SlideShare a Scribd company logo
1
Chuyên đề 1.
TỔNG QUAN VỀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ Ở CẤP XÃ
I. QUAN ĐIỂM CHUNG VỀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ Ở VIỆT NAM
1. Khái niệm về hệ thống chính trị
Trong mọi xã hội có giai cấp, quyền lực của chủ thể cầm quyền được thực
hiện bằng một hệ thống thiết chế và tổ chức chính trị nhất định. Đó là hệ thống chính
trị. Hệ thống chính trị là tổng thể các cơ quan, tổ chức nhà nước, đảng phái, đoàn thể
xã hội, nói chung là các lực lượng tham gia và mối quan hệ giữa các lực lượng đó,
chi phối sự tồn tại và phát triển đời sống chính trị của một quốc gia, thể hiện bản chất
của chế độ chính trị của quốc gia, con đường phát triển của xã hội.
Cấu trúc của hệ thống chính trị không chỉ là hệ thống các tổ chức và các quan
hệ về tổ chức mà còn là hệ thống các cấp độ và các quan hệ về cấp độ nhìn theo hai
chiều vận động từ dưới lên và từ trên xuống.
Có các cấp độ của từng tổ chức (Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể)
qui định vị trí, vai trò, chức trách, thẩm quyền của các cấp, của cấp trên với cấp dưới
trong phạm vi một tổ chức với sự tác động của bộ máy tương ứng với từng cấp. Hệ
thống chính trị được cấu thành bởi các tổ chức nêu trên cũng có các cấp độ này, biểu
hiện thành quan hệ tác động qua lại giữa Trung ương với địa phương và cơ sở.
Giữa các tổ chức lại hình thành quan hệ tác động lẫn nhau trong hệ thống và
trong từng cấp độ. Cụ thể, ở cấp trung ương là quan hệ giữa Đảng với Nhà nước, Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể. Ở cấp tỉnh là quan hệ giữa Đảng bộ cấp tỉnh
với chính quyền cấp tỉnh, Mặt trận Tổ quốc với các đoàn thể cấp tỉnh. Ở cấp cơ sở
xã, phường, thị trấn là quan hệ giữa Đảng bộ cấp xã với chính quyền và Mặt trận Tổ
quốc cùng các đoàn thể trong xã, phường, thị trấn.
Ở đây ta đang xem xét khái niệm cơ sở và hệ thống chính trị ở cơ sở trên quan
điểm xã hội học chính trị và quản lý xã hội. Đây là những khái niệm xuất phát,
những khái niệm công cụ để nghiên cứu và đề xuất những giải pháp cải cách hệ
thống chính trị, đặc biệt là hệ thống chính trị ở cơ sở nước ta hiện nay. Cơ sở được
lấy làm đối tượng nghiên cứu ở đây không phải là một đơn vị cơ sở bất kỳ (gia đình,
cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp hay viện nghiên cứu…) mà là
cơ sở với tư cách là một cấp quản lý nhà nước trong hệ thống quản lý hành chính nhà
nước bốn cấp hiện hành. Cơ sở đó chính là xã - phường - thị trấn, là cấp cơ sở của
quản lý nhà nước. Phường, thị trấn là cấp cơ sở ở đô thị, được đặc trưng bởi quản lý
đô thị. Xã là cấp cơ sở ở khu vực nông thôn, đây là cả một địa bàn rộng lớn, chiếm
đa số trong tổng số đơn vị cơ sở nước ta.
Hệ thống chính trị ở xã - phường - thị trấn bao gồm 3 bộ phận cấu thành:
Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Mỗi bộ phận tồn tại với vai
2
trò, chức năng riêng và có quan hệ mật thiết với nhau, tạo thành hệ thống, quản lý và
điều hành mọi hoạt động ở xã - phường - thị trấn về các lĩnh vực của đời sống.
Cơ sở và hệ thống chính trị ở xã - phường - thị trấn là khâu trung tâm cần phải
đột phá trong chỉnh đốn và đổi mới hệ thống chính trị cơ sở. Giải quyết khâu đột phá
này, lẽ dĩ nhiên không thể không bàn tới quan hệ giữa xã và thôn, giữa phường, thị
trấn và tổ dân phố, tới vai trò của Đảng bộ hoặc chi bộ xã - phường - thị trấn, của
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức quần chúng cấu thành thống chính trị
ở xã - phường - thị trấn, các phương thức tổ chức, hoạt động cùng các mối quan hệ
giữa chúng. Nhận thức về xã - phường - thị trấn chúng ta nhấn mạnh tới mấy điểm
dưới đây:
- Xã - phường - thị trấn là nơi chính quyền trong lòng dân như Đảng ta đã xác
định. Xã - phường - thị trấn là cấp thấp nhất trong các cấp độ quản lý của hệ thống
chính quyền nhà nước nhưng lại là nền tảng của chế độ chính trị và đời sống xã hội.
- Xã - phường - thị trấn là nơi diễn ra cuộc sống của dân, nơi chính quyền và
các đoàn thể tổ chức cuộc sống, hoạt động và các phong trào của cộng đồng dân cư
để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hành dân chủ của chính mình. Nếu dân
chủ là dân làm chủ như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, thì xã là nơi thể hiện rõ nhất và
trực tiếp nhất ý thức và năng lực dân chủ của dân bằng cả phương thức dân chủ đại
diện và dân chủ trực tiếp. Chế độ ủy quyền và những phương tiện, những điều kiện
nhằm thực hiện và đảm bảo cho sự ủy quyền đó phải được bắt đầu từ xã mà nhân dân
là chủ thể. Bao nhiêu quyền hành đều là của dân, bao nhiêu lợi ích cũng thuộc về
dân. Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Dân có quyền làm chủ, đồng thời có
nghĩa vụ của người chủ. Do ở xã - phường - thị trấn là nơi làm việc và sinh hoạt hàng
ngày của dân chúng, là nơi thể chế được dân trực tiếp tổ chức nên và dân thường
xuyên tiếp xúc, đề đạt nguyện vọng, yêu cầu của mình với những người đại diện cho
mình, đồng thời dân cũng có điều kiện biết rõ sự hoạt động của thể chế, của con
người và tổ chức bộ máy, mặt hay cũng như mặt dở, mặt tốt cũng như mặt xấu với
những khuyết tật của nó…nên quan hệ và thái độ của dân đối với thể chế ở xã cho
thấy rõ nhất hiện trạng của thể chế nói chung. Động lực, nội lực của sự phát triển hay
vật cản kìm hãm, sự trì trệ và suy thoái được nhận thấy rõ nhất ngay ở xã - phường -
thị trấn. Những yếu kém diễn ra trong thể chế ở xã làm tổn hại đến uy tín và ảnh
hưởng xã hội của thể chế nói chung. Những phản ứng, bất bình của dân đối với cán
bộ xã là khởi đầu cho những mất ổn định, thậm chí trở thành tình huống, thành điểm
nóng gây hại tới sự bình yên của chế độ. Do vậy, mấu chốt của xã - phường - thị trấn
là chất lượng cán bộ, công chức, là hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị sao cho
giữ được dân, làm cho dân yên ổn, phấn khởi làm ăn, sinh sống, liên kết cộng đồng,
quan tâm và bảo vệ thể chế, phát triển xã hội, phát triển sức dân.
- Xã - phường - thị trấn là tầng sâu nhất mà sự vận hành của thể chế từ vĩ mô
phải tác động tới. Xã - phường - thị trấn là địa chỉ quan trọng cuối cùng mà mọi
quyết định, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước
phải tìm đến. Đường lối, nghị quyết có đi vào cuộc sống thực sự hay không, dân có
được tổ chức hành động trong phong trào rộng khắp để biến khả năng thành hiện
thực hay không; đường lối, chính sách có tác dụng, hiệu quả đến đâu, đúng sai ra sao
3
được chứng thực bởi cuộc sống, tâm trạng, thái độ, niềm tin và hành động thực tế của
dân chúng. Vì vậy, xã - phường - thị trấn tuy là cấp thấp nhất trong hệ thống quản lý
nhưng có tầm quan trọng đặc biệt, là vấn đề sống còn, thành bại của chế độ. Xã -
phường - thị trấn là hình ảnh thu nhỏ của xã hội, là vùng nhạy cảm nhất của đời sống
xã hội, không được xao nhãng mà cần đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thường xuyên.
Thực chất của mất xã là mất dân, mà khởi đầu của sự mất dân là xa dân của cán bộ,
công chức xã - phường - thị trấn, sự rệu rã của tổ chức bộ máy và sự hoành hành của
nạn quan liêu, tham nhũng làm cho dân đói khổ, bần cùng.
- Xã - phường - thị trấn không phải là cấp hoạch định đường lối, chính sách…
mà là cấp hành động, tổ chức hành động, đưa đường lối, nghị quyết, chính sách vào
cuộc sống. Là cấp hành động, tổ chức thực hiện nên cán bộ, công chức phải gần dân,
hiểu dân, sát dân và năng lực của cán bộ xã là năng lực thực thi, tổ chức công việc và
thường xuyên giáo dục, tuyên truyền, vận động quần chúng. Tổ chức bộ máy phải
thực sự gọn nhẹ, “thà ít mà tốt”, năng động, nhạy bén, cán bộ, công chức phải thực sự
nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, sáng tạo một cách thiết thực, biết rõ phương
hướng hành động, có bản lĩnh dám chịu trách nhiệm, có phương pháp và phong cách
dân vận “óc nghĩ, mắt nhìn, miệng nói, tai nghe, chân đi, tay làm” như Hồ Chí Minh
đã chỉ ra. Biết làm cho dân tin, dân ủng hộ; biết tập hợp dân thành lực lượng và hoạt
động trong phong trào; phục vụ dân, làm lợi cho dân, mưu cầu hạnh phúc cho dân, đó
là tất cả những gì cán bộ, công chức cần có.
2. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị
Về mặt tổ chức, hệ thống chính trị ở xã - phường - thị trấn bao gồm ba bộ phận
cấu thành là tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức
thành viên của Mặt trận bao gồm Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông
dân và Hội Cựu chiến binh.
* Tổ chức cơ sở đảng
Tổ chức cơ sở đảng ở xã - phường - thị trấn là nền tảng của đảng ở xã -
phường - thị trấn. Điều 21, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, được Đại hội X của
Đảng thông qua (được Đại hội XI sửa đổi, bổ sung) đã qui định: “Tổ chức cơ sở
đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Ðảng, là hạt nhân chính trị ở cơ
sở”. Như vậy tổ chức cơ sở đảng ở xã là nền tảng của Đảng ở xã. Điều này bắt nguồn
trực tiếp từ học thuyết của chủ nghĩa Mác – Lênin về vai trò quyết định của quần
chúng nhân dân trong lịch sử, về vai trò của giai cấp công nhân - lực lượng chủ yếu
của cách mạng vô sản và là người lãnh đạo xã hội trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa
xã hội.
Tổ chức cơ sở đảng ở xã - phường - thị trấn có vai trò hạt nhân trong lãnh đạo
chính trị, lãnh đạo hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo đảm cho đường lối, chính sách của
Đảng được cụ thể hóa và được thực hiện thắng lợi. Tổ chức đảng ở xã - phường - thị
trấn có vai trò lãnh đạo toàn diện các mặt hoạt động trong xã - phường - thị trấn, lãnh
đạo chính quyền và các đoàn thể quần chúng.
Tổ chức cơ sở đảng ở xã - phường - thị trấn là nơi giáo dục, rèn luyện đảng
viên và phát triển Đảng. Tổ chức cơ sở Đảng là nơi giáo dục lý tưởng cách mạng, rèn
4
luyện ý chí, trau dồi quan điểm, lập trường cách mạng cho đảng viên, động viên đảng
viên tham gia các phong trào giữ gìn an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội ở địa
phương; là nơi vận động và bồi dưỡng những người ưu tú, xuất sắc trong phong trào
quần chúng, kết nạp họ vào Đảng nhằm xây dựng, phát triển, tăng cường số lượng và
sức chiến đấu của Đảng.
Tổ chức cơ sở đảng ở xã - phường - thị trấn là đơn vị chiến đấu cơ bản của
Đảng và là chỗ dựa đáng tin cậy của quần chúng nhân dân ở cơ sở. Bằng việc đưa
đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống ở xã, tổ chức quần chúng thực hiện
thắng lợi đường lối chủ trương, của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước;
phát triển lực lượng đảng viên mới trong quần chúng, các tổ chức Đảng ở xã thực sự
là “một đơn vị chiến đấu cơ bản” của Đảng, là hạt nhân lãnh đạo của hệ thống chính
trị và là chỗ dựa đáng tin cậy của nhân dân ở cơ sở.
* Chính quyền cơ sở xã, phường, thị trấn (chính quyền cấp xã)
Theo Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi)
- Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được
phân định như sau:
Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc
trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương;
Huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành
phường và xã; quận chia thành phường.
Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.
- Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính -
kinh tế đặc biệt do luật định. Chính quyền cấp xã gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban
nhân dân, trong đó:
+ Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện
cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương
bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
+ Uỷ ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của
Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước
Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.
- Chính quyền cấp xã tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật
tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm tra,
giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên.
* Các đoàn thể nhân dân ở xã, phường, thị trấn
Các đoàn thể nhân dân ở nước ta là một phạm trù rất rộng, có thể bao gồm cả
các tổ chức chính trị - xã hội, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức
5
xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội, giới chức, từ thiện.
Phạm trù “đoàn thể nhân dân” được đề cập ở đây là các tổ chức chính trị - xã hội,
thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ở cơ sở, nói đến các đoàn thể nhân dân
thuộc hệ thống chính trị cơ sở, chủ yếu có 05 tổ chức là Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông
dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh.
Đoàn thể nhân dân có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị ở xã,
phường, thị trấn. Cụ thể các đoàn thể nhân dân có vai trò đoàn kết nhân dân, chăm lo
lợi ích của thành viên, thực hiện dân chủ và đổi mới xã hội, thực thi quyền và nghĩa
vụ của công dân, thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đoàn thể
nhân dân là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong các phong trào vận động quần chúng
tham gia bảo vệ trật tự trị an, xây dựng nếp sống văn hóa, bảo vệ môi trường, phát
triển kinh tế - xã hội ở cơ sở.
* Mối quan hệ giữa các bộ phận cấu thành hệ thống chính trị xã, phường, thị
trấn
Như trên đã nói, hệ thống chính trị ở cơ sở bao gồm ba bộ phận cấu thành:
Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân; mỗi bộ phận tồn tại với vai trò, chức
năng riêng và có quan hệ mật thiết với nhau, tạo thành hệ thống thống nhất.
Tính hệ thống của hệ thống chính trị cơ sở hiện nay thể hiện trên các mặt cụ
thể có tính nguyên tắc sau:
- Các tổ chức thành viên của hệ thống chính trị ở cơ sở cùng tồn tại và hoạt
động trên cùng một địa bàn lãnh thổ - dân cư, đó là đơn vị hành chính cấp xã.
- Các thành viên của hệ thống chính trị thống nhất đặt dưới sự lãnh đạo của tổ
chức cơ sở Đảng về những nội dung cơ bản như đường lối, chủ trương, phương
hướng phát triển kinh tế - xã hội và công tác tổ chức, cán bộ.
- Các thành viên của hệ thống chính trị thống nhất tiến hành các mặt hoạt động
trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước và sự quản lý, điều hành của chính quyền
địa phương theo các nguyên tắc Đảng lãnh đạo, nguyên tắc tập trung dân chủ,
nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân.
- Tuy có chức năng, nhiệm vụ, cách tổ chức và phương thức hoạt động khác
nhau, các thành viên của hệ thống chính trị thống nhất cùng hướng tới các mục tiêu
chung là phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần
của nhân dân địa phương, tất cả vì mục tiêu chung của xã hội là thực hiện “dân giàu,
nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh”.
Trong sự thống nhất của hệ thống chính trị, Đảng là bộ phận hạt nhân, giữ vai
trò lãnh đạo của hệ thống; chính quyền là lực lượng chủ đạo, giữ vai trò quản lý, điều
hành và các đoàn thể nhân dân là tổ chức đại diện quyền làm chủ của các tầng lớp
nhân dân. Tổ chức đảng cơ sở vừa là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, lãnh đạo
chính quyền và là cầu nối giữa nhân dân với chính quyền cơ sở. Chính quyền cơ sở
là cơ quan quyền lực nhà nước trực tiếp quản lý, tổ chức đời sống mọi mặt ở địa
phương, phát huy mọi tiềm năng nhân tài, vật lực ở địa phương phục vụ sự phát triển
kinh tế - xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở địa phương là cầu nối
6
giữa nhân dân với tổ chức đảng và chính quyền cơ sở, đại biểu cho lợi ích của các
tầng lớp nhân dân, là hậu thuẫn của Đảng và chính quyền ở địa phương.
II. ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ Ở XÃ -
PHƯỜNG - THỊ TRẤN TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta là một bộ phận của công cuộc đổi mới
toàn diện đất nước. Công cuộc đổi mới ở nước ta có ý nghĩa như một bước ngoặt của
một giai đoạn cách mạng mới. Đổi mới kinh tế và đổi mới các lĩnh vực khác không
thể tách rời đổi mới về chính trị.
Trong thời kỳ phát triển mới của cách mạng nước ta hiện nay, việc đổi mới hệ
thống chính trị trên phạm vi cả nước cũng như ở từng cơ sở, nhất là ở xã, phường, thị
trấn đã trở nên vô cùng cần thiết và bức xúc. Từ đó ta có thể thấy những yêu cầu cho
sự cần thiết phải đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở xã đó là:
- Đáp ứng yêu cầu của thực hành dân chủ. Thực hành dân chủ và chống quan
liêu, tham nhũng là hai mặt của cùng một vấn đề: tìm động lực cho sự phát triển, tiến
bộ xã hội. Quan tâm sâu sắc tới vấn đề hệ trọng này, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cách
tốt nhất để chống quan liêu, tham nhũng là thực hành dân chủ” và “Thực hành dân
chủ rộng rãi là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn” (Hồ Chí Minh
toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, t.12, tr.249). Trong tư tưởng của mình, Hồ
Chí Minh sớm phát hiện ra dân chủ là động lực và mục tiêu của sự phát triển, của
chủ nghĩa xã hội. Đó cũng chính là động lực và mục tiêu của một hệ thống chính trị
trong sạch, của đổi mới hệ thống chính trị để phát triển chính trị, qua đó mà phát
triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
- Hiểu đúng về xã, phường, thị trấn và vai trò của xã, phường, thị trấn. Muốn
đổi mới hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn, trước hết phải đổi mới nhận thức
để nhận thức đúng đắn về xã, phường, thị trấn đó chính là cơ sở xã hội của hệ thống
chính trị, là cơ sở của thể chế nhà nước, của chế độ chính trị ở xã. Nó khác biệt với
các loại hình cơ sở khác thuộc các lĩnh vực khác gắn với ngành nghề với những tổ
chức tương ứng của nó: doanh nghiệp, công ty, bệnh viện, trường học, công sở,
nhóm xã hội hay từng tế bào của xã hội là gia đình. Ở xã, phường, thị trấn là nơi nảy
sinh từ thực tế biết bao kinh nghiệm có thể tổng kết để khái quát thành lý luận, để
điều chỉnh, bổ sung và đổi mới đường lối, chính sách do thường xuyên phải giải
quyết những tình huống của cuộc sống đặt ra. Đổi mới đã manh nha, nảy mầm từ
những nhu cầu bức xúc ở xã, phường, thị trấn, và từ xã, phường, thị trấn đã nhanh
chóng nhập cuộc với đổi mới, hành động theo đường lối đổi mới của Đảng, bởi đổi
mới là hợp với qui luật phát triển và thuận với lòng dân.
- Quản lý và tự quản. Một vấn đề nổi bật ở xã, phường, thị trấn cả về vai trò,
đặc điểm và tính chất của nó là trên địa bàn xã, phường, thị trấn không chỉ diễn ra
hoạt động quản lý mà đồng thời còn có cả hoạt động tự quản của dân, tự quản của
từng hộ gia đình, của các đoàn thể tự nguyện đến cả cộng đồng, tập trung tiêu biểu
nhất là ở thôn, làng, tổ dân phố, ấp, bản, với vai trò của trưởng thôn, trưởng bản, tổ
trưởng tổ dân phố do dân bầu trực tiếp. Tự quản là nét đặc thù ở xã, phường, thị trấn.
Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn phải phát huy được sức mạnh,
7
năng lực tự quản này của dân để qua đó dân tham gia trực tiếp vào việc kiểm tra,
giám sát chính quyền, tham gia quản lý, xây dựng và phát triển cuộc sống cộng đồng.
Đổi mới hệ thống chính trị vừa là vấn đề khoa học sâu sắc vừa là vấn đề chính
trị thực tiễn nhạy cảm nhất trong đời sống cộng đồng, dân tộc. Đại hội Đại biểu toàn
quốc lần thứ VIII của Đảng đã chỉ rõ: “Kết hợp ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi
mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm đồng thời từng bước đổi mới chính
trị”. Cụ thể trong công cuộc đổi mới hiện nay có đổi mới phương thức lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam, đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức chính trị -
xã hội, đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.
1. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Phương thức lãnh đạo của Đảng là hệ thống các hình thức, các phương pháp
mà Đảng vận dụng để đưa nội dung lãnh đạo tác động vào hệ thống chính trị - xã hội
nhằm đạt được mục tiêu lãnh đạo của Đảng. Nhìn lại quá trình lãnh đạo của Đảng
mấy chục năm qua, trong mỗi giai đoạn cách mạng, cùng với việc xây dựng đường
lối và tổ chức, Đảng luôn quan tâm đến công tác lãnh đạo. Phương pháp lãnh đạo
không chỉ bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng có hiệu quả mà còn góp phần quan
trọng vào việc hoàn thiện đường lối cách mạng, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên.
Thực tế cho thấy, có đường lối đúng, có tổ chức hợp lý mà không có phương
thức lãnh đạo phù hợp, không giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và
các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội ở các cấp, trên từng lĩnh vực thì hiệu quả
lãnh đạo thấp.
Trong thời kỳ đổi mới, với một nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo
cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước và mở cửa hội nhập kinh tế thế giới, hệ
thống chính trị ở xã đã có bước phát triển mới. Chính quyền xã phải quản lý xã hội
bằng pháp luật, các tổ chức chính trị - xã hội phát triển mạnh mẽ và đa dạng hóa sự
hoạt động; hàng trăm hội quần chúng, hội nghiệp đoàn, hội từ thiện mới ra đời, hoạt
động rất năng động và phong phú. Tình hình đó đòi hỏi Đảng phải đứng đúng vị trí
của mình để vừa xây dựng bộ máy chính quyền xã thực sự vững mạnh, quản lý xã
hội có hiệu quả, vừa phải lãnh đạo các tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân thực
hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thành tựu bước đầu của công cuộc đổi mới đất nước mấy năm qua có sự đóng
góp của sự đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng bộ xã. Một số quan điểm cơ bản,
mang tính định hướng về phương thức lãnh đạo của Đảng:
- Là Đảng cầm quyền, Đảng có trách nhiệm lãnh đạo toàn diện đối với chính
quyền xã, đồng thời chịu trách nhiệm chính trị trước xã hội. Do đó, Đảng phải đề
phòng nguy cơ quan liêu, xa rời quần chúng và sự sai lầm về đường lối.
- Là Đảng cầm quyền, Đảng phải đặt trọng tâm vào xây dựng và hoàn thiện
chính quyền xã, phường, thị trấn. Đảng xây dựng nhà nước vững mạnh và tự mình
tuân thủ đúng Hiến pháp, pháp luật.
- Là Đảng cầm quyền, Đảng phải chăm lo xây dựng và hoàn thiện phương
thức lãnh đạo nhằm thực hiện có hiệu quả đường lối chính trị để giữ vững vai trò và
8
vị trí lãnh đạo. Nghiên cứu và xây dựng phương thức lãnh đạo không chỉ là cải tiến
lề lối làm việc đơn thuần mà phải có cơ sở lý luận và thực tiễn về Đảng cầm quyền.
Cùng với việc xây dựng kiện toàn tổ chức, phương thức lãnh đạo phải trở thành nội
dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng.
- Một phương thức lãnh đạo đúng đắn bao giờ cũng vừa bảo đảm thực hiện
đúng định hướng chính trị, vừa phát huy được tính chủ động, tinh thần nhiệt tình,
sáng tạo và nhân lên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nhân dân,
nhằm thực hiện đạt hiệu quả cao nhất mục tiêu đề ra.
2. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân
Cái đích quan trọng nhất của đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân
dân và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn là nâng cao hiệu lực quản lý bằng cách
thực hiện nghiêm chỉnh đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo
điều kiện thuận lợi cho các hộ dân sản xuất kinh doanh theo đúng pháp luật và nâng
cao đời sống, tổ chức và quản lý tốt các mặt trật tự, an ninh ở địa bàn, thực hiện Pháp
lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Bằng cách đó, xây dựng chính quyền
cơ sở thành một chính quyền được lòng dân, được dân tin tưởng và ủng hộ. Như vậy
cần phải chú ý tới những biện pháp đổi mới nào để nâng cao hiệu lực và uy tín của
chính quyền trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và hỗ trợ hoạt động
của dân ở cơ sở ?
Trước hết, chính quyền cơ sở phải thể hiện, cụ thể hóa phương hướng, chủ
trương, nghị quyết của tổ chức đảng ở cơ sở trong công tác quản lý của chính quyền
với tinh thần chủ động và sáng tạo, đề cao tinh thần phụ trách và chịu trách nhiệm về
những nhiệm vụ được giao.
Cán bộ, công chức chính quyền phải nắm vững và am hiểu chủ trương của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để giải quyết cho đúng, không tùy tiện,
tắc trách. Quan hệ của người dân với chính quyền (giữa công dân với nhà nước) là
một trong những mối quan hệ cơ bản của quản lý dựa trên pháp luật qui định. Để
nâng cao hiệu lực quản lý và tạo điều kiện cho các công dân thực hiện đúng những
quyền và nghĩa vụ của mình, chính quyền phải đặc biệt chú trọng cung cấp cho dân
biết những thông tin cần thiết liên quan tới những vấn đề về cuộc sống của họ, về
hoạt động của chính quyền để dân giám sát và kiểm tra.
Cuộc sống ở cơ sở thường xuyên nảy sinh rất nhiều những sự kiện, tình huống
có ảnh hưởng trực tiếp tới dân. Do đó, hoạt động của chính quyền đòi hỏi phải khẩn
trương, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc: thiên tai (lũ lụt, hạn hán), dịch
bệnh, trật tự trị an, vệ sinh môi trường, việc ăn, ở, học hành, đi lại của dân, các tranh
chấp dân sự xung quanh đất đai, xây dựng nhà cửa, mua bán, đổi chác, quản lý hộ
tịch, quản lý dân cư trên địa bàn và dân nơi khác đến...
Cán bộ, công chức chính quyền, từ các đại biểu của dân trong Hội đồng nhân
dân đến các cán bộ, công chức trong Ủy ban nhân dân với tư cách là cơ quan hành
chính có tác phong sâu sát quần chúng, tận tâm và tận lực phục vụ dân, có kiến thức
chuyên môn nghiệp vụ của quản lý, am hiểu pháp luật. Công tâm, thạo việc, trách
9
nhiệm và liêm khiết - đó là những phẩm chất cần thiết mà mỗi cán bộ chính quyền
cần phải có và thường xuyên trau dồi.
Để đạt được chất lượng và hiệu quả như vậy trong tổ chức bộ máy, trong hoạt
động và trong nguồn nhân lực của chính quyền cơ sở, cần phải chú trọng đổi mới và
nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân, có những hoạt động cụ thể
thiết thực vừa tầm có thể thực hiện được.
Cần tăng số lượng đại biểu của dân trong Hội đồng nhân dân là những quần
chúng ngoài Đảng, tránh tình trạng đại biểu Hội đồng nhân dân hầu hết là đảng viên
và đang giữ chức vụ, làm cho tiếng nói trực tiếp của những người dân thường bị hạn
chế, ảnh hưởng đến quyền lực trực tiếp tham gia quản lý chính quyền của quần
chúng.
Phải nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân bằng cách, ngoài
chất lượng đại biểu còn cần có sự chuẩn bị tốt nội dung các kỳ họp Hội đồng nhân
dân, tăng số lượng và thời gian các phiên họp của Hội đồng để có thể bàn bạc, thảo
luận, chất vấn, kiểm tra, quyết định những vấn đề kinh tế - xã hội - văn hóa, tài
chính - ngân sách vốn liên quan mật thiết tới cuộc sống của dân và được dân rất
quan tâm.
Phải đặc biệt đề cao vai trò và trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, của đại
biểu Hội đồng nhân dân, tăng cường những tiếp xúc giữa đại biểu với cử tri, mở rộng
môi trường hoạt động của các đại biểu, để họ kiêm nhiệm thêm các công tác xã hội
tại cơ sở, cùng tham gia vào các hoạt động tự quản với dân.
Đối với Ủy ban nhân dân xã vừa là cơ quan chấp hành vừa là cơ quan hành
chính của dân ở cơ sở, là nơi thực hiện chức năng hành pháp ở cơ sở, cần hết sức chú
trọng tới năng lực của cán bộ, trước hết là năng lực tổ chức, điều hành của Chủ tịch
Ủy ban nhân dân, quan hệ giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân với Chủ tịch Hội đồng
nhân dân và Bí thư Đảng ủy cơ sở. Cũng như vậy phải có sự phân công rành mạch
giữa Chủ tịch, Phó Chủ tịch, và cần tăng cường chức trách của Ủy viên Ủy ban nhân
dân xã.
Chính quyền cơ sở là bộ phận then chốt và là một khâu đặc biệt quan trọng của
hệ thống chính trị ở cơ sở. Không có một chính quyền cơ sở thực sự vững mạnh thì
việc thực hiện dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân như Pháp lệnh dân
chủ ở cơ sở đã được Đảng và Nhà nước ban hành sẽ vấp phải những khó khăn trở
ngại lớn. Những giải pháp, biện pháp nêu trên chính là nhằm vào đổi mới và nâng
cao hiệu lực quản lý của chính quyền cơ sở, nhất là chính quyền xã, coi đó là khâu
đột phá của đổi mới.
3. Đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội
Muốn phát huy vai trò của các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, phải đổi
mới nội dung, phương thức hoạt động của các đoàn thể ở xã cho phù hợp với tình
hình thực tế của xã hội, của địa phương và ý nguyện của người dân. Cần chú trọng
thúc đẩy sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để đẩy mạnh việc thực
hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Có thể coi đây là trọng điểm
10
công tác của các đoàn thể nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên
trong tổ chức của mình. Công tác đoàn thể nhiệt tình, tận tụy, gắn bó với phong trào,
gần gũi với quần chúng, có năng lực vận động quần chúng. Đó là phong cách của
người cán bộ dân vận như Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “óc nghĩ, tai nghe, mắt nhìn,
miệng nói, chân đi, tay làm”. Yêu cầu này càng đặc biệt cần thiết ở xã, có như thế
mới thu hút được toàn dân tham gia phong trào, tiếp thu được những kinh nghiệm,
sáng kiến của dân từ hoạt động thực tiễn. Mặt trận và các đoàn thể là lực lượng chủ
yếu trong công tác vận động quần chúng cơ sở, có những đóng góp tích cực vào việc
thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước
trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở cơ sở.
11
Chuyên đề 2.
CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ UỶ BAN NHÂN DÂN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN
I. CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
Hiến pháp 2013 (sửa đổi) quy định:
1. Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được
phân định như sau:
Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc
trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương;
Huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành
phường và xã; quận chia thành phường.
Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.
2. Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính
phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định.
3. Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
4. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính -
kinh tế đặc biệt do luật định.
5. Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp
luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm
tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên.
6. Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở
phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của
mỗi cấp chính quyền địa phương.
7. Trong trường hợp cần thiết, chính quyền địa phương được giao thực hiện một
số nhiệm vụ của cơ quan nhà nước cấp trên với các điều kiện bảo đảm thực hiện
nhiệm vụ đó.
8. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện
cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương
bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.
9. Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám
sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết
của Hội đồng nhân dân.
10. Uỷ ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng
cấp bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở
địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà
nước cấp trên.
12
11. Uỷ ban nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa
phương; tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân và thực hiện các nhiệm
vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao.
12. Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của
Nhân dân địa phương; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực
hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân
dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết
khiếu nại, tố cáo. Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ vận động Nhân dân thực
hiện Hiến pháp và pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng
nhân dân, động viên Nhân dân tham gia quản lý nhà nước.
13. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân,
các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng cơ quan thuộc Uỷ ban nhân dân. Người bị
chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền
kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu
cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến
nghị của đại biểu.
14. Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thực hiện chế độ thông báo tình hình
của địa phương cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, lắng nghe
ý kiến, kiến nghị của các tổ chức này về xây dựng chính quyền và phát triển kinh tế -
xã hội ở địa phương; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân
dân động viên Nhân dân cùng Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội,
quốc phòng, an ninh ở địa phương.
15. Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu tổ chức
chính trị - xã hội ở địa phương được mời tham dự các kỳ họp Hội đồng nhân dân và
được mời tham dự hội nghị Uỷ ban nhân dân cùng cấp khi bàn các vấn đề có liên
quan.
II. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA HĐND CẤP XÃ (Theo quy định tại
Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003)
1. Chức năng
a. Chức năng quyết định
Hội đồng nhân dân cấp xã quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng
để phát huy tiềm năng của địa phương, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế
- xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và
tinh thần của nhân dân địa phương, làm tròn nghĩa vụ của địa phương đối với cả
nước.
Thực hiện chức năng năng quyết định, HĐND cấp xã được quyền ban hành
các nghị quyết nhằm để quản lý các mặt đời sống ở địa phương.
b. Hoạt động giám sát của HĐND cấp xã
Hội đồng nhân dân cấp xã thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của
Thường trực HĐND, UBND cấp xã; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của
HĐND; giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ
chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và của công dân ở địa phương.
13
2. Nhiệm vụ, quyền hạn
a. Trong lĩnh vực kinh tế, Hội đồng nhân dân xã, thị trấn thực hiện những
nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Quyết định biện pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng
năm; kế hoạch sử dụng lao động công ích hàng năm; biện pháp thực hiện chương
trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công và chuyển đổi cơ cấu kinh
tế, cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch chung;
- Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi
ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình; phê chuẩn quyết toán
ngân sách địa phương; các chủ trương, biện pháp để triển khai thực hiện ngân sách
địa phương và điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật;
giám sát việc thực hiện ngân sách đã được Hội đồng nhân dân quyết định;
- Quyết định biện pháp quản lý và sử dụng hợp lý, có hiệu quả quỹ đất được
để lại nhằm phục vụ các nhu cầu công ích của địa phương;
- Quyết định biện pháp xây dựng và phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, kinh tế
hộ gia đình ở địa phương;
- Quyết định biện pháp quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước, các công trình
thuỷ lợi theo phân cấp của cấp trên; biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả
thiên tai, bão lụt, bảo vệ rừng, tu bổ và bảo vệ đê điều ở địa phương;
- Quyết định biện pháp thực hiện xây dựng, tu sửa đường giao thông, cầu,
cống trong xã và các cơ sở hạ tầng khác ở địa phương;
- Quyết định biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham
nhũng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
b. Trong lĩnh vực giáo dục, y tế, xã hội và đời sống, văn hoá, thông tin, thể
dục thể thao, bảo vệ tài nguyên, môi trường, Hội đồng nhân dân xã, thị trấn thực
hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Quyết định biện pháp bảo đảm các điều kiện cần thiết để trẻ em vào học tiểu
học đúng độ tuổi, hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục tiểu học; tổ chức các
trường mầm non; thực hiện bổ túc văn hoá và xoá mù chữ cho những người trong
độ tuổi;
- Quyết định biện pháp giáo dục, chăm sóc thanh niên, thiếu niên, nhi đồng;
xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, giáo dục truyền thống đạo đức tốt
đẹp; giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc; ngăn chặn việc truyền bá văn hoá
phẩm phản động, đồi trụy, bài trừ mê tín, hủ tục, phòng, chống các tệ nạn xã hội ở
địa phương;
- Quyết định biện pháp phát triển hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể
thao; hướng dẫn tổ chức các lễ hội cổ truyền, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích
lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh ở địa phương theo quy định của pháp luật;
- Quyết định việc xây dựng, tu sửa trường lớp, công trình văn hoá thuộc địa
phương quản lý;
14
- Quyết định biện pháp bảo đảm giữ gìn vệ sinh, xử lý rác thải, phòng, chống
dịch bệnh, biện pháp bảo vệ môi trường trong phạm vi quản lý; biện pháp thực hiện
chương trình y tế cơ sở, chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình;
- Quyết định biện pháp thực hiện chính sách, chế độ đối với thương binh, bệnh
binh, gia đình liệt sĩ, những người và gia đình có công với nước, thực hiện công tác
cứu trợ xã hội và vận động nhân dân giúp đỡ gia đình khó khăn, người già, người tàn
tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa; biện pháp thực hiện xoá đói, giảm nghèo.
c. Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Hội đồng
nhân dân xã, thị trấn thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Quyết định biện pháp bảo đảm thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự; xây dựng
lực lượng dân quân, tự vệ và quốc phòng toàn dân; thực hiện nhiệm vụ hậu cần tại
chỗ; thực hiện chính sách hậu phương quân đội và chính sách đối với các lực lượng
vũ trang nhân dân ở địa phương;
- Quyết định biện pháp bảo đảm giữ gìn an ninh, trật tự công cộng, an toàn xã
hội; phòng, chống cháy, nổ; đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm và các hành vi vi
phạm pháp luật khác trên địa bàn.
d. Trong việc thực hiện chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo, Hội đồng
nhân dân xã, thị trấn có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Quyết định biện pháp thực hiện chính sách dân tộc, cải thiện đời sống vật
chất và tinh thần, nâng cao dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số; bảo đảm thực
hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tăng cường đoàn kết toàn dân và tương trợ,
giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc ở địa phương;
- Quyết định biện pháp thực hiện chính sách tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín
ngưỡng, tôn giáo của nhân dân địa phương theo quy định của pháp luật.
e. Trong lĩnh vực thi hành pháp luật, Hội đồng nhân dân xã, thị trấn thực
hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Quyết định biện pháp bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, luật, các văn bản của
cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của mình ở địa phương;
- Quyết định biện pháp bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, các
quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân;
- Quyết định biện pháp bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước; bảo hộ tài sản của
cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương;
- Quyết định biện pháp bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân
theo quy định của pháp luật.
g. Trong việc xây dựng chính quyền địa phương, Hội đồng nhân dân xã, thị
trấn thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ
tịch, Phó Chủ tịch và thành viên khác của Uỷ ban nhân dân cùng cấp; bãi nhiệm đại
biểu Hội đồng nhân dân và chấp nhận việc đại biểu Hội đồng nhân dân xin thôi làm
nhiệm vụ đại biểu theo quy định của pháp luật;
- Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu;
15
- Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định, chỉ thị trái pháp luật của Uỷ ban
nhân dân cùng cấp;
- Thông qua đề án thành lập mới, nhập, chia và điều chỉnh địa giới hành chính
ở địa phương để đề nghị cấp trên xem xét, quyết định.
h. Hội đồng nhân dân phường thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn quy định
trên và thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Quyết định biện pháp thực hiện thống nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
và quy hoạch đô thị; thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng; bảo đảm trật tự giao
thông đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn phường;
- Quyết định biện pháp xây dựng nếp sống văn minh đô thị; biện pháp phòng,
chống cháy, nổ, giữ gìn vệ sinh; bảo vệ môi trường, trật tự công cộng và cảnh quan đô
thị trong phạm vi quản lý;
- Quyết định biện pháp quản lý dân cư và tổ chức đời sống nhân dân trên địa bàn
phường.
3. Cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã
a. Cơ cấu tổ chức
* Thường trực Hội đồng nhân dân
- Hội đồng nhân dân cấp xã có Thường trực Hội đồng nhân dân do Hội đồng
nhân dân cùng cấp bầu ra.
- Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội
đồng nhân dân. Thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân không thể đồng thời là
thành viên của Uỷ ban nhân dân cùng cấp.
- Kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã phải được
thường trực HĐND cấp trên trực tiếp phê chuẩn (ở Hải Phòng, do thực hiện thí điểm
không tổ chức Hội đồng nhân dân nên việc phê chuẩn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân
huyện trực tiếp phê chuẩn).
* Đại biểu Hội đồng nhân dân
- Vị trí pháp lý của đại biểu Hội đồng nhân dân.
Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của
nhân dân địa phương, gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước;
tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách pháp luật và tham gia vào việc
quản lý nhà nước.
- Đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri địa phương bầu ra theo quy định của
pháp luật về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
b. Hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã
Kỳ họp Hội đồng nhân dân là hình thức hoạt động chủ yếu và quan trọng nhất
của Hội đồng nhân dân, là nơi Hội đồng nhân dân thảo luận và quyết định phần lớn
các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân.
Hội đồng nhân dân họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Ngoài kỳ họp thường lệ,
Hội đồng nhân dân tổ chức các kỳ họp chuyên đề hoặc kỳ họp bất thường theo đề
16
nghị của Chủ tịch Hội đồng nhân dân, của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp hoặc
khi có ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp yêu cầu.
Kỳ họp Hội đồng nhân dân được tiến hành khi có ít nhất từ hai phần ba tổng
số đại biểu trở lên có mặt. Hội đồng nhân dân làm việc theo chế độ tập thể và biểu
quyết theo đa số, nghị quyết của Hội đồng nhân dân phải được quá nửa tổng số đại
biểu Hội đồng nhân dân biểu quyết tán thành. Trong trường hợp Hội đồng nhân dân
bãi nhiệm đại biểu của mình thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số
đại biểu Hội đồng nhân dân biểu quyết tán thành.
Ngoài hoạt động tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân, hoạt động của Hội
đồng nhân dân còn được thể hiện thông qua hoạt động của:
- Thường trực Hội đồng nhân dân;
- Các tổ đại biểu và của Đại biểu Hội đồng nhân dân.
III. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA UBND CẤP XÃ (Theo quy định tại
Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12)
1. Chức năng
- Uỷ ban nhân dân chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản
của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp nhằm
bảo đảm việc thực hiện chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố
quốc phòng, an ninh và thực hiện các chính sách khác trên địa bàn.
- Uỷ ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương, góp
phần bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thống nhất trong bộ máy hành chính nhà nước từ
trung ương tới cơ sở.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn
2.1. Nhiệm vụ và quyền hạn của UBND xã, thị trấn
a. Trong lĩnh vực kinh tế, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn thực hiện những
nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm trình Hội đồng nhân
dân cùng cấp thông qua để trình Uỷ ban nhân dân huyện phê duyệt; tổ chức thực hiện kế
hoạch đó;
- Lập dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa
phương và phương án phân bổ dự toán ngân sách cấp mình; dự toán điều chỉnh ngân
sách địa phương trong trường hợp cần thiết và lập quyết toán ngân sách địa phương
trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định và báo cáo Uỷ ban nhân dân, cơ quan tài
chính cấp trên trực tiếp;
- Tổ chức thực hiện ngân sách địa phương, phối hợp với các cơ quan nhà nước
cấp trên trong việc quản lý ngân sách nhà nước trên địa bàn xã, thị trấn và báo cáo về
ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;
- Quản lý và sử dụng hợp lý, có hiệu quả quỹ đất được để lại phục vụ các nhu cầu
công ích ở địa phương; xây dựng và quản lý các công trình công cộng, đường giao
thông, trụ sở, trường học, trạm y tế, công trình điện, nước theo quy định của pháp luật;
17
- Huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng các công
trình kết cấu hạ tầng của xã, thị trấn trên nguyên tắc dân chủ, tự nguyện. Việc quản lý
các khoản đóng góp này phải công khai, có kiểm tra, kiểm soát và bảo đảm sử dụng
đúng mục đích, đúng chế độ theo quy định của pháp luật.
b. Trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thuỷ lợi và tiểu thủ
công nghiệp, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn
sau đây:
- Tổ chức và hướng dẫn việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến
khích phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để phát triển sản xuất và
hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi trong sản xuất theo
quy hoạch, kế hoạch chung và phòng trừ các bệnh dịch đối với cây trồng và vật nuôi;
- Tổ chức việc xây dựng các công trình thuỷ lợi nhỏ; thực hiện việc tu bổ, bảo vệ
đê điều, bảo vệ rừng; phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt; ngăn chặn
kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ đê điều, bảo vệ rừng tại địa phương;
- Quản lý, kiểm tra, bảo vệ việc sử dụng nguồn nước trên địa bàn theo quy định
của pháp luật;
- Tổ chức, hướng dẫn việc khai thác và phát triển các ngành, nghề truyền thống ở
địa phương và tổ chức ứng dụng tiến bộ về khoa học, công nghệ để phát triển các ngành,
nghề mới.
c. Trong lĩnh lực xây dựng, giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn
thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Tổ chức thực hiện việc xây dựng, tu sửa đường giao thông trong xã theo phân cấp;
- Quản lý việc xây dựng, cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ ở điểm dân cư
nông thôn theo quy định của pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về xây dựng và
xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền do pháp luật quy định;
- Tổ chức việc bảo vệ, kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm đường giao thông và
các công trình cơ sở hạ tầng khác ở địa phương theo quy định của pháp luật;
- Huy động sự đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng đường giao thông,
cầu, cống trong xã theo quy định của pháp luật.
d. Trong lĩnh vực giáo dục, y tế, xã hội, văn hoá và thể dục thể thao, Uỷ ban
nhân dân xã, thị trấn thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Thực hiện kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục ở địa phương; phối hợp với
trường học huy động trẻ em vào lớp một đúng độ tuổi; tổ chức thực hiện các lớp bổ túc
văn hoá, thực hiện xoá mù chữ cho những người trong độ tuổi;
- Tổ chức xây dựng và quản lý, kiểm tra hoạt động của nhà trẻ, lớp mẫu giáo,
trường mầm non ở địa phương; phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp trên quản lý trường
tiểu học, trường trung học cơ sở trên địa bàn;
- Tổ chức thực hiện các chương trình y tế cơ sở, dân số, kế hoạch hoá gia đình
được giao; vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh; phòng, chống các dịch bệnh;
18
- Xây dựng phong trào và tổ chức các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao; tổ
chức các lễ hội cổ truyền, bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hoá và
danh lam thắng cảnh ở địa phương theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện chính sách, chế độ đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ,
những người và gia đình có công với nước theo quy định của pháp luật;
- Tổ chức các hoạt động từ thiện, nhân đạo; vận động nhân dân giúp đỡ các gia
đình khó khăn, người già cô đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa; tổ chức
các hình thức nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng chính sách ở địa phương theo quy
định của pháp luật;
- Quản lý, bảo vệ, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ; quy hoạch, quản lý nghĩa địa ở địa
phương.
đ. Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và thi hành
pháp luật ở địa phương, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn thực hiện những nhiệm vụ,
quyền hạn sau đây:
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục xây dựng quốc phòng toàn dân, xây dựng làng
xã chiến đấu trong khu vực phòng thủ địa phương;
- Thực hiện công tác nghĩa vụ quân sự và tuyển quân theo kế hoạch; đăng ký,
quản lý quân nhân dự bị động viên; tổ chức thực hiện việc xây dựng, huấn luyện, sử
dụng lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương;
- Thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng
phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc vững mạnh; thực hiện biện pháp phòng
ngừa và chống tội phạm, các tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác ở địa
phương;
- Quản lý hộ khẩu; tổ chức việc đăng ký tạm trú, quản lý việc đi lại của người
nước ngoài ở địa phương.
e. Trong việc thực hiện chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo, Uỷ ban
nhân dân xã, thị trấn có nhiệm vụ tổ chức, hướng dẫn và bảo đảm thực hiện chính
sách dân tộc, chính sách tôn giáo; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân ở địa
phương theo quy định của pháp luật.
f. Trong việc thi hành pháp luật, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn thực hiện
những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật; giải quyết các vi phạm pháp luật và
tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật;
- Tổ chức tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân theo
thẩm quyền;
- Tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thi hành
án theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện các quyết định về xử lý vi phạm hành
chính theo quy định của pháp luật.
2.2. Nhiệm vụ và quyền hạn của UBND phường
a. Trong lĩnh vực kinh tế, Uỷ ban nhân dân phường thực hiện những nhiệm
vụ, quyền hạn sau đây:
19
- Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm trình Uỷ ban nhân dân
cấp trên trực tiếp phê duyệt; tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt;
- Lập dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa
phương báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp quyết định. Đối với phường thuộc
thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp để trình Hội
đồng nhân dân quyết định;
Căn cứ vào dự toán ngân sách được giao, quyết định cụ thể dự toán thu ngân sách
nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân
sách cấp mình, điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết,
quyết định các chủ trương, biện pháp triển khai thực hiện ngân sách và báo cáo Ủy ban
nhân dân cấp trên trực tiếp phân bổ và giao dự toán ngân sách địa phương.
Lập quyết toán thu, chi ngân sách địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên
trực tiếp phê duyệt. Đối với phường thuộc thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì báo cáo Ủy
ban nhân dân cấp trên trực tiếp để trình Hội đồng nhân dân quyết định;
- Tổ chức thực hiện ngân sách địa phương, phối hợp với các cơ quan nhà nước
cấp trên trong việc quản lý ngân sách nhà nước trên địa bàn xã, thị trấn và báo cáo về
ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;
- Quản lý và sử dụng hợp lý, có hiệu quả quỹ đất được để lại phục vụ các nhu cầu
công ích ở địa phương; xây dựng và quản lý các công trình công cộng, đường giao
thông, trụ sở, trường học, trạm y tế, công trình điện, nước theo quy định của pháp luật;
- Huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng các công
trình kết cấu hạ tầng của xã, thị trấn trên nguyên tắc dân chủ, tự nguyện. Việc quản lý
các khoản đóng góp này phải công khai, có kiểm tra, kiểm soát và bảo đảm sử dụng
đúng mục đích, đúng chế độ theo quy định của pháp luật.
b. Trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thuỷ lợi và tiểu thủ
công nghiệp, Uỷ ban nhân dân phường thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn
sau đây:
- Tổ chức và hướng dẫn việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến
khích phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để phát triển sản xuất và
hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi trong sản xuất theo
quy hoạch, kế hoạch chung và phòng trừ các bệnh dịch đối với cây trồng và vật nuôi;
- Tổ chức việc xây dựng các công trình thuỷ lợi nhỏ; thực hiện việc tu bổ, bảo vệ
đê điều, bảo vệ rừng; phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt; ngăn chặn
kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ đê điều, bảo vệ rừng tại địa phương;
- Tổ chức, hướng dẫn việc khai thác và phát triển các ngành, nghề truyền thống ở
địa phương và tổ chức ứng dụng tiến bộ về khoa học, công nghệ để phát triển các ngành,
nghề mới.
c. Trong lĩnh lực xây dựng, giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân phường
thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Quản lý việc xây dựng, cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ ở điểm dân cư
nông thôn theo quy định của pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về xây dựng và
xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền do pháp luật quy định;
20
- Tổ chức việc bảo vệ, kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm đường giao thông và
các công trình cơ sở hạ tầng khác ở địa phương theo quy định của pháp luật;
- Huy động sự đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng đường giao thông,
cầu, cống trong phường theo quy định của pháp luật.
d. Trong lĩnh vực giáo dục, y tế, xã hội, văn hoá và thể dục thể thao, Uỷ ban
nhân dân phường thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Thực hiện kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục ở địa phương; phối hợp với
trường học huy động trẻ em vào lớp một đúng độ tuổi; tổ chức thực hiện các lớp bổ túc
văn hoá, thực hiện xoá mù chữ cho những người trong độ tuổi;
- Tổ chức xây dựng và quản lý, kiểm tra hoạt động của nhà trẻ, lớp mẫu giáo,
trường mầm non ở địa phương; phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp trên quản lý trường
tiểu học, trường trung học cơ sở trên địa bàn;
- Tổ chức thực hiện các chương trình y tế cơ sở, dân số, kế hoạch hoá gia đình
được giao; vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh; phòng, chống các dịch bệnh;
- Xây dựng phong trào và tổ chức các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao; tổ
chức các lễ hội cổ truyền, bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hoá và
danh lam thắng cảnh ở địa phương theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện chính sách, chế độ đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ,
những người và gia đình có công với nước theo quy định của pháp luật;
- Tổ chức các hoạt động từ thiện, nhân đạo; vận động nhân dân giúp đỡ các gia
đình khó khăn, người già cô đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa; tổ chức
các hình thức nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng chính sách ở địa phương theo quy
định của pháp luật;
- Quản lý, bảo vệ, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ; quy hoạch, quản lý nghĩa địa ở địa
phương.
đ. Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và thi hành
pháp luật ở địa phương, Uỷ ban nhân dân phường thực hiện những nhiệm vụ,
quyền hạn sau đây:
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục xây dựng quốc phòng toàn dân, xây dựng làng
xã chiến đấu trong khu vực phòng thủ địa phương;
- Thực hiện công tác nghĩa vụ quân sự và tuyển quân theo kế hoạch; đăng ký,
quản lý quân nhân dự bị động viên; tổ chức thực hiện việc xây dựng, huấn luyện, sử
dụng lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương;
- Thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng
phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc vững mạnh; thực hiện biện pháp phòng
ngừa và chống tội phạm, các tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác ở địa
phương;
- Quản lý hộ khẩu; tổ chức việc đăng ký tạm trú, quản lý việc đi lại của người
nước ngoài ở địa phương.
e. Trong việc thực hiện chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo, Uỷ ban
nhân dân phường có nhiệm vụ tổ chức, hướng dẫn và bảo đảm thực hiện chính sách
21
dân tộc, chính sách tôn giáo; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân ở địa
phương theo quy định của pháp luật.
f. Trong việc thi hành pháp luật, Uỷ ban nhân dân phường thực hiện những
nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật; giải quyết các vi phạm pháp luật và
tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật;
- Tổ chức tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân theo
thẩm quyền;
- Tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thi hành
án theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện các quyết định về xử lý vi phạm hành
chính theo quy định của pháp luật.
g. Uỷ ban nhân dân phường thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn quy trên
và thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Tổ chức thực hiện thống nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch
đô thị, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, phòng, chống các tệ nạn xã hội, giữ gìn trật
tự vệ sinh, sạch đẹp khu phố, lòng đường, lề đường, trật tự công cộng và cảnh quan đô
thị;
- Thanh tra việc sử dụng đất đai của tổ chức, cá nhân trên địa bàn phường theo
quy định của pháp luật;
- Quản lý và bảo vệ cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn phường theo phân cấp;
ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm đối với các cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo quy định
của pháp luật;
- Kiểm tra giấy phép xây dựng của tổ chức, cá nhân trên địa bàn phường; lập biên
bản, đình chỉ những công trình xây dựng, sửa chữa, cải tạo không có giấy phép, trái với
quy định của giấy phép và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thành lập Tổ bầu cử đại
biểu Quốc hội, Tổ bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; tổ chức thực hiện việc bầu cử đại
biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.
3. Cơ cấu tổ chức
- Uỷ ban nhân dân cấp xã gồm có: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các uỷ viên,
do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra. Uỷ ban nhân dân xã có từ 3 đến 5 thành viên,
Uỷ ban nhân dân phường, thị trấn có không quá 5 thành viên. Chủ tịch Uỷ ban nhân
dân phải là đại biểu Hội đồng nhân dân; các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân
không nhất thiết phải là đại biểu Hội đồng nhân dân.
- Kết quả bầu các thành viên của Ủy ban nhân dân xã, thị trấn phải được phải
được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên phê chuẩn.
Trong nhiệm kỳ nếu khuyết Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thì Chủ tịch Hội đồng
nhân dân cùng cấp giới thiệu người ứng cử Chủ tịch Uỷ ban nhân dân để Hội đồng
nhân dân bầu. Người được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân trong nhiệm
kỳ không nhất thiết là đại biểu Hội đồng nhân dân.
- Nhiệm kỳ mỗi khoá của Uỷ ban nhân dân theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân
dân. Khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, Uỷ ban nhân dân tiếp tục làm việc cho
đến khi Hội đồng nhân dân khoá mới bầu ra Uỷ ban nhân dân.
22
- Uỷ ban nhân dân chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND cùng
cấp và Uỷ ban nhân dân cấp trên.
Đối với thành phố Hải Phòng, là địa phương đang thực hiện thí điểm không tổ
chức HĐND huyện, quận, phường, do vậy:
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân phường do Chủ tịch
UBND quận bổ nhiệm.
- Kết quả bầu các thành viên của Ủy ban nhân dân xã, thị trấn do Chủ tịch Ủy
ban nhân dân huyện phê chuẩn.
IV. THÔN, TỔ DÂN PHỐ
1. Thôn, tổ dân phố
- Thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc,... (gọi chung là thôn); thôn được
tổ chức ở xã; dưới xã là thôn.
- Tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu,... (gọi chung là tổ dân phố);
tổ dân phố được tổ chức ở phường, thị trấn; dưới phường, thị trấn là tổ dân phố.
- Thôn, tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản
của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã, phường,
thị trấn (xã, phường, thị trấn sau đây gọi chung là cấp xã); nơi thực hiện dân chủ trực
tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực
hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm
vụ cấp trên giao.
2. Tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố
a) Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố
- Thôn, tổ dân phố chịu sự quản lý nhà nước trực tiếp của chính quyền cấp xã.
Hoạt động của thôn, tổ dân phố phải tuân thủ pháp luật, dân chủ, công khai, minh
bạch; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền cấp xã và sự
hướng dẫn, triển khai công tác của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội
cấp xã.
- Không chia tách các thôn, tổ dân phố đang hoạt động ổn định để thành lập
thôn mới, tổ dân phố mới.
- Khuyến khích việc sáp nhập thôn, tổ dân phố để thành lập thôn mới, tổ dân
phố mới nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền
cấp xã và nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của thôn, tổ dân
phố.
- Các thôn, tổ dân phố nằm trong quy hoạch giải phóng mặt bằng, quy hoạch
dãn dân, tái định cư hoặc điều chỉnh địa giới hành chính được cấp có thẩm quyền phê
duyệt hoặc do việc di dân đã hình thành các cụm dân cư mới ở vùng núi cao, vùng
biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nơi có địa hình chia cắt, địa bàn rộng, giao
thông đi lại khó khăn, đòi hỏi phải thành lập thôn mới, tổ dân phố mới thì điều kiện
thành lập thôn mới, tổ dân phố mới có thể thấp hơn các quy định hiện hành.
- Trường hợp không thành lập thôn mới, tổ dân phố mới theo quy định tại thì
ghép các cụm dân cư hình thành mới vào thôn, tổ dân phố hiện có cho phù hợp, bảo
đảm thuận lợi trong công tác quản lý của chính quyền cấp xã và các hoạt động của
thôn, tổ dân phố, của cụm dân cư.
23
b) Tổ chức của thôn, tổ dân phố
- Mỗi thôn có Trưởng thôn, 01 Phó Trưởng thôn và các tổ chức tự quản khác
của thôn. Trường hợp thôn có trên 500 hộ gia đình thì có thể bố trí thêm 01 Phó
Trưởng thôn.
- Mỗi tổ dân phố có Tổ trưởng, 01 Tổ phó tổ dân phố và các tổ chức tự quản
khác của tổ dân phố. Trường hợp tổ dân phố có trên 600 hộ gia đình thì có thể bố trí
thêm 01 Tổ phó tổ dân phố.
c) Nội dung hoạt động của thôn, tổ dân phố
- Cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố bàn và biểu quyết để cấp có thẩm quyền
quyết định những nội dung theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã,
phường, thị trấn; bàn và quyết định trực tiếp việc thực hiện các công việc tự quản
không trái với quy định của pháp luật trong việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn
minh, hiện đại, phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi
công cộng, xóa đói, giảm nghèo; thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng,
chính sách và pháp luật của Nhà nước; những công việc do cấp ủy đảng, chính
quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp trên triển khai đối với
thôn, tổ dân phố; thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước; bảo đảm
đoàn kết, dân chủ, công khai, minh bạch, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội và vệ
sinh môi trường; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp ở địa phương; xây
dựng, giữ vững và phát huy danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”;
phòng chống các tệ nạn xã hội và xóa bỏ hủ tục lạc hậu.
- Thực hiện dân chủ ở cơ sở; xây dựng và thực hiện quy chế, hương ước, quy
ước của thôn, tổ dân phố; tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây
dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các phong trào, các cuộc vận động do các tổ
chức chính trị - xã hội phát động.
- Thực hiện sự lãnh đạo của chi bộ thôn, tổ dân phố hoặc Đảng ủy cấp xã hay
chi bộ sinh hoạt ghép (nơi chưa có chi bộ thôn, chi bộ tổ dân phố), củng cố và duy trì
hoạt động có hiệu quả của các tổ chức tự quản khác của thôn, tổ dân phố theo quy
định của pháp luật.
- Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và Phó
Trưởng thôn, Tổ phó tổ dân phố. Bầu, bãi nhiệm thành viên Ban thanh tra nhân dân,
Ban giám sát đầu tư của cộng đồng theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ
ở xã, phường, thị trấn.
- Các nội dung hoạt động của thôn, tổ dân phố theo quy định trên được thực
hiện thông qua hội nghị của thôn, tổ dân phố.
d) Hội nghị của thôn, tổ dân phố
- Hội nghị thôn, tổ dân phố được tổ chức mỗi năm 2 lần (thời gian vào giữa
năm và cuối năm); khi cần có thể họp bất thường. Thành phần hội nghị là toàn thể cử
tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố. Hội nghị do Trưởng thôn,
Tổ trưởng tổ dân phố triệu tập và chủ trì. Hội nghị được tiến hành khi có trên 50% số
cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tham dự.
- Việc tổ chức để nhân dân bàn và quyết định trực tiếp hoặc biểu quyết để cấp
có thẩm quyền quyết định được thực hiện theo quy định tại Điều 1, Điều 2, Điều 3,
24
Điều 4 và Điều 5 của Hướng dẫn ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số
09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ và
Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
đ) Điều kiện thành lập thôn mới, tổ dân phố mới
Việc thành lập thôn mới, tổ dân phố mới phải bảo đảm có đủ các điều kiện sau:
- Quy mô số hộ gia đình:
+ Đối với thôn: Ở vùng đồng bằng phải có từ 200 hộ gia đình trở lên; ở vùng
miền núi, biên giới, hải đảo phải có từ 100 hộ gia đình trở lên;
+ Đối với tổ dân phố: Ở vùng đồng bằng phải có từ 250 hộ gia đình trở lên; ở
vùng miền núi, biên giới, hải đảo phải có từ 150 hộ gia đình trở lên.
Trường hợp thành lập phường, thị trấn từ xã thì chuyển các thôn hiện có của
xã thành tổ dân phố thuộc phường, thị trấn.
- Các điều kiện khác:
Thôn và tổ dân phố phải có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, phù hợp
với điều kiện thực tế của địa phương để phục vụ hoạt động cộng đồng và ổn định
cuộc sống của người dân. Riêng đối với thôn phải bảo đảm diện tích đất ở và đất sản
xuất bình quân của mỗi hộ gia đình ít nhất bằng mức bình quân chung của xã.
e) Quy trình và hồ sơ thành lập thôn mới, tổ dân phố mới
- Căn cứ nguyên tắc và điều kiện thành lập thôn mới, tổ dân phố mới, Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương thành lập thôn mới, tổ dân phố mới; chỉ đạo
Ủy ban nhân dân cấp huyện giao Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng Đề án thành lập
thôn mới, tổ dân phố mới. Nội dung chủ yếu của Đề án gồm:
+ Sự cần thiết thành lập thôn mới, tổ dân phố mới;
+ Tên gọi của thôn mới, tổ dân phố mới;
+ Vị trí địa lý, ranh giới của thôn mới, tổ dân phố mới (có sơ đồ thể hiện vị trí
địa lý);
+ Dân số (số hộ gia đình, số nhân khẩu) của thôn mới, tổ dân phố mới;
+ Diện tích tự nhiên của thôn mới, tổ dân phố mới (đối với thôn phải chi tiết
số liệu về diện tích đất ở, đất sản xuất), đơn vị tính là hecta;
+ Các điều kiện khác;
+ Đề xuất, kiến nghị.
- Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lấy ý kiến của toàn thể cử tri hoặc cử tri đại
diện hộ gia đình trong khu vực thành lập thôn mới, tổ dân phố mới về Đề án thành
lập thôn mới, tổ dân phố mới; tổng hợp các ý kiến và lập thành biên bản lấy ý kiến về
Đề án.
- Đề án thành lập thôn mới, tổ dân phố mới nếu được trên 50% số cử tri hoặc
cử tri đại diện hộ gia đình trong khu vực thành lập thôn mới, tổ dân phố mới tán
thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn chỉnh hồ sơ (kèm theo biên bản lấy ý kiến)
trình Hội đồng nhân dân cấp xã thông qua tại kỳ họp gần nhất. Trong thời hạn mười
25
ngày làm việc kể từ ngày có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân
dân cấp xã hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ do
Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển đến, Ủy ban nhân dân cấp huyện có Tờ trình (kèm
hồ sơ thành lập thôn mới, tổ dân phố mới của Ủy ban nhân dân cấp xã) gửi Sở Nội
vụ để thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thời hạn thẩm định của Sở Nội vụ
không quá mười lăm ngày làm việc kể từ ngày nhận được Tờ trình và hồ sơ của Ủy
ban nhân dân cấp huyện.
- Hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm:
+ Tờ trình của Ủy ban nhân dân cấp huyện (kèm theo Tờ trình và hồ sơ thành
lập thôn mới, tổ dân phố mới của Ủy ban nhân dân cấp xã trình Ủy ban nhân dân cấp
huyện);
+ Văn bản thẩm định của Sở Nội vụ.
- Căn cứ vào hồ sơ trình của Ủy ban nhân dân cấp huyện và kết quả thẩm định
của Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét
ban hành Nghị quyết thành lập thôn mới, tổ dân phố mới. Sau khi có Nghị quyết của
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quyết định
thành lập thôn mới, tổ dân phố mới.
f) Quy trình và hồ sơ ghép cụm dân cư vào thôn, tổ dân phố hiện có
- Đối với trường hợp ghép cụm dân cư vào thôn, tổ dân phố hiện có: Sau khi
có quyết định về chủ trương của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp
xã xây dựng Đề án ghép cụm dân cư vào thôn, tổ dân phố hiện có. Nội dung chủ yếu
của Đề án gồm:
+ Sự cần thiết ghép cụm dân cư vào thôn, tổ dân phố hiện có;
+ Vị trí địa lý, ranh giới của thôn, tổ dân phố sau khi ghép (có sơ đồ thể hiện
vị trí địa lý);
+ Dân số (số hộ gia đình, số nhân khẩu) của thôn, tổ dân phố sau khi ghép;
+ Diện tích tự nhiên của thôn, tổ dân phố sau khi ghép (đối với thôn phải chi
tiết số liệu về diện tích đất ở, đất sản xuất), đơn vị tính là hecta;
+ Đề xuất, kiến nghị.
- Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lấy ý kiến của toàn thể cử tri hoặc cử tri đại
diện hộ gia đình trong khu vực thực hiện ghép cụm dân cư (bao gồm cụm dân cư và
thôn, tổ dân phố hiện có) về Đề án ghép cụm dân cư vào thôn, tổ dân phố hiện có;
tổng hợp các ý kiến và lập thành biên bản lấy ý kiến về Đề án.
- Đề án ghép cụm dân cư vào thôn, tổ dân phố hiện có nếu được trên 50% số
cử tri hoặc cử tri đại điện hộ gia đình trong khu vực thực hiện ghép cụm dân cư tán
thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn chỉnh hồ sơ (kèm theo biên bản lấy ý kiến)
trình Hội đồng nhân dân cấp xã thông qua tại kỳ họp gần nhất. Trong thời hạn mười
ngày làm việc kể từ ngày có Nghị quyết của hội đồng nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân
dân cấp xã hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp huyện.
26
Trường hợp Đề án chưa được trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia
đình trong khu vực thực hiện ghép cụm dân cư tán thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã
tổ chức lấy ý kiến lần thứ 2; nếu vẫn không được trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại
diện hộ gia đình tán thành thì trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày có biên
bản lấy ý kiến lần thứ 2, Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp
huyện xem xét, quyết định.
- Hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp huyện gồm:
+ Tờ trình của Ủy ban nhân dân cấp xã;
+ Hồ sơ ghép cụm dân cư vào thôn, tổ dân phố hiện có của Ủy ban nhân dân
cấp xã.
- Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ do
Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển đến, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm
xem xét, thông qua và giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết
định việc ghép cụm dân cư vào thôn, tổ dân phố hiện có.
27
Chuyên đề 3.
NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN
VỀ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
I. KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM CỦA QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC
1. Khái niệm quản lý hành chính nhà nước
- Khi xem xét quản lý nhà nước, trước hết cần nhận thức đây là dạng quản lý
xã hội do Nhà nước tiến hành; theo đó:
+ Chủ thể quản lý là Nhà nước, thông qua cơ quan trong bộ máy nhà nước, đội
ngũ cán bộ, công chức, nhà nước;
+ Đối tượng quản lý là các quá trình xã hội (hành vi hoạt động của con
người);
+ Mục tiêu của quản lý là thiết lập ổn định trật tự xã hội theo ý chí của nhà
nước, tức là thực hiện các chức năng của nhà nước;
+ Công cụ quản lý chủ yếu của pháp luật;
+ Phương pháp quản lý đặc trưng là cưỡng chế
Vậy, quản lý nhà nước là sự tác động, điều chỉnh của các chủ thể mang quyền
lực nhà nước thông qua bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước,
chủ yếu bằng pháp luật với phương pháp đặc trưng là cưỡng chế tới các quá trình xã
hội nhằm thiết lập trật tự, ổn định trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội theo ý chí
của Nhà nước.
- Quản lý nhà nước có thể hiểu theo hai nghĩa:
+ Theo nghĩa rộng: Quản lý nhà nước là tổ chức hoạt động của bộ máy nhà
nước nói chung trên cả ba phương diện hoạt động là lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Theo nghĩa rộng kể trên thì việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mọi cơ quan
trong bộ máy nhà nước hay của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi được Nhà nước trao
quyền nhân danh Nhà nước cũng đều được coi là quản lý nhà nước.
+ Theo nghĩa hẹp: Dưới góc độ phân chia chức năng của Nhà nước ra làm ba
phương diện hoạt động cơ bản là lập pháp, hành pháp và tư pháp; thì hành pháp là
hoạt động chấp hành, điều hành tức là tổ chức thực thi các quy định của lập pháp.
Hoạt động này được gọi là quản lý hành chính nhà nước, có phạm vi hẹp hơn quản lý
nhà nước nói chung.
Theo nghĩa này, quản lý hành chính nhà nước được hiểu là hình thức hoạt
động của Nhà nước thuộc lĩnh vực chấp hành và điều hành được thực thi chủ yếu bởi
các cơ quan hành chính nhà nước, có nội dung là bảo đảm chấp hành các quy định
của cơ quan quyền lực nhà nước.
Tính chấp hành được thể hiện: bảo đảm thực thi trên thực tế các văn bản pháp
luật của cơ quan quyền lực nhà nước và các cơ quan nhà nước cấp trên khác;
Tính điều hành thể hiện ở chỗ: chủ thể quản lý được tổ chức chỉ đạo trực tiếp
trong quá trình chấp hành đối với các đối tượng quản lý.
28
2. Đặc điểm của quản lý hành chính nhà nước
Trước hết, quản lý hành chính nhà nước cũng giống như các hoạt động quản lý
khác, có các đặc điểm chung sau đây:
+ Là hoạt động có tính tổng hợp cao, vì nó liên quan đến nhiều đối tượng ở
nhiều phạm vi khác nhau;
+ Là hoạt động có tính ứng dụng cao, vì nhờ đó mà các quá trình xã hội hiệp
tác, phân công lao động diễn ra sâu, rộng cả về quy mô và trình độ;
+ Là hoạt động đòi hỏi tính kế thừa thành tựu tổng hợp của nhiều khoa học
khác nhau, vì đó là sự liên kết của nhiều loại lao động khác biệt;
+ Là hoạt động chỉ huy, điều khiển nên đòi hỏi phải có nghệ thuật - nghệ thuật
quản lý.
Ngoài ra, quản lý hành chính nhà nước là hoạt động có những đặc điểm riêng
cơ bản sau đây:
a. Tính quyền lực nhà nước
- Tính quyền lực nhà nước của quản lý hành chính nhà nước có nghĩa là khi
thực thi các hoạt động quản lý hành chính nhà nước thì các chủ thể được nhân danh
và sử dụng quyền lực do Nhà nước giao. Đặc điểm này cho thấy rõ sự khác biệt cơ
bản giữa quản lý nhà nước nói chung với các hoạt động quản lý khác.
- Quản lý hành chính nhà nước phải mang tính quyền lực nhà nước là do xuất
phát từ yêu cầu chung của quản lý nhà nước là phải có căn cứ trên cơ sở quyền lực
nhà nước và được trang bị quyền lực nhà nước, do Nhà nước giao.
- Trong quản lý hành chính nhà nước, tính quyền lực nhà nước được biểu hiện
cụ thể ở những điểm sau:
+ Có sự bất bình đẳng giữa chủ thể quản lý với các đối tượng quản lý trong
mối quan hệ quản lý;
+ Chủ thể quản lý được ra mệnh lệnh đơn phương một chiều áp đặt cho đối
tượng bị quản lý;
+ Có sự đe doạ áp đặt hoặc trực tiếp áp đặt biện pháp cưỡng chế (trách nhiệm
hành chính) đối với đối tượng quản lý không thực hiện mệnh lệnh của chủ thể quản lý.
- Khi sử dụng quyền lực nhà nước trong quản lý hành chính nhà nước cần đảm
bảo các yêu cầu:
+ Việc sử dụng quyền lực phải đúng theo quy định của pháp luật;
+ Việc sử dụng quyền lực không được ảnh hưởng tới các quyền và lợi ích hợp
pháp của công dân, tổ chức
b. Tính tổ chức chặt chẽ
- Quản lý hành chính nhà nước được tổ chức một cách khoa học và gắn kết các
công đoạn, các quá trình của hoạt động quản lý với nhau để đạt được hiệu quả và
hiệu lực theo mục đích đã định.
- Quản lý hành chính nhà nước đòi hỏi phải có tổ chức chặt chẽ vì mục đích
của quản lý hành chính nhà nước là thực thi quyền lực nhà nước trong lĩnh vực chấp
hành và điều hành, là hoạt động có tính hướng đích rõ ràng.
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014
cấp xã năm 2014

More Related Content

What's hot

Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng nông thôn mới
Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng nông thôn mớiVai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng nông thôn mới
Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng nông thôn mới
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Luận văn: Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở, HOT
Luận văn: Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở, HOTLuận văn: Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở, HOT
Luận văn: Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở, HOT
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Nhung van de co ban ve hiep phap va lich su lap hien viet nam
Nhung van de co ban ve hiep phap va lich su lap hien viet namNhung van de co ban ve hiep phap va lich su lap hien viet nam
Nhung van de co ban ve hiep phap va lich su lap hien viet nam
nguoitinhmenyeu
 
Đề tài: Vai trò của hệ thống chính trị Quận 9 trong tái định cư, HOT
Đề tài: Vai trò của hệ thống chính trị Quận 9 trong tái định cư, HOTĐề tài: Vai trò của hệ thống chính trị Quận 9 trong tái định cư, HOT
Đề tài: Vai trò của hệ thống chính trị Quận 9 trong tái định cư, HOT
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Tonghop(tcbmnn)
Tonghop(tcbmnn)Tonghop(tcbmnn)
Tonghop(tcbmnn)
Nguyên Nguyễn
 
Luận văn: Vai trò của Ủy ban Mặt trận trong thực hiện quy chế dân chủ
Luận văn: Vai trò của Ủy ban Mặt trận trong thực hiện quy chế dân chủLuận văn: Vai trò của Ủy ban Mặt trận trong thực hiện quy chế dân chủ
Luận văn: Vai trò của Ủy ban Mặt trận trong thực hiện quy chế dân chủ
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Luận văn: Hoạt động tham gia xây dựng đảng của mặt trận tổ quốc phường, HAY!
Luận văn: Hoạt động tham gia xây dựng đảng của mặt trận tổ quốc phường, HAY!Luận văn: Hoạt động tham gia xây dựng đảng của mặt trận tổ quốc phường, HAY!
Luận văn: Hoạt động tham gia xây dựng đảng của mặt trận tổ quốc phường, HAY!
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Luận văn: Pháp luật về dân chủ trực tiếp ở Việt Nam, HOT
Luận văn: Pháp luật về dân chủ trực tiếp ở Việt Nam, HOTLuận văn: Pháp luật về dân chủ trực tiếp ở Việt Nam, HOT
Luận văn: Pháp luật về dân chủ trực tiếp ở Việt Nam, HOT
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 
Hội thảo Khoa học: Tổ chức Bộ máy Nhà nước theo Hiến pháp năm 2013 (5-2014)
Hội thảo Khoa học: Tổ chức Bộ máy Nhà nước theo Hiến pháp năm 2013 (5-2014)Hội thảo Khoa học: Tổ chức Bộ máy Nhà nước theo Hiến pháp năm 2013 (5-2014)
Hội thảo Khoa học: Tổ chức Bộ máy Nhà nước theo Hiến pháp năm 2013 (5-2014)
Kien Thuc
 
Bài Giảng Bộ Máy Nhà Nước
Bài Giảng Bộ Máy Nhà Nước Bài Giảng Bộ Máy Nhà Nước
Bài Giảng Bộ Máy Nhà Nước
nataliej4
 
Làm rõ về đặc điểm nhà nước pháp quyền XHCN và vai trò của Đoàn thanh niên tr...
Làm rõ về đặc điểm nhà nước pháp quyền XHCN và vai trò của Đoàn thanh niên tr...Làm rõ về đặc điểm nhà nước pháp quyền XHCN và vai trò của Đoàn thanh niên tr...
Làm rõ về đặc điểm nhà nước pháp quyền XHCN và vai trò của Đoàn thanh niên tr...
dinhtrongtran39
 
2 mục tiêu, quan điểm và chủ trương
2 mục tiêu, quan điểm và chủ trương2 mục tiêu, quan điểm và chủ trương
2 mục tiêu, quan điểm và chủ trươngnguyenngan116411
 
Câu hỏi đường lối
Câu hỏi đường lốiCâu hỏi đường lối
Câu hỏi đường lốihuyentrangnh3
 
Luận án: Vai trò của hệ thống chính trị cấp tỉnh ở Sơn La, HAY
Luận án: Vai trò của hệ thống chính trị cấp tỉnh ở Sơn La, HAYLuận án: Vai trò của hệ thống chính trị cấp tỉnh ở Sơn La, HAY
Luận án: Vai trò của hệ thống chính trị cấp tỉnh ở Sơn La, HAY
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
Luận án: Công bằng xã hội trong kinh tế thị trường ở Việt Nam
Luận án: Công bằng xã hội trong kinh tế thị trường ở Việt NamLuận án: Công bằng xã hội trong kinh tế thị trường ở Việt Nam
Luận án: Công bằng xã hội trong kinh tế thị trường ở Việt Nam
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
8.chương 6
8.chương 68.chương 6
8.chương 6
Linh Nguyễn Văn
 
Luận án: Công bằng xã hội với việc phát triển con người Việt Nam
Luận án: Công bằng xã hội với việc phát triển con người Việt NamLuận án: Công bằng xã hội với việc phát triển con người Việt Nam
Luận án: Công bằng xã hội với việc phát triển con người Việt Nam
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0909232620
 

What's hot (19)

Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng nông thôn mới
Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng nông thôn mớiVai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng nông thôn mới
Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong xây dựng nông thôn mới
 
Luận văn: Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở, HOT
Luận văn: Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở, HOTLuận văn: Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở, HOT
Luận văn: Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cơ sở, HOT
 
Nhung van de co ban ve hiep phap va lich su lap hien viet nam
Nhung van de co ban ve hiep phap va lich su lap hien viet namNhung van de co ban ve hiep phap va lich su lap hien viet nam
Nhung van de co ban ve hiep phap va lich su lap hien viet nam
 
Đề tài: Vai trò của hệ thống chính trị Quận 9 trong tái định cư, HOT
Đề tài: Vai trò của hệ thống chính trị Quận 9 trong tái định cư, HOTĐề tài: Vai trò của hệ thống chính trị Quận 9 trong tái định cư, HOT
Đề tài: Vai trò của hệ thống chính trị Quận 9 trong tái định cư, HOT
 
Tonghop(tcbmnn)
Tonghop(tcbmnn)Tonghop(tcbmnn)
Tonghop(tcbmnn)
 
Luận văn: Vai trò của Ủy ban Mặt trận trong thực hiện quy chế dân chủ
Luận văn: Vai trò của Ủy ban Mặt trận trong thực hiện quy chế dân chủLuận văn: Vai trò của Ủy ban Mặt trận trong thực hiện quy chế dân chủ
Luận văn: Vai trò của Ủy ban Mặt trận trong thực hiện quy chế dân chủ
 
On thi toan
On thi toanOn thi toan
On thi toan
 
Quản lý nhà nước
Quản lý nhà nướcQuản lý nhà nước
Quản lý nhà nước
 
Luận văn: Hoạt động tham gia xây dựng đảng của mặt trận tổ quốc phường, HAY!
Luận văn: Hoạt động tham gia xây dựng đảng của mặt trận tổ quốc phường, HAY!Luận văn: Hoạt động tham gia xây dựng đảng của mặt trận tổ quốc phường, HAY!
Luận văn: Hoạt động tham gia xây dựng đảng của mặt trận tổ quốc phường, HAY!
 
Luận văn: Pháp luật về dân chủ trực tiếp ở Việt Nam, HOT
Luận văn: Pháp luật về dân chủ trực tiếp ở Việt Nam, HOTLuận văn: Pháp luật về dân chủ trực tiếp ở Việt Nam, HOT
Luận văn: Pháp luật về dân chủ trực tiếp ở Việt Nam, HOT
 
Hội thảo Khoa học: Tổ chức Bộ máy Nhà nước theo Hiến pháp năm 2013 (5-2014)
Hội thảo Khoa học: Tổ chức Bộ máy Nhà nước theo Hiến pháp năm 2013 (5-2014)Hội thảo Khoa học: Tổ chức Bộ máy Nhà nước theo Hiến pháp năm 2013 (5-2014)
Hội thảo Khoa học: Tổ chức Bộ máy Nhà nước theo Hiến pháp năm 2013 (5-2014)
 
Bài Giảng Bộ Máy Nhà Nước
Bài Giảng Bộ Máy Nhà Nước Bài Giảng Bộ Máy Nhà Nước
Bài Giảng Bộ Máy Nhà Nước
 
Làm rõ về đặc điểm nhà nước pháp quyền XHCN và vai trò của Đoàn thanh niên tr...
Làm rõ về đặc điểm nhà nước pháp quyền XHCN và vai trò của Đoàn thanh niên tr...Làm rõ về đặc điểm nhà nước pháp quyền XHCN và vai trò của Đoàn thanh niên tr...
Làm rõ về đặc điểm nhà nước pháp quyền XHCN và vai trò của Đoàn thanh niên tr...
 
2 mục tiêu, quan điểm và chủ trương
2 mục tiêu, quan điểm và chủ trương2 mục tiêu, quan điểm và chủ trương
2 mục tiêu, quan điểm và chủ trương
 
Câu hỏi đường lối
Câu hỏi đường lốiCâu hỏi đường lối
Câu hỏi đường lối
 
Luận án: Vai trò của hệ thống chính trị cấp tỉnh ở Sơn La, HAY
Luận án: Vai trò của hệ thống chính trị cấp tỉnh ở Sơn La, HAYLuận án: Vai trò của hệ thống chính trị cấp tỉnh ở Sơn La, HAY
Luận án: Vai trò của hệ thống chính trị cấp tỉnh ở Sơn La, HAY
 
Luận án: Công bằng xã hội trong kinh tế thị trường ở Việt Nam
Luận án: Công bằng xã hội trong kinh tế thị trường ở Việt NamLuận án: Công bằng xã hội trong kinh tế thị trường ở Việt Nam
Luận án: Công bằng xã hội trong kinh tế thị trường ở Việt Nam
 
8.chương 6
8.chương 68.chương 6
8.chương 6
 
Luận án: Công bằng xã hội với việc phát triển con người Việt Nam
Luận án: Công bằng xã hội với việc phát triển con người Việt NamLuận án: Công bằng xã hội với việc phát triển con người Việt Nam
Luận án: Công bằng xã hội với việc phát triển con người Việt Nam
 

Viewers also liked

Mon+kien+thuc+chung
Mon+kien+thuc+chungMon+kien+thuc+chung
Mon+kien+thuc+chung
tuyencongchuc
 
Dap an ttpt quy dat 1-5
Dap an ttpt quy dat 1-5Dap an ttpt quy dat 1-5
Dap an ttpt quy dat 1-5
tuyencongchuc
 
De phong van ttpt quy dat 1-5
De phong van ttpt quy dat  1-5De phong van ttpt quy dat  1-5
De phong van ttpt quy dat 1-5
tuyencongchuc
 
Ktc dh
Ktc dhKtc dh
De thi2005
De thi2005De thi2005
De thi2005
tuyencongchuc
 
De thi kien thuc chung 10 2005
De thi kien thuc chung 10 2005De thi kien thuc chung 10 2005
De thi kien thuc chung 10 2005
tuyencongchuc
 
De thimon nghiepvu-cansuvakiemthuvien
De thimon nghiepvu-cansuvakiemthuvienDe thimon nghiepvu-cansuvakiemthuvien
De thimon nghiepvu-cansuvakiemthuvien
tuyencongchuc
 
Dap an chuc danh luu tru 1-5
Dap an chuc danh luu tru  1-5Dap an chuc danh luu tru  1-5
Dap an chuc danh luu tru 1-5
tuyencongchuc
 
De phong van chuc danh luu tru 1 5
De phong van chuc danh luu tru 1 5De phong van chuc danh luu tru 1 5
De phong van chuc danh luu tru 1 5
tuyencongchuc
 
635424806423040558 chuc danh_y_te_ngan_hang_de(1)
635424806423040558 chuc danh_y_te_ngan_hang_de(1)635424806423040558 chuc danh_y_te_ngan_hang_de(1)
635424806423040558 chuc danh_y_te_ngan_hang_de(1)
tuyencongchuc
 
De phong van y te 1 50
De phong van y te 1 50De phong van y te 1 50
De phong van y te 1 50
tuyencongchuc
 
635406736499580595 chuc danh_thiet_bi_ngan_hang_de__01_30(1)
635406736499580595 chuc danh_thiet_bi_ngan_hang_de__01_30(1)635406736499580595 chuc danh_thiet_bi_ngan_hang_de__01_30(1)
635406736499580595 chuc danh_thiet_bi_ngan_hang_de__01_30(1)
tuyencongchuc
 
Chuc danh thu vien 01 30
Chuc danh thu vien 01 30Chuc danh thu vien 01 30
Chuc danh thu vien 01 30
tuyencongchuc
 
635406736664784885 chuc danh_thu_vien_ngan_hang_de_01_30
635406736664784885 chuc danh_thu_vien_ngan_hang_de_01_30635406736664784885 chuc danh_thu_vien_ngan_hang_de_01_30
635406736664784885 chuc danh_thu_vien_ngan_hang_de_01_30
tuyencongchuc
 
635426755994111709 chuc danh_mam_non_ngan_hang_de_01_60
635426755994111709 chuc danh_mam_non_ngan_hang_de_01_60635426755994111709 chuc danh_mam_non_ngan_hang_de_01_60
635426755994111709 chuc danh_mam_non_ngan_hang_de_01_60
tuyencongchuc
 
Chuc danh gvmn dap an_01_60
Chuc danh gvmn dap an_01_60Chuc danh gvmn dap an_01_60
Chuc danh gvmn dap an_01_60
tuyencongchuc
 
Dap an bieu diem y te_1-50
Dap an bieu diem y te_1-50Dap an bieu diem y te_1-50
Dap an bieu diem y te_1-50
tuyencongchuc
 

Viewers also liked (20)

Mon+kien+thuc+chung
Mon+kien+thuc+chungMon+kien+thuc+chung
Mon+kien+thuc+chung
 
2013
20132013
2013
 
Dap an ttpt quy dat 1-5
Dap an ttpt quy dat 1-5Dap an ttpt quy dat 1-5
Dap an ttpt quy dat 1-5
 
De phong van ttpt quy dat 1-5
De phong van ttpt quy dat  1-5De phong van ttpt quy dat  1-5
De phong van ttpt quy dat 1-5
 
Ktc dh
Ktc dhKtc dh
Ktc dh
 
De thi2005
De thi2005De thi2005
De thi2005
 
De thi kien thuc chung 10 2005
De thi kien thuc chung 10 2005De thi kien thuc chung 10 2005
De thi kien thuc chung 10 2005
 
De thimon nghiepvu-cansuvakiemthuvien
De thimon nghiepvu-cansuvakiemthuvienDe thimon nghiepvu-cansuvakiemthuvien
De thimon nghiepvu-cansuvakiemthuvien
 
Dap an chuc danh luu tru 1-5
Dap an chuc danh luu tru  1-5Dap an chuc danh luu tru  1-5
Dap an chuc danh luu tru 1-5
 
De phong van chuc danh luu tru 1 5
De phong van chuc danh luu tru 1 5De phong van chuc danh luu tru 1 5
De phong van chuc danh luu tru 1 5
 
Thi
ThiThi
Thi
 
635424806423040558 chuc danh_y_te_ngan_hang_de(1)
635424806423040558 chuc danh_y_te_ngan_hang_de(1)635424806423040558 chuc danh_y_te_ngan_hang_de(1)
635424806423040558 chuc danh_y_te_ngan_hang_de(1)
 
De phong van y te 1 50
De phong van y te 1 50De phong van y te 1 50
De phong van y te 1 50
 
635406736499580595 chuc danh_thiet_bi_ngan_hang_de__01_30(1)
635406736499580595 chuc danh_thiet_bi_ngan_hang_de__01_30(1)635406736499580595 chuc danh_thiet_bi_ngan_hang_de__01_30(1)
635406736499580595 chuc danh_thiet_bi_ngan_hang_de__01_30(1)
 
Chuc danh thu vien 01 30
Chuc danh thu vien 01 30Chuc danh thu vien 01 30
Chuc danh thu vien 01 30
 
635406736664784885 chuc danh_thu_vien_ngan_hang_de_01_30
635406736664784885 chuc danh_thu_vien_ngan_hang_de_01_30635406736664784885 chuc danh_thu_vien_ngan_hang_de_01_30
635406736664784885 chuc danh_thu_vien_ngan_hang_de_01_30
 
635426755994111709 chuc danh_mam_non_ngan_hang_de_01_60
635426755994111709 chuc danh_mam_non_ngan_hang_de_01_60635426755994111709 chuc danh_mam_non_ngan_hang_de_01_60
635426755994111709 chuc danh_mam_non_ngan_hang_de_01_60
 
2011
20112011
2011
 
Chuc danh gvmn dap an_01_60
Chuc danh gvmn dap an_01_60Chuc danh gvmn dap an_01_60
Chuc danh gvmn dap an_01_60
 
Dap an bieu diem y te_1-50
Dap an bieu diem y te_1-50Dap an bieu diem y te_1-50
Dap an bieu diem y te_1-50
 

Similar to cấp xã năm 2014

Cơ sở lý luận về hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân cấp xã.docx
Cơ sở lý luận về hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân cấp xã.docxCơ sở lý luận về hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân cấp xã.docx
Cơ sở lý luận về hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân cấp xã.docx
Dịch vụ viết thuê đề tài trọn gói ☎☎☎ Liên hệ ZALO/TELE: 0973.287.149 👍👍
 
đổI mới nội dung, phương thức hoạt động của mặt trận tổ quốc việt nam và các ...
đổI mới nội dung, phương thức hoạt động của mặt trận tổ quốc việt nam và các ...đổI mới nội dung, phương thức hoạt động của mặt trận tổ quốc việt nam và các ...
đổI mới nội dung, phương thức hoạt động của mặt trận tổ quốc việt nam và các ...
nataliej4
 
Cơ Sở Lý Luận Luận Văn Thạc Sĩ Chuyên Ngành Xây Dựng Đảng Và Chính Quyề...
Cơ Sở Lý Luận Luận Văn Thạc Sĩ Chuyên Ngành Xây Dựng Đảng Và Chính Quyề...Cơ Sở Lý Luận Luận Văn Thạc Sĩ Chuyên Ngành Xây Dựng Đảng Và Chính Quyề...
Cơ Sở Lý Luận Luận Văn Thạc Sĩ Chuyên Ngành Xây Dựng Đảng Và Chính Quyề...
Dịch Vụ Viết Thuê Đề Tài 0934.573.149 / Luanvantot.com
 
Chuyên Đề Đổi Mới Nội Dung, Phương Thức Hoạt Động Của Mặt Trận Tổ Quốc Việt N...
Chuyên Đề Đổi Mới Nội Dung, Phương Thức Hoạt Động Của Mặt Trận Tổ Quốc Việt N...Chuyên Đề Đổi Mới Nội Dung, Phương Thức Hoạt Động Của Mặt Trận Tổ Quốc Việt N...
Chuyên Đề Đổi Mới Nội Dung, Phương Thức Hoạt Động Của Mặt Trận Tổ Quốc Việt N...
nataliej4
 
Cơ sở lý luận về công tác quản lý đảng viên của các đảng bộ phường.docx
Cơ sở lý luận về công tác quản lý đảng viên của các đảng bộ phường.docxCơ sở lý luận về công tác quản lý đảng viên của các đảng bộ phường.docx
Cơ sở lý luận về công tác quản lý đảng viên của các đảng bộ phường.docx
Dịch vụ viết thuê đề tài trọn gói ☎☎☎ Liên hệ ZALO/TELE: 0973.287.149 👍👍
 
Đề tài: Tham gia xây dựng Đảng của Mặt trận Tổ quốc phường, HOT
Đề tài: Tham gia xây dựng Đảng của Mặt trận Tổ quốc phường, HOTĐề tài: Tham gia xây dựng Đảng của Mặt trận Tổ quốc phường, HOT
Đề tài: Tham gia xây dựng Đảng của Mặt trận Tổ quốc phường, HOT
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Tham gia xây dựng đảng của mặt trận tổ quốc, HAY
Luận văn: Tham gia xây dựng đảng của mặt trận tổ quốc, HAYLuận văn: Tham gia xây dựng đảng của mặt trận tổ quốc, HAY
Luận văn: Tham gia xây dựng đảng của mặt trận tổ quốc, HAY
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Luận văn: Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TP Đà Nẵng
Luận văn: Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TP Đà NẵngLuận văn: Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TP Đà Nẵng
Luận văn: Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TP Đà Nẵng
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
Luận văn: Tổ chức và Hoạt động của hội đồng nhân dân cấp xã, HAY
Luận văn: Tổ chức và Hoạt động của hội đồng nhân dân cấp xã, HAYLuận văn: Tổ chức và Hoạt động của hội đồng nhân dân cấp xã, HAY
Luận văn: Tổ chức và Hoạt động của hội đồng nhân dân cấp xã, HAY
Viết Thuê Khóa Luận _ ZALO 0917.193.864 default
 
Cơ sở lý luận về chất lượng cán bộ công chức cấp xã
 Cơ sở lý luận về chất lượng cán bộ công chức cấp xã Cơ sở lý luận về chất lượng cán bộ công chức cấp xã
Cơ sở lý luận về chất lượng cán bộ công chức cấp xã
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO: 0936 885 877
 
BÁO CÁO THỰC TẬP TẠI CƠ QUAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC.docx
BÁO CÁO THỰC TẬP TẠI CƠ QUAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC.docxBÁO CÁO THỰC TẬP TẠI CƠ QUAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC.docx
BÁO CÁO THỰC TẬP TẠI CƠ QUAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC.docx
Nhận Viết Đề Tài Trọn Gói ZALO 0932091562
 
Cơ sở lý luận về năng lực công chức cấp xã.docx
Cơ sở lý luận về năng lực công chức cấp xã.docxCơ sở lý luận về năng lực công chức cấp xã.docx
Cơ sở lý luận về năng lực công chức cấp xã.docx
Dịch vụ viết thuê đề tài trọn gói 🥰🥰 Liên hệ ZALO/TELE: 0917.193.864 ❤❤
 
Cơ sở lý luận về năng lực công chức cấp xã.docx
Cơ sở lý luận về năng lực công chức cấp xã.docxCơ sở lý luận về năng lực công chức cấp xã.docx
Cơ sở lý luận về năng lực công chức cấp xã.docx
Dịch vụ viết thuê đề tài trọn gói 🥳🥳 Liên hệ ZALO/TELE: 0917.193.864 ❤❤
 
Chính sách giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, HAY
Chính sách giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, HAYChính sách giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, HAY
Chính sách giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, HAY
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay
Hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay Hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay
Hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay
nataliej4
 
Luận văn: Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng ủy phường, 9đ
Luận văn: Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng ủy phường, 9đLuận văn: Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng ủy phường, 9đ
Luận văn: Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng ủy phường, 9đ
Dịch vụ viết bài trọn gói ZALO 0917193864
 
LV: Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng uỷ phường đối với hệ thống chính tr...
LV: Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng uỷ phường đối với hệ thống chính tr...LV: Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng uỷ phường đối với hệ thống chính tr...
LV: Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng uỷ phường đối với hệ thống chính tr...
Dịch vụ viết thuê Luận Văn - ZALO 0932091562
 
Đề tài: Phương thức lãnh đạo của đảng ủy phường đối với chính trị
Đề tài: Phương thức lãnh đạo của đảng ủy phường đối với chính trịĐề tài: Phương thức lãnh đạo của đảng ủy phường đối với chính trị
Đề tài: Phương thức lãnh đạo của đảng ủy phường đối với chính trị
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 
Bài Giảng Tổng Quan Về Hệ Thống Chính Trị
Bài Giảng Tổng Quan Về Hệ Thống Chính Trị Bài Giảng Tổng Quan Về Hệ Thống Chính Trị
Bài Giảng Tổng Quan Về Hệ Thống Chính Trị
nataliej4
 
Mối quan hệ giữa tổ chức xã hội và nhà nước pháp quyền Việt Nam
Mối quan hệ giữa tổ chức xã hội và nhà nước pháp quyền Việt NamMối quan hệ giữa tổ chức xã hội và nhà nước pháp quyền Việt Nam
Mối quan hệ giữa tổ chức xã hội và nhà nước pháp quyền Việt Nam
Dịch Vụ Viết Bài Trọn Gói ZALO 0917193864
 

Similar to cấp xã năm 2014 (20)

Cơ sở lý luận về hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân cấp xã.docx
Cơ sở lý luận về hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân cấp xã.docxCơ sở lý luận về hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân cấp xã.docx
Cơ sở lý luận về hoạt động giám sát của hội đồng nhân dân cấp xã.docx
 
đổI mới nội dung, phương thức hoạt động của mặt trận tổ quốc việt nam và các ...
đổI mới nội dung, phương thức hoạt động của mặt trận tổ quốc việt nam và các ...đổI mới nội dung, phương thức hoạt động của mặt trận tổ quốc việt nam và các ...
đổI mới nội dung, phương thức hoạt động của mặt trận tổ quốc việt nam và các ...
 
Cơ Sở Lý Luận Luận Văn Thạc Sĩ Chuyên Ngành Xây Dựng Đảng Và Chính Quyề...
Cơ Sở Lý Luận Luận Văn Thạc Sĩ Chuyên Ngành Xây Dựng Đảng Và Chính Quyề...Cơ Sở Lý Luận Luận Văn Thạc Sĩ Chuyên Ngành Xây Dựng Đảng Và Chính Quyề...
Cơ Sở Lý Luận Luận Văn Thạc Sĩ Chuyên Ngành Xây Dựng Đảng Và Chính Quyề...
 
Chuyên Đề Đổi Mới Nội Dung, Phương Thức Hoạt Động Của Mặt Trận Tổ Quốc Việt N...
Chuyên Đề Đổi Mới Nội Dung, Phương Thức Hoạt Động Của Mặt Trận Tổ Quốc Việt N...Chuyên Đề Đổi Mới Nội Dung, Phương Thức Hoạt Động Của Mặt Trận Tổ Quốc Việt N...
Chuyên Đề Đổi Mới Nội Dung, Phương Thức Hoạt Động Của Mặt Trận Tổ Quốc Việt N...
 
Cơ sở lý luận về công tác quản lý đảng viên của các đảng bộ phường.docx
Cơ sở lý luận về công tác quản lý đảng viên của các đảng bộ phường.docxCơ sở lý luận về công tác quản lý đảng viên của các đảng bộ phường.docx
Cơ sở lý luận về công tác quản lý đảng viên của các đảng bộ phường.docx
 
Đề tài: Tham gia xây dựng Đảng của Mặt trận Tổ quốc phường, HOT
Đề tài: Tham gia xây dựng Đảng của Mặt trận Tổ quốc phường, HOTĐề tài: Tham gia xây dựng Đảng của Mặt trận Tổ quốc phường, HOT
Đề tài: Tham gia xây dựng Đảng của Mặt trận Tổ quốc phường, HOT
 
Luận văn: Tham gia xây dựng đảng của mặt trận tổ quốc, HAY
Luận văn: Tham gia xây dựng đảng của mặt trận tổ quốc, HAYLuận văn: Tham gia xây dựng đảng của mặt trận tổ quốc, HAY
Luận văn: Tham gia xây dựng đảng của mặt trận tổ quốc, HAY
 
Luận văn: Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TP Đà Nẵng
Luận văn: Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TP Đà NẵngLuận văn: Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TP Đà Nẵng
Luận văn: Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại TP Đà Nẵng
 
Luận văn: Tổ chức và Hoạt động của hội đồng nhân dân cấp xã, HAY
Luận văn: Tổ chức và Hoạt động của hội đồng nhân dân cấp xã, HAYLuận văn: Tổ chức và Hoạt động của hội đồng nhân dân cấp xã, HAY
Luận văn: Tổ chức và Hoạt động của hội đồng nhân dân cấp xã, HAY
 
Cơ sở lý luận về chất lượng cán bộ công chức cấp xã
 Cơ sở lý luận về chất lượng cán bộ công chức cấp xã Cơ sở lý luận về chất lượng cán bộ công chức cấp xã
Cơ sở lý luận về chất lượng cán bộ công chức cấp xã
 
BÁO CÁO THỰC TẬP TẠI CƠ QUAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC.docx
BÁO CÁO THỰC TẬP TẠI CƠ QUAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC.docxBÁO CÁO THỰC TẬP TẠI CƠ QUAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC.docx
BÁO CÁO THỰC TẬP TẠI CƠ QUAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC.docx
 
Cơ sở lý luận về năng lực công chức cấp xã.docx
Cơ sở lý luận về năng lực công chức cấp xã.docxCơ sở lý luận về năng lực công chức cấp xã.docx
Cơ sở lý luận về năng lực công chức cấp xã.docx
 
Cơ sở lý luận về năng lực công chức cấp xã.docx
Cơ sở lý luận về năng lực công chức cấp xã.docxCơ sở lý luận về năng lực công chức cấp xã.docx
Cơ sở lý luận về năng lực công chức cấp xã.docx
 
Chính sách giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, HAY
Chính sách giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, HAYChính sách giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, HAY
Chính sách giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, HAY
 
Hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay
Hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay Hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay
Hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay
 
Luận văn: Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng ủy phường, 9đ
Luận văn: Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng ủy phường, 9đLuận văn: Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng ủy phường, 9đ
Luận văn: Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng ủy phường, 9đ
 
LV: Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng uỷ phường đối với hệ thống chính tr...
LV: Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng uỷ phường đối với hệ thống chính tr...LV: Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng uỷ phường đối với hệ thống chính tr...
LV: Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng uỷ phường đối với hệ thống chính tr...
 
Đề tài: Phương thức lãnh đạo của đảng ủy phường đối với chính trị
Đề tài: Phương thức lãnh đạo của đảng ủy phường đối với chính trịĐề tài: Phương thức lãnh đạo của đảng ủy phường đối với chính trị
Đề tài: Phương thức lãnh đạo của đảng ủy phường đối với chính trị
 
Bài Giảng Tổng Quan Về Hệ Thống Chính Trị
Bài Giảng Tổng Quan Về Hệ Thống Chính Trị Bài Giảng Tổng Quan Về Hệ Thống Chính Trị
Bài Giảng Tổng Quan Về Hệ Thống Chính Trị
 
Mối quan hệ giữa tổ chức xã hội và nhà nước pháp quyền Việt Nam
Mối quan hệ giữa tổ chức xã hội và nhà nước pháp quyền Việt NamMối quan hệ giữa tổ chức xã hội và nhà nước pháp quyền Việt Nam
Mối quan hệ giữa tổ chức xã hội và nhà nước pháp quyền Việt Nam
 

More from tuyencongchuc

56 tb sldtbx_hh
56 tb sldtbx_hh56 tb sldtbx_hh
56 tb sldtbx_hh
tuyencongchuc
 
Sở nội vụ tỉnh thừa thiên huế thông báo một số thông tin, nội dung cụ thể như...
Sở nội vụ tỉnh thừa thiên huế thông báo một số thông tin, nội dung cụ thể như...Sở nội vụ tỉnh thừa thiên huế thông báo một số thông tin, nội dung cụ thể như...
Sở nội vụ tỉnh thừa thiên huế thông báo một số thông tin, nội dung cụ thể như...
tuyencongchuc
 
Tổng số chỉ tiêu tuyển dụng là 95 người
Tổng số chỉ tiêu tuyển dụng là 95 ngườiTổng số chỉ tiêu tuyển dụng là 95 người
Tổng số chỉ tiêu tuyển dụng là 95 người
tuyencongchuc
 
Bệnh viện mắt tỉnh nghệ an tuyển dụng viên chức năm 2017
Bệnh viện mắt tỉnh nghệ an tuyển dụng viên chức năm 2017Bệnh viện mắt tỉnh nghệ an tuyển dụng viên chức năm 2017
Bệnh viện mắt tỉnh nghệ an tuyển dụng viên chức năm 2017
tuyencongchuc
 
Khoa dược đh y dược tp.hcm tuyển dụng nhân sự như sau
Khoa dược   đh y dược tp.hcm tuyển dụng nhân sự như sauKhoa dược   đh y dược tp.hcm tuyển dụng nhân sự như sau
Khoa dược đh y dược tp.hcm tuyển dụng nhân sự như sau
tuyencongchuc
 
Trường đại học y dược cần thơ tuyển dụng nhân sự
Trường đại học y dược cần thơ tuyển dụng nhân sựTrường đại học y dược cần thơ tuyển dụng nhân sự
Trường đại học y dược cần thơ tuyển dụng nhân sự
tuyencongchuc
 
Chi cục kiểm lâm tỉnh bắc kạn tuyển dụng
Chi cục kiểm lâm tỉnh bắc kạn tuyển dụngChi cục kiểm lâm tỉnh bắc kạn tuyển dụng
Chi cục kiểm lâm tỉnh bắc kạn tuyển dụng
tuyencongchuc
 
1. chi tieu tuyen dung 2017
1. chi tieu tuyen dung 20171. chi tieu tuyen dung 2017
1. chi tieu tuyen dung 2017
tuyencongchuc
 
Thong bao tuyen dung vien chuc nam 2017 (1)
Thong bao tuyen dung vien chuc nam 2017 (1)Thong bao tuyen dung vien chuc nam 2017 (1)
Thong bao tuyen dung vien chuc nam 2017 (1)
tuyencongchuc
 
Ubnd huyện yên lạc, vĩnh phúc tuyển dụng công chức xã năm 2017
Ubnd huyện yên lạc, vĩnh phúc tuyển dụng công chức xã năm 2017Ubnd huyện yên lạc, vĩnh phúc tuyển dụng công chức xã năm 2017
Ubnd huyện yên lạc, vĩnh phúc tuyển dụng công chức xã năm 2017
tuyencongchuc
 
Trường cao đẳng nghề quảng bình tuyển dụng viên chức năm 2017
Trường cao đẳng nghề quảng bình tuyển dụng viên chức năm 2017Trường cao đẳng nghề quảng bình tuyển dụng viên chức năm 2017
Trường cao đẳng nghề quảng bình tuyển dụng viên chức năm 2017
tuyencongchuc
 
Ubnd tỉnh quảng ngãi ban hành kế hoạch​ tuyển dụng công chức hành chính năm 2017
Ubnd tỉnh quảng ngãi ban hành kế hoạch​ tuyển dụng công chức hành chính năm 2017Ubnd tỉnh quảng ngãi ban hành kế hoạch​ tuyển dụng công chức hành chính năm 2017
Ubnd tỉnh quảng ngãi ban hành kế hoạch​ tuyển dụng công chức hành chính năm 2017
tuyencongchuc
 
Ubnd quận 4, tp.hcm tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp năm 2017
Ubnd quận 4, tp.hcm tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp năm 2017Ubnd quận 4, tp.hcm tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp năm 2017
Ubnd quận 4, tp.hcm tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp năm 2017
tuyencongchuc
 
Ubnd phường thắng tam, tp.vũng tàu tuyển dụng nhân sự
Ubnd phường thắng tam, tp.vũng tàu tuyển dụng nhân sựUbnd phường thắng tam, tp.vũng tàu tuyển dụng nhân sự
Ubnd phường thắng tam, tp.vũng tàu tuyển dụng nhân sự
tuyencongchuc
 
Ubnd thị xã từ sơn, bắc ninh tuyển dụng công chức cấp xã năm 2017
Ubnd thị xã từ sơn, bắc ninh tuyển dụng công chức cấp xã năm 2017Ubnd thị xã từ sơn, bắc ninh tuyển dụng công chức cấp xã năm 2017
Ubnd thị xã từ sơn, bắc ninh tuyển dụng công chức cấp xã năm 2017
tuyencongchuc
 
đạI học y dược đại học huế tuyển dụng viên chức năm 2017
đạI học y dược   đại học huế tuyển dụng viên chức năm 2017đạI học y dược   đại học huế tuyển dụng viên chức năm 2017
đạI học y dược đại học huế tuyển dụng viên chức năm 2017
tuyencongchuc
 
Hội văn học nghệ thuật thái bình tuyển dụng năm 2017
Hội văn học nghệ thuật thái bình tuyển dụng năm 2017Hội văn học nghệ thuật thái bình tuyển dụng năm 2017
Hội văn học nghệ thuật thái bình tuyển dụng năm 2017
tuyencongchuc
 
0001 (1)(2)
0001 (1)(2)0001 (1)(2)
0001 (1)(2)
tuyencongchuc
 
Tb 24 (1)
Tb 24 (1)Tb 24 (1)
Tb 24 (1)
tuyencongchuc
 
Bệnh viện đa khoa quỳnh lưu, nghệ an thông báo tuyển dụng viên chức
Bệnh viện đa khoa quỳnh lưu, nghệ an thông báo tuyển dụng viên chứcBệnh viện đa khoa quỳnh lưu, nghệ an thông báo tuyển dụng viên chức
Bệnh viện đa khoa quỳnh lưu, nghệ an thông báo tuyển dụng viên chức
tuyencongchuc
 

More from tuyencongchuc (20)

56 tb sldtbx_hh
56 tb sldtbx_hh56 tb sldtbx_hh
56 tb sldtbx_hh
 
Sở nội vụ tỉnh thừa thiên huế thông báo một số thông tin, nội dung cụ thể như...
Sở nội vụ tỉnh thừa thiên huế thông báo một số thông tin, nội dung cụ thể như...Sở nội vụ tỉnh thừa thiên huế thông báo một số thông tin, nội dung cụ thể như...
Sở nội vụ tỉnh thừa thiên huế thông báo một số thông tin, nội dung cụ thể như...
 
Tổng số chỉ tiêu tuyển dụng là 95 người
Tổng số chỉ tiêu tuyển dụng là 95 ngườiTổng số chỉ tiêu tuyển dụng là 95 người
Tổng số chỉ tiêu tuyển dụng là 95 người
 
Bệnh viện mắt tỉnh nghệ an tuyển dụng viên chức năm 2017
Bệnh viện mắt tỉnh nghệ an tuyển dụng viên chức năm 2017Bệnh viện mắt tỉnh nghệ an tuyển dụng viên chức năm 2017
Bệnh viện mắt tỉnh nghệ an tuyển dụng viên chức năm 2017
 
Khoa dược đh y dược tp.hcm tuyển dụng nhân sự như sau
Khoa dược   đh y dược tp.hcm tuyển dụng nhân sự như sauKhoa dược   đh y dược tp.hcm tuyển dụng nhân sự như sau
Khoa dược đh y dược tp.hcm tuyển dụng nhân sự như sau
 
Trường đại học y dược cần thơ tuyển dụng nhân sự
Trường đại học y dược cần thơ tuyển dụng nhân sựTrường đại học y dược cần thơ tuyển dụng nhân sự
Trường đại học y dược cần thơ tuyển dụng nhân sự
 
Chi cục kiểm lâm tỉnh bắc kạn tuyển dụng
Chi cục kiểm lâm tỉnh bắc kạn tuyển dụngChi cục kiểm lâm tỉnh bắc kạn tuyển dụng
Chi cục kiểm lâm tỉnh bắc kạn tuyển dụng
 
1. chi tieu tuyen dung 2017
1. chi tieu tuyen dung 20171. chi tieu tuyen dung 2017
1. chi tieu tuyen dung 2017
 
Thong bao tuyen dung vien chuc nam 2017 (1)
Thong bao tuyen dung vien chuc nam 2017 (1)Thong bao tuyen dung vien chuc nam 2017 (1)
Thong bao tuyen dung vien chuc nam 2017 (1)
 
Ubnd huyện yên lạc, vĩnh phúc tuyển dụng công chức xã năm 2017
Ubnd huyện yên lạc, vĩnh phúc tuyển dụng công chức xã năm 2017Ubnd huyện yên lạc, vĩnh phúc tuyển dụng công chức xã năm 2017
Ubnd huyện yên lạc, vĩnh phúc tuyển dụng công chức xã năm 2017
 
Trường cao đẳng nghề quảng bình tuyển dụng viên chức năm 2017
Trường cao đẳng nghề quảng bình tuyển dụng viên chức năm 2017Trường cao đẳng nghề quảng bình tuyển dụng viên chức năm 2017
Trường cao đẳng nghề quảng bình tuyển dụng viên chức năm 2017
 
Ubnd tỉnh quảng ngãi ban hành kế hoạch​ tuyển dụng công chức hành chính năm 2017
Ubnd tỉnh quảng ngãi ban hành kế hoạch​ tuyển dụng công chức hành chính năm 2017Ubnd tỉnh quảng ngãi ban hành kế hoạch​ tuyển dụng công chức hành chính năm 2017
Ubnd tỉnh quảng ngãi ban hành kế hoạch​ tuyển dụng công chức hành chính năm 2017
 
Ubnd quận 4, tp.hcm tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp năm 2017
Ubnd quận 4, tp.hcm tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp năm 2017Ubnd quận 4, tp.hcm tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp năm 2017
Ubnd quận 4, tp.hcm tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp năm 2017
 
Ubnd phường thắng tam, tp.vũng tàu tuyển dụng nhân sự
Ubnd phường thắng tam, tp.vũng tàu tuyển dụng nhân sựUbnd phường thắng tam, tp.vũng tàu tuyển dụng nhân sự
Ubnd phường thắng tam, tp.vũng tàu tuyển dụng nhân sự
 
Ubnd thị xã từ sơn, bắc ninh tuyển dụng công chức cấp xã năm 2017
Ubnd thị xã từ sơn, bắc ninh tuyển dụng công chức cấp xã năm 2017Ubnd thị xã từ sơn, bắc ninh tuyển dụng công chức cấp xã năm 2017
Ubnd thị xã từ sơn, bắc ninh tuyển dụng công chức cấp xã năm 2017
 
đạI học y dược đại học huế tuyển dụng viên chức năm 2017
đạI học y dược   đại học huế tuyển dụng viên chức năm 2017đạI học y dược   đại học huế tuyển dụng viên chức năm 2017
đạI học y dược đại học huế tuyển dụng viên chức năm 2017
 
Hội văn học nghệ thuật thái bình tuyển dụng năm 2017
Hội văn học nghệ thuật thái bình tuyển dụng năm 2017Hội văn học nghệ thuật thái bình tuyển dụng năm 2017
Hội văn học nghệ thuật thái bình tuyển dụng năm 2017
 
0001 (1)(2)
0001 (1)(2)0001 (1)(2)
0001 (1)(2)
 
Tb 24 (1)
Tb 24 (1)Tb 24 (1)
Tb 24 (1)
 
Bệnh viện đa khoa quỳnh lưu, nghệ an thông báo tuyển dụng viên chức
Bệnh viện đa khoa quỳnh lưu, nghệ an thông báo tuyển dụng viên chứcBệnh viện đa khoa quỳnh lưu, nghệ an thông báo tuyển dụng viên chức
Bệnh viện đa khoa quỳnh lưu, nghệ an thông báo tuyển dụng viên chức
 

cấp xã năm 2014

  • 1. 1 Chuyên đề 1. TỔNG QUAN VỀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ Ở CẤP XÃ I. QUAN ĐIỂM CHUNG VỀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ Ở VIỆT NAM 1. Khái niệm về hệ thống chính trị Trong mọi xã hội có giai cấp, quyền lực của chủ thể cầm quyền được thực hiện bằng một hệ thống thiết chế và tổ chức chính trị nhất định. Đó là hệ thống chính trị. Hệ thống chính trị là tổng thể các cơ quan, tổ chức nhà nước, đảng phái, đoàn thể xã hội, nói chung là các lực lượng tham gia và mối quan hệ giữa các lực lượng đó, chi phối sự tồn tại và phát triển đời sống chính trị của một quốc gia, thể hiện bản chất của chế độ chính trị của quốc gia, con đường phát triển của xã hội. Cấu trúc của hệ thống chính trị không chỉ là hệ thống các tổ chức và các quan hệ về tổ chức mà còn là hệ thống các cấp độ và các quan hệ về cấp độ nhìn theo hai chiều vận động từ dưới lên và từ trên xuống. Có các cấp độ của từng tổ chức (Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể) qui định vị trí, vai trò, chức trách, thẩm quyền của các cấp, của cấp trên với cấp dưới trong phạm vi một tổ chức với sự tác động của bộ máy tương ứng với từng cấp. Hệ thống chính trị được cấu thành bởi các tổ chức nêu trên cũng có các cấp độ này, biểu hiện thành quan hệ tác động qua lại giữa Trung ương với địa phương và cơ sở. Giữa các tổ chức lại hình thành quan hệ tác động lẫn nhau trong hệ thống và trong từng cấp độ. Cụ thể, ở cấp trung ương là quan hệ giữa Đảng với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể. Ở cấp tỉnh là quan hệ giữa Đảng bộ cấp tỉnh với chính quyền cấp tỉnh, Mặt trận Tổ quốc với các đoàn thể cấp tỉnh. Ở cấp cơ sở xã, phường, thị trấn là quan hệ giữa Đảng bộ cấp xã với chính quyền và Mặt trận Tổ quốc cùng các đoàn thể trong xã, phường, thị trấn. Ở đây ta đang xem xét khái niệm cơ sở và hệ thống chính trị ở cơ sở trên quan điểm xã hội học chính trị và quản lý xã hội. Đây là những khái niệm xuất phát, những khái niệm công cụ để nghiên cứu và đề xuất những giải pháp cải cách hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống chính trị ở cơ sở nước ta hiện nay. Cơ sở được lấy làm đối tượng nghiên cứu ở đây không phải là một đơn vị cơ sở bất kỳ (gia đình, cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp hay viện nghiên cứu…) mà là cơ sở với tư cách là một cấp quản lý nhà nước trong hệ thống quản lý hành chính nhà nước bốn cấp hiện hành. Cơ sở đó chính là xã - phường - thị trấn, là cấp cơ sở của quản lý nhà nước. Phường, thị trấn là cấp cơ sở ở đô thị, được đặc trưng bởi quản lý đô thị. Xã là cấp cơ sở ở khu vực nông thôn, đây là cả một địa bàn rộng lớn, chiếm đa số trong tổng số đơn vị cơ sở nước ta. Hệ thống chính trị ở xã - phường - thị trấn bao gồm 3 bộ phận cấu thành: Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Mỗi bộ phận tồn tại với vai
  • 2. 2 trò, chức năng riêng và có quan hệ mật thiết với nhau, tạo thành hệ thống, quản lý và điều hành mọi hoạt động ở xã - phường - thị trấn về các lĩnh vực của đời sống. Cơ sở và hệ thống chính trị ở xã - phường - thị trấn là khâu trung tâm cần phải đột phá trong chỉnh đốn và đổi mới hệ thống chính trị cơ sở. Giải quyết khâu đột phá này, lẽ dĩ nhiên không thể không bàn tới quan hệ giữa xã và thôn, giữa phường, thị trấn và tổ dân phố, tới vai trò của Đảng bộ hoặc chi bộ xã - phường - thị trấn, của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các tổ chức quần chúng cấu thành thống chính trị ở xã - phường - thị trấn, các phương thức tổ chức, hoạt động cùng các mối quan hệ giữa chúng. Nhận thức về xã - phường - thị trấn chúng ta nhấn mạnh tới mấy điểm dưới đây: - Xã - phường - thị trấn là nơi chính quyền trong lòng dân như Đảng ta đã xác định. Xã - phường - thị trấn là cấp thấp nhất trong các cấp độ quản lý của hệ thống chính quyền nhà nước nhưng lại là nền tảng của chế độ chính trị và đời sống xã hội. - Xã - phường - thị trấn là nơi diễn ra cuộc sống của dân, nơi chính quyền và các đoàn thể tổ chức cuộc sống, hoạt động và các phong trào của cộng đồng dân cư để nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hành dân chủ của chính mình. Nếu dân chủ là dân làm chủ như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, thì xã là nơi thể hiện rõ nhất và trực tiếp nhất ý thức và năng lực dân chủ của dân bằng cả phương thức dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Chế độ ủy quyền và những phương tiện, những điều kiện nhằm thực hiện và đảm bảo cho sự ủy quyền đó phải được bắt đầu từ xã mà nhân dân là chủ thể. Bao nhiêu quyền hành đều là của dân, bao nhiêu lợi ích cũng thuộc về dân. Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Dân có quyền làm chủ, đồng thời có nghĩa vụ của người chủ. Do ở xã - phường - thị trấn là nơi làm việc và sinh hoạt hàng ngày của dân chúng, là nơi thể chế được dân trực tiếp tổ chức nên và dân thường xuyên tiếp xúc, đề đạt nguyện vọng, yêu cầu của mình với những người đại diện cho mình, đồng thời dân cũng có điều kiện biết rõ sự hoạt động của thể chế, của con người và tổ chức bộ máy, mặt hay cũng như mặt dở, mặt tốt cũng như mặt xấu với những khuyết tật của nó…nên quan hệ và thái độ của dân đối với thể chế ở xã cho thấy rõ nhất hiện trạng của thể chế nói chung. Động lực, nội lực của sự phát triển hay vật cản kìm hãm, sự trì trệ và suy thoái được nhận thấy rõ nhất ngay ở xã - phường - thị trấn. Những yếu kém diễn ra trong thể chế ở xã làm tổn hại đến uy tín và ảnh hưởng xã hội của thể chế nói chung. Những phản ứng, bất bình của dân đối với cán bộ xã là khởi đầu cho những mất ổn định, thậm chí trở thành tình huống, thành điểm nóng gây hại tới sự bình yên của chế độ. Do vậy, mấu chốt của xã - phường - thị trấn là chất lượng cán bộ, công chức, là hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị sao cho giữ được dân, làm cho dân yên ổn, phấn khởi làm ăn, sinh sống, liên kết cộng đồng, quan tâm và bảo vệ thể chế, phát triển xã hội, phát triển sức dân. - Xã - phường - thị trấn là tầng sâu nhất mà sự vận hành của thể chế từ vĩ mô phải tác động tới. Xã - phường - thị trấn là địa chỉ quan trọng cuối cùng mà mọi quyết định, mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước phải tìm đến. Đường lối, nghị quyết có đi vào cuộc sống thực sự hay không, dân có được tổ chức hành động trong phong trào rộng khắp để biến khả năng thành hiện thực hay không; đường lối, chính sách có tác dụng, hiệu quả đến đâu, đúng sai ra sao
  • 3. 3 được chứng thực bởi cuộc sống, tâm trạng, thái độ, niềm tin và hành động thực tế của dân chúng. Vì vậy, xã - phường - thị trấn tuy là cấp thấp nhất trong hệ thống quản lý nhưng có tầm quan trọng đặc biệt, là vấn đề sống còn, thành bại của chế độ. Xã - phường - thị trấn là hình ảnh thu nhỏ của xã hội, là vùng nhạy cảm nhất của đời sống xã hội, không được xao nhãng mà cần đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thường xuyên. Thực chất của mất xã là mất dân, mà khởi đầu của sự mất dân là xa dân của cán bộ, công chức xã - phường - thị trấn, sự rệu rã của tổ chức bộ máy và sự hoành hành của nạn quan liêu, tham nhũng làm cho dân đói khổ, bần cùng. - Xã - phường - thị trấn không phải là cấp hoạch định đường lối, chính sách… mà là cấp hành động, tổ chức hành động, đưa đường lối, nghị quyết, chính sách vào cuộc sống. Là cấp hành động, tổ chức thực hiện nên cán bộ, công chức phải gần dân, hiểu dân, sát dân và năng lực của cán bộ xã là năng lực thực thi, tổ chức công việc và thường xuyên giáo dục, tuyên truyền, vận động quần chúng. Tổ chức bộ máy phải thực sự gọn nhẹ, “thà ít mà tốt”, năng động, nhạy bén, cán bộ, công chức phải thực sự nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, sáng tạo một cách thiết thực, biết rõ phương hướng hành động, có bản lĩnh dám chịu trách nhiệm, có phương pháp và phong cách dân vận “óc nghĩ, mắt nhìn, miệng nói, tai nghe, chân đi, tay làm” như Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Biết làm cho dân tin, dân ủng hộ; biết tập hợp dân thành lực lượng và hoạt động trong phong trào; phục vụ dân, làm lợi cho dân, mưu cầu hạnh phúc cho dân, đó là tất cả những gì cán bộ, công chức cần có. 2. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị Về mặt tổ chức, hệ thống chính trị ở xã - phường - thị trấn bao gồm ba bộ phận cấu thành là tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận bao gồm Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh. * Tổ chức cơ sở đảng Tổ chức cơ sở đảng ở xã - phường - thị trấn là nền tảng của đảng ở xã - phường - thị trấn. Điều 21, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, được Đại hội X của Đảng thông qua (được Đại hội XI sửa đổi, bổ sung) đã qui định: “Tổ chức cơ sở đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Ðảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở”. Như vậy tổ chức cơ sở đảng ở xã là nền tảng của Đảng ở xã. Điều này bắt nguồn trực tiếp từ học thuyết của chủ nghĩa Mác – Lênin về vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử, về vai trò của giai cấp công nhân - lực lượng chủ yếu của cách mạng vô sản và là người lãnh đạo xã hội trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tổ chức cơ sở đảng ở xã - phường - thị trấn có vai trò hạt nhân trong lãnh đạo chính trị, lãnh đạo hệ thống chính trị ở cơ sở, bảo đảm cho đường lối, chính sách của Đảng được cụ thể hóa và được thực hiện thắng lợi. Tổ chức đảng ở xã - phường - thị trấn có vai trò lãnh đạo toàn diện các mặt hoạt động trong xã - phường - thị trấn, lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể quần chúng. Tổ chức cơ sở đảng ở xã - phường - thị trấn là nơi giáo dục, rèn luyện đảng viên và phát triển Đảng. Tổ chức cơ sở Đảng là nơi giáo dục lý tưởng cách mạng, rèn
  • 4. 4 luyện ý chí, trau dồi quan điểm, lập trường cách mạng cho đảng viên, động viên đảng viên tham gia các phong trào giữ gìn an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; là nơi vận động và bồi dưỡng những người ưu tú, xuất sắc trong phong trào quần chúng, kết nạp họ vào Đảng nhằm xây dựng, phát triển, tăng cường số lượng và sức chiến đấu của Đảng. Tổ chức cơ sở đảng ở xã - phường - thị trấn là đơn vị chiến đấu cơ bản của Đảng và là chỗ dựa đáng tin cậy của quần chúng nhân dân ở cơ sở. Bằng việc đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống ở xã, tổ chức quần chúng thực hiện thắng lợi đường lối chủ trương, của Đảng, chính sách và pháp luật của nhà nước; phát triển lực lượng đảng viên mới trong quần chúng, các tổ chức Đảng ở xã thực sự là “một đơn vị chiến đấu cơ bản” của Đảng, là hạt nhân lãnh đạo của hệ thống chính trị và là chỗ dựa đáng tin cậy của nhân dân ở cơ sở. * Chính quyền cơ sở xã, phường, thị trấn (chính quyền cấp xã) Theo Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi) - Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau: Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương; Huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành phường và xã; quận chia thành phường. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập. - Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. - Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định. Chính quyền cấp xã gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, trong đó: + Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. + Uỷ ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. - Chính quyền cấp xã tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên. * Các đoàn thể nhân dân ở xã, phường, thị trấn Các đoàn thể nhân dân ở nước ta là một phạm trù rất rộng, có thể bao gồm cả các tổ chức chính trị - xã hội, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức
  • 5. 5 xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội, giới chức, từ thiện. Phạm trù “đoàn thể nhân dân” được đề cập ở đây là các tổ chức chính trị - xã hội, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ở cơ sở, nói đến các đoàn thể nhân dân thuộc hệ thống chính trị cơ sở, chủ yếu có 05 tổ chức là Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh. Đoàn thể nhân dân có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị ở xã, phường, thị trấn. Cụ thể các đoàn thể nhân dân có vai trò đoàn kết nhân dân, chăm lo lợi ích của thành viên, thực hiện dân chủ và đổi mới xã hội, thực thi quyền và nghĩa vụ của công dân, thắt chặt mối liên hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đoàn thể nhân dân là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong các phong trào vận động quần chúng tham gia bảo vệ trật tự trị an, xây dựng nếp sống văn hóa, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở. * Mối quan hệ giữa các bộ phận cấu thành hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn Như trên đã nói, hệ thống chính trị ở cơ sở bao gồm ba bộ phận cấu thành: Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân; mỗi bộ phận tồn tại với vai trò, chức năng riêng và có quan hệ mật thiết với nhau, tạo thành hệ thống thống nhất. Tính hệ thống của hệ thống chính trị cơ sở hiện nay thể hiện trên các mặt cụ thể có tính nguyên tắc sau: - Các tổ chức thành viên của hệ thống chính trị ở cơ sở cùng tồn tại và hoạt động trên cùng một địa bàn lãnh thổ - dân cư, đó là đơn vị hành chính cấp xã. - Các thành viên của hệ thống chính trị thống nhất đặt dưới sự lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng về những nội dung cơ bản như đường lối, chủ trương, phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và công tác tổ chức, cán bộ. - Các thành viên của hệ thống chính trị thống nhất tiến hành các mặt hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước và sự quản lý, điều hành của chính quyền địa phương theo các nguyên tắc Đảng lãnh đạo, nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. - Tuy có chức năng, nhiệm vụ, cách tổ chức và phương thức hoạt động khác nhau, các thành viên của hệ thống chính trị thống nhất cùng hướng tới các mục tiêu chung là phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương, tất cả vì mục tiêu chung của xã hội là thực hiện “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh”. Trong sự thống nhất của hệ thống chính trị, Đảng là bộ phận hạt nhân, giữ vai trò lãnh đạo của hệ thống; chính quyền là lực lượng chủ đạo, giữ vai trò quản lý, điều hành và các đoàn thể nhân dân là tổ chức đại diện quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân. Tổ chức đảng cơ sở vừa là hạt nhân lãnh đạo hệ thống chính trị, lãnh đạo chính quyền và là cầu nối giữa nhân dân với chính quyền cơ sở. Chính quyền cơ sở là cơ quan quyền lực nhà nước trực tiếp quản lý, tổ chức đời sống mọi mặt ở địa phương, phát huy mọi tiềm năng nhân tài, vật lực ở địa phương phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở địa phương là cầu nối
  • 6. 6 giữa nhân dân với tổ chức đảng và chính quyền cơ sở, đại biểu cho lợi ích của các tầng lớp nhân dân, là hậu thuẫn của Đảng và chính quyền ở địa phương. II. ĐỔI MỚI HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ Ở XÃ - PHƯỜNG - THỊ TRẤN TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY Đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta là một bộ phận của công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Công cuộc đổi mới ở nước ta có ý nghĩa như một bước ngoặt của một giai đoạn cách mạng mới. Đổi mới kinh tế và đổi mới các lĩnh vực khác không thể tách rời đổi mới về chính trị. Trong thời kỳ phát triển mới của cách mạng nước ta hiện nay, việc đổi mới hệ thống chính trị trên phạm vi cả nước cũng như ở từng cơ sở, nhất là ở xã, phường, thị trấn đã trở nên vô cùng cần thiết và bức xúc. Từ đó ta có thể thấy những yêu cầu cho sự cần thiết phải đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở xã đó là: - Đáp ứng yêu cầu của thực hành dân chủ. Thực hành dân chủ và chống quan liêu, tham nhũng là hai mặt của cùng một vấn đề: tìm động lực cho sự phát triển, tiến bộ xã hội. Quan tâm sâu sắc tới vấn đề hệ trọng này, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cách tốt nhất để chống quan liêu, tham nhũng là thực hành dân chủ” và “Thực hành dân chủ rộng rãi là chiếc chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, t.12, tr.249). Trong tư tưởng của mình, Hồ Chí Minh sớm phát hiện ra dân chủ là động lực và mục tiêu của sự phát triển, của chủ nghĩa xã hội. Đó cũng chính là động lực và mục tiêu của một hệ thống chính trị trong sạch, của đổi mới hệ thống chính trị để phát triển chính trị, qua đó mà phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. - Hiểu đúng về xã, phường, thị trấn và vai trò của xã, phường, thị trấn. Muốn đổi mới hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn, trước hết phải đổi mới nhận thức để nhận thức đúng đắn về xã, phường, thị trấn đó chính là cơ sở xã hội của hệ thống chính trị, là cơ sở của thể chế nhà nước, của chế độ chính trị ở xã. Nó khác biệt với các loại hình cơ sở khác thuộc các lĩnh vực khác gắn với ngành nghề với những tổ chức tương ứng của nó: doanh nghiệp, công ty, bệnh viện, trường học, công sở, nhóm xã hội hay từng tế bào của xã hội là gia đình. Ở xã, phường, thị trấn là nơi nảy sinh từ thực tế biết bao kinh nghiệm có thể tổng kết để khái quát thành lý luận, để điều chỉnh, bổ sung và đổi mới đường lối, chính sách do thường xuyên phải giải quyết những tình huống của cuộc sống đặt ra. Đổi mới đã manh nha, nảy mầm từ những nhu cầu bức xúc ở xã, phường, thị trấn, và từ xã, phường, thị trấn đã nhanh chóng nhập cuộc với đổi mới, hành động theo đường lối đổi mới của Đảng, bởi đổi mới là hợp với qui luật phát triển và thuận với lòng dân. - Quản lý và tự quản. Một vấn đề nổi bật ở xã, phường, thị trấn cả về vai trò, đặc điểm và tính chất của nó là trên địa bàn xã, phường, thị trấn không chỉ diễn ra hoạt động quản lý mà đồng thời còn có cả hoạt động tự quản của dân, tự quản của từng hộ gia đình, của các đoàn thể tự nguyện đến cả cộng đồng, tập trung tiêu biểu nhất là ở thôn, làng, tổ dân phố, ấp, bản, với vai trò của trưởng thôn, trưởng bản, tổ trưởng tổ dân phố do dân bầu trực tiếp. Tự quản là nét đặc thù ở xã, phường, thị trấn. Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn phải phát huy được sức mạnh,
  • 7. 7 năng lực tự quản này của dân để qua đó dân tham gia trực tiếp vào việc kiểm tra, giám sát chính quyền, tham gia quản lý, xây dựng và phát triển cuộc sống cộng đồng. Đổi mới hệ thống chính trị vừa là vấn đề khoa học sâu sắc vừa là vấn đề chính trị thực tiễn nhạy cảm nhất trong đời sống cộng đồng, dân tộc. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng đã chỉ rõ: “Kết hợp ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm đồng thời từng bước đổi mới chính trị”. Cụ thể trong công cuộc đổi mới hiện nay có đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân. 1. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam Phương thức lãnh đạo của Đảng là hệ thống các hình thức, các phương pháp mà Đảng vận dụng để đưa nội dung lãnh đạo tác động vào hệ thống chính trị - xã hội nhằm đạt được mục tiêu lãnh đạo của Đảng. Nhìn lại quá trình lãnh đạo của Đảng mấy chục năm qua, trong mỗi giai đoạn cách mạng, cùng với việc xây dựng đường lối và tổ chức, Đảng luôn quan tâm đến công tác lãnh đạo. Phương pháp lãnh đạo không chỉ bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng có hiệu quả mà còn góp phần quan trọng vào việc hoàn thiện đường lối cách mạng, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên. Thực tế cho thấy, có đường lối đúng, có tổ chức hợp lý mà không có phương thức lãnh đạo phù hợp, không giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội ở các cấp, trên từng lĩnh vực thì hiệu quả lãnh đạo thấp. Trong thời kỳ đổi mới, với một nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước và mở cửa hội nhập kinh tế thế giới, hệ thống chính trị ở xã đã có bước phát triển mới. Chính quyền xã phải quản lý xã hội bằng pháp luật, các tổ chức chính trị - xã hội phát triển mạnh mẽ và đa dạng hóa sự hoạt động; hàng trăm hội quần chúng, hội nghiệp đoàn, hội từ thiện mới ra đời, hoạt động rất năng động và phong phú. Tình hình đó đòi hỏi Đảng phải đứng đúng vị trí của mình để vừa xây dựng bộ máy chính quyền xã thực sự vững mạnh, quản lý xã hội có hiệu quả, vừa phải lãnh đạo các tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thành tựu bước đầu của công cuộc đổi mới đất nước mấy năm qua có sự đóng góp của sự đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng bộ xã. Một số quan điểm cơ bản, mang tính định hướng về phương thức lãnh đạo của Đảng: - Là Đảng cầm quyền, Đảng có trách nhiệm lãnh đạo toàn diện đối với chính quyền xã, đồng thời chịu trách nhiệm chính trị trước xã hội. Do đó, Đảng phải đề phòng nguy cơ quan liêu, xa rời quần chúng và sự sai lầm về đường lối. - Là Đảng cầm quyền, Đảng phải đặt trọng tâm vào xây dựng và hoàn thiện chính quyền xã, phường, thị trấn. Đảng xây dựng nhà nước vững mạnh và tự mình tuân thủ đúng Hiến pháp, pháp luật. - Là Đảng cầm quyền, Đảng phải chăm lo xây dựng và hoàn thiện phương thức lãnh đạo nhằm thực hiện có hiệu quả đường lối chính trị để giữ vững vai trò và
  • 8. 8 vị trí lãnh đạo. Nghiên cứu và xây dựng phương thức lãnh đạo không chỉ là cải tiến lề lối làm việc đơn thuần mà phải có cơ sở lý luận và thực tiễn về Đảng cầm quyền. Cùng với việc xây dựng kiện toàn tổ chức, phương thức lãnh đạo phải trở thành nội dung quan trọng của công tác xây dựng Đảng. - Một phương thức lãnh đạo đúng đắn bao giờ cũng vừa bảo đảm thực hiện đúng định hướng chính trị, vừa phát huy được tính chủ động, tinh thần nhiệt tình, sáng tạo và nhân lên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nhân dân, nhằm thực hiện đạt hiệu quả cao nhất mục tiêu đề ra. 2. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Cái đích quan trọng nhất của đổi mới tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn là nâng cao hiệu lực quản lý bằng cách thực hiện nghiêm chỉnh đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân sản xuất kinh doanh theo đúng pháp luật và nâng cao đời sống, tổ chức và quản lý tốt các mặt trật tự, an ninh ở địa bàn, thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Bằng cách đó, xây dựng chính quyền cơ sở thành một chính quyền được lòng dân, được dân tin tưởng và ủng hộ. Như vậy cần phải chú ý tới những biện pháp đổi mới nào để nâng cao hiệu lực và uy tín của chính quyền trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và hỗ trợ hoạt động của dân ở cơ sở ? Trước hết, chính quyền cơ sở phải thể hiện, cụ thể hóa phương hướng, chủ trương, nghị quyết của tổ chức đảng ở cơ sở trong công tác quản lý của chính quyền với tinh thần chủ động và sáng tạo, đề cao tinh thần phụ trách và chịu trách nhiệm về những nhiệm vụ được giao. Cán bộ, công chức chính quyền phải nắm vững và am hiểu chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để giải quyết cho đúng, không tùy tiện, tắc trách. Quan hệ của người dân với chính quyền (giữa công dân với nhà nước) là một trong những mối quan hệ cơ bản của quản lý dựa trên pháp luật qui định. Để nâng cao hiệu lực quản lý và tạo điều kiện cho các công dân thực hiện đúng những quyền và nghĩa vụ của mình, chính quyền phải đặc biệt chú trọng cung cấp cho dân biết những thông tin cần thiết liên quan tới những vấn đề về cuộc sống của họ, về hoạt động của chính quyền để dân giám sát và kiểm tra. Cuộc sống ở cơ sở thường xuyên nảy sinh rất nhiều những sự kiện, tình huống có ảnh hưởng trực tiếp tới dân. Do đó, hoạt động của chính quyền đòi hỏi phải khẩn trương, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc: thiên tai (lũ lụt, hạn hán), dịch bệnh, trật tự trị an, vệ sinh môi trường, việc ăn, ở, học hành, đi lại của dân, các tranh chấp dân sự xung quanh đất đai, xây dựng nhà cửa, mua bán, đổi chác, quản lý hộ tịch, quản lý dân cư trên địa bàn và dân nơi khác đến... Cán bộ, công chức chính quyền, từ các đại biểu của dân trong Hội đồng nhân dân đến các cán bộ, công chức trong Ủy ban nhân dân với tư cách là cơ quan hành chính có tác phong sâu sát quần chúng, tận tâm và tận lực phục vụ dân, có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ của quản lý, am hiểu pháp luật. Công tâm, thạo việc, trách
  • 9. 9 nhiệm và liêm khiết - đó là những phẩm chất cần thiết mà mỗi cán bộ chính quyền cần phải có và thường xuyên trau dồi. Để đạt được chất lượng và hiệu quả như vậy trong tổ chức bộ máy, trong hoạt động và trong nguồn nhân lực của chính quyền cơ sở, cần phải chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân, có những hoạt động cụ thể thiết thực vừa tầm có thể thực hiện được. Cần tăng số lượng đại biểu của dân trong Hội đồng nhân dân là những quần chúng ngoài Đảng, tránh tình trạng đại biểu Hội đồng nhân dân hầu hết là đảng viên và đang giữ chức vụ, làm cho tiếng nói trực tiếp của những người dân thường bị hạn chế, ảnh hưởng đến quyền lực trực tiếp tham gia quản lý chính quyền của quần chúng. Phải nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân bằng cách, ngoài chất lượng đại biểu còn cần có sự chuẩn bị tốt nội dung các kỳ họp Hội đồng nhân dân, tăng số lượng và thời gian các phiên họp của Hội đồng để có thể bàn bạc, thảo luận, chất vấn, kiểm tra, quyết định những vấn đề kinh tế - xã hội - văn hóa, tài chính - ngân sách vốn liên quan mật thiết tới cuộc sống của dân và được dân rất quan tâm. Phải đặc biệt đề cao vai trò và trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, của đại biểu Hội đồng nhân dân, tăng cường những tiếp xúc giữa đại biểu với cử tri, mở rộng môi trường hoạt động của các đại biểu, để họ kiêm nhiệm thêm các công tác xã hội tại cơ sở, cùng tham gia vào các hoạt động tự quản với dân. Đối với Ủy ban nhân dân xã vừa là cơ quan chấp hành vừa là cơ quan hành chính của dân ở cơ sở, là nơi thực hiện chức năng hành pháp ở cơ sở, cần hết sức chú trọng tới năng lực của cán bộ, trước hết là năng lực tổ chức, điều hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, quan hệ giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân với Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Bí thư Đảng ủy cơ sở. Cũng như vậy phải có sự phân công rành mạch giữa Chủ tịch, Phó Chủ tịch, và cần tăng cường chức trách của Ủy viên Ủy ban nhân dân xã. Chính quyền cơ sở là bộ phận then chốt và là một khâu đặc biệt quan trọng của hệ thống chính trị ở cơ sở. Không có một chính quyền cơ sở thực sự vững mạnh thì việc thực hiện dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân như Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở đã được Đảng và Nhà nước ban hành sẽ vấp phải những khó khăn trở ngại lớn. Những giải pháp, biện pháp nêu trên chính là nhằm vào đổi mới và nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền cơ sở, nhất là chính quyền xã, coi đó là khâu đột phá của đổi mới. 3. Đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội Muốn phát huy vai trò của các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, phải đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các đoàn thể ở xã cho phù hợp với tình hình thực tế của xã hội, của địa phương và ý nguyện của người dân. Cần chú trọng thúc đẩy sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để đẩy mạnh việc thực hiện Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Có thể coi đây là trọng điểm
  • 10. 10 công tác của các đoàn thể nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên trong tổ chức của mình. Công tác đoàn thể nhiệt tình, tận tụy, gắn bó với phong trào, gần gũi với quần chúng, có năng lực vận động quần chúng. Đó là phong cách của người cán bộ dân vận như Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “óc nghĩ, tai nghe, mắt nhìn, miệng nói, chân đi, tay làm”. Yêu cầu này càng đặc biệt cần thiết ở xã, có như thế mới thu hút được toàn dân tham gia phong trào, tiếp thu được những kinh nghiệm, sáng kiến của dân từ hoạt động thực tiễn. Mặt trận và các đoàn thể là lực lượng chủ yếu trong công tác vận động quần chúng cơ sở, có những đóng góp tích cực vào việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở cơ sở.
  • 11. 11 Chuyên đề 2. CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG VÀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ UỶ BAN NHÂN DÂN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN I. CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG Hiến pháp 2013 (sửa đổi) quy định: 1. Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau: Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương; Huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành phường và xã; quận chia thành phường. Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập. 2. Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định. 3. Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 4. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định. 5. Chính quyền địa phương tổ chức và bảo đảm việc thi hành Hiến pháp và pháp luật tại địa phương; quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên. 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương được xác định trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương. 7. Trong trường hợp cần thiết, chính quyền địa phương được giao thực hiện một số nhiệm vụ của cơ quan nhà nước cấp trên với các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ đó. 8. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, do Nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước Nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên. 9. Hội đồng nhân dân quyết định các vấn đề của địa phương do luật định; giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân. 10. Uỷ ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên.
  • 12. 12 11. Uỷ ban nhân dân tổ chức việc thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương; tổ chức thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân và thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước cấp trên giao. 12. Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ vận động Nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật, chính sách của Nhà nước, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, động viên Nhân dân tham gia quản lý nhà nước. 13. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Thủ trưởng cơ quan thuộc Uỷ ban nhân dân. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị này có trách nhiệm tiếp đại biểu, xem xét, giải quyết kiến nghị của đại biểu. 14. Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân thực hiện chế độ thông báo tình hình của địa phương cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các tổ chức này về xây dựng chính quyền và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân động viên Nhân dân cùng Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương. 15. Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương được mời tham dự các kỳ họp Hội đồng nhân dân và được mời tham dự hội nghị Uỷ ban nhân dân cùng cấp khi bàn các vấn đề có liên quan. II. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA HĐND CẤP XÃ (Theo quy định tại Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003) 1. Chức năng a. Chức năng quyết định Hội đồng nhân dân cấp xã quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của địa phương, xây dựng và phát triển địa phương về kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân địa phương, làm tròn nghĩa vụ của địa phương đối với cả nước. Thực hiện chức năng năng quyết định, HĐND cấp xã được quyền ban hành các nghị quyết nhằm để quản lý các mặt đời sống ở địa phương. b. Hoạt động giám sát của HĐND cấp xã Hội đồng nhân dân cấp xã thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của Thường trực HĐND, UBND cấp xã; giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND; giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và của công dân ở địa phương.
  • 13. 13 2. Nhiệm vụ, quyền hạn a. Trong lĩnh vực kinh tế, Hội đồng nhân dân xã, thị trấn thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: - Quyết định biện pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; kế hoạch sử dụng lao động công ích hàng năm; biện pháp thực hiện chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch chung; - Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương; các chủ trương, biện pháp để triển khai thực hiện ngân sách địa phương và điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật; giám sát việc thực hiện ngân sách đã được Hội đồng nhân dân quyết định; - Quyết định biện pháp quản lý và sử dụng hợp lý, có hiệu quả quỹ đất được để lại nhằm phục vụ các nhu cầu công ích của địa phương; - Quyết định biện pháp xây dựng và phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, kinh tế hộ gia đình ở địa phương; - Quyết định biện pháp quản lý, sử dụng và bảo vệ nguồn nước, các công trình thuỷ lợi theo phân cấp của cấp trên; biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, bảo vệ rừng, tu bổ và bảo vệ đê điều ở địa phương; - Quyết định biện pháp thực hiện xây dựng, tu sửa đường giao thông, cầu, cống trong xã và các cơ sở hạ tầng khác ở địa phương; - Quyết định biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu và gian lận thương mại. b. Trong lĩnh vực giáo dục, y tế, xã hội và đời sống, văn hoá, thông tin, thể dục thể thao, bảo vệ tài nguyên, môi trường, Hội đồng nhân dân xã, thị trấn thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: - Quyết định biện pháp bảo đảm các điều kiện cần thiết để trẻ em vào học tiểu học đúng độ tuổi, hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục tiểu học; tổ chức các trường mầm non; thực hiện bổ túc văn hoá và xoá mù chữ cho những người trong độ tuổi; - Quyết định biện pháp giáo dục, chăm sóc thanh niên, thiếu niên, nhi đồng; xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, giáo dục truyền thống đạo đức tốt đẹp; giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc; ngăn chặn việc truyền bá văn hoá phẩm phản động, đồi trụy, bài trừ mê tín, hủ tục, phòng, chống các tệ nạn xã hội ở địa phương; - Quyết định biện pháp phát triển hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao; hướng dẫn tổ chức các lễ hội cổ truyền, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh ở địa phương theo quy định của pháp luật; - Quyết định việc xây dựng, tu sửa trường lớp, công trình văn hoá thuộc địa phương quản lý;
  • 14. 14 - Quyết định biện pháp bảo đảm giữ gìn vệ sinh, xử lý rác thải, phòng, chống dịch bệnh, biện pháp bảo vệ môi trường trong phạm vi quản lý; biện pháp thực hiện chương trình y tế cơ sở, chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình; - Quyết định biện pháp thực hiện chính sách, chế độ đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người và gia đình có công với nước, thực hiện công tác cứu trợ xã hội và vận động nhân dân giúp đỡ gia đình khó khăn, người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa; biện pháp thực hiện xoá đói, giảm nghèo. c. Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Hội đồng nhân dân xã, thị trấn thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: - Quyết định biện pháp bảo đảm thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự; xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ và quốc phòng toàn dân; thực hiện nhiệm vụ hậu cần tại chỗ; thực hiện chính sách hậu phương quân đội và chính sách đối với các lực lượng vũ trang nhân dân ở địa phương; - Quyết định biện pháp bảo đảm giữ gìn an ninh, trật tự công cộng, an toàn xã hội; phòng, chống cháy, nổ; đấu tranh phòng ngừa, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn. d. Trong việc thực hiện chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo, Hội đồng nhân dân xã, thị trấn có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: - Quyết định biện pháp thực hiện chính sách dân tộc, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số; bảo đảm thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tăng cường đoàn kết toàn dân và tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các dân tộc ở địa phương; - Quyết định biện pháp thực hiện chính sách tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân địa phương theo quy định của pháp luật. e. Trong lĩnh vực thi hành pháp luật, Hội đồng nhân dân xã, thị trấn thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: - Quyết định biện pháp bảo đảm việc thi hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của mình ở địa phương; - Quyết định biện pháp bảo hộ tính mạng, tự do, danh dự, nhân phẩm, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của công dân; - Quyết định biện pháp bảo vệ tài sản, lợi ích của Nhà nước; bảo hộ tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở địa phương; - Quyết định biện pháp bảo đảm việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật. g. Trong việc xây dựng chính quyền địa phương, Hội đồng nhân dân xã, thị trấn thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: - Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và thành viên khác của Uỷ ban nhân dân cùng cấp; bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân và chấp nhận việc đại biểu Hội đồng nhân dân xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu theo quy định của pháp luật; - Bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu;
  • 15. 15 - Bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định, chỉ thị trái pháp luật của Uỷ ban nhân dân cùng cấp; - Thông qua đề án thành lập mới, nhập, chia và điều chỉnh địa giới hành chính ở địa phương để đề nghị cấp trên xem xét, quyết định. h. Hội đồng nhân dân phường thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn quy định trên và thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: - Quyết định biện pháp thực hiện thống nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch đô thị; thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng; bảo đảm trật tự giao thông đô thị, trật tự xây dựng trên địa bàn phường; - Quyết định biện pháp xây dựng nếp sống văn minh đô thị; biện pháp phòng, chống cháy, nổ, giữ gìn vệ sinh; bảo vệ môi trường, trật tự công cộng và cảnh quan đô thị trong phạm vi quản lý; - Quyết định biện pháp quản lý dân cư và tổ chức đời sống nhân dân trên địa bàn phường. 3. Cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã a. Cơ cấu tổ chức * Thường trực Hội đồng nhân dân - Hội đồng nhân dân cấp xã có Thường trực Hội đồng nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra. - Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân không thể đồng thời là thành viên của Uỷ ban nhân dân cùng cấp. - Kết quả bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã phải được thường trực HĐND cấp trên trực tiếp phê chuẩn (ở Hải Phòng, do thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân nên việc phê chuẩn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện trực tiếp phê chuẩn). * Đại biểu Hội đồng nhân dân - Vị trí pháp lý của đại biểu Hội đồng nhân dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân địa phương, gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách pháp luật và tham gia vào việc quản lý nhà nước. - Đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri địa phương bầu ra theo quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. b. Hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã Kỳ họp Hội đồng nhân dân là hình thức hoạt động chủ yếu và quan trọng nhất của Hội đồng nhân dân, là nơi Hội đồng nhân dân thảo luận và quyết định phần lớn các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân. Hội đồng nhân dân họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Ngoài kỳ họp thường lệ, Hội đồng nhân dân tổ chức các kỳ họp chuyên đề hoặc kỳ họp bất thường theo đề
  • 16. 16 nghị của Chủ tịch Hội đồng nhân dân, của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp hoặc khi có ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp yêu cầu. Kỳ họp Hội đồng nhân dân được tiến hành khi có ít nhất từ hai phần ba tổng số đại biểu trở lên có mặt. Hội đồng nhân dân làm việc theo chế độ tập thể và biểu quyết theo đa số, nghị quyết của Hội đồng nhân dân phải được quá nửa tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân biểu quyết tán thành. Trong trường hợp Hội đồng nhân dân bãi nhiệm đại biểu của mình thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân biểu quyết tán thành. Ngoài hoạt động tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân, hoạt động của Hội đồng nhân dân còn được thể hiện thông qua hoạt động của: - Thường trực Hội đồng nhân dân; - Các tổ đại biểu và của Đại biểu Hội đồng nhân dân. III. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA UBND CẤP XÃ (Theo quy định tại Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 và Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12) 1. Chức năng - Uỷ ban nhân dân chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp nhằm bảo đảm việc thực hiện chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và thực hiện các chính sách khác trên địa bàn. - Uỷ ban nhân dân thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương, góp phần bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thống nhất trong bộ máy hành chính nhà nước từ trung ương tới cơ sở. 2. Nhiệm vụ, quyền hạn 2.1. Nhiệm vụ và quyền hạn của UBND xã, thị trấn a. Trong lĩnh vực kinh tế, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: - Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua để trình Uỷ ban nhân dân huyện phê duyệt; tổ chức thực hiện kế hoạch đó; - Lập dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ dự toán ngân sách cấp mình; dự toán điều chỉnh ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết và lập quyết toán ngân sách địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định và báo cáo Uỷ ban nhân dân, cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp; - Tổ chức thực hiện ngân sách địa phương, phối hợp với các cơ quan nhà nước cấp trên trong việc quản lý ngân sách nhà nước trên địa bàn xã, thị trấn và báo cáo về ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; - Quản lý và sử dụng hợp lý, có hiệu quả quỹ đất được để lại phục vụ các nhu cầu công ích ở địa phương; xây dựng và quản lý các công trình công cộng, đường giao thông, trụ sở, trường học, trạm y tế, công trình điện, nước theo quy định của pháp luật;
  • 17. 17 - Huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của xã, thị trấn trên nguyên tắc dân chủ, tự nguyện. Việc quản lý các khoản đóng góp này phải công khai, có kiểm tra, kiểm soát và bảo đảm sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ theo quy định của pháp luật. b. Trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thuỷ lợi và tiểu thủ công nghiệp, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: - Tổ chức và hướng dẫn việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến khích phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để phát triển sản xuất và hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi trong sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch chung và phòng trừ các bệnh dịch đối với cây trồng và vật nuôi; - Tổ chức việc xây dựng các công trình thuỷ lợi nhỏ; thực hiện việc tu bổ, bảo vệ đê điều, bảo vệ rừng; phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt; ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ đê điều, bảo vệ rừng tại địa phương; - Quản lý, kiểm tra, bảo vệ việc sử dụng nguồn nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật; - Tổ chức, hướng dẫn việc khai thác và phát triển các ngành, nghề truyền thống ở địa phương và tổ chức ứng dụng tiến bộ về khoa học, công nghệ để phát triển các ngành, nghề mới. c. Trong lĩnh lực xây dựng, giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: - Tổ chức thực hiện việc xây dựng, tu sửa đường giao thông trong xã theo phân cấp; - Quản lý việc xây dựng, cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ ở điểm dân cư nông thôn theo quy định của pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về xây dựng và xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền do pháp luật quy định; - Tổ chức việc bảo vệ, kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm đường giao thông và các công trình cơ sở hạ tầng khác ở địa phương theo quy định của pháp luật; - Huy động sự đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng đường giao thông, cầu, cống trong xã theo quy định của pháp luật. d. Trong lĩnh vực giáo dục, y tế, xã hội, văn hoá và thể dục thể thao, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: - Thực hiện kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục ở địa phương; phối hợp với trường học huy động trẻ em vào lớp một đúng độ tuổi; tổ chức thực hiện các lớp bổ túc văn hoá, thực hiện xoá mù chữ cho những người trong độ tuổi; - Tổ chức xây dựng và quản lý, kiểm tra hoạt động của nhà trẻ, lớp mẫu giáo, trường mầm non ở địa phương; phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp trên quản lý trường tiểu học, trường trung học cơ sở trên địa bàn; - Tổ chức thực hiện các chương trình y tế cơ sở, dân số, kế hoạch hoá gia đình được giao; vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh; phòng, chống các dịch bệnh;
  • 18. 18 - Xây dựng phong trào và tổ chức các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao; tổ chức các lễ hội cổ truyền, bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh ở địa phương theo quy định của pháp luật; - Thực hiện chính sách, chế độ đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người và gia đình có công với nước theo quy định của pháp luật; - Tổ chức các hoạt động từ thiện, nhân đạo; vận động nhân dân giúp đỡ các gia đình khó khăn, người già cô đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa; tổ chức các hình thức nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng chính sách ở địa phương theo quy định của pháp luật; - Quản lý, bảo vệ, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ; quy hoạch, quản lý nghĩa địa ở địa phương. đ. Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và thi hành pháp luật ở địa phương, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: - Tổ chức tuyên truyền, giáo dục xây dựng quốc phòng toàn dân, xây dựng làng xã chiến đấu trong khu vực phòng thủ địa phương; - Thực hiện công tác nghĩa vụ quân sự và tuyển quân theo kế hoạch; đăng ký, quản lý quân nhân dự bị động viên; tổ chức thực hiện việc xây dựng, huấn luyện, sử dụng lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương; - Thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc vững mạnh; thực hiện biện pháp phòng ngừa và chống tội phạm, các tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác ở địa phương; - Quản lý hộ khẩu; tổ chức việc đăng ký tạm trú, quản lý việc đi lại của người nước ngoài ở địa phương. e. Trong việc thực hiện chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn có nhiệm vụ tổ chức, hướng dẫn và bảo đảm thực hiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân ở địa phương theo quy định của pháp luật. f. Trong việc thi hành pháp luật, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: - Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật; giải quyết các vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật; - Tổ chức tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân theo thẩm quyền; - Tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thi hành án theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện các quyết định về xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. 2.2. Nhiệm vụ và quyền hạn của UBND phường a. Trong lĩnh vực kinh tế, Uỷ ban nhân dân phường thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
  • 19. 19 - Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm trình Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê duyệt; tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt; - Lập dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp trên trực tiếp quyết định. Đối với phường thuộc thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp để trình Hội đồng nhân dân quyết định; Căn cứ vào dự toán ngân sách được giao, quyết định cụ thể dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình, điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết, quyết định các chủ trương, biện pháp triển khai thực hiện ngân sách và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp phân bổ và giao dự toán ngân sách địa phương. Lập quyết toán thu, chi ngân sách địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê duyệt. Đối với phường thuộc thị xã, thành phố thuộc tỉnh thì báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp để trình Hội đồng nhân dân quyết định; - Tổ chức thực hiện ngân sách địa phương, phối hợp với các cơ quan nhà nước cấp trên trong việc quản lý ngân sách nhà nước trên địa bàn xã, thị trấn và báo cáo về ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật; - Quản lý và sử dụng hợp lý, có hiệu quả quỹ đất được để lại phục vụ các nhu cầu công ích ở địa phương; xây dựng và quản lý các công trình công cộng, đường giao thông, trụ sở, trường học, trạm y tế, công trình điện, nước theo quy định của pháp luật; - Huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của xã, thị trấn trên nguyên tắc dân chủ, tự nguyện. Việc quản lý các khoản đóng góp này phải công khai, có kiểm tra, kiểm soát và bảo đảm sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ theo quy định của pháp luật. b. Trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thuỷ lợi và tiểu thủ công nghiệp, Uỷ ban nhân dân phường thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: - Tổ chức và hướng dẫn việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến khích phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ để phát triển sản xuất và hướng dẫn nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi trong sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch chung và phòng trừ các bệnh dịch đối với cây trồng và vật nuôi; - Tổ chức việc xây dựng các công trình thuỷ lợi nhỏ; thực hiện việc tu bổ, bảo vệ đê điều, bảo vệ rừng; phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt; ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ đê điều, bảo vệ rừng tại địa phương; - Tổ chức, hướng dẫn việc khai thác và phát triển các ngành, nghề truyền thống ở địa phương và tổ chức ứng dụng tiến bộ về khoa học, công nghệ để phát triển các ngành, nghề mới. c. Trong lĩnh lực xây dựng, giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân phường thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: - Quản lý việc xây dựng, cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ ở điểm dân cư nông thôn theo quy định của pháp luật, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về xây dựng và xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền do pháp luật quy định;
  • 20. 20 - Tổ chức việc bảo vệ, kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm đường giao thông và các công trình cơ sở hạ tầng khác ở địa phương theo quy định của pháp luật; - Huy động sự đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng đường giao thông, cầu, cống trong phường theo quy định của pháp luật. d. Trong lĩnh vực giáo dục, y tế, xã hội, văn hoá và thể dục thể thao, Uỷ ban nhân dân phường thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: - Thực hiện kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục ở địa phương; phối hợp với trường học huy động trẻ em vào lớp một đúng độ tuổi; tổ chức thực hiện các lớp bổ túc văn hoá, thực hiện xoá mù chữ cho những người trong độ tuổi; - Tổ chức xây dựng và quản lý, kiểm tra hoạt động của nhà trẻ, lớp mẫu giáo, trường mầm non ở địa phương; phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp trên quản lý trường tiểu học, trường trung học cơ sở trên địa bàn; - Tổ chức thực hiện các chương trình y tế cơ sở, dân số, kế hoạch hoá gia đình được giao; vận động nhân dân giữ gìn vệ sinh; phòng, chống các dịch bệnh; - Xây dựng phong trào và tổ chức các hoạt động văn hoá, thể dục thể thao; tổ chức các lễ hội cổ truyền, bảo vệ và phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh ở địa phương theo quy định của pháp luật; - Thực hiện chính sách, chế độ đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người và gia đình có công với nước theo quy định của pháp luật; - Tổ chức các hoạt động từ thiện, nhân đạo; vận động nhân dân giúp đỡ các gia đình khó khăn, người già cô đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa; tổ chức các hình thức nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng chính sách ở địa phương theo quy định của pháp luật; - Quản lý, bảo vệ, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ; quy hoạch, quản lý nghĩa địa ở địa phương. đ. Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và thi hành pháp luật ở địa phương, Uỷ ban nhân dân phường thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: - Tổ chức tuyên truyền, giáo dục xây dựng quốc phòng toàn dân, xây dựng làng xã chiến đấu trong khu vực phòng thủ địa phương; - Thực hiện công tác nghĩa vụ quân sự và tuyển quân theo kế hoạch; đăng ký, quản lý quân nhân dự bị động viên; tổ chức thực hiện việc xây dựng, huấn luyện, sử dụng lực lượng dân quân tự vệ ở địa phương; - Thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc vững mạnh; thực hiện biện pháp phòng ngừa và chống tội phạm, các tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác ở địa phương; - Quản lý hộ khẩu; tổ chức việc đăng ký tạm trú, quản lý việc đi lại của người nước ngoài ở địa phương. e. Trong việc thực hiện chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo, Uỷ ban nhân dân phường có nhiệm vụ tổ chức, hướng dẫn và bảo đảm thực hiện chính sách
  • 21. 21 dân tộc, chính sách tôn giáo; quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân ở địa phương theo quy định của pháp luật. f. Trong việc thi hành pháp luật, Uỷ ban nhân dân phường thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: - Tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật; giải quyết các vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân theo quy định của pháp luật; - Tổ chức tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân theo thẩm quyền; - Tổ chức thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thi hành án theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện các quyết định về xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. g. Uỷ ban nhân dân phường thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn quy trên và thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: - Tổ chức thực hiện thống nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch đô thị, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, phòng, chống các tệ nạn xã hội, giữ gìn trật tự vệ sinh, sạch đẹp khu phố, lòng đường, lề đường, trật tự công cộng và cảnh quan đô thị; - Thanh tra việc sử dụng đất đai của tổ chức, cá nhân trên địa bàn phường theo quy định của pháp luật; - Quản lý và bảo vệ cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn phường theo phân cấp; ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm đối với các cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo quy định của pháp luật; - Kiểm tra giấy phép xây dựng của tổ chức, cá nhân trên địa bàn phường; lập biên bản, đình chỉ những công trình xây dựng, sửa chữa, cải tạo không có giấy phép, trái với quy định của giấy phép và báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định. - Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thành lập Tổ bầu cử đại biểu Quốc hội, Tổ bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; tổ chức thực hiện việc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật. 3. Cơ cấu tổ chức - Uỷ ban nhân dân cấp xã gồm có: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các uỷ viên, do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra. Uỷ ban nhân dân xã có từ 3 đến 5 thành viên, Uỷ ban nhân dân phường, thị trấn có không quá 5 thành viên. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phải là đại biểu Hội đồng nhân dân; các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân không nhất thiết phải là đại biểu Hội đồng nhân dân. - Kết quả bầu các thành viên của Ủy ban nhân dân xã, thị trấn phải được phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên phê chuẩn. Trong nhiệm kỳ nếu khuyết Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thì Chủ tịch Hội đồng nhân dân cùng cấp giới thiệu người ứng cử Chủ tịch Uỷ ban nhân dân để Hội đồng nhân dân bầu. Người được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân trong nhiệm kỳ không nhất thiết là đại biểu Hội đồng nhân dân. - Nhiệm kỳ mỗi khoá của Uỷ ban nhân dân theo nhiệm kỳ của Hội đồng nhân dân. Khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, Uỷ ban nhân dân tiếp tục làm việc cho đến khi Hội đồng nhân dân khoá mới bầu ra Uỷ ban nhân dân.
  • 22. 22 - Uỷ ban nhân dân chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước HĐND cùng cấp và Uỷ ban nhân dân cấp trên. Đối với thành phố Hải Phòng, là địa phương đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, do vậy: - Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân phường do Chủ tịch UBND quận bổ nhiệm. - Kết quả bầu các thành viên của Ủy ban nhân dân xã, thị trấn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phê chuẩn. IV. THÔN, TỔ DÂN PHỐ 1. Thôn, tổ dân phố - Thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc,... (gọi chung là thôn); thôn được tổ chức ở xã; dưới xã là thôn. - Tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu,... (gọi chung là tổ dân phố); tổ dân phố được tổ chức ở phường, thị trấn; dưới phường, thị trấn là tổ dân phố. - Thôn, tổ dân phố không phải là một cấp hành chính mà là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư có chung địa bàn cư trú trong một khu vực ở một xã, phường, thị trấn (xã, phường, thị trấn sau đây gọi chung là cấp xã); nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi để phát huy các hình thức hoạt động tự quản, tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ cấp trên giao. 2. Tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố a) Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố - Thôn, tổ dân phố chịu sự quản lý nhà nước trực tiếp của chính quyền cấp xã. Hoạt động của thôn, tổ dân phố phải tuân thủ pháp luật, dân chủ, công khai, minh bạch; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền cấp xã và sự hướng dẫn, triển khai công tác của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã. - Không chia tách các thôn, tổ dân phố đang hoạt động ổn định để thành lập thôn mới, tổ dân phố mới. - Khuyến khích việc sáp nhập thôn, tổ dân phố để thành lập thôn mới, tổ dân phố mới nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp xã và nâng cao hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của thôn, tổ dân phố. - Các thôn, tổ dân phố nằm trong quy hoạch giải phóng mặt bằng, quy hoạch dãn dân, tái định cư hoặc điều chỉnh địa giới hành chính được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc do việc di dân đã hình thành các cụm dân cư mới ở vùng núi cao, vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nơi có địa hình chia cắt, địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, đòi hỏi phải thành lập thôn mới, tổ dân phố mới thì điều kiện thành lập thôn mới, tổ dân phố mới có thể thấp hơn các quy định hiện hành. - Trường hợp không thành lập thôn mới, tổ dân phố mới theo quy định tại thì ghép các cụm dân cư hình thành mới vào thôn, tổ dân phố hiện có cho phù hợp, bảo đảm thuận lợi trong công tác quản lý của chính quyền cấp xã và các hoạt động của thôn, tổ dân phố, của cụm dân cư.
  • 23. 23 b) Tổ chức của thôn, tổ dân phố - Mỗi thôn có Trưởng thôn, 01 Phó Trưởng thôn và các tổ chức tự quản khác của thôn. Trường hợp thôn có trên 500 hộ gia đình thì có thể bố trí thêm 01 Phó Trưởng thôn. - Mỗi tổ dân phố có Tổ trưởng, 01 Tổ phó tổ dân phố và các tổ chức tự quản khác của tổ dân phố. Trường hợp tổ dân phố có trên 600 hộ gia đình thì có thể bố trí thêm 01 Tổ phó tổ dân phố. c) Nội dung hoạt động của thôn, tổ dân phố - Cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố bàn và biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định những nội dung theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; bàn và quyết định trực tiếp việc thực hiện các công việc tự quản không trái với quy định của pháp luật trong việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, hiện đại, phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng, xóa đói, giảm nghèo; thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; những công việc do cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp trên triển khai đối với thôn, tổ dân phố; thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân đối với Nhà nước; bảo đảm đoàn kết, dân chủ, công khai, minh bạch, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp ở địa phương; xây dựng, giữ vững và phát huy danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”; phòng chống các tệ nạn xã hội và xóa bỏ hủ tục lạc hậu. - Thực hiện dân chủ ở cơ sở; xây dựng và thực hiện quy chế, hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố; tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các phong trào, các cuộc vận động do các tổ chức chính trị - xã hội phát động. - Thực hiện sự lãnh đạo của chi bộ thôn, tổ dân phố hoặc Đảng ủy cấp xã hay chi bộ sinh hoạt ghép (nơi chưa có chi bộ thôn, chi bộ tổ dân phố), củng cố và duy trì hoạt động có hiệu quả của các tổ chức tự quản khác của thôn, tổ dân phố theo quy định của pháp luật. - Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và Phó Trưởng thôn, Tổ phó tổ dân phố. Bầu, bãi nhiệm thành viên Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. - Các nội dung hoạt động của thôn, tổ dân phố theo quy định trên được thực hiện thông qua hội nghị của thôn, tổ dân phố. d) Hội nghị của thôn, tổ dân phố - Hội nghị thôn, tổ dân phố được tổ chức mỗi năm 2 lần (thời gian vào giữa năm và cuối năm); khi cần có thể họp bất thường. Thành phần hội nghị là toàn thể cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố. Hội nghị do Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố triệu tập và chủ trì. Hội nghị được tiến hành khi có trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố tham dự. - Việc tổ chức để nhân dân bàn và quyết định trực tiếp hoặc biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định được thực hiện theo quy định tại Điều 1, Điều 2, Điều 3,
  • 24. 24 Điều 4 và Điều 5 của Hướng dẫn ban hành kèm theo Nghị quyết liên tịch số 09/2008/NQLT-CP-UBTWMTTQVN ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. đ) Điều kiện thành lập thôn mới, tổ dân phố mới Việc thành lập thôn mới, tổ dân phố mới phải bảo đảm có đủ các điều kiện sau: - Quy mô số hộ gia đình: + Đối với thôn: Ở vùng đồng bằng phải có từ 200 hộ gia đình trở lên; ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo phải có từ 100 hộ gia đình trở lên; + Đối với tổ dân phố: Ở vùng đồng bằng phải có từ 250 hộ gia đình trở lên; ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo phải có từ 150 hộ gia đình trở lên. Trường hợp thành lập phường, thị trấn từ xã thì chuyển các thôn hiện có của xã thành tổ dân phố thuộc phường, thị trấn. - Các điều kiện khác: Thôn và tổ dân phố phải có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để phục vụ hoạt động cộng đồng và ổn định cuộc sống của người dân. Riêng đối với thôn phải bảo đảm diện tích đất ở và đất sản xuất bình quân của mỗi hộ gia đình ít nhất bằng mức bình quân chung của xã. e) Quy trình và hồ sơ thành lập thôn mới, tổ dân phố mới - Căn cứ nguyên tắc và điều kiện thành lập thôn mới, tổ dân phố mới, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương thành lập thôn mới, tổ dân phố mới; chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện giao Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng Đề án thành lập thôn mới, tổ dân phố mới. Nội dung chủ yếu của Đề án gồm: + Sự cần thiết thành lập thôn mới, tổ dân phố mới; + Tên gọi của thôn mới, tổ dân phố mới; + Vị trí địa lý, ranh giới của thôn mới, tổ dân phố mới (có sơ đồ thể hiện vị trí địa lý); + Dân số (số hộ gia đình, số nhân khẩu) của thôn mới, tổ dân phố mới; + Diện tích tự nhiên của thôn mới, tổ dân phố mới (đối với thôn phải chi tiết số liệu về diện tích đất ở, đất sản xuất), đơn vị tính là hecta; + Các điều kiện khác; + Đề xuất, kiến nghị. - Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lấy ý kiến của toàn thể cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong khu vực thành lập thôn mới, tổ dân phố mới về Đề án thành lập thôn mới, tổ dân phố mới; tổng hợp các ý kiến và lập thành biên bản lấy ý kiến về Đề án. - Đề án thành lập thôn mới, tổ dân phố mới nếu được trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong khu vực thành lập thôn mới, tổ dân phố mới tán thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn chỉnh hồ sơ (kèm theo biên bản lấy ý kiến) trình Hội đồng nhân dân cấp xã thông qua tại kỳ họp gần nhất. Trong thời hạn mười
  • 25. 25 ngày làm việc kể từ ngày có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp huyện. - Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ do Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển đến, Ủy ban nhân dân cấp huyện có Tờ trình (kèm hồ sơ thành lập thôn mới, tổ dân phố mới của Ủy ban nhân dân cấp xã) gửi Sở Nội vụ để thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thời hạn thẩm định của Sở Nội vụ không quá mười lăm ngày làm việc kể từ ngày nhận được Tờ trình và hồ sơ của Ủy ban nhân dân cấp huyện. - Hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gồm: + Tờ trình của Ủy ban nhân dân cấp huyện (kèm theo Tờ trình và hồ sơ thành lập thôn mới, tổ dân phố mới của Ủy ban nhân dân cấp xã trình Ủy ban nhân dân cấp huyện); + Văn bản thẩm định của Sở Nội vụ. - Căn cứ vào hồ sơ trình của Ủy ban nhân dân cấp huyện và kết quả thẩm định của Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét ban hành Nghị quyết thành lập thôn mới, tổ dân phố mới. Sau khi có Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Quyết định thành lập thôn mới, tổ dân phố mới. f) Quy trình và hồ sơ ghép cụm dân cư vào thôn, tổ dân phố hiện có - Đối với trường hợp ghép cụm dân cư vào thôn, tổ dân phố hiện có: Sau khi có quyết định về chủ trương của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng Đề án ghép cụm dân cư vào thôn, tổ dân phố hiện có. Nội dung chủ yếu của Đề án gồm: + Sự cần thiết ghép cụm dân cư vào thôn, tổ dân phố hiện có; + Vị trí địa lý, ranh giới của thôn, tổ dân phố sau khi ghép (có sơ đồ thể hiện vị trí địa lý); + Dân số (số hộ gia đình, số nhân khẩu) của thôn, tổ dân phố sau khi ghép; + Diện tích tự nhiên của thôn, tổ dân phố sau khi ghép (đối với thôn phải chi tiết số liệu về diện tích đất ở, đất sản xuất), đơn vị tính là hecta; + Đề xuất, kiến nghị. - Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lấy ý kiến của toàn thể cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong khu vực thực hiện ghép cụm dân cư (bao gồm cụm dân cư và thôn, tổ dân phố hiện có) về Đề án ghép cụm dân cư vào thôn, tổ dân phố hiện có; tổng hợp các ý kiến và lập thành biên bản lấy ý kiến về Đề án. - Đề án ghép cụm dân cư vào thôn, tổ dân phố hiện có nếu được trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại điện hộ gia đình trong khu vực thực hiện ghép cụm dân cư tán thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn chỉnh hồ sơ (kèm theo biên bản lấy ý kiến) trình Hội đồng nhân dân cấp xã thông qua tại kỳ họp gần nhất. Trong thời hạn mười ngày làm việc kể từ ngày có Nghị quyết của hội đồng nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn chỉnh hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp huyện.
  • 26. 26 Trường hợp Đề án chưa được trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong khu vực thực hiện ghép cụm dân cư tán thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lấy ý kiến lần thứ 2; nếu vẫn không được trên 50% số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tán thành thì trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày có biên bản lấy ý kiến lần thứ 2, Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định. - Hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp huyện gồm: + Tờ trình của Ủy ban nhân dân cấp xã; + Hồ sơ ghép cụm dân cư vào thôn, tổ dân phố hiện có của Ủy ban nhân dân cấp xã. - Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ do Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển đến, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xem xét, thông qua và giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định việc ghép cụm dân cư vào thôn, tổ dân phố hiện có.
  • 27. 27 Chuyên đề 3. NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC I. KHÁI NIỆM, ĐẶC ĐIỂM CỦA QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC 1. Khái niệm quản lý hành chính nhà nước - Khi xem xét quản lý nhà nước, trước hết cần nhận thức đây là dạng quản lý xã hội do Nhà nước tiến hành; theo đó: + Chủ thể quản lý là Nhà nước, thông qua cơ quan trong bộ máy nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức, nhà nước; + Đối tượng quản lý là các quá trình xã hội (hành vi hoạt động của con người); + Mục tiêu của quản lý là thiết lập ổn định trật tự xã hội theo ý chí của nhà nước, tức là thực hiện các chức năng của nhà nước; + Công cụ quản lý chủ yếu của pháp luật; + Phương pháp quản lý đặc trưng là cưỡng chế Vậy, quản lý nhà nước là sự tác động, điều chỉnh của các chủ thể mang quyền lực nhà nước thông qua bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước, chủ yếu bằng pháp luật với phương pháp đặc trưng là cưỡng chế tới các quá trình xã hội nhằm thiết lập trật tự, ổn định trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội theo ý chí của Nhà nước. - Quản lý nhà nước có thể hiểu theo hai nghĩa: + Theo nghĩa rộng: Quản lý nhà nước là tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung trên cả ba phương diện hoạt động là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Theo nghĩa rộng kể trên thì việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của mọi cơ quan trong bộ máy nhà nước hay của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi được Nhà nước trao quyền nhân danh Nhà nước cũng đều được coi là quản lý nhà nước. + Theo nghĩa hẹp: Dưới góc độ phân chia chức năng của Nhà nước ra làm ba phương diện hoạt động cơ bản là lập pháp, hành pháp và tư pháp; thì hành pháp là hoạt động chấp hành, điều hành tức là tổ chức thực thi các quy định của lập pháp. Hoạt động này được gọi là quản lý hành chính nhà nước, có phạm vi hẹp hơn quản lý nhà nước nói chung. Theo nghĩa này, quản lý hành chính nhà nước được hiểu là hình thức hoạt động của Nhà nước thuộc lĩnh vực chấp hành và điều hành được thực thi chủ yếu bởi các cơ quan hành chính nhà nước, có nội dung là bảo đảm chấp hành các quy định của cơ quan quyền lực nhà nước. Tính chấp hành được thể hiện: bảo đảm thực thi trên thực tế các văn bản pháp luật của cơ quan quyền lực nhà nước và các cơ quan nhà nước cấp trên khác; Tính điều hành thể hiện ở chỗ: chủ thể quản lý được tổ chức chỉ đạo trực tiếp trong quá trình chấp hành đối với các đối tượng quản lý.
  • 28. 28 2. Đặc điểm của quản lý hành chính nhà nước Trước hết, quản lý hành chính nhà nước cũng giống như các hoạt động quản lý khác, có các đặc điểm chung sau đây: + Là hoạt động có tính tổng hợp cao, vì nó liên quan đến nhiều đối tượng ở nhiều phạm vi khác nhau; + Là hoạt động có tính ứng dụng cao, vì nhờ đó mà các quá trình xã hội hiệp tác, phân công lao động diễn ra sâu, rộng cả về quy mô và trình độ; + Là hoạt động đòi hỏi tính kế thừa thành tựu tổng hợp của nhiều khoa học khác nhau, vì đó là sự liên kết của nhiều loại lao động khác biệt; + Là hoạt động chỉ huy, điều khiển nên đòi hỏi phải có nghệ thuật - nghệ thuật quản lý. Ngoài ra, quản lý hành chính nhà nước là hoạt động có những đặc điểm riêng cơ bản sau đây: a. Tính quyền lực nhà nước - Tính quyền lực nhà nước của quản lý hành chính nhà nước có nghĩa là khi thực thi các hoạt động quản lý hành chính nhà nước thì các chủ thể được nhân danh và sử dụng quyền lực do Nhà nước giao. Đặc điểm này cho thấy rõ sự khác biệt cơ bản giữa quản lý nhà nước nói chung với các hoạt động quản lý khác. - Quản lý hành chính nhà nước phải mang tính quyền lực nhà nước là do xuất phát từ yêu cầu chung của quản lý nhà nước là phải có căn cứ trên cơ sở quyền lực nhà nước và được trang bị quyền lực nhà nước, do Nhà nước giao. - Trong quản lý hành chính nhà nước, tính quyền lực nhà nước được biểu hiện cụ thể ở những điểm sau: + Có sự bất bình đẳng giữa chủ thể quản lý với các đối tượng quản lý trong mối quan hệ quản lý; + Chủ thể quản lý được ra mệnh lệnh đơn phương một chiều áp đặt cho đối tượng bị quản lý; + Có sự đe doạ áp đặt hoặc trực tiếp áp đặt biện pháp cưỡng chế (trách nhiệm hành chính) đối với đối tượng quản lý không thực hiện mệnh lệnh của chủ thể quản lý. - Khi sử dụng quyền lực nhà nước trong quản lý hành chính nhà nước cần đảm bảo các yêu cầu: + Việc sử dụng quyền lực phải đúng theo quy định của pháp luật; + Việc sử dụng quyền lực không được ảnh hưởng tới các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức b. Tính tổ chức chặt chẽ - Quản lý hành chính nhà nước được tổ chức một cách khoa học và gắn kết các công đoạn, các quá trình của hoạt động quản lý với nhau để đạt được hiệu quả và hiệu lực theo mục đích đã định. - Quản lý hành chính nhà nước đòi hỏi phải có tổ chức chặt chẽ vì mục đích của quản lý hành chính nhà nước là thực thi quyền lực nhà nước trong lĩnh vực chấp hành và điều hành, là hoạt động có tính hướng đích rõ ràng.