn xã hội do Lippman (người Mỹ) đưa ra, nhằm nói đến những biểu tượng
bền vững được đơn giản hoá khái quát và sơ đồ hoá mỗi khi nhìn nhận đối
tượng mà thiếu hụt thông tin. Định khuôn là biểu tượng xã hội của cá nhân
trong cùng một nhóm. Định khuôn xã hội có thể mang tính tích cực hoặc tiêu
cực.
Trong tri giác xã hội, định khuôn xã hội biến thành định kiến xã hội khi
nó mang sắc thái tiêu cực.
Định kiến xã hội được hiểu là thái độ của một cá nhân trong từng nhóm
xã hội, nó thường là tiêu cực đối với người khác, nhóm khác trong quan hệ
với nhau. Có nhiều loại định kiến xã hội như: định kiến chủng tộc, giới tính,
tôn giáo, giai cấp,.
Theo Fischer: Định kiến xã hội là những thái độ bao hàm sự đánh giá
một chiều và sự đánh giá đó là tiêu cực đối với cá nhân khác hoặc nhóm khác
tuỳ theo sự quy thuộc xã hội riêng của họ. Nói cách khác, định kiến là một loại
phân biệt đối xử bao gồm 2 thành tố chính là nhận thức và ứng xử.
Theo Godefroid: Định kiến là sự phán xét “tốt” hay “xấu” của chúng ta
đối với người khác, ngay cả trước khi ta biết rõ họ hoặc biết được lý do hành
động của họ.
Theo J. P. Chaplin: Định kiến là thái độ có thể tích cực hoặc tiêu cực
được hình thành trên cơ sở của yếu tố cảm xúc. Là niềm tin hoặc cách nhìn
thường là không thiện cảm dẫn đến cho chủ thể một cách nghĩ hoặc cách
ứng xử tương tự với người khác.
Theo Rosenberg: Định kiến xã hội là một định hướng được tiếp thụ có
mục đích thiết lập một sự phân biệt xã hội. Như vậy, có thể nói rằng định kiến
là một sự phân biệt đối xử. Quan điểm này của ông cho phép phân biệt hai
thành tố căn bản của định kiến: thành tố nhận thức và thành tố ứng xử. Ta có
thể sơ đồ hoá khái niệm định kiến:
Như vậy, tuy có nhiều quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề định
kiến, nhưng suy cho cùng, các tác giả đều có nhìn nhận giống nhau một cách
cơ bản trên một số điểm. Hầu hết họ đều thừa nhận định kiến là một kiểu thái
độ tiêu cực - bất hợp lý đối với người khác dựa trên những nhận thức thiếu
căn cứ, phiến diện và một chiều của chủ thể là người mang định kiến.
2.1.2. Sự khác nhau giữa Định kiến và Phân biệt đối xử.
Trong cách nói thường ngày, nhiều người sử dụng thuật ngữ định kiến
và phân biệt đối xử như những từ đồng nghĩa. Có thực là chúng như nhau
không? Hầu hết các nhà tâm lý học đều chỉ ra sự khác biệt rất rõ ràng giữa
chúng.
Định kiến ám chỉ một kiểu thái độ đặc biệt mà thông thường là những
thái độ tiêu cực đối với thành viên của nhóm xã hội khác. Vì một kiểu thái độ
nên định kiến không phải lúc nào cũng được phản ánh công khai trong hành
động. Trong rất nhiều trường hợp, cá nhân mang định kiến nhận ra rằng mình
không thể biểu đạt nó một cách trực tiếp. Có một nghìn lẻ một các lý do khiến
họ làm như vậy: luật lệ, áp lực xã hội, nỗi sợ hãi bị trả thù. đã ngăn cản họ
thực hiện hành động tiêu cực một cách rộng rãi. Nhưng khi không còn những
rào cản và sự kiềm toả như vậy thì những niềm tin, cảm giác tiêu cực thắng
thế và nó được thể hiện một cách công khai và trở thành sự phân biệt đối xử.
2.2. Các nguyên nhân hình thành định kiến xã hội
2.2.1. Sự cạnh tranh (competition)
Thật không may mắn, những điều mà con người coi trọng nhất trong
cuộc đời này như công việc tốt, nhà cửa đẹp đẽ, vị trí cao, một nền giáo dục
hoàn hảo,.. lúc nào cũng hiếm hoi nhưng lại không bao giờ có đủ cho mọi
người. Thực tế này có thể chính là sự giải thích lâu đời nhất cho sự ra đời của
định kiến.
Theo quan điểm này, định kiến ra đời từ cuộc cạnh tranh giữa những
nhóm xã hội khác nhau về những tiện nghi giá trị và cơ hội. Thành viên của
những nhóm liên quan tiếp tục nhìn nhận ngày một tiêu cực về nhau. Họ “dán
nhãn” nhau là kẻ thù, coi nhóm mình là đạo đức tối thượng, dựng lên rào cản
ở giữa và sự thù địch giữa họ ngày một sâu sắc. Kết quả tất yếu là từ những
cuộc cạnh tranh đơn giản chẳng liên quan gì tới oán hận và thù ghét đã dần
phát triển thành những định kiến gay gắt. Thậm chí những cuộc cạnh tranh
kiểu như vậy thường dẫn tới mâu thuẫn trực tiếp, công khai và những hành vi
có tính xâm khích.
Nghiên cứu của Hovland và Sear đã cho ta thấy điều này: Họ đã tiến
hành kiểm tra mối liên hệ giữa số người da đen bị phân biệt đối xử ở 14 bang
của nước Mỹ với hai chỉ số về kinh tế là giá trị trang trại của cây bông và giá
trị đồng cỏ. Họ đã lấy số liệu trong 49 năm và kết quả là: điều kiện kinh tế
càng xấu bao nhiêu thì số vụ bạo lực xảy đến với người da đen càng nhiều
bấy nhiêu.
Điều đó cho thấy một khi kinh tế khủng hoảng thì những cuộc cạnh
tranh về tài nguyên kinh tế càng khan hiếm. Những người thất bại trong cuộc
cạnh tranh hiện tại nảy sinh tâm lý lo hãi vì sẽ bị mất đi vị thế của mình. Lúc
này nhóm thiểu số (người da đen, người nhập cư) trở thành những người giơ
đầu chịu báng, những “con vật hy sinh” đối với những kẻ thất bại và là nơi để
họ đổ lỗi, trút giận bằng những hành vi hung tính. Những nạn nhân này trở
thành sự lý giải hợp lý đối với nạn thất nghiệp, mức sống thấp và nhờ đó biện
minh cho hành động của những cá nhân mang định kiến. Với quan điểm như
vậy, định kiến là một cơ chế bảo vệ được kích hoạt bởi sự giận dữ, lo hãi và
cảm giác bị hạ thấp giá trị.
Nghiên cứu của Sherif và những cộng sự: Xung đột và định kiến trong
một trại hè.
Nghiên cứu của họ bao gồm việc gửi những cậu bé 11 tuổi đến một trại
hè ở vùng hẻo lánh. Khi những cậu bé đến trại hè, các em được chia làm 2
nhóm riêng biệt và được phân làm 2 khu cách biệt nhau khá xa. Trong một
tuần các cậu bé sống và chơi với nhóm của mình, tham gia những hoạt động
như đi bộ đường trường, bơi lội và nhiều loại thể thao thú vị khác. Trong giai
đoạn đầu, các em phát triển sự quan tâm đối với nhóm của mình, các em
chọn tên cho đội (Đại bàng, Trống lắc) và trang trí cờ hiệu của nhóm mình.
Trong giai đoạn hai của cuộc nghiên cứu, các cậu bé được thông báo
rằng các em sắp tham gia vào một cuộc thi đấu. Đội chiến thắng sẽ được
nhận chiến lợi phẩm và giải thưởng. Liệu sự ganh đua có làm phát sinh định
kiến không? Câu trả lời đang đến gần. Khi những cậu bé thi đấu thì tình trạng
căng thẳng giữa hai đội tăng lên. Đầu tiên mọi việc chỉ giới hạn trong việc
lăng mạ, chọc phá nhưng sau đó nó nhanh chóng leo thang thành những
hành động trực tiếp như đội Trống lắc đốt cờ đội Đại bàng. Ngày hôm sau, đội
Đại bàng trả thù bằng việc tấn công vào cabin của đối thủ, lật ngược giường
chiếu, xé mùng màn và lấy đi vật dụng cá nhân. Cùng lúc đó, hai nhóm ngày
càng có nhiều cái nhìn xấu hơn về nhau. Các em dán nhãn, đối thủ là những
kẻ yếu đuối, vô tích sự và nhát gan trong khi không ngừng ca tụng nhóm của
mình.
Trong giai đoạn cuối cùng của cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học đã
phải can thiệp bằng cách tạo ra một hoàn cảnh mới. Bằng cách làm việc cùng
nhau để khôi phục nguồn nước, chung tiền mướn phim và cùng sửa chữa
chiếc xe tải bị hỏng, không khí căng thẳng đã phai mờ, rào cản giữa 2 nhóm
đã thực sự biến mất và tình bạn xuyên nhóm giữa các em đã được thiết lập.
2.2.2. Bất bình đẳng xã hội (social unequality)
Trong bất cứ xã hội nào cũng tồn tại những địa vị xã hội không ngang
bằng. Các cá nhân không có sự bình đẳng với nhau về cơ hội, lợi ích, về các
giá trị. và sự không ngang bằng đó dễ dàng làm phát sinh định kiến. Những
người có định kiến thường đánh giá vị trí của mình cao hơn người khác và
bằng thái độ kẻ cả, họ thường yên tâm
v ề giá trị của mình. Họ tự cho mình cái quyền được phán xét người
khác, họ cho mình là tốt hơn, cao quý hơn còn những người thuộc về nhóm
xã hội khác thì bị gán cho những đặc điểm tiêu cực và bị đối xử kém ưu ái.
Theo một số tác giả, lúc này định kiến là sự hợp lý hoá bất bình đẳng
xã hội và nó được sử dụng như một công cụ để chứng minh cho tính đúng
đắn của những người có thế lực và tiền bạc, sở hữu nhiều giá trị cao hơn.
2.2.3. Xã hội hóa (socialization)
Định kiến xã hội được hình thành qua quá trình xã hội hoá ngay từ lúc
đứa trẻ bắt đầu sinh ra. Môi trường gia đình, đặc biệt là những khuôn mẫu
của bố mẹ là nguồn hiểu biết quan trọng nhất đối với trẻ. Qua bố mẹ, đứa trẻ
hiểu và tiếp xúc với thế giới bên ngoài, hình thành xu hướng lặp lại những gì
mà bố mẹ và người lớn đã dạy dỗ nó. Đứa trẻ học cách ứng xử xã hội bằng
cách quan sát người khác và bắt chước họ. Vì thế những kinh nghiệm đầu
tiên trong cuộc đời có thể có tầm quan trọng nhất định đến sự hình thành định
kiến. Trẻ em học cách suy nghĩ, nhìn nhận và đánh giá như những người
xung quanh chúng.
Mặt khác, những phương tiện truyền thông đại chúng cũng đóng vai trò
quan trọng đối với các em trong việc nhận thức xã hội và những áp lực phải
tuân theo các quy tắc xã hội. Chẳng hạn, thành viên của những dân tộc,
chủng tộc thiểu số ít được xuất hiện trên những phương tiện thông tin đại
chúng mà khi xuất hiện họ lại thường đóng những vai có thân phận thấp hèn
và vai trò hài hước. Khi những tình huống như thế cứ lặp lại nhiều lần thì cuối
cùng tin là thành viên của những nhóm đó thực sự là thấp hèn.
Người ta có thể chứng minh rằng những người có nhân cách độc đoán,
được tạo nên do hoàn cảnh và sự giáo dục chính là những người nhạy cảm
nhất trong việc phát triển định kiến. Một nhân cách như vậy hàm chứa một cái
gì đó cứng nhắc, một sự khó khăn trong việc tiếp xúc với người khác, một
khuynh hướng đơn giản hoá các tình huống đến cực đoan và nhất là lòng tin
vào tính chất thượng đẳng của nhóm xã hội và nền văn hoá của mình. Những
con người này có khuynh hướng phân biệt tất cả những ai khác với mình,
khác với cơ cấu tư duy của mình. Nhà nghiên cứu Adorno và những cộng sự
của ông đã nhận thấy rằng những nhân cách có thiên hướng căm ghét những
cá nhân khác biệt thuộc tầng lớp thấp thường xuất hiện trong những gia đình
gia trưởng - nghiêm khắc có người bố tàn bạo và người mẹ nhu nhược, phục
tùng. Trẻ em trong những gia đình như vậy thường căm ghét và sợ hãi bố
của mình. Tuy nhiên các em thường phủ nhận và che giấu tình cảm này do
sợ bị trừng phạt. Những người trưởng thành thuộc mẫu tính cách độc đoán
hướng sự giận dữ của mình vào những nhóm cá biệt trong xã hội như nhóm
da đen, nhóm đồng tính, nhóm Do thái hay những nhóm không thích ứng với
tiêu chuẩn xã hội.
2.2.4. Khuôn mẫu trong nhận thức
Trong một hoàn cảnh thiếu hụt thông tin, kinh nghiệm sống hạn chế
chúng ta thường lựa chọn giải pháp dễ dàng nhất để giải bài toán về người
khác.
Chúng ta có xu hướng xếp những con người rất đa dạng vào những
hạng đơn giản và có những kết luận sai lầm về họ. Chúng ta cũng có xu
hướng dựa vào những khuôn mẫu nhận thức có sẵn hơn là tìm hiểu về chúng
để có một sự phản ánh chân thực hơn. Trong điều kiện đó thì những khuôn
mẫu giúp ta rút ngắn thời gian nhận thức và đưa ra một hình ảnh giản ước về
đối tượng.
Như vậy, các khuôn mẫu có những ảnh hưởng nhất định đến cách
chúng ta xử lý thông tin. Chúng ta có khuynh hướng chỉ lựa chọn những
thông tin phù hợp với khuôn mẫu, những thông tin được ưa thích, mong đợi
và những thông tin này được xử lý nhanh hơn, được ghi nhớ sâu hơn. Còn
những thông tin không phù hợp nó sẽ được ý thức của chúng ta chủ động
bác bỏ.
Ngày nay, tuy một số đông đã chống lại các khuôn mẫu nhận thức tiêu
cực không còn phù hợp với quan điểm và niềm tin có ý thức của họ nhưng khi
họ hành động hoặc phản ứng một cách không có chủ ý thì những khuôn mẫu
tiềm thức vẫn thắng thế.
Chẳng hạn, một người da trắng rất dễ có xu hướng kiểm tra lại vị trí của
mình sau khi đứng cạnh một anh da đen trong xe điện ngầm, dù người này
hoàn toàn không có cảm giác thù địch nào với người da mầu.
2.2.5. Biểu tượng xã hội
Trong xã hội thường tồn tại những biểu tượng xã hội. Chẳng hạn trong
xã hội Mỹ người da trắng thường được quan niệm như những người có lòng
tốt, sự trong sạch và thông minh. Trong khi đó những người da đen thường bị
liên tưởng là những kẻ bệnh hoạn, tàn ác, ngu dốt và không có tinh thần trách
nhiệm.
Những biểu tượng xã hội này đã làm ảnh hưởng đến định kiến và phản
ứng của trẻ em. Nghiên cứu của nhà tâm lý học người da đen Mamie Clack
đã chứng minh điều đó. Ông đã tiến hành thực nghiệm trên một số lượng lớn
trẻ em da đen từ 3 - 7 tuổi. Nội dung thực nghiệm của ông như sau: ông đưa
ra 2 loại búp bê da trắng và da đen, ông yêu cầu các em trả lời câu hỏi:
Búp bê nào xấu nhất?
Búp bê nào xinh nhất?
Búp bê nào da đen?
Búp bê nào ngoan?
Búp bê nào em thích chọn làm bạn?
Phần lớn trẻ em tham gia thực nghiệm đều nhận thức đúng mầu da của
búp bê và chúng cho biết chúng thích chơi với búp bê mầu trắng hơn vì nó
đẹp hơn, tốt hơn còn búp bê mầu đen thì xấu xí và độc ác. 2/3 trẻ em da đen
đã bị búp bê da trắng cuốn hút.
Các nhà nghiên cứu đã giải thích hiện tượng này là hậu quả từ những
biểu tượng xã hội khinh miệt người da đen và sự chối bỏ của chính trẻ em da
đen đối với con búp bê có cùng màu da với mình thể hiện một sự khinh miệt
lạc hướng chống lại chính bản thân mình.
Những biểu tượng xã hội tiêu cực đã khiến cho nhóm thiểu số không
chỉ là nạn nhân của sự phân biệt đối xử mà còn làm họ đánh mất niềm tin vào
những giá trị của mình, tự hạ thấp mình và thay vì hướng ra bên ngoài để
chống lại những định kiến mà họ là đối tượng thì họ lại chấp nhận nó, tin vào
nó.
2.2.6. Trường học
Trường học được đánh giá là một trong những nguồn gốc hình thành
định kiến vì nhiều định kiến đã được ra đời từ ảnh hưởng của trường học.
Sự phân tích này cho thấy sách giáo khoa trong nhà trường là một sự
chuyển tiếp hàng đầu trong việc tập luyện định kiến. Việc học trong nhà
trường là một trong những hình thức phát triển và duy trì định kiến qua sự
hấp thụ nhập tâm những khuôn mẫu từ sách vở. Con người lại rất dễ bị cầm
tù bởi những quan niệm, những hiểu biết cũ kỹ được thấy trong sách hoặc
được học trong nhà trường. Nếu thấy ở đâu đó có điều gì không phù hợp với
những điều mình đã học, đã đọc là bác bỏ ngay không cần xem xét gì.
Hiện tượng đó đã từng xảy ra với rất nhiều lý thuyết khác nhau xuất
hiện trong lịch sử. Một ví dụ, đó là hiện tượng của Phân tâm học. Có rất nhiều
người chưa từng đọc một tác phẩm nào của phân tâm, hoặc biết rất ít về
phân tâm học nhưng khi nghe người khác nói hay - nói dở như thế nào đấy là
tin ngay, nhất là những điều đó lại được nói ra từ sách giáo khoa hoặc từ
những người có học vấn. Và kết quả là người ta thổi phồng quá mức những
thành tựu phân tâm học hoặc cho rằng đó chỉ là một lý thuyết nhảm nhí, dung
tục, chỉ quan tâm đến vấn đề bản năng và tình dục.
2.2.7. Kiểu hình thần kinh
Quan điểm này cho rằng những người thuộc kiểu hình thần kinh yếu
(trong đó quá trình ức chế mạnh hơn quá trình hưng phấn) là những người có
yếu tố thuận lợi để phát triển định kiến. Những người có kiểu hình thần kinh
như vậy thường không linh hoạt, rụt rè, tự ti. Khi gặp phải hoàn cảnh không
thuận lợi họ thường suy nghĩ một cách tiêu cực, thậm chí bệnh hoạn. Họ rất
ngại giao du và nếu buộc phải tiếp xúc với người khác thì thái độ của họ thiếu
cởi mở, không lường trước được. Họ là những người rất khó khăn trong việc
chấp nhận những giá trị mới và ít thích nghi với những biến động của môi
trường.
Nói tóm lại, định kiến xã hội là một hiện tượng tâm lý phức tạp bắt
nguồn từ nhiều nguyên nhân đa dạng nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống của con
người.
Các nguyên nhân này không tách rời nhau mà có mối liên hệ ràng buộc
chặt chẽ. Hiểu được nguyên nhân hình thành định kiến ta sẽ có cách khắc
phục được nó. Bởi vì suy đến cùng định kiến là một kiểu thái độ mà thái độ
của con người có thể thay đổi.
2.3. Các mức độ của định kiến xã hội
Theo như định nghĩa về định kiến xã hội, có thể chia định kiến xã hội ra
thành 3 mức độ như sau: lời nói - nhận thức - hành vi, trong đó hành vi là
mức độ cao nhất của định kiến xã hội.
Tuy nhiên, ta cũng cần phải hiểu sự phân chia này chỉ mang tính chất
tương đối, bởi định kiến dù ở mức độ nào thì nó cũng vẫn là một thái độ tiêu
cực của chủ thể mang định kiến.
2.4. Thay đổi định kiến
Như đã nói ở trên, định kiến xã hội là một thái độ tiêu cực và chủ quan
của chủ thể mang định kiến đối với đối tượng của họ, mặt khác định kiến xã
hội có thể khiến ta tri giác sai người khác cũng như các hiện tượng khác nhau
của xã hội, chúng ta không thể dựa vào nó để làm cơ sở định hướng cho
cuộc sống cá nhân. Do đó, việc thay đổi định kiến, nhất là những định kiến
“nguy hiểm” như: phân biệt chủng tộc, phân biệt tôn giáo,.. là rất cần thiết và
có ý nghĩa không chỉ cho các cá nhân mà còn cho lợi ích chung của cộng
đồng. Tuy nhiên, thay đổi định kiến là cả một quá trình không hề đơn giản.
2.4.1. Khó khăn trong thay đổi định kiến
Con người hầu như ai cũng có định kiến không về cái này thì về cái
khác, không trong lúc này thì trong lúc khác. Tuy nhiên, họ lại không ý thức
được rằng mình mang định kiến, thậm chí là không chịu ý thức về điều đó.
Điều này tạo ra khó khăn rất lớn khi muốn thay đổi định kiến.
Thứ hai, định kiến với các chức năng của mình đã trở thành cái để đảm
bảo cho sự phân biệt đối xử, sự biện minh xã hội và đặc biệt định kiến khiến
cho cá nhân (mang định kiến) giữ vững và gán cho mình những giá trị của
nhóm nhằm nâng cao giá trị của bản thân. Do đó, mà không phải ai cũng có
nhu cầu thay đổi định kiến của mình.
Thứ ba, định kiến gắn liền với những giá trị của nhóm cũng như của
mỗi cá nhân, vì vậy, khi thay đổi định kiến cũng có nghĩa là cá nhân và nhóm
mất đi những giá trị, từ đó dẫn đến việc bị đánh đồng với người khác. Điều
này cũng tạo ra những khó khăn không nhỏ khi muốn thay đổi định kiến.
Thứ tư, định kiến có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, định kiến
phụ thuộc vào nhận thức, tình cảm, hành vi của mỗi cá nhân, vào áp lực của
nhóm. dẫn đến khó thay đổi.
2.4.2. Các bước thay đổi định kiến
Có hai bước chủ yếu để thay đổi định kiến:
- Thay đổi nguyên nhân dẫn đến định kiến: như trình bày ở phần trên,
định kiến có nhiều nguyên nhân khác nhau, muốn thay đổi được định kiến thì
trước tiên ta phải xác định được nguyên nhân chủ yếu dẫn đến định kiến đó
để tác động vào.
- Thay đổi định kiến: sau khi xác định rõ nguyên nhân chủ yếu dẫn đến
định kiến ta sẽ dùng các biện pháp cụ thể phù hợp để thay đổi định kiến.
2.4.3. Biện pháp thay đổi định kiến
- Ngăn chặn quá trình hình thành định kiến: Định kiến xã hội được hình
thành qua quá trình xã hội hoá ngay từ khi đứa trẻ vừa sinh ra. Môi trường gia
đình, đặc biệt là những khuôn mẫu sống của bố mẹ là nguồn hiểu biết quan
trọng nhất của đứa trẻ. Qua bố mẹ, đứa trẻ hiểu, tiếp xúc với thế giới bên
ngoài và có xu hướng lặp lại những gì bố mẹ trao cho. Trẻ con học cách ứng
xử xã hội qua hoạt động thực tiễn, qua bắt chước, quan sát, giao tiếp với
người khác. Chúng tiếp thu thái độ và định kiến của bố mẹ. Định kiến gắn
chặt với thái độ, cũng giống như thái độ, định kiến có thể tiếp thu được và
cũng có thể từ bỏ được. Nó gây ảnh hưởng tới hành vi vào những thời điểm
nhất định và có khả năng suy giảm vào thời điểm khác.
Trường học là cơ sở quan trọng hình thành định kiến. Nhiều định kiến
được hình thành từ những ảnh hưởng của sách vở, của nhóm bạn, của cuộc
sống đời thường. Trong quá trình sống, ảnh hưởng của các nhóm xã hội, thể
chế chính trị, bối cảnh xã hội làm cho các định kiến hoặc bền vững hoặc bị
xoá bỏ đi. Ví dụ như định kiến trọng nam khinh nữ của xã hội phong kiến khó
xoá bỏ ngay được.
Nắm được quá trình hình thành định kiến, ta có thể dùng chính các môi
trường hình thành nên định kiến (gia đình, nhà trường, các thể chế.) để tác
động giúp ngăn chặn hoặc mất dần định kiến.
- Trị liệu cá nhân, trị liệu nhóm: Đây là phương pháp nhằm nâng cao
khả năng tri giác xã hội cho các cá nhân và nhóm. Quá trình trị liệu sẽ giúp cá
nhân nhận thức đúng hơn về bản thân, về người khác cũng như hoàn thiện
hơn nhận thức xã hội của mình. Qua trị liệu cá nhân, trị liệu nhóm sẽ góp
phần ngăn chặn quá trình hình thành định kiến cũng như làm mờ dần những
định kiến vốn có của cá nhân do nhận thức của cá nhân đã được hoàn thiện.
- Thay đổi hành vi: Phương pháp này chủ yếu là dùng pháp luật và các
thiết chế xã hội để điều chỉnh, thay đổi hành vi (mang tính định kiến) của các
cá nhân.
- Tiếp xúc trực tiếp nhóm: Sự tiếp xúc trực tiếp giữa các nhóm cũng có
thể giúp ngăn chặn và làm mờ dần định kiến giữa các nhóm. Bởi qua sự tiếp
xúc trực tiếp các nhóm sẽ nhận thức đúng đắn hơn về “địch thủ” của mình.
Tuy nhiên, sự tiếp xúc giữa các nhóm muốn có hiệu quả cũng cần tuân
theo một số những nguyên tắc nhất định:
+ Những nhóm tác động phải ngang bằng nhau về địa vị, vị thế xã hội.
+ Các nhóm phải tương trợ nhau.
+ Sự tiếp xúc giữa các nhóm phải chính thức (ràng buộc, trói buộc lẫn
nhau)
+ Sự tiếp xúc phải có bối cảnh, các quy tắc, các nhóm như nhau
+ Các nhóm ảnh hưởng lẫn nhau theo cách cho phép phản đối những
hành vi tiêu cực.
+ Nhìn nhận từng thành viên của nhóm bạn như là tiêu biểu của nhóm
đó.
2.5. Kết luận:
Như đã trình bày ở phần trước, định kiến xã hội là một kiểu thái độ tiêu
cực - bất hợp lý đối với người khác dựa trên những nhận thức thiếu căn cứ,
phiến diện và một chiều của chủ thể là người mang định kiến. Chính từ định
kiến có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng trong các mối quan hệ xã hội
(phân biệt đối xử trong gia đình, kỳ thị chủng tộc, xung đột tôn giáo...). Do đó,
xoá bỏ định kiến là một yêu cầu rất thiết thực mà xã hội đặt ra, đòi hỏi các nhà
quản lý, các nhà khoa học mà trước hết là những nhà tâm lý học phải đi sâu
tìm hiểu và đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm giải quyết nó.
3. Ảnh hưởng xã hội
3.1. Khái niệm ảnh hưởng xã hội
3.2.1. Định nghĩa
Ảnh hưởng xã hội là một trong những cơ chế căn bản được tâm lý học
xã hội quan tâm nghiên cứu. Ảnh hưởng xã hội chỉ một cách rất rộng tới cái
hành vi của một người trở thành một chỉ dẫn định hướng cho hành vi của một
người khác. Do đó, có thể nói rằng ảnh hưởng xã hội bao trùm tất cả những
gì tạo ra một thay đổi về hành vi dựa vào những sức ép chi phối trong một bối
cảnh nhất định.
Ảnh hưởng xã hội theo nghĩa rộng là sự tác động (của tự nhiên - xã
hội) để lại kết quả trên các sự vật, hiện tượng hay con người.
Ảnh hưởng xã hội là sự tác động bằng các hình thức khác nhau trong
một quá trình tương tác làm thay đổi các đặc điểm tâm lý (đó là các quan
điểm, quan niệm, thái độ, biểu hiện hành vi của người bị tác động)
Tâm lý chung là bản chất của ảnh hưởng xã hội: nghiên cứu sự tác
động, tương tác giữa con người với con người.
Ảnh hưởng lẫn nhau giữa người với người trong quá trình giao tiếp là
nhân tố hình thành tâm lý chung của các nhóm xã hội, là đối tượng của tâm lý
học xã hội.
Vậy, ảnh hưởng xã hội là một quá trình tác động của các cá nhân hay
của một nhóm xã hội làm thay đổi hành vi của họ.
3.1.2. Các loại ảnh hưởng xã hội
Ảnh hưởng trực tiếp: khi cá nhân mặt đối mặt. Những đặc điểm về tâm
lý ứng xử, phong cách ăn mặc, nói chuyện của người này có thể ảnh hưởng
đến người kia và ngược lại. Ví dụ như các em học sinh có thể bị ảnh hưởng
nhau về cách nói chuyện, hoặc có thể bắt chước nhau quần áo... những
người bị ảnh hưởng bởi người khác (đối tượng tiếp xúc trực tiếp) thường là
những người có địa vị, học vấn, uy tín, tư cách, trí lực, độ tuổi kém hơn. Cơ
chế cho loại ảnh hưởng này chủ yếu là bắt chước, ám thị, đồng nhất hoá, so
sánh xã hội.
Ảnh hưởng gián tiếp: gồm có:
- Ảnh hưởng gián tiếp xác định được: thông qua các chuẩn mực, phong
tục, thái độ của nhóm sẽ ảnh hưởng đến tâm lý chúng ta (ở đây cần lưu ý
rằng: cá nhân không trực tiếp chịu tác động của các yếu tố ảnh hưởng xã hội
từ các nhóm xã hội từ các nhóm lớn mà phải thông qua nhóm nhỏ). Trong đó,
người lãnh đạo (thủ lĩnh) đóng vai trò quan trọng trong việc làm ảnh hưởng tới
các thành viên của nhóm.
Nhóm nhỏ là một tập hợp người nhất định, có quan hệ trực tiếp qua lại
thường xuyên, liên kết với nhau trong một hoạt động chung, tồn tại trong một
khoảng thời gian nhất định. Còn nhóm lớn là tập hợp đông người liên kết với
nhau trong quá trình hoạt động sống, tạo ra những giá trị, chuẩn mực và đặc
điểm tâm lý chung có khả năng điều chỉnh, định hướng và điều hoà tâm lý,
hành vi cá nhân.
- Ảnh hưởng gián tiếp không xác định được: bị lây lan, ám thị một cách
vô thức. Loại ảnh hưởng này chủ yếu tồn tại trong đám đông. Đám đông là
một tập hợp người vì lý do nào đó mà hội tụ lại tại một địa điểm nhất định, vào
một thời điểm nhất định. Ví dụ: cổ động viên trên sân vận động, cuộc mít tinh,
biểu tình, lễ hội lớn được tổ chức ở sân rộng. Trong đám đông, tình cảm của
mọi người được lây lan, được cảm nhiễm, được tích hợp, và do đó, cường độ
được tăng lên.
Trong ảnh hưởng gián tiếp không xác định được, các cá nhân cũng có
thể bị ảnh hưởng một cách không chủ định (bị ảnh hưởng vô thức) bởi cơ chế
ám thị. Cơ chế này thường gắn với các hình thức thông tin đại chúng như
quảng cáo, đài, báo, ti vi,.
3.1.3. Các đặc điểm của ảnh hưởng xã hội
Là một hiện tượng bao quát tất cả các khía cạnh khác nhau của đời
sống con người. Trong tất cả lĩnh vực khác nhau của đời sống mỗi người,
chúng ta đều nhận thấy “bóng dáng” của ảnh hưởng xã hội. Mỗi cá nhân
được sinh ra trong xã hội, trở thành người cũng phải nhờ học hỏi, tiếp thu...từ
xã hội. Ngay trong quá trình ấy, và ngay từ khi còn là một đứa trẻ mới lọt lòng,
mỗi người đều chịu ảnh hưởng xã hội. Trẻ hình thành cho mình những hoạt
động sống đơn giản nhất, đến quá trình phát triển nhân cách, ý thức. đầu tiên
thông qua cơ chế bắt chước. Ở những độ tuổi lớn hơn, mỗi người đều chịu
ảnh hưởng xã hội nhiều hay ít, ở lĩnh vực này hay lĩnh vực kia như công việc,
quan niệm, nhân cách, ngoại hình.
Con người thường không ý thức hết được tác động và sự chịu tác động
của các ảnh hưởng cũng như các cá nhân chủ động hay vô tình gây ảnh
hưởng ở người khác. Trong cơ chế ám thị, cá nhân thường không dành sự
quan tâm đến các thông tin mà người khác muốn ám thị với mình, nhưng sau
đó, những thông tin ấy lại đóng vai trò quan trọng trong quan niệm, thái độ,
hoạt động của cá nhân. Còn trong cơ chế bắt chước, người được bắt chước
có khi không biết rằng mình đã gây ảnh hưởng nhất định đến người khác.
Phụ nữ có xu hướng bị ảnh hưởng xã hội nhiều hơn (dễ bị phục tùng
hơn). Những người tự ti, ít chịu trách nhiệm bản thân, hệ thần kinh yếu bị ảnh
hưởng nhiều.
Ảnh hưởng xã hội còn phụ thuộc nền văn hoá, lối sống, mức chịu đựng
Ảnh hưởng xã hội có 2 xu hướng:
+ Hiệu ứng thuận lợi xã hội:
Ví dụ: đua xe đạp, nếu hai người đi cùng nhau, hoặc một người đi mà
có người khác đuổi theo thì thuận lợi hơn là một người đi xe đạp một mình.
Như vậy, sự có mặt của người này làm tăng tính tích cực của người khác.
Điều này cũng được áp dụng trong một số ngành sản xuất.
Hiệu ứng thuận lợi xã hội chỉ xảy ra khi cá nhân làm những công việc
đơn giản, quen thuộc hoặc với người mình yêu thích. Nếu công việc không
quen thuộc, thuận lợi, cá nhân làm việc không được tốt.
+ Hiệu ứng lười biếng xã hội:
Khi có một số lượng lớn hơn mức cần thiết để làm công việc chung, sự
cố gắng bị giảm đi. Có nhiều người cùng thực hiện một công việc, trách
nhiệm của cá nhân giảm đi.
Ở đây chúng ta có thể giải thích bằng hiện tượng khuếch tán xã hội: bất
kỳ một áp lực nào của nhóm cũng được chia nhỏ cho các thành viên trong
nhóm. Vì vậy, khi số thành viên trong nhóm tăng lên, cá nhân thấy nhiệm vụ
của mình không cần thiết.
Hiệu ứng lười biếng xã hội chỉ xảy ra đối với những cá nhân cho rằng
công việc chung không đáng quan tâm, hoặc không có ai kiểm soát, đánh giá.
Như vậy, tính khuyết danh, tính mất mình làm cho hiệu quả kém đi.
Hiệu ứng lười biếng xã hội thể hiện ý thức trách nhiệm của các cá nhân
với hành vi tổ chức của họ.
3.1.4. Ba yếu tố ảnh hưởng đến ảnh hưởng xã hội
Thứ nhất, đó là cường độ quan trọng (hay cường độ tương tác) của
nhóm đối với cá nhân. Cường độ tương tác càng mạnh thì ảnh hưởng xã hội
càng nhanh, càng rõ rệt. Ngược lại, nếu độ hấp dẫn của nhóm kém đi đối với
cá nhân, tần số và cường độ tương tác thấp đi, ảnh hưởng xã hội đến cá
nhân cũng giảm theo.
Thứ hai, đó là mức độ gần gũi về không gian, thời gian. Nếu khoảng
cách càng nhỏ, thời gian càng dài, thì mức độ ảnh hưởng đến cá nhân sẽ lớn
hơn. Cơ chế lây lan sở dĩ có thể phát huy mạnh trong đám đông bởi khoảng
cách rất ngắn giữa các cá nhân.
Thứ ba, đó là số lượng các thành viên trong nhóm (nhóm ít người gây
ảnh hưởng xã hội lớn hơn nhóm nhiều người) (theo nghiên cứu nhóm ít
người thường là nhỏ hơn 5 người)
3.2. Các cơ chế tâm lý của ảnh hưởng xã hội
Các công trình nghiên cứu đã khẳng định: không có một cá nhân nào
tồn tại bên ngoài các nhóm xã hội. Trong quá trình giao tiếp, tâm lý của các cá
nhân tác động qua lại với nhau, chi phối, ảnh hưởng lẫn nhau. Hành vi của
một người trở thành một chỉ dẫn, định hướng cho hành vi của một người
khác. Suy cho cùng đời sống tâm lý của mỗi cá nhân đều ảnh hưởng đến tâm
lý nhóm (xã hội) và ngược lại, tâm lý của nhóm lại chi phối tâm lý của từng cá
nhân. Tất cả các quá trình đó đều xen kẽ, đan quyện với nhau gọi là ảnh
hưởng xã hội hay ảnh hưởng giữa các cá nhân trong quá trình giao tiếp.
Các quá trình ảnh hưởng xã hội được thực hiện và thông qua các cơ
chế tâm lý: bắt chước, lây lan, ám thị, thoả hiệp, đồng nhất hoá. Đây được gọi
là những cơ chế tâm lý đặc trưng nhất của ảnh hưởng xã hội.
3.2.1. Bắt chước
Khái niệm: bắt chước là sự mô phỏng, tái tạo, lặp lại các hành động,
hành vi, tâm trạng, cách thức suy nghĩ, ứng xử của một người hay một nhóm
người nào đó.
Có thể thấy biểu hiện của bắt chước ở mọi giai đoạn phát triển khác
nhau của cá nhân, đặc biệt ở trẻ em bắt chước giữ một vai trò quan trọng
trong việc hình thành và phát triển nhân cách.
Nghiên cứu của Tarde G.
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI

More Related Content

What's hot

đốI tượng, nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu của tâm lý học quản lý
đốI tượng, nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu của tâm lý học quản lýđốI tượng, nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu của tâm lý học quản lý
đốI tượng, nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu của tâm lý học quản lýHọc Huỳnh Bá
 
bao cao thuc te cong tac xa hoi ca nhan
bao cao thuc te cong tac xa hoi ca nhanbao cao thuc te cong tac xa hoi ca nhan
bao cao thuc te cong tac xa hoi ca nhan
tuanpro102
 
TÂM LÝ HỌC GIỚI TÍNH VÀ GIÁO DỤC GIỚI TÍNH
TÂM LÝ HỌC GIỚI TÍNH VÀ GIÁO DỤC GIỚI TÍNH TÂM LÝ HỌC GIỚI TÍNH VÀ GIÁO DỤC GIỚI TÍNH
TÂM LÝ HỌC GIỚI TÍNH VÀ GIÁO DỤC GIỚI TÍNH
nataliej4
 
Bai giang ctxh ca nhan (vta quan)
Bai giang ctxh ca nhan (vta quan)Bai giang ctxh ca nhan (vta quan)
Bai giang ctxh ca nhan (vta quan)Nengyong Ye
 
KHOA HỌC CHẨN ĐOÁN TÂM LÝ
KHOA HỌC CHẨN ĐOÁN TÂM LÝ KHOA HỌC CHẨN ĐOÁN TÂM LÝ
KHOA HỌC CHẨN ĐOÁN TÂM LÝ
nataliej4
 
MỘT SỐ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU NHÂN CÁCH
MỘT SỐ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU NHÂN CÁCH MỘT SỐ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU NHÂN CÁCH
MỘT SỐ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU NHÂN CÁCH
nataliej4
 
Thuyết phân tâm học trong tham vấn tâm lý
Thuyết phân tâm học trong tham vấn tâm lýThuyết phân tâm học trong tham vấn tâm lý
Thuyết phân tâm học trong tham vấn tâm lý
Lenam711.tk@gmail.com
 
Tam ly hoc dai cuong
Tam ly hoc dai cuongTam ly hoc dai cuong
Tam ly hoc dai cuong
foreman
 
Tronj bộ câu hỏi tâm lý học chi tiết có đáp án - tincanban.com
Tronj bộ câu hỏi tâm lý học chi tiết có đáp án - tincanban.comTronj bộ câu hỏi tâm lý học chi tiết có đáp án - tincanban.com
Tronj bộ câu hỏi tâm lý học chi tiết có đáp án - tincanban.com
Thùy Linh
 
Bài giảng tâm lý học đại cương
Bài giảng tâm lý học đại cươngBài giảng tâm lý học đại cương
Bài giảng tâm lý học đại cương
jackjohn45
 
Vấn Đề Nhân Cách Trong Tâm Lý Học Ngày Nay
Vấn Đề Nhân Cách Trong Tâm Lý Học Ngày Nay Vấn Đề Nhân Cách Trong Tâm Lý Học Ngày Nay
Vấn Đề Nhân Cách Trong Tâm Lý Học Ngày Nay
nataliej4
 
TIẾP CẬN TRỊ LIỆU NHẬN THỨC HÀNH VI
TIẾP CẬN TRỊ LIỆU NHẬN THỨC HÀNH VI TIẾP CẬN TRỊ LIỆU NHẬN THỨC HÀNH VI
TIẾP CẬN TRỊ LIỆU NHẬN THỨC HÀNH VI
nataliej4
 
Giáo trình tâm lý học đại cương
Giáo trình tâm lý học đại cươngGiáo trình tâm lý học đại cương
Giáo trình tâm lý học đại cương
jackjohn45
 
Công tác xã hội với người cao tuổi
Công tác xã hội với người cao tuổiCông tác xã hội với người cao tuổi
Công tác xã hội với người cao tuổi
Trường Bảo
 
PTIT_Tam ly quan ly
PTIT_Tam ly quan lyPTIT_Tam ly quan ly
PTIT_Tam ly quan ly
Linh Linpine
 
Tiểu luận thực trạng bạo lực gia đình Việt Nam hiện nay
Tiểu luận thực trạng bạo lực gia đình Việt Nam hiện nayTiểu luận thực trạng bạo lực gia đình Việt Nam hiện nay
Tiểu luận thực trạng bạo lực gia đình Việt Nam hiện nay
YenPhuong16
 
Giáo Trình Tâm Lý Học Phát Triển Dương Thị Diệu Hoa
Giáo Trình Tâm Lý Học Phát Triển Dương Thị Diệu Hoa Giáo Trình Tâm Lý Học Phát Triển Dương Thị Diệu Hoa
Giáo Trình Tâm Lý Học Phát Triển Dương Thị Diệu Hoa
nataliej4
 
Luận Văn Thạc Sĩ Tâm Lý Học Mức Độ Stress Của Sinh Viên
Luận Văn Thạc Sĩ Tâm Lý Học Mức Độ Stress Của Sinh ViênLuận Văn Thạc Sĩ Tâm Lý Học Mức Độ Stress Của Sinh Viên
Luận Văn Thạc Sĩ Tâm Lý Học Mức Độ Stress Của Sinh Viên
Viết Thuê Đề Tài Luận Văn trangluanvan.com
 
Bài mẫu tiểu luận về bình đẳng giới, 9 ĐIỂM
Bài mẫu tiểu luận về bình đẳng giới, 9 ĐIỂMBài mẫu tiểu luận về bình đẳng giới, 9 ĐIỂM
Bài mẫu tiểu luận về bình đẳng giới, 9 ĐIỂM
Viết Thuê Khóa Luận _ ZALO 0917.193.864 default
 
Đánh giá trí tuệ học sinh (Intelligence assessment methods)
Đánh giá trí tuệ học sinh (Intelligence assessment methods)Đánh giá trí tuệ học sinh (Intelligence assessment methods)
Đánh giá trí tuệ học sinh (Intelligence assessment methods)
Mập Zc
 

What's hot (20)

đốI tượng, nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu của tâm lý học quản lý
đốI tượng, nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu của tâm lý học quản lýđốI tượng, nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu của tâm lý học quản lý
đốI tượng, nhiệm vụ và phương pháp nghiên cứu của tâm lý học quản lý
 
bao cao thuc te cong tac xa hoi ca nhan
bao cao thuc te cong tac xa hoi ca nhanbao cao thuc te cong tac xa hoi ca nhan
bao cao thuc te cong tac xa hoi ca nhan
 
TÂM LÝ HỌC GIỚI TÍNH VÀ GIÁO DỤC GIỚI TÍNH
TÂM LÝ HỌC GIỚI TÍNH VÀ GIÁO DỤC GIỚI TÍNH TÂM LÝ HỌC GIỚI TÍNH VÀ GIÁO DỤC GIỚI TÍNH
TÂM LÝ HỌC GIỚI TÍNH VÀ GIÁO DỤC GIỚI TÍNH
 
Bai giang ctxh ca nhan (vta quan)
Bai giang ctxh ca nhan (vta quan)Bai giang ctxh ca nhan (vta quan)
Bai giang ctxh ca nhan (vta quan)
 
KHOA HỌC CHẨN ĐOÁN TÂM LÝ
KHOA HỌC CHẨN ĐOÁN TÂM LÝ KHOA HỌC CHẨN ĐOÁN TÂM LÝ
KHOA HỌC CHẨN ĐOÁN TÂM LÝ
 
MỘT SỐ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU NHÂN CÁCH
MỘT SỐ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU NHÂN CÁCH MỘT SỐ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU NHÂN CÁCH
MỘT SỐ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU NHÂN CÁCH
 
Thuyết phân tâm học trong tham vấn tâm lý
Thuyết phân tâm học trong tham vấn tâm lýThuyết phân tâm học trong tham vấn tâm lý
Thuyết phân tâm học trong tham vấn tâm lý
 
Tam ly hoc dai cuong
Tam ly hoc dai cuongTam ly hoc dai cuong
Tam ly hoc dai cuong
 
Tronj bộ câu hỏi tâm lý học chi tiết có đáp án - tincanban.com
Tronj bộ câu hỏi tâm lý học chi tiết có đáp án - tincanban.comTronj bộ câu hỏi tâm lý học chi tiết có đáp án - tincanban.com
Tronj bộ câu hỏi tâm lý học chi tiết có đáp án - tincanban.com
 
Bài giảng tâm lý học đại cương
Bài giảng tâm lý học đại cươngBài giảng tâm lý học đại cương
Bài giảng tâm lý học đại cương
 
Vấn Đề Nhân Cách Trong Tâm Lý Học Ngày Nay
Vấn Đề Nhân Cách Trong Tâm Lý Học Ngày Nay Vấn Đề Nhân Cách Trong Tâm Lý Học Ngày Nay
Vấn Đề Nhân Cách Trong Tâm Lý Học Ngày Nay
 
TIẾP CẬN TRỊ LIỆU NHẬN THỨC HÀNH VI
TIẾP CẬN TRỊ LIỆU NHẬN THỨC HÀNH VI TIẾP CẬN TRỊ LIỆU NHẬN THỨC HÀNH VI
TIẾP CẬN TRỊ LIỆU NHẬN THỨC HÀNH VI
 
Giáo trình tâm lý học đại cương
Giáo trình tâm lý học đại cươngGiáo trình tâm lý học đại cương
Giáo trình tâm lý học đại cương
 
Công tác xã hội với người cao tuổi
Công tác xã hội với người cao tuổiCông tác xã hội với người cao tuổi
Công tác xã hội với người cao tuổi
 
PTIT_Tam ly quan ly
PTIT_Tam ly quan lyPTIT_Tam ly quan ly
PTIT_Tam ly quan ly
 
Tiểu luận thực trạng bạo lực gia đình Việt Nam hiện nay
Tiểu luận thực trạng bạo lực gia đình Việt Nam hiện nayTiểu luận thực trạng bạo lực gia đình Việt Nam hiện nay
Tiểu luận thực trạng bạo lực gia đình Việt Nam hiện nay
 
Giáo Trình Tâm Lý Học Phát Triển Dương Thị Diệu Hoa
Giáo Trình Tâm Lý Học Phát Triển Dương Thị Diệu Hoa Giáo Trình Tâm Lý Học Phát Triển Dương Thị Diệu Hoa
Giáo Trình Tâm Lý Học Phát Triển Dương Thị Diệu Hoa
 
Luận Văn Thạc Sĩ Tâm Lý Học Mức Độ Stress Của Sinh Viên
Luận Văn Thạc Sĩ Tâm Lý Học Mức Độ Stress Của Sinh ViênLuận Văn Thạc Sĩ Tâm Lý Học Mức Độ Stress Của Sinh Viên
Luận Văn Thạc Sĩ Tâm Lý Học Mức Độ Stress Của Sinh Viên
 
Bài mẫu tiểu luận về bình đẳng giới, 9 ĐIỂM
Bài mẫu tiểu luận về bình đẳng giới, 9 ĐIỂMBài mẫu tiểu luận về bình đẳng giới, 9 ĐIỂM
Bài mẫu tiểu luận về bình đẳng giới, 9 ĐIỂM
 
Đánh giá trí tuệ học sinh (Intelligence assessment methods)
Đánh giá trí tuệ học sinh (Intelligence assessment methods)Đánh giá trí tuệ học sinh (Intelligence assessment methods)
Đánh giá trí tuệ học sinh (Intelligence assessment methods)
 

Similar to GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI

TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI Tác giả TRẦN QUỐC THÀNH - NGUYỄN ĐỨC SƠN_10300312052019
TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI Tác giả TRẦN QUỐC THÀNH - NGUYỄN ĐỨC SƠN_10300312052019TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI Tác giả TRẦN QUỐC THÀNH - NGUYỄN ĐỨC SƠN_10300312052019
TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI Tác giả TRẦN QUỐC THÀNH - NGUYỄN ĐỨC SƠN_10300312052019
phamhieu56
 
Max weber
Max weber  Max weber
Max weber
Plainly Tin
 
Đại cương về Xã hội học.pdf
Đại cương về Xã hội học.pdfĐại cương về Xã hội học.pdf
Đại cương về Xã hội học.pdf
XunXun35
 
CÁC THỰC NGHIỆM TRONG TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
CÁC THỰC NGHIỆM TRONG TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI CÁC THỰC NGHIỆM TRONG TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
CÁC THỰC NGHIỆM TRONG TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
nataliej4
 
Câu hỏi ôn tập Tâm lý học 1
Câu hỏi ôn tập Tâm lý học 1Câu hỏi ôn tập Tâm lý học 1
Câu hỏi ôn tập Tâm lý học 1
Sùng A Tô
 
861301 861301 068-3121430232_đào quốc vĩnh
861301 861301 068-3121430232_đào quốc vĩnh861301 861301 068-3121430232_đào quốc vĩnh
861301 861301 068-3121430232_đào quốc vĩnh
oQucVnhA0887
 
Tâm lý học dạy học đại học
Tâm lý học dạy học đại họcTâm lý học dạy học đại học
Tâm lý học dạy học đại học
NguynNgcChnFPLHCM
 
Những Vấn Đề Chung Của Tâm Lý Học
Những Vấn Đề Chung Của Tâm Lý Học Những Vấn Đề Chung Của Tâm Lý Học
Những Vấn Đề Chung Của Tâm Lý Học
nataliej4
 
Xã hội hóa cá nhân
Xã hội hóa cá nhânXã hội hóa cá nhân
Xã hội hóa cá nhânNga Linh
 
Tâm lý báo chí trong hoạt động của nhà báo
Tâm lý báo chí trong hoạt động của nhà báoTâm lý báo chí trong hoạt động của nhà báo
Tâm lý báo chí trong hoạt động của nhà báoHồng Nhung (Ỉn con)
 
CHƯƠNG 1.ppt
CHƯƠNG 1.pptCHƯƠNG 1.ppt
CHƯƠNG 1.ppt
TrnNhtMinh7
 
LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC
LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC
LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC
nataliej4
 
TLH DC. Chuong 1.2020. Gioi thieu.pdf
TLH DC. Chuong 1.2020. Gioi thieu.pdfTLH DC. Chuong 1.2020. Gioi thieu.pdf
TLH DC. Chuong 1.2020. Gioi thieu.pdf
HuynhAn30
 
Học thuyết hình thái kinh tế xã hội với sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đạ...
Học thuyết hình thái kinh tế   xã hội với sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đạ...Học thuyết hình thái kinh tế   xã hội với sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đạ...
Học thuyết hình thái kinh tế xã hội với sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đạ...Cat Love
 
C2, C3, C4, C5.pdf
C2, C3, C4, C5.pdfC2, C3, C4, C5.pdf
C2, C3, C4, C5.pdf
PhngAnhHong42
 
Những Vấn Đề Lý Luận Và Phương Pháp Tâm Lý Học
Những Vấn Đề Lý Luận Và Phương Pháp Tâm Lý Học Những Vấn Đề Lý Luận Và Phương Pháp Tâm Lý Học
Những Vấn Đề Lý Luận Và Phương Pháp Tâm Lý Học
nataliej4
 
triết học và vai trò của triết học
triết học và vai trò của triết họctriết học và vai trò của triết học
triết học và vai trò của triết học
KhnhChiinh1
 
Chuong 1 Tl La 1 Khoa Hoc
Chuong 1  Tl La 1 Khoa HocChuong 1  Tl La 1 Khoa Hoc
Chuong 1 Tl La 1 Khoa Hoc
boynhabemexibo
 
Tam ly hoc_dai_cuong
Tam ly hoc_dai_cuongTam ly hoc_dai_cuong
Tam ly hoc_dai_cuong
Quoc Nguyen
 

Similar to GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI (20)

TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI Tác giả TRẦN QUỐC THÀNH - NGUYỄN ĐỨC SƠN_10300312052019
TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI Tác giả TRẦN QUỐC THÀNH - NGUYỄN ĐỨC SƠN_10300312052019TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI Tác giả TRẦN QUỐC THÀNH - NGUYỄN ĐỨC SƠN_10300312052019
TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI Tác giả TRẦN QUỐC THÀNH - NGUYỄN ĐỨC SƠN_10300312052019
 
Max weber
Max weber  Max weber
Max weber
 
Đại cương về Xã hội học.pdf
Đại cương về Xã hội học.pdfĐại cương về Xã hội học.pdf
Đại cương về Xã hội học.pdf
 
CÁC THỰC NGHIỆM TRONG TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
CÁC THỰC NGHIỆM TRONG TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI CÁC THỰC NGHIỆM TRONG TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
CÁC THỰC NGHIỆM TRONG TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
 
Câu hỏi ôn tập Tâm lý học 1
Câu hỏi ôn tập Tâm lý học 1Câu hỏi ôn tập Tâm lý học 1
Câu hỏi ôn tập Tâm lý học 1
 
861301 861301 068-3121430232_đào quốc vĩnh
861301 861301 068-3121430232_đào quốc vĩnh861301 861301 068-3121430232_đào quốc vĩnh
861301 861301 068-3121430232_đào quốc vĩnh
 
Tâm lý học dạy học đại học
Tâm lý học dạy học đại họcTâm lý học dạy học đại học
Tâm lý học dạy học đại học
 
Những Vấn Đề Chung Của Tâm Lý Học
Những Vấn Đề Chung Của Tâm Lý Học Những Vấn Đề Chung Của Tâm Lý Học
Những Vấn Đề Chung Của Tâm Lý Học
 
Xã hội hóa cá nhân
Xã hội hóa cá nhânXã hội hóa cá nhân
Xã hội hóa cá nhân
 
Tâm lý báo chí trong hoạt động của nhà báo
Tâm lý báo chí trong hoạt động của nhà báoTâm lý báo chí trong hoạt động của nhà báo
Tâm lý báo chí trong hoạt động của nhà báo
 
CHƯƠNG 1.ppt
CHƯƠNG 1.pptCHƯƠNG 1.ppt
CHƯƠNG 1.ppt
 
LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC
LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC
LỊCH SỬ TÂM LÝ HỌC
 
TLH DC. Chuong 1.2020. Gioi thieu.pdf
TLH DC. Chuong 1.2020. Gioi thieu.pdfTLH DC. Chuong 1.2020. Gioi thieu.pdf
TLH DC. Chuong 1.2020. Gioi thieu.pdf
 
Tâm lý Báo chí
Tâm lý Báo chíTâm lý Báo chí
Tâm lý Báo chí
 
Học thuyết hình thái kinh tế xã hội với sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đạ...
Học thuyết hình thái kinh tế   xã hội với sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đạ...Học thuyết hình thái kinh tế   xã hội với sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đạ...
Học thuyết hình thái kinh tế xã hội với sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đạ...
 
C2, C3, C4, C5.pdf
C2, C3, C4, C5.pdfC2, C3, C4, C5.pdf
C2, C3, C4, C5.pdf
 
Những Vấn Đề Lý Luận Và Phương Pháp Tâm Lý Học
Những Vấn Đề Lý Luận Và Phương Pháp Tâm Lý Học Những Vấn Đề Lý Luận Và Phương Pháp Tâm Lý Học
Những Vấn Đề Lý Luận Và Phương Pháp Tâm Lý Học
 
triết học và vai trò của triết học
triết học và vai trò của triết họctriết học và vai trò của triết học
triết học và vai trò của triết học
 
Chuong 1 Tl La 1 Khoa Hoc
Chuong 1  Tl La 1 Khoa HocChuong 1  Tl La 1 Khoa Hoc
Chuong 1 Tl La 1 Khoa Hoc
 
Tam ly hoc_dai_cuong
Tam ly hoc_dai_cuongTam ly hoc_dai_cuong
Tam ly hoc_dai_cuong
 

More from nataliej4

đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
nataliej4
 
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
nataliej4
 
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
nataliej4
 
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc giaTừ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
nataliej4
 
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngCông tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
nataliej4
 
Bài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcBài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốc
nataliej4
 
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin họcđề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
nataliej4
 
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngGiáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
nataliej4
 
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnLựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
nataliej4
 
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
nataliej4
 
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree towerSổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
nataliej4
 
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
nataliej4
 
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtBài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
nataliej4
 
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
nataliej4
 
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
nataliej4
 
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngBài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
nataliej4
 
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhBài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
nataliej4
 
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning introGiới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
nataliej4
 
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcLý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
nataliej4
 
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
nataliej4
 

More from nataliej4 (20)

đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
đồ áN xây dựng website bán laptop 1129155
 
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
Nghệ thuật chiến tranh nhân dân việt nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ t...
 
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
Quản lý dịch vụ ô tô toyota 724279
 
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc giaTừ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
Từ vựng tiếng anh luyện thi thpt quốc gia
 
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vươngCông tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
Công tác dược lâm sàng tại bv cấp cứu trưng vương
 
Bài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốcBài giảng nghề giám đốc
Bài giảng nghề giám đốc
 
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin họcđề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán   tin học
đề Cương chương trình đào tạo trình độ trung cấp kế toán tin học
 
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao độngGiáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
Giáo trình kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động
 
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắnLựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
Lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn
 
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
Thực trạng phân bố và khai thác khoáng sét ở đồng bằng sông cửu long 4857877
 
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree towerSổ tay hướng dẫn khách thuê   tòa nhà ree tower
Sổ tay hướng dẫn khách thuê tòa nhà ree tower
 
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
Phân tích tác động của thiên lệch hành vi đến quyết định của nhà đầu tư cá nh...
 
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tậtBài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
Bài giảng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật
 
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
đồ áN thiết kế quần âu nam 6838864
 
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
Tài liệu hội thảo chuyên đề công tác tuyển sinh – thực trạng và giải pháp 717...
 
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùngBài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
Bài giảng dịch tễ học bệnh nhiễm trùng
 
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanhBài giảng môn khởi sự kinh doanh
Bài giảng môn khởi sự kinh doanh
 
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning introGiới thiệu học máy – mô hình naïve bayes   learning intro
Giới thiệu học máy – mô hình naïve bayes learning intro
 
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắcLý thuyết thuế chuẩn tắc
Lý thuyết thuế chuẩn tắc
 
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
Bài giảng thuế thu nhập (cá nhân, doanh nghiệp)
 

Recently uploaded

Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
duykhoacao
 
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
ngocnguyensp1
 
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdfBAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
phamthuhoai20102005
 
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in englishAV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
Qucbo964093
 
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdfGIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
Điện Lạnh Bách Khoa Hà Nội
 
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nayẢnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
chinhkt50
 
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
https://www.facebook.com/garmentspace
 
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptxDẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
nvlinhchi1612
 

Recently uploaded (10)

Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
Chương III (Nội dung vẽ sơ đồ tư duy chương 3)
 
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
98 BÀI LUYỆN NGHE TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 TIẾNG ANH DẠNG TRẮC NGHIỆM 4 CÂU TRẢ ...
 
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
30 - ĐỀ THI HSG - HÓA HỌC 9 - NĂM HỌC 2021 - 2022.pdf
 
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdfBAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
BAI TAP ON HE LOP 2 LEN 3 MON TIENG VIET.pdf
 
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in englishAV6 - PIE CHART WRITING skill in english
AV6 - PIE CHART WRITING skill in english
 
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdfGIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
GIÁO TRÌNH 2-TÀI LIỆU SỬA CHỮA BOARD MONO TỦ LẠNH MÁY GIẶT ĐIỀU HÒA.pdf
 
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nayẢnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
Ảnh hưởng của nhân sinh quan Phật giáo đến đời sống tinh thần Việt Nam hiện nay
 
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KHOA HỌC TỰ NHIÊN 9 CHƯƠNG TRÌNH MỚI - PHẦN...
 
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
Khoá luận tốt nghiệp ngành Truyền thông đa phương tiện Xây dựng kế hoạch truy...
 
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptxDẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
Dẫn luận ngôn ngữ - Tu vung ngu nghia.pptx
 

GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI

  • 1. GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI ThS. VŨ MỘNG ĐÓA LỜI MỞ ĐẦU Cuốn giáo trình Tâm lý học xã hội này được biên soạn dành cho sinh viên Khoa Công tác xã hội và Phát triển cộng đồng - Trường Đại học Đà Lạt. Nội dung của cuốn giáo trình bao gồm 3 chương: - Chương 1: Tâm lý học xã hội là một khoa học - Chương 2: Các hiện tượng tâm lý xã hội - Chương 3: Tâm lý nhóm nhỏ Mục tiêu của giáo trình nhằm: - Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về bản chất và lịch sử hình thành tâm lý học xã hội. - Giúp sinh viên nhận thức rõ bản chất của các hiện tượng tâm lý xã hội trong quá trình hoạt động và giao tiếp giữa các cá nhân. - Giúp sinh viên nắm vững những đặc điểm tâm lý và các giai đoạn phát triển của nhóm xã hội. Từ đó có thể vận dụng vào trong quá trình thực hành công tác xã hội với nhóm xã hội cụ thể. Trong quá trình biên soạn giáo trình này tác giả đã cố gắng rất nhiều để hoàn thành kịp thời cung cấp cho sinh viên. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi những hạn chế và thiếu sót nhất định. Tác giả kính mong nhận được sự đóng góp và bổ sung ý kiến của bạn đọc. Đà Lạt, ngày 21 tháng 06 năm 2007 Tác giả Vũ Mộng Đóa
  • 2. Chương 1. TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI LÀ MỘT KHOA HỌC I. Bản chất, đối tượng, nhiệm vụ nghiên cứu của Tâm lý học xã hội 1. Khái niệm tâm lý học xã hội Bản chất của Tâm lý học xã hội: + Đó là tâm lý chung của nhiều người. Nó được hình thành từ một hệ thống động cơ của một nhóm xã hội cụ thể (nhu cầu xã hội, tâm thế, niềm tin xã hội, v.v...) + Tâm lý xã hội luôn luôn phản ánh thực tại đời sống của một nhóm người. Tồn tại nào thì tâm lý ấy. + Tâm lý học xã hội có bản chất từ hoạt động và giao tiếp (tính duy vật của tâm lý học xã hội). Theo Từ điển tâm lý học Tiếng Anh của Arther S. Rebel and Emily Rebel, tâm lý học xã hội được định nghĩa là một phân ngành của tâm lý học, nó tập trung nghiên cứu các khía cạnh của hành vi con người bao gồm các cá nhân, các nhóm, các tổ chức xã hội và xã hội mang tính tổng thể. Theo từ điển Tâm lý học xã hội do Vũ Dũng chủ biên, tâm lý học xã hội là một phân ngành của tâm lý học, nghiên cứu các quy luật khách quan của sự tác động qua lại giữa các yếu tố tâm lý và xã hội trong hoạt động của cá nhân và các nhóm người. Tâm lý học xã hội nghiên cứu đặc điểm tâm lý của các nhóm xã hội, các tầng lớp và các giai cấp khác nhau trong xã hội, nghiên cứu các đặc tính (giai cấp, dân tộc, v.v) và các quy luật hình thành những loại hình nhân cách mang tính lịch sử, xã hội, nghiên cứu các cơ chế quan hệ qua lại về mặt tâm lý xã hội trong các nhóm xã hội khác nhau, nghiên cứu các hình thức giao tiếp khác nhau trong tập thể. Tóm lại, theo chúng tôi, tâm lý học xã hội là một phân ngành của tâm lý học, nó tập trung nghiên cứu các hiện tượng tâm lý của một nhóm xã hội cụ thể, nảy sinh từ sự tác động qua lại trong hoạt động và trong giao tiếp giữa
  • 3. các cá nhân ở trong nhóm. Nó chi phối thái độ, hành vi, cử chỉ của cá nhân khi họ ở trong nhóm đó. 2. Đối tượng của Tâm lý học xã hội Tâm lý học xã hội cũng giống như nhiều ngành khoa học khác, việc xác định đối tượng nghiên cứu là một vấn đề phức tạp và khó khăn nhất. Hiện nay vẫn có nhiều quan điểm khác nhau giữa các nhà tâm lý học của các trường phái tâm lý học về đối tượng nghiên cứu của tâm lý học xã hội. Trong đó, đặc biệt là có sự khác nhau khá rõ nét giữa tâm lý học Xô viết (cũ) và tâm lý học phương Tây. Các nhà tâm lý học Xô viết cho rằng, đối tượng của tâm lý học xã hội là nghiên cứu các hiện tượng tâm lý xã hội của nhóm. Tuy nhiên, trong số những nhà tâm lý học Xô viết cũng có những quan điểm cụ thể không hoàn toàn đồng nhất nhau. Các nhà tâm lý học Xô viết (cũ), tiêu biểu như: E. X. Kuzơmin, V. I. Xelivanop, K. K. Platonop, E. V. Sôrôkhôva cho rằng đối tượng nghiên cứu của tâm lý học xã hội là nhân cách “phân loại kiểu người về mặt xã hội - lịch sử”, “các đặc điểm tâm lý của nhân cách”, “sự quy định của xã hội đối với tâm lý của cá nhân”. Một số tác giả khác như V. N. Kolbanopxki, A. I. Goriaseva, A. V. Baranova, A. G. Kovaliop cho rằng đối tượng của tâm lý học xã hội là “những hiện tượng tâm lý của những khối người đông đảo”, “là tâm lý của tập thể”, “sự cộng đồng về tâm lý”. Còn B. D. Parưghin, N. X. Manxurop cho rằng tâm lý học xã hội vừa nghiên cứu tâm lý của nhóm, của khối người đông đảo, vừa nghiên cứu đặc điểm hành vi của nhân cách, của cá nhân khi ở trong nhóm. A.G. Kovaliop thì cho rằng “đối tượng của tâm lý học xã hội là nghiên cứu những nét đặc trưng tâm lý của các nhóm xã hội, các tập thể, cũng như những quy luật hình thành và quy luật hoạt động của các tập thể, các nhóm trong quá trình tác động và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các cá nhân”.
  • 4. Khác với quan điểm của các nhà tâm lý học Xô viết trước đây và các nhà tâm lý học Nga hiện nay, các nhà tâm lý học phương tây lại tiếp cận từ góc độ khác. Các nhà tâm lý học phương tây cho rằng, đối tượng của tâm lý học xã hội là nghiên cứu hành vi của cá nhân trong những điều kiện, hoàn cảnh và môi trường xã hội. Đó là nhận định khái quát, tuy nhiên, nếu xem xét một cách cụ thể cũng có một số vấn đề sau đây: + Quan điểm của Jones và Gerard (1967) cho rằng đối tượng của tâm lý học xã hội là nghiên cứu hành vi cá nhân như là chức năng kích thích xã hội. Ở đây, các tác giả đã nhấn mạnh đến ảnh hưởng qua lại giữa các cá nhân trong nhóm. + Quan điểm của các nhà tâm lý học M. Sherif và C. W. Sherif (1956), Mc David Harari (1968),. cho rằng tâm lý học xã hội cần nghiên cứu kinh nghiệm và hành vi của cá nhân trong môi trường xã hội nhất định. + Quan điểm thứ ba cho rằng đối tượng của tâm lý học xã hội là nghiên cứu mối quan hệ tương hỗ giữa cá nhân và môi trường xã hội (các nhà tâm lý học đại diện như: Jack H. Curtis Richard Dewey, David G. Myer) Cách tiếp cận thứ nhất (trường phái tâm lý học Xô viết) mang tính khái quát hơn, chúng có phạm vi rộng. Cách tiếp cận thứ hai mang tính cụ thể, rõ ràng: nhận thức - thái độ - tình cảm - hành vi. Như vậy, có thể hiểu rằng: Đối tượng của tâm lý học xã hội nằm ở bản chất các hiện tượng tâm lý xã hội đã được phân tích ở trên. Đó là cái tâm lý của những nhóm xã hội cụ thể, bao gồm những nét tâm lý chung nhất, đặc trưng nhất của nhóm được tạo nên từ sự tác động qua lại giữa các cá nhân trong nhóm. Nó không phải là cái tâm lý như là sản phẩm hoạt động của chủ thể mỗi người dưới những tác động của hiện thực khách quan. Nó cũng không phải là cái tổng số đơn giản những đặc điểm tâm lý của tất cả những cá nhân trong nhóm hợp thành. 3. Nhiệm vụ của Tâm lý học xã hội
  • 5. Tâm lý học xã hội có hai nhiệm vụ chính là nghiên cứu lý luận và nghiên cứu ứng dụng. 1) Nghiên cứu lý luận - Xác lập được hệ thống các khái niệm, phạm trù khoa học riêng nằm trong cấu trúc hợp lý, mang đặc thù của khoa học mình. Hiện nay một số khái niệm, phạm trù cấu trúc của tâm lý học xã hội còn chưa rõ ràng để có thể phân biệt được ranh giới của nó với những khoa học lân cận. - Phát hiện được các quy luật hình thành và phát triển của các hiện tượng tâm lý xã hội, chỉ ra cách sử dụng chúng vào việc phát huy nhân tố con người trong các điều kiện hoạt động khác nhau. Cụ thể là những quy luật của sự tác động qua lại trong nhóm, vai trò của cá nhân, vai trò của nhóm trong quá trình này, những điều kiện chủ quan và khách quan của sự hình thành nên những hiện tượng tâm lý xã hội và những hình thái biến động trong tâm lý xã hội. 2) Nghiên cứu ứng dụng Những quy luật chung của Tâm lý học xã hội được vận dụng vào một số lĩnh vực khoa học khác cũng như trong nhiều lĩnh vực hoạt động xã hội. Từ đó tạo nên những chuyên ngành khác nhau của tâm lý học xã hội. - Tâm lý học dân tộc: Đây là một chuyên ngành quan trọng của tâm lý học xã hội. Nó nghiên cứu tâm lý dân tộc và những biến đổi của tâm lý dân tộc gắn với những chuyển biến lịch sử diễn ra trong đời sống các dân tộc. Nhận thức được tính phong phú, đa dạng hay độc đáo của một dân tộc là yêu cầu cần thiết trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, con người của một quốc gia. Việc nghiên cứu tâm lý dân tộc còn góp phần quan trọng trong sự hiểu biết giữa các dân tộc, là cơ sở của mối quan hệ hợp tác và liên kết giữa các nước với nhau. - Tâm lý học xã hội trong công tác lãnh đạo và quản lý xã hội. Đây là một chuyên ngành mới của tâm lý học xã hội, nó đi sâu vào nghiên cứu các hiện tượng tâm lý trong hệ thống quản lý, chỉ ra các đặc điểm, cơ chế và quy
  • 6. luật tâm lý đang có ảnh hưởng tới hoạt động này trên cơ sở đó nêu ra những yêu cầu về phẩm chất và năng lực tâm lý cần thiết của những người lãnh đạo và bị lãnh đạo quản lý. - Tâm lý học xã hội trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh Chuyên ngành này nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, nghệ thuật bán hàng, thông tin quảng cáo v.v.Trên cơ sở đó, nêu ra yêu cầu đối với cơ sở sản xuất về số lượng và chất lượng, hình thức của các loại hàng hoá, dịch vụ. - Tâm lý học xã hội trong tín ngưỡng tôn giáo, trong thông tin đại chúng, trong giáo dục y tế, trong đời sống gia đình, trong dư luận xã hội và tâm trạng quần chúng. Phạm vi ứng dụng của tâm lý học xã hội rất rộng. Nó sẽ ngày càng được mở rộng theo sự đòi hỏi của thực tiễn, cũng như khả năng đáp ứng trong quá trình phát triển của nó. II. Sơ lược về sự hình thành và phát triển của Tâm lý học xã hội Tâm lý học xã hội đã ra đời và phát triển được gần một thế kỷ. Song, những tiền đề để ra đời ngành khoa học này thì đã xuất hiện từ rất sớm. Nói về sự hình thành và phát triển của Tâm lý học xã hội, trước hết phải tìm hiểu những tiền đề để ra đời ngành tâm lý học này. 1. Những tiền đề triết học. Cũng giống như sự ra đời của tâm lý học, sự hình thành Tâm lý học xã hội có sự đóng góp rất quan trọng của các tư tưởng triết học. Có thể đưa ra một số những tiền đề cơ bản sau: 1.1. Quan điểm của một số nhà triết học Hy Lạp cổ đại Khi nói về quan điểm của các nhà triết học Hy Lạp cổ đại có ảnh hưởng tới sự ra đời của Tâm lý học xã hội, chúng ta chú ý nhiều hơn đến quan điểm về xã hội và con người của Platon và Aristotle.
  • 7. - Platon (427 - 374 TCN) trong luận thuyết về đạo đức xã hội và trong phác thảo về một xã hội lý tưởng của mình, ông đã rất chú ý đến các quan hệ liên nhân cách. Ông cũng chỉ ra sự ảnh hưởng của các cá nhân đến sự ổn định của nhà nước. Trong các tác phẩm của mình, Platon đã quan tâm đến các kiểu loại nhân cách xã hội. Theo ông, trong xã hội có ba kiểu nhân cách cơ bản: a/Những người luôn luôn cố gắng làm vừa lòng người khác (người hướng tới xúc cảm), b/Những người say sưa theo đuổi quyền lực và sự nổi danh (người hướng đến quyền lực) và c/Những người luôn có khao khát hiểu biết (người hướng đến tri thức). Ba kiểu nhân cách trên phản ánh ba yếu tố tâm lý của con người: tình cảm, ý chí và trí tuệ. - Aristotle (354 - 322TCN) là một người mở đường vĩ đại của khoa học xã hội. Ông đánh giá cao yếu tố tình cảm. Theo ông, có 3 động lực của sự liên kết con người: tình bạn, sở thích, và đồng nhất. Trong đó, tình bạn là động cơ của đa số các nhóm xã hội. Aristotle đánh giá cao vai trò của các nhóm xã hội đối với con người. Ông cho rằng, con người cần phải sống trong các nhóm xã hội như gia đình và nhà nước. Nhóm xã hội cơ bản nhất đối với con người là gia đình. Quan điểm này của ông vẫn còn rất phù hợp với xã hội hiện đại ngày nay. Điều đáng chú ý là Aristotle xem xét con người và khả năng của nó trong các phản ứng xã hội, quan hệ và hoàn cảnh xã hội. Có thể nói, mặc dù các quan điểm của các nhà triết học Hy Lạp còn khá xa vời các tri thức Tâm lý học xã hội hiện đại, nhưng các tư tưởng này có ảnh hưởng không nhỏ đến các tư tưởng nói chung và tâm lý học xã hội nói riêng ở châu Âu sau này. 1.2. Một số quan điểm về xã hội và cá nhân của các nhà tư tưởng La Mã Quan điểm về xã hội và cá nhân của một số nhà tư tưởng La Mã như M.T.
  • 8. Cicero; St. Augustine rất đáng được quan tâm trong nghiên cứu các tiền đề triết học của sự phát triển Tâm lý học xã hội. M.T. Cicero là đại biểu xuất sắc của tư tưởng La Mã. Khi nghiên cứu về con người và xã hội, ông rất quan tâm đến vấn đề pháp luật, con người phải hành động như thế nào trong khuôn khổ luật pháp của xã hội. St. Augustine (354 - 430 sau CN), ông là đại biểu xuất sắc về tư tưởng xã hội trong thời đại của ông. Các quan điểm của ông về xã hội và cá nhân được tâm lý học xã hội hiện đại đánh giá cao. Đó là các quan điểm về sự liên kết của con người, về vai trò của nhóm xã hội đối với việc hình thành quan điểm, thái độ của cá nhân. Song, các quan điểm của ông lại bị ảnh hưởng lớn của tư tưởng tôn giáo. Augustine đánh giá cao vai trò của Chúa Trời và các lực lượng thần thánh đối với cuộc sống thực tại của con người. Theo ông, cá nhân không chỉ có quan hệ tương tác với các cá nhân khác mà còn có quan hệ với Chúa. 1.3. Những học thuyết về sự thoả thuận xã hội. Những học thuyết về sự thoả thuận xã hội do T. Hobber (1588 - 1679), J. Locke (1632 - 1704), và J.J. Rousseau (1712 - 1778) đưa ra đã được xem như sự mở đường cho Tâm lý học xã hội hiện đại. Các tác giả đã quan tâm nghiên cứu rất nhiều về mối quan hệ giữa xã hội và cá nhân. Học thuyết về sự thoả thuận xã hội của Hobber được phát triển dựa trên 3 yếu tố: - Định đề: bản năng con người bị hạn chế và cô lập từ những người cùng tầng lớp hoặc từ tầng lớp đối lập của xã hội. - Nguyên nhân hoặc thiết lập các nguyên nhân: Tại sao con người tự đặt mình vào các mối liên kết với người khác. - Thiết lập các quy tắc đạo đức từ hai lý do trên. Locke không tin rằng có tồn tại một nhà nước thời kỳ tiền xã hội. Ông đưa ra quan điểm cho rằng con người luôn sống trong xã hội, nhà nước trở
  • 9. thành phương tiện để chấn chỉnh sai trái, bất công và bảo vệ quyền lợi chính đáng của con người về cuộc sống, tự do và sở hữu. So với học thuyết về thoả thuận xã hội của Hobber và Locke thì học thuyết về sự thoả thuận xã hội của Rousseau được đánh giá cao hơn. Cũng giống như Hobber, ông bắt đầu bằng việc tìm hiểu những hành vi bản năng của con người, sau đó nghiên cứu mối tương tác giữa người với người, giữa cá nhân và xã hội. Ông cho rằng, trật tự xã hội là điều bất khả xâm phạm. Nó được xây dựng trên cơ sở lợi ích của đa số mọi người. Cái trật tự này không thể bắt nguồn từ bản năng của con người mà cần phải được xây dựng trên sự thoả thuận. 2. Những trường phái đầu tiên trong xã hội học và tâm lý học. 2.1. Các trường phái xã hội học Vai trò của xã hội học trong việc hình thành Tâm lý học xã hội được thể hiện qua sự ảnh hưởng của các quan điểm của một số nhà xã hội học. - Auguste Comte (1790 - 1857) Comte đã phân chia tâm lý học theo hai khía cạnh: sinh học và xã hội học. Sự phân chia này có giá trị nhất định trong Tâm lý học xã hội. Khi nói về nhân cách con người, ông đã thiên về khía cạnh bản năng. Theo ông, bản năng con người chia thành 2 loại chính: sự ích kỷ và lòng vị tha. Tính vị tha của bản năng có thể dẫn con người đến sự mềm yếu, nhu nhược. Ông cho rằng, xã hội cần khuyến khích lòng vị tha của con người như một mục đích trọng tâm của tổ chức, bên cạnh đó cần hạn chế tính ích kỷ của cá nhân. Mặc dù rất quan tâm đến tâm lý học cá nhân, nhưng Comte vẫn nhấn mạnh rằng đơn vị xã hội thực là gia đình, nhờ nó mà xã hội phát triển. Gia đình, theo ông ngoài việc duy trì nòi giống còn nuôi dưỡng lòng vị tha của con người. Từ mái ấm gia đình, cá nhân sẽ trở thành thành viên xã hội hữu ích. Tâm lý học cá nhân theo hướng bản năng của Comte đã tác động mạnh đến tâm lý học xã hội tận đầu thế kỷ XX.
  • 10. - Gabriel Tarde (1843 - 1904) Tarde là một người sáng lập ra tâm lý học cá nhân trên cơ sở của xã hội học. Ông phản đối những quan điểm thái quá của tâm lý học cá nhân thời đó. Một công trình nghiên cứu của Tarde có ảnh hưởng lớn đến sự ra đời của tâm lý học xã hội là cuốn: “Những quy luật của sự bắt chước”. Trong cuốn sách này ông đã lý giải cơ sở xã hội của sự tương tác giữa các cá nhân. Ông cũng là người đầu tiên đưa ra khái niệm mới về sự tương tác. Đây là một tiền đề dẫn đến sự hình thành tâm lý học xã hội. - Durkheim (1858 - 1917) Quan điểm của Durkheim là phản đối sự đề cao quá mức tâm lý học cá nhân khi ông nhấn mạnh đến hệ thống quy định xã hội. Ông ca ngợi và thích tranh luận về học thuyết “ý thức tập thể”. Trong các nghiên cứu của mình, ông quan tâm nhiều đến các kiểu loại hành vi của nhóm hơn là các hành vi của cá nhân. Những nghiên cứu của ông về “ý thức tập thể” là đóng góp đặc biệt quan trọng cho tâm lý học xã hội. - G. Lebon (1841 - 1931) Trong các nghiên cứu của mình, ông chú ý nhiều đến tâm lý học nhóm. Ông đã làm sáng tỏ thêm những quan điểm của Durkheim về các hiện tượng tâm lý của nhóm. Lebon cũng bị ảnh hưởng bởi Tâm lý học xã hội của Tarde. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Lebon là cuốn “Đám đông” (The crowd). Trong cuốn sách này ông đã phân tích rất sâu sắc về tâm lý đám đông - một hiện tượng tâm lý rất đặc thù của Tâm lý học xã hội. Với cuốn sách này, ông đã trở thành người mở đường về vấn đề “hành vi tập thể” hiện đại. - Charles Horton Cooley (1863 - 1929) Cooley là nhà xã hội học Mỹ, người có quan điểm hiện đại về mối quan hệ giữa xã hội và cá nhân. Ông nhấn mạnh, không thể tách rời yếu tố xã hội và yếu tố cá nhân trong cuộc sống của con người.
  • 11. Ông đã viết ba cuốn sách nổi tiếng về vấn đề này: Bản chất con người và trật tự xã hội; Tổ chức xã hội; Sự phát triển xã hội. Cooley bị ảnh hưởng bởi học thuyết “bắt chước” của Tarde, quan điểm về đồng nhất của Schaffle và tâm lý học của W.James. - E.A. Ross (1866 - 1951) Ross là nhà xã hội học người Mỹ, người đã viết cuốn sách Tâm lý học xã hội (1908) - một trong những cuốn sách giáo khoa đầu tiên về ngành khoa học này. Nếu Cooley nhấn mạnh hơn đến khía cạnh tập thể thì Ross lại chú ý đến cả khía cạnh xã hội và khía cạnh cá nhân trong nghiên cứu quan hệ giữa xã hội và cá nhân. Theo ông, vai trò của xã hội thể hiện qua sự ảnh hưởng của nhóm tới cá nhân và vai trò của cá nhân thể hiện qua sự ảnh hưởng của cá nhân tới nhóm. Các vai trò này xảy ra trong các hoàn cảnh xã hội. Quan điểm này của Ross đã bị ảnh hưởng bởi quan điểm của Tarde về “sự bắt chước” trong đời sống xã hội. 2.2. Các trường phái Tâm lý học - Thuyết hành vi của Watson: Thuyết hành vi ra đời vào năm 1913 trong bối cảnh Tâm lý học nội quan bước vào thời kỳ khủng hoảng và một số nhà tâm lý học cho rằng cần phải xác định lại đối tượng nghiên cứu của tâm lý học. Thuyết hành vi là cơ sở để tâm lý học đầu thế kỷ XX từ bỏ di sản của trường phái nội quan và đưa Tâm lý học xã hội hiện đại đến chỗ tìm hiểu con người thông qua các hoàn cảnh xã hội và trước hết là nghiên cứu hành vi của con người. Sự đóng góp to lớn của thuyết hành vi đối với Tâm lý học xã hội thể hiện ở chỗ nó là cơ sở để các nhà tâm lý học phương Tây (trước hết là các nhà tâm lý học Mỹ) xác định đối tượng nghiên cứu của ngành khoa học này - hành vi xã hội của con người.
  • 12. - Thuyết cấu trúc của W. Wundt Một trong những đóng góp lớn của ông đối với việc ra đời của Tâm lý học xã hội là cuốn sách Tâm lý học dân tộc. Cuốn sách này gồm 10 tập, được ông viết trong 20 năm (1900 - 1920). Theo ông, tâm lý học xã hội là một phân ngành cần thiết của Tâm lý học. Ông cho rằng không thể nghiên cứu con người như một cá nhân đơn lẻ, mà cần phải nghiên cứu con người trong những mối quan hệ của con người. - Tâm lý học Gestalt Một trong những đại biểu xuất sắc nhất của tâm lý học Gestalt là K.Lewin, ông đã dành nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu khía cạnh quan trọng của Tâm lý học xã hội - nhóm nhỏ và nhóm nói chung. Lewin đã sáng lập ra Trung tâm nghiên cứu động thái nhóm. Ông cũng là tác giả của một phương pháp nghiên cứu mới trong tâm lý học xã hội - phương pháp nhóm tập luyện (training group). 3. Tâm lý học xã hội trở thành một khoa học độc lập Tâm lý học xã hội trở thành một khoa học độc lập được đánh dấu bằng sự kiện cuốn sách giáo khoa đầu tiên về Tâm lý học xã hội được xuất bản vào năm 1908. Đó là cuốn Tâm lý học xã hội (Social Psychology) của tác giả Edward A. Ross. Cuốn sách của ông dựa trên cơ sở kết hợp hai khoa học tâm lý học và xã hội học. Nội dung chính được đề cập trong cuốn sách này là sự bắt chước được hình thành, phát triển và thực hiện như thế nào. Ông đã sử dụng hiện tượng bắt chước để giải thích sự thay đổi tư tưởng, thói quen và quan điểm giữa các thành viên trong các nhóm xã hội. Một sự kiện quan trọng nữa góp phần làm cho Tâm lý học xã hội trở thành khoa học độc lập, đó là sự ra đời cuốn sách có tên: Nhập môn Tâm lý học xã hội (Introduction to Social Psychology) của Mc. Dougall. Trong cuốn sách này tác giả đã lý giải sự giống nhau về hành vi giữa cá nhân trong nhóm xã hội thông qua sự bắt chước.
  • 13. Tính đến năm 1954, đã có 52 cuốn sách giáo khoa về Tâm lý học xã hội xuất bản, đến năm 1968 con số này đã tăng lên gần 100 cuốn và tính đến năm 1980, số sách giáo khoa về Tâm lý học xã hội đã lên tới gần 150 cuốn, gần chục tạp chí về tâm lý học xã hội và một số lượng lớn các tuyển tập bài viết, các sách tham khảo có giá trị về ngành khoa học này được hoàn thành. Trong gần một thế kỷ vừa qua, người ta có thể nhận thấy hai xu hướng phát triển của Tâm lý học xã hội: Tâm lý học xã hội phương Tây và Tâm lý học xã hội Xô viết. Hai xu hướng này có sự khác biệt nhất định. Tâm lý học xã hội Xô viết chú ý nhiều đến nghiên cứu các đặc điểm tâm lý của nhóm, trong đó đặc biệt là tập thể (một loại nhóm chính thức) và các nhóm lớn như giai cấp, dân tộc,... Tâm lý học xã hội phương Tây lại quan tâm nhiều hơn đến việc nghiên cứu kinh nghiệm và hành vi xã hội. Tính thực tiễn, ứng dụng trong các nghiên cứu của Tâm lý học phương Tây được thể hiện rất rõ nét. Ở nước ta, Tâm lý học xã hội là một ngành còn rất non trẻ. Song, trong thời gian gần đây, ngành khoa học này đã có những bước phát triển quan trọng. Tâm lý học được giảng dạy ở nhiều trường Đại học, học viện và trường cao đẳng. Nhiều công trình nghiêu cứu về Tâm lý học xã hội đã được dịch và biên soạn. Tính đến nay chúng ta đã có hàng chục cuốn sách giáo khoa, nhiều tài liệu tham khảo đã được các nhà Tâm lý học Việt Nam biên soạn và xuất bản nhằm phục vụ cho hoạt động giảng dạy và nghiên cứu Tâm lý học xã hội. III. Các phương pháp nghiên cứu của Tâm lý học xã hội 1. Những nguyên tắc nghiên cứu 1.1. Phải đảm bảo tính chất khách quan Nghiên cứu phải đảm bảo tính khách quan, trước hết là phải nghiên cứu từ chính bản thân sự vật, hiện tượng, phải xem xét sự vật, hiện tượng như chúng vốn có trong thực tế, ghi nhận mọi chi tiết, mọi biểu hiện của chúng.
  • 14. 1.2. Phải nghiên cứu sự vật và hiện tượng trong các mối liên hệ của chúng Tất cả các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên đều liên hệ, tác động qua lại với nhau. Vì vậy, khi nghiên cứu phải đặt chúng trong mối quan hệ, liên hệ giữa chúng nhằm vạch ra được sự ảnh hưởng lẫn nhau, mối quan hệ nhân quả và những quy luật của sự tác động qua lại giữa chúng. Khi nghiên cứu các hiện tượng tâm lý xã hội cần thực hiện tốt các yêu cầu này, bởi vì mỗi hiện tượng tâm lý xã hội đều chịu sự ảnh hưởng và liên quan của các hiện tượng khác. 1.3. Phải nghiên cứu sự vật và hiện tượng trong sự phát triển. Mỗi sự vật và hiện tượng trong tự nhiên hay trong xã hội đều có quá trình nảy sinh, vận động và phát triển. Tâm lý cá nhân hay của xã hội đều nằm trong quy luật này, có sự phát triển và biến đổi về chất. Bởi vậy, khi nghiên cứu các hiện tượng tâm lý xã hội, nhà khoa học cần xem xét chúng trong một quá trình. 1.4. Phải nghiên cứu sự vật và hiện tượng trong một chỉnh thể toàn vẹn Mỗi sự vật và hiện tượng đều có một cấu trúc nhất định. Bởi vậy, yêu cầu đặt ra đối với các nhà khoa học là phải nghiên cứu sự vật và hiện tượng với cả hệ thống các thành phần trong cấu trúc của chúng cũng như mối liên hệ và quan hệ của các thành phần ấy. 2. Những phương pháp nghiên cứu 2.1. Phươngpháp quan sát Quan sát là sự tri giác chủ động và có hệ thống các hiện tượng tâm lý nhằm tìm ra các đặc điểm đặc trưng và có ý nghĩa của chúng. Trong tâm lý học xã hội, phương pháp quan sát được sử dụng để nghiên cứu hành vi xã hội. • Các bước tiến hành quan sát: - Xác định mục đích, nhiệm vụ quan sát (quan sát để làm gì)
  • 15. - Lựa chọn khách thể quan sát, tình huống quan sát và đối tượng quan sát (quan sát ai, quan sát cái gì) - Lựa chọn cách thức quan sát để ít ảnh hưởng đến khách thể quan sát và thu được những thông tin cần thiết (quan sát như thế nào) • Nhiệm vụ quan sát: là định hướng ban đầu về khách thể, đề xuất giả thuyết và kiểm tra giả thuyết. Các tình huống quan sát có thể là tình huống tự nhiên hoặc tình huống thực nghiệm (do người quan sát chủ động) tạo nên • Đối tượng quan sát: là những hành động ngôn ngữ hoặc phi ngôn ngữ của con người trong nhóm hay liên nhóm. Cụ thể là: - Hành động nói (hành động ngôn ngữ). Ở đây cần chú ý quan sát tính định hướng, tần số, cường độ, mức độ diễn cảm, đặc điểm của ngôn từ, ngữ pháp, cách phát âm. - Những hành động diễn cảm thể hiện qua nét mặt, thái độ, hành động. - Cử chỉ di chuyển, trạng thái đứng im của con người, khoảng cách giữa người này với người khác, tốc độ, phương hướng vận động, sự va chạm... • Một số ưu điểm và hạn chế: - Ưu điểm: Nó được sử dụng rộng rãi, chiếm ưu thế trong việc thu thập các biểu hiện của tâm lý xã hội. Trong phương pháp này, nhà khoa học có thể sử dụng những máy móc hiện đại như máy ảnh, máy ghi âm, máy quay phim để ghi lại những hiện tượng cần nghiên cứu, khi cần có thể quan sát lại nhiều lần bảo đảm tính khách quan. - Hạn chế: phương pháp này còn có hạn chế là nó đòi hỏi nhiều thời gian; nó chỉ cung cấp những tài liệu về các biểu hiện bề ngoài có tính cảm tính. Bởi vậy, khi dùng phương pháp này nhà khoa học phải thu thập tài liệu với số liệu đủ lớn để có thể chọn lọc trong đó những tài liệu cần thiết. 2.2. Phươngpháp nghiên cứu sản phẩm.
  • 16. Sản phẩm hoạt động bao giờ cũng mang đậm nét những đặc điểm tâm lý của nhóm người tạo ra nó, bao gồm sản phẩm vật chất và tinh thần. Các sản phẩm vật chất như: nhà cửa, vật dụng thông thường,. các sản phẩm tinh thần như âm nhạc, phong tục, tập quán,. Qua sản phẩm hoạt động, nhà khoa học có thể tìm hiểu về trình độ nhận thức, mức độ kỹ xảo, nội dung tình cảm, đặc điểm tính cách của các nhóm người khác nhau. 2.3. Phươngpháp điều tra. Dùng để hiểu rõ thái độ của mọi người đối với các biến cố xã hội, những nhiệm vụ xã hội có liên quan đến họ cũng như nhu cầu, nguyện vọng, định hướng hoạt động của họ trong tương lai. Phương pháp này được sử dụng rộng rãi để nghiên cứu thông qua công cụ là bảng hỏi. • Các nguyên tắc đặt câu hỏi: - Trong một câu hỏi chỉ cần tìm hiểu một khía cạnh, không nên chứa đựng nhiều nội dung nghiên cứu. - Nên tránh sử dụng các thuật ngữ nước ngoài không được sử dụng rộng rãi trong xã hội, tránh các thuật ngữ chuyên môn quá hẹp, tránh các từ đa nghĩa. - Không nên đưa ra các câu hỏi quá dài, đặc biệt là khi hỏi trực tiếp. - Nếu trong câu hỏi có sử dụng các thuật ngữ không phổ biến thì người điều tra viên có thể giải thích thêm về câu hỏi này để cho khách thể hiểu được. - Các câu hỏi cần được cụ thể hoá, đơn giản hoá đến mức độ cao nhất, tránh đặt câu hỏi một cách chung chung, khó hiểu (rườm rà, tối nghĩa) - Khi đặt câu hỏi có thể đưa ra các phương án trả lời mà mọi người đều có thể hiểu như nhau. - Cần tránh đặt các câu hỏi khuôn mẫu, sáo rỗng hay kiểu “đánh đố” đối với
  • 17. khách thể nghiên cứu - Cần tránh đưa ra các câu hỏi tạo nên thái độ tiêu cực đối với người được hỏi. • Câu hỏi đóng và câu hỏi mở - Câu hỏi đóng là các câu hỏi đưa ra các phương án trả lời, đòi hỏi khách thể nghiên cứu phải chọn một hay một số trong các phương án trả lời. Có hai loại câu hỏi đóng: câu hỏi đóng phân đôi và câu hỏi đóng có nhiều phương án trả lời. - Câu hỏi mở: là dạng câu hỏi không đưa ra các phương án trả lời. Theo yêu cầu của câu hỏi, khách thể tự bộc lộ suy nghĩ của mình. • Cách thức trình bày bảng hỏi: Để bảng hỏi được trả lời tốt, khi xây dựng chúng ta cần chú ý đến một số khía cạnh sau: - Ở trang đầu của bảng hỏi ghi rõ cơ quan, tổ chức tiến hành điều tra. - Tiếp theo là lời mở đầu (nêu mục đích, yêu cầu của bảng hỏi). Trong lời mở đầu cần cam kết giữ bí mật tên, tuổi cho người được hỏi. Nên viết ngăn gọn, lịch sự. - Ở phần cuối bảng hỏi nên có lời cảm ơn người được hỏi. - Cần chú ý đến hình thức trình bày bảng hỏi: kiểu chữ, cách trình bày, • Những ưu điểm và hạn chế - Ưu điểm: Cho phép tiến hành nghiên cứu trên một địa bàn rộng với số lượng lớn khách thể nghiên cứu. Có thể thu được thông tin về nhiều sự kiện khác nhau trong thời gian ngắn. Không chỉ thu thập được thông tin trong hiện tại mà trong cả quá khứ và tương lai. - Hạn chế: Số liệu điều tra chủ yếu dựa vào đánh giá của khách thể. Độ tin cậy của thông tin phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, khả năng tự trình bày các vấn đề của khách thể. Ngoài ra, độ tin cậy của thông tin còn phụ
  • 18. thuộc vào khả năng thiết kế bảng hỏi của người nghiên cứu, vào sự hợp tác của khách thể Để bổ sung phương pháp điều tra, người ta đã dùng phương pháp phỏng vấn kèm theo. Phương pháp phỏng vấn hay trò chuyện có mục đích giúp cho người điều tra thâm nhập vào cuộc sống xã hội mà họ muốn nghiên cứu, có được thông tin ban đầu về xã hội ấy. Qua trò chuyện sẽ gây được không khí tự nhiên, gần gũi giữa người điều tra và người được điều tra khiến họ có thể thông cảm hơn, tích cực hưởng ứng và trả lời chính xác. Phỏng vấn cũng bị hạn chế là tốn thời gian, nên chỉ có thể tiến hành trong một diện hẹp, có lựa chọn, thông thường là những người lãnh đạo, những cá nhân tiêu biểu. 2.4. Phươngpháp thực nghiệm Đây là phương pháp trong đó nhà khoa học chủ động gây ra hiện tượng cần nghiên cứu và đặt người được thực nghiệm vào hoàn cảnh đòi hỏi họ phải có hoạt động tích cực. Ưu điểm: Thực nghiệm tâm lý xã hội có thể tiến hành dưới nhiều hình thức tự nhiên hoặc tiến hành trong phòng thí nghiệm. Phương pháp thực nghiệm giúp cho quá trình nhận thức hiện thực nhanh chóng hơn phương pháp khác. Nó đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu của việc nghiên cứu khoa học đem lại những kết quả đáng tin cậy. Nhược điểm: Trong tâm lý học xã hội, thực nghiệm là một phương pháp rất phức tạp, rất khó sử dụng. Bởi vì nó được thực nghiệm đối với con người. Nó không chỉ liên quan đến vấn đề tri thức, tổ chức, giáo dục, tuyên truyền v.v. mà còn liên quan đến các chuẩn mực đạo đức và cả pháp luật. 2.5. Phươngpháp trắc nghiệm xã hội Trắc nghiệm xã hội có nghĩa là đo lường xã hội. Phương pháp này được xây dựng trên cơ sở lý luận tâm lý học về xã hội và test tâm lý xã hội nhằm đánh giá các mối liên hệ cảm xúc liên nhân cách trong nhóm.
  • 19. Phương pháp trắc nghiệm xã hội do L. Moreno (1892 - 1974) sáng lập. Moreno đã đưa ra phương pháp này để tìm hiểu các cấu trúc tâm lý xã hội trong các quan hệ liên nhân cách của nhóm. Các cấu trúc này không chỉ xác định các đặc điểm của nhóm mà còn xác định trạng thái tinh thần của con người. ■ Nhiệm vụ của trắc nghiệm xã hội Trắc nghiệm xã hội được sử dụng, để chẩn đoán những quan hệ liên nhân cách và liên nhóm với những mục đích làm cho chúng thay đổi tốt hơn và hoàn thiện chúng. Trắc nghiệm xã hội có thể nghiên cứu các kiểu loại hành vi xã hội của con người trong điều kiện hoạt động của nhóm, đánh giá sự tương hợp tâm lý xã hội của các thành viên trong các nhóm xã hội cụ thể. Song nhiệm vụ cơ bản của trắc nghiệm xã hội là nghiên cứu cấu trúc không chính thức của các nhóm xã hội và bầu không khí tâm lý của nhóm. ■ Các giai đoạn thực hiện trắc nghiệm xã hội * Các giai đoạn thực hiện - Xác định nhiệm vụ, khách thể nghiên cứu - Xác định các giả thuyết nghiên cứu cơ bản - Xây dựng bảng hỏi Bảng hỏi của trắc nghiệm xã hội gồm các câu hỏi liên quan đến những khía cạnh cảm xúc của các quan hệ tương hỗ giữa các cá nhân trong nhóm. Đòi hỏi những người tiến hành trắc nghiệm phải thể hiện được mối quan hệ thân ái, gần gũi, cởi mở với các khách thể làm trắc nghiệm. Vì quan hệ như vậy sẽ kích thích được lòng nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm của khách thể nghiên cứu. * Các hình thức lựa chọn mẫu trong trắc nghiệm - Sự lựa chọn không hạn chế
  • 20. Nếu trong nhóm có 12 thành viên thì mỗi người trong nhóm sẽ lựa chọn 11 người còn lại của nhóm (trừ bản thân mình) để thực hiện trắc nghiệm. Công thức lựa chọn ở đây là: N - 1, trong đó N là số lượng các thành viên của nhóm thực nghiệm. Như vậy, sẽ có (N - 1) người được lựa chọn để tham gia thực nghiệm. Ưu điểm: khả năng lựa chọn như nhau đối với các thành viên. Nó có thể làm cho các thành viên bộc lộ được cảm xúc của mình. Đây có thể là lát cắt qua mối liên hệ liên nhân cách phức tạp trong cấu trúc nhóm. Nhược điểm: kỹ thuật tính toán khá phức tạp, khó khăn khi nhóm trắc nghiệm có nhiều thành viên. Một nhược điểm khác là xác suất nhận được từ sự lựa chọn ngẫu nhiên là rất lớn. Ví dụ, ta có thể nhận được câu trả lời “Tôi chọn tất cả” - Sự lựa chọn hạn chế Ở đây các khách thể được phép chọn số lượng hạn chế các thành viên của nhóm (số lượng này theo quy định của người làm trắc nghiệm). Ví dụ, trong nhóm trắc nghiệm có 25 người thì mỗi thành viên được lựa chọn 4 người. Ưu điểm: có độ tin cậy cao hơn vì nó sẽ làm người thực hiện trắc nghiệm có ý thức trách nhiệm, chú ý hơn khi lựa chọn. Vấn đề ở đây là chọn bao nhiêu thành viên là hợp lý. J.Moreno và E. Jenking đã đưa ra công thức về xác suất của sự ngẫu nhiên: P(A) = d/(N - 1) P là xác suất của sự kiện ngẫu nhiên (A) của sự lựa chọn theo trắc nghiệm xã hội. N là số lượng các thành viên của nhóm d là sự lựa chọn hạn chế. Thông thường, trị số P(A) dao động trong khoảng từ 0,20 - 0,30. Khi biết P(A) và N thì ta có thể xác định được số lượng lựa chọn hạn chế d.
  • 21. Nhược điểm của cách lựa chọn này là không có khả năng lựa làm sáng tỏ những quan hệ tương hỗ phức tạp trong nhóm. Để khắc phục nhược điểm của mỗi cách lựa chọn, ta có thể kết hợp cả hai cách lựa chọn này. Giai đoạn một là lựa chọn không hạn chế, giai đoạn hai là sự lựa chọn hạn chế. ■ Phiếu trắc nghiệm xã hội Kết quả nghiên cứu phụ thuộc rất nhiều vào phiếu trắc nghiệm xã hội. Khi xây dựng phiếu trắc nghiệm cần chú ý một số điểm sau: - Số lượng các câu hỏi trong phiếu không nên quá nhiều. -Trong trường hợp nghiên cứu nhiều người và số lượng câu hỏi trắc nghiệm lớn chúng ta có thể chia ra thành một số phiếu trắc nghiệm nhỏ hơn theo các nội dung nghiên cứu. Phiếu trắc nghiệm xã hội được xây dựng theo trình tự sau: Bước 1: Chuẩn bị danh sách các thành viên của nhóm trắc nghiệm. Mỗi thành viên nắm được số thứ tự của mình trong danh sách đó. Bước 2: Xây dựng phiếu điều tra. Ở phần đầu của phiếu hướng dẫn cách thực hiện trắc nghiệm (hướng dẫn cách trả lời các câu hỏi). Khi trả lời các câu hỏi người được trắc nghiệm cần đánh số thứ tự các thành viên trong nhóm theo danh sách ở phần cột lựa chọn. Các câu hỏi trắc nghiệm được chia thành hai nhóm: + Nhóm I: Người được trắc nghiệm đưa ra sự lựa chọn của mình về các thành viên của nhóm. + Nhóm II: Người được trắc nghiệm đánh giá xem ai trong số các thành viên của nhóm sẽ chọn mình vào vị trí đó. Tức là đánh giá về khả năng lựa chọn của nhóm đối với bản thân anh ta.
  • 22. Trên đây là một số những phương pháp nghiên cứu cơ bản trong tâm lý học xã hội. Các phương pháp này được sử dụng kết hợp với nhau tuỳ theo mục đích của nhà nghiên cứu. Chương 2. CÁC HIỆN TƯỢNG TÂM LÝ XÃ HỘI I. Khái niệm chung về hiện tượng tâm lý xã hội Con người luôn sống trong một môi trường xã hội nhất định: gia đình, trường học, công ti, xí nghiệp,... Trong quá trình đó các cá nhân có sự tác động qua lại lẫn nhau. Sự tác động này đã điều chỉnh thái độ, hành vi của cá nhân và nhóm dẫn đến quá trình xã hội hoá cá nhân, hình thành nên những hiện tượng tâm lý đặc trưng của nhóm. Tâm lý xã hội bao gồm những hiện tượng tâm lý chung của một nhóm xã hội nảy sinh từ tác động qua lại trong hoạt động và giao tiếp giữa các thành viên trong nhóm, chi phối thái độ hành vi của các cá nhân khi hiện diện trong nhóm. Những hiện tượng tâm lý xã hội có mối liên hệ mật thiết với nhau, chi phối lẫn nhau. Nó có diễn biến rất phức tạp mặc dù được hình thành và phát triển có quy luật.. Khi xã hội ngày càng phát triển, các mối quan hệ xã hội ngày càng trở nên phức tạp và đa dạng. Chính trong quá trình đó nảy sinh nhiều các hiện tượng tâm lý xã hội khác nhau. Việc nghiên cứu các hiện tượng tâm lý xã hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong thực tiễn hiện nay. II. Các hiện tượng tâm lý xã hội cơ bản 1. Tri giác xã hội 1.1. Khái niệm Tri giác xã hội Tri giác xã hội là sự cảm nhận, hiểu biết và sự đánh giá của chủ thể tri giác về các đối tượng xã hội: các cá nhân, nhóm người, bản thân mình, hoặc các hiện tượng xảy ra có sự tham gia của con người.
  • 23. Tri giác xã hội đó là hiện tượng nhận biết xã hội. Nó phụ thuộc vào đối tượng mà chúng ta đang tri giác, đặc biệt là phụ thuộc vào mục đích, kinh nghiệm, nguyện vọng của chúng ta. Nó còn phụ thuộc vào hoàn cảnh, bối cảnh của chúng ta. Thực chất của tri giác xã hội là tri giác những người và kiểu người trong xã hội. Tri giác xã hội có nghĩa là thông qua các biểu hiện và hành vi bên ngoài kết hợp với một vài đặc điểm nhân cách của người đó (do chúng ta cảm nhận được) để hiểu được mục đích, phương hướng hành động hoặc để hiểu được người khác. Tri giác xã hội khác với tri giác vật thể ở chỗ đối tượng tri giác là một thực thể tích cực, có tình cảm và thái độ riêng của mình. Cấu trúc của bất kỳ một quá trình tri giác xã hội nào cũng bao gồm: chủ thể tri giác, đối tượng tri giác, quá trình tri giác và kết quả tri giác, sự ảnh hưởng của tri giác xã hội tới sự điều chỉnh hành vi và hoạt động của cá nhân, của các nhóm xã hội. 1.2. Các cơ chế tri giác xã hội Các công trình nghiên cứu đã cố gắng chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng của quá trình tri giác xã hội. Đó là: ấn tượng ban đầu, quy gán xã hội, định kiến xã hội. 1.2.1. Ấn tượng ban đầu Ấn tượng ban đầu là hình ảnh tổng thể mà chúng ta có được về một người khác hoặc về nhóm xã hội dựa trên một sự nhìn nhận, đánh giá một cách chung chung thông qua những biểu hiện về diện mạo, lời nói, cử chỉ, tác phong, ánh mắt,. Sau lần tiếp xúc ban đầu ta sẽ có một ấn tượng nhất định về đối tượng của mình. Thông thường sau lần gặp gỡ đầu tiên (tri giác, nhận thức), về mặt vô thức, trong đầu chúng ta hiểu về người đó: liệu có chơi được hay không? người này có thích mình không?... Chúng ta quy lại một nhân cách chung, do đó nó chi phối rất nhiều trong quá trình tri giác lần sau.
  • 24. Ấn tượng ban đầu được hình thành trên cơ sở: ■ Đặc điểm trung tâm Trong quá trình ứng xử xã hội, giao tiếp thông thường ở mỗi cá nhân có nổi lên một đặc điểm nào đó và chúng ta đã lấy nó để suy luận về họ. Nhà tâm lý học Mỹ, Asch Solomon, nghiên cứu về ấn tượng ban đầu đã tiến hành thí nghiệm như sau: Cho hai nhóm sinh viên hai bảng ghi các đặc điểm tính cách. Nội dung của hai bảng như nhau, chỉ khác một điểm: “tính nồng nhiệt” của người A thay thế bằng “tính lạnh lùng” của người B. Ngừơi A Người B Thông minh Khéo léo Cần cù Nồng nhiệt Kiên quyết Thực tế Thận trọng Thông minh Khéo léo Cần cù Lạnh lùng Kiên quyết Thực tế Thận trọng Ông yêu cầu hai nhóm sinh viên đưa ra nhận định của mình về người có những đặc điểm trong bảng. Các sinh viên nhận xét người A là một người tin tưởng vào những điều đúng đắn, muốn mọi người hiểu quan điểm của mình, chân thành khi tranh luận và mong ý kiến, quan điểm đó được thừa nhận. Nhóm sinh viên thứ hai cho rằng người B là một kẻ lừa dối, thấy mình thành công, thông minh đã tưởng là khác người, đó là người tính toán, lãnh cảm. Từ thí nghiệm này ông kết luận: chính cặp đặc điểm trung tâm “nồng nhiệt - lạnh lùng” là yếu tố chính trong quá trình hình thành ấn tượng. Nếu
  • 25. thay đổi cặp đặc điểm này thì ấn tượng chung cũng bị ảnh hưởng. Các cặp đặc điểm trung tâm không chỉ đem lại những ấn tượng khác nhau mà còn gợi thêm những cảm tưởng khác nhau như tính nồng nhiệt đã làm 90% sinh viên đánh giá người A là hào hiệp, 75% sinh viên đánh giá là hài hước. Còn tính “lạnh lùng” chỉ có 10% sinh viên nhận định người B là hào hiệp hoặc hài hước. Ấn tượng ban đầu được hình thành trên cơ sở một vài đặc điểm biểu hiện ra ngoài mang tính nổi bật trong một hoàn cảnh nào đó. Đặc điểm ấy thường gọi là đặc điểm trung tâm. Nó quyết định, khống chế cách thức và chiều hướng suy nghĩ cảm nhận của người tri giác. Vì thế, không phải lúc nào chúng ta tri giác cũng đúng. ■ Sơ đồ nhân cách tiềm ẩn. Trong cuộc sống, do tiếp xúc ứng xử, chúng ta thường có một cách thức hay gán ghép các yếu tố với nhau thành một nhân cách. - Trong mỗi con người đều có sẵn một sơ đồ liên hệ giữa các tính cách của con người với nhau. Chúng ta hay gán ghép những nét tính cách, phẩm chất giống nhau lại. Khi tiếp xúc với các cá nhân trong xã hội, thì mối liên hệ nét tính cách tốt hay xấu nó được hoạt hoá và chúng ta dùng để đánh giá người khác. Sự hoạt hoá - liên kết giữa các nét tính cách đã ảnh hưởng đến việc chúng ta đánh giá người khác dựa vào kinh nghiệm của chúng ta, nghĩa là chúng ta đặt con người bằng phạm trù sơ lược, bằng kinh nghiệm. Khái niệm sơ đồ nhân cách tiềm ẩn: nhằm mô tả một biểu tượng tinh thần sơ lược có chức năng hiểu biết hiện thực bằng cách giản lược những phức tạp của đối tượng, thực tế, dự đoán được các phản ứng hành động của đối tác, định ra cái chuẩn có khả năng nhờ đó có thể kiểm tra được người khác và hành động của họ. Sơ đồ nhân cách ngầm ẩn nó phụ thuộc vào:
  • 26. + Kinh nghiệm (những ý niệm, tri thức của chúng ta có về người khác), chúng ta sẽ có phản ứng tích cực hay tiêu cực về các nhóm xã hội khác. + Động cơ (lý do hành động), đó là hoạt động của chúng ta hướng vào để đạt được mong muốn, ý đồ của chúng ta. + Hoàn cảnh, bối cảnh cụ thể. Nó quy định cách thức chúng ta nhìn nhận người khác, quy định chuẩn mực của sự đánh giá. ■ Thông tin đầu tiên Là những tri thức, cảm xúc của con người, trật tự của những thông tin quy định cách chúng ta đánh giá người khác. Thứ tự thông tin rất quan trọng trong việc quan sát người khác, những thông tin đến sớm nhất, đầu tiên bao giờ cũng tác động gây cho người ta có sự tri giác gây ấn tượng lớn. Nó tạo nên sự áp đặt, nó chi phối làm sai lệch cách chúng ta cảm nhận người khác. Thông tin ban đầu có tính quyết định khi tri giác người lạ, còn đối với người quen thì thông tin cuối cùng lại có ý nghĩa hơn cả. Như vậy, ấn tượng ban đầu mang tính chủ quan khó xác định, bị nhiều hiệu ứng tác động không dễ xoá nhoà. Nó quyết định nhiều thái độ ứng xử tiếp đó của chúng ta đối với đối tượng. 1.2.2. Quy gán xã hội Việc chúng ta giải thích các sự kiện xã hội hay nhận định về người khác bằng cách gán những nguyên nhân ổn định nằm trong kinh nghiệm của bản thân, gọi là quy gán xã hội. Quy gán xã hội, đó là quá trình suy diễn nhằm hiểu ý nghĩa hành động của người khác bằng cách tìm những nguyên nhân hợp lý để giải thích cho các sự kiện, hành động luôn biến đổi trong xã hội. Quy gán xã hội tuân theo những nguyên tắc: - Nguyên tắc tâm lý ngây thơ: chúng ta luôn tìm cách khám phá nguyên nhân hành vi để hiểu và dự đoán sự kiện sắp tới, với mong muốn có thể giám
  • 27. sát được môi trường và mọi vật xung quanh. Heider (nhà tâm lý học Mỹ) gọi xu thế này là tâm lý ngây thơ vốn có ở mỗi người. - Nguyên tắc suy diễn tương ứng: Khi quan sát hành vi của người khác, ta luôn tìm cách suy diễn ý nghĩa của hành vi đó tương ứng với những gì ta thấy. Nếu chúng ta có nhiều thông tin về mục đích hoạt động của đối tượng thì sự suy diễn tương ứng càng chính xác. Sự suy diễn tương ứng nhằm đi đến một quy gán nào đó bị ảnh hưởng bởi 3 yếu tố sau: + Chuỗi hành vi không thống nhất + Hành vi xã hội được mong đợi hay hành vi không được mong đợi + Những hành vi được tự do lựa chọn dễ suy diễn hơn hành vi bắt buộc. Cách suy diễn tương ứng để tìm nguyên nhân hành vi không phải lúc nào cũng chính xác. Sự suy diễn tương ứng chỉ phản ánh được lượng thông tin chúng ta có về đối tượng. Khi cá nhân không có thông tin chi tiết, cụ thể nên hay dựa vào một điều bất kỳ mà người đó biết để quy gán hoặc cho là thế này, hoặc thế kia. - Nguyên tắc suy diễn nhân quả: thường biểu hiện bởi 3 yếu tố: Chủ quan, khách quan, đối tượng. Theo một quy luật chung: khi cá nhân thành công thì thường quy gán nghiêng về bản thân theo xu hướng quy gán vào nâng cao năng lực, phẩm chất của mình. Ngược lại, khi thất bại cá nhân thường đổ lỗi cho khách quan. Còn đối với người khác khi thành công chúng ta hay quy gán cho là khách quan, khi họ thất bại lại quy gán do chủ quan của họ. Trong quá trình quy gán chúng ta hay cho thái độ và hành vi của mình là chuẩn, hành vi của người khác là không chuẩn. Từ đó, chúng ta nhìn nó để chiếu theo người khác, ép người khác theo chuẩn của mình.
  • 28. Một trong những nhược điểm của con người khi quy gán nguyên nhân hành vi là ảo tưởng rằng mình có khả năng kiểm soát được mọi yếu tố quyết định thành công hay thất bại. Ví dụ: như trò chơi sổ xố, người ta có cảm tưởng rằng có nhiều cơ hội thắng cuộc nếu tự do lựa chọn vé số. 2. Định kiến xã hội (Social Prejudice) 2.1. Khái niệm định kiến xã hội Theo từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên thì: Định kiến là ý kiến riêng đã có sẵn, khó có thể thay đổi được. Như chúng ta đã biết, định kiến cùng với khuôn đúc là một trong những dạng thức của Tri giác giác xã hội. Sự phân tích khái niệm định kiến (Prejudice), một khái niệm cổ điển của tâm lý học xã hội, góp phần cho phép ta nám được một trong những dạng thức biểu hiện các hệ thống tri giác của chúng ta, cũng như góp phần cho phép cụ thể hoá các cơ chế xây dựng các hiện thực về mặt tinh thần và xã hội, sự vận hành của những dư luận và sự tin tưởng xã hội. 2.1.1. Một số định nghĩa của các nhà Tâm lý học xã hội Về vấn đề định nghĩa thế nào là Định kiến xã hội cũng có nhiều ý kiến khác nhau, mỗi tác giả khi xem xét định kiến xã hội ở góc độ riêng của mình đã đưa lại những định nghĩa sao cho phù hợp với vấn đề mà họ đang nghiên cứu. Ở đây chúng ta chỉ xem xét những định nghĩa của các nhà tâm lý học xã hội. Trước hết ta xem xét khái niệm Định khuôn xã hội. Thuật ngữ Định khuôn xã hội do Lippman (người Mỹ) đưa ra, nhằm nói đến những biểu tượng bền vững được đơn giản hoá khái quát và sơ đồ hoá mỗi khi nhìn nhận đối tượng mà thiếu hụt thông tin. Định khuôn là biểu tượng xã hội của cá nhân trong cùng một nhóm. Định khuôn xã hội có thể mang tính tích cực hoặc tiêu cực. Trong tri giác xã hội, định khuôn xã hội biến thành định kiến xã hội khi nó mang sắc thái tiêu cực.
  • 29. Định kiến xã hội được hiểu là thái độ của một cá nhân trong từng nhóm xã hội, nó thường là tiêu cực đối với người khác, nhóm khác trong quan hệ với nhau. Có nhiều loại định kiến xã hội như: định kiến chủng tộc, giới tính, tôn giáo, giai cấp,. Theo Fischer: Định kiến xã hội là những thái độ bao hàm sự đánh giá một chiều và sự đánh giá đó là tiêu cực đối với cá nhân khác hoặc nhóm khác tuỳ theo sự quy thuộc xã hội riêng của họ. Nói cách khác, định kiến là một loại phân biệt đối xử bao gồm 2 thành tố chính là nhận thức và ứng xử. Theo Godefroid: Định kiến là sự phán xét “tốt” hay “xấu” của chúng ta đối với người khác, ngay cả trước khi ta biết rõ họ hoặc biết được lý do hành động của họ. Theo J. P. Chaplin: Định kiến là thái độ có thể tích cực hoặc tiêu cực được hình thành trên cơ sở của yếu tố cảm xúc. Là niềm tin hoặc cách nhìn thường là không thiện cảm dẫn đến cho chủ thể một cách nghĩ hoặc cách ứng xử tương tự với người khác. Theo Rosenberg: Định kiến xã hội là một định hướng được tiếp thụ có mục đích thiết lập một sự phân biệt xã hội. Như vậy, có thể nói rằng định kiến là một sự phân biệt đối xử. Quan điểm này của ông cho phép phân biệt hai thành tố căn bản của định kiến: thành tố nhận thức và thành tố ứng xử. Ta có thể sơ đồ hoá khái niệm định kiến: Như vậy, tuy có nhiều quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề định kiến, nhưng suy cho cùng, các tác giả đều có nhìn nhận giống nhau một cách cơ bản trên một số điểm. Hầu hết họ đều thừa nhận định kiến là một kiểu thái độ tiêu cực - bất hợp lý đối với người khác dựa trên những nhận thức thiếu căn cứ, phiến diện và một chiều của chủ thể là người mang định kiến. 2.1.2. Sự khác nhau giữa Định kiến và Phân biệt đối xử. Trong cách nói thường ngày, nhiều người sử dụng thuật ngữ định kiến và phân biệt đối xử như những từ đồng nghĩa. Có thực là chúng như nhau
  • 30. không? Hầu hết các nhà tâm lý học đều chỉ ra sự khác biệt rất rõ ràng giữa chúng. Định kiến ám chỉ một kiểu thái độ đặc biệt mà thông thường là những thái độ tiêu cực đối với thành viên của nhóm xã hội khác. Vì một kiểu thái độ nên định kiến không phải lúc nào cũng được phản ánh công khai trong hành động. Trong rất nhiều trường hợp, cá nhân mang định kiến nhận ra rằng mình không thể biểu đạt nó một cách trực tiếp. Có một nghìn lẻ một các lý do khiến họ làm như vậy: luật lệ, áp lực xã hội, nỗi sợ hãi bị trả thù. đã ngăn cản họ thực hiện hành động tiêu cực một cách rộng rãi. Nhưng khi không còn những rào cản và sự kiềm toả như vậy thì những niềm tin, cảm giác tiêu cực thắng thế và nó được thể hiện một cách công khai và trở thành sự phân biệt đối xử. 2.2. Các nguyên nhân hình thành định kiến xã hội 2.2.1. Sự cạnh tranh (competition) Thật không may mắn, những điều mà con người coi trọng nhất trong cuộc đời này như công việc tốt, nhà cửa đẹp đẽ, vị trí cao, một nền giáo dục hoàn hảo,.. lúc nào cũng hiếm hoi nhưng lại không bao giờ có đủ cho mọi người. Thực tế này có thể chính là sự giải thích lâu đời nhất cho sự ra đời của định kiến. Theo quan điểm này, định kiến ra đời từ cuộc cạnh tranh giữa những nhóm xã hội khác nhau về những tiện nghi giá trị và cơ hội. Thành viên của những nhóm liên quan tiếp tục nhìn nhận ngày một tiêu cực về nhau. Họ “dán nhãn” nhau là kẻ thù, coi nhóm mình là đạo đức tối thượng, dựng lên rào cản ở giữa và sự thù địch giữa họ ngày một sâu sắc. Kết quả tất yếu là từ những cuộc cạnh tranh đơn giản chẳng liên quan gì tới oán hận và thù ghét đã dần phát triển thành những định kiến gay gắt. Thậm chí những cuộc cạnh tranh kiểu như vậy thường dẫn tới mâu thuẫn trực tiếp, công khai và những hành vi có tính xâm khích. Nghiên cứu của Hovland và Sear đã cho ta thấy điều này: Họ đã tiến hành kiểm tra mối liên hệ giữa số người da đen bị phân biệt đối xử ở 14 bang
  • 31. của nước Mỹ với hai chỉ số về kinh tế là giá trị trang trại của cây bông và giá trị đồng cỏ. Họ đã lấy số liệu trong 49 năm và kết quả là: điều kiện kinh tế càng xấu bao nhiêu thì số vụ bạo lực xảy đến với người da đen càng nhiều bấy nhiêu. Điều đó cho thấy một khi kinh tế khủng hoảng thì những cuộc cạnh tranh về tài nguyên kinh tế càng khan hiếm. Những người thất bại trong cuộc cạnh tranh hiện tại nảy sinh tâm lý lo hãi vì sẽ bị mất đi vị thế của mình. Lúc này nhóm thiểu số (người da đen, người nhập cư) trở thành những người giơ đầu chịu báng, những “con vật hy sinh” đối với những kẻ thất bại và là nơi để họ đổ lỗi, trút giận bằng những hành vi hung tính. Những nạn nhân này trở thành sự lý giải hợp lý đối với nạn thất nghiệp, mức sống thấp và nhờ đó biện minh cho hành động của những cá nhân mang định kiến. Với quan điểm như vậy, định kiến là một cơ chế bảo vệ được kích hoạt bởi sự giận dữ, lo hãi và cảm giác bị hạ thấp giá trị. Nghiên cứu của Sherif và những cộng sự: Xung đột và định kiến trong một trại hè. Nghiên cứu của họ bao gồm việc gửi những cậu bé 11 tuổi đến một trại hè ở vùng hẻo lánh. Khi những cậu bé đến trại hè, các em được chia làm 2 nhóm riêng biệt và được phân làm 2 khu cách biệt nhau khá xa. Trong một tuần các cậu bé sống và chơi với nhóm của mình, tham gia những hoạt động như đi bộ đường trường, bơi lội và nhiều loại thể thao thú vị khác. Trong giai đoạn đầu, các em phát triển sự quan tâm đối với nhóm của mình, các em chọn tên cho đội (Đại bàng, Trống lắc) và trang trí cờ hiệu của nhóm mình. Trong giai đoạn hai của cuộc nghiên cứu, các cậu bé được thông báo rằng các em sắp tham gia vào một cuộc thi đấu. Đội chiến thắng sẽ được nhận chiến lợi phẩm và giải thưởng. Liệu sự ganh đua có làm phát sinh định kiến không? Câu trả lời đang đến gần. Khi những cậu bé thi đấu thì tình trạng căng thẳng giữa hai đội tăng lên. Đầu tiên mọi việc chỉ giới hạn trong việc lăng mạ, chọc phá nhưng sau đó nó nhanh chóng leo thang thành những hành động trực tiếp như đội Trống lắc đốt cờ đội Đại bàng. Ngày hôm sau, đội
  • 32. Đại bàng trả thù bằng việc tấn công vào cabin của đối thủ, lật ngược giường chiếu, xé mùng màn và lấy đi vật dụng cá nhân. Cùng lúc đó, hai nhóm ngày càng có nhiều cái nhìn xấu hơn về nhau. Các em dán nhãn, đối thủ là những kẻ yếu đuối, vô tích sự và nhát gan trong khi không ngừng ca tụng nhóm của mình. Trong giai đoạn cuối cùng của cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học đã phải can thiệp bằng cách tạo ra một hoàn cảnh mới. Bằng cách làm việc cùng nhau để khôi phục nguồn nước, chung tiền mướn phim và cùng sửa chữa chiếc xe tải bị hỏng, không khí căng thẳng đã phai mờ, rào cản giữa 2 nhóm đã thực sự biến mất và tình bạn xuyên nhóm giữa các em đã được thiết lập. 2.2.2. Bất bình đẳng xã hội (social unequality) Trong bất cứ xã hội nào cũng tồn tại những địa vị xã hội không ngang bằng. Các cá nhân không có sự bình đẳng với nhau về cơ hội, lợi ích, về các giá trị. và sự không ngang bằng đó dễ dàng làm phát sinh định kiến. Những người có định kiến thường đánh giá vị trí của mình cao hơn người khác và bằng thái độ kẻ cả, họ thường yên tâm v ề giá trị của mình. Họ tự cho mình cái quyền được phán xét người khác, họ cho mình là tốt hơn, cao quý hơn còn những người thuộc về nhóm xã hội khác thì bị gán cho những đặc điểm tiêu cực và bị đối xử kém ưu ái. Theo một số tác giả, lúc này định kiến là sự hợp lý hoá bất bình đẳng xã hội và nó được sử dụng như một công cụ để chứng minh cho tính đúng đắn của những người có thế lực và tiền bạc, sở hữu nhiều giá trị cao hơn. 2.2.3. Xã hội hóa (socialization) Định kiến xã hội được hình thành qua quá trình xã hội hoá ngay từ lúc đứa trẻ bắt đầu sinh ra. Môi trường gia đình, đặc biệt là những khuôn mẫu của bố mẹ là nguồn hiểu biết quan trọng nhất đối với trẻ. Qua bố mẹ, đứa trẻ hiểu và tiếp xúc với thế giới bên ngoài, hình thành xu hướng lặp lại những gì mà bố mẹ và người lớn đã dạy dỗ nó. Đứa trẻ học cách ứng xử xã hội bằng cách quan sát người khác và bắt chước họ. Vì thế những kinh nghiệm đầu
  • 33. tiên trong cuộc đời có thể có tầm quan trọng nhất định đến sự hình thành định kiến. Trẻ em học cách suy nghĩ, nhìn nhận và đánh giá như những người xung quanh chúng. Mặt khác, những phương tiện truyền thông đại chúng cũng đóng vai trò quan trọng đối với các em trong việc nhận thức xã hội và những áp lực phải tuân theo các quy tắc xã hội. Chẳng hạn, thành viên của những dân tộc, chủng tộc thiểu số ít được xuất hiện trên những phương tiện thông tin đại chúng mà khi xuất hiện họ lại thường đóng những vai có thân phận thấp hèn và vai trò hài hước. Khi những tình huống như thế cứ lặp lại nhiều lần thì cuối cùng tin là thành viên của những nhóm đó thực sự là thấp hèn. Người ta có thể chứng minh rằng những người có nhân cách độc đoán, được tạo nên do hoàn cảnh và sự giáo dục chính là những người nhạy cảm nhất trong việc phát triển định kiến. Một nhân cách như vậy hàm chứa một cái gì đó cứng nhắc, một sự khó khăn trong việc tiếp xúc với người khác, một khuynh hướng đơn giản hoá các tình huống đến cực đoan và nhất là lòng tin vào tính chất thượng đẳng của nhóm xã hội và nền văn hoá của mình. Những con người này có khuynh hướng phân biệt tất cả những ai khác với mình, khác với cơ cấu tư duy của mình. Nhà nghiên cứu Adorno và những cộng sự của ông đã nhận thấy rằng những nhân cách có thiên hướng căm ghét những cá nhân khác biệt thuộc tầng lớp thấp thường xuất hiện trong những gia đình gia trưởng - nghiêm khắc có người bố tàn bạo và người mẹ nhu nhược, phục tùng. Trẻ em trong những gia đình như vậy thường căm ghét và sợ hãi bố của mình. Tuy nhiên các em thường phủ nhận và che giấu tình cảm này do sợ bị trừng phạt. Những người trưởng thành thuộc mẫu tính cách độc đoán hướng sự giận dữ của mình vào những nhóm cá biệt trong xã hội như nhóm da đen, nhóm đồng tính, nhóm Do thái hay những nhóm không thích ứng với tiêu chuẩn xã hội. 2.2.4. Khuôn mẫu trong nhận thức
  • 34. Trong một hoàn cảnh thiếu hụt thông tin, kinh nghiệm sống hạn chế chúng ta thường lựa chọn giải pháp dễ dàng nhất để giải bài toán về người khác. Chúng ta có xu hướng xếp những con người rất đa dạng vào những hạng đơn giản và có những kết luận sai lầm về họ. Chúng ta cũng có xu hướng dựa vào những khuôn mẫu nhận thức có sẵn hơn là tìm hiểu về chúng để có một sự phản ánh chân thực hơn. Trong điều kiện đó thì những khuôn mẫu giúp ta rút ngắn thời gian nhận thức và đưa ra một hình ảnh giản ước về đối tượng. Như vậy, các khuôn mẫu có những ảnh hưởng nhất định đến cách chúng ta xử lý thông tin. Chúng ta có khuynh hướng chỉ lựa chọn những thông tin phù hợp với khuôn mẫu, những thông tin được ưa thích, mong đợi và những thông tin này được xử lý nhanh hơn, được ghi nhớ sâu hơn. Còn những thông tin không phù hợp nó sẽ được ý thức của chúng ta chủ động bác bỏ. Ngày nay, tuy một số đông đã chống lại các khuôn mẫu nhận thức tiêu cực không còn phù hợp với quan điểm và niềm tin có ý thức của họ nhưng khi họ hành động hoặc phản ứng một cách không có chủ ý thì những khuôn mẫu tiềm thức vẫn thắng thế. Chẳng hạn, một người da trắng rất dễ có xu hướng kiểm tra lại vị trí của mình sau khi đứng cạnh một anh da đen trong xe điện ngầm, dù người này hoàn toàn không có cảm giác thù địch nào với người da mầu. 2.2.5. Biểu tượng xã hội Trong xã hội thường tồn tại những biểu tượng xã hội. Chẳng hạn trong xã hội Mỹ người da trắng thường được quan niệm như những người có lòng tốt, sự trong sạch và thông minh. Trong khi đó những người da đen thường bị liên tưởng là những kẻ bệnh hoạn, tàn ác, ngu dốt và không có tinh thần trách nhiệm.
  • 35. Những biểu tượng xã hội này đã làm ảnh hưởng đến định kiến và phản ứng của trẻ em. Nghiên cứu của nhà tâm lý học người da đen Mamie Clack đã chứng minh điều đó. Ông đã tiến hành thực nghiệm trên một số lượng lớn trẻ em da đen từ 3 - 7 tuổi. Nội dung thực nghiệm của ông như sau: ông đưa ra 2 loại búp bê da trắng và da đen, ông yêu cầu các em trả lời câu hỏi: Búp bê nào xấu nhất? Búp bê nào xinh nhất? Búp bê nào da đen? Búp bê nào ngoan? Búp bê nào em thích chọn làm bạn? Phần lớn trẻ em tham gia thực nghiệm đều nhận thức đúng mầu da của búp bê và chúng cho biết chúng thích chơi với búp bê mầu trắng hơn vì nó đẹp hơn, tốt hơn còn búp bê mầu đen thì xấu xí và độc ác. 2/3 trẻ em da đen đã bị búp bê da trắng cuốn hút. Các nhà nghiên cứu đã giải thích hiện tượng này là hậu quả từ những biểu tượng xã hội khinh miệt người da đen và sự chối bỏ của chính trẻ em da đen đối với con búp bê có cùng màu da với mình thể hiện một sự khinh miệt lạc hướng chống lại chính bản thân mình. Những biểu tượng xã hội tiêu cực đã khiến cho nhóm thiểu số không chỉ là nạn nhân của sự phân biệt đối xử mà còn làm họ đánh mất niềm tin vào những giá trị của mình, tự hạ thấp mình và thay vì hướng ra bên ngoài để chống lại những định kiến mà họ là đối tượng thì họ lại chấp nhận nó, tin vào nó. 2.2.6. Trường học Trường học được đánh giá là một trong những nguồn gốc hình thành định kiến vì nhiều định kiến đã được ra đời từ ảnh hưởng của trường học. Sự phân tích này cho thấy sách giáo khoa trong nhà trường là một sự chuyển tiếp hàng đầu trong việc tập luyện định kiến. Việc học trong nhà
  • 36. trường là một trong những hình thức phát triển và duy trì định kiến qua sự hấp thụ nhập tâm những khuôn mẫu từ sách vở. Con người lại rất dễ bị cầm tù bởi những quan niệm, những hiểu biết cũ kỹ được thấy trong sách hoặc được học trong nhà trường. Nếu thấy ở đâu đó có điều gì không phù hợp với những điều mình đã học, đã đọc là bác bỏ ngay không cần xem xét gì. Hiện tượng đó đã từng xảy ra với rất nhiều lý thuyết khác nhau xuất hiện trong lịch sử. Một ví dụ, đó là hiện tượng của Phân tâm học. Có rất nhiều người chưa từng đọc một tác phẩm nào của phân tâm, hoặc biết rất ít về phân tâm học nhưng khi nghe người khác nói hay - nói dở như thế nào đấy là tin ngay, nhất là những điều đó lại được nói ra từ sách giáo khoa hoặc từ những người có học vấn. Và kết quả là người ta thổi phồng quá mức những thành tựu phân tâm học hoặc cho rằng đó chỉ là một lý thuyết nhảm nhí, dung tục, chỉ quan tâm đến vấn đề bản năng và tình dục. 2.2.7. Kiểu hình thần kinh Quan điểm này cho rằng những người thuộc kiểu hình thần kinh yếu (trong đó quá trình ức chế mạnh hơn quá trình hưng phấn) là những người có yếu tố thuận lợi để phát triển định kiến. Những người có kiểu hình thần kinh như vậy thường không linh hoạt, rụt rè, tự ti. Khi gặp phải hoàn cảnh không thuận lợi họ thường suy nghĩ một cách tiêu cực, thậm chí bệnh hoạn. Họ rất ngại giao du và nếu buộc phải tiếp xúc với người khác thì thái độ của họ thiếu cởi mở, không lường trước được. Họ là những người rất khó khăn trong việc chấp nhận những giá trị mới và ít thích nghi với những biến động của môi trường. Nói tóm lại, định kiến xã hội là một hiện tượng tâm lý phức tạp bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân đa dạng nảy sinh từ thực tiễn cuộc sống của con người. Các nguyên nhân này không tách rời nhau mà có mối liên hệ ràng buộc chặt chẽ. Hiểu được nguyên nhân hình thành định kiến ta sẽ có cách khắc phục được nó. Bởi vì suy đến cùng định kiến là một kiểu thái độ mà thái độ của con người có thể thay đổi.
  • 37. 2.3. Các mức độ của định kiến xã hội Theo như định nghĩa về định kiến xã hội, có thể chia định kiến xã hội ra thành 3 mức độ như sau: lời nói - nhận thức - hành vi, trong đó hành vi là mức độ cao nhất của định kiến xã hội. Tuy nhiên, ta cũng cần phải hiểu sự phân chia này chỉ mang tính chất tương đối, bởi định kiến dù ở mức độ nào thì nó cũng vẫn là một thái độ tiêu cực của chủ thể mang định kiến. 2.4. Thay đổi định kiến Như đã nói ở trên, định kiến xã hội là một thái độ tiêu cực và chủ quan của chủ thể mang định kiến đối với đối tượng của họ, mặt khác định kiến xã hội có thể khiến ta tri giác sai người khác cũng như các hiện tượng khác nhau của xã hội, chúng ta không thể dựa vào nó để làm cơ sở định hướng cho cuộc sống cá nhân. Do đó, việc thay đổi định kiến, nhất là những định kiến “nguy hiểm” như: phân biệt chủng tộc, phân biệt tôn giáo,.. là rất cần thiết và có ý nghĩa không chỉ cho các cá nhân mà còn cho lợi ích chung của cộng đồng. Tuy nhiên, thay đổi định kiến là cả một quá trình không hề đơn giản. 2.4.1. Khó khăn trong thay đổi định kiến Con người hầu như ai cũng có định kiến không về cái này thì về cái khác, không trong lúc này thì trong lúc khác. Tuy nhiên, họ lại không ý thức được rằng mình mang định kiến, thậm chí là không chịu ý thức về điều đó. Điều này tạo ra khó khăn rất lớn khi muốn thay đổi định kiến. Thứ hai, định kiến với các chức năng của mình đã trở thành cái để đảm bảo cho sự phân biệt đối xử, sự biện minh xã hội và đặc biệt định kiến khiến cho cá nhân (mang định kiến) giữ vững và gán cho mình những giá trị của nhóm nhằm nâng cao giá trị của bản thân. Do đó, mà không phải ai cũng có nhu cầu thay đổi định kiến của mình. Thứ ba, định kiến gắn liền với những giá trị của nhóm cũng như của mỗi cá nhân, vì vậy, khi thay đổi định kiến cũng có nghĩa là cá nhân và nhóm
  • 38. mất đi những giá trị, từ đó dẫn đến việc bị đánh đồng với người khác. Điều này cũng tạo ra những khó khăn không nhỏ khi muốn thay đổi định kiến. Thứ tư, định kiến có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, định kiến phụ thuộc vào nhận thức, tình cảm, hành vi của mỗi cá nhân, vào áp lực của nhóm. dẫn đến khó thay đổi. 2.4.2. Các bước thay đổi định kiến Có hai bước chủ yếu để thay đổi định kiến: - Thay đổi nguyên nhân dẫn đến định kiến: như trình bày ở phần trên, định kiến có nhiều nguyên nhân khác nhau, muốn thay đổi được định kiến thì trước tiên ta phải xác định được nguyên nhân chủ yếu dẫn đến định kiến đó để tác động vào. - Thay đổi định kiến: sau khi xác định rõ nguyên nhân chủ yếu dẫn đến định kiến ta sẽ dùng các biện pháp cụ thể phù hợp để thay đổi định kiến. 2.4.3. Biện pháp thay đổi định kiến - Ngăn chặn quá trình hình thành định kiến: Định kiến xã hội được hình thành qua quá trình xã hội hoá ngay từ khi đứa trẻ vừa sinh ra. Môi trường gia đình, đặc biệt là những khuôn mẫu sống của bố mẹ là nguồn hiểu biết quan trọng nhất của đứa trẻ. Qua bố mẹ, đứa trẻ hiểu, tiếp xúc với thế giới bên ngoài và có xu hướng lặp lại những gì bố mẹ trao cho. Trẻ con học cách ứng xử xã hội qua hoạt động thực tiễn, qua bắt chước, quan sát, giao tiếp với người khác. Chúng tiếp thu thái độ và định kiến của bố mẹ. Định kiến gắn chặt với thái độ, cũng giống như thái độ, định kiến có thể tiếp thu được và cũng có thể từ bỏ được. Nó gây ảnh hưởng tới hành vi vào những thời điểm nhất định và có khả năng suy giảm vào thời điểm khác. Trường học là cơ sở quan trọng hình thành định kiến. Nhiều định kiến được hình thành từ những ảnh hưởng của sách vở, của nhóm bạn, của cuộc sống đời thường. Trong quá trình sống, ảnh hưởng của các nhóm xã hội, thể chế chính trị, bối cảnh xã hội làm cho các định kiến hoặc bền vững hoặc bị
  • 39. xoá bỏ đi. Ví dụ như định kiến trọng nam khinh nữ của xã hội phong kiến khó xoá bỏ ngay được. Nắm được quá trình hình thành định kiến, ta có thể dùng chính các môi trường hình thành nên định kiến (gia đình, nhà trường, các thể chế.) để tác động giúp ngăn chặn hoặc mất dần định kiến. - Trị liệu cá nhân, trị liệu nhóm: Đây là phương pháp nhằm nâng cao khả năng tri giác xã hội cho các cá nhân và nhóm. Quá trình trị liệu sẽ giúp cá nhân nhận thức đúng hơn về bản thân, về người khác cũng như hoàn thiện hơn nhận thức xã hội của mình. Qua trị liệu cá nhân, trị liệu nhóm sẽ góp phần ngăn chặn quá trình hình thành định kiến cũng như làm mờ dần những định kiến vốn có của cá nhân do nhận thức của cá nhân đã được hoàn thiện. - Thay đổi hành vi: Phương pháp này chủ yếu là dùng pháp luật và các thiết chế xã hội để điều chỉnh, thay đổi hành vi (mang tính định kiến) của các cá nhân. - Tiếp xúc trực tiếp nhóm: Sự tiếp xúc trực tiếp giữa các nhóm cũng có thể giúp ngăn chặn và làm mờ dần định kiến giữa các nhóm. Bởi qua sự tiếp xúc trực tiếp các nhóm sẽ nhận thức đúng đắn hơn về “địch thủ” của mình. Tuy nhiên, sự tiếp xúc giữa các nhóm muốn có hiệu quả cũng cần tuân theo một số những nguyên tắc nhất định: + Những nhóm tác động phải ngang bằng nhau về địa vị, vị thế xã hội. + Các nhóm phải tương trợ nhau. + Sự tiếp xúc giữa các nhóm phải chính thức (ràng buộc, trói buộc lẫn nhau) + Sự tiếp xúc phải có bối cảnh, các quy tắc, các nhóm như nhau + Các nhóm ảnh hưởng lẫn nhau theo cách cho phép phản đối những hành vi tiêu cực. + Nhìn nhận từng thành viên của nhóm bạn như là tiêu biểu của nhóm đó.
  • 40. 2.5. Kết luận: Như đã trình bày ở phần trước, định kiến xã hội là một kiểu thái độ tiêu cực - bất hợp lý đối với người khác dựa trên những nhận thức thiếu căn cứ, phiến diện và một chiều của chủ thể là người mang định kiến. Chính từ định kiến có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng trong các mối quan hệ xã hội (phân biệt đối xử trong gia đình, kỳ thị chủng tộc, xung đột tôn giáo...). Do đó, xoá bỏ định kiến là một yêu cầu rất thiết thực mà xã hội đặt ra, đòi hỏi các nhà quản lý, các nhà khoa học mà trước hết là những nhà tâm lý học phải đi sâu tìm hiểu và đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm giải quyết nó. 3. Ảnh hưởng xã hội 3.1. Khái niệm ảnh hưởng xã hội 3.2.1. Định nghĩa Ảnh hưởng xã hội là một trong những cơ chế căn bản được tâm lý học xã hội quan tâm nghiên cứu. Ảnh hưởng xã hội chỉ một cách rất rộng tới cái hành vi của một người trở thành một chỉ dẫn định hướng cho hành vi của một người khác. Do đó, có thể nói rằng ảnh hưởng xã hội bao trùm tất cả những gì tạo ra một thay đổi về hành vi dựa vào những sức ép chi phối trong một bối cảnh nhất định. Ảnh hưởng xã hội theo nghĩa rộng là sự tác động (của tự nhiên - xã hội) để lại kết quả trên các sự vật, hiện tượng hay con người. Ảnh hưởng xã hội là sự tác động bằng các hình thức khác nhau trong một quá trình tương tác làm thay đổi các đặc điểm tâm lý (đó là các quan điểm, quan niệm, thái độ, biểu hiện hành vi của người bị tác động) Tâm lý chung là bản chất của ảnh hưởng xã hội: nghiên cứu sự tác động, tương tác giữa con người với con người. Ảnh hưởng lẫn nhau giữa người với người trong quá trình giao tiếp là nhân tố hình thành tâm lý chung của các nhóm xã hội, là đối tượng của tâm lý học xã hội.
  • 41. Vậy, ảnh hưởng xã hội là một quá trình tác động của các cá nhân hay của một nhóm xã hội làm thay đổi hành vi của họ. 3.1.2. Các loại ảnh hưởng xã hội Ảnh hưởng trực tiếp: khi cá nhân mặt đối mặt. Những đặc điểm về tâm lý ứng xử, phong cách ăn mặc, nói chuyện của người này có thể ảnh hưởng đến người kia và ngược lại. Ví dụ như các em học sinh có thể bị ảnh hưởng nhau về cách nói chuyện, hoặc có thể bắt chước nhau quần áo... những người bị ảnh hưởng bởi người khác (đối tượng tiếp xúc trực tiếp) thường là những người có địa vị, học vấn, uy tín, tư cách, trí lực, độ tuổi kém hơn. Cơ chế cho loại ảnh hưởng này chủ yếu là bắt chước, ám thị, đồng nhất hoá, so sánh xã hội. Ảnh hưởng gián tiếp: gồm có: - Ảnh hưởng gián tiếp xác định được: thông qua các chuẩn mực, phong tục, thái độ của nhóm sẽ ảnh hưởng đến tâm lý chúng ta (ở đây cần lưu ý rằng: cá nhân không trực tiếp chịu tác động của các yếu tố ảnh hưởng xã hội từ các nhóm xã hội từ các nhóm lớn mà phải thông qua nhóm nhỏ). Trong đó, người lãnh đạo (thủ lĩnh) đóng vai trò quan trọng trong việc làm ảnh hưởng tới các thành viên của nhóm. Nhóm nhỏ là một tập hợp người nhất định, có quan hệ trực tiếp qua lại thường xuyên, liên kết với nhau trong một hoạt động chung, tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định. Còn nhóm lớn là tập hợp đông người liên kết với nhau trong quá trình hoạt động sống, tạo ra những giá trị, chuẩn mực và đặc điểm tâm lý chung có khả năng điều chỉnh, định hướng và điều hoà tâm lý, hành vi cá nhân. - Ảnh hưởng gián tiếp không xác định được: bị lây lan, ám thị một cách vô thức. Loại ảnh hưởng này chủ yếu tồn tại trong đám đông. Đám đông là một tập hợp người vì lý do nào đó mà hội tụ lại tại một địa điểm nhất định, vào một thời điểm nhất định. Ví dụ: cổ động viên trên sân vận động, cuộc mít tinh, biểu tình, lễ hội lớn được tổ chức ở sân rộng. Trong đám đông, tình cảm của
  • 42. mọi người được lây lan, được cảm nhiễm, được tích hợp, và do đó, cường độ được tăng lên. Trong ảnh hưởng gián tiếp không xác định được, các cá nhân cũng có thể bị ảnh hưởng một cách không chủ định (bị ảnh hưởng vô thức) bởi cơ chế ám thị. Cơ chế này thường gắn với các hình thức thông tin đại chúng như quảng cáo, đài, báo, ti vi,. 3.1.3. Các đặc điểm của ảnh hưởng xã hội Là một hiện tượng bao quát tất cả các khía cạnh khác nhau của đời sống con người. Trong tất cả lĩnh vực khác nhau của đời sống mỗi người, chúng ta đều nhận thấy “bóng dáng” của ảnh hưởng xã hội. Mỗi cá nhân được sinh ra trong xã hội, trở thành người cũng phải nhờ học hỏi, tiếp thu...từ xã hội. Ngay trong quá trình ấy, và ngay từ khi còn là một đứa trẻ mới lọt lòng, mỗi người đều chịu ảnh hưởng xã hội. Trẻ hình thành cho mình những hoạt động sống đơn giản nhất, đến quá trình phát triển nhân cách, ý thức. đầu tiên thông qua cơ chế bắt chước. Ở những độ tuổi lớn hơn, mỗi người đều chịu ảnh hưởng xã hội nhiều hay ít, ở lĩnh vực này hay lĩnh vực kia như công việc, quan niệm, nhân cách, ngoại hình. Con người thường không ý thức hết được tác động và sự chịu tác động của các ảnh hưởng cũng như các cá nhân chủ động hay vô tình gây ảnh hưởng ở người khác. Trong cơ chế ám thị, cá nhân thường không dành sự quan tâm đến các thông tin mà người khác muốn ám thị với mình, nhưng sau đó, những thông tin ấy lại đóng vai trò quan trọng trong quan niệm, thái độ, hoạt động của cá nhân. Còn trong cơ chế bắt chước, người được bắt chước có khi không biết rằng mình đã gây ảnh hưởng nhất định đến người khác. Phụ nữ có xu hướng bị ảnh hưởng xã hội nhiều hơn (dễ bị phục tùng hơn). Những người tự ti, ít chịu trách nhiệm bản thân, hệ thần kinh yếu bị ảnh hưởng nhiều. Ảnh hưởng xã hội còn phụ thuộc nền văn hoá, lối sống, mức chịu đựng Ảnh hưởng xã hội có 2 xu hướng:
  • 43. + Hiệu ứng thuận lợi xã hội: Ví dụ: đua xe đạp, nếu hai người đi cùng nhau, hoặc một người đi mà có người khác đuổi theo thì thuận lợi hơn là một người đi xe đạp một mình. Như vậy, sự có mặt của người này làm tăng tính tích cực của người khác. Điều này cũng được áp dụng trong một số ngành sản xuất. Hiệu ứng thuận lợi xã hội chỉ xảy ra khi cá nhân làm những công việc đơn giản, quen thuộc hoặc với người mình yêu thích. Nếu công việc không quen thuộc, thuận lợi, cá nhân làm việc không được tốt. + Hiệu ứng lười biếng xã hội: Khi có một số lượng lớn hơn mức cần thiết để làm công việc chung, sự cố gắng bị giảm đi. Có nhiều người cùng thực hiện một công việc, trách nhiệm của cá nhân giảm đi. Ở đây chúng ta có thể giải thích bằng hiện tượng khuếch tán xã hội: bất kỳ một áp lực nào của nhóm cũng được chia nhỏ cho các thành viên trong nhóm. Vì vậy, khi số thành viên trong nhóm tăng lên, cá nhân thấy nhiệm vụ của mình không cần thiết. Hiệu ứng lười biếng xã hội chỉ xảy ra đối với những cá nhân cho rằng công việc chung không đáng quan tâm, hoặc không có ai kiểm soát, đánh giá. Như vậy, tính khuyết danh, tính mất mình làm cho hiệu quả kém đi. Hiệu ứng lười biếng xã hội thể hiện ý thức trách nhiệm của các cá nhân với hành vi tổ chức của họ. 3.1.4. Ba yếu tố ảnh hưởng đến ảnh hưởng xã hội Thứ nhất, đó là cường độ quan trọng (hay cường độ tương tác) của nhóm đối với cá nhân. Cường độ tương tác càng mạnh thì ảnh hưởng xã hội càng nhanh, càng rõ rệt. Ngược lại, nếu độ hấp dẫn của nhóm kém đi đối với cá nhân, tần số và cường độ tương tác thấp đi, ảnh hưởng xã hội đến cá nhân cũng giảm theo.
  • 44. Thứ hai, đó là mức độ gần gũi về không gian, thời gian. Nếu khoảng cách càng nhỏ, thời gian càng dài, thì mức độ ảnh hưởng đến cá nhân sẽ lớn hơn. Cơ chế lây lan sở dĩ có thể phát huy mạnh trong đám đông bởi khoảng cách rất ngắn giữa các cá nhân. Thứ ba, đó là số lượng các thành viên trong nhóm (nhóm ít người gây ảnh hưởng xã hội lớn hơn nhóm nhiều người) (theo nghiên cứu nhóm ít người thường là nhỏ hơn 5 người) 3.2. Các cơ chế tâm lý của ảnh hưởng xã hội Các công trình nghiên cứu đã khẳng định: không có một cá nhân nào tồn tại bên ngoài các nhóm xã hội. Trong quá trình giao tiếp, tâm lý của các cá nhân tác động qua lại với nhau, chi phối, ảnh hưởng lẫn nhau. Hành vi của một người trở thành một chỉ dẫn, định hướng cho hành vi của một người khác. Suy cho cùng đời sống tâm lý của mỗi cá nhân đều ảnh hưởng đến tâm lý nhóm (xã hội) và ngược lại, tâm lý của nhóm lại chi phối tâm lý của từng cá nhân. Tất cả các quá trình đó đều xen kẽ, đan quyện với nhau gọi là ảnh hưởng xã hội hay ảnh hưởng giữa các cá nhân trong quá trình giao tiếp. Các quá trình ảnh hưởng xã hội được thực hiện và thông qua các cơ chế tâm lý: bắt chước, lây lan, ám thị, thoả hiệp, đồng nhất hoá. Đây được gọi là những cơ chế tâm lý đặc trưng nhất của ảnh hưởng xã hội. 3.2.1. Bắt chước Khái niệm: bắt chước là sự mô phỏng, tái tạo, lặp lại các hành động, hành vi, tâm trạng, cách thức suy nghĩ, ứng xử của một người hay một nhóm người nào đó. Có thể thấy biểu hiện của bắt chước ở mọi giai đoạn phát triển khác nhau của cá nhân, đặc biệt ở trẻ em bắt chước giữ một vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách. Nghiên cứu của Tarde G.