SlideShare a Scribd company logo
1 of 97
Download to read offline
1


                          Lê Đại Cang – Tấm gương kẻ sĩ

        Trong ba ngày 8, 9, 10 tháng 1 năm 2013, tại TP Quy Nhơn sẽ diễn ra cuộc hội
thảo khoa học “Lê Đại Cang – Tấm gương kẻ sĩ” do UBND tỉnh Bình Định, Viện Sử học
VN, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc VN phối hợp tổ chức
với sự tham gia của các vị lãnh đạo, các nhà khoa học lịch sử, trí thức văn nghệ sĩ hàng
đầu thủ đô Hà Nội, TPHCM, Bình Định và các địa phương khác trong cả nước.
        Lê Đại Cang (1771-1847) quê ở làng Luật Chánh, xã Phước Hiệp, tỉnh Bình Định
là một danh nhân lịch sử văn võ toàn tài thời Nguyễn, dưới ba triều vua Gai Long, Minh
Mạng, Thiệu Trị. Ông đã có những đóng góp được sử sách ghi nhận trong sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ tổ quốc ở các lĩnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, để lại những
dấu ấn sâu đậm ở cả ba miền đất nước, nhất là ở mảnh đất ngàn năm văn hiến Hà Nội và
miền biên viễn Cực Nam đất nước, nổi tiếng là một kẻ sĩ liêm chính, cương trực, một tấm
gương “tôi trung, con hiếu”.
        Hội thảo này là dịp để tìm hiểu sâu sắc toàn diện về thân thế sự nghiệp danh nhân
Lê Đại Cang cùng những bài học quý giá ông để lại cho hậu thế. VHNVN điện tử xin
giới thiệu một số tham luân sẽ được trình bày tại hội thảo.
2



                               Lê Đại Cang niên biểu
                                          (1771-1847)


       Lê Đại Cang - 黎 大 綱 1 (1771-1847), tự là Thống Thiện - 統 善 , hiệu là Kỳ
Phong - 奇 峯 , biệt hiệu là Thường Chánh Thị - 常 正 氏 , người làng Luật Chánh,
xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.


       1771:
       Sinh ra tại Huế.
       1776-1786:
       Ở Huế, học với cha tại gia đình.
       1787:
       Về quê ở Luật Chánh, Phước Hiệp, Tuy Phước, Bình Định, được học thầy
Nguyễn Tử Nghiễm, thời Tây Sơn làm quan Thị giảng, cha của Nguyễn Tử Diệu,
Thượng thư bộ Hình của triều Nguyễn, rồi thầy Đặng Đức Siêu, sau làm Thượng thư bộ
Lễ của triều Nguyễn.
       1792:
       Cha mẹ bệnh, nối nhau qua đời, phải dừng việc học thầy Đặng Đức Siêu, bắt đầu
nghề dạy học để kiếm sống, tiếp tục tự học cả văn và võ tại quê nhà, nổi tiếng là văn võ
song toàn.
       1802 -1810:
       Năm Gia Long nguyên niên, được Hữu quân Bình Tây tướng quân Quận công
Nguyễn Huỳnh Đức và Hình bộ Thượng thư Tham tri Nguyễn Hoài Quỳnh tiến cử với
triều Nguyễn Gia Long, được bổ chức Tri huyện Tuy Viễn, có thời gian bị vu là tham
tang, bị mất chức, được hậu quân Lê Chất minh oan, được phục chức.
       1811:
       Năm Gia Long thứ 9, theo giới thiệu của Hậu quân Lê Chất, Tổng hiệp trấn Bắc
thành, được điều ra Bắc Thành, thăng Binh bộ thiêm sự, lo việc từ chương.
       1821:
1
3


       Năm Minh Mạng thứ 2, sung chức Biện lý bang giao sứ sự ở công quản Gia Quất
lo việc đón tiếp sứ nhà Thanh.
       1822:
       Giữ chức Hiệp trấn Sơn Tây.
       1823 – 1824:
        Được điều về Nam làm Cai bạ Quảng Nam. Năm 1824, phụ trách huy động hơn
3000 người khơi đào sông Vĩnh Điện dài 1630 trượng, công trình thủy lợi quan trọng ở
Quảng Nam, thành công, được vua ban thưởng.
       1824-1826:
       Tháng 9/1824 được điều vào làm Cai bạ Vĩnh Thanh (Vĩnh Long). Tháng 5 năm
1825, sông đào Vĩnh Điện ở Quảng Nam bị sụt lở, bị vua quở trách và cách chức nhưng
cho cách lưu. Đây là lần cách lưu đầu tiên trong lịch sử. Đại Nam thực lục ghi: “Cai bạ
Vĩnh Thanh là Lê Đại Cương vì trước kia trông coi đào sông Vĩnh Điện ở Quảng Nam,
bờ sông vỡ lở bị xử tội đồ. Vua đặc cách gia ơn đổi làm án cách lưu. Bộ Lại tâu rằng án
cách lưu trước đây chưa có làm qua, xin nên truy thu hết bằng sắc từ lúc xuất thân đến
nay, rồi làm bằng cấp của đình thần phát cho giữ lấy, đợi sau được khai phục sẽ xét
phẩm trật mà cấp trả lại. Vua theo. Sau lấy đó làm lệ”.
       Tháng 9 năm 1826 được vua triệu về Kinh, Tổng trấn Gia Định thành, Tả quân Lê
Văn Duyệt dâng sở tâu xin giữ lại làm Tuyên phủ sứ phủ Lạc Hóa (tức Trà Vinh ngày
nay). Vua không cho.
       1826 - 1827:

       Năm Minh Mạng thứ 7, tháng 11, được đưa về triều bổ Thị lang bộ Hình rồi đến
tháng 5/1827 thăng Tham tri bộ Hình. Năm Minh Mạng thứ 8, tháng 7 được vua cử làm
khâm sai ra Bắc thành xem xét xử các vụ án hình tồn đọng. Vua dụ rằng: “Bắc Thành
gần đây bị vỡ đê, bọn tào trưởng Vũ Xuân Cẩn phải đi phát chẩn, việc án để đọng, không
thể chóng làm xong được. Để đọng một ngày thì dân chịu khổ một ngày, ngươi nên thanh
lý cho chóng. Hết thảy các án kiện giao cho, cùng án mạng án cướp trong hạt, đến tháng
11 phải xét xử xong. Còn như tạp án tầm thường thì do thành xét xử, đến cuối năm phải
xong cả, khiến toà không có án để đọng, ngục không có tù giam lâu, để đáp ý trẫm cẩn
thận việc ngục thương xót việc hình”. Tháng 11, đúng thời hạn vua ra hoàn thành nhiệm
vụ, trở về kinh, được vua ban khen.
4


       1828 -1830:
       Tháng 9 năm 1828 được vua điều sang phụ trách quản lý nha đê chính, Trước khi
Lê Đại Cang lên đường ra Bắc, vua Minh Mạng dụ rằng : "Việc chống lụt quan hệ rất
lớn. Ngươi là người biết lẽ, trước kia việc hình ngục ở Bắc Thành, ngươi đến nơi là làm
xong ngay. Nay trách nhiệm về Đê chính càng nặng nề. Lần này đi, nên hết lòng xếp đặt để
cho nước chảy thuận dòng, cho dân càng mừng êm sóng thì công ấy chẳng nhỏ đâu". .Ông
từ kinh đô ra Bắc thành thi hành nhiệm vụ. Tháng 11/1828, trực tiếp chỉ đạo khởi công
đắp hệ thống đê công mới ở Bắc thành với công trình lớn có 18 sở, công trình nhỏ hơn
1000 sở. Tháng 12/1828 được vua ban thưởng vì công trạng trong việc đắp đê. Tháng 4
năm 1829 vì vỡ đê ở Đa Hòa, Kim Quan, bị giáng chức xuống 3 cấp. Tháng 8/1829, công
việc đăp đê ở Bắc Thành hoàn tất, các đoạn đê vỡ được gia cố vững chắc, Lê Đại Cang
được phục chức. Trong thời gian này, đã biên soạn cuốn sách thống kê hết sức công phu,
cụ thể về hệ thống đê công tư ở Bắc thành. Đại Nam thực lục viết: “Đê chính thần Lê Đại
Cương dâng sách tổng kê các đê công tư ở Bắc Thành: Đê điều các trấn Sơn Tây, Sơn
Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương và phủ Hoài Đức thuộc hạt thành, đoạn nào đắp
tự năm nào, đời nào, đoạn nào ở địa phận xã thôn nào, cùng dạng thức cao rộng bao
nhiêu, sổ sách không rõ, từ trước đến nay người lãnh chức Đê chính phàm có sửa đắp,
chỉ cứ theo sở tại khai báo mà giao làm, đến khi làm xong, cũng chỉ tới chỗ đê mới mà
khám biện thôi. Từ khi Lê Đại Cương chuyên coi việc đê mới đi khắp xem xét. Những chỗ
đê gần sát bờ sông, thân đê sụt nứt, chiếu lệ đại công trình mà đắp đê mới, tất cả 18 sở,
ngoài ra các đê mới cũ đắp từ đời trước và từ năm Gia Long thứ 2 trở lại, nhiều lần sửa
đắp, phàm chỗ thế nước chảy xói nên quý làm đê công, thì theo lệ tiểu công trình mà sửa
đắp, chỗ nào thế nước tầm thường nên làm đê tư thì cho dân coi giữ, chỗ nào nên bỏ thì
san đi. Đến bấy giờ cứ các đê điều cho đến cống nước ở đê, họp làm sách tổng kê để
phòng xem đến”. Tháng 6/1830, do vỡ đê ở Sơn Nam, Lê Đại Cang lại bị cách chức.
Tháng 8/1830, khắc phục tốt hậu quả vỡ đê lại được phục chức và ban thưởng. Được cữ
kiêm Hình tào Bắc thành.
       1831 - 1832:
       Tháng 9, được cử làm chủ khảo khoa thi hương ở trường thi Bắc thành. Trong số
hơn 20 người đỗ cử nhân ở trường thi này có Cao Bá Quát.
5


       Tháng 10, được quyền giữ ấn triện Tổng trấn Bắc thành và thăng làm thự Binh bộ
Thượng thư, Đô sát viện Hữu đô ngự sử, Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên kiêm Tuần phủ Sơn
Tây, nổi tiếng là chính sự giỏi.
       Tháng 11, do ra lệnh chém đầu một kẻ phóng hỏa đốt nhà người khác, bị vua phạt
1 năm bổng. Bị dân hạt Sơn Tây về kinh kiện tội tham nhũng, vua cho tra xét thấy ông
không có tội nên triệu về kinh cho yết kiến và dụ rằng: “Người làm việc nhanh, giỏi.
Trẫm đã chọn biết. Việc tiểu dân kiện, xét ra là kiện vu, thì tâm tính của ngươi đã rõ rồi.
Đại thần vì nước, nên hết sức làm việc nên làm”. Tháng 7 năm 1832, kiêm lĩnh Tổng đốc
Hà Nội - Ninh Bình.
       Tháng 10/1832 được triệu về kinh và tháng 11 được giao làm Tổng đốc An Giang
– Hà Tiên, kiêm lĩnh ấn “Bảo hộ Chân Lạp quốc”. Trước khi đi nhậm chức, Minh Mạng
vời Lê Đại Cương vào ra mắt và dụ rằng: “An Giang là tỉnh mới đặt, trong thì trấn thủ, vỗ
về nước Phiên, ngoài thì khống chế nước Xiêm, sự thể rất quan trọng. Ngươi nay cai trị
đất ấy, phàm những việc quân, dân, trọng đại cùng thành trì và kho tàng đều nên hết sức
lo liệu để phu phỉ ý ta mong ngươi làm được thành công”.
       1833 – 1838:
       Năm Minh Mạng thứ 14, chủ trì việc xây thành mới An Giang, chấn chỉnh quân
đội, huấn luyện binh sĩ tại đây. Chủ trì khai mở đường thủy từ sông Tiền Giang ở Tân
Thành thẳng đến sông Hậu Giang ở Châu Đốc dài hơn 3000 trượng. Chiêu mộ được 10
đội quân Phiên (Chân Lạp) xin đặt tên được vua đặt tên là cơ An Biên.
       Tháng 6/1833, họa phản loạn Lê Văn Khôi nổi lên, vua ra lệnh cho Lê Đại Cang
hợp sức đánh dẹp. Lê Đại Cang được vua cấp kính thiên lý cùng Trương Minh Giảng, Lê
Phúc Bảo, Phan Văn Thúy để hội quân đánh giặc. Quan quân triều đình bị hỏa công của
Lê Văn Khôi đánh trả nên thua, để Lê Văn Khôi chiếm Định Tường, An Giang, Hà Tiên.
Lê Đại Cang làm sở xin chịu tội. Vua cách chức Tổng Đốc cho làm “đới lãnh binh dũng
quân tiền hiệu lực”. Được cho tạm quyền quản lĩnh binh dõng dưới quyên, Lê Đại Cang
đã tập hợp tàn quân, tuyển thêm binh lính người Việt và người Miên xây dựng một đội
quân mạnh trên 2000 người phối hợp với viện binh triều đình phản công giặc Khôi và
quân xâm lược Xiêm, tái chiếm lại An Giang và các vùng đất đã mất, kể cả Chân Lạp.
Chỉ trong 4 tháng được thăng liên tục các chức Binh bộ Viên ngoại lang, kiêm Phó lãnh
binh, rồi Án sát sứ, Bố chính sứ kiêm Lãnh binh và thự lý Tuần phủ An Giang.
6


          Tháng 3/1834, quân Xiêm lại động binh uy hiếp Chân Lạp, Lê Đại Cang tâu vua
xin đem quân đánh giữ. Sau khi chỉ huy cánh quân theo đường bộ Quang Hóa phối hợp
các cánh quân theo đường thủy do Trương Minh Giảng chỉ huy đảnh đuổi quân Xiêm ra
khỏi Cao Miên. Tháng 6/1834, được thăng Tham tri bộ Binh, Tuần phủ An Giang, được
Minh Mạng giao đưa vua Cao Miên từ Việt Nam về nước, lưu lại Nam Vang lo việc bảo
hộ Cao Miên.
          Tháng 12/1834, vua Cao Miên qua đời, vâng mệnh vua lập công chúa con gái vua
Cao Miên làm quận chúa.
          Năm 1835, do Cao Miên không có vua, Minh Mạng lập làm Trấn Tây thành thuộc
nước ta, ông được bổ làm Trấn Tây tham tán đại thần cùng Trương Minh Giảng giữ chức
tướng quân cùng sắp đặt việc kinh lý Cao Miên. Được vua nhiều lần ban khen đã làm tốt
chức trách điều hành Trấn Tây Thành. Tháng 7/1835, được quyền lính ấn Tổng đốc quan
phòng An Giang – Hà Tiên.
          Năm 1836, năm 65 tuổi, xin vua về hưu nhưng vua Minh Mạng không cho, châu
phê “Lão đương ích tráng” và dụ gắng sức ở lại làm việc. Tiếp tục làm Tuần phủ An
Giang kiêm Trấn Tây tham tán đại thần.
          1938 -1840:
          Tháng hai 1838, loạn người Cao Miên nổi lên ở Hải Đông, Khai Miên, thổ binh
Cao Miên ở đây theo loạn đảng, Lê Đại Cang bị quy tội “khinh nhờn”, bị cách chức Tuần
phủ An Giang kiêm Trần Tây tham tán đại thần, phải theo quân thứ Hải Đông hiệu lực.
Trương Minh Giảng cũng bị quy tội bao che cho Lê Đại Cang, bị khiển trách. Tại đạo Trà
Gi, quân thứ Hải Đông, Lê Đại Cang đã đứng ra huấn luyện binh đội ở đây từ yếu thành
mạnh, có sức chiến đấu cao rồi đem quân kéo tới hợp với binh triều của Trương Minh
Giảng, Dương Văn Phong đánh dẹp loạn đảng và giặc Xiêm. Giảng và Phong đem việc
ấy tâu vua Minh Mạng mong vua cho Lê Đại Cang đoái công chuộc tội, nhưng vua không
bằng lòng, còn truyền rằng: “Đại Cang bị cách hiệu, sao dám tự tôn mình là đại tướng,
chẳng sợ phép nước, chẳng kiêng công luận. Vậy Đại Cang phải tội trảm giam hậu,
Trương Minh Giảng giáng xuống làm Binh bộ thượng thư, còn Dương Văn Phong giáng
3 cấp”.
          Bị đưa về triều giam ít lâu rồi bị phát đi ở đồn điền ở Nguyên Thượng.
          1841 -1842:
7


       Năm Thiệu Trị thứ nhất, 1841, tháng 7, được vua Thiệu Trị phục chức Viên ngoại
lang, khâm sai Bắc kỳ biện lý bang giao sứ vụ lo việc bang giao với Trung Quốc. Tháng
10 cùng năm được giao nhiệm vụ làm khâm sai mang cờ biển đi đến các nơi hành cung,
sứ quán ở Hà Nội, Bắc Ninh, Lạng Sơn xem xét công việc chuẩn bị cho việc thụ phong
của vua Thiệu Trị. Hoàn thành tốt việc đó, tháng 12, được thăng thự Bố chánh sứ Hà Nội.
       Sau hơn 1 năm làm Thự Bố chánh sứ Hà Nội, tháng 10/1842, năm 72 tuổi, xin về
hưu, được vua Thiệu Trị chuẩn y.
       1842 -1847:
       Ông về quê khôi phục từ đường họ Lê ở làng Luật Chánh, lập ra chùa Giác Am để
tu tâm dưỡng tính và lấy hiệu là Giác Am cư sĩ và lập Văn chỉ Tuy Phước làm nơi tụ họp
văn nhân Tuy Phước, Quy Nhơn.
       Ông mất tại quê nhà ngày 24 tháng 8 (âm lịch) 1847, thọ 76 tuổi.


       Trần Phương Lan (lập)


       Tài liệu tham khảo:
       1.     Quốc triều chính biên toát yếu – Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1998.
       2.      Đại Nam thực lục, Nhà xuất bản Giáo dục, 2004, tập 1,2,3,4,5,6.
       3.     Đại Nam Liệt truyện chính biên, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2006.
       4.     Lê Đại Cang và Lê thị gia phả, Nhà xuất bản Dân trí, 2011.
8



                         SUY NGHĨ VỀ HÀNH TRẠNG, SỰ NGHIỆP

                         CỦA DANH NHÂN LỊCH SỬ LÊ ĐẠI CANG



                                                             PGS.TS. Nguyễn Minh Tường

                                                                                (Viện Sử học)



               Lê Đại Cang - 黎 大 綱2 (1771-1847), tự là Thống Thiện - 統 善, hiệu là
Kỳ Phong - 奇 峯, biệt hiệu là Thường Chánh Thị - 常 正 氏, người làng Luật Chánh, xã
Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

               Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, thì tiên tổ của Lê Đại Cang vốn là
người Nghệ An. Ông tổ xa đời là Lê Công Triều từng làm quan dưới triều Lê Trung
hưng. Chính Lê Đại Cang, trong Lê thị gia phả cũng cho biết: “Thủy tổ là Lê Công Triều,
gốc Thừa tuyên Nghệ An, phủ Hà Hoa, huyện Kỳ Hoa, phường Hà Tân, làm quan nhà Lê
có công. Vừa lúc Thái Tổ Hoàng đế (chỉ Nguyễn Hoàng – TG) dời vào Thuận Hóa khai
cơ, ông đem gia quyến theo, đến ở phường Trung An, xã Lê Dương, huyện Bồng Sơn,
phủ Hoài Ninh…”3.

               Sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo, lại sớm mồ côi cha lẫn mẹ,
bằng con đường khổ học, đầy ý chí và nghị lực, Lê Đại Cang đã trở thành một danh nhân
lịch sử khá nổi tiếng vào nửa đầu thế kỷ XIX. Tìm hiểu hành trạng và sự nghiệp của Lê
Đại Cang, giúp cho hậu thế chúng ta có được nhiều bài học quý báu.

       Dưới đây, chúng tôi xin trình bày đôi điều suy nghĩ của mình về vấn đề trên như
sau:

2
  . Về tên của Danh nhân lịch sử Lê Đại Cang - 黎 大 綱. Có 2 cách phiên thiết:
          a. Thuyết văn giải tự: Cổ lang thiết, tức Cang.
          b. Khang Hy tự điển: - Cổ lang thiết (Quảng Vận), tức Cang.
                                - Cư lang thiết (Tập Vận), tức Cang.
          c. Từ Nguyên: Ca khang thiết, âm Cương, tức Cương.
          - Nhóm Dịch giả (Viện Sử học) dịch Đại Nam thực lục chính biên, dịch là Lê Đại Cương.
          - Vũ Ngọc Liễn dịch Lê thị gia phả, dịch là Lê Đại Cang.
          Trong bài viết này, chúng tôi theo cách đọc của Dịch giả Vũ Ngọc Liễn, vì cho rằng âm
Cang là âm đọc của địa phương Bình Định và trong dòng họ Lê của ông.
3
  . Lê Đại Cang: Lê Thị gia phả. Nxb Dân Trí, H. 2011, bản dịch của Vũ Ngọc Liễn, tr. 80.
9


       I. Lê Đại Cang – Một nhân cách lớn, một nghị lực kiên cường trước những
sóng gió của cuộc đời

       Thuở xưa, kẻ sĩ “thập niên đăng hỏa” theo học đạo Nho, mà thường được gọi một
cách trân trọng là “Đạo Thánh hiền”, luôn cố gắng đạt được hai mục tiêu: “Tu kỷ” và
“Hành đạo”. Trong các sách kinh điển Nho gia còn gọi là “Nội Thánh”, “Ngoại Vương”.
Đó là một hoài bão lớn vừa có tính “Nội hướng” vừa có tính “Ngoại hướng”.

       Trong hai tính chất trên, thì cái học “Nội Thánh”, tức việc sửa mình để có đạo
cao, đức trọng, được kẻ sĩ của mọi thời coi là cái gốc của sự xử kỷ, tiếp vật. Điều này
được Tăng tử - một đại môn đồ của Khổng tử (551 – 479 tr. Cn) nói rõ trong sách Đại
học:

       - “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản” (自 天 子 以 至
於 庶 人,一 是 皆 以 修 身 為 本 – Từ thiên tử cho đến kẻ thứ nhân, tất cả đều lấy việc
sửa mình làm gốc).

       Hoặc vị A′Thánh của đạo Nho là Mạnh tử (khoảng 372-289 tr. Cn) cũng từng
nhấn mạnh trong thiên Tận tâm hạ, sách Mạnh tử:

       - “Quân tử chi thủ, tu kỳ thân nhi thiên hạ bình” (君 子 之 守,修 其 身 而 天 下
平 – Điều mà người quân tử luôn giữ gìn là sửa thân mình mà thiên hạ bình trị).

       Tuy nhiên, “tu thân” (sửa mình) không phải mục đích cứu cánh của Nho gia. Tư
tưởng luân lý - chính trị của Nho gia là: Tu, Tề, Trị, Bình - 修,齊,治,平. Nói tắt của
“tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Mục đích của việc trị đạo, việc “tu – tề” là “trí
quân, trạch dân”, là “tân dân” - 新 民: làm cho nền chính trị ngày một đổi mới, hoàn
thiện, đời sống dân chúng ngày một yên bình, no đủ. Có một điều trớ trêu thay của lịch
sử, là kẻ sĩ sinh ra ở “thời loạn”, thì dễ bộc lộ tài năng của mình hơn là “thời trị”. Không
phải ngẫu nhiên thời Tiên Tần, hay còn gọi là thời Xuân Thu – Chiến Quốc (770 – 221 tr.
Cn) của Trung Quốc đã xuất hiện lắm kẻ sĩ tài ba đến như vậy!

       Do đó, ở một mức độ nào đó, có thể nói Lê Đại Cang đã “gặp thời”, khi sinh ra
vào lúc xã hội chưa ổn định, nền chính trị chưa hoàn chỉnh, đất nước đang có những xáo
trộn, giằng co lớn. Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, tổ tiên ông mặc dù từng làm
10


quan triều Lê, nhưng “đến Cương mới lấy văn học hiển đạt”4. Ở đây, thiết tưởng cũng
nên làm rõ nghĩa của chữ “Hiển đạt” của sử thần Quốc sử quán triều Nguyễn? Sách Từ
Nguyên giải thích: 顯,達 也。 達 而 在 上 曰: 顯,有 聲 聞,名 譽 也 (Hiển, đạt dã.
Đạt nhi tại thượng viết: Hiển, hữu thanh văn, danh dự dã. Nghĩa là: Hiển, tức là thành
đạt. Thành đạt mà ở vào vị trí cao, thì gọi là Hiển. Người hiển đạt là người có danh tiếng
sang trọng, vẻ vang)5. Qua đó, ta thấy theo quan niệm của sử thần thời quân chủ: làm
quan như Thủy tổ họ Lê là Lê Công Triều, có lẽ giữ chức Khám lý đề đốc hoặc huyện
Bồng Sơn, hoặc phủ Hoài Ninh6, hay như Lê Công Miễn, Thượng thư Hình bộ7, cũng
không được coi là “hiển đạt”.

       Tôi đọc tiểu sử, hành trạng của Lê Đại Cang, trong các bộ chính sử triều Nguyễn
như: Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam chính biên liệt truyện…, nhận thấy con
đường hoạn lộ của ông có quá nhiều sóng gió, hiểm nguy. Tôi đồng tình với nhận định
dưới đây của hai tác giả Quách Tấn – Quách Giao khi viết: “Là một danh sĩ nổi tiếng về
văn chương cũng như võ nghệ. Cuộc đời làm quan của ông cũng giống như Nguyễn Công
Trứ, lận đận nhiều phen. Khi thì làm quan to, lúc lại làm lính đi khiêng võng. Nhưng tư
cách và chí khí vẫn hiên ngang”8.

       Vấn đề được đặt ra là: Vì sao cuộc đời làm quan của Lê Đại Cang “lận đận nhiều
phen” như thế, mà vẫn giữ được “tư cách và chí khí hiên ngang”?

       Tôi thiết nghĩ lý giải được vấn đề này không đơn giản chút nào.

       Tôi cho rằng ít nhất có 3 nguyên nhân sau đây để làm nên vị danh nhân lịch sử 奇
峯 - 黎 大 綱 : Kỳ Phong9 – Lê Đại Cang vào nửa đầu thế kỷ XIX ấy.

       Thứ nhất, là truyền thống “Người xứ Nghệ”, nguyên quán của Lê Đại Cang. Xưa
nay, chúng ta đều hiểu “Xứ Nghệ” là một tiểu vùng văn hóa, bao gồm 2 tỉnh Nghệ An và
4
  . Đại Nam chính biên liệt truyện. Nxb Thuận Hóa – Huế, 1993, tập 3, tr. 336. Chúng tôi chủ
trương nên phiên âm tên ông là “Cang”, nhưng ở đây và kể cả sau này, vì tôn trọng cách dịch của
các dịch giả tiền bối, chúng tôi vẫn trích dẫn là “Cương”.
5
  . Từ Nguyên. Bộ Hiệt, tập Tuất, tr. 1632.
6
  . Lê Đại Cang: Lê thị gia phả. Sđd, tr. 81.
7
  . Lê Đại Cang: Lê thị gia phả. Sđd, tr. 94.
8
  . Lê Đại Cang: Lê thị gia phả. Sđd, tr. 17.
9
 . Kỳ Phong - 奇 峯: tên hiệu của Lê Đại Cang. Tên Tự: Thống Thiện - 統 善, có nghĩa là: “Hợp
mọi điều thiện”, có liên hệ về nghĩa với tên Nhũ danh Lê Đại Cang (Tam Cang – Ngũ Thường,
gọi tắt là “Cang Thường”). Còn tên Hiệu là tên có ý nghĩa gửi gắm hoài bão, chí hướng của mình.
“Kỳ Phong” là Ngọn núi kỳ vĩ.
11


Hà Tĩnh. Đó là vùng đất từ huyện Quỳnh Lưu ở phía Bắc cho tới Kỳ Anh ở phía Nam,
chiều dài khoảng 200 km.

        Từ khoảng giữa thế kỷ XVI, năm 1558, vị thủy tổ dòng họ Lê này là Lê Công
Triều, người phường Hà Tân, huyện Kỳ Hoa10 (nay là Kỳ Anh), theo Nguyễn Hoàng vào
Thuận Hóa. Sau này, chắc hẳn Lê Công Triều được bổ làm Khám lý đề đốc huyện Bồng
Sơn, Bình Định, nên gia tộc họ Lê của ông đã định cư tại đây. Tuy nhiên, dòng họ Lê của
Lê Đại Cang vẫn giữ nguyên những tính cách ưu trội của người xứ Nghệ là: Ý chí vượt
khó khăn, khắc phục hoàn cảnh, giàu chí tiến thủ; Hiếu học đến mức “khổ học”, cầu học
vì có ý chí thành danh bằng con đường học vấn; Khí khái, thẳng thắn, chân thực trong
ứng xử xã hội, v.v…

        Thứ hai, có “hạt giống tốt”, lại cần được gieo trồng trong điều kiện “mảnh đất tốt
lành”, mới mong có mùa thu hoạch như ý. “Mảnh đất tốt lành” của dòng họ Lê (Lê Đại
Cang), đó là vùng đất Bình Định – quê hương mới của ông. Sách Đại Nam nhất thống
chí của Quốc sử quán triều Nguyễn từng nhận định về người dân Bình Định nói chung và
kẻ sĩ nơi đây nói riêng như sau: “Học trò chăm học, nhân dân siêng cày, dệt; tính tình
trầm tĩnh, dũng cảm, thích việc nghĩa; buôn bán và kỹ nghệ chỉ được độ hai, ba phần
mười; người học thức phần nhiều nho nhã, trung hậu…”11.

        Nhưng, theo tôi nguyên nhân thứ ba sau đây, có tính chất quyết định để hình
thành nên Nhân cách lớn, một nghị lực kiên cường của danh nhân lịch sử Lê Đại Cang
trước những sóng gió của cuộc đời. Đó là nhân cách của một bậc Quân tử - Đại trượng
phu; mẫu người lý tưởng mà tư tưởng Khổng – Mạnh cấp cho Lê Đại Cang, từ hồi còn
chập chững bước vào đời. Các nhà giáo dục đều thống nhất ý kiến cho rằng: Những gì
con người được học vào cái thời còn trẻ tuổi, tức từ khoảng 7, 8 tuổi đến 18, 20 tuổi, thì
sẽ góp phần quyết định tạo nên nhân cách, tính cách của người ấy và sẽ còn đi mãi với họ
trong suốt cả cuộc đời…

        Chúng ta đều biết Nho giáo là một học thuyết chính trị và đạo đức, tồn tại trong
khoảng thời gian hơn 2000 năm dưới thời cổ đại và trung đại ở phương Đông, trong đó có
Việt Nam. Đóng góp quan trọng của tư tưởng Khổng tử và Mạnh tử là học thuyết về đạo
10
   . Kỳ Hoa. Năm 1841, khi vua Thiệu Trị lên ngôi, vì kỵ húy tên phụ mẫu là Hồ Thị Hoa, nên cho
đổi thành Kỳ Anh.
11
   . Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí. Nxb Khoa học xã hội, H. 1971, tập 3, tr.
13.
12


đức. Điều cần lưu ý là học thuyết đạo đức của Khổng - Mạnh luôn gắn liền với học thuyết
chính trị của các ông. Khổng tử và Mạnh tử đều coi trọng sự hoàn thiện về đạo đức là sự
hoàn thiện về nhân cách. Khổng tử đề xuất “Tam đức”: Nhân - Trí - Dũng (仁,智,勇),
Mạnh tử đề xuất “Tứ đoan”: Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí (仁,義,禮,智) và coi sự thống
nhất của chúng ở một con người là nhân cách trọn vẹn…

        Chúng ta đều biết rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969), vốn xuất thân từ một
gia đình nhà Nho “Xứ Nghệ”. Năm 1923, chính Bác Hồ tự giới thiệu tại Liên Xô rằng:
“Tôi xuất thân từ một gia đình nhà Nho Việt Nam, trong đó các thanh niên đều theo học
Đạo Khổng”12. Ngay từ thời trẻ, Bác Hồ đã học cách “lập chí”, trong việc “thành nhân”
của Đạo Nho, nên Người không sợ và không bao giờ chùn bước trước muôn vàn khó
khăn trong cuộc đời. Vào thập kỷ 40 của thế kỷ XX, Bác Hồ từng khẳng định: “Học
thuyết của Khổng tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân”13.

        Trở lại với việc hình thành “Nhân cách lớn, nghị lực kiên cường” của Lê Đại
Cang, chúng tôi cho rằng ông đã tiếp thu trực tiếp từ những lời dạy của Khổng tử, Mạnh
tử và nhiều vị Đại Nho khác được rút ra từ các bộ sách kinh điển của Nho gia. Do giới
hạn của một bài luận văn khoa học, tôi chỉ xin trích dẫn một vài câu để làm minh chứng
cho những nhận định nói trên.

        Trong bộ sách Luận ngữ, Khổng tử nói:

        “Chí sĩ nhân nhân vô cầu sinh dĩ hại nhân; Hữu sát thân dĩ thành nhân” (志 士 仁
人 無 求 生 以 害 仁; 有 殺 身 以 成 仁: Bậc chí sĩ, nhân nhân chớ vì bảo tồn sinh mạng
mà làm hại điều nhân; trái lại có khi phải hy sinh tín mạng để hoàn thành điều nhân. –
Luận ngữ - Vệ Linh công).

        Hoặc, Khổng tử cho rằng chỉ khi nào gặp những điều kiện cực kỳ khó khăn, mới
hiểu rõ được phẩm chất dũng cảm đích thực của một con người.

        Khổng tử nói: “Tuế hàn, nhiên hậu tri tùng bách chi hậu điêu dã” (歲 寒,然 後
知 松 柏 之 後 彫 也: Chỉ khi nào gặp năm cực rét, mới biết cây tùng, cây bách rụng lá
cuối cùng [sau mọi loại cây khác]. – Luận ngữ - Tử Hãn).



12
  . Dẫn theo: Nho giáo xưa và nay. Vũ Khiêu (chủ biên). Nxb Khoa học xã hội, H. 1991, tr. 229.
13
  . Dẫn theo: Nho giáo xưa và nay. Sđd, tr. 227.
13


       Tuy nhiên, tìm hiểu về hành trạng, sự nghiệp của Lê Đại Cang, tôi nhận thấy mẫu
hình nhân cách lý tưởng của ông muốn đạt tới là bậc Đại Trượng phu của Mạnh tử, hơn
là bậc Quân tử của Khổng tử. Tôi cho rằng cái bản lĩnh đặc biệt mà Lê Đại Cang có
được, một phần không nhỏ là chịu ảnh hưởng và tu dưỡng theo mẫu hình Đại Trượng
phu của Mạnh tử. Tôi thiển nghĩ trong nền văn hóa phương Đông, ít có người bàn về bậc
Đại Trượng phu hay như Mạnh tử.

       Đọc những câu mà Mạnh tử luận về vấn đề này, không khi nào tôi tránh khỏi sự
xúc động mạnh mẽ:
       “Cư thiên hạ chi quảng cư;
       Lập thiên hạ chi chính vị;
       Hành thiên hạ chi đại đạo;
       Đắc chí, dữ dân do chi;
       Bất đắc chí, độc hành kỳ đạo.
       Phú quý bất năng dâm; Bần tiện bất năng di; Uy vũ bất năng khuất.
       Thử chi vị Đại Trượng phu”.
       (居 天 下 之 廣 居
       立天下之正位
       行天下之大道
       得 志,與 民 由 之
       不 得 志,獨 行 其 道
       富 貴 不 能 淫; 貧 賤 不 能 移; 威 武 不 能 屈。
       此 之 謂 大 丈 夫。
       - Sống ở nơi rộng rãi của thiên hạ
       Đứng ở vị thế chính đáng của thiên hạ
       Đi trên con đường lớn của thiên hạ
       Lúc đắc chí gặp thời thì ra làm quan, cùng chung sức với dân để đạt tới điều
“Nhân”.
       Khi bất đắc chí, không gặp thời, thì ở ẩn, tu thân một mình giữ “Đạo”.
       Lúc giàu sang không buông tuồng quá mức; Khi gặp cảnh nghèo khó, không thay
đổi chí hướng; Gặp uy vũ, bạo lực không chịu để bị khuất phục.
14


        Làm được những điều trên, xứng đáng gọi là bậc Đại Trượng phu. – Mạnh tử -
Đằng văn công hạ).

        Qua kinh nghiệm trường đời, Mạnh tử đã nhận thấy rằng: Người ta có lầm lỗi,
thất bại, mới có ăn năn, hối hận, và do đó, suy nghĩ mới sâu sắc hơn; người ta có chịu đau
đớn trong lòng, có phải trầm tư mặc tưởng, cân nhắc suy nghĩ mới rút ra được những kinh
nghiệm quý báu trong công việc sau này… Như vậy, theo Mạnh tử, một người trở nên
hữu ích cho xã hội, cần phải được tôi luyện trong gian khổ cả thân xác, lẫn tinh thần, tựa
như vàng ròng chỉ được tinh luyện trong lửa đỏ.

        Mạnh tử nói: “Cố thiên tương giáng đại nhiệm ư thị nhân dã; Tất tiên khổ kỳ tâm
chí, lao kỳ cân cốt, ngã kỳ thể phu; không phạp kỳ thân; hành phật loạn kỳ sở vi, sở dĩ
động tâm nhẫn tính, tăng ích kỳ sở bất năng” (故 天 將 降 大 任 於 是 人 也; 必 先 苦
其 心 志,勞 其 筋 骨,餓 其 體 膚; 空 乏 其 身; 行 佛 亂 其 所 為,所 以 動 心 忍
性,曾 益 其 所 不 能 – Cho nên, Trời sắp trao trách nhiệm lớn cho một người nào đó,
thì ắt trước hết làm khổ tâm chí của họ, làm mệt gân cốt của họ, khiến da thịt họ phải đói
lả, khiến thân xác họ phải nghèo túng, gây ra những ngang trái, rối loạn trong các hành vi
của họ, cốt họ động cái tâm, nhẫn nhục cái tính, cho tăng thêm những gì mà họ còn thiếu
hụt, chưa có khả năng. – Mạnh tử - Cáo tử hạ).

        Tôi đọc Lê thị gia phả, Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam chính biên liệt
truyện, Quốc triều chính biên toát yếu…, nhận thấy cuộc đời của Lê Đại Cang trước khi
ra xuất chính và thời kỳ làm quan với vương triều Nguyễn gặp khá nhiều biến cố, nhưng
trong đó có hai biến cố lớn, thử thách nhân cách Đại Trượng phu ở ông.

        Sách Quốc triều chính biên toát yếu chép rằng: “Tháng 5 năm Quý Tỵ (1833).
Nguyên Tả quân Minh nghĩa Vệ úy Lê Văn khôi… làm loạn, chiếm giữ thành Phiên
An14, giết Bố chánh Bạch Xuân Nguyên… Tháng 6, Lê Văn Khôi cùng đảng chúng xâm
phạm tỉnh Biên Hòa, thự15 Tuần phủ Võ Quýnh, Án sát Lê Văn Trác, Lãnh binh Hồ Kim
Truyền chạy cả, tỉnh lỵ thất thủ… Đảng giặc Phiên An phạm tỉnh Định Tường, tỉnh thành
thất thủ. Tổng đốc Long – Tường (Vĩnh Long – Định Tường) Lê Phúc Bảo, Tổng đốc An
– Hà (An Giang – Hà Tiên) Lê Đại Cương đều bị cách lưu16…”17.
14
   . Năm 1835, đổi Phiên An thành Gia Định.
15
   . Thự: cũng giống như “Quyền” ngày nay, tạm giữ chức, nếu làm tốt, thì chính thức bổ nhiệm.
16
   . Cách lưu: bị cách chức Tổng đốc, nhưng được lưu lại tại nhiệm sở làm việc.
17
   . Cao Xuân Dục: Quốc triều chính biên toát yếu. Nxb Thuận Hóa – Huế 1998, tr. 211, 212.
15


       Trong Lê thị gia phả, Lê Đại Cang cũng có mô tả khá chi tiết biến cố lớn này, và
tự nhận định rằng: “Cuộc đời đã trải qua của tôi chưa hề gặp sự gian hiểm nào như lúc
này. Nhưng gánh nặng biên cương, sự thất bại ở góc trời Đông, để mất thành An Giang
trước đây tội không nhẹ. Thánh chỉ (tức Chỉ dụ của vua Minh Mệnh – TG) đến cách chức
tôi, nhưng cho “Đái lãnh binh dõng, quân tiền hiệu lực” (帶 領 兵 勇,軍 前 效 力: Phải
xuống làm lính, đến trận tiền ra sức làm việc để chuộc tội18).

       Biến cố lớn thứ hai trong cuộc đời làm quan của Lê Đại Cang xảy ra vào năm
1838. Sách Quốc triều chính biên toát yếu chép: “Tháng giêng, năm Mậu Tuất (1838),
chức An phủ ở phủ Khai Biên, thuộc tỉnh Hà Tiên là tên Di làm phản. Trước có tên
Khống (Khống người phủ Khai Biên, năm trước qua Xiêm làm chức Ba Lật), tự Xiêm
trốn về, tên Di giấu đi. Di lại thông mưu với Thổ mục là tên Châu, dụ bọn Mọi Cao (chỉ
đồng bào thiểu số Cao Miên – TG) làm đồ khí giới, toan làm loạn, chúng nó vừa nghe tên
Đô Y ở Hải Đông năm ngoái khởi biến, liền tụ đảng 500 người qua đồn Long Tôn; Quản
cơ phủ Khai Biên là bọn Sô Mịch, Ân Ôn theo nó cả, giết quân trú phòng người mình, rồi
phân đạo đi các xứ… Tháng 2, bãi chức Quản phủ các phủ, đổi đặt làm Trú phòng,
chuyên coi việc chống trộm cướp, giam tù phạm. Tuần phủ An Giang sung Tham tán
Trấn tây là Lê Đại Cương có tội bị cách, phái theo quân thứ Hải Đông hiệu lực” 19. Tiếp
đó, có thể vào khoảng tháng 3 năm Mậu Tuất (1838), Quốc triều chính biên toát yếu còn
cho biết: “Trương Minh Giảng, Dương Văn Phong đem tình hình đánh giặc tâu rằng:
Quan bị cách là Lê Đại Cương đóng ở đạo Trà Di, chia quân kéo tới đánh giặc. Ngài (chỉ
vua Minh Mệnh – TG) xem tờ sớ không bằng lòng, truyền rằng: “Đại Cương bị tội cách
lưu, sao dám tự tôn mình là Đại tướng? Chẳng sợ phép nước, chẳng kể công luận. Vậy
Đại Cương phải tội trảm giam hậu20, còn Trương Minh Giảng giáng xuống Binh bộ
Thượng thư, Dương Văn Phong giáng 3 cấp”21.


18
   . Thời quân chủ, những người làm quan có tội, mà triều đình xét thấy tội còn có điểm khoan
giảm được, thường cho đi: “Quân tiền hiệu lực”, hoặc “Dương trình hiệu lực” (tức theo thuyền
của triều đình ra nước ngoài như: Xingapo, Nam Dương làm thủy thủ, buôn bán…). Phan Huy
Chú, Lý Văn Phức, Cao Bá Quát… đã từng bị “Dương trình hiệu lực”.
19
   . Cao Xuân Dục: Quốc triều chính biên toát yếu. Sđd, tr. 291, 292.
20
   . Trảm giam hậu: Một trong Ngũ hình (Xuy - Trượng - Đồ - Lưu - Tử) của chế độ quân chủ Việt
Nam. Tử là giết chết, có nhiều hình thức xử tử. Giảo (thắt cổ chết): Giảo quyết (thắt cổ chết
ngay), Giảo giam hậu (Xử vào tội giảo, nhưng cho giam lại chờ xét lại sau), Trảm: chém đầu;
Trảm quyết và Trảm giam hậu.
21
   . Cao Xuân Dục: Quốc triều chính biên toát yếu. Sđd, tr. 292.
16


       Theo Lê thị gia phả, thì sau vụ nổi dậy của người Cao Miên, vào đầu năm 1838
nói trên, Lê Đại Cang bị hạch tội là Tham tán Đại thần Trấn tây mà không hoàn thành
nhiệm vụ cai trị, nên bị cách chức làm lính khiêng võng sung tiền quân hiệu lực tại quân
thứ Hải Đông, đạo Trà Gi. Sau đó, vào khoảng tháng 3 năm Mậu Tuất (1838), Lê Đại
Cang lại bị vua Minh Mệnh xử vào tội “Trảm giam hậu” vì “bị tội cách hiệu (tức cách
chức, cho quân tiền hiệu lực – TG), sao dám tự tôn mình là Đại tướng?”.

       Có nhà nghiên cứu phê phán cách chấp pháp của vua Minh Mệnh trên đây đối với
“Lê Đại Cang lần này khó có thể nói là chính đáng”. Tôi cũng cho rằng vua Minh Mệnh
trừng phạt tội “tự tôn mình là Đại tướng” của Lê Đại Cang như trên là quá nặng nề.

       Tuy nhiên, là người nghiên cứu lịch sử, thiết tưởng chúng ta nên đặt mình vào
hoàn cảnh lúc đó để xem xét. Ta nên lưu ý, cái “tế nhị” và “gượng tay” của hình phạt mà
vua Minh Mệnh định cho Lê Đại Cang, chính là 3 chữ “Trảm giam hậu” ấy! Chính chỉ bị
án “Trảm giam hậu”, mà vào đầu thời Thiệu Trị (1841-1847), Lê Đại Cang mới được
không những tha tội chết, mà còn được ra khỏi ngục mang hàm Điển bộ, lo sắp xếp việc
tiếp đón sứ thần nhà Thanh là Bửu Thanh sang nước ta làm lễ sách phong “Quốc vương”
cho Thiệu Trị22. Công việc bang giao thành công, Lê Đại Cang lại được vua Thiệu Trị
thăng lên chức Bố chánh Hà Nội23 (ở trật Chánh Tam phẩm).

       Nhưng vấn đề là cần hiểu lý do vì sao vua Minh Mệnh lại xử phạt nặng nề đối với
những người mắc tội như Lê Đại Cang vừa kể trên?

       Thật ra, điều đó không phải là ý thích cá nhân của vua Minh Mệnh, mà nằm trong
luật trị quốc của Nho gia và Pháp gia mà ông vua thứ hai triều Nguyễn này là đại diện.

       Chúng ta đều biết trong lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam, có hai vị vua Nho
giáo, rất có tài dùng người và giỏi việc trị quốc, đó là: Hoàng đế Lê Thánh Tông (1460-
1497) triều Lê sơ và Hoàng đế Minh Mệnh (1820-1841) triều Nguyễn. Lê Thánh Tông và
Minh Mệnh đều là các bậc bác lãm quần thư, thông thạo kinh điển Nho gia. Tuy nhiên,
trong phép trị quốc, các vị không chỉ áp dụng đường lối chính trị của Nho gia, mà có sự
kết hợp với Pháp gia. Nhiều nhà nghiên cứu gọi cách cai trị ấy là “Dương nho, âm Pháp”
(陽 儒,陰 法 – Bên ngoài là Nho, thực chất bên trong là Pháp).
 . Cao Xuân Dục: Quốc triều chính biên toát yếu. Sđd, tr. 345.
22

 . Bố chánh là nói tắt chức Bố chánh sứ - vị trưởng quan đứng hàng thứ 2 của tỉnh thời Nguyễn,
23

dưới chức Tuần phủ (ở trật Tòng Nhị phẩm), tương đương với chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh,
phụ trách vấn đề Tài mậu ngày nay).
17


        Trường hợp phạm tội đang “bị cách hiệu mà sao dám tự tôn mình là Đại tướng”
của Lê Đại Cang, là theo cái nhìn “chính danh” của Nho gia, ông đã mắc vào tội “tiếm
việt” (vượt phận).

        Khổng tử nói: “Bất tại kỳ vị, bất mưu kỳ chính” (不 在 其 位,不 謀 其 政 –
Không ở vào chức vị nào, thì chớ có mưu tính, chớ có hành động công việc của chức vị
ấy. – Luận Ngữ - Thái Bá). Như vậy, chúng ta thấy vua Minh Mệnh phạt Lê Đại Cang vì
tội dám mưu tính sang công việc của chức vị khác không thuộc bổn phận, trách nhiệm
của mình. Cái mà vua Minh Mệnh lo xa là: Hành động “tiếm việt” của Lê Đại Cang sẽ tạo
nên một tiền lệ xấu, làm rối loạn trong công việc chính sự sau này.

        Tuy nhiên, đấy chưa phải là tất cả lý do hình phạt của vua Minh Mệnh đối với Lê
Đại Cang. Điều này, có lẽ nhà vua không muốn nói ra, vì hơn ai hết, ông rất hiểu “Thuật
trị quan lại” mà Thân Bất Hại ( ? – 337 tr. Cn), một vị thủy tổ của Pháp gia vào đời
Chiến Quốc (480 – 221 tr. Cn), đề xuất.

        Trong thiên Ngoại trừ thuyết – Hữu thượng, Hàn Phi dẫn lại một đoạn thuyết về
“Thuật” của Thân Bất Hại. Đại ý, ông khuyên bậc vua chúa phải có các thuật “Bí hiểm”
để trị bề tôi thân cận, khống chế họ. Để minh họa cho thuyết “Phép trị nước là không
được vượt chức” và “Phải có thuật bí hiểm” của Thân Bất Hại, đã được Hàn Chiêu Hầu
(tức vua nước Hàn) “đem áp dụng vào thực tế” như thế nào, trong thiên Nhị Bính, Hàn
Phi đưa ra thí dụ như sau: “Ngày xưa Hàn Chiêu Hầu say rượu ngủ. Viên quan coi mũ
của vua, thấy nhà vua lạnh nên lấy áo đắp cho vua. Nhà vua ngủ dậy, vui lòng hỏi người
xung quanh: “Ai đã lấy áo đắp lên cho ta?”. Những người xung quanh nói: “Đó là viên
quan coi mũ!”. Nhà vua bèn trị tội cả viên quan coi áo lẫn viên quan coi mũ. Trị tội viên
quan coi áo vì anh ta đã không làm nhiệm vụ của mình. Trị tội viên quan coi mũ vì anh ta
vượt chức của mình. Không phải nhà vua không khổ vì lạnh, nhưng cái hại của việc vượt
quá trách nhiệm còn lớn hơn là bị lạnh”24.

        Qua đó, chúng ta thấy vua Minh Mệnh không phải là không biết cái hại của việc
“giặc Chân Lạp làm loạn”, nhưng có thể ông cho rằng “cái hại của việc vượt trách nhiệm
còn lớn hơn” là bị giặc tàn phá.




24
  . Hàn Phi tử - thiên Nhị Bính.
18


        Mặc dầu, như Lê Đại Cang tự nhận trên con đường làm quan của mình, ông gặp
quá nhiều nỗi cay cực, nhưng ông luôn tâm niệm “Vì nước quên nhà, vì việc công quên
việc riêng là tiết tháo của kẻ làm bề tôi”25.

        II. Lê Đại Cang – Một kẻ sĩ hào mại, phóng dật đậm chất tài tử phong lưu

        Trong bài luận văn khoa học Sự nghiệp sử học của Học giả Cao Xuân Dục, vị
Tổng tài Quốc sử quán (1898) thời Thành Thái (1889-1907), chủ biên bộ Đại Nam chính
biên liệt truyện (Nhị tập), chúng tôi có nhận định: “Cao Xuân Dục đã chịu ảnh hưởng khá
sâu sắc phương pháp chép sử của Tư Mã Thiên trong bộ Sử ký. Đó là việc các soạn giả
nhấn mạnh vai trò và tác dụng của con người, nhất là các danh nhân lịch sử trong việc
sáng tạo nền văn hóa dân tộc… Sử bút trong bộ sách này, tuy nghiêm cẩn, nhưng nhẹ
nhàng, tươi tắn. Ở cuối mỗi truyện, phần lớn đều có lời bình… Những lời bình ấy, có tính
chất như người xưa từng nói: “Họa long, điểm nhãn” (Vẽ rồng xong, phải điểm nhỡn),
khiến cho người đọc nắm được “cái thần” của nhân vật”.

        Trong phạm vi của bài viết này, như trên đã nói, hai tác giả Quách Tấn – Quách
Giao đã từng so sánh “hai danh sĩ nổi tiếng văn chương cũng như võ nghệ” là Lê Đại
Cang (1771-1847) và Nguyễn Công Trứ (1778-1858), cho nên, tôi cũng xin chỉ trích dẫn
hai lời bình của nhóm soạn giả Đại Nam chính biên liệt truyện (Nhị tập) về hai nhân vật
trên, dưới dây:

        - [Lê Đại] Cương là người hào mại, phóng dật, ở đâu cũng thường bày bút mực,
sách vở, đàn, chén uống rượu, hoa cây, để tự thích. Tập văn đã làm và phần nhiều mất đi,
chỉ còn các tập: Nam hành, tập thơ Tỉnh ngu, 3 quyển”26.

        - [Nguyễn] Công Trứ là người trác lạc, có tài khí, có tài làm văn, càng giỏi về
Quốc âm (tức chữ Nôm – TG), làm ra thi ca rất nhiều, khí hào mại, phổ đầy trong âm
luật; đến nay hãy còn truyền tụng. Trứ làm quan thường bị cách, rồi lại được cất nhắc lên
ngay; tỏ sức ở chiến trường nhiều lần lập được công chiến trận… Khi tuổi già về nghỉ,
tức thì bỏ qua việc đời, chơi thú sơn thủy, trải hơn 10 năm, có cái hứng thú phớt thoảng
ra ngoài sự vật. Đến nay người ta, phần nhiều tưởng đến phong độ khí khái của ông”27.



25
   . Lê Đại Cang – Lê thị gia phả. Sđd, tr. 59.
26
   . Đại Nam chính biên liệt truyện. Sđd, tập 3, tr. 337.
27
   . Đại Nam chính biên liệt truyện. Sđd, tập 3, tr. 376.
19


        Về sự nghiệp văn chương, có thể nói giữa hai danh sĩ nổi tiếng trên, Nguyễn Công
Trứ may mắn hơn Lê Đại Cương. Hiện nay, chúng ta còn lưu giữ được một số lượng
đáng kể tác phẩm của Nguyễn Công Trứ, bao gồm: 54 bài thơ chữ Nôm, 67 bài Hát nói
(hầu hết là chữ Nôm), 1 bài thơ chữ Hán (Thất thập tự thọ - Tự thọ của bảy mươi tuổi), 1
bài phú Nôm (Hàn Nho phong vị phú), 37 câu đối (25 câu đối chữ Nôm, 12 câu đối chữ
Hán), 1 bài Văn sách đoạt Giải nguyên28 của Nguyễn Công Trứ29. Còn với Lê Đại Cang
không có được cái may mắn trên. Chúng ta đều biết, theo các soạn giả Đại Nam chính
biên liệt truyện, thì vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hai tập văn Nam hành
và Tục Nam hành, là hai tập bút ký ghi lại những công việc Lê Đại Cang đã trải qua trong
thời gian làm quan ở phương Nam của Tổ quốc và ở nước Chân Lạp, cùng với tập thơ
Tỉnh ngu thi tập, 3 quyển vẫn còn. Nhưng thật đáng tiếc, theo tác giả Nguyễn Thế Khoa
thì: “Cho đến nay, các tập Nam hành, Tục Nam hành, Tỉnh ngu thi tập, đều chưa tìm thấy
văn bản; chỉ còn tập Lê thị gia phả, vốn được lưu giữ tại từ đường họ Lê ở Luật Chánh,
sau ngày miền Nam giải phóng được gia tộc hiến cho Bảo tàng Quang Trung, đang được
lưu giữ tại Bảo tàng này”30.

        Tôi cho rằng: Nếu như các tác phẩm vừa kể trên của danh sĩ Lê Đại Cang mãi mãi
không tìm thấy, thì đấy không chỉ là mất mát của riêng dòng họ Lê ở Luật Chánh, mà còn
là tổn thất không nhỏ đối với nền văn học sử Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX.
Tôi đọc Lê thị gia phả, cũng đã thấy phần nào văn tài của Lê Đại Cang, nhưng chưa thấy
hết được nét tài hoa “hào mại và phóng dật” ở ông, như nhận xét của các soạn giả sách
Đại Nam chính biên liệt truyện. Tôi tin rằng các soạn giả ấy đã từng được đọc tác phẩm
Tỉnh ngu thi tập, 3 quyển của Lê Đại Cang, nên mới có thể hạ những lời bình phẩm về
ông trên đây.
        Ở phần trên, chúng tôi đã luận về nhân cách kẻ sĩ quân tử, đại trượng phu trong
con người Lê Đại Cang, nhưng để dễ dàng thoát khỏi những hoàn cảnh đầy cay cực, để
nhanh chóng vượt lên bao biến cố hiểm nguy trong cuộc đời, Lê Đại Cang cũng cần có
thêm phẩm chất của người Nghệ sĩ, một bậc tài tử phong lưu.



28
   . Thi Hương: dưới triều Nguyễn đỗ đầu gọi là Giải nguyên (hay Thủ khoa), đỗ thứ hai, gọi là A
′nguyên.
29
   . Đoàn Tử Huyến (chủ biên): Nguyễn Công Trứ - Trong dòng lịch sử. Nxb Nghệ An, 2008, tr.
47.
30
   . Lê Đại Cang: Lê thị gia phả. Sđd, tr. 62, 63.
20


       Chúng tôi thiết nghĩ: Kẻ sĩ xưa có đôi điều khác với người trí thức ngày nay, là họ
được đào tạo ngay từ nhỏ khả năng cảm thụ “cái đẹp” khá tinh tế. Từ trong bản chất, kẻ
sĩ là một nghệ sĩ thực thụ. Học trong trường, họ được học “Lục nghệ”: Thi - Thư - Lễ -
Nhạc - Dịch - Xuân Thu, hoặc: Lễ - Nhạc - Xạ (bắn cung) - Ngự (đánh xe) - Thư (viết
chữ) - Số (tính toán), chơi ngoài đời, họ theo đòi Tứ tài tử: Cầm - Kỳ - Thi - Họa, hoặc:
Cầm - Kỳ - Thi - Tửu, trong đó phần lớn là những môn kiến thức về văn hóa, nghệ thuật.
Kẻ sĩ được học, ngoài kiến thức chuyên môn, còn được bồi dưỡng khả năng cảm thụ cái
Chân - Thiện - Mỹ.
       Khổng tử có thể nói là người đầu tiên hiểu sâu sắc tác dụng của văn nghệ đối với
việc hình thành phẩm chất nghệ sĩ, hào mại trong con người kẻ sĩ. Ông nói: “Chí ư đạo,
cứ ư đức, y ư nhân, du ư nghệ” (志 於 道,據 於 德,依 於 仁,游 於 藝 – Dốc chí ở
đạo, căn cứ ở đức, chỗ dựa ở nhân, vui chơi ở nghệ (tức Lục nghệ: Lễ - Nhạc - Xạ - Ngự -
Thư - Số. – Luận ngữ - Thuật nhi).
       Khổng tử còn nói: “Hưng ư Thi, lập ư Lễ, thành ư Nhạc” (興 於 詩,立 於 禮,
成 於 樂 – Hưng phấn nhờ Kinh Thi; đứng vững được [trong xã hội] là nhờ Lễ; hoàn
thành được [nhân cách] là nhờ Nhạc. – Luận ngữ - Thái bá).
       Lịch sử cổ kim, Đông - Tây thường cho chúng ta những bài học khá đau lòng về
kết cục của những con người quá để tâm vào tham vọng danh lợi, vào quyền chức, một
khi họ bị cách chức, hoặc gặp phải các biến cố lớn trong cuộc đời. Tôi thiết nghĩ căn
nguyên của những bi kịch ấy là do họ thiếu một phẩm chất rất quan trọng, ấy là: chất
nghệ sĩ thực thụ. Những hạng người hào mại, phong lưu như Lê Đại Cang, Nguyễn Công
Trứ… chẳng hạn, họ không quá coi trọng việc làm quan, không tham quyền cố vị. Họ có
tâm hồn nghệ sĩ, coi làm quan với những thú chơi thanh tao thuộc về nghệ thuật để di
dưỡng tính tình: Cầm - Kỳ - Thi - Họa (hay Cầm - Kỳ - Thi - Tửu) chẳng cách xa nhau là
bao. Nhưng những thú chơi này không phải là thú chơi đại chúng vì thuộc về phạm trù tài
năng và nghệ thuật, không phải ai cũng biết chơi và biết thưởng thức, không phải là lĩnh
vực của hạng “phàm phu tục tử”! Đó là nghệ thuật của những con người siêu việt, đi tìm
những tri kỷ, tri âm siêu việt khác.
                                                *
                                            *       *
       Theo tác giả Mịch Quang, tại từ đường họ Lê, làng Luật Chánh hiện nay vẫn còn
đôi câu đối khảm trai “Nhất họa nhất thi”, nghĩa là vừa có tranh vừa có thơ đề:
       Miến lan vị cảm tư quân tử
21


       Kiến trúc hà tu vấn chủ nhân.
       眄蘭未敢思君子
       見竹何須問主人
       Tạm dịch:
       Thấy lan chẳng dám nhớ quân tử!
       Ngắm trúc sao còn hỏi chủ nhân?

       Tương truyền đó là đôi câu đối, Lê Đại Cang cho treo tại phòng tiếp sứ Thanh31.

       Có thể đoán định mà chắc không sai với sự thật rằng: đôi câu đối vừa dẫn trên là
do Lê Đại Cang sáng tác. Và cho dù không phải tự ông làm ra chăng nữa, nhưng Lê Đại
Cang hẳn thấy ưng ý với nội dung của nó, vì theo tôi đã đạt được hai tầng nghĩa:

       1. Tự coi mình là Trúc, và ví vị sứ nhà Thanh như hoa Lan. Vì trong văn hóa
phương Đông: Mai - Lan - Cúc - Trúc, được gọi là “Tứ quý”, và tượng trưng cho hạng
người quân tử. Có lẽ, chính vì thế, sau khi tiếp sứ xong, viên sứ giả nhà Thanh đã tặng Lê
Đại Cang hai đôi câu đối bằng sứ:
       - Đông Sơn khí khái
         Bắc hải phong lưu32.
       東山氣概
       北海風流
       - Tọa đối hiền nhân tửu
         Sơn tàng thái sử thi.
       坐對賢人酒
       山藏太史诗
       Tạm dịch:
       Ngồi trước người hiền uống rượu
       Núi tàng trữ thơ thái sử.



31
  . Lê Đại Cang: Lê thị gia phả. Sđd, tr. 38.
          Vì tác giả Mịch Quang không ghi chép nguyên văn chữ Hán, nên tôi căn cứ vào phiên âm
Hán – Việt, mà khôi phục như trên. Ở phần dịch nghĩa, tôi cũng sửa một chút cho đúng với nghĩa
của văn cảnh – NMT.
32
   . Đôi câu đối này nghĩa đã rõ, thiết tưởng không cần dịch nghĩa.
22


       2. Tầng nghĩa thứ hai của đôi câu đối là ngầm kín đáo giới thiệu nhân cách và
phẩm chất của Lê Đại Cang, tức chủ nhân của phòng tiếp khách: vừa là Trúc, bản chất
cứng rắn, tiết tháo, vừa là Lan, phong lưu, hào hoa…

       Theo chúng tôi, với 77 năm cuộc đời mình, Lê Đại Cang đã đạt được một sự
nghiệp đáng nể trọng, xứng đáng trở thành một danh nhân lịch sử của Việt Nam vào nửa
đầu thế kỷ XIX. Có được điều ấy, phải chăng trong ông, ngay từ rất sớm đã hàm chứa hai
phẩm chất cao quý, tốt đẹp của Trúc (Đại trượng phu, tiết tháo, kiên cường) và Lan
(Nghệ sĩ, tài tử, phong lưu)?

       Lê Đại Cang quả là một “Ngọn núi kỳ vĩ” (Kỳ Phong) đứng chót vót bên cạnh
những “ngọn núi khác” – những danh nhân lịch sử của vùng đất “địa linh” và “thượng
võ” Bình Định – quê hương ông.

       Với riêng cá nhân tôi, khi viết bài luận văn khoa học này, luôn luôn tâm niệm coi
như một nén tâm hương, xin dâng lên trước Bàn thờ danh nhân Lê Đại Cang, để thể hiện
sự cảm phục và lòng kính trọng đối với một bậc Danh nhân, Danh sĩ đầy bản lĩnh, khí
phách, nhưng cũng thấm đẫm nét hào mại, tài hoa./.



                                                             Viết tại Bạch Liên thư trai

                                            Tháng Mạnh Đông – năm Nhâm Dần (2012)

                                                                                N.M.T.
23



                    LÊ ĐẠI CANG VỚI VẤN ĐỀ TRỊ THỦY Ở BẮC THÀNH


        TS Ngô Vũ Hải Hằng
        (Viện Sử học)


                 Lê Đại Cang33 (1771 – 1847), tự là Thống Thiện, hiệu là Kỳ Phong, biệt
hiệu là Thường Chánh Thị, người làng Luật Chánh, xã Phước Hiệu, huyện Tuy Phước,
tỉnh Bình Định. Sự nghiệp quan trường của ông bắt đầu từ năm 1802, đời vua Gia Long
năm đầu, trải qua các đời vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, với rất nhiều thăng trầm “ngọt,
đắng, lo, vui đã nếm đủ mùi quan”34, có lúc ông từng quyền giữ ấn triện ở Bắc Thành,
Tổng đốc An – Hà, bảo hộ ấn của nước Chân Lạp..., nhưng cũng có lúc ông bị phát đi sở
đồn điền ở Nguyên Thượng, làm một anh lính dõng; đến tháng 10 năm Thiệu Trị thứ hai
(1842), thì ông xin về trí sĩ. Trong suốt hơn 40 năm ấy, Lê Đại Cang đã giữ nhiều trọng
trách, làm được rất nhiều việc có lợi cho dân, cho nước. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ
đề cập đến một trong những sự nghiệp của ông, đó là vấn đề trị thủy, thủy lợi trong thời
gian ông ở Bắc Thành.

                 Năm Gia Long thứ 9 (1810), Lê Đại Cang được bổ làm Thiêm sự Bộ
Binh, giữ việc từ chương ở Bắc Thành. Sau đấy, năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), ông lần
lượt làm Hiệp trấn Sơn Tây, Cai bạ ở Quảng Nam và Cai bạ ở Vĩnh Long. Phải đến tháng
10 năm 1828, đời Minh Mệnh thứ 9, ông mới được cử kiêm chức quản lý Đê chính ở Bắc
Thành, khi ấy ông đang giữ chức Hữu tham tri Hình bộ.

                 Đến tháng 5-1830, đời vua Minh Mệnh thứ 11, Lê Đại Cang được bổ Hình
tào Bắc Thành kiêm Đê chính. Nhưng ngay sau đó, đê Sơn Nam bị vỡ, vì việc đê rất khẩn
cấp, nhà vua lại giao quyền Hình tào cho Nguyễn Hữu Gia, để Lê Đại Cang chuyên biện
việc Đê chính.

                 Sách Đại Nam thực lục chép: Tháng 6-1831, Lê Đại Cương vẫn tham gia
tâu trình về việc đê điều. Tuy nhiên, đến tháng 8-1831 sách này chỉ chép là “Hình bộ Hữu

33
   Chữ 綱 có hai cách phiên âm: Cương hoặc Cang. Trong bài viết này, chúng tôi dùng âm Cang, theo cách
đọc của dòng họ. Tuy nhiên, trong bài viết, có những đoạn trích trong Đại Nam thực lục, chúng tôi tôn
trọng nguyên bản bản dịch của nhóm dịch giả Đại Nam thực lục, nên để tên là Lê Đại Cương.
34
   Lời dẫn của Lê Đại Cang trong Lê thị gia phả, do Vũ Ngọc Liễn dịch, in trong Lê Đại Cang và Lê thị gia
phả, Nxb Dân Trí, Hà Nội, 2011, tr.76.
24


tham tri lĩnh Bắc Thành Hình tào Lê Đại Cương” 35; và kể từ đó không thấy sách chép
những sớ trình của ông về việc đê điều nữa. Có lẽ trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 8
năm 1831, Lê Đại Cang đã không còn kiêm lĩnh việc Đê chính.

                 Như vậy là, có thể thấy Lê Đại Cang chỉ kiêm giữ chức Đê chính ở Bắc
Thành trong khoảng thời gian 3 năm. Tuy nhiên, trong thời gian này, ông đã làm được rất
nhiều việc lớn và có ý nghĩa cho sự nghiệp đê điều, trị thủy của Bắc Thành nói riêng và
của nước Đại Nam nói chung.

        Khi tiễn Lê Đại Cang kiêm giữ chức Đê chính sứ, vua Minh Mệnh có dặn dò:
“Việc chống lụt quan hệ rất lớn. Ngươi là người biết lẽ, trước kia việc hình ngục ở Bắc
Thành, ngươi đến nơi là làm xong ngay. Nay trách nhiệm về Đê chính càng nặng nề. Lần
này đi, nên hết lòng xếp đặt để cho nước chảy thuận dòng, cho dân càng mừng êm sóng thì
công ấy chẳng nhỏ đâu"36.

        Qua lời dặn dò của vua Minh Mệnh, cho thấy Lê Đại Cang là người làm việc rất
giỏi và có uy tín, lần này lại được cử giữ trọng trách rất nặng nề.

        Trong một lần khác, vua Minh Mệnh lại nhấn mạnh: “Việc đê Bắc Thành đối với
đời sống nhân dân lợi hại không nhỏ” 37. Vì thế, khi việc bất khả kháng, bị vỡ đê, thì
“những nhà bị tai nạn thì phát tiền gạo chẩn cấp. Lúa ruộng tổn thương, thì đợi án khám
cho giảm thuế”38.

                 Dưới đây là những việc Lê Đại Cang đã làm được trong ba năm làm Đê
chính sứ:

        Lập kế hoạch xây dựng các tuyến đê, nạo vét lòng sông

        Không chậm trễ, ngay sau khi được bổ nhiệm, Lê Đại Cang đã đi các trấn xem xét
đê cũ, đê mới, để lên kế hoạch chỗ nào nên bồi thêm, chỗ nào nên đắp đê mới. Trong suốt
thời gian giữ trọng trách Đê chính sứ, Lê Đại Cang đã xây dựng được hệ thống đê vĩ đại,
quan hệ rất lớn đến sự an nguy của người dân Bắc Thành, cũng như công việc sản xuất
của họ. Đó là các hệ thống đê dưới đây:

        Hệ thống đê sồng Hồng, hay còn gọi là đê sông Nhị.
35
   Đại Nam thực lục, Tập Ba, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, xem các trang 182 và 211.
36
   Quốc Sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Tập Hai, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.774.
37
   Đại Nam thực lục, Tập Ba, Sđd, tr.83.
38
   Đại Nam thực lục, Tập Ba, Sđd, tr.83.
25


          Lê Đại Cang đã đi khám xét và lên kế hoạch xây dựng tất cả gồm có 18 sở, “đều
là đại công trình cả”39, trong đó gồm có 11 sở đê mới (Kim Quan, Tiên Lạt, Đỗng Phấn
thuộc Bắc Ninh; Hải Bối, Phụng Nghĩa thuộc Sơn Tây; Phú Thị, Nho Lâm, Viên Nội,
Hào Châu, Lam Điền, thuộc Sơn Nam; Thanh Nga thuộc Nam Định, cộng dài hơn 3.950
trượng; và 7 sở đê cũ cần bồi thêm là: Thụ Ích, Hát Môn, Mạch Lũng, Đại Độ, Thạch
Thán thuộc Sơn Tây, Đại Yên Trường, Thuần Lễ thuộc Sơn Nam 40 cộng dài hơn 3.590
trượng.

          Công trình đồ sộ như vậy, mà chỉ trong 5 tháng có thể hoàn thành được, quả là
một kỳ tích.

          Công trình bắt đầu khởi công tháng 12-1828, với đoạn đê tại xã Kim Quan; đến
tháng 4-1829, theo lời tâu của Lê Đại Cang: “Việc đê phòng, công trình lớn có 18 sở,
trong tháng có thể xong, sở công trình nhỏ thì hiện đương thực đắp”41.

          Hệ thống đê sông Ngũ Huyện khê – một chi lưu của sông Đuống, tức sông Thiên Đức -
sông nhánh nhằm chia nước sông Nhị: nạo vét, khơi đào thêm.

          Theo lời tâu của Lê Đại Cang, vào tháng 4-1829, nước sông Nhị, nếu thình lình
có mưa lụt, thì thế nước chảy mạnh, qua gò tràn đống rất mau, không thể ngăn được. Nếu
đê không giữ nổi thì tràn vỡ ngay. Hơn nữa, sông Nhị lại là sông xung yếu của Bắc
Thành, bên hữu có sông Hát chia nhánh đổ về hai sông Châu Cầu và Thanh Quyết; bên tả
có sông Nguyệt Đức ở huyện Yên Lạc, sông Thiên Đức ở huyện Đông Ngàn, đều chảy
xuống Bắc Ninh, Hải Dương, rót vào sông Lục Đầu, không sông nào là không chia thế
nước của sông Nhị mà chảy ra biển. Đến khi Lê Đại Cang đến thực tế thì thấy, “hai sông
Hát Môn và Nguyệt Đức có nhiều cát bồi, sông Thiên Đức lại cong queo, nông hẹp, tắc
mà không thông, mỗi lần nước lụt chảy mạnh thì các sông Lô, Thao, Đà, Đáy đổ thẳng
sông Nhị, hai sông Hát Môn, Nguyệt Đức đến kỳ nước lụt còn có thể đầy tràn mà chảy

39
   Đại Nam thực lục, Tập Hai, Sđd, tr.792.
40
   Xã Kim Quan thuộc huyện Gia Lâm, các xã Hải Bối, Mạch Lũng, Đại Độ thuộc huyện Yên Lãng, thôn
Dụng Nghĩa, xã Thạch Thán thuộc huyện Yên Sơn [hiện nay là huyện Quốc Oai, Tp. Hà Nội], xã Phú Thị,
Thuần Lễ thuộc huyện Đông Yên [hiện nay thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên], xã Nho Lâm thuộc
huyện Kim Động [nay thuộc tỉnh Hưng Yên], các xã Viên Nội, Lam Điền, Đại Yên Trường thuộc huyện
Chương Đức [hiện nay thuộc huyện Chương Mỹ, Tp. Hà Nội], xã Hào Châu thuộc huyện Nam Xang [hiện
nay là huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam], xã Tiên Lạt thuộc huyện Việt Yên [nay thuộc Bắc Giang], xã Đỗng
Phấn thuộc huyện Yên Phong [nay thuộc Bắc Ninh], xã Thanh Nga thuộc huyện Hưng Nhân [nay thuộc
tỉnh Hà Nam], xã Thụ Ích thuộc huyện Yên Lạc, xã Hát Môn thuộc huyện Phúc Thọ [hiện nay thuộc Tp.
Hà Nội].
41
   Đại Nam thực lục, Tập Hai, Sđd, tr.847.
26


được duy sông Thiên Đức gần thượng lưu của bờ phía bắc của thành, cửa sông từng đã
cạn lấp, lại thêm bờ phía nam cồn cát nhô ra, thế nước chảy mạnh xói vào phía Bắc
Thành, làm cho bờ sông sụt lở. Nơi ấy trước có kè đá, đến nay hầu đã lở mất rồi. Thế
mà sông Thiên Đức thông hay tắc, hình như có quan hệ đến thế nước có xói vào phía
Bắc Thành hay không” 42.

        Vì thế, ông đã xin vét đào lại cửa sông, muốn làm được vậy thì phải “dời cửa
sông lên trên để hút nước sông, mé dưới thì tuỳ thế mở rộng ra, chỗ quanh co thì nắn cho
thẳng lại”43.

        Có thể thấy, cứ những chỗ nào công việc khó khăn, vua Minh Mệnh lại cử Lê Đại
Cang đi nhận lãnh trách nhiệm. Theo chúng tôi, không chỉ bởi ông “có tiếng là chính sự
giỏi”44, mà bởi ông làm việc rất khoa học, nghĩ đến cái lợi cho dân trước tiên, có học hỏi
kinh nghiệm của những người cao tuổi, có khảo cứu nguồn gốc trước sau và khảo sát tình
hình thực tế tại hiện trường, bàn về cái lợi – cái hại của việc đắp đê, từ đó đưa ra kế sách
lâu dài cho việc phòng hộ được tốt nhất.

        Ông đã nói rõ trong một bản tấu: “Bọn thần trước đi hội làm, thường hỏi thăm kỳ
mục các địa phương về chỗ hưng lợi trừ hại, thì đều nói rằng ngoài việc đê phòng không
còn cách khác. Thứ nữa thì đến bỏ đê và khai đào dòng sông mà thôi. Thiết nghĩ từ đời
Đinh Lý về trước, chưa có đê phòng, dân địa phương đào giếng cày ruộng, có hại về
nước lụt hay không thì chưa được rõ. Từ đầu đời Trần sai các lộ đắp đê để chống lụt,
dân gian từ đấy đến những nơi thấp trũng mà nhóm ở làm ăn, cho nên các đời theo đó
mà sửa đắp, xem là điều cốt yếu trong việc giữ dân và vệ nông, người ta mới nói rằng
sau khi đã có đê không thể bỏ đê được nữa” 45.

        Lời tâu tưởng chừng như đơn giản này lại chứa đựng ý nghĩa sâu xa, chính là cái
gốc của việc trị thủy: Xây dựng đê điều. Muốn giữ được dân và bảo vệ được mùa màng,
thì không còn cách nào khác phải xây dựng các tuyến đê phòng. Tại sao lại phải làm
vậy? Như chúng ta đã biết, một trong những đặc điểm địa lý của nước ta là hệ thống
sông ngòi dày đặc, tuy nhiên các con sông này lại không có thủy chế điều hòa. Trong
khi đó, nền kinh tế nước ta dựa căn bản là nông nghiệp, mà kết quả mùa màng phụ
42
   Đại Nam thực lục, Tập Hai, Sđd, tr.893.
43
   Như trên.
44
   Quốc Sử quán triều Nguyễn: Đại Nam liệt truyện, tập 3: Chính biên – Nhị tập, Viện Sử học và Nxb
Thuận Hóa, Huế, 2005, tr.386.
45
   Đại Nam thực lục, Tập Hai, Sđd, tr.892.
27


thuộc vào “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Yếu tố nước được đặt lên hàng
đầu. Vì thế, vấn đề trị thủy lại càng hệ trọng hơn bao giờ hết.

        Viết sách về lịch sử Đê điều ở Bắc Thành

        Riêng việc sửa đắp, khơi đào và xây dựng mới các tuyến đê thuộc hệ thống đê
điều của hai hệ thống sông Hồng và sông Ngũ Huyện khê của Lê Đại Cang đã rất vĩ đại
rồi. Nhưng không chỉ dừng lại ở đấy, ông còn có ý thức lưu giữ lại hiện trạng cũng như
lịch sử của các tuyến đê cho hậu thế. Ông cho khảo lược hết đê điều các trấn Sơn Tây,
Sơn Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương và phủ Hoài Đức, đoạn nào đắp từ năm nào,
đời nào, đoạn nào ở địa phận xã thôn nào, cùng dạng thức cao rộng bao nhiêu, dài bao
nhiêu... chép lại thành sách. Sách tổng kê các đê công tư ở Bắc Thành được làm xong và
dâng trình lên vua Minh Mệnh vào tháng 9-1829.

        Sách Đại Nam thực lục chép: “Từ trước đến nay người lãnh chức Đê chính phàm
có sửa đắp, chỉ cứ theo sở tại khai báo mà giao làm, đến khi làm xong, cũng chỉ tới chỗ
đê mới mà khám biện thôi. Từ khi Lê Đại Cương chuyên coi việc đê mới đi khắp xem
xét. (...). Đến bấy giờ cứ các đê điều cho đến cống nước ở đê, họp làm sách tổng kê để
phòng xem đến”46.

        Xây dựng trụ sở của cơ quan Đê chính

        Khi nhận chức Đê chính, Lê Đại Cang một mình lăn lộn với cả núi công việc. Đến
tháng 2-1829, nhà vua đã nhìn nhận ra: “Việc sông bận nhiều, một mình Lê Đại Cương
khó làm xong được. Trước sai Nguyễn Văn Khoa làm Tham biện, lại là tay mới, nên
không phái thêm các viên giỏi việc cùng làm thì sợ được việc này hỏng việc kia. Nay
mưa xuân bắt đầu, việc đê chính là khẩn yếu, dẫu đã có người chuyên trách, nhưng việc
nước thì sao”47. Vì thế, vua Minh Mệnh đã “Sai Chưởng cơ Lê Thuận Tĩnh và nguyên thự
Hiệp trấn Nam Định là Hoàng Quýnh giúp việc Đê chính Bắc Thành”48.

        Số người chuyên biện việc Đê chính tăng lên, vì thế, việc cần phải xây dựng một
trụ sở để làm việc là tất yếu. Cho nên, tháng 2-1829, “Dựng công đường Đê chính ở Bắc
Thành (ở cửa Nam trong thành)”49.

        Phát hiện tham tang

46
   Đại Nam thực lục, Tập Hai, Sđd, tr.899-890. Xem các tuyến đê cụ thể ở từng địa phương trong sách này.
47
   Đại Nam thực lục, Tập Hai, Sđd, tr.829.
48
   Đại Nam thực lục, Tập Hai, Sđd, tr.829.
49
   Đại Nam thực lục, Tập Hai, Sđd, tr.829.
28


        Khi xét đến hai đoạn đê ở xã Dục Dương và Đường Sâm, thuộc huyện Chân Định,
tỉnh Nam Định, Lê Đại Cang phát hiện “viên Đê chính trước thiện tiện bồi đắp cao rộng
quá”, vừa gây lãng phí tiền bạc của Nhà nước, vừa làm mệt sức dân. Khi bộ Hộ và bộ
Công xét ra thì biết được, đó chỉ là đê ngăn nước biển, không phải đê chống lụt. Viên
quản Đê chính lẽ ra phải “trù tính kỹ tính giá cho xác đáng mà tâu lên rõ ràng, thế mà lại
khinh thường vội đắp đê ngăn chặn nước mặn mà làm như đê chống nước lụt, đến nỗi hại
nhiều công của thế là trong việc không đúng lại không đúng nữa”50. Phải là người rất
công tâm, thì mới phát hiện ra được những tham tang như vậy.

        Luôn nghĩ đến người khác: Xin ân thưởng cho nhân viên các sở, Cai tổng, Lý
dịch

        Tháng 5-1829, vì đê Kim Quan, chỗ giáp ranh giữa đoạn mới xây và đoạn cũ, đã
đắp nhiều lần nhưng thường hay bị sụt lún, vào lúc ấy nước lên cao, đe dọa bị vỡ đê; hơn
nữa, lại đê ở làng Đa Hòa, huyện Đông An [nay thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng
Yên], sửa đắp chưa xong, mà những người đắp thuê phần nhiều lười mà bỏ đi, là người
chịu trách nhiệm công việc Đê chính, Lê Đại Cang bị giáng 3 cấp.

        Đến tháng 8-1829, sau khi nước rút, đê phòng hộ đã khôi phục kịp thời, không bị
vỡ, bảo đảm được tính mạng người dân và mùa màng, vì thế, nhà vua đã khôi phục lại
phẩm cấp cho Lê Đại Cang và những người liên quan.

        Lê Đại Cang không hưởng ân một mình, mà còn nghĩ đến cả những Cai tổng, Lý
dịch cũng tham dự vào công việc đắp đê, mà chưa được dự thưởng, vì thế ông đã tâu xin:
“Các quan trấn, phủ, huyện ở các trấn Sơn Nam, Nam Định, Sơn Tây, Bắc Ninh cùng Cai
tổng, lý dịch, dự vào việc đê, tự năm trước hưng công đến năm nay nước yên, ngày đêm
làm việc công, không dám lười bỏ, xin lượng gia ân thưởng”51.

        Tuy nhà vua còn trách “nghĩ lại đến việc vỡ đê năm trước, các viên làm việc phần
nhiều mắc tội, mới giáng ân dụ khai phục đó là đặc cách vậy. Sao được thấy thế mà nhất
khái xin ơn cho nhân viên các sở, cho đến lý dịch ty tiện” 52, nhưng cũng hạ lệnh “Duy sở
Kim Quan tình hình gian hiểm gấp mấy chỗ thường, mà ngày đêm sang hộ, nguy mà lại


50
   Đại Nam thực lục, Tập Hai, Sđd, tr.804.
51
   Đại Nam thực lục, Tập Hai, Sđd, tr.887-888.
52
   Đại Nam thực lục, Tập Hai, Sđd, tr.887-888.
29


yên thì cũng nên nghĩ đến. Nay nên xét rõ tự trấn, phủ, huyện đến Cai tổng, từ trước đến
nay làm việc đê, như người nào đắc lực nhất thì khai danh sách tâu lên đợi chỉ, chớ được
giả mạo quá lạm chút nào”53.

                 Trong thời gian làm Khâm sai quản lý việc đê chính, Lê Đại Cang không
chỉ được khen thưởng nhiều lần, mà cũng có lúc bị phạt.

        Dưới đây là những lần được thưởng và bị phạt của ông, cũng như nguyên nhân
của nó, được chép trong sách Đại Nam thực lục54:


            T           Thưởng                                  Phạt
     hời gian
            2           - Thưởng 100 quan tiền.
     -1828              Lý do: Vì công trình đê điều
                 trên sông Hồng “lớn như vậy” mà
                 “duy một mình Cương làm, kể cũng
                 khó nhọc”55.
             2          - Thưởng 50 quan tiền.
     -1829              Lý do: Khích lệ làm việc.
             5                                                   - Giáng 3 cấp.
     -1829                                                       Lý do: Vì nước lên cao, đê
                                                         Kim Quan có nguy cơ bị vỡ. Đồng
                                                         thời, đê ở làng Đa Hòa đang khởi
                                                         công, thợ lười việc bỏ nhiều. Lê
                                                         Đại Cang là quan chuyên biện,
                                                         phải chịu trách nhiệm.
             8          - Được khôi phục lại phẩm
     -1829       hàm.
                        Lý do: Đê Kim Quan đã được
                 cứu chữa kịp thời.
             7                                                  - Bị giáng cấp.
     -1830                                                      Lý do: Vì việc đê ở xã Lưu
                                                         Khê, thuộc Sơn Nam bị vỡ.
             9          - Khôi phục phẩm hàm, bổ
     -1830       nhiệm Hình tào Bắc Thành, kiêm lĩnh
                 Đê chính.
                        Lý do: Khắc phục được đoạn
                 đê vỡ ở Lưu Khê.


53
   Đại Nam thực lục, Tập Hai, Sđd, tr.887-888.
54
   Xem trong Đại Nam thực lục, Tập Hai và Tập Ba, Sđd.
55
   Đại Nam thực lục, Tập Hai, Sđd, tr.804.
30


               Như vậy, có thể thấy rõ, trong 3 năm kiêm quản công việc đê chính, ông
đã được thưởng 4 lần và bị phạt 2 lần, đều liên quan đến việc đê điều.

       Qua tần suất được thưởng của Lê Đại Cang, cho thấy nhà vua và triều đình nhà
Nguyễn rất quan tâm đến công việc đê điều, thủy lợi của Bắc Thành, mặt khác, cũng cho
thấy sự ghi nhận của triều đình về công lao của Lê Đại Cang trong nỗ lực xây dựng hệ
thống đê phòng lũ lụt cũng như trong việc khắc phục những hậu quả của lũ lụt gây ra.

               Tóm lại, với thời gian làm việc đê điều, trị thủy không nhiều - 3 năm,
nhưng Lê Đại Cang đã để chỉ đạo xây dựng được một “đại công trình”, gồm xây dựng
mới và tu bổ được 18 tuyến đê; đồng thời cho nạo vét và gia cố các tuyến đê sông Ngũ
Huyện khê, một giải pháp giải phóng nước từ thượng nguồn đổ về khi bị lũ lụt, tránh
nguy hại đến những tuyến đê sông Nhị, ngay sát thành Bắc Thành. Không những thế, ông
còn lăn lộn tới hiện trường, để lại dấu ấn của mình trên từng tuyến đê. Điều đó được thể
hiện trong bộ sách tổng kê các đê công tư ở Bắc Thành mà ông dâng lên triều đình. Đây
chính là một trong những sự nghiệp để đời của ông, nó vẫn còn giá trị cho đến hôm nay.



                                                               Hà Nội, Chớm Đông, 2012

                                                                                 NVHH
31



          NHO TƯỚNG LÊ ĐẠI CANG VÀ BÍ TRUYỀN QUA MỘT CUỐN GIA
                               PHẢ

       Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn

         Sau khi đọc xong cuốn sách "Lê Đại Cang và Lê thị gia phả "(1), trong trí óc tôi
chợt hiển hiện một vị nho tướng "lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa" (Huy Cận) - một
hình ảnh lãng mạn đầy sức cuốn hút của thời mới bước chân vào học đường văn
khoa...Cái cảm xúc ban đầu ấy của tuổi trẻ hòa nhập vào cái âm hưởng bi tráng do văn
chương cổ- trung- cận đại Việt Nam đem lại cho tôi suốt mấy chục năm ròng sau đó. Cái
bi tráng của những sự nghiệp cháy bỏng khát vọng "đền nợ nước trả thù nhà", cái bi tráng
của những số phận oan trái giữa cơn lốc lịch sử- trong khi vượt qua tấn "bi kịch nhân
cách của nhà nho và bi kịch của hệ tư tưởng quan lại" (2) đã tự bộc lộ phẩm chất kẻ sĩ gửi
cho đời sau những bài học làm người sâu sắc và thấm thía...
         Danh nhân Lê Đại Cang mà tôi mới được biết đến từ sau khi được nhà báo
Nguyễn Thế Khoa đưa tới thăm nhà thờ họ Lê làng Luật Chánh, huyện Tuy Phước, Bình
Định vào giữa năm 2012 đã giúp tôi thêm hoàn chỉnh "bức chân dung" về các nho tướng
mà tôi hằng yêu kính, ngưỡng vọng- tiếp nối vào cái danh sách đáng tự hào đối với mỗi
con dân nước Việt: Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ,
Cao Bá Quát, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Cao, Phan Đình Phùng, Lê Văn Duyệt, v.v.
         Đọc kỹ "Lê thị gia phả", tôi ngẫm thấy: thân thế, hành trạng và đời sống tâm hồn
của cụ Lê Đại Cang có nhiều nét song trùng với cụ Nguyễn Công Trứ, cụ Cao Bá Quát...-
những danh nhân đã được một số nhà nghiên cứu văn học xếp vào loại "nhà nho tài tử".
Trong một công trình nghiên cứu, ông Trần Ngọc Vương viết: "Ra đời trong một xã hội
có Nho giáo là hệ tư tưởng chính thống, nhà nho tài tử bị hấp dẫn bởi một hình tượng
chính thống, quan niệm về người "đại trượng phu". Đại trượng phu, hay người hào kiệt là
loại nhân vật xuất chúng, vượt lên trên quần chúng cả về tầm cỡ của trí tuệ, tài năng, lẫn
những hoài bão, ước vọng to lớn" (3). Theo ông Trần Đình Hượu, nhà nho tài tử là người
có tài trị nước, cầm quân, học vấn cao siêu, tài văn chương ở mức "nhả ngọc phun châu",
biết "cầm kỳ thi họa", và phải có cả "tình" nữa! (4) Soi lại Gia phả họ Lê làng Luật Chánh,
ta đọc chính lời cụ Lê Đại Cang kể: cụ đã được theo học hai vị tôn sư danh tiếng là Thị
giảng triều Tây Sơn Nguyễn Tử Nghiễm và Thượng thư bộ Lễ triều Nguyễn Đặng Đức
Siêu, "Trong vòng năm sáu năm quên ăn quên ngủ để dùi mài kinh sử. Khi được bạn giỏi
văn liền theo học hỏi, bất chấp người ta cười chê". Nhờ đó mà cụ "sớm nổi tiếng là một
danh sĩ học vấn uyên thâm văn chương lỗi lạc."(Chuyện cũ kẻ sĩ Bình Định-Lộc Xuyên
32


Đặng Quý Địch). Sách "Đại Nam nhất thống chí" (Quốc sử quán triều Nguyễn) ghi lại:
"Lê Đại Cang nổi tiếng văn học...Ông có soạn các sách Nam hành, Tục Nam hành, Tĩnh
ngu thi tập". Sách "Đại Nam chính biên liệt truyện" (Cao Xuân Dục) chép: "Đến Cang
mới lấy văn học được hiển đạt...Có tiếng là người giỏi thời bấy giờ...Cang là người hào
mại phóng dật, ở đâu thường bày bút mực, sách vở, đàn, chén uống rượu, hoa, cây để tự
thích...". Theo nhà báo Nguyễn Thế Khoa, cụ là người đã sáng lập nên Văn chỉ Tuy
Phước, thu hút nhiều văn nhân tài hoa tỉnh Bình Định tới để đàm đạo văn chương thế
sự... Tuy chưa tìm thấy ba tác phẩm cụ để lại, nhưng qua sử sách và những lời truyền
tụng của người đương thời cho tới nay, với học vấn, tâm hồn, khí phách mà cụ đã bộc lộ
qua hành trạng cùng Gia phả, chúng ta có cơ sở tin rằng đó là những áng văn chương có
khả năng lưu danh thiên cổ; và sinh thời, chắc hẳn tác giả của chúng cũng là người mắc
"Nợ phong lưu" (Nguyễn Công Trứ), thậm chí còn trầm trọng hơn với "Phong vận kỳ oan
ngã tự cư"- (Chính tự mình chuốc lấy cái oan phong vận- Nguyễn Du). Dễ hiểu vì sao
con người "Giắt lỏng giang sơn vào nửa túi" tựa Nguyễn Công Trứ đó đã chinh phục
được bà Lê Ngọc Phiên xinh đẹp làm vợ thứ, để một quận chúa triều Lê có đủ công dung
ngôn hạnh theo cụ rong ruổi "nợ tang bồng" khắp Bắc Nam... Còn tài kinh bang tế thế, tài
cầm quân kiệt xuất- như tiêu chí của loại hình nhà nho tài tử đòi hỏi, thì ở cụ Lê Đại
Cang đã trở thành "huyền thoại" mà rất nhiều công trình nghiên cứu, bài báo viết về cụ đã
khẳng định và xác nhận những điều chép trong Gia phả. Là một người làm phim truyện,
tôi đặc biệt thích thú với hai sự kiện trong cuộc đời binh nghiệp đầy bi hùng gian khổ
những cũng đượm màu sắc "tài tử" của cụ: sự kiện đầu tiên, vào năm 1833, trong cảnh
ngộ từ một đại quan văn bị cách chức thành lính khiêng võng phải ra trận đi đầu lập công
chuộc tội, cụ đã tự chiêu tập binh mã, trở thành một võ quan đích thân huấn luyện một
đội quân hỗn hợp Việt - Miên và góp phần đánh bại quân phiến loạn & quân xâm lược.
Và sự kiện thứ hai, vào năm 1839, khi đang là tham tán đại thần bảo hộ Cao Miên, cụ lại
bị cách chức một cách nhục nhã bởi bất tuân mệnh triều đình theo lối ngu trung; và trong
thân phận một anh lính khiêng võng sung tiền quân hiệu lực, cụ lại nhận lãnh việc tổ chức
và huấn luyện lại đội binh đang rời rã kỷ luật và yếu kém kỹ năng chiến đấu, biến nó
thành đội hùng binh đánh giặc Chân Lạp. Vì sự kiện này mà cụ đã bị vua Minh Mạng
khép vào tội mất đầu cho "trảm giam hậu": "Đại Cang tội cách hiệu, sao dám tôn mình là
đại tướng? Chẳng sợ phép nước, chẳng kể công luận."(Theo "Quốc triều chính biên toát
yếu"). Hai sự kiện khá giống nhau như trên giúp chúng ta càng nhận rõ bản lĩnh và nhân
cách của cụ Lê Đại Cang. Thử nghĩ: một người đang là lính khênh võng, sao lại có thể
kêu gọi được người khác quy tụ dưới ngọn cờ lệnh của mình, sao có thể thuyết phục nổi
vị thống lĩnh nọ trao quyền cho mình huấn luyện quân sĩ? Cụ không có thuật phù thủy gì
cả, ngoài tiếng tăm về đức độ và tài năng đã thấm sâu vào nhiều tầng lớp "dân đen con
33


đỏ", ngoài những việc làm cụ thể với tất cả ý thức trách nhiệm về công vụ, với lòng yêu
nước thương dân sâu xa, và cả lòng nhẫn nhịn phi thường nữa trên cơ sở đại lượng, hiểu
thấu sự đời & lòng người như một trong những biểu hiện của Phật tính. Cái bí quyết
thành công để "huấn luyện kỹ càng biến dân ô hợp thành đội quân chính quy" cụ kể lại
thật chân chất, cảm động cho thấy nó có sức thuyết phục hơn mọi lời rao giảng đạo nghĩa
hùng biện, đó là: "Cùng sống với họ như con em"... Tôi cứ miên man nghĩ ngợi mãi về
những bí ẩn đằng sau hai sự kiện lạ lùng đó mà trong lịch sử chiến trận xưa nay, có lẽ
trường hợp của cụ là độc nhất vô nhị! Biết bao tình tiết thú vị, gay cấn, xoay quanh cái
thử thách khổng lồ đối với một người ở cương vị quá bé nhỏ mà dám kiên cường chọi lại
định mệnh sắt thép, buộc nó phải phục tùng mình khiến người đọc người xem phải hồi
hộp chờ đợi, phải lo lắng thắt tim hay dạt dào xúc động, cảm phục- một khi chúng được
thể hiện bằng tiểu thuyết hoặc phim lịch sử! Phải là một trái tim kiên cường và tha thiết
với vận mệnh đất nước & dân tộc đến thế nào mới "Chẳng sợ phép nước, chẳng kể công
luận" như vua đã quy tội một cách bất công mà ở tầm trí thức đó cụ thừa hiểu là nó sẽ
giáng vào mình khi hành động như vậy! Mặc dù cụ không rơi vào bi kịch "Thiên giáng
kỳ tài vô dụng xứ"- trời cho tài lạ nhưng chẳng dùng được vào đâu (Nguyễn Du-Bắc hành
tạp lục), nhưng vốn là một "anh hùng thời loạn", với học vấn và từng trải, cụ chắc thấm
hiểu cái nóng lạnh của thời thế đảo điên mà Cao Bá Quát từng hãi hùng: "Bước đường
bằng phẳng thì mờ mịt, bước đường ghê sợ thì nhiều" (Thản lộ mang mang úy lộ đa- Sa
hành đoản ca). Nguyên nhân sâu xa của thực tế này đã được nhiều nhà nghiên cứu vạch
rõ, đây là một nhận định tiêu biểu: "Các nhà vua Nguyễn cho đến trước khi thực dân
Pháp xâm lược đã áp dụng hàng loạt chính sách đi ngược lại với hướng vận động tiến hóa
của lịch sử, ngược lại với những đường lối, chủ trương trước kia của các chúa Nguyễn,
các bậc tiền bối trực tiếp, hay trong trường hợp vua sáng nghiệp Gia Long, là đi ngược lại
chính mình."(5) Chúng ta hãy cùng nhớ lại những lần Nguyễn Công Trứ hoảng hồn kêu
than "Trời già sao tai ác thế" khi bị đóng gông giải về kinh bởi buộc tội mưu phản, hoặc
bị khép tội "trảm giam hậu" bởi kháng chỉ; hãy nhớ đến cái án bị đóng xiềng lên mộ sau
khi chết đối với Tả quân Lê Văn Duyệt; hãy nhớ đến cái chết oan nghiệt của cha con
thống chế Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường vì án văn tự...
        Sau khi đã tạm thỏa cái "Chí nam nhi" như tên một bài thơ của Nguyễn Công Trứ,
trên "con đường làm quan cay cực", khi hưu quan, cụ Lê Đại Cang đã dồn sức làm công
việc "Chép lại chuyện cũ/Nhằm phát triển đạo hiếu" cùng với việc sửa sang Từ đường
dòng họ. Và, có một điều rất lý thú song không hề bất ngờ là: cụ đã cho làm một cái am
nhỏ gần từ đường đặt tên là Giác Am, tự lấy hiệu là Giác Am cư sĩ để bắt đầu sống với
"độc hạc, cô vân", ngẫm về lẽ vô thường của cõi đời và tu thiền trong thế giới ẩn dật hằng
mong mỏi (Thời loạn đi về như hạc độc/Tuổi già hình bóng tựa mây côi). Thực ra đó
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1
Le dai cang   tham luan1

More Related Content

Similar to Le dai cang tham luan1

trieu dai nha hue to1lop10a5.pptx
trieu dai nha hue to1lop10a5.pptxtrieu dai nha hue to1lop10a5.pptx
trieu dai nha hue to1lop10a5.pptxWinSun6
 
Nhà Mạc ba thời kỳ = Vanhien.vn
Nhà Mạc ba thời kỳ = Vanhien.vnNhà Mạc ba thời kỳ = Vanhien.vn
Nhà Mạc ba thời kỳ = Vanhien.vnPham Long
 
Chuyên đê dạy học theo chủ đề tích hợp tên dự án chiếu dời đô (thiên đô chiếu)
Chuyên đê dạy học theo chủ đề tích hợp tên dự án  chiếu dời đô (thiên đô chiếu)Chuyên đê dạy học theo chủ đề tích hợp tên dự án  chiếu dời đô (thiên đô chiếu)
Chuyên đê dạy học theo chủ đề tích hợp tên dự án chiếu dời đô (thiên đô chiếu)jackjohn45
 
Chuyên đề Địa chí Đông Anh_11000412092019
Chuyên đề Địa chí Đông Anh_11000412092019Chuyên đề Địa chí Đông Anh_11000412092019
Chuyên đề Địa chí Đông Anh_11000412092019hieupham236
 
Kien giang
Kien giangKien giang
Kien giangAnh Tuan
 
bctntlvn (19).pdf
bctntlvn (19).pdfbctntlvn (19).pdf
bctntlvn (19).pdfLuanvan84
 
THUYẾT MINH TỈNH AN GIANG
THUYẾT MINH TỈNH AN GIANG THUYẾT MINH TỈNH AN GIANG
THUYẾT MINH TỈNH AN GIANG Chau Duong
 
Daiviet commerce
Daiviet commerceDaiviet commerce
Daiviet commerceDO Alex
 
Nam kỳ lục tỉnh đất nước và con người lâm văn bé
Nam kỳ lục tỉnh đất nước và con người   lâm văn béNam kỳ lục tỉnh đất nước và con người   lâm văn bé
Nam kỳ lục tỉnh đất nước và con người lâm văn béKelsi Luist
 
Người Việt chinh phục đại dương
Người Việt chinh phục đại dươngNgười Việt chinh phục đại dương
Người Việt chinh phục đại dươngMinh Thắng Trần
 
Đại cương lịch sử VN - nhóm 2.pptx
Đại cương lịch sử VN - nhóm 2.pptxĐại cương lịch sử VN - nhóm 2.pptx
Đại cương lịch sử VN - nhóm 2.pptxpmphuc
 
THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG
THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNGTHÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG
THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNGPham Long
 
Lời ca quan họ và truyện kiều của Nguyễn Du
Lời ca quan họ và truyện kiều của Nguyễn DuLời ca quan họ và truyện kiều của Nguyễn Du
Lời ca quan họ và truyện kiều của Nguyễn DuPham Long
 
Hồi 14 hoang le nhat thong chi
Hồi 14 hoang le nhat thong chiHồi 14 hoang le nhat thong chi
Hồi 14 hoang le nhat thong chiTam Vu Minh
 
GIA ĐỊNH TAM GIA
GIA ĐỊNH TAM GIAGIA ĐỊNH TAM GIA
GIA ĐỊNH TAM GIAKelsi Luist
 
Kỷ niệm 590 năm khởi nghĩa lam sơn
Kỷ niệm 590 năm khởi nghĩa lam sơnKỷ niệm 590 năm khởi nghĩa lam sơn
Kỷ niệm 590 năm khởi nghĩa lam sơnKelsi Luist
 
CÀN LONG DU GIANG NAM_ phần 1_hồi 1-hồi 20
CÀN LONG DU GIANG NAM_ phần 1_hồi 1-hồi 20CÀN LONG DU GIANG NAM_ phần 1_hồi 1-hồi 20
CÀN LONG DU GIANG NAM_ phần 1_hồi 1-hồi 20vinhbinh2010
 

Similar to Le dai cang tham luan1 (20)

trieu dai nha hue to1lop10a5.pptx
trieu dai nha hue to1lop10a5.pptxtrieu dai nha hue to1lop10a5.pptx
trieu dai nha hue to1lop10a5.pptx
 
Nhà Mạc ba thời kỳ = Vanhien.vn
Nhà Mạc ba thời kỳ = Vanhien.vnNhà Mạc ba thời kỳ = Vanhien.vn
Nhà Mạc ba thời kỳ = Vanhien.vn
 
Chuyên đê dạy học theo chủ đề tích hợp tên dự án chiếu dời đô (thiên đô chiếu)
Chuyên đê dạy học theo chủ đề tích hợp tên dự án  chiếu dời đô (thiên đô chiếu)Chuyên đê dạy học theo chủ đề tích hợp tên dự án  chiếu dời đô (thiên đô chiếu)
Chuyên đê dạy học theo chủ đề tích hợp tên dự án chiếu dời đô (thiên đô chiếu)
 
Chuyên đề Địa chí Đông Anh_11000412092019
Chuyên đề Địa chí Đông Anh_11000412092019Chuyên đề Địa chí Đông Anh_11000412092019
Chuyên đề Địa chí Đông Anh_11000412092019
 
Kien giang
Kien giangKien giang
Kien giang
 
bctntlvn (19).pdf
bctntlvn (19).pdfbctntlvn (19).pdf
bctntlvn (19).pdf
 
THUYẾT MINH TỈNH AN GIANG
THUYẾT MINH TỈNH AN GIANG THUYẾT MINH TỈNH AN GIANG
THUYẾT MINH TỈNH AN GIANG
 
Daiviet commerce
Daiviet commerceDaiviet commerce
Daiviet commerce
 
Truongquocte.ifno_Nhân vật lịch sử & giai thoại
Truongquocte.ifno_Nhân vật lịch sử & giai thoạiTruongquocte.ifno_Nhân vật lịch sử & giai thoại
Truongquocte.ifno_Nhân vật lịch sử & giai thoại
 
Nam kỳ lục tỉnh đất nước và con người lâm văn bé
Nam kỳ lục tỉnh đất nước và con người   lâm văn béNam kỳ lục tỉnh đất nước và con người   lâm văn bé
Nam kỳ lục tỉnh đất nước và con người lâm văn bé
 
Người Việt chinh phục đại dương
Người Việt chinh phục đại dươngNgười Việt chinh phục đại dương
Người Việt chinh phục đại dương
 
Đại cương lịch sử VN - nhóm 2.pptx
Đại cương lịch sử VN - nhóm 2.pptxĐại cương lịch sử VN - nhóm 2.pptx
Đại cương lịch sử VN - nhóm 2.pptx
 
THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG
THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNGTHÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG
THÁI TỔ MẠC ĐĂNG DUNG
 
Lời ca quan họ và truyện kiều của Nguyễn Du
Lời ca quan họ và truyện kiều của Nguyễn DuLời ca quan họ và truyện kiều của Nguyễn Du
Lời ca quan họ và truyện kiều của Nguyễn Du
 
Lich su giai thoai
Lich su   giai thoaiLich su   giai thoai
Lich su giai thoai
 
Sukytumathien
SukytumathienSukytumathien
Sukytumathien
 
Hồi 14 hoang le nhat thong chi
Hồi 14 hoang le nhat thong chiHồi 14 hoang le nhat thong chi
Hồi 14 hoang le nhat thong chi
 
GIA ĐỊNH TAM GIA
GIA ĐỊNH TAM GIAGIA ĐỊNH TAM GIA
GIA ĐỊNH TAM GIA
 
Kỷ niệm 590 năm khởi nghĩa lam sơn
Kỷ niệm 590 năm khởi nghĩa lam sơnKỷ niệm 590 năm khởi nghĩa lam sơn
Kỷ niệm 590 năm khởi nghĩa lam sơn
 
CÀN LONG DU GIANG NAM_ phần 1_hồi 1-hồi 20
CÀN LONG DU GIANG NAM_ phần 1_hồi 1-hồi 20CÀN LONG DU GIANG NAM_ phần 1_hồi 1-hồi 20
CÀN LONG DU GIANG NAM_ phần 1_hồi 1-hồi 20
 

Le dai cang tham luan1

  • 1. 1 Lê Đại Cang – Tấm gương kẻ sĩ Trong ba ngày 8, 9, 10 tháng 1 năm 2013, tại TP Quy Nhơn sẽ diễn ra cuộc hội thảo khoa học “Lê Đại Cang – Tấm gương kẻ sĩ” do UBND tỉnh Bình Định, Viện Sử học VN, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc VN phối hợp tổ chức với sự tham gia của các vị lãnh đạo, các nhà khoa học lịch sử, trí thức văn nghệ sĩ hàng đầu thủ đô Hà Nội, TPHCM, Bình Định và các địa phương khác trong cả nước. Lê Đại Cang (1771-1847) quê ở làng Luật Chánh, xã Phước Hiệp, tỉnh Bình Định là một danh nhân lịch sử văn võ toàn tài thời Nguyễn, dưới ba triều vua Gai Long, Minh Mạng, Thiệu Trị. Ông đã có những đóng góp được sử sách ghi nhận trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc ở các lĩnh vực chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, để lại những dấu ấn sâu đậm ở cả ba miền đất nước, nhất là ở mảnh đất ngàn năm văn hiến Hà Nội và miền biên viễn Cực Nam đất nước, nổi tiếng là một kẻ sĩ liêm chính, cương trực, một tấm gương “tôi trung, con hiếu”. Hội thảo này là dịp để tìm hiểu sâu sắc toàn diện về thân thế sự nghiệp danh nhân Lê Đại Cang cùng những bài học quý giá ông để lại cho hậu thế. VHNVN điện tử xin giới thiệu một số tham luân sẽ được trình bày tại hội thảo.
  • 2. 2 Lê Đại Cang niên biểu (1771-1847) Lê Đại Cang - 黎 大 綱 1 (1771-1847), tự là Thống Thiện - 統 善 , hiệu là Kỳ Phong - 奇 峯 , biệt hiệu là Thường Chánh Thị - 常 正 氏 , người làng Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. 1771: Sinh ra tại Huế. 1776-1786: Ở Huế, học với cha tại gia đình. 1787: Về quê ở Luật Chánh, Phước Hiệp, Tuy Phước, Bình Định, được học thầy Nguyễn Tử Nghiễm, thời Tây Sơn làm quan Thị giảng, cha của Nguyễn Tử Diệu, Thượng thư bộ Hình của triều Nguyễn, rồi thầy Đặng Đức Siêu, sau làm Thượng thư bộ Lễ của triều Nguyễn. 1792: Cha mẹ bệnh, nối nhau qua đời, phải dừng việc học thầy Đặng Đức Siêu, bắt đầu nghề dạy học để kiếm sống, tiếp tục tự học cả văn và võ tại quê nhà, nổi tiếng là văn võ song toàn. 1802 -1810: Năm Gia Long nguyên niên, được Hữu quân Bình Tây tướng quân Quận công Nguyễn Huỳnh Đức và Hình bộ Thượng thư Tham tri Nguyễn Hoài Quỳnh tiến cử với triều Nguyễn Gia Long, được bổ chức Tri huyện Tuy Viễn, có thời gian bị vu là tham tang, bị mất chức, được hậu quân Lê Chất minh oan, được phục chức. 1811: Năm Gia Long thứ 9, theo giới thiệu của Hậu quân Lê Chất, Tổng hiệp trấn Bắc thành, được điều ra Bắc Thành, thăng Binh bộ thiêm sự, lo việc từ chương. 1821: 1
  • 3. 3 Năm Minh Mạng thứ 2, sung chức Biện lý bang giao sứ sự ở công quản Gia Quất lo việc đón tiếp sứ nhà Thanh. 1822: Giữ chức Hiệp trấn Sơn Tây. 1823 – 1824: Được điều về Nam làm Cai bạ Quảng Nam. Năm 1824, phụ trách huy động hơn 3000 người khơi đào sông Vĩnh Điện dài 1630 trượng, công trình thủy lợi quan trọng ở Quảng Nam, thành công, được vua ban thưởng. 1824-1826: Tháng 9/1824 được điều vào làm Cai bạ Vĩnh Thanh (Vĩnh Long). Tháng 5 năm 1825, sông đào Vĩnh Điện ở Quảng Nam bị sụt lở, bị vua quở trách và cách chức nhưng cho cách lưu. Đây là lần cách lưu đầu tiên trong lịch sử. Đại Nam thực lục ghi: “Cai bạ Vĩnh Thanh là Lê Đại Cương vì trước kia trông coi đào sông Vĩnh Điện ở Quảng Nam, bờ sông vỡ lở bị xử tội đồ. Vua đặc cách gia ơn đổi làm án cách lưu. Bộ Lại tâu rằng án cách lưu trước đây chưa có làm qua, xin nên truy thu hết bằng sắc từ lúc xuất thân đến nay, rồi làm bằng cấp của đình thần phát cho giữ lấy, đợi sau được khai phục sẽ xét phẩm trật mà cấp trả lại. Vua theo. Sau lấy đó làm lệ”. Tháng 9 năm 1826 được vua triệu về Kinh, Tổng trấn Gia Định thành, Tả quân Lê Văn Duyệt dâng sở tâu xin giữ lại làm Tuyên phủ sứ phủ Lạc Hóa (tức Trà Vinh ngày nay). Vua không cho. 1826 - 1827: Năm Minh Mạng thứ 7, tháng 11, được đưa về triều bổ Thị lang bộ Hình rồi đến tháng 5/1827 thăng Tham tri bộ Hình. Năm Minh Mạng thứ 8, tháng 7 được vua cử làm khâm sai ra Bắc thành xem xét xử các vụ án hình tồn đọng. Vua dụ rằng: “Bắc Thành gần đây bị vỡ đê, bọn tào trưởng Vũ Xuân Cẩn phải đi phát chẩn, việc án để đọng, không thể chóng làm xong được. Để đọng một ngày thì dân chịu khổ một ngày, ngươi nên thanh lý cho chóng. Hết thảy các án kiện giao cho, cùng án mạng án cướp trong hạt, đến tháng 11 phải xét xử xong. Còn như tạp án tầm thường thì do thành xét xử, đến cuối năm phải xong cả, khiến toà không có án để đọng, ngục không có tù giam lâu, để đáp ý trẫm cẩn thận việc ngục thương xót việc hình”. Tháng 11, đúng thời hạn vua ra hoàn thành nhiệm vụ, trở về kinh, được vua ban khen.
  • 4. 4 1828 -1830: Tháng 9 năm 1828 được vua điều sang phụ trách quản lý nha đê chính, Trước khi Lê Đại Cang lên đường ra Bắc, vua Minh Mạng dụ rằng : "Việc chống lụt quan hệ rất lớn. Ngươi là người biết lẽ, trước kia việc hình ngục ở Bắc Thành, ngươi đến nơi là làm xong ngay. Nay trách nhiệm về Đê chính càng nặng nề. Lần này đi, nên hết lòng xếp đặt để cho nước chảy thuận dòng, cho dân càng mừng êm sóng thì công ấy chẳng nhỏ đâu". .Ông từ kinh đô ra Bắc thành thi hành nhiệm vụ. Tháng 11/1828, trực tiếp chỉ đạo khởi công đắp hệ thống đê công mới ở Bắc thành với công trình lớn có 18 sở, công trình nhỏ hơn 1000 sở. Tháng 12/1828 được vua ban thưởng vì công trạng trong việc đắp đê. Tháng 4 năm 1829 vì vỡ đê ở Đa Hòa, Kim Quan, bị giáng chức xuống 3 cấp. Tháng 8/1829, công việc đăp đê ở Bắc Thành hoàn tất, các đoạn đê vỡ được gia cố vững chắc, Lê Đại Cang được phục chức. Trong thời gian này, đã biên soạn cuốn sách thống kê hết sức công phu, cụ thể về hệ thống đê công tư ở Bắc thành. Đại Nam thực lục viết: “Đê chính thần Lê Đại Cương dâng sách tổng kê các đê công tư ở Bắc Thành: Đê điều các trấn Sơn Tây, Sơn Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương và phủ Hoài Đức thuộc hạt thành, đoạn nào đắp tự năm nào, đời nào, đoạn nào ở địa phận xã thôn nào, cùng dạng thức cao rộng bao nhiêu, sổ sách không rõ, từ trước đến nay người lãnh chức Đê chính phàm có sửa đắp, chỉ cứ theo sở tại khai báo mà giao làm, đến khi làm xong, cũng chỉ tới chỗ đê mới mà khám biện thôi. Từ khi Lê Đại Cương chuyên coi việc đê mới đi khắp xem xét. Những chỗ đê gần sát bờ sông, thân đê sụt nứt, chiếu lệ đại công trình mà đắp đê mới, tất cả 18 sở, ngoài ra các đê mới cũ đắp từ đời trước và từ năm Gia Long thứ 2 trở lại, nhiều lần sửa đắp, phàm chỗ thế nước chảy xói nên quý làm đê công, thì theo lệ tiểu công trình mà sửa đắp, chỗ nào thế nước tầm thường nên làm đê tư thì cho dân coi giữ, chỗ nào nên bỏ thì san đi. Đến bấy giờ cứ các đê điều cho đến cống nước ở đê, họp làm sách tổng kê để phòng xem đến”. Tháng 6/1830, do vỡ đê ở Sơn Nam, Lê Đại Cang lại bị cách chức. Tháng 8/1830, khắc phục tốt hậu quả vỡ đê lại được phục chức và ban thưởng. Được cữ kiêm Hình tào Bắc thành. 1831 - 1832: Tháng 9, được cử làm chủ khảo khoa thi hương ở trường thi Bắc thành. Trong số hơn 20 người đỗ cử nhân ở trường thi này có Cao Bá Quát.
  • 5. 5 Tháng 10, được quyền giữ ấn triện Tổng trấn Bắc thành và thăng làm thự Binh bộ Thượng thư, Đô sát viện Hữu đô ngự sử, Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên kiêm Tuần phủ Sơn Tây, nổi tiếng là chính sự giỏi. Tháng 11, do ra lệnh chém đầu một kẻ phóng hỏa đốt nhà người khác, bị vua phạt 1 năm bổng. Bị dân hạt Sơn Tây về kinh kiện tội tham nhũng, vua cho tra xét thấy ông không có tội nên triệu về kinh cho yết kiến và dụ rằng: “Người làm việc nhanh, giỏi. Trẫm đã chọn biết. Việc tiểu dân kiện, xét ra là kiện vu, thì tâm tính của ngươi đã rõ rồi. Đại thần vì nước, nên hết sức làm việc nên làm”. Tháng 7 năm 1832, kiêm lĩnh Tổng đốc Hà Nội - Ninh Bình. Tháng 10/1832 được triệu về kinh và tháng 11 được giao làm Tổng đốc An Giang – Hà Tiên, kiêm lĩnh ấn “Bảo hộ Chân Lạp quốc”. Trước khi đi nhậm chức, Minh Mạng vời Lê Đại Cương vào ra mắt và dụ rằng: “An Giang là tỉnh mới đặt, trong thì trấn thủ, vỗ về nước Phiên, ngoài thì khống chế nước Xiêm, sự thể rất quan trọng. Ngươi nay cai trị đất ấy, phàm những việc quân, dân, trọng đại cùng thành trì và kho tàng đều nên hết sức lo liệu để phu phỉ ý ta mong ngươi làm được thành công”. 1833 – 1838: Năm Minh Mạng thứ 14, chủ trì việc xây thành mới An Giang, chấn chỉnh quân đội, huấn luyện binh sĩ tại đây. Chủ trì khai mở đường thủy từ sông Tiền Giang ở Tân Thành thẳng đến sông Hậu Giang ở Châu Đốc dài hơn 3000 trượng. Chiêu mộ được 10 đội quân Phiên (Chân Lạp) xin đặt tên được vua đặt tên là cơ An Biên. Tháng 6/1833, họa phản loạn Lê Văn Khôi nổi lên, vua ra lệnh cho Lê Đại Cang hợp sức đánh dẹp. Lê Đại Cang được vua cấp kính thiên lý cùng Trương Minh Giảng, Lê Phúc Bảo, Phan Văn Thúy để hội quân đánh giặc. Quan quân triều đình bị hỏa công của Lê Văn Khôi đánh trả nên thua, để Lê Văn Khôi chiếm Định Tường, An Giang, Hà Tiên. Lê Đại Cang làm sở xin chịu tội. Vua cách chức Tổng Đốc cho làm “đới lãnh binh dũng quân tiền hiệu lực”. Được cho tạm quyền quản lĩnh binh dõng dưới quyên, Lê Đại Cang đã tập hợp tàn quân, tuyển thêm binh lính người Việt và người Miên xây dựng một đội quân mạnh trên 2000 người phối hợp với viện binh triều đình phản công giặc Khôi và quân xâm lược Xiêm, tái chiếm lại An Giang và các vùng đất đã mất, kể cả Chân Lạp. Chỉ trong 4 tháng được thăng liên tục các chức Binh bộ Viên ngoại lang, kiêm Phó lãnh binh, rồi Án sát sứ, Bố chính sứ kiêm Lãnh binh và thự lý Tuần phủ An Giang.
  • 6. 6 Tháng 3/1834, quân Xiêm lại động binh uy hiếp Chân Lạp, Lê Đại Cang tâu vua xin đem quân đánh giữ. Sau khi chỉ huy cánh quân theo đường bộ Quang Hóa phối hợp các cánh quân theo đường thủy do Trương Minh Giảng chỉ huy đảnh đuổi quân Xiêm ra khỏi Cao Miên. Tháng 6/1834, được thăng Tham tri bộ Binh, Tuần phủ An Giang, được Minh Mạng giao đưa vua Cao Miên từ Việt Nam về nước, lưu lại Nam Vang lo việc bảo hộ Cao Miên. Tháng 12/1834, vua Cao Miên qua đời, vâng mệnh vua lập công chúa con gái vua Cao Miên làm quận chúa. Năm 1835, do Cao Miên không có vua, Minh Mạng lập làm Trấn Tây thành thuộc nước ta, ông được bổ làm Trấn Tây tham tán đại thần cùng Trương Minh Giảng giữ chức tướng quân cùng sắp đặt việc kinh lý Cao Miên. Được vua nhiều lần ban khen đã làm tốt chức trách điều hành Trấn Tây Thành. Tháng 7/1835, được quyền lính ấn Tổng đốc quan phòng An Giang – Hà Tiên. Năm 1836, năm 65 tuổi, xin vua về hưu nhưng vua Minh Mạng không cho, châu phê “Lão đương ích tráng” và dụ gắng sức ở lại làm việc. Tiếp tục làm Tuần phủ An Giang kiêm Trấn Tây tham tán đại thần. 1938 -1840: Tháng hai 1838, loạn người Cao Miên nổi lên ở Hải Đông, Khai Miên, thổ binh Cao Miên ở đây theo loạn đảng, Lê Đại Cang bị quy tội “khinh nhờn”, bị cách chức Tuần phủ An Giang kiêm Trần Tây tham tán đại thần, phải theo quân thứ Hải Đông hiệu lực. Trương Minh Giảng cũng bị quy tội bao che cho Lê Đại Cang, bị khiển trách. Tại đạo Trà Gi, quân thứ Hải Đông, Lê Đại Cang đã đứng ra huấn luyện binh đội ở đây từ yếu thành mạnh, có sức chiến đấu cao rồi đem quân kéo tới hợp với binh triều của Trương Minh Giảng, Dương Văn Phong đánh dẹp loạn đảng và giặc Xiêm. Giảng và Phong đem việc ấy tâu vua Minh Mạng mong vua cho Lê Đại Cang đoái công chuộc tội, nhưng vua không bằng lòng, còn truyền rằng: “Đại Cang bị cách hiệu, sao dám tự tôn mình là đại tướng, chẳng sợ phép nước, chẳng kiêng công luận. Vậy Đại Cang phải tội trảm giam hậu, Trương Minh Giảng giáng xuống làm Binh bộ thượng thư, còn Dương Văn Phong giáng 3 cấp”. Bị đưa về triều giam ít lâu rồi bị phát đi ở đồn điền ở Nguyên Thượng. 1841 -1842:
  • 7. 7 Năm Thiệu Trị thứ nhất, 1841, tháng 7, được vua Thiệu Trị phục chức Viên ngoại lang, khâm sai Bắc kỳ biện lý bang giao sứ vụ lo việc bang giao với Trung Quốc. Tháng 10 cùng năm được giao nhiệm vụ làm khâm sai mang cờ biển đi đến các nơi hành cung, sứ quán ở Hà Nội, Bắc Ninh, Lạng Sơn xem xét công việc chuẩn bị cho việc thụ phong của vua Thiệu Trị. Hoàn thành tốt việc đó, tháng 12, được thăng thự Bố chánh sứ Hà Nội. Sau hơn 1 năm làm Thự Bố chánh sứ Hà Nội, tháng 10/1842, năm 72 tuổi, xin về hưu, được vua Thiệu Trị chuẩn y. 1842 -1847: Ông về quê khôi phục từ đường họ Lê ở làng Luật Chánh, lập ra chùa Giác Am để tu tâm dưỡng tính và lấy hiệu là Giác Am cư sĩ và lập Văn chỉ Tuy Phước làm nơi tụ họp văn nhân Tuy Phước, Quy Nhơn. Ông mất tại quê nhà ngày 24 tháng 8 (âm lịch) 1847, thọ 76 tuổi. Trần Phương Lan (lập) Tài liệu tham khảo: 1. Quốc triều chính biên toát yếu – Nhà xuất bản Thuận Hóa, 1998. 2. Đại Nam thực lục, Nhà xuất bản Giáo dục, 2004, tập 1,2,3,4,5,6. 3. Đại Nam Liệt truyện chính biên, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2006. 4. Lê Đại Cang và Lê thị gia phả, Nhà xuất bản Dân trí, 2011.
  • 8. 8 SUY NGHĨ VỀ HÀNH TRẠNG, SỰ NGHIỆP CỦA DANH NHÂN LỊCH SỬ LÊ ĐẠI CANG PGS.TS. Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học) Lê Đại Cang - 黎 大 綱2 (1771-1847), tự là Thống Thiện - 統 善, hiệu là Kỳ Phong - 奇 峯, biệt hiệu là Thường Chánh Thị - 常 正 氏, người làng Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, thì tiên tổ của Lê Đại Cang vốn là người Nghệ An. Ông tổ xa đời là Lê Công Triều từng làm quan dưới triều Lê Trung hưng. Chính Lê Đại Cang, trong Lê thị gia phả cũng cho biết: “Thủy tổ là Lê Công Triều, gốc Thừa tuyên Nghệ An, phủ Hà Hoa, huyện Kỳ Hoa, phường Hà Tân, làm quan nhà Lê có công. Vừa lúc Thái Tổ Hoàng đế (chỉ Nguyễn Hoàng – TG) dời vào Thuận Hóa khai cơ, ông đem gia quyến theo, đến ở phường Trung An, xã Lê Dương, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Ninh…”3. Sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo, lại sớm mồ côi cha lẫn mẹ, bằng con đường khổ học, đầy ý chí và nghị lực, Lê Đại Cang đã trở thành một danh nhân lịch sử khá nổi tiếng vào nửa đầu thế kỷ XIX. Tìm hiểu hành trạng và sự nghiệp của Lê Đại Cang, giúp cho hậu thế chúng ta có được nhiều bài học quý báu. Dưới đây, chúng tôi xin trình bày đôi điều suy nghĩ của mình về vấn đề trên như sau: 2 . Về tên của Danh nhân lịch sử Lê Đại Cang - 黎 大 綱. Có 2 cách phiên thiết: a. Thuyết văn giải tự: Cổ lang thiết, tức Cang. b. Khang Hy tự điển: - Cổ lang thiết (Quảng Vận), tức Cang. - Cư lang thiết (Tập Vận), tức Cang. c. Từ Nguyên: Ca khang thiết, âm Cương, tức Cương. - Nhóm Dịch giả (Viện Sử học) dịch Đại Nam thực lục chính biên, dịch là Lê Đại Cương. - Vũ Ngọc Liễn dịch Lê thị gia phả, dịch là Lê Đại Cang. Trong bài viết này, chúng tôi theo cách đọc của Dịch giả Vũ Ngọc Liễn, vì cho rằng âm Cang là âm đọc của địa phương Bình Định và trong dòng họ Lê của ông. 3 . Lê Đại Cang: Lê Thị gia phả. Nxb Dân Trí, H. 2011, bản dịch của Vũ Ngọc Liễn, tr. 80.
  • 9. 9 I. Lê Đại Cang – Một nhân cách lớn, một nghị lực kiên cường trước những sóng gió của cuộc đời Thuở xưa, kẻ sĩ “thập niên đăng hỏa” theo học đạo Nho, mà thường được gọi một cách trân trọng là “Đạo Thánh hiền”, luôn cố gắng đạt được hai mục tiêu: “Tu kỷ” và “Hành đạo”. Trong các sách kinh điển Nho gia còn gọi là “Nội Thánh”, “Ngoại Vương”. Đó là một hoài bão lớn vừa có tính “Nội hướng” vừa có tính “Ngoại hướng”. Trong hai tính chất trên, thì cái học “Nội Thánh”, tức việc sửa mình để có đạo cao, đức trọng, được kẻ sĩ của mọi thời coi là cái gốc của sự xử kỷ, tiếp vật. Điều này được Tăng tử - một đại môn đồ của Khổng tử (551 – 479 tr. Cn) nói rõ trong sách Đại học: - “Tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản” (自 天 子 以 至 於 庶 人,一 是 皆 以 修 身 為 本 – Từ thiên tử cho đến kẻ thứ nhân, tất cả đều lấy việc sửa mình làm gốc). Hoặc vị A′Thánh của đạo Nho là Mạnh tử (khoảng 372-289 tr. Cn) cũng từng nhấn mạnh trong thiên Tận tâm hạ, sách Mạnh tử: - “Quân tử chi thủ, tu kỳ thân nhi thiên hạ bình” (君 子 之 守,修 其 身 而 天 下 平 – Điều mà người quân tử luôn giữ gìn là sửa thân mình mà thiên hạ bình trị). Tuy nhiên, “tu thân” (sửa mình) không phải mục đích cứu cánh của Nho gia. Tư tưởng luân lý - chính trị của Nho gia là: Tu, Tề, Trị, Bình - 修,齊,治,平. Nói tắt của “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Mục đích của việc trị đạo, việc “tu – tề” là “trí quân, trạch dân”, là “tân dân” - 新 民: làm cho nền chính trị ngày một đổi mới, hoàn thiện, đời sống dân chúng ngày một yên bình, no đủ. Có một điều trớ trêu thay của lịch sử, là kẻ sĩ sinh ra ở “thời loạn”, thì dễ bộc lộ tài năng của mình hơn là “thời trị”. Không phải ngẫu nhiên thời Tiên Tần, hay còn gọi là thời Xuân Thu – Chiến Quốc (770 – 221 tr. Cn) của Trung Quốc đã xuất hiện lắm kẻ sĩ tài ba đến như vậy! Do đó, ở một mức độ nào đó, có thể nói Lê Đại Cang đã “gặp thời”, khi sinh ra vào lúc xã hội chưa ổn định, nền chính trị chưa hoàn chỉnh, đất nước đang có những xáo trộn, giằng co lớn. Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, tổ tiên ông mặc dù từng làm
  • 10. 10 quan triều Lê, nhưng “đến Cương mới lấy văn học hiển đạt”4. Ở đây, thiết tưởng cũng nên làm rõ nghĩa của chữ “Hiển đạt” của sử thần Quốc sử quán triều Nguyễn? Sách Từ Nguyên giải thích: 顯,達 也。 達 而 在 上 曰: 顯,有 聲 聞,名 譽 也 (Hiển, đạt dã. Đạt nhi tại thượng viết: Hiển, hữu thanh văn, danh dự dã. Nghĩa là: Hiển, tức là thành đạt. Thành đạt mà ở vào vị trí cao, thì gọi là Hiển. Người hiển đạt là người có danh tiếng sang trọng, vẻ vang)5. Qua đó, ta thấy theo quan niệm của sử thần thời quân chủ: làm quan như Thủy tổ họ Lê là Lê Công Triều, có lẽ giữ chức Khám lý đề đốc hoặc huyện Bồng Sơn, hoặc phủ Hoài Ninh6, hay như Lê Công Miễn, Thượng thư Hình bộ7, cũng không được coi là “hiển đạt”. Tôi đọc tiểu sử, hành trạng của Lê Đại Cang, trong các bộ chính sử triều Nguyễn như: Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam chính biên liệt truyện…, nhận thấy con đường hoạn lộ của ông có quá nhiều sóng gió, hiểm nguy. Tôi đồng tình với nhận định dưới đây của hai tác giả Quách Tấn – Quách Giao khi viết: “Là một danh sĩ nổi tiếng về văn chương cũng như võ nghệ. Cuộc đời làm quan của ông cũng giống như Nguyễn Công Trứ, lận đận nhiều phen. Khi thì làm quan to, lúc lại làm lính đi khiêng võng. Nhưng tư cách và chí khí vẫn hiên ngang”8. Vấn đề được đặt ra là: Vì sao cuộc đời làm quan của Lê Đại Cang “lận đận nhiều phen” như thế, mà vẫn giữ được “tư cách và chí khí hiên ngang”? Tôi thiết nghĩ lý giải được vấn đề này không đơn giản chút nào. Tôi cho rằng ít nhất có 3 nguyên nhân sau đây để làm nên vị danh nhân lịch sử 奇 峯 - 黎 大 綱 : Kỳ Phong9 – Lê Đại Cang vào nửa đầu thế kỷ XIX ấy. Thứ nhất, là truyền thống “Người xứ Nghệ”, nguyên quán của Lê Đại Cang. Xưa nay, chúng ta đều hiểu “Xứ Nghệ” là một tiểu vùng văn hóa, bao gồm 2 tỉnh Nghệ An và 4 . Đại Nam chính biên liệt truyện. Nxb Thuận Hóa – Huế, 1993, tập 3, tr. 336. Chúng tôi chủ trương nên phiên âm tên ông là “Cang”, nhưng ở đây và kể cả sau này, vì tôn trọng cách dịch của các dịch giả tiền bối, chúng tôi vẫn trích dẫn là “Cương”. 5 . Từ Nguyên. Bộ Hiệt, tập Tuất, tr. 1632. 6 . Lê Đại Cang: Lê thị gia phả. Sđd, tr. 81. 7 . Lê Đại Cang: Lê thị gia phả. Sđd, tr. 94. 8 . Lê Đại Cang: Lê thị gia phả. Sđd, tr. 17. 9 . Kỳ Phong - 奇 峯: tên hiệu của Lê Đại Cang. Tên Tự: Thống Thiện - 統 善, có nghĩa là: “Hợp mọi điều thiện”, có liên hệ về nghĩa với tên Nhũ danh Lê Đại Cang (Tam Cang – Ngũ Thường, gọi tắt là “Cang Thường”). Còn tên Hiệu là tên có ý nghĩa gửi gắm hoài bão, chí hướng của mình. “Kỳ Phong” là Ngọn núi kỳ vĩ.
  • 11. 11 Hà Tĩnh. Đó là vùng đất từ huyện Quỳnh Lưu ở phía Bắc cho tới Kỳ Anh ở phía Nam, chiều dài khoảng 200 km. Từ khoảng giữa thế kỷ XVI, năm 1558, vị thủy tổ dòng họ Lê này là Lê Công Triều, người phường Hà Tân, huyện Kỳ Hoa10 (nay là Kỳ Anh), theo Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa. Sau này, chắc hẳn Lê Công Triều được bổ làm Khám lý đề đốc huyện Bồng Sơn, Bình Định, nên gia tộc họ Lê của ông đã định cư tại đây. Tuy nhiên, dòng họ Lê của Lê Đại Cang vẫn giữ nguyên những tính cách ưu trội của người xứ Nghệ là: Ý chí vượt khó khăn, khắc phục hoàn cảnh, giàu chí tiến thủ; Hiếu học đến mức “khổ học”, cầu học vì có ý chí thành danh bằng con đường học vấn; Khí khái, thẳng thắn, chân thực trong ứng xử xã hội, v.v… Thứ hai, có “hạt giống tốt”, lại cần được gieo trồng trong điều kiện “mảnh đất tốt lành”, mới mong có mùa thu hoạch như ý. “Mảnh đất tốt lành” của dòng họ Lê (Lê Đại Cang), đó là vùng đất Bình Định – quê hương mới của ông. Sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn từng nhận định về người dân Bình Định nói chung và kẻ sĩ nơi đây nói riêng như sau: “Học trò chăm học, nhân dân siêng cày, dệt; tính tình trầm tĩnh, dũng cảm, thích việc nghĩa; buôn bán và kỹ nghệ chỉ được độ hai, ba phần mười; người học thức phần nhiều nho nhã, trung hậu…”11. Nhưng, theo tôi nguyên nhân thứ ba sau đây, có tính chất quyết định để hình thành nên Nhân cách lớn, một nghị lực kiên cường của danh nhân lịch sử Lê Đại Cang trước những sóng gió của cuộc đời. Đó là nhân cách của một bậc Quân tử - Đại trượng phu; mẫu người lý tưởng mà tư tưởng Khổng – Mạnh cấp cho Lê Đại Cang, từ hồi còn chập chững bước vào đời. Các nhà giáo dục đều thống nhất ý kiến cho rằng: Những gì con người được học vào cái thời còn trẻ tuổi, tức từ khoảng 7, 8 tuổi đến 18, 20 tuổi, thì sẽ góp phần quyết định tạo nên nhân cách, tính cách của người ấy và sẽ còn đi mãi với họ trong suốt cả cuộc đời… Chúng ta đều biết Nho giáo là một học thuyết chính trị và đạo đức, tồn tại trong khoảng thời gian hơn 2000 năm dưới thời cổ đại và trung đại ở phương Đông, trong đó có Việt Nam. Đóng góp quan trọng của tư tưởng Khổng tử và Mạnh tử là học thuyết về đạo 10 . Kỳ Hoa. Năm 1841, khi vua Thiệu Trị lên ngôi, vì kỵ húy tên phụ mẫu là Hồ Thị Hoa, nên cho đổi thành Kỳ Anh. 11 . Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí. Nxb Khoa học xã hội, H. 1971, tập 3, tr. 13.
  • 12. 12 đức. Điều cần lưu ý là học thuyết đạo đức của Khổng - Mạnh luôn gắn liền với học thuyết chính trị của các ông. Khổng tử và Mạnh tử đều coi trọng sự hoàn thiện về đạo đức là sự hoàn thiện về nhân cách. Khổng tử đề xuất “Tam đức”: Nhân - Trí - Dũng (仁,智,勇), Mạnh tử đề xuất “Tứ đoan”: Nhân - Nghĩa - Lễ - Trí (仁,義,禮,智) và coi sự thống nhất của chúng ở một con người là nhân cách trọn vẹn… Chúng ta đều biết rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969), vốn xuất thân từ một gia đình nhà Nho “Xứ Nghệ”. Năm 1923, chính Bác Hồ tự giới thiệu tại Liên Xô rằng: “Tôi xuất thân từ một gia đình nhà Nho Việt Nam, trong đó các thanh niên đều theo học Đạo Khổng”12. Ngay từ thời trẻ, Bác Hồ đã học cách “lập chí”, trong việc “thành nhân” của Đạo Nho, nên Người không sợ và không bao giờ chùn bước trước muôn vàn khó khăn trong cuộc đời. Vào thập kỷ 40 của thế kỷ XX, Bác Hồ từng khẳng định: “Học thuyết của Khổng tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân”13. Trở lại với việc hình thành “Nhân cách lớn, nghị lực kiên cường” của Lê Đại Cang, chúng tôi cho rằng ông đã tiếp thu trực tiếp từ những lời dạy của Khổng tử, Mạnh tử và nhiều vị Đại Nho khác được rút ra từ các bộ sách kinh điển của Nho gia. Do giới hạn của một bài luận văn khoa học, tôi chỉ xin trích dẫn một vài câu để làm minh chứng cho những nhận định nói trên. Trong bộ sách Luận ngữ, Khổng tử nói: “Chí sĩ nhân nhân vô cầu sinh dĩ hại nhân; Hữu sát thân dĩ thành nhân” (志 士 仁 人 無 求 生 以 害 仁; 有 殺 身 以 成 仁: Bậc chí sĩ, nhân nhân chớ vì bảo tồn sinh mạng mà làm hại điều nhân; trái lại có khi phải hy sinh tín mạng để hoàn thành điều nhân. – Luận ngữ - Vệ Linh công). Hoặc, Khổng tử cho rằng chỉ khi nào gặp những điều kiện cực kỳ khó khăn, mới hiểu rõ được phẩm chất dũng cảm đích thực của một con người. Khổng tử nói: “Tuế hàn, nhiên hậu tri tùng bách chi hậu điêu dã” (歲 寒,然 後 知 松 柏 之 後 彫 也: Chỉ khi nào gặp năm cực rét, mới biết cây tùng, cây bách rụng lá cuối cùng [sau mọi loại cây khác]. – Luận ngữ - Tử Hãn). 12 . Dẫn theo: Nho giáo xưa và nay. Vũ Khiêu (chủ biên). Nxb Khoa học xã hội, H. 1991, tr. 229. 13 . Dẫn theo: Nho giáo xưa và nay. Sđd, tr. 227.
  • 13. 13 Tuy nhiên, tìm hiểu về hành trạng, sự nghiệp của Lê Đại Cang, tôi nhận thấy mẫu hình nhân cách lý tưởng của ông muốn đạt tới là bậc Đại Trượng phu của Mạnh tử, hơn là bậc Quân tử của Khổng tử. Tôi cho rằng cái bản lĩnh đặc biệt mà Lê Đại Cang có được, một phần không nhỏ là chịu ảnh hưởng và tu dưỡng theo mẫu hình Đại Trượng phu của Mạnh tử. Tôi thiển nghĩ trong nền văn hóa phương Đông, ít có người bàn về bậc Đại Trượng phu hay như Mạnh tử. Đọc những câu mà Mạnh tử luận về vấn đề này, không khi nào tôi tránh khỏi sự xúc động mạnh mẽ: “Cư thiên hạ chi quảng cư; Lập thiên hạ chi chính vị; Hành thiên hạ chi đại đạo; Đắc chí, dữ dân do chi; Bất đắc chí, độc hành kỳ đạo. Phú quý bất năng dâm; Bần tiện bất năng di; Uy vũ bất năng khuất. Thử chi vị Đại Trượng phu”. (居 天 下 之 廣 居 立天下之正位 行天下之大道 得 志,與 民 由 之 不 得 志,獨 行 其 道 富 貴 不 能 淫; 貧 賤 不 能 移; 威 武 不 能 屈。 此 之 謂 大 丈 夫。 - Sống ở nơi rộng rãi của thiên hạ Đứng ở vị thế chính đáng của thiên hạ Đi trên con đường lớn của thiên hạ Lúc đắc chí gặp thời thì ra làm quan, cùng chung sức với dân để đạt tới điều “Nhân”. Khi bất đắc chí, không gặp thời, thì ở ẩn, tu thân một mình giữ “Đạo”. Lúc giàu sang không buông tuồng quá mức; Khi gặp cảnh nghèo khó, không thay đổi chí hướng; Gặp uy vũ, bạo lực không chịu để bị khuất phục.
  • 14. 14 Làm được những điều trên, xứng đáng gọi là bậc Đại Trượng phu. – Mạnh tử - Đằng văn công hạ). Qua kinh nghiệm trường đời, Mạnh tử đã nhận thấy rằng: Người ta có lầm lỗi, thất bại, mới có ăn năn, hối hận, và do đó, suy nghĩ mới sâu sắc hơn; người ta có chịu đau đớn trong lòng, có phải trầm tư mặc tưởng, cân nhắc suy nghĩ mới rút ra được những kinh nghiệm quý báu trong công việc sau này… Như vậy, theo Mạnh tử, một người trở nên hữu ích cho xã hội, cần phải được tôi luyện trong gian khổ cả thân xác, lẫn tinh thần, tựa như vàng ròng chỉ được tinh luyện trong lửa đỏ. Mạnh tử nói: “Cố thiên tương giáng đại nhiệm ư thị nhân dã; Tất tiên khổ kỳ tâm chí, lao kỳ cân cốt, ngã kỳ thể phu; không phạp kỳ thân; hành phật loạn kỳ sở vi, sở dĩ động tâm nhẫn tính, tăng ích kỳ sở bất năng” (故 天 將 降 大 任 於 是 人 也; 必 先 苦 其 心 志,勞 其 筋 骨,餓 其 體 膚; 空 乏 其 身; 行 佛 亂 其 所 為,所 以 動 心 忍 性,曾 益 其 所 不 能 – Cho nên, Trời sắp trao trách nhiệm lớn cho một người nào đó, thì ắt trước hết làm khổ tâm chí của họ, làm mệt gân cốt của họ, khiến da thịt họ phải đói lả, khiến thân xác họ phải nghèo túng, gây ra những ngang trái, rối loạn trong các hành vi của họ, cốt họ động cái tâm, nhẫn nhục cái tính, cho tăng thêm những gì mà họ còn thiếu hụt, chưa có khả năng. – Mạnh tử - Cáo tử hạ). Tôi đọc Lê thị gia phả, Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam chính biên liệt truyện, Quốc triều chính biên toát yếu…, nhận thấy cuộc đời của Lê Đại Cang trước khi ra xuất chính và thời kỳ làm quan với vương triều Nguyễn gặp khá nhiều biến cố, nhưng trong đó có hai biến cố lớn, thử thách nhân cách Đại Trượng phu ở ông. Sách Quốc triều chính biên toát yếu chép rằng: “Tháng 5 năm Quý Tỵ (1833). Nguyên Tả quân Minh nghĩa Vệ úy Lê Văn khôi… làm loạn, chiếm giữ thành Phiên An14, giết Bố chánh Bạch Xuân Nguyên… Tháng 6, Lê Văn Khôi cùng đảng chúng xâm phạm tỉnh Biên Hòa, thự15 Tuần phủ Võ Quýnh, Án sát Lê Văn Trác, Lãnh binh Hồ Kim Truyền chạy cả, tỉnh lỵ thất thủ… Đảng giặc Phiên An phạm tỉnh Định Tường, tỉnh thành thất thủ. Tổng đốc Long – Tường (Vĩnh Long – Định Tường) Lê Phúc Bảo, Tổng đốc An – Hà (An Giang – Hà Tiên) Lê Đại Cương đều bị cách lưu16…”17. 14 . Năm 1835, đổi Phiên An thành Gia Định. 15 . Thự: cũng giống như “Quyền” ngày nay, tạm giữ chức, nếu làm tốt, thì chính thức bổ nhiệm. 16 . Cách lưu: bị cách chức Tổng đốc, nhưng được lưu lại tại nhiệm sở làm việc. 17 . Cao Xuân Dục: Quốc triều chính biên toát yếu. Nxb Thuận Hóa – Huế 1998, tr. 211, 212.
  • 15. 15 Trong Lê thị gia phả, Lê Đại Cang cũng có mô tả khá chi tiết biến cố lớn này, và tự nhận định rằng: “Cuộc đời đã trải qua của tôi chưa hề gặp sự gian hiểm nào như lúc này. Nhưng gánh nặng biên cương, sự thất bại ở góc trời Đông, để mất thành An Giang trước đây tội không nhẹ. Thánh chỉ (tức Chỉ dụ của vua Minh Mệnh – TG) đến cách chức tôi, nhưng cho “Đái lãnh binh dõng, quân tiền hiệu lực” (帶 領 兵 勇,軍 前 效 力: Phải xuống làm lính, đến trận tiền ra sức làm việc để chuộc tội18). Biến cố lớn thứ hai trong cuộc đời làm quan của Lê Đại Cang xảy ra vào năm 1838. Sách Quốc triều chính biên toát yếu chép: “Tháng giêng, năm Mậu Tuất (1838), chức An phủ ở phủ Khai Biên, thuộc tỉnh Hà Tiên là tên Di làm phản. Trước có tên Khống (Khống người phủ Khai Biên, năm trước qua Xiêm làm chức Ba Lật), tự Xiêm trốn về, tên Di giấu đi. Di lại thông mưu với Thổ mục là tên Châu, dụ bọn Mọi Cao (chỉ đồng bào thiểu số Cao Miên – TG) làm đồ khí giới, toan làm loạn, chúng nó vừa nghe tên Đô Y ở Hải Đông năm ngoái khởi biến, liền tụ đảng 500 người qua đồn Long Tôn; Quản cơ phủ Khai Biên là bọn Sô Mịch, Ân Ôn theo nó cả, giết quân trú phòng người mình, rồi phân đạo đi các xứ… Tháng 2, bãi chức Quản phủ các phủ, đổi đặt làm Trú phòng, chuyên coi việc chống trộm cướp, giam tù phạm. Tuần phủ An Giang sung Tham tán Trấn tây là Lê Đại Cương có tội bị cách, phái theo quân thứ Hải Đông hiệu lực” 19. Tiếp đó, có thể vào khoảng tháng 3 năm Mậu Tuất (1838), Quốc triều chính biên toát yếu còn cho biết: “Trương Minh Giảng, Dương Văn Phong đem tình hình đánh giặc tâu rằng: Quan bị cách là Lê Đại Cương đóng ở đạo Trà Di, chia quân kéo tới đánh giặc. Ngài (chỉ vua Minh Mệnh – TG) xem tờ sớ không bằng lòng, truyền rằng: “Đại Cương bị tội cách lưu, sao dám tự tôn mình là Đại tướng? Chẳng sợ phép nước, chẳng kể công luận. Vậy Đại Cương phải tội trảm giam hậu20, còn Trương Minh Giảng giáng xuống Binh bộ Thượng thư, Dương Văn Phong giáng 3 cấp”21. 18 . Thời quân chủ, những người làm quan có tội, mà triều đình xét thấy tội còn có điểm khoan giảm được, thường cho đi: “Quân tiền hiệu lực”, hoặc “Dương trình hiệu lực” (tức theo thuyền của triều đình ra nước ngoài như: Xingapo, Nam Dương làm thủy thủ, buôn bán…). Phan Huy Chú, Lý Văn Phức, Cao Bá Quát… đã từng bị “Dương trình hiệu lực”. 19 . Cao Xuân Dục: Quốc triều chính biên toát yếu. Sđd, tr. 291, 292. 20 . Trảm giam hậu: Một trong Ngũ hình (Xuy - Trượng - Đồ - Lưu - Tử) của chế độ quân chủ Việt Nam. Tử là giết chết, có nhiều hình thức xử tử. Giảo (thắt cổ chết): Giảo quyết (thắt cổ chết ngay), Giảo giam hậu (Xử vào tội giảo, nhưng cho giam lại chờ xét lại sau), Trảm: chém đầu; Trảm quyết và Trảm giam hậu. 21 . Cao Xuân Dục: Quốc triều chính biên toát yếu. Sđd, tr. 292.
  • 16. 16 Theo Lê thị gia phả, thì sau vụ nổi dậy của người Cao Miên, vào đầu năm 1838 nói trên, Lê Đại Cang bị hạch tội là Tham tán Đại thần Trấn tây mà không hoàn thành nhiệm vụ cai trị, nên bị cách chức làm lính khiêng võng sung tiền quân hiệu lực tại quân thứ Hải Đông, đạo Trà Gi. Sau đó, vào khoảng tháng 3 năm Mậu Tuất (1838), Lê Đại Cang lại bị vua Minh Mệnh xử vào tội “Trảm giam hậu” vì “bị tội cách hiệu (tức cách chức, cho quân tiền hiệu lực – TG), sao dám tự tôn mình là Đại tướng?”. Có nhà nghiên cứu phê phán cách chấp pháp của vua Minh Mệnh trên đây đối với “Lê Đại Cang lần này khó có thể nói là chính đáng”. Tôi cũng cho rằng vua Minh Mệnh trừng phạt tội “tự tôn mình là Đại tướng” của Lê Đại Cang như trên là quá nặng nề. Tuy nhiên, là người nghiên cứu lịch sử, thiết tưởng chúng ta nên đặt mình vào hoàn cảnh lúc đó để xem xét. Ta nên lưu ý, cái “tế nhị” và “gượng tay” của hình phạt mà vua Minh Mệnh định cho Lê Đại Cang, chính là 3 chữ “Trảm giam hậu” ấy! Chính chỉ bị án “Trảm giam hậu”, mà vào đầu thời Thiệu Trị (1841-1847), Lê Đại Cang mới được không những tha tội chết, mà còn được ra khỏi ngục mang hàm Điển bộ, lo sắp xếp việc tiếp đón sứ thần nhà Thanh là Bửu Thanh sang nước ta làm lễ sách phong “Quốc vương” cho Thiệu Trị22. Công việc bang giao thành công, Lê Đại Cang lại được vua Thiệu Trị thăng lên chức Bố chánh Hà Nội23 (ở trật Chánh Tam phẩm). Nhưng vấn đề là cần hiểu lý do vì sao vua Minh Mệnh lại xử phạt nặng nề đối với những người mắc tội như Lê Đại Cang vừa kể trên? Thật ra, điều đó không phải là ý thích cá nhân của vua Minh Mệnh, mà nằm trong luật trị quốc của Nho gia và Pháp gia mà ông vua thứ hai triều Nguyễn này là đại diện. Chúng ta đều biết trong lịch sử tư tưởng chính trị Việt Nam, có hai vị vua Nho giáo, rất có tài dùng người và giỏi việc trị quốc, đó là: Hoàng đế Lê Thánh Tông (1460- 1497) triều Lê sơ và Hoàng đế Minh Mệnh (1820-1841) triều Nguyễn. Lê Thánh Tông và Minh Mệnh đều là các bậc bác lãm quần thư, thông thạo kinh điển Nho gia. Tuy nhiên, trong phép trị quốc, các vị không chỉ áp dụng đường lối chính trị của Nho gia, mà có sự kết hợp với Pháp gia. Nhiều nhà nghiên cứu gọi cách cai trị ấy là “Dương nho, âm Pháp” (陽 儒,陰 法 – Bên ngoài là Nho, thực chất bên trong là Pháp). . Cao Xuân Dục: Quốc triều chính biên toát yếu. Sđd, tr. 345. 22 . Bố chánh là nói tắt chức Bố chánh sứ - vị trưởng quan đứng hàng thứ 2 của tỉnh thời Nguyễn, 23 dưới chức Tuần phủ (ở trật Tòng Nhị phẩm), tương đương với chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phụ trách vấn đề Tài mậu ngày nay).
  • 17. 17 Trường hợp phạm tội đang “bị cách hiệu mà sao dám tự tôn mình là Đại tướng” của Lê Đại Cang, là theo cái nhìn “chính danh” của Nho gia, ông đã mắc vào tội “tiếm việt” (vượt phận). Khổng tử nói: “Bất tại kỳ vị, bất mưu kỳ chính” (不 在 其 位,不 謀 其 政 – Không ở vào chức vị nào, thì chớ có mưu tính, chớ có hành động công việc của chức vị ấy. – Luận Ngữ - Thái Bá). Như vậy, chúng ta thấy vua Minh Mệnh phạt Lê Đại Cang vì tội dám mưu tính sang công việc của chức vị khác không thuộc bổn phận, trách nhiệm của mình. Cái mà vua Minh Mệnh lo xa là: Hành động “tiếm việt” của Lê Đại Cang sẽ tạo nên một tiền lệ xấu, làm rối loạn trong công việc chính sự sau này. Tuy nhiên, đấy chưa phải là tất cả lý do hình phạt của vua Minh Mệnh đối với Lê Đại Cang. Điều này, có lẽ nhà vua không muốn nói ra, vì hơn ai hết, ông rất hiểu “Thuật trị quan lại” mà Thân Bất Hại ( ? – 337 tr. Cn), một vị thủy tổ của Pháp gia vào đời Chiến Quốc (480 – 221 tr. Cn), đề xuất. Trong thiên Ngoại trừ thuyết – Hữu thượng, Hàn Phi dẫn lại một đoạn thuyết về “Thuật” của Thân Bất Hại. Đại ý, ông khuyên bậc vua chúa phải có các thuật “Bí hiểm” để trị bề tôi thân cận, khống chế họ. Để minh họa cho thuyết “Phép trị nước là không được vượt chức” và “Phải có thuật bí hiểm” của Thân Bất Hại, đã được Hàn Chiêu Hầu (tức vua nước Hàn) “đem áp dụng vào thực tế” như thế nào, trong thiên Nhị Bính, Hàn Phi đưa ra thí dụ như sau: “Ngày xưa Hàn Chiêu Hầu say rượu ngủ. Viên quan coi mũ của vua, thấy nhà vua lạnh nên lấy áo đắp cho vua. Nhà vua ngủ dậy, vui lòng hỏi người xung quanh: “Ai đã lấy áo đắp lên cho ta?”. Những người xung quanh nói: “Đó là viên quan coi mũ!”. Nhà vua bèn trị tội cả viên quan coi áo lẫn viên quan coi mũ. Trị tội viên quan coi áo vì anh ta đã không làm nhiệm vụ của mình. Trị tội viên quan coi mũ vì anh ta vượt chức của mình. Không phải nhà vua không khổ vì lạnh, nhưng cái hại của việc vượt quá trách nhiệm còn lớn hơn là bị lạnh”24. Qua đó, chúng ta thấy vua Minh Mệnh không phải là không biết cái hại của việc “giặc Chân Lạp làm loạn”, nhưng có thể ông cho rằng “cái hại của việc vượt trách nhiệm còn lớn hơn” là bị giặc tàn phá. 24 . Hàn Phi tử - thiên Nhị Bính.
  • 18. 18 Mặc dầu, như Lê Đại Cang tự nhận trên con đường làm quan của mình, ông gặp quá nhiều nỗi cay cực, nhưng ông luôn tâm niệm “Vì nước quên nhà, vì việc công quên việc riêng là tiết tháo của kẻ làm bề tôi”25. II. Lê Đại Cang – Một kẻ sĩ hào mại, phóng dật đậm chất tài tử phong lưu Trong bài luận văn khoa học Sự nghiệp sử học của Học giả Cao Xuân Dục, vị Tổng tài Quốc sử quán (1898) thời Thành Thái (1889-1907), chủ biên bộ Đại Nam chính biên liệt truyện (Nhị tập), chúng tôi có nhận định: “Cao Xuân Dục đã chịu ảnh hưởng khá sâu sắc phương pháp chép sử của Tư Mã Thiên trong bộ Sử ký. Đó là việc các soạn giả nhấn mạnh vai trò và tác dụng của con người, nhất là các danh nhân lịch sử trong việc sáng tạo nền văn hóa dân tộc… Sử bút trong bộ sách này, tuy nghiêm cẩn, nhưng nhẹ nhàng, tươi tắn. Ở cuối mỗi truyện, phần lớn đều có lời bình… Những lời bình ấy, có tính chất như người xưa từng nói: “Họa long, điểm nhãn” (Vẽ rồng xong, phải điểm nhỡn), khiến cho người đọc nắm được “cái thần” của nhân vật”. Trong phạm vi của bài viết này, như trên đã nói, hai tác giả Quách Tấn – Quách Giao đã từng so sánh “hai danh sĩ nổi tiếng văn chương cũng như võ nghệ” là Lê Đại Cang (1771-1847) và Nguyễn Công Trứ (1778-1858), cho nên, tôi cũng xin chỉ trích dẫn hai lời bình của nhóm soạn giả Đại Nam chính biên liệt truyện (Nhị tập) về hai nhân vật trên, dưới dây: - [Lê Đại] Cương là người hào mại, phóng dật, ở đâu cũng thường bày bút mực, sách vở, đàn, chén uống rượu, hoa cây, để tự thích. Tập văn đã làm và phần nhiều mất đi, chỉ còn các tập: Nam hành, tập thơ Tỉnh ngu, 3 quyển”26. - [Nguyễn] Công Trứ là người trác lạc, có tài khí, có tài làm văn, càng giỏi về Quốc âm (tức chữ Nôm – TG), làm ra thi ca rất nhiều, khí hào mại, phổ đầy trong âm luật; đến nay hãy còn truyền tụng. Trứ làm quan thường bị cách, rồi lại được cất nhắc lên ngay; tỏ sức ở chiến trường nhiều lần lập được công chiến trận… Khi tuổi già về nghỉ, tức thì bỏ qua việc đời, chơi thú sơn thủy, trải hơn 10 năm, có cái hứng thú phớt thoảng ra ngoài sự vật. Đến nay người ta, phần nhiều tưởng đến phong độ khí khái của ông”27. 25 . Lê Đại Cang – Lê thị gia phả. Sđd, tr. 59. 26 . Đại Nam chính biên liệt truyện. Sđd, tập 3, tr. 337. 27 . Đại Nam chính biên liệt truyện. Sđd, tập 3, tr. 376.
  • 19. 19 Về sự nghiệp văn chương, có thể nói giữa hai danh sĩ nổi tiếng trên, Nguyễn Công Trứ may mắn hơn Lê Đại Cương. Hiện nay, chúng ta còn lưu giữ được một số lượng đáng kể tác phẩm của Nguyễn Công Trứ, bao gồm: 54 bài thơ chữ Nôm, 67 bài Hát nói (hầu hết là chữ Nôm), 1 bài thơ chữ Hán (Thất thập tự thọ - Tự thọ của bảy mươi tuổi), 1 bài phú Nôm (Hàn Nho phong vị phú), 37 câu đối (25 câu đối chữ Nôm, 12 câu đối chữ Hán), 1 bài Văn sách đoạt Giải nguyên28 của Nguyễn Công Trứ29. Còn với Lê Đại Cang không có được cái may mắn trên. Chúng ta đều biết, theo các soạn giả Đại Nam chính biên liệt truyện, thì vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, hai tập văn Nam hành và Tục Nam hành, là hai tập bút ký ghi lại những công việc Lê Đại Cang đã trải qua trong thời gian làm quan ở phương Nam của Tổ quốc và ở nước Chân Lạp, cùng với tập thơ Tỉnh ngu thi tập, 3 quyển vẫn còn. Nhưng thật đáng tiếc, theo tác giả Nguyễn Thế Khoa thì: “Cho đến nay, các tập Nam hành, Tục Nam hành, Tỉnh ngu thi tập, đều chưa tìm thấy văn bản; chỉ còn tập Lê thị gia phả, vốn được lưu giữ tại từ đường họ Lê ở Luật Chánh, sau ngày miền Nam giải phóng được gia tộc hiến cho Bảo tàng Quang Trung, đang được lưu giữ tại Bảo tàng này”30. Tôi cho rằng: Nếu như các tác phẩm vừa kể trên của danh sĩ Lê Đại Cang mãi mãi không tìm thấy, thì đấy không chỉ là mất mát của riêng dòng họ Lê ở Luật Chánh, mà còn là tổn thất không nhỏ đối với nền văn học sử Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX. Tôi đọc Lê thị gia phả, cũng đã thấy phần nào văn tài của Lê Đại Cang, nhưng chưa thấy hết được nét tài hoa “hào mại và phóng dật” ở ông, như nhận xét của các soạn giả sách Đại Nam chính biên liệt truyện. Tôi tin rằng các soạn giả ấy đã từng được đọc tác phẩm Tỉnh ngu thi tập, 3 quyển của Lê Đại Cang, nên mới có thể hạ những lời bình phẩm về ông trên đây. Ở phần trên, chúng tôi đã luận về nhân cách kẻ sĩ quân tử, đại trượng phu trong con người Lê Đại Cang, nhưng để dễ dàng thoát khỏi những hoàn cảnh đầy cay cực, để nhanh chóng vượt lên bao biến cố hiểm nguy trong cuộc đời, Lê Đại Cang cũng cần có thêm phẩm chất của người Nghệ sĩ, một bậc tài tử phong lưu. 28 . Thi Hương: dưới triều Nguyễn đỗ đầu gọi là Giải nguyên (hay Thủ khoa), đỗ thứ hai, gọi là A ′nguyên. 29 . Đoàn Tử Huyến (chủ biên): Nguyễn Công Trứ - Trong dòng lịch sử. Nxb Nghệ An, 2008, tr. 47. 30 . Lê Đại Cang: Lê thị gia phả. Sđd, tr. 62, 63.
  • 20. 20 Chúng tôi thiết nghĩ: Kẻ sĩ xưa có đôi điều khác với người trí thức ngày nay, là họ được đào tạo ngay từ nhỏ khả năng cảm thụ “cái đẹp” khá tinh tế. Từ trong bản chất, kẻ sĩ là một nghệ sĩ thực thụ. Học trong trường, họ được học “Lục nghệ”: Thi - Thư - Lễ - Nhạc - Dịch - Xuân Thu, hoặc: Lễ - Nhạc - Xạ (bắn cung) - Ngự (đánh xe) - Thư (viết chữ) - Số (tính toán), chơi ngoài đời, họ theo đòi Tứ tài tử: Cầm - Kỳ - Thi - Họa, hoặc: Cầm - Kỳ - Thi - Tửu, trong đó phần lớn là những môn kiến thức về văn hóa, nghệ thuật. Kẻ sĩ được học, ngoài kiến thức chuyên môn, còn được bồi dưỡng khả năng cảm thụ cái Chân - Thiện - Mỹ. Khổng tử có thể nói là người đầu tiên hiểu sâu sắc tác dụng của văn nghệ đối với việc hình thành phẩm chất nghệ sĩ, hào mại trong con người kẻ sĩ. Ông nói: “Chí ư đạo, cứ ư đức, y ư nhân, du ư nghệ” (志 於 道,據 於 德,依 於 仁,游 於 藝 – Dốc chí ở đạo, căn cứ ở đức, chỗ dựa ở nhân, vui chơi ở nghệ (tức Lục nghệ: Lễ - Nhạc - Xạ - Ngự - Thư - Số. – Luận ngữ - Thuật nhi). Khổng tử còn nói: “Hưng ư Thi, lập ư Lễ, thành ư Nhạc” (興 於 詩,立 於 禮, 成 於 樂 – Hưng phấn nhờ Kinh Thi; đứng vững được [trong xã hội] là nhờ Lễ; hoàn thành được [nhân cách] là nhờ Nhạc. – Luận ngữ - Thái bá). Lịch sử cổ kim, Đông - Tây thường cho chúng ta những bài học khá đau lòng về kết cục của những con người quá để tâm vào tham vọng danh lợi, vào quyền chức, một khi họ bị cách chức, hoặc gặp phải các biến cố lớn trong cuộc đời. Tôi thiết nghĩ căn nguyên của những bi kịch ấy là do họ thiếu một phẩm chất rất quan trọng, ấy là: chất nghệ sĩ thực thụ. Những hạng người hào mại, phong lưu như Lê Đại Cang, Nguyễn Công Trứ… chẳng hạn, họ không quá coi trọng việc làm quan, không tham quyền cố vị. Họ có tâm hồn nghệ sĩ, coi làm quan với những thú chơi thanh tao thuộc về nghệ thuật để di dưỡng tính tình: Cầm - Kỳ - Thi - Họa (hay Cầm - Kỳ - Thi - Tửu) chẳng cách xa nhau là bao. Nhưng những thú chơi này không phải là thú chơi đại chúng vì thuộc về phạm trù tài năng và nghệ thuật, không phải ai cũng biết chơi và biết thưởng thức, không phải là lĩnh vực của hạng “phàm phu tục tử”! Đó là nghệ thuật của những con người siêu việt, đi tìm những tri kỷ, tri âm siêu việt khác. * * * Theo tác giả Mịch Quang, tại từ đường họ Lê, làng Luật Chánh hiện nay vẫn còn đôi câu đối khảm trai “Nhất họa nhất thi”, nghĩa là vừa có tranh vừa có thơ đề: Miến lan vị cảm tư quân tử
  • 21. 21 Kiến trúc hà tu vấn chủ nhân. 眄蘭未敢思君子 見竹何須問主人 Tạm dịch: Thấy lan chẳng dám nhớ quân tử! Ngắm trúc sao còn hỏi chủ nhân? Tương truyền đó là đôi câu đối, Lê Đại Cang cho treo tại phòng tiếp sứ Thanh31. Có thể đoán định mà chắc không sai với sự thật rằng: đôi câu đối vừa dẫn trên là do Lê Đại Cang sáng tác. Và cho dù không phải tự ông làm ra chăng nữa, nhưng Lê Đại Cang hẳn thấy ưng ý với nội dung của nó, vì theo tôi đã đạt được hai tầng nghĩa: 1. Tự coi mình là Trúc, và ví vị sứ nhà Thanh như hoa Lan. Vì trong văn hóa phương Đông: Mai - Lan - Cúc - Trúc, được gọi là “Tứ quý”, và tượng trưng cho hạng người quân tử. Có lẽ, chính vì thế, sau khi tiếp sứ xong, viên sứ giả nhà Thanh đã tặng Lê Đại Cang hai đôi câu đối bằng sứ: - Đông Sơn khí khái Bắc hải phong lưu32. 東山氣概 北海風流 - Tọa đối hiền nhân tửu Sơn tàng thái sử thi. 坐對賢人酒 山藏太史诗 Tạm dịch: Ngồi trước người hiền uống rượu Núi tàng trữ thơ thái sử. 31 . Lê Đại Cang: Lê thị gia phả. Sđd, tr. 38. Vì tác giả Mịch Quang không ghi chép nguyên văn chữ Hán, nên tôi căn cứ vào phiên âm Hán – Việt, mà khôi phục như trên. Ở phần dịch nghĩa, tôi cũng sửa một chút cho đúng với nghĩa của văn cảnh – NMT. 32 . Đôi câu đối này nghĩa đã rõ, thiết tưởng không cần dịch nghĩa.
  • 22. 22 2. Tầng nghĩa thứ hai của đôi câu đối là ngầm kín đáo giới thiệu nhân cách và phẩm chất của Lê Đại Cang, tức chủ nhân của phòng tiếp khách: vừa là Trúc, bản chất cứng rắn, tiết tháo, vừa là Lan, phong lưu, hào hoa… Theo chúng tôi, với 77 năm cuộc đời mình, Lê Đại Cang đã đạt được một sự nghiệp đáng nể trọng, xứng đáng trở thành một danh nhân lịch sử của Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ XIX. Có được điều ấy, phải chăng trong ông, ngay từ rất sớm đã hàm chứa hai phẩm chất cao quý, tốt đẹp của Trúc (Đại trượng phu, tiết tháo, kiên cường) và Lan (Nghệ sĩ, tài tử, phong lưu)? Lê Đại Cang quả là một “Ngọn núi kỳ vĩ” (Kỳ Phong) đứng chót vót bên cạnh những “ngọn núi khác” – những danh nhân lịch sử của vùng đất “địa linh” và “thượng võ” Bình Định – quê hương ông. Với riêng cá nhân tôi, khi viết bài luận văn khoa học này, luôn luôn tâm niệm coi như một nén tâm hương, xin dâng lên trước Bàn thờ danh nhân Lê Đại Cang, để thể hiện sự cảm phục và lòng kính trọng đối với một bậc Danh nhân, Danh sĩ đầy bản lĩnh, khí phách, nhưng cũng thấm đẫm nét hào mại, tài hoa./. Viết tại Bạch Liên thư trai Tháng Mạnh Đông – năm Nhâm Dần (2012) N.M.T.
  • 23. 23 LÊ ĐẠI CANG VỚI VẤN ĐỀ TRỊ THỦY Ở BẮC THÀNH TS Ngô Vũ Hải Hằng (Viện Sử học) Lê Đại Cang33 (1771 – 1847), tự là Thống Thiện, hiệu là Kỳ Phong, biệt hiệu là Thường Chánh Thị, người làng Luật Chánh, xã Phước Hiệu, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Sự nghiệp quan trường của ông bắt đầu từ năm 1802, đời vua Gia Long năm đầu, trải qua các đời vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, với rất nhiều thăng trầm “ngọt, đắng, lo, vui đã nếm đủ mùi quan”34, có lúc ông từng quyền giữ ấn triện ở Bắc Thành, Tổng đốc An – Hà, bảo hộ ấn của nước Chân Lạp..., nhưng cũng có lúc ông bị phát đi sở đồn điền ở Nguyên Thượng, làm một anh lính dõng; đến tháng 10 năm Thiệu Trị thứ hai (1842), thì ông xin về trí sĩ. Trong suốt hơn 40 năm ấy, Lê Đại Cang đã giữ nhiều trọng trách, làm được rất nhiều việc có lợi cho dân, cho nước. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến một trong những sự nghiệp của ông, đó là vấn đề trị thủy, thủy lợi trong thời gian ông ở Bắc Thành. Năm Gia Long thứ 9 (1810), Lê Đại Cang được bổ làm Thiêm sự Bộ Binh, giữ việc từ chương ở Bắc Thành. Sau đấy, năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), ông lần lượt làm Hiệp trấn Sơn Tây, Cai bạ ở Quảng Nam và Cai bạ ở Vĩnh Long. Phải đến tháng 10 năm 1828, đời Minh Mệnh thứ 9, ông mới được cử kiêm chức quản lý Đê chính ở Bắc Thành, khi ấy ông đang giữ chức Hữu tham tri Hình bộ. Đến tháng 5-1830, đời vua Minh Mệnh thứ 11, Lê Đại Cang được bổ Hình tào Bắc Thành kiêm Đê chính. Nhưng ngay sau đó, đê Sơn Nam bị vỡ, vì việc đê rất khẩn cấp, nhà vua lại giao quyền Hình tào cho Nguyễn Hữu Gia, để Lê Đại Cang chuyên biện việc Đê chính. Sách Đại Nam thực lục chép: Tháng 6-1831, Lê Đại Cương vẫn tham gia tâu trình về việc đê điều. Tuy nhiên, đến tháng 8-1831 sách này chỉ chép là “Hình bộ Hữu 33 Chữ 綱 có hai cách phiên âm: Cương hoặc Cang. Trong bài viết này, chúng tôi dùng âm Cang, theo cách đọc của dòng họ. Tuy nhiên, trong bài viết, có những đoạn trích trong Đại Nam thực lục, chúng tôi tôn trọng nguyên bản bản dịch của nhóm dịch giả Đại Nam thực lục, nên để tên là Lê Đại Cương. 34 Lời dẫn của Lê Đại Cang trong Lê thị gia phả, do Vũ Ngọc Liễn dịch, in trong Lê Đại Cang và Lê thị gia phả, Nxb Dân Trí, Hà Nội, 2011, tr.76.
  • 24. 24 tham tri lĩnh Bắc Thành Hình tào Lê Đại Cương” 35; và kể từ đó không thấy sách chép những sớ trình của ông về việc đê điều nữa. Có lẽ trong khoảng từ tháng 7 đến tháng 8 năm 1831, Lê Đại Cang đã không còn kiêm lĩnh việc Đê chính. Như vậy là, có thể thấy Lê Đại Cang chỉ kiêm giữ chức Đê chính ở Bắc Thành trong khoảng thời gian 3 năm. Tuy nhiên, trong thời gian này, ông đã làm được rất nhiều việc lớn và có ý nghĩa cho sự nghiệp đê điều, trị thủy của Bắc Thành nói riêng và của nước Đại Nam nói chung. Khi tiễn Lê Đại Cang kiêm giữ chức Đê chính sứ, vua Minh Mệnh có dặn dò: “Việc chống lụt quan hệ rất lớn. Ngươi là người biết lẽ, trước kia việc hình ngục ở Bắc Thành, ngươi đến nơi là làm xong ngay. Nay trách nhiệm về Đê chính càng nặng nề. Lần này đi, nên hết lòng xếp đặt để cho nước chảy thuận dòng, cho dân càng mừng êm sóng thì công ấy chẳng nhỏ đâu"36. Qua lời dặn dò của vua Minh Mệnh, cho thấy Lê Đại Cang là người làm việc rất giỏi và có uy tín, lần này lại được cử giữ trọng trách rất nặng nề. Trong một lần khác, vua Minh Mệnh lại nhấn mạnh: “Việc đê Bắc Thành đối với đời sống nhân dân lợi hại không nhỏ” 37. Vì thế, khi việc bất khả kháng, bị vỡ đê, thì “những nhà bị tai nạn thì phát tiền gạo chẩn cấp. Lúa ruộng tổn thương, thì đợi án khám cho giảm thuế”38. Dưới đây là những việc Lê Đại Cang đã làm được trong ba năm làm Đê chính sứ: Lập kế hoạch xây dựng các tuyến đê, nạo vét lòng sông Không chậm trễ, ngay sau khi được bổ nhiệm, Lê Đại Cang đã đi các trấn xem xét đê cũ, đê mới, để lên kế hoạch chỗ nào nên bồi thêm, chỗ nào nên đắp đê mới. Trong suốt thời gian giữ trọng trách Đê chính sứ, Lê Đại Cang đã xây dựng được hệ thống đê vĩ đại, quan hệ rất lớn đến sự an nguy của người dân Bắc Thành, cũng như công việc sản xuất của họ. Đó là các hệ thống đê dưới đây: Hệ thống đê sồng Hồng, hay còn gọi là đê sông Nhị. 35 Đại Nam thực lục, Tập Ba, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, xem các trang 182 và 211. 36 Quốc Sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Tập Hai, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2004, tr.774. 37 Đại Nam thực lục, Tập Ba, Sđd, tr.83. 38 Đại Nam thực lục, Tập Ba, Sđd, tr.83.
  • 25. 25 Lê Đại Cang đã đi khám xét và lên kế hoạch xây dựng tất cả gồm có 18 sở, “đều là đại công trình cả”39, trong đó gồm có 11 sở đê mới (Kim Quan, Tiên Lạt, Đỗng Phấn thuộc Bắc Ninh; Hải Bối, Phụng Nghĩa thuộc Sơn Tây; Phú Thị, Nho Lâm, Viên Nội, Hào Châu, Lam Điền, thuộc Sơn Nam; Thanh Nga thuộc Nam Định, cộng dài hơn 3.950 trượng; và 7 sở đê cũ cần bồi thêm là: Thụ Ích, Hát Môn, Mạch Lũng, Đại Độ, Thạch Thán thuộc Sơn Tây, Đại Yên Trường, Thuần Lễ thuộc Sơn Nam 40 cộng dài hơn 3.590 trượng. Công trình đồ sộ như vậy, mà chỉ trong 5 tháng có thể hoàn thành được, quả là một kỳ tích. Công trình bắt đầu khởi công tháng 12-1828, với đoạn đê tại xã Kim Quan; đến tháng 4-1829, theo lời tâu của Lê Đại Cang: “Việc đê phòng, công trình lớn có 18 sở, trong tháng có thể xong, sở công trình nhỏ thì hiện đương thực đắp”41. Hệ thống đê sông Ngũ Huyện khê – một chi lưu của sông Đuống, tức sông Thiên Đức - sông nhánh nhằm chia nước sông Nhị: nạo vét, khơi đào thêm. Theo lời tâu của Lê Đại Cang, vào tháng 4-1829, nước sông Nhị, nếu thình lình có mưa lụt, thì thế nước chảy mạnh, qua gò tràn đống rất mau, không thể ngăn được. Nếu đê không giữ nổi thì tràn vỡ ngay. Hơn nữa, sông Nhị lại là sông xung yếu của Bắc Thành, bên hữu có sông Hát chia nhánh đổ về hai sông Châu Cầu và Thanh Quyết; bên tả có sông Nguyệt Đức ở huyện Yên Lạc, sông Thiên Đức ở huyện Đông Ngàn, đều chảy xuống Bắc Ninh, Hải Dương, rót vào sông Lục Đầu, không sông nào là không chia thế nước của sông Nhị mà chảy ra biển. Đến khi Lê Đại Cang đến thực tế thì thấy, “hai sông Hát Môn và Nguyệt Đức có nhiều cát bồi, sông Thiên Đức lại cong queo, nông hẹp, tắc mà không thông, mỗi lần nước lụt chảy mạnh thì các sông Lô, Thao, Đà, Đáy đổ thẳng sông Nhị, hai sông Hát Môn, Nguyệt Đức đến kỳ nước lụt còn có thể đầy tràn mà chảy 39 Đại Nam thực lục, Tập Hai, Sđd, tr.792. 40 Xã Kim Quan thuộc huyện Gia Lâm, các xã Hải Bối, Mạch Lũng, Đại Độ thuộc huyện Yên Lãng, thôn Dụng Nghĩa, xã Thạch Thán thuộc huyện Yên Sơn [hiện nay là huyện Quốc Oai, Tp. Hà Nội], xã Phú Thị, Thuần Lễ thuộc huyện Đông Yên [hiện nay thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên], xã Nho Lâm thuộc huyện Kim Động [nay thuộc tỉnh Hưng Yên], các xã Viên Nội, Lam Điền, Đại Yên Trường thuộc huyện Chương Đức [hiện nay thuộc huyện Chương Mỹ, Tp. Hà Nội], xã Hào Châu thuộc huyện Nam Xang [hiện nay là huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam], xã Tiên Lạt thuộc huyện Việt Yên [nay thuộc Bắc Giang], xã Đỗng Phấn thuộc huyện Yên Phong [nay thuộc Bắc Ninh], xã Thanh Nga thuộc huyện Hưng Nhân [nay thuộc tỉnh Hà Nam], xã Thụ Ích thuộc huyện Yên Lạc, xã Hát Môn thuộc huyện Phúc Thọ [hiện nay thuộc Tp. Hà Nội]. 41 Đại Nam thực lục, Tập Hai, Sđd, tr.847.
  • 26. 26 được duy sông Thiên Đức gần thượng lưu của bờ phía bắc của thành, cửa sông từng đã cạn lấp, lại thêm bờ phía nam cồn cát nhô ra, thế nước chảy mạnh xói vào phía Bắc Thành, làm cho bờ sông sụt lở. Nơi ấy trước có kè đá, đến nay hầu đã lở mất rồi. Thế mà sông Thiên Đức thông hay tắc, hình như có quan hệ đến thế nước có xói vào phía Bắc Thành hay không” 42. Vì thế, ông đã xin vét đào lại cửa sông, muốn làm được vậy thì phải “dời cửa sông lên trên để hút nước sông, mé dưới thì tuỳ thế mở rộng ra, chỗ quanh co thì nắn cho thẳng lại”43. Có thể thấy, cứ những chỗ nào công việc khó khăn, vua Minh Mệnh lại cử Lê Đại Cang đi nhận lãnh trách nhiệm. Theo chúng tôi, không chỉ bởi ông “có tiếng là chính sự giỏi”44, mà bởi ông làm việc rất khoa học, nghĩ đến cái lợi cho dân trước tiên, có học hỏi kinh nghiệm của những người cao tuổi, có khảo cứu nguồn gốc trước sau và khảo sát tình hình thực tế tại hiện trường, bàn về cái lợi – cái hại của việc đắp đê, từ đó đưa ra kế sách lâu dài cho việc phòng hộ được tốt nhất. Ông đã nói rõ trong một bản tấu: “Bọn thần trước đi hội làm, thường hỏi thăm kỳ mục các địa phương về chỗ hưng lợi trừ hại, thì đều nói rằng ngoài việc đê phòng không còn cách khác. Thứ nữa thì đến bỏ đê và khai đào dòng sông mà thôi. Thiết nghĩ từ đời Đinh Lý về trước, chưa có đê phòng, dân địa phương đào giếng cày ruộng, có hại về nước lụt hay không thì chưa được rõ. Từ đầu đời Trần sai các lộ đắp đê để chống lụt, dân gian từ đấy đến những nơi thấp trũng mà nhóm ở làm ăn, cho nên các đời theo đó mà sửa đắp, xem là điều cốt yếu trong việc giữ dân và vệ nông, người ta mới nói rằng sau khi đã có đê không thể bỏ đê được nữa” 45. Lời tâu tưởng chừng như đơn giản này lại chứa đựng ý nghĩa sâu xa, chính là cái gốc của việc trị thủy: Xây dựng đê điều. Muốn giữ được dân và bảo vệ được mùa màng, thì không còn cách nào khác phải xây dựng các tuyến đê phòng. Tại sao lại phải làm vậy? Như chúng ta đã biết, một trong những đặc điểm địa lý của nước ta là hệ thống sông ngòi dày đặc, tuy nhiên các con sông này lại không có thủy chế điều hòa. Trong khi đó, nền kinh tế nước ta dựa căn bản là nông nghiệp, mà kết quả mùa màng phụ 42 Đại Nam thực lục, Tập Hai, Sđd, tr.893. 43 Như trên. 44 Quốc Sử quán triều Nguyễn: Đại Nam liệt truyện, tập 3: Chính biên – Nhị tập, Viện Sử học và Nxb Thuận Hóa, Huế, 2005, tr.386. 45 Đại Nam thực lục, Tập Hai, Sđd, tr.892.
  • 27. 27 thuộc vào “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Yếu tố nước được đặt lên hàng đầu. Vì thế, vấn đề trị thủy lại càng hệ trọng hơn bao giờ hết. Viết sách về lịch sử Đê điều ở Bắc Thành Riêng việc sửa đắp, khơi đào và xây dựng mới các tuyến đê thuộc hệ thống đê điều của hai hệ thống sông Hồng và sông Ngũ Huyện khê của Lê Đại Cang đã rất vĩ đại rồi. Nhưng không chỉ dừng lại ở đấy, ông còn có ý thức lưu giữ lại hiện trạng cũng như lịch sử của các tuyến đê cho hậu thế. Ông cho khảo lược hết đê điều các trấn Sơn Tây, Sơn Nam, Nam Định, Bắc Ninh, Hải Dương và phủ Hoài Đức, đoạn nào đắp từ năm nào, đời nào, đoạn nào ở địa phận xã thôn nào, cùng dạng thức cao rộng bao nhiêu, dài bao nhiêu... chép lại thành sách. Sách tổng kê các đê công tư ở Bắc Thành được làm xong và dâng trình lên vua Minh Mệnh vào tháng 9-1829. Sách Đại Nam thực lục chép: “Từ trước đến nay người lãnh chức Đê chính phàm có sửa đắp, chỉ cứ theo sở tại khai báo mà giao làm, đến khi làm xong, cũng chỉ tới chỗ đê mới mà khám biện thôi. Từ khi Lê Đại Cương chuyên coi việc đê mới đi khắp xem xét. (...). Đến bấy giờ cứ các đê điều cho đến cống nước ở đê, họp làm sách tổng kê để phòng xem đến”46. Xây dựng trụ sở của cơ quan Đê chính Khi nhận chức Đê chính, Lê Đại Cang một mình lăn lộn với cả núi công việc. Đến tháng 2-1829, nhà vua đã nhìn nhận ra: “Việc sông bận nhiều, một mình Lê Đại Cương khó làm xong được. Trước sai Nguyễn Văn Khoa làm Tham biện, lại là tay mới, nên không phái thêm các viên giỏi việc cùng làm thì sợ được việc này hỏng việc kia. Nay mưa xuân bắt đầu, việc đê chính là khẩn yếu, dẫu đã có người chuyên trách, nhưng việc nước thì sao”47. Vì thế, vua Minh Mệnh đã “Sai Chưởng cơ Lê Thuận Tĩnh và nguyên thự Hiệp trấn Nam Định là Hoàng Quýnh giúp việc Đê chính Bắc Thành”48. Số người chuyên biện việc Đê chính tăng lên, vì thế, việc cần phải xây dựng một trụ sở để làm việc là tất yếu. Cho nên, tháng 2-1829, “Dựng công đường Đê chính ở Bắc Thành (ở cửa Nam trong thành)”49. Phát hiện tham tang 46 Đại Nam thực lục, Tập Hai, Sđd, tr.899-890. Xem các tuyến đê cụ thể ở từng địa phương trong sách này. 47 Đại Nam thực lục, Tập Hai, Sđd, tr.829. 48 Đại Nam thực lục, Tập Hai, Sđd, tr.829. 49 Đại Nam thực lục, Tập Hai, Sđd, tr.829.
  • 28. 28 Khi xét đến hai đoạn đê ở xã Dục Dương và Đường Sâm, thuộc huyện Chân Định, tỉnh Nam Định, Lê Đại Cang phát hiện “viên Đê chính trước thiện tiện bồi đắp cao rộng quá”, vừa gây lãng phí tiền bạc của Nhà nước, vừa làm mệt sức dân. Khi bộ Hộ và bộ Công xét ra thì biết được, đó chỉ là đê ngăn nước biển, không phải đê chống lụt. Viên quản Đê chính lẽ ra phải “trù tính kỹ tính giá cho xác đáng mà tâu lên rõ ràng, thế mà lại khinh thường vội đắp đê ngăn chặn nước mặn mà làm như đê chống nước lụt, đến nỗi hại nhiều công của thế là trong việc không đúng lại không đúng nữa”50. Phải là người rất công tâm, thì mới phát hiện ra được những tham tang như vậy. Luôn nghĩ đến người khác: Xin ân thưởng cho nhân viên các sở, Cai tổng, Lý dịch Tháng 5-1829, vì đê Kim Quan, chỗ giáp ranh giữa đoạn mới xây và đoạn cũ, đã đắp nhiều lần nhưng thường hay bị sụt lún, vào lúc ấy nước lên cao, đe dọa bị vỡ đê; hơn nữa, lại đê ở làng Đa Hòa, huyện Đông An [nay thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên], sửa đắp chưa xong, mà những người đắp thuê phần nhiều lười mà bỏ đi, là người chịu trách nhiệm công việc Đê chính, Lê Đại Cang bị giáng 3 cấp. Đến tháng 8-1829, sau khi nước rút, đê phòng hộ đã khôi phục kịp thời, không bị vỡ, bảo đảm được tính mạng người dân và mùa màng, vì thế, nhà vua đã khôi phục lại phẩm cấp cho Lê Đại Cang và những người liên quan. Lê Đại Cang không hưởng ân một mình, mà còn nghĩ đến cả những Cai tổng, Lý dịch cũng tham dự vào công việc đắp đê, mà chưa được dự thưởng, vì thế ông đã tâu xin: “Các quan trấn, phủ, huyện ở các trấn Sơn Nam, Nam Định, Sơn Tây, Bắc Ninh cùng Cai tổng, lý dịch, dự vào việc đê, tự năm trước hưng công đến năm nay nước yên, ngày đêm làm việc công, không dám lười bỏ, xin lượng gia ân thưởng”51. Tuy nhà vua còn trách “nghĩ lại đến việc vỡ đê năm trước, các viên làm việc phần nhiều mắc tội, mới giáng ân dụ khai phục đó là đặc cách vậy. Sao được thấy thế mà nhất khái xin ơn cho nhân viên các sở, cho đến lý dịch ty tiện” 52, nhưng cũng hạ lệnh “Duy sở Kim Quan tình hình gian hiểm gấp mấy chỗ thường, mà ngày đêm sang hộ, nguy mà lại 50 Đại Nam thực lục, Tập Hai, Sđd, tr.804. 51 Đại Nam thực lục, Tập Hai, Sđd, tr.887-888. 52 Đại Nam thực lục, Tập Hai, Sđd, tr.887-888.
  • 29. 29 yên thì cũng nên nghĩ đến. Nay nên xét rõ tự trấn, phủ, huyện đến Cai tổng, từ trước đến nay làm việc đê, như người nào đắc lực nhất thì khai danh sách tâu lên đợi chỉ, chớ được giả mạo quá lạm chút nào”53. Trong thời gian làm Khâm sai quản lý việc đê chính, Lê Đại Cang không chỉ được khen thưởng nhiều lần, mà cũng có lúc bị phạt. Dưới đây là những lần được thưởng và bị phạt của ông, cũng như nguyên nhân của nó, được chép trong sách Đại Nam thực lục54: T Thưởng Phạt hời gian 2 - Thưởng 100 quan tiền. -1828 Lý do: Vì công trình đê điều trên sông Hồng “lớn như vậy” mà “duy một mình Cương làm, kể cũng khó nhọc”55. 2 - Thưởng 50 quan tiền. -1829 Lý do: Khích lệ làm việc. 5 - Giáng 3 cấp. -1829 Lý do: Vì nước lên cao, đê Kim Quan có nguy cơ bị vỡ. Đồng thời, đê ở làng Đa Hòa đang khởi công, thợ lười việc bỏ nhiều. Lê Đại Cang là quan chuyên biện, phải chịu trách nhiệm. 8 - Được khôi phục lại phẩm -1829 hàm. Lý do: Đê Kim Quan đã được cứu chữa kịp thời. 7 - Bị giáng cấp. -1830 Lý do: Vì việc đê ở xã Lưu Khê, thuộc Sơn Nam bị vỡ. 9 - Khôi phục phẩm hàm, bổ -1830 nhiệm Hình tào Bắc Thành, kiêm lĩnh Đê chính. Lý do: Khắc phục được đoạn đê vỡ ở Lưu Khê. 53 Đại Nam thực lục, Tập Hai, Sđd, tr.887-888. 54 Xem trong Đại Nam thực lục, Tập Hai và Tập Ba, Sđd. 55 Đại Nam thực lục, Tập Hai, Sđd, tr.804.
  • 30. 30 Như vậy, có thể thấy rõ, trong 3 năm kiêm quản công việc đê chính, ông đã được thưởng 4 lần và bị phạt 2 lần, đều liên quan đến việc đê điều. Qua tần suất được thưởng của Lê Đại Cang, cho thấy nhà vua và triều đình nhà Nguyễn rất quan tâm đến công việc đê điều, thủy lợi của Bắc Thành, mặt khác, cũng cho thấy sự ghi nhận của triều đình về công lao của Lê Đại Cang trong nỗ lực xây dựng hệ thống đê phòng lũ lụt cũng như trong việc khắc phục những hậu quả của lũ lụt gây ra. Tóm lại, với thời gian làm việc đê điều, trị thủy không nhiều - 3 năm, nhưng Lê Đại Cang đã để chỉ đạo xây dựng được một “đại công trình”, gồm xây dựng mới và tu bổ được 18 tuyến đê; đồng thời cho nạo vét và gia cố các tuyến đê sông Ngũ Huyện khê, một giải pháp giải phóng nước từ thượng nguồn đổ về khi bị lũ lụt, tránh nguy hại đến những tuyến đê sông Nhị, ngay sát thành Bắc Thành. Không những thế, ông còn lăn lộn tới hiện trường, để lại dấu ấn của mình trên từng tuyến đê. Điều đó được thể hiện trong bộ sách tổng kê các đê công tư ở Bắc Thành mà ông dâng lên triều đình. Đây chính là một trong những sự nghiệp để đời của ông, nó vẫn còn giá trị cho đến hôm nay. Hà Nội, Chớm Đông, 2012 NVHH
  • 31. 31 NHO TƯỚNG LÊ ĐẠI CANG VÀ BÍ TRUYỀN QUA MỘT CUỐN GIA PHẢ Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn Sau khi đọc xong cuốn sách "Lê Đại Cang và Lê thị gia phả "(1), trong trí óc tôi chợt hiển hiện một vị nho tướng "lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa" (Huy Cận) - một hình ảnh lãng mạn đầy sức cuốn hút của thời mới bước chân vào học đường văn khoa...Cái cảm xúc ban đầu ấy của tuổi trẻ hòa nhập vào cái âm hưởng bi tráng do văn chương cổ- trung- cận đại Việt Nam đem lại cho tôi suốt mấy chục năm ròng sau đó. Cái bi tráng của những sự nghiệp cháy bỏng khát vọng "đền nợ nước trả thù nhà", cái bi tráng của những số phận oan trái giữa cơn lốc lịch sử- trong khi vượt qua tấn "bi kịch nhân cách của nhà nho và bi kịch của hệ tư tưởng quan lại" (2) đã tự bộc lộ phẩm chất kẻ sĩ gửi cho đời sau những bài học làm người sâu sắc và thấm thía... Danh nhân Lê Đại Cang mà tôi mới được biết đến từ sau khi được nhà báo Nguyễn Thế Khoa đưa tới thăm nhà thờ họ Lê làng Luật Chánh, huyện Tuy Phước, Bình Định vào giữa năm 2012 đã giúp tôi thêm hoàn chỉnh "bức chân dung" về các nho tướng mà tôi hằng yêu kính, ngưỡng vọng- tiếp nối vào cái danh sách đáng tự hào đối với mỗi con dân nước Việt: Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Quang Bích, Nguyễn Cao, Phan Đình Phùng, Lê Văn Duyệt, v.v. Đọc kỹ "Lê thị gia phả", tôi ngẫm thấy: thân thế, hành trạng và đời sống tâm hồn của cụ Lê Đại Cang có nhiều nét song trùng với cụ Nguyễn Công Trứ, cụ Cao Bá Quát...- những danh nhân đã được một số nhà nghiên cứu văn học xếp vào loại "nhà nho tài tử". Trong một công trình nghiên cứu, ông Trần Ngọc Vương viết: "Ra đời trong một xã hội có Nho giáo là hệ tư tưởng chính thống, nhà nho tài tử bị hấp dẫn bởi một hình tượng chính thống, quan niệm về người "đại trượng phu". Đại trượng phu, hay người hào kiệt là loại nhân vật xuất chúng, vượt lên trên quần chúng cả về tầm cỡ của trí tuệ, tài năng, lẫn những hoài bão, ước vọng to lớn" (3). Theo ông Trần Đình Hượu, nhà nho tài tử là người có tài trị nước, cầm quân, học vấn cao siêu, tài văn chương ở mức "nhả ngọc phun châu", biết "cầm kỳ thi họa", và phải có cả "tình" nữa! (4) Soi lại Gia phả họ Lê làng Luật Chánh, ta đọc chính lời cụ Lê Đại Cang kể: cụ đã được theo học hai vị tôn sư danh tiếng là Thị giảng triều Tây Sơn Nguyễn Tử Nghiễm và Thượng thư bộ Lễ triều Nguyễn Đặng Đức Siêu, "Trong vòng năm sáu năm quên ăn quên ngủ để dùi mài kinh sử. Khi được bạn giỏi văn liền theo học hỏi, bất chấp người ta cười chê". Nhờ đó mà cụ "sớm nổi tiếng là một danh sĩ học vấn uyên thâm văn chương lỗi lạc."(Chuyện cũ kẻ sĩ Bình Định-Lộc Xuyên
  • 32. 32 Đặng Quý Địch). Sách "Đại Nam nhất thống chí" (Quốc sử quán triều Nguyễn) ghi lại: "Lê Đại Cang nổi tiếng văn học...Ông có soạn các sách Nam hành, Tục Nam hành, Tĩnh ngu thi tập". Sách "Đại Nam chính biên liệt truyện" (Cao Xuân Dục) chép: "Đến Cang mới lấy văn học được hiển đạt...Có tiếng là người giỏi thời bấy giờ...Cang là người hào mại phóng dật, ở đâu thường bày bút mực, sách vở, đàn, chén uống rượu, hoa, cây để tự thích...". Theo nhà báo Nguyễn Thế Khoa, cụ là người đã sáng lập nên Văn chỉ Tuy Phước, thu hút nhiều văn nhân tài hoa tỉnh Bình Định tới để đàm đạo văn chương thế sự... Tuy chưa tìm thấy ba tác phẩm cụ để lại, nhưng qua sử sách và những lời truyền tụng của người đương thời cho tới nay, với học vấn, tâm hồn, khí phách mà cụ đã bộc lộ qua hành trạng cùng Gia phả, chúng ta có cơ sở tin rằng đó là những áng văn chương có khả năng lưu danh thiên cổ; và sinh thời, chắc hẳn tác giả của chúng cũng là người mắc "Nợ phong lưu" (Nguyễn Công Trứ), thậm chí còn trầm trọng hơn với "Phong vận kỳ oan ngã tự cư"- (Chính tự mình chuốc lấy cái oan phong vận- Nguyễn Du). Dễ hiểu vì sao con người "Giắt lỏng giang sơn vào nửa túi" tựa Nguyễn Công Trứ đó đã chinh phục được bà Lê Ngọc Phiên xinh đẹp làm vợ thứ, để một quận chúa triều Lê có đủ công dung ngôn hạnh theo cụ rong ruổi "nợ tang bồng" khắp Bắc Nam... Còn tài kinh bang tế thế, tài cầm quân kiệt xuất- như tiêu chí của loại hình nhà nho tài tử đòi hỏi, thì ở cụ Lê Đại Cang đã trở thành "huyền thoại" mà rất nhiều công trình nghiên cứu, bài báo viết về cụ đã khẳng định và xác nhận những điều chép trong Gia phả. Là một người làm phim truyện, tôi đặc biệt thích thú với hai sự kiện trong cuộc đời binh nghiệp đầy bi hùng gian khổ những cũng đượm màu sắc "tài tử" của cụ: sự kiện đầu tiên, vào năm 1833, trong cảnh ngộ từ một đại quan văn bị cách chức thành lính khiêng võng phải ra trận đi đầu lập công chuộc tội, cụ đã tự chiêu tập binh mã, trở thành một võ quan đích thân huấn luyện một đội quân hỗn hợp Việt - Miên và góp phần đánh bại quân phiến loạn & quân xâm lược. Và sự kiện thứ hai, vào năm 1839, khi đang là tham tán đại thần bảo hộ Cao Miên, cụ lại bị cách chức một cách nhục nhã bởi bất tuân mệnh triều đình theo lối ngu trung; và trong thân phận một anh lính khiêng võng sung tiền quân hiệu lực, cụ lại nhận lãnh việc tổ chức và huấn luyện lại đội binh đang rời rã kỷ luật và yếu kém kỹ năng chiến đấu, biến nó thành đội hùng binh đánh giặc Chân Lạp. Vì sự kiện này mà cụ đã bị vua Minh Mạng khép vào tội mất đầu cho "trảm giam hậu": "Đại Cang tội cách hiệu, sao dám tôn mình là đại tướng? Chẳng sợ phép nước, chẳng kể công luận."(Theo "Quốc triều chính biên toát yếu"). Hai sự kiện khá giống nhau như trên giúp chúng ta càng nhận rõ bản lĩnh và nhân cách của cụ Lê Đại Cang. Thử nghĩ: một người đang là lính khênh võng, sao lại có thể kêu gọi được người khác quy tụ dưới ngọn cờ lệnh của mình, sao có thể thuyết phục nổi vị thống lĩnh nọ trao quyền cho mình huấn luyện quân sĩ? Cụ không có thuật phù thủy gì cả, ngoài tiếng tăm về đức độ và tài năng đã thấm sâu vào nhiều tầng lớp "dân đen con
  • 33. 33 đỏ", ngoài những việc làm cụ thể với tất cả ý thức trách nhiệm về công vụ, với lòng yêu nước thương dân sâu xa, và cả lòng nhẫn nhịn phi thường nữa trên cơ sở đại lượng, hiểu thấu sự đời & lòng người như một trong những biểu hiện của Phật tính. Cái bí quyết thành công để "huấn luyện kỹ càng biến dân ô hợp thành đội quân chính quy" cụ kể lại thật chân chất, cảm động cho thấy nó có sức thuyết phục hơn mọi lời rao giảng đạo nghĩa hùng biện, đó là: "Cùng sống với họ như con em"... Tôi cứ miên man nghĩ ngợi mãi về những bí ẩn đằng sau hai sự kiện lạ lùng đó mà trong lịch sử chiến trận xưa nay, có lẽ trường hợp của cụ là độc nhất vô nhị! Biết bao tình tiết thú vị, gay cấn, xoay quanh cái thử thách khổng lồ đối với một người ở cương vị quá bé nhỏ mà dám kiên cường chọi lại định mệnh sắt thép, buộc nó phải phục tùng mình khiến người đọc người xem phải hồi hộp chờ đợi, phải lo lắng thắt tim hay dạt dào xúc động, cảm phục- một khi chúng được thể hiện bằng tiểu thuyết hoặc phim lịch sử! Phải là một trái tim kiên cường và tha thiết với vận mệnh đất nước & dân tộc đến thế nào mới "Chẳng sợ phép nước, chẳng kể công luận" như vua đã quy tội một cách bất công mà ở tầm trí thức đó cụ thừa hiểu là nó sẽ giáng vào mình khi hành động như vậy! Mặc dù cụ không rơi vào bi kịch "Thiên giáng kỳ tài vô dụng xứ"- trời cho tài lạ nhưng chẳng dùng được vào đâu (Nguyễn Du-Bắc hành tạp lục), nhưng vốn là một "anh hùng thời loạn", với học vấn và từng trải, cụ chắc thấm hiểu cái nóng lạnh của thời thế đảo điên mà Cao Bá Quát từng hãi hùng: "Bước đường bằng phẳng thì mờ mịt, bước đường ghê sợ thì nhiều" (Thản lộ mang mang úy lộ đa- Sa hành đoản ca). Nguyên nhân sâu xa của thực tế này đã được nhiều nhà nghiên cứu vạch rõ, đây là một nhận định tiêu biểu: "Các nhà vua Nguyễn cho đến trước khi thực dân Pháp xâm lược đã áp dụng hàng loạt chính sách đi ngược lại với hướng vận động tiến hóa của lịch sử, ngược lại với những đường lối, chủ trương trước kia của các chúa Nguyễn, các bậc tiền bối trực tiếp, hay trong trường hợp vua sáng nghiệp Gia Long, là đi ngược lại chính mình."(5) Chúng ta hãy cùng nhớ lại những lần Nguyễn Công Trứ hoảng hồn kêu than "Trời già sao tai ác thế" khi bị đóng gông giải về kinh bởi buộc tội mưu phản, hoặc bị khép tội "trảm giam hậu" bởi kháng chỉ; hãy nhớ đến cái án bị đóng xiềng lên mộ sau khi chết đối với Tả quân Lê Văn Duyệt; hãy nhớ đến cái chết oan nghiệt của cha con thống chế Nguyễn Văn Thành, Đặng Trần Thường vì án văn tự... Sau khi đã tạm thỏa cái "Chí nam nhi" như tên một bài thơ của Nguyễn Công Trứ, trên "con đường làm quan cay cực", khi hưu quan, cụ Lê Đại Cang đã dồn sức làm công việc "Chép lại chuyện cũ/Nhằm phát triển đạo hiếu" cùng với việc sửa sang Từ đường dòng họ. Và, có một điều rất lý thú song không hề bất ngờ là: cụ đã cho làm một cái am nhỏ gần từ đường đặt tên là Giác Am, tự lấy hiệu là Giác Am cư sĩ để bắt đầu sống với "độc hạc, cô vân", ngẫm về lẽ vô thường của cõi đời và tu thiền trong thế giới ẩn dật hằng mong mỏi (Thời loạn đi về như hạc độc/Tuổi già hình bóng tựa mây côi). Thực ra đó