SlideShare a Scribd company logo
1 of 209
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
NGUYỄN VĂN NGỰ
NGHỀ LÀM GIẦY DA
Ở HAI LÀNG
GIẼ THƯỢNG VÀ GIẼ HẠ, XÃ PHÚ YÊN,
HUYỆN PHÚ XUYÊN, THÀNH PHỐ HÀ NỘI
LUẬN ÁN TIẾN SĨ NHÂN HỌC
Mã số : 9310302
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC
PGS.TS. BÙI XUÂN ĐÍNH
HÀ NỘI – 2019
LỜI CAM ĐOAN
Tôi cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết
quả nêu trong luận án là trung thực và chưa được ai công bố trong bất kỳ công
trình nào khác. Những luận điểm mà luận án kế thừa của các tác giả đi trước
đều được ghi rõ xuất xứ.
Hà Nội, ngày 16 tháng 4 năm 2019
Nghiên cứu sinh
Nguyễn Văn Ngự
LỜI CẢM ƠN
Trong quá trình thực hiện Luận án tiến sĩ Nhân học với đề tài “Nghề làm
giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên,
thành phố Hà Nội”, tôi nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan, tập thể, cá nhân.
Tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn chân thành tới:
- Học viện Khoa học xã hội, Khoa Dân tộc học - Nhân học thuộc Học viện đã
tạo điều kiện để tôi hoàn thành chương trình học tập, nghiên cứu, bảo vệ luận án.
- Huyện ủy Phú Xuyên, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Minh Tân - nơi tôi
đang công tác đã tạo điều kiện thuận lợi để tôi được theo học, hoàn thành
chương trình nghiên cứu sinh khóa 2014 - 2018.
- Lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban nhân dân và cán bộ các bộ phận giúp việc xã Phú
Yên, nhân dân hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ đã tạo điều kiện thuận lợi để tôi tiếp
cận, khai thác các nguồn tư liệu cho luận án trong các đợt điền dã từ 2014- 2018.
- Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã khích lệ, động viên, tạo điều kiện tốt
nhất cho tôi trong quá trình thực hiện luận án.
- Đặc biệt, tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất đến Thầy Bùi Xuân Đính, đã
tận tình chỉ bảo tôi trong việc định hướng đề tài, tiếp cận các phương pháp, các
kinh nghiệm nghiên cứu, thu thập, xử lý tư liệu, thực hiện các ý tưởng khoa học,
để tôi hoàn thành tốt luận án này.
Hà Nội, ngày 16 tháng 4 năm 2018
Nghiên cứu sinh
Nguyễn Văn Ngự
MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu, nguồn tư liệu
của luận án
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
7. Kết cấu của luận án
1
3
4
5
7
8
8
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU,
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ GIỚI THIỆU ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
9
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.2. Cơ sở lý thuyết của luận án
1.3. Giới thiệu địa bàn nghiên cứu
9
21
31
Tiểu kết Chương 1 43
Chương 2. NGHỀ LÀM GIẦY DA
Ở HAI LÀNG GIẼ THƯỢNG, GIẼ HẠ TRƯỚC NĂM 1992
45
2.1. Nghề làm giày da ở hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ trong bối cảnh
sản xuất giầy da của Việt Nam
2.2. Nghề làm giày da truyền thống ở hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ
Tiểu kết Chương 1
45
49
65
Chương 3.
NGHỀ LÀM GIÀY DA Ở HAI LÀNG GIẼ TỪ NĂM 1992 ĐẾN NAY
67
2
3.1. Sự hồi phục nghề làm giày da và sự phát triển của nghề
3.2. Đại lý nguyên vật liệu, phụ kiện và sự chuyển biến trong tổ chức
sản xuất nghề làm giày da
3.3. Sự hình thành tầng lớp chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh
Tiểu kết Chương 3
67
82
94
108
Chương 4. TÁC ĐỘNG CỦA NGHỀ LÀM GIÀY DA VỚI CÁC KHÍA CẠNH
VĂN HÓA, XÃ HỘI, NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA VỚI NGHỀ HIỆN NAY
110
4.1. Tác động của nghề làm giầy da đối với đời sống kinh tế - xã hội
4.2. Tác động của nghề tới giáo dục, văn hóa
4.3. Những vấn đề đặt ra về cơ hội phát triển của làng nghề giày da Giẽ
Thượng, Giẽ Hạ hiện nay
4.4. Một số đề xuất, khuyến nghị từ nghiên cứu nghề làm giày da ở
hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ
Tiểu kết Chương 4
110
115
130
143
145
KẾT LUẬN 148
CÁC CÔNG TRÌNH LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN CỦA TÁC GIẢ ĐÃ
CÔNG BỐ
151
TÀI LIỆU THAM KHẢO 152
PHỤ LỤC 163
Phụ lục 1. Danh sách các cộng tác viên cung cấp tư liệu và được
phỏng vấn
163
Phụ lục 2. Hệ thống các di tích thờ cúng của hai làng Giẽ Thượng,
Giẽ Hạ
158
Phụ lục 3. Điều lệ Hội Da - Giầy Phú Yên (theo y bản chính) 174
Phụ lục 3. Một số hình ảnh làng nghề Giẽ Thượng, Giẽ Hạ 184
3
DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU, SƠ ĐỒ, HỘP PHỎNG VẤN
STT Tên bảng, sơ đồ, hộp phỏng vấn Trang
1 Bảng 3.1. Các loại hộ sản xuất,
kinh doanh của các thôn (năm 2017)
71
2 Bảng 3.2. So sánh sự giống nhau và khác nhau về nghề truyền
thống và nghề hiện nay của hai làng Giẽ
106
3 Bảng 3.3. So sánh sự giống nhau và khác nhau của làng nghề
Giẽ Thượng, Giẽ Hạ với một số làng nghề tiêu biểu vùng châu
thổ Bắc Bộ
107
4 Bảng 4.1: Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội xã Phú Yên
(2010 - 2017)
112
5 Sơ đồ 1. Mô hình tổ chức sản xuất giày da ở Giẽ Thượng, Giẽ
Hạ (Giai đoạn 1996 - 2016)
80
6 Sơ đồ 2. Mô hình tổ chức sản xuất giày da ở Giẽ Thượng, Giẽ
Hạ hiện nay
90
7 Hộp 3. 1. Về quan hệ không tốt trong làm ăn với người trong họ 85
8 Hộp 3. 2:.Về sự hình thành cơ sở sản xuất mới nhờ sự giúp đỡ
của chủ cơ sở sản xuất ở làng Giẽ
88
9 Hộp 4.1. Lúng túng trong việc mở rộng quy mô xưởng sản xuất 133
10 Hộp 4.2. Khó khăn về tư duy sản xuất 133
11 Hộp 4.3. Về việc không muốn xây dựng thương hiệu giầy da 139
12 Hộp 4. 4. Khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu 140
13 Hộp 4.5. Về nguyên nhân muốn chuyển sang kinh doanh
nguyên vật liệu, phụ kiện nghề giày da
142
14 Hộp 4.6. Về sự lưỡng lự trong mở rộng nghề hiện nay 144
4
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trên vùng châu thổ Bắc Bộ, từ xưa đã hình thành nhiều nghề thủ công.
Bên cạnh những nghề ra đời từ rất sớm, gắn với quá trình cha ông ta mở làng,
lập nước, như đan lát, dệt, làm gốm…; lại có nghề xuất hiện rất muộn do điều
kiện của cuộc sống. Một trong những nghề đó là làm giày da, xuất hiện vào
giữa thế kỷ XVI. Tập quán sinh hoạt cũng như mức sống thấp kém của người
nông dân trước đây làm cho sản phẩm của nghề giày da không có chỗ đứng ở
nông thôn, mà chủ yếu phục vụ người Pháp và tầng lớp trên của người Việt
sinh sống ở các đô thị. Do vậy, số người làm nghề không nhiều và phải mưu
sinh ở các thành phố. Tình hình này tiếp diễn đến tháng 10 - 1954.
Từ hòa bình lập lại, chính sách phát triển kinh tế của Nhà nước Việt
Nam giúp cho nghề làm giày da có những phát triển nhất định. Tại nhiều địa
phương đã xuất hiện các hợp tác xã thủ công nghiệp hoặc các tổ sản xuất giày
da, chủ yếu làm gia công cho các nhà máy, xí nghiệp; sản phẩm chủ yếu để phân
phối cho cán bộ và quân đội. Đại bộ phận cư dân nông thôn do điều kiện kinh tế
khó khăn và do chế độ phân phối, bao cấp không sử dụng sản phẩm này.
Nghề làm giày da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ (xã Phú Yên,
huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội) bắt đầu hình thành từ năm 1918, do
một số người làng học được nghề ở phố Tràng Tiền (Hà Nội), sau đó cùng
con cháu làm nghề ở nhiều nơi, lập được các cửa hàng cửa hiệu lớn, rồi đưa
người của hai làng ra làm nghề ở các đô thị suốt những năm thời Pháp thuộc.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, trong kháng chiến chống Pháp và
sau hòa bình lập lại, nghề làm giày da của người hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ
không có điều kiện phát triển, do chiến tranh, đời sống khó khăn. Một số thợ
5
tiếp tục bám trụ ở các đô thị để mưu sinh, một số trở về quê sinh sống. Sản
phẩm giày da chủ yếu phục vụ một bộ phận những người có thu nhập trong xã
hội; công chức, nhà buôn, người có điều kiện kinh tế ở đô thị, vì thế nghề làm
giầy da không phát triển.
Đến năm 1965, Hợp tác xã Giày da Phú Yên được thành lập, gồm các
thợ giày cũ và mới là người trong, ngoài xã; chủ yếu làm gia công cho Tổng
Công ty giày da xuất khẩu Hà Nội. Đến năm 1985, do khủng hoảng kinh tế,
hợp tác xã phải giải thể. Hầu hết những người thợ giầy hai làng Giẽ Thượng,
Giẽ Hạ phải bỏ nghề, trong sự xót xa, tiếc nuối.
Từ năm 1990, những thành tựu bước đầu của công cuộc đổi mới đã tác
động đến nghề làm giày da. Đời sống nhân dân được cải thiện. Số người sử
dụng giày da tăng lên mạnh mẽ, kể cả ở nông thôn. Đó là điều kiện để nghề
làm giày da phát triển về nông thôn, làm hình thành các làng chuyên làm giày
da. Tại nhiều địa phương, từ một làng nghề phát triển thành xã nghề. Một
trong những làng nghề - xã nghề làm giày da phải kể đến là làng nghề Giẽ
Thượng và Giẽ Hạ. Những người thợ giầy hai làng tập hợp lại, khôi phục, mở
mang nghề giầy truyền thống của quê hương. Nhiều lớp thanh niên đi các nơi
học nghề, tiếp thu kinh nghiệm, tiếp nối, phát huy truyền thống tài hoa của
cha ông, phát triển nghề làm giày thành nghề tạo ra kinh tế mũi nhọn của địa
phương. Đến năm 2017, hai làng có 03 công ty, gần 400 cơ sở hộ gia đình sản
xuất, kinh doanh nghề da - giày, thường xuyên thu hút khoảng 2.000 lao động
(khoảng 80% lao động trong xã) và trên 1.000 lao động từ các nơi khác về
học nghề, làm nghề. Nghề sản xuất giày da truyền thống của hai giữ vai tròlớn
trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu nhập của cả xã Phú Yên. Năm
2017, giá trị thu nhập từ ngành nghề của xã ước đạt trên 90 tỷ đồng, chiếm
60% cơ cấu kinh tế của xã. Nghề làm giày da giúp hai làng cũng như cả xã
Phú Yên từ một vùng đất chiêm trũng nghèo, trở nên trù phú và hiện được xác
6
định là ngành kinh tế chủ lực của địa phương trong tương lai. Đặc biệt từ năm
2006, từ hai làng Giẽ, nghề làm giày da được mở rộng sang địa bàn các xã lân
cận và khu vực, tạo ra các xã nghề và vùng nghề.
Nghiên cứu nghề làm giày da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ về mặt
khoa học làm rõ sự hình thành và phát triển của một loại hình nghề lâu nay
chưa được quan tâm, góp phần vào việc nghiên cứu nghề thủ công và làng
nghề nói chung; nhất là làm sáng tỏ quy luật hình thành, phát triển từ làng
nghề đến xã nghề - vùng nghề. Về mặt thực tiễn, tìm hiểu nghề làm giầy da ở
hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, xã Phú Yên tạo cơ sở khoa học để ngành
công nghiệp và các ngành có liên quan huyện Phú Xuyên, cấp ủy và chính
quyền xã Phú Yên đề ra các giải pháp để nghề tiếp tục được mở rộng, các
làng nghề phát triển theo hướng bền vững.
Với những lý do trên, tôi chọn đề tài “Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ
Thượng và Giẽ Hạ xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội” 1
làm
luận án tiến sĩ Nhân học.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2. 1. Mục đích nghiên cứu
- Làm rõ các khía cạnh cơ bản của nghề làm giày da ở hai làng Giẽ
Thượng và Giẽ Hạ (các yếu tố tác động đến nghề, quy trình làm nghề và tổ
chức làm nghề, sản phẩm nghề, vị trí của nghề trong đời sống, các khía cạnh
nổi bật về xã hội và văn hóa liên quan đến nghề làm giày da hiện nay) dưới góc
độ Nhân học.
1
Quyết định đề tài luận án của Học viện Khoa học xã hội ghi là “Nghề làm giầy da ở hai
làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội”. Tuy
nhiên, để phù hợp với cách viết chính tả, trong luận án, nghiên cứu sinh dùng từ “giày da”.
Cách dùng này không làm thay đổi mục đích và nội dung được trình bày của luận án.
7
- Chỉ ra thực trạng phát triển, những vấn đề đang đặt ra đối với nghề và
làng nghề làm giày da, tạo cơ sở khoa học cho việc đề ra các giải pháp góp
phần phát triển bền vững cho làng nghề.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Thu thập các nguồn tài liệu thứ cấp (các tài liệu lưu trữ về hai làng
Giẽ Thượng, Giẽ Hạ, các công trình nghiên cứu về các khía cạnh của nội
dung luận án), tổng quan các nguồn tài liệu để có cái nhìn ban đầu về nghề,
làng nghề và hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ.
- Tiến hành điền dã tại thực địa để thu thập các nguồn tài liệu liên quan
đến các khía cạnh của nội dung luận án.
- Tổng hợp tư liệu và phân tích, giải mã các hiện tượng, nhằm làm rõ
các nội dung đề ra của luận án, trong đó, tập trung làm nổi bật các khía cạnh
của nghề giày da trước đây và sự biến chuyển trong điều kiện hiện nay,
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là những khía cạnh nổi bật nhất của
nghề làm giày da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ trong giai đoạn hiện nay từ
tư liệu khảo sát thực tế. Nội dung về “Những khía cạnh bật nhất của nghề làm
giày da” và khái niệm “Giai đoạn hiện nay” sẽ được làm rõ ở phần sau.
3. 2. Phạm vi nghiên cứu
- Không gian nghiên cứu của luận án là hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ
thuộc xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội.
- Phạm vi thời gian nghiên cứu của luận án chủ yếu là từ năm 1992 đến
nay, khi nghề giày da được phục hồi, tập trung vào khoảng thời gian 10 năm
gần đây (2007 - 2017), khi nghề giày da có bước phát triển mạnh mẽ.
8
4. Phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu, nguồn tư liệu của luận án
4.1. Phương pháp luận
Luận án được nghiên cứu trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa
duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lê nin. Phép biện
chứng có nội dung chủ đạo là coi yếu tố kinh tế luôn có quan hệ chặt chẽ với
các yếu tố khác và ngược lại. Trong trường hợp đang bàn, nghề làm giày da ở
hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ là một hoạt động kinh tế, nên có mối quan hệ
với các yếu tố môi trường, dân cư, xã hội, chính sách, và các khía cạnh kinh tế
khác. Phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật lịch sử đòi hỏi đặt các khía
cạnh nghiên cứu trong những điều kiện lịch sử nhất định.
Luận án được nghiên cứu trên cơ sở các quan điểm của Đảng Cộng sản
Việt Nam về kinh tế nông thôn, về nghề thủ công và làng nghề, đặc biệt coi
nghề thủ công là một di sản văn hóa.
4.2. Phương pháp nghiên cứu
Luận án sử dụng phương pháp thu thập, phân tích kế thừa các tài liệu
nghiên cứu đi trước, để thấy rõ các khía cạnh về nghề và làng nghề đã được
nghiên cứu, các khía cạnh còn bỏ ngỏ, từ đó, đặt ra các vấn đề cần nghiên cứu
cho luận án.
Để có được nguồn tư liệu cho luận án, nghiên cứu sinh sử dụng phương
pháp điền dã Dân tộc học. Mỗi lần điền dã tại địa bàn, ngoài các thao tác
quan sát, quan sát - tham dự, nghiên cứu sinh chú trọng sử dụng các thao tác
cơ bản dưới đây:
- Phỏng vấn: nghiên cứu sinh thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn (phỏng
vấn có định trước và phỏng vấn ngẫu nhiên) với 57 người, đối tượng phỏng
vấn là các bậc cao niên am hiểu, các chủ cơ sở sản xuất (chủ gia đình gia
9
công, các chủ sản xuất giầy, chủ công ty, doanh nghiệp), các công nhân làm
thuê, các cán bộ lãnh đạo của xã, thôn…, để thu thập các thông tin, tư liệu về
nghề và làng nghề hiện nay.
- Điều tra hồi cố: thao tác áp dụng với các bậc cao niên am hiểu để thu
thập các thông tin về các khía cạnh của làng truyền thống, về nghề cổ truyền
(sự du nhập nghề và tổ chức làm nghề). Trong điều tra hồi cố, nghiên cứu
sinh sử dụng phương pháp tìm hiểu lịch sử kinh tế gia đình để thấy được con
đường đi lên từ làm nghề của một số cơ sở sản xuất tiêu biểu của hai làng.
- Trao đổi nhóm: nghiên cứu sinh tiến hành một số cuộc trao đổi nhóm
với các đối tượng là các bậc cao niên của các làng, ban quản lý các thôn làng,
một số chủ cơ sở sản xuất để thu thập tư liệu, các ý kiến tập thể về nghề và
làng nghề hiện nay.
Sau khi có tương đối đầy đủ thông tin tư liệu đã được thẩm định,
nghiên cứu sinh sử dụng các phương pháp:
- Phương pháp phân tích và diễn giải: là phương pháp thường dùng
trong các công trình nghiên cứu Dân tộc học, để lý giải các hiện tượng mà
nguồn tư liệu phản ánh.
- Phương pháp thống kê: là việc lập các bảng thống kê các sự kiện, hiện
tượng, phục vụ cho việc phân tích, diễn giải và so sánh.
- Phương pháp so sánh: nhằm làm rõ sự khác biệt giữa nghề làm giầy
da truyền thống với nghề làm giày da hiện nay; so sánh một số điểm tương
đồng và khác biệt giữa nghề làm giày da ở hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ với
các làng nghề có tiếng trên vùng châu thổ Bắc Bộ hiện nay, như Triều Khúc
(huyện Thanh Trì, Hà Nội), Phương La (huyện Hưng Hà, Thái Bình), Đại Tự
(huyện Hoài Đức, Hà Nội) để thấy được tính đa dạng của việc làm nghề của
cư dân các làng trên vùng châu thổ Bắc Bộ.
10
- Phương pháp hệ thống (hay phương pháp tổng thể), đặt hiện tượng
được nghiên cứu với các yếu tố khác. Trong trường hợp đang bàn, phương
pháp hệ thống đặt làng nghề Giẽ Thượng, Giẽ Hạ trong mối quan hệ với yếu
tố vùng (vùng chiêm trũng, tiểu vùng văn hóa Xứ Nam), đặt nghề làm giày da
trong một quan hệ với các yếu tố điều kiện tự nhiên, con người, cơ cấu tổ
chức làng xã, các yếu tố chính sách, xã hội, văn hóa …
Trong quá trình điều tra tư liệu và viết luận án, nghiên cứu sinh sử dụng
phương pháp tham khảo ý kiến chuyên gia để có thêm các ý tưởng khoa học
cho nội dung luận án.
4.3. Nguồn tư liệu của luận án
Nguồn tư liệu chính của luận án là tư liệu điền dã, được thu thập từ các
cuộc khảo sát tại hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, gồm tư liệu phỏng vấn, thảo
luận nhóm và tư liệu thành văn (các báo cáo của cấp ủy, chính quyền địa
phương, Hội Da giày Phú Yên).
Luận án kế thừa các tư liệu, các kết quả nghiên cứu về làng Việt, về
nghề thủ công và làng nghề của các công trình đã công bố từ trước đến nay.
5. Đóng góp mới về khoa học của luận án
- Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu về nghề làm giày da ở hai
làng cụ thể dưới góc độ Nhân học, góp phần làm sáng tỏ một trong những đặc
điểm văn hóa nổi bật của người Việt về tiếp thu, vận dụng, phát triển nghề
trong vùng châu thổ sông Hồng.
- Luận án tạo cơ sở khoa học cho các nhà hoạch định chính sách, các
nhà quản lý đề ra các chính sách, các giải pháp giúp địa phương phát huy các
tiềm năng, thế mạnh, những đức tính và truyền thống tốt đẹp của của nhân
dân trong xã để phát triển kinh tế và văn hóa bền vững.
11
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án
6.1. Ý nghĩa lý luận
Luận án cung cấp thêm tư liệu về một loại hình nghề và làng nghề lâu
nay chưa được quan tâm nghiên cứu; góp phần vào nghiên cứu nghề thủ công
và làng nghề nói chung, nghề làm giày da nói riêng.
6.2. Ý nghĩa thực tiễn
Luận án chỉ ra những yếu tố thuận lợi, khó khăn, thách thức hay những
vấn đề đặt ra đối với sự phát triển của nghề và làng nghề hiện nay, tạo cơ sở
khoa học góp phần giúp cấp ủy, chính quyền địa phương có thêm những giải
pháp phát triển nghề làm giày da.
7. Kết cấu của luận án
Ngoài Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, nội dung luận án
được chia làm bốn chương:
Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ
GIỚI THIỆU ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
Chương 2: NGHỀ LÀM GIÀY DA Ở HAI LÀNG GIẼ THƯỢNG, GIẼ HẠ TRƯỚC
NĂM 1992
Chương 3: NGHỀ LÀM GIÀY DA Ở HAI LÀNG GIẼ THƯỢNG, GIẼ HẠ TỪ NĂM
1992 ĐẾN NAY
Chương 4: TÁC ĐỘNG CỦA NGHỀ LÀM GIÀY DA VỚI CÁC KHÍA CẠNH VĂN
HÓA, XÃ HỘI, NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA.
12
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU,
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ GIỚI THIỆU ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU
1.1.Tổng quan tình hình nghiên cứu
1.1.1. Tình hình nghiên cứu về nghề thủ công người Việt
Đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu về nghề thủ công và làng
nghề của người Việt ở Bắc Bộ, bao gồm các cuốn sách, các đề tài khoa học,
các luận văn, luận án tiến sĩ... dưới các góc độ: Kinh tế học, Sử học, Văn hóa
học, Nhân học… Các công trình đã phản ánh sinh động nhiều khía cạnh của
nghề và làng nghề trong các bối cảnh xã hội khác nhau. Dưới đây, luận án
điểm các công trình tiêu biểu nhất dưới góc độ Dân tộc học/ Nhân học.
1.1.1.1. Những công trình giới thiệu và khảo tả về các nghề thủ công
Đây là chủ đề nổi bật của các công trình nghiên cứu. Tiêu biểu trong số
các tác phẩm này là Quê gốm Bát Tràng, Làng Vó và nghề đúc đồng truyền
thống của Đỗ Thị Hảo [25, 26], Gốm Bát Tràng thế kỷ XIV - XIX do Phan
Huy Lê chủ biên [48], Ba tập Nghề cổ truyền của Sở Khoa học công nghệ và
Môi trường, Bảo tàng Hải Hưng [31, 32, 33], Làng thủ công mỹ nghệ miền
Bắc, Gốm sành nâu ở Phù Lãng của Trương Minh Hằng [27, 28], Làng tranh
Đông Hồ của Nguyễn Thái Lai [46]… Sau khi điểm qua nguồn gốc của nghề,
các nghiên cứu tập trung trình bày các đặc điểm chính yếu nhất của nghề thủ
công truyền thống, gồm nguồn nguyên liệu, bộ công cụ làm nghề, quy trình kỹ
thuật gắn với tổ chức sản xuất, phân công lao động, quan hệ xã hội trong làm
nghề, các loại hình và đặc trưng sản phẩm; hệ thống dịch vụ tiêu thụ sản phẩm;
thu nhập của người làm nghề; các tín ngưỡng, kiêng kỵ liên quan đến nghề.
13
Tổng tập nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam (gồm 6 tập) do
Trương Minh Hằng chủ biên [29], Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành, tập
hợp các bài viết, chương sách giới thiệu về nghề, làng nghề của Việt Nam,
trong đó tập 1 có 5 chương tập trung vào lý luận chung về nghề, làng nghề
truyền thống; các vùng nghề, địa danh, địa chí làng nghề; tổ nghề; nghệ nhân
dân gian; thực trạng làng nghề; việc bảo tồn nghề, làng nghề; những biến đổi
của nghề, làng nghề trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các tập
còn lại giới thiệu các nghề, làng nghề và cụm nghề, gồm tập 2 (nghề chế tác
kim khí), tập 3 (nghề mộc chạm), tập 4, tập 5, tập 6 giới thiệu nghề gốm, đan
lát, thêu, dệt, làm giấy, làm tranh... Bộ Tổng tập đã giới thiệu tương đối toàn
diện các nghiên cứu trong và ngoài nước về nghề, làng nghề truyền thống của
nước ta. Tổng tập cũng đề cập đến những vấn đề lý luận chung; sự hình thành,
phát triển nghề, làng nghề; tổ nghề; quy trình kỹ thuật; cách tổ chức sản xuất;
những biến đổi của nghề, làng nghề trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa.
1.1.1.2. Những công trình nghiên cứu về nghề thủ công trong bối cảnh
làng xã
Đây là hướng nghiên cứu của nhiều tác phẩm.
Trước hết phải kể đến tác phẩm Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ của
Nhà Địa lý học Pháp Pièrre Gourou, tiếp cận nghề dưới góc độ Địa lý nhân
văn qua nghiên cứu thực địa. Trên cơ sở khái quát tình hình sản xuất thủ công
nghiệp, qua thống kê 108 nghề thủ công phân theo nhóm nghề được gọi là
‘‘nền công nghiệp làng xã’’, tác giả đã chỉ rõ hoạt động của ngành kinh tế này
(cùng các ngành nông nghiệp, thương nghiệp) trong không gian sinh tồn của
người Việt là làng, đồng thời phản ánh sự vận động, biến đổi của các làng nghề
trước Cách mạng Tháng Tám 1945 [23].
14
Các nghề thủ công ở Hà Đông là một chuyên khảo mỏng của Hoàng
Trọng Phu - Tổng đốc Hà Đông, giới thiệu các nghề thủ công (tên nghề, làng
có nghề, nguồn gốc nghề, các thông tin sơ bộ về hiện trạng nghề) của các làng
ở tỉnh Hà Đông, tỉnh được coi là “vương quốc của các nghề thủ công trên vùng
châu thổ Bắc Bộ thời Pháp thuộc” [59].
Tác phẩm Nền kinh tế công xã Việt Nam của Vũ Quốc Thúc, tập trung
nghiên cứu hoạt động kinh tế, trong đó có nghề thủ công gắn liền với văn hóa
trong xu thế không ngừng vận động và biến đổi của các làng, xã; chỉ ra mối
quan hệ, sự tác động, ảnh hưởng của kinh tế với văn hóa xã hội của làng Việt
cổ truyền, từ đó tái hiện sinh động bản chất nền kinh tế công xã [74].
Hai bộ sách Nông thôn Việt Nam trong lịch sử [86, 87] và Nông dân và
nông thôn Việt Nam thời cận đại do Viện Sử học biên soạn [88, 89] có nhiều
bài viết đánh giá tổng quan sự phân bố các nghề, làng nghề của nước ta trong
lịch sử, làm rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng nghề thủ công đối với đời sống
kinh tế, văn hóa xã hội của người nông dân Việt Nam thời phong kiến và thời
thực dân nửa phong kiến, song chưa khảo tả đầy đủ, chi tiết, sâu sắc, đa chiều
các khía cạnh về nghề và làng nghề.
Làng Việt Nam, một số vấn đề kinh tế - xã hội và văn hóa của Phan Đại
Doãn là công trình nghiên cứu tổng thể về làng Việt dưới góc độ Sử học.
Cuốn sách tập trung phân tích những vấn đề cơ bản của làng xã Việt Nam từ
truyền thống đến hiện đại; kết cấu kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó nổi bật là
thủ công nghiệp kết hợp chặt chẽ với nông nghiệp, là yếu tố quan trọng của
kinh tế hộ gia đình, gắn liền với sở hữu ruộng đất giúp làng Việt ổn định, phát
triển theo kinh tế thị trường [11].
Hành trình về làng Việt cổ (tập I, tập II) của Bùi Xuân Đính giới thiệu
một số làng quê tiêu biểu của Xứ Đoài và Xứ Nam. Chiếm dung lượng lớn
15
trong các bài viết là những nội dung giới thiệu, phân tích, làm rõ bức tranh
nghề thủ công của các làng trên các phương diện: kinh tế, văn hóa, xã hội,
lịch sử, mạng lưới dịch vụ... Mỗi làng nghề cụ thể đều có những nét văn hóa
nghề và làm nghề riêng, tạo nên tính đa dạng, phong phú [16, 18]. Có nhiều
nét tương đồng với công trình này là các cuốn sách Văn hóa truyền thống
làng Đồng Kỵ do Lê Hồng Lý chủ biên, nghiên cứu làng Đồng Kỵ (thị xã Từ
Sơn, tỉnh Bắc Ninh) [52]; Ninh Hiệp - truyền thống và phát triển của nhóm
tác giả do Tô Duy Hợp chủ biên, nghiên cứu về làng - xã Ninh Hiệp - một
làng nghề, làng buôn bán nổi tiếng ở huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội [37].
Có nhiều tác phẩm khảo tả, đánh giá sâu khía cạnh văn hóa làng nghề,
trong đó nổi bật là cuốn Bát Tràng - làng nghề làng văn do Bùi Xuân Đính
chủ biên. Tác phẩm nghiên cứu công phu, đánh giá sâu sắc, toàn diện về một
làng nghề ngoại thành Hà Nội, làm rõ nét đặc trưng, khác biệt của làng Bát
Tràng làm nghề gốm gắn với nghề buôn bán, dịch vụ. Đây là làng nghề
chuyên sản xuất gốm, không gắn với sản xuất nông nghiệp; các hoạt động của
làng nghề, những tác động của nghề đến các lĩnh vực đời sống xã hội của làng
Bát Tràng. Cuốn sách cũng đánh giá, làm rõ truyền thống, biến đổi, ảnh
hưởng của nền kinh tế thị trường, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào
sản xuất, đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, để phát triển
làng nghề bền vững [19].
Bên cạnh đó, nhiều đề tài luận án, luận văn thuộc các chuyên ngành:
Dân tộc học; Nhân học; Văn hóa học; Văn hóa dân gian đã nghiên cứu về
nghề, làng nghề, tiêu biểu là các luận án tiến sĩ: Nghề dệt cổ truyền ở đồng
bằng Bắc Bộ của Lâm Bá Nam [55]; Làng gốm Phù Lãng của Trương Minh
Hằng [27]; Làng nghề Cúc Bồ trong cảnh quan văn hoá xứ Đông của Phạm
Văn Hiệp [30]; Làng nghề sơn quang Cát Đằng (truyền thống và biến đổi)
của Nguyễn Lan Hương [41]; Làng nghề thủ công Triều Khúc (xã Tân Triều,
16
huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội), truyền thống và biến đổi của Đỗ Ngọc
Yến [95], Biến đổi văn hóa làng dệt Phương La (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái
Bình) của Bùi Thị Dung [12] hay các luận văn thạc sĩ: Làng Nhị Khê với nghề
tiện truyền thống của Vũ Thanh Hà [24], Làng chạm bạc Đồng Sâm ở Thái
Bình của Đỗ Thị Tuyết Nhung [56] v.v.. Các luận án, luận văn đã tập trung
điều tra, khảo sát, phân tích tác động của điều kiện địa lý cảnh quan, môi
trường văn hóa xã hội với nghề, đặc trưng nghề và làng nghề ở nhiều chiều
cạnh như: mô hình, cấu trúc làng xóm, nơi thờ cúng tâm linh của làng (đình,
chùa, đền miếu, thờ tổ nghề...), các phong tục tập quán, lễ hội, thiết chế văn
hóa... Bên cạnh đó còn nhiều bài viết được đăng trên các tạp chí khoa học, đề
cập đến việc bảo tồn, phát triển các nghề, làng nghề trong giai đoạn hiện nay.
Đáng lưu ý là luận án Làng nghề cơ khí - mộc dân dụng Đại Tự (xã Kim
Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội) của Nguyễn Đình Phúc, đề cập
đến sự du nhập của nghề mới (làm két bạc) ở một làng ngoại thành Hà Nội
trong điều kiện công nghiệp hóa: điều kiện để du nhập nghề, quy trình sản
xuất và sản phẩm nghề, tác động của nghề đối với đời sống của dân làng [60].
1.1.1.3. Nghiên cứu nghề thủ công trong bối cảnh kinh tế - xã hội đương
đại
Từ hòa bình lập lại đến nay, nông thôn Việt Nam và làng nghề trải qua
nhiều thăng trầm, biến động, đặc biệt là tác động mạnh mẽ của sự nghiệp công
nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bám sát thực tiễn sinh động đó, nhiều công trình đã tập
trung nghiên cứu về nghề, làng nghề; tìm hiểu, làm rõ những đặc điểm truyền
thống, những tác động của kinh tế thị trường đến mọi mặt của làng nghề, từ
đó có những định hướng, đề xuất giải pháp phát triển làng nghề bền vững. Có
thể chia những công trình nổi bật nghiên cứu theo xu hướng này sau:
- Về các nghiên cứu của các tác giả nước ngoài, có thể kể đến tác phẩm
17
Ritual, feast and politics in North Vietnam between ideology and tradition của
Endres, Kirsten, nghiên cứu về làng nghề đúc đồng Đại Bái (huyện Lương
Tài, tỉnh Bắc Ninh) vào các năm 1996, 1998, song nội dung chủ yếu quan tâm
đến quá trình phục hồi các nghi lễ, lễ hội và đời sống văn hóa ở làng nghề này
từ sau Đổi mới đến thời điểm khảo sát [104].
Luận án tiến sĩ Iron Works:Excavating alternative Futures in a
Northern Vietnamese Craft Village (Luyện sắt: tương lai lựa chọn ở một làng
nghề miền Bắc Việt Nam) của DiGregorio, Michael, Đại học California miêu
tả quá trình tái phát triển của làng nghề Đa Hội, từ một làng rèn truyền thống,
sau Đổi mới trở thành một nơi sản xuất, cung cấp thép lớn cho thị trường
trong nước và quốc tế. Hệ thống sản xuất ở Đa Hội bao gồm các hộ gia đình
và các doanh nghiệp gia đình gắn kết với nhau qua sự phân công sản xuất và
các mối quan hệ chồng chéo về giới, dòng họ và nơi cư trú. Nghiên cứu cho
thấy sự quan trọng của bản sắc địa phương trong phát triển làng nghề. Câu
chuyện của Đa Hội cho thấy phân khúc công nghiệp ở Việt Nam thường bị
phá vỡ, các nhà sản xuất ở làng nghề đã áp dụng các công nghệ linh hoạt và
thành công trong việc gia nhập nền công nghiệp sản xuất lớn trong cuộc cạnh
tranh với thị trường vốn còn bất ổn và chưa hoàn chỉnh về mặt thể chế. Giống
như nghề thủ công ở các nước phát triển khác, làng nghề Đa Hội hình thành
nên các mạng lưới hỗ trợ nhau hơn là các nhóm hợp tác; các công ty tư nhân
tự do giao dịch ở bên ngoài nhóm của mình, trong khi ở bên trong nhóm lại
chia sẻ với nhau khả năng sản xuất, dịch vụ vận chuyển và lợi nhuận bán lẻ.
Các nhóm sản xuất quy mô lớn được điều hành bởi các thành viên trưởng
thành trong gia đình, ở đó người khởi xướng nghề vẫn còn hoạt động năng
động. Các nhóm nhỏ hơn được hình thành bởi các anh chị em khác trong gia
đình, thậm chí là bạn bè. Khả năng linh hoạt và gần gũi với thị trường là điều
làm nên sự khác biệt của Đa Hội: trong khi nhiều với tổng công ty cổ phần và
18
công ty của nhà nước trong ngành thép thua lỗ thì Đa Hội vẫn bán được sản
phẩm có lãi và ngày càng tăng thị phần. Tương lai của Đa Hội sẽ là sự tiếp tục
mô hình sản xuất bao gồm các xưởng quy mô nhỏ gắn trong các mạng lưới
kinh doanh và xã hội của gia đình và làng xã [107].
- Về các công trình nghiên cứu ở trong nước, cuốn Làng nghề, phố
nghề, Thăng Long - Hà Nội của Trần Quốc Vượng và Đỗ Thị Hảo [91] là
công trình đánh giá vị trí của Thăng Long - Hà Nội với phát triển nghề thủ
công. Các tác giả đưa ra định nghĩa về làng nghề thủ công, phố nghề gắn với
lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Chương 3 của sách tập trung nói về nghề, làng
nghề, phố nghề của đô thị này, quan điểm phát triển làng nghề. Cuốn sách
cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức của nghề, làng nghề trong bối cảnh
kinh tế thị trường, trong đó khó khăn, thách thức lớn nhất là sự cạnh tranh gay
gắt trong cùng một làng nghề cũng như giữa các làng nghề với nhau, nhất là
trong tiêu thụ sản phẩm, đòi hỏi cần có cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp
trên tầm vĩ mô cũng như vi mô để các nghề, làng nghề phát triển bền vững.
Cuốn Phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình công nghiệp
hoá, hiện đại hoá do Mai Thế Hởn chủ biên [36]; Làng nghề truyền thống
trong quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá của Trần Minh Yến [94]…
tập trung làm rõ các yếu tố tác động đến làng nghề, đặc biệt là hoạt động thích
ứng, phát triển của làng nghề, đề xuất giải pháp bảo tồn làng nghề trong bối
cảnh toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa.
Cuốn Làng nghề, phố nghề Hà Nội trong bối cảnh toàn cầu hóa của tác
giả Lê Hồng Lý [53]; Làng nghề phố nghề Thăng Long - Hà Nội trên đường
phát triển của nhóm tác giả Vũ Quốc Tuấn [69] đưa ra cái nhìn khái quát về
làng nghề, phố nghề trong lịch sử, đánh giá thực trạng của làng nghề phố nghề
hiện nay, chỉ ra hướng phát triển và các giải pháp để phát triển làng nghề.
19
Biến đổi văn hóa ở các làng quê hiện nay của Nguyễn Thị Phương Châm
là công trình nghiên cứu dưới góc độ Nhân học văn hóa về ba làng Đồng Kỵ,
Trang Liệt, Đình Bảng - những làng nghề thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh). Những
biến đổi văn hóa ở các làng này được tác giả phản ánh tương đối toàn diện trên
các mặt: sự chuyển đổi về địa lý, dân cư, cơ cấu kinh tế, xã hội, các công trình
thờ tự, các nghi lễ, phong tục, các sinh hoạt văn hóa khác của các làng. Từ đó,
tác giả tìm ra được bản chất và cơ chế của sự biến đổi văn hóa ở các làng quê
Bắc Ninh trong bối cảnh đô thị hóa, công nghiệp hóa hiện nay. Đó là, biến đổi về
cơ cấu kinh tế, các dịch vụ xã hội, hệ thống quản lý làng xã trong điều kiện nền
kinh tế thị trường. Kết quả của quá trình biến đổi này là tăng trưởng kinh tế,
nâng cao đời sống người dân; các dịch vụ phát triển, đa dạng hóa các hình thức
quan hệ sản xuất.... ; những đổi thay về không gian, cảnh quan, đời sống xã hội,
các giá trị đạo đức, sự phân hóa giầu nghèo; các di tích, tín ngưỡng, lễ hội được
quan tâm, cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều nét văn hóa hiện đại. Cuốn sách
đã chỉ ra xu thế phát triển kinh tế, xã hội nhất là sự tác động của truyền thông,
được xem như chất xúc tác quan trọng, làm biến đổi đời sống văn hóa tinh thần
của người dân; đồng thời cho thấy sự sống động trong đời sống nông thôn, phục
dựng các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa truyền thống, sự cố kết dòng họ ở làng quê
Việt Nam hiện nay [8].
Cuốn Một số yếu tố văn hóa và giáo dục ảnh hưởng đến sự phát triển
làng-xã của hai tác giả Nguyễn Lâm Tuấn Anh và Nguyễn Thị Minh Phương,
lấy làng Đồng Kỵ (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) “làm nền” để đi sâu phân
tích những chuyển biến trên lĩnh vực văn hóa giáo dục, những thay đổi trong
cơ cấu lao động, việc làm... đã tạo nên sự thay đổi từ một làng nông nghiệp
thành làng nông - công nghiệp và tiến tới làng phi nông nghiệp... [1].
Nghiên cứu biến đổi của nghề, làng nghề dưới góc độ Dân tộc
học/Nhân học được nhiều tác giả quan tâm, làm rõ những biến đổi của làng
20
nghề truyền thống từ hòa bình lập lại tới nay. Một số nghiên cứu đã chỉ rõ
những tác động to lớn của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa
và hội nhập quốc tế với các làng nghề. Có thể kể những công trình nổi bật sau:
Cuốn Sự phát triển của làng nghề La Phù do Tạ Long chủ biên lựa
chọn một làng đa nghề (nghề dệt, nghề may, cơ khí, làm bánh kẹo, mạch
nha…) của huyện Hoài Đức thành phố Hà Nội để nghiên cứu sâu sự biến đổi
bộ mặt làng nghề và nghề thủ công. Thông qua các tư liệu lịch sử, cuốn sách
đã làm rõ truyền thống và những biến đổi của nghề - làng nghề, chỉ ra các
khía cạnh, biểu hiện trên lĩnh vực kinh tế; sự xuất hiện các thành phần kinh tế,
các hình thức tổ chức kinh doanh, hệ thống dịch vụ, thu nhập của người sản
xuất, kinh doanh, sự phân công lao động và thu hút lao động từ bên ngoài vào
sản xuất của làng nghề. Đặc biệt trong cơ chế thị trường, làng nghề đã hình
thành các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định, mang lại hiệu quả kinh
tế cao, đóng góp vào ngân sách địa phương, có những tác động tích cực đến
đời sống chính trị ở cơ sở. Trên lĩnh vực văn hóa xã hội, nghề và biến đổi của
làng nghề đã làm tư duy, cách nghĩ, cách làm, lối ứng của người nông dân có
nhiều thay đổi; hoạt động mùa vụ thay bằng quy trình sản xuất có tính tổ chức
cao, thời gian sản xuất quanh năm, hình thành hoạt động công - thương
nghiệp. Sự phát triển của nghề và làng nghề làm quá trình đô thị hóa diễn ra
nhanh hơn, ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội của người dân
làng nghề. Các tác giả cũng góp tiếng nói về bảo tồn và phát triển làng nghề
trước quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời đưa ra các chỉ báo,
giải pháp giúp làng nghề vượt qua khó khăn, phát triển bền vững [51].
Cuốn Làng nghề thủ công huyện Thanh Oai (Hà Nội) - truyền thống và
biến đổi do Bùi Xuân Đính chủ biên, tập trung nghiên cứu các nghề thủ công
ở huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội - huyện được coi là “vương quốc của
các nghề thủ công trên vùng châu thổ Bắc Bộ” theo hướng so sánh truyền
21
thống và biến đổi. Sách chỉ rõ sự biến đổi của nghề và làng nghề thủ công
truyền thống trong một giai đoạn tương đối dài (từ trước Cách mạng Tháng
Tám 1945 đến năm 2008); lý giải các điều kiện để các làng nghề thủ công
huyện Thanh Oai thích nghi, hội nhập, phát triển trong bối cảnh công nghiệp
hóa, hiện đại hóa. Cuốn sách còn khảo tả chín làng nghề truyền thống tiêu
biểu về các khía cạnh, chỉ rõ những biến đổi của nghề, làng nghề từ sau hòa
bình lập lại đến đầu thập niên 2000, chỉ ra xu hướng vận động và dự báo sự
phát triển của nghề, làng nghề trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập
[17]. Cùng dạng với cuốn sách này là cuốn Bát Tràng - làng nghề làng văn
cũng do Bùi Xuân Đính chủ biên, đề cập đến sự biến đổi của nghề gốm cổ
truyền và làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) [19].
Đề tài cấp bộ Văn hóa kinh tế làng nghề: thách thức và giải pháp trong
bối cảnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa do Đinh Thị Vân Chi (Trường Đại
học Văn hóa Hà Nội) thực hiện năm 2012, khảo sát các làng nghề tiêu biểu ở
Bắc Bộ, đặt ra một số vấn đề của làng nghề dưới góc độ văn hóa kinh tế [9].
Tóm lại, đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về nghề và làng
nghề, có thể khái quát nội dung và hướng nghiên cứu như sau:
- Về nội dung, chiếm phần lớn các công trình là nghiên cứu về nghề và
làng nghề truyền thống, tập trung khảo tả, đánh giá thực trạng nghề và làng
nghề; nhiều công trình chủ yếu mô tả quy trình kỹ thuật; nguồn gốc nghề và
tổ nghề, các hoạt động văn hóa của làng nghề, vùng nghề gắn liền với nông
thôn Việt Nam…, từ đó chỉ ra những mặt được, chưa được của các làng nghề,
đưa ra các giải pháp phát triển nghề và làng nghề.
- Các nghiên cứu về nghề, làng nghề dưới góc độ Nhân học (nghiên
cứu về các nhân tố con người, nhân tố địa phương đối với sự tồn tại và phát
triển của nghề thủ công, về các mối quan hệ con người trong tổ chức làm
22
nghề; hay người thợ thủ công sử dụng nguồn vốn xã hội và mạng xã hội như
thế nào để duy trì và phát triển nghề) chưa thật sự được chú ý đúng mức.
Cùng với một số luận án, công trình đi trước, luận án này khắc phục
những hạn chế trên: ngoài việc tập trung phân tích, lý giải các hoạt động kinh
tế, văn hóa xã hội của nghề gắn với làng nghề ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ
Hạ xã Phú Yên, chúng tôi quan tâm đến vai trò của con người trong sự vận
động và phát triển của nghề, làng nghề; coi con người là chủ thể của văn hóa
nghề, làng nghề và con người giữ vai trò quyết định sự tồn tại, phát triển của
nghề, làng nghề.
1.1.2. Những nghiên cứu về hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ và về nghề
giày da ở hai làng
Hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ đã có một số công trình đề cập đến.
Bài “Làng Giẽ Hạ và Phủ từ họ Đặng” cảu Trần Quốc Vượng, Nguyễn
Hồng Kiên in trong sách Hà Tây - làng nghề làng văn, tập 2, giới thiệu về
điều kiện địa lý tự nhiên, địa lý hành chính làng Giẽ Hạ, nguồn gốc và sự phát
đạt của dòng họ Đặng Đình cùng dấu tích còn lại ở làng [90, tr. 143 - 163].
Cuốn Di tích Hà Tây, Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây ấn hành (năm 1999)
có các bài giới thiệu về đình Giẽ Hạ và đình Giẽ Thượng [66, tr. 367 - 370].
Cuốn Đất Phú Xuyên, người Phú Xuyên do Huyện ủy, Hội đồng nhân
dân, Ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên xuất bản (2006) có phần giới thiệu sơ
bộ về xã Phú Yên [39].
Nghề giày da xuất hiện ở nước ta rất muộn, do đời sống vật chất của
nhân dân trước đây rất khó khăn nên số người sử dụng giày rất ít, không hình
thành các làng nghề chuyên biệt, mà chỉ có những người làm nghề lẻ tẻ ở các
đô thị. Có lẽ đây là lý do đến nay nghề làm giày da chưa được quan tâm
23
nghiên cứu. Đối với nghề và làng nghề giày da ở xã Phú Yên, đến nay, mới
chỉ có một số cuốn sách và bài viết đề cập, như đề tài Giải pháp phát triển
làng nghề truyền thống ven sông Nhuệ tỉnh Hà Tây phục vụ cho du lịch của
Khoa Du lịch, Viện Đại học Mở Hà Nội, khảo sát ba làng nghề thủ công
truyền thống là làng lụa Vạn Phúc (thị xã Hà Đông), làng khảm trai thôn Ngọ
xã Chuyên Mỹ và làng nghề giầy da xã Phú Yên (cùng thuộc huyện Phú
Xuyên), tỉnh Hà Tây trước khi được điều chỉnh địa giới hành chính về Hà
Nội. Các tác giả đưa ra một số thông tin về lịch sử hình thành và phát triển
của nghề và làng nghề, chủ yếu giới thiệu văn hóa làng nghề và sản phẩm
làng nghề phục vụ phát triển du lịch của các làng nghề [44].
Đề tài Hoạt động xuất nhập khẩu da giầy của thành phố Hải Phòng sau
khi gia nhập WTO, thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả của nhóm
nghiên cứu Khoa Kinh tế ngoại thương, Trường Đại học Hải Phòng nêu tổng
quan về nghề da giày của Việt Nam, trong đó có nội dung nhắc đến sự hình
thành làng nghề giày da xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên [45].
Luận văn thạc sĩ Biến đổi văn hóa tổ chức đời sống cộng đồng làng
nghề giầy da xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội của tác giả
Nguyễn Việt Chinh, Khoa Văn hóa học (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), lý
giải thực trạng biến đổi trong văn hóa tổ chức đời sống cộng đồng (gia đình,
dòng họ) ở làng nghề giày da xã Phú Yên trong bối cảnh công nghiệp hóa, đô
thị hóa, đưa ra một số gợi ý khoa học về những giải pháp, định hướng thích
hợp cho chiến lược phát triển văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, ảnh hưởng của yếu
tố nghề đối với các biến đổi trên đây chưa được luận văn quan tâm [10].
Cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Phú Yên 1945 - 2000, do Đảng bộ xã Phú Yên
biên soạn, xuất bản năm 2006 trong Chương I đã đề cập đến đời sống dân cư, quá
trình hình thành xã Phú Yên và các nghề truyền thống của xã. Riêng nghề giày da
24
tại các trang 12, 13 của cuốn sách giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển
nghề từ trước năm 1945 đến đầu những năm 2000 [4].
Bài Làng nghề da giầy Phú Yên đăng trên Cổng thông tin Điện tử
huyện Phú Xuyên, ngày 31/3/2012 phản ánh về lịch sử làng nghề và sự phát
triển của làng nghề trong giai đoạn hiện nay. Bài viết đánh giá cấp ủy, chính
quyền địa phương quan tâm phát triển nghề giầy da, làng nghề ngày càng
khởi sắc, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết công
ăn việc làm cho người lao động.
Ngoài ra, còn có nhiều bài báo trên các báo viết, báo điện tử, chương
trình phát thanh truyền hình trong nước giới thiệu làng nghề, cung cấp thông
tin liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề.
Nhìn chung, nghiên cứu về nghề làm giày da ở hai làng Giẽ Thượng và
Giẽ Hạ còn ít, chủ yếu dưới góc độ lịch sử văn hóa và kinh tế, chưa có công
trình nào nghiên cứu một cách có hệ thống dưới góc độ Nhân học. Luận án
này được xem là công trình đầu tiên nghiên cứu về nghề làm giày da ở hai
làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ dưới góc độ Nhân học.
1.2. Cơ sở lý thuyết của luận án
1.2.1. Các khái niệm
“Nghề thủ công và nghề thủ công truyền thống”
Nghề thủ công được coi là các nghề (ngoài sản xuất nông nghiệp) tạo ra
các sản phẩm bằng lao động thủ công (làm bằng tay, hay công cụ sản xuất
thường là công cụ cầm tay, đơn giản), phục vụ cho các mặt của đời sống con
người; đa số nguyên liệu của các nghề thủ công khai thác từ thiên nhiên.
Theo thời gian, nhất là ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ
thuật, các nghề thủ công đã sử dụng máy móc, hóa chất và các giải pháp kỹ
25
thuật của công nghiệp trong một số công đoạn hay phần việc nhất định. Tuy
nhiên, phần quyết định chất lượng và hình thức đặc trưng của sản phẩm nghề
thủ công vẫn phải làm bằng tay.
Phân biệt “Nghề thủ công” là một nghề, với “Ngành tiểu công
nghiệp, thủ công nghiệp” (thường gọi tắt là “Tiểu - thủ công nghiệp”), là lĩnh
vực sản xuất, gồm các nghề thủ công và các cơ sở công nghiệp nhỏ, thường
có nguồn gốc từ các nghề thủ công phát triển thành. Khái niệm “Tiểu - thủ
công nghiệp” thường dùng trong các niên giám thống kê trước đây và trong
phân tích cơ cấu kinh tế của các địa phương
Nghề thủ công truyền thống là nghề hình thành từ xa xưa, ngày nay có
thể tồn tại hay không còn được duy trì, khác với các nghề hiện đại mới phát
sinh hoặc mới được du nhập.
“Làng”
Đã có nhiều khái niệm về làng, dựa vào các tiêu chí khác nhau. Ở đây,
chúng tôi dựa vào khái niệm của tác giả Bùi Xuân Đính cho rằng, làng là đơn
vị tụ cư truyền thống của người Việt ở nông thôn, có không gian lãnh thổ và
địa giới xác định, có cách bố trí hạ tầng riêng, cơ cấu tổ chức (xóm, ngõ, dòng
họ, bộ máy quản lý) riêng, lệ tục riêng thậm chi có cả “tiếng làng” riêng (thể
hiện ở âm hay giọng); tính cách riêng. Các yếu tố đó tương đối ổn định trong
quá trình lịch sử [16, tr. 4].
“Làng nghề”
Là làng có phần đông cư dân sống bằng một nghề hoặc nhiều nghề thủ
công, có khi chỉ là một công đoạn của nghề, tạo ra các sản phẩm mang những
dấu ấn riêng, thời gian làm nghề và thu nhập của nghề chiếm tỷ lệ lớn nhất so
với các hoạt động kinh tế khác; hoạt động làm nghề có ảnh hưởng lớn đến các
mặt khác của làng (kiến trúc làng xóm, nhà cửa, nhịp sống, thiết chế tổ chức
26
và các quan hệ xã hội, tâm lý tính cách, phong tục tập quán, nếp sống...).
Làng nghề có thể có hoặc không có truyền thuyết về tổ nghề, ngày giỗ tổ
nghề, song ý thức về nghề của cư dân rất sâu sắc.
“Làng nghề thủ công truyền thống”
Là các làng có các nghề thủ công hình thành từ xa xưa.
Khái niệm “truyền thống” với tư cách là một danh từ, chỉ các yếu tố
được hình thành mang tính ổn định của một hiện tượng, ví dụ truyền thống
khoa cử, truyền thống cách mạng… Với tư cách là một tính từ, khái niệm này
định rõ nội dung, bản chất, hoặc thời điểm diễn ra của một hiện tượng, ví dụ:
làng truyền thống, món ăn truyền thống.
Khái niệm “Nghề truyền thống” và “Làng nghề truyền thống” trong
luận án này, xét trên phương diện kinh tế là nghề có kỹ thuật thủ công; xét
trên phương diện xã hội và văn hóa, gắn với cơ cấu tổ chức xã hội và các giá
trị văn hóa của làng Việt được hình thành và tồn tại đến Cách mạng Tháng
Tám 1945. Làng nghề thủ công truyền thống vẫn tồn tại đến ngày nay, song
nghề đã có những thay đổi sâu sắc về kỹ thuật, tổ chức sản xuất, loại hình sản
phẩm và phương thức tiêu thụ. Sự thay đổi này đã tác động đến nhiều mặt đời
sống của làng.
“Làng nghề hiện đại”
Làng nghề hiện đại (hay làng nghề mới) là các làng có các nghề mới
được nhân cấy hay du nhập. Tại Thông tư số 116/2006/TT-BNN, ngày
18/12/2006, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định cả hai loại hình
làng nghề truyền thống và làng nghề hiện đại có chung các đặc điểm sau:
- Có tối thiểu 30% tổng số hộ trên địa bàn tham gia các hoạt động
ngành nghề nông thôn;
27
- Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm tính đến thời
điểm đề nghị công nhận;
- Nghề được công nhận là nghề truyền thống phải đạt ba tiêu chí sau:
+ Xuất hiện tại địa phương trên 50 năm tính đến thời điểm được công nhận;
+ Tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc;
+ Nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của
làng nghề.
- Chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước [7, 117].
“Xã nghề”
Là một xã (đơn vị hành chính) mà phần đông cư dân của hầu hết các
làng sống bằng một nghề hoặc nhiều nghề thủ công (nghề truyền thống hoặc
nghề mới du nhập).
“Vùng nghề”
Là một vùng gồm nhiều làng xã trong một huyện hoặc liên huyện sinh
sống bằng một nghề hoặc nhiều nghề.
“Phố nghề”
Là phố phường ở các đô thị, cư dân sống bằng các nghề thủ công.
1.2.2. Cơ sở lý thuyết và cách tiếp cận
1.2.2.1. Cơ sở lý thuyết
Liên quan đến các nội dung mà đề tài luận án cần giải quyết, nghiên
cứu sinh sử dụng thuyết duy lí, còn gọi là sự lựa chọn hợp lí. Nội dung chính
của thuyết này là các cá nhân luôn lựa chọn và thực hiện các điều hoặc công
việc mà mỗi người thấy có thể đem lại kết quả tốt nhất cho bản thân, hay luôn
hành động có chủ đích để sử dụng các tiềm năng, khả năng để đạt được kết
28
quả lớn nhất với chi phí ít nhất cho sự lựa chọn của mình. Đại diện tiêu biểu
cho thuyết này là Popkin. Nghiên cứu về sinh kế của người nông dân Việt,
Popkin cho rằng, người nông dân luôn lựa chọn cái mà họ tin là sẽ có được
những lợi ích như dự định và mong đợi. Khi có được nguồn thu vượt ra ngoài
mức ổn định đã có, người nông dân sẽ đem phần dư thừa ra đầu tư, vì mỗi
người luôn muốn có nguồn thu nhiều hơn để đề phòng những rủi ro có thể đến
và để được ngang bằng hoặc “vượt lên” so với những người có địa vị kinh tế
cao hơn và khoản đầu tư đó không đe dọa đến tiềm lực kinh tế mà người đó
đang có. Với tính cách này, người nông dân được Popkin xem là những cá
nhân duy lí [110]. Trong khi Scott (1976) cùng các nhà kinh tế đạo đức khác
cho rằng, làng với tư cách một thiết chế giảm thiểu rủi ro cho các thành viên,
là một cộng đồng đoàn kết [113], thì Popkin, tuy vẫn thừa nhận có sự hợp tác
giữa các nhóm nhỏ và các thành viên của làng nhằm đạt được những lợi ích
tập thể, nhưng bên cạnh đó, theo ông, là rất nhiều sự mâu thuẫn nảy sinh liên
quan đến lợi ích cá nhân. Mặt thứ hai được nhìn nhận là biểu hiện của tính
duy lí trong quan hệ xã hội ở làng.
Ngoài Popkin, những người ủng hộ thuyết duy lý còn có thể kể đến là
Homans. Ông cho rằng, khi có nhiều lựa chọn, mỗi cá nhân sẽ “dừng lại” ở
cách được coi là có xác suất thành công cao nhất. Homans còn coi thuyết duy
lí là lí thuyết trao đổi, bởi sự lựa chọn của con người luôn được đặt trong các
mối quan hệ và mỗi người luôn quan tâm đến việc đạt được những gì (về vật
chất hoặc tinh thần) trong các quá trình tương tác (hay trao đổi về kinh tế và
trao đổi về xã hội) với các cá nhân khác, các nhóm xã hội bao trùm hơn [102].
Một học giả khác theo thuyết duy lý là Blau. Trong Exchange and
Power in Social Life (Trao đổi và quyền lực trong đời sống xã hội) [96], ông
cho rằng, trao đổi xã hội có chức năng tạo ra mối quan hệ quyền lực giữa các
bên tham gia. trao đổi xã hội (trong sự so sánh với trao đổi kinh tế) là có giá
29
trị tự thân, các bên tham gia đều cố gắng gây ấn tượng tốt với nhau và có sự
thỏa thuận ngầm giữa các bên.
Luận án vận dụng thuyết duy lý của người nông dân để lý giải vì sao
những người nông dân ở các làng lại chọn nghề này mà không chọn nghề nọ,
hoặc một (hay một số nghề) nghề lại được phân bố ở làng, vùng này, mà
không ở các làng, vùng khác.
Lý thuyết thứ hai được sử dụng trong luận án là lý thuyết về mạng xã
hội. Góc nhìn về mạng xã hội là một trong những cách tiếp cận cụ thể về vốn
xã hội, hay vốn xã hội được nhìn nhận gắn với dạng thức
liên kết của các quan hệ xã hội: liên kết trong nội bộ (bonding), hoặc bắc cầu
(bridging) của nhiều học giả mà đại diện là Bourdieu, Coleman, Portes …,
với nội dung chủ đạo là con người có thể sử dụng các quan hệ xã hội để tìm
kiếm lợi ích. Lý thuyết về mạng xã hội, đại diện là Burt, Portes và
Sensenbrenner coi xã hội là một cấu trúc của nhiều cá nhân hoặc tổ chức liên
kết, tập hợp con người thành các cộng đồng, các nhóm quan hệ phụ thuộc, chi
phối lẫn nhau, như liên kết theo quan hệ thân tộc và hôn nhân (gia đình, dòng
họ), quan hệ cư trú (quan hệ láng giềng trong một làng hay mở rộng ra vùng
lãnh thổ hoặc liên/xuyên quốc gia, quan hệ theo tuổi tác, theo nghề nghiệp, sở
thích, theo tín ngưỡng - tôn giáo hoặc theo địa vị xã hội… Các quan hệ giữa
các cá nhân hay nhóm trong mạng lưới gọi là các “nút”, gắn liền với nhau tạo
thành mạng lưới liên kết, có tính mở, luôn tác động ảnh hưởng đến nhau. Các
cá nhân trong mạng lưới có nhu cầu trao đổi thông tin, từ đó có phương cách
tiếp cận thông tin khác nhau. Mỗi cá nhân lại như là một cầu nối, tạo thành
những liên kết rộng lớn vượt qua khuôn khổ một gia đình, một cộng đồng,
nhất là từ khi công nghệ thông tin phát triển như ngày nay. Đối với các cư dân
tiền công nghiệp, do điều kiện kinh tế - xã hội thấp kém nên cộng đồng làng
là sự thể hiện tập trung nhất sự liên kết dựa trên cơ sở cùng cư trú và lợi ích.
30
Luận án vận dụng lý thuyết mạng lưới xã hội để xử lý các vấn đề liên
quan đến hoạt động nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ. Trong
làm nghề thủ công cũng như trong hoạt động kinh tế nói chung, muốn duy trì
và phát triển nghề, đảm bảo và gia tăng lợi nhuận, người làm nghề phải thiết
lập các mối quan hệ, gồm quan hệ trong quá trình làm nghề (với nơi cung cấp
nguyên liệu, nơi tiêu thụ sản phẩm, với đội ngũ nhân công) và quan hệ ngoài
quá trình làm nghề (hay các quan hệ “bắc cầu”).
Lý thuyết mạng lưới xã hội còn được nghiên cứu sinh vận dụng để xem
xét thực trạng và vai trò của mạng lưới xã hội đối với các hoạt động làm nghề
giày da ở hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ. Cụ thể, là người sản xuất, kinh doanh
đã huy động và sử dụng mạng lười xã hội (các quan hệ gia đình, dòng họ, bạn
bè, hay của chung cộng đồng làng) được sử dụng như thế nào trong tạo lập
nguồn vốn, tìm nhân công, xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm và tìm
thị trường tiêu thụ sản phẩm để phát triển nghề ở làng và phát triển nghề đi
nơi khác, từ làng nghề thành xã nghề - vùng nghề:
1.2.2.2. Cách tiếp cận
Luận án được thực hiện từ cách tiếp cận nghiên cứu về nghề thủ công
và làng nghề. Người đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống và “bài bản”
về nghề thủ công và làng nghề của người Việt ở châu thổ Bắc Bộ là Nhà Địa
lý học Pièrre Gourou. Trong tác phẩm nổi tiếng Người nông dân châu thổ Bắc
Kỳ, ông dành chương II của Phần thứ hai “Phương tiện sống của nông dân
Bắc Kỳ” để trình bày các nghề thủ công ở vùng đất này mà ông gọi là “Công
nghiệp làng xã”. Qua hơn 80 trang (từ trang 406 - 487), những khảo tả của
tác giả lộ ra nhiều khía cạnh lý thuyết khi nghiên cứu nghề thủ công làng xã
của một vùng. Đó là:
- Sự phân bố “cư dân công nghiệp” gắn với sự hình thành và tồn tại của
31
các nghề thủ công, đồng nghĩa với việc hình thành các vùng nghề (hình thái
chung, các trung tâm chính như Hà Đông và các trung tâm phụ cận và các
trung tâm khác như Sơn Tây, Hải Dương, Thái Bình);
- Các loại hình công nghiệp, tức các loại hình nghề thủ công, được
P.Gourou phân thành các công nghiệp dệt, công nghiệp thực phẩm, đan lát,
công nghiệp gỗ và các công nghiệp khác). Mỗi loại hình công nghiệp được
chỉ rõ chỉ rõ các nghề cụ thể, số lượng thợ, các làng có nghề, đặc điểm và vị
trí một số làng nghề điển hình;
- Các nhân tố tác động đến phân bổ công nghiệp, gồm phân bố định
lượng, tức tại sao ở châu thổ Bắc Kỳ, có những vùng có nhiều “công nghiệp”
hơn các vùng khác và phân bố định tính, tức vì sao một nghề chỉ có ở làng
này mà không có ở làng khác. Cả hai sự phân bố đều có liên quan đến các
nhân tố: dân số, điều kiện tự nhiên, giao thông, bản thân nền kinh tế nông
nghiệp, nguồn nguyên liệu và nguồn gốc của nghề). Đó là cáí nhìn rất biện
chứng của học giả;
- Tính chất (đặc điểm) của công nghiệp nông thôn, được P.Gourou chỉ
ra là nền công nghiệp gia đình, công nghiệp nhân công, các khía cạnh của
phân công lao động, nguyên nhân của phân công lao động, khuynh hướng
chuyên môn hóa và độc quyền);
- Vấn đề cuối cùng từ cách tiếp cận mang tính lý thuyết khi nghiên cứu
nghề thủ công được Pièrre Gourou bàn đến là “sự tiến hóa của công nghiệp
làng”, tức sự tồn tại và phát triển của các nghề, các yếu tố tác động đến sự
“biến mất” của một số nghề những “công nghiệp mới”, tức các nghề mới xuất
hiện. Hiện tượng này ngày nay được gọi là nghiên cứu “truyền thống và biến
đổi của nghề thủ công”; trong đó Pièrre Gourou đề cao vai trò của chính phủ
và sự năng động của cộng đồng cư dân làm nghề [23].
32
Có thể nói, chương sách của Pièrre Gourou là một trong những ví dụ
tương đối điển hình về cách tiếp cận khi nghiên cứu nghề thủ công; được
nhiều người trong giới Dân tộc học, Văn hóa Dân gian vận dụng vào nghiên
cứu nghề thủ công ở các địa phương. Có thể nêu một số tác phẩm đã vận dụng
cách tiếp cận này, như cuốn Làng nghề thủ công huyện Thanh Oai (Hà Nội) -
truyền thống và biến đổi, do Bùi Xuân Đính chủ biên, nghiên cứu về huyện
Thanh Oai - huyện có nhiều nghề thủ công nhất miền Bắc [17], hay luận án
Biến đổi của làng nghề thủ công truyền thống Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện
Thanh Trì, thành phố Hà Nội của Đỗ Ngọc Yến, nghiên cứu về làng Triều
Khúc, làng có nhiều nghề thủ công nhất ở tỉnh Hà Đông xưa, cũng như trên
phạm vi toàn miền Bắc [95].
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng chỉ ra những khiếm
khuyết trong tác phẩm của Pièrre Gourou. Đó là, mới nghiên cứu trên đại cục,
thiếu cái nhìn từ những làng nghề cụ thể, từ đó, nhiều khía cạnh của nghề
không được quan tâm thỏa đáng. Trên cơ sở đó, giới Dân tộc học và Văn hóa
học Việt Nam đã bổ sung và hoàn chỉnh những vấn đề về các nội dung khi
nghiên cứu về một nghề thủ công. Đó là:
- Lai lịch của nghề
- Phân bố nghề trong vùng
- Nguồn nguyên liệu
- Quy trình kỹ thuật của nghề
- Tổ chức sản xuất, phân công lao động
- Sản phẩm (loại hình và đặc trưng, giá trị)
- Tiêu thụ sản phẩm
- Thu nhập của người làm nghề
33
- Vị trí của nghề và làng nghề đối với các làng trong vùng
- Tổ chức xã hội, tín ngưỡng của những người làm nghề
- Tác động của nghề với các khía cạnh văn hóa, xã hội, lối sống, phong
tục tập quán, tín ngưỡng của làng nghề
- Con người làm nghề và làng nghề (đặc điểm, tâm lý, tính cách)
- Biến đổi của làng nghề hiện nay.
(Các dòng in nghiêng là các vấn đề không được Pièrre Gourou bàn đến,
đã giới Dân tộc học và Văn hóa học Việt Nam phát triển, trở thành những vấn
đề về lý thuyết về nghiên cứu làng nghề).
Cách tiếp cận và những nội dung trên đây đang được số đông các nhà
nghiên cứu vận dụng để thực hiện các đề tài về nghề thủ công và làng nghề,
cả làng nghề truyền thống cũng như làng nghề hiện đại, các sinh viên, học
viên cao học, nghiên cứu sinh vận dụng để làm khóa luận, luận văn, luận án
về đề tài này. Có thể nêu một số tác phẩm tiêu biểu, như Bát Tràng - làng
nghề, làng văn do Bùi Xuân Đính chủ biên [19], Làng nghề kim khí - mộc dân
dụng Đại Tự (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội của Nguyễn
Đình Phúc nghiên cứu về làng mới du nhập nghề làm két bạc thời kỳ công
nghiệp hóa [60].
Các công trình trên đây đã giúp cho nghiên cứu sinh không chỉ có
những kiến thức cơ bản về nghề và làng nghề, mà còn chỉ ra các hướng
nghiên cứu, chỉ ra các phương pháp tiếp cận và phương pháp nghiên cứu.
Nghiên cứu sinh đã cố gắng tới mức cao nhất trong vận dụng các cách tiếp
cận cũng như các phương pháp trên để tìm hiểu về nghề làm giày da ở hai
làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ; vận dụng các kiến thức, kiến giải để lý giải các
thông tin, tư liệu về nghề ở địa bàn được nghiên cứu.
34
1.3. Giới thiệu địa bàn nghiên cứu
1.3.1. Vị trí địa lý, đường giao thông
Hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ nay thuộc xã Phú Yên, huyện Phú
Xuyên, thành phố Hà Nội. Từ trung tâm thành phố Hà Nội, theo Quốc lộ 1A,
qua thị trấn Phú Xuyên khoảng 5 km, đến Cầu Giẽ, rẽ phải vào đường 428A,
du khách bước vào địa phận làng Giẽ Hạ, tiếp nối là làng Giẽ Thượng.
Về địa dư, hai làng Giẽ nối tiếp nhau trên một triền đất cao, trải dài 2 km
dọc sông Mang Giang và Đường tỉnh 428A. Phía Bắc tiếp giáp các làng Ứng
Cử, Cựu, Chản (xã Vân Từ), phía Nam giáp các làng Tư Can, Trung Thôn,
Dâu (xã Châu Can), phía Đông giáp Quốc lộ 1A, phía Tây giáp các làng
Thần, Bùng, Cầu, Nam Chánh (xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa).
Hai làng Giẽ nằm trên vị trí thuận lợi giao thông thủy bộ. Về đường bộ,
đầu làng Giẽ Hạ ở phía Đông là Quốc lộ 1A, con đường huyết mạch của đất
nước, ra Bắc, vào Nam đều tiện lợi. Tại điểm Cầu Giẽ trên Quốc lộ này có
Đường tỉnh 428A chạy dọc hai làng theo hướng Tây qua cống Thần, tới đền
Ba Sa là nơi hội tụ của ba dòng sông: sông Nhuệ, sông Sa, sông Châu. Từ đây
có thể đến thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa), theo Quốc lộ 22 về Hà Đông -
Hà Nội; hoặc đi tiếp về phía Tây theo Quốc lộ 6 lên Hòa Bình, Sơn La...
Về đường thủy, có sông Măng Giang chảy dọc hai làng, song song với
Đường tỉnh 428A. Theo sông này, ngược về phía Tây qua cống Thần đến đền
Ba Sa - nơi hội tụ của ba dòng sông: Đáy, Châu Giang và Nhuệ. Từ đây theo
sông Nhuệ đến ranh giới giữa hai huyện Phú Xuyên và Thường Tín ở Phượng
Dực-Đồng Quan; qua các làng Nghiêm Xá, Liễu Xuyên, Cống Xuyên, ngã ba
chùa Đậu gặp ngã ba sông Kim Ngưu và sông Nhuệ. Đến đây, ngược dòng
sông khoảng 15 km là tới đầm Yên Duyên- Sở Thượng, Văn Điển… để đi vào
Thăng Long. Xuôi dòng Mang Giang về phía Đông qua cầu Giẽ đến Trác Bút
35
(huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), sông đổ vào sông Hồng ở tại điểm Tắc
Giang, từ đây có thể ngược lên Thăng Long hoặc xuôi về phía Nam.
Như vậy, hai làng Giẽ ở vị trí rất thuận lợi về giao thông thủy bộ, lại
gần Kinh đô Thăng Long xưa, Thủ đô Hà Nội ngày nay, tạo điều kiện cho hai
làng Giẽ giao lưu kinh tế - văn hóa (xem ảnh Bản đồ xã Phú Yên).
Xã Phú Yên thuộc vùng Trung Tây và Tây Nam gồm các xã: Chuyên
Mỹ, Tân Dân, Châu Can, Vân Từ, Phú Yên) - vùng đất thấp nhất của huyện
Phú Xuyên - huyện có cốt đất thấp nhất trong toàn tỉnh Hà Tây (trước đây).
Nơi đất cao trung bình chỉ hơn mặt biển chưa đầy hai mét, nơi thấp khoảng
một mét. Thêm nữa, trước năm 1930, hai sông Nhuệ và Kim Ngưu vây quanh
xã Phú Yên và nhiều xã vùng Trung Tây và Tây Nam huyện hầu như không
có đê, chỉ có bờ đất thấp. Địa hình thấp trũng kết hợp với sông ngòi nhiều làm
cho hai làng Giẽ cùng các làng trong huyện Phú Xuyên như một “rốn hứng
nước”. Hàng năm, vào mùa mưa, nước dâng lên, tràn vào đồng ruộng, cùng
các trận mưa lớn, nước ở các nơi dồn về và đọng lại đã gây ra úng thủy, gây
bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, cũng như cho các mặt đời sống,. Có thể coi
vùng đất Trung Tây và Tây Nam Phú Xuyên là “mũi nhọn” của cảnh “sống
ngâm da, chết ngâm xương” xưa đã được dân gian đúc kết. Đây cũng có thể
coi là một trong những vùng trũng nhất châu thổ Bắc Bộ.
Năm 1937, chính quyền thuộc địa Pháp cho nắn lại đoạn sông Nhuệ ở
khu vực các xã Văn Hoàng và Tri Trung ngày nay, cho thẳng vào quãng hạ
nguồn, nhằm khắc phục phần nào nạn úng thủy nghiêm trọng thường xảy ra
cho cả huyện. Tuy nhiên, kết quả này rất hạn chế.
1.3.2. Vài nét về lịch sử hình thành làng và địa lý hành chính
Hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ nằm kề cận khu mộ cổ Châu Can, nơi
phát hiện được những chiếc quan tài được làm bằng thân cây khoét rỗng, bổ
36
dọc, nửa dày làm thân, nửa mỏng làm nắp quan tài, có hình thù giống như
chiếc thuyền, nên gọi là mộ quan tài hình thuyền. Khu mộ có niên đại khoảng
cuối thế kỷ III đến đầu thế kỷ II trước Công nguyên, thể hiện một loại hình
mai táng độc đáo. Giới khảo cổ học quen gọi đây là loại mộ thuyền, một trong
những đặc trưng cơ bản của Văn hóa Đông Sơn. Trong các mộ còn phát lộ lần
đầu tiên chiếc lao với cán tre còn nguyên dạng, những chiếc rìu xéo lắp cán
gỗ, trong đó một đầu cán rìu đẽo gọt theo dáng dấp hình đầu chim trên trống
đồng của văn hóa Đông Sơn được phát hiện, chứng tỏ quá trình người Việt cổ
thời kỳ này đứng trước các biến cố mới của sự thay đổi môi trường đã từ vùng
trung du chuyển xuống sinh sống ở vùng thấp trũng gần sông nước, ao hồ của
châu thổ Bắc Bộ [66]. Cách Phú Yên không xa là làng Hoàng Hạ (xã Văn
Hoàng), nơi phát hiện trống đồng Hoàng Hạ, thạp đồng và một số loại công
cụ bằng đồng.
Cùng với những đặc điểm trên, ở nhiều làng xung quanh hai làng Giẽ,
ngoài tên nôm của làng còn gắn với từ “Kẻ” như Kẻ Guột (xã Phúc Tiến), Kẻ
Dực (xã Phượng Dực), Kẻ Quán (xã Hồng Minh), Kẻ Sộp, Kẻ Trể (xã Tri
Trung) v.v. Theo các nhà Ngôn ngữ học và Dân tộc học, những làng có tên
Nôm gắn với từ “Kẻ” là những làng cổ, hình thành từ trước hoặc trong thời
đại các Vua Hùng dựng nước [86].
Ngoài tư liệu về khảo cổ học và tên làng, tính cổ xưa của hai làng giẽ
Thượng và Giẽ Hạ còn được chứng minh bằng việc thờ thần. Hai làng cùng
với các làng Bùng, Cầu, Thần, cùng thờ Quảng Bác đại vương - vị thần gắn
với thời kỳ các Vua Hùng dựng nước.
Các tư liệu trên cho phép chứng minh hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ
nằm trong vùng cư trú từ xa xưa; chứng minh quá trình chinh phục của người
Việt cổ đối với vùng trũng nhất châu thổ Bắc Bộ.
37
Theo lưu truyền dân gian, xa xưa, hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ gọi
chung là trại Phúc Trang, rồi đổi thành trại Tĩnh Phúc, đến thế kỷ thứ XVI gọi
là Thịnh Phúc xã, chia làm hai thôn, dân gian thường gọi là Thượng thôn (Giẽ
Thương) và Hạ thôn (Giẽ Hạ).
Đến đầu thời Nguyễn, tên “Thịnh Phúc” được thay bằng “Thịnh Đức”.
Giẽ Thượng và Giẽ Hạ cùng 14 thôn - làng khác trong vùng được thiết lập
thành hai xã:
- Xã Thịnh Đức gồm tám thôn - làng: Thịnh Đức Thượng (tức Giẽ
Thượng), Thịnh Đức Hạ (Giẽ Hạ), Thịnh Đức Thần (làng Thần), Thịnh Đức
Cầu (làng Cầu), Thịnh Đức Phùng (làng Bùng), Nam Chánh, Quan Trâm,
Giới Đức và phường thủy cơ Thủy Phú.
- Xã Chuyên Mỹ, gồm tám thôn (làng): Trung, Thượng, Hạ, Ngọ, Kim
Lũng, Bối Khê, Nhị Khê, Đồng Bông.
Hai xã cùng thuộc tổng Thịnh Đức, huyện Phú Xuyên phủ Thường Tín,
trấn Sơn Nam Thượng. Đến năm Tân Mão đời Minh Mệnh, thuộc tỉnh Hà Nội
(năm 1902 đổi thành tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 đổi thành tỉnh Hà Đông).
Sang thế kỷ XX, theo sách Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kỳ của
Ngô Vi Liễn, các thôn làng thuộc hai xã Thịnh Đức và Chuyên Mỹ được nâng
thành xã, nên tổng Thịnh Đức được chia thành hai tổng:
- Tổng Thịnh Đức Thượng gồm các xã mới là các thôn - làng thuộc xã
Chuyên Mỹ cũ;
- Tổng Thịnh Đức Hạ gồm các xã mới là các thôn - làng thuộc xã Thịnh
Đức cũ, trong đó có xã Thịnh Đức Thượng và Thịnh Đức Hạ.
Các xã, tổng đều thuộc huyện Phú Xuyên, phủ Thường Tín, tỉnh Hà
Đông. Từ năm 1918 trở đi, theo quy định của triều đình Khải Định, cấp huyện
38
ngang bằng cấp phủ, nên Phú Xuyên là huyện độc lập, không phụ thuộc phủ
Thường Tín) [49].
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, cấp tổng và cấp phủ bị xóa bỏ,
sáp nhập các làng Thịnh Đức Thượng, Thịnh Đức Hạ và Thủy Phú thành xã
Thịnh Phú. Năm 1948 xã Thịnh Phú nhập với xã Thượng Yên thành xã Phú Yên.
Năm 1950, xã Phú Yên nhập với xã Vân Từ thành xã Trần Phú.
Sau khi hoàn thành cải cách ruộng đất 1956 - 1957, xã Vân Từ được chia
thành hai xã Phú Yên và Vân Từ. Xã Phú Yên gồm bốn thôn là Giẽ Thượng, Giẽ
Hạ, Thủy Phú, Thượng Yên, thuộc huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông; sau đó lần
lượt thuộc các tỉnh: Hà Tây ((năm 1965), Hà Sơn Bình (1975 - 1991), Hà Tây
(1991- 2008). Từ tháng 8 - 2008 đến nay, Phú Yên cùng các xã huyện Phú Xuyên
thuộc thành phố Hà Nội.
Về dân cư, trước thế kỷ XX không có số liệu dân cư của các làng. Đến
năm 1926, theo Ngô Vi Liễn, xã Thịnh Đức Hạ (tức làng Giẽ Hạ) có 911
người dân [50, tr. 454] - bằng dân số trung bình một làng ở châu thổ Bắc Bộ
theo số liệu của Pièrre Gourou [23, tr. 223], xã Thịnh Đức Thượng (làng Giẽ
Thượng) chỉ có 454 người dân [50, tr. 454].
Sau gần 90 năm, dân số hai làng tăng lên đáng kể. Theo số liệu thống
kê năm 2017, làng Giẽ Thượng có 470 hộ, 1.560 nhân khẩu; làng Giẽ Hạ có
407 hộ, 1.150 nhân khẩu.
1.3.3. Một số đặc điểm kinh tế - văn hóa- xã hội
1.3.3.1. Kinh tế
Hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ nằm trong vùng trũng của phía Nam Hà
Nội, bắt đầu từ huyện Thanh Trì, lan sang các huyện Thanh Oai, Thường Tín,
kéo xuống các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức (Hà Nội), Duy Tiên,
39
Thanh Liêm, Bình Lục, thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam). Địa hình trên khiến
cho đồng ruộng quanh năm nổi nước, trong đó từ tháng 5 đến cuối tháng 9,
nước ngập mênh mông, không thể cấy trồng được. Chỉ từ sau Rằm tháng Tám
(khoảng cuối tháng 9 dương lịch), nước rút, người dân mới tiến hành gieo cấy
vụ chiêm (tháng Chín gieo mạ, tháng Một và tháng Chạp cấy, đầu tháng Tư,
tức khoảng đầu tháng 5 dương lịch thu hoạch). Vụ sản xuất chính là vụ chiêm.
Việc canh tác được thực hiện trong điều kiện trâu cày lội đến ức, cày bừa phải
cắm vè, đi gặt phải dùng thuyền. Sự vất vả trong canh tác lúa ở đây được cư
dân đúc kết “Cấy cắn răng, gặt há mồm”. Cây lúa sống trong môi trường đó
cho năng suất thấp và bấp bênh. Theo các bậc cao niên trong các làng, trước
năm 1954, mỗi sào ruộng cấy những giống lúa chịu được với môi trường úng
trũng chỉ cho 4 - 5 thùng thóc (thùng gỗ, mỗi thùng 13 kg). Những năm thời
tiết thất thường, nước úng trong đồng rút chậm phải cấy muộn; những năm
trời lạnh kéo dài sang giữa tháng Ba, lúa trỗ không đúng tiết, năng suất giảm
rõ rệt; hay những năm mùa mưa đến sớm, lúa chưa chín, nước đã nổi trắng
đồng, không kịp gặt, công sức gieo trồng, chăm sóc cả vụ mất trắng, lúa
chiêm trở thành “chiêm bao” [39, trang 101- 105]. Để có thêm nguồn thu, dân
làng phải làm thêm các nghề phụ, như hàng xay, hàng xáo, chạy chợ, làm
mộc, ngõa. Vào đầu thế kỷ XX, một số người ra Hà Nội làm thuê, trong đó,
một số người học được nghề làm giầy da - như sẽ trình bày ở mục sau.
Từ giữa thập niên 1970 trở đi, công cuộc thủy lợi hóa cơ bản hoàn
thành, làm thay đổi toàn bộ diện mạo đồng ruộng hai làng Giẽ cũng như toàn
huyện Phú Xuyên. Cảnh úng, trũng đã lùi về quá khứ. Đồng ruộng đã cấy
được hai vụ lúa và một vụ màu, kết hợp với việc từng bước đưa các giống cây
trồng có năng suất cao vào gieo trồng, tạo ra sự nhảy vọt về sản lượng lương
thực. Từ năm 2000 trở đi, thu nhập từ nông nghiệp không còn chiếm tỷ trọng
lớn trong cơ cấu kinh tế, không giữ vai trò chi phối các mặt hoạt động của đời
40
sống; chỉ có một bộ phận sống bằng nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng
hóa. Dân hai làng chuyển mạnh sang tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch
vụ, trong đó, nghề làm giày da thu hút phần lớn lực lượng lao động.
1.3.3.2. Tổ chức làng xã
Tổ chức làng xã truyền thống của Giẽ Thượng và Giẽ Hạ về cơ bản
theo mô hình của làng Việt ở châu thổ Bắc Bộ, gồm các thiết chế: dòng họ,
xóm - ngõ, giáp, kỳ mục, chức dịch và các phường hội.
Về dòng họ:
- Làng Giẽ Thượng có 6 dòng họ gốc là: Nguyễn, Lê, Lưu, Đỗ, Trần,
Cao, trong đó họ Trần là lớn nhất, đông đinh.
- Làng Giẽ Hạ có 7 dòng họ gốc là: Lưu, Nguyễn, Trương, Đỗ, Lê,
Hoàng, Ngô, trong đó họ Nguyễn Lương, Lưu Văn là đông nhất và đa đinh.
Lịch sử của hai làng Giẽ là quá trình cộng cư lâu dài, đoàn kết, gắn bó,
lao động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, xây dựng làng xóm của các dòng họ,
trên miền đất trũng.
Thiết chế xóm ở hai làng được xác định trên cơ sở các ngõ. Mỗi xóm
có thể có từ một đến nhiều ngõ, tùy đặc điểm địa hình của khu vực dân cư.
Làng Giẽ Thượng có hai xóm: xóm Trong (hay xóm Dọc) và xóm
Ngoài (xóm Đình), cách nhau bởi con mương nối sông Nhuệ với đồng ruộng.
Làng Giẽ Hạ đông dân bằng hai lần so với làng Giẽ Thượng, nên có
năm xóm: Đông Giềng, Đình, Ngõ Cái, Ngõ Giữa và Đông. Sau Cách mạng
Tháng Tám 1945, cắt xóm Đông Giềng về thôn Giẽ Thượng.
Theo các cụ cao niên kể lại, thuở ban đầu, hai làng Giẽ tập trung tại vị
trí xóm Đông Giềng làng Giẽ Thượng và xóm Đình làng Giẽ Hạ. Hai xóm
dân cư sát nhau, được phân định bằng một con ngõ nên người nơi khác đến
41
không phân biệt rõ địa giới của hai làng. Khi đó mỗi làng khoảng trên dưới 30
chục nóc nhà làng Giẽ Hạ từ đình làng tới Phủ từ họ Đặng thuộc phía Đông
Nam của làng. Làng Giẽ Thượng người dân cư trú từ khu vực đình làng tới
chùa làng giáp cống Thần, do hai làng nằm sát nhau chỉ cách một con ngõ
phân định xóm Đông Giềng (xóm đình) làng Thượng với xóm Đình làng Hạ.
Xóm ở hai làng Giẽ không có vai trò gì với các công việc trong làng.
Trước đây, điều kiện kinh tế - xã hội làm cho các gia đình co cụm ở
giữa làng; những vị trí đầu, cuối và ven làng chỉ những gia đình đặc biệt khó
khăn, đông con mới phải di chuyển ra ở, hoặc là những người “ngụ cư”.
Những năm 1990, xã Phú Yên ưu tiên các gia đình khó khăn về chỗ ở được ra
ven làng làm nhà. Đầu năm 2008, địa phương tiếp tục cho đấu thầu đất (giãn
dân) cho các hộ gia đình để làm nhà ở, đất mặt đường 428 A chạy dọc hai
làng được bán cho các hộ dân làm nhà ở, kết hợp sản xuất và buôn bán, kinh
doanh; hình thành các cửa hàng mua, bán nguyên liệu, sản phẩm giầy dép;
một số hộ xây dựng cơ sở sản xuất hoặc kinh doanh các lĩnh vực khác phục
vụ cho làng nghề, đã làm thay đổi diện mạo của làng.
Trong xã hội truyền thống (từ Cách mạng Tháng Tám 1945 trở về
trước), giáp là thiết chế giữ vai trò tổ chức thực hiện các công việc trong làng.
Mỗi làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ đều có bốn giáp (Đông, Nam, Tây, Bắc).
Trai đinh sinh ra sau lễ vọng họ thì làm lễ vào giáp vào dịp lệ tiệc của làng.
Lễ chỉ có trầu cau và rượu. Giáp có đốc giáp (trưởng giáp) là người cao tuổi
nhất trong giáp, song phải là người còn khỏe mạnh, minh mẫn. Giúp việc cho
đốc giáp có ba ban: ban nhất, ban nhì, ban ba (mỗi ban có bốn người, tính từ
cao tuổi xuống), trong đó ban ba chịu trách nhiệm mua đồ lễ cho vào các dịp
cầu cúng. Dưới ban ba là ban lềnh chịu trách nhiệm làm cỗ cho hàng giáp ăn
uống vào các dịp lệ tiệc.
42
Trong đời người, mỗi trai đinh hai làng Giẽ phải một lần làm bánh dày
và nuôi lợn cho giáp vào dịp hội làng (12 tháng Sáu). Mỗi người đến lượt phải
sửa bốn bánh dày hết khoảng 10 kg gạo. Trước khi mang về giáp chia cho các
trai đinh, bánh dày của từng giáp được rước lên đền Ba Sa thi. Ngày 13 tháng
Sáu, các giáp tổ chức ăn uống, có lợn (40 kg thịt) do người đến lượt phải nuôi
(người này được giáp cấp một mẫu ruộng).
Bộ máy quản lý làng - xã là hội đồng kỳ mục (hội đồng quản lý làng)
và bộ máy chức dịch (quản lý xã), theo “mẫu chung” của làng xã vùng trung
du và châu thổ Bắc Bộ.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, thiết chế quản lý làng xã
phong kiến (giáp, kỳ mục, chức dịch) bị bãi bỏ. Các làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ
là các thôn thuộc xã Phú Yên. Bộ máy quản lý thôn tùy thuộc từng thời kỳ.
Thời kỳ hợp tác xã quy mô thôn (1959 - 1975), tổ đảng (sau là chi bộ) và ban
quản trị hợp tác xã làm nhiệm vụ quản lý kinh tế kiêm quản lý xã hội ở từng
làng. Đến thời kỳ hợp tác xã toàn xã, đảm nhiệm chức năng này là chi bộ và
đội sản xuất. Từ khi thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về đổi mới
quản lý sản xuất nông nghiệp, vai trò của hợp tác xã suy giảm, nhường chỗ
cho vai trò tự quản của thôn làng. Năm 1998, tái lập cấp thôn với chức
trưởng thôn. Hiện nay, mỗi thôn có chi bộ, ban công tác mặt trận cùng các chi
hội đoàn thể. Bí thư chi bộ cùng trưởng thôn, trưởng các chi hội đoàn thể hợp
thành bộ máy quản lý thôn. Các thôn còn có các tổ chức dân dã, như các hội
đồng niên, hội đồng ngũ, hội đồng môn và chi hội Hội da - giày xã Phú Yên.
1.3.3.3. Văn hóa vật chất
Văn hóa vật chất gồm nhiều yếu tố, tập trung ở các khía cạnh liên quan
đến ăn, mặc, ở, phương điện đi lại, vận chuyển. Ở đây chỉ trình bày yếu tố
mang tính đặc trưng của vùng chiêm trũng là bố trí làng xóm, nhà cửa.
43
Về nơi ăn chốn ở, làng nhìn ra đường 428, nhà chen sát nhau về một
phía của “trục tiền”, “ăn” vào bên trong sát với đồng ở phía sau, được ngăn
cách bởi một hệ thống ao - chuôm, là hệ quả của việc người làng lấy đất để
“vượt” (đắp) nền nhà cho cao, chống được ngập lụt trong mùa mưa; đồng thời
tạo chỗ cho cá, tôm trú ngụ khi nước ở đồng ruộng rút ra sông Mang Giang.
Quanh bờ ao là tre mọc chen chúc, thành nhiều hàng, lớp dày, ngăn hẳn
khu cư trú khỏi khu canh tác. Xưa kia, vào mùa úng lụt, thuyền đinh (thuyền
nan cỡ lớn hoặc thuyền gỗ) có thể đi lại dễ dàng từ ngoài cánh đồng vào tận
sân những nhà ở rìa làng, nên phải trồng tre thành nhiều lớp để ngăn kẻ cướp
dùng thuyền vào làng, vào nhà. Tre ở làng vùng chiêm trũng không chỉ là
nguyên liệu để làm nhà, giữ cho các bờ ao khỏi sụt lở, mà còn để bảo vệ làng;
bởi chỉ có tre mới là loại cây có thể ngâm mình, sống dưới nước trong thời
gian kéo dài đến 4 - 5 tháng mùa mưa lũ, muốn đi lại, phải dựa vào hai
phương tiện chủ yếu là thuyền và thúng.
Nhà ở của từng gia đình cũng phải thích ứng với điều kiện úng lụt: nền
được tôn rất cao, cả nền khuôn viên và nền nhà. Đi từ ngoài ruộng vào đường
làng, đường ngõ, muốn lên từng khuôn viên các gia đình, phải qua nhiều “cấp
bậc”, cao dần từ ngõ vào sân, chuồng (lợn, gà, trâu), nhà bếp, cuối cùng là nhà
trên, so với mặt ruộng phải cao hơn từ 3 - 4 mét. Người xưa xác định được
chính xác nền của khuôn viên nhà phải tính đến mực nước của năm cao nhất.
1.3.3.4. Văn hóa tâm linh
Văn hóa tâm linh ở hai làng Giẽ cũng thể hiện trước hết ở hệ thống các
di tích thờ cúng theo mô hình chung của làng Việt là đình, chùa, đền miếu.
Hai làng đều có đình riêng, đều được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII và
được tu bổ nhiều lần, được dân hai làng gìn giữ đến ngày nay, là trung tâm
sinh hoạt văn hóa, tâm linh của từng cộng đồng cư dân.
44
Hai làng có chung đền Ba Sa thờ thành hoàng, chung với các làng
Bùng, Cầu, Thần ở Ngã ba Sa (xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa).
Làng Giẽ Hạ có đền thờ Mẫu nằm trong khuôn viên của đình làng thờ
Mẫu thờ Dung Châu công chúa, là thân mẫu của Thánh Quảng Bác Đại
vương. Đây là dạng “mẫu địa phương” ở nhiều làng vùng châu thổ Bắc Bộ.
Hai làng đều có chùa thờ Phật. Làng Giẽ Thượng có chùa Khai Quốc
và chùa Phúc Am (chùa Am). Làng Giẽ Hạ có chùa Nhà Tổ (xem ảnh 1,4,5).
Hai làng trước đây đều có văn chỉ, được dựng cùng thời với đình làng
(thế kỷ thứ XVII), nhưng đến nay, di tích này không còn, hoặc bị phá để lấy
đất làm trường học (làng Giẽ Thượng), hoặc chia cho dân ở (làng Giẽ Hạ).
Hai làng còn có hệ thống nhà thờ các dòng họ, được xây dựng vào các
thời điểm khác nhau và được tu bổ vào những năm gần đây.
Làng Giẽ Hạ còn có Nhà truyền thống và gian thờ Tổ nghề, được xây
dựng năm 2010 ở cạnh đình làng.
Thông tin về các di tích thờ cúng được trình bày ở Phụ lục của luận án.
Văn hóa tâm linh còn thể hiện ở các lễ thức thờ cúng, hội làng. Hai làng
Giẽ Thượng và Giẽ Hạ tuy có riêng đình, nhưng thờ chung thành hoàng cùng
ba làng khác. Đình hai làng đều thờ thần Quảng Bác Đại vương, duệ hiệu là
Quảng Bác uyên dung đại vương. Theo thần phả, ông là con của Hùng Huy
Vương (Vua Hùng thứ tám) và bà Tiên Dung Châu, quê ở Long Thành. Ông
bà sinh được năm người con trai lớn lên đều tài giỏi, có công giúp giúp dân,
giúp nước đánh giặc. Sau khi mất, các ông được nhân dân tôn là “Đức
Thánh”, gọi theo thứ tự, lập đền thờ ở nhiều nơi, trong đó, những nơi chính là:
- Ông Cả (Đức Thánh Cả) thờ chính ở ngã ba Vượng (làng Hữu Vĩnh,
xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa).
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620
Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620

More Related Content

What's hot

Báo cáo thực tập tại Nhà Máy, công ty dược, Ngành dược, HAY!
Báo cáo thực tập tại Nhà Máy, công ty dược, Ngành dược, HAY!Báo cáo thực tập tại Nhà Máy, công ty dược, Ngành dược, HAY!
Báo cáo thực tập tại Nhà Máy, công ty dược, Ngành dược, HAY!
Dịch Vụ Viết Luận Văn Thuê ZALO/TELEGRAM 0934573149
 

What's hot (20)

thoả ước lao động tập thể
 thoả ước lao động tập thể thoả ước lao động tập thể
thoả ước lao động tập thể
 
Qt 02. gpp ban theo don
Qt 02. gpp ban theo donQt 02. gpp ban theo don
Qt 02. gpp ban theo don
 
Thuyet trinh dia li kinh te de tai nong lam ngu nghiep
Thuyet trinh dia li kinh te de tai nong lam ngu nghiepThuyet trinh dia li kinh te de tai nong lam ngu nghiep
Thuyet trinh dia li kinh te de tai nong lam ngu nghiep
 
Báo cáo thực tập tại Nhà Máy, công ty dược, Ngành dược, HAY!
Báo cáo thực tập tại Nhà Máy, công ty dược, Ngành dược, HAY!Báo cáo thực tập tại Nhà Máy, công ty dược, Ngành dược, HAY!
Báo cáo thực tập tại Nhà Máy, công ty dược, Ngành dược, HAY!
 
Luận văn: Phát triển Doanh nghiệp tư nhân tại tỉnh Đắk Nông
Luận văn: Phát triển Doanh nghiệp tư nhân tại tỉnh Đắk NôngLuận văn: Phát triển Doanh nghiệp tư nhân tại tỉnh Đắk Nông
Luận văn: Phát triển Doanh nghiệp tư nhân tại tỉnh Đắk Nông
 
Đề cương thông tin địa lý GIS
Đề cương thông tin địa lý GISĐề cương thông tin địa lý GIS
Đề cương thông tin địa lý GIS
 
Tổng quan về chính sách bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn tại Việt Nam
Tổng quan về chính sách bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn tại Việt NamTổng quan về chính sách bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn tại Việt Nam
Tổng quan về chính sách bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn tại Việt Nam
 
TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA, ĐÒI LẠI TÀI SẢN” VỀ THẨM QUYỀN CỦA TÒA ...
TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA, ĐÒI LẠI TÀI SẢN” VỀ THẨM QUYỀN CỦA TÒA ...TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA, ĐÒI LẠI TÀI SẢN” VỀ THẨM QUYỀN CỦA TÒA ...
TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA, ĐÒI LẠI TÀI SẢN” VỀ THẨM QUYỀN CỦA TÒA ...
 
Luận văn: Quản lý về môi trường tại quận Ngũ Hành Sơn, HAY
Luận văn: Quản lý về môi trường tại quận Ngũ Hành Sơn, HAYLuận văn: Quản lý về môi trường tại quận Ngũ Hành Sơn, HAY
Luận văn: Quản lý về môi trường tại quận Ngũ Hành Sơn, HAY
 
Luận văn: Phát triển nông nghiệp huyện Phong Điền, Huế, HAY
Luận văn: Phát triển nông nghiệp huyện Phong Điền, Huế, HAYLuận văn: Phát triển nông nghiệp huyện Phong Điền, Huế, HAY
Luận văn: Phát triển nông nghiệp huyện Phong Điền, Huế, HAY
 
Luận văn: Điều kiện kinh doanh dịch vụ du lịch theo pháp luật, 9đ
Luận văn: Điều kiện kinh doanh dịch vụ du lịch theo pháp luật, 9đLuận văn: Điều kiện kinh doanh dịch vụ du lịch theo pháp luật, 9đ
Luận văn: Điều kiện kinh doanh dịch vụ du lịch theo pháp luật, 9đ
 
Đề tài: Pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở, Hà Nội, HOT
Đề tài: Pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở, Hà Nội, HOTĐề tài: Pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở, Hà Nội, HOT
Đề tài: Pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở, Hà Nội, HOT
 
Luận văn: Xử lý vi phạm hành chính về thuế giá trị gia tăng, HOT
Luận văn: Xử lý vi phạm hành chính về thuế giá trị gia tăng, HOTLuận văn: Xử lý vi phạm hành chính về thuế giá trị gia tăng, HOT
Luận văn: Xử lý vi phạm hành chính về thuế giá trị gia tăng, HOT
 
Luận văn: Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Hà Nội, HAY, 9đ
Luận văn: Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Hà Nội, HAY, 9đLuận văn: Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Hà Nội, HAY, 9đ
Luận văn: Quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Hà Nội, HAY, 9đ
 
Báo cáo thực tập tại nhà thuốc Phương Hồng
Báo cáo thực tập tại nhà thuốc Phương HồngBáo cáo thực tập tại nhà thuốc Phương Hồng
Báo cáo thực tập tại nhà thuốc Phương Hồng
 
Tìm hiểu tín ngưỡng thờ mẫu tại đền Đồng Bằng tỉnh Thái Bình để phục vụ phát ...
Tìm hiểu tín ngưỡng thờ mẫu tại đền Đồng Bằng tỉnh Thái Bình để phục vụ phát ...Tìm hiểu tín ngưỡng thờ mẫu tại đền Đồng Bằng tỉnh Thái Bình để phục vụ phát ...
Tìm hiểu tín ngưỡng thờ mẫu tại đền Đồng Bằng tỉnh Thái Bình để phục vụ phát ...
 
BÀI GIẢNG I. LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH TS BÙI QUANG XUÂN
BÀI GIẢNG  I. LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH   TS BÙI QUANG XUÂN     BÀI GIẢNG  I. LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH   TS BÙI QUANG XUÂN
BÀI GIẢNG I. LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH TS BÙI QUANG XUÂN
 
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý âm nhạc trong điều trị bệnh ...
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh ...Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý   âm nhạc trong điều trị bệnh ...
Liệu pháp âm nhạc và ứng dụng liệu pháp tâm lý âm nhạc trong điều trị bệnh ...
 
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC XÃ HỘI
 
Luận án: Tiền lương trong doanh nghiệp theo pháp luật lao động - Gửi miễn phí...
Luận án: Tiền lương trong doanh nghiệp theo pháp luật lao động - Gửi miễn phí...Luận án: Tiền lương trong doanh nghiệp theo pháp luật lao động - Gửi miễn phí...
Luận án: Tiền lương trong doanh nghiệp theo pháp luật lao động - Gửi miễn phí...
 

Similar to Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620

Similar to Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620 (20)

Một Số Giải Pháp Phát Triển Nghề Truyền Thống Tại Làng Nghề Dệt Lụa Mã Châu, ...
Một Số Giải Pháp Phát Triển Nghề Truyền Thống Tại Làng Nghề Dệt Lụa Mã Châu, ...Một Số Giải Pháp Phát Triển Nghề Truyền Thống Tại Làng Nghề Dệt Lụa Mã Châu, ...
Một Số Giải Pháp Phát Triển Nghề Truyền Thống Tại Làng Nghề Dệt Lụa Mã Châu, ...
 
Luận văn: Phát triển làng nghề ở thành phố Hà Nội, HAY
Luận văn: Phát triển làng nghề ở thành phố Hà Nội, HAYLuận văn: Phát triển làng nghề ở thành phố Hà Nội, HAY
Luận văn: Phát triển làng nghề ở thành phố Hà Nội, HAY
 
Luận văn: Hiệu quả thực hiện luật thuế giá trị gia tăng ở nước ta hiện nay
Luận văn: Hiệu quả thực hiện luật thuế giá trị gia tăng ở nước ta hiện nay Luận văn: Hiệu quả thực hiện luật thuế giá trị gia tăng ở nước ta hiện nay
Luận văn: Hiệu quả thực hiện luật thuế giá trị gia tăng ở nước ta hiện nay
 
Làng nghề trong phát triển kinh tế xã hội nông thôn ở tỉnh vĩnh phúc luận v...
Làng nghề trong phát triển kinh tế xã hội nông thôn ở tỉnh vĩnh phúc   luận v...Làng nghề trong phát triển kinh tế xã hội nông thôn ở tỉnh vĩnh phúc   luận v...
Làng nghề trong phát triển kinh tế xã hội nông thôn ở tỉnh vĩnh phúc luận v...
 
Luận Văn Phát triển làng nghề truyền thống ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.doc
Luận Văn Phát triển làng nghề truyền thống ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.docLuận Văn Phát triển làng nghề truyền thống ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.doc
Luận Văn Phát triển làng nghề truyền thống ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.doc
 
Phát huy giá trị làng nghề truyền thống mây tre đan Phú Túc, 9đ
Phát huy giá trị làng nghề truyền thống mây tre đan Phú Túc, 9đPhát huy giá trị làng nghề truyền thống mây tre đan Phú Túc, 9đ
Phát huy giá trị làng nghề truyền thống mây tre đan Phú Túc, 9đ
 
Luận văn: Phát triển làng nghề huyện Thường Tín, TP Hà Nội, HAY
Luận văn: Phát triển làng nghề huyện Thường Tín, TP Hà Nội, HAYLuận văn: Phát triển làng nghề huyện Thường Tín, TP Hà Nội, HAY
Luận văn: Phát triển làng nghề huyện Thường Tín, TP Hà Nội, HAY
 
Luận văn Thạc sĩ Kinh tế Chính trị_ Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, ...
Luận văn Thạc sĩ Kinh tế Chính trị_ Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, ...Luận văn Thạc sĩ Kinh tế Chính trị_ Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, ...
Luận văn Thạc sĩ Kinh tế Chính trị_ Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, ...
 
Luận Văn Giải pháp phát triển ngành dệt may thành phố Đà Nẵng.doc
Luận Văn Giải pháp phát triển ngành dệt may thành phố Đà Nẵng.docLuận Văn Giải pháp phát triển ngành dệt may thành phố Đà Nẵng.doc
Luận Văn Giải pháp phát triển ngành dệt may thành phố Đà Nẵng.doc
 
Luận văn: Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, Hà Nội, HOT
Luận văn: Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, Hà Nội, HOTLuận văn: Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, Hà Nội, HOT
Luận văn: Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, Hà Nội, HOT
 
Luận văn: Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, RẤT HAY, HOT
Luận văn: Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, RẤT HAY, HOTLuận văn: Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, RẤT HAY, HOT
Luận văn: Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, RẤT HAY, HOT
 
Luận án: Làng nghề truyền thống ở tỉnh Nam Định trong hội nhập
Luận án: Làng nghề truyền thống ở tỉnh Nam Định trong hội nhậpLuận án: Làng nghề truyền thống ở tỉnh Nam Định trong hội nhập
Luận án: Làng nghề truyền thống ở tỉnh Nam Định trong hội nhập
 
Đề Án Phát Triển Nghề Mây Tre Đan Trên Địa Bàn Huyện Định Quán Giai Đoạn 2008...
Đề Án Phát Triển Nghề Mây Tre Đan Trên Địa Bàn Huyện Định Quán Giai Đoạn 2008...Đề Án Phát Triển Nghề Mây Tre Đan Trên Địa Bàn Huyện Định Quán Giai Đoạn 2008...
Đề Án Phát Triển Nghề Mây Tre Đan Trên Địa Bàn Huyện Định Quán Giai Đoạn 2008...
 
Khóa luận: Xây dựng làng văn hóa ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, HAY
Khóa luận: Xây dựng làng văn hóa ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, HAYKhóa luận: Xây dựng làng văn hóa ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, HAY
Khóa luận: Xây dựng làng văn hóa ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, HAY
 
Các giải pháp để phát triển làng nghề ở thành phố hội an, tỉnh quảng nam sdt/...
Các giải pháp để phát triển làng nghề ở thành phố hội an, tỉnh quảng nam sdt/...Các giải pháp để phát triển làng nghề ở thành phố hội an, tỉnh quảng nam sdt/...
Các giải pháp để phát triển làng nghề ở thành phố hội an, tỉnh quảng nam sdt/...
 
Phát triển làng nghề ở huyện Thạch Thất thành phố Hà Nội.pdf
Phát triển làng nghề ở huyện Thạch Thất thành phố Hà Nội.pdfPhát triển làng nghề ở huyện Thạch Thất thành phố Hà Nội.pdf
Phát triển làng nghề ở huyện Thạch Thất thành phố Hà Nội.pdf
 
Luận Văn Phát triển du lịch làng nghề tại làng Đông Khương, xã Điện Phương, h...
Luận Văn Phát triển du lịch làng nghề tại làng Đông Khương, xã Điện Phương, h...Luận Văn Phát triển du lịch làng nghề tại làng Đông Khương, xã Điện Phương, h...
Luận Văn Phát triển du lịch làng nghề tại làng Đông Khương, xã Điện Phương, h...
 
Đề tài: Nguồn lực đất đai cho phát triển làng nghề ở Hà Nội, HAY
Đề tài: Nguồn lực đất đai cho phát triển làng nghề ở Hà Nội, HAYĐề tài: Nguồn lực đất đai cho phát triển làng nghề ở Hà Nội, HAY
Đề tài: Nguồn lực đất đai cho phát triển làng nghề ở Hà Nội, HAY
 
Luận văn :Nguồn lực đất đai cho phát triển làng nghề thành phố, HAY!
Luận văn :Nguồn lực đất đai cho phát  triển làng nghề thành phố, HAY!Luận văn :Nguồn lực đất đai cho phát  triển làng nghề thành phố, HAY!
Luận văn :Nguồn lực đất đai cho phát triển làng nghề thành phố, HAY!
 
Tác động của đô thị hóa đến kinh tế nông thôn Hà Nội hiện nay
Tác động của đô thị hóa đến kinh tế nông thôn Hà Nội hiện nayTác động của đô thị hóa đến kinh tế nông thôn Hà Nội hiện nay
Tác động của đô thị hóa đến kinh tế nông thôn Hà Nội hiện nay
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620 (20)

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 ĐiểmDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý TưởngDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 

Recently uploaded

xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfxemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
Xem Số Mệnh
 
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
ChuThNgnFEFPLHN
 
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptxBài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
DungxPeach
 
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hànhbài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
dangdinhkien2k4
 

Recently uploaded (20)

30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
30 ĐỀ PHÁT TRIỂN THEO CẤU TRÚC ĐỀ MINH HỌA BGD NGÀY 22-3-2024 KỲ THI TỐT NGHI...
 
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdfxemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
xemsomenh.com-Vòng Tràng Sinh - Cách An 12 Sao Và Ý Nghĩa Từng Sao.pdf
 
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdfCampbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
Campbell _2011_ - Sinh học - Tế bào - Ref.pdf
 
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
3-BẢNG MÃ LỖI CỦA CÁC HÃNG ĐIỀU HÒA .pdf - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
TÀI LIỆU BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI KỸ NĂNG VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI 200 C...
 
Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................Đề cương môn giải phẫu......................
Đề cương môn giải phẫu......................
 
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
1 - MÃ LỖI SỬA CHỮA BOARD MẠCH BẾP TỪ.pdf
 
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
1.DOANNGOCPHUONGTHAO-APDUNGSTEMTHIETKEBTHHHGIUPHSHOCHIEUQUA (1).docx
 
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
TUYỂN TẬP 50 ĐỀ LUYỆN THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT MÔN TOÁN NĂM 2024 CÓ LỜI GIẢ...
 
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘIGIÁO TRÌNH  KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
GIÁO TRÌNH KHỐI NGUỒN CÁC LOẠI - ĐIỆN LẠNH BÁCH KHOA HÀ NỘI
 
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
SD-05_Xây dựng website bán váy Lolita Alice - Phùng Thị Thúy Hiền PH 2 7 8 6 ...
 
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptxBài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
Bài tập nhóm Kỹ Năng Gỉai Quyết Tranh Chấp Lao Động (1).pptx
 
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hộiTrắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
Trắc nghiệm CHƯƠNG 5 môn Chủ nghĩa xã hội
 
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgspowerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
powerpoint mẫu họp phụ huynh cuối kì 2 học sinh lớp 7 bgs
 
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
cac-cau-noi-tthcm.pdf-cac-cau-noi-tthcm-
 
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
ĐỀ CHÍNH THỨC KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT CÁC TỈNH THÀNH NĂM HỌC 2020 –...
 
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hànhbài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
bài tập lớn môn kiến trúc máy tính và hệ điều hành
 
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoáCác điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
Các điều kiện bảo hiểm trong bảo hiểm hàng hoá
 
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdfxemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
xemsomenh.com-Vòng Thái Tuế và Ý Nghĩa Các Sao Tại Cung Mệnh.pdf
 

Luận án: Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, HAY - Gửi miễn phí qua zalo=> 0909232620

  • 1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI NGUYỄN VĂN NGỰ NGHỀ LÀM GIẦY DA Ở HAI LÀNG GIẼ THƯỢNG VÀ GIẼ HẠ, XÃ PHÚ YÊN, HUYỆN PHÚ XUYÊN, THÀNH PHỐ HÀ NỘI LUẬN ÁN TIẾN SĨ NHÂN HỌC Mã số : 9310302 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC PGS.TS. BÙI XUÂN ĐÍNH HÀ NỘI – 2019
  • 2. LỜI CAM ĐOAN Tôi cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu, kết quả nêu trong luận án là trung thực và chưa được ai công bố trong bất kỳ công trình nào khác. Những luận điểm mà luận án kế thừa của các tác giả đi trước đều được ghi rõ xuất xứ. Hà Nội, ngày 16 tháng 4 năm 2019 Nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Ngự
  • 3. LỜI CẢM ƠN Trong quá trình thực hiện Luận án tiến sĩ Nhân học với đề tài “Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội”, tôi nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan, tập thể, cá nhân. Tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn chân thành tới: - Học viện Khoa học xã hội, Khoa Dân tộc học - Nhân học thuộc Học viện đã tạo điều kiện để tôi hoàn thành chương trình học tập, nghiên cứu, bảo vệ luận án. - Huyện ủy Phú Xuyên, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Minh Tân - nơi tôi đang công tác đã tạo điều kiện thuận lợi để tôi được theo học, hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh khóa 2014 - 2018. - Lãnh đạo Đảng ủy, Ủy ban nhân dân và cán bộ các bộ phận giúp việc xã Phú Yên, nhân dân hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ đã tạo điều kiện thuận lợi để tôi tiếp cận, khai thác các nguồn tư liệu cho luận án trong các đợt điền dã từ 2014- 2018. - Gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã khích lệ, động viên, tạo điều kiện tốt nhất cho tôi trong quá trình thực hiện luận án. - Đặc biệt, tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất đến Thầy Bùi Xuân Đính, đã tận tình chỉ bảo tôi trong việc định hướng đề tài, tiếp cận các phương pháp, các kinh nghiệm nghiên cứu, thu thập, xử lý tư liệu, thực hiện các ý tưởng khoa học, để tôi hoàn thành tốt luận án này. Hà Nội, ngày 16 tháng 4 năm 2018 Nghiên cứu sinh Nguyễn Văn Ngự
  • 4. MỤC LỤC Trang MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu, nguồn tư liệu của luận án 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án 7. Kết cấu của luận án 1 3 4 5 7 8 8 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ GIỚI THIỆU ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU 9 1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu 1.2. Cơ sở lý thuyết của luận án 1.3. Giới thiệu địa bàn nghiên cứu 9 21 31 Tiểu kết Chương 1 43 Chương 2. NGHỀ LÀM GIẦY DA Ở HAI LÀNG GIẼ THƯỢNG, GIẼ HẠ TRƯỚC NĂM 1992 45 2.1. Nghề làm giày da ở hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ trong bối cảnh sản xuất giầy da của Việt Nam 2.2. Nghề làm giày da truyền thống ở hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ Tiểu kết Chương 1 45 49 65 Chương 3. NGHỀ LÀM GIÀY DA Ở HAI LÀNG GIẼ TỪ NĂM 1992 ĐẾN NAY 67
  • 5. 2 3.1. Sự hồi phục nghề làm giày da và sự phát triển của nghề 3.2. Đại lý nguyên vật liệu, phụ kiện và sự chuyển biến trong tổ chức sản xuất nghề làm giày da 3.3. Sự hình thành tầng lớp chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh Tiểu kết Chương 3 67 82 94 108 Chương 4. TÁC ĐỘNG CỦA NGHỀ LÀM GIÀY DA VỚI CÁC KHÍA CẠNH VĂN HÓA, XÃ HỘI, NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA VỚI NGHỀ HIỆN NAY 110 4.1. Tác động của nghề làm giầy da đối với đời sống kinh tế - xã hội 4.2. Tác động của nghề tới giáo dục, văn hóa 4.3. Những vấn đề đặt ra về cơ hội phát triển của làng nghề giày da Giẽ Thượng, Giẽ Hạ hiện nay 4.4. Một số đề xuất, khuyến nghị từ nghiên cứu nghề làm giày da ở hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ Tiểu kết Chương 4 110 115 130 143 145 KẾT LUẬN 148 CÁC CÔNG TRÌNH LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ 151 TÀI LIỆU THAM KHẢO 152 PHỤ LỤC 163 Phụ lục 1. Danh sách các cộng tác viên cung cấp tư liệu và được phỏng vấn 163 Phụ lục 2. Hệ thống các di tích thờ cúng của hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ 158 Phụ lục 3. Điều lệ Hội Da - Giầy Phú Yên (theo y bản chính) 174 Phụ lục 3. Một số hình ảnh làng nghề Giẽ Thượng, Giẽ Hạ 184
  • 6. 3 DANH MỤC CÁC BẢNG BIỂU, SƠ ĐỒ, HỘP PHỎNG VẤN STT Tên bảng, sơ đồ, hộp phỏng vấn Trang 1 Bảng 3.1. Các loại hộ sản xuất, kinh doanh của các thôn (năm 2017) 71 2 Bảng 3.2. So sánh sự giống nhau và khác nhau về nghề truyền thống và nghề hiện nay của hai làng Giẽ 106 3 Bảng 3.3. So sánh sự giống nhau và khác nhau của làng nghề Giẽ Thượng, Giẽ Hạ với một số làng nghề tiêu biểu vùng châu thổ Bắc Bộ 107 4 Bảng 4.1: Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội xã Phú Yên (2010 - 2017) 112 5 Sơ đồ 1. Mô hình tổ chức sản xuất giày da ở Giẽ Thượng, Giẽ Hạ (Giai đoạn 1996 - 2016) 80 6 Sơ đồ 2. Mô hình tổ chức sản xuất giày da ở Giẽ Thượng, Giẽ Hạ hiện nay 90 7 Hộp 3. 1. Về quan hệ không tốt trong làm ăn với người trong họ 85 8 Hộp 3. 2:.Về sự hình thành cơ sở sản xuất mới nhờ sự giúp đỡ của chủ cơ sở sản xuất ở làng Giẽ 88 9 Hộp 4.1. Lúng túng trong việc mở rộng quy mô xưởng sản xuất 133 10 Hộp 4.2. Khó khăn về tư duy sản xuất 133 11 Hộp 4.3. Về việc không muốn xây dựng thương hiệu giầy da 139 12 Hộp 4. 4. Khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu 140 13 Hộp 4.5. Về nguyên nhân muốn chuyển sang kinh doanh nguyên vật liệu, phụ kiện nghề giày da 142 14 Hộp 4.6. Về sự lưỡng lự trong mở rộng nghề hiện nay 144
  • 7. 4 MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Trên vùng châu thổ Bắc Bộ, từ xưa đã hình thành nhiều nghề thủ công. Bên cạnh những nghề ra đời từ rất sớm, gắn với quá trình cha ông ta mở làng, lập nước, như đan lát, dệt, làm gốm…; lại có nghề xuất hiện rất muộn do điều kiện của cuộc sống. Một trong những nghề đó là làm giày da, xuất hiện vào giữa thế kỷ XVI. Tập quán sinh hoạt cũng như mức sống thấp kém của người nông dân trước đây làm cho sản phẩm của nghề giày da không có chỗ đứng ở nông thôn, mà chủ yếu phục vụ người Pháp và tầng lớp trên của người Việt sinh sống ở các đô thị. Do vậy, số người làm nghề không nhiều và phải mưu sinh ở các thành phố. Tình hình này tiếp diễn đến tháng 10 - 1954. Từ hòa bình lập lại, chính sách phát triển kinh tế của Nhà nước Việt Nam giúp cho nghề làm giày da có những phát triển nhất định. Tại nhiều địa phương đã xuất hiện các hợp tác xã thủ công nghiệp hoặc các tổ sản xuất giày da, chủ yếu làm gia công cho các nhà máy, xí nghiệp; sản phẩm chủ yếu để phân phối cho cán bộ và quân đội. Đại bộ phận cư dân nông thôn do điều kiện kinh tế khó khăn và do chế độ phân phối, bao cấp không sử dụng sản phẩm này. Nghề làm giày da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ (xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội) bắt đầu hình thành từ năm 1918, do một số người làng học được nghề ở phố Tràng Tiền (Hà Nội), sau đó cùng con cháu làm nghề ở nhiều nơi, lập được các cửa hàng cửa hiệu lớn, rồi đưa người của hai làng ra làm nghề ở các đô thị suốt những năm thời Pháp thuộc. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, trong kháng chiến chống Pháp và sau hòa bình lập lại, nghề làm giày da của người hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ không có điều kiện phát triển, do chiến tranh, đời sống khó khăn. Một số thợ
  • 8. 5 tiếp tục bám trụ ở các đô thị để mưu sinh, một số trở về quê sinh sống. Sản phẩm giày da chủ yếu phục vụ một bộ phận những người có thu nhập trong xã hội; công chức, nhà buôn, người có điều kiện kinh tế ở đô thị, vì thế nghề làm giầy da không phát triển. Đến năm 1965, Hợp tác xã Giày da Phú Yên được thành lập, gồm các thợ giày cũ và mới là người trong, ngoài xã; chủ yếu làm gia công cho Tổng Công ty giày da xuất khẩu Hà Nội. Đến năm 1985, do khủng hoảng kinh tế, hợp tác xã phải giải thể. Hầu hết những người thợ giầy hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ phải bỏ nghề, trong sự xót xa, tiếc nuối. Từ năm 1990, những thành tựu bước đầu của công cuộc đổi mới đã tác động đến nghề làm giày da. Đời sống nhân dân được cải thiện. Số người sử dụng giày da tăng lên mạnh mẽ, kể cả ở nông thôn. Đó là điều kiện để nghề làm giày da phát triển về nông thôn, làm hình thành các làng chuyên làm giày da. Tại nhiều địa phương, từ một làng nghề phát triển thành xã nghề. Một trong những làng nghề - xã nghề làm giày da phải kể đến là làng nghề Giẽ Thượng và Giẽ Hạ. Những người thợ giầy hai làng tập hợp lại, khôi phục, mở mang nghề giầy truyền thống của quê hương. Nhiều lớp thanh niên đi các nơi học nghề, tiếp thu kinh nghiệm, tiếp nối, phát huy truyền thống tài hoa của cha ông, phát triển nghề làm giày thành nghề tạo ra kinh tế mũi nhọn của địa phương. Đến năm 2017, hai làng có 03 công ty, gần 400 cơ sở hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nghề da - giày, thường xuyên thu hút khoảng 2.000 lao động (khoảng 80% lao động trong xã) và trên 1.000 lao động từ các nơi khác về học nghề, làm nghề. Nghề sản xuất giày da truyền thống của hai giữ vai tròlớn trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu nhập của cả xã Phú Yên. Năm 2017, giá trị thu nhập từ ngành nghề của xã ước đạt trên 90 tỷ đồng, chiếm 60% cơ cấu kinh tế của xã. Nghề làm giày da giúp hai làng cũng như cả xã Phú Yên từ một vùng đất chiêm trũng nghèo, trở nên trù phú và hiện được xác
  • 9. 6 định là ngành kinh tế chủ lực của địa phương trong tương lai. Đặc biệt từ năm 2006, từ hai làng Giẽ, nghề làm giày da được mở rộng sang địa bàn các xã lân cận và khu vực, tạo ra các xã nghề và vùng nghề. Nghiên cứu nghề làm giày da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ về mặt khoa học làm rõ sự hình thành và phát triển của một loại hình nghề lâu nay chưa được quan tâm, góp phần vào việc nghiên cứu nghề thủ công và làng nghề nói chung; nhất là làm sáng tỏ quy luật hình thành, phát triển từ làng nghề đến xã nghề - vùng nghề. Về mặt thực tiễn, tìm hiểu nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, xã Phú Yên tạo cơ sở khoa học để ngành công nghiệp và các ngành có liên quan huyện Phú Xuyên, cấp ủy và chính quyền xã Phú Yên đề ra các giải pháp để nghề tiếp tục được mở rộng, các làng nghề phát triển theo hướng bền vững. Với những lý do trên, tôi chọn đề tài “Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội” 1 làm luận án tiến sĩ Nhân học. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 2. 1. Mục đích nghiên cứu - Làm rõ các khía cạnh cơ bản của nghề làm giày da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ (các yếu tố tác động đến nghề, quy trình làm nghề và tổ chức làm nghề, sản phẩm nghề, vị trí của nghề trong đời sống, các khía cạnh nổi bật về xã hội và văn hóa liên quan đến nghề làm giày da hiện nay) dưới góc độ Nhân học. 1 Quyết định đề tài luận án của Học viện Khoa học xã hội ghi là “Nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội”. Tuy nhiên, để phù hợp với cách viết chính tả, trong luận án, nghiên cứu sinh dùng từ “giày da”. Cách dùng này không làm thay đổi mục đích và nội dung được trình bày của luận án.
  • 10. 7 - Chỉ ra thực trạng phát triển, những vấn đề đang đặt ra đối với nghề và làng nghề làm giày da, tạo cơ sở khoa học cho việc đề ra các giải pháp góp phần phát triển bền vững cho làng nghề. 2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu - Thu thập các nguồn tài liệu thứ cấp (các tài liệu lưu trữ về hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ, các công trình nghiên cứu về các khía cạnh của nội dung luận án), tổng quan các nguồn tài liệu để có cái nhìn ban đầu về nghề, làng nghề và hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ. - Tiến hành điền dã tại thực địa để thu thập các nguồn tài liệu liên quan đến các khía cạnh của nội dung luận án. - Tổng hợp tư liệu và phân tích, giải mã các hiện tượng, nhằm làm rõ các nội dung đề ra của luận án, trong đó, tập trung làm nổi bật các khía cạnh của nghề giày da trước đây và sự biến chuyển trong điều kiện hiện nay, 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 3.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận án là những khía cạnh nổi bật nhất của nghề làm giày da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ trong giai đoạn hiện nay từ tư liệu khảo sát thực tế. Nội dung về “Những khía cạnh bật nhất của nghề làm giày da” và khái niệm “Giai đoạn hiện nay” sẽ được làm rõ ở phần sau. 3. 2. Phạm vi nghiên cứu - Không gian nghiên cứu của luận án là hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ thuộc xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. - Phạm vi thời gian nghiên cứu của luận án chủ yếu là từ năm 1992 đến nay, khi nghề giày da được phục hồi, tập trung vào khoảng thời gian 10 năm gần đây (2007 - 2017), khi nghề giày da có bước phát triển mạnh mẽ.
  • 11. 8 4. Phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu, nguồn tư liệu của luận án 4.1. Phương pháp luận Luận án được nghiên cứu trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lê nin. Phép biện chứng có nội dung chủ đạo là coi yếu tố kinh tế luôn có quan hệ chặt chẽ với các yếu tố khác và ngược lại. Trong trường hợp đang bàn, nghề làm giày da ở hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ là một hoạt động kinh tế, nên có mối quan hệ với các yếu tố môi trường, dân cư, xã hội, chính sách, và các khía cạnh kinh tế khác. Phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật lịch sử đòi hỏi đặt các khía cạnh nghiên cứu trong những điều kiện lịch sử nhất định. Luận án được nghiên cứu trên cơ sở các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về kinh tế nông thôn, về nghề thủ công và làng nghề, đặc biệt coi nghề thủ công là một di sản văn hóa. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Luận án sử dụng phương pháp thu thập, phân tích kế thừa các tài liệu nghiên cứu đi trước, để thấy rõ các khía cạnh về nghề và làng nghề đã được nghiên cứu, các khía cạnh còn bỏ ngỏ, từ đó, đặt ra các vấn đề cần nghiên cứu cho luận án. Để có được nguồn tư liệu cho luận án, nghiên cứu sinh sử dụng phương pháp điền dã Dân tộc học. Mỗi lần điền dã tại địa bàn, ngoài các thao tác quan sát, quan sát - tham dự, nghiên cứu sinh chú trọng sử dụng các thao tác cơ bản dưới đây: - Phỏng vấn: nghiên cứu sinh thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn (phỏng vấn có định trước và phỏng vấn ngẫu nhiên) với 57 người, đối tượng phỏng vấn là các bậc cao niên am hiểu, các chủ cơ sở sản xuất (chủ gia đình gia
  • 12. 9 công, các chủ sản xuất giầy, chủ công ty, doanh nghiệp), các công nhân làm thuê, các cán bộ lãnh đạo của xã, thôn…, để thu thập các thông tin, tư liệu về nghề và làng nghề hiện nay. - Điều tra hồi cố: thao tác áp dụng với các bậc cao niên am hiểu để thu thập các thông tin về các khía cạnh của làng truyền thống, về nghề cổ truyền (sự du nhập nghề và tổ chức làm nghề). Trong điều tra hồi cố, nghiên cứu sinh sử dụng phương pháp tìm hiểu lịch sử kinh tế gia đình để thấy được con đường đi lên từ làm nghề của một số cơ sở sản xuất tiêu biểu của hai làng. - Trao đổi nhóm: nghiên cứu sinh tiến hành một số cuộc trao đổi nhóm với các đối tượng là các bậc cao niên của các làng, ban quản lý các thôn làng, một số chủ cơ sở sản xuất để thu thập tư liệu, các ý kiến tập thể về nghề và làng nghề hiện nay. Sau khi có tương đối đầy đủ thông tin tư liệu đã được thẩm định, nghiên cứu sinh sử dụng các phương pháp: - Phương pháp phân tích và diễn giải: là phương pháp thường dùng trong các công trình nghiên cứu Dân tộc học, để lý giải các hiện tượng mà nguồn tư liệu phản ánh. - Phương pháp thống kê: là việc lập các bảng thống kê các sự kiện, hiện tượng, phục vụ cho việc phân tích, diễn giải và so sánh. - Phương pháp so sánh: nhằm làm rõ sự khác biệt giữa nghề làm giầy da truyền thống với nghề làm giày da hiện nay; so sánh một số điểm tương đồng và khác biệt giữa nghề làm giày da ở hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ với các làng nghề có tiếng trên vùng châu thổ Bắc Bộ hiện nay, như Triều Khúc (huyện Thanh Trì, Hà Nội), Phương La (huyện Hưng Hà, Thái Bình), Đại Tự (huyện Hoài Đức, Hà Nội) để thấy được tính đa dạng của việc làm nghề của cư dân các làng trên vùng châu thổ Bắc Bộ.
  • 13. 10 - Phương pháp hệ thống (hay phương pháp tổng thể), đặt hiện tượng được nghiên cứu với các yếu tố khác. Trong trường hợp đang bàn, phương pháp hệ thống đặt làng nghề Giẽ Thượng, Giẽ Hạ trong mối quan hệ với yếu tố vùng (vùng chiêm trũng, tiểu vùng văn hóa Xứ Nam), đặt nghề làm giày da trong một quan hệ với các yếu tố điều kiện tự nhiên, con người, cơ cấu tổ chức làng xã, các yếu tố chính sách, xã hội, văn hóa … Trong quá trình điều tra tư liệu và viết luận án, nghiên cứu sinh sử dụng phương pháp tham khảo ý kiến chuyên gia để có thêm các ý tưởng khoa học cho nội dung luận án. 4.3. Nguồn tư liệu của luận án Nguồn tư liệu chính của luận án là tư liệu điền dã, được thu thập từ các cuộc khảo sát tại hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ, gồm tư liệu phỏng vấn, thảo luận nhóm và tư liệu thành văn (các báo cáo của cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Da giày Phú Yên). Luận án kế thừa các tư liệu, các kết quả nghiên cứu về làng Việt, về nghề thủ công và làng nghề của các công trình đã công bố từ trước đến nay. 5. Đóng góp mới về khoa học của luận án - Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu về nghề làm giày da ở hai làng cụ thể dưới góc độ Nhân học, góp phần làm sáng tỏ một trong những đặc điểm văn hóa nổi bật của người Việt về tiếp thu, vận dụng, phát triển nghề trong vùng châu thổ sông Hồng. - Luận án tạo cơ sở khoa học cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý đề ra các chính sách, các giải pháp giúp địa phương phát huy các tiềm năng, thế mạnh, những đức tính và truyền thống tốt đẹp của của nhân dân trong xã để phát triển kinh tế và văn hóa bền vững.
  • 14. 11 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án 6.1. Ý nghĩa lý luận Luận án cung cấp thêm tư liệu về một loại hình nghề và làng nghề lâu nay chưa được quan tâm nghiên cứu; góp phần vào nghiên cứu nghề thủ công và làng nghề nói chung, nghề làm giày da nói riêng. 6.2. Ý nghĩa thực tiễn Luận án chỉ ra những yếu tố thuận lợi, khó khăn, thách thức hay những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển của nghề và làng nghề hiện nay, tạo cơ sở khoa học góp phần giúp cấp ủy, chính quyền địa phương có thêm những giải pháp phát triển nghề làm giày da. 7. Kết cấu của luận án Ngoài Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục, nội dung luận án được chia làm bốn chương: Chương 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ GIỚI THIỆU ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU Chương 2: NGHỀ LÀM GIÀY DA Ở HAI LÀNG GIẼ THƯỢNG, GIẼ HẠ TRƯỚC NĂM 1992 Chương 3: NGHỀ LÀM GIÀY DA Ở HAI LÀNG GIẼ THƯỢNG, GIẼ HẠ TỪ NĂM 1992 ĐẾN NAY Chương 4: TÁC ĐỘNG CỦA NGHỀ LÀM GIÀY DA VỚI CÁC KHÍA CẠNH VĂN HÓA, XÃ HỘI, NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA.
  • 15. 12 Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ GIỚI THIỆU ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU 1.1.Tổng quan tình hình nghiên cứu 1.1.1. Tình hình nghiên cứu về nghề thủ công người Việt Đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu về nghề thủ công và làng nghề của người Việt ở Bắc Bộ, bao gồm các cuốn sách, các đề tài khoa học, các luận văn, luận án tiến sĩ... dưới các góc độ: Kinh tế học, Sử học, Văn hóa học, Nhân học… Các công trình đã phản ánh sinh động nhiều khía cạnh của nghề và làng nghề trong các bối cảnh xã hội khác nhau. Dưới đây, luận án điểm các công trình tiêu biểu nhất dưới góc độ Dân tộc học/ Nhân học. 1.1.1.1. Những công trình giới thiệu và khảo tả về các nghề thủ công Đây là chủ đề nổi bật của các công trình nghiên cứu. Tiêu biểu trong số các tác phẩm này là Quê gốm Bát Tràng, Làng Vó và nghề đúc đồng truyền thống của Đỗ Thị Hảo [25, 26], Gốm Bát Tràng thế kỷ XIV - XIX do Phan Huy Lê chủ biên [48], Ba tập Nghề cổ truyền của Sở Khoa học công nghệ và Môi trường, Bảo tàng Hải Hưng [31, 32, 33], Làng thủ công mỹ nghệ miền Bắc, Gốm sành nâu ở Phù Lãng của Trương Minh Hằng [27, 28], Làng tranh Đông Hồ của Nguyễn Thái Lai [46]… Sau khi điểm qua nguồn gốc của nghề, các nghiên cứu tập trung trình bày các đặc điểm chính yếu nhất của nghề thủ công truyền thống, gồm nguồn nguyên liệu, bộ công cụ làm nghề, quy trình kỹ thuật gắn với tổ chức sản xuất, phân công lao động, quan hệ xã hội trong làm nghề, các loại hình và đặc trưng sản phẩm; hệ thống dịch vụ tiêu thụ sản phẩm; thu nhập của người làm nghề; các tín ngưỡng, kiêng kỵ liên quan đến nghề.
  • 16. 13 Tổng tập nghề và làng nghề truyền thống Việt Nam (gồm 6 tập) do Trương Minh Hằng chủ biên [29], Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành, tập hợp các bài viết, chương sách giới thiệu về nghề, làng nghề của Việt Nam, trong đó tập 1 có 5 chương tập trung vào lý luận chung về nghề, làng nghề truyền thống; các vùng nghề, địa danh, địa chí làng nghề; tổ nghề; nghệ nhân dân gian; thực trạng làng nghề; việc bảo tồn nghề, làng nghề; những biến đổi của nghề, làng nghề trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các tập còn lại giới thiệu các nghề, làng nghề và cụm nghề, gồm tập 2 (nghề chế tác kim khí), tập 3 (nghề mộc chạm), tập 4, tập 5, tập 6 giới thiệu nghề gốm, đan lát, thêu, dệt, làm giấy, làm tranh... Bộ Tổng tập đã giới thiệu tương đối toàn diện các nghiên cứu trong và ngoài nước về nghề, làng nghề truyền thống của nước ta. Tổng tập cũng đề cập đến những vấn đề lý luận chung; sự hình thành, phát triển nghề, làng nghề; tổ nghề; quy trình kỹ thuật; cách tổ chức sản xuất; những biến đổi của nghề, làng nghề trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa. 1.1.1.2. Những công trình nghiên cứu về nghề thủ công trong bối cảnh làng xã Đây là hướng nghiên cứu của nhiều tác phẩm. Trước hết phải kể đến tác phẩm Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ của Nhà Địa lý học Pháp Pièrre Gourou, tiếp cận nghề dưới góc độ Địa lý nhân văn qua nghiên cứu thực địa. Trên cơ sở khái quát tình hình sản xuất thủ công nghiệp, qua thống kê 108 nghề thủ công phân theo nhóm nghề được gọi là ‘‘nền công nghiệp làng xã’’, tác giả đã chỉ rõ hoạt động của ngành kinh tế này (cùng các ngành nông nghiệp, thương nghiệp) trong không gian sinh tồn của người Việt là làng, đồng thời phản ánh sự vận động, biến đổi của các làng nghề trước Cách mạng Tháng Tám 1945 [23].
  • 17. 14 Các nghề thủ công ở Hà Đông là một chuyên khảo mỏng của Hoàng Trọng Phu - Tổng đốc Hà Đông, giới thiệu các nghề thủ công (tên nghề, làng có nghề, nguồn gốc nghề, các thông tin sơ bộ về hiện trạng nghề) của các làng ở tỉnh Hà Đông, tỉnh được coi là “vương quốc của các nghề thủ công trên vùng châu thổ Bắc Bộ thời Pháp thuộc” [59]. Tác phẩm Nền kinh tế công xã Việt Nam của Vũ Quốc Thúc, tập trung nghiên cứu hoạt động kinh tế, trong đó có nghề thủ công gắn liền với văn hóa trong xu thế không ngừng vận động và biến đổi của các làng, xã; chỉ ra mối quan hệ, sự tác động, ảnh hưởng của kinh tế với văn hóa xã hội của làng Việt cổ truyền, từ đó tái hiện sinh động bản chất nền kinh tế công xã [74]. Hai bộ sách Nông thôn Việt Nam trong lịch sử [86, 87] và Nông dân và nông thôn Việt Nam thời cận đại do Viện Sử học biên soạn [88, 89] có nhiều bài viết đánh giá tổng quan sự phân bố các nghề, làng nghề của nước ta trong lịch sử, làm rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng nghề thủ công đối với đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của người nông dân Việt Nam thời phong kiến và thời thực dân nửa phong kiến, song chưa khảo tả đầy đủ, chi tiết, sâu sắc, đa chiều các khía cạnh về nghề và làng nghề. Làng Việt Nam, một số vấn đề kinh tế - xã hội và văn hóa của Phan Đại Doãn là công trình nghiên cứu tổng thể về làng Việt dưới góc độ Sử học. Cuốn sách tập trung phân tích những vấn đề cơ bản của làng xã Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại; kết cấu kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó nổi bật là thủ công nghiệp kết hợp chặt chẽ với nông nghiệp, là yếu tố quan trọng của kinh tế hộ gia đình, gắn liền với sở hữu ruộng đất giúp làng Việt ổn định, phát triển theo kinh tế thị trường [11]. Hành trình về làng Việt cổ (tập I, tập II) của Bùi Xuân Đính giới thiệu một số làng quê tiêu biểu của Xứ Đoài và Xứ Nam. Chiếm dung lượng lớn
  • 18. 15 trong các bài viết là những nội dung giới thiệu, phân tích, làm rõ bức tranh nghề thủ công của các làng trên các phương diện: kinh tế, văn hóa, xã hội, lịch sử, mạng lưới dịch vụ... Mỗi làng nghề cụ thể đều có những nét văn hóa nghề và làm nghề riêng, tạo nên tính đa dạng, phong phú [16, 18]. Có nhiều nét tương đồng với công trình này là các cuốn sách Văn hóa truyền thống làng Đồng Kỵ do Lê Hồng Lý chủ biên, nghiên cứu làng Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) [52]; Ninh Hiệp - truyền thống và phát triển của nhóm tác giả do Tô Duy Hợp chủ biên, nghiên cứu về làng - xã Ninh Hiệp - một làng nghề, làng buôn bán nổi tiếng ở huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội [37]. Có nhiều tác phẩm khảo tả, đánh giá sâu khía cạnh văn hóa làng nghề, trong đó nổi bật là cuốn Bát Tràng - làng nghề làng văn do Bùi Xuân Đính chủ biên. Tác phẩm nghiên cứu công phu, đánh giá sâu sắc, toàn diện về một làng nghề ngoại thành Hà Nội, làm rõ nét đặc trưng, khác biệt của làng Bát Tràng làm nghề gốm gắn với nghề buôn bán, dịch vụ. Đây là làng nghề chuyên sản xuất gốm, không gắn với sản xuất nông nghiệp; các hoạt động của làng nghề, những tác động của nghề đến các lĩnh vực đời sống xã hội của làng Bát Tràng. Cuốn sách cũng đánh giá, làm rõ truyền thống, biến đổi, ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, để phát triển làng nghề bền vững [19]. Bên cạnh đó, nhiều đề tài luận án, luận văn thuộc các chuyên ngành: Dân tộc học; Nhân học; Văn hóa học; Văn hóa dân gian đã nghiên cứu về nghề, làng nghề, tiêu biểu là các luận án tiến sĩ: Nghề dệt cổ truyền ở đồng bằng Bắc Bộ của Lâm Bá Nam [55]; Làng gốm Phù Lãng của Trương Minh Hằng [27]; Làng nghề Cúc Bồ trong cảnh quan văn hoá xứ Đông của Phạm Văn Hiệp [30]; Làng nghề sơn quang Cát Đằng (truyền thống và biến đổi) của Nguyễn Lan Hương [41]; Làng nghề thủ công Triều Khúc (xã Tân Triều,
  • 19. 16 huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội), truyền thống và biến đổi của Đỗ Ngọc Yến [95], Biến đổi văn hóa làng dệt Phương La (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) của Bùi Thị Dung [12] hay các luận văn thạc sĩ: Làng Nhị Khê với nghề tiện truyền thống của Vũ Thanh Hà [24], Làng chạm bạc Đồng Sâm ở Thái Bình của Đỗ Thị Tuyết Nhung [56] v.v.. Các luận án, luận văn đã tập trung điều tra, khảo sát, phân tích tác động của điều kiện địa lý cảnh quan, môi trường văn hóa xã hội với nghề, đặc trưng nghề và làng nghề ở nhiều chiều cạnh như: mô hình, cấu trúc làng xóm, nơi thờ cúng tâm linh của làng (đình, chùa, đền miếu, thờ tổ nghề...), các phong tục tập quán, lễ hội, thiết chế văn hóa... Bên cạnh đó còn nhiều bài viết được đăng trên các tạp chí khoa học, đề cập đến việc bảo tồn, phát triển các nghề, làng nghề trong giai đoạn hiện nay. Đáng lưu ý là luận án Làng nghề cơ khí - mộc dân dụng Đại Tự (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội) của Nguyễn Đình Phúc, đề cập đến sự du nhập của nghề mới (làm két bạc) ở một làng ngoại thành Hà Nội trong điều kiện công nghiệp hóa: điều kiện để du nhập nghề, quy trình sản xuất và sản phẩm nghề, tác động của nghề đối với đời sống của dân làng [60]. 1.1.1.3. Nghiên cứu nghề thủ công trong bối cảnh kinh tế - xã hội đương đại Từ hòa bình lập lại đến nay, nông thôn Việt Nam và làng nghề trải qua nhiều thăng trầm, biến động, đặc biệt là tác động mạnh mẽ của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bám sát thực tiễn sinh động đó, nhiều công trình đã tập trung nghiên cứu về nghề, làng nghề; tìm hiểu, làm rõ những đặc điểm truyền thống, những tác động của kinh tế thị trường đến mọi mặt của làng nghề, từ đó có những định hướng, đề xuất giải pháp phát triển làng nghề bền vững. Có thể chia những công trình nổi bật nghiên cứu theo xu hướng này sau: - Về các nghiên cứu của các tác giả nước ngoài, có thể kể đến tác phẩm
  • 20. 17 Ritual, feast and politics in North Vietnam between ideology and tradition của Endres, Kirsten, nghiên cứu về làng nghề đúc đồng Đại Bái (huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) vào các năm 1996, 1998, song nội dung chủ yếu quan tâm đến quá trình phục hồi các nghi lễ, lễ hội và đời sống văn hóa ở làng nghề này từ sau Đổi mới đến thời điểm khảo sát [104]. Luận án tiến sĩ Iron Works:Excavating alternative Futures in a Northern Vietnamese Craft Village (Luyện sắt: tương lai lựa chọn ở một làng nghề miền Bắc Việt Nam) của DiGregorio, Michael, Đại học California miêu tả quá trình tái phát triển của làng nghề Đa Hội, từ một làng rèn truyền thống, sau Đổi mới trở thành một nơi sản xuất, cung cấp thép lớn cho thị trường trong nước và quốc tế. Hệ thống sản xuất ở Đa Hội bao gồm các hộ gia đình và các doanh nghiệp gia đình gắn kết với nhau qua sự phân công sản xuất và các mối quan hệ chồng chéo về giới, dòng họ và nơi cư trú. Nghiên cứu cho thấy sự quan trọng của bản sắc địa phương trong phát triển làng nghề. Câu chuyện của Đa Hội cho thấy phân khúc công nghiệp ở Việt Nam thường bị phá vỡ, các nhà sản xuất ở làng nghề đã áp dụng các công nghệ linh hoạt và thành công trong việc gia nhập nền công nghiệp sản xuất lớn trong cuộc cạnh tranh với thị trường vốn còn bất ổn và chưa hoàn chỉnh về mặt thể chế. Giống như nghề thủ công ở các nước phát triển khác, làng nghề Đa Hội hình thành nên các mạng lưới hỗ trợ nhau hơn là các nhóm hợp tác; các công ty tư nhân tự do giao dịch ở bên ngoài nhóm của mình, trong khi ở bên trong nhóm lại chia sẻ với nhau khả năng sản xuất, dịch vụ vận chuyển và lợi nhuận bán lẻ. Các nhóm sản xuất quy mô lớn được điều hành bởi các thành viên trưởng thành trong gia đình, ở đó người khởi xướng nghề vẫn còn hoạt động năng động. Các nhóm nhỏ hơn được hình thành bởi các anh chị em khác trong gia đình, thậm chí là bạn bè. Khả năng linh hoạt và gần gũi với thị trường là điều làm nên sự khác biệt của Đa Hội: trong khi nhiều với tổng công ty cổ phần và
  • 21. 18 công ty của nhà nước trong ngành thép thua lỗ thì Đa Hội vẫn bán được sản phẩm có lãi và ngày càng tăng thị phần. Tương lai của Đa Hội sẽ là sự tiếp tục mô hình sản xuất bao gồm các xưởng quy mô nhỏ gắn trong các mạng lưới kinh doanh và xã hội của gia đình và làng xã [107]. - Về các công trình nghiên cứu ở trong nước, cuốn Làng nghề, phố nghề, Thăng Long - Hà Nội của Trần Quốc Vượng và Đỗ Thị Hảo [91] là công trình đánh giá vị trí của Thăng Long - Hà Nội với phát triển nghề thủ công. Các tác giả đưa ra định nghĩa về làng nghề thủ công, phố nghề gắn với lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Chương 3 của sách tập trung nói về nghề, làng nghề, phố nghề của đô thị này, quan điểm phát triển làng nghề. Cuốn sách cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức của nghề, làng nghề trong bối cảnh kinh tế thị trường, trong đó khó khăn, thách thức lớn nhất là sự cạnh tranh gay gắt trong cùng một làng nghề cũng như giữa các làng nghề với nhau, nhất là trong tiêu thụ sản phẩm, đòi hỏi cần có cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp trên tầm vĩ mô cũng như vi mô để các nghề, làng nghề phát triển bền vững. Cuốn Phát triển làng nghề truyền thống trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá do Mai Thế Hởn chủ biên [36]; Làng nghề truyền thống trong quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá của Trần Minh Yến [94]… tập trung làm rõ các yếu tố tác động đến làng nghề, đặc biệt là hoạt động thích ứng, phát triển của làng nghề, đề xuất giải pháp bảo tồn làng nghề trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa. Cuốn Làng nghề, phố nghề Hà Nội trong bối cảnh toàn cầu hóa của tác giả Lê Hồng Lý [53]; Làng nghề phố nghề Thăng Long - Hà Nội trên đường phát triển của nhóm tác giả Vũ Quốc Tuấn [69] đưa ra cái nhìn khái quát về làng nghề, phố nghề trong lịch sử, đánh giá thực trạng của làng nghề phố nghề hiện nay, chỉ ra hướng phát triển và các giải pháp để phát triển làng nghề.
  • 22. 19 Biến đổi văn hóa ở các làng quê hiện nay của Nguyễn Thị Phương Châm là công trình nghiên cứu dưới góc độ Nhân học văn hóa về ba làng Đồng Kỵ, Trang Liệt, Đình Bảng - những làng nghề thị xã Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh). Những biến đổi văn hóa ở các làng này được tác giả phản ánh tương đối toàn diện trên các mặt: sự chuyển đổi về địa lý, dân cư, cơ cấu kinh tế, xã hội, các công trình thờ tự, các nghi lễ, phong tục, các sinh hoạt văn hóa khác của các làng. Từ đó, tác giả tìm ra được bản chất và cơ chế của sự biến đổi văn hóa ở các làng quê Bắc Ninh trong bối cảnh đô thị hóa, công nghiệp hóa hiện nay. Đó là, biến đổi về cơ cấu kinh tế, các dịch vụ xã hội, hệ thống quản lý làng xã trong điều kiện nền kinh tế thị trường. Kết quả của quá trình biến đổi này là tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống người dân; các dịch vụ phát triển, đa dạng hóa các hình thức quan hệ sản xuất.... ; những đổi thay về không gian, cảnh quan, đời sống xã hội, các giá trị đạo đức, sự phân hóa giầu nghèo; các di tích, tín ngưỡng, lễ hội được quan tâm, cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều nét văn hóa hiện đại. Cuốn sách đã chỉ ra xu thế phát triển kinh tế, xã hội nhất là sự tác động của truyền thông, được xem như chất xúc tác quan trọng, làm biến đổi đời sống văn hóa tinh thần của người dân; đồng thời cho thấy sự sống động trong đời sống nông thôn, phục dựng các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa truyền thống, sự cố kết dòng họ ở làng quê Việt Nam hiện nay [8]. Cuốn Một số yếu tố văn hóa và giáo dục ảnh hưởng đến sự phát triển làng-xã của hai tác giả Nguyễn Lâm Tuấn Anh và Nguyễn Thị Minh Phương, lấy làng Đồng Kỵ (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) “làm nền” để đi sâu phân tích những chuyển biến trên lĩnh vực văn hóa giáo dục, những thay đổi trong cơ cấu lao động, việc làm... đã tạo nên sự thay đổi từ một làng nông nghiệp thành làng nông - công nghiệp và tiến tới làng phi nông nghiệp... [1]. Nghiên cứu biến đổi của nghề, làng nghề dưới góc độ Dân tộc học/Nhân học được nhiều tác giả quan tâm, làm rõ những biến đổi của làng
  • 23. 20 nghề truyền thống từ hòa bình lập lại tới nay. Một số nghiên cứu đã chỉ rõ những tác động to lớn của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế với các làng nghề. Có thể kể những công trình nổi bật sau: Cuốn Sự phát triển của làng nghề La Phù do Tạ Long chủ biên lựa chọn một làng đa nghề (nghề dệt, nghề may, cơ khí, làm bánh kẹo, mạch nha…) của huyện Hoài Đức thành phố Hà Nội để nghiên cứu sâu sự biến đổi bộ mặt làng nghề và nghề thủ công. Thông qua các tư liệu lịch sử, cuốn sách đã làm rõ truyền thống và những biến đổi của nghề - làng nghề, chỉ ra các khía cạnh, biểu hiện trên lĩnh vực kinh tế; sự xuất hiện các thành phần kinh tế, các hình thức tổ chức kinh doanh, hệ thống dịch vụ, thu nhập của người sản xuất, kinh doanh, sự phân công lao động và thu hút lao động từ bên ngoài vào sản xuất của làng nghề. Đặc biệt trong cơ chế thị trường, làng nghề đã hình thành các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp vào ngân sách địa phương, có những tác động tích cực đến đời sống chính trị ở cơ sở. Trên lĩnh vực văn hóa xã hội, nghề và biến đổi của làng nghề đã làm tư duy, cách nghĩ, cách làm, lối ứng của người nông dân có nhiều thay đổi; hoạt động mùa vụ thay bằng quy trình sản xuất có tính tổ chức cao, thời gian sản xuất quanh năm, hình thành hoạt động công - thương nghiệp. Sự phát triển của nghề và làng nghề làm quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh hơn, ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội của người dân làng nghề. Các tác giả cũng góp tiếng nói về bảo tồn và phát triển làng nghề trước quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời đưa ra các chỉ báo, giải pháp giúp làng nghề vượt qua khó khăn, phát triển bền vững [51]. Cuốn Làng nghề thủ công huyện Thanh Oai (Hà Nội) - truyền thống và biến đổi do Bùi Xuân Đính chủ biên, tập trung nghiên cứu các nghề thủ công ở huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội - huyện được coi là “vương quốc của các nghề thủ công trên vùng châu thổ Bắc Bộ” theo hướng so sánh truyền
  • 24. 21 thống và biến đổi. Sách chỉ rõ sự biến đổi của nghề và làng nghề thủ công truyền thống trong một giai đoạn tương đối dài (từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945 đến năm 2008); lý giải các điều kiện để các làng nghề thủ công huyện Thanh Oai thích nghi, hội nhập, phát triển trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cuốn sách còn khảo tả chín làng nghề truyền thống tiêu biểu về các khía cạnh, chỉ rõ những biến đổi của nghề, làng nghề từ sau hòa bình lập lại đến đầu thập niên 2000, chỉ ra xu hướng vận động và dự báo sự phát triển của nghề, làng nghề trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập [17]. Cùng dạng với cuốn sách này là cuốn Bát Tràng - làng nghề làng văn cũng do Bùi Xuân Đính chủ biên, đề cập đến sự biến đổi của nghề gốm cổ truyền và làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội) [19]. Đề tài cấp bộ Văn hóa kinh tế làng nghề: thách thức và giải pháp trong bối cảnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa do Đinh Thị Vân Chi (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) thực hiện năm 2012, khảo sát các làng nghề tiêu biểu ở Bắc Bộ, đặt ra một số vấn đề của làng nghề dưới góc độ văn hóa kinh tế [9]. Tóm lại, đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về nghề và làng nghề, có thể khái quát nội dung và hướng nghiên cứu như sau: - Về nội dung, chiếm phần lớn các công trình là nghiên cứu về nghề và làng nghề truyền thống, tập trung khảo tả, đánh giá thực trạng nghề và làng nghề; nhiều công trình chủ yếu mô tả quy trình kỹ thuật; nguồn gốc nghề và tổ nghề, các hoạt động văn hóa của làng nghề, vùng nghề gắn liền với nông thôn Việt Nam…, từ đó chỉ ra những mặt được, chưa được của các làng nghề, đưa ra các giải pháp phát triển nghề và làng nghề. - Các nghiên cứu về nghề, làng nghề dưới góc độ Nhân học (nghiên cứu về các nhân tố con người, nhân tố địa phương đối với sự tồn tại và phát triển của nghề thủ công, về các mối quan hệ con người trong tổ chức làm
  • 25. 22 nghề; hay người thợ thủ công sử dụng nguồn vốn xã hội và mạng xã hội như thế nào để duy trì và phát triển nghề) chưa thật sự được chú ý đúng mức. Cùng với một số luận án, công trình đi trước, luận án này khắc phục những hạn chế trên: ngoài việc tập trung phân tích, lý giải các hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội của nghề gắn với làng nghề ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ xã Phú Yên, chúng tôi quan tâm đến vai trò của con người trong sự vận động và phát triển của nghề, làng nghề; coi con người là chủ thể của văn hóa nghề, làng nghề và con người giữ vai trò quyết định sự tồn tại, phát triển của nghề, làng nghề. 1.1.2. Những nghiên cứu về hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ và về nghề giày da ở hai làng Hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ đã có một số công trình đề cập đến. Bài “Làng Giẽ Hạ và Phủ từ họ Đặng” cảu Trần Quốc Vượng, Nguyễn Hồng Kiên in trong sách Hà Tây - làng nghề làng văn, tập 2, giới thiệu về điều kiện địa lý tự nhiên, địa lý hành chính làng Giẽ Hạ, nguồn gốc và sự phát đạt của dòng họ Đặng Đình cùng dấu tích còn lại ở làng [90, tr. 143 - 163]. Cuốn Di tích Hà Tây, Sở Văn hóa Thông tin Hà Tây ấn hành (năm 1999) có các bài giới thiệu về đình Giẽ Hạ và đình Giẽ Thượng [66, tr. 367 - 370]. Cuốn Đất Phú Xuyên, người Phú Xuyên do Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên xuất bản (2006) có phần giới thiệu sơ bộ về xã Phú Yên [39]. Nghề giày da xuất hiện ở nước ta rất muộn, do đời sống vật chất của nhân dân trước đây rất khó khăn nên số người sử dụng giày rất ít, không hình thành các làng nghề chuyên biệt, mà chỉ có những người làm nghề lẻ tẻ ở các đô thị. Có lẽ đây là lý do đến nay nghề làm giày da chưa được quan tâm
  • 26. 23 nghiên cứu. Đối với nghề và làng nghề giày da ở xã Phú Yên, đến nay, mới chỉ có một số cuốn sách và bài viết đề cập, như đề tài Giải pháp phát triển làng nghề truyền thống ven sông Nhuệ tỉnh Hà Tây phục vụ cho du lịch của Khoa Du lịch, Viện Đại học Mở Hà Nội, khảo sát ba làng nghề thủ công truyền thống là làng lụa Vạn Phúc (thị xã Hà Đông), làng khảm trai thôn Ngọ xã Chuyên Mỹ và làng nghề giầy da xã Phú Yên (cùng thuộc huyện Phú Xuyên), tỉnh Hà Tây trước khi được điều chỉnh địa giới hành chính về Hà Nội. Các tác giả đưa ra một số thông tin về lịch sử hình thành và phát triển của nghề và làng nghề, chủ yếu giới thiệu văn hóa làng nghề và sản phẩm làng nghề phục vụ phát triển du lịch của các làng nghề [44]. Đề tài Hoạt động xuất nhập khẩu da giầy của thành phố Hải Phòng sau khi gia nhập WTO, thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả của nhóm nghiên cứu Khoa Kinh tế ngoại thương, Trường Đại học Hải Phòng nêu tổng quan về nghề da giày của Việt Nam, trong đó có nội dung nhắc đến sự hình thành làng nghề giày da xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên [45]. Luận văn thạc sĩ Biến đổi văn hóa tổ chức đời sống cộng đồng làng nghề giầy da xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội của tác giả Nguyễn Việt Chinh, Khoa Văn hóa học (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), lý giải thực trạng biến đổi trong văn hóa tổ chức đời sống cộng đồng (gia đình, dòng họ) ở làng nghề giày da xã Phú Yên trong bối cảnh công nghiệp hóa, đô thị hóa, đưa ra một số gợi ý khoa học về những giải pháp, định hướng thích hợp cho chiến lược phát triển văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, ảnh hưởng của yếu tố nghề đối với các biến đổi trên đây chưa được luận văn quan tâm [10]. Cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Phú Yên 1945 - 2000, do Đảng bộ xã Phú Yên biên soạn, xuất bản năm 2006 trong Chương I đã đề cập đến đời sống dân cư, quá trình hình thành xã Phú Yên và các nghề truyền thống của xã. Riêng nghề giày da
  • 27. 24 tại các trang 12, 13 của cuốn sách giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển nghề từ trước năm 1945 đến đầu những năm 2000 [4]. Bài Làng nghề da giầy Phú Yên đăng trên Cổng thông tin Điện tử huyện Phú Xuyên, ngày 31/3/2012 phản ánh về lịch sử làng nghề và sự phát triển của làng nghề trong giai đoạn hiện nay. Bài viết đánh giá cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm phát triển nghề giầy da, làng nghề ngày càng khởi sắc, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Ngoài ra, còn có nhiều bài báo trên các báo viết, báo điện tử, chương trình phát thanh truyền hình trong nước giới thiệu làng nghề, cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề. Nhìn chung, nghiên cứu về nghề làm giày da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ còn ít, chủ yếu dưới góc độ lịch sử văn hóa và kinh tế, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách có hệ thống dưới góc độ Nhân học. Luận án này được xem là công trình đầu tiên nghiên cứu về nghề làm giày da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ dưới góc độ Nhân học. 1.2. Cơ sở lý thuyết của luận án 1.2.1. Các khái niệm “Nghề thủ công và nghề thủ công truyền thống” Nghề thủ công được coi là các nghề (ngoài sản xuất nông nghiệp) tạo ra các sản phẩm bằng lao động thủ công (làm bằng tay, hay công cụ sản xuất thường là công cụ cầm tay, đơn giản), phục vụ cho các mặt của đời sống con người; đa số nguyên liệu của các nghề thủ công khai thác từ thiên nhiên. Theo thời gian, nhất là ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các nghề thủ công đã sử dụng máy móc, hóa chất và các giải pháp kỹ
  • 28. 25 thuật của công nghiệp trong một số công đoạn hay phần việc nhất định. Tuy nhiên, phần quyết định chất lượng và hình thức đặc trưng của sản phẩm nghề thủ công vẫn phải làm bằng tay. Phân biệt “Nghề thủ công” là một nghề, với “Ngành tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp” (thường gọi tắt là “Tiểu - thủ công nghiệp”), là lĩnh vực sản xuất, gồm các nghề thủ công và các cơ sở công nghiệp nhỏ, thường có nguồn gốc từ các nghề thủ công phát triển thành. Khái niệm “Tiểu - thủ công nghiệp” thường dùng trong các niên giám thống kê trước đây và trong phân tích cơ cấu kinh tế của các địa phương Nghề thủ công truyền thống là nghề hình thành từ xa xưa, ngày nay có thể tồn tại hay không còn được duy trì, khác với các nghề hiện đại mới phát sinh hoặc mới được du nhập. “Làng” Đã có nhiều khái niệm về làng, dựa vào các tiêu chí khác nhau. Ở đây, chúng tôi dựa vào khái niệm của tác giả Bùi Xuân Đính cho rằng, làng là đơn vị tụ cư truyền thống của người Việt ở nông thôn, có không gian lãnh thổ và địa giới xác định, có cách bố trí hạ tầng riêng, cơ cấu tổ chức (xóm, ngõ, dòng họ, bộ máy quản lý) riêng, lệ tục riêng thậm chi có cả “tiếng làng” riêng (thể hiện ở âm hay giọng); tính cách riêng. Các yếu tố đó tương đối ổn định trong quá trình lịch sử [16, tr. 4]. “Làng nghề” Là làng có phần đông cư dân sống bằng một nghề hoặc nhiều nghề thủ công, có khi chỉ là một công đoạn của nghề, tạo ra các sản phẩm mang những dấu ấn riêng, thời gian làm nghề và thu nhập của nghề chiếm tỷ lệ lớn nhất so với các hoạt động kinh tế khác; hoạt động làm nghề có ảnh hưởng lớn đến các mặt khác của làng (kiến trúc làng xóm, nhà cửa, nhịp sống, thiết chế tổ chức
  • 29. 26 và các quan hệ xã hội, tâm lý tính cách, phong tục tập quán, nếp sống...). Làng nghề có thể có hoặc không có truyền thuyết về tổ nghề, ngày giỗ tổ nghề, song ý thức về nghề của cư dân rất sâu sắc. “Làng nghề thủ công truyền thống” Là các làng có các nghề thủ công hình thành từ xa xưa. Khái niệm “truyền thống” với tư cách là một danh từ, chỉ các yếu tố được hình thành mang tính ổn định của một hiện tượng, ví dụ truyền thống khoa cử, truyền thống cách mạng… Với tư cách là một tính từ, khái niệm này định rõ nội dung, bản chất, hoặc thời điểm diễn ra của một hiện tượng, ví dụ: làng truyền thống, món ăn truyền thống. Khái niệm “Nghề truyền thống” và “Làng nghề truyền thống” trong luận án này, xét trên phương diện kinh tế là nghề có kỹ thuật thủ công; xét trên phương diện xã hội và văn hóa, gắn với cơ cấu tổ chức xã hội và các giá trị văn hóa của làng Việt được hình thành và tồn tại đến Cách mạng Tháng Tám 1945. Làng nghề thủ công truyền thống vẫn tồn tại đến ngày nay, song nghề đã có những thay đổi sâu sắc về kỹ thuật, tổ chức sản xuất, loại hình sản phẩm và phương thức tiêu thụ. Sự thay đổi này đã tác động đến nhiều mặt đời sống của làng. “Làng nghề hiện đại” Làng nghề hiện đại (hay làng nghề mới) là các làng có các nghề mới được nhân cấy hay du nhập. Tại Thông tư số 116/2006/TT-BNN, ngày 18/12/2006, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định cả hai loại hình làng nghề truyền thống và làng nghề hiện đại có chung các đặc điểm sau: - Có tối thiểu 30% tổng số hộ trên địa bàn tham gia các hoạt động ngành nghề nông thôn;
  • 30. 27 - Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận; - Nghề được công nhận là nghề truyền thống phải đạt ba tiêu chí sau: + Xuất hiện tại địa phương trên 50 năm tính đến thời điểm được công nhận; + Tạo ra những sản phẩm mang bản sắc văn hóa dân tộc; + Nghề gắn với tên tuổi của một hay nhiều nghệ nhân hoặc tên tuổi của làng nghề. - Chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước [7, 117]. “Xã nghề” Là một xã (đơn vị hành chính) mà phần đông cư dân của hầu hết các làng sống bằng một nghề hoặc nhiều nghề thủ công (nghề truyền thống hoặc nghề mới du nhập). “Vùng nghề” Là một vùng gồm nhiều làng xã trong một huyện hoặc liên huyện sinh sống bằng một nghề hoặc nhiều nghề. “Phố nghề” Là phố phường ở các đô thị, cư dân sống bằng các nghề thủ công. 1.2.2. Cơ sở lý thuyết và cách tiếp cận 1.2.2.1. Cơ sở lý thuyết Liên quan đến các nội dung mà đề tài luận án cần giải quyết, nghiên cứu sinh sử dụng thuyết duy lí, còn gọi là sự lựa chọn hợp lí. Nội dung chính của thuyết này là các cá nhân luôn lựa chọn và thực hiện các điều hoặc công việc mà mỗi người thấy có thể đem lại kết quả tốt nhất cho bản thân, hay luôn hành động có chủ đích để sử dụng các tiềm năng, khả năng để đạt được kết
  • 31. 28 quả lớn nhất với chi phí ít nhất cho sự lựa chọn của mình. Đại diện tiêu biểu cho thuyết này là Popkin. Nghiên cứu về sinh kế của người nông dân Việt, Popkin cho rằng, người nông dân luôn lựa chọn cái mà họ tin là sẽ có được những lợi ích như dự định và mong đợi. Khi có được nguồn thu vượt ra ngoài mức ổn định đã có, người nông dân sẽ đem phần dư thừa ra đầu tư, vì mỗi người luôn muốn có nguồn thu nhiều hơn để đề phòng những rủi ro có thể đến và để được ngang bằng hoặc “vượt lên” so với những người có địa vị kinh tế cao hơn và khoản đầu tư đó không đe dọa đến tiềm lực kinh tế mà người đó đang có. Với tính cách này, người nông dân được Popkin xem là những cá nhân duy lí [110]. Trong khi Scott (1976) cùng các nhà kinh tế đạo đức khác cho rằng, làng với tư cách một thiết chế giảm thiểu rủi ro cho các thành viên, là một cộng đồng đoàn kết [113], thì Popkin, tuy vẫn thừa nhận có sự hợp tác giữa các nhóm nhỏ và các thành viên của làng nhằm đạt được những lợi ích tập thể, nhưng bên cạnh đó, theo ông, là rất nhiều sự mâu thuẫn nảy sinh liên quan đến lợi ích cá nhân. Mặt thứ hai được nhìn nhận là biểu hiện của tính duy lí trong quan hệ xã hội ở làng. Ngoài Popkin, những người ủng hộ thuyết duy lý còn có thể kể đến là Homans. Ông cho rằng, khi có nhiều lựa chọn, mỗi cá nhân sẽ “dừng lại” ở cách được coi là có xác suất thành công cao nhất. Homans còn coi thuyết duy lí là lí thuyết trao đổi, bởi sự lựa chọn của con người luôn được đặt trong các mối quan hệ và mỗi người luôn quan tâm đến việc đạt được những gì (về vật chất hoặc tinh thần) trong các quá trình tương tác (hay trao đổi về kinh tế và trao đổi về xã hội) với các cá nhân khác, các nhóm xã hội bao trùm hơn [102]. Một học giả khác theo thuyết duy lý là Blau. Trong Exchange and Power in Social Life (Trao đổi và quyền lực trong đời sống xã hội) [96], ông cho rằng, trao đổi xã hội có chức năng tạo ra mối quan hệ quyền lực giữa các bên tham gia. trao đổi xã hội (trong sự so sánh với trao đổi kinh tế) là có giá
  • 32. 29 trị tự thân, các bên tham gia đều cố gắng gây ấn tượng tốt với nhau và có sự thỏa thuận ngầm giữa các bên. Luận án vận dụng thuyết duy lý của người nông dân để lý giải vì sao những người nông dân ở các làng lại chọn nghề này mà không chọn nghề nọ, hoặc một (hay một số nghề) nghề lại được phân bố ở làng, vùng này, mà không ở các làng, vùng khác. Lý thuyết thứ hai được sử dụng trong luận án là lý thuyết về mạng xã hội. Góc nhìn về mạng xã hội là một trong những cách tiếp cận cụ thể về vốn xã hội, hay vốn xã hội được nhìn nhận gắn với dạng thức liên kết của các quan hệ xã hội: liên kết trong nội bộ (bonding), hoặc bắc cầu (bridging) của nhiều học giả mà đại diện là Bourdieu, Coleman, Portes …, với nội dung chủ đạo là con người có thể sử dụng các quan hệ xã hội để tìm kiếm lợi ích. Lý thuyết về mạng xã hội, đại diện là Burt, Portes và Sensenbrenner coi xã hội là một cấu trúc của nhiều cá nhân hoặc tổ chức liên kết, tập hợp con người thành các cộng đồng, các nhóm quan hệ phụ thuộc, chi phối lẫn nhau, như liên kết theo quan hệ thân tộc và hôn nhân (gia đình, dòng họ), quan hệ cư trú (quan hệ láng giềng trong một làng hay mở rộng ra vùng lãnh thổ hoặc liên/xuyên quốc gia, quan hệ theo tuổi tác, theo nghề nghiệp, sở thích, theo tín ngưỡng - tôn giáo hoặc theo địa vị xã hội… Các quan hệ giữa các cá nhân hay nhóm trong mạng lưới gọi là các “nút”, gắn liền với nhau tạo thành mạng lưới liên kết, có tính mở, luôn tác động ảnh hưởng đến nhau. Các cá nhân trong mạng lưới có nhu cầu trao đổi thông tin, từ đó có phương cách tiếp cận thông tin khác nhau. Mỗi cá nhân lại như là một cầu nối, tạo thành những liên kết rộng lớn vượt qua khuôn khổ một gia đình, một cộng đồng, nhất là từ khi công nghệ thông tin phát triển như ngày nay. Đối với các cư dân tiền công nghiệp, do điều kiện kinh tế - xã hội thấp kém nên cộng đồng làng là sự thể hiện tập trung nhất sự liên kết dựa trên cơ sở cùng cư trú và lợi ích.
  • 33. 30 Luận án vận dụng lý thuyết mạng lưới xã hội để xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động nghề làm giầy da ở hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ. Trong làm nghề thủ công cũng như trong hoạt động kinh tế nói chung, muốn duy trì và phát triển nghề, đảm bảo và gia tăng lợi nhuận, người làm nghề phải thiết lập các mối quan hệ, gồm quan hệ trong quá trình làm nghề (với nơi cung cấp nguyên liệu, nơi tiêu thụ sản phẩm, với đội ngũ nhân công) và quan hệ ngoài quá trình làm nghề (hay các quan hệ “bắc cầu”). Lý thuyết mạng lưới xã hội còn được nghiên cứu sinh vận dụng để xem xét thực trạng và vai trò của mạng lưới xã hội đối với các hoạt động làm nghề giày da ở hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ. Cụ thể, là người sản xuất, kinh doanh đã huy động và sử dụng mạng lười xã hội (các quan hệ gia đình, dòng họ, bạn bè, hay của chung cộng đồng làng) được sử dụng như thế nào trong tạo lập nguồn vốn, tìm nhân công, xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm để phát triển nghề ở làng và phát triển nghề đi nơi khác, từ làng nghề thành xã nghề - vùng nghề: 1.2.2.2. Cách tiếp cận Luận án được thực hiện từ cách tiếp cận nghiên cứu về nghề thủ công và làng nghề. Người đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống và “bài bản” về nghề thủ công và làng nghề của người Việt ở châu thổ Bắc Bộ là Nhà Địa lý học Pièrre Gourou. Trong tác phẩm nổi tiếng Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ, ông dành chương II của Phần thứ hai “Phương tiện sống của nông dân Bắc Kỳ” để trình bày các nghề thủ công ở vùng đất này mà ông gọi là “Công nghiệp làng xã”. Qua hơn 80 trang (từ trang 406 - 487), những khảo tả của tác giả lộ ra nhiều khía cạnh lý thuyết khi nghiên cứu nghề thủ công làng xã của một vùng. Đó là: - Sự phân bố “cư dân công nghiệp” gắn với sự hình thành và tồn tại của
  • 34. 31 các nghề thủ công, đồng nghĩa với việc hình thành các vùng nghề (hình thái chung, các trung tâm chính như Hà Đông và các trung tâm phụ cận và các trung tâm khác như Sơn Tây, Hải Dương, Thái Bình); - Các loại hình công nghiệp, tức các loại hình nghề thủ công, được P.Gourou phân thành các công nghiệp dệt, công nghiệp thực phẩm, đan lát, công nghiệp gỗ và các công nghiệp khác). Mỗi loại hình công nghiệp được chỉ rõ chỉ rõ các nghề cụ thể, số lượng thợ, các làng có nghề, đặc điểm và vị trí một số làng nghề điển hình; - Các nhân tố tác động đến phân bổ công nghiệp, gồm phân bố định lượng, tức tại sao ở châu thổ Bắc Kỳ, có những vùng có nhiều “công nghiệp” hơn các vùng khác và phân bố định tính, tức vì sao một nghề chỉ có ở làng này mà không có ở làng khác. Cả hai sự phân bố đều có liên quan đến các nhân tố: dân số, điều kiện tự nhiên, giao thông, bản thân nền kinh tế nông nghiệp, nguồn nguyên liệu và nguồn gốc của nghề). Đó là cáí nhìn rất biện chứng của học giả; - Tính chất (đặc điểm) của công nghiệp nông thôn, được P.Gourou chỉ ra là nền công nghiệp gia đình, công nghiệp nhân công, các khía cạnh của phân công lao động, nguyên nhân của phân công lao động, khuynh hướng chuyên môn hóa và độc quyền); - Vấn đề cuối cùng từ cách tiếp cận mang tính lý thuyết khi nghiên cứu nghề thủ công được Pièrre Gourou bàn đến là “sự tiến hóa của công nghiệp làng”, tức sự tồn tại và phát triển của các nghề, các yếu tố tác động đến sự “biến mất” của một số nghề những “công nghiệp mới”, tức các nghề mới xuất hiện. Hiện tượng này ngày nay được gọi là nghiên cứu “truyền thống và biến đổi của nghề thủ công”; trong đó Pièrre Gourou đề cao vai trò của chính phủ và sự năng động của cộng đồng cư dân làm nghề [23].
  • 35. 32 Có thể nói, chương sách của Pièrre Gourou là một trong những ví dụ tương đối điển hình về cách tiếp cận khi nghiên cứu nghề thủ công; được nhiều người trong giới Dân tộc học, Văn hóa Dân gian vận dụng vào nghiên cứu nghề thủ công ở các địa phương. Có thể nêu một số tác phẩm đã vận dụng cách tiếp cận này, như cuốn Làng nghề thủ công huyện Thanh Oai (Hà Nội) - truyền thống và biến đổi, do Bùi Xuân Đính chủ biên, nghiên cứu về huyện Thanh Oai - huyện có nhiều nghề thủ công nhất miền Bắc [17], hay luận án Biến đổi của làng nghề thủ công truyền thống Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội của Đỗ Ngọc Yến, nghiên cứu về làng Triều Khúc, làng có nhiều nghề thủ công nhất ở tỉnh Hà Đông xưa, cũng như trên phạm vi toàn miền Bắc [95]. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu Việt Nam cũng chỉ ra những khiếm khuyết trong tác phẩm của Pièrre Gourou. Đó là, mới nghiên cứu trên đại cục, thiếu cái nhìn từ những làng nghề cụ thể, từ đó, nhiều khía cạnh của nghề không được quan tâm thỏa đáng. Trên cơ sở đó, giới Dân tộc học và Văn hóa học Việt Nam đã bổ sung và hoàn chỉnh những vấn đề về các nội dung khi nghiên cứu về một nghề thủ công. Đó là: - Lai lịch của nghề - Phân bố nghề trong vùng - Nguồn nguyên liệu - Quy trình kỹ thuật của nghề - Tổ chức sản xuất, phân công lao động - Sản phẩm (loại hình và đặc trưng, giá trị) - Tiêu thụ sản phẩm - Thu nhập của người làm nghề
  • 36. 33 - Vị trí của nghề và làng nghề đối với các làng trong vùng - Tổ chức xã hội, tín ngưỡng của những người làm nghề - Tác động của nghề với các khía cạnh văn hóa, xã hội, lối sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng của làng nghề - Con người làm nghề và làng nghề (đặc điểm, tâm lý, tính cách) - Biến đổi của làng nghề hiện nay. (Các dòng in nghiêng là các vấn đề không được Pièrre Gourou bàn đến, đã giới Dân tộc học và Văn hóa học Việt Nam phát triển, trở thành những vấn đề về lý thuyết về nghiên cứu làng nghề). Cách tiếp cận và những nội dung trên đây đang được số đông các nhà nghiên cứu vận dụng để thực hiện các đề tài về nghề thủ công và làng nghề, cả làng nghề truyền thống cũng như làng nghề hiện đại, các sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh vận dụng để làm khóa luận, luận văn, luận án về đề tài này. Có thể nêu một số tác phẩm tiêu biểu, như Bát Tràng - làng nghề, làng văn do Bùi Xuân Đính chủ biên [19], Làng nghề kim khí - mộc dân dụng Đại Tự (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội của Nguyễn Đình Phúc nghiên cứu về làng mới du nhập nghề làm két bạc thời kỳ công nghiệp hóa [60]. Các công trình trên đây đã giúp cho nghiên cứu sinh không chỉ có những kiến thức cơ bản về nghề và làng nghề, mà còn chỉ ra các hướng nghiên cứu, chỉ ra các phương pháp tiếp cận và phương pháp nghiên cứu. Nghiên cứu sinh đã cố gắng tới mức cao nhất trong vận dụng các cách tiếp cận cũng như các phương pháp trên để tìm hiểu về nghề làm giày da ở hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ; vận dụng các kiến thức, kiến giải để lý giải các thông tin, tư liệu về nghề ở địa bàn được nghiên cứu.
  • 37. 34 1.3. Giới thiệu địa bàn nghiên cứu 1.3.1. Vị trí địa lý, đường giao thông Hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ nay thuộc xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Từ trung tâm thành phố Hà Nội, theo Quốc lộ 1A, qua thị trấn Phú Xuyên khoảng 5 km, đến Cầu Giẽ, rẽ phải vào đường 428A, du khách bước vào địa phận làng Giẽ Hạ, tiếp nối là làng Giẽ Thượng. Về địa dư, hai làng Giẽ nối tiếp nhau trên một triền đất cao, trải dài 2 km dọc sông Mang Giang và Đường tỉnh 428A. Phía Bắc tiếp giáp các làng Ứng Cử, Cựu, Chản (xã Vân Từ), phía Nam giáp các làng Tư Can, Trung Thôn, Dâu (xã Châu Can), phía Đông giáp Quốc lộ 1A, phía Tây giáp các làng Thần, Bùng, Cầu, Nam Chánh (xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa). Hai làng Giẽ nằm trên vị trí thuận lợi giao thông thủy bộ. Về đường bộ, đầu làng Giẽ Hạ ở phía Đông là Quốc lộ 1A, con đường huyết mạch của đất nước, ra Bắc, vào Nam đều tiện lợi. Tại điểm Cầu Giẽ trên Quốc lộ này có Đường tỉnh 428A chạy dọc hai làng theo hướng Tây qua cống Thần, tới đền Ba Sa là nơi hội tụ của ba dòng sông: sông Nhuệ, sông Sa, sông Châu. Từ đây có thể đến thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa), theo Quốc lộ 22 về Hà Đông - Hà Nội; hoặc đi tiếp về phía Tây theo Quốc lộ 6 lên Hòa Bình, Sơn La... Về đường thủy, có sông Măng Giang chảy dọc hai làng, song song với Đường tỉnh 428A. Theo sông này, ngược về phía Tây qua cống Thần đến đền Ba Sa - nơi hội tụ của ba dòng sông: Đáy, Châu Giang và Nhuệ. Từ đây theo sông Nhuệ đến ranh giới giữa hai huyện Phú Xuyên và Thường Tín ở Phượng Dực-Đồng Quan; qua các làng Nghiêm Xá, Liễu Xuyên, Cống Xuyên, ngã ba chùa Đậu gặp ngã ba sông Kim Ngưu và sông Nhuệ. Đến đây, ngược dòng sông khoảng 15 km là tới đầm Yên Duyên- Sở Thượng, Văn Điển… để đi vào Thăng Long. Xuôi dòng Mang Giang về phía Đông qua cầu Giẽ đến Trác Bút
  • 38. 35 (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam), sông đổ vào sông Hồng ở tại điểm Tắc Giang, từ đây có thể ngược lên Thăng Long hoặc xuôi về phía Nam. Như vậy, hai làng Giẽ ở vị trí rất thuận lợi về giao thông thủy bộ, lại gần Kinh đô Thăng Long xưa, Thủ đô Hà Nội ngày nay, tạo điều kiện cho hai làng Giẽ giao lưu kinh tế - văn hóa (xem ảnh Bản đồ xã Phú Yên). Xã Phú Yên thuộc vùng Trung Tây và Tây Nam gồm các xã: Chuyên Mỹ, Tân Dân, Châu Can, Vân Từ, Phú Yên) - vùng đất thấp nhất của huyện Phú Xuyên - huyện có cốt đất thấp nhất trong toàn tỉnh Hà Tây (trước đây). Nơi đất cao trung bình chỉ hơn mặt biển chưa đầy hai mét, nơi thấp khoảng một mét. Thêm nữa, trước năm 1930, hai sông Nhuệ và Kim Ngưu vây quanh xã Phú Yên và nhiều xã vùng Trung Tây và Tây Nam huyện hầu như không có đê, chỉ có bờ đất thấp. Địa hình thấp trũng kết hợp với sông ngòi nhiều làm cho hai làng Giẽ cùng các làng trong huyện Phú Xuyên như một “rốn hứng nước”. Hàng năm, vào mùa mưa, nước dâng lên, tràn vào đồng ruộng, cùng các trận mưa lớn, nước ở các nơi dồn về và đọng lại đã gây ra úng thủy, gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, cũng như cho các mặt đời sống,. Có thể coi vùng đất Trung Tây và Tây Nam Phú Xuyên là “mũi nhọn” của cảnh “sống ngâm da, chết ngâm xương” xưa đã được dân gian đúc kết. Đây cũng có thể coi là một trong những vùng trũng nhất châu thổ Bắc Bộ. Năm 1937, chính quyền thuộc địa Pháp cho nắn lại đoạn sông Nhuệ ở khu vực các xã Văn Hoàng và Tri Trung ngày nay, cho thẳng vào quãng hạ nguồn, nhằm khắc phục phần nào nạn úng thủy nghiêm trọng thường xảy ra cho cả huyện. Tuy nhiên, kết quả này rất hạn chế. 1.3.2. Vài nét về lịch sử hình thành làng và địa lý hành chính Hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ nằm kề cận khu mộ cổ Châu Can, nơi phát hiện được những chiếc quan tài được làm bằng thân cây khoét rỗng, bổ
  • 39. 36 dọc, nửa dày làm thân, nửa mỏng làm nắp quan tài, có hình thù giống như chiếc thuyền, nên gọi là mộ quan tài hình thuyền. Khu mộ có niên đại khoảng cuối thế kỷ III đến đầu thế kỷ II trước Công nguyên, thể hiện một loại hình mai táng độc đáo. Giới khảo cổ học quen gọi đây là loại mộ thuyền, một trong những đặc trưng cơ bản của Văn hóa Đông Sơn. Trong các mộ còn phát lộ lần đầu tiên chiếc lao với cán tre còn nguyên dạng, những chiếc rìu xéo lắp cán gỗ, trong đó một đầu cán rìu đẽo gọt theo dáng dấp hình đầu chim trên trống đồng của văn hóa Đông Sơn được phát hiện, chứng tỏ quá trình người Việt cổ thời kỳ này đứng trước các biến cố mới của sự thay đổi môi trường đã từ vùng trung du chuyển xuống sinh sống ở vùng thấp trũng gần sông nước, ao hồ của châu thổ Bắc Bộ [66]. Cách Phú Yên không xa là làng Hoàng Hạ (xã Văn Hoàng), nơi phát hiện trống đồng Hoàng Hạ, thạp đồng và một số loại công cụ bằng đồng. Cùng với những đặc điểm trên, ở nhiều làng xung quanh hai làng Giẽ, ngoài tên nôm của làng còn gắn với từ “Kẻ” như Kẻ Guột (xã Phúc Tiến), Kẻ Dực (xã Phượng Dực), Kẻ Quán (xã Hồng Minh), Kẻ Sộp, Kẻ Trể (xã Tri Trung) v.v. Theo các nhà Ngôn ngữ học và Dân tộc học, những làng có tên Nôm gắn với từ “Kẻ” là những làng cổ, hình thành từ trước hoặc trong thời đại các Vua Hùng dựng nước [86]. Ngoài tư liệu về khảo cổ học và tên làng, tính cổ xưa của hai làng giẽ Thượng và Giẽ Hạ còn được chứng minh bằng việc thờ thần. Hai làng cùng với các làng Bùng, Cầu, Thần, cùng thờ Quảng Bác đại vương - vị thần gắn với thời kỳ các Vua Hùng dựng nước. Các tư liệu trên cho phép chứng minh hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ nằm trong vùng cư trú từ xa xưa; chứng minh quá trình chinh phục của người Việt cổ đối với vùng trũng nhất châu thổ Bắc Bộ.
  • 40. 37 Theo lưu truyền dân gian, xa xưa, hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ gọi chung là trại Phúc Trang, rồi đổi thành trại Tĩnh Phúc, đến thế kỷ thứ XVI gọi là Thịnh Phúc xã, chia làm hai thôn, dân gian thường gọi là Thượng thôn (Giẽ Thương) và Hạ thôn (Giẽ Hạ). Đến đầu thời Nguyễn, tên “Thịnh Phúc” được thay bằng “Thịnh Đức”. Giẽ Thượng và Giẽ Hạ cùng 14 thôn - làng khác trong vùng được thiết lập thành hai xã: - Xã Thịnh Đức gồm tám thôn - làng: Thịnh Đức Thượng (tức Giẽ Thượng), Thịnh Đức Hạ (Giẽ Hạ), Thịnh Đức Thần (làng Thần), Thịnh Đức Cầu (làng Cầu), Thịnh Đức Phùng (làng Bùng), Nam Chánh, Quan Trâm, Giới Đức và phường thủy cơ Thủy Phú. - Xã Chuyên Mỹ, gồm tám thôn (làng): Trung, Thượng, Hạ, Ngọ, Kim Lũng, Bối Khê, Nhị Khê, Đồng Bông. Hai xã cùng thuộc tổng Thịnh Đức, huyện Phú Xuyên phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Đến năm Tân Mão đời Minh Mệnh, thuộc tỉnh Hà Nội (năm 1902 đổi thành tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 đổi thành tỉnh Hà Đông). Sang thế kỷ XX, theo sách Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kỳ của Ngô Vi Liễn, các thôn làng thuộc hai xã Thịnh Đức và Chuyên Mỹ được nâng thành xã, nên tổng Thịnh Đức được chia thành hai tổng: - Tổng Thịnh Đức Thượng gồm các xã mới là các thôn - làng thuộc xã Chuyên Mỹ cũ; - Tổng Thịnh Đức Hạ gồm các xã mới là các thôn - làng thuộc xã Thịnh Đức cũ, trong đó có xã Thịnh Đức Thượng và Thịnh Đức Hạ. Các xã, tổng đều thuộc huyện Phú Xuyên, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Từ năm 1918 trở đi, theo quy định của triều đình Khải Định, cấp huyện
  • 41. 38 ngang bằng cấp phủ, nên Phú Xuyên là huyện độc lập, không phụ thuộc phủ Thường Tín) [49]. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, cấp tổng và cấp phủ bị xóa bỏ, sáp nhập các làng Thịnh Đức Thượng, Thịnh Đức Hạ và Thủy Phú thành xã Thịnh Phú. Năm 1948 xã Thịnh Phú nhập với xã Thượng Yên thành xã Phú Yên. Năm 1950, xã Phú Yên nhập với xã Vân Từ thành xã Trần Phú. Sau khi hoàn thành cải cách ruộng đất 1956 - 1957, xã Vân Từ được chia thành hai xã Phú Yên và Vân Từ. Xã Phú Yên gồm bốn thôn là Giẽ Thượng, Giẽ Hạ, Thủy Phú, Thượng Yên, thuộc huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông; sau đó lần lượt thuộc các tỉnh: Hà Tây ((năm 1965), Hà Sơn Bình (1975 - 1991), Hà Tây (1991- 2008). Từ tháng 8 - 2008 đến nay, Phú Yên cùng các xã huyện Phú Xuyên thuộc thành phố Hà Nội. Về dân cư, trước thế kỷ XX không có số liệu dân cư của các làng. Đến năm 1926, theo Ngô Vi Liễn, xã Thịnh Đức Hạ (tức làng Giẽ Hạ) có 911 người dân [50, tr. 454] - bằng dân số trung bình một làng ở châu thổ Bắc Bộ theo số liệu của Pièrre Gourou [23, tr. 223], xã Thịnh Đức Thượng (làng Giẽ Thượng) chỉ có 454 người dân [50, tr. 454]. Sau gần 90 năm, dân số hai làng tăng lên đáng kể. Theo số liệu thống kê năm 2017, làng Giẽ Thượng có 470 hộ, 1.560 nhân khẩu; làng Giẽ Hạ có 407 hộ, 1.150 nhân khẩu. 1.3.3. Một số đặc điểm kinh tế - văn hóa- xã hội 1.3.3.1. Kinh tế Hai làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ nằm trong vùng trũng của phía Nam Hà Nội, bắt đầu từ huyện Thanh Trì, lan sang các huyện Thanh Oai, Thường Tín, kéo xuống các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức (Hà Nội), Duy Tiên,
  • 42. 39 Thanh Liêm, Bình Lục, thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam). Địa hình trên khiến cho đồng ruộng quanh năm nổi nước, trong đó từ tháng 5 đến cuối tháng 9, nước ngập mênh mông, không thể cấy trồng được. Chỉ từ sau Rằm tháng Tám (khoảng cuối tháng 9 dương lịch), nước rút, người dân mới tiến hành gieo cấy vụ chiêm (tháng Chín gieo mạ, tháng Một và tháng Chạp cấy, đầu tháng Tư, tức khoảng đầu tháng 5 dương lịch thu hoạch). Vụ sản xuất chính là vụ chiêm. Việc canh tác được thực hiện trong điều kiện trâu cày lội đến ức, cày bừa phải cắm vè, đi gặt phải dùng thuyền. Sự vất vả trong canh tác lúa ở đây được cư dân đúc kết “Cấy cắn răng, gặt há mồm”. Cây lúa sống trong môi trường đó cho năng suất thấp và bấp bênh. Theo các bậc cao niên trong các làng, trước năm 1954, mỗi sào ruộng cấy những giống lúa chịu được với môi trường úng trũng chỉ cho 4 - 5 thùng thóc (thùng gỗ, mỗi thùng 13 kg). Những năm thời tiết thất thường, nước úng trong đồng rút chậm phải cấy muộn; những năm trời lạnh kéo dài sang giữa tháng Ba, lúa trỗ không đúng tiết, năng suất giảm rõ rệt; hay những năm mùa mưa đến sớm, lúa chưa chín, nước đã nổi trắng đồng, không kịp gặt, công sức gieo trồng, chăm sóc cả vụ mất trắng, lúa chiêm trở thành “chiêm bao” [39, trang 101- 105]. Để có thêm nguồn thu, dân làng phải làm thêm các nghề phụ, như hàng xay, hàng xáo, chạy chợ, làm mộc, ngõa. Vào đầu thế kỷ XX, một số người ra Hà Nội làm thuê, trong đó, một số người học được nghề làm giầy da - như sẽ trình bày ở mục sau. Từ giữa thập niên 1970 trở đi, công cuộc thủy lợi hóa cơ bản hoàn thành, làm thay đổi toàn bộ diện mạo đồng ruộng hai làng Giẽ cũng như toàn huyện Phú Xuyên. Cảnh úng, trũng đã lùi về quá khứ. Đồng ruộng đã cấy được hai vụ lúa và một vụ màu, kết hợp với việc từng bước đưa các giống cây trồng có năng suất cao vào gieo trồng, tạo ra sự nhảy vọt về sản lượng lương thực. Từ năm 2000 trở đi, thu nhập từ nông nghiệp không còn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, không giữ vai trò chi phối các mặt hoạt động của đời
  • 43. 40 sống; chỉ có một bộ phận sống bằng nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Dân hai làng chuyển mạnh sang tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ, trong đó, nghề làm giày da thu hút phần lớn lực lượng lao động. 1.3.3.2. Tổ chức làng xã Tổ chức làng xã truyền thống của Giẽ Thượng và Giẽ Hạ về cơ bản theo mô hình của làng Việt ở châu thổ Bắc Bộ, gồm các thiết chế: dòng họ, xóm - ngõ, giáp, kỳ mục, chức dịch và các phường hội. Về dòng họ: - Làng Giẽ Thượng có 6 dòng họ gốc là: Nguyễn, Lê, Lưu, Đỗ, Trần, Cao, trong đó họ Trần là lớn nhất, đông đinh. - Làng Giẽ Hạ có 7 dòng họ gốc là: Lưu, Nguyễn, Trương, Đỗ, Lê, Hoàng, Ngô, trong đó họ Nguyễn Lương, Lưu Văn là đông nhất và đa đinh. Lịch sử của hai làng Giẽ là quá trình cộng cư lâu dài, đoàn kết, gắn bó, lao động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, xây dựng làng xóm của các dòng họ, trên miền đất trũng. Thiết chế xóm ở hai làng được xác định trên cơ sở các ngõ. Mỗi xóm có thể có từ một đến nhiều ngõ, tùy đặc điểm địa hình của khu vực dân cư. Làng Giẽ Thượng có hai xóm: xóm Trong (hay xóm Dọc) và xóm Ngoài (xóm Đình), cách nhau bởi con mương nối sông Nhuệ với đồng ruộng. Làng Giẽ Hạ đông dân bằng hai lần so với làng Giẽ Thượng, nên có năm xóm: Đông Giềng, Đình, Ngõ Cái, Ngõ Giữa và Đông. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, cắt xóm Đông Giềng về thôn Giẽ Thượng. Theo các cụ cao niên kể lại, thuở ban đầu, hai làng Giẽ tập trung tại vị trí xóm Đông Giềng làng Giẽ Thượng và xóm Đình làng Giẽ Hạ. Hai xóm dân cư sát nhau, được phân định bằng một con ngõ nên người nơi khác đến
  • 44. 41 không phân biệt rõ địa giới của hai làng. Khi đó mỗi làng khoảng trên dưới 30 chục nóc nhà làng Giẽ Hạ từ đình làng tới Phủ từ họ Đặng thuộc phía Đông Nam của làng. Làng Giẽ Thượng người dân cư trú từ khu vực đình làng tới chùa làng giáp cống Thần, do hai làng nằm sát nhau chỉ cách một con ngõ phân định xóm Đông Giềng (xóm đình) làng Thượng với xóm Đình làng Hạ. Xóm ở hai làng Giẽ không có vai trò gì với các công việc trong làng. Trước đây, điều kiện kinh tế - xã hội làm cho các gia đình co cụm ở giữa làng; những vị trí đầu, cuối và ven làng chỉ những gia đình đặc biệt khó khăn, đông con mới phải di chuyển ra ở, hoặc là những người “ngụ cư”. Những năm 1990, xã Phú Yên ưu tiên các gia đình khó khăn về chỗ ở được ra ven làng làm nhà. Đầu năm 2008, địa phương tiếp tục cho đấu thầu đất (giãn dân) cho các hộ gia đình để làm nhà ở, đất mặt đường 428 A chạy dọc hai làng được bán cho các hộ dân làm nhà ở, kết hợp sản xuất và buôn bán, kinh doanh; hình thành các cửa hàng mua, bán nguyên liệu, sản phẩm giầy dép; một số hộ xây dựng cơ sở sản xuất hoặc kinh doanh các lĩnh vực khác phục vụ cho làng nghề, đã làm thay đổi diện mạo của làng. Trong xã hội truyền thống (từ Cách mạng Tháng Tám 1945 trở về trước), giáp là thiết chế giữ vai trò tổ chức thực hiện các công việc trong làng. Mỗi làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ đều có bốn giáp (Đông, Nam, Tây, Bắc). Trai đinh sinh ra sau lễ vọng họ thì làm lễ vào giáp vào dịp lệ tiệc của làng. Lễ chỉ có trầu cau và rượu. Giáp có đốc giáp (trưởng giáp) là người cao tuổi nhất trong giáp, song phải là người còn khỏe mạnh, minh mẫn. Giúp việc cho đốc giáp có ba ban: ban nhất, ban nhì, ban ba (mỗi ban có bốn người, tính từ cao tuổi xuống), trong đó ban ba chịu trách nhiệm mua đồ lễ cho vào các dịp cầu cúng. Dưới ban ba là ban lềnh chịu trách nhiệm làm cỗ cho hàng giáp ăn uống vào các dịp lệ tiệc.
  • 45. 42 Trong đời người, mỗi trai đinh hai làng Giẽ phải một lần làm bánh dày và nuôi lợn cho giáp vào dịp hội làng (12 tháng Sáu). Mỗi người đến lượt phải sửa bốn bánh dày hết khoảng 10 kg gạo. Trước khi mang về giáp chia cho các trai đinh, bánh dày của từng giáp được rước lên đền Ba Sa thi. Ngày 13 tháng Sáu, các giáp tổ chức ăn uống, có lợn (40 kg thịt) do người đến lượt phải nuôi (người này được giáp cấp một mẫu ruộng). Bộ máy quản lý làng - xã là hội đồng kỳ mục (hội đồng quản lý làng) và bộ máy chức dịch (quản lý xã), theo “mẫu chung” của làng xã vùng trung du và châu thổ Bắc Bộ. Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, thiết chế quản lý làng xã phong kiến (giáp, kỳ mục, chức dịch) bị bãi bỏ. Các làng Giẽ Thượng, Giẽ Hạ là các thôn thuộc xã Phú Yên. Bộ máy quản lý thôn tùy thuộc từng thời kỳ. Thời kỳ hợp tác xã quy mô thôn (1959 - 1975), tổ đảng (sau là chi bộ) và ban quản trị hợp tác xã làm nhiệm vụ quản lý kinh tế kiêm quản lý xã hội ở từng làng. Đến thời kỳ hợp tác xã toàn xã, đảm nhiệm chức năng này là chi bộ và đội sản xuất. Từ khi thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý sản xuất nông nghiệp, vai trò của hợp tác xã suy giảm, nhường chỗ cho vai trò tự quản của thôn làng. Năm 1998, tái lập cấp thôn với chức trưởng thôn. Hiện nay, mỗi thôn có chi bộ, ban công tác mặt trận cùng các chi hội đoàn thể. Bí thư chi bộ cùng trưởng thôn, trưởng các chi hội đoàn thể hợp thành bộ máy quản lý thôn. Các thôn còn có các tổ chức dân dã, như các hội đồng niên, hội đồng ngũ, hội đồng môn và chi hội Hội da - giày xã Phú Yên. 1.3.3.3. Văn hóa vật chất Văn hóa vật chất gồm nhiều yếu tố, tập trung ở các khía cạnh liên quan đến ăn, mặc, ở, phương điện đi lại, vận chuyển. Ở đây chỉ trình bày yếu tố mang tính đặc trưng của vùng chiêm trũng là bố trí làng xóm, nhà cửa.
  • 46. 43 Về nơi ăn chốn ở, làng nhìn ra đường 428, nhà chen sát nhau về một phía của “trục tiền”, “ăn” vào bên trong sát với đồng ở phía sau, được ngăn cách bởi một hệ thống ao - chuôm, là hệ quả của việc người làng lấy đất để “vượt” (đắp) nền nhà cho cao, chống được ngập lụt trong mùa mưa; đồng thời tạo chỗ cho cá, tôm trú ngụ khi nước ở đồng ruộng rút ra sông Mang Giang. Quanh bờ ao là tre mọc chen chúc, thành nhiều hàng, lớp dày, ngăn hẳn khu cư trú khỏi khu canh tác. Xưa kia, vào mùa úng lụt, thuyền đinh (thuyền nan cỡ lớn hoặc thuyền gỗ) có thể đi lại dễ dàng từ ngoài cánh đồng vào tận sân những nhà ở rìa làng, nên phải trồng tre thành nhiều lớp để ngăn kẻ cướp dùng thuyền vào làng, vào nhà. Tre ở làng vùng chiêm trũng không chỉ là nguyên liệu để làm nhà, giữ cho các bờ ao khỏi sụt lở, mà còn để bảo vệ làng; bởi chỉ có tre mới là loại cây có thể ngâm mình, sống dưới nước trong thời gian kéo dài đến 4 - 5 tháng mùa mưa lũ, muốn đi lại, phải dựa vào hai phương tiện chủ yếu là thuyền và thúng. Nhà ở của từng gia đình cũng phải thích ứng với điều kiện úng lụt: nền được tôn rất cao, cả nền khuôn viên và nền nhà. Đi từ ngoài ruộng vào đường làng, đường ngõ, muốn lên từng khuôn viên các gia đình, phải qua nhiều “cấp bậc”, cao dần từ ngõ vào sân, chuồng (lợn, gà, trâu), nhà bếp, cuối cùng là nhà trên, so với mặt ruộng phải cao hơn từ 3 - 4 mét. Người xưa xác định được chính xác nền của khuôn viên nhà phải tính đến mực nước của năm cao nhất. 1.3.3.4. Văn hóa tâm linh Văn hóa tâm linh ở hai làng Giẽ cũng thể hiện trước hết ở hệ thống các di tích thờ cúng theo mô hình chung của làng Việt là đình, chùa, đền miếu. Hai làng đều có đình riêng, đều được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII và được tu bổ nhiều lần, được dân hai làng gìn giữ đến ngày nay, là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tâm linh của từng cộng đồng cư dân.
  • 47. 44 Hai làng có chung đền Ba Sa thờ thành hoàng, chung với các làng Bùng, Cầu, Thần ở Ngã ba Sa (xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa). Làng Giẽ Hạ có đền thờ Mẫu nằm trong khuôn viên của đình làng thờ Mẫu thờ Dung Châu công chúa, là thân mẫu của Thánh Quảng Bác Đại vương. Đây là dạng “mẫu địa phương” ở nhiều làng vùng châu thổ Bắc Bộ. Hai làng đều có chùa thờ Phật. Làng Giẽ Thượng có chùa Khai Quốc và chùa Phúc Am (chùa Am). Làng Giẽ Hạ có chùa Nhà Tổ (xem ảnh 1,4,5). Hai làng trước đây đều có văn chỉ, được dựng cùng thời với đình làng (thế kỷ thứ XVII), nhưng đến nay, di tích này không còn, hoặc bị phá để lấy đất làm trường học (làng Giẽ Thượng), hoặc chia cho dân ở (làng Giẽ Hạ). Hai làng còn có hệ thống nhà thờ các dòng họ, được xây dựng vào các thời điểm khác nhau và được tu bổ vào những năm gần đây. Làng Giẽ Hạ còn có Nhà truyền thống và gian thờ Tổ nghề, được xây dựng năm 2010 ở cạnh đình làng. Thông tin về các di tích thờ cúng được trình bày ở Phụ lục của luận án. Văn hóa tâm linh còn thể hiện ở các lễ thức thờ cúng, hội làng. Hai làng Giẽ Thượng và Giẽ Hạ tuy có riêng đình, nhưng thờ chung thành hoàng cùng ba làng khác. Đình hai làng đều thờ thần Quảng Bác Đại vương, duệ hiệu là Quảng Bác uyên dung đại vương. Theo thần phả, ông là con của Hùng Huy Vương (Vua Hùng thứ tám) và bà Tiên Dung Châu, quê ở Long Thành. Ông bà sinh được năm người con trai lớn lên đều tài giỏi, có công giúp giúp dân, giúp nước đánh giặc. Sau khi mất, các ông được nhân dân tôn là “Đức Thánh”, gọi theo thứ tự, lập đền thờ ở nhiều nơi, trong đó, những nơi chính là: - Ông Cả (Đức Thánh Cả) thờ chính ở ngã ba Vượng (làng Hữu Vĩnh, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa).