SlideShare a Scribd company logo
1 of 115
Dòng suối hoang sơ
Tập truyện
NHÀ XUẤT BẢN DÂN TRÍ
NGUYỄN PHAN HÁCH
Sau những cách xa
hị bước vào sân ga. Những hòn sỏi trắng tinh dưới chân chị kêu lạo xạo. Chiều tháng năm,
nắng trong veo, cảm giác rực rỡ tràn ngập trên mi mắt. Sân ga người đông tấp nập như thường
lệ. Nhà bán vé chăng đèn kết hoa làm Ý Nhi, con chị xuýt xoa kêu đẹp. Hai mẹ con dắt tay nhau.
Ý Nhi đã cao bằng mẹ. Nó thông thạo kéo chị đến “ghi sê” để tranh lấy một chỗ xếp hàng. Chị
nhìn suốt lượt dẫy “ghi sê” quen thuộc. Những tấm biển nhỏ đề tên tuyến đường: Lào Cai, Lạng Sơn,
Vinh, Hải Phòng... Tầu Bắc tầu Nam... những tuyến đường quen thuộc. Nhưng cái “ghi sê” chị đứng xếp
hàng đây thì rất mới: Sài Gòn. Và bên kia: Huế Đà Nẵng!
Sài Gòn - Huế - Đà Nẵng. Những tấm biển trông còn tưởng như trong mơ. Chị cảm thấy như có cái gì
là lạ. Nhưng nó đã là thật, những người xếp hàng xô đẩy chị. Và cô bán vé đang ngồi sau “ghi sê” kia là
thật, đang xé vé và thu tiền.
Chị bước lên một bước đưa cho cô những giấy tờ cần thiết. Giấy phép, giấy gì gì nữa, một xấp. Cô
bán vé đọc nhanh. Rồi cô đưa cho chị hai tấm vé liên vận màu vàng, mỏng như tờ Pơ-luya nhỏ.
Chị bước ra khỏi phòng bán vé tìm một chiếc ghế đá ngồi. Tấm vé nắm chặt trong tay chị, với cảm
giác dịu dàng áp sát làn da. Nắng tháng năm trong vắt. Con gái chị đang nâng tấm vé của nó soi lên trong
nắng. Hình bản đồ Việt Nam cong mềm mại. Rồi là những dòng chữ, những con số. Vé liên vận Hà Nội -
Sài Gòn. Mộtdòng chữ thản nhiên, rất thản nhiên. Chị đọc và cảm thấy thế. Nhưng rồi chị bật cười. Ồ,
đâu có phải chuyện mơ ngủ, mình rõ lẩn thẩn.
Ý Nhi bóc cho chị một chiếc bánh chưng lấy trong túi xắc. Những chiếc bánh chưng hai mẹ con gói
lấy, chuẩn bị cho cuộc hành trình đường dài. Ý Nhi ăn rất ngon, nó đói. Nhưng chị dửng dưng, ngang dạ
quá.
C
Nắng chiều vẫn vàng óng và ngày càng trong lại. Chị ngồi yên nhìn ngắm những người đang tiến vào
cửa “ghi sê” mua vé. Tay họ cũng đón nhận những tấm vé màu vàng như chị. Và ánh mắt họ cũng có gì
sững sờ ngẩn ngơ như chị.
Năm giờ chiều hôm sau chuyến tầu của chị mới khởi hành. Chị trở lại sân ga sau một ngày một đêm
nghỉ tạm ở nhà người quen trong phố. Buổi chiều, vẫn nắng như chiều hôm qua. Không có ai đưa tiễn mẹ
con chị. Ý Nhi nhanh nhẹn lắm, nó dắt mẹ ra ke, rồi cũng chính nó phát hiện ra con tầu nào là con tầu
liên vận Bắc Nam. Hai mẹ con chị tìm chỗ của mình. Chị ngồi áp cửa sổ, vì thích nhìn phong cảnh bên
ngoài. Sân ga đông nghẹt người đưa tiễn nhau. Tiếng loa điện đều đều nhắc nhở nội qui cho hành khách.
Con tầu đang sửa soạn một cuộc đi bình thường mà lại không bình thường. Có lẽ nó là một trong những
chuyến liên vận đầu tiên chở khách Hà Nội vào Sài Gòn.
Chị sắp xếp hành lý để lên gác cho gọn, trong ấy có một cân kẹo ngon, một cân đường kính. Không
biết có ai bảo chị là Sài Gòn hiếm hai thứ đó. Chị đem vào làm quà.
Nắng chiều nhạt dần trên khung cửa sổ kính dầy. Con tầu từ từ chạy, sau một hồi còi tạm biệt. Nó đi
giữa những bàn tay vẫy. Và bánh xe của nó bắt đầu chạy đua với bánh xe mặt trời hoàng hôn. Cánh cửa
kính nơi chị ngồi ngập tràn một mầu hồng tím.
Những cánh đồng ngoại ô mờ mờ trong sương khói. Trong toa người ta đã bật đèn. Ánh điện bóng
mờ ấm cúng. Những người khách ngồi cùng ghế vẫn chưa hết câu chuyện làm quen nhau. Chả gì thì họ
cũng sẽ cùng đi một chặng đường dài.
Chị để ý toa chị ngồi phần lớn là những cán bộ được cử đi làm công tác ở nơi mới giải phóng. Những
người miền Nam tập kết, trở về quê. Còn những người đi thăm chồng con như chị không nhiều lắm.
Trong toa những giọng nói Nam pha Bắc nhiều hơn. Người ta nói chuyện về thành phố Sài Gòn mà
người ta đã từng ở cách đây hai mươi năm, hoặc ngược lại chưa một lần đặt chân đến. Trong đầu chị
cũng đang hình dung về cái thành phố ấy. Và chị cứ cảm thấy một cái gì pha trộn giữa sự mơ hồ chưa
thật với sự chắc chắn có thật: cuối chặng đường này là chị đến nơi đó. Chị và con gái chị sẽ gặp lại người
thân yêu nhất của đời mình.
Ý Nhi đi đi lại lại trong toa vẻ háo hức. Nó mua tờ báo lẻ bán rong của ông bán báo bẻm mép, môi trơn
như bôi mỡ. Con tàu càng chạy càng êm ru. Tất cả lắc lư trong nhịp rung của nó. Những câu chuyện cũng
dịu dần. Chị ngồi tựa tay vào thành toa. Sương trên mặt mát rượi.
- Giờ vào gặp bố, mẹ có nhớ mặt không - Ý Nhi nhìn chị hỏi.
Chị mỉm cười với nó. Nhưng hình như chị còn mỉm cười với một cái gì đang tràn ngập trong óc chị.
- Bố đi bao nhiêu năm mẹ nhỉ?...
Chị vuốt tóc nó:
- Con bao nhiêu tuổi, bố đi bấy nhiều năm.
* * *
Đậu dắt bé Miên bước vào cổng làng Ngăm đạo. Hai mẹ con tìm nhớn nhác. Cả cái làng đang biến
thành cái chợ. Người và đồ đạc đầy đường. Xe “cam nhông” nhà binh bóp còi gắt gỏng trên sân nhà thờ.
Cha đạo mặc áo chùng đen, chạy đi chạy lại.
- Giê-su-ma lạy chúa! Thà tôi vứt đi còn hơn bán rẻ thế - Một người đàn ông mặt méo xệch, kêu trời.
- Thì thôi vậy!...
Những người làng Ngăm lương tràn sang mua đồ, tấp nập mặc cả. Tủ chè cánh cong, khảm trai, sập
gụ, độc bình, nồi đồng, đồng hồ quả lắc, bát đĩa sứ Giang Tây. Và trâu bò, lợn gà, thóc lúa. Nghĩa là có
cái gì bán được, thì bán tất. Những người đàn ông chủ nhà uống rượu mắt đỏ nọc uất hận nhìn của cải của
mình được trả giá rẻ như bèo. Nhưng cũng phải bán... Được đồng nào hay đồng ấy. Không bán thì vất đi.
Ngay cái nhà ngói tày đình, sân gạch, tường hoa, bể cạn này còn phải vứt đi nữa là đồ đạc. Những người
đàn bà cổ đeo dây chuyền tượng Chúa, mắt đỏ hoe, miệng vẫn phải ngọt nhạt, khéo mời khách.
Tiếng chuông nhà thờ thỉnh thoảng lại gióng lên sốt ruột.
Choang! Một chiếc đồng hồ báo thức bị đập tan trên đường gạch. Đậu ngơ ngác nhìn. Người chủ nhà
tóc rối bù dáng điệu căm tức muốn xông vào đánh người mua hàng. Đồng hồ của anh bị trả giá không
bằng số tiền lau dầu nó.
Chiếc “cam nhông” nhà binh ởsân nhà thờ chuyển bánh. Đậu lao vội tới. Trên xe toàn lính dõng đội
mũ bẹp tai. Cha đạo đeo kính trắng ngồi trong ca bin.
- Ôi cha đi rồi! Cha đi rồi! - Người ta kêu lên nhốn nháo, đổ xô lại.
Chiếc xe cứ lặng lẽ tiến ra cổng làng, lên đường đê. Người ta càng vội vàng cuống quít, như điên.
Những gia đình đã thu dọn xong, bất đầu gồng gánh lên đường. Chồng gánh bao tải, vợ gánh quang
thúng, con đèo tay nải. Những đứa trẻ mở mắt tròn xoe nhìn nhà mình lần cuối cùng.
- Chúa vào Nam, Chúa bỏ chúng con - Tiếng một bà cụ già khản đặc, lặp đi lặp lại đều đều. Bà cụ
rách mướp, đi lăng quăng như con ăn mày, chiếc thập ác đen xỉn lòng thòng ngoài yếm.
Tiếng chuông nhà thờ lại gióng lên như điên. Nắng đã tròn bóng. Đậu dắt con tìm hết chỗ này chỗ kia
vẫn không thấy Các - chồng Đậu đâu. Cái Miên mệt quá, ngồi bệt xuống, không chịu đi nữa. Đậu lôi nó
xềnh xệch. Đậu vào nhà thờ. Đậu sang tu viện. Những cô gái đồng trinh áo dài đen, cổ trắng, trông giống
nhaunhư đúc, mỗi người một chiếc tay nải khoác vai, đang lững thững bước ra khu “cấm cung” của mình.
Đậu không gặp một người quen nào để hỏi tin chồng.
Đói, mệt, thất vọng, Đậu mếu máo, đi bơ vơ giữa đám người đang gồng gánh tiến ra cổng làng.
- Ối, ối! Cháy nhà! Cháy nhà! - Có tiếng kêu trong ngõ. Quả có lửa cháy thật. Mới đầu nhỏ rồi bùng
lên to. Nhưng tất cả dửng dưng không ai để ý. Một người chủ điên khùng nào đó đã đốt nhà trước khi ra
đi. Thì không đốt cũng bỏ mà...
Đậu đứng chặn ở cổng làng. Cô tỉnh táo hẳn lên vì nghĩ ra kế ấy. Đứng đây sẽ thấy Các. Ngoài cái
cổng này, Các đi lối nào?...
Dòng người lũ lượt qua trước mặt Đậu. Trẻ con khóc như ri. Các ông bà già cũng khóc như trẻ con.
Tiếng chuông vẫn cứ gióng lên sốt ruột. Tưởng như tiếng chuông đang xua đuổi tất cả ra khỏi cái làng
này. Chừng nào ra đến người cuối cùng nó mới thôi.
Người đã đi nườm nượp nhưng vẫn chưa được bao nhiêu. Số lớn vẫn chưa bán được đồ. Những
người mua dửng dưng lạnh lùng. Các chủ nhà nài nẫm van xin. Không còn thì giờ nữa rồi. Nội từ giờ đến
mai, mọi người phải có mặt ở ga đểlên tàu Hải Phòng.
Đậu đứng đã mỏi chân. Và mắt Đậu nhìn cũng đã mỏi. Những người gồng gánh lếch thếch như bơi
trong bụi. Ai cũng giống ai.
Đậu ngồi xuống rã rời. Chợt Đậu chồm lên như có điện giật: Anh Các! Anh Các ơi!
Đậu gọi và lao lại như con điên. Nhưng người ấy ngạc nhiên nhìn Đậu. Vợ anh ta chạy vội lên hỏi:
“Cái gì đấy”.
Đậu thẹn thùng xin lỗi mình nhầm. Không ai cười cả, tất cả dửng dưng như không.
Nắng chiều đã ngả vàng. Nhìn ra con đường về làng, đồng lúa xa hút, Đậu bật khóc nức nở, con
Miên khóc theo mẹ. Nhưng rồi Đậu lại nín ngay ráo hoảnh. Chiếc cam nhông cuối cùng chở lính dõng
và các chức sắc xứ đạo đã đi khỏi. Cũng vẫn không có chồng Đậu trên xe ấy. Tại sao mình lại nghĩ là
anh ấy bỏ vợ con, theo những người công giáo này vào Nam - Đậu tự hỏi. Đậu đứng như người vô hồn,
không biết làm gì nữa.
Nắng nhạt dần trên cánh đồng xa vắng. Cái Miên khóc đòi về. Đậu để mặc cho nó kéo mình đi ngược
dòng người.
* * *
… Ngọn đèn dầu vàng khè chiếu qua khe cửa bức dèm. Đậu ngồi một mình. Con Miên suốt một ngày
theo mẹ mệt quá, đã ngủ.
Đêm tháng tám trong vắt, trời sao chi chít. Gió nhẹ lào xào trong bóng lá. Cây vườn về đêm thoảng
mùi vỏ tươi ứa nhựa và lá dập.
Đậu không sao ngủ được. Cô như đứng trên lửa như ngồi trên than. Nồi cơm ủ gio nóng trong bếp đã
ôi nguội.
Đậu nhìn trời sao, muốn bật khóc mà không khóc được. Một mình bóng Đậu lờ mờ trên sân, tóc thấm
sương ướt rượt. Chỉ có con cún lặng lẽ theo Đậu. Nó không yên tâm, mắt cứ nhìn trộm, thấy Đậu đi đâu
là len lén đến gần. Hình như nó biết một cái gì đó.
Tiếng chuông bên làng Ngăm đạo thỉnh thoảng lại gióng một hồi đến sợ. Càng đêm, tiếng chuông
càng vang xa.
Có tiếng động đâu đó ngoài ngõ. Con chó cún bật dậy. Nhưng nó phản ứng cũng không nhanh bằng
Đậu. Đậu lao vút ra ngoài. Rồi giữa đêm thanh vắng, tiếng Đậu oà khóc.
- Nín đi nào, làm gì thế - Tiếng Các dịu dàng.
Các bước vào quầng sáng vàng khè trong nhà. Dáng cao lớn đĩnh đạc. Gương mặt thoáng vẻ hốc hác,
lo lắng, trầm tư.
- Anh đi đâu, em tưởng anh bỏ mẹ con em đi rồi - Đậu lại nức nở.
- Làm cái gì thế - Các gắt khẽ - Ầm cả nhà lên nào.
- Anh ơi, anh ăn cơm nhé - Đậu nhìn chồng đắm đuối. Rồi Đậu chạy vù xuống bếp bưng nồi, xắp bát.
Đậu lập cập, thật nhanh, tưởng như trong thời gian mình ở dưới bếp thì Các lại biến đi đâu mất và vĩnh
viễn Đậu không còn gặp được nữa.
Cả hai người cùng đói nhưng cơm nuốt như trấu. Đậu ngồi sát Các, vai chạm vào nhau. Có thế Đậu
mới có cảm giác yên tâm.
- Bên Ngăm đạo giờ này họ đi hết chưa nhỉ?
- Chưa hết.
- Hình như ngày mai Việt Minh họ đã về thì phải.
- Ai bảo em thế?
- Ngày hôm nay em đã thấy thấp thoáng mấy ông cán bộ quần áo gụ, tóc cắt bốc, thắt lưng phùng lựu
đạn, vai đeo túi dết quấn khăn bông trắng. Họ có cơ sởbí mật ở ngay trong làng này.
Các thần mặt đặt bát.
- Sao anh đi đâu suốt cả ngày thế. - Đậu hỏi - Làm em hết hồn.
- À đi loanh quanh...
- Làng ta khối người cũng theo dân Ngăm đạo đi rồi. Chi chòm nhà ông Lý Bản, Chánh Vạn...
- Ừ…
- Anh không đi chứ anh Các?
- Đi đâu?
- Đi Nam.
- …
- Anh không bỏ mẹ con em chứ - Đậu lại mếu máo.
- Thôi đừng nói nữa, sốt ruột lắm. Để anh yên tâm một tý.
Các đứng dậy. Đêm đã khuya lắm. Đậu vứt mâm bát ra hè không rửa, rồi lại chạy vào.
- Nhà mình có khâu cờ không anh?
- Cờ gì?
- Cờ đỏ sao vàngấy. Cả làng họ khâu cả. Để treo cửa nhà đón quân ta về.
- Có khâu chứ.
- Không có vải đỏ, vải vàng.
- Thì em tìm loanh quanh xem.
- Hay nhà mình lấy mảnh nhiễu điều vẫn phủ trên khung ảnh thầy?
- Cũng được.
Đậu trèo lên giường thờ gỡ tấm nhiễu đầy bụi. Nó còn mới, đỏ rực. Các đứng trơ trơ nhìn ảnh bố
trong giá gương trơ trụi.
- Anh Các ơi, hôm nay bên Ngăm đạo họ bán các thứ rẻ quá. Sao anh không mua lấy cái đồng hồ quả
lắc.
Các bật cười:
- Mua! Bán! Đang lúc sống dở chết dở này thì mua với bán làm gì...
Đậu chăm chăm nhìn Các, Đậu lại thấy một cái gì buồn lo sau câu nói của chồng.
- Thôi khuya rồi đấy, ngủ đi - Các giục.
Đậu rón rén ngoan ngoãn lên giường bên đứa con gái đang thiêm thiếp say. Giường bên, Các cũng
nằm yên hút thuốc lá. Mùi khói Cô táp quen thuộc.
Đậu ôm chặt đứa con vào lòng nhưng vẫn cảm thấy cái gì chông chếnh như đang bị trôi dạt trên
giường. Lặng lẽ bỏ con nằm một mình, Đậu sang với Các:
- Ngủ đi anh, sao thức khuya thế.
Điếu thuốc lập loè soi gương mặt hai ngươi.
- Em trông thấy Việt Minh mặc quần áo gụ, đeo túi dết quấn khăn mặt bông à?
- Vâng, sao hở anh?
- Không, chẳng sao cả...
* * *
Những chiếc xe nhà binh chật lèn lính chạy suốt đêm qua đường phố trước cửa nhà hắn. Những tên
lính trẻ súng ống mới tinh, và mặt ỉu xìu. Đêm qua toàn xe lính “Quốc gia”. Đêm nay là lính da đen rạch
mặt, lính lê dương mũi lõ. Tin đồn lan tràn là mặt trận bị nguy kịch. Hà Nội đang xôn xao. Xe hiến binh
Pháp phóng lồng lộn trên các ngả đường.
Hè phố đêm xao xác hẳn đi. Nhiều tiệm hàng đóng cửa. Hắn đút tay túi quần lững thững đi xuống Bờ
Hồ. Tiếng rao kem của trẻ con, tiếng gõ hàng xựctắc, tiếng rao dẻo kẹo của ông hàng chả nhái. Hắn đi,
nhìn ngắm vẩn vơ. Rẽ vào một quán cà phê, hắn ngồi cạnh hai tên sĩ quan Pháp. Chúng đang nói chuyện
với nhau về Điện Biên Phủ, về Giơnevơ một cách lo lắng. Hắn cũng lo lắng theo...
Trở về nhà, hắn ngả xoài trên đi văng mệt mỏi. Căn phòng rộng, bề bộn sách vở và quần áo chưa giặt.
Hắn thấy không thiết gì học hành nữa, đẩy chồng sách sang bên tư lự. Rồi vô tình mắt hắn đọng lại trên
mấy bông hồng bạch cắm trong bình. Những bông hồng trắng của Điệp đem đến. Hôm nào Điệp cũng
đem hoa hồng bạch, nõn nà, trong trắng, tinh khiết. Hắn cười gằn mỉa mai. Điệp ví mình như hoa hồng
bạch kia ư? Mùi son phấn của Điệp như còn vương trong căn phòng này. Hắn thấy sợ, vội vã mở tung
cửa. Rồi hắn ước ao từ nay không phải là Điệp mà là một cô nữ sinh trung học bẽn lẽn thẹn thùng nào
đấy sẽ là khách của căn phòng phòng này. Hắn sẽ làm những bài thơ viết trên giấy tẩm nước hoa tặng cho
cô bé ấy vào một chiều thứ năm hay thứ sáu nào đó. Thứ năm hay thứ sáu, chứ thứ bẩy chủ nhật thì
không được. Chủ nhật, người vợ trẻ xinh đẹp mười tám tuổi và đảm đang sẽ đem theo đứa con gái nhỏ
đáng yêu của hắn, từ ngoại thành vào. Vợ hắn sẽ nấu cho hắn những niêu cơm gạo tám xoan thơm lừng,
để ăn với thịt gà mái ghẹ, trứng gà lứa so, cùng hoa quả mùa nào thức nấy. Vợ hắn sẽ giặt cho hắn tất cả
quần áo trong tuần thay ra để đấy. Sẽ quét đi tất cả những rác bụi trong nhà “để dành” cũng đã một tuần.
Xong đâu đấy, vợ hắn lại trở về quê ngoài ngoại thành tất bật, vội vàng. Để trông nom toà nhà ngói đại
khoa đồ sộ ở quê, trông nom vườn cây ăn quả mênh mông và những mẫu ruộng thừa tự. Không có cô gái
quê mười tám tuổi ấy, hắn biết lấy ai quản lý tài sản cho mình.
So với những đứa bạn ở Hà Nội, hắn cảm thấy ngượng ngùng vì có vợ con quá sớm. Chúng vẫn chế
hắn là bố trẻ con. Chúng toan coi hắn là người ngoại thành nhà quê nhưng phải vội thay đổi ý kiến vì hắn
ăn chơi còn trội hơn cả thanh niên chính hiệu ở đây. Hắn lại có của để ăn chơi. Người dong dỏng khôi
ngô, thanh lịch. Gương mặt hắn biết biểu lộ vẻ suy tư cảm xúc khi cần thiết, cũng như khi cần thể hiện sự
thác loạn, ngông cuồng.
Hắn khôn khéo. Hắn biết yêu vợ yêu con bằng thứ tình yêu đậm đà mộc mạc theo kiểu dân quê. Mẹ
hắn không còn. Người vợ quê làm nhiệm vụ của người mẹ với hắn. Hắn thấy sự chăm sóc chiều chuộng
của vợ có chút gì giống sự chăm sóc chiều chuộng của người mẹ với đứa con.
Hắn thấy mình nhỏ dại, lòng se lại... Con gái hắn xinh đẹp và giống bố lạ lùng. Hắn yêu con như tất
cả những người bố khác. Nhưng tất cả những yêu thương ấy không làm ảnh hưởng gì đến những cuộc
tình với Tuyết, với Dung, với Điệp v.v...
Đúng ra mà nói nếu hắn “trong trắng”, không có vợ con ở quê thì vẫn hơn. Vì như thế hắn có quyền
mơ ước là chồng của những tiểu thư Hàng Bồ, là rể của những “phu nhân” cổ đeo năm bẩy dây chuyền
kim cương hạt xoàn.
Hắn mơ ước thành “quan” luật sư, “quan” Đốc tờ, có biệt thự, tên đề trên biển đồng ngoài cổng, có
con sen mũm mĩm hầu hạ, có thư ký đánh máy ngoài văn phòng,
có vợ đứng chủ tiệm buôn Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Đào...
Nhưng cuộc đời hắn chưa chi đã “định hình”. Mười sáu tuổi hắn đã là chồng của một con bé đẹp nhất
làng, do bố mẹ cưới cho. Bố mẹ hắn chết nhanh quá, liên tục theo nhau mà chết sau khi đã tìm được
người “cai quản” gia tài và “nuôi nấng” hắn. Con bé ấy con nhà quê, gia tài nó chỉ là sắc đẹp, nhưng nó
đảm đang một cách bản năng. Mười sáu tuổi nó đã đứng chủ gia đình “nuôi chồng” tiếp tục ăn học. Hắn
biết ơn nó. Tình và nghĩa, và ơn. Đời hắn vẫn có thể có biệt thự, có thư ký đánh máy, có con sen mũm
mĩm, nhưng chẳng bao giờ có được vợ là tiểu thư Hàng Đào!
Cái gì sẽ thay thế điều đó. Những cuộc tình với Tuyết, với Dung, với Điệp bù lại cho sự thiệt thòi ấy.
Để hắn biết hương vị tình yêu của những người con gái Hà Nội thanh lịch.
Hắn không đám nghĩ nhiều về tương lai vì “con đường học vấn” còn xa lắc. Phải biết tạm bằng lòng
với những cái đã có, đang có...
Buổi trưa, tan học trở về, hắn đang gò người đạp xe cùng đám bạn ngổ ngáo đuổi theo mấy tà áo dài
của nữ sinh trường bên cạnh thì giật thót. Nơi ngã tư, cảnh sát chăng dây tóm ngực tất cả thanh niên qua
đường. Các con giời trốn không kịp bị dồn từng xô từng xốc vào một chỗ. Chính phủ có lệnh động viên,
bắt lính.
Hắn cũng bị thộp ngực đẩy lên xe cam nhông. Nhưng hắn thản nhiên, khác hẳn những cậu ấm khóc
thút thít. Nơi trụ sở bắt lính, người ta thả hắn ra vì hắn còn là học trò. Những con giời khác thì bị gắn số
lính liền. Chà, bọn hèn nghĩ đến chuyện phải đi đánh nhau với Việt Minh, sợ xanh mặt. Bố mẹ vợ con
đứng vòng trong vòng ngoài sân trụ sở nhốn nháo vẫy gọi làm như chúng bị bắt đi đày không bằng!
Hắn khoái trí ngông nghênh đi giữa các “cậu ấm” chuyên tán gái, trói gà không chặt, mà bây giờ sắp
phải đi đánh nhau với Việt Minh. Mong Việt Minh “xơi” tiệt chúng mày đi - Hắn nghĩ - cho đáng đời!
Chiều hôm ấy, trở về nhà, hắn đang ngồi ghiền cà phê thì có tiếng xe díp phanh két ngoài cửa. Một
chàng thiếu uý trẻ măng lon ngù lấp lánh đẩy cửa bước vào. Hắn ngờ ngợ. Cặp mắt màu đồng thau của
chàng thiếu úy mở to.
- A, Hải - hắn reo.
Thằng bạn cũng ôm chầm lấy hắn.
- Ôi, trông lạ quá, oai quá. Như ông đại tướng hoá ra là mày - Hắn trầm trồ.
- Tao sắp sửa dẫn lính ra trận đây. Tao đã tốt nghiệp khoá sĩ quan cấp tốc. Tình hình mặt trận nguy
lắm mày ạ.
Hắn vẫn ngây người ngắm sự oai phong của thằng bạn. Súng lục giắt mông. Giầy nhà binh cao cổ.
Mũ sĩ quan lấp lánh.
- Đăng lính đi mày. Có bằng cấp vào học sĩ quan liền. Ôi thời thế này mà mày vẫn còn bình thản ngồi
nhai sách vở như mọt nhai gỗ...
Thằng bạn đưa hắn lên xe phóng chơi khắp nhà lũ bạn trai gái cùng trường. Ở mỗi nhà ra, trên xe lại
thêm một đứa. Tới đêm thì xe đầy nhóc. Toàn những đứa thân nhau. Và đủ cặp. Mỗi đứa khoác tay một
em. Chúng đổ vào hiệu. Chàng sĩ quan chiêu đãi. Chúng ăn uống hò hét điên loạn. Ôi, hắn bỗng thấy
khao khát cuộc đời võ nghiệp. Oai hùng quá. Áo chàng đỏ tựa ráng pha, ngựa chàng sắc trắng như là
tuyết in.
Nhưng rồi hắn vẫn không bỏ học vào trường võ bị. Lon ngù, mũ sĩ quan, gậy chỉ huy, súng lục và xe
zíp hấp dẫn thật nhưng hắn vẫn mộng biển đồng khắc tên ngoài biệt thự, con sen mũm mĩm, thư ký đánh
máy ngoài văn phòng hơn...
* * *
Hắn đi lang thang trên hè phố. Cả Hà Nội như đang nổ tung ra. Những đường phố náo động. Xe nhà
binh chạy như điên. Những gương mặt ngơ ngác mất hồn. Hắn không đứng đâu ngồi đâu yên một lúc.
Mấy hôm nay hắn quên cả cơm. Nỗi lo làm bụng hắn ngưng lại. Thỉnh thoảng hắn mới tạt vào hiệu làm
cốc cà phê hay bát phở. Những đứa trẻ bán báo rao rối rít trước mặt hắn. Những tít báo đập vào mắt, dòng
chữ to đen kịt và cứ thế in hằn vào óc lồ lộ. Hắn nhắm mắt ngủ nhưng những dòng chữ vẩn cứ chong
chong trong đầu. Không sao chạy trốn được khỏi những dòng chữ. Hà Nội sẽ thành thủ đô của Việt
Minh. Hiệp nghị Giơnevơ đã ký kết. Sông Bến Hải, con sông Gianh thứ hai của lịch sử... Quân đội Pháp,
và các lực lượng chính phủ Quốc Gia tập kết ở phía Nam vĩ tuyến 17...
Hắn chạy đến nhà những thằng bạn. Gia đình chúng đang gói ghém chuẩn bị di cư vào Nam. Chúng
hỏi hắn có đi không. Hắn trả lời: không biết!
Không biết… Những thằng bạn ngạc nhiên. Tại sao lại không biết? Ở lại với Việt Minh à. Cũng được
thôi, nhưng nhớ phải “đóng thuế ” đấy nhé. Những thằng bạn nói. Mày ngủ trong một cái màn của mày
trong nhà. Và hàng tháng phải “đóng thuế”, ngủ màn.
- Tại sao thế? - Hắn ngơ ngác hỏi.
- Không biết, Việt Minh nó thế - Những thằng bạn bịa láo.
- Thế thì tao đạp cho rách mẹ cái màn ra.
- Rách thì hỏng màn của mày. Và muỗi sẽkhiêng mày đi.
- Tao đã đóng thuế ngủ màn thì Việt Minh phải bảo đảm cho tao là muỗi không đốt chứ...
Ở nhà một thằng bạn khác hắn lại được nghe một chuyện khác: Ở lại miền Bắc tất cả sẽ sống tập
đoàn. Ruộng đất, nhà cửa ở quê của mày - Thằng bạn reo lên phát hiện - sẽ bị sung công hết. À mày sẽ là
địa chủ, bị đấu tố. Quần áo sẽ nhuộm gụ hết, đi dép cao su đen…
- Ai bảo mày thế?
- Người ta nói thế. Việt Minh là những người nghèo. Cách thức của họ thế.
Hắn giật mình nghĩ đến những người đi Việt Minh ở nhà quê hắn. Phần lớn là những người nghèo
khổ thật. Nhà tranh vách đất, không ruộng nương. Bây giờ những người ấy thắng, tất nhiên họ phải ghét
những người nhà giàu. Những thằng bạn nói có lý chăng? Nhưng còn cái chuyện thuế nằm màn, nghe có
vẻ bịa láo thế nào. Bịa láo hay không hắn không biết, nhưng hắn đã từng chứng kiến cảnh Việt Minh đi
thu thuế. Dạo ấy kỳ nghỉ hè, hắn về làng. Làng hắn lập tề, Việt Minh phải đi lưu vong sang xã khác.
Nhưng đêm đêm Việt Minh vẫn về làng. Một đêm hắn đang ngủ thì hoảng hốt vùng dậy vì ánh đèn pin
bấm chói mắt. Vợ hắn cũng choàng dậy, nhưng bình tĩnh hơn. Vợ hắn châm đèn, hắn nhìn thấy bốn năm
người Việt Minh lựu đạn quanh lưng, tay chống gậy, vai đeo súng đứng đầy cửa nhà.
Vợ hắn mời Việt Minh ngồi xuống ghế. Họ toàn mặc quần áo gụ, tóc cắt bốc. Trông ai nấy đều đĩnh
đạc, đàng hoàng, tươi tỉnh. Trống ngực hắn đánh thình thình, hoảng hồn vì tưởng mình bị bắt. Nhưng
không, Việt Minh nhìn hắn mỉm cười. Hóa ra hôm nay Việt Minh đi thu thuế nông nghiệp. Nhà hắn có
mười mẫu ruộng cấy một vụ. Vợ hắn nộp thuế bằng tiền. Việt Minh rút cây bút máy Alavơ ra viết cho
một cái biên lai có đóng dấu Ủy ban kháng chiến hành chính xã.
Hắn đút túi áo tấm biên lai định đem ra Hà Nội cho mọi người xem bút tích của Việt Minh. Nhưng vợ
hắn giật lấy đốt ngay. Vợ hắn sợ lính dõng ở đây biết, họ sẽ bắt vì tội đóng thuế cho Việt Minh...
Gia đình những thằng bạn hắn đem đồ ra cửa nhà bán. Khắp Hà Nội đâu đâu cũng thấy bán đồ đạc.
Chợ giời Hoà Bình, ngã năm Bà Triệu ngằm ngập những đồ.
Những thằng bạn hắn có đứa đã đi mua vé máy bay. Hắn cũng ra phòng vé đứng nhìn. Mua hay
không mua. Xe của Ủy ban Quốc tế giám sát di cư cắm cờ lạ chạy đi chạy lại. Những thùng thư riêng của
Ủy ban đặt ở khắp nơi. Ai cũng có thể gửi thư khiếu nại về việc có bị cưỡng bức di cư hoặc bị ngăn cản
di cư hay không.
Hắn đến sân bay Gia Lâm. Những chuyến máy bay nặng nề cất cánh đem theo người rời bỏ quê
hương. Hắn vẫy những đứa bạn của mình, và trở về ngẩn ngơ.
Hà Nội với hắn phút chốc như không còn nghĩa lý gì nữa. Hà Nội lạ xa, không hồn cốt, vô duyên.
Suốt đêm suốt ngày hắn nằm co trong nhà. Nằm mãi chán ngó đầu ra ngắm cảnh đường phố, rồi hắn
lại mò ra phòng bán vé máy bay. Tay hắn đã đặt vào ví tiền, và hắn đã tiến sát “ghi sê”. Không hiểu sao
một cái gì lại cản bước hắn lại. Hắn né sang bên nhường cho người sau tiến lên. Rồi những người khác
chen bật hắn ra ngoài. Ở xứ Sài Gòn, nơi đậu cánh của những chuyến máy bay kia, ai sẽ nuôi hắn ăn học.
Gia tài mẹ cha hắn để lại, nhà cửa, vườn cây ruộng đất vứt tót đi ư. Đứa con gái xinh đẹp giống hắn như
đúc sẽ bơ vơ không bố được ư? Cái gì đang chờ hắn ở Sài Gòn? Chẳng có cái gì rõ ràng cả. Nếu hắn đem
được nhà cửa ruộng vườn lên những chiếc máy bay kia thì chẳng phải tính toán gì. Hắn sẽ đi ngay chuyến
ngày mai...
* * *
Đậu ôm lấy chồng với đôi vòng tay như rắn quấn mà ngủ. Hình như cả ngày mệt quá, Đậu đã ngủ
một giấc say. Nhưng chính giữa giấc, Đậu lại mơ hồ cảm thấy đôi tay mình bị trôi dạt chống chếnh. Đậu
quờ quào chơi vơi. Và tỉnh phắt dậy. Khoảng giường bên sườn Đậu rộng rênh. Ngọn đèn vặn nhỏ toả
bóng mờ mờ trong nhà. Các đang ngồi một mình bên bàn nước, mùi thuốc Cô Táp thơm sực đêm khuya.
Đậu chạy vội lại:
- Anh làm sao thế?
- Ngủ đi, dậy làm gì. - Các nhếch môi.
Nhưng Đậu thở dài ngồi xuống ghế bên cạnh. Đêm yên ắng, tiếng sương tụ thành hạt từ ngọn rơi
xuống tàu lá chuối rất nhẹ bên cửa sổ. Tiếng dế kêu trong tầng lá ải mục ngoài vườn. Những kèo cột soi
kẻ những đố diềm trạm trổ, những hoành phi câu đối của tòa nhà ngói đại khoa trong ánh đèn mờ trông
có gì uy nghiêm đường bệ.
- Đậu ơi, em có lo không - Các bỗng hỏi.
- Lo gì?
- Việt Minh họ sẽ lấy nhà lấy ruộng của mình, bắt anh đi lao động cải tạo.
- Ai bảo anh thế.
- Người ta nói thế.
- Em thì em nghĩ chả nên lo gì. Việt Minh là người mình cơ mà. Tại sao lại sợ Việt Minh. Tây hay Tầu
là giống khác nên mới sợ chứ. Tây nó đi càn, đốt nhà giết người, Việt Minh đánh Tây, thế mà anh lại sợ Việt
Minh?
- Đúng thế. Anh sợ Việt Minh. Tây nó đi càn đốt nhà giết người, anh lại không sợ.
- Có anh điên! Hoà bình ai cũng thích. Từ nay không còn loạn lạc, Việt Minh sẽ về, Việt Minh là dân
mình, mặc quần áo gụ, sống như dân, khác gì…
- Thế sao bên Ngăm đạo lại bỏ làng đi Nam cả.
- Họ bảo Chúa vào Nam, họ phải vào theo. Vớ vẩn! Cả làng nó điên. Ngày xưa nó chống Việt Minh,
nên giờ mới sợ...
- Nếu anh cũng đi Nam, em ở nhà một mình có được không? Anh đi, bao giờ bình yên, anh lại về…
Đậu ngồi chết lặng đi. Một nỗi thất vọng rã rời tan vào khắp cơ thể. Đậu không nói được câu nào, cổ
họng nấc cụt, mắt nhìn trơ trơ.
- Đậu ạ, anh đã tính đủ đường rồi, anh phải đi. Các bạn anh ngoài Hà Nội đã đi hết cả rồi. Hôm nay
cả ngày lang thang bên Ngăm đạo anh càng thấy anh không thể ở nhà. Bên ấy họ đi từ ông cụ đạo đến
người quét nhà thờ. Ông Phán Nghiêm bên ấy, bạn với thầy nhà ta ngày xưa, nhà ông ấy vài chục mẫu
ruộng, nhà tây hai tầng, cũng bỏ đấy mà đi. Ông ấy bảo anh vào Nam chính phủ sẽ trợ cấp mọi khoản cho
dân di cư, vì dân di cư trung thành với chính phủ. Người Mỹ rồi sẽ thay người Pháp, sẽ gánh hết, bao hết
miền Nam. Ở với Việt Minh, bắt rận trong áo trấn thủ của bộ đội kháng chiến ra mà ăn à.
Nói thật với em, ở Hà Nội, anh đã nhiều lần định mua vé máy bay rồi. Nhưng anh nghĩ đến em và
con, lại lộn về quê xem xét tình hình thế nào, và bàn bạc với em. Giờ này anh chẳng có ai để trông cậy
hỏi han ngoài em. Ông Phán Nghiêm nói nhà ta dứt khoát sẽ là địa chủ. Anh lại là dân ở phố phường, là
trí thức, Việt Minh họ ghét lắm. Họ sẽ bắt anh đi tăng gia sản xuất. Còn em, em vốn là con nhà nghèo, bố
mẹ hiền lành, em mới là vợ anh vài năm nay, sẽ không việc gì. Ông Phán Nghiêm nói ở Thái Nguyên,
những nhà địa chủ, con dâu có quyền cắt đứt với nhà chồng. Chẳng hạn như em sau này có thể tuyên bố
cắt đứt anh, rồi lấy chồng khác.
Đậu ngồi như cái xác không hồn nghe Các rỉ rả, thì thào. Các càng nói, Đậu càng thấy tình thế vô
phương cứu chữa, cuộc đời tan vỡ không gì níu lại được.
- Anh đi, sẽ mang theo cái Miên. Có nó tức là có em bên cạnh anh.
- Giời ơi… - Đậu òa khóc cắt đứt lời Các.
- Khẽ chứ, không có đêm khuya hàng xóm lại nghe thấy...
- Ối giời ơi... sao tôi khổ thế này hở giời...
- Ở nhà còn ruộng, còn vườn, còn đồ đạc, thóc lúa trâu bò, em có thể sống đàng hoàng. Nhưng hai bố
con anh, chỉ mấy tiếng đồng hồ trên máy bay là đã ở chốn đất khách quê người, hai bàn tay trắng lấy gì
sinh sống. Bây giờ không có thì giờ để đắn đo, để khóc lóc nữa. Phải lo ngay bây giờ... Từ giờ đến sáng
phải xong xuôỉ mọi thứ. Trong ngày mai bố con anh phải ra ga để về Hà Nội mua vé máy bay, không thì
muộn...
- Trời ơi... anh không đi đâu cả, con Miên cũng không đi đâu cả - Đậu rền rĩ.
- Gấp lắm… Tiền vàng anh phải đem đi hết, em giúp anh sửa soạn.
Các đứng dậy. Hòm xiểng, bàn tủ được lục tung ra. Đậu làm theo như cái máy. Đậu rên rỉ, tay này bới
ra thì tay kia xếp vào. Đậu đã hoàn toàn bấn loạn. Cái đáng đem đi thì Đậu lại để lại. Cái đáng để lại, lại
đem đi.
Các nhanh nhẹn, bình tĩnh xếp đặt. Những chiếc nhẫn “bagiê”, nhẫn chỉ, nhẫn mặt đá, vòng xuyến,
dây chuyền của mẹ Các để lại. Những xấp tiền bán thóc các vụ trước bó đầy một bó, quấn trong cái bao
sồi. Đôi hoa nụ thông Đậu đang đeo trên tai, Các cũng gỡ ra. Mấy chiếc nhẫn trên tay Đậu chặt quá, Các
phải xát xà phòng cho trơn mới tháo được.
Khi tất cả của cải đã được xếp gọn ghẽ vào chiếc
va li da, khi con Miên đã ngủ dậy đang ngơ ngác hỏi bố vì thấy mình được mặc quần áo mới, thì Đậu
hoàn toàn quẫn trí. Tuy vậy Đậu vẫn nhớ ra là phải đi làm cơm. Đậu thịt hai con gà và bắc chõ xôi. Nhóm
củi xong Đậu bỏ đấy, hớt hải đi tìm Các làm như vừa mới phát hiện ra điều gì:
- Anh ơi anh đi thật sao - Câu hỏi của Đậu ngớ ngẩn nhưng lại thản nhiên như không.
Rồi lát sau như sực nhớ ra, Đậu lại chạy lên hốt hoảng:
- Cái Miên cùng đi với anh à?
Các đẩy Đậu xuống bếp. Nồi luộc gà trào nước tắt hết lửa! Xôi thì không lên hơi.
Đậu nhóm lại lửa:
- Miên ơi, xuống đây với mẹ, con ở nhà với mẹ nhá - Đậu nài nỉ.
- Ứ ự con đi cơ - Miên phản ứng. Nó vẫn tưởng như mọi lần được ra Hà Nội với bố, được đi chơi
thoả thích, ăn kem dừa kem nho, ăn dầu cháo quẩy, bánh cao lâu và được bố mua cho con thỏ sắt biết gõ
trống… Ứ ự… con đi cơ… - Nó bỏ mẹ chạy lên với bố. Đậu nhìn theo nó, nước mắt lại ròng ròng. Đậu
không phản ứng được gì trước cái tình thế khủng khiếp đang từ từ đến với Đậu này. Bản tính nhẫn nhục,
thụ động, tất cả chỉ biết theo chồng, từ xưa Đậu không có một chút xíu khả năng phản kháng nào trước
người chồng kiêm ông chủ. Các đã nói gì làm gì, Đậu chỉ biết tuân theo. Lúc thì Đậu là người vợ, lúc là
thiếp, lúc là nàng hầu, lúc là quản gia, lúc là đứa ở...
Bữa cơm, xôi chín không đều. Vì miết gio nồi đáy không kỹ, hơi phì ra. Nhưng không ai nói gì. Đậu
ngồi ăn cũng không biết mình đang nhai gì trong miệng. Nắng sớm màu hồng tươi ngoài sân. Con gà
sống đứng trên bờ tường hoa gáy te te. Gió sớm mát rượi lao xao trong vườn cây ăn quả trước nhà. Mít,
na, táo, hồng xiêm, cam, chanh, bưởi... Tháng tám, hồng đang chín đỏ, cam đã mọng, bưởi hết the. Vườn
cây gợi cảnh sống thôn dã êm đềm, thanh bình quá. Đúng là đã thanh bình, Đậu nghĩ, vừa mới mấy tháng
trước đây,
moóc-chi-ê còn bắn veo véo qua nóc nhà, ban đêm hai mẹ con vẫn run cầm cập nép vào nhau trong chiếc
hầm. Những cót thóc bằng xi măng làm ra vườn tránh bom tránh cháy vẫn còn đấy. Vườn cây kia bọn
lính dõng trong làng ngày nào chúng chẳng đảo qua. Ăn chán rồi chúng đút đầy hai túi quần đem về. Làm
gì được chúng, bọn cướp ngày ấy.
Nhưng bây giờ thì chúng đã cút. Bom đạn cũng hết rồi. Đậu muốn sửa sang lại khu vườn ấy. Nó đẹp
quá. Mùa này lá vàng rải xuống như thảm, và những quả hồng trên cành đỏ chói lên. Đậu muốn trông
thấy cảnh hai bố con cái Miên dắt nhau nô trong vườn ấy. Đậu thèm cảnh đó quá. Chồng Đậu mải mê
học hành, vui thú ngoài Hà Nội, chẳng mấy khi về. Có về thì lại nhớn nhác vừa sợ Việt Minh, vừa sợ
lính dõng, chỉ hôm trước hôm sau đã lại vội vã vào nội thành. Chỉ mẹ con Đậu ở lại khu nhà mênh mông
này. Đêm đêm tiếng chồn cáo đuổi nhau trong vườn, chân chạy loạt xoạt trên thảm lá khô. Cò về làm tổ
trên dặng tre nghẹ rậm rạp cao vút như thành. Tiếng cò non đói mồi kêu đến xót ruột trong những buổi
chiều đông xám lạnh. Hai mẹ con Đậu nhóm củi trong bếp ngồi sưởi. Ngọn lửa làm bạn và xua đi những
nỗi sợ của sự hoang vắng. Cái Miên gọi bố, chị cũng gọi theo. Hai mẹ con ôm nhau. Nhà vắng hơi
người đàn ông lạnh lẽo lạ lùng.
Bây giờ thanh bình rồi, Đậu hi vọng Các sẽ đàng hoàng về quê trong những ngày nghỉ ngày lễ. Ai
ngờ, thanh bình mà Các lại bỏ đi như thế này...
Các buông bát bước ra hè, giật thót. Trên nền tre xanh biếc cửa nhà ai đã treo một lá cờ đỏ sao vàng
tươi rói, bay phấp phới. Mặt Các tái đi, chân tay luýnh quýnh.
- Miên ơi, mau lên con - Các giục đứa bé đang gặm dở chiếc còng gà.
Đứa bé ló ra cửa thấy lá cờ, vỗ tay reo:
- A! Đẹp quá! Đẹp quá!
Các xách va li lên tay:
- Thôi em cứ ở nhà, đừng đưa tiễn anh. Làm ra vẻ bình thường như mọi lần, anh về quê rồi lại trở ra
Hà Nội. Cấm không được khóc lóc rên rỉ. Có thể Việt Minh họ đã kiểm soát vùng này rồi.
Đậu ngã khuỵu trước cửa hè rồi chồm lên như con điên, ôm lấy cái Miên.
- Trời ơi... anh đừng đi... đừng đi...
- Em yêu nín đi. Bình tĩnh lại nào. Anh đi, khi nào yên hàn anh lại về...
- Miên ơi con đừng đi... - Đậu vẫn cuống quýt.
Các tát vào má Đậu, rít sẽ:
- Em định giết anh đấy à. Hãy bình thường, làm như không có chuyện gì. - Các bóp tay Đậu lúc đó đã
mềm như cẳng dưa héo. - Em thương anh, nghe lời anh nào.
Đậu bị Các dìu vào trong nhà. Rồi Các đi đóng cửa, khoá lại, chỉ để một lối nhỏ qua cửa buồng:
- Em cứ ở yên trong ấy... Thôi anh và con đi nhé.
Các dắt tay Miên vội vã ra cổng. Tới đầu sân, Các còn nghe thấy tiếng nức trong nhà:
- Ơi Miên ơi... con ơi... Mẹ chết đây này.
* * *
Phòng chờ ngoài sân bay nhốn nháo không khác gì cái chợ. Những uỷ viên giám sát di cư người
ngoại quốc, khoanh tay uể oải đi lại ngoài hiên. Tiếng loa điện oang oang nhưng không át được tiếng ồn
ào. Tiếng động cơ máy bay rít ngoài đường băng nuốt chửng tất cả. Tay xách va li, tay lôi đứa con gái
nhỏ, hắn chen lấn qua đám đông. Đầu bù tóc rối, quần áo xộc xệch, mắt đỏ nọc, trông hắn kiên quyết và
dữ tợn. Đứa con gái oãi lại, khóc như mưa gió. Với linh tính kỳ diệu của trẻ thơ, nó biết một cái gì ghê
gớm đang đến với nó. Nó hối hận thì đã muộn rồi. Lẽ ra nó không được để bố đem nó đến đây.
- Bố ơi, đi về đi… Về với mẹ cơ…
- Im ngay - Hắn quát.
Một người nước ngoài đưa mắt lạnh lùng nhìn đứa bé rồi nhún vai.
Hắn đứng sát vào hàng rào sắt. Trước mặt hắn là hai lá cờ tam tài và ba sọc rủ bóng. Hắn cảm thấy
yên tâm, mắt hắn dịu lại, và gương mặt đỡ phần lo lắng.
- Bố ơi, bố đi thì đi nhưng con về với mẹ cơ - Đứa bé lại khóc - Lúc nãy nó đòi cả hai bố con cùng về,
nhưng bây giờ yêu cầu của nó có khác. Trước tình thế khẩn cấp này, với bản năng tự nhiên, nó thấy phải
tự cứu lấy bản thân mình trước đã. Khả năng của nó có hạn. Đành phải xa rời cái gì ngoài tầm tay nó.
Hắn nhìn xuống con, sống mũi cay cay. Hắn cảm thấy mình bị chính con mình bỏ rơi. Hắn tủi thân và tức
giận.
- Hãy để con bé ở lại theo yêu cầu của nó anh ạ - Một giọng phụ nữ bỗng cất lên sau lưng.
Hắn ngạc nhiên ngoảnh cổ lại. Một người đàn bà xinh đẹp; dắt đứa con giai nhỏ mặt mũi khôi ngô,
nghiêm trang nhìn hắn.
Hắn buồn cười:
- Thế sao chị và thằng bé này không ở lại.
- Tôi đem cháu ra tiễn bố nó thôi.
- Thế sao chị không bảo bố nó ở lại - Tự nhiên hắn sinh giọng ngang ngang cà khịa.
- À, chỉ nên bảo những người đáng ở lại hãy ởlại. Còn những người không đáng ở lại thì hoài hơi -
Người đàn bà nói giọng thản nhiên.
- Thế chồng chị là loại người không đáng ở lại ư?
- Đúng, cũng giống như anh.
Người đàn bà hơi bĩu môi, ánh mắt rất sắc soi rọi như nhìn suốt, như ước lượng và đánh giá toàn bộ
giá trị của hắn.
Hắn hơi chột dạ, lúng túng nhìn quanh.
- Nếu anh để cháu lại, chị ở đâu, tôi sẽ đưa về giúp tận nhà.
- Không! Không! - Hắn lắc đầu quầy quậy. Hắn thấy hoảng sợ, muốn trốn tránh người đàn bà này.
Nhưng đứa con gái hắn thì lại sà ngay đến với người đàn bà lạ:
- Bố ơi, con ở lại với cô cơ. Rồi mẹ sẽ đến đón con. - Nó nài nỉ run rẩy.
Hắn càng hốt hoảng nắm chặt lấy tay con. Con gái hắn run bần bật, hình như nó cảm thấy đây là
những giờ phút ngàn năm có một, nó phải tự cứu lấy mình. Hồi hộp đến cực điểm, nó rên lên một cách
yếu ớt: “Con van bố... con van bố”. Một tay nó đã níu lấy vạt áo người đàn bà, con tay kia chìa ra chới
với. Thằng bé con người đàn bà vội nắm lấy.
- Còn đủ thì giờ, anh có thể lại phòng bưu điện sân bay đánh điện cho vợ anh đến đây, hoặc đến nhà
tôi 46B Hàng Bông, để đón cháu.
Hắn bàng hoàng đứng ngây ra. Con gái hắn xua đuổi:
- Bố đi đi... Bố đi đi...
Chân hắn suýt khuỵu xuống. Tiếng động cơ máy bay khởi động ầm vang ngoài đường băng làm ruột
hắn rối lại. Tiếng loa điện oang oang đọc số vé của hắn. Dữ tợn như một con cọp, hắn chồm lại, thộp áo,
xách cổ con gái hắn lên khỏi tay hai mẹ con người đàn bà. Hắn ấn con gái hắn ngã dụi qua cửa sắt, rồi
đẩy nó trôi tuột lại phía cầu thang máy bay...
* * *
Đêm đen óng ánh. Giữa đồng chỉ thấy một không gian đen khảm những vì sao bạc. Con tàu như trôi
trong không gian. Chị cảm thấy thế. Càng đêm nó càng chạy êm nhẹ. Hành khách trong toa ngủ gà ngủ
gật tay ôm khư khư gói đồ. Ý Nhi tung tăng được một lúc, ngả người dọc ghế gối đầu vào lòng mẹ ngủ.
Tay chị nâng đầu con, không thì nó ngã tuột xuống sàn mất.
Chị tì má vào thành cửa sổ nhìn đêm. Chị tưởng như mình đang bay trong không gian đen. Con tàu
thỉnh thoảng lại hú lên một hồi còi đánh tiếng, như sợ giữa mênh mông, nó bị lãng quên...
Tầu tốc hành, mỗi ga chỉ dừng lại chốc lát. Những người bán quà rong đêm khuya ghé vào các cửa sổ
rao hàng. Bánh chưng nóng đây. Bánh chưng nóng... Trứng vịt luộc... Ai nước đi...
Những tiếng rao đêm đem cái ấm cúng xôn xao vào trong các toa sau chặng đường cô đơn giữa đồng
vắng đêm khuya.
Chị uống một cốc nước vối nóng cho ấm bụng. Xót ruột quá. Đi đường ăn uống thất thường mà. Chị
không sao ngủ được. Mắt cứ chong chong. Giá ngủ thì đỡ mệt...
Con tàu rùng mình rồi lại trôi đi. Ánh điện ấm cúng cửa nhà ga nhòe dần rồi chỉ còn là chấm sáng li ti...
Loa phát thanh trên tàu mở chương trình ngâm thơ đêm khuya. Giữa tiếng hú dài của không gian lạnh
lẽo, tiếng ngâm thơ cất lên hay lạ. Như rót vào tai. Nhưng chỉ giọng người ngâm là hay thôi. Còn những
câu thơ nghe chung chung quá. Giọng ngâm thì sâu lắng mà những lời thơ thì hời hợt, chả làm chị xúc
động tí nào. Cũng may chương trình thơ chỉ ít phút nếu không chị sẽ chán. Chị thích yên lặng trong nhịp
ru của con tầu, ngồi ngắm không gian. Những vì sao cũng đang chạy theo con tầu ríu rít.
Ga Nam Định đèn sáng rực. Nhưng con tầu cũng vội vã đi ngay. Nó sợ không kịp một cái gì. Nó rời
bỏ ánh điện tấp nập một cách lạnh lùng. Nhưng lòng chị thì luyến tiếc. Chị ngoái nhìn mãi những quầng
sáng càng xa càng trở thành lung linh huyền ảo...
Ý Nhi xoay đi xoay lại đầu trong lòng mẹ. Tay chị vuốt ve mặt con. Mặt nó trong sáng quá. Những
ngón tay chị nâng cằm nó và trong đêm khuya, những ý nghĩ của chị cứ vẩn vơ. Đang từ cái nọ nhảy sang
cái kia chả đâu vào với đâu. Ý Nhi nhắm mắt thiêm thiếp. Trông mặt nó lúc ngủ càng đẹp lạ. Hình như nó
giống chị. Chị rờ sẽ lên làn da trắng mịn như tờ giấy mỏng. Chị cũng không hiểu sao lại có thể trắng mịn
được đến như thế này... Chị ngạc nhiên. Nhưng, làm sao mình lại ngạc nhiên. Chị tự hỏi. Nó giống mình
mà, nhưng tại sao mình lại đẹp - Chị lại tự hỏi - hồi trẻ ấy...
Chị bỗng thấy ngẩn ngơ tiếc thời trẻ. Tuổi trẻ của mình phí hoài. Và ngu độn. Nếu mà mình được như
cái Ý Nhi bây giờ. Cái Ý Nhi sướng quá, đời nó sẽ khác hẳn đời mẹ. Hình như nó đẹp hơn cả mẹ. Bởi đôi
mắt, mắt nó giống bố. Đôi mắt to trong, thoạt nhìn đã dễ thương. Đôi mắt hồn nhiên và lúc nào cũng cứ
nháy lên những tia reo vui…
Chị đã gặp “nguyên mẫu” của đôi mắt này trong một buổi chiều hoàn toàn ngẫu nhiên. Cuộc đời thật
lạ, cho đến bây giờ chị vẫn sẩm nẩm nghĩ, như ngạc nhiên, như khó hiểu về sự tình cờ kia, sự tình cờ - đã
quyết định toàn bộ cuộc đời chị. Nhưng có phải đơn thuần là sự tình cờ không, hay có sự sắp đặt vô hình
nào đó, sự tất nhiên, quy luật nào đó. - Chị tự cãi lại mình. Và lại mỉm cười. Chị không giải đáp được, và
cũng không cần giải đáp. Chị chỉ biết có một buổi chiều kỳ lạ, một buổi chiều đã quyết định cuộc đời chị.
Mười mấy năm rồi, nhưng cái buổi chiều ấy vẫn mới lạ như ngày hôm qua hôm kia gì đấy. Chị chả quên
chi tiết nào. Chị nhớ kỹ những sợi nắng hôm ấy vàng óng xiên ngang như tơ cuộn. Những sợi tơ xiên
xuống làn nước trong vắt mặt hồ làm ửng vàng những tầng rong đuôi mèo ngập chìm trong nước. Có một
người con gái đang lặn hụp trong làn nước xanh pha nắng vàng ấy. Quần áo bết sát người, cơ thể xinh
đẹp của cô hằn lên lồ lộ. Nhưng cô gái không một lần ngắm mình. Cô không để ý, cô đang bận với những
ngọn rong đuôi mèo như những nhành hoa xanh quấn vào tay cô. Cô cúi, cằm chạm vào mặt nước, nước
mơn man ve vuốt, nước pha nắng vàng óng ánh.
Cô đã vớt được lưng quang rong rồi. Một mình cô với nước hồ yên lặng. Hôm nay, lần đầu tiên, cô đi
bộ năm cây số từ nhà đến đây vớt rong. Người ta mách hồ này có nhiều rong lắm. Và có những con
ngỗng giời thật đẹp. Những con thiên nga bơi hàng đàn trên hồ và hình như cũng đang hụp mò những
ngọn rong non. Những chiếc cổ dài trắng muốt, đang chúi xuống mải mê. Cô cũng giống đàn thiên nga
kia, cũng mò rong. Những con thiên nga tuyệt đẹp nhẹ tênh nhởn nhơ trên mặt nước. Chắc là đời nó vui.
Cô gái cũng chỉ mong được như những con thiên nga kia thôi. Nhởn nhơ, nhẹ tênh, trên mặt nước. Nhưng
đời cô đâu có được thế. Nếu cô có thế biến thành một con thiên nga kia thì nhất định cô đã biến. Cô sẽ ở
lại với mặt hồ, sẽ vỗ cánh bay. Không bao giờ trở lại nhà nữa. Nhưng mà nào cô có biến thành con thiên
nga kia được. Cô vẫn cứ là cô đang cặm cụi vớt rong đây. Những ngọn rong ở dưới nước xoè cánh rất
đẹp nhưng mò lên chẳng còn đẹp tí gì. Cô ấn chúng vào quang. Cô dí bẹp chúng. Càng bẹp, càng chứa
được nhiều.
Những con thiên nga nhởn nhơ, còn cô thì cắm cúi. Cô khoả tay làm đứt tất cả những cuộn tơ nắng.
Cô chẳng thiết gì chúng. Cô cúi gằm sát mặt nước. Bỗng cô cảm thấy như có một ánh mắt đang nhìn sau
lưng mình. Ngoảnh lên, quả nhiên thật. Một người con trai ở đâu đến, anh có vẻ như đang làm một việc
gì đó bên những ruộng mía nông trường bạt ngàn bên hồ. Anh quan sát, anh đo chiều dài vòng rộng của
một cây mía, anh bới đất dưới gốc và bẻ một tàu lá mía. Nhưng anh đã nhìn cô. Nhìn rất nhiều. Cô cảm
thấy thế. Người con trai cất giọng làm quen, một giọng miền Nam pha tiếng Bắc:
- Cô mò rong của nông trường chúng tôi đấy nhé. Không cho đâu.
Cô thấy vui vui cãi lại:
- Nông trường anh trồng rong à.
Anh và cô cùng cười. Cô cảm thấy anh dễ làm quen quá. Ánh mắt anh to, trong, hồn nhiên và cứ nháy
lên những tia reo vui. Những cây mía tím sau lưng anh lào xào lay động. Anh vịn tay vào những cây mía,
phấn trắng bong ra quệt những vệt trên má anh. Có tiếng xình xịch của một chiếc tắc tơ vọng lại. Tắc tơ
kéo moóc đầy mía đi qua bờ hồ. Từ trong ca bin một cái đầu phi dê với vai áo ca rô đỏ thò ra:
- Chào thủ trưởng! - Không biết cô gái ấy chào hay là reo, hay là đùa.
- Mía của đội 4 đây phỏng, khá không! - Anh hỏi.
Cô gái nói to át tiếng tắc tơ:
- Không biết có khá hay không, nhưng bảo đảm là hơn các đội khác.
Chiếc tắc tơ rú máy trườn đi. Anh chạy vội theo nói với:
- Hãy “đãi khách” vài cây làm quà đi.
Chiếc tắc tơ đỗ lại, máy vẫn rung xình xịch. Cô tài xế bật cánh ca bin bước ra, thò tay lên moóc, kéo
hai cây mía tím cười đưa cho anh!
Mái tóc phi dê và gương mặt sáng như trăng rằm ấy lại khuất sau cánh ca bin. Và lần này, chiếc tắc tơ
xình xịch đi hẳn...
Anh cầm hai cây mía tím phấn trắng bong ra đầy tay, gọi cô gái vớt rong:
- Cô ơi đừng làm khách, nếm thử mía của nông trường chúng tôi nhé. Hãy nghỉ tay đã…
Cô gái đang ấn những ngọn rong vào quang. Nắng chiều reo trên bộ quần áo ướt dính sát người. Cô
mỉm cười. Cô thấy người con trai kia sao tự nhiên thế. Anh bẻ gẫy cây mía giòn khấc trong tay và đưa
cho cô. Ánh mắt anh to, cứ nháy lên những tia reo vui làm cô có cảm giác như anh đã quen cô lâu lắm
rồi. Nắng chiều thoáng mùi mật đun thơm ngậy từ xưởng chế biến đường của nông trường bay ra. Mùi
thơm đọng luẩn quẩn trong nếp quần áo ướt đầm của cô...
Buổi tối, cô ngồi một mình ngoài hè. Những gợn gió làm ánh trăng run rẩy trên người cô. Những
gợn gió như mơ hồ có tiếng lào xào của lá mía. Một ánh mắt to trong và cứ nháy lên những tia reo vui.
Cô gái mỉm cười. Cô bước lững thững. Ánh trăng đẫm trên quần áo cô như ánh nắng ban chiều đã đẫm
trên quần áo cô. Người con gái lái tắc tơ ấy trẻ và đẹp quá. Mặt sáng như trăng và cô ấy reo “chào thủ
trưởng...”. Đời cô ấy chắc toàn những niềm vui, đời cô ấy trắng trong.
Hai ngày sau cô gái lại xuống hồ nông trường mò rong một lần nữa. Cô bỗng thấy mong mong. Mong
cái gì nhỉ, tự nhiên cô buồn cười mình. Nhưng mà cô cứ mong mong. Những con thiên nga thanh thản
nhẹ tênh trên hồ, nhưng cô thì lặng lẽ nặng nề. Một nỗi buồn lan giống như gợnsóng giữa hồ. Ngực cô
chìm trong làn nước. Và làn nước nghe thấy tiếng tim cô đập một cách tức tưởi. Mắt cô ngóng về con
đường sỏi đỏ dẫn tới nông trường bộ. Những chiếc tắc tơ đỏ chở mía đi đi lại lại. Mùi mật đun thơm
lựng...
Khi nắng chiều đang cuộn lại những tia vàng cháy, cô mới nhấc gánh rong nặng như chì lên vai. Con
đường về làng trở thành khó khăn, xa hút. Bỗng mấu đòn gánh trên cổ quang tuột phựt vì một lý do: cô
nghe thấy tiếng chân anh đang chạy theo vội vã. Những ngọn rong đuôi mèo tung tóe. Cô không quay
lại, cứ cúi gằm nhặt những ngọn rong. Một nỗi giận dỗi. Bước chân anh tới gần. Trời sắp ngả sang ráng
mây hồng tím, sắp tối rồi. Cô muốn anh thấy cái hình ảnh thản nhiên của mình. Người con trai chưa
quen mà như quen kia kêu lên:
- Ấy chết, cô đánh đổ hết rồi.
Cô giả vờ giật mình quay lại:
- Anh đi đâu đấy?...
- Người con trai hỏi - Cô đến vớt rong lúc nào thế?
- Em đến từ ngang chiều - Tiếng “ngang chiều” như phảng phất một nỗi trách móc mơ hồ làm cô tự
giật mình sợ hãi.
Người con trai thắc mắc ngây thơ:
- Sao tôi không trông thấy.
Trông thấy hay không trông thấy thì có quan hệ gì. Hai người không có lý do gì thắc mắc những điều
vớ vẩn như thế. Ráng mây hồng tím của hoàng hôn ngày một sẫm lại. Con đường về làng cô đơn xa hút.
Cô gái gánh rong lên vai. Một nỗi buồn lan ghê gớm. Anh đứng ngây ra, anh chạy theo, nói như trẻ con:
- Ngày mai cô lại đến vớt rong cô nhé!
Bóng cô gái mất hút giữa đồng lúa mênh mang...
Mùa thu hoạch mía của cái nông trường lạ xa kia dần qua trong những ý nghĩ vẩn vơ của cô. Từ
hôm ấy, những ruộng mía bạt ngàn dần trơ lại gốc ứa mật. Những chiếc tắc tơ đi lại rộn ràng và nắng
gió có mùi mật đun thơm ngậy... Cô bỗng thấy thật quen cái nông trường ấy. Cho đến một buổi cái ý
nghĩ thiết tha bùng dậy trong cô không gì cưỡng lại được: cô muốn được là cô gái tóc phi dê mặc áo ca
rô đỏ ngồi trong ca bin chiếc tắc tơ mà cô trông thấy lần đầu kia. Cô nói với anh điều ấy. Quả nhiên
chẳng khó khăn gì, chỉ sau nửa tháng, cô gái mò rong không còn đến hồ mò rong nữa. Chưa phải cô đã
ngồi trong ca bin chiếc tắc tơ đỏ chói, nhưng cô đã đi theo phụ máy trên những luống cày nâu thẫm,
rạch dài đến tận chân trời. Anh thu xếp cho cô tất cả. Chu đáo và nhanh chóng. Anh có quyền, đến bây
giờ cô mới biết chính anh là giám đốc nông trường. Hình như cô có ngạc nhiên một chút. Sao anh còn
trẻ và hồn nhiên thế kia mà đã là giám đốc nông trường. Cô cứ nghĩ giám đốc phải là một người đứng
tuổi mặt khắc khổ, đeo kính trắng và mặc áo đại cán.
Những luống đất mùa cày mỗi ngày một mở ra như người ta lật qua một trang sách mới. Cô đi phụ lái
cho một chị lái tắc tơ người to lớn, tính khí như đàn ông. Chị hướng dẫn cô tận tình, và rất nghiêm khắc
mỗi khi cho cô sờ vào vòng lái. Đêm đêm cô cắp sách đến lớp học, ở đấy người ta dạy lý thuyết. Thỉnh
thoảng anh có đến lớp chơi. Ở đây là những câu chuyện chung chung về sự học tập. Như tất cả mọi
người, cô gọi anh là thủ trưởng. Hình như giữa cô với anh bây giờ cũng có một sự xa cách nào đó giữa
một nhân viên với một thủ trưởng thì phải. Cô cảm thấy e dè hơn. Cô thấy anh ngày càng nhiều nét đĩnh
đạc, đạo mạo, và hình như anh cũng không còn quá trẻ so với chức vụ như ý nghĩ ban đầu của cô nữa.
Xung quanh anh lúc nào cũng thấy có cán bộ các phòng ban xúm xít bàn luận họp hành về công việc
nông trường...
Một hôm, sau vụ thu hoạnh mía, nông trường tổ chức đại hội tổng kết và liên hoan. Người ta ăn tiệc
ban ngày, và buổi tối biểu diễn văn nghệ, tiết mục do các đội sản xuất đóng góp. Cô không nhớ là vì sao
người ta phát hiện ra cô là người có giọng, có thể hát được và bắt cô phải chuẩn bị để lên sân khấu. Hình
như là một hôm, sau buổi cày chiều, cô và chị tắc tơ ngồi trên mô đất giữa đồng, cô đã buột miệng hát.
Gió đồng lồng lộng mát rượi, những luống đất chạy bát ngát, và chiếc tắc tơ đỏ chói nằm phủ phục,
miệng cạp lên luống đất nâu. Cảm giác thanh thản đến với cô, cùng với tiếng những con dế gáy dưới lùm
cỏ thài lài xanh rượi. Cô đã hát một bài hát cổ mà cô nghe được khi còn là đứa bé tám chín tuổi. Mẹ cô ru
con bằng bài hát này. Cô thấy bài hát ấy hay kỳ lạ, nó như đi theo suốt cuộc đời cô, ở song song bên cô.
Suốt tháng năm tuổi trẻ buồn khổ của mình, chẳng mấy khi nó hiện hình trên môi cô, nhưng nó dần lắng
và tan ngấm vào từng thớ thịt trong cô. Nó không bao giờ hết, không bao giờ cạn. Cứ tan mãi, ngấm mãi
như nhựa cây chuyển vận trong lòng thớ gỗ.
Cô đã hát trong cái buổi chiều ấy, bên chị tài xế tắc tơ nghiêm khắc và khó tính. Chị ngồi im không
nói. Chị quên nắng chiều đang chạy loang loáng từng vạt vàng, tím trên cửa kính ca bin. Khi chính cô ra
mở máy chiếc tắc tơ để trở về nhà thì chị có vẻ tiếc rẻ. Chị ngồi sau vòng lái, vào số vụng về làm nó giật
cục lên, xóc nẩy hai chị em. Có lẽ chính chị tố cáo với ban tổ chức liên hoan văn nghệ về giọng hát của
cô chăng. Chỉ biết người ta đã thông báo trên quảng cáo về tiết mục của cô. Cô lo quá. Cô chỉ biết có
một bài hát ấy. Bài hát cổ nói về tình yêu. Bây giờ người ta hát những bài hát mới. Cô muốn hát một bài
mà cô đã có lần nghe, đại khái mở đầu “Đời mới, ai ơi đời mới, tuổi thanh niên như nắng xuân đang reo
cười...” Nhưng cô chưa thuộc đoạn cuối. Và cô hát nó, nghe chán lắm. Bài hát cổ - bài dân ca này chỉ
nói về tình yêu, không nói về đời mới. Nhưng tình yêu thì bao giờ cũng mới, cô nghĩ, cô tự tìm ra những
lý lẽ để yên tâm.
Trước giờ biểu diễn, cô nhìn mình trong gương ngạc nhiên như nhìn một người lạ. Một chút môi đỏ,
một chút phấn hồng, vài nét chì đen trên mày mà làm cô không nhận được ra mình. Mình có thể đẹp được
thế kia ư. Mình còn trẻ, và cuộc đời bây giờ đẹp như thế này...
Cô bước ra sân khấu. Cô chả phải cố gắng gì nhiều. Tiếng hát đã tan thấm đến tận chân tóc cô, bây
giờ tự nó bay ra. Cô đang trình diện trước mọi người, trước cuộc đời mới...
Khi cô trở lại cánh gà anh đến đón cô. Anh có gì không bình thường. Tay run lẩy bẩy nắm tay cô.
Sân biểu diễn đông quá, không ai để ý ai. Anh dắt tay cô thật là đường đột. Cô bỗng thấy anh lại trẻ và
hồn nhiên hệt như hôm đầu tiên mò rong, cô trông thấy. Anh lạ thật đấy, mỗi lúc một khác, như là biến
hoá. Sáng hôm sau, khi diễu chiếc tắc tơ qua sân nông trường bộ, cô lại thấy anh đạo mạo, già dặn
nghiêm khắc đứng bên các cán bộ phòng ban bàn công việc, hệt như mọi ngày. Anh không nhìn chiếc
tắc tơ đỏ của cô. Đêm qua xúc động quá, không nén được, anh đã nắm tay cô. Nhưng đó cũng chỉ là sự
chúc mừng thường tình đối với các diễn viên... - Cô bỗng hờn giận nghĩ. Chiếc tắc tơ đỏ leo gập ghềnh
trên mặt ruộng rồi đỗ lại. Hôm nay chị lái chính ốm, giao máy cho cô tập cày. Thực ra cũng có ít dịp cô
được tự do một mình với chiếc tắc tơ này. Đâu như đây mới chỉ là lần thứ hai, thứ ba gì đó.
Trời hôm nay ẩm lạnh. Những đám mây ướt bay rà rà trên đầu. Cô vào số rú ga thật mạnh. Những
con thiên nga đang thanh thản bơi trên hồ; giật thót mình nháo nhác bay. Những con thiên nga kia còn
nhớ cô không. Nhưng bây giờ cô không muốn biến thành một “thành viên” trong đàn thiên nga nữa đâu!
Cuộc đời tao đã khác rồi thiên nga ạ. Sự đổi mới nhanh quá phải không?
Tiếng máy trở lại đều đều êm nhẹ, làm những con thiên nga bớt sợ. Chúng lại đáp xuống mặt hồ, và
có những con thiên nga lười biếng lại rúc đầu vào trong đôi cánh trắng bông của mình mà ngủ. Một vài
con nhìn về phía chiếc tắc tơ đang trườn nhẹ. Cô đùa cợt rú ga. Những con thiên nga lại hốt hoảng và
cô phá lên cười. Tại mày thờ ơ với tao quá mà, phải làm cho mày chú ý. Thiên nga ơi, đừng thờ ơ với
tao, mày…! Nhìn tao lái máy nhé... Tao biết lái máy rồi đây này. Chiếc máy của tao đẹp quá phải
không. Và mùi hương đất trên luống cày mới lật đang thoảng bay mày biết chứ. Thiên nga, hình như
mày kiêu kỳ, mày chỉ đùa gi ỡn với mặt hồ trong sạch như thủy tinh, sao mày không bay đến đây, đậu
bên luống cày nâu thẫm của tao...
Tiếng rú máy lần thứ ba dữ dằn ghê gớm. Một luồng khói khét phun dài. Những con thiên nga kinh
hãi, cả những con lười nhác nhất cũng choàng thức vội bay. Tiếng cô cười nắc nẻ trong tiếng cánh thiên
nga xao xác. Nhưng tiếng cười tắt vội. Tiếng cánh thiên nga vẫn đập vào những vạt sương ướt lạnh lơ
lửng trên đầu. Chúng bay cao dần, và cô thật sự hoảng hốt thấy chúng mất hút sau những đám mây xám.
Những con thiên nga không quay trở lại nửa. Nó giận quá rồi. Cô ngồi tần ngần, lo sợ.
Nắng sớm vàng bệch như đồng thau đang phơi những vạt dài trên những đám mây xám. Những
tầng sương được nhuộm vàng. Những hạt sương đậu trên kính tắc tơ long lanh đang thành những hạt
cườm vì có sợi nắng vàng xâu vào. Trí óc cô đang lơ đãng. Hình như cô lơ đãng khá lâu. Máy đã
rạch được một luống cày dài. Khi cho vòng xe trở lại, cô mới chợt giật mình; anh đến từ lúc nào,
đang bước trên luống cày.
- Lái máy được như thế này rồi cơ à, giỏi quá. - Anh hỏi.
Cô vội tắt máy bước xuống, chạy lại bên anh. Cô cười, như đứa học trò đứng trước thầy giáo đang
xem bài làm của mình.
- Giỏi lắm! - Anh khen nữa. Rồi xục tay xuống đất bóp vụn những hạt phù sa mát rượi. Anh nheo mắt
ngắm. Cô vội thú thật:
- Em điều khiển máy chưa chính xác đâu, còn chệch trẹo…
Đứng giữa cánh đồng trống trải chỉ có hai người, tự nhiên cô cảm thấy lúng túng. Mọi khi anh đến
lớp học, cả bọn ba bốn đứa xúm xít, nói cười tự nhiên với anh. Cô dựa vào đấy cũng nói thoải mái như
không. Nhưng bấy giờ chỉ có hai người, thật ngượng ngập. Giữa cô với anh chưa chính thức có một sự
thông tin nào để khẳng định cái điều cô vẫn bâng khuâng mỗi lần nghĩ đến. Vẫn có một sự xa cách ghê
gớm, mặc dù đã có một vài tín hiệu xao xuyến ban đầu. Chỉ có chuyện công việc mới giúp cô trở lại tự
nhiên. Quả nhiên, vừa chắp tay lững thững ngắm luống cày, anh vừa nói, hình như cũng chỉ câu chuyện
công việc mới có khả năng cứu anh ra khỏi sự mất tự nhiên, mặc dù anh là thủ trưởng.
- Tôi xin báo cho cô một tin mới. Cô đừng ngạc nhiên. Cô đến nông trường đã được sáu tháng. Cô
học nghề tốt lắm. Nông trường vừa có quyết định gửi cô đi học một lớp tập trung của Bộ. Thời hạn một
năm. Ở đấy cô sẽ được đào tạo để trở thành một người lái máy kéo có kỹ thuật, có tay nghề cao... Cô
đồng ý chứ. Ngay tuần sau sẽ lên đường...
Cô đứng chết sững vì đột ngột, mắt nhìn anh trân trân. Trái lại, anh mỉm cười nhìn cô bình thản...
* * *
Tầu dừng ga ở Thanh Hoá nửa tiếng để làm gì không biệt. Ý Nhi vẫn nằm nghẹo đầu ngủ thiêm
thiếp, Chị xuống sân ga, sương đêm mát rượi trùm lên mái tóc. Không gian ngủ yên. Những vì sao trên
đầu cũng như đỗ lại cùng với con tàu. Lúc nãy, con tàu đi, nó chạy vút theo. Chị đi đi lại lại, người tỉnh
như sáo. Có phải ký ức chị đang hiện hình trong những ngôi sao kia. Bây giờ chắc anh đang ngủ yên.
Anh có biết em và con đang trên đường đến với anh. Sắp đến rồi, gần lắm rồi. Con tàu này hoàn toàn là
thật, không phải là giấc mơ. Vừa mới một tháng trước đây, ngay cả trong mơ, em không thể nào tưởng
tượng được sẽ có một con tàu mà em và con sẽ ngồi trong đó để đến với anh. Thế mà bây giờ, con tàu
ấy, em đang sờ tay vào thân nó đây. Con gái chúng mình đang ngủ trên ghế ấy.
Tiếng còi tầu bật lên hứng khởi trong đêm. Chị leo vội lên toa. Một nỗi sợ mơ hồ ở đâu ập đến. Nếu
chị không nhanh, con tàu sẽ bỏ chị lại đây. Chị chạy vội vào ghế. Khi con tàu rùng mình xuất phát ru nhẹ
thân chị về phía trước, nỗi sợ mơ hồ kia mới mất đi. Từ đấy chị không rời ghế tàu một giây nào nữa. Tất
cả các ga lẻ tiếp theo, chị không hề dám thò chân xuống. Chị cũng không dám chợp măt. Nếu chị ngủ
thiếp, con tàu sẽ quên chị thì sao. Chị phải thức cùng nó, và đi cùng với nó. Chị dẫn đường cho nó.
Trời đã ngả dần sang nửa sau của đêm. Những vì sao nghiêng hẳn. Có những chòm sao lúc chập tối ở
tận chân trời, đi cùng với con tàu, đã đến được đỉnh bầu trời. Nó đi về phía bên kia của bầu trời. Được
nửa đường rồi. Con đường của nó cũng giống như con đường của chị. Từ phía bên này của bầu trời đến
phía bên kia của bầu trời. Dài quá...
Trời lờ mờ sáng, cả toa chộn rộn xôn xao. Ánh điện thành phố Vinh chi chít trước mặt. Ánh điện của
thành phố đã đợi suốt một đêm. Con tàu đến rồi. Những tia nhấp nháy chói lọi của ánh điện bị loãng nhoè
dần trong bầu trời đang chuyển sang màu bụng cá.
Chị đánh thức Ý Nhi dậy, hối hả. Tàu chưa vào ga nhưng mọi người đã lấy đồ đạc đeo vai nhăm
nhăm, và nhốn nháo hồi hộp.
Nhà ga chẳng có loa thông báo, cũng chẳng có lời chào tạm biệt quý khách gì cả. Chị nhảy xuống
sân ga, và trong đầu chị cũng không còn ý nghĩ nào như những ý nghĩ ban nãy về con tàu nữa. Nó đang
nằm im kiệt sức trong ánh điện lờ mờ. Những người khách bạc bẽo trong đó có chị bỏ rơi nó, chỉ hớt
hải lo đến bến ô tô chỗ đoàn xe Sài Gòn chờ chở tiếp chuyến liên vận. Trời vẫn tối đất, chưa nhìn rõ gì
cả. Những đoàn xe Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn đỗ lẫn lộn không ra hàng dẫy. Mọi người nháo
nhác tìm xe của mình. Số ghế đã ghi trên vé liên vận. Chẳng có ai đứng ra hướng dẫn. Chỉ hành khách
hỏi lẫn nhau, ai nấy hớt hơ hớt hải. Chị lo lắng, cuống quýt thật sự. Đi đằng sau chị là một ông cán bộ
của viện khoa học xã hội vào Sài Gòn nghiên cứu chuyên đề về chủ nghĩa thực dân mới, cũng đang
nhớn nhác. Ông còn ngẩn ngơ hơn cả chị. Chị đi đâu, ông theo đấy, và luôn mồm kêu ca đòi phải góp ý
kiến cho bến xe về cung cách làm ăn. Chị chạy đến chiếc ô tô này rồi lại chạy đến chiếc ô tô khác.
Những chiếc xe Sài Gòn lạ mắt, khác hẳn xe khách miền Bắc. Lần dầu tiên chị nhìn thấy một chiếc ô tô
Sài Gòn. Dài, to, màu sơn vàng lòe sặc sỡ, đầu xe thì từng dẫy đòn hiệu xanh đỏ như đồng bóng. Ánh
đèn trong xe mờ đục. Những người “lơ” xe quần loe toé loe ra, áo thun cộc in hình kỳ quái, tóc dài như
con gái đang đứng ngoài cửa soát vé. Chị đã tìm thấy chiếc xe có số ghế của mình. Xe đường dài mà
ghế ngồi hẹp tanh vanh đan bằng sợi ni lông. Chị vừa ngồi xuống, một người lơ xe đã đến bên cạnh hỏi
có đổi tiền Bắc lấy tiền Nam không. Chị lắc đầu. Ở ghế dài cuối xe có một người lơ khác cởi trần nằm
còng queo, miệng nôn ọe. Chị ngạc nhiên quá. Các đồng nghiệp lơ xe của anh ta vẫn thản nhiên như
không có chuyện gì.
- Kia... anh ấy bị cảm, sao lại để nằm chỗ gió lùa. Cho anh ấy uống thuốc đi các anh - Chị lo lắng.
- Mặc kệ nó - Người tài xế đội mũ phớt ni lông, râu con kiến, phì phèo điếu thuốc mỉm cười - Thằng
ấy cứ nện búa vào đầu, nó cũng chả việc gì, chứ đừng nói đến gió máy.
Trời sáng hẳn, xe khỏi hành. Ba chiếc xe cùng sơn tên chủ ngoài sườn: Huỳnh Thị Lợi, chạy sát nhau.
Mấy người lơ đứng ngoài cửa luôn miệng hò hét khách đi xe đạp hai bên đường: Dô! Dô! Dô!
Ý Nhi cười khanh khách. Lần đầu tiên nó thấy cảnh ấy. Xe đi, tiếng bánh miết đằm trên đường nhựa
mới rải. Bên này là sông Lam, bên kia là rặng Hồng Lĩnh. Quãng đường nay, năm xưa chị đã từng qua
đây, trong đoàn công tác của Thành Hội phụ nữ Hà Nội - nơi cơ quan mới của chị sau sáu năm công tác ở
nông trường mía. Ngày ấy, xe đạp đi trong đêm. Hoả châu sáng quắc trời. Máy bay, bom đạn, và con
đường nát nhừ. Nhưng bây giờ nó đã lành lặn, màu nhựa xám tươi sáng trải dài trong nắng mai. Những
mốc cây số sơn trắng với hàng chữ đỏ, như người quen của khách đường dài. Năm xưa, những cột cây số
trên đường này thường ghi: Sài Gòn 1500km Sài Gòn 1300km... Những cột cây số ghi để nhắc nhở người
ta về đất nước phía Nam. 1500km... không là bao, nhưng khi ấy chẳng bao giờ đến được; những cột cây
số thành nhức nhối.
Hôm nay, những cột cây số đã thay chữ. Người ta cần đề những mốc gần, từng chặng: Đèo Ngang,
Đồng Hới... Vĩnh Linh... Không có cột cây số nào ghi chữ Sài Gòn, nhưng chuyến xe này đang trên
đường đến đó. Đến một cách dễ dàng, một cách tự nhiên. Hoàn toàn không phải trong mơ...
Trời trong veo. Những cồn cát vàng Quảng Bình lấp lánh trong nắng. Biển xanh viền sóng trắng.
Chiếc xe miết đường lao giữa đất trời lồng lộng, thảnh thơi. Ý Nhi háo hức nhìn phong cảnh lạ. Nó chỉ
trỏ, reo lên... Chị háo hức theo nó... Còn đường đến với anh là con đường xuyên suốt chiều dài kỳ diệu
của đất nước. Đất, trời, biển đẹp quá anh ơi... Con nó đang reo làm cả xe chú ý.
Ngày anh đi, em không được theo tiễn anh đến đây. Anh đi, có một mình, với nhiệm vụ nặng nề phía
trước và niềm thương nhớ sâu đậm phía sau. Anh chỉ sống với em được có dăm tháng sau ngày cưới.
Công việc lớn lao không cho phép anh nấn ná ở lại thêm ngày nào nữa. Anh đi rồi, em ngơ ngẩn hàng
năm...
Sao cuộc đời em nhiều những ngày ngơ ngẩn như trong mơ thế anh. Chưa hết nỗi ngơ ngẩn này đã đến
nỗi ngơ ngẩn kia. Còn nhớ cái ngày anh chính thức đến với em. Hôm ấy thế nào nhỉ. Hình như đang tháng
sáu, trời trong lắm, đang mùa hoa ngâu. Cây ngâu trước cửa khu nhà tập thể của chúng em ấy, hoa ghê
quá, vàng loá mắt. Mùi hoa ngâu thơm không thể nào nói được. Cây ngâu đẹp lạ lùng. Nhưng mà hôm ấy
em đang buồn. Rã rời và tuyệt vọng. Em không thiết gì nữa. Anh nhớ chứ, hôm ấy em vừa ở lớp học tập
trung của Bộ về. Em đã tốt nghiệp. Em như con chim hí hửng trở về. Vừa tới nông trường, một cái tin làm
em chết lặng: anh đã thôi không làm giám đốc nông trường! Anh đang thời kỳ bàn giao công việc, chuẩn
bị đi nhận nhiệm vụ mới. Em bàng hoàng sững sờ. Em và anh quen biết nhau một khoảng thời gian không
phải là ngắn nữa. Nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức quen thân thôi. Bây giờ anh sắp đi rồi. Em vẫn tưởng
anh sẽ ở cái nông trường thân yêu này mãi mãi, hoá ra anh cũng có thể đi. Ra đi, chắc không bao giờ trở
lại. Và như thế vĩnh viễn từ nay em không bao giờ còn được gặp anh...
Em ngẩn ngơ như người mất hồn. Nếu em khóc được, em đã khóc. Ngày xưa hồi còn ở làng, em hay
khóc lắm. Nhưng cũng lâu lắm rồi, em không khóc nữa. Hôm nay em muốn có một nơi hoàn toàn yên
ắng để thả sức với nỗi bàng hoàng đau đớn của mình.
Buổi chiều, anh đến chỗ em chơi. Nhìn anh, tự nhiên em thấy giận. Không ngờ con người như anh mà
vô tình đến thế. Tại sao anh lại bỏ nông trường đi. Thế mà cũng đòi là giám đốc. Hai năm qua anh chỉ đối
với em như người dưng nước lã, như thủ trưởng đối với nhân viên, mặc dù ánh mắt anh nhìn em khác lạ
ngay từ buổi đầu em đang lặn hụp cùng với đàn thiên nga trên hồ. Với linh cảm con gái, em tưởng có thể
nhìn suốt được những gì hiển hiện trong ánh mắt anh. Vậy mà anh sắt đá, khô khan, lạnh lẽo, kiêu kỳ. Em
vẫn chờ đợi thời gian. Em mới đến nông trường mà. Em đang bận học mà. Em đợi... Cái ngày em đợi đã
đến thì anh lại đi...
- Tôi đến để chúc mừng cô, mới tốt nghiệp trở về. Đồng thời để chào cô, tôi sắp đi - Anh nói.
Biết rồi, làm gì phải nói nữa. Sao anh cứ thích nói những câu thừa, còn những điều cần phải nói thì
không nói - Những ý nghĩ dấm dẳn, giận dỗi cứ cựa quậy trong đầu em.
Anh ngồi nghiêm uống nước. Trông anh tự nhiên già ghê quá. Anh chỉ hơn em độ chục tuổi là cùng
chứ mấy. Những nét đường bệ đạo mạo trên gương mặt. Một dáng dấp đĩnh đạc nghiêm khắc. Đột nhiên
em giật mình. Em giật mình thật sự. Và thấy sợ. Chỉ cách một sợi tóc thời gian mà ý nghĩ em đột biến
sang trạng thái khác hẳn. Hình như những gì gọi là linh cảm con gái của em hoàn toàn sai lầm thì phải.
Một người có quá khứ nặng nề như em, làm sao còn có được cái gọi là linh cảm con gái. Em nghi ngờ
em. Em phủ nhận hoàn toàn mình.
Một người như em sao dám có những đợi chờ lớn lao như thế. Em còn cái gì? Em có cái gì? Mà dám
đợi chờ. Bao nhiêu ý nghĩ nghiêm túc và lễ phép chợt trở về sắp xếp đầy đặn trong đầu em.
- Hôm nào thủ trưởng đi ạ. - Em hỏi.
Anh mỉm cười em. Hình như không có cái gì xảy ra trong đầu em mà qua được mắt anh.
- Thủ trưởng!... - Anh đay lại - Gớm, sao cô “ghẻ lạnh” tôi thế.
Em nhìn trân trân xem có nét bông đùa trên gương mặt anh không.
- Mấy tháng nữa tôi mới đi. - Anh tiếp - Trong thời gian chờ đợi, tôi nghỉ ở nông trường này.
Em thở phào. Vì cái hạn mấy tháng đó. Hình như em thấy “hồi sức” phần nào.
- Anh chuyển công tác sang đâu ạ. - Em không thể dùng chữ thủ trưởng lần thứ hai nữa.
- Tôi trở lại quân đội. Trước tôi là bộ đội.
- Anh về phụ trách nông trường được mấy năm nhỉ?
- Bốn năm. Nhanh thế đấy. Ngày tôi đến, nông trường còn là mấy nghìn mẫu ruộng hoang. Bây giờ
cơ ngơi đã đâu ra đấy.
- Bốn năm còn gì! - Em nói như một tiếng thở dài. Vậy là anh đến nông trường trước mình có hai
năm. Và mình vừa ở đây, vừa đi học cũng đã hai năm. Hai năm, như giấc mơ. Mình vẫn chưa hiểu anh ấy
là ai ngoài những điều chung nhất. Cũng như anh ấy chưa biết mình là ai, những tháng năm xưa của đời
mình thế nào...
- Sao trong thời gian nghỉ, anh không về chỗ ba má anh cho hai cụ mừng - cô bắt buộc nói một câu
đãi bôi hạng nhất.
- Ba tôi mất rồi. Má tôi ở lại miền Nam, chỉ mình tôi ra tập kết. Tôi không có ai là thân thích cả,
ngoài những người ở nông trường này.
- Ngoài những người ở nông trường này, chắc còn một người đặc biệt nào nữa chứ. - Em hỏi một câu
“lẳng lơ”. Rồi em run lên cầm cập. Không. Tại sao em lại phải tự ti, lại phải biết thân biết phận một cách
lễ phép. Quá khứ nặng nề của em là chuyện của ngày xưa. Bây giờ em đã là con người mới. Em hoàn
toàn có quyền. Em nhất quyết có quyền.
- Người đặc biệt ấy là... Em nhé, có được không? - Anh hỏi một câu tắc nghẽn trong cổ.
Một cái gì nổ bùng trong trái tim em. Tất cả đất trời như câm lặng sau tiếng nổ ấy. Nước mắt em giàn
ra không sao ngừng lại được. Nước mắt như những dòng mưa tuôn thả cửa sau những cơn giông ì ầm
trong trời đêm đen thẳm.
Anh đứng dậy, khẽ thốt gọi thì thầm. Em ngửa mặt nhìn anh qua ngọn suối nước mắt. Em không sao
cầm nín cho được. Em không hiểu tại sao mình lại thế. Hình như nước mắt thoả nỗi giận hờn. Sao bây
giờ anh mới “mở miệng” được câu ấy. Em đã chờ lâu quá. Em tưởng như không còn hi vọng nữa...
* * *
Những người đàn bà xa chồng lâu ngày thường hay sống nhiều bằng ký ức. Hình như con người chị
chia hai: một người đàn bà của hiện tại, đã đứng tuổi, miệt mài công tác và một cô gái xinh đẹp của quá
khứ, ngơ ngẩn trước một tình yêu quá đẹp đến với cô mình. Cái cô gái ngày xưa đã đợi đã mong hai năm
dòng, tình yêu mới đến, nhưng khi nó đến thì cô bỗng nhiên sợ hãi.
Cái buổi chiều kỳ diệu ấy, sau khi anh đã ra về rồi, còn lại một mình cô, cô đã ngồi lặng đi từ đấy cho
tới hết đêm. Cô yêu anh. Nếu anh bảo cô chết để chứng minh rằng cô yêu anh, cô xin vui lòng chết.
Nhưng về mặt nào đó, cô có lừa dối anh không? Anh vẫn tưởng cô là con gái trinh trắng vẹn nguyên hay
sao. Anh ơi, em không bao giờ dám lừa dối anh, nhưng em cũng không thể nào có khả năng tự nói ra điều
ấy. Giờ này em đang cực kỳ sung sướng nhưng cũng cực kỳ lo âu, đau khổ. Anh có thể cải chính cái điều
anh đã nói chiều hôm qua, khi anh phát hiện ra cái sự thật mà anh chưa biết này. Hoàn toàn em không
dám giận anh một chút nào. Em vui lòng, em tình nguyện giữ cái tình yêu đơn phương đến hết đời em.
Không bao giờ em dám ý thức, âm mưu dối lừa anh, anh hiểu cho em điều ấy.
Nắng sớm bên song cửa từng tia rọi thẳng như cố làm hong khô những giọt, nước mắt suy tư trên má
cô. Đôi môi đang run trong cơn sốt. Có ai trên đời này được yêu mà lại khổ như cô không. Giữa lúc ấy
anh đến. Ngạc nhiên, anh sững sờ:
- Em làm sao thế?
Cô giật mình bàng hoàng. Cô vịn vội vào vai anh không thì ngã mất:
- Không. Em có làm sao đâu - Cô chối đây đẩy.
- Tại sao em khóc mãi.
Cô quệt vội tay trên má, cười gượng!
- Hôm nay chúng mình đi chơi nghe em. - Anh rủ.
- Vâng! Vâng! - Cô gật đầu vội vàng.
Chiếc com măng ca quen thuộc của nông trường đậu sẵn bên lề đường, ngoài cổng. Hôm nay anh lái
lấy. Anh lên Sở nông nghiệp thành phố còn chút công việc của nông trường, cần giao dịch. Tiện thể
muốn cùng cô đi chơi.
Chiếc xe, tiếng máy nổ êm bon nhẹ trên đường sỏi. Anh lái giỏi, có bằng hẳn hoi. Nhiều lần đi công
tác anh không đem theo tài xế. Bàn tay mơn nhẹ bánh vô lăng, anh nhìn cô trong gương xe, khẽ mỉm
cười.
Cô ngồi trên băng sau, một mình. Có đến một lúc lâu, hai người không nói gì. Khoảng cách giữa ghế
tài xế và băng sau không là bao, nhưng anh cảm thấy xa chống chếnh.
- Em ngồi lên ghế trên này. - Anh nói.
Cô rón rén bước lên để lại cả khoảng xe rộng rênh đằng sau.
Đường cái quan ngoại thành ngoằn nghèo, xe lượn nghiêng theo vòng cua rất điệu. Trông anh như
người lái biểu diễn.
Con đường này qua giữa làng cô. Anh cho xe đi chầm chậm khi những mái nhà đầu tiên của làng hiện
ra trước mặt.
- Anh muốn chúng ta rẽ vào thăm gia đình em một lát. - Anh nói như một ý vụt nẩy ra trong đầu,
nhưng thực ra nó nằm trong kế hoạch của cuộc đi chơi. Cái làng nhỏ quê cô cách nông trường chỉ năm
cây số, nhưng từ xưa anh chưa có lý do để đến đấy.
Cô bàng hoàng lúng túng. Cô ậm ừ không rõ ý tứ. Cô không muốn anh đến nhà mình, đến làng quê
mình. Có một nỗi uẩn khúc! Cô muốn anh chỉ biết cô bắt đầu từ giây phút cô đến nông trường. Ước gì
cuộc đời cô không có những trang đen tối trước kia, thì giờ phút này cô hoàn toàn sung sướng thanh thản
bao nhiêu. Nhưng đời cô bắt đầu từ những trang nặng nề nhức nhối trong toà nhà ngói đại khoa cổ lỗ, đồ
sộ nơi giữa làng kia. Chiếc cổng xây hai tầng, có cánh cửa lim kia đã nuốt chửng thân hình bé bỏng của
một đứa con gái mười sáu tuổi, khóc như mưa trong cái giây phút bước chân về nhà chồng. Tiếng chó
thiến ông ổng trên sân gạch rộng mênh mông; những đồ sơn son thiếp vàng choé mắt đầy một gian nhà;
những bịch thóc lù lù như pháo đài cổ phải bắc thang mới trèo vào được. Tất cả làm con bé sợ. Ấy thế mà
chỉ một năm sau, con bé đã trở thành bà chủ bất đắc dĩ. Bố mẹ chồng thay nhau chết. Chồng học ngoài
Hà Nội. Một mình nó cai quản vườn tược ruộng nương. Nó làm, chỉ biết là làm, không hề mảy may ý
thức bà chủ. Nhà nó nghèo. Vì nó đẹp quá nên người ta lấy nó về. Tự nhiên nó rơi vào hoàn cảnh “phú
quý” này. Rồi nó có con. Cái Miên. Rồi chồng nó dắt con, bỏ nhà, đi Nam mất. Nó không kịp phản ứng
gì trước tất cả sự việc. Nó còn trẻ con quá mà.
Chỉ đến khi người gọi là chồng nó đi rồi, một mình ở lại, nó mới ngẩn ngơ suy nghĩ. Nó như đứa lạc
giữa những gian nhà: gỗ lim rộng rênh đầy bụi, những căn buồng sâu hút tối om.
Không còn đứa con bên cạnh, đêm ngủ một mình nó sợ. Tiếng chó thiến cứ ông ổng suốt đêm ngoài
sân. Hình như nó cắn để xua đi nỗi sợ của chính nó. Khu nhà hoang, suốt đêm tiếng quả rụng trên lá mục
ngoài vườn. Tiếng chồn cáo chạy loạt xoạt. Ánh lân tinh của các gốc cây mục xanh lét. Gốc cây si cổ thụ
bờ ao bảo có con mẹ ranh áo quần rách mướp hay ngồi đánh đu trên những rễ si và cho con bú. Bể chứa
nước mưa sâu hút, lá móng rồng phủ rợp, mặt nước tối đen lạnh buốt. Ngày xưa có một đứa ở khi cúi
múc nước đã ngã lộn cổ chết đuối trong đấy.
Mỗi ngày qua, khi ánh nắng vàng vọt tắt dần trên ngọn tre nghẹ xơ xác, những con cò non đầu xơ
lông gáo, co ro chui vào tổ… cò… cò... kêu rét, con bé cảm thấy buồn rứt ruột. Nó chạy vội ra cổng, hai
tay ấn cánh vội vàng. Bản lề han rít, cửa quay nặng nhọc, nó hết sức đẩy, và lúc nào cũng có cảm giác có
một kẻ nào đó đang ẩy trở lại. Điều đó làm nó sợ hết sức. Kinh hãi nhất là lúc chưa đóng được toang. Nó
phải vội vã lao toang nhiều khi lập cập kẹp cả tay...
Những bịch thóc trong vườn nhà nó, thóc để lâu quá “thành thần” đêm rên hừ hừ. Những thứ này của
ai đây, nó hoàn toàn không nghĩ là của nó. Đến con nó rứt ruột đẻ ra, mà còn bị mang tót đi trời nam bể
bắc nào, nó cũng không có quyền giữ nữa là. Nó có cái gì đâu. Nó là cái xác không hồn. Nó là hình nhân
giữ của trong những bức tường cắm mảnh chai này.
Tại sao chồng nó lại bỏ đi mà không bao giờ trở lại nữa. Suốt nửa năm giời nó cứ nghĩ mãi về điều
ấy. Ý nghĩ đóng đinh trong đầu không rứt ra được. Nó như một con ngẩn ngơ, một con điên không thể
nào hiểu được người là chồng nó lại dứt tình ra đi một cách thản nhiên như vậy. Hóa ra bao nhiêu năm
nay giữa nó và người ấy chỉ là người dưng nước lã thôi à. Tại sao chồng nó lại phải rời bỏ tất cả nhà cửa
ruộng vườn quê hương bản quán để đến một nơi biệt vô âm tín nào. Tại sao? Đất này không dung những
kẻ như chồng nó sao? Đất này không dung chồng nó hay chồng nó phụ bạc với đất này.
Những ý nghĩ lẩn quẩn làm đầu óc nó mụ ra, nhiều lúc như một kẻ lẩn thẩn. Nó nấu một bữa ăn hai.
Lợn gà trâu bò bỏ đói dài. Những ngọn cỏ gà đã mọc len trong kẽ ngạch trên sân. Lá tre khô rụng đầy
thềm không ai quét. Đồ thờ, hoành phi câu đối vàng son phủ ngập bụi...
Nếu như nửa năm đầu, đầu óc nó luẩn quẩn quanh ý nghĩ tại sao chồng ra đi, thì nửa năm sau nó chợt
phát hiện ra một lỗi lầm của mình: tại sao không giữ con Miên lại.
Ừ, tại sao? Lúc đó nó hoàn toàn có thể làm được việc đó cơ mà. Nó đem Miên giấu sang nhà mẹ đẻ
chẳng hạn. Hoặc nó ôm chặt lấy con, nhất quyết không để cho chồng dắt đi, thì làm gì nhau. Giằng co
một sống một chết, nó sẽ thắng. Con nó dứt ruột đẻ ra mà...
Nhưng lúc ấy nó khờ dại quá. Nó ngu. Nó chỉ biết gục xuống khóc. Hồn vía, trí khôn nó bay đi đâu
cả. Bây giờ thì con gái nó đã ở trời nam bể bắc nào rồi, vĩnh viễn không còn được trông thấy nữa.
Trời ơi, Miên ơi, ngồi một mình tự nhiên nó kêu lên, chạy ra sân ra vườn. Nỗi nhớ con cuống cuồng,
cào cấu làm tim nó thót nghẹn lại, có thể ngất chết. Hình như những câu thốt gọi, những cử chỉ phát điên
phát dại lung tung kia cởi bỏ cơn thót nghẹt trong tim và cứu nó hồi lại. Nó thở hổn hển quỳ gục xuống
thảm lá khô vàng trong nắng chiều. Hình như mỗi ngày nó lên cơn điên dại nhớ con một lẩn. Một hôm có
một người đàn bà vào mua lá dâu tằm, chứng kiến lên cơn đó, đã hốt hoảng bỏ chạy. Bà cho là cô chủ trẻ
trong khu nhà hoang bị ma làm...
Dăm tháng một lần ông bưu điện xã lóc cóc đạp xe đến đưa cho nó một tấm bưu thiếp cứng màu
trắng có chữ in sẵn theo mẫu cố định và chữ viết tay điền vào... Hoàng Xuân Các gửi Phan Thị Đậu...
Tờ thiếp chỉ được phép báo tin địa chỉ, và sức khỏe. Hoàn toàn không được viết thêm một dòng tâm
tình. Ông bưu điện từng làm giao thông cho du kích xưa, tóc cắt bốc, vai đeo xà cột, lúc nào trên tay cũng
cầm tờ báo, gườm gườm nhìn nó bằng ánh mắt ác cảm. Vợ của một đứa di cư, theo địch, thế mà ông lại
phải đưa thư cho cái hạng người này. Ông đưa thư đây là thư của các chiến sĩ ở xa gửi về hậu phương quê
nhà cơ! Con tem của ông là con tem mọc cánh. Ông như con chim nối liền tình nghĩa. Đâu phải cái
chuyện vớ vẩn đưa thư cho hạng theo địch. Ông cáu lắm. Mỗi lần cầm tờ bưu thiếp từ Sài Gòn gửi ra,
ông phát tởm, tưởng như có vi trùng ôn dịch trong đó.
Con bé lo sợ, mỗi lần nhìn thấy bộ mặt khó đăm đăm và đầy giận dữ của ông. Nó khép nép, rồi chùi
nước mắt. Những tấm thiếp cứng, tấm nào cũng bấy nhiêu chữ in sẵn. Nhiều lúc nó muốn soi lên ánh
nắng xem giữa những dòng chữ chung chung kia có lời nào của chồng con không.
Tấm thiếp lọ lem, đầy vết tay của các nhân viên kiểm soát. Chỉ thế thôi. Nắng không soi qua được, và
không có chút lời nào của chồng con ở đây cả…
Cho đến một ngày những tấm thiếp ấy cũng không thấy nữa. Người ta bãi bỏ lối gửi thiếp hai miền.
Bây giờ cô bé khốn khổ mới thấy những tấm thiếp dù sơ sài kia, nhưng quý biết chừng nào. Dù sao cũng
còn nhận được vài dòng tin, địa chỉ, sức khoẻ. Bây giờ thì thôi, hết! Bây giờ thì cô thấy cả ánh mắt gườm
gườm ác cảm của ông bưu điện cũng trở thành nỗi mong chờ tuyệt vọng...
Mùa đông đã đến, cây trong vườn trụi hết lá, chỉ còn những đám rêu bám trên dẫy tường hoa là còn
xanh. Những cành củi khô vỏ trắng xác run rẩy trong cơn gió bấc. Chiều chiều cô bé đi bẻ những cành
củi. Và suốt đêm, ánh lửa bập bùng lọt qua kẽ cửa bức bàn. Chỉ có một mình cô bé ngồi với đống lửa.
Ánh lửa làm cho cô bớt sợ. Tiếng chồn hoang ngoài vườn, tiếng dế khóc nỉ non trong các góc tối. Không
có ánh lửa, cô không có can đảm chịu được qua đêm.
Có một buổi tối, mẹ đẻ cô đến chơi bất chợt đẩy cửa bước vào và bắt gặp cô đang ngồi ngắm ảnh con
trong ánh lửa. Mẹ đến, cô vẫn ngồi yên đờ đẫn như không. Hình như có ánh lửa reo trong đôi mắt của
đứa trẻ trong ảnh, còn trong mắt người ngắm ảnh thì không. Bà mẹ gọi con, nhưng đứa con chỉ nhếch đôi
môi khô héo cười gượng. Bà kinh hãi nhìn con. Có cái gì trong khu nhà mênh mông này làm bà rờn rợn.
Ngay cả đứa con đang ngồi bên đống lửa kia hình như cũng là một cái gì xa lạ.
- Đậu ơi! Đậu! - Bà lay vai nó lần nữa để xác thực xem có phải là nó không.
Mà đứa con cau lại có vẻ khó chịu. Hình như bà làm rầy nó trong lúc nó đang mải nghĩ về con của
nó. Bà ngồi đây, và còn gái của bà đang ở bên cạnh. Chứ nó, đứa con gái nhỏ xinh của nó thì chỉ hiện
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text
Dong suoi hoang so text

More Related Content

What's hot

Phong lan về trời
Phong lan về trờiPhong lan về trời
Phong lan về trờiPhmVitLong1
 
Ngồi Khóc Trên Cây - Nguyễn Nhật Ánh
Ngồi Khóc Trên Cây - Nguyễn Nhật ÁnhNgồi Khóc Trên Cây - Nguyễn Nhật Ánh
Ngồi Khóc Trên Cây - Nguyễn Nhật ÁnhHuyền Trang Nguyễn
 
Khép một vầng trăng
Khép một vầng trăngKhép một vầng trăng
Khép một vầng trăngtomh
 
Mùa lá rụng trong vườn ma văn khángtruonghocso.com
Mùa lá rụng trong vườn ma văn khángtruonghocso.comMùa lá rụng trong vườn ma văn khángtruonghocso.com
Mùa lá rụng trong vườn ma văn khángtruonghocso.comThế Giới Tinh Hoa
 
Hai đứa trẻ thạch lam
Hai đứa trẻ  thạch lamHai đứa trẻ  thạch lam
Hai đứa trẻ thạch lamAddison Kyle
 
Truyện ma yểu mệnh Full - Người khăn trắng
Truyện ma yểu mệnh Full - Người khăn trắngTruyện ma yểu mệnh Full - Người khăn trắng
Truyện ma yểu mệnh Full - Người khăn trắngChang HaNa
 
Kiem hoa yen vu giang nam co long
Kiem hoa yen vu giang nam co longKiem hoa yen vu giang nam co long
Kiem hoa yen vu giang nam co longnhatthai1969
 
Nguoi dan ba buon in ca1 4chuan nhat 3
Nguoi dan ba buon in ca1 4chuan nhat 3Nguoi dan ba buon in ca1 4chuan nhat 3
Nguoi dan ba buon in ca1 4chuan nhat 3hach nguyen phan
 
Em Toi(td)
Em Toi(td)Em Toi(td)
Em Toi(td)Thuydy
 
Phong lan về trời
Phong lan về trờiPhong lan về trời
Phong lan về trờiPhmVitLong1
 
Thơ giáng sinh miền nam thời chiến
Thơ giáng sinh miền nam thời chiếnThơ giáng sinh miền nam thời chiến
Thơ giáng sinh miền nam thời chiếnHoa Bien
 
100 truyện hay mầm chồi lá theo chủ đề
100 truyện hay mầm chồi lá theo chủ đề100 truyện hay mầm chồi lá theo chủ đề
100 truyện hay mầm chồi lá theo chủ đềthuvienso24h
 

What's hot (18)

Phong lan về trời
Phong lan về trờiPhong lan về trời
Phong lan về trời
 
Ngồi Khóc Trên Cây - Nguyễn Nhật Ánh
Ngồi Khóc Trên Cây - Nguyễn Nhật ÁnhNgồi Khóc Trên Cây - Nguyễn Nhật Ánh
Ngồi Khóc Trên Cây - Nguyễn Nhật Ánh
 
Khép một vầng trăng
Khép một vầng trăngKhép một vầng trăng
Khép một vầng trăng
 
Mùa lá rụng trong vườn ma văn khángtruonghocso.com
Mùa lá rụng trong vườn ma văn khángtruonghocso.comMùa lá rụng trong vườn ma văn khángtruonghocso.com
Mùa lá rụng trong vườn ma văn khángtruonghocso.com
 
Hai đứa trẻ
Hai đứa trẻHai đứa trẻ
Hai đứa trẻ
 
Hoa cuc dai
Hoa cuc daiHoa cuc dai
Hoa cuc dai
 
Hai đứa trẻ thạch lam
Hai đứa trẻ  thạch lamHai đứa trẻ  thạch lam
Hai đứa trẻ thạch lam
 
Bat den hoa su
Bat den hoa suBat den hoa su
Bat den hoa su
 
Truyện ma yểu mệnh Full - Người khăn trắng
Truyện ma yểu mệnh Full - Người khăn trắngTruyện ma yểu mệnh Full - Người khăn trắng
Truyện ma yểu mệnh Full - Người khăn trắng
 
Kiem hoa yen vu giang nam co long
Kiem hoa yen vu giang nam co longKiem hoa yen vu giang nam co long
Kiem hoa yen vu giang nam co long
 
Abc.(1)
Abc.(1)Abc.(1)
Abc.(1)
 
Nguoi dan ba buon in ca1 4chuan nhat 3
Nguoi dan ba buon in ca1 4chuan nhat 3Nguoi dan ba buon in ca1 4chuan nhat 3
Nguoi dan ba buon in ca1 4chuan nhat 3
 
Em Toi(td)
Em Toi(td)Em Toi(td)
Em Toi(td)
 
Phong lan về trời
Phong lan về trờiPhong lan về trời
Phong lan về trời
 
Chợ quê
Chợ quêChợ quê
Chợ quê
 
Thơ giáng sinh miền nam thời chiến
Thơ giáng sinh miền nam thời chiếnThơ giáng sinh miền nam thời chiến
Thơ giáng sinh miền nam thời chiến
 
100 truyện hay mầm chồi lá theo chủ đề
100 truyện hay mầm chồi lá theo chủ đề100 truyện hay mầm chồi lá theo chủ đề
100 truyện hay mầm chồi lá theo chủ đề
 
Dac san Tra Vinh 2014 2 of 2.
Dac san Tra Vinh 2014 2 of 2.Dac san Tra Vinh 2014 2 of 2.
Dac san Tra Vinh 2014 2 of 2.
 

Similar to Dong suoi hoang so text

Nhung Nguoi Khong Dat Dung
Nhung Nguoi Khong Dat DungNhung Nguoi Khong Dat Dung
Nhung Nguoi Khong Dat Dungvan11112233
 
Mien tho au vu thu hien
Mien tho au vu thu hienMien tho au vu thu hien
Mien tho au vu thu hienPhan Book
 
Vo gia dinh
Vo gia dinhVo gia dinh
Vo gia dinhcohtran
 
Jenny phương ngày mai tôi sẽ chết
Jenny phương ngày mai tôi sẽ chếtJenny phương ngày mai tôi sẽ chết
Jenny phương ngày mai tôi sẽ chếtJenny Phương
 
Cánh đồng bất tậntruonghocso.com
Cánh đồng bất tậntruonghocso.comCánh đồng bất tậntruonghocso.com
Cánh đồng bất tậntruonghocso.comThế Giới Tinh Hoa
 
[Sách] 1001 câu chuyện cảm động 3
[Sách] 1001 câu chuyện cảm động 3[Sách] 1001 câu chuyện cảm động 3
[Sách] 1001 câu chuyện cảm động 3Đặng Phương Nam
 
Cùng xem và cảm nhận
Cùng xem và cảm nhậnCùng xem và cảm nhận
Cùng xem và cảm nhậnToan Ng
 
Anh chi yêu dấu đinh tiến luyện
Anh chi yêu dấu   đinh tiến luyệnAnh chi yêu dấu   đinh tiến luyện
Anh chi yêu dấu đinh tiến luyệnstruyen68
 
Bến tầm dương nguyễn phan hách - copy (2)
Bến tầm dương   nguyễn phan hách - copy (2)Bến tầm dương   nguyễn phan hách - copy (2)
Bến tầm dương nguyễn phan hách - copy (2)hach nguyen phan
 
Những cuộc gặp gỡ tình cờ nguyễn nhật ánh
Những cuộc gặp gỡ tình cờ   nguyễn nhật ánhNhững cuộc gặp gỡ tình cờ   nguyễn nhật ánh
Những cuộc gặp gỡ tình cờ nguyễn nhật ánhXuan Le
 
Copy of quán bên đường
Copy of quán bên đườngCopy of quán bên đường
Copy of quán bên đườnghach nguyen phan
 
Huong chay cua dong song zzz
Huong chay cua dong  song zzzHuong chay cua dong  song zzz
Huong chay cua dong song zzzhach nguyen phan
 
Jenny phương và cái giường
Jenny phương và cái giườngJenny phương và cái giường
Jenny phương và cái giườngJenny Phương
 
Jenny phương và cái giường
Jenny phương và cái giườngJenny phương và cái giường
Jenny phương và cái giườngJenny Phương
 
Chuyện Tình Ếch và Mực
Chuyện Tình Ếch và MựcChuyện Tình Ếch và Mực
Chuyện Tình Ếch và MựcPhan Phan
 

Similar to Dong suoi hoang so text (20)

Mưa xuân
Mưa xuânMưa xuân
Mưa xuân
 
Qua tang cua thien nhien
Qua tang cua thien nhienQua tang cua thien nhien
Qua tang cua thien nhien
 
Chiec luoc nga
Chiec luoc ngaChiec luoc nga
Chiec luoc nga
 
Nhung Nguoi Khong Dat Dung
Nhung Nguoi Khong Dat DungNhung Nguoi Khong Dat Dung
Nhung Nguoi Khong Dat Dung
 
Xom tro vung ven
Xom tro vung venXom tro vung ven
Xom tro vung ven
 
Mien tho au vu thu hien
Mien tho au vu thu hienMien tho au vu thu hien
Mien tho au vu thu hien
 
Vo gia dinh
Vo gia dinhVo gia dinh
Vo gia dinh
 
Jenny phương ngày mai tôi sẽ chết
Jenny phương ngày mai tôi sẽ chếtJenny phương ngày mai tôi sẽ chết
Jenny phương ngày mai tôi sẽ chết
 
Cánh đồng bất tậntruonghocso.com
Cánh đồng bất tậntruonghocso.comCánh đồng bất tậntruonghocso.com
Cánh đồng bất tậntruonghocso.com
 
[Sách] 1001 câu chuyện cảm động 3
[Sách] 1001 câu chuyện cảm động 3[Sách] 1001 câu chuyện cảm động 3
[Sách] 1001 câu chuyện cảm động 3
 
Cùng xem và cảm nhận
Cùng xem và cảm nhậnCùng xem và cảm nhận
Cùng xem và cảm nhận
 
Anh chi yêu dấu đinh tiến luyện
Anh chi yêu dấu   đinh tiến luyệnAnh chi yêu dấu   đinh tiến luyện
Anh chi yêu dấu đinh tiến luyện
 
Bến tầm dương nguyễn phan hách - copy (2)
Bến tầm dương   nguyễn phan hách - copy (2)Bến tầm dương   nguyễn phan hách - copy (2)
Bến tầm dương nguyễn phan hách - copy (2)
 
Những cuộc gặp gỡ tình cờ nguyễn nhật ánh
Những cuộc gặp gỡ tình cờ   nguyễn nhật ánhNhững cuộc gặp gỡ tình cờ   nguyễn nhật ánh
Những cuộc gặp gỡ tình cờ nguyễn nhật ánh
 
Hat giong tam_hon
Hat giong tam_honHat giong tam_hon
Hat giong tam_hon
 
Copy of quán bên đường
Copy of quán bên đườngCopy of quán bên đường
Copy of quán bên đường
 
Huong chay cua dong song zzz
Huong chay cua dong  song zzzHuong chay cua dong  song zzz
Huong chay cua dong song zzz
 
Jenny phương và cái giường
Jenny phương và cái giườngJenny phương và cái giường
Jenny phương và cái giường
 
Jenny phương và cái giường
Jenny phương và cái giườngJenny phương và cái giường
Jenny phương và cái giường
 
Chuyện Tình Ếch và Mực
Chuyện Tình Ếch và MựcChuyện Tình Ếch và Mực
Chuyện Tình Ếch và Mực
 

More from hach nguyen phan

More from hach nguyen phan (13)

Hat bui canđươcc
Hat bui canđươccHat bui canđươcc
Hat bui canđươcc
 
Chân dung nph.docyyy
Chân dung nph.docyyyChân dung nph.docyyy
Chân dung nph.docyyy
 
Daibangkimdieu
DaibangkimdieuDaibangkimdieu
Daibangkimdieu
 
Hat bui can
Hat bui canHat bui can
Hat bui can
 
Copy of nhung ngoi sao tuoi tho bong 2 (1)
Copy of nhung ngoi sao tuoi tho bong 2 (1)Copy of nhung ngoi sao tuoi tho bong 2 (1)
Copy of nhung ngoi sao tuoi tho bong 2 (1)
 
Chùm tản văn copy
Chùm tản văn   copyChùm tản văn   copy
Chùm tản văn copy
 
Cải lão hoàn đồngdùng đúng nhất
Cải lão hoàn đồngdùng đúng nhấtCải lão hoàn đồngdùng đúng nhất
Cải lão hoàn đồngdùng đúng nhất
 
Giải cứu.dozzz
Giải cứu.dozzzGiải cứu.dozzz
Giải cứu.dozzz
 
Gio noi1
Gio noi1Gio noi1
Gio noi1
 
Nhung bai van hay giup hoc sinh tham khao czzz2)
Nhung bai van hay giup hoc sinh tham khao czzz2)Nhung bai van hay giup hoc sinh tham khao czzz2)
Nhung bai van hay giup hoc sinh tham khao czzz2)
 
Ke chuyen bac ho
Ke chuyen bac ho   Ke chuyen bac ho
Ke chuyen bac ho
 
Luan van (van) chuẩn cuối cungx 2
Luan van (van) chuẩn cuối cungx 2Luan van (van) chuẩn cuối cungx 2
Luan van (van) chuẩn cuối cungx 2
 
Bắc kinh du kýchuẩn
Bắc kinh du kýchuẩnBắc kinh du kýchuẩn
Bắc kinh du kýchuẩn
 

Dong suoi hoang so text

  • 1. Dòng suối hoang sơ Tập truyện NHÀ XUẤT BẢN DÂN TRÍ NGUYỄN PHAN HÁCH Sau những cách xa hị bước vào sân ga. Những hòn sỏi trắng tinh dưới chân chị kêu lạo xạo. Chiều tháng năm, nắng trong veo, cảm giác rực rỡ tràn ngập trên mi mắt. Sân ga người đông tấp nập như thường lệ. Nhà bán vé chăng đèn kết hoa làm Ý Nhi, con chị xuýt xoa kêu đẹp. Hai mẹ con dắt tay nhau. Ý Nhi đã cao bằng mẹ. Nó thông thạo kéo chị đến “ghi sê” để tranh lấy một chỗ xếp hàng. Chị nhìn suốt lượt dẫy “ghi sê” quen thuộc. Những tấm biển nhỏ đề tên tuyến đường: Lào Cai, Lạng Sơn, Vinh, Hải Phòng... Tầu Bắc tầu Nam... những tuyến đường quen thuộc. Nhưng cái “ghi sê” chị đứng xếp hàng đây thì rất mới: Sài Gòn. Và bên kia: Huế Đà Nẵng! Sài Gòn - Huế - Đà Nẵng. Những tấm biển trông còn tưởng như trong mơ. Chị cảm thấy như có cái gì là lạ. Nhưng nó đã là thật, những người xếp hàng xô đẩy chị. Và cô bán vé đang ngồi sau “ghi sê” kia là thật, đang xé vé và thu tiền. Chị bước lên một bước đưa cho cô những giấy tờ cần thiết. Giấy phép, giấy gì gì nữa, một xấp. Cô bán vé đọc nhanh. Rồi cô đưa cho chị hai tấm vé liên vận màu vàng, mỏng như tờ Pơ-luya nhỏ. Chị bước ra khỏi phòng bán vé tìm một chiếc ghế đá ngồi. Tấm vé nắm chặt trong tay chị, với cảm giác dịu dàng áp sát làn da. Nắng tháng năm trong vắt. Con gái chị đang nâng tấm vé của nó soi lên trong nắng. Hình bản đồ Việt Nam cong mềm mại. Rồi là những dòng chữ, những con số. Vé liên vận Hà Nội - Sài Gòn. Mộtdòng chữ thản nhiên, rất thản nhiên. Chị đọc và cảm thấy thế. Nhưng rồi chị bật cười. Ồ, đâu có phải chuyện mơ ngủ, mình rõ lẩn thẩn. Ý Nhi bóc cho chị một chiếc bánh chưng lấy trong túi xắc. Những chiếc bánh chưng hai mẹ con gói lấy, chuẩn bị cho cuộc hành trình đường dài. Ý Nhi ăn rất ngon, nó đói. Nhưng chị dửng dưng, ngang dạ quá. C
  • 2. Nắng chiều vẫn vàng óng và ngày càng trong lại. Chị ngồi yên nhìn ngắm những người đang tiến vào cửa “ghi sê” mua vé. Tay họ cũng đón nhận những tấm vé màu vàng như chị. Và ánh mắt họ cũng có gì sững sờ ngẩn ngơ như chị. Năm giờ chiều hôm sau chuyến tầu của chị mới khởi hành. Chị trở lại sân ga sau một ngày một đêm nghỉ tạm ở nhà người quen trong phố. Buổi chiều, vẫn nắng như chiều hôm qua. Không có ai đưa tiễn mẹ con chị. Ý Nhi nhanh nhẹn lắm, nó dắt mẹ ra ke, rồi cũng chính nó phát hiện ra con tầu nào là con tầu liên vận Bắc Nam. Hai mẹ con chị tìm chỗ của mình. Chị ngồi áp cửa sổ, vì thích nhìn phong cảnh bên ngoài. Sân ga đông nghẹt người đưa tiễn nhau. Tiếng loa điện đều đều nhắc nhở nội qui cho hành khách. Con tầu đang sửa soạn một cuộc đi bình thường mà lại không bình thường. Có lẽ nó là một trong những chuyến liên vận đầu tiên chở khách Hà Nội vào Sài Gòn. Chị sắp xếp hành lý để lên gác cho gọn, trong ấy có một cân kẹo ngon, một cân đường kính. Không biết có ai bảo chị là Sài Gòn hiếm hai thứ đó. Chị đem vào làm quà. Nắng chiều nhạt dần trên khung cửa sổ kính dầy. Con tầu từ từ chạy, sau một hồi còi tạm biệt. Nó đi giữa những bàn tay vẫy. Và bánh xe của nó bắt đầu chạy đua với bánh xe mặt trời hoàng hôn. Cánh cửa kính nơi chị ngồi ngập tràn một mầu hồng tím. Những cánh đồng ngoại ô mờ mờ trong sương khói. Trong toa người ta đã bật đèn. Ánh điện bóng mờ ấm cúng. Những người khách ngồi cùng ghế vẫn chưa hết câu chuyện làm quen nhau. Chả gì thì họ cũng sẽ cùng đi một chặng đường dài. Chị để ý toa chị ngồi phần lớn là những cán bộ được cử đi làm công tác ở nơi mới giải phóng. Những người miền Nam tập kết, trở về quê. Còn những người đi thăm chồng con như chị không nhiều lắm. Trong toa những giọng nói Nam pha Bắc nhiều hơn. Người ta nói chuyện về thành phố Sài Gòn mà người ta đã từng ở cách đây hai mươi năm, hoặc ngược lại chưa một lần đặt chân đến. Trong đầu chị cũng đang hình dung về cái thành phố ấy. Và chị cứ cảm thấy một cái gì pha trộn giữa sự mơ hồ chưa thật với sự chắc chắn có thật: cuối chặng đường này là chị đến nơi đó. Chị và con gái chị sẽ gặp lại người thân yêu nhất của đời mình. Ý Nhi đi đi lại lại trong toa vẻ háo hức. Nó mua tờ báo lẻ bán rong của ông bán báo bẻm mép, môi trơn như bôi mỡ. Con tàu càng chạy càng êm ru. Tất cả lắc lư trong nhịp rung của nó. Những câu chuyện cũng dịu dần. Chị ngồi tựa tay vào thành toa. Sương trên mặt mát rượi. - Giờ vào gặp bố, mẹ có nhớ mặt không - Ý Nhi nhìn chị hỏi. Chị mỉm cười với nó. Nhưng hình như chị còn mỉm cười với một cái gì đang tràn ngập trong óc chị. - Bố đi bao nhiêu năm mẹ nhỉ?... Chị vuốt tóc nó: - Con bao nhiêu tuổi, bố đi bấy nhiều năm. * * * Đậu dắt bé Miên bước vào cổng làng Ngăm đạo. Hai mẹ con tìm nhớn nhác. Cả cái làng đang biến thành cái chợ. Người và đồ đạc đầy đường. Xe “cam nhông” nhà binh bóp còi gắt gỏng trên sân nhà thờ. Cha đạo mặc áo chùng đen, chạy đi chạy lại. - Giê-su-ma lạy chúa! Thà tôi vứt đi còn hơn bán rẻ thế - Một người đàn ông mặt méo xệch, kêu trời.
  • 3. - Thì thôi vậy!... Những người làng Ngăm lương tràn sang mua đồ, tấp nập mặc cả. Tủ chè cánh cong, khảm trai, sập gụ, độc bình, nồi đồng, đồng hồ quả lắc, bát đĩa sứ Giang Tây. Và trâu bò, lợn gà, thóc lúa. Nghĩa là có cái gì bán được, thì bán tất. Những người đàn ông chủ nhà uống rượu mắt đỏ nọc uất hận nhìn của cải của mình được trả giá rẻ như bèo. Nhưng cũng phải bán... Được đồng nào hay đồng ấy. Không bán thì vất đi. Ngay cái nhà ngói tày đình, sân gạch, tường hoa, bể cạn này còn phải vứt đi nữa là đồ đạc. Những người đàn bà cổ đeo dây chuyền tượng Chúa, mắt đỏ hoe, miệng vẫn phải ngọt nhạt, khéo mời khách. Tiếng chuông nhà thờ thỉnh thoảng lại gióng lên sốt ruột. Choang! Một chiếc đồng hồ báo thức bị đập tan trên đường gạch. Đậu ngơ ngác nhìn. Người chủ nhà tóc rối bù dáng điệu căm tức muốn xông vào đánh người mua hàng. Đồng hồ của anh bị trả giá không bằng số tiền lau dầu nó. Chiếc “cam nhông” nhà binh ởsân nhà thờ chuyển bánh. Đậu lao vội tới. Trên xe toàn lính dõng đội mũ bẹp tai. Cha đạo đeo kính trắng ngồi trong ca bin. - Ôi cha đi rồi! Cha đi rồi! - Người ta kêu lên nhốn nháo, đổ xô lại. Chiếc xe cứ lặng lẽ tiến ra cổng làng, lên đường đê. Người ta càng vội vàng cuống quít, như điên. Những gia đình đã thu dọn xong, bất đầu gồng gánh lên đường. Chồng gánh bao tải, vợ gánh quang thúng, con đèo tay nải. Những đứa trẻ mở mắt tròn xoe nhìn nhà mình lần cuối cùng. - Chúa vào Nam, Chúa bỏ chúng con - Tiếng một bà cụ già khản đặc, lặp đi lặp lại đều đều. Bà cụ rách mướp, đi lăng quăng như con ăn mày, chiếc thập ác đen xỉn lòng thòng ngoài yếm. Tiếng chuông nhà thờ lại gióng lên như điên. Nắng đã tròn bóng. Đậu dắt con tìm hết chỗ này chỗ kia vẫn không thấy Các - chồng Đậu đâu. Cái Miên mệt quá, ngồi bệt xuống, không chịu đi nữa. Đậu lôi nó xềnh xệch. Đậu vào nhà thờ. Đậu sang tu viện. Những cô gái đồng trinh áo dài đen, cổ trắng, trông giống nhaunhư đúc, mỗi người một chiếc tay nải khoác vai, đang lững thững bước ra khu “cấm cung” của mình. Đậu không gặp một người quen nào để hỏi tin chồng. Đói, mệt, thất vọng, Đậu mếu máo, đi bơ vơ giữa đám người đang gồng gánh tiến ra cổng làng. - Ối, ối! Cháy nhà! Cháy nhà! - Có tiếng kêu trong ngõ. Quả có lửa cháy thật. Mới đầu nhỏ rồi bùng lên to. Nhưng tất cả dửng dưng không ai để ý. Một người chủ điên khùng nào đó đã đốt nhà trước khi ra đi. Thì không đốt cũng bỏ mà... Đậu đứng chặn ở cổng làng. Cô tỉnh táo hẳn lên vì nghĩ ra kế ấy. Đứng đây sẽ thấy Các. Ngoài cái cổng này, Các đi lối nào?... Dòng người lũ lượt qua trước mặt Đậu. Trẻ con khóc như ri. Các ông bà già cũng khóc như trẻ con. Tiếng chuông vẫn cứ gióng lên sốt ruột. Tưởng như tiếng chuông đang xua đuổi tất cả ra khỏi cái làng này. Chừng nào ra đến người cuối cùng nó mới thôi. Người đã đi nườm nượp nhưng vẫn chưa được bao nhiêu. Số lớn vẫn chưa bán được đồ. Những người mua dửng dưng lạnh lùng. Các chủ nhà nài nẫm van xin. Không còn thì giờ nữa rồi. Nội từ giờ đến mai, mọi người phải có mặt ở ga đểlên tàu Hải Phòng. Đậu đứng đã mỏi chân. Và mắt Đậu nhìn cũng đã mỏi. Những người gồng gánh lếch thếch như bơi trong bụi. Ai cũng giống ai. Đậu ngồi xuống rã rời. Chợt Đậu chồm lên như có điện giật: Anh Các! Anh Các ơi!
  • 4. Đậu gọi và lao lại như con điên. Nhưng người ấy ngạc nhiên nhìn Đậu. Vợ anh ta chạy vội lên hỏi: “Cái gì đấy”. Đậu thẹn thùng xin lỗi mình nhầm. Không ai cười cả, tất cả dửng dưng như không. Nắng chiều đã ngả vàng. Nhìn ra con đường về làng, đồng lúa xa hút, Đậu bật khóc nức nở, con Miên khóc theo mẹ. Nhưng rồi Đậu lại nín ngay ráo hoảnh. Chiếc cam nhông cuối cùng chở lính dõng và các chức sắc xứ đạo đã đi khỏi. Cũng vẫn không có chồng Đậu trên xe ấy. Tại sao mình lại nghĩ là anh ấy bỏ vợ con, theo những người công giáo này vào Nam - Đậu tự hỏi. Đậu đứng như người vô hồn, không biết làm gì nữa. Nắng nhạt dần trên cánh đồng xa vắng. Cái Miên khóc đòi về. Đậu để mặc cho nó kéo mình đi ngược dòng người. * * * … Ngọn đèn dầu vàng khè chiếu qua khe cửa bức dèm. Đậu ngồi một mình. Con Miên suốt một ngày theo mẹ mệt quá, đã ngủ. Đêm tháng tám trong vắt, trời sao chi chít. Gió nhẹ lào xào trong bóng lá. Cây vườn về đêm thoảng mùi vỏ tươi ứa nhựa và lá dập. Đậu không sao ngủ được. Cô như đứng trên lửa như ngồi trên than. Nồi cơm ủ gio nóng trong bếp đã ôi nguội. Đậu nhìn trời sao, muốn bật khóc mà không khóc được. Một mình bóng Đậu lờ mờ trên sân, tóc thấm sương ướt rượt. Chỉ có con cún lặng lẽ theo Đậu. Nó không yên tâm, mắt cứ nhìn trộm, thấy Đậu đi đâu là len lén đến gần. Hình như nó biết một cái gì đó. Tiếng chuông bên làng Ngăm đạo thỉnh thoảng lại gióng một hồi đến sợ. Càng đêm, tiếng chuông càng vang xa. Có tiếng động đâu đó ngoài ngõ. Con chó cún bật dậy. Nhưng nó phản ứng cũng không nhanh bằng Đậu. Đậu lao vút ra ngoài. Rồi giữa đêm thanh vắng, tiếng Đậu oà khóc. - Nín đi nào, làm gì thế - Tiếng Các dịu dàng. Các bước vào quầng sáng vàng khè trong nhà. Dáng cao lớn đĩnh đạc. Gương mặt thoáng vẻ hốc hác, lo lắng, trầm tư. - Anh đi đâu, em tưởng anh bỏ mẹ con em đi rồi - Đậu lại nức nở. - Làm cái gì thế - Các gắt khẽ - Ầm cả nhà lên nào. - Anh ơi, anh ăn cơm nhé - Đậu nhìn chồng đắm đuối. Rồi Đậu chạy vù xuống bếp bưng nồi, xắp bát. Đậu lập cập, thật nhanh, tưởng như trong thời gian mình ở dưới bếp thì Các lại biến đi đâu mất và vĩnh viễn Đậu không còn gặp được nữa. Cả hai người cùng đói nhưng cơm nuốt như trấu. Đậu ngồi sát Các, vai chạm vào nhau. Có thế Đậu mới có cảm giác yên tâm. - Bên Ngăm đạo giờ này họ đi hết chưa nhỉ? - Chưa hết. - Hình như ngày mai Việt Minh họ đã về thì phải.
  • 5. - Ai bảo em thế? - Ngày hôm nay em đã thấy thấp thoáng mấy ông cán bộ quần áo gụ, tóc cắt bốc, thắt lưng phùng lựu đạn, vai đeo túi dết quấn khăn bông trắng. Họ có cơ sởbí mật ở ngay trong làng này. Các thần mặt đặt bát. - Sao anh đi đâu suốt cả ngày thế. - Đậu hỏi - Làm em hết hồn. - À đi loanh quanh... - Làng ta khối người cũng theo dân Ngăm đạo đi rồi. Chi chòm nhà ông Lý Bản, Chánh Vạn... - Ừ… - Anh không đi chứ anh Các? - Đi đâu? - Đi Nam. - … - Anh không bỏ mẹ con em chứ - Đậu lại mếu máo. - Thôi đừng nói nữa, sốt ruột lắm. Để anh yên tâm một tý. Các đứng dậy. Đêm đã khuya lắm. Đậu vứt mâm bát ra hè không rửa, rồi lại chạy vào. - Nhà mình có khâu cờ không anh? - Cờ gì? - Cờ đỏ sao vàngấy. Cả làng họ khâu cả. Để treo cửa nhà đón quân ta về. - Có khâu chứ. - Không có vải đỏ, vải vàng. - Thì em tìm loanh quanh xem. - Hay nhà mình lấy mảnh nhiễu điều vẫn phủ trên khung ảnh thầy? - Cũng được. Đậu trèo lên giường thờ gỡ tấm nhiễu đầy bụi. Nó còn mới, đỏ rực. Các đứng trơ trơ nhìn ảnh bố trong giá gương trơ trụi. - Anh Các ơi, hôm nay bên Ngăm đạo họ bán các thứ rẻ quá. Sao anh không mua lấy cái đồng hồ quả lắc. Các bật cười: - Mua! Bán! Đang lúc sống dở chết dở này thì mua với bán làm gì... Đậu chăm chăm nhìn Các, Đậu lại thấy một cái gì buồn lo sau câu nói của chồng. - Thôi khuya rồi đấy, ngủ đi - Các giục. Đậu rón rén ngoan ngoãn lên giường bên đứa con gái đang thiêm thiếp say. Giường bên, Các cũng nằm yên hút thuốc lá. Mùi khói Cô táp quen thuộc. Đậu ôm chặt đứa con vào lòng nhưng vẫn cảm thấy cái gì chông chếnh như đang bị trôi dạt trên giường. Lặng lẽ bỏ con nằm một mình, Đậu sang với Các: - Ngủ đi anh, sao thức khuya thế.
  • 6. Điếu thuốc lập loè soi gương mặt hai ngươi. - Em trông thấy Việt Minh mặc quần áo gụ, đeo túi dết quấn khăn mặt bông à? - Vâng, sao hở anh? - Không, chẳng sao cả... * * * Những chiếc xe nhà binh chật lèn lính chạy suốt đêm qua đường phố trước cửa nhà hắn. Những tên lính trẻ súng ống mới tinh, và mặt ỉu xìu. Đêm qua toàn xe lính “Quốc gia”. Đêm nay là lính da đen rạch mặt, lính lê dương mũi lõ. Tin đồn lan tràn là mặt trận bị nguy kịch. Hà Nội đang xôn xao. Xe hiến binh Pháp phóng lồng lộn trên các ngả đường. Hè phố đêm xao xác hẳn đi. Nhiều tiệm hàng đóng cửa. Hắn đút tay túi quần lững thững đi xuống Bờ Hồ. Tiếng rao kem của trẻ con, tiếng gõ hàng xựctắc, tiếng rao dẻo kẹo của ông hàng chả nhái. Hắn đi, nhìn ngắm vẩn vơ. Rẽ vào một quán cà phê, hắn ngồi cạnh hai tên sĩ quan Pháp. Chúng đang nói chuyện với nhau về Điện Biên Phủ, về Giơnevơ một cách lo lắng. Hắn cũng lo lắng theo... Trở về nhà, hắn ngả xoài trên đi văng mệt mỏi. Căn phòng rộng, bề bộn sách vở và quần áo chưa giặt. Hắn thấy không thiết gì học hành nữa, đẩy chồng sách sang bên tư lự. Rồi vô tình mắt hắn đọng lại trên mấy bông hồng bạch cắm trong bình. Những bông hồng trắng của Điệp đem đến. Hôm nào Điệp cũng đem hoa hồng bạch, nõn nà, trong trắng, tinh khiết. Hắn cười gằn mỉa mai. Điệp ví mình như hoa hồng bạch kia ư? Mùi son phấn của Điệp như còn vương trong căn phòng này. Hắn thấy sợ, vội vã mở tung cửa. Rồi hắn ước ao từ nay không phải là Điệp mà là một cô nữ sinh trung học bẽn lẽn thẹn thùng nào đấy sẽ là khách của căn phòng phòng này. Hắn sẽ làm những bài thơ viết trên giấy tẩm nước hoa tặng cho cô bé ấy vào một chiều thứ năm hay thứ sáu nào đó. Thứ năm hay thứ sáu, chứ thứ bẩy chủ nhật thì không được. Chủ nhật, người vợ trẻ xinh đẹp mười tám tuổi và đảm đang sẽ đem theo đứa con gái nhỏ đáng yêu của hắn, từ ngoại thành vào. Vợ hắn sẽ nấu cho hắn những niêu cơm gạo tám xoan thơm lừng, để ăn với thịt gà mái ghẹ, trứng gà lứa so, cùng hoa quả mùa nào thức nấy. Vợ hắn sẽ giặt cho hắn tất cả quần áo trong tuần thay ra để đấy. Sẽ quét đi tất cả những rác bụi trong nhà “để dành” cũng đã một tuần. Xong đâu đấy, vợ hắn lại trở về quê ngoài ngoại thành tất bật, vội vàng. Để trông nom toà nhà ngói đại khoa đồ sộ ở quê, trông nom vườn cây ăn quả mênh mông và những mẫu ruộng thừa tự. Không có cô gái quê mười tám tuổi ấy, hắn biết lấy ai quản lý tài sản cho mình. So với những đứa bạn ở Hà Nội, hắn cảm thấy ngượng ngùng vì có vợ con quá sớm. Chúng vẫn chế hắn là bố trẻ con. Chúng toan coi hắn là người ngoại thành nhà quê nhưng phải vội thay đổi ý kiến vì hắn ăn chơi còn trội hơn cả thanh niên chính hiệu ở đây. Hắn lại có của để ăn chơi. Người dong dỏng khôi ngô, thanh lịch. Gương mặt hắn biết biểu lộ vẻ suy tư cảm xúc khi cần thiết, cũng như khi cần thể hiện sự thác loạn, ngông cuồng. Hắn khôn khéo. Hắn biết yêu vợ yêu con bằng thứ tình yêu đậm đà mộc mạc theo kiểu dân quê. Mẹ hắn không còn. Người vợ quê làm nhiệm vụ của người mẹ với hắn. Hắn thấy sự chăm sóc chiều chuộng của vợ có chút gì giống sự chăm sóc chiều chuộng của người mẹ với đứa con. Hắn thấy mình nhỏ dại, lòng se lại... Con gái hắn xinh đẹp và giống bố lạ lùng. Hắn yêu con như tất cả những người bố khác. Nhưng tất cả những yêu thương ấy không làm ảnh hưởng gì đến những cuộc tình với Tuyết, với Dung, với Điệp v.v...
  • 7. Đúng ra mà nói nếu hắn “trong trắng”, không có vợ con ở quê thì vẫn hơn. Vì như thế hắn có quyền mơ ước là chồng của những tiểu thư Hàng Bồ, là rể của những “phu nhân” cổ đeo năm bẩy dây chuyền kim cương hạt xoàn. Hắn mơ ước thành “quan” luật sư, “quan” Đốc tờ, có biệt thự, tên đề trên biển đồng ngoài cổng, có con sen mũm mĩm hầu hạ, có thư ký đánh máy ngoài văn phòng, có vợ đứng chủ tiệm buôn Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Đào... Nhưng cuộc đời hắn chưa chi đã “định hình”. Mười sáu tuổi hắn đã là chồng của một con bé đẹp nhất làng, do bố mẹ cưới cho. Bố mẹ hắn chết nhanh quá, liên tục theo nhau mà chết sau khi đã tìm được người “cai quản” gia tài và “nuôi nấng” hắn. Con bé ấy con nhà quê, gia tài nó chỉ là sắc đẹp, nhưng nó đảm đang một cách bản năng. Mười sáu tuổi nó đã đứng chủ gia đình “nuôi chồng” tiếp tục ăn học. Hắn biết ơn nó. Tình và nghĩa, và ơn. Đời hắn vẫn có thể có biệt thự, có thư ký đánh máy, có con sen mũm mĩm, nhưng chẳng bao giờ có được vợ là tiểu thư Hàng Đào! Cái gì sẽ thay thế điều đó. Những cuộc tình với Tuyết, với Dung, với Điệp bù lại cho sự thiệt thòi ấy. Để hắn biết hương vị tình yêu của những người con gái Hà Nội thanh lịch. Hắn không đám nghĩ nhiều về tương lai vì “con đường học vấn” còn xa lắc. Phải biết tạm bằng lòng với những cái đã có, đang có... Buổi trưa, tan học trở về, hắn đang gò người đạp xe cùng đám bạn ngổ ngáo đuổi theo mấy tà áo dài của nữ sinh trường bên cạnh thì giật thót. Nơi ngã tư, cảnh sát chăng dây tóm ngực tất cả thanh niên qua đường. Các con giời trốn không kịp bị dồn từng xô từng xốc vào một chỗ. Chính phủ có lệnh động viên, bắt lính. Hắn cũng bị thộp ngực đẩy lên xe cam nhông. Nhưng hắn thản nhiên, khác hẳn những cậu ấm khóc thút thít. Nơi trụ sở bắt lính, người ta thả hắn ra vì hắn còn là học trò. Những con giời khác thì bị gắn số lính liền. Chà, bọn hèn nghĩ đến chuyện phải đi đánh nhau với Việt Minh, sợ xanh mặt. Bố mẹ vợ con đứng vòng trong vòng ngoài sân trụ sở nhốn nháo vẫy gọi làm như chúng bị bắt đi đày không bằng! Hắn khoái trí ngông nghênh đi giữa các “cậu ấm” chuyên tán gái, trói gà không chặt, mà bây giờ sắp phải đi đánh nhau với Việt Minh. Mong Việt Minh “xơi” tiệt chúng mày đi - Hắn nghĩ - cho đáng đời! Chiều hôm ấy, trở về nhà, hắn đang ngồi ghiền cà phê thì có tiếng xe díp phanh két ngoài cửa. Một chàng thiếu uý trẻ măng lon ngù lấp lánh đẩy cửa bước vào. Hắn ngờ ngợ. Cặp mắt màu đồng thau của chàng thiếu úy mở to. - A, Hải - hắn reo. Thằng bạn cũng ôm chầm lấy hắn. - Ôi, trông lạ quá, oai quá. Như ông đại tướng hoá ra là mày - Hắn trầm trồ. - Tao sắp sửa dẫn lính ra trận đây. Tao đã tốt nghiệp khoá sĩ quan cấp tốc. Tình hình mặt trận nguy lắm mày ạ. Hắn vẫn ngây người ngắm sự oai phong của thằng bạn. Súng lục giắt mông. Giầy nhà binh cao cổ. Mũ sĩ quan lấp lánh. - Đăng lính đi mày. Có bằng cấp vào học sĩ quan liền. Ôi thời thế này mà mày vẫn còn bình thản ngồi nhai sách vở như mọt nhai gỗ...
  • 8. Thằng bạn đưa hắn lên xe phóng chơi khắp nhà lũ bạn trai gái cùng trường. Ở mỗi nhà ra, trên xe lại thêm một đứa. Tới đêm thì xe đầy nhóc. Toàn những đứa thân nhau. Và đủ cặp. Mỗi đứa khoác tay một em. Chúng đổ vào hiệu. Chàng sĩ quan chiêu đãi. Chúng ăn uống hò hét điên loạn. Ôi, hắn bỗng thấy khao khát cuộc đời võ nghiệp. Oai hùng quá. Áo chàng đỏ tựa ráng pha, ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in. Nhưng rồi hắn vẫn không bỏ học vào trường võ bị. Lon ngù, mũ sĩ quan, gậy chỉ huy, súng lục và xe zíp hấp dẫn thật nhưng hắn vẫn mộng biển đồng khắc tên ngoài biệt thự, con sen mũm mĩm, thư ký đánh máy ngoài văn phòng hơn... * * * Hắn đi lang thang trên hè phố. Cả Hà Nội như đang nổ tung ra. Những đường phố náo động. Xe nhà binh chạy như điên. Những gương mặt ngơ ngác mất hồn. Hắn không đứng đâu ngồi đâu yên một lúc. Mấy hôm nay hắn quên cả cơm. Nỗi lo làm bụng hắn ngưng lại. Thỉnh thoảng hắn mới tạt vào hiệu làm cốc cà phê hay bát phở. Những đứa trẻ bán báo rao rối rít trước mặt hắn. Những tít báo đập vào mắt, dòng chữ to đen kịt và cứ thế in hằn vào óc lồ lộ. Hắn nhắm mắt ngủ nhưng những dòng chữ vẩn cứ chong chong trong đầu. Không sao chạy trốn được khỏi những dòng chữ. Hà Nội sẽ thành thủ đô của Việt Minh. Hiệp nghị Giơnevơ đã ký kết. Sông Bến Hải, con sông Gianh thứ hai của lịch sử... Quân đội Pháp, và các lực lượng chính phủ Quốc Gia tập kết ở phía Nam vĩ tuyến 17... Hắn chạy đến nhà những thằng bạn. Gia đình chúng đang gói ghém chuẩn bị di cư vào Nam. Chúng hỏi hắn có đi không. Hắn trả lời: không biết! Không biết… Những thằng bạn ngạc nhiên. Tại sao lại không biết? Ở lại với Việt Minh à. Cũng được thôi, nhưng nhớ phải “đóng thuế ” đấy nhé. Những thằng bạn nói. Mày ngủ trong một cái màn của mày trong nhà. Và hàng tháng phải “đóng thuế”, ngủ màn. - Tại sao thế? - Hắn ngơ ngác hỏi. - Không biết, Việt Minh nó thế - Những thằng bạn bịa láo. - Thế thì tao đạp cho rách mẹ cái màn ra. - Rách thì hỏng màn của mày. Và muỗi sẽkhiêng mày đi. - Tao đã đóng thuế ngủ màn thì Việt Minh phải bảo đảm cho tao là muỗi không đốt chứ... Ở nhà một thằng bạn khác hắn lại được nghe một chuyện khác: Ở lại miền Bắc tất cả sẽ sống tập đoàn. Ruộng đất, nhà cửa ở quê của mày - Thằng bạn reo lên phát hiện - sẽ bị sung công hết. À mày sẽ là địa chủ, bị đấu tố. Quần áo sẽ nhuộm gụ hết, đi dép cao su đen… - Ai bảo mày thế? - Người ta nói thế. Việt Minh là những người nghèo. Cách thức của họ thế. Hắn giật mình nghĩ đến những người đi Việt Minh ở nhà quê hắn. Phần lớn là những người nghèo khổ thật. Nhà tranh vách đất, không ruộng nương. Bây giờ những người ấy thắng, tất nhiên họ phải ghét những người nhà giàu. Những thằng bạn nói có lý chăng? Nhưng còn cái chuyện thuế nằm màn, nghe có vẻ bịa láo thế nào. Bịa láo hay không hắn không biết, nhưng hắn đã từng chứng kiến cảnh Việt Minh đi thu thuế. Dạo ấy kỳ nghỉ hè, hắn về làng. Làng hắn lập tề, Việt Minh phải đi lưu vong sang xã khác. Nhưng đêm đêm Việt Minh vẫn về làng. Một đêm hắn đang ngủ thì hoảng hốt vùng dậy vì ánh đèn pin
  • 9. bấm chói mắt. Vợ hắn cũng choàng dậy, nhưng bình tĩnh hơn. Vợ hắn châm đèn, hắn nhìn thấy bốn năm người Việt Minh lựu đạn quanh lưng, tay chống gậy, vai đeo súng đứng đầy cửa nhà. Vợ hắn mời Việt Minh ngồi xuống ghế. Họ toàn mặc quần áo gụ, tóc cắt bốc. Trông ai nấy đều đĩnh đạc, đàng hoàng, tươi tỉnh. Trống ngực hắn đánh thình thình, hoảng hồn vì tưởng mình bị bắt. Nhưng không, Việt Minh nhìn hắn mỉm cười. Hóa ra hôm nay Việt Minh đi thu thuế nông nghiệp. Nhà hắn có mười mẫu ruộng cấy một vụ. Vợ hắn nộp thuế bằng tiền. Việt Minh rút cây bút máy Alavơ ra viết cho một cái biên lai có đóng dấu Ủy ban kháng chiến hành chính xã. Hắn đút túi áo tấm biên lai định đem ra Hà Nội cho mọi người xem bút tích của Việt Minh. Nhưng vợ hắn giật lấy đốt ngay. Vợ hắn sợ lính dõng ở đây biết, họ sẽ bắt vì tội đóng thuế cho Việt Minh... Gia đình những thằng bạn hắn đem đồ ra cửa nhà bán. Khắp Hà Nội đâu đâu cũng thấy bán đồ đạc. Chợ giời Hoà Bình, ngã năm Bà Triệu ngằm ngập những đồ. Những thằng bạn hắn có đứa đã đi mua vé máy bay. Hắn cũng ra phòng vé đứng nhìn. Mua hay không mua. Xe của Ủy ban Quốc tế giám sát di cư cắm cờ lạ chạy đi chạy lại. Những thùng thư riêng của Ủy ban đặt ở khắp nơi. Ai cũng có thể gửi thư khiếu nại về việc có bị cưỡng bức di cư hoặc bị ngăn cản di cư hay không. Hắn đến sân bay Gia Lâm. Những chuyến máy bay nặng nề cất cánh đem theo người rời bỏ quê hương. Hắn vẫy những đứa bạn của mình, và trở về ngẩn ngơ. Hà Nội với hắn phút chốc như không còn nghĩa lý gì nữa. Hà Nội lạ xa, không hồn cốt, vô duyên. Suốt đêm suốt ngày hắn nằm co trong nhà. Nằm mãi chán ngó đầu ra ngắm cảnh đường phố, rồi hắn lại mò ra phòng bán vé máy bay. Tay hắn đã đặt vào ví tiền, và hắn đã tiến sát “ghi sê”. Không hiểu sao một cái gì lại cản bước hắn lại. Hắn né sang bên nhường cho người sau tiến lên. Rồi những người khác chen bật hắn ra ngoài. Ở xứ Sài Gòn, nơi đậu cánh của những chuyến máy bay kia, ai sẽ nuôi hắn ăn học. Gia tài mẹ cha hắn để lại, nhà cửa, vườn cây ruộng đất vứt tót đi ư. Đứa con gái xinh đẹp giống hắn như đúc sẽ bơ vơ không bố được ư? Cái gì đang chờ hắn ở Sài Gòn? Chẳng có cái gì rõ ràng cả. Nếu hắn đem được nhà cửa ruộng vườn lên những chiếc máy bay kia thì chẳng phải tính toán gì. Hắn sẽ đi ngay chuyến ngày mai... * * * Đậu ôm lấy chồng với đôi vòng tay như rắn quấn mà ngủ. Hình như cả ngày mệt quá, Đậu đã ngủ một giấc say. Nhưng chính giữa giấc, Đậu lại mơ hồ cảm thấy đôi tay mình bị trôi dạt chống chếnh. Đậu quờ quào chơi vơi. Và tỉnh phắt dậy. Khoảng giường bên sườn Đậu rộng rênh. Ngọn đèn vặn nhỏ toả bóng mờ mờ trong nhà. Các đang ngồi một mình bên bàn nước, mùi thuốc Cô Táp thơm sực đêm khuya. Đậu chạy vội lại: - Anh làm sao thế? - Ngủ đi, dậy làm gì. - Các nhếch môi. Nhưng Đậu thở dài ngồi xuống ghế bên cạnh. Đêm yên ắng, tiếng sương tụ thành hạt từ ngọn rơi xuống tàu lá chuối rất nhẹ bên cửa sổ. Tiếng dế kêu trong tầng lá ải mục ngoài vườn. Những kèo cột soi kẻ những đố diềm trạm trổ, những hoành phi câu đối của tòa nhà ngói đại khoa trong ánh đèn mờ trông có gì uy nghiêm đường bệ.
  • 10. - Đậu ơi, em có lo không - Các bỗng hỏi. - Lo gì? - Việt Minh họ sẽ lấy nhà lấy ruộng của mình, bắt anh đi lao động cải tạo. - Ai bảo anh thế. - Người ta nói thế. - Em thì em nghĩ chả nên lo gì. Việt Minh là người mình cơ mà. Tại sao lại sợ Việt Minh. Tây hay Tầu là giống khác nên mới sợ chứ. Tây nó đi càn, đốt nhà giết người, Việt Minh đánh Tây, thế mà anh lại sợ Việt Minh? - Đúng thế. Anh sợ Việt Minh. Tây nó đi càn đốt nhà giết người, anh lại không sợ. - Có anh điên! Hoà bình ai cũng thích. Từ nay không còn loạn lạc, Việt Minh sẽ về, Việt Minh là dân mình, mặc quần áo gụ, sống như dân, khác gì… - Thế sao bên Ngăm đạo lại bỏ làng đi Nam cả. - Họ bảo Chúa vào Nam, họ phải vào theo. Vớ vẩn! Cả làng nó điên. Ngày xưa nó chống Việt Minh, nên giờ mới sợ... - Nếu anh cũng đi Nam, em ở nhà một mình có được không? Anh đi, bao giờ bình yên, anh lại về… Đậu ngồi chết lặng đi. Một nỗi thất vọng rã rời tan vào khắp cơ thể. Đậu không nói được câu nào, cổ họng nấc cụt, mắt nhìn trơ trơ. - Đậu ạ, anh đã tính đủ đường rồi, anh phải đi. Các bạn anh ngoài Hà Nội đã đi hết cả rồi. Hôm nay cả ngày lang thang bên Ngăm đạo anh càng thấy anh không thể ở nhà. Bên ấy họ đi từ ông cụ đạo đến người quét nhà thờ. Ông Phán Nghiêm bên ấy, bạn với thầy nhà ta ngày xưa, nhà ông ấy vài chục mẫu ruộng, nhà tây hai tầng, cũng bỏ đấy mà đi. Ông ấy bảo anh vào Nam chính phủ sẽ trợ cấp mọi khoản cho dân di cư, vì dân di cư trung thành với chính phủ. Người Mỹ rồi sẽ thay người Pháp, sẽ gánh hết, bao hết miền Nam. Ở với Việt Minh, bắt rận trong áo trấn thủ của bộ đội kháng chiến ra mà ăn à. Nói thật với em, ở Hà Nội, anh đã nhiều lần định mua vé máy bay rồi. Nhưng anh nghĩ đến em và con, lại lộn về quê xem xét tình hình thế nào, và bàn bạc với em. Giờ này anh chẳng có ai để trông cậy hỏi han ngoài em. Ông Phán Nghiêm nói nhà ta dứt khoát sẽ là địa chủ. Anh lại là dân ở phố phường, là trí thức, Việt Minh họ ghét lắm. Họ sẽ bắt anh đi tăng gia sản xuất. Còn em, em vốn là con nhà nghèo, bố mẹ hiền lành, em mới là vợ anh vài năm nay, sẽ không việc gì. Ông Phán Nghiêm nói ở Thái Nguyên, những nhà địa chủ, con dâu có quyền cắt đứt với nhà chồng. Chẳng hạn như em sau này có thể tuyên bố cắt đứt anh, rồi lấy chồng khác. Đậu ngồi như cái xác không hồn nghe Các rỉ rả, thì thào. Các càng nói, Đậu càng thấy tình thế vô phương cứu chữa, cuộc đời tan vỡ không gì níu lại được. - Anh đi, sẽ mang theo cái Miên. Có nó tức là có em bên cạnh anh. - Giời ơi… - Đậu òa khóc cắt đứt lời Các. - Khẽ chứ, không có đêm khuya hàng xóm lại nghe thấy... - Ối giời ơi... sao tôi khổ thế này hở giời... - Ở nhà còn ruộng, còn vườn, còn đồ đạc, thóc lúa trâu bò, em có thể sống đàng hoàng. Nhưng hai bố con anh, chỉ mấy tiếng đồng hồ trên máy bay là đã ở chốn đất khách quê người, hai bàn tay trắng lấy gì
  • 11. sinh sống. Bây giờ không có thì giờ để đắn đo, để khóc lóc nữa. Phải lo ngay bây giờ... Từ giờ đến sáng phải xong xuôỉ mọi thứ. Trong ngày mai bố con anh phải ra ga để về Hà Nội mua vé máy bay, không thì muộn... - Trời ơi... anh không đi đâu cả, con Miên cũng không đi đâu cả - Đậu rền rĩ. - Gấp lắm… Tiền vàng anh phải đem đi hết, em giúp anh sửa soạn. Các đứng dậy. Hòm xiểng, bàn tủ được lục tung ra. Đậu làm theo như cái máy. Đậu rên rỉ, tay này bới ra thì tay kia xếp vào. Đậu đã hoàn toàn bấn loạn. Cái đáng đem đi thì Đậu lại để lại. Cái đáng để lại, lại đem đi. Các nhanh nhẹn, bình tĩnh xếp đặt. Những chiếc nhẫn “bagiê”, nhẫn chỉ, nhẫn mặt đá, vòng xuyến, dây chuyền của mẹ Các để lại. Những xấp tiền bán thóc các vụ trước bó đầy một bó, quấn trong cái bao sồi. Đôi hoa nụ thông Đậu đang đeo trên tai, Các cũng gỡ ra. Mấy chiếc nhẫn trên tay Đậu chặt quá, Các phải xát xà phòng cho trơn mới tháo được. Khi tất cả của cải đã được xếp gọn ghẽ vào chiếc va li da, khi con Miên đã ngủ dậy đang ngơ ngác hỏi bố vì thấy mình được mặc quần áo mới, thì Đậu hoàn toàn quẫn trí. Tuy vậy Đậu vẫn nhớ ra là phải đi làm cơm. Đậu thịt hai con gà và bắc chõ xôi. Nhóm củi xong Đậu bỏ đấy, hớt hải đi tìm Các làm như vừa mới phát hiện ra điều gì: - Anh ơi anh đi thật sao - Câu hỏi của Đậu ngớ ngẩn nhưng lại thản nhiên như không. Rồi lát sau như sực nhớ ra, Đậu lại chạy lên hốt hoảng: - Cái Miên cùng đi với anh à? Các đẩy Đậu xuống bếp. Nồi luộc gà trào nước tắt hết lửa! Xôi thì không lên hơi. Đậu nhóm lại lửa: - Miên ơi, xuống đây với mẹ, con ở nhà với mẹ nhá - Đậu nài nỉ. - Ứ ự con đi cơ - Miên phản ứng. Nó vẫn tưởng như mọi lần được ra Hà Nội với bố, được đi chơi thoả thích, ăn kem dừa kem nho, ăn dầu cháo quẩy, bánh cao lâu và được bố mua cho con thỏ sắt biết gõ trống… Ứ ự… con đi cơ… - Nó bỏ mẹ chạy lên với bố. Đậu nhìn theo nó, nước mắt lại ròng ròng. Đậu không phản ứng được gì trước cái tình thế khủng khiếp đang từ từ đến với Đậu này. Bản tính nhẫn nhục, thụ động, tất cả chỉ biết theo chồng, từ xưa Đậu không có một chút xíu khả năng phản kháng nào trước người chồng kiêm ông chủ. Các đã nói gì làm gì, Đậu chỉ biết tuân theo. Lúc thì Đậu là người vợ, lúc là thiếp, lúc là nàng hầu, lúc là quản gia, lúc là đứa ở... Bữa cơm, xôi chín không đều. Vì miết gio nồi đáy không kỹ, hơi phì ra. Nhưng không ai nói gì. Đậu ngồi ăn cũng không biết mình đang nhai gì trong miệng. Nắng sớm màu hồng tươi ngoài sân. Con gà sống đứng trên bờ tường hoa gáy te te. Gió sớm mát rượi lao xao trong vườn cây ăn quả trước nhà. Mít, na, táo, hồng xiêm, cam, chanh, bưởi... Tháng tám, hồng đang chín đỏ, cam đã mọng, bưởi hết the. Vườn cây gợi cảnh sống thôn dã êm đềm, thanh bình quá. Đúng là đã thanh bình, Đậu nghĩ, vừa mới mấy tháng trước đây, moóc-chi-ê còn bắn veo véo qua nóc nhà, ban đêm hai mẹ con vẫn run cầm cập nép vào nhau trong chiếc hầm. Những cót thóc bằng xi măng làm ra vườn tránh bom tránh cháy vẫn còn đấy. Vườn cây kia bọn lính dõng trong làng ngày nào chúng chẳng đảo qua. Ăn chán rồi chúng đút đầy hai túi quần đem về. Làm gì được chúng, bọn cướp ngày ấy.
  • 12. Nhưng bây giờ thì chúng đã cút. Bom đạn cũng hết rồi. Đậu muốn sửa sang lại khu vườn ấy. Nó đẹp quá. Mùa này lá vàng rải xuống như thảm, và những quả hồng trên cành đỏ chói lên. Đậu muốn trông thấy cảnh hai bố con cái Miên dắt nhau nô trong vườn ấy. Đậu thèm cảnh đó quá. Chồng Đậu mải mê học hành, vui thú ngoài Hà Nội, chẳng mấy khi về. Có về thì lại nhớn nhác vừa sợ Việt Minh, vừa sợ lính dõng, chỉ hôm trước hôm sau đã lại vội vã vào nội thành. Chỉ mẹ con Đậu ở lại khu nhà mênh mông này. Đêm đêm tiếng chồn cáo đuổi nhau trong vườn, chân chạy loạt xoạt trên thảm lá khô. Cò về làm tổ trên dặng tre nghẹ rậm rạp cao vút như thành. Tiếng cò non đói mồi kêu đến xót ruột trong những buổi chiều đông xám lạnh. Hai mẹ con Đậu nhóm củi trong bếp ngồi sưởi. Ngọn lửa làm bạn và xua đi những nỗi sợ của sự hoang vắng. Cái Miên gọi bố, chị cũng gọi theo. Hai mẹ con ôm nhau. Nhà vắng hơi người đàn ông lạnh lẽo lạ lùng. Bây giờ thanh bình rồi, Đậu hi vọng Các sẽ đàng hoàng về quê trong những ngày nghỉ ngày lễ. Ai ngờ, thanh bình mà Các lại bỏ đi như thế này... Các buông bát bước ra hè, giật thót. Trên nền tre xanh biếc cửa nhà ai đã treo một lá cờ đỏ sao vàng tươi rói, bay phấp phới. Mặt Các tái đi, chân tay luýnh quýnh. - Miên ơi, mau lên con - Các giục đứa bé đang gặm dở chiếc còng gà. Đứa bé ló ra cửa thấy lá cờ, vỗ tay reo: - A! Đẹp quá! Đẹp quá! Các xách va li lên tay: - Thôi em cứ ở nhà, đừng đưa tiễn anh. Làm ra vẻ bình thường như mọi lần, anh về quê rồi lại trở ra Hà Nội. Cấm không được khóc lóc rên rỉ. Có thể Việt Minh họ đã kiểm soát vùng này rồi. Đậu ngã khuỵu trước cửa hè rồi chồm lên như con điên, ôm lấy cái Miên. - Trời ơi... anh đừng đi... đừng đi... - Em yêu nín đi. Bình tĩnh lại nào. Anh đi, khi nào yên hàn anh lại về... - Miên ơi con đừng đi... - Đậu vẫn cuống quýt. Các tát vào má Đậu, rít sẽ: - Em định giết anh đấy à. Hãy bình thường, làm như không có chuyện gì. - Các bóp tay Đậu lúc đó đã mềm như cẳng dưa héo. - Em thương anh, nghe lời anh nào. Đậu bị Các dìu vào trong nhà. Rồi Các đi đóng cửa, khoá lại, chỉ để một lối nhỏ qua cửa buồng: - Em cứ ở yên trong ấy... Thôi anh và con đi nhé. Các dắt tay Miên vội vã ra cổng. Tới đầu sân, Các còn nghe thấy tiếng nức trong nhà: - Ơi Miên ơi... con ơi... Mẹ chết đây này. * * * Phòng chờ ngoài sân bay nhốn nháo không khác gì cái chợ. Những uỷ viên giám sát di cư người ngoại quốc, khoanh tay uể oải đi lại ngoài hiên. Tiếng loa điện oang oang nhưng không át được tiếng ồn ào. Tiếng động cơ máy bay rít ngoài đường băng nuốt chửng tất cả. Tay xách va li, tay lôi đứa con gái nhỏ, hắn chen lấn qua đám đông. Đầu bù tóc rối, quần áo xộc xệch, mắt đỏ nọc, trông hắn kiên quyết và
  • 13. dữ tợn. Đứa con gái oãi lại, khóc như mưa gió. Với linh tính kỳ diệu của trẻ thơ, nó biết một cái gì ghê gớm đang đến với nó. Nó hối hận thì đã muộn rồi. Lẽ ra nó không được để bố đem nó đến đây. - Bố ơi, đi về đi… Về với mẹ cơ… - Im ngay - Hắn quát. Một người nước ngoài đưa mắt lạnh lùng nhìn đứa bé rồi nhún vai. Hắn đứng sát vào hàng rào sắt. Trước mặt hắn là hai lá cờ tam tài và ba sọc rủ bóng. Hắn cảm thấy yên tâm, mắt hắn dịu lại, và gương mặt đỡ phần lo lắng. - Bố ơi, bố đi thì đi nhưng con về với mẹ cơ - Đứa bé lại khóc - Lúc nãy nó đòi cả hai bố con cùng về, nhưng bây giờ yêu cầu của nó có khác. Trước tình thế khẩn cấp này, với bản năng tự nhiên, nó thấy phải tự cứu lấy bản thân mình trước đã. Khả năng của nó có hạn. Đành phải xa rời cái gì ngoài tầm tay nó. Hắn nhìn xuống con, sống mũi cay cay. Hắn cảm thấy mình bị chính con mình bỏ rơi. Hắn tủi thân và tức giận. - Hãy để con bé ở lại theo yêu cầu của nó anh ạ - Một giọng phụ nữ bỗng cất lên sau lưng. Hắn ngạc nhiên ngoảnh cổ lại. Một người đàn bà xinh đẹp; dắt đứa con giai nhỏ mặt mũi khôi ngô, nghiêm trang nhìn hắn. Hắn buồn cười: - Thế sao chị và thằng bé này không ở lại. - Tôi đem cháu ra tiễn bố nó thôi. - Thế sao chị không bảo bố nó ở lại - Tự nhiên hắn sinh giọng ngang ngang cà khịa. - À, chỉ nên bảo những người đáng ở lại hãy ởlại. Còn những người không đáng ở lại thì hoài hơi - Người đàn bà nói giọng thản nhiên. - Thế chồng chị là loại người không đáng ở lại ư? - Đúng, cũng giống như anh. Người đàn bà hơi bĩu môi, ánh mắt rất sắc soi rọi như nhìn suốt, như ước lượng và đánh giá toàn bộ giá trị của hắn. Hắn hơi chột dạ, lúng túng nhìn quanh. - Nếu anh để cháu lại, chị ở đâu, tôi sẽ đưa về giúp tận nhà. - Không! Không! - Hắn lắc đầu quầy quậy. Hắn thấy hoảng sợ, muốn trốn tránh người đàn bà này. Nhưng đứa con gái hắn thì lại sà ngay đến với người đàn bà lạ: - Bố ơi, con ở lại với cô cơ. Rồi mẹ sẽ đến đón con. - Nó nài nỉ run rẩy. Hắn càng hốt hoảng nắm chặt lấy tay con. Con gái hắn run bần bật, hình như nó cảm thấy đây là những giờ phút ngàn năm có một, nó phải tự cứu lấy mình. Hồi hộp đến cực điểm, nó rên lên một cách yếu ớt: “Con van bố... con van bố”. Một tay nó đã níu lấy vạt áo người đàn bà, con tay kia chìa ra chới với. Thằng bé con người đàn bà vội nắm lấy. - Còn đủ thì giờ, anh có thể lại phòng bưu điện sân bay đánh điện cho vợ anh đến đây, hoặc đến nhà tôi 46B Hàng Bông, để đón cháu. Hắn bàng hoàng đứng ngây ra. Con gái hắn xua đuổi:
  • 14. - Bố đi đi... Bố đi đi... Chân hắn suýt khuỵu xuống. Tiếng động cơ máy bay khởi động ầm vang ngoài đường băng làm ruột hắn rối lại. Tiếng loa điện oang oang đọc số vé của hắn. Dữ tợn như một con cọp, hắn chồm lại, thộp áo, xách cổ con gái hắn lên khỏi tay hai mẹ con người đàn bà. Hắn ấn con gái hắn ngã dụi qua cửa sắt, rồi đẩy nó trôi tuột lại phía cầu thang máy bay... * * * Đêm đen óng ánh. Giữa đồng chỉ thấy một không gian đen khảm những vì sao bạc. Con tàu như trôi trong không gian. Chị cảm thấy thế. Càng đêm nó càng chạy êm nhẹ. Hành khách trong toa ngủ gà ngủ gật tay ôm khư khư gói đồ. Ý Nhi tung tăng được một lúc, ngả người dọc ghế gối đầu vào lòng mẹ ngủ. Tay chị nâng đầu con, không thì nó ngã tuột xuống sàn mất. Chị tì má vào thành cửa sổ nhìn đêm. Chị tưởng như mình đang bay trong không gian đen. Con tàu thỉnh thoảng lại hú lên một hồi còi đánh tiếng, như sợ giữa mênh mông, nó bị lãng quên... Tầu tốc hành, mỗi ga chỉ dừng lại chốc lát. Những người bán quà rong đêm khuya ghé vào các cửa sổ rao hàng. Bánh chưng nóng đây. Bánh chưng nóng... Trứng vịt luộc... Ai nước đi... Những tiếng rao đêm đem cái ấm cúng xôn xao vào trong các toa sau chặng đường cô đơn giữa đồng vắng đêm khuya. Chị uống một cốc nước vối nóng cho ấm bụng. Xót ruột quá. Đi đường ăn uống thất thường mà. Chị không sao ngủ được. Mắt cứ chong chong. Giá ngủ thì đỡ mệt... Con tàu rùng mình rồi lại trôi đi. Ánh điện ấm cúng cửa nhà ga nhòe dần rồi chỉ còn là chấm sáng li ti... Loa phát thanh trên tàu mở chương trình ngâm thơ đêm khuya. Giữa tiếng hú dài của không gian lạnh lẽo, tiếng ngâm thơ cất lên hay lạ. Như rót vào tai. Nhưng chỉ giọng người ngâm là hay thôi. Còn những câu thơ nghe chung chung quá. Giọng ngâm thì sâu lắng mà những lời thơ thì hời hợt, chả làm chị xúc động tí nào. Cũng may chương trình thơ chỉ ít phút nếu không chị sẽ chán. Chị thích yên lặng trong nhịp ru của con tầu, ngồi ngắm không gian. Những vì sao cũng đang chạy theo con tầu ríu rít. Ga Nam Định đèn sáng rực. Nhưng con tầu cũng vội vã đi ngay. Nó sợ không kịp một cái gì. Nó rời bỏ ánh điện tấp nập một cách lạnh lùng. Nhưng lòng chị thì luyến tiếc. Chị ngoái nhìn mãi những quầng sáng càng xa càng trở thành lung linh huyền ảo... Ý Nhi xoay đi xoay lại đầu trong lòng mẹ. Tay chị vuốt ve mặt con. Mặt nó trong sáng quá. Những ngón tay chị nâng cằm nó và trong đêm khuya, những ý nghĩ của chị cứ vẩn vơ. Đang từ cái nọ nhảy sang cái kia chả đâu vào với đâu. Ý Nhi nhắm mắt thiêm thiếp. Trông mặt nó lúc ngủ càng đẹp lạ. Hình như nó giống chị. Chị rờ sẽ lên làn da trắng mịn như tờ giấy mỏng. Chị cũng không hiểu sao lại có thể trắng mịn được đến như thế này... Chị ngạc nhiên. Nhưng, làm sao mình lại ngạc nhiên. Chị tự hỏi. Nó giống mình mà, nhưng tại sao mình lại đẹp - Chị lại tự hỏi - hồi trẻ ấy... Chị bỗng thấy ngẩn ngơ tiếc thời trẻ. Tuổi trẻ của mình phí hoài. Và ngu độn. Nếu mà mình được như cái Ý Nhi bây giờ. Cái Ý Nhi sướng quá, đời nó sẽ khác hẳn đời mẹ. Hình như nó đẹp hơn cả mẹ. Bởi đôi mắt, mắt nó giống bố. Đôi mắt to trong, thoạt nhìn đã dễ thương. Đôi mắt hồn nhiên và lúc nào cũng cứ nháy lên những tia reo vui… Chị đã gặp “nguyên mẫu” của đôi mắt này trong một buổi chiều hoàn toàn ngẫu nhiên. Cuộc đời thật lạ, cho đến bây giờ chị vẫn sẩm nẩm nghĩ, như ngạc nhiên, như khó hiểu về sự tình cờ kia, sự tình cờ - đã
  • 15. quyết định toàn bộ cuộc đời chị. Nhưng có phải đơn thuần là sự tình cờ không, hay có sự sắp đặt vô hình nào đó, sự tất nhiên, quy luật nào đó. - Chị tự cãi lại mình. Và lại mỉm cười. Chị không giải đáp được, và cũng không cần giải đáp. Chị chỉ biết có một buổi chiều kỳ lạ, một buổi chiều đã quyết định cuộc đời chị. Mười mấy năm rồi, nhưng cái buổi chiều ấy vẫn mới lạ như ngày hôm qua hôm kia gì đấy. Chị chả quên chi tiết nào. Chị nhớ kỹ những sợi nắng hôm ấy vàng óng xiên ngang như tơ cuộn. Những sợi tơ xiên xuống làn nước trong vắt mặt hồ làm ửng vàng những tầng rong đuôi mèo ngập chìm trong nước. Có một người con gái đang lặn hụp trong làn nước xanh pha nắng vàng ấy. Quần áo bết sát người, cơ thể xinh đẹp của cô hằn lên lồ lộ. Nhưng cô gái không một lần ngắm mình. Cô không để ý, cô đang bận với những ngọn rong đuôi mèo như những nhành hoa xanh quấn vào tay cô. Cô cúi, cằm chạm vào mặt nước, nước mơn man ve vuốt, nước pha nắng vàng óng ánh. Cô đã vớt được lưng quang rong rồi. Một mình cô với nước hồ yên lặng. Hôm nay, lần đầu tiên, cô đi bộ năm cây số từ nhà đến đây vớt rong. Người ta mách hồ này có nhiều rong lắm. Và có những con ngỗng giời thật đẹp. Những con thiên nga bơi hàng đàn trên hồ và hình như cũng đang hụp mò những ngọn rong non. Những chiếc cổ dài trắng muốt, đang chúi xuống mải mê. Cô cũng giống đàn thiên nga kia, cũng mò rong. Những con thiên nga tuyệt đẹp nhẹ tênh nhởn nhơ trên mặt nước. Chắc là đời nó vui. Cô gái cũng chỉ mong được như những con thiên nga kia thôi. Nhởn nhơ, nhẹ tênh, trên mặt nước. Nhưng đời cô đâu có được thế. Nếu cô có thế biến thành một con thiên nga kia thì nhất định cô đã biến. Cô sẽ ở lại với mặt hồ, sẽ vỗ cánh bay. Không bao giờ trở lại nhà nữa. Nhưng mà nào cô có biến thành con thiên nga kia được. Cô vẫn cứ là cô đang cặm cụi vớt rong đây. Những ngọn rong ở dưới nước xoè cánh rất đẹp nhưng mò lên chẳng còn đẹp tí gì. Cô ấn chúng vào quang. Cô dí bẹp chúng. Càng bẹp, càng chứa được nhiều. Những con thiên nga nhởn nhơ, còn cô thì cắm cúi. Cô khoả tay làm đứt tất cả những cuộn tơ nắng. Cô chẳng thiết gì chúng. Cô cúi gằm sát mặt nước. Bỗng cô cảm thấy như có một ánh mắt đang nhìn sau lưng mình. Ngoảnh lên, quả nhiên thật. Một người con trai ở đâu đến, anh có vẻ như đang làm một việc gì đó bên những ruộng mía nông trường bạt ngàn bên hồ. Anh quan sát, anh đo chiều dài vòng rộng của một cây mía, anh bới đất dưới gốc và bẻ một tàu lá mía. Nhưng anh đã nhìn cô. Nhìn rất nhiều. Cô cảm thấy thế. Người con trai cất giọng làm quen, một giọng miền Nam pha tiếng Bắc: - Cô mò rong của nông trường chúng tôi đấy nhé. Không cho đâu. Cô thấy vui vui cãi lại: - Nông trường anh trồng rong à. Anh và cô cùng cười. Cô cảm thấy anh dễ làm quen quá. Ánh mắt anh to, trong, hồn nhiên và cứ nháy lên những tia reo vui. Những cây mía tím sau lưng anh lào xào lay động. Anh vịn tay vào những cây mía, phấn trắng bong ra quệt những vệt trên má anh. Có tiếng xình xịch của một chiếc tắc tơ vọng lại. Tắc tơ kéo moóc đầy mía đi qua bờ hồ. Từ trong ca bin một cái đầu phi dê với vai áo ca rô đỏ thò ra: - Chào thủ trưởng! - Không biết cô gái ấy chào hay là reo, hay là đùa. - Mía của đội 4 đây phỏng, khá không! - Anh hỏi. Cô gái nói to át tiếng tắc tơ: - Không biết có khá hay không, nhưng bảo đảm là hơn các đội khác. Chiếc tắc tơ rú máy trườn đi. Anh chạy vội theo nói với:
  • 16. - Hãy “đãi khách” vài cây làm quà đi. Chiếc tắc tơ đỗ lại, máy vẫn rung xình xịch. Cô tài xế bật cánh ca bin bước ra, thò tay lên moóc, kéo hai cây mía tím cười đưa cho anh! Mái tóc phi dê và gương mặt sáng như trăng rằm ấy lại khuất sau cánh ca bin. Và lần này, chiếc tắc tơ xình xịch đi hẳn... Anh cầm hai cây mía tím phấn trắng bong ra đầy tay, gọi cô gái vớt rong: - Cô ơi đừng làm khách, nếm thử mía của nông trường chúng tôi nhé. Hãy nghỉ tay đã… Cô gái đang ấn những ngọn rong vào quang. Nắng chiều reo trên bộ quần áo ướt dính sát người. Cô mỉm cười. Cô thấy người con trai kia sao tự nhiên thế. Anh bẻ gẫy cây mía giòn khấc trong tay và đưa cho cô. Ánh mắt anh to, cứ nháy lên những tia reo vui làm cô có cảm giác như anh đã quen cô lâu lắm rồi. Nắng chiều thoáng mùi mật đun thơm ngậy từ xưởng chế biến đường của nông trường bay ra. Mùi thơm đọng luẩn quẩn trong nếp quần áo ướt đầm của cô... Buổi tối, cô ngồi một mình ngoài hè. Những gợn gió làm ánh trăng run rẩy trên người cô. Những gợn gió như mơ hồ có tiếng lào xào của lá mía. Một ánh mắt to trong và cứ nháy lên những tia reo vui. Cô gái mỉm cười. Cô bước lững thững. Ánh trăng đẫm trên quần áo cô như ánh nắng ban chiều đã đẫm trên quần áo cô. Người con gái lái tắc tơ ấy trẻ và đẹp quá. Mặt sáng như trăng và cô ấy reo “chào thủ trưởng...”. Đời cô ấy chắc toàn những niềm vui, đời cô ấy trắng trong. Hai ngày sau cô gái lại xuống hồ nông trường mò rong một lần nữa. Cô bỗng thấy mong mong. Mong cái gì nhỉ, tự nhiên cô buồn cười mình. Nhưng mà cô cứ mong mong. Những con thiên nga thanh thản nhẹ tênh trên hồ, nhưng cô thì lặng lẽ nặng nề. Một nỗi buồn lan giống như gợnsóng giữa hồ. Ngực cô chìm trong làn nước. Và làn nước nghe thấy tiếng tim cô đập một cách tức tưởi. Mắt cô ngóng về con đường sỏi đỏ dẫn tới nông trường bộ. Những chiếc tắc tơ đỏ chở mía đi đi lại lại. Mùi mật đun thơm lựng... Khi nắng chiều đang cuộn lại những tia vàng cháy, cô mới nhấc gánh rong nặng như chì lên vai. Con đường về làng trở thành khó khăn, xa hút. Bỗng mấu đòn gánh trên cổ quang tuột phựt vì một lý do: cô nghe thấy tiếng chân anh đang chạy theo vội vã. Những ngọn rong đuôi mèo tung tóe. Cô không quay lại, cứ cúi gằm nhặt những ngọn rong. Một nỗi giận dỗi. Bước chân anh tới gần. Trời sắp ngả sang ráng mây hồng tím, sắp tối rồi. Cô muốn anh thấy cái hình ảnh thản nhiên của mình. Người con trai chưa quen mà như quen kia kêu lên: - Ấy chết, cô đánh đổ hết rồi. Cô giả vờ giật mình quay lại: - Anh đi đâu đấy?... - Người con trai hỏi - Cô đến vớt rong lúc nào thế? - Em đến từ ngang chiều - Tiếng “ngang chiều” như phảng phất một nỗi trách móc mơ hồ làm cô tự giật mình sợ hãi. Người con trai thắc mắc ngây thơ: - Sao tôi không trông thấy.
  • 17. Trông thấy hay không trông thấy thì có quan hệ gì. Hai người không có lý do gì thắc mắc những điều vớ vẩn như thế. Ráng mây hồng tím của hoàng hôn ngày một sẫm lại. Con đường về làng cô đơn xa hút. Cô gái gánh rong lên vai. Một nỗi buồn lan ghê gớm. Anh đứng ngây ra, anh chạy theo, nói như trẻ con: - Ngày mai cô lại đến vớt rong cô nhé! Bóng cô gái mất hút giữa đồng lúa mênh mang... Mùa thu hoạch mía của cái nông trường lạ xa kia dần qua trong những ý nghĩ vẩn vơ của cô. Từ hôm ấy, những ruộng mía bạt ngàn dần trơ lại gốc ứa mật. Những chiếc tắc tơ đi lại rộn ràng và nắng gió có mùi mật đun thơm ngậy... Cô bỗng thấy thật quen cái nông trường ấy. Cho đến một buổi cái ý nghĩ thiết tha bùng dậy trong cô không gì cưỡng lại được: cô muốn được là cô gái tóc phi dê mặc áo ca rô đỏ ngồi trong ca bin chiếc tắc tơ mà cô trông thấy lần đầu kia. Cô nói với anh điều ấy. Quả nhiên chẳng khó khăn gì, chỉ sau nửa tháng, cô gái mò rong không còn đến hồ mò rong nữa. Chưa phải cô đã ngồi trong ca bin chiếc tắc tơ đỏ chói, nhưng cô đã đi theo phụ máy trên những luống cày nâu thẫm, rạch dài đến tận chân trời. Anh thu xếp cho cô tất cả. Chu đáo và nhanh chóng. Anh có quyền, đến bây giờ cô mới biết chính anh là giám đốc nông trường. Hình như cô có ngạc nhiên một chút. Sao anh còn trẻ và hồn nhiên thế kia mà đã là giám đốc nông trường. Cô cứ nghĩ giám đốc phải là một người đứng tuổi mặt khắc khổ, đeo kính trắng và mặc áo đại cán. Những luống đất mùa cày mỗi ngày một mở ra như người ta lật qua một trang sách mới. Cô đi phụ lái cho một chị lái tắc tơ người to lớn, tính khí như đàn ông. Chị hướng dẫn cô tận tình, và rất nghiêm khắc mỗi khi cho cô sờ vào vòng lái. Đêm đêm cô cắp sách đến lớp học, ở đấy người ta dạy lý thuyết. Thỉnh thoảng anh có đến lớp chơi. Ở đây là những câu chuyện chung chung về sự học tập. Như tất cả mọi người, cô gọi anh là thủ trưởng. Hình như giữa cô với anh bây giờ cũng có một sự xa cách nào đó giữa một nhân viên với một thủ trưởng thì phải. Cô cảm thấy e dè hơn. Cô thấy anh ngày càng nhiều nét đĩnh đạc, đạo mạo, và hình như anh cũng không còn quá trẻ so với chức vụ như ý nghĩ ban đầu của cô nữa. Xung quanh anh lúc nào cũng thấy có cán bộ các phòng ban xúm xít bàn luận họp hành về công việc nông trường... Một hôm, sau vụ thu hoạnh mía, nông trường tổ chức đại hội tổng kết và liên hoan. Người ta ăn tiệc ban ngày, và buổi tối biểu diễn văn nghệ, tiết mục do các đội sản xuất đóng góp. Cô không nhớ là vì sao người ta phát hiện ra cô là người có giọng, có thể hát được và bắt cô phải chuẩn bị để lên sân khấu. Hình như là một hôm, sau buổi cày chiều, cô và chị tắc tơ ngồi trên mô đất giữa đồng, cô đã buột miệng hát. Gió đồng lồng lộng mát rượi, những luống đất chạy bát ngát, và chiếc tắc tơ đỏ chói nằm phủ phục, miệng cạp lên luống đất nâu. Cảm giác thanh thản đến với cô, cùng với tiếng những con dế gáy dưới lùm cỏ thài lài xanh rượi. Cô đã hát một bài hát cổ mà cô nghe được khi còn là đứa bé tám chín tuổi. Mẹ cô ru con bằng bài hát này. Cô thấy bài hát ấy hay kỳ lạ, nó như đi theo suốt cuộc đời cô, ở song song bên cô. Suốt tháng năm tuổi trẻ buồn khổ của mình, chẳng mấy khi nó hiện hình trên môi cô, nhưng nó dần lắng và tan ngấm vào từng thớ thịt trong cô. Nó không bao giờ hết, không bao giờ cạn. Cứ tan mãi, ngấm mãi như nhựa cây chuyển vận trong lòng thớ gỗ. Cô đã hát trong cái buổi chiều ấy, bên chị tài xế tắc tơ nghiêm khắc và khó tính. Chị ngồi im không nói. Chị quên nắng chiều đang chạy loang loáng từng vạt vàng, tím trên cửa kính ca bin. Khi chính cô ra mở máy chiếc tắc tơ để trở về nhà thì chị có vẻ tiếc rẻ. Chị ngồi sau vòng lái, vào số vụng về làm nó giật cục lên, xóc nẩy hai chị em. Có lẽ chính chị tố cáo với ban tổ chức liên hoan văn nghệ về giọng hát của cô chăng. Chỉ biết người ta đã thông báo trên quảng cáo về tiết mục của cô. Cô lo quá. Cô chỉ biết có
  • 18. một bài hát ấy. Bài hát cổ nói về tình yêu. Bây giờ người ta hát những bài hát mới. Cô muốn hát một bài mà cô đã có lần nghe, đại khái mở đầu “Đời mới, ai ơi đời mới, tuổi thanh niên như nắng xuân đang reo cười...” Nhưng cô chưa thuộc đoạn cuối. Và cô hát nó, nghe chán lắm. Bài hát cổ - bài dân ca này chỉ nói về tình yêu, không nói về đời mới. Nhưng tình yêu thì bao giờ cũng mới, cô nghĩ, cô tự tìm ra những lý lẽ để yên tâm. Trước giờ biểu diễn, cô nhìn mình trong gương ngạc nhiên như nhìn một người lạ. Một chút môi đỏ, một chút phấn hồng, vài nét chì đen trên mày mà làm cô không nhận được ra mình. Mình có thể đẹp được thế kia ư. Mình còn trẻ, và cuộc đời bây giờ đẹp như thế này... Cô bước ra sân khấu. Cô chả phải cố gắng gì nhiều. Tiếng hát đã tan thấm đến tận chân tóc cô, bây giờ tự nó bay ra. Cô đang trình diện trước mọi người, trước cuộc đời mới... Khi cô trở lại cánh gà anh đến đón cô. Anh có gì không bình thường. Tay run lẩy bẩy nắm tay cô. Sân biểu diễn đông quá, không ai để ý ai. Anh dắt tay cô thật là đường đột. Cô bỗng thấy anh lại trẻ và hồn nhiên hệt như hôm đầu tiên mò rong, cô trông thấy. Anh lạ thật đấy, mỗi lúc một khác, như là biến hoá. Sáng hôm sau, khi diễu chiếc tắc tơ qua sân nông trường bộ, cô lại thấy anh đạo mạo, già dặn nghiêm khắc đứng bên các cán bộ phòng ban bàn công việc, hệt như mọi ngày. Anh không nhìn chiếc tắc tơ đỏ của cô. Đêm qua xúc động quá, không nén được, anh đã nắm tay cô. Nhưng đó cũng chỉ là sự chúc mừng thường tình đối với các diễn viên... - Cô bỗng hờn giận nghĩ. Chiếc tắc tơ đỏ leo gập ghềnh trên mặt ruộng rồi đỗ lại. Hôm nay chị lái chính ốm, giao máy cho cô tập cày. Thực ra cũng có ít dịp cô được tự do một mình với chiếc tắc tơ này. Đâu như đây mới chỉ là lần thứ hai, thứ ba gì đó. Trời hôm nay ẩm lạnh. Những đám mây ướt bay rà rà trên đầu. Cô vào số rú ga thật mạnh. Những con thiên nga đang thanh thản bơi trên hồ; giật thót mình nháo nhác bay. Những con thiên nga kia còn nhớ cô không. Nhưng bây giờ cô không muốn biến thành một “thành viên” trong đàn thiên nga nữa đâu! Cuộc đời tao đã khác rồi thiên nga ạ. Sự đổi mới nhanh quá phải không? Tiếng máy trở lại đều đều êm nhẹ, làm những con thiên nga bớt sợ. Chúng lại đáp xuống mặt hồ, và có những con thiên nga lười biếng lại rúc đầu vào trong đôi cánh trắng bông của mình mà ngủ. Một vài con nhìn về phía chiếc tắc tơ đang trườn nhẹ. Cô đùa cợt rú ga. Những con thiên nga lại hốt hoảng và cô phá lên cười. Tại mày thờ ơ với tao quá mà, phải làm cho mày chú ý. Thiên nga ơi, đừng thờ ơ với tao, mày…! Nhìn tao lái máy nhé... Tao biết lái máy rồi đây này. Chiếc máy của tao đẹp quá phải không. Và mùi hương đất trên luống cày mới lật đang thoảng bay mày biết chứ. Thiên nga, hình như mày kiêu kỳ, mày chỉ đùa gi ỡn với mặt hồ trong sạch như thủy tinh, sao mày không bay đến đây, đậu bên luống cày nâu thẫm của tao... Tiếng rú máy lần thứ ba dữ dằn ghê gớm. Một luồng khói khét phun dài. Những con thiên nga kinh hãi, cả những con lười nhác nhất cũng choàng thức vội bay. Tiếng cô cười nắc nẻ trong tiếng cánh thiên nga xao xác. Nhưng tiếng cười tắt vội. Tiếng cánh thiên nga vẫn đập vào những vạt sương ướt lạnh lơ lửng trên đầu. Chúng bay cao dần, và cô thật sự hoảng hốt thấy chúng mất hút sau những đám mây xám. Những con thiên nga không quay trở lại nửa. Nó giận quá rồi. Cô ngồi tần ngần, lo sợ. Nắng sớm vàng bệch như đồng thau đang phơi những vạt dài trên những đám mây xám. Những tầng sương được nhuộm vàng. Những hạt sương đậu trên kính tắc tơ long lanh đang thành những hạt cườm vì có sợi nắng vàng xâu vào. Trí óc cô đang lơ đãng. Hình như cô lơ đãng khá lâu. Máy đã
  • 19. rạch được một luống cày dài. Khi cho vòng xe trở lại, cô mới chợt giật mình; anh đến từ lúc nào, đang bước trên luống cày. - Lái máy được như thế này rồi cơ à, giỏi quá. - Anh hỏi. Cô vội tắt máy bước xuống, chạy lại bên anh. Cô cười, như đứa học trò đứng trước thầy giáo đang xem bài làm của mình. - Giỏi lắm! - Anh khen nữa. Rồi xục tay xuống đất bóp vụn những hạt phù sa mát rượi. Anh nheo mắt ngắm. Cô vội thú thật: - Em điều khiển máy chưa chính xác đâu, còn chệch trẹo… Đứng giữa cánh đồng trống trải chỉ có hai người, tự nhiên cô cảm thấy lúng túng. Mọi khi anh đến lớp học, cả bọn ba bốn đứa xúm xít, nói cười tự nhiên với anh. Cô dựa vào đấy cũng nói thoải mái như không. Nhưng bấy giờ chỉ có hai người, thật ngượng ngập. Giữa cô với anh chưa chính thức có một sự thông tin nào để khẳng định cái điều cô vẫn bâng khuâng mỗi lần nghĩ đến. Vẫn có một sự xa cách ghê gớm, mặc dù đã có một vài tín hiệu xao xuyến ban đầu. Chỉ có chuyện công việc mới giúp cô trở lại tự nhiên. Quả nhiên, vừa chắp tay lững thững ngắm luống cày, anh vừa nói, hình như cũng chỉ câu chuyện công việc mới có khả năng cứu anh ra khỏi sự mất tự nhiên, mặc dù anh là thủ trưởng. - Tôi xin báo cho cô một tin mới. Cô đừng ngạc nhiên. Cô đến nông trường đã được sáu tháng. Cô học nghề tốt lắm. Nông trường vừa có quyết định gửi cô đi học một lớp tập trung của Bộ. Thời hạn một năm. Ở đấy cô sẽ được đào tạo để trở thành một người lái máy kéo có kỹ thuật, có tay nghề cao... Cô đồng ý chứ. Ngay tuần sau sẽ lên đường... Cô đứng chết sững vì đột ngột, mắt nhìn anh trân trân. Trái lại, anh mỉm cười nhìn cô bình thản... * * * Tầu dừng ga ở Thanh Hoá nửa tiếng để làm gì không biệt. Ý Nhi vẫn nằm nghẹo đầu ngủ thiêm thiếp, Chị xuống sân ga, sương đêm mát rượi trùm lên mái tóc. Không gian ngủ yên. Những vì sao trên đầu cũng như đỗ lại cùng với con tàu. Lúc nãy, con tàu đi, nó chạy vút theo. Chị đi đi lại lại, người tỉnh như sáo. Có phải ký ức chị đang hiện hình trong những ngôi sao kia. Bây giờ chắc anh đang ngủ yên. Anh có biết em và con đang trên đường đến với anh. Sắp đến rồi, gần lắm rồi. Con tàu này hoàn toàn là thật, không phải là giấc mơ. Vừa mới một tháng trước đây, ngay cả trong mơ, em không thể nào tưởng tượng được sẽ có một con tàu mà em và con sẽ ngồi trong đó để đến với anh. Thế mà bây giờ, con tàu ấy, em đang sờ tay vào thân nó đây. Con gái chúng mình đang ngủ trên ghế ấy. Tiếng còi tầu bật lên hứng khởi trong đêm. Chị leo vội lên toa. Một nỗi sợ mơ hồ ở đâu ập đến. Nếu chị không nhanh, con tàu sẽ bỏ chị lại đây. Chị chạy vội vào ghế. Khi con tàu rùng mình xuất phát ru nhẹ thân chị về phía trước, nỗi sợ mơ hồ kia mới mất đi. Từ đấy chị không rời ghế tàu một giây nào nữa. Tất cả các ga lẻ tiếp theo, chị không hề dám thò chân xuống. Chị cũng không dám chợp măt. Nếu chị ngủ thiếp, con tàu sẽ quên chị thì sao. Chị phải thức cùng nó, và đi cùng với nó. Chị dẫn đường cho nó. Trời đã ngả dần sang nửa sau của đêm. Những vì sao nghiêng hẳn. Có những chòm sao lúc chập tối ở tận chân trời, đi cùng với con tàu, đã đến được đỉnh bầu trời. Nó đi về phía bên kia của bầu trời. Được nửa đường rồi. Con đường của nó cũng giống như con đường của chị. Từ phía bên này của bầu trời đến phía bên kia của bầu trời. Dài quá...
  • 20. Trời lờ mờ sáng, cả toa chộn rộn xôn xao. Ánh điện thành phố Vinh chi chít trước mặt. Ánh điện của thành phố đã đợi suốt một đêm. Con tàu đến rồi. Những tia nhấp nháy chói lọi của ánh điện bị loãng nhoè dần trong bầu trời đang chuyển sang màu bụng cá. Chị đánh thức Ý Nhi dậy, hối hả. Tàu chưa vào ga nhưng mọi người đã lấy đồ đạc đeo vai nhăm nhăm, và nhốn nháo hồi hộp. Nhà ga chẳng có loa thông báo, cũng chẳng có lời chào tạm biệt quý khách gì cả. Chị nhảy xuống sân ga, và trong đầu chị cũng không còn ý nghĩ nào như những ý nghĩ ban nãy về con tàu nữa. Nó đang nằm im kiệt sức trong ánh điện lờ mờ. Những người khách bạc bẽo trong đó có chị bỏ rơi nó, chỉ hớt hải lo đến bến ô tô chỗ đoàn xe Sài Gòn chờ chở tiếp chuyến liên vận. Trời vẫn tối đất, chưa nhìn rõ gì cả. Những đoàn xe Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn đỗ lẫn lộn không ra hàng dẫy. Mọi người nháo nhác tìm xe của mình. Số ghế đã ghi trên vé liên vận. Chẳng có ai đứng ra hướng dẫn. Chỉ hành khách hỏi lẫn nhau, ai nấy hớt hơ hớt hải. Chị lo lắng, cuống quýt thật sự. Đi đằng sau chị là một ông cán bộ của viện khoa học xã hội vào Sài Gòn nghiên cứu chuyên đề về chủ nghĩa thực dân mới, cũng đang nhớn nhác. Ông còn ngẩn ngơ hơn cả chị. Chị đi đâu, ông theo đấy, và luôn mồm kêu ca đòi phải góp ý kiến cho bến xe về cung cách làm ăn. Chị chạy đến chiếc ô tô này rồi lại chạy đến chiếc ô tô khác. Những chiếc xe Sài Gòn lạ mắt, khác hẳn xe khách miền Bắc. Lần dầu tiên chị nhìn thấy một chiếc ô tô Sài Gòn. Dài, to, màu sơn vàng lòe sặc sỡ, đầu xe thì từng dẫy đòn hiệu xanh đỏ như đồng bóng. Ánh đèn trong xe mờ đục. Những người “lơ” xe quần loe toé loe ra, áo thun cộc in hình kỳ quái, tóc dài như con gái đang đứng ngoài cửa soát vé. Chị đã tìm thấy chiếc xe có số ghế của mình. Xe đường dài mà ghế ngồi hẹp tanh vanh đan bằng sợi ni lông. Chị vừa ngồi xuống, một người lơ xe đã đến bên cạnh hỏi có đổi tiền Bắc lấy tiền Nam không. Chị lắc đầu. Ở ghế dài cuối xe có một người lơ khác cởi trần nằm còng queo, miệng nôn ọe. Chị ngạc nhiên quá. Các đồng nghiệp lơ xe của anh ta vẫn thản nhiên như không có chuyện gì. - Kia... anh ấy bị cảm, sao lại để nằm chỗ gió lùa. Cho anh ấy uống thuốc đi các anh - Chị lo lắng. - Mặc kệ nó - Người tài xế đội mũ phớt ni lông, râu con kiến, phì phèo điếu thuốc mỉm cười - Thằng ấy cứ nện búa vào đầu, nó cũng chả việc gì, chứ đừng nói đến gió máy. Trời sáng hẳn, xe khỏi hành. Ba chiếc xe cùng sơn tên chủ ngoài sườn: Huỳnh Thị Lợi, chạy sát nhau. Mấy người lơ đứng ngoài cửa luôn miệng hò hét khách đi xe đạp hai bên đường: Dô! Dô! Dô! Ý Nhi cười khanh khách. Lần đầu tiên nó thấy cảnh ấy. Xe đi, tiếng bánh miết đằm trên đường nhựa mới rải. Bên này là sông Lam, bên kia là rặng Hồng Lĩnh. Quãng đường nay, năm xưa chị đã từng qua đây, trong đoàn công tác của Thành Hội phụ nữ Hà Nội - nơi cơ quan mới của chị sau sáu năm công tác ở nông trường mía. Ngày ấy, xe đạp đi trong đêm. Hoả châu sáng quắc trời. Máy bay, bom đạn, và con đường nát nhừ. Nhưng bây giờ nó đã lành lặn, màu nhựa xám tươi sáng trải dài trong nắng mai. Những mốc cây số sơn trắng với hàng chữ đỏ, như người quen của khách đường dài. Năm xưa, những cột cây số trên đường này thường ghi: Sài Gòn 1500km Sài Gòn 1300km... Những cột cây số ghi để nhắc nhở người ta về đất nước phía Nam. 1500km... không là bao, nhưng khi ấy chẳng bao giờ đến được; những cột cây số thành nhức nhối. Hôm nay, những cột cây số đã thay chữ. Người ta cần đề những mốc gần, từng chặng: Đèo Ngang, Đồng Hới... Vĩnh Linh... Không có cột cây số nào ghi chữ Sài Gòn, nhưng chuyến xe này đang trên đường đến đó. Đến một cách dễ dàng, một cách tự nhiên. Hoàn toàn không phải trong mơ...
  • 21. Trời trong veo. Những cồn cát vàng Quảng Bình lấp lánh trong nắng. Biển xanh viền sóng trắng. Chiếc xe miết đường lao giữa đất trời lồng lộng, thảnh thơi. Ý Nhi háo hức nhìn phong cảnh lạ. Nó chỉ trỏ, reo lên... Chị háo hức theo nó... Còn đường đến với anh là con đường xuyên suốt chiều dài kỳ diệu của đất nước. Đất, trời, biển đẹp quá anh ơi... Con nó đang reo làm cả xe chú ý. Ngày anh đi, em không được theo tiễn anh đến đây. Anh đi, có một mình, với nhiệm vụ nặng nề phía trước và niềm thương nhớ sâu đậm phía sau. Anh chỉ sống với em được có dăm tháng sau ngày cưới. Công việc lớn lao không cho phép anh nấn ná ở lại thêm ngày nào nữa. Anh đi rồi, em ngơ ngẩn hàng năm... Sao cuộc đời em nhiều những ngày ngơ ngẩn như trong mơ thế anh. Chưa hết nỗi ngơ ngẩn này đã đến nỗi ngơ ngẩn kia. Còn nhớ cái ngày anh chính thức đến với em. Hôm ấy thế nào nhỉ. Hình như đang tháng sáu, trời trong lắm, đang mùa hoa ngâu. Cây ngâu trước cửa khu nhà tập thể của chúng em ấy, hoa ghê quá, vàng loá mắt. Mùi hoa ngâu thơm không thể nào nói được. Cây ngâu đẹp lạ lùng. Nhưng mà hôm ấy em đang buồn. Rã rời và tuyệt vọng. Em không thiết gì nữa. Anh nhớ chứ, hôm ấy em vừa ở lớp học tập trung của Bộ về. Em đã tốt nghiệp. Em như con chim hí hửng trở về. Vừa tới nông trường, một cái tin làm em chết lặng: anh đã thôi không làm giám đốc nông trường! Anh đang thời kỳ bàn giao công việc, chuẩn bị đi nhận nhiệm vụ mới. Em bàng hoàng sững sờ. Em và anh quen biết nhau một khoảng thời gian không phải là ngắn nữa. Nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức quen thân thôi. Bây giờ anh sắp đi rồi. Em vẫn tưởng anh sẽ ở cái nông trường thân yêu này mãi mãi, hoá ra anh cũng có thể đi. Ra đi, chắc không bao giờ trở lại. Và như thế vĩnh viễn từ nay em không bao giờ còn được gặp anh... Em ngẩn ngơ như người mất hồn. Nếu em khóc được, em đã khóc. Ngày xưa hồi còn ở làng, em hay khóc lắm. Nhưng cũng lâu lắm rồi, em không khóc nữa. Hôm nay em muốn có một nơi hoàn toàn yên ắng để thả sức với nỗi bàng hoàng đau đớn của mình. Buổi chiều, anh đến chỗ em chơi. Nhìn anh, tự nhiên em thấy giận. Không ngờ con người như anh mà vô tình đến thế. Tại sao anh lại bỏ nông trường đi. Thế mà cũng đòi là giám đốc. Hai năm qua anh chỉ đối với em như người dưng nước lã, như thủ trưởng đối với nhân viên, mặc dù ánh mắt anh nhìn em khác lạ ngay từ buổi đầu em đang lặn hụp cùng với đàn thiên nga trên hồ. Với linh cảm con gái, em tưởng có thể nhìn suốt được những gì hiển hiện trong ánh mắt anh. Vậy mà anh sắt đá, khô khan, lạnh lẽo, kiêu kỳ. Em vẫn chờ đợi thời gian. Em mới đến nông trường mà. Em đang bận học mà. Em đợi... Cái ngày em đợi đã đến thì anh lại đi... - Tôi đến để chúc mừng cô, mới tốt nghiệp trở về. Đồng thời để chào cô, tôi sắp đi - Anh nói. Biết rồi, làm gì phải nói nữa. Sao anh cứ thích nói những câu thừa, còn những điều cần phải nói thì không nói - Những ý nghĩ dấm dẳn, giận dỗi cứ cựa quậy trong đầu em. Anh ngồi nghiêm uống nước. Trông anh tự nhiên già ghê quá. Anh chỉ hơn em độ chục tuổi là cùng chứ mấy. Những nét đường bệ đạo mạo trên gương mặt. Một dáng dấp đĩnh đạc nghiêm khắc. Đột nhiên em giật mình. Em giật mình thật sự. Và thấy sợ. Chỉ cách một sợi tóc thời gian mà ý nghĩ em đột biến sang trạng thái khác hẳn. Hình như những gì gọi là linh cảm con gái của em hoàn toàn sai lầm thì phải. Một người có quá khứ nặng nề như em, làm sao còn có được cái gọi là linh cảm con gái. Em nghi ngờ em. Em phủ nhận hoàn toàn mình. Một người như em sao dám có những đợi chờ lớn lao như thế. Em còn cái gì? Em có cái gì? Mà dám đợi chờ. Bao nhiêu ý nghĩ nghiêm túc và lễ phép chợt trở về sắp xếp đầy đặn trong đầu em.
  • 22. - Hôm nào thủ trưởng đi ạ. - Em hỏi. Anh mỉm cười em. Hình như không có cái gì xảy ra trong đầu em mà qua được mắt anh. - Thủ trưởng!... - Anh đay lại - Gớm, sao cô “ghẻ lạnh” tôi thế. Em nhìn trân trân xem có nét bông đùa trên gương mặt anh không. - Mấy tháng nữa tôi mới đi. - Anh tiếp - Trong thời gian chờ đợi, tôi nghỉ ở nông trường này. Em thở phào. Vì cái hạn mấy tháng đó. Hình như em thấy “hồi sức” phần nào. - Anh chuyển công tác sang đâu ạ. - Em không thể dùng chữ thủ trưởng lần thứ hai nữa. - Tôi trở lại quân đội. Trước tôi là bộ đội. - Anh về phụ trách nông trường được mấy năm nhỉ? - Bốn năm. Nhanh thế đấy. Ngày tôi đến, nông trường còn là mấy nghìn mẫu ruộng hoang. Bây giờ cơ ngơi đã đâu ra đấy. - Bốn năm còn gì! - Em nói như một tiếng thở dài. Vậy là anh đến nông trường trước mình có hai năm. Và mình vừa ở đây, vừa đi học cũng đã hai năm. Hai năm, như giấc mơ. Mình vẫn chưa hiểu anh ấy là ai ngoài những điều chung nhất. Cũng như anh ấy chưa biết mình là ai, những tháng năm xưa của đời mình thế nào... - Sao trong thời gian nghỉ, anh không về chỗ ba má anh cho hai cụ mừng - cô bắt buộc nói một câu đãi bôi hạng nhất. - Ba tôi mất rồi. Má tôi ở lại miền Nam, chỉ mình tôi ra tập kết. Tôi không có ai là thân thích cả, ngoài những người ở nông trường này. - Ngoài những người ở nông trường này, chắc còn một người đặc biệt nào nữa chứ. - Em hỏi một câu “lẳng lơ”. Rồi em run lên cầm cập. Không. Tại sao em lại phải tự ti, lại phải biết thân biết phận một cách lễ phép. Quá khứ nặng nề của em là chuyện của ngày xưa. Bây giờ em đã là con người mới. Em hoàn toàn có quyền. Em nhất quyết có quyền. - Người đặc biệt ấy là... Em nhé, có được không? - Anh hỏi một câu tắc nghẽn trong cổ. Một cái gì nổ bùng trong trái tim em. Tất cả đất trời như câm lặng sau tiếng nổ ấy. Nước mắt em giàn ra không sao ngừng lại được. Nước mắt như những dòng mưa tuôn thả cửa sau những cơn giông ì ầm trong trời đêm đen thẳm. Anh đứng dậy, khẽ thốt gọi thì thầm. Em ngửa mặt nhìn anh qua ngọn suối nước mắt. Em không sao cầm nín cho được. Em không hiểu tại sao mình lại thế. Hình như nước mắt thoả nỗi giận hờn. Sao bây giờ anh mới “mở miệng” được câu ấy. Em đã chờ lâu quá. Em tưởng như không còn hi vọng nữa... * * * Những người đàn bà xa chồng lâu ngày thường hay sống nhiều bằng ký ức. Hình như con người chị chia hai: một người đàn bà của hiện tại, đã đứng tuổi, miệt mài công tác và một cô gái xinh đẹp của quá khứ, ngơ ngẩn trước một tình yêu quá đẹp đến với cô mình. Cái cô gái ngày xưa đã đợi đã mong hai năm dòng, tình yêu mới đến, nhưng khi nó đến thì cô bỗng nhiên sợ hãi. Cái buổi chiều kỳ diệu ấy, sau khi anh đã ra về rồi, còn lại một mình cô, cô đã ngồi lặng đi từ đấy cho tới hết đêm. Cô yêu anh. Nếu anh bảo cô chết để chứng minh rằng cô yêu anh, cô xin vui lòng chết.
  • 23. Nhưng về mặt nào đó, cô có lừa dối anh không? Anh vẫn tưởng cô là con gái trinh trắng vẹn nguyên hay sao. Anh ơi, em không bao giờ dám lừa dối anh, nhưng em cũng không thể nào có khả năng tự nói ra điều ấy. Giờ này em đang cực kỳ sung sướng nhưng cũng cực kỳ lo âu, đau khổ. Anh có thể cải chính cái điều anh đã nói chiều hôm qua, khi anh phát hiện ra cái sự thật mà anh chưa biết này. Hoàn toàn em không dám giận anh một chút nào. Em vui lòng, em tình nguyện giữ cái tình yêu đơn phương đến hết đời em. Không bao giờ em dám ý thức, âm mưu dối lừa anh, anh hiểu cho em điều ấy. Nắng sớm bên song cửa từng tia rọi thẳng như cố làm hong khô những giọt, nước mắt suy tư trên má cô. Đôi môi đang run trong cơn sốt. Có ai trên đời này được yêu mà lại khổ như cô không. Giữa lúc ấy anh đến. Ngạc nhiên, anh sững sờ: - Em làm sao thế? Cô giật mình bàng hoàng. Cô vịn vội vào vai anh không thì ngã mất: - Không. Em có làm sao đâu - Cô chối đây đẩy. - Tại sao em khóc mãi. Cô quệt vội tay trên má, cười gượng! - Hôm nay chúng mình đi chơi nghe em. - Anh rủ. - Vâng! Vâng! - Cô gật đầu vội vàng. Chiếc com măng ca quen thuộc của nông trường đậu sẵn bên lề đường, ngoài cổng. Hôm nay anh lái lấy. Anh lên Sở nông nghiệp thành phố còn chút công việc của nông trường, cần giao dịch. Tiện thể muốn cùng cô đi chơi. Chiếc xe, tiếng máy nổ êm bon nhẹ trên đường sỏi. Anh lái giỏi, có bằng hẳn hoi. Nhiều lần đi công tác anh không đem theo tài xế. Bàn tay mơn nhẹ bánh vô lăng, anh nhìn cô trong gương xe, khẽ mỉm cười. Cô ngồi trên băng sau, một mình. Có đến một lúc lâu, hai người không nói gì. Khoảng cách giữa ghế tài xế và băng sau không là bao, nhưng anh cảm thấy xa chống chếnh. - Em ngồi lên ghế trên này. - Anh nói. Cô rón rén bước lên để lại cả khoảng xe rộng rênh đằng sau. Đường cái quan ngoại thành ngoằn nghèo, xe lượn nghiêng theo vòng cua rất điệu. Trông anh như người lái biểu diễn. Con đường này qua giữa làng cô. Anh cho xe đi chầm chậm khi những mái nhà đầu tiên của làng hiện ra trước mặt. - Anh muốn chúng ta rẽ vào thăm gia đình em một lát. - Anh nói như một ý vụt nẩy ra trong đầu, nhưng thực ra nó nằm trong kế hoạch của cuộc đi chơi. Cái làng nhỏ quê cô cách nông trường chỉ năm cây số, nhưng từ xưa anh chưa có lý do để đến đấy. Cô bàng hoàng lúng túng. Cô ậm ừ không rõ ý tứ. Cô không muốn anh đến nhà mình, đến làng quê mình. Có một nỗi uẩn khúc! Cô muốn anh chỉ biết cô bắt đầu từ giây phút cô đến nông trường. Ước gì cuộc đời cô không có những trang đen tối trước kia, thì giờ phút này cô hoàn toàn sung sướng thanh thản bao nhiêu. Nhưng đời cô bắt đầu từ những trang nặng nề nhức nhối trong toà nhà ngói đại khoa cổ lỗ, đồ sộ nơi giữa làng kia. Chiếc cổng xây hai tầng, có cánh cửa lim kia đã nuốt chửng thân hình bé bỏng của
  • 24. một đứa con gái mười sáu tuổi, khóc như mưa trong cái giây phút bước chân về nhà chồng. Tiếng chó thiến ông ổng trên sân gạch rộng mênh mông; những đồ sơn son thiếp vàng choé mắt đầy một gian nhà; những bịch thóc lù lù như pháo đài cổ phải bắc thang mới trèo vào được. Tất cả làm con bé sợ. Ấy thế mà chỉ một năm sau, con bé đã trở thành bà chủ bất đắc dĩ. Bố mẹ chồng thay nhau chết. Chồng học ngoài Hà Nội. Một mình nó cai quản vườn tược ruộng nương. Nó làm, chỉ biết là làm, không hề mảy may ý thức bà chủ. Nhà nó nghèo. Vì nó đẹp quá nên người ta lấy nó về. Tự nhiên nó rơi vào hoàn cảnh “phú quý” này. Rồi nó có con. Cái Miên. Rồi chồng nó dắt con, bỏ nhà, đi Nam mất. Nó không kịp phản ứng gì trước tất cả sự việc. Nó còn trẻ con quá mà. Chỉ đến khi người gọi là chồng nó đi rồi, một mình ở lại, nó mới ngẩn ngơ suy nghĩ. Nó như đứa lạc giữa những gian nhà: gỗ lim rộng rênh đầy bụi, những căn buồng sâu hút tối om. Không còn đứa con bên cạnh, đêm ngủ một mình nó sợ. Tiếng chó thiến cứ ông ổng suốt đêm ngoài sân. Hình như nó cắn để xua đi nỗi sợ của chính nó. Khu nhà hoang, suốt đêm tiếng quả rụng trên lá mục ngoài vườn. Tiếng chồn cáo chạy loạt xoạt. Ánh lân tinh của các gốc cây mục xanh lét. Gốc cây si cổ thụ bờ ao bảo có con mẹ ranh áo quần rách mướp hay ngồi đánh đu trên những rễ si và cho con bú. Bể chứa nước mưa sâu hút, lá móng rồng phủ rợp, mặt nước tối đen lạnh buốt. Ngày xưa có một đứa ở khi cúi múc nước đã ngã lộn cổ chết đuối trong đấy. Mỗi ngày qua, khi ánh nắng vàng vọt tắt dần trên ngọn tre nghẹ xơ xác, những con cò non đầu xơ lông gáo, co ro chui vào tổ… cò… cò... kêu rét, con bé cảm thấy buồn rứt ruột. Nó chạy vội ra cổng, hai tay ấn cánh vội vàng. Bản lề han rít, cửa quay nặng nhọc, nó hết sức đẩy, và lúc nào cũng có cảm giác có một kẻ nào đó đang ẩy trở lại. Điều đó làm nó sợ hết sức. Kinh hãi nhất là lúc chưa đóng được toang. Nó phải vội vã lao toang nhiều khi lập cập kẹp cả tay... Những bịch thóc trong vườn nhà nó, thóc để lâu quá “thành thần” đêm rên hừ hừ. Những thứ này của ai đây, nó hoàn toàn không nghĩ là của nó. Đến con nó rứt ruột đẻ ra, mà còn bị mang tót đi trời nam bể bắc nào, nó cũng không có quyền giữ nữa là. Nó có cái gì đâu. Nó là cái xác không hồn. Nó là hình nhân giữ của trong những bức tường cắm mảnh chai này. Tại sao chồng nó lại bỏ đi mà không bao giờ trở lại nữa. Suốt nửa năm giời nó cứ nghĩ mãi về điều ấy. Ý nghĩ đóng đinh trong đầu không rứt ra được. Nó như một con ngẩn ngơ, một con điên không thể nào hiểu được người là chồng nó lại dứt tình ra đi một cách thản nhiên như vậy. Hóa ra bao nhiêu năm nay giữa nó và người ấy chỉ là người dưng nước lã thôi à. Tại sao chồng nó lại phải rời bỏ tất cả nhà cửa ruộng vườn quê hương bản quán để đến một nơi biệt vô âm tín nào. Tại sao? Đất này không dung những kẻ như chồng nó sao? Đất này không dung chồng nó hay chồng nó phụ bạc với đất này. Những ý nghĩ lẩn quẩn làm đầu óc nó mụ ra, nhiều lúc như một kẻ lẩn thẩn. Nó nấu một bữa ăn hai. Lợn gà trâu bò bỏ đói dài. Những ngọn cỏ gà đã mọc len trong kẽ ngạch trên sân. Lá tre khô rụng đầy thềm không ai quét. Đồ thờ, hoành phi câu đối vàng son phủ ngập bụi... Nếu như nửa năm đầu, đầu óc nó luẩn quẩn quanh ý nghĩ tại sao chồng ra đi, thì nửa năm sau nó chợt phát hiện ra một lỗi lầm của mình: tại sao không giữ con Miên lại. Ừ, tại sao? Lúc đó nó hoàn toàn có thể làm được việc đó cơ mà. Nó đem Miên giấu sang nhà mẹ đẻ chẳng hạn. Hoặc nó ôm chặt lấy con, nhất quyết không để cho chồng dắt đi, thì làm gì nhau. Giằng co một sống một chết, nó sẽ thắng. Con nó dứt ruột đẻ ra mà...
  • 25. Nhưng lúc ấy nó khờ dại quá. Nó ngu. Nó chỉ biết gục xuống khóc. Hồn vía, trí khôn nó bay đi đâu cả. Bây giờ thì con gái nó đã ở trời nam bể bắc nào rồi, vĩnh viễn không còn được trông thấy nữa. Trời ơi, Miên ơi, ngồi một mình tự nhiên nó kêu lên, chạy ra sân ra vườn. Nỗi nhớ con cuống cuồng, cào cấu làm tim nó thót nghẹn lại, có thể ngất chết. Hình như những câu thốt gọi, những cử chỉ phát điên phát dại lung tung kia cởi bỏ cơn thót nghẹt trong tim và cứu nó hồi lại. Nó thở hổn hển quỳ gục xuống thảm lá khô vàng trong nắng chiều. Hình như mỗi ngày nó lên cơn điên dại nhớ con một lẩn. Một hôm có một người đàn bà vào mua lá dâu tằm, chứng kiến lên cơn đó, đã hốt hoảng bỏ chạy. Bà cho là cô chủ trẻ trong khu nhà hoang bị ma làm... Dăm tháng một lần ông bưu điện xã lóc cóc đạp xe đến đưa cho nó một tấm bưu thiếp cứng màu trắng có chữ in sẵn theo mẫu cố định và chữ viết tay điền vào... Hoàng Xuân Các gửi Phan Thị Đậu... Tờ thiếp chỉ được phép báo tin địa chỉ, và sức khỏe. Hoàn toàn không được viết thêm một dòng tâm tình. Ông bưu điện từng làm giao thông cho du kích xưa, tóc cắt bốc, vai đeo xà cột, lúc nào trên tay cũng cầm tờ báo, gườm gườm nhìn nó bằng ánh mắt ác cảm. Vợ của một đứa di cư, theo địch, thế mà ông lại phải đưa thư cho cái hạng người này. Ông đưa thư đây là thư của các chiến sĩ ở xa gửi về hậu phương quê nhà cơ! Con tem của ông là con tem mọc cánh. Ông như con chim nối liền tình nghĩa. Đâu phải cái chuyện vớ vẩn đưa thư cho hạng theo địch. Ông cáu lắm. Mỗi lần cầm tờ bưu thiếp từ Sài Gòn gửi ra, ông phát tởm, tưởng như có vi trùng ôn dịch trong đó. Con bé lo sợ, mỗi lần nhìn thấy bộ mặt khó đăm đăm và đầy giận dữ của ông. Nó khép nép, rồi chùi nước mắt. Những tấm thiếp cứng, tấm nào cũng bấy nhiêu chữ in sẵn. Nhiều lúc nó muốn soi lên ánh nắng xem giữa những dòng chữ chung chung kia có lời nào của chồng con không. Tấm thiếp lọ lem, đầy vết tay của các nhân viên kiểm soát. Chỉ thế thôi. Nắng không soi qua được, và không có chút lời nào của chồng con ở đây cả… Cho đến một ngày những tấm thiếp ấy cũng không thấy nữa. Người ta bãi bỏ lối gửi thiếp hai miền. Bây giờ cô bé khốn khổ mới thấy những tấm thiếp dù sơ sài kia, nhưng quý biết chừng nào. Dù sao cũng còn nhận được vài dòng tin, địa chỉ, sức khoẻ. Bây giờ thì thôi, hết! Bây giờ thì cô thấy cả ánh mắt gườm gườm ác cảm của ông bưu điện cũng trở thành nỗi mong chờ tuyệt vọng... Mùa đông đã đến, cây trong vườn trụi hết lá, chỉ còn những đám rêu bám trên dẫy tường hoa là còn xanh. Những cành củi khô vỏ trắng xác run rẩy trong cơn gió bấc. Chiều chiều cô bé đi bẻ những cành củi. Và suốt đêm, ánh lửa bập bùng lọt qua kẽ cửa bức bàn. Chỉ có một mình cô bé ngồi với đống lửa. Ánh lửa làm cho cô bớt sợ. Tiếng chồn hoang ngoài vườn, tiếng dế khóc nỉ non trong các góc tối. Không có ánh lửa, cô không có can đảm chịu được qua đêm. Có một buổi tối, mẹ đẻ cô đến chơi bất chợt đẩy cửa bước vào và bắt gặp cô đang ngồi ngắm ảnh con trong ánh lửa. Mẹ đến, cô vẫn ngồi yên đờ đẫn như không. Hình như có ánh lửa reo trong đôi mắt của đứa trẻ trong ảnh, còn trong mắt người ngắm ảnh thì không. Bà mẹ gọi con, nhưng đứa con chỉ nhếch đôi môi khô héo cười gượng. Bà kinh hãi nhìn con. Có cái gì trong khu nhà mênh mông này làm bà rờn rợn. Ngay cả đứa con đang ngồi bên đống lửa kia hình như cũng là một cái gì xa lạ. - Đậu ơi! Đậu! - Bà lay vai nó lần nữa để xác thực xem có phải là nó không. Mà đứa con cau lại có vẻ khó chịu. Hình như bà làm rầy nó trong lúc nó đang mải nghĩ về con của nó. Bà ngồi đây, và còn gái của bà đang ở bên cạnh. Chứ nó, đứa con gái nhỏ xinh của nó thì chỉ hiện