SlideShare a Scribd company logo
1 of 300
Download to read offline
1
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ
-----------------
Nguyễn Hồng Sơn
(Chủ biên)
TẬP BÀI GIẢNG
TÀI CHÍNH QUỐC TẾ:LÝ THUYẾT VÀ THỰC TIỄN
LƯU HÀNH NỘI BỘ
Không sao chép, trích dẫn
Hà Nội - 2018
2
LỜI MỞ ĐẦU
Cùng với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, các
hoạt động thương mại, đầu tư và di chuyển vốn giữa các nước đã có sự tăng
trưởng mạnh mẽ. Chính “độ mở” về thương mại, đầu tư và tài chính đã khiến các
nước ngày càng trở nên phụ thuộc vào nhau. Tuy nhiên, khi một nước gặp khủng
hoảng kinh tế sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của các nước đối tác có quan hệ
thương mại, đầu tư và tài chính với nước đó. Ảnh hưởng này có thể là nguyên
nhân tiềm tàng gây lan truyền, làm suy thoái nền kinh tế của các nước đối tác,
của khu vực và thậm chí làm suy thoái nền kinh tế toàn cầu. Do đó, mỗi quốc gia,
trong đó có Việt Nam, nên chủ động có các chính sách phù hợp và giải pháp kịp
thời để chống đỡ và giảm thiểu các “cú sốc” từ bên ngoài vào nền kinh tế trong
nước.
Thực tế cũng khẳng định, một quốc gia muốn phát triển ổn định và bền
vững thì cần phải có các chuyên gia dự báo kinh tế cho chính phủ, cho các doanh
nghiệp trong nước, các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường quốc tế, các công
ty chứng khoán và các ngân hàng để tư vấn hoạch định chiến lược kinh doanh và
phòng ngừa rủi ro. Chính vì vậy, việc đào tạo nhân lực chuyên sâu về tài chính
quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội là hết sức cần thiết. Đứng trước thực tế
đó, môn học Tài chính quốc tế được xếp là môn học bắt buộc đối với ngành Kinh
tế và Kinh doanh Quốc tế và là môn học lựa chọn cho các trường thuộc khối kinh
tế.
Nhóm tác giả mong muốn cung cấp Tập bài giảng môn học Tài chính quốc
tế cho sinh viên Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN để nắm bắt được kiến thức
chuyên sâu, nâng cao khả năng phân tích và bình luận các vấn đề liên quan tới tài
chính quốc tế theo phương pháp tiếp cận hiện đại. Tập bài giảng này gồm 10 bài
giảng chia thành 4 phần được biên soạn dựa theo cuốn giáo trình International
Economics: Theory and Policy (Kinh tế Quốc tế: Lý thuyết và Chính sách) của
các tác giả Paul R. Krugman, Maurice Obstfeld và Marc J. Melitz, xuất bản lần
thứ 9 năm 2012. Dựa trên thực tiễn nghiên cứu và giảng dạy, các tác giả có bổ
3
sung các nghiên cứu tình huống và ví dụ nhằm làm sáng tỏ cũng như tạo điều
kiện cho người đọc dễ tiếp cận hơn với các vấn đề lý thuyết và chính sách.
Chúng tôi chân thành đón nhận những ý kiến đóng góp để lần hoàn thiện
hơn.
Chủ biên
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn
4
CÁC TÁC GIẢ
TS. Trần Việt Dung: Nhận bằng Thạc sĩ tại Đại học Tổng hợp Queensland,
Australia; Nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc
gia Hà Nội; giảng viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học
Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội; tác giả Bài 2.
TS. Nguyễn Tiến Dũng: Nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Quốc gia
Nagoya, Nhật Bản; giảng viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại
học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội; tác giả Bài 6, 7 và 8.
TS. Nguyễn Thị Vũ Hà: Nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Trường Đại học Kinh tế
– Đại học Quốc gia Hà Nội; giảng viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế,
Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội; tác giả Bài 1.
TS. Phạm Xuân Hoan: Nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Melbourne,
Australia; Trưởng Ban Kế hoạch Tài chính – Đại học Quốc gia Hà Nội; tác giả
Bài 5.
TS. Nguyễn Cẩm Nhung: Nhận bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học
Quốc gia Yokohama, Nhật Bản; giảng viên, Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và
Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội; tác giả
Bài 3 và 4.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn: Nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế Chính trị tại Đại học
Tổng hợp Moscow – Liên bang Nga; Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội;
đồng tác giả Bài 9, 10 và là chủ biên Tập Bài giảng.
ThS. Phạm Anh Tuấn: Nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Tổng hợp
Queensland, Australia; đồng tác giả Bài 9 và 10.
5
MỤC LỤC
PHẦN I: Cán cân thanh toán quốc tế và thị trường ngoại hối
Bài 1: Cán cân thanh toán quốc tế
Bài 2: Thị trường ngoại hối
PHẦN II: Các cách xác định Tỷ giá hối đoái
Bài 3: Mô hình xác định Tỷ giá hối đoái theo phương pháp tiếp cận tài sản
Bài 4: Mô hình xác định Tỷ giá hối đoái theo phương pháp tiếp cận tiền tệ
Bài 5: Mô hình xác định tỷ giá hối đoái theo phương pháp tiếp cận tổng quát
PHẦN III: Các chính sách kinh tế vĩ mô dưới các chế độ tỷ giá hối đoái
Bài 6: Cân bằng trong nền kinh tế mở - Mô hình AA-DD
Bài 7: Chính sách tài khóa và tiền tệ dưới chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt
Bài 8: Chính sách kinh tế vĩ mô dưới chế độ tỷ giá cố định
PHẦN IV: Hệ thống tài chính toàn cầu
Bài 9: Lịch sử phát triển của hệ thống tài chính toàn cầu
Bài 10: Những đề xuất cải cách hệ thống tài chính toàn cầu
6
PHẦN I: CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ VÀ
THỊ TRƯỜNG NGOẠI HỐI
BÀI I: CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ
Mở đầu
Cán cân thanh toán quốc tế (Balance of Payment - BOP) là một bản thống kê
kinh tế vĩ mô quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách trong một nền kinh tế
mở. Đây là một báo cáo được theo dõi chặt chẽ và có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.
Nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, có thể thấy, đầu những
năm 1990, BOP của Thái Lan liên tục bị thâm hụt, năm 1995 là 8,1% GDP và năm
1996 là 8,2% GDP. Điều này đã gây sức ép giảm giá đồng bath Thái Lan, khiến các nhà
đầu tư nước ngoài rút vốn về nước, còn các nhà đầu tư trong nước săn lùng ngoại tệ,
gây ra hiện tượng đầu cơ trên thị trường ngoại hối của Thái Lan. Ngân hàng Trung
ương Thái Lan lúc này buộc phải đứng trước hai lựa chọn khó khăn: Một là thả nổi tỷ
giá hối đoái và kèm theo đó là tăng lãi suất, giảm chi tiêu Chính phủ dẫn tới thu hẹp
kinh tế; hai là cố định tỷ giá kèm theo kiểm soát vốn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến
quan hệ kinh tế giữa các nước và làm kiệt quệ dự trữ ngoại hối quốc gia. Đến ngày
2/7/1997, Chính phủ Thái Lan buộc phải tuyên bố thả nổi đồng bath và đây chính là sự
kiện đầu tiên trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998.
Mục tiêu: Sau khi học xong bài này, người học có thể:
1. Hiểu được BOP là gì;
2. Hiểu được cấu trúc và cách thức hạch toán các giao dịch kinh tế vào
BOP;
3. Giải thích được ý nghĩa của BOP và mối liên hệ giữa BOP với các chỉ số
kinh tế vĩ mô khác trong nền kinh tế;
4. Giải thích rõ nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng đến BOP;
5. Hiểu rõ mối liên hệ giữa BOP và vị thế đầu tư quốc tế (International
Investment Position - IIP).
1.1. Khái niệm, mục tiêu và nguyên tắc bút toán
1.1.1. Khái niệm
BOP là bản thống kê tất cả các giao dịch kinh tế giữa những người cư trú của
một nước với những người cư trú của các nước khác (những người không cư trú) trong
7
một thời kỳ nhất định, thường là một năm.Trong đó, giao dịch kinh tế là sự trao đổi tự
nguyện quyền sở hữu hàng hóa hoặc dịch vụ hoặc tài sản tài chính giữa những người cư
trú và người không cư trú. Cụ thể là các giao dịch sau:
- Trao đổi hàng hóa và dịch vụ này để lấy hàng hóa và dịch vụ khác. Ví dụ:
Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ này để nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ khác.
- Trao đổi hàng hóa và dịch vụ để lấy tài sản tài chính. Ví dụ: Xuất khẩu hàng
hóa và dịch vụ rồi gửi số tiền nhận được tại ngân hàng nước ngoài để hưởng lãi suất
hoặc mua trái phiếu, cổ phiếu và tín phiếu ngân hàng hoặc bán các tài sản tài chính
để nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.
- Trao đổi tài sản tài chính này lấy tài sản tài chính khác. Ví dụ: Mua trái phiếu
nước ngoài bằng cách đi vay hoặc phát hành trái phiếu ra nước ngoài.
- Chuyển giao hàng hóa và dịch vụ một chiều. Ví dụ: Khi tài trợ, viện trợ hàng
hóa làm từ thiện, quà tặng… hoặc thu chuyển giao một chiều sau đó nhập khẩu hàng
hóa và dịch vụ.
- Chuyển giao tài sản tài chính một chiều. Ví dụ: Nhận tiền từ người không cư
trú để nhập khẩu hàng hóa hoặc để mua trái phiếu nước ngoài hoặc gửi tài sản tài
chính cho người không cư trú bằng cách xuất khẩu hàng hóa hoặc giảm tài khoản
tiền gửi ở nước ngoài.
Một điều cần lưu ý là trong các giao dịch trên, quà tặng và những giao dịch đơn
phương khác mà không đòi hỏi thanh toán cũng được đưa vào BOP.
Khái niệm tiếp theo là người cư trú. Người cư trú là những thể nhân hoặc pháp
nhân, cư trú ở quốc gia đang được xem xét nhiều hơn một năm, không phụ thuộc vào
quốc tịch của họ. Ngoài ra, người cư trú phải có thu nhập từ quốc gia mà họ cư trú. Nếu
không hội đủ hai điều kiện trên thì gọi là người không cư trú. Cần lưu ý rằng các nhà
ngoại giao, các chuyên gia quân sự làm việc ở bên ngoài lãnh thổ của họ cũng như các
tổ chức quốc tế thì không phải là người cư trú của nước mà họ đang làm việc.
Hộp 1.1
Ở Việt Nam, định nghĩa về người cư trú được quy định tại mục 1 Điều 1 của Pháp lệnh
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối số 06/2013/PL-UBTVQH13 của
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/3/2013 như sau:
2. Người cư trú là tổ chức, cá nhân thuộc các đối tượng sau đây:
a) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động tại
Việt Nam theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng;
b) Tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng được thành lập, hoạt động kinh
doanh tại Việt Nam (sau đây gọi là tổ chức kinh tế);
8
c) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị -
xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề
nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam hoạt động tại Việt Nam;
d) Văn phòng đại diện tại nước ngoài của các tổ chức quy định tại các điểm a, b và c
khoản này;
đ) Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện tại tổ chức
quốc tế của Việt Nam ở nước ngoài;
e) Công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam; công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có
thời hạn dưới 12 tháng; công dân Việt Nam làm việc tại các tổ chức quy định tại điểm d
và điểm đ khoản này và cá nhân đi theo họ;
g) Công dân Việt Nam đi du lịch, học tập, chữa bệnh và thăm viếng ở nước ngoài;
h) Người nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 12 tháng trở lên.
Đối với người nước ngoài học tập, chữa bệnh, du lịch hoặc làm việc cho cơ quan đại
diện ngoại giao, lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, văn phòng
đại diện của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam không kể thời hạn là những trường
hợp không thuộc đối tượng người cư trú;
i) Chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức kinh tế nước ngoài, các hình thức hiện diện tại
Việt Nam của bên nước ngoài tham gia hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật
về đầu tư, văn phòng điều hành của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam.
1.1.2. Mục tiêu
BOP được lập để cung cấp thông tin về vị thế quốc tế của quốc gia cho chính
phủ nhằm giúp chính phủ hoạch định các chính sách tài chính, tiền tệ và thương mại.
Ngoài ra, BOP còn cung cấp dữ liệu về các đối tác thương mại quan trọng cho các nhà
hoạch định chính sách và cung cấp dữ liệu cho các ngân hàng, các công ty và các cá
nhân có liên quan (trực tiếp hoặc gián tiếp) tới các hoạt động thương mại và tài chính
quốc tế.
1.1.3. Nguyên tắc bút toán
Các giao dịch được hạch toán vào BOP dựa trên nguyên tắc bút toán kép. Điều
đó có nghĩa là mọi giao dịch đều được đưa vào BOP hai lần, một lần ở khoản Có với
dấu cộng (+) và một lần ở khoản Nợ với dấu trừ (-) với số lượng như nhau.
Trong đó, khoản Có bao gồm các giao dịch mà kết quả của chúng là những khoản ngoại
tệ nhận được do những người không cư trú thanh toán. Khoản Có chính là sự chảy ra
của dòng hàng hóa hoặc dịch vụ hoặc tài sản tài chính, đồng thời là sự chảy vào của
dòng ngoại tệ.
Khoản Nợ bao gồm các giao dịch mà kết quả của chúng là những khoản ngoại tệ
phải thanh toán cho những người không cư trú. Khoản Nợ thể hiện sự chảy vào của
có ngoại tệ chảy vào
9
BoP1
BoP2
Hàng hóa hoặc dịch vụ
hoặc tài sản tài chính
Ngoại tệ
CÓ
(+)
CÓ (+)
NỢ
(-)
NỢ (-)
NỢ (-)
NỢ
(-)
CÓ (+)
CÓ (+)
dòng hàng hóa hoặc dịch vụ hoặc tài sản tài chính và sự chảy ra của dòng ngoại tệ (xem
Hình 1.1).
Câu hỏi đặt ra là tại sao các giao dịch đều được hạch toán hai lần vào BOP? Đó
là bởi vì mỗi giao dịch giữa những người cư trú và những người không cư trú bao giờ
cũng có hai mặt: tiếp nhận và chi trả. Nếu bạn mua một hàng hóa hoặc dịch vụ nào đó
của những người không cư trú thì bạn phải thanh toán tiền cho họ.
Hình 1.1: Nguyên tắc hạch toán BOP
Hình 1.1 cho thấy, đối với quốc gia 1 (BOP1), khi người cư trú của quốc gia này
xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ hoặc các tài sản tài chính cho người không cư trú (giả định
là cho người cư trú ở quốc gia 2) thì sẽ được hạch toán vào khoản Có của BOP1. Số tiền
nhận được từ giao dịch sẽ được người cư trú của quốc gia 1 sử dụng để nhập khẩu hàng
hóa, dịch vụ hoặc các tài sản tài chính, hoặc đầu tư ở nước ngoài hoặc gửi tiền vào ngân
hàng, do đó sẽ được hạch toán vào khoản Nợ của BOP1. Còn đối với quốc gia 2, khi
nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ hay các tài sản tài chính từ quốc gia 1 thì sẽ được hạch
toán vào khoản Nợ của BOP2. Số tiền được sử dụng để thanh toán khoản nhập khẩu này
sẽ được hạch toán vào khoản Có của BOP2.
10
1.2. Kết cấu cán cân thanh toán quốc tế
Theo Hướng dẫn lập cán cân thanh toán quốc tế do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ban
hành năm 2008, BOP bao gồm 3 cán cân chính: (1) Cán cân tài khoản vãng lai; (2) Cán
cân tài khoản vốn; (3) Cán cân tài khoản tài chính.
1.2.1. Cán cân tài khoản vãng lai
1.2.1.1. Khái niệm
Cán cân tài khoản vãng lai (Current Account - CA) ghi nhận tất cả giao dịch liên
quan đến việc di chuyển hàng hóa và dịch vụ; các khoản thanh toán/thu nhập từ các tài
sản tài chính, tiền lương của người lao động và các khoản dịch chuyển đơn phương
ròng giữa những người cư trú của quốc gia và những người không cư trú. CA phản ánh
các luồng thu nhập vào và ra khỏi một một quốc gia và do đó, nó phản ánh việc chuyển
giao quyền sở hữu về tài sản giữa những người cư trú và những người không cư trú.
1.2.1.2. Kết cấu
CA được kết cấu gồm 3 hạng mục chính là cán cân hàng hóa và dịch vụ, cán cân thu
nhập và cán cân dịch chuyển đơn phương ròng.
Cán cân hàng hóa và dịch vụ: Ghi nhận tất cả các giao dịch liên quan đến việc xuất
nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của quốc gia.
Trong đó, hàng hóa bao gồm:
• Hàng hóa để gia công: Hàng hóa xuất khẩu hay nhập khẩu để gia
công. Hàng hóa này gồm 2 loại: (1) Xuất khẩu/nhập khẩu hàng hóa và (2)
Tái nhập khẩu/tái xuất khẩu hàng hóa đã gia công. Ví dụ: Xuất khẩu dầu
và sau đó tái nhập khẩu xăng thì được ghi nhận tổng giá trị vào mục hàng
hóa chứ không phải là nhập khẩu một dịch vụ gia công.
• Kết quả của việc sửa chữa hàng hóa: Thực tế đây là một dịch vụ,
nhưng lại được ghi nhận ở mục hàng hóa. Dịch vụ này được đo lường là
giá trị ròng, hay đúng hơn là giá trị của hàng hóa trước và sau khi sửa
chữa.
• Hàng hóa thu được tại cảng bởi các hãng vận tải: Tất cả hàng hóa,
ví dụ nhiên liệu, đồ cho mượn, kho bãi và các nhà cung cấp mà các hãng
vận tải thu được từ bên ngoài.
• Vàng không phải là tiền: Bao gồm xuất khẩu và nhập khẩu tất cả
vàng mà không được coi là tài sản dự trữ của ngân hàng trung ương.
Dịch vụ bao gồm: vận chuyển; du lịch; viễn thông; xây dựng; dịch vụ bảo hiểm; dịch
vụ tài chính; dịch vụ máy tính điện tử và thông tin; phí giấy phép và tiền bản quyền; các
11
dịch vụ kinh doanh khác; các dịch vụ cá nhân, văn hóa và giải trí và dịch vụ chính phủ.
Một điểm cần lưu ý là hàng hóa và dịch vụ được ghi nhận theo mức giá thị trường tại
biên giới hải quan của nước xuất khẩu (không bao gồm cước phí vận chuyển và bảo
hiểm).
Cán cân thu nhập: Ghi nhận tất cả các giao dịch liên quan đến tiền lương của người lao
động do người không cư trú trả cho hoặc do người cư trú của quốc gia thanh toán cho
người không cư trú và các khoản thu nhập hoặc thanh toán từ đầu tư.
Tiền lương của người lao động bao gồm tiền lương giờ, mức lương tháng và các khoản
lợi ích khác bằng tiền mà các cá nhân kiếm được tại nơi cư trú, kể cả các khoản đóng
góp cho người lao động như an ninh xã hội, bảo hiểm tư nhân và trợ cấp hưu trí.
Thu nhập từ đầu tư bao gồm lợi nhuận có được từ đầu tư trực tiếp ở nước ngoài hoặc cổ
tức, trái tức từ đầu tư gián tiếp ở nước ngoài hoặc lợi tức từ những khoản cho những
người không cư trú vay. Ngược lại,thanh toán cho đầu tư chính là khoản thanh toán lợi
nhuận cho đầu tư trực tiếp nước ngoài hoặc cổ tức, trái tức cho đầu tư gián tiếp vào
trong nước hoặc lợi tức cho những khoản vay từ những người không cư trú.
Cán cân dịch chuyển đơn phương ròng: Ghi nhận tất cả giao dịch đơn phương ròng từ
khu vực chính phủ và các khu vực khác. Đó là các giao dịch như khi người không cư
trú chuyển tiền cho người thân là người cư trú, viện trợ quốc tế… hoặc chuyển tiền cho
người thân là người không cư trú, viện trợ quốc tế... cho mục đích tiêu dùng.
Dịch chuyển từ khu vực chính phủ nói chung bao gồm:
• Giữa chính phủ của các nền kinh tế khác nhau
• Giữa chính phủ với các tổ chức quốc tế (viện trợ)
• Giữa chính phủ và những người không cư trú
• Giữa những người không cư trú với chính phủ và các tổ chức quốc
tế
Dịch chuyển đơn phương giữa các khu vực khác của nền kinh tế bao gồm:
• Giữa các cá nhân
• Giữa các tổ chức phi chính phủ
1.2.1.3. Hạch toán CA
Căn cứ theo nguyên tắc bút toán kép, khoản Có của CAghi nhận các giao dịch sau:
o Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ
o Thu nhập từ đầu tư, bao gồm: Thu nhập từ các tài sản của quốc gia ở nước
ngoài, thu nhập từ đầu tư; thu nhập khác của cá nhân; thu nhập của chính phủ;
tiền lương của người lao động do người không cư trú trả.
-> vì ngoại tệ sẽ chảy vào quốc gia đó
12
o Chuyển giao đơn phương vào, bao gồm: Tài trợ nước ngoài, quà tặng, kiều
hối dịch chuyển vào.
Tương tự, khoản Nợ của CA bao gồm các giao dịch:
o Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.
o Thanh toán cho đầu tư, bao gồm: Thanh toán cho các tài sản của nước ngoài ở
nội địa; thanh toán cho đầu tư; thanh toán khác cho cá nhân; thanh toán cho chính
phủ; tiền lương của người lao động không cư trú do người cư trú của quốc gia thanh
toán.
o Dịch chuyển đơn phương ra, bao gồm: Tài trợ nước ngoài, quà tặng, kiều hối
dịch chuyển ra làm sụt giảm thu nhập trong nước.
1.2.2. Cán cân tài khoản vốn
1.2.2.1. Khái niệm
Cán cân tài khoản vốn (Capital Account - KA) ghi nhận các giao dịch liên quan đến sự
dịch chuyển vốn (đây là sự dịch chuyển tài sản chứ không phải dịch chuyển thu nhập
vãng lai) và các giao dịch liên quan tới việc mua lại, nhượng lại các tài sản phi tài
chính, phi sản xuất giữa những người cư trú của một quốc gia với những người không
cư trú trong một khoảng thời gian nhất định.
1.2.2.2. Kết cấu
Cán cân tài khoản vốn gồm 2 hạng mục chính là dịch chuyển vốn và mua lại/nhượng lại
các tài sản phi tài chính, phi sản xuất. Cụ thể:
- Dịch chuyển vốn bao gồm:
• Xóa nợ
• Dịch chuyển hàng hóa và các tài sản tài chính từ những người nhập
cư/xuất cư
• Dịch chuyển quyền sở hữu các tài sản cố định
• Dịch chuyển các khoản nhận được của các quỹ từ việc bán và mua
lại các tài sản cố định
- Các tài sản phi tài chính, phi sản xuất (các tài sản tồn tại hơn một năm) bao
gồm:
• Bằng phát minh, sáng chế, quyền tác giả
• Thuế đánh vào quà tặng, thừa kế
1.2.2.3. Hạch toán
Căn cứ trên nguyên tắc bút toán kép, khoản Có của cán cân tài khoản vốn bao gồm các
giao dịch liên quan đến hoạt động dịch chuyển vốn vào và nhượng lại các tài sản phi tài
nhượng quyền, phát minh, sáng chế + thuế
13
chính, phi sản xuất. Khoản Nợ bao gồm các giao dịch liên quan đến hoạt động dịch
chuyển vốn ra và mua lại các tài sản phi tài chính, phi sản xuất.
1.2.3. Cán cân tài khoản tài chính
1.2.3.1. Khái niệm
Cán cân tài khoản tài chính (Financial Account - FA) ghi nhận các giao dịch liên quan
đến hoạt động mua bán các tài sản tài chính, đầu tư và vay mượn tư nhân và chính phủ
giữa một nước cụ thể với các nước khác trong một khoảng thời gian nhất định. Các giao
dịch này phản ánh sự chuyển giao quyền sử dụng về tài sản giữa những người cư trú
với những người không cư trú.
1.2.3.2. Kết cấu
FA được kết cấu gồm 4 hạng mục chính là đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp, đầu tư khác
và tài sản dự trữ. Cụ thể:
- Đầu tư trực tiếp:Phản ánh việc đầu tư vào các tài sản cố địnhở nước ngoài,
trong đó người đầu tư nắm quyền điều hành hoạt động kinh doanh. Đầu tư trực tiếp
bao gồm cả việc mua lại công ty nước ngoài. Đầu tư trực tiếp gồm 2 tiểu mục:
• Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài: Thể hiện các giao dịch khi người
cư trú trong nước mua hoặc bán quyền sở hữu tài sản doanh nghiệp nước
ngoài ở nước ngoài.
• Đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế: Thể hiện các giao dịch khi người
nước ngoài mua hoặc bán quyền sở hữu tài sản ở nước sở tại.
Đầu tư gián tiếp(còn gọi làdanh mục đầu tư):Thể hiện các giao dịch liên quan
đến các tài sản tài chính giữa các quốc gia mà không làm ảnh hưởng đến việc
chuyển giao quyền điều hành. Đầu tư gián tiếp gồm 2 tiểu mục:
• Tài sản có (assets):Thể hiện các giao dịch khi người cư trú trong
nước đầu tư ra nước ngoài (Ví dụ: Mua hoặc bán các chứng khoán nước
ngoài. Các chứng khoán này là tài sản có của nước sở tại và là tài sản nợ
của nước ngoài).
• Tài sản nợ (liabilities):Thể hiện các giao dịch khi người nước
ngoài đầu tư ở nước sở tại (Ví dụ: Người nước ngoài mua/bán chứng
khoán trong nước. Các chứng khoán này là tài sản nợ của nước sở tại và
là tài sản có của nước ngoài).
- Đầu tư khác:Thể hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động trao đổi mua bán
các tài sản tài chính giữa các nước mà không phải đầu tư trực tiếp hay gián tiếp.
Đầu tư vốn khác bao gồm: Tín dụng thương mại ngắn hạn, tín dụng thương mại dài
14
hạn, các khoản vay qua biên giới của các thể chế tài chính, tiền gửi ngoại tệ, tiền gửi
ngân hàng, cáckhoản phải thu/phải trả khác. Đầu tư vốn khác gồm 2 tiểu mục:
• Tài sản có (assets): Thể hiện các giao dịch khi ngân hàng trong
nước cho người nước ngoài vay. Khoản vay này là tài sản có của nước sở
tại và là tài sản nợ của nước ngoài.
• Tài sản nợ (liabilities): Thể hiện các giao dịch khi ngân hàng nước
ngoài cho người trong nước vay. Khoản vay này là tài sản nợ của nước sở
tại và là tài sản có của nước ngoài.
- Tài sản dự trữ:Ghi nhận các giao dịch liên quan đến hoạt động can thiệp của
ngân hàng trung ương vào thị trường ngoại hối. Tài sản dự trữ bao gồm các khoản
mục:
• Dự trữ ngoại hối của quốc gia
• Tín dụng với IMF và các ngân hàng trung ương khác
• Thay đổi dự trữ của các ngân hàng trung ương khác bằng đồng tiền
của quốc gia lập BOP
Một điều cần lưu ý khi phân tích BOP là các nhà nghiên cứu có thể phân loại các dòng
vốn theo tính chất thành vốn ngắn hạn (với thời hạn dưới 12 tháng) và vốn dài hạn (với
thời hạn ít nhất là 12 tháng) hoặc phân loại các dòng vốn theo nguồn gốc thành dòng
vốn bắt nguồn từ khu vực tư nhân và dòng vốn bắt nguồn từ khu vực chính phủ (liên
quan đến hoạt động mua bán tài sản dự trữ chính thức của ngân hàng trung ương).
1.2.3.3. Hạch toán
Theo nguyên tắc bút toán kép, khoản Có của FA bao gồm các giao dịch liên quan đến
hoạt động dịch chuyển vốn vào quốc gia nhằm:
• Tăng tài sản của nước ngoài ở nội địa
• Giảm tài sản của nội địa ở nước ngoài
• Giảm số dư tiền gửi ở nước ngoài
• Vay nợ
Khoản Nợ của FA bao gồm các giao dịch liên quan đến hoạt động dịch chuyển vốn ra
khỏi quốc gia nhằm:
• Tăng tài sản nội địa ở nước ngoài
• Giảm tài sản của nước ngoài ở nội địa
• Tăng số dư tiền gửi ở nước ngoài
• Cho vay
Do mỗi giao dịch quốc tế đều tự động làm tăng hai khoản bù trừ nhau trong cán cân
15
thanh toán nên tổng của tài khoản vãng lai, tài khoản vốn và tài chính sẽ bằng không.
Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, trên thực tế điều này đã không xảy ra. Do đó, để
cân bằng cán cân thanh toán, người ta đã đưa ra một khoản mục là các sai số, bỏ sót và
không chính xác trong thống kê. Hạng mục này luôn tồn tại trong cán cân thanh toán do
nhiều nguyên nhân khác nhau.
Thứ nhất, trên thực tế, không thể ghi nhận được tất cả các giao dịch kinh tế giữa những
người cư trú và người không cư trú do tồn tại các giao dịch bất hợp pháp như buôn lậu,
rửa tiền...
Thứ hai, số liệu về cán cân thanh toán được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau như các
số liệu về xuất nhập khẩu được thu thập từ hải quan, trong khi đó, các số liệu về di
chuyển vốn lại được thu thập từ hệ thống ngân hàng... nên khó có thể tránh khỏi sai sót.
Thứ ba, để trốn thuế, nhiều giao dịch trong tài khoản vốn bị đánh giá thấp hơn giá trị
thực của nó. Tương tự, nhiều công ty thường hạ thấp giá trị xuất nhập khẩu trong hóa
đơn hàng hóa để tăng lợi nhuận.
Ngoài các sai số, bỏ sót và không chính xác trong thống kê, hạng mục này còn bao gồm
cả những giao dịch không tiện kể ra trên phương diện quốc gia. Đó là những giao dịch
liên quan đến chi tiêu của khu vực chính quyền, chẳng hạn như chi tiêu cho các hoạt
động bí mật vì mục đích quân sự, chính trị, tình báo...
Các sai số, bỏ sót và không chính xác trong thống kê thường được đưa vào trong tài
khoản vốn và tài chính mặc dù các nhà kinh tế vẫn chưa biết đượcchính xác những sai
sót này thật sự là do các giao dịch về hàng hóa và dịch vụ hay các giao dịch về vốn.
Nhiều nhà kinh tế cho rằng các giao dịch về vốn là đáng ngờ hơn cả vì tính phức tạp
của chúng. Thế nhưng, các nhà kinh tế khác lại cho rằng các giao dịch của tài khoản
vãng lai cũng đáng ngờ không kém. Bởi vì, mặc dù có thể dễ dàng theo dõi các giao
dịch về hàng hóa nhưng lại rất khó khăn trong việc theo dõi các giao dịch về dịch vụ.
Bảng 1.1: Cán cân thanh toán của Mỹ năm 2016
Đơn vị tính: triệu USD
Dòng (Khoản có +; Khoản nợ -) 2016
Tài khoản vãng lai
1
Xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và các khoản thu nhập nhận
được (khoản có) 3.157.241
2 Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ 2.208.072
3 Hàng hóa 1.455.704
4 Dịch vụ 752.368
+
16
Dòng (Khoản có +; Khoản nợ -) 2016
5 Thu nhập sơ cấp nhận được 813.977
6 Thu nhập từ đầu tư 807.430
7 Thu nhập từ đầu tư trực tiếp 444.038
8 Thu nhập từ đầu tư gián tiếp 324.051
9 Thu nhập từ đầu tư khác 39.233
Thu nhập từ các tài sản dự trữ 108
10 Tiền lương cho người lao động 6.547
11 Thu nhập thứ cấp (dịch chuyển vãng lai) nhận được 135.192
12
Nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ và các khoản thu nhập phải
trả (khoản nợ) -3.608.926
13 Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ -2.712.866
14 Hàng hóa -2.208.211
15 Dịch vụ -504.654
16 Các khoản thu nhập sơ cấp phải trả -640.751
17 Các khoản thu nhập phải trả cho hoạt động đầu tư -620.608
18 Các khoản thu nhập phải trả cho hoạt động đầu tư trực tiếp -185.211
19 Các khoản thu nhập phải trả cho hoạt động đầu tư gián tiếp -409.152
20 Các khoản thu nhập phải trả cho hoạt động đầu tư khác -26.245
21 Tiền lương phải trả cho người lao động -20.143
22 Các khoản thu nhập thứ cấp phải trả (dịch chuyển vãng lai) -255.309
Tài khoản vốn
23
Các khoản dịch chuyển vốn nhận được và các khoản có
khác 0
24 Các khoản dịch chuyển vốn phải trả và các khoản nợ khác -59
Tài khoản tài chính
25
Các khoản có trong tài sản tài chính của Mỹ ròng, không
kể các khoản tài chính phái sinh (tăng lên hàm ý dòng vốn
chảy ra (-)) -347.891
26 Khoản có đầu tư trực tiếp -311.581
27 Tài sản -329.732
28 Công cụ nợ +18.151
29 Khoản có đầu tư gián tiếp -40.638
đầu tư ra nước khác -> ngoại tệ chảy ra
17
Dòng (Khoản có +; Khoản nợ -) 2016
30 Tài sản và cổ phần từ các quỹ đầu tư -14.423
31 Các chứng khoán nợ -26.215
32 Ngắn hạn +21.073
33 Dài hạn -47.288
34 Khoản có đầu tư khác +6.418
35 Tiền và tiền gửi +89.663
36 Vay nợ -82.338
37 Tín dụng thương mại -907
38 Tài sản dự trữ chính thức của Mỹ -2.090
39 Vàng tiền tệ 0
40 Quyền rút vốn đặc biệt -684
41 Vị thế dự trữ tại IMF -1.348
42 Các tài sản dự trữ khác -58
43
Các khoản nợ trong tài sản tài chính của Mỹ, không kể tài
sản tài chính phái sinh (tăng lên, hàm ý dòng vốn chảy vào
(+)) 741.393
44 Khoản nợ đầu tư trực tiếp 479.415
45 Tài sản 351.769
46 Công cụ nợ 127.645
47 Khoản nợ đầu tư gián tiếp 237.367
48 Tài sản và cổ phần từ các quỹ đầu tư -141.078
49 Các chứng khoán nợ 378.445
50 Ngắn hạn -8.582
51 Dài hạn 387.027
52 Khoản nợ đầu tư khác 24.612
53 Tiền và tiền gửi 19.654
54 Vay nợ -2.310
55 Tín dụng thương mại 7.268
56 Tài sản tài chính phái sinh ròng 15.817
57 Sai số, bỏ sót và không chính xác trong thống kê 74.059
Các cán cân bộ phận
58 Cán cân tài khoản vãng lai -451.685
18
Dòng (Khoản có +; Khoản nợ -) 2016
59 Cán cân hàng hoá và dịch vụ -504.793
60 Cán cân hàng hoá -752.507
61 Cán cân dịch vụ 247.714
62 Cán cân thu nhập sơ cấp 173.225
63 Cán cân thu nhập thứ cấp -120.117
64 Cán cân tài khoản vốn -59
65
Cán cân tài khoản tài chính (dấu - hàm ý Mỹ đang là nước
cho vay, dấu + hàm ý Mỹ đang là nước đi vay) 377.685
Nguồn: Bureau of Economic Analysis, lấy tại
https://www.bea.gov/international/bp_web/tb_download_type_modern.cfm?list=1&Ro
wID=2, phát hành ngày 19/12/2017
Bảng 1.1 cho biết số liệu về cán cân thanh toán của Mỹ năm 2016. Theo đó, giá
trị xuất khẩu hàng hóa là hơn 1.455 tỷ USD và giá trị nhập khẩu hàng hóa là hơn 2.208
tỷ USD. Điều này khiến cho cán cân hàng hóa bị thâm hụt hơn 752 tỷ USD. Trong lĩnh
vực dịch vụ, giá trị xuất khẩu năm 2016 đạt hơn 752 tỷ USD trong khi giá trị nhập khẩu
đạt hơn 504 tỷ USD, điều này khiến cho cán cân dịch vụ thặng dư hơn 247 tỷ USD.
Như vậy có nghĩa là Mỹ nhập siêu hàng hóa nhưng lại xuất siêu dịch vụ trong năm
2016.
Bên cạnh đó, thu nhập sơ cấp của Mỹ năm 2016 đạt gần 814 tỷ USD, trong đó
chủ yếu là thu nhập từ đầu tư trực tiếp (đạt 444 tỷ USD) và đầu tư gián tiếp (đạt 324 tỷ
USD). Tiền lương của người lao động Mỹ nhận được từ người không cư trú thanh toán
đạt hơn 6,5 tỷ USD. Thu nhập thứ cấp nhận được hay dịch chuyển vãng lai vào Mỹ từ
khu vực chính phủ và tư nhân năm 2016 là 135 tỷ USD.
Các khoản thu nhập sơ cấp phải trả cho người không cư trú của Mỹ hơn 640 tỷ
USD, trong đó chủ yếu là các khoản thanh toán cho đầu tư gián tiếp (409 tỷ USD). Số
tiền mà Mỹ phải thanh toán cho người lao động nước ngoài (người không cư trú của
Mỹ) là hơn 20 tỷ USD. Dịch chuyển vãng lai ra hay các khoản thu nhập thứ cấp phải trả
năm 2016 của Mỹ là hơn 255 tỷ USD. Điều này khiến cho cán cân thu nhập sơ cấp thì
thặng dư hơn 173 tỷ USD còn cán cân thu nhập thứ cấp thâm hụt hơn 120 tỷ USD.
Tổng hợp các cán cân hàng hóa, cán cân dịch vụ, cán cân thu nhập, ta có cán cân
vãng lai của Mỹ năm 2016 thâm hụt hơn 451 tỷ USD.
Giá trị ròng của các giao dịch trong tài khoản vốn của Mỹ năm 2016 đạt -59 tỷ
USD hàm ý các khoản dịch chuyển vốn ra khỏi Mỹ trong năm 2016 có giá trị 59 tỷ
19
USD.
Trong năm này, giá trị các tài sản của Mỹ ở nước ngoài tăng lên hơn 347 tỷ
USD, trong đó chủ yếu là do từ đầu tư trực tiếp vào các tài sản ở nước ngoài (đạt 329 tỷ
USD). Đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của Mỹ thì chỉ chiếm một con số khiêm tốn là
hơn 40 tỷ USD và phần lớn là vào các chứng khoán nợ (hơn 26 tỷ USD). Điểm đặc biệt
ở đây là trong năm 2016, Mỹ đã đầu tư vào chứng khoán nợ ngắn hạn hơn 21 tỷ USD
và bán chứng khoán nợ dài hạn của mình với giá trị hơn 47 tỷ USD. Trong các khoản
có của đầu tư khác, Mỹ đã đầu tư vào tiền và tiền gửi ở nước ngoài hơn 89 tỷ USD và
nhận được tiền trả nợ hơn 82 tỷ USD. Các tài sản dự trữ của Mỹ trong năm 2016 tăng
hơn 2 tỷ USD và chủ yếu là do sự thay đổi vị thế dự trữ trong IMF.
Giá trị của các tài sản nước ngoài tăng ở Mỹ năm 2016 hơn 741 tỷ USD, trong
đó giá trị đầu tư trực tiếp mà người nước ngoài đầu tư vào Mỹ là hơn 479 tỷ USD (đầu
tư và cổ phần là hơn 351 tỷ USD). Giá trị đầu tư gián tiếp mà người nước ngoài đầu tư
vào Mỹ năm 2016 là hơn 237 tỷ USD trong đó giá trị đầu tư gián tiếp vào chứng khoán
nợ dài hạn là hơn 387 tỷ USD còn giá trị đầu tư gián tiếp vào cổ phần của các quỹ đầu
tư là -141 tỷ USD hàm ý người nước ngoài đã bán đi các tài sản tài chính mà họ đầu tư
gián tiếp ở Mỹ. Đầu tư khác của người không cư trú vào Mỹ năm 2016 đạt hơn 24 tỷ
USD và chủ yếu là vào mục tiền và tiền gửi (đạt gần 20 tỷ USD) và tín dụng ngắn hạn
và trả trước (đạt hơn 7 tỷ USD).
Giá trị của các tài sản tài chính phái sinh của Mỹ năm 2016 là gần 16 tỷ USD.
Do vậy, các giao dịch tài khoản tài chính năm 2016 của Mỹ thặng dư hơn 377 tỷ USD.
1.3. Thặng dư và thâm hụt BOP
Dựa trên nguyên tắc bút toán kép, BOP luôn cân bằng. Tuy nhiên, điều đó không có
nghĩa là các tài khoản riêng biệt của nó cũng luôn cân bằng. Do đó, khi nói đến thặng
dư hay thâm hụt BOPnghĩa là nói đến thặng dư hay thâm hụt của một hay một nhóm
các cán cân bộ phận nhất định trong BOP. Các cán cân bộ phận của BOP bao gồm:
• Cán cân thương mại- Trade Balance (TB)
• Cán cân vãng lai - Current Account Balance (CA)
• Cán cân vốn và tài chính - Capital and Financial Account Balance
(KA&FA)
• Cán cân cơ bản - Basic Balance (BB)
• Cán cân giao dịch dự trữ chính thức - Official Reserve Account
(ORA)
• Cán cân quyết toán chính thức hay cán cân tổng thể - Settlement
20
Balance (SB) or Overall Balance (SB hay OB)
1.3.1. Cán cân thương mại
Cán cân thương mại phản ánh các giao dịch liên quan đến việc mua bán và trao đổi
hàng hóa, dịch vụ và thu nhập ròng từ đầu tư giữa một quốc gia với các quốc gia khác.
Cán cân thương mại bao gồm 2 cán cân bộ phận là cán cân thương mại hữu hình và cán
cân thương mại vô hình. Cán cân thương mại hữu hình hay còn gọi là xuất khẩu hàng
hóa ròng ghi nhận các giao dịch liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa. Cán cân
thương mại vô hình ghi nhận các giao dịch liên quan đến xuất nhập khẩu dịch vụ và thu
nhập từ đầu tư ròng.
Cán cân thương mại thặng dư (có giá trị lớn hơn 0) có nghĩa là lượng hàng hóa và dịch
vụ của nước ngoài mà quốc gia đang tiêu dùng ít hơn so với lượng hàng hóa và dịch vụ
mà nước đó cung cấp cho nước khác và hàm ý rằng tài sản nước ngoài của nước đó
tăng lên hay nợ nước ngoài của nước đó giảm xuống.
Ngược lại, cán cân thương mại thâm hụt (có giá trị nhỏ hơn 0) có nghĩa là lượng hàng
hóa và dịch vụ của nước ngoài mà quốc gia đang tiêu dùng nhiều hơn so với lượng
hàng hóa và dịch vụ mà nước đó cung cấp cho nước khác và hàm ý rằng tài sản nước
ngoài của nước đó giảm xuống hay nợ nước ngoài của nước đó tăng lên.
1.3.2. Cán cân tài khoản vãng lai
Thặng dư CA đồng nghĩa với việc dòng thu nhập vào của người cư trú từ người không
cư trú lớn hơn so với dòng thu nhập ra mà người cư trú trả cho người không cư trú hay
giá trị ròng của các giấy tờ có giá do người không cư trú phát hành nằm trong tay người
cư trú tăng lên và quốc gia nằm ở vị thế là chủ nợ.
Thâm hụt CAđồng nghĩa với việc dòng thu nhập vào của người cư trú từ người không
cư trú nhỏ hơn so với dòng thu nhập ra mà người cư trú trả cho người không cư trú hay
giá trị ròng của các giấy tờ có giá do người không cư trú phát hành nằm trong tay người
cư trú giảm xuống và quốc gia nằm ở vị thế là con nợ.
1.3.3. Cán cân cơ bản
Cán cân cơ bản được định nghĩa là cán cân tài khoản vãng lai cộng với dòng vốn dài
hạn ròng. Dưới chế độ tỷ giá hối đoái cố định, quan niệm về cán cân cơ bản là một
quan niệm hữu ích, bởi đây chính là thành phần ổn định nhất trong cán cân thanh toán.
Do đó, những thay đổi mạnh trong cán cân cơ bản là dấu hiệu của những thay đổi cơ
bản trong cán cân thanh toán.
Cán cân cơ bản phản ánh tổng quát hơn về trạng thái nợ nước ngoài của một quốc gia
so với CA vì vốn dài hạn có đặc trưng của sự phân phối lại thu nhập tương đối ổn định
21
trong một thời gian dài giữa một quốc gia và phần thế giới bên ngoài. Ngoài ra, sự bù
trừ cho nhau giữa thặng dư CA và thâm hụt cán cân vốn dài hạn có thể được duy trì lâu
dài.
Khi CA ở trạng thái thâm hụt, quốc gia ở vị thế con nợ, thặng dư cán cân cơ bản cho
biết quốc gia không chịu rủi ro thanh khoản do thặng dư vốn dài hạn đủ bù đắp cho
thâm hụt CA. Còn nếu cán cân cơ bản cũng bị thâm hụt thì quốc gia sẽ gặp rủi ro thanh
khoản do thặng dư vốn dài hạn không đủ bù đắp cho thâm hụt CA hoặc chính vốn dài
hạn cũng đang bị thâm hụt.
1.3.4. Cán cân giao dịch dự trữ chính thức
Cán cân giao dịch dự trữ chính thức, còn gọi là cán cân bù đắp chính thức, ghi nhận tất
cả các giao dịch liên quan đến hoạt động can thiệp của ngân hàng trung ương vào thị
trường ngoại hối. Ngân hàng trung ương sử dụng lượng dự trữ chính thức dưới dạng
vàng, ngoại tệ, quyền rút vốn đặc biệt (Special Drawing Rights - SDR), dự trữ ở IMF
hoặc vay nợ từ bên ngoài để can thiệp vào thị trường.
Để đảm bảo sự cân bằng liên tục của BOP, khi ngân hàng trung ương bán ngoại tệ, dự
trữ chính thức giảm và được ghi nhận trong khoản Có của BOP với dấu (+); còn khi
ngân hàng trung ương mua ngoại tệ, dự trữ chính thức tăng sẽ được ghi nhận trong
khoản Nợ của BOP với dấu (-).
1.3.5. Cán cân quyết toán chính thức
Cán cân quyết toán chính thức được định nghĩa là cán cân tài khoản vãng lai cộng với
cán cân tài khoản vốn và tài chính (trừ đi tài sản dự trữ) cộng với các sai số, bỏ sót và
không chính xác trong thống kê.
𝐶á𝑛 𝑐â𝑛 𝑞𝑢𝑦ế𝑡 𝑡𝑜á𝑛 𝑐ℎí𝑛ℎ 𝑡ℎứ𝑐 = 𝐶𝐴 + 𝐾𝐴 + 𝐹𝐴 − 𝑇à𝑖 𝑠ả𝑛 𝑑ự 𝑡𝑟ữ + 𝑆𝑎𝑖 𝑠ố
Đây là quan niệm đặc biệt hữu ích dưới chế độ tỷ giá hối đoái cố định vì trạng thái của
cán cân này thể hiện sức ép phá giá hay nâng giá đồng tiền đối với ngân hàng trung
ương. Thâm hụt cán cân quyết toán chính thức thể hiện tổng dòng ngoại tệ chảy ra lớn
hơn tổng dòng ngoại tệ chảy vào hay cầu về ngoại tệ lớn hơn cung về ngoại tệ và ngân
hàng trung ương buộc phải can thiệp bằng cách bán ngoại tệ (dự trữ chính thức giảm)
hay phá giá đồng tiền. Ngược lại, thặng dư cán cân quyết toán chính thức thể hiện tổng
dòng ngoại tệ chảy ra nhỏ hơn tổng dòng ngoại tệ chảy vào hay cầu về ngoại tệ nhỏ hơn
cung về ngoại tệ và ngân hàng trung ương buộc phải can thiệp bằng cách mua ngoại tệ
(dự trữ chính thức tăng) hay nâng giá đồng tiền.
Dưới chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi thuần túy, cán cân quyết toán chính thức không
mang nhiều ý nghĩa bởi tỷ giá hối đoái sẽ thay đổi và các khoản mục trong cán cân
22
thanh toán sẽ tự cân bằng mà không cần phải có sự thay đổi của dự trữ chính thức. Tuy
nhiên, trên thực tế, dưới chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi có quản lý, các nước đều can
thiệp vào thị trường ngoại hối. Do đó, dự trữ vẫn thường xuyên thay đổi. Nói cách
khác, quan niệm về cán cân quyết toán chính thức vẫn là một quan niệm hữu ích và các
nhà kinh tế, đầu tư cũng như hoạch định chính sách vẫn theo dõi cẩn thận những thay
đổi trong dự trữ chính thức.
Có thể tóm lược mối liên hệ giữa các cán cân bộ phận của BOP theo Hình 1.2.
Hình 1.2: Các các cân bộ phận của BoP
Nguồn: tác giả tự vẽ
Ghi chú: XKHH: Xuất khẩu hàng hóa; NKHH: Nhập khẩu hàng hóa; XKDV: Xuất khẩu dịch
vụ; NKDV: Nhập khẩu dịch vụ; CCTM vô hình: Cán cân thương mại vô hình; CCTM hữu
hình: Cán cân thương mại hữu hình
Bên cạnh phương pháp xác định thặng dư hay thâm hụt BOP theo các cán cân bộ phận
thì người ta còn có thể sử dụng phương pháp tích lũy (đường kẻ). Theo đó, các khoản
mục phía trên đường kẻ được gọi là khoản mục tự định và các khoản mục phía dưới
đường kẻ gọi là khoản mục cân bằng. Khoản mục tự định bao gồm các giao dịch phát
sinh tự phát với mục đích kiếm lợi nhuận, thu nhập hoặc tăng lợi ích. Thặng dư cán cân
thanh toán xảy ra khi khoản Có của khoản mục tự định lớn hơn khoản Nợ của nó.
Ngược lại, thâm hụt cán cân thanh toán xảy ra khi khoản Nợ của khoản mục tự định lớn
23
hơn khoản Có của nó. Khoản mục cân bằng bao gồm các giao dịch không kèm theo sự
vận động nào của hàng hóa, dịch vụ hay tài sản với mục đích cân bằng sự chênh lệch
giữa khoản Có và khoản Nợ của khoản mục tự định.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế lại có những quan niệm rất khác nhau về việc khoản mục
nào trong cán cân thanh toán được đưa vào khoản mục tự định và khoản mục nào được
đưa vào khoản mục cân bằng. Nguyên nhân là do động cơ của nhiều giao dịch rất khó
xác định. Chẳng hạn, dòng vốn ngắn hạn vào trong nước với mục đích tài trợ cho việc
nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ sẽ được ghi nhận trong khoản mục cân bằng, tuy nhiên
nếu dòng vốn đó chảy vào trong nước do lãi suất trong nước cao hơn so với lãi suất thế
giới thì giao dịch đó lại được ghi nhận trong khoản mục tự định. Chính vì những lý do
trên mà tồn tại nhiều quan niệm khác nhau về sự thặng dư và thâm hụt của cán cân
thanh toán.
1.4. Các tài khoản thu nhập quốc dân và BOP
1.4.1. CA và thu nhập quốc dân
Trong một nền kinh tế mở, ta có đồng nhất thức:
𝒀 = 𝑪 + 𝑰 + 𝑮 + 𝑬𝑿 − 𝑰𝑴 (1)
Trong đó: Y là tổng thu nhập quốc dân, C là tiêu dùng trong nước, I là đầu tư
trong nước, G là chi tiêu chính phủ, EX là xuất khẩu và IM là nhập khẩu của quốc gia.
Giả định, dịch chuyển đơn phương ròng bằng không, ta có:
𝒀 = 𝑪 + 𝑰 + 𝑮 + 𝑪𝑨 (2)
Điều đó có nghĩa là sự thay đổi của CA có tác động tới sản lượng và việc làm. Khi CA
tăng, thu nhập quốc dân và việc làm tăng; còn khi CA giảm, thu nhập quốc dân và việc
làm giảm.
Nếu coi 𝑪𝒉𝒊 𝒕𝒊ê𝒖 𝒕𝒓𝒐𝒏𝒈 𝒏ướ𝒄 = 𝑪 + 𝑰 + 𝑮thì 𝑪𝑨 = 𝒀 − (𝑪 + 𝑰 + 𝑮) sẽ là chi tiêu
ròng của người nước ngoài. CA tăng có nghĩa là chi tiêu ròng của nước ngoài tăng và
của cải nước ngoài ròng của quốc gia tăng và ngược lại.
𝑪𝑨 = 𝒀 − (𝑪 + 𝑰 + 𝑮) (3) cho thấy biến động của CA sẽ đo lường chiều hướng tiêu
dùng quốc tế. Nếu tổng thu nhập quốc dân lớn hơn chi tiêu trong nước thì CA sẽ thặng
dư. Điều này hàm ý, thu nhập từ xuất khẩu sẽ lớn hơn chi tiêu cho nhập khẩu. Quốc gia
đang xuất khẩu tiêu dùng hiện tại và sẽ nhập khẩu tiêu dùng trong tương lai, đồng thời
của cải nước ngoài ròng của quốc gia tăng. Ngược lại, nếu thu nhập quốc dân nhỏ hơn
chi tiêu trong nước, CA thâm hụt, thu nhập từ xuất khẩu nhỏ hơn chi tiêu cho nhập
khẩu, quốc gia đang nhập khẩu tiêu dùng hiện tại và sẽ xuất khẩu tiêu dùng trong tương
lai, đồng thời của cải nước ngoài ròng của quốc gia giảm.
24
1.4.2. Mối quan hệ giữa CA, tiết kiệm, đầu tư và thâm hụt ngân sách
Đồng nhất thức (1) có thể được viết lại như sau:
𝑌 − 𝐶 − 𝐺 = 𝐼 + 𝐶𝐴hay 𝑺 = 𝑰 + 𝑪𝑨(4)
Đồng nhất thức (4) cho thấy, nếu như trong một nền kinh tế khép kín, tiết kiệm phải
luôn bằng với đầu tư thì trong một nền kinh tế mở, tiết kiệm không nhất thiết phải bằng
đầu tư. Nếu tiết kiệm của một nước nhỏ hơn đầu tư, nước đó có thể vay mượn từ bên
ngoài để đảm bảo khả năng phát triển kinh tế của quốc gia (khi đó tài khoản vãng lai sẽ
thâm hụt). Ngược lại, nếu tiết kiệm của một nước lớn hơn đầu tư, nước đó có thể cho
nước ngoài vay (khi đó, tài khoản vãng lai sẽ thặng dư).
Đồng nhất thức (4) có thể được viết lại như sau:
𝑆𝑝 + 𝑆𝑔 = 𝐼 + 𝐶𝐴 hay 𝑆𝑝 = 𝐼 + 𝐶𝐴 − 𝑆𝑔hay 𝑆𝑝 = 𝐼 + 𝐶𝐴 − (𝑇 − 𝐺) hay
𝑺𝒑 = 𝑰 + 𝑪𝑨 − (𝑮 − 𝑻) (5)
Đồng nhất thức (5) biểu diễn mối quan hệ giữa tiết kiệm tư nhân, đầu tư trong nước, tài
khoản vãng lai và thâm hụt ngân sách chính phủ. Theo đó, tiết kiệm tư nhân có thể
được sử dụng dưới 3 hình thức: đầu tư trong nước, mua tài sản nước ngoài và tài trợ
cho thâm hụt ngân sách chính phủ.
Đồng nhất thức (5) có thể được viết lại như sau:
𝑪𝑨 = 𝑺𝒑 − 𝑰 − (𝑮 − 𝑻) Điều này có nghĩa là khi các điều kiện khác không đổi, tài
khoản vãng lai sẽ phụ thuộc vào sự thay đổi của tiết kiệm tư nhân, đầu tư trong nước và
chi tiêu của chính phủ. CA bị thâm hụt có thể là do tiết kiệm ở khu vực tư nhân giảm,
đầu tư trong nước quá cao và thâm hụt ngân sách lớn. Ví dụ, trong giai đoạn 1994-
1995, ở Mexico, do tiết kiệm khu vực tư nhân giảm, thâm hụt ngân sách tăng cao đã
khiến CA thâm hụt nghiêm trọng, dẫn tới việc phá giá đồng peso. Năm 1997, ở Đông
Á, mặc dù tiết kiệm khu vực tư nhân cao (chiếm 30-35% GDP) nhưng đầu tư trong
nước lại quá mức và không hiệu quả (đầu tư chủ yếu vào bất động sản và thị trường
chứng khoán), một số nước bị thâm hụt ngân sách, dẫn đến CA bị thâm hụt lớn ở khu
vực này. Điều này đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-
1998.
1.5. Điều tiết cán cân thanh toán quốc tế
Để điều tiết BOP, trước hết ta cần dựa vào các nhân tố tác động đến BOP, có thể chia
thành các nhóm sau: (i) Các nhân tố tác động đến dòng thương mại quốc tế; (ii) Các
nhân tố tác động đến dòng đầu tư quốc tế.
1.5.1. Các nhân tố tác động đến dòng thương mại
- Lạm phát: Nếu một quốc gia có tỷ lệ lạm phát tăng so với các quốc gia khác
25
có quan hệ mậu dịch thì tài khoản vãng lai của quốc gia này sẽ giảm nếu các yếu tố
khác không thay đổi. Vì lạm phát trong nước cao nên người tiêu dùng và doanh
nghiệp trong nước sẽ mua hàng hóa từ nước ngoài nhiều hơn, trong khi xuất khẩu
sang các nước khác giảm. Điều này sẽ khiến CA giảm. Do đó, kiểm soát tốt lạm
phát sẽ góp phần điều tiết BOP.
- Thu nhập quốc dân:Nếu tỷ lệ tăng thu nhập của một quốc gia (thu nhập quốc
dân) cao hơn tỷ lệ tăng thu nhập của các quốc gia khác thì tài khoản vãng lai của
quốc gia đó sẽ giảm trong điều kiện các yếu tố khác không thay đổi. Điều này là do
mức thu nhập thực tế tăng khiến mức tiêu thụ hàng hóa cũng tăng, kéo theo cầu về
hàng hóanước ngoài tăng. Vì vậy, thu nhập quốc dân cũng là một yếu tố góp phần
điều tiết BOP.
- Tỷ giá hối đoái:Khi tỷ giá hối đoái tăng (các điều kiện khác không thay đổi)
sẽ khiến đồng nội tệ giảm giá, giá cả hàng hóa - dịch vụ trong nước sẽ tương đối rẻ
hơn so với giá cả hàng hóa - dịch vụ của nước ngoài ở cả thị trường trong nước và
thị trường quốc tế. Vì vậy, điều hành chính sách tỷ giá cũng là một công cụ được
xem xét khi điều tiết BOP.
- Các biện pháp hạn chế của chính phủ:Nếu chính phủ của một quốc gia đánh
thuế lên hàng nhập khẩu thì giá hàng hóa nước ngoài sẽ tăng, do đó làm giảm mức
tiêu thụ hàng hóa đó và tăng cán cân tài khoản vãng lai củanước đó. Ngược lại,
giảm thuế nhập khẩu sẽ khiến nhập khẩu hàng hóa tăng và cán cân tài khoản vãng
lai giảm. Ngoài chính sách thuế, chính phủ có thể đưa ra các biện pháp liên quan
đến chính sách tài khóa và tiền tệ mà các chính sách này đều có ảnh hưởng đến lạm
phát và thu nhập, từ đó, ảnh hưởng đến cán cân tài khoản vãng lai. Vì vậy, để điều
tiết BOP, các nước có thể xem xét sử dụng các biện pháp hạn chế của chính phủ.
Trong thực tế, các nhân tố trên tác động lẫn nhau, đồng thời ảnh hưởng đến cán cân
mậu dịch và từ đó ảnh hưởng đến BOP theo hướng rất phức tạp.
1.5.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến dòng đầu tư quốc tế
- Các biện pháp kiểm soát vốn:Khi mậu dịch tiến triển, chính phủ các nước có thể áp
dụng các biện pháp kiểm soát đối với dòng tiền lưu chuyển vào nước đó. Chẳng hạn,
chính phủ một nước có thể ấn định một loại thuế đặc biệt đối với thu nhập tích lũy của
các nhà đầu tư nội địa đã đầu tư ở các thị trường nước ngoài. Loại thuế này có thể ngăn
chặn dân chúng chuyển vốn ra các thị trường nước ngoài, nhờ đó có thể làm tăng tài
khoản vốn của một nước. Nhưng loại thuế này thường vấp phải sự trả đũa của nước
khác bằng một loại thuế tương tự cho người dân nước đó. Một số quốc gia khác lại áp
26
dụng các biện pháp kiểm soát hạn chế nội tệ lưu chuyển ra nước ngoài nhằm đối phó
với sự yếu kém về cấu trúc trong vị thế cán cân thanh toán của quốc gia.
- Tỷ giá hối đoái: Nếu nội tệ của một nước được dự kiến là mạnh lên thì các nhà đầu tư
nước ngoài có thể sẵn sàng đầu tư vào chứng khoán của nước đó để hưởng lợi từ các
biến động tiền tệ. Do đó, cán cân tài khoản vốn và tài chính của một nước có thể tăng
nếu đồng tiền của nước đó được dự kiến mạnh lên. Ngược lại, cán cân tài khoản vốn và
tài chính của một nước được dự kiến giảm nếu đồng nội tệ của nước đó được dự kiến
suy yếu, khi các yếu tố khác không thay đổi. Do vậy, đối với các quốc gia theo đuổi chế
độ tỷ giá hối đoái cố định thì chính phủ các nước này cần phải có những quyết sách
đúng đắn liên quan đến tỷ giá hối đoái.
- Tự do hóa tài chính: Khi chính phủ thực hiện việc tự do hóa tài chính, đặc biệt là tiến
tới tự do hóa hoàn toàn dòng vốn thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng dòng
vốn vào cũng như gia tăng tài khoản vốn và tài chính. Ngược lại, khi chính phủ thực
hiện các biện pháp kiểm soát vốn sẽ làm hạn chế dòng vốn quốc tế vào trong nước cũng
nhưlàm giảm tài khoản vốn và tài chính.
1.6. Cán cân thanh toán quốc tế và vị thế đầu tư quốc tế
BOP liên quan chặt chẽ đến vị thế đầu tư quốc tế (IIP). IIP là một bảng thống kê cho
thấy tại thời điểm lập báo cáo giá trị và kết cấu của các tài sản tài chính của những
người cư trú trong một nền kinh tế (những người cư trú có thể yêu cầu những người
không cư trú thanh toán các tài sản này) và vàng (vàng miếng hoặc vàng thỏi) được cất
giữ như là tài sản dự trữ và các khoản nợ của những người cư trú phải trả cho những
người không cư trú.
Điểm giống nhau giữa BOP và IIP nằm ở chỗ chúng đều là các tài khoản quốc gia và
cho biết vị thế kinh tế của quốc gia trên thế giới. Điểm khác nhau thể hiện ở chỗ BOP là
công cụ quan trọng để phân tích vị thế kinh tế của quốc gia, còn IIP được sử dụng để
phân tích thực trạng và xu hướng của một nền kinh tế. Khi các tài sản có lớn hơn tài sản
nợ thì quốc gia đó là nước chủ nợ, còn khi các khoản nợ lớn hơn các khoản phải đòi thì
quốc gia đó là con nợ.
Theo chức năng,IIP bao gồm:
- Đầu tư trực tiếp
- Danh mục đầu tư
- Các công cụ tài chính phái sinh
- Đầu tư khác
- Tài sản dự trữ
27
Theo công cụ, IIP bao gồm:
- Cổ phần quỹ đầu tư và vốn
- Các công cụ nợ
- Quyền rút vốn đặc biệt
- Tiền và các khoản đặt cọc
- Chứng khoán nợ
- Các khoản vay
- Bảo hiểm, quỹ hưu trí
- Các khoản phải thu/phải trả khác
- Các tài sản có và tài sản nợ khác
- Vàng (tiền)
- Các công cụ tài chính phái sinh và ESO (quyền chọn mua cổ phiếu
cho nhân viên)
Tóm tắt Bài 1
1. Cán cân thanh toán quốc tế là một bản thống kê các giao dịch kinh tế giữa
người cư trú của một nước với người cư trú của nước khác trong một khoảng
thời gian nhất định, thường là 1 năm.
2. Cán cân thanh toán quốc tế được lập để cung cấp thông tin cho chính phủ về
vị thế quốc tế của quốc gia nhằm giúp chính phủ hoạch định các chính sách tài
chính, tiền tệ và thương mại.
3. Các giao dịch kinh tế được hạch toán vào cán cân thanh toán quốc tế theo
nguyên tắc bút toán kép, theo đó mọi giao dịch đều được hạch toán hai lần, một
lần ở khoản có và một lần ở khoản nợ.
4. Cán cân thanh toán quốc tế gồm 3 cán cân chính: Cán cân tài khoản vãng lai,
cán cân tài khoản vốn và cán cân tài khoản tài chính. Trong đó, cán cân tài khoản
vãng lai ghi nhận các giao dịch liên quan đến sự dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ,
thu nhập và dịch chuyển đơn phương ròng; cán cân tài khoản vốn và tài chính
ghi nhận các giao dịch liên quan đến mua bán, trao đổi các tài sản tài chính,
dịch chuyển vốn, đầu tư giữa các nước.
5. Dựa trên nguyên tắc bút toán kép, BOP luôn cân bằng. Tuy nhiên, điều đó
không có nghĩa là các tài khoản riêng biệt của nó cũng luôn cân bằng. Do đó,
khi nói đến thặng dư hay thâm hụt BOP nghĩa là nói đến thặng dư hay thâm hụt
của một hay một nhóm các cán cân bộ phận nhất định trong BOP. Các cán cân
28
bộ phận của BOP bao gồm: Cán cân thương mại, cán cân vãng lai, cán cân vốn,
cán cân cơ bản, cán cân giao dịch dự trữ chính thức, cán cân quyết toán chính
thức hay cán cân tổng thể.
6. Cán cân thanh toán quốc tế có mối liên hệ mật thiết với tổng thu nhập quốc
dân, đầu tư, tiết kiệm và thâm hụt ngân sách của một quốc gia.
7. Để điều tiết BOP, người ta cần dựa vào các nhân tố tác động đến BOP, có thể
chia thành các nhóm: (i) Các nhân tố tác động đến dòng thương mại quốc tế, bao
gồm: Lạm phát, thu nhập quốc dân, tỷ giá hối đoái và các biện pháp hạn chế của
chính phủ; (ii) Các nhân tố tác động đến dòng đầu tư quốc tế, bao gồm: Các biện
pháp kiểm soát vốn, tỷ giá hối đoái và quá trình tự do hóa tài chính.
8. Cán cân thanh toán quốc tế có mối liên hệ chặt chẽ với vị thế đầu tư quốc tế
và cả hai bảng số liệu này đều cho ta biết vị thế quốc tế của một quốc gia.
Thuật ngữ cơ bản
- Cán cân dịch vụ
- Cán cân hàng hóa
- Cán cân tài khoản tài chính
- Cán cân tài khoản vãng lai
- Cán cân tài khoản vốn
- Cán cân thanh toán quốc tế
- Cán cân thu nhập
- Dịch chuyển đơn phương ròng
- Giao dịch kinh tế
- Người cư trú
- Nguyên tắc bút toán kép
- Thâm hụt
- Thặng dư
- Vị thế đầu tư quốc tế
BÀI TẬP
1.Hạch toán các giao dịch sau vào BOP của Mỹ.
a. Một người Mỹ mua 1 triệu USD cổ phiếu của Đức, thanh toán bằng cách viết
séc từ một tài khoản ở một ngân hàng Thụy Sĩ.
b. Một người Mỹ mua 1 triệu USD cổ phiếu của Đức, thanh toán cho người bán
bằng séc của một ngân hàng Mỹ.
c. Chính phủ Hàn Quốc can thiệp chính thức vào thị trường ngoại hối bằng cách
29
sử dụng 1 triệu USD ở một ngân hàng Mỹ để mua đồng won Hàn Quốc từ
những người dân của mình.
d. Một khách du lịch từ Detroit ăn trưa tại một nhà hàng sang trọng ở Pháp,
thanh toán bằng séc du lịch 1 triệu USD.
e. Một nhà sản xuất rượu California đóng góp một thùng rượu trị giá 1 triệu
USD vào cuộc thi rượu vang ở London.
f. Một chi nhánh của Mỹ ở Anh sử dụng khoản tiền kiếm được ở địa phương là
1 triệu USD để mua thêm máy móc.
g. Một doanh nghiệp Mỹ gửi hàng cho một người mua nước ngoài với tổng trị
giá là 50 triệu USD (trong đó có 1 triệu USD là tiền vận chuyển) được trả trong
vòng 90 ngày và chuyên chở bằng tàu của Mỹ.
h. Khách hàng nước ngoài thanh toán cho một công ty xuất khẩu Mỹ bằng cách
mua từ ngân hàng địa phương của mình một tài khoản tiền gửi không kỳ hạn trị
giá 1 triệu USD do ngân hàng này ký thác ở một ngân hàng Mỹ và chuyển khoản
tiền gửi này cho công ty xuất khẩu Mỹ.
2. Các giao dịch sau được hạch toán vào FA như thế nào?
a.Người cư trú trong nước mua cổ phẩn trong doanh nghiệp nước ngoài từ
người nước ngoài.
b.Người cư trú trong nước bán cổ phẩn trong doanh nghiệp nước ngoài cho
người nước ngoài.
c.Người không cư trú mua cổ phẩn của doanh nghiệp trong nước.
d.Người không cư trú bán cổ phẩn của doanh nghiệp trong nước.
e.Người cư trú trong nước mua chứng khoán nước ngoài.
f. Người cư trú trong nước bán chứng khoán nước ngoài.
g.Người không cư trú mua chứng khoán trong nước.
h.Người không cư trú bán chứng khoán trong nước.
i. Ngân hàng trong nước cho người không cư trú vay.
j. Người không cư trú trả một phần nợ gốc đã vay.
k.Ngân hàng nước ngoài cho người cư trú trong nước vay.
l. Người cư trú trong nước trả một phần nợ gốc đã vay.
3.Giả sử Việt Nam là một nền kinh tế đóng có: C = 40 + 0,8(Y – T); G = 10; I =
20; và T = 0. Hãy tính:
a. Mức sản lượng cân bằng?
b. Tiêu dùng, đầu tư và chi tiêu của chính phủ tại mức sản lượng cân bằng?
30
c. Nếu Việt Nam mở cửa nền kinh tế và có EX = 5 + 4EP*/P và IM = 10 + 0,1
(Y – T) – 3EP*/P, trong đó E = 3; P* = 1,5 và P = 2. Hãy tính mức sản lượng cân
bằng mới? (Lưu ý: NX = EX – IM)
d. Việc mở cửa nền kinh tế đã tác động như thế nào đến Việt Nam?
4. Điền các thông tin còn thiếu vào bảng sau:
CA Sp I G T
15 50 25 12
8 50 15 3
9 25 10 4
35 50 10 5
10 30 20 10
22 200 50 12
-25 140 100 15
400 200 20
-280 100 200 200
5. Điền các thông tin còn thiếu vào bảng sau:
GNP C I G EX IM
100 25 10 10 20
115 75 12 14 16
120 70 25 20 30
69 58 10 10 32
135 75 30 35 25
140 140 140 140 140
940 140 200 300 200
1150 600 300 200 150
1250 700 200 200 150
6. Trong thời gian khủng hoảng tiền tệ tháng 9/1992, Ngân hàng Trung ương
Anh đã vay Ngân hàng Trung ương Đức 3,3 tỷ DEM, mức tỷ giá tại thời điểm
này là 1 GBP = 2,78 DEM = 1,912 USD. Ngân hàng Trung ương Anh đã bán
toàn bộ đồng DEM trên thị trường tài chính FX nhằm hút bớt đồng GBP từ lưu
thông nhằm bảo vệ đồng GBP khỏi phá giá. Sau khủng hoảng, Ngân hàng Trung
ương Anh hoàn trả DEM cho Ngân hàng Trung ương Đức, lúc này tỷ giá trên thị
trường là 1 GBP = 2,50 DEM = 1,782 USD. Hỏi:
a. GBP đã giảm giá bao nhiêu % so với DEM và USD trong thời gian
khủng hoảng?
b. Chi phí can thiệp của Ngân hàng Trung ương Anh là bao nhiêu?
Tính bằng GPB.
c. Nếu can thiệp bằng USD (vay USD để bảo vệ GBP) thì chi phí can
thiệp của Ngân hàng Trung ương Anh là bao nhiêu?
GNP C I G EX IM
31
CÂU HỎI NGHIÊN CỨU
1. Khi CA ở trạng thái cân bằng thì trạng thái nợ nước ngoài của quốc gia
thay đổi như thế nào?
2. Nếu CA = 0 thì ảnh hưởng của BOP đến tỷ giá, giá cả hàng hóa, thu nhập
và lãi suất là như thế nào trong dài hạn? (Giả định trong dài hạn, hiệu ứng
can thiệp của ngân hàng trung ương mang tính trung lập hay ∆R = 0)
3. Nếu CA = 0 và KL= 0 thì ảnh hưởng của BOP lên tỷ giá và lãi suất nội tệ
là như thế nào trong ngắn hạn?
4. Nhận xét và bình luận về cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam trong
5 năm trở lại đây.
5. Trình bày tóm tắt về vị thế đầu tư quốc tế (IIP). Nhận xét và bình luận về
IIP của 3 nước mà bạn quan tâm.
6. Tác động của lạm phát tới CA có chịu ảnh hưởng bởi độ co dãn của cầu
hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu theo giá (tính bằng nội tệ và ngoại tệ, giả sử
tỷ giá hối đoái không thay đổi) không? Nếu có thì như thế nào?
Tài liệu tham khảo chương
1.Khu Tuyết Mai, Vũ Anh Dũng (2009), Giáo trình Kinh tế Quốc tế. NXB. Đại học
Quốc gia Hà Nội.
2.IMF (2008), Balance of Payment Manual, http://www.imf.org.
3.OECD (2008), Benchmark Definition of Foreign Direct Investment, 4th Edition.
4.Paul R. Krugman, Maurice Obstfeld (2012), International Economics: Theory
and Policy, 9th
Edition,Pearson.
5.Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Vũ Hà (2013), “Chapter 3:
Exchange Rate and Capital Flow Management in Vietnam”, Macroeconomic
Policy Stategies for Growth and Stability in Cambodia, Lao PDR, Vietnam, and
Thailand, Parbpim Printing, Thailand.
32
33
Bài 2: THỊ TRƯỜNG NGOẠI HỐI
Mở đầu
Xét theo khối lượng giao dịch, thị trường ngoại hối là thị trường lớn vượt
xa tất cả các thị trường khác. Đây cũng là thị trường hoàn hảo nhất và lỏng nhất
trong tất cả các thị trường. Mọi giao dịch phát sinh từ thương mại quốc tế và đầu
tư quốc tế phải thông qua thị trường ngoại hối vì những giao dịch này đều liên
quan đến việc trao đổi tiền tệ. Hơn nữa, sự phát triển của thị trường ngoại hối xác
định mức độ và những thay đổi trong tỷ giá hối đoái, có ý nghĩa quan trọng đối
với các doanh nghiệp và nền kinh tế.
Mục tiêu
Sau khi học xong bài này, người học có thể:
1. Hiểu được khái niệm về thị trường ngoại hối;
2. Mô tả các đặc điểm của thị trường ngoại hối;
3. Xác định các thành viên tham gia thị trường ngoại hối;
4. Hiểu được khái niệm tỷ giá hối đoái và cách niêm yết tỷ giá;
5. Hiểu được cơ chế của một số thị trường và giao dịch ngoại hối.
2.1. Thị trường ngoại hối
2.1.1. Khái niệm
Thị trường ngoại hối là thị trường diễn ra việc trao đổi ngoại hối. Ngoại hối
bao gồm ngoại tệ, các khoản tiền gửi ngân hàng bằng ngoại tệ và trái phiếu nước
ngoài. Do các khoản tiền gửi ngân hàng bằng nhiều đồng tiền khác nhau chiếm
đa số còn ngoại tệ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong các giao dịch trên thị trường nên
thị trường này được gọi là thị trường ngoại hối chứ không phải là thị trường
ngoại tệ.
Thị trường ngoại hối là thị trường lớn nhất và hoàn hảo nhất trong tất cả các thị
trường. Thị trường này có khối lượng giao dịch cao nhất, lên đến hàng nghìn tỷ
USD mỗi ngày. Đây là thị trường hoàn hảo nhất vì nó đáp ứng được tất cả các
yêu cầu của một thị trường hoàn hảo như số lượng lớn người mua và người bán,
các sản phẩm đồng nhất, tự do thông tin và không có các rào cản gia nhập thị
trường. Hàng hóa giao dịch trên thị trường ngoại hối có thể là các đồng USD, yên
Nhật, bảng Anh hay Euro... mua ở nơi nào cũng giống nhau. Thông tin trên thị
trường ngoại hối luôn đầy đủ và cập nhật, không hạn chế về tiếp cận thông tin và
34
cũng hiếm có giao dịch nội gián như trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, tất cả
mọi người đều có thể tham gia thị trường để giao dịch hoặc rút khỏi thị trường.
Thị trường ngoại hối thực hiện một chức năng quan trọng là xác lập tỷ giá hối
đoái. Đây là một biến số kinh tế vĩ mô có mức độ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt
động của nền kinh tế và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Người ta
cần đến thị trường ngoại hối vì các giao dịch ngoại tệ luôn song hành với các
giao dịch kinh tế quốc tế. Hoạt động của thị trường ngoại hối tạo điều kiện thuận
lợi cho hoạt động thương mại quốc tế và đầu tư quốc tế phát triển.
2.1.2. Đặc điểm
Thị trường phi tập trung
Thị trường ngoại hối là thị trường phi tập trung vì người mua và người bán
hiếm khi gặp nhau. Các nhà kinh doanh ngoại hối duy trì một tài khoản ngoại hối
để tiến hành các giao dịch mua bán ngoại tệ. Mặc dù hầu hết người tham gia thị
trường đều có thông tin về tỷ giá ở các quầy giao dịch ngoại tệ song chỉ có khách
hàng và các nhà kinh doanh ngoại hối mới biết được thông tin chi tiết cho mỗi
lần hỏi giá, chào giá và giá giao dịch thực tế.
Sự phát triển của thị trường ngoại hối phi tập trung liên quan đến việc các
ngân hàng cấp tín dụng thương mại và thanh toán các hối phiếu từ nhiều thế kỷ
trước. Thị trường ngoại hối phi tập trung có mặt trên toàn thế giới, ở bất cứ nơi
nào có các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính tham gia kinh doanh ngoại
hối.
Thị trường tài chính lớn nhất thế giới
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), năm 2001, tổng giá trị các giao
dịch trên thị trường giao ngay, kỳ hạn và hoán đổi chỉ đạt gần 1,3 nghìn tỷ USD
mỗi ngày. Tổng trị giá các giao dịch năm 2001 giảm so với năm 1998 do sự ra
đời của đồng Euro vào đầu năm 1999. Đồng tiền mới này đã trở thành đồng tiền
chung cho khu vực châu Âu, thay thế cho 12 đồng tiền riêng lẻ của khu vực này.
Do vậy, việc lưu hành đồng tiền chung châu Âu đã loại bỏ khối lượng lớn các
giao dịch tiền tệ giữa đồng mark Đức, franc Pháp, guilder Hà Lan, peseta Tây
Ban Nha, lira Ý, franc Bỉ và các đồng tiền quốc gia khác mà đồng Euro thay thế.
Sau đó, giao dịch tiền tệ trên toàn thế giới tiếp tục tăng trưởng và đến năm 2004
toàn thị trường đạt mức doanh thu gần 2 nghìn tỷ USD mỗi ngày. Khối lượng
giao dịch ngoại hối tăng lên gần 4 nghìn tỷ USD mỗi ngày và sau đó chững lại do
35
tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cuối năm 2008. Đến năm
2013, thị trường ngoại hối toàn cầu đạt doanh thu vượt 5 nghìn tỷ USD.
Bảng 2.1: Doanh thu trên thị trường ngoại hối
Đơn vị: tỷ USD/ngày
1998 2001 2004 2007 2010 2013
Giao dịch giao ngay 568 386 631 1.005 1.488 2.046
Giao dịch kỳ hạn 128 130 209 362 475 680
Hoán đổi ngoại hối 734 656 954 1.714 1.759 2.228
Hoán đổi tiền tệ 10 7 21 31 43 54
Quyển chọn và các
giao dịch khác
87 60 119 212 207 337
Tổng 1.527 1.239 1.934 3.324 3.971 5.345
Nguồn: BIS, 2013.
Nước Anh với thị trường tài chính ở London chiếm hơn một phần ba các giao
dịch ngoại hối của thế giới. Thị trường tài chính London với lịch sử phát triển lâu
đời và vị trí thống soái về số lượng các giao dịch ngoại hối là thành quả phát triển
của ngành ngân hàng qua nhiều thế kỷ. Việc nới lỏng các giao dịch tài chính
quốc tế ở London cũng giúp củng cố vị trí hiện tại của thị trường này trên các thị
trường tài chính thế giới. Năm 2013, thị trường Mỹ thực hiện 18% giao dịch
ngoại hối, tiếp theo là thị trường Nhật Bản chiếm 6%, thị trường Singapore
chiếm 5%, Hồng Kông 5% và Thụy Sĩ 5%.
Giao dịch bán buôn chiếm tỷ trọng lớn
Một đặc điểm nổi bật của các nhà kinh doanh ngoại hối là họ thường tiến
hành các giao dịch bán buôn, chuyên mua bán ngoại tệ với số lượng lớn. Giao
dịch trị giá 1 triệu USD chỉ được coi là giao dịch nhỏ trên thị trường ngoại hối.
Các đại lý kinh doanh ngoại hối chủ yếu nằm trong các ngân hàng lớn, được liên
kết bởi các mạng thông tin điện tử tinh vi nhất. Các đại lý phục vụ ngoại hối cho
các công ty kinh doanh quốc tế, công ty tài chính, quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm,
quỹ đầu tư và các nhà đầu tư lớn khác. Các đại lý mua bán ngoại hối cho chính
mình nhằm mục đích cân bằng danh mục ngoại hối, kiếm lời từ các cơ hội chênh
lệch tỷ giá hoặc có khi nhằm vào mục đích đầu cơ.
Sự thống trị của đồng USD trong các giao dịch
Theo BIS (2013), khoảng 90% số lượng giao dịch trên thị trường ngoại hối sử
dụng đồng USD. Các đồng tiền khác như Euro, yên Nhật, bảng Anh, france Thụy
36
Sĩ, đôla Úc, đôla Canada cũng thường được giao dịch trên thị trường ngoại hối
song tỷ trọng giao dịch vẫn cách xa so với đồng USD.
Mặc dù tỷ trọng thương mại hàng hóa và dịch vụ Mỹ nhỏ hơn 20% giá trị
dòng thương mại thế giới song các giao dịch sử dụng đồng USD đang rất phổ
biến. Nhiều giao dịch thương mại quốc tế được tính bằng USD ngay cả khi USD
không phải là đồng nội tệ đối với cả người mua và người bán. Một số hàng hóa
như dầu, cà phê, đồng và nhiều hàng hóa khác được yết giá bằng USD. Việc
thanh toán bằng đồng USD cho những mặt hàng này hoàn toàn không liên quan
đến việc ai là người cung cấp hoặc ai là người mua hàng hóa. Ngoài ra, đa số các
khoản tín dụng quốc tế do các ngân hàng thương mại cấp cho các công ty và
chính phủ các nước đang phát triển đều được tính bằng đồng USD. Bên cạnh đó,
nhiều công ty nước ngoài và các chính phủ huy động vốn bằng cách phát hành
trái phiếu bằng USD. Do vậy, đồng USD đã trở thành đồng tiền phương tiện trên
thế giới.
Sự thống trị của đồng USD trên thị trường ngoại hối thể hiện nó đóng vai trò
là đồng tiền phương tiện trong các giao dịch với những đồng tiền ít phổ biến. Ví
Loại tiền (đơn vị: %) Các cặp đồng tiền (đơn vị: %)
Hình 2.1: Tỷ trọng doanh thu ngoại tệ theo loại tiền và các cặp tiền năm
2013
Nguồn: BIS, 2013.
37
dụ, nếu một công ty muốn đổi đồng peso của Philippines lấy đồng ringgit của
Malaysia, đầu tiên công ty này sẽ phải đổi peso lấy USD, sau đó dùng USD đổi
lấy ringgit. Cách thức giao dịch như vậy có vẻ rườm rà song nó thật sự hiệu quả
hơn so với giao dịch trực tiếp đổi peso lấy ringgit. Giao dịch trao đổi giữa peso
và ringgit thường không phổ biến, do vậy, giá cả có xu hướng biến động mạnh vì
cú sốc nhỏ cũng dễ dàng khiến thị trường chao đảo. Các thị trường trao đổi giữa
peso với USD và đồng ringgit với USD có quy mô lớn hơn, do đó hai thị trường
này cung cấp thông tin chính xác hơn và có độ thanh khoản cao hơn. Tính thanh
khoản thị trường cao hơn có nghĩa là người mua và bán trên thị trường có thể
mua và bán số lượng tiền tệ đúng như mình mong muốn. Chi phí giao dịch trên
thị trường có tính thanh khoản cao thường thấp hơn so với chi phí giao dịch trên
thị trường có tính thanh khoản thấp.
Như đã đề cập ở trên, sự ra đời của đồng Euro từ tháng 1/1999 đã thay thế
cho nhiều đồng tiền khác trong khu vực đồng tiền chung châu Âu. Do vậy, tỷ
trọng các giao dịch bằng đồng Euro đứng thứ hai trên thế giới. Kể từ ngày
1/10/2016, IMF đưa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vào danh sách các đồng
tiền quy đổi của Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Đồng nhân dân tệ sẽ có sức ảnh
hưởng lớn thứ ba trong giỏ tiền tệ quốc tế, với trọng số 10,92%, đứng sau USD
(41,73%) và Euro (30,93%). Tỷ lệ này tương ứng với yên Nhật và bảng Anh là
8,33% và 8,09%. Đây được xem là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực của Trung
Quốc nhằm gây ảnh hưởng đến đời sống kinh tế thế giới vốn bị chi phối bởi Mỹ,
châu Âu và Nhật Bản suốt nhiều thập kỷ qua. Tuy không thể vượt qua sự thống
trị của USD nhưng việc sử dụng đồng nhân dân tệ làm đồng tiền dự trữ cũng như
giao dịch quốc tế có xu hướng tăng mạnh trong tương lai.
Thị trường giao dịch 24/24
Sự phát triển của công nghệ thông tin đã gắn kết các thị trường ngoại hối trên
toàn thế giới để hoạt động 24 giờ mỗi ngày. Các trung tâm tài chính lớn tập trung
ở các khu vực có múi giờ khác nhau. Khi thị trường tài chính ở San Francisco
(Mỹ) đóng cửa vào lúc chiều muộn cũng là lúc các thị trường tại Auckland (New
Zealand), tại Sydney (Australia) và Tokyo (Nhật Bản) vừa mở cửa. Trước khi các
thị trường này đóng cửa thì các thị trường khác tại Singapore ở Đông Nam Á và
Bahrain ở Trung Đông sẽ mở cửa, tiếp đến là các trung tâm tài chính của châu
Âu. Sau khi thị trường London (Anh), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức) thực hiện
38
các giao dịch buổi chiều thì thị trường ở New York mở cửa, tiếp theo là các thị
trường ở Chicago và San Francisco. Cứ như vậy, một chu kỳ hoạt động mới lại
bắt đầu.
Kinh doanh chênh lệch tỷ giá (Arbitrage)
Một đặc trưng của thị trường ngoại hối là các hình thức arbitrage. Hoạt động
này xảy ra khi có chênh lệch giữa tỷ giá mua vào và bán ra trên hai thị trường.
Khi đó, các nhà đầu tư sẽ mua ngoại tệ ở thị trường chào bán với giá rẻ và bán lại
cho thị trường chấp nhận mua vào với giá cao hơn. Hoạt động này sẽ làm mức
chênh lệch giá nhanh chóng biến mất. Hoạt động arbitrage khiến các thị trường
riêng biệt hợp thành một thị trường đơn nhất.
Hoạt động arbitrage được thực hiện dễ dàng bởi một số lý do sau. Thứ nhất,
chi phí vận chuyển tiền gần như bằng không. Do chi phí vận chuyển không đáng
kể nên chênh lệch tỷ giá giữa các thị trường dù nhỏ đến mấy cũng sẽ trở thành cơ
hội kiếm lợi của các nhà đầu tư. Thứ hai, thông tin giá cả trên các thị trường
ngoại hối luôn đầy đủ và cập nhật. Mặc dù khoảng cách địa lý giữa các thị trường
rất lớn song các thị trường lại được kết nối bởi hệ thống thông tin hiện đại. Hơn
nữa, hàng trăm ngân hàng thương mại lớn được đặt chi nhánh tại hầu hết các
trung tâm giao dịch ngoại hối lớn trên thế giới. Với sự hỗ trợ của mạng lưới
thông tin liên lạc điện tử, khi chênh lệch giá trên các thị trường xuất hiện ngay
lập tức sẽ có một lượng tiền lớn được chuyển đi. Hoạt động arbitrage được tiến
hành nhanh với số lượng lớn sẽ làm cho tỷ giá giữa hai đồng tiền trên các thị
trường ngoại hối khác nhau có xu hướng hội tụ.
Giả sử tỷ giá trao đổi giữa USD và yên Nhật tại New York là 90 yên Nhật
cho một đồng USD. Cũng vào thời điểm đó, các đại lý tại Ngân hàng ở London
đang giao dịch ở mức 91 yên Nhật cho mỗi đồng USD. Do có mức chênh lệch
giá giữa hai thị trường nên các nhà kinh doanh sẽ bán USD ở London với giá 91
yên Nhật thay vì bán với giá 90 yên Nhật ở New York. Tương tự, các nhà đầu tư
ở London sẽ bán yên tại New York chứ không phải ở London. Cung đồng yên
Nhật tăng nhanh ở New York và tương tự, cung đồng USD cũng tăng nhanh ở
London. Giao dịch này sẽ hạ giá đồng yên tại New York và tăng giá đồng yên ở
London. Cuối cùng, giá của mỗi đồng USD sẽ nằm trong khoảng lớn hơn 90 và
nhỏ hơn 91 yên Nhật trên cả hai thị trường.
39
Khi có chênh lệch tỷ giá giữa các thị trường, với hệ thống liên lạc trực tuyến,
các nhà đầu tư chỉ mất khoảng vài giây để thực hiện hoạt động arbitrage. Hoạt
động này cũng sẽ nhanh chóng chấm dứt khi tỷ giá trên hai thị trường bằng nhau.
Trên thực tế, mức chênh lệch tỷ giá lớn như trong ví dụ vừa xét đến không tồn
tại. Thời đại liên lạc điện tử cùng với chi phí thương mại thấp sẽ nhanh chóng
xóa bỏ mức chênh lệch tỷ giá giữa hai thị trường dù mức chênh lệch này nhỏ đến
một phần trăm nghìn.
Thị trường ngoại hối sử dụng các giao dịch trực tuyến
Hiện nay có một số trang web giao dịch trực tuyến mới mở cửa cho các cá
nhân và doanh nghiệp. Trang web Currenex là trang web đầu tiên được mở vào
năm 2000 do cựu giám đốc công ty cung cấp dịch vụ Internet toàn cầu America
Online điều hành. Ngay sau đó, một công ty khác đưa ra trang web FXTrade để
mua bán ngoại tệ trực tiếp với các khách lẻ, chủ yếu là các nhà xuất nhập khẩu
nhỏ. Hệ thống máy tính của trang web này có thể xử lý 100 giao dịch mỗi giây.
Tất cả các giao dịch đều được thực hiện không kể quy mô lớn nhỏ. Cách làm này
đã khuyến khích các ngân hàng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cho khách
hàng của mình. Vào tháng 6/2000, 7 trong số các ngân hàng kinh doanh ngoại
hối lớn nhất thế giới là Bank of America, Goldman Sachs, JP Morgan, Morgan
Stanley Dean Witter, HSBC, Credit Suisse First Boston và UBS Warburg đã
cùng mở dịch vụ kinh doanh ngoại hối trực tuyến mang tên FXall. Riêng 7 công
ty này đã chiếm gần 30% giao dịch ngoại hối toàn cầu.
Tháng 8/2000, 3 ngân hàng kinh doanh ngoại hối lớn nhất thế giới bao gồm
Citibank, Chase Manhattan và Deutsche Bank (kiểm soát khoảng 28% các giao
dịch ngoại hối toàn cầu) đã công bố hợp tác với Reuters để tạo ra Atraix – dịch
vụ kinh doanh ngoại hối trực tuyến. Reuters đã điều hành một trong các hệ thống
liên ngân hàng trên toàn thế giới.
Hotspot – sàn giao dịch trực tuyến mở cửa năm 2005 đã nhanh chóng giành
được thị phần bởi nó duy trì tính bảo mật cho các khách hàng. Đây là một tính
năng mà các quỹ đầu tư đặc biệt quan tâm. Các quỹ đầu tư ngày càng tăng số
lượng các giao dịch ngoại tệ để trực tiếp tìm kiếm lợi nhuận hoặc gián tiếp kiếm
lời từ kinh doanh tài sản ngoại hối, do vậy, họ rất nghi ngại bị tiết lộ thông tin về
các giao dịch hoặc để lộ chiến lược kinh doanh khiến thu nhập bị giảm sút.
40
Một bước quan trọng trong giao dịch trực tuyến diễn ra vào cuối năm 2004
khi EBS – mạng lưới thông tin liên lạc liên ngân hàng lớn nhất thế giới bắt đầu
chương trình thí điểm cho một số người bên ngoài có thể truy cập trực tiếp vào
mạng. Điều này có nghĩa rằng một số quỹ hưu trí, công ty đa quốc gia và các
khách hàng lớn có thể bắt đầu trực tiếp yêu cầu báo giá và sau đó tự tiến hành
giao dịch mà không cần sự tham gia của các đại lý truyền thống.
Vẫn còn quá sớm để dự báo toàn bộ tác động của sự phát triển công nghệ và
những thay đổi trên các thị trường ngoại hối. Song rõ ràng giao dịch trực tuyến
đang thay thế các giao dịch được tiến hành trên điện thoại – cách thức đã được
tiến hành hơn 100 năm. Mặc dù phần lớn các giao dịch ngoại hối vẫn thông qua
các đại lý truyền thống nhưng áp lực cạnh tranh từ kinh doanh trực tuyến đã làm
giảm chi phí giao dịch cho các nhà xuất nhập khẩu và các nhà đầu tư quốc tế. Các
ngân hàng đại lý phải đối mặt với xu hướng sụt giảm lợi nhuận từ hình thức cạnh
tranh mới này.
2.1.3. Các thành viên tham gia thị trường ngoại hối
Tham gia thị trường ngoại hối là người trực tiếp hay gián tiếp mua và bán
ngoại hối. Có nhiều cách để phân loại những người tham gia mua bán trên thị
trường ngoại hối. Dựa vào mục đích hoạt động, người mua và bán trên thị trường
ngoại hối được chia thành nhóm người kinh doanh chênh lệch tỷ giá, bảo hiểm và
đầu cơ. Có một số người tham gia thị trường ngoại hối để kinh doanh chênh lệch
tỷ giá khi tỷ giá niêm yết trên hai trung tâm tài chính có sự khác biệt. Một số
người khác tham gia vào thị trường này để bảo hiểm cho các vị thế ngoại hối
nhằm phòng ngừa hoặc loại bỏ rủi ro tỷ giá. Ví dụ, để bảo hiểm cho khoản ngoại
tệ phải trả trong tương lai, công ty nhập khẩu có thể mua ngoại tệ theo tỷ giá kỳ
hạn. Ngược lại, các nhà đầu cơ lại chấp nhận rủi ro mua bán ngoại tệ để kiếm lời.
Nhà đầu cơ sẽ mua đồng tiền dự kiến lên giá và bán đồng tiền dự kiến mất giá.
Nếu đồng tiền biến động đúng như dự kiến, nhà đầu cơ sẽ thu được lợi nhuận,
nếu biến động theo chiều ngược lại thì nhà đầu cơ sẽ bị lỗ.
Một cách phân loại phổ biến hơn là phân chia những người tham gia thị
trường ngoại hối thành 5 nhóm: (i) khách hàng, (ii) ngân hàng thương mại, (iii)
các tổ chức tài chính phi ngân hàng, (iv) các nhà môi giới và (v) các ngân hàng
trung ương.
41
Nhóm khách hàng gồm các cá nhân và các công ty mua bán ngoại hối phục
vụ cho hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế của mình. Nhóm khách hàng có
thể là các công ty xuất khẩu, nhập khẩu, khách du lịch, những người nhập cư và
các nhà đầu tư. Các nhà xuất khẩu bán ngoại tệ mà họ có được từ các công ty
nước ngoài mua sản phẩm của họ. Các công ty nhập khẩu mua ngoại tệ để thanh
toán các đơn hàng nhập khẩu cho các nhà cung cấp nước ngoài. Khách du lịch ra
nước ngoài mua ngoại tệ, trong khi những người đến từ nước ngoài (khách du
lịch nước ngoài) mua đồng nội tệ để chi trả cho chi phí sinh hoạt trong khi họ
đang đi du lịch. Các nhà đầu tư mua và bán ngoại tệ để tiến hành đầu tư vào tài
sản ngoại như trái phiếu, cổ phiếu, bất động sản của nước ngoài. Trên thị trường
ngoại hối, nhóm khách hàng là người chấp nhận giá, nghĩa là họ mua ngoại tệ
theo tỷ giá niêm yết trên thị trường.
Các ngân hàng thương mại tham gia thị trường ngoại hối với tư cách mua
bán hộ ngoại hối cho các khách hàng và hưởng chênh lệch giữa giá mua và giá
bán. Các ngân hàng thương mại cũng có thể tham gia các hoạt động đầu cơ để
tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn. Họ thực hiện chức năng này thông qua một
nhóm các đại lý. Các đại lý có thể chuyên kinh doanh một loại tiền tệ, một nhóm
các đồng tiền hay một loại giao dịch, ví dụ giao dịch giao ngay hoặc giao dịch kỳ
hạn. Các ngân hàng thương mại lớn đóng vai trò định giá trên thị trường vì các
ngân hàng này luôn sẵn sàng mua bán ngoại tệ theo mức giá đã công bố.
Các giao dịch bán buôn được thực hiện giữa các ngân hàng thương mại với
nhau, hình thành nên thị trường liên ngân hàng. Ngày nay, hoạt động của thị
trường liên ngân hàng đang chiếm ưu thế trên thị trường ngoại hối. Thành viên
hoạt động tích cực nhất trên thị trường ngoại hối chính là các ngân hàng thương
mại. Song vì mức độ hoạt động của các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng
không giống nhau nên các ngân hàng thương mại được phân loại thành: (i) nhóm
các ngân hàng định giá bao gồm các ngân hàng lớn nhất, (ii) nhóm các ngân hàng
đại lý lớn gồm các ngân hàng sẵn sàng báo giá một số loại tiền tệ, và (iii) nhóm
các ngân hàng cấp hai gồm các ngân hàng chỉ báo giá và giao dịch với số lượng
ít.
Các tổ chức tài chính phi ngân hàng bao gồm các ngân hàng đầu tư, công ty
bảo hiểm, quỹ hưu trí và quỹ tương hỗ. Các tổ chức này có thể tiến hành giao
dịch trực tiếp mua bán ngoại hối mà không thông qua ngân hàng. Các giao dịch
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf
Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf

More Related Content

Similar to Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf

CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ (BOP)
CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ (BOP)CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ (BOP)
CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ (BOP)pikachukt04
 
Cau hoi va bai tap TCQT
Cau hoi va bai tap TCQTCau hoi va bai tap TCQT
Cau hoi va bai tap TCQTGIALANG
 
Thanh toán quốc tế đối với hoạt động xuất khẩu
Thanh toán quốc tế đối với hoạt động xuất khẩuThanh toán quốc tế đối với hoạt động xuất khẩu
Thanh toán quốc tế đối với hoạt động xuất khẩuguest3c41775
 
Các công cụ chính sách tiền tệ hiện nay ở Việt Nam
Các công cụ chính sách tiền tệ hiện nay ở Việt NamCác công cụ chính sách tiền tệ hiện nay ở Việt Nam
Các công cụ chính sách tiền tệ hiện nay ở Việt NamSương Tuyết
 
Tiểu luận môn tài chính tiền tệ các công cụ chính sách tiền tệ hiện nay ở việ...
Tiểu luận môn tài chính tiền tệ các công cụ chính sách tiền tệ hiện nay ở việ...Tiểu luận môn tài chính tiền tệ các công cụ chính sách tiền tệ hiện nay ở việ...
Tiểu luận môn tài chính tiền tệ các công cụ chính sách tiền tệ hiện nay ở việ...https://www.facebook.com/garmentspace
 
de an mon hoc (44).doc
de an mon hoc  (44).docde an mon hoc  (44).doc
de an mon hoc (44).docLuanvan84
 
thực trạng đô la hóa ở Việt Nam
thực trạng đô la hóa ở Việt Namthực trạng đô la hóa ở Việt Nam
thực trạng đô la hóa ở Việt NamVũ Tuyết
 
Nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế tại NHNo&PTNT chi nhánh Hà Tây
 Nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế tại NHNo&PTNT chi nhánh Hà Tây Nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế tại NHNo&PTNT chi nhánh Hà Tây
Nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế tại NHNo&PTNT chi nhánh Hà Tâyhieu anh
 
Thanh Toan quoc te.pdf
Thanh Toan quoc te.pdfThanh Toan quoc te.pdf
Thanh Toan quoc te.pdfPIBIBI
 
CHÍNH SÁCH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY.pdf
CHÍNH SÁCH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY.pdfCHÍNH SÁCH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY.pdf
CHÍNH SÁCH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY.pdfNuioKila
 
CHÍNH SÁCH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY.pdf
CHÍNH SÁCH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY.pdfCHÍNH SÁCH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY.pdf
CHÍNH SÁCH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY.pdfNuioKila
 
Phát hành-trái-phiếu-quốc-tế-của-việt-nam-thực-trạng-và-giải-pháp (1)
Phát hành-trái-phiếu-quốc-tế-của-việt-nam-thực-trạng-và-giải-pháp (1)Phát hành-trái-phiếu-quốc-tế-của-việt-nam-thực-trạng-và-giải-pháp (1)
Phát hành-trái-phiếu-quốc-tế-của-việt-nam-thực-trạng-và-giải-pháp (1)Until You
 
LUẬN VĂN: KIỂM SOÁT CHI TIÊU CÔNG VÀ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM: T...
LUẬN VĂN: KIỂM SOÁT CHI TIÊU CÔNG VÀ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM: T...LUẬN VĂN: KIỂM SOÁT CHI TIÊU CÔNG VÀ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM: T...
LUẬN VĂN: KIỂM SOÁT CHI TIÊU CÔNG VÀ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM: T...OnTimeVitThu
 
Nhân tố ảnh hưởng đến mức độ tập trung thương mại hàng hóа giữа việt nаm và e...
Nhân tố ảnh hưởng đến mức độ tập trung thương mại hàng hóа giữа việt nаm và e...Nhân tố ảnh hưởng đến mức độ tập trung thương mại hàng hóа giữа việt nаm và e...
Nhân tố ảnh hưởng đến mức độ tập trung thương mại hàng hóа giữа việt nаm và e...nataliej4
 

Similar to Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf (20)

CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ (BOP)
CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ (BOP)CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ (BOP)
CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ (BOP)
 
Cau hoi va bai tap TCQT
Cau hoi va bai tap TCQTCau hoi va bai tap TCQT
Cau hoi va bai tap TCQT
 
Thanh toán quốc tế đối với hoạt động xuất khẩu
Thanh toán quốc tế đối với hoạt động xuất khẩuThanh toán quốc tế đối với hoạt động xuất khẩu
Thanh toán quốc tế đối với hoạt động xuất khẩu
 
Cán cân thanh toán quốc tế
Cán cân thanh toán quốc tếCán cân thanh toán quốc tế
Cán cân thanh toán quốc tế
 
Các công cụ chính sách tiền tệ hiện nay ở Việt Nam
Các công cụ chính sách tiền tệ hiện nay ở Việt NamCác công cụ chính sách tiền tệ hiện nay ở Việt Nam
Các công cụ chính sách tiền tệ hiện nay ở Việt Nam
 
Luận văn: Nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế, HOT
Luận văn: Nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế, HOTLuận văn: Nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế, HOT
Luận văn: Nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế, HOT
 
Tiểu luận môn tài chính tiền tệ các công cụ chính sách tiền tệ hiện nay ở việ...
Tiểu luận môn tài chính tiền tệ các công cụ chính sách tiền tệ hiện nay ở việ...Tiểu luận môn tài chính tiền tệ các công cụ chính sách tiền tệ hiện nay ở việ...
Tiểu luận môn tài chính tiền tệ các công cụ chính sách tiền tệ hiện nay ở việ...
 
Thuyết trình
Thuyết trìnhThuyết trình
Thuyết trình
 
de an mon hoc (44).doc
de an mon hoc  (44).docde an mon hoc  (44).doc
de an mon hoc (44).doc
 
Do la hoa_0999
Do la hoa_0999Do la hoa_0999
Do la hoa_0999
 
thực trạng đô la hóa ở Việt Nam
thực trạng đô la hóa ở Việt Namthực trạng đô la hóa ở Việt Nam
thực trạng đô la hóa ở Việt Nam
 
Nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế tại NHNo&PTNT chi nhánh Hà Tây
 Nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế tại NHNo&PTNT chi nhánh Hà Tây Nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế tại NHNo&PTNT chi nhánh Hà Tây
Nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán quốc tế tại NHNo&PTNT chi nhánh Hà Tây
 
Thanh Toan quoc te.pdf
Thanh Toan quoc te.pdfThanh Toan quoc te.pdf
Thanh Toan quoc te.pdf
 
CHÍNH SÁCH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY.pdf
CHÍNH SÁCH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY.pdfCHÍNH SÁCH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY.pdf
CHÍNH SÁCH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY.pdf
 
CHÍNH SÁCH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY.pdf
CHÍNH SÁCH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY.pdfCHÍNH SÁCH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY.pdf
CHÍNH SÁCH HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY.pdf
 
Luận văn: Chính sách Hội nhập Kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay
Luận văn: Chính sách Hội nhập Kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nayLuận văn: Chính sách Hội nhập Kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay
Luận văn: Chính sách Hội nhập Kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay
 
Phát hành-trái-phiếu-quốc-tế-của-việt-nam-thực-trạng-và-giải-pháp (1)
Phát hành-trái-phiếu-quốc-tế-của-việt-nam-thực-trạng-và-giải-pháp (1)Phát hành-trái-phiếu-quốc-tế-của-việt-nam-thực-trạng-và-giải-pháp (1)
Phát hành-trái-phiếu-quốc-tế-của-việt-nam-thực-trạng-và-giải-pháp (1)
 
LUẬN VĂN: KIỂM SOÁT CHI TIÊU CÔNG VÀ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM: T...
LUẬN VĂN: KIỂM SOÁT CHI TIÊU CÔNG VÀ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM: T...LUẬN VĂN: KIỂM SOÁT CHI TIÊU CÔNG VÀ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM: T...
LUẬN VĂN: KIỂM SOÁT CHI TIÊU CÔNG VÀ QUẢN LÝ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM: T...
 
Luận văn: Quốc tế hóa đồng nhân dân tệ sau đại hội 18, HAY
Luận văn: Quốc tế hóa đồng nhân dân tệ sau đại hội 18, HAYLuận văn: Quốc tế hóa đồng nhân dân tệ sau đại hội 18, HAY
Luận văn: Quốc tế hóa đồng nhân dân tệ sau đại hội 18, HAY
 
Nhân tố ảnh hưởng đến mức độ tập trung thương mại hàng hóа giữа việt nаm và e...
Nhân tố ảnh hưởng đến mức độ tập trung thương mại hàng hóа giữа việt nаm và e...Nhân tố ảnh hưởng đến mức độ tập trung thương mại hàng hóа giữа việt nаm và e...
Nhân tố ảnh hưởng đến mức độ tập trung thương mại hàng hóа giữа việt nаm và e...
 

Recently uploaded

Catalog Dây cáp điện CADIVI ky thuat.pdf
Catalog Dây cáp điện CADIVI ky thuat.pdfCatalog Dây cáp điện CADIVI ky thuat.pdf
Catalog Dây cáp điện CADIVI ky thuat.pdfOrient Homes
 
CATALOG cáp cadivi_1.3.2024_compressed.pdf
CATALOG cáp cadivi_1.3.2024_compressed.pdfCATALOG cáp cadivi_1.3.2024_compressed.pdf
CATALOG cáp cadivi_1.3.2024_compressed.pdfOrient Homes
 
Chương 7 Chủ nghĩa xã hội khoa học neu slide
Chương 7 Chủ nghĩa xã hội khoa học neu slideChương 7 Chủ nghĩa xã hội khoa học neu slide
Chương 7 Chủ nghĩa xã hội khoa học neu slideKiuTrang523831
 
2020.Catalogue CÁP TR131321313UNG THẾ.pdf
2020.Catalogue CÁP TR131321313UNG THẾ.pdf2020.Catalogue CÁP TR131321313UNG THẾ.pdf
2020.Catalogue CÁP TR131321313UNG THẾ.pdfOrient Homes
 
Catalog ống nước Europipe upvc-ppr2022.pdf
Catalog ống nước Europipe upvc-ppr2022.pdfCatalog ống nước Europipe upvc-ppr2022.pdf
Catalog ống nước Europipe upvc-ppr2022.pdfOrient Homes
 
CATALOG Đèn, thiết bị điện ASIA LIGHTING 2023.pdf
CATALOG Đèn, thiết bị điện ASIA LIGHTING 2023.pdfCATALOG Đèn, thiết bị điện ASIA LIGHTING 2023.pdf
CATALOG Đèn, thiết bị điện ASIA LIGHTING 2023.pdfOrient Homes
 
Dây cáp điện Trần Phú Eco - Catalogue 2023.pdf
Dây cáp điện Trần Phú Eco - Catalogue 2023.pdfDây cáp điện Trần Phú Eco - Catalogue 2023.pdf
Dây cáp điện Trần Phú Eco - Catalogue 2023.pdfOrient Homes
 
CNXHKH-Chương-2.-Sứ-mệnh-lịch-sử-của-giai-cấp-công-nhân.pdf
CNXHKH-Chương-2.-Sứ-mệnh-lịch-sử-của-giai-cấp-công-nhân.pdfCNXHKH-Chương-2.-Sứ-mệnh-lịch-sử-của-giai-cấp-công-nhân.pdf
CNXHKH-Chương-2.-Sứ-mệnh-lịch-sử-của-giai-cấp-công-nhân.pdfThanhH487859
 
CATALOGUE ART-DNA 2023-2024-Orient Homes.pdf
CATALOGUE ART-DNA 2023-2024-Orient Homes.pdfCATALOGUE ART-DNA 2023-2024-Orient Homes.pdf
CATALOGUE ART-DNA 2023-2024-Orient Homes.pdfOrient Homes
 
CATALOGUE Cáp điện Taya (FR, FPR) 2023.pdf
CATALOGUE Cáp điện Taya (FR, FPR) 2023.pdfCATALOGUE Cáp điện Taya (FR, FPR) 2023.pdf
CATALOGUE Cáp điện Taya (FR, FPR) 2023.pdfOrient Homes
 
Catalogue cáp điện GOLDCUP 2023(kỹ thuật).pdf
Catalogue cáp điện GOLDCUP 2023(kỹ thuật).pdfCatalogue cáp điện GOLDCUP 2023(kỹ thuật).pdf
Catalogue cáp điện GOLDCUP 2023(kỹ thuật).pdfOrient Homes
 
Catalogue Cadisun CÁP HẠ THẾ (26-09-2020).pdf
Catalogue Cadisun CÁP HẠ THẾ (26-09-2020).pdfCatalogue Cadisun CÁP HẠ THẾ (26-09-2020).pdf
Catalogue Cadisun CÁP HẠ THẾ (26-09-2020).pdfOrient Homes
 
Tạp dề là gì? Tổng hợp các kiểu dáng tạp dề xu hướng
Tạp dề là gì? Tổng hợp các kiểu dáng tạp dề xu hướngTạp dề là gì? Tổng hợp các kiểu dáng tạp dề xu hướng
Tạp dề là gì? Tổng hợp các kiểu dáng tạp dề xu hướngMay Ong Vang
 
Catalogue-thiet-bi-chieu-sang-DUHAL-2023.pdf
Catalogue-thiet-bi-chieu-sang-DUHAL-2023.pdfCatalogue-thiet-bi-chieu-sang-DUHAL-2023.pdf
Catalogue-thiet-bi-chieu-sang-DUHAL-2023.pdfOrient Homes
 
catalogue-cap-trung-va-ha-the-ls-vina.pdf
catalogue-cap-trung-va-ha-the-ls-vina.pdfcatalogue-cap-trung-va-ha-the-ls-vina.pdf
catalogue-cap-trung-va-ha-the-ls-vina.pdfOrient Homes
 

Recently uploaded (15)

Catalog Dây cáp điện CADIVI ky thuat.pdf
Catalog Dây cáp điện CADIVI ky thuat.pdfCatalog Dây cáp điện CADIVI ky thuat.pdf
Catalog Dây cáp điện CADIVI ky thuat.pdf
 
CATALOG cáp cadivi_1.3.2024_compressed.pdf
CATALOG cáp cadivi_1.3.2024_compressed.pdfCATALOG cáp cadivi_1.3.2024_compressed.pdf
CATALOG cáp cadivi_1.3.2024_compressed.pdf
 
Chương 7 Chủ nghĩa xã hội khoa học neu slide
Chương 7 Chủ nghĩa xã hội khoa học neu slideChương 7 Chủ nghĩa xã hội khoa học neu slide
Chương 7 Chủ nghĩa xã hội khoa học neu slide
 
2020.Catalogue CÁP TR131321313UNG THẾ.pdf
2020.Catalogue CÁP TR131321313UNG THẾ.pdf2020.Catalogue CÁP TR131321313UNG THẾ.pdf
2020.Catalogue CÁP TR131321313UNG THẾ.pdf
 
Catalog ống nước Europipe upvc-ppr2022.pdf
Catalog ống nước Europipe upvc-ppr2022.pdfCatalog ống nước Europipe upvc-ppr2022.pdf
Catalog ống nước Europipe upvc-ppr2022.pdf
 
CATALOG Đèn, thiết bị điện ASIA LIGHTING 2023.pdf
CATALOG Đèn, thiết bị điện ASIA LIGHTING 2023.pdfCATALOG Đèn, thiết bị điện ASIA LIGHTING 2023.pdf
CATALOG Đèn, thiết bị điện ASIA LIGHTING 2023.pdf
 
Dây cáp điện Trần Phú Eco - Catalogue 2023.pdf
Dây cáp điện Trần Phú Eco - Catalogue 2023.pdfDây cáp điện Trần Phú Eco - Catalogue 2023.pdf
Dây cáp điện Trần Phú Eco - Catalogue 2023.pdf
 
CNXHKH-Chương-2.-Sứ-mệnh-lịch-sử-của-giai-cấp-công-nhân.pdf
CNXHKH-Chương-2.-Sứ-mệnh-lịch-sử-của-giai-cấp-công-nhân.pdfCNXHKH-Chương-2.-Sứ-mệnh-lịch-sử-của-giai-cấp-công-nhân.pdf
CNXHKH-Chương-2.-Sứ-mệnh-lịch-sử-của-giai-cấp-công-nhân.pdf
 
CATALOGUE ART-DNA 2023-2024-Orient Homes.pdf
CATALOGUE ART-DNA 2023-2024-Orient Homes.pdfCATALOGUE ART-DNA 2023-2024-Orient Homes.pdf
CATALOGUE ART-DNA 2023-2024-Orient Homes.pdf
 
CATALOGUE Cáp điện Taya (FR, FPR) 2023.pdf
CATALOGUE Cáp điện Taya (FR, FPR) 2023.pdfCATALOGUE Cáp điện Taya (FR, FPR) 2023.pdf
CATALOGUE Cáp điện Taya (FR, FPR) 2023.pdf
 
Catalogue cáp điện GOLDCUP 2023(kỹ thuật).pdf
Catalogue cáp điện GOLDCUP 2023(kỹ thuật).pdfCatalogue cáp điện GOLDCUP 2023(kỹ thuật).pdf
Catalogue cáp điện GOLDCUP 2023(kỹ thuật).pdf
 
Catalogue Cadisun CÁP HẠ THẾ (26-09-2020).pdf
Catalogue Cadisun CÁP HẠ THẾ (26-09-2020).pdfCatalogue Cadisun CÁP HẠ THẾ (26-09-2020).pdf
Catalogue Cadisun CÁP HẠ THẾ (26-09-2020).pdf
 
Tạp dề là gì? Tổng hợp các kiểu dáng tạp dề xu hướng
Tạp dề là gì? Tổng hợp các kiểu dáng tạp dề xu hướngTạp dề là gì? Tổng hợp các kiểu dáng tạp dề xu hướng
Tạp dề là gì? Tổng hợp các kiểu dáng tạp dề xu hướng
 
Catalogue-thiet-bi-chieu-sang-DUHAL-2023.pdf
Catalogue-thiet-bi-chieu-sang-DUHAL-2023.pdfCatalogue-thiet-bi-chieu-sang-DUHAL-2023.pdf
Catalogue-thiet-bi-chieu-sang-DUHAL-2023.pdf
 
catalogue-cap-trung-va-ha-the-ls-vina.pdf
catalogue-cap-trung-va-ha-the-ls-vina.pdfcatalogue-cap-trung-va-ha-the-ls-vina.pdf
catalogue-cap-trung-va-ha-the-ls-vina.pdf
 

Tập Bài giảng Tài Chính Quốc tế 2018.docx.pdf

  • 1. 1 ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ ----------------- Nguyễn Hồng Sơn (Chủ biên) TẬP BÀI GIẢNG TÀI CHÍNH QUỐC TẾ:LÝ THUYẾT VÀ THỰC TIỄN LƯU HÀNH NỘI BỘ Không sao chép, trích dẫn Hà Nội - 2018
  • 2. 2 LỜI MỞ ĐẦU Cùng với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, các hoạt động thương mại, đầu tư và di chuyển vốn giữa các nước đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Chính “độ mở” về thương mại, đầu tư và tài chính đã khiến các nước ngày càng trở nên phụ thuộc vào nhau. Tuy nhiên, khi một nước gặp khủng hoảng kinh tế sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của các nước đối tác có quan hệ thương mại, đầu tư và tài chính với nước đó. Ảnh hưởng này có thể là nguyên nhân tiềm tàng gây lan truyền, làm suy thoái nền kinh tế của các nước đối tác, của khu vực và thậm chí làm suy thoái nền kinh tế toàn cầu. Do đó, mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, nên chủ động có các chính sách phù hợp và giải pháp kịp thời để chống đỡ và giảm thiểu các “cú sốc” từ bên ngoài vào nền kinh tế trong nước. Thực tế cũng khẳng định, một quốc gia muốn phát triển ổn định và bền vững thì cần phải có các chuyên gia dự báo kinh tế cho chính phủ, cho các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường quốc tế, các công ty chứng khoán và các ngân hàng để tư vấn hoạch định chiến lược kinh doanh và phòng ngừa rủi ro. Chính vì vậy, việc đào tạo nhân lực chuyên sâu về tài chính quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội là hết sức cần thiết. Đứng trước thực tế đó, môn học Tài chính quốc tế được xếp là môn học bắt buộc đối với ngành Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế và là môn học lựa chọn cho các trường thuộc khối kinh tế. Nhóm tác giả mong muốn cung cấp Tập bài giảng môn học Tài chính quốc tế cho sinh viên Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN để nắm bắt được kiến thức chuyên sâu, nâng cao khả năng phân tích và bình luận các vấn đề liên quan tới tài chính quốc tế theo phương pháp tiếp cận hiện đại. Tập bài giảng này gồm 10 bài giảng chia thành 4 phần được biên soạn dựa theo cuốn giáo trình International Economics: Theory and Policy (Kinh tế Quốc tế: Lý thuyết và Chính sách) của các tác giả Paul R. Krugman, Maurice Obstfeld và Marc J. Melitz, xuất bản lần thứ 9 năm 2012. Dựa trên thực tiễn nghiên cứu và giảng dạy, các tác giả có bổ
  • 3. 3 sung các nghiên cứu tình huống và ví dụ nhằm làm sáng tỏ cũng như tạo điều kiện cho người đọc dễ tiếp cận hơn với các vấn đề lý thuyết và chính sách. Chúng tôi chân thành đón nhận những ý kiến đóng góp để lần hoàn thiện hơn. Chủ biên PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn
  • 4. 4 CÁC TÁC GIẢ TS. Trần Việt Dung: Nhận bằng Thạc sĩ tại Đại học Tổng hợp Queensland, Australia; Nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội; giảng viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội; tác giả Bài 2. TS. Nguyễn Tiến Dũng: Nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Quốc gia Nagoya, Nhật Bản; giảng viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội; tác giả Bài 6, 7 và 8. TS. Nguyễn Thị Vũ Hà: Nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội; giảng viên Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội; tác giả Bài 1. TS. Phạm Xuân Hoan: Nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Melbourne, Australia; Trưởng Ban Kế hoạch Tài chính – Đại học Quốc gia Hà Nội; tác giả Bài 5. TS. Nguyễn Cẩm Nhung: Nhận bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ Kinh tế tại Đại học Quốc gia Yokohama, Nhật Bản; giảng viên, Phó Chủ nhiệm Khoa Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội; tác giả Bài 3 và 4. PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn: Nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế Chính trị tại Đại học Tổng hợp Moscow – Liên bang Nga; Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; đồng tác giả Bài 9, 10 và là chủ biên Tập Bài giảng. ThS. Phạm Anh Tuấn: Nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Tổng hợp Queensland, Australia; đồng tác giả Bài 9 và 10.
  • 5. 5 MỤC LỤC PHẦN I: Cán cân thanh toán quốc tế và thị trường ngoại hối Bài 1: Cán cân thanh toán quốc tế Bài 2: Thị trường ngoại hối PHẦN II: Các cách xác định Tỷ giá hối đoái Bài 3: Mô hình xác định Tỷ giá hối đoái theo phương pháp tiếp cận tài sản Bài 4: Mô hình xác định Tỷ giá hối đoái theo phương pháp tiếp cận tiền tệ Bài 5: Mô hình xác định tỷ giá hối đoái theo phương pháp tiếp cận tổng quát PHẦN III: Các chính sách kinh tế vĩ mô dưới các chế độ tỷ giá hối đoái Bài 6: Cân bằng trong nền kinh tế mở - Mô hình AA-DD Bài 7: Chính sách tài khóa và tiền tệ dưới chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt Bài 8: Chính sách kinh tế vĩ mô dưới chế độ tỷ giá cố định PHẦN IV: Hệ thống tài chính toàn cầu Bài 9: Lịch sử phát triển của hệ thống tài chính toàn cầu Bài 10: Những đề xuất cải cách hệ thống tài chính toàn cầu
  • 6. 6 PHẦN I: CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ VÀ THỊ TRƯỜNG NGOẠI HỐI BÀI I: CÁN CÂN THANH TOÁN QUỐC TẾ Mở đầu Cán cân thanh toán quốc tế (Balance of Payment - BOP) là một bản thống kê kinh tế vĩ mô quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách trong một nền kinh tế mở. Đây là một báo cáo được theo dõi chặt chẽ và có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998, có thể thấy, đầu những năm 1990, BOP của Thái Lan liên tục bị thâm hụt, năm 1995 là 8,1% GDP và năm 1996 là 8,2% GDP. Điều này đã gây sức ép giảm giá đồng bath Thái Lan, khiến các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn về nước, còn các nhà đầu tư trong nước săn lùng ngoại tệ, gây ra hiện tượng đầu cơ trên thị trường ngoại hối của Thái Lan. Ngân hàng Trung ương Thái Lan lúc này buộc phải đứng trước hai lựa chọn khó khăn: Một là thả nổi tỷ giá hối đoái và kèm theo đó là tăng lãi suất, giảm chi tiêu Chính phủ dẫn tới thu hẹp kinh tế; hai là cố định tỷ giá kèm theo kiểm soát vốn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ kinh tế giữa các nước và làm kiệt quệ dự trữ ngoại hối quốc gia. Đến ngày 2/7/1997, Chính phủ Thái Lan buộc phải tuyên bố thả nổi đồng bath và đây chính là sự kiện đầu tiên trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998. Mục tiêu: Sau khi học xong bài này, người học có thể: 1. Hiểu được BOP là gì; 2. Hiểu được cấu trúc và cách thức hạch toán các giao dịch kinh tế vào BOP; 3. Giải thích được ý nghĩa của BOP và mối liên hệ giữa BOP với các chỉ số kinh tế vĩ mô khác trong nền kinh tế; 4. Giải thích rõ nguyên nhân và các yếu tố ảnh hưởng đến BOP; 5. Hiểu rõ mối liên hệ giữa BOP và vị thế đầu tư quốc tế (International Investment Position - IIP). 1.1. Khái niệm, mục tiêu và nguyên tắc bút toán 1.1.1. Khái niệm BOP là bản thống kê tất cả các giao dịch kinh tế giữa những người cư trú của một nước với những người cư trú của các nước khác (những người không cư trú) trong
  • 7. 7 một thời kỳ nhất định, thường là một năm.Trong đó, giao dịch kinh tế là sự trao đổi tự nguyện quyền sở hữu hàng hóa hoặc dịch vụ hoặc tài sản tài chính giữa những người cư trú và người không cư trú. Cụ thể là các giao dịch sau: - Trao đổi hàng hóa và dịch vụ này để lấy hàng hóa và dịch vụ khác. Ví dụ: Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ này để nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ khác. - Trao đổi hàng hóa và dịch vụ để lấy tài sản tài chính. Ví dụ: Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ rồi gửi số tiền nhận được tại ngân hàng nước ngoài để hưởng lãi suất hoặc mua trái phiếu, cổ phiếu và tín phiếu ngân hàng hoặc bán các tài sản tài chính để nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. - Trao đổi tài sản tài chính này lấy tài sản tài chính khác. Ví dụ: Mua trái phiếu nước ngoài bằng cách đi vay hoặc phát hành trái phiếu ra nước ngoài. - Chuyển giao hàng hóa và dịch vụ một chiều. Ví dụ: Khi tài trợ, viện trợ hàng hóa làm từ thiện, quà tặng… hoặc thu chuyển giao một chiều sau đó nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. - Chuyển giao tài sản tài chính một chiều. Ví dụ: Nhận tiền từ người không cư trú để nhập khẩu hàng hóa hoặc để mua trái phiếu nước ngoài hoặc gửi tài sản tài chính cho người không cư trú bằng cách xuất khẩu hàng hóa hoặc giảm tài khoản tiền gửi ở nước ngoài. Một điều cần lưu ý là trong các giao dịch trên, quà tặng và những giao dịch đơn phương khác mà không đòi hỏi thanh toán cũng được đưa vào BOP. Khái niệm tiếp theo là người cư trú. Người cư trú là những thể nhân hoặc pháp nhân, cư trú ở quốc gia đang được xem xét nhiều hơn một năm, không phụ thuộc vào quốc tịch của họ. Ngoài ra, người cư trú phải có thu nhập từ quốc gia mà họ cư trú. Nếu không hội đủ hai điều kiện trên thì gọi là người không cư trú. Cần lưu ý rằng các nhà ngoại giao, các chuyên gia quân sự làm việc ở bên ngoài lãnh thổ của họ cũng như các tổ chức quốc tế thì không phải là người cư trú của nước mà họ đang làm việc. Hộp 1.1 Ở Việt Nam, định nghĩa về người cư trú được quy định tại mục 1 Điều 1 của Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối số 06/2013/PL-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/3/2013 như sau: 2. Người cư trú là tổ chức, cá nhân thuộc các đối tượng sau đây: a) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động tại Việt Nam theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng; b) Tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam (sau đây gọi là tổ chức kinh tế);
  • 8. 8 c) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện của Việt Nam hoạt động tại Việt Nam; d) Văn phòng đại diện tại nước ngoài của các tổ chức quy định tại các điểm a, b và c khoản này; đ) Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện tại tổ chức quốc tế của Việt Nam ở nước ngoài; e) Công dân Việt Nam cư trú tại Việt Nam; công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thời hạn dưới 12 tháng; công dân Việt Nam làm việc tại các tổ chức quy định tại điểm d và điểm đ khoản này và cá nhân đi theo họ; g) Công dân Việt Nam đi du lịch, học tập, chữa bệnh và thăm viếng ở nước ngoài; h) Người nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 12 tháng trở lên. Đối với người nước ngoài học tập, chữa bệnh, du lịch hoặc làm việc cho cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam không kể thời hạn là những trường hợp không thuộc đối tượng người cư trú; i) Chi nhánh tại Việt Nam của tổ chức kinh tế nước ngoài, các hình thức hiện diện tại Việt Nam của bên nước ngoài tham gia hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, văn phòng điều hành của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam. 1.1.2. Mục tiêu BOP được lập để cung cấp thông tin về vị thế quốc tế của quốc gia cho chính phủ nhằm giúp chính phủ hoạch định các chính sách tài chính, tiền tệ và thương mại. Ngoài ra, BOP còn cung cấp dữ liệu về các đối tác thương mại quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách và cung cấp dữ liệu cho các ngân hàng, các công ty và các cá nhân có liên quan (trực tiếp hoặc gián tiếp) tới các hoạt động thương mại và tài chính quốc tế. 1.1.3. Nguyên tắc bút toán Các giao dịch được hạch toán vào BOP dựa trên nguyên tắc bút toán kép. Điều đó có nghĩa là mọi giao dịch đều được đưa vào BOP hai lần, một lần ở khoản Có với dấu cộng (+) và một lần ở khoản Nợ với dấu trừ (-) với số lượng như nhau. Trong đó, khoản Có bao gồm các giao dịch mà kết quả của chúng là những khoản ngoại tệ nhận được do những người không cư trú thanh toán. Khoản Có chính là sự chảy ra của dòng hàng hóa hoặc dịch vụ hoặc tài sản tài chính, đồng thời là sự chảy vào của dòng ngoại tệ. Khoản Nợ bao gồm các giao dịch mà kết quả của chúng là những khoản ngoại tệ phải thanh toán cho những người không cư trú. Khoản Nợ thể hiện sự chảy vào của có ngoại tệ chảy vào
  • 9. 9 BoP1 BoP2 Hàng hóa hoặc dịch vụ hoặc tài sản tài chính Ngoại tệ CÓ (+) CÓ (+) NỢ (-) NỢ (-) NỢ (-) NỢ (-) CÓ (+) CÓ (+) dòng hàng hóa hoặc dịch vụ hoặc tài sản tài chính và sự chảy ra của dòng ngoại tệ (xem Hình 1.1). Câu hỏi đặt ra là tại sao các giao dịch đều được hạch toán hai lần vào BOP? Đó là bởi vì mỗi giao dịch giữa những người cư trú và những người không cư trú bao giờ cũng có hai mặt: tiếp nhận và chi trả. Nếu bạn mua một hàng hóa hoặc dịch vụ nào đó của những người không cư trú thì bạn phải thanh toán tiền cho họ. Hình 1.1: Nguyên tắc hạch toán BOP Hình 1.1 cho thấy, đối với quốc gia 1 (BOP1), khi người cư trú của quốc gia này xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ hoặc các tài sản tài chính cho người không cư trú (giả định là cho người cư trú ở quốc gia 2) thì sẽ được hạch toán vào khoản Có của BOP1. Số tiền nhận được từ giao dịch sẽ được người cư trú của quốc gia 1 sử dụng để nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ hoặc các tài sản tài chính, hoặc đầu tư ở nước ngoài hoặc gửi tiền vào ngân hàng, do đó sẽ được hạch toán vào khoản Nợ của BOP1. Còn đối với quốc gia 2, khi nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ hay các tài sản tài chính từ quốc gia 1 thì sẽ được hạch toán vào khoản Nợ của BOP2. Số tiền được sử dụng để thanh toán khoản nhập khẩu này sẽ được hạch toán vào khoản Có của BOP2.
  • 10. 10 1.2. Kết cấu cán cân thanh toán quốc tế Theo Hướng dẫn lập cán cân thanh toán quốc tế do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ban hành năm 2008, BOP bao gồm 3 cán cân chính: (1) Cán cân tài khoản vãng lai; (2) Cán cân tài khoản vốn; (3) Cán cân tài khoản tài chính. 1.2.1. Cán cân tài khoản vãng lai 1.2.1.1. Khái niệm Cán cân tài khoản vãng lai (Current Account - CA) ghi nhận tất cả giao dịch liên quan đến việc di chuyển hàng hóa và dịch vụ; các khoản thanh toán/thu nhập từ các tài sản tài chính, tiền lương của người lao động và các khoản dịch chuyển đơn phương ròng giữa những người cư trú của quốc gia và những người không cư trú. CA phản ánh các luồng thu nhập vào và ra khỏi một một quốc gia và do đó, nó phản ánh việc chuyển giao quyền sở hữu về tài sản giữa những người cư trú và những người không cư trú. 1.2.1.2. Kết cấu CA được kết cấu gồm 3 hạng mục chính là cán cân hàng hóa và dịch vụ, cán cân thu nhập và cán cân dịch chuyển đơn phương ròng. Cán cân hàng hóa và dịch vụ: Ghi nhận tất cả các giao dịch liên quan đến việc xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của quốc gia. Trong đó, hàng hóa bao gồm: • Hàng hóa để gia công: Hàng hóa xuất khẩu hay nhập khẩu để gia công. Hàng hóa này gồm 2 loại: (1) Xuất khẩu/nhập khẩu hàng hóa và (2) Tái nhập khẩu/tái xuất khẩu hàng hóa đã gia công. Ví dụ: Xuất khẩu dầu và sau đó tái nhập khẩu xăng thì được ghi nhận tổng giá trị vào mục hàng hóa chứ không phải là nhập khẩu một dịch vụ gia công. • Kết quả của việc sửa chữa hàng hóa: Thực tế đây là một dịch vụ, nhưng lại được ghi nhận ở mục hàng hóa. Dịch vụ này được đo lường là giá trị ròng, hay đúng hơn là giá trị của hàng hóa trước và sau khi sửa chữa. • Hàng hóa thu được tại cảng bởi các hãng vận tải: Tất cả hàng hóa, ví dụ nhiên liệu, đồ cho mượn, kho bãi và các nhà cung cấp mà các hãng vận tải thu được từ bên ngoài. • Vàng không phải là tiền: Bao gồm xuất khẩu và nhập khẩu tất cả vàng mà không được coi là tài sản dự trữ của ngân hàng trung ương. Dịch vụ bao gồm: vận chuyển; du lịch; viễn thông; xây dựng; dịch vụ bảo hiểm; dịch vụ tài chính; dịch vụ máy tính điện tử và thông tin; phí giấy phép và tiền bản quyền; các
  • 11. 11 dịch vụ kinh doanh khác; các dịch vụ cá nhân, văn hóa và giải trí và dịch vụ chính phủ. Một điểm cần lưu ý là hàng hóa và dịch vụ được ghi nhận theo mức giá thị trường tại biên giới hải quan của nước xuất khẩu (không bao gồm cước phí vận chuyển và bảo hiểm). Cán cân thu nhập: Ghi nhận tất cả các giao dịch liên quan đến tiền lương của người lao động do người không cư trú trả cho hoặc do người cư trú của quốc gia thanh toán cho người không cư trú và các khoản thu nhập hoặc thanh toán từ đầu tư. Tiền lương của người lao động bao gồm tiền lương giờ, mức lương tháng và các khoản lợi ích khác bằng tiền mà các cá nhân kiếm được tại nơi cư trú, kể cả các khoản đóng góp cho người lao động như an ninh xã hội, bảo hiểm tư nhân và trợ cấp hưu trí. Thu nhập từ đầu tư bao gồm lợi nhuận có được từ đầu tư trực tiếp ở nước ngoài hoặc cổ tức, trái tức từ đầu tư gián tiếp ở nước ngoài hoặc lợi tức từ những khoản cho những người không cư trú vay. Ngược lại,thanh toán cho đầu tư chính là khoản thanh toán lợi nhuận cho đầu tư trực tiếp nước ngoài hoặc cổ tức, trái tức cho đầu tư gián tiếp vào trong nước hoặc lợi tức cho những khoản vay từ những người không cư trú. Cán cân dịch chuyển đơn phương ròng: Ghi nhận tất cả giao dịch đơn phương ròng từ khu vực chính phủ và các khu vực khác. Đó là các giao dịch như khi người không cư trú chuyển tiền cho người thân là người cư trú, viện trợ quốc tế… hoặc chuyển tiền cho người thân là người không cư trú, viện trợ quốc tế... cho mục đích tiêu dùng. Dịch chuyển từ khu vực chính phủ nói chung bao gồm: • Giữa chính phủ của các nền kinh tế khác nhau • Giữa chính phủ với các tổ chức quốc tế (viện trợ) • Giữa chính phủ và những người không cư trú • Giữa những người không cư trú với chính phủ và các tổ chức quốc tế Dịch chuyển đơn phương giữa các khu vực khác của nền kinh tế bao gồm: • Giữa các cá nhân • Giữa các tổ chức phi chính phủ 1.2.1.3. Hạch toán CA Căn cứ theo nguyên tắc bút toán kép, khoản Có của CAghi nhận các giao dịch sau: o Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ o Thu nhập từ đầu tư, bao gồm: Thu nhập từ các tài sản của quốc gia ở nước ngoài, thu nhập từ đầu tư; thu nhập khác của cá nhân; thu nhập của chính phủ; tiền lương của người lao động do người không cư trú trả. -> vì ngoại tệ sẽ chảy vào quốc gia đó
  • 12. 12 o Chuyển giao đơn phương vào, bao gồm: Tài trợ nước ngoài, quà tặng, kiều hối dịch chuyển vào. Tương tự, khoản Nợ của CA bao gồm các giao dịch: o Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. o Thanh toán cho đầu tư, bao gồm: Thanh toán cho các tài sản của nước ngoài ở nội địa; thanh toán cho đầu tư; thanh toán khác cho cá nhân; thanh toán cho chính phủ; tiền lương của người lao động không cư trú do người cư trú của quốc gia thanh toán. o Dịch chuyển đơn phương ra, bao gồm: Tài trợ nước ngoài, quà tặng, kiều hối dịch chuyển ra làm sụt giảm thu nhập trong nước. 1.2.2. Cán cân tài khoản vốn 1.2.2.1. Khái niệm Cán cân tài khoản vốn (Capital Account - KA) ghi nhận các giao dịch liên quan đến sự dịch chuyển vốn (đây là sự dịch chuyển tài sản chứ không phải dịch chuyển thu nhập vãng lai) và các giao dịch liên quan tới việc mua lại, nhượng lại các tài sản phi tài chính, phi sản xuất giữa những người cư trú của một quốc gia với những người không cư trú trong một khoảng thời gian nhất định. 1.2.2.2. Kết cấu Cán cân tài khoản vốn gồm 2 hạng mục chính là dịch chuyển vốn và mua lại/nhượng lại các tài sản phi tài chính, phi sản xuất. Cụ thể: - Dịch chuyển vốn bao gồm: • Xóa nợ • Dịch chuyển hàng hóa và các tài sản tài chính từ những người nhập cư/xuất cư • Dịch chuyển quyền sở hữu các tài sản cố định • Dịch chuyển các khoản nhận được của các quỹ từ việc bán và mua lại các tài sản cố định - Các tài sản phi tài chính, phi sản xuất (các tài sản tồn tại hơn một năm) bao gồm: • Bằng phát minh, sáng chế, quyền tác giả • Thuế đánh vào quà tặng, thừa kế 1.2.2.3. Hạch toán Căn cứ trên nguyên tắc bút toán kép, khoản Có của cán cân tài khoản vốn bao gồm các giao dịch liên quan đến hoạt động dịch chuyển vốn vào và nhượng lại các tài sản phi tài nhượng quyền, phát minh, sáng chế + thuế
  • 13. 13 chính, phi sản xuất. Khoản Nợ bao gồm các giao dịch liên quan đến hoạt động dịch chuyển vốn ra và mua lại các tài sản phi tài chính, phi sản xuất. 1.2.3. Cán cân tài khoản tài chính 1.2.3.1. Khái niệm Cán cân tài khoản tài chính (Financial Account - FA) ghi nhận các giao dịch liên quan đến hoạt động mua bán các tài sản tài chính, đầu tư và vay mượn tư nhân và chính phủ giữa một nước cụ thể với các nước khác trong một khoảng thời gian nhất định. Các giao dịch này phản ánh sự chuyển giao quyền sử dụng về tài sản giữa những người cư trú với những người không cư trú. 1.2.3.2. Kết cấu FA được kết cấu gồm 4 hạng mục chính là đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp, đầu tư khác và tài sản dự trữ. Cụ thể: - Đầu tư trực tiếp:Phản ánh việc đầu tư vào các tài sản cố địnhở nước ngoài, trong đó người đầu tư nắm quyền điều hành hoạt động kinh doanh. Đầu tư trực tiếp bao gồm cả việc mua lại công ty nước ngoài. Đầu tư trực tiếp gồm 2 tiểu mục: • Đầu tư trực tiếp ra nước ngoài: Thể hiện các giao dịch khi người cư trú trong nước mua hoặc bán quyền sở hữu tài sản doanh nghiệp nước ngoài ở nước ngoài. • Đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế: Thể hiện các giao dịch khi người nước ngoài mua hoặc bán quyền sở hữu tài sản ở nước sở tại. Đầu tư gián tiếp(còn gọi làdanh mục đầu tư):Thể hiện các giao dịch liên quan đến các tài sản tài chính giữa các quốc gia mà không làm ảnh hưởng đến việc chuyển giao quyền điều hành. Đầu tư gián tiếp gồm 2 tiểu mục: • Tài sản có (assets):Thể hiện các giao dịch khi người cư trú trong nước đầu tư ra nước ngoài (Ví dụ: Mua hoặc bán các chứng khoán nước ngoài. Các chứng khoán này là tài sản có của nước sở tại và là tài sản nợ của nước ngoài). • Tài sản nợ (liabilities):Thể hiện các giao dịch khi người nước ngoài đầu tư ở nước sở tại (Ví dụ: Người nước ngoài mua/bán chứng khoán trong nước. Các chứng khoán này là tài sản nợ của nước sở tại và là tài sản có của nước ngoài). - Đầu tư khác:Thể hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động trao đổi mua bán các tài sản tài chính giữa các nước mà không phải đầu tư trực tiếp hay gián tiếp. Đầu tư vốn khác bao gồm: Tín dụng thương mại ngắn hạn, tín dụng thương mại dài
  • 14. 14 hạn, các khoản vay qua biên giới của các thể chế tài chính, tiền gửi ngoại tệ, tiền gửi ngân hàng, cáckhoản phải thu/phải trả khác. Đầu tư vốn khác gồm 2 tiểu mục: • Tài sản có (assets): Thể hiện các giao dịch khi ngân hàng trong nước cho người nước ngoài vay. Khoản vay này là tài sản có của nước sở tại và là tài sản nợ của nước ngoài. • Tài sản nợ (liabilities): Thể hiện các giao dịch khi ngân hàng nước ngoài cho người trong nước vay. Khoản vay này là tài sản nợ của nước sở tại và là tài sản có của nước ngoài. - Tài sản dự trữ:Ghi nhận các giao dịch liên quan đến hoạt động can thiệp của ngân hàng trung ương vào thị trường ngoại hối. Tài sản dự trữ bao gồm các khoản mục: • Dự trữ ngoại hối của quốc gia • Tín dụng với IMF và các ngân hàng trung ương khác • Thay đổi dự trữ của các ngân hàng trung ương khác bằng đồng tiền của quốc gia lập BOP Một điều cần lưu ý khi phân tích BOP là các nhà nghiên cứu có thể phân loại các dòng vốn theo tính chất thành vốn ngắn hạn (với thời hạn dưới 12 tháng) và vốn dài hạn (với thời hạn ít nhất là 12 tháng) hoặc phân loại các dòng vốn theo nguồn gốc thành dòng vốn bắt nguồn từ khu vực tư nhân và dòng vốn bắt nguồn từ khu vực chính phủ (liên quan đến hoạt động mua bán tài sản dự trữ chính thức của ngân hàng trung ương). 1.2.3.3. Hạch toán Theo nguyên tắc bút toán kép, khoản Có của FA bao gồm các giao dịch liên quan đến hoạt động dịch chuyển vốn vào quốc gia nhằm: • Tăng tài sản của nước ngoài ở nội địa • Giảm tài sản của nội địa ở nước ngoài • Giảm số dư tiền gửi ở nước ngoài • Vay nợ Khoản Nợ của FA bao gồm các giao dịch liên quan đến hoạt động dịch chuyển vốn ra khỏi quốc gia nhằm: • Tăng tài sản nội địa ở nước ngoài • Giảm tài sản của nước ngoài ở nội địa • Tăng số dư tiền gửi ở nước ngoài • Cho vay Do mỗi giao dịch quốc tế đều tự động làm tăng hai khoản bù trừ nhau trong cán cân
  • 15. 15 thanh toán nên tổng của tài khoản vãng lai, tài khoản vốn và tài chính sẽ bằng không. Tuy nhiên, vì những lý do khác nhau, trên thực tế điều này đã không xảy ra. Do đó, để cân bằng cán cân thanh toán, người ta đã đưa ra một khoản mục là các sai số, bỏ sót và không chính xác trong thống kê. Hạng mục này luôn tồn tại trong cán cân thanh toán do nhiều nguyên nhân khác nhau. Thứ nhất, trên thực tế, không thể ghi nhận được tất cả các giao dịch kinh tế giữa những người cư trú và người không cư trú do tồn tại các giao dịch bất hợp pháp như buôn lậu, rửa tiền... Thứ hai, số liệu về cán cân thanh toán được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau như các số liệu về xuất nhập khẩu được thu thập từ hải quan, trong khi đó, các số liệu về di chuyển vốn lại được thu thập từ hệ thống ngân hàng... nên khó có thể tránh khỏi sai sót. Thứ ba, để trốn thuế, nhiều giao dịch trong tài khoản vốn bị đánh giá thấp hơn giá trị thực của nó. Tương tự, nhiều công ty thường hạ thấp giá trị xuất nhập khẩu trong hóa đơn hàng hóa để tăng lợi nhuận. Ngoài các sai số, bỏ sót và không chính xác trong thống kê, hạng mục này còn bao gồm cả những giao dịch không tiện kể ra trên phương diện quốc gia. Đó là những giao dịch liên quan đến chi tiêu của khu vực chính quyền, chẳng hạn như chi tiêu cho các hoạt động bí mật vì mục đích quân sự, chính trị, tình báo... Các sai số, bỏ sót và không chính xác trong thống kê thường được đưa vào trong tài khoản vốn và tài chính mặc dù các nhà kinh tế vẫn chưa biết đượcchính xác những sai sót này thật sự là do các giao dịch về hàng hóa và dịch vụ hay các giao dịch về vốn. Nhiều nhà kinh tế cho rằng các giao dịch về vốn là đáng ngờ hơn cả vì tính phức tạp của chúng. Thế nhưng, các nhà kinh tế khác lại cho rằng các giao dịch của tài khoản vãng lai cũng đáng ngờ không kém. Bởi vì, mặc dù có thể dễ dàng theo dõi các giao dịch về hàng hóa nhưng lại rất khó khăn trong việc theo dõi các giao dịch về dịch vụ. Bảng 1.1: Cán cân thanh toán của Mỹ năm 2016 Đơn vị tính: triệu USD Dòng (Khoản có +; Khoản nợ -) 2016 Tài khoản vãng lai 1 Xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và các khoản thu nhập nhận được (khoản có) 3.157.241 2 Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ 2.208.072 3 Hàng hóa 1.455.704 4 Dịch vụ 752.368 +
  • 16. 16 Dòng (Khoản có +; Khoản nợ -) 2016 5 Thu nhập sơ cấp nhận được 813.977 6 Thu nhập từ đầu tư 807.430 7 Thu nhập từ đầu tư trực tiếp 444.038 8 Thu nhập từ đầu tư gián tiếp 324.051 9 Thu nhập từ đầu tư khác 39.233 Thu nhập từ các tài sản dự trữ 108 10 Tiền lương cho người lao động 6.547 11 Thu nhập thứ cấp (dịch chuyển vãng lai) nhận được 135.192 12 Nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ và các khoản thu nhập phải trả (khoản nợ) -3.608.926 13 Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ -2.712.866 14 Hàng hóa -2.208.211 15 Dịch vụ -504.654 16 Các khoản thu nhập sơ cấp phải trả -640.751 17 Các khoản thu nhập phải trả cho hoạt động đầu tư -620.608 18 Các khoản thu nhập phải trả cho hoạt động đầu tư trực tiếp -185.211 19 Các khoản thu nhập phải trả cho hoạt động đầu tư gián tiếp -409.152 20 Các khoản thu nhập phải trả cho hoạt động đầu tư khác -26.245 21 Tiền lương phải trả cho người lao động -20.143 22 Các khoản thu nhập thứ cấp phải trả (dịch chuyển vãng lai) -255.309 Tài khoản vốn 23 Các khoản dịch chuyển vốn nhận được và các khoản có khác 0 24 Các khoản dịch chuyển vốn phải trả và các khoản nợ khác -59 Tài khoản tài chính 25 Các khoản có trong tài sản tài chính của Mỹ ròng, không kể các khoản tài chính phái sinh (tăng lên hàm ý dòng vốn chảy ra (-)) -347.891 26 Khoản có đầu tư trực tiếp -311.581 27 Tài sản -329.732 28 Công cụ nợ +18.151 29 Khoản có đầu tư gián tiếp -40.638 đầu tư ra nước khác -> ngoại tệ chảy ra
  • 17. 17 Dòng (Khoản có +; Khoản nợ -) 2016 30 Tài sản và cổ phần từ các quỹ đầu tư -14.423 31 Các chứng khoán nợ -26.215 32 Ngắn hạn +21.073 33 Dài hạn -47.288 34 Khoản có đầu tư khác +6.418 35 Tiền và tiền gửi +89.663 36 Vay nợ -82.338 37 Tín dụng thương mại -907 38 Tài sản dự trữ chính thức của Mỹ -2.090 39 Vàng tiền tệ 0 40 Quyền rút vốn đặc biệt -684 41 Vị thế dự trữ tại IMF -1.348 42 Các tài sản dự trữ khác -58 43 Các khoản nợ trong tài sản tài chính của Mỹ, không kể tài sản tài chính phái sinh (tăng lên, hàm ý dòng vốn chảy vào (+)) 741.393 44 Khoản nợ đầu tư trực tiếp 479.415 45 Tài sản 351.769 46 Công cụ nợ 127.645 47 Khoản nợ đầu tư gián tiếp 237.367 48 Tài sản và cổ phần từ các quỹ đầu tư -141.078 49 Các chứng khoán nợ 378.445 50 Ngắn hạn -8.582 51 Dài hạn 387.027 52 Khoản nợ đầu tư khác 24.612 53 Tiền và tiền gửi 19.654 54 Vay nợ -2.310 55 Tín dụng thương mại 7.268 56 Tài sản tài chính phái sinh ròng 15.817 57 Sai số, bỏ sót và không chính xác trong thống kê 74.059 Các cán cân bộ phận 58 Cán cân tài khoản vãng lai -451.685
  • 18. 18 Dòng (Khoản có +; Khoản nợ -) 2016 59 Cán cân hàng hoá và dịch vụ -504.793 60 Cán cân hàng hoá -752.507 61 Cán cân dịch vụ 247.714 62 Cán cân thu nhập sơ cấp 173.225 63 Cán cân thu nhập thứ cấp -120.117 64 Cán cân tài khoản vốn -59 65 Cán cân tài khoản tài chính (dấu - hàm ý Mỹ đang là nước cho vay, dấu + hàm ý Mỹ đang là nước đi vay) 377.685 Nguồn: Bureau of Economic Analysis, lấy tại https://www.bea.gov/international/bp_web/tb_download_type_modern.cfm?list=1&Ro wID=2, phát hành ngày 19/12/2017 Bảng 1.1 cho biết số liệu về cán cân thanh toán của Mỹ năm 2016. Theo đó, giá trị xuất khẩu hàng hóa là hơn 1.455 tỷ USD và giá trị nhập khẩu hàng hóa là hơn 2.208 tỷ USD. Điều này khiến cho cán cân hàng hóa bị thâm hụt hơn 752 tỷ USD. Trong lĩnh vực dịch vụ, giá trị xuất khẩu năm 2016 đạt hơn 752 tỷ USD trong khi giá trị nhập khẩu đạt hơn 504 tỷ USD, điều này khiến cho cán cân dịch vụ thặng dư hơn 247 tỷ USD. Như vậy có nghĩa là Mỹ nhập siêu hàng hóa nhưng lại xuất siêu dịch vụ trong năm 2016. Bên cạnh đó, thu nhập sơ cấp của Mỹ năm 2016 đạt gần 814 tỷ USD, trong đó chủ yếu là thu nhập từ đầu tư trực tiếp (đạt 444 tỷ USD) và đầu tư gián tiếp (đạt 324 tỷ USD). Tiền lương của người lao động Mỹ nhận được từ người không cư trú thanh toán đạt hơn 6,5 tỷ USD. Thu nhập thứ cấp nhận được hay dịch chuyển vãng lai vào Mỹ từ khu vực chính phủ và tư nhân năm 2016 là 135 tỷ USD. Các khoản thu nhập sơ cấp phải trả cho người không cư trú của Mỹ hơn 640 tỷ USD, trong đó chủ yếu là các khoản thanh toán cho đầu tư gián tiếp (409 tỷ USD). Số tiền mà Mỹ phải thanh toán cho người lao động nước ngoài (người không cư trú của Mỹ) là hơn 20 tỷ USD. Dịch chuyển vãng lai ra hay các khoản thu nhập thứ cấp phải trả năm 2016 của Mỹ là hơn 255 tỷ USD. Điều này khiến cho cán cân thu nhập sơ cấp thì thặng dư hơn 173 tỷ USD còn cán cân thu nhập thứ cấp thâm hụt hơn 120 tỷ USD. Tổng hợp các cán cân hàng hóa, cán cân dịch vụ, cán cân thu nhập, ta có cán cân vãng lai của Mỹ năm 2016 thâm hụt hơn 451 tỷ USD. Giá trị ròng của các giao dịch trong tài khoản vốn của Mỹ năm 2016 đạt -59 tỷ USD hàm ý các khoản dịch chuyển vốn ra khỏi Mỹ trong năm 2016 có giá trị 59 tỷ
  • 19. 19 USD. Trong năm này, giá trị các tài sản của Mỹ ở nước ngoài tăng lên hơn 347 tỷ USD, trong đó chủ yếu là do từ đầu tư trực tiếp vào các tài sản ở nước ngoài (đạt 329 tỷ USD). Đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của Mỹ thì chỉ chiếm một con số khiêm tốn là hơn 40 tỷ USD và phần lớn là vào các chứng khoán nợ (hơn 26 tỷ USD). Điểm đặc biệt ở đây là trong năm 2016, Mỹ đã đầu tư vào chứng khoán nợ ngắn hạn hơn 21 tỷ USD và bán chứng khoán nợ dài hạn của mình với giá trị hơn 47 tỷ USD. Trong các khoản có của đầu tư khác, Mỹ đã đầu tư vào tiền và tiền gửi ở nước ngoài hơn 89 tỷ USD và nhận được tiền trả nợ hơn 82 tỷ USD. Các tài sản dự trữ của Mỹ trong năm 2016 tăng hơn 2 tỷ USD và chủ yếu là do sự thay đổi vị thế dự trữ trong IMF. Giá trị của các tài sản nước ngoài tăng ở Mỹ năm 2016 hơn 741 tỷ USD, trong đó giá trị đầu tư trực tiếp mà người nước ngoài đầu tư vào Mỹ là hơn 479 tỷ USD (đầu tư và cổ phần là hơn 351 tỷ USD). Giá trị đầu tư gián tiếp mà người nước ngoài đầu tư vào Mỹ năm 2016 là hơn 237 tỷ USD trong đó giá trị đầu tư gián tiếp vào chứng khoán nợ dài hạn là hơn 387 tỷ USD còn giá trị đầu tư gián tiếp vào cổ phần của các quỹ đầu tư là -141 tỷ USD hàm ý người nước ngoài đã bán đi các tài sản tài chính mà họ đầu tư gián tiếp ở Mỹ. Đầu tư khác của người không cư trú vào Mỹ năm 2016 đạt hơn 24 tỷ USD và chủ yếu là vào mục tiền và tiền gửi (đạt gần 20 tỷ USD) và tín dụng ngắn hạn và trả trước (đạt hơn 7 tỷ USD). Giá trị của các tài sản tài chính phái sinh của Mỹ năm 2016 là gần 16 tỷ USD. Do vậy, các giao dịch tài khoản tài chính năm 2016 của Mỹ thặng dư hơn 377 tỷ USD. 1.3. Thặng dư và thâm hụt BOP Dựa trên nguyên tắc bút toán kép, BOP luôn cân bằng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các tài khoản riêng biệt của nó cũng luôn cân bằng. Do đó, khi nói đến thặng dư hay thâm hụt BOPnghĩa là nói đến thặng dư hay thâm hụt của một hay một nhóm các cán cân bộ phận nhất định trong BOP. Các cán cân bộ phận của BOP bao gồm: • Cán cân thương mại- Trade Balance (TB) • Cán cân vãng lai - Current Account Balance (CA) • Cán cân vốn và tài chính - Capital and Financial Account Balance (KA&FA) • Cán cân cơ bản - Basic Balance (BB) • Cán cân giao dịch dự trữ chính thức - Official Reserve Account (ORA) • Cán cân quyết toán chính thức hay cán cân tổng thể - Settlement
  • 20. 20 Balance (SB) or Overall Balance (SB hay OB) 1.3.1. Cán cân thương mại Cán cân thương mại phản ánh các giao dịch liên quan đến việc mua bán và trao đổi hàng hóa, dịch vụ và thu nhập ròng từ đầu tư giữa một quốc gia với các quốc gia khác. Cán cân thương mại bao gồm 2 cán cân bộ phận là cán cân thương mại hữu hình và cán cân thương mại vô hình. Cán cân thương mại hữu hình hay còn gọi là xuất khẩu hàng hóa ròng ghi nhận các giao dịch liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa. Cán cân thương mại vô hình ghi nhận các giao dịch liên quan đến xuất nhập khẩu dịch vụ và thu nhập từ đầu tư ròng. Cán cân thương mại thặng dư (có giá trị lớn hơn 0) có nghĩa là lượng hàng hóa và dịch vụ của nước ngoài mà quốc gia đang tiêu dùng ít hơn so với lượng hàng hóa và dịch vụ mà nước đó cung cấp cho nước khác và hàm ý rằng tài sản nước ngoài của nước đó tăng lên hay nợ nước ngoài của nước đó giảm xuống. Ngược lại, cán cân thương mại thâm hụt (có giá trị nhỏ hơn 0) có nghĩa là lượng hàng hóa và dịch vụ của nước ngoài mà quốc gia đang tiêu dùng nhiều hơn so với lượng hàng hóa và dịch vụ mà nước đó cung cấp cho nước khác và hàm ý rằng tài sản nước ngoài của nước đó giảm xuống hay nợ nước ngoài của nước đó tăng lên. 1.3.2. Cán cân tài khoản vãng lai Thặng dư CA đồng nghĩa với việc dòng thu nhập vào của người cư trú từ người không cư trú lớn hơn so với dòng thu nhập ra mà người cư trú trả cho người không cư trú hay giá trị ròng của các giấy tờ có giá do người không cư trú phát hành nằm trong tay người cư trú tăng lên và quốc gia nằm ở vị thế là chủ nợ. Thâm hụt CAđồng nghĩa với việc dòng thu nhập vào của người cư trú từ người không cư trú nhỏ hơn so với dòng thu nhập ra mà người cư trú trả cho người không cư trú hay giá trị ròng của các giấy tờ có giá do người không cư trú phát hành nằm trong tay người cư trú giảm xuống và quốc gia nằm ở vị thế là con nợ. 1.3.3. Cán cân cơ bản Cán cân cơ bản được định nghĩa là cán cân tài khoản vãng lai cộng với dòng vốn dài hạn ròng. Dưới chế độ tỷ giá hối đoái cố định, quan niệm về cán cân cơ bản là một quan niệm hữu ích, bởi đây chính là thành phần ổn định nhất trong cán cân thanh toán. Do đó, những thay đổi mạnh trong cán cân cơ bản là dấu hiệu của những thay đổi cơ bản trong cán cân thanh toán. Cán cân cơ bản phản ánh tổng quát hơn về trạng thái nợ nước ngoài của một quốc gia so với CA vì vốn dài hạn có đặc trưng của sự phân phối lại thu nhập tương đối ổn định
  • 21. 21 trong một thời gian dài giữa một quốc gia và phần thế giới bên ngoài. Ngoài ra, sự bù trừ cho nhau giữa thặng dư CA và thâm hụt cán cân vốn dài hạn có thể được duy trì lâu dài. Khi CA ở trạng thái thâm hụt, quốc gia ở vị thế con nợ, thặng dư cán cân cơ bản cho biết quốc gia không chịu rủi ro thanh khoản do thặng dư vốn dài hạn đủ bù đắp cho thâm hụt CA. Còn nếu cán cân cơ bản cũng bị thâm hụt thì quốc gia sẽ gặp rủi ro thanh khoản do thặng dư vốn dài hạn không đủ bù đắp cho thâm hụt CA hoặc chính vốn dài hạn cũng đang bị thâm hụt. 1.3.4. Cán cân giao dịch dự trữ chính thức Cán cân giao dịch dự trữ chính thức, còn gọi là cán cân bù đắp chính thức, ghi nhận tất cả các giao dịch liên quan đến hoạt động can thiệp của ngân hàng trung ương vào thị trường ngoại hối. Ngân hàng trung ương sử dụng lượng dự trữ chính thức dưới dạng vàng, ngoại tệ, quyền rút vốn đặc biệt (Special Drawing Rights - SDR), dự trữ ở IMF hoặc vay nợ từ bên ngoài để can thiệp vào thị trường. Để đảm bảo sự cân bằng liên tục của BOP, khi ngân hàng trung ương bán ngoại tệ, dự trữ chính thức giảm và được ghi nhận trong khoản Có của BOP với dấu (+); còn khi ngân hàng trung ương mua ngoại tệ, dự trữ chính thức tăng sẽ được ghi nhận trong khoản Nợ của BOP với dấu (-). 1.3.5. Cán cân quyết toán chính thức Cán cân quyết toán chính thức được định nghĩa là cán cân tài khoản vãng lai cộng với cán cân tài khoản vốn và tài chính (trừ đi tài sản dự trữ) cộng với các sai số, bỏ sót và không chính xác trong thống kê. 𝐶á𝑛 𝑐â𝑛 𝑞𝑢𝑦ế𝑡 𝑡𝑜á𝑛 𝑐ℎí𝑛ℎ 𝑡ℎứ𝑐 = 𝐶𝐴 + 𝐾𝐴 + 𝐹𝐴 − 𝑇à𝑖 𝑠ả𝑛 𝑑ự 𝑡𝑟ữ + 𝑆𝑎𝑖 𝑠ố Đây là quan niệm đặc biệt hữu ích dưới chế độ tỷ giá hối đoái cố định vì trạng thái của cán cân này thể hiện sức ép phá giá hay nâng giá đồng tiền đối với ngân hàng trung ương. Thâm hụt cán cân quyết toán chính thức thể hiện tổng dòng ngoại tệ chảy ra lớn hơn tổng dòng ngoại tệ chảy vào hay cầu về ngoại tệ lớn hơn cung về ngoại tệ và ngân hàng trung ương buộc phải can thiệp bằng cách bán ngoại tệ (dự trữ chính thức giảm) hay phá giá đồng tiền. Ngược lại, thặng dư cán cân quyết toán chính thức thể hiện tổng dòng ngoại tệ chảy ra nhỏ hơn tổng dòng ngoại tệ chảy vào hay cầu về ngoại tệ nhỏ hơn cung về ngoại tệ và ngân hàng trung ương buộc phải can thiệp bằng cách mua ngoại tệ (dự trữ chính thức tăng) hay nâng giá đồng tiền. Dưới chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi thuần túy, cán cân quyết toán chính thức không mang nhiều ý nghĩa bởi tỷ giá hối đoái sẽ thay đổi và các khoản mục trong cán cân
  • 22. 22 thanh toán sẽ tự cân bằng mà không cần phải có sự thay đổi của dự trữ chính thức. Tuy nhiên, trên thực tế, dưới chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi có quản lý, các nước đều can thiệp vào thị trường ngoại hối. Do đó, dự trữ vẫn thường xuyên thay đổi. Nói cách khác, quan niệm về cán cân quyết toán chính thức vẫn là một quan niệm hữu ích và các nhà kinh tế, đầu tư cũng như hoạch định chính sách vẫn theo dõi cẩn thận những thay đổi trong dự trữ chính thức. Có thể tóm lược mối liên hệ giữa các cán cân bộ phận của BOP theo Hình 1.2. Hình 1.2: Các các cân bộ phận của BoP Nguồn: tác giả tự vẽ Ghi chú: XKHH: Xuất khẩu hàng hóa; NKHH: Nhập khẩu hàng hóa; XKDV: Xuất khẩu dịch vụ; NKDV: Nhập khẩu dịch vụ; CCTM vô hình: Cán cân thương mại vô hình; CCTM hữu hình: Cán cân thương mại hữu hình Bên cạnh phương pháp xác định thặng dư hay thâm hụt BOP theo các cán cân bộ phận thì người ta còn có thể sử dụng phương pháp tích lũy (đường kẻ). Theo đó, các khoản mục phía trên đường kẻ được gọi là khoản mục tự định và các khoản mục phía dưới đường kẻ gọi là khoản mục cân bằng. Khoản mục tự định bao gồm các giao dịch phát sinh tự phát với mục đích kiếm lợi nhuận, thu nhập hoặc tăng lợi ích. Thặng dư cán cân thanh toán xảy ra khi khoản Có của khoản mục tự định lớn hơn khoản Nợ của nó. Ngược lại, thâm hụt cán cân thanh toán xảy ra khi khoản Nợ của khoản mục tự định lớn
  • 23. 23 hơn khoản Có của nó. Khoản mục cân bằng bao gồm các giao dịch không kèm theo sự vận động nào của hàng hóa, dịch vụ hay tài sản với mục đích cân bằng sự chênh lệch giữa khoản Có và khoản Nợ của khoản mục tự định. Tuy nhiên, các nhà kinh tế lại có những quan niệm rất khác nhau về việc khoản mục nào trong cán cân thanh toán được đưa vào khoản mục tự định và khoản mục nào được đưa vào khoản mục cân bằng. Nguyên nhân là do động cơ của nhiều giao dịch rất khó xác định. Chẳng hạn, dòng vốn ngắn hạn vào trong nước với mục đích tài trợ cho việc nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ sẽ được ghi nhận trong khoản mục cân bằng, tuy nhiên nếu dòng vốn đó chảy vào trong nước do lãi suất trong nước cao hơn so với lãi suất thế giới thì giao dịch đó lại được ghi nhận trong khoản mục tự định. Chính vì những lý do trên mà tồn tại nhiều quan niệm khác nhau về sự thặng dư và thâm hụt của cán cân thanh toán. 1.4. Các tài khoản thu nhập quốc dân và BOP 1.4.1. CA và thu nhập quốc dân Trong một nền kinh tế mở, ta có đồng nhất thức: 𝒀 = 𝑪 + 𝑰 + 𝑮 + 𝑬𝑿 − 𝑰𝑴 (1) Trong đó: Y là tổng thu nhập quốc dân, C là tiêu dùng trong nước, I là đầu tư trong nước, G là chi tiêu chính phủ, EX là xuất khẩu và IM là nhập khẩu của quốc gia. Giả định, dịch chuyển đơn phương ròng bằng không, ta có: 𝒀 = 𝑪 + 𝑰 + 𝑮 + 𝑪𝑨 (2) Điều đó có nghĩa là sự thay đổi của CA có tác động tới sản lượng và việc làm. Khi CA tăng, thu nhập quốc dân và việc làm tăng; còn khi CA giảm, thu nhập quốc dân và việc làm giảm. Nếu coi 𝑪𝒉𝒊 𝒕𝒊ê𝒖 𝒕𝒓𝒐𝒏𝒈 𝒏ướ𝒄 = 𝑪 + 𝑰 + 𝑮thì 𝑪𝑨 = 𝒀 − (𝑪 + 𝑰 + 𝑮) sẽ là chi tiêu ròng của người nước ngoài. CA tăng có nghĩa là chi tiêu ròng của nước ngoài tăng và của cải nước ngoài ròng của quốc gia tăng và ngược lại. 𝑪𝑨 = 𝒀 − (𝑪 + 𝑰 + 𝑮) (3) cho thấy biến động của CA sẽ đo lường chiều hướng tiêu dùng quốc tế. Nếu tổng thu nhập quốc dân lớn hơn chi tiêu trong nước thì CA sẽ thặng dư. Điều này hàm ý, thu nhập từ xuất khẩu sẽ lớn hơn chi tiêu cho nhập khẩu. Quốc gia đang xuất khẩu tiêu dùng hiện tại và sẽ nhập khẩu tiêu dùng trong tương lai, đồng thời của cải nước ngoài ròng của quốc gia tăng. Ngược lại, nếu thu nhập quốc dân nhỏ hơn chi tiêu trong nước, CA thâm hụt, thu nhập từ xuất khẩu nhỏ hơn chi tiêu cho nhập khẩu, quốc gia đang nhập khẩu tiêu dùng hiện tại và sẽ xuất khẩu tiêu dùng trong tương lai, đồng thời của cải nước ngoài ròng của quốc gia giảm.
  • 24. 24 1.4.2. Mối quan hệ giữa CA, tiết kiệm, đầu tư và thâm hụt ngân sách Đồng nhất thức (1) có thể được viết lại như sau: 𝑌 − 𝐶 − 𝐺 = 𝐼 + 𝐶𝐴hay 𝑺 = 𝑰 + 𝑪𝑨(4) Đồng nhất thức (4) cho thấy, nếu như trong một nền kinh tế khép kín, tiết kiệm phải luôn bằng với đầu tư thì trong một nền kinh tế mở, tiết kiệm không nhất thiết phải bằng đầu tư. Nếu tiết kiệm của một nước nhỏ hơn đầu tư, nước đó có thể vay mượn từ bên ngoài để đảm bảo khả năng phát triển kinh tế của quốc gia (khi đó tài khoản vãng lai sẽ thâm hụt). Ngược lại, nếu tiết kiệm của một nước lớn hơn đầu tư, nước đó có thể cho nước ngoài vay (khi đó, tài khoản vãng lai sẽ thặng dư). Đồng nhất thức (4) có thể được viết lại như sau: 𝑆𝑝 + 𝑆𝑔 = 𝐼 + 𝐶𝐴 hay 𝑆𝑝 = 𝐼 + 𝐶𝐴 − 𝑆𝑔hay 𝑆𝑝 = 𝐼 + 𝐶𝐴 − (𝑇 − 𝐺) hay 𝑺𝒑 = 𝑰 + 𝑪𝑨 − (𝑮 − 𝑻) (5) Đồng nhất thức (5) biểu diễn mối quan hệ giữa tiết kiệm tư nhân, đầu tư trong nước, tài khoản vãng lai và thâm hụt ngân sách chính phủ. Theo đó, tiết kiệm tư nhân có thể được sử dụng dưới 3 hình thức: đầu tư trong nước, mua tài sản nước ngoài và tài trợ cho thâm hụt ngân sách chính phủ. Đồng nhất thức (5) có thể được viết lại như sau: 𝑪𝑨 = 𝑺𝒑 − 𝑰 − (𝑮 − 𝑻) Điều này có nghĩa là khi các điều kiện khác không đổi, tài khoản vãng lai sẽ phụ thuộc vào sự thay đổi của tiết kiệm tư nhân, đầu tư trong nước và chi tiêu của chính phủ. CA bị thâm hụt có thể là do tiết kiệm ở khu vực tư nhân giảm, đầu tư trong nước quá cao và thâm hụt ngân sách lớn. Ví dụ, trong giai đoạn 1994- 1995, ở Mexico, do tiết kiệm khu vực tư nhân giảm, thâm hụt ngân sách tăng cao đã khiến CA thâm hụt nghiêm trọng, dẫn tới việc phá giá đồng peso. Năm 1997, ở Đông Á, mặc dù tiết kiệm khu vực tư nhân cao (chiếm 30-35% GDP) nhưng đầu tư trong nước lại quá mức và không hiệu quả (đầu tư chủ yếu vào bất động sản và thị trường chứng khoán), một số nước bị thâm hụt ngân sách, dẫn đến CA bị thâm hụt lớn ở khu vực này. Điều này đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997- 1998. 1.5. Điều tiết cán cân thanh toán quốc tế Để điều tiết BOP, trước hết ta cần dựa vào các nhân tố tác động đến BOP, có thể chia thành các nhóm sau: (i) Các nhân tố tác động đến dòng thương mại quốc tế; (ii) Các nhân tố tác động đến dòng đầu tư quốc tế. 1.5.1. Các nhân tố tác động đến dòng thương mại - Lạm phát: Nếu một quốc gia có tỷ lệ lạm phát tăng so với các quốc gia khác
  • 25. 25 có quan hệ mậu dịch thì tài khoản vãng lai của quốc gia này sẽ giảm nếu các yếu tố khác không thay đổi. Vì lạm phát trong nước cao nên người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước sẽ mua hàng hóa từ nước ngoài nhiều hơn, trong khi xuất khẩu sang các nước khác giảm. Điều này sẽ khiến CA giảm. Do đó, kiểm soát tốt lạm phát sẽ góp phần điều tiết BOP. - Thu nhập quốc dân:Nếu tỷ lệ tăng thu nhập của một quốc gia (thu nhập quốc dân) cao hơn tỷ lệ tăng thu nhập của các quốc gia khác thì tài khoản vãng lai của quốc gia đó sẽ giảm trong điều kiện các yếu tố khác không thay đổi. Điều này là do mức thu nhập thực tế tăng khiến mức tiêu thụ hàng hóa cũng tăng, kéo theo cầu về hàng hóanước ngoài tăng. Vì vậy, thu nhập quốc dân cũng là một yếu tố góp phần điều tiết BOP. - Tỷ giá hối đoái:Khi tỷ giá hối đoái tăng (các điều kiện khác không thay đổi) sẽ khiến đồng nội tệ giảm giá, giá cả hàng hóa - dịch vụ trong nước sẽ tương đối rẻ hơn so với giá cả hàng hóa - dịch vụ của nước ngoài ở cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế. Vì vậy, điều hành chính sách tỷ giá cũng là một công cụ được xem xét khi điều tiết BOP. - Các biện pháp hạn chế của chính phủ:Nếu chính phủ của một quốc gia đánh thuế lên hàng nhập khẩu thì giá hàng hóa nước ngoài sẽ tăng, do đó làm giảm mức tiêu thụ hàng hóa đó và tăng cán cân tài khoản vãng lai củanước đó. Ngược lại, giảm thuế nhập khẩu sẽ khiến nhập khẩu hàng hóa tăng và cán cân tài khoản vãng lai giảm. Ngoài chính sách thuế, chính phủ có thể đưa ra các biện pháp liên quan đến chính sách tài khóa và tiền tệ mà các chính sách này đều có ảnh hưởng đến lạm phát và thu nhập, từ đó, ảnh hưởng đến cán cân tài khoản vãng lai. Vì vậy, để điều tiết BOP, các nước có thể xem xét sử dụng các biện pháp hạn chế của chính phủ. Trong thực tế, các nhân tố trên tác động lẫn nhau, đồng thời ảnh hưởng đến cán cân mậu dịch và từ đó ảnh hưởng đến BOP theo hướng rất phức tạp. 1.5.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến dòng đầu tư quốc tế - Các biện pháp kiểm soát vốn:Khi mậu dịch tiến triển, chính phủ các nước có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát đối với dòng tiền lưu chuyển vào nước đó. Chẳng hạn, chính phủ một nước có thể ấn định một loại thuế đặc biệt đối với thu nhập tích lũy của các nhà đầu tư nội địa đã đầu tư ở các thị trường nước ngoài. Loại thuế này có thể ngăn chặn dân chúng chuyển vốn ra các thị trường nước ngoài, nhờ đó có thể làm tăng tài khoản vốn của một nước. Nhưng loại thuế này thường vấp phải sự trả đũa của nước khác bằng một loại thuế tương tự cho người dân nước đó. Một số quốc gia khác lại áp
  • 26. 26 dụng các biện pháp kiểm soát hạn chế nội tệ lưu chuyển ra nước ngoài nhằm đối phó với sự yếu kém về cấu trúc trong vị thế cán cân thanh toán của quốc gia. - Tỷ giá hối đoái: Nếu nội tệ của một nước được dự kiến là mạnh lên thì các nhà đầu tư nước ngoài có thể sẵn sàng đầu tư vào chứng khoán của nước đó để hưởng lợi từ các biến động tiền tệ. Do đó, cán cân tài khoản vốn và tài chính của một nước có thể tăng nếu đồng tiền của nước đó được dự kiến mạnh lên. Ngược lại, cán cân tài khoản vốn và tài chính của một nước được dự kiến giảm nếu đồng nội tệ của nước đó được dự kiến suy yếu, khi các yếu tố khác không thay đổi. Do vậy, đối với các quốc gia theo đuổi chế độ tỷ giá hối đoái cố định thì chính phủ các nước này cần phải có những quyết sách đúng đắn liên quan đến tỷ giá hối đoái. - Tự do hóa tài chính: Khi chính phủ thực hiện việc tự do hóa tài chính, đặc biệt là tiến tới tự do hóa hoàn toàn dòng vốn thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng dòng vốn vào cũng như gia tăng tài khoản vốn và tài chính. Ngược lại, khi chính phủ thực hiện các biện pháp kiểm soát vốn sẽ làm hạn chế dòng vốn quốc tế vào trong nước cũng nhưlàm giảm tài khoản vốn và tài chính. 1.6. Cán cân thanh toán quốc tế và vị thế đầu tư quốc tế BOP liên quan chặt chẽ đến vị thế đầu tư quốc tế (IIP). IIP là một bảng thống kê cho thấy tại thời điểm lập báo cáo giá trị và kết cấu của các tài sản tài chính của những người cư trú trong một nền kinh tế (những người cư trú có thể yêu cầu những người không cư trú thanh toán các tài sản này) và vàng (vàng miếng hoặc vàng thỏi) được cất giữ như là tài sản dự trữ và các khoản nợ của những người cư trú phải trả cho những người không cư trú. Điểm giống nhau giữa BOP và IIP nằm ở chỗ chúng đều là các tài khoản quốc gia và cho biết vị thế kinh tế của quốc gia trên thế giới. Điểm khác nhau thể hiện ở chỗ BOP là công cụ quan trọng để phân tích vị thế kinh tế của quốc gia, còn IIP được sử dụng để phân tích thực trạng và xu hướng của một nền kinh tế. Khi các tài sản có lớn hơn tài sản nợ thì quốc gia đó là nước chủ nợ, còn khi các khoản nợ lớn hơn các khoản phải đòi thì quốc gia đó là con nợ. Theo chức năng,IIP bao gồm: - Đầu tư trực tiếp - Danh mục đầu tư - Các công cụ tài chính phái sinh - Đầu tư khác - Tài sản dự trữ
  • 27. 27 Theo công cụ, IIP bao gồm: - Cổ phần quỹ đầu tư và vốn - Các công cụ nợ - Quyền rút vốn đặc biệt - Tiền và các khoản đặt cọc - Chứng khoán nợ - Các khoản vay - Bảo hiểm, quỹ hưu trí - Các khoản phải thu/phải trả khác - Các tài sản có và tài sản nợ khác - Vàng (tiền) - Các công cụ tài chính phái sinh và ESO (quyền chọn mua cổ phiếu cho nhân viên) Tóm tắt Bài 1 1. Cán cân thanh toán quốc tế là một bản thống kê các giao dịch kinh tế giữa người cư trú của một nước với người cư trú của nước khác trong một khoảng thời gian nhất định, thường là 1 năm. 2. Cán cân thanh toán quốc tế được lập để cung cấp thông tin cho chính phủ về vị thế quốc tế của quốc gia nhằm giúp chính phủ hoạch định các chính sách tài chính, tiền tệ và thương mại. 3. Các giao dịch kinh tế được hạch toán vào cán cân thanh toán quốc tế theo nguyên tắc bút toán kép, theo đó mọi giao dịch đều được hạch toán hai lần, một lần ở khoản có và một lần ở khoản nợ. 4. Cán cân thanh toán quốc tế gồm 3 cán cân chính: Cán cân tài khoản vãng lai, cán cân tài khoản vốn và cán cân tài khoản tài chính. Trong đó, cán cân tài khoản vãng lai ghi nhận các giao dịch liên quan đến sự dịch chuyển hàng hóa, dịch vụ, thu nhập và dịch chuyển đơn phương ròng; cán cân tài khoản vốn và tài chính ghi nhận các giao dịch liên quan đến mua bán, trao đổi các tài sản tài chính, dịch chuyển vốn, đầu tư giữa các nước. 5. Dựa trên nguyên tắc bút toán kép, BOP luôn cân bằng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các tài khoản riêng biệt của nó cũng luôn cân bằng. Do đó, khi nói đến thặng dư hay thâm hụt BOP nghĩa là nói đến thặng dư hay thâm hụt của một hay một nhóm các cán cân bộ phận nhất định trong BOP. Các cán cân
  • 28. 28 bộ phận của BOP bao gồm: Cán cân thương mại, cán cân vãng lai, cán cân vốn, cán cân cơ bản, cán cân giao dịch dự trữ chính thức, cán cân quyết toán chính thức hay cán cân tổng thể. 6. Cán cân thanh toán quốc tế có mối liên hệ mật thiết với tổng thu nhập quốc dân, đầu tư, tiết kiệm và thâm hụt ngân sách của một quốc gia. 7. Để điều tiết BOP, người ta cần dựa vào các nhân tố tác động đến BOP, có thể chia thành các nhóm: (i) Các nhân tố tác động đến dòng thương mại quốc tế, bao gồm: Lạm phát, thu nhập quốc dân, tỷ giá hối đoái và các biện pháp hạn chế của chính phủ; (ii) Các nhân tố tác động đến dòng đầu tư quốc tế, bao gồm: Các biện pháp kiểm soát vốn, tỷ giá hối đoái và quá trình tự do hóa tài chính. 8. Cán cân thanh toán quốc tế có mối liên hệ chặt chẽ với vị thế đầu tư quốc tế và cả hai bảng số liệu này đều cho ta biết vị thế quốc tế của một quốc gia. Thuật ngữ cơ bản - Cán cân dịch vụ - Cán cân hàng hóa - Cán cân tài khoản tài chính - Cán cân tài khoản vãng lai - Cán cân tài khoản vốn - Cán cân thanh toán quốc tế - Cán cân thu nhập - Dịch chuyển đơn phương ròng - Giao dịch kinh tế - Người cư trú - Nguyên tắc bút toán kép - Thâm hụt - Thặng dư - Vị thế đầu tư quốc tế BÀI TẬP 1.Hạch toán các giao dịch sau vào BOP của Mỹ. a. Một người Mỹ mua 1 triệu USD cổ phiếu của Đức, thanh toán bằng cách viết séc từ một tài khoản ở một ngân hàng Thụy Sĩ. b. Một người Mỹ mua 1 triệu USD cổ phiếu của Đức, thanh toán cho người bán bằng séc của một ngân hàng Mỹ. c. Chính phủ Hàn Quốc can thiệp chính thức vào thị trường ngoại hối bằng cách
  • 29. 29 sử dụng 1 triệu USD ở một ngân hàng Mỹ để mua đồng won Hàn Quốc từ những người dân của mình. d. Một khách du lịch từ Detroit ăn trưa tại một nhà hàng sang trọng ở Pháp, thanh toán bằng séc du lịch 1 triệu USD. e. Một nhà sản xuất rượu California đóng góp một thùng rượu trị giá 1 triệu USD vào cuộc thi rượu vang ở London. f. Một chi nhánh của Mỹ ở Anh sử dụng khoản tiền kiếm được ở địa phương là 1 triệu USD để mua thêm máy móc. g. Một doanh nghiệp Mỹ gửi hàng cho một người mua nước ngoài với tổng trị giá là 50 triệu USD (trong đó có 1 triệu USD là tiền vận chuyển) được trả trong vòng 90 ngày và chuyên chở bằng tàu của Mỹ. h. Khách hàng nước ngoài thanh toán cho một công ty xuất khẩu Mỹ bằng cách mua từ ngân hàng địa phương của mình một tài khoản tiền gửi không kỳ hạn trị giá 1 triệu USD do ngân hàng này ký thác ở một ngân hàng Mỹ và chuyển khoản tiền gửi này cho công ty xuất khẩu Mỹ. 2. Các giao dịch sau được hạch toán vào FA như thế nào? a.Người cư trú trong nước mua cổ phẩn trong doanh nghiệp nước ngoài từ người nước ngoài. b.Người cư trú trong nước bán cổ phẩn trong doanh nghiệp nước ngoài cho người nước ngoài. c.Người không cư trú mua cổ phẩn của doanh nghiệp trong nước. d.Người không cư trú bán cổ phẩn của doanh nghiệp trong nước. e.Người cư trú trong nước mua chứng khoán nước ngoài. f. Người cư trú trong nước bán chứng khoán nước ngoài. g.Người không cư trú mua chứng khoán trong nước. h.Người không cư trú bán chứng khoán trong nước. i. Ngân hàng trong nước cho người không cư trú vay. j. Người không cư trú trả một phần nợ gốc đã vay. k.Ngân hàng nước ngoài cho người cư trú trong nước vay. l. Người cư trú trong nước trả một phần nợ gốc đã vay. 3.Giả sử Việt Nam là một nền kinh tế đóng có: C = 40 + 0,8(Y – T); G = 10; I = 20; và T = 0. Hãy tính: a. Mức sản lượng cân bằng? b. Tiêu dùng, đầu tư và chi tiêu của chính phủ tại mức sản lượng cân bằng?
  • 30. 30 c. Nếu Việt Nam mở cửa nền kinh tế và có EX = 5 + 4EP*/P và IM = 10 + 0,1 (Y – T) – 3EP*/P, trong đó E = 3; P* = 1,5 và P = 2. Hãy tính mức sản lượng cân bằng mới? (Lưu ý: NX = EX – IM) d. Việc mở cửa nền kinh tế đã tác động như thế nào đến Việt Nam? 4. Điền các thông tin còn thiếu vào bảng sau: CA Sp I G T 15 50 25 12 8 50 15 3 9 25 10 4 35 50 10 5 10 30 20 10 22 200 50 12 -25 140 100 15 400 200 20 -280 100 200 200 5. Điền các thông tin còn thiếu vào bảng sau: GNP C I G EX IM 100 25 10 10 20 115 75 12 14 16 120 70 25 20 30 69 58 10 10 32 135 75 30 35 25 140 140 140 140 140 940 140 200 300 200 1150 600 300 200 150 1250 700 200 200 150 6. Trong thời gian khủng hoảng tiền tệ tháng 9/1992, Ngân hàng Trung ương Anh đã vay Ngân hàng Trung ương Đức 3,3 tỷ DEM, mức tỷ giá tại thời điểm này là 1 GBP = 2,78 DEM = 1,912 USD. Ngân hàng Trung ương Anh đã bán toàn bộ đồng DEM trên thị trường tài chính FX nhằm hút bớt đồng GBP từ lưu thông nhằm bảo vệ đồng GBP khỏi phá giá. Sau khủng hoảng, Ngân hàng Trung ương Anh hoàn trả DEM cho Ngân hàng Trung ương Đức, lúc này tỷ giá trên thị trường là 1 GBP = 2,50 DEM = 1,782 USD. Hỏi: a. GBP đã giảm giá bao nhiêu % so với DEM và USD trong thời gian khủng hoảng? b. Chi phí can thiệp của Ngân hàng Trung ương Anh là bao nhiêu? Tính bằng GPB. c. Nếu can thiệp bằng USD (vay USD để bảo vệ GBP) thì chi phí can thiệp của Ngân hàng Trung ương Anh là bao nhiêu? GNP C I G EX IM
  • 31. 31 CÂU HỎI NGHIÊN CỨU 1. Khi CA ở trạng thái cân bằng thì trạng thái nợ nước ngoài của quốc gia thay đổi như thế nào? 2. Nếu CA = 0 thì ảnh hưởng của BOP đến tỷ giá, giá cả hàng hóa, thu nhập và lãi suất là như thế nào trong dài hạn? (Giả định trong dài hạn, hiệu ứng can thiệp của ngân hàng trung ương mang tính trung lập hay ∆R = 0) 3. Nếu CA = 0 và KL= 0 thì ảnh hưởng của BOP lên tỷ giá và lãi suất nội tệ là như thế nào trong ngắn hạn? 4. Nhận xét và bình luận về cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam trong 5 năm trở lại đây. 5. Trình bày tóm tắt về vị thế đầu tư quốc tế (IIP). Nhận xét và bình luận về IIP của 3 nước mà bạn quan tâm. 6. Tác động của lạm phát tới CA có chịu ảnh hưởng bởi độ co dãn của cầu hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu theo giá (tính bằng nội tệ và ngoại tệ, giả sử tỷ giá hối đoái không thay đổi) không? Nếu có thì như thế nào? Tài liệu tham khảo chương 1.Khu Tuyết Mai, Vũ Anh Dũng (2009), Giáo trình Kinh tế Quốc tế. NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội. 2.IMF (2008), Balance of Payment Manual, http://www.imf.org. 3.OECD (2008), Benchmark Definition of Foreign Direct Investment, 4th Edition. 4.Paul R. Krugman, Maurice Obstfeld (2012), International Economics: Theory and Policy, 9th Edition,Pearson. 5.Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Vũ Hà (2013), “Chapter 3: Exchange Rate and Capital Flow Management in Vietnam”, Macroeconomic Policy Stategies for Growth and Stability in Cambodia, Lao PDR, Vietnam, and Thailand, Parbpim Printing, Thailand.
  • 32. 32
  • 33. 33 Bài 2: THỊ TRƯỜNG NGOẠI HỐI Mở đầu Xét theo khối lượng giao dịch, thị trường ngoại hối là thị trường lớn vượt xa tất cả các thị trường khác. Đây cũng là thị trường hoàn hảo nhất và lỏng nhất trong tất cả các thị trường. Mọi giao dịch phát sinh từ thương mại quốc tế và đầu tư quốc tế phải thông qua thị trường ngoại hối vì những giao dịch này đều liên quan đến việc trao đổi tiền tệ. Hơn nữa, sự phát triển của thị trường ngoại hối xác định mức độ và những thay đổi trong tỷ giá hối đoái, có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế. Mục tiêu Sau khi học xong bài này, người học có thể: 1. Hiểu được khái niệm về thị trường ngoại hối; 2. Mô tả các đặc điểm của thị trường ngoại hối; 3. Xác định các thành viên tham gia thị trường ngoại hối; 4. Hiểu được khái niệm tỷ giá hối đoái và cách niêm yết tỷ giá; 5. Hiểu được cơ chế của một số thị trường và giao dịch ngoại hối. 2.1. Thị trường ngoại hối 2.1.1. Khái niệm Thị trường ngoại hối là thị trường diễn ra việc trao đổi ngoại hối. Ngoại hối bao gồm ngoại tệ, các khoản tiền gửi ngân hàng bằng ngoại tệ và trái phiếu nước ngoài. Do các khoản tiền gửi ngân hàng bằng nhiều đồng tiền khác nhau chiếm đa số còn ngoại tệ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong các giao dịch trên thị trường nên thị trường này được gọi là thị trường ngoại hối chứ không phải là thị trường ngoại tệ. Thị trường ngoại hối là thị trường lớn nhất và hoàn hảo nhất trong tất cả các thị trường. Thị trường này có khối lượng giao dịch cao nhất, lên đến hàng nghìn tỷ USD mỗi ngày. Đây là thị trường hoàn hảo nhất vì nó đáp ứng được tất cả các yêu cầu của một thị trường hoàn hảo như số lượng lớn người mua và người bán, các sản phẩm đồng nhất, tự do thông tin và không có các rào cản gia nhập thị trường. Hàng hóa giao dịch trên thị trường ngoại hối có thể là các đồng USD, yên Nhật, bảng Anh hay Euro... mua ở nơi nào cũng giống nhau. Thông tin trên thị trường ngoại hối luôn đầy đủ và cập nhật, không hạn chế về tiếp cận thông tin và
  • 34. 34 cũng hiếm có giao dịch nội gián như trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, tất cả mọi người đều có thể tham gia thị trường để giao dịch hoặc rút khỏi thị trường. Thị trường ngoại hối thực hiện một chức năng quan trọng là xác lập tỷ giá hối đoái. Đây là một biến số kinh tế vĩ mô có mức độ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của nền kinh tế và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Người ta cần đến thị trường ngoại hối vì các giao dịch ngoại tệ luôn song hành với các giao dịch kinh tế quốc tế. Hoạt động của thị trường ngoại hối tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại quốc tế và đầu tư quốc tế phát triển. 2.1.2. Đặc điểm Thị trường phi tập trung Thị trường ngoại hối là thị trường phi tập trung vì người mua và người bán hiếm khi gặp nhau. Các nhà kinh doanh ngoại hối duy trì một tài khoản ngoại hối để tiến hành các giao dịch mua bán ngoại tệ. Mặc dù hầu hết người tham gia thị trường đều có thông tin về tỷ giá ở các quầy giao dịch ngoại tệ song chỉ có khách hàng và các nhà kinh doanh ngoại hối mới biết được thông tin chi tiết cho mỗi lần hỏi giá, chào giá và giá giao dịch thực tế. Sự phát triển của thị trường ngoại hối phi tập trung liên quan đến việc các ngân hàng cấp tín dụng thương mại và thanh toán các hối phiếu từ nhiều thế kỷ trước. Thị trường ngoại hối phi tập trung có mặt trên toàn thế giới, ở bất cứ nơi nào có các ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính tham gia kinh doanh ngoại hối. Thị trường tài chính lớn nhất thế giới Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), năm 2001, tổng giá trị các giao dịch trên thị trường giao ngay, kỳ hạn và hoán đổi chỉ đạt gần 1,3 nghìn tỷ USD mỗi ngày. Tổng trị giá các giao dịch năm 2001 giảm so với năm 1998 do sự ra đời của đồng Euro vào đầu năm 1999. Đồng tiền mới này đã trở thành đồng tiền chung cho khu vực châu Âu, thay thế cho 12 đồng tiền riêng lẻ của khu vực này. Do vậy, việc lưu hành đồng tiền chung châu Âu đã loại bỏ khối lượng lớn các giao dịch tiền tệ giữa đồng mark Đức, franc Pháp, guilder Hà Lan, peseta Tây Ban Nha, lira Ý, franc Bỉ và các đồng tiền quốc gia khác mà đồng Euro thay thế. Sau đó, giao dịch tiền tệ trên toàn thế giới tiếp tục tăng trưởng và đến năm 2004 toàn thị trường đạt mức doanh thu gần 2 nghìn tỷ USD mỗi ngày. Khối lượng giao dịch ngoại hối tăng lên gần 4 nghìn tỷ USD mỗi ngày và sau đó chững lại do
  • 35. 35 tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cuối năm 2008. Đến năm 2013, thị trường ngoại hối toàn cầu đạt doanh thu vượt 5 nghìn tỷ USD. Bảng 2.1: Doanh thu trên thị trường ngoại hối Đơn vị: tỷ USD/ngày 1998 2001 2004 2007 2010 2013 Giao dịch giao ngay 568 386 631 1.005 1.488 2.046 Giao dịch kỳ hạn 128 130 209 362 475 680 Hoán đổi ngoại hối 734 656 954 1.714 1.759 2.228 Hoán đổi tiền tệ 10 7 21 31 43 54 Quyển chọn và các giao dịch khác 87 60 119 212 207 337 Tổng 1.527 1.239 1.934 3.324 3.971 5.345 Nguồn: BIS, 2013. Nước Anh với thị trường tài chính ở London chiếm hơn một phần ba các giao dịch ngoại hối của thế giới. Thị trường tài chính London với lịch sử phát triển lâu đời và vị trí thống soái về số lượng các giao dịch ngoại hối là thành quả phát triển của ngành ngân hàng qua nhiều thế kỷ. Việc nới lỏng các giao dịch tài chính quốc tế ở London cũng giúp củng cố vị trí hiện tại của thị trường này trên các thị trường tài chính thế giới. Năm 2013, thị trường Mỹ thực hiện 18% giao dịch ngoại hối, tiếp theo là thị trường Nhật Bản chiếm 6%, thị trường Singapore chiếm 5%, Hồng Kông 5% và Thụy Sĩ 5%. Giao dịch bán buôn chiếm tỷ trọng lớn Một đặc điểm nổi bật của các nhà kinh doanh ngoại hối là họ thường tiến hành các giao dịch bán buôn, chuyên mua bán ngoại tệ với số lượng lớn. Giao dịch trị giá 1 triệu USD chỉ được coi là giao dịch nhỏ trên thị trường ngoại hối. Các đại lý kinh doanh ngoại hối chủ yếu nằm trong các ngân hàng lớn, được liên kết bởi các mạng thông tin điện tử tinh vi nhất. Các đại lý phục vụ ngoại hối cho các công ty kinh doanh quốc tế, công ty tài chính, quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư và các nhà đầu tư lớn khác. Các đại lý mua bán ngoại hối cho chính mình nhằm mục đích cân bằng danh mục ngoại hối, kiếm lời từ các cơ hội chênh lệch tỷ giá hoặc có khi nhằm vào mục đích đầu cơ. Sự thống trị của đồng USD trong các giao dịch Theo BIS (2013), khoảng 90% số lượng giao dịch trên thị trường ngoại hối sử dụng đồng USD. Các đồng tiền khác như Euro, yên Nhật, bảng Anh, france Thụy
  • 36. 36 Sĩ, đôla Úc, đôla Canada cũng thường được giao dịch trên thị trường ngoại hối song tỷ trọng giao dịch vẫn cách xa so với đồng USD. Mặc dù tỷ trọng thương mại hàng hóa và dịch vụ Mỹ nhỏ hơn 20% giá trị dòng thương mại thế giới song các giao dịch sử dụng đồng USD đang rất phổ biến. Nhiều giao dịch thương mại quốc tế được tính bằng USD ngay cả khi USD không phải là đồng nội tệ đối với cả người mua và người bán. Một số hàng hóa như dầu, cà phê, đồng và nhiều hàng hóa khác được yết giá bằng USD. Việc thanh toán bằng đồng USD cho những mặt hàng này hoàn toàn không liên quan đến việc ai là người cung cấp hoặc ai là người mua hàng hóa. Ngoài ra, đa số các khoản tín dụng quốc tế do các ngân hàng thương mại cấp cho các công ty và chính phủ các nước đang phát triển đều được tính bằng đồng USD. Bên cạnh đó, nhiều công ty nước ngoài và các chính phủ huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu bằng USD. Do vậy, đồng USD đã trở thành đồng tiền phương tiện trên thế giới. Sự thống trị của đồng USD trên thị trường ngoại hối thể hiện nó đóng vai trò là đồng tiền phương tiện trong các giao dịch với những đồng tiền ít phổ biến. Ví Loại tiền (đơn vị: %) Các cặp đồng tiền (đơn vị: %) Hình 2.1: Tỷ trọng doanh thu ngoại tệ theo loại tiền và các cặp tiền năm 2013 Nguồn: BIS, 2013.
  • 37. 37 dụ, nếu một công ty muốn đổi đồng peso của Philippines lấy đồng ringgit của Malaysia, đầu tiên công ty này sẽ phải đổi peso lấy USD, sau đó dùng USD đổi lấy ringgit. Cách thức giao dịch như vậy có vẻ rườm rà song nó thật sự hiệu quả hơn so với giao dịch trực tiếp đổi peso lấy ringgit. Giao dịch trao đổi giữa peso và ringgit thường không phổ biến, do vậy, giá cả có xu hướng biến động mạnh vì cú sốc nhỏ cũng dễ dàng khiến thị trường chao đảo. Các thị trường trao đổi giữa peso với USD và đồng ringgit với USD có quy mô lớn hơn, do đó hai thị trường này cung cấp thông tin chính xác hơn và có độ thanh khoản cao hơn. Tính thanh khoản thị trường cao hơn có nghĩa là người mua và bán trên thị trường có thể mua và bán số lượng tiền tệ đúng như mình mong muốn. Chi phí giao dịch trên thị trường có tính thanh khoản cao thường thấp hơn so với chi phí giao dịch trên thị trường có tính thanh khoản thấp. Như đã đề cập ở trên, sự ra đời của đồng Euro từ tháng 1/1999 đã thay thế cho nhiều đồng tiền khác trong khu vực đồng tiền chung châu Âu. Do vậy, tỷ trọng các giao dịch bằng đồng Euro đứng thứ hai trên thế giới. Kể từ ngày 1/10/2016, IMF đưa đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vào danh sách các đồng tiền quy đổi của Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Đồng nhân dân tệ sẽ có sức ảnh hưởng lớn thứ ba trong giỏ tiền tệ quốc tế, với trọng số 10,92%, đứng sau USD (41,73%) và Euro (30,93%). Tỷ lệ này tương ứng với yên Nhật và bảng Anh là 8,33% và 8,09%. Đây được xem là dấu mốc quan trọng trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng đến đời sống kinh tế thế giới vốn bị chi phối bởi Mỹ, châu Âu và Nhật Bản suốt nhiều thập kỷ qua. Tuy không thể vượt qua sự thống trị của USD nhưng việc sử dụng đồng nhân dân tệ làm đồng tiền dự trữ cũng như giao dịch quốc tế có xu hướng tăng mạnh trong tương lai. Thị trường giao dịch 24/24 Sự phát triển của công nghệ thông tin đã gắn kết các thị trường ngoại hối trên toàn thế giới để hoạt động 24 giờ mỗi ngày. Các trung tâm tài chính lớn tập trung ở các khu vực có múi giờ khác nhau. Khi thị trường tài chính ở San Francisco (Mỹ) đóng cửa vào lúc chiều muộn cũng là lúc các thị trường tại Auckland (New Zealand), tại Sydney (Australia) và Tokyo (Nhật Bản) vừa mở cửa. Trước khi các thị trường này đóng cửa thì các thị trường khác tại Singapore ở Đông Nam Á và Bahrain ở Trung Đông sẽ mở cửa, tiếp đến là các trung tâm tài chính của châu Âu. Sau khi thị trường London (Anh), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức) thực hiện
  • 38. 38 các giao dịch buổi chiều thì thị trường ở New York mở cửa, tiếp theo là các thị trường ở Chicago và San Francisco. Cứ như vậy, một chu kỳ hoạt động mới lại bắt đầu. Kinh doanh chênh lệch tỷ giá (Arbitrage) Một đặc trưng của thị trường ngoại hối là các hình thức arbitrage. Hoạt động này xảy ra khi có chênh lệch giữa tỷ giá mua vào và bán ra trên hai thị trường. Khi đó, các nhà đầu tư sẽ mua ngoại tệ ở thị trường chào bán với giá rẻ và bán lại cho thị trường chấp nhận mua vào với giá cao hơn. Hoạt động này sẽ làm mức chênh lệch giá nhanh chóng biến mất. Hoạt động arbitrage khiến các thị trường riêng biệt hợp thành một thị trường đơn nhất. Hoạt động arbitrage được thực hiện dễ dàng bởi một số lý do sau. Thứ nhất, chi phí vận chuyển tiền gần như bằng không. Do chi phí vận chuyển không đáng kể nên chênh lệch tỷ giá giữa các thị trường dù nhỏ đến mấy cũng sẽ trở thành cơ hội kiếm lợi của các nhà đầu tư. Thứ hai, thông tin giá cả trên các thị trường ngoại hối luôn đầy đủ và cập nhật. Mặc dù khoảng cách địa lý giữa các thị trường rất lớn song các thị trường lại được kết nối bởi hệ thống thông tin hiện đại. Hơn nữa, hàng trăm ngân hàng thương mại lớn được đặt chi nhánh tại hầu hết các trung tâm giao dịch ngoại hối lớn trên thế giới. Với sự hỗ trợ của mạng lưới thông tin liên lạc điện tử, khi chênh lệch giá trên các thị trường xuất hiện ngay lập tức sẽ có một lượng tiền lớn được chuyển đi. Hoạt động arbitrage được tiến hành nhanh với số lượng lớn sẽ làm cho tỷ giá giữa hai đồng tiền trên các thị trường ngoại hối khác nhau có xu hướng hội tụ. Giả sử tỷ giá trao đổi giữa USD và yên Nhật tại New York là 90 yên Nhật cho một đồng USD. Cũng vào thời điểm đó, các đại lý tại Ngân hàng ở London đang giao dịch ở mức 91 yên Nhật cho mỗi đồng USD. Do có mức chênh lệch giá giữa hai thị trường nên các nhà kinh doanh sẽ bán USD ở London với giá 91 yên Nhật thay vì bán với giá 90 yên Nhật ở New York. Tương tự, các nhà đầu tư ở London sẽ bán yên tại New York chứ không phải ở London. Cung đồng yên Nhật tăng nhanh ở New York và tương tự, cung đồng USD cũng tăng nhanh ở London. Giao dịch này sẽ hạ giá đồng yên tại New York và tăng giá đồng yên ở London. Cuối cùng, giá của mỗi đồng USD sẽ nằm trong khoảng lớn hơn 90 và nhỏ hơn 91 yên Nhật trên cả hai thị trường.
  • 39. 39 Khi có chênh lệch tỷ giá giữa các thị trường, với hệ thống liên lạc trực tuyến, các nhà đầu tư chỉ mất khoảng vài giây để thực hiện hoạt động arbitrage. Hoạt động này cũng sẽ nhanh chóng chấm dứt khi tỷ giá trên hai thị trường bằng nhau. Trên thực tế, mức chênh lệch tỷ giá lớn như trong ví dụ vừa xét đến không tồn tại. Thời đại liên lạc điện tử cùng với chi phí thương mại thấp sẽ nhanh chóng xóa bỏ mức chênh lệch tỷ giá giữa hai thị trường dù mức chênh lệch này nhỏ đến một phần trăm nghìn. Thị trường ngoại hối sử dụng các giao dịch trực tuyến Hiện nay có một số trang web giao dịch trực tuyến mới mở cửa cho các cá nhân và doanh nghiệp. Trang web Currenex là trang web đầu tiên được mở vào năm 2000 do cựu giám đốc công ty cung cấp dịch vụ Internet toàn cầu America Online điều hành. Ngay sau đó, một công ty khác đưa ra trang web FXTrade để mua bán ngoại tệ trực tiếp với các khách lẻ, chủ yếu là các nhà xuất nhập khẩu nhỏ. Hệ thống máy tính của trang web này có thể xử lý 100 giao dịch mỗi giây. Tất cả các giao dịch đều được thực hiện không kể quy mô lớn nhỏ. Cách làm này đã khuyến khích các ngân hàng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cho khách hàng của mình. Vào tháng 6/2000, 7 trong số các ngân hàng kinh doanh ngoại hối lớn nhất thế giới là Bank of America, Goldman Sachs, JP Morgan, Morgan Stanley Dean Witter, HSBC, Credit Suisse First Boston và UBS Warburg đã cùng mở dịch vụ kinh doanh ngoại hối trực tuyến mang tên FXall. Riêng 7 công ty này đã chiếm gần 30% giao dịch ngoại hối toàn cầu. Tháng 8/2000, 3 ngân hàng kinh doanh ngoại hối lớn nhất thế giới bao gồm Citibank, Chase Manhattan và Deutsche Bank (kiểm soát khoảng 28% các giao dịch ngoại hối toàn cầu) đã công bố hợp tác với Reuters để tạo ra Atraix – dịch vụ kinh doanh ngoại hối trực tuyến. Reuters đã điều hành một trong các hệ thống liên ngân hàng trên toàn thế giới. Hotspot – sàn giao dịch trực tuyến mở cửa năm 2005 đã nhanh chóng giành được thị phần bởi nó duy trì tính bảo mật cho các khách hàng. Đây là một tính năng mà các quỹ đầu tư đặc biệt quan tâm. Các quỹ đầu tư ngày càng tăng số lượng các giao dịch ngoại tệ để trực tiếp tìm kiếm lợi nhuận hoặc gián tiếp kiếm lời từ kinh doanh tài sản ngoại hối, do vậy, họ rất nghi ngại bị tiết lộ thông tin về các giao dịch hoặc để lộ chiến lược kinh doanh khiến thu nhập bị giảm sút.
  • 40. 40 Một bước quan trọng trong giao dịch trực tuyến diễn ra vào cuối năm 2004 khi EBS – mạng lưới thông tin liên lạc liên ngân hàng lớn nhất thế giới bắt đầu chương trình thí điểm cho một số người bên ngoài có thể truy cập trực tiếp vào mạng. Điều này có nghĩa rằng một số quỹ hưu trí, công ty đa quốc gia và các khách hàng lớn có thể bắt đầu trực tiếp yêu cầu báo giá và sau đó tự tiến hành giao dịch mà không cần sự tham gia của các đại lý truyền thống. Vẫn còn quá sớm để dự báo toàn bộ tác động của sự phát triển công nghệ và những thay đổi trên các thị trường ngoại hối. Song rõ ràng giao dịch trực tuyến đang thay thế các giao dịch được tiến hành trên điện thoại – cách thức đã được tiến hành hơn 100 năm. Mặc dù phần lớn các giao dịch ngoại hối vẫn thông qua các đại lý truyền thống nhưng áp lực cạnh tranh từ kinh doanh trực tuyến đã làm giảm chi phí giao dịch cho các nhà xuất nhập khẩu và các nhà đầu tư quốc tế. Các ngân hàng đại lý phải đối mặt với xu hướng sụt giảm lợi nhuận từ hình thức cạnh tranh mới này. 2.1.3. Các thành viên tham gia thị trường ngoại hối Tham gia thị trường ngoại hối là người trực tiếp hay gián tiếp mua và bán ngoại hối. Có nhiều cách để phân loại những người tham gia mua bán trên thị trường ngoại hối. Dựa vào mục đích hoạt động, người mua và bán trên thị trường ngoại hối được chia thành nhóm người kinh doanh chênh lệch tỷ giá, bảo hiểm và đầu cơ. Có một số người tham gia thị trường ngoại hối để kinh doanh chênh lệch tỷ giá khi tỷ giá niêm yết trên hai trung tâm tài chính có sự khác biệt. Một số người khác tham gia vào thị trường này để bảo hiểm cho các vị thế ngoại hối nhằm phòng ngừa hoặc loại bỏ rủi ro tỷ giá. Ví dụ, để bảo hiểm cho khoản ngoại tệ phải trả trong tương lai, công ty nhập khẩu có thể mua ngoại tệ theo tỷ giá kỳ hạn. Ngược lại, các nhà đầu cơ lại chấp nhận rủi ro mua bán ngoại tệ để kiếm lời. Nhà đầu cơ sẽ mua đồng tiền dự kiến lên giá và bán đồng tiền dự kiến mất giá. Nếu đồng tiền biến động đúng như dự kiến, nhà đầu cơ sẽ thu được lợi nhuận, nếu biến động theo chiều ngược lại thì nhà đầu cơ sẽ bị lỗ. Một cách phân loại phổ biến hơn là phân chia những người tham gia thị trường ngoại hối thành 5 nhóm: (i) khách hàng, (ii) ngân hàng thương mại, (iii) các tổ chức tài chính phi ngân hàng, (iv) các nhà môi giới và (v) các ngân hàng trung ương.
  • 41. 41 Nhóm khách hàng gồm các cá nhân và các công ty mua bán ngoại hối phục vụ cho hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế của mình. Nhóm khách hàng có thể là các công ty xuất khẩu, nhập khẩu, khách du lịch, những người nhập cư và các nhà đầu tư. Các nhà xuất khẩu bán ngoại tệ mà họ có được từ các công ty nước ngoài mua sản phẩm của họ. Các công ty nhập khẩu mua ngoại tệ để thanh toán các đơn hàng nhập khẩu cho các nhà cung cấp nước ngoài. Khách du lịch ra nước ngoài mua ngoại tệ, trong khi những người đến từ nước ngoài (khách du lịch nước ngoài) mua đồng nội tệ để chi trả cho chi phí sinh hoạt trong khi họ đang đi du lịch. Các nhà đầu tư mua và bán ngoại tệ để tiến hành đầu tư vào tài sản ngoại như trái phiếu, cổ phiếu, bất động sản của nước ngoài. Trên thị trường ngoại hối, nhóm khách hàng là người chấp nhận giá, nghĩa là họ mua ngoại tệ theo tỷ giá niêm yết trên thị trường. Các ngân hàng thương mại tham gia thị trường ngoại hối với tư cách mua bán hộ ngoại hối cho các khách hàng và hưởng chênh lệch giữa giá mua và giá bán. Các ngân hàng thương mại cũng có thể tham gia các hoạt động đầu cơ để tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn. Họ thực hiện chức năng này thông qua một nhóm các đại lý. Các đại lý có thể chuyên kinh doanh một loại tiền tệ, một nhóm các đồng tiền hay một loại giao dịch, ví dụ giao dịch giao ngay hoặc giao dịch kỳ hạn. Các ngân hàng thương mại lớn đóng vai trò định giá trên thị trường vì các ngân hàng này luôn sẵn sàng mua bán ngoại tệ theo mức giá đã công bố. Các giao dịch bán buôn được thực hiện giữa các ngân hàng thương mại với nhau, hình thành nên thị trường liên ngân hàng. Ngày nay, hoạt động của thị trường liên ngân hàng đang chiếm ưu thế trên thị trường ngoại hối. Thành viên hoạt động tích cực nhất trên thị trường ngoại hối chính là các ngân hàng thương mại. Song vì mức độ hoạt động của các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng không giống nhau nên các ngân hàng thương mại được phân loại thành: (i) nhóm các ngân hàng định giá bao gồm các ngân hàng lớn nhất, (ii) nhóm các ngân hàng đại lý lớn gồm các ngân hàng sẵn sàng báo giá một số loại tiền tệ, và (iii) nhóm các ngân hàng cấp hai gồm các ngân hàng chỉ báo giá và giao dịch với số lượng ít. Các tổ chức tài chính phi ngân hàng bao gồm các ngân hàng đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí và quỹ tương hỗ. Các tổ chức này có thể tiến hành giao dịch trực tiếp mua bán ngoại hối mà không thông qua ngân hàng. Các giao dịch