SlideShare a Scribd company logo
VIỆN HÀN LÂM
KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM
HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI
DƯƠNG VĂN CHĂM
ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HÓA TỘC NGƯỜI
HMÔNG, DAO TỚI HOẠT ĐỘNG DU LỊCH
TUYẾN HÀ NỘI – SA PA
Chuyên ngành: Việt Nam học
Mã số: 60.22.01.13
LUẬN VĂN THẠC SĨ VIỆT NAM HỌC
NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. PHẠM MINH PHÚC
HÀ NỘI, 2016
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu
ghi trong luận văn là trung thực. Những kết luận khoa học của luận văn chưa
từng được công bố trong bất kỳ công trình nào khác.
TÁC GIẢ LUẬN VĂN
DƯƠNG VĂN CHĂM
LỜI CẢM ƠN
Luận văn với đề tài: ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HÓA TỘC NGƯỜI
HMÔNG, DAO TỚI HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TUYẾN HÀ NỘI – SA PA là
kết quả nghiên cứu của tác giả trong thời gian học cao học Việt Nam học
khoá 2014 – 2016 tại Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa
học xã hội Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện đề tài, tác giả được TS. Phạm Minh Phúc trực
tiếp hướng dẫn. Sự tận tình chỉ bảo của TS. Phạm Minh Phúc cùng với sự
định hướng chuyên môn và phương pháp nghiên cứu đã giúp tác giả hoàn
thành luận văn này.
Tác giả xin bày tỏ sự biết ơn chân thành tới TS. Trần Hữu Sơn và các
nhà nghiên cứu chuyên ngành, các chuyên gia, các nhà quản lý, các công ty
du lịch; UBND huyện Sa Pa; UBND xã Lao Chải; UBND xã Tả Phìn và các
cộng sự đã giúp đỡ tác giả hoàn thành đề tài này.
Tác giả cũng xin gửi lời cảm ơn tới các Thầy, Cô giáo đã giảng dạy cho
lớp cao học Việt Nam học khóa 2014 – 2016 và ban chủ nhiệm khoa Việt
Nam học đã tạo điều kiện thuận lợi cho tác giả hoàn thành luận văn này.
Hà Nội, ngày 19 tháng 7 năm 2016
Dương Văn Chăm
MỤC LỤC
Mở đầu 1
Chương 1: Một số vấn đề lý luận và vài nét về tộc người
Hmông, Dao trong hoạt động du lịch tại Sa Pa. 8
1.1. Các khái niệm 8
1.2. Tộc người Hmông, Dao từ góc nhìn nhân học du lịch 11
Chương 2: Thực trạng khai thác văn hóa tộc người Hmông,
Dao trong hoạt động du lịch tuyến Hà Nội – Sa Pa. 35
2.1. Khai thác văn hóa tộc người Hmông, Dao trong các chương
trình du lịch tuyến Hà Nội – Sa Pa của các công ty du lịch 35
2.2. Khai thác các giá trị văn hóa tộc người Hmông, Dao trong
hoạt động du lịch của địa phương 40
2.3. Trải nghiệm của khách du lịch về văn hóa tộc người Hmông,
Dao ở địa bàn nghiên cứu 44
Chương 3: Bàn luận về hoạt động du lịch gắn với văn hóa tộc
người Hmông, Dao ở Sa Pa 51
3.1. Những tác động của du lịch đến phát triển kinh tế - xã hội 51
3.2. Hoạt động du lịch gắn với văn hóa tộc người từ góc độ nhà
nghiên cứu và tổ chức du lịch 53
3.3. Du lịch ở Sa Pa trong “cái nhìn” của du khách 60
3.4. Thế ứng xử của cộng đồng Hmông, Dao trong hoạt động du lịch 64
Kết luận 72
Tài liệu tham khảo
Phụ lục
1
MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Du lịch được mệnh danh là ngành công nghiệp không khói và đóng vai
trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều nơi trên thế giới,
trong đó có Việt Nam. Nguồn gốc của du lịch được xem là xuất phát từ cơ cấu
công nghiệp phương Tây thế kỉ XIX [16, tr.7], sau đó lan rộng ra các châu lục
khác và phát triển mạnh mẽ tại châu Á, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của
nhiều nước thuộc châu lục này [31, tr.10].
Do có nhiều lợi thế về nguồn lực tự nhiên, văn hóa và con người, Việt
Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Trong thời gian qua,
Việt Nam đã có sự tăng trưởng nhanh chóng cả về số lượng khách du lịch lẫn
sự đa dạng của các loại hình dịch vụ. Riêng trong tháng 12 năm 2015 lượng
khách quốc tế vào Việt Nam khoảng 760.798 lượt, tăng 2,6% so với tháng 11
và 15% so với cùng kì năm 2014 [32].
Liên quan đến nguồn lực văn hóa và con người, Việt Nam là một quốc gia
đa văn hóa, đa tộc người, với người Kinh đa số và 53 tộc người thiểu số có bản
sắc văn hóa riêng tạo nên nền văn hóa Việt Nam đa dạng trong thống nhất. Đây
chính là nguồn tài nguyên du lịch, nguồn lực đầu vào, góp phần tạo nên các sản
phẩm du lịch như du lịch văn hóa tộc người, du lịch cộng đồng… Có thể kể đến
các chương trình du lịch tiêu biểu ở phía Bắc như: Hà Nội - Sa Pa; Hà Nội - Hà
Giang; Hà Nội - Mù Cang Chải (Yên Bái) - Bắc Hà (Lào Cai)v.v...
Trong các tuyến du lịch kể trên, Sa Pa nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn là
một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở phía Bắc, bởi nơi đây không chỉ
có đỉnh Phan Xi Păng được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, với những cánh
rừng nguyên sinh, nơi có khí hậu trong lành mang nhiều sắc thái ôn đới, cảnh
quan thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa tươi đẹp, và nhiều sắc thái văn hóa đa dạng
của các tộc người thiểu số Hmông, Dao, Tày, Giáy… rất hấp dẫn du khách.
2
Trong các tộc người ở Sa Pa, người Hmông và người Dao là hai tộc
người có dân số đông, đã sớm tham gia vào các hoạt động du lịch. Bản thân
tôi đang là hướng dẫn viên du lịch, ít nhiều có những trải nghiệm trong môi
trường du lịch văn hóa dân tộc, do vậy tôi đã chọn đề tài: “Ảnh hưởng của văn
hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch tuyến Hà Nội - Sa Pa” để
làm luận văn thạc sĩ chuyên ngành Việt Nam học của mình.
2. Tình hình nghiên cứu đề tài
Nghiên cứu về nhân học du lịch và du lịch tộc người ở Sa Pa cho đến
nay đã có khá nhiều tác giả nghiên cứu tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau.
Các công trình “Du lịch Sa Pa - Hiện trạng và giải pháp” của Phạm Quỳnh
Phương (1997); “Văn hóa dân gian với vấn đề phát triển du lịch ở Lào Cai”
của Trần Thùy Dương (1997) và “Nhân học du lịch - Lý thuyết và thực tiễn
nghiên cứu ở Việt Nam” của Trần Thùy Dương (2015), “Du lịch với dân tộc
thiểu số ở Sa Pa” của Lâm Mai Lan và Phạm Thị Mộng Hoa (2000)…, đã nêu
lên ảnh hưởng của du lịch đối với kinh tế, môi trường, xã hội của cộng đồng
dân tộc thiểu số. Còn trong “Ảnh hưởng của du lịch tới hệ thống xã hội của
người Hmông ở Sa Pa”, tác giả Trần Hữu Sơn (2004) đã xem xét ảnh hưởng
của du lịch lên một số thiết chế xã hội của người Hmông. Những nghiên cứu
trên đều đề cập tới tác động của du lịch trên địa bàn nghiên cứu, đặc biệt
những ảnh hưởng của hoạt động du lịch đến cộng đồng dân tộc thiểu số. Tác
giả Trịnh Lê Anh (2006) trong “Du lịch Trekking ở Việt Nam - Loại hình và
phương thức tổ chức” đã nghiên cứu dưới góc độ loại hình và phương thức tổ
chức du lịch. Tác giả Nguyễn Trường Giang (2015) trong “Ruộng bậc thang ở
Việt Nam - Bảo tồn và phát triển bền vững” đã đề cập đến hình thức canh tác
ruộng bậc thang của hai nhóm tộc người Hmông, Dao ở Sa Pa và những nghi
thức liên quan đến ruộng bậc thang ở địa bàn nghiên cứu. Công trình này tiếp
cận văn hóa tộc người Hmông, Dao dưới góc độ Nhân học du lịch.
3
Qua phần điểm luận những công trình nghiên cứu trên, chúng tôi nhận
thấy các công trình có hướng tiếp cận chuyên ngành về văn hóa tộc người và
tác động của văn hóa tộc người tới hoạt động du lịch. Luận văn này chúng tôi
tiếp tục bổ sung và đánh giá những tác động mới của hoạt động du lịch tới
văn hóa truyền thống của đồng bào Hmông, Dao. Đồng thời nghiên cứu giữa
khách du lịch và cộng đồng địa phương nơi diễn ra hoạt động du lịch.
Du lịch ở Sa Pa phát triển khởi sắc trở lại bắt đầu từ những năm 1990
của thế kỉ trước, hơn 20 năm hoạt động và phát triển, du lịch đã mang lại
nhiều lợi ích cho cộng đồng, cư dân sinh sống ở Sa Pa và những địa phương
được khai thác vào hoạt động du lịch trong đó phải kể đến những tuyến du
lịch từ thị trấn Sa Pa là: Sa Pa - Tả Phìn, Sa Pa - Cát Cát, Sa Pa - Lao Chải -
Tả Van... Giả thuyết nghiên cứu ở đây là: Du lịch đã làm thay đổi bộ mặt kinh
tế - xã hội và mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng ở Sa Pa, cộng đồng tộc
người thiểu số ở Sa Pa và nhóm cộng đồng Hmông, Dao cũng chịu tác dộng
từ hoạt động du lịch này.
Câu hỏi nghiên cứu được chúng tôi đặt ra ở đây là: hoạt động du lịch tuyến
Hà Nội - Sa Pa có những tác động nào từ văn hóa truyền thống của cộng đồng
tộc người Hmông, Dao? Và cộng đồng Hmông, Dao ứng xử với hoạt động du
lịch ra sao khi hoạt động này ngày càng phát triển ở Sa Pa?
Liên quan đến câu hỏi này, từ cách tiếp cận vấn đề trong bối cảnh hoạt
động du lịch tại Sa Pa, chúng tôi hướng đến tìm hiểu những câu hỏi nhỏ về
các tác động trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, tâm lý và nhận thức tới
cộng đồng Hmông, Dao. Chẳng hạn như trước kia, khi chưa có du lịch thì đời
sống của đồng bào thế nào, sau khi có du lịch thì họ sống ra sao? Đơn cử như
việc trước đây người dân sản xuất nông nghiệp để ăn là chính, tự cấp tự túc.
Khi có du lịch thì người ta sản xuất phục vụ du lịch như thế nào? Tập quán
sản xuất của họ sẽ thay đổi ra sao? Họ phải làm cách nào và tích hợp những gì
4
để làm được điều đó? Họ nghĩ thế nào về việc thay đổi đó? Tốt hơn hay xấu
hơn trước đây? Họ có hài lòng không hay nhận thức về du lịch mà họ phải
làm những thứ như thế? Họ được lợi gì và họ nhận thức lợi ích đó như thế
nào? Đối với công ty lữ hành họ nhận thức văn hóa truyền thống ra sao trong
hoạt động tổ chức chương trình du lịch của công ty lữ hành và quy hoạch phát
triển du lịch của chính quyền địa phương? Hoạt động du lịch làm văn hóa
truyền thống biến đổi trên những bình diện nào? Theo hướng nào và tại sao?
Đánh giá như thế nào về truyền thống văn hóa? Ai chịu trách nhiệm cho
những biến đổi đó? Cuối cùng họ thấy những biến đổi đó có ý nghĩa gì đối
với họ?
Trái lại, cộng đồng Hmông, Dao nhận thức và hành động như thế nào
đối với những thay đổi mà du lịch mang đến? Họ ứng xử với nó như thế nào?
Họ kì vọng điều gì và kết quả ra sao? Tương lai họ nghĩ sẽ như thế nào và họ
quan tâm điều gì nhất từ hoạt động du lịch này.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Luận văn hướng tới các mục đích sau: làm rõ một số đặc điểm văn hóa
truyền thống của tộc người Hmông, Dao ở Sa Pa, sự tham gia của các yếu tố
văn hóa truyền thống của hai tộc người này vào các hoạt động du lịch và tác
động của hoạt động du lịch đến văn hóa tộc người. Bên cạnh đó, làm rõ cách
thức khai thác của các nhà tổ chức du lịch, các chuyên gia tư vấn hoạt động
du lịch trong việc phát triển du lịch gắn với văn hóa truyền thống tộc người ở
Sa Pa, từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu được đề cập ở luận văn này là cộng đồng tộc
người Hmông, Dao ở Sa Pa, các công ty du lịch khai thác tuyến du lịch Hà
Nội - Sa Pa và khách du lịch đến Sa Pa.
5
Phạm vi nghiên cứu của luận văn: Luận văn nghiên cứu một số đặc
điểm văn hóa truyền thống và tác động của văn hóa truyền thống của đồng
bào Hmông, Dao ở hai địa bàn thôn Lý, xã Lao Chải và thôn Sả Xéng, xã Tả
Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến hoạt động du lịch tuyến Hà Nội - Sa Pa.
Đây là hai địa bàn sinh sống của cộng đồng người Hmông đen và cộng đồng
người Dao đỏ, cũng là các điểm du lịch đã được khai thác sớm ở Sa Pa.
5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu.
Trên cơ sở câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết đã được đưa ra, chúng tôi
chọn phương pháp nghiên cứu điền dã dân tộc học với các nghiên cứu trường
hợp để giải quyết các vấn đề đặt ra của luận văn. Để thu thập thông tin chúng
tôi kết hợp phương pháp nghiên cứu định lượng, định tính và phương pháp
phân tích tài liệu thứ cấp (thao tác) cùng với các cuộc quan sát tham dự vào
hoạt động của người dân tại thị trấn Sa Pa và hai địa bàn nghiên cứu chính là
thôn Lý, xã Lao Chải và thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn. Trong các hoạt động
nghiên cứu trên, điền dã dân tộc học, quan sát tham dự là phương pháp nghiên
cứu đặc trưng của ngành Dân tộc học/Nhân học, có tầm quan trọng hàng đầu
trong việc khảo sát thu thập dữ liệu cho luận văn này.
Để chọn điểm nghiên cứu cho đề tài, chúng tôi đã tiến hành các cuộc
khảo sát địa bàn. Đợt khảo sát thứ nhất từ ngày 29 đến ngày 30 tháng 8 năm
2015, chúng tôi khảo sát thôn Cát Cát, một trong những điểm du lịch rất sôi
động ở tuyến bản và là địa bàn sinh sống của cộng đồng người Hmông đen.
Cự ly từ thị trấn xuống Cát Cát khoảng 2,5 km, du khách có thể đi bộ tham
quan trong thời gian là hai giờ đồng hồ, nhưng việc lưu trú của du khách hầu
như không diễn ra. Vì thế chúng tôi không chọn Cát Cát là điểm nghiên cứu
của đề tài. Đợt khảo sát thứ hai bắt đầu từ ngày 24 đến 26 tháng 10 năm 2015,
chúng tôi khảo sát thôn Lý, xã Lao Chải cách thị trấn Sa Pa khoảng 6 km, bởi
Lao Chải là địa bàn nằm trên tuyến du lịch Sa Pa - Lao Chải - Tả Van khá
6
phát triển của huyện Sa Pa. Đây cũng là địa bàn sinh sống của người Hmông
đen, xa thị trấn, du khách có lưu trú tại bản qua đêm. Điểm này đã đáp ứng
được yêu cầu đối với nhóm cộng đồng thứ nhất của luận văn. Nhóm thứ hai
chúng tôi muốn nghiên cứu là cộng đồng người Dao đỏ. Ban đầu, xã Tả Van
là điểm mà chúng tôi quan tâm, vì Tả Van cách thị trấn Sa Pa 10 km và cũng
nằm trong tuyến du lịch Sa Pa - Lao Chải - Tả Van. Tả Van cũng là nơi có
cộng đồng người Dao đỏ sinh sống. Nhưng qua cuộc khảo sát của chúng tôi
thì ở Tả Van hoạt động du lịch khá phát triển nhưng chủ yếu là do đồng bào
người Giáy đảm nhận. Cũng trong thời gian này chúng tôi khảo sát tuyến du
lịch Sa Pa - Tả Phìn. Tả Phìn là địa bàn sinh sống của nhiều nhóm dân tộc,
trong đó người Hmông và người Dao chiếm đa số, là địa bàn du lịch rất phát
triển, cách thị trấn Sa Pa 12 km về phía Lào Cai. Tại đây, hoạt động du lịch
diễn ra gắn với đa số người Dao đỏ. Hoạt động du lịch chủ yếu diễn ra tại
thôn Sả Xéng, một thôn nằm ở vị trí trung tâm của xã và cũng là địa bàn thứ
hai chúng tôi chọn điểm nghiên cứu.
6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn
Luận văn cung cấp một miêu tả dân tộc học chi tiết có tính phân tích về
các tác động từ hoạt động du lịch tới văn hóa truyền thống qua các khía cạnh
như kinh tế, văn hóa, xã hội, tâm lý và nhận thức… của cộng đồng tộc người
Hmông, Dao và tâm thế ứng xử của cộng đồng tộc người Hmông, Dao trước
những tác động của hoạt động du lịch mang lại.
Luận văn còn có ý nghĩa làm cơ sở tham khảo cho các nhà quản lý và
quy hoạch du lịch của Sa Pa trong chiến lược bảo tồn các giá trị văn hóa
truyền thống của cộng đồng tộc người thiểu số mà ở đây là hai nhóm cộng
đồng tộc người Hmông, Dao; đồng thời cũng là tài liệu hữu ích cho các công
ty du lịch tham khảo trong chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch của mình
mà không làm ảnh hưởng xấu tới văn hóa tộc người ở Sa Pa.
7
7. Cơ cấu của luận văn
Ngoài phần dẫn nhập, luận văn gồm có ba chương với nội dung cụ thể
như sau:
Chương 1. Một số vấn đề lí luận và vài nét về hai tộc người Hmông,
Dao trong hoạt động du lịch tại Sa Pa. Chương này bàn luận về một số khái
niệm liên quan có tính cơ sở cho việc nghiên cứu. Đồng thời, chúng tôi phân
tích những tác động của du lịch trên các bình diện văn hóa truyền thống như
văn hóa mưu sinh, văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần.
Chương 2. Thực trạng khai thác văn hóa tộc người Hmông, Dao trong
hoạt động du lịch tuyến Hà Nội - Sa Pa. Chương này phân tích một số
phương thức khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng
Hmông, Dao trong chu trình tạo sản phẩm du lịch, thực trạng khai thác văn
hóa hai tộc người này trong khai thác du lịch cùng những trải nghiệm của du
khách. Mục tiêu của chương này là từng bước tìm hiểu văn hóa truyền thống
của hai tộc người tại điểm nghiên cứu biến đổi do những nguyên nhân nào, từ
đó xác định được tác động của văn hóa truyền thống tới hoạt động du lịch
tuyến Hà Nội - Sa Pa.
Chương 3. Bàn luận về hoạt động du lịch gắn với văn hóa tộc người
Hmông, Dao ở Sa Pa trên hai địa bàn nghiên cứu. Chương này phân tích
những ý kiến của các chuyên gia, các nhà tổ chức du lịch để tìm hiểu ứng xử
của các nhà tổ chức và chuyên gia tư vấn về du lịch với văn hóa truyền thống.
Mặt khác, chúng tôi tìm hiểu thế ứng xử của hai cộng đồng cư dân tại điểm
nghiên cứu về những thay đổi do hoạt động du lịch.
8
CHƯƠNG 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ VÀI NÉT VỀ TỘC NGƯỜI HMÔNG,
DAO TRONG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TẠI SA PA
1.1. Các khái niệm
Với mục đích tập trung nghiên cứu hoạt động du lịch có những tác
động nào tới văn hóa truyền thống của cộng đồng Hmông, Dao và cộng đồng
tộc người Hmông, Dao ứng xử với hoạt động du lịch ra sao khi hoạt động này
ngày càng phát triển ở Sa Pa; chúng tôi đề cập đến những khái niệm liên quan
đến nội dung luận văn làm cơ sở phân tích của luận văn.
- Văn hóa tộc người:
Theo GS.TS. Ngô Đức Thịnh, nhà dân tộc học, văn hóa học thì: văn
hóa tộc người là tổng thể các yếu tố văn hóa mang tính đặc thù tộc người, nó
thực hiện chức năng cố kết tộc người và phân biệt tộc người này với tộc
người kia. Trong văn hóa tộc người, các yếu tố đầu tiên được nhận diện là
ngôn ngữ, trang phục, các tín ngưỡng và nghi lễ, vốn văn học dân gian, tri
thức dân gian về tự nhiên xã hội, về bản thân con người và tri thức sản xuất,
khẩu vị ăn uống, tâm lý dân tộc…[38].
Theo định nghĩa này thì văn hóa tộc người được hiểu bao gồm các giá
trị văn hóa vật chất, giá trị văn hóa tinh thần.
- Du lịch:
Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người
ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan,
tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định [22, tr.9].
Trong luận văn này, chúng tôi tìm hiểu chuyến đi của khách du lịch thông qua
chương trình du lịch Hà Nội - Sa Pa.
- Kinh doanh du lịch:
Là kinh doanh dịch vụ, bao gồm các ngành, nghề sau đây [22, tr37]:
9
1. Kinh doanh lữ hành;
2. Kinh doanh lưu trú du lịch;
3. Kinh doanh vận chuyển khách du lịch;
4. Kinh doanh phát triển khu du lịch, điểm du lịch;
5. Kinh doanh dịch vụ du lịch khác.
Ở trong luận văn này, chúng tôi khai thác khía cạnh kinh doanh lữ hành
để làm cơ sở nghiên cứu của luận văn.
- Lữ hành:
Lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn
bộ chương trình du lịch cho khách du lịch [22, tr10].
- Doanh nghiệp lữ hành:
Doanh nghiệp lữ hành là một loại hình doanh nghiệp du lịch, kinh
doanh chủ yếu trong lĩnh vực tổ chức sản xuất, bán và thực hiện các chương
trình du lịch trọn gói cho khách du lịch. Ngoài ra doanh nghiệp lữ hành còn
có thể tiến hành các hoạt động trung gian bán sản phẩm của các nhà cung
cấp du lịch hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh tổng hợp khác phục vụ
các nhu cầu du lịch của khách từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng [13, tr.45].
Doanh nghiệp lữ hành có hai hình thức kinh doanh: Doanh nghiệp kinh doanh
lữ hành nội địa (doanh nghiệp này không được phép kinh doanh lữ hành quốc
tế được qui định tại điểm 2, khoản 3, điều 43, Luật Du lịch 2005). Và doanh
nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế (doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế
được phép kinh doanh lữ hành nội địa, được quy định tại khoản 3, điều 43,
Luật Du lịch, 2005) [22,tr.40].
- Hoạt động kinh doanh lữ hành:
Hoạt động kinh doanh lữ hành được hiểu theo nghĩa rộng: Hoạt động
kinh doanh lữ hành được hiểu là doanh nghiệp đầu tư để thực hiện một hoặc
một số hoặc tất cả các công việc trong quá trình tạo ra và chuyển giao sản
10
phẩm từ lĩnh vực sản xuất sang lĩnh vực tiêu dùng du lịch với mục đích hưởng
hoa hồng hoặc lợi nhuận. Kinh doanh lữ hành có thể hiểu là kinh doanh một
hoặc nhiều hơn một hay tất cả các dịch vụ và hàng hóa thỏa mãn hầu hết các
nhu cầu thiết yếu, đặc trưng và các nhu cầu khác của khách du lịch.
Theo nghĩa hẹp của lữ hành: kinh doanh lữ hành là hoạt động tổ chức
các chương trình du lịch nhằm mục đích sinh lợi [13,tr.30].
- Nhân học du lịch:
Trên thế giới cho đến năm 1970, một số nhà nhân học đã có quan tâm
tới hoạt động du lịch. Du lịch gắn liền với nhiều vấn đề lý thuyết và thực tiễn
trong ngành nhân học. Về mặt nhận thức, các chủ đề chính mà các nhà nhân
học đã thực hiện trong nghiên cứu du lịch được chia làm hai hướng nghiên
cứu: một hướng tìm hiểu về nguồn gốc của du lịch và một hướng tiếp cận
những tác động của du lịch (khách du lịch và cộng đồng địa phương).
Nhu cầu đi du lịch của con người là một nhu cầu thiết yếu. Con người
biết tổ chức các chuyến đi với những hình thức khác nhau, đến với những nơi
có cảnh đẹp cùng với các địa danh di tích lịch sử văn hóa khác với nơi mình
sinh sống. Du lịch được coi là một hiện tượng văn hóa - xã hội và kinh tế. Du
lịch lúc đầu là một chuyến đi công tác của các nhà lãnh đạo đến làm việc, sau
đó nó phát triển gắn liền với các cuộc hành hương đến thánh địa Mecca của
các tín đồ Hồi giáo… dần dần nảy sinh nhu cầu nghiên cứu hành vi của khách
du lịch thông qua những chuyến đi của họ.
Theo tác giả Theron Nunez, 1963 khi ông nghiên cứu “du lịch, truyền
thống và tiếp biến văn hóa tại một ngôi làng ở Mexico” ông nghiên cứu mối tiếp
xúc nông thôn, thành thị và tiếp biến văn hóa và ông cho rằng các du khách
thành thị có thể được cho là đại diện cho một nền văn hóa “cho đi” trong khi
cộng đồng địa phương lại có thể coi là nền văn hóa “tiếp nhận”. [17, tr.1].
11
Từ những phân tích trên, trong khuôn khổ luận văn này nhân học du
lịch là nghiên cứu về con người trong hoạt động du lịch, đối tượng nghiên
cứu của nhân học du lịch là khách du lịch (đại diện cho nền văn hóa mới) và
cộng đồng địa phương (văn hóa truyền thống ) nơi diễn ra hoạt động du lịch.
1.2. Tộc người Hmông, Dao từ góc nhìn nhân học du lịch
1.2.1. Tổng quan về Sa Pa và địa bàn nghiên cứu
Sa Pa là một huyện nằm ở phía Bắc tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào
Cai 38 km về phía Tây Nam, cách Hà Nội gần 300 km về phía Tây Bắc. Từ
Hà Nội lên Sa Pa, nếu đi đường bộ, du khách có thể đi ôtô theo tuyến đường
cao tốc Nội Bài - Lào Cai mất khoảng 4 giờ đồng hồ, sau đó tiếp tục đi thêm
khoảng một giờ đồng hồ nữa là tới thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa. Nếu đi bằng
đường sắt, du khách đi từ ga Trần Quý Cáp (Hà Nội) tới ga Lào Cai khoảng
10 giờ đồng hồ, sau đó đi xe ôtô thêm khoảng một giờ đồng hồ thì tới Sa Pa.
Tổng dân số của huyện Sa Pa là 52.899 người (năm 2009). Huyện Sa
Pa có 7 tộc người sinh sống, trong đó người Hmông 51.65%, Dao 23.04%,
Kinh 17.91%, Tày 4.74%, Giáy 1.36%, Xá Phó (Phù Lá) 1.06%, Hoa và các
tộc người khác 0,23%[ 6]; người Kinh chủ yếu sống ở thị trấn và làm dịch vụ
kinh doanh du lịch và thương mại. Các nhóm tộc người thiểu số như Hmông,
Dao chủ yếu làm nghề nông nghiệp và sống ở những xã nghèo của huyện Sa
Pa, kể từ khi có hoạt động du lịch ở Sa Pa thì một số nhóm người tham gia
hoạt động bán hàng và làm các dịch khác phục vụ khách du lịch tại thị trấn và
các tuyến du lịch...
Sa Pa có đỉnh Phan Xi Păng cao 3.143 m. Thị trấn Sa Pa nằm ở độ cao
trung bình từ 1500 đến 1800 m so với mực nước biển, nên khí hậu ít nhiều lại
mang sắc thái của xứ ôn đới, với nhiệt độ trung bình từ 150
C đến 180
C. Từ
tháng 5 đến tháng 8 mưa nhiều.
12
Đơn vị hành chính của huyện Sa Pa có 17 xã, một thị trấn, đa phần các
xã hoạt động sản xuất nông nghiệp là chính, một số xã phát triển về du lịch
như: San Sả Hồ, Thanh Kim, Thanh Phú, Lao Chải, Tả Van, Tả Phìn. Hiện
nay huyện Sa Pa đang triển khai kế hoạch xây dựng và nâng cấp tuyến du lịch
liên xã để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Xã Tả Phìn là một xã thuộc khu vực III miền núi của huyện Sa Pa, cách
trung tâm thị trấn huyện 12 km. Xã có 6 thôn, tổng diện tích đất tự nhiên là 2178
ha, với 601 hộ gia đình và 3043 nhân khẩu, trong đó nam giới 1507 khẩu (chiếm
49,52%), nữ 1536 khẩu (chiếm 50,48%). Số người Hmông có 332 hộ (55,2%);
Dao có 219 hộ (35,44%); Giáy 01 hộ (0,17%); Tày 02 hộ (0,33%); Kinh 47 hộ
(7,82%)[36]. Trong 06 thôn thì có 03 thôn của người Dao (Thôn Sả Xéng, Tả
Chải và Lủ Khấu), thôn Sả Xéng là thôn trung tâm của xã và cũng là nơi diễn ra
hoạt động du lịch chính của xã Tả Phìn.
Xã Lao Chải là xã nằm ở phía Đông Nam và cách huyện lỵ Sa Pa
khoảng 7km, với số dân đa số là người Hmông, phân bố ở các thôn Lý, thôn
Hàng, thôn San 1, San 2, thôn Lồ. Tên gọi của các thôn ở đây gắn với tên của
dòng họ có vai trò trong việc lập thôn. Toàn xã có 631 hộ và 3919 nhân khẩu.
Thôn Lý có 175 hộ (người Hmông có 158 hộ chiếm 90,3%; người Kinh 17 hộ
chiếm 9,7%), thôn Lý dòng họ chiếm số đông là họ Lý, ngoài ra còn có một
số người dòng họ khác. Nguồn thu nhập chủ yếu của thôn là làm nông nghiệp
và tham gia hoạt động du lịch.[34]
13
Hình 1.1. Các điểm thăm quan du lịch ở Sa Pa
[nguồnhttp://laocai.gov.vn/sites/sapa/bandohuyen/Trang/634046080866084190.aspx, truy
cập ngày: 01/03/2016].
14
1.2.2. Một số đặc điểm lịch sử và văn hóa tộc người Hmông
1.2.2.1. Lịch sử tộc người
Người Hmông ở Việt Nam có 4 nhóm chính, đó là: Hmông Xanh, Hmông
Trắng, Hmông Hoa và Hmông đen [37.tr.400]. Họ vốn có nguồn gốc từ phía nam
Trung Quốc. Lịch sử thiên di của người Hmông cũng là lịch sử đấu tranh không
ngừng chống phong kiến áp bức dân tộc. Đến Việt Nam họ mong muốn có cuộc
sống ổn định và ấm no hơn. Trong đồng bào có lưu truyền rằng “Việt Nam là nơi
đất đai màu mỡ dễ làm ăn, nơi có quả bí to như cái Vạc mà lợn rừng có thể khoét
lỗ chui vào đó đẻ, nó vừa là ổ, vừa là thức ăn cho lợn, nơi trồng cây lương thực,
gốc có củ, thân có bắp, ngọn trổ lúa” [37,tr.401].
Người Hmông ở tỉnh Lào Cai cũng có 4 nhóm: Hmông hoa (Hmông
lềnh) là ngành có số dân đông nhất, chiếm tới 70% số người Hmông ở Lào
Cai, cư trú ở 8 huyện nhưng tập trung ở Bắc Hà, Mường Khương, Sa Pa, Bảo
Thắng và Bảo Yên; Hmông đen (Hmông đu) cư trú tại Bát Xát, Sa Pa; Hmông
xanh (Hmông súa) cư trú tập trung ở xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn và Hmông
trắng (Hmông đơ) cư trú ở huyện Bắc Hà, Bát Xát, Văn Bàn, Sa Pa [27, tr.9-10].
Người Hmông di cư đến Lào Cai cách ngày nay hơn hai trăm năm. Đợt di cư
đầu tiên vào Lào Cai gồm 80 gia đình [27, tr.10]. Thủ lĩnh dẫn đầu đoàn di cư
người Hmông đến Lào Cai là ông Hoàng Sín Dần, một tộc trưởng có uy tín và
giỏi võ nghệ. Họ sinh sống ở Bắc Hà được ba đời thì có ba gia đình lại tiếp
tục di cư sang Sa Pa. Đoàn di cư do ông Lý Thàng Pua dẫn đầu. Người
Hmông dù đến cư trú ở Lào Cai sớm hay muộn đều coi Lào Cai là quê hương,
Việt Nam là tổ quốc mình.
Người Hmông ở huyện Sa Pa phần lớn là Hmông Đen (Hmông đu),
ngoài ra còn có nhóm Hmông hoa và người Hmông xanh. Người Hmông Đen
di cư từ vùng Quý Châu, Trung Quốc sang Sa Pa (Việt Nam). Nhóm Hmông
ở thôn Lý, xã Lao Chải là Hmông đen.
15
1.2.2.2. Một số đặc điểm văn hóa mưu sinh
Trước đây, đồng bào trồng đậu răng ngựa, củ đao, khoai lang, khoai sọ,
rau cải, rau muống… chủ yếu cung cấp cho sinh hoạt hàng ngày, nếu có nhiều
thì mang trao đổi với những người trong bản. Hiện nay, đồng bào trồng rau
cải mèo, bắp cải, cải trắng... một phần phục vụ cho sinh hoạt, phần khác cung
cấp cho các nhà hàng, khách sạn ở thị trấn Sa Pa. Ngoài ra, đồng bào còn
trồng đào, mận để ăn và bán tại địa phương, và cũng để cho khách du lịch
mua về làm quà khi đến Sa Pa. Thu hoạch xong, đồng bào chủ yếu mang ra
thị trấn Sa Pa bán vào thứ 6, thứ 7 và chủ nhật vì thời điểm này khách du lịch
đến Sa Pa đông nhất trong tuần. Còn nếu gia đình nào trồng số lượng lớn thì
mang bán cho những hộ kinh doanh ở thị trấn.
Trước đây đồng bào trồng 3 loại ngô: ngô nếp (po cừ lảu), ngô trắng
(po cừ đây), ngô vàng (po cừ đằng). Theo kinh nghiệm của đồng bào thì ngô
trắng để lâu hay bị sâu, ngô đỏ để lâu thì không bị sâu và ngô trắng mềm hơn.
Trước đây đồng bào trồng toàn ngô trắng, còn bây giờ trồng hai loại như
nhau. Ngô nếp trồng để cho con người ăn, nhất là bán cho khách du lịch,
không dùng cho chăn nuôi, ngoài ra còn làm bánh ăn vì có vị dẻo, thơm.
Đồng bào toàn ăn ngô trắng, cách chế biến là xay ngô thành bột để làm mèn
mén ăn. Ngô nếp cũng ăn nhưng không ăn nhiều, chỉ ăn một vài bữa, không
ăn liên tục được. Trước đây, một số gia đình hết gạo trước tết từ một đến hai
tháng thì bắt đầu ăn ngô thay thế, hoặc dùng ngô độn với cơm để ăn. Đồng
bào ở đây trồng ngô sớm để thu hoạch sớm, để có cái ăn vào ngày làm mùa.
Đến tháng chín mới thu hoạch lúa và có lúa ăn.
Hiện nay, với sự trợ giúp của khoa học kĩ thuật và sự quan tâm của
chính quyền địa phương nên đồng bào không phải ăn ngô nữa, mà ngô bây
giờ chỉ để chăn nuôi. Cho nên những người trẻ bây giờ không biết làm mèn
mén. Đồng bào ít ăn ngô dần từ khoảng năm 1995, 1996 đến nay. Thời kì đó
16
bắt đầu có giống lúa mới cho năng suất cao hơn nên có đủ gạo ăn. Bây giờ
trồng giống ngô mới, những gia đình nghèo thì nhà nước cho, còn những gia
đình khác tự mua. Ngô không chỉ để bổ sung cho khẩu vị ăn khi hết gạo, mà
còn dùng để nấu rượu, một loại rượu đặc trưng của người Hmông. Rượu vừa
được để dùng trong cuộc sống hàng ngày và bán cho khách du lịch khi du lịch
ngày càng phát triển.
“Gia đình tôi trước đây trồng ngô chủ yếu để ăn khi hết gạo, sau khi có giống thóc mới
từ nhà nước, thì gia đình từ thiếu ăn sang đủ ăn và không phải ăn ngô nữa. Ngô được
dùng trong chăn nuôi lợn, gà. Rượu ngô thì gia đình tôi cũng làm từ lâu và cũng chỉ để
dùng hàng ngày và sử dụng trong các nghi lễ của năm. Từ khi có khách du lịch đến Sa
Pa, người kinh doanh trên thị trấn xuống có tìm mua rượu trong thôn, và lúc đó gia đình
tôi cũng bán cho họ. Nhưng do số lượng rượu làm ra thì ít, mà nhu cầu họ mua thì
nhiều, nên họ có đặt gia đình tôi và vài gia đình khác trong thôn làm rượu ngô cung cấp
cho họ số lượng nhiều và thường xuyên”.
(Ông L.A.P(1957) và bà T.T.V,(1958), thôn Lý, xã Lao Chải).
Đồng bào Hmông ở đây chủ yếu canh tác trên ruộng bậc thang với cây
trồng chính là lúa nước. Trong những năm qua, do công tác thủy lợi được
tăng cường, ruộng bậc thang đã dần dần được khai phá thêm nhiều. Ruộng
thường được cầy ải, bừa kĩ, cấy trồng, bón phân và được làm cỏ hai đến ba
lần. Việc chọn giống, mặc dù chỉ theo thói quen nhưng đồng bào thường chọn
được giống tốt, thích hợp với điều kiện thiên nhiên của địa phương. Loại hình
ruộng bậc thang ở đây cũng là một nhân tố thu hút khách du lịch đến tham
quan, trải nghiệm. Vào mùa lúa chín khoảng tháng tám, tháng chín âm lịch,
khách du lịch đi từ thị trấn Sa Pa theo tuyến Lao Chải - Tả Van được ngắm
những ruộng lúa chín và chụp hình làm lưu niệm. Cũng vào thời kì này, lượng
khách đến Lao Chải rất đông, đặc biệt là khách nước ngoài.
“Vào thời kì lúa chín, thì dòng khách đến và đi qua xã tăng một cách đột biến, tuy hình
thức này không mang lợi nhuận gì trực tiếp cho cộng đồng, nhưng đây lại là cầu nối cho
việc quảng bá hoạt động du lịch của Lao Chải”
(Theo Ông Hoàng Ngọc Kiến, Chủ tịch UBND xã Lao Chải)
17
Đa số đồng bào trong thôn nuôi lợn, gà, vịt; một số gia đình nuôi trâu,
bò, dê. Các vật nuôi này một phần được phục vụ cho các nghi lễ vòng đời,
ngoài ra nó còn là nguồn cung cấp thực phẩm cho các nhà hàng ở thị trấn Sa
Pa. Trường hợp nhà ông L.S.C thôn Lý;
“Trước đây nhà tôi chăn nuôi cũng không nhiều, từ khi gia đình có mở dịch vụ homestay
thì có khách du lịch đến ở, rồi họ hỏi có bán lợn cho họ để họ thịt ăn tại nhà. Có công ty
du lịch mà nơi con gái tôi làm hướng dẫn viên trên thị trấn, cũng hay gửi khách về nhà tôi
để ngủ, họ cũng có đặt mua lợn, gà và có ý muốn gia đình tôi cung cấp cho họ lượng thực
phẩm hàng ngày cho khách du lịch, từ đó nhà tôi có nuôi nhiều lợn, gà và ngan, vịt hơn”.
(ông L.S.C, 42 tuổi, thôn Lý, xã Lao Chải, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai).
Trong thôn có nhiều người đàn ông đi rừng lấy cây thuốc và phong lan
về để bán cho khách du lịch tại thị trấn, nhất là vào những ngày cuối tuần khi
lượng khách đến đông. Đây cũng là một nguồn thu nhập khá tốt cho những
gia đình có người đi tìm cây lan và cây thuốc trong rừng.
Trước đây, hoạt động săn bắt thú thường diễn ra vào mùa đông, lúc đó
trời không mưa. Trước đây người dân săn bắt được chồn, gấu, khỉ, hươu nai...
Đồng bào thường đi vào mùa đông, mùa hè mưa nhiều nên không đi được,
đồng bào thường đi ba, bốn người vì sợ con hổ. Lên đến rừng thì chia ra mỗi
người đi một hướng nên một số người mất tích. Những người đi săn có làm
lán trên núi, nấu ăn đốt lửa sưởi. Họ đi đến đâu thì làm lán ở đó. Đi một ngày
thì tới nơi và làm lán. Ngày hôm sau mới đi tìm thuốc. Một năm đi hai lần
ngoài ra một số người thì đi ba lần. Mỗi lần đi khoảng bốn, năm ngày thì về.
Khi đi thì họ mang gạo, mang nồi để nấu. Trong đoàn ai biết đường đi, chỗ để
kiếm thuốc thì đi đầu, dẫn đường. Còn bây giờ nhà nước cấm lấy gỗ, cấm săn
thú. Bây giờ thì đồng bào chỉ lấy măng, và cây thuốc “lá”.
Ngày xưa đồng bào thường đi chợ ở thị trấn Sa Pa để mua muối, dầu
thắp sáng, mua vải may quần áo. Bây giờ đồng bào đi chợ Sa Pa mua vải, áo,
giầy, chăn màn, bàn ghế… còn mua xe máy và ti vi thì xuống Lào Cai mua.
Những thực phẩm hàng ngày như muối, thịt, kẹo xà phòng, nước mắm thì
18
mua tại thôn, các cửa hàng gần nhà. Những thực phẩm như gà, vịt, thịt chó,
thịt trâu, thịt bò… một phần thì gia đình nuôi, còn những thứ mà gia đình
không có thì lên Sa Pa mua, vì những thứ này chỉ Sa Pa mới có.
Trong cùng thôn, cùng xểnh (họ), hàng xóm mua thóc gạo, gà, vịt của
nhau hoặc theo hình thức trao đổi. Nếu trong thôn không có thì họ đi sang
thôn khác. Tuy nhiên, đồng bào thích mua trong thôn hơn, vì ở gần hơn.
Trước đây đồng bào thường lên rừng lấy gỗ, măng đi bán, sau đó đi đào vàng
bán, đến khi bị cấm thì có khách du lịch đến thôn và một số người đi bán hàng
cho khách du lịch để có tiền.
1.2.2.3. Một số đặc điểm văn hóa vật chất
Đồng bào Hmông có nhiều nghề truyền thống như dệt vải, làm giấy
bản, rèn đúc nông cụ, đa phần các nghề này chỉ diễn ra khi lúc nông nhàn.
Nghề dệt vải là một nghề có từ lâu đời của người Hmông. Trước đây họ dệt
vải để dùng, để trao đổi trong thôn bản, và những cộng động tộc người khác.
Ngày nay, không những sản xuất ra hàng để dùng, trao đổi trong thôn,
xã mà còn phục vụ khách du lịch khi đi đến Lao Chải. Thời kì đầu hàng thổ
cẩm dệt thành sản phẩm đều được bán hết vì nhu cầu của khách du lịch mong
muốn có được tấm thổ cẩm về để dùng. Dần dần du khách đến ngày càng
đông, sản phẩm không kịp làm ra, một số người dân đi mua hàng thổ cẩm từ
các gia đình ở sâu trong rừng và từ các thôn bản khác, thậm chí cả xã khác về
bán cho khách du lịch. Từ đó trong thôn cộng đồng chuyên tâm vào dệt thổ
cẩm sau những công việc nương rẫy.
Cho đến ngày nay, thì hàng thổ cẩm của đồng bào không còn sản xuất
nhiều nữa, một phần là thời gian làm thành một cái áo tốn nhiều công sức và
thời gian, phần nữa là sản phẩm làm ra bán giá cao, khách du lịch thường
không mua được với giá đó. Lúc đầu, một số người đi mua đồ thổ cẩm cũ của
đồng bào mang bán cho khách, nhưng lượng hàng cũ mà còn dùng được cũng
19
không có nhiều. Một số gia đình có con làm nghề hướng dẫn viên giao lưu
với khách du lịch nhiều, tiếp cận với các hộ buôn bán ngoài thị trấn và đã tìm
được mối hàng thổ cẩm mua với giá rất rẻ mà bán cho khách du lịch giá hợp
lý, cho nên một số hộ bán hàng thổ cẩm trong thôn đã mua hàng thổ cẩm từ
những người bán buôn ở ngoài thị trấn về để bán cho khách du lịch. Từ đó,
các hộ trong thôn dần dần không dệt thổ cẩm bán cho khách nữa, mà mua
hàng thổ cẩm từ những người bán buôn về để bán. Hàng mua buôn về thì giá
rẻ và mẫu mã đa dạng và bắt mắt hơn, bán được nhiều hơn mà công sức, thời
gian bỏ ra không nhiều. Còn hàng thổ cẩm mà họ dệt thì chủ yếu để dùng
trong gia đình. Từ một vài gia đình dần dần đến nhiều gia đình trong thôn
không ai dệt thổ cẩm để bán cho khách du lịch nữa, trừ những trường hợp đặc
biệt khi khách có nhu cầu đặt mua thì lúc đó mới làm cho khách đặt.
Các nghề truyền thống khác như nghề làm giấy, nghề rèn thì chủ yếu
phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của cộng đồng. Nhưng ngày nay, nghề làm
giấy hầu như không còn nhiều người làm, vì giấy bây giờ sẵn có và các sản
phẩm giấy để thực hiện các nghi lễ trong năm đồng bào mua ở thị trấn, ở thị
trấn đều có sẵn những mặt hàng và đa dạng mẫu mã bắt mắt hơn, nên đồng
bào không làm giấy như trước đây nữa.
Trang phục của đồng bào cũng như trang phục của những nhóm
Hmông ở thôn bản khác. Trang phục của cộng đồng gồm có quần đối với nam
và váy đối với nữ trang phục của nam giới đơn giản hơn gồm có một chiếc
mũ và một chiếc áo được khâu bằng tấm vải thổ cẩm màu đen. Hầu như
không có trang trí hoa văn gì ở áo trong của nam, còn áo khoác ngoài thì có
thêu vài đường hoa văn với màu sắc giản dị, quần nam giới kiểu dáng giống
quần tây, ống quần rộng và dài màu đen bằng thổ cẩm. Ngày nay, chỉ những
người đàn ông lớn tuổi còn mặc trang phục truyền thống, còn phần lớn thanh
niên đều đã thay đổi và mặc trang phục phổ biến kiểu Âu, ngoài ra đàn ông
20
người Hmông họ mặc thêm những áo phao bán ở thị trấn để ứng phó với khí
hậu của vùng.
Khác với nam giới, phụ nữ Hmông có trang phục cầu kì hơn, trang
phục phụ nữ gồm có khăn vấn đầu, quần áo nền màu đen và áo thêu nhiều hoa
văn, màu sắc hoa văn sặc sỡ hơn nam giới, nữ giới mặc váy, có quấn chiếc
khăn vải ở bắp chân dưới. Ngoài ra đi kèm với trang phục là những phụ kiện
làm bằng bạc hoặc bằng những chất liệu rẻ tiền, trước đây thì toàn bộ trang
sức bằng bạc, nhưng nay do bạc hiếm nên đồng bào dùng ít hơn hoặc thay vào
đó là những trang sức rẻ tiền mua ở chợ Sa Pa.
Trang phục của nam nữ người Hmông đều được khách du lịch ưa
chuộng, khách du lịch nam thường thích mua chiếc mũ của nam giới và chiếc
áo mặc trong của đàn ông người Hmông, vì chất liệu bằng vải sợi nhuộm và
chiếc mũ được thêu nhiều màu sắc rất bắt mắt, còn đối với khách du lịch là nữ
thì họ thích những chiếc khăn và những chiếc áo của phụ nữ người Hmông.
Ở đây, một số gia đình Hmông có nuôi cá tầm và cá hồi, đây là hai loại
cá nổi tiếng ở Sa Pa mà trước đây đồng bào nuôi ít, chỉ đủ cung cấp cho
những người trong thôn, xã. Cá có nhiều cách chế biến khác nhau, nhưng nổi
bật nhất là món “gỏi cá hồi” là cách chế biến được nhiều người lựa chọn. Do
lượng nhu cầu ở các nhà hàng ngoài thị trấn nhiều nên cộng đồng ở đây có
nhiều hộ tham gia nuôi cá. Từ đó cũng làm cho thu nhập gia đình ngày càng
cao, kinh tế ổn định và có tiền tích lũy cũng như đầu tư cho con cái học hành.
Với đặc điểm khí hậu của vùng mát quanh năm thuận lợi cho trồng
nhiều loại cây ăn quả và rau các loại. Cây trồng vừa đảm bảo cho đủ cái ăn
hàng ngày, vừa là nguồn cung cấp rau, quả cho thị trấn, nhất là các nhà hàng
phục vụ ăn uống cho khách du lịch.
Món xôi ngũ sắc là món ăn truyền thống của cộng đồng. Ngoài ra, xôi
còn dùng để cúng tổ tiên và các vị thần linh. Xôi ngũ sắc được chế biến từ các
21
loại thảo mộc khác nhau, kết hợp với gạo nếp nương (loại gạo hạt dài, nhìn
giống màu kem sữa). Để có xôi màu hồng hoặc đỏ, đồng bào luộc một loại lá có
tên theo tiếng địa phương là (Laz) lấy nước ngâm gạo trước khi cho lên chõ đồ.
Muốn có màu vàng, người ta lấy nước luộc của cây (Đanx). Muốn có màu tím
lấy lá cây (Ziav langx) chín tới, đun lấy nước ngâm gạo rồi mới đồ. Các loại gạo
sau khi được tạo màu có thể đồ riêng, cũng có thể trộn lẫn với nhau rồi trộn với
gạo nếp trắng để đồ thành một loại xôi nhiều màu hấp dẫn.
Đối với các dân tộc thiểu số nói chung và người Hmông ở thôn Lý nói
riêng, rượu là một loại thức uống không thể thiếu. Rượu được chưng cất từ
ngô, là một loại rượu đặc trưng của đồng bào. Rượu được sử dụng trong cuộc
sống hàng ngày, khách đến nhà quí nhau thể hiện qua chén rượu, trong các
nghi lễ truyền thống (đám cưới, lễ tết…) thiếu rượu là điều tối kị đối với đồng
bào. Ngày nay, rượu không chỉ được sử dụng trong cộng đồng thôn, xã, mà nó
là thức uống không thể thiếu đối với khách du lịch khi tới Sa Pa (đặc biệt là
khách Việt Nam). Khi tới Sa Pa, du khách luôn mong muốn tìm được một ít
rượu ngô mang về uống (nhất là nam giới). Đó là lý do rượu ngô luôn là một
món quà thân thiết đối với khách du lịch khi tới Sa Pa.
Ở mỗi một ngôi nhà truyền thống của người Hmông đều có ma nhà. Ma
nhà che chở những người trong ngôi nhà đó. Tuy nhiên, ma nhà chỉ che chở
những người đã nhập vào ma nhà thông qua nghi lễ. Do đó, mặc dù người lạ
sống chung dưới cùng một ngôi nhà hơn 10 năm, người lạ đó không được ma
nhà che chở. Và con gái đã đi lấy chồng không được ma nhà che chở nữa bởi
vì cô gái đó đã đi lấy chồng nhập vào ma của bên nhà chồng. Sau khi đi lấy
chồng, ma nhà ở bên chồng che chở cô gái đó. Ở trường hợp mà con trai con
gái đi học ở xa và ở riêng lâu, con trai con gái đó vẫn được ma nhà che chở
khi về nhà vì họ vẫn thuộc về ma nhà đó. Sau khi con nuôi nhập vào ma nhà,
con nuôi đó cũng được ma nhà che chở giống như thành viên khác. Như vậy,
22
trong xã hội người Hmông, sau khi đã nhập vào ma thông qua nghi lễ mới
được ma nhà che chở. Và có thể cho rằng những người được cùng ma nhà che
chở thuộc về một tập thể thân tộc gọi là cùng ngành (tsêr nênhs). Con gái đi
lấy chồng chỉ được gọi là người thân, không được gọi là cùng gia đình (iz zis
nênhs) hay cùng dòng họ (iz tsêr nênhs) của bố mẹ đẻ nữa, mặc dù vẫn giữ là
người thân, nếu chồng đánh đập phải quan tâm. Người Hmông có câu “đầu
dây thì anh cầm, nhưng mà cuối dây tôi vẫn cầm - hấu lua cào tuố cang lùa
cú chỉnh tuố." Ý chỉ người con gái dù có đi lấy chồng, thuộc về nhà chồng
nhưng bố mẹ và anh em trai vẫn quan tâm.
Theo ông L.S.C, trong nhà truyền thống người Hmông, có một cái giỏ
treo trên mái nhà (liên quan đến lễ công bố chủ nhà mới của người Hmông),
trong đó để những thứ liên quan đến tổ tiên của người chủ gia đình. Khi người
chủ gia đình chết, thì trước khi đưa đi chôn, gia đình sẽ đốt cái giỏ đó ngay
trước cửa nhà. Khi một gia đình có chủ nhà mới, họ sẽ mổ một con lợn, sau
đó mời anh em, họ hàng, làng xóm tới dùng cơm để thông báo với mọi người
là gia đình này đã có chủ nhà mới. Sau đó chủ nhà sẽ đào một cái hố trong
nhà, ngay cạnh cửa chính gần cột chính của nhà và cho tất cả xương, lông
của con lợn vừa mổ vào trong chum sành và chôn xuống cái hố vừa đào ở
trong nhà. Sau đó chủ nhà mới lại cho những thứ liên quan đến tổ tiên và của
chủ nhà đã qua đời vào một cái giỏ mới và treo lên nóc nhà. Đến thế hệ sau,
người Hmông lại lặp lại phong tục này.
Theo ông L.S.P thì trong thôn Lý lúc đầu là có sáu nhà của ba họ. Mỗi
nhà đông người khoảng 20 đến 30 người cùng ở, trong đó họ Lý có khoảng
bốn nhà. Lúc đó ông Phử khoảng năm, sáu tuổi. Ông L.S.P năm nay 79 tuổi
(sinh năm 1936) cho biết mọi người đều ăn chung, bố mẹ sống thì bố mẹ làm
chủ, nếu chết thì giao lại cho con cả. Nấu ăn chung một bếp. Lúc con trai lấy
vợ thì làm nhà nối thêm vào nhà cũ, nối ở bên phải hoặc bên trái tùy vào địa
23
thế nhà, để cho vợ chồng con trai ở. Khi làm lễ thì bố làm chủ, làm nghi lễ
chung cho cả nhà.
Trong khi làm nối nhà thêm phòng thì không làm lễ cúng. Gia đình ăn
cơm ở gian chính giữa. Các phòng được ngăn cách bằng các tấm gỗ được
đóng lại hoặc các thanh tre được kết thành tấm để ngăn cách các gian nhà.
Bếp có hai loại, một loại bếp để nấu ăn và một loại bếp để sưởi ấm. Bếp nấu
ăn đặt bên trái hoặc bên phải nhà còn bếp sưởi luôn luôn phải đặt bên phải
nhà, trước cửa buồng của chủ hộ gia đình, bếp sưởi dùng để tiếp khách, khách
đến thì ngồi xung quanh bếp sưởi để nói chuyện. Bên cạnh bếp sưởi luôn có
một giường nhỏ cho khách ngủ lại qua đêm. Khi tách nhà nếu bố mẹ chết thì
các con mới có bàn thờ riêng. Nếu bố mẹ còn sống thì chỉ bố mẹ thờ cúng tổ
tiên. Nếu có lễ cúng như cúng giải hạn thì tự làm ở nhà riêng và không cần
bàn thờ. Nếu làm cơm mới thì cứ nấu và ăn không cần thắp hương. Nếu bố
mẹ làm cơm mới thì các con có thể đến ăn hoặc không đến ăn và không cần
thắp hương, chỉ cần ông bố cúng là được. Nếu mẹ mất trước bố thì các con
không phải làm lễ cúng vì bố còn. Nếu bố mất trước mẹ thì con trai có vợ và
đã tách nhà đều làm bàn thờ riêng và cúng riêng. Nếu có vợ nhưng vẫn ở
chung một nhà thì chỉ con cả làm. Công cuộc tách hộ diễn ra nhiều nhất là sau
khi giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Khi lập bàn thờ mới không có lễ cúng gì.
Nếu bố mất thì người con trai ở với bố giữ nguyên bàn thờ cũ.
1.2.3.4. Một số đặc điểm văn hóa tinh thần
Trong hôn nhân đồng bào có tục “kéo tay” của đôi nam nữ khi đến tuổi
trưởng thành. Và nó đã trở thành tục lệ truyền thống của các chàng trai, cô gái
Hmông. Đây cũng là một yếu tố thu hút khách du lịch đến Sa Pa, nhất là vào
những ngày cuối tuần. Vì cuối tuần là thời điểm diễn ra nhiều nét đẹp văn hóa
của người Hmông.
“Khi lấy chồng: Bị kéo bốn lần, hai lần bị kéo về nhà chàng trai. Nếu có đông người ở
nhà cô gái không thích thì người nhà giúp đỡ bằng cách giữ lại, không cho kéo. Hai lần
24
bị kéo về nhà chàng trai ở ba ngày. Ba ngày đó có người trông không cho bỏ trốn. Cô
gái đó đi làm bình thường nhưng không cho đi xa sợ bỏ trốn. Sau ba ngày không đồng ý
thì cô gái nói là không thích. Người con trai đó và anh trai, chị gái của chàng trai dẫn cô
gái về nhà bố mẹ đẻ. Bố mẹ nói nếu thích thì lấy, không thích thì thôi. Có người bố mẹ
thích, nhưng cô gái không thích bố mẹ mắng, bắt cô gái đó lấy nhưng cô gái ấy không
thích, không lấy. Khi về nhà bố mẹ đẻ của cô gái đó chàng trai mang theo hai con gà và
500,000 đồng để nhận lỗi với bố mẹ cô gái vì đã kéo con gái họ về nhà. Đến nhà cô gái
đó ăn một bữa, hai người uống với nhau hai chén rượu để làm bạn, không lấy nhau thì
làm bạn. 500,000 đồng là tiền phạt đã kéo con gái họ đi. Nếu cô gái ưng ý nhà trai mang
30 cái bánh, tám quả trứng vịt, rượu đến nhà gái, hỏi cưới. Sau một, hai tháng thì cưới”.
(Anh L.A.D và chị V.T.S , thôn Lý, xã Lao Chải)
Những năm gần đây, tục lệ này đã chịu sự tác động chi phối của khách
du lịch. Từ việc một vị khách người nước ngoài, khi xem những cặp trai gái
Hmông biểu lộ tình cảm với nhau tại thị trấn qua điệu múa ô và thổi khèn, vị
khách đó cho tiền những đôi trai gái ấy bằng một tình cảm quý mến. Nhưng
vô hình chung đã làm thay đổi tục lệ truyền thống đó. Từ tư duy của người
phương Tây lấy đồng tiền là thước đo giá trị sản phẩm mà họ được xem, vô
hình đã tác động lên một nền văn hóa thành một hình thức biểu diễn để kiếm
tiền. Ngày nay, khi đến Sa Pa khách du lịch cảm thấy ngỡ ngàng trước những
hành vi của các bạn trẻ người Hmông, khi một số đôi nam nữ (là học sinh lớp
7, lớp 8) đến thị trấn biểu diễn nét đẹp văn hóa dân tộc mình thì có hai đến ba
em cầm mũ đi xung quanh xin tiền khách du lịch, nếu khách du lịch không
cho, thì ngay lập tức các cặp đôi đó không nhảy múa nữa và lại di chuyển
sang đoàn khách du lịch khác.
“Mình rất háo hức khi đến Sa Pa vào thứ 6 để được tham dự cùng các bạn thanh niên
người dân tộc để xem chợ tình. Buổi tối mình tranh thủ ăn cơm sớm để cho kịp giờ xem
các bạn ấy biểu diễn. Lúc đầu mình thấy các bạn biểu diễn rất hay và đặc sắc, trong lúc
các bạn thanh niên lớn tuổi biểu diễn thì có hai đến ba em trai nhỏ tuổi cầm mũ đi xung
quanh xin tiền. Mình cũng quý các bạn ấy và mình cũng muốn gửi tặng các bạn ấy một
chút quà gọi là cảm ơn các bạn ấy. Nhưng khoảng 10 đến 15 phút sau mình thấy các đôi
nam nữ đang nhảy múa lại không nhẩy múa nữa. Mình hỏi những người xung quanh là
điệu nhảy múa chỉ ngắn như vậy à? Có một bạn (một thanh niên khoảng gần 30 tuổi làm
25
việc tại Sa Pa) nói với mình là mọi người không cho tiền thì họ không múa nữa. Mình
cảm thấy không hài lòng về các bạn thanh niên người dân tộc này”.
(Anh L.V.H, 32 tuổi, du khách đến từ Đồng Nai)
Trên báo Dân trí điện tử có bài viết “Dấu nặng buồn ở chợ tình Sa Pa”
của tác giả Trần Hưng đăng ngày 26 tháng 11 năm 2007 [21]. Mở đầu bài viết
tác giả có nói “…khách phương xa được hứng trọn thứ tình cảm chân thành,
và cả những dối lừa dễ nhận biết..” tác giả phân tích những thay đổi của chợ
tình và có dẫn chứng một câu nói “...đến chợ tình lần này, tôi chỉ chứng kiến
tổ hợp văn nghệ của huyện biểu diễn...” mà tác giả không tìm hiểu diễn biến
của quy luật ở Sa Pa vào những ngày tối thứ bẩy hàng tuần. Cứ 2 tuần của
1tháng thì đội văn nghệ bản Cát Cát ra biểu diễn văn nghệ tại sân trung tâm
trước cửa nhà thờ vào tối thứ bẩy cách tuần trong tháng. Đội văn nghệ chỉ
biểu diễn trong khung giờ từ 20h00 đến 22h00. Sau đó du khách có thể đi
tham dự các cuộc nhảy múa của các nhóm thanh niên trai gái bản. Cũng đúng
như trong bài viết tác giả đề cập đến một thông lệ mà giờ đây diễn ra ở hầu
hết những bạn trẻ người Hmông khi tham gia nhảy múa và thổi khèn ở đây đó
là “...không có khách, không có tiền, trai thôi thổi khèn, gái thôi múa ô…” và
trong bài viết tác giả cũng dẫn lời nhiều du khách “…chợ tình bị thương mại
hóa lâu rồi”. Ở đây, chúng tôi cũng cùng quan điểm với bài mà tác giả Trần
Hưng đề cập đến vào năm 2007 về sự thương mại hóa trong chợ tình Sa Pa,
nhưng để tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề “sự ra đi của chợ tình Sa Pa”,
chúng tôi sẽ tìm hiểu và phân tích rõ ở chương sau.
1.2.3. Một số đặc điểm lịch sử và văn hóa tộc người Dao
1.2.3.1.Lịch sử tộc người
Người Dao là tộc người có nhiều tên gọi khác nhau, như: Động (tên
gọi của một đơn vị cư trú trước đây của người Dao), Man (tên này có hàm ý
miệt thị dân tộc vì nó được dùng để chỉ các tộc người mà phong kiến Hán cho
là “mọi rợ” sinh sống ngoài địa bàn cư trú của Hán tộc. Tất cả những tên gọi
26
trên chỉ là tên phiến chỉ, không trở thành tên chính thức của tộc người này.
Còn người Dao tự nhận mình là “kiềm miền” (tức là người ở rừng).
Trong các văn bản cổ của người Dao được ghi trong các thư tịch cổ
của Trung Quốc viết trong cuốn sách “Tùy thư địa lý chí” viết: “Quân Trường
Sa lại có lẫn dân mọi (di diên) tên là Mạc Dao, họ tự nói rằng tổ tiên họ có
công thường được miễn dao dịch cho nên lấy đó làm thành tên”.... Như vậy,
Dao cũng là tên tự nhận của người Dao, nó gắn liền với lịch sử hình thành của
dân tộc Dao. [ 11, tr.18].
Người Dao cho đến nay còn có nhiều ý kiến khác nhau về nguồn gốc tộc
người. Trong đồng bào Dao còn lưu truyền rộng rãi câu chuyện Bàn Hồ giải
thích về nguồn gốc của tộc người. Truyện Bàn Hồ không chỉ là câu chuyện
truyền khẩu mà nó còn được ghi chép trong cuốn “Bảng văn” và trong các sách
cúng của người Dao [11, tr.18-19]. Trong câu chuyện Bàn Hồ thì nói đến nhóm
Dao ở Việt Nam gọi là nhóm Dao tiểu bản Man. Quá trình di cư của họ vào Việt
Nam là cả một quá trình dài và có thể là bắt đầu từ thế kỉ XIII cho đến những
năm 40 của thế kỉ XX. Người Dao đỏ hiện nay ở Lào Cai là từ Vân Nam đến
vào cuối thế kỉ XVIII. Địa điểm cư trú đầu tiên của họ là làng Tòng Sành, xã
Chu Quang Hồ thuộc huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai. [11, tr.23- 24].
Người Dao đỏ còn có tên là Dao cóc ngáng, Dao sừng, Dao dụ lạy
(Quế Lâm) Dao đại bản, muốn phân biệt được nhóm Dao đỏ với các nhóm
Dao khác thì ta căn cứ vào trang phục phụ nữ của họ, có đặc điểm nổi bật là
dùng nhiều màu đỏ, nhiều tua và núm bông đỏ (nhiều hơn bất kì một nhóm
Dao nào khác), cô dâu phải đội một cái mũ rất to, khung mũ làm bằng gỗ có
cắm hai nan tre hay nứa bẻ thành hai góc nhọn nhô ra phía trước mặt. Ngoài
khung này được phủ bằng vải đỏ và nhiều chiếc khăn thêu, nên người Trung
Quốc gọi là Dao Đại bản, người Tày gọi là Cóc Ngáng (sừng ngang) và người
Kinh cũng dựa vào đó mà gọi là Dao sừng [11, tr.31- 32].
27
1.2.3.2. Một số đặc điểm văn hóa mưu sinh
Cùng đặc điểm địa hình với cộng đồng người Hmông ở thôn Lý, xã
Lao Chải, người Dao đỏ ở thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn cũng canh tác ruộng bậc
thang, nhưng địa hình ở đây thấp hơn địa hình bên thôn Lý, cho nên cảnh đẹp
ruộng bậc thang không đặc sắc như bên thôn Lý. Ở đây, đồng bào cũng canh
tác các cây ăn quả như mận, đào… và rau củ quả đặc trưng khí hậu của vùng.
Đồng bào trong thôn còn canh tác nhiều vườn cây Atiso - một loại cây có giá
trị kinh tế cao. Ngoài ra, thôn Sả Xéng còn là nơi trồng nhiều các loại cây lan
có giá trị kinh tế cao, cung cấp cho thị trường vào các dịp tết đến. Từ khi hoạt
động du lịch phát triển ở xã cũng như ở Sa Pa, lượng lan tiêu thụ nhiều hơn so
với trước đây. Hàng năm đồng bào trong thôn đều mang lan tới thị trấn Sa Pa
bán cho người dân và khách du lịch. Lan của đồng bào có nhiều loại, và thời
gian chăm sóc dài khoảng từ ba đến bốn năm mới bán được lan, giá trị một
cành hoa lan dao động từ 400 đến 500 nghìn đồng. Mỗi chậu hoa lan có
khoảng bảy đến 10 cành hoa lan, mỗi chậu lan có giá từ 2,8 triệu đến 5 triệu
đồng. Chi phí cho một chậu lan không cao, nhưng thời gian từ khi trồng đến
khi bán được thì lâu. Giá trị kinh tế từ cây lan mang lại hiệu quả kinh tế cao,
góp phần quan trọng vào cuộc sống hàng ngày của đồng bào trong thôn.
Một số gia đình trong thôn làm dịch vụ tắm lá thuốc, đây là một nét đặc
trưng văn hóa của người Dao đỏ. Thuốc lá tắm thường có từ 15 đến 20 loại cây.
Trong thôn có một gia đình đã khai thác giá trị từ các loại cây lá thuốc
dùng để tắm và chiết xuất tinh dầu có nhiều công dụng hơn, không chỉ dùng để
tắm, mà còn để sản xuất những tinh dầu dùng xoa bóp chân tay và tạo mùi thơm
cho cơ thể. Gia đình ông L.P.H đã thành lập doanh nghiệp chuyên khai thác giá
trị các loại cây này. Công ty hoạt động ngay trong địa bàn của thôn, vừa là nơi
cho khách du lịch đến tắm, vừa là nơi chiết xuất tinh dầu và giới thiệu sản phẩm
cho khách du lịch. Ngoài ra, công ty của ông còn cung các tinh dầu và thuốc tắm
28
cho địa bàn huyện Sa Pa và các thành phố lớn trong cả nước. Đây vừa là cơ sở
giữ gìn công thức làm thuốc tắm, vừa là nơi tạo công việc làm cho thanh niên
trong thôn, mang lại thu nhập ổn định cho thanh niên trong thôn.
Nghề thủ công truyền thống của đồng bào là nghề thổ cẩm. Cũng như
người Hmông thôn Lý, xã Lao Chải, họ cũng làm nghề thổ cẩm, nhưng chủ
yếu là làm công đoạn thêu, hầu như không có người làm nghề dệt trong thôn.
Người Dao đỏ ở đây thêu nhanh hơn người Hmông ở thôn Lý, xã Lao Chải,
một phần vì người Dao ở đây thêu mặt trái, và họ chỉ chuyên tâm vào thêu.
Nhiều người trong thôn còn giữ nghề thêu thổ cẩm với các hoa văn truyền
thống của đồng bào. Trong thôn hình thành câu lạc bộ thổ cẩm từ năm 1997,
nhưng được một thời gian thì ngừng hoạt động, vì hàng không xuất được, đầu
năm 2016 có một công ty ở Hà Nội về khôi phục lại hoạt động của câu lạc bộ.
Công ty chịu trách nhiệm cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm cho các
thành viên. Thành viên tham gia câu lạc bộ được hưởng tiền theo sản phẩm
làm ra, thường là 30.000đ một ngày công. Theo một số thành viên câu lạc bộ
cho biết, sợi chỉ thêu của công ty mang về không phải là hàng tơ tằm mà là
sợi thêu làm từ chất liệu công nghiệp. Chúng tôi đã tìm hiểu và thấy rằng
trong thôn có nhiều chị em gái thích đi bán hàng rong theo khách du lịch khi
họ đến thôn hơn là làm trong câu lạc bộ. Khi có xe khách du lịch đến thôn,
các chị em gái chạy đến chỗ khách và chào đón nhiệt tình, đến mức du khách
có thể không kịp ngắm nhìn xung quanh đã phải trả lời với những tình cảm
tiếp đón của các chị em gái đến bán hàng. Trong thôn cũng có chợ được ủy
ban nhân dân xã đầu tư xây dựng để đồng bào bán hàng thổ cẩm và các mặt
hàng đặc trưng, để không phải đi bán theo khách nữa, nhưng đồng bào vào
chợ bán không nhiều.
29
1.2.3.3. Một số đặc điểm văn hóa vật chất
Trang phục của người Dao đỏ có sự khác biệt khá nhiều giữa nam và
nữ. Đối với đàn ông Dao đỏ có hai loại áo là áo ngắn và áo dài. Áo ngắn được
mặc hàng ngày. Áo dài thường dùng trong các dịp quan trọng như tế lễ, cưới
xin và đi chơi xa. Áo ngắn là loại áo cổ truyền của dân tộc, cổ thấp, xẻ trước
ngực, thân bên trái của xẻ áo có đính thêm một cái nẹp từ cổ áo xuống gần
gấu áo. Nẹp được thêu rất công phu, gia đình nào khá giả thì có đính thêm
nhiều mảnh bạc vào cái nẹp và khuy áo làm bằng bạc. Cổ ống tay thêu bằng
chỉ màu vàng hoặc màu xanh nõn chuối, phía sau lưng áo ở phần giữa hai bả
vai cũng thêu hình vuông, hình này đồng bào cho biết đó là “cái ấn của Bàn
Vương”. Trước đây nam giới có đội mũ, nhưng hiện nay thì nam giới không
đội mũ truyền thống của đồng bào mình, mà thay vào đó bằng nhiều kiểu mũ
khác nhau, mua ở chợ. Hiện nay, nam giới mặc quần giống người Kinh trong
các sinh hoạt thường nhật.
Đối với nữ giới thì khá đa dạng và cầu kì hơn nam giới. Phụ nữ Dao
đỏ để tóc dài và có hai kiểu đội khăn trên đầu. Kiểu thứ nhất là một cái khăn
màu đỏ, mỏng và nhỏ làm bằng nỉ viền trắng buộc lên đầu theo hình bầu dục
và ôm gọn thân tóc, tóc được thả xuống lưng, kiểu khăn này dùng cho thường
ngày. Kiểu thứ hai là một loại khăn to màu đỏ, viền trắng có dính thêm các
hạt lục lặc và các đồng xu cả hai đường, tóc lúc này được quấn lên đầu và
nằm trong khăn. Đuôi khăn tạo thành một lớp che kín gáy và rủ xuống lưng
ngang vai, những quả lục lặc và đồng bạc đều được hướng về phía sau, tạo
nên một nét đẹp của người phụ nữ Dao đỏ.
Cô dâu trong ngày cưới (hoặc phụ nữ tham gia nghi lễ cúng Bàn
Vương) thì đội một cái mũ to và nặng. Khung mũ làm bằng gỗ có cắm bốn
nan tre (hoặc nứa) bẻ thành hai góc nhọn nhô về phía trước mặt, ngoài khung
này được phủ bằng vải đỏ và nhiều cái khăn thêu và do trọng lượng của mũ
30
này khá nặng ! nên chỉ đến khi nào cô dâu về gần tới nhà chồng mới đội mũ
và làm lễ gia tiên xong thì bỏ mũ ra. Trong nghi lễ cũng vậy, khi nào vào
chính thì các cô gái mới đội mũ này lên và chỉ đội trong lúc diễn ra nghi thức
tế lễ, sau đó không đội nữa.
Áo phụ nữ kiểu dáng giống áo ngắn của nam giới, nhưng khác là áo
nữ dài hơn áo nam (dài tới đầu gối) phía trước phần trên giống áo nam, phần
dưới phía trước được tạo thành hai thân áo rộng bảy đến 10 cm và dài từ cạp
quần tới đầu gối chân. Phía sau áo thì phần trên giống áo nam giới, phần dưới
là một phần vải liền mảnh từ cạp quần xuống lưng đầu gối và được thêu sợi
màu vàng nghệ và viền màu hồng theo kiểu hình chữ nhật. Khi mặc áo, nữ
giới vắt chéo hai thân dưới phía trước lên nhau và buộc về phía đằng sau. Sau
đó buộc dây lưng ra ngoài để che phần quấn phía trước đồng thời buộc dây
lưng ra phía đằng sau. Dây lưng được thêu bằng những sợi nhiều màu sắc dịu
nhẹ, đồng thời gắn những miếng bạc (hoặc nhôm) hình đồng xu và những quả
lục lặc (chuông loại như viên bi) đeo xung quanh cạp quần tạo sự kín đáo và
vẻ đẹp sang trọng của nữ giới.
Quần nữ giới phần nền là màu đen phía trước của quần có thêu các
họa tiết hoa văn màu vàng nghệ, màu đen, màu trắng làm cho trang phục nữ
giới phối màu hài hòa với chiếc áo, tạo điểm nhấn cho chiếc quần.
Trước đây nữ giới đi chân đất, nhưng nay nữ giới đã đi dép xốp tổ ong
và đi giầy vải. Trang sức gồm có vòng cổ, tay và tai làm bằng bạc hoặc bằng
những chất liệu đơn giản được mua ở thị trấn.
Những đường nét hoa văn trên trang phục của các chàng trai, cô gái
người Dao đỏ đã tạo nên một sản phẩm đặc trưng của đồng bào, nó không chỉ
là nét đẹp văn hóa truyền thống mà nó còn là sản phẩm để bán cho khách du
lịch khi có nhu cầu muốn sở hữu những sản phẩm đó. Theo chúng tôi tìm
hiểu, thì có khá nhiều khách du lịch chọn mua sản phẩm trang phục thổ cẩm
31
của đồng bào, nếu khách du lịch muốn mua thì thường phải đặt hàng trước thì
mới có sản phẩm mới (nếu người bán không có sẵn hàng) còn cần mua ngay
thì đều là trang phục đã được mặc và còn giá trị sử dụng, giá tiền sẽ rẻ hơn so
với sản phẩm mới làm ra.
Người Dao đỏ ở Sa Pa thường sống tập trung trong thôn có quy mô
trung bình 50 đến 60 hộ gia đình. Thành phần dân cư trong các thôn thuần
nhất, hiếm khi có sự xen cư của các dân tộc khác. Đây chính là một trong
những điều kiện thuận lợi cho việc duy trì tập quán tộc người với một cơ chế
tự quản chặt chẽ.
Trong làng, thường bố cục theo lối mật tập với nhiều ngõ xóm. Hướng
của các ngôi nhà bao giờ cũng trùng với hướng bản, tựa lưng vào triền dốc và
nhìn ra thung lũng, sông suối. Các gia đình thường có khuôn viên tương đối
rộng rãi để đảm bảo điều kiện làm vườn và chăn nuôi.
Đồng bào ở nhà nền đất. Nhà của họ thường có ba hoặc năm gian hai
chái với một cửa chính ở giữa và cửa phụ mở ở hồi nhà. Mỗi ngôi nhà là một
phức hợp khép kín với nhiều chức năng: ngủ nghỉ, sinh hoạt, thờ cúng, bếp
núc. Liên quan đến ngôi nhà của người Dao cũng có nhiều điều kiêng kị, du
khách nên biết để tránh những hành vi đáng tiếc có thể xảy ra.
1.2.3.4.Một số đặc điểm văn hóa tinh thần
Đồng bào có tục lệ thờ cúng Bàn Vương, đây là một tục lệ điển hình
của cộng đồng người Dao đỏ. Việc thờ cúng Bàn Vương là việc làm quan
trọng vì nó liên quan đến vận mệnh của con người, dòng họ và cộng đồng
người Dao đỏ ở đây.
Bàn Vương được cộng đồng coi là thủy tổ của đồng bào nên cũng được
thờ cùng với ban thờ tổ tiên của dòng họ. Lễ cúng Bàn Vương được diễn ra
theo chu kì ba năm, năm năm, chín năm thậm chí một đời người cúng một
lần. Lễ cúng được diễn ra liên tục trong ba năm, gồm các bước: năm thứ nhất
32
làm lễ Lạc Khánh, năm thứ hai làm lễ Hoàn Nguyên, năm thứ ba làm lễ Đại
Hội với quy mô lớn hơn năm thứ nhất và năm thứ hai.
Bên cạnh lễ cúng Bàn Vương ra thì Tết nhảy là nghi lễ nhập đồng của
đồng bào, thường được diễn ra vào ngày 29 tháng chạp tại gia đình nhà
trưởng họ, nhằm mục đích cúng Bàn Vương và luyện âm binh bảo vệ cuộc
sống sinh hoạt của gia đình, dòng họ. Nghi lễ này được diễn ra thường xuyên
vào các năm, cứ ba năm thành một chu kì. Năm thứ nhất, thứ hai thì cúng
bình thường, có lợn thì mổ không có thì mổ gà mổ vịt. Năm thứ ba thì mổ lợn
và cúng hai ngày hai đêm.
Tết nhảy đòi hỏi dòng họ phải chuẩn bị nhiều công đoạn như: nấu rượu,
nuôi lợn, đồ ăn thức uống…như làm lễ cúng Bàn Vương. Khi sắp làm lễ,
những thanh niên phải luyện tập những điệu múa, chuẩn bị những dao gươm
bằng gỗ để làm nghi thức nhảy.
Khi tổ chức tết nhảy xong, mọi người thu dọn đồ lễ rồi cả họ tổ chức ăn
uống chúc mừng rồi sau đó ai về nhà đó. Sau tết nhảy vài hôm là đồng bào
Dao đỏ ở Tả Phìn bắt đầu đón năm mới, tổ chức năm mới đến hết rằm tháng
giêng theo lịch âm.
Tục cấp sắc là một nghi thức truyền thống không thể thiếu cho những
người con trai Dao đỏ. Đây là nghi lễ diễn ra ở hầu hết người đàn ông Dao đỏ
bắt đầu từ 13 tuổi trở lên. Nếu lúc sống chưa kịp làm hoặc chưa có điều kiện
để làm thì lúc chết con cháu có trách nhiệm làm lễ cấp sắc cho người đã mất,
bởi có làm như vậy thì con cháu mới được làm lễ cấp sắc.
Tục cấp sắc này có một số ý nghĩa sau: [11, tr.279].
Thứ nhất, người nào được cấp sắc thì mới có thể làm nghề cúng bái mà
người Dao đỏ rất quan tâm. Muốn vậy không những phải biết cúng bái, biết
làm các phép thuật mà điều quan trọng hơn là phải được thánh thần “công
nhận” và được cấp “âm binh”.
33
Thứ hai, người nào được cấp sắc sau này chết, hồn mới được về đoàn tụ
với tổ tiên. Cấp sắc còn có ý nghĩa là làm lễ “khai sinh” hay lễ nhận lấy tên
của thánh thần ban cho, cho nên những bản giấy cấp sắc còn có ý nghĩa như là
một giấy “thông hành” để sau khi chết có thể về ngay với tổ tiên mà không
phải qua các kiếp bị đầy đọa ở âm phủ. Người nào được cấp sắc mới được
công nhận là con cháu của Bàn Vương và mới được Bàn Vương phù hộ.
Thứ ba, người nào được cấp sắc thì lúc còn sống trên dương thế mới được
quyền thờ cúng tổ tiên, sau khi chết hồn mới được trở thành tổ tiên và được con
cháu thờ cúng. Người được cấp sắc mới được xã hội coi là người lớn, người
chưa được cấp sắc dù có tuổi già thì vẫn bị coi là trẻ con. Khi chết không được
về với tổ tiên, không được thống lĩnh âm binh của gia đình, do đó chúng sẽ làm
loạn, làm nguy hại đến vận mệnh của con cháu trong gia đình và dòng họ.
Thứ tư, đồng bào tin sâu sắc là có được cấp sắc thì làm ăn mới được
may mắn, sinh hoạt mọi mặt mới được thuận lợi, dòng họ mới phát triển.
Trong tục cấp sắc có nhiều bậc cao thấp khác nhau [11, tr.280]: Quá
Tăng là bậc đầu tiên của thang cấp sắc, tất cả đàn ông người Dao đều phải qua
bước này. Trong lễ này, người ta chỉ được cấp 3 đèn và 36 binh mã. Thất tinh
là lễ cấp bẩy đèn và 72 binh mã. Cửu tinh là bậc được thăng chín đèn, còn số
binh mã vẫn như bậc Thất tinh. Thập nhị tinh còn gọi là bậc “tẩu slai” là bậc
cao nhất, được cấp 12 đèn và 120 binh mã.
Muốn cấp thêm đèn và tăng thêm âm binh là phải làm một nghi lễ,
muốn chuyển lên bậc cao hơn phải có thời gian học tập các sách cúng, học
thêm các phép thuật, mỗi lần lên một bậc là trình độ hiểu biết về cúng bái
được cao hơn uy tín làm thầy cúng càng lớn và có khả năng đảm nhiệm các
nghi lễ lớn của cộng đồng.
Trong các cấp bậc trên chỉ có cấp Quá tăng là cúng được cho nhiều
người (những người đến tuổi cấp sắc, những người già chưa được cấp sắc,
34
những người qua đời mà trước đây chưa có điều kiện làm lễ cấp sắc). Còn các
cấp bậc khác thì chỉ làm cho một người, trong một lần tổ chức nghi lễ cấp sắc
người ta có thể cùng làm cho các cấp bậc trên cùng một thời gian.
Các truyền thống văn hóa trong tín ngưỡng và tập tục này đã có sức thu
hút khách du lịch trong những năm gần đây. Nhất là tục cấp sắc của đồng bào đã
được một số công ty mời một số gia đình và thầy cúng dàn dựng để cho khách
du lịch cảm nhận và tìm hiểu văn hóa. Điều này giúp cho cộng đồng quảng bá
được truyền thống văn hóa của mình cho đông đảo khách du lịch biết đến.
Tiểu kết chương 1
Xác định Chương 1 là tiền đề, cơ sở cho việc thực hiện các chương tiếp
theo. Trong chương này, ngoài việc tổng quan tình hình nghiên cứu để biết
được các tác giả đi trước đã nghiên cứu những gì, đạt kết quả ra sao, điểm nào
chưa nghiên cứu hoặc nghiên cứu chưa toàn diện để luận văn hướng tới,
chúng tôi đã thao tác hóa các khái niệm có liên liên quan đến đề tài luận văn
như các khái niệm: văn hóa tộc người, du lịch, lữ hành, nhân học du lịch...
Bên cạnh đó, dựa vào tài liệu điền dã dân tộc học và các tài liệu đã công bố,
chúng tôi đã nêu những đặc điểm cơ bản về địa bàn nghiên cứu, về lịch sử tộc
người, các khía cạnh văn hóa mưu sinh, văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần
của tộc người Hmông, Dao, qua đó phác họa bức tranh khái quát về văn hóa
của hai tộc người này với tư cách là một loại tài nguyên du lịch, và trong đó
đã làm rõ những đặc điểm, những thành tố và diễn biến văn hóa liên quan đến
các hoạt động du lịch.
35
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG KHAI THÁC VĂN HÓA TỘC NGƯỜI HMÔNG, DAO
TRONG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TUYẾN HÀ NỘI - SA PA
2.1. Khai thác văn hóa tộc người Hmông, Dao trong các chương
trình du lịch tuyến Hà Nội - Sa Pa của các công ty du lịch
Việt Nam có nhiều công ty du lịch khai thác các giá trị văn hóa tộc
người trong sản phẩm du lịch để xúc tiến chào bán sản phẩm tới khách du
lịch. Tuy nhiên, sản phẩm được khai thác trường trùng lặp nhau về chương
trình. Thường thì một số công ty du lịch quy mô lớn đưa ra một sản phẩm du
lịch chào bán, thì các công ty nhỏ khác sao chép y nguyên sản phẩm đó, dẫn
đến việc các tuyến điểm thăm quan có khách đến, và những nơi khác thì lại
không được khai thác.
Chúng tôi xin dẫn chứng một số công ty đã xây dựng thương hiệu của
mình trong ngành du lịch được nhiều năm qua, như: Công ty du lịch Hà Nội –
Hanoi Tourist được thành lập năm 1963, là một doanh nghiệp nhà nước và
phát triển thị trường chủ yếu ở Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc; Công ty trách
nhiệm hữu hạn một thành viên du lịch Sài Gòn được thành lập năm 1975, là
một công ty có thế mạnh về các lĩnh vực khách sạn, du lịch, khu du lịch sinh
thái. Đây là hai trong những công ty đi đầu trong cả nước về chuỗi dịch vụ du
lịch. Trong chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch, các công ty này đã ý thức
được việc đưa văn hóa truyền thống dân tộc vào chuỗi sản phẩm du lịch của
mình. Bên cạnh đó, các công ty khai thác rất tốt các chương trình du lịch
truyền thống Đông Bắc, Tây Bắc, là những tuyến có nhiều đồng bào dân tộc
thiểu số sinh sống. Trong tuyến hành trình Hà Nội - Sa Pa, các công ty tuy có
điểm khác biệt trong thiết kế và tổ chức chương trình du lịch, nhưng đều có
những điểm chung. Điểm khác biệt chỉ là về chất lượng các cơ sở cung cấp
dịch vụ cho chương trình du lịch. Chương trình du lịch tuyến Hà Nội - Sa Pa
36
chúng tôi đưa vào luận văn này là chương trình du lịch được nhiều công ty du
lịch khai thác và chào bán tới khách du lịch, cụ thể như sau:
Chương trình Hà Nội Sa Pa 4 ngày 3 đêm dành cho khách Việt Nam
Ngày 1 Hà Nội - Lào Cai - Sa Pa Ăn sáng, trưa, tối
05h30 Hướng dẫn viên đón khách tại điểm hẹn khởi hành đi Sa Pa.
11h 30 Khách ăn trưa tại Lào Cai. Sau bữa trưa khách tiếp tục hành trình
đi tham quan vãn cảnh đền Mẫu Lào Cai, cột mốc biên giới Việt -
Trung, cửa khẩu biên giới Việt - Trung. Sau đó khách lên xe khởi
hành đi Sa Pa
16h00 Khách nhận phòng khách sạn. Sau đó khách nghỉ ngơi.
18h30 Khách ăn tối tại nhà hàng. Sau bữa tối, khách dạo chơi.
Ngày 2 Sa Pa - Cát Cát - Hàm Rồng Ăn sáng, trưa, tối
08h00 Sau bữa sáng tại khách sạn, hướng dẫn viên đưa khách đi tham
quan bản Cát Cát.
11h30 Khách ăn trưa tại nhà hàng với những món ăn đặc trưng của vùng
14h00 Khách tiếp tục hành trình tham quan khu du lịch Hàm Rồng với
vườn hoa lan và các loài hoa của Sa Pa. Nghe ca nhạc dân tộc tại
nhà văn hóa khu du lịch.
17h30 Khách ăn tối tại nhà hàng, với những món ăn đặc trưng của Sa
Pa. Sau bữa tối khách tham dự và giao lưu với những chàng trai,
cô gái người Hmông tại sân trung tâm trước cửa nhà thờ Sa Pa.
Ngày 3 Sa Pa - Lao Chải - Tả Van - Sa Pa. Ăn sáng, trưa, tối
07h30 Khách ăn sáng tại khách sạn, sau đó xe và hướng dẫn viên của
công ty và hướng dẫn viên người Hmông cùng du khách tới Lao
Chải, Tả Van. Hướng dẫn viên sẽ đưa khách tham quan ngôi nhà
của người Hmông và tìm hiểu những tập tục qua kiến trúc bên
37
trong của ngôi nhà. Đồng thời du khách sẽ cùng ăn cơm với
người dân ở đây. Bữa cơm do chính chủ nhà nấu ăn để phục vụ
du khách.
14h00 Khách tiếp tục hành trình trekking tới xã Tả Van. Khách sẽ tham quan
các ngôi nhà của người Giáy và những phong tục của người Giáy.
16h45 Chia tay HDV người Hmông, xe đón khách về thị trấn.
18h00 Khách ăn tối tại nhà hàng. Sau bữa tối khách tự do dạo chơi
Ngày 4 Sa Pa - Tả Phìn - Lào Cai - Hà Nội Ăn sáng, trưa, tối
07h00 Khách làm thủ tục trả phòng và ăn sáng tại khách sạn
08h00 Khách khởi hành đi Tả Phìn
Tới thôn Sả Xéng (nằm ở trung tâm xã Tả Phìn) là địa bàn sinh
sống của cộng đồng người Dao đỏ.
Du khách tham quan chợ thổ cẩm Tả Phìn và tham quan một số
cơ sở thêu thổ cẩm của đồng bào. Sau đó hướng dẫn viên đưa
khách đi thăm quan hang động Tả Phìn, các vườn hoa lan - một
địa điểm cung cấp số lượng hoa lan lớn của huyện Sa Pa.
Sau khi tham quan xong, hướng dẫn viên đưa khách đi tắm thuốc
lá của người Dao đỏ do người dân bản địa làm.
11h00 Khách lên xe khởi hành đi Lào Cai.
12h00 Khách ăn trưa tại Lào Cai. Sau bữa trưa, khách lên xe khởi hành
về Hà Nội
17h30 Tới điểm đón ban đầu, hướng dẫn viên chia tay đoàn và hẹn gặp lại.
Thông qua lịch trình trên của các công ty du lịch, có thể thấy các công
ty đã khai thác được tối đa những yếu tố văn hóa của cộng đồng Hmông, Dao
trong việc thiết kế chương trình và đặc biệt là đã tạo điều kiện cho hướng dẫn
viên là người Hmông tham gia hướng dẫn đoàn để cô gái Hmông giới thiệu về
38
bản sắc văn hóa của tộc người mình. Cũng trong chương trình này, chúng tôi
thấy những món ăn đặc trưng của Sa Pa đã có mặt và gia đình của người thiểu
số cũng xuất hiện trong chuỗi dịch vụ của chương trình này.
Bên cạnh đó, để phục vụ cho khách quốc tế đi tuyến Hà Nội - Sa Pa,
các công ty thiết kế một chương trình riêng dành cho khách du lịch là người
nước ngoài. Chúng tôi tìm hiểu qua những chuyến khảo sát tại Sa Pa.
Chương trình Hà Nội - Sa Pa 4 ngày 5 đêm dành cho khách quốc tế
Đêm 1 Hà Nội – Lào Cai – Sa Pa
18h00 Hướng dẫn viên đón khách tại điểm hẹn khởi hành đi Ga Trần
Quý Cáp.
20h30 Khách lên tàu SP1 khởi hành đi Lào Cai lúc 21h00.
Ngày 1 Lào Cai - Sa Pa - Cát Cát - Hàm Rồng Ăn sáng, trưa, tối
05h30 Khách tới Lào Cai, xe ôtô và hướng dẫn viên đón khách khởi
hành đi Sa Pa.
06h30 Khách làm thủ tục nhận phòng tại khách sạn, sau đó ăn sáng tại
khách sạn.
08h00 Khách đi thăm quan tuyến Cát Cát - Hàm Rồng
11h45 Khách ăn trưa tại nhà hàng và nghỉ trưa tại khách sạn
13h00 Hướng dẫn viên và xe đưa khách đi tham quan Thác Bạc, Cầu
Mây và Bãi đá cổ.
18h00 Khách ăn tối tại nhà hàng. Sau bữa tối, khách tự do dạo chơi.
Ngày 2 Sa Pa - Lao Chải (hoặc Tả Phìn) Ăn sáng, trưa, tối
07h00 Khách làm thủ tục trả phòng và ăn sáng tại khách sạn, sau đó
hướng dẫn viên của công ty cùng hướng dẫn viên của người
Hmông đưa khách tới Lao Chải (hoặc Tả Phìn). Tới Lao Chải
(hoặc Tả Phìn), địa điểm trung tâm mà du khách đến là thôn Lý,
39
xã Lao Chải (hoặc thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn), là địa bàn sinh
sống của người Hmông (hoặc Dao đỏ). Và cũng là địa điểm kinh
doanh du lịch sôi động nhất xã Lao Chải (hoặc Tả Phìn). Khách
vào nhà nghỉ của đồng bào ở và cùng trải nghiệm với cuộc sống
gia đình của người Hmông (hoặc Dao).
Khách ăn trưa, tối tại gia đình người Hmông (hoặc Dao) và nghỉ
đêm tại homestay.
Ngày 3 Lao Chải (hoặc Tả Phìn) Ăn sáng, trưa, tối
Khách tự do trải nghiệm với người Hmông (hoặc Dao) ở đây.
Ngày 4 Lao Chải (hoặc Tả Phìn) Ăn sáng, trưa, tối
15h Xe và hướng dẫn viên đưa khách khởi hành đi Lào Cai.
20h00 Khách lên tầu SP2 khởi hành về Hà Nội.
06h00 Xe và hướng dẫn viên của công ty đưa khách tại ga Trần Quý
Cáp khởi hành về về khách sạn, kết thúc chương trình, chia tay
khách.
Qua hai chương trình trên (chương trình cho khách nước ngoài và chương
trình cho khách Việt Nam) chúng tôi thấy có sự khác biệt rất rõ rệt đó là, khách
du lịch Việt Nam thì thích theo lịch trình của nhà tổ chức và các điểm tham quan
cũng chỉ đi trong ngày, còn nơi ăn ngủ nghỉ chính ở thị trấn. Còn khách quốc tế
thì thích tự do tìm hiểu hơn là theo một lịch trình sẵn có. Khách du lịch quốc tế
họ thích ở với cộng đồng Hmông, Dao hơn là ở khách sạn để được trải nghiệm
cuộc sống thường ngày của đồng bào bản địa. Vì vậy dịch vụ ngủ bản thích hợp
và được khách quốc tế lựa chọn nhiều hơn là khách trong nước.
40
2.2. Khai thác các giá trị văn hóa tộc người Hmông, Dao trong hoạt động
du lịch của địa phương
2.2.1. Khai thác dịch vụ Homestay
Trong hai địa bàn mà chúng tôi khảo sát, thì thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn có
nhiều gia đình kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ trọ cho khách du lịch (homestay).
Tính đến hết tháng 12 năm 2015 thì thôn Sả Xéng có 15 gia đình kinh doanh
dịch vụ cho khách nghỉ trọ, trong đó có 05 gia đình là người Kinh còn lại là đồng
bào Dao đỏ kinh doanh [36]. Nhà cửa được khai thác làm dịch vụ homestay
mang đặc trưng về không gian sinh hoạt gia đình của người Dao đỏ, do du khách
đến thôn, thường muốn được tham quan và tìm hiểu về kiến trúc và ý nghĩa của
ngôi nhà và nếp sống của các thành viên trong gia đình người Dao đỏ. Tuy
nhiên, có một điểm lưu ý là, theo quy định của địa phương, các gia đình kinh
doanh dịch vụ cho khách nghỉ trọ đều phải xây dựng những công trình phụ như:
nhà vệ sinh, nhà bếp, nhà tắm nhằm đảm bảo chất lượng vệ sinh cho khách du
lịch lưu trú tại gia đình. Bên cạnh đó, gia đình phải xây dựng các chuồng trại để
nhốt gia súc không thả rông, bố trí sắp xếp lại các vật dụng sinh hoạt trong gia
đình để phục vụ khách du lịch đến ăn, ngủ, nghỉ.
Nhìn chung, khách du lịch thích tìm hiểu tập tục và không gian văn hóa
trong ngôi nhà của đồng bào, nên thường vào tham quan nhà qua lời thuyết
minh về giá trị văn hóa của ngôi nhà do các hướng dẫn viên giới thiệu. Hoạt
động này đã mang lại lợi nhuận đáng kể cho các gia đình kinh doanh nghỉ trọ.
2.2.2. Khai thác giá trị nghề thổ cẩm truyền thống
Nghề thổ cẩm đã có từ rất sớm của cả hai cộng đồng ở hai địa bàn
nghiên cứu. Trước đây sản phẩm làm ra chỉ phục vụ cho cuộc sống thường
ngày. Khi hoạt động du lịch diễn ra, thì đồng bào sản xuất bán cho khách du
lịch, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ gia đình. Các gia đình Hmông ở
thôn Lý, xã Lao Chải thì có dệt trực tiếp các mặt hàng thổ cẩm và làm nguyên
41
liệu cho các cộng đồng khác mua vải thổ cẩm về thêu. Còn đồng bào Dao đỏ
ở thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn thì có dệt nhưng ít hơn và chủ yếu mua vải dệt về
để thêu. Sản phẩm làm ra từ nghề thêu này là quần áo, mũ, túi xách, các con
vật nhồi bông, chiếc khăn, ví nam nữ, vỏ gối đầu, thảm chải nhà... Đây là
những mặt hàng phổ biến được bầy bán trên khắp các khu phố ở thị trấn Sa Pa
và các điểm du lịch.
2.2.3. Bán các sản phẩm thể hiện sắc thái văn hóa tộc người
Bán trực tiếp hoặc gián tiếp cho khách du lịch là loại hình hoạt động
thu lại được nhiều lợi ích kinh tế nhất từ khách du lịch. Lực lượng tham gia
vào loại hình này là những người bán hàng rong ở hai địa bàn nghiên cứu và
những người ở hai địa bàn nghiên cứu đến thị trấn Sa Pa bán hàng rong hoặc
bầy bán tại ven các phố du lịch của thị trấn. Thành phần là những người phụ
nữ và trẻ em (bao gồm người già, trẻ tuổi, trẻ em trai và gái).
Do mặt hàng thổ cẩm đều là những sản phẩm đòi hỏi nhiều công sức và
thời gian nên lượng hàng thổ cẩm có sẵn ngày càng hiếm, những người bán hàng
và bán hàng rong đã nhanh chóng chuyển sang việc đi mua lại các sản phẩm thổ
cẩm của những người trong thôn hoặc ở xa hơn không có điều kiện thường
xuyên lên chợ bán hàng hoặc không có thời gian, điều kiện để làm và bán hàng
cho khách du lịch các sản phẩm như áo, mũ, túi các sản phẩm từ thổ cẩm hợp thị
hiếu của khách. Do nhu cầu về hàng thổ cẩm tăng, đồng bào nhiều người đã
không giữ hoa văn truyền thống (vì cầu kì và tốn nhiều thời gian) mà cố gắng tạo
ra các sản phẩm đơn giản và thời gian ngắn hơn. Một số gia đình đã đi thu mua
quần áo thổ cẩm cũ mang về chỉnh sửa lại để về bán cho khách du lịch hoặc bán
lại cho những người bán hàng trực tiếp ở thị trấn Sa Pa.
Những sản phẩm mà những người tham gia bán hàng là hàng thổ cẩm bao
gồm quần áo, dây thắt lưng, túi, viền cổ áo, mũ thổ cẩm, khăn, ví, vỏ gối, vỏ
chăn, thảm, các con vật nhồi bông... sau đó đến các sản phẩm đặc trưng khác
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch
Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch

More Related Content

What's hot

NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TẠI HUYỆN ĐƠN DƯƠNG, TỈNH LÂM ĐỒNG
NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TẠI HUYỆN ĐƠN DƯƠNG, TỈNH LÂM ĐỒNGNGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TẠI HUYỆN ĐƠN DƯƠNG, TỈNH LÂM ĐỒNG
NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TẠI HUYỆN ĐƠN DƯƠNG, TỈNH LÂM ĐỒNG
nataliej4
 
Luận văn: Quản lý nhà nước về phát triển du lịch bền vững, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về phát triển du lịch bền vững, HOTLuận văn: Quản lý nhà nước về phát triển du lịch bền vững, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về phát triển du lịch bền vững, HOT
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Phát triển Du lịch sinh thái ở Vườn quốc gia U Minh Thượng, 9đ
Phát triển Du lịch sinh thái ở Vườn quốc gia U Minh Thượng, 9đPhát triển Du lịch sinh thái ở Vườn quốc gia U Minh Thượng, 9đ
Phát triển Du lịch sinh thái ở Vườn quốc gia U Minh Thượng, 9đ
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Thu hút khách du lịch quốc tế cho Việt Nam, HAY, 9đ
Luận văn: Thu hút khách du lịch quốc tế cho Việt Nam, HAY, 9đLuận văn: Thu hút khách du lịch quốc tế cho Việt Nam, HAY, 9đ
Luận văn: Thu hút khách du lịch quốc tế cho Việt Nam, HAY, 9đ
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Giải pháp phát triển du lịch dựa trên lý thuyết chu kỳ sống của điểm đến du l...
Giải pháp phát triển du lịch dựa trên lý thuyết chu kỳ sống của điểm đến du l...Giải pháp phát triển du lịch dựa trên lý thuyết chu kỳ sống của điểm đến du l...
Giải pháp phát triển du lịch dựa trên lý thuyết chu kỳ sống của điểm đến du l...
jackjohn45
 
Đề tài Tìm hiểu hoạt động du lịch cộng đồng tại làng gốm Chu Đậu- Hải Dương t...
Đề tài Tìm hiểu hoạt động du lịch cộng đồng tại làng gốm Chu Đậu- Hải Dương t...Đề tài Tìm hiểu hoạt động du lịch cộng đồng tại làng gốm Chu Đậu- Hải Dương t...
Đề tài Tìm hiểu hoạt động du lịch cộng đồng tại làng gốm Chu Đậu- Hải Dương t...
Thư viện Tài liệu mẫu
 
Luận văn: Khai thác văn hóa tộc người H’mong ở Sapa, HAY
Luận văn: Khai thác văn hóa tộc người H’mong ở Sapa, HAYLuận văn: Khai thác văn hóa tộc người H’mong ở Sapa, HAY
Luận văn: Khai thác văn hóa tộc người H’mong ở Sapa, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Đề tài nghiên cứu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tỉnh Hòa Bình, MIỄN...
Đề tài  nghiên cứu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tỉnh Hòa Bình, MIỄN...Đề tài  nghiên cứu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tỉnh Hòa Bình, MIỄN...
Đề tài nghiên cứu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tỉnh Hòa Bình, MIỄN...
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Phát triển du lịch bền vững trên địa bàn vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
Luận văn: Phát triển du lịch bền vững trên địa bàn vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng NinhLuận văn: Phát triển du lịch bền vững trên địa bàn vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
Luận văn: Phát triển du lịch bền vững trên địa bàn vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
Dịch Vụ Viết Thuê Khóa Luận Zalo/Telegram 0917193864
 
Đề tài đánh giá tiềm năng và hiện trạng phát triển du lịch Bắc Ninh RẤT HAY ...
Đề tài  đánh giá tiềm năng và hiện trạng phát triển du lịch Bắc Ninh RẤT HAY ...Đề tài  đánh giá tiềm năng và hiện trạng phát triển du lịch Bắc Ninh RẤT HAY ...
Đề tài đánh giá tiềm năng và hiện trạng phát triển du lịch Bắc Ninh RẤT HAY ...
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Tiềm năng khai thác các điểm du lịch tại Ninh Bình, HOT
Luận văn: Tiềm năng khai thác các điểm du lịch tại Ninh Bình, HOTLuận văn: Tiềm năng khai thác các điểm du lịch tại Ninh Bình, HOT
Luận văn: Tiềm năng khai thác các điểm du lịch tại Ninh Bình, HOT
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông,...
Nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông,...Nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông,...
Nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông,...
NuioKila
 
Luận văn: Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, RẤT HAY, HOT
Luận văn: Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, RẤT HAY, HOTLuận văn: Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, RẤT HAY, HOT
Luận văn: Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, RẤT HAY, HOT
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Khóa luận Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ vui chơi giải trí tại khu du ...
Khóa luận Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ vui chơi giải trí tại khu du ...Khóa luận Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ vui chơi giải trí tại khu du ...
Khóa luận Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ vui chơi giải trí tại khu du ...
Viết thuê báo cáo thực tập giá rẻ
 
Luận văn: Phát triển du lịch Nha Trang theo hướng bền vững, 9đ
Luận văn: Phát triển du lịch Nha Trang theo hướng bền vững, 9đLuận văn: Phát triển du lịch Nha Trang theo hướng bền vững, 9đ
Luận văn: Phát triển du lịch Nha Trang theo hướng bền vững, 9đ
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Đề tài: Phát triển du lịch sinh thái tại đảo Cô Tô, Quảng Ninh, HAY
Đề tài: Phát triển du lịch sinh thái tại đảo Cô Tô, Quảng Ninh, HAYĐề tài: Phát triển du lịch sinh thái tại đảo Cô Tô, Quảng Ninh, HAY
Đề tài: Phát triển du lịch sinh thái tại đảo Cô Tô, Quảng Ninh, HAY
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Lv: Nghiên cứu phát triển du lịch theo hướng bền vững tại thành phố Đồng Hới
Lv: Nghiên cứu phát triển du lịch theo hướng bền vững tại thành phố Đồng HớiLv: Nghiên cứu phát triển du lịch theo hướng bền vững tại thành phố Đồng Hới
Lv: Nghiên cứu phát triển du lịch theo hướng bền vững tại thành phố Đồng Hới
Dịch Vụ Viết Luận Văn Thuê ZALO/TELEGRAM 0934573149
 
Khóa Luận Thực trạng bảo tồn và phát triển du lịch tại quần thể di tích cố đô...
Khóa Luận Thực trạng bảo tồn và phát triển du lịch tại quần thể di tích cố đô...Khóa Luận Thực trạng bảo tồn và phát triển du lịch tại quần thể di tích cố đô...
Khóa Luận Thực trạng bảo tồn và phát triển du lịch tại quần thể di tích cố đô...
Nhận Làm Đề Tài Trọn Gói Zalo/Tele: 0917.193.864
 
PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH ẨM THỰC ĐƯỜNG PHỐ TẠI NHA TRANG (KHÁNH HÒA) - TẢI...
PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH ẨM THỰC ĐƯỜNG PHỐ TẠI NHA TRANG (KHÁNH HÒA) - TẢI...PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH ẨM THỰC ĐƯỜNG PHỐ TẠI NHA TRANG (KHÁNH HÒA) - TẢI...
PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH ẨM THỰC ĐƯỜNG PHỐ TẠI NHA TRANG (KHÁNH HÒA) - TẢI...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Đề tài: Nghiên cứu độ thõa mãn của khách du lịch khi đến Phú Quốc tỉnh Kiên G...
Đề tài: Nghiên cứu độ thõa mãn của khách du lịch khi đến Phú Quốc tỉnh Kiên G...Đề tài: Nghiên cứu độ thõa mãn của khách du lịch khi đến Phú Quốc tỉnh Kiên G...
Đề tài: Nghiên cứu độ thõa mãn của khách du lịch khi đến Phú Quốc tỉnh Kiên G...
Viết thuê trọn gói ZALO 0934573149
 

What's hot (20)

NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TẠI HUYỆN ĐƠN DƯƠNG, TỈNH LÂM ĐỒNG
NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TẠI HUYỆN ĐƠN DƯƠNG, TỈNH LÂM ĐỒNGNGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TẠI HUYỆN ĐƠN DƯƠNG, TỈNH LÂM ĐỒNG
NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN DU LỊCH CỘNG ĐỒNG TẠI HUYỆN ĐƠN DƯƠNG, TỈNH LÂM ĐỒNG
 
Luận văn: Quản lý nhà nước về phát triển du lịch bền vững, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về phát triển du lịch bền vững, HOTLuận văn: Quản lý nhà nước về phát triển du lịch bền vững, HOT
Luận văn: Quản lý nhà nước về phát triển du lịch bền vững, HOT
 
Phát triển Du lịch sinh thái ở Vườn quốc gia U Minh Thượng, 9đ
Phát triển Du lịch sinh thái ở Vườn quốc gia U Minh Thượng, 9đPhát triển Du lịch sinh thái ở Vườn quốc gia U Minh Thượng, 9đ
Phát triển Du lịch sinh thái ở Vườn quốc gia U Minh Thượng, 9đ
 
Luận văn: Thu hút khách du lịch quốc tế cho Việt Nam, HAY, 9đ
Luận văn: Thu hút khách du lịch quốc tế cho Việt Nam, HAY, 9đLuận văn: Thu hút khách du lịch quốc tế cho Việt Nam, HAY, 9đ
Luận văn: Thu hút khách du lịch quốc tế cho Việt Nam, HAY, 9đ
 
Giải pháp phát triển du lịch dựa trên lý thuyết chu kỳ sống của điểm đến du l...
Giải pháp phát triển du lịch dựa trên lý thuyết chu kỳ sống của điểm đến du l...Giải pháp phát triển du lịch dựa trên lý thuyết chu kỳ sống của điểm đến du l...
Giải pháp phát triển du lịch dựa trên lý thuyết chu kỳ sống của điểm đến du l...
 
Đề tài Tìm hiểu hoạt động du lịch cộng đồng tại làng gốm Chu Đậu- Hải Dương t...
Đề tài Tìm hiểu hoạt động du lịch cộng đồng tại làng gốm Chu Đậu- Hải Dương t...Đề tài Tìm hiểu hoạt động du lịch cộng đồng tại làng gốm Chu Đậu- Hải Dương t...
Đề tài Tìm hiểu hoạt động du lịch cộng đồng tại làng gốm Chu Đậu- Hải Dương t...
 
Luận văn: Khai thác văn hóa tộc người H’mong ở Sapa, HAY
Luận văn: Khai thác văn hóa tộc người H’mong ở Sapa, HAYLuận văn: Khai thác văn hóa tộc người H’mong ở Sapa, HAY
Luận văn: Khai thác văn hóa tộc người H’mong ở Sapa, HAY
 
Đề tài nghiên cứu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tỉnh Hòa Bình, MIỄN...
Đề tài  nghiên cứu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tỉnh Hòa Bình, MIỄN...Đề tài  nghiên cứu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tỉnh Hòa Bình, MIỄN...
Đề tài nghiên cứu tiềm năng phát triển du lịch sinh thái tỉnh Hòa Bình, MIỄN...
 
Luận văn: Phát triển du lịch bền vững trên địa bàn vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
Luận văn: Phát triển du lịch bền vững trên địa bàn vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng NinhLuận văn: Phát triển du lịch bền vững trên địa bàn vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
Luận văn: Phát triển du lịch bền vững trên địa bàn vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
 
Đề tài đánh giá tiềm năng và hiện trạng phát triển du lịch Bắc Ninh RẤT HAY ...
Đề tài  đánh giá tiềm năng và hiện trạng phát triển du lịch Bắc Ninh RẤT HAY ...Đề tài  đánh giá tiềm năng và hiện trạng phát triển du lịch Bắc Ninh RẤT HAY ...
Đề tài đánh giá tiềm năng và hiện trạng phát triển du lịch Bắc Ninh RẤT HAY ...
 
Luận văn: Tiềm năng khai thác các điểm du lịch tại Ninh Bình, HOT
Luận văn: Tiềm năng khai thác các điểm du lịch tại Ninh Bình, HOTLuận văn: Tiềm năng khai thác các điểm du lịch tại Ninh Bình, HOT
Luận văn: Tiềm năng khai thác các điểm du lịch tại Ninh Bình, HOT
 
Nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông,...
Nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông,...Nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông,...
Nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông,...
 
Luận văn: Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, RẤT HAY, HOT
Luận văn: Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, RẤT HAY, HOTLuận văn: Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, RẤT HAY, HOT
Luận văn: Phát triển làng nghề ở huyện Thường Tín, RẤT HAY, HOT
 
Khóa luận Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ vui chơi giải trí tại khu du ...
Khóa luận Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ vui chơi giải trí tại khu du ...Khóa luận Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ vui chơi giải trí tại khu du ...
Khóa luận Giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ vui chơi giải trí tại khu du ...
 
Luận văn: Phát triển du lịch Nha Trang theo hướng bền vững, 9đ
Luận văn: Phát triển du lịch Nha Trang theo hướng bền vững, 9đLuận văn: Phát triển du lịch Nha Trang theo hướng bền vững, 9đ
Luận văn: Phát triển du lịch Nha Trang theo hướng bền vững, 9đ
 
Đề tài: Phát triển du lịch sinh thái tại đảo Cô Tô, Quảng Ninh, HAY
Đề tài: Phát triển du lịch sinh thái tại đảo Cô Tô, Quảng Ninh, HAYĐề tài: Phát triển du lịch sinh thái tại đảo Cô Tô, Quảng Ninh, HAY
Đề tài: Phát triển du lịch sinh thái tại đảo Cô Tô, Quảng Ninh, HAY
 
Lv: Nghiên cứu phát triển du lịch theo hướng bền vững tại thành phố Đồng Hới
Lv: Nghiên cứu phát triển du lịch theo hướng bền vững tại thành phố Đồng HớiLv: Nghiên cứu phát triển du lịch theo hướng bền vững tại thành phố Đồng Hới
Lv: Nghiên cứu phát triển du lịch theo hướng bền vững tại thành phố Đồng Hới
 
Khóa Luận Thực trạng bảo tồn và phát triển du lịch tại quần thể di tích cố đô...
Khóa Luận Thực trạng bảo tồn và phát triển du lịch tại quần thể di tích cố đô...Khóa Luận Thực trạng bảo tồn và phát triển du lịch tại quần thể di tích cố đô...
Khóa Luận Thực trạng bảo tồn và phát triển du lịch tại quần thể di tích cố đô...
 
PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH ẨM THỰC ĐƯỜNG PHỐ TẠI NHA TRANG (KHÁNH HÒA) - TẢI...
PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH ẨM THỰC ĐƯỜNG PHỐ TẠI NHA TRANG (KHÁNH HÒA) - TẢI...PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH ẨM THỰC ĐƯỜNG PHỐ TẠI NHA TRANG (KHÁNH HÒA) - TẢI...
PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH ẨM THỰC ĐƯỜNG PHỐ TẠI NHA TRANG (KHÁNH HÒA) - TẢI...
 
Đề tài: Nghiên cứu độ thõa mãn của khách du lịch khi đến Phú Quốc tỉnh Kiên G...
Đề tài: Nghiên cứu độ thõa mãn của khách du lịch khi đến Phú Quốc tỉnh Kiên G...Đề tài: Nghiên cứu độ thõa mãn của khách du lịch khi đến Phú Quốc tỉnh Kiên G...
Đề tài: Nghiên cứu độ thõa mãn của khách du lịch khi đến Phú Quốc tỉnh Kiên G...
 

Similar to Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch

Tìm Hiểu Văn Hóa Tộc Người H’mong-Thực Trạng Và Giải Pháp Khai Thác Phục Vụ P...
Tìm Hiểu Văn Hóa Tộc Người H’mong-Thực Trạng Và Giải Pháp Khai Thác Phục Vụ P...Tìm Hiểu Văn Hóa Tộc Người H’mong-Thực Trạng Và Giải Pháp Khai Thác Phục Vụ P...
Tìm Hiểu Văn Hóa Tộc Người H’mong-Thực Trạng Và Giải Pháp Khai Thác Phục Vụ P...
Dịch vụ viết đề tài trọn gói 0934.573.149
 
Luận văn: Khai thác tài nguyên du lịch nhân văn TP Hạ Long, HAY
Luận văn: Khai thác tài nguyên du lịch nhân văn TP Hạ Long, HAYLuận văn: Khai thác tài nguyên du lịch nhân văn TP Hạ Long, HAY
Luận văn: Khai thác tài nguyên du lịch nhân văn TP Hạ Long, HAY
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Đề tài: Hoạt động du lịch tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc, HAY
Đề tài: Hoạt động du lịch tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc, HAYĐề tài: Hoạt động du lịch tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc, HAY
Đề tài: Hoạt động du lịch tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Luận Văn Nghiên Cứu Khai Thác Tndl Nhân Văn Thành Phố Hạ Long Phục Vụ Phát Tr...
Luận Văn Nghiên Cứu Khai Thác Tndl Nhân Văn Thành Phố Hạ Long Phục Vụ Phát Tr...Luận Văn Nghiên Cứu Khai Thác Tndl Nhân Văn Thành Phố Hạ Long Phục Vụ Phát Tr...
Luận Văn Nghiên Cứu Khai Thác Tndl Nhân Văn Thành Phố Hạ Long Phục Vụ Phát Tr...
tcoco3199
 
Luận Văn Nghiên Cứu Khai Thác Tndl Nhân Văn Thành Phố Hạ Long Phục Vụ Phát Tr...
Luận Văn Nghiên Cứu Khai Thác Tndl Nhân Văn Thành Phố Hạ Long Phục Vụ Phát Tr...Luận Văn Nghiên Cứu Khai Thác Tndl Nhân Văn Thành Phố Hạ Long Phục Vụ Phát Tr...
Luận Văn Nghiên Cứu Khai Thác Tndl Nhân Văn Thành Phố Hạ Long Phục Vụ Phát Tr...
tcoco3199
 
Khóa luận: Di tích lịch sử tôn giáo tín ngưỡng ở Đồ sơn, HAY
Khóa luận:  Di tích lịch sử tôn giáo tín ngưỡng ở Đồ sơn, HAYKhóa luận:  Di tích lịch sử tôn giáo tín ngưỡng ở Đồ sơn, HAY
Khóa luận: Di tích lịch sử tôn giáo tín ngưỡng ở Đồ sơn, HAY
Viết Thuê Khóa Luận _ ZALO 0917.193.864 default
 
PHÁT TRIỂN DU LỊCH TÂM LINH KHU VỰC PHÍA TÂY HÀ NỘI - TẢI FREE ZALO: 093 457...
PHÁT TRIỂN DU LỊCH TÂM LINH KHU VỰC PHÍA TÂY HÀ NỘI  - TẢI FREE ZALO: 093 457...PHÁT TRIỂN DU LỊCH TÂM LINH KHU VỰC PHÍA TÂY HÀ NỘI  - TẢI FREE ZALO: 093 457...
PHÁT TRIỂN DU LỊCH TÂM LINH KHU VỰC PHÍA TÂY HÀ NỘI - TẢI FREE ZALO: 093 457...
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Luận Văn Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại huyện KonPlong, ...
Luận Văn Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại huyện KonPlong, ...Luận Văn Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại huyện KonPlong, ...
Luận Văn Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại huyện KonPlong, ...
Dịch vụ viết đề tài trọn gói 0934.573.149
 
Luận Văn Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại huyện KonPlong, ...
Luận Văn Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại huyện KonPlong, ...Luận Văn Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại huyện KonPlong, ...
Luận Văn Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại huyện KonPlong, ...
Dịch vụ viết đề tài trọn gói 0934.573.149
 
Luận Văn Phát triển du lịch văn hóa huyện Hòa Vang.doc
Luận Văn Phát triển du lịch văn hóa huyện Hòa Vang.docLuận Văn Phát triển du lịch văn hóa huyện Hòa Vang.doc
Luận Văn Phát triển du lịch văn hóa huyện Hòa Vang.doc
sividocz
 
Sinh thái kết hợp với du lịch mạo hiểm tại khu Mỏ Kẽm tỉnh Bắc Kạn
Sinh thái kết hợp với du lịch mạo hiểm tại khu Mỏ Kẽm tỉnh Bắc KạnSinh thái kết hợp với du lịch mạo hiểm tại khu Mỏ Kẽm tỉnh Bắc Kạn
Sinh thái kết hợp với du lịch mạo hiểm tại khu Mỏ Kẽm tỉnh Bắc Kạn
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Đánh giá các hoạt động của lễ hội Vía Bà Chúa Xứ trong hoạt động du lịch ở Ch...
Đánh giá các hoạt động của lễ hội Vía Bà Chúa Xứ trong hoạt động du lịch ở Ch...Đánh giá các hoạt động của lễ hội Vía Bà Chúa Xứ trong hoạt động du lịch ở Ch...
Đánh giá các hoạt động của lễ hội Vía Bà Chúa Xứ trong hoạt động du lịch ở Ch...
Dịch vụ viết thuê đề tài trọn gói 😊 Liên hệ ZALO/TELE: 0973.287.149
 
Tìm Hiểu Hoạt Động Du Lịch Tại Làng Văn Hóa Du Lịch Các Dân Tộc Việt Nam, Đồn...
Tìm Hiểu Hoạt Động Du Lịch Tại Làng Văn Hóa Du Lịch Các Dân Tộc Việt Nam, Đồn...Tìm Hiểu Hoạt Động Du Lịch Tại Làng Văn Hóa Du Lịch Các Dân Tộc Việt Nam, Đồn...
Tìm Hiểu Hoạt Động Du Lịch Tại Làng Văn Hóa Du Lịch Các Dân Tộc Việt Nam, Đồn...
Dịch vụ viết đề tài trọn gói 0934.573.149
 
Tiềm Năng, Thực Trạng Và Giải Pháp Chủ Yếu Khai Thác Tài Nguyên Du Lịch Nhân ...
Tiềm Năng, Thực Trạng Và Giải Pháp Chủ Yếu Khai Thác Tài Nguyên Du Lịch Nhân ...Tiềm Năng, Thực Trạng Và Giải Pháp Chủ Yếu Khai Thác Tài Nguyên Du Lịch Nhân ...
Tiềm Năng, Thực Trạng Và Giải Pháp Chủ Yếu Khai Thác Tài Nguyên Du Lịch Nhân ...
Dịch vụ viết đề tài trọn gói 0934.573.149
 
Đề tài: Chương trình du lịch kết hợp với hoạt động tình nguyện, HOT
Đề tài: Chương trình du lịch kết hợp với hoạt động tình nguyện, HOTĐề tài: Chương trình du lịch kết hợp với hoạt động tình nguyện, HOT
Đề tài: Chương trình du lịch kết hợp với hoạt động tình nguyện, HOT
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận Văn Hiện Trạng Và Giải Pháp Phát Triển Du Lịch Của Huyện Kim Bảng Tỉnh H...
Luận Văn Hiện Trạng Và Giải Pháp Phát Triển Du Lịch Của Huyện Kim Bảng Tỉnh H...Luận Văn Hiện Trạng Và Giải Pháp Phát Triển Du Lịch Của Huyện Kim Bảng Tỉnh H...
Luận Văn Hiện Trạng Và Giải Pháp Phát Triển Du Lịch Của Huyện Kim Bảng Tỉnh H...
Dịch vụ viết đề tài trọn gói 0934.573.149
 
Vai tro-cua-du-lich-trong-viec-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-tho...
Vai tro-cua-du-lich-trong-viec-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-tho...Vai tro-cua-du-lich-trong-viec-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-tho...
Vai tro-cua-du-lich-trong-viec-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-tho...Ngô Chí Tâm
 
Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại huyện konplông tỉnh kon t...
Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại huyện konplông tỉnh kon t...Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại huyện konplông tỉnh kon t...
Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại huyện konplông tỉnh kon t...
Thư viện Tài liệu mẫu
 
Phát triển du lịch cộng đồng Huyện Konplông, Tỉnh Kon Tum.doc
Phát triển du lịch cộng đồng Huyện Konplông, Tỉnh Kon Tum.docPhát triển du lịch cộng đồng Huyện Konplông, Tỉnh Kon Tum.doc
Phát triển du lịch cộng đồng Huyện Konplông, Tỉnh Kon Tum.doc
dịch vụ viết đề tài trọn gói 0973287149
 
Vai trò của văn hóa truyền thống đối với sự phát triển du lịch ở Tỉnh Bình Đị...
Vai trò của văn hóa truyền thống đối với sự phát triển du lịch ở Tỉnh Bình Đị...Vai trò của văn hóa truyền thống đối với sự phát triển du lịch ở Tỉnh Bình Đị...
Vai trò của văn hóa truyền thống đối với sự phát triển du lịch ở Tỉnh Bình Đị...
dịch vụ viết đề tài trọn gói 0973287149
 

Similar to Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch (20)

Tìm Hiểu Văn Hóa Tộc Người H’mong-Thực Trạng Và Giải Pháp Khai Thác Phục Vụ P...
Tìm Hiểu Văn Hóa Tộc Người H’mong-Thực Trạng Và Giải Pháp Khai Thác Phục Vụ P...Tìm Hiểu Văn Hóa Tộc Người H’mong-Thực Trạng Và Giải Pháp Khai Thác Phục Vụ P...
Tìm Hiểu Văn Hóa Tộc Người H’mong-Thực Trạng Và Giải Pháp Khai Thác Phục Vụ P...
 
Luận văn: Khai thác tài nguyên du lịch nhân văn TP Hạ Long, HAY
Luận văn: Khai thác tài nguyên du lịch nhân văn TP Hạ Long, HAYLuận văn: Khai thác tài nguyên du lịch nhân văn TP Hạ Long, HAY
Luận văn: Khai thác tài nguyên du lịch nhân văn TP Hạ Long, HAY
 
Đề tài: Hoạt động du lịch tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc, HAY
Đề tài: Hoạt động du lịch tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc, HAYĐề tài: Hoạt động du lịch tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc, HAY
Đề tài: Hoạt động du lịch tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc, HAY
 
Luận Văn Nghiên Cứu Khai Thác Tndl Nhân Văn Thành Phố Hạ Long Phục Vụ Phát Tr...
Luận Văn Nghiên Cứu Khai Thác Tndl Nhân Văn Thành Phố Hạ Long Phục Vụ Phát Tr...Luận Văn Nghiên Cứu Khai Thác Tndl Nhân Văn Thành Phố Hạ Long Phục Vụ Phát Tr...
Luận Văn Nghiên Cứu Khai Thác Tndl Nhân Văn Thành Phố Hạ Long Phục Vụ Phát Tr...
 
Luận Văn Nghiên Cứu Khai Thác Tndl Nhân Văn Thành Phố Hạ Long Phục Vụ Phát Tr...
Luận Văn Nghiên Cứu Khai Thác Tndl Nhân Văn Thành Phố Hạ Long Phục Vụ Phát Tr...Luận Văn Nghiên Cứu Khai Thác Tndl Nhân Văn Thành Phố Hạ Long Phục Vụ Phát Tr...
Luận Văn Nghiên Cứu Khai Thác Tndl Nhân Văn Thành Phố Hạ Long Phục Vụ Phát Tr...
 
Khóa luận: Di tích lịch sử tôn giáo tín ngưỡng ở Đồ sơn, HAY
Khóa luận:  Di tích lịch sử tôn giáo tín ngưỡng ở Đồ sơn, HAYKhóa luận:  Di tích lịch sử tôn giáo tín ngưỡng ở Đồ sơn, HAY
Khóa luận: Di tích lịch sử tôn giáo tín ngưỡng ở Đồ sơn, HAY
 
PHÁT TRIỂN DU LỊCH TÂM LINH KHU VỰC PHÍA TÂY HÀ NỘI - TẢI FREE ZALO: 093 457...
PHÁT TRIỂN DU LỊCH TÂM LINH KHU VỰC PHÍA TÂY HÀ NỘI  - TẢI FREE ZALO: 093 457...PHÁT TRIỂN DU LỊCH TÂM LINH KHU VỰC PHÍA TÂY HÀ NỘI  - TẢI FREE ZALO: 093 457...
PHÁT TRIỂN DU LỊCH TÂM LINH KHU VỰC PHÍA TÂY HÀ NỘI - TẢI FREE ZALO: 093 457...
 
Luận Văn Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại huyện KonPlong, ...
Luận Văn Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại huyện KonPlong, ...Luận Văn Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại huyện KonPlong, ...
Luận Văn Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại huyện KonPlong, ...
 
Luận Văn Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại huyện KonPlong, ...
Luận Văn Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại huyện KonPlong, ...Luận Văn Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại huyện KonPlong, ...
Luận Văn Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại huyện KonPlong, ...
 
Luận Văn Phát triển du lịch văn hóa huyện Hòa Vang.doc
Luận Văn Phát triển du lịch văn hóa huyện Hòa Vang.docLuận Văn Phát triển du lịch văn hóa huyện Hòa Vang.doc
Luận Văn Phát triển du lịch văn hóa huyện Hòa Vang.doc
 
Sinh thái kết hợp với du lịch mạo hiểm tại khu Mỏ Kẽm tỉnh Bắc Kạn
Sinh thái kết hợp với du lịch mạo hiểm tại khu Mỏ Kẽm tỉnh Bắc KạnSinh thái kết hợp với du lịch mạo hiểm tại khu Mỏ Kẽm tỉnh Bắc Kạn
Sinh thái kết hợp với du lịch mạo hiểm tại khu Mỏ Kẽm tỉnh Bắc Kạn
 
Đánh giá các hoạt động của lễ hội Vía Bà Chúa Xứ trong hoạt động du lịch ở Ch...
Đánh giá các hoạt động của lễ hội Vía Bà Chúa Xứ trong hoạt động du lịch ở Ch...Đánh giá các hoạt động của lễ hội Vía Bà Chúa Xứ trong hoạt động du lịch ở Ch...
Đánh giá các hoạt động của lễ hội Vía Bà Chúa Xứ trong hoạt động du lịch ở Ch...
 
Tìm Hiểu Hoạt Động Du Lịch Tại Làng Văn Hóa Du Lịch Các Dân Tộc Việt Nam, Đồn...
Tìm Hiểu Hoạt Động Du Lịch Tại Làng Văn Hóa Du Lịch Các Dân Tộc Việt Nam, Đồn...Tìm Hiểu Hoạt Động Du Lịch Tại Làng Văn Hóa Du Lịch Các Dân Tộc Việt Nam, Đồn...
Tìm Hiểu Hoạt Động Du Lịch Tại Làng Văn Hóa Du Lịch Các Dân Tộc Việt Nam, Đồn...
 
Tiềm Năng, Thực Trạng Và Giải Pháp Chủ Yếu Khai Thác Tài Nguyên Du Lịch Nhân ...
Tiềm Năng, Thực Trạng Và Giải Pháp Chủ Yếu Khai Thác Tài Nguyên Du Lịch Nhân ...Tiềm Năng, Thực Trạng Và Giải Pháp Chủ Yếu Khai Thác Tài Nguyên Du Lịch Nhân ...
Tiềm Năng, Thực Trạng Và Giải Pháp Chủ Yếu Khai Thác Tài Nguyên Du Lịch Nhân ...
 
Đề tài: Chương trình du lịch kết hợp với hoạt động tình nguyện, HOT
Đề tài: Chương trình du lịch kết hợp với hoạt động tình nguyện, HOTĐề tài: Chương trình du lịch kết hợp với hoạt động tình nguyện, HOT
Đề tài: Chương trình du lịch kết hợp với hoạt động tình nguyện, HOT
 
Luận Văn Hiện Trạng Và Giải Pháp Phát Triển Du Lịch Của Huyện Kim Bảng Tỉnh H...
Luận Văn Hiện Trạng Và Giải Pháp Phát Triển Du Lịch Của Huyện Kim Bảng Tỉnh H...Luận Văn Hiện Trạng Và Giải Pháp Phát Triển Du Lịch Của Huyện Kim Bảng Tỉnh H...
Luận Văn Hiện Trạng Và Giải Pháp Phát Triển Du Lịch Của Huyện Kim Bảng Tỉnh H...
 
Vai tro-cua-du-lich-trong-viec-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-tho...
Vai tro-cua-du-lich-trong-viec-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-tho...Vai tro-cua-du-lich-trong-viec-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-tho...
Vai tro-cua-du-lich-trong-viec-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-truyen-tho...
 
Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại huyện konplông tỉnh kon t...
Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại huyện konplông tỉnh kon t...Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại huyện konplông tỉnh kon t...
Đánh giá tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại huyện konplông tỉnh kon t...
 
Phát triển du lịch cộng đồng Huyện Konplông, Tỉnh Kon Tum.doc
Phát triển du lịch cộng đồng Huyện Konplông, Tỉnh Kon Tum.docPhát triển du lịch cộng đồng Huyện Konplông, Tỉnh Kon Tum.doc
Phát triển du lịch cộng đồng Huyện Konplông, Tỉnh Kon Tum.doc
 
Vai trò của văn hóa truyền thống đối với sự phát triển du lịch ở Tỉnh Bình Đị...
Vai trò của văn hóa truyền thống đối với sự phát triển du lịch ở Tỉnh Bình Đị...Vai trò của văn hóa truyền thống đối với sự phát triển du lịch ở Tỉnh Bình Đị...
Vai trò của văn hóa truyền thống đối với sự phát triển du lịch ở Tỉnh Bình Đị...
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 ĐiểmDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý TưởngDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

More from Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620 (20)

Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Tiểu Luận Chuyên Viên Chính Về Bảo Hiểm Xã Hội Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 ĐiểmDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Trị Nguồn Nhân Lực, 9 Điểm
 
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý TưởngDanh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
Danh Sách 200 Đề Tài Luận Văn Thạc Sĩ Quản Lý Văn Hóa Giúp Bạn Thêm Ý Tưởng
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quản Lý Giáo Dục Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Quan Hệ Lao Động Từ Sinh Viên Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Nuôi Trồng Thủy Sản Dễ Làm Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Sư, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phòng, Chống Hiv, Mới Nhất, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Phá Sản, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Nhà Ở, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Ngân Hàng, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới NhấtDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Môi Trường, Mới Nhất
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hộ Tịch, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hình Sự , Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Hành Chính, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Giáo Dục, Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đấu Thầu, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm CaoDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đầu Tư Công, Dễ Làm Điểm Cao
 
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá GiỏiDanh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
Danh Sách 200 Đề Tài Báo Cáo Thực Tập Luật Đất Đai, Từ Sinh Viên Khá Giỏi
 

Recently uploaded

[NBV]-CHUYÊN ĐỀ 3. GTLN-GTNN CỦA HÀM SỐ (CÓ ĐÁP ÁN CHI TIẾT).pdf
[NBV]-CHUYÊN ĐỀ 3. GTLN-GTNN CỦA HÀM SỐ (CÓ ĐÁP ÁN CHI TIẾT).pdf[NBV]-CHUYÊN ĐỀ 3. GTLN-GTNN CỦA HÀM SỐ (CÓ ĐÁP ÁN CHI TIẾT).pdf
[NBV]-CHUYÊN ĐỀ 3. GTLN-GTNN CỦA HÀM SỐ (CÓ ĐÁP ÁN CHI TIẾT).pdf
NamNguynHi23
 
Các bình diện Ngôn ngữ học đối chiếu.pdf
Các bình diện Ngôn ngữ học đối chiếu.pdfCác bình diện Ngôn ngữ học đối chiếu.pdf
Các bình diện Ngôn ngữ học đối chiếu.pdf
linhlevietdav
 
DANH SÁCH XÉT TUYỂN SỚM_NĂM 2023_học ba DPY.pdf
DANH SÁCH XÉT TUYỂN SỚM_NĂM 2023_học ba DPY.pdfDANH SÁCH XÉT TUYỂN SỚM_NĂM 2023_học ba DPY.pdf
DANH SÁCH XÉT TUYỂN SỚM_NĂM 2023_học ba DPY.pdf
thanhluan21
 
kl_HOÀN THIỆN CÔNG TÁC ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CÔNG VIỆC TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU T...
kl_HOÀN THIỆN CÔNG TÁC ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CÔNG VIỆC TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU T...kl_HOÀN THIỆN CÔNG TÁC ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CÔNG VIỆC TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU T...
kl_HOÀN THIỆN CÔNG TÁC ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CÔNG VIỆC TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU T...
Luận Văn Uy Tín
 
Bài tập chương 5. Năng lượng phản ứng.docx
Bài tập chương 5. Năng lượng phản ứng.docxBài tập chương 5. Năng lượng phản ứng.docx
Bài tập chương 5. Năng lượng phản ứng.docx
gorse871
 
BÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docx
BÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docxBÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docx
BÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docx
HngL891608
 
Tóm tắt Tư tưởng Hồ Chí Minhhhhhhhhhhhhh
Tóm tắt Tư tưởng Hồ Chí MinhhhhhhhhhhhhhTóm tắt Tư tưởng Hồ Chí Minhhhhhhhhhhhhh
Tóm tắt Tư tưởng Hồ Chí Minhhhhhhhhhhhhh
nnguyenthao204
 
trắc nhiệm ký sinh.docxddddddddddddddddd
trắc nhiệm ký sinh.docxdddddddddddddddddtrắc nhiệm ký sinh.docxddddddddddddddddd
trắc nhiệm ký sinh.docxddddddddddddddddd
my21xn0084
 
TỔNG HỢP 135 CÂU HỎI DI TRUYỀN PHÂN TỬ LUYỆN THI HỌC SINH GIỎI THPT MÔN SINH ...
TỔNG HỢP 135 CÂU HỎI DI TRUYỀN PHÂN TỬ LUYỆN THI HỌC SINH GIỎI THPT MÔN SINH ...TỔNG HỢP 135 CÂU HỎI DI TRUYỀN PHÂN TỬ LUYỆN THI HỌC SINH GIỎI THPT MÔN SINH ...
TỔNG HỢP 135 CÂU HỎI DI TRUYỀN PHÂN TỬ LUYỆN THI HỌC SINH GIỎI THPT MÔN SINH ...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
Khí huyết và tân dịch - Y học cổ truyền VN
Khí huyết và tân dịch - Y học cổ truyền VNKhí huyết và tân dịch - Y học cổ truyền VN
Khí huyết và tân dịch - Y học cổ truyền VN
ThaiTrinh16
 
bài dự thi chính luận 2024 đảng chọn lọc.docx
bài dự thi chính luận 2024 đảng chọn lọc.docxbài dự thi chính luận 2024 đảng chọn lọc.docx
bài dự thi chính luận 2024 đảng chọn lọc.docx
HiYnThTh
 
tiếng việt dành cho sinh viên ngoại ngữ h
tiếng việt dành cho sinh viên ngoại ngữ htiếng việt dành cho sinh viên ngoại ngữ h
tiếng việt dành cho sinh viên ngoại ngữ h
huynhanhthu082007
 
THONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdf
THONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdfTHONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdf
THONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdf
QucHHunhnh
 
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT - Luận Văn Uy Tín.docx
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT - Luận Văn Uy Tín.docxLUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT - Luận Văn Uy Tín.docx
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT - Luận Văn Uy Tín.docx
Luận Văn Uy Tín
 
Tai-lieu-Boi-Duong-HSG-môn-Ngữ-Văn-THPT-Tập-1.docx
Tai-lieu-Boi-Duong-HSG-môn-Ngữ-Văn-THPT-Tập-1.docxTai-lieu-Boi-Duong-HSG-môn-Ngữ-Văn-THPT-Tập-1.docx
Tai-lieu-Boi-Duong-HSG-môn-Ngữ-Văn-THPT-Tập-1.docx
NhNguynTQunh
 
Tuyển tập 9 chuyên đề bồi dưỡng Toán lớp 5 cơ bản và nâng cao ôn thi vào lớp ...
Tuyển tập 9 chuyên đề bồi dưỡng Toán lớp 5 cơ bản và nâng cao ôn thi vào lớp ...Tuyển tập 9 chuyên đề bồi dưỡng Toán lớp 5 cơ bản và nâng cao ôn thi vào lớp ...
Tuyển tập 9 chuyên đề bồi dưỡng Toán lớp 5 cơ bản và nâng cao ôn thi vào lớp ...
Bồi Dưỡng HSG Toán Lớp 3
 
Biểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều
Biểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang ThiềuBiểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều
Biểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều
lamluanvan.net Viết thuê luận văn
 
Smartbiz_He thong MES nganh may mac_2024june
Smartbiz_He thong MES nganh may mac_2024juneSmartbiz_He thong MES nganh may mac_2024june
Smartbiz_He thong MES nganh may mac_2024june
SmartBiz
 
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...
Nguyen Thanh Tu Collection
 
Từ ngữ về con người và chiến tranh trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm.pdf
Từ ngữ về con người và chiến tranh trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm.pdfTừ ngữ về con người và chiến tranh trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm.pdf
Từ ngữ về con người và chiến tranh trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm.pdf
Man_Ebook
 

Recently uploaded (20)

[NBV]-CHUYÊN ĐỀ 3. GTLN-GTNN CỦA HÀM SỐ (CÓ ĐÁP ÁN CHI TIẾT).pdf
[NBV]-CHUYÊN ĐỀ 3. GTLN-GTNN CỦA HÀM SỐ (CÓ ĐÁP ÁN CHI TIẾT).pdf[NBV]-CHUYÊN ĐỀ 3. GTLN-GTNN CỦA HÀM SỐ (CÓ ĐÁP ÁN CHI TIẾT).pdf
[NBV]-CHUYÊN ĐỀ 3. GTLN-GTNN CỦA HÀM SỐ (CÓ ĐÁP ÁN CHI TIẾT).pdf
 
Các bình diện Ngôn ngữ học đối chiếu.pdf
Các bình diện Ngôn ngữ học đối chiếu.pdfCác bình diện Ngôn ngữ học đối chiếu.pdf
Các bình diện Ngôn ngữ học đối chiếu.pdf
 
DANH SÁCH XÉT TUYỂN SỚM_NĂM 2023_học ba DPY.pdf
DANH SÁCH XÉT TUYỂN SỚM_NĂM 2023_học ba DPY.pdfDANH SÁCH XÉT TUYỂN SỚM_NĂM 2023_học ba DPY.pdf
DANH SÁCH XÉT TUYỂN SỚM_NĂM 2023_học ba DPY.pdf
 
kl_HOÀN THIỆN CÔNG TÁC ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CÔNG VIỆC TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU T...
kl_HOÀN THIỆN CÔNG TÁC ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CÔNG VIỆC TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU T...kl_HOÀN THIỆN CÔNG TÁC ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CÔNG VIỆC TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU T...
kl_HOÀN THIỆN CÔNG TÁC ĐÁNH GIÁ THỰC HIỆN CÔNG VIỆC TẠI CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU T...
 
Bài tập chương 5. Năng lượng phản ứng.docx
Bài tập chương 5. Năng lượng phản ứng.docxBài tập chương 5. Năng lượng phản ứng.docx
Bài tập chương 5. Năng lượng phản ứng.docx
 
BÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docx
BÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docxBÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docx
BÁO CÁO CUỐI KỲ PHÂN TÍCH THIẾT KẾ HƯỚNG ĐỐI TƯỢNG - NHÓM 7.docx
 
Tóm tắt Tư tưởng Hồ Chí Minhhhhhhhhhhhhh
Tóm tắt Tư tưởng Hồ Chí MinhhhhhhhhhhhhhTóm tắt Tư tưởng Hồ Chí Minhhhhhhhhhhhhh
Tóm tắt Tư tưởng Hồ Chí Minhhhhhhhhhhhhh
 
trắc nhiệm ký sinh.docxddddddddddddddddd
trắc nhiệm ký sinh.docxdddddddddddddddddtrắc nhiệm ký sinh.docxddddddddddddddddd
trắc nhiệm ký sinh.docxddddddddddddddddd
 
TỔNG HỢP 135 CÂU HỎI DI TRUYỀN PHÂN TỬ LUYỆN THI HỌC SINH GIỎI THPT MÔN SINH ...
TỔNG HỢP 135 CÂU HỎI DI TRUYỀN PHÂN TỬ LUYỆN THI HỌC SINH GIỎI THPT MÔN SINH ...TỔNG HỢP 135 CÂU HỎI DI TRUYỀN PHÂN TỬ LUYỆN THI HỌC SINH GIỎI THPT MÔN SINH ...
TỔNG HỢP 135 CÂU HỎI DI TRUYỀN PHÂN TỬ LUYỆN THI HỌC SINH GIỎI THPT MÔN SINH ...
 
Khí huyết và tân dịch - Y học cổ truyền VN
Khí huyết và tân dịch - Y học cổ truyền VNKhí huyết và tân dịch - Y học cổ truyền VN
Khí huyết và tân dịch - Y học cổ truyền VN
 
bài dự thi chính luận 2024 đảng chọn lọc.docx
bài dự thi chính luận 2024 đảng chọn lọc.docxbài dự thi chính luận 2024 đảng chọn lọc.docx
bài dự thi chính luận 2024 đảng chọn lọc.docx
 
tiếng việt dành cho sinh viên ngoại ngữ h
tiếng việt dành cho sinh viên ngoại ngữ htiếng việt dành cho sinh viên ngoại ngữ h
tiếng việt dành cho sinh viên ngoại ngữ h
 
THONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdf
THONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdfTHONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdf
THONG BAO nop ho so xet tuyen TS6 24-25.pdf
 
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT - Luận Văn Uy Tín.docx
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT - Luận Văn Uy Tín.docxLUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT - Luận Văn Uy Tín.docx
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT - Luận Văn Uy Tín.docx
 
Tai-lieu-Boi-Duong-HSG-môn-Ngữ-Văn-THPT-Tập-1.docx
Tai-lieu-Boi-Duong-HSG-môn-Ngữ-Văn-THPT-Tập-1.docxTai-lieu-Boi-Duong-HSG-môn-Ngữ-Văn-THPT-Tập-1.docx
Tai-lieu-Boi-Duong-HSG-môn-Ngữ-Văn-THPT-Tập-1.docx
 
Tuyển tập 9 chuyên đề bồi dưỡng Toán lớp 5 cơ bản và nâng cao ôn thi vào lớp ...
Tuyển tập 9 chuyên đề bồi dưỡng Toán lớp 5 cơ bản và nâng cao ôn thi vào lớp ...Tuyển tập 9 chuyên đề bồi dưỡng Toán lớp 5 cơ bản và nâng cao ôn thi vào lớp ...
Tuyển tập 9 chuyên đề bồi dưỡng Toán lớp 5 cơ bản và nâng cao ôn thi vào lớp ...
 
Biểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều
Biểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang ThiềuBiểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều
Biểu tượng trăng và bầu trời trong tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều
 
Smartbiz_He thong MES nganh may mac_2024june
Smartbiz_He thong MES nganh may mac_2024juneSmartbiz_He thong MES nganh may mac_2024june
Smartbiz_He thong MES nganh may mac_2024june
 
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...
CHUYÊN ĐỀ DẠY THÊM HÓA HỌC LỚP 10 - SÁCH MỚI - FORM BÀI TẬP 2025 (DÙNG CHUNG ...
 
Từ ngữ về con người và chiến tranh trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm.pdf
Từ ngữ về con người và chiến tranh trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm.pdfTừ ngữ về con người và chiến tranh trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm.pdf
Từ ngữ về con người và chiến tranh trong Nhật ký Đặng Thùy Trâm.pdf
 

Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch

  • 1. VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI DƯƠNG VĂN CHĂM ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HÓA TỘC NGƯỜI HMÔNG, DAO TỚI HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TUYẾN HÀ NỘI – SA PA Chuyên ngành: Việt Nam học Mã số: 60.22.01.13 LUẬN VĂN THẠC SĨ VIỆT NAM HỌC NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: TS. PHẠM MINH PHÚC HÀ NỘI, 2016
  • 2. LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu ghi trong luận văn là trung thực. Những kết luận khoa học của luận văn chưa từng được công bố trong bất kỳ công trình nào khác. TÁC GIẢ LUẬN VĂN DƯƠNG VĂN CHĂM
  • 3. LỜI CẢM ƠN Luận văn với đề tài: ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HÓA TỘC NGƯỜI HMÔNG, DAO TỚI HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TUYẾN HÀ NỘI – SA PA là kết quả nghiên cứu của tác giả trong thời gian học cao học Việt Nam học khoá 2014 – 2016 tại Học viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Trong quá trình thực hiện đề tài, tác giả được TS. Phạm Minh Phúc trực tiếp hướng dẫn. Sự tận tình chỉ bảo của TS. Phạm Minh Phúc cùng với sự định hướng chuyên môn và phương pháp nghiên cứu đã giúp tác giả hoàn thành luận văn này. Tác giả xin bày tỏ sự biết ơn chân thành tới TS. Trần Hữu Sơn và các nhà nghiên cứu chuyên ngành, các chuyên gia, các nhà quản lý, các công ty du lịch; UBND huyện Sa Pa; UBND xã Lao Chải; UBND xã Tả Phìn và các cộng sự đã giúp đỡ tác giả hoàn thành đề tài này. Tác giả cũng xin gửi lời cảm ơn tới các Thầy, Cô giáo đã giảng dạy cho lớp cao học Việt Nam học khóa 2014 – 2016 và ban chủ nhiệm khoa Việt Nam học đã tạo điều kiện thuận lợi cho tác giả hoàn thành luận văn này. Hà Nội, ngày 19 tháng 7 năm 2016 Dương Văn Chăm
  • 4. MỤC LỤC Mở đầu 1 Chương 1: Một số vấn đề lý luận và vài nét về tộc người Hmông, Dao trong hoạt động du lịch tại Sa Pa. 8 1.1. Các khái niệm 8 1.2. Tộc người Hmông, Dao từ góc nhìn nhân học du lịch 11 Chương 2: Thực trạng khai thác văn hóa tộc người Hmông, Dao trong hoạt động du lịch tuyến Hà Nội – Sa Pa. 35 2.1. Khai thác văn hóa tộc người Hmông, Dao trong các chương trình du lịch tuyến Hà Nội – Sa Pa của các công ty du lịch 35 2.2. Khai thác các giá trị văn hóa tộc người Hmông, Dao trong hoạt động du lịch của địa phương 40 2.3. Trải nghiệm của khách du lịch về văn hóa tộc người Hmông, Dao ở địa bàn nghiên cứu 44 Chương 3: Bàn luận về hoạt động du lịch gắn với văn hóa tộc người Hmông, Dao ở Sa Pa 51 3.1. Những tác động của du lịch đến phát triển kinh tế - xã hội 51 3.2. Hoạt động du lịch gắn với văn hóa tộc người từ góc độ nhà nghiên cứu và tổ chức du lịch 53 3.3. Du lịch ở Sa Pa trong “cái nhìn” của du khách 60 3.4. Thế ứng xử của cộng đồng Hmông, Dao trong hoạt động du lịch 64 Kết luận 72 Tài liệu tham khảo Phụ lục
  • 5. 1 MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Du lịch được mệnh danh là ngành công nghiệp không khói và đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nguồn gốc của du lịch được xem là xuất phát từ cơ cấu công nghiệp phương Tây thế kỉ XIX [16, tr.7], sau đó lan rộng ra các châu lục khác và phát triển mạnh mẽ tại châu Á, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều nước thuộc châu lục này [31, tr.10]. Do có nhiều lợi thế về nguồn lực tự nhiên, văn hóa và con người, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Trong thời gian qua, Việt Nam đã có sự tăng trưởng nhanh chóng cả về số lượng khách du lịch lẫn sự đa dạng của các loại hình dịch vụ. Riêng trong tháng 12 năm 2015 lượng khách quốc tế vào Việt Nam khoảng 760.798 lượt, tăng 2,6% so với tháng 11 và 15% so với cùng kì năm 2014 [32]. Liên quan đến nguồn lực văn hóa và con người, Việt Nam là một quốc gia đa văn hóa, đa tộc người, với người Kinh đa số và 53 tộc người thiểu số có bản sắc văn hóa riêng tạo nên nền văn hóa Việt Nam đa dạng trong thống nhất. Đây chính là nguồn tài nguyên du lịch, nguồn lực đầu vào, góp phần tạo nên các sản phẩm du lịch như du lịch văn hóa tộc người, du lịch cộng đồng… Có thể kể đến các chương trình du lịch tiêu biểu ở phía Bắc như: Hà Nội - Sa Pa; Hà Nội - Hà Giang; Hà Nội - Mù Cang Chải (Yên Bái) - Bắc Hà (Lào Cai)v.v... Trong các tuyến du lịch kể trên, Sa Pa nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất ở phía Bắc, bởi nơi đây không chỉ có đỉnh Phan Xi Păng được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương, với những cánh rừng nguyên sinh, nơi có khí hậu trong lành mang nhiều sắc thái ôn đới, cảnh quan thiên nhiên vừa hùng vĩ vừa tươi đẹp, và nhiều sắc thái văn hóa đa dạng của các tộc người thiểu số Hmông, Dao, Tày, Giáy… rất hấp dẫn du khách.
  • 6. 2 Trong các tộc người ở Sa Pa, người Hmông và người Dao là hai tộc người có dân số đông, đã sớm tham gia vào các hoạt động du lịch. Bản thân tôi đang là hướng dẫn viên du lịch, ít nhiều có những trải nghiệm trong môi trường du lịch văn hóa dân tộc, do vậy tôi đã chọn đề tài: “Ảnh hưởng của văn hóa tộc người Hmông, Dao tới hoạt động du lịch tuyến Hà Nội - Sa Pa” để làm luận văn thạc sĩ chuyên ngành Việt Nam học của mình. 2. Tình hình nghiên cứu đề tài Nghiên cứu về nhân học du lịch và du lịch tộc người ở Sa Pa cho đến nay đã có khá nhiều tác giả nghiên cứu tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau. Các công trình “Du lịch Sa Pa - Hiện trạng và giải pháp” của Phạm Quỳnh Phương (1997); “Văn hóa dân gian với vấn đề phát triển du lịch ở Lào Cai” của Trần Thùy Dương (1997) và “Nhân học du lịch - Lý thuyết và thực tiễn nghiên cứu ở Việt Nam” của Trần Thùy Dương (2015), “Du lịch với dân tộc thiểu số ở Sa Pa” của Lâm Mai Lan và Phạm Thị Mộng Hoa (2000)…, đã nêu lên ảnh hưởng của du lịch đối với kinh tế, môi trường, xã hội của cộng đồng dân tộc thiểu số. Còn trong “Ảnh hưởng của du lịch tới hệ thống xã hội của người Hmông ở Sa Pa”, tác giả Trần Hữu Sơn (2004) đã xem xét ảnh hưởng của du lịch lên một số thiết chế xã hội của người Hmông. Những nghiên cứu trên đều đề cập tới tác động của du lịch trên địa bàn nghiên cứu, đặc biệt những ảnh hưởng của hoạt động du lịch đến cộng đồng dân tộc thiểu số. Tác giả Trịnh Lê Anh (2006) trong “Du lịch Trekking ở Việt Nam - Loại hình và phương thức tổ chức” đã nghiên cứu dưới góc độ loại hình và phương thức tổ chức du lịch. Tác giả Nguyễn Trường Giang (2015) trong “Ruộng bậc thang ở Việt Nam - Bảo tồn và phát triển bền vững” đã đề cập đến hình thức canh tác ruộng bậc thang của hai nhóm tộc người Hmông, Dao ở Sa Pa và những nghi thức liên quan đến ruộng bậc thang ở địa bàn nghiên cứu. Công trình này tiếp cận văn hóa tộc người Hmông, Dao dưới góc độ Nhân học du lịch.
  • 7. 3 Qua phần điểm luận những công trình nghiên cứu trên, chúng tôi nhận thấy các công trình có hướng tiếp cận chuyên ngành về văn hóa tộc người và tác động của văn hóa tộc người tới hoạt động du lịch. Luận văn này chúng tôi tiếp tục bổ sung và đánh giá những tác động mới của hoạt động du lịch tới văn hóa truyền thống của đồng bào Hmông, Dao. Đồng thời nghiên cứu giữa khách du lịch và cộng đồng địa phương nơi diễn ra hoạt động du lịch. Du lịch ở Sa Pa phát triển khởi sắc trở lại bắt đầu từ những năm 1990 của thế kỉ trước, hơn 20 năm hoạt động và phát triển, du lịch đã mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, cư dân sinh sống ở Sa Pa và những địa phương được khai thác vào hoạt động du lịch trong đó phải kể đến những tuyến du lịch từ thị trấn Sa Pa là: Sa Pa - Tả Phìn, Sa Pa - Cát Cát, Sa Pa - Lao Chải - Tả Van... Giả thuyết nghiên cứu ở đây là: Du lịch đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội và mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng ở Sa Pa, cộng đồng tộc người thiểu số ở Sa Pa và nhóm cộng đồng Hmông, Dao cũng chịu tác dộng từ hoạt động du lịch này. Câu hỏi nghiên cứu được chúng tôi đặt ra ở đây là: hoạt động du lịch tuyến Hà Nội - Sa Pa có những tác động nào từ văn hóa truyền thống của cộng đồng tộc người Hmông, Dao? Và cộng đồng Hmông, Dao ứng xử với hoạt động du lịch ra sao khi hoạt động này ngày càng phát triển ở Sa Pa? Liên quan đến câu hỏi này, từ cách tiếp cận vấn đề trong bối cảnh hoạt động du lịch tại Sa Pa, chúng tôi hướng đến tìm hiểu những câu hỏi nhỏ về các tác động trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, tâm lý và nhận thức tới cộng đồng Hmông, Dao. Chẳng hạn như trước kia, khi chưa có du lịch thì đời sống của đồng bào thế nào, sau khi có du lịch thì họ sống ra sao? Đơn cử như việc trước đây người dân sản xuất nông nghiệp để ăn là chính, tự cấp tự túc. Khi có du lịch thì người ta sản xuất phục vụ du lịch như thế nào? Tập quán sản xuất của họ sẽ thay đổi ra sao? Họ phải làm cách nào và tích hợp những gì
  • 8. 4 để làm được điều đó? Họ nghĩ thế nào về việc thay đổi đó? Tốt hơn hay xấu hơn trước đây? Họ có hài lòng không hay nhận thức về du lịch mà họ phải làm những thứ như thế? Họ được lợi gì và họ nhận thức lợi ích đó như thế nào? Đối với công ty lữ hành họ nhận thức văn hóa truyền thống ra sao trong hoạt động tổ chức chương trình du lịch của công ty lữ hành và quy hoạch phát triển du lịch của chính quyền địa phương? Hoạt động du lịch làm văn hóa truyền thống biến đổi trên những bình diện nào? Theo hướng nào và tại sao? Đánh giá như thế nào về truyền thống văn hóa? Ai chịu trách nhiệm cho những biến đổi đó? Cuối cùng họ thấy những biến đổi đó có ý nghĩa gì đối với họ? Trái lại, cộng đồng Hmông, Dao nhận thức và hành động như thế nào đối với những thay đổi mà du lịch mang đến? Họ ứng xử với nó như thế nào? Họ kì vọng điều gì và kết quả ra sao? Tương lai họ nghĩ sẽ như thế nào và họ quan tâm điều gì nhất từ hoạt động du lịch này. 3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu Luận văn hướng tới các mục đích sau: làm rõ một số đặc điểm văn hóa truyền thống của tộc người Hmông, Dao ở Sa Pa, sự tham gia của các yếu tố văn hóa truyền thống của hai tộc người này vào các hoạt động du lịch và tác động của hoạt động du lịch đến văn hóa tộc người. Bên cạnh đó, làm rõ cách thức khai thác của các nhà tổ chức du lịch, các chuyên gia tư vấn hoạt động du lịch trong việc phát triển du lịch gắn với văn hóa truyền thống tộc người ở Sa Pa, từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách. 4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu được đề cập ở luận văn này là cộng đồng tộc người Hmông, Dao ở Sa Pa, các công ty du lịch khai thác tuyến du lịch Hà Nội - Sa Pa và khách du lịch đến Sa Pa.
  • 9. 5 Phạm vi nghiên cứu của luận văn: Luận văn nghiên cứu một số đặc điểm văn hóa truyền thống và tác động của văn hóa truyền thống của đồng bào Hmông, Dao ở hai địa bàn thôn Lý, xã Lao Chải và thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến hoạt động du lịch tuyến Hà Nội - Sa Pa. Đây là hai địa bàn sinh sống của cộng đồng người Hmông đen và cộng đồng người Dao đỏ, cũng là các điểm du lịch đã được khai thác sớm ở Sa Pa. 5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu. Trên cơ sở câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết đã được đưa ra, chúng tôi chọn phương pháp nghiên cứu điền dã dân tộc học với các nghiên cứu trường hợp để giải quyết các vấn đề đặt ra của luận văn. Để thu thập thông tin chúng tôi kết hợp phương pháp nghiên cứu định lượng, định tính và phương pháp phân tích tài liệu thứ cấp (thao tác) cùng với các cuộc quan sát tham dự vào hoạt động của người dân tại thị trấn Sa Pa và hai địa bàn nghiên cứu chính là thôn Lý, xã Lao Chải và thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn. Trong các hoạt động nghiên cứu trên, điền dã dân tộc học, quan sát tham dự là phương pháp nghiên cứu đặc trưng của ngành Dân tộc học/Nhân học, có tầm quan trọng hàng đầu trong việc khảo sát thu thập dữ liệu cho luận văn này. Để chọn điểm nghiên cứu cho đề tài, chúng tôi đã tiến hành các cuộc khảo sát địa bàn. Đợt khảo sát thứ nhất từ ngày 29 đến ngày 30 tháng 8 năm 2015, chúng tôi khảo sát thôn Cát Cát, một trong những điểm du lịch rất sôi động ở tuyến bản và là địa bàn sinh sống của cộng đồng người Hmông đen. Cự ly từ thị trấn xuống Cát Cát khoảng 2,5 km, du khách có thể đi bộ tham quan trong thời gian là hai giờ đồng hồ, nhưng việc lưu trú của du khách hầu như không diễn ra. Vì thế chúng tôi không chọn Cát Cát là điểm nghiên cứu của đề tài. Đợt khảo sát thứ hai bắt đầu từ ngày 24 đến 26 tháng 10 năm 2015, chúng tôi khảo sát thôn Lý, xã Lao Chải cách thị trấn Sa Pa khoảng 6 km, bởi Lao Chải là địa bàn nằm trên tuyến du lịch Sa Pa - Lao Chải - Tả Van khá
  • 10. 6 phát triển của huyện Sa Pa. Đây cũng là địa bàn sinh sống của người Hmông đen, xa thị trấn, du khách có lưu trú tại bản qua đêm. Điểm này đã đáp ứng được yêu cầu đối với nhóm cộng đồng thứ nhất của luận văn. Nhóm thứ hai chúng tôi muốn nghiên cứu là cộng đồng người Dao đỏ. Ban đầu, xã Tả Van là điểm mà chúng tôi quan tâm, vì Tả Van cách thị trấn Sa Pa 10 km và cũng nằm trong tuyến du lịch Sa Pa - Lao Chải - Tả Van. Tả Van cũng là nơi có cộng đồng người Dao đỏ sinh sống. Nhưng qua cuộc khảo sát của chúng tôi thì ở Tả Van hoạt động du lịch khá phát triển nhưng chủ yếu là do đồng bào người Giáy đảm nhận. Cũng trong thời gian này chúng tôi khảo sát tuyến du lịch Sa Pa - Tả Phìn. Tả Phìn là địa bàn sinh sống của nhiều nhóm dân tộc, trong đó người Hmông và người Dao chiếm đa số, là địa bàn du lịch rất phát triển, cách thị trấn Sa Pa 12 km về phía Lào Cai. Tại đây, hoạt động du lịch diễn ra gắn với đa số người Dao đỏ. Hoạt động du lịch chủ yếu diễn ra tại thôn Sả Xéng, một thôn nằm ở vị trí trung tâm của xã và cũng là địa bàn thứ hai chúng tôi chọn điểm nghiên cứu. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn Luận văn cung cấp một miêu tả dân tộc học chi tiết có tính phân tích về các tác động từ hoạt động du lịch tới văn hóa truyền thống qua các khía cạnh như kinh tế, văn hóa, xã hội, tâm lý và nhận thức… của cộng đồng tộc người Hmông, Dao và tâm thế ứng xử của cộng đồng tộc người Hmông, Dao trước những tác động của hoạt động du lịch mang lại. Luận văn còn có ý nghĩa làm cơ sở tham khảo cho các nhà quản lý và quy hoạch du lịch của Sa Pa trong chiến lược bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng tộc người thiểu số mà ở đây là hai nhóm cộng đồng tộc người Hmông, Dao; đồng thời cũng là tài liệu hữu ích cho các công ty du lịch tham khảo trong chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch của mình mà không làm ảnh hưởng xấu tới văn hóa tộc người ở Sa Pa.
  • 11. 7 7. Cơ cấu của luận văn Ngoài phần dẫn nhập, luận văn gồm có ba chương với nội dung cụ thể như sau: Chương 1. Một số vấn đề lí luận và vài nét về hai tộc người Hmông, Dao trong hoạt động du lịch tại Sa Pa. Chương này bàn luận về một số khái niệm liên quan có tính cơ sở cho việc nghiên cứu. Đồng thời, chúng tôi phân tích những tác động của du lịch trên các bình diện văn hóa truyền thống như văn hóa mưu sinh, văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần. Chương 2. Thực trạng khai thác văn hóa tộc người Hmông, Dao trong hoạt động du lịch tuyến Hà Nội - Sa Pa. Chương này phân tích một số phương thức khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng Hmông, Dao trong chu trình tạo sản phẩm du lịch, thực trạng khai thác văn hóa hai tộc người này trong khai thác du lịch cùng những trải nghiệm của du khách. Mục tiêu của chương này là từng bước tìm hiểu văn hóa truyền thống của hai tộc người tại điểm nghiên cứu biến đổi do những nguyên nhân nào, từ đó xác định được tác động của văn hóa truyền thống tới hoạt động du lịch tuyến Hà Nội - Sa Pa. Chương 3. Bàn luận về hoạt động du lịch gắn với văn hóa tộc người Hmông, Dao ở Sa Pa trên hai địa bàn nghiên cứu. Chương này phân tích những ý kiến của các chuyên gia, các nhà tổ chức du lịch để tìm hiểu ứng xử của các nhà tổ chức và chuyên gia tư vấn về du lịch với văn hóa truyền thống. Mặt khác, chúng tôi tìm hiểu thế ứng xử của hai cộng đồng cư dân tại điểm nghiên cứu về những thay đổi do hoạt động du lịch.
  • 12. 8 CHƯƠNG 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ VÀI NÉT VỀ TỘC NGƯỜI HMÔNG, DAO TRONG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TẠI SA PA 1.1. Các khái niệm Với mục đích tập trung nghiên cứu hoạt động du lịch có những tác động nào tới văn hóa truyền thống của cộng đồng Hmông, Dao và cộng đồng tộc người Hmông, Dao ứng xử với hoạt động du lịch ra sao khi hoạt động này ngày càng phát triển ở Sa Pa; chúng tôi đề cập đến những khái niệm liên quan đến nội dung luận văn làm cơ sở phân tích của luận văn. - Văn hóa tộc người: Theo GS.TS. Ngô Đức Thịnh, nhà dân tộc học, văn hóa học thì: văn hóa tộc người là tổng thể các yếu tố văn hóa mang tính đặc thù tộc người, nó thực hiện chức năng cố kết tộc người và phân biệt tộc người này với tộc người kia. Trong văn hóa tộc người, các yếu tố đầu tiên được nhận diện là ngôn ngữ, trang phục, các tín ngưỡng và nghi lễ, vốn văn học dân gian, tri thức dân gian về tự nhiên xã hội, về bản thân con người và tri thức sản xuất, khẩu vị ăn uống, tâm lý dân tộc…[38]. Theo định nghĩa này thì văn hóa tộc người được hiểu bao gồm các giá trị văn hóa vật chất, giá trị văn hóa tinh thần. - Du lịch: Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định [22, tr.9]. Trong luận văn này, chúng tôi tìm hiểu chuyến đi của khách du lịch thông qua chương trình du lịch Hà Nội - Sa Pa. - Kinh doanh du lịch: Là kinh doanh dịch vụ, bao gồm các ngành, nghề sau đây [22, tr37]:
  • 13. 9 1. Kinh doanh lữ hành; 2. Kinh doanh lưu trú du lịch; 3. Kinh doanh vận chuyển khách du lịch; 4. Kinh doanh phát triển khu du lịch, điểm du lịch; 5. Kinh doanh dịch vụ du lịch khác. Ở trong luận văn này, chúng tôi khai thác khía cạnh kinh doanh lữ hành để làm cơ sở nghiên cứu của luận văn. - Lữ hành: Lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch [22, tr10]. - Doanh nghiệp lữ hành: Doanh nghiệp lữ hành là một loại hình doanh nghiệp du lịch, kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực tổ chức sản xuất, bán và thực hiện các chương trình du lịch trọn gói cho khách du lịch. Ngoài ra doanh nghiệp lữ hành còn có thể tiến hành các hoạt động trung gian bán sản phẩm của các nhà cung cấp du lịch hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh tổng hợp khác phục vụ các nhu cầu du lịch của khách từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng [13, tr.45]. Doanh nghiệp lữ hành có hai hình thức kinh doanh: Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa (doanh nghiệp này không được phép kinh doanh lữ hành quốc tế được qui định tại điểm 2, khoản 3, điều 43, Luật Du lịch 2005). Và doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế (doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế được phép kinh doanh lữ hành nội địa, được quy định tại khoản 3, điều 43, Luật Du lịch, 2005) [22,tr.40]. - Hoạt động kinh doanh lữ hành: Hoạt động kinh doanh lữ hành được hiểu theo nghĩa rộng: Hoạt động kinh doanh lữ hành được hiểu là doanh nghiệp đầu tư để thực hiện một hoặc một số hoặc tất cả các công việc trong quá trình tạo ra và chuyển giao sản
  • 14. 10 phẩm từ lĩnh vực sản xuất sang lĩnh vực tiêu dùng du lịch với mục đích hưởng hoa hồng hoặc lợi nhuận. Kinh doanh lữ hành có thể hiểu là kinh doanh một hoặc nhiều hơn một hay tất cả các dịch vụ và hàng hóa thỏa mãn hầu hết các nhu cầu thiết yếu, đặc trưng và các nhu cầu khác của khách du lịch. Theo nghĩa hẹp của lữ hành: kinh doanh lữ hành là hoạt động tổ chức các chương trình du lịch nhằm mục đích sinh lợi [13,tr.30]. - Nhân học du lịch: Trên thế giới cho đến năm 1970, một số nhà nhân học đã có quan tâm tới hoạt động du lịch. Du lịch gắn liền với nhiều vấn đề lý thuyết và thực tiễn trong ngành nhân học. Về mặt nhận thức, các chủ đề chính mà các nhà nhân học đã thực hiện trong nghiên cứu du lịch được chia làm hai hướng nghiên cứu: một hướng tìm hiểu về nguồn gốc của du lịch và một hướng tiếp cận những tác động của du lịch (khách du lịch và cộng đồng địa phương). Nhu cầu đi du lịch của con người là một nhu cầu thiết yếu. Con người biết tổ chức các chuyến đi với những hình thức khác nhau, đến với những nơi có cảnh đẹp cùng với các địa danh di tích lịch sử văn hóa khác với nơi mình sinh sống. Du lịch được coi là một hiện tượng văn hóa - xã hội và kinh tế. Du lịch lúc đầu là một chuyến đi công tác của các nhà lãnh đạo đến làm việc, sau đó nó phát triển gắn liền với các cuộc hành hương đến thánh địa Mecca của các tín đồ Hồi giáo… dần dần nảy sinh nhu cầu nghiên cứu hành vi của khách du lịch thông qua những chuyến đi của họ. Theo tác giả Theron Nunez, 1963 khi ông nghiên cứu “du lịch, truyền thống và tiếp biến văn hóa tại một ngôi làng ở Mexico” ông nghiên cứu mối tiếp xúc nông thôn, thành thị và tiếp biến văn hóa và ông cho rằng các du khách thành thị có thể được cho là đại diện cho một nền văn hóa “cho đi” trong khi cộng đồng địa phương lại có thể coi là nền văn hóa “tiếp nhận”. [17, tr.1].
  • 15. 11 Từ những phân tích trên, trong khuôn khổ luận văn này nhân học du lịch là nghiên cứu về con người trong hoạt động du lịch, đối tượng nghiên cứu của nhân học du lịch là khách du lịch (đại diện cho nền văn hóa mới) và cộng đồng địa phương (văn hóa truyền thống ) nơi diễn ra hoạt động du lịch. 1.2. Tộc người Hmông, Dao từ góc nhìn nhân học du lịch 1.2.1. Tổng quan về Sa Pa và địa bàn nghiên cứu Sa Pa là một huyện nằm ở phía Bắc tỉnh Lào Cai, cách thành phố Lào Cai 38 km về phía Tây Nam, cách Hà Nội gần 300 km về phía Tây Bắc. Từ Hà Nội lên Sa Pa, nếu đi đường bộ, du khách có thể đi ôtô theo tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai mất khoảng 4 giờ đồng hồ, sau đó tiếp tục đi thêm khoảng một giờ đồng hồ nữa là tới thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa. Nếu đi bằng đường sắt, du khách đi từ ga Trần Quý Cáp (Hà Nội) tới ga Lào Cai khoảng 10 giờ đồng hồ, sau đó đi xe ôtô thêm khoảng một giờ đồng hồ thì tới Sa Pa. Tổng dân số của huyện Sa Pa là 52.899 người (năm 2009). Huyện Sa Pa có 7 tộc người sinh sống, trong đó người Hmông 51.65%, Dao 23.04%, Kinh 17.91%, Tày 4.74%, Giáy 1.36%, Xá Phó (Phù Lá) 1.06%, Hoa và các tộc người khác 0,23%[ 6]; người Kinh chủ yếu sống ở thị trấn và làm dịch vụ kinh doanh du lịch và thương mại. Các nhóm tộc người thiểu số như Hmông, Dao chủ yếu làm nghề nông nghiệp và sống ở những xã nghèo của huyện Sa Pa, kể từ khi có hoạt động du lịch ở Sa Pa thì một số nhóm người tham gia hoạt động bán hàng và làm các dịch khác phục vụ khách du lịch tại thị trấn và các tuyến du lịch... Sa Pa có đỉnh Phan Xi Păng cao 3.143 m. Thị trấn Sa Pa nằm ở độ cao trung bình từ 1500 đến 1800 m so với mực nước biển, nên khí hậu ít nhiều lại mang sắc thái của xứ ôn đới, với nhiệt độ trung bình từ 150 C đến 180 C. Từ tháng 5 đến tháng 8 mưa nhiều.
  • 16. 12 Đơn vị hành chính của huyện Sa Pa có 17 xã, một thị trấn, đa phần các xã hoạt động sản xuất nông nghiệp là chính, một số xã phát triển về du lịch như: San Sả Hồ, Thanh Kim, Thanh Phú, Lao Chải, Tả Van, Tả Phìn. Hiện nay huyện Sa Pa đang triển khai kế hoạch xây dựng và nâng cấp tuyến du lịch liên xã để thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Xã Tả Phìn là một xã thuộc khu vực III miền núi của huyện Sa Pa, cách trung tâm thị trấn huyện 12 km. Xã có 6 thôn, tổng diện tích đất tự nhiên là 2178 ha, với 601 hộ gia đình và 3043 nhân khẩu, trong đó nam giới 1507 khẩu (chiếm 49,52%), nữ 1536 khẩu (chiếm 50,48%). Số người Hmông có 332 hộ (55,2%); Dao có 219 hộ (35,44%); Giáy 01 hộ (0,17%); Tày 02 hộ (0,33%); Kinh 47 hộ (7,82%)[36]. Trong 06 thôn thì có 03 thôn của người Dao (Thôn Sả Xéng, Tả Chải và Lủ Khấu), thôn Sả Xéng là thôn trung tâm của xã và cũng là nơi diễn ra hoạt động du lịch chính của xã Tả Phìn. Xã Lao Chải là xã nằm ở phía Đông Nam và cách huyện lỵ Sa Pa khoảng 7km, với số dân đa số là người Hmông, phân bố ở các thôn Lý, thôn Hàng, thôn San 1, San 2, thôn Lồ. Tên gọi của các thôn ở đây gắn với tên của dòng họ có vai trò trong việc lập thôn. Toàn xã có 631 hộ và 3919 nhân khẩu. Thôn Lý có 175 hộ (người Hmông có 158 hộ chiếm 90,3%; người Kinh 17 hộ chiếm 9,7%), thôn Lý dòng họ chiếm số đông là họ Lý, ngoài ra còn có một số người dòng họ khác. Nguồn thu nhập chủ yếu của thôn là làm nông nghiệp và tham gia hoạt động du lịch.[34]
  • 17. 13 Hình 1.1. Các điểm thăm quan du lịch ở Sa Pa [nguồnhttp://laocai.gov.vn/sites/sapa/bandohuyen/Trang/634046080866084190.aspx, truy cập ngày: 01/03/2016].
  • 18. 14 1.2.2. Một số đặc điểm lịch sử và văn hóa tộc người Hmông 1.2.2.1. Lịch sử tộc người Người Hmông ở Việt Nam có 4 nhóm chính, đó là: Hmông Xanh, Hmông Trắng, Hmông Hoa và Hmông đen [37.tr.400]. Họ vốn có nguồn gốc từ phía nam Trung Quốc. Lịch sử thiên di của người Hmông cũng là lịch sử đấu tranh không ngừng chống phong kiến áp bức dân tộc. Đến Việt Nam họ mong muốn có cuộc sống ổn định và ấm no hơn. Trong đồng bào có lưu truyền rằng “Việt Nam là nơi đất đai màu mỡ dễ làm ăn, nơi có quả bí to như cái Vạc mà lợn rừng có thể khoét lỗ chui vào đó đẻ, nó vừa là ổ, vừa là thức ăn cho lợn, nơi trồng cây lương thực, gốc có củ, thân có bắp, ngọn trổ lúa” [37,tr.401]. Người Hmông ở tỉnh Lào Cai cũng có 4 nhóm: Hmông hoa (Hmông lềnh) là ngành có số dân đông nhất, chiếm tới 70% số người Hmông ở Lào Cai, cư trú ở 8 huyện nhưng tập trung ở Bắc Hà, Mường Khương, Sa Pa, Bảo Thắng và Bảo Yên; Hmông đen (Hmông đu) cư trú tại Bát Xát, Sa Pa; Hmông xanh (Hmông súa) cư trú tập trung ở xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn và Hmông trắng (Hmông đơ) cư trú ở huyện Bắc Hà, Bát Xát, Văn Bàn, Sa Pa [27, tr.9-10]. Người Hmông di cư đến Lào Cai cách ngày nay hơn hai trăm năm. Đợt di cư đầu tiên vào Lào Cai gồm 80 gia đình [27, tr.10]. Thủ lĩnh dẫn đầu đoàn di cư người Hmông đến Lào Cai là ông Hoàng Sín Dần, một tộc trưởng có uy tín và giỏi võ nghệ. Họ sinh sống ở Bắc Hà được ba đời thì có ba gia đình lại tiếp tục di cư sang Sa Pa. Đoàn di cư do ông Lý Thàng Pua dẫn đầu. Người Hmông dù đến cư trú ở Lào Cai sớm hay muộn đều coi Lào Cai là quê hương, Việt Nam là tổ quốc mình. Người Hmông ở huyện Sa Pa phần lớn là Hmông Đen (Hmông đu), ngoài ra còn có nhóm Hmông hoa và người Hmông xanh. Người Hmông Đen di cư từ vùng Quý Châu, Trung Quốc sang Sa Pa (Việt Nam). Nhóm Hmông ở thôn Lý, xã Lao Chải là Hmông đen.
  • 19. 15 1.2.2.2. Một số đặc điểm văn hóa mưu sinh Trước đây, đồng bào trồng đậu răng ngựa, củ đao, khoai lang, khoai sọ, rau cải, rau muống… chủ yếu cung cấp cho sinh hoạt hàng ngày, nếu có nhiều thì mang trao đổi với những người trong bản. Hiện nay, đồng bào trồng rau cải mèo, bắp cải, cải trắng... một phần phục vụ cho sinh hoạt, phần khác cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn ở thị trấn Sa Pa. Ngoài ra, đồng bào còn trồng đào, mận để ăn và bán tại địa phương, và cũng để cho khách du lịch mua về làm quà khi đến Sa Pa. Thu hoạch xong, đồng bào chủ yếu mang ra thị trấn Sa Pa bán vào thứ 6, thứ 7 và chủ nhật vì thời điểm này khách du lịch đến Sa Pa đông nhất trong tuần. Còn nếu gia đình nào trồng số lượng lớn thì mang bán cho những hộ kinh doanh ở thị trấn. Trước đây đồng bào trồng 3 loại ngô: ngô nếp (po cừ lảu), ngô trắng (po cừ đây), ngô vàng (po cừ đằng). Theo kinh nghiệm của đồng bào thì ngô trắng để lâu hay bị sâu, ngô đỏ để lâu thì không bị sâu và ngô trắng mềm hơn. Trước đây đồng bào trồng toàn ngô trắng, còn bây giờ trồng hai loại như nhau. Ngô nếp trồng để cho con người ăn, nhất là bán cho khách du lịch, không dùng cho chăn nuôi, ngoài ra còn làm bánh ăn vì có vị dẻo, thơm. Đồng bào toàn ăn ngô trắng, cách chế biến là xay ngô thành bột để làm mèn mén ăn. Ngô nếp cũng ăn nhưng không ăn nhiều, chỉ ăn một vài bữa, không ăn liên tục được. Trước đây, một số gia đình hết gạo trước tết từ một đến hai tháng thì bắt đầu ăn ngô thay thế, hoặc dùng ngô độn với cơm để ăn. Đồng bào ở đây trồng ngô sớm để thu hoạch sớm, để có cái ăn vào ngày làm mùa. Đến tháng chín mới thu hoạch lúa và có lúa ăn. Hiện nay, với sự trợ giúp của khoa học kĩ thuật và sự quan tâm của chính quyền địa phương nên đồng bào không phải ăn ngô nữa, mà ngô bây giờ chỉ để chăn nuôi. Cho nên những người trẻ bây giờ không biết làm mèn mén. Đồng bào ít ăn ngô dần từ khoảng năm 1995, 1996 đến nay. Thời kì đó
  • 20. 16 bắt đầu có giống lúa mới cho năng suất cao hơn nên có đủ gạo ăn. Bây giờ trồng giống ngô mới, những gia đình nghèo thì nhà nước cho, còn những gia đình khác tự mua. Ngô không chỉ để bổ sung cho khẩu vị ăn khi hết gạo, mà còn dùng để nấu rượu, một loại rượu đặc trưng của người Hmông. Rượu vừa được để dùng trong cuộc sống hàng ngày và bán cho khách du lịch khi du lịch ngày càng phát triển. “Gia đình tôi trước đây trồng ngô chủ yếu để ăn khi hết gạo, sau khi có giống thóc mới từ nhà nước, thì gia đình từ thiếu ăn sang đủ ăn và không phải ăn ngô nữa. Ngô được dùng trong chăn nuôi lợn, gà. Rượu ngô thì gia đình tôi cũng làm từ lâu và cũng chỉ để dùng hàng ngày và sử dụng trong các nghi lễ của năm. Từ khi có khách du lịch đến Sa Pa, người kinh doanh trên thị trấn xuống có tìm mua rượu trong thôn, và lúc đó gia đình tôi cũng bán cho họ. Nhưng do số lượng rượu làm ra thì ít, mà nhu cầu họ mua thì nhiều, nên họ có đặt gia đình tôi và vài gia đình khác trong thôn làm rượu ngô cung cấp cho họ số lượng nhiều và thường xuyên”. (Ông L.A.P(1957) và bà T.T.V,(1958), thôn Lý, xã Lao Chải). Đồng bào Hmông ở đây chủ yếu canh tác trên ruộng bậc thang với cây trồng chính là lúa nước. Trong những năm qua, do công tác thủy lợi được tăng cường, ruộng bậc thang đã dần dần được khai phá thêm nhiều. Ruộng thường được cầy ải, bừa kĩ, cấy trồng, bón phân và được làm cỏ hai đến ba lần. Việc chọn giống, mặc dù chỉ theo thói quen nhưng đồng bào thường chọn được giống tốt, thích hợp với điều kiện thiên nhiên của địa phương. Loại hình ruộng bậc thang ở đây cũng là một nhân tố thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Vào mùa lúa chín khoảng tháng tám, tháng chín âm lịch, khách du lịch đi từ thị trấn Sa Pa theo tuyến Lao Chải - Tả Van được ngắm những ruộng lúa chín và chụp hình làm lưu niệm. Cũng vào thời kì này, lượng khách đến Lao Chải rất đông, đặc biệt là khách nước ngoài. “Vào thời kì lúa chín, thì dòng khách đến và đi qua xã tăng một cách đột biến, tuy hình thức này không mang lợi nhuận gì trực tiếp cho cộng đồng, nhưng đây lại là cầu nối cho việc quảng bá hoạt động du lịch của Lao Chải” (Theo Ông Hoàng Ngọc Kiến, Chủ tịch UBND xã Lao Chải)
  • 21. 17 Đa số đồng bào trong thôn nuôi lợn, gà, vịt; một số gia đình nuôi trâu, bò, dê. Các vật nuôi này một phần được phục vụ cho các nghi lễ vòng đời, ngoài ra nó còn là nguồn cung cấp thực phẩm cho các nhà hàng ở thị trấn Sa Pa. Trường hợp nhà ông L.S.C thôn Lý; “Trước đây nhà tôi chăn nuôi cũng không nhiều, từ khi gia đình có mở dịch vụ homestay thì có khách du lịch đến ở, rồi họ hỏi có bán lợn cho họ để họ thịt ăn tại nhà. Có công ty du lịch mà nơi con gái tôi làm hướng dẫn viên trên thị trấn, cũng hay gửi khách về nhà tôi để ngủ, họ cũng có đặt mua lợn, gà và có ý muốn gia đình tôi cung cấp cho họ lượng thực phẩm hàng ngày cho khách du lịch, từ đó nhà tôi có nuôi nhiều lợn, gà và ngan, vịt hơn”. (ông L.S.C, 42 tuổi, thôn Lý, xã Lao Chải, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai). Trong thôn có nhiều người đàn ông đi rừng lấy cây thuốc và phong lan về để bán cho khách du lịch tại thị trấn, nhất là vào những ngày cuối tuần khi lượng khách đến đông. Đây cũng là một nguồn thu nhập khá tốt cho những gia đình có người đi tìm cây lan và cây thuốc trong rừng. Trước đây, hoạt động săn bắt thú thường diễn ra vào mùa đông, lúc đó trời không mưa. Trước đây người dân săn bắt được chồn, gấu, khỉ, hươu nai... Đồng bào thường đi vào mùa đông, mùa hè mưa nhiều nên không đi được, đồng bào thường đi ba, bốn người vì sợ con hổ. Lên đến rừng thì chia ra mỗi người đi một hướng nên một số người mất tích. Những người đi săn có làm lán trên núi, nấu ăn đốt lửa sưởi. Họ đi đến đâu thì làm lán ở đó. Đi một ngày thì tới nơi và làm lán. Ngày hôm sau mới đi tìm thuốc. Một năm đi hai lần ngoài ra một số người thì đi ba lần. Mỗi lần đi khoảng bốn, năm ngày thì về. Khi đi thì họ mang gạo, mang nồi để nấu. Trong đoàn ai biết đường đi, chỗ để kiếm thuốc thì đi đầu, dẫn đường. Còn bây giờ nhà nước cấm lấy gỗ, cấm săn thú. Bây giờ thì đồng bào chỉ lấy măng, và cây thuốc “lá”. Ngày xưa đồng bào thường đi chợ ở thị trấn Sa Pa để mua muối, dầu thắp sáng, mua vải may quần áo. Bây giờ đồng bào đi chợ Sa Pa mua vải, áo, giầy, chăn màn, bàn ghế… còn mua xe máy và ti vi thì xuống Lào Cai mua. Những thực phẩm hàng ngày như muối, thịt, kẹo xà phòng, nước mắm thì
  • 22. 18 mua tại thôn, các cửa hàng gần nhà. Những thực phẩm như gà, vịt, thịt chó, thịt trâu, thịt bò… một phần thì gia đình nuôi, còn những thứ mà gia đình không có thì lên Sa Pa mua, vì những thứ này chỉ Sa Pa mới có. Trong cùng thôn, cùng xểnh (họ), hàng xóm mua thóc gạo, gà, vịt của nhau hoặc theo hình thức trao đổi. Nếu trong thôn không có thì họ đi sang thôn khác. Tuy nhiên, đồng bào thích mua trong thôn hơn, vì ở gần hơn. Trước đây đồng bào thường lên rừng lấy gỗ, măng đi bán, sau đó đi đào vàng bán, đến khi bị cấm thì có khách du lịch đến thôn và một số người đi bán hàng cho khách du lịch để có tiền. 1.2.2.3. Một số đặc điểm văn hóa vật chất Đồng bào Hmông có nhiều nghề truyền thống như dệt vải, làm giấy bản, rèn đúc nông cụ, đa phần các nghề này chỉ diễn ra khi lúc nông nhàn. Nghề dệt vải là một nghề có từ lâu đời của người Hmông. Trước đây họ dệt vải để dùng, để trao đổi trong thôn bản, và những cộng động tộc người khác. Ngày nay, không những sản xuất ra hàng để dùng, trao đổi trong thôn, xã mà còn phục vụ khách du lịch khi đi đến Lao Chải. Thời kì đầu hàng thổ cẩm dệt thành sản phẩm đều được bán hết vì nhu cầu của khách du lịch mong muốn có được tấm thổ cẩm về để dùng. Dần dần du khách đến ngày càng đông, sản phẩm không kịp làm ra, một số người dân đi mua hàng thổ cẩm từ các gia đình ở sâu trong rừng và từ các thôn bản khác, thậm chí cả xã khác về bán cho khách du lịch. Từ đó trong thôn cộng đồng chuyên tâm vào dệt thổ cẩm sau những công việc nương rẫy. Cho đến ngày nay, thì hàng thổ cẩm của đồng bào không còn sản xuất nhiều nữa, một phần là thời gian làm thành một cái áo tốn nhiều công sức và thời gian, phần nữa là sản phẩm làm ra bán giá cao, khách du lịch thường không mua được với giá đó. Lúc đầu, một số người đi mua đồ thổ cẩm cũ của đồng bào mang bán cho khách, nhưng lượng hàng cũ mà còn dùng được cũng
  • 23. 19 không có nhiều. Một số gia đình có con làm nghề hướng dẫn viên giao lưu với khách du lịch nhiều, tiếp cận với các hộ buôn bán ngoài thị trấn và đã tìm được mối hàng thổ cẩm mua với giá rất rẻ mà bán cho khách du lịch giá hợp lý, cho nên một số hộ bán hàng thổ cẩm trong thôn đã mua hàng thổ cẩm từ những người bán buôn ở ngoài thị trấn về để bán cho khách du lịch. Từ đó, các hộ trong thôn dần dần không dệt thổ cẩm bán cho khách nữa, mà mua hàng thổ cẩm từ những người bán buôn về để bán. Hàng mua buôn về thì giá rẻ và mẫu mã đa dạng và bắt mắt hơn, bán được nhiều hơn mà công sức, thời gian bỏ ra không nhiều. Còn hàng thổ cẩm mà họ dệt thì chủ yếu để dùng trong gia đình. Từ một vài gia đình dần dần đến nhiều gia đình trong thôn không ai dệt thổ cẩm để bán cho khách du lịch nữa, trừ những trường hợp đặc biệt khi khách có nhu cầu đặt mua thì lúc đó mới làm cho khách đặt. Các nghề truyền thống khác như nghề làm giấy, nghề rèn thì chủ yếu phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của cộng đồng. Nhưng ngày nay, nghề làm giấy hầu như không còn nhiều người làm, vì giấy bây giờ sẵn có và các sản phẩm giấy để thực hiện các nghi lễ trong năm đồng bào mua ở thị trấn, ở thị trấn đều có sẵn những mặt hàng và đa dạng mẫu mã bắt mắt hơn, nên đồng bào không làm giấy như trước đây nữa. Trang phục của đồng bào cũng như trang phục của những nhóm Hmông ở thôn bản khác. Trang phục của cộng đồng gồm có quần đối với nam và váy đối với nữ trang phục của nam giới đơn giản hơn gồm có một chiếc mũ và một chiếc áo được khâu bằng tấm vải thổ cẩm màu đen. Hầu như không có trang trí hoa văn gì ở áo trong của nam, còn áo khoác ngoài thì có thêu vài đường hoa văn với màu sắc giản dị, quần nam giới kiểu dáng giống quần tây, ống quần rộng và dài màu đen bằng thổ cẩm. Ngày nay, chỉ những người đàn ông lớn tuổi còn mặc trang phục truyền thống, còn phần lớn thanh niên đều đã thay đổi và mặc trang phục phổ biến kiểu Âu, ngoài ra đàn ông
  • 24. 20 người Hmông họ mặc thêm những áo phao bán ở thị trấn để ứng phó với khí hậu của vùng. Khác với nam giới, phụ nữ Hmông có trang phục cầu kì hơn, trang phục phụ nữ gồm có khăn vấn đầu, quần áo nền màu đen và áo thêu nhiều hoa văn, màu sắc hoa văn sặc sỡ hơn nam giới, nữ giới mặc váy, có quấn chiếc khăn vải ở bắp chân dưới. Ngoài ra đi kèm với trang phục là những phụ kiện làm bằng bạc hoặc bằng những chất liệu rẻ tiền, trước đây thì toàn bộ trang sức bằng bạc, nhưng nay do bạc hiếm nên đồng bào dùng ít hơn hoặc thay vào đó là những trang sức rẻ tiền mua ở chợ Sa Pa. Trang phục của nam nữ người Hmông đều được khách du lịch ưa chuộng, khách du lịch nam thường thích mua chiếc mũ của nam giới và chiếc áo mặc trong của đàn ông người Hmông, vì chất liệu bằng vải sợi nhuộm và chiếc mũ được thêu nhiều màu sắc rất bắt mắt, còn đối với khách du lịch là nữ thì họ thích những chiếc khăn và những chiếc áo của phụ nữ người Hmông. Ở đây, một số gia đình Hmông có nuôi cá tầm và cá hồi, đây là hai loại cá nổi tiếng ở Sa Pa mà trước đây đồng bào nuôi ít, chỉ đủ cung cấp cho những người trong thôn, xã. Cá có nhiều cách chế biến khác nhau, nhưng nổi bật nhất là món “gỏi cá hồi” là cách chế biến được nhiều người lựa chọn. Do lượng nhu cầu ở các nhà hàng ngoài thị trấn nhiều nên cộng đồng ở đây có nhiều hộ tham gia nuôi cá. Từ đó cũng làm cho thu nhập gia đình ngày càng cao, kinh tế ổn định và có tiền tích lũy cũng như đầu tư cho con cái học hành. Với đặc điểm khí hậu của vùng mát quanh năm thuận lợi cho trồng nhiều loại cây ăn quả và rau các loại. Cây trồng vừa đảm bảo cho đủ cái ăn hàng ngày, vừa là nguồn cung cấp rau, quả cho thị trấn, nhất là các nhà hàng phục vụ ăn uống cho khách du lịch. Món xôi ngũ sắc là món ăn truyền thống của cộng đồng. Ngoài ra, xôi còn dùng để cúng tổ tiên và các vị thần linh. Xôi ngũ sắc được chế biến từ các
  • 25. 21 loại thảo mộc khác nhau, kết hợp với gạo nếp nương (loại gạo hạt dài, nhìn giống màu kem sữa). Để có xôi màu hồng hoặc đỏ, đồng bào luộc một loại lá có tên theo tiếng địa phương là (Laz) lấy nước ngâm gạo trước khi cho lên chõ đồ. Muốn có màu vàng, người ta lấy nước luộc của cây (Đanx). Muốn có màu tím lấy lá cây (Ziav langx) chín tới, đun lấy nước ngâm gạo rồi mới đồ. Các loại gạo sau khi được tạo màu có thể đồ riêng, cũng có thể trộn lẫn với nhau rồi trộn với gạo nếp trắng để đồ thành một loại xôi nhiều màu hấp dẫn. Đối với các dân tộc thiểu số nói chung và người Hmông ở thôn Lý nói riêng, rượu là một loại thức uống không thể thiếu. Rượu được chưng cất từ ngô, là một loại rượu đặc trưng của đồng bào. Rượu được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, khách đến nhà quí nhau thể hiện qua chén rượu, trong các nghi lễ truyền thống (đám cưới, lễ tết…) thiếu rượu là điều tối kị đối với đồng bào. Ngày nay, rượu không chỉ được sử dụng trong cộng đồng thôn, xã, mà nó là thức uống không thể thiếu đối với khách du lịch khi tới Sa Pa (đặc biệt là khách Việt Nam). Khi tới Sa Pa, du khách luôn mong muốn tìm được một ít rượu ngô mang về uống (nhất là nam giới). Đó là lý do rượu ngô luôn là một món quà thân thiết đối với khách du lịch khi tới Sa Pa. Ở mỗi một ngôi nhà truyền thống của người Hmông đều có ma nhà. Ma nhà che chở những người trong ngôi nhà đó. Tuy nhiên, ma nhà chỉ che chở những người đã nhập vào ma nhà thông qua nghi lễ. Do đó, mặc dù người lạ sống chung dưới cùng một ngôi nhà hơn 10 năm, người lạ đó không được ma nhà che chở. Và con gái đã đi lấy chồng không được ma nhà che chở nữa bởi vì cô gái đó đã đi lấy chồng nhập vào ma của bên nhà chồng. Sau khi đi lấy chồng, ma nhà ở bên chồng che chở cô gái đó. Ở trường hợp mà con trai con gái đi học ở xa và ở riêng lâu, con trai con gái đó vẫn được ma nhà che chở khi về nhà vì họ vẫn thuộc về ma nhà đó. Sau khi con nuôi nhập vào ma nhà, con nuôi đó cũng được ma nhà che chở giống như thành viên khác. Như vậy,
  • 26. 22 trong xã hội người Hmông, sau khi đã nhập vào ma thông qua nghi lễ mới được ma nhà che chở. Và có thể cho rằng những người được cùng ma nhà che chở thuộc về một tập thể thân tộc gọi là cùng ngành (tsêr nênhs). Con gái đi lấy chồng chỉ được gọi là người thân, không được gọi là cùng gia đình (iz zis nênhs) hay cùng dòng họ (iz tsêr nênhs) của bố mẹ đẻ nữa, mặc dù vẫn giữ là người thân, nếu chồng đánh đập phải quan tâm. Người Hmông có câu “đầu dây thì anh cầm, nhưng mà cuối dây tôi vẫn cầm - hấu lua cào tuố cang lùa cú chỉnh tuố." Ý chỉ người con gái dù có đi lấy chồng, thuộc về nhà chồng nhưng bố mẹ và anh em trai vẫn quan tâm. Theo ông L.S.C, trong nhà truyền thống người Hmông, có một cái giỏ treo trên mái nhà (liên quan đến lễ công bố chủ nhà mới của người Hmông), trong đó để những thứ liên quan đến tổ tiên của người chủ gia đình. Khi người chủ gia đình chết, thì trước khi đưa đi chôn, gia đình sẽ đốt cái giỏ đó ngay trước cửa nhà. Khi một gia đình có chủ nhà mới, họ sẽ mổ một con lợn, sau đó mời anh em, họ hàng, làng xóm tới dùng cơm để thông báo với mọi người là gia đình này đã có chủ nhà mới. Sau đó chủ nhà sẽ đào một cái hố trong nhà, ngay cạnh cửa chính gần cột chính của nhà và cho tất cả xương, lông của con lợn vừa mổ vào trong chum sành và chôn xuống cái hố vừa đào ở trong nhà. Sau đó chủ nhà mới lại cho những thứ liên quan đến tổ tiên và của chủ nhà đã qua đời vào một cái giỏ mới và treo lên nóc nhà. Đến thế hệ sau, người Hmông lại lặp lại phong tục này. Theo ông L.S.P thì trong thôn Lý lúc đầu là có sáu nhà của ba họ. Mỗi nhà đông người khoảng 20 đến 30 người cùng ở, trong đó họ Lý có khoảng bốn nhà. Lúc đó ông Phử khoảng năm, sáu tuổi. Ông L.S.P năm nay 79 tuổi (sinh năm 1936) cho biết mọi người đều ăn chung, bố mẹ sống thì bố mẹ làm chủ, nếu chết thì giao lại cho con cả. Nấu ăn chung một bếp. Lúc con trai lấy vợ thì làm nhà nối thêm vào nhà cũ, nối ở bên phải hoặc bên trái tùy vào địa
  • 27. 23 thế nhà, để cho vợ chồng con trai ở. Khi làm lễ thì bố làm chủ, làm nghi lễ chung cho cả nhà. Trong khi làm nối nhà thêm phòng thì không làm lễ cúng. Gia đình ăn cơm ở gian chính giữa. Các phòng được ngăn cách bằng các tấm gỗ được đóng lại hoặc các thanh tre được kết thành tấm để ngăn cách các gian nhà. Bếp có hai loại, một loại bếp để nấu ăn và một loại bếp để sưởi ấm. Bếp nấu ăn đặt bên trái hoặc bên phải nhà còn bếp sưởi luôn luôn phải đặt bên phải nhà, trước cửa buồng của chủ hộ gia đình, bếp sưởi dùng để tiếp khách, khách đến thì ngồi xung quanh bếp sưởi để nói chuyện. Bên cạnh bếp sưởi luôn có một giường nhỏ cho khách ngủ lại qua đêm. Khi tách nhà nếu bố mẹ chết thì các con mới có bàn thờ riêng. Nếu bố mẹ còn sống thì chỉ bố mẹ thờ cúng tổ tiên. Nếu có lễ cúng như cúng giải hạn thì tự làm ở nhà riêng và không cần bàn thờ. Nếu làm cơm mới thì cứ nấu và ăn không cần thắp hương. Nếu bố mẹ làm cơm mới thì các con có thể đến ăn hoặc không đến ăn và không cần thắp hương, chỉ cần ông bố cúng là được. Nếu mẹ mất trước bố thì các con không phải làm lễ cúng vì bố còn. Nếu bố mất trước mẹ thì con trai có vợ và đã tách nhà đều làm bàn thờ riêng và cúng riêng. Nếu có vợ nhưng vẫn ở chung một nhà thì chỉ con cả làm. Công cuộc tách hộ diễn ra nhiều nhất là sau khi giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Khi lập bàn thờ mới không có lễ cúng gì. Nếu bố mất thì người con trai ở với bố giữ nguyên bàn thờ cũ. 1.2.3.4. Một số đặc điểm văn hóa tinh thần Trong hôn nhân đồng bào có tục “kéo tay” của đôi nam nữ khi đến tuổi trưởng thành. Và nó đã trở thành tục lệ truyền thống của các chàng trai, cô gái Hmông. Đây cũng là một yếu tố thu hút khách du lịch đến Sa Pa, nhất là vào những ngày cuối tuần. Vì cuối tuần là thời điểm diễn ra nhiều nét đẹp văn hóa của người Hmông. “Khi lấy chồng: Bị kéo bốn lần, hai lần bị kéo về nhà chàng trai. Nếu có đông người ở nhà cô gái không thích thì người nhà giúp đỡ bằng cách giữ lại, không cho kéo. Hai lần
  • 28. 24 bị kéo về nhà chàng trai ở ba ngày. Ba ngày đó có người trông không cho bỏ trốn. Cô gái đó đi làm bình thường nhưng không cho đi xa sợ bỏ trốn. Sau ba ngày không đồng ý thì cô gái nói là không thích. Người con trai đó và anh trai, chị gái của chàng trai dẫn cô gái về nhà bố mẹ đẻ. Bố mẹ nói nếu thích thì lấy, không thích thì thôi. Có người bố mẹ thích, nhưng cô gái không thích bố mẹ mắng, bắt cô gái đó lấy nhưng cô gái ấy không thích, không lấy. Khi về nhà bố mẹ đẻ của cô gái đó chàng trai mang theo hai con gà và 500,000 đồng để nhận lỗi với bố mẹ cô gái vì đã kéo con gái họ về nhà. Đến nhà cô gái đó ăn một bữa, hai người uống với nhau hai chén rượu để làm bạn, không lấy nhau thì làm bạn. 500,000 đồng là tiền phạt đã kéo con gái họ đi. Nếu cô gái ưng ý nhà trai mang 30 cái bánh, tám quả trứng vịt, rượu đến nhà gái, hỏi cưới. Sau một, hai tháng thì cưới”. (Anh L.A.D và chị V.T.S , thôn Lý, xã Lao Chải) Những năm gần đây, tục lệ này đã chịu sự tác động chi phối của khách du lịch. Từ việc một vị khách người nước ngoài, khi xem những cặp trai gái Hmông biểu lộ tình cảm với nhau tại thị trấn qua điệu múa ô và thổi khèn, vị khách đó cho tiền những đôi trai gái ấy bằng một tình cảm quý mến. Nhưng vô hình chung đã làm thay đổi tục lệ truyền thống đó. Từ tư duy của người phương Tây lấy đồng tiền là thước đo giá trị sản phẩm mà họ được xem, vô hình đã tác động lên một nền văn hóa thành một hình thức biểu diễn để kiếm tiền. Ngày nay, khi đến Sa Pa khách du lịch cảm thấy ngỡ ngàng trước những hành vi của các bạn trẻ người Hmông, khi một số đôi nam nữ (là học sinh lớp 7, lớp 8) đến thị trấn biểu diễn nét đẹp văn hóa dân tộc mình thì có hai đến ba em cầm mũ đi xung quanh xin tiền khách du lịch, nếu khách du lịch không cho, thì ngay lập tức các cặp đôi đó không nhảy múa nữa và lại di chuyển sang đoàn khách du lịch khác. “Mình rất háo hức khi đến Sa Pa vào thứ 6 để được tham dự cùng các bạn thanh niên người dân tộc để xem chợ tình. Buổi tối mình tranh thủ ăn cơm sớm để cho kịp giờ xem các bạn ấy biểu diễn. Lúc đầu mình thấy các bạn biểu diễn rất hay và đặc sắc, trong lúc các bạn thanh niên lớn tuổi biểu diễn thì có hai đến ba em trai nhỏ tuổi cầm mũ đi xung quanh xin tiền. Mình cũng quý các bạn ấy và mình cũng muốn gửi tặng các bạn ấy một chút quà gọi là cảm ơn các bạn ấy. Nhưng khoảng 10 đến 15 phút sau mình thấy các đôi nam nữ đang nhảy múa lại không nhẩy múa nữa. Mình hỏi những người xung quanh là điệu nhảy múa chỉ ngắn như vậy à? Có một bạn (một thanh niên khoảng gần 30 tuổi làm
  • 29. 25 việc tại Sa Pa) nói với mình là mọi người không cho tiền thì họ không múa nữa. Mình cảm thấy không hài lòng về các bạn thanh niên người dân tộc này”. (Anh L.V.H, 32 tuổi, du khách đến từ Đồng Nai) Trên báo Dân trí điện tử có bài viết “Dấu nặng buồn ở chợ tình Sa Pa” của tác giả Trần Hưng đăng ngày 26 tháng 11 năm 2007 [21]. Mở đầu bài viết tác giả có nói “…khách phương xa được hứng trọn thứ tình cảm chân thành, và cả những dối lừa dễ nhận biết..” tác giả phân tích những thay đổi của chợ tình và có dẫn chứng một câu nói “...đến chợ tình lần này, tôi chỉ chứng kiến tổ hợp văn nghệ của huyện biểu diễn...” mà tác giả không tìm hiểu diễn biến của quy luật ở Sa Pa vào những ngày tối thứ bẩy hàng tuần. Cứ 2 tuần của 1tháng thì đội văn nghệ bản Cát Cát ra biểu diễn văn nghệ tại sân trung tâm trước cửa nhà thờ vào tối thứ bẩy cách tuần trong tháng. Đội văn nghệ chỉ biểu diễn trong khung giờ từ 20h00 đến 22h00. Sau đó du khách có thể đi tham dự các cuộc nhảy múa của các nhóm thanh niên trai gái bản. Cũng đúng như trong bài viết tác giả đề cập đến một thông lệ mà giờ đây diễn ra ở hầu hết những bạn trẻ người Hmông khi tham gia nhảy múa và thổi khèn ở đây đó là “...không có khách, không có tiền, trai thôi thổi khèn, gái thôi múa ô…” và trong bài viết tác giả cũng dẫn lời nhiều du khách “…chợ tình bị thương mại hóa lâu rồi”. Ở đây, chúng tôi cũng cùng quan điểm với bài mà tác giả Trần Hưng đề cập đến vào năm 2007 về sự thương mại hóa trong chợ tình Sa Pa, nhưng để tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề “sự ra đi của chợ tình Sa Pa”, chúng tôi sẽ tìm hiểu và phân tích rõ ở chương sau. 1.2.3. Một số đặc điểm lịch sử và văn hóa tộc người Dao 1.2.3.1.Lịch sử tộc người Người Dao là tộc người có nhiều tên gọi khác nhau, như: Động (tên gọi của một đơn vị cư trú trước đây của người Dao), Man (tên này có hàm ý miệt thị dân tộc vì nó được dùng để chỉ các tộc người mà phong kiến Hán cho là “mọi rợ” sinh sống ngoài địa bàn cư trú của Hán tộc. Tất cả những tên gọi
  • 30. 26 trên chỉ là tên phiến chỉ, không trở thành tên chính thức của tộc người này. Còn người Dao tự nhận mình là “kiềm miền” (tức là người ở rừng). Trong các văn bản cổ của người Dao được ghi trong các thư tịch cổ của Trung Quốc viết trong cuốn sách “Tùy thư địa lý chí” viết: “Quân Trường Sa lại có lẫn dân mọi (di diên) tên là Mạc Dao, họ tự nói rằng tổ tiên họ có công thường được miễn dao dịch cho nên lấy đó làm thành tên”.... Như vậy, Dao cũng là tên tự nhận của người Dao, nó gắn liền với lịch sử hình thành của dân tộc Dao. [ 11, tr.18]. Người Dao cho đến nay còn có nhiều ý kiến khác nhau về nguồn gốc tộc người. Trong đồng bào Dao còn lưu truyền rộng rãi câu chuyện Bàn Hồ giải thích về nguồn gốc của tộc người. Truyện Bàn Hồ không chỉ là câu chuyện truyền khẩu mà nó còn được ghi chép trong cuốn “Bảng văn” và trong các sách cúng của người Dao [11, tr.18-19]. Trong câu chuyện Bàn Hồ thì nói đến nhóm Dao ở Việt Nam gọi là nhóm Dao tiểu bản Man. Quá trình di cư của họ vào Việt Nam là cả một quá trình dài và có thể là bắt đầu từ thế kỉ XIII cho đến những năm 40 của thế kỉ XX. Người Dao đỏ hiện nay ở Lào Cai là từ Vân Nam đến vào cuối thế kỉ XVIII. Địa điểm cư trú đầu tiên của họ là làng Tòng Sành, xã Chu Quang Hồ thuộc huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai. [11, tr.23- 24]. Người Dao đỏ còn có tên là Dao cóc ngáng, Dao sừng, Dao dụ lạy (Quế Lâm) Dao đại bản, muốn phân biệt được nhóm Dao đỏ với các nhóm Dao khác thì ta căn cứ vào trang phục phụ nữ của họ, có đặc điểm nổi bật là dùng nhiều màu đỏ, nhiều tua và núm bông đỏ (nhiều hơn bất kì một nhóm Dao nào khác), cô dâu phải đội một cái mũ rất to, khung mũ làm bằng gỗ có cắm hai nan tre hay nứa bẻ thành hai góc nhọn nhô ra phía trước mặt. Ngoài khung này được phủ bằng vải đỏ và nhiều chiếc khăn thêu, nên người Trung Quốc gọi là Dao Đại bản, người Tày gọi là Cóc Ngáng (sừng ngang) và người Kinh cũng dựa vào đó mà gọi là Dao sừng [11, tr.31- 32].
  • 31. 27 1.2.3.2. Một số đặc điểm văn hóa mưu sinh Cùng đặc điểm địa hình với cộng đồng người Hmông ở thôn Lý, xã Lao Chải, người Dao đỏ ở thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn cũng canh tác ruộng bậc thang, nhưng địa hình ở đây thấp hơn địa hình bên thôn Lý, cho nên cảnh đẹp ruộng bậc thang không đặc sắc như bên thôn Lý. Ở đây, đồng bào cũng canh tác các cây ăn quả như mận, đào… và rau củ quả đặc trưng khí hậu của vùng. Đồng bào trong thôn còn canh tác nhiều vườn cây Atiso - một loại cây có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, thôn Sả Xéng còn là nơi trồng nhiều các loại cây lan có giá trị kinh tế cao, cung cấp cho thị trường vào các dịp tết đến. Từ khi hoạt động du lịch phát triển ở xã cũng như ở Sa Pa, lượng lan tiêu thụ nhiều hơn so với trước đây. Hàng năm đồng bào trong thôn đều mang lan tới thị trấn Sa Pa bán cho người dân và khách du lịch. Lan của đồng bào có nhiều loại, và thời gian chăm sóc dài khoảng từ ba đến bốn năm mới bán được lan, giá trị một cành hoa lan dao động từ 400 đến 500 nghìn đồng. Mỗi chậu hoa lan có khoảng bảy đến 10 cành hoa lan, mỗi chậu lan có giá từ 2,8 triệu đến 5 triệu đồng. Chi phí cho một chậu lan không cao, nhưng thời gian từ khi trồng đến khi bán được thì lâu. Giá trị kinh tế từ cây lan mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng vào cuộc sống hàng ngày của đồng bào trong thôn. Một số gia đình trong thôn làm dịch vụ tắm lá thuốc, đây là một nét đặc trưng văn hóa của người Dao đỏ. Thuốc lá tắm thường có từ 15 đến 20 loại cây. Trong thôn có một gia đình đã khai thác giá trị từ các loại cây lá thuốc dùng để tắm và chiết xuất tinh dầu có nhiều công dụng hơn, không chỉ dùng để tắm, mà còn để sản xuất những tinh dầu dùng xoa bóp chân tay và tạo mùi thơm cho cơ thể. Gia đình ông L.P.H đã thành lập doanh nghiệp chuyên khai thác giá trị các loại cây này. Công ty hoạt động ngay trong địa bàn của thôn, vừa là nơi cho khách du lịch đến tắm, vừa là nơi chiết xuất tinh dầu và giới thiệu sản phẩm cho khách du lịch. Ngoài ra, công ty của ông còn cung các tinh dầu và thuốc tắm
  • 32. 28 cho địa bàn huyện Sa Pa và các thành phố lớn trong cả nước. Đây vừa là cơ sở giữ gìn công thức làm thuốc tắm, vừa là nơi tạo công việc làm cho thanh niên trong thôn, mang lại thu nhập ổn định cho thanh niên trong thôn. Nghề thủ công truyền thống của đồng bào là nghề thổ cẩm. Cũng như người Hmông thôn Lý, xã Lao Chải, họ cũng làm nghề thổ cẩm, nhưng chủ yếu là làm công đoạn thêu, hầu như không có người làm nghề dệt trong thôn. Người Dao đỏ ở đây thêu nhanh hơn người Hmông ở thôn Lý, xã Lao Chải, một phần vì người Dao ở đây thêu mặt trái, và họ chỉ chuyên tâm vào thêu. Nhiều người trong thôn còn giữ nghề thêu thổ cẩm với các hoa văn truyền thống của đồng bào. Trong thôn hình thành câu lạc bộ thổ cẩm từ năm 1997, nhưng được một thời gian thì ngừng hoạt động, vì hàng không xuất được, đầu năm 2016 có một công ty ở Hà Nội về khôi phục lại hoạt động của câu lạc bộ. Công ty chịu trách nhiệm cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên. Thành viên tham gia câu lạc bộ được hưởng tiền theo sản phẩm làm ra, thường là 30.000đ một ngày công. Theo một số thành viên câu lạc bộ cho biết, sợi chỉ thêu của công ty mang về không phải là hàng tơ tằm mà là sợi thêu làm từ chất liệu công nghiệp. Chúng tôi đã tìm hiểu và thấy rằng trong thôn có nhiều chị em gái thích đi bán hàng rong theo khách du lịch khi họ đến thôn hơn là làm trong câu lạc bộ. Khi có xe khách du lịch đến thôn, các chị em gái chạy đến chỗ khách và chào đón nhiệt tình, đến mức du khách có thể không kịp ngắm nhìn xung quanh đã phải trả lời với những tình cảm tiếp đón của các chị em gái đến bán hàng. Trong thôn cũng có chợ được ủy ban nhân dân xã đầu tư xây dựng để đồng bào bán hàng thổ cẩm và các mặt hàng đặc trưng, để không phải đi bán theo khách nữa, nhưng đồng bào vào chợ bán không nhiều.
  • 33. 29 1.2.3.3. Một số đặc điểm văn hóa vật chất Trang phục của người Dao đỏ có sự khác biệt khá nhiều giữa nam và nữ. Đối với đàn ông Dao đỏ có hai loại áo là áo ngắn và áo dài. Áo ngắn được mặc hàng ngày. Áo dài thường dùng trong các dịp quan trọng như tế lễ, cưới xin và đi chơi xa. Áo ngắn là loại áo cổ truyền của dân tộc, cổ thấp, xẻ trước ngực, thân bên trái của xẻ áo có đính thêm một cái nẹp từ cổ áo xuống gần gấu áo. Nẹp được thêu rất công phu, gia đình nào khá giả thì có đính thêm nhiều mảnh bạc vào cái nẹp và khuy áo làm bằng bạc. Cổ ống tay thêu bằng chỉ màu vàng hoặc màu xanh nõn chuối, phía sau lưng áo ở phần giữa hai bả vai cũng thêu hình vuông, hình này đồng bào cho biết đó là “cái ấn của Bàn Vương”. Trước đây nam giới có đội mũ, nhưng hiện nay thì nam giới không đội mũ truyền thống của đồng bào mình, mà thay vào đó bằng nhiều kiểu mũ khác nhau, mua ở chợ. Hiện nay, nam giới mặc quần giống người Kinh trong các sinh hoạt thường nhật. Đối với nữ giới thì khá đa dạng và cầu kì hơn nam giới. Phụ nữ Dao đỏ để tóc dài và có hai kiểu đội khăn trên đầu. Kiểu thứ nhất là một cái khăn màu đỏ, mỏng và nhỏ làm bằng nỉ viền trắng buộc lên đầu theo hình bầu dục và ôm gọn thân tóc, tóc được thả xuống lưng, kiểu khăn này dùng cho thường ngày. Kiểu thứ hai là một loại khăn to màu đỏ, viền trắng có dính thêm các hạt lục lặc và các đồng xu cả hai đường, tóc lúc này được quấn lên đầu và nằm trong khăn. Đuôi khăn tạo thành một lớp che kín gáy và rủ xuống lưng ngang vai, những quả lục lặc và đồng bạc đều được hướng về phía sau, tạo nên một nét đẹp của người phụ nữ Dao đỏ. Cô dâu trong ngày cưới (hoặc phụ nữ tham gia nghi lễ cúng Bàn Vương) thì đội một cái mũ to và nặng. Khung mũ làm bằng gỗ có cắm bốn nan tre (hoặc nứa) bẻ thành hai góc nhọn nhô về phía trước mặt, ngoài khung này được phủ bằng vải đỏ và nhiều cái khăn thêu và do trọng lượng của mũ
  • 34. 30 này khá nặng ! nên chỉ đến khi nào cô dâu về gần tới nhà chồng mới đội mũ và làm lễ gia tiên xong thì bỏ mũ ra. Trong nghi lễ cũng vậy, khi nào vào chính thì các cô gái mới đội mũ này lên và chỉ đội trong lúc diễn ra nghi thức tế lễ, sau đó không đội nữa. Áo phụ nữ kiểu dáng giống áo ngắn của nam giới, nhưng khác là áo nữ dài hơn áo nam (dài tới đầu gối) phía trước phần trên giống áo nam, phần dưới phía trước được tạo thành hai thân áo rộng bảy đến 10 cm và dài từ cạp quần tới đầu gối chân. Phía sau áo thì phần trên giống áo nam giới, phần dưới là một phần vải liền mảnh từ cạp quần xuống lưng đầu gối và được thêu sợi màu vàng nghệ và viền màu hồng theo kiểu hình chữ nhật. Khi mặc áo, nữ giới vắt chéo hai thân dưới phía trước lên nhau và buộc về phía đằng sau. Sau đó buộc dây lưng ra ngoài để che phần quấn phía trước đồng thời buộc dây lưng ra phía đằng sau. Dây lưng được thêu bằng những sợi nhiều màu sắc dịu nhẹ, đồng thời gắn những miếng bạc (hoặc nhôm) hình đồng xu và những quả lục lặc (chuông loại như viên bi) đeo xung quanh cạp quần tạo sự kín đáo và vẻ đẹp sang trọng của nữ giới. Quần nữ giới phần nền là màu đen phía trước của quần có thêu các họa tiết hoa văn màu vàng nghệ, màu đen, màu trắng làm cho trang phục nữ giới phối màu hài hòa với chiếc áo, tạo điểm nhấn cho chiếc quần. Trước đây nữ giới đi chân đất, nhưng nay nữ giới đã đi dép xốp tổ ong và đi giầy vải. Trang sức gồm có vòng cổ, tay và tai làm bằng bạc hoặc bằng những chất liệu đơn giản được mua ở thị trấn. Những đường nét hoa văn trên trang phục của các chàng trai, cô gái người Dao đỏ đã tạo nên một sản phẩm đặc trưng của đồng bào, nó không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống mà nó còn là sản phẩm để bán cho khách du lịch khi có nhu cầu muốn sở hữu những sản phẩm đó. Theo chúng tôi tìm hiểu, thì có khá nhiều khách du lịch chọn mua sản phẩm trang phục thổ cẩm
  • 35. 31 của đồng bào, nếu khách du lịch muốn mua thì thường phải đặt hàng trước thì mới có sản phẩm mới (nếu người bán không có sẵn hàng) còn cần mua ngay thì đều là trang phục đã được mặc và còn giá trị sử dụng, giá tiền sẽ rẻ hơn so với sản phẩm mới làm ra. Người Dao đỏ ở Sa Pa thường sống tập trung trong thôn có quy mô trung bình 50 đến 60 hộ gia đình. Thành phần dân cư trong các thôn thuần nhất, hiếm khi có sự xen cư của các dân tộc khác. Đây chính là một trong những điều kiện thuận lợi cho việc duy trì tập quán tộc người với một cơ chế tự quản chặt chẽ. Trong làng, thường bố cục theo lối mật tập với nhiều ngõ xóm. Hướng của các ngôi nhà bao giờ cũng trùng với hướng bản, tựa lưng vào triền dốc và nhìn ra thung lũng, sông suối. Các gia đình thường có khuôn viên tương đối rộng rãi để đảm bảo điều kiện làm vườn và chăn nuôi. Đồng bào ở nhà nền đất. Nhà của họ thường có ba hoặc năm gian hai chái với một cửa chính ở giữa và cửa phụ mở ở hồi nhà. Mỗi ngôi nhà là một phức hợp khép kín với nhiều chức năng: ngủ nghỉ, sinh hoạt, thờ cúng, bếp núc. Liên quan đến ngôi nhà của người Dao cũng có nhiều điều kiêng kị, du khách nên biết để tránh những hành vi đáng tiếc có thể xảy ra. 1.2.3.4.Một số đặc điểm văn hóa tinh thần Đồng bào có tục lệ thờ cúng Bàn Vương, đây là một tục lệ điển hình của cộng đồng người Dao đỏ. Việc thờ cúng Bàn Vương là việc làm quan trọng vì nó liên quan đến vận mệnh của con người, dòng họ và cộng đồng người Dao đỏ ở đây. Bàn Vương được cộng đồng coi là thủy tổ của đồng bào nên cũng được thờ cùng với ban thờ tổ tiên của dòng họ. Lễ cúng Bàn Vương được diễn ra theo chu kì ba năm, năm năm, chín năm thậm chí một đời người cúng một lần. Lễ cúng được diễn ra liên tục trong ba năm, gồm các bước: năm thứ nhất
  • 36. 32 làm lễ Lạc Khánh, năm thứ hai làm lễ Hoàn Nguyên, năm thứ ba làm lễ Đại Hội với quy mô lớn hơn năm thứ nhất và năm thứ hai. Bên cạnh lễ cúng Bàn Vương ra thì Tết nhảy là nghi lễ nhập đồng của đồng bào, thường được diễn ra vào ngày 29 tháng chạp tại gia đình nhà trưởng họ, nhằm mục đích cúng Bàn Vương và luyện âm binh bảo vệ cuộc sống sinh hoạt của gia đình, dòng họ. Nghi lễ này được diễn ra thường xuyên vào các năm, cứ ba năm thành một chu kì. Năm thứ nhất, thứ hai thì cúng bình thường, có lợn thì mổ không có thì mổ gà mổ vịt. Năm thứ ba thì mổ lợn và cúng hai ngày hai đêm. Tết nhảy đòi hỏi dòng họ phải chuẩn bị nhiều công đoạn như: nấu rượu, nuôi lợn, đồ ăn thức uống…như làm lễ cúng Bàn Vương. Khi sắp làm lễ, những thanh niên phải luyện tập những điệu múa, chuẩn bị những dao gươm bằng gỗ để làm nghi thức nhảy. Khi tổ chức tết nhảy xong, mọi người thu dọn đồ lễ rồi cả họ tổ chức ăn uống chúc mừng rồi sau đó ai về nhà đó. Sau tết nhảy vài hôm là đồng bào Dao đỏ ở Tả Phìn bắt đầu đón năm mới, tổ chức năm mới đến hết rằm tháng giêng theo lịch âm. Tục cấp sắc là một nghi thức truyền thống không thể thiếu cho những người con trai Dao đỏ. Đây là nghi lễ diễn ra ở hầu hết người đàn ông Dao đỏ bắt đầu từ 13 tuổi trở lên. Nếu lúc sống chưa kịp làm hoặc chưa có điều kiện để làm thì lúc chết con cháu có trách nhiệm làm lễ cấp sắc cho người đã mất, bởi có làm như vậy thì con cháu mới được làm lễ cấp sắc. Tục cấp sắc này có một số ý nghĩa sau: [11, tr.279]. Thứ nhất, người nào được cấp sắc thì mới có thể làm nghề cúng bái mà người Dao đỏ rất quan tâm. Muốn vậy không những phải biết cúng bái, biết làm các phép thuật mà điều quan trọng hơn là phải được thánh thần “công nhận” và được cấp “âm binh”.
  • 37. 33 Thứ hai, người nào được cấp sắc sau này chết, hồn mới được về đoàn tụ với tổ tiên. Cấp sắc còn có ý nghĩa là làm lễ “khai sinh” hay lễ nhận lấy tên của thánh thần ban cho, cho nên những bản giấy cấp sắc còn có ý nghĩa như là một giấy “thông hành” để sau khi chết có thể về ngay với tổ tiên mà không phải qua các kiếp bị đầy đọa ở âm phủ. Người nào được cấp sắc mới được công nhận là con cháu của Bàn Vương và mới được Bàn Vương phù hộ. Thứ ba, người nào được cấp sắc thì lúc còn sống trên dương thế mới được quyền thờ cúng tổ tiên, sau khi chết hồn mới được trở thành tổ tiên và được con cháu thờ cúng. Người được cấp sắc mới được xã hội coi là người lớn, người chưa được cấp sắc dù có tuổi già thì vẫn bị coi là trẻ con. Khi chết không được về với tổ tiên, không được thống lĩnh âm binh của gia đình, do đó chúng sẽ làm loạn, làm nguy hại đến vận mệnh của con cháu trong gia đình và dòng họ. Thứ tư, đồng bào tin sâu sắc là có được cấp sắc thì làm ăn mới được may mắn, sinh hoạt mọi mặt mới được thuận lợi, dòng họ mới phát triển. Trong tục cấp sắc có nhiều bậc cao thấp khác nhau [11, tr.280]: Quá Tăng là bậc đầu tiên của thang cấp sắc, tất cả đàn ông người Dao đều phải qua bước này. Trong lễ này, người ta chỉ được cấp 3 đèn và 36 binh mã. Thất tinh là lễ cấp bẩy đèn và 72 binh mã. Cửu tinh là bậc được thăng chín đèn, còn số binh mã vẫn như bậc Thất tinh. Thập nhị tinh còn gọi là bậc “tẩu slai” là bậc cao nhất, được cấp 12 đèn và 120 binh mã. Muốn cấp thêm đèn và tăng thêm âm binh là phải làm một nghi lễ, muốn chuyển lên bậc cao hơn phải có thời gian học tập các sách cúng, học thêm các phép thuật, mỗi lần lên một bậc là trình độ hiểu biết về cúng bái được cao hơn uy tín làm thầy cúng càng lớn và có khả năng đảm nhiệm các nghi lễ lớn của cộng đồng. Trong các cấp bậc trên chỉ có cấp Quá tăng là cúng được cho nhiều người (những người đến tuổi cấp sắc, những người già chưa được cấp sắc,
  • 38. 34 những người qua đời mà trước đây chưa có điều kiện làm lễ cấp sắc). Còn các cấp bậc khác thì chỉ làm cho một người, trong một lần tổ chức nghi lễ cấp sắc người ta có thể cùng làm cho các cấp bậc trên cùng một thời gian. Các truyền thống văn hóa trong tín ngưỡng và tập tục này đã có sức thu hút khách du lịch trong những năm gần đây. Nhất là tục cấp sắc của đồng bào đã được một số công ty mời một số gia đình và thầy cúng dàn dựng để cho khách du lịch cảm nhận và tìm hiểu văn hóa. Điều này giúp cho cộng đồng quảng bá được truyền thống văn hóa của mình cho đông đảo khách du lịch biết đến. Tiểu kết chương 1 Xác định Chương 1 là tiền đề, cơ sở cho việc thực hiện các chương tiếp theo. Trong chương này, ngoài việc tổng quan tình hình nghiên cứu để biết được các tác giả đi trước đã nghiên cứu những gì, đạt kết quả ra sao, điểm nào chưa nghiên cứu hoặc nghiên cứu chưa toàn diện để luận văn hướng tới, chúng tôi đã thao tác hóa các khái niệm có liên liên quan đến đề tài luận văn như các khái niệm: văn hóa tộc người, du lịch, lữ hành, nhân học du lịch... Bên cạnh đó, dựa vào tài liệu điền dã dân tộc học và các tài liệu đã công bố, chúng tôi đã nêu những đặc điểm cơ bản về địa bàn nghiên cứu, về lịch sử tộc người, các khía cạnh văn hóa mưu sinh, văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần của tộc người Hmông, Dao, qua đó phác họa bức tranh khái quát về văn hóa của hai tộc người này với tư cách là một loại tài nguyên du lịch, và trong đó đã làm rõ những đặc điểm, những thành tố và diễn biến văn hóa liên quan đến các hoạt động du lịch.
  • 39. 35 CHƯƠNG 2 THỰC TRẠNG KHAI THÁC VĂN HÓA TỘC NGƯỜI HMÔNG, DAO TRONG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TUYẾN HÀ NỘI - SA PA 2.1. Khai thác văn hóa tộc người Hmông, Dao trong các chương trình du lịch tuyến Hà Nội - Sa Pa của các công ty du lịch Việt Nam có nhiều công ty du lịch khai thác các giá trị văn hóa tộc người trong sản phẩm du lịch để xúc tiến chào bán sản phẩm tới khách du lịch. Tuy nhiên, sản phẩm được khai thác trường trùng lặp nhau về chương trình. Thường thì một số công ty du lịch quy mô lớn đưa ra một sản phẩm du lịch chào bán, thì các công ty nhỏ khác sao chép y nguyên sản phẩm đó, dẫn đến việc các tuyến điểm thăm quan có khách đến, và những nơi khác thì lại không được khai thác. Chúng tôi xin dẫn chứng một số công ty đã xây dựng thương hiệu của mình trong ngành du lịch được nhiều năm qua, như: Công ty du lịch Hà Nội – Hanoi Tourist được thành lập năm 1963, là một doanh nghiệp nhà nước và phát triển thị trường chủ yếu ở Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc; Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên du lịch Sài Gòn được thành lập năm 1975, là một công ty có thế mạnh về các lĩnh vực khách sạn, du lịch, khu du lịch sinh thái. Đây là hai trong những công ty đi đầu trong cả nước về chuỗi dịch vụ du lịch. Trong chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch, các công ty này đã ý thức được việc đưa văn hóa truyền thống dân tộc vào chuỗi sản phẩm du lịch của mình. Bên cạnh đó, các công ty khai thác rất tốt các chương trình du lịch truyền thống Đông Bắc, Tây Bắc, là những tuyến có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong tuyến hành trình Hà Nội - Sa Pa, các công ty tuy có điểm khác biệt trong thiết kế và tổ chức chương trình du lịch, nhưng đều có những điểm chung. Điểm khác biệt chỉ là về chất lượng các cơ sở cung cấp dịch vụ cho chương trình du lịch. Chương trình du lịch tuyến Hà Nội - Sa Pa
  • 40. 36 chúng tôi đưa vào luận văn này là chương trình du lịch được nhiều công ty du lịch khai thác và chào bán tới khách du lịch, cụ thể như sau: Chương trình Hà Nội Sa Pa 4 ngày 3 đêm dành cho khách Việt Nam Ngày 1 Hà Nội - Lào Cai - Sa Pa Ăn sáng, trưa, tối 05h30 Hướng dẫn viên đón khách tại điểm hẹn khởi hành đi Sa Pa. 11h 30 Khách ăn trưa tại Lào Cai. Sau bữa trưa khách tiếp tục hành trình đi tham quan vãn cảnh đền Mẫu Lào Cai, cột mốc biên giới Việt - Trung, cửa khẩu biên giới Việt - Trung. Sau đó khách lên xe khởi hành đi Sa Pa 16h00 Khách nhận phòng khách sạn. Sau đó khách nghỉ ngơi. 18h30 Khách ăn tối tại nhà hàng. Sau bữa tối, khách dạo chơi. Ngày 2 Sa Pa - Cát Cát - Hàm Rồng Ăn sáng, trưa, tối 08h00 Sau bữa sáng tại khách sạn, hướng dẫn viên đưa khách đi tham quan bản Cát Cát. 11h30 Khách ăn trưa tại nhà hàng với những món ăn đặc trưng của vùng 14h00 Khách tiếp tục hành trình tham quan khu du lịch Hàm Rồng với vườn hoa lan và các loài hoa của Sa Pa. Nghe ca nhạc dân tộc tại nhà văn hóa khu du lịch. 17h30 Khách ăn tối tại nhà hàng, với những món ăn đặc trưng của Sa Pa. Sau bữa tối khách tham dự và giao lưu với những chàng trai, cô gái người Hmông tại sân trung tâm trước cửa nhà thờ Sa Pa. Ngày 3 Sa Pa - Lao Chải - Tả Van - Sa Pa. Ăn sáng, trưa, tối 07h30 Khách ăn sáng tại khách sạn, sau đó xe và hướng dẫn viên của công ty và hướng dẫn viên người Hmông cùng du khách tới Lao Chải, Tả Van. Hướng dẫn viên sẽ đưa khách tham quan ngôi nhà của người Hmông và tìm hiểu những tập tục qua kiến trúc bên
  • 41. 37 trong của ngôi nhà. Đồng thời du khách sẽ cùng ăn cơm với người dân ở đây. Bữa cơm do chính chủ nhà nấu ăn để phục vụ du khách. 14h00 Khách tiếp tục hành trình trekking tới xã Tả Van. Khách sẽ tham quan các ngôi nhà của người Giáy và những phong tục của người Giáy. 16h45 Chia tay HDV người Hmông, xe đón khách về thị trấn. 18h00 Khách ăn tối tại nhà hàng. Sau bữa tối khách tự do dạo chơi Ngày 4 Sa Pa - Tả Phìn - Lào Cai - Hà Nội Ăn sáng, trưa, tối 07h00 Khách làm thủ tục trả phòng và ăn sáng tại khách sạn 08h00 Khách khởi hành đi Tả Phìn Tới thôn Sả Xéng (nằm ở trung tâm xã Tả Phìn) là địa bàn sinh sống của cộng đồng người Dao đỏ. Du khách tham quan chợ thổ cẩm Tả Phìn và tham quan một số cơ sở thêu thổ cẩm của đồng bào. Sau đó hướng dẫn viên đưa khách đi thăm quan hang động Tả Phìn, các vườn hoa lan - một địa điểm cung cấp số lượng hoa lan lớn của huyện Sa Pa. Sau khi tham quan xong, hướng dẫn viên đưa khách đi tắm thuốc lá của người Dao đỏ do người dân bản địa làm. 11h00 Khách lên xe khởi hành đi Lào Cai. 12h00 Khách ăn trưa tại Lào Cai. Sau bữa trưa, khách lên xe khởi hành về Hà Nội 17h30 Tới điểm đón ban đầu, hướng dẫn viên chia tay đoàn và hẹn gặp lại. Thông qua lịch trình trên của các công ty du lịch, có thể thấy các công ty đã khai thác được tối đa những yếu tố văn hóa của cộng đồng Hmông, Dao trong việc thiết kế chương trình và đặc biệt là đã tạo điều kiện cho hướng dẫn viên là người Hmông tham gia hướng dẫn đoàn để cô gái Hmông giới thiệu về
  • 42. 38 bản sắc văn hóa của tộc người mình. Cũng trong chương trình này, chúng tôi thấy những món ăn đặc trưng của Sa Pa đã có mặt và gia đình của người thiểu số cũng xuất hiện trong chuỗi dịch vụ của chương trình này. Bên cạnh đó, để phục vụ cho khách quốc tế đi tuyến Hà Nội - Sa Pa, các công ty thiết kế một chương trình riêng dành cho khách du lịch là người nước ngoài. Chúng tôi tìm hiểu qua những chuyến khảo sát tại Sa Pa. Chương trình Hà Nội - Sa Pa 4 ngày 5 đêm dành cho khách quốc tế Đêm 1 Hà Nội – Lào Cai – Sa Pa 18h00 Hướng dẫn viên đón khách tại điểm hẹn khởi hành đi Ga Trần Quý Cáp. 20h30 Khách lên tàu SP1 khởi hành đi Lào Cai lúc 21h00. Ngày 1 Lào Cai - Sa Pa - Cát Cát - Hàm Rồng Ăn sáng, trưa, tối 05h30 Khách tới Lào Cai, xe ôtô và hướng dẫn viên đón khách khởi hành đi Sa Pa. 06h30 Khách làm thủ tục nhận phòng tại khách sạn, sau đó ăn sáng tại khách sạn. 08h00 Khách đi thăm quan tuyến Cát Cát - Hàm Rồng 11h45 Khách ăn trưa tại nhà hàng và nghỉ trưa tại khách sạn 13h00 Hướng dẫn viên và xe đưa khách đi tham quan Thác Bạc, Cầu Mây và Bãi đá cổ. 18h00 Khách ăn tối tại nhà hàng. Sau bữa tối, khách tự do dạo chơi. Ngày 2 Sa Pa - Lao Chải (hoặc Tả Phìn) Ăn sáng, trưa, tối 07h00 Khách làm thủ tục trả phòng và ăn sáng tại khách sạn, sau đó hướng dẫn viên của công ty cùng hướng dẫn viên của người Hmông đưa khách tới Lao Chải (hoặc Tả Phìn). Tới Lao Chải (hoặc Tả Phìn), địa điểm trung tâm mà du khách đến là thôn Lý,
  • 43. 39 xã Lao Chải (hoặc thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn), là địa bàn sinh sống của người Hmông (hoặc Dao đỏ). Và cũng là địa điểm kinh doanh du lịch sôi động nhất xã Lao Chải (hoặc Tả Phìn). Khách vào nhà nghỉ của đồng bào ở và cùng trải nghiệm với cuộc sống gia đình của người Hmông (hoặc Dao). Khách ăn trưa, tối tại gia đình người Hmông (hoặc Dao) và nghỉ đêm tại homestay. Ngày 3 Lao Chải (hoặc Tả Phìn) Ăn sáng, trưa, tối Khách tự do trải nghiệm với người Hmông (hoặc Dao) ở đây. Ngày 4 Lao Chải (hoặc Tả Phìn) Ăn sáng, trưa, tối 15h Xe và hướng dẫn viên đưa khách khởi hành đi Lào Cai. 20h00 Khách lên tầu SP2 khởi hành về Hà Nội. 06h00 Xe và hướng dẫn viên của công ty đưa khách tại ga Trần Quý Cáp khởi hành về về khách sạn, kết thúc chương trình, chia tay khách. Qua hai chương trình trên (chương trình cho khách nước ngoài và chương trình cho khách Việt Nam) chúng tôi thấy có sự khác biệt rất rõ rệt đó là, khách du lịch Việt Nam thì thích theo lịch trình của nhà tổ chức và các điểm tham quan cũng chỉ đi trong ngày, còn nơi ăn ngủ nghỉ chính ở thị trấn. Còn khách quốc tế thì thích tự do tìm hiểu hơn là theo một lịch trình sẵn có. Khách du lịch quốc tế họ thích ở với cộng đồng Hmông, Dao hơn là ở khách sạn để được trải nghiệm cuộc sống thường ngày của đồng bào bản địa. Vì vậy dịch vụ ngủ bản thích hợp và được khách quốc tế lựa chọn nhiều hơn là khách trong nước.
  • 44. 40 2.2. Khai thác các giá trị văn hóa tộc người Hmông, Dao trong hoạt động du lịch của địa phương 2.2.1. Khai thác dịch vụ Homestay Trong hai địa bàn mà chúng tôi khảo sát, thì thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn có nhiều gia đình kinh doanh dịch vụ nhà nghỉ trọ cho khách du lịch (homestay). Tính đến hết tháng 12 năm 2015 thì thôn Sả Xéng có 15 gia đình kinh doanh dịch vụ cho khách nghỉ trọ, trong đó có 05 gia đình là người Kinh còn lại là đồng bào Dao đỏ kinh doanh [36]. Nhà cửa được khai thác làm dịch vụ homestay mang đặc trưng về không gian sinh hoạt gia đình của người Dao đỏ, do du khách đến thôn, thường muốn được tham quan và tìm hiểu về kiến trúc và ý nghĩa của ngôi nhà và nếp sống của các thành viên trong gia đình người Dao đỏ. Tuy nhiên, có một điểm lưu ý là, theo quy định của địa phương, các gia đình kinh doanh dịch vụ cho khách nghỉ trọ đều phải xây dựng những công trình phụ như: nhà vệ sinh, nhà bếp, nhà tắm nhằm đảm bảo chất lượng vệ sinh cho khách du lịch lưu trú tại gia đình. Bên cạnh đó, gia đình phải xây dựng các chuồng trại để nhốt gia súc không thả rông, bố trí sắp xếp lại các vật dụng sinh hoạt trong gia đình để phục vụ khách du lịch đến ăn, ngủ, nghỉ. Nhìn chung, khách du lịch thích tìm hiểu tập tục và không gian văn hóa trong ngôi nhà của đồng bào, nên thường vào tham quan nhà qua lời thuyết minh về giá trị văn hóa của ngôi nhà do các hướng dẫn viên giới thiệu. Hoạt động này đã mang lại lợi nhuận đáng kể cho các gia đình kinh doanh nghỉ trọ. 2.2.2. Khai thác giá trị nghề thổ cẩm truyền thống Nghề thổ cẩm đã có từ rất sớm của cả hai cộng đồng ở hai địa bàn nghiên cứu. Trước đây sản phẩm làm ra chỉ phục vụ cho cuộc sống thường ngày. Khi hoạt động du lịch diễn ra, thì đồng bào sản xuất bán cho khách du lịch, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ gia đình. Các gia đình Hmông ở thôn Lý, xã Lao Chải thì có dệt trực tiếp các mặt hàng thổ cẩm và làm nguyên
  • 45. 41 liệu cho các cộng đồng khác mua vải thổ cẩm về thêu. Còn đồng bào Dao đỏ ở thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn thì có dệt nhưng ít hơn và chủ yếu mua vải dệt về để thêu. Sản phẩm làm ra từ nghề thêu này là quần áo, mũ, túi xách, các con vật nhồi bông, chiếc khăn, ví nam nữ, vỏ gối đầu, thảm chải nhà... Đây là những mặt hàng phổ biến được bầy bán trên khắp các khu phố ở thị trấn Sa Pa và các điểm du lịch. 2.2.3. Bán các sản phẩm thể hiện sắc thái văn hóa tộc người Bán trực tiếp hoặc gián tiếp cho khách du lịch là loại hình hoạt động thu lại được nhiều lợi ích kinh tế nhất từ khách du lịch. Lực lượng tham gia vào loại hình này là những người bán hàng rong ở hai địa bàn nghiên cứu và những người ở hai địa bàn nghiên cứu đến thị trấn Sa Pa bán hàng rong hoặc bầy bán tại ven các phố du lịch của thị trấn. Thành phần là những người phụ nữ và trẻ em (bao gồm người già, trẻ tuổi, trẻ em trai và gái). Do mặt hàng thổ cẩm đều là những sản phẩm đòi hỏi nhiều công sức và thời gian nên lượng hàng thổ cẩm có sẵn ngày càng hiếm, những người bán hàng và bán hàng rong đã nhanh chóng chuyển sang việc đi mua lại các sản phẩm thổ cẩm của những người trong thôn hoặc ở xa hơn không có điều kiện thường xuyên lên chợ bán hàng hoặc không có thời gian, điều kiện để làm và bán hàng cho khách du lịch các sản phẩm như áo, mũ, túi các sản phẩm từ thổ cẩm hợp thị hiếu của khách. Do nhu cầu về hàng thổ cẩm tăng, đồng bào nhiều người đã không giữ hoa văn truyền thống (vì cầu kì và tốn nhiều thời gian) mà cố gắng tạo ra các sản phẩm đơn giản và thời gian ngắn hơn. Một số gia đình đã đi thu mua quần áo thổ cẩm cũ mang về chỉnh sửa lại để về bán cho khách du lịch hoặc bán lại cho những người bán hàng trực tiếp ở thị trấn Sa Pa. Những sản phẩm mà những người tham gia bán hàng là hàng thổ cẩm bao gồm quần áo, dây thắt lưng, túi, viền cổ áo, mũ thổ cẩm, khăn, ví, vỏ gối, vỏ chăn, thảm, các con vật nhồi bông... sau đó đến các sản phẩm đặc trưng khác